"
SOS - Nguyên Hương full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook SOS - Nguyên Hương full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]
Ebooks
Nhóm Zalo
BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN DO THƯ VIỆN KHTH TP.HCM THỰC HIỆN General Sciences Library Cataloging-in-Publication Data
Nguyên Hương
SOS : truyện dài / Nguyên Hương. - Tái bản lần 1 có sửa chữa, bổ sung. - T.P. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2014.
184tr. ; 20cm
1. Văn học Việt Nam -- Thế kỷ 21.
1. Vietnamese literature -- 21st century
895.92234 -- dc 23
N572-H96
Truyện dài
Tái bản lần thứ nhất (có sửa chữa, bổ sung) NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Có một công việc được gọi là “làm mẹ”.
Đó là trở thành mẹ của những đứa trẻ không do mình mang nặng, rứt ruột sinh ra.
Đó là trở thành mẹ trong một khoảng thời gian định sẵn, với những qui định không mấy dễ chịu, và một trong số những qui định ấy là quên đi hạnh phúc của cá nhân mình.
Và cái chốn được gọi là gia đình ấy hẳn phải là nơi đầy ắp tình yêu thương, chan chứa sự vỗ về và an ủi tâm hồn người ta lắm. Bởi chỉ có như thế, “mẹ” mới sẵn sàng quên mình vì hạnh phúc của các “con”.
Thế thì điều đó lí tưởng quá còn gì.
Thực tế, làng trẻ để các cô gái trẻ tự nguyện vào đây làm mẹ, để chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh, lại không được lí tưởng đến thế. Một làng trẻ mà thiếu tiếng trẻ nô đùa, nghịch ngợm. Một làng trẻ mà trật tự khuôn phép được đặt lên hàng đầu. Một làng
7
trẻ không khác nào môi trường quân sự, mà những đứa trẻ chính là những chú lính tí hon dễ bảo. Một làng trẻ mà những đứa trẻ bị đánh mất tuổi thơ...
Làm sao để yêu thương và được yêu thương tại một nơi mà yêu thương nhiều khi là bổn phận?
Làm sao có thể giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu thương lí tưởng và lí tưởng yêu thương?
Và “làm sao biết được những đôi mắt sớm suy tư đang nghĩ gì?”
SOS!
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
8
- Cô còn rất trẻ để làm công việc này, mẹ của tám đứa bé. Đến bây giờ, ngay lúc này, tôi vẫn tự hỏi tại sao cô lại thiết tha đến như vậy.
Ông Tùng, giám đốc Làng trẻ từ thiện, nhìn tôi chăm chú và hơi xét nét. Tôi mím môi chịu đựng cái nhìn của ông. Tôi đã chờ đợi hai năm trời đằng đẵng để được nhận vào đây và lúc này là giây phút quyết định.
- Thôi được, tôi sẽ đưa cô đến với những đứa bé. Ông nói với một giọng không được dịu dàng cho lắm, nhưng với tôi, vậy là đủ. Tôi thở ra nhẹ nhõm và đi theo ông.
Ông đưa tôi đi qua những vườn hoa ngợp màu sắc thoảng hương thơm ngọt ngào. Mỗi ngôi nhà đều được bao bọc bởi những vườn hoa nho nhỏ, từ những loại hoa bình dị như cánh bướm, mười giờ, đến hoa mẫu đơn, hồng nhung quý phái đều có mặt ở đây. Bất giác tôi hít mạnh và không muốn thở ra nữa.
Tim tôi đập mạnh khi đặt chân lên bậc tam cấp dẫn vào nhà. Dù sao thì đây cũng là một bước ngoặt
SOS . 9
quan trọng trong đời và bỗng nhiên tôi ước ao có một người thân bên cạnh. Nhưng chẳng có ai, một mình tôi bước tiếp theo ông.
Cửa kính mở ra rồi khép lại thật nhẹ. Không khí trong nhà ấm cúng và lặng lẽ.
Tám đứa bé áo quần tươm tất ngồi quanh cái bàn rộng bằng đá hình chữ nhật màu xanh xám. Đứa lớn nhất khoảng mười một và đứa nhỏ nhất khoảng bốn tuổi. Chúng đồng loạt đứng lên:
- Chúng cháu chào ông ngoại. Chúng cháu chào dì. - Các cháu ngoan quá - Ông Tùng vuốt tóc đứa gần nhất và ông chỉ vào tôi - Đây là mẹ Thùy của các cháu.
- Chúng con chào mẹ ạ - Tám cái miệng lại đồng loạt chào tôi và biểu hiện trên nét mặt giống nhau đến nỗi tôi suýt bật cười. Nếu là lũ em của tôi thì...
- Đây là dì Trúc. Dì Trúc chăm sóc các cháu trong khi đợi cô đến.
Ông Tùng chỉ về người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi đang khoanh tay đứng ở góc phòng. Tôi gật đầu chào. Dì Trúc mỉm cười, nụ cười đượm vẻ mỏi mệt. Dì thật cao và hơi mập. - Trong làng trẻ có bao nhiêu nhà thì có bấy nhiêu mẹ. Trong làng còn có năm dì để thay mẹ chăm sóc các cháu khi mẹ bận việc, đau ốm hoặc
10 . Nguyên Hương
nghỉ phép. Trong thời gian đầu, nếu cô cần, dì Trúc đây sẽ giúp cô.
- Dạ.
Tôi gật đầu và mỉm một nụ cười làm quen với dì Trúc. Vóc dáng tròn mập của dì khiến tôi nhớ đến mấy bà cô ở quê tôi.
- Vậy nhé. Có gì cần, cô cứ gặp tôi ở văn phòng. Ông Tùng nói, và trước khi đi ra, ông gật đầu với tôi và mỉm cười, nụ cười cởi mở và ấm áp bất ngờ khiến tôi muốn ứa nước mắt. Tôi biết công việc trước mắt rất khó khăn và ông muốn tôi hiểu rằng ông rất thông cảm với tôi. Bỗng nhiên tôi nhận ra tôi chỉ cần nơi ông có vậy thôi.
- Đây là phòng riêng của cô - Dì Trúc đưa tôi tới căn phòng ở góc nhà.
Phòng riêng của tôi có một giường nệm trải drap trắng, màn tuyn xanh. Một cái tủ đứng để treo áo quần và một tủ hộc để đựng những vật dụng khác. Một bộ bàn ghế nhỏ rất xinh và tiện dụng đặt nơi góc. Rèm cửa sổ bằng voan màu xanh lơ, vén rèm qua một bên, tôi thấy bên kia khung kính là một luống hồng nhung đỏ thắm sát cạnh chân tường. Ở góc phòng là cái lavabo và tấm gương hình bầu dục bên trên. Quá là sang.
Nhà ba má tôi ở Buôn Ma Thuột. Ở nhà, tôi ngủ chung với hai đứa em gái trong một căn phòng chỉ
SOS . 11
vừa kê đủ một cái giường rộng, vách tường bằng gỗ dán giấy bồi để che những khe hở và cửa sổ chỉ là một mảnh ván có thể đẩy qua đẩy lại. Từ cửa sổ nhìn ra sẽ thấy toàn là rau lang. Ba má tôi tận dụng tất cả đất trồng quanh nhà để trồng rau nuôi heo.
- Đây là phòng ngủ của lũ nhỏ.
Dì Trúc đưa tôi đến căn phòng rộng có bốn cái giường tầng. Tất cả đều trải nệm và mắc màn tuyn màu hồng. Rèm cửa sổ màu đỏ và bên ngoài khung kính là những luống hoa loa kèn màu trắng, thấp hơn một chút là những bụi cẩm chướng mọc ken dày thành tấm thảm màu tím. Dọc tường là hàng móc áo treo thật tề chỉnh những bộ áo quần đủ màu, phía dưới là giày dép xếp thành hàng dài.
- Cô phải mệt lử với tụi nó suốt cả ngày. Không nghiêm là tụi nó xáo xào lên rối tung cho mà coi - Dì Trúc nói và đưa tôi qua phòng học.
Tường phòng học sơn màu xanh lơ, bàn ghế gỗ đánh bóng màu cánh gián. Cái kệ sơn trắng áp tường chất đầy sách vở và cặp. Có một cái mũ lưỡi trai nằm trên quyển sách bao bìa hồng.
- Mũ của đứa nào đây? - Dì Trúc la lên.
- Dạ thưa dì, của con - Một cậu bé đi tới. - Dũng hả? Cất mũ qua bên kia. Lần sau không được để lộn xộn vậy nữa nghe.
12 . Nguyên Hương
- Dạ, thưa dì, con nghe rồi ạ - Dũng trả lời, mắt không nhìn ai rồi cầm cái mũ đi tới kệ và úp lên một cái mũ khác cũng kiểu lưỡi trai, Dũng sửa sang cho hai vành mũ thẳng về cùng hướng.
- Còn đây là nhà bếp.
Nhà bếp gọn gàng, xinh xắn và tiện nghi. Nền nhà lót gạch hoa, còn lại đều là gạch men trắng sạch sẽ đến sáng bóng. Tất cả đều bằng điện - bếp điện, nồi nấu cơm điện, cối xay sinh tố, ấm nấu nước... Một cái giá ba tầng bằng nhôm sơn xanh để úp ly chén và một tủ kính áp tường để đựng những lọ đường, muối, mứt...
- Đây là nhà kho chứa than, phòng khi cúp điện. Và đây là phòng tắm, phòng vệ sinh.
Ba phòng toilet vô cùng sạch sẽ và cả hai phòng tắm có vòi nước nóng, lạnh. Những cái thau nhựa xanh, đỏ và những cái lavabo sạch bóng.
Tôi không tưởng tượng được nơi mình làm việc lại sang đến thế này. Bếp tranh nhà ba má tôi ám khói đen sì, vụn tranh lả tả khắp nơi. Còn nhà cầu... gọi là nhà không đúng, cầu tiêu chỉ là một cái hố đào ở góc vườn, gác hai miếng ván bìa lên trên, bốn tấm tranh bọc quanh. Còn các em tôi thì đừng hòng ngoan ngoãn dạ thưa như cậu bé Dũng vừa rồi, tụi nó ồn ào suốt cả ngày và có ai gọi thì nghểnh cổ lên - “Chị Hai kêu em làm chi vậy?”, “Má ơi má kêu con làm gì
SOS . 13
vậy?”. Tôi có sai đứa nào cất mũ như cậu bé Dũng vừa rồi thì thế nào cái mũ cũng móc bừa lên cây đinh mặc kệ cái lưỡi trai quay về hướng nào.
- Gần đây có một vài quán bán hàng tại nhà, ngày mai tôi chỉ cho cô biết đường mà đi chợ cho gần. Còn chợ phố thì lâu lâu dồn lại đi một lần, chứ ngày nào cũng đi thì vừa mất công, mất thời gian lại tốn tiền xe. Thôi, còn gì nữa mai tôi nói tiếp cho cô biết, bây giờ nấu cơm trưa nghen. Cô treo áo quần vào tủ và tắm rửa nghỉ ngơi một chút đi.
Dì Trúc nhìn tôi lấy áo quần từ túi xách ra và kêu lên:
- Mèn ơi sao cô đem theo có mấy bộ đồ vậy? Cô ở đây luôn chớ có phải đi du lịch vài ngày rồi về đâu? Có một cái áo len à hả?
- Em không quen đi xa và em cũng không ngờ ở đây lạnh như thế này - Tôi đáp nhỏ - Em sẽ gởi thư về, nhắn má em gởi thêm áo quần qua.
Tôi treo áo quần vào tủ và thấy buồn buồn. Nhà tôi rất nghèo và đây là tất cả những gì tôi có: ba bộ áo quần mặc khi ra đường và hai bộ mặc ở nhà, một cái áo len màu mận chín và một đôi giày, một cái mũ. Trong túi tôi còn lại hai chục ngàn đồng. Hôm qua, khi đưa tôi ra bến xe, ba tôi nhét vào tay tôi thêm hai chục ngàn, nhưng tôi đã trả lại “Ba giữ mua thêm thuốc lào, con có đủ rồi”. Ba tôi rơm rớm nước mắt
14 . Nguyên Hương
“Vài tháng nữa đến mùa đậu xanh, ba gởi qua cho con vài ký đậu làm quà cho người ta. Bây giờ không phải mùa đậu... chẳng có gì cho con đem theo”.
Ở Buôn Ma Thuột quê tôi, mỗi khi đi đâu, người ta thường mang theo vài ký cà phê, hạt tiêu, hoặc đậu xanh, đậu phụng để làm quà. Nếu tôi có quà ngay bây giờ để tặng làm quen thì hay biết mấy.
Đôi mắt dì Trúc chăm chăm nhìn vào túi xách của tôi. Tôi lôi vật cuối cùng ra, là đôi dép nhựa để mang trong nhà cho tiện.
- Cô nghỉ đi nghen, tôi nấu cơm đây - Dì Trúc nói nhanh và đi ra khỏi phòng.
***
Bọn trẻ ngồi quanh bàn chỉnh tề và ngay ngắn như đang ngồi tại lớp học. Dì Trúc xới cơm ra tám cái tô nhỏ, còn của tôi và dì là hai cái chén, tất cả đều là chén tô dĩa kiểu tráng men màu ngà, rất sạch và rất đẹp.
- Con mời dì và mẹ ăn cơm!
- Con mời dì và mẹ ăn cơm!
- Con mời dì và mẹ ăn cơm!
Tám đứa khoanh tay lần lượt mời thật trịnh trọng và lễ phép.
Cô bé nhỏ nhất bốn tuổi ngọng nghịu:
SOS . 15
- Con ời ẹ ăn cơm.
Dì Trúc chia đều thức ăn bỏ vào tô của mỗi đứa. Bọn trẻ im lặng nhai và nuốt, thỉnh thoảng chúng len lén nhìn tôi rồi nhìn nhau.
Bỗng nhiên tôi thấy nhớ nhà, nhớ các em, các cháu. Tôi có một người chị và năm đứa em, ba trai hai gái. Chị tôi lấy chồng và vẫn ở chung trong nhà, nên tôi có thêm một ông anh và đứa cháu trai. Bữa cơm nhà tôi lúc nào cũng ồn ào vì lũ nhỏ.
Tôi buông chén xuống. Những món ăn đều có thịt nhưng dì Trúc nấu không đậm đà bằng má tôi, dì nấu làn lạt và không thơm tho. Với một xâu cua đồng, má tôi có thể làm cho cả nhà húp canh rau sì sụp ngon lành, hoặc là vài con cá sông kho tiêu thơm lừng từ nhà bếp.
- Sao cô ăn ít vậy? - Dì Trúc ân cần hỏi.
- Dạ em no rồi - Tôi trả lời thật khẽ, lòng cồn lên vì nhớ nhà.
- Con mời mẹ ăn thêm cơm với chúng con! - Con mời mẹ ăn thêm cơm với chúng con! - Con mời mẹ ăn thêm cơm với chúng con! Bọn trẻ nhịp nhàng mời tôi bằng một giọng
đều đều.
Có điều gì đó ngường ngượng ở đây. Không hẳn là sự ngoan ngoãn, lễ phép. Một khuôn phép cứng
16 . Nguyên Hương
nhắc, vô cảm. Ý nghĩ xẹt qua đầu tôi và đọng lại ở đó suốt mấy ngày đầu có dì Trúc giúp tôi làm quen với công việc.
***
Giờ thì còn lại mình tôi với bọn trẻ. Chúng không len lén nhìn tôi như ngày đầu tiên, nhưng vẫn giữ một khoảng cách ngoan ngoãn và lễ phép thật khó gần.
Mình sẽ chinh phục được những đứa bé này và chúng sẽ yêu mến mình! Tôi nghĩ thầm với một quyết tâm mới mẻ. Những đứa bé thật là dễ thương.
Năm giờ sáng, tôi tung tấm mền bông dày, nhảy xuống giường. Cái lạnh tưởng chừng như từ nền đá hoa lạnh lẽo thấm qua dép, thấm qua gan bàn chân và lan khắp cơ thể. Tôi vươn vai làm vài động tác thể dục rồi xỏ tay vào cái áo len, đi xuống bếp.
Sáng nay tôi sẽ cho bọn trẻ ăn hủ tiếu. Mỗi sáng mình sẽ nấu một món khác nhau và mỗi ngày đi chợ mình sẽ mua những loại thức ăn khác nhau. Bọn nhỏ sẽ ăn ngấu nghiến ngon lành như chị em mình khi ăn thức ăn của má nấu. Mình sẽ bảo bọn nhỏ thôi những câu khách sáo không cần thiết và đừng “Dạ thưa mẹ” nữa mà hãy là “Mẹ ơi”, “Con đi học nghe, mẹ ơi” “ Con đói bụng quá mẹ ơi” “Con buồn ngủ quá mẹ ơi” “Bài toán này khó quá, giảng cho con đi mẹ ơi” “Nấu chè ăn đi, mẹ ơi...”
SOS . 17
Tôi sẽ thắt bím mái tóc dài của Thu Vân và cài lên hai cái nơ hình con bướm. Tôi sẽ đội lên mái tóc ngắn của bé Trang một cái mũ chỏm có tua lông. Tôi sẽ... và tôi sẽ...
Mải suy nghĩ, tôi quên mất là phải đánh thức bọn trẻ dậy. Có năm đứa học buổi sáng. Khi tôi nhớ ra thì đồng hồ chỉ sáu giờ hai mươi lăm phút.
Tôi chạy qua phòng ngủ:
- Dậy đi học! Dậy! Các con! - Tôi la lên - Trễ quá rồi.
Trừ Cát An, cô bé nhỏ nhất, còn lại bảy đứa lớn đều đồng loạt chui ra khỏi mùng, và dù còn ngái ngủ, chúng vẫn xỏ chân vào đúng dép của mình và đi qua phòng vệ sinh, tay còn dụi mắt.
Các em tôi ở nhà, đừng hòng. Cho dù tôi có la lớn “trễ quá rồi kìa” đến hai mươi lần thì chúng vẫn cứ lăn qua lăn lại và nằm ì cho tới lúc tôi đập mạnh vào mông hay là xách vai dựng dậy mà kéo xuống giường.
Tôi múc hủ tiếu ra tô để khi bọn trẻ rửa mặt xong thì nguội vừa ăn.
- Con mời mẹ ăn sáng!
- Con mời mẹ ăn sáng!
- Con mời mẹ ăn sáng!
- ...
- Thôi, được rồi - Tôi chận lại - Ăn nhanh lên để đi học. Các con thấy hủ tiếu ngon không?
18 . Nguyên Hương
- Dạ thưa mẹ, ngon!
- Dạ thưa mẹ, ngon!
- Dạ thưa mẹ, ngon!
Tôi nhăn mặt:
- Thôi được rồi. Ăn nhanh lên, trễ học rồi phải không?
- Dạ thưa mẹ, mẹ Hằng nói ăn hấp tấp quá sẽ đau bao tử, mà chúng con đau thì khổ cho mẹ lắm - Quang, cậu bé mười một tuổi, lớn nhất nhà, nhỏ nhẹ nói rồi cúi xuống ăn tiếp, quai hàm cậu bé đưa đều đều.
Tôi nuốt xuống cái gì đó ngang cổ mình. Đúng! Ăn hấp tấp quá sẽ đau bao tử, mà con đau thì đúng là mẹ khổ. Mẹ Hằng đã dạy bọn trẻ rất đúng, không sai tí nào.
- Dạ thưa mẹ con đi học!
- Dạ thưa mẹ con đi học!
- Dạ thưa mẹ...
- ...
Tôi đi tới cửa nhìn theo năm đứa bé nối đuôi nhau ra khỏi nhà trong những cái áo len và những cái mũ nhiều màu sắc. Chúng đi đều bước trên lối nhỏ giữa hai vườn hoa rực rỡ xanh, hồng, vàng, trắng. Rồi khi đi ra khỏi cổng làng, chúng vụt chạy, những cặp chân nhỏ tung tăng trên đường như một bầy chim sổ lồng.
SOS . 19
Như một bầy chim sổ lồng! Tôi áp mặt vào cửa kính nhìn theo cho đến lúc đứa cuối cùng chỉ còn là một dấu chấm nhỏ xa xa.
Những đứa con của tôi! Những đứa con! Mẹ và các con! Thật là xa xôi! Lâu lắm, lâu thật lâu nữa... may ra... Tôi thấy lòng mình trĩu nặng. Và tôi lại nhớ nhà.
Khi tôi trở vào phòng thì bàn đã được dọn sạch. Những cái ghế đẩu bằng nhựa chồng lên nhau đặt gọn ở góc phòng. Tô hủ tiếu tôi ăn dở dang được đậy cẩn thận bằng một cái dĩa. Thu Vân và Dũng đang chụm đầu vào nhau, thấy tôi, hai cái đầu giãn ra:
- Con mời mẹ ăn thêm hủ tiếu!
- Con mời mẹ ăn thêm hủ tiếu!
Những câu lễ phép lùng bùng trong tai, tôi cố mỉm cười:
- Hai đứa đi chơi đi.
Hai đứa nhìn tôi với một vẻ ngỡ ngàng khiến tôi bối rối. Chẳng lẽ, người mẹ ở đây trước tôi không cho bọn trẻ đi chơi sao?
- Các con đi chơi đi - Tôi lặp lại - Chạy ra vườn hoa chơi hoặc chạy qua nhà các bạn trong làng chơi. - Dạ thưa mẹ, hai đứa con phải ở nhà trông em Cát An và trông nhà cho mẹ đi chợ.
20 . Nguyên Hương
À... thì ra là vậy! Tôi im lặng. Nếu là lũ em của tôi, chúng sẽ chạy túa đi ngay sau bữa ăn sáng và khi cần đi đâu tôi phải gọi khản cả cổ mới có đứa ló đầu về chịu coi nhà.
Tôi nhìn lên kệ đồ chơi trên cao, cạnh kệ sách. Những con búp bê xinh xắn, lớn có, nhỏ có, hộp cờ, những cái xe nhựa nhiều màu, và mèo, chó, thỏ,...
- Vậy thì hai con lấy đồ chơi xuống chơi với nhau và coi nhà giùm mẹ nhé - Tôi nói.
- Dạ thưa mẹ, mẹ cho phép con chơi búp bê - Thu Vân rụt rè nói.
- Dạ thưa mẹ, mẹ cho phép con chơi xe tăng - Dũng nhìn tôi.
Tôi nổi cáu và cố hết sức để khỏi nặng giọng: - Các con cứ chơi bất cứ thứ gì các con thích, lôi xuống hết mà chơi.
Ánh hân hoan lóe lên trong hai đôi mắt tròn, cô bé Thu Vân nhỏ nhẹ nói:
- Dạ thưa mẹ, con sẽ giữ không để gãy tay búp bê. - Dạ thưa mẹ, con sẽ giữ không làm hư xe tăng. Mẹ Hằng hẳn là một người nghiêm khắc và khuôn
phép. Tôi nghĩ thầm và chuẩn bị đi chợ. Vậy thì mình sẽ một người mẹ như thế nào đây? Cái công việc làm mẹ này giờ đây không như tôi đã tưởng.
SOS . 21
Tôi thay áo quần, một cái quần màu tím nho và áo sơ mi màu vàng, bộ quần áo đẹp nhất của tôi, đôi xăng đan quai trắng đế mềm. Tôi đứng trước gương và chợt bật cười - cô gái hai mươi lăm tuổi trong gương là mẹ của tám đứa con! Vậy là tôi phải lấy chồng từ năm mười ba tuổi như câu ca dao “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân, nay anh học gần, mai anh học xa. Lấy chồng từ thuở mười ba...”
Nhưng cái áo len màu mận chín thì không hợp với cái quần màu tím nho. Cũng đành thôi. Tôi không còn cái áo len nào khác. Tôi nhìn lại mình trong gương, xấu hơn cô gái lúc nãy một chút. Khi lãnh tháng lương đầu tiên, tôi sẽ mua một cái áo len khác, màu tươi hơn. Cái mũ len màu trắng sữa trùm lên mái tóc ngắn khiến tôi khác hẳn và tôi mỉm cười. Mình sẽ chinh phục được bọn trẻ. Ngoan ngoãn và lễ phép thì dĩ nhiên là hay, nhưng mình sẽ làm được hay hơn...
***
- Dạ thưa mẹ, con đi học về!
- Dạ thưa mẹ, con đi học về!
- Dạ thưa mẹ...
Tôi mỉm một nụ cười tươi tắn:
- Các con thay quần áo, rửa mặt mũi rồi ăn cơm trưa.
22 . Nguyên Hương
- Dạ.
- Dạ.
- Dọn bàn giùm mẹ đi Thu Vân. Đừng dọn tô, con hãy dọn chén ra cho mẹ.
- Chúng con không ăn tô nữa hả mẹ?
- Ừ.
Sẽ có đứa ăn nhiều, đứa ăn ít. Đứa thích ăn cá, đứa thích ăn thịt, đứa thích giá xào, đứa thích xà lách trộn..., đứa ăn hai chén, đứa ăn ba chén. Không thể mãi mãi là mỗi đứa một tô và những phần thức ăn giống hệt nhau được.
- Dạ thưa mẹ, vậy thì dọn đũa hay dọn muỗng? - ... Gì cũng được!
Tôi hơi lúng túng. Nếu chúng đã quen sử dụng muỗng thì sẽ tập dần dùng đũa, muỗng thì làm sao gắp thức ăn?
- Út đâu rồi? - Tôi hỏi.
- Thưa mẹ, Út gì ạ? - Phi ló đầu vào phòng ăn, ngơ ngác hỏi.
Tôi mỉm cười:
- Từ nay mẹ con mình sẽ gọi Cát An là bé Út, nhỏ nhất nhà thì gọi là Út.
Bọn trẻ có vẻ thích thú và bảy cái miệng đồng thanh: - Út ơi Út! Ăn cơm Út ơi! Út là Cát An đó!
SOS . 23
Cát An ục ịch chạy đến, cô bé mập tròn quay, hai má phúng phính. Cô bé ngạc nhiên nhìn hết người này đến người khác, không khí trong phòng vui vui và có vẻ ồn ào hẳn lên.
Tôi múc thức ăn ra hai cái dĩa lớn. Bữa cơm trưa nay có rau cải xào thịt nạc và cá thu chiên. - Các con cứ gắp thoải mái, còn thức ăn rất nhiều - Tôi hồ hởi nói và múc một chén đầy ụ thức ăn cho bé Cát An. Cô bé xúc vụng về, cơm rơi đầy chân. Tôi nghĩ rằng bọn trẻ sẽ gắp thức ăn tới tấp và nhai một cách ngon lành. Tôi đã nghĩ vậy nên mua rất nhiều thức ăn. Nhưng... không một đứa nào gắp cái gì cả! Chúng nhỏ nhẻ nhai cơm không, hoặc chan một ít nước mắm vào rồi lẳng lặng ăn hết chén. Mình đoán sai mất rồi. Cảm giác hụt hẫng dâng lên trong tôi. Tôi gượng cười:
- Sao con không gắp cá ăn hả Quang? Con hãy gắp cho các em với. Kìa, Thu Vân, Trang, Phi..., các con ăn nữa đi, cá chiên ngon lắm mà. Đưa chén đây, mẹ bới thêm cơm, Dũng, Khánh, Phương,...
Bọn trẻ đưa chén cho tôi như những cái máy và cuối cùng tôi phải gắp thức ăn bỏ vào chén cho từng đứa như dì Trúc đã làm.
- Dạ thưa mẹ, mời mẹ ăn thêm, con no rồi. - Dạ thưa mẹ, mời mẹ ăn thêm, con no rồi.
24 . Nguyên Hương
- ...
Lần lượt bọn nhỏ buông chén đũa xuống bàn và đứng lên. Đứa cuối cùng ra khỏi phòng ăn thì nước mắt tôi bắt đầu ứa ra. Tôi đã đi vòng quanh các hàng thịt cá trong chợ để lựa miếng thịt ngon nhất, con cá tươi nhất. Tôi đã hăm hở biết bao khi nấu bữa cơm này.
Làm gì tiếp nữa đây? Tôi nhìn quanh và rồi nhớ ra mình còn phải rửa chén.
***
Không đợi tôi nhắc nhở, trừ Dũng và Thu Vân đi học buổi chiều, còn những đứa khác ngoan ngoãn đi vào phòng ngủ. Tôi kéo rèm cửa sổ qua một bên để nắng ban trưa ấm áp xuyên qua khung cửa kính lan vào phòng. Buổi trưa thật lặng lẽ. Tôi áp mặt vào kính nhìn ra vườn, những đóa loa kèn rung rinh nhè nhẹ dưới nắng mặt trời. Mình phải tiếp tục công việc này như thế nào đây? Tôi cứ nghĩ rằng tôi sẽ đối xử với chúng như má tôi đối xử với chị em tôi, yêu thương, dịu dàng, chu đáo... Và công việc sẽ êm xuôi.
Nhưng mọi sự có vẻ không như vậy.
Đừng bối rối, hôm nay mới là ngày đầu tiên mà. Tôi tự nhủ và quay về phòng mình. Bắt đầu một việc bao giờ cũng khó. Tôi lẩm bẩm. Tôi là con gái
SOS . 25
thứ hai của một gia đình có bảy người con, tính kiên nhẫn và can đảm nơi một cô gái nghèo thì không thiếu nhưng... sao tôi vẫn buồn...
Nỗi buồn khác xa với những nỗi buồn từ trước đến giờ tôi biết, khác với nỗi buồn không có một cái áo đẹp để diện với bạn bè, khác với nỗi buồn của một bài thi bị điểm ba, khác với nỗi buồn nghe thấy ba má cãi nhau vì cảnh túng thiếu, khác với nỗi buồn mới hôm nào đứng trên bến xe cảm thấy cuộc đời mình đã bị ngắt ra làm đôi, đoạn đời kia vĩnh viễn thuộc về quá khứ với một vùng kinh tế mới nghèo nàn, quạnh hiu và đoạn đời này...
Đoạn đời này...
Tôi đi về phòng mình và lại vén tấm màn màu xanh lơ qua một bên, nhìn luống hồng nhung lộng lẫy dưới nắng mặt trời. Ở vùng kinh tế mới của tôi, hồng nhung là một loài hoa quý hiếm, chỉ có những dây mười giờ bò lổm ngổm khắp nơi hoặc vài bụi hoa dại màu hồng tím lấp ló chân rào.
Tôi nằm xuống giường. Một giấc ngủ trưa thì hay hơn là suy nghĩ mông lung, có lẽ vậy. Bất giác tôi bật cười khẽ. Đừng buồn, hãy để nỗi buồn này trôi qua như những nỗi xưa kia. Mày còn rất nhiều thời gian, rất nhiều thời gian để khiến những đứa trẻ yêu thương mày. Mày có đến mười năm.
Mười năm!
26 . Nguyên Hương
Giữa lúc tôi đang lơ mơ thì một câu lễ phép vọng qua cửa, kéo theo một câu khác y hệt. Tôi nhận ra giọng nói của Thu Vân và Dũng:
- Dạ thưa mẹ, con đi học!
- Dạ thưa mẹ, con đi học!
Tôi nhảy xuống giường mở cửa ra, nở một nụ cười: - Hai đứa con đi học đó hả?
- Dạ.
- Dạ.
Hai đứa chậm rãi bước đều trên lối đi nhỏ giữa hai vườn hoa và khi ra khỏi cổng làng, chúng tung tăng chạy như hai con chim sổ lồng.
***
Ba giờ chiều, bọn trẻ lục tục kéo nhau ra khỏi phòng ngủ. Tôi không hiểu chúng có ngủ được không hay là nằm đợi cho đến giờ này thì dậy. Có lẽ người mẹ trước tôi quy định ngủ trưa đến ba giờ. Tôi chợt nhận ra mình có ác cảm với người đàn bà tôi chưa hề quen biết và tôi cố gắng dập tắt tình cảm vô lý đó. Bà đã để lại cho tôi những đứa trẻ ngoan, rất ngoan.
- Thường thường sau khi ngủ dậy, các con làm gì? - Tôi hỏi cậu bé đứng gần nhất, Khánh.
- Dạ thưa mẹ, chúng con tắm.
SOS . 27
- Ngày nào cũng tắm sao?
Tôi ngạc nhiên. Ở xứ sở này, có đếm cũng không tìm ra được một hạt bụi, gió thì ẩm và ngọt hơi sương. Khi ra đường, chúng quấn quần áo len từ đầu đến chân. Dơ bẩn gì mà ngày nào cũng tắm?
Tôi lắc mái tóc ngắn của mình:
- Các con có thích tắm không?
- Dạ thưa mẹ, mẹ Hằng nói tuy trời lạnh và không có bụi nhưng vì chúng con mặc quần áo ấm nên mồ hôi vẫn ra và cần phải tắm hằng ngày - Cậu bé Quang lễ phép nhìn tôi và nói rành mạch.
- Vậy thì các con tắm đi.
Mẹ Hằng có lý! Có lý trong cái chuyện đau bao tử và có lý cả trong cái chuyện tắm này! Tôi trải tấm vải dày lên bàn, ủi áo quần cho bọn trẻ. Xong, tôi lau nhà và vậy là tới giờ nấu cơm chiều.
Chưa đến năm giờ mà trời đã mù sương. - Dạ thưa mẹ con mới đi học về - Thu Vân bước vào, đôi má đỏ hồng, hai tay ôm cặp, cái cặp khá to so với khổ người.
- Dạ thưa mẹ... - Dũng bước vào sau, mắt cậu bé liếc lên kệ đồ chơi.
Tôi mỉm cười với bọn trẻ. Giờ này ở nhà chắc má tôi đang ngắt vội vài đọt rau lang để nấu món canh cho bữa cơm chiều. Anh Ngữ, anh rể tôi quay giếng
28 . Nguyên Hương
và lũ em tôi lau nhau tắm rửa, hò hét trêu chọc nhau, nước văng tung tóe. Ba tôi vẫn còn làm nán thêm vạt cỏ sau vườn và chị tôi bế con đứng trước sân với một thoáng buồn khó thấy. Tính đến hôm nay là tôi xa nhà đã năm ngày.
- Dạ thưa mẹ, chiều nay dọn tô hay dọn chén? - Thu Vân hỏi tôi.
Tôi ngừng tay xào rau, nhìn cô bé:
- Con thích ăn bằng tô hay bằng chén?
- Dạ thưa mẹ, gì cũng được.
- Vậy thì con dọn chén ra bàn đi.
- Mẹ...
- Gì vậy?
Cô bé cười bẽn lẽn:
- Anh Quang nói mẹ nấu ngon ghê.
- Vậy à? - Tôi cố giữ vẻ mặt bình thường nhưng trái tim đập mạnh. Đã có một lời khen dành cho tôi. Cô bé không biết được rằng cô bé đã làm vơi bớt nỗi buồn ghê gớm trong tôi. Tôi mỉm cười xúc trứng chiên với cà chua ra dĩa và món xào bắp cải với thịt bò.
Bọn trẻ vẫn e dè gắp thức ăn, nhưng tôi thấy cánh mũi chúng phập phồng. Có lẽ không khí êm ả và đượm vẻ lười biếng của buổi chiều khiến chúng thèm ăn hơn?
- Buổi tối các con thường làm gì?
SOS . 29
- Dạ thưa mẹ, chúng con học bài.
À, điều này thì tôi đã biết. Khi còn dì Trúc ở đây, tôi đã thấy bọn trẻ ngồi im lặng trong phòng học. Có trời mới biết được chúng đang học hay đang nghĩ gì trong đầu. Chị em tôi trước kia mỗi lần học bài là mỗi lần cười nói cho đến khi ba tôi nhịp cây roi lên bàn mới chịu yên.
Cát An nhìn chằm chằm vào dĩa trứng. Tôi xắn một miếng thật to bỏ vào chén của cô bé. Cô bé nhoẻn miệng cười.
Một bữa ăn trôi qua trong yên lặng và một bữa ăn có trò chuyện thì cái nào hay hơn? Tôi không biết mẹ Hằng có khuyên bảo bọn trẻ về vấn đề này không, nhưng tôi thích một bữa ăn có trò chuyện hơn. Và tôi bắt đầu gợi chuyện:
- Học trong lớp, con được xếp loại nào hả Quang? Cậu bé ngừng và cơm:
- Dạ thưa mẹ, loại tiên tiến.
- Con thích học môn gì nhất?
- Dạ thưa mẹ, môn toán.
- Còn con, Thu Vân? - Tôi hỏi và linh tính cho tôi biết cô bé học rất giỏi. Cô bé có khuôn mặt thông minh và đôi mắt đen lay láy.
- Dạ thưa mẹ, loại giỏi.
- Con thích học môn gì nhất?
30 . Nguyên Hương
- Dạ thưa mẹ, môn văn và môn vẽ.
- Còn con, Phi?
Phi nhướng đôi mắt một mí nhìn tôi:
- Dạ thưa mẹ, con loại tiên tiến, con thích môn... con không biết.
Tôi phì cười và tiếp tục hỏi. Dũng loại tiên tiến và thích toán. Khánh loại tiên tiến và môn nào cũng thích. Phương loại trung bình, còn Trang loại yếu, cô bé học lớp bốn.
Tôi nhìn hai dĩa thức ăn vơi khá nhiều trên bàn, cảm thấy hài lòng.
- Tối nay mẹ sẽ coi bài vở của các con - Tôi nói. Thu Vân bưng chén bỏ vào lavabo và Quang lau bàn. Mấy đứa khác tản ra phòng ngoài và tôi nghe tiếng Dũng nói nhỏ:
- Mẹ Thùy nói cứ chơi bất cứ thứ gì mà mình thích, lôi hết xuống mà chơi.
- Thật không? - Tiếng bé Trang hỏi lại.
- Thật mà.
- Đừng hòng. Mẹ chỉ nói vậy thôi chứ chơi thì hư rồi làm sao? - Giọng Khánh cất lên rành rẽ. Tôi im lặng đợi xem bọn trẻ có lấy đồ chơi xuống không, nhưng không nghe thấy tiếng động nào vang lên.
SOS . 31
Quang và Thu Vân bấm nhau len lén nhìn tôi rồi đi ra ngoài.
Mày đã hài lòng quá vội vàng. Tôi đổ xà bông vào lavabo và bắt đầu rửa chén dĩa. Tôi chùi mấy cái nồi và bắt đầu lau cho đến khi lớp màu nhôm sáng bóng lên. Mình có nên đi ra phòng khách ngay bây giờ không? Nên. Tôi biết là nên, nhưng có điều gì đó trong tôi đã cản tôi lại. Hãy từ từ. Tôi hiểu là tôi không thể trong một hai ngày chạy ào đến bên bọn trẻ và chúng sà vào lòng tôi ngay được. Tôi biết là tôi phải từ từ. Và nỗi buồn lại dâng lên.
Tiếng côn trùng rinh rích lại làm tôi nhớ nhà. Tôi mở cửa bếp nhìn ra bờ cỏ lúp xúp chạy dài cuối vườn hoa. Hơi sương phả vào mặt tôi lành lạnh, gió khiến tôi rùng mình. Trăng lưỡi liềm nhập nhòa trên cao. Hoa chấp chới như bướm đêm... Tất cả quyện vào nhau, phả vào hơi thở của tôi làn hương ngọt ngào tinh khiết.
Tôi cứ đứng yên nhìn ra khoảng không thênh thang lạnh giá cho đến khi Quang bước vào: - Dạ thưa mẹ, đã đến giờ chúng con học bài. - Ừ.
- Lúc nãy mẹ nói mẹ sẽ coi bài vở của chúng con - Cậu bé bước đến gần tôi hơn, giọng ngượng ngùng - Mẹ, trời lạnh quá mà mẹ mở cửa làm gì vậy?
32 . Nguyên Hương
Có điều gì trong giọng nói của cậu bé khiến tôi quay mặt lại. Hai gò má cậu bé ửng đỏ.
“Trời lạnh quá mà mẹ mở cửa làm gì vậy?” - Có phải đó là sự quan tâm của cậu dành cho tôi không? Tôi kéo cửa lại, gài chốt cẩn thận và đi qua phòng học của bọn trẻ. Giờ thì tôi thấy lạnh thật sự. “Trời lạnh mà mẹ mở cửa làm gì vậy?”
Cát An đang nghịch quyển truyện tranh màu sắc rực rỡ. Còn lại tất cả ngồi chỉnh tề tại bàn học của mình. Làm như không thấy tôi, đứa nào cũng hí hoáy viết.
Tôi đến bàn đầu tiên, Khánh, cậu bé học lớp ba. - Con đang vẽ gì vậy?
- Dạ thưa mẹ, cái thuyền.
Cái thuyền giống một trái đu đủ kinh khủng. Cậu bé ngước nhìn tôi chờ đợi một lời nhận xét. - Con định tô màu gì?
- Dạ, màu nâu. Cái thuyền bằng gỗ thì phải màu nâu phải không mẹ?
Cái thuyền lênh đênh trên biển thì dĩ nhiên là màu nâu gỗ. Còn cái thuyền trên trang vở này tôi thích tô màu xanh, hoặc đỏ, hoặc da cam... Tôi thích nhìn một quyển vở vẽ màu sắc rực rỡ.
Có nên có ý kiến không nhỉ? Từ từ! Hãy từ từ... Một tiếng nói trong tôi thì thầm lên tiếng. Và tôi trả lời cậu bé:
SOS . 33
- Con hãy tô màu gì con thích.
Tôi đến gần Phi. Cậu bé phồng má lên khi chăm chú viết và vì vậy mắt cậu càng nhỏ hơn. Trời ạ, chữ viết của cậu ngoằn ngoèo đến nỗi tôi phải đọc lại chữ trước mới hiểu được chữ sau để đoán nghĩa cả câu.
- Làm sao cô giáo đọc được bài của con hả Phi? - Dạ thưa mẹ, cô vẫn đọc được đó thôi.
- Môn tập viết con được mấy điểm?
- Dạ thưa mẹ... bốn... có khi năm.
- Có khi nào ba điểm không? - Tôi hỏi và ngay lập tức cảm thấy không nên hỏi vậy.
- Dạ thưa mẹ, có - Mặt cậu bé đỏ bừng.
Tôi đi đến chỗ Thu Vân. Cô bé ngẩng cao đầu tự tin khi tôi dừng lại bên cạnh. Bài giải toán thập phân trên bàn được trình bày rõ ràng, sạch sẽ, chữ viết đều và đẹp.
- Sau môn toán con còn bài tập nào không? - Dạ thưa mẹ con còn bài tập làm văn - Thu Vân chìa tờ giấy nháp bài tập làm văn cho tôi - “Ở nhà em có một em bé đang tuổi tập nói, tập đi. Em hãy tả hình dáng và tính nết thơ ngây của em bé”. Thu Vân viết “... Cả nhà gọi em là bé Út. Bé Út còn nói ngọng và rất tham ăn. Tối nay, bé Út cứ nhìn chằm chằm vào dĩa trứng khiến mẹ phải xắn cho bé một miếng thật to. Khi ăn, bé Út thường vãi cơm đầy
34 . Nguyên Hương
nền nhà. Bé Út không nói được chữ “m”, bé gọi mẹ là ẹ...”
Tôi đi đến bàn Phương, cô bé hồi hộp nhìn tôi. - Con đang làm gì vậy?
- Dạ thưa mẹ, con làm toán.
Trong khi chờ Phương giải xong bài toán, tôi cầm quyển vở tập làm văn lên. Bài làm tuần trước “Em hãy tả con chó”. Cô bé viết “... Con chó nhà em lông màu hồng, mắt màu xanh lơ, nó không bao giờ sủa...” Cô giáo cho ba điểm đỏ chóe với lời phê “Đề bài yêu cầu tả con chó thật chứ không phải con chó bông”. Tôi nhớ đến con chó nằm trên kệ đồ chơi, đúng là lông nó màu hồng, mắt màu xanh.
Tôi lật tiếp một trang nữa, “Em hãy tả con gà trống”. “... Ba em chết đi để lại cho em một con gà trống, nó rất đẹp...” - Tôi phì cười, con số hai đỏ chóe trong ô điểm.
- Tại sao con lại viết một câu nhập đề kỳ khôi như thế này?
Phương đỏ mặt:
- Dạ thưa mẹ, con đọc truyện cổ tích thấy người cha chết thường hay để lại một con mèo hay một con chó...
Tôi đi đến bàn khác. Chợt Quang la lên: - Dạ thưa mẹ, em Út...
SOS . 35
- Gì vậy? - Tôi quay nhìn Cát An.
Cát An không nghịch tập tranh nữa mà thừ khuôn mặt phúng phính ra có vẻ như muốn mếu. Trong giây phút, tôi không hiểu gì.
Quang nhìn tôi:
- Dạ thưa mẹ, em Út muốn đi tiểu mà không dám đi một mình.
- À...
Tôi đi về phía Cát An và bồng cô bé lên. Cô bé thật nặng so với tuổi lên bốn. Cái chỏm len trên mũ cô bé cọ vào má tôi.
- Sao con không gọi mẹ ngay lúc con muốn đi tiểu? - Con sợ a quá, ẹ ơi!... - Cô bé gục gặc đầu như quá buồn ngủ.
“Ẹ ơi!”, cô bé gọi tôi là “ẹ ơi”. Cơn buồn ngủ đã cuốn đi khuôn phép cần phải nhớ và Cát An quên mất cách xưng hô rập khuôn. Cô bé ngả đầu lên vai tôi, vòng tay tròn trĩnh quấn quanh cổ tôi và gọi “ẹ ơi”.
Tôi cho Cát An đi tiểu và bế qua phòng ngủ, chợt cô bé mở bừng mắt ra:
- Con chưa buồn ngủ, ẹ ơi - Cô bé ôm cứng người tôi.
Tôi ngạc nhiên. Và tôi hiểu ra. Cô bé sợ phải ngủ trong phòng ngủ một mình trong khi các anh chị và tôi đang còn ở bên phòng học.
36 . Nguyên Hương
- Con ngủ đi, mẹ ngồi đây với con - Tôi nói. - Thật hả ẹ?
- Thật mà - Tôi kéo tấm mền bông đắp ngang cổ Cát An.
Cát An tươi tỉnh nhắm mắt lại. Rồi cô bé mở mắt ra:
- Hồi trước ẹ Hằng nói con phải ngủ ột ình vì ẹ Hằng còn phải dạy anh chị học.
Mẹ Hằng có lý. Tôi biết mẹ Hằng có lý. Giờ thì tôi hiểu mẹ Hằng đôi chút. Bảy đứa bé từ lớp một đến lớp năm cần kiểm tra bài vở và một nhóc tì như thế này, người mẹ không thể vừa có mặt ở phòng học và vừa có mặt ở phòng ngủ được. Trừ khi tôi cho Cát An tạm ngủ ở phòng học trong khi chờ mấy đứa lớn học xong. Nhưng giấc ngủ là một điều dễ lây, nhìn Cát An ngủ, mấy đứa khác khó mà tỉnh táo học bài. Điều này tôi biết được khi dạy em tôi học và cháu tôi ngủ kề bên.
Tôi vỗ nhè nhẹ vào mông Cát An. Tôi đã ru em út của tôi như thế này trên một cái giường gỗ từ năm tôi mười hai tuổi. Tôi biết bồng em từ khi tôi bảy tuổi, tôi đã bồng em và cháu trong rất nhiều năm dài. Má tôi nói tôi biết cách dỗ con nít. Má tôi còn nói rằng ở tôi có cái gì đó khiến mấy đứa nhỏ thích gần.
SOS . 37
Có thật vậy không? Hay những đứa em và cháu tôi thích gần tôi vì tôi là chị ruột, dì ruột của chúng. Vì tôi và chúng được sinh ra từ một người mẹ. Còn cô bé Cát An này? Và những đứa bé ngồi ở phòng học bên kia?...
Giờ này, ở Buôn Ma Thuột, vùng kinh tế mới xa xôi hiu quạnh, ba tôi đang hút thuốc lào và nghe chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam phát ra từ cái radio cũ kỹ chạy bằng pin. Má tôi với công việc muôn thuở - vá áo quần cho cả nhà, nào là áo quần đi học, áo quần đi rẫy, và cả những cái bao cũ rách để đến mùa có cái đựng đậu mè. Chị Thoại đang ru con ngủ và anh Ngữ, chồng chị thì hoặc đã qua nhà hàng xóm coi ti vi hoặc tụ tập tại nhà ai đó chơi đánh bài tiến lên. Hương, Vi, Nga, ba cô em của tôi có lẽ đang cùng các cô thiếu nữ trong thôn đi loanh quanh đầu làng cuối xóm, cả ngày bận rộn việc nương rẫy nhưng tối xuống, được nghỉ, thì không biết làm gì. Chung, Minh, hai em trai của tôi đang cắm cúi học bài bên cây đèn dầu hỏa tỏa mùi ngai ngái. “Mấy đứa con gái thì đã đành, còn hai đứa bây ráng mà lo học, đời ba đã đầu tắt mặt tối rồi, có cạp đất mà ăn ba cũng nuôi hai đứa mày đến hết đại học” - Câu nói hằng ngày của ba tôi, khi thì quát lên, khi thì khuyên răn thủ thỉ và hai đứa em trai của tôi không còn cách nào khác hơn là cắm đầu mà
38 . Nguyên Hương
học đêm vì ban ngày ngoài giờ đến trường còn phải phụ làm rẫy. Còn cu Sơn, con trai của chị Thoại và anh Ngữ, giờ đây đang làm gì? Khó mà đoán được cu Sơn đang làm gì vào giờ này, cháu bốn tuổi và vô cùng nghịch ngợm, có khi đang nhõng nhẽo má hay theo ba đi coi ti vi ké nhà hàng xóm. Lúc tôi còn ở nhà, cu Sơn hay đu lên cổ tôi “Ẵm Sơn chút đi dì Thùy, dì Thùy dắt Sơn đi chơi đi.”
- Dạ thưa mẹ, chúng con đã học xong - Tiếng Quang vang lên thật rõ. Cậu bé nhón chân đi rất nhẹ nên tôi không biết cậu đã đến gần tôi.
Đôi mắt Quang mở to ngỡ ngàng khiến tôi nhận ra khuôn mặt mình nhòe nước mắt. Ngôi nhà ván lợp tranh ở vùng kinh tế mới mờ đi, ba má, anh chị em tôi, cháu tôi lùi vào một góc xa của nỗi nhớ. Tôi lau nhanh nước mắt. Trước mặt tôi là những đứa bé này, ngôi nhà đẹp đẽ, tiện nghi, lạnh lẽo này...
- Con nói các em cất sách vở và chơi một chút rồi ngủ.
- Dạ - Quang nhón chân chạy nhanh ra ngoài. Tôi đắp lại tấm mền bông lên người Cát An, sửa lại dáng nằm cho cô bé thoải mái, buông màn xuống nhét vào nệm cẩn thận và đi về phòng tắm, ở đó có một thau quần áo của bọn trẻ mới thay ra chiều nay. Tôi đổ xà bông vào thau... Áo vải, áo len, quần dài, mũ, tất thun... Áo quần ở đây không cần dùng
SOS . 39
bàn chải chà cật lực như ở nhà tôi. Tôi vò mạnh, bọt xà bông văng tung tóe.
Ngoài phòng khách yên lặng. Bọn trẻ chơi cái kiểu gì mà yên lặng? Tôi thò đầu nhìn ra. Chúng đang ngồi xổm trên nền gạch bông sạch sẽ và thì thầm gì đó, bảy cái đầu chụm vào nhau.
Tôi vắt áo quần thật ráo nước và bưng thau đồ xuống nhà kho để phơi. Nhà kho rất rộng, chỉ chứa hai cái bếp lò và vài bó củi, một góc kho chứa than, vài hộp giấy các tông và cái thùng gỗ.
Có vẻ như công việc của một ngày đã xong. Xong chưa nhỉ?
Tôi nhìn quanh. Mọi thứ đâu vào đấy, sạch sẽ và ngăn nắp. Sạch sẽ đến lạnh lùng và ngăn nắp đến khô khan. Chẳng đứa bé nào dám bày ra một cái gì, nên chẳng có cái gì gọi là một chút lộn xộn, một chút bừa bãi, một chút sức sống... Hộp cờ vua nằm yên trên kệ cao. Những con búp bê hình như cả ngàn năm nay không hề nhúc nhích trên kệ cao. Những con chó, con thỏ, con gấu... chết lặng trên kệ cao. Tàu bay, xe tăng, xe hơi... giá lạnh trên kệ cao. Những cái ghế nhỏ thẳng tắp hai hàng quanh bàn như hai hàng lính duyệt binh, không hề lệch qua một chút nào. Không có đứa nào đá chân đụng vào ghế để kêu “oái” một tiếng, không có đứa nào hất chiếc dép bên phải về phía này và chiếc dép bên trái về phía kia, không đứa
40 . Nguyên Hương
nào giật mạnh cái mũ len ra để thọc tay vào tóc gãi cho rối bù lên, không một đứa nào húc vào đứa kia một cái để mà khóc lóc kiện tụng...
Vậy mà có đến tám đứa bé trong ngôi nhà này. - Dạ thưa mẹ, con đi ngủ!
- Dạ thưa mẹ, con đi ngủ!
- Dạ thưa mẹ...
Tôi đóng cửa phòng mình lại. Ngoài trời sương dày đặc, những cây hoa đứng yên như bị đông cứng giữa màn sương. Tôi kéo rèm che khung kính lại, tắt điện. Còn gì nữa không? Không, mọi việc của một ngày đã xong.
Nỗi buồn lại dâng lên đầy ngập. Một mình tôi với tám đứa bé. Không, chỉ có mình tôi thôi. Giờ đây tôi sẽ đi về phòng riêng của mình và ngủ một mình. Tôi nhớ cái giường gỗ nồng mùi mồ hôi của các em tôi. Tôi ngủ chung với Hương, Vi và hai đứa rất hay gác tay lên người tôi lúc ngủ say. Nga, dù đã lớn, vẫn ngủ với má. Còn tôi, bây giờ tôi ngủ một mình.
Tôi cuộn người trong tấm mền bông dày. Không thể ngủ được. Khuôn mặt của đứa bạn thân ngày tiễn tôi lên bến xe hiện ra thật rõ “Tại sao mày lại chọn công việc đó? Hãy lấy chồng và sinh ra một đàn con, con của mình! Mình sẽ nâng niu chăm sóc con của mình và la hét quát nạt con của mình! Hay mày chọn một lý tưởng để hy sinh?”
SOS . 41
Mình đâu có ý tưởng hy sinh. Tôi mím môi nhìn lên trần mùng màu xanh mờ mờ trong đêm. Mình đâu có cao thượng. Mình đâu có lãng mạn. Mình đâu có mơ trước một giấc mộng để bị vỡ mộng. Mình cần một việc làm, cần khủng khiếp. Mình không thể xin việc ở đâu được với cái bằng cấp ba. Học thêm cái gì đó thì không có tiền. Ba má không đủ sức nuôi tất cả con cái học đến nơi đến chốn. Mà mình thì rất cần việc làm. Một việc làm nào đó bất kỳ để thoát khỏi vùng kinh tế mới hiu quạnh đó.
“Em phải đi đâu đó Thùy à. Hãy tìm việc làm ở đâu đó mà đi đi. Đừng như chị, học cấp ba xong, quay về nhà nhìn lui nhìn tới rồi lấy chồng, rồi làm rẫy, nuôi heo... Suốt đời là những lo toan cho rẫy ruộng, heo gà, thêm một đồng là mừng một đồng...” - Chị Thoại đã thủ thỉ với tôi vào một đêm anh Ngữ ra rẫy canh đậu phụng vì sợ trộm. “Em hãy làm cách nào để rời xa nơi này. Tới nơi nào mà khi đau ốm không phải cuống cuồng lo vì không có bác sĩ. Tới nơi nào mà con mình đi học biết xấu hổ vì thua kém bạn bè, biết đỏ mặt khi bị thầy la mắng. Tới nơi nào mà ngoài nỗi lo cơm áo, người ta còn biết thèm nghe một bản nhạc hay, một bộ phim hay... Bằng mọi cách em hãy xin việc làm ở đâu đó và hãy đi đi. Đừng lấy chồng ở đây, đừng như chị...”
42 . Nguyên Hương
Và tôi đã xin việc làm ở khắp nơi. Tôi đã làm nhiều việc kể cả súc chai cho một đại lý nước ngọt trong thời gian đợi tìm được một việc nào khác hay hơn. Rồi tôi nhận được thông tin về Làng trẻ từ thiện với những điều kiện tôi có thể đáp ứng được. “Làm mẹ của những đứa trẻ bơ vơ suốt mười năm. Sau mười năm có lương hưu. Trong thời gian đang làm mẹ không được lấy chồng. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày được cấp phát cùng với các con. Lương tháng tính riêng.”
Lấy chồng là chuyện xa vời. Còn làm mẹ ư? Được. Tôi hăm hở viết đơn. Tôi cần đi ra khỏi vùng kinh tế mới, nơi gia đình tôi lao động quần quật mà cái nghèo vẫn dai dẳng, chưa kể thiên tai, mất mùa. Ba cô em gái của tôi tuổi từ mười bảy đến hai mươi mốt đang là nỗi lo của ba má vì không biết làm sao, cho đi học tiếp thì không có tiền mà ở nhà thì quay lui quay tới lại lấy chồng thôi. Mà lấy chồng thì lấy ai đây? Người tính tình được một tí thì lại quá nghèo, sợ con mình khổ, người có chút của ăn của để thì lên mặt phú ông... Biết kiếm đâu ra giữa vùng kinh tế mới một chàng trai vừa hiểu biết vừa biết làm ăn? Như anh Ngữ, anh rất thương vợ con, rất thương, và rất chịu khó công việc rẫy nương. Nhưng đêm nào anh cũng sang nhà hàng xóm coi ti vi hoặc ngồi đánh bài với bạn bè, sòng bài không ăn thua lớn, chủ yếu là có chỗ mà tụ lại đêm đêm.
SOS . 43
“Thương vợ thương con là làm lụng thật nhiều, đậu mè lúa bắp đem về nhà nhiều, em còn muốn gì nữa?” Anh Ngữ hay ngạc nhiên khi chị Thoại ứa nước mắt. “Em làm sao vậy?”. “Hôm nay con gà mái đẻ cái trứng thứ mười hai, anh làm cỏ sào đậu xanh gần xong. Tối nay anh đi chơi, em đợi mở cửa nghe?”. “Ai làm gì mà em buồn hoài vậy? Em nhìn qua nhà người ta mà coi kìa, thằng chồng đánh con vợ chảy máu mũi luôn”. “Con ho hả? Thì cho nó uống thuốc. Hở tí là ra phố khám bác sĩ tiền xe chịu sao nổi?”. “Em đọc cái gì mà chăm chú dữ vậy? Hay lắm hả?”... Tôi cần đi! Tôi cần đi! Tôi cần đi!
Và tôi đã đến đây. Đến đây để làm mẹ.
Làm mẹ có phải là một công việc không? Nên ngủ đi thôi. Cố mà dỗ giấc ngủ. Ngày mai còn bao nhiêu việc phải làm. Đi chợ, nấu cơm, lau nhà, giặt giũ, tưới hoa, coi qua bài vở của bọn trẻ. Có lẽ không phải là coi qua mà là phải giảng bài. Thu Vân và Quang thì không cần, nhưng với những đứa khác thì chắc là rất mất công... “Ba em chết đi để lại một con gà...”, tôi bật cười và đi qua phòng ngủ của bọn trẻ.
Tim tôi thót lại khi nhìn thấy một chân của Phi lơ lửng từ cái giường ở tầng trên, cậu bé nằm sấp và lăn sát mép giường. Những đứa khác cũng xộc xệnh, đứa nằm còng queo như con tôm, đứa thò tay ra khỏi
44 . Nguyên Hương
mùng, đứa nằm úp người như ếch, và ở giường kia Dũng đang nhai nhóp nhép, chắc cậu bé đang mơ một bữa ăn ngon.
Tôi sửa lại dáng nằm của từng đứa và đắp mền bông lại cho chúng. Trong lúc ngủ, chúng trông có vẻ tự nhiên hơn. Bất giác tôi cười buồn, ngay lúc này chúng cũng không thuộc về tôi, chúng thuộc về những giấc mơ.
Tôi thò tay vào tấm nệm của Cát An. Đúng như tôi đoán, tấm nệm ướt. Đái dầm.
***
Nhớ lại sáng hôm qua, hôm nay tôi thức bọn trẻ dậy sớm. Trong bếp, xôi đã nấu xong, hôm nay tôi nấu xôi và hấp xíu mại để ăn sáng.
- Dạ thưa mẹ, mẹ cho phép con ra vườn cắt hoa vào cắm.
Tôi không thích cắt hoa. Tôi thích ngắm những đóa hoa rực rỡ rung rinh cùng cành lá xanh thắm, những thân cây mảnh dẻ mà mạnh mẽ vươn cao trong nắng, thích mùi hương bay giữa đất trời. Nhưng tôi không nói với Thu Vân điều tôi thích, tôi gật đầu và cô bé cầm con dao nhỏ đi ra vườn rồi mang vào những đóa hoa năm cánh vuông màu tím đỏ và hai bông cúc vàng rực, vài cái lá kim mỏng và dài màu tím nhạt.
SOS . 45
Thu Vân hí hoáy cắm hoa vào chén và gắn những cái lá lượn quanh rồi đặt lên bàn. Cô bé vẻ hài lòng ngước nhìn tôi chờ đợi một lời khen.
- Con cắm hoa đẹp quá. Ai bày con cắm vậy? - Dạ, mẹ Hằng dạy con.
Một chén hoa tươi khiến phòng khách trở nên sinh động hơn, ấm áp hơn. Mẹ Hằng có lý! Mẹ Hằng hầu như luôn luôn có lý.
Tôi nhìn Thu Vân, cô bé có đôi mắt thật thông minh và nhạy cảm. Tôi nói:
- Con hãy cắt thêm hoa, cắm một chén nữa đem vào phòng học.
- Dạ - Ngừng một chút Thu Vân bẽn lẽn nói thêm - Dạ thưa mẹ, mẹ cho phép con mang một chén hoa vào phòng của mẹ?
Một điều gì đó ấm áp dâng lên. Tôi mỉm cười và cô bé chạy nhanh ra vườn. Ngày hôm nay bắt đầu bằng một chén hoa tươi rất đỗi ngọt ngào. Và món xôi với xíu mại thơm lừng.
Tôi xới xôi ra tám cái dĩa và lật úp đáy xôi cháy vàng ươm lên. Cát An không nhìn vào tô xíu mại như tôi nghĩ mà nhìn chằm chằm vào miếng xôi cháy trên tay tôi.
- Cứng lắm, con không nhai nổi đâu, Út à.
46 . Nguyên Hương
Cát An vẫn nhìn và tôi bẻ cho cô bé một miếng nhỏ. Thật đáng ngạc nhiên, cô bé nhai rau ráu. Tất cả ăn ngon lành, chỉ có Khánh tỏ vẻ miễn cưỡng. - Con không thích ăn xôi hả Khánh? - Tôi hỏi. - Dạ con rất thích - Khánh vội nhai nhanh hơn. Cũng như ngày hôm qua, Thu Vân và Dũng ở nhà buổi sáng cùng với Cát An. Tôi đón xe buýt đi chợ phố. Gió trời và đường phố khiến tôi thấy dễ chịu. Lá thông mỏng bay là là trên mặt đường còn ẩm hơi sương. Không khí tinh khiết tuyệt vời. Ở Buôn Ma Thuột của tôi, bước chân ra đầu xóm là đã thấy áo quần phủ một lớp bụi mờ, đầu tóc mới gội xong đi ra đường là ngay lập tức giống như chưa gội, còn tệ hơn là chưa gội, cái áo trắng mới mặc đã thấy ngả màu ngà ngà.
Tôi thò tay qua cửa xe buýt, hứng một chùm lá thông đang bay. Anh chàng lơ xe kêu to: - Nè chị, làm ơn thu cái tay lại. Gãy như chơi bây giờ.
Tôi lườm anh, tiếng kêu chát ngắt của anh phá vỡ buổi sáng khá ngọt ngào của tôi, buổi sáng được bắt đầu bằng một chén hoa tươi đẫm sương.
Xe ngừng lại, tôi nhảy xuống, mở ví trả tiền. Anh chàng lơ xe nhìn tôi:
- Chớ không phải chị đi với cái ông kia à?
SOS . 47
Tôi nhìn theo hướng tay chỉ, một người đàn ông khoảng trên ba mươi mặc cái áo len màu xám nhạt, cái mũ da mềm màu nâu phớt sương. Ông mỉm cười với tôi trước khi biến mất giữa đám đông.
- Ông ta trả tiền xe cho chị rồi, trả lúc chị lườm tôi đó.
Một chén hoa tươi và một người đàn ông dễ thương. Một buổi sáng tốt lành. Hôm nay mình sẽ nấu món thịt kho tàu và món rau xà lách trộn cà chua. Nếu đủ tiền, mình sẽ mua ít trái cây tráng miệng, nho hoặc cam... Tôi bước vào chợ với niềm vui kỳ lạ. Nếu ở nhà có lẽ tôi đã cất tiếng hát nghêu ngao... À, tôi sẽ tập cho bọn trẻ của tôi hát, múa và tập kịch. Hồi còn đi học, tôi luôn là trưởng ban văn nghệ của lớp.
Tôi quay trở lại bến xe buýt với một giỏ thức ăn nặng trĩu. Nãy giờ chen vào chợ lựa chọn, trả giá, nhẩm tính tiền... người tôi nóng lên, bất kể chung quanh ai cũng quấn vạt áo len vào người cho thêm ấm. Tôi lên xe và gỡ mũ ra, mở nút áo len, ngồi thở.
- Chị cho thu tiền xe.
Tôi đưa tiền cho người lơ xe, không phải anh chàng lúc nãy, đây là một chiếc xe buýt khác. - Chị từ xa đến?
- Sao anh biết?
- Nhìn chị tôi đoán vậy. Bộ ở xứ của chị lạnh hơn ở đây hay sao mà nhìn chị... ngon lành vậy?
48 . Nguyên Hương
Ngon lành? Trời ơi, đúng là ngôn ngữ của dân xe. Hay là cái áo len màu mận chín khiến anh chàng thấy tôi giống một trái mận? Ngon lành! Phù! Tôi đã cảm thấy lạnh lại rồi đây. Tôi kéo vạt áo lại và đội mũ lên đầu. Ngày xưa, khi tôi ra phố học cấp ba, mỗi cuối tuần về thăm nhà tôi thường đi trên một chuyến xe hàng của anh chàng lơ xe nhiều lần nói với tôi “cô bé ác chiến ghê ta” - hai tiếng “ác chiến” nghe lần đầu làm tôi nhăn mặt, lần sau thấy buồn cười và sau nữa thì quen tai, nghe cũng hay hay.
Làng trẻ từ thiện hiện ra với hàng chục mái ngói đỏ thắm của những ngôi nhà, màu xám đen của hai trụ cổng chính bằng đá nổi bật giữa không gian xám trắng. Tôi ra hiệu cho anh chàng lơ xe dừng lại. Anh đập tay rầm rầm vào hông xe, chiếc xe thắng gấp trên đường vắng.
- Chị ở đâu mà xuống đây?
- Tôi ở đằng kia, chỗ hai cái trụ cao.
- Trời đất, còn tới nửa cây số nữa lận.
Tôi đỏ mặt lí nhí “cảm ơn” và xách cái giỏ nặng trĩu đi bộ tiếp về nhà. Mình đúng là dân nhà quê ra tỉnh. Đặt chân lên bậc tam cấp dẫn vào nhà, tôi nghe tiếng cười khanh khách của Thu Vân, Dũng và Cát An vọng ra. Có tiếng vỗ tay và tiếng ghế trượt trên nền nhà. Tôi xoay nắm đấm cửa. Tiếng cười im bặt, tiếng ghế kéo lại vội vàng.
SOS . 49
- Con chào mẹ!
- Con chào mẹ!
- Con chào mẹ!
Như được thu băng và phát ra lại, âm điệu đều đều như một bài hát cũ. Nỗi hào hứng sáng nay đầy ắp trong tôi có vẻ như lại muốn tan đi. Không. Đừng buồn, Thùy, mày còn rất nhiều ngày để làm quen và để thân ái. Mày hãy mỉm cười và nói một điều gì đi. Hôm nay mới là ngày thứ sáu mày ở đây, mới là ngày thứ sáu thôi mà!
Hãy cười tươi và nói một câu dịu dàng.
Tôi nhấc một cái ghế, trèo lên, vén rèm và mở tung cửa sổ ra. Hồi ở nhà tôi thích mở tung tất cả các cửa, tôi thích những cơn gió thênh thang và mùi cây cỏ dù ở vùng kinh tế mới của tôi gió thường mang theo rất nhiều bụi.
À... Sao tôi không mua cho ba đứa nhỏ này ba bịch chè? Mỗi lần má tôi đi chợ về đều có quà, vài trái ổi, một chùm mận, một miếng mít hoặc vài trái vú sữa... Lũ em tôi ùa ra lục giỏ, chị em tôi luôn luôn háo hức đợi má đi chợ về. Và nếu một hôm nào đó má dắt cả lũ ra chợ thì đó là một ngày hội.
Cát An đứng xa nhìn cái giỏ. Tôi đi vào bếp. Ngày mai mẹ sẽ mua quà cho các con.
Bữa cơm trưa trôi qua. Bữa cơm chiều trôi qua. Có đứa tự gắp lấy thức ăn, có đứa còn rụt rè và tôi phải
50 . Nguyên Hương
gắp vào chén cho. Cát An vẫn làm đổ cơm. Buổi tối đến. Ngày mai thứ năm, bọn trẻ không đi học. - Tối thứ tư và tối thứ bảy các con thường làm gì? - Dạ thưa mẹ, đi coi ti vi hoặc chạy qua nhà các bạn chơi.
Có một cái ti vi ở phòng sinh hoạt chung của Làng. Tôi thắc mắc không biết còn trò chơi giải trí khác nào cho bọn trẻ vào thứ năm và chủ nhật không. Từ từ, Thùy, từ từ rồi mày sẽ biết.
Đừng vội vàng.
- Các con hãy chạy ra sân chơi đi. Còn nếu muốn chơi ở nhà thì lấy đồ chơi xuống mà chơi. Bọn trẻ nhìn tôi. Tôi với tay lên kệ cao, lần lượt lấy từng món đồ chơi xuống. Sáu con búp bê lớn nhỏ xinh xắn trong những bộ áo đầm ren nhiều màu, hai cái máy bay, hai chiếc xe ca, một cái xe tăng, một bầy thỏ, gấu, chó, mèo... những đóa hoa nhựa, hộp cờ vua, tượng chú bé bằng gỗ thông... Tôi lôi xuống tất cả, không chừa lại một thứ gì.
Bọn trẻ nhìn tôi rồi nhìn đống đồ chơi ngổn ngang trên nền nhà. Những ánh mắt hoài nghi, những ánh mắt lấp lánh...
- Các con chơi đi. Mẹ còn phải giặt đồ.
Nếu các em tôi hồi còn nhỏ mà có những thứ này, chỉ trong vài ngày thôi, chúng sẽ bẻ gãy hết chân tay búp bê và tháo rời cánh máy bay ra, giật bánh
SOS . 51
xe ca cho lăn tứ phía và những đóa hoa khó mà còn nguyên vẹn.
Một thau áo quần như tối hôm qua. Tấm nệm của Cát An phơi trong nhà kho không biết đã khô chưa. Giặt áo quần xong, tôi sẽ tìm trong kệ sách một quyển truyện nào hay hay. Tối nay bọn trẻ không học bài, thời gian có vẻ thư thả hơn.
Bọn trẻ chơi trò gì đó và cười rúc rích với nhau. Tôi rất muốn quay đầu nhìn lại nhưng rồi cố giữ cổ mình đừng nhúc nhích, như thế bọn chúng tự nhiên hơn.
Tôi bưng thau áo quần xuống nhà kho. Gió lạnh đến nỗi tôi cảm thấy hương hoa đọng lại trong không gian như những giọt sương. Tôi vội vàng phơi áo quần và chạy vội lên nhà. Một người nào đó đi ngược về phía tôi.
- Thùy phải không? - Giọng nữ thanh tao cất lên. - ... Chị là... - Tôi ấp úng.
- Nhà tôi cạnh nhà Thùy, ở vườn hoa cúc tím bên kia kìa. Hôm nào rảnh, Thùy qua nhà chơi. Mấy hôm nay mệt không?
Người phụ nữ cất tiếng cười trong trẻo trước khi đi hẳn. Tôi ngoái đầu nhìn theo, tiếng cười tự tin làm sao. Tôi đã quên đến thăm các nhà khác, các bà mẹ khác ở đây. Quên phép xã giao sơ đẳng nhất. Mình chỉ là một con nhỏ nhà quê ra tỉnh. Đúng như vậy.
52 . Nguyên Hương
Nhưng mà mình đâu có rảnh, thật sự không rảnh. Tôi chưa biết tìm đâu ra một chút thời gian cho riêng mình.
***
Hôm nay bọn trẻ không đi học, mình sẽ ngủ nán thêm một chút. Tôi định bụng như vậy, nhưng mắt cứ mở bung ra vào lúc năm giờ. Ở quê tôi, giờ này mọi tiếng động đã lục cục vang lên, tiếng gà gáy, tiếng heo kêu, tiếng bánh xe bò trên đường đất mấp mô, quang gánh va vào nhau loạt soạt, chó sủa, người gọi nhau í ới, tiếng tay quay giếng nước đập vào thành và tiếng dội nước rào rạt...
Ở đây yên tĩnh gần như tuyệt đối, dường như màn sương dày đã hứng lấy mọi thứ và thổi nó về phía khác. Tôi vén rèm nhìn qua khung kính. Sương thật thấp. Sương phủ trên những ngọn đồi xa xa. Sương phủ trên hàng thông cao vút. Sương vương trên những ngôi nhà nhấp nhô mái đỏ. Sương phủ trên những đóa hồng lung linh hư ảo. Sương đọng trên cánh hoa cánh bướm mỏng manh như lớp lụa vàng. Sương lướt trên cây cỏ như ảo ảnh xa xôi...
Tôi vén tóc nhét vào cái mũ len trên đầu. Rửa mặt, thoa một lớp kem dưỡng da mỏng trên mặt, vài động tác thể dục. Ngày hôm nay bắt đầu bằng việc gì đây? Sáng nay tôi sẽ đi thăm các bà mẹ trong làng và vì vậy
SOS . 53
không có thời gian đi chợ phố. Tôi sẽ mua thức ăn ở các quán quanh đây và tôi sẽ mua tám bịch chè cho tám đứa con của tôi.
***
- Ồ, nếu ngày nào cũng đi chợ phố thì không có thời gian để làm việc khác đâu, mà lại tốn tiền xe nữa. Mẹ Hảo nói với tôi trong ngôi nhà căng những tấm rèm màu vàng. Những đứa trẻ trạc tuổi những đứa con của tôi len lén đưa mắt nhìn tôi và mẹ Hảo trò chuyện. Cách bố trí phòng trong nhà cũng giống như nhà của tôi. Mẹ Hảo khoảng bốn mươi. - Trời ơi, trưa nấu chiều nấu thì bận rộn lắm. Tôi nấu thức ăn cho cả ngày, chiều chỉ cần cắm nồi cơm điện nữa là xong. Mình ở đây lâu chứ đâu phải một hai ngày, còn phải giữ gìn sức khỏe nữa chứ.
Và mẹ Ngọc. Mẹ Ngọc khoảng ba mươi lăm, xinh đẹp và buồn buồn:
- Bày đồ chơi cho tụi nó chơi thì rất hay nhưng dọn dẹp thì quá mệt. Vả lại, nếu đồ chơi hư thì mình chẳng biết làm sao mà sửa. Mà này, Thùy trẻ và dễ thương như vậy làm sao lại đến đây?
- Chứ còn chị, tại sao chị lại đến đây?
- Tôi thích trẻ con.
54 . Nguyên Hương
Mẹ Thương, khoảng ba mươi lăm, dè dặt, kín đáo: - Ban đầu tôi cũng không biết làm gì ngoài tình thương dành cho bọn trẻ, nhưng rồi thời gian qua tôi quen dần.
Mẹ Vinh cũng khoảng trên dưới ba mươi lăm: - Ông Tùng là một người hiểu biết, thú thật là đôi khi tôi thấy sợ ông. Còn bọn trẻ của tôi đó hả, gì cũng được nhưng mỗi lần đi học về mở vở ra thấy điểm hai hoặc điểm ba là tôi nổi nóng ngay lập tức.
Mẹ Thanh, thân ái hơn:
- Rồi sẽ có lúc cô không hiểu được cô đang muốn gì nữa. Đến kỳ nghỉ phép, cô sẽ đi đâu đó và cô sẽ nhớ bọn nhỏ kinh khủng để rồi khi trở lại đây cô lại thấy nhớ một điều gì khác. Tôi đã như vậy rồi. Có lúc tôi tự hỏi bọn trẻ là cái gì đối với mình, thân thiết gần gũi đó rồi đôi khi thấy xa cách làm sao. Tôi không biết mình có trụ lại đây cho đến hết thời hạn mười năm không.
Mẹ Dung, khoảng bốn mươi:
- Tôi thích bọn trẻ của tôi và ở đây tôi thấy dễ chịu. Tuy nhiên... đôi khi tôi thấy bối rối một cách lạ lùng, nhất là khi bỗng nhiên tụi nó ngồi im lặng trước mặt mình.
SOS . 55
Từ giã các bà mẹ, tôi về nhà mình. Cái mũ len của bé Trang lấp ló sau khóm hoa thược dược và cái mũ màu xanh của bé Phương thập thò kế bên. Gần khóm hồng nhung là Phi, Dũng, Thu Vân. Ngồi thụp sau bụi ngâu là Quang. Khánh đang úp mặt vào tường. Bọn trẻ đang chơi trò năm mười, chúng không thấy tôi. Nếu thấy tôi, bọn chúng sẽ tiếp tục chơi hay co người lại “con chào mẹ” và lẳng lặng vào nhà ngồi lặng im quanh cái bàn đá lạnh lẽo?
Tôi rón rén đi nhẹ vào nhà. Tôi không muốn bọn trẻ nhìn thấy tôi đã về và cứ tiếp tục đùa vui thoải mái. Bé Cát An đang nằm trên nền nhà ôm một con búp bê trong lòng và ru à ơi. Hình ảnh quá bình thường nhưng... tôi chợt thấy lòng nhói đau không duyên cớ.
- Sao con không vào giường nằm, bé Út? Nằm trên nhà lạnh lưng lắm.
- Dạ thưa mẹ, trong phòng không có ai - Cô bé lồm cồm ngồi dậy và nhìn tôi bằng đôi mắt dò hỏi. Đôi mắt cô bé đen nhánh, còn đôi mắt búp bê thì xanh lơ như những đám mây trong trẻo ngoài kia.
Buổi chiều tôi cho bọn trẻ ăn sớm và tiếp tục đi thăm những bà mẹ sáng nay tôi chưa đến. Mẹ Xuyên, cao, gầy, tầm tuổi bốn mươi lăm.
56 . Nguyên Hương
- Từ khi còn trẻ, tôi đã nghĩ rằng sau này tôi sẽ làm một việc gì đó có ý nghĩa hơn là đơn thuần kiếm sống. Tôi yêu thích công việc này. Bọn trẻ thật là dễ thương phải không?
Mẹ Hoa trẻ nhất, khoảng ba mươi, vui vẻ và dí dỏm: - Một chút lãng mạn và một chút ý nghĩ mình đang làm một việc có ích cộng lại đã đưa tôi đến đây. Tôi ngồi lại nhà Hoa khá lâu. Buổi tối thích hợp cho một cuộc trò chuyện tâm tình. Hoa mời tôi ăn mứt dâu và uống nước cam nóng. Hoa còn tiễn tôi một đoạn trên đường giữa các khóm lay ơn và khóm hồng nồng nàn hương đêm trong trẻo.
- Thùy về. Hôm nào rảnh qua đây mình bày Thùy đan mũ, đan áo cho tụi nhóc. Trước kia, mình chuyên đan áo len xuất khẩu cho một hợp tác xã đan len nổi tiếng ở đây. Nhưng bù lại, Thùy phải dạy mình cách pha cà phê sao cho ngon đó nghe.
Tiếng Hoa cười vui trong đêm nghe ấm áp làm sao. Tôi thích nghe tiếng cười vui vẻ, giòn giã. Tôi thích nhìn thấy những con người yêu đời và tin vào việc mình làm. Tôi cảm thấy Hoa và tôi rất hợp nhau.
Tôi đi nhanh về nhà. Bọn trẻ đang chờ tôi giảng bài cho chúng.
Từ bên trong vang lên tiếng cười và tiếng la hét, quá ồn ào so với cái yên lặng của đêm qua.
SOS . 57
- Chụp nè, Khánh.
- A... Banh ra ngoài rồi - Phi hét lên.
Banh? Tôi nhớ rất rõ rằng trong đống đồ chơi không hề có một trái banh nào.
Tôi xoay nắm đấm cửa.
Bọn trẻ “ơ” lên một tiếng rồi im lặng, quên cả câu chào muôn thuở “Dạ thưa mẹ”.
Một cái đầu búp bê lăn lóc ở góc phòng - đầu của con búp bê to nhất, đẹp nhất, cái đầu tròn với mớ tóc vàng quăn tít, đôi mắt xanh biếc, đôi môi hồng chúm chím.
- Các con dọn dẹp đồ chơi cho gọn gàng rồi học bài. - Dạ...
Tôi cầm vở toán của Dũng lên. Một điểm mười đỏ chói, mắt cậu bé lấp lánh nhìn tôi. Tôi buông vở toán xuống, cầm vở tập làm văn lên, cậu bé nhìn đi nơi khác. Bốn điểm cho bài văn “Em hãy tả con heo”.
Dũng viết “... Nhà em có nuôi một con heo. Nó cao một mét, nó có bốn chân, trên cái đít của nó có một cái đuôi. Nó luôn quấn quít bên em, nó rất tốt bụng...”
- Con thấy con heo ở đâu hả Dũng?
- Dạ thưa mẹ, con thấy trong ti vi.
Tôi đến bên Trang. Môn nào cô bé cũng khoảng năm, sáu điểm có khi là ba, bốn điểm. Cô bé học yếu
58 . Nguyên Hương
kinh khủng và tôi cảm thấy lúng túng. Bắt đầu từ đâu để củng cố lại việc học tập của bé đây?
“... Mở vở ra thấy điểm hai, điểm ba là tôi nổi nóng ngay lập tức”, câu nói của mẹ Vinh vang bên tai tôi.
Không được nổi nóng, mình không có quyền nổi nóng khi một đứa bé không được thông minh như những đứa khác, nó không có lỗi khi nó không thông minh. Điểm ba thật đỏ trên trang giấy trắng và một gạch dài của cô giáo rạch ngang dòng chữ bằng mực tím. Không được nổi nóng nhưng không thể không khó chịu. Tôi nuốt xuống cái gì đó chận ngang cổ mình.
Tôi đến bên Quang. Cậu bé nhìn tôi và nở nụ cười bẽn lẽn:
- Dạ thưa mẹ, chữ viết của con xấu lắm.
Quả là chữ viết rất xấu, nó không ngoằn ngoèo như chữ của Phi nhưng nó to và không đều. Vở toán, vở vẽ... những điểm tám điểm mười kiêu hãnh. Tôi lật vở tập làm văn, đề bài “Em hãy tả cảnh gia đình quây quần bên nhau vào buổi tối”.
Quang viết “Buổi tối gia đình em thường quây quần bên nhau trong phòng khách. Ông em kể chuyện cho bé Út nghe. Bà ngoại và mẹ em đan len. Ba em đọc báo. Anh chị em em ngồi quanh bàn học bài, làm bài. Tối thứ bảy không phải học bài, em cũng đến bên để
SOS . 59
nghe ông kể chuyện. Ông rất thương yêu chúng em”. Điểm năm đỏ chói nằm trong ô điểm.
Tôi im lặng trả vở cho Quang. Chợt cảm thấy muốn vuốt mái tóc Quang nhưng rồi tôi vẫn giữ tay mình im xuôi theo hông.
Quang nhìn tôi, chờ đợi lời nhận xét.
- Bài văn của con làm hay lắm - Rồi bỗng nhiên tôi buột miệng hỏi - Con thấy cảnh gia đình quây quần ở đâu?
- Dạ thưa mẹ, con thấy trong phim hôm thứ bảy, coi trên ti vi.
Trên ti vi! Cảnh gia đình quây quần trên ti vi! Con heo trong phim trên ti vi! Con chó bông trên kệ... Những đứa bé này không thấy được một cảnh gia đình thật sự với những lời yêu thương và tiếng ồn ào muôn thuở. Trong mắt chúng, có lẽ không có cái gì là thật. Cả tôi, có lẽ cũng không thật. Một ngày nào đó, tôi bỗng biến mất như mẹ Hằng và chúng lại có một mẹ mới với một kiểu sống khác, một cách cư xử khác. Chúng sẽ không có kỷ niệm về người mẹ duy nhất từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
Tôi quay mặt ra cửa sổ giấu đôi mắt cay cay. - Dạ thưa mẹ, em Út buồn ngủ.
Tôi bế Cát An lên. Tôi không thể vừa cho Cát An ngủ vừa trông coi bài vở cho mấy đứa lớn được. Tôi nhìn Thu Vân:
60 . Nguyên Hương
- Con học buổi chiều, vậy thì con sẽ làm bài vào buổi sáng. Buổi tối, con giúp mẹ trông em Út, được không?
- Dạ thưa mẹ, được.
Thu Vân bồng Cát An ra khỏi phòng học như con khỉ ôm một trái bí đỏ. Cát An quả là nặng.
***
Tối thứ bảy bọn trẻ chạy đi coi ti vi, còn lại Cát An ở nhà với tôi. Tôi dạy cô bé hát bài về một con dê trắng không vâng lời mẹ. Khi Cát An ngủ, tôi đọc một tờ báo và nhâm nhi món mứt dâu Hoa đem qua cho hồi chiều. Đêm thật yên tĩnh và dịu dàng.
Ngày mai tôi sẽ đưa Khánh và Phi đi chợ phố. Mỗi chủ nhật tôi sẽ dắt hai đứa theo, tuần sau sẽ là Dũng và Trang, tuần sau nữa là... Tôi sẽ mua trứng và bột về làm bánh. Mỗi chủ nhật tôi sẽ nấu một món gì đó khác với thường ngày - bánh nướng, chè thập cẩm hoặc là bánh xèo... Tôi sẽ bảo bọn trẻ của tôi mời bọn trẻ của Hoa đến nhà vừa ăn vừa đùa vui. Tôi sẽ..., tôi sẽ...
Tôi bước ra thềm, đêm lành lạnh. Trăng trên trời cao trôi, trôi, trôi... Hương hoa, gió, bầu trời, cây lá khe khẽ uốn mình... Và tiếng guốc ai gõ trên đường vang trong đêm yên tĩnh...
SOS . 61
Như thế này mà có ai đó ngồi cạnh để trò chuyện thì tuyệt vời biết mấy.
***
- Nè Khánh, Phi. Hôm nay mẹ sẽ đưa hai con đi chợ phố.
Hai cậu bé mở to đôi mắt nhìn tôi, còn mấy đứa khác thì nhìn nhau. Tôi vừa chải tóc vừa nói tiếp: - Mỗi chủ nhật mẹ sẽ dẫn các con đi chợ, chủ nhật tuần sau mẹ sẽ dẫn Dũng và Trang. Thay áo quần đẹp đi Khánh, Phi.
Ánh sáng lóe lên trong mắt bọn trẻ rồi vẻ bồn chồn hiện lên rất rõ.
- Chuyện gì vậy? - Tôi hỏi
Hay là, khác với lũ em của tôi trước kia, những đứa bé này không thích đi chợ? Đi chợ với mẹ là điều bọn nhỏ này chưa từng cho nên chưa biết đến niềm vui được đi chợ?
- Dạ thưa mẹ...
Hôm nay sương tan sớm, nắng ấm áp nơi nơi. Mình sẽ bỏ mũ len ở nhà và để cho tóc bay tung trong gió...
- Dạ thưa mẹ... Hôm nay có mẹ của con đến thăm con.
Cái gì? Tôi sững sờ. Bàn tay đang lùa vào tóc rơi thõng xuống. Phi còn mẹ?
62 . Nguyên Hương
- Còn con, Khánh?
- Dạ thưa mẹ, hôm nay ba của con cũng đến thăm con.
Mặt trời ấm áp ngoài kia, còn tôi đứng trong này lạnh ngắt.
- Con, Quang?
- Dạ thưa mẹ, con không có ai.
- Phương?
- Dạ thưa mẹ, có ba con đến thăm.
- Dũng?
- Dạ thưa mẹ, con không biết mẹ con có đến không... Mẹ con rất bận.
- Trang?
- Dạ thưa mẹ...
Dạ thưa mẹ... Dạ thưa mẹ... Quang hoàn toàn mồ côi, Thu Vân còn bà nội và Trang có một bà cô. Những đứa khác đều còn ba hoặc mẹ.
Vậy mà tôi tưởng chúng hoàn toàn mồ côi! Tôi bỗng muốn thét lên. Vậy là cũng chẳng phải mẹ cũng chẳng phải con! Tôi chỉ là cô giữ trẻ và lãnh lương hằng tháng! Yêu thương, ân cần, dịu dàng, trìu mến...
Đáng đời mày chưa, Thùy ơi.
Tôi chẳng biết nên cười hay nên khóc và bọn trẻ nhìn tôi sợ hãi.
SOS . 63
Cát An òa khóc. Tiếng khóc khiến tôi tỉnh lại. Tôi cố giữ bình tĩnh nhưng giọng vẫn lạc đi:
- Vậy thì các con hãy thay áo quần đẹp đợi ba mẹ đến thăm. Mẹ sẽ đi chợ một mình.
Tôi vào phòng thay áo quần, mang giày, chải tóc... Ai đó chứ không phải tôi. Ai đó với một ước mơ mới manh nha đã vỡ tan. Ai đó xa lạ, lạc lõng...
Tôi chưa kịp ra khỏi phòng để xuống bếp lấy giỏ đi chợ thì linh tính cho tôi biết rằng thiếu phụ đang đi trên lối nhỏ giữa hai vườn hoa là mẹ của đứa nào đó trong bọn trẻ của tôi.
Tôi tựa lưng vào tường, trân trân nhìn ra. Thiếu phụ đi nhanh, túi xách bằng da màu sữa đong đưa bên vai phải. Thiếu phụ thật cân đối và duyên dáng trong cái quần màu trắng và cái áo len màu đỏ.
- Mẹ... ẹ... ẹ... - Phi xô cửa chạy ào ra.
Thiếu phụ cúi xuống ôm choàng lấy Phi, môi áp vào má cậu bé và hai mẹ con quấn vào nhau. Đôi xăng đan của Phi đạp vào hông quần màu trắng để lại những vết mờ.
- Ba... a... a...
Khánh la lên và lao ra con đường nhỏ hai bên rung rinh hoa loa kèn như những cái chuông. Cậu bé nhảy vào vòng tay của người đàn ông trung niên mặc áo len nâu.
64 . Nguyên Hương
- Ô... Ba ơi...ơi ơi ơi... - Phương ào ra, cô bé suýt té nhào ngay bậc tam cấp đầu tiên.
Tôi ngồi phịch xuống nền gạch bông lạnh lẽo, khoảng trống mở ra... trống hoác. Tôi đã đi chợ, đã trả giá từng đồng để có thể mua thêm chút thức ăn. Tôi đã nấu nướng, đã rửa chén, đã giặt áo quần... Đêm đêm tôi thức dậy tém lại mền mùng, nâng niu giấc ngủ say cho từng đứa... Vậy mà chưa đứa nào đu lấy cổ tôi, chưa đứa nào dành cho tôi một tiếng reo hò chờ đợi. Chúng để dành tình yêu cho những người đang đứng ngoài kia, những người sinh ra chúng và đã đưa chúng vào đây.
Chẳng biết điều gì đã giúp tôi bình tĩnh mỉm cười chào khi họ ra về, có lẽ chính là niềm tự ái. Khi mẹ bé Phi chào tôi kèm theo cái nhìn dò xét, bỗng nhiên tôi ngẩng cao đầu. Tôi biết là mình đang rất kỳ cục, nhưng tôi cứ ngẩng cao và nhìn thẳng vào mắt họ. Ở nơi nào đó tận ngóc ngách của trái tim đang đau đớn, tôi biết họ cũng đang đau đớn. Và... tôi thấy dễ chịu hơn. Thật là kỳ quặc.
- Lần trước đến thăm cháu, tôi chưa được gặp cô - Ba của bé Phương vừa nói vừa vò cái mũ dạ mềm trong tay.
“Và lần sau ông cũng không gặp, không bao giờ gặp lại nữa” - Tôi lạnh lùng thầm trả lời - Tôi sẽ rời khỏi nơi này ngay ngày mai. Tôi không thể tiếp tục
SOS . 65
cái công việc làm mẹ này được nữa. Tôi sẽ về vùng kinh tế mới hiu quạnh của tôi và nếu không xin được một việc làm khác, tôi sẽ lại là thôn nữ và sẽ lấy ông chồng quê mùa ở cùng thôn. Tôi sẽ sinh ra những đứa con của tôi! Ngày mai tôi sẽ đi.
Ngày mai tôi sẽ đi.
- Dạ thưa mẹ, hôm nay nhà mình có nấu cơm không? - Con nói gì? - Tôi nhìn Thu Vân, tai vẫn còn lùng bùng.
Thu Vân cúi đầu nhìn xuống nền gạch hoa màu nâu đỏ:
- Dạ thưa mẹ, hôm nay nhà mình có nấu cơm không? - À... Mẹ sẽ đi chợ ngay bây giờ - Tôi cố hết sức chế ngự tiếng ù ù trong tai.
Thu Vân chầm chậm xoay lưng bước ra vườn hoa, màu áo đỏ chói lên trong nắng. Tôi chưa kịp thắt bím mái tóc dài của cô bé và cài lên hai cái nơ con bướm. Cô bé thông minh nhạy cảm. Chúng ta sẽ chia tay nhau. Quang đâu rồi? Hai khuôn mặt nhỏ bé ấy đã kịp để lại dấu ấn trong tôi.
Tôi muốn khóc, nhưng không thể khóc với tám đứa con nít được. Tôi gượng cười:
- Hôm nay các con thích ăn món gì?
***
66 . Nguyên Hương
Bữa cơm trưa buồn buồn trôi qua. Bữa cơm chiều buồn buồn trôi qua. Buổi tối tư lự trôi qua. Bọn trẻ không thì thầm trò chuyện cùng nhau và tôi cũng không nhắc chúng lấy đồ chơi xuống mà nghịch. Giờ học lặng lẽ trôi qua và rồi bọn trẻ đi ngủ.
Tôi mở tủ. Mớ áo quần ít ỏi của tôi nằm khiêm nhường trong một góc, cái túi xách nằm ngăn dưới. Tôi lấy áo quần ra khỏi móc và nhét vào túi xách. Nước mắt tuôn trào... Bọn trẻ và tôi đang cách nhau một bức tường dày, tôi tha hồ khóc với mình... Trái tim tôi đập loạn nhịp đau đớn. Tôi đã bắt đầu cảm thấy gắn bó! Một chút xíu ban đầu của gắn bó!...
Về đi thôi! Về lại ngôi nhà có hai người sinh ra mình và anh chị em yêu thương mình! Về lại nơi có tiếng reo hò mừng rỡ khi mình đi đâu về! Về lại nơi có tiếng cười và nỗi lo thân quen!... Về đi thôi!...
***
Tôi dậy sớm nấu mì và đánh thức bọn trẻ dậy. Tôi và chúng ăn sáng trong yên lặng. Rồi như thường lệ, năm đứa đi học, còn lại Thu Vân, Dũng và Cát An ở nhà buổi sáng.
Quang ra khỏi nhà sau cùng, khi bước hết bậc tam cấp, cậu bé ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt buồn mênh mông.
SOS . 67
Tôi nhìn quanh ngôi nhà lần nữa trước khi đi lên phòng giám đốc. Chén hoa ngày hôm qua đến nay vẫn còn tươi nguyên.
“Thưa chú, cháu xin lỗi chú, cháu đã làm phiền chú rất nhiều. Cháu không thể...”
“Tại sao?”
“Thưa chú, vì những lý do riêng”.
“Tôi đã nói ngay từ đầu là cô còn quá trẻ để làm ở đây mà”.
Tôi vừa đi vừa mường tượng tượng cuộc nói chuyện giữa ông và tôi. Ông hẳn là bực mình lắm. “Cô thật là bồng bột. Cô làm phiền tôi quá”. Rồi tôi sẽ xách cái túi của mình, một mình đi ra bến xe, một mình ngồi chờ đợi trước phòng vé, một mình lắc lư trên chiếc xe ngoằn ngoèo trên đường dốc lạnh giá dài thăm thẳm, quay về nơi như bao lần tìm việc không được đã quay về. Và ngày lại ngày trôi qua... hôm nay tỉa đậu, tỉa lúa, ngày mai bẻ bắp phơi ngô, ngày kia đi làm đổi công cho người ta, tiếp nữa là làm cỏ, và mãi mãi... Chiều xuống là toan tính heo, gà, mèo, chó và vá áo quần rách... Đêm, bên ánh đèn dầu hỏa vàng vàng không biết tìm đâu ra một tờ báo mới để đọc, họa hoằn lắm mới có tờ báo mua từ ngày đi chợ phố và tờ báo mới đã trở thành cũ từ lâu, báo đăng có một phim rất hay và mình thì chỉ nhìn thấy tên phim trên báo...
68 . Nguyên Hương
Mày chỉ cần một việc làm bất kỳ để kéo mày ra khỏi hiện tại hiu quạnh thôi mà! Và mày đã có một việc làm! Một việc làm để được ra đi!...
- Chào cô.
Tôi khựng lại. Ông Tùng đang đứng ngay trước mặt tôi:
- Cô nghĩ gì mà cắm cúi đi không nhìn ai hết vậy? Tôi định gặp ông và bây giờ tôi không biết phải nói gì. Tôi cắn môi nhìn ông, sương phớt qua mắt ông một màng xám nhạt.
- Có phải cô định gặp tôi không?
- Thưa... Sao chú biết? - Tôi ấp úng.
Ông mỉm cười nhìn tôi bằng ánh mắt đen sắc sảo: - Tôi định đi họp nhưng thấy cô đi về hướng văn phòng nên tôi đứng lại đây đợi. Có chuyện gì vậy, Thùy?
Ông gọi tên tôi một cách trìu mến khiến mi mắt tôi rưng rưng. Suốt cả tuần nay tôi thấy cô độc biết chừng nào. Tôi cắn mạnh môi lại, e chừng sẽ òa khóc ngay bây giờ.
- Bọn nhỏ làm cô buồn phải không?
- ...
- Bởi vì chúng là con - Giọng ông trầm tĩnh - Còn cô là mẹ.
SOS . 69
Ông lắc lắc mái tóc, những giọt sương li ti quanh mắt ông tan đi và những hạt sương mới rắc xuống hai vai ông:
- Tối thứ bảy vừa rồi lên coi ti vi, bọn nhỏ nói rằng cô nấu ăn rất ngon. Cô hãy quay đầu nhìn về phía cửa nhà cô kìa, ba đứa con của cô đang gí mũi vào kính nhìn ra. Cô có nghĩ rằng chúng đợi cô về không?
- Không - Tôi buột miệng cay đắng - Tụi nó nhìn ra coi chừng cháu sắp về chưa để quyết định nên chơi tiếp hay ngồi im bên bàn.
Ông nhìn tôi chăm chú. Tôi mở to mắt nhìn lại ông. Vậy là hết! Ngày mai mình về lại nhà mình! Bỗng nhiên tôi muốn khóc thật to.
- Thôi được rồi, Thùy - Ông gọi tên tôi nghiêm trang và trìu mến - Bây giờ tôi phải đi họp. Ngày mai hoặc ngày kia tôi sẽ đến thăm mẹ con cô. Hoặc nói thế này đúng hơn, ba sẽ đến thăm con và các cháu của ba.
Một sợi dây ngân dài trong lòng tôi. Tôi nhìn theo ông cho đến khi ông ngồi hẳn vào trong xe. Anh tài xế thò đầu ra:
- Thùy đi chợ phố không, tôi chở đi luôn? Tôi lắc đầu. Chiếc xe màu trắng lướt như ru trên mặt đường nhẹ bốc hơi sương.
Tôi đi chầm chậm về nhà. Quanh tôi vườn hoa nối tiếp vườn hoa ngọt ngào hương sắc. Tôi hít thật sâu
70 . Nguyên Hương
vào lòng mùi hương tinh khiết của buổi sớm mai và nỗi buồn trong giây phút có vẻ vơi đi một chút. Sau khung cửa kính, ba khuôn mặt của Thu Vân, Dũng và Cát An biến mất như không hề nhìn thấy tôi về và càng không có vẻ gì chú ý tới tôi cả. Khi tôi bước vào, ba đứa ngồi im bên bàn và đồng loạt “Con chào mẹ”.
- Thu Vân học bài đi con. Dũng chơi với bé Út. Mẹ đi chợ - Tôi nói và đi về phòng mình. Tôi mở túi xách, lấy ra một bộ áo quần. Bộ áo quần nhăn nhúm vì cú nhét quả quyết đêm qua. Tôi cắm bàn ủi.
Giờ này chắc ba và anh Ngữ đang làm cỏ ngoài rẫy để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. Má bán rau trên chợ. Chợ nhỏ đìu hiu với vài đôi quang gánh, vài cái mẹt. Chưa vào mùa, người đi chợ rất thưa. Chung, Minh chắc đã đi học, trường bên xã cách thôn năm cây số, mùa nắng thì nóng đến cháy da và bụi mù mịt nhưng đường còn dễ đi. Vào mùa mưa thì con đường là những vũng bùn nối tiếp nhau dài như bất tận, mỗi lần đi học về, răng em tôi đánh vào nhau lộp cộp và thân hình nhem nhuốc như mới đi làm đồng về.
Giờ này Hương, Vi, Nga chắc cũng đang ngoài rẫy, mặt mũi quấn khăn kín mít vì sợ đen da. Chị
SOS . 71
Thoại vừa giữ con vừa cắt cỏ quanh bờ rào về cho bò, mùa nắng này cỏ hiếm như gạo...
Tôi lấy giấy bút ra viết thư, tí nữa đi chợ phố ghé bưu điện gởi luôn. Đáng lẽ tôi phải viết thư cho gia đình ngay sau khi đến đây. Chị Thoại chắc đang nghĩ tôi vui cuộc sống mới mà quên mất chị rồi.
“Ba má yêu thương của con...”
Đây không phải là câu đầu thư thông thường như bao câu đầu thư cần phải có. Sống mũi tôi cay xè. “Ba má yêu thương của con, Chị Thoại và các em yêu quý...” Đây là lời yêu thương tôi gào lên từ đáy lòng. Tôi nhớ dáng ba tôi gân guốc, dáng má tôi thấp đậm. Tôi nhớ mùi xà bông gội đầu thường tỏa ra khi các em tôi vừa tắm xong, nhớ tiếng thở hằng đêm, tiếng ú ớ trong giấc mơ. Tôi nhớ vòng tay bé bỏng của cháu tôi “Dì Thùy ơi, ẵm Sơn đi chơi đi...”
“... Ở đây mọi việc đều tốt đẹp. Những đứa bé rất ngoan và rất thương con. Ở nhà bây giờ ra sao? Ba có hay đau lưng không hở ba? Ở đây trời lạnh, con ăn nhiều ngủ nhiều nên ai cũng nói con mập ra má ơi...”
Má tôi luôn phàn nàn về thân hình gầy gò của tôi và chẳng ước ao gì khác hơn là thấy tôi mập. Tôi dán lá thư lại, lau nước mắt. Ngoài trời, sương tan dần và những bông hoa lấp lánh nắng mặt trời. Tôi ra khỏi phòng. Không thấy ba đứa ngồi im bên bàn nữa. Tôi đi ra sân. Dũng và Cát An đang im
72 . Nguyên Hương
lặng ngồi chồm hổm trước một khóm hoa. Muốn nói “Sao hai đứa không chơi cái gì mà ngồi im như vậy?” nhưng rồi sợ làm hai đứa giật mình, tôi lại thôi.
Tôi đi vào phòng học. Thu Vân đang ngồi trước trang vở mở rộng, khuôn mặt buồn lặng. - Con đang làm gì vậy, Thu Vân?
- Dạ thưa mẹ, con làm bài tập làm văn.
“Nếu gặp một người ăn xin trên đường phố, em nghĩ gì?” Một đề bài hơi khó, quá khó so với học sinh lớp năm. Tôi nhìn xuống phần bài làm của Thu Vân “... Em không thích nhìn thấy một người ăn xin trên đường phố vì đó là một nỗi buồn...”
Cô bé của tôi ơi, vẻ buồn lặng trên khuôn mặt nhỏ có phải do đề bài tập làm văn này gây ra không?... Vì đó là một nỗi buồn! Không có định nghĩa nào hay hơn. Đó là một nỗi buồn!
***
Tiếng gõ cửa cộc cộc và khuôn mặt một người đàn ông hiện bên ngoài khung kính. Tôi mở cửa và không ngăn được tiếng kêu trời ơi.
Dũng đang nằm trên đôi tay rắn chắc của ông. Giờ này lẽ ra Dũng phải đang ở trong lớp học mới đúng. - Tôi thấy cậu bé ngồi khóc dưới một cây thông ven đường. Tôi vừa ngừng lại hỏi tại sao thì cậu bé
SOS . 73
ngã lăn ra bất tỉnh. May mà bà bán thuốc lá gần đó chỉ cho tôi biết là cậu bé ở đây.
- Cảm ơn ông - Tôi xốc Dũng qua vai mình. Người Dũng nóng hổi, hai cánh tay mềm oặt đung đưa đập vào lưng tôi.
Người đàn ông đặt cái cặp của Dũng lên bàn và nhìn tôi chằm chằm:
- Cô là mẹ nuôi của các cháu?
Mẹ nuôi? Tên gọi nghe mà đắng. Tôi bỗng ghét đôi mắt chằm chằm của ông ta
- Cảm ơn ông đã đưa bé về đây.
Người đàn ông nhún vai và quay đi. Tôi gồng người lên để khỏi phệch xuống nền. Tôi cố gắng hết sức để bế Dũng vào giường. Những đôi mắt đang ngủ trưa he hé nhìn ra.
Tôi nói:
- Nếu không muốn ngủ thì các con hãy dậy đi. Ngay lập tức, bọn trẻ chui ra khỏi đống mền nệm dày và phóc xuống giường và chạy tới vây quanh giường Dũng. Tôi sửa lại dáng nằm của Dũng và nói với Quang:
- Con lấy một cái khăn nhúng nước rồi đem vào đây cho mẹ.
Tôi lấy thuốc hạ sốt cho Dũng uống và pha một ly sữa.
74 . Nguyên Hương
- Mẹ không sợ hả mẹ? - Quang ngước nhìn tôi. - Sợ gì hả con?
- ...
- Người ta không ai tránh khỏi đau ốm hay đôi khi là một tai nạn, và vậy thì mình phải... Nhưng... - Nhưng gì hả con?
- Mỗi lần tụi con đau, mẹ Hằng sợ lắm - Quang thì thầm.
- Con biết vì sao mẹ Hằng sợ không?
- Mẹ sợ... vì tụi con không phải là con ruột của mẹ... lỡ có chuyện gì xảy ra... người ta sẽ nghĩ rằng tại mẹ làm sao đó... - Cậu bé nói nhỏ, ngắc ngứ.
Thốt nhiên tôi rùng mình. Mẹ Hằng rất có lý trong nỗi sợ này.
Tôi quay mặt đi nơi khác tránh không để Quang nhìn thấy khuôn mặt tôi vào lúc này. Nhưng có điều gì đó thật chân thành trong giọng nói của cậu:
- Mẹ để con chăm sóc em Dũng cho. Mẹ ngủ một tí đi. Trưa nay con chưa thấy mẹ ngủ. Em Dũng chỉ cần nằm yên thôi mà mẹ.
***
- Con của cô bị đau hả Thùy? - Ông Tùng hỏi ngay sau khi bước vào nhà. Mặt ông hơi xanh dưới ánh đèn điện, cái áo len xám nhạt của ông dường như sẫm màu hơn.
SOS . 75
- Dạ thưa chú, bé Dũng đau ba ngày nay. - Ba ngày? Giờ đã khỏe chưa? - Ông ngồi xuống ghế.
- Dạ thưa chú, bé vẫn mệt lắm.
- Ba ngày... Sao cô không đưa nó đi bác sĩ? - Dạ thưa chú... - Tôi nói và chợt nhận ra mình đã bị ảnh hưởng của những đứa trẻ “dạ thưa mẹ”, “dạ thưa mẹ”... - Bất giác tôi mỉm cười.
- Có chuyện gì vui vậy?
- Dạ thưa chú, không - Tôi lại cười.
- Cô là một người mẹ lạc quan - Ông cười vang - Mấy hôm nay tôi bận quá nên không xuống thăm cô như đã hứa. Bọn trẻ ra sao rồi?
- Dạ thưa... các cháu học bài.
- Còn Cát An?
- Dạ, Cát An ngủ.
Ông đi tới đi lui, nhìn lên kệ đồ chơi, nhìn xuống bếp, ghé qua phòng học, rồi ông vào phòng ngủ sờ trán Dũng.
- Ngày mai cô đưa Dũng đi khám bác sĩ nhé, lỡ ra là bệnh hay lây thì kịp thời cách ly với mấy đứa khác - Ông dịu dàng nhìn tôi - Cô có cần một dì xuống giúp mẹ con cô không?
- Thưa... có lẽ là không.
76 . Nguyên Hương
Ông vén tấm rèm đỏ nhìn ra trời đêm bàng bạc ánh trăng:
- Cô có thích cảnh thiên nhiên không Thùy? Trong phút giây tôi không biết trả lời sao. Ông quay nhìn tôi, khuôn mặt ông hiền hòa khiến tôi nhớ đến ba tôi. Tôi buột miệng:
- Chú...
- Cô nói tiếp đi.
- Cháu muốn biết... nếu lỡ ra... có bé nào gặp điều không hay thì... sẽ ra sao?
- Cô sợ lắm phải không? - Ông hỏi thật nhẹ nhàng. Tôi gật đầu.
- Cô sợ, mà cô vẫn để bé Dũng ở nhà suốt ba ngày nay và cô lại từ chối sự giúp đỡ của một bà dì. Cô thật là mâu thuẫn.
Tôi im lặng nhìn ông.
- Hay nói đúng hơn, cô thật là can đảm. Mâu thuẫn? Can đảm? Cả hai đều sai! Tôi chỉ là một người điếc không sợ súng mà thôi. Tôi bướng bỉnh đưa mắt nhìn ông.
- Cô có cần giúp đỡ điều gì không? Về cá nhân cô hay về mấy đứa bé, hoặc cách sinh hoạt của bọn trẻ, hoặc là... gì gì đó... về mọi mặt. Cô có cần giúp đỡ về những gì cô còn ngỡ ngàng?
SOS . 77
Tôi ngỡ ngàng về hết thảy mọi sự nhưng nói ra thành lời cụ thể là sự việc gì thì tôi chịu. Tất cả mọi sự chồng chéo lên nhau và tôi đang lạc vào rừng rậm của công việc làm mẹ. Vả lại, điều gì đó trong tôi đã ngăn không cho tôi nhận sự giúp đỡ của ông. Nếu nhận, nghĩa là tôi thừa nhận điều ông đã nói ngay ngày đầu tiên “Cô còn rất trẻ để làm công việc này”.
Tôi không muốn nghe ông lặp lại câu nói đó một lần nữa.
Ông thong thả đi ra cửa chính, đặt tay vào nắm đấm cửa. Dường như động tác xoay mạnh nắm đấm giải tỏa được điều gì đó trong ông nên ông thở phào và bước ra thềm. Rồi đột ngột ông quay lại, ánh trăng hắt bóng cành liễu lên mặt ông.
- Tôi... thuở nhỏ, tôi rất thích chơi đá banh nhưng không bao giờ có tiền mua banh. Khi đủ tiền mua banh thì tuổi không còn nhỏ nữa. Cuộc sống khốn khó đè lên tôi mặc cảm thiếu tự tin, rụt rè. Cho đến năm bằng tuổi cô bây giờ tôi vẫn chỉ là một cậu bé hai mươi lăm tuổi nhút nhát, sợ hãi trên mọi nẻo đường đời.
Khuôn mặt ông nhòa ánh trăng. Tôi kéo hai vạt áo len quấn vào người và lắng nghe. Tôi không thể hình dung được ông giám đốc nghiêm trang uy quyền và sắc sảo đứng trước mặt tôi đây đã có thời là một cậu bé hai mươi lăm tuổi nhút nhát, sợ hãi mọi thứ. Thật
78 . Nguyên Hương
khó mà ghép hai hình ảnh đó với nhau. Tuy nhiên, cảm giác dễ chịu lan tỏa trong tôi khi nghe ông kể về mình.
- Còn cô, tự tin đến đây, chọn một con đường thật khó khăn. Đến lúc này tôi vẫn tự hỏi tại sao cô lại thiết tha tới đây đến vậy. Lý lịch ghi rằng cô có rất nhiều em, chẳng lẽ chừng đó em chưa làm cô ngán con nít sao? Lãng mạn hay là ý nghĩ cao đẹp đã đưa cô đến đây?
Tôi đỏ bừng mặt mũi. May mà ánh trăng mờ không đủ soi rõ khuôn mặt tôi. Tôi kéo hai vạt áo len quấn chặt hơn nữa và dựng cổ áo che kín vành tai mình đang nóng dần lên. Tôi cần một việc làm và đây là nơi đầu tiên nhận tôi sau bao năm chạy vạy xin xỏ khắp nơi. Chỉ có vậy thôi. Ông đã tưởng tượng về một cô gái khác và gắn vào tôi. Tôi đến đây từ ruộng rẫy chói chang nắng trưa và bùn lầy mùa hè.
- Còn chú... vì sao chú đến đây? - Trong cơn bối rối, tôi buột miệng hỏi và nhận ra mình vô lễ thì đã lỡ rồi.
Ông nhìn tôi và cười:
- Cô hãy đoán đi.
- Cháu xin lỗi - Tôi ấp úng.
Ông bước đi thật nhanh trên lối đi nhỏ đẫm ánh trăng. Hương hoa dậy khắp không gian. Đám hoa cánh bướm ngả qua màu sữa chập chờn lay động.
SOS . 79
- Ngày mai cô đưa bé Dũng đi bác sĩ nhé - Giọng ông vọng lại trầm vang.
***
- Con không đi bác sĩ đâu mẹ ơi.
- Nhưng con đang bị đau mà Dũng.
- Con không đau nữa đâu. Đừng đi bác sĩ nghe mẹ - Dũng nhìn tôi van lơn bằng đôi môi khô khốc. - Dạ thưa mẹ, sáng nay tụi con có được ăn sáng không? - Khánh thập thò ngoài cửa và sau vai Khánh là những khuôn mặt khác đã chỉnh tề áo quần cặp sách. Tôi bối rối. Quá lo cho Dũng tôi đã quên nấu bữa sáng cho bọn trẻ. Tôi nhìn đồng hồ, đã đến giờ học và không thể cho bọn chúng ăn kịp.
- Các con... - Tôi lúng túng nhìn từng đứa và bật ra - Mẹ cho các con tiền lên trường mua cái gì ăn nhé? Bọn trẻ có vẻ khoái chí. Chúng xòe tay nhận tiền và không đợi ra đến ngoài cổng làng, chúng nhảy nhót ngay khi vừa ra khỏi nhà.
- Thu Vân, con ra đầu đường mua bánh mì về cho con, Dũng và bé Út ăn sáng.
- Dạ thưa mẹ, mua bánh mì cho mẹ ăn sáng nữa chứ? - Ánh mắt Thu Vân biểu lộ sự quan tâm dịu dàng. Lòng tôi mềm lại.
- Con ăn bánh mì nhúng sữa nghe Dũng?
80 . Nguyên Hương
"""