"
Sống Đời Giản Dị - Charles Wagner full mobi pdf epub azw3 [Self Help]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sống Đời Giản Dị - Charles Wagner full mobi pdf epub azw3 [Self Help]
Ebooks
Nhóm Zalo
Charles Wagner
La Vie Simple
SỐNG ĐỜI GIẢN DỊ
Vũ Bằng dịch
LỜI NHẮN CỦA NGƯỜI ĐÁNH MÁY
Trong quá trình gõ lại quyển sách thông qua bản scan (của một người anh em thiện lành nào đó) được in nhiều chục năm trước, đôi chỗ
đã bị mờ và bị nhòe, tôi không thể biết chính xác hay đoán được nó là từ gì vì đó là chữ của người xưa. Hy vọng quý anh chị có thể lượng thứ
được những hạt sạn không mong muốn này. Bên cạnh đó tôi cũng mạn phép tô đậm, in nghiêng vài câu chữ đắt giá và sửa lại chính tả của một số từ mà ngày nay chúng ta đã dùng khác đi.
Tôi gõ lại quyển sách này cũng vì cho rằng không còn quyển nào về Lối Sống Tối Giản có thể vượt qua được nó nữa. Thậm chí ta còn có thể chọn nó làm sách gối đấu giường bởi nội dung quá hàm súc. Nên nếu chúng ta đọc xong và vẫn tiếp tục săn tìm thêm sách dạy tối giản, ta trật đường ray.
Chút thời gian rảnh rỗi, gõ lại quyển sách quý để nó không bị phai tàn. Hy vọng mọi người vui vẻ thưởng thức nó cũng như chia sẻ giá trị
này càng rộng khắp càng tốt. Xin cảm ơn!
Lục Phong
Giáng sinh,
25/12/2019
MỤC LỤC Lời nói đầu
1
CHƯƠNG I
CUỘC ĐỜI PHIỀN TOÁI
4
CHƯƠNG II
TINH THẦN GIẢN DỊ
15
CHƯƠNG III
TƯ TƯỞNG GIẢN DỊ
20
CHƯƠNG IV LỜI NÓI GIẢN DỊ
32
CHƯƠNG V
BỔN PHẬN GIẢN DỊ
40
CHƯƠNG VI
NHU CẦU GIẢN DỊ
51
CHƯƠNG VII THÚ VUI GIẢN DỊ
58
CHƯƠNG VIII
TÍNH GIẢN DỊ VÀ ÓC CON BUÔN 68 CHƯƠNG IX
ÓC HIẾU DANH, THÍCH QUÁNG CÁO ẦM Ỹ
77
CHƯƠNG X
XÃ GIAO VÀ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH 88 CHƯƠNG XI
CÁI ĐẸP GIẢN DỊ
95
CHƯƠNG XII
ÓC TỰ PHỤ VÀ TÍNH GIẢN DỊ TRONG NHỮNG GIAO TIẾP XÃ HỘI 102 CHƯƠNG XIII
GIÁO DỤC TINH THẦN GIẢN DỊ 113 CHƯƠNG XIV
KẾT LUẬN
125
LỜI NÓI ĐẦU
Người bệnh bị sốt nóng giầy vò, cổ khô, họng cháy, mơ thấy trong giấc ngủ một dòng suối mát rượi và y ngụp xuống để tắm rửa thỏa thuê, hay một làn nước trong veo mà y cúi xuống để uống cho thỏa thích.
Trong cuộc đời hoạt động nhiêu khê của thời đại văn minh này, tâm hồn mệt mỏi của chúng ta cũng ao ước một cái gì giản dị.
Có nhiều người nghĩ rằng: “sống cuộc đời giản dị, vậy là lại quay về thời trước, sống như các cụ ta, ăn lông ở lỗ chăng?”
Người ta không thể kéo những nền văn minh quay trở về nguyên thủy, cũng như người ta không thể bắt những dòng sông trở về nguồn.
Sự giản dị của cuộc đời không phải chỉ bằng cứ vào yếu tố kinh tế
này hay điều kiện xã hội kia. Sự giản dị của cuộc đời chính là một ý chí làm hoạt động và thay đổi những cuộc sống khác nhau để tìm ra một lẽ
sống cao cả hơn bây giờ.
Đi tìm một cuộc sống giản dị, tức là tìm cách làm tròn cái sứ mệnh cao cả nhất của đời người.
Loài người vẫn tiếp tục cố vươn lên một cuộc sống nhân đạo hơn, bác ái hơn và tươi sáng hơn, há chẳng là họ đồng thời vươn lên tìm một đời sống giản dị hơn? Sự giản dị cổ xưa, trong phạm vi nghệ thuật, tư
tưởng và phong tục, sở dĩ còn giữ được một giá trị tuyệt đối đến bây giờ, chính là vì nó đã làm nổi bật được nhiều tình cảm thiết yếu, nhiều chân lý bất di bất dịch.
Chúng ta phải thiết tha trìu mến sự giản dị đó và hình hương, gìn giữ.
Song le, cuộc sống đời giản dị không phải chỉ là sống giản dị bề ngoài. Những người chỉ sống giản dị bề ngoài mà không trau dồi lấy một 1
tinh thần giản dị bên trong, là những người mới đi được một trong một trăm phần con đường giản dị.
Thực vậy, chúng ta không sống giản dị về hình thức như ông cha ta được nhưng chúng ta rất có thể sống giản dị về tinh thần như các cụ.
Bây giờ, chúng ta đi trên những con đường mới, nhưng mục đích của nhân loại xưa và nay há vẫn chẳng có một đó ư? Đi bộ hay đi máy bay rút lại cũng chỉ đi tìm chân lý. Ngày xưa, chưa có xe thì đi bộ; bây giờ phương tiện chuyên chở có nhiều, chúng ta muốn đi xe lửa, tàu thủy hay máy bay tùy ý. Đi tìm chân lý với những phương tiện mà chúng ta sẵn có, đó là điều quan hệ nhất, xưa cũng như nay.
Chính bởi vì chúng ta không biết như thế và hành động không đúng như thế mà thành ra chúng ta làm cho cuộc sống rối tung và nhiêu khê vô cùng.
***
Chúng tôi trình bày cuốn sách này ra quốc âm để các bạn cùng với chúng tôi đi tìm một lẽ sống mới: Sống Giản dị.
Quan niệm sống giản dị này, một ngày kia, cần phải được xâm nhập vào giáo dục và phong tục của ta.
Năm 1901, một tiểu thư Mỹ quốc đã đem trình chính cái triết lý sống giản dị này với công chúng thành New York. Cựu tổng thống Roosevelt tìm đọc và thích thú vô cùng. Trong hai buổi nói chuyện lịch sử, ông thiết tha khuyên người Mỹ nên sống giản dị.
Hơn thế, ông lại còn mời tác giả nền triết lý Sống đời giản dị là Charles Wagner sang Mỹ để trình bày về quan điểm “sống giản dị”.
Bước lên diễn đàn, cựu tổng thống Roosevelt đã giới thiệu tác giả pho triết lý “sống giản dị” như sau:
2
“Đây là lần thứ nhất, mà cũng là lần độc nhất trong đời làm tổng thống của tôi, tôi giới thiệu một diễn giả với công chúng. Tôi lại càng vui sướng hơn vì đã được làm việc giới thiệu hôm nay, bởi vì, nếu có một cuốn sách mà tôi mong được thấy toàn thể quốc dân ta đọc như một truyền đơn, một truyền đơn bổ ích, thì chính là cuốn sách “sống đời giản dị” này của ông Charles Wagner. Theo ý riêng tôi, trong khoảng những năm gần đây, chưa có một cuốn sách nào ở nước ta cũng như ở ngoại quốc, lại chứa đựng nhiều điều ích lợi mà chúng ta, con dân nước Mỹ, đều phải học lấy làm lòng, như cuốn sách “Sống đời giản dị” này.
***
Trình bày cuốn sách này với bạn đọc thân yêu, chúng tôi thiết tha mong sẽ có nhiều người đọc và cái thuyết “giản dị hóa đời sống” sẽ được áp dụng trong cái thời đại nhiêu khê, náo động này.
Do đó, chúng ta sẽ lưu tâm đến một vấn đề quan trọng nhất trong tất cả các vấn đề: Sống và tổ chức cuộc sống của chúng ta.
Chúng tôi mong bạn đọc trong khi suy nghĩ về vấn đề tối quan trọng đó sẽ cùng nhận thấy và hiểu biết rằng hạnh phúc, sức mạnh và vui tươi của kiếp sống con người, một phần lớn, bắt nguồn từ tinh thần giản dị.
Hiện nay, nhiều sự phiền toái vô ích đã ngăn cách chúng ta với lý tưởng bác ái, công lý và chân lý – mà chính cái lý tưởng đó lại sưởi ấm lòng chúng ta, đem lại cho ta ý chí muốn sống ở đời. Những sự phiền toái, vô ích đó, tiếng là để che chở cho ta và hạnh phúc của ta, nhưng thực tình thì đã ngăn cản mất cả ánh sáng của ta.
“Sống đời giản dị” tức là phá bỏ những sự phiền toái, vô ích đó để tìm ánh sáng, để tìm chân lý, để tìm lẽ sống chân chính vậy. NHÀ XUẤT BẢN
3
CHƯƠNG I
CUỘC ĐỜI PHIỀN TOÁI
Đã bốn hôm nay, nhà họ Bạch cứ nhao lên.
Nào có gì đâu: cô con gái út là Liên, đến thứ tư này thì cưới, mà hôm nay là thứ bảy!
Suốt ngày, khách khứa ra vào tấp nập. Người thì đến chúc mừng, người thì đến bàn bạc về đồ dẫn cưới. Đi bảy xe ô tô. Cô dâu mặc áo màu huyết dụ hay cấn rượu? Lúc tế tơ hồng, ai đọc văn tế? Lại cô nào phù dâu? Mà có phải báo trước cho hiệu chụp hình đến để chụp lúc cô dâu bước lên xe hoa về nhà chồng không? Tôi tớ mất cả ăn cả ngủ. Hai bên cha mẹ cứ phóng xe đi suốt ngày. Không còn phải là sống nữa: họ
mê cả người đi. Người thì mua lụa may áo; người thì bảo dọn cửa dọn nhà; người thì mắc điện; người thì sai bảo đánh bàn đánh ghế; người thì may màn; người thì đi mua giầy; người thì chọn khăn; người thì đi đánh đồ vàng. Không còn phải là người nữa: họ là người giấy chạy trong cái đèn cù. Mệt quá.
Vậy mà đến chiều về, họ có được nghỉ ngơi đâu.
Một cậu em, nhân cưới chị gái, nằng nặc đòi cho kỳ được một cái xe máy đắt tiền. Con ở đau vì làm việc nhiều, dở quẻ, xin thôi việc. Rồi thì ở trên bàn, lại có một chồng thư chờ đợi: người làm bánh, lúc cuối cùng, đòi thêm một ngàn đồng nữa mới làm; người thợ may bán cạnh nhất định đến thứ tư mới được áo, chứ không thể làm vội được; một gã nặc danh dọa nếu cô Liên bỏ hắn thì hắn viết bài tố cáo cô trên mặt áo; một cô phù dâu, nhức đầu, xin chối từ; chú rể mới xem lịch lại bảo ngày thứ tư xấu lắm… Nghĩ mà cứ nhức cả đầu lên. Tội nghiệp nhà họ Bạch!
Sát ngày cưới rồi mà chưa xong được việc gì. Họ cứ tưởng việc gì cũng 4 ẳ
tiên liệu, việc gì cũng xếp đặt chu đáo; vậy mà đến bây giờ chẳng ra đâu vào đâu. Đời sống khổ như địa ngục.
Mà không phải họ mới sống như thế một vài ngày… Một tháng nay, tức là từ ngày họ nhà trai xin cưới, họ đã sống như thế rồi. Không còn lúc nào thở được không còn một giây phút nào trầm mặc để nói với nhau một câu chuyện yên vui. Không, sống như thế không phải là sống, đời như thế nào phải đâu là đời…
May sao, trong nhà, lại có một căn buồng riêng trên gác của người bà nội! Bà nội năm nay đã ngót tám mươi. Cả một cuộc đời của cụ truân chuyên, vất cả. Cụ đã sống nhiều, cụ đã trải lắm, nên cụ bình thản nhìn sự vật với
một niềm tin chắc chắn, chỉ riêng những người thông minh và biết thương yêu mới có mà thôi..
Quanh quẩn trong gian buồng, uống nước, ăn trầu, hút thuốc và suy nghĩ, cụ ưa thích sự êm ả, dịu dàng. Bao nhiêu sự ồn ào, náo động, bao nhiêu cử chỉ, ngôn ngữ cuồng loạn đều ngừng lại ở trước cửa buồng của cụ. Vào đến trong buồng, mọi cử chỉ đều dịu hiền đi, những tiếng nói hạ
thấp xuống và tiếng chân bước cũng êm ả, chứ không dồn dập. Nhà họ
Bạch sống theo nếp mới: Cô dâu chú rể, trước khi cưới, vẫn được phép gặp nhau, trò chuyện. Nhưng, ở trong một cái nhà sáo lộn lên như thế, ầm ỹ suốt từ sáng tới chiều, làm sao mà yên ổn nói chuyện được với nhau? Vì thế, mỗi khi muốn bình thản tâm hồn, nói chuyện với nhau, êm ả, đôi người trẻ tuổi đó lại lên gác, vào trong buồng của người bà. Cụ bảo:
-
Tội nghiệp các con, mệt mỏi quá phải không? Các con nghỉ
ngơi đi một chút, không có thì ốm đấy. Các con phải sống cho các con trước hết rồi hãy sống cho người ngoài. Ta chẳng nên mê mẩn về ngoại vật quá như thế.
Cô dâu chú rể đều cảm giác lời bạ cụ nói là đúng. Quả thế, đã một tháng nay, họ gần như quên mất cái then chốt là mối tình của họ. Đã một 5
tháng nay, ái tình của họ há chẳng đã bị lấn át vì bao nhiêu sự bó buộc, bao nhiêu thành kiến, bao nhiêu điều phiền phức mà vô ích đó ru? Đầu óc của họ chỉ bận rộn về những điều phụ, còn điều chính thì không còn có thời giờ nghĩ đến.
Bà cụ lại bảo:
-
Thực vậy, các cọn ạ! Cuộc đời bây giờ phiền toái vô cùng. Mà người ta cũng chẳng sung sướng gì hơn… Có khi trái lại… Đôi trẻ, nghe lời bà cụ và thấy lời bà nói đúng…
***
Lời nói của bà cụ đúng thật. Những người suy nghĩ nhiều đều đồng ý.
Từ lúc mới lọt lòng nằm ở trong nôi, đến lúc 2 tay buông xuôi được người thân thích đưa ra nấm một, người của cái thời đại mới này quay cuồng múa lộn trong những sự phiền toái vô ngần. Phiền toái từ những sự cần dùng thiết yếu đến những trò giải trí, vui đùa; phiền toái từ quan niệm về cuộc đời đến quan niệm về bản thân mình nữa. Thôi, chẳng còn cái gì là giản dị nữa: nghĩ không giản dị, hành động không, chơi bời không, mà chết cũng không giản dị nốt. Chính tự tay chúng ta, chúng ta đã tạo cho cuộc đời muôn ngàn sự phiền toái, nhiêu khê và do đấy, chúng ta đã giết chết mất nhiều sinh thú.
Ta có thể chắc chắn rằng, vào giờ phút này đây, có hàng trăm vạn người đồng loại với ta đương đau khổ vì hậu quả của một kiếp sống giả
tạo quá. Chắc họ sẽ tán thành ý kiến chúng tôi và lúc này đây họ đang mơ trở về cuộc sống thanh bình, giản dị.
Đời sống phiền toái lộ ra rõ nhất trong trăm ngàn sự cần dùng vật chất hàng ngày. Chúng ta càng lắm tiền thì càng thấy lắm sự cần dùng.
Chính điều đó cũng không phải là cái xấu. Càng thấy nhiều sự cần dùng thì càng tỏ ra tiến bộ. Cần phải rửa mặt mũi sạch sẽ, cần phải ăn vận 6
tươm tất, cần phải ở nhà cao ráo, thoáng khí, cần phải ăn uống tinh khiết, bổ béo, cần phải trau dồi trí óc luôn: những sự cần dùng đó tỏ ra ta tiến bộ, văn minh hơn người. Nhưng trong những sự cần dùng đang có, cần phải bảo tồn, lại có những sự cần dùng có ảnh hưởng không tốt và làm hại đến ta là khác.
Nếu trước kia, chúng ta có thể tiên đoán cho các cụ tổ ta biết rằng nhân loại rồi ra sẽ có những vật dụng mà hiện nay chúng ta đương có để
làm cho đời sống dễ dàng, tất nhiên là các cụ tổ ta phải cho rằng sống như thế thì thích lắm, hạnh phúc lắm, độc lập lắm. Mà rồi các cụ lại còn cho rằng, với những vật dụng tối tân đó, loài người sẽ đạt tới một điểm rất cao về đạo đức và danh giáo.
Sự thực, tất cả những cái đó không đưa ta tới đâu hết: ta không thấy hạnh phúc, không thấy hòa bình xã hội, không thấy lòng kiêm ái tăng lên được phần nào. Trước hết, chúng ta có hề thấy đồng bào ta, những người đồng
loại ta với ta hiện nay – nói về đa số - sung sướng, mãn nguyện hơn các cụ tổ ta không?
Mà họ có chắc chắn vào ngày mai hơn các cụ tổ ta không?
Cứ để ý nhận xét họ sống thì tôi thấy đa số họ bất mãn cho số phận, trước hết là vì đời sống vật chất đòi hỏi nhiều sự cần dùng quá, mà sau là vì họ lo âu vì cái ngày mai bất trắc ám ảnh luôn luôn họ. Từ khi người ta ăn uống sướng hơn, may mặc sướng hơn, ăn ở sướng hơn ngày trước thì cái vấn đề ở, ăn và mặc đối với người ta lại càng ray rứt, cấp bách hơn.
Đừng tưởng rằng chỉ có những người nghèo khó, túng thiếu, ăn bữa hôm, lo bữa mai mới tự hỏi: “Ta sẽ ăn gì? Ta sẽ uống gì? Ta sẽ mặc gì?”
Những người túng thiếu mà tự hỏi như thế thì là thường. Mà họ tự hỏi như thế là đúng, là giản dị lắm. Nhưng còn những người có những cuộc sống dễ chịu mà lúc nào cũng băn khoăn thèm khát những cái mà họ
thiếu, mà họ chưa thể có. Muốn thấy rõ mối băn khoăn về vật chất này, 7
ta cứ nhận xét cái hạng người dễ chịu và nhất là cái bọn người có của thì đủ biết. Những người đàn bà có mỗi một bộ quần áo đẹp không phải là những người đàn bà luôn luôn tự hỏi ta phải ăn mặc thế nào. Càng những người thừa ăn lại càng thắc mắc – chẳng biết ăn gì cho ngon.
Những người được mãn nguyện thấy có nhiều sự cần dùng hơn người thường: đó là một cái luật mà chúng ta đều nhận thấy. Đã có tiền,
thì lại muốn có nhiều tiền hơn mãi.
Một người càng có của ăn, của để thì lại càng băn khoăn, lo nghĩ về
hậu nhật. Rồi thì mình sống ra sao? Gây dựng cho con cái thế nào? Đứa này cho làm gì? Đứa kia cho làm gì? Rồi các cháu nữa… chẳng biết rồi có nên người hay không? Không ai có thể tưởng tượng được hết cả
những nỗi lo âu, sợ sệt, những điều thắc mắc tỉ mỉ, phiền phức của một người “Mát mặt”…
Do đó, trong các tầng lớp xã hội và, tùy theo điều kiện, mới phát sinh ra một mối thắc mắc chung, một tâm trạng rất phiền toái, giống như
tính tình các trẻ em hư hỏng vừa được nuông chiều mà lại vừa bất mãn, không vừa ý.
Chúng ta đã không sung sướng gì hơn mà lại còn không yên vui và kiêm ái hơn: đó mới thật đáng buồn. Những trẻ em hư hỏng thường tranh giành nhau, đánh đập nhau.
Người đời càng có nhiều dục vọng, càng nhiều sự cần dùng bao nhiêu thì lại càng tìm cớ gây gỗ với người đồng bào, đồng loại bấy nhiêu. Mà
những cuộc gây gỗ ác liệt nhất lại là những cuộc gây gỗ bắt nguồn từ những lý do vô lý nhất.
Đánh nhau lấy miếng ăn, lấy những đồ thiết dụng, đó là luật thiên nhiên. Thực ra thì luật thiên nhiên đó có phần tàn nhẫn; nhưng trong cái tàn nhẫn đó, còn có điểm tha thứ được, mà thường thường nó chỉ quy vào những hành động tàn nhẫn thô sơ.
8
Cuộc tranh đấu cho xa xỉ, cho danh vọng, cho phù hoa, cho thú vui vật chất, cho quyền lợi thì khác hẳn. Cái đói chưa từng bao giờ làm cho người ta can phạm những tội lội xấu xa, đê tiện như dục vọng, như tính biển lận, như lòng khao khát những thú vui nhơ bẩn. Lòng ích kỷ mà càng tinh vi bao nhiêu thì lại càng tai hại bấy nhiêu. Vào thời đại này đây, lòng ghen ghét, thù hằn đồng bào, đồng loại mỗi ngày thêm trầm trọng. Lòng chúng ta không dịu được phần nào, trái lại, lại càng thêm khổ não.
Đến như thế, thì còn cần gì phải hỏi xem chúng ta bây giờ có tiến hơn các cụ về mặt đạo đức không? Then chốt của lòng nhân ái há chẳng là chỗ người ta biết yêu thương người khác, biết quên mình sống vị tha?
Mà một cuộc đời chỉ hi sinh cho những bận rộn vật chất, những nhu cầu hầu hết là giả tạo, cho sự thỏa mãn những dục vọng, những tư thù, những ước muốn kiêu sa của mình thì hỏi còn đâu là chỗ để dành cho người khác? Người mà chỉ chú tâm phụng sự dục vọng thì thấy dục vọng lớn mãi lên và sẽ làm nô lệ cho dục vọng, không thể nào chế ngự được nữa.
Một khi mà đã làm nô lệ cho dục vọng, người ta mất hết cả quan niệm đạo đức, mất hết cả lòng cương quyết và không thể nhận thấy điều hay lẽ
phải nữa. Đã không nhận thấy thì còn làm điều hay, nói lẽ phải thế nào được? Người ta sẽ lăn lộn, quay cuồng trong sự rối loạn bên trong của dục vọng do sự rối loạn bên ngoài gây ra. Đời sống đạo đức quy vào sự
tự kiềm chế, tự chế ngự mình. Đời vô đạo đức thì nhu cầu dục vọng nó
chế ngự mình. Do đó, những căn bản của cuộc đời sẽ chuyển di, mà quan niệm cùng lề lối sống ở đời cũng vì thế mà sai lạc.
Đối với một người làm nô lệ nhiều nhu cầu, nô lệ cho những nhu cầu tha thiết, thì “chiếm để mà có” là một niềm vui, một niềm vui nguồn gốc của tất cả những niềm vui khác. Trong cuộc chiến đấu để có, người ta đã sinh ra thù hằn những người đương có, người ta trối kệ cả quyền tư
hữu khi cái quyền đó ở trong tay người (khác chứ không ở trong tay ta).
9
Sự hăng hái chiếm đoạt của người khác làm của mình chứng tỏ
thêm rằng chúng ta quá ư tha thiết để mà có. Người đời cũng như sự vật, rút lại, được đánh giá theo giá trị tiền bạc và theo mối lợi có thể bòn rút được. Phàm cái gì không có lợi thì không có giá trị, người nào không có tiền thì không đáng kể. Sự nghèo nàn lương thiện rất dễ bị coi khinh, mà
tiền bạc, dù là kiếm một cách bất nhân bạc ác, cũng được người ta coi trọng.
Có người sẽ hỏi:
-
Vậy ra ông kết tội sự tiến bộ của thời đại mới và ông muốn kéo chúng tôi quay về thời cổ sơ chăng?
-
Không bao giờ.
Không còn sự không tưởng nào nguy hiểm bằng chủ trương làm sống lại dĩ vãng, chủ trương người ta quay trở về sống với cổ sơ. Nghệ
thuật biết sống cho ra sống không phải là đi ẩn dật, không phải là lẫn trốn cuộc đời. Song le, chúng tôi muốn rọi một chút ánh sáng vào một trong nhiều lầm lẫn đè trĩu lên sự tiến bộ xã hội, ngõ hầu tìm phương cứu chữa. Sự lầm lẫn đó như sau: “Người đời càng thêm những phương tiện bề ngoài để sống dễ chịu bao nhiêu thì lại càng sung sướng và tốt hơn bấy nhiêu”. Thật không có gì sai lạc hơn. Trái lại, người ta càng đầy đủ
về vật chất mà không có gì bồi bổ tâm hồn thì người ta càng thấy khổ và tâm tính càng bạc nhược xấu xa. Một nền văn minh tự nó không có giá trị gì; nó sở dĩ có giá trị là vì con người ở trong lòng nó.
Khi con người đó mất phương hướng về đạo đức thì mọi sự tiến bộ
chỉ tổ làm cho xã hội tồi bại thêm và gây cho những vấn đề xã hội rối ren thêm.
***
Bây giờ, ta thử suy ngẫm về lĩnh vực giáo dục và tự do. Chắc các bạn còn nhớ, có một thời, các giáo sĩ có phán rằng: “Muốn cho trái đất bỉ ổi này biến thành một thiên đường, người ta chỉ cần diệt ba kẻ thù nghèo khó, ngu dốt và tàn bạo”.
10
Bây giờ, lại cũng có nhiều vị cứu thế nhắc lại những lời tiên đoán ấy.
Chúng ta vừa thấy rằng sự nghèo khó được diệt trừ, loài người cũng chẳng tốt hơn mà cũng chẳng sung sướng hơn gì.
Đến học vấn, học vấn liệu có đã đem đến một phần nào kết quả đó chưa?
Hiện giờ, người ta chưa thấy kết quả ấy đâu cả. Đó chính là một điểm băn khoăn, lo ngại cho những ai chuyên chú về giáo dục.
-
Vậy thế thì người ta phải làm ngu dân, bài trừ học vấn, đóng cửa các trường học lại sao?
Không bao giờ. Song le, học vấn cũng như bao nhiêu khí cụ của nền văn minh bây giờ, chẳng qua chỉ là một khí cụ mà thôi. Khí cụ
không cần lắm. Điều cần là người thợ sử dụng khí cụ ấy.
Về tự do, cũng thế. Tự do có lợi hay có hại, cũng là tùy theo cách thức người ta sử dụng. Tự do ở trong tay một quân đạo tặc, một người vô giáo dục, tâm tình bất định, một kẻ gian ác, có còn là tự do không? Tự do là một thứ không khí cao cả mà người ta chỉ có thể hít thở sau khi đã lao tâm khổ trí tự giáo hóa mình rồi.
Sống ở đời nào, cũng phải có luật lệ.
Người ta lại càng phải có luật hơn các loài thấp kém khác, bởi vì đời người và đời các xã hội còn quý báu và mong manh hơn đời cây cối và súc vật. Luật lệ đối với người, trước hết, vụ ở bề ngoài, nhưng có thể
xuất hiện ở bên trong. Một người tự mình theo đúng luật với mình, tự
công nhận cái luật lệ bên trong mình, tôn trọng nó và tự mình kính cẩn nó thì người đó đáng được hưởng tự do, có quyền hưởng tự do.
Tự mình mà không kiềm chế được mình, tự mình mà không bắt mình theo một luật lệ nghiệt ngã, dũng mãnh và cao thượng thì không thể hít thở không khí tự do được. Cứ hít thở thì không khí tự do làm cho 11
ta say, ta ngất đi, ta cuồng loạn rồi ta chết dần về tinh thần. Một người tiến bước theo đúng luật lệ của nội tâm không thể sống dưới luật lệ của quyền uy bên ngoài, cũng như con chim ở trong trứng, đủ ngày đủ tháng phải đạp vỏ trứng chui ra; nhưng một người chưa tiến tới cái điểm then chốt mình tự chế ngự được mình, thì không thể sống được dưới chế độ tự
do, cũng như con chim non không thể sống được nếu không có cái vỏ trứng bao bọc nó.
Những điều đó thật giản dị. Xưa và nay, bằng chứng đầy dẫy ra.
Vậy mà đến tận bây giờ, chúng ta vẫn còn như chưa thấu đáo những yếu tố của cái luật lệ quan trọng vô cùng đó. Thử hỏi trong xã hội ta đã có được bao nhiêu người, lớn cũng như bé, thấp cũng như cao, đã hiểu chân lý đó? Đã bao người áp dụng chân lý đó? Sống cái chân lý đó? Không có cái chân lý đó không một nước nào có thể tự mình trị lấy mình được.
Tự do là tôn kính; tự do là vâng theo luật lệ của nội tâm. Cái luật lệ
nội tâm đó không phải là sở thích riêng của những kẻ có uy quyền đâu, mà cũng chẳng phải là cái tính bồng bột, sôi nổi của quần chúng đâu; nhưng đó là khuôn vàng thước ngọc tối cao, vô cá tính, nó làm cho hết thảy mọi người phải cúi đầu, mà những kẻ lãnh đạo cúi đầu theo trước nhất. Nói thế chẳng hóa ra ta phải diệt trừ tự do đó sao?
Không, không diệt trừ tự do, nhưng ta phải tự luyện cách nào cho đáng hưởng tự do, có tư cách hưởng tự do. Nếu không thế, đồng bào không thể chung sống với nhau được mà quốc gia thì chìm đắm vào trong trụy lạc và vô trật tự để rồi tiến đến chỗ diệt vong.
***
Ngồi mà kiểm điểm lại những nguyên nhân làm rối loạn đời sống xã hội của ta, những nguyên nhân làm cho đời sống xã hội của ta mỗi ngày thêm phức tạp, thiết tưởng rất dài. Thôi, muốn gọi là gì đi nữa thì những nguyên nhân đó cũng chỉ rút lại có một nguyên nhân chính, như
12
thế này: Cái chính lẫn lộn vào cái phụ (người ta để ý đến cái phụ nhiều quá, mà quên mất cái chính yếu).
Tiền bạc, nhà cửa, học vấn, tự do, tóm lại, tất cả nền văn minh chỉ
là cái khung của một bức tranh. Nhưng cái khung có phải là bức tranh đâu, cũng như cái áo trùng có làm thành thầy tu đâu, mà bộ quân phục có làm thành một chiến binh đâu.
Bức tranh ở đây là con người, con người với tất cả cái gì thân thiết nhất: lương tâm của hắn, ý chí của hắn, tinh thần của hắn. Trong khi người ta chú tâm mài gọt cái khung, lau chùi, đánh bóng cái khung, người ta quên khuấy mất cái tranh, người ta không giữ gìn săn sóc, và đã để cho cái tranh hư hỏng. Cũng vậy, chúng ta được thừa thãi về vật chất bên ngoài, nhưng lại nghèo khó vô cùng về đời sống tinh thần ở bên trong. Chúng ta tràn trề của cải – mà nếu cần ra ta cũng có thể bỏ qua –
nhưng chúng ta nghèo rớt cái điều chính yếu. Thế rồi đến khi bản ngã của chúng ta thức dậy, với sự đòi hỏi yêu thương, hy vọng, làm nhiệm vụ
thì bản ngã của ta thấy đau khổ, u sầu như một người sống mà người ta mới đem chôn. Người bị chôn sống đó ngột ngạt ở dưới những cái phụ
chồng chất lên như trái núi ở trên mình hắn, làm cho hắn ta bị bẹp dí mà lại thiếu ánh sáng và không khí nữa.
Cần phải lôi kéo, cần phải giải thoát cái sống thực sự ra bên ngoài, đặt nó vào chỗ của nó, đặt mọi sự vật theo thứ tự, theo hàng lối, và luôn luôn nhớ lấy làm lòng rằng: “Trọng tâm tiến bộ của người đời là sự trau dồi đạo lý”.
Thế nào là một cây đèn tốt? Cây đèn tốt không phải là một cây đèn đẹp, mài giũa cầu kỳ hay là làm bằng một thứ kim khí quý. Một cây đèn tốt là một cây đèn thắp sáng. Cũng vậy, ta là một người, một công dân không
phải vì số lượng của cải của ta, không phải vì những thú vui mà ta được hưởng, không phải vì nền giáo dục tinh thần hay nghệ thuật của ta, 13
mà cũng không phải vì quyền tước hay vì ta tự lập, không bị lệ thuộc ai. Ta là một người, một công dân chính vì ta giữ chặt được tinh thần đạo lý.
Điều đó không phải là một chân lý bây giờ mới phát minh. Đó là một chân lý của ngàn xưa và cả ngàn sau vậy.
Thực, chưa từng có bao giờ mà những điều kiện ngoại quan, do kỹ
nghệ hay học thức của người đời tạo ra, lại có thể làm cho người đời khỏi phải lo nghĩ về tình trạng của nội tâm. Thế giới thay đổi bộ mặt ở
quanh ta, những nguyên động lực tinh thần và vật chất của cuộc sống cũng tự thay đổi nữa. Không có ai, mà cũng không ai có cách ngăn cản sự thay đổi đó. Nhưng công việc chính yếu, ở giữa những trường hợp luôn luôn biến chuyển đó, chỉ có một. Công việc chính yếu đó là: người ta phải sống cho ra người, người ta phải sống cuộc đời của người ta, người ta phải đi tới đích. Mặc dầu con đường tiến thủ ra sao, muốn đi cho tới đích, người bộ hành không bao giờ nên đâm quàng đâm xiên vào đường ngang, ngỏ hẽm và đừng nên bận rộn vì những hành lý nặng nề vô ích. Phải nhắm đúng hướng mà tiến, phải giữ gìn sức khỏe, phải trau dồi danh dự. Và để cho mình có thể chú tâm vào điểm chính yếu là tiến tới, người bộ hành phải rút bớt hành lý đi, dù có phải chịu hy sinh đi nữa.
14
CHƯƠNG II
TINH THẦN GIẢN DỊ
Trước khi đem trình bày cuộc đời giản dị, trên thực tế, là thế nào, ta cũng nên tìm hiểu thế nào là sự giản dị ngay chính trong nguyên tắc của nó. Bởi vì nói ngay về sự giản dị, người đời cũng vẫn thường mắc phải cái lầm mà chúng tôi đã tố cáo trên kia: lầm cái phụ với cái chính, lầm hình thức với nội dung. Người ta cứ ngỡ rằng sự giản dị đặt nền tảng trên mấy đặc điểm cứ nom thấy thì người ta nhận ra liền. Thường người ta vẫn cho rằng giản dị và tư cách tầm thường, quần áo xuềnh xoàng, nhà cửa vừa phải, túng thiếu, nghèo khổ, tất cả những cái đó chẳng khác gì nhau, nghĩa là giản dị gần như là xuềnh xoàng, túng thiếu. Thực ra, không phải thế.
Tôi vừa gặp ở trên đường cái ba người: một người đi xe, một người đi giày đi bộ, và một người giẫm đất. Người giẫm đất không – tất nhiên phải là người giản dị nhất trong ba người ấy. Mặc dầu là người đi xe có tư cách về tiền tài nhiều hơn, y có thể là một người giản dị và không làm nô lệ cho của cải của y. Rất có thể người đi giầy không thèm muốn số
phận của người đi xe và không khinh bỉ người giẫm đất. Lại cũng rất có thể người giẫm đất, quần áo tả tơi, tay chân bẩn thỉu lại chính là người thù ghét giản dị, cần lao, đạm bạc và chỉ ước mơ một cuộc đời dễ dãi, rộng rãi, biếng nhác. Trong số những người ít giản dị nhất, ta phải kể
những người chuyên nghiệp ăn xin, những tay gian hùng, những quân ăn bám, tất cả những người khúm núm, bợ đỡ, những người ghen ghét, đố
kỵ mà hoài bão của họ có thể thu gọn vào một câu: làm bất cứ cách nào để giành lấy một phần về cho mình, phần càng to càng hay, giành lấy một miếng mồi mà những người sung sướng ở trên đời này vẫn “chén”.
15
Cũng trong hạng này, ta cũng nên liệt cả bọn người tham lam, bọn người liều lĩnh, bọn biển lận, bọn tự phụ, bọn diễm dáng yếu đuối, bọn lõi đời sành sỏi.
Quần áo bề ngoài không làm gì, ta phải xem xét nội tâm mới được.
Không có một giai cấp nào được đặc quyền sống đời giản dị; quần áo, dù là xuềnh xoàng đến mấy đi nữa, cũng không phải là bằng chứng của sự
giản dị. Không phải cứ ở cái nhà tranh vách đất hay giam mình vào trong một buồng tối âm u của một vị tu hành là sống đời giản dị đâu. Trong tất cả các giai cấp, trong tất cả các bậc thang xã hội, từ cao đến thấp, đều có những người giản dị và những người không giản dị.
Chúng tôi không muốn nói rằng sự giản dị không bao giờ biểu lộ ra bên ngoài đâu; chúng tôi cũng không muốn nói rằng sự giản dị không có những cốt cách, tính tình, tập tục riêng đâu; nhưng ta chớ nên lầm những cái bề ngoài mà người ta có thể bắt chước với cái tinh túy của sự giản dị, cái nguồn gốc của sự giản dị. Nguồn gốc đó tiềm tàng ở mãi tận bên trong. Sự giản dị là một trạng thái của tâm hơn. Một con người lúc
nào cũng cố gắng ăn ở cho ra người, đó tức là giản dị. Điều đó không dễ dàng như người ta vẫn tưởng, mà cũng không phải là khó đến nỗi không thể đạt được đâu. Bông hoa phải là bông hoa, con nhạn phải là con nhạn, tảng đá phải là tảng đá, mà con người phải ra con người, chứ
đứng là con cú, con cáo, con thỏ hay con lợn: tất cả cái khó là ở đấy.
Đến đây, ta thử cùng nhau tìm cái lý tưởng thực tế của người đời là thế nào. Trong tất cả các kiếp sống, chúng ta nhận thấy rằng có một số
động lực và thực chất cấu kết với nhau để tiến tới một mục đích. Trong công cuộc đó, những vật dụng, hoặc thô sơ hoặc tinh luyện, được chế
biến và được đem ra dùng trong một trình độ tổ chức cao hơn. Đời sống của con người cũng thế.
16
Lý tưởng của người đời là chế biến cuộc đời thành ra những báu vật lớn lao hơn cả cuộc đời nữa. Ta có thể đem ví đời sống với một nguyên liệu. Đời sống cũng như nguyên liệu, không là gì hết. Quan trọng là làm được nó thành ra một cái gì. Cũng như trong một tác phẩm nghệ
thuật, cái gì ta phải chú ý? Chính là cái gì mà nghệ sĩ đã tạo được ra.
Mỗi người chúng ta, lúc sinh ra đời, đều có mang theo những thiên bẩm khác nhau. Người thì có vàng, người thì có cẩm thạch, người thì mang đá cát, phần nhiều có gỗ hay đất sét. Nhiệm vụ của chúng ta là nhào nặn những chất đó. Ai cũng biết rằng: ta có thể làm hư hỏng cái chất quý báu nhất, nhưng ta cũng có thể rút ở trong một chất tầm thường ra một tác phẩm bất diệt. Nghệ thuật là tạo thành một quan niệm vĩnh viễn trong một hình dáng không lâu bền. Đời sống thực là đời sống tạo thành những báu vật thượng đẳng như: công lý, kiêm ái, chân lý, tự do, tâm hồn cương quyết trong hoạt động hàng ngày, bất luận đến địa điểm và hình dáng bề ngoài. Và sự sống đó đáng để cho ta sống, bất cứ với tình trạng xã hội nào cũng được, với những thiên bẩm thiên lệch thế nào cũng được. Giá trị của cuộc sống không vụ vào của cải nhiều, lợi lộc lắm, mà do ở cái phần ta đem cống hiến cho đời. Sống lâu, sống huy hoàng có làm gì! Điều cần là có ích, có lợi hay vô ích, có hại.
Muốn đạt tới cái đích cao cả đó, khỏi nói ta cũng dư biết là phải cố
gắng và chiến đấu. Tinh thần giản dị không phải là một món gia tài mà bố mẹ có thể để lại cho mình; mà chính là một kết quả mà ta thu lượm được sau nhiều ngày tháng lao tâm khổ trí. Sống cho tử tế, cũng như tư
tưởng cho phải đạo, thế tức là giản dị cuộc đời đấy.
Học vấn có mục đích là rút ở trong những vấn đề phức tạp để lấy ra mấy cái luật lệ chung. Nhưng bởi được mấy cái luật lệ chung ở trong số
vấn đề tương phản, nhiêu khê đó, khổ công tìm tòi, cứu xét biết ngần nào! Có khi đi tìm hàng thế kỷ mới thấy một nguyên tắc vẻn vẹn một dòng chữ! Về điểm đó, đời sống đạo lý gần giống với đời sống khoa học.
17
Cũng thế, đời sống đạo lý bắt nguồn từ một điểm rối ren lộn xộn. Mò mẫm mãi, nhầm lẫn mãi, sửa đi chữa lại khổ công mãi, người ta mới bắt đầu hiểu rõ hơn một chút về cuộc đời. Định luật hiện ra, và cái định luật đó chỉ thu vẹn vào mấy chữ “Làm tròn nhiệm vụ”. Kẻ nào chú tâm vào cái khác mà không tìm cách đạt tới mục đích thì kẻ đó tuy là vẫn sống, mà thực ra thì chết vì đã mất ý nghĩa sống ở đời. Những quân ích kỷ, những kẻ kiêu sa phóng đãng, những người tham lam đều hành động như
thế cả. Họ tận hưởng vội cuộc đời, cũng như người nhà quê ăn ngay cây lúa từ lúc lúa còn con gái. Họ không đợi cho cây lúa mang hạt thóc. Đời họ là đời bỏ đi. Trái lại, người nào hiến thân mình cho một sự tốt đẹp cao cả, người đó đã cứu vớt chính thân mình. Những châm ngôn đạo đức, đối với những người nông nổi, có vẻ như chuyên chế và có người lại cho rằng các cụ đặt ra các châm ngôn đó để ngăn trở sức sống mãnh liệt của ta. Nghĩ như thế là lầm. Tất cả châm ngôn đạo đức chỉ có một mục tiêu: cứu vớt ta để cho ta đừng sống cuộc đời vô ích. Vì thế, bất cứ nền đạo đức nào cũng chỉ nhắm đưa ta vào cùng một hướng, nền đạo đức nào cũng chỉ có một ý nghĩa giống nhau: đừng phí phạm cuộc đời, phải tạo cho đời một cái gì! Ta phải hiến cho cuộc đời ta để cho khỏi phí uổng, mất mát cuộc đời. Kinh nghiệm của nhân loại rút lại chỉ có thế. Bất cứ ai đã là người đều phải đem ra áp dụng cho bản thân, càng vất vả bao nhiêu thì lại càng quý hóa bấy nhiêu. Có kinh nghiệm đó, đời sống đạo lý càng vững chắc: người ta biết phương hướng mà đi, có một tiêu chuẩn nội tâm để làm mức mà suy xét và hành động, rồi do đấy sẽ giản dị, chứ không bất định, phiền toái, mập mờ như trước. Ảnh hưởng của định luật bất di bất dịch đó sẽ lớn mãi lên ở trong lòng người ta và sẽ được đem áp dụng và thí nghiệm trong mọi công việc hàng ngày. Do đó, sẽ có thay đổi trong sự xét đoán và trong tính tình.
Một khi đã bị cái đẹp đẽ và cao cả của cuộc đời thực hấp dẫn, một khi đã say sưa vì cái ý nghĩa thiêng liêng và cảm động của cuộc đấu tranh nhân loại đi tìm chân lý, công lý và lòng kiêm ái, người ta sẽ say 18
mê mãi, rồi thì tự nhiên, bất luận việc gì cũng quy vào mối băn khoăn dũng mãnh và bền bỉ đó. Quyền hành và động lực thế tất phải được xếp đặt có hệ thống trong lòng người ta. Cái chính chỉ huy, cái phụ tuân theo, và trật tự sẽ do từ sự giản dị mà phát sinh. Ta có thể ví cơ cấu của nội tâm với cơ cấu của một quân đội. Một quân đội sở dĩ mạnh là vì có trật tự, mà có trật tự tức là kẻ dưới biết tuân lệnh cấp trên, trên dưới một lòng một dạ để quy tất cả sức chiến đấu vào một mục đích chung. Quân đội hồ mất trật tự thì quân đội suy kém ngay. Viên đội không thể ban lệnh cho ông tướng. Ta cứ thử xem xét cẩn thận đời ta, đời những người chung quanh ta, đời của xã hội thì đủ biết. Mỗi khi có một cái gì trục trặc, suy suyển, mỗi khi có cái gì rắc rối, mất trật tự, ấy tức là viên đội đã ban lệnh cho ông tướng đó. Chỗ nào mà cái định luật giản dị thấm nhập được vào lòng người ta thì chỗ ấy không thể mất trật tự được.
Tả tính giản dị một cách xứng đáng với tính đó, thực là một sự khó khăn. Tất cả sức mạnh của cuộc đời, tất cả tốt đẹp của cuộc đời, tất cả
những niềm vui chính đáng, tất cả cái gì an ủi ta và làm tăng gia niềm hy vọng của ta, tất cả cái gì soi rọi một chút ánh sáng xuống những con đường mờ mịt ta đi, tất cả cái gì cho ta tiên đoán thấy một mục đích cao cả, trong tương lai vĩ đại ở trong những cuộc đời khổ não mà chúng ta đương sống, tất cả những cái đó đều do những người giản dị tạo ra. Họ
đã say sưa ham thích một cái gì cao cả và đã biết ruồng bỏ những thích thú phù du của lòng ích kỷ và tự cao tự đại.
Họ thấu hiểu rằng ý nghĩa của đời người là biết hy sinh, biết hiến thân cho đời.
19
CHƯƠNG III
TƯ TƯỞNG GIẢN DỊ
Ở đời, không phải ta chỉ phải lo tu sửa những biểu hiện bên ngoài, mà phải lo tu sửa cả tư tưởng nữa.
Tư tưởng của người ta rất lộn xộn. Chúng ta tiến bước trong một đám rừng rậm, không phương hướng, không mục đích, mà lòng thì hoang mang vì những tiểu tiết không đâu.
Một khi mà người ta đã nhận thấy mình có mục đích để sống - mà mục đích ấy là sống cho ra người – thì người ta sẽ quy định được tư
tưởng của mình để thực hiện mục đích ấy. Phàm phương pháp suy nghĩ, tìm hiểu và xét đoán nào mà không làm cho mình tốt đẹp hơn, làm cho mình dũng mãnh hơn, thì đều bị gạt bỏ và bị coi là “không lành mạnh”.
Trước hết, người ta phải trừ bỏ cái tính xấu thông thường là đùa cợt với tư tưởng. Tư tưởng là một khí cụ quan trọng trong nhiệm vụ điều khiển toàn thể; tư tưởng không phải là cái trò chơi. Ta kể một ví dụ: đây là một xưởng vẽ. Đồ dùng để vẽ thứ nào đặt vào chỗ của thứ đó. Nhác trông cũng đủ biết tất cả mọi thứ đều được xếp đặt để đạt tới mục đích gì. Bây giờ ta mở cửa cho một bầy khỉ nhẩy vào. Chúng leo trèo lên các tủ, chúng đánh đu lên những dây thừng, cuộn tròn vào trong các tấm vải, lấy giấy đội lên đầu, lấy bút vẽ múa may, quay cuồng, thè lưỡi liếm thuốc vẽ và chọc thủng các bức tranh ra để xem người trong tranh có gì trong bụng. Đã đành nghịch ngợm như thế thì thích thú. Lũ khỉ làm trò như thế tất phải cho là tuyệt. Nhưng một cái phòng vẽ, nào có phải đâu để cho lũ khỉ vào đùa. Cũng vậy, tư tưởng người ta không phải là bãi đất để cho người ta làm trò xiếc. Một người, xứng đáng với danh nghĩa con người, tư tưởng ra con người và cũng yêu thương ra con người. Y để hết 20
tâm hồn vào đó, chứ không phải là tò mò một cách đuểnh đoảng, vô vị, lấy cớ cái gì cũng muốn xem, cái gì cũng muốn biết, để rồi không cảm giác thấy một cảm giác nào lành mạnh, sâu xa và không tạo tác được một cái gì thực sự.
Còn một tính nữa mà ta cũng cần phải sửa đổi ngay. Tính này cũng thường thấy trong cuộc đời giả tạo: đó là cái thói bất luận lúc nào cũng tự kiểm ta, tự phê bình.
Tôi không có ý bảo rằng người ta không nên lưu ý đến công việc kiểm điểm lòng mình và tự vấn lương tâm. Cố tìm hiểu nội tâm và xét nét hành vi của mình là một yếu tố quan trọng của một cuộc đời tốt đẹp.
Nhưng lúc nào cũng băn khoăn, ray rứt, lúc nào cũng chỉ thiết tha cúi xuống lòng mình để xem mình sống ra sao, tư tưởng ra sao, để phân tách lòng mình như cái máy, thì đó lại là chuyện khác. Lo âu, bứt rứt như thế
tức là phí thì giờ vô ích. Một người, muốn đi xa, mà cứ băn khoăn tỉ mỉ
về bộ giò của mình, có khi chưa bước được một bước mà đã thấy lòng phân tán. “Anh có đủ tư cách để đi, cứ đi đi! Coi chừng khỏi ngã và phải biết lượng sức mình”. Những người tẩn mẫn, những người e dè, ngại ngùng, rút lại chẳng làm được trò gì hết. Chỉ cần một chút lý trí thì thấy ngay rằng người ta không phải sinh ra đời là để nhòm vào cái rốn của mình.
Các bạn có thấy rằng lý trí mỗi ngày mỗi hiếm cũng như những thuần phong mỹ tục cổ xưa không? Lý trí là đồ cổ xưa rồi. Người ta cần cái khác, và người ta mò kim dưới đáy bể. Bởi vì công việc đó có phải bạ
ai cũng có thể làm được đâu, mà mình khác người đi một chút thì sướng lắm!
Đáng lẽ cũng làm như những người tự nhiên, bình thường, có phương tiện thích hợp gì thì dùng phương tiện đó, chúng ta thường dùng thiên phương bách kế để tìm ra những quái đản lạ lùng. Thà là đi chệch hướng còn hơn là theo con đường giản dị. Nhờ y khoa sửa sang sắc đẹp để sửa chữa những dị
ẳ
hình, chẳng qua cũng chỉ sửa chữa sơ sơ được mấy cái bướu, dáng đi chứ cái hình thức kỳ dị thì sửa chữa hết làm sao cho 21
được. Chúng ta khổ thân để cho thợ uốn nắn, chữa chạy bất quá chỉ là muốn thoát ra khỏi con đường ngay, con đường của lý trí. Rút lại, cái mới lạ chỉ là thoảng qua như kiếp phù du. Chỉ có những cái gì rất nhàm, bất di bất dịch mới trường cửu mà thôi. Mình không biết như thế, tức là mình dấn bước vào trong những cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Sung sướng thay là những người phiền phức lại biết quay về với sự giản dị, bình thường! Trái hẳn với điều người ta tưởng tượng, không phải tự nhiên mà người ta có cái lý trí giản dị đâu. Lý trí cũng không phải là một cái quà thông thường, xoàng xĩnh mà người ta không phải đổ mồ hôi để kiếm ra. Lý trí cũng như những câu đồng giao, những bản dân ca cũ kỹ, lưu truyền đến ngàn đời, không ai biết tác giả là ai, hình như là xuất phát tự
lòng dân chúng ra thì phải. Lý trí là một cái vốn súc tích một cách vất vả, chậm chạp từ đời nọ sang đời kia. Đó là một kho tàng quý báu, chỉ ai đã đánh mất nó hay đã từng trông thấy những người sống mà không còn nó, mới thấu hiểu được chân giá trị của nó mà thôi. Phần riêng tôi, tôi cho rằng: để tranh thủ được lý trí, để bảo vệ được lý trí, để giữ cho con mắt nhìn được thấu đáo, tinh tường, để cho sự suy xét của mình thẳng thắn, người ta dù vất vả đến chừng nào cũng chẳng nên quản ngại. Ta phải xem luôn đến cây gươm, đừng đem giết ruồi hay là để cho han rỉ. Coi thế, ta phải chăm lo đến tư tưởng của ta biết chừng nào.
Song le, ta phải thâm hiểu điều này. Kêu gọi lý trí không phải là kêu gọi cái tư tưởng thấp kém, kêu gọi cái thực nghiệm chật hẹp không công nhận bất cứ cái gì, không nhìn thấy, không rờ thấy. Bởi vì cứ muốn cho người ta bị thu hút vào những cái ngoại quán vật chất mà quên mất những điểm cao cả
của thế giới nội tâm, cũng tức là tỏ ra rằng không có lý trí. Đến đây, ta va chạm đến một điểm đau thương, mà điểm đó lại là trung tâm của những vấn đề lớn lao nhất của loài người. Thực vậy, chúng ta tranh đấu, để tiến tới một quan niệm về cuộc sống, chúng ta mò mẫm trong mịt mù, từng trải muôn nguy nghìn hiểm, không ngại gian khó đau thương để tìm kiếm quan niệm đó: thế rồi thì đến khi tìm được 22
những liên hệ của chân lý tinh thần thì ta thấy nó mỗi lúc mỗi làm ta phiền não. Ở giữa những rối ren to lớn, ở giữa sự hỗn độn nhất thời do những cơn khủng hoảng vĩ đại của tư tưởng gây ra, ta lại càng thấy khó giải quyết với một ít nguyên tắc đơn sơ. Tuy vậy, cũng như đối với mọi người ở khắp mọi thời đại, lúc cần thì khó khăn vẫn vượt được qua. Rút lại, chương trình của cuộc đời giản dị không tưởng tượng và cũng do thế
mà sự sống thành ra cấp bách và cần thiết. Chúng ta chưa có một quan niệm về sự sống thì đã phải sống rồi và không ai có thể đợi hiểu rõ đời
rồi mới sống. Bất cứ đâu, ta cũng đương đầu với “sự đã rồi” của các môn triết lý, của các lý luận, của các tôn giáo. Và chính “sự đã rồi” vĩ đại, bất khả cải chính đó đã nhắc ta quay về trật tự mỗi khi ta muốn quy cuộc đời vào trong khuôn lý luận của ta, hay mỗi khi ta muốn rằng ta chỉ hành động sau khi đã triết lý xong xuôi rồi. Đó chính là sự cần yếu may mắn đã làm cho cuộc đời không ngừng lại mỗi khi người ta nghi ngờ bước đường tiến của mình. Chúng ta là những khách bộ hành một ngày bị lôi cuốn vào trong một phong trào vĩ đại mà ta phải góp sức, nhưng đáng tiếc là chúng ta không được biết trước, không đo lường được toàn thể
phong trào, không thể tiên đoán được cứu cánh ra sao. Trách nhiệm của ta là hoàn thành chu đáo cái sứ mệnh làm tên lính giản dị, mà tư tưởng của ta phải thích hợp với trường hợp ấy. Đừng bao giờ nên bảo rằng thời đại chúng ta bây giờ khó khăn hơn thời đại cổ xưa của tổ tiên ta, bởi vì phàm cái gì trông xa thì trông không được minh xác. Vả chăng, cứ ngồi mà tiếc rằng mình không được sinh vào thời cụ kỵ của mình, thật không có gì lố lĩnh bằng. Duy có điều này xét ra còn hơi có lý một chút: từ khi có cuộc đời, người ta khó mà nhận xét cho thấu đáo. Ở đâu cũng thế, mà bao giờ cũng thế, tư tưởng cho chân xác cũng là việc khó khăn. Cổ nhân ta, về điểm đó, cũng chẳng có đặc ân gì hơn ta. Và cũng đứng về điểm đó mà suy ngẫm, người đời cũng chẳng khác nhau chút gì. Dù là tuân lệnh hay chỉ huy, dù là giảng dạy hay học tập, dù là cầm bút hay cầm bút, người ta ai cũng cần phải biết phân tách chân lý. Một đôi chút tia sáng, mà nhân loại vừa tiến bước vừa thâu lượm được, nhất định là hữu 23
ích vô cùng; nhưng cũng những tia sáng đó đã làm cho số lượng và phạm vi của các vấn đề to rộng mãi ra. Sự khó khăn không thể hủy diệt được, trí óc luôn gặp những điều cản trở. Ở khắp chung quanh, sự lạ lùng bỡ
ngỡ chi phối ta, bóp nghẹt ta.
Song le, người ta không cần uống hết cả nước suối mới đã khát thì cũng chẳng phải biết hết mọi điều mới sống được ở đời. Nhân loại vẫn sống và đã từng vẫn sống với một ít điều hiểu biết sơ đẳng.
Ta thử tìm xem những điều hiểu biết sơ đẳng đó là gì: trước hết, nhân loại sống vì lòng tin. Lòng tin này phản chiếu, trong phạm vi tư
tưởng có ý thức, cái căn đề tối đen của mọi vật trên đời. Phàm mọi sinh vật đều chứa đựng một lòng tin tưởng vô biên vào sự trường tồn của vũ
trụ, vào sự mở đóng tinh xảo khôn lường của máy huyền vi. Hoa cỏ, cây cối, điều thủ sống với một sự bình thản dũng mãnh, một sự êm ả hoàn toàn. Trong trận mưa rơi có lòng tin tưởng, bình minh hé sáng hay là nước suối chảy ra biển khơi cũng chan chứa lòng tin. Phàm vật gì đương
có cũng hình như nhắn bảo ta: “Tôi đã sinh ra, vậy tôi phải tồn tại; tình trạng đó có nhiều lý do chính đáng, người ơi! Xin chớ băn khoăn…”
Cũng vậy, người đời cũng sống vì lòng tin.
Cứ nguyên cái việc có người ở đời, thì người cũng đã có lý do để
sống ở đời rồi, cũng đã có bảo đảm chắc chắn rồi. Tư tưởng của ta, trước hết, phải cố gắng làm sao giữ gìn đức tin đó, đừng để cho nó bị cái gì lung lạc; hơn thế, phải vun xới nó, làm cho nó minh xác hơn và đặc biệt là của ta. Phàm cái gì làm tăng đức tin của ta lên đều tốt cả. Bởi vì chính do đó
mà phát sinh lòng cương quyết bình thản, những hành động vui tươi, lòng tha thiết yêu đời và cái thú làm việc có kết quả.
Đức tin căn bản là một cái lò xo bí mật đã làm cho các động lực trong lòng ta trỗi dậy mà hoạt động. Đức tin đó nuôi sống ta. Do nó, 24
người ta mới sống được, người ta sống vì nó có khi hơn là vì cơm gạo.
Cho nên phàm cái gì làm thương tổn đức tin đều có hại cả, đều là thuốc độc, đều không nuôi người.
Hệ thống tư tưởng nào đả phá ngay vào phần thực tế của cuộc đời, cho cuộc đời là xấu, hệ thống đó có hại, không tốt. Ở vào cái thế kỷ này, người ta đã nói xấu và đã nghĩ xấu về cuộc đời nhiều quá. Cứ tưới mãi vào gốc cây những chất ăn mòn vỏ cây đi thì cây phải chết, có gì là lạ?
Để chống lại với tất cả nền triết lý hư không đó, có một tư tưởng giản dị như sau: À, ông bảo rằng cuộc đời này xấu xa phải không? Được lắm. Nó xấu xa, thế thì ông có phương kế gì để làm cho đời tốt đẹp không?
Ông có cách gì chiến thắng nó và hủy bỏ nó không? Thưa ông, tôi không bảo rằng ông hủy bỏ đời ông đi, ông tự tử chết đi đâu, vì ông chết đi cũng chẳng ích lợi gì hơn cho ai; nhưng làm sao hủy bỏ cuộc đời đi, không phải chỉ hủy bỏ cuộc đời của nhân loại, mà hủy bỏ tất cả các căn bản tối tăm và thấp kém, hủy bỏ tất cả sức mạnh của sự sống vươn lên ánh sáng – mà theo ý ông thì ông cho là vươn lên bể khổ, bến mê. Ông làm thế nào hủy bỏ được cái ý chí ham sống bàng bạc trong vũ trụ, rút lại, hủy bỏ được nguồn gốc của cuộc đời? Ông có thể làm được vậy không? Không. Nếu thế thì để cho chúng tôi yên. Vì không ai có thể làm cho cuộc đời ngừng lại, tốt nhất ta nên tìm cách yêu lấy nó, sử dụng nó, có tốt hơn là thù hằn, ghét bỏ đời không? Biết rằng món ăn kia có hại cho sức khỏe thì đừng ăn. Và một khi có một lối tư tưởng nào làm giảm mất lòng tin tưởng, mất vui tươi và sức mạnh, ta phải bỏ ngay đi. Đó không những là một món ăn độc cho tinh thần, mà lại còn sai lạc là khác nữa. Đối với người đời, chỉ có những tư tưởng nhân loại là xác thực; yếm thế (ghét đời) là phản nhân loại. Vả
chăng, yếm thế không những đã không nhũn nhặn, lại còn tỏ ra không hợp lý là khác. Muốn tự cho phép được coi khinh cuộc đời vĩ đại, thì ít ra mình cũng phải được trông thấy căn đề của nó rồi, sống hết cuộc đời rồi. Thái độ cũng là kỳ quặc! Thực vậy, họ làm như thế là họ đã chính tay tạo ra được cuộc đời trong lúc 25
thiếu thời, đã tạo ra từ ngày xửa ngày xưa; nhưng họ đã quay lại và đó chính là một điều lầm.
Ta phải tẩm bổ bằng các món ăn khác, phải bổ dưỡng tinh thần bằng những tư tưởng lành mạnh. Đối với người đời, cái gì bổ dưỡng nhất tức là cái gì xác thực nhất.
***
Nhơn loại sống vì đức tin, nhưng cũng sống vì hy vọng. Hy vọng là một biến thể của đức tin, đức tin hướng về tương lai. Cuộc đời nào cũng là một kết quả và một hoài bão. Phàm cái gì đương có cũng phải có một điểm khởi đầu và nhắm vào một cái đích để tiến tơi. Sống tức là tiến tới, mà tiến tới là hy vọng. Tiến mãi tức là hy vọng không ngừng. Ở căn đề
của vạn vật, đều có hy vọng, và hy vọng cần phải phản chiếu vào trong lòng người ta. Không hy vọng, tức là không sống. Chính cái động lực làm cho ta sống ở đời đã thúc đẩy ta tiến mãi lên. Cái thiên tính bền bỉ
thúc đẩy ta tiến tới, có ý nghĩa gì? Ý nghĩa chính là sống ở đời thì phải để lại cái gì, phải tạo ra một cái gì tốt đẹp, vĩ đại hơn cả cuộc đời, mà cái tốt đẹp đó tiến từ từ tới cuộc đời. Người ta là một kẻ tung hạt giống ra trước gió; tung hạt giống ra thì cũng phải chờ ngày một ngày hai mới có lúa mạ mọc lên được, chứ không thể có lúa mạ ngay trong phút chốc.
Lịch sử nhân loại là lịch sử lòng hy vọng không hề suy suyển. Không thế
thì cõi đời này đã tàn từ lâu rồi. Muốn vác nặng mà đi, muốn lần bước được trong đêm tối, ngã mà muốn đứng dậy được, bị tàn phá mà muốn kiến thiết, muốn cho khỏi bị lôi cuốn vào cái chết, nhân loại cần phải luôn luôn hy vọng, và có khi cần hy vọng hão huyền. Đó là, cái lý tưởng nâng
đỡ người ta vậy. Nếu chúng ta chỉ sống về lý luận thì từ lâu chúng ta đã kết luận thế này: “Ở khắp mọi nơi chỉ có chết mới biết phải, trái” và chúng ta sẽ chết vì tư tưởng đó. Dẫu sao, chúng ta cũng hy vọng, và cũng do hy vọng mà ta sống, mà ta tin tưởng cuộc đời.
26
Suy-Sô (?), một vị đại chân tu, một người giản dị nhất trong những người giản dị, một người cao thượng nhất đời này, Suy-Sô có một tính tình đặc biệt làm ta cảm động: Mỗi khi ngài gặp một người đàn bà nào già nhất, nghèo nhất, thì ngài kính cẩn đứng nép sang một bên đường, dù là giẫm phải gai hay là giẫm vào bùn. Ngài bảo: “Tôi làm như thế để tỏ
lòng kính cẩn Nữ Thánh Đồng Trinh”. Đối với hy vọng, ta cũng tỏ lòng kính cẩn như vậy: khi nào ta gặp hy vọng, dù là dưới hình thức một hạt lúa nẩy mầm, một con chim ấp trứng nuôi con, một con vật bị thương bò dậy và rạch đi, một người nhà quê cày ruộng và gieo mạ trên một cánh đồng bị tàn phá vì nước lụt hay một quốc gia đang kiến thiết và hàn gắn những vết thương, dưới bất cứ một ngoại quan khiêm nhường và đau khổ
thế nào, ta cũng cứ kính cẩn chào đi!
Khi nào ta thấy hy vọng ở trong các truyền kỳ, cổ tích, trong các câu hát ngây thơ, trong các tín ngưỡng giản dị, ta lại chào nữa đi! Bởi vì đó vẫn là hy vọng – cô con gái bất tử, cô con gái bất diệt của Hỏa Công!
Chúng ta dám hy vọng ít ỏi quá. Người thời bây giờ mắc phải những tính nhút nhát lạ kỳ. Người ta sợ trời đổ. Cái sợ đổ trời, cái sợ ngu si đến cùng cực đó, do cha ông ta truyền lại, đã xâm nhập vào trong tim óc chúng ta. Hạt nước kia lại nghi sợ đại dương à? Làn ánh sáng kia lại nghi sợ mặt trời à? Ta sở dĩ hy vọng được là vì óc khôn ngoan thơ dại của ta. Đã đến lúc ta phải quay trở lại làm trẻ con, để lại tập khoanh hai tay lại, mở to mắt ra nhìn cái bí mật bao trùm quanh ta, để nhớ lấy rằng mặc dầu ta thông thái bậc nào ta cũng chỉ mới biết có chút đỉnh thôi, để
nhận chân rằng cuộc đời vĩ đại hơn khối óc ta nhiều lắm và như thế, thật là hạnh phúc, bởi vì nếu cuộc đời vĩ đại như thế, tất nhiên là nó phải chứa đựng nhiều kho tàng lạ lùng và người ta rất có thể tin nó mà không lo rằng tin như thế là hớ hênh, dại dột. Ta phải luyện lòng can đảm và nhen ngọn lửa thần của hy vọng luôn luôn. Mặt trời còn mọc, hoa còn
nở, đất còn xanh tươi cây cối, chim còn làm tổ nuôi con, người mẹ còn cười với con thơ thì ta là người, ta hãy can đảm sống ra người, còn
27
ngoại giả thì mặc cho Hoàng Thiên định đoạt. Phần tôi, tôi muốn gào thét cho những ai nản chí trong thời đại chán chường này: Hãy can đảm hơn lên, hãy hy vọng nữa đi, kẻ nào dám hy vọng nhiều nhất tức là kẻ ít
sợ bị lầm lẫn nhất. Lòng hy vọng ngây thơ nhất cũng còn gần sát với chân lý hơn là lòng thất vọng suy luận kỹ càng nhất.
***
Một nguồn ánh sáng khác trên đường tiến của nhân loại là lòng nhân. Tôi không tin rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện” rồi thì xã hội làm hư hỏng người ta đi. Tôi nghĩ khác. Nội tất cả hình thức của sự xấu xa, tôi ghê tởm nhất hình thức di truyền. Song le, tôi vẫn thường tự hỏi không biết làm sao, cho đến bây giờ, con trùng độc của những thiên tính đê hèn, của những tật xấu trong huyết quản ta, tất cả cái đống rác rưởi nô lệ mà quá khứ để lại cho ta lại không thể thắng nổi ta. Ý hẳn là có một cái gì khác đây. Cái khác đó, chính là lòng nhân vậy.
Sự mịt mùng, khó hiểu che mắt ta, bàng bạc trên đầu ta; trí óc ta chật hẹp; số phận mâu thuẫn và bí mật; rồi thì sự gian dối, thù hằn, thối nát, đau khổ, chết chóc, đầy dẫy cả ra… thế thì phải nghĩ sao? Hành động thế nào cho phải? Để trả lời tất cả những câu hỏi đó, một tiếng nói to lớn và bí mật đáp ta. Hãy ăn ở cho nhân từ. Lòng nhân cần phải thiêng liêng như đức tin, như hy vọng, bởi vì lòng nhân không chết được, trong khi bao nhiêu động lực khác, trái lại, lại bị hủy đi. Lòng nhân phải đương đầu với lòng nham hiểm, độc ác thiên nhiên của con vật ngự trong lòng người ta; lòng nhân phải đương đầu với mưu mô xảo trá, với võ lực, và nhất là với lòng bạc ác thất nhân. Tại sao giữa những quân thù gớm ghiếc đó, lòng nhân lại đi qua một cách cao cả, không nhơ bợn, như một vị chân tu trong truyện thần kỳ giữa đàn thú dữ kêu hô gào thét?
Đó là vì kẻ thù của lòng nhân từ là những thứ ở hạ tầng mà lòng nhân là một thứ ở thượng tầng. Những cái sừng, những nanh vuốt, những con mắt
sáng ngời ngọn lửa căm thù giết chóc, làm gì được đôi cánh bay 28
vút lên cao để tránh giống sài lang? Lòng nhân từ cũng tránh những ác mưu của kẻ thù như vậy. Hơn thế, lòng nhân có khi còn toàn thắng chúng một cách vẻ vang: đã cải thiện được sài lang, làm cho chúng phải khuất phục, chúi xuống nằm ở dưới chân và nhất nhất tuân theo mệnh lệnh.
Ở ngay trung tâm Cơ Đốc giáo, giáo lý cao siêu nhất và nhân đạo nhất, đối với những người chịu tìm hiểu sâu xa, chính là giáo lý này: Muốn cứu vớt nhân loại ra khỏi chỗ lầm than, Thượng Đế vô hình đã hiện thành người xuống ở với chúng ta và cho người ta được biết Người do tấm lòng nhân đức.
Lòng nhân hàn gắn những vết thương tinh thần của ta, an ủi ta và tiết ánh sáng ra ở chung quanh. Lòng nhân làm cho tất cả đều sáng sủa và giản dị. Nhiệm vụ của nó thực là giản dị: hàn gắn những vết thương, lau sạch những giọt lệ, an ủi những tâm hồn tê tái, tha thứ và điều giải, đoàn kết lại. Chúng ta cần đến lòng nhân rất nhiều. Chúng ta đi tìm phương pháp làm cho tư tưởng bao quát, giản dị, phù hợp với sứ mệnh loài người; chúng ta có thể tóm tắt phương pháp đó vào mấy câu này:
“Hãy tin tưởng, hy vọng mà ăn ở nhân đức”.
Tôi không có ý muốn làm nản lòng những người nuôi những lý thuyết cao siêu, mà cũng chẳng muốn ép uổng ai phải cúi xuống những vấn đề thuộc về vô hình hay những vực thẳm mênh mông của triết học hay khoa học. Dù sao, lặn lội trong bể học, người ta cũng cần phải quay về cái địa điểm chúng ta đương sống, cái chỗ chúng ta đương tiến mà không có kết quả gì cụ thể. Đời thường có những trường hợp và những phức tạp mà nhà bác học, nhà tư tưởng hay người ngu si dốt nát không xét thấu đáo, không hiểu gì hơn nhau. Thời đại hiện nay thường đặt chúng ta trước những trường hợp như thế và tôi có thể cam đoan với những ai ưng theo phương pháp của chúng tôi, cứ theo như thế, chẳng mấy lúc sẽ nhận thấy đó là phương pháp tốt.
***
29
Nói dài dòng mãi, chúng ta đã đi sát vào lãnh vực tôn giáo tổng quát. Có người sẽ hỏi tôi, với những câu giản dị, tôn giáo nào là tôn giáo hay nhất, và tôi xin giải thích về vấn đề đó ở đây.
Song le, có lẽ ta chẳng nên đặt câu hỏi như người ta vẫn thường hỏi “Tôn giáo nào là tôn giáo hay nhất” làm gì.
Chắc chắn là tôn giáo nào cũng có ít nhiều tính cách giản minh và những ưu điểm hoặc khuyết điểm cố hủ của từng tôn giao. Ta có thể đem so sánh các tôn giáo với nhau; nhưng so sánh như thế, thế nào cũng có sự
thiên vị vô tình. Ta phải hỏi một cách hác hỏi thế này: Tôn giáo của tôi có hay không, mà hay vì lẽ gì? Hỏi thế, xin đáp thế này: Tôn giáo của ông hay lắm, nếu nó tôn giáo của ông hoạt động và tiến bộ, nếu nuôi ở
trong lòng ông ý niệm của cuộc sống giá trị vô biên; nếu nó nuôi ở trong lòng ông đức tin, hy vọng và lòng nhân; nếu nó hòa nhịp với phần cao quý nhất ở trong ông để tranh đấu với phần bỉ ổi và tỏ cho ông luôn luôn thấy rõ phải cố gắng trở nên một người mới; nếu nó cho ông thấy rằng sự
đau khổ giải thoát và nâng cao người ta lên; nếu nó làm cho ông giàu lòng tha thứ, sung sướng mà không kiêu ngạo, yêu bổn phận như yêu mình; nếu nó làm cho ông nhận thấy thế giới bên kia đỡ tối đen thăm thẳm.
Nếu tôn giáo của ông đem lại được cho ông những điều đó, ấy tức là tôn giáo của ông hay, bất luận nó là cơ đốc, tin lành, phật giáo hay khổng giáo. Tôn giáo đó, dù thô sơ đến mực nào, mà vẹn toàn được những tính cách nói trên kia thì cũng là tôn giáo chánh, có một nguồn gốc thật (chứ không phải tà) và tôn giáo đó sẽ buộc ông vào với Người, với Trời.
Trái lại, nếu bất thần tôn giáo của ông lại làm cho ông tưởng mình cao quý hơn kẻ khác, làm cho ông cãi bướng trên căn bản, làm cho ông nhăn mặt
cau mày, làm cho ông uy hiếp linh hồn kẻ khác hay làm cho linh hồn ông nô lệ, làm cho ông mê tín dị đoan, làm cho ông phải thờ
cúng theo thời hay trục lợi, làm cho ông ăn ở nhân đức để mà hòng gỡ
30
gạc về sau, thưa ông, tôn giáo đó dù bất cứ ông Thần, ông Thánh nào nghĩ ra, cũng là đồ bỏ vì nó không giá trị gì, vì nó đã ngăn cách ta với Người, với Trời.
31
CHƯƠNG IV
LỜI NÓI GIẢN DỊ
Lời nói để biểu hiện ý nghĩ, ta tưởng làm sao thì lời nói làm vậy.
Muốn cải tạo lại cuộc đời theo nếp giản dị thì phải cẩn thận trong lời nói và ngòi bút. Lời nói phải giản dị như tư tưởng, phải chân thật và chắc chắn: Tư tưởng cho đúng đắng, nói ra cho thực thà.
Căn bản của những giao tiếp xã hội là sự tin nhau, mà trong sự tin lẫn nhau đó, mỗi người phải thực thà với nhau. Thiếu sự thực thà, lòng tin sẽ giảm đi, sự giao tiếp bị thương tổn, không có sự an toàn nữa. Điều đó không những đúng trong địa hạt những quyền lợi vật chất mà cả về
mặt tinh thần nữa. Đối với những người luôn luôn phải giữ gìn, dè dặt, ta buôn bán làm ăn cũng khó khăn như thể đi tìm chân lý khoa học, theo đuổi một sự hiểu biết về tôn giáo hay thực hiện công lý vậy.
Cuộc đời sẽ phiền toái vô cùng nếu, gặp ai, ta cũng phải kiểm soát ngay lời nói và ý định của người ta và khởi đầu bằng nguyên tắc coi cái gì viết ra, hay nói ra là có mục đích phụng sự huyễn mộng chứ không phụng sự thực tế. Đó là trường hợp của chúng ta. Đời đầy dẫy những kẻ
lực lưỡng (?), những vị ngoại giao chỉ tìm cách “ăn người” và chỉ chú tâm lừa lọc lẫn nhau. Vì thế, ta thấy khó khăn vô cùng mỗi khi ta muốn tìm biết những điều giản dị nhất mà lại quan trọng nhất đối với ta.
Ngày xưa, người ta muốn giao tiếp với nhau, thường dùng những phương tiện eo hẹp. Ai chẳng nghĩ rằng một khi những phương tiện thông tin được cải thiện và gia tăng thì đời sẽ sáng sủa hơn lên. Các dân tộc sẽ tìm cách yêu thương nhau vì hiểu biết lẫn nhau hơn, đồn bào trong một nước sẽ cố kết với nhau vì một mối tình thân ái chặt chẽ. Đến khi người ta chế ra được máy in, thiên hạ hò reo sung sướng, và càng sung 32
sướng hơn nữa là lúc người ta quảng bá được khắp nơi cái thú đọc sách và đọc báo. Người ta suy luận thế này: Hai làn ánh sáng bao giờ cũng chiếu sáng hơn là một làn, nhiều làn ánh sáng bao giờ cũng tốt hơn hai làn; vậy thì càng có nhiều sách báo, người ta càng hiểu biết rõ ràng hơn những việc xảy ra ở chung quanh và những nhà chép sử sau này sẽ sung sướng vì có nhiều tài liệu trong tay. Thực tình, trông bề ngoài, không còn gì đúng hơn. Than ôi, người ta đã đặt sự suy luận đó trên căn bản tính cách và hiệu nghiệm của khí cụ mà người ta quên hẳn yếu tố “người” –
mà yếu tố này bao giờ cũng quan trọng nhất. Thực ra, có bao nhiêu người bịa đặt, vu oan giá họa, bao nhiêu người bẻm mép, nói khéo và viết giỏi, đã lợi dụng triệt để tất cả các phương tiện đó để lấy lợi riêng cho họ? Trong khi có vài ba tờ báo chủ tâm cải thiện những mối giao thiệp quốc tế, mưu sự hiểu biết giữa các nước láng giềng và thực tâm tìm một giải pháp tương thân tương ái, thì bao nhiêu tờ báo khác đã gieo sự
hàm nghi, chia rẻ và vu cáo? Biết bao nhiêu luồng dư luận nhớp nhúa và xuyên tạc đã gây hoang mang trong dân chúng? Ta không hiểu công việc nội bộ hơn gì việc nước ngoài. Vì khó kiếm ra được một tin tức vô tư, ta không được biết về thực trạng của kinh tế, kỹ nghệ, canh nông, đảng phái
chính trị, chính sách quốc gia, các nhân vật trong chính quyền. Càng đọc báo, lại càng mù mịt. Có hôm đọc báo xong, người đọc giả - ta cứ
cho rằng họ in các báo đi – người đọc giả đã phát kết luận như sau: Nhất định là ở đâu cũng chỉ có toàn những người thối nát, duy có mấy ông ký giả là công minh liêm chính. Nhưng chẳng mấy lúc, người đọc cũng lại nghi ngờ nốt cả các ông ký giả. Thực thế, các ông ký giả, rồi sau cũng lại tố cáo nhau, đào bới nhau, ăn thịt lẫn nhau. Lúc đó, người đọc báo sẽ
thấy diễn ra ở trước mắt một cảnh tượng tương tự như bức hoạt họa vẽ
một đàn rắn đánh nhau. Sau khi đã giết hết đồng loại rồi, hai con rắn cuối cùng quay sang cắn giết lẫn nhau. Rút cục trên chiến địa chỉ còn 2 cái đuôi rắn mà thôi.
33
Không phải chỉ có dân chúng mới bị lạc lõng, bỡ ngỡ như thế; ngay những người có học thức cũng vậy. Nghĩa là toàn dân hầu hết như thế cả.
Phàm bất cứ địa hạt nào: chánh trị, kinh tế, thương mại, cả khoa học, mỹ
thuật, văn nghệ và tôn giáo nữa, cũng đầy dẫy những mặt trái, những ngón bịp bợm, những cạm bẫy chờ ta… Rút lại, ai cũng bị lừa cả; chính những người đi bịp rất tài lại bị người ta bịp lại, mỗi khi người ta cần đến một chút lòng thành thực của những người chung quanh.
Nói và viết bịp bợm, lừa lọc, giả dối như thế tức là làm cho ngôn luận xấu xí, bỉ ổi đi. Trước nhất, nó bị khinh, coi thường ngay chính với những người sử dụng nó như một khí cụ thấp hèn. Đối với những người cãi vã, sinh sự, đối với những người lý sự cùn, những người ngụy biện, không bao giờ lời nói được tôn trọng cả; họ chỉ cuồng lên để lấy lẽ phải về phần họ hoặc tự cao tự đại cho rằng chỉ có quyền lợi của họ là đáng tôn trọng mà thôi. Họ xét nét người khác theo cái định lệ mà chính họ
vẫn theo: Chỉ nói những điều gì có lợi; chứ không nói điều gì thành thực.
Họ chẳng còn coi trọng ai hết. Âu cũng là cái tình trạng tinh thần rất đáng buồn cho những kẻ làm nghề nói, viết và giảng dạy. Bụng dạ như
thế mà viết văn và diễn thuyết, thực là khinh miệt đọc giả và thính giả.
Đối với những người còn một chút thành thật trong lòng, không còn gì tởm hơn là lời nói dụng tâm lừa bịp những người lương thiện đầy một đức tin. Một bên là sự cởi mở ruột gan, lòng thành thực, và tính ham hiểu ham biết, mà một bên là tính đê hèn, bần tiện, coi quần chúng chẳng ra gì. Nhưng tên bịp bợm có biết đâu rằng chính hắn lại bị bịp nặng. Cái vốn của người làm nghề bút thiệt là sự tín nhiệm; được dân tín nhiệm, không có gì quý báu bằng; nếu quần chúng thấy bị lừa, không tin nữa thì không có cách gì cứu vãn được. Rồi thì lòng yêu thương sẽ đổi ra lòng thù ghét; những cái cửa trước mở rộng ra để tiếp đón niềm nở bây giờ
khép lại, mà những cái tai trước kia vẫn lắng nghe, bây giờ bịt lại không buồn lưu ý. Chao ôi, người ta không nghe những điều xấu đã đành; bây giờ, vì có nói điều phải, cũng chẳng ai buồn nghe nữa. Đó chính là tội ác 34
của những kẻ đã bóp chết ngôn luận, đã làm cho ngôn luận xấu xa, đê hèn. Họ đã làm thương tổn sự tin cẩn lẫn nhau. Mà người đời đã đến khi mà không tin nhau nữa thì thật là đại họa. Thiếu sự tin cẩn, ngôn luận chỉ
còn là một thứ bạc giả, ai tiêu! Người ta trị tội những kẻ làm bạc giả thế nào thì cũng cần trị tội những kẻ “làm bạc giả bằng ngôn luận” như thế vì họ đã làm cho thiên hạ không ai tin ai nữa, không ai tin gì nữa.
Xem vậy, ta thấy mỗi người chúng ta phải tự kiểm điểm lòng mình, giữ gìn hết sức lời nói, nghiêm khắc với ngòi bút của mình và luôn luôn vươn mình lên tìm sự giản dị. Đừng có luẩn quẩn, đừng có úp mở, đừng có dùng những lời lẽ nhiêu khê, cầu kỳ. Hãy sống cho ra người, nói cho ra nói. Một tiếng đồng hồ thành thực có khi còn ích lợi cho đời hơn là sống hàng năm bịp bợm, điêu ngoa, giả dối.
***
Bây giờ ta nói đến một tật nữa: cái tật nói nhiều nhưng mà rỗng, văn hoa bay bướm mà chính ra lại không có ý nghĩa gì. Đã đành là chúng ta chẳng nên trách những người ưa thích một lời nói trang nhã hay thích đọc một cuốn sách viết trịnh trọng. Người ta khó mà nói ra được toàn mỹ
những lời người ta nói. Nhưng không phải vì thế mà những điều nói ra hay nhất, viết ra hay nhất cứ phải là những điều cầu kỳ đâu. Lời nói phải phù hợp với việc làm, chứ không thế lấy lời nói để thay thế cho việc làm hay lấy lời nói để mà không tỏ bầy một cái gì cả. Những việc lớn lao ở
đời vẫn là những việc nói ra một cách giản dị thì có lợi hơn, bởi vì nói ra một cách giản dị thì những việc đó không bị méo mó, suy suyển: ta chẳng cần phải bao phủ một tấm màn mỏng, mà cũng không cần phải dùng lời lẽ
hoa mỹ hão huyền, hay những danh từ kêu vang vang mà người ta gọi là “đao to búa lớn”. Không có gì mạnh mẽ và hấp dẫn người ta như tính giản dị. Có những cảm giác thiêng liêng, những đau thương ghê gớm, những tấm lòng hỉ xả cao thượng, những tình thương yêu mặn nồng mà chỉ một cái nhìn, một cử chỉ, một tiếng kêu còn diễn tả hoàn 35
toàn hơn những câu văn cẩm tú hay cầu kỳ nhất. Phàm cái gì cao quý nhất trong lòng người ta thường biểu hiện một cách vô cùng giản dị.
Muốn cho người ta tin, phải thực, và có nhiều sự thực do những cái miệng giản dị, dù là tàn tật đi nữa, nói ra vẫn dễ hiểu hơn là do những cái miệng điêu luyện nói khóe hay là thét vang lên. Những định luật đó, ai đem áp dụng vào cuộc sống hàng ngày đều thấy tốt đẹp. Nói năng thành thực; ít lời ít điều, diễn tả tình cảm một cách giản dị; giản dị cả trong những tin tưởng của mình, ở nơi công cộng cũng như mình đối với riêng mình; không bao giờ quá trớn, diễn tả thật đúng những ý tưởng và cảm giác ở trong lòng mình và nhất là lúc nào cũng nhớ ta là ta: cái nguyên tắc đó, nếu được đem áp dụng triệt để, thì có lợi cho đời sống của ta vô cùng.
Những lời nói đẹp cũng giống như những đầy tớ nhà sang. Đó là những người hầu danh giá, tiếng là còn giữ chức này chức nọ, nhưng không còn làm nhiệm vụ nữa rồi. Anh nói rõ ràng, mạch lạc; anh viết hay: thế là đủ rồi, quý rồi.
Có biết bao nhiêu người ở đời này chỉ nói và tưởng rằng nói thế thì khỏi phải làm? Mà cũng có biết bao nhiêu người cho là cứ nghe như thế
cũng đủ rồi? Nếu như thế thì có khi cuộc đời chỉ rút lại vẻn vẹn có mấy bài diễn văn nói giỏi, mấy cuốn sách hay hoặc mấy vở kịch hát viết khéo.
Người ta không buồn nghĩ đến cách đem thực hiện những điều tốt đẹp giải bày trong những bài diễn văn, sách báo hay kịch hát đó. Bây giờ ta thử rời bỏ địa hạt của những bậc tài cao để cúi xuống địa hạt của những người kém cỏi xem sao. Trong địa hạt sau này, chúng ta thấy lộn xộn, chen chúc trong bóng tối, những người nghĩ rằng họ là những người ở
trên mặt đất để nói và để nghe người ta nói. Chúng ta thấy sôi nổi, ầm ĩ
một bọn người béo nói, nói nhải nhải, nói sốt ruột, nói suốt ngày đêm, mà vẫn cho là mình nói hãy còn ít quá. Những người này quên mất rằng kẻ nào ít làm ầm ỹ thường là những người hành động nhiều. Một cái máy đem hết cả sức hơi nước ra để kéo còi còn sức đâu mà chạy được mau.
Hãy tập nói ít, hãy tập im lặng. Ít nói thì sức mạnh sẽ tăng gia.
36
Tất cả những ý nghĩ trên kia dẫn ta đến một vấn đề khác cũng đáng lưu ý. Tôi muốn nói tới cái tật nói lớn. Xét về dân chúng trong một vùng, người ta nhận thấy rằng tính tình dân hạt này khác tính tình dân hạt kia, mà sự khác nhau đó biểu thị ngay từ trong ngôn ngữ. Ở hạt này, dân bình tĩnh và trầm lặng, họ dùng những chữ nhũn nhặn, những danh từ nhỏ bé.
Ở chỗ kia, tính tình điều hòa: dân dùng những câu, những chữ đúng đắn, vừa vặn, không to lớn quá mà cũng không nhũn quá. Nhưng quá ra hạt kia một chút, vì ảnh hưởng của đất cát, của khí hậu, mà có lẽ của rượu nữa, người ta có một thứ máu nóng hơn trong huyết quản, thành thử
ngôn ngữ có vẻ quá độ: những danh từ thích dùng cho to, nói những điều rất thường mà cũng phải cho kêu vang mới được.
Ngôn ngữ thay đổi theo khí hậu mà lại còn thay đổi theo thời đại nữa. Ta cứ so sánh văn tự hay là lời nói của thời này với một thời đại nào đó trong lịch sử thì thấy rõ ngay. Chúng ta bây giờ không nói năng như
những người năm 1830 hay 1840. Thực vậy, ngôn ngữ hiện bây giờ có một hình thái giản dị hơn trước; chúng ta không mặc áo giáp; lúc viết, ta không phải trèo lên núi mới viết văn được; nhưng có một điểm làm cho ta khác hẳn với các cụ ngày xưa: đó là tính sôi nổi, nguồn gốc của những sự quá độ trong lời nói. Đối với những người bẳn tính, lời nói không gây được ấn tượng như đối với người thường. Và trái lại, người sôi nổi, lời nói thường không đủ tả cảm giác của người sôi nổi. Trong cuộc sống bình thường, trong cuộc sống công cộng, trong văn nghệ và kịch giới, những câu “đao to búa lớn” đã thay thế cho thứ ngôn ngữ bình thản và giản đơn. Những phương tiện mà các ký giả, văn gia, kịch sĩ của chúng ta thường dùng để nhồi sọ dân chúng, để cho dân chúng phải lưu ý, người ta lại còn thấy cả ở trong những câu chuyện tầm thường, trong văn thư và nhất là trong bút chiến. Với người trầm lặng và bình tĩnh, cách thức ăn nói của ta bây giờ cũng giống như chữ viết của ta đem so với chữ
viết của người xưa. Người ta kết tội ngòi bút sắt.
- Ngày xưa, người ta viết bằng lông ngỗng, thành thử chữ viết rõ ràng.
37
Nhưng sự kém sút có phải tự ngòi bút đâu. Sự kém sút ở trong lòng ta, nó có một nguyên nhân sâu xa hơn nhiều. Chữ chúng ta viết bây giờ
là chữ viết của những người bối rối, băn khoăn, như thể bị ma đuổi vậy.
Chữ của các cụ ta viết ngày trước minh bạch, dõng dạc. Đó là vì chúng ta đã là nạn nhân của cuộc đời mới vô cùng phiền toái, nó làm cho ta phí phạm nhiều năng lực quá, nó làm cho chúng ta thắc mắc mệt mỏi, lúc nào cũng hồi hộp, cuống cuồng. Thành thử ra ngôn ngữ, cũng như văn tự
của ta, cũng bị ảnh hưởng và phản ta. Do đó, ta trở lên tìm nguồn gốc và nên tìm hiểu lời báo hiệu đó biểu dương cái gì. Ăn to nói lớn, ngôn ngữ
quá ư mực bình thường, thử hỏi có lợi gì không? Ngôn ngữ mà quá độc lạ không thể diễn tả chân thành cảm giác của chúng ta, chúng ta sẽ vì những chữ lớn đó mà làm sai lạc cả tinh thần của ta và những người xung quanh
ta. Đối với những người ăn nói tráng khoát, một tấc đến trời, người ta còn hiểu lẫn nhau sao được? Kết cục thế này: không những đã không hiểu nhau, người ta lại còn thấy nẩy nở ra trong xã hội những thói xấu đáng buồn: như tâm tính cáu bẳn, những cuộc cãi vã rầm rộ, vô ích, những lời xét đoán nông nổi, không có mực thước và những quá độ đáng tiếc trong nền giáo dục và các mối giao thiệp xã hội.
***
Để kết luận về mục “Lời nói giản dị” này, tôi ước mong mấy điều. Mấy điều này thực hiện được thì ảnh hưởng không phải là không tốt.
Tôi mong rằng văn nghệ sẽ giản dị. Văn nghệ giản dị không những để làm một phương thuốc thần hiệu nhất cho những linh hồn chán chường, mệt nhọc và đau ốm và những điều quá độ, mà còn để làm một bảo đảm và một nguồn liên hiệp quốc gia.
Tôi lại mong có một nền mỹ thuật giản dị. Hiện nay, văn nghệ và mỹ thuật của ta chỉ dành riêng cho một số người được ưu đãi về học vấn và tiền nong. Song le, tôi xin mọi người chú ý: tôi không có ý yêu cầu các thi sĩ, tiểu thuyết gia, họa sĩ phải rơi từ trên cao xuống tận dưới thấp 38
để hòa mình vào với ti tiểu: mà trái lại, tôi lại muốn họ vượt lên cao nữa.
Phàm cái gì bình dân thì không phải chỉ phù hợp với một giai cấp nào đó trong xã hội mà ta vẫn quen gọi là giai cấp bình dân; phàm cái gì bình dân phải là của chung mọi giai cấp và liên hiệp mọi người lại với nhau.
Những nguồn phát sinh ra cái hứng để tạo ra một nghệ thuật giản dị
bắt nguồn từ đáy tim của con người, từ những chân lý bất diệt của cuộc đời; mà trước những chân lý đó, mọi người đều bình đẳng. Những nguồn gốc ngôn ngữ bình dân phải tìm ở đâu? Ở một số những hình thức giản dị nhưng mà mạnh, diễn tả tình cảm thông thường và những nét chính của kiếp người. Đó là chân lý, sức mạnh, sự cao cả và trường cửu vậy.
Thiết tưởng, một cái lý như vậy cũng đủ làm cho anh em trẻ tuổi yêu chuộng cái đẹp phải say sưa và cúi xuống những người nghèo khó về vật chất và tinh thần hơn một chút.
Phần tôi, từ cái đám quần chúng mà tôi vẫn sống chung tối thấy cần phải kêu gào lên với những người có tài năng và bảo họ: Các ông, hãy làm việc cho những người bị bỏ quên. Hãy làm cho những người bình dân khiêm nhượng kia hiểu các ông! Được như thế, ấy tức là các ông làm một công cuộc giải phóng và phục vụ hòa bình; các ông lại mở
cửa các nguồn xưa mà các bậc nghệ sĩ thầy đã từng khai thác và mang lại cho ta những sáng tác ngàn năm bất hủ.
Những sáng tác đó, bất hủ bởi vì các bậc nghệ sĩ thầy đó đã cố làm cho thiên tài của họ giản đơn.
39
CHƯƠNG V
SỐ PHẬN GIẢN DỊ
Bảo trẻ nhỏ một điều gì mà không làm cho chúng vừa lòng, ta thường thấy chúng giơ tay lên mái nhà chỉ một con chim bồ câu nào đó đương mớm cho con, hay chỉ cho ta thấy ở dưới đường một người đánh xe nào đó đương đánh đập con bò, con ngựa. Có khi chúng lại còn ranh mãnh hỏi ta những điều dỡ làm cho bực bội. Chúng làm thế có mục đích gì? Chỉ là để cho người lớn quên mất cái vấn đề muốn đem ra bảo chúng.
Tôi nghĩ rằng chúng ta, đứng trước bổn phận, chẳng qua cũng như lũ trẻ
con nọ mà thôi; phàm có việc gì thuộc về bổn phận làm người, ta thường tìm mưu này, chước nọ để cho ta quên lãng bổn phận đi.
Mưu chước thứ nhất, ta tự hỏi có quả thực là có một bộn phận nói chung không, hay đó chỉ là để che đậy một hay nhiều huyễn mộng của các cụ nhà ta. Bởi vì nói đến bổn phận tức là mặc nhiên nói đến tự do, mà vấn đề tự do thì vô hình chung đã đưa ta đến lãnh vực vô hình học.
Làm thế nào mà nói tới bổn phận nếu vấn đề trọng yếu tự do chưa được giải quyết? Về lý luận, không có gì đáng phản đối cả. Mà nối cuộc đời là một lý thuyết, nếu chúng ta sinh ra là để xây dựng một hệ thống hoàn toàn của vũ trụ, thì để ý tới bổn phận trước khi giải thích về tự do, quy định giới hạn và điều kiện của tự do, tức làm một việc ngu muội vậy.
Nhưng cuộc đời có phải đâu là một lý thuyết? Trên cái điểm lý luận thực tế đó, cũng như các điểm khác, cuộc đời đã bỏ xa lý thuyết và không bao giờ cuộc đời lại là một lý thuyết. Tự do tương đối – mà ở đời này cái gì không tương đối? – Bổn phận mà người ta vẫn thường tự hỏi có hay không, chẳng vì thế mà không là căn bản của những sự suy ngẫm 40
của ta về chính ta và những người quanh ta. Chúng ta đổ trách nhiệm lẫn cho nhau về những hành động và cử chỉ của ta.
Nhà lý thuyết hăng hái nhất, một khi rời bỏ địa hạt lý thuyết của mình, không ngần ngại khen lao hay chê trách hành động của người khác, tìm các cách để mưu hại kẻ thù, cầu cạnh lòng quảng đại và chút công lý của những người mà y muốn dụ dỗ làm điều bất chính. Ta không thể phủ nhận mối quan hệ của luân lý đối với ta, cũng như ta không thể
phủ nhận được mối quan hệ về không gian và thời gian. Cũng như ta bắt buộc phải đi, trước khi ta quan niệm được cái không gian mà chúng ta phải vượt qua và cái thời gian chỉ định những cử chỉ của ta, chúng ta tự
phải bó buộc vào khuôn khổ luân lý, dù mình chưa biết gốc rễ luân lý đó thế nào. Định luật luân lý chế ngự người đời, dù là người đời tôn trọng nó hay ngăn cản nó. Cứ nhìn cuộc đời hàng ngày thì rõ: bất cứ ai cũng muốn mạ lỵ, khinh bỉ kẻ nào không làm một bổn phận rõ ràng, dù là người bị mạ lỵ viện cớ rằng y chưa tìm được chân lý trong triết lý. Thì người ta bảo thế này, và xét ra phải lắm: “Thưa ông, người ta phải sống ra người đã; trước hết, ông là người thì ông phải trả nợ hình hài, ông hãy làm tròn bổn phận một người công dân, một người cha, một người chồng, một người con đi đã, rồi xin ông hãy triết lý và tư tưởng…”
Xin các bạn đọc hiểu tôi. Tôi không hề có ý muốn xui người ta đừng khảo cứu, triết lý hay đừng tẩn mẩn tìm tòi những căn bản của luân lý. Không bao giờ những công cuộc hệ trọng đó lại có thể vô ích được.
Tôi chỉ trách nhà tư tưởng cứ chờ đợi tìm ra được căn bản luân lý và triết lý mới hành động ra người, mới ăn ở lương thiện hay không lương thiện, mới can đảm hay mới hèn nhát.
Ta là người, thì trước mọi lý thuyết tiêu cực hay tích cực về bổn phận, ta có bổn phận sắt đá phải sống ra con người. Không thể nào làm khác thế.
41
Song le, chúng ta tìm được trăm ngàn cách để trốn tránh bổn phận.
Vì thế, chúng ta thu hình ở đằng sau bổn phận mù mịt, bổn phận khó khăn, bổn phận tương phản. Đó là những tương phản. Đó là những danh từ khêu gợi ta những kỷ niệm buồn thương. Là một người của bổn phận mà nghi ngờ con đường mình đi, sờ soạng trong đêm tối, băn khoăn giữa những đỏi hỏi tương phản của những bổn phận khác nhau, hay là đứng trước bổn phận cao cả quá, nặng nề quá, trên hẳn sức của chúng ta, hỏi còn có gì vất vả hơn?
Ấy thế mà những việc đó vẫn thường xảy ra. Chúng ta không muốn giấu giếm, mà cũng chẳng phủ nhận, rằng việc đời thường có lắm chuyện đau thương và kiếp sống làm cho lòng người tan nát. Dẫu sao, trong những trường hợp gay go như thế, ít khi bổn phận đã biểu lộ được ra và cũng ít khi bổn phận cứ phải hiện ra như tia chớp trong đêm dông tố. Những sự chấn động kinh khủng đó ít khi xảy ra. Nếu có xảy ra, mà ta chống đỡ được, chịu đựng được thì là điều rất hay; nhưng nếu có thua cuộc mà thất bại thì cũng không hề gì. Nếu ở đời không ai lấy làm lạ sao những cây đa, cây đề lại bị bật gốc trong cơn bão táp, hay một khách bộ
hành lại té ngã trong đêm tối trên một con đường lạ, hay một quân nhân bị bại vì đã lâm vào vòng vây của một số địch nhiều hơn và lắm vũ khí hơn, thì cũng không ai lại nỡ kết tội những người đã bị bại trận, trong những cuộc chiến đấu tinh thần gần như siêu phàm. Bị thua trận như thế, không bao giờ nhục cả.
Nhưng ở đây, ta không nói về thứ bổn phận đó, ta chỉ nói về bổn phận giản dị, bổn phận dễ dàng.
***
Một năm có nhiều ngày bình thường, duy chỉ có dăm bảy ngày lễ
lớn. Cũng vậy, ở đời cũng chỉ có một ít cuộc chiến đấu thật lớn lao và thật phải chiến đấu trong bóng tối mà thôi. Ngoài ra, ở bên cạnh những cái đó, có biết bao nhiêu là bổn phận bình thường, minh bạch. Thực ra, 42
trong nhiều trường hợp lớn lao, ta vẫn thường cầm cự tàm tạm được; chính ta lại bị sút kém trong những trường hợp tầm thường. Có thể nói rằng: điều chính yếu của người ta là làm tròn bổn phận tầm thường, giản dị, là tự hòa mình vào với cái công lý tầm thường giản dị.
Thường, những người mất nhân phẩm, bán linh hồn, có phải vì không tiến được tới bổn phận khó khăn đâu, mà là vì họ đã lơ là, không làm tròn bổn phận tầm thường, giản dị.
Thử tìm vài thí dụ. Người kia thử dấn mình vào đáy từng xã hội chung sống với người nghèo và thấy rằng, trong tầng lớp xã hội đó, đầy dẫy những đau thương tinh thần và vật chất. Càng nhận xét kỹ, càng thấy nhiều ung nhọt nhơ bẩn. Sau, y nhận ra rằng xã hội của người nghèo khó là cả một cái vực sâu thẳm, tối đen, mà một người, với những phương tiện sẵn có trong tay, không thể làm gì được. Đã đành là y muốn cứu giúp những người bất hạnh kia, nhưng đồng thời y tự hỏi: “Sự khổ não thì nhiều, mà sức mình chỉ có một ly, hỏi cứu giúp làm sao cho xuể?
Mà không xuể thì cứu giúp làm gì?” Trường hợp như thế, quả thực là khó khăn mà đau khổ. Có người giải quyết trường hợp đó bằng cách không làm gì cả: họ thất vọng. Họ không hành động gì hết – mà phải nói rằng lòng thương người của họ, thiện chí của họ không thiếu, có khi thừa là khác. Những người xử sự như thế rất lầm. Thường, một người không có phương tiện để làm phúc cho nhiều người khác, nhưng không phải vì thế mà không cứu giúp lấy một vài người. Có nhiều người không làm thế, bởi vì họ cho rằng cứu giúp như thế không ích gì. Những người đó cần phải cảnh giác để trở về với bổn phận giản dị. Bổn phận đó thế này: mỗi người, tùy theo của cải, thời giờ, và khả năng của mình phải săn sóc, yêu thương và an ủi lấy một ít người trong đám dân nghèo.
Có những người chỉ chịu khó một chút mà kết bạn được với ông tỉnh trường này, quận trưởng khác hay là luồn lọt vào được với các vị thủ
tướng, tổng trưởng, bộ trưởng. Thế thì tại sao họ lại không gây cảm tình 43 thân thiện được với đám dân nghèo hay những công nhân thiếu thốn?
Một khi hiểu biết được một vài gia đình rồi, biết chuyện nhà chuyện cửa của họ, biết quá khứ và những nỗi khó khăn của họ, ta rất có thể giúp đỡ
họ bằng cách rất thường là: giúp được tí nào hay tí đó, giúp họ bằng cách yêu thương, thăm hỏi, giúp họ về tinh thần, vật chất. Đã đành giúp đỡ
như thế chỉ được phần nào thôi; nhưng cứ làm hết khả năng của ta và biết đâu có người khác lại cũng bắt chước ta làm thế? Làm thế, ấy là ta đem lại cho lớp người nghèo một chút an ủi, một chút vui tươi, chứ
không phải ta chỉ biết giơ mắt ra trông thấy đau khổ, căm thù, chia rẽ, nhơ nhớp, tội lỗi của cái xã hội bất hạnh đó. Số người có thiện chí như ta tăng lên, thì việc thiện, đồng thời cũng nhiều hơn mà sự đau khổ sẽ giảm đi. Mà cho rằng chỉ có một mình ta làm thế, không ai theo cả thì ít ra người ta cũng phải nhận rằng ta đã làm một việc nghĩa lý, một bổn phận tầm thường mà ta phải làm. Làm được như thế, riêng ta thấy rằng ta đã tìm thấy bí quyết của một cuộc đời tốt đẹp.
Người ta, nuôi nhiều tham vọng, vẫn thường mơ tưởng làm những đại thể to tát, nhưng trên thực tế, ta ít khi làm được chuyện to, mà dù có thế chăng nữa thì cũng phải sửa soạn khổ công mới có kết quả chắc chắn và nhanh chóng. Có trung thành với việc nhỏ mới làm được việc to.
Chúng ta vẫn thường quên như thế luôn luôn. Sự thật thiết yếu đó, ta cần phải ghi nhớ, nhất là trong những thời buổi khó khăn và trong những giai đoạn lao đao vất vả trong cuộc sống. Trong một nạn đắm tầu, người ta có khi nắm được một cái rui, một bánh lái hay một tấm ván mà thoát chết thì,
trên đầu song ngọn gió của cuộc đời, trong khi ta tưởng là cuộc đời tan nát ra từng mảnh nhỏ, có khi chỉ nắm được một mảnh nhỏ đó mà ta sống sót Khinh thường những mảnh nhỏ đó, tức là ngã lòng, nản chí, không phải là điều đáng trọng.
Ông bị phá sản, hay ông mất một người thân hoặc nữa, ông vừa thấy tiền của ông, do bao nhiêu năm dành dụm, tự nhiên đội nón ra đi.
Ông không thể gây lại sản nghiệp cũ, cải tử hoàn sinh người thân thích 44
của ông hay là ngăn giữ cho tiền khỏi mất. Trước những tình trạng không thể vãn hồi đó, ông thất vọng thở dài. Thế là ông không cảnh giác rèn luyện bản thân, không giữ gìn nhà cửa, không chăm nom con cái. Đó cũng là một điều có thể tha thứ được, ai không biết thế! Nhưng mà nó nguy hiểm biết bao! Cứ mặc cho đời lôi đi, muốn ra sao thì ra, thì cái hại nhỏ hóa ra cái hại lớn. Ông tưởng rằng ông không còn gì để mất nữa, nhưng chính ông sẽ mất nốt những cái gì ông hãy còn. Hãy thu nhặt những tài sản còn lại, và cố giữ gìn cẩn thận những vật còn lại đó. Chẳng bao lâu, chỗ còn lại đó sẽ an ủi lòng ông. Rồi thì cố gắng mãi lên, ta sẽ
thành công. Nếu ông chỉ còn có một cái cành để bám víu, hãy bám vào cái cành đó; nếu ông chỉ còn một mình để bênh vực quyền lợi có vẻ như
thất vọng, ông đừng nên vứt khí giới mà chạy trốn như kẻ khác. Sau nạn hồng thủy vĩ đại ngàn xưa, chỉ có mấy người mà rồi sinh sôi nảy nở mãi cũng làm cho trái đất ngày nay đông đảo. Có nhiều khi tương lai chỉ
trông vào có một khối óc, thế thì cuộc đời chỉ treo vào một sợi chỉ là thường. Cứ nhận xét lịch sử và tạo vật thì rõ: lịch sử và tạo vật cho ta thấy rằng những thiên tai cũng như sự hưng vượng, có thể do những nguyên nhân rất nhỏ nhoi súc tích từ bao nhiêu lâu rồi; khinh thường những tiểu tiết là khờ; lúc nào ta cũng phải biết chờ đợi và tái tạo.
Nói về bổn phận giản dị, tôi không thể không nói tới đời sống trong quân ngũ, và những tấm gương sáng mà nó đã trao cho bọn chiến sĩ của cuộc chiến đấu vĩ đại là Đời. Kẻ nào thấy quân đội mình thất bại mà vội nản chí không chải quân trang, không lau chùi khí giới, không tuân theo kỷ luật, kẻ đó không hiểu bổn phận của quân nhân. Các bạn sẽ bảo: “Ờ, còn làm gì nữa?” – Làm làm gì? Ở đời, há chẳng có nhiều cách thất trận ư? Đã thất trận mà lại còn nản chí, làm mất trật tự, phá hoại, bảo là không làm sao ư? Không bao giờ chúng ta nên quên rằng: Mỗi một hành động dũng mãnh trong những trường hợp nguy hiểm là một tia sáng trong đêm tối. Đó là
một dấu hiệu chứng tỏ sự sống và hy vọng. Thấy thế, ai cũng biết là chưa tuyệt vọng, vẫn còn cứu vãn được phần nào.
45
Trong cuộc rút lui đau thương của Napoleon, giữa mùa đông tháng giá, quân đội Pháp quần áo rách bươm, lê bước đi không được. Một sáng kia, có một viên tướng, ăn vận chỉnh tề, mầy râu nhẵn nhụi, tiến lại chào Napoleon. Thấy viên tướng nọ, giữa lúc hàng ngũ bối rối mà vẫn có vẻ
chỉnh tề như dự một cuộc duyệt binh, Napoleon bèn rằng: “Chào đại tướng, ông là một người can đảm!”.
***
Bổn phận giản dị lại còn là bổn phận trực tiếp đối với những người ở chung quanh. Có một điều rất lạ, thường thấy luôn ở quanh ta, chứng tỏ sự yếu đuối của linh hồn: nhiều người không thiết tha đến những người ở bên cạnh họ. Họ chỉ nhìn thấy những điểm ti tiểu của những người bên cạnh họ thôi. Trái lại, họ lại say sưa và thích thú những cái gì ở xa. Thành thử ra có nhiều thiện chí phí phạm vô ích quá. Người ta say sưa vì nhân loại, vì lợi ích chung, vì những đau khổ ở tận đâu đâu, chân bước trong đời mà mắt thì nhìn những vật báu ở tít mãi tận chân trời, thành thử chẳng thấy ai, bước cả vào chân người khác hay là va cả vào đầu, vào trán người ta.
Lạ thay là cái tật không nhìn thấy những người ở cạnh ta! Có nhiều kẻ học thức rộng, du lịch nhiều, nhưng họ không hiểu biết đồng bào của họ; họ sống nhờ sự giúp đỡ của biết bao nhiêu người mà chính họ không hiểu số phận của những người đó ra sao! Họ không buồn để ý tới những người bảo ban họ, dạy dỗ họ cai trị họ. Nhiều người lại còn đi xa hơn nữa. Một số đàn bà không biết chồng là ai; trái lại, lại biết người ngoài hơn chồng mình. Có những bậc làm cha làm mẹ không hiểu hết con cái, không hiểu chúng khôn lớn ra sao, học tập ra sao, tư tưởng ra sao, lo sợ
thế nào. Lại cũng có những kẻ làm con không hiểu biết cha mẹ, không hiểu biết những lo âu, thắc mắc, chiến đấu của cha mẹ mà cũng chẳng biết cha mẹ muốn gì. Mà không phải tôi chỉ nói tới những gia đình hư
hỏng, những gia đình đau khổ mất cả tôn ti trật tự, mà tôi nói tới những 46
gia đình khá giả, cha mẹ cũng như con cái, đều là những người lành mạnh. Tiếc rằng cái thế giới đó bận bịu quá. Người nào người nấy đều có những quyền lợi ở bên ngoài cướp mất thì giờ. Họ chú tâm vào bổn phận xa xôi nhiều quá – vì bổn phận xa xôi cũng hấp dẫn người ta thực, tôi xin nhận thế - và quên khuấy mất bổn phận thiết thực đối ngay với những người ở chung quanh. Tôi e rằng họ sẽ phí công. Căn bản hành động của mỗi người là lãnh vực bổn phận thiết cận. Mình lơ là bổn phận thiết cận thì công cuộc mình làm theo bổn phận xa xôi sẽ bị thương tổn. Ta cần phải là người của nước ta đã, rồi từ đó ta mới đi quá ra xa: đó là sự tiến triển bình dị và tự nhiên. Phải có những lý do điên rồ hay xấu xa lắm mới đi ngược lại sự tiến triển đó. Rút lại thì xáo trộn các bổn phận lại với nhau như thế, ta đến một kết quả là người ta sô (?) nhau và làm nhiều việc quá, duy quên mất một việc chính mà xã hội có quyền đòi hỏi ta.
Đáng lẽ phải làm việc này thì lại đi làm việc khác, đáng lẽ phải đứng ở
đồn này thì thì lại chạy sang đồn khác, đáng lẽ làm nghề này thì lại làm nghề kia. Cuộc đời thành thử phiền toái quá. Nếu ai cứ biết việc của người ấy, chỉ làm điều gì trực thuộc tới mình thì đời giản dị xiết bao.
***
Lại thêm một hình thức nữa của bổn phận giản dị. Gây ra sự thiệt hại, ai là người phải đền bù?
- Kẻ gây ra thiệt hại thì phải đền bù chứ còn gì!
Đúng lắm. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Mà hậu quả của lý thuyết đó là ta phải để nguyên sự thiệt hại đó cho tới khi tìm ra được kẻ gây ra thiệt hại, bắt chúng đền bù tội lỗi. Nhưng ngộ người ta không tìm ra những kẻ
gây ra thiệt hại thì sao? Hoặc là chúng không thể, hay không muốn đền bù thì sao?
Có một hôm ngói vỡ trên mái nhà, làm mưa rõ xuống ướt đầu ông hay vì một cái kính vỡ làm cho gió lọt vào, thành thử ông khó ở. Thế thì 47
ông cứ đợi bắt được người làm vỡ ngói hay làm vỡ kính mới gọi thợ nề
đến sửa hay sao? Làm như thế thì hơi lố lỉnh, chính ông cũng phải nhận như thế. Ấy vậy mà ở đời thường thấy người ta hành động như thế. Trẻ
con tức bực kêu lêu “có phải tôi ném cái đồ vật ấy đâu, thế thì việc gì tôi phải nhặt!” Nhiều người cũng suy luận như thế. Nghe có lý lắm. Nhưng cái lý luận đó không bao giờ giúp cho cuộc đời tiến bộ.
Trái lại, ta phải nhận rằng sự thiệt hại do người này gây ra vẫn do người khác đền bù. Chính cuộc đời, hàng ngày, vẫn nhắc đi nhắc lại cho ta như thế. Kẻ này phá hoại, người kia kiến thiết; kẻ này làm bẩn, người kia lau chùi; kẻ này gây ra cuộc xô xát đấu khẩu, người kia điều hòa; kẻ
này làm nhỏ lệ, người kia an ủi; kẻ này sống vì bất công, kẻ kia lại chết vì công lý. Làm tròn cái định luật đau đớn ấy, tức là tìm thấy hạnh phúc.
Đó cũng là luân lý, nhưng là luân lý thực tế làm mờ át hẳn lý thuyết đi.
Kết luận rõ ràng, không còn ngờ vực được. Một người bình dị kết luận như sau: Có hư hại thì phải tu sửa ngay; mặc cho bọn phá hoại muốn hay không muốn tu sửa; kinh nghiệm cho ta biết chớ nên chờ đợi nhiều ở chúng.
***
Bổn phận, dù giản dị đến thế nào, cũng cần phải có can đảm và sức mạnh để làm tròn. Sức mạnh đó ra sao? Thế nào? Và ở đâu?
Đối với người đời, bổn phận là một kẻ thù, một kẻ quấy rầy khi nó biểu hiện như một đòi hỏi bề ngoài. Nó vào đàng cửa, người ta chui ra cửa sổ, nó bịt cửa sổ lại, nó thoát ra đàng mái. Càng trông thấy rõ ràng nó đến thì người ta càng chắc chắn thoát được nó. Nó cũng giống như
thầy đội cảnh sát, tượng trưng công lý và sức mạnh chính quyền, muốn làm cách nào thì làm, cũng để cho thằng ăn cắp giỏi tìm đường lẩn được.
Than ôi, thầy đội ví dù cho có tóm được tên ăn cắp kia chăng nữa, bất quá cũng chỉ giải nó về bốt là cùng, chứ cũng chẳng dẫn dắt nó vào đường ngay được. Muốn cho người ta làm tròn bổn phận, không phải chỉ
48
bắt người ta theo một sức mạnh, bắt làm cái này, bắt làm cái nọ, tránh cái này, tránh cái kia mà được đâu. Muốn đưa dẫn người ta về bổn phận, cần phải có sức mạnh khác. Sức mạnh bên trong. Cái sức mạnh tiềm tàng đó là lòng thương yêu. Phàm một người đã ghét nghề nghiệp của mình thì thường vẫn làm nghề một cách uể oải, chán chường, bất cứ sức mạnh nào trên trái đất này cũng không thể làm cho người đó làm việc chăm chỉ, vui thú được. Trái lại, kẻ nào yêu nghề thì tự mình gia sức mà làm, không những đã chẳng cần ai thúc giục, mà lại còn không có cách nào ngăn cản cho người đó thôi làm việc. Mọi việc ở đời này đều thế. Điều cao cả nhất là cảm thông được tất cả cái gì thiêng liêng và đẹp trường cửu trong kiếp sống đen tối của ta; là, do kinh nghiệm, đạt tới cái điểm yêu kiếp sống đó với tất cả đau thương và hy vọng của nó; là yêu thương người đồng loại vì óc cao thượng và vì đau khổ của họ; là hòa mình vào nhân loại, với trí óc, với tâm can, lòng dạ của mình.
Một sức sống lạ lùng sẽ xâm nhập lòng ta như thể một cánh buồm no gió của một con thuyền và đưa ta đến bờ bến của Nhân Ái và Công Lý. Chúng ta mặc cho sức mạnh đó đầy đủ và chúng ta tự nhủ: “Ta không thể nào làm khác được; yếu quá, ta cưỡng làm sao lại?”.
Nói như thế, người đời của bất cứ giai cấp nào, của bất cứ thời đại nào cũng có ý muốn chỉ một sức mạnh, cao cả hơn người, nhưng có thể ở
tiềm tàng trong lòng người. Thế rồi phàm cái gì cao cả nhất trong ta thảy đều như là biểu hiện của cái bí mật dũng mãnh đó. Những tình cảm cao thượng, cũng như những hành động cao thượng, đều do phút xuất thần mà bật ra. Một cái cây tươi tốt lên vì mang trái thơm ngào ngạt là vì nó rút sức sống tự trong lòng đất và tiếp nhận được sức nóng và khí ấm mặt trời. Một người, sống trong phạm vị chật hẹp của mình, giữa những tội lỗi và ngu dốt, mà thành thực hi sinh cho công việc của mình, ấy là vì người đó đã giao cảm với nguồn yêu thương bất diệt. Sức mạnh quan trọng đó biểu hiện dưới muôn ngàn hình thức khác nhau. Khi thì nó là sức mạnh bất khả chế ngự, khi thì lòng trìu mến vuốt ve, khi thì là tinh 49
thần chiến binh công phá và đánh bại cái xấu, khi thì là tình mẫu tử đem về nuôi dưỡng một vài đứa trẻ mồ côi, khi thì là lòng nhẫn nại của những kẻ tìm tòi khảo cứu…
Song le, sức mạnh đó chạm tới cái gì thì đều có để dấu vết lại, và những người được nó thúc đẩy đều cảm thấy rằng vì có nó mà ta mới sống, vì có nó mà ta mới có ngày nay. Phục vụ sức mạnh đó là một hạnh phúc và là một phần thưởng cho họ. Và chỉ phục vụ như thế thôi, cũng đủ rồi. Người phục vụ không cần để ý đến cái bám ở ngoài, vì họ biết rằng chẳng có gì lớn cả mà chẳng có gì nhỏ cả, chỉ duy có những hành động của ta và cuộc đời của ta có giá trị, mà sở dĩ có giá trị như thế là vì tinh thần ở bên trong.
50
CHƯƠNG VI
NHU CẦU GIẢN DỊ
Vào hàng chim mua một con chim, ta được nhà hàng chỉ bảo ta vắn tắt cách thức nuôi nấng con chim ra sao. Tất cả vệ sinh cho chim, đồ ăn cho chim và các khoản lặt vặt, rút vào dăm câu nói. Cũng thế, muốn tóm tắt những nhu cầu chính yếu của đa số người đời, chỉ nói một ít lời cũng đủ. Cách sống của họ, về đại thể rất là giản dị. Nếu họ cứ theo như
thế mà sống, họ mạnh khỏe như thường. Nhưng họ đi chệch con đường đó thì sẽ xẩy ra gây nhiều phiền phức, lôi thôi: sức khỏe sút kém, tính vui vẻ tiêu tan. Duy có cuộc đời giản dị và tự nhiên là có thể giữ
được cho cơ thể ta mạnh khỏe. Quên mất nguyên tắc sơ đẳng ấy, ta sẽ gặp nhiều sự sút kém, hư hỏng lạ lùng.
Một người muốn sống đầy đủ về phương diện vật chất thì cần phải có những gì? Đồ ăn trong sạch, quần áo giản dị, một cái nhà sạch sẽ, có khí trời và năng cử động. Tôi sẽ không chỉ định món ăn, cách thức may mặc hay là vẽ kiểu nhà để cho người ta bắt chước để xây mà ở. Mục đích của tôi là vạch ra một lối đi và bày tỏ tại sao người ta xếp đặt cuộc đời theo một tinh thần giản dị thì có lợi.
Muốn chắc chắn rằng, hiện nay, xã hội ta không sống theo tinh thần giản dị, chỉ nhìn người ta sống trong mọi tầng lớp thì đủ rõ.
Hãy hỏi nhiều người khác nhau, thuộc giai cấp khác nhau, câu hỏi này: “Muốn sống ông cần những gì?”… Rồi ta sẽ thấy họ trả lời ra sao.
Không còn gì bổ ích hơn là làm công việc đó.
Có người cho rằng nếu phải rời bỏ thành phố đông đảo của kinh đô mà đi về ở tỉnh nhỏ, không tài nào sống được. Lại có người trái lại, cho 51
là ở đô thành thì khổ lạ lùng, không khí khó thở, người đi lại như máy, ăn uống xô bồ, lại rượu chè be bét, rồi đau dạ dày mà chết.
Muốn sống, ông cần những gì? Đem câu đó ra hỏi các cấp bậc của xã hội tư bản, người ta trả lời ông bằng một con số, tùy theo trình độ
tham vọng và giáo dục. Mà giáo dục, ta phải hiểu theo nghĩa những tập tục bề ngoài của cuộc đời, cách ăn, cách ở, cách mặc, tóm lại là thứ giáo dục phủ ở bên ngoài. Kiếm được từ bao nhiêu tiền trở lên, lãi bao nhiêu tiền một tháng trở lên, thì sống được. Không được như thế, không thể
nào sống được. Ta đã từng thấy những người tự tử vì tiền nong của họ bị
sút kém dưới mức tối thiểu của họ. Thà chết còn hơn là sống so rụi. Ta nên biết rằng cái mực tối thiểu mà họ cho là không thể sống được đó, nhiều người ví có thì đã lấy làm phong lưu. Những người sau này có trong tay những nhu cầu không quá khắt khe hoặc những ham muốn thực thà nhũn nhặn.
Trên các miền sơn cước, hoa cỏ đổi thay tùy theo cao độ. Có miền trồng trọt như miền trung du, có miền rừng rậm, có miền bát ngát cỏ
xanh, có miền núi trọc, lại có miền băng giá. Từ một cầu đới nào đó, không có lúa, nhưng lại có những ruộng nho; xuống thấp thì tùng bách không có nhiều, mà giống thông thì lại ưa mọc trên miền cao bát ngát.
Cuộc sống của người đời, với những nhu cầu của nó, cũng giống những hiện tượng đó của loài thảo mộc.
Nhà tài chính, nhà đại doanh nghiệp, những mệnh phụ phu nhân, tất cả những người đó cần ít ra một lũ gia nhân đầy tớ, kẻ thưa người gửi, ít ra cũng phải có nhiều nhà ở tỉnh và quê – những kẻ ấy phải tới một cao độ nào về tài chính mới cho là xứng ý. Quá một chút nữa là nhà tư bản với những phong thái và tập tục riêng. Tiếp đó, người ta thấy hiện lên sự
phong phú rộng rãi, bình thường hay nhũn nhặn, và những nhu cầu khác nhau. Rồi đến hạng người bé mọn, những người thợ, những nhà tiều công
nghệ, những nông dân, tóm lại là quần chúng, sống chen chúc như
"""