"
Shinzo Abe & Gia Tộc Tuyệt Đỉnh PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Shinzo Abe & Gia Tộc Tuyệt Đỉnh PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
THÔNG TIN EBOOK
Shinzo Abe Và Gia Tộc Tuyệt Đỉnh Kenya Matsuda
Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch
NXB Trẻ
Cappuccino Team Thank You
Lib#1 Ebook At
tinyurl.com/downloadebookyeukindle Lib#2 Magazine and eBook
tinyurl.com/magncappuccino
KENYA MATSUDA
Sinh năm 1954 tại thành phố Kitakami, tỉnh Iwate. Là phóng viên cộng tác với nhiều tạp chí như Shukan Gendai, Shukan Bunshun, Bungei Shunju, v... Chấp bút nhiều phóng sự liên quan đến chính trị, đầu tiên phải kể đến là loạt phóng sự điều tra cổ phần NTT Docomo của thư ký Thủ tướng Keizo Obuchi (đương thời). Liên tục theo dõi, phụ trách viết về Ichiro Ozawa trong hơn 20 năm, sau đó mở đầu loạt phóng sự về “Vụ án Hội Rikuzan” Đoạt giải thưởng lớn giải phóng viên Tạp chí do biên tập viên chọn lần thứ 19 với loạt phóng sự về “Giấy ly thân” của vợ Ichiro Ozawa.
VỀ TÁC PHẨM
Cuốn sách đầy hứng khởi của Kenya Matsuda, phóng viên hàng đầu mảng chính trị.
Lần theo hình bóng nguyên Thủ tướng Nobusuke Kishi để nghiên cứu về gia tộc của Shinzo Abe. Gia tộc tuyệt đỉnh duy trì “huyết thống gia tộc” bằng việc nhiều lần tiến hành cho - nhận con nuôi giữa 2 dòng họ quyền quý. Gia tộc tuyệt đỉnh khởi đầu với “Quái vật Showa” Nobusuke Kishi, ngày nay cháu ngoại của ông là đương kim Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đang mải miết phấn đấu trên chính trường với sự hỗ trợ của “Người mẹ thần thánh” Yoko Abe.
LỜI NÓI ĐẦU
3 THẾ HỆ1 CHÍNH TRỊ GIA XOAY QUANH “NGƯỜI MẸ THẦN THÁNH2” YOKO ABE3
Một Gia Đình Con Nuôi
Đã sang tháng 11 nhưng dưới ánh nắng ấm áp, một người đàn ông vừa qua tuổi trung niên có đôi vai rộng đang vui vẻ chơi trò đuổi bắt cùng hai cậu bé khoác áo len mỏng trên bãi cỏ. Đó là một trong những bức ảnh đăng trên Amzinichi Kurabu (số 09/12/1956), cậu bé 4 tuổi Hironobu Abe và cậu em trai Shinzo 2 tuổi, người đàn ông tên Nobusuke Kishi - Tổng thư ký4 của Đảng Dân chủ Tự do (LDP5) mới được thành lập. Hai cậu bé là con của trưởng nữ Yoko, tức cháu ngoại của ông. Năm ấy, Kishi 60 tuổi.
Khu phố Nanpeidai ở quận Shibuya nổi tiếng là khu nhà ở cao cấp trong thủ đô. Mùa hè năm 1956, Kishi đã thuê trọn phần đất 1.650 m2 và tòa nhà của nữ diễn viên Mieko Takamine, vốn tiếp giáp với biệt thự của mình để ghép hai căn thành nhà ở kiêm hội quán đón khách. Bãi cỏ nơi Nobusuke Kishi vui đùa cùng hai đứa cháu ngoại còn đang lẫm chẫm biết đi cũng là nơi Takamine mời khách khứa, bạn bè trong giới làm phim đến tiệc tùng, vui chơi.
Có một bức ảnh cậu bé Shinzo đang mút tay, dựa sát vào người anh thật thân ái. Chú thích bức ảnh như sau:
Những người cháu đến chơi đang ở phòng tiếp khách trong tư dinh rộng mênh mông (của Kishi), đợi “người mà chúng cháu yêu nhất” đến. Lý do “yêu nhất” là “vì ông lúc nào cũng cho chúng cháu đồ đẹp”
Đúng khoảng thời gian bức ảnh được chụp, cha của hai cậu bé, Shintaro Abe, nghỉ việc ở tòa báo Mainichi, chuyển sang làm thư ký cho ba vợ mình là Nobusuke Kishi, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao. Sau đó, năm 1958, Shintaro lần đầu tiên ứng cử Hạ viện6 quận 1 Yamaguchi (cũ), và trúng cử.
Em trai của Shinzo, người con trai thứ ba của Shintaro và Yoko, tên Nobuo chào đời một năm sau đó, năm 1959. Thật ra, khi Shintaro và trưởng nữ Yoko của Kishi kết hôn, họ đã có lời hứa: “Nếu người con thứ ba là con trai thì sẽ cho làm con nuôi dòng họ Kishi” Vì vợ chồng trưởng nam của Kishi, Nobukazu và Nakako không có con.
Ngay sau khi Nobuo chào đời, vấn đề này đã được đặt ra giữa vợ chồng Shintaro Abe và vợ chồng Nobukazu Kishi với sự tham gia của em trai của Nobusuke Kishi là Eisaku Sato7 (về sau là Thủ tướng). Theo Tadaoki Nogami, tác giả Khí chất - DNA của Shinzo Abe (Kikotsu - Abe Shinzo no DNA, NXB Kodansha), có cảnh Sato ngồi trên ghế, xác nhận lần nữa “Shintaro, cháu thật sự đồng ý chứ?” Ngoài ra, Kishi cũng nói “Yoko, con không phải miễn cưỡng” khi Yoko chần chừ giao đứa con nhỏ.
Bản thân Nobusuke Kishi cũng được đưa đi làm con nuôi ngay khi tốt nghiệp trung học cơ sở nên ông rất thương yêu đứa cháu này. Nobuo thường xuyên đến chơi nhà Abe và gọi mẹ mình (Yoko) là “cô, gọi Hironobu, Shinzo là “anh lớn”; “anh nhỏ” Hai người anh cũng biết việc em mình đi làm con nuôi, và gọi Nobuo bằng “bé Nobu” hoặc “Nobuo”
Shinzo Abe lớn lên trong một gia đình gìn giữ huyết thống gia tộc bằng mối quan hệ con nuôi như vậy.
Trước đó, hai dòng họ Sato, Kishi đã hòa lẫn huyết thống với nhau, sau đó có thêm Shintaro, huyết thống nhà Abe ra đời. Với dòng họ Kishi, việc Nobuo làm con nuôi giúp họ gìn giữ huyết thống gia tộc bằng cách “nhập khẩu ngược”. Tuy nhiên, Yoko rất ân hận về việc đưa Nobuo đi làm con nuôi. Về sau, khi Nobuo trở thành chính trị gia, điều này trở thành bi kịch của người mẹ nuôi là bà Nakako Kishi.
Biệt Thự Vắng Cha Mẹ
Ngôi nhà ở Nanpeidai được sử dụng như dinh thự của Thủ tướng Nobusuke Kishi. Đây cũng là một trong những vũ đài của cuộc bạo động lớn nhất sau Thế chiến thứ II vào năm 1960, đến nay vẫn được nhắc đến - cuộc bạo động Ngăn chặn việc ký kết Hiệp ước An ninh Mỹ- Nhật. Lo lắng cho tính mạng của cha mình là Nobusuke Kishi, nhiều ngày liên tiếp Yoko và hai đứa con cùng lên xe của tòa soạn có treo cờ công ty, đi đường tắt vào biệt thự. Yoko kể lại chuyện lúc ấy thế này.
Tôi dẫn các con đến thì cha tôi ngay lập tức chơi trốn tìm với các cháu trong ngôi nhà đang bị đoàn biểu tình bao vây. Chưa kể, với bọn trẻ thì cuộc biểu tình như lễ hội, chúng bắt chước đoàn biểu tình hô to “Phản đối Hiệp ước An ninh Mỹ
Nhật!” và chạy khắp trong nhà,.... cha tôi chỉ mỉm cười thích thú. Tôi vẫn nhớ cái dáng người nhìn từ sau của ông khi bế Shinzo lúc đó chạy chơi, mệt lăn ra ngủ, ngồi ở hàng hiên ngắm hàng người biểu tình không biết chán”.
(“Khuôn mặt người cha - Nobusuke Kishi” tạp chí Chuo Koron (Trung ương công luận)”, số tháng 10/1987).
Cậu bé Shinzo 6 tuổi - người mà hơn 50 năm sau, ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng, đã nhìn cảnh đoàn biểu tình và đội cảnh sát cơ động qua cửa sổ dinh thự Nanpeidai như thế nào?
Shinzo Abe lớn lên trong một gia đình cha mẹ luôn vắng nhà. Ngay cả sau khi cuộc biểu tình chống ký kết
Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật kết thúc, cũng không có gì thay đổi. Ông kể lại như sau:
Thật tình, tôi rất ngưỡng mộ một gia đình bình thường. Mỗi khi đến nhà người khác chơi, nhìn bạn bè trò chuyện vui vẻ với cha mẹ, cùng nhau làm gì đó với cha thật vui, tôi từng nghĩ: “Ôi, sao thích quá đi”. Gia đình tôi thì ngược lại, cha luôn luôn vắng nhà, mẹ cũng thường về quận nơi cha ứng cử hơn. Vì vậy, thi thoảng khi cha ở nhà, tôi lại có cảm giác lúng túng sao đó.
(Sách Khí chất - DNA của Shinzo Abe).
Yoko đã mô tả việc này như sau: “nhà chúng tôi như cộng đồng các quốc gia độc lập”
Đặc biệt, cũng như những người con trai ở độ tuổi này, Shinzo mong mỏi hơn ai hết tình cảm của Yoko, sự ấm áp của người mẹ. Tình cảm dành cho mẹ gắn liền với tình cảm dành cho ông ngoại. Ký ức thời thơ ấu “nếu khen ông ngoại, mẹ rất vui” vẫn đọng lại cho đến nay.
Nói cách khác, so với người cha Shintaro Abe không mấy khi về nhà thì sự tồn tại của ông ngoại - Nobusuke Kishi trong quá trình hình thành tỉnh thần của Shinzo, có thể xem như “người cha”.
Năm 1960, sau khi ký kết Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật và rút lui khỏi chức Thủ tướng, Nobusuke Kishi chuyển từ Nanpeidai sang Tomigaya (Shibuya8) một thời gian. Sau đó, chuyển chỗ ở về khu dinh thự ở tỉnh Shizuoka từ năm 1970. Khu nhà ở hai tầng thoáng đãng (tổng diện tích khoảng 561m2) nằm trong khu đất khoảng 5.280 m2 được bao bọc bởi rừng liễu sam dày đặc. Dinh thự này trở thành nơi sinh sống cho đến cuối đời của Nobusuke Kishi. Lúc ấy,
Shinzo đã là học sinh trung học phổ thông của Học viện Seikei Gakuin. Yoko kể về khoảng thời gian này, khi Kishi nói về Shinzo, như sau:
Nhớ lại, người đầu tiên dự báo “Shinzo sẽ trở thành chính trị gia” chính là cha tôi, Nobusuke Kishi. Lúc ấy, cha tôi đã chuyển chỗ ở nhưng mỗi khi ông đến thăm nhà chúng tôi ở Setagaya, người chạy ra đón ông trước tiên và reo lên: “A, ông ngoại!” luôn là Shinzo. Nghe kể cha tôi đã về dinh thự và vui sướng nói với người xung quanh: “Chắc chắn thằng bé có hứng thú với thế giới chính trị. Nó sẽ trở thành chính trị gia”.
(“Con trai tôi - Shinzo Abe” tạp chí Bungei Shunju (Văn nghệ Xuân Thu), số tháng 11/2013).
Câu chuyện Nobusuke Kishi là người đầu tiên dự đoán Shinzo Abe sẽ trở thành chính trị gia thật đáng quan tâm. Năm 1959, trước khi ký kết Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, tuy người con trai thứ ba của Yoko là Nobuo chào đời và đã trở thành con nuôi trong dòng họ nhưng Kishi vẫn dành sự ưu ái cho người cháu ngoại Shinzo Abe như một người nối dõi huyết thống gia tộc.
“Cháu Của Tội Phạm Chiến Tranh” Và Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật Năm 1960
Vào khoảng thời gian trung học phổ thông đa cảm của Shinzo, lại xảy ra tranh cãi về Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1970 xoay quanh việc kéo dài vĩnh viễn Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Cả Nhật
Bản có 77.000 người tham gia phản đối việc ký kết kéo dài Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Phong trào sinh viên kết hợp với phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam lan rộng, điển hình là sự kiện lực lượng cảnh sát cơ động đã ra tay đàn áp trong khuôn viên giảng đường Yasuda thuộc trường Đại học Tokyo bị phong tỏa lúc bấy giờ (năm 1969). Mặt khác, Triển lãm Thế giới9 được tổ chức tại Senrioka, Osaka với số người tham quan lên đến hơn 64.210.000 người; sự cố sương khói hóa học tại quận Suginami, Tokyo; nhà văn 45 tuổi Mishima Yukio10 mổ bụng tự sát v.v.. là những ví dụ cho thấy tình hình lúc bấy giờ vô cùng hỗn loạn. Shinzo Abe đã nghĩ gì trong khoảng thời gian đó? Ông thổ lộ:
Dư luận cho rằng Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ bám vào Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật là phe phản diện, còn lực lượng tiến bộ chủ trương phá bỏ Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật là phe chính diện. Giới truyền thông cũng đăng tải như vậy. Đối thủ để họ đả đảo là cha và ông tôi, những chính trị gia của Đảng Dân chủ Tự do. Như vậy, ông ngoại tôi - Thủ tướng khi xảy ra bạo động về Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1960 phân chia dư luận trong nước ra thành 2 phe - là người đứng đầu của cải cách Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật nên đừng nói là phản diện, mà với bọn họ, ông tôi là cực phản diện.
(Sách Vươn đến đất nước tnới, vươn đến đất nước tươi đẹp Bản hoàn chỉnh (Atarashii Kuni e, Utsukushii Kuni e - Kanzenban).
Thời ký kết Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1960, ông ngoại Kishi và mẹ Yoko của Shinzo Abe thậm chí đã phải trải qua một cảm giác thất vọng. Một lực lượng lớn cảnh sát phải vào Quốc hội bảo vệ nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do trong thời điểm Đảng này đơn phương thông qua Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật mới. Cuộc chiến chống Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật trên toàn Nhật Bản làm cho căng thẳng trong Quốc hội lên đến cực điểm.
Xoay quanh việc miễn cưỡng thông qua Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật mới (khuya ngày 12/5/1960), Nobusuke Kishi hồi tưởng tình hình bất thường lúc ấy:
Không đợi ai chỉ trích đó là thủ tục bất thường, tất cả đều thống nhất tiến hành mà không còn cách nào khác. Nói cách khác, không còn sự lựa chọn nào khác.
(Sách Hồi ký Nobusuke Kishi (Kishi Nobusuke Kaisouroku)).
Mặt khác, Yoko đã kể lại tâm trạng khi nghe được tin báo về Michiko Kanba (22 tuổi, sinh viên năm 4 khoa Văn, Đại học Tokyo) bị chen lấn đến chết trong cuộc đấu tranh liên quan tới Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật ngày 15/6 như sau:
Tôi còn nhớ thình lình thấy chóng mặt, muốn ói, hoảng sợ vô cùng. Tôi đã muốn hét lên rằng hãy bỏ quách Hiệp ước An ninh Mỹ Nhật gì gì đó đi, chẳng phải cha tôi đã một mình gánh vác trách nhiệm của một quốc gia lâu nay rồi còn gì!?
(Sách Khuôn mặt người cha - Nobusuke Kishi).
Chỉ có thể nói rằng Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật 1960 đã có một xuất phát điểm bất hạnh tại đất nước này.
Tuy nhiên, quan điểm của Shinzo có chút khác biệt với Kishi và Yoko, hai người vốn đã có suy nghĩ vượt khỏi khuôn khổ thời đại bấy giờ.
Từ nhỏ, trong mắt tôi, ông ngoại luôn là một chính trị gia chân thành, luôn nghĩ phải làm thế nào với tương lai đất nước. Không chỉ vậy, tuy là người nhà nhưng tôi tự hào với thái độ bình thản của ông trước dư luận đang ra sức phê phán mình. Chẳng phải phe kêu gọi phản đối Hiệp ước An ninh Mỹ- Nhật mới sai lầm sao? Tôi đã nghĩ như vậy khi trưởng thành theo thời gian.
(Sách Hướng đến đất nước mới (Atarashii kuni e))
Nhận thức của Shinzo bắt đầu từ thời điểm đó. Phản bác đám đông đang giơ tay “Đả đảo Kishi - phản đối Hiệp ước An ninh Mỹ Nhật”; hô to “nghi phạm chiến tranh hạng A; “Hiệp ước An ninh Mỹ Nhật là phản động” “Màn đen chính giới” v.v. mà ông đã nhìn từ cửa sổ dinh thự Kishi ở Nanpeidai bằng đôi mắt trẻ thơ, Shinzo Abe bước vào con đường chính trị...
Trong bối cảnh đi viếng đền thờ Yasukuni11, hẳn Shinzo suy nghĩ “lãnh đạo một đất nước bày tỏ lòng tôn kính với những con người đã hy sinh vì quốc gia là việc bình thường ở bất kỳ quốc gia nào”? Có thể thấy được ở Shinzo Abe ý định lấy lại thanh danh cho Nobusuke Kishi, người ông đã bị quy kết là nghi phạm chiến tranh hạng A.
Với Shinzo Abe, Kishi là một người dẫn dắt trong chính trị, và thấp thoáng ở ông ý chí tự mình, với tư cách người cháu, hoàn thành “món nợ” sửa đổi Hiến pháp mà Kishi đã không thực hiện được. Chưa kể, không thể bỏ qua việc Shinzo có mặt trong chính quyền là do mẹ ông, con gái của Kishi, đứng đằng sau Shinzo như một người truyền đạo.
“Tổng Tư Lệnh" Yoko Abe
Thủ tướng Junichiro Koizumi tiến cử Shinzo Abe mới 49 tuổi làm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do vào tháng 9 năm 2003, khi cải tổ nội các lần 2.
Trước đó, cha của Yoko, Nobusuke Kishi là Tổng thư ký đời đầu thời Đảng Dân chủ Tự do mới được thành lập (11/1955). Chồng bà, Shintaro Abe là Tống thư ký thời nội các Noboru Takeshita (10/1987). Và như vậy, 3 thế hệ liên tục làm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do. Việc này chưa từng có trong lịch sử. Ở một nghĩa nào đó, là thành viên của một dòng họ chính trị gia 3 thế hệ chứng kiến việc này, Yoko Abe đã phấn khích trả lời phỏng vấn của tạp chí như sau:
Điện thoại di động của Shinzo liên tục đổ chuông. Tôi cứ nghĩ không biết có chuyện gì, còn Shinzo chẳng nói gì. Sau đó, người giúp việc chạy đến nói to: “Cậu Shinzo trúng Tổng thư ký rồi ạ!” Tôi đã rất ngạc nhiên, không thể tin ngay được. Lúc trước, truyền thông từng dự báo chồng tôi (Shintaro) sẽ là Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo khi Nakasone ra quyết định chính sự. Akie (vợ Shinzo) định gọi điện thoại cho Hironobu (anh của
Shinzo) đang ở nước ngoài nhưng tôi ngăn lại. Tôi nói chính trị là đoạn đầu đài, không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra, cho đến khi có quyết định chính thức, không được nói với ai cả.
(Tạp chí WILL, số tháng 11/2006)
Đó là tâm thế của Yoko với tư cách con gái Kishi - người sống qua thời đấu tranh chính trị lớn nhất sau Thế chiến II và với tư cách “tổng tư lệnh” của con trai Shinzo. Yoko còn nói thế này:
Nghe Shinzo trở thành Tổng thư ký, điều tôi nghĩ đến trước tiên là sức khỏe của Shinzo. Bởi tôi biết cha và chồng tôi làm Tổng thư ký vất vả thế nào. Shinzo đã từng nhập viện thời làm ở Kobe Seiko, và cả khi trở thành chính trị gia cũng từng nhập viện. Tôi lo không biết Shinzo có chịu nổi áp lực công việc không. Nhưng Shinzo đã đi vận động ở hơn 180 địa điểm trong cuộc bầu cử Hạ viện năm ngoái (2003) thì có lẽ ổn nhỉ?
Tuy nhiên, sự lo lắng của Yoko là vô cùng chính xác. Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng (9/2006), nhưng nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra như Bộ trưởng Nông - Lâm - Thủy sản Toshikatsu Matsuoka (đương thời) tự sát, hay người kế nhiệm Norihiko Akagi cũng từ nhiệm sau đó do vấn đề tiền nong trong chi phí văn phòng v.v. đã khiến Shinzo cuối cùng cũng từ chức với lý do viêm loét đại tràng.
Yoko Abe nói về dòng máu chính trị chảy trong người Shinzo trong sách Shintaro Abe của tôi (Watashi no Abe Shintaro) được bà chấp bút như một sự kết hợp với lần Shinzo ứng cử, kế tục người cha Shintaro (năm 1993) như sau:
Chồng tôi đã chứng kiến sự mạnh mẽ trong tâm khảm của cha anh ấy Kan Abe và cha tôi Nobusuke Kishi mà đi theo con đường chính trị, nay Shinzo cũng vậy. Quyết tâm kế tục con đường chính trị của ông cha là do Shinzo đã dõi theo những gì cha mình Shintaro Abe đã làm, cũng như chứng kiến tình hình ông mình Nobusuke Kishi thời Hiệp định An ninh Mỹ-Nhật từ khi còn nhỏ dại. Cơ thể Shinzo thừa hưởng dòng máu của Kan Abe, dòng máu của Nobusuke Kishi, thấm thía những khó khăn, va chạm, thậm chí đánh cược cả mạng sống khi những chuyện xảy ra trong thực tế hoàn toàn khác với sách vở. Nhờ đó Shinzo dấn thân vào chính trị với tâm thế sẵn sàng nên tôi hoàn toàn không phản đối chút nào cả. Có điều, so với những trải nghiệm mà chồng tôi có được từ thời thơ ấu, thì Shinzo, khi lớn lên với tư cách “cháu ngoại của Thủ tướng”, còn quá ít kinh nghiệm. Đó là điều tôi lo lắng.
Hơn thế, đương thời, khi Shinzo Abe đảm nhiệm chức Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, Yoko đã nhìn ra tư chất chính trị gia từ tính cách của con trai.
Chỉ cần không thấy bóng dáng Shinzo đâu, chồng tôi lại mắng: “Shinzo đâu rồi? Là Tổng thư ký phải biết làm việc cho đàng hoàng chứ!”, hẳn anh ấy quan tâm nhiều đến Shinzo. Anh ấy còn nói: “Tôi cũng có phần dễ dãi nhưng cũng có lúc Shinzo cho tôi vào tròng”. Shinzo cũng có khi ngoan cố, nghiêm nghị nhưng cũng có mặt hiền lành, dễ bị dao động. Tuy nhiên, để kiên trì chính kiến của mình khi gặp tình thế khó khăn, cần dũng khí, quyết đoán như cha tôi thời kỳ Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Có lẽ chồng tôi muốn nói ý đó... Tôi thường được hỏi: “Shinzo giống cha mình, ông Shintaro Abe hay giống ông ngoại Kishi?” Tôi thấy “chính sách thì giống ông, tính cách
thì giống cha”. Shinzo cũng hơi nóng nảy, thường nói nhanh khi diễn thuyết. Thời gian này, Shinzo đã nói chậm lại rồi nhưng thời gian đầu, khi Shinzo mới thành chính trị gia, có lần tôi đã nhắc nhở: “Con nói nhanh quá, người lớn tuổi nghe không kịp đâu. Và cũng đừng mất bình tĩnh”.
(Bungei Shunju, số tháng 11/2003)
Việc Yoko cho rằng chính sách của Shinzo giống ông ngoại vô cùng đáng quan tâm nếu xét đến thái độ chính
trị của Shinzo sau này. Yoko hầu như ít khi bộc lộ tâm tình về con trai mình với giới truyền thông. Nghe kể hôm Shinzo Abe nhậm chức Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, bà đã chắp tay trước bàn thờ.
Và theo lời kể của người bà con trong dòng họ Abe, trong quá trình anh em Hironobu, Shinzo trưởng thành, Yoko từng nói: “Nghề đáng làm đối với đàn ông là chính trị gia. Mà đã làm chính trị gia thì phải nhắm đến chức Thủ tướng”.
Đối Đầu Duyên Nợ Với Kakuei Tanaka
Shinzo Abe trúng cử lần đầu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7/1993. Trong cuộc bầu cử đó, Đảng Dân chủ Tự do chiếm hơn phân nửa số phiếu, Đảng Xã hội lúc bấy giờ (Shakaito) bị giảm số phiếu, Đảng Tân sinh (Shinseito) và Đảng Nhật Bản mới (Nihon Shinto) nổi lên khiến sự thống trị trong suốt 55 năm của liên minh Dân chủ Tự do - Xã hội bị phá vỡ. Sau đó, chính phủ liên hiệp không
có Đảng Dân chủ Tự do (phái Bát đảng)12 do nhân vật chủ chốt Ichiro Ozawa13 đứng sau chi phối được thành lập, đã đưa Morihiro Hosokawa lên làm Thủ tướng. Không cần nói cũng biết, Ozawa là học trò và đi theo đường lối của Kakuei Tanaka từ thuở chập chững bước vào con đường chính trị. Và người đối địch với thế lực của Kakuei không ai khác chính là Kishi. Yoko viết thế này:
Theo như tôi biết, có hai lần trong quá khứ, cha tôi từng tỏ vẻ thất vọng đến mức không che giấu. Một lần khi Tổng thống Eisenhower hủy chuyến thăm Nhật Bản thời cải cách Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, còn một lần khi tổng tuyển cử năm 1972, Takeo Fukuda tiên sinh thua cuộc trước Kakuei Tanaka. Cuộc tổng tuyển cử này được thực hiện sau khi chú Eisaku Sato thực hiện “anh em Tể tướng”14 là người đứng đầu chính phủ suốt 7 năm 8 tháng, cha tôi đã tin rằng Fukuda tiên sinh - người kế thừa chính sách của đảng, sẽ thắng.
“Khác với việc trở thành Bộ trưởng, không phải ai cũng có thể trở thành Thủ tướng. Tanaka là người ưu tú nhưng ở đời có người hợp hay không hợp. Cậu ta mà trở thành Thủ tướng thì nước Nhật sẽ gay go. Cha không thể nghĩ cậu ấy sẽ trở thành Thủ tướng” - cha tôi đã nói vậy.
(Sách Shintaro Abe của tôi).
Mối quan hệ gia đình chiến lược hiếm thấy tạo nên “anh em Tể tướng” Nobusuke Kishi - Eisaku Sato và một Kakuei Tanaka xuất thân nông dân với trình độ học vấn chỉ mới tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học15 nhưng tiến lên được tới chức Thủ tướng. Nếu so với lai
lịch của Kishi thì Tanaka chỉ như một binh sĩ hạng nhất không đáng bàn đến. Trong khi đó, Takeo Fukuda, người kế thừa đường lối của Kishi thuộc tầng lớp tinh hoa, xuất thân khoa Luật trường Đại học Đế quốc Tokyo. Một Fukuda như vậy cạnh tranh chiếc ghế Thủ tướng với Tanaka nhưng bị thua, sau đó tuy có nắm được chính quyền nhưng chỉ kéo dài 2 năm từ năm 1976 là tại sao?
Kakuei Tanaka bị mọi người dè chừng với biệt danh “Ám tướng quân” do nắm được quyền chi phối trong Đảng Dân chủ Tự do. Nhưng nếu chỉ vậy thì không thể thu phục lòng người. Ví dụ, nếu có đi dùng bữa, Tanaka đều quan tâm đến tài xế, trợ lý, người giúp việc không phân biệt địa vị. Dù có bao nhiêu quyền lực và tiền bạc đi nữa, không phải là chuyện có thể làm được một cách đơn giản. Tanaka thường nói với mọi người xung quanh:
Đi nhà hàng, cho dù có chuyện gì khó chịu đi nữa, nhất định không được giận cá chém thớt lên người giúp việc hay trợ lý. Họ tiếp xúc với chúng ta cũng chỉ vì công việc, không thể trách mắng gì được.
Phải biết trân trọng những người ở vị trí thấp.
Đó là những lời nói tâm huyết của một người đã nếm trải đắng cay, đen tối và tự mình học được thuật sống ở đời. Có thể cảm nhận được bản chất con người của Tanaka, sức hấp dẫn của con người không ngừng thu hút người khác là ở chỗ đó. Một bản chất riêng biệt của Kakuei Tanaka mà cả Nobusuke Kishi, Takeo Eukuda không thể có được dù xuất thân gia đình cao quý hay học vấn xuất sắc. Có thể thấy đó là một lý do Kishi - Fukuda phải chịu thua Tanaka.
Thật ra, ngoài thế giới chính trị, Kishi và Tanaka còn có mối duyên nợ xoay quanh một người phụ nữ.
Tanaka thường được biết có hai người tình, thậm chí có cả con. Một người là Akiko Sato, được gọi là “Nữ vương Hội Etsuzan”16, nắm tay hòm chìa khóa của Tanaka và có một người con gái với ông, tên Atsuko. Một người tình nữa là geisha ở Kagurazaka, tên Kazuko Tsuji, có với Tanaka hai người con trai, một người con gái.
Khoảng năm 1946, sau chiến tranh không bao lâu, Tsuji xuất hiện với nghệ danh “Enya” ở tuổi 19, quen biết với Kakuei Tanaka đang trong lúc ông có thế lực mạnh mẽ nhờ cơn sốt đất đai sau chiến tranh, cũng là khi mà công ty Tanaka Doken Kyogo của ông hưng thịnh. Bằng dung mạo và tài sắc của mình, Enya Kazuko trở thành geisha đắt khách nhất Kagurazaka - nơi có đến 600 geisha lúc phát triển nhất. Tháng 4/1947, Kakuei Tanaka lần đầu tiên trúng cử Hạ viện và nhậm chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Nội chính (1948). Tsuji vừa nhận sự hỗ trợ của Tanaka, vừa tiếp tục hành nghề. Chuyện xảy ra sau lần tổng tuyển cử thứ hai (01/1949), bức thư pháp “Nhất Tâm chiều rộng khoảng 1 mét có lồng khung được Nobusuke Kishi gửi đến cho Tsuji với lời nhắn để lại “Kishi tiên sinh gửi cô Enya”
Năm 1948, sau sự kiện thả tù nhân Sugamo17, Kishi đã thành lập văn phòng “Kizansha” ở Ginza, Tokyo, chuẩn bị quay lại chính trường. Tuy có vài lần Tsuji được gọi đến các bữa tiệc của Kishi nhưng không thân mật đến mức để gửi tặng thư pháp. Tsuji đã giấu chuyện đó, không cho Tanaka biết. Sau đó, Kishi vẫn tiếp tục theo đuổi Tsuji.
Theo người quen của Tsuji, Kishi đã tán tỉnh Tsuji: “Tôi sẽ tặng cô một bức tranh, cô chịu làm người phụ nữ của tôi chứ?” Rốt cuộc
Tsuji từ chối lời đề nghị đó. Tsuji đã nói với người quen này: “Đùa sao? Một bức tranh ư?” Có thể Kishi bình luận về Tanaka một cách nghiêm khắc cũng chính vì giữa hai người đã xảy ra những chuyện trước đó như thế này.
Hậu Quả Từ Sự Thất Bại Của Ichiro Ozawa
Mặt khác, Fukuda lúc này đã rút lui khỏi chính trường và đề nghị con rể của Kishi, Shintaro Abe, làm ứng cử viên chức Thủ tướng. Nhưng Shintaro đã không hoàn thành được sứ mệnh đó do mắc bệnh ung thư. Và để giành lại chính quyền, Hội Seiwa18 do Fukuda khởi xướng đã phải chờ hơn 40 năm, cho đến khi Junichiro Koizumi lên làm Thủ tướng vào năm 2001. Thế rồi Koizumi đã chỉ định Shinzo Abe lúc ấy 49 tuổi làm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, thậm chí sau đó còn đưa lên đến chức Thủ tướng (tháng 9/2006).
Tuy nhiên, như đã trình bày ở phần trước, tháng 7/1970, ảnh hưởng từ rắc rối “chính trị và tiền bạc” của Bộ trưởng Nông-Lâm Thủy sản Toshikatsu Mastsuoka (đương thời), và người kế nhiệm Norihiko Akagi đã khiến Đảng Dân chủ Tự do thất bại thảm hại ở cuộc tuyển cử Hạ viện, giảm mất 27 ghế. Shinzo Abe rút lui khỏi chức Thủ tướng. Trong cuộc tổng tuyển cử sau đó, họ thất bại trước Đảng Dân chủ (Minshuto) do Ichiro Ozawa dẫn đầu (tháng 8/2009, Đảng Dân chủ 308 ghế, Đảng Dân chủ Tự do 119 ghế), cuộc chuyển giao chính quyền diễn ra. Tạm thời, Ichiro Ozawa - người đi theo con đường chính trị của Kakuei Tanaka dẫn trước trong cuộc đối đầu duyên nợ với cháu của Nobusuke Kishi là Shinzo Abe.
Nhưng rồi, vũ đài chính trị lần nữa lại xoay chuyển.
Tháng 7/2012, xoay quanh vấn đề tăng thuế tiêu thụ, Ozawa không đồng tình với chính quyền của thủ tướng Yoshihiko Noda lúc ấy nên cùng 50 người cùng phe cánh ly khai khiến Đảng Dân chủ bị chia rẽ. Bài viết trên tạp chí Shukan Bunshun (số ngày 21/6/2012) về “giấy ly thân” của vợ Ichiro Ozawa đã góp phần vào sự kiện chia rẽ nội bộ của đảng này. Ozawa từng là người tạo nên thắng lợi của đảng Dân chủ, nay lại rơi xuống tận cùng bởi “giấy ly thân” của vợ mình, Kazuko. Bài báo còn viết người vợ đã từng nghĩ đến chuyện tự tử, do ngoài sự tổn tại của con trai Ozawa với người tình nguyên là chủ nhà hàng, còn bị Ozawa thẳng thừng tuyên bố “không thể chia tay cô ấy nhưng có thể chia tay cô, có thể ly hôn bất kỳ lúc nào” Ngoài ra, bằng 11 thư viết tay, bà còn đề cập đến chuyện Ozawa bỏ mặc những người đồng hương ở Iwate - nơi chịu thảm họa động đất sóng thần vùng Đông Bắc Nhật Bản (2011), bỏ chạy đến Tokyo, rằng: “Tôi vô cùng xấu hổ khi đã giúp đỡ một người đàn ông như thế này vào chính sự quốc gia”.
Thật kinh ngạc. Qua mai mối của Kakuei Tanaka, Ozawa kết hôn với Kazuko vào tháng 10/1973, có với nhau 3 mặt con, sống bên nhau gần 40 năm. Vậy mà Kazuko đã phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật bản tính con người Ozawa.
Ozawa nhanh chóng rời khỏi chiếc ghế điều hành trong hậu trường của Đảng Dân chủ. Tờ giấy ly thân
như một mũi tên bắn ra, xoay dòng lịch sử. Mặc dù chỉ mới hơn một năm sau thảm họa động đất sóng thần, hòn đá ném vào chính quyền Đảng Dân chủ nhanh chóng khiến mặt nước lan rộng. Tận dụng thời cơ trước sự phân tán của Đảng Dân chủ và sự sụp đổ của Ozawa, Đảng Dân chủ Tự do đưa Shinzo Abe lên làm Chủ tịch và
giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2012 (Đảng Dân chủ Tự do 294 ghế, Đảng Dân chủ 57 ghế), cuộc chuyển giao chính quyền ngắn ngủi kết thúc sau 3 năm 3 tháng. Cái ách của Tanaka đã được cởi bỏ ở đời cháu của Kishi là Shinzo bằng sự thất bại của Ozawa.
Yoko Abe Ủy Thác Tâm Nguyện Của Cha Mình Cho Con Trai
Hai năm trôi qua, tháng 01/2014, Shinzo Abe giải tán Hạ viện. Trong cuộc tổng tuyển cử một tháng sau đó, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã giành 291 ghế, đồng minh của họ là Đảng Công minh (Komeito) 35 ghế, đạt tổng cộng 326 ghế, vượt hơn 2/3 số ghế cần thiết (317 ghế).
Để sửa đổi Hiến pháp, cần có hơn 2/3 số phiếu tán thành ở cả Hạ viện và Thượng viện. Tuy Đảng Dân chủ Tự do - Đảng Công minh duy trì được 2/3 trong Hạ viện nhưng trong Thượng viện thì thiếu mất 28 ghế mới đạt được 2/3 số ghế.
Đêm tổng tuyển cử, Shinzo Abe xuất hiện trong chương trình của đài truyền hình Tokyo. Khi được phóng viên truyền hình Akira Ikegami hỏi: “Vậy là ông có ý hướng sửa đổi Hiến pháp. Và ông muốn tự tay mình thực hiện điều đó chứ?” Shinzo đã trả lời: “Việc này cần thiết cho quốc dân. Tuy đã tạo được ưu thế 2/3 nhưng phải có được được hơn phân nửa số phiếu quốc dân. Tôi muốn được mọi người hiểu điều đó”. Ikegami lại hỏi: “Tức từng bước hướng đến sửa đổi Hiến pháp?” Shinzo trả lời: “Đúng vậy”.
Việc sửa đổi Hiến pháp này kế thừa tâm nguyện của ông ngoại Nobusuke Kishi. Khi quốc gia đứng trước bước ngoặt lớn, thấy Shinzo Abe tôn sùng Nobusuke Kishi, tôi không ngừng nghĩ đến vai trò của Yoko - con gái Kishi - một chứng nhân sống truyền thụ tâm nguyện và cả cuộc đời thăng trầm của Nobusuke Kishi thành nguồn sức mạnh tinh thần động viên cho Shinzo.
Trong sách Tập chứng ngôn Nobusuke Kishi (Kishi Nobusuke Shogenroku), khi được người phỏng vấn Yoshihisa Hara hỏi: “Ông có muốn làm Thủ tướng thêm lần nữa không?” Nobusuke Kishi đã trả lời:
Chà, chuyện đó là vầy, tôi đã làm Thủ tướng và có suy nghĩ muốn đưa ra phương châm sửa đổi Hiến pháp với tư cách người đứng đầu chính phủ. Sau khi tôi rời chức Thủ tướng, Ikeda (nguyên Thủ tướng Hayato Ikeda) và em trai tôi (nguyên
Thủ tướng Sakuei Sato) đều nói “Hiến pháp đã định hình, không nên sửa đổi” Tôi quay trở lại chính trường sau chiến tranh là vì thấu hiểu cần sửa đổi Hiến pháp như thế nào để xây dựng lại Nhật Bản. Vì vậy khí vận sửa đổi cần dâng lên hơn chút nữa. Suzuki (Thủ tướng) cũng nói Hiến pháp “định hình” nhưng... Đó là do không biết quốc dân không quan tâm Hiến pháp bây giờ đã sống như thế nào, nội dung đó ra sao. Hẳn mọi người nghĩ nếu có Hiến pháp này, sẽ không có chiến tranh nhưng không phải vậy. Không phải sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có chiến tranh.
Nobusuke Kishi đã ôm ấp ý nguyện to lớn là sửa đổi mục l trong điều 9 Hiến pháp (chủ nghĩa Hòa bình) và đã để lại ý nguyện đó. Bức bình phong đặt trong phòng của Shinzo ở Hội quán nghị sĩ phố Nagata, Tokyo có hai chữ thư pháp “Phùng Long” Đầu năm
Nhâm Thìn 2012, Yoko viết cho Shinzo “để có thể gặp được Rồng đã bay lên” và tháng 12 năm đó, Shinzo nhậm chức Thủ tướng lần thứ 2. Yoko đã gửi gắm việc sửa đổi Hiến pháp mà cha bà là Kishi chưa hoàn thành cho con trai, Shinzo. Mặt khác, bên cạnh sự tồn tại của nhánh huyết tộc nối kết từ Kishi đến Shinzo với Yoko là trục trung tâm, ta lại thấy sự tồn tại của nhóm Shintaro Abe (cha của Shinzo Abe), Akie Abe (phu nhân của Shinzo Abe), Nakako Kishi (bác dâu của Shinzo Abe và là mẹ nuôi của Nobuo Kishi em ruột Shinzo Abe). Nếu xét từ Nobusuke Kishi - người đứng đầu dòng họ trâm anh thế phiệt19, ba người họ (Shintaro - con rể, Akie - cháu dâu, Nakako - con dâu) hoàn toàn là những người dưng xa lạ. Nhưng giữa họ còn có một câu chuyện khác.
CHƯƠNG I
ÔNG NGOẠI NOBUSUKE KISHI Thần tượng Shinzo Abe theo đuổi
Với tư cách một người lãnh đạo Mãn Châu quốc20
Tháng 9/1945, khi cha bà bị bắt do là nghi phạm chiến tranh hạng A trong chiến tranh Thái Bình Dương, Yoko Abe chỉ mới 17 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Nữ sinh trung học phổ thông Shirayuri Kanda. Ngôi trường bà theo học bị không kích, cháy rụi và hiện nay trở hành Học viện Shirayuri.
Gia đình Nobusuke Kishi ở làng Tabuse21, huyện Kumage, tỉnh Yamaguchi22.
Ngày nay, từ ga tàu điện JR Hiroshima đi theo tuyến Sanyo khoảng một tiếng rưỡi là đến Tabuse, một thị trấn êm đềm với dân số khoảng 15.000 người, có thể nhìn ra vùng biển Suodana ở Seto naikai.
Trước chiến tranh, Nobusuke Kishi tốt nghiệp Đại học Đế quốc Tokyo, vào làm việc ở Bộ Nông - Thương (về sau chia thành Bộ Nông Lâm và Bộ Công Thương), tiến lên nấc thang thành đạt với tư cách quan chức xuất sắc hàng đầu của Bộ Công Thương.
Đương thời, đội quân Quan Đông (Kanto) sở hữu lực lượng 700.000 người tự hào về sức mạnh chi phối to lớn ở Mãn Châu quốc23. Nobusuke Kishi đến với quân Quan Đông ở Mãn Châu xa xôi vào năm 1936, lúc 40 tuổi.
Nobusuke Kishi thành lập nhóm công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp nặng Mãn Châu (Mangyo), lớn ngang hàng với công ty cổ phần Đường sắt Nam Mãn Châu (Mantestu). Nhậm chức Thứ trưởng Tổng vụ Mãn Thanh, với tư cách người lãnh đạo Mãn Châu quốc, Kishi đã lên kế hoạch tăng cường sức mạnh sản xuất than đá, sắt thép, v.v..
Naoki Hoshino, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Mãn Châu vào thời đó, hồi tưởng:
Kishi khi ra về không phải là Kishi lúc mới đến Mãn Châu. Tuy là người xuất sắc nhất trong Bộ nhưng Kishi khi mới đến vẫn chỉ là một công chức giỏi. Kishi khi trở về, khách quan mà nói, đã trở thành một chính trị gia Nhật Bản ưu tú.
(Bungei Shunju Số đặc biệt, Sách đọc
Giới thiệu nhân vật số tháng 10/1957)
Gần 4 năm sau khi trở về từ Mãn Châu quốc, Kishi nhậm chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, sau đó vào tháng 10 năm 1941, ngay trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nội các Hideki Tojo.
Một tháng sau khi chiến tranh kết thúc, Nobusuke Kishi bị chỉ đích danh là nghi phạm chiến tranh hạng A.
Lời Hứa Bí Mật Của Một Gia Tộc Danh Giá
Nobusuke Kishi là con trai thứ của ông Hidesuke Sato và bà Moyo. Hidesuke là con rể cũng là con nuôi của nhà Sato. Nobusuke Sato đổi họ thành Nobusuke Kishi là do sau đó ông về làm con nuôi của nhà Kishi - gia tộc ông bà nội ruột của mình vào năm 15 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
Còn nguyên Thủ tướng Eisaku Sato là con trai thứ ba trong gia đình.
Vì mối quan hệ gia đình hơi phức tạp một chút, nên tôi giải thích tổng quát.
Ông cố (nuôi) của Nobusuke Kishi là Nobuhiro Sato, quê làng Tabuse. Nobuhiro là samurai phiên Hagi, từng dạy cho Yoshida Shoin24 thuật dụng binh, sau được cử làm tỉnh trưởng tỉnh Shimane. Con trai ông là Nobuhiko, có 3 người con trai 2 người con gái. Tuy đã có em trai kế tục gia đình, nhưng do Nobuhiro quá yêu quý người cháu gái Moyo nên để lại đi ngôn “không cho Moyo đi làm dâu”. Chính vì vậy, gia đình Sato bắt rể Hidesuke từ gia đình sĩ tộc Kishi cùng ở Tabuse và xây dựng thành một nhánh khác của gia tộc Sato.
Vợ chồng Hidesuke - Moyo có 3 người con trai, 7 người con gái. Người con trai thứ Nobusuke, như đã nói ở trên, trở thành con nuôi của gia tộc ông bà nội ruột mình. Từ đó mới có việc Nobusuke Kishi và Eisaku Sato tuy khác họ nhưng là anh em ruột.
Mặt khác, em trai Moyo tên Matsusuke kế thừa dòng họ Sato sau khi tốt nghiệp khoa Y trường Đại học Đế quốc Tokyo đã trở thành giáo sư Y khoa. Phu nhân của ông là em gái của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Yosuke Matsuoka. Trưởng nữ của họ về sau trở thành phu nhân của Eisaku, tức Eisaku kết hôn với em họ và kế thừa dòng tộc Sato.
Ngoài ra, em gái Moyo tên Sawa làm dâu nhà giáo sư trung học Yamaguchi, còn trưởng nam, trở thành quan chức ngoại giao, cưới trưởng nữ của nguyên Thủ tướng Shigeru Yoshida.
Thật ra, khi mẹ ruột Nobusuke Kishi, bà Moyo Sato làm đám cưới với Hidesuke, đã có lời hứa nếu có nhiều con trai sẽ cho đi làm con
nuôi. Do vậy, người con thứ Nobusuke thì được đưa về nhà cha ruột Kishi, người con thứ ba Eisaku thì tiếp tục kế thừa dòng họ Sato. Lời hứa một dòng tộc bằng mối quan hệ hôn nhân - huyết thống được lặp đi lặp lại để danh môn Kishi lẫn Sato không bị đứt gãy. Và bây giờ, vấn đề là huyết thống của Shinzo. Shinzo Abe không có con nối dõi. Để duy trì dòng máu chính trị gia nhà Abe, Shinzo phải nhận con nuôi hoặc phải chọn trưởng nam của anh, em trai mình làm người kế thừa. Dù là cách nào đi nữa, huyết thống của một gia tộc phải được kế thừa.
Trưởng Nam Nobukazu Kishi Mắc Bệnh Bại Liệt
Nobusuke Kishi có hai người con. Trưởng nam Nobukazu chào đời tháng 11/1921, trưởng nữ Yoko sinh năm 1928. Hai anh em cách nhau 7 tuổi.
Vợ của Nobusuke, Yoshiko là con gái duy nhất của người con trai trưởng dòng họ Kishi - nơi Nobusuke đi làm con nuôi. Tức đây là cuộc hôn nhân giữa chị em họ. Yoko kể:
Từ vị trí thứ nam của nhà Sato, cha tôi trở thành con nuôi của nhà Kishi, sớm lên kinh đô cùng sống với mẹ tôi từ thời sinh viên. Sau khi mẹ tôi tốt nghiệp trường nữ Jissen, cha vẫn đang là sinh viên Đại học Tokyo, nhưng họ kết hôn vào năm 1919.
(Sách Shintaro Abe của tôi).
Khi người con trai trưởng Nobukazu chào đời, Nobusuke Kishi chỉ mới 25 tuổi, vừa trở thành viên chức hơn một năm, và Yoshiko 28 tuổi.
Thế nhưng, năm Nobukazu 3 tuổi, bất hạnh đổ xuống khiến gia đình họ vô cùng đau khổ. Nobukazu mắc bệnh bại liệt, không còn đi lại được nữa.
Ngay cả người như vậy cũng gặp phải bất hạnh gia đình. Tháng 5/1938, người con trai yêu Nobukazu mắc bệnh bại liệt. Ban đầu, họ chỉ nghĩ con mình bị cảm nhưng thấy chân cậu bé có vẻ lạ. Vị bác sĩ quen cho biết: “Cổ chân trái bị liệt, không chữa khỏi được” Cậu bé chỉ mới ba tuổi. Nghe kết luận của bác sĩ, nghĩ đến sự vất vả, bất tiện mà đứa con vô tội phải đối mặt, ban đêm ông ôm cậu bé, thương yêu ngắm nhìn mà nước mắt tuôn rơi...
Yoshiko vợ ông còn bị sốc hơn thế. Bà chưa hề biết đến căn bệnh đáng sợ là bại liệt trẻ em. Bà kể khi nghe bác sĩ tuyên bố, “cảm giác như rơi xuống vực thẳm. Một thời gian dài tôi không ra khỏi nhà. Tôi không thể chịu đựng nổi khi thấy những đứa trẻ con nhà khác khỏe mạnh chạy nhảy vui đùa” Cuộc sống chăm sóc người bại liệt bắt đầu từ đây. Họ vừa cầu nguyện thần linh vừa tiếp tục trị liệu bằng mọi cách, nào máy mát-xa điện suốt 7,8 năm, nào bấm huyệt, chích thuốc, tắm suối nước nóng, V.V..
(Sách Truyện ký Nobusuke Kishi (Kishi Nobusuke den))
Bản thân Nobukazu đã hồi tưởng lại giai đoạn này trong phần “Kể về cha tôi” phụ lục quyển sách Thời thanh xuân của tôi (Waga Seishun) do Nobusuke Kishi chấp bút, như sau:
Năm 3 tuổi, tôi mắc bệnh bại liệt. Sau này nghe kể lại, cha mẹ tôi đã vất vả thế nào, cha tôi tổn thương ra sao, ngay cả người xung quanh nhìn cũng thấy đau lòng khôn xiết.
Tôi cảm nhận được mùi cơ thể của cha một cách gần gũi nhất là khi em gái tôi chào đời, tức khoảng hai, ba năm đầu tôi mới vào tiểu học.
Thời ấy, văn phòng Nhà nước chỉ làm buổi sáng nên suốt mùa hè, cha tôi dành nửa ngày để đi câu. Ông thường đi câu ở Koremasa, sông Tamagawa, cứ giữa trưa đi, chiều tối về. Thỉnh thoảng đem về chiến lợi phẩm, nhiều nhất chừng năm, sáu con cá, và tự hào nói “quý lắm đấy”. Chúng tôi thường được ăn mấy con cá chẽm mềm nhũn.
(Sách Thời thanh xuân của tôi)
Nhìn dáng đi nghiêng nghiêng của người con mắc bệnh bại liệt, chắc hẳn Kishi đã phải gánh chịu một cảm giác đau lòng. Tình cảnh cha con họ và cảnh câu cá ở sông Tamagawa như hiện lên trước mắt.
Sau đó, Nobukazu đi theo con đường kinh doanh. Lễ ra Nobukazu phải là người kế thừa sự nghiệp của Kishi nhưng ngoài điểm bất lợi về cơ thể, bản thân Nobukazu không có hứng thú với chính trị. Nobukazu tốt nghiệp Đại học Đế quốc Kyoto và sau đó vào làm ở công ty be Kosan.
Việc kế thừa được ủy thác cho trưởng nữ, Yoko Kishi. Với Yoko, những gì có được là từ cha mình - chính trị gia Nobusuke Kishi. Việc
Kishi tiếp nhận con rể Shintaro Abe, và có 3 người cháu Hironobu, Shinzo, Nobuo là mãi về sau.
“Cha Tôi Không Phải Là Người Chủ Trương Chiến Tranh”
Tháng 10/1941, nội các Hideki Tojo được thành lập. Tháng 12, quân Nhật bất ngờ đánh trận Trân Châu cảng25, chính thức tham dự vào cuộc chiến Thái Bình Dương. Như đã trình bày ở trên, Nobusuke Kishi là quan chức Bộ Công Thương trong nội các Tojo lúc bấy giờ.
Sau khi khai chiến không lâu, trong nước bắt đầu có không khí mừng thắng trận. Nhưng khoảng đầu năm 1943, màu sắc chiến bại đậm dần, quân Nhật lâm vào thế kẹt nhưng Thủ tướng Tojo không ngừng chủ trương “chống cự triệt để”.
Bộ Công Thương được thay đổi thành Bộ Quân nhu, Kishi nhậm chức Bộ trưởng Quốc vụ kiêm Thứ trưởng Quân nhu vào năm 1943. Tojo trở thành Bộ trưởng Quân nhu.
Tojo vừa làm Thủ tướng vừa làm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Lục quân kiêm Bộ trưởng Quân nhu, hơn thế nữa, từ năm 1944, còn kiêm luôn chức Tổng trưởng Tham mưu, nắm giữ quyền lực khổng lồ.
Như đã trích dẫn một phần trong “Lời giới thiệu, ngay sau khi Nobusuke Kishi mất, Yoko bắt đầu viết bài cho tạp chí Chuo Koron, số tháng 10/1987 với tiêu đề Khuôn mặt người cha - Nobusuke Kishi. Trong đó, Yoko đã hồi tưởng lại tình hình lúc bấy giờ như sau:
Cuối cùng, trong tình hình Nhật Bản nhanh chóng lâm vào tình thế khó khăn trong cuộc chiến, xung quanh cha tôi trở nên hỗn loạn.
Nhiều người đến nhà chúng tôi, khóc với ông “tại sao Nhật Bản giỏi chịu đựng thế này mà nay phải chịu nhục dễ dàng như vậy?” Cha tôi không phải là người chủ trương chiến tranh. Bây giờ nhìn lại, có người nói cuộc chiến Đại Đông Á sai lầm ngay từ đầu, nhưng lúc ấy, Nhật Bản bị trói buộc bởi thế trận bao vây của ABCD (America (Mỹ), Britain (Anh), China (Trung Quốc) và Dutch (Hà Lan)), bị dồn ép như vậy nên đó là tình thế chẳng đặng đừng. Rốt cuộc, việc đồng ký tên vào “chiếu thư” tuyên chiến với tư cách một thành viên nội các Tojo vào ngày 8/12/1941 đã trực tiếp dẫn đến việc cha tôi trở thành nghi phạm chiến tranh về sau. Bánh xe lịch sử bắt đầu quay như thể đó chính là do ý chí của riêng mình cha tôi.
Kishi khi đó là Bộ trưởng Công Thương, tự ứng cử ở quận Yamaguchi II và trúng cử lần đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 1942. Năm 1943, khi trở thành Bộ trưởng Quốc vụ kiêm Thứ trưởng Quân nhu, vị trí của Kishi thay đổi đôi chút với tư cách một người có trách nhiệm với việc tiến hành chiến tranh.
Đối Lập Với Hideki Tojo
Tuy được che đậy khỏi ánh mắt quốc dân, nhưng chiến cục ngày càng xấu đi với việc mất 4 chiếc hàng không mẫu hạm ở cuộc hải chiến Midway (6/1942) và sau đó phải rút lui khỏi đảo Guadalcanat (2/1943).
Quân Mỹ đổ bộ lên đảo Saipan vào tháng 6/1944, thời kỳ cuối của nội các Tojo. Gần như cùng thời điểm, tại trận hải chiến trên biển Philippines, Nhật Bản mất các hàng không mẫu hạm chủ lực, và
hàng trăm máy bay, 30.000 lính của Đội Phòng thủ đã tử chiến trong danh dự trên đảo Saipan, chiến cuộc đi vào tuyệt vọng. Lý do chính để Kishi bất đồng với Tojo chính là việc thất thủ Saipan này. Trong Hồi ký của Nobusuke Kishi (Kishi Nobusuke no Kaiso), Kishi viết:
Nghĩa là, trước ý kiến của tôi cho rằng nếu mất Saipan, Nhật Bản sẽ không thể chiến đấu được nữa, ông Tojo đã phản đối và cho rằng đó là việc của Bộ Tổng tham mưu, một “văn quan” như tôi thì biết gì. Nhưng thực tế, sau khi Saipan thất thủ, các cuộc không kích B-29 lên lãnh thổ thường xuyên diễn ra, việc sản xuất quân nhu không còn theo đúng kế hoạch được nữa, tôi không thể hoàn thành trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Quân nhu. Vì vậy, không còn con đường nào khác ngoài việc kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt, nhưng quân đội đã kéo dài đến trận quyết chiến Okinawa.
Rốt cuộc, thái độ không sợ Tojo của Kishi đã đẩy nội các Tokyo đến việc tổng từ chức (7/1944) do nội bộ không thống nhất. Sự thật, do Saipan thất thủ khiến toàn lãnh thổ Nhật Bản lâm vào cảnh bị B-29 không kích. Trong Nobusuke Kishi - chính trị gia quyên thế (Kishi Nobusuke - Kensei no seijika), tác giả Yoshihisa Hara cho rằng:
Tức lúc ấy, Kishi phán đoán cuộc đối đầu với quân Mỹ chỉ đến đây. Đó là quan điểm “Kết thúc sớm chiến tranh” của Kishi'”... Như trưởng nam Nobukazu nói: “Lúc ấy, cha tôi bị đương cục nhắm đến, sau đó Kishi trở thành mục tiêu ám sát. Đây cũng là khoảng thời gian nhóm người của trưởng đội Hiến binh Ryoji Shikata tìm kiếm cơ hội “chém Kishi”
Thời kỳ này, Yoko vẫn còn ở độ tuổi đôi mươi, chưa thể nào hiểu được việc phản đối Tojo - người nắm giữ quyền lực to lớn nguy hiểm như thế nào. Nhưng Kishi cũng không nói với con gái chuyện gì đang xảy ra. Chỉ là Yoko thấy được sự quyết tâm mạnh mẽ khi đối đầu với tình hình vô cùng nguy hiểm từ thái độ căng thẳng, nghiêm trọng của cha mình.
Sự đối đầu với Thủ tướng Tojo xoay quanh việc cuộc chiến ở Saipan đứng trước cục diện mang tính quyết định, nhưng dù gì cha tôi vẫn phản đối việc kêu gọi Thủ tướng từ chức. Sau đây là câu chuyện tôi được nghe chính cha kể sau đó. Tức giận trước thái độ không thể lay chuyển của cha tôi, trưởng đội Hiến binh Shikata đã đến tận quan dinh Bộ trưởng để đàm phán, rút kiếm hù dọa “Chẳng phải các hạ Tojo nói quay phải thì quay phải, quay trái thì quay trái, cấp dưới phải tuân lệnh sao? Phản đối như vậy là có ý gì?” Cha tôi đã đáp trả một cách dứt khoát: “Im đi! Chính vì những người như cậu nên gần đây Tojo mới phải mang tiếng xấu đấy. Chẳng phải ở cái đất Nhật Bản này, người có quyền nói phải là phải, trái là trái chỉ có Nhật hoàng thôi sao? Lui ngay”.
Về sau, cha tôi nói rằng cả đời, ông đã 3 lần sẵn sàng đối mặt với cái chết. Lần thứ nhất là khi đối đầu với Thủ tướng Tojo, lần hai là khi bị bắt làm tù nhân ở Sugamo với thân phận nghi phạm chiến tranh hạng A, lần thứ ba là khi họp Quốc hội về vấn đề Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Rốt cuộc, thái độ của cha tôi đã khiến ngày 18/7, nội các Tojo phải từ chức, cả cha tôi cũng xuống làm thường dân.
(Sách Khuôn mặt người cha -Nobusuke Kishi)
Trong thời gian bị Hiến binh cho là người chủ mưu tạo phản chống Tojo, chống đối nội các, Kishi vẫn không hề quên viết thư cho con trai Nobukazu. Có lẽ bằng cách này, một Kishi đầy ắp tâm sự đã tìm cho mình một nơi nghỉ ngơi trong sự sum họp gia đình khi tạm cởi bỏ trách nhiệm của một Bộ trưởng
Mùa thu năm 1943, tôi vào trường Đại học Kyoto. Đúng thời kỳ tổng động viên cần lao, tuy tôi rất biết ơn khi một ngày được sáu lon gạo nhưng việc cầm cuốc lao động quả thật vất vả. Mỗi lần tôi gần như đã muốn bỏ cuộc, những lá thư của cha luôn trở thành nguồn động viên to lớn. Vừa làm Bộ trưởng Quốc vụ vừa kiêm Thứ trưởng Quân nhu, vậy mà vẫn đều đặn viết thư cho con trai. Lúc ấy với tôi, một người cha bị nói là “dao cạo”, “lạnh lùng vô song” này nọ chỉ đơn giản là một người cha bình dị.
(Sách Kể về cha tôi)
Nơi Nobukazu bị tổng động viên cần lao là nhà máy thuốc súng ở thành phố Uji. Hẳn Kishi, với tư cách một người cha đã rất đau đớn, xót xa khi nghĩ đến tâm trạng của đứa con bị tật vẫn phải tuân lệnh tổng động viên cần lao.
Yoko Làm Việc Ở Nhà Máy Sản Xuất Dù Nhảy
Đón năm 1945 kết thúc chiến tranh, máy bay B-29 của quân đội Mỹ tổng không kích Tokyo từ ngày 9 đến ngày 10/3. Khu vực quận Koto bị phá hủy hoàn toàn, 230.000 hộ bị thiêu cháy toàn bộ, con số
người chết và bị thương là 120.000 người. Hơn thế nữa, máy bay B 2926 còn không kích Osaka từ ngày 13 đến 14/3 khiến 130.000 hộ bị thiêu cháy.
Cuộc tổng không kích Tokyo ngày 10/3 bắt đầu vào 0:08 phút sáng. Trong vòng hai tiếng rưỡi đồng hồ, 279 chiếc máy bay B-29 đã tập trung thả 1.665 tấn bom dầu gây cháy xuống khu dân cư lao động ở Tokyo. Khu vực bị không kích không có cơ sở quân đội hay nhà máy quân nhu, mà mục tiêu là chợ và ga Tokyo, đám cháy nhanh chóng lan rộng.
Chịu thiệt hại nặng nề nhất là quận Fukagawa, quận Asakusa, quận Nihonbashi, v.v.. Nhà ở tại các khu vực này đều bị cháy trụi, người người mắc kẹt trong các con đường chật hẹp. Các hầm trú ẩn đều không có tác dụng trước ngọn lửa tàn bạo, những người trốn vào đó đều chết cháy.
Cả khu vực trường học xây bằng bê-tông cốt thép được chỉ định làm nơi lánh nạn cũng bị cháy trụi bên trong, công viên khắp nơi tỏa ra đầy gió nóng và khói khiến thêm nhiều người chết. Cả những người chạy về hướng sông cũng bị chết cháy do cầu đổ sụp bởi lửa từ hai bờ sông tụ vào. Người nhảy được xuống sông thì chết đuối hay bị đóng băng.
Đó là năm Yoko tốt nghiệp trường nữ Shirayuri nhưng bị trường đưa vào danh sách tổng động viên cần lao, ngày ngày làm việc ở nhà máy sản xuất dù nhảy ở Nihonbashi. Tuy nói là dù nhảy nhưng không phải dành cho người, mà là dù gắn vào để bom không bị rơi bất thình lình, được sản xuất bằng lụa xanh dương để không bị nổi bật trên biển.
Thời ấy, tất cả mọi người đều cố gắng hết sức mình. Bản thân tôi, tôi nhớ là ngày 25/3/1945, vừa đến nhà máy thì chuông báo động máy bay vang lên, tôi trốn xuống phòng hầm. Có thể nói cứ như sóng tầng tầng lớp lớp, hết báo yên lại có báo động, cứ thế liên tục.
Trong lúc đó, bom rơi rất gần đó, cúp điện, vì là nữ sinh nên có người đã bật khóc. Khi có báo yên, chúng tôi ra ngoài thì trời đã tối... Tuy phải về nhà sớm nhưng trường ở Iidabashi, bên cạnh đền thờ Thần đạo Yasukuni nên chúng tôi rủ nhau về trường, đội khăn trên đầu và đi len lỏi trong bụi lửa”
(“Chính trị sau chiến tranh - Bản mới”, báo Mainichi số ngày 10/4/1994)
Như bất kỳ ai, Yoko cũng đã trốn chạy trong ngọn lửa bom đạn không kích.
Ngày 01/4/1945, quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa27. Hơn 2 tháng sau, ngày 23/6, quân phòng thủ Nhật Bản bị đánh bại hoàn toàn. Mặt khác, B-29 đã tổng không kích Tokyo từ ngày 24 đến 25/5, hơn nửa vùng nội thành Tokyo cháy trụi.
Ngày kết thúc chiến tranh, Nobusuke Kishi nằm trên giường bệnh
Thoát nạn trong trận không kích đầu tháng 3/1945, không đợi đến ngày tốt nghiệp trường nữ trung học Shirayuri, Yoko theo bà và mẹ về nhà nội ở thị trấn Tabuse, tỉnh Yamaguchi.
Khoảng hai, ba tuần sau đó, Nobusuke Kishi cũng về đến với căn bệnh đau thần kinh tọa. Và rồi họ nghe tin báo căn nhà ở
Yodobashi28 đã bị cháy sau trận không kích ngày 25/5. Kishi thường xuyên đi tắm suối nước nóng Tawarayama ở thành phố Nagato, nơi được cho là có tác dụng chữa bệnh đau thần kinh tọa. Tuy chỉ vài tháng ngắn ngủi, nhưng là dịp duy nhất để Yoko cùng trải qua những ngày tháng yên bình cùng người cha đang tạm xa việc công.
Nếu không làm gì sẽ bị gọi đi làm công ích nên Yoko chọn làm việc ở ngân hàng Yamaguchi, chi nhánh Tabuse cách nhà khoảng mười lăm phút. Thời gian đó, rất nhiều người bị thương nặng từ Hiroshima quay về Yamaguchi, hay lan truyền những câu chuyện như chỉ cần nghe một tiếng rắc là mọi thứ chẳng còn gì. Ngày 6/8, bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, số người chết lên đến khoảng 140.000 người (thời điểm năm 1945). Ngày 08/8, Liên Xô (cũ) tuyên chiến với Nhật Bản, ngày 9/8 đến lượt Nagasaki bị ném bom nguyên tử, số người chết khoảng 70.000 người (thời điểm năm 1945). 5 ngày sau, ngày 14/8, Ngự tiền hội nghị (Gozen Kaigi)29 đưa ra quyết định cuối cùng về việc chấp nhận tuyên ngôn Potsdam.
Sau đó, ngày 15/8, khi đang trong giờ nghỉ trưa ở ngân hàng, Yoko được cấp trên gọi đến tập trung trước radio, nghe truyền thanh trực tiếp Nhật hoàng đọc tuyên bố kết thúc chiến tranh. Chất lượng truyền thanh khi ấy còn lẫn tạp âm.
Tôi đã không thể nào tin được, tuy biết là phải giữ bình tĩnh trong lúc này nhưng tôi chỉ biết khóc đến kiệt sức. Tôi về nhà và thấy cha đang nằm trên giường bệnh do sốt phát ban, ông nhìn lên trần nhà bằng đôi mắt đỏ mở to. Khi ấy, anh tôi đang theo học ở Đại học Kyoto, nói: “Một khi quốc gia bại chiến, có sống cũng chẳng ích
gì. Con muốn chết sao cho đẹp” thì cha tôi tức giận, giọng lạc đi: “Con nói gì vậy!? Nếu biết nghĩ đến tương lai quốc gia, hãy dũng cảm sống vượt qua hiện tại”.
Dường như cha tôi đã chuẩn bị tâm lý từ trước rằng Nhật Bản sẽ bại trận, và nếu ngày đó đến thì bản thân khó lòng tránh khỏi hình phạt dành cho tội phạm chiến tranh. Ông cũng nhắc nhở gia đình chúng tôi dù cho bất kỳ chuyện gì xảy ra cũng nhất định không được manh động.
(Sách Khuôn mặt người cha - Nobusuke Kishi)
Ngày 15/8, Nobusuke Kishi đã nghĩ gì khi vừa nằm trên giường bệnh ở Tabuse vừa nghe Nhật hoàng tuyên bố bại chiến qua chiếc đài radio?
Tôi đã nghĩ phải chấm dứt chiến tranh nhưng đầu hàng toàn điện kiểu đó và khi nghe Nhật hoàng hạ lệnh tuyên bố như vậy, tôi như người mất hồn.
(Sách Hồi ký Nobusuke Kishi)
Áp Giải Đến Nhà Tù Yokohama
Chiến tranh kết thúc.
GHQ (Bộ tổng tư lệnh chỉ huy quân đội tối cao Liên Hiệp Quốc) đã ra lệnh bắt giữ 319 tội phạm chiến tranh vào ngày 11/9/1945. Trong 319 người có Hideki Tojo (Thủ tướng, Bộ trưởng Lục quân), Shigenori Togo (Bộ trưởng Ngoại giao), Shigetaro Shimada (Bộ trưởng Hải quân), Okinori Kaya (Bộ trưởng Tài chính), Nobusuke
Kishi (Bộ trưởng Công thương), Teiichi Suzuki (Chủ tịch Viện Kế hoạch), Ken Terajima (Bộ trưởng Viễn thông), Hiroya Ino (Bộ trưởng Nông lâm), Chikahiko Koizumi (Bộ trưởng Y tế - Phúc lợi - tự sát sau đó).
Tổng số nghi phạm chiến tranh hạng A kể từ ngày này cho đến 29/4/1946 bao gồm những người đã bị bắt ở ngoài lãnh thổ và số bị bắt theo lệnh ngày 19/11 vượt quá 100 người. Lệnh bắt Nobusuke Kishi - nghi phạm chiến tranh hạng A với tư cách quan chức trong nội các Tojo được đưa ra vào ngày 12/9, ông được áp giải đến nhà tù Yokohama, đi cùng có Cảnh sát trưởng cấp cao tỉnh Yamaguchi, Shinjiro Koyama. Lúc ấy, Kishi 48 tuổi.
Tôi cứ nghĩ mình đã chuẩn bị tinh thần được rồi nhưng khi cha tôi ra đi, nhà cửa trở nên trống trải không ngờ, mỗi khi nhìn thấy những đồ vật cha thường dùng, tôi không thể cầm được nước mắt.
(Sách Khuôn mặt người cha -Nobusuke Kishi)
Nobusuke Kishi và vợ cùng hai con trao nhau chén
nước biệt ly. Ông chuẩn bị tinh thần không còn dịp về lại Tabuse. Và chắc chắn trong đầu Yoko vẫn in rõ mồn một khuôn mặt của người cha bị áp giải đi.
Năm 1945, khoảng thời gian kết thúc chiến tranh, em trai của Nobusuke Kishi là Eisaku Sato đang làm Cục trưởng Cục đường sắt Osaka. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật Đại học Đế Quốc Tokyo, Sato đã vào làm ở Sở Đường sắt từ trước chiến tranh. Sato có một người đàn em cùng trường trung học phổ thông số 5 là Hayato Ikeda, về sau trở thành Thủ tướng.
Vợ Sato là Hiroko cùng hai người con trai tạm lánh
về nhà của Nobusuke Kishi ở Higashinakano cùng mấy người bà con. Vợ con Nobusuke Kishi thì đã về quê nhà Tabuse. Thế rồi, từ nửa đêm 24/5 đến sáng hôm sau, cuộc tổng không kích Tokyo nổ ra. Hỏa hoạn khắp nơi, cành cây, gạch đá văng khắp nơi, người người trùm khăn phòng không đã tơi tả, tay chân bị thương vì phỏng chạy trốn trong hoảng loạn. Buổi sáng, khi trở về nhà của Nobusuke Kishi, căn nhà đã cháy rụi không còn dấu tích, vô số tử thi chết cháy nằm ngổn ngang.
Mẹ con Hiroko chuyển đến Osaka, sống ở Furuichi, tuyến Fukuchiyama. Có một thời gian, Eisaku Sato bị sốt cao không rõ nguyên nhân, lâm vào tình trạng nguy hiểm. Gia đình đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan thì chiến tranh kết thúc. Và Hiroko được biết anh chồng Nobusuke Kishi bị bắt vì là nghi phạm chiến tranh.
Anh chồng tôi bị bắt ở quê Yamaguchi và bị áp giải về Tokyo, do biết được tên chuyến tàu và thời gian đi ngang Osaka nên tôi đã từ Furuichi đến ga Osaka. Tôi đã chuẩn bị cơm nắm và bánh ga-tô để nếu có cơ hội thì tiếp tế cho anh. Khi đi, chồng tôi đang trong giường bệnh hỏi “Em đi đâu vậy?” Tôi nhớ mình đã trả lời: “Nghe nói anh Kishi đến Tokyo. Em định gặp ở ga Osaka để báo tình trạng bệnh của anh” Chuyến tàu chở anh chồng vào đến sân ga Osaka nhếch nhác sau cuộc bại chiến. Trong vài phút ngắn ngủi dừng ở ga mà phải báo cáo bao nhiêu chuyện với anh ấy. Tôi đã chạy hết tốc lực để tìm chuyến tàu chở anh chồng.
Kia rồi! - Anh Kishi đang ngồi đấy, mắt như đang nhắm, nút cổ áo để hở, khăn quấn quanh cổ. Trước và bên cạnh anh là quân cảnh
Mỹ. Tôi hướng về phía cửa sổ đang để mở khoảng một nửa, lấy hết sức gọi to: “Anh....” Anh Kishi nhìn tôi chằm chằm, mỉm cười trong khoảnh khắc rồi ngay sau đó, nước mắt lấp loáng trong đôi mắt to. Vì đang bị áp giải nên dù tàu dừng, anh cũng không được ra ngoài. Tôi đưa thức ăn qua cửa sổ và vội vã báo cho anh biết tình hình bệnh của anh Eisaku.
Giây phút tàu sắp rời ga, anh nắm chặt tay tôi, nói:
“Chỉ còn Eisaku thôi đấy”
Nếu bị bắt vì là tội phạm chiến tranh thì có thể bị tử hình. Chẳng lẽ đây là cuộc chia tay cuối cùng...? - Tôi nghẹn ngào. Tôi khóc suốt trên đường quay về Furuichi.
(Sách Những chuyện bí mật của phu nhân Thủ tướng Hiroko Sato (Hiroko Sato no saisho ƒujin hiroku)).
Tojo định tự sát bằng cách bắn vào phần bụng phía bên trái của mình vào ngày 11/9. Tuy cuộc tự sát bất thành nhưng khi biết điều đó qua radio ngày 12/9, Kishi đã rất sốc. Kishi và bất kỳ ai cũng nghĩ đến cái án tử hình đầy tuyệt vọng. Tâm trạng Kishi lúc ấy thể hiện rõ qua câu nói ngắn ngủi với Hiroko: “Chỉ còn Eisaku thôi đấy”.
Cổng nhà tù rất nặng, tiếng cánh cổng được mở ra và xe chạy vào đó. Sau đó là tiếng đóng sầm. Âm thanh đó xuất hiện trong những giấc mơ cả những năm về sau. Tôi bị cách ly với thế giới bên ngoài bởi âm thanh đó.
(Sách Hồi ký Nobusuke Kishi)
Không Khởi Tố Nobusuke Kishi
Kishi được chuyển từ trại giam Yokohama sang nhà tù dành cho tù binh lục quân cũ, rồi sang nhà tù Sugamo (Sugamo Prison), ngày 8/12.
Cách đối xử của phía Mỹ đối với nhóm tù nhân như Kishi rất tồi tệ. Họ bị tịch thu cả khố khi kiểm tra thân thể, đành phải dùng khăn làm khố. Việc kiểm tra thân thể thường xuyên diễn ra. Đồ ngủ, gối bị lấy đi, sách đang đọc bị tịch thu, đồ dùng trong phòng bị tước đi trong lúc đi dạo. Có khi bị ngưng cấp giấy vệ sinh. Một sự ngược đãi rõ ràng.
Kishi thường xuyên bị bắt làm công việc quét bụi trần nhà và tường phòng phía hành lang bằng bàn chải định. Có lần đang đứng trên thang để quét trần, ông bị một lượng lớn bụi rơi vào mắt, tay bị thương vì chà xát quá nhiều. Cả đêm ông phải chườm mắt bằng nước lạnh vì mắt quá đau. Kishi phải chịu đựng tình trạng không được chăm sóc y tế phù hợp này nhiều ngày liền. (Theo Nobusuke Kishi - Chính trị gia quyên thê)
Tóm lại, việc kiểm tra thân thể thường xuyên được lặp đi lặp lại là một sự sỉ nhục. Kishi có thái độ thù địch với Mỹ cũng không có gì lạ.
Nhà tù Sugamo chỉ cho phép thăm nuôi mỗi tháng một lần, mỗi lần 30 phút. Nhưng hằng tháng không dễ mua vé tàu để đi từ Tabuse lên Tokyo. Mặc dù vậy, mỗi tháng nhất định sẽ có người đi thăm nuôi, kể cả Eisaku Sato - khi đó đã làm đến chức Tổng cục trưởng Đường sắt (1946) và Thứ trưởng Vận tải (1947).
Việc gia đình thăm nuôi hằng tháng thì ở Omori còn cho đem cả bàn cờ vào, nhưng ở Sugamo thì không chấp nhận bất kỳ thứ gì ngoại trừ các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu. Chúng tôi chỉ có thể quan sát thái độ của nhau từ cái lỗ nhỏ ở tấm chắn đặt giữa 3 lớp lưới sắt và thông báo cho nhau những việc thường ngày. Tôi thấy cha gầy ốm, mặc bộ đồ tù cột dây, đầu cạo trọc, râu ria mọc lởm chởm.
Năm đầu tiên, vốn dĩ cha đã chuẩn bị tinh thần bị tử hình nên khi gặp mặt, cha tôi rất kiệm lời và bình thản, còn tôi lại xem đó là nơi đây bi ai chia cắt thế giới này
(Sách Khuôn mặt người cha - Nobusuke Kishi)
Tháng 4/1946, trát khởi tố 28 nghi phạm từ Tojo trở xuống được công bố. Không hiểu tại sao, trong số đó không có tên Kishi. Hôm sau, Kishi đang trong tù, biết được điều đó qua báo chí.
Bên ngoài, chính quyền thay đổi từ nội các Hoàng tử Naruhiko Higashikuni ngay sau chiến tranh sang nội các Kijuro Shidehara và từ tháng 5/1946 là nội các Shigeru Yoshida (lần 1). Người em trai Eisaku Sato nhậm chức Chánh văn phòng nội các trong nội các Yoshida lần 2 vào tháng 10/1948.
Sato nhanh chóng kết thân với Shigeru Yoshida vốn có họ hàng xa. Việc Thứ trưởng Vận tải trở thành Chánh văn phòng nội các mà không phải là nghị sĩ cũng nói lên lòng tin của Yoshida dành cho Sato. Để đạt được điều đó, đã có một quá trình diễn ra. Yoko tiết lộ:
Câu chuyện của Eisaku bắt đầu từ cuộc Tổng bãi công 1/2/1947. Nhìn thấy sự bất đồng nội bộ trong Công đoàn Lao động Đường sắt Quốc gia, trước đêm Đại hội Lao động Quốc gia, Thứ trưởng Vận tải
Sato đã nhờ Bộ Tài chính bí mật công nhận lương căn bản, và truyền thông tin đó đi để chế ngự phe tổng bãi công, chỉ một đêm đã tránh được tổng bãi công”.
(Sách Shintaro Abe của tôi)
Nhờ hành động này của Sato mà nội các Shigeru Yoshida được cứu thoát khi sắp rơi xuống vực.
Mặt khác, Macauthur đã gọi Yashiro Ii, Nghị trưởng Công đoàn Lao động các cơ quan lên GHQ vào ngày 31/01, ra lệnh truyền thanh hủy bỏ tổng bãi công. li đã phải thông qua đài NHK30, kêu gọi hủy bỏ tổng bãi công trong nước mắt. Cuộc tổng bãi công dự định diễn ra vào ngày 1/2 biến mất trong bí ẩn. Sato trúng cử nghị sĩ Thượng viện lần đầu vào tháng 1/1949.
Trưởng nam của Nobusuke Kishi là Nobukazu Kishi kết hôn với Nakako Tanabe vào tháng 5/1948. Cha của Nakako là Yuzuru Tanabe, Nghị trưởng Nghị hội tỉnh đồng thời là nghị sĩ Hạ viện, quan chức quan trọng của tỉnh Yamaguchi. Hai tháng sau khi kết hôn, Nakako gặp mặt cha chồng đang ở trong tù qua song sắt.
Yoko nói cha mình đã rất may khi không có tên trong danh sách khởi tố, mà đúng hơn là tâm trạng cứ dịch chuyển qua lại giữa kỳ vọng le lói không hiểu chuyện gì đang xảy ra cùng nỗi bất an bao phủ không lý do.
Trang nhật ký viết vào ngày tử hình Hidekti Tojo
Manh mối duy nhất có thể cho thấy tâm trạng dao động của Nobusuke Kishi trong những ngày ở nhà tù Sugamo chính là nhật ký của ông.
Nhật ký được đăng tải trên tạp chí Chuo Koron (số tháng 11/1954), sáu năm sau ngày được thả với tiêu đề “(Tư liệu đặc biệt) Nhật ký trong nhà tù Sugamo của Nobusuke Kishi - Những ghi chép chân thực về cuộc sống hơn 3 năm đã trải qua với tư cách nghi phạm chiến tranh hạng A”. Bài đăng trích dẫn nhật ký trong khoảng thời gian từ ngày 23/9/1948 đến trước ngày Kishi được phóng thích, ngày Tojo bị xử tử hình, 23/12/1948. Cuốn nhật ký làm bằng giấy rơm kích thước khoảng 25x35cm, được viết bằng bút chì. Sau đây là trích dẫn một phần nhật ký từ tháng 10/1948 cho đến khi được phóng thích.
Buổi sáng, vận động ngoài trời. Theo thông tin người nhà của Terajima, nghe luật sư Harris nói khoảng trung tuần tháng này sẽ có quyết định xét xử hạng A lần 2 hay không.
Buổi sáng, Miwa (Juso) đến thăm. Bên cạnh có người nhà của Otsu cũng đến thăm, hai bên chào hỏi nhau.
Miwa thay Nobukazu đến thăm nên chúng tôi trao đổi chi tiết nội dung thẩm vấn lần trước. Tôi hỏi kỹ về tình hình Wagatsuma (Sakae) và những người bạn học khác. Ngoài ra, còn nói chuyện hậu trường, tình hình chính giới và vụ án Showa Denko, v.v.. Thoáng chốc thời gian thăm nuôi đã hết, lại bị MP (quân cảnh) giải đi.
Lúc này, Nobukazu 27 tuổi, đã vào làm cho công ty Ube Kosan - nhà máy sản xuất chất hóa học, sau khi tốt nghiệp Đại học Đế quốc Kyoto. Chuyện này đã được đề cập ở phần trước nhưng cái tên Nobukazu thường xuyên xuất hiện trong nhật ký đủ cho thấy Kishi đã nhờ vào Nobukazu nhiều thế nào để biết được động tĩnh bên ngoài nhà tù, và liên lạc với các anh em, đồng chí.
Được báo là Yoshida được chỉ định làm Tổng Thư ký Đảng Dân Tự31, hôm qua lễ Chứng nhận đã được tổ chức và bắt đầu tiến hành tổ chức nội các. Báo chí đưa tin em trai mình được chỉ định làm Chánh văn phòng nội các. Vì mối quan hệ với mình mà em không thể trở thành Bộ trưởng Quốc vụ, thật đáng tiếc vô cùng.
Nghĩ về em trai thương yêu
Buồn phận mình cô độc
Trong lao tù ngày thu
Kishi đã tự trách mình ngăn cản con đường tiến thân của người em trai.
Tháng Mười cũng chỉ còn 2 tuần nữa, nghe đồn nếu không khởi tố trong khoảng thời gian này thì có thể được thả ra. Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông đã phán quyết có tội với tất cả 215 tội phạm chiến tranh hạng A vào ngày 12/11. 7 người nhóm Tojo bị treo cổ, 16 người gồm Kiichiro Hiranuma, Okinori Kaya bị án tù chung thân, Shigenori Togo 20 năm tù, Mamoru Shigemitsu 7 năm tù. Trong số này không có Nobusuke Kishi.
Buổi sáng vận động ngoài trời. Hình như hôm qua tòa án Tokyo ra phán quyết, bất ngờ là án tử hình dành cho 7 người không được chuyển đến đúng với dự đoán. 7 người không được chuyển đến rốt cuộc là là Tojo (Hideki), Hirota (Koki), Itagaki (Seishiro), Matsui (Iwane), Doihara (Kenji), Kimura (Heitaro), Muto (Akira). Vì báo không đến nên mình không biết nội dung phán quyết thế nào. Hôm nay là ngày Nobukazu đến thăm, mình đã chờ để biết tin nhưng không thấy con đến... Phải nói phán quyết lần này không chỉ phiến diện, bẻ cong sự thật từ đầu đến cuối mà còn cực kỳ thô bạo trong cả cách phân xử hình phạt với từng cá nhân...
Mối quan hệ và bối cảnh quốc tế cho đến lúc các sự biến Mãn Châu, sự biến Trung Hoa, chiến tranh Đại Đông Á, v.v., xảy ra đều bị bóp méo là ý đồ xâm lược của Nhật Bản...
Hôm nay là sinh nhật lần thứ 52 của mình. Đón sinh nhật trong tù lần thứ tư. Xem phán quyết của tòa án Tokyo, thì ngày khởi tố mình và những người khác cũng không còn xa. Tết năm nay, sau khi báo chí đăng tải rằng Chánh công tố Keenan32 tuyên bố không khởi tố dù là hạng A, mình đã nhiều lần hi vọng được thả nhưng bây giờ, hoàn toàn không có hi vọng. Suy nghĩ năm nay sẽ được quây quần cùng gia đình đón sinh nhật thật quá hão huyền.
Theo báo hôm nay, việc thi hành án tử hình của Tojo và 6 người khác sẽ được tiến hành vào giữa đêm nay. Đọc bài báo trước giờ cơm tối, bữa cơm chẳng chẳng còn ngon lành gì. Vừa viết những dòng nhật ký này, trong tim mình vừa cầu nguyện cho họ.
Buổi sáng, trong lúc đi dạo, nhóm Tojo dòm từ cửa sổ qua.
Báo hôm qua được phát vào giờ chiều. Có tin Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định bác bỏ đơn kiện. Cùng lúc, có thông tin 0 giờ đêm nay, nhóm từ Tojo trở xuống đã bị treo cổ. Vẫn chưa rõ thực hư nhưng xem ra hình như là vậy.
“Mừng ngày rời trại giam" với em trai - Eisaku Sato
Nobusuke Kishi cùng 18 nghi phạm chiến tranh hạng A khác được thả ra vào ngày 24/12/1948. Như nhật ký ngày hôm trước của Kishi, nhóm 7 người Tojo đã bị treo cổ. Trong Tập Ghi chép ngắn (Hồi ký của Nobusuke Kishi) viết trong tù, Kishi có viết: “Người ta đã cho rằng chiến tranh Đại Đông Á là chiến tranh xâm lược của Nhật Bản và không tha thứ cho điều đó. Đây là sự bóp méo sự thật. Vậy tại sao Kishi được thả?
Đã có điểm báo. Đương thời, khi người em trai Eisaku Sato đi thăm, Kishi đã nói:
Việc anh có thể rời khỏi đây hay không phản ánh
tình hình quốc tế. Anh đã lo nếu Mỹ và Liên Xô thân nhau thì chẳng biết đầu lìa khỏi cổ lúc nào nhưng một khi Mỹ - Xô hục hặc với nhau thì không cần phải lo nữa.
33 - Nobusuke Kishi (Showa no Yokai -
(Sách Quái vật Showa
Kishi Nobusuke)).
Tức Kishi đã dự kiến trong bối cảnh chiến tranh lạnh Mỹ - Xô ngày càng căng thẳng thì Nhật Bản nhắm đến vai trò căn cứ địa của chủ nghĩa tư bản, xoay chuyển dần chính sách chiếm đóng của Mỹ để phục hưng.
Mặt khác, trong lúc chờ chính sách chiếm đóng thay đổi thì nội bộ GHQ (Bộ tổng tư lệnh chỉ huy quân đội tối cao Liên Hiệp quốc) xuất hiện sự thay đổi trong cách đối xử với nghi phạm chiến tranh. G2 (Ban Tham mưu 2), đối lập với GS (Cục Dân chủ) vốn tiến hành dân chủ hóa, vào ngày 24/4/1948 đã khuyến cáo với Tổng tư lệnh chỉ huy quân đội tối cao Liên Hiệp Quốc MacArthur thả Kishi khỏi nhà tù Sugamo. (Theo sách Nobusuke Kishi - chính trị gia quyền thế)
Vấn đề là tại sao Kishi không bị khởi tố?
Theo Hồi ký của Nobusuke Kishi, trong hơn 3 năm bị giam, Kishi bị thẩm vấn 3 lần. Lần thứ 3, trọng tâm thẩm vấn là Kishi có tham dự cuộc họp liên lạc chính phủ tại đại bản doanh khi quyết định khai chiến hay không? Việc có dự cuộc họp hay không trở thành yếu tố quyết định có bị khởi tố hay không. Kishi đã trả lời “không tham dự” Trong khi đó Tojo đã trả lời cuộc thẩm vấn điều tra rằng: “Tôi nhớ là (Bộ trưởng Công - Thương Kishi) có tham dự vì đây là cuộc họp quan trọng quyết định khai chiến” khiến cán bộ điều tra không thỏa mãn. Kishi nói:
Tuy nhiên, đã xuất hiện vật chứng quan trọng. Ichihara - thư ký của Bộ trưởng Viễn thông Ken Terajima đã đem báo cáo hằng ngày ca trực của Otemon đến. Đương thời, các cuộc họp được tổ chức trong cung, hễ Bộ trưởng vào sẽ được ghi chép đầy đủ mấy giờ mấy phút ngày mấy và rời khỏi vào lúc mấy giờ mấy phút ngày mấy vào báo cáo hằng ngày. Trong đó không có tên tôi và Bộ trưởng Nông lâm, Bộ trưởng Viễn thông. Nhờ vậy mới có được kết luận nhưng nếu xét về cảm giác khi bị điều tra thì chỉ có những Bộ trưởng tham dự cuộc họp liên lạc đó mới bị khởi tố. Vì vậy, cả Bộ trưởng Tài chính
Kaya hay Bộ trưởng Ngoại giao Togo tuy là quan văn nhưng do tham dự cuộc họp nên đã bị khởi tố. Ngược lại, Bộ trưởng Công thương như tôi hay Bộ trưởng Nông lâm, Bộ trưởng Viễn thông nhờ vậy thoát tội.
Nhưng dù là gì đi nữa, vẫn không thể biết được lý do quyết định dẫn đến việc Kishi được trả tự do.
Khi được tự do sau khoảng thời gian 3 năm 3 tháng
bị giam, Kishi đã 52 tuổi. Trước và sau khi được thả, Kishi đã nghĩ gì? Có thể cảm nhận những chi tiết nhỏ đó qua những lời sau: (Về dự thảo Hiến pháp mới) Tôi không hiểu hết toàn bộ các văn kiện. Tôi không hiểu cụ thể về Điều 9 - Bãi bỏ chiến tranh hay Điều 1 - Vị trí của Nhật hoàng, nhưng có cảm giác bị ép buộc, ý hướng của Nhật Bản bị phớt lờ... Nếu nói liên quan đến trách nhiệm chiến tranh thì tôi không nghĩ có chút trách nhiệm chiến tranh gì với Mỹ cả. Nhưng có trách nhiệm với người dân Nhật Bản, với đất nước Nhật Bản. Tóm lại tôi đã đồng ký vào chiếu thư khai chiến của Nhật hoàng, chưa kể chúng tôi có trách nhiệm trước cuộc bại chiến.
(Sách Hồi ký của Nobusuke Kishi)
Hiến pháp Nhật Bản được thực thi vào tháng 5/1947 khi Kishi còn đang trong tù. Có thể thấy, với Kishi, Hiến pháp mới đã bị bên chiến thắng là Mỹ áp đặt.
Từ nhà tù Sugamo trở lại với cuộc sống bên ngoài giữa mùa đông khắc nghiệt, Nobusuke Kishi đến ngay dinh thự Chánh văn phòng nội các, nơi người em trai Eisaku Sato mới vừa nhậm chức
trong nội các Shigeru Yoshida lần 2 cách đây hai tháng, đang sống và làm việc.
Dinh thự Chánh văn phòng nội các được xây dựng trong khuôn viên dinh Thủ tướng.
Chiếc xe jeep quân sự Mỹ chở Nobusuke Kishi đến dinh thự. Nhưng do phong thái lạ thường đó mà lính gác đã không dễ dàng cho họ vào. Chưa kể Kishi trong bộ đồ lính, mũ chiến đấu, giày bốt cao cổ, thân hình thì gầy ốm lộ cặp mắt to lồ lộ khiến lính canh cảm thấy nghi ngờ.
Hình chụp Kishi và Sato lúc ấy có đăng trong sách Con người Nobusuke Kishi - 90 năm thăng trầm (Ningen Kishi Nobusuke - Haran no kyuju nen). Tấm hình chụp Kishi đầu trọc, ria mép để dài, miệng ngậm điếu thuốc và Sato đang châm lửa bằng hộp quẹt. Chú thích tấm hình như sau:
Kishi đến dinh thự Chánh văn phòng nội các trước tiên nhưng do phong thái lạ thường nên phải mất một lúc lâu mới được cho vào trong. Tối hôm đó, Sato hỏi “Anh muốn ăn gì?” và Kishi nói “Anh muốn ăn sashimi” nên đồ ăn được dọn ra rất nhiều, nhưng sau khi ăn được một chút, Kishi nói “Sashimi ở Sugamo ngon hơn”.
Có lẽ Kishi muốn cho mọi người biết thân phận tù nhân đã trải qua những ngày cực khổ thế nào. Tối hôm Kishi ra tù, tình hình như sau.
Tối hôm đó, đông đảo những người có liên quan tập trung đến quán “Nagata Club” do một người quen thân với Hayato Ikeda làm chủ để tổ chức tiệc mừng. Khoảng 14, 15 người thân quen, người trong gia đình tụ họp, có Eisaku Sato, Etsusaburo Shiina, Hayato Ikeda, em rể Kishi là Shiro Tsunemitsu (lúc ấy làm lãnh đạo ngân
hàng Sanwa), các thư ký thân tín, v.v.. Có một số đến sau nên tổng cộng chừng ba, bốn chục người.
Những dĩa sashimi đây ắp được bày ra, ai nấy đều nghĩ Kishi sẽ hoan hỉ thưởng thức nhưng Kishi lại nói “Không được ngon lắm nhỉ. Trong Sugamo, có chừng ba, bốn lần được hai miếng cá ngừ đại dương mà ngon cực”
Sato cười gượng, “Nói vậy nhưng anh vẫn ăn dù miệng chê dở đấy thôi. Bao tử chắc đã ổn rồi”.
Sato đã pha trò để chữa ngượng với người anh vốn đau bao tử. Hôm đó, Kishi đã đến nhà Sato ở Kichijoji. Với vợ Sato, đây là cuộc hội ngộ với anh chồng kể từ sau lần gặp chớp nhoáng ở ga Osaka khi Kishi bị bát, dẫn độ về Sugamo tháng 9/1945. Khoảnh khác nhìn anh chồng ở lối vào chùa, tôi còn nhớ mình buột miệng: “Anh đã bình an...” và bật khóc.
(Sách Những chuyện bí mật của phu nhân thủ tướng Sato Hiroko).
Xóa bỏ trục xuất công chức
Sau đó, Kishi trở về nhà Tabuse ở Yamaguchi nơi vợ con đang chờ. Đêm Giáng sinh, tuy nhận điện thoại của Sato báo “anh đã được thả” nhưng Yoshiko và con gái Yoko vẫn không thể tin do quá bất ngờ. Khi họ đi đến ga Hiroshima tuyến Sanyo để đón, Kishi chỉ nói một câu: “Cả nhà không có gì lạ chứ?”
Gia đình họ sống ở Tabuse một thời gian. Yoko giúp Yoshiko công việc ruộng vườn. Họ quay về Tokyo vào tháng 3/1949. Đúng lúc
Sato chuyển sang Azabu nên gia đình Kishi sống ở Kichijoji. Lúc ấy, Kishi thành lập văn phòng “Kizansha” ở tầng 7 của tòa nhà công ty Kojun ở Ginza. “Kizan” là hiệu của Nobusuke Kishi, tên ngọn núi gần sát nhà ở quê ông. Bạn bè đồng hội đồng thuyền với Kishi đã rất mong chờ ngày ông được trả tự do, nay ra vào văn phòng không ngớt, cứ như tái hiện cảnh anh hùng Lương Sơn Bạc. Trong số đó, có một người về sau trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trong nội các Kishi, Aiichiro Fujiyama, đã gọi điện cho Kishi vào ngày ra tù:
- Anh cũng là người bị trục xuất khỏi chính giới. Bây giờ nói làm gì ngay cũng không được nên đến công ty tôi không? Chơi cho vui - Tùy anh Hôm sau, Fujiyama đưa tên Kishi vào đội ngũ lãnh đạo quan trọng trong buổi họp cổ đông định kỳ của Nito Kagaku Kogyo (nay là Mitsubishi Rayon). Đại gia tài chính thời bấy giờ, Fujiyama là người hỗ trợ mạnh nhất về mặt tài chính từ trước chiến tranh.
(Sách Quái vật Showa - Nobusuke Kishi)
Kishi được xóa bỏ trục xuất khỏi công chức vào tháng 4/1952, tức hơn ba năm sau khi được thả khỏi nhà tù Sugamo. Kishi thăm dò cơ hội quay trở lại chính giới và thành lập “Liên minh tái kiến Nhật Bản” Tháng 10/1952, Liên minh tái kiến này đã cử mười mấy người ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử nhưng thảm bại.
Cũng năm này, thu nhập của quốc dân hồi phục gần bằng trước chiến tranh. Tháng 3/1952, Thủ tướng Yoshida đã trả lời “chiến lược phòng vệ không vi phạm Hiến pháp” và gây nên cuộc thảo luận công khai yêu cầu đính chính của các đảng đối lập, v.v.. Tháng 5, ngoài khuôn viên đền thờ Jingu - hội trường May Day, khoảng 500.000 người tụ họp, hô vang “phản đối tái quân bị) “độc lập dân
tộc; “phản đối thực dân hóa”. Khoảng 6.000 người chuyển sang biểu tình, hướng đến quảng trường trước Hoàng cung. Tại đó, đoàn biểu tình đụng độ với khoảng 5.000 cảnh sát, biến thành cuộc bạo động trong ba tiếng đồng hồ trong bụi đất. Hai người biểu tình chết, hơn 2.000 người của cả hai phe bị thương, tạo thành “Sự kiện May Day đẫm máu”.
Bộ phim Cuốn theo chiều gió lấy bối cảnh chiến tranh Nam - Bắc nước Mỹ cũng được trình chiếu trong năm này. Phim Nhật thì có “Sống” của đạo diễn Akira Kurosawa34. Cảnh nhân vật chính (Takashi Shimura đóng), bị tuyên bố ung thư dạ dày đã đến ngồi ở chiếc xích đu trong công viên, lầm nhẩm hát bài Gondora no Uta: “Cuộc đời ngắn ngủi, hỡi nàng con gái hãy yêu đi...” đã trở thành cảnh phim đi vào huyền thoại của Shimura và cũng trở thành một chương kể về đời sống bấy giờ.
Yoko Kishi kết hôn với Shintaro Abe — phóng viên báo Mainichi
Về phần Yoko, lúc đó đã kết hôn với Shintaro Abe, phóng viên báo Mainichi vào tháng 5/1951. Lúc đó, Shintaro 27 tuổi, Yoko 22 tuổi.
Shintaro cùng quê Yamaguchi với Kishi, năm 1949 sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo, trở thành phóng viên báo Mainichi. Thời gian đầu, Shintaro làm phóng viên phụ trách mảng xã hội, sau hơn 1 năm chuyển sang mảng chính trị. Kết hôn với Yoko vào năm thứ 3 hành nghề và trở thành phóng viên phụ trách thông tin về Thủ tướng.
Cuộc hôn nhân của hai người không nằm ngoài tâm mắt sắc sảo của Nobusuke Kishi. Từ lâu, Kishi đã từng nói với Yoko rằng: “Nghề phóng viên là một công việc đáng cống hiến, đầy giá trị. Thậm chí, ông còn nói với xung quanh “sẽ gả Yoko cho phóng viên. Người từng đứng đầu Mãn Châu quốc như Kishi cũng hiểu rằng phóng viên là nghề không thể theo ý mình. Người cha đã mất vào năm 1946 của Shintaro, Kan Abe, vốn là nghị sĩ Hạ viện và có duyên quen biết với Kishi từ trước. Như đã trình bày, trước khi chiến tranh kết thúc, Kishi đối lập với Tojo nên đã từ chức Bộ trưởng Quốc vụ kiêm Thứ trưởng Quân nhu. Sau đó, Kishi về quê, từng lập “Phòng trưởng tôn nhương đồng chí hội” (Bocho Sonno Doshikai) với mục tiêu phục hồi lực lượng chính trị của mình. Trong số những người đến tập hợp khi ấy có Kan Abe - đang dưỡng bệnh. Đến nay vẫn còn tấm ảnh chụp các thành viên trong hội tập trung bên hiên nhà, trong đó Kan Abe thân hình gầy ốm đứng cùng Kishi.
Shintaro và Yoko cùng sống với Kishi ở ngôi nhà mới xây chưa được bao lâu ở Nanpeidai (quận Shibuya), Tokyo.
Quay Lại Chính Trường Và Góp Phần Thành Lập Đảng Dân Chủ Tự Do
Tháng 2/1953, trong màn hỏi đáp với nghị sĩ Eiichi Nishimura xoay quanh vấn đề Hiệp ước An ninh Mỹ- Nhật trong cuộc họp ngân sách Hạ viện, Thủ tướng Yoshida đã nổi nóng, dùng lời lẽ bạo ngôn “Thằng ngu!” sau khi bị Nishimura lặp đi lặp lại câu hỏi một cách dai dẳng. Sự kiện đó khiến nội các Yoshida bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín
nhiệm và Hạ viện bị giải tán. Tức do việc dùng từ “thằng ngu” mà cuộc tổng tuyển cử được tiến hành vào tháng 4.
Nobusuke Kishi lập tức trở về nước khi đang thị sát nước Đức. Người em trai Eisaku Sato, Chánh văn phòng nội các Yoshida đã đưa Kishi vào Đảng Tự do (Jiyuto - Chủ tịch là Shigeru Yoshida) nên ông không thể từ chối, trở thành ứng viên tự ứng cử (khu 2 Yamaguchi cũ).
Yoko gửi Hironobu, con trai đầu lòng mới sanh chưa đầy năm về nhà mẹ ở Tabuse, hỗ trợ cha đi diễn thuyết. Kết quả, Kishi giành được hơn 40.000 phiếu, trúng cử và trở lại chính trường như mong đợi lâu nay. Đã 1 năm trôi qua kể từ ngày ông được chính quyền xóa bỏ lệnh trục xuất công chức.
Quay lại chính trường, Kishi nỗ lực cho các hoạt động của hội đồng bảo thủ và sửa đổi Hiến pháp.
Trong cuộc bầu cử này, số ghế của đảng cầm quyền - Đảng Tự do sụt giảm nghiêm trọng, dưới mức chuẩn, chỉ dừng lại ở con số 199 (tổng số ghế là 466).
Yoshida bắt đầu chuyển sang vận động phái đa số. Đương thời, thế lực bảo thủ chia thành Đảng Tự do, Đảng Cải tiến (Kaishinto), Đảng Tự do phái phân đảng (phái Hatoyama). Kết quả của công cuộc vận động là Ichiro Hatoyama cùng 12 người quay trở về Đảng Tự do. Còn 8 người nhóm Bukichi Bukichi Miki, Ichiro Kono thành lập Đảng Tự do Nhật Bản.
Trong các điều kiện cho việc quay về đảng, Hatoyama có đặt ra việc thiết lập “Hội điều tra sửa đổi Hiến pháp”. Yoshida đồng ý và hội trưởng chính là Nobusuke Kishi - người hô hào thành lập đảng mới và hội đồng bảo thủ. Đây là quan điểm của Kishi vốn chuyên tâm
mong mỏi sửa đổi Hiến pháp. Lúc này, Nobusuke Kishi đã đặt câu hỏi với Shigeru Yoshida: “Ông đã biết tôi là người có suy nghĩ Hiến pháp mới không ổn ngay từ lúc còn trong tù Sugamo, sau khi quay lại chính trường, tôi cũng vẫn tỏ rõ lập trường sửa đổi Hiến pháp, vậy sao ông lại kêu tôi làm hội trưởng Hội điều tra sửa đổi Hiến pháp?”. Yoshida trả lời: “Anh cứ làm theo suy nghĩ của mình, tôi cũng không hài lòng với Hiến pháp bây giờ nhưng lúc đó không còn cách nào khác nên tôi muốn các anh nghiên cứu cho kỹ”
Kishi vừa là nghị sĩ năm đầu tiên của Đảng Tự do, vừa vận động cho việc thành lập đảng mới, dự định để Hatoyama làm Chủ tịch. Tháng 4/1954, Kishi tổ chức cuộc họp thúc đẩy việc thành lập đảng mới từ 200 nghị sĩ bảo thủ nòng cốt của 3 đảng: Đảng Tự do, Đảng Cải tiến, Đảng Tự do Nhật Bản. Cuộc họp trở thành chủ thể của quá trình vận động đảng mới, Kishi đảm nhiệm vai trò Cục trưởng sự vụ.
Thời gian đó, Hitoshi Ashida - người đã rời khỏi chức Thủ tướng vào tháng 10/1948, đến tòa nhà công ty Kojun ở Ginza để gặp Kishi. Kishi nói với Ashida:
Cho dù bây giờ cứ vậy mà hợp nhất Đảng Tự do và Đảng Cải tiến thì cũng không được gì. Nếu họ không cởi bỏ một, hai lớp áo khoác bên ngoài thì chịu. Trước hết phải vứt bỏ lớp áo khoác cũ kỹ, dơ bẩn đầy vảy đó đi, phải trần trụi để xuất phát thì mới được.
(Sách Tập chứng ngôn Nobusuke Kishi)
Kishi phản đối việc Yoshida định kéo dài sinh mệnh chính trị và cho thấy rõ ràng đang chống lại Yoshida. Kishi và Tanzan Ishibashi-
người sau này trở thành Thủ tướng (12/1956) bị vị Chủ tịch Đảng này xóa tên trong Đảng Tự do vào tháng 11.
Mặt khác, Đảng Dân chủ Nhật Bản tạo thành từ nhóm Đảng Tự do, Đảng Cải tiến và Đảng Tự do Nhật Bản, đưa Hatoyama làm Chủ tịch. Đảng Dân chủ mở ra thể chế với Chủ tịch Hatoyama và Tổng thư ký Kishi.
Nội các Yoshida sụp đổ. Cuộc tuyển cử do nội các Hatoyama tiến hành tháng 2 năm sau, 1955, với kết quả Đảng Dân chủ từ 124 ghế lần trước vươn lên 185 ghế, đảng Tự do lại giảm từ 199 ghế xuống còn 112 ghế, bắt đầu giai đoạn thoái trào của họ. Năng lực của Tổng thư ký Kishi thật không đùa.
Bước tiếp theo là hợp nhất Đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế với Đảng Tự do.
Hai bên đã mở hơn 60 cuộc hội đàm với Tổng thư ký Kishi và Hội trưởng Tổng vụ Bukichi Bukichi Miki của Đảng Dân chủ, Tổng thư ký Mitsujiro Ishii, Hội trưởng Tổng vụ Banboku Ono của Đảng Tự do. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng vào tháng 11/1955, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) được thành lập bởi hội đồng bảo thủ.
Mong ước sửa đổi Hiến pháp
Nhân vật chính thống nhất và lèo lái tạo góp phần thành lập đảng mới và hội đồng bảo thủ cho đến lúc này chính là Nobusuke Kishi. Và đương nhiên, không ai khác ngoài Nobusuke Kishi, nhận chức Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do.
Chính quyền Hatoyama của Đảng Dân chủ Tự do trở về trước vướng hai vấn đề chính là sửa đổi Hiến pháp và hồi phục quan hệ
ngoại giao với Liên Xô. Ngay cả trong cuộc tổng tuyển cử tháng 2/1955 với sự đảo ngược tình thế của Đảng Dân chủ và Đảng Tự do, Hatoyama cũng đã lên tiếng: “Bước đầu của việc sửa đổi chính sách xâm lược là sửa đổi Hiến pháp. Đặc biệt, cần sửa đổi Điều 9” (Báo Mainichi, số chiều ngày 19/02/1955). Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa so với số cần thiết là 2/3 tổng số nghị sĩ để thông qua ý kiến đó.
Sửa đổi Hiến pháp là mục tiêu xuyên suốt của tôi ở chính trường nhưng tôi không nghĩ là có thể thực hiện được đơn giản. Vì vậy, tôi không nghĩ là có thể lấy được 2/3 ghế để sửa đổi Hiến pháp trong cuộc tuyển cử này (tổng tuyển cử tháng 2/1955). Và thực tế là vậy. Nói về việc sửa đổi Hiến pháp, đương nhiên tôi có nghĩ đến việc tìm kiếm sự lý giải của quốc dân cũng như khai sáng quốc dân. Nhưng tôi không nghĩ sửa đổi Hiến pháp ngay sau kết quả của cuộc tổng tuyển cử này. Nói gì thì nói, sửa đổi Hiến pháp là một công việc vô cùng quan trọng.
(Sách Tập chứng ngôn Nobusuke Kishi).
Kishi đã nhắc hội đồng bảo thủ đương thời bằng một câu cảnh tỉnh trong sách Lịch sử Đảng Tự do Dân chủ - Chứng ngôn - Hình ảnh (Jiyu Minshuto Toshi — Shogen-Shashin hen) như sau:
Việc đồng ý bằng hiệp định, chính sách đã được thực hiện rõ ràng trong 30 năm nay. Chính sách mà nếu chỉ nói bằng miệng thì ai cũng có thể nói được. Cái cần là thực hiện nó.
Tuy nhiên, vẫn có việc cho đến nay vẫn chưa làm được. Tuy đã đàm phán với Liên Xô nhưng lãnh thổ phương Bắc vẫn chưa trở về
với chúng ta. Đó là một điều. Còn vấn đề quốc nội là sửa đổi Hiến pháp, tức chủ trương ban hành Hiến pháp
tự chủ vẫn phải để ngỏ. Để sửa đổi Hiến pháp, điều kiện tiên quyết là có được 2/3 ghế trong Quốc hội nhưng vấn đề thực tế là việc có được 2/3 ghế trong Quốc hội cực kỳ khó. Cho nên đành vừa theo dõi tình hình thực tế vừa vận dụng Hiến pháp hiện hành.
Việc sửa đổi Hiến pháp với điểm mấu chốt là điều 9 Hiến pháp không phải là con đường bằng phẳng. Nhưng Đảng Dân chủ Tự do với Nobusuke Kishi làm Tổng thư ký đã chủ trương như thế này bằng “Sự chuẩn bị thể chế độc lập” trong Phương châm của Đảng (15/11/1955):
Vừa duy trì chủ nghĩa hòa bình, chủ nghĩa dân chủ và nguyên tắc tôn trọng nhân quyền cơ bản, vừa tính toán sửa đổi chủ thể của Hiến pháp hiện hành, ngoài ra xem lại các pháp chế về xâm lược, tùy vào tình hình quốc gia mà tiến hành sửa đổi hay bãi bỏ.
Để bảo vệ hòa bình thế giới và độc lập quốc gia cùng tự do của quốc dân, dưới chế độ Bảo hộ an ninh, trang bị quân bị phòng vệ thích ứng với sức mạnh và tình hình quốc gia, chuẩn bị rút các đội quân đồn trú ở ngoại quốc.
Từ đây, kế hoạch tổng quát để sửa đổi Hiến pháp của Kishi đã được phác thảo.
Việc sửa đổi Hiến pháp vốn là tâm nguyện của
Nobusuke Kishi, nay được cháu ngoại, Thủ tướng Shinzo Abe kế tục. Không khó hiểu nếu mẹ của Shinzo, tức con gái của Kishi thường xuyên rót vào tai Shinzo rằng: “Đảng Dân chủ Tự do bây giờ do ông ngoại, Nobusuke Kishi tạo nên và nhất định con không được quên sự nghiệp vĩ đại đó”
Sự thất bại trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch và nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên thời chính quyền Hatoyama (2/1955) như đã nói ở trên, dưới sự dẫn dắt của Tổng thư ký Kishi, Đảng Dân chủ đã chiếm được 185 ghế. Khoảng thời gian Kishi ấy rất có uy lực. Phu nhân Eisaku Sato đã nhớ lại như sau:
Thời gian ấy, anh chồng tôi, Nobusuke Kishi là Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Nhật Bản do Ichiro Hatoyama làm Chủ tịch, uy lực mạnh mẽ đến mức có thể bắn rơi con chim đang bay... Sau khi thành lập nội các Hatoyama, với chúng tôi, cuộc tổng tuyển cử tháng 2/1955 trở thành cuộc chiến đầy cam go, bị vây tứ phía... Có thể nói việc bắt đầu cuộc chiến “cốt nhục tương tàn” được lưu truyền về sau chính là từ cuộc bầu cử này... Hằng ngày, cả tôi và hai con trai cũng vừa đi vừa khóc xin “chỉ cần người đồng hương hiểu là được..” trong khu vực tuyển cử đến khan giọng. Trong đêm đông giá
lạnh, chúng tôi choàng khăn đi trên những con đường mòn ở quê thất thểu trở về nhà. Khi kết thúc bầu cử, chúng tôi chỉ còn da bọc xương.
(Sách Những chuyện bí mật của phu nhân Thủ tướng Hiroko Sato)
Cuộc bầu cử chọn Chủ tịch kế tục Hatoyama được thực hiện vào tháng 2/1956.
Đó là cuộc chiến giữa Nobusuke Kishi, Tanzan Ishibashi và Mitsujiro Ishii, lần bỏ phiếu đầu tiên Kishi chiếm vị trí thứ nhất
nhưng không đủ số phiếu quá bán, thứ nhì là Ishibashi và thứ ba là Ishii.
Nếu ngay từ đầu, người thứ nhì và thứ ba kết hợp với nhau thì Ishibashi được đánh giá là người có lợi. Em của Kishi, Eisaku Sato vốn trực thuộc Đảng Tự do của Yoshida (Shigeru) và Kishi là người đại diện cho Đảng Dân chủ cũ. Do đó, nếu Ishibashi trụ được đến cuộc bỏ phiếu quyết định thì nhóm Eisaku thuộc Đảng Tự do cũ không thể bỏ phiếu cho Kishi, mà chuyển sang cho Ishibashi. Cả phu nhân Eisaku cũng nghĩ như vậy.
Nhưng bất ngờ, Eisaku quay sang ủng hộ Kishi. Hiroko đã viết trong Những chuyện bí mật của phu nhân thủ tướng Hiroko Sato như sau:
Hai con trai tôi đã chặn cha mình lại và chất vấn: “Tại sao lại như vậy? Tụi con không thể hiểu được suy nghĩ của cha.... Và chồng tôi đã trả lời: “2 đứa thử nghĩ xem. Chẳng phải đây là cuộc chiến phân tranh của người anh cùng chung máu mủ của cha sao? Những lúc như vầy, cho dù Yoshida tiên sinh có ra lệnh thế nào đi chăng nữa, cha vẫn phải ủng hộ anh mình. Anh em là vậy đấy"
Như đã trình bày ở trên, trong số 3 người con trai 7 người con gái, người con trai thứ Nobusuke được đưa đi làm con nuôi nhà Kishi, người con trai thứ ba Eisaku kế tục gia tộc Sato. Tuy lớn lên ở hai gia đình khác nhau nhưng giữa họ là tình anh em ruột. Mối quan hệ này về sau tạo nên lịch sử chính trị một nhà có hai anh em làm Thủ tướng.
Kết quả bỏ phiếu cuối cùng, Nobusuke Kishi thua Tanzan Ishibashi - người về nhì liên minh được với người về ba, vỏn vẹn 7 phiếu. Ishibashi ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng. Lúc này Kishi đã nói
với Yoko bằng thái độ thoải mái: “Bảy phiếu hay một phiếu gì thì cũng là thua. Thua là thua”.
Kishi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trong nội các Ishibashi. Lúc đó, Shintaro Abe, 32 tuổi, rời tòa báo Mainichi, chuyển sang làm thư ký cho cha vợ. Cũng thời gian này, Kishi đã ôm ấp ý định sửa đổi Hiệp ước Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật cũ.
Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật cũ chỉ có lợi một chiều cho phía Mỹ. Tức do Nhật Bản không phải nỗ lực gì trong việc phòng vệ nên dù về mặt hình thức, việc xâm chiếm của quân liên hiệp đã chấm dứt nhưng thay vào đó là tình trạng Mỹ xâm chiếm toàn lãnh thổ Nhật Bản. Nếu tiếp tục tình trạng như vậy, không thể nói quan hệ Mỹ Nhật đứng trên cơ sở hợp lý thật sự. Do vậy, thật sự cần thiết sửa đổi.
(Sách Tập chứng ngôn Nobusuke Kishi)
Có thể thấy rõ tâm nguyện sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật của Kishi.
Nhậm Chức Thủ Tướng Sau 8 Năm Được Trả Tự Do
Vận mệnh của Kishi thay đổi thình lình sau khi đón năm mới 1957. Cuối tháng 1/1957, Ishibashi bị viêm phổi người già cấp tính. Trong tình thế khẩn cấp, người có tư cách tương đương Phó Thủ tướng là Kishi tạm giữ chức quyền Thủ tướng. Nhưng sức khỏe của Ishibashi không hồi phục, nội các Ishibashi thoái lui sau hơn hai tháng khởi đầu. Thủ tướng kế nhiệm không ai khác hơn là Kishi.
Tám năm kể từ ngày được trả tự do khỏi nhà tù Sugamo do bị tình nghi là tội phạm chiến tranh hạng A. Cuối cùng Kishi, ở tuổi 60, đã đứng trên đỉnh cao quyền lực.
Lúc này, hai người cháu Hironobu bốn tuổi, Shinzo hai tuổi. Người con rể Shintaro trở thành thư ký Thủ tướng và bước vào chính trường.
Nói về hai năm tâm huyết của cha mình, quả thật dưới góc nhìn của một người con, tôi nghĩ mình có điều phải nói.
(Sách Shintaro Abe của tôi)
Hai năm tâm huyết của Kishi mà Yoko nói chính là khoảng thời gian kể từ đó cho đến hai năm rưỡi sau, cao trào là cuộc bạo động lớn nhất kể từ sau chiến tranh, xoay quanh việc sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ- Nhật. Quá trình Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1960 sẽ được trình bày sau.
Đánh Cược Sinh Mạng Chính Trị Vào Việc Sửa Đổi Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật
Bốn tháng sau khi nhậm chức Thủ tướng, Kishi đến Mỹ để dự Hội nghị cấp cao Nhật-Mỹ, tháng 6/1957.
Kishi hội đàm với Tổng thống Eisenhower35 tại Nhà Trắng. Theo Hồi ký Nobusuke Kishi, nhân lúc vừa xong việc ra tuyên bố chung, Kishi đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Dulles:
Kishi: Như vậy là quan hệ Nhật - Mỹ đã trở nên ngang hàng nhưng chỉ còn một điều không cân xứng chút nào. Phải sửa mới
được.
Dulles: Đó là gì?
Kishi: Hiệp ước An ninh.
Thật ra đây là lần thứ hai Kishi nhắc đến việc sửa đổi Hiệp ước An ninh trước mặt Bộ trưởng Ngoại giao Dulles. Lần thứ nhất là vào tháng 8/1955, khi còn là Chánh văn phòng trong nội các Hatoyama và sang Mỹ cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Mamoru Shigemitsu. Lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Shigemitsu đã đưa ra để xuất với Bộ trưởng Ngoại giao Dulles: “Hiệp ước An ninh hiện nay là bất bình đẳng, phía Nhật Bản muốn sửa Hiệp ước cho bình đẳng”
Tuy nhiên, Dulles có vẻ bất ngờ với đề nghị đó, lạnh lùng buông một câu: “Chẳng phải Nhật Bản làm gì có năng lực ký một hiệp ước an ninh ngang hàng với Mỹ sao?” (Hồi ký Nobusuke Kishi). Thái độ này khiến Kishi tức giận, quyết tâm tiến hành sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
Dulles đã chủ trương điều gì với Shigemitsu đang đòi hỏi sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật? Theo văn thư ngoại giao của Mỹ mà nhóm phóng viên NHK có được, tại cuộc hội đàm, Dulles và Shigemtisu đã có cuộc trò chuyện như sau:
Dulles: Về việc sửa đổi Hiệp ước An ninh, ở thời điểm hiện tại thì hơi sớm. Phía Mỹ vẫn chưa tin tưởng.
Shigemitsu: Phía Nhật thì điều đó cần thiết để đối phó với sự tuyên truyền và ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Sức ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản sẽ ngày càng lớn mạnh bởi Hiệp ước An ninh hiện hành. Nhật Bản muốn có vũ khí để có thể chiến đấu với thế lực thù địch. Chúng tôi muốn có nó bằng cách sửa đổi Hiệp ước An ninh. Dulles: Hãy nói cụ thể xem. Khi nào thì Nhật Bản định đầu
tư cho phòng vệ quốc gia một cách tương xứng? Khi nào thì thế lực bảo thủ đủ mạnh để đối đầu với chủ nghĩa cộng sản, thực hiện chương trình chính trị đó, và xác lập quan hệ hợp tác với Mỹ được?
Shigemitsu: Nhật Bản dự định sẽ tăng cường sức mạnh phòng vệ từ bây giờ. Dulles: Ở giai đoạn hiện nay, khi sức mạnh phòng vệ của Nhật Bản vẫn chưa đủ thì chưa thể bàn về việc sửa đổi Hiệp ước.
(Trích một phần từ
50 năm sau chiến tranh - Nhật Bản lúc ấy, tập 1 (Sengo goju nen - Sonotoki Nihon wa, dai ikkan)
Dulles và Shigemitsu còn nói cả việc làm rõ Hiến pháp liên quan đến điều động binh lính ra nước ngoài. Vì là cuộc hội đàm thăm dò mục tiêu của phía Mỹ cho đến sửa đổi An ninh về sau nên tôi muốn trích dẫn thêm một chút tuy hơi dài.
Dulles: Chẳng may Mỹ bị tấn công, liệu Nhật Bản có điều động quân ra nước ngoài để giúp Mỹ không? Đây là điều đáng nghi ngờ đúng không? Nếu Nhật Bản có sức mạnh chiến đấu phù hợp hay khung pháp luật hoàn chỉnh và Hiến pháp đã được sửa đổi thì tình hình sẽ thay đổi. Ví dụ, trường hợp đảo Guam bị tấn công, Nhật Bản có thể xuất quân vì Mỹ không?
Shigemitsu: Nhật Bản sẽ làm như thế. Vì ngay cả với thể chế hiện hành, Nhật Bản vẫn có thể tổ chức sức mạnh chiến đấu để tự vệ.
Dulles: Điều tôi muốn nói không phải là vấn đề về tự vệ của Nhật Bản. Tôi nói chuyện phòng vệ của Mỹ.
Shigemitsu: Trường hợp xảy ra tình trạng như vậy, trước tiên Nhật Bản sẽ tiến hành hiệp nghị với Mỹ. Sau đó sẽ quyết định Nhật Bản sẽ làm gì?
Dulles: Việc làm rõ Hiến pháp mà ông nói, tôi còn không hiểu một điểm. Tôi cho rằng về mặt Hiến pháp, Nhật Bản chỉ có thể bàn về vấn đề phòng vệ của Nhật Bản và việc sử dụng sức mạnh chiến đấu đó.
Shigemitsu: Đương nhiên, sức mạnh chiến đấu của Nhật Bản là sự chuẩn bị cho việc tự vệ. Trường
hợp Nhật Bản bị tấn công liên quan đến Hiệp ước An ninh, sẽ tiến hành hiệp nghị về việc sử dụng sức mạnh chiến đấu đó. Dulles: Chẳng phải sự thật thì việc thay đổi hiệp định An ninh Mỹ-Nhật hầu như không có ý nghĩa khi mà Hiến pháp là để ngăn Nhật Bản đem quân ra nước ngoài sao?
(sách đã dẫn)
Kishi nhanh chóng hành động. Sáu tháng sau cuộc hội đàm này của Dulles và Shigemitsu, Kishi lập hội đồng bảo thủ, liên kết lại thành Đảng Dân chủ Tự do và như đã nói ở trên, giương cao ngọn cờ sửa đổi Hiến pháp. Đó là nhắm đến việc tập kết sức mạnh bảo thủ có thể đối đầu với thế lực thù địch mà Dulles nói. Chương trình chính trị tiếp theo của Kishi là sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
Hiệp ước An ninh cho đến nay (ký kết 9/1951) có nội dung tối ưu tiên cho việc đồn trú của quân Mỹ như đã quy định: “Nhật Bản trao quyền đóng quân trong nước cho quân Mỹ. Quân Mỹ đóng quân đóng góp cho an toàn của vùng Đông Á, ngoài ra còn có thể viện trợ
cho Nhật Bản những khi có bạo động trong nước, hay Nhật Bản bị ngoại bang xâm chiếm bằng vũ lực, v.v” (Điều 1). Hơn nữa, Hiệp ước còn có nội dung một chiều công nhận việc đóng quân của Mỹ một cách bán vĩnh viễn, rằng: “Trường hợp chính phủ 2 nước công nhận rằng biện pháp bảo vệ an ninh mới đã phát sinh hiệu lực thì Hiệp ước cũ mất hiệu lực” (Điều 4). Kế hoạch chính trị của Kishi là chuyển Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật từ nội dung đơn phương sang song phương trong quan hệ Nhật-Mỹ, tức phải làm cho mối quan hệ bình đẳng. Mặt khác, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, còn có ý nghĩa Nhật đứng về phía Mỹ.
Tuy nhiên, không chỉ sức mạnh quân sự của Nhật còn yếu, mà còn không thể điều binh ra nước ngoài do khống chế của Hiến pháp, việc sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật mà Shigemitsu nói đã bị Dulles hất văng.
Để không đi vào vết xe đổ, trước cuộc hội đàm cấp cao với Eisenhower, Kishi đã ra quyết định về kế hoạch phòng vệ 3 năm lần thứ nhất tại hội nghị quốc phòng... Mục tiêu là trong 3 năm (1958 - 1960) xây dựng lực lượng phòng vệ trên mặt đất 180.000 người, cung cấp 124.000 tấn trang thiết bị, tàu chiến các loại cho quân phòng vệ trên biển, và 1.300 máy bay chiến đấu cho quân phòng vệ trên không. Với Kishi, kế hoạch 3 năm lần thứ nhất là “con át chủ bài” cho cả trong và ngoài nước thấy sức mạnh phòng vệ của Nhật Bản.
Kishi còn gặp Tổng thống Eisenhower hai lần, gặp Bộ trưởng Bộ ngoại giao Dulles sáu lân, tổng cộng tám lần hội đàm cấp cao trong ba ngày từ 19 đến 21/6.
Nói tóm lại, (hội đàm) tạo nên bình đẳng chủ quyền, lợi ích đôi bên, hợp tác trên quan hệ Nhật - Mỹ ngang hàng, nhưng hiệp ước An ninh hiện hành chỉ có lợi đơn phương cho phía Mỹ khiến Nhật Bản như trong tình trạng bị Mỹ xâm lược. Chủ trương của tôi đối với Dulles là đây không phải là Hiệp ước song phương.
Có điều, khác với các nước khác, Nhật Bản có Hiến pháp bị Mỹ ép buộc. Tuy nói là hiệp ước song phương trên quan hệ bình đẳng nhưng trường hợp Mỹ gặp nguy hiểm, (Nhật) không thể đưa quân Nhật sang lãnh thổ Mỹ. Tôi đã nói chính vì các ông (Mỹ) tạo ra Hiến pháp đó. Nhưng, mặt khác, chúng tôi còn thảo luận vấn đề này. Cùng với việc Mỹ phòng vệ cho Nhật Bản, Nhật Bản cung cấp căn cứ quân sự cho quân Mỹ, công nhận các loại hành động trong căn cứ, hay bản thân Nhật Bản tăng cường sức mạnh phòng vệ phù hợp với sức mạnh quốc gia, bảo vệ Nhật Bản dưới sự hợp tác Nhật - Mỹ và những điều đó trở thành nền tảng cho hòa bình châu Á, với ý nghĩa đó, phải sửa đổi Hiệp ước An ninh.
(Sách Hồi ký Nobusuke Kishi)
Nghĩa là, Kishi vừa khéo léo vòng vo vừa đưa ra ý kiến do quy định của Hiến pháp mà Nhật Bản không thể đưa quân ra nước ngoài, mặt khác, thay vào đó Nhật Bản cung cấp căn cứ cho quân Mỹ, tăng cường sức mạnh phòng vệ, quân Mỹ bảo vệ an ninh Nhật Bản, đó chính là nội dung sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
Rốt cuộc, tại hội đàm cấp cao giữa Kishi với tổng thống Eisenhower và Bộ trưởng Ngoại giao Dulles, hai bên đưa ra tuyên bố chung (22/6/1957) rằng Hiệp ước An ninh năm 1951 về mặt bản
chất là hiệp ước được soạn thảo tạm thời, không kéo dài vĩnh viễn với hình thức để nguyên như thế. Đối với Kishi, “sự nghiệp vĩ đại đánh cược cả sinh mạng chính trị” đã bắt đầu.
Cơ cấu tổ chức nội các mà Yoko Abe nhìn thấy và việc ứng cử của chồng
Tuy vô cùng bận rộn, Kishi vẫn thỉnh thoảng lưu lại lữ quán Naraya ở Hakone. Cả khi một mình suy nghĩ về cơ cấu nội các, ông cũng đến đây. Yoko hồi tưởng:
Cứ có thời gian là cha tôi cách tuần đi Naraya ở Hakone để tịnh dưỡng. Vì khoảng đó mấy đứa con tôi ở độ tuổi đi mẫu giáo nên cha thường xuyên gọi điện “dắt mấy cháu lại đây”. Có lẽ chơi với cháu là cách giải tỏa căng thẳng tốt nhất của ông. Vườn lữ quán có một cái ao nhỏ, nhìn những con cá vàng, cá chép đủ màu bơi lội tung tăng, con trai đầu của tôi vốn thích câu cá nên đòi “con muốn câu cá”. Thế là cha tôi vội vã đi thương lượng với người quản lý lữ quán.
(Sách Khuôn mặt người cha - Nobusuke Kishi)
Một bức ảnh chụp hai cậu bé Hironobu và Shinzo đang ngắm cá chép nổi trên mặt nước ao trong vườn lữ quán Naraya, gần đó là Shintaro và Kishi trong bộ vét trắng đang nheo mắt ngắm hai cậu bé đã được đăng tải trong sách Con người Nobusuke Kishi - 90 năm thăng - trầm. Hẳn vui đùa cùng cháu ngoại là khoảng thời gian nghỉ ngơi an bình của Kishi.
Người con rể Shintaro bày tỏ nguyện vọng chuyển sang làm nghị sĩ Hạ viện trước cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi Kishi nắm chính quyền (tháng 5/1958). Chuyện bất ngờ đến nỗi khiến cả Yoko cũng ngạc nhiên. Shintaro ứng cử ở quận 1 Yamaguchi cũ nhưng lý do quyết định tự ứng cử thì Yoko không biết.
Đã xảy ra chuyện gì sau việc tự ứng cử đây bất ngờ đến cả Kishi cũng phản đối?
Cha của Shintaro Abe, nghị sĩ Hạ viện Kan Abe đã mất vào năm 51 tuổi, và đã 12 năm trôi qua. Hẳn Shintaro không muốn tên tuổi Kan Abe bị quên lãng, muốn chứng tỏ không phải mình đi ở rể nhà Kishi mà chỉ là cưới con gái của Kishi. Thực tế, một người thân tín của Shintaro ở Shimonoseki đã nói rằng: “Cả đời Shintaro rất quan tâm đến huyết thống gia tộc Abe” Tôi cho rằng đằng sau việc tự ứng cử của Shintaro là sự thể hiện bằng hành động việc không thể nào quên đối với huyết thống gia tộc.
Đại thắng tại tổng tuyển cử và hướng đến sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật
Do Shintaro Abe tự ứng cử nên chiếc ghế thư ký Thủ tướng bị bỏ trống khiến con trai trưởng của Nobusuke Kishi, là Nobukazu Kishi phải nghỉ việc ở Ube Kosan để thay vào. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên dưới thời nội các Kishi (tháng 5/1958), Đảng Dân chủ Tự do giành chiến thắng áp đảo với 287 ghế, Đảng Xã hội 166 ghế. Tuy nhiên, Đảng Xã hội đạt tỉ lệ phiếu cao nhất kể từ sau chiến tranh (32,9%). Sau cuộc tổng tuyển cử, Kishi đã đặt em trai, Eisaku Sato
vào vị trí Bộ trưởng Tài chính quan trọng trong nội các Kishi lần 2 (tháng 6/1958). Thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử, Kishi đã nói: Vốn dĩ, mục tiêu trước tiên mà tôi nhắm đến khi quay lại chính trường sau chiến tranh là dứt bỏ hoàn toàn những tệ hại của thời đại chính sách xâm lược, xây dựng nước Nhật mới. Vì lẽ đó, một là phải sửa đổi Hiệp ước An ninh, hai là dứt khoát phải sửa đổi Hiến pháp, và tôi đã vẽ trong đầu việc thực thi chế độ khu bầu cử nhỏ. (Sách: Tập chứng ngôn Nobusuke Kishi)
Trong tâm huyết của mình, Kishi đã vẽ nên một kịch bản hoành tráng là từ sửa đổi Hiệp ước An ninh đến sửa đổi Hiến pháp. Hiệp ước An ninh cũ, như đã nói, có nội dung chủ yếu quy định quân Mỹ đóng quân trên nước Nhật. Kishi xem đây là “tàn dư của thời đại xâm lược” và nhắm đến soạn thảo Hiệp ước An ninh mới bằng việc sửa đổi toàn điện Hiệp ước An ninh cũ.
Trước và sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5, cuộc hội đàm giữa Kishi và đại sứ Mỹ tại Nhật, MacArthur được tổ chức bí mật. Đại sứ MacArthur chính là Douglas MacArthur, cháu trai của tướng MacArthur, cựu Tổng tư lệnh tối cao quân Liên Hiệp quốc tại Nhật Bản.
Thời gian này, tôi đã mật đàm với đại sứ MacArthur không biết bao nhiêu lần, tuyệt nhiên không đưa tin lên báo chí, để thăm dò chủ trương của phía Mỹ. Và việc lý giải “Hiệp ước phòng vệ song phương trong phạm vi Hiến pháp” với MacArthur là sự thật. Nhưng dù nói “Hiệp ước phòng vệ song phương” đi nữa, nếu “trong phạm vi Hiến pháp” thì trường hợp Mỹ bị cuốn vào chiến tranh thì Nhật không được ra quân để bảo vệ Mỹ. Theo đó, trong “Hiệp ước phòng vệ song phương”, bản thân nó có hạn chế. Tuy nói vậy, điều mà
chúng ta yêu cầu Mỹ là phải làm rõ bằng văn bản về trách nhiệm của Mỹ về phòng vệ Nhật Bản. Nghĩa là làm rõ điều này như nghĩa vụ thể hiện trên bản Hiệp ước, nên chính phủ Nhật có lý giải điều này với phía Mỹ hay không là vấn đề lớn nhất.
(Sách Tập chứng ngôn Nobusuke Kishi)
Sai lầm đầu tiên - Sửa đổi Luật nghề cảnh sát Bộ trưởng Ngoại giao Aiichiro Fujiyama và Bộ trưởng Ngoại giao Dulles đồng ý xem xét lại toàn diện bằng cách soạn thảo Hiệp ước An ninh mới vào tháng 9/1958.
Từ tháng 10/1958 đến tháng 1/1960, tại căn phòng của khách sạn Teikoku ở Hibiya, Tokyo, Fujiyama và MacArthur, đôi khi có cả Kishi tham gia đã nỗ lực đàm phán Nhật-Mỹ trong 15 tháng.
Thế nhưng, một mặt bắt đầu đàm phán hiệp ước mới, mặt khác tháng 10/1958, Kishi trình lên Quốc hội đề án sửa đổi Luật chấp hành nhiệm vụ của cảnh sát (Luật nghề cảnh sát), điều này dẫn đến sự hỗn loạn không ngờ tới.
Với Kishi, Luật nghề cảnh sát bao gồm đẩy mạnh quyền hạn chức vụ của cảnh sát là không thể thiếu trên con đường sửa đổi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Bản thân Kishi từng nói:
“Nếu điều tra điều gì đó bất ổn, ví dụ dùng vũ khí làm gì đó, hay hội họp, mật nghị tại nơi có những thành phần nguy hiểm, mà với luật chấp hành nhiệm vụ hiện nay thì cảnh sát chẳng thể làm gì được. Nếu không ném chất nổ, không thực hiện hành vi phạm tội nào đó thì cảnh sát không thể hành động. Tức không thể làm được việc gọi là cảnh sát dự phòng”. Như vậy phải thêm cho cảnh sát
nhiệm vụ của cảnh sát dự phòng có thể ràng buộc các tội phạm tập thể mang tính chính trị.
Vì tôi đã dự tính tới sự phản đối hiệp ước An ninh và có quyết tâm chống lại sự phản đối đó, thậm chí đánh cược cả mạng sống, tôi lấy việc duy trì trật tự làm bước đi đầu tiên, nên cho rằng dứt khoát cần sửa đổi Luật nghề cảnh sát.
(Sách Hồi ký Nobusuke Kishi)
Thế nhưng, mặt khác, luật nghề cảnh sát khơi gợi luật duy trì trị an trước chiến tranh nên cho người ta cảm giác về sự bạo hành quyền lực của Kishi. Cho dù không bị khởi tố và được trả tự do nhưng hình ảnh một Kishi là nghi phạm chiến tranh hạng A vẫn chưa được tẩy rửa hoàn toàn. “Hội nghị Quốc dân phản đối cải cách luật nghề cảnh sát” được thành lập, công đoàn lao động, học giả, sinh viên, v.v. triển khai vận động phản đối một cách dai dẳng. Công đoàn Lao động bao gồm công đoàn Lao động Đường sắt Quốc gia, công đoàn Lao động ngành khai thác mỏ có số người tham gia lên đến 4.000.000 người. Rốt cuộc, đề án sửa đổi Luật nghề cảnh sát bị bãi bỏ sau quá trình nghị luận cẩn trọng vào hạ tuần tháng 11/1958. Nội các Kishi lần đầu tiên vấp ngã. Nghĩ đến những tranh cãi xoay quanh Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật về sau thì có thể thấy vết thương trong cú vấp lần này không hề nhỏ. Về sự thất bại của đề án sửa đối luật nghề cảnh sát, Shintaro Abe đã nhớ lại:
Bản thân tôi cho đến ngay trước thời điểm đó (trình Quốc hội) cũng không hề biết. Cho đến nay, lý do tại sao thình lình trình xuất đề án sửa đổi luật nghề cảnh sát giữa chừng, và điều này khiến việc
"""