"
Sáu Người Bạn Đồng Hành Tập 21: Trước Ống Kính Máy Quay - Paul Jacques Bonzon full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sáu Người Bạn Đồng Hành Tập 21: Trước Ống Kính Máy Quay - Paul Jacques Bonzon full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám]
Ebooks
Nhóm Zalo
SỢI DÂY THỪNG NGHIỆT NGÃ Tác giả: Matthew Fitzsimmons Dịch giả: Trần Trọng Hải Minh Nhà xuất bản:Lao Động
Thể loại: Tiểu thuyết
Nguồn sách: Waka 2021
Đóng ebook: nguyenthanh
Tặng chú Dave
Treo cổ một kẻ không phản kháng thì chẳng thích thú gì. - George Bernard Shaw -
PHẦN 1 VIRGINIA
CHƯƠNG 1
H
ibson Vaughn ngồi một mình ở cái quầy đông khách của quán ăn Nighthawk. Đang là giờ cao điểm nhất của bữa sáng và thực khách lượn lờ, đợi có chỗ ngồi. Gibson hầu như không để ý tới tiếng dao dĩa trên đĩa hay cô phục vụ vừa đặt thức ăn xuống cho anh. Mắt
anh dán vào chiếc ti vi ở trên cao, đằng sau quầy phục vụ. Bản tin lại đang phát đoạn video ấy. Nó xuất hiện khắp nơi, là một hiện tượng của nước Mỹ đương thời, được mổ xẻ và phân tích suốt nhiều năm, được nhắc đến trong phim ảnh, các chương trình truyền hình và những bài hát. Như hầu hết người Mỹ, Gibson đã xem nó vô số lần và anh không thể quay mặt đi, dù nó được phát lại bao nhiêu lần. Làm sao anh có thể chứ? Đó là tất cả những gì còn lại về Suzanne.
Phần đầu của đoạn video nhiễu và mờ. Khuôn hình rung rung, từng dòng chữ xuất hiện trên màn hình, như những con sóng vỗ vào bờ biển chưa khai phá. Những việc khác của người quản lí cửa hàng này được ghi đè lên cuốn băng, hết lần này tới lần khác.
Được quay từ một góc đằng sau quầy tính tiền, đoạn băng chiếu cảnh bên trong của trạm xăng khét tiếng ở Breezewood, Pennsylvania. Sức mạnh của đoạn video là nó có thể được phát ở
bất kì đâu. Nhìn chung, đoạn băng không lời trong máy quay an ninh là sự tưởng nhớ u buồn dành cho cô gái mất tích nổi tiếng nhất nước Mỹ - Suzanne Lombard. Thời gian trên đoạn băng ghi 10 giờ 47 phút tối.
Beatrice Arnold, một sinh viên đại học làm ca tối, là người cuối cùng nói chuyện với cô gái mất tích. Vào 10 giờ 47 phút tối, Beatrice đang ngồi trên một chiếc ghế cao đằng sau quầy phục vụ, đọc một quyển The Second Sex1*nhàu nhĩ. Cô là người đầu tiên nhớ lại đã gặp Suzanne Lombard và cũng là người đầu tiên gọi cho FBI2*khi vụ mất tích lên bản tin.
*. Một cuốn sách của Simone de Beauvoir viết về cách đối xử với phụ nữ xuyên suốt lịch sử, phát hành năm 1949.
*. Federal Bureau of Investigation: Cục điều tra Liên bang.
Lúc 10 giờ 48 phút tối, một người đàn ông tóc dài mỏng, màu vàng bước vào cửa hàng. Trên Internet, người ta gọi hắn là Ri- Ra, nhưng FBI cho biết hắn là Davy Oksenberg, một tài xế xe tải đường dài đến từ Jacksonville, có tiền sử bạo lực gia đình. Oksenberg mua thịt bò khô và Gatorade3*. Hắn trả tiền mặt rồi đòi hóa đơn nhưng vẫn tiếp tục quanh quẩn ở quầy phục vụ, trêu ghẹo Beatrice Arnold, không có vẻ gì là vội vã đi tiếp.
*. Gatorade: Một nhãn hiệu đồ uống tăng lực phổ thông ở Mỹ.
Là nghi can đầu tiên và rõ ràng nhất trong vụ án, Oksenberg bị FBI thẩm vấn liên tục trong nhiều tuần và nhiều tháng sau vụ mất tích. Đồ đạc của hắn bị lục soát hết lần này tới lần khác, nhưng không tìm thấy dấu vết gì của cô gái mất tích. Bất đắc dĩ,
FBI tuyên bố hắn trong sạch, nhưng Oksenberg đã kịp mất việc và bị dọa giết hàng chục lần.
Sau khi hắn rời đi, cửa hàng trở nên yên tĩnh. Thời gian trôi như vô tận… và rồi cô bé ấy xuất hiện trong đoạn video - cô bé mười bốn tuổi mặc chiếc áo có mũ quá khổ, đội mũ bóng chày Phillies4* và đeo chiếc ba lô Hello Kitty lủng lẳng một bên vai. Cô đã ở trong cửa hàng suốt thời gian đó, đứng ở điểm mù của máy quay. Điều kì bí hơn nữa là không ai dám chắc vì sao Suzanne lại ở trong cửa hàng. Beatrice Arnold không nhớ là đã thấy cô bước vào và đoạn băng an ninh không có câu trả lời.
Chiếc áo có mũ rộng thùng thình. Cô bé trông rất nhợt nhạt và yếu ớt. Truyền thông thích tạo ra sự tương phản giữa đoạn băng đen trắng với những bức ảnh màu về gia đình - cô bé tóc vàng tươi cười trong bộ váy phù dâu xanh da trời, cô bé tươi cười trên bãi biển với mẹ, cô bé tươi cười đang đọc một quyển sách và nhìn ra ngoài cửa sổ. Những bức hình đó trông thật thanh thản, khi so sánh với cô bé mặt mày u ám, đầu đội mũ bóng chày, tay thọc sâu vào túi, cúi gằm như một con vật đang lo lắng quan sát từ trong hang.
*. Đội bóng chày nhà nghề Philadelphia Phillies.
Suzanne đi tới đi lui giữa các kệ hàng, nhưng lại ngóng ra cửa sổ phía trước. 179 giây trôi qua. Thứ gì đó ngoài cửa sổ khiến cô chú ý và cô thay đổi dáng đứng. Có lẽ là một chiếc xe. Cô lấy ba món đồ trên kệ: một hộp bánh Ring Dings, một lon Dr Pepper và một hộp cam thảo Red Vines. Ba thứ đó giờ được biết đến một cách rùng rợn là Cuộc Dã ngoại của Cô gái Mất tích. Suzanne trả
bằng tiền mặt, ném lên quầy những tờ đô la nhàu nhĩ cùng mấy đồng xu lẻ, rồi nhét những món đồ vừa mua vào trong ba lô. Suzanne chú ý đến máy quay an ninh và nhìn nó một lúc lâu - một biểu cảm được giữ lại trong khoảnh khắc ấy và giống như nụ cười của Mona Lisa, nó được lí giải theo cả nghìn cách. Như mọi khi, Gibson lại nhìn thẳng vào mắt Suzanne, đợi cho cô cười bẽn lẽn với anh như mỗi lần cô muốn kể một bí mật. Đợi cô nói với anh chuyện gì đã xảy ra. Tại sao cô lại bỏ đi. Trong ngần ấy năm, anh chưa bao giờ ngừng hi vọng tìm thấy câu trả lời. Nhưng cô bé trong đoạn video không nói gì.
Với anh hay bất kì ai khác.
Cử chỉ cuối cùng của Suzanne là kéo chiếc mũ sụp xuống mắt và quay đi mãi mãi. Vào lúc 10 giờ 56 phút tối, cô bước ra khỏi cửa rồi chìm vào màn đêm. Beatrice Arnold nói với FBI rằng cô bé có vẻ lo lắng và đôi mắt hơi đỏ như thể cô đã khóc. Cả Beatrice lẫn cặp đôi đang đứng bơm xăng đều không để ý xem cô bé có lên chiếc xe nào không. Một ngõ cụt vô vọng khác trong một vụ án đầy bế tắc.
FBI đã không thể tìm ra được một đầu mối đáng kể nào. Vẫn không ai xuất hiện để nhận khoản tiền mười triệu đô la do gia đình cô và những người giúp đỡ họ treo thưởng. Dù được truyền thông hết sức chú ý và có một người cha nổi tiếng, Suzanne Lombard đã bước ra khỏi trạm xăng và biến mất. Vụ mất tích của cô là một bí ẩn dai dẳng với nước Mỹ cùng với Jimmy Hoa5*, D. B. Cooper6*và Virginia Dare7*.
*. Một trong những vụ mất tích nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
*. Từ mà truyền thông dùng để gọi một người đàn ông không rõ danh tính. Người này đã khủng bố một chiếc máy bay Boeing 727 năm 1971 rồi biến mất.
*. Đứa trẻ người Anh đầu tiên được sinh ra ở Tân thế giới. Cô bé cùng những người dân khác của thuộc địa Roanoke đột nhiên biến mất không dấu vết.
Bản tin chuyển sang phần quảng cáo và Gibson thở hắt ra, không nhận thấy rằng mình đã nín thở. Đoạn băng luôn khiến anh thấy mệt. Họ còn chiếu nó bao lâu nữa? Đã không có tiến triển gì trong vụ Suzanne suốt nhiều năm trời. Tin tức nổi bật của ngày hôm nay là Ri-Ra đã cắt tóc ngắn và lấy bằng đại học khi ngồi tù vì một trọng tội liên quan tới ma túy. Internet, với vô vàn những lời mỉa mai, đã đặt cho hắn biệt danh mới là Giáo sư Ri-Ra hay Ra 2.0. Ngoài ra, tất cả chỉ là những màn sướt mướt chiếu lại mà ai cũng biết, tức là chẳng có gì.
Nhưng ngày đánh dấu mười năm vụ mất tích đang đến gần, đồng nghĩa với việc các kênh truyền hình sẽ liên tục chiếu các bản tóm lược. Liên tục khai thác kí ức về Suzanne. Liên tục lôi ra bất kì ai chỉ hơi liên quan tới gia đình cô hay vụ việc này. Tái dựng hiện trường ở trạm xăng Breezewood và dùng phần mềm máy tính để phán đoán xem cô bé hiện giờ trông ra sao.
Gibson đặc biệt thấy khó chịu khi nhìn vào mô hình giả lập. Đáng lẽ giờ đây, Suzanne đã hai mươi tư tuổi và tốt nghiệp đại
học. Những hình ảnh khiến anh tưởng tượng cuộc đời cô có thể đã ra sao. Không biết giờ cô sống ở đâu. Bước đường sự nghiệp của cô chắc chắn sẽ liên quan tới sách. Anh mỉm cười khi nghĩ đến nhưng phải kìm lòng. Như thế là không tốt. Chẳng phải đã đến lúc để cô yên? Để tất cả được yên?
“Kinh khủng.” Người đàn ông ngồi cạnh anh vừa nói vừa nhìn chăm chăm vào ti vi.
“Chắc chắn rồi.” Gibson đồng tình.
“Tôi vẫn nhớ mình đang ở đâu khi nghe tin cô bé mất tích - phòng khách sạn tại Indianapolis trong một chuyến công tác. Như mới hôm qua vậy. Tôi có ba đứa con gái.” Người đàn ông gõ tay lên mặt quầy gỗ để cầu may. “Tôi ngồi trên thành giường xem suốt mấy tiếng. Thật kinh khủng. Anh có thể tưởng tượng việc mười năm liền không biết liệu con gái mình còn sống hay đã chết sẽ thế nào không? Chuyện khủng khiếp thế này thật quá sức chịu đựng của một gia đình. Ông Lombard là người tốt cơ mà.”
Điều cuối cùng Gibson muốn bị lôi vào là một cuộc trò chuyện về Benjamin Lombard. Anh gật đầu tán đồng, hi vọng ngưng được chủ đề này lại, nhưng người kia vẫn nói tiếp.
“Ý tôi là, nếu có thằng khốn bệnh hoạn nào đó, thứ lỗi cho ngôn từ của tôi, có thể bắt được con gái phó tổng thống - rồi thoát tội - thì chúng ta còn hi vọng gì nữa?”
“À, lúc đó, ông ấy chưa phải phó tổng thống.”
“Phải, nhưng ông ấy vẫn là một thượng nghị sĩ. Thế cũng không tầm thường đâu. Anh không nghĩ là hồi đó, ông ấy cũng có ảnh hưởng tới cảnh sát liên bang ư?”
Thật ra, Gibson là người biết rất rõ Lombard có ảnh hưởng lớn tới đâu và ông ấy thích điều đó thế nào. Phó Tổng thống Benjamin Lombard là một đề tài anh cố không nghĩ tới.
“Tôi nghĩ ông ấy sẽ trở thành một tổng thống giỏi.” Người kia nói tiếp. “Vượt qua một chuyện thế này ư? Vẫn trở thành phó tổng thống khi mà hầu hết mọi người sẽ vô cùng đau khổ. Và giờ chạy đua cho cương vị tổng thống? Điều đó cần tới sức mạnh mà anh không thể tưởng tượng nổi.”
Làm phó tổng thống đã hai nhiệm kì cho một tổng thống được lòng dân, Lombard được kì vọng sẽ sớm giành quyền tranh cử - hội nghị đề cử ứng viên vào tháng Tám chỉ làm cho có lệ, chứ thực ra giống như một lễ đăng quang. Nhưng Anne Fleming, thống đốc bang California, không hiểu từ đâu ra và có ý định tranh cử. Hai người họ lúc này đang cạnh tranh sít sao trong các cuộc thăm dò. Lombard dẫn về số phiếu đại biểu và vẫn là ứng viên số một, nhưng Fleming đang khiến ông ấy phải nỗ lực.
Kỉ niệm mười năm vụ mất tích của Suzanne rơi vào đúng năm bầu cử, éo le thay, lại có lợi cho chiến dịch tranh cử của Benjamin Lombard. Tuy nhiên, chuyện đấy chẳng có gì mới: tranh đấu cho Luật Suzanne qua Thượng viện chính là thứ đã giúp ông được cả nước chú ý. Tất nhiên, Lombard đã tế nhị từ chối thảo luận về con gái mình. Những người hoài nghi sẽ cho
rằng việc đó không cần thiết vì truyền thông đã làm hộ rồi. Và tất nhiên, còn có vợ ông nữa. Những nỗ lực không mệt mỏi của Grace Lombard đại diện cho Trung tâm Trẻ em Mất tích và Bị ngược đãi đã trở thành tin tức chính trên các đài truyền hình xuyên suốt các vòng bầu cử sơ bộ. Bà có khi còn nổi tiếng hơn người chồng quyền lực của mình.
“Nếu ông ấy được đề cử, tôi sẽ bầu cho ông ấy vào tháng Mười một.” Người đàn ông nói. “Ai khác ra tranh cử cũng không quan trọng. Tôi vẫn sẽ bỏ phiếu cho ông ấy.”
“Tôi chắc chắn ông ấy sẽ đánh giá cao điều đó.” Gibson vừa nói vừa với tay lấy sốt cà chua. Anh đổ thật nhiều vào góc đĩa, trộn nó với chút sốt mayo và phết lên miếng bánh khoai tây của mình như cách mà cha anh đã dạy hồi anh còn nhỏ. Giống như câu nói bất hủ của ông Duke Vaughn,“Nếu không nói được gì tốt đẹp thì hãy cắn một miếng thật to và nhai thật chậm.”
Thật là những lời đáng để làm theo.
CHƯƠNG 2
J
enn Charles đang ngồi trong khoang sau của một chiếc xe tải trắng bình thường8*, đậu đối diện quán Nighthawk. Cô cảm thấy mình quá nổi bật - cô sẽ thấy thoải mái hơn trong một căn cứ quân sự gần biên giới Pakistan, còn những chiếc xe tải
trắng ở Bắc Virginia không phải là phong cách của cô. *. Unmarked car: xe cảnh sát không đánh dấu phân biệt với xe của dân thường.
Cô kiểm tra đồng hồ đeo tay và ghi nhớ thời gian biểu. Muốn nói gì về Gibson Vaughn cũng được, anh ta là người quá dễ đoán. Nói một cách tích cực thì việc theo dõi anh ta rất đơn giản. Còn theo nghĩa tiêu cực thì việc đó nhanh chóng trở nên nhàm chán. Thời gian biểu hằng ngày gần như không thay đổi. Buổi sáng của Vaughn bắt đầu lúc 5 giờ 30 phút với một cuộc chạy bộ năm dặm, hai trăm lần chống đẩy, hai trăm cái gập bụng, rồi đi tắm. Sau đó, anh ta ăn đúng một loại đồ ăn ở đúng một nhà hàng, ngồi đúng một chiếc ghế bên cạnh quầy. Ngày nào cũng thế, đều đặn như đi nhà thờ.
Jenn vuốt một món tóc đen nổi loạn ra sau tai. Cô cần tắm và ngủ một giấc thật ngon trên giường của mình. Cô cũng muốn một chút nắng. Cô cảm thấy uể oải sau mười ngày ở phía đuôi chiếc xe tải, nơi cô bắt đầu cảm thấy quen thuộc. Trong đó đầy
chật những thiết bị theo dõi. Một chiếc võng nhỏ ở đằng trước cho phép nhóm làm việc theo ca, nhưng trừ điều đó ra, chiếc xe tải không có mấy tiện nghi.
Đời không như là mơ, Charles. Không như là mơ.
Nếu Vaughn vẫn hành động theo đúng như lịch, trong hai mươi phút nữa, khi giờ cao điểm qua đi, anh ta sẽ ra phía sau quán để làm việc. Anh ta thân với chủ nhà hàng, nên họ cho anh ta dùng tạm những căn phòng phía sau làm chỗ để tìm việc. Đã ba tuần trôi qua kể từ khi Vaughn mất chức Giám đốc Công nghệ Thông tin ở một công ty công nghệ sinh học nhỏ sắp phá sản. Anh ta vẫn chưa tìm được việc và dựa vào đời tư của anh ta, Jenn không nghĩ điều đó sẽ thay đổi.
Dan Hendricks, cộng sự của cô, là một tay theo dõi thượng thừa. Ông đã lọt vào căn hộ của Gibson một tuần trước và gắn các thiết bị theo dõi trong chín mươi phút: các máy quay hồng ngoại cảm ứng, máy nghe lén và những thứ khác. Chúng mang tới cho họ hình ảnh liên tục của toàn bộ căn nhà và hoàn cảnh sống đạm bạc của Gibson đem lại nhiều thông tin hữu ích.
Sau khi li dị, anh ta chuyển vào sống trong một căn hộ cao tầng giá rẻ. Phòng khách của anh ta có một chiếc bàn IKEA9* cũ và một chiếc ghế gỗ. Không ti vi, không ghế đệm, chẳng có gì. Phòng ngủ của anh ta cũng tồi tàn như thế. Tồi tàn nhưng sạch sẽ - tám năm trong Thủy quân lục chiến có khác. Một tấm đệm trải trên sàn nhà, bên cạnh là một cái đèn ngủ để trên bàn thấp. Một chiếc tủ có ngăn kéo không đánh véc ni, với một chân bị gãy
mà anh ta đã chữa lại. Không còn đồ đạc nào nữa. Nội thất thiết kế theo kiểu Franz Kafka.
*. Một nhãn hiệu nội thất của Thụy Điển.
Thật khó tin là gã này mới mười sáu tuổi đã trở thành tin tặc bị truy nã gắt nhất nước Mỹ. BrnChr0m khét tiếng - người đi tiên phong trong phong trào tin tặc vì mục đích chính trị hiện đại. Cậu thiếu niên này đã suýt hạ bệ Benjamin Lombard - lúc đó đang là thượng nghị sĩ. Anh ta đã đánh cắp các thư điện tử và hồ sơ tài chính trong một thập kỷ của ngài thượng nghị sĩ và gửi nó cho tờ Washington Post theo cách ẩn danh, hay BrnChr0m tưởng thế. FBI đã bắt giữ Gibson Vaughn ở trường cấp ba trong giờ hóa học, còng tay anh ta và giải đi. Jenn dán ảnh chụp lúc bị bắt của anh ta lên một màn hình và ấn tạm ngừng để nhìn kĩ khuôn mặt hoảng hốt nhưng ngang ngạnh kia. Giờ ở tuổi hai mươi tám, anh ta đã sống một cuộc đời đầy biến cố.
Vụ bắt giữ chóng vánh một tay tin tặc mười sáu tuổi của FBI là một tin tức nóng hổi. Nhưng những tài liệu mà Vaughn để lộ ra thì còn sốt dẻo hơn. Chúng nêu chi tiết về một vụ chuyển ngân quỹ tranh cử đáng nghi và phạm pháp tới ngân hàng ở quần đảo Cayman. Chúng dính líu trực tiếp tới Benjamin Lombard. Trong một thời gian, những tiết lộ đó tưởng như đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của ngài thượng nghị sĩ và truyền thông loạn cả lên vì chuyện một thằng nhóc lật đổ một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Ai cũng thích một trận David đấu với Goliath10*, dù David đã phạm không biết bao nhiêu điều luật để giành chiến thắng.
*. David đấu với Goliath: trong Kinh thánh Cựu ước, Goliath là một người khổng lồ, nhưng lại bị đánh bại bởi chàng trai trẻ tên David. Về sau, cụm từ này có ý chỉ một người yếu thế giành chiến thắng trước một đối thủ hơn mình về mọi mặt.
Jenn đang học đại học trong thời gian xảy ra vụ bắt giữ và cô còn nhớ những cuộc tranh luận nảy lửa về việc kết quả có biện minh được cho cách thức hay không. Cái chuyện tào lao ra vẻ cao thượng đó làm bản tính thực tế của cô thấy bực. Khó chịu bởi nhiều bạn bè cùng lớp coi Vaughn là một Robin Hood thời kĩ thuật số, cô cảm thấy như được minh oan khi hóa ra BrnChr0m đã nhầm.
Rốt cuộc, nhiều tài liệu trong số đó hoặc là bị sửa chữa hoặc là làm giả hoàn toàn. Đúng là có phạm pháp nhưng FBI kết luận thủ phạm không phải là Benjamin Lombard mà là cựu chánh văn phòng của ông, Duke Vaughn, người vừa mới tự sát. Duke Vaughn không chỉ biển thủ hàng triệu đô la, mà còn che giấu hành tung bằng cách đổ tội cho Benjamin Lombard. Đó là một hành động phản bội như trong kịch Shakespeare và khi tay tin tặc ẩn danh hóa ra lại là con trai của Duke Vaughn… thì câu chuyện trở thành một hiện tượng, còn BrnChr0m trở thành huyền thoại.
Nhưng Gibson Vaughn đã từ lâu không dùng bí danh đó và không còn là huyền thoại nữa.
Do Vaughn ở cả ngày trong quán ăn, Hendricks đề xuất gắn thiết bị theo dõi cả ở đó. Jenn bác bỏ ý kiến này, nhưng điều đó
tạo ra một khoảng trống đáng kể trong cuộc theo dõi sát sao, mà họ phải chấp nhận. Vào lúc 6 giờ tối, Vaughn sẽ đi thẳng tới phòng tập thể hình trong một tiếng rưỡi. Về nhà lúc 8 giờ, ăn thực phẩm ăn liền bên máy tính, tắt đèn lúc 11 giờ. Tắm rửa rồi lặp lại. Ngày này qua ngày khác. Trời ạ. Cô đánh giá cao kỉ luật và sự điều độ, nhưng cô thà chết còn hơn thành ra như thế.
Báo cáo của cô đã lưu ý rằng toàn bộ thế giới của Vaughn xoay quanh việc chu cấp cho cô vợ cũ và con anh ta. Jenn thấy rõ là người đàn ông này đang tự trừng phạt bản thân. Nhưng phải chăng anh ta đang cố gắng giành lại người phụ nữ kia hay chỉ đơn giản là chuộc lỗi bằng cách sống một cuộc đời đáng bỏ đi? Anh ta lừa dối cô ấy rồi biến thành Thánh Francis của Springeld, Virginia. Jenn không hiểu nổi đàn ông nói chung và không hiểu nổi Gibson Vaughn nói riêng. Anh ta không chi một xu nào cho bản thân, thứ xa xỉ duy nhất của anh ta có là thẻ hội viên phòng tập thể hình. Dù công bằng mà nói, đó là những đồng tiền dùng đúng chỗ.
Vaughn không phải là mẫu người cô thích. Không hề. Đúng là anh ta có vẻ hấp dẫn thô ráp và cách đôi mắt xanh lơ kia nhìn người khác thu hút cô. Nhưng cô vẫn nhìn thấy cái tính nóng nảy mà đã khiến anh ta ra tòa rồi phải vào Thủy quân. Dù anh ta đã trải qua chuyện gì, thì không lí nào nó lại tiếp tục ám ảnh anh ta như thế. Ta không thể để quá khứ định nghĩa con người mình.
Cô chạm lưỡi vào răng cửa. Đó là thói quen khi cô lo lắng. Cô thấy bực mỗi lần nhận ra mình làm thế nhưng lại không đừng
được. Cô lại càng bực hơn. Hendricks và cà phê của cô đâu rồi? Vừa mới nhắc, Hendricks xuất hiện ở cửa với hai cốc cà phê và một chiếc bánh ngọt. Ông phải hơn cô tới hai mươi tuổi, chắc tầm ngoài năm mươi, nhưng cô chỉ đoán vậy thôi. Sau hai năm làm việc với nhau, cô vẫn chưa biết sinh nhật của ông. Tóc ông hói dần trên đỉnh đầu và chứng bạch biến11* đã để lại những đốm trắng trên khóe môi và quanh mắt ông, nổi bật trên làn da đen.
*. Chứng bạch biến: một loại bệnh do một số tế bào sắc tố trong da bị hư khiến làn da mất đi sắc tố melamin, do đó làm da biến thành màu trắng hoặc nổi đốm trắng.
“Vẫn trong đó hả?” Jenn gật đầu.
“Hắn như một cái đồng hồ,” Hendricks nói. “Đều như đi cầu.” Ông đưa cốc cà phê cho Jenn và cắn một miếng bánh lớn. “Họ hết bánh rán nhân thạch rồi. Cô tin nổi không? Tiệm
bánh kiểu gì mà lại hết bánh rán trước 9 giờ sáng? Cả cái bang này cần đi khám hết rồi.”
Jenn định nói Virginia về mặt kĩ thuật là một vùng Thịnh vượng chung12*, nhưng lại thôi. Chọc tức Hendricks chỉ khiến ông thêm cáu.
*. Ở Mỹ, có bốn tiểu bang có danh xưng chính thức là “vùng Thịnh vượng chung” (Commonwealth): Kentucky, Massachusetts, Pennsylvania và Virginia.
“Đến ngày rồi.” Cô nói. “Đến ngày rồi.”
“Có biết khi nào không?”
“Ngay khi chúng ta nghe tin từ George.”
Họ đang chờ đợi và cuối cùng đã chuẩn bị tiếp cận Vaughn. Sếp của họ, George Abe, sẽ đích thân xử lí. Tất nhiên là cô biết tất cả những chuyện này nhưng lái chủ đề sang công việc thường sẽ ngăn Hendricks lải nhải.
Thường là thế.
Tám năm ở Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã dạy cô nghệ thuật làm việc với đàn ông. Bài học đầu tiên là đàn ông không bao giờ thích nghi với phụ nữ. Đó là lãnh địa của đàn ông. Bạn phải nhập hội hoặc sẽ ra rìa. Bất kì thứ gì nữ tính cũng đều bị coi là yếu mềm. Những người phụ nữ thành công là những người chửi thề lớn tiếng hơn và không có dấu hiệu yếu đuối. Rốt cuộc, bạn sẽ được gọi là “cô ả cứng” và được bất đắc dĩ chấp nhận.
Cô nhận được danh hiệu “cô ả cứng” một cách khó khăn. Trong mấy căn cứ ở Afghanistan, cô đã không gặp một người phụ nữ nào khác suốt mấy tuần. Chỉ có một mình, bạn sẽ không bao giờ đủ cứng rắn. Bạn sẽ luôn là người phụ nữ duy nhất trong hàng trăm dặm quanh đó. Cô đã nhìn thấy ánh mắt đàn ông chuyển từ đói khát sang công kích rồi săn lùng. Cô đã học được cách ngủ rất đề phòng. Giống như ở trong tù, mọi người sẽ vây lấy bạn rồi đánh hơi điểm yếu của bạn. Ở một căn cứ, mọi chuyện trở nên tồi tệ tới mức cô đã nghĩ tới việc ngủ với viên chỉ huy, hi vọng rằng cấp hàm của anh ta sẽ che chở cho cô. Nhưng cô không thể chấp nhận ý tưởng làm gái cho ai đó.
Jenn lại chạm lưỡi vào răng cửa. Răng cô có cảm giác rất thật dù lưỡi cô không cảm thấy như vậy. Tay nha sĩ đã làm rất tốt khi cô được đưa tới Căn cứ Không quân Ramstein. Trải nghiệm đó hẳn đã sầu não hơn nếu cô biết rằng đó là ngày cuối cùng của cô ở CIA, nhưng phải mất mấy tháng cô mới hiểu được. Cô nhớ Cục Tình báo hơn những chiếc răng của mình.
Cái gã đã đánh cô thì chẳng cần nha sĩ. Hắn chẳng cần ai ngoài một linh mục, có lẽ vậy. Tuy nhiên, đồng bọn của hắn đã trốn thoát. Tên này vẫn còn nằm trong danh sách của cô, cùng với một hai tên cấp cao hơn đã tấn công cô khi cô từ chối tuân theo. Cô đã muốn kẻ tấn công cô bị xét xử, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc tiết lộ một chiến dịch nhạy cảm của Cục Tình báo. Nằm trên một giường bệnh ở Đức, răng niềng chặt, cô nghe một cấp trên giải thích tình hình thực tế: “Thật không may, đó là cái giá của việc hoạt động ở nơi đó,”. Ông ta nói với cô, như thể cô bị hai tay súng Taliban tấn công chứ không phải hai trung sĩ Quân đội Hoa Kỳ.
Nhưng khi ông ta vỗ nhẹ vào tay cô như thể đang ban ân huệ thì cô mới đưa ông ta vào danh sách.
Lưỡi cô lại chạm vào răng. Không bao giờ bỏ dở việc gì. Bà cô đã dạy thế.
So ra thì Dan Hendricks là một cộng sự tuyệt vời. Hai mươi hai năm ở Sở Cảnh sát Los Angeles được thể hiện trong cách làm việc đơn giản nhưng chắc chắn của ông. Đặc biệt là trong các không gian hẹp, nhất là khi ông chỉ cao khoảng 1m70 và nặng khoảng 60 cân nếu đeo thêm một con gà tây. Ngoài ra, ông rất
gọn gàng và không mấy khi nói tục. Và hay nhất là ông không cần cô phải trở thành “cô ả cứng”, chỉ cần làm tốt công việc là được. Vấn đề là một khi bạn đã học được cách trở thành cô ả cứng, thì khó mà trở lại như cũ.
Không phải là Hendricks không chịu được điều đó. Ông là sư phụ của môn tỏ thái độ. Ông chắc chắn là người tiêu cực nhất mà cô từng gặp, và cô không thể xác nhận ông có bao giờ cười hay không. Cô chắc chắn là người da đen ở Sở Cảnh sát Los Angeles - một tổ chức với quá khứ không mấy hay ho về vấn đề chủng tộc - có thể khiến ngay cả người kiên cường nhất trở nên gay gắt. Nhưng George Abe đã biết Hendricks từ rất lâu và ông ta đảm bảo với cô rằng thái độ tiêu cực của người cộng sự không liên quan gì tới việc là người da đen ở Sở Cảnh sát Los Angeles. Hendricks là thế.
Chuông điện thoại reo lên và cả hai người họ đưa tay tìm máy di động. Hendricks bắt máy. Cuộc nói chuyện rất ngắn. “Có vẻ tới lúc rồi.” Ông nói.
“Ông ta đang ở đây sao?”
“Đang trên đường. Ông ta muốn cô vào trong. Không biết Vaughn sẽ phản ứng thế nào.”
Đúng vậ y. Giữa sếp cô và Gibson Vaughn từng có chuyện. Không phải chuyện tốt đẹp gì.
CHƯƠNG 3
Q
uán đã bớt ồn, đủ để Gibson nghe thấy suy nghĩ của mình. Anh ngoái lại và thấy những vị khách cuối cùng chuẩn bị rời đi. Khi họ đi, anh sẽ trưng dụng một cái bàn và trải qua thêm một ngày tìm việc bực mình nữa. Hôm nay là Chủ nhật, nhưng anh tìm việc không nghỉ ngày nào. Khoản trả góp cho căn nhà mà vợ cũ và con gái anh đang sống mười lăm ngày nữa là tới hạn. Chỉ còn mười lăm ngày nữa để tìm việc.
Ít ra thì đây là một nơi làm việc rất tốt. Quán Nighthawk khiến anh nhớ tới nhà mình. Cha anh tự coi mình là chuyên gia về các quán ăn và đã truyền điều đó cho anh. Với Duke Vaughn, nhắc đến quán ăn là nhắc đến những quán nhỏ, độc lập, chứ không phải là các chuỗi nhà hàng hay công ty cổ phần. Ông gọi những quán đó là tài sản công cộng. Đất thuộc sở hữu của một người nhưng cộng đồng lại có quyền sử dụng. Đó không phải lí tưởng dân túy lãng mạn mà là nơi thần thoại nước Mỹ gặp gỡ thực tế trần trụi - đại loại thế.
Cha anh có thể và sẽ nói liên miên về những quán ăn tuyệt vời trên cả nước, nhưng quán Blue Moon ở West Main tại Charlottesville, Virginia luôn là căn cứ địa của ông. Nếu Duke Vaughn là một giáo sư, lớp học của ông ắt hẳn sẽ là quầy phục vụ. Những cuộc trò chuyện giữa hai cha con lúc ăn sáng là một nghi thức thiêng liêng vào sáng Chủ nhật từ khi Gibson mới sáu
tuổi. Anh đã học về chuyện giới tính khi ăn bánh anh đào - và giờ vẫn còn xấu hổ khi thừa nhận phải mất nhiều năm anh mới hiểu được câu nói đùa của cha.
Ông Duke Vaughn là khách ruột của Blue Moon. Gibson chưa bao giờ thấy cha anh phải gọi món, nhưng lần nào cũng giống hệt nhau: hai trứng ốp lòng đào, bánh khoai tây, yến mạch, thịt ba chỉ, xúc xích và bánh mì trắng nướng. Cà phê. Nước cam. Bữa sáng của một người đàn ông, cha anh gọi nó thế và đã tìm ra không biết bao nhiêu phép ẩn dụ trong đó. Gibson đã không đặt chân vào Blue Moon từ khi cha anh qua đời. Từ khi cha anh tự sát. Sự thật là thế.
Nhưng sau một thời gian, Gibson không cảm thấy như ở nhà tại một chỗ nào mới, cho đến khi anh tìm được một quán hợp với mình. Cha anh gọi nó là một mái ấm trên đường. Gibson nghĩ cha anh hẳn sẽ chấp thuận quán Nighthawk và chủ quán, Toby Kalpar.
Ánh mắt Gibson nhìn về phía người phụ nữ ở cuối quầy phục vụ. Không phải vì cô ta xinh đẹp hay vì cô ta đang mặc vest trong một quán ăn bình dân vào sáng Chủ nhật. Cũng không phải vì viền bao súng lộ ra dưới cánh tay trái - đây là Virginia mà. Người mang vũ khí cũng nhiều như chó đeo xích cổ. Thật ra là bởi việc dù cô ta không nhìn thẳng vào anh, nhưng anh vẫn có thể cảm thấy cô ta chú ý đến mình, theo kiểu không tốt đẹp gì. Anh gượng nhìn đi chỗ khác. Hai người họ có thể chơi trò đó. Hai người lạ… không nhìn nhau.
“Cậu uống nhiều cà phê còn hơn cả đám nhà thơ kém cỏi đấy,” Toby nói và rót đầy tách cho anh.
“Chú phải thấy tôi hồi đi lính. Tôi sống bằng cà phê và Ripped Fuel. Tới 6 giờ chiều, chú có thể rán trứng trên trán tôi.” “’Ripped Fuel’ là cái gì?”
“Một loại thực phẩm chức năng. Để tập thể hình. Giờ thì không hợp pháp lắm.”
Toby gật đầu đầy vẻ triết học. Chú ấy và vợ, Sana, đã di cư từ Pakistan hai mươi sáu năm trước và mua lại quán này trong đợt suy thoái. Con gái họ tốt nghiệp Đại học Mĩ thuật và Thiết kế Corcoran ở Washington D.C. Toby đã có được tình yêu mĩ thuật hiện đại từ cô bé và đổi tên quán theo tên bức tranh của Edward Hopper. Bản sao các bức họa từ giữa thế kỷ XX của Pollock, de Kooning, Rothko được đóng khung treo khắp quán. Toby trông gầy gò với bộ râu xám được xén tỉa gọn gàng, đeo kính gọng cong, trông giống một người tuyển chọn sách hiếm hơn là phục vụ quán ăn. Nhưng ngoại trừ vẻ bề ngoài, Toby Kalpar sinh ra là để quản lí một quán ăn Mỹ.
Toby nán lại chỗ quầy phục vụ, vẻ mặt có phần bối rối. “Xin lỗi vì lại nhờ cậu lần nữa, nhưng tôi cần cậu giúp tôi xử lí mấy cái máy tính. Tôi đã mất hai đêm mày mò nhưng vẫn không hiểu.”
Sáu tháng trước, Gibson đã đề nghị giúp đỡ sau khi nghe Toby than phiền về máy tính ở Nighthawk. Chúng đầy những phần mềm độc hại, các cookie gián điệp và virus đủ loại. Hóa ra, cái
Toby cần là ngừng ấn “OK” với tất cả mọi thứ xuất hiện trên màn hình.
Gibson đã mất vài tiếng sắp xếp lại hệ thống của Toby, cài lại mạng, phần mềm diệt virus và phần mềm dùng cho nhà hàng. Họ trở thành bạn như thế.
“Không vấn đề. Chú muốn tôi xem qua không?” “Không phải bây giờ. Tôi không muốn cản trở cậu tìm việc. Đó là điều quan trọng nhất.”
Gibson nhún vai. “Tôi sẽ cần nghỉ ngơi sau hai tiếng. Chú sống được tới trưa chứ?”
“Tôi nợ cậu.” Toby với tay qua quầy. Hai người bắt tay nhau. “Nicole sao rồi? Còn Ellie? Khỏe cả chứ?”
Nicole là vợ cũ của Gibson, Ellie là cô con gái sáu tuổi của anh - một cỗ máy tăng động cao 1m20 tràn đầy tình yêu, tiếng cười và bụi đất. Vẻ mặt anh sáng lên khi nghe thấy tên cô bé. Giờ đây, Ellie là điều duy nhất anh còn quan tâm.
“Họ đều ổn. Rất ổn.”
“Cậu sắp gặp Ellie à?”
“Hi vọng thế. Có lẽ là cuối tuần tới. Nếu Nicole sang nhà chị gái, tôi sẽ về thăm nhà.”
Những nơi Gibson ở sau khi li dị không phù hợp lắm với trẻ con và Nicole không thích cho Ellie ở đó. Anh cũng thế. Nên thỉnh thoảng, Nicole sẽ về thăm gia đình và anh sẽ dành cả cuối tuần về nhà chơi với Ellie. Đó là một trong những điều tử tế mà vợ cũ đã làm cho anh kể từ khi họ li hôn.
“Nhớ nhé. Các bé gái đều cần cha. Nếu không, chúng sẽ phải tham gia các chương trình thực tế đấy.”
“Truyền hình thực tế chưa sẵn sàng cho con bé đâu. Tin tôi đi.”
“Họ sẽ cần một gã quay phim rất nhanh tay đấy.” “Chú nói đúng.”
Gibson đứng dậy và khoác túi lên vai. Người phụ nữ ở cuối quầy vẫn ngồi đó. Khi anh đi qua, cặp mắt cô ta nhìn anh trong tấm gương đằng sau quầy và theo dõi anh. Thật khó chịu khi cô ta không thèm quan tâm liệu anh có biết hay không.
Phía sau quán ăn, không có ai trừ một người đang ngồi ở cái bàn quen thuộc của Gibson. Người này ngồi quay lưng lại với Gibson và đang viết gì đó lên một cuốn sổ giấy vàng. Ông ta trông quen quen, dù là nhìn từ phía sau.
Người đàn ông này cảm thấy có người ở sau lưng mình và đứng lên. Ông ta không to con, nhưng có dáng vẻ khỏe mạnh của một vận động viên điền kinh. Ông ta trông khoảng ba mươi lăm tới năm mươi tuổi. Tóc ở thái dương hơi điểm bạc, khuôn mặt trẻ trung, chỉ có chút nếp nhăn ở cằm. Ngoài ra, chẳng có cách nào đoán tuổi ông ta cả. Ông ta trông rất chỉn chu. Quần bò xanh cùng chiếc áo sơ mi sạch đẹp, trắng đến mức trông như lấy ra từ quảng cáo thuốc tẩy. Đến cái quần bò cũng được là phẳng, còn đôi ủng cao bồi bằng da thì được đánh xi đen sáng loáng.
Gibson cảm thấy trái tim mình nhói lên. Anh biết tên khốn này. Biết rõ. Ông ta là George Abe bằng xương bằng thịt. Và ông
ta đang mỉm cười với anh. Gibson nhăn mặt như có người giơ tay tát anh, rồi đột nhiên dừng lại khi chỉ còn cách mặt anh một chút. Tại sao Abe lại cười? Ông ta nên thôi ngay đi. Nụ cười có vẻ thành thật, nhưng cảm giác như đang chế giễu. Gibson tiến một bước về phía ông ta, không rõ mình sẽ làm gì ngoài chuẩn bị sẵn sàng sau khi anh quyết định.
Anh chỉn chu lại ngoại hình khi người phụ nữ kia lọt vào tầm nhìn. Cô ta di chuyển nhanh nhẹn và duyên dáng, giữ khoảng cách đủ để anh nhận biết sự hiện diện của mình. Người ta nói gì về Ginger Rogers nhỉ? Cô ấy làm được mọi thứ giống như Fred Astaire13*, chỉ có điều kém hơn đôi chút và mang giày cao gót? Áo vest của cô ta không cài khuy. Cô ta quay người để anh thấy một bên mặt, phòng khi phải lại gần anh. Mặt cô ta vẫn thoải mái và không hề biểu cảm, nhưng Gibson chắc chắn điều đó sẽ thay đổi nếu anh tiến thêm một bước nữa.
*. Ginger Rogers và Fred Astaire là cặp đôi vũ công huyền thoại của thế kỷ XX.
George Abe vẫn không nhúc nhích.
“Tôi thực sự mong có một cuộc nói chuyện thân tình, Gibson ạ.”
“Cô ta tham gia mọi cuộc trò chuyện thân tình của ông hả?” “Hi vọng chứ không kì vọng. Sao cậu trách tôi được chứ?” “Vậy ông có thể trách tôi sao?”
“Không,” Abe nói. “Tôi không thể.”
Hai người nhìn nhau chằm chằm trong khi Gibson cân nhắc câu trả lời của Abe, sự thù địch ban đầu của anh được thay thế bằng sự tò mò sâu sắc.
“Ông tới đây có việc gì? Tôi còn chưa có thời gian trấn tĩnh lại từ khi sếp ông làm tôi mất việc tháng trước.”
“Tôi biết. Nhưng tôi đã không làm việc cho Benjamin Lombard được một thời gian rồi. Tôi được… thả tự do. Một tuần sau khi cậu bắt đầu khóa huấn luyện cơ bản.”
“Vậy sao?” Gibson nói. “Ông làm những việc bẩn thỉu cho ông ta rồi bị tiễn ra cửa? Nghe cũng nên thơ đấy chứ?” “Nếu cậu thích thơ.”
“Nếu không tới đây vì ông ta, thì ông muốn gì?”
“Như tôi đã nói, một cuộc chuyện trò thân tình.”
George Abe đưa cho anh một tấm danh thiếp. Trên đó có địa chỉ ở trung tâm Washington D.C. và số điện thoại. Dưới tên ông ta là dòng chữ “Giám đốc, Tập đoàn Tư vấn Abe (ACG)”.
Khi anh còn nhỏ, Gibson đã đọc sai tên của George Abe, cho tới khi cha anh sửa lại: “Ah-bay. Giống tên người Nhật, chứ không phải như Lincoln.” Là trưởng bộ phận an ninh của Benjamin Lombard, George thường xuyên xuất hiện trong tuổi thơ của Gibson. Người sau cánh gà. Lịch thiệp, nhã nhặn, nhưng vô hình một cách chuyên nghiệp. Phải mãi tới phiên xét xử của mình, Gibson mới chú ý tới ông ta, nhưng đến lúc đó, George Abe đã không còn lịch sự hay nhã nhặn nữa rồi.
“Nghe kêu đấy,” Gibson nói. “Tôi có việc cho cậu làm đây.”
Gibson tìm một câu thật thích đáng để đáp lại, chuyển từ tò mò sang hoài nghi. “Tôi phải công nhận là ông giỏi, George. Công ty của ông thật lớn.”
“Nghe tôi nói đã.”
“Tôi không hứng thú.” Gibson đưa lại tấm danh thiếp. “Chuyện tìm việc thế nào rồi?”
Gibson khựng lại và lạnh lùng nói với Abe. “Cẩn thận đấy.” “Hiểu rồi. Nhưng tôi không có ý gì ngoài tóm lược tình hình,” Abe nói. “Cậu đang thất nghiệp và lí lịch khiến cậu khó tìm được một công việc thích hợp với những kĩ năng của mình. Cậu cần việc làm. Tôi có công việc. Công việc có mức lương lớn hơn bất kì việc gì cậu tìm được. Đấy là nếu cậu tìm được.” “Vẫn không hứng thú.” Gibson quay đi và tiến bốn bước về phía cửa cho đến khi Abe ngăn anh lại.
“Ông ta sẽ không bao giờ bỏ qua. Cậu biết mà, đúng không?” Sự thẳng thừng của câu nói làm Gibson giật mình. Nó tổng hòa tất cả nỗi sợ trú ngụ trong tâm trí anh.
“Tại sao?” Anh không thể kìm lại vẻ van nài trong giọng nói. Abe nhìn anh thương cảm. “Vì cậu là Gibson Vaughn. Vì ông ta coi cậu như con.”
“Không phải ông ta khiến tôi bị sa thải sao?”
“Tôi không biết. Có lẽ thế? Chắc vậy. Không quan trọng. Nếu tôi là cậu, tôi sẽ lo nghĩ việc ông ta sẽ làm gì nếu trở thành tổng thống. Cậu kiếm được việc ở Siberia đã là may.”
“Tôi trả giá chưa đủ sao?”
“Sẽ không bao giờ đủ. Không có chuyện bỏ qua ở đây. Là kẻ thù của ông ta? Sẽ mãi mãi là kẻ thù. Và kẻ thù của ông ta phải trả giá cả đời. Đó là luật chơi của Benjamin Lombard.” “Tôi tiêu rồi.”
“Trừ khi cậu cho ông ta một lí do để bỏ qua.”
“Lí do gì?”
Abe ngồi xuống và ra hiệu cho Gibson làm theo.
“Phần trò chuyện thân tình đây à?”
“Tôi nghĩ lắng nghe tôi sẽ có lợi cho cậu.”
Gibson cân nhắc những lựa chọn: Bảo George cút xéo, chắc chắn cảm giác rất tuyệt, hoặc nghe ông ta nói hết rồi bảo ông ta cút xéo.
“Ông muốn trò chuyện thân mật, thì hãy bảo bạn ông lùi lại.” Abe ra hiệu cho người phụ nữ. Cô ta cài lại áo và lùi ra xa. “Chúng ta bắt đầu nhé?” Abe hỏi.
CHƯƠNG 4
G
ibson ngồi vào cái ghế đối diện với Abe. George Abe. George Abe khốn kiếp. Anh thở hắt ra trước điều kì quặc này. Đối mặt với ông ta sau từng ấy thời gian. Abe kết nối với quá khứ của anh. Kết nối với cha anh. Đã bao lâu rồi? Mười… không, mười một năm ư? Họ đã không gặp nhau kể từ sau phiên xét xử của anh, khi thẩm phán tuyên án.
Abe không ngồi ở bàn công tố, nhưng cũng chẳng khác gì đang có mặt. Trong suốt phiên tòa, ông ta và quyển sổ là hai thứ cố hữu ngồi ngay sau biện lí quận. Abe đưa tài liệu cho công tố viên, tham gia họp kín và đưa ghi chú vào những thời khắc quan trọng. Nếu bạn nghĩ biện lí quận nhận lệnh từ George Abe thì cũng dễ hiểu. Gibson chắc chắn đã nghĩ như thế.
Nhiều tháng sau khi anh bị bắt, Gibson nhận ra rằng Benjamin Lombard đã không đánh liều để phiên xét xử anh diễn ra tự nhiên. Bằng việc đột nhập vào các máy tính của ngài thượng nghị sĩ, Gibson đã vi phạm nhiều luật của bang và liên bang, nhưng người ta giả định rằng các cáo buộc cấp liên bang sẽ thay thế cấp địa phương. Ít nhất là cho tới khi vụ việc bất ngờ được chuyển sang cho các tòa án ở Virginia. Lí do, dù không bao giờ được nói ra, thật đơn giản: thẩm phán liên bang là những vị trí bổ nhiệm cả đời, trong khi thẩm phán khu vực Virginia làm theo nhiệm kỳ tám năm và được Hội đồng Lập pháp Virginia
bầu. Lombard đã dùng quan hệ chuyển phiên tòa của Gibson tới nơi mà ông ta có ảnh hưởng lớn. Quyết định của văn phòng công tố kết án anh như người trưởng thành vì một tội không liên quan đến bạo lực vi phạm lần đầu đã chứng minh cho nghi ngờ đó. Vì thế, khi phiên tòa bắt đầu, Gibson cho rằng vị thẩm phán hẳn cũng là người của Đội Lombard.
Phiên tòa kết thúc sau chín ngày và phán quyết là điều đã được định đoạt trước. Các ổ cứng của Gibson là tất cả bằng chứng mà bên công tố cần. Anh bị kết án có tội và quay lại nhà giam chờ bản án chính thức. Nhưng vài ngày sau, luật sư của anh đã đưa anh tới gặp tay thẩm phán. Không phải ở trong phòng xét xử nghiêm chỉnh, mà ở trong phòng làm việc của thẩm phán. Ở cửa ra vào, tay thẩm phán và luật sư của Gibson trao đổi với nhau một ánh mắt kì dị, đầy mưu mô.
“Từ đây để tôi, ông Jennings.” Vị thẩm phán nói.
Luật sư của anh gật đầu, liếc nhìn thân chủ trẻ tuổi đang bối rối và rời đi, để lại họ đứng ở ngưỡng cửa mà không nói một lời. Gibson không biết nhiều về luật pháp, nhưng cũng biết chuyện này không bình thường. Khi chỉ còn lại họ với nhau, tay thẩm
phán ra hiệu cho Gibson đi vào.
“Tôi nghĩ chúng ta nên nói chuyện.”
Vị thẩm phán lấy ra hai chai RC Cola từ trong chiếc tủ lạnh nhỏ và mở chúng ra bằng cái bật nắp treo trên tường. Ông mời Gibson một chai và ngồi xuống đằng sau chiếc bàn lớn bằng gỗ gụ.
Thẩm phán Hammond D. Birk là sự pha trộn giữa một quý ông người miền Nam nóng tính và một công nhân vất vả ở Virginia. Ông tỏ ra nghiêm khắc suốt phiên tòa - chỉ trích khi những người có mặt không thể hiện tốt, nhưng lại lịch sự và cuốn hút khi thể hiện sự không hài lòng đó. Luật sư ở cả hai bên hành động thận trọng để tránh cơn thịnh nộ của ông. Ngồi trên chiếc ghế bành da của thẩm phán, Gibson uống nước ngọt cũng thấy sợ.
“Con trai.” Vị thẩm phán bắt đầu. “Tôi sẽ cho cậu một đề nghị chỉ có duy nhất một lần. Sẽ không thẩm vấn, thảo luận, hay thương lượng. Khi nói xong, tôi chỉ muốn nghe một trong hai từ này: có hoặc không. Chỉ một trong hai từ, rồi chúng ta sẽ ra ngoài và kết thúc cái trò hề đang làm tôi bực mình này. Cậu hiểu chứ?”
Gibson im lặng gật đầu, phòng trường hợp nói ra sẽ là một cái bẫy làm anh bất lợi.
“Tốt.” Thẩm phán nói. “Đề nghị của tôi khá thẳng thắn. Mười năm tù hay vào Thủy quân Hoa Kỳ. Dù cậu không hỏi nhưng thời hạn sẽ là năm năm. Tức là bằng một nửa thời gian ở tù, nếu cậu muốn biết. Và cậu sẽ làm chuyện có ích trong quân ngũ với bộ não đó thay vì ngồi đếm tuần, đếm tháng và đếm năm cho tới ngày được thả ra. Vậy… mười năm hay nhập ngũ. Sau này, tôi sẽ xóa hồ sơ tội phạm của cậu và cậu có thể tiếp tục sống trong cái thế giới nhỏ mọn này.”
Vị thẩm phán uống hết chai nước và nhíu mày nhìn Gibson. “Tôi nói xong rồi, con trai. Giờ tới lượt cậu. Hãy suy nghĩ cho kĩ.
Nói có thì vào Thủy quân còn nói không thì đi tù. Hãy trả lời khi nghĩ xong. Đừng để chai RC hết lạnh. Đó là đồ uống yêu thích của cha cậu hồi đại học.”
Gibson ngẩng lên nhìn vị thẩm phán, người đang mỉm cười với anh.
Họ ngồi im lặng một lúc, dù đưa ra quyết định chẳng mất chút thời gian nào. Nhập ngũ hai mươi năm cũng còn hơn một đêm trong nhà giam. Và đó chỉ là tạm giam - nhà tù thật sự thì hoàn toàn khác và nó khiến Gibson sợ phát khiếp. Nhưng anh thích việc được ngồi đây với tay thẩm phán, uống RC Cola và hi vọng Birk sẽ nói thêm về cha anh.
Nhưng vị thẩm phán không nói gì nữa, dù là lúc đó hay trong cả chục lá thư họ viết cho nhau khi anh trong quân ngũ. Lá thư đầu tiên tới bất ngờ vào trước hôm anh rời căn cứ ở đảo Parris. Đó là lá thư thứ ba anh nhận được kể từ khi vào Thủy quân, nó chứa đầy những suy tưởng về sự trưởng thành. Hai mươi trang viết tay và anh ngồi trên mép giường đọc đi đọc lại. Hôm đó là ngày Gia đình, nghĩa là hầu hết đồng đội của anh đang đi vòng quanh căn cứ với người thân. Lá thư làm anh thấy đỡ cô đơn hơn. Anh đã viết lại một lời cảm ơn chân thành. Sau đó, họ cứ vài tháng lại gửi thư cho nhau: Gibson thì cộc lốc và hay kể chuyện của mình, còn vị thẩm phán thì biết nhiều chủ đề và đầy triết lí. Gibson tự hỏi vị thẩm phán sẽ khuyên anh điều gì trong trường hợp này.
“Tôi nhớ lần cuối mình gặp ông.” Gibson nói với Abe. “Ngay sau khi thẩm phán nói tôi sẽ vào Thủy quân. Mọi người đều
sửng sốt, nhưng ông thì không. Tôi muốn thấy phản ứng của ông, nhưng ông chỉ đứng lên và bỏ đi. Ông còn cài lại khuy áo vest rồi đi ra như không có chuyện gì. Rất thản nhiên. Phải chăng ông đang trên đường đưa tin xấu tới cho Lombard?”
“Đúng.”
“Tôi luôn tự hỏi Lombard đón nhận tin đó như thế nào, sau tất cả những cố gắng vùi dập tôi. Tôi đoán hẳn sẽ chẳng hay ho gì.”
“Đúng. Chẳng hay ho gì. Nhưng tôi mừng là mọi chuyện đã diễn ra như thế. Tôi nhận ra rằng đó là một sai lầm. Tôi xin lỗi vì đã dính líu tới những chuyện xảy ra với cậu.”
Lời xin lỗi khiến Gibson bất ngờ. Anh cảm thấy có chút biết ơn vì cuối cùng cũng có người xin lỗi. Nhưng anh cũng ngay lập tức nổi giận. Đúng, rất bất ngờ và khiến anh vui lòng, nhưng một lời xin lỗi sau mười năm thì có khác gì?
“Vậy ông chỉ là một con tốt vô tội… Ông đang muốn thuyết phục tôi như vậy?”
“Không.” Abe lắc đầu. “Tôi không nghĩ tỏ vẻ không biết là đã đủ. Tôi đã vờ như không biết gì, nhưng chỉ bởi vì tôi cho phép bản thân làm thế. Vì tôi đã không hỏi những câu hỏi lẽ ra phải hỏi. Lòng trung thành đã khiến tôi lầm lạc. Tôi biết việc đó là sai trái, nhưng phớt lờ bản năng của mình. Tôi không hề vô tội.”
“Vậy thì sao?” Gibson hỏi. “Ông và cô trợ thủ đằng sau đã lần ra tôi để ông có thể bớt gánh nặng lương tâm? Một buổi xưng tội nho nhỏ vào sáng Chủ nhật? Ông cảm thấy khá hơn chưa?”
“Quả là khá hơn. Tôi ngạc nhiên đấy. Nhưng đó không phải là lí do tôi có mặt ở đây.”
Toby xuất hiện với thực đơn và một bình cà phê. Chú lật cái cốc trước mặt Gibson lên rồi rót đầy. Chú có vẻ khó chịu và ánh mắt chú hỏi Gibson liệu mình có cần làm gì không. Gibson lắc đầu nhè nhẹ. Dù chuyện gì đang xảy ra ở đây, Gibson cũng không muốn để Toby dính líu.
“Tôi sẽ trở lại trong ít phút,” Toby nói.
Khi chú đã đi, Gibson dùng ngón cái gãi dưới môi và chỉ tay về phía Abe. “Vậy tại sao ông ở đây?”
“Tôi ở đây vì Suzanne.”
Anh cảm thấy có ai đang cắn vào cổ mình và nổi da gà. Đó là lần đầu tiên có người nói tên cô trước mặt anh sau nhiều năm. Ngay cả vợ cũ của anh cũng biết tốt hơn là không nên nhắc tới cô bé.
“Suzanne Lombard.”
Abe gật đầu. “Tôi muốn cậu giúp tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô ấy.”
“Suzanne chết rồi, George. Chuyện thế đấy.”
“Chắc vậy. Chắc là đúng.”
“Đã mười năm rồi!” Gibson cảm thấy giọng mình như cao lên. Chắc vậy ư? Từ đó xuyên thủng Gibson, cơn giận nhường chỗ cho sự tuyệt vọng không tưởng tượng nổi. Suzanne đã chết. Chắc chắn là thế. Đã mười năm rồi. Còn không thì sẽ tệ hơn thế nhiều. Còn sống chẳng tốt lành gì trong những tình cảnh như
thế. Không… nếu cô còn sống, có nghĩa là cô đã bị bắt đi. Và nếu cô vẫn bị giam cầm sau từng ấy thời gian, thì có nghĩa người này đã tìm mọi cách làm điều đó. Sẽ không có đáp án tốt đẹp dành cho câu hỏi vì sao. Chỉ có ác mộng xuất hiện trong đầu anh.
“Tại sao? Ông có lợi gì? Ông hi vọng ghi điểm với Lombard hả?”
“Không. Ông ta và tôi chấm dứt rồi.”
“Vậy thì là gì? Tình xưa nghĩa cũ?”
“Lí do của tôi không phải việc của cậu.”
“Ông sẽ phải giải thích tốt hơn thế. Nếu ông không muốn gì từ Lombard, thì tại sao lại cố gắng đến thế này để tìm ra con gái ông ta? Nếu ông có bằng chứng gì, tại sao lại không giao cho cảnh sát liên bang cho xong?”
Tới lượt George nhìn anh chằm chằm. Gibson không tin ông ta, nhưng người đàn ông này quả biết cách nhìn người khác - vô cùng cứng rắn.
“Vì Suzanne. Tôi ngạc nhiên với cậu đấy, Gibson.” “Ý ông là gì?”
“Suzanne yêu cậu hơn bất kì ai khác.”
Gibson bỗng dưng muốn khóc. Abe trông thấy và dịu dàng mỉm cười với anh.
“Cô bé yêu mến cậu. Theo cậu khắp nơi. Và tôi đã thấy cách cậu chăm sóc cô ấy. Như một đứa em gái. Ai cũng thấy vậy.” Abe gạt thứ gì đó dưới mắt mình. “Hận thù giữa cậu và Benjamin - có bao gồm Suzanne không?”
Gibson lắc đầu và lấy tay che miệng để ngăn không cho mình nói thêm. Anh không thể giữ bình tĩnh được nữa. “Vậy thì hãy giúp tôi. Tôi không biết gì về cậu, nhưng tôi cần biết. Tôi đã chứng kiến cô bé lớn lên. Tôi cần biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi muốn ngồi đối diện với người đã dụ cô bé xinh đẹp ấy từ nhà mình. Tôi muốn nói chuyện nghiêm túc với người đó. FBI có thể lấy những gì còn lại.” Abe ngừng nói, cảm nhận sự chấn động trong từng từ ngữ. “Và nếu tôi có thể đồng thời dàn xếp chuyện quá khứ giữa tôi và cậu thì càng tốt.”
“Ông tự trách mình.”
“Phải.”
“Có phải vì vậy mà Lombard đã sa thải ông? Vì Suzanne?” “Đúng.”
“Đó có phải là lỗi của ông không?”
Abe thở dài và liếc ra cửa sổ. Gibson nghĩ ông ta hơi co rúm lại. Abe nói rất nhỏ, giọng đầy đau buồn.
“Một câu hỏi rất hay. Một câu tôi chưa bao giờ trả lời được trọn vẹn. Bảo vệ là một nghề nghiệp hướng đến kết quả. Việc của tôi là bảo vệ Benjamin Lombard, nhưng gia đình ông ta cũng thuộc trách nhiệm của tôi. Nói một cách đơn giản, Suzanne biến mất dưới sự trông chừng của tôi.”
Nếu Gibson không biết rõ ông ta, anh có thể đã bắt đầu thấy thích con người ông ta.
“Vậy thì tại sao lại là bây giờ? Tại sao bỗng nhiên ông lại muốn đào xới mọi chuyện? Vì lễ kỉ niệm ư?”
“Hãy trở về văn phòng với tôi và tự mình xem đi.” “Xem cái gì? Ông có gì?” Gibson cố gắng luận ra khi nhìn ông ta nhưng đầu mối duy nhất chỉ là sự tự tin của Abe. Có khả năng không? Abe có thể nào có được một manh mối mới về một vụ việc đã làm các nhà chức trách đau đầu? Abe đang định chơi trò may rủi gì đây? Chuyện này có quan trọng không? Chỉ cần có một phần trăm cơ hội tìm ra Suzanne, Gibson biết anh sẽ tham gia. Chắc chắn.
Abe đẩy một phong bì dày sang bên kia bàn. Gibson mở nó ra và di ngón tay lên chồng tiền bên trong. Anh không đếm, nhưng tất cả đều là tờ một trăm đô la.
“Cái gì đây?”
“Một lời xin lỗi vì chen vào bữa sáng của cậu hoặc khoản thưởng vì kí hợp đồng. Tùy cậu.”
“Thưởng kí hợp đồng?”
“Nếu cậu tham gia và giúp chúng tôi, tôi sẽ trả gấp đôi khoản lương cũ của cậu cộng thêm khoản thưởng mười nghìn đô la nữa nếu cậu tìm được đầu mối. Được chứ?”
“Quá được.”
“Tốt.” Abe đứng lên, gật đầu với người phụ nữ kia và rời quán Nighthawk.
Gibson không thấy anh còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo.
CHƯƠNG 5
Đ
oàn xe hộ tống lao qua khu trung tâm Phoenix như một chiếc tàu chiến đi qua một đại dương bê tông và kim loại. Đoàn xe được bao quanh bởi xe mô tô cảnh sát, tiếng còi vang lên rền rĩ khi xe chạy qua con đường thứ Sáu đông đúc. Khi đoàn xe xuất hiện, những chiếc ô tô vội vã tạt vào hai bên đường và người đi bộ dừng lại để ngắm nghía cảnh tượng. Benjamin Lombard không nghe hay thấy gì cả. Ông ngồi ở đằng sau một chiếc limousine, mỗi lần lại đổi một chiếc khác nhau, và xem lại lịch trình tuần tới. Ông biết các nhân viên đang rất mong đợi, nhưng vẫn từ từ. Ông quen với việc mọi người chờ đợi quyết định của mình. Thời gian của họ, thực ra, là thời gian của ông. Cuối cùng, ông sửa vài chỗ nhỏ và đẩy lịch trình lại cho một người trợ lí.
Ông mệt mỏi và khá bực mình. Suốt hai mươi lăm ngày qua, ông đã phải chứng kiến Thống đốc Anne Fleming thu hẹp khoảng cách với mình trong các cuộc thăm dò. Tiết mục phụ họa ban đầu nay đã trở thành một mối đe dọa thực sự. Một bức biếm họa chính trị mới đây vẽ ông là chú thỏ đang say ngủ dưới gốc cây, trong khi con rùa Fleming đang vượt qua ông. Ông từ một ứng cử viên sáng giá trở thành trò đùa trên các chương trình truyền hình buổi tối. Một năm trước, vị
thống đốc nhiệm kì đầu của California còn không được nêu tên trong câu chuyện về cuộc chạy đua tổng thống. Lombard là ứng viên nặng kí tới mức ngay cả những tên tuổi lớn của đảng cũng đã quyết định không tham gia ứng cử. Và giờ ông đang chạy đua sít sao với một kẻ tay mơ. Những cố vấn của ông bác bỏ Fleming và tin rằng bà ta sẽ sớm biến mất, nhưng ông không chắc lắm.
Cho tới giờ, bà ta đã đáp trả mọi thứ mà họ ném vào mình một cách sành sỏi và biến ông thành kẻ ngớ ngẩn. Những nhà tài trợ lớn bắt đầu nhận ra. Nếu bà ta không bị đánh bại ngay lúc này, hội nghị ở Atlanta sẽ trở nên rất khốc liệt.
“Bảo Douglass hủy buổi Sante Fe đi,” Lombard nói. “Tôi muốn ra thẳng phi trường sau buổi gây quỹ tối nay.”
Leland Reed xoay người. “Nhưng, thưa ngài, Douglass cho rằng sự xuất hiện của ngài ngày mai là rất quan trọng nếu chúng ta muốn tranh thủ sự ủng hộ của Thống đốc Macklin. Chúng ta sẽ không tới đây lần nữa cho tới hội nghị.”
Leland Reed là chánh văn phòng phó tổng thống. Đã ngoài năm mươi, Reed nổi tiếng là mẫn cán - một người chuyên giải quyết vấn đề. Ông ta liên tục giành được sự tín nhiệm trong suốt hơn ba mươi năm sự nghiệp trên tờ Hill14* và trong vô số chiến dịch.
*. The Hill: một tờ báo chính trị và website ở Washington DC.
Lombard đánh giá rất cao chánh văn phòng của mình. Sau khi Duke Vaughn tự sát, Lombard đã trải qua hai người thay thế trước khi ổn định với Reed. Reed rất hợp ý ông và chia sẻ quyết tâm không lay chuyển, nhưng ông ta không phải là Duke Vaughn. Chuyện đó cũng không có gì đáng xấu hổ - Duke Vaughn là độc nhất vô nhị. Duke sẽ biết ngay Santa Fe là một ý tưởng tồi, không
như Leland Reed. Duke nhìn thấy những quân cờ trên bàn cờ như những người khác, nhưng ông ta đã nghĩ trước nhiều nước đi. Ông ta đã dạy Lombard phần lớn những gì Lombard biết về chính trị.
Leland Reed rất tích cực nhưng cần được chỉ đi đúng đường. Theo nghĩa nào đó thì như thế tốt hơn. Lombard đã dần quen với việc là người thông minh nhất trong phòng, nhưng có những lúc, ông thấy nhớ việc mỗi khi có vấn đề nảy sinh, Duke đã giải quyết rồi.
Ông lạnh lùng nhìn Reed.
“Chúng ta sẽ không chiếm sự ủng hộ của Macklin. Hắn ta sẽ về phe Fleming.” “Nhưng, thưa ngài, Douglass cảm thấy Macklin đang xoay chiều.”
“Macklin xoay chiều khi tôi dẫn trước mười điểm. Nhưng giờ thì không còn như thế nữa. Hắn sẽ về phe Fleming, người hắn đã quen hai mươi năm nay và sẽ hứa với hắn những điều tôi sẽ không làm. Chắc chắn là hắn sẽ bắt tôi phải cố gắng nhưng đến cuối cùng sẽ không chọn tôi.” “Chẳng phải cũng đáng thử sao khi chúng ta đã ở đây rồi?”
“Megan, Thống đốc Fleming sẽ ở đâu thứ Sáu tới?” Lombard hỏi.
Trợ lí của ông gõ vào lịch trình trên máy tính xách tay của cô. “Arizona, thưa ngài.” “Phí thời gian thôi, Leland. Chúng ta đang bị dắt mũi, nên hãy mặc xác Macklin và Douglass đi.”
“Thưa ngài?” giọng Reed vẫn đều đều và lạc quan bất chấp sự cáu bẳn của Phó Tổng thống. “Tôi lo lắng về Douglass và cách anh ta suy luận tình hình,” Lombard kiên nhẫn giải thích. “Anh ta ra quyết định dựa trên các cuộc thăm dò tuần trước. Tôi cần anh ta đừng tìm cách cản Fleming. Bà ta sẽ không biến mất và tôi chán nghe anh ta phản đối rồi.”
“Vâng, thưa ngài,” Reed nói. “Tôi nên đưa ra lí do hủy bỏ là gì đây?”
“Phải thật mơ hồ. ‘Washington đang cần’ luôn là một câu hay. Tôi vẫn là phó tổng thống. Ông ta sẽ hiểu ra.”
“Vâng, thưa ngài,” Reed nói.
“Tôi muốn nói chuyện với Douglass, Bennett và Guzman ngay sáng mai. Chúng ta sẽ phải nói rõ một số thứ. Họ không phải là những chiến lược gia vận động tranh cử duy nhất ở Washington.”
Lombard nhìn ra ngoài cửa kính đen, vào những hình ảnh mờ ảo của Phoenix. Sống trong cái thế giới kì quái này là một phần công việc của ông. Trong tám năm qua, ông chưa bao giờ thực sự có một mình, khi mà có đến ba mươi người luôn biết ông ở đâu. Để làm tốt công việc này, ta luôn phải di chuyển, bị vây quanh bởi nhiều con người, ý tưởng và hoạt động. Và ơn Chúa, ông thích điều đó. Ông sẽ còn thích làm tổng thống hơn.
Khi cánh phóng viên hỏi tại sao ông muốn trở thành tổng thống, Lombard toàn thốt ra những lời lẽ tốt đẹp nhưng sáo rỗng - nào là nghĩa vụ, đất nước và viễn cảnh cho tương lai quốc gia. Toàn những lời nhảm nhí và ông không biết chúng thật sự có ý nghĩa như vậy không. Sự thật ư? Có khi nào trong lịch sử loài người mà một người có thể leo lên vị trí người quyền lực nhất thế
giới mà không phải đổ máu? Đó là cơ hội để trở thành Chúa trời trên mặt đất và ông không tin tưởng những người không có lí tưởng như vậy. Nhưng sự khác biệt giữa ông và hầu hết mọi người là ông sinh ra để làm việc này. Ông được tạo ra là để dành cho nó.
Đoàn xe hộ tống dừng lại bên ngoài khách sạn và Lombard nhìn đội Mật Vụ hành động. Hơn hai chục cánh cửa xe mở ra cùng lúc. Các đặc vụ tản ra tứ phía như thủy quân dàn trận. Khi họ đã sẵn sàng, cánh cửa chiếc limousine bật mở và ông bước ra giữa ánh nắng mặt trời, tươi cười rạng rỡ. Chỉ thấp hơn đúng một người đặc vụ, ông quan sát khách sạn, cài khuy áo khoác và vẫy tay với những người ủng hộ ở xa. Họ chào đón ông với một tràng pháo tay vang dội. Rồi ông để cảnh vệ đưa mình vào khách sạn.
Ông ghi nhớ trong đầu việc phải yêu cầu tay đặc vụ cao hơn ông rời đoàn hộ vệ. Đám trợ lí vây quanh ông trong khách sạn và nhanh nhẹn đưa ông lên phòng. Khi nghe tóm tắt tình hình, ông đọc qua hai ghi chú và chuẩn bị câu hỏi. Ông rất điêu luyện trong việc theo dõi đồng thời nhiều cuộc trao đổi.
“Buổi gây quỹ lúc mấy giờ?” ông hỏi.
“Tám giờ, thưa ngài.”
“Bài phát biểu của tôi đâu?” Có người đưa cho ông một bản. Ông cũng lấy hai báo cáo bao gồm tin tình báo về tình hình Ai Cập “Leland, tôi muốn gặp anh trong hai giờ nữa. Chúng ta sẽ nói chuyện khi ăn trưa. Còn không, đừng quấy rầy tôi trừ khi có khủng hoảng hiến pháp và tôi lên làm tổng thống.” Câu đó khiến đám người lịch sự cười khúc khích. Mật Vụ nhanh chóng đóng cửa lại. Còn lại một mình, Benjamin Lombard cởi bộ vest ra và đặt lên giường sao cho nó không bị nhăn. Điều hòa thật dễ chịu trong cái nóng như đổ lửa của Arizona. Ông không biết tại sao, nhưng một khách sạn năm sao luôn có điều hòa tốt hơn bất cứ đâu trên Trái Đất. Ông coi đó là đỉnh cao của nền văn minh vì đã giúp con người sống được ở những nơi trời đánh như Phoenix, Arizona.
Chỉ mặc áo sơ mi cùng quần đùi và đi tất đen, ông để bản thân tận hưởng cảm giác mát lạnh trong bóng tối. Một lúc sau, ông bật bản tin lên và thấy ngay câu chuyện về chiến dịch của Anne Fleming đã đến California. Benjamin giờ đã thấy nó rồi. Đám đông thưa thớt trong bài diễn thuyết sáng nay đã khiến ông tập trung hơn vào đại cục. Càng nghĩ về nó, ông lại càng cảm thấy buổi họp ngày mai với Douglass phải đổ máu. Cuộc gặp sẽ truyền đi một thông điệp, nạp lại năng lượng và sự tập trung cho đội ngũ của ông. Ông tự hỏi phải làm gì để dỗ Abigail Saldana ngừng nghỉ ngơi mà trở về làm cố vấn. Bà ta sẽ không nhượng bộ Fleming.
Tiếng gõ cửa nhát gừng làm gián đoạn suy nghĩ của ông, khiến tâm trạng thoải mái biến mất. Nếu không phải Thượng viện đang bốc cháy thì cái người nhiệt tình thái quá đứng ngoài cửa kia sẽ phải tới Thổ Nhĩ Kỳ thì mới tìm được việc trong lĩnh vực chính trị.
“Gì?” Lombard gằn giọng, tay mở mạnh cửa.
Là Leland Reed và trông ông ta rất bối rối.
“Có chuyện gì?” Lombard hỏi lại, giọng đã nhẹ nhàng hơn.
“Tôi vào được không, thưa ngài?”
Benjamin tránh ra để ông ta bước vào. Reed không ngồi mà bối rối đi quanh phòng như một cái máy hút bụi tự động tìm bụi bẩn. Rốt cuộc, ông ta cũng dừng lại bên cửa sổ. “Có chuyện gì? Trời ạ, anh làm tôi lo quá.”
“Thưa ngài, ngài còn nhớ danh sách ngài yêu cầu tôi để mắt tới không ạ?”
Lombard biết chính xác là danh sách nào. Bạn không thể tiến xa được như thế này trong chính trị nếu không gây thù chuốc oán với vài người. Nhiều hơn là đằng khác. Danh sách bao gồm những người có thể gây tổn hại cho chiến dịch của ông. Từ các đối thủ chính trị, nhân viên cũ, rồi tới bạn gái thời cấp ba không hài lòng về cuộc chia tay. Không phải là ông nghĩ sẽ có rắc rối, nhưng mọi chiến dịch tranh cử đều bới móc những điều đã bị quên lãng từ lâu trong quá khứ một ứng viên. Không có lí do gì để tin rằng kì tranh cử này sẽ khác.
“Ai?” Lombard hỏi. “George Abe.”
“George? Thật sao?” Điều đó khiến ông ngạc nhiên. Ông luôn coi trọng những nhân viên cũ dù họ nghỉ việc kiểu gì. “George đã làm gì?”
“Ông ấy đã gặp con trai của Duke Vaughn ở một quán ăn tại Virginia. Giờ họ đang lái xe tới Washington.”
Lombard dựng tóc gáy. Gibson Vaughn và George Abe.
Đó là hai cái tên ông không bao giờ nghĩ sẽ xuất hiện trong cùng một câu và điểm chung duy nhất của họ chính là ông. Việc họ đi cùng nhau chắc không phải tình cờ.
“Họ nói chuyện gì?”
“Tôi không biết, thưa ngài.”
“Tìm hiểu đi. Chúng ta có người nào ở trong tổ chức của George không?”
“Không, thưa ngài,” Reed nói.
“Vậy thì tìm ai đó đi. Và gọi điện cho Eskridge. Có vẻ cuối cùng anh ta phải tham gia trực tiếp rồi đấy.”
CHƯƠNG 6
H
ọ lái xe trong im lặng tới Washington DC. Gibson ngồi ở ghế sau bên cạnh George Abe. Ông ta đang bận bịu nghe điện thoại và trả lời thư điện tử. Khi Abe nhập mật khẩu điện thoại, Gibson liếc trộm qua và ngầm ghi nhớ. Anh tập đã thành quen rồi. Anh đã mất nhiều tháng để hoàn thiện kĩ năng đó, và giờ đây anh có thể đánh cắp mật khẩu một chiếc điện thoại ở bên kia phòng chỉ bằng cách nhìn ngón cái di chuyển. Gibson liền ghi lại để phòng hờ.
Các con số luôn là điều dễ dàng. Toán, khoa học, máy tính luôn rất dễ hiểu đối với anh. Đó là kĩ năng quý giá khi anh chuyển sang làm những chuyện mờ ám. Anh đã tập nhớ các chuỗi số. Anh có thể nhớ được đến mười sáu chữ số chỉ cần nhìn qua một lần: số điện thoại, số thẻ tín dụng, số an sinh xã hội - con người ta rất hay nói những thông tin cá nhân nơi công cộng. Đó là một trong những tài năng ít được xã hội chấp nhận của anh.
Cô trợ thủ của Abe ngồi trên ghế khách đằng trước, nhìn con đường như thể cô ta đang dẫn đầu một tốp lính ở Fallujah. Anh đã từng nhìn thấy ánh mắt như thế ở những cựu binh. Những kí ức không chịu ngủ yên. Những hình ảnh và âm thanh sẽ luôn hiện lên như một bản giao hưởng chói tai. Cô ta đang giống như
thế - căng thẳng và đầy cảnh giác - như thể việc phục kích là chuyện bình thường ở Bắc Virginia.
Lúc còn ở quán Nighthawk, Abe đã giới thiệu cô ta là Jenn Charles. Cô ta bắt tay anh một cách chuyên nghiệp, nhưng nụ cười giả tạo, nửa vời là lời cảnh báo đừng có động vào cô ta. Dẫu vậy, Jenn vẫn dễ thương chán so với gã đàn ông khắc khổ đang lái xe: Hendricks - không được giới thiệu tên. Hendricks có vẻ cũng không ưa Gibson, nhưng không giống Jenn Charles, đó xem ra không phải là tư thù. Hendricks có vẻ chẳng ưa bất cứ ai hay cái gì.
Dù hôm đó là Chủ nhật, giao thông ở Washington DC vẫn như giờ cao điểm. Bấy giờ là đầu tháng Tư và hoa anh đào đang nở rộ, nên những người ngắm cảnh nối đuôi nhau trên đường tới Georgetown. Không hiểu bằng cách nào, Hendricks khéo léo đưa họ ra khỏi ách tắc, lúc dừng lại, lúc tăng tốc. Một siêu năng lực rất thực tế, Gibson nghĩ. Trên cầu Key, Hendricks rẽ qua đường cao tốc Whitehurst, vốn chạy dọc theo sông Potomac, rồi cho họ xuống xe ở phố K. Dòng sông lấp lánh trải dài tới tận Trung tâm Kennedy.
Gibson liếc nhìn Abe. Những lời ông ta nói trong nhà hàng vẫn còn đó - Suzanne yêu cậu hơn bất kì ai. Anh nhìn dòng sông qua cửa sổ.
Hơn bất kì ai.
Gibson biết Suzanne từ khi họ còn nhỏ, cuộc đời họ gắn kết với nhau qua mối liên hệ của những người cha, sâu sắc hơn nhiều giữa một thượng nghị sĩ và chánh văn phòng của mình.
Lombard là phù rể trong đám cưới của cha anh và sau khi mẹ anh qua đời năm anh ba tuổi, Gibson đã trải qua nhiều kì nghỉ lễ với nhà Lombard hơn với gia đình mình. Thượng nghị sĩ Lombard và cha anh thường làm việc với nhau đến tận đêm khuya và qua cuối tuần, nên Gibson có phòng ngủ riêng, ở gần phòng Suzanne. Năm Gibson bảy tuổi, cha anh phải giải thích rằng bé Suzanne ba tuổi thực ra không phải là em gái anh. Gibson đã đón nhận tin đó không mấy vui vẻ.
Vài kí ức thơ ấu đẹp đẽ nhất của anh là từ căn nhà nghỉ hè của gia đình Lombard ở Pamsrest bên bờ biển Virginia. Mùa hè bắt đầu mỗi năm với bữa tiệc cho lễ Tưởng niệm Liệt sĩ15* với hàng trăm bạn bè thân thiết nhất của nhà Lombard, các đồng minh chính trị và gia đình họ. Luôn có rất đông trẻ con để chơi cùng và chúng được phép chạy nhảy thoải mái trong khi người lớn xã giao và gây dựng quan hệ trên bãi cỏ và hiên nhà. Gibson sẽ cả ngày chơi cướp cờ ở sân sau. Hằng năm, một chiếc xe kem sẽ xuất hiện mang tới niềm vui cho những đứa trẻ vốn đã ăn no bánh kẹp, xúc xích và salad khoai tây. Đó là thiên đường cho trẻ nhỏ và anh luôn háo hức chờ những sự kiện như thế.
*. Memorial Day: Ngày lễ liên bang của Mỹ, diễn ra vào Thứ Hai cuối cùng của tháng Năm.
Trong những bữa tiệc, Suzanne đều ở trong nhà đọc sách bên những khung cửa sổ lồi chiếm phần lớn diện tích phía sau nhà. Từ những khung cửa sổ cao chất đầy gối, cô có thể nhìn toàn bộ ngôi nhà, xa tới tận hàng cây. Anh nghĩ làm như thế là lãng phí một ngày đẹp trời. Ở tuổi đó, anh thích trèo cây hơn nhìn ngắm
chúng. Nhưng đó là chỗ Suzanne thích nhất trong nhà và là nơi đầu tiên ai cũng sẽ tới để tìm cô. Từ đó, cô có thể quan sát buổi tiệc và đọc sách. Nếu có thể nịnh mẹ mang bữa trưa tới cho mình, cô sẽ vui vẻ đọc sách cả ngày và nằm nghỉ dưới ánh nắng.
Trong khi anh coi Suzanne là em gái, Gibson không ở lâu với cô và đối xử với cô như cách anh trai vẫn đối với em gái - như những sinh vật lạ lùng. Cô không chơi bóng bầu dục hay bóng chày. Cô không thích chơi trận giả trong rừng. Cô không thích bất cứ trò chơi nào mà anh thích. Nên anh làm điều hợp tình hợp lí duy nhất trong hoàn cảnh đó - phớt lờ cô. Không phải vì ghét bỏ mà là vì lẽ hiển nhiên. Họ không có điểm chung.
Nhưng Suzanne đối xử với anh như em gái đối xử với anh trai - với tình yêu đầy kiên nhẫn và lòng ngưỡng mộ. Cô đã đáp lại sự lạnh nhạt và lãnh đạm của anh bằng tình thương và những nụ cười rạng rỡ. Cô không bao giờ bị tổn thương hay thất vọng khi anh không đáp trả tình cảm của mình và luôn sẵn lòng cho anh một cơ hội nữa. Rốt cuộc, cô đã thắng bằng sự độ lượng của trẻ nhỏ - thứ sẽ lụi tàn đi khi người ta lớn lên, nhưng Suzanne có rất nhiều. Gibson không bao giờ có cơ hội và dần dần, với sự bền bỉ, cô đã làm anh mềm lòng và anh đã học được cách yêu mến cô. Và cô không còn là Suzanne nữa mà đã trở thành em gái anh.
Gấu nhỏ của anh.
Được yêu thôi vẫn chưa đủ, Gấu nhỏ luôn mè nheo đòi anh đọc sách cho, việc mà anh thấy dài như cả năm trời vậy. Anh từng đọc sách cho cô khi cô còn rất nhỏ. Anh không thể nhớ được là sách gì, chỉ nhớ là nhanh chóng thấy chán. Kể từ đó, cô
đã nài nỉ anh đọc cho mình lần nữa, thường là ở góc đọc sách của cô khi anh lẻn ra cửa sau để vào rừng chơi. Hồi đó, anh không thích đọc sách nên luôn từ chối.
“Gib-Son. Gib-Son!” Cô sẽ gọi. “Lại đây đọc cho em đi!” “Lát nữa, Gấu nhỏ. Được không?” luôn là câu trả lời của anh. “Được rồi, Son. Tạm biệt!” Cô sẽ gọi với theo. “Lát nữa!” Như thể “lát nữa” đã trở thành ngày giờ chính thức.
Gấu nhỏ luôn gọi tên anh như thể đó là hai từ hay rút ngắn lại chỉ còn “Son” khi phấn khích. Cha anh nghĩ cô nói chuyện như một ông già người miền Nam: “Anh đang làm gì đấy, Son?” Người lớn bật cười, chỉ khiến cô thích thú hơn. Cô không hiểu sao như thế lại hài hước, chỉ quan tâm như vậy nghĩa là mọi người chú ý đến mình.
Gấu nhỏ rốt cuộc cũng chinh phục được anh vào một dịp Giáng sinh. Ngài thượng nghị sĩ và ông Duke đang khủng hoảng vì một đạo luật, nên phần lớn kì nghỉ, Gibson ở ngôi nhà của gia đình Lombard tại Great Falls. Cô bảy tuổi. Anh mười một. Trong một phút yếu lòng, anh đã đồng ý và cô đã lao đi trước khi anh kịp bật một bộ phim khác. Cô trở lại với cuốn Hiệp hội nhẫn thần16* của một người tên là J. R. R. Tolkien. Những bộ phim dựa trên tựa sách này hồi đó vẫn chưa tồn tại, nên tất cả những gì anh biết về cuốn sách là nó rất dày và có bìa cứng.
*. The Fellowship of the Ring.
“Gấu nhỏ. Không đời nào.” Anh nói khi cầm cuốn sách trên tay. “Cuốn này to quá.”
“Đó là cuốn đầu tiên trong ba cuốn!” Cô nhảy tưng tưng vì phấn khích.
“Thôi nào…”
“Không, truyện này hay lắm. Em hứa. Đó là truyện phiêu lưu,” cô nói. “Em để dành cho anh đấy.”
Grace Lombard đã chứng kiến tất cả với một nụ cười vui vẻ, thương xót, cho thấy điều anh đã ngờ ngợ - không thoát được đâu, chàng trai trẻ. Gibson thở dài. Nó có thể chán tới mức nào? Anh lật sang chương một. Hobbit là cái quỷ gì? Mặc kệ. Anh sẽ đọc hai mươi phút, Gấu nhỏ sẽ chán hay ngủ thiếp đi và thế là xong.
“Được. Em muốn đọc ở đâu?”
“Có thế chứ!” Cô nói đầy tinh thần chiến thắng, rồi lại phải nghĩ vì không ngờ tiến xa đến thế. “Gần lò sưởi nhé?” Cô dẫn anh tới một chiếc ghế bành trong phòng khách. Lửa đang tắt dần và Gấu nhỏ bỏ thêm gỗ vào cho tới khi Grace bảo cô đừng đốt nhà. Anh đợi thêm mười phút nữa trong khi Gấu nhỏ sắp xếp mọi thứ. Điều đó có nghĩa là những chồng gối và một cốc sô cô la cho cô, một ly nước táo cho anh. Cô chạy quanh phòng, điều chỉnh đèn để không quá sáng cũng không quá tối. Gibson đứng giữa phòng, tự hỏi không biết mình đã dấn thân vào chuyện gì.
“Ngồi đi, ngồi đi,” Gấu nhỏ nói. Anh ngồi xuống. “Được chưa?” “Hoàn hảo!” Gấu nhỏ hài lòng dịch lại gần anh và ngả đầu lên vai anh.
Anh cá là mười phút nữa cô sẽ ngủ.
“Em sẵn sàng chưa?” Anh nói, cố ra vẻ gắt gỏng nhưng không được.
“Rồi ạ. À, khoan.” Cô nói nhưng rồi nghĩ lại. “Thôi, không sao.”
“Chuyện gì?”
“Không có gì.” Cô nói, lắc đầu. “Để lần sau.”
Sẽ không có lần sau. Anh mở sách ra và ngồi cho thoải mái. Chưa hết câu đầu tiên, Gấu nhỏ ngăn anh lại.
“Son này?”
Anh dừng lại. “Gì?”
“Cảm ơn anh.”
“Em biết anh sẽ không bao giờ đọc hết cả cuốn.”
“Không sao. Anh thích đọc bao nhiêu thì đọc.”
Anh đọc ba mươi trang đầu không ngừng nghỉ. Gấu nhỏ không ngủ quên và cuốn sách không dở lắm. Có một tay phù thủy và ma thuật, nên cũng khá hay. Hai anh em vẫn đang đọc khi ngài nghị sĩ và ông Duke nghỉ giải lao. Cô Lombard dẫn họ tới cửa phòng khách. Rón rén, như thể họ đang ở trong công viên dã sinh và có thể làm các loài thú giật mình. Gibson không để ý tới họ cho đến khi đèn máy ảnh sáng lên.
Một tấm hình đóng khung được treo trên tường hành lang giữa hai phòng ngủ và cha anh có một tấm nữa trong văn phòng ở nhà.
Sau bức ảnh bất ngờ, Gibson cố ngừng đọc nhưng Gấu nhỏ nhận ra và bám lấy tay anh.
“Chuyện gì sẽ xảy đến?”
Gibson cũng thấy tò mò.
Họ đọc xong cuốn Sự trở về của nhà vua17*hai năm sau đó và Gibson đã trở thành một người mê sách. Lại thêm một điều nữa anh nợ Gấu nhỏ. Những cuốn sách đã ngăn anh không bị phát điên trong trại giam và trong Thủy quân. Anh đọc bất cứ thứ gì anh có được: những câu chuyện mơ hồ của Philip K. Dick, truyện huyền bí giật gân của Jim Thompson, cuốn Người xa lạ của Albert Camus, cuốn sách đầy gợi mở anh đọc năm mười chín tuổi. Cuốn sách cũ kĩ Phố Great Jones của Don DeLillo đã trở thành bạn đồng hành của anh ở trại lính và anh có thể đọc thuộc lòng đoạn độc thoại mở đầu.
*. The Return of the King.
Thực lòng mà nói, anh không bao giờ cho phép mình liên hệ Suzanne Lombard trong đoạn băng an ninh với Gấu nhỏ của anh. Trong tâm trí anh, Gấu nhỏ là một sinh viên đại học, sống ở London hay Vienna như cô luôn mơ ước. Gấu nhỏ sẽ hẹn hò một chàng trai thông minh, bẽn lẽn, ngưỡng mộ cô và đọc cho cô nghe mỗi sáng Chủ nhật. Gấu nhỏ chẳng liên quan gì tới Suzanne Lombard đã mất tích từ lâu. Sẽ dễ dàng hơn khi tin vào ảo tưởng đó.
Liệu cô có thích con gái của anh không? Đôi lúc, anh thấy mình so sánh họ với nhau - hai cô bé quan trọng nhất trong đời
anh. Không hề giống nhau - Ellie không phải là kiểu lặng lẽ, hướng nội. Con bé giống cha ở mặt đó, thích trèo cây hơn là đọc sách dưới bóng cây. Nhưng Ellie và Gấu nhỏ lại giống nhau ở điểm yêu thương người khác. Cả hai đều yêu thương mãnh liệt và vô điều kiện. Phải, Gấu nhỏ sẽ thích Ellie và Ellie cũng sẽ thích cô ngay.
Em đã đi đâu rồi, Gấu nhỏ?
Gibson nhìn George Abe và nhóm mà ông ta tập hợp. Liệu cô có đáp lại không?
CHƯƠNG 7
K
hi họ đi qua quảng trường McPherson, Jenn quay người lại để cho George biết họ đã trở về. Chiếc Range Rover đậu vào trong ga ra dưới lòng đất.
Khi họ đã đỗ xe và ra ngoài, Jenn ngoái lại để trông chừng Vaughn. Anh ta nhìn lại nhưng không nói gì. Anh ta cao hơn cô tưởng, nhưng ánh mắt thì đúng là rất mãnh liệt. Anh ta đã nhận ra cô trong quán ăn, điều đó đã đủ xấu hổ rồi, nhưng cách anh ta đáp lại ánh mắt cô khi họ bắt tay bên ngoài khiến cô cảm thấy mình như một bữa tối lấy ra từ lò vi sóng. Cô không thích điều đó.
Trên lầu, văn phòng của Tập đoàn Tư vấn Abe tối đen và im ắng. Đèn nhanh chóng tự động bật lên. Không gian không quá lớn nhưng sạch sẽ, hiện đại, với trần cao và nội thất da màu đen thời thượng. Vaughn có vẻ rất ấn tượng.
Hendricks đưa họ xuống một hành lang về phía tiếng nhạc xập xình, giận dữ. Ông mở cánh cửa kính lớn của phòng họp và tiếng nhạc vang lên chói tai. Cảm giác này như đang đứng trên đường băng khi một chiếc 747 hạ cánh. Jenn nhận ra bài hát nhưng không biết tên của ban nhạc. Cô chưa bao giờ biết. Cô không quan tâm lắm tới âm nhạc nên không phí thời gian ghi nhớ.
Một cái đầu hói ló ra từ đằng sau một cái máy tính xách tay như trong trò đập chuột.
“Tiếng nhạc, Mike! Trời ạ!” Hendricks hét.
Phòng họp trở nên im lặng và một người với cái đầu hói đứng lên. Tiếng nhạc phát ra từ chỗ Mike Rilling, giám đốc công nghệ thông tin của Tập đoàn Tư Vấn Abe. Ở tuổi ba mươi, gã có đôi mắt đỏ sọng và làn da vàng vọt của một người sống dựa vào cà phê và đồ ăn nhanh. Mùi căng thẳng quanh quẩn trong căn phòng.
“Xin lỗi, ngài Abe. Tôi nghĩ chiều ông mới về.”
“Chiều rồi,” Jenn nói.
“À,” Mike nói. “Tôi xin lỗi, ngài Abe.” “Không sao. Mọi việc thế nào rồi?” Abe hỏi.
Miệng Mike mở ra nhưng rồi khép lại mà không có câu trả lời, loại biểu hiện mà Jenn nhận ra là dấu hiệu điển hình của Mọi việc chẳng thế nào cả và tôi mong mọi người đừng hỏi nữa. Cô đã từng thế và thấy thông cảm với gã. Mike làm việc chăm chỉ như mọi người trong nhóm, nhưng đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của gã. Đó không phải là lỗi của gã dù cũng là tại gã nói quá về năng lực của mình. Đó là lí do Vaughn có mặt ở đây. Nếu không phải đã quá muộn.
Bình thường đây là phòng họp chính của họ, nhưng nó đã được chuyển đổi thành một phòng chiến dịch tạm thời. Ảnh, biểu đồ, bản đồ và ghi chú được đính gọn gàng vào hàng loạt các tấm bảng có bánh lăn xếp trên một bức tường. Một bức ảnh của
Suzanne Lombard được đính trên đỉnh ở giữa một tấm bảng, ảnh của những người thân nhất trong gia đình cô được dán ngay bên dưới như một cây phả hệ ngược. Mắt Vaughn hướng ngay về phía đó và một biểu cảm cô không hiểu nổi thoáng hiện trên gương mặt anh ta.
Bên dưới các thành viên trong gia đình là những nhân viên của Lombard thời còn làm thượng nghị sĩ, bao gồm Duke Vaughn. Mỗi cái tên được ghi thành một hàng riêng. Ảnh của George cũng ở đó. Còn có hai khung trống đặt cạnh nhau. Một cái ghi ‘WR8TH’ - phòng chat ẩn danh có những người mà Suzanne đã nói chuyện trên mạng trước khi biến mất. Cái kia ghi “Tom B”. Một đường nối hai khung ảnh và một dấu chấm hỏi được đặt ở giữa.
Abe ngồi xuống ở đầu bàn. Hendricks và Vaughn làm theo, còn Rilling chạy quanh như gà mái mẹ.
“Michael. Làm ơn đi. Để việc dọn dẹp nhà cửa lại sau.” Abe nói.
“Vâng, thưa ngài Abe. Tôi xin lỗi.”
Abe không khỏi bật cười. “Và đừng xin lỗi vì đã làm việc chăm chỉ.”
Jenn đánh giá cao nỗ lực của sếp, nhưng không lời khen ngợi nào có thể làm yên lòng Mike Rilling. Cô nghĩ ngay cả một lọ thuốc an thần cùng dây trói cũng không làm được. Rilling đã làm việc quá sức, dễ giật mình và lúc nào cũng tin rằng mình bị đánh giá quá thấp.
“Michael, đây là Gibson Vaughn.” George nói. “Cậu ấy sẽ tư vấn về vụ Lombard. Gibson, đây là Michael Rilling, giám đốc công nghệ thông tin của chúng tôi.”
Rilling bắt tay Vaughn một cách yếu ớt và nhìn anh ta như chó đánh dấu lãnh thổ. Gibson hoặc không nhận ra hoặc đã lờ đi.
“Tôi sẽ bảo Jenn cập nhật thông tin cho cậu,” Abe nói với Vaughn. “Đôi khi, việc lần theo manh mối quen thuộc cũng có ích. Cậu sẽ tìm thấy tất cả những điều đó trong hồ sơ.”
Jenn đẩy một tập hồ sơ dày qua bàn họp cho Vaughn. Dòng chữ “Suzanne Lombard” được đánh máy gọn gàng dọc theo gáy hồ sơ và trên bìa. Bên trong, có một bài tổng quan về vụ mất tích của Suzanne Lombard và cuộc điều tra sau đó. Rất nhiều trong đó là các tài liệu, hình ảnh và ghi chú của FBI, tất cả đều rất kĩ lưỡng. Abe có thể đã chia tay Benjamin Lombard, nhưng ông ta vẫn có ảnh hưởng nhất định.
Vaughn xem tập hồ sơ đầy lo lắng và xoa xoa đằng sau tai. Mỗi lần cái tên Suzanne Lombard được nhắc tới là anh ta lại có vẻ chùng và hơi thu mình lại. Là gì đây? Cảm giác tội lỗi? Ân hận? Sợ hãi? Là sợ hãi ư? Anh ta thấy cô đang nhìn mình và mỉm cười như một người cố gắng tỏ ra thân thiện với nha sĩ trước khi chữa tủy răng.
Một máy chiếu ở trên được bật lên và màn hình được kéo xuống từ chiếc khung gắn trên tường. Một tấm ảnh của Suzanne phủ kín màn hình. Không thiếu ảnh cho họ chọn. Nhà Lombard là một gia đình rất đẹp đẽ, lần nào họp mặt cũng phải chụp ảnh.
Bức ảnh trên màn hình được cắt ra từ một trong những buổi tiệc Giáng sinh - Suzanne ngồi trên sàn nhà dưới chân người lớn, tươi cười trước máy ảnh. Bên cạnh Suzanne là hình ảnh một phần cánh tay của Gibson Vaughn đang giơ lên cao. Jenn đã tìm thấy vài bức hình không có mặt Vaughn - không nhiều - nhưng cô chọn tấm này để xem phản ứng của anh ta thế nào.
Giờ cô hối hận rồi. Anh ta trông như bị say sóng. “Jenn, cô trình bày đi,” Abe nói.
Cô bắt đầu đứng lên, nghĩ xem nên nói thế nào rồi lấy lưỡi chạm vào răng. “Anh biết những gì về vụ mất tích của Suzanne Lombard?”
“Ngoài những gì họ đã đưa tin mười năm qua?” Vaughn nói. “Không nhiều.”
“Anh bị thẩm vấn bao giờ chưa?” Hendricks cắt ngang. “Sau vụ bắt cóc, chúng tôi không thấy có ghi lại.”
“Chưa,” Vaughn đáp. “Lúc đó, tôi đang trong trại giam.” “Dan có lí,” Jenn nói. “Nếu có gì đó chúng tôi biết về Suzanne mà anh thấy không chính xác, hãy lên tiếng. Anh có mối quan hệ đặc biệt với cô ấy.”
Vaughn nhíu mày. “Được, nhưng nên nhớ là tôi đã không gặp cô ấy kể từ khi cha tôi qua đời.”
“Hiểu rồi.” Abe nói. “Nhưng biết đâu được đấy.”
Jenn hắng giọng. “Nếu không ai phản đối, tôi nghĩ chúng ta sẽ nói từ đầu.” Cô ngừng lại xem có ai phản đối không. “Được rồi, như các vị đều biết, tháng Bảy này là đúng mười năm vụ mất
tích xảy ra. Vào buổi sáng thứ Ba, ngày 22 tháng 7, Suzanne Lombard, con gái của Thượng nghị sĩ Benjamin Lombard, ở bang Virginia, đã trốn khỏi nhà. Trốn khỏi một gia đình hoàn hảo và hạnh phúc - theo lời người ngoài. Có đúng như anh nhớ không?”
“Có.”
“Vào giai đoạn đầu của cuộc điều tra, cảnh sát và FBI đặt giả thuyết rằng Suzanne bị bắt cóc trên đường gần căn nhà bên bờ biển của gia đình bên ngoài làng Pamsrest, Virginia. Grace Lombard và con gái thường dành cả mùa hè ở đó trong khi ngài thượng nghị sĩ đi đi về về giữa Pamsrest và Washington DC.”
Pamsrest là một cộng đồng nhỏ kiểu “ai cũng quen biết nhau”. Các cửa hàng gia đình, hai tiệm kem, một lối đi bộ dọc bờ biển và một nhà hàng thịt nướng kiểu giản tiện từng được trao giải thưởng. Một kiểu hồi tưởng về cái thời giản dị mà ai cũng thương nhớ nhưng lại chẳng biết là từ bao giờ - nơi mà các gia đình thấy đủ an toàn để bớt cảnh giác.
“Đúng rồi,” Vaughn nói. “Mùa hè cuối cùng tôi ở đó, Gấu nhỏ chắc khoảng mười hai tuổi. Và cô ấy được tự do đi lại.” “Gấu nhỏ?” Hendricks hỏi.
“Xin lỗi. Ý tôi là Suzanne. Gấu nhỏ là cách tôi gọi cô ấy.” Hendricks ghi chú.
“Suzanne đạp xe đi khắp mọi nơi,” Jenn tiếp tục. “Mùa hè năm đó, cô nhận việc ở một hồ bơi địa phương và thường rời nhà vào buổi sáng rồi đi cả ngày. Đây là thời trước khi mọi đứa trẻ đều có
di động. Không có gì lạ nếu Grace Lombard không trò chuyện gì với con gái cả ngày. Bà ấy không hề thấy lo cho đến 6 giờ tối. Mất hai cuộc gọi để xác nhận rằng Suzanne không đến chỗ làm. Cuộc gọi thứ ba của bà ấy là cho chồng ở Washington DC. Thượng nghị sĩ Lombard liền gọi cho FBI. Mọi chuyện bắt đầu như thế. Tới sáng hôm sau, thị trấn đã đầy lực lượng thực thi pháp luật - cảnh sát của địa phương, bang và liên bang. Tới trưa, câu chuyện lan đi toàn quốc và Suzanne Lombard trở thành nỗi ám ảnh mới nhất với các bản tin truyền hình.”
“Dân da trắng là thế đấy,” Hendricks nói.
Jenn gật đầu. Hiển nhiên rồi. Các nhà xã hội học gọi đó là MWWS, hay Hội chứng Phụ nữ Da trắng Mất tích (Missing White Woman Syndrome). Suzanne đã nối gót Elizabeth Smart18*và Natalee Holloway19*- nếu bị mất tích ở Mỹ, thì sẽ có lợi hơn hẳn nếu bạn là một phụ nữ da trắng xinh đẹp. Thêm cả việc là con gái của một thượng nghị sĩ Mỹ, vậy là bạn đủ điều kiện để trở thành nỗi ám ảnh tiếp theo của đất nước. Báo chí ùa về Pamsrest như dịch bệnh ở Ai Cập. Các xe tải truyền hình tạo thành một thị trấn tạm bợ ở ngoại thành. Bất cứ cư dân nào chịu đứng im trong vài giây đảm bảo sẽ xuất hiện trên ti vi. Câu chuyện được phát suốt ngày trong nhiều tháng và trên mọi hãng tin.
*. Một nhà hoạt động vì an toàn của trẻ em. Năm 14 tuổi, cô được cả nước biết đến khi bị bắt cóc tại nhà và được giải cứu chín tháng sau đó.
*. Một học sinh bị bắt cóc khi đi dã ngoại cùng nhà trường, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
“Vào buổi chiều ngày hôm sau, chiếc xe đạp của Suzanne được tìm thấy cách đó hai thị trấn trong một lùm cỏ cao ngang hông người sau một cửa hàng tạp hóa. Khu vực này đã được lùng sục nhiều lần, nhưng không ai nhớ có thấy Suzanne Lombard. Lực lượng thực thi pháp luật địa phương lần theo những kẻ phạm tội tình dục trong vùng trong lúc FBI tìm hiểu khả năng đó là một vụ bắt cóc có động cơ chính trị. Tất nhiên, không ai gọi đòi tiền chuộc.”
Cả Abe và Hendricks đều xoay người trên ghế. Cô nói tiếp trước khi họ có thể cắt ngang. Cô muốn nói cho xong chuyện cũ trước khi chuyển sang chuyện mới.
“Đột phá đầu tiên trong vụ án tới vào ngày thứ sáu. Một sinh viên đại học tên là Beatrice Arnold gọi cho đường dây nóng của FBI báo cô ấy đã bán đồ ăn vặt cho Suzanne Lombard ở trạm xăng mà mình làm việc tại Breezewood, Pennsylvania.”
“Đoạn băng ở Breezewood chuyển hướng hoàn toàn cuộc điều tra và bác bỏ toàn bộ các giả thuyết của lực lượng thực thi pháp luật. Suzanne Lombard không bị bắt cóc mà là bỏ nhà đi. Bằng cách nào đó, cô ấy đã đi 560 cây số, từ bờ biển Virginia tới Pennsylvania mà không bị chú ý. Từ đoạn băng an ninh, ba dữ kiện rõ ràng xuất hiện: Thứ nhất, Suzanne chủ động che giấu danh tính của mình. Thứ hai, cô ấy đang đợi ai đó. Và thứ ba, ít ra theo quan điểm của Suzanne, người đó là bạn.
“Khi giả định đó là một vụ bắt cóc, không ai chú ý nhiều tới Suzanne Lombard. Cô ấy chỉ là một người vô tội ở nhầm chỗ, nhầm thời điểm. Nhưng khi đoạn băng Breezewood xuất hiện, FBI gợi mở về những góc riêng tư trong cuộc sống của Suzanne Lombard. Môi trường, đồ đạc và các mối liên hệ của cô ấy đều được lưu trữ và phân tích.” Jenn ngừng lại. “Tôi cho rằng anh vẫn theo kịp?”
Vaughn gật đầu.
“Được rồi, từ đây chúng ta sẽ tới phần không được chia sẻ với truyền thông. Vì thế hãy cắt ngang tôi nếu anh có câu hỏi.” Vaughn lại gật đầu.
“Vậy ai là ‘người bạn’ mà cô ấy đã gặp ở Breezewood và làm sao cô ấy biết người này? Những cuộc phỏng vấn ban đầu với bạn bè của Suzanne ở hồ bơi dẫn đến bạn trai của cô ấy - một tay ‘Tom B’.” Jenn chỉ vào bức ảnh trống trên bảng.
“Cô ấy có bạn trai?”
“Điều đó làm anh ngạc nhiên sao?”
“Một chút, tôi nghĩ vậy. Chúng ta biết gì về cậu ta?” “Không nhiều. Bạn bè cô ấy thừa nhận đã nhiều lần bao che để cô ấy có thể rời chỗ làm sớm và gặp cậu ta. Cha mẹ của Suzanne quả quyết là người bạn trai này không tồn tại, nhưng tìm kiếm phòng của Suzanne cho thấy một xấp thư tình từ cậu này giấu dưới một kệ sách.”
“Và?”
“Và chỉ có thế. Lực lượng thực thi pháp luật đã tìm kiếm nhưng không thấy ai tên là Tom B. trong bán kính năm mươi dặm. Họ đã mở rộng cuộc tìm kiếm sang nhiều biến thể khác của cái tên như Tom A., Tom C., Tom D., v.v, nhưng chỉ đi vào ngõ cụt.”
“Và cậu ta không bao giờ ra mặt?”
Jenn lắc đầu. “Nhưng một đầu mối mới xuất hiện khi tìm kiếm trong máy tính xách tay của Suzanne. Đĩa cứng đã bị xóa sạch bằng Heavy Scrub - một ứng dụng dùng để xóa dữ liệu vĩnh viễn.”
“Gibson, cậu có thể giải thích nó hoạt động ra sao không?” George hỏi.
Jenn bối rối nhìn sếp. George biết rõ Heavy Scrub hoạt động ra sao. Ông ta là người đã giải thích nó cho cô. Chắc chắn là ông ta có lí do mới hỏi. Làm việc với George giống như chơi cờ với một đại kiện tướng. Ông ta khiến cô hoang tưởng về chứng hoang tưởng của mình.
“À, chắc rồi.” Vaughn nói. “Trái với quan niệm thông thường, xóa dữ liệu trong ‘thùng rác’ của một máy tính chỉ đổi vị trí dữ liệu. Nó vẫn tồn tại trong ổ cứng, nhưng giờ máy tính được phép ghi chồng lên le nếu thiếu chỗ trống. Tuy nhiên, một tập tin ‘đã xóa’ có thể tồn tại nhiều năm trời tùy vào thói quen của người dùng. Phục hồi những dữ liệu ‘đã xóa’ này rất đơn giản. Đó luôn là điểm thất bại của những kẻ suýt trở thành siêu tội phạm. Do đó, cần những chương trình như Heavy Scrub để ghi đè lên ổ đĩa cứng nhiều lần cho đến khi những dữ liệu kia không
thể khôi phục được nữa. Đó không phải là thứ mà một cô bé mười bốn tuổi biết.”
“Và chắc chắn một thiếu niên được cha mẹ tả là ‘mù công nghệ’ không biết.” Jenn nói.
“Cô bé đúng là thế đấy.” Hendricks xen vào. “Vì khi cài đặt rồi chạy phần mềm để che đi dấu vết của mình, cô bé đã đóng máy tính xách tay lại trước khi nó chạy xong…”
Vaughn quay phắt sang Hendricks. “Điều đó khiến cái máy tính rơi vào trạng thái nghỉ và khiến Heavy Scrub ngừng giữa chừng.” Anh nói nốt câu của Hendricks. “Gấu nhỏ đã làm hỏng việc, đúng không?”
“Đúng.” Jenn nói. “Cái máy tính xách tay được đưa tới Fort Meade. Họ đã khôi phục được nhiều dữ liệu nhất có thể - thật ra là chẳng được bao nhiêu. Phần lớn đều là những thứ thông thường của thiếu niên: những đoạn bài tập về nhà, tiểu luận, e mail, v.v… Nhưng một phần mềm trò chuyện chuyển tiếp trên
Internet20* được tìm thấy trên máy. Cha mẹ cô ấy không hề hay biết về phần mềm đó và bạn bè cô ấy không sử dụng.” * Internet relay chat (IRC): một dạng liên lạc cấp tốc qua mạng Internet. Nó được thiết kế với mục đích chính là cho phép các nhóm người trong một phòng thảo luận (channel) liên lạc với nhau. Tuy nhiên, nó cũng cho phép hai người dùng liên lạc riêng nếu họ thích.
“Tôi nhớ FBI đã săn lùng ráo riết WR8TH. Phải chăng đây là cách FBI biết về nó?” Vaughn giờ đã ngồi thẳng người lên.
“Phải. Một người dùng tên WR8TH đã kết bạn với Suzanne trong phòng trò chuyện. WR8TH tự giới thiệu là một cậu bé mười sáu tuổi và trở thành bạn tâm giao của cô ấy. Hóa ra hắn đã khuyến khích cô ấy bỏ nhà và giúp cô ấy che giấu hành tung.” “FBI có tiến triển gì không?”
“Không, WR8TH lại đi vào ngõ cụt. FBI đã công khai chuyện đó, như anh biết, nhưng không đạt được gì.”
“Tôi không ngạc nhiên.” Vaughn nói. “Trò chuyện chuyển tiếp Internet có mục đích là để nặc danh. Không có lịch sử trò chuyện. Một người có thể lựa chọn một tên mới cho mỗi lần đăng nhập. Khi tôi bắt đầu tìm hiểu máy tính, trò chuyện chuyển tiếp là thứ tôi dùng để trao đổi những mẹo, chiến thuật và code. Ai cũng hoang tưởng rằng FBI cài người trong phòng trò chuyện.” “Có đấy.” Abe nói.
“Tôi có khoảng hai mươi cái tên dùng luân phiên. Nếu WR8TH cẩn trọng, thì lần ra hắn gần như là không thể.” “Và đó chính là điều đã xảy ra. Dù đã có rất nhiều tin chỉ điểm.” Jenn nói. “Không một tin nào dẫn tới người hay những người đứng đằng sau WR8TH. Thật trớ trêu, không phải là FBI không tìm ra được WR8TH trên Internet. Hoàn toàn ngược lại. Hóa ra đó là một cái tên rất phổ biến trên mạng. Có cả trăm biến thể của cái tên này chỉ tính riêng trong trò chơi trực tuyến.” Jenn nói tiếp về những dự đoán và hồ sơ chung chung của kẻ bắt cóc Suzanne Lombard. Chỉ là dự đoán bởi vì ngoài những
cuộc trò chuyện khôi phục được từ máy tính của Suzanne, họ chẳng còn gì ngoài bối cảnh vụ án.
“Họ giả định rằng nghi phạm rất cẩn thận và khoảng từ ba mươi đến năm mươi tuổi. Hắn quá khéo léo, tự tin và kĩ càng nên không thể là tay mơ. Những tội phạm trẻ tuổi thì bốc đồng và ngu xuẩn. Tên này thì kiên nhẫn và ranh ma. Khả năng cao hắn là một tay săn mồi nhiều kinh nghiệm - Suzanne hẳn không phải là con mồi đầu tiên của hắn.”
“Làm sao họ đi tới kết luận đó?”
“Kẻ thủ ác có thể giả dạng một thiếu niên theo cách thuyết phục. Điều đó cho thấy hắn ta cực kì am hiểu và khéo léo trong các tình huống xã hội. Không dễ để lừa một thiếu niên. FBI không nghĩ hắn từng bị bắt bởi vì tội phạm ấu dâm hiếm khi thay đổi phương pháp nếu đã tìm ra một cách có hiệu quả. Để cho chắc, họ đã rà lại những vụ chưa phá để tìm thói quen của hắn, nhưng không thấy gì cả.”
“WR8TH cũng biết cách xử lí máy tính và tránh để lại dấu vết. Nhà hắn nhiều khả năng là một căn nhà biệt lập, cho phép hắn có sự riêng tư. Điều này cho thấy hắn có thể có việc làm và sống một cách bình thường mà không bị nghi ngờ.
“Khi cuộc điều tra bế tắc hai năm sau đó, giả thuyết lớn nhất là kẻ thủ ác không biết Suzanne Lombard thực ra là ai. Không có gì cho thấy cô ấy đã tiết lộ danh tính của mình cho hắn trên mạng và FBI tin rằng hắn đã hoảng loạn khi nhận ra mình đã bắt cóc ai. Rất có khả năng hắn đã giết cô ấy, phi tang thi thể và tìm một đối tượng ít rủi ro hơn.”
Vaughn nhìn cô chằm chằm. Đôi mắt màu xanh lá như thiêu đốt cô.
“Nhà vệ sinh ở đâu?” Anh ta hỏi, đứng lên và rời đi trước khi có người trả lời. Cánh cửa phòng họp đóng lại.
“Cô giỏi thật, Charles.” Hendricks nói và thả cây bút xuống bàn để nhấn mạnh.
“Đi chết đi, Dan. Tôi không biết anh ta lại ủy mị thế.” Rilling đang bận gõ gì đó trên máy tính. George hắng giọng và họ im lặng. Hendricks bật cười. Cô nhìn sếp, chờ bị khiển trách. Nhưng sếp lại mỉm cười.
“Anh ta quan tâm tới Suzanne còn nhiều hơn là tôi tưởng. Thế là tốt.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Nhưng từ giờ hãy nhẹ nhàng thôi.”
Vaughn trở lại nhưng không vào hẳn phòng. Anh đứng ở ngưỡng cửa, chân trong, chân ngoài. Anh vừa vã nước lên mặt và ngực áo bị ướt.
“Nghe này, George.” Anh nói. “Tôi đánh giá cao công việc này, nhưng nếu ông kì vọng tôi thấy gì đó và bảo ông WR8TH là ai thì tôi xin lỗi. Tôi đã không gặp Suzanne một thời gian dài. Tôi ước mình có thể giúp. Tin tôi đi. Nhưng tôi sẽ không thấy được những gì mà FBI đã bỏ qua đâu. Tôi rất tiếc.” Anh nói và trông có vẻ tiếc thật. “Ông có thể lấy lại tiền. Xin lỗi vì đã làm phí thời gian của ông.”
Abe mỉm cười. “Không, Gibson. Chúng tôi không mong đợi điều gì như thế.”
“Vậy thì là gì?”
“Jenn?” Abe nói.
Ánh mắt Vaughn chuyển sang cô.
“WR8TH đã liên lạc.” Cô nói.
CHƯƠNG 8
F
red Tinsley chậm rãi xoay tròn ly rượu scotch trên quầy bar và quắc mắt liếc nhìn điện thoại. Y đang đợi một cuộc gọi. Y không biết bao giờ chuông điện thoại mới reo và ai sẽ gọi, nhưng y không bận tâm. Dù cuộc gọi đến ngay hay bốn tiếng nữa thì cũng không có gì khác. Y cũng không chắc là sẽ có gì khác.
Chiếc đồng hồ đeo tay cho thấy y đã đợi ở quầy bar ba tiếng hai mươi bảy phút. Tinsley tin ở nó. Đó là một chiếc đồng hồ đắt tiền và nổi danh về độ chính xác. Và y dựa vào chiếc đồng hồ của mình vì y đã từ lâu đánh mất cảm nhận về thời gian. Một phút, một giờ, một năm - với y đều như nhau. Thời gian, như vĩ nhân đã nói, là tương đối. Tinsley hoàn toàn đồng tình. Đo đếm một đời người bằng ngày tháng chẳng để làm gì. Y có thể cảm thấy trái tim đập trong lồng ngực, vẫn còn cảm nhận được hơi thở từ buồng phổi. Y còn sống và đó là cách đo đếm thời gian duy nhất có ý nghĩa.
Quán bar này là một trong những nơi cao cấp có nhiều rượu scotch hơn bia. Những chiếc ghế còn không lắc lư. Thật đẳng cấp. Tinsley không quan tâm tới loại người mà quán bar này thu hút -những kẻ bận bịu, hay nói nhảm và túm tụm như ruồi. Nhưng y thích những loại rượu scotch ngon ở đây.
Gần đây, y trở nên say mê loại Oban 14 năm - một loại rượu scotch đặc. Dù chưa bao giờ nếm thử, Tinsley thích hương rượu vương vấn trên mũi. Giống mùi đất. Y không uống, nhưng nếu phải đợi trong một quán bar, thì y thích gọi thứ gì đó mình có thể tôn trọng. Nhà máy rượu vốn được xây từ năm 1794 và đối với Tinsley, điều đó rất ý nghĩa. Cần sự kiên nhẫn và tỉ mỉ đến từng chi tiết để hoàn thiện một kĩ năng. Nhưng chủ yếu là cần thời gian.
Tinsley thích một thứ đồ thủ công tận tụy như vậy. Món đồ này đòi hỏi nhiều kĩ năng, nhưng hơn hết là sự coi trọng đối với thời gian. Tinsley đã làm một nghiên cứu cả đời về cách thức thời gian ảnh hưởng lên con người. Cách nó tác động lên phán đoán và quan điểm của họ. Khiến họ nóng vội hay hấp tấp. Khiến họ làm những việc đầy rủi ro. Thời gian san phẳng mọi thứ, điều mà tiền hay quyền lực cũng không thể ngăn cản. Đó chính xác là điều khiến Tinsley giỏi đến thế. Hầu hết mọi người không hiểu làm một tay bắn tỉa thì cần những gì. Bắn không phải là phần khó. Bắn là mười nghìn giờ thực hành, hàng chục nghìn viên đạn và kiến thức bách khoa thư về các tác động của môi trường lên đường đạn. Không, bắn là phần dễ. Chỉ cần có thời gian và ý chí. Phần khó là chờ đợi.
Thời gian không ảnh hưởng tới Fred Tinsley như hầu hết mọi người. Hầu hết đều sợ hãi thời gian. Họ để thời gian chèn ép mình, lo sợ rằng nó trôi quá chậm hoặc quá nhanh, đôi lúc thì vừa chậm vừa nhanh. Nhưng Tinsley thì không thế. Y thờ ơ với thời gian và để mặc cho thời gian trôi đi.
Trong bộ não khô cằn, nguyên thủy của y - và Tinsley nghĩ mình rất tiền sử, một thứ không bị tác động của thời gian - y có thể nhìn ra thế giới ngoài kia, nháy mắt và khi y mở mắt ra, nhiều tuần có thể đã trôi qua. Điều đó khiến y miễn nhiễm với sự nhàm chán, nghi ngờ hay ham muốn. Những sự thiếu thốn khiến cho người bình thường phát điên không làm y bận tâm. Nhưng quan trọng nhất, điều đó biến y thành một kẻ săn mồi nhẫn nại và ranh mãnh.
Khi còn trẻ và vẫn còn làm việc với khẩu súng trường, Tinsley từng ở hai mươi sáu ngày trong một cái cống ở Sarajevo. Bấy giờ là cao điểm của cuộc bao vây. Thành phố và đất nước đó đang trong hỗn loạn bất chấp những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu của y, một tay trung úy theo chủ nghĩa hư vô21*của Slobodan Milošević22*. Hắn là kẻ tai tiếng nhất trong số những kẻ tai tiếng. Hàng loạt những tội ác kinh khủng mà mục tiêu của y bị cáo buộc gây ra khiến hắn xứng đáng với lệnh “giết không cần bắt” và tiền thưởng cho cái đầu của hắn đã thu hút nhiều tay chuyên nghiệp trên khắp châu Âu.
*Nihilism: một học thuyết triết học cho thấy sự phủ định của một hay nhiều khía cạnh có ý nghĩa nổi bật trong cuộc sống.
*Thủ lĩnh Serb của Nam Tư và từng là tổng thống Serbia từ năm 1989 đến 1997.
Không may cho họ, mục tiêu rất ương ngạnh và khó giết. Hàng chục lần cố gắng lấy mạng hắn chỉ khiến hắn càng trở nên cẩn trọng và hoang tưởng, di chuyển liên tục giữa những nơi trú
ẩn và xem xét lại kế hoạch của mình. Điều đó khiến việc dự đoán hành động hay thói quen của hắn bất khả thi và chưa ai đến được đủ gần hắn để lãnh giải.
Theo quan điểm của Tinsley, các đối thủ của y đã săn lùng hắn sai cách. Tại sao lại cố phán đoán một người cố gắng trở nên khó đoán? Thật ngu xuẩn. Thay vì thế, Tinsley đã bò qua hệ thống cống ngầm ghê tởm của Sarajevo, rồi đứng tại vị trí dưới một nắp cống mà cho y tầm nhìn rõ ràng của một căn nhà yếu ớt đã bỏ không mười tám tháng trời. Mọi thứ trở nên rất ngặt nghèo với tay trung úy này khi ngày càng nhiều hang ổ của hắn bị vô hiệu hóa. Việc phục kích của Tinsley không dựa trên tin tình báo mà dựa vào dự đoán rằng sẽ đến lúc, mục tiêu tin rằng căn nhà kia đã bị lãng quên và đánh liều sử dụng nó. Cuối cùng, khi Liên Hiệp Quốc sắp truy ra được hắn, khi áp lực tăng lên, mục tiêu của Tinsley sẽ nhầm lẫn giữa sự trôi chảy của thời gian và kí ức.
Tinsley đã nằm giữa dòng nước thải lềnh phềnh và chờ đợi một phát súng có thể sẽ chẳng bao giờ thực hiện được. Y ngửi thấy mùi của chết chóc và của một thành phố hoang tàn vì chiến tranh. Y đã mang theo nước và đồ ăn đủ cho hai tháng nhưng thấy không thể nuốt nổi và đã sụt mất mười một cân. Không muốn mạo hiểm từ bỏ vị trí của mình, y đã không hề di chuyển và ngủ với cằm gác lên nắm đấm vì không muốn chết đuối trong đống chất thải.
Điều kiện của khu cống rãnh đó không dành cho con người hay đội đặc biệt rà soát khu vực trước khi mục tiêu của y đến
nghĩ thế. Họ không bao giờ nghĩ tới việc tìm kiếm ở nơi không con người nào có thể tồn tại. Nhưng Tinsley chịu được. Y đã chịu đựng địa ngục dưới lòng đất này bằng cách làm bản thân trở nên vô thức và gần như mất trí. Y chỉ biết có tòa nhà cách đó gần một trăm mét và cho phép thời gian trôi qua trong nháy mắt, kiên nhẫn đợi con mồi đi qua tổ của mình.
Phát súng thật ra chỉ là thói quen. Một buổi tối sáng rõ với một cơn gió nhẹ từ hướng Nam - Tây Nam - một tay nghiệp dư cũng bắn được. Tinsley đã lẻn vào bóng tối trước khi những mảnh sọ não bắn tung tóe như mưa tuyết lên mặt tên vệ sĩ đang run lập cập.
Kể từ đó Tinsley đã thôi dùng súng trường. Không phải vì y vô ơn. Súng trường đã cho y danh tính hiện tại. Đã dạy y rằng tài năng đặc biệt này là có mục đích. Nhưng đó là một công cụ thô bạo và thu hút quá nhiều sự chú ý. Gây chú ý là mục đích thật sự của súng trường. Súng trường là để gửi một thông điệp, một lời cảnh báo, mục tiêu của nó chỉ là một phong bì. Hiện tại, không có nhiều nhu cầu bắn vỡ sọ một kẻ từ khoảng cách cả nghìn mét. Những vụ giết chóc gửi đi thông điệp không còn được ưa chuộng, ngoại trừ đối với những tổ chức tội phạm và những kẻ không đủ tiền thuê y. Dù sao thì bắn tỉa cũng là trò trẻ con. Tinsley đã trở thành sát thủ chuyên nghiệp, một kẻ hiếm khi để lại dấu vết phạm tội. Việc này đòi hỏi sự tinh tế. Phần lớn các vụ của y đều được cảnh sát kết luận là tai nạn hoặc tự sát. Những vụ còn lại thì liệt vào danh sách những vụ án bạo lực chưa phá được như là đột nhập hoặc cướp có vũ khí. Chỉ trong vùng này, y
đã gây ra khoảng hai mươi vụ rồi. Luôn có công ăn việc làm ở thủ đô.
Điện thoại của y rung lên với một tin nhắn - một chuỗi sáu chữ cái và con số. Tinsley trả tiền và bước ra, nheo mắt trong ánh mặt trời chói chang. Y đeo găng tay phẫu thuật trong lúc tìm tấm biển số xe khớp với tin nhắn. Một chiếc sedan màu đen đỗ lại bên hè phố và y vào xe từ phía sau. Phần vách ngăn được kéo lên và y ngồi một mình. Chiếc xe lại đi ra đường.
Bên cạnh y, một tập hồ sơ dày đặt cạnh một tập mỏng hơn. Y cầm tập dày lên và mở ra. Y đọc chậm và kĩ lưỡng, phân loại từng chi tiết trong đầu. Mấy tiếng sau, chiếc xe kiên nhẫn chạy quanh thành phố trong khi y làm việc. Khi làm xong, Tinsley quay lại xem kĩ năm bức ảnh. Bốn người đàn ông và một người phụ nữ. Jennifer Auden Charles. Gibson Peyton Vaughn. Michael Rilling. Daniel Patrick Hendricks.
George Leyasu Abe. Chỉ Abe và Charles là khó nếu họ đề phòng. Nhưng làm gì có chuyện đó.
Khách không yêu cầu hành động ngay lập tức. Nhóm của Abe đang săn lùng ai đó và Tinsley chỉ ra tay nếu họ xác định được mục tiêu. Cho tới khi đó, y chỉ việc theo dõi và chờ đợi.
Y đặt nó sang một bên và mở tập hồ sơ thứ hai. Một khuôn mặt quen thuộc xuất hiện. Khuôn mặt y đã không thấy trong nhiều năm, nhưng cũng có thể là chỉ mới một giờ. Sẽ thật hay nếu được gặp lại cô ấy.
Chà, chà… Y không ngờ.
Y nghiên cứu tập hồ sơ thứ hai. Không mất nhiều thời gian như tập đầu tiên. Một người phụ nữ sáu mươi tuổi sẽ không có khó khăn gì và khách không yêu cầu y phải chờ đợi. Y lấy chiếc phong bì in chữ lồng vào nhau theo như chỉ thị, nhưng dù chiếc phong bì không niêm phong, y cũng không có ý định đọc nội dung. Không phải là nó không làm y hứng thú, chỉ là y không nghĩ thế.
Tinsley gõ vào vách ngăn để ra dấu y đã xong và đặt tập hồ sơ trở lại ghế. Chiếc xe tạt vào lề và để y ra. Tinsley ném găng tay vào một thùng rác gần đó rồi hòa vào dòng người.
CHƯƠNG 9
"C
ô nói hắn đã liên lạc là sao?” Gibson hỏi.
“Chúng tôi tin rằng một hay những người có biệt danh WR8TH đã liên lạc,” Jenn nói.
“Bằng cách nào?” anh vừa hỏi vừa ngồi vào chỗ của mình. “Khi nào?”
“Thưa sếp?” Jenn quay sang sếp cô.
“Tôi sẽ nói tiếp từ đây. Cảm ơn cô.” Abe nói. “Vài tháng trước, một người bạn cũ, một nhà sản xuất ở CNN, đã yêu cầu phỏng vấn tôi cho một đoạn phóng sự cô ấy làm về vụ mất tích của Suzanne. Một phóng sự hồi tưởng nhân kỉ niệm mười năm vụ việc xảy ra. Tôi được mời phỏng vấn nhiều năm rồi.”
“Ông chưa bao giờ trao đổi với báo chí? Ngay cả sau khi bị sa thải?”
“Không và thật ra, giờ tôi cũng không có ý định lên tiếng. Tôi đã từ chối năm, sáu đề nghị từ các chương trình khác. Tôi chẳng thấy có lợi gì khi bới lại chuyện cũ. Vì sự tôn trọng với gia đình đó.”
“Tôi tưởng ông và Lombard xong rồi.”
“Đúng. Tuy nhiên, dù ông ta rất ham được chú ý, Benjamin không phải là phụ huynh duy nhất của Suzanne.”
Gibson hiểu ra. Grace Lombard đã vận động không mệt mỏi cho những trẻ em mất tích từ khi con gái bà biến mất. Nhưng bà thích làm việc lặng lẽ sau hậu trường và nhường ánh hào quang cho chồng. Một sự sắp xếp rất hợp với Benjamin Lombard. Rốt cuộc, mọi chuyện luôn là về Benjamin Lombard.
“Nhưng rồi đường dây nóng bắt đầu tăng số lượng cuộc gọi đến.”
“Ông vẫn có đường dây nóng sao? Sau từng ấy thời gian?” “Calista nhất định giữ lại,” Abe nói.
“Calista?”
“À, phải, tôi xin lỗi. Calista Dauplaise.”
Gibson nhận ra cái tên này. Bà ta là một nhân vật quen mặt trên sân khấu chính trị của Lombard, nhưng trong kí ức thời thơ ấu của anh, bà ta chỉ là một trong những người lớn mà cha anh thỉnh thoảng có nhắc tới. Anh nghĩ mình chưa bao giờ nói chuyện gì với bà ta ngoài những câu chào hỏi.
“Calista từng là…” Abe ngừng một giây và sửa lại. “… là mẹ đỡ đầu của Suzanne. Một người bạn lâu năm của gia đình Lombard. Bà ấy cũng là một nhà đầu tư vào công ty của tôi. Ngoài ra, Công ty Abe thay mặt bà ấy quản lí và duy trì đường dây này. Bà ấy biết rõ cha cậu.”
“Và bà ấy liên quan tới chuyện này thế nào?”
“Phần thưởng là do bà ấy đề xuất. Khi Suzanne biến mất, Calista đã rất đau buồn. Bà ấy đã treo thưởng mười triệu và hi vọng gây được chú ý để dụ ai đó ra mặt.”
“Nhưng không ai ra mặt cả.”
“Vớ vẩn. Cả nửa thế giới xuất hiện. Đường dây nóng nhận được tin chỉ điểm, giả thuyết và nhân chứng mà phải mất đến vài năm để kiểm chứng. Đó là một nỗ lực khó tin.”
“Rõ ràng, giờ nó chỉ là may rủi.” Jenn nói. “Trang web không còn nhận được truy cập nhiều nữa sau năm thứ tư, nhưng những vụ thế này thì rất khó nói. Kẻ thủ ác có thể thấy cắn rứt lương tâm, không thể chịu được cảm giác tội lỗi nữa. Hoặc bị bắt vào tù vì một tội gì đó không liên quan và khoe khoang với bạn tù. Cơ hội rất nhỏ nhưng vẫn có thể xảy ra.”
“Số lượng là bao nhiêu?” Gibson hỏi.
Mike Rilling ngồi thẳng lên, háo hức muốn đóng góp gì đó. “Trong năm năm qua, số 800 nhận được trung bình 1,8 cuộc gọi mỗi tháng. Không tính tin rác, chúng tôi nhận 4,6 thư điện tử mỗi tháng. Và trang web đạt 467 lượt truy cập mỗi tháng. Chúng tôi theo dõi lượng truy cập trên trang web và kiểm tra ngược lại địa chỉ IP23* với hi vọng mong manh là thủ phạm tò mò và/hoặc ngu xuẩn.”
*. Internet Protocol: giao thức giúp các máy tính liên lạc với nhau.
“Thông minh đấy. Và gần đây?”
“38 cuộc gọi mỗi tháng. 248 thư điện tử. Hơn 30.000 lượt truy cập trang web.”
“Toàn những thứ nhảm nhí.” Hendricks nói.
“Chỉ cần một cái là đủ.” Abe nhắc.
“Anh có nghĩ tới việc thiết kế lại trang web không?” Gibson hỏi.
Mike lắc đầu.
“Nếu là tôi, tôi sẽ nghĩ tới việc cập nhật nó. Những trang web cũ trông… rất cũ. Chúng có vẻ như bị quên lãng. Nếu anh hi vọng dụ hắn, thì anh cần phải làm cho nó trông như một cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.”
“Đó là một ý hay.” Abe nói. “Michael, thứ Hai bắt tay vào làm luôn đi.”
“Và trong khi đó, các tài liệu của FBI ở đây đúng không? Đưa một số lên mạng luôn.”
“Đợi đã. Tại sao lại lật bài ngửa?” Jenn hỏi.
“Thả mồi bắt cá. Cho thủ phạm lí do ghé thăm trang này. Chẳng phải là những kẻ giết người hàng loạt thích đọc về chính mình sao? Chẳng phải chúng thấy thích làm thế? Hay chỉ là trên phim ảnh?”
Jenn gật đầu tư lự. “Không, không chỉ trong phim ảnh.” Cô quay sang Abe. “Chúng ta phải nói rõ với FBI. Nhưng đó là một khả năng.”
“Đồng ý.” Abe ghi chú bằng cây bút mực. “Sáng mai, tôi sẽ gọi Phillip.”
“Tôi sẵn sàng nói chuyện thiết kế trang web cả ngày, nhưng chúng ta đang tới phần WR8TH liên lạc, đúng không?” “Đúng.” Abe nói. “Việc lượng truy cập trang web tăng là điều khiến tôi quyết định trả lời phỏng vấn CNN. Điều kiện của tôi để
trả lời phỏng vấn là nó sẽ đề cập tới trang web và đường dây nóng, thông tin của chúng ta sẽ được cho chạy ở dưới cũng như trên trang của CNN. Rốt cuộc, đấy chỉ là việc làm cho có lệ. Tôi hi vọng có thể đi sâu một chút nhưng họ chỉ phát có ba phút thôi. Dẫu vậy, tôi đã có thể xác nhận rằng phần thưởng vẫn còn giá trị cho đầu mối đáng tin dẫn được tới chỗ Suzanne. Thế thôi. Nói vài câu xã giao và trở lại văn phòng. Còn không cần xem lúc nó lên sóng. Nhưng sau hôm lên ti vi, chúng tôi nhận được thư điện tử này. Mike?”
Một bức ảnh mới xuất hiện trên màn hình. Chiếc ba lô Hello Kitty màu hồng nằm trên một chiếc bàn gỗ. Ở cạnh bàn, Gibson có thể nhìn thấy những viên gạch lót sàn bẩn thỉu và phần dưới của tủ bếp. Chiếc ba lô cho thấy những dấu vết thời gian của một vật vốn rất được nâng niu. Bức ảnh đã cũ hoặc được dàn dựng như vậy - độ phân giải không rõ như các máy ảnh kĩ thuật số hiện đại, nhưng làm giả như thế cũng đơn giản. Rõ ràng là chiếc ba lô được ngụ ý chính là chiếc trong đoạn băng Breezewood nổi tiếng. Nếu đúng là thật, thì đó là một manh mối đáng kinh ngạc.
“Có tin nhắn gì kèm theo không?” Gibson hỏi.
Abe gật đầu. Một thư điện tử xuất hiện trên màn hình. Phỏng vấn hay đấy, George. Rất xúc động. Ông lẽ ra phải bảo đảm an toàn cho cô ấy. Ông định trả bao nhiêu cho cái ba lô? Gibson nhăn mặt và liếc qua Abe. Mặt ông ta trông rất lãnh đạm. Đó là một lời chế nhạo độc ác, nhưng Abe đã che giấu tốt cảm xúc của mình.
“Địa chỉ của thư điện tử thì sao?” Gibson hỏi.
“S.lombard@WR8TH.com. Chúng tôi đã lần ra nó ở một máy chủ tư nhân tại Ukraine.” Mike đáp. “Tên miền được đăng kí với tên ‘V. Airy Nycetri24*’ để mỉa mai.”
*Một biến âm của “Very nice try”, một câu có ý mỉa mai hành động vô ích của người khác.
Gibson đảo mắt. Chẳng có gì ngạc nhiên. Những thứ ám muội trên Internet thường được đặt máy chủ ở những chỗ như Đông Âu, nơi mà chính quyền còn nhiều mối bận tâm khẩn thiết hơn là các trang web mờ ám. Tin rác, các trang đánh bạc bất hợp pháp, những kẻ tuyên truyền khiêu dâm trẻ em và tin tặc đều sử dụng các máy chủ ở những nơi xa xôi để nặc danh. Rất có khả năng kẻ đã gửi thư điện tử đó cách xa máy chủ cả ngàn dặm.
“Cậu nghĩ sao?” Abe hỏi.
“Về chiếc ba lô à? Không nhiều. Tôi có thể tìm thấy mấy chục cái như thế trên eBay trước bữa trưa. Có lẽ chỉ là ai đó trêu đùa ông vì họ thấy ông trên ti vi.”
Abe gật đầu. “Chúng tôi cũng nghĩ thế.” “Tôi cho rằng ông đã trả lời thư đó?”
Abe ra hiệu cho Rilling. Một thư điện tử mới xuất hiện. Cho bức ảnh một cái ba lô ư? Không gì cả. Tuy nhiên, các điều tra viên của chúng tôi muốn trao đổi với bất kì ai có vật chứng. “Và?”
“Một ngày sau, cái này xuất hiện.”
"""