"
Sáu Người Bạn Đồng Hành Tập 17: Bí Ẩn Máy Thôi Miên - Paul Jacques Bonzon full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sáu Người Bạn Đồng Hành Tập 17: Bí Ẩn Máy Thôi Miên - Paul Jacques Bonzon full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]
Ebooks
Nhóm Zalo
Paul-Jacques Bonzon Tiểu Phượng dịch
Sáu người bạn đồng hành và bí ẩn máy thôi miên
Nhà xuất bản Kim Đồng 1996 ❀ ❀ ❀
Một
Người phụ nữ có khuôn mặt hoảng loạn
N
ăm người bạn vừa trở về sau một kỳ nghỉ hè lý thú suốt cả tháng trời. Một mình Nghệ Sỹ không tham gia vì bị bố mẹ bắt ở nhà theo một lớp học thêm toán lý hoá để cậu theo kịp bạn bè. Hôm nay là cuộc gặp gỡ đầu tiên của cả bang. Sau hàng giờ đồng hồ hàn huyên vui vẻ hết cỡ, Thủ Lãnh mới hỏi thăm Nghệ Sỹ:
- Môn toán “dê vô” chớ Nghệ Sỹ?
- À ! Tớ luôn luôn tin là tớ sinh ra để chơi kèn và làm thơ thôi… Nhưng dầu sao thì tớ cũng thiết lập được “mối quan hệ hữu nghị” với mấy con số toán học.
Sự kinh ngạc được chia đều cho cả năm đứa.
- Cha mẹ ơi! Cậu không còn khinh mấy đứa giỏi toán nữa à? - Giác Đấu la lên.
Nghệ Sỹ thú nhận:
- À… tớ đụng phải một tên giỏi toán rất đặc biệt… Ông thầy của tớ đó! Thiệt tớ không thể tin nổi, nhưng ông đã chứng minh cho tớ thấy là người ta có thể say mê véctơ và các công thức hoá học không thua gì… cuốn “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”!
Ổ
- Ổng là giáo sư đại học à? - Mady hỏi.
- Đâu có! Lớn hơn tụi mình một chút thôi… Nhưng còn giỏi hơn một tay tiến sĩ nữa, tớ bảo đảm với mấy cậu! Đặc biệt, ảnh không học toán ở trường mà học… “tại gia”.
- Tại gia? - Hề Xiếc ngạc nhiên.
- Đúng vậy. Tại phòng thí nghiệm với ba ảnh. Họ đang cùng nhau nghiên cứu khoa học. Và theo lời ảnh kể, nó hấp dẫn không thua gì những cuộc điều tra trinh thám của tụi mình…
- Cậu phóng đại vừa thôi! - Đầu Bếp phản dối.
- Đó là tại cậu chưa biết!
- Nhưng ba ảnh thì người ta biết chớ? - Thủ Lãnh xen vào. - Biết chớ! Nghệ Sỹ kêu lớn. Ổng là Edmond Defalguière. - EDMOND DEFALGUIÈRE? Nhà bác học nổi tiếng đó sao? Mấy người bạn không còn tin ở tai mình! Defalguière nổi tiếng khắp
thế giới. Người ta đã nhắc đến tên ông trong dịp phát giải Nobel vừa qua. Thằng Nghệ Sỹ, gia đình cũng bình thường thôi, làm sao hắn có thể tiếp xúc với con trai nhà bác học?.
- Ừa, ngó thì cũng là thiệt, nhưng hoàn toàn do tình cờ thôi - hắn nói. - Ba tớ đọc mục rao vặt trong báo: một thanh niên nhận dạy kèm môn toán, lý. Tớ đã liên lạc, vậy là tớ gặp Yves Defalguière, con trai nhà bác học. Ồ! Tớ không biết liền đâu, một thời gian sau lận… Và tớ cũng biết thêm rằng, mặc dù Yves rất khâm phục ba mình, anh cũng không muốn dựa vào ổng hoàn toàn. Ảnh muốn “tự lập”, vì vậy anh đã kiếm chỗ dạy kèm.
- Còn một chuyện nữa, - Nghệ Sỹ tiếp, điệu bộ cực kỳ bí mật. - Chuyện gì vậy? - Hề Xiếc nóng nảy hỏi.
- Bố mình sắp được gặp nhà bác học Edmond Defalguière, vào thứ tư này! Tất cả bọn mình!…
- Cậu nói đùa hả?
- Không dám đâu. Nhờ Yves đó. Tớ được hẹn 15 ngày rồi, nhưng ông Defalguière rất bận, hơn nữa mấy cậu chưa về.
Mấy người bạn thốt lên mừng rỡ. Tên Nghệ Sỹ quỷ quái thiệt! Hắn không bao giờ quên bạn bè! Trong chớp mắt, hắn bỏ túi cả đám! - Chà, cậu bảnh thiệt, bảnh thiệt, - Đầu Bếp tán thưởng.
Đứa nào cũng tỏ ra biết ơn Nghệ Sỹ. Thằng này vội thêm: “Mấy cậu sẽ không thất vọng đâu, theo như tớ biết…”.
- Cậu biết cái gì?… - Mady ngạc nhiên hỏi.
- Biết chớ! Nhà bác học đã hứa cho bọn mình coi một phát minh mới… Chắc hấp dẫn vô cùng, mấy cậu cứ tin đi!
Lập tức đứa nào cũng muốn biết đó là phát minh gì. Nhưng lần này thằng Nghệ Sỹ cứng như thép. Hắn muốn cho cả bọn hoàn toàn ngạc nhiên kia. Để bọn chúng khỏi nài nỉ, hắn tuyên bố: “Ê mấy cậu, tám giờ rồi. Mấy ông bà già phát hoảng lên bây giờ nếu mấy cậu không chịu về…”
- Đành phải về thôi, nhưng thiệt là tiếc! - Hề Xiếc thốt lên lời than cuối cùng:
- Lúc này mà còn phải ngồi vô bàn rồi làm bộ đói bụng, khổ thiệt! ***
Tối thứ ba, Nghệ Sỹ quyết định gọi điện về số mà Yves Defalguière đã cho hắn; cuộc hẹn đã được định trước cách đây khá lâu mà nhà bác học lại bận đủ thứ công chuyện, lỡ ổng quên mất thì sao? Nhưng ở đầu dây kia chỉ có tiếng trả lời máy móc, hứa sẽ nhắn lại (có lẽ của một thư ký). Nhưng rồi tối hôm đó và cả sáng hôm sau, vẫn không có ai gọi lại cho hắn. Tuy nhiên, vào giờ đã định, 4 giờ rưỡi chiều hôm đó, chúng cũng tập họp lại trên đồi Chữ - Thập - Hung. Trời đẹp, chúng quyết định đi bộ đến chỗ nhà bác học.
Vậy là chúng kéo nhau xuống tận bến sông Rôn, Kafi đi trước, băng qua công viên Cái - Đầu - Vàng mát mẻ. Căn nhà số 102 Đại lộ Công - Dân - Bỉ chắc phải là một biệt thự sang trọng phía bên kia công viên, nhìn thẳng ra những bãi cỏ xanh và những tán cây lớn.
- Sao, cậu vẫn không muốn tiết lộ bí mật hả?… - Thủ Lãnh vừa nói vừa choàng tay qua vai Nghệ Sỹ. Tên này quay lại mỉm cười nhưng không nói một tiếng.
- Đó là một phát minh ghê gớm dữ vậy sao? - Tới phiên Mady hỏi. Cũng không có trả lời. Giác Đấu bèn tiến công một cách gián tiếp hơn: - Nó thuộc ngành vật lý hay hoá học vậy?
- Chẳng lý chẳng hoá gì hết. - Nghệ Sỹ vừa nói vừa rảo bước. - Vậy chắc chắn nó là loại khoa học huyền bí, pháp thuật gì đó… - Sếp lớn đánh một đòn gió hy vọng Nghệ Sỹ phải ra đòn thiệt.
Nhưng hắn chỉ nhận được một cái nhún vai!
- Cậu quên ngành điện tử mất rồi, - Đầu Bếp xen vào. - Nhất định đây là một máy vi tính, một rô bốt hay một dụng cụ gì đó nhỏ xíu mà lại làm được điều gì đó kinh khủng.
- Máy vi tính phải không? - Thủ Lãnh hỏi.
- Thôi mấy cậu đừng mất công moi tớ nữa, nửa giờ nữa mấy cậu sẽ biết hết sạch mà.
Nhưng đám bạn hắn nhứt định không chịu thôi. Chúng đặt những giả thuyết càng lúc càng hoang đường.
- Đó là một con mắt giả nhìn xuyên qua tường!
- Đó là một cái máy phát hiện nói láo!
- Ê! Cái này có rồi! Đó là một chiếc xe không cần người lái! - Không phải đâu, đó là một trái bom… vũ trụ!
- Hấp dẫn lắm, nhưng cậu lầm quá rồi. Đó là một cái xe xài năng lượng mặt trời…
- Mấy cậu nằm mơ hết rồi, mấy cậu nhỏ ơi! - Hề Xiếc phát lời trịnh trọng từ chiều cao một thước tư của hắn. - Hãy bình tĩnh trở về trái đất đi. Đó là một cái khui đồ hộp có bàn đạp, tốc độ ngang tốc độ ánh sáng nhằm giải phóng phụ nữ!
- Hừm, giải phẫu thì có! - Đầu Bếp xen vào… Nhưng không đứa nào cười được… vì một tiếng còi xe cảnh sát đã ré lên sau lưng chúng. Chúng đã băng qua công viên hồi nào không hay và đang ở bên đại lộ Công - Dân - Bỉ.
Chiếc xe ngừng ở lề đường tay phải, cách chúng một quãng. Nó không phải là chiếc duy nhứt. Một chiếc xe cảnh sát khác đã đậu sẵn trước cổng nhà. Đó là chưa kể bốn năm chiếc xe “dân sự” và hai ba chiếc mô tô dựng một cách ẩu tả, và cả một đám đông người đang tụ tập. Mấy người bạn chạy nhào tới.
Linh tính của chúng không sai: đó là căn nhà 102! Một vila vĩ đại với hàng tam cấp khổng lồ dẫn lên dãy thềm nhà mênh mông có mái che cũng hùng vĩ không kém; và suốt ba tầng lầu, đập vào mắt chúng, là những cánh cửa sổ đồ sộ trang trí những bức tranh ghép kính màu. Tất cả các cánh cửa đều đóng chặt.
Một đám đông phóng viên đã có mặt, một vài người đang tìm cách leo qua rào sắt bao quanh khu vườn và mặc dù cảnh sát ngăn chặn, đang ra sức thu thập những gì đang diễn biến bên trong bằng những cần micro và ống kính.
Thình lình đám đông xôn xao: cánh cửa lớn vừa mới mở, hai cảnh sát xuất hiện trên thềm.
Được đồng sự bên ngoài hỗ trợ, họ mở một lối đi nhưng không làm sao ngăn được đám máy ảnh nháy đèn lia lịa. Đúng lúc đó, một người phụ nữ xuất hiện. Bà được kèm ở giữa, hay nói đúng hơn, là được nâng đỡ bởi hai người đàn ông mặc thường phục nhưng rõ ràng là cảnh sát. Người đàn bà này có vẻ như vừa mới trải qua một cơn chấn động mạnh, không còn biết gì đến xung quanh.
Những câu nói của đám đông lọt vào tai sáu người bạn:
- Vợ ổng đó, người ta nói là bả gần phát điên…
- Có phải đâu, anh cũng thấy đó là cảnh sát chớ không phải là bác sĩ. - Mấy cái “giới” này thì hay xảy ra chuyện như vậy thôi.
- Ông có nghĩ là họ bắt bả không?
- Ồ, không. Nếu bắt thì họ đã còng tay rồi…
- Chắc có chuyện gì xảy ra với ông Defalguière.
- Không thể được, ổng đang dự hội nghị bên Mỹ mà.
- Đúng vậy. Mấy vụ này mờ ám lắm. Chắc là có chuyện gián điệp… Những lời bình phẩm lung tung thật tức cười, nhưng sáu người bạn không cười nổi, nhứt là khi chúng nhìn tận mặt bà Defalguière vừa mới bước qua.
Một gương mặt hoảng loạn, rối bời và thê thảm.
- Thôi đi! Mình không có việc gì làm ở đây nữa, - Thủ Lãnh tuyên bố bằng một giọng khàn đi. Mấy đứa bạn cũng cùng tâm trạng như hắn. Ngay cả Kafi cũng không sủa lấy một tiếng. Dù sao thì tối nay đài phát thanh và truyền hình cũng sẽ cho chúng biết nhiều hơn những gì chúng có thể phỏng đoán.
Chúng đi lộn ngược lại con đường cũ, hồi nãy vui vẻ, ồn ào chừng nào, thì bây giờ buồn bã, lặng lẽ chừng đó.
Hai
Một phát minh quan trọng
-
Tớ có cảm tưởng là không bao giờ mình biết được phát minh nổi tiếng đó đâu, - Đầu Bếp rầu rĩ nói, khi bọn chúng lại băng qua công viên Cái Đầu Vàng. - Theo lời anh Yves, ông Defalguière vừa mới chế được cái máy phát sóng Vô tuyến mà một cái ti vi bình thường, từ một khoảng cách khá xa có thể bắt được.
- Một cái máy để phát lậu chương trình truyền hình, ngoài vòng pháp luật à? - Thủ Lãnh ngắt lời.
- Nói như cậu cũng được. Chỉ có điều “chương trình lậu” này không có hình, không có tiếng.
- Cái gì? Cái gì?
- Thì cứ như lời của anh Yves, cái máy này tạo ra một loại sóng đặc biệt…, qua một cái tivi bình thường, nó có khả năng thôi miên đám khán giả đang ngồi trước màn hình mà họ không hề hay biết gì hết. - Đúng là một phát minh quỷ quái, - Mady kêu lên.
Hề Xiếc ngẫm nghĩ: “Vậy thì người ta có thể sai khiến đám khán giả này làm gì cũng được!”
- Đúng! - Nghệ Sỹ thừa nhận. - Nhưng đó không phải là ý định của ông Defalguière. Ông chỉ muốn tìm ra một phương tiện nhanh nhất, chắc chắn nhất và hiệu quả nhất để đưa bệnh nhân vào tình trạng thôi miên… Mấy cậu đều biết người ta có thể thôi miên một ai đó, tức là đưa người này vào tình trạng như đang ngủ, cơ thể và tinh thần vẫn phản ứng được, nhưng ý chí riêng thì không còn, làm bất cứ điều gì người ta ra lệnh! Người thôi miên chỉ dùng cặp mắt, giọng nói, hai bàn tay, tạo nên kỹ thuật ám thị. Năng lực ám thị không phải ai cũng có. Như vậy lợi ích thứ nhất của cái máy Defalguière: bất cứ ai cũng có thể dùng nó để thôi miên…
- Và lợi ích thứ hai? - Thủ Lãnh xen vào. - Tớ chắc là không ai cưỡng được cái máy thôi miên này…
- Đúng vậy! - Nghệ Sỹ gật đầu. - Bởi vì có nhiều người không ai ám thị nổi!…
- Ví dụ như tớ! - Hề Xiếc la lên. - Cho cậu để tớ nằm dài ra trên giường, đảo cặp mắt tròn xoe nhìn tớ, và thì thầm bên tai tớ đủ mọi giọng: “Ngủ đi cưng!… Cưng thư giãn đi!” thì cậu chỉ càng làm tớ cười đã đời thêm!
- Chuyện đó phải thí nghiệm à, - Nghệ Sỹ nói.
- Vừa rồi cậu có nhắc tới “bệnh nhân”… - Mady chen vào. - Phải, chính vì vậy mà phát minh của ông Defalguière rất quan trọng, có thể nói là cực kỳ quan trọng đối với… nhân loại! Bởi vì trong tình trạng thôi miên người ta có thể chữa lành nhiều bệnh. Bởi vì bệnh nhân không còn sợ nữa, không còn chống cự nữa. Chẳng hạn các bệnh tâm thần… Giác Đấu ngắt lời:
- Đúng. Điều này không có gì mới mẻ, tớ có coi trong một phim Mỹ, một bác sĩ…
- Phải rồi, bác sĩ Charlot. Ổng đặt câu hỏi cho các bệnh nhân trong tình trạng thôi miên về quá khứ của họ, về tuổi thơ của họ, làm họ nhớ lại những kỷ niệm mà họ đã quên lãng, những kỷ niệm họ không muốn nhớ lại vì họ xấu hổ… Tớ cũng không biết là sao nữa… Nhưng khi họ nhớ lại những kỷ niệm đó, họ mới hiểu tại sao họ bị như vậy, tại sao họ đau khổ… Và nhờ vậy mà việc chữa trị thành ra dễ dàng hơn rất nhiều.
- Tài tình thiệt ! - Đầu Bếp kêu lên.
- Theo Yves thì phát minh của ba ảnh còn có thể thay thế thuốc gây mê trong trường hợp giải phẫu nữa kia!
- Để cưa hai cái giò của cậu, mà cậu vẫn vui tươi, - Hề Xiếc xen vào, - thì chỉ cần bật cái tivi lên và… a lê hấp, không hay không biết gì hết, cậu tỉnh giấc, thấy mình mất tiêu cặp giò và… rất là vui sướng!
- Hề Xiếc có trái tim bằng đá! - Mady giả bộ công phẫn, vì cô biết rõ hắn không phải vậy. - Nè, ông Hề Xiếc, ông hãy nghĩ tới mấy sản phụ: biết bao nhiêu đau đớn vô ích có thể tránh được.
- Hay là các trung tâm chỉnh hình! - Nghệ Sỹ tiếp lời. - Bằng cái máy thôi miên này, mọi việc đã nhanh chóng và ít đau hơn…
Rồi điều bất ngờ xảy ra: trong cơn hào hứng, Giác Đấu bỗng mất vẻ điềm đạn thường ngày để tuôn ra cả một tràng như pháo nổ: - Mấy cậu có biết là người ta có thể đạt được rất nhiều thứ bằng phương pháp thôi miên này không? Người ta đã thử nghiệm rồi đó! Hiện nay thì vẫn còn khá đắt, nhưng trong tương lai khi nó phổ biến, thì có thể ai cũng dùng được thôi. Học đàn piano nè, học đánh tennis nè, gõ máy chữ nè… Và ngay cả học tiếng Đức không một chút khó khăn nữa!… Cậu nói sao hả Hề Xiếc?
Lập tức Hề Xiếc nhắm mắt, đưa hai tay lên trời… sung sướng như thể hắn vừa được thôi miên và thu được tất cả những thứ đó. Mải mê trò chuyện, mấy người bạn không nhận ra là đã về tới nơi. Kafi đã lôi chúng trở lại thực tế bằng mấy tiếng sủa: chúng đã trở về chỗ xuất phát - Mái - Nhà - Thợ - Dệt - Lụa trên đồi Chữ - Thập - Hung. Nhưng thực tế, than ôi, cũng là gương mặt người phụ nữ điên đảo vì một thảm kịch mà chúng không muốn dấn sâu thêm vào những điều phỏng đoán. Vậy nhưng tối hôm đó, khi cả sáu đứa trở về nhà thì cái tin bi thảm kia bùng nổ qua giọng nói của xướng ngôn viên đài truyền hình, không thèm đếm xỉa gì đến trái tim nhạy cảm của chúng:
“Nhà bác học danh tiếng Edmond Defalguière đã tự sát tối hôm qua, ở tuổi 48. Bà Defalguière, vợ ông không chịu tuyên bố gì với các phóng viên; nhưng theo cảnh sát, chồng bà có để lại một lá thư cho biết hành vi tuyệt vọng của ông là do “những nỗi thất vọng đau đớn trong gia đình và nghề nghiệp” gây nên.
“Ông Edmond Defalguière đã nổi tiếng từ lâu trong lĩnh vực điện tử, và giới chuyên môn cho biết ông sắp cho ra đời một phát minh cực kỳ mới mẻ, có khả năng giành cho ông giải Nobel sắp tới.
“Nước Pháp, và đặc biệt là thành phố Lyon, không những mất đi một bộ óc vĩ đại mà còn mất đi một trong những con người xả thân vì nhân loại. Bởi vì Defalguière cũng còn là một nhà hoạt động nhân đạo với những tác phẩm đã xuất bản lâu nay, mà nổi tiếng nhất và đại chúng nhất là cuốn Thư ngỏ gửi các tay phù thuỷ tập sự.
“Tổng thống đã bày tỏ “lòng luyến tiếc sâu xa” tới bà goá phụ Defalguière và khẳng định sẽ đứng bên cạnh bà trong “cơn thử thách dữ dội” này, “cùng với toàn nước Pháp”.
“Chúng tôi chưa được biết ngày giờ và địa điểm chôn cất nhà bác học. Nhưng có lẽ tang lễ sẽ diễn ra một cách kín đáo”.
Trong sáu đứa, Nghệ Sỹ là đứa não nề nhất, không chỉ vì cuộc hẹn dở dang mà còn vì thương xót người nó coi như bạn: Yves Defalguière. “Mất một người cha đã là một chuyện đau khổ, nhưng mà mất như vậy, thiệt là quá sức tưởng tượng!”
Hắn không tài nào ngủ được. Mãi đến sáng hắn mới chợp mắt một chút, khoảng 9 giờ sáng khi tỉnh dậy, hắn vẫn còn hy vọng là mình sẽ nằm mơ thôi. Than ôi, dù hắn có quên được căn biệt thự với hàng cửa sổ đóng chặt, gương mặt rối bời của người phụ nữ, thì những tờ báo sáng hôm đó cũng đủ sức kéo hắn về với tấn thảm kịch tàn nhẫn.
Những hàng tít cứ chạy trên trang một, tất cả đều đăng ảnh, lời kể của nhân chứng và tiểu sử của ông. Tất cả đều được kết thúc bằng một câu hỏi không có trả lời: TẠI SAO?
Nghệ Sỹ gặp lại Thủ Lãnh sáng hôm đó tại căn cứ: hắn nhờ tên này thay giùm bánh xe trước. Dĩ nhiên là câu chuyện của hai đứa hầu như chỉ tập trung vào cái chết của nhà bác học.
- Không có cách nào biết thêm được nữa sao? - Thủ Lãnh hỏi. - Yves không bao giờ nói cho cậu nghe ba ảnh có chuyện buồn hay một chứng bệnh nào đó hay sao?
- Không. Cậu biết đó, ảnh cũng hay nhắc tới ba ảnh nhưng chỉ toàn công việc của ổng thôi… chớ không bao giờ tâm sự…
Hắn bỗng ngừng lại nửa chừng. Thủ Lãnh, căn cứ vào thái độ của hắn: miệng hé mở, cặp mắt nhìn mông lung, đoán rằng hắn đang nhớ lại một điều gì. Đúng vậy:
- …Có một lần, lúc đó tớ không chú ý lắm… nhưng bây giờ thì tớ nhớ rõ… Ảnh buông một câu gì đại khái như “Đời sống của một thiên tài không dễ dàng gì, nhất là đối với vợ và con của họ…”
- Anh Yves có anh chị gì không? - Thủ Lãnh ngắt ngang.
- Không, anh là con một. Bây giờ tớ mới nhớ một vài lần ảnh nói như vầy “Đầu óc ông thường trên mây cứ mỗi lần kéo ông về trái đất ổng lại
nổi giận… Mặc dù đó là vì lợi ích của ông, mà lại con ruột của ổng nói chớ phải ai đâu…” Rồi ảnh cười, tớ nghĩ là có một chút cay đắng. Thủ Lãnh thở dài:
- Nếu như ông bố nào cũng tự tử vì xích mích với con trai thì chẳng còn bao nhiêu ông bố trên đời này nữa!
Chúng ngừng một lát để lắp cái bánh xe mới. Xong xuôi, Thủ Lãnh vừa chùi tay vừa nói:
- Cậu ráng thử tới thăm ảnh coi.
- Thăm Yves hả? Tớ thấy hơi sớm. Hơn nữa tớ cũng ngại lắm, chắc anh đang khủng hoảng. Tớ cũng thấy tội ảnh nhưng mà… bọn tớ chưa thân nhau lắm… Dù sao cậu cũng cho tớ một ý kiến đó: tớ sẽ viết thư cho anh.
Hắn ngồi vào bàn viết ngay. Mười phút sau hắn đưa cho Thủ Lãnh đọc để biết ý kiến.
- Tớ không biết hiện nay trình độ toán của cậu ngang cỡ nào, - Thủ Lãnh Tuyên bố. - Nhưng trình độ viết thư của cậu vẫn là số một. Không thể không trả lời một bức thư như vậy được.
- Tớ cũng mong vậy. Tớ chỉ viết thành thật những gì tớ cảm thấy.
Ba
Đúng lúc người ta ít chờ đợi nhứt… Đ
ó là ngày thứ tư kế tiếp. Đúng sáu ngày kể từ khi Nghệ Sỹ viết thư. Từ rạp chiếu bóng đi ra hắn chợt thấy dòng chữ:
TIN NHANH LYON
Bản tin đặc biệt
TRONG VỤ DEFALGUIÈRE
TIN ĐỘNG TRỜI
Hắn đâm xổ tới một kiốt báo, nơi có dòng chữ đó!
- Một tờ tin nhanh!
Hắn xìa ra đồng 10 franc, rồi chúi mũi vào tờ báo, quên cả chuyện lấy tiền thối, dù cho người bán báo réo gọi liên hồi.
“Một phát minh quan trọng hàng đầu”, bài báo viết, “đã bị trộm trước khi nhà bác học tự tử”. Tay phóng viên không nói rõ nhưng cũng hé lộ cho người đọc biết phát minh này có thể trở thành một vũ khí đáng ngại nếu rơi vào tay lũ bất lương. Tất cả chỉ mới là phỏng đoán, nhưng vấn đề nóng bỏng nhất là: có mối liên hệ nào giữa vụ trộm này với cái chết của ông Defalguière hay không?
Nghệ Sỹ chạy về đồi Chữ Thập Hung trong một thời gian kỷ lục. Hắn rất thất vọng khi thấy không có đứa nào ở căn cứ cả. Hắn cất xe rồi chạy về nhà. Có lẽ mấy đứa kia đã về…
Hắn băng qua hành lang định chạy vào phòng khách gọi điện cho lũ bạn thì mẹ hắn đã kêu giật lại:
- Có một bà nào đó gọi điện cho con. Bà có để số điện thoại lại. Má đã ghi trên lốc.
Nghệ Sỹ nhào tới máy. Con số gợi hắn nhớ lại một cái gì đó… Hắn lôi trong túi tờ giấy có ghi số điện thoại của Yves: đúng là số đó.
Hắn nhận ra là mình đang run. Hắn khép cửa phòng lại rồi ngồi phịch xuống ghế. “Có một bà…” má hắn nói. Chắc là một bà thư ký… Trừ phi… Hết sức chậm rãi, hắn quay ổ máy. Một tiếng chuông reo, hai tiếng chuông reo, ba, bốn, năm, sáu… “Tới tiếng thứ sáu thì mình sẽ gác máy”. Nhưng hắn vẫn không gác máy. Tới tiếng chuông thứ 13 thì hắn nghe tiếng một người đàn bà trả lời:
- Alô?
- Alô, thưa bà. Tôi là… Tôi tên Nghệ Sỹ. Bà có hỏi tôi… - Chào cậu Nghệ Sỹ, - giọng nói cắt ngang. - Tôi là bà Defalguière, mẹ của Yves.
Nghệ Sỹ há hốc miệng không nói được tiếng nào. Người phụ nữ tiếp: - Ừm… Tôi muốn nói chuyện với cậu… Tóm lại là tôi… “Hình như bả cũng bối rối không thua gì mình” Nghệ Sỹ nghĩ. - Ờ… Cậu cũng biết, chồng tôi…
- Dạ biết, thưa bà… - Nghệ Sỹ vội đáp, nhưng hắn không nói thêm được một lời chia buồn nào. Rõ ràng lúc này với hắn viết dễ hơn là nói. - Tóm lại tôi đang sắp xếp lại giấy tờ của chồng tôi… và tôi thấy ghi trên lịch bàn của ổng… Tôi thấy cậu có hẹn với ông vào đúng ngày… ổng…. mất. Tôi nghĩ rằng… ít nhất cũng nên gọi điện cho cậu… cho phải chuyện.
Giọng nói của bà hoàn toàn thiếu tự nhiên: nhất định không phải là để “cho phải chuyện”, Nghệ Sỹ chắc chắn vậy. Nhưng bà ta nói thêm: - Có phải con trai tôi có hẹn với cậu không? Hình như là… chồng tôi muốn dẫn cậu vào xem phòng thí nghiệm của ông?
- Anh Yves không nói với bác sao? - Nghệ Sỹ ngạc nhiên hỏi. - À… có… Có nói qua…
Nghệ Sỹ thấy tội nghiệp cho sự bối rối của bà quả phụ.
- Ông Defalguière có hứa cho cháu và mấy đứa bạn cháu coi phát minh mới của ổng.
- Phải, phải, - người phụ nữ nói bằng giọng cố bình thản không tự nhiên chút nào, - Con tôi có nói cho tôi hay như vậy…
Lần này nữa, Nghệ Sỹ chắc chắn là bà nói láo. Hắn đoán rằng bây giờ bà ta đã biết được điều bà muốn biết, chắc là bà sắp gác máy. Nhưng trái
lại, bà ta hỏi tiếp:
- Con tôi dạy cậu có… được không? Về phần nó, nó khen cậu dữ lắm. - Ảnh dạy hay lắm - Nghệ Sỹ nói ngay. - Cháu biết ơn ảnh lắm! Và cháu cũng muốn bày tỏ… Ảnh không nói với bác là cháu có viết thư cho ảnh sao?
Đầu dây kia yên lặng một hồi.
- Có, có… nó có nói!
“Bả nói láo, - Nghệ Sỹ nghĩ. - Bả nói láo”. Rồi bỗng nhiên, hắn tuôn ra tất cả những gì đang chất chứa trong lòng hắn:
- Cháu đã viết thư cho anh Yves để chia buồn với ảnh. Dĩ nhiên không ai có thể tự đặt mình vào vị trí của ảnh được. Nhưng anh đã tỏ ra rất thân với cháu, ảnh rất hay nói về bác trai. Ảnh phục bác trai vô cùng! Cháu không được biết bác trai nhưng cháu tin là ảnh giống bác ấy lắm. Ảnh cũng rất say mê công việc nghiên cứu khoa học của bác và chắc chắn ảnh cũng có thừa hưởng thiên tài của bác trai! Bác có vui lòng nói lại với ảnh những gì cháu đã nói không?
Lại yên lặng ở đầu dây bên kia. Rồi:
- Có… tôi sẽ nói lại… thôi cám ơn cậu… Cám ơn cậu rất nhiều! Bây giờ tôi phải tạm biệt cậu. Tạm biệt.
Hình như bà đã cố trút hết nhiệt tình vào câu chào tạm biệt và Nghệ Sỹ cũng cố đáp trả lại. Hắn không muốn gác máy: hắn chờ bà gác trước. Nhưng thay vì ngừng máy, người phụ nữ lại lên tiếng:
- Sáng mai cậu có thể đến thăm tôi được không? Số 102 Đại lộ Công - Dân - Bỉ. Mười giờ, được chớ? Đúng mười giờ sáng nghe… Cổ họng Nghệ Sỹ se lại. Cuối cùng hắn nói:
- Dạ được, sáng mai 10 giờ.
Bà ta gác máy.
Hắn cũng vừa mới gác máy thì cửa phòng mở. Má hắn xuất hiện: - Con có khách, - bà mỉm cười. - Thiệt tình! - và bà nhường chỗ cho hắn bước qua.
Mady và Thủ Lãnh đứng ngay ngưỡng cửa, hơi thở còn đứt đoạn, tờ Tin Nhanh Lyon cầm trên tay.
- Cậu đọc chưa? - Thủ Lãnh vừa nói vừa vung tờ báo lên.
- Rồi!
Hai đứa kia thất vọng ra mặt.
- Bọn tớ cứ tưởng sẽ làm cho cậu ngạc nhiên!
- Chính tớ mới có chuyện làm hai cậu ngạc nhiên. Tới đây tớ nói cho nghe!
Bốn
Số 102, Đại lộ Công Dân Bỉ S
áng hôm sau, đúng 9g50, Nghệ Sỹ bấm chuông cổng biệt thự 102 Đại lộ Công Dân Bỉ. Không giống như buổi chiều bi thảm khi hắn nhìn thấy ngôi biệt thự lần đầu, lần này thì các cánh cửa sổ đều mở. Bên kia bãi cỏ xanh, sau một cánh cửa sổ tầng dưới hắn thấy thấp thoáng một bóng người. Hắn chờ nghe tiếng tách báo hiệu cánh cửa tự động mở. Nhưng, không, một giọng phụ nữ vang lên làm hắn giật bắn người.
- Ông Nghệ Sỹ hả?
Giọng nói được phát ra từ một cái Interphone(1) được giấu rất khéo sau hộp thư.
- Dạ, cháu đây. Xin chào bác.
Một tiếng “tách” vang lên. Cổng mở.
Nghệ Sỹ thong thả đi ngược lên con đường băng qua bãi cỏ. Một cô gái trẻ xuất hiện trên thềm, xinh đẹp, đài các.
- Chào anh, - Cô gái nói. Nghệ Sỹ đỏ mặt khi nhận ra giọng nói trong Interphone.
- Chào chị.
- Bà Defalguière đang chờ anh.
Câu nói ngắn ngủi, nhưng giọng dịu dàng ấm áp. Cô gái dẫn hắn đi qua một đại sảnh rộng trồng đầy cây xanh, rồi đến một hành lang dài, rồi một phòng khách mênh mông. Nghệ Sỹ có cảm giác như đang ở trên một sân thượng lớn. Qua một khung cửa kiếng khổng lồ, Nghệ Sỹ nhìn thấy dãy cây xanh ngắt của công viên Cái Đầu Vàng. Trong quang cảnh đó, bà Defalguière xuất hiện lần thứ hai trước mắt hắn. Từ cái ghế mây kếch sù bà đứng dậy đi về phía hắn, gương mặt bà vẫn nghiêm trang tuy bà đang mỉm cười.
Quần áo bà toàn một màu sẫm nhưng không quàng khăn tang che mặt, cũng không có một mảnh băng đen nào trên áo.
Bà lên tiếng, đúng lúc Nghệ Sỹ mở miệng định chào:
- Ngôi nhà làm cậu ngạc nhiên phải không? Nhìn bên ngoài, người ta cứ tưởng nó là một căn nhà cổ lỗ sĩ, đầy những phòng ốc tối tăm… Cậu không biết chúng tôi mất bao nhiêu công sức! Trước đây nó đâu được như vậy…
Bà ta ngừng lại. Nghệ Sỹ hiểu ngay bà nói những chuyện tầm phào này để chờ cô gái kia (bạn hay người giúp việc đây?) có thời giờ trở lui. - Cậu ngồi xuống đây, - bà chỉ cái ghế mây trước mặt. Hắn ngồi xuống. Bà đi về phía cái bàn nhỏ cũng bằng mây chất đầy chai ly. - Cậu uống gì?
- Ơ… cho cháu một ly nước trái cây.
- Đây, tuỳ ý cậu.
Bà đặt trước mặt hắn một cái ly và hai chai nước: một cam, một mận. Hắn chọn nước cam. Rót nước cho hắn xong, bà nói:
- Cậu biết không, tôi đã nghe rất nhiều chuyện về cậu.
Nghệ Sỹ tròn mắt ngạc nhiên.
- Cậu… và các bạn của cậu! Sáu người bạn, ai mà không biết ở Lyon! Nhứt là sau cái vụ nữ diễn viên điện ảnh… chà… tên gì vậy kìa… - Jenny Fanta, - Nghệ Sỹ đỏ mặt nói.
- Nhưng đặc biệt là cậu. Tôi được nghe kể rất nhiều.
Nghệ Sỹ rùng mình. Người phụ nữ nhìn hắn bằng cặp mắt van lơn làm hắn hãi hùng.
- Gần đây cậu có gặp thằng con tôi không?
Sững sờ vì câu hỏi, hắn ngồi yên như trời trồng.
- Tôi van cậu! Hãy nói cho tôi biết sự thật đi!
- Nhưng… - Nghệ Sỹ ấp úng. - Cháu không hiểu… Hôm qua bác nói trong điện thoại…
- Hôm qua tôi nói láo, - bà ta ngắt ngang. - Còn bây giờ tôi xin cậu nói thiệt hết đi.
- Cháu đã nói thiệt hết rồi. Cháu đã viết thư cho anh Yves từ tuần trước, nhưng anh không có trả lời. Cháu không hề gặp lại ảnh kể từ sau buổi học cuối cùng.
- Tôi biết là cậu nói thiệt. Vậy thì cậu hãy biết điều này: Yves đã mất tích!
Rồi bà bật khóc.
Nghệ Sỹ ao ước mình ở xa 10 dặm người đàn bà quý phái đang khóc nức nở trước mặt hắn. Bối rối một cách khủng khiếp, hắn ấp úng: - Cháu không hiểu, thưa bác… Cháu không hiểu…
Bà Defalguière lấy khăn chấm mắt mũi.
- Xin lỗi, - bà nói.
Nghệ Sỹ định phản đối, nhưng bà ngắt ngang:
- Tôi phải giải thích để cậu rõ…
Bà đằng hắng, rồi nói tiếp:
- Yves đã mất tích gần hai tuần nay rồi. Nó thường nói về cậu; nó có cảm tình với cậu. Tôi có coi thư của cậu gửi cho nó sau khi ba nó mất. Lá thư cho thấy cậu cứ tưởng nó đang có mặt ở nhà, nhưng dầu sao tôi vẫn cứ nghĩ có thể cậu biết về nó nhiều hơn tôi… Có thể cậu có một ý kiến nào đó về chỗ nó đang ở… hay ít nhứt… lý do nó mất tích…
- Cháu không có một ý kiến nào, thưa bác, - Nghệ Sỹ thú nhận. Hắn nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ mà giờ đây hắn cảm thấy rất tội nghiệp:
- Nhưng cháu sẵn sàng giúp đỡ bác hết sức của cháu, nếu bác cho cháu biết thêm một chút…
Bà Defalguière đứng dậy. Trong ánh sáng từ công viên hắt tới, bà ta trông càng đáng thương hơn.
- Cậu uống thêm cái gì không? - bà hỏi.
Nghệ Sỹ lắc đầu nhưng bà vẫn đi về phía bàn mây, rót một ly rượu, uống liền một hơi. Tay vẫn cầm ly rượu, bà trở về chỗ cũ. - Đây. Cái ly run rẩy trên tay bà.
- Cậu cũng đã biết phát minh của chồng tôi rồi… Tóm lại, cậu đã biết nó dùng để làm gì…
Nghệ Sỹ gật đầu.
- Vậy thì cách đây hai tuần, Yves và ba nó gây lộn nhau về cái máy này. Có vài người nào đó đã gửi thư cho chồng tôi, gọi điện cho ổng, rồi tới tận đây tìm ổng… Tóm lại họ muốn mua cái máy với một giá tới trời! Nhưng chồng tôi không chịu. Ổng nghĩ rằng một cái máy như vậy mà rơi vào tay những kẻ có ác ý sẽ là một mối nguy hiểm thực sự cho cộng đồng: ai cũng có thể thôi miên người khác và bắt họ làm bất cứ điều gì? Thằng Yves lại tin những người đòi mua máy và khó chịu về những mối nghi ngờ của ba nó. Đây không phải lần đầu tiên hai ba con cãi cọ nhau về chuyện này.
Bà thở dài:
- Cậu hiểu giùm tôi. Yves rất thương ba nó nhưng quan điểm của nó khác ông. Nó thực tế hơn… có lẽ ngây thơ hơn…
Bà nhấp thêm một ngụm rượu rồi nói tiếp:
- Lần này hai ba con nó gây nhau dữ lắm. Thằng Yves vừa đi ra vừa đóng sầm cánh cửa lại. Nó thu xếp áo quần và bỏ nhà đi, tuyên bố là nó cần “thay đổi không khí”… Tôi đã cố an ủi ba nó. Tôi đã nói là không có gì đâu, nó đi tới lũ bạn rồi sẽ về thôi. Dù sao đi nữa nó cũng là người thành niên rồi!… Nhưng ngay ngày hôm sau thì cái máy bị ăn trộm mất!
- Ủa? không phải cái máy mới bị mất hôm qua sao? - Nghệ Sỹ ngạc nhiên hỏi.
- Không. Chồng tôi muốn giữ kín chuyện này. Ổng có lý do của ổng. - Nhưng… vụ trộm này và việc… anh Yves… mất tích có liên quan gì với nhau đâu!
- Đây. Chỉ có chồng tôi biết công thức để sử dụng máy. Chồng tôi… và Yves. Vậy nhưng 3 ngày sau khi nó bỏ nhà ra đi, một sự kiện lạ lùng đã xảy ra…
Bà đứng dậy. “Xin lỗi, cậu chờ tôi một chút” - bà nói rồi biến mất vào phòng bên cạnh.
Khi bà ta trở ra, trên tay là một xấp hồ sơ.
- Cậu đọc đi.
Bà đưa cho Nghệ Sỹ một bài báo được cắt ra. Bài báo có tít: “NẠN NHÂN HAY ĐỒNG LOÃ?”. Nó tường thuật về vụ một cặp vợ chồng giàu bị mất trộm giữa ban ngày, lúc họ đang coi truyền hình. Căn phòng bị trộm sát ngay chỗ họ ngồi, vậy mà họ khẳng định không hề nghe tiếng động gì cả! Sau khi điều tra, cảnh sát đâm ra nghi ngờ đây là một vụ trộm giả do chính họ dựng lên để hưởng tiền bảo hiểm. Hơn nữa cả hai vợ chồng không ai nhớ được chương trình truyền hình mà họ đã xem đúng lúc xảy ra vụ trộm.
Nghệ Sỹ càng lúc càng sững sờ.
- Cậu cũng thấy rõ ràng như… chồng tôi và tôi khi đọc bài báo này. Hai vợ chồng kia bị thôi miên!
- Dạ phải. Vì vậy họ không nhớ được chút gì chương trình họ đã coi.
- Chúng tôi cũng nói vậy khi tôi cố trấn an ổng đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên…
- Hơn nữa, nếu hai người đó bị thôi miên, thì có thể bằng những phương pháp khác, đâu nhất thiết bằng cái máy của bác trai… - Bọn tôi cũng cố tin vậy… Trong khi theo dõi tin tức hàng ngày trên báo.
- Rồi sao hả bác?
- Rồi hai ngày sau đó, một vụ khác xảy ra…
Bà Defalguière lại có vẻ như sắp bật khóc.
- Tôi không làm sao trấn an ổng được nữa. Cả hai chúng tôi như bị nện một nhát búa vào đầu. Đây nhất định chỉ là thằng con tôi… Nghệ Sỹ nhảy dựng.
- Tại sao lại anh Yves? Công thức đó có thể bị mất trộm, hoặc cái máy đã bị điều chỉnh lại…
- Tôi cũng có biện bạch như vậy. Nhưng chồng tôi cho biết cái máy này có một bộ phận an toàn không thể nào mó tới được. Theo như tôi hiểu, bởi vì tôi cũng không hiểu gì cho lắm, đó là một hệ thống báo động cứ 24 giờ lại thay đổi quy trình khởi động máy, bắt buộc phải điều chỉnh công thức mỗi lần dùng…
- …Và chỉ có bác trai và anh Yves nắm được những kiến thức này? Người phụ nữ gật đầu, hớp thêm một ngụm rượu rồi nói tiếp: - Khi vụ trộm thứ ba xảy ra, chồng tôi tuyệt vọng hơn bao giờ hết. Đối
với ông đây là một thất bại khủng khiếp. Một sự thất bại mà ông là người duy nhứt chịu trách nhiệm. Ông sợ một ngày kia các phát minh của ông quay lại… chống mọi người. Và có lẽ với sự đồng loã của chính con trai ông! Ổng không thể nào chịu đựng nổi chuyện này. Hai ngày sau, ông nhảy xuống sông Rôn.
Trong cơn thất vọng, bà Defalguière quên rằng mình đang nói chuyện với một thiếu niên. Bà như đang tâm sự với một người lớn. - Bây giờ người ta đã biết là máy bị trộm, người ta sẽ liên hệ nó với mấy vụ kia… Chưa kể những vụ khác có thể xảy ra… Tôi sợ cho thằng Yves! Tôi sợ quá! Dù sao nó cũng là con tôi.
- Bác đừng sợ. Anh Yves không dính tới chuyện đó đâu. Nếu bác cho phép, cháu và mấy đứa bạn cháu sẽ ráng điều tra vụ này. Bọn cháu làm được mà.
Tự đáy lòng, Nghệ Sỹ phát hoảng vì lời của hắn. Hắn vừa hứa một điều quá bạo, chỉ vì hắn muốn người phụ nữ khốn khổ kia lấy lại hy vọng: Bà đã chịu đựng quá nhiều!
Khi hắn đứng dậy cáo từ, hai chân hắn vẫn còn run. Bà Defalguière cũng đứng dậy:
- Để tôi đưa cậu.
Họ cùng bước xuống thềm. Nghệ Sỹ đem theo mấy bài báo. Hắn vừa băng qua bãi cỏ thì nghe tiếng bước chân chạy sau lưng mình. Hắn quay lại: đó là cô gái đã mở cửa cho hắn hồi nãy.
Cô gái dừng phắt lại.
Cả hai đứng cách nhau chừng 12 mét…
“Chỉ muốn gì vậy?” - Nghệ Sỹ nghĩ. Đúng lúc đó cô gái kêu lên. - Xin lỗi… tôi tưởng là…
Nghệ Sỹ không do dự nữa, hắn bước lại về phía cô gái.
- Chị muốn nói chuyện với tôi?
Cô gái ấp úng: “không… không… chẳng qua… không, tôi lầm… Tôi lầm anh với người khác. Xin lỗi.”
Và cô quay gót chạy trở lại.
Nghệ Sỹ chắc chắn rằng cô không lầm hắn với ai cả! Rõ ràng cô muốn nói chuyện với hắn, nhưng đến phút cuối cô lại thôi. Tại sao vậy? Hắn không trả lời được. Nhưng hắn không chút nghi ngờ là giữa những điều bí mật bao quanh chuyện này, đây là bí mật đầu tiên mà hắn phải tìm cho ra.
Hắn nhảy lên xe, phóng về phía căn cứ, nơi mấy đứa bạn đang nôn nóng chờ đợi…
Năm
Định hướng
S
au khi Nghệ Sỹ kể xong, Thủ Lãnh tuyên bố:
- Vụ này khác với thường lệ: nó có quá nhiều chi tiết. Phải bắt đầu từ đâu cho khỏi rối đây?
- Cách hay nhất là “đánh trực tiếp”, như cậu thường nói, - Đầu Bếp đề nghị. - Tụi mình hãy đến điều tra tại chỗ.
- Tại chỗ?
- Phải. Tại chỗ xảy ra mấy vụ trộm. Bọn mình phải coi cho thiệt kỹ. Phải hỏi han đủ người…
Nhưng Giác Đấu dè dặt hơn hắn:
- Bộ cậu không nghĩ là cảnh sát đã làm rồi hay sao?
- Tất nhiên. Nhưng tụi mình biết hơn họ nhiều chuyện. Mình có thể khám phá được nhiều hơn…
Mấy đứa kia tán đồng. Thủ Lãnh nói:
- Ba vụ trộm đều xảy ra ở vùng Lyon. Như vậy việc điều tra rất dễ dàng. Nhưng hôm nay thì có việc cần làm hơn: trở lại nhà 102 và hỏi bà Defalguière cái máy đã bị trộm như thế nào.
- Ừ, tớ cũng quên hỏi bả chuyện đó, - Nghệ Sỹ thừa nhận. - Cậu cũng quên hỏi bả vụ mất tích của anh Yves: ngày, giờ, chính xác… - Hề Xiếc đế thêm.
- Thêm vào đó, - Mady tiếp, - phải hỏi bả về bạn bè anh Yves, những địa điểm mà anh thường lui tới, vân vân…
Thủ Lãnh ra hiệu cho cô nói chậm lại để hắn ghi vào cuốn sổ tay nhỏ. Kinh nghiệm cho hắn biết là không nên tin cậy quá nhiều vào trí nhớ, nhất là trong một vụ rối rắm như vậy. Rõ ràng là thằng Nghệ Sỹ quên trước quên sau nhiều chuyện.
Quả vậy, thằng này đứng lên nói:
- Có một nhân vật mà tớ cảm thấy rất bí ẩn, có thể cho chúng ta biết thêm rất nhiều… À, đó chỉ mới là một linh tính thôi, không có một bằng cớ nào hết!… Tuỳ mấy cậu nhận định.
Rồi hắn mô tả cô gái trẻ đã mở cửa cho hắn, thái độ kỳ lạ của cô khi hắn ra về.
- Cái thằng Nghệ Sỹ mắc dịch! - Hề Xiếc la lên. - Hắn để bọn mình bì bõm suốt một giờ đồng hồ để tự hỏi nên bắt đầu từ đâu, rồi… đùng một cái, vào đúng giờ chót, bộ mặt tỉnh khô, hắn tung cho bọn mình, một cái tin làm thay đổi tất cả! Thôi, đừng mất thêm một giây nào nữa, các thám tử, hãy tới nhà 102 Đại lộ Công Dân Bỉ! Lẹ lên!
Đầu Bếp và Mady đã đứng dậy. Nhưng Thủ Lãnh lên tiếng: - Nếu tụi mình ào ào tới cả 6 đứa, mà không hề che giấu ý định thì rất có thể cô ta trốn ngay lập tức. Hãy làm như Giác Đấu nói: “từ tốn và ngoại giao khéo léo là trên hết!”
- Tớ có nói vậy à? - Giác Đấu ngạc nhiên hỏi.
- Không. Nhưng cậu rất có thể nói câu đó. Trong khi chờ đợi, tớ đề nghị gọi điện cho bà Defalguière.
Năm phút sau, sáu người bạn tràn vào phòng điện thoại gần căn cứ nhứt. Nghệ Sỹ gọi điện. Câu chuyện với bà Defalguière không lâu nhưng cũng đủ cho cả bọn biết: Corinne - tên cô gái - vừa mới ra khỏi nhà, không biết đi đâu.
- Cô ta mới cãi nhau với bà Defalguière. Bọn mình đi liền đi. Bả đang chờ…
***
Bà Defalguière tiếp mấy người bạn trong phòng khách ở tầng dưới. Nó tối hơn phòng bà nói chuyện với Nghệ Sỹ, nhưng lớn hơn tới bốn, năm lần - tức là rộng mênh mông.
Ngoại trừ Kafi đang nhẩn nha thưởng thức nền thảm êm như nhung, mấy đứa trẻ chìm lỉm trong mấy cái ghế bành to tướng. Chỉ có cái mũ bere của Giác Đấu, đứa bự con nhứt, còn nhô ra được thành ghế. Về phần Hề
Xiếc, tê điếng tận đáy lòng vì cái ghế khổng lồ, hắn ráng hết sức tỏ ra là người lớn bằng cách cựa quậy không ngừng… Hắn chỉ chịu ngồi yên khi bà Defalguière lên tiếng:
- Corinne là vợ sắp cưới của Yves. Đối với nhà này, nó còn hơn một cô dâu nữa: nó ở đây từ hồi nhỏ xíu kìa. Ba má nó mất sớm, nó coi gia đình này như là gia đình nó. Thằng Yves thương nó lắm!… Nhưng… kể mấy chuyện này chắc mấy cậu chán…
- Tụi cháu không chán đâu, thưa bà, - Thủ Lãnh khẳng định. - Anh Yves… thương chị Corinne, vậy tại sao ảnh lại bỏ chị mà đi? Hay là họ có gây nhau?
- Đúng, - Bà Defalguière xác nhận. - Khi Yves gây với ba nó thì Corinne đứng về phía ổng. Theo tôi nghĩ, vì lẽ đó mà nó càng tức và bỏ đi liền một mạch như vậy…
- Trừ phi… - Thủ Lãnh nói, nhưng hắn đỏ mặt lên rồi ngừng lại. Bà Defalguière tiếp lời hắn:
- Trừ phi hai đứa nó đóng kịch: chúng đồng loã với nhau, phải không?… Tôi cũng có nghĩ tới giả thiết này, nhưng không thể nào tin nổi. Chỉ có một điều chắc chắn: Corinne biết một cái gì đó mà chúng ta không biết.
Bà quay về phía Nghệ Sỹ:
- Sáng nay, tôi đứng trên cửa sổ, thấy nó chạy theo cậu… Tôi có hỏi nó, nhưng nó ấp úng, mất bình tĩnh… rồi bỏ chạy vào phòng. Rồi tôi nghe nó gọi điện thoại… Tiếc là tôi không nghe rõ chuyện nên không biết bây giờ nó đi đâu… 10 phút sau nó cầm một cái túi xách nói nó cần phải đi đâu đó một thời gian, dặn tôi đừng lo… Tôi không tài nào giữ nó được. Nó leo lên xe và biến mất.
Yên lặng một lúc, rồi Mady lên tiếng:
- Chị Corinne sống ở đây hả bác?
- Nó về đây ở càng ngày càng nhiều, nhưng nó có một studio ở khu phố cũ gần thị trấn Saint-Jean. Tôi gọi điện về đó ngay nhưng cũng không có nó. Từ hồi chồng tôi mất, nó không hề về lại chỗ đó.
Bà thở dài:
- Nó đã giúp đỡ tôi rất nhiều!… ngay cả trả lời hàng trăm lá thư chia buồn!…
- Bác không có thư ký à? - Thủ Lãnh hỏi một câu làm tất cả mọi người ngạc nhiên.
Bà Defalguière ngập ngừng một lát:
- …Chồng tôi có một người… tôi đã muốn giữ y lại một thời gian nhưng y xin nghỉ việc liền à. Dù sao thì tôi cũng không nhờ người thư ký này trả lời thư từ của chồng tôi…
- Thưa bác, máy điện thoại chị Corinne gọi lúc nãy có như loại máy này không?
Lần này Thủ Lãnh lại hỏi một câu càng làm mọi người ngạc nhiên hơn nữa. Hắn chỉ một máy điện thoại nhấn phím gần chỗ hắn ngồi. - …“loại máy” là sao? - Bà Defalguière ngạc nhiên hỏi. Không riêng gì bà, mọi người đều tròn mắt nhìn Thủ Lãnh, tự hỏi hắn muốn đi tới đâu… - Dạ phải, - Thủ Lãnh nói. - Loại máy này có một phím “lưu”. Hắn đứng dậy chỉ vào cái phím.
- Không biết cái máy chị Corinne gọi có phím này không. Điều này cực kỳ quan trọng.
- Tôi không biết nữa, - Bà Defalguière trả lời. - Mình vào coi thử… nếu quả thật là quan trọng!
Mọi người theo chân chủ nhân lên tận căn phòng Corinne ở tầng 2. Bà Defalguière bước tới gần cái máy.
- Phải, - bà nói.
Và bà ra dấu cho Thủ Lãnh tới coi.
- Đúng rồi! - hắn kêu lên. - May quá!
Nhưng nụ cười vừa mới nở trên môi hắn đã tắt ngay lập tức. - Cháu ngu quá! - hắn thở dài. - Bác có nói là sau đó bác có gọi điện thoại phải không?
- Phải. Nhiều lần lắm… Gọi cho mấy người bạn của Corinne mà tôi biết. Xui thay, cũng không ai thấy nó hết.
- Bác gọi bằng máy này à? - Giác Đấu hỏi, rõ ràng là hắn đã đoán được ý nghĩ của Thủ Lãnh.
- Không, tôi dùng máy ở trong phòng khách.
- Hai máy bắt song song hả bác?
- Ồ, không. Chúng tôi có tới ba số máy lận: số máy của ổng… Nhưng bà không kịp nói dứt câu. Giác Đấu và Thủ Lãnh đã đồng thanh la lên mừng rỡ:
- Tuyệt!
- Có thể biết cái gì ở đằng sau đầu mấy cậu không? - Mady xen vào. - Rất dễ! - Thủ Lãnh trả lời. - Nếu chị Corinne là người cuối cùng gọi một số máy nào đó bằng cái điện thoại này, thì bọn mình chỉ cần nhấc máy, nhấn nút “lưu” thì số máy đó sẽ được tự động gọi trở lại… và bọn mình sẽ biết chỉ nói chuyện với ai trước khi biến mất.
Tất cả đều “ồ” lên thán phục.
- Nhưng bộ cậu tưởng, cái người sẽ trả lời cho cậu, mà cậu không hề biết tên, - Đầu Bếp lên tiếng. - Người ta sẽ tin ngay lời cậu vì cậu có một giọng nói thánh thót, và cho cậu biết ngay địa chỉ hay sao? - Đó mới là vấn đề. - Thủ Lãnh nhăn mặt.
Hắn quay qua Giác Đấu. Thằng bạn khốn khổ này một tay nhấc mũ bêrê, một tay gãi đầu: không có cách giải quyết!
Đúng lúc đó, Hề xiếc thúc cùi chỏ vào bọn bạn, chen vào. Hắn đặt tay lên máy rồi tuyên bố:
- Khỏi lo.
Đặt một ngón tay lên miệng, hắn ra hiệu cho mọi người im lặng… Nhưng, cẩn thận như vậy là thừa! Mọi người sửng sốt đến nỗi không ai lên tiếng.
Hắn nhấc máy, nhấn vào phím “lưu”, và chờ…
Những người kia cũng chờ với hắn. Tất cả dán mắt vào cái máy, mà giờ phút này, đang chứa đựng một năng lực thần kỳ!
Những tiếng “tít tít” nhỏ vang lên cho biết số máy đó đang được quay tự động… Rồi thì người ta nghe tiếng chuông reo. Tất cả mọi hơi thở ngừng lại: thằng Hề Xiếc sẽ xử trí sao đây, nếu có người nhấc máy? Có người nhấc máy!
- Xin chào bà! - Hề Xiếc nói bằng một cái giọng được trầm xuống đến mức tối đa. - Đây là đài phát thanh Fourvière, đài phát thanh mà người nghe rất lấy làm hãnh diện! Khi người ta nói câu thành ngữ “Hết sẩy…” để chỉ một điều gì đó cực kỳ ngon lành, chứ không phải chắc ăn, thì phần tiếp theo là gì, thưa bà?
- “…”
Ba giây yên lặng, rồi mặt Hề Xiếc sáng lên.
- Hoan hô bà! - Hắn la lên, vẫn bằng cái giọng trầm trầm như cũ. - “Hết sẩy con chuồn chuồn!” Đó là câu thành ngữ mà tất cả những ai biết nhiều đọc rộng đều biết! Đài chúng tôi gọi cho bà hoàn toàn tình cờ thôi, thưa bà. - Hắn nháy mắt với đám khán giả đang giương mắt hết cỡ nhìn hắn. - Xin bà vui lòng cho biết tên và địa chỉ, để ngay chiều nay Đài phát thanh Fourvière có thể gởi quà tặng cho bà: 30 hộp sô cô la nhãn hiệu “con chuồn chuồn”.
- “Bà Catherine Debert… dạ, tôi ghi đây.”
Nhưng không phải hắn mà là Thủ Lãnh đang ghi vào sổ tay địa chỉ: 18 đường Tháp Canh khu Đồi Saint-Just, Lyon.
- Cám ơn bà, và một lần nữa xin hoan hô bà!
Hắn gác máy. Mọi người phá lên cười giòn giã. Kể cả bà Defalguière.
Sáu
Mũ trùm mặt, súng lục, và đồng bạc kếch xù
S
áu người bạn bỏ xe lại ở đường Mourquet, dưới chân trạm xe điện cáp. Chưa tới 4 giờ: sau cú điện thoại của Hề Xiếc bọn chúng không để hao phí một giây. Trong khi chờ xe tới, bọn chúng hăng hái bàn luận.
- Chỉ có một trong hai điều, - Thủ Lãnh nói, - hoặc chị Corinne đang ở chỗ bà Debert này hoặc chỉ đã vù nhất tiêu rồi…
- Nếu chị ở đó, - Mady nói, - mình không nên để chỉ biết là mình đang theo dõi…
- Không dễ chút nào! - Giác Đấu thở dài, hắn vẫn bi quan như mọi thuở.
- Thôi tới đâu hay đó, - Đầu Bếp nói như một triết gia.
Còn Hề Xiếc, vẫn còn đắc ý với chiến công vừa rồi, nói như một con người đầy kinh nghiệm:
- Không có gì kích thích trí tưởng tượng bằng khi bị dồn đến chân tường.
- Xe tới, - Nghệ Sỹ thông báo.
Chúng leo lên xe đi đến trạm cuối cùng, cuốc bộ dọc con đường Morquet đến tận quảng trường Tu Viện Trưởng Le-Rue. Con đường Tháp Canh chạy dài trước mắt chúng.
Đồi Saint-Just chiếm gần nửa đoạn đường. Những ngôi nhà kiểu mới đầy vẻ giàu sang chiếm gần hết khu vực phía Nam thị trấn. Bọn chúng tìm ra căn nhà số 18 không khó khăn gì.
- Mấy cậu ở đây, - Thủ Lãnh ra lệnh. - Nghệ Sỹ và tớ tới đó coi cho kỹ hơn.
Chưa đầy 5 phút sau bọn chúng đã trở lại.
- Hết sẩy, - Nghệ Sỹ nói: - Bà Catherine đang tầng 4. Chị Corinne đang ở nhà bả.
Mấy đứa kia nhảy lên mừng rỡ, chỉ có Giác Đấu vẫn điềm nhiên: - Làm sao cậu chắc chắn vậy?
- Nhờ Mady đó, - Thủ Lãnh nói ngay.
- Sao lại nhờ tớ? - Ngay cả Mady cũng ngạc nhiên.
- Vì hồi nãy trước khi đi cậu đã không quên hỏi bà Defalguière số xe của chị Corinne.
- Và chiếc Fiat 228 HX69, - Nghệ Sỹ nói, - hiện đang đậu trong sân. - Vậy là bây giờ, - Giác Đấu lên tiếng, - chỉ còn coi nên làm như thế nào đây.
- Mình chờ chỉ đi ra rồi đi theo, - Đầu Bếp có ý kiến.
Vậy là cả bọn nhất trí chạy đi lấy xe gắn máy. Chúng phải chia làm 2 tốp để có thể theo dõi chiếc xe của Corinne.
45 phút sau, 6 chiếc xe gắn máy và chiếc rờ moọc của Kafi được giấu ở cuối con đường Tháp Canh. Nhưng chiếc Fiat vẫn không thấy nhúc nhích. Một giờ sau, cũng không.
Hai giờ sau, vẫn vậy!
- Việc chờ đợi này càng lúc càng “tuyệt” đây! - Hề Xiếc nói. - Thôi, cho phép tớ đi uống nước một chút, - hắn chỉ một quán cà phê nhỏ. - Mấy cậu báo cho tớ biết khi có chuyện gì mới.
- Ngon dữ há! - Đầu Bếp càu nhàu. - Cậu có muốn bọn tớ thuê cho cậu một buồng nhỏ ở hotel để làm một giấc không?
- Hề Xiếc có lý, - Thủ Lãnh quyết định, - nếu chị ta cứ bắt mình chờ thêm vài giờ nữa, chi bằng bọn mình chia tua giữ sức một chút… - Nói vậy mới ngon chớ, - Hề Xiếc hí hửng.
- Hai người đứng canh, bốn người vô quán, - Thủ Lãnh nói. - Nửa giờ đổi tua. Tớ xung phong gác ca đầu.
- Và… “nàng Mady thân thương” nữa, - Hề Xiếc vun vào. - Tại sao lại có tớ dính vô? - Mady phản đối. Nhưng cô vẫn làm theo lời Hề Xiếc.
Hết ca này đến ca khác, đồng hồ điểm 8 giờ nhà thờ Saint-Just. Sáu đứa lần lượt gọi điện về nhà báo cho ba má, chúng có thể về trễ. - Nếu cứ như thế này, - Thủ Lãnh thở dài, - thì chắc tớ cũng phải thể theo ý của Hề Xiếc, thuê một phòng ở khách sạn Bell-Vue thôi. Quả thật, đêm đã xuống mà cô Corinne vẫn không thèm thò một chút xíu mũi ra ngoài!
Cuối cùng thì 10 giờ kém 5, Giác Đấu xuất hiện như một cơn lốc. Hắn không cần phải nói: tất cả bọn bạn nhảy phóc ra khỏi chỗ ngồi! Hai phút sau, cả sáu đứa đã ngồi trên xe, chạy đuổi theo một chiếc Fiat nhỏ trong màn đêm một cách hết sức kín đáo.
May thay, Corinne không lái nhanh. Đến đại lộ Mi-lô, cô còn chạy chậm hơn nữa. Cô lái xe có vẻ ngập ngừng, mỗi ngã tư đều dừng lại như thể muốn đọc tên đường. Cuối cùng cô quẹo xe vào một con đường. Và Thủ Lãnh vội ra lệnh cho bọn bạn tắt đèn pha kẻo lộ.
Quãng đường 3 cây số mà chúng vừa đi qua tựa như dài vô tận. Khu vực này lại càng lúc càng vắng vẻ, tối tăm hơn. Khi chiếc xe hơi dừng lại, bọn trẻ chỉ kịp tấp xe qua một bên và nhận thấy mình đang ở cạnh một dãy tường. Bọn chúng thì thầm phân công: một tốp “tiền phong” gồm có Thủ Lãnh và con Kafi sẽ bám theo gót Corinne. Tốp “chủ lực” đi theo sau vài thước, sẵn sàng can thiệp.
Corinne bước xuống xe. Cô không thèm nhìn ra sau, mà bước tới đẩy một cánh cổng sắt kêu ken két: đó là một ngôi nhà cũ kỹ có vẻ như bỏ hoang.
Thủ Lãnh đi theo bén gót. Hắn không thấy sợ, hắn đoán là cô gái có hẹn với Yves ở đây. Dù cho anh ta không được như Nghệ Sỹ tả nhưng anh ta là con của một bà như bà Defalguière thì không có gì đáng ngại!
Vừa lý luận như vậy, Thủ Lãnh vừa đu người lên cánh cổng. Nói cho cùng đây không phải là một công việc mạo hiểm gì cho lắm: Tất cả mọi khó khăn là ở chỗ không được gây tiếng động! Trong bóng tối, hắn cảm thấy rõ ràng sự hiện diện của Corinne rất gần.
Rồi hắn cũng cảm thấy một sự hiện diện thứ hai. Điều này được xác định ngay lập tức bởi một giọng nói đàn ông mà hắn nghe không rõ. Hắn ráng hết sức để nhìn. Và điều hắn nhìn thấy qua song sắt làm hắn suýt buông tay. May mà hắn chụp lại kịp thời.
Không phải Yves, mà là một người trùm kín mặt… tay lăm lăm khẩu súng!
Cô gái có vẻ ít sửng sốt hơn hắn. Người đàn ông ra một lệnh gì đó, cô vội mở túi xách trên tay lôi ra một bó giấy bạc, đưa cho tên kia, rồi một bó nữa, rồi một bó nữa…
Thủ Lãnh đếm cả thảy là sáu bó.
Hắn đang lo lắng tự hỏi phải làm gì bây giờ thì số phận đã quyết định giùm hắn: hắn trượt chân, mất thăng bằng, đưa tay toan nắm cánh cổng sắt thì cánh cổng đột ngột mở toang ra với một tiếng kẽo kẹt ghê hồn. Và hắn đổ ào xuống, sóng sượt trên mặt đất.
Hắn nghe một tiếng phụ nữ kêu, một giọng đàn ông ồm ồm “Tóm được rồi”. Và, thay vì những tiếng súng như hắn chờ đợi, là tiếng gầm gừ dữ dội!
Thủ Lãnh mở mắt ra… con Kafi đang đứng trên hai chân sau, miệng ngoạm chặt cổ tay gã đàn ông. Cây súng văng mất từ bao giờ. Gã rống lên: - Giữ con chó lại! Giữ nó lại! Làm ơn! Giữ nó lại đi!
Thủ Lãnh nhỏm dậy.
- Lột mũ trùm ra! - Thủ Lãnh ra lệnh - Nó sẽ không cắn ông đâu. Và quả thật khi gã đàn ông tuân lệnh, Kafi đã lơi bớt gọng hàm cho gã dễ tháo mũ ra…
- Moreau! - cô gái kêu lên khi nhìn thấy mặt gã. Đó là một người đàn ông râu ria chừng 50 tuổi.
Thủ Lãnh bước tới lượm cây súng và những bó tiền vung vãi trên nền đất. Chĩa súng về phía gã đàn ông, hắn ra lệnh cho Kafi nhả ra. Không một phút giây do dự, gã phóng ngay vào góc vườn. Thủ Lãnh muốn bắn một phát lên trời cảnh cáo, nhưng cây súng chỉ kêu lên một tiếng “tách” tội nghiệp: súng không có đạn!
Kafi phóng theo, nhưng chỉ nhận được một cú đập vào mõm bởi cánh cửa sắt đóng sập lại. Nó gừ lên vì giận và đau. Rồi người ta nghe tiếng cánh cửa xe đóng, tiếng máy nổ, tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường…
Trong lúc đó, “tốp chủ lực” đã chạy tới. Bọn chúng phóng về phía chiếc xe.
- Thôi, bỏ đi! - Thủ Lãnh ra lệnh. - Không kịp đâu, hơn nữa y cũng không nguy hiểm. Súng y không có đạn.
Rồi quay về phía Corinne:
- Chị có biết ông ta không?
Bảy
Một bí mật rất nặng nề
C
orinne biết gã.
Cô đã kể hết cho sáu người bạn nghe mà không đợi chúng yêu cầu, ngay sau khi cô mời chúng về cái studio xinh xắn ở trên đường Terrachat, khu Lyon cũ. Bọn chúng thấy ngay là cô nóng lòng trút bỏ một bí mật đã đè quá nặng và quá lâu trong lòng cô.
- Moreau là thư ký của ông Defalguière. Y đã xin nghỉ việc sau khi ông tự sát. Y mới làm việc mấy tháng nay thôi, nhưng trước khi chết thì ông Defalguière đã nghi ngờ y rồi…
Cô yên lặng một lúc, vẻ đăm chiêu. Đám trẻ cũng không lên tiếng. - Tất cả bắt đầu từ thứ Bảy vừa qua. Bà Defalguière quá bối rối không trả lời thư chia buồn được, tôi đề nghị làm thay cho bả. Và giữa đống thư, tôi thấy cái này, - cô đưa tay lấy một bức thư đưa cho Thủ Lãnh. Lập tức mấy đứa kia vây quanh hắn để đọc.
Đó là một bức thư nặc danh với những dòng chữ được cắt từ báo ra dán lại: TÔI ĐANG GIỮ BẰNG CỚ VỤ TRỘM CỦA CHỒNG BÀ VỚI CÁI PHÁT MINH ĐỂ PHẠM TỘI CỦA ÔNG ΤΑ.
- Thằng cha này ăn nói hồ đồ quá! - Nghệ Sỹ la lên.
Tiếp theo là số tiền để mua sự im lặng: 600.000 franc, ngày giờ, địa điểm trao tiền.
- Sao chị không đưa thư cho bà Defalguière đọc? - Thủ Lãnh hỏi. - Không thể được. - Corinne phản đối. - Bà Defalguière đang khủng hoảng. Bà không chịu nổi một cú sốc thứ 2 đâu.
Cô im lặng rồi lại nói tiếp:
- Dĩ nhiên là tôi tin… tôi tin… là anh Yves vô tội. Nhưng tôi cũng không dám mạo hiểm báo cho cảnh sát biết.
Cô nhìn Nghệ Sỹ:
- Rồi em tới. Tôi định nói hết với em, nhưng vào phút cuối cùng… Cô thở dài rồi lại tiếp:
- Một giờ sau khi em về, tôi định nhấc máy nói chuyện với em, số máy của em ở trong lốc lịch của Yves, dễ tìm thấy thôi! Nhưng thêm một lần nữa, tôi cũng lại đổi ý!
- Em hiểu, - Nghệ Sỹ nói, rất cảm động.
- Cuối cùng tôi quyết định nhượng bộ gã tống tiền. Một người bạn chính là người ở đồi Saint-Just đó, đã kiếm giùm số tiền tôi còn thiếu, tức là phần lớn số tiền nộp… - cô ngừng lại, rồi hỏi tất cả bọn nó. - Làm sao các em đoán được, tôi đâu có nói gì với bà Defalguiere?
Thủ Lãnh giải thích.
- Vậy là tôi mang ơn các em, - Corinne nói.
- Không phải đâu, - Hề Xiếc nói, - Chị mang ơn Kafi đó.
Kafi vội ra dấu là nó rất hiểu lời cảm ơn của cô gái.
- Các em rất thông minh và khéo léo, mong sao các em tìm được anh Yves trước khi cảnh sát nhúng vào.
Dĩ nhiên là sáu đứa rất cảm động nhưng chúng chưa dám lạc quan như cô. Chúng chưa tiến được bao nhiêu về chuyện Yves.
- Thưa chị, - Mady hỏi, - chị có thiệt lòng tin là anh Yves vô tội hay không?
Corinne ngước mắt nhìn Mady bằng một cái nhìn thất thần, rồi ấp úng: - Tôi không biết… tôi không biết… Nhưng tôi thương ảnh!… Tôi không muốn ai làm hại ảnh!…
Tám
Người mà ta không còn chờ nữa R
ạng sáng hôm sau, Nghệ Sỹ gọi điện cho bà Defalguière. Người phụ nữ tội nghiệp cũng có tin xấu để báo cho hắn.
- Cháu đọc báo đi thì biết.
Nghệ Sỹ xin phép tạt qua nhà bà chiều nay cùng với đứa bạn để xem xét phòng làm việc của nhà bác học.
- Tuỳ ý cháu… Nhưng nói cháu đừng giận… tôi không còn hy vọng gì nữa!
Nghệ Sỹ cố gắng lên tinh thần bà, nhưng khi hắn gác máy thì Thủ Lãnh tới, đưa cho hắn tờ báo, đến phiên hắn lại xuống tinh thần. Tờ báo chạy tít lớn:
“PHÁT MINH CỦA GIÁO SƯ DEFALGUIÈRE PHẢI CHĂNG MỞ ĐẦU CHO NHỮNG VỤ TRỘM LY KỲ?”
“Trung tâm thương mại MINIPRIX, lâu nay hãnh diện với “hệ thống chống trộm” hiện đại nhất châu Âu, vừa mới bị trộm! Trong vòng chưa đầy 40 phút, vào giờ vắng khách nhất buổi chiều, một số hàng trị giá 600.000f đã mất!
“Nếu ta biết rằng mỗi một kệ hàng của MINIPRIX có một camera điện tử theo dõi và chuyển về một căn phòng riêng có 3 người bảo vệ thường xuyên trực, thì vụ trộm không tài nào giải thích được.
“Không tài nào giải thích được!… Trừ phi, như cảnh sát Lyon đã làm, ta liên hệ vụ trộm này với cái máy phát sóng thôi miên của giáo sư Defalguière. Thực vậy, 3 người bảo vệ, khi được phỏng vấn, đã không nhớ gì hết trong 40 phút xảy ra vụ trộm… Rõ ràng họ đã ở trong tình trạng bị thôi miên.”
Nghệ Sỹ thở dài:
Tớ chưa thấy vụ nào mà mình tồi như vậy! Bọn mình thì tuôn mồ hôi trán chạy theo rình một tên lừa bịp chỉ đáng ba xu, còn vụ trộm động trời lại xảy ngay cạnh thì chẳng biết gì hết. Lẽ ra phải nghĩ tới những chỗ như MINIPRIX mới phải, ở đó người ta đặt camera và màn hình khắp nơi…
Đúng là chỗ lý tưởng để xài máy phát sóng!
- Tớ nghĩ là vụ này quá sức mình, - Thủ Lãnh công nhận. - Bọn “họ” “làm” được nhiều vụ trộm như vậy trong một thời gian ngắn, chắc là không ít người đâu!
- Đó là chưa kể họ đâu có ở lì một chỗ. Ai biết những lần sau không là ở Strasbourg, ở Bordeaux, hay ở Marseille…
- Cậu hoàn toàn có lý. Vì vậy tớ nghĩ là mình chỉ nên lo chuyện anh Yves thôi. Trong chuyện này thì ít nhiều mình cũng biết hơn cảnh sát. Thủ Lãnh đâu có biết chuyện gì sẽ chờ mình khi hắn và mấy đứa bạn ghé lại nhà 102 Đại lộ Công-dân-Bỉ như đã hẹn.
Bà Defalguière đón bọn chúng với bộ mặt sầu thảm:
- Cảnh sát vừa mới ra. Họ hỏi tôi một lô câu hỏi về thằng Yves, tôi không thể giấu họ điều gì!
- Họ nghi ngờ anh Yves về chuyện gì? - Thủ Lãnh hỏi.
- Trước hết, chuyện nó vắng mặt. Lần trước khi họ tới đây, nó cũng không có nhà… Tôi bắt buộc phải thú nhận là tôi không biết nó ở đâu. - Họ có biết chuyện chỉ có anh Yves và bác trai mới biết được cách tính toán công thức sử dụng máy hay không?
- Tất nhiên tôi không cho họ biết chuyện đó! Nhưng họ có biết hay không thì chịu! Tôi cảm thấy nản quá rồi.
Bà vừa nói dứt câu thì chuông cổng vang lên. Bà đứng dậy đi tới Interphone. Bọn trẻ ở quá xa nên không nghe được giọng ngoài cổng, nhưng chúng nghe rõ được giọng bà Defalguière. Bà kêu to:
- Trời ơi, Corinne! Có chuyện gì vậy? Có chuyện gì vậy? Chờ một chút…
Cả bọn phóng tới cửa sổ, kể cả Kafi. Tai hoạ gì nữa đây?
Điều chúng nhìn thấy qua cửa sổ làm chúng không an tâm chút nào: cô gái tóc tai rối bù đang chạy như bay tới căn nhà, vừa vung vẫy tay vừa kêu la những tiếng gì không rõ…
Khi cô lên tới thềm nhà thì sáu đứa bạn cũng vừa chạy xuống kịp đứng bên cạnh bà Defalguière. Hơi thở cô đứt đoạn đến nỗi cô không nói được một tiếng.
- Yves! - Cuối cùng cô lên tiếng.
- Cái gì? Yves? - bà Defalguière kêu lên.
- Ảnh về rồi!
- Về rồi?
- Dạ, về rồi! - cô gái vẫn la lớn như đang nói chuyện với những người điếc.
- Ở đâu?
- Ở phi trường. Ảnh tới nhà bây giờ!
Bà Defalguière đứng sững như trời trồng, còn sáu người bạn thì la lên mừng rỡ.
Khi họ vào nhà, Corinne kể rằng Yves đã gọi điện 20 phút trước đây từ phi trường Satolas. Vài phút nữa anh ta sẽ về đây. Mady lịch sự hỏi bọn chúng có cần tháo lui hay không, nhưng bà Defalguière và Corinne phản đối ngay. Bây giờ bọn nó đã thân như người trong nhà rồi. Chắc chắn Yves cũng sẽ rất sung sướng được gặp bọn chúng để cảm ơn.
Không bao lâu, chuông Interphone lại reo. Bà Defalguière và Corinne nhảy xổ ra ngoài. Sáu người bạn kín đáo ngồi lại. Vài phút sau, khi Yves và hai người phụ nữ kia trở vào, thì nhìn mặt họ, bọn chúng biết rõ ràng họ đã khóc.
Yves là một thanh niên cao dong dỏng, tóc nâu. Anh mặc sơ mi ngắn tay, quần jean, cái áo khoác cầm tay. Gương mặt trẻ trung của anh đầy vẻ mệt mỏi.
Trong khi Nghệ Sỹ giới thiệu lũ bạn, Corinne đi pha cà phê cho anh. - Uống đi, anh Yves, - cô nói giọng rất dịu dàng, - cho tỉnh! Yves kể anh đã đi qua Mỹ, và đến tận bang New Mexico anh mới đọc
báo được tin ông ba mất. Anh lập tức đến Los Angeles, và vì không còn một xu trong túi, nên đã bán tất cả đồ đạc trên người: đồng hồ, máy ảnh v..v… mới mua nổi một vé máy bay về nước, sau ba ngày chờ đợi, - ba ngày đầy lo lắng, tiếc nuối và tự nguyền rủa mình.
Bà mẹ phản đối, ráng hết sức làm cho con bớt thấy trách nhiệm về cái chết của ba mình. Đoạn bà kể cho anh nghe vụ trộm mới xảy ra. Nhưng Yves hình như không nghe. Mắt rưng rưng, anh nói nhỏ. - Thậm chí con cũng không có mặt để dự đám tang!
Bà Defalguière mở miệng định nói nhưng lại ngừng. Sáu người bạn có linh tính là bà không muốn nói trước mặt bọn chúng.
Chỉ sau khi lên xe gắn máy, chúng mới nhận ra rằng mình đã quên bẵng lý do đến nhà bà Defalguière: thăm phòng làm việc của nhà bác học. - Thôi để mai rồi tính! Dù sao thì anh Yves đã trở về, tuy bọn mình không có công gì cả, nhưng ngày hôm nay cũng không đến nỗi xui quá, - Thủ Lãnh quyết định.
Chín
Alô, Toulouse đây…
N
gày hôm sau, ở tại căn cứ, bọn trẻ tranh luận sôi nổi để coi Yves có tội hay không.
Đối với Nghệ Sỹ thì điều này rất rõ ràng: không.
- Nhưng cậu quen ảnh, cậu rất dễ thiên vị, - Giác Đấu lúc nào cũng dè dặt.
- Thì bởi vì tớ biết ảnh, nên ý kiến của tớ giá trị hơn cậu! Chịu khó nghĩ một chút coi, Giác Đấu. Bất cứ tên tội phạm nào cũng sẽ to tiếng là mình vô tội… Còn Yves, trái lại, ảnh cụp mặt xuống! Và khi bà mẹ thú nhận là bả cũng nghi ngờ ảnh, thì ảnh chỉ nói: “Má nghi là phải, tại vì con và ba…”
- Cái đó mới là xạo hơn cả! - Đầu Bếp không chịu thua. - Đóng vai ngây thơ…
- Cậu ghê quá, - Nghệ Sỹ la lên. - Mấy bồ kia, nghĩ sao?
- Tớ nghĩ là… nhất định ảnh vô tội, - Thủ Lãnh nói. - Có tới 99% là ảnh vô tội.
- Đồng ý, - Giác Đấu ngắt lời. - 99%, tức là còn 1%! 1% Yves có dính tới vụ này! Có thể là bất đắc dĩ… có thể là ảnh chỉ muốn thương lượng vụ bán máy…
- Cậu quên một điều, muốn dùng máy phải có Yves hỗ trợ! - Có thể là bị bắt buộc!
- Trong trường hợp đó thì vừa về tới nhà anh ta đã nói ra rồi! Cậu cũng thấy ảnh rất đau khổ vì ba ảnh chết!, không thể đóng kịch được đâu! Giác Đấu trề môi tỏ vẻ nghi ngờ. Nghệ Sỹ cáu kỉnh nói:
- Thiệt chán cậu quá! Nếu Mady có đây, chắc chắn cậu ta sẽ đứng về phía Yves!… mà Mady làm cái quái gì giờ này vẫn chưa tới vậy?
Hắn nói chưa dứt câu thì Mady đã đẩy cửa bước vào:
- Xin lỗi, tớ mắc việc nhà. Nhưng cũng may, nhờ vậy tớ nhận được một cú điện thoại có thể làm thay đổi mọi chuyện…
Cô ngừng lại, thích thú xem hiệu quả câu nói của mình. Lập tức lũ bạn im lặng, nôn nóng chờ đợi. Cô tiếp:
- Nhưng dù sao đi nữa, việc cần làm trước mắt là phải chuẩn bị khăn gói…
Lũ con trai trợn mắt, há miệng nhìn cô.
Thủ Lãnh là đứa đầu tiên lên tiếng:
- Có thể biết thêm một chút được không… nếu không phiền lòng cậu? - Đây nè. Corget vừa mới gọi điện cho tớ từ Toulouse.
- Corget!
Cả đám sửng sốt.
- Hắn gọi điện cho cậu trước, Thủ Lãnh à, nhưng không có cậu. Hắn bèn gọi cho tớ… Hắn kể với tớ là suốt cả tháng 8 vừa qua, để kiếm thêm chút tiền còm, hắn đã nhận làm nghề gác cổng tại một chung cư, loại lớn. Tức là một chung cư có đủ tiện nghi như một khách sạn: bãi gửi xe có người coi, phòng hớt tóc, căng tin, v.v… Nói tóm lại, Corget là người gácdan ở đó. Một gácdan loại “xịn”… Tức là thay vì ngồi trong một căn phòng xép nhìn qua ô tò vò để theo dõi người ra vào, thì hắn chễm chệ trước một cái… Mấy cậu đoán coi là cái gì!
- Một cái màn hình! - Hề Xiếc và Thủ Lãnh la lên một lượt. - Cậu không định kể cho bọn tớ nghe là hắn cũng bị… - Thủ Lãnh kêu lên.
- Tớ định kể vậy đó: hắn đã bị thôi miên! Hắn không có chứng cớ rõ ràng, nhưng đúng là như vậy đó. Nghe đây…
Không cần nói cũng biết, cả bọn dán mắt vào miệng Mady. - Tối hôm đó, hắn trực. Đầu tiên mọi việc xảy ra bình thường, khoảng giữa 7 giờ tối đến 11 giờ, có rất nhiều người ra vô trên màn hình, nhưng đều là người hắn biết mặt. Cũng có một vài người khách đến báo tên và đòi gặp người này, người kia. Corget làm đúng thủ tục: hắn gọi interphone thông báo chuyến viếng thăm. Sau đó hắn chỉ thang máy và số phòng cho khách. Tóm lại, chiều hôm qua, mọi việc diễn ra như thường lệ. Sau 11 giờ,
người thưa dần, và đến 12 giờ đêm thì hoàn toàn yên tĩnh. 12 giờ rưỡi, rồi 1 giờ, rồi 1 giờ rưỡi, rồi thình lình, hắn không nhớ gì hết! Vào khoảng 2 giờ kém 10, không hiểu sao và bằng cách nào hắn thấy mình đang nằm chèo queo trong buồng thang máy.
- Tội chưa, chắc hắn tưởng là hắn hoá điên rồi, - Đầu Bếp la lên. - Cũng có vậy thiệt! - Mady nói. - Chỉ có điều là sau đó hắn có đọc báo, và biết vụ trộm cửa hàng MINIPRIX! Mấy cậu cũng biết tên Corget này không hề thiếu “kinh nghiệm trinh thám” và đầu óc suy luận. Tóm lại, hắn nhận định: có ai đó lợi dụng màn hình để thôi miên hắn, nhờ cái máy phát sóng đã ăn trộm của giáo sư Defalguière!
- Mà không có sự hỗ trợ của Yves, vì ảnh đang ở Lyon! - Nghệ Sỹ đắc thắng nói. - Làm sao nói là ảnh có dính tới vụ này! Giác Đấu, cậu nói sao đây?
- Thì tớ cũng nói như cậu. Và tớ… lấy làm sung sướng. - Giác Đấu nói bằng một giọng chân thành. Nhưng mà…
- Nhưng… gì nữa? - Nghệ Sỹ nhảy dựng lên.
- Bà Defalguière có nói với cậu, cứ 24 giờ phải thay công thức một lần mới dùng máy được, phải không?
Nghệ Sỹ gật đầu.
- Tớ rất tiếc, - Giác Đấu tiếp, - nhưng 24 giờ trước đây anh Yves có đủ thời giờ để điều chỉnh công thức, đáp xe lửa tới Toulouse, gọi điện cho chị Corinne nói là mình đang ở phi trường, và sau đó vù về nhà… Nghệ Sỹ điếng người trước lý luận chắc nịch này.
- Nhưng bây giờ đó không phải là điều quan trọng nhất, - Thủ Lãnh gạt ngang, tuy hiện giờ hắn cũng rầu rĩ không kém gì Nghệ Sỹ vì không chứng minh được là Yves vô tội. - Mady, cậu kể tiếp đi! Nếu tớ không hiểu sai, thì lũ ăn cướp này không chỉ bằng lòng thôi miên thằng Corget thôi đâu, mà chúng muốn biểu hắn làm cái gì đó cho chúng…
- Cậu hiểu đúng lắm, - Mady nói. - Corget đã bị điều khiển từ xa bởi phương pháp ám thị…
- Nhưng người ta bắt hắn làm cái gì mới được chứ? - Hề Xiếc nóng nảy hỏi.
- À, chính hắn cũng muốn biết điều đó. Nếu hắn tỉnh lại trong buồng thang máy, đó là vì cơn “mê” không kéo dài như bọn cướp mong muốn. Corget có một ý kiến…
- Ý kiến hắn sao? - Đầu Bếp vội hỏi.
- Hắn nghĩ là thang máy vừa đưa hắn rời khỏi một phòng nào đó trong chung cư: hắn thấy trong túi một cái chìa khoá mà lẽ ra phải được móc ở táp-lô khoá với những chìa khoá khác… Không nghi ngờ gì nữa: đây là chìa khoá của phòng hắn mới “viếng”, nhưng hắn đã làm gì?… Bí mật… Và bí mật, còn đen hơn bóng tối!
- Căn phòng vắng người à?
- Đúng. Hắn đã kiểm tra lại sổ gác: người chủ căn hộ này đang vắng. - Chắc chắn bọn cướp biết rõ chuyện này, - Thủ Lãnh kết luận. - Tớ chắc là cái thằng Corget này, - Giác Đấu xen vào, - thế nào hắn
cũng lén trở lại căn phòng đó tìm hiểu hắn đã vào để làm cái quái gì mà lại không nhớ.
- Than ôi, cậu “chắc” sai rồi, - Mady thở dài, - Hắn cũng định làm như vậy, nhưng đã tới giờ đổi tua trực, và hắn phải giao chìa khoá lại cho tên “đồng nghiệp”.
- Xúi quẩy! - Hề Xiếc cũng thở dài.
- Đúng như cậu nói: Tên Corget tội nghiệp hoàn toàn điên đầu. Nếu quả hắn đã phạm vào, một tội hình sự mà không hề hay biết, hắn sẽ bị kết án thôi: chắc chắn hắn đã để lại dấu tay khắp nơi…
Cả bọn nhất trí ngay lập tức: không để chậm một giây phút nào, phải đáp tàu tới Toulouse!
Mười
Kẻ quấy rối
T
rước khi lên đường, “người ta” gọi điện báo cho Corget, rồi “người ta” chạy tới Đại lộ Công Dân Bỉ báo cho bà Defalguière và Yves biết, và không quên hỏi thêm Yves về hoạt động của cái máy?
Yves cho biết: thời gian bị thôi miên kéo dài sau khi ngưng nhìn màn hình, và tuỳ thuộc thời gian phát các làn sóng thôi miên. Nói một cách chính xác là cứ một phút phát sóng dẫn đến 5 phút thôi miên. Như vậy, căn cứ vào câu chuyện của Mady, nếu “cơn mê” của Corget kéo dài 20 phút, thì hắn đã nhìn màn hình trong 4 phút.
Yves định đi theo chúng tới Toulouse nhưng Corinne, bà mẹ và cả sáu đứa đều cản lại: anh phải bám trụ ở Lyon, tránh “đánh động” cảnh sát, khi chưa tìm ra bằng chứng nào có lợi cho anh.
Sáu đứa chạy tới ga Perrache, hăng hái nhảy lên tàu, hành trang chủ yếu là hy vọng, và nỗi vui mừng gặp lại Corget.
Thằng Corget thân yêu! Chính hắn, vài giờ sau đó, đứng trên sân ga Matabiau, nở nụ cười hết miệng với nước da ngăm ngăm, mớ tóc bù xù vàng óng.
Kafi phóng tới trước, cuộc tái ngộ hết sức là mạnh bạo mà vẫn đầy trìu mến.
- Chỉ có nó thôi sao? - Hề Xiếc cành nanh.
Hắn nhận ngay ra một cái vỗ vào lưng thiếu điều lè lưỡi. Bọn trẻ bày tỏ nỗi vui không cần lộ liễu: một cái bắt tay giữa bọn con trai, một cái hôn vào má Mady.
- Cậu càng ngày càng đẹp, - Corget tuyên bố. Mady đỏ mặt, và càng… đẹp hơn.
- Mình kiếm một chỗ nói chuyện đi, - Thủ Lãnh nói.
- Tớ cũng định đề nghị vậy, - Corget đáp. - Không kịp về nhà ba má tớ ở Plagnac. Vả lại tớ cũng không báo là mấy cậu tới, sợ ổng bả bất ngờ… Tớ có biết một cái quán ở đường Hươu Con mình tha hồ ăn uống nói chuyện…
Năm phút sau, cả bọn ngồi quanh một cái bàn lớn thưởng thức món đặc sản của Toulouse: món ragu nấu đậu. Vừa ăn chúng vừa kể cho nhau nghe mọi chuyện.
- Tớ có biết chuyện này, - Corget nói đùa.
Rồi hắn kể thêm, một vài chi tiết, và kết luận:
- Không nên để mất thêm một giây nào nữa, tớ có thể phạm vào tội trộm cắp gì đó mà không hề biết. Thậm chí có thể còn tệ hơn nữa… - Không nên nói quá! - Hề Xiếc cản liền, hắn vốn không ưa chuyện bi đát, - nếu cậu ăn trộm, khi tỉnh dậy cậu phải thấy một mớ giấy bạc trong túi, hay một mớ vòng vàng nhẫn hột chớ!
- Hề Xiếc lầm! - Thủ Lãnh ngắt lời. - Họ có thể bắt hắn vét sạch một cái tủ sắt rồi liệng đồ xuống cửa sổ. Bọn cướp chỉ cần đứng ở dưới, dang rộng tay ra, là trở thành triệu phú liền.
- Cậu bắt đầu viết tiểu thuyết rồi đó, - Mady phản đối.
- Cũng có thể là không! - Corget thở dài. Hắn đã thấy trước mắt cảnh mình bị còng tay, đi giữa hai người cảnh sát.
Nhưng hắn kịp trấn tĩnh lại.
- Thôi, bây giờ hành động! Tớ nghĩ như vầy: tối nay tớ ở lại làm “nghề” gácdan, từ mười giờ rưỡi tới 2 giờ rưỡi sáng, tớ sẽ đưa mấy cậu vào chung cư, và trong khi tớ ngồi trực thì mấy cậu chịu khó vào quan sát căn phòng giùm tớ thiệt kỹ… Có thể mấy cậu sẽ tìm ra được dấu vết…
- O.K. - Cả bọn đồng thanh.
Chỉ có Hề Xiếc có đôi chút bối rối. Hắn vừa xoa bụng vừa thở dài: - Lẽ ra cậu phải báo trước, Corget à. Nếu tớ biết trước tối nay phải hành động thì tớ đã bớt hăng với món ragu. Tớ đang căng như một trái banh trong giải Euro nè!
***
Đồng hồ điểm 10 giờ 15, khi Corget dẫn mấy người bạn tới trước chung cư Aquitaine, đại lộ Chữ Thập. Chúng bận rộn đến nỗi không ngước mắt lên nhìn nhà thờ Saint-Sernin nổi tiếng giờ này vẫn còn sáng rực đèn.
Chung cư Aquitaine gồm 2 dãy nhà đồ sộ xếp theo hình chữ U, bọc lấy thảm cỏ xanh với một hồ nước lớn, những hàng cây được chăm sóc kỹ lưỡng, những cột đèn chùm nhiều một cách vô ích. Giờ này chỉ có một số cửa sổ còn sáng đèn.
- Họ ngủ hết rồi sao? - Đầu Bếp hỏi bằng giọng thì thầm, khi cả bọn đi quanh khu nhà, để nắm vững địa hình.
- Không, - Corget đáp bằng một giọng còn nhỏ hơn nữa. - Một số lớn đang đi nghỉ hè… như gia đình Bartholdi mà mấy cậu sắp lên “thăm” phòng đó…
Bọn chúng đến sau dãy nhà chính. Corget chỉ 2 cột đèn cao ở lối vô một cầu thang lớn:
- Hai cột đèn này không hề thắp, bởi vì nó chỉ dùng để chiếu sáng đường xuống nhà kho lưới tầng hầm, nơi người làm vườn cất dụng cụ. Ông ta chỉ làm việc ban ngày. Nhưng đối với tụi mình lúc này thì nó rất có ích. Vì tớ có thể ngồi trong phòng trực mà bật đèn, nên nó sẽ là dấu hiệu để tớ báo là đường trống. Mấy cậu bọc qua dãy nhà này thiệt nhanh và thiệt là kín đáo, rồi đi lên hành lang chính. Như vậy đơn giản nhứt, ít mạo hiểm nhứt.
- Còn cái này dẫn đi đâu? - Giác Đấu vừa hỏi vừa chỉ một cầu thang sắt lắp sát bờ tường.
- Cứ sau mỗi dãy nhà lại có hai cầu thang tương tự, - Corget trả lời. - Đó là những cầu thang dự phòng, nó nối với những đường thang phụ mà mấy cậu thấy đâm thẳng lên các tầng lầu. Nó cho phép người ta thoát hiểm bằng lối cửa ra ban công, trong trường hợp chung cư bị hoả hoạn chẳng hạn…
- Rất tốt, - Thủ Lãnh nói: - Giả sử bọn tớ bị kẹt trong phòng mà người ta lại bước vào, bọn tớ có thể chuồn bằng cách đó.
- Đúng. Hơn nữa cũng chỉ có thể đi theo cách đó, vì không thể mở các cửa ban-công từ bên ngoài. Căn phòng bọn mình thám hiểm nằm ở tầng 4. Hắn đưa tay chỉ 3 khung cửa ban-công với những lá sách hiện mờ mờ trong bóng tối. Đoạn hắn nhìn đồng hồ và nói:
- Tớ phải đi nhận ca đây. Tay đồng nghiệp của tớ cũng là một thằng cha dễ thương. Lẽ ra tớ có thể nói hết với hắn, tớ tin hắn sẽ giúp một tay liền. Nhưng bọn mình cũng đông rồi, với lại tớ không muốn làm liên lụy đến hắn… Nhứt là tớ vẫn còn chưa biết mình phạm tội gì.
- Nữa! - Hề Xiếc thở dài. - Thôi, đừng có bi lụy nữa mà, 10 phút nữa bọn mình sẽ biết hết… Hức!
- Cậu bị gì vậy hả Hề Xiếc?
- Tớ bị… tớ bị… hức! Tớ bị nấc cụt!. Chỉ tại cái món ragu mắc dịch đó! Đúng lúc mà… Hức, cần phải hành động!
- Phải làm sao cho cậu giật mình, mất hết hồn vía là hết liền à! - Đầu Bếp bày.
- Thôi, tớ đi đây, - Corget nói. - Khi nào mấy cậu thấy 2 ngọn đèn bật sáng thì tới gặp tớ. Thôi, chào.
Rồi hắn biến mất sau góc tường. Thủ Lãnh lập tức phân công: - Mình phân ra 2 tốp. Ba đứa lên xem xét căn phòng, ba đứa ở đây với Kafi: một mặt canh chừng giùm xung quanh, một mặt canh chừng cái cửa ban-công trên kia… Biết đâu có chuyện gì xảy ra…
Bọn chúng vừa kịp chia ra hai tốp (Nghệ Sỹ, Giác Đấu, Đầu Bếp và Kafi canh chừng, còn Mady, Thủ Lãnh, Hề Xiếc lên “xem” phòng) thì hai ngọn đèn bật sáng.
- Đi thôi! - Thủ Lãnh nói nhỏ.
Hề Xiếc mới được chấp nhận vào “tốp hành động” bằng cách nói láo là hết nấc cụt, vừa kịp ngăn một tiếng “hức” rất tai hại cho uy tín của hắn! Giây lát sau, cả ba đứa đã chạy bọc qua dãy nhà. Không có ai cả. Chúng băng qua bãi cỏ và chạy lên hành lang. Đứa nào cũng cảnh giác: Bất cứ lúc nào cũng có thể có ai đó bước ra! Điều này cũng không có gì ghê gớm, nhưng trong trường hợp có lộn xộn, chúng không muốn mình bị chú ý. Chúng đẩy một cánh cửa kiếng và bước vào một đại sảnh rộng mênh mông, ở giữa có một cây xương rồng cao chừng ba thước. Một cánh cửa kiếng thứ hai ngăn đại sảnh với cầu thang lớn. Cánh cửa này đóng chặt; nó chỉ mở theo lệnh của người gácdan. Thủ Lãnh nhận ra ngay cái ca-mê-ra gắn trên tường, và biết Corget đang nhìn thấy bọn chúng. Hắn đưa tay làm dấu chào. Trong lúc đó, Mady vừa mới bấm nút interphone.
- Tất cả đều ổn, - Cái giọng nghèn nghẹt của Corget vang lên nho nhỏ. - Mấy cậu vô được rồi.
Một tiếng “tích”, hai cánh cửa mở ra êm ru. Ba người bạn bước vào hành lang. Cánh cửa khép lại nhẹ nhàng như cũ.
Bọn chúng bước về hướng thang máy, rồi lại quẹo về phía tay trái theo lời Corget đã dặn. Ba bước nữa, lại một cánh cửa phía tay phải. Cửa mở, Corget bước ra, tay cầm một chiếc chìa khoá.
- Chìa khoá đây… - hắn nói, nhưng lập tức dừng lại. - Vô đây mau. Ba đứa bước lẹ vào phòng trước khi kịp hiểu tại sao, nhưng đúng lúc Corget khép cửa thì chúng nghe tiếng bước chân tới gần… - Núp đằng sau này, - Corget vừa thì thào vừa chỉ cái góc hẹp giữa bức tường và cánh cửa. Rồi hắn lại mở cửa lần nữa khi nghe tiếng gõ mạnh. - Xin chào bà.
- Chào cậu.
Và giọng nói gay gắt tiếp theo luôn:
- Hôm qua thì đèn quá chói, ngày kia thì rô-bi-nê hư, hôm nay thì nút nhấn bồn cầu bị kẹt! Cậu thấy như vậy là bình thường hả? - Không bình thường chút nào, không bình thường chút nào, thưa bà… Ngay ngày mai, tôi sẽ làm một báo cáo gởi ông quản lý.
- Cậu làm báo cáo ngay tối nay, thưa cậu!
- Nhưng, thưa bà…
- Không có “nhưng”, thưa cậu.
- Dạ phải, thưa bà, dạ phải! Chúc bà ngủ ngon, thưa bà.
- Chúc cậu ngủ ngon! Tôi trông ở cậu đó!
Cuối cùng Corget cũng khép được cánh cửa.
Trong ba đứa đang núp sau cửa thì Hề Xiếc là đứa thở phào nhẹ nhõm nhứt: đầu tiên thì hắn rất muốn cười, sau đó hắn lại muốn nấc cụt dữ dội. Hắn phải ráng hết sức để kềm đến nổi mặt mày đỏ tía.
- Mình đi được chưa? - Thủ Lãnh hỏi, đưa mắt nhìn cái chìa khóa Corget cầm trên tay. Tên này vội đưa cho hắn cùng với một cây đèn bấm. - Không có ai cả, - hắn tuyên bố sau khi nhìn về phía màn hình, hay nói chính xác hơn là hai màn hình đặt sát nhau.
Ở
- Ở đây có 2 ca-mê-ra, tớ có thể theo dõi người đi ra, người đi vào cùng một lúc. Cầu thang máy cũng vậy. Lúc này cả ba cái đều trống. Mình tranh thủ đi…
Hắn lại mở cửa, và nói thêm trước khi bọn chúng đi:
- Khi mấy cậu lên tới trên đó, mấy cậu có thể liên lạc với tớ bằng cái interphone đặt ở phòng ngoài. Đó là căn hộ số 7, tầng 4, thang máy B. Tớ rất nóng lòng muốn biết hôm qua tớ có thể làm cái trò gì trong đó. Mong là mấy cậu…
Mady ngắt lời hắn. Cô sợ.
- Chúc may mắn, - Corget nói.
Ba người bạn bước vào thang máy, ba mươi giây sau, nó ngừng lại ở tầng 4. Cửa mở, Thủ Lãnh thò đầu ra ngoài.
- Đi được, - hắn thì thào.
Giây lát sau, khi tra chìa khoá vào ổ khoá căn hộ số 7, hắn lo lắng đến nỗi dừng tay lại vì một ý nghĩ rất phi lý: người ở chung cư nghe thấy tim hắn đập!
Nhưng hắn vẫn đẩy cửa một cách kiên quyết.
Mười một
Hức!
T
hủ Lãnh chỉ bật đèn bấm sau khi Hề Xiếc bước vào cuối cùng và khép cửa lại.
Chúng thấy mình đứng trong một căn phòng vuông vắn, rất trống trải, chỉ có một cái bàn nhỏ đặt máy điện thoại và mấy quyển danh bạ. Nó có tới 6 cái cửa để mở vào 6 gian phòng khác!
- Mình vô phòng nào đây? - Thủ Lãnh hỏi.
- Vô phòng có cửa đang mở hé, - Mady trả lời.
Bọn chúng vừa bước về phía đó thì một tiếng chuông reo phía sau lưng làm bọn chúng điếng người.
- Interphone! - Hề Xiếc nói. - Corget gọi đó!
- Mình khờ quá, - Mady thở phào. Cô bước tới nhấn vào nút “ON” của cái máy nhỏ gắn trên tường.
- Ổn cả chớ? - giọng nghẹt mũi của Corget.
- K.C.G.(2)- Mady trả lời, - Bọn tớ sắp thám thính đây. Chút nữa gặp lại!
- Chúc may mắn, - Corget nói rồi cúp máy.
- Tốt, bắt đầu đi, - Hề Xiếc nói, nhưng hắn chưa kịp bước hai bước thì đã giật bắn người. Chuông điện thoại reo vang.
- Làm gì bây giờ? - Mady hỏi, trong khi tiếng chuông vẫn tiếp tục réo. - Tất nhiên là mặc kệ nó, - Thủ Lãnh trả lời ngày.
Bọn chúng đếm được tới 200 lần chuông reo, con người bướng bỉnh ở đầu dây kia mới chịu gác máy! Dù sao bọn chúng cũng chắc được một điều: không có ai trong phòng này!
Cuối cùng, bọn chúng cũng đẩy cánh cửa đang hé mở. Quét ngọn đèn bấm một vòng, cả bọn thấy mọi vật vẫn có vẻ yên ổn: đó là một phòng
khách lớn, với một cửa sổ to tướng mở ra ban công, phía có thảm cỏ. Một cái bàn xa-lông thấp với nhiều ghế bành, những kệ đựng đầy sách, những cái bàn nhỏ, những ngọn đèn… Tất cả đều có vẻ bình thường, dù rất sang trọng.
- Mình đi coi từng phòng cái đã, rồi mới ngắm kỹ chi tiết, - Thủ Lãnh nói.
Chúng bước vào phòng ăn kế bên phòng khách: tất cả đều gọn gàng, không có dấu hiệu nào cho thấy Corget đã tới đây. Đây là một phòng bếp cực kỳ hiện đại, sáng loá lên dưới ánh đèn bấm. Không có gì khả nghi hết.
Ba người bạn trở lại phòng ngoài, dỏng tai nghe ngóng: ngoài tiếng động rì rầm từ trung tâm thành phố, tất cả hoàn toàn yên lặng. Chúng mở một cánh cửa khác: đó là phòng thay áo. Một cửa khác nữa: W.C. Cánh cửa thứ 3: phòng tắm. Một bồn tắm, một vòi sen, 2 la-va-bô, một giường nhỏ để nghỉ lưng, nhiều chậu cây xanh và một cửa sổ rất rộng: cả một phòng khách thiệt sự!
Bọn chúng lại bước ra. Mady mở cánh cửa thứ năm.
- Coi chừng! - Hề Xiếc la lên.
Nhưng Thủ Lãnh đã kịp nắm lấy người cô bạn, giật mạnh ra phía sau. Một cái bàn ủi rớt xuống dộng một tiếng ầm dưới chân bọn chúng! - Khốn kiếp! - Hề Xiếc rủa. - May sao không nhằm sọ cậu! - Mấy cậu có nghĩ đây là một cái bẫy không? - Mady hỏi, giọng vẫn còn run.
Thủ Lãnh cắn môi bối rối:
- Không lẽ bọn họ “biểu” thằng Corget tới đây để đặt bàn ủi lên trên cái giá này cho nó rớt xuống đầu tên ngốc nào bước vào sao?… - Cám ơn cậu quá khen!
- Giá thử nó rớt nhầm cái sọ cậu như Hề Xiếc vừa nói, thì cậu đã tiêu tùng rồi, còn gì nữa đâu!
- Còn gì nữa đâu! Không hiểu tại sao cậu lại chịu khó kéo tớ lui như vậy! Cứ kệ thây tớ!
- Cậu khờ quá Mady. Nếu tớ nói điều này đâu phải là coi thường mối nguy hiểm mà cậu vừa trải qua… lại càng không thể để khoe công của tớ, nhưng mà!… truyền hình nè, Corget nè, thôi miên nè, cả một đám rộn ràng
như hội chợ chỉ để giăng một bẫy chuột đáng ngờ như vậy sao?… tớ không thể tin được!
Hai đứa kia ra dấu đồng ý. Bọn chúng lại đặt cái bàn ủi về chỗ cũ, nhưng dĩ nhiên là chắc chắn hơn.
Cửa thứ sáu mở ra một hành lang. Hành lang này dẫn tới 3 phòng nữa! Ba phòng này tương ứng với 3 cửa ban-công có lá sách mà chúng nhìn thấy hồi nãy ở dưới kia.
Phòng thứ nhất có một cái giường rộng, một tủ đựng quần áo, một tủ liền bàn và một tủ ngăn thấp: không có một dấu hiệu xáo trộn nào. Trong phòng thứ hai, có một cặp giường, một bàn giấy nhỏ, 2 ghế bành và một hốc nhỏ có vòi sen. Phòng thứ ba rộng hơn cả, cái giường được kê trong góc có mấy gối ôm lớn, một tivi, một giàn máy stéréo và một tủ sách lớn có kiếng che. Nhìn bên ngoài, cũng không có gì khả nghi. Thủ Lãnh thở dài:
- Bây giờ thì phải rà kỹ lại đây! Chắc hết cả đêm quá…
- Có lẽ nên báo cho Corget biết, - Mady nói - … Ui! Hề Xiếc đâu rồi? - Tớ ở đầu này!… Tới đây coi!
- “Đây” là đâu chứ?
- Trong phòng có giường cặp đó.
Hai đứa bước vội qua lập tức.
Hề Xiếc đang đứng gần cửa sổ, dùng 2 tay nâng cánh cửa lá sách lên. - Cậu làm cái gì vậy? - Thủ Lãnh cự. - Lộ hết bây giờ!
- Tớ muốn coi mấy đứa kia đang làm chuyện gì vui không, - Hề Xiếc giỡn.
- Khôn lanh quá há! - Thủ Lãnh nói.
- …Hơn là cậu tưởng! Có thể là tớ mạo hiểm, nhưng không phải là vô ích…
Hắn ngừng nửa chừng, bởi vì một lần nữa chuông điện thoại lại réo vang. Nó còn kéo dài hơn cả lần trước. Khi im lặng trở lại, Hề Xiếc mới nói tiếp:
- Mọi việc rõ ràng rồi! - hắn nói một cách bí hiểm.
- Thì cậu cứ nói rõ ra coi, - Thủ Lãnh và Mady cùng nóng ruột la lên một lượt.
- Tới đây…
Thủ Lãnh tắt đèn, cả hai đến gần cửa sổ.
- Coi nè, - Hề Xiếc vừa nói vừa nâng tấm lá sách lên cao chút nữa. Hắn chỉ tay nắm của cánh cửa trượt: nó được nâng lên khỏi móc cài tự động bằng một cái hộp quẹt nhét vào khe.
- Đúng rồi, - Thủ Lãnh la lên. - Có thể mở cánh cửa này từ phía ngoài, bất cứ lúc nào…
- Và lên đây bằng cầu thang thoát hiểm, - Mady thêm vào. - Ôi, ông Corget tai hại! - Thủ Lãnh nói. - Ổng đâu có làm gì, ngoài việc lót đường cho tụi trộm lọt vô đây!
Hề Xiếc ngửa hai bàn tay ra như muốn nói: “Mấy cậu thấy chưa”, rồi lặp lại bằng cái giọng bí mật như trước:
- Mọi việc rõ ràng rồi!
- Nghĩa là sao? - Mady hỏi.
Thủ Lãnh bỗng giật nẩy người:
- Cậu muốn nói là điện thoại… thôi đúng rồi! Bọn “họ” đã gọi điện 2 lần để bảo đảm rằng không có ai ở đây hết.
Hề Xiếc nói thêm:
- Lần thứ nhất là ở nhà “họ”. Lần thứ 2… là buồng điện thoại gần đây nhứt.
Cả ba đứa rùng mình. Chúng nhớ lại rất rõ là có một buồng điện thoại chỉ cách đây không quá 20 thước!
- Gọi cảnh sát đi! - Mady cuống cuồng nói.
- Và chuồn lẹ gấp! - Hề Xiếc tiếp. - Bọn chúng có thể tới bất cứ lúc nào.
- Gọi cảnh sát thì mạo hiểm quá! - Thủ Lãnh nói. - Mạo hiểm cho cả bọn mình, cho cả thằng Corget, và nhất là cho anh Yves… - Nhưng bọn mình đâu đủ sức… Chắc chắn là bọn họ rất nguy hiểm… - Mady phát hoảng.
- Thôi được, nếu mấy cậu muốn, - Thủ Lãnh nói, hắn không muốn gánh việc một mình… Hắn quay về phía Hề Xiếc. - Sao?
Hề Xiếc mở miệng, nhưng không kịp nữa. Cả ba nín thở: chúng nghe thấy tiếng động phía bên ngoài. Ai đó đang leo trên thang sắt! - Chuồn lẹ đi, - Hề Xiếc thì thào. Nhưng Thủ Lãnh giữ hắn lại: - Đợi bọn trộm vô đây rồi chuồn. Bây giờ chui xuống giường núp đi! Vừa đúng lúc. Cánh cửa sổ đã được kéo lên. Núp ở dưới giường, chúng không nhìn thấy gì nhưng nghe được tiếng cánh cửa trượt và một luồng không khí lạnh lùa vào. Sau đó là tiếng lách cách của cánh cửa được hạ xuống lại… Rồi một giọng đàn ông lào rào cất lên:
- Thằng mộng du làm việc được đó!
Rõ ràng là y nói tới Corget.
Một giọng nói khác mạnh hơn:
- Đừng mất thì giờ ở đây. Nếu tin tức của tao xài được, thì là ở đằng kia…
Chúng đã rời bước đi. Hề Xiếc há miệng, nhưng thay vì một tiếng “phào” nhẹ nhõm, thì là tiếng “hức” vang động phát ra từ miệng hắn. Lạnh cóng đi vì sợ, ba người bạn chờ đợi: bây giờ thì chuyện gì cũng có thể xảy tới…
Và quả vậy, hai tên kia đã quay trở lại.
- Mày có nghe không? - một đứa nói.
- Phía này nè, - tên kia đáp.
Mady rợn cả người khi thấy hai chiếc giày to tướng bước sát đến mũi cô… Cô nhắm mắt lại, cam chịu điều tệ hại nhứt.
Và quả nhiên:
- Dòm dưới giường coi, Robert! Còn tao thì dòm phía cửa sổ. Thủ Lãnh vẫn mở mắt, hắn nhìn thấy rõ ràng cặp đầu gối bự cố quỳ xuống đất. Chỉ mấy giây nữa thôi, tụi nó sẽ bị lộ.
Nhưng đúng lúc đó, phép lạ xảy ra: một tiếng động khác cũng gần như tiếng nấc cụt của Hề Xiếc kéo hai gã đàn ông về hướng khác. - Một con bồ câu? - Thằng đi về phía cửa sổ nói, - Cút mẹ mày đi, đồ quỷ!
Có tiếng chim cù rù, rồi tiếng đập cánh: trong thoáng chốc con chim bay vào bóng đêm.
Cái thằng tính cúi xuống gầm giường đứng dậy và Mady mở nổi cặp mắt. Ba đứa trẻ “sống lại” nhìn nhau, tuy chưa hoàn hồn nhưng cũng mỉm cười với nhau trong bóng tối mờ.
Mười giây sau, hai gã hắc ám đó bỏ đi. Tiếng bước chân xa dần trên hành lang, rồi tiếng cánh cửa đóng! Thủ Lãnh ra dấu chuồn. Lẹ hơn người ta tưởng, ba người bạn biến nhanh ra ngoài, tuột xuống cầu thang thoát hiểm.
Mười hai
Hai hành khách lậu vé
-
Cậu ngon thiệt đó, Hề Xiếc! - Thủ Lãnh quắc mắt nhìn thằng bạn, trong khi cả ba đang thận trọng bước xuống cầu thang sắt. - Dù sao đi nữa, - Hề Xiếc trả lời điềm đạm như một triết gia, - thì tớ cũng hết nấc cụt rồi. Nhưng tớ cũng nhắc lại cho cậu nhớ, tớ đã đề nghị mình đi theo lối cửa chính đàng hoàng… Nếu vậy đâu có chuyện gì! - Nhưng nếu vậy thì cậu đâu có hết nấc cụt, - Mady chọc. - Tớ cho là đi theo lối thông thường, - Thủ Lãnh nói bằng một giọng nghiêm chỉnh - cầu thang máy và các thứ,… thì mạo hiểm quá!… Hơn nữa tớ cũng muốn mình nghe bọn nó nói chuyện gì.
- Hỡi ơi! Bọn nó không phải là loại người ham nói chuyện! - Ừa… nhưng có một thằng, hình như tớ có nghe cái giọng này ở đâu đó rồi… Mấy cậu có thấy không?
Hề Xiếc và Mady ra dấu: không. Bọn chúng đã xuống dưới chân cầu thang, và vội vã đi tìm mấy đứa bạn. Nãy giờ bọn này làm gì? Có biết nhiều hơn chúng chăng?
- Tớ mong là bọn hắn không bị chuyện gì, - Mady thở ra nhè nhẹ trong khi vẫn giương mắt lục tìm trong bóng tối.
- Bọn hắn kìa!
Thủ Lãnh đưa tay chỉ cái cầu thang dẫn xuống tầng hầm: một bàn tay đang thò ra vẫy chúng. Mười giây sau, ba đứa vui mừng gặp lại Giác Đấu, Đầu Bếp, và Kafi.
- Nghệ Sỹ đâu? - Thủ Lãnh hỏi nhỏ.
- Đằng kia.
Giác Đấu đưa tay chỉ một chiếc xe đậu ở lề đường phía xa.
- Hai tên trộm đã tới đây bằng xe này. Thằng Nghệ Sỹ đã tới coi còn đứa thứ ba nào không. Còn mấy cậu tìm được gì không?
Thủ Lãnh kể lại những giây phút nghẹt thở vừa qua, và những gì hắn biết về vai trò bất đắc dĩ của Corget. Đầu Bếp hỏi:
- Mấy cậu có nhận ra tên thư ký không?
- Tên thư ký nào?
- Lão Moreau, tên thư ký của ông Defalguière!
Thủ Lãnh vỗ mạnh vào chân:
- Té ra là hắn! Tớ đã nghe giọng này mà!
- Coi, thằng Nghệ Sỹ về kìa, - Giác Đấu nói.
Quả thật Nghệ Sỹ đang tới, hắn thận trọng đi men theo hàng cây xén thẳng tắp bên hàng rào chung cư. Hắn không giấu được nỗi vui khi thấy Mady, Thủ Lãnh, Hề Xiếc. Rồi tới phiên hắn “báo cáo”:
- Không có ai trong xe. Cửa khoá hết, nhưng cốp xe thì không… - A! - Thủ Lãnh la lên. - Đừng chần chờ nữa. Nãy giờ tớ không biết làm sao để theo dấu tụi này… nhưng bây giờ thì tốt rồi!
- Cậu không định… - Mady lên tiếng, nhưng hắn đã ngắt lời cô: - Có chớ! Tới đây Kafi! Chắc là tao cần mày.
Mấy đứa kia chưa kịp hoàn hồn vì quyết định bất ngờ của hắn, thì hắn đã có thêm một quyết định nữa:
- Hề Xiếc, chạy về báo với thằng Corget. Nói hắn kêu liền một tắc xi cho mấy cậu. Khi tụi trộm lái xe đi với tớ và con Kafi trong cốp, mấy cậu nói ông tài xế rượt theo. Nhớ làm cho kín đáo! Và nhất là đừng bỏ tớ nửa chừng!…
Rồi hắn chạy ngay, bỏ mấy đứa bạn ngơ ngác đứng như trời trồng. Cũng như Nghệ Sỹ hồi nãy, hắn chạy dọc theo bờ rào đến tận lề đường. Không có ai hết. Hắn nhào tới chiếc xe, mở cốp rồi nhảy phốc vô. Kafi làm theo.
- Xin lỗi, Kafi à, chỗ này không được thoải mái. Nhưng tao mong là chuyến đi không kéo dài. Dù sao cũng không đến nỗi. Mày cứ nghĩ coi lỡ như mình chui vô một chiếc 2CV hay 4L nhỏ xíu thì sao?
Chiếc xe tuy hơi cũ, nhưng là loại xe Mỹ rất lớn, với một cái cốp rộng rãi. Thủ Lãnh vừa mở hé nắp ra dòm vừa nói:
- Tụi mình vẫn còn đủ thời giờ núp kỹ khi hai thằng đạo tặc đó trở lui. Tao bắt đầu tự hỏi tụi nó giở trò gì trong căn hộ đó!… Món đồ chúng định lấy chắc không dễ tìm đâu. May thiệt: như vậy tắc xi có thời giờ tới kịp. Coi thằng Hề Xiếc đi ra chung cư kìa!
Tựa như thể nghe được, Hề Xiếc ở đằng xa ra dấu cho hắn: mọi việc đều ổn. Nhưng đúng lúc Hề Xiếc định quẹo về chung cư bỗng ngừng phắt lại. Thủ Lãnh hiểu ngay là thằng này vừa thấy cái gì đó. Và quả vậy, đến phiên hắn thấy những cái bóng lén lút chui ra khỏi ban-công tầng 4 và chuẩn bị tuột xuống thang sắt. Trong khi Hề Xiếc nép sát vào bức tường, hai bóng đen thong thả bước xuống nấc thang.
- Can đảm lên Kafi, - Thủ Lãnh thì thào, - cả băng mình sẽ gặp nhau trên đường thôi. - Và hắn đậy nắp cốp lại.
Nhưng sau đó, nỗi lo lắng xâm chiếm hắn. Trước tiên bởi vì bóng tối và chỗ núp quá chật, sau đó bởi vì chiếc tắc xi có thể tới chậm, mười lăm hay hai mươi phút gì đó, và cuối cùng là bỗng nhiên hắn nhận ra rằng bọn bất lương có thể mở cốp xe ra để cất hàng! Tại sao hắn không nghĩ tới điều này sớm hơn? Thêm vào nỗi lo là sự tức giận thấy mình khờ quá! Hắn chỉ còn trông vô một điều: lòng can đảm và sức mạnh của Kafi. Cốp xe vừa mở, con chó sẽ chồm lên, vô hiệu hoá bọn cướp, và bọn hắn có thể… chuồn! “Thủ Lãnh à, mày có thể thoát khỏi chỗ này, nhưng không bao giờ thoát khỏi nỗi xấu hổ là làm hư mọi chuyện vào đúng giây phút cuối”.
Bây giờ hắn đã nghe thấy tiếng bước chân của hai tên kia trên mặt sỏi: mười thước, rồi 5 thước, rồi 2 thước. Hắn đặt một bàn tay lên cổ con chó… Rồi hắn hé miệng để ra lệnh cho con chó nhảy… nhưng hắn ngậm miệng vừa đúng lúc: hai tên kia đi quá cốp xe! Một tên nói:
- Để tao giữ nó, chắc ăn hơn!
Sau đó là tiếng cửa xe mở rồi đóng lại: Khi chiếc xe lăn bánh, Thủ Lãnh mới nhận thấy mình ướt đẫm mồ hôi. Hắn lại hé mở nắp cốp ra dòm: không thấy một chiếc tắc xi nào hết! Nhưng hắn vẫn còn quá sung sướng vì đã thoát khỏi nạn có thể bị mở nắp cốp vừa qua.
Thủ Lãnh không để mất một giây. Hắn lôi cuốn sổ nhỏ và cây bút chì luôn luôn nằm trong túi ra, ghi đường Barcelone, hướng Auch. Nằm trong cốp xe tuy tối, hắn vẫn thấy những ngọn đèn đường chạy dọc theo bờ kênh Brienne.
- Tao có một sáng kiến, - hắn thì thầm bên tai Kafi, - ngay từ hồi cái mùi xăng này làm tao ngứa mũi.
Hắn mò lấy cái can xăng ở góc thùng xe, nhưng rồi lại đổi ý. - Nếu tao đục một cái lỗ, một lỗ nhỏ xíu thôi, thì chắc là tốt hơn… Hắn lôi ra con dao xếp và đục một lỗ nhỏ ở nắp can, rồi hắn đặt cái can
sao cho xăng nhỏ ra từng giọt trên mặt đường. “Tao hy vọng Thằng Bé Tí Hon này đủ “đá cuội” để rải cho tới cùng” - hắn vừa thì thầm vừa vỗ nhẹ lên gáy con chó.
Sau đó hắn lại lôi sổ tay ra và ghi tiếp: cầu “Cửa sông”, đại lộ “Vương quốc Anh”, quảng trường “bác sỹ Baylac”, đường Bayonne. - Trời ơi, - hắn thì thầm, - mong sao họ đừng chạy tới tận Bayonne! Bây giờ xe đã ra khỏi thành phố, và những ngọn đèn đường biến mất: những tấm bảng chỉ đường càng lúc càng khó thấy. May thay, vào giờ này xe cộ hầu như không có. Chỉ có hai lần Thủ Lãnh phải đậy nắp lại để tránh sự dòm ngó của những chiếc xe phía sau.
Rồi đến lúc hắn phải cầm nghiêng can xăng để nó có thể chảy. Đúng lúc đó, chiếc xe đột ngột thắng lại và quẹo rất ngặt, làm Thủ Lãnh suýt đánh rơi can xăng xuống đường.
Con đường mới rất hẹp, xe chạy chậm. Thủ Lãnh không đọc được bảng tên đường, nhưng sau đó hắn lợi dụng ánh đèn của chiếc xe đi ngược chiều để nhìn một cột cây số: Saint-Amour, 5km. Hắn lại ghi vào sổ tay. Hắn ghi chưa xong thì xe thắng một lần nữa: họ đã tới nơi. Hắn nhìn thấy, bên tay trái, những bức tường cao của một ngôi nhà ở nông thôn, và nghe hai tiếng còi xe ngắn: chắc là dấu hiệu để đồng bọn mở cửa.
Thủ Lãnh không để mất một giây. Hắn xé trang giấy đã ghi, xếp lại, và nhét thật chắc chắn vào dây buộc cổ Kafi. Đoạn hắn đưa can xăng vào mũi con chó… Kafi nhăn mũi đầy khinh bỉ như muốn nói: “Bộ cậu coi tớ là một tên ngốc hả?”. Nó có vẻ hiểu ngay lập tức việc phải làm: chạy ngược vết dầu về chỗ xuất phát, đem cho mấy đứa bạn tờ lộ trình quý báu này. Thủ Lãnh nói chưa dứt mấy tiếng “chúc may mắn”, nó đã nhảy xuống mặt đường và phóng mình vào đêm tối.
Vừa đúng lúc! Vì căn cứ vào tiếng động, hắn biết cánh cổng mới được mở. Chiếc xe lại lăn bánh. Cánh cổng đóng lại đằng sau nó. Nhưng Thủ Lãnh không còn thấy gì nữa: hắn đã nằm mọp xuống sàn xe.
Mười ba
Sự thật không tin nổi
T
hủ Lãnh chỉ mở nắp cốp xe một cách thận trọng, sau khi đã chắc chắn bọn trộm cướp không còn ở đó. Chiếc xe đang ở dưới hầm gara, rất tối. Hắn leo ra khỏi thùng xe, sung sướng được giãn gân cốt một chút. Rồi hắn đi về phía cầu thang. Hắn thấy ánh sáng thấp thoáng lọt qua khe cửa và tiếng người nói. Hắn rón rén bước lên cầu thang, cố không gây một tiếng động. Tới thềm, hắn thấy có một góc tối dễ núp. Ở đó có thể nghe rõ tiếng người nói ở trong phòng. Câu chuyện bọn cướp nói làm Thủ Lãnh hết sức chú ý.
- Bọn mày chỉ tìm được chừng này thôi à? - một giọng cất lên. Giọng tên thư ký:
- Bọn này tìm ở khắp nơi rồi! Chẳng có một két sắt nào hết. - Cũng có một số đồ quý, tranh, tượng gì đó… nhưng tụi này có biết gì đâu! - giọng tên đồng loã nói.
- Mất công như vầy mà chẳng được cóc khô gì hết! - giọng nói cũ cất lên. Không biết vụ “cá mập” sắp tới ra sao đây? Ba triệu franc tiền chuộc! Chắc như bắp! Con mồi không thể không xìa ra đâu. Tụi bây nghĩ sao, hả?
- Khó nghĩ quá!… - tên thư ký trả lời. - Bắt con nít thì tội nặng lắm… - Nhưng khẳm địa, mà cái vụ này coi như chắc cú rồi! Đúng không Bouvier?
Chắc thằng cha Bouvier yên lặng gật đầu, bởi giọng thằng “sếp” lại tiếp:
- Cái máy có ép-phê cực xịn, đúng chưa? Cú nào cũng ác chiến. Vụ này chắc mẻm trong túi rồi. Ba triệu! Ba triệu chia cho bốn phần, bằng nhau! Tụi bây không thấy “ham” sao?
- Có chớ, có chớ, nhưng…
- Thôi! Còn mày, Moreau?
- Tôi không nói không, nhưng với điều kiện là…
- TÔI, THÌ TÔI NÓI KHÔNG!
Giọng nói câu này mạnh và quyết liệt. Đây là giọng một người mà Thủ Lãnh chưa hề nghe. Y vừa mới tới nhập bọn, hay nãy giờ y ngồi im? Dù sao, câu nói của y chắc phải bất ngờ lắm, vì sau đó là một khoảng im lặng kéo dài. Cuối cùng tên “sếp” lên tiếng:
- Sau đó, giáo sư? “Không đồng ý” hả?
Giáo sư? Thủ Lãnh nhận thấy ngay giọng nói này khác hẳn mấy tên kia. Nhưng làm sao tưởng tượng có một giáo sư trong đám người hắc ám này?… Hắn dỏng tai lên, lòng xao xuyến đến cực độ.
- Tôi không đồng ý, chấm hết, - vị “giáo sư” lên tiếng.
Tên “sếp” phá lên cười:
- Nhưng người ta không có hỏi ý kiến ông, - gã nói bằng một giọng châm chọc, - Bộ mấy lần trước ông đồng ý à?
- Không. Nhưng tôi sợ, và tôi đã nhượng bộ.
- Bây giờ ông không sợ nữa sao? - Vẫn giọng giễu cợt như cũ. - Có sợ hay không sợ, cũng KHÔNG! Không bao giờ mấy ông biến được tôi thành đồng loã trong vụ bắt cóc trẻ con.
- Không bao giờ à?
- Không bao giờ.
Một lần nữa tên “sếp” lại phá ra cười. Không đợi hắn ngừng, vị giáo sư nói tiếp:
- Tôi nhắc lại cho ông biết, nếu mấy ông định khử tôi thì mấy ông mất cả chì lẫn chài. Chỉ có tôi mới biết cách tính công thức… - Ông… và con trai của ông nữa! - tên thư ký xen vào.
Tới đây thì Thủ Lãnh phải véo vào tay mình để chắc chắn hắn không nằm mơ. Hắn có cảm giác như bị nện búa vào đầu.
- Thằng Yves không có ở Lyon, - vị giáo sư cười khẩy, - nó đi xa rồi. - Xin lỗi! - tên thư ký lại xen vào. - Ông còn chưa biết, ông Defalguière! Chỉ cần một cái máy nghe nhỏ xíu đặt trên bàn con dâu ông,
tôi cũng đủ biết con ông mới từ Mỹ trở về! Nó đã trở về khi nghe tin ông chết. Ha, ha, ha…
- Anh thiệt là đê tiện, Moreau! - vị giáo sư gằn giọng, - vậy mà tôi đã thuê anh vì thấy anh đã sống quá khổ sở!
Về phần Thủ Lãnh, hắn phải tự kiềm chế hết sức để khỏi đạp tung cánh cửa ra, nhảy vào phòng, hét vào mặt bọn cướp nỗi căm giận và khinh bỉ của hắn!
Nhưng buổi họp đã kết thúc.
- Chúc ông ngủ ngon, - tên “sếp” nói, - Mong rằng qua đêm ông sẽ điềm tĩnh và khôn ngoan hơn… cho ông và cho con ông!
- Thôi chào nghe, giáo sư, - giọng ba thằng kia cất lên giễu cợt. Tiếp theo đó là tiếng bước chân nặng nề bước lên cầu thang gỗ, rồi yên lặng.
Trước khi hành động, thậm chí trước khi quyết định hành động, Thủ Lãnh cảm thấy một nhu cầu cấp bách phải sắp xếp lại một chút trong đầu mình.
Vậy là nhà bác học Defalguière còn sống, và đang ở sau cánh cửa này! Ông không có tự tử. Ông chỉ bị bắt cóc và đe doạ. Và cái xác của ông không hề được tìm thấy trong dòng sông Rôn! Tại sao bà Defalguière không hề kể cho chúng về “chi tiết” này?
Nhưng đột nhiên câu hỏi này trở thành thứ yếu, một câu hỏi khác quan trọng hơn xuất hiện, hoàn toàn không giải đáp nổi: theo như lời bà vợ nhà bác học kể, thì làm sao có thể xảy ra những vụ trộm bằng máy thôi miên trước khi vị giáo sư bị bắt cóc?
Dán tai vào cánh cửa, hắn lắng nghe… Vị giáo sư có còn đó không? Nếu còn, ổng có ở một mình không? Tất cả đang yên lặng như tờ. Trời, giá như hắn có thể nhìn qua lỗ khoá! Nhưng chìa khoá đang nằm phía trong cửa, và cánh cửa chắc chắn đã khoá 2 vòng!
Hắn đưa tay tới gần nắm đấm cửa, cẩn thận nắm lấy nó như thể sợ bị phỏng, rồi xoay nó một cách chậm chạp, từng li từng li một, rình rập một tiếng ken két nhỏ nhất có thể làm hắn bị lộ…
Nhưng trái với tất cả những gì hắn chờ đợi, mối nguy hiểm lại xuất hiện từ sau lưng hắn:
- Đưa tay lên, thằng nhóc!
***
Kafi chịu hết nổi rồi.
Nếu tính cả 3 hoặc 4 lần bị lạc vì những vết xăng của những xe khác, thì Kafi ít nhất đã chạy 8 cây số. 8 cây số và mũi trên mặt đường nhựa, 8 cây số ngây ngất bởi mùi xăng thối tha chó chết này! 8 cây số đùa giỡn với tử thần, khi mỗi lần có một chiếc xe xô tới, ép nó phải nhảy xuống bờ mương vệ đường! 8 cây số địa ngục!
Nó phải thương thằng Thủ Lãnh biết bao, Thủ Lãnh của nó! Nhiều lần nó muốn bỏ cuộc, nằm dài trên đám cỏ ven đường, và ngủ một giấc cho đến sáng mai… Nhưng luôn luôn, giọng nói của hắn, bàn tay quen thuộc của hắn đặt trên cổ nó, và biết bao kỷ niệm buồn vui hiện đến, thì thầm bên tai nó không ngừng: “Tiếp tục đi Kafi, tiếp tục! Mày không thể bỏ tao nửa chừng được! Chỉ còn tao với mày thôi! Đây là chuyện sinh tử!”
Và nó lại phóng tiếp. Cứ mỗi lần như vậy lại chậm hơn một chút, mỗi lần như vậy lưỡi lại thè ra dài hơn một chút, và cái đầu lại ù thêm một chút vì mệt. Nhưng nó không bỏ cuộc.
Nó nhớ là hồi nãy lúc còn ở trên xe, nó đã vượt qua một chiếc cầu lớn bắc ngang sông. Đây cái cầu đây rồi! Điều này làm nó thêm hăng một chút, và nó ra sức vượt con sông.
Nhưng thình lình, khủng khiếp chưa! Nó đã chạy ra giữa lòng đường, đầu cúi gằm, không nhìn về phía trước… và kìa, một chiếc xe vận tải đang phóng hết ga, chồm lên nó! Nó chỉ kịp ném mình qua lề đường, chiếc xe hãm lại, với một tiếng rít kinh hoàng… Khi thấy mình còn sống, nó ngước mắt lên để nhận thấy chiếc xe tải vẫn còn nằm yên trên bốn bánh, nhưng đã nằm vắt ngang mặt đường từ hồi nào rồi!
Con becgiê đầu sói biết ngay lập tức đây không phải là một chiếc xe bình thường. Nó sơn màu xám với những chấn song kỳ cục ở sau khung cửa kính hai bên hông, và trên mui xe, một ngọn đèn pha quay vòng vòng đang phóng ra những luồng ánh sáng màu xanh lơ…
- Mày làm cái quái gì ở đây, con chó mắc dịch kia! Mày không biết phải đeo dây dắt hả? Tên chủ mày đâu rồi?
Kafi thở hổn hển, cả người nó còn run rẩy vì sợ. Nó sửng sốt: người đàn ông đang vừa quát tháo, vừa sải từng bước dài về phía nó cũng không bình thường: y đội mũ cát két và mặc một bộ đồng phục oai vệ! Tuy nhiên Kafi nhớ rằng nó luôn luôn có quan hệ tốt với những người như vầy. Nó thường được họ khen ngợi trong những cuộc phiêu lưu của sáu người bạn… Trời! giá như nó nói được, kể được các chiến tích, hẳn các ông cảnh sát sẽ phải nghiêng mình…
Nhưng mà… bốp! Thay vì lời khen ngợi, đó là một cái nện vào mõm. Người cảnh sát không hiểu được ngôn ngữ của Kafi, đã giáng cho nó một cú dùi cui và tóm lấy nó kéo về phía xe như một con chó vô chủ.
Trong thùng xe mà giới chuyên môn thường gọi là “thùng xà lách” đang hỗn loạn không thể tả! Con chó nhảy dựng lên. Người cảnh sát cố giữ nó lại, nhưng Kafi đã vùng ra được… thay vì bỏ chạy, nó lại phóng lên thùng xe như một con chó điên!
- Kafi! Kafi! Con chó của bọn cháu đấy! Thưa ông cảnh sát, con chó của bọn cháu!
Đúng vậy, dù có khó tin đến đâu đi nữa thì đó cũng là Nghệ Sỹ, Giác Đấu, Đầu Bếp, Hề Xiếc và Mady đang ngồi ngổn ngang trong “thùng xà lách” với 4 viên cảnh sát. Mấy người này đang trợn mắt hết cỡ vì kinh ngạc.
- Bọn cháu đã nói với mấy ông rồi, - Mady la lớn.
- …Mà mấy ông cứ không chịu tin! - Hề Xiếc rống lên.
- Đây là con chó của bọn cháu, - Nghệ Sỹ cũng rống lên hăng hái, - nó đã cùng đi với thằng Thủ Lãnh đuổi theo tụi ăn cướp!
- Mấy ông thấy rõ bọn cháu đâu phải là đồ ăn trộm! - Đầu Bếp cũng la lớn không kém.
- Phải làm lẹ lên, - Hề Xiếc lên tiếng. - Nếu con Kafi thảm hại như vậy thì chắc chắn Thủ Lãnh có chuyện rồi.
- Nhưng biết hắn đang ở đâu bây giờ, - Mady rên rỉ.
Mấy người cảnh sát lắng nghe bọn trẻ, họ có vẻ bối rối, không biết làm gì…
Trong lúc đó Kafi đang tuyệt vọng chìa cái cổ ra cho từng đứa, nhưng vô ích, bọn chúng tưởng nó muốn được vuốt ve để thưởng công. Mãi sau Giác Đấu nhận ra được:
- Tớ cho là con Kafi này đang bị cái gì đó ở cổ…
Vậy là, lẹ hơn ai hết, Hề Xiếc tháo ngay dây buộc cổ, và mảnh giấy rớt xuống sàn xe.
Hắn lượm lên đọc:
- Đường Barcelone, hướng Auch… Cầu “Cửa Sông”, Đại lộ “Vương Quốc Anh”, “Baylac,” đường Bayonne. Saint-Amour, 5 km! Ông cảnh sát lái xe nói:
- Tôi hiểu rồi, cứ đi về phía đó đi, rồi sẽ biết…
Và ông rồ máy chạy giữa tiếng thở phào của tất cả mọi người… Bây giờ thì xe chạy trên một con đường rất hẹp. Người cảnh sát cho xe chạy thiệt chậm để không bỏ sót cột cây số “Saint-Amour, 5km”. - Nó kìa, - cuối cùng ông lên tiếng.
Và người cảnh sát bên cạnh nói tiếp:
- Mấy ông coi đằng kia kìa, hình như một ngôi nhà…
Người tài xế lại nhấn ga. Thiệt là đúng lúc vì chiếc xe vừa trờ tới trước ngôi nhà, cái cổng sắt bỗng mở rộng cho một chiếc xe lớn đi qua.
- Chận nó lại! Chận nó lại! - Mấy đứa bạn đồng loạt la lên. Chúng đứng phắt dậy để coi cho rõ. Đó là cái xe Mỹ của tụi ăn trộm!
Chiếc xe cảnh sát lướt tới, chắn ngay cổng sắt, không để cho chiếc xe Mỹ còn cách nào chạy thoát. Mấy đứa bạn bị thắng gấp bị đổ đồn cục, nhưng chúng vội vã đứng lên để dòm qua khung cửa kiếng và… Coi! Bọn chúng nhìn thấy ai trong chiếc xe hơi đồ sộ kia, bị kẹp cứng giữa hai thằng khỉ đột, ai?
- THỦ LÃNH! - Cả bọn hú lên mừng rỡ.
Bọn chúng không thèm để ý đến người đàn ông sau lưng Thủ Lãnh, cũng ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo như hắn: giáo sư Defalguière!
Mười bốn
Hết cơn ác mộng
B
ọn cướp bị bất ngờ nên đã có một giây lúng túng. Điều này quả là tai hại cho chúng. Đám cảnh sát đã vô hiệu hoá chúng ngay lập tức. Phe họ có cả một lực lượng mấy người bạn tăng viện; trong đó, đáng sợ nhất, hiệu quả nhứt, vẫn là Kafi.
Khỏi phải nói nỗi vui mừng của bọn chúng khi được gặp lại nhau đầy đủ! Giác Đấu vừa giở mũ vừa gãi đầu một cách bối rối:
- Thủ Lãnh à, - cuối cùng hắn cũng lên tiếng trong lúc mấy người cảnh sát còng tay bọn cướp. - Cậu làm ơn nói cho tớ biết, cái ông bị bắt với cậu…
Thủ Lãnh làm bộ ngạc nhiên:
- Thì sao?
- Dù sao đó cũng không phải là…
Nhà bác học đoán biết chúng đang nói về mình, liền bước tới gần: - Phải đó, cậu bé, tôi chính là Edmond Defalguière. Tôi sẽ giải thích… Vừa nghe tới đó, mấy người bạn ré lên thẳng thốt:
- Hả? Giáo sư Defalguière?! Làm sao mà…
Nhưng một người cảnh sát bước tới ngắt lời bọn chúng:
- Chúng ta về thôi. Tôi rất tiếc, - ông vừa nói vừa chỉ “thùng xà lách”, nơi bọn cướp vừa bị điệu cổ lên dưới sự canh gác của mấy người cảnh sát. Nhưng tôi không còn chỗ nào tốt hơn để mời mấy em… - Ồ, bọn cháu quen rồi! - Hề Xiếc ngắt lời ông.
Người cảnh sát cười gượng, nói thêm:
- Bọn tôi vừa mới liên lạc với sở. Thanh tra Desloges sẽ tới đó ngay. Ổng muốn nghe lời khai của mấy em.
Ngồi trên xe mấy đứa bạn kể cho Thủ Lãnh nghe cuộc hội ngộ giữa chúng và Kafi:
Trong khi bọn chúng núp dưới tầng hầm chung cư Aquitaine, Hề Xiếc đã chạy đi báo với Corget những gì đã xảy ra và biểu hắn kêu gấp một chiếc tắc xi. Rồi bọn cướp quay lại và đem theo Thủ Lãnh và Kafi đi mất. Từ giây phút này trở đi mọi việc đâm ra tồi tệ.
Bọn cướp vừa mới khuất dạng thì một chiếc xe khác trờ tới. Mấy đứa bạn vội vã chạy ra khỏi chỗ núp, nhưng thay vì chiếc tắc xi… thì đó là chiếc xe chở tù của cảnh sát!
Một người ở tại chung cư đã gọi điện cho họ, báo là ông ta nghe những tiếng động khả nghi từ căn hộ bên cạnh. “Nhất định là bọn bất lương!” ông ta khẳng định. Vì vậy mà năm đứa bạn có nói gì đi chăng nữa, cảnh sát cũng không chịu nghe. Họ tưởng bọn chúng là mấy tên trộm đang bỏ chạy. Bọn chúng bị tống lên “thùng xà lách”. “Rất tiếc mấy cậu nhỏ, mấy cậu sẽ giải thích tại bót cảnh sát”.
May mắn thay, con đường tới bót cảnh sát Toulouse đi qua Cầu Cửa Sông!
Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng khi đoàn người bước vào phòng viên thanh tra Desloges: 4 tên cướp tay bị còng, kẹp giữa 4 người cảnh sát, nhà bác học, 5 cậu con trai, 1 cô gái, và một… con chó bẹc gie!
- À!, - viên thanh tra nói, - tôi xin thú thiệt là chẳng ưa gì bị dựng đầu dậy lúc nửa đêm, nhưng lần này thì không! Xin mời giáo sư ngồi đây. Rồi quay qua một viên cảnh sát. - Lazure, đem thêm mấy cái ghế vô, và nếu
anh vui lòng, xin mang thêm một số nước cho con chó này, nó sắp chết khát đến nơi!
Bọn trẻ ngồi xuống ghế, trong lúc Kafi, không một chút mặc cảm, đang làm dịu cơn khát một cách ồn ào.
- Để nói hết với quý vị, - viên thanh tra tiếp, - thì lâu nay tôi đang hợp tác với ông bạn đồng nghiệp La-Bugne ở Lyon… Qua báo chí, tôi đã biết câu chuyện hoang đường về mấy cái vụ trộm bằng thôi miên này, và sự liên quan bề ngoài của nó với phát minh của giáo sư. Tôi không biết gì hơn, cho đến hôm kia Labugne gọi điện báo cho tôi biết bọn “phù thuỷ” rất có thể ra tay trong thành phố này… Tôi đang đặt một kế hoạch lục soát thì mấy cậu đã tới trước, - Ổng vừa nói vừa nhìn mấy người bạn. - Xin có lời khen mấy cậu! Nhưng tôi muốn làm sáng tỏ hơn một chút. Theo những tin tức cuối cùng nhận được - xin lỗi giáo sư - thì người ta nghi ngờ con trai của giáo sư đồng loã với bọn bất lương…
- Anh Yves không dính gì tới bọn bất lương! - Nghệ Sỹ dõng dạc nói, và hắn kể hết: từ khoá học với Yves cho đến cú điện thoại của Corget và cuộc phiêu lưu ở Toulouse.
Thủ Lãnh tiếp lời, kể hắn đã đột nhập vào hang ổ của bọn cướp như thế nào, và bị tóm cổ một cách khờ khạo như thế nào khi thằng gác cổng rảo một vòng trước khi ngủ. Bọn cướp đã bàn cãi với nhau rất dữ và quyết định chuồn và đem theo 2 tù nhân của chúng: May thay Kafi đã làm tròn nhiệm vụ!
Và bây giờ mọi người chờ nhà bác học lên tiếng, giải thích những gì họ còn chưa hiểu nổi.
- Điều xảo quyệt nhất của mấy ông này là lợi dụng mối bất hoà giữa tôi và đứa con trai… Đúng không, thưa ông Moreau?
Ông đăm đăm nhìn tên thư ký, hắn vội cúi gầm xuống. Ông nói tiếp: - Moreau biết rằng con trai tôi muốn nhượng lại phát minh cho mấy khách hàng. Tôi không đồng ý. Nó giận dữ bỏ đi. Ngày hôm sau cái máy mất. Tôi không hề nghi ngờ thằng Yves, cho đến khi vợ tôi đọc trên báo 3 vụ trộm làm tôi đau đầu…
Ông ngừng lại một lát, rồi tiếp:
- Đối với những ai nắm rõ sự tình… như tôi, những nạn nhân này chắc chắn đã bị thôi miên. Nhưng chỉ có con tôi và tôi biết sử dụng máy. Kết
luận: thằng con tôi nhúng tay vào vụ này! Quả là một cú sốc, và quí ông này đã đặt cược vào cú sốc đó - Hoan hô ông Moreau! Họ đã ăn trộm cái máy và dựng lên ba vụ trộm dởm mà nạn nhân là đồng loã của họ…
Nghe tới đây mấy người bạn không ngăn được tiếng kêu sửng sốt: - Bọn mình đã nghĩ tới đủ chuyện, trừ chuyện này, - Thủ Lãnh nói lớn với một chút bực tức, những vụ trộm thực sự chỉ xảy ra sau khi nhà bác học bị bắt cóc!
- Tất nhiên! - nhà bác học thở dài. - Bọn họ đã bắt tôi viết một lá thư vĩnh biệt dỏm, và sau đó lại dùng vũ lực bắt tôi cho máy hoạt động, khi họ cần. Nhưng khi họ định ra tay bắt cóc một đứa bé…
- Cháu xin làm chứng, - Thủ Lãnh xen vào. - Ông sẵn sàng hy sinh tính mạng để…
Nhà bác học có vẻ ngượng ngùng ngắt lời hắn:
- Cho phép tôi hỏi một câu, vì tôi rất ngạc nhiên: tại sao vợ tôi biết rất rõ là không hề thấy xác tôi trên sông Rôn, lại không chịu nói cho mấy ông biết?
- Bởi vì ông đồng nghiệp của tôi ở Lyon, - viên thanh tra mỉm cười, - đã dặn bà giữ kín chuyện này. Ông ta cho rằng như vậy bọn bất lương sẽ mất cảnh giác…
- Mọi việc quá kéo dài… - nhà bác học nói, và bây giờ chắc vợ tội nghiệp của tôi đang chờ một lúc nào đó, người ta phát hiện ra xác chết của tôi!…
Nhưng viên thanh tra vội phá vỡ giây phút nhuốm màu bi đát này: - Tất cả câu chuyện này chỉ là một cơn ác mộng, nhưng nó đã qua rồi, và cũng không gây thiệt hại bao nhiêu. Tôi cho rằng mình có thể vui lên được rồi… Nhờ mấy em đó, mấy người bạn nhỏ! Nhưng nếu có ai đó có quyền vui mừng hơn cả, thì chắc chắn đó là bà Defalguière. Thưa giáo sư, ông có thể dùng điện thoại của tôi báo cho bà biết!
Rồi ông quay về phía mấy viên cảnh sát:
- Lôi mấy tên khốn này đi, chúng ta sẽ hỏi cung chúng sau! - Còn cháu sẽ gọi điện cho thằng Corget, - Thủ Lãnh nói, - cũng nhờ có hắn mà…
- A, cái máy phát sóng! - Nghệ Sỹ ngắt lời. - Chưa ai thấy được cái máy phát sóng!
Nghe vậy, nhà bác học lôi trong túi áo vest ra một cái máy không lớn hơn một cái máy tính cầm tay bao nhiêu:
- Đây! Hình như tôi còn nợ mấy cháu một điều gì…
- Đúng vậy, thưa giáo sư, - Nghệ Sỹ trả lời. - khi nào bọn cháu mới được xem phát minh của ông?
***
Một tuần sau, đám bạn trẻ được xem phát minh mà chúng chờ đợi bấy lâu. Đúng là một ngày hạnh phúc. Nghệ Sỹ đặt tên cho cái máy kỳ diệu này là: máy phát sóng thần.
Chỉ có một chút bóng mờ hôm đó: Corget lại kẹt cái nghề làm gácdan của hắn ở chung cư Aquitaine, không tới được để nhìn tận mắt cái máy đã từng ru hắn ngủ.
Nhưng một tháng sau, thằng nhỏ dễ thương ở Toulouse đã đáp xuống ga Perrache trong bộ áo quần chiến nhứt: Yves và Corinne đã mời hắn dự đám cưới của họ!
Đúng là một ngày khó quên! Không ai dám nói là cặp vợ chồng mới cưới và ông bà Defalguière ai hạnh phúc hơn ai.
Người ta vui chơi và cười rất nhiều: nhờ Hề Xiếc, và Kafi nữa. Hai đứa đều tắm rửa sạch sẽ và chải chuốt ra trò dẫn đầu toán người đi từ Toà thị chính đến nhà hàng! Giác Đấu với cái mũ bêrê muôn thuở được hoan nghênh nhiệt liệt. Nghệ Sỹ chơi bản “Hành khúc ngày cưới” bằng cây kèn ac-mô-ni-ca trứ danh của hắn. Thủ Lãnh, Đầu Bếp và Corget đua nhau trổ tài chụp ảnh, coi đứa nào khôn khéo và lẹ làng hơn. Còn Mady khỏi phải nói, làm phù dâu, vẫn xinh xắn và dễ thương như bao giờ.
(1) Hệ thống điện đàm để chủ hoặc người trực ngồi trong nhà đàm thoại trực tiếp với khách đứng ngoài cổng.
(2) K.C.G. : Không có gì (yên ổn): tiếng “mật” của sáu người bạn.
Table of Contents
Một Người phụ nữ có khuôn mặt hoảng loạn Hai Một phát minh quan trọng
Ba Đúng lúc người ta ít chờ đợi nhứt… Bốn Số 102, Đại lộ Công Dân Bỉ
Năm Định hướng
Sáu Mũ trùm mặt, súng lục, và đồng bạc kếch xù Bảy Một bí mật rất nặng nề
Tám Người mà ta không còn chờ nữa Chín Alô, Toulouse đây…
Mười Kẻ quấy rối
Mười một Hức!
Mười hai Hai hành khách lậu vé
Mười ba Sự thật không tin nổi
Mười bốn Hết cơn ác mộng
"""