" Săn Và Bẫy Thú - Trần Thanh Địch full mobi pdf epub azw3 [Tuổi Hoa] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Săn Và Bẫy Thú - Trần Thanh Địch full mobi pdf epub azw3 [Tuổi Hoa] Ebooks Nhóm Zalo LỜI GIỚI THIỆU T ừ trước đến nay những câu chuyện về săn thú, bẫy thú thường rất hấp dẫn. Từ chuyện đi dụ voi rừng, đánh hổ bằng đòn xóc tới chuyện đào hang con trút, rồi ngay cả việc bẫy chim, thổi ống xì đồn bắn cá tràu bông đều có những lý thú riêng biệt. Tập này gồm 6 truyện: săn rái cá, săn khỉ, săn gấu, săn chồn vàng, săn lợn rừng …. Ở mỗi truyện đều có những nét hấp dẫn và phong phú. Là người đi săn, ai cũng mong bắt, bắn được thú, nhưng có khi săn hụt vẫn đem lại niềm vui cho con người. Các con thú đều có cái tinh khôn riêng, nhưng dù to như gấu, hung dữ như hổ, tất thảy đều thua trí thông minh con người. Các bạn sẽ tìm thấy ở đây một số kiến thức bổ ích về thú vật, về săn bắn và bẫy thú. MỤC LỤC 1 - HAI PHÁT NỎ ĐỀU TRƯỢT 2 – BẪY CÙM 3 – BÁC HAI ĐÙNG ĐÌNH 4 – ÔNG ẤM RẮN HỔ 5 – BÁC KHÓA KIỆN 6 – HẦM BẪY HEO HAI PHÁT NỎ ĐỀU TRƯỢT Trưa ấy, trên đường trở về cơ quan, Thiện và Đối, anh bạn tí hon rất xông xáo ấy, nghỉ chân ở một bìa rừng ăn nốt phần cơm nắm còn lại. Thiện ăn xong trước. Anh tìm lối đi xuống bờ suối lấy nước lên nấu uống. Uống với nụ vối rừng chín tươi mới hái vàng như hoa ngâu thì rất ngọt cổ. Vốn là tay quen nghề săn bắn nên bước đi của anh đã thành thói quen, bước thật nhẹ nhàng. “Hắn đi như mèo đi”, anh em thường bảo đùa vậy. Chưa đến bờ suối, bỗng anh nghe rõ ở dưới kia có những tiếng lõm bõm lạ tai, giống như có con vật gì đang ăn chùm quả chín làm rơi rụng đôi trái xuống mặt nước suối. Thiện càng bước khẽ, không đặt chân vào lá khô, một tay nắm khéo chiếc cà – mèn không cho nó chạm vẹt vào cành cây hay tảng đá, cũng không cho phần quai sắt đu đưa lắc lư qua về trên miệng cà – mèn. Đã ở trong quân đội qua ba năm chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, lại thêm chuyên nghề săn bắn, anh có nhiều kinh nghiệm trong lối phục kích giặc – cũng như phục kích thú săn. Chỉ nghe qua tiếng động, anh phân biệt chính xác từng lối đi con thú ... Đó, đó là cả đoàn voi: bước đi ào ào như máy ủi cây, kiểu đi luôn hiên ngang, ỷ đến sức mạnh không chỉ riêng vào từng con mà chung cả bầy, vừa bước vừa ném vòi vít cành vít ngọn bẻ rắc những thân cây nào ngang tầm vòi với tới, và trước khi tống cả túm là vào miệng còn huơ vòi đập vào chân mình bên này bên kia mấy cái để phủi kiến, phủi sâu, y như kẻ nhổ mạ xong vội quay đập túm rễ vào chân mình cho văng bớt bùn, bớt đất. Đó là con hổ: đi dè dặt khoan thai để dễ bề trở quẻ, rất cảnh giác đề phòng, hai chân trước mỗi chân vững, khoẻ gấp đôi so với mỗi chân sau, nhưng phép đặt bước lại quá hiền, quá êm, không gây thành tiếng động, đang đi bình thường mặc dù chẳng gặp một lá non nào cản trở, cũng dừng lại “phè gió” một cái lấy oai rồi mới bước tiếp. Đó là con heo rừng, heo một: dám đi ăn giữa ban ngày ban mặt, đôi nanh như đôi kiếm ưỡn cong, bước đi lúm chúm, vừa đi vừa hất hất mặt như muốn sinh sự với tất cả, ỷ vào cái mũi rất thính của mình nên không cần dè dặt lắm, bước được mấy bước lại dừng lại hướng mặt lên cao nghe ngóng như điệu đi của những người mù, luôn với tư thế sẵn sàng xốc tới. Đó là con chồn đèn: con vật chuyên ăn đêm, sở dĩ phải đi ra ban ngày là vì vừa rồi chắc gặp phải con thú khác săn đuổi, bước đi rất đắn đo, vừa bước vừa ngửi đất đánh hơi, mũi thính có thể phân biệt được cách đây khoảng ba hôm, trên lối mòn này đã có chân con cọp hay con beo bước qua. Chồn đi thường không dám theo vết đường mòn mà chỉ xuyên rừng xuyên bụi, cứ gần đến một lối mòn cắt ngang trước mặt thì chuẩn bị thật cẩn thận chu đáo, giỏng đôi tai ngang song song với cái mặt đưa ra trước, nhìn qua nhìn về xong là phóng vút như ném con thoi ... Chính nắm được từ cách đi dáng bước mỗi con thú rừng nên bước đi của Thiện cũng rất nhẹ nhàng tuân thủ theo một lối đi riêng: “đi như không đi” - anh tự đặt yêu cầu cho mình như thế. Cho nên khi anh đã đến sát gần bờ suối chỗ đang phát ra những tiếng rơi lõm bõm vừa rồi ... mà “tiếng rơi” vẫn còn nguyên. Bờ suối chỗ anh đang rình rất cao so với mặt nước dưới kia. Thiện vội nằm rạp xuống, him mắt nhìn. Một cặp rái cá mình mốc, một màu mốc xám tro nguyên sắc hạt dẻ, đúng giữa nửa trắng nửa đen hoà hợp lại, đang săn đuổi cá ở vũng suối nước trong sâu. Vũng suối không rộng lắm. Dòng nước chảy từ xa lượn đến đây thì phình thân ra, trông gần như không chảy nữa, làm cho mặt nước như bắt đầu ngủ yên sau một chuyến đi đường trường. Đôi rái cá cùng xúm nhau khuấy động mặt nước ở một đầu bờ. Con này nhô mõm lên, con kia hụp đầu xuống sục nước khua động lòng suối, vùng vẫy bốn chân dồn cá giạt cá vào bờ bên kia. Rồi cả đôi lặn xuống săn lùng. Chỉ một lúc, một con quẫy mạnh mình nhoi lên mặt nước, nhảy lên tảng đá: một con cá trắng hếu, to, đã bị nó ngậm chặt ngang miệng. Nó cũng không cần rùng mình cho những giọt nước văng bớt. Và liền đó con rái cá thứ hai cũng vậy, đã nhoi đầu và nhảy phóc lên tảng đá: cũng với một con cá tướng ngậm trong mồm. Chúng bắt đầu bữa chén. Dần nát cái đầu con mồi trước, để yên bụng rằng cá không thể giở ngón phóng tuột xuống nước. Chúng ăn chậm, như mèo, thật khác lúc vồ mồi, nghiêng hẳn cái đầu mốc sang bên để sử dụng phần răng nanh và răng hàm cho khoẻ, mỗi lần cần cắn dập một đoạn xương sống mình cá. Vừa tầm quá! Giá có khẩu súng lúc này. Ít ra cũng bỏ túi được một con. Chiếc nỏ cũng được, lại tiện hơn, vì khỏi động rừng. - Anh Thiện ơ … ơ … ơ … ! Cả đôi rái cá đều lao tõm ngay xuống mặt nước, không quên ngậm miếng mồi, biến mất. Chính là cu Đối “giết” mình! Đành rằng không có súng, cũng không có nỏ như hiện nay thì cũng chẳng làm gì tóm được đôi rái cá nhưng giá cứ để nguyên thế, xem xét để hiểu chúng thêm thì bận sau may ra dễ bắn hơn. Thiện gọi cu Đối đến tận nơi, nói sơ qua sự kiện cho hắn nghe. Rồi cả hai nằm chờ chừng tiếng đồng hồ nữa mà đôi rái cá cũng không còn nhoi lên trở lại … Thiện nhìn kĩ chỗ nằm; định hôm sau đến đây phục kích, quyết bắn cho được ít nhất là một con. Nghe nói mật nó rất quý. Đồng bào người Thượng vẫn dùng thay mật gấu. Mỗi lần có bà con xóm làng rủi bị thương tích, ngã cây, đá đè, hoặc gặp cán bộ bị giặc Pháp bắt tra tấn xong rồi ném thả về, chỉ cần có chút mật rái cá, “trong uống ngoài xoa” vài lần là khỏi bệnh. Ngoài ra, Thiện đang mơ ước có một bộ lông rái cá: sau khi làm sạch, khử trùng, bộ lông may đủ chiếc áo trấn thủ mặc rét. Về mùa đông mặc nó mà ngồi quay rô-ne-ô trong chiến khu, uống cốc chè nụ vối thì … làm việc rất tăng năng suất. * * * Đầu tiên, Thiện cảm thấy rất tiếc. Anh tự trách minh vẫn còn sơ hở, làm cho phát nỏ vừa bật dây là vèo mất: mũi tên chưa lao ra khỏi mặt nỏ thì con rái cá đã phóng xuống mặt suối rồi. Phóng nhanh hơn mũi tên. Nhưng sau nghiệm ra, đã đành một phần có do mình chưa cướp được chủ động – một sự chủ động tinh tế nằm trong cái nháy mộtắt – nhưng phần còn lại, phải nói rằng do “đối thủ” của mình nó quá nhạy bén với khả năng cảnh giác. Hình như đối với riêng loại thú này, đặc biệt, chúng có một khả năng tự vệ thuộc về các giác quan thật kì diệu. Nếu không thì làm gì sáng nay, Thiện đến đây rất sớm, phục kích bọn rái cá ở ngay gần tảng đá là chỗ “bàn ăn” của chúng, cầm sắn cái nỏ trên tay và nấp sau một gốc cây: chỉ có việc bật khẽ “lẫy” nỏ, tiếng dây phát đi cái “pực” nhẹ - thế mà lại trượt? Anh nhớ lại trước đây đã có lần ông chú mình, cũng là một tay săn thú có tiếng, đã bảo rằng về loài rái cá, không thể bắn nó được đâu, mà chỉ đánh bẫy, may ra … Bởi vì nó là con thú “thiêng quá trời”, tinh hơn mèo, nhạy hơn chồn. Qua kinh nghiệm săn bắn lâu năm, ông cho biết thêm rằng về con rái cá, đôi mắt nó thì thật là tồi. Giá có người đã ngồi phục sẵn, nhưng chớ có nhúc nhích động đậy ngay sát bên mặt tảng đá, bọn rái cá có thể bắt mồi lên ngồi chén trước mũi ta ung dung. Chúng vẫn nhầm ta là gốc cây hoặc khối đá (nói riêng về đôi mắt, về thị giác nó thôi, chứ không nói về các giác quan khác). Thế nhưng cũng nên hiểu rõ thêm về tính chất “gà mờ” của đôi mắt nó, dù có như vậy thật đó, nhưng không hẳn đã quá tồi. Nó chỉ không thấy được xa thôi, chứ đôi mắt vẫn rất tinh tế về độ phản xạ. Nếu người chúng ta thử động đậy sơ qua một tí là đôi mắt ấy nhận ngay ra “tín hiệu lạ” để có phản ứng liền. Ngược lại, về hai giác quan tai và mũi nó thì vô cùng thính nhạy. Mỗi lần ngồi trên bờ rình cá, nó cũng chỉ rình bằng tai và bằng mũi là chính. Đồng thời, chính bộ lông rất dày của nó cũng dự phần đánh hơi rất đắc lực. Mỗi sợi lông ở trên mình con rái cá , cũng giống như ở loài mèo, cáo, hay chồn, chuột … đều có tác dụng nhận tin không kém những sợi râu mép, lông tai, để giúp thêm vào các giác quan tai, mũi, da của nó để phát hiện mọi sự vật chung quanh. Trong khi ngồi rình mồi, nó vừa lắng nghe tiếng cá quẫy, vừa đồng thời đánh hơi cả “mùi tanh” của cá phát ra từ dòng nước trong. Thế là nó lao xuống bắt ngay. Nếu đang rình thành bầy, chúng sẽ bủa vây đàn cá như ta bủa lưới. Khả năng bơi lội ở dưới nước của chúng thì rất tuyệt, nhờ có bộ lông không thấm nước, lại có thể vừa lặn vừa mở mắt theo dõi con mồi. Không một loại cá nào có thể thoát được, nếu đã bị chúng săn đuổi. Thật là một con thú khó săn, vì rất khó rình nó. Người thợ săn giương súng (hoặc nỏ) ngắm xong, nó vẫn còn y nguyên ở đó. Nhưng hễ chuyển sang bấm cò: là trượt … Như vừa rồi. Thật lạ lùng! Thực sự, nếu với một chiếc nỏ và mươi mũi tên tre tự tay anh vót chuốt lấy bằng thân lồ ô gộc, vót xong còn phết qua một lượt dầu phụng rồi hơ lửa, mũi tên thật bảo đảm – giá Thiện bỏ một ngày đi vào rừng, lắng theo tiếng hót đổ hồi của những đôi cu gáy, hay tiếng gọi thủ thỉ của cặp gầm ghì đang mổ quả đa vàng rộm trên cao, hoặc bọn chim cà cưỡng sau khi ăn no những con giun giữa đất thì bay lên các ngọn cây thưa lá, đứng nhắm mắt vì nắng chói, hót những tiếng “ơi làng ơi họ” say sưa – là khoảng xế chiều ra về, anh em ở cơ quan thế nào cũng có một bữa cháo chim giá trị. Nhưng nếu lao theo bọn rái cá thì … hình như chỉ có thất bại! Mặc dù vậy đó, trong nghề săn bắn, Thiện thấy rằng người đi săn dù gặp phải một con thú tinh khôn bao nhiêu, chính nó cũng có những lúc sơ hỏ. Về phần người đi săn, càng gặp vất vả khó khăn càng rút ra được những kinh nghiệm quý báu. Thiện vẫn nằm chờ. Phục kích ở địa điểm này là tiện hơn hết. Đã vừa tầm nỏ, lại ngay trước mặt có những cành cây đan chéo nhau tiện việc nguỵ trang. Mãi đến khi nắng rừng đã ngả sắc vàng tươi cũng vẫn chẳng thấy gì. Một con chim bìm bịp trống gọi giục một hồi là là từ bên kia suối. Anh định ra về thì nghe thấy những tiếng lõm bõm nhưng những quả sung rụng ở phía đằng sau tảng đá. Anh lên dây nỏ. Không để phát ra một chút tiếng động sơ hở nào. Trước mặt, cả một bầy rái cá bốn con, con trước con sau, phóc lên tảng đá. Chú nào cũng đang ngậm một con cá trắng lắc la lắc lư. Nhưng bỗng con rái cá lớn nhất vội lao tõm xuống nước, gọi cả ba con kia nhảy ào xuống theo. Thế là thế nào? Chẳng có một nguyên nhân gì để chúng có thể phát hiện được rằng: trước mặt, hiện đang có kẻ rình bắn chúng. Thiện thử nhớ lại xem .. Rõ ràng mình chưa nhúc nhích, chưa cựa quậy, chưa hắt xì hơi, và cũng chưa … làm gì cả. Nếu có lên dây nỏ là lên ngay từ lúc chúng nó còn ở dưới mặt nước kia. Thế thì vì sao? Trong đời săn bắn Thiện chưa bao giờ gặp phải một trường hợp “ma quái” như thế này. Thiện nhất định không ra về. Nhất định phải chờ chúng nó. Và anh nhớ rằng tối nay gặp đúng đêm trăng, một đêm trăng mười sáu mà thường khi mới mọc, trăng bao giờ cũng trong trẻo hơn những đêm rằm. Nhất định chờ * * * Ở trên bờ suối gần chỗ tảng đá, xế về mé trái có một cây đặc lá, thân chính nó vươn hẳn ra mặt nước. Lên đó ngồi, có thể bắn thẳng ngay xuống mặt suối lúc bọn rái cá đến săn bắt mồi ở đây. Lợi dụng chút buổi chiều sắp tối. Thiện quan sát thêm địa hình. Phải hết sức thận trọng, vừa trông tìm vừa cảnh giác, quyết không để cho chúng phát hiện ra mình trước nếu như bọn rái cá đang “có mặt” đâu đó. Thiện leo lên cây. Chọn một chỗ có tán lá sum sê để ngồi thật vững, lại vừa có thể nguỵ trang bầy thú. Lòng suối ở đây phình rộng như cái ao, rất sâu, rất trong. Ít tiếng nhái bén không biết từ bên bờ nào gọi nhau thôi thúc lúc chạng vạng, giọng trong thanh mà buồn, cứ “trướt trướt” đổ hồi. Tiếng cá quẫy chỗ này, chỗ kia nhộn nhịp. Phần đông là tiếng quẫy vui tai của cá trê, to con, lườn rộng. Không phải một mà nhiều con, hằng chùm. Từng con một ở từ dưới lòng suối chắc là tuyền bùn, cứ trồi mình lên mặt nước, đập đuôi cái “bủm”. Chúng vừa đập đuôi vừa nhú chiếc đầu bẹp lên thở vội chút khí trời ở trên xong là đâm nhào xuống ngay – nhưng lao xuống cũng chỉ để trồi mình lên liền tại chỗ, không đi đâu xa Con này quẫy, con khác quẫy. Chắc vì gặp dịp thế nào đó, chẳng hạn như trông thấy ánh mặt trời sắp lặn, mình không lên đớp tí không khí còn lẫn lộn ánh sáng cũng phí. Hoặc đôi khi ngay ban đêm thôi nhưng thấy chàng ràng có chút ánh đom đóm bay qua, có lần bóng trăng, có lần bóng sao, hoặc chỉ vài độ sáng loé của một tai nấm trên một thân cây mục tự phát chất dạ quang ở dọc bụi dọc bờ, bọn cá trên cũng lên quẫy đớp. Trăng chưa mọc mà ánh sáng đã dậy thành vùng rẻ quạt làm ta cứ có cảm giác như trái đất bỗng quay ngược lối, từ buổi tối trở quật sang chiều tà. Rừng lạ cũng trở thành rừng quen khi trăng lên. Lại cá quẫy … không, không phải cá: đúng là bọn rái cá xuất hiện. Ở trên cây nhìn xuống, thật quá rõ! Một đôi. Không phải lộ mình phần nửa trên mặt nước mà là lặn dưới mặt nước, lừ đừ. Chúng đang đuổi theo đàn cá. Rất lạ, là cả đôi rái cá khi phóng đến những con mồi và chộp được một thân cá, chúng vôi cắn đứt ngang đuôi rồi thả ra, không ăn. Chờ cho con cá đã ngất ngư sống dở chết dở: bơi ngửa, lượn nghiêng, lách mình không định hướng, thế là từ đằng sau, chúng vẫn lao theo sát nút. Chúng đưa đôi chân trước ra nâng hờ, rồi thình lình phóng chặn ra trước mặt cá, ngậm đùa, thả ra, lại chộp lại, kiểu mèo vờn chuột. Những lúc chén đã no nê, chúng thường thích vừa bơi vừa bắt cá vờn chơi. Chúng cắn cho cá bị thương, thường là bấm đứt đuôi cho cá không lách bơi ẩn náu – cá chưa chết ngay những cũng không thể trốn thoát – để hôm sau đến sẽ có bữa chén ngay, khỏi phải tốn công săn đuổi. Cho nên hễ vào đoạn sông suối hồ ao nào có bọn rái cá đến lùng sục cá, là ở nơi đó thường ta hay thấy cá chết nổi lềnh bềnh. Thỉnh thoảng, cái đầu nó mới nổi lên mặt suối. Còn thì lặn hụp săn lùng cá ở dưới nước. Thiện lên dây nỏ, đưa nỏ ngắm theo cái đầu lừ đừ … Pực! Và mất tăm. Lần này xem như mất hẳn. Có trúng đầu nó không? Hình như trượt. Vì tuyệt đối không nghe tiếng vùng vẫy trong nước của con thú trước lúc chết. Nhưng trượt vì bắn trượt, hay vì con thú lẩn tránh ngay trước khi mũi tên xuyên xuống? Thật không làm sao biết được - chỉ trừ ra hiểu được một kết luận sau đây: không làm sao bắn được rái cá! Cả một đêm trăng. Thiện chỉ thức rình chúng nó trở lại. Và đập muỗi. Không làm gì còn tung tích con rái cá. Chợp ngủ một lúc lại thức dậy rình. Rình một lúc, đập muỗi, lại chợp ngủ. Qua nhiều đợt gáy của lũ gà rừng, của những cặp vợ chồng chim chàng làng rừng bụng trắng ăn đêm vừa gọi nhau vừa bay chuyền từng quãng ngắn tìm mồi, qua bao nhiêu lần nghe cá quẫy, qua những tiếng hót có âm điệu lạ tai của con chim gì cứ “tai hù tuốc, tuốc … tai hù tuốc, tuốc”, trời dần dần bình minh. Bình minh mở màn bằng một loạt tiếng bồ chào rừng rộn rã. Thiện trở về nhà. Thế là cả hai phát nỏ đều trượt! BẪY CÙM Trong buổi họp xóm bàn việc đẩy mạnh sản xuất và phòng gian bảo mật, bác thôn đội trưởng có nhắc nhở thêm đồng bào cần đẩy mạnh việc canh giữ vụ lúa mùa đang chín tới. Những đám ruộng chín đều quá, xinh quả, đầu ngọn đã cong trái me. Ban ngày không đáng ngại lắm, chỉ bảo các em xua đuổi đàn chim là được rồi. Chứ ban đêm, nhất thiết phải chia tổ canh phòng thật sự, nếu không, kiểu này heo rừng “dám” về lắm đây. Nếu cần, thôn đội có thể mượn nhờ trên xã đội cho vài khẩu súng săn trong một thời gian được. Có người đưa tay xin nói rồi phát biểu luôn hơi: - Tôi có ý kiến … là nghe nói ở trên Cà Nú đồng bào về cho biết, bọn khỉ trong mấy núi đá vôi vừa rồi kéo đàn kéo lũ ra hái trụi thụi lụi hết các vườn cây ăn trái. Nghe nói chúng không chỉ phá cây vườn, bọn tề thiên đại thánh còn sà vô các rẫy bắp, trái nào trái nấy đã to như bắp chuối, bẻ xuống nhá hết, non tra già trẻ gì cũng tuốt, trái ăn, trái vứt. Tôi có ý kiến là thôn mình đây phải lập tổ, chia nhóm, đặt bẫy, đi săn. Nếu mình không làm tới, làm rấn, làm riết, rồi là mình trồng khỉ ăn, khỉ ăn mình trồng, mình trồng khỉ ăn đó thôi. Bà con cười lên một tràng dai khoái trá, thưởng thức câu nói với cái giọng đổ hồi nửa hài kịch, nửa tự nhiên của Bác Hai Đùng Đình. Đôi bà ngậm trầu ngồi trong xó tối đang nửa thức nửa gà gật, bỗng vội cười theo. Nhờ thế mà đã tỉnh ngủ hẳn. Bác thôn đội trưởng vội phân công chia tổ bảo vệ mùa màng ngay. Các em sung vào tổ đuổi chim, diệt chuột. Người lớn, phần đông đều là những kẻ trước đây có biết qua nghề săn bắn , phụ trách tổ săn thú. Anh Tá Rô xóm Muỗm là tay chuyên môn đâm cá, ném lưới ở các khe suối nguồn thượng: chú Sau Liễu, nhà xóm Đông, nuôi vịt và đóng cối xay; bác Hai Đùng Đình, anh em gọi chơi bác là “ông già sáu tháng làm ruộng, sáu tháng đi săn” nhà ở xóm Giữa này. Ngoài ra, còn có thêm A Vớt, vốn người Kinh nhưng lúc nhỏ đi lạc lên khe Kiền Kiền, được một đồng bào Thượng nuôi và đặt tên cho, nay trở về ở với ông bác ruột bên xóm Suối Lốt. Nghe kể, A Vớt đi săn đêm không bao giờ cần tới đèn săn: “Ban đêm mắt hắn sáng, mũi hắn thính, tai hắn tinh, chân hắn tênh tênh, cần chi đèn săn, hè?”. Đó là lời cụ Ấm Rắn Hổ (cụ có nghề bắt rắn bằng tay không) nói về A Vớt. Cũng không ngờ chỉ tối hôm sau – vì ban ngày đồng bào ra đồng ra rẫy hết – A Vớt đến chơi nhà bác Hai Đùng Đình ngay. Tuổi khoảng chừng hai tám, ba mươi, da đen mun, chưa vợ, anh đến đâu hay đang làm gì, cũng cười mủm mỉm như cô gái. Vóc người khoẻ mạnh với hai vai xuôi, cổ chai, đôi cánh tay trần những lúc cử động để mang xách nhấc đẩy, mọi bắp thịt trên người nổi tròn, trông A Vớt như thợ bốc dỡ hàng hoá ở các bến tàu. Đôi mắt anh rất to, bướng một chút nằm dưới đôi lông mày rậm, trông dữ tợn, thật khác xa với cái miệng rất hiền, hay cười, xem như người dễ bị đánh lừa. A Vớt sau khi bước lên nhà sàn, đến ngồi vào bếp lửa. Trời vừa trở lạnh vài ba hôm nay, ai cũng thấy dễ chịu hẳn. Anh phì phà hơi thuốc lá trong chiếc ống tẩu tự tay gọt kiểu lấy. Vẫn không nói gì , giống như người bỗng dưng mà thấy nhớ nhớ gia đình bác Hai Đùng Đình – mặc dù mới gặp mặt nhau tối qua trong buổi họp xóm đó – thì đến thăm chơi ; nói chuyện hay không nói chuyện cũng vậy. Bác Hai rót bát nước chè tươi còn bốc loạn hơi, đặc có bọt, đưa tận tay A Vớt, kháo trước: - Răng đó? Chờ kháng chiến xong xuôi mới lập gia đình đó chi? Này! Xóm mình ngó ra chỉ bằng cái bàn cờ tướng mà nhiều cô xinh hết nước nghe …. A Vớt miệng cười rất hiền: - Thôi nói chuyện khác thích hơn, chú nờ. Chú Hai ơi, mình bàn chuyện đi săn bọn thú rừng phá rẫy đi chú. Săn khỉ mà! Chú có kế hoạch chi chưa? Không cần nhiều người, vấp chưn nhau. Hiện chừ, chỉ cần hai chú cháu mình là đủ. Cho thằng Tín hắn đi với, để hắn học nghề. Thằng Trung, thằng Hiếu ngủ rồi à? Tư nhiên nghe một lời hưởng ứng đằng sau lưng bác Hai: - Dạ phải đa. Thầy với anh A Vớt cho con theo với. Bắn súng hay bắn nỏ anh? Đó là tiếng Tín hỏi xen vào. Bác Hai hỏi anh láng giềng: - Vớt coi, nên “săn” ra răng đây? Mà thiệt ra, tình hình cũng chưa có chi đáng ngại, khỉ xuống tới xóm mình để rờ vô trái cây, cũng còn khó. Bọn chúng chỉ lảng vảng mấy xóm ở trên mấy hòn lèn vùng Cà Nú thôi, làm chi mà dám xuống đây. Nhưng nếu săn tiệt gốc nó được, càng tuyệt. Với nữa, lâu mi mình đây hay bị cái chứng nhức khớp xương. Bắn được vài con về, nấu nồi cao mà uống trị thì tiệt nọc. Còn như Vớt, tuy ngó thì người khoẻ như ông Châu Xương thiệt đó, nhưng hai môi còn xanh lắm, mình đoán là có bị thằng cha sốt rét tới thăm lâu rồi. nói thiệt, A Vớt mà uống được năm bảy lạng cao khỉ là con sâu nóng lạnh hắn ù chạy ngay. “Đi” nghe? A Vớt nói: - Đi chớ. Sáng mai chú đi được không? Săn tạm vài ba con về, nấu nồi cao cho kha khá. Mình uống trừ bệnh rồi, cũng nên nghĩ tới anh em bên huyện đội, đưa qua “kỉnh” một ít để anh em có sức đánh giặc nữa. Hết mùa ni, tui định đưa đơn xin vô bộ đội địa phương đây … À, sáng mai chú có được một ít trứng gà không? Bác Hai coi bộ sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi đối với anh bạn trẻ này: - Có chớ. Đem theo ăn dọc đường phải không? Nhưng Vớt bàn cách săn đi. Mình đi lên các núi lèn điều tra tình hình trước đã, rồi bàn cách phục kích bắn sau, hay đưa súng, đưa nỏ đi luôn? A Vớt cười: - Không cần súng nỏ, chú nờ. Tụi mình đánh “bẫy cùm” mà. Đánh bẫy cùm chắc ăn hơn. Bác Hai gỡ ống điếu từ trên miệng xuống: - Bẫy cùm? Bẫy cùm … là răng đó? Mình thiệt tình chưa biết. Vớt nói qua nghe đi. A Vớt nhấc tẩu thuốc lá xuống, gõ bớt tàn tro, gắp một cụ than hồng bỏ vào miệng tẩu, đưa lên hít luôn mấy cái rồi cứ để cục than đỏ trên tẩu thuốc thế mà giải thích: - Bẫy cùm, dễ lắm, chú nờ. Tui học được cách của cha nuôi tui thường đi đặt bẫy con khỉ đó. Năm ngoái về đây ở với bác tui, tui gùi theo về cả sáu cái hũ của tui luôn. Đen quá, năm trước tui lỡ làm sứt miệng hai cái chớ không thì còn đúng tám cái rồi. Mình đặt bẫy con khỉ là đánh cái trí khôn mà dại của nó mà. Anh liền kể sơ qua, gọn thôi, lối săn khỉ thật đơn giản của người Thượng cho bố con bác Hai hiểu * * * A Vớt, bác Hai, Tín đến chân dãy núi lèn thì mới bắt đầu rạng đông. Đã gần tuần nay trời đổ lạnh đột ngột, thế mà bây giờ ai cũng thấm rịn mồ hôi. Từ nhà lên đây mất khoảng chưa đến 10km. Nhưng đường đi phải qua nhiều đồi, nhiều khe, lại phải gùi theo sáu cái hũ, tuy không có gì nặng nhọc, nhưng cồng kềnh. A Vớt gùi ba chiếc, bác Hai gùi ba chiếc. Tín mang một balo con cóc đựng mấy đồ cần thiết và thức ăn cho buổi trưa, cả buổi chiều vì phòng xa. Thế mới biết trước đây, ngày A Vớt từ giã xóm làng người Thượng về sống với ông bác ruột, anh một mình mà “thồ” về một lúc tất cả sáu chiếc hũ, rồi còn thêm ít áo quần và cái mền đắp bằng bao bố, lại kèm một chiếc lồng có con nhồng chân vàng, mỏ đỏ ở trong nữa … là chưa kể đến – thật là quá giỏi, giỏi quá! Bác Hai bảo: - Thằng Tín ngồi lại đây coi mấy thứ. Để tao với anh A Vớt đi lên dò xét coi bọn chúng. Đừng có chạy chơi đâu cả nghe. A Vớt nói vào: - Chú cứ cho hắn đi theo. Từ đây tới đó, ngó rứa chớ còn xiêu vẹo nhiều đường. Khi mô cần, rồi biểu nó ngồi lại sau. Anh bước lên, nói thêm: - Lạnh thình lình ra ri, con khỉ hắn không hay xuống phá cây cối dưới làng mô. Mà mấy thứ đồ trái hay rễ, củ đã ăn cắp đem về giấu trong hang, cũng chưa dám đụng tới. Đói lắm thì ra ăn lá, ăn đọt, hay tìm bắt ốc, bắt nhện, hoặc con mối, ăn đỡ xót ruột … Ế, ế, ngồi xuống! Ngồi xuống! Cả bác Hai và Tín ngồi theo A Vớt. Cách khoảng vài trăm mét, ở sát sau lưng những tảng đá tướng, bầy khỉ đang chuyền cành trên những cây gì đặc lá. A Vớt nói nhỏ: - Mấy cu cậu đói luôn mấy ngày ni, không chịu được nên ra kiếm lá cây nhai cho đỡ óc ách cái bao tử đó. Mùa ni trở tới, quanh đây sẽ không kiếm mô ra trái cây rừng, nó đành ăn tạm lá cây. Nói là ăn tạm, chớ nó ăn thiệt sự, ăn ngon lành, ăn để sống mà. Lá đa, lá sung, lá ngái, lá vả, lá bứa, lá tai chua, lá vải rừng, lá dâu rừng, lá tràng bì, lá mừng quân, lá muỗm … gặp lá chi ăn lá nấy, miễn là không đắng, không độc. Tui chắc trời sanh ra trái để người ăn được thì ngón lá đó người cũng ăn được. Người ăn được thì khỉ nó cũng ăn được. Có chất bổ, có vị thuốc nơi trái cây thì nơi lá cây cũng có y nguyên chất bổ, vị thuốc chú nờ. A Vớt lấy tẩu thuốc lá xuống lận vào lưng quần, nhìn về phía bọn khỉ đang ăn lá cây và sưởi nắng đằng kia, bảo bác Hai: - Chừ mình cứ lên nữa. Khi mô tới ngang lèn đá vôi to bằng hai ông voi trước mặt đó, ta nghỉ chơi cái đã. Rồi ở đó, tui đem lần lần mấy cái bẫy lên cột vô cành cây, bỏ trứng gà vô. Tui làm thủng thẳng cho con khỉ hắn thấy, hắn bắt chước – A Vớt cười như trẻ con – Mình mà bẫy được hắn, là vì cái tật “hay bắt chước” của khỉ đó. A Vớt khom người đi trước. Trên lưng mang chiếc gùi ở trong xếp mấy cái hũ đã chêm vào giữa những bẹ chuối khô nên tha hồ cõng đi, có ngã lăn vài vòng cũng chẳng sao. Cách một khoảng là bác Hai đi lên. Cách khoảng nữa là Tín, mồ hôi nhỏ giọt trên trán, trên má, vẫn coi chẳng mùi mẽ gì: lúc trước ở tuổi mình, thầy đi đốt than còn cực bằng vạn chớ! Đã đến bên chân hòn đá vôi to tướng. Trên đầu, bên hai vai, trên lưng hòn đá, những bụi cỏ tóc tiên mọc chĩa ra như râu Từ Hải. Dây leo vạn niên thanh đu đưa ngọn lá to như lá ráy. Rất hay là trước mặt, thẳng về phía bọn khỉ đang ngồi hái lá cây xa xa, một hàng cây trâm móc giống cây lá vối hay cây mận đào, mọc đứng thẳng ngang làm ta rất dễ trông thấy chúng mà chúng thì không thể nào nhìn thấy ta được. Khoảng cách không đến trăm mét. Cả một bầy khỉ chừng vài ba chục con đang chia nhau tìm kiếm những hoa hoặc quả hoặc lá non cây gì. Xem ra, chúng tìm được miếng ăn thật vất vả trong mùa này. Từng cái mặt ngước qua nghoảnh về láo láo liến liến thật cần cù. Chúng ra sức tìm kiếm, ban đầu thì coi bộ tính toán vô cùng chặt chẽ: nếu không gặp được những quả ngon quả ngọt thì dứt khoát không cần chạm tới những cái lá ít giá trị - nhưng đến khi gặp phải hoàn cảnh chẳng còn có lấy tí nào quả xanh quả non … thì liền dễ dàng chấp nhận hái lấy từng ngọn lá bình thường mà nhai ngấu nghiến. Đôi con, đâu như từ hang núi vừa leo ra sau cùng thì vẫn ngồi trên một cành cây, ngước mắt nhìn đông nhìn tây. Qua ánh nắng ấm áp buổi sáng, bỗng ngáp rộng một cái, để lộ cả chút dúm khói trắng. Có những con đuôi dài, mình dài, lông mốc đằng lưng, dưới bụng lông toàn trắng. Cũng nhiều con cộc đuôi, thân thể nhỉnh hơn, ngực nở, bụng thóp, mặt đỏ sẫm, đít cũng đỏ sẫm, lông lưng màu nâu vàng hoe hoe như xông khói. Đây là loại đàn anh, hay cáu, hay khooc, la lối ngậu xị bọn đàn em út chung quanh, mặc dù bọn này đang ở xa hằng mấy cành mấy cây và cũng chẳng làm gì gọi là chướng tai gai mắt. Đôi cặp, mặc kệ trời giá lạnh, mặc kệ ai lao theo miếng ăn, ta cứ đuổi bắt nhau, đu bay chuyền mình qua từng nhánh một, giỡn chơi. Tín nhìn theo, nhận xét từng con một, thật là hồi hộp. Thỉnh thoảng, ở đâu đó, không có gió nhưng bỗng nhiên thoảng tới một mùi hăng hắc như mùi lưng chồn, lưng cáo xa xa gần gần. A Vớt bảo khẽ: - Chừ chú Hai ngồi đây thôi. Tui lên đặt bẫy đây. Thằng Tín sửa soạn cầm theo cho anh hai cái hũ. Tao cầm bốn. Để cha ngồi đây chơi. Rồi anh thọc tay vào túi áo lấy ra một quả chanh. Lấy lưỡi dao đem theo, cắt đôi. Lấy phần nửa quả vắt, tóe nước vào miệng, ngậm thế một lúc, không thấy nhăn mặt. Phần nửa quả còn lại, anh dùng để rửa hai bàn tay và toàn mặt mình: - Trừ cho hết cái mùi thuốc lá. Con khỉ nếu hắn đánh hơi được mùi thuốc lá ở quanh miệng hũ, hắn sợ rồi tránh ngay. Mùi chanh đánh tan mùi khói thuốc. Tín, mi hiểu chưa? A Vớt lấy hũ ra, đặt nhẹ từng cái một xuống đất. Sáu chiếc hũ đặt đứng hai hàng đều nhau. Cả giỏ đựng mớ trứng gà nữa. Anh giải thích thêm cho Tín hiểu: bọn khỉ vốn rất thích ăn trứng chim, cho nên gặp được trứng gà, chúng càng khoái. Trứng gà có mùi tanh hơn trứng chim, lại to, một trứng gà bằng ba, bốn ổ trứng chim sâu, chim sẻ … Mỗi chiếc hũ màu nâu da lươn, nhu cái chum bé tí, xinh dáng, chỉ to gấp đôi cái chai lít. Miệng hũ chỉ vừa đủ lọt quả trứng gà bỏ vào theo chiều thẳng đứng. Theo A Vớt cho biết, đây là những chiếc hũ của đồng bào người Thượng chế ra để dùng vào một việc riêng: nói cách khác, đây là những chiếc bẫy cùm dùng để “bẫy con khỉ”. Chính bố nuôi anh A Vớt tự nặn tự chế ra đã lâu, ngay từ hồi anh mới chin, mười tuổi và đi lạc lên miền thượng được ông đưa về làm con nuôi kia. Anh A Vớt quàng lắc lư cái giỏ đựng trứng gà vào cổ, cho giỏ ra trước ngực mình, và xách mỗi tay hai chiếc hũ: - Thằng Tín cầm lên cho anh hai cái còn lại nghe. Chú Hai ngồi chơi, hút hết mồi thuốc lá là tui về … Hai anh em xách “bẫy”, giỏ trứng, nạm lạt tre đi lên. Vừa ló người ra khỏi hòn đá vôi, bọn khỉ đằng kia đã gọi lên khộộc khôộc, hè nhau phóng mình rút theo đường cành cây vào phía lối hang dãy núi lèn. Nhưng chưa chịu rút biến ngay. Những con đàn anh đàn chị phóng chạy cứ tám, chin sải tay lại dừng lại, chụm vững bốn chân vào nhánh cây nằm ngang, nhe răng khộc khẹc mấy câu xỏ xiên đã rồi mới phóng chân tiếp tục. Tín bước đằng sau, lo ngại: - Nó vô hang cả rồi anh ơi! Chừ răng anh? A Vớt nói, vẫn cứ bước ung dung: - Không răng cả. Bọn hắn rút vô rứa đó, chớ còn đứng nép ngó ra xem xét tụi mình đó. Rồi trở ra ngay mà … Đến ngang những gốc cây mà đàn khỉ vừa rồi ra ăn lá, A Vớt ngồi xuống. Anh nhặt một quả trứng, đập vỡ vỏ, bôi giây cả lòng trắng, lòng đỏ lên mình sáu cái trứng còn lại. Làm thế để gây mùi tanh hấp dẫn ra ngoài mỗi vỏ trứng. Cứ mỗi hũ, A Vớt cho một chiếc, trứng rơi xuống êm rơ, không nghe tiếng rơi. Thì ra dưới đáy hũ, từ nhà, anh đã lót vào một lớp bẹ xơ cây đùng đình. Anh giải thích: - Cốt để cho trứng đừng bể. Trứng bể là hết, không “bẫy” được khỉ … Tín càng xem càng phục cái lối đánh bẫy cùm kì lạ này. Con khỉ đưa tay vào miệng hũ, nếu cứ để nguyên tay thế thì rút tay về dễ dàng. Nhưng nếu bàn tay đã nắm quả trứng rồi thì không sao rút ra được nữa: loài khỉ vốn tham, không biết nghĩ ra rằng: “Muốn rút tay khỏi “bẫy cùm” thì phải bỏ trả trứng lại … “ Trên miệng hũ nào, anh A Vớt thảy đều phết qua ít lòng trắng hòa lòng đỏ trứng. Công việc đưa hũ lên buộc rải rác vào cành cây, Tín đứng dưới từng gốc cứ chuyền hũ cho anh ở trên “đặt” – thế là xong. * * * Cả ba người lại ngồi nấp chờ dưới chân tảng đá vôi. Ánh nắng buổi sáng cuối thu vàng tươi, càng lên càng thấy rét hơn hôm qua, hôm kia. Thỉnh thoáng, nghe một tiếng chim chích chòe trống hót kéo dài đâu trong vách đá, giọng buồn đượm. A Vớt rút tẩu thuốc ra, nhồi một mồi đầy cứng. Sợi thuốc đã khô nhưng vẫn màu xanh rớt vì tự trồng, tự phơi, tự thái lấy. Anh lấy bật lửa đốt thuốc: - Chừ tha hồ hút. Thằng Tín đừng có nóng ruột. Tánh mi hay nóng ruột, không đi đánh bẫy cu cườm được mô. Mà đi săn đi bắn, quay về nhà với hai bàn tay phủi cái bép là thường chớ. Bỗng Tín reo lên: - Hắn ra đó anh ơi! UI chao! Hắn kéo ra nhiều lắm. Đó, anh thấy chưa? Thầy thấy chưa? Bác Hai mắng con: - Kệ hắn, mô có đó. Đừng làm ồn. Anh A Vớt vẫn ung dung ngồi hút thuốc lá, quay lưng về phía dẫy cây có cài bẫy. Nghe Tín reo mừng như vậy, anh cũng chỉ nghoảnh sơ sơ, mặt nhìn về phía ấy, miệng vẫn cái nụ cười thường ngày. Đã nghe tiếng khôộc khôộc tán loạn của bọn khỉ đánh động nhau. A Vớt bây giờ mới đứng lên, nheo mắt chăm chú: - “Mắc” rồi … Thong thả. Thong thả. Lên thôi chú nờ. Thằng Tín coi chừng, kẻo khỉ hắn cắn cho đứt tay đó nghe. Anh chưa trói hắn thì không được rờ tay chưn vô nghe. Đến càng gần dãy cây A Vớt vừa đặt bẫy, Tín càng reo vang vì quá thích thú. Nó đã thấy rõ, rất rõ, mấy con đang “mắc” tay vào bẫy mà không làm sao thoát chạy được. Trong lúc đó, nhiều con đồng bọn đang khôộc khôộc loạn xị và nhảy quanh từ nhánh này sang nhánh khác. Chúng muốn giải vây cho đồng loại đang bị tai nạn. Ở cây này, dính một con. Cây bên, dính một con. Cây khác nữa, cũng dính một con. Có lẽ nhóm săn thú đến hơi sớm, chứ nếu chờ lúc nữa. có thể bọn thú đua nhau mà dính hết cả sáu cái bẫy. Càng thấy ba người đi tới, lại thêm trong tay mỗi kẻ đều lăm lăm một chiếc gậy tre, đàn khỉ con lao phóng, con còn đứng lại la lối hoạnh họe trong cổ họng, vừa sợ sệt lại vừa dọa dẫm loài người đang có chiếc gậy trong tay và con dao rừng lắc lư bên hông. Nhất là những con đã bị “cùm” tay vào bẫy rồi, chúng càng lồng lộn nhảy nhót. Trên một cành lớn, một con khỉ rất to, tay đang bị cùm. Chung quanh con mắc bẫy, bốn năm con khác đánh từng phóc gọn, đu mình từ nhánh này bắn sang cây khác, khô ộc, khẹc, khooc, hộc, một cách điên cuồng vô ích. Ở một bẫy khác, một con do uốn éo vặn vẹo thân mình quá sức, bỗng rút được tay ra. Bàn tay còn vàng đầy cả nước nhớt lòng đỏ trứng gà. Và thoát! Nó vừa chuyền cành vừa liếm ăn phần trứng vỡ dính tay, rồi lại chuyền tiếp, rút chạy yên thân vào phía núi lèn. Bác Hai đeo gậy ra sau lưng, phóc lên một cây. Chỉ một thoáng, bác đã chụp được gáy con khỉ và trói quắp đôi tay nó lại. Đàn khỉ không bị bẫy đã kéo lùi vào trong, đứng la ó ỏm tỏi mà không dám ra khooc khẹc như vừa rồi. A Vớt vừa phóc lên một thân cây thì đã vội tụt xuống đất ngay. Cái bẫy – chiếc hũ – đang cùm tay một con khác, do nó hốt hoảng thái quá rồi vùng vẫy kéo co, hũ đã tuột dây làm cho cả hũ liền khỉ lao rơi xuống đất. Cả hai rơi thỏm vào một bụi hoa sim đầy cành đầy lá. Lúc này anh A Vớt đã có mặt tại trận, vội chụp trói quắp đôi tay con thú ra sau lưng. Qua chuyến săn khỉ đặc biệt, cuối cùng ta chỉ tóm gọn được có hai con. Tín nghĩ trong bụng: - Được. Còn chuyến sau. Vài hôm nữa, để chúng bớt bớt sợ, mình rủ anh A Vớt đi lần nữa. Tự mình có thể đặt bẫy được … BÁC HAI ĐÙNG ĐÌNH (Tặng Trịnh Xuân An) Lần đầu tiên đến nhà bác Hai Đùng Đình, những thứ đập vào mắt chúng ta ngay là: ba, bốn chiếc mác săn dựng chụm vào đâu đó chứ không có ý ngầm để trang trí, hay phô trương. Rồi một đôi dao găm lưỡi ưỡn, có vỏ bằng cật tre gộc nổi vân da cóc lấm chấm bọc ra bên ngoài. Một đôi nỏ bằng gỗ cuông tầu dùng đã lâu năm nên chuyển sang màu ngà cũ, láng bóng, đang treo trên vách gỗ. Bên cạnh là mấy chiếc bao đựng tên, khâu rất khéo tay, bằng không biết với loại da chân vượn hay chân gấu. Lại những khoanh dây thừng to có, nhỡ có, bện bằng lạt giang, hoặc thân mây có cái tên là “mây ngả ngớn”, rồi dây chìu, dây dạ giao đằng, dây cây leo rừng vô danh, đang nằm từng đống ở xó nhà sàn. Vật hấp dẫn còn lại là một khẩu súng săn cổ lỗ sĩ bị cháy vẹt một vệt bên má báng mà theo ý ông chủ nhà, “mình cần chi cái bề ngoài, hè!” Bác Hai Đùng Đình còn nuôi một đôi chó săn rất dài lưng. Cả hai đều lông vện lửa sém. Và đặc biệt, con nào cũng cộc đuôi. Bác bảo rằng mình ở rừng ở núi, nuối nó để ngoài việc giúp mình đi kiếm miếng thịt, túi thuốc ra, còn để có tiếng ẳng, tiếng gâu đêm hôm cho vui nhà ấm cửa. Lại đuôi cộc, để ban đêm, gặp những tháng tiết trời giá rét, nằm ngủ, chó thiểu hẳn phần cuối đuôi, không che ấm nổi mũi sẽ khó ngủ, làm cho tai càng thính, mũi càng nhạy, canh giữ nhà cửa được tinh tường. Một tối, ở đồng bằng lên cơ quan, anh Hoàng Liên đang lên cơn sốt, nhưng vẫn cùng tôi bước đi trong đêm cuối tháng mười âm lịch. Khi lội qua khỏi lòng con khe Đá Lạnh, vừa bước lên đường đất, tôi bỗng nghe đánh oạc một tiếng mạnh ở đằng sau. Anh Liên bị trượt ngã rồi! Tôi vứt ba – lô xuống đất, trở lại đỡ anh dậy. Không rên một lời, anh chỉ thở từng hơi mạnh. Tôi xốc chiếc ba – lô không nặng lắm của anh lên vai tôi: - Ta vào mới đến con khe Đá Lạnh. Nghĩa là còn đúng mười hai cây số nữa. Anh đang mệt, ta nên nghỉ lai ngoài này. Tôi lấy ki-na-crin anh uống, sáng mai ta vào cơ quan cũng được. Liên trả lời tôi, giọng nói cố ức chế cơn sốt đang lên vã mồ hôi ra thành giọt chứ không phải vừa bị ngã xuống khe: - Cũng được. Đến gốc cây trầm nằm tạm cũng được. Tôi bị lạnh quá đây thôi … - Không chuyện gì nằm ở gốc trầm. Ta vào ngủ nhờ nhà bác Hai Đùng Đình hơn. Hoàng Liên như reo lên: - Ờ đúng! Tôi quên mất. Ta vào bác Hai Đùng Đình cũng được. Chúng tôi bước lên, sức khỏe như được tăng vượt nhờ tinh thần phấn khởi đột xuất. Xuống một dốc đứng, rồi qua một lạch suối cạn, rẽ chếch theo một đường mòn về bên phải, chúng tôi đến trước ngôi nhà có hai cây đùng đình to cao đen ngòm: cổng nhà bác Hai. Giờ này cũng vào khoảng chưa quá mười một giờ đêm. Không cần phải gọi cổng đến lần thứ nhì, đã nghe tiếng chú con út bác Hai mắng chó: “Vện, hỗn” và đi ra mở cổng: - Ai đó? Á á! Chào hai anh! - Chào em Tín. Ba có nhà không em? Tín mời một cách hiếu khách: - Hai anh vô chơi. Ba em đang dạy em làm toán nhơn. Vện hỗn! Bị mắng lần nữa, đôi chó cụt đuôi – tôi đã biết chúng từ trước – chĩa thẳng từng mẫu đuôi xơ chạy vào trước, không sủa thêm tiếng nào. Bác Hai Đùng Đình bước xuống nhà sàn đón chúng tôi: - Anh Thanh, anh Liên! Mời hai anh lên. Vui hè! Có chuyện chi mà đêm hôm khuay khoắt còn tới thăm mình đó? À, ở đồng bằng mới lên phải? Bước lên. Khéo chân, có mấy cái ghè tương. Tín con, lấy nước hai anh rửa chân. Tín chưa kịp đi lấy nước bác Hai đã dẫn chúng tôi đến góc nhà sàn bên phải, rửa chân ở dòng nước suối chảy theo máng xối nhỏ mà người chủ nhà đã khéo léo bắt mạch nó từ trong khe đá uốn mình bò vào tận nhà sàn giống như một loại máy nước. Dòng nước chảy suốt bốn mùa, trong vắt. Chúng tôi đã ngồi bên bếp lửa gồm ba gốc cây rừng cùng chụm đầu than hồng lại, thay ba ông táo. Anh Hoàng Liên đã xin phép chủ nhà nằm nghỉ trước, chuồi hai bàn chân lạnh giá về hướng bếp lửa một cách thoải mái trần đời. Liên vừa được bác Hai – bác còn là một “thầy thuốc” nổi tiếng đối với đồng bào dân tộc quanh vùng – cho uống một chén rượu “thuốc ngã nước”. Còn tôi thì đang được bác đãi một món thịt rừng thơm phức. Loại thịt đã sấy khô, cũng không hiểu là nai, cheo, nhím, heo rừng hay gấu? Nhắm với rượu cây thuốc “rừng nhà” pha mật ong. Bác Hai đặt cái tẩu thuốc lá gọt hình đầu beo đen (tẩu thuốc láng bóng nhờ luôn chùi cọ bằng mồ hôi má) xuống góc chiếc mâm gỗ, uống ực chén rượu mật ong. Bác nạm một bàn tay to tướng chống đứng xuống mặt chiếu một cách có tư thế, bảo: - Được, được. Chỉ sợ làm mất giấc ngủ hai anh. Chớ tôi thì kể ròng rã ba mươi đêm mỗi tháng cũng không hết chuyện đi săn. Vậy đó, ba thằng con trai tôi thì thằng Trung ở chiến trường Liên Khu Năm. Thằng Hiếu ở Bình Trị Thiên. Thằng Tín thì đang nhỏ, còn ở nhà đó. Ba đứa, thằng nào cũng thích nghe tôi kể chuyện đi săn. Thằng Hiếu bảo rằng con cố học lấy cái cách phục kích thú rừng của ba để con phục kích thằng Tây. Tín đâu con, cho đi ngủ trước. Hay là cho ra nằm đây luôn. Có nghe thêm tới lần thứ tám mươi sáu thì cũng cứ bổ ích… Tín ngoan ngoãn ra nằm xuống bên tôi. Dần dần, chú ta xích người gần lại, để cuối cùng cầm bàn tay tôi cắn nghịch một cách yêu thương an hem. Đêm càng về khuya, càng lạnh. Lúc này đã tưởng đâu giá có một chỗ nằm tàm tạm vào đâu đó cũng được, tôi sẽ đánh một giấc đến trưa mai cho bõ, sau hai đêm họp thật căng ở đồng bằng. Bác Hai Đùng Đình lại bảo: - Tôi sẽ dẫn hai anh đi săn, một buổi đi săn cho là lý thú đây. Săn gấu ngựa, hà hà … * * * Đặc biệt, ở trong rừng, cái con thú có một cặp tai và đôi lỗ mũi thính nhất, thinh tuyệt, tôi cho không có con gì bằng nó. Có để ý mới thấy, loài gấu ngựa đánh hơi bằng mũi còn tinh bằng mấy gấu chó. Bởi vì gấu ngựa mình cao. Khi đứng lên, hai chân trước chờn vờn như khỉ đười ươi, đôi cánh mũi ướt cũng hếch lên phập phồng. Nhất là hai cái tai nó lại càng nhúc nhích, nghe nghóng, thăm dò giống như đôi tai mèo đang rình. Các loại trái cây rừng khi chín nục như bứa, măng cụt dại, sung quặn, vả đường phèn, vải núi, tram trắng, hột sót, dâu gộc, nho lọ nghẹ, rồi mật ong, tổ trứng kiến, trứng mối, ổ trứng chim , là thường dễ bị nó khám phá ra dễ dàng. Một bữa, cách đây ba năm, tôi đã hạ được một con vào ngày 29 tháng Chạp ta. Trước đó một tuần, nghe anh em nói có thằng Hiếu con tôi, nó đang ở Trung đoàn 101 về nằm điều trị ở viện. Tôi tạt vô thăm con thì ra không phải nó mà chỉ là một anh bộ đội trùng tên. Tôi biếu luôn anh ấy gói thịt nai khô đem theo. Thằng Hiếu này hay thằng Hiếu khác, nó đã theo cụ Hồ đi đánh Tây giữ nước, thì là con mình cả … Tôi thấy trời ơi, anh em bệnh nhân bị ghẻ lở nhiều quá. Hai chị y tá có khuôn mặt thiệt ngộ cũng bị lây ghẻ cùng cả hai tay. Tôi hiểu là trong những ngày mùa đông, lại ở chiến khu, cấp dưỡng khó mua đâu ra cá ra thịt, anh em thiếu cái anh chất bổ chất béo rồi sinh ra vậy đấy thôi. Tôi hứa với bác Quang bệnh viện trưởng, để tôi xách súng đi lùng mấy bữa, kiếm cho anh em chút thịt rừng ăn Tết. May ra được con mang con nai thì tốt, không nữa con heo rừng, con nhím, hay cùng lắm con chồn, con cheo cũng được. Coi như thêm vào mỗi mâm cho anh em đọi thịt rừng là vui. Thế là tôi trở về nhà làm thêm ít đạn ghém, biểu thằng Tín lau đèn, sửa bấc, thay dầu phụng, kiểm lại đôi giày ống rồi đặt cả ra một nơi cho tôi. Trời cuối năm tuy có nắng mới nhưng vẫn lạnh ngọt. Năm nay coi ra không buốt lạnh như mấy năm. À, mà phải rồi, đúng là năm nhuận, chịu hai tháng sáu chớ nếu không thì bây giờ cũng đã đầu xuân rồi. Tôi hắt hơi luôn hai cái. Buổi sáng nắng lên tươi quá, vừa lạnh vừa ấm, thật khó phân biệt là một sáng cuối đông hay buổi sáng đầu xuân. Và những ai quen đi săn đều dễ phát hiện được ngay rằng đã có những tiếng cành rung ngân của đàn ong mật ở trên tầng cây cao đang lần chần chực đậu mình xuống các nhị hoa. Thiệt bùi tai vô kể! Nói đúng ra, không chỉ có tiếng cánh của riêng loài ong mật mà còn pha trộn vô đó rất nhiều tiếng cánh của những con ruồi lục mướt, ruồi tò vò, những lũ bướm nâu mình bé – ba loại này đường bay loạn xạ, nhảy cóc lúc bị bọn ong mật sà xuống chiếm hoa. Cùng với tiếng cánh bay vân vê trên cao, còn cả các mùi hoa rừng thập cẩm thơm lan ra và phân phối đồng đều ở khắp xó rừng, góc rừng. Anh em đi săn đã quen thuộc lắm. Đó không riêng là mùi hoa dẻ, lan nhiều dòng, nhãn rừng, lí dạ hương thường thơm gắng về sáng, lý ta, chúm chím, và trăm thứ hoa rừng không tên khác – mà là một mùi hương hòa hợp đang thoảng bay, ngửi thấy thật tuyệt diệu. Phải chờ cho tới tối, thấy cũng còn nhiều thì giờ rỗi, với lại cũng do gặp một buổi nắng mới đầy hương thơm hoa rừng quá thích thúc chân, tôi xách súng tạt vô rừng. Định men theo hốc suối cạn thọc vô Đầm Lau, may ra kiếm cặp le le về nấu cháo. Nhưng lùng đã quá Đầm Lan rồi mà vẫn chẳng gặp con gì, trừ ra trông thấy một đôi cú mèo thịt thối khét bắn chỉ tốn đạn lại động rừng, mấy con sóc bông nhảy phóng như quăng thoi, và một con chồn bông lau mình chưa kịp thấy nó, nó đã kịp biến mất rồi. Cái nòi đi săn thường cứ bị chơi trò “khát nước”. Càng không gặp thú, chán ngấy, thì càng cứ hăm hở đi thêm. Sang một cánh rừng khác nữa, vẫn chỉ nghe tiếng cánh ong rung lên đều đặn trên cao. Và nhất là cái mùi mật ong, thấy càng bốc lên thơm nồng. Vừa vạch khẽ đám lá cây che mắt và những cành đan chéo, đã thấy ngay một đống đen ngòm cách chỗ tôi đứng chừng ba chục mét. Đi săn thú rừng đối với tôi là chuyện cơm bừa, vậy mà trống ngực tôi cũng cứ đánh thùng thùng. Định thần nhìn kĩ xem … Gấu! Một tên gấu ngựa. Nó đang đứng chờn vờn ngọ ngoạy đôi tay ngắn, nhìn lên vòm cây nghe ngóng, đánh hơi, vừa lắc mặt quay từng vòng như người múa sư tử. Như tôi đã kể, gấu là loài có đôi tai và cái mũi đánh hơi tinh kì lạ. Riêng về tai, nó có thể phân biệt được một khoảng cách từ mặt đất lên đến ngọn cây rừng cao nhất: trên đó là tiếng cánh ong mật hay chỉ nghe tiếng cánh lũ ruồi xanh. Không chỉ nghe được tiếng cánh ong lầm rầm ngoài trời, mà nó còn nghe rõ cả tiếng những con ong thợ ở trong bộng đang vừa gây mật vừa reo vui, vừ rung mình, rung chân, rung cánh trong từng tầng từng ổ. Còn đôi lỗ mũi gấu nữa, như đã nói, cũng không kém đôi tai bao nhiêu. Nó có thể phát hiện ra chùm quả trên cao kia là đang độ xanh non, hay bắt đầu già, hay vừa lóe chín hườm, hay chín muồi, chín nẫu. Nhưng nó đánh hơi giỏi vậy, tại sao tôi đứng cách chỉ quãng ba chục mét mà nó không phát hiện ra? Không có gì lạ, chỉ vì trong lúc đó, ở trên ngọn cây cao chắc là đang có bộng ong mật thiệt sự: gấu ta đã nghe được tiếng cả đàn ong rì rầm hấp dẫn ở trong bộng, lại ngửi thấy mùi mật ong rất là quyến rũ. Nhưng không may, tôi bỗng hắt hơi một cái rồi ho luôn một tràng bốn, năm tiếng lớn theo. Con gấu tướng giật mình “hộc hộc” mấy hơi, vung người chạy biến về phía lũng khuất … Thiệt là một cái hắt hơi quái ác, tôi không làm sao cưỡng lại được. Có lẽ nguyên do là từ hồi còn trai trẻ, tôi bỗng bị hen suyễn vì một sáng đã ngửi mấy bông hoa cây chạc chìu. Ngửi hoa dây chìu mà mắc phải bệnh hen suyễn sao? Phải nói rằng tùy hoa, tùy hoàn cảnh, tùy người, và tùy bệnh – chứ không phải ai ai và hoàn cảnh nào ngửi hoa cũng đều bị như vậy cả … Và sau đó, tôi phải trị bằng mật ong với xác tổ ong nuôi thường xuyên trong nhà đến suốt năm năm liền, thì chứng hen mới tiệt nọc. Cần nói thêm, tôi vừa uống mật ong vừa tập ngửi thêm hoa dây chìu để cho quen phổi, cũng là lấy độc trị độc đó thôi. Được cái, tôi rất hiểu tính tình loài gấu. Đang sắp sửa chén được mật ngon lành mà bỗng gặp phải một tiếng động bất thường xảy ra, là nó giật mình chạy tháo thân cái đã, chưa cần hiểu ở trước mặt mình là người hay thú vật, con hổ dữ hay con chuột nhắt. Có khi trong rừng, chỉ một cành cây to mục nát bị chú sóc bông đập đuôi ngã gãy, gấu ta cũng “hộc hộc” lên mấy tiếng và chạy đến bán sống bán chết. Nhưng tôi biết lắm, chỉ vài hôm sau, có khi chỉ qua hôm sau, là thế nào nó cũng lần mò trở lại đúng chỗ đã mất miếng ăn … Tối ấy, tôi bỏ hẳn ý định từ lúc sáng là sẽ đi săn đêm. Vì cũng không chắc gặp được con gì lớn hơn – mà bắn những con thú nhỏ thì sợ động rừng, thú tản mất. Cứ bám riết theo con thịt vừa rồi dễ ăn hơn … Như vậy là ở vùng này, có gấu ngựa thiệt! Con gấu ngựa vừa chạy biến thì tôi đến ngay dưới gốc cây săng to đại mà gấu vừa đứng vác mặt nhìn lên lúc nãy, xem xét. Cây săng già rất cao. Thân cây đang vượt bổng lên thì bất thình lình cụt lại rồi tỏa bẹt ra hai nhánh: một nhánh lớn và một nhánh khác chỉ gầy bằng nửa. So với thân cây thì ngay nhánh lớn cũng rất bé nhỏ. Ở chỗ giáp ranh đó, có những con ong mật đang rung cánh tần ngần giữa ngọn cây bỏ lửng. Đúng là có bộng ong mật ở trong rồi. Chưa biết bộng ong to nhỏ, mấy tầng, lâu năm hay mới xây, mật nhiều hay ít. Chỉ thấy lũ ong ra vào coi dáng siêng năng. Tốt rồi! Tôi nhìn lại những gốc cây săng chung quanh, gần đó, rồi rộng ra. Cách gốc săng này khoảng mươi mét, rồi rộng xa hơn nữa, cũng đều là những cây săng khác. Tôi lưa một gốc mọc gần tảng đá lớn. Xem ra cây này có là có cành sum sê hơn cả. Có thể leo lên ngồi vào cái chạc ba kia. Ở đó, nhìn hướng sang bộng ong mật thì rất vừa tầm súng, vừa kín đáo, lại vừa nằm chênh chênh dưới chiều gió cho gấu không thể phát hiện ra “mùi người”. (Cũng nên nhớ, loài gấu tuy thiệt thính tai, thính mũi đó, những cũng có cái nhược điểm lớn như tôi đã nói, là lúc gặp một bộng ong mật thơm tho là nó sẽ mất cảnh giác với chung quanh ngay). Tôi khoác súng lên vai, leo ngay lên cây săng này. Lên tới cái chạc ba của thân cây, nhìn sang điểm có đàn ong mật bay ra bay vào tẩn mẩn, từ đây sang đó thấy thiệt là vào tầm súng nổ. Lại được cái vị trí hơi thấp hơn bộng ong mật ở bên kia. Ừ, sẽ tùy theo hướng ngồi vốc mật bỏ mồm, vừa rướn cổ vừa ăn nhóp nhép của con thú mà nổ súng. Đạn sẽ xoáy đúng vào mặt gấu, hoặc sẽ khoan sâu vào thái dương, hoặc sẽ khoét thủng từ sau gáy tới… Tôi trở về nhà. Thế mà cũng phải đi mất hơn hai tiếng đồng hồ xuyên rừng. Không để lỡ dịp, ăn quấy quá xong bữa cơm trưa, tôi bảo thằng Tín rằng tôi sẽ không đi săn đêm nữa: tôi đang theo dõi một tên gấu ngựa rất to. Rồi đeo súng trở lại địa điểm, leo lên chỗ cũ, lên đạn. Tôi quan sát đàn ong mật vo ve bay ra vào bên cây săng cụt ngọn, lại nhìn ngược xuống thân cây, gốc cây, rồi nhìn ra chung quanh bốn bề, vừa trinh sát bằng mắt, vừa nghe ngóng. Rừng không bao giờ yên lặng mà luôn luôn có bao nhiêu là tiếng thì thầm to nhỏ khác nhau. Từ tiếng cánh ong bay mà nếu ta lắng nghe thật kĩ thì không chỉ có tiếng đôi cánh phân vân của nó mà hình như có cả “tiếng ong kêu” ngay trong lúc đang bay, như để thổ lộ một điều vui thích hay một ý bục mình nào đó… Tiếng gió: có lúc lăn tăn gợn song, có lúc rào rào nhộn nhịp, lại có lúc giận dữ đâm sầm vào các tầng lá cây đặt nghiêng, đặt ngang, hay đặt ngửa. Rồi các loại tiếng kêu của chim rừng. Không thấy mình chim ở đâu, chỉ nghe tiếng hót, tiếng kêu mà ta biết ở phía đó, đó là chim vàng anh mình vàng mỏ đỏ; ở bên kia là chim thủ thỉ thù thì gọi bạn và tránh ánh sáng; còn ở phía đằng khe cạn, đó là chim thiên đường đực đang vừa kêu “roec” một tiếng hốt hoảng bằng giọng chào mào rừng, lại vừa vụt bay, hơi vất vả vì cái đuôi đỏ hoe dài thõng đến gấp tám, gấp mười đôi cánh … Nhưng nghe gì thì nghe, nghĩ gì thì nghĩ, luôn luôn tôi vẫn tập trung chú ý nhìn vào gốc cây săng có bộng ong mật bên kia. Rồi chiều. Rồi tối. Bóng tối trong rừng xuống vội, đùn lên đâu từ mặt đất, từ gốc các thân cây xù xì. Nhưng ở phía ngọn cây cao thì ánh sáng như còn muốn ngân nga ở nán chơi thêm lúc nữa. Cả buổi chiều nay, thế là gấu không trở lại. Tôi đành tụt xuống đất, trở về nhà. Lại sáng sớm hôm sau. Lại chiều hôm sau. Rồi cả ngày kế tiếp, tôi đưa cơm nắm, thịt khô muối sả, và cả bi – đông nước chè lá lên ngồi chờ. Rồi đến tối, lại trở xuống, lại về nhà … Người đi săn thú có lẽ hơn anh em khác cái kiên trì, nói là cái “gan lì” thì đúng hơn. Phải có gan lì để lặp đi lặp lại một công việc chán ngấy vì không có kết quả: phục kích chờ thú đến. * * * Qua ngày thứ tư, cũng vào buổi sáng sớm, tôi lại khoác súng lên vai, đưa cơm nắm, nước uống, lên cây ngồi. Có tiếng heo kêu eng éc đằng phía cây bồ kết dại: à, lại một chú cú heo nào đang đói bụng và bói mồi đây! Xa xa, tiếng con khe Rùm có nhiều đá dựng, không hiểu sao sáng nay nó lại đổ hồi lao xao rõ như vậy? Chắc là khí trời hôm nay trong hơn, và nắng ấm trở lại đây thôi … Đôi mắt tôi lại liếc thoáng xuống gốc cây săng có bộng ong mật. Ôi, gấu! Con gấu! Đúng là con gấu hôm nọ. Nó đã trở lại đây rồi. Nó kia kìa! Con gấu ngựa đang trèo lên cây săng có bộng ong mật. Những bộ vuốt cong, sắc, sáng ánh thòi hẳn ra như từng đầu ngón tay để bíu, đang bám khéo vào thân cây. Rồi cả cái thân thể đồ sộ ấy cứ nhảy phóc từng quãng ngắn theo đường xoáy trôn ốc quanh thân cây. Đôi mắt nó nhìn lên, hấp háy như đang bị thứ ánh sáng lạ rọi vào. Cái mõm há ra một cách vui thích, để lộ những chiếc răng trắng giống răng chó và một cái lưỡi đỏ ướt viền xanh đang lắc lư. Đường phóc xoáy của gấu trên thân cây càng lên cao dần thì cái khoảng cách giữa nó và tôi càng gần lại. Đáng gờm nhất là những lúc mặt nó quay vòng về phía tôi: chỉ một thoáng gió vẩn vơ tạt từ hướng tôi sang nó là “mùi người” sẽ bị gấu phát hiện. Nhưng xem ra nó đang say bộng ong mật hơn là tôi. Nó đã lên đến miệng bộng. Cái mặt nó đâm ra bần thần, bộ điệu hơi khựng lại một chút. Đôi mắt cứ hấp ha hấp háy, đôi tai cũng vểnh khẽ như vừa để nghe ngóng, vừa cùng chia sẻ với cái bụng đang xoắn xít reo mừng. Ở bên này, từ lúc nãy kia, tôi đã chuẩn bị súng. Súng đang ghếch nòng tựa nhẹ vào một chạc cây, hướng tầm về bộng ong mật. Phải chuẩn bị hai phát kia đấy. Nhưng thong thả - cứ quan sát chút đã. Trước tiên, gấu thò tay vốc một mớ mật vàng tươi nhỏ giọt cho vào mồm: hình như quá ít vì mật lỏng, chảy đã gần hết. Nó vừa lắc mặt vừa nhai, vừa nuốt. Chắc là do thói quen, chứ mật thì có gì đến phải nhai như những thân quả, thân củ? Ong bay tán loạn, xông lên như khói bùng. Ong càng bâu đốt vào mặt, vào mình, nó càng ngẩng cao mõm lên tránh né, không quên nhai nuốt. Đôi mắt nhắm nghiền lại, như kẻ cố chịu đấm ăn xôi. Một lúc, hình như thấy chỉ vốc bằng tay thôi thì ăn không bõ bèn gì, nó sục mặt vào bộng ong, làm cả đàn ong bay ùm loạn xạ. Ong bâu vào đốt ở mặt, ở mõ, ở đầu, ở lưng. Và bây giờ thì nó rên gừ gừ thật sự. Tôi ngắm thật chính xác. Vẫn thong thả, thận trọng. Lựa chiều cho cả cái mặt con thú vừa rút ra khỏi bộng ong: “Đoàng!”. Có tiếng một con chim trả đầu nâu vừa kêu lên xắc xắc vừa bay hốt hoảng một vòng rộng. Tôi vội rút vỏ đạn ra, nạp tiếp viên đạn thứ hai, động tác thật nhanh. Con gấu “hộc hộc” lên dữ dội và bỗng lao vung mình sang phía cây săng tôi đang ngồi. Nhưng có lẽ vì bị thương nặng, yếu sức, nên cả thân thể nó chỉ bám tuột vào nửa phần trên thân cây săng. Con thú đổ từ ngọn cây xuống đất đánh ầm. Một số ong mật không hiểu cố ý bay bám theo mình gấu để đốt hay vì sức nặng của gấu lúc rơi xuống đã gây thành tàn gió kéo tạt ong theo luôn. Gấu quằn quại, vùng vẫy, hộc hộc từng hơi ngắn như heo bị đâm họng. Những cẳng chân vùng vẫy, những móng vuốt và hàm răng cào cấu, cắn xé điên cuồng vào gốc cây, kiểu như không vồ được tôi thì cũng phải hủy hoại thân cây tôi ngồi để “trả thù”. Sau đó một lúc, đã hoàn toàn yên lặng. Tôi rút tẩu thuốc lá, gõ đầu tẩu cho tàn tro rơi rụng, nén vào một mồi thuốc sợi đầy để tự thưởng công mình và để mừng cho anh em bệnh nhân sẽ có thêm chất thịt trong ngày cuối năm. Thuốc lá mình trồng lấy, phơi lấy, xắt lấy: rất ngon! Con gấu không còn “hộc” lên nữa, nằm nghiêng nghiêng. Cái đầu nó cũng nghênh theo thân mình, một chân sau cũng đã thôi giật giật. Tôi hít những hơi dài thuốc tẩu khoan khoái, ngồi lúc nữa. Sau tiếng súng vừa rồi, rừng bỗng im ắng nghiêm trang. Những thân cây như càng dựng đứng. Tôi vẫn ngồi trên cây, nòng súng buông xuống hướng con thú nằm. Rõ ràng nó không còn nhúc nhích. Tôi khoác súng lên vai, thu nắm cơm còn nguyên vẹn lại, uống luôn hai ngụm nước chè lá đặc còn nóng hổi, tụt xuống đất. Vẫn rất cảnh giác … Trời đất! Gốc cây săng của tôi bị những móng vuốt gấu cào xé xước dài từng mảng và rạch sâu vào thân. Lại có những vết răng cắn ngoạm, làm cho gốc cây bị lẩy lên nham nhở. Nhìn từ trên cây xuống, con thú cũng chỉ to vừa vừa. Không ngờ bây giờ thấy nó to và mập đến thế! Về mùa đông, ít có loại gấu ngựa to và béo được như thế này. Thích quá! Để cho anh em bộ đội đang nằm ở bệnh viện có thêm miếng thịt rừng ngon trong mấy ngày Tết, nghĩ đến điều này, tôi thấy rất vui. Tôi rút dao găm chặt hai cành cây dài cắm chéo xuống đất, cặp vào hai bên cổ gấu, làm dấu. Như vậy có nghĩa rằng: con thú vừa bị bắn chết đang chờ người đi săn chay đi gọi bạn trở lại mang về. Cái cổ nó to quá, tưởng như loài gấu ngựa không có cổ. Bỗng thình lình tôi bị nhói một cái ở sau gáy. Tay tôi đập bẹp lên thì đó là một chú ong mật vừa đốt và chưa kịp bay đi. À, nó tưởng đâu tôi vừa đến cướp mật của chúng nó … Nhưng chẳng mùi mẽ gì đối với tôi qua một mũi đốt của con ong mật. Lấy tí thuốc lá xát vào, một lúc là tan nọc. Vả lại, ông già tôi trước kia có biểu, giá thỉnh thoảng ta được loài ong mật đốt cho một, hai mũi nọc thì ta càng trường thọ đó thôi. Anh em ở bệnh viện quân y chiến khu rất hoan nghênh tôi về ý thức thương yêu các chiến sĩ bệnh nhân đang nằm ở viện. Bốn anh em được viện cử theo tôi đi gánh con thú về. Và tối ba mươi Tết, các đồng chí lãnh đạo trong cơ quan mời tôi đến vui liên hoan cuối năm. Nói là vui liên hoan cuối năm, chớ thiệt sự là ăn một bữa cơm rất ngon, một bữa cơm ăn toàn với các món thịt rừng. Cũng phải khâm phục đến cái tài nấu nướng pha chế khéo tay của những anh em cấp dưỡng của viện: “tinh tế như các bà nội trợ người Huế”, anh em khen thế. À, còn cái túi mật gấu giá trị nữa. Các anh ở đây có ý tốt, nhất định đưa biểu lại tôi là người đã đóng góp trên tạ thịt rừng cho anh em cả viện ăn Tết. Vì lẽ “đó là quyền sở hữu của bác Hai Đùng Đình, một lão du kích bảo vệ chiến khu, đồng thời là người cha của hai con đang tại ngũ” – bác Quang bệnh viện trưởng tuyên bố như vậy. Tôi quên giới thiệu thêm với các anh, tên thiệt của tôi là “Hai Đung”, đúng là Hai Đung. Từ sau Cách Mạng thành công 1945, tôi là dân quân du kích ngoài chiến khu 1, anh em vẫn gọi tôi là Hai Đung. Vậy rồi từ ngày bắt đầu kháng chiến, gia đình tôi vào ở địa điểm này, ngoài cổng tôi trồng hai cây đùng đình sum suê như mấy anh thấy đó, bà con lại chuyển tên tôi thành ra “Hai Đùng Đình”. Ừ thì Hai Đùng Đình nghe cũng được, cũng “có vẻ” lắm chớ, phải không anh? * * * Một tiếng cười ha hả thật thoải mái bỗng nổi lên. Thì ra anh Hoàng Liên chưa ngủ. Từ lâu, anh vẫn nằm lắng nghe, theo dõi câu chuyện săn gấu. Bác Hai Đùng Đình cười theo, làm đôi mắt vẫn còn rất tinh anh díu lại một cách thích thú: - Chết cha! Tôi làm anh Liên mất giấc ngủ rồi. Sáng mai chia tay, tôi phải đền lại anh mấy viên đan trị sốt rét dứt nọc mới xong. Đó là món thuốc gia truyền chế biến từ các vị mật gấu, mỡ gấu, bàn tay gấu và bao tử gấu, có thêm đôi vị rễ cây khác nữa, bài thuốc do ông già tôi truyền lại. Thôi, mời hai anh đi ngủ thôi. Ba giờ sáng rồi đó: con gà rừng trong Khe Điếc đã gáy đợt một. Nó là cái đồng hồ ban đêm của tôi… Đó, đó, nó đang gáy đó. Hai anh thử lắng nghe coi tiếng gáy nó có dễ thương không? ÔNG ẤM RẮN HỔ Buổi sáng ở chiến khu, vào tháng ba tháng tư. Ánh nắng vừa lên, sương còn mù trời mà tiếng vượn bạc má đã hót đổ hồi dội từ mé rừng này chuyền qua triền rừng khác. Phúc ăn xong bát cháo trộn sữa tiêu chuẩn hiệu chim tha mồi, báo cáo với trực nhật và anh em bảo vệ xong, đi chơi. Định đến nhà ông Ấm Rắn Hổ chơi sáng nay, đã hỏi rõ lối đi từ tối qua rồi. Cứ đi thong thong thả that, “đi cho dẻo dai bộ cẳng”, bước dọc theo bờ con khe Tành Tành tràn đầy nắng sáng. Theo lời chú Thợ Lượng thì cứ “đi dọc theo con khe Tành Tành, khi mô gặp cây bồ đề sét đánh chẻ đôi thành ra hai cây, một gốc đứng thẳng, một gốc ưỡn ngược như người đang khoe khoang bắp thịt cánh tay, đằng sau đó, quẹo ngoạch qua trái là có con đường mờ mờ, cứ đếm miết chừng vài trăm bước nữa thì gặp hai cây dầu rái to cao, đó, đó là nhà ông Ấm Rắn Hổ, không trật”. Tiếng con chim gì hót rất lạ tai đâu từ phía mé rừng bên kia khe Tành Tành đưa sang. Cứ “t-róc … t-rọc … t-rai t-ròng …. Roec … roec …. Roec … “ nửa như chim bông lau núi nửa như chim chàng làng ông. Phúc thấy rõ ràng là một buổi sáng chiến khu rất đẹp, đầy mùi hương, hoa gì tỏa lan rất thơm, đi đâu cũng gặp, như đứng một chỗ. Đúng như câu nói của bác sĩ bệnh viện trưởng: “Cứ nằm ngay ở giường bệnh này thôi, nếu biết chú ý là phát hiện ra ngay cái đẹp”. Bỗng Phúc gặp một ông lão đang ngồi hút điếu thuốc lá sâu kèn bên một bụi sim có mấy quả điếc, tai quả rất to. Chú ý thêm, anh thấy gần bên, đặt nằm ngang trên ngon hai gốc sim khác là một ống xì đồng dài, có bịt khóe bạc hai đầu. Phúc đến gần bên ông lão định bắt chuyện vớ vẩn, luôn tiện để nghỉ chân chứ đã hơi hơi nhói đau: - Chào cụ. Thưa cụ, nhà cụ Ấm Rắn Hổ đã gần đây chưa ạ? Ông lão vẫn không thay đổi nét mặt dửng dung, nhìn sơ qua người hỏi đường: - Anh đừng giận bầy tui nghe. Chớ anh ở mô tới, xin cho biết cái đã? Vừa nói vừa nhìn áo quần người hỏi đường, bây giờ thì ông có vẻ chú ý hơn một chút, đôi mắt còn tinh anh như mắt người thường đi đêm. Phúc có hơi phật ý chút ít, nhưng cố giữ vững tác phong quân nhân: - Dạ, cháu cũng ở gần đây thôi. Cháu là bộ đội đang nằm điều trị. Bệnh nhân đã đỡ, được bác sĩ cho đi chơi cho quen chân trở lại, trước khi trở về đơn vị. Ông lão vẫn chưa hết truy kích: - Ờ, rứa hả? Giỏi lắm. À, anh nói bác sĩ là bác sĩ tên chi rứa anh hè? - Dạ … bác sĩ bệnh viện trưởng. Bác sĩ Quang người Quảng Bình mà. Ông lão bắt đầu thân mật: - Anh có bà con quen biết với ông Ấm Rắn Hổ ra răng mà tìm thăm ông đó? - Dạ không. Cháu là bệnh nhân sắp được trở về đơn vị. Nghe nói ở vùng này có gia định cụ Ấm Rắn Hổ, cụ có tài bắt rắn bằng tay không … thì muốn đến thăm, hỏi chuyện cho vui thôi. Ông lão gật gât tỏ ý hiểu ra: - Rừa à? Rứa thì … chính tui. Vẻ mặt Phúc, hết ngạc nhiên cùng độ thì chuyển sang một nụ cười với đôi con mắt gần như nhắm lại, thật quá phấn khởi. Cũng không hiểu sao, anh dang cả hai bàn tay ra mà vồ lấy bàn tay ông cụ. Vô cùng vui mừng, vô cùng hân hạnh, anh chỉ nói được: - Ôi chao! May quá! Hay quá! Cụ lại có tài thổi chim nữa. Dạ thưa, cụ vừa mới ra đi sáng nay phải không? Hỏi thế vì anh chưa thấy ông lão đưa về được con chim nào cả. Ông ta nói: - Tui không thổi chim. Tui thổi bằng lưỡi me … Thổi cá. Thôi về thôi. Anh có quá bộ vô chơi nhà tui không? - Dạ, vào chứ. Cụ cho cháu về thăm gia đình với. Ông Ấm Rắn Hổ đứng lên, nắm nhẹ cái ống xì đồng vào chính giữa mình ống. Rồi bước sang hai bước đến sau một gốc cây thầu đâu rừng. Ông lão xách lên một đôi cá tràu bông to đại, mình nổi vân mờ mờ, bụng trắng hếu: vật phẩm mà ông đã “săn” được bằng cách thổi lưỡi me. Phúc thú vị một cách bất ngờ, vừa hồi hộp vừa cảm mến như đang đứng trước một nghệ sĩ tài ba: - Cháu thật là bái phục cụ. Ôi! Thổi lưỡi me mà được như thế này thì ôi, quá giỏi! - Giỏi chi. Thổi rồi quen. Quen thì … ít trật. Thôi về hè. Để tui rình vớt chút nữa trên đường về nhà, may ra kiếm thêm con nữa. Cái nắng bữa ni coi dậy quá, nước khe ấm lắm rồi: cá tràu hay thích lên đớp thở. Anh nhớ bước xa xa tui chút chớ không thì … mắt hắn tinh lắm Ông lão quàng sợi dây mây đũa nhỏ xíu đã xóc vào mang đôi cá lên vai, bước ngược theo dòng khe sâu. Phúc đi cách đằng sau khoảng mươi mười lăm bước. Thân mình ông lão mặc bộ bà ba đen rộng, nhìn sau lưng thấy người mảnh khảnh với một vai hơi vênh cong như người bị hen suyễn. Bước đi khoan thai, đôi mắt luôn nhìn phóng lên mặt khe phía trước. Cái ống xì đồng cầm nhẹ nhàng trong tay cứ thúc lên đưa xuống đều đặn theo nhịp vung tay. Bỗng thấy ông khoát nhẹ bàn tay một cái, dừng bước. Phúc hồi hộp lây theo, nhìn nương theo cặp mắt ông lão. Vì vừa còn xa, vừa chưa quen lối nhìn nghề nghiệp, anh chẳng trông thấy gì hết. Cụ Ấm Rắn Hổ nâng nhẹ cái ống xì đồng lên, cầm nó chỉ ở phần sau chuôi, đưa ngắm. Thật là hồi hộp. Vẫn chưa. Tí nữa. Chưa … Bỗng “púp”! (Hơi “thổi” chỉ nhẹ, nhưng sao nghe thấy chắc, rất nén, có cái gì như độc ác của một ngón võ hiểm nghèo). Ông lão khoát lại bàn tay, lần này như mời anh bộ đội lên ngay. Mặt ông vẫn thế, dửng dung, như lúc nãy khi gặp lần đầu. Phúc đến nhìn vào cái hướng hơi ghếch cằm của ông. Dưới mặt khe, một chiếc phao lông công dài độ lóng tay đang xoáy xoáy trả về những vòng li ti liên hồi theo đường dây sợi chỉ gai rất mảnh một cách hấp dẫn. - Con ni nhỏ thôi. Đáng ra, để dành đó tới cuối năm rồi hãy “vớt” nó, nhưng thấy vui miệng thì cũng thổi nhẹ cái chơi, cho anh coi. Nhỏ thôi, chỉ “trọng” hơn cái cán cuốc. Chiếc phao đã nằm ngang, im phăng phắc. Ông lão rút trong túi áo ra một cái móc bằng cành cây khô ấn vào ngọn ống xì đồng, đưa xuống câu phao lên. Cứ thế, cứ đứng trên bờ mà kéo cá về. Một con tràu lưng xanh lơ. Đúng là nó chỉ nhỉnh hơn cái cán cuốc thật: lưỡi me đâm xuyên qua đầu cá, giống như vết xuyên của hai con tràu bông kia. - Hắn ở từ dưới lòng khe, đội dần cái đầu lên mặt nước đúng vô tia nắng rọi để đớp thở. Rứa chớ thấy cả mọi vật trên bờ đa! Màu trắng hay màu đỏ hắn thấy rõ hơn sắc đà sắc đen. Mình chuẩn bị thiệt đúng lúc hắn sắp sửa đưa miệng lên đớp thở, mà thổi. Nói ra thì dễ, nhưng lường cho được cái thế giữa mình với hắn là khó. Lại thổi cho trúng huyệt, trúng chính nhắm vô cái đầu hơi bẹp mới ăn tiền. * * * Ông Ấm Rắn Hổ không dẫn Phúc đi dọc theo con khe Tành Tành. Không đi qua gốc cây bồ đề bị sét đánh chẻ đôi, mà đưa anh bộ đội về chơi nhà mình bằng con đường băng rừng. Theo ông thì đi như rứa lợi đường, lợi chân, lợi đổ mồ hôi nhờ đi dưới bóng im. Ông lão bước trước, đi theo một đường mòn quá mờ, gần như không phải con đường. Luôn luôn phải vừa bước vừa đưa chân xô cành xô lá ra hai bên để đi lên. - Anh đã lập gia đình chưa? Theo bầy tui thì trai thanh niên thời chừ, mình cứ thong thong thả thả cái đã, rồi hãy vợ con. Thằng con tui hắn ra làm việc ngoài Khu Tư đó, hắn năm ni đã ba mốt, tuổi dần con cọp. Gởi thơ ra giục mấy hắn cũng cứ dạ có chớ, đang tìm. Năm trước cũng dạ có, đang tìm, năm sau cũng đang tìm, dạ có, năm sau nữa cũng dạ có, đang tìm. Hắn cứ cù nhựa tui mãi rứa đó. Mà hỏi ra, con trai thời chừ hắn cũng rứa cả. Thôi thì cũng mặc kệ hắn, kháng chiến thành công rồi hãy hay … Ờ, ớ! Dừng lại! Dừng lại! Phúc bước đằng sau, dừng lại ngay. Ông lão bước lui, rón rén, nói rất khẽ: - Anh ngồi đây. Tui lên coi thử: có cái chi đây mà cả bộng ong đất đang túa lên như khói bếp … Ông lão gác khẽ cái ống xì đồng vào hai nhánh cây chìa ra gần đó, đặt xâu cá xuống, bước lên thận trọng. Đến gần phía bộng ong đất, ông ngồi xuống. Một lúc hơi lâu, ông bước lui bảo khẽ: - Số mình sáng ni hên lắm! Săn thêm được một con thú thiệt giá trị, bầy tui hay nói chơi là “con thú nằm vạ”. Một con trút to lắm anh ơi! Hắn đang ăn ong. Đó là loại thú ăn đêm, nhưng đôi khi vẫn ra ăn ban ngày như bữa ni. Nói nhỏ thôi, tai hắn thính lạ lùng. Được cái là khiếu thính tai của hắn lại chỉ “thính riêng” đối với chân mối, chân kiến, chân gián, chân ong thôi, chớ không phải nhạy bén với mọi thứ tiếng động khác. Cho nên mình không sợ hắn biến đi mô nữa, coi như bỏ túi cả trăm phần trăm rồi. Nhưng mình cứ phải yên lặng: để coi kỹ cách hắn vừa bắt mồi vừa ăn, lạ lắm! Lên đi. Phúc bước khẽ theo chân ông lão, không để cho một túm lá nhỏ nào hớ hênh bật lui cành. Đến cách khoảng năm bảy mét có bộng ong đất đang vi vu, cánh lên đen ngòm, cả hai ngồi xổm xuống. Một cảnh lạ mắt đang diễn ra: sát bên tổ ong đất, một con vật – lần này là lần đầu tiên Phúc trông thấy con trút – trông thân mình thấy hơi ghê ghê, đang giương dựng cả bộ vảy có lẽ rất cứng, giống như những chiếc vỏ ngao, làm cho cả mảng lưng phồng tướng. Bao nhiêu ong đất đang xúm sà vào các khe hở chắc là để bám đốt, không thấy bay lên trở lại. Rồi từ từ, những cái vảy của trút lại cụp dần xuống, sập xuôi theo thân mình. Những con ong khác từ trong tổ vẫn cứ bay ra, xông lên, bao vây kẻ thù. Đàn ong có vẻ nổi xung vì đang không làm sao tìm ra một nơi để đốt. Một lúc sau, vẫn là từ từ, chầm chầm, những chiếc vảy trên mình con thú lại dần dần giãn ra, tưởng như những cánh hoa đang nở nhanh. Từng con ong đã chết ngạt rồi, rơi lăn xuống đất. Con nào còn dính lại trong từng kẽ vảy đều bị lớp da ở cuối chân vảy căng thêm để đẩy ra nốt. Con thú rất chậm chạp, bây giờ quay dần dần nửa vòng đầu, phóng lưỡi dính ăn, khi đôi ba xác ong , khi một xác ong. Cụ Ấm Rắn Hổ nhìn mặt Phúc, vui theo cái vui bất ngờ của anh bộ đội hình như lần đầu tiên được xem một con trút đang dăng bẫy bắt mồi. Rồi ông nháy mắt với Phúc, bước lên, với cử chỉ thật gọn, đưa tay tóm đuôi con thú. Lạ thay, nó gần như khúc gỗ. Không có phản ứng gì, không vung cuộn mình, không quẫy đuôi, không chạy. Nó chỉ từ từ cuộn mình lại, giống như con cuốn chiếu. - Anh bứt giùm tui cái dây. Sau lưng đó. Cây dạ giao đằng đó. Phúc làm theo, đưa dây lên ông lão. Ông trói chắt bốn chân con thú, có hơi khó khăn vì nó cứ cuộn tròn mình lại, thu cả bốn chân vào giữa. Ông cụ bước sang bẻ phắt một cành cây gần bên, tuốt hết lá, xọc vào giữa bốn chân của trút. Động tác chắc, nhanh chính xác. Phúc tự thấy bây giờ là trách nhiệm của mình: - Cụ đưa cháu khênh. Cụ Ấm Rắn Hổ bảo: - Coi chớ chân anh đang yếu đó. Vết thương cũ bị vô chân trái phải không? Được, ra ngoài đường trống rồi anh khiêng. Khéo kẻo ong hắn đốt. Phúc nhớ lại những cái móng chân của trút dài, sắc, trông đáng gờm quá. Anh hỏi ông lão về những bộ vuốt con thú, nếu như không để tự vệ … thì vì sao nó dài và sắc đến thế? Ông lão giải thích: - Anh thấy đó, trút ăn ong. Nhưng thức ăn chính thường ngày của trút là mối với kiến. Chính những cái vuốt sắc như vuốt gấu đó, hắn dùng để bới đất rất giỏi, rồi xọc đầu vô ổ mối hoặc tổ kiến, phóng lưỡi quét ăn. Nếu gặp con gì động đến, hắn liền cuộn tròn mình lại: phần vảy trên lưng phô ra như cái áo giáp sắt. Cọp hay beo cũng phải ngán ngẩm bỏ đi. À, anh biết đã biết cái bài thơ con trút chưa? Đồng bào miền núi Thừa Thiên mình ai cũng thuộc: Thịt ngon, vảy quý, mật như vàng Xẻng cuốc hang đào: có vuốt chân Mối, kiến, gián, ong đều khó thoát Một mình một chiếu thảnh thơi ăn Phúc bước theo chân ông lão, không dứt được dòng suy nghĩ, phục thiện. Thật là một ông lão lạ lùng. Từ nhỏ, anh sống ở một tỉnh đồng bằng miền bắc, rồi lớn lên, học hết cấp III phổ thông thì vào bộ đội, từ ấy đến nay cũng qua bốn năm, đã trải qua nhiều mặt trận, nhất là chiến trường Bình Trị Thiên quen thuộc này, hôm nay anh mới gặp được một ông cụ đặc biệt như vậy. Hình như ở trên đời, việc gì ông lão cũng biết, nghề gì ông lão cũng thạo thuộc – không phải chỉ “thạo thuộc” mà còn rất tinh xảo. Với cái cách săn bắt con mồi, tạo ra miếng ăn hàng ngày như một công việc sản xuất đối với ông lão sao mà giỏi thế? Đánh cá, những chú cá tràu bông nặng hằng cân bằng cách thổi chơi lưỡi me. Và săn thú nhờ đã nắm vững đời sống và tính nết từng con vật, nên chỉ đưa với cánh tay ra là “nhặt” được thú về. Đó là chưa kể đến tài bắt rắn bằng hai bàn tay không nữa: chẳng thế mà ông lão được người ta gọi cho cái tên là “ông Ấm Rắn Hổ” … Thế nào rồi mình cũng phải nhờ ông kể cho nghe về “phép” bắt rắn mới xong. Thình lình có ba con chó đen ngòm ở đâu xộc ra, làm Phúc bước né sang bên, đề phòng. Nhưng chúng chỉ nhảy loăng quăng chunh quanh người ông lão, sủa khe khẽ theo lối mừng rỡ quá mức độ. Hóa ra đã đến nhà cụ Ấm Rắn Hổ. A đúng! Hai cây dầu rái to, thân cao vượt lên trên đây rồi. Một cô con gái khoảng mười lăm, mười sáu, mắt hơi xếch giống đôi mắt cụ Ấm, trông xinh nét, đầy đủ hai đồng tiền núng bên hai chèo má, chạy ra đón bố: - Thầy đã về. Chào anh … A con trút! BÁC KHÓA KIỆN (Kính mến tặng bác Khóa Kiện) Hậu về phép đã bốn hôm nay mà chưa hôm nào được ăn lại món thịt thú rừng như trước đây. Trời gần xế, nhân có bác Khóa Kiện đến chơi từ chiều, và nhân lúc sáng vừa câu được mấy con trê tướng lườn vàng rộm từ trong khe Rơn Rớn về, chú Sáu Lục mời khách ở lại “ăn bữa cơm dưa với gia đình, vì rằng thằng Hậu tui hắn mới về phép thăm nhà”. Tưởng đâu nói cơm dưa là ý nói khiêm tốn của chủ nhà, không ngờ là “cơm dưa” thực sự. Nhưng đấy là bữa cơm dưa đặc biệt, rất lạ miệng, nhờ tài khéo tay của thím Sáu, má anh Hậu, vốn là người Huế thôn Vỹ Dạ chế biến và nấu nướng. Dưa giá đậu đen xanh lòng nên thân dài, giòn hơn giá đậu xanh. Dưa củ kiệu. Dưa cải trường muối nguyên cây vàng khè, thơm xông óc. Dưa môn bẹ tím. Dưa bà – cai ướp toàn cả trái. Rồi có thêm cái món cà ư – hự (1) nữa. Ăn cặp với cá trê nướng đã khía nghiêng thân cá trước khi xọc dọc que nướng. Chuyện tào lao mà thật rôm rả. Đang đi từ kinh nghiệm câu trê rồi chẳng hiểu sao lại nhảy qua vấn đề săn khỉ. Theo ý chú Sáu Lục, người có biết qua nghề nấu cao xương, cao sừng, như cao ban long, cao hổ cốt, cao khỉ … thì khỉ là loại thú rất tinh khôn cho nên đại khó săn nó. Bắn bằng súng hay bằng nỏ cũng vậy, mình đâu có xáp gần được chúng mà bóp cò. Mũi chúng không đánh hơi được xa, nhưng đôi mắt và đôi tai thiệt thính nhạy. Chúng còn biết nương dựa vào nhau mà sống. Cùng đi ăn, cùng nghe ngóng, cùng phát hiện để có thể đối phó kịp thời. - Hắn chỉ sợ có anh beo thôi. Vì beo leo trèo, rình rập được cả từ trên cây. Chỉ ngặt một cái là thân mình beo to, nặng cân, không bám được lên mấy cành cây nhỏ mà khỉ đang nhún mình trốn thoát. Có phải rứa không, dạ thưa bác Khóa? Bác Khóa Kiện đồng ý ngay: - Đúng, đúng lắm. Mà theo tui nhận xét, thì mình phải tách riêng ra hai loại. Beo đen tuy dữ, rình mồi dưới đất thì luồn lách khéo dáng hơn cả cọp vện tàu cau, nhưng qua leo trèo thì vụng dại hơn beo gấm. Vì rứa mà có lần mô đó khỉ bị tát chụp ăn thịt, thì đó là beo gấm, chớ không phải beo đen … Thành ra nói tóm, một cho rằng đối với loài khỉ, hắn sợ nhứt trần ai là con chồn vàng chớ không phải beo. Con chồn vàng (2), anh Hậu đã có khi mô trông thấy nó chưa? Hỏi Hậu, nhưng bác Khóa lại đưa cặp mắt còn rất trong suốt sang cả chú Sáu Lục. Hậu thưa dạ chưa, tuy cũng có ở rừng nhiều nhưng dạ chưa. Anh tỏ vẻ thiết tha muốn xin nhờ bác Khóa “nói thêm một chút nữa” về con chồn vàng, nó nguy hiểm là nguy hiểm như thế nào đối với bọn khỉ? Chú Sáu cũng gật gà, đầu tóc đã trắng toát vì nghe đâu trước đây chú uống hơi quá nhiều cao khỉ, tuy tuổi mới trên bốn mươi: - Tui cũng có thấy một lần, nhưng không biết có đúng chính nó không hay là chó sói lửa. Ác một cái, tui chỉ thấy xa xa. Cả một bầy bốn con, lông vàng nâu nâu, đang đuổi riết một con hươu xạ cùng phóng qua dãy đồi Ông Ấm, rồi cả hai bên mất hút. Không biết có đúng là nó không? Bác Khóa vỗ đùi cái bộp, chống nắm tay vào gối: - Đúng, đúng nó! Cũng dễ phân biệt giữa chó sói lửa với chồn vàng thôi. Anh chó sói lửa thân thể to gấp đôi, gấp ba bọn chồn vàng, đó là một. Hai nữa, anh chó sói lửa mình ngắn hơn, trông qua hình dạng thì nó thuộc loài chó. Còn anh chồn vàng mình mẩy chỉ bằng con cáo, thuộc loài chồn. Và ở chồn vàng, nếu nhìn kỹ, đầu thì hơi giống đầu chó, thân gần như thân mèo, nhưng dài, còn đuôi thì là đuôi chồn thiệt sự: dài kiểu như cái phất trần. Chồn thường dùng đuôi làm chiếc “bánh lái” những khi rượt phóng theo con mồi mình săn. Nó săn mồi giỏi hơn cả chó sói lửa. Con mồi ở dưới đất, nó ví chạy dưới đất. Gặp con mồi trên cây, nó cũng phóng đuổi theo trên cây, nhảy lanh như loài vượn, đúng y như bầy vượn lao mình. Tui đã có lần chạm mặt cả bầy. Nỏ cầm trong tay rồi, nhưng không làm sao bắn được nó; vì thiếu mất mũi tên. Rứa đó mà bữa đó, rốt cuộc, không ngờ lại gặp hên … Đối với bác Khóa Kiện, anh Hậu chưa biết được nhiều, chứ chú Sáu Lục thì chú kính yêu và mến phục bác Khóa từ trước đến nay. Đó là một con người thật đức độ, hay giúp đỡ các gia đình nghèo khó đông con, mặc dù nhà bác cũng chỉ đủ ăn. Mọi người ở trong xóm đều bảo rằng: bác Khóa là người có “võ giỏi”. Nghe kể rằng trước kia, đã có lần bác đánh với cả một con cọp vện tàu cau; đến ngọn đá vớt thứ hai thì con cọp phải rống một tiếng, đập đuôi phóng tuốt vào Khe Lau. Người ta còn bảo rằng từ thời trai trẻ, cứ sáng sáng và chiều chiều, bác thường luyện sức khỏe mình bằng cách vác lên vai một con bò con mới sinh, chạy mười vòng quanh vườn nhà không nghỉ. Quá sáu tháng, con bò tơ này một hôm vì đánh nhau với con bò khác ngoài đồng, nó bị bong gân chân, không bước được. Thế là anh Khóa Kiện đã ra vác xoác bò lên vai, ung dung đi về tận sân nhà, chọn chỗ đất ráo mà đặt khẽ bò xuống, mới thở phì một hơi. Nhân tiện do yêu cầu của Hậu, sáng ngày kia anh đã phải trở về đơn vị, bác Khóa kể lại câu chuyện “săn hụt” chồn vàng cho bố con anh Hậu nghe. Đúng ra, bác Khóa cũng là một tay săn thú bằng nỏ loại đàn anh, tại vùng Cà Nú thuộc thượng nguồn con sông Ô Lâu này. Đồng thời, bác cũng là người tính hay vui chuyện, thích kể những mẩu chuyện săn bắn, đi vào đôi chút kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho đám thanh niên trai tráng nghe. * * * Cách đây cũng mới hai năm …. Trưa đó, tui ở từ nhà ông bạn dưới làng Lồ Ô trở về nhà. Tui quen tính, hễ đi rừng là không quên đưa theo cái gậy song, con dao rừng, cái nỏ, kèm ống tên đeo đằng sau lưng. Vừa về tới con Khe Rộng gặp mùa nước lũ tràn về, tui phải vượt lanh qua khe. Nếu không sợ con lũ dâng tràn rồi không sang nổi. Sắp gần tới bờ bên kia, nước càng dâng đầy. Tui bước phải hòn đá rêu lưng lươn, ngã ụp xuống luôn. Cái gậy mây văng tuột khỏi tay đang sắp bị cuốn trôi phăng, tui liền nhào theo mặt nước chụp ngay lại được. Thiệt ra, ở rừng, một que gậy mây song đối với mình thì là đồ bỏ! Nhưng tôi quý cái gậy mây song ni vì nó là cái kỷ niệm chút chút của thằng cháu ruột: nó bị thương nặng trong trận diệt đồn Sư Lỗ của Tây đóng, anh em khiêng về tại nhà tui lúc đó ở ngoài chiến khu Một, kèm theo cái gậy của nó chẳng biết đồng chí mô cho, rồi nó hy sanh. Tui bị ướt loi ngoi, nhưng đi một lúc là khô. Đang bước trong quãng rừng sưa, bỗng thấy đằng xa, trên ngọn cây, một đàn khỉ đang khô ộc khẹc ỏm tỏi và nháo nhào phóng nhảy từ cành này sang cành khác có vè gì bất thường. Tui luồn mình dưới vòm lá cây thấp, chuẩn bị nỏ, may ra kiếm một con về nấu nồi cao hoàn tính. Còn cái bầu dục (CT: quả thận) của khỉ cùng với trái tim thì để trị bệnh bại liệt cho con nít: theo tui, thuốc tiên không bằng. Tới mấp mé chừng năm chục thước tây thì đứng lại xem xét. Một con khỉ thiệt to, lưng vàng, từ trên cao tung nhảy xuống đất. Rồi cũng ở trên ngọn cây, một đôi chồn – sau đó mình mới biết, đó là đôi chồn vàng - cũng lao xuống theo, con trước con sau. Ai lạ, gặp một cuộc “săn thú” ở giữa thiên nhiên đây rồi! Tui tiến lên mấy bước, núp người đằng sau một gốc cây sanh đôi. Lựa thế vừa tầm, tui quỳ xuống một chân, lên ngay dây nỏ. Tay kia vội rút một mũi tên trong ống tên đeo sau lưng. Mấy ngón tay định cầm mũi tên liền bị tưng hửng. Bàn tay tui quờ vô toàn miệng ống tên lần nữa: chẳng còn mũi tên nào.! Tui nhớ lại ngay. Mấy mũi tên bằng thân lồ ô vót chuốt thiệt công phu đã trôi băng theo dòng nước lũ từ lúc mình lao chụp lại chiếc gậy rồi. Tui tự trách mình thiệt là quá sơ suất! Chừ thì chịu bó tay … Một tiếng kêu “chéc” kéo dài của con khỉ vừa phóc lại lên thân cây. Sau lưng nó, đôi chồn vàng vẫn đang bám sát. Con khỉ lưng vàng này hình như nó là con đầu đàn, to khỏe, phóng xa phóng lanh. Đang lao mình tránh né, vừa gặp lúc bị kẻ thù chụp hụt vô lưng, nó đã lòn mình đớp cắn trở lại ngay dù là cái táp gió. Mà hai con chồn vàng cũng hết sức tinh khôn: Coi ra chúng đã quyết định đuổi săn một con mồi thì quyết săn tới cùng. Một lần, cả đôi chồn vàng đang lao riết theo lưng con khỉ đầu đàn … thì chúng gặp ngay một chú khỉ khác đang phóc loạn xạ sáp bên hông. Nhưng cả đôi chồn vàng không thèm chụp bắt quàng xiên mà vẫn cứ đuổi theo con mồi định bắt. Vẻ như chúng cố tâm áp đảo tinh thần tới cùng. Con khỉ đầu đàn hình như sắp núng thế. Trong một đường phóng mình định chụp vô cái nhánh cây cao hơn, bàn tay nó đã nắm vuột nhánh cây. Cả thân mình trước khi rơi xuống bỗng oằn nghiêng và hai bàn tay nó chụp vội vào một cành khô: cành khô gãy ngắt. Khỉ rớt lại xuống đất mà vẫn giữ được bốn chân chụm nhẹ nhàng như loài mèo. Và một con chồn vàng đã lao xuống theo, nhờ cái đuôi lái cả thân mình nương đi không chệch hướng. Rồi con thứ hai, từ trên cây cao cũng đã lao xuống đón đường anh khỉ. Chồn chụm chân nhún nghiêng mình một cái như để phóng chặn bên trái … thì thình lình phóng quệt qua phía phải, chặn họng con mồi đang nhón mình định trốn thoát trên cây. Con khỉ lưng vàng thét lên một tiếng kêu khiếp đảm. Nhưng nó đã bị con chồn vàng này cắn ngập vô họng. Chồn vừa cắn, vừa nhằn, vừa nhay, gừ gừ như mèo bắt được chuột. Trong lúc đó con chồn bạn cũng đã xông tới gặm vào bốn khoeo chân con khỉ. Tui còn chú ý điều ni nữa: là nó cặn ngập vô khoeo hai tay của khỉ trước, rồi mới cắn vô khoeo đôi chân sau sau. Nghĩa là chắc nó có “suy nghĩ” trước rồi: trong cả bộ tứ chi của khỉ thì hai chi trước, tức là hai tay, là quan trọng gấp mấy hai chân. Diệt trừ xong hai tay trước, là diệt trừ được cái sự phóng chụp leo trèo lên cây lên cối của khỉ. Chú Sau với anh Hậu coi, bọn chồn vàng có ghê không? Bỗng một con chồn vàng thứ ba từ trên một chạc ba thân cây cũng nhảy xuống. Nó đến ngửi ngửi rồi cắn nhằn vào lưng con khỉ, phụ họa. Bây giờ, trên các ngọn cây đã im phăng phắc. Bọn khỉ còn lại chẳng biết đã rút biến đi đằng nào không còn một con. Chỗ tui ngồi núp nãy giờ cũng không xa mấy chỗ bọn chồn vàng sắp sửa moi ruột con mồi ra đánh chén. Và cả ba con vẫn không hay biết gì đang có người ngồi rình gần đó … * * * Nhờ cái, từ thời trai trẻ đã biết qua đôi ba miếng “võ giấu” nước mình, tui liền cầm cây gậy mây song, gậy to em em cây tre cán giáo (3), tui nhảy ra, vừa nạt một tiếng “hỗn hào”(4) kéo dài, vừa vụt nghiêng đường gậy vô lưng bọn chồn vàng. Tui vốn hiểu: với bọn thú rừng táo tợn như loài chồn vàng ni – chúng “dám” săn bắt ăn thịt cả dê núi, cả hươu cả cầy cáo đó – nhứt là trong lúc chúng đã săn được con mồi và sắp sửa đánh chén … là mình không dễ chi cướp ngang miếng ăn của nó được. Đường gậy chưa vạc chếch xuống tới thì cả hai con chồn vàng đã bỏ mồi nhảy rối vô chân tui, đớp gió như một đôi chó dữ. Tui lanh chân đá véo một ngọn vớt vô mông một con: chỉ trúng xước nhưng coi ra cũng đau. Đồng thời tui vụt tay gậy vô mặt con kia, nhưng đầu gậy chỉ lướt qua cái vèo ở trên lưng nó. Trong lúc đó, con chồn vàng thứ ba vẫn ung dung một mình, đang ngoạm vào cổ xác con khỉ, cắp chạy nhùng nhằng. Tui nắm gậy rượt theo giáng nện một đòn vô đầu con này. Đầu gậy trượt chéo trúng nhích qua bụng con khỉ. Tuy rứa đó mà vẫn có lợi. Nó phải nhả ngay con mồi và lẩn tránh lấy thân. Nhưng nó vẫn chưa chạy hẳn mà nhập bọn với hai con kia: cả ba vẫn quanh quẩn ở đó, không chịu bỏ đi. Con khỉ bị nhiều vết cắn vào mấy nơi hiểm huyệt. Trên ót, dưới yết hầu, và cả bốn khoeo chân, máu còn tươm chảy. Làm sao mà đã có một nhóm kiến vàng cao cẳng, mình trong như thủy tinh, đến bâu vô các vết máu ở cổ và các khoeo chân của khỉ rồi! Cả ba con chồn vàng đang xuôi xuôi, đứng sau các gốc cây, bắc mặt nhìn tui, thỉnh thoảng còn “phè” nhẹ một tiếng tức giận. Hình như chúng đang định tìm cách một sống một chết xông vô cướp lại miếng mồi. Được! Đã có cách … Tui liền rút cánh nỏ giắt sau lưng ra. Dáng dấp như kẻ sắm tuồng, tui quỳ xuống một chân, lên dây nỏ, và bật gió vô hướng chúng cái “pức”. Lại lên dây. Lại bật dây. Rõ ràng, tiếng bật dây rất có công hiệu, chú ơi! Bọn chồn vàng đập đuôi, phóng mình rút chạy như tên bắn. Nháy mắt, chúng đã mất dạng trong những gốc cây rừng chi chit. Tui bứt sợi dây leo, tuốt hết lá, cột túm bốn chân chú khỉ vừa “săn” được lại, xọc gậy vô giữa, cõng khỉ về ung dung. Dọc đường, thỉnh thoảng lại gặp mấy đồng bào vừa Kinh vừa Thượng. Ai thấy cũng dừng lại hỏi chuyện. Nghe tui giải thích, họ cười hả hả, răng sém khói thuốc lá: - Ông già mưu trí! Ông già mưu trí thiệt! Tui nghĩ lại: tự nhiên mình đi qua con suối, bị dòng nước lũ làm trôi mất mấy cái mũi tên. Gặp bọn chồn vàng đang săn khỉ, không có gì để bắn, đang tức ngược lên … thì lại không ngờ nhờ có cây gậy mây song to bản của thằng cháu hy sanh để lại đánh tóe bọn chồn vàng mà cướp được cả con khỉ to bự thiệt quý giá! Đáng ra là săn chồn vàng, không ngờ lại được khỉ. Rừa nghĩa là mình gặp may, “gặp hên” chớ đâu có phải là “mưu trí”? Phải không chú Sáu? Phải không anh Hậu? HẦM BẪY HEO Người phát hiện đầu tiên ra “trận chiến đấu tình cờ “ này là Đá. Lúc đó đã gân gần sáng. Trăng xế đã bạc thếch và bắt đầu nghe tiếng chim chèo bẻo hót gióng đợt một “cần – nên – dậy – sớm”, rồi tiếp theo là “đừng – nên – dậy – trưa – chợt”. Đá Cà Nhắc – Đá bị thọt một chân vì đạn súng lục của thằng quan Tây, đồng bào bảo rằng đó là thằng quan tư tóc đỏ ngồi trên máy bay bà già nheo mắt bắn xuống – đang nằm ngủ tại nhà với bố, bỗng nghe những tiếng gầm ngắt quãng dữ dội. Ban đầu nó cũng không biết đấy là tiếng cọp: chỉ nghe từng giọng rống la của một con gì đó, có vẻ không bình thường, đâu ở phía hầm bẫy heo. Tiếng rống cụt, nhưng rung ngân, như đang ở trong một căn hầm xi – măng vừa rộng vừa dài. Đá khẽ đánh thức bố dậy. Bác Năm Sỏi vừa tỉnh ngủ đã ngồi lên ngay. Lắng nghe một lúc, bác bảo nhỏ: - Cọp. Con cọp to lắm! Cũng chẳng hiểu vì sao con chó Lem đang nằm dưới chõng tre vội thóp bụng lại chui ra, quắp cái đuôi vào đôi chân sau, đến sờ sẫm luẩn quẩn bên Đá, run bắn, và rít lên khe khẽ khiếp đảm. Bác Năm vỗ vỗ vào đầu Lem, nói với Đá như reo mừng: - Cọp sập hầm heo rồi. Con nghe coi, có đúng ở phía hầm heo mình không? Đây là cái hầm bẫy heo rừng của cả ba khu xóm núi là Xóm Côi, Xóm Giữa và Xóm Dưới thôn Khe Cụt họp nhau lại làm, để chống heo ra phá rẫy. Cả ba xóm quyết tâm đào cái hầm sập công phu này (miệng hầm dài khoảng sáu, bẩy mét, sâu sáu, bảy mét, đáy vạt túm lại để con thú khi đã rơi xuống là không thể chụm chân nhảy được). Đồng thời phải ken khít một hàng rào cột dây rừng tuyệt kiên cố, có nẹp ngang trong ngoài bằng những thân tre đực. Hàng rào bao vây cả đồi Bường tốt đất, đang trồng toàn khoai sắn. Nó chạy giáp vòng khu rẫy để gặp mối trở lại tại chiếc hầm sập này. Bọn heo rừng tham củ, lỡ lọt vào hàng rào, nếu không tìm lại được cổng ra hay bị người đóng cổng, gặp động, sẽ lao chạy men theo hàng rào một vòng là rơi bẫy. Cha con bác Năm Sỏi vốn có nhiều mảnh ruộng đầu thừa đuôi thẹo kiểu “đồ vứt đi”, chỗ trồng nếp, nơi trồng sắn, đám trồng khoai dọc theo bờ con suối Xóm Dưới. Nhà bác, gọi là mảnh chòi thì đúng hơn, ở sát kề hầm bẫy heo nên được bác thôn trưởng phân công cho trông coi. Nghĩa là thỉnh thoảng nhớ kiểm tra lại hàng rào, buộc lại cái nuộc lạt tre bị mưa nắng bung ra, thăm dò coi gốc cây nào lỡ bị mối đùn thì giã mớ hột than mát cùng với bả lá rau răm nhà trời, ngâm nước rưới vào để trị. Hôm nào bẫy được thú, có khi thực sự là heo rừng, có khi con chồn bạc má, có khi một đôi rắn hổ, cũng có lần được luôn cả bầy nhím bốn con – bao giờ cha con bác cũng được phần gấp đôi nhà khác. Cho nên ngoài công việc chăm lo trồng tỉa cấy hái chung, hai bố con cứ cách đôi hôm lại ra “dòm” hầm một lần. Thường thì chính Đá ra xem. Nó, bước thấp bước cao, tay cầm cái ná giàn thun, miệng huýt gió chơi chơi theo điệu hót sáng con chào mào rừng, sang chim chàng làng ông, sang vít cỏ, sang khướu, trở lại chào mào rừng, cứ thế, như người thổi cây sáo trúc. Nó thả chân một vòng ra đây, ghếch mắt xuống hầm. Có một hôm bỗng được cả một con gà rừng mẹ với ba con con đã hú đuôi tôm. Tuy là việc nhỏ, cha con bác vẫn đưa ra báo cáo giải quyết ngay thẳng trong nhóm sản xuất đổi công. Tất nhiên cuối cùng bác vẫn được hưởng. Ai cũng mến. Hai cha con thật thà, đâu ra đó, đại ghét cái thói nhập nhằng chỉ ưng huơ tay phù phép tóm bắt chuồn chuồn. Ả gà mẹ không bay thoát được vì hầm vừa quá sâu, gà lại “cam” con, chẳng dám bỏ con … Bác Năm hỏi tiếp Đá: - Có đúng không? Đá đang tự trách mình chiều qua quên không nhặt ít đá cuội cho ná giàn thun, vội trả lời: - Dạ đúng đó. Nhưng cớ vì răng hắn rống dữ rứa ba? - Chắc dưới hầm đang có thêm … con chi khác nữa. Đôi khi con rắn hổ. Hoặc chỉ gặp con cóc tía, cọp cũng hay bực mình cáu gắt. Bác bước lại lấy con dao rừng đeo vào người, giục: - Con chạy ù lên bác Khóa thưa bác ra luôn nghe. Ba thủ cái mác lào ngoài giàn bầu, ra trước. Con xuống lấy cái mác lào ngắn cán dưới bếp mà đi. Trời gần sáng rồi nhưng cứ cầm đi cho chắc tay. Đá bước ra. Một tay cầm chắc cái mác lào cán cụt, vẫn không quên quàng cái ná giàn thun vào cổ. Bác Năm đã ra phía giàn bầu. Con Lem cuống quýt chưa biết nên theo ai, nhảy kêu ư ử, lúc chạy theo bác Năm, lúc nhảy theo Đá. Sau cùng, theo Đá. Nó chạy lên trước đoán lối, luôn tiện tè xỉa vô gốc cây gì lờ mờ bên đường. * * * Bác Khóa Kiện bước đi trước, tay cầm cái gậy mây song đã lên nước nhờ mồ hôi tay lâu năm. Cả vùng miền thượng đây ai cũng kính nể bác. Họ đồn rằng bác thời còn trẻ, là tay “khóa võ”(5). Chỉ một ngọn đá móc của bác ấn xọc vô hậu bộ là cọp phải gầm rống nhảy phóc vào rừng. Đá bước cà nhắc theo sau, thấy người bác Khóa quá gầy yếu, hai vai nhô hơi cao, trông bác ọp ẹp thế nào. Nhưng nó nhớ ngay ai đó bảo rằng người có võ hiểm, vì luyện tập nhiều, có khi còn phải uống cả mã tiền thạch tín nhân ngôn cho nên người gầy đét lại, nhẹ mình chúm chân nhảy xoẹt là đứng ở bên kia mái nhà rồi. Trời đã sáng hẳn. Sương mù nhiều, rơi bồm bộp như giọt mưa. Thỉnh thoảng, một tiếng gà gáy xa. Chó nhà nào nhà nấy chắc đã nằm lì tại xó buồng xó bếp, sợ tới đau thắt ruột. Càng đến gần hầm bẫy heo, càng nghe tiếng gầm dữ dội của cọp. Lại có tiếng hộc hộc khác xen vào, ác liệt không kém. Bác Khóa bước chậm lại, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ghé tai nói nhỏ với Đá: - Vui rồi đây con. Heo rừng đang đánh nhau với cọp. Hai tướng kỳ phùng địch thủ ni gặp nhau tại dưới đáy hầm là … đánh nhau tới chết đây. Con đứng coi, phải cẩn thận kẻo rớt xuống hầm như chơi nghe. Đã có mấy người đứng láo nháo ở chỗ cây tre ngáng (6) trước miệng hầm. Có hai người nào vẫn còn cầm trên tay mỗi kẻ một bó đuốc còn cháy liu riu, sáng bạch ra rồi mà sao không thấy dụi tắt đuốc. Bác Khóa và Đá cùng con Lem, con Lem đuôi cứ quắp vào cái bụng thóp, vừa rên rỉ bên chân Đá mỗi khi nghe tiếng cọp gầm – đã bước đến. Hai người cầm đuốc là anh Rẹc với chú Nhùm. Bác Năm Sỏi đang đứng phía bên kia cây tre ngáng, chăm chú nhìn xuống hầm nói chuyện với ai đó. Những tiếng gầm rống của cọp càng ngày nghe càng điên cuồng, lại có thêm cả những tiếng hộc của con heo rừng loại heo một, nửa thở nửa hộc thành bè thấp. Bác Khóa bước vội qua cây tre ngáng đến đứng bên bác Năm, không nói gì. Đá cũng bước qua theo. Trống ngực đánh thình thình mà lại thích quá là thích. Con Lem mới đó đã trốn đâu mất không còn thấy tăm hơi. Ở dưới đáy hầm sâu, rất hẹp, một con cọp vện tàu cau – cọp vện tàu cau vồ người là dám chụp ngay trước mặt (7) – vừa gầm vừa tát vào đầu địch thủ. Những cái vuốt hai chân trước quắp khỏe vào lưng con heo một nhưng bị tuột ngay. Da lưng của heo dày quá nửa gang tay, lại được nó lăn qua nhiều lớp nhựa dọc, nhựa tram, vuốt cọp coi như chẳng để làm gì. Bỗng con heo xoay vội một đường vòng bất ngờ, húc thốn đôi nanh vào phía bụng dưới cọp bằng miếng võ hiểm. Một tiếng gầm vang dội làm những người đứng xem ở trên đều phải thụt giật lùi người theo bản năng tự vệ. Sau đó, họ lại bước lên một bước, rướn người nhìn xuống như cũ. Tiếng gầm của cọp trong tiếng hộc hộc của heo rung chuyển cả vùng. Không bao lâu mà người ở đâu kéo đến ngày càng đông. Nhiều anh không biết đã leo lên từ lúc nào ở hàng rào bằng thân cây rừng đã mọc cành đâm lá lại, ngồi xem ung dung, giống hệt như mấy chàng xem lậu vé một trận đấu bóng hấp dẫn. Có đôi chú bé tuổi xuýt xoát Đá thì ngồi vắt vẻo trên một cây đa mốc hơi xa. Chúng ngồi ở vị trí nhìn từ đó lại vẫn thấy được phía trên miệng hầm. Nếu không nom được “Võ Tòng heo đả hổ vện” – chúng bảo nhau thế - thì ta nghe được tiếng gầm chuyển động đất trời trong tiếng hộc dũng mãnh là đủ sướng ghê. Vừa ngồi bắc mặt, vừa khới bắp luộc nhom nhem. Có tiếng chú Tư Nhúm hỏi, không biết hỏi ai: - Chừ răng hè? Đi mời anh Năm Nhỏ trên xã đội đưa súng về diệt cả đôi hay răng hè? Một tiếng rống dậy thật khủng khiếp của con cọp vện. Rồi nó phóng chân thế nào mà tung mình lên chỉ còn cách chừng một mét là ngang miệng hầm. Xong đó, nó quắp dính cả thân mình được vào thành đất một lúc, cái đuôi ngoe nguẩy. Tất cả người xem trên này vội nhào lui bỏ chạy. Anh Rẹc với bác gì nữa đấy, đều vấp chân vào cây tre ngáng ngã huỵch làm ai cũng cười. Bác Khóa Kiện thì chỉ nhớm lui chút ít, không tỏ vẻ gì, cây gậy mây vẫn cầm vững trong tay - Không sao. Không sao! Hắn không phóng nổi quá bốn, năm mét bề cao mô. Lại còn đang bị thương nặng ở bụng. Máu nhuộm ướt đuôi rồi đó … Con heo một có đường húc “thiểm” (CT: hiểm) quá. Thôi bắn làm chi tốn đạn. Răng rồi cũng có con chết trước mà. Chính anh vện tàu cau cũng nên! Con cọp vện vừa tuột chân rơi xuống đáy hầm lại. Kiểu như không phải bị tuột mà chỉ cố ý lựa chiều trong một thế vồ mồi khéo léo. Mà thật vậy! Cọp vừa buông mình xuống nhẹ như cái lá rơi thì đã ngoạm được vào họng đối phương. Cứ vậy mà nhằn đi nhằn lại với cả hai hàm xai tròn, chắc như hai gọng kìm ngắn. Lạ thay, con heo một chỉ hộc hộc lấy lệ, chịu đựng thế, không có tí phản ứng gì. Chắc là đang nghỉ thở lấy sức. Cũng chẳng hiểu ra sao thình lình con cọp gầm lên một tiếng dữ dội nữa – hình như có cả mùi hôi trong miệng cọp phả lên – rồi đập đuôi nhảy loạn một cái, thấy cả phần lông bụng trắng xóa. Cái vung mình của cọp này đã kéo theo cả thân thể con heo một tung lên, rồi cả hai cùng nhau rơi xuống lại dưới đáy; hóa ra con heo đã ngoạm trở lại vào cẳng chân sau của cọp . Miệng heo ngoạm chặt, ngoạm tròn trịa cả phần dưới chân sau cọp. Con cọp vừa gầm, vừa lồng lộn. Bây giờ không phải là tìm cách tiến công lại địch thủ mà chỉ tìm ngón để rảy, lắc, làm sao cho cẳng chân mình tuột khỏi miệng heo là tốt nhất. Bao nhiêu lượt cọp đã tỏ vẻ muốn cong đuôi chạy dài nhưng bao nhiêu lần ấy đều lôi cùng cả thân thể heo theo. Sau cùng, bằng một cái ngoai đầu lòn xuống bụng đối phương, cọp đớp cắn được cũng một chân sau của heo. Thế là mỗi anh đều thắng kẻ kia một ngọn và cũng đều thua kẻ kia một miếng. Rồi những người đang đứng ở trên nhìn xuống đều thấy bỗng nhiên con heo bị tuột miệng, làm cho bốn chân con cọp được tự do vùng vẫy. Một người la lên: - Cọp bị mất chân rồi. A ha! Còn có ba chân rưỡi thôi bà con ơi! Tiếng bác Năm Sỏi xen vào: - Đúng. Đúng! Con heo một ghê quá, táp đứt mất một chân anh vện tàu cau rồi. Mà không khéo rồi heo cũng phải cống trả lại một chân cho cọp đó… Đúng là một chân sau của cọp đã bị heo cắn đứt ngang. Người ta đang cố tìm xem thử cái đoạn chân cọp bị đứt kia rơi vào đâu thì đột nhiên, thấy con cọp không còn cắn vào chân heo nữa. Nó đã ngoạm đứt được trở lại vào yết hầu đối phương đúng ngay vào chỗ lúc nãy heo đã bị ngoạm lần đầu. Chưa kịp nhằn, cọp liền bị heo đớp cắn trả đũa vào phía trên cổ. Và cả hai, không bên nào chịu buông tha bên kia. Bây giờ không còn tiếng gầm rống của chúa sơn lâm mà cũng không nghe tiếng hộc hộc của chàng heo độc. Chỉ còn những tiếng gừ gừ, tiếng thở khò khè của cả đôi bên. Rồi một lúc nữa, là im … Trận “chiến đấu” giữa cọp với heo rừng kết thúc. Hai bố con bác Năm Sỏi đã nhanh chóng về nhà, đang đưa chiếc thang – chắp, thang dài đến tám chín mét, trở ra. Bà con trong cả ba xóm mặc dù nãy giờ đã nhắc nhau hãy trở về đặng cày nốt cánh đồng cày dở hôm qua, nhưng ai cũng ậm ừ nấn ná để coi coi chút nữa. Nắng ấm lên vàng rộm. Trận huyết chiến giữa cọp với heo rừng kéo dài thế là trên hai tiếng đồng hồ: kể từ lúc chưa có tiếng chim chèo bẻo gọi đến bây giờ. Sao mà thấy lâu quá chứ! Những ai lúc nãy ngồi trên cây, bây giờ đã xuống cả, đều đang tập trung bàn tán ở bên này cây tre ngáng. Ngồi, hoặc đứng, hoặc chùm hum, đập muỗi kháo chuyện. Có lẽ tất cả, đang thắc mắc không hiểu sao cọp với heo lại cùng tụt chân xuống một lúc thế được. Có người cho rằng cọp thấy heo thì vồ chụp ngay, nhưng heo đã phóng chạy như cánh buồm. Không phải heo sợ gì cọp. Nó chạy là … chạy kiểu “Lã Bố chiến tam anh” để lựa thế quật ngược mình húc bắn trở lại địch thủ, dùng cái ngón hướng hai đường chạy cho chạm tóe nhau. Nhưng heo ta đang khi phóng chạy bỗng gặp cây tre ngáng trước mặt, liền chụm nhanh bốn vó nhảy qua. Cọp ở đằng sau trông thấy con mồi đang phóng khỏe thế, cũng ú ớ nhảy lao theo chụp. Vậy là gặp nhau … dưới hầm. Bác Khóa Kiện nãy giờ ngồi trên phần nửa cục gạch vỡ, miệng cười hóm hỉnh, vừa nhai trầu: - Có thể như rứa được lắm lắm. Nhưng cũng có thể hai con rớt xuống hai lần trong một đêm. Theo tui, e rằng cọp rớt xuống trước, rớt từ đầu hôm lận. Vì từ độ khoảng mười hai giờ khuya, tui đi uống nước chè gừng bên cụ Ấm Rắn Hổ về ngang phía hầm, đã nghe tiếng “phè gió” ở dưới đó rồi, nhưng tui cho rằng tại mình nghễnh ngãng, chồn cáo ăn đêm gặp nhau thì gầm gừ đó thôi. Sau nghiệm ra mới biết. Thường cọp mắc bẫy một mình không hay gầm, không hay rống, vì sợ người biết được. Có nổi xung lắm cũng chỉ phè gió mấy cái. Cho tới khoảng ba, bốn giờ sáng chi đó, mới có tiếng gầm dữ tợn, kiểu như đang đánh nhau với con gì. Như rứa, có thể khi đó mới là lúc heo vừa bị sập hầm. Tui đồ như rứa đó – Bác đánh bật lửa, châm điếu thuốc lá sâu kèn đã ngậm trên miệng – Mà con heo một ni, hắn có nhiều ngón đòn hiểm quá ác. Đã bị cọp ngoạm yết hầu rồi mà cứ chịu đựng dửng dung, không cựa quậy nhúc nhích. Chờ anh cọp đúng lúc đang muốn nhằn đứt yết hầu, hàm răng cọp vừa mới lắc qua bên ni một cái … rứa nghĩa là cả phần hàm bên tê bị thả lỏng: heo ta liền táp cắn một miếng vô giữa huyệt gáy cọp. Bà con biết đó, cái ngoạm răng của heo rừng khi đã vô trúng huyệt địch thủ, thì heo không nhay, không nhằn, mà chỉ nghiến, vì sợ tuột hàm. Ghớm rứa đó … Ai cũng tin vào lời nhận định có vẻ “rõ như ban ngày” của bác Khóa Kiện. Vậy là cái giả thuyết của bác gì đó vừa rồi cho rằng “cọp đuổi heo”, đã bị chỏng gọng vó. Liền có tiếng người reo lên - A, thang ra! Đá bước đi trước, những bước chân tuy có tập tễnh nhưng vẫn nhịp nhàng khỏe mạnh, một vai quàng lòn ngọn thang. Con Lem bây giờ đang chạy lóng cóng theo chân người chủ bé. Bác Năm bước sau, cùng quàng vai đằng chân chiếc thang – chắp quá dài, đi nương nương theo chiều uốn éo của thang để bớt sức nặng dùm con. Mọi người đứng giạt ra hai bên cho thang lên. Hai anh thanh niên người đâu ở Xóm Côi, lứa tuổi đều đã mấp mé trung niên, xem khỏe dáng, vội tiếp tay giùm cho hai bố con bác Năm. Họ dựng đứng thang dậy, ấn chân thang tụt xuống đáy hầm. Một người nói: - Coi chừng chớ hắn chưa chết thiệt sự mô nghe! Cụ Ấm Rắn Hổ ngồi gần bảo lại, giọng ồm ồm nghe có chút ngang bướng: - Không sợ. Ngoẻo tử cù điu (8) ra rồi, cả hai, cam đoan. Bác Năm tháo con dao rừng vẫn đeo bên hông ra cầm tay, chuẩn bị xuống. Biết rằng trăm phần trăm cả đôi thú dữ đã chết rồi nhưng cứ vẫn cảnh giác, mất gì. Từ nãy giờ ở trên miệng hầm, người đứng nhìn xuống xem vẫn đông nghìn nghịt. Nhường nhịn nhau chút chỗ đứng để ai ai cũng xem được. Mỗi người đưa một lời nói góp cho thích. Đá đến gần bố, dặn bố một câu: - Coi chừng nghe ba. Xuống gần tới, ba coi chừng bọn hắn còn thở không đã nghe ba. - Sợ chi con … Cọp sống, heo sống, gặp nhau trong rừng một mình, tao còn dám chơi … huống chi cọp thúi, heo thúi! Ở trên này nhìn xuống đáy hầm, bây giờ chỉ còn thấy có cái lưng lom khom của bác Năm Sỏi. Bác đang nói câu gì dưới ấy, tiếng lồm ồm chẳng ai nghe được. Bác cứ loay hoay xoay người bên này, bên kia làm gì đó. Thỉnh thoảng lại ngửng mặt lên miệng hầm như để hít thở, rồi lại cúi xuống, loay hoay. Một lúc, lạ nghe tiếng ọe khan đưa lên. Rồi thấy bác nhìn lên nói câu gì nữa. Xong đó bác leo thang trở lại miệng hầm. Tay chân, quần áo, cả bên gò má, trên tóc nữa, bê bết máu. Nom ghê ghê. - Khó quá. Thiệt đại gay! Không làm răng kéo tách đôi ra được. Con cọp vện, trời ơi, to đại ngàn. Con heo cũng rứa. Đứng trên ni ngó xuống, không đoán được mô. Miệng cọp ngoạm cứng vô họng heo. Răng heo đớp chặt vô gáy cọp. Máu hãy còn túa ra trên mình của hai con. Tanh muốn mửa! Chừ làm đây dạ thưa bác Khóa? Bác Khóa Kiện gật gật một chút, miệng vẫn nhai trầu: - Sao thì sao chớ rồi cũng phải tách hắn ra mới xong. Cả hai “anh”, tui cho đi nặng sơ sơ cũng phải hai tạ. Câu một lần lên miệng hầm thì không câu nổi. Phải xuống thêm chừng hai người. Nhờ chú Sáu một tay, anh Rẹc một tay, giúp chú Năm đây – Bác nhìn qua phía bên phải miệng hầm như tìm gì – Cái cần vọt mình đó, sợi dây mây song còn tốt chớ? Đá trả lời rất phấn khởi, vì đó là công việc trông coi hằng ngày của mình: - Dạ còn tốt lắm! (1976 – 1977) """