"Săn Đuổi Đến Cùng PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Săn Đuổi Đến Cùng PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Gửi tới tất cả những chú chó trong cuộc đời... MỞ ĐẦU Từng có một gia đình. Cha. Mẹ. Em gái. Sống trong căn nhà di động có cửa giữa* của riêng mình. Thảm bông xù màu nâu. Bàn bếp bằng đá kim sa cáu bẩn. Sàn nhà lát gỗ linoleum* đã bong tróc. Đã từng phóng những chiếc ô tô Hot Wheels* lướt đi trên bàn bếp vung vãi thức ăn, lộn vòng kép* qua những bờ dốc được tạo ra từ những mảnh gỗ linoleum cong tớn và đáp xuống đống thảm đầy bụi bẩn. Nơi đó chẳng khác gì một cái hố phân. Nhưng là một đứa trẻ, tôi gọi nơi ấy là nhà. Một trong số các dạng nhà di động, loại nhà được dựng sẵn trong nhà máy rồi kéo tới một vị trí nào đó và đặt tạm tại đó, có thể di chuyển đi chỗ khác khi cần thiết. Căn nhà của nhân vật là dạng lớn, cấu trúc tương đương một căn nhà kiên cố với cửa chính nằm chính giữa, các phòng khác trong nhà nằm ở hai bên trái và phải. Loại sàn rẻ tiền được làm từ nhựa cây, đá vôi, dầu hạt lanh, một phần gỗ và màu nhuộm, dễ thấm nước, dễ bay màu. Sản phẩm đồ chơi ô tô mô hình của tập đoàn Mattel. Một trong các dạng đường đua của đồ chơi ô tô mô hình, là hai vòng tròn liên tục nối tiếp nhau để ô tô vượt qua. Sáng sớm, ngấu nghiến Cheerios, xem Scooby-Doo mà không bật tiếng để tránh đánh thức cha mẹ. Gọi em gái dậy, chuẩn bị đến trường. Cả hai đứa loạng choạng bước ra khỏi cửa, ba lô như muốn bung tung tóe vì sách. Đọc sách rất quan trọng. Ai đó đã nói với tôi như thế. Mẹ, cha, ông bà thầy cô? Bây giờ chịu chẳng nhớ nổi nhưng tôi nhận được lời nhắn ấy từ đâu đó. Một cuốn sách mỗi ngày. Giống như một trái táo*. Thế là sau giờ học, tôi đi thẳng đến thư viện, em gái vẫn bám theo chân. Đọc vài cuốn sách, vì Chúa biết chúng tôi đâu có trái cây. Thành ngữ phương Tây có câu “An apple a day keeps the doctor away”, tạm dịch: Mỗi trái táo một ngày, không còn cần bác sĩ. Ý nhân vật là sách cũng giống như quả táo, tốt cho cậu ta. Tôi thích bộ Tự chọn chuyến thám hiểm cho riêng mình. Mỗi cảnh trong đó đều có một kết thúc lấp lửng đầy hấp dẫn, tại đó bạn sẽ phải tự đưa ra quyết định chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo. Rẽ sang trái đi vào ngôi đền cấm hay rẽ sang phải? Nhặt lấy kho báu bị nguyền rủa hay bỏ đi? Trong những cuốn sách Tự chọn chuyến thám hiểm cho riêng mình, bạn luôn là người kiểm soát. Kế đó tôi sẽ đọc cuốn Clifford, chú chó màu đỏ to lớn cho em gái nhỏ. Chưa đủ lớn để tự đọc, con bé sẽ chỉ tay vào những bức ảnh và bật cười. Thi thoảng, cô thủ thư sẽ lén cho chúng tôi ít đồ ăn vặt. Cô ấy sẽ nói những câu kiểu như: “Có ai đó bỏ lại túi bim bim. Các cháu muốn ăn chúng không?” Tôi sẽ nói: “Không.” Cô ấy sẽ bảo: “Ăn đi mà, mấy đứa ăn tốt hơn cô. Bim bim khoai tây không tốt cho thân hình nữ tính của cô.” Cuối cùng em gái tôi sẽ tóm lấy số bim bim ấy, đôi mắt hau háu. Ngày đó con bé lúc nào cũng đói bụng. Cả hai chúng tôi đều thế. Sau khi tới thư viện thì về nhà. Trước hay sau, lúc nào cũng sẽ phải về nhà. Mẹ của tôi sẽ nở nụ cười. Khi tâm trạng bà tốt, có “một ngày vui vẻ”. Ôi chao, nụ cười ấy! Bà sẽ vuốt tóc tôi. Gọi tôi là người đàn ông bé nhỏ của bà. Nói bà tự hào về tôi đến nhường nào. Và ôm tôi. Những cái ôm chặt, nồng nhiệt, vẩn quanh là mùi khói thuốc lá và nước hoa rẻ tiền. Tôi yêu cái mùi đó. Tôi yêu những ngày mà mẹ của tôi mỉm cười. Thỉnh thoảng, nếu mọi chuyện thực sự suôn sẻ, bà sẽ chuẩn bị bữa tối. Mì Ý với xốt cà chua - món đó sẽ để lại vết nhơ, bà sẽ cười vui vẻ, xì xụp hết đĩa mì. Mì ăn liền với trứng bác - bữa tối chỉ tốn mười lăm xu, chúng ta đang sống cuộc đời trong mơ, bà sẽ tuyên bố như thế. Hoặc món yêu thích của tôi, mì macaroni và pho mát hiệu Kraft - màu vàng cam như màu đám mây từ bom hạt nhân khiến nó trở nên thật đặc biệt nhỉ, bà sẽ thì thầm. Em gái nhỏ của tôi sẽ cười khanh khách. Con bé thích mẹ trong tâm trạng này. Ai lại không chứ? Cha thì đi làm. Mang thịt xông khói về. Khi ông ấy có việc. Nhân viên trạm xăng. Thu ngân đêm. Bốc xếp nhà kho. “Đi học mãi đi con ạ.” Ông sẽ nói với tôi, những buổi chiều khi chúng tôi kịp về để trông thấy ông đang khoác lên người một bộ đồng phục cáu bẩn mỗi ngày một khác. “Thế giới thực tế khốn nạn lắm.” Ông sẽ bảo với tôi. “Bọn sếp chó má” Rồi ông rời đi. Và mẹ tôi sẽ xuất hiện từ đám mây khói mờ ảo trong phòng ngủ của họ để bắt đầu nấu bữa tối. Hoặc cánh cửa ấy sẽ không bao giờ hé mở, và thay vào đó, tôi sẽ lôi ra dụng cụ mở đồ hộp. Mì Ý ăn liền hiệu Chef Boyardee. Xúp ăn liền hiệu Campbell. Đậu hầm ăn liền. Em gái và tôi sẽ không nói chuyện gì trong những tối như thế. Chúng tôi ăn trong im lặng. Rồi tôi sẽ đọc cho con bé nghe thêm vài câu chuyện về Clifford, hoặc chúng tôi sẽ chơi bài. Những trò chơi trong im lặng cho những đứa trẻ yên lặng. Em gái tôi sẽ ngủ gật trên ghế sofa. Rồi tôi sẽ bế con bé lên, đưa nó về giường. “Xin lỗi.” Con bé sẽ nói trong lúc mê ngủ, mặc dù cả hai chúng tôi đều không biết con bé xin lỗi vì chuyện gì. Đã từng có một gia đình. Cha. Mẹ. Em gái. Nhưng rồi người cha làm việc ngày một ít đi và uống ngày một nhiều. Và người mẹ... Chẳng biết. Ma túy, rượu, tâm trí lờ đờ của bà? Sự hiện diện của cha mẹ ngày một ít đi trong việc nấu nướng, dọn dẹp, làm ăn. Nhiều hơn trong những cuộc đánh nhau, gào thét, la mắng. Mẹ, liệng những chiếc đĩa bằng nhựa bay ngang qua bếp. Cha, đấm thủng một lỗ trên tường thạch cao rẻ tiền. Rồi cả hai ừng ực nốc thêm thật nhiều rượu vodka và lặp lại tất cả những điều kể trên hết lần này đến lần khác. Em gái ngủ trong phòng của tôi, trong lúc đó tôi ngồi bên cửa. Bởi thỉnh thoảng, cha mẹ có khách ghé chơi. Những kẻ nát rượu, nghiện ngập, thảm bại khác. Khi ấy thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Ba, bốn, năm giờ sáng. Quả đấm cửa đã chốt kêu lên loạch xoạch, những giọng người xa lạ réo rắt, “Này, các bạn nhỏ ơi, ra ngoài này và chơi với bọn ta đi...” Em gái tôi không còn cười khúc khích nữa. Con bé bật đèn để ngủ, giữ chặt giữa hai tay một bản sao cuốn Clifford, chú chó màu đỏ to lớn đã nát bươm. Trong lúc đó, tôi canh chừng với cây gậy bóng chày đặt ngang giữa hai đầu gối. Rồi trời sáng. Cuối cùng căn nhà cũng yên tĩnh. Những người xa lạ ngủ mê mệt trên sàn nhà. Trong lúc đó, chúng tôi rón rén đi qua họ, lén chạy vào trong bếp để lấy hộp cheerios, rồi tóm lấy cặp sách và nhón bước ra khỏi cửa. Giặt sạch, vắt sạch xong, lại lặp lại. Lặp lại. Lặp lại. Lặp lại. Đã từng có một gia đình. Nhưng rồi người cha uống hoặc chích hoặc hít quá nhiều. Và người mẹ bắt đầu gào thét, gào thét và gào thét. Trong lúc đó, em gái và tôi ngồi trên ghế sofa, đôi mắt mở to ngước nhìn. “Câm, câm ngay, câm đi.” Người cha quát lên. Gào thét. Gào thét. Gào thét. “Con chó chết này! Mày bị cái gì thế hả?” Gào thét. Gào thét. Gào thét. “Tao bảo rồi cơ mà CÂM MỒM LẠI!” Dao trong bếp. Một con to. Dao chặt thịt, giống con dao trong một bộ phim kinh dị về những kẻ mất trí. Là bà ấy đã chụp lấy nó sao? Hay ông ấy? Không còn nhớ ai đã cầm nó trước. Chỉ biết rõ người cầm được nó sau cùng. Cha của tôi. Giơ con dao lên. Đưa con dao xuống. Rồi mẹ tôi không còn gào thét nữa. “Chết tiệt!” Cha của tôi, quay sang em gái và tôi. Con dao dính đầy máu, nhỏ, nhỏ, nhỏ. Và rồi tôi biết ông sẽ làm gì tiếp theo. “Chạy đi!” Tôi nói với em gái nhỏ trong lúc kéo con bé ra khỏi ghế sofa, đẩy nó chạy về phía sảnh. Tấm thảm bông xù làm chậm bước chân ông. Nhưng sàn nhà linoleum bong tróc khiến chúng tôi vấp ngã. Trong lúc chạy dọc căn nhà di động, chúng tôi câm nín trong nỗi khiếp sợ, tôi chạy ngang qua em, nhấc bổng con bé lên, đôi chân nhỏ xoắn lại vào nhau giữa không trung. Tôi nghe được tiếng ông ấy, ngay đằng sau lưng tôi. Tôi có thể cảm nhận được hơi thở của ông ấy trên cổ mình, đã kịp hình dung trong đầu lưỡi dao đó xé dọc chỗ giữa hai bên bả vai xương xẩu. Tôi ném em gái vào trong phòng ngủ của mình. “Khóa cửa lại đi!” Rồi lao nhanh về phía sảnh, cha tôi và con dao đầy máu bám sát đằng sau. Tôi lao vào trong phòng ngủ của cha mẹ. Nhảy lên giường. “Thằng nhóc chết tiệt này. Đứng im đó, đứng im, đứng im!” Con dao giơ lên, con dao đâm xuống. Rạch nát lớp chăn ga. Rạch sâu vào lớp đệm. Tôi nhảy xuống từ phía bên kia. Tóm lấy bất cứ thứ gì tìm được trên mặt chiếc tủ kê đầu giường. Chai rượu đã uống hết, vỏ lon bia, nước hoa. Ném chúng vào khuôn mặt đỏ phừng phừng của cha tôi. “Chó chết, chó chết, chó chết.” Đến khi ông đang loạng choạng, tôi nhảy ngược trở lại lên giường, chạy vòng quanh ông. Tôi nghe thấy tiếng con dao cắt ngang qua. Cảm thấy cơn đau nhói bỏng rát trên vai. Nhưng rồi ngay sau đó, tôi bừng tỉnh, lao thẳng về phía sảnh. Nếu tôi có thể chạy ra được cửa chính, chạy vào trong sân, gào khóc gọi hàng xóm... Và bỏ mặc em gái ở lại sao? Rồi con bé đứng ở đó. Đứng trước cửa phòng ngủ của tôi. Chìa chiếc gậy bóng chày ra. Tôi không chút chần chừ. Tôi chộp lấy cây gậy bằng gỗ. Tôi phi thẳng vào phòng chung của cả nhà vào giây cuối cùng, tôi quay người lại, chuẩn bị một tư thế sẵn sàng. Cha tôi. Đôi mắt điên dại. Khuôn mặt đỏ ửng. Đèn sáng, tôi nghĩ, nhưng không có ai ở nhà cả. Ông đưa con dao đầy máu lên. Tôi vung hết sức có thể. Cảm nhận được sự tiếp xúc, một cú đánh chắc nịch, ươn ướt khi tôi đưa được bóng bay ra khỏi sân đấu. Cha của tôi, ngã gục, ngã gục, cơn dao rơi xuống thảm. Và tôi vẫn tiếp tục vung gậy. Bộp. Bộp. Bộp. Lặp lại. Lặp lại. Lặp lại. Em gái nhỏ, đột nhiên xuất hiện bên cạnh tôi. “Telly, Telly, Telly!” Tôi ngẩng lên. Đôi mắt điên dại. Khuôn mặt đỏ phừng. Đèn sáng nhưng không ai ở nhà. “Telly!” Em gái tôi khóc lóc gọi thêm một lần nữa. Khi tôi nhấc cây gậy lên. Đã có một gia đình. Đã từng. CHƯƠNG 1 Cảnh sát trưởng Shelly Atkins đáng lẽ ra không còn nằm trong lực lượng thực thi pháp luật nữa. Mười năm sau vụ hỏa hoạn đã khiến cho phần thân và hai vai trên của bà chằng chịt những vết sẹo, chưa kể nó đã tàn phá vùng hông của bà, bà đã gác mũ, phải kể cho rõ là như vậy. Sau khi nhận một đề nghị từ nhà từ thiện ẩn danh nọ để có chuyến đi duy nhất trong đời tới Paris (dù bà vẫn đoán chắc là nó đến từ đặc vụ FBI đã về hưu Pierce Quincy), cuối cùng bà đã xoa dịu được những vết thương với bánh kếp* kiểu Pháp, rượu vang Pháp và bảo tàng ở Pháp. Loại bánh rất mỏng, dẹt, thường được làm từ bột mì, trứng, sữa và bơ. Rồi bà về nhà. Lên cho mình một thời khóa biểu đều đặn bao gồm đi bộ trên bãi biển, đi bộ trong rừng, giữ cho bản thân bận rộn. Khớp hông đã thay của bà sẽ hoạt động tốt nhất khi được vận động, đau nhức sau một ngày năng động tốt hơn nhiều cơn đau như dao cứa vì lười nhác, và rong chơi khắp thế giới rộng lớn bên ngoài, bà sẽ không còn nhớ quá nhiều. Một phụ nữ với số lượng vết sẹo như bà tốt nhất là không nên nhớ gì hết. Rồi hai năm trước, cảnh sát trưởng đương nhiệm của hạt, một người từ nơi khác đến mà những người dân địa phương chưa bao giờ thực sự thích, đã đột ngột từ chức. Một số lời thì thầm là vì lí do không trong sáng, nhưng Công tố quận chẳng thể chứng minh được điều gì. Dù thế nào đi nữa, hạt của bà cũng không có cảnh sát trưởng, và Shelly... Bà không phải một phụ nữ xinh đẹp. Thậm chí còn chẳng ưa nhìn, và đó là từ trước khi vụ hỏa hoạn biến một nửa cơ thể của bà thành một bức họa của Picasso. Bà có cơ thể rắn chắc của một con ngựa cày và khuôn mặt kiểu nghiêm nghị không biết bông đùa có thể mời gọi đàn ông tới nói chuyện với bà khi ở trong quán bar nhưng mắt thì phải nhìn sang một cô gái khác xinh đẹp hơn ngồi cách đó vài ghế. Bà không có gia đình, không con cái, thậm chí không cả một con cá vàng, bởi vì bà chưa bao giờ dám chắc chắn hoàn toàn rằng mình sẽ không phải đi xa thêm một lần nữa. Về cơ bản, tám năm sau vụ hỏa hoạn suýt chút nữa giết chết bà, Shelly đã cố gắng để không cho thêm bất cứ thứ gì hay ai đó chen vào cuộc đời bà. Phần lớn thời gian, bà nhớ công việc của mình như điên. Chưa kể tới những người mà bà đã từng làm việc cùng. Thế là bà tranh ghế cảnh sát trưởng. Và cứ cho lí do là người ta vẫn nhớ đến bà đại khái như một anh hùng ở nơi quê nhà vì đã cứu thoát một đặc vụ liên bang khỏi ngọn lửa ngày ấy, người dân địa phương hăng hái bầu chọn để đưa bà trở về nhiệm sở còn có phần của cái hông ọc ạch, cơ thể sẹo ngắn sẹo dài, và tất cả. Điều đó có nghĩa là, Shelly ngay lúc này đang tự nhắc nhở bản thân trong lúc lái xe, đèn hiệu đang nháy sáng, rằng bà chỉ có thể tự trách mình. Báo cáo về những vụ nổ súng vào thời điểm này trong năm ư? Chẳng hay ho gì với một cảnh sát trưởng địa phương, cũng chẳng tốt đẹp gì với các chủ doanh nghiệp, những người dựa vào danh tiếng mờ nhạt của cái thị trấn cổ quái nằm ven biển này để tiếp tục mơ ngủ. Ngày vẫn đang còn sớm, chỉ vừa mới qua tám giờ, thời điểm thích hợp dành cho hoặc những anh bạn già áo quần xộc xệch vẫn còn đang nửa tỉnh nửa phê sau bữa tiệc rượu bê tha từ đêm hôm trước, hoặc những du khách đã vỡ mộng khi cuối cùng cũng ngộ ra rằng đi cắm trại giữa đợt nắng nóng chẳng hề hay ho như những gì họ được kể. Thông thường, tháng Tám ở những khu vực này không tệ đến mức đó, nhất là lại có gió biển, giúp cho nhiệt độ ở mức có thể chấp nhận được. Nhưng trong năm ngày vừa qua, mực thủy ngân trong nhiệt kế đã tăng vọt lên quá ba mươi bảy độ C và mang đến cùng với nó tâm trạng cáu kỉnh, bực bội. Ở một vùng nông thôn với cộng đồng dân cư chỉ có năm nghìn người, nhưng số lượng súng ống có khi còn vượt cả tổng dân số , thì một tin báo liên quan đến nổ súng có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Trung tâm điều phối đã cung cấp địa chỉ, một trạm xăng/cửa hàng tiện ích ở góc thị trấn, và Shelly nhận nhiệm vụ một mình. Cả hai người cấp phó của bà đã phải trực ngoài giờ để giải quyết những cuộc điện thoại nhảm nhí phàn nàn về thời tiết rất bình thường trong những ngày hè, thế nên bà cảm thấy đó là việc tối thiểu mà bà có thể làm. Và mặc dù chẳng vui vẻ gì khi có những vụ bắn súng xảy ra trong thị trấn, bà cũng không quá mức lo lắng. Suy cho cùng, thị trấn Bakersville, bang Oregon, nổi tiếng nhất về món pho mát, cây cối và gió biển. Tất nhiên là những vấn đề liên quan đến ma túy đá cũng đang tăng lên, nhưng việc giữ trật tự ở những khu vực này khó có thể sánh với sức ép ở các thành phố lớn. Đưa xe đi về phía bắc, đã qua khu vực trung tâm thị trấn mà chỉ cần trót chớp mắt một cái là đã đi hết, Shelly đang tiến gần đến địa điểm được khẳng định là nổi tiếng nhất trong hạt: nhà máy pho mát. Mặc dù đèn hiệu đang nháy sáng, bà vẫn phải bóp còi om sòm để có thể lách xe đi qua một hàng dày đặc xe RV* cùng với đám đông người đi cắm trại, chờ để rẽ vào bãi đỗ. Với cái buổi sáng chưa gì đã nóng hơn lò lửa như thế này, có lẽ hầu hết khách du lịch đã lên kế hoạch ăn kem cho bữa sáng. Sau khi hoàn thành xong công việc, có thể Shelly sẽ tham gia cùng bọn họ. Cảnh sát cùng cộng đồng. Ăn kem, hòa lẫn vào cùng người dân địa phương. Nghe có vẻ là một kế hoạch hay. RV, viết tắt của “Recreational vehicle” hay còn gọi là nhà xe, là loại xe có không gian được thiết kế như một ngôi nhà tiện nghi để có thể di chuyển đến mọi nơi. Phía bắc nhà máy không còn ùn tắc nữa và Shelly tăng tốc. Đường ở đây hẹp hơn, uốn khúc quanh co dọc theo bờ biển nhấp nhô đá. Sau đó, đi chừng tám cây số nữa sau khi rẽ vào một khu cắm trại khác, Shelly đã tới được vị trí cần tới: Trạm xăng EZ. Shelly tấp vào, tắt đèn hiệu cùng lúc đánh giá tình hình xung quanh. Bà nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ ngay đằng trước cột xăng kép, một chiếc Ford cũ nát đã từng có những tháng ngày tươi đẹp hơn. Ngoại trừ những thứ đó, cả khu vực có vẻ tĩnh lặng. Shelly kết nối qua bộ đàm, thông báo với trung tâm điều phối là bà đã tới. Rồi nhấc lên chiếc mũ rộng vành để ở chiếc ghế bên cạnh, bà đội nó lên đầu và bước ra khỏi chiếc SUV màu trắng dành cho cảnh sát trưởng. Điều đầu tiên ập ngay đến với bà là sự thiếu vắng tiếng động. Điều ấy thôi, hơn hết thảy, khiến bà bồn chồn. Trong cái tháng Tám nắng nóng bức bối như thế này, khi mà những người kinh doanh trong khu vực đang bận rộn hết mức có thể, sự tĩnh lặng ở đây... Nó không phải một sự tĩnh lặng hay ho. Tay của Shelly đã lần tới bao đựng súng. Bà tự động nghiêng người sang một bên để không biến mình thành mục tiêu khi tiến gần tới phía trước cửa hàng tiện lợi có vẻ ngoài cũ kỹ. Thứ ập đến tiếp theo là mùi đồng đặc quánh. Thứ mùi mà thậm chí một cảnh sát trưởng ở thị trấn nhỏ cũng biết rõ hơn cả bà muốn. Chiếc xe bán tải màu đỏ đã bạc màu, tuổi đời chừng giữa thập niên chín mươi, nằm bên tay trái bà, cánh cửa kính đang mở dẫn vào cửa hàng tiện lợi nhỏ nằm bên tay phải. Shelly dừng lại, suy nghĩ. Chiếc xe dường như bỏ trống, nghĩa là cửa hàng tiện lợi sẽ là nơi chính cần quan tâm. Bà tiến sát hơn tới bờ tường bên ngoài. Nửa dưới bờ tường xếp đầy những thùng đá giữ lạnh cỡ lớn chắn cả đường, các cửa sổ ở trên dán đủ mọi loại áp phích quảng cáo các loại bia rẻ tiền khác nhau. Tay vẫn đặt trên bao súng, bà nép người sát vào cạnh những thùng đựng đá và liếc nhìn qua cánh cửa đang mở. Chẳng có gì để nhìn, và một lần nữa, chẳng có gì để lắng nghe. Chẳng có tiếng rung của máy thu tiền. Chẳng có những giọng nói lầm bầm khi người thu ngân ấn nút thanh toán khoản tiền mà chủ nhân chiếc xe tải đã tiêu. Chỉ có cái mùi đó. Nồng nặc và xộc thẳng vào mũi giữa cái nắng nóng oi ả của tháng Tám. Rồi, một âm thanh ùa vào tai bà: nhẹ nhàng, đều đều. Tiếng vo ve của lũ ruồi. Rất nhiều, rất nhiều ruồi. Lúc ấy Shelly biết bà sẽ tìm thấy gì ở trong. Bà ngừng lại một chút để hành động cho hợp lí và báo lại cho trung tâm điều phối qua bộ đàm để gọi người tới hỗ trợ. Rồi bà giữ thẳng vai, bật mở bao súng, lấy khẩu Glock 22 ra. Tiến vào trong cửa hàng. Nạn nhân đầu tiên ngã gục chỉ chừng ba mét ngay đằng sau cửa vào. Thi thể nằm ngửa, chân tay sõng soài trên đất, một gói bim bim khoai tây nằm xa xa gần chỗ bàn tay đang xòe rộng của người nam giới khoảng chừng hai mươi hai gì đó. Một người địa phương, ấy là suy đoán đầu tiên của Shelly khi bà nhìn thấy chiếc quần bò rách, đôi giày không buộc dây, áo phông nhem nhuốc, cáu bẩn. Có thể là một anh chàng nào đó làm việc ở nông trại, bà nghĩ, rồi bà ngửi thấy thêm mùi gì đó thối rữa và lập tức đổi ý. Đánh cá. Chắc chắn là ngư dân hoặc một công việc đặc biệt nặng mùi tương tự như thế. Có lẽ cậu ta vừa mới quay về từ chuyến kéo lưới lúc sáng sớm và vội vã ghé vào tìm đồ ăn vặt. Giờ đây trên trán cậu ta là một phát súng, và nhiều lỗ đạn be bét máu khác trên ngực. Dựa vào những manh mối yếu ớt, khả năng là anh chàng này không hề nhìn thấy chuyện đã xảy ra. Thi thể thứ hai ở đằng sau quầy thu ngân. Lần này là nữ. Mười tám, mười chín? Nạn nhân thứ hai. Chắc chắn là bị bắn sau vị khách hàng người đậm mùi muối kia, bởi vì người nữ này đã nhìn thấy những gì đã diễn ra. Thi thể xoắn lại, đổ ụp thành một đấng, như thể cô đã quay người lại, cố gắng bỏ chạy, chỉ để cuối cùng phát hiện ra cô đã bị khóa chặt, đằng trước là quầy thanh toán, và bức tường bày các sản phẩm thuốc lá ở đằng sau đã giam chân cô. Cô gái này đã giơ một bàn tay lên. Shelly nhìn thấy lỗ đạn xuyên thủng qua lòng bàn tay của cô. Bà không cần phải nhìn hết những vết thương còn lại để kết luận rằng cô gái đã thiệt mạng. Ở bên trong, âm thanh càng lớn hơn. Lũ ruồi chết tiệt, bị thu hút bởi mùi của máu, giờ đã tập trung vào hai mục tiêu. Thật buồn cười, những thứ có thể làm cho một người phụ nữ bực bội. Shelly đã từng nhìn thấy những tai nạn ô tô khủng khiếp, những thảm kịch trong lúc săn đuổi, thậm chí là một vài sự vụ có đủ cả hai thành phần. Bà biết những vũng máu, những thân thể tan nát trông như thế nào. Những thị trấn nhỏ chẳng hề là chốn linh thiêng êm đềm như được khắc họa trên ti vi. Và đấy, cả lũ ruồi. Lũ ruồi chết tiệt... Bà đang tập trung hít thở qua miệng. Những hơi thở chậm và sâu. Lần lượt theo đúng trình tự. Lúc này, hơn bao giờ hết, làm theo quy trình là rất cần thiết. Bà cần phải thông báo cho các đơn vị điều tra, thêm nữa là văn phòng Công tố của hạt và Văn phòng Pháp y. Cần gọi điện, và nhiều việc đang chờ làm. Có một chuyển động ở bên tay trái của bà. Shelly quay người lại, hai tay nắm chặt vào nhau, cánh tay vươn thẳng, khẩu Glock hướng lên trước. Phía cuối kệ bán kẹo, ngay đằng trước bức tường để đồ uống lạnh, bà nhìn thấy một cái giá đựng đồ bằng lưới thép đang rung lên. Bà áp sát người hơn về phía bức tường để không biến mình thành mục tiêu. Bà đi ra phía lối đi bên ngoài, từ đó bà có thể tiến tới chỗ mục tiêu từ bên sườn. Mồ hôi trên người đang vã ra, những giọt mồ hôi chảy vào làm mắt bà cay nhói. Ruồi. Xen giữa tiếng vo ve của lũ ruồi chỉ có duy nhất tiếng đế ủng nặng trịch của bà giẫm xuống sàn nhà bằng linoleum. Mặc dù đã cố nén lắm rồi, nhưng tiếng hơi thở của bà vẫn thật to, phả vào bầu không khí tĩnh lặng tới mức vô lý. Bà không mặc áo khoác. Quá nóng, quá bất tiện. Và mặc dù nhận được thông báo về một vụ nổ súng... Bakersville không phải là một thị trấn như thế. Không phải là một cộng đồng như thế. Bà nên biết rõ điều đó hơn ai hết. Tới gần cuối lối đi, bà bước chậm lại. Cái giá không còn chuyển động nữa. Bà căng thẳng lắng nghe tiếng chuyển động - biết đâu có một tay súng chưa rõ mặt nào đó đang bước đi phía bên kia lối đi hoặc đang rón rén ngay sau lưng bà. Chẳng có gì hết. Bà hít vào thật sâu. Thở ra thật chậm. Một, hai, ba. Cảnh sát trưởng Shelly Atkins nhanh như chớp xoay người lại, khẩu Glock hướng thẳng về phía trước, nhằm trực diện vào mục tiêu. Nhưng lối đi trống trơn, cái giá bằng thép với những gói đồ ăn vặt nằm im lìm. Đằng trước bức tường đặt những tủ lạnh bên trong có chứa các loại đồ uống, chẳng hề thấy có một chuyển động nào hết. Shelly chậm rãi đứng thẳng lên. Từng bước, từng bước, đi hết các lối trong cửa hàng. Nhưng cái thứ gây ra xáo động đó, bất luận nó là thứ gì, đã mau chóng rời đi từ sớm. Có lẽ đó chỉ là một cơn gió thoảng qua hoặc chính là Shelly thần hồn nát thần tính mà thôi. Bất luận là gì, chỉ có một mình bà đứng đó đơn độc trong cửa hàng. Hai thi thể. Tiếng vo ve không dứt của lũ ruồi. Mùi máu tươi bốc lên nhức mũi. Shelly cởi chiếc bộ đàm trên vai xuống, chuẩn bị tiến hành bước tiếp theo trong công việc của mình. Nhưng khi vừa mới ngước mắt lên, bà nhìn thấy nạn nhân thứ ba. CHƯƠNG 2 “Dâu tây hay kiwi đây?” “Táo được không ạ?” “Đó có phải là dâu tây hay kiwi đâu.” “Dâu tây với kiwi sẽ mềm oặt ra hết. Đến giờ ăn giữa buổi, chúng sẽ chẳng còn gì ngoài một đống nhầy nhụa.” “Rồi, thì táo.” Rainie nháy mắt với tôi, rồi quay người đi lao về phía tủ lạnh. Đáp lại, tôi đẩy phần trứng bác còn lại trên đĩa sang một bên. Đây là một trong số những buổi sáng mà tôi cần phải ăn một bữa điểm tâm lành mạnh, tăng cường năng lượng. Tôi không thích nó và Rainie biết điều đó. Dưới gầm bàn, Luka dụi cái mũi ướt nhẹp của nó vào lòng bàn tay tôi. Theo cách của riêng mình, chú chó đang cố gắng làm tôi vui. Khi lưng của Rainie quay về phía tôi, tôi xúc một ít trứng lạnh ngắt, lợn cợn vào trong lòng bàn tay, rồi để tay trở lại đùi. Lần này khi Luka gí mũi vào, tôi sẽ mở tay ra và đưa món ngon cho nó. Giờ thì ít nhất cũng có một trong số chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi không nên cho Luka ăn thức ăn của con người. Nó là một cựu cảnh sát, Quincy sẽ nhắc nhở tôi. Một thành viên đã được huấn luyện của lực lượng thực thi pháp luật. Nó phải giải nghệ khi được năm tuổi, đứt dây chằng trước hai lần trong một năm. Nói chung, đầu gối của Luka đã bị tàn phá. Không tệ đến mức gây cản trở cuộc sống của anh bạn đó với cương vị một công dân, nhưng không đủ khỏe để thực hiện nhiệm vụ phải hoạt động nhiều. Giờ Luka là bạn của tôi. Quincy đã đón nó về từ một người bạn làm cảnh sát, một năm sau khi tôi chuyển đến nhà của Rainie và Quincy. Chăm sóc cho Luka là trách nhiệm của tôi. Tôi cho nó ăn, tập luyện với nó và cho nó uống thuốc bổ sung dinh dưỡng xương khớp mỗi ngày. Tôi cũng học tiếng Hà Lan nữa. Tôi không hề biết điều này, nhưng những chú chó chăn cừu Đức được đưa vào huấn luyện trong lực lượng cảnh sát và quân đội phần lớn có xuất xứ từ châu Âu, ở đó, dòng máu của chúng thuần chủng hơn. Luka đến từ Hà Lan, nên ngôn ngữ huấn luyện đầu tiên của nó là tiếng Hà Lan. Cảnh sát huấn luyện của nó tiếp tục dùng tiếng Hà Lan để ra lệnh cho nó, và bây giờ là tới lượt tôi. Tôi có giỏi tiếng Hà Lan không ấy nhỉ? Tôi cũng chẳng biết. Nhưng có vẻ Luka chẳng thấy làm sao cả. Nó vẫn chăm chú nghe tôi nói. Tôi thích điều đó ở Luka. Nó là một người bạn rất biết lắng nghe. Và buổi tối, khi có Luka nằm dài bên cạnh, tôi ngủ ngon hơn. Tất nhiên, đó lại là một điều khác mà chúng tôi không được phép làm. Chó cảnh sát nên được nhốt trong chuồng riêng khi không phải làm nhiệm vụ. Và rồi khi bạn thả chúng ra, chúng biết đã tới giờ làm việc. Những chú chó thích cái chuồng của chúng, Quincy từng giải thích cho tôi. Rất nhiều lần. Không thể chỉ vì lí do là Luka đã nghỉ hưu mà lại lờ đi năm năm huấn luyện, vài chuyện khác, vài chuyện gì gì đó, vài chuyện gì gì đó khác nữa. Lầm bà lầm bầm. Quincy rất giỏi dạy dỗ, lên lớp người khác. Và tôi là một cô con gái nuôi cực kì vâng lời. Tôi ngoan ngoãn gật đầu mọi nơi mọi chỗ thích hợp. Và vẫn tiếp tục cho Luka ra khỏi chuồng để ngủ cùng tôi mỗi tối. Rainie bỏ phiếu thuận. Tôi từng nghe lỏm được bà nói với Quincy là hãy bỏ đi. Luka có vẻ vẫn ổn và tôi ngủ ngon hơn. Sao phải làm rối tung lên? Nhưng tôi hiểu ý bà là gì, bởi có vài đêm, Luka bỏ tôi lại để chạy đi tìm Rainie. Đến giờ, tôi hiểu Quincy thích sự logic và mọi công việc được làm theo đúng lịch trình đến mức nào. Nhưng còn với Rainie và tôi... Cuộc sống với chúng tôi có chút phức tạp. Tôi không gọi hai người nuôi dưỡng mình - có lẽ rất sớm thôi sẽ trở thành cha mẹ nuôi chính thức - là mẹ và cha. Với một số người nuôi dưỡng, họ nhất định không thể bỏ qua điều này. Nhưng khi chuyển đến ngôi nhà này, tôi đã được mười tuổi, và đã được đưa tới quá nhiều ngôi nhà khác. Tên đầy đủ của Quincy là Pierce Quincy, nhưng tất cả mọi người đều gọi ông là Quincy, thậm chí cả Rainie, và tôi cũng vậy. Ông lớn tuổi hơn hầu hết mọi ông cha nuôi khác. Đã ngoài sáu mươi. Nhưng ông vẫn còn khỏe lắm. Mỗi sáng ông và Rainie đều ra ngoài chạy bộ. Thêm nữa, Quincy vẫn còn đi làm. Ngày xửa ngày xưa, ông là một nhân viên lập hồ sơ* ở FBI. Ông đã gặp Rainie như thế - bà là phó cảnh sát trưởng ở ngay Bakersville đây khi có một vụ xả súng ở trường học. Quincy trợ giúp trong vụ án đó và họ đã ở bên nhau kể từ hồi ấy. Những người xây dựng hồ sơ và phân tích, so sánh tâm lí, hành vi của tội phạm để đánh giá hoặc dự đoán hành động của chúng. Giờ thì Quincy đã nghỉ việc ở FBI và Rainie đã nghỉ việc làm cảnh sát. Thay vào đó, họ làm việc cùng nhau, tham vấn cho những vụ án treo hoặc những vụ giết người kì quái nằm ngoài “giới hạn” thông thường của một sở cảnh sát. Nói đơn giản, họ là những chuyên gia về lũ quái vật. Có lẽ đó là lí do mà họ va phải tôi chăng? Rainie không thích khi tôi nói những điều như thế. Tôi chỉ là một đứa trẻ thôi, bà thường nhắc nhở tôi. Công việc của tôi không phải là trở nên hoàn hảo, mà là học hỏi từ những lỗi sai của mình. Có những lúc điều đó khó hơn là tưởng tượng. Cha mẹ của tôi đã chết. Tôi chẳng còn người cô, dì, chú, bác, ông, bà nào còn sống trên đời cả. Chỉ có một người anh trai, lớn hơn tôi bốn tuổi. Tôi vẫn nhớ anh ấy. Mang máng. Đêm cha mẹ tôi chết, anh ấy đã bỏ đi. Không ai nói gì về anh ấy nữa, và tôi sống là chính tôi, tôi không phải kiểu hay hỏi. Cởi mở thế là đủ. Như Quincy sẽ nói với nụ cười “nham hiểm”: Đừng chọc vào tổ kiến lửa. Trong thế giới nhận nuôi và được nhận nuôi, không có gia đình không phải là quá tệ. Điều đó có nghĩa là tôi có thể trở thành con nuôi thoải mái. Điều đó khiến cho tôi trở thành một đứa cực kì dễ sắp xếp khi tôi năm tuổi và được đưa tới gia đình đầu tiên, chẳng mang theo gì hơn ngoài một túi quần áo và những con thú nhồi bông đã sờn chỉ nhét cả trong chiếc túi đựng rác màu đen. Và ngôi nhà đó cũng không phải tệ. Ý tôi là hai người nhận nuôi có vẻ khá tốt bụng. Tôi bị sang chấn tâm lí. Chờ đã, là căng thẳng hậu sang chấn mới đúng. Chí ít là lúc mới đầu, tôi được yêu cầu phải tới chỗ trị liệu hai lần một tuần. Hai người nhận nuôi phải đưa tôi đi, tất cả nội dung trong “kế hoạch” đó là do tư vấn viên gia đình lập nên. Nhưng tôi không giỏi trong những buổi trị liệu. Tôi không thích nói chuyện. Tôi tô màu. Khi tôi năm tuổi, bà tư vấn viên khuyến khích tôi vẽ tranh. Đặc biệt là những bức tranh về gia đình của tôi. Chỉ có điều tôi chẳng bao giờ vẽ tranh gia đình bốn người. Lúc nào tôi cũng chỉ phác họa có hai người. Một đứa trẻ lớn hơn và một đứa trẻ nhỏ hơn. Anh trai và tôi. Cha mẹ của cháu đâu rồi? Bà tư vấn viên sẽ hỏi tôi. Nhưng tôi chẳng bao giờ trả lời. Tôi ngủ không ngon. Lại là do sang chấn, và thỉnh thoảng, ngay cả khi đã biết chuyện hơn, tôi làm những việc xấu xí. Tôi cứ làm thôi. Rối loạn kiểm soát hành vi. Tất nhiên là không làm quá nhiều, và những người nuôi dưỡng đầu tiên đó... Họ càng tốt bụng, tôi lại càng chẳng thể chịu nổi họ. Tôi không nghĩ đó là do sang chấn. Tôi nghĩ đó là do chính tôi. Sâu bên trong con người tôi có một chút đổ vỡ, tổn thương. Có những lí do dẫn đến việc đó, tôi dám chắc, nhưng sống suốt mười ba năm qua là chính mình, tôi không tin chắc như các bác sĩ trị liệu, rằng những lí do ấy thực sự quan trọng. Ý của tôi là, nếu cái quai bị gãy ra khỏi tách cà phê, bạn có đi hỏi nó lí do tại sao nó lại gãy không? Hay bạn chỉ tìm cách dán nó lại với nhau? Đó cũng là triết lí của Rainie và tôi thích điều đó. Cả hai chúng tôi đều có một chút gì đó tổn thương, bà đã kể với tôi (những lí do khiến buổi đêm bà mất ngủ chăng?), nhưng cả hai chúng tôi đều đang tìm cách sửa đổi lại bản thân. Tôi thích Rainie và Quincy. Tôi đã ở trong căn nhà này cho đến giờ là ba năm. Đủ lâu để họ quyết định sẽ giữ tôi ở lại, dù tốt dù xấu. Tôi có Luka và phòng riêng và, đâu đó ở Georgia, người chị chuẩn bị trở thành chị gái nuôi, Kimberly và chồng của chị cùng hai đứa con. Và tháng Mười một, nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, hai con gái của chị sẽ trở thành cháu của tôi. Chuyện đó khá là buồn cười, bởi chúng nó cùng tầm tuổi như tôi. Nhưng tôi thích hai đứa. Chí ít thì cũng nhiều như tôi thích bất kì ai khác. Tôi may mắn. Tôi biết điều đó. Và tôi đang thực sự cố gắng để gắn kết, cải thiện và kiểm soát hành vi. Nhưng có một vài ngày, việc đó vẫn rất khó khăn với tôi. Suốt cả sáng hôm nay tôi vẫn chưa nhìn thấy Quincy. Dạo gần đây ông ở lì trong văn phòng, giải quyết “dự án” của mình. Ông không nói gì về nó, nhưng Rainie và tôi ngờ rằng ông đang viết một cuốn sách. Một cuốn hồi ký của ông chăng? Những phương pháp trong việc lập hồ sơ? Trong bữa tối, Rainie và tôi đã đùa vui với nhau (và có thể là cả ông nữa) bằng cách gợi ý các tựa đề cho tác phẩm vĩ đại chưa lộ diện của ông. Tựa đề yêu thích của Rainie: Những câu chuyện xạo từ một gã FBI. Còn của tôi: Ông già với những câu chuyện kể nhạt nhẽo. Ông vẫn chưa chịu thú nhận. Quincy hiển nhiên là một trong số những kẻ biết cách làm chủ nghệ thuật của sự im lặng. Rồi, còn Rainie… Nếu Quincy là một người trầm lặng, vậy thì Rainie là người cảm tính. Chí ít thì đọc suy nghĩ từ khuôn mặt bà dễ hơn. Và bà rất xinh đẹp. Mái tóc màu nâu đỏ dài và dày. Đôi mắt màu xanh xám. Bà mặc đồ đơn giản, mùa đông thì quần jean và áo len, mùa hè thì quần lửng và áo sát nách. Nhưng bằng một cách nào đó, trông bà lúc nào cũng ưa nhìn. Gọn gàng, dễ chịu. Ở trại hè, bà sẽ là cái đứa con gái mà ai cũng muốn làm quen. Tôi thì ngược lại, chỉ cần nhìn qua một cái là bạn sẽ biết tôi là đứa con được nhận nuôi. Tôi hoàn toàn không hề có mái tóc nâu đỏ của Rainie và đôi mắt xanh nước biển trong vắt của Quincy. Không hề. Mái tóc của tôi màu nâu bùn bay lung tung đủ mọi hướng mà tôi chẳng thể đoán trước được. Tai vểnh ra như cái quai cốc. Đôi mắt màu nâu đục ngầu. Chưa kể đến khuỷu tay, khuỷu chân xương xẩu và gương mặt gầy đét. Rainie bảo với tôi rằng tôi sẽ lớn, sẽ trưởng thành. Hãy cho bản thân chút thời gian. Bạn có muốn biết một bí mật không? Tôi yêu Rainie và Quincy. Tôi thực sự, thực sự muốn họ trở thành cha mẹ thật của tôi mãi mãi, đời đời kiếp kiếp. Tôi muốn được ở trong căn nhà này. Tôi muốn được sống mỗi ngày cùng với Luka ở bên cạnh. Nhưng tôi chưa bao giờ nói những lời này ra miệng. Thậm chí cả cái hôm Rainie và Quincy bảo tôi ngồi xuống và nói với tôi rằng họ đã bắt đầu làm thủ tục nhận nuôi. Tôi không phải người hay nói, nhớ chứ? Tôi thích nghĩ rằng họ đã biết tôi cảm thấy như thế nào. Họ là chuyên gia về lũ quái vật và mọi điều khác. Rainie đã quay trở lại khu vực nhà bếp. Bà để một quả táo vào trong chiếc túi đựng đồ ăn trưa nhiều ngăn màu xanh nước biển, rồi lật cái nắp túi ngược trở lại và khóa cho nó đóng chặt vào. Xong. Tôi không thể kiềm chế được. Tôi thở dài não nuột. Tôi không muốn đi hôm nay. Tôi không muốn làm những điều mà họ đã quyết định là tôi nên làm. Quincy là một người cuồng tín với niềm tin rằng yêu thì phải cho roi cho vọt. Rainie thì ngược lại, bà chẳng dễ mủi lòng, nhưng chí ít bà cảm thấy việc đó thật tệ. “Có lẽ sẽ rất vui.” Giờ thì bà đang cố. Tôi đảo mắt với bà. Trứng đã hết sạch. Tôi đẩy dĩa quẹt ngang qua cái vũng nhỏ siro lá phong trên đĩa, và vẽ mây hình ngoằn ngoèo xung quanh những vụn bánh pancake. “Con thích bơi mà.” Tôi đảo mắt để bác bỏ điều này. Rainie quay trở lại bàn, ngồi xuống bên cạnh tôi. “Nếu hôm nay con có thể làm bất kì điều gì mà con muốn, thì đó sẽ là gì?” “Ở nhà. Chơi với Luka.” “Sharlah này, con đã làm điều đó mỗi ngày suốt cả mùa hè này rồi mà.” “Bác và Quincy chạy gần như mỗi sáng suốt mùa hè này. Hôm nay bác vẫn dậy và chạy đấy thôi.” “Đó là một trại hè cho những người thích bơi. Bốn giờ ở Hội Thanh thiếu niên địa phương. Con có thể làm được mà.” Tôi đưa mắt nhìn Rainie. Tôi muốn nó phải thật cứng rắn, thật mỉa mai, hay gì đó. Nhưng trong một khoảnh khắc... Tôi không thể làm được. Tôi rất tệ trong việc này. Đó là lí do họ khiến tôi phải vâng lời. Không phải để nâng cao kĩ năng bơi lội - ai thèm quan tâm đến chuyện đó chứ? - mà để giải quyết cái vấn đề hòa-nhập-tốt-với-người-khác mà thôi. Một vấn đề nữa trong số những tổn thương của tôi. Tôi không muốn hòa nhập với những đứa trẻ khác. Tôi không tin tưởng chúng, tôi không thích chúng, và nhất là giữa tôi và chúng không có sự tương đồng trong cảm xúc. Thế đó. Hãy để tôi yên với Luka. Tôi yêu Luka. Cậu bạn ấy lại đang liếm vào tay tôi và ư ử đầy thấu cảm với tôi bên dưới gầm bàn. “Sharlah...” “Nếu bác cho con ở nhà, con sẽ làm việc nhà.” Tôi thì thầm. “Con sẽ tự dọn phòng, dọn cả nhà cũng được. Con sẽ học cách sống có trách nhiệm. Quincy thích người sống có trách nhiệm mà.” “Một tuần thôi. Mỗi sáng bốn tiếng đồng hồ. Biết đâu được, có khi con lại tìm được một người bạn mới thì sao.” Nói chuyện với nhầm đối tượng rồi. Giờ tôi đang cảm thấy khốn khổ và ngại ngùng. Rainie dường như hiểu được cảm giác ấy. Bà thở dài, nắm chặt lấy tay tôi. “Thử hai ngày thôi, con yêu. Nếu đến thứ Tư mà con vẫn ghét nó...” Rainie đẩy chiếc ghế ra đằng sau. “Đi nào. Lấy túi đồ bơi đi. Tới giờ lên đường rồi.” Tôi đứng dậy, thây ma của một cô gái đang bước đi. Luka bước đi bên cạnh tôi. “Quincy đâu ạ?” Tôi hỏi khi chúng tôi tiến về phía cửa trước nhà. “Nghe điện thoại.” “Vụ mới sao ạ?” Tôi hỏi, trong bụng đã cảm thấy hứng thú với một vụ có khả năng là giết người hơn là cái trại hè cho người thích bơi. “Không. Người trong khu này gọi thôi. Quanh đây chẳng có gì thú vị cả.” Rainie mở cửa. “Cố mỉm cười đi nào.” Bà khuyên tôi. “Tốt hơn hết ta nên bắt đầu như thế.” Tôi khoác lên một gương mặt cau có, rồi lao ra ngoài, bước vào cái nóng như thiêu như đốt. Luka đứng lại trước bậc thềm, nó sẽ đợi ở đó cho tới khi tôi quay về. Nhưng có một giây, Luka không nhìn theo Rainie và tôi đi ra xe. Sự chú ý của nó hướng sang phía bên trái; nó đang nhìn chằm chằm vào thứ gì đó ở trong rừng. Một con sóc, hươu hay một cái que gãy nhỉ? Tôi nhìn theo ánh mắt của nó. Và cảm thấy lớp lông mịn nhói lên đằng sau gáy. “Đi nào.” Rainie nói với tôi. “Cho đồ lên xe đi.” Nhưng tôi vẫn nhìn vào cái thứ hư vô bên trong khu rừng, rồi rùng mình vì lí do nào đó mà tôi chẳng thể giải thích. “Đi thôi nào.” Rainie lại giục giã. Tôi miễn cưỡng bước vào trong xe. Để lại chú chó của mình, vẫn đang nhìn theo ở phía sau. CHƯƠNG 3 Trung sĩ phụ trách chính các vụ án giết người của Shelly, Roy Peterson, đến hiện trường đầu tiên, ngay sau đó là đội của anh, rồi tới Phó cảnh sát trưởng Dan Mitchell. Roy xuống lệnh cho nhóm cảnh sát bắt tay vào việc ngay, rồi nán lại một lúc để bàn bạc công việc với Shelly và Dan ở phía ngoài trạm xăng EZ. Cái nóng oi ả của tháng Tám đã làm bộ đồng phục sẫm màu lại vì mồ hôi, nhưng thế vẫn còn dễ chấp nhận hơn cái mùi hôi thối và tanh nồng của máu đang ngày một đặc quánh bên trong cửa hàng tiện lợi nhỏ tí kia. Vẫn chưa thấy bóng dáng của đám truyền thông, thế mới chứng tỏ, là một thị trấn hẻo lánh cũng có vài ưu điểm đấy chứ. Mặc dù Bakersville nằm ẩn mình cách đều giữa thành phố sầm uất Portland của Oregon và thủ phủ của những om sòm chính trị tại bang là Salem, nhưng Shelly vẫn không nghĩ tình cảnh vắng bóng truyền thông này kéo dài lâu đến vậy. Chín mươi phút là chuyến đi thật quá giản đơn với một phóng viên năng nổ, muốn đánh liều theo đuổi câu chuyện bạo lực nóng hổi nhất. Nhưng buồn thay, vụ nổ súng tại cửa hàng tiện lợi khó có thể trở thành một tin tức đáng giá trong thời đại này. Chỉ có vị trí của những kẻ giết người - cái thị trấn nhỏ ai cũng biết này - mới tạo ra được một câu chuyện đáng để quan tâm. “Trung tâm điều phối gọi điện lúc tám giờ bốn phút sáng.” Shelly cùng với trung sĩ cùng nói nhanh. “Báo cáo có nổ súng. Tôi đến hiện trường vào khoảng tám giờ mười sáu phút sáng, phát hiện ra hai thi thể nằm bên trong. Một đàn ông ít tuổi, độ tuổi hơn hai mươi. Thi thể thứ hai là nữ, độ mười tám, mười chín tuổi. Cả hai đều bị bắn rất nhiều phát.” “Còn chủ tiệm?” Roy hỏi. “Don Juarez.” Shelly đáp lại, vì bà cũng đã hỏi trung tâm điều phối câu hỏi tương tự. “Tôi đã nói chuyện ngắn gọn với ông ta qua điện thoại. Trước đó ông ta đang đi thẳng tới Salem nhưng hiện giờ đang quay lại đây. Ông ta miễn cưỡng cho biết danh tính người thu ngân là Erin Hill - ít nhất đó là người được sắp xếp làm việc vào sáng hôm nay, và thi thể trùng khớp với những mô tả về cô ấy. Cô ấy là người địa phương. Tôi đã liên lạc với cảnh sát Estevan, và xin phép qua thăm cha mẹ nạn nhân.” “Thế còn nạn nhân nam tử vong tại hiện trường thì sao?” Roy hỏi tiếp. “Không có thẻ căn cước, không có ví. Có thể tay súng đã cầm nó trên đường tẩu thoát rồi. Chiếc xe tải ngoài kia được đăng kí dưới tên của một công ty cho thuê tàu thuyền. Chúng ta sẽ cần gửi fax giấy phép đăng kí xe đến sở cảnh sát ở Nehalem. Có thể sẽ có người cho chúng ta một cái tên.” “Đã gọi Rebecca và Hal đến chụp hình hiện trường, đóng gói và dán nhãn bằng chứng.” Roy báo cáo. “Còn tôi nên ở lại đây thêm lúc nữa. Cho đến lúc này, chúng ta đã thu được chín mảnh vỏ đạn thường và một đầu đạn Slug*.” Loại đạn chỉ có một đầu đạn duy nhất. “Hai nạn nhân mà chín phát súng?” Shelly lắc lắc đầu. “Có vẻ hơi nhiều.” “Khách hàng nam bị bắn ba phát vào ngực, một phát thẳng đầu. Nhân viên nữ cũng bị một phát súng vào đầu, cùng với ba phát vào phần thân mình, bao gồm cả một đầu đạn Slug bắn xuyên qua lòng bàn tay.” “Loại súng gì?” Shelly hỏi. “Đầu đạn Slug được tìm thấy có vẻ là loại chín li.” Shelly thở dài. Súng ngắn đạn chín li là điều bình thường thôi, đặc biệt là ở nơi thế này. Chắc chắn sẽ không thu hẹp được phạm vi tìm kiếm của họ chút nào. Bỗng Dan lên tiếng. “Thế là tám viên đạn.” Roy và Shelly liếc nhìn anh ta. “Mỗi nạn nhân nhận bốn phát súng.” Dan nói thêm. “Tám viên đạn. Nhưng anh đề cập đến chín mảnh vỏ đạn cơ mà. Thế phát cuối ở đâu?” “Ôi. Vẫn chưa đến phần đó đâu.” Shelly mỉm cười. “Hóa ra chúng ta có thêm nạn nhân thứ ba: máy quay an ninh của cửa hàng. Nếu may mắn sống sót thì có thể nó là nhân chứng duy nhất của chúng ta.” Vấn đề ở đây là: Máy quay an ninh là vấn đề thuộc công nghệ. Là một sở hạt miền quê, Bakersville không có bất cứ một chuyên gia công nghệ hoặc một điều tra viên kỹ thuật số nào cả. Có nghĩa sự đánh cược an toàn nhất với họ bây giờ là chờ đợi sự trợ giúp của cảnh sát bang. Ngoại trừ việc Shelly không thích chờ đợi. Bà có một vụ án mạng với hai người bị giết ở trong thị trấn chỉ thấy một nhúm sát nhân mỗi năm. Những người đứng đầu cộng đồng ở đây sẽ yêu cầu có câu trả lời sớm hơn là muộn. Và, chết tiệt, Shelly muốn có câu trả lời sớm hơn là muộn. Mặt khác, nếu việc khôi phục đoạn ghi hình thất bại, tức là họ sẽ phá hủy một trong những đầu mối duy nhất đang có. “Kinh doanh với quy mô thế này và ở địa điểm này thì hệ thống an ninh có thể phức tạp đến mức nào?” Roy nói. “Điểm kì lạ là nó được tìm thấy trong một cửa hàng. Không có gì quá phức tạp mà ba nhân viên thực thi pháp luật được huấn luyện bài bản không thể tìm ra cả.” Cả Roy và Shelly đều quay ra nhìn Dan. Anh ta là chuyên gia kĩ thuật nhà ở. Nói cách khác đi thì anh ta là thành viên trẻ nhất trong cả nhóm và là người quản lí sự tiếp cận cộng đồng trực tuyến của họ. “Bà đã trông thấy máy quay à?” Anh ta hỏi Shelly. “Được treo phía sau quầy thu ngân, gần sát với trần nhà.” “To, nhỏ, cũ hay mới?” “Nhỏ. Ừm, thứ còn sót lại là miếng nhựa màu đen.” Bà nói thêm. “Thế là có mắt điện tử.” Dan gật gù. “Trong trường hợp này, mọi hiện trạng gần như sẽ được thu hết về đầu ghi hình DVR. Chỗ này có văn phòng không?” “Có, ngay phía đằng sau.” Shelly chỉ thẳng đến cánh cửa đang mở của trạm xăng EZ, ánh đèn flash nhấp nháy cho thấy những viên cảnh sát vẫn đang chụp ảnh. Mặt trái của nỗ lực moi được hình ảnh từ máy quay lúc này là họ đã mạo hiểm gây “xáo trộn” hiện trường vụ án. “Bà muốn làm gì?” Roy hỏi bà. “Tôi không muốn chờ sự hỗ trợ từ cảnh sát bang mà phải một tiếng nữa mới có.” Shelly đáp lại. Roy nhăn nhó. “Một tiếng á? Tôi nghĩ chắc phải hơn nửa ngày trời rồi.” “Đúng vậy. Được rồi, Dan đi với tôi. Nếu hệ thống an ninh quá phức tạp, chúng ta lúc nào cũng có thể gọi chủ cửa hàng trợ giúp mà. Nhưng kẻ sát nhân giết hai mạng người vẫn còn nhởn nhơ nơi nào đó bên ngoài. Tôi muốn nhìn thấy mặt hắn.” Ruồi nhặng bay khắp nơi. Shelly cau mặt lại khi trông thấy lũ ruồi bay dày đặc phía trên những lỗ đạn trên ngực và trán của nạn nhân nam. Bản năng đầu tiên của bà là xua chúng bay đi, nhưng theo kinh nghiệm đúc kết được của mình, bà biết làm thế cũng chẳng ích gì. Hal ngước lên từ chiếc máy ảnh của mình, anh chào bà và Dan bằng một cái gật đầu. Hai người gật đầu lại, không ai nói một lời. Không khí trong này nóng bức hơn, mùi hôi thối của máu và xác chết buộc họ phải hít thở bằng miệng. Shelly đứng xa nhất có thể, Dan đi theo bước chân bà, sao cho họ tác động vào khu vực này ít nhất có thể. Họ đi khép nép qua thi thể, rồi rón rén xuống phía dãy hàng bên ngoài để đến khu đồ uống lạnh. Đứng trước dãy tủ cấp lạnh, không khí dần mát mẻ hơn, Shelly thở ra nhẹ nhàng. Từ vị trí thuận lợi này, bà có thể nhìn ngược lại cửa trước của cửa hàng và bao quát gần hết được cửa hàng có sáu gian hàng nhỏ. Quầy thu ngân phía trước, nằm bên phải cánh cửa, bị những gói khoai tây chiên che mất một phần. Nhưng khi ngước lên, Shelly có thể nhìn thấy chiếc máy quay mà bà đang tìm kiếm. Một mắt máy quay nhỏ màu đen giờ đang lắc lư vô định, thấu kính đã vỡ tơi tả bởi viên đạn. “Bắn hay lắm!” Bà lầm bầm nói. Dan nhún vai. “Những gì chúng ta đã biết là hắn đứng ngay dưới chiếc máy quay vào thời điểm gây án.” “Thật may khi có anh đi cùng.” Shelly đồng ý, rồi dẫn đường đi qua dãy tủ cấp lạnh đến cánh cửa gỗ trơn được ghi chữ: CHỈ DÀNH CHO NHÂN VIÊN. Cửa văn phòng bị khóa. Dan nhăn nhó mặt mày, chắc đang tự hỏi ai sẽ phải lục soát thi thể của nhân viên thu ngân để lấy chìa khóa. Thế nhưng, Shelly có ý hay hơn. Bà đeo găng tay vào, giơ một tay lên, lần mò gờ trên của khung cửa, chắc chắn là... Bà mỉm cười. Dan khúc khích khoái trá. Sau đó, như thể nhận ra âm thanh như vậy không phù hợp với hoàn cảnh, cả hai cùng im lặng. Shelly nhét chiếc chìa đồng nhẵn nhụi vào ổ khóa, đẩy cánh cửa bật mở. Nếu không khí bên trong cửa hàng tiện lợi nhỏ xíu được coi là nóng thì văn phòng phía sau không có cửa sổ này phải nói là ngột ngạt. Trong một thị trấn nổi tiếng vì khí hậu ôn hòa thì rất nhiều nơi không có điều hòa không khí, và cửa hàng này cũng không ngoại lệ. Khi Shelly bật tách chiếc đèn ở phía trên đầu, bà phát hiện ra một cái quạt nhỏ được đặt ở giá trên cùng, một ý tưởng của ai đó để xua tan cái nóng. Mặt khác là khoảng không gian chỉ-độc-một-phòng này có một tấm gỗ đặt ngang lên hai cái tủ đựng hồ sơ kim loại méo mó, một chiếc máy tính xách tay trông giập méo, và chắc chắn có một đầu thu hình DVR, đen sì, tương đối mới, bị nhét vào một góc phía sau cùng với cái màn hình đính liền . “Có vẻ mới mua gần đây.” Dan nói từ phía sau vai của Shelly. Không gian nhỏ xíu này khiến hai người phải đứng rất gần nhau, như thế chỉ khiến cho cái nóng càng bức bối hơn. “Mấy tên ăn trộm gần đây, có nghi vấn nào không?” Shelly lầm bầm. Hệ thống máy quay an ninh đúng là một yếu tố may mắn. Ngay cả những mẫu máy quay cơ bản nhất thôi cũng có giá hơn một trăm đô la, với một mô hình kinh doanh trông kiệt quệ và nhọc nhằn thế này thì nó không thể nào là một khoản chi dễ dàng được. Bà dịch chuyển sang một bên, hóp cả bụng lại khi Dan chen qua, xem xét cái đầu thu DVR. “Hầu hết các hệ thống này đều có chế độ tua lại tức thì.” Dan nói, tay bấm bấm cái nút trên thân đầu thu DVR. Anh ta tung phép màu công nghệ, rồi một biểu tượng của SuperSecurity* xuất hiện trên màn hình. Một vài giây sau, màn hình ngập tràn hình ảnh phía sau đầu của một phụ nữ. Siêu An Ninh. Nhân viên thu ngân, Shelly thầm nghĩ, chính là Erin Hill, người bắt đầu làm việc lúc bốn giờ sáng, và có trách nhiệm kích hoạt hệ thống an ninh. Dan lại bấm tua tiếp: Năm giờ sáng. Sáu giờ. Bảy giờ. Bảy giờ ba mươi, và rồi... Hình ảnh không tệ chút nào. Cố định nên trông hơi lệch hướng nhìn một chút. Nước phim đen trắng. Những khách hàng xuất hiện rồi biến mất khỏi màn hình, trong khi đó phía sau đầu của Erin vẫn nằm chềnh ềnh chính giữa. Thi thoảng cô ấy cũng biến mất, có thể là ngồi xuống đọc một cuốn sách, hoặc cũng có thể để chơi điện thoại trong lúc thấy buồn ngủ. Bảy giờ năm ba phút sáng. Nạn nhân nam xuất hiện. Shelly nhìn thấy một bên mặt của cậu ta khi cậu ta bước nhanh vào trong cửa hàng, rồi biến mất sau gian hàng để tìm khoai tây chiên. Ba mươi giây. Bốn mươi giây. Năm mươi giây. Cậu ta xuất hiện trở lại, giờ cả khuôn mặt hiện ra khi cậu ta đứng ở quầy thu ngân và nhét tay vào túi, lôi ra một nắm tiền mặt. Không có tiếng. Họ có thể nhìn thấy nhưng không nghe thấy gì. Miệng của cậu ta chuyển động, cậu ta đang nói chuyện gì đó với Erin. Cô chắc đã đáp lại vì cậu ta mỉm cười với cô. Rồi cậu ta nhét đồng tiền thừa vào túi. Chộp lấy túi khoai tây. Quay người ra phía cửa. Bất thình lình, cánh tay của cậu ta bay lên không trung. Hình như cơ thể cậu ta giật lên, rồi ngã ra sau, rồi lại giật lên. Cậu ta ngã xuống, đầu biến mất khỏi màn hình cho đến khi tất cả những gì còn thấy được là hình ảnh đôi chân nằm sõng soài. Erin quay người lại, mái tóc tối màu của cô, điểm tập trung duy nhất của hai cảnh sát, đột nhiên giật lắc. Cô ngước nhìn lên máy quay, mắt mở to, kinh hãi. Shelly không thể thấy miệng cô. Chỉ thấy được nửa đầu trên. Cô đang la hét sao, hay đang cố nói với họ điều gì? Phía bên góc màn hình, một cẳng tay trần trụi hiện vào tầm nhìn. Đang cầm súng. Bụp, bụp, bụp. Thế là Erin mất dạng khỏi tầm nhìn. Một mạng sống kết thúc. Chỉ như thế. Shelly phát hiện mình đang tì qua vai Dan, nhìn chằm chằm vào đoạn video khi cánh tay của kẻ bắn súng hạ xuống rồi biến mất khỏi màn hình. Không, không, tay súng phải xuất hiện. Hắn vẫn phải xử lí cái máy quay chứ. Tạm nghỉ. Có thể tay súng dừng lại để ngó nghiêng kiểm tra phía ngoài, xem tiếng súng nổ có dấy lên chút nghi ngờ quanh đây không. Hoặc có thể hắn bắn vào chiếc xe tải của nạn nhân nam. Nhưng cuối cùng, ba, bốn, năm phút sau... Một dáng hình đơn độc bước vào tầm nhìn máy quay. Không phải một người trưởng thành. Một đứa trẻ. Trẻ hơn nhiều nạn nhân đầu tiên, thậm chí có thể trẻ hơn cả Erin Hill. Người mặc chiếc áo hoodie đen lùng bùng, hai ống tay áo xắn lên tận khuỷu, dù thế nào cũng hoàn toàn chẳng thích hợp giữa tiết trời buổi sáng tháng Tám đang ở ngưỡng ba sáu độ C. Thằng nhóc tiến lại gần quầy thu ngân. Nó không hề nhìn về phía nạn nhân đầu tiên, không một cái chớp mắt. Thay vào đấy, nó nhìn thẳng về phía máy quay. Nhìn chằm chằm. Khuôn mặt khoác lên vẻ buồn bã nhất mà Shelly từng chứng kiến. Không một chút thương xót, không né tránh, không có lấy một giọt mồ hôi trên khuôn mày. Thằng nhóc có đôi mắt đen nhìn chằm chằm Shelly qua ống kính. Rồi nó giơ tay lên, và nổ súng. Shelly phải mất một lúc để lấy lại được nhịp thở. Dan rướn người về phía màn hình nhưng chẳng làm được gì hơn. “Có nhận ra thằng bé này chút nào không?” Shelly hỏi người cộng sự. “Không.” “Tôi cũng thế.” Bà hoài nghi nói. Hình ảnh rõ nét thế này, mô tả chi tiết đến thế, thì họ nên tìm ra một cái tên trong vòng vài tiếng nữa. “Thằng nhóc không lấy tiền.” Dan lầm bầm nói. “Không hề.” “Thậm chí còn không trò chuyện với hai nạn nhân. Chỉ cứ vậy... đi vào trong. Giết chết hai người.” “Tôi biết.” “Bà có thấy ánh mắt thằng nhóc không?” Shelly gật đầu. Bà hiểu ý người cộng sự của mình muốn nói gì. “Chuyện gì đã xảy ra ở đây?” Dan hỏi, giọng nói giờ đây lộ vẻ ai oán hơn. “Tôi không rõ nữa.” Bà thành thực đáp lại. “Nhưng tôi biết phải hỏi ai rồi: Pierce Quincy. Nếu đoạn băng này cần xem xét để tìm ra gì đó thì chúng ta cần đến sự sáng suốt của nhân viên lập hồ sơ. Nhưng động cơ của tay súng không phải là câu hỏi quan trọng nhất của chúng ta lúc này.” “Thế cái quan trọng nhất là gì?” “Là thằng nhóc bắn giết dễ dàng như thế - liệu nó đã dừng tay chưa?” CHƯƠNG 4 Nhân viên lập hồ sơ FBI về hưu Pierce Quincy đang có cơ hội thứ hai trong đời. Ông không phải kiểu người dền dứ mãi ở nhiều thứ. Thậm chí có thể khoảng mười lăm năm về trước, ông cũng không phải kiểu người dễ tin vào nhiều điều. Sau cái chết đột ngột của người mẹ, người cha đơn thân đã nuôi dạy ông lớn khôn rồi ông tham gia Sở Cảnh sát Chicago trước khi được FBI chiêu mộ. Thế rồi, là người đặc vụ trẻ tuổi đầy triển vọng, ông vinh dự được tham gia cùng những người tiên phong trong lập hồ sơ, một vài đặc vụ huyền thoại nhất của văn phòng. Công việc đã kéo ông đi xa khỏi vợ mình, Bethie, rồi hai đứa con gái, Mandy và Kimberly, ừ thì, săn tìm những tên giết người hàng loạt là như thế đó. Một con người khó có thể nào vừa truy đuổi những con quái vật trong thế giới loài người vừa có thể về nhà thưởng thức bữa tối đúng giờ được. Công việc luôn vẫy gọi. và Quincy... ông đã đánh mất mình vì nó. Khi vợ ông rời bỏ ông. Khi hai đứa con gái trưởng thành mà không có sự góp mặt của ông. Cho đến một ngày, một cú điện thoại… Mandy gặp tai nạn. Chỉ có điều hóa ra đó không thực sự là một vụ tai nạn. Tất cả là do trước đây Quincy đã mang thứ gì đó từ chỗ làm về nhà: một gã đàn ông nung nấu ý định báo thù. Thế là cả người con gái lớn và vợ của Quincy đã phải trả giá trước khi Quincy ngăn chặn được hắn. Còn với Rainie, Quincy tìm thấy sự cân bằng tốt hơn. Và cho dù ông không phải người nổi tiếng có tài bẻm mép, nhưng ít nhất với một cựu nhân viên thực thi pháp luật, ông vẫn biết đủ để nói. Rainie hiểu được sự câm lặng của ông, giống như cách ông hiểu được những con quỷ dữ trong lòng bà. Bà chấp nhận rằng ông không chia sẻ những cảm xúc của mình không đồng nghĩa với việc ông không quan tâm. Và ông chấp nhận rằng bà chắc chắn sẽ không bao giờ đi ngủ vào buổi tối, và mỗi ngày, cả ngày luôn, bà sẽ mãi mãi có lựa chọn dũng cảm là không nốc rượu nữa. Giờ họ đang ở đây. Già đi một chút, sáng suốt hơn một chút, và nhờ Chúa giúp đỡ, họ sắp có một đứa con gái nuôi tuổi thiếu niên. Họ lo lắng, họ phấn khích. Họ khiếp sợ, họ tràn trề hi vọng. Họ làm cha mẹ. Quincy dành hầu hết cả buổi sáng để lắng nghe tiếng lầm bầm của Rainie vọng khắp hành lang. Cái giọng dường như êm dịu nhất của loài quái thú điên dại thi thoảng lại thể hiện ra mỗi khi nhại lại con gái nuôi, trước khi hộ tống cô bé đến trại tập bơi. Sharlah đã đến với họ với tiểu sử bệnh khuynh hướng chống đối xã hội. Đống giấy tờ bệnh án đó đã không nói dối. Với một đứa con nuôi, sự kết nối luôn luôn là vấn đề. Quincy và Rainie có đầy đủ những phẩm chất để được làm cha mẹ nuôi mặc dù ông đã có tuổi và bà có vấn đề với rượu, nhưng một lí do nữa là bởi vì Quincy được coi là một chuyên gia trong xây dựng kết nối. Chắc chắn những cản trở trong quá trình tạo dựng kết nối là các điều cơ bản nhất về những tên sát nhân hàng loạt. Khi kết hợp những khuynh hướng chống đối xã hội với nỗi đau mà Sharlah đã trải qua khi còn nhỏ, những ai quản lí hồ sơ của cô bé sẽ có vài mối bận tâm. Sáu tháng đầu trôi qua, Sharlah chắc chắn đã thử thách được họ. Nhưng có lẽ Quincy đã nền tính hơn khi về già, bởi vì ông nhìn đứa trẻ sắp trở thành con gái mình nhưng không thấy ở đây một kẻ giết người trong tương lai, mà thấy một cô gái nhỏ xinh có nhiều mất mát. Một người đã phải chịu nhiều đau khổ và phải dựng lên những lớp bảo vệ tương ứng. Sharlah không tin tưởng ai. Không hề cởi mở. Không có niềm tin. Nhưng con bé có thể kết nối. Chỉ cần nhìn con bé và Luka là biết. Quincy đã bất chợt nảy ra ý tưởng nhận nuôi một chú chó chăn cừu Đức. Vài bài báo viết về nhận con nuôi có khuyến khích việc nhận nuôi thêm thú cưng nữa, để đứa con nuôi có bạn đồng hành. Hơn nữa, thú cưng của gia đình sẽ khuyến khích tinh thần trách nhiệm hơn, và phải, Quincy thuộc phái cựu trào về vấn đề này. Nhưng cũng vì một điều nữa... Nếu ông và Rainie đang nhận con nuôi, tại sao không nhận nuôi thêm một chú chó nữa? Nếu bạn sắp sửa định quanh quẩn ở nhà thì hãy làm cho đúng. Sharlah yêu chú chó này lắm. Và Luka cũng yêu thương con bé. Hoàn cảnh giống nhau như đúc. Có thể đây không phải sự hòa nhập xã hội mà ông và Rainie đã và đang hi vọng, nhưng ít nhất cũng là sự khởi đầu. Chắc chắn ông và Rainie cũng muốn hi vọng có một ngày, nếu họ thực sự may mắn, Sharlah sẽ yêu mến họ, ít nhất cũng nhiều như con bé yêu chú chó của mình. Một lần nữa, chào mừng đến với thế giới nuôi dạy con. Ngay lúc này, Quincy hướng sự tập trung của mình về chiếc điện thoại đang nằm trong bàn tay. Shelly Atkins, cảnh sát trưởng của hạt, đang ở đầu máy bên kia. “Hai người chết.” Bà nói. “Cả hai đều bị bắn nhiều phát.” “Trộm cướp à?” Ông hỏi. “Khay đựng tiền đã bị lấy sạch. Nhưng nghe rõ này: Thằng nhóc đã lấy hết tiền của họ sau khi nó bắn chết họ, chứ không phải trước đó. Theo như đoạn băng ghi hình mà chúng tôi đã xem thì thằng nhóc không hề bước vào và yêu cầu này nọ. Nó chỉ bước vào rồi nổ súng luôn. Cho nên dẫn đến kết luận, tiền là suy nghĩ nảy sinh sau này. Nếu tất cả những gì thằng nhóc đó muốn là tiền mặt ngay tức khắc thì chỉ cần vung vẩy khẩu súng ngắn lên là sẽ được việc ngay. Không cần phải đoạt hai mạng người không có tí chống cự nào.” “Chị có đoạn ghi hình cảnh đó không?” “Có chứ, đó là lí do tôi gọi cho anh đây. Quincy... Ôi trời ạ, tôi không biết phải giải thích thế nào nữa. Nhưng tôi muốn anh xuống khu này và xem xét một chút. Thằng nhóc này, biểu hiện trên khuôn mặt nó lúc nó kéo cò súng ấy. Nó bắn chết hai người ấy bởi vì nó có thể. Và thằng nhóc lạnh lùng ấy...” “Chị sợ nó sẽ giết người tiếp?” “Chính xác là thế.” Quincy liếc nhìn đồng hồ. Rainie đã rời nhà để đưa Sharlah đến trại hè cho người thích bơi rồi. “Chờ bọn tôi bốn mươi phút.” Ông nói với Cảnh sát trưởng Atkins. “Rainie và tôi sẽ gặp chị ở văn phòng.” “Đỗ xe ở sân sau nhé! Đám truyền thông đã đánh hơi thấy tin tức rồi.” “Họp báo à?” “Cũng có thể. Bọn họ sắp sửa giẫm đạp lên nhau ở hiện trường rồi. Hơn nữa, tôi có việc cho họ làm.” “Chị định lợi dụng truyền thông sao?” Quincy cong mày lên. “Mánh khóe đấy.” “Tôi là người dũng cảm mà. Còn tốt hơn nữa là tôi là người dũng cảm với một tấm ảnh của kẻ sát nhân giết hai mạng người. Truyền thông sẽ phát hình ảnh đó, nếu may mắn, chúng ta sẽ có tên tay súng vào cuối ngày.” Quincy chợt nghĩ: “Chị bảo là tay súng chưa xác định được danh tính đã bắn máy quay.” “Đúng vậy.” “Sau khi nó đã giết chết hai người?” “Chính xác.” “Hừ.” “Hừ như vậy là có ý gì?” “Chờ tôi bốn mươi phút, rồi chúng ta sẽ tìm ra.” Quincy đã liên lạc qua điện thoại với Rainie và sắp xếp sẽ gặp bà ở Văn phòng Cảnh sát trưởng. Ông có thể nghe thấy tiếng của Sharlah từ hàng ghế sau xe, liên tục hỏi đầy phấn khích. Mới đầu, ông và Rainie đã nỗ lực hết sức để tách công việc của mình với cô con gái nuôi. Không cần phải thêm thắt vào nỗi đau của Sharlah nữa. Nhưng dần dà... Sharlah thực sự cảm thấy hứng thú, vui vẻ và nhiệt huyết. Cuối cùng, người phụ trách hồ sơ của con bé đã có một cuộc nói chuyện lạc quan về tội phạm học cơ bản trong bữa cơm tối. Nói cho cùng, Sharlah là kiểu trẻ con đã biết người xấu có tồn tại trên thế giới. Đối với con bé, những phương pháp điều tra và tâm lí học phía sau cách thức nhận dạng, hiểu rõ về tội phạm còn dễ chịu gấp bội phần so với cách dạy dỗ truyền thống kiểu “Đừng lo lắng về nó” hoặc là “Cha mẹ sẽ chăm sóc cho con”. Sharlah muốn có thể tự chăm sóc cho bản thân mình. Việc đó khiến con bé trở thành người hâm mộ cuồng nhiệt công việc của Rainie và Quincy. Và có thể điều đó cũng khiến con bé trở thành đứa con phù hợp nhất dành cho họ. Ông đóng bìa hồ sơ trên bàn làm việc lại - thứ mà Rainie và Sharlah đặt rất nhiều nghi vấn - và trả nó về chiếc tủ khóa. Thế rồi một vật dụng cuối cùng của công việc, từ rất nhiều năm hành nghề. Ông đi bộ đến chỗ bức tường, về phía tấm hình đen trắng được đóng khung, có một bé gái nhỏ nhắn đáng yêu đang nở nụ cười thiếu răng, đứng trốn lấp ló đằng sau tấm rèm nhà tắm. Con gái lớn của ông, Mandy, của nhiều năm trước, khi còn sống, đang dùng đồ uống thì bị một gã tâm thần tóm được. Ông đặt tấm ảnh sang một bên, để lộ ra tủ cất súng. Vừa mới đây ông đã nâng cấp lên mẫu tủ có sử dụng khóa sinh trắc học. Ông đặt đầu ngón tay vào chỗ thích hợp. Tiếng vo vo, rồi lách cách, cánh cửa tủ bật mở. Ông chọn khẩu hai mươi hai, loại dự phòng, bởi vì nói một cách nghiêm túc thì tư vấn viên thực thi pháp luật không được phép mang súng lục. Thế nhưng, người đàn ông này hiểu những thứ ông biết... Quincy nhét nhanh khẩu súng vào bao súng ở cổ chân. Rồi sẵn sàng lao mình vào cơn sóng nhiệt nóng bức. Văn phòng Cảnh sát trưởng của hạt hiện ra rõ ràng. Tòa nhà hai tầng với những đường kẻ bè bè và lớp sơn ngoại thất màu be, nó thể hiện kiểu dáng kiến trúc mà chỉ có những chính quyền địa phương dễ nhạy cảm với ngân sách mới có thể yêu thương nổi. Theo lời chỉ dẫn của Shelly, Quincy lái xe thẳng đến phần sân sau của tòa nhà, chiếc xe Lexus đen lướt qua một đám xe van đưa tin đang càng lúc càng nhiều hơn. Mười giờ sáng. Hiển nhiên chẳng ai muốn đến muộn buổi họp báo vào lúc mười giờ rưỡi. Quincy lắc đầu khi đánh lái quay ô tô vào bãi để xe. Chắc chắn có nhiều phần trong công việc mà ông không hề quên, và đối phó với đám báo chí là việc được ghi chú hàng đầu của ông. Một lúc sau, ông nhận ra chiếc ô tô của Rainie. Bà vẫn ngồi bên trong, chắc chắn đang tranh thủ luồng khí điều hòa lâu nhất khi còn có thể. Vì với nhiệt độ ngoài trời thế này, ông không thể trách cứ gì bà được. Ông đánh xe về phía bên cạnh xe bà. Bà mở cửa xe khi ông tháo dây an toàn ra rồi cả hai cùng đứng trong cái nóng. “Ôi trời.” Bà nói, thế cũng đủ tổng kết hết cả cảm giác nóng như cái lò hiện giờ. Vì có nhiệm vụ phải đưa đón Sharlah nên Ramie ăn mặc rất giản dị, quần lửng đến bắp chân màu đen và áo phông không cổ màu xanh lá cây nhạt có họa tiết xanh thẫm xoáy tròn ở một bên áo. Bà có thể là một bà mẹ nóng bỏng đang trên đường đến lớp học Yoga. Sau ngần ấy năm, Quincy vẫn thấy rất khúm núm vì bà là vợ ông. Còn về phần ông, những thói quen cũ đã ăn sâu vào máu. Ông mặc bộ đồ mà Rainie vẫn châm chọc nói nó giống bộ đồ thường thấy của FBI. Quần âu nâu vàng và áo phông polo màu xanh nước biển sẫm. Từ ngày xửa ngày xưa, chiếc áo ông mặc sẽ được gắn phù hiệu FBI. Còn hiện tại, ông sẽ ra ngoài với chiếc áo quảng cáo cho Học viện SIG Sauer trên người, nơi mà ông thi thoảng dạy các tiết học bắn súng. Liên quan đến thi hành pháp luật, mà không bị quảng cáo nhầm. “Chuyến đi thế nào?” Ông vừa hỏi vừa đóng cửa xe ô tô lại, rồi vòng ra chào bà. Rainie nhún vai. “Con bé đang làm hết sức.” “Thế có nghĩa là chúng ta chắc chắn sẽ có một tiếng trước khi được gọi đi đón con đúng không?” “Nếu được thế.” Rainie sải bước bên cạnh ông khi họ hướng thẳng đến tòa nhà. “Anh có bao giờ nghĩ rằng chuyện này thật mỉa mai, rằng chính chúng ta đây đang cố dạy một đứa trẻ các kĩ năng xã hội?” “Lúc nào cũng thế.” Ông nói chắc nịch. Ông chạm tay đến cánh cửa đầu tiên rồi giữ nó mở để bà bước vào, sau đó ông bước theo, đi vào bầu không khí tương đối mát mẻ của tòa nhà. Từ kinh nghiệm, ông đã biết cảm giác này sẽ không kéo dài. Nhiệt độ ngoài trời nóng nực thế này không phải là điều bình thường với vùng duyên hải, điều đó đồng nghĩa hầu hết hệ thống điều hòa không khí sẽ không được bật liên tục - đó là giả sử tòa nhà này có đủ may mắn để có hệ thống điều hòa. Vì đã từng đến nơi này trước đây, Quincy và Rainie bước thẳng đến chỗ viên cảnh sát trực ban, chìa nhanh thẻ ID của mình ra và được đưa qua cánh cửa kim loại nặng trịch để vào sâu bên trong của tòa nhà. Giống như các tòa nhà cảnh sát khác của hạt, nơi này được trang bị mọi thứ, từ phòng giam đến trung tâm điều phối và các bộ phận khác, trong đó có tầng hai là đơn vị cảnh sát, cũng là nơi mà Quincy nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy Shelly. Họ đi lên và dĩ nhiên là... Shelly đang đứng giữa một không gian vừa phải để chào đón bốn vị cảnh sát, nhưng không cần thiết phải cùng một lúc. Những bức tường màu trắng ngà, chiếc thảm xanh nước biển hạng thương phẩm, những chiếc bàn làm việc giả gỗ - nó giống như bất cứ phòng cảnh sát nào mà Quincy đã đến thăm, điều này khiến căn phòng trở nên ngang cơ với các phần còn lại của tòa nhà. Ai đó đã nhìn xa trông rộng để hai chiếc bàn sang một bên của căn phòng, để khoảng không trống trơn ở giữa phòng. Shelly, viên trung sĩ của bà, Roy Peterson và Phó cảnh sát trưởng, Dan Mitchell, đang đứng ở đó, nghiên cứu hình ảnh hiện lên màn hình được treo trên bức tường phía xa. Thế nên Rainie và Quincy biết rằng tất cả đã có mặt, màn chào hỏi diễn ra nhanh chóng rồi họ bắt đầu đi thẳng vào vấn đề. “Điện thoại gọi đến vào khoảng tám giờ hơn.” Shelly diễn giải với Rainie và Quincy. Bà chỉ lên màn hình. Hình ảnh cái đầu của một thanh niên da trắng, mặc chiếc áo hoodie màu đen và nhìn chằm chằm lại họ đang hiện lên. Vẻ mặt của kẻ đó không chút cảm xúc. “Chính tôi đã trực tiếp trả lời cú điện thoại đó - những cảnh sát khác đã phải làm việc ngoài giờ quá nhiều rồi.” Bà nói thêm khi trông thấy vẻ mặt nghi vấn của họ. Nữ Cảnh sát trưởng đung đưa nhè nhẹ trên đôi chân. Mệt mỏi nhưng xúc động. Quincy nhớ cảm giác ấy rất rõ. “Nhưng chuyện đã qua và xong xuôi khi tôi đến đó.” Shelly nói. “Hai người chết, thủ phạm đã biến mất. Trong tình huống như thế’, tôi đã quyết định truy cập hệ thống an ninh tại hiện trường ngay, còn hơn là chờ đợi cảnh sát bang, vì đó dường như là lựa chọn tối ưu nhất của chúng tôi trong việc xác định danh tính tay súng.” “Ảnh này là của thằng nhóc hả?” Quincy chỉ tay lên màn hình. “Đúng vậy.” Ông nghiên cứu bức hình lần nữa, có cảm giác hơi ngờ ngợ, như kiểu ông đã gặp đứa trẻ này một lần rồi và cũng chưa bao giờ gặp nó một lần nào trong đời. Ông liếc nhìn Rainie, bà cũng đang nhíu mày nhìn bức hình. “Chúng tôi có thể xem từ đầu được không?” Rainie hỏi. “Bất cứ điều gì hai người nghĩ là có ích.” Shelly cầm chiếc điều khiển lên. Gương mặt bèn bẹt của cậu thiếu niên biến mất. Sau đó, một hình ảnh mới mẻ hơn xuất hiện, phía sau đầu của người phụ nữ. Shelly bấm nút Play và đoạn hình bắt đầu chạy. Độ phân giải của đoạn ghi hình có chất lượng tốt hơn những gì mà Quincy có thể mong đợi từ một chiếc máy quay an ninh ở trạm xăng, và đoạn băng này cũng ngắn. Súng xuất hiện và chỉ trong vài tích tắc, chưa đến một phút, hai người chết. Có một đoạn nghỉ, chắc chắn cũng phải mất vài phút, rồi thủ phạm chưa xác định được danh tính mới xuất hiện trọn vẹn trong khung hình. Nhìn thẳng vào họ. và giơ súng lên, bắn phát súng cuối cùng. “Loại súng?” Quincy lên tiếng hỏi, vì góc quay khiến việc xác định rất khó. “Đầu chín li, ít nhất là theo đầu đạn được tìm thấy. Chúng ta sẽ biết thêm thông tin ngay khi Phòng Nghiên cứu Đạn đạo học của bang có cơ hội phân tích.” Quincy gật đầu. Nếu xem xét tính chất gây sốc của vụ án này - chưa kể đến hồ sơ báo chí đầy tiềm năng - thì bang chắc chắn sẽ ưu tiên thúc đẩy việc tìm bằng chứng. Rainie có một câu hỏi khác: “Tay súng đã di chuyển bằng phương tiện gì để đến hiện trường? Lái xe? Đi bộ?” Bà nhìn Shelly. “Hỏi hay lắm. Trạm xăng EZ vốn nằm trơ trọi một mình. Không có cửa hàng nào xung quanh có thể làm chứng. Nhưng dựa trên vị trí của nó nằm cách khoảng tám cây số về phía đường cao tốc... thì chuyện đi bộ sẽ là một chuyến đi dài nóng bỏng chân.” “Thế nghĩa là khả năng cao tay súng này lái xe.” Rainie đáp lại. “Chỉ có một loại phương tiện ở hiện trường là xe bán tải đỏ, thuộc về nạn nhân nam.” “Thế nên chúng ta không biết được liệu kẻ tình nghi đã thực hiện hành vi đó một mình hay có đồng bọn, hay nói cách khác là đi kèm một tay lái xe đào tẩu?” Rainie nhấn mạnh. “Bất cứ giả thuyết nào cũng khả thi.” Shelly bấm tua trở lại khuôn hình tĩnh của tay súng. “Tại thời điểm này, đây là những gì chúng ta có. Xác định được danh tính thiếu niên da trắng này...” “Thì chị sẽ có tay súng của mình.” Quincy nói nốt câu cho bà. “Dự tính là thế. Vì thế mới có họp báo. Cái thứ chết tiệt mà tôi sẽ phải chuẩn bị đây này.” Shelly nhìn chằm chằm vào Quincy và Rainie. “Hai người có nghĩ thằng nhóc này nguy hiểm không?” “Có chứ.” Cả hai đồng thanh đáp lại không một chút lưỡng lự. “Thế nên tôi sẽ bắt đầu từ những bước cơ bản nhất. Bất cứ ai có thông tin phải liên lạc trực tiếp với chúng tôi, không nên cố gắng tự mình tiếp cận người này.” “Tại sao thằng nhóc đó lại làm vậy?” Quincy lên tiếng. “Tại sao thằng nhóc đó lại bắn chết hai người này?” “Cậu ta đã phục kích họ.” Rainie nói. “Nếu cướp bóc là động cơ duy nhất của cậu ta thì thế này không phải quá nặng tay sao?” Bà quay ra nói với Quincy. “Không một chút do dự.” Bà nói. Shelly hiểu được ngầm ý. “Ý bà là thằng nhóc đó đã từng ra tay trước đây?” “Khả năng cao là vậy.” Quincy lầm bầm nói. “Chúng tôi cần đọc tiểu sử của cả hai nạn nhân. Đặc biệt là nạn nhân nữ.” Một lần nữa, Shelly không phải là một con thỏ ngu đần. “Cô ấy là mục tiêu thực sự sao? Cô ấy có độ tuổi gần sát nhất với tay súng. Có thể họ có mâu thuẫn tình cảm, khiến cho khách hàng nam mua khoai tây chiên trở thành kẻ đáng thương xuất hiện không đúng lúc và không đúng chỗ.” “Tôi nghĩ kịch bản đó sẽ khiến cuộc sống của chị dễ dàng hơn.” Quincy nói. “Và nếu đó chỉ là kiểu chia tay không đúng đắn thì mục đích của kẻ giết người đã trọn vẹn rồi. Thằng nhóc đó đã làm đúng những gì được vạch ra.” “Và giờ?” Quincy không hề lưỡng lự nói tiếp: “Nếu chị rất, rất may mắn thì thằng nhóc đó sẽ về nhà và tự bắn mình.” “Và nếu tôi không may mắn đến thế?” Shelly hỏi. “Thì chị nói đúng, cuộc phiêu lưu của thằng nhóc đó mới chỉ bắt đầu thôi. Hãy cho báo chí xem bức hình ấy.” Quincy khuyên nhủ. “Xác định được danh tính. Nhưng tuyệt đối phải thêm “có vũ trang” và “nguy hiểm” vào đặc điểm mô tả thằng nhóc đó. Người địa phương không nên tiếp cận.” “Anh nghĩ thằng nhóc sẽ làm gì tiếp theo?” Shelly hỏi. “Không nói chính thức. Chỉ là giữa hai chúng ta, hai người miền quê rất may mắn không phải nhọc công dành nhiều thời gian để xử lí những kiểu tội phạm thế này.” Quincy nhíu mày. Ông ngâm cứu bức hình. Lại nhíu mày. “Tôi nghĩ thằng nhóc đã bắn chết hai người trong chưa đến một phút…” Ông nói. “Sau đó thì để chúng ta nhìn rõ mặt. Tới thời điểm này, với một kẻ tình nghi thế kia, tôi chỉ có thể nói là chúng tôi vẫn gần như chẳng biết gì cả.” CHƯƠNG 5 “Chúng ta có tên và địa chỉ rồi đây.” Trung sĩ Peterson ngó đầu nhìn vào bên trong văn phòng của Shelly, bà cùng với Quincy và Rainie đang ngồi bên trong. Cả ba người họ đã uống rất nhiều cà phê, mặc dù theo kinh nghiệm của mình, Quincy biết trong cốc của Shelly thực ra là trà hoa cúc, bà chỉ giả vờ đang uống cà phê mà thôi. “Nhưng tôi vẫn chưa xong họp báo.” Shelly nói. “Không cần đâu. Tôi đã gửi email tới một số cảnh sát quản chế thanh thiếu niên hư.” Peterson liếc nhìn sang Quincy. “Anh có ngụ ý rằng thằng nhóc này đã có kinh nghiệm. Hóa ra anh nói đúng. Aly Sanchez đã trả lời email của tôi ngay. Một trong số những đứa mà cô ấy giám sát.” “Cô ấy gọi nó tới rồi à?” Quincy cau mày hỏi. Ông đứng dậy, cả Shelly và Rainie cũng vậy. “Không. Tôi nói với cô ấy tạm thời đừng liên lạc. Tôi lo rằng nếu nó tới văn phòng và cảm thấy có bất cứ điều gì đánh động từ phía cô ấy thì... Nó đã giết hai người rồi, tôi không muốn đây Aly vào tình huống tương tự.” “Ghi chép tiền án tiền sự ra sao?” Shelly hỏi. “Hầu hết là các tội nhỏ, đột nhập, phá hoại tài sản. Nhưng danh sách tương đối dài với một đứa trẻ mười bảy tuổi. Thằng nhóc khá là bận rộn. Theo lời Aly, gần đây kẻ tình nghi này sống cùng Sandra và Frank Duvall. Frank là một giáo viên ở trường Trung học Bakersville, Sandra ở nhà làm nội trợ. Con trai ruột của họ đi học đại học ở xa, nên gia đình Duvall đồng ý nhận nuôi thằng nhóc từ năm ngoái. Đây, hãy chú ý điều này: Frank Duvall có sáu khẩu súng cầm tay các loại đăng kí theo tên của ông ta, bao gồm một khẩu chín li.” “Đã liên lạc với gia đình đó chưa?” Shelly hỏi. “Đã gọi số nhà. Không ai nghe máy.” “Được rồi. Tôi sẽ thông báo cho SWAT. Khi nào họ đồng ý, chúng ta sẽ vào.” “Tốt nhất không nên để kẻ tình nghi cảm thấy bị dồn vào đường cùng.” Quincy góp ý. “Chắc chắn tôi sẽ nhắc nhở họ dùng giọng nhẹ nhàng. Còn lời khuyên nào nữa không anh chàng lập hồ sơ?” “Báo chí vẫn đang đợi chị bên ngoài kìa.” “Ờ nhỉ, bố khỉ.” “Không sao đâu mà.” Rainie vỗ về bà. “Nếu SWAT không gặp may ở chỗ nhà Duvall, có lẽ họ có thể chăm sóc tụi truyền thông thay cho chị.” Địa chỉ của nhà Duvall hóa ra là một căn nhà ba gian một tầng khiêm nhường màu xám nhạt, nằm cách xa đường chính. Một bên của căn nhà là khu rừng cây linh sam Douglas cao vút, bên còn lại là hàng rào dày được tạo nên từ những cây đỗ quyên. Hiên trước nhà điểm xuyết vài chậu hoa màu anh đào đỏ tươi, và ai đó đã treo một tấm biển bên cạnh cửa ra vào để quảng cáo rằng đây là một TỔ ẤM YÊU THƯƠNG. Rõ ràng, cặp đôi cha mẹ nhận nuôi dưỡng này rất quan tâm chăm sóc cho căn nhà của mình. Chẳng biết kẻ tình nghi nổ súng đó có thấu hiểu nỗ lực của họ không nhỉ, Quincy tự hỏi, hay nó hầu như chỉ hào hứng vì được đưa vào một ngôi nhà có sẵn sáu khẩu súng đã được đăng kí? Quincy và Rainie đứng chờ cùng với Shelly trong lúc sáu thành viên đội SWAT tỏa đi các phía xung quanh, sẵn sàng áp sát ngôi nhà. Shelly nhấc điện thoại di động lên, gọi vào số điện thoại của căn nhà đó thêm một lần nữa. Tất cả đều tĩnh lặng. Đường dẫn vào nhà không một bóng xe. Qua ô cửa sổ không thấy dấu hiệu của bất kì thành viên nào trong gia đình. Quincy vẫn đang cảm thấy bồn chồn, nôn nao. Hậu quả của việc uống quá nhiều cà phê. Ông liếc sang nhìn Rainie và thấy bà cũng có chung cảm giác. Bà liếc nhìn xuống đồng hồ. “Trại hè cho người thích bơi.” Bà máy miệng nói với ông. Phải rồi. Đi đón Sharlah, vào lúc này đó là điều mà tốt hơn hết ông không nên quên. Cuộc sống gia đình ông sau ba năm nữa thú vị tới mức nào vẫn là một điều mà ông phải tiếp tục suy nghĩ. Trong khi ấy, việc này, tiếp cận một kẻ tình nghi giết người, có cảm giác tự nhiên, thoải mái y như đi đạp xe vậy. Máy bộ đàm vẫn lặng im như tờ. Shelly đành nhận cái vinh dự ấy: “Đội trưởng, tiến vào đi!” “Đội Alpha đã vào vị trí. Sẵn sàng di chuyển.” “Đèn xanh, đội Alpha. Di chuyển đi!” Các thành viên của đội SWAT như thể tràn vào hiện trường. Phía trước căn nhà, phía sau căn nhà. Họ đập lên những cánh cửa, chừng nửa giây sau, khi không có ai đáp lại, một người khuỵu gối và đập tung cánh cửa bằng một cây búa nện. Rồi những anh chàng được trang bị vũ khí hạng nặng, bảo hộ kín bưng tràn vào bên trong căn nhà một tầng nhỏ xíu. Quincy phát hiện ra mình đang nín thở. Căng tai lắng nghe tiếng gào thét, tiếng súng nổ. Chẳng có gì hết. Chẳng có gì, chẳng một thứ gì, chẳng gì cả. Ông liếc sang nhìn Rainie vừa hay đúng lúc chiếc bộ đàm của Shelly lại vang lên. “Đội trưởng, xuống tầng hầm.” “Đi đi, Đội trưởng.” “Chúng tôi đã bao vây toàn bộ căn nhà.” “Có dấu vết của kẻ tình nghi không?” “Không, thưa sếp.” “Các thành viên khác trong gia đình thì sao?” “Ừm, thưa sếp. Chị sẽ muốn xem điều này đấy.” Câu trả lời đó nói cho Quincy tất cả những gì ông cần biết về số phận của Frank và Sandra Duvall. Frank Duvall chưa từng thức dậy. Thi thể của ông nằm ngửa, thẳng băng, tấm chăn mỏng kéo vừa qua phần ngực để trần, một lỗ đạn duy nhất xuyên thẳng qua trán người đàn ông. Quincy nhìn thấy có dấu vết của thuốc súng cháy dở xung quanh gờ lỗ đạn, tại vị trí đó nòng súng đã ép sát với da thịt ông. Phát đạn chắc hẳn ở khoảng cách gần và nhắm trực diện vào nạn nhân. Và điều đó chẳng nghi ngờ gì đã đánh thức Sandra Duvall đang nằm bên cạnh chồng mình. Bà đã đạp tung chăn, chạm được cả hai chân xuống sàn, trước khi nhận ba phát đạn từ phía sau. Các vết đạn chụm sát rất gần nhau, theo cái cách mà các cảnh sát của lực lượng thực thi pháp luật vẫn được dạy, Quincy chẳng nghĩ được gì khác hơn là tưởng tượng theo cách đó. Kẻ nổ súng đã nhắm vào hồng tâm. Người phụ nữ ngã gục bên cạnh giường, khuôn mặt chạm xuống trước tiên, hai cánh tay dang ra, chiếc váy ngủ mỏng cuộn lại quanh eo của bà. Bên dưới sảnh còn hai phòng nữa. Căn phòng đầu tiên nhỏ, gần như khó có đủ chỗ để kê một cái giường đôi và một chiếc bàn khiêm tốn. Cửa sổ đang mở, cố gắng để cho một ít gió trong lành thổi vào, nhưng chẳng có tí gió nào hết. Tương tự như phòng của vợ chồng Duvall, một cây quạt đang thổi o o trong góc phòng, gần như chỉ thổi ra gió nóng. Chăn ga bị đạp tung, cái nóng của tháng Tám quá ngột ngạt để cần tới chăn. Không có thi thể nào ở trong này. Thực sự chẳng có gì nhiều trong căn phòng này. Chiếc giường, cây quạt, một cái đèn bàn. Một chồng các cuốn sách bìa mềm để ở cạnh giường. Một đống quần áo bẩn để ở góc đối diện của căn phòng. Trên bàn có ổ cắm điện cho một món đồ điện tử nào đó, hiện tại đã bị lấy mất. Không cần nói thêm, Quincy biết đây là căn phòng dành cho đứa trẻ được nhận nuôi, kẻ tình nghi tuổi vị thành niên. Và nó làm cho ông đau nhói khi biết rằng Sharlah sẽ nhận ra nơi này. Không có chút gì thuộc về cá nhân cả. Bởi trong thế giới của những đứa trẻ được nhận nuôi, tài sản là những phần thưởng mà chúng cần phải giành lấy. Và với danh sách tiền án tiền sự của đứa trẻ mười bảy tuổi này, có lẽ thằng nhóc đã dành nhiều thời gian để đánh mất những đặc ân dành cho mình hơn là nhận được chúng. Một căn phòng nữa bên dưới sảnh. Quincy cảm thấy mình đang ngập ngừng. Một khoảnh khắc hiếm có và gây ấn tượng mạnh với một người đàn ông đang cố gắng để lần thứ hai trong đời làm cha. Rainie đã lựa chọn không đặt chân vào bên trong căn nhà dù chỉ một bước. “Em biết giới hạn của mình.” Bà nói với ông, và ông chấp nhận điều đó. Cánh cửa để mở, khả năng cao là để đón gió thổi từ hai bên. Quincy tiếp cận căn phòng một mình, lối hành lang quá nhỏ, còn các căn phòng thì nhồi nhét quá nhiều thứ nên không thể để nhiều cảnh sát cùng vào một lúc. Thậm chí đến Shelly vẫn còn chưa đi hết bên trong. Nhận ra không gian nhỏ hẹp và để hạn chế xáo trộn hiện trường, bà đã đề nghị Quincy đi trước. Trong số tất cả bọn họ, ông là người có khả năng nhất. Roy Peterson có nói vợ chồng Duvall có một cậu con trai học đại học. và giờ là tháng Tám, không nhiều khả năng anh chàng này từ trường trở về nhà... Tay đã đeo sẵn găng, Quincy đẩy mở cánh cửa bằng gỗ. Một căn phòng nhỏ khác. Giường đôi, đã được dọn dẹp gọn gàng, ga giường kẻ ca rô màu nâu và xanh nước biển được kéo căng. Không có thi thể. Không có máu, không có tiếng vo ve của lũ ruồi, không có mùi hôi thối của sự chết chóc. Chỉ là… một căn phòng. Bên dưới cửa sổ là một cái bàn, dường như đã được dọn sạch sẽ hoàn toàn. Phía trên kệ đầu giường là một chiếc đồng hồ báo thức, một cái đèn ngủ bằng đồng cũ kĩ, và vài thứ khác. Dấu vết duy nhất cho thấy căn phòng này thuộc về một cá nhân nào đó là từ hai tấm áp phích dán trên bức tường ốp gỗ tối màu, cả hai đều là ảnh của những vận động viên bóng rổ. Đội Portland Trailblazers, Quincy đánh giá thông qua bộ đồng phục mà họ mặc, nhưng vì không phải là người hay xem bóng rổ, ông không thể xác định được hai cầu thủ đó là ai. Ông bước lùi ra khỏi căn phòng trống và thở ra nhè nhẹ. Ông đi lại theo những dấu chân cũ để quay về căn phòng chung khiêm tốn dành cho cả gia đình, ở đó Shelly đang đứng bên cạnh chiếc ghế sofa quá khổ màu ghi được phủ một tấm vải len, hai tay bà chống lên hông, mồ hôi nhỏ thành giọt trên khuôn mặt dưới cái nóng oi bức. Bà nhìn ông. “Hai người bị giết, vợ chồng nhà Duvall. Cả hai đều bị bắn chết trong phòng ngủ của họ. Một phát vào người chồng, ba phát tập trung cùng một điểm vào người vợ.” Quincy báo lại. “Căn phòng thứ ba có vẻ như không có người ở. Con trai nhà Duvall không về nhà sao?” “Henry Duvall.” Shelly tiếp lời. “Mới tìm hiểu được cậu ta đang học ngành kĩ thuật ở OSU*, và hiện tại đang tham gia chương trình vừa học vừa làm ở một công ty công nghệ cao ở Beaverton. Thế nên không, cậu ta không về nhà nghỉ hè.” Oregon State University: Đại học Bang Oregon. “Chị mới nói chuyện với cậu ta sao?” Quincy hỏi, bởi dường như lúc này liên lạc với gia đình để thông báo về vụ phạm tội là hơi sớm khi mà họ vẫn chưa có thông tin chi tiết gì liên quan tới vụ án cả. “Không, mới nói chuyện qua với Aly Sanchez, viên cảnh sát quản chế ấy. Cô ấy là người trực tiếp liên lạc với gia đình Duvall về việc tiếp nhận. Khỏi phải nói, cô ấy có chút bồn chồn sau những chuyện sáng nay. Có dấu vết của kẻ tình nghi không?” “Giường ngủ chưa được gấp gọn gàng, dường như gần đây không có người ngủ trên đó. Thêm nữa là quạt vẫn đang mở. Chẳng còn gì ngoài thế, tuy nhiên... Phòng ngủ có vẻ như dùng vào những việc thiết thực hơn là tạo cảm giác thoải mái.” “Đã mười một tháng trời rồi, thằng nhóc đó vẫn chưa dọn đồ ra sao?” “Hoặc là nó chẳng có gì để mà dọn cả.” Quincy tiến vào bên trong căn bếp, nhìn xung quanh. Ba đĩa đựng đồ ăn tối được xếp gọn gàng cạnh nhau trên giá phơi bên cạnh chậu rửa. Tương tự với ly thủy tinh và dao dĩa. Tiếp đến, ông kiểm tra tới tủ lạnh, bên trong trữ đầy sữa, trứng, nước cam và một loạt các hộp đựng thực phẩm bằng nhựa Tupperware đủ các kiểu dáng. “Có thể thấy tối qua họ có dùng bữa tối, sau đó đã dọn rửa chén bát.” “Khả năng cao nhất là vụ nổ súng diễn ra vào sáng sớm nay.” Shelly tiếp lời. “Nếu từ tối qua, cho dù muốn tin hay không, mùi sẽ kinh khủng hơn thế này.” “Phương tiện đi lại của họ thế nào?” Quincy hỏi. “Câu hỏi hay.” Shelly nhấc bộ đàm lên, liên lạc với trung tâm điều phối. “Tìm các phương tiện được đăng kí bởi Frank và Sandra Duvall.” Bà yêu cầu và đọc địa chỉ. Chỉ mất một phút để trung tâm điều phối liên lạc lại kèm theo câu trả lời. Hai phương tiện, một chiếc Honda màu bạc mười năm tuổi và một chiếc bán tải hiệu Chevy màu xanh nước biển mười lăm năm tuổi. “Chiếc Honda vẫn nằm trong ga ra.” Shelly thông báo, bà đã đi hết một vòng xung quanh căn nhà. “Nhưng không thấy dấu vết của chiếc xe bán tải mà tôi cá là người nhà Duvall vẫn đậu trên đường dẫn vào nhà.” Shelly gật đầu. “Tủ cất súng thì sao?” Quincy hỏi tiếp. “Tôi đoán là ở trong phòng ngủ.” Shelly nói. “Không thấy bóng dáng cái nào cả. Ga ra thì sao?” “Chẳng có gì trong đó.” Họ tách ra để tiến hành tìm kiếm. Shelly là người đã tìm ra trước. Bên dưới tầng hầm, chỗ đó ơn trời là mát mẻ hơn ở tầng trên. Quincy đi xuống chỗ tối tăm đó cùng Shelly, bóng đèn phía trên đầu giúp họ nhìn thấy một bàn bóng bàn cũ, một tủ lạnh nằm ngang, và bên cạnh một chồng thùng các loại là chiếc tủ cất súng cỡ lớn, đủ cao để cất súng trường. Cánh cửa tủ cất súng hé mở. Với những ngón tay đã được lồng trong găng, Shelly chầm chậm mở cánh cửa ra. Ngoại trừ vài viên đạn lẻ tẻ, chẳng còn gì khác. Quincy nói: “Chị nói Frank Duvall có bao nhiêu khẩu súng ấy nhỉ?” “Sáu.” Quincy nhìn và ngẫm nghĩ trước cái tủ trống. “Tôi đoán đi kèm với chúng sẽ có rất nhiều đạn.” “Nói cách khác, chúng ta có một kẻ tình nghi mười bảy tuổi, được trang bị rất nhiều vũ khí, cùng với một chiếc xe bán tải, kẻ đó có khả năng đã nổ súng và giết chết bốn mạng người. Quincy, chuyện gì đang xảy ra ở đây thế này? Ý tôi là, một đứa trẻ gặp vấn đề nổ súng giết cha mẹ nhận nuôi thì là một chuyện, nhưng tại sao lại còn cả hai người ở cửa hàng tiện lợi nữa? Thằng nhóc này đang muốn cái quái gì vậy?” “Nó lục lọi tủ đựng súng, rồi bắn chết vợ chồng Duvall.” Quincy lẩm bẩm. “Có vẻ thế.” “Rồi nhảy lên chiếc xe tải, và...” “Quyết định tiếp tục nổ súng sao?” “Giết người rải rác.” Quincy quay người lại, đảm bảo là vị Cảnh sát trưởng đang lắng nghe ông nói. “Kẻ tình nghi của chúng ta đang nổ súng một cách rải rác. Những trường hợp này nhìn chung sẽ bắt đầu với một vụ án mạng trong gia đình, giết vợ, sếp, cha mẹ. Tuy nhiên, thay vì dùng bạo lực để kết thúc mọi chuyện, kẻ nổ súng trở nên bị rối loạn tâm thần, nổi xung lên, liên tiếp thực hiện những hành vi bạo lực. Mục tiêu đầu tiên có tính chất cá nhân. Nhưng kể từ đó trở đi... tên tội phạm chưa xác định này sẽ giết bất kì ai, tất cả mọi người, xui xẻo nhất là người đi ngang qua chạm mặt với hắn. Chị đang phải đối mặt với một tên tội phạm cực kì nguy hiểm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật đấy, Cảnh sát trưởng Atkins ạ. và nó sẽ còn giết những người khác nữa.” Bên dưới những giọt mồ hôi lấp lánh, gương mặt của Shelly tái xanh, khiến cho những vết sẹo xung quanh cổ bà càng thêm hằn rõ. “Được rồi.” Bà nói gãy gọn, kiên quyết. Rồi nhắc lại. “Được rồi. Chúng ta cần lập một trung tâm chỉ huy. Phát thông báo toàn quốc để tìm chiếc Chevy mất tích. Huy động lực lượng SWAT, lực lượng tiếp viện của bang - chết tiệt, bất kì ai, tất cả những ai mang phù hiệu*.” Ý muốn nói tất cả những người trong lực lượng cảnh sát. “Tất cả những khu vực công cộng ở gần trạm xăng EZ nên bị phong tỏa. Thư viện, các trung tâm cộng đồng, nhà trẻ, ví dụ thế.” Trại hè bơi lội, Quincy chợt nghĩ tới, may thay bể bơi của Hội Thanh thiếu niên lại nằm ở đầu bên kia của thị trấn. “Đã rõ.” “Chúng ta cần phải tìm hiểu về thằng nhóc này, tất cả mọi thứ có thể giúp ta biết về nó. Bạn bè, những người có quan hệ với nó, sở thích, đam mê. Những áp lực mà nó phải chịu xuất phát từ đâu? và kĩ năng bắn súng của nó giỏi đến mức nào?” “Được rồi.” “Càng nhanh càng tốt. Thời gian càng kéo dài...” “Thằng nhóc sẽ càng trở nên nguy hiểm.” Shelly tiếp lời. “Chưa kể đến dân chúng nói chung, phần lớn những người ở các khu quanh đây...” “Đều sở hữu nhiều vũ khí nóng.” Shelly thở dài. Bà gật đầu, tự xốc lại tinh thần. Bà là một cảnh sát trưởng giỏi, Quincy biết điều đó, luôn vững vàng trước áp lực. Nhưng cũng giống như hầu hết cảnh sát trưởng của các hạt, phần lớn thời gian của bà là dành cho những cuộc chiến chống ma túy và những vụ bạo hành trong gia đình, chứ không phải những tội ác kiểu như thế này. Hai mươi tư giờ tiếp theo đối với họ chắc chắn sẽ rất mệt mỏi. Giờ thì Shelly đang mở bao đựng và lấy chiếc máy bộ đàm ra một lần nữa, và liên lạc với trung tâm điều phối. “Tôi cần phát thông báo tìm kiếm trên toàn quốc một đối tượng nam mười bảy tuổi. Tóc nâu, mắt nâu, lần cuối nhìn thấy, người này mặc áo thun màu đen, khả năng lớn lái một chiếc bán tải màu xanh nước biển hiệu Chevy, biển số là...” Shelly đọc dãy số đó. “Chúng tôi cho là cậu ta mang theo nhiều vũ khí nóng và khi tiếp cận thì phải cảnh giác cực kì cao độ. Tôi cần các anh thông tin cho tất cả các thị trấn xung quanh cũng như cảnh sát bang. Đồng thời hãy báo cho kiểm lâm, kiểm ngư, các khu cắm trại trong khu vực. Các anh biết mình phải làm gì rồi đấy. Tên của cậu ta là Telly Ray Nash.” Quincy khựng lại. Mặt ông cảm tưởng như không còn một giọt máu. “Cái gì cơ?” “Telly Ray Nash.” Shelly lặp lại. Nhưng Quincy không còn nghe lời bà nói nữa. Ông đã quay đầu hướng lên tầng trên, đi tìm Rainie. CHƯƠNG 6 “Con không tin tưởng ta.” Người đàn ông nói. Frank. “Hãy gọi ta là Frank.” Ông nói với tôi vào buổi chiều đầu tiên ấy. Rồi bắt tay tôi. Thực ra là lắc nó, trong khi vợ ông - Sandra - đi qua đi lại ở bên cạnh, hết đan những ngón tay vào nhau rồi lại tách ra. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, bà là kiểu thích ôm ấp, và đang cố gắng để chen vào giữa hai chúng tôi. “Không sao cả.” Ông tiếp tục, mắt nhìn thẳng vào tôi. “Thật lòng mà nói, ta cũng chưa tin tưởng con đâu. Bây giờ vẫn còn quá sớm. Chúng ta vẫn đang tìm hiểu để làm quen với nhau mà.” Tôi không nói gì cả. Còn biết nói gì hơn đây? Chúng tôi đang đứng ở một khoảng trống chính giữa khu rừng. Phía trước mặt chúng tôi, đính trên tấm ván gỗ dát phẳng, là một bia bắn mới, đo Frank làm. Dưới chân xung quanh chúng tôi bừa bộn những vỏ đạn, nắp chai nước và đầu mẩu thuốc lá. Tất cả người dân quanh khu này đều tới đây, Frank đã nói với tôi như thế trên đường chúng tôi lái xe tới. Một trường bắn thô sơ thường thấy. Tôi đã sống cùng với gia đình nhà Duvall được khoảng bốn tuần. Với một số gia đình nuôi dưỡng, người ta nói rằng bạn sẽ nhận được một cái bánh quy hoặc thậm chí là bánh ngọt, để đánh dấu lễ kỉ niệm một tháng. Nhưng ở gia đình Duvall, hiển nhiên là bạn sẽ đi bắn súng. Từ đằng sau chiếc xe bán tải, Frank lấy xuống một chiếc bàn gấp. Tôi dựng nó lên. Rồi Frank lấy ra hai cặp kính bảo hộ, một túi nút bịt tai, và nhiều hộp đạn. Cuối cùng, từ sau ghế lái , ông lôi ra một cái hộp màu đen có khóa lớn hơn hộp đựng thức ăn trưa một chút. Là khẩu súng. Súng sao? Tôi vẫn chưa biết chắc là mình đang làm gì ở đây. Tôi đoán có lẽ nên đưa một đứa trẻ với quá khứ như tôi tới chỗ tập bóng chày thì tốt hơn. Frank gõ một dãy số vào chiếc hộp đang khóa. Ông không cố tìm cách che màn hình, nên tôi cũng không cố tìm cách để không nhìn vào. Tôi không nói chuyện nhiều, cảnh sát quản chế của tôi sẽ nói với bạn như thế. Nhưng tôi là đứa giỏi quan sát. Nhắc lại lần nữa, một đứa trẻ với quá khứ như tôi, rất khó để không như thế. Frank nâng nắp hộp lên. Bên trong hộp là bông xốp màu đen, có hình dáng giống như hộp đựng trứng hoặc có lẽ là giống cái bảng điều khiển âm thanh mà họ để ở các phòng thu âm. Nằm ngay ngắn ở chính giữa, một màu đen giữa những màu đen khác, chính là khẩu súng ngắn cầm tay. Nó nhỏ hơn tôi nghĩ. Và... đáng sợ. Tôi chưa từng bắn súng bao giờ, nếu như không tính bắn súng trong trò chơi điện tử. Tôi nhét hai tay vào trong túi quần. Buổi sáng tháng Mười lành lạnh. Hai chân và hai tay của tôi ướt sương sớm. Và tự hỏi lại lần nữa, tôi đang làm cái quái gì ở đây không biết? Frank nhấc khẩu súng đó ra. “Ruger SR hai mươi hai.” Ông nói đầy tự hào. “Mười cộng một, tức là mười viên trong băng đạn và một viên trong ổ đạn. Giờ thì ta cần phải nói với nhau một điều quan trọng trước nhất. Khẩu súng là một món dụng cụ. Và một món dụng cụ cần phải được sử dụng với sự tôn trọng.” Ông nhìn tôi, ánh mắt trông đợi. Cuối cùng, tôi gật đầu, tôi phải ngước lên để nhìn được vào mắt của ông. Frank là một người cao lớn. Cao trên một mét chín. Cơ thể rắn chắc, mặc dù nhìn ông giống người chơi bóng rổ hơn là chơi bóng bầu dục. Thầy giáo dạy Khoa học ở một trường trung học trong khu vực, ông sinh ra và lớn lên ở ngay nơi này. Một chàng trai địa phương chính cống. Khi bằng tuổi tôi, ông làm việc ở trang trại nuôi bò cho cha mẹ mình mỗi sáng và chiều, trong khi vẫn phá vỡ mọi bảng xếp hạng như một ngôi sao ở trường trung học, và dành phần lớn những buổi tối thứ Bảy để nốc bia và gây rắc rối. Ông hiểu một cậu nhóc tuổi teen là như thế nào, ông đã nói với tôi như thế đêm đầu tiên tôi tới nhà của họ. Ông hiểu rắc rối là như thế nào. Ông và vợ mình, họ đón nhận tôi hoàn toàn tỉnh táo. Họ biết những gì mà tôi đã làm. Họ biết những gì mà tôi có khả năng sẽ làm. Họ cũng hoàn toàn hiểu rõ. Một cậu bé mười bảy tuổi, chỉ một năm nữa thôi là sẽ đến tuổi phải ra khỏi hệ thống. Gia đình nhà Duvall là cơ hội cuối cùng của tôi để trở thành một phần của thứ gì đó. Không phải một đứa con nuôi. Tôi gia nhập vào hệ thống này khi đã quá lớn để có những giấc mơ viển vông kiểu như thế. Nhưng nếu tôi đi đúng những bước cần đi, gia tăng thêm một chút tin tưởng, và bố khỉ, cư xử đúng mực, rửa sạch tiếng xấu, thì ít nhất tôi sẽ tìm được một gia đình nuôi dưỡng mãi mãi. Một nơi để về mỗi Giáng sinh, mỗi Lễ Tạ ơn. Nếu thuận lợi hơn nữa, theo lời viên cảnh sát quản chế giải thích với tôi, tôi sẽ nhận được những lời khuyên nhủ, sự hướng dẫn cho tất cả. Những Thay Đổi Lớn sắp tới - tìm công việc, ổn định nơi ở riêng, tự trả những hóa đơn thiết yếu. Thế giới thực tại đang ở ngay phía trước. Có sự tham gia hỗ trợ của cha mẹ ở bên cạnh sẽ có ích rất lớn đối với tôi. Ấy là lời mà viên cảnh sát quản chế nói với tôi. Tôi không thể chia sẻ với cô ấy, hay với Frank cao lớn và tự tin vẫn luôn nói rằng “Ta hiểu những rắc rối”, hay với Sandra luôn nướng bánh quy và bảo “Hãy cho phép ta được ôm con”, rằng tôi không tin vào gia đình. Không còn nữa. “Khi xử lí những món vũ khí “ Frank đang nói, tay vẫn cầm khẩu súng hai mươi hai. “An toàn phải đặt lên hàng đầu. Không bao giờ được hướng khẩu súng vào bất kì thứ gì mà con không có ý định nhắm bắn. Thậm chí kể cả khi con nghĩ rằng nó chưa được nạp đạn.” Ông nhìn chăm chăm vào tôi. “Không bao giờ hướng súng vào bất kì thứ gì mình không muốn nhắm bắn.” Tôi đáp lại sau một hồi lâu. “Một số người, họ sẽ giả vờ là có một tia laser bắn ra ở phía cuối nòng súng. Bất cứ thứ gì mà tia laser đó va phải, nó sẽ cắt ngang thứ ấy. Nào, hãy nhìn vào khẩu Ruger đi, ta đang nhắm vào cái gì đây?” “Ừm, cái cây đó.” “Con nghĩ chúng ta có thể cắt đôi cái cây đó không?” “Có lẽ là có. Chắc vậy. “ “Còn bây giờ thì sao?” “Mất ngón chân cái.” “Chính xác. Và ta cần ngón chân cái của mình, thế nên ta sẽ không lắc lư khẩu súng như một thằng ngớ ngẩn và liều lĩnh bắn phăng ngón chân cái của mình đâu.” “Được rồi ạ.” “Quy định quan trọng thứ hai: Không bao giờ được nghĩ rằng súng chưa được nạp đạn. Kể cả khi ta đưa nó cho con và nói rằng nó không có đạn, con vẫn phải tự mình kiểm tra. Lúc nào cũng như thế. Vậy thôi.” Nhìn khuôn mặt của ông rất nghiêm túc. Thậm chí là nghiêm khắc. Và một lần nữa, tôi gật đầu. Frank đặt khẩu súng lên bàn, nòng súng vẫn quay về hướng đối diện chỗ chúng tôi, nhắm vào cái cây. Cái cây đó rất to. Thân cây to lớn được che phủ dưới những mảng rêu màu xanh đậm. Hoặc cũng có thể đó là địa y. Tôi không phân biệt được hai thứ đó. Frank có lẽ biết đáp án. Tất nhiên là nếu tôi hỏi ông. “Tháo sung sẽ gồm có hai bước. Trước tiên là tháo băng đạn. ” Frank nhấc khẩu Ruger lên, bàn tay to lớn của ông ôm lấy phần tay cầm. “Lại đây nào. Cầm lấy nó. Súng không cắn con đâu. Và nếu con không thể xử lí khi nó vẫn còn chưa lên đạn thì chắc chắn con vẫn chưa sẵn sàng luyện tập nhắm bắn mục tiêu.” Tôi miễn cưỡng bỏ tay ra khỏi túi quần. Gượng ép mình tiến lên phía trước. Thật là châm biếm, thực sự đấy, bởi vì tất cả những gì mà Frank - Người nuôi dưỡng phải làm là bảo tôi đừng bao giờ động vào vũ khí của ông, thế mà chỉ mất vài giây, tôi đã mó xong tay vào tất cả những gì ông sưu tầm được. Nhiều khả năng ông đã biết điều đó sau khi đọc xong hồ sơ của tôi. Cảnh báo một đứa trẻ mắc chứng rối loạn thách thức chống đối* không được làm điều gì, và thế là bạn gần như đã đảm bảo cho tội ác xảy ra. Trong khi đó làm như thế này, cho phép tôi, dạy tôi cách làm thế nào để nổ súng... Giờ thì tôi thậm chí còn chẳng muốn sờ vào cái khẩu hai mươi hai ngu ngốc đó. Chứng rối loạn thách thức chống đối (Oppositional defiant disorder, viết tắt là ODD) ở trẻ em và thanh thiếu niên là sự tái diễn của những kiểu hành vi bất hợp tác, ương bướng, không tuân theo, chống đối người có quyền lực. Gần như tôi đã ước trong đầu rằng khẩu súng, đống đạn và cái cây bám đầy rêu hay địa y kia hãy biến mất. Frank đặt khẩu súng Ruger vào tay phải của tôi. Nó nặng hơn tôi tưởng. Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi. Nhưng cũng... thật thoải mái. Tay cầm cao su cảm giác rất vừa với kích cỡ bàn tay của tôi. Khẩu súng chắc chắn nhưng không quá lớn. Hiển nhiên cảm giác nó dễ cầm, dễ sử dụng hơn là cây gậy bóng chày. “Được rồi, bỏ tay ra khỏi cò súng đi nào. Không bao giờ được chạm vào nó cho đến khi con đã sẵn sàng để nổ sung. Một thói quen tốt mà con nên tập. Thay vào đó, ta đề nghị hãy đặt ngón tay của con lên trên vòng bảo vệ cò súng. Cảm nhận được cái tay cầm cao su trong lòng bàn tay của con chứ? Thật ra nó có thể tháo ra lắp vào được đấy - con có thể kéo để lắp nó vào hoặc tháo nó ra. Khẩu súng thật sự là phần kim loại sần. Cái mà con đang cảm nhận ở chỗ ngón tay chạm vào cò súng đây này. Sẽ rất tốt nếu con cảm nhận được những thứ này. Nó sẽ giúp con trong việc tìm được vị trí để cầm khẩu súng trong lòng bàn tay, vị trí thích hợp để đặt ngón tay bóp cò, và rất nhiều thứ khác nữa một cách tự động. Con sẽ làm mọi thứ dựa vào cảm giác. Khi làm được như thế, con biết mình đã là một tay thiện xạ.” Tôi không nói gì cả. Nhưng ông nói đúng. Tôi có thể cảm nhận được những kết cấu bề mặt khác nhau, cao su đang áp vào lòng bàn tay, kim loại sần ở chỗ ngón tay trỏ. Nó có cảm giác... chân thực. “Giờ hãy bỏ ngón tay của con ra khỏi cò súng đi, và hướng khẩu súng ra phía khác, con cần tháo món vũ khí của mình. Bước đầu tiên là tháo băng đạn. Hãy nhìn phía bên trái của tay cầm, ngay bên dưới vòng bảo vệ cò ấy; nhìn thấy cái nút màu đen đó chưa? Dùng ngón tay cái, đẩy nó đi.” Tôi làm theo, và ngay lập tức băng đạn rơi ra khỏi phía bên dưới tay cầm. Nó không rơi tuột xuống, mà vừa đủ để tôi có thể dùng tay trái kéo nó ra. Điều ngạc nhiên là nó có vẻ rất nhẹ. “Băng đạn này có thể chứa được mười viên. Con nhìn thấy có bao nhiêu đạn ở trong nào?” Frank hỏi tôi. Tôi cau mày. “Không có gì. Băng đạn rỗng.” “Vậy là súng đã được tháo sạch chưa nhỉ?” Tôi nhìn ông. Không phải vì tôi chưa bắn súng bao giờ thì có nghĩa là tôi không biết mình đang bị chơi xỏ. “Cha nói là bước đầu tiên, vậy có nghĩa là ít nhất vẫn còn một bước nữa.” “Tốt lắm. Còn nhớ ta có nói một điều gì đó nữa với con về khẩu Ruger không? Lần đầu tiên ta miêu tả về nó với con ấy?” “Mười cộng một.” Tôi chầm chậm nhớ lại. “Ổ đạn. Mười viên trong băng đạn, con đã tháo ra. Nhưng như thế vẫn còn một viên trong ổ đạn.” “Rất giỏi. Súng sẽ chưa được tháo hết cho đến khi con kiểm tra nốt ổ đạn. Vậy nên trước hết hãy tháo băng đạn, rồi kéo ngược khối trượt ra để kiểm tra ổ đạn. Khi băng đạn đã được tháo ra, hãy để tay trái của con lên phía trên khẩu súng. Khối trượt bằng kim loại trơn mịn. Nào, lại lần nữa, hãy cảm nhận kết cấu bề mặt khác biệt của nó.” “Phải rồi.” “Tay cầm bằng cao su. Thân súng bằng kim loại sần. Khối trượt bằng kim loại trơn. Đúng chứ?” “Đúng thế ạ” “Hướng khẩu súng thẳng ra phía trước theo chiều cánh tay, dùng tay trái kéo ngược khối trượt ở trên ra sau. Dùng một chút cơ bắp, không sao hết.” Tôi cố kéo mạnh hơn. Đột nhiên, khối trượt bật ngược ra sau. Tôi giật mình kinh ngạc, thả tay ra, và nó lại lao dúi dụi về phía trước. Frank cười khúc khích. “Từ từ thôi anh bạn. Không là kẹp tay và đi mất ít da đấy. Con muốn nó đi chuyển thật mượt mà. Hãy nhẹ nhàng trượt nó trở lại, đừng có thả tay ra. “ Tôi lóng ngóng làm thêm hai lần nữa trước khi cuối cùng cũng chinh phục được nó. “Nhìn vào bên trong ổ đạn đi.” Ông hướng dẫn tôi. “Trống ạ.” “Rồi, giờ con có thể thả cho khối trượt trượt về phía trước, hoặc nếu con muốn, bên trái của khẩu súng, phía bên trái vòng bảo vệ cò, đằng trước chốt an toàn, nhìn thấy cái nút màu đen chưa? Bật nó ra, và nó sẽ giữ cho khối trượt ở vị trí mở.” Tôi tìm thấy cái nút, và lóng ngóng mãi mới bật được nó mở ra. Frank lấy khẩu súng khỏi tay tôi, đặt nó lên cái bàn. “Thỏa thuận nhé, con và ta. Luôn luôn bỏ vũ khí ra chính xác như thế này. Băng đạn tháo ra, để mở ổ đạn. Bằng cách đó cả hai chúng ta đều có thể thấy, tất cả mọi người đều có thể thấy, là vũ khí đã được tháo sạch. Hiểu chưa nào?” “Dạ” “Được rồi, giờ đến lúc nghiêm túc rồi đây. Nhưng trước khi chúng ta nạp đạn và bắt đầu nói đến chuyện tập bắn, trước tiên chúng ta cần tìm ra mắt thuận của con đã” Hóa ra mắt thuận của tôi là mắt bên phải. Và không được nhắm chặt một mắt khi kéo cò. Thay vào đó, tập trung hướng mắt theo hướng súng, nhắm thẳng vào mục tiêu, sử dụng mắt thuận. Frank làm trước. Xả hết băng đạn. Những phát đạn tập trung chi chít gần nhau, phần lớn là trúng hồng tâm. Thể hiện với đứa con được nhận nuôi, tôi nghĩ trong đầu. Nhưng ông không ưỡn ngực tỏ vẻ. Mà dường như tự gật đầu với chính mình nhiều hơn. Thỏa mãn kì vọng của bản thân. Rồi đến lượt tôi. Kính bảo hộ. Nút bịt tai. Đuổi theo những viên đạn đồng lăn khắp cái bàn khi cố gắng nạp ba viên vào trong băng đạn - bắt đầu như thế là vừa đủ. Frank đưa tôi đến vị trí cách mục tiêu gần ba mét. Thật gần để tôi có thể bắn xuyên qua nó. Và rồi, đến giờ biểu diễn. Việc kéo cò súng diễn ra lâu hơn tôi tưởng, và rồi súng giật dội lại hoàn toàn bất ngờ với tôi. Khẩu súng nảy giật lên trong lòng bàn tay. Tôi kinh ngạc. Và cái cây phía bên phải của mục tiêu giờ đã tuột mất một ít rêu/địa y. Frank chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên cả. “Tập trung kéo cò đi nào.” Ông đưa ra lời khuyên. “Kéo cò lần đầu thì lâu, nhưng những phát bắn còn lại thì sẽ ngắn thôi. Hãy tập làm quen cảm giác đi. Rồi chúng ta sẽ bắn trúng mục tiêu.” Ngắm kĩ đường bắn, thở hết những gì có trong phổi ra, chầm chậm kéo cò. Đến hết buổi chiều, ít nhất thì tôi cũng đã khống chế được. Đứng ở khoảng cách bốn phẩy năm mét, dù cho vẫn chưa thể bắn trúng hồng tâm, nhưng những phát đạn mà tôi bắn ra lúc này có vẻ như đã tập trung lại gần với nhau. “Đều đấy.” Frank khen ngợi. “Bắt đầu như vậy là tốt rồi.” Ông không bắn nhiều như thời gian ông dành ra để dạy tôi. Nhưng rồi, đến cuối buổi, hẳn nhiên là để xả hơi, ông đã thể hiện đôi chút: Ông xoay dọc bia mục tiêu bằng giấy cho đến khi nó mặt đối mặt với những cái cây, và chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy một bên cạnh siêu mỏng của nó. Chỉ một phát duy nhất, ông bắn trúng cái mục tiêu có bề ngang mỏng như sợi tóc ấy, gọn gàng cắt nó rách làm đôi. “Cha đã tập bắn lâu lắm rồi nhỉ?” Cuối cùng tôi lên tiếng, câu duy nhất tôi có thể nói để tỏ ý khen ngợi. “Gần như cả cuộc đời.” Ông nói trong lúc cầm lấy khẩu súng, tháo băng đạn và ổ đạn, và để nó trở lại cái hộp độn bông. “Về nhà, ta sẽ dạy cho con cách vệ sinh và bảo dưỡng súng. Tập bắn chỉ là một nửa của trò vui thôi - sau đó con sẽ chăm sóc cho vũ khí của mình.” Chúng tôi cùng nhau gói lại số bông bịt tai, cất kính bảo hộ và những hộp đạn, gập bàn lại. Tôi đi lấy những gì còn sót lại của cái bia mục tiêu. Còn ông thì đóng phần sau xe bán tải. Rồi ông lại nhìn vào tôi chăm chú, ánh mắt nghiêm túc. Gương mặt nghiêm nghị. “Con biết tại sao chúng ta lại nhận nuôi con không. Telly?” Tôi không nói gì. “Chúng ta tin tưởng con. Chúng ta đã đọc hồ sơ của con. Những gì đã xảy ra với gia đình con. Con còn nhớ đêm hôm ấy không hả Telly?” """