" Salam! Chào xứ Ba Tư - Hồ Anh Thái full mobi pdf epub azw3 [Du Ký] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Salam! Chào xứ Ba Tư - Hồ Anh Thái full mobi pdf epub azw3 [Du Ký] Ebooks Nhóm Zalo ebook©vctvegroup HỒ ANH THÁI Salam! Chào xứ Ba Tư Phát hành: NXB Trẻ 2013 Salam! Salam là câu chào cả khi gặp mặt lẫn khi chia tay. Rất ngắn gọn thì chỉ cần chào Salam. Câu đầy đủ và trịnh trọng thì phải là Salam Alaykum, có nghĩa là chúc cho bạn được bình yên. Đáp lễ, cũng đầy đủ và trịnh trọng như vậy, người kia sẽ đáp lại, đổi ngược trật tự câu chào: Alaykum Salam. Salam đã trở thành lời chào phổ biến của người Hồi giáo trên khắp thế giới. Cách phát âm và phiên âm có phần hơi khác ở các nước khác nhau, nhưng về cơ bản, ta có thể coi như một câu chào thông thường, và chỉ cần ngắn gọn: Salam! Kèm theo câu chào, giống như phần nhiều người Hồi giáo ở các nước, người Iran cũng bắt tay và ôm hôn nhau ba lần vào hai bên má, nhưng không thực hiện với người khác giới. Có khi chỉ bắt tay và ôm lưng nhau. Với người mới gặp, chỉ cần chào Salam và bắt tay là đủ, nhưng người đàn ông lưu ý không chủ động bắt tay phụ nữ. Lời mở đầu Xứ Ba Tư, khắc đi khắc đến Đến được xứ Ba Tư không dễ, vào được nhà một người Ba Tư càng không dễ. Hãy tranh thủ cơ hội nếu được người Iran mời đến chơi nhà - với khách, đấy là một dịp may, một đặc ân, một niềm hãnh diện. Người Iran mến khách, nhưng phải đặc biệt quý mến người ta mới mời đến nhà. Thì ở nhiều nước khác cũng vậy thôi, trong thế giới hiện đại này, mọi việc làm ăn đã có văn phòng trụ sở, mọi cuộc chuyện trò riêng tư đã có quán cà phê tiệm ăn, ít ai mời ai đến nhà. Gọi là niềm hãnh diện thì tôi đã có được niềm hãnh diện bước chân vào nhà của nhiều bạn bè Iran. Năm 1994, tôi đến Iran lần đầu tiên, trong vòng một năm hai lần tháp tùng hai đại sứ ta sang làm việc. Đại sứ cũ sang chào tạm biệt kết thúc nhiệm kỳ. Đại sứ mới sang trình quốc thư. Tôi còn sang làm việc với Bộ Ngoại giao bạn như một hình thức đi tiền trạm, chuẩn bị cho đoàn chủ tịch nước sang thăm Iran. Lần ấy, ông đại sứ cũ được ông vụ trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương mời đến nhà. Chúng tôi ngồi ăn tối theo kiểu Ba Tư trên tấm thảm Ba Tư lộng lẫy, hoa văn tỉ mỉ tinh xảo trên nền đỏ rực. Tôi tưởng mình chỉ có một dịp may ấy thôi với đất nước Iran, khó có dịp trở lại lần nữa. Nhưng rồi dường như là duyên nợ, mười bảy năm sau, tôi đang hướng đến một chuyến trở về với Ấn Độ thì được điều sang Iran. Đang nghiên cứu về Ấn Độ mà chuyển sang Ba Tư thì cũng không quá mất công đổi chiều tiếp cận. Giữa hai nước có những điểm chung về văn hóa, lịch sử, thậm chí cả về chủng tộc. Trở lại Iran lần này, một chuyến đi lâu hơn nhiều so với gần hai chục năm trước, cũng hơn trước rất nhiều lần, tôi được bước chân vào nhà những người bạn Iran. Cảm nhận được nếp nhà gia phong truyền thống của người Ba Tư. Trong chuyện trò thường ngày, khi đang làm việc trên đất nước Iran, chúng tôi vẫn thường đùa nhau rằng người Việt nào ham du lịch, giờ đây có thể dễ dàng theo một tua sang Mỹ, sang châu Âu, thậm chí sang Nam Phi, nhưng có tiền cũng khó mà du lịch được sang Iran. Nói thế để thấy mình đã làm được một việc khó. Mà cũng không hẳn là đùa. Vẫn chưa thiết lập được hai đầu cầu của các công ty du lịch đưa người sang thăm viếng xứ sở của nhau. Thiếu sự quảng bá, Việt Nam chưa được người Iran coi là điểm đến hấp dẫn, mặc dù lượng người Iran đi du lịch sang Thái Lan, Malaysia, Indonesia không phải là ít. Chỉ vì nghe thông tin sai lệch trên hệ thống thông tin đại chúng, người Việt lại nghĩ rằng Iran luôn ở trong tình trạng có chiến tranh, đã chiến tranh thì du lịch thăm thú cái nỗi gì. Chúng tôi, những người sống đời sống hàng ngày ở xứ Ba Tư phải nói lại rằng Iran vẫn thanh bình, an ninh xã hội đảm bảo, người dân thân thiện mến khách. Nhưng tiếng nói của mình vẫn là nhỏ bé giữa một dàn đồng ca thông tin đại chúng ồn ào từ nguồn Âu - Mỹ. Vậy xin hãy đi cùng tôi trong cuốn sách này, chúng ta sẽ đến với xứ Ba Tư xưa, Iran nay. Chưa có được cơ hội thực sự đặt chân lên xứ sở Ba Tư, bạn hãy tạm du ngoạn qua những dòng chữ. Cũng chung một thiện ý như khi viết cuốn Namaskar! Xin chào Ấn Độ là đưa bạn đọc cùng bơi trên đại dương văn hóa Ấn Độ, ở cuốn sách này, tôi muốn đưa người đọc ngoạn du qua miền đất Tây Á bao la, cũng là một cái nôi văn minh nhân loại, xứ sở gợi cảm hứng cho nhiều câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm, đặc biệt là trong cuốn Nghìn lẻ một ngày. Ba Tư xưa (tên gọi là Persia, Pars, Fars…) với truyền thống dệt thảm mấy nghìn năm, chăn nuôi du mục mấy nghìn năm - từ chăn nuôi ấy mới ra lông cừu làm len để dệt thảm, ra nghề đồ da, ra ẩm thực thịt nướng kebab vang danh khắp gầm trời. Mấy nghìn năm luyện kim chế tác công cụ. Mấy nghìn năm tiếng Ba Tư phát triển rực rỡ, sinh ra những nhà khoa học, những triết gia, những nhà thơ lớn của nhân loại như Omar Khayyam, Saadi, Ferdosi, Rumi, Hafez… Đây cũng là nơi ra đời của tôn giáo lâu đời bậc nhất của nhân loại, Hỏa giáo, mà ảnh hưởng còn sâu đậm trong lễ tết và đời sống hàng ngày của người Iran. Zarathustra, triết gia sáng lập ra Hỏa giáo từng được triết gia người Đức Nietzsche ghi lại đầy cảm hứng trong cuốn Zarathustra đã nói như thế. Nếu là người yêu mỹ thuật và kiến trúc, thì Ba Tư chính là nơi bạn sẽ sa vào, đắm chìm trong ấy mà ngẩn ngơ không muốn chia tay. Kiến trúc đền đài cung điện giáo đường với việc sử dụng nghệ thuật gốm sứ để khảm lên các mái vòm và gốm sứ trang trí tường nhà đã đạt đến độ tuyệt hảo. Nghệ thuật tranh tiểu họa, được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ li ti trong những bức tranh hoành tráng. Nghệ thuật thư pháp được phô diễn trên khắp những bức tường giáo đường hoặc cung điện đã đến độ như không còn là chữ nữa mà tưởng nhầm là những bức tranh lộng lẫy tinh xảo. Trong cuốn sách này về xứ Ba Tư, tôi sử dụng cả hình thức khảo luận, cung cấp tài liệu, cả du ký về những chuyến đi qua các miền đất, cả những bài tổng hợp và bình luận về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa…Tất cả đều nhằm đem lại cho người đọc một ấn tượng gợi mở về Iran. Giống như ngày xưa, Ba Tư gần như là điểm cực tây trên con đường tơ lụa, Iran hôm nay cũng là một điểm đến với một nền văn minh cổ chưa được khám phá cho cùng. Con đường tơ lụa xưa đo bằng bước chân ngựa và lạc đà. Con đường nay đo bằng những chuyến bay và các phương tiện giao thông của một thế giới phẳng. Khó khăn vẫn còn đó, nhưng một khi đã quyết tâm lên đường thì khắc đi khắc đến. Đã đi là phải đến. Và bây giờ, ta đã bắt đầu bước chân đến xứ Ba Tư. Tehran, tháng 6-2013 Phần một Bước chân đầu tiên trên xứ Ba Tư Tính cách dân tộc: nồng nhiệt và kiêu hãnh Người Iran thường nồng nhiệt, vui vẻ và cởi mở. Họ đặc biệt mến khách, luôn tỏ ra thân thiện và coi phép cư xử lịch sự (ta’arof) là một tiêu chuẩn quan trọng. Ở nơi công cộng, hiếm khi người Iran tỏ ra nóng giận, mất khả năng kiểm soát bản thân. Rất ít khi ta gặp người Iran to tiếng, càng ít cãi cọ hoặc thượng cẳng chân hạ cẳng tay trên đường phố. Do sùng kính tôn giáo, cộng với sự quản lý nghiêm khắc của chính quyền, người Iran phần nhiều tỏ ra trung thực, tệ nạn lừa đảo, trộm cắp thường ở mức độ thấp. Ở nơi chợ búa, nhiều khi mua sắm xong, người ta có thể để túi hàng ở một góc nào đó, vài giờ sau quay lại lấy. Túi đồ không bị lấy trộm hoặc tha lôi đi nơi khác. Xe hơi có thể đỗ bên đường, trước cửa nhà suốt đêm mà không hề bị vặt trộm gương đèn hoặc bị cào xước. Trong lịch sử, đế chế Ba Tư oanh liệt một thời từng đánh đông dẹp bắc và mở rộng lãnh thổ ra một vùng rộng lớn, nhưng cũng có nhiều khi bị xâm lăng tàn bạo. Ngay cả khi bị xâm lăng, người Iran vẫn tiếp nhận văn hóa bên ngoài, và đồng hóa ngược trở lại kẻ xâm lược. Người Iran tự hào là dòng dõi Arya, dòng dõi cao quý, và rất có ý thức tự phân biệt với người Nam Á, người Trung Đông. Người Iran không thích bị nhầm là người Arab, một dân tộc đã đến xâm lăng Ba Tư ở thế kỷ VII. Iran hơi lạnh lẽo với những nước Arab láng giềng. Iran cũng có phần xa cách với người Afghanistan, mặc dù vẫn đón nhận hơn hai triệu người Afghanistan nhập cư vì chiến tranh. Tuy vậy, sự xa lánh không bộc lộ rõ ràng, bởi vì tính mến khách và lịch sự ở người Iran bao trùm lên tất cả. Ngay cả với người Mỹ và phương Tây, kể từ khi cách mạng Hồi giáo thành công năm 1979 vẫn luôn đối đầu về chính trị và đối ngoại, người dân Iran vẫn chứng tỏ sự thân thiện và tinh thần khoan dung. Có thể phải nếm trải quá nhiều qua một lịch sử bi hùng, người Iran tránh xử thế một cách thẳng thừng, tránh nói đến sự thật nghiệt ngã và giỏi kiềm chế cơn giận. Tinh thần tự hào dân tộc: từ trong sâu xa, người Iran tự hào về tính ưu việt và tính hơn hẳn của văn hóa Ba Tư, về đạo đức và đời sống gia đình, về nền văn hóa mà họ cho là sánh ngang với La Mã, Hy Lạp. Một mặt người Iran khắc kỷ và sùng tín, mặt khác lại yêu thơ ca, ẩm thực, yêu vẻ đẹp thiên nhiên… Những thi hào dân tộc nổi danh thế giới như Omar Khayyam, Hafez, Saadi, Rumi, Ferdosi… thường ca ngợi một cuộc sống có thơ ca, men rượu và giai nhân. Sáng tạo nghệ thuật của Iran thường xoay quanh việc sử dụng màu sắc và ánh sáng: nổi tiếng từ cổ đại là nghệ thuật dệt thảm tuyệt vời, nghệ thuật làm tranh thảm, rất chú trọng nghệ thuật vẽ tranh tiểu họa tinh xảo, đồng thời lại phát triển kiến trúc đền đài hoành tráng với nghệ thuật gốm sứ trang trí trên mái vòm và các bức tường. Yêu thiên nhiên và đất đai: hoạt động cộng đồng chủ yếu của người Iran là ra với thiên nhiên, cắm trại, leo núi, trượt tuyết, du ngoạn safari trong những sa mạc… hoặc đến nhà hát, rạp chiếu phim. Hoạt động dã ngoại bù đắp cho việc không có sinh hoạt kiểu hộp đêm, tiệm rượu, vũ trường, do quy định của chính quyền từ sau cách mạng thành công năm 1979. Các thành phố thường trồng nhiều hoa và hương liệu, dược liệu. Vào dịp lễ Tết, người Iran thường trang trí nhà cửa bằng hoa và những mầm cây. Đô thị hóa, gia đình và phụ nữ Xu hướng đô thị hóa và bỏ nông thôn ra sống ở thành thị: dân thành thị chiếm 71,4% tổng dân số, trong khi nông thôn ngày càng thu hẹp, người nông thôn chỉ chiếm 28,6% theo thống kê năm 2011. Phần lớn nhà cửa ở Tehran và các đô thị bị phá đi để xây mới, chủ yếu là xây lên những chung cư nhiều tầng. Dân thành thị đa số sống trong khu tập thể. Nhiều cặp vợ chồng trẻ hoặc con cái độc thân vẫn phải sống cùng cha mẹ vì không đủ khả năng mua căn hộ riêng. Lương trung bình của công tư chức là khoảng 250 USD/tháng, lương khởi điểm của giáo viên khoảng 200 USD/tháng. Giá tiền thuê một căn hộ có hai phòng ngủ từ 600 USD/tháng trở lên. Khoảng cách giàu nghèo khá xa, trong khi bộ phận trung lưu thời kỳ sau cải cách 1997-2005 không tăng nhiều. Tỷ lệ lạm phát hàng năm từ 13% đến 25%, số liệu thực tế có thể cao hơn. Một số người giàu lên nhờ buôn bán bất động sản hoặc do tiền người nhà từ nước ngoài gửi về. Ở Tehran, người giàu phần lớn sống trong những biệt thự xa xỉ hoặc những chung cư cao cấp ở phía bắc. Người nghèo chủ yếu tập trung ở phía nam thành phố, trong những khu tập thể, thậm chí là những khu nhà ổ chuột. Tập quán gia đình: người Iran gắn bó với gia đình, cho nên bữa tối thường tập trung đầy đủ các thành viên trong nhà. Cũng ưa giao lưu, sau bữa tối, các nhà trung lưu thường đi gặp gỡ bạn bè. Xe hơi đi thăm viếng nhau hoặc lượn lờ giải trí nối đuôi nhau thành hàng dài vào lúc đêm khuya. Phụ nữ phần nhiều ở nhà làm nội trợ, mặc dù số lượng phụ nữ đi làm công ăn lương ngày càng tăng. Đàn ông không tham gia làm bếp, nhưng trong một số gia đình tân tiến, đàn ông cũng giúp phụ nữ nấu nướng và làm việc nhà. Do sống chung, các gia đình Iran thường ở tình trạng tam tứ đại đồng đường. Cả mấy thế hệ thường cùng nhau đi dã ngoại, vui chơi ngoài trời trong những ngày nghỉ. Đề cao cuộc sống gia đình, người Iran thường tỏ ra thương cảm đối với đàn ông độc thân, còn phụ nữ độc thân bị coi là đáng ngờ về đạo đức. Kế hoạch hóa gia đình: dân số Iran tăng mạnh trong nửa cuối thế kỷ XX. Sau khi thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran năm 1979, giáo chủ Khomeini hạ tuổi kết hôn của phụ nữ xuống, chín tuổi là có thể lấy chồng. Chính quyền khuyến khích sinh đẻ để gia đình có nhiều con, để thêm người làm nghĩa vụ quân sự với đất nước. Biện pháp tránh thai phá thai bị coi là bất hợp pháp. Nhưng khó khăn về kinh tế trong điều kiện bị Âu - Mỹ cấm vận, tỷ lệ thất nghiệp tăng… đã thay đổi chính sách sinh sản. Những năm 1990, dưới thời tổng thống Khatami cải cách (cầm quyền trong khoảng 1997-2005), Iran thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình theo xu thế quốc tế, các biện pháp tránh thai được khuyến khích, giảm đáng kể tỷ lệ tăng dân số, tuổi kết hôn của nữ nâng lên là mười ba. Nhưng tổng thống Ahmadinejad (cầm quyền từ 2005-2013) cho rằng chương trình đó chịu ảnh hưởng của phương Tây và trái ngược ý chí của đấng tối cao. Kể từ năm 2005, ông Ahmadinejad đã tìm mọi biện pháp để tăng dân số của đất nước 75 triệu dân, trong đó 1/3 số người ở tuổi 15-30. Từ tháng 7- 2010, ông Ahmadinejad đưa ra chính sách mới để tăng dân số, theo đó Iran hạ tuổi kết hôn cho nam và nữ, mỗi đứa trẻ ra đời sẽ được nhận một khoản tiền khuyến khích của chính phủ. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tăng dân số của Iran chỉ có thể giảm sau khi đạt tới mức sinh ổn định vào năm 2050 (100 triệu người). Vấn đề nữ giới: tỷ lệ dân số năm 2011 là 50,4% nam, 49,6% nữ. Năm 1925 Reza Khan, nhà vua đầu tiên của triều đại Pahlavi, chủ trương cải thiện đời sống của phụ nữ, cấm phụ nữ mặc áo choàng đen chador như trước đó. Năm 1931 quốc hội thông qua đạo luật cho phép phụ nữ đứng đơn ly hôn. Tuổi kết hôn của nữ giới được tăng lên, ở mức mười lăm tuổi. Năm 1936 hệ thống giáo dục bình đẳng cho nam sinh và nữ sinh được thiết lập. Năm 1962 phụ nữ được quyền đi bầu cử. Năm 1968 luật bảo hộ gia đình ra đời, luật ly hôn chặt chẽ hơn và chế độ đa thê không được khuyến khích. Tuổi kết hôn được nâng lên đến mười tám tuổi. Trong lịch sử, phụ nữ Iran được hưởng nhiều quyền lợi hơn phụ nữ ở các nước Hồi giáo trong khu vực: được tranh cử vào quốc hội, được bầu cử, được quyền lao động, được sở hữu và mua bán bất động sản, ở thời hiện đại phụ nữ được lái xe, trong khi phụ nữ ở nước láng giềng Saudi Arabia bị cấm lái xe. Thời kỳ tiền Hồi giáo, phụ nữ còn làm quản lý lao động và có người là sĩ quan quân đội. Nhưng khi đạo Hồi vào Iran ở thế kỷ VII, quyền lợi của phụ nữ suy giảm đáng kể. Người ta áp đặt luật trang phục: phụ nữ phải mặc áo choàng, trùm khăn trên đầu và che mạng. Luật đa thê được áp dụng và luật gia đình theo hướng gia trưởng có lợi cho đàn ông. Trước năm 1979, nhiều phụ nữ tham gia cách mạng chống chính quyền của vua Pahlavi. Ngay sau khi Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời, thực hiện luật Hồi giáo Sharia và luật pháp mới, phụ nữ phải trở lại che mạng và mặc áo choàng. Giáo chủ Khomeini hạ tuổi kết hôn của nữ giới xuống mức chín tuổi, nam giới là mười lăm tuổi. Phụ nữ hầu như không xuất hiện ở các tụ điểm công cộng, không được đi cùng với nam giới không phải là người nhà hoặc họ hàng, bị phạt nếu không trùm khăn, không mặc áo choàng, hoặc trang điểm và ăn mặc theo thời trang phương Tây. Phụ nữ mắc tội ngoại tình, thậm chí bị cưỡng hiếp, bị coi là trọng tội và bị ném đá đến chết. Họ hầu như không được ly hôn nếu không được chồng chấp thuận và ly hôn thì mất quyền nuôi con. Tuy nhiên, hiện nay nữ sinh chiếm 50% tổng số sinh viên. Số nữ sinh tốt nghiệp được tuyển dụng chỉ khoảng 20% nhưng tỷ lệ ngày càng tăng. Chế độ mẹ nghỉ sinh con là ba tháng với 67% lương. Thời kỳ cải cách của tổng thống Khatami (1997-2005) phụ nữ được giải phóng nhiều hơn. Năm 2001, có mười bốn phụ nữ trúng cử vào quốc hội. Phụ nữ chưa chồng có quyền đi du học nước ngoài. Tuổi kết hôn của nữ được nâng từ chín tuổi lên mười ba. Các công ty có xu hướng nhận nữ vào làm việc vì phần lớn nữ học giỏi hơn, thái độ làm việc cũng có trách nhiệm và chu đáo hơn (phụ nữ chiếm khoảng 13% lực lượng lao động). Thời kỳ tổng thống Ahmadinejad cầm quyền (2005-2013), luật trang phục được siết chặt trở lại. Cảnh sát thuần phong mỹ tục có thể bắt và phạt vi cảnh phụ nữ dùng nhiều son phấn, trùm khăn chưa đủ kín, không mặc áo choàng… Nữ sinh không trùm khăn chắc chắn không được đến trường. Khoảng cuối năm 2011 chính phủ còn đề xuất chia trường chia lớp riêng cho nữ sinh, gây ra tranh luận kéo dài. Phần hai Theo dòng lịch sử và những tôn giáo chính Theo dòng lịch sử Iran Xứ Ba Tư mênh mông cũng được coi là một trong những cái nôi của loài người. Nhiều di tích khảo cổ cho thấy ngay từ thời đồ đá mới đã có một ít bộ tộc săn bắn sinh sống trong những hang đá ở dãy núi Alborz, Zagros và ở phía đông nam của đất nước. Những cư dân đầu tiên: người Elamite và Mede Vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên, những cuộc định cư có tổ chức đầu tiên xuất hiện ở Elam, vùng đất thấp nay thuộc tỉnh Khuzestan. Ở gần Mesopotamia, không xa nền văn minh vĩ đại Sumeria, và chịu ảnh hưởng của Sumeria, tộc người Elamite thường xuyên đối đầu với Sumeria trong chiến trận. Người Elamite xây dựng kinh đô ở Shush và có được quyền lực thông qua một hệ thống chính quyền liên bang văn minh, cho phép các bang trao đổi tài nguyên thiên nhiên là đặc sản của mỗi vùng. Người Elamite có một hệ thống thừa kế và phân chia quyền lực đặc biệt tinh vi vào thời ấy, đảm bảo cho quyền lực được chia sẻ và chuyển giao qua nhiều đời trong dòng họ. Ngôi đền đồ sộ theo kiểu ziggurat ở Choqa Zanbil được xây khoảng thế kỷ XIII trước CN để thờ nhiều vị thần, theo đúng tín ngưỡng đa thần của người Elamite. Đến thế kỷ XII trước CN, người Elamite đã cai quản được hầu hết miền tây Iran bây giờ, cả thung lũng Tigris và bờ vịnh Ba Tư. Thậm chí họ còn đánh bại người Assyria, rồi chiến thắng trở về với tảng đá trên đó khắc Đạo luật Hammurabi. Phiên bản của tảng đá này hiện vẫn còn trưng bày trong Bảo tàng quốc gia Iran, còn bản gốc đã được mang sang bảo tàng Louvre ở Paris. Thời kỳ này, các bộ tộc Arya thuộc dòng Ấn - Âu bắt đầu đặt chân đến miền bắc. Cuối cùng thì người Ba Tư đã định cư ở khu vực tỉnh Fars hiện nay, xung quanh thành phố Shiraz. Cùng lúc người Mede cư trú dịch lên phía bắc, nơi bây giờ là vùng tây bắc Iran. Người Mede dựng lên kinh đô ở Ecbatana, giờ đây đã bị chôn vùi bên dưới thành phố Hamadan hiện đại. Các thư tịch của người Assyria có ghi lại vụ mùa đầu tiên của họ là vào năm 836 trước CN. Nhưng người ta ít biết đến họ cho đến khi sử gia Hy Lạp Herodotus viết về việc Cyaxares ở Media trục xuất người Scythia, những người đã từ Caucasus đến xâm lăng vào khoảng 625 trước CN. Herodotus viết rằng các tộc người Scythia bị đánh bại khi cánh vua chúa của họ đến dự một bữa tiệc và say sưa đến mức họ dễ dàng bị thủ tiêu. Dưới triều Cyaxares, người Mede trở thành lực lượng quân sự dữ tợn nhất, liên tục tấn công người láng giềng Assyria. Người Mede liên minh với người Babylon và năm 612 họ cướp phá kinh thành Nineveh của người Assyria rồi tiếp tục không buông tha cái đế chế một thời hùng mạnh này nhiều lần trong lịch sử. Người Mede đã nắm được quyền cai trị vùng cao nguyên. Cho đến khi chết năm 575 trước CN, Cyaxares đã cai trị được một vùng trải dài từ Tiểu Á ở phía tây cho đến vùng Kerman ngày nay, ở phía đông. Nhà Achaemenid lập ra đế chế Ba Tư đệ nhất Thế kỷ VII trước CN, Achaemenes, vị vua của một trong những bộ tộc Ba Tư, lập nên một nhà nước thống nhất ở miền nam Iran. Ông lấy tên mình đặt cho đế chế Ba Tư đầu tiên, đế chế của nhà Achaemenid. Năm 559 trước CN, chắt nội của ông, một chàng trai hai mươi mốt tuổi vương hiệu là Cyrus II lên ngôi vua. Cũng lúc này, Ba Tư là nhà nước mới nổi lên và chỉ trong vòng hai chục năm, trở thành đế chế hùng mạnh nhất trên thế giới. Cyrus II, còn gọi là Cyrus Đại đế, nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh. Năm 550 trước CN, ông kết liễu đế chế Media khi đánh bại ông nội của mình là đức vua Astyages, vốn đang bị dân chúng căm ghét, trong trận chiến Pasargadae. Chỉ trong mười một năm, vua Cyrus mở những chiến dịch ngang qua hầu hết xứ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, hướng cả sang phía đông, phần đất Pakistan hiện giờ, rồi cuối cùng đánh bại nhà Babylon vào năm 539 trước CN. Sau chiến thắng này, Cyrus được coi là nhà cai trị nhạy cảm và cách tân. Chẳng những không chém giết người Babylon, ông còn cho thả hết những người Do Thái bị bắt. Sử gia Herodotus viết trong Các cuộc chiến Ba Tư (The Persian Wars) rằng Cyrus còn tuyên bố sẽ “tôn trọng truyền thống, tập tục và tôn giáo của những quốc gia trong đế chế của ta và sẽ không bao giờ để cho các thủ lĩnh cũng như thần dân của ta coi thường hay sỉ nhục họ… Ta sẽ không áp đặt nền quân chủ của ta lên bất cứ một nước nào. Mỗi xứ được tự do chấp nhận và dù có xứ nào không chấp nhận thì ta cũng sẽ không bao giờ dùng đến chiến tranh để cai trị”. Tuyên ngôn của Cyrus được khắc trên một chỉ dụ bằng chất liệu đất sét, được nhiều người coi là hiến chương về nhân quyền đầu tiên của nhân loại. Khối trụ bằng đất sét này được khai quật vào năm 1879 tại ngôi đền cổ Marduk ở Babylon. Hiện tại một phiên bản được trưng bày thường xuyên tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, còn bản gốc thì ở Bảo tàng British tại Anh. Năm 1971 khối trụ trở thành biểu tượng trong dịp kỷ niệm 2.500 năm Hoàng gia Iran. Du khách đến Iran ngày nay có thể mua phiên bản khối trụ này ở các điểm du lịch làm vật kỷ niệm. Nhiều học giả cho ẳ rằng đây không hẳn là hiến chương nhân quyền, mà chỉ là những tuyên bố theo tinh thần dân túy thông thường giữa các vị vua chúa thời ấy. Vua chúa từ khoảng ba nghìn năm trước CN, khi lên ngôi có truyền thống tuyên bố hùng hồn mang tính dân túy, ủng hộ cải cách xã hội. Dù sao Cyrus vẫn được coi là nhà cai trị nhân từ của thời đó. Kinh thánh nhắc đến ông là người nhân đức đã cho phục dựng ngôi đền ở Jerusalem. Cyrus biến kinh đô Ecbatana của đế chế Median thành thuộc địa, phát triển vùng Shush và tự xây cho mình một tòa nhà mới ở Pasargadae. Ông cũng xây nên một thành phố kiểu mẫu mà các nhà cai trị Ba Tư khi lưu thông giữa ba kinh đô khác nhau đều phải đi qua. Nhưng nhà Massagetae ở phía đông bắc của đế chế này cho rằng ông thực sự đang áp đặt nền quân chủ lên đầu họ. Ông gây ra cơn thịnh nộ của nữ hoàng Tomyris của triều Massagatae sau khi ông tiến hành một trận chiến đơn phương, bắt được con trai bà và giết chết nhiều quân lính của nữ hoàng. Lính tráng Massagatae lúc ấy đều say sưa do rượu của nhà Achaemenid cố tình mang đến. Sử gia Herodotus viết rằng nữ hoàng Tomyris đòi Cyrus trả con trai và rút quân khỏi lãnh thổ của bà, bằng không sẽ nhấn chìm kẻ thù trong vũng máu. Nhưng Cyrus coi thường lời nguyền này. Nữ hoàng Tomyris bèn tập hợp toàn bộ lực lượng trong vương quốc vào một trận chiến kinh hoàng chưa từng xảy ra với quân Achaemenid. Vua Cyrus và hầu hết quân lính bị giết chết. Khi tìm được xác Cyrus, nữ hoàng Tomyris thực hiện lời nguyền bằng cách truyền mang đến một tấm da người bọc đầy máu rồi dìm cái đầu Cyrus vào đó. Rốt cục xác Cyrus được táng trong một lăng mộ hiện vẫn còn ở Pasargadae. Năm 525 trước CN, con trai Cyrus là Cambyses chinh chiến về phía tây, chiếm được hầu như toàn bộ Ai Cập và khu vực bờ biển ngày nay là Libya. Sử sách về sau có ghi lại rằng trước khi lên đường, Cambyses đã cho ám sát anh trai mình là Smerdis mà không để cho ai biết. Sau đó, trong khi Cambyses đang mải mê ở Ai Cập, một viên quan nhỏ tên là Magus Gaumata, hình thức rất giống người anh, đã mạo nhận và lên chiếm ngôi vua. Năm 522 Cambyses chết một cách bí ẩn ở Ai Cập. Ngay lập tức Darius I, một người họ hàng xa của nhà vua, xuất hiện và cho giết ngay Gaumata, kẻ mạo danh. Ở Bisotun cạnh thành phố Hamadan hiện có bức phù điêu lớn miêu tả cảnh Darius đang giẫm lên đầu Gautama. Darius chiếm được đế chế trong tình trạng loạn lạc và ông phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng lại. Ông chia vùng đất trải dài này thành hai mươi ba tỉnh cho dễ quản lý. Quần thể thành phố Persepolis được dựng lên, một kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật, làm trung tâm tôn giáo và lễ hội cho đế chế. Vị thần sơ khởi được thờ là Ahura Mazda, vị thần của Hỏa giáo. Kinh thành Shush của nhà Media trở thành trung tâm hành chính. Rốt cuộc Darius đã bành trướng đế chế đến Ấn Độ và tiến lên phía bắc, đến tận sông Danube ở châu Âu. Đó là đế chế vĩ đại nhất trong số những nền văn minh buổi đầu. Trong đế chế, người ta mở những con đường trải dài khắp nơi, có thiết kế cả vỉa hè. Những khu nhà trọ ở các chặng nghỉ cách nhau một quãng đường đều đặn cung cấp nơi nghỉ và thực phẩm cho hành khách. Nhà Achaemenid lập nên dịch vụ bưu điện đầu tiên trên thế giới. Mạng lưới ngựa trạm chạy tiếp sức có thể chuyển thư tín đến nơi xa nhất của đế chế trong vòng mười lăm ngày. Khi các thuộc địa của Hy Lạp ở vùng Tiểu Á nổi dậy phản kháng, Darius quyết định xâm lược Hy Lạp để làm gương cho các nhà nước nổi loạn. Nhưng việc không thành. Năm 490 trước CN, quân đội của ông bị đánh bại ở Marathon gần Athens, và Darius mất năm 486. Thất bại sau đó của con trai Darius là Xerxes tại Salamis ở Hy Lạp năm 480 đánh dấu sự bắt đầu suy tàn diễn ra chậm chạp và khá lâu, kéo dài thêm 150 năm nữa, trong khi thỉnh thoảng vẫn có những khoảng thời gian phồn thịnh. Alexander Đại đế đến và vụ đốt thành Persepolis Alexander Đại đế, vua xứ Macedonia, là người kết liễu đế chế Ba Tư đệ nhất. Sau khi đánh bại Hy Lạp và Ai Cập, Alexander đánh tan quân Ba Tư ở Issus (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 333 trước CN và ở Guagamela (Iraq) năm 331. Thời điểm ông đến Ba Tư cũng chính là lúc đế chế của nhà Achaemenid cáo chung và không lâu sau những đám tàn quân của vua Darius III bị quét sạch. Darius bỏ chạy về phía đông, đến Bactria rồi bị một người anh em họ giết chết. Alexander dừng chân mấy tháng ở thành Persepolis trước khi đốt tòa thành là biểu tượng quyền lực của triều đại Achaemenid. Cho đến nay người ta vẫn còn tranh cãi về việc đây là tai nạn ngẫu nhiên do một bữa tiệc chè chén say sưa hay là Đại đế cố tình trả thù về việc thành Athens bị vua Xerxes hủy diệt gần hai trăm năm trước. Đế chế của Alexander nhanh chóng mở rộng đến Afghanistan, Pakistan và đến Ấn Độ. Nhưng sau khi ông mất năm 323, đế chế bị ba triều đình mâu thuẫn với nhau chia cắt, và Ba Tư bị nhà Seleucid của Macedonia cai trị. Dần dần tiếng Hy Lạp thay thế tiếng Aramaic, thành một thứ tiếng pha trộn. Trên khắp xứ sở, những thành phố mới được dựng lên và văn hóa Hy Lạp đã lấn át văn hóa Ba Tư. Năm 311, người cầm quyền mới của Macedonia là Cassander đã cho giết người vợ góa người Ba Tư của Alexander là Roxana và con trai Alexander IV để tránh hiểm họa về sau. Người Parthia - kỵ binh và thiện xạ Nhiều thế kỷ trước đó, người du mục Parthia đã định cư trong khu vực giữa biển Caspia và biển Aral. Dưới triều vua Mithridates (171-138 trước CN), họ đã chiếm hầu hết Ba Tư và khu vực giữa sông Euphrates ở phía tây và Afghanistan ở phía đông, gần như tạo dựng lại đế chế Achaemenid. Họ có hai kinh đô, một ở nơi bây giờ là thành phố Rey ngoại vi Tehran và một ở Ctesiphon, ngày nay thuộc Iraq. Là những kỵ binh đồng thời là thiện xạ cung nỏ, người Parthia nỗ lực hết mình để chiến đấu với quân La Mã, giành lấy Syria, Mesopotamia và Armenia - những vùng lãnh thổ mà người La Mã cho là thuộc về mình. Viên tướng La Mã Crassus (đã đánh bại Spartacus hai mươi năm trước, lúc này là một trong ba người kiểm soát Rome) đã sai lầm khi cho rằng quân La Mã nắm được thực lực của quân Parthia. Năm 53 trước CN quân của Crassus phải tháo chạy tán loạn ở Carrhae, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân Crassus bị bắt, bị đổ vàng nấu chảy vào mồm để trừng phạt tội tham lam, rồi bị chặt đầu. Đám chiến binh La Mã may mắn sống sót kể lại rằng quân Parthia chiến đấu dưới những lá cờ chói lòa cả mắt. Đó là lần đầu tiên người châu Âu nhìn thấy những lá cờ bằng lụa mà chưa biết gì về lụa. Tiếp đó là những thời kỳ hòa bình. Người Parthia tỏ ra văn minh hơn một số triều đại sau này nên có những tiến bộ đáng kể trong kiến trúc và nghệ thuật, mặc dù rất ít di tích còn lại đến ngày nay. Đế chế Ba Tư đệ nhị của triều đại Sassania Năm 224 Công nguyên, bắt đầu từ quê nhà là tỉnh Fars, vua Ardashir (cầm quyền từ 224-241) chỉ huy quân đội Sassania thay thế triều Parthia đã suy yếu ở Ba Tư và trong vòng bốn mươi năm, Sassania trở thành mối đe dọa mới đối với đế chế La Mã. Trong khoảng từ năm 241 đến 272, vua Shapur I, con trai của Ardashir, sáp nhập thêm xứ Bactria vào đế chế và chiến đấu nhiều lần với quân La Mã. Một trong những chiến thắng lừng lẫy nhất của quân Ba Tư là trận Shapur đánh bại quân La Mã ở Edessa năm 260 và bắt hoàng đế Valerian của La Mã làm tù binh. Người Sassania đưa Hỏa giáo trở lại làm quốc giáo, kết hợp với những yếu tố của tín ngưỡng vật linh giáo, tín ngưỡng Hy Lạp và Mithraic cổ đại. Họ đàn áp các tôn giáo khác, gồm cả tôn giáo mới nổi lên là Thiên Chúa giáo. Người Sassania nói tiếng Pahlavi, ngôn ngữ gốc của tiếng Farsi hiện đại. Hiện vẫn còn lại di tích từ thời này: một số ngôi đền Hỏa giáo và các công trình kiến trúc như lâu đài của Ardashir ở Firuz Abad, thành phố gạch không nung ở Kuh-e-Khajeh, thành phố Bishapur và pho tượng khổng lồ của Shapur I trong một cái hang cạnh đó. Kinh đô của họ ở Ctesiphon, ngày nay thuộc Iraq. Năm 387 đế chế Ba Tư và Byzantine (Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay) nhất trí giải quyết bất đồng lâu dài trong việc kiểm soát Armenia bằng cách chia cắt lãnh thổ này. Đây chính là một trong những ví dụ sớm nhất về việc chia cắt một lãnh thổ, mà rốt cục cũng chẳng thành công. Triều đại Sassania phát triển một số ngành công nghiệp nhỏ, phát triển thành thị, khuyến khích thương mại trên khắp vùng Vịnh. Nhưng cuối cùng họ cũng bị suy yếu vì cuộc chiến tranh không hề dứt với đế chế Byzantine. Những năm cuối cùng của đế chế lại là những năm nó mở rộng nhất, trước khi Khusro II (590-628) chiếm lại một phần của Ai Cập, Syria, Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 628 Khusro bị con trai giết chết. Trong vòng năm năm sau đó, ít nhất có sáu nhà cầm quyền kế tiếp nhau, bao gồm cả hai nữ hoàng hiếm hoi của xứ Ba Tư, đều là con gái của Khusro II: nữ hoàng Purandokht trị vì trong khoảng năm 630-631, về sau được thi hào Ferdosi nhắc đến trong sử thi Shah Nameh (Hoàng đế kinh). Nữ hoàng Azarmidokht kế ngôi chị, cũng chỉ có mấy tháng, trong khoảng 631-632. Viên tướng Farrukh cầu hôn Azarmidokht nhưng bà liền cho giết ông ta. Con trai của viên tướng là Rostam Farrukhzad bèn đánh chiếm Ctesiphon, chọc mù mắt nữ hoàng rồi giết chết. Năm 633 khi người Arab đến, Ba Tư ở trong tình trạng không có nhà nước để kháng cự. Hồi giáo đến cùng với người Arab Năm 637 Người Arab đánh bại triều Sassania ở Qadisirya, tiếp đó là chiến thắng ở Nehavand gần Hamadan, chấm dứt sự cầm quyền của người Sassania. Một chương mới và quan trọng của lịch sử Ba Tư bắt đầu. Vào thời gian ngôn sứ Mohammed qua đời năm 632, người Arab đã chấp nhận Hồi giáo. Người Ba Tư cũng thích văn hóa Hồi giáo và vui vẻ từ bỏ Hỏa giáo mà không cần phải thuyết phục nhiều. Chỉ có xứ Yazd và Kerman vẫn giữ đức tin Hỏa giáo thêm mấy thế kỷ nữa, cộng thêm một số dân tộc miền núi gần biển Caspia vẫn giữ tín ngưỡng cổ của họ. Trong khi tràn nhanh qua khắp Trung Đông, người Arab chấp nhận kiến trúc, nghệ thuật và cách quản lý của người Sassania. Ban đầu các vị quân vương Hồi giáo Umayyad điều hành Ba Tư từ kinh đô của mình là Damascus, Syria ngày nay. Nhưng vào năm 750 cuộc nổi dậy của dòng Hồi giáo Shia đã dẫn đến việc dựng lên triều Abbasid, kinh đô ở gần Baghdad. Các vị vua Abbasid cầm quyền vào thời kỳ tri thức phát triển và văn hóa Ba Tư đóng một vai trò to lớn. Người Ba Tư giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, nhưng tiếng Arab đã trở thành tiêu chuẩn trong làm ăn hàng ngày. Thế kỷ IX, triều Abbasid sụp đổ và các nhà cầm quyền nối tiếp nhau dựng lên trung tâm quyền lực của riêng mình. Ở miền đông Iran, những triều đại mới này gồm có Tahirid (820-872), Safarrid (868-903), Samanid (874-999). Họ đóng đô ở Bukhara và hồi sinh cho ngôn ngữ Ba Tư. Vào lúc này, nhà thơ Ferdosi viết trường ca Shah Nameh (Hoàng đế kinh, sách về các vị vua) trong khoảng những năm 990 (ông mất khoảng 1020). Trường ca gồm 60.000 khổ thơ hai câu, được coi là hòn đá tảng của tiếng Ba Tư hiện đại, cũng giống như Shakespeare được coi là cha đẻ của tiếng Anh hiện đại. Về ngôn ngữ Ba Tư, người ta nhận thấy từ thế kỷ X đến ngày nay, tiếng Ba Tư thay đổi còn ít hơn sự thay đổi của tiếng Anh kể từ thời Shakespeare (trong vòng năm thế kỷ qua). Người Seljuk mở ra kỷ nguyên mới Các triều đại bản địa rõ ràng là không thể duy trì được quyền lực lâu dài. Triều Samanid trở nên phụ thuộc sống còn vào cánh chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ. Một người đứng ra thành lập triều Qaznavid (962-1140). Con trai của ông là Mahmud mở rộng đất sang phía Ấn Độ và đưa Hồi giáo sang đấy. Đến lượt họ lại bị người Thổ Nhĩ Kỳ Seljuk phế bỏ khi Seljuk tràn qua Ba Tư, chiếm được Esfahan năm 1051 và lấy đây làm kinh đô. Chỉ trong mấy năm họ đã lấy thêm được miền đông Thổ Nhĩ Kỳ và bất kể rất nhiều cuộc nổi dậy họ đã kiểm soát được cả đế chế bằng một quân đội lớn mạnh và được trả lương cao. Triều đại Seljuk mở ra một kỷ nguyên mới cho văn học nghệ thuật và khoa học Ba Tư. Những thiên tài như Omar Khayyam xuất hiện. Năm 1079, nhà toán học đồng thời là nhà thơ Omar Khayyam đã tính ra được mỗi năm có 365,242198581 ngày, ông còn đi trước lịch Gregoria gần năm trăm năm. Các trường thần học được dựng lên trên khắp lãnh thổ của triều Seljuk để truyền bá Hồi giáo dòng Sunni. Những công trình bằng gạch mang tính hình học, những câu chạm khắc trên đền thờ và tháp giáo đường Seljuk ngày nay vẫn còn hiện diện trên khắp đất nước, trong đó tác phẩm đẹp nhất vẫn là ở đền Jameh Mosque tại Esfahan. Năm 1092 hoàng đế Malek qua đời, đánh dấu sự kết thúc quyền lực của triều Seljuk. Một lần nữa, một đế chế hùng mạnh bị tan rã thành từng mảnh. Thành Cát Tư Hãn phát triển dòng dõi và Tamerlane bạo chúa Thế kỷ XIII, đế chế Seljuk kết thúc trong máu lửa khi vó ngựa Mông Cổ tràn qua cao nguyên Iran. Dưới sự chỉ huy của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), sau đó là các cháu nội của ông, bao gồm cả Húc Liệt Ngột (Hulagu Khan), quân Mông Cổ đã chiếm được toàn bộ Ba Tư, như đã chiếm được một đế chế trải dài từ Bắc Kinh đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Cuối cùng họ dựng đô ở thành phố Tabriz, để rồi sau đó nhận ra rằng nó quá gần Thổ Nhĩ Kỳ. Ở những vùng đất bao la đã chinh phục được, Thành Cát Tư Hãn chọn những phụ nữ đẹp nhất làm thê thiếp và có hàng trăm người con. Một số công trình nghiên cứu trên khắp châu Á cho thấy khoảng 16 triệu người đang sống hiện nay mang trong mình dòng máu của Thành Cát Tư Hãn. Húc Liệt Ngột đã kết liễu quyền lực của tổ chức sát thủ Assassin (một từ tiếng Anh có gốc từ tiếng Ba Tư), hủy diệt các pháo đài của họ ở vùng núi Alamut. Sau khi đã điểm qua Thiên Chúa giáo và Phật giáo, Húc Liệt Ngột theo Hồi giáo do những áp lực xã hội ở Ba Tư. Ông tự gọi mình là Il Khan (tiểu Hãn - nhà cầm quyền ở tiểu quốc, tương đương cấp tỉnh), về sau danh xưng này trở thành tên của triều Ilkhanid (1256-1335). Quân Mông Cổ hủy diệt nhiều thành phố Ba Tư mà họ thôn tính được, tiêu hủy rất nhiều tài liệu lịch sử Ba Tư. Có thể do ăn năn về bạo lực đã gây ra, họ trở thành người bảo trợ cho nghệ thuật, để lại nhiều công trình đẹp, gồm cả lăng Oljetu (Gonbad-e Soltaniyeh). Dưới triều Mông Cổ, tiếng Ba Tư đã thay thế cho tiếng Arab. Cũng trong thời kỳ này, nhà du hành người Italy, Marco Polo, đã theo Con đường Tơ lụa mà ngang qua xứ Ba Tư. Năm 1335, Sultan Abu Said qua đời mà không có người kế tục và đế chế Ilkhanid chấm dứt. Đế chế vốn phân rã thành nhiều mảnh đã sụp đổ trước các thế lực xâm lược từ phía đông đến, dưới sự chỉ huy của Tamerlane. Năm 1402, Tamerlane đánh bại đế chế Ottoman của người Thổ. Còn có biệt danh là Timur Lame, hay hoàng đế Timur thọt chân, Tamerlane có trong mình dòng máu Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, cả dòng dõi Thổ Nhĩ Kỳ, và thuộc về một xứ ngày nay là Uzbekistan. Ông đã chấm dứt được chiến tranh triền miên ở Iran và dời đô từ Tabriz về Qazvin. Ông cũng là một khối mâu thuẫn lớn trong thời cai trị ở Ba Tư: vừa là một nhà bảo hộ cho nghệ thuật, lại vừa là một trong những người tàn sát khủng khiếp nhất trong lịch sử. Chỉ riêng ở thành phố Esfahan, sau một cuộc khởi nghĩa, ông đã xử tử 70.000 người. Năm 1405 Tamerlane qua đời. Những người kế tục ông vẫn cố gắng nắm giữ quyền lực thêm mấy thập kỷ nữa. Họ tiếp tục duy trì việc bảo hộ nghệ thuật Ba Tư, đặc biệt là nghệ thuật tiểu họa ở thành Shiraz. Gohar Shad, vợ của một trong những nhà cầm quyền kế tục Tamerlane, có công cho xây ngôi đền đẹp ở trung tâm thành phố Mashhad, thờ Imam Reza. Những năm tiếp sau triều Mông Cổ và Tamerlane, quyền lực bị chia sẻ và các phe nhóm đánh lẫn nhau. Trong số các phe nhóm đáng kể có bộ tộc Kara Koyunlu (bộ tộc Hắc Chiên - Cừu Đen), đã tiến đến thành Tabriz và giành được quyền từ tay người Mông Cổ ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. Họ giữ vững được quyền lực trong gần hai thế kỷ (1275-1468). Nhưng sau đó, họ đã phải nhường chỗ cho bộ tộc Ak Koyunlu (Bạch Chiên - Cừu Trắng), cầm quyền ở vùng đông bắc cho đến năm 1514. Triều Safavid dựng đế chế Ba Tư đệ tam và hồi sinh đất nước Một tộc trưởng theo dòng Sufi thần bí, Sheikh Safi od-Din (mất năm 1334), là nguồn cảm hứng đồng thời là ông tổ của người Safavi, một giáo phái hùng mạnh của những tín đồ dòng Shia ở vùng Ardabil. Một trong những hậu duệ xa của ông là Ismail Safavi, cuối cùng đã chinh phục được toàn bộ trung tâm đế chế Ba Tư cổ, từ Baghdad đến Herat. Ismail Safavi trở thành hoàng đế Ba Tư và cai trị trong khoảng 1502 đến 1524. Mặc dù bị hoàng đế của Ottoman đẩy ra khỏi miền tây Iran trong một trận chiến bi thảm ở Chaldoran, triều đại Safavid của ông đã mang đến một thời kỳ hồi sinh mạnh mẽ cho Iran. Dưới thời của con trai Ismail là Tahmasp (cai trị từ 1524-1576) kinh đô được dời từ Tabriz về Qazvin và các quân vương châu Âu bắt đầu quan tâm đến Ba Tư. Triều Safavid lên đến đỉnh cao dưới thời hoàng đế Shah Abbas I, còn gọi là Abbas Đại đế, cai trị từ 1587 đến 1629. Được một người Anh là Robert Shirley cố vấn, ông đã đè bẹp người Thổ và các phe phái Thổ Nhĩ Kỳ để dựng lên đế chế Ba Tư đệ tam. Dưới thời Safavid, nghệ thuật và kiến trúc Ba Tư lại nở rộ. Abbas dời đô đến Esfahan và nhanh chóng xây dựng lại kinh thành xung quanh khu vực quảng trường Imam ngày nay. Sự lộng lẫy của văn hóa Safavid hiện còn bộc lộ trong những bức tranh tường kỳ lạ ở lâu đài Chehel Sotun. Dòng Hồi giáo Shia được lấy làm quốc giáo Ba Tư, gây ra xung đột trực tiếp với đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ theo dòng Sunni. Ba Tư bắt đầu được các cường quốc châu Âu coi là một thị trường. Các công ty Anh được ưu đãi kinh doanh. Nhưng người Bồ Đào Nha, vốn kiểm soát đảo Hormuz ở vịnh Ba Tư, rốt cục đã bị trục xuất. Cái chết của Abbas báo hiệu cho một thời kỳ xung đột và đánh lẫn nhau, rốt cục mở rộng cửa cho người Afghan vào xâm lược năm 1722. Người Afghan bao vây Esfahan rồi chiếm được kinh đô này, thảm sát hàng nghìn người nhưng không động đến các kỳ quan kiến trúc. Sau đó người cầm quyền Afghan là Mahmud phát điên và bị một người trong quân đội của ông ta giết chết. Hoàng đế Nader Shah hiếu chiến và Karim Khan Zand khiêm nhường Năm 1729, một viên sĩ quan là Nader Shah đánh tan tác quân Afghan và quân Nga, Thổ đang xâm lấn ở miền Bắc, bằng cách ấy cứu được triều Safavid. Nader Shah cai trị Ba Tư về mọi phương diện, chỉ trừ danh nghĩa. Đến năm 1736 thì ông tự phong vương, chấm dứt vĩnh viễn triều đại Safavid. Nader Shah là một sát thủ dũng mãnh và hiếu chiến, đồng thời cũng hoang tưởng cực độ. Phô trương sự tự tin tuyệt đối của mình, năm 1738 ông ta xâm lược Ấn Độ và cướp về rất nhiều thứ, trong đó có những viên kim cương khét tiếng như Kuh-e Nur và Darya-e Nur (viên này hiện trưng bày trong Bảo tàng Báu vật quốc gia ở Tehran). Tính hiếu chiến của ông ta làm đất nước kiệt quệ và năm 1747 Nader Shah bị ám sát. Một người thuộc bộ tộc Lor ở miền tây Iran (Lorestan) là Karim Khan Zand lên cầm quyền từ 1750 đến 1779. Rất lạ lùng là ông không quan tâm lắm đến việc chinh chiến, mà lại là người khiêm nhường và từ bi. Ông muốn được gọi là vakil (quan nhiếp chính) chứ không phải là hoàng đế. Ông là người dời đô về thành phố Shiraz và xây lên ở đó những công trình rất ấn tượng như thành Arg-e Karim Khan, giáo đường nhiếp chính Masjed-e Vakil (Regent’s Mosque). Thảm họa triều đại Qajar và cuộc cách mạng hiến pháp Triều đại Qajar là một thảm họa đối với đất nước Iran. Chỉ trong mấy thập kỷ, họ đã biến hơn 2000 năm của một đế chế nhiều ảnh hưởng thành một kho chuyện tiếu lâm. Sau khi Karim Khan qua đời năm 1779, viên hoạn quan cay nghiệt Aga Mohammad Khan đã thống nhất được các vị vua Qajar người Azari và xây một kinh thành mới trên khu đất làng Tehran. Cho đến năm 1795 ông ta đã giành được quyền thống lĩnh xứ Ba Tư từ tay Lotf Ali Khan, nhưng chỉ một năm sau thì ông bị đám nô tài giết chết. Lúc này cả Nga và Anh đều để mắt đến Iran. Nga muốn sử dụng Iran làm cửa ngõ để vào vịnh Ba Tư và Ấn Độ, còn Anh thì quyết ngăn chặn tham vọng của Nga. Thời hoàng đế Fath Ali Shah thống lĩnh (cầm quyền 1797-1834), Nga chiếm Gruzia (Georgia), Đông Armenia, Daghestan, Shirvan (nay là Azerbaijan) - những vùng lãnh thổ bán độc lập, trước đó nằm trong vòng ảnh hưởng của Ba Tư. Nasser al-Din Shah (cầm quyền 1848-1896) thực hiện những chiến dịch hiện đại hóa và quan tâm nhiều đến việc sưu tầm nghệ thuật, xây các bảo tàng. Có nhiều thê thiếp, ông sản sinh ra hàng trăm hoàng tử, các hoàng tử lại thỏa sức sử dụng ngân khố quốc gia. Lúc này người Nga thống trị miền bắc Iran trong khi người Anh quản lý miền nam. Các hoàng đế Qajar chi tiêu nhiều vào việc xa xỉ, như xây lâu đài Golestan ở Tehran. Ngân khố đòi hỏi phải được bù đắp thường xuyên thông qua việc bán vội tài sản quốc gia. Đám lái buôn ngoại quốc được lợi nhờ những vụ buôn bán như vậy. Nasser al-Din cố bán quyền khai thác đặc biệt toàn bộ tài nguyên kinh tế của đất nước, bao gồm tất cả các ngân hàng, các mỏ và hệ thống đường sắt, lấy một cục 40.000 bảng Anh và 10.000 bảng cho 25 năm tiếp theo. Vụ bán buôn vô lý bị rò rỉ và ông ta buộc phải hủy bỏ hợp đồng này. Khi có tin về mưu toan bán độc quyền thuốc lá, bất bình dâng lên thành một cuộc nổi dậy. Năm 1906, hoàng đế thứ ba của triều Qajar là Muzaffar al-Din (cầm quyền 1896-1907) bị buộc phải lập ra nghị viện đầu tiên, gọi là Majlis, và ban hành hiến pháp mới. Đó là cuộc Cách mạng Hiến pháp. Lo ngại rằng vị hoàng đế có lợi này đang bị suy yếu, Nga thuyết phục ông ta giữ những lời đã hứa với Nga. Năm 1908, người con trai tàn bạo của ông là hoàng đế Shah Mohammad Ali ra lệnh bắn pháo vào nghị viện trong đợt thiết quân luật và thiết lập chế độ độc tài, dẫn đến cuộc nổi dậy ở Tabriz năm 1909. Shah Mohammad Ali bị ép thoái vị và nhường ngôi cho con trai đang còn nhỏ. Năm 1911 hoàng đế Shah Ahmad lặng lẽ phế bỏ nghị viện thứ hai. Trong Chiến tranh thế giới I, cả Nga và Anh đều chiếm lấy phần của mình ở Iran trong khi người Thổ Nhĩ Kỳ cướp phá vùng tây bắc, nơi dân chúng theo Thiên Chúa giáo. Thích thú với chính quyền mới ở Nga, năm 1920 vùng Gilan ở phía tây biển Caspia tách ra thành lập nước Cộng hòa Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Kuchuk Khan. Hoàng đế Qajar không có khả năng phản ứng, cho nên nước Anh ủng hộ viên sĩ quan quân đội Reza Khan nhanh chóng lấy lại Gilan rồi phế truất hoàng đế Shah Ahmad. Thay đổi và bất ổn dưới triều đại Pahlavi Từ khi Reza Khan làm đảo chính năm 1921, chấm dứt triều đại Qajar, viên sĩ quan ít học nhưng mưu lược này đã trở thành vua Ba Tư trên thực tế, chỉ trừ danh nghĩa. Ban đầu ông dựng lên một vị thủ tướng bù nhìn, nhưng năm 1923 ông tự giữ chức vụ thủ tướng, rồi năm 1925 tự phong làm hoàng đế đầu tiên của triều đại Pahlavi. Reza Khan tự đề ra một trọng trách là đưa Iran bước vào thế kỷ XX theo cách Mustafa Kemal Ataturk đang hiện đại hóa nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc này nạn mù chữ, hệ thống y tế, giao thông, công nghiệp và nông nghiệp đều không được quan tâm và kém phát triển. Giống như Ataturk, Reza Khan tập trung cải thiện đời sống của phụ nữ và cấm phụ nữ mặc áo choàng đen chador như trước. Ông cổ vũ dân chúng mặc Âu phục và xóa bỏ quyền lực của cánh giáo sĩ. Tuy nhiên những quyết định của Reza Khan khiến cho ông thêm thù bớt bạn. Nhiều phụ nữ hưởng ứng trang phục mới trong khi nhiều người khác không chấp nhận. Có những phụ nữ mộ đạo hàng năm trời không ra khỏi nhà, trùm khăn trên đầu thì sợ bị phạt, còn không trùm thì cảm thấy mình trơ trẽn. Trong Chiến tranh thế giới II, bất kể trung lập trên danh nghĩa, thái độ công khai thân Phát xít của Reza Khan khiến Anh và Nga không chấp nhận được. Năm 1941 ông bị đày sang Nam Phi rồi năm 1944 chết ở đó. Người Anh đưa người con trai hai mươi hai tuổi của ông là Mohammad Reza lên ngôi. Năm 1943, tại Hội nghị Tehran, các nước Anh, Nga, Mỹ ký Tuyên bố Tehran, chấp nhận để Iran độc lập. Mohammad Reza cầm quyền, chịu ảnh hưởng mạnh của Anh. Công ty Dầu lửa Anh - Iran (Anglo - Iranian Oil Company, sau này là công ty BP, British Petroleum) thu lợi hàng triệu đô la tiền dầu lửa, và dư luận Iran đòi quốc hữu hóa. Năm 1951, thủ tướng Ali Razmara bị ám sát. Tiến sĩ Mohammad Mossadegh, lãnh tụ của phong trào Mặt trận Dân tộc, lên thay, hứa sẽ truy thu tiền dầu lửa. Ông thành công trong việc quốc hữu hóa công ty của Anh thành Công ty Dầu lửa Quốc gia Iran (National Iranian Oil Company). Năm 1953, ông bị Mỹ và Anh lật đổ bằng một cuộc đảo chính. Vụ lật đổ Mossadegh là cuộc đảo chính đầu tiên của CIA chống lại một nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ, bởi vì nó xảy ra trước các cuộc đảo chính lật đổ Lumumba ở Congo, Sukarno ở Indonesia, Allende ở Chile. Cùng với việc quốc hữu hóa công ty dầu lửa của Anh, Mossadegh còn trục xuất các nhà ngoại giao Anh đang âm mưu lật đổ. Hành động này có tiếng vang trên thế giới và tạp chí Time bầu ông là Người nổi bật của năm 1951 (Man of the Year 1951) do cổ vũ các nước đang phát triển làm rung chuyển hệ thống thuộc địa. Người Anh rất cay cú tìm cách lấy lại nguồn lợi dầu mỏ. Họ kêu gọi thế giới tẩy chay dầu lửa của Iran và bôi nhọ Mossadegh trong nước và quốc tế. Năm 1952 Winston Churchill tái đắc cử và thuyết phục chính quyền Eisenhower ở Mỹ lật đổ Mossadegh. Operation Ajax là chiến dịch của CIA để thực hiện việc này. Cháu nội của cựu tổng thống Theodore Roosevelt là Kermit Roosevelt thành lập một đội đặc nhiệm trong tầng hầm đại sứ quán Mỹ tại Tehran và nhanh chóng được hoàng đế Pahlavi ủng hộ. Mỹ phải chi thêm hai triệu đô la để mua lấy sự ủng hộ của cánh giáo sĩ, sĩ quan quân đội, báo chí và lính đánh thuê. CIA lúc này còn non nớt trong việc đảo chính. Ngày 16-8-1953, lực lượng của Mossadegh bắt giữ đám chỉ huy đảo chính. Hoàng đế vội vàng bỏ chạy sang Rome. Nhưng ba ngày sau, xảy ra một cuộc đảo chính nữa và Mossadegh bị lật đổ. Hoàng đế lại trở về Iran. Ngành dầu lửa không bị quốc hữu hóa nữa, nhưng sự độc quyền của Anh cũng bị phá vỡ, và Mỹ đòi 40% lợi nhuận. Sau khi gạt được Mossadegh, Mỹ khích lệ hoàng đế thực hiện chương trình hiện đại hóa kinh tế xã hội, gọi là Cách mạng Trắng vì không đổ máu. Phụ nữ được giải phóng nhiều hơn và tình trạng mù chữ giảm bớt. Nhưng với người Hồi giáo nông thôn thì cuộc cách mạng có vẻ quá vội vàng. Cánh nhà thờ cho rằng cải cách điền địa cướp mất quyền lợi của họ và cải cách bầu cử chỉ gom phiếu cho người không phải Hồi giáo mà thôi. Đến năm 1962, giáo trưởng Ruhollah Khomeini ở Qom nổi lên là nhân vật hàng đầu đối kháng với hoàng đế. Năm 1964 hoàng đế phê chuẩn một dự luật cho phép lính Mỹ được miễn trừ hoàn toàn, không bị bắt giữ. Khomeini đáp trả bằng cách tuyên bố rằng hoàng đế “đã hạ dân Iran xuống địa vị thấp hơn một con chó Mỹ”, bởi lẽ ở Mỹ nếu người ta để xe đâm chết một con chó thì sẽ bị xét xử, còn nếu một người Mỹ đâm chết một người Iran ở đây thì được miễn tố. Hoàng đế phản ứng bằng cách trục xuất Khomeini, khiến ông phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó sang Iraq. Năm 1971 hoàng đế tổ chức lễ kỷ niệm 2.500 năm thành lập đế chế Ba Tư, hy vọng khuấy động lên tinh thần dân tộc. Hơn sáu mươi quân vương và nguyên thủ quốc gia đến dự, trong khu trại dựng riêng cho lễ kỷ niệm tại thành Persepolis ở Shiraz. Hoạt động này khuếch trương văn hóa Iran trên thế giới, nhưng ở trong nước bị coi là lãng phí và trở thành lời kêu gọi tập hợp các phe nhóm đối lập. Cũng trong năm 1971 hoàng đế thay âm lịch Hồi giáo bằng dương lịch Ba Tư. Lịch này lấy năm đầu tiên là 622, năm ngôn sứ Mohammad rút chạy khỏi Mecca để đến Medina, bắt đầu một cuộc thánh chiến với chính quyền Mecca. Theo lịch này, ngày đầu năm mới là vào khoảng 21-3, dịp Tết Noruz, theo tập quán của Hỏa giáo từ xa xưa. Đổi tên cho đất nước, ngày 21-3-1935, Reza Khan gửi nghị định cho các phái đoàn nước ngoài yêu cầu đổi tên Persia (Ba Tư), cái tên đã có hàng nghìn năm, thành Iran. Ông ghét cái tên Ba Tư và coi Iran là tên gọi có ý nghĩa, xuất phát từ chữ Aryan, có nghĩa là “xứ sở của dòng dõi quý tộc”. Cái tên này đã có cách đây gần 3.000 năm, từ dưới triều Achaemenid. Năm 1974 cuộc cách mạng về giá dầu khiến thu nhập tăng từ 4 tỉ đô la Mỹ lên 20 tỉ. Nhưng đám lái súng Mỹ thuyết phục hoàng đế tiêu hầu hết vào việc mua vũ khí rồi bỏ không trong sa mạc. Thế giới sau đó rơi vào suy thoái, việc bán dầu bị đình trệ và nhiều kế hoạch cải cách xã hội bị hủy bỏ. Vai trò của Khomeini sau khi Cách mạng Hồi giáo thành công Từ khi bắt đầu triều đại Pahlavi, các cuộc phản kháng xẹp xuống và thỉnh thoảng bùng lên thành đụng độ. Cánh sinh viên muốn đẩy nhanh cải cách, người Hồi giáo sùng đạo thì không muốn, nhưng tất cả đều chống lại sự tiêu xài hoang phí của hoàng đế. Các phe nhóm thế tục, công nhân cộng sản và Hồi giáo đều có chung mục tiêu là phế bỏ hoàng đế. Giáo trưởng Khomeini đang lưu vong ở nước ngoài là hình ảnh cổ vũ, nhưng các phe nhóm khác cũng là lực lượng chính tổ chức cách mạng. Trong số những nhân vật nổi bật có giáo trưởng Mahmoud Taleqani, một nhà cải cách Hồi giáo nổi tiếng, tư tưởng ôn hòa. Do hoàng đế có sai lầm trong quản lý kinh tế, phe đối lập đẩy mạnh tổ chức những cuộc biểu tình lớn trên đường phố cùng những hoạt động phá hoại quy mô nhỏ. Hoàng đế phản ứng một cách tàn bạo, lực lượng an ninh Savak trở nên khét tiếng với việc tra tấn và bắn giết. Tháng 11-1978, hoàng đế cho thiết quân luật, hàng trăm người bị giết ở Tehran, Qom, Tabriz. Sự ủng hộ của Mỹ trở nên chuệch choạc. Tháng 12-1978 vị hoàng đế tuyệt vọng đã bổ nhiệm chính khách đối lập kỳ cựu Shapur Bakhtiar làm thủ tướng, nhưng không còn tác dụng. Ngày 16-1-1979, hoàng đế Mohammad Reza Pahlavi và bà vợ ba là Farah Diba bỏ chạy ra nước ngoài. Năm 1980 vị cựu hoàng chết ở Ai Cập. Trước đó, việc Khomeini thường xuyên lên tiếng trong chương trình tiếng Ba Tư của đài BBC đã khiến ông trở thành lãnh tụ tinh thần của phe đối lập. Mọi người đều tưởng sau khi phế truất hoàng đế, giáo trưởng 79 tuổi sẽ giữ vai trò một chính khách danh dự, không tham gia vào việc chính quyền. Trái lại, Khomeini trở về Iran vào ngày 10-2-1979, tuyên bố với quần chúng về một nước Iran mới, không còn ảnh hưởng của ngoại quốc và trung thành với Hồi giáo: “Từ nay trở đi tôi là người nắm quyền định đoạt chính phủ”. Sayyed Ruhollah Musavi Khomeini sinh vào khoảng năm 1900 tại làng Khomein ở miền Trung Iran. Ông tiếp tục truyền thống gia đình bằng cách theo học thần học, triết học và luật ở thành phố thiêng Qom. Vào những năm 1920, ông đạt chức giáo trưởng Ayatollah, chức cao nhất trong dòng giáo sĩ Shia, rồi ông hành nghề viết và dạy học. Ông còn là nhà thơ và đã xuất bản những tập thơ mang màu sắc Sufi thần bí. Ông bắt đầu được chú ý từ năm 1962 khi phản đối kế hoạch của hoàng đế giảm quyền sở hữu tài sản của giáo sĩ và giải phóng phụ nữ. Năm 1964 ông bị trục xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi chuyển sang Iraq. Năm 1978 ông bị Saddam Hussein trục xuất và phải chuyển sang Paris. Tiếp theo lời đồn đại ông là con của một điệp viên làm việc cho Anh, ngay trước khi cách mạng thành công, hoàng đế Pahlavi còn cho đăng những bài báo gọi ông là gián điệp của Anh. Điều này gây ra cơn thịnh nộ của nhà lãnh đạo cách mạng và những người ủng hộ ông. Năm 1979 Pahlavi bỏ chạy, Khomeini trở về và trở thành người lãnh đạo nhà nước giáo quyền cho đến khi mất vào năm 1989. Ngày nay ông được gọi là Imam Khomeini, được đặt lên bậc thánh nhân (Imam). Hầu như mọi thành phố Iran đều có đường phố mang tên Khomeini. Ông là người quyết định tuổi kết hôn cho phụ nữ là chín tuổi. Ông động viên thanh thiếu niên ra chiến trường chiến đấu chống quân Iraq với niềm tin tử vì đạo sẽ được lên thẳng thiên đường. Tháng 2-1989 ông cũng là người ra lệnh cho người Hồi giáo trên khắp thế giới xử tử nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie vì viết cuốn Những vần thơ ma quỷ (The Satanic Verses). Sau cách mạng, đương đầu với Mỹ và phương Tây Giáo trưởng Khomeini chủ trương: “Sau cách mạng lại đến cách mạng”. Mục tiêu của ông là dựng lên một nhà nước Cộng hòa Hồi giáo do tầng lớp giáo sĩ thống lĩnh và kiên quyết thực hiện điều này. Các nhóm chính trị như People’s Feda’iyin, Islamic People’s Mojahedin, Đảng Cộng sản Tudah từng sát cánh chống chính quyền của hoàng đế Pahlavi, đến lúc này bị dẹp bỏ. Giáo trưởng Taleqani vẫn được coi là vị anh hùng của cách mạng nhưng ý kiến đã giảm trọng lượng. Tháng 3-1979, sau một cuộc trưng cầu ý dân, có 98,2% dân chúng ủng hộ, nhà nước Cộng hòa Hồi giáo đầu tiên trên thế giới được tuyên bố thành lập vào ngày 31-3-1979. Giáo trưởng Khomeini trở thành lãnh tụ tối cao. Ngày 4-11-1979 một lực lượng sinh viên xông vào đại sứ quán Mỹ bắt giữ 52 người làm con tin, và chiếm sứ quán trong 444 ngày, cho đến 21-1- 1981. Tổng thống Jimmy Carter tổ chức một chiến dịch giải cứu con tin vào ngày 24-4-1980, nhưng chiến dịch phá sản vì các máy bay trực thăng bị trục trặc trong sa mạc Yazd ở miền Trung Iran. Trong thời gian này, Iran tổ chức bầu cử tổng thống và người được bầu là Abol Hasan Bani-Sadr, bạn của Khomeini từ thời lưu vong ở Pháp. Và thủ tướng là Mohammad Ali Rajai. Tám năm khốc liệt của cuộc chiến Iran - Iraq (1980-1988) Năm 1980, tổng thống Iraq Sadam Hussein tận dụng lúc nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vừa mới thành lập, đang bối rối về nhiều vấn đề, bèn tranh thủ chiếm lấy tỉnh Khuzestan có nhiều mỏ dầu, tuyên bố rằng đó là một vùng đất lịch sử thuộc về Iraq. Cuộc chiến tranh kéo dài tám năm, mỗi bên mất nửa triệu người. Cuộc xâm lược của Iraq khiến dân chúng Iran tập hợp lại để chống ngoại xâm và là cơ hội để truyền bá tinh thần cách mạng Hồi giáo bằng đấu tranh vũ trang. Iraq có lợi thế về vũ khí và phương tiện, nhưng phía Iran huy động được nhiều quân hơn, cộng với tinh thần cuồng nhiệt do sự hô hào của cánh giáo sĩ. Chiến sự rất dữ dội, khí độc được quân Iraq sử dụng ở các trận đánh trong chiến hào như từ thời Chiến tranh thế giới I. Lực lượng dân quân Basij lao vào trận với tinh thần quyết tử. Tháng 7-1982 Iran đẩy lùi được Iraq về bên kia biên giới. Nhưng Iran không chịu dừng lại để chấp nhận đình chiến mà tiếp tục tấn công, chiếm lấy Najaf và Karbala, những điểm hành hương quan trọng của dòng Hồi giáo Shia. Chiến tranh còn kéo dài thêm sáu năm nữa, cho đến khi một máy bay của hãng hàng không Iranian Airlines bị Hải quân Mỹ bắn rơi ở vịnh Ba Tư ngày 2-7-1988. Trong cuộc chiến tranh này, Iraq ném bom gần 3.000 làng xóm và 87 thành phố của Iran, hủy diệt hoàn toàn Adaban và Khorramshahr. Hàng triệu người Iran mất nhà cửa và việc làm. Khoảng 1,2 triệu người phải chạy khỏi khu vực chiến sự, nhiều người chuyển vĩnh viễn đến thành phố thiêng Mashhad ở vùng đông bắc. Giữa năm 1988, đàm phán đã dẫn đến đình chiến, nhưng việc trao trả tù binh còn kéo dài đến năm 2003. Người Iran gọi đây là cuộc chiến tranh “do Iraq phát động” và tác động của nó còn rất mạnh trong đời sống hàng chục năm sau. Trên các bức tường vẫn còn tranh cổ động vẽ hình các anh hùng liệt sĩ. Các phương tiện thông tin đại chúng vẫn tuyên truyền phỏng vấn cựu chiến binh của cuộc chiến tranh. Trong thời gian chiến tranh vẫn xảy ra những hoạt động phản kháng. Tháng 6-1981 một quả bom nổ trong trụ sở Đảng Cộng hòa Hồi giáo, giết chết người sáng lập là giáo trưởng Ayatollah Beheshti và 71 người khác, gồm cả bốn bộ trưởng. Tháng 8-1981, một quả bom nữa giết chết tổng thống Rajai và vị thủ tướng mới. Người ta quy trách nhiệm cho Islamic People’s Mojahedin (tổ chức Chiến binh của nhân dân Hồi giáo), từng là lực lượng tham gia cách mạng, nhưng nay là kẻ thù của cánh giáo sĩ. Cho đến cuối năm 1982, mọi sự chống đối tư tưởng của Khomeini đã bị dập tắt. Khamenei và chính sách đối nội Ngày 4-6-1989 giáo chủ Khomeini qua đời. Một đám tang chưa từng thấy trên thế giới với mười triệu người dự, trong một thủ đô lúc ấy là mười ba triệu người. Người ta chuyển nhau cỗ quan tài trên đầu để đi qua đám đông. Khi trực thăng được gọi đến thì quá muộn, quan tài đã đổ và người ta giành nhau xé lấy một mẩu vải liệm. Cương vị giáo chủ được chuyển sang cho cựu tổng thống Ali Khamenei. Giáo trưởng All Akbar Hashemi Rafsanjani được bầu làm tổng thống, bắt đầu hàng loạt cải cách kinh tế. Năm 1993 Rafsanjani được bầu lại làm tổng thống, bất kể nổi lên là người giàu nhất đất nước. Tư tưởng tôn giáo và xã hội vẫn mang tính cứng rắn nhưng chính sách đối nội nhiều tính thực dụng hơn trước. Chính sách bao gồm cả việc dùng phương pháp tránh thai để khắc phục sự tăng dân số quá mạnh. Chính sách mới cũng tập trung vào người nghèo: mang điện, nước, điện thoại và mở những con đường đến các vùng nông thôn bị bỏ quên từ thời Pahlavi. Năm 1995 Mỹ thực hiện cấm vận thương mại với Iran, lấy lý do Iran là nhà nước đỡ đầu cho chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Khatami và công cuộc cải cách Năm 1997 giáo trưởng Ayatollhah Hojjat-ol-Eslam Sayyed Mohammad Khatami giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống. Hầu như mọi người, đặc biệt là cánh giáo sĩ cầm quyền, đều ngạc nhiên. Khatami là người ôn hòa, cấp tiến và có đầu óc cải cách, nhưng dù sao vẫn là người của cánh giáo sĩ. Ông nghiên cứu thần học ở Qom, đã giữ những vị trí quan trọng trong thời kỳ chiến tranh Iran - Iraq, từng mười năm làm bộ trưởng bộ Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo cho đến khi bị buộc phải từ chức vào năm 1992 vì quá cấp tiến. Rất đột ngột, những luật lệ hà khắc về trang phục và giao lưu xã hội được nới lỏng. Phụ nữ, nhất là ở Tehran và các thành phố lớn, được phép trang điểm, mặc áo măng tô cải tiến thay cho áo choàng và nhuộm tóc… Tổng thống Khatami hứa hẹn “thay đổi từ bên trong” một chính sách để tránh đối đầu với cánh giáo sĩ và tạo thay đổi bên trong hệ thống thần quyền. Năm 2000 phe cải cách giành đa số áp đảo trong nghị viện và năm 2001 Khatami được bầu lại làm tổng thống với 78% số phiếu khiến cho dân chúng càng thêm hy vọng. Nhưng trong tổng số hàng trăm văn kiện pháp lý được nghị viện thông qua trong nhiệm kỳ bốn năm, hơn 35% văn kiện bị phe cứng rắn và Hội đồng giám hộ hiến pháp (Guardian Council) phủ quyết. Cho đến năm 2004, đời sống ở Iran khác nhiều so với trước. Phụ nữ có nhiều tự do hơn. Tự do hóa kinh tế có mức độ đã làm tăng trưởng kinh tế, hoạt động văn hóa nghệ thuật khá phát triển. Ngân sách lớn được rót vào hạ tầng cơ sở với việc mở thêm đường bộ, đường sắt và tàu điện ngầm ở bốn thành phố. Tháng 2-2004, trong cuộc bầu cử quốc hội, hơn 2.000 ứng cử viên cải cách, gồm cả 82 nghị sĩ đương nhiệm, bị Hội đồng giám hộ hiến pháp không cho ra tranh cử. Nhiều người cấp tiến phản đối bằng cách không chịu đi bầu. Cánh cứng rắn trở lại áp đảo và năm cuối cùng làm tổng thống, Khatami hầu như không làm được gì. Iran sau thời kỳ cải cách Tháng 5-2005 Mahmoud Ahmadinejad được bầu là tổng thống. Cựu sĩ quan Vệ binh Cách mạng và cựu thị trưởng Tehran, ông bị coi là nhẹ cân so với bảy ứng cử viên khác, chiến dịch tranh cử của ông không được giới quan sát chú ý. Xuất thân từ một gia đình thợ rèn, bất kể tinh thần tôn giáo cứng rắn, Ahmedinejad là hình ảnh người con của nhân dân, những người đang thất vọng và bất mãn về việc phái giáo sĩ, phái quân sự và đám thân cận của họ đang trở thành tầng lớp quý tộc mới. Ông là hình ảnh tương phản với cựu tổng thống Rafsanjani, người giàu nhất Iran. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ahmedinejad đã tỏ ra không theo lối thông thường. Thường xuyên hứa “đặt thu nhập dầu khí lên bàn ăn của nhân dân”, kích thích kinh tế và tăng việc làm, mặc dù từ ban đầu đã khó thực hiện. Chỉ trong mấy tháng, ông thay các quan chức có kinh nghiệm bằng phe cánh là cựu thành viên Vệ binh Cách mạng của mình. Việc làm không tăng mà lạm phát đã tăng. Dân chúng cho rằng có thể Ahmadinejad có thiện ý nhưng không đủ năng lực. Chỉ có chương trình năng lượng hạt nhân là vấn đề duy nhất ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ông trở nên nổi bật ở một đất nước mà Mỹ bị coi là ngạo mạn và đáng ghét. Những tuyên bố của ông về việc xóa sổ Israel gây ra tranh cãi, cả về việc lời lẽ bị dịch sai. Đa số người Iran không ấn tượng nếu không nói là bi quan trước vấn đề này. Người ta không tán thành việc đối đầu dẫn đến bị trừng phạt kinh tế, và gây nên ấn tượng mọi người Iran đều cuồng tín. Việc trừng phạt càng tăng thì giá dầu cũng tăng và phân phối theo chỉ tiêu cũng bắt đầu. Xin thị thực ra nước ngoài trở nên khó khăn và người bất đồng bị thành kiến. Đầu năm 2008, tại cuộc bầu cử nghị viện, các ứng cử viên cứng rắn lại chiếm đa số sau khi nhiều ứng cử viên cải cách bị loại khỏi vòng tranh cử. Có sự thay đổi đáng kể là cánh ủng hộ Ahmadinejad bị sa sút, phần nhiều bị phe cứng rắn thực dụng đánh bại. Tháng 5-2009, Ahmadinejad được bầu lại làm tổng thống. Phong trào đối lập coi đây là cuộc bầu cử gian lận và huy động được hàng vạn người xuống đường biểu tình. Chính quyền ra tay dẹp bỏ và phong trào hầu như bị lắng xuống trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của Ahmadinejad. Tuy nhiên việc chính quyền bỏ bao cấp dần dần trong năm năm (tổng bao cấp là 100 tỉ USD/năm), bắt đầu từ 2011, và việc quản lý kinh tế không hiệu quả làm giảm sự ủng hộ của dân chúng. Cánh giáo sĩ cứng rắn ngày một mạnh lên, kiểm soát chặt chẽ chính phủ, loại bỏ vây cánh của tổng thống, không cho tìm cách đàm phán với Mỹ… khiến Ahmadinejad trở nên bất lực vào cuối nhiệm kỳ. Cuộc bầu cử nghị viện ngày 2-3-2012 (vòng một) và ngày 3-5-2012 (vòng hai) thể hiện thắng lợi của phe giáo sĩ cứng rắn trước phe của tổng thống Ahmadinejad. Cuộc bầu của tổng thống ngày 14-6-2013, người giành thắng lợi là ông Hassan Rohani (Rowhani, Rouhani), một giáo sĩ ôn hòa, chủ trương làm cầu nối giữa các quan điểm khác biệt và tránh chủ nghĩa cực đoan. Trong sáu ứng cử viên tổng thống, ông không được giới quan sát chú ý nhiều như các ứng cử viên bảo thủ. Ông Hassan Rohani sinh năm 1948, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Tehran, chuyên ngành luật, có bằng thạc sĩ và tiến sĩ của Đại học Tổng hợp Glasgow Caledonian ở Scotland. Ông Rohani trong khi tranh cử đã hứa hẹn trong nhiệm kỳ 2013- 2017 sẽ giảm căng thẳng với Mỹ và phương Tây, phục hồi nền kinh tế và thiết lập quan hệ tương tác mang tính xây dựng với thế giới. Không có biểu tình phản đối như năm 2009, trái lại người dân Iran đã đổ ra đường chào mừng thắng lợi của cuộc bầu cử, bày tỏ hy vọng vào sự cải thiện tình hình kinh tế xã hội. Tuy vậy, chính sách đối nội và đối ngoại vẫn khó đi chệch ra bên ngoài quỹ đạo của lãnh tụ tối cao. Đàm phán hạt nhân giữa Iran với Mỹ và phương Tây được chờ đợi có tiến triển chậm từng bước, được như vậy thì việc cấm vận và trừng phạt kinh tế của Mỹ cùng đồng minh mới có triển vọng giảm nhẹ. Mối đe dọa bị Mỹ, Israel cùng đồng minh tấn công vẫn thường xuyên còn đó và Iran luôn ở trong khả năng có thể xảy ra xung đột quân sự với những nước này. Các triều đại và các chế độ chính trị trong lịch sử • Triều Achaemenid: 550-330 trước Công nguyên. - Cyrus Đại đế (Cyrus đệ nhị): cầm quyền 559-530 - Cambyses: 529-522 - Darius Đại đế (Darius đệ nhất): 522-486 - Xerxes: 486-465 - Artaxerxes I: 465-425 - Darius đệ nhị: 424-405 - Artaxerxes đệ nhị: 405-359 Kinh đô đặt tại Shush, Babylon (Iraq) và Persepolis (ngoại ô Shiraz, Iran). • Triều Seleucid: 323-162 trước Công nguyên. • Triều Parthia: 247 trước CN đến 224 Công nguyên. - Mithridates: 171-138 trước CN - Mithridates đệ nhị: 123-88 trước CN Kinh đô đặt tại Rey (Tehran) và Ctesiphon (Iraq). • Triều Sassania: 224-642 Công nguyên - Ardashi đệ nhất: 224-241 - Shapur đệ nhất: 241-272 - Shapur đệ nhị: 310-379 - Khusro đệ nhị: 590-628 Kinh đô đặt tại Firuz Abad và Ctesiphon. • Triều của người Arab và Thổ Nhĩ Kỳ: 642-1051. - Quân vương Hồi giáo Umayyad: 642-750. Kinh đô ở Damascus (Syria ngày nay) - Quân vương Hồi giáo Abbasis: 750-830. Kinh đô ở Baghdad (Iraq) trong suốt thế kỷ IX. Cai trị từng vùng riêng rẽ. - Tahirid: 820-872 - Saffarid: 868-903 - Samanid: 874-999 - Ziarid: 928-1077 - Buyid: 945-1055 - Qaznavid: 962-1140 • Triều Seljuk: 1051-1220 - ToghrolBeik: 1037-1063 - Malek Shah: 1072-1092 Kinh đô ở Esfahan (Iran). • Triều Mongol Ilkhanid (Tiểu Hãn Mông Cổ): 1256-1335. - Hulagu Khan: 1256-1265 - Ghazan Khan: 1295-1304 - Oljeitu Khan: 1304-1316 Kinh đô ở Marghe, Soltanieh (Iran). • Triều Timurid: 1380-1502. - Tamerlane: 1380-1405 - Shahrokh: 1405-1447 Cai trị từ Samarkand (Uzbekistan), Herat, Qazvin (Iran). • Triều Safavid: 1502-1736. - Ismail Savafi: 1502-1524 - Tahmasp: 1524-1576 - Abbas Đại đế (Abbas I): 1587-1629 Kinh đô ở Tabriz, Qazvin, Esfahan (Iran). • Triều Nader Shah: 1736-1747. Kinh đô ở Mashhad (Iran). • Thời kỳ Zand: 1750-1795. - Karim Khan Zand: 1750-1779 - Lotf Ali Khan: 1779-1795 Kinh đô ở Shiraz (Iran). • Triều Qajar: 1795-1925. - Aga Mohammad Khan: 1795-1796 - Fath Ali Shah: 1797-1834 - Nasser al-Din Shah: 1848-1896 Kinh đô ở Tehran. • Triều Pahlavi: 1925-1979. - Reza Shah: 1925-1941 - Shah Mohammad Reza: 1941-1979 Thủ đô ở Tehran. • Cộng hòa Hồi giáo Iran: từ 1979 đến nay. - Giáo chủ Imam Khomeini: 1979-1989 - Giáo chủ Imam Khamenei: 1989 đến nay (2013) Thủ đô: Tehran. Đạo Hồi ở một đất nước thần quyền Người theo đạo Hồi chiếm 99,4% trong khoảng 75 triệu người Iran (số liệu năm 2011). Trong số đó, 90% người theo dòng Shia, số còn lại theo dòng Sunni. Vì vậy, chính thể Hồi giáo của Iran là chính thể hiếm hoi trên thế giới theo dòng Shia. Hiến pháp quy định tự do tín ngưỡng, mọi tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhưng trong một số hoàn cảnh, người nước ngoài nếu tự nhận mình là vô thần, hoặc theo thuyết bất khả tri, thì sẽ gây ra sự khó hiểu một cách không cần thiết. Luật Hồi giáo cấm uống rượu. Người theo đạo Hồi cũng kỵ thịt lợn, tiết động vật và bất cứ thịt động vật nào không được xử lý theo quy cách tôn giáo. Thực phẩm sạch được giết mổ theo quy định tôn giáo gọi là thực phẩm halal. Người Hồi giáo không ăn thịt lợn vì lợn bị coi là giống vật bẩn thỉu, không phải bởi lý do chuồng trại mà vì lối sống tạp giao của chúng. Sự sáng lập đạo Hồi Trong tất cả các tôn giáo ở châu Á, Hồi giáo là tôn giáo trẻ tuổi bậc nhất và phổ biến bậc nhất. Hồi giáo chiếm địa vị độc tôn ở vùng Bắc Phi và Tây Á, là tôn giáo chính ở các nước Đông Á và Nam Á như Bangladesh, Pakistan, Malaysia và Indonesia. Cộng đồng Hồi giáo ở Ấn Độ có khoảng 150 triệu người, là một trong những cộng đồng đạo Hồi lớn nhất thế giới. Giáo chủ Mohammed, người sáng lập Hồi giáo, sinh năm 570 tại Mecca, nay thuộc Saudi Arabia. Năm 610, ông tiếp nhận được sự khai minh đầu tiên từ đấng Allah (Chúa Trời). Cuộc tiếp xúc này và những lần sau đó, được ông truyền giảng lại và đồ đệ của ông soạn thành cuốn kinh Koran. Thực hiện sứ mệnh của mình, Mohammed bắt đầu giảng đạo và lấy Mecca làm trung tâm. Tín đồ Hồi giáo là những người theo thuyết đơn thần một cách nghiêm ngặt, chỉ coi Allah là đấng tối cao, không công nhận một thần thánh nào khác. Họ cho rằng nhận thức thánh thần thông qua hình ảnh là tội lỗi. Giáo huấn của đạo Hồi liên quan chặt chẽ với kinh Cựu ước. Jesus Christ và Moises cũng được coi là những đấng tiên tri của đạo Hồi, mặc dù Jesus không phải là con của Chúa Trời. Năm 622, Mohammed và các tín đồ phải bỏ chạy khỏi Mecca vì đã đối đầu với chính quyền địa phương. Theo cách nhìn của tín đồ Hồi giáo thì sự ra đi này đánh dấu cuộc dấn thân lên đường đi tới chinh phục đức tin của thế giới. Vì vậy ở một số nước, lịch Hồi giáo được bắt đầu từ năm 622, gọi là A.H. (Anno Hegirae, nghĩa là năm Hijra - di cư). Mohammed và tín đồ tới “thành phố ánh sáng” Medina, từ đó liên tiếp gần mười năm, họ thực hiện nhiều cuộc tấn công vũ trang vào chính quyền và giới thương nhân trong khu vực. Đến năm 630 thì lực lượng đã lớn mạnh, hơn 10.000 quân của Mohammed quay lại chiếm Mecca. Mohammed qua đời năm 632, nhưng chỉ trong vòng hai thập kỷ, đạo Hồi đã được truyền bá rộng rãi trong thế giới Arab. Tín ngưỡng đạo Hồi còn đi xa hơn phạm vi tín ngưỡng của một tôn giáo ở chỗ kêu gọi các tín đồ: khi cần thiết, hãy dùng cả thanh kiếm để truyền giáo và bảo vệ đạo. Trong thời cực thịnh, đạo Hồi đã phát triển qua ba lục địa. Người Arab, những tín đồ đầu tiên của đạo Hồi, nổi tiếng là tàn bạo nếu ai đó chống lại họ, nhưng cũng là những ông chủ công bằng nếu người ta chịu quy phục. Vì vậy ở nhiều nơi, dân chúng cho rằng tốt hơn hết là chịu đầu hàng. Bằng cách này, tín đồ đạo Hồi đã đè bẹp sự chống trả của đế chế Byzantine (Thổ Nhĩ Kỳ, khi ấy còn gọi là La Mã ở phía Đông) đang mục nát, có một ông vua theo đạo Thiên Chúa, và không được dân chúng ủng hộ. Đạo Hồi sang phương Tây trong khoảng một trăm năm, rồi bị đẩy lùi ở Poitiers (Pháp) năm 732, nhưng tiếp tục lan tràn khắp phương Đông, kéo dài hàng thế kỷ. Hồi giáo khôi phục đế chế Ba Tư, nhưng đế chế này đã suy tàn sau những cuộc chiến tranh triền miên với người Byzantine. Năm 711, người Anh đến Tây Ban Nha, cùng lúc cho tàu buôn kéo đến sông Indus ở Ấn Độ. Đây là một cuộc tập kích ngẫu nhiên hơn là một cuộc chinh phục quy mô xứ Ấn. Nhưng đến thế kỷ XII, toàn bộ miền bắc Ấn Độ lại rơi vào tay đạo Hồi. Cuối cùng, một đế chế Moghul (của đạo Hồi) đã thống trị hầu khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Từ đây, đạo Hồi được người Ấn Độ truyền bá sang Đông Nam Á. Hai giáo phái chính Ngay từ thời kỳ đầu, trong đạo Hồi đã có chia rẽ và các giáo phái tồn tại cho đến ngày nay. Năm 656, Caliph (vị quân vương Hồi giáo) thứ ba, tên là Uthman, người nối nghiệp của ngôn sứ Mohammed, bị con rể là Ali giết chết và thế chân. Năm 661, Ali bị Suria ám sát và Suria tự phong là Caliph. Hầu hết tín đồ đạo Hồi hiện nay thuộc dòng Sunni, tín đồ của Caliph này. Số còn lại là dòng Shia, tín đồ theo Ali. Đạo Hồi có nhiều giáo phái, trong đó Sunni và Shia là hai dòng lớn. Sunni là dòng chính thống, lớn nhất, chiếm đa số ở hầu hết các nước theo đạo Hồi. Chữ Sunni xuất phát từ thuật ngữ tiếng Arab có nghĩa là “người của truyền thống và giáo hội”, hàm ý thuộc về ngôn sứ Mohammed. Nó cũng hàm nghĩa “tập quán” và “thực hành thường xuyên”, để nhắc nhở đến giáo huấn và tập quán của Mohammed sinh thời. Shia là dòng lớn thứ hai, tách ra từ Hồi giáo nguyên thủy. Shia là chữ viết tắt, nghĩa là “đồ đệ của Ali”, “dòng Ali”. Người theo dòng Shia gọi là Shiite, tin rằng Ali (em họ và là con rể của Mohammed) là Đức thánh Imam đầu tiên (trong hệ thống mười hai Imam), là người kế tục thực sự của Mohammed. Vì vậy Ali là người quan trọng thứ hai, sau Mohammed. Shia hiện chỉ chiếm đa số ở một số nước: ở Iran: khoảng 89% dân số, ở Iraq: 65-70%, Bahrain: 70%, Azerbaijan: 65-75%. Sufi là dòng Hồi giáo đặc biệt, sản phẩm thần bí của Hồi giáo Iran. Dòng Sufi cho rằng Chúa Trời là ngọn đèn sáng ở trong tâm của tín đồ và tâm phải đủ trong để có thể tiếp nhận nguồn sáng này. Linh hồn con người tách rời với Đấng Sáng Tạo, luôn tha thiết tìm về nguồn, để rồi khi tìm được, linh hồn lại tan hòa vào trong lòng Đấng Sáng Tạo. Dòng Sufi cũng chia thành nhiều nhóm và không xung khắc với Sunni và Shia. Một số thi sĩ và nhà tư tưởng của Iran có xu hướng thần bí Sufi là Rumi, Saadi, Hafez, Sohrevardi, Ghazali, Attar. Giáo phái Mười hai Imam Dòng Hồi giáo Shia chia làm nhiều nhánh, nhưng nhánh Mười hai Imam là giáo phái đông tín đồ nhất, chiếm đa số ở Iran. Tín đồ của giáo phái này tin rằng sau khi ngôn sứ Mohammed qua đời, sự dẫn dắt tinh thần đúng đắn được truyền cho mười hai ngôn sứ kế tục, gọi là mười hai Imam. Imam có nghĩa là người dẫn lối hoặc là bậc thánh. Ở Iran, tín đồ thường chỉ tưởng niệm ba vị Imam chính: 1. Ali, Imam đầu tiên (600-661). 2. Hossein, Imam thứ ba (626-680). 3. Reza, Imam thứ tám (765-818) - vị duy nhất trong số mười hai Imam qua đời ở Iran và được an táng tại thành Mashhad. Vì thế, Mashhad trở thành thành phố thiêng nhất của người Hồi giáo Iran và dòng Shia trong khu vực Trung Đông. Trong số mười hai Imam, lễ tưởng niệm Imam Hossein là ấn tượng nhất. Tín đồ Hồi giáo Iran làm lễ tưởng niệm Đức Imam trong mười ngày, đỉnh cao là ngày thứ mười, gọi là Ashura. Năm 680 vào tháng Moharram (khoảng đầu tháng 12) Imam Hossein và 72 tín đồ bị bao vây suốt mười ngày tại Karbala, ngày nay thuộc Iraq, rồi bị tàn sát vào ngày thứ mười. Lễ Ashura thường được tổ chức khắp các phường xã. Trong những ngày này, ngay cả tại công sở, tín đồ để tang bằng y phục màu đen. Họ tham gia những cuộc diễu hành trên đường, dùng dây xích đầu có dao nhọn tự quất vào người mình và than khóc thực sự. Có người còn đi chân trần trên than cháy đỏ và khiêng mô hình quan tài Imam Hossein, gọi là Tazia. Hành động tử vì đạo của mười hai Imam có ảnh hưởng lớn đến tinh thần hy sinh quên mình của tín đồ Hồi giáo Iran, đặc biệt là trong chiến tranh hiện đại. Vị Imam thứ mười hai có một tung tích bí ẩn. Ngài tên là Mahdi, còn được gọi là Valiasr, nghĩa là “Người dẫn lối của thời đại”. Sinh năm 868, ngài bắt đầu rút vào ở ẩn từ năm lên sáu tuổi, năm 874, rồi tiếp tục làm người dẫn lối cho tín đồ Shia đến tận ngày nay. Người ta tin rằng Imam Mahdi rốt cuộc sẽ trở lại trần thế, có Đức Jesus đi cùng, để dẫn dắt thế gian đến với hòa bình và chính đạo. Tín đồ Shia tin rằng chỉ có các vị Imam mới có thể giảng giải kinh Koran, còn giới giáo sĩ là đại diện cho các Imam nơi trần thế cho đến khi Đức Imam ẩn tu trở lại với thế gian. Giáo chủ Khomeini (1900-1989) sau khi mất cũng được kính cẩn gọi là Imam. Sự hình thành và phát triển Hồi giáo ở Iran Hồi giáo chính thức xuất hiện tại Iran vào khoảng năm 640 Công nguyên, tuy nhiên vài trăm năm sau đó, dòng Shia mới tập hợp thành đa số, trở thành một thế lực tôn giáo và chính trị ở Iran. Hiện tại Iran là quốc gia Hồi giáo do dòng Shia cầm quyền. Trong lịch sử Hồi giáo dòng Shia, quốc gia đầu tiên có Shia chiếm đa số là Idrisid (nay là Marôc và Algeria). Khi lên ngôi ở Iran, triều đại Alavid (864-928) đã lấy Hồi giáo Shia làm tôn giáo chính (theo hệ Năm Imam - Fiver). Hồi giáo Shia sau đó truyền sang Iraq cho đến năm 1048, thời kỳ Hồi giáo dòng Sunni lên nắm quyền, dưới triều đại Qaznavid (962-1140). Năm 1301, khi vua Mông Cổ lúc đó là Ghazan cải sang Hồi giáo Shia thì Iran mới chính thức coi Shia là quốc đạo. Những mốc quan trọng của Hồi giáo Iran Thế kỷ VII, một số tín đồ Hồi giáo thuộc bộ lạc Ashari từ Iraq di cư vào Iran, đến thành phố Qom, đặt nền móng đầu tiên cho Hồi giáo Shia ở Iran. Thế kỷ XI và XII: dòng Shia truyền thống ở Baghdad và Najaf, thuộc Iraq ngày nay, ảnh hưởng mạnh đến Iran. Thế kỷ XIV: Iran chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Hillah. Thời kỳ triều Safavid trị vì (1502-1629): Iran chịu ảnh hưởng dòng Shia của Jabal Amel và Bahrain. Khi đó Ismail I đã chiếm Tabriz vào năm 1501 và thành lập triều đại Safavid, tuyên bố Hồi giáo hệ Mười hai Imam là quốc giáo, buộc tín đồ dòng Sunni cải sang Shia và giết hàng nghìn người không theo Shia. Ismail đưa những giáo sĩ Shia từ Bahrain, Iraq, Syria, Libăng vào truyền giáo và muốn truyền sang cả bộ lạc Turkmen, do đó đã gây chiến với đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến thời kỳ sau, Tahmasb củng cố vương triều Safavid và truyền bá rộng rãi Shia ra khắp Iran. Dưới thời đại vua Abbas I, Iran phát triển dòng Shia đến tầng lớp quý tộc, còn giáo sĩ Allamah al-Majlisi đã làm cho Shia trở nên đại chúng (1680-1698). Từ đó, qua nhiều thăng trầm, dòng Shia ở Iran vẫn theo đuổi tư tưởng Mười hai Imam. Chính tư tưởng Mười hai Imam đã đóng vai trò quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, lật đổ vua Pahlavi và đưa đất nước Iran đi theo hình thái Cộng hòa Hồi giáo. Lãnh tụ tối cao lúc đó là giáo chủ Khomeini đã kêu gọi đoàn kết giữa Sunni và Shia để không tạo ra sự thù địch giữa hai dòng của nội bộ Iran. Nhưng trên thực tế, dòng Sunni vẫn ở trong tình trạng yếu thế hơn. Trong số mười hai Imam chỉ có một mình Imam thứ tám là Imam Reza được táng tại thành phố Mashhad. Những Imam khác có lăng mộ ở Iraq và Saudi Arabia. Người theo dòng Sunni chiếm khoảng 9% dân số Iran - phần lớn là người Turk, thiểu số Arab ở Hormozgan, người Balooch, người Kurd ở các tỉnh biên giới của Iran. Ngoài ra, tại Iran còn có khoảng 2 đến 5 triệu tín đồ Hồi giáo dòng Sufi, không được khuyến khích về mặt tôn giáo. Trong quốc hội cũng có một ít nghị sĩ theo dòng Sunni. Hoạt động của các tổ chức Hồi giáo cấp tiếp tại Iran Có một số tổ chức Hồi giáo cấp tiến tại Iran, song không có nhiều hoạt động. Mỗi khi có bầu cử tổng thống hoặc quốc hội, các tổ chức này đứng ra tổ chức hoạt động tuyên truyền, kêu gọi mọi người theo dòng Shia có nghĩa vụ với đất nước, kêu gọi ủng hộ lãnh tụ tối cao, không đi chệch hướng, có các bài phát biểu ca ngợi dòng Shia ở Iran. Các tổ chức này không có nhiều thành viên. Tại Iran, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay lãnh tụ tối cao, mặc dù về lý thuyết, tôn giáo và chính trị tách rời nhau. Do đó, các tổ chức tôn giáo cấp tiến đều được định hướng và phục tùng tuyệt đối lãnh tụ tối cao. Bên cạnh đó, họ cũng không có nhiều vấn đề và lĩnh vực để hoạt động. Năm trụ cột của Hồi giáo 1 - Phải tuyên thệ rằng “Không có thần thánh nào khác ngoài Đức Allah, và Mohammed là ngôn sứ của Người” (La ilaha ilia Allah, Mohammad rasul Allah - There is no God but Allah and Mohammad was his Prophet). Lời tuyên thệ phải được nói một cách kính cẩn và thành thực, không phải do ép buộc. Ý nghĩa của tuyên thệ là tin rằng mục đích duy nhất của cuộc đời là phục vụ Đức Chúa Trời và tuân phục Chúa Trời. Việc tuân phục này được thực hiện bằng cách noi gương ngôn sứ Mohammad, người vẫn luôn dẫn dắt toàn thể nhân loại, cho đến ngày phán xử cuối cùng. 2 - Mỗi ngày cầu kinh Koran năm lần. Người theo dòng Shia có thể chỉ cầu kinh ba lần. Cầu kinh là nghĩa vụ của con người trước Đức Allah. Cầu nguyện củng cố và thúc đẩy đức tin vào Chúa Trời, tạo cảm hứng cho con người hướng đến đạo đức. Việc cầu nguyện thanh lọc tâm hồn, ngăn chặn cám dỗ dẫn đến cái ác và làm việc xấu. Đàn ông nên cầu nguyện ngày năm lần tại nhà thờ, giữa giáo đoàn. Phụ nữ có thể cầu nguyện ở bất cứ đâu thuận tiện. Giáo đường là nơi trong sạch dành cho việc cầu nguyện. Giáo đường trên thế giới thường có những nét kiến trúc khác nhau, phù hợp với bản địa. 3 - Nhịn ăn vào ban ngày, trong tháng Ramadan (tháng thứ chín của lịch Hồi giáo). Người Hồi giáo phải nhịn ăn và tính dục, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Việc nhịn ăn nhằm tránh những ý đồ và ham muốn xấu xa. Nhịn ăn chủ yếu để dạy cho người ta lòng từ bi, thành thật và đức hy sinh, thúc đẩy ý thức xã hội, đức khoan dung, sự quên mình, đồng thời tăng cường sức mạnh ý chí. Nó còn giúp cho người khá giả đồng cảm với khó khăn của người nghèo đói. 4 - Làm từ thiện hoặc bố thí. Người Hồi giáo có bổn phận mỗi năm dành ra từ 2,5% đến 10% thu nhập cá nhân để làm từ thiện. Đây là cách để thực hiện nghĩa vụ tôn giáo và làm trong sạch tài sản mà mình kiếm được. Khoản tiền được trao trực tiếp cho người nghèo trong cộng đồng. Người Hồi giáo có nghĩa vụ giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi để giảm bớt bất công. 5 - Trong đời người, phải hành hương đến Mecca hoặc một thánh địa đạo Hồi khác. Gần 1.400 năm qua, những cuộc hành hương Haji đã tạo dựng tinh thần huynh đệ Hồi giáo. Người Hồi giáo đến Mecca ở Saudi Arabia để kính cẩn cầu nguyện trước Ka’bah, được coi là ngôi nhà của Chúa Trời. Vào dịp hành hương này thường có khoảng ba triệu người khắp thế giới đến, vây quanh Ka’bah để cầu nguyện. Những người đã hành hương đến Mecca trở thành Haji (người đã đến Mecca, đã đắc đạo). Kinh Koran (Quran) Kinh Koran (còn phiên âm là Quran, ở đây thống nhất sử dụng phiên âm tiếng Anh) bằng tiếng Arab với khuôn khổ chuẩn gồm 600 trang, 114 chương, 6.236 câu thơ. Độ dài của từng chương không đều nhau. Chương dài nhất có 286 câu, chương ngắn nhất chỉ có 3 câu. Toàn bộ văn bản được coi là bản kinh thiêng cuối cùng của Chúa Trời, do Đại Thiên sứ Gabriel khải thị truyền xuống cho ngôn sứ Mohammed vào năm 610, khi Mohammed bốn mươi tuổi. Việc khải thị kéo dài hai mươi hai năm, cho đến khi Mohammed qua đời năm 632. Mohammed không phải là người có chữ, như truyền thống của nhiều hiền triết thời ấy. Vì vậy các tín đồ của ông đã ghi nhớ những lời ông được khải thị và chép lại thành sách. Hai năm sau khi Mohammed qua đời, vị quân vương Hồi giáo đầu tiên Caliph Abu Bakr đã soạn thành sách Koran, làm cơ sở cho những văn bản Koran được phát hành trong các phố thị Hồi giáo dưới thời Uthman, vị Caliph thứ ba. Văn bản kinh Koran được giữ gìn cẩn thận và tồn tại nguyên bản cho đến ngày nay. Kinh Koran tạo ra một truyền thống thư pháp, sáng tạo ra mẫu chữ đẹp để chép lại những vần thơ trong Koran. Có nhiều trường phái thư pháp khác nhau ở nhiều nước, tất cả đều sáng tạo trên mẫu tự Arab, nhưng nhiều người cho rằng trường phái thư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đẹp bậc nhất: “Kinh Koran được khải thị ở Mecca, được đọc lên hay nhất ở Ai Cập, và được viết ra đẹp nhất ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ” (The Koran was revealed in Mecca, read in Egypt, and written in Istanbul). Bên cạnh vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca, Koran còn miêu tả những hiện tượng tự nhiên như thiên văn học, địa chất học… Thông điệp chính của Koran là kêu gọi con người hãy hướng về Cội nguồn của mọi chúng sinh và Đấng trao tặng sự sống bằng tấm lòng trong sáng, không thờ thần tượng và không mê tín. Koran bác bỏ khái niệm cứu rỗi từ bên trên và bác bỏ đặc quyền cho một thiểu số người, một chủng tộc, một sắc dân. Sự cứu rỗi tinh thần chỉ đạt được bằng nỗ lực sửa chữa lỗi lầm của bản thân và thành thực quyết tâm không lặp lại sai lầm. Đạo Hồi không quan niệm có một địa vị giáo sĩ chính thức, và danh xưng Imam chỉ đơn giản là người có học hướng dẫn tín đồ cầu nguyện. Người có lỗi chỉ cần trực tiếp xưng tội trước Đấng Allah. Nhìn chung Koran là sự hướng dẫn bao quát cho tất thảy mọi người, không đặc biệt dành riêng cho một loại người nào, không riêng cho một nơi chốn hoặc một thời đại nào. Bản kinh khích lệ con người suy tư về chính mình, về sự tồn tại, về những giá trị do chính mình tạo nên: về hạt giống gieo trồng, về cơm ăn áo mặc, về những hiện tượng tự nhiên… Koran nhấn mạnh rằng tri thức và lý trí là con đường hữu hiệu dẫn đến đức tin và ý thức về Chúa Trời. Nhìn chung kinh Koran đòi hỏi con người có những hành động đúng đắn, và nghiêm cấm làm điều ác bằng cách chỉ ra một con đường ngay thẳng trong cuộc sống. Sách cũng mang đến câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản về sự tồn tại từ nay về sau, và ý nghĩa cuộc sống. Koran cũng là khuôn khổ cho sự tồn tại của cá nhân, về môi trường, về xã hội và tổng thể của sự sáng tạo. Trong kinh Koran có mười điều răn mà tín đồ phải ghi nhớ suốt đời: 1. Chỉ tôn thờ một đấng Chúa Trời. 2. Kính trọng cha mẹ. 3. Tôn trọng quyền của mọi người. 4. Làm từ thiện và bố thí cho người nghèo khó. 5. Không giết người, trừ hoàn cảnh bắt buộc. 6. Không được ngoại tình. 7. Che chở và trợ cấp cho trẻ mồ côi. 8. Xử sự công bằng với mọi người. 9. Tâm và trí phải trong sạch. 10. Duy trì một cuộc sống khiêm tốn. Những tôn giáo có cộng đồng nhỏ Nhìn vào cơ cấu tôn giáo, ta thấy ở Iran, Hồi giáo chiếm đa số áp đảo: 98% dân số (trong đó 89% theo dòng Shia, 9% theo dòng Sunni, còn lại là các dòng nhỏ). Chỉ có 2% cho các tôn giáo khác (bao gồm Hỏa giáo, Do Thái giáo, Thiên chúa giáo, Bahai giáo…) Người Iran có tinh thần bao dung tôn giáo. Ngay từ thời đạo Hồi bắt đầu vào xứ Ba Tư và trở thành tôn giáo chính, người Iran vẫn có thái độ dung hợp đạo Thiên Chúa và đạo Do Thái, cùng Hỏa giáo là tôn giáo có sẵn ở bản địa. Giáo sĩ của các tôn giáo được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự và có thể tranh cử vào nghị viện. Bao dung tôn giáo, nhưng người Iran chỉ khích lệ cải đạo sang Hồi giáo, đồng thời có thể áp dụng án tử hình cho người cải đạo ngược từ Hồi giáo sang các tôn giáo khác. Vụ mục sư Youcef Nadarkhani là một ví dụ: tháng 10-2009 ông bị bắt và bị tuyên án tử hình vì năm mười chín tuổi ông đã cải sang Thiên Chúa giáo. Sau đó ông trở thành mục sư của một cộng đồng nhỏ Thiên Chúa giáo gọi là Giáo hội Iran. Tháng 7-2011 tòa án tối cao Iran đã lật ngược án tử hình và trả vụ việc về cho tòa án ở thành phố quê hương ông là Rasht, thuộc tỉnh Gilan. Cuối tháng 9-2011, án đã được xử lại nhưng không công khai. Các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều phản đối án tử hình này. Ngày 28-4-2012 mục sư Terry Jones ở bang Floria, Mỹ, đã đốt mấy bản kinh Koran và hình nhân ngôn sứ Mohammad để phản đối việc Iran giam giữ mục sư Youcef Nadarkhani. Hiện tại, đạo Bahai bị đặt ngoài vòng pháp luật. Hỏa giáo có thể bị kỳ thị ở vùng sâu vùng xa, nơi tín đồ Hỏa giáo không được chung đụng mua bán cùng cửa hàng cửa hiệu với người Hồi giáo. Đạo Do Thái cũng gặp những khó khăn nhất định trong thực hành tín ngưỡng. Hỏa giáo, hay là đạo thờ lửa Hỏa giáo, hay Bái hỏa giáo, là tôn giáo đơn thần đầu tiên của nhân loại, cũng là một trong những tôn giáo lâu đời nhất. Hỏa giáo do giáo sĩ Zarathustra sáng lập khoảng hơn 1.500 năm trước Công nguyên, từng là tôn giáo chính trên toàn xứ Ba Tư, tận đến khi người Arab mang Hồi giáo đến vào giữa thế kỷ VII. Giáo chủ sáng lập Hỏa giáo tên là Zarathustra (Zartosht hoặc Zoroaster), từ đó mà tôn giáo này có tên là Zoroastrianism. Hỏa giáo thờ thần lửa Ahura Mazda là vị thần có quyền lực tuyệt đối. Từ tên của vị thần lửa Mazda, người ta còn gọi Hỏa giáo là Mazdaism, hoặc Magism (danh xưng của các giáo sĩ cổ đại là Magi). Trong các đền thờ Hỏa giáo, thần lửa được biểu tượng bằng ngọn lửa vĩnh cửu. Ngọn lửa trong ngôi đền Ateshkadeh ở thành phố Yazd có từ năm 470 Công nguyên, truyền qua nhiều nơi, trước khi được lấy về đền này vào đầu thế kỷ hai mươi. Mặc dù chỉ còn là một tôn giáo nhỏ, nhưng Hỏa giáo vẫn để lại ảnh hưởng nhất định trong đời sống dân chúng Iran. Tết mừng năm mới Noruz vào dịp 21-3 hàng năm, ngày Tết quan trọng nhất của Iran, có nguồn gốc từ Hỏa giáo. Năm 2004, Tết Noruz được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Vào ngày thứ tư trước năm mới, gọi là Chaharshanbe Soori, dân chúng Iran tụ tập vui chơi, nhảy qua đống lửa. Một ngày lễ nữa của Hỏa giáo cũng đã trở thành ngày lễ chung của dân tộc là lễ kỷ niệm đông chí Shab-e yalda. Kinh thánh của Hỏa giáo là Zend-Avesta, miêu tả sự xung đột thường xuyên giữa thiện và ác. Con người tin vào sự chiến thắng của cái Thiện trước cái Ác, bằng cách tuân theo các nguyên tắc: - Humata: ý nghĩ đẹp - chính tư duy. - Hukta: lời nói hay - chính ngữ. - Huvarshta: việc làm tốt - chính nghiệp. Trong các đền thờ Hỏa giáo thường có hình ảnh biểu tượng cho linh hồn của con người sau khi chết và đến được với thần lửa Mazda. Biểu tượng này gọi là Fravahar, trong hình dạng một ông già, tượng trưng cho sự uyên thâm. Ba lớp lông vũ trên đôi cánh của người này tượng trưng cho ba nguyên tắc về ý nghĩ, ngôn từ và hành vi - tất cả đều phải thanh sạch. Người này mang hai cái đuôi dài, ở đằng trước là tượng trưng cho Trí Thiện (Vohu Mano - Good Mind), ở đằng sau thì tượng trưng cho Trí Ác (Ahem Nano - Bad Mind). Thiện và Ác là hai mặt cùng tồn tại trong một linh hồn - đó là quan điểm mang tính nhị nguyên của Hỏa giáo. Hỏa giáo tôn thờ sự sạch sẽ của đất, của nước, của lửa và không khí… Vì vậy người ta không hỏa táng để làm ô uế lửa và không khí, không thủy táng để làm ô uế nước, không mai táng để làm ô uế đất. Tín đồ Hỏa giáo thực hiện việc thiên táng: họ xây những khu thiên táng trên đỉnh núi, xa vùng dân cư, đặt tử thi vào đấy cho kền kền và thú hoang rỉa sạch, rồi thu nhặt xương cốt bỏ vào một cái giếng cạn ở đó. Khu vực thiên táng này gọi là Tháp Bình Yên (Tower of Silence). Tuy vậy, tục thiên táng không phù hợp với quan niệm của thời đại mới, cho nên từ những năm 1960, tín đồ Hỏa giáo ở Yazd đã phải bỏ hoang tháp thiên táng và phải chấp nhận tục mai táng trong nghĩa trang ở dưới chân núi. Người ta mai táng tử thi trong những ngôi mộ bê tông, để hạn chế việc làm “tổn hại” cho đất. Từng là một tôn giáo phổ biến, nhưng ngày nay tín đồ Hỏa giáo chỉ còn khoảng 150.000 người, chủ yếu ở Mumbai (Bombay), Ấn Độ. Còn trên đất Iran, cộng đồng Hỏa giáo chỉ có khoảng 25.000 người (số liệu năm 2011), tập trung nhiều ở Yazd, một tỉnh miền trung. Đã thế số lượng tín đồ Hỏa giáo ngày càng giảm, do quy định khắt khe rằng người Hỏa giáo chỉ được kết hôn với người trong đạo, và đứa trẻ chỉ được công nhận là người Hỏa giáo nếu cả bố lẫn mẹ đều là tín đồ Hỏa giáo. Đạo Bahai Bahai thuộc loại tôn giáo trẻ tuổi, mới ra đời vào khoảng những năm 1840, do giáo sĩ tên là Ali Muhammad sáng lập. Ông tuyên bố mình là đức thánh Imam thứ mười hai, danh xưng là Bab-ud-Din (Đức Tin Môn, cổng vào đức tin). Giáo lý của Bahai được cải biên từ giáo lý đạo Hồi, dòng Shia. Nhưng ngay từ khởi đầu, Bahai đã bị kỳ thị. Giáo sĩ sáng lập Bab bị xử tử năm 1850, trước khi bị tử hình, ông tiên đoán sẽ có người kế tục ông, sáng lập ra một tôn giáo cho toàn nhân loại. Một trong những tín đồ của ông là Husayn Ali, nhờ gia thế danh tiếng mà không bị xử tử, chỉ bị đày từ Tehran sang Baghdad, sau đó đến Constantinople. Vào đêm khởi hành đi Constantinople, tại Ridvan, ở gần Baghdad, ông tiết lộ cho người đồng đạo rằng mình chính là ngôn sứ mà Bab đã tiên đoán. Ông tự gọi mình là Bahaullah (Vinh quang của Thượng Đế) và những người tin theo giáo lý của ông từ đó gọi là tín đồ Bahai. Năm 1892 Bahaullah mất ở tuổi 75, trong khi bị lưu đày tại Acre, khi ấy thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, còn ngày nay thuộc Israel. Từ khi đạo Bahai ra đời đến nay, tín đồ Bahai bị truy đuổi và phải bỏ chạy đến nhiều nước. Trung tâm thế giới của đạo Bahai hiện tại đặt trên núi Carmel ở Haifa thuộc Israel. Đạo Bahai xây những giáo đường hoành tráng và rất ấn tượng về kiến trúc ở New Delhi, Ấn Độ, ở Kampala thuộc Uganda, ở Apia thuộc Tây Samoa, ở Panama, ở Wilmette thuộc bang Illinois, Mỹ, ở Sydney của Australia, ở Frankfurt am Mein của nước Đức. Những giáo đường này đều kiến trúc kiểu mái vòm, và theo hình cửu giác. Số chín là đơn vị lớn nhất, được chọn là biểu tượng cho Bahai, hàm ý sự thống nhất ở mức cao nhất trên toàn thế giới. Đó là lý do khiến các giáo đường của đạo Bahai có chín cạnh. Giáo lý của Bahai chủ yếu tập trung vào tính bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng nam nữ, và sự thống nhất chung cho toàn nhân loại. Bahai khởi nguồn từ Hồi giáo, nhưng không quá thần phục kinh Koran, mà chỉ coi đó là một trong những giáo lý thiêng liêng, bên cạnh Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo và Kinh Thánh Hebrew. Bahai cho rằng mọi tôn giáo có chung nguồn gốc, và mặc khải từ Chúa Trời là quá trình diễn ra liên tục, thông qua những ngôn sứ thuộc các tôn giáo khác nhau như Zarathustra, Moses, Đức Phật, Jesus, Mohammad, Bab, Bahaullah và nhiều ngôn sứ sẽ xuất hiện trong tương lai. Những giáo lý chính của đạo Bahai: - Nhân loại là độc nhất vô nhị, là linh thiêng nhất trong muôn loài. - Con người phải độc lập tìm kiếm chân lý, không bị ảnh hưởng bởi truyền thống hoặc sự mê tín. - Các tôn giáo đều có một sự thống nhất cơ bản. - Tất cả các thiên kiến hoặc định kiến, dưới bất cứ hình thức nào, dù là tôn giáo, chủng tộc, giai cấp, lãnh thổ… đều phải bị bài trừ. - Tôn giáo và khoa học cần phải hòa hợp với nhau. - Nam nữ có quyền bình đẳng. - Cưỡng bức giáo dục, bởi vì giáo dục là điều kiện cần thiết cho hòa bình thế giới. - Cần thiết có một ngôn ngữ chung và ngôn ngữ này được dạy trên toàn thế giới. - Xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo. Người giàu phải giúp đỡ người nghèo. Và các chính phủ phải có biện pháp xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo. - Cần có một tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa các nước. Đề xuất này của đạo Bahai có trước khi Hội Quốc Liên ra đời bốn mươi năm. - Lao động và thực hiện nhiệm vụ là yếu tố để tạo nên một xã hội tốt đẹp. - Công lý phải được đề cao, là nguyên lý để quản lý xã hội, và tôn giáo là để bảo vệ cho mọi dân tộc, mọi đất nước. - Mục tiêu cao nhất của loài người là đạt tới nền hòa bình phổ quát và vĩnh viễn… Tại Iran, sau năm 1979, đạo Bahai bị Iran đặt ra ngoài vòng pháp luật, thậm chí bị coi là công cụ gián điệp cho các thế lực đế quốc và Do Thái. Toàn bộ tài sản của giáo hội, kể cả các thánh địa, nghĩa địa, đều do nhà nước quản lý. Tín đồ Bahai ở Iran bị cấm hành lễ công khai, ngày nay chỉ còn khoảng 300.000 người, tập trung ở tỉnh Fars và Mazandaran. Tuy chỉ còn ít người, nhưng Bahai vẫn là cộng đồng tôn giáo đông hơn cả trong những tôn giáo thiểu số ở Iran. Tổng số tín đồ Bahai trên thế giới chỉ khoảng hơn sáu triệu người, nhưng có mặt ở hầu khắp hơn hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Đạo Do Thái Đạo Do Thái có mặt ở xứ Ba Tư khoảng 2.700 năm trước. Tuy vậy ở Iran chỉ còn 8.756 tín đồ (số liệu năm 2011), chủ yếu tập trung tại những thành phố lớn như Tehran, Shiraz, Esfahan, hành nghề chính là kinh doanh và buôn bán đồ trang sức. Có khoảng ba chục giáo đường trên khắp đất nước nhưng do cách thực hành tôn giáo không được khuyến khích, ở nơi công cộng người ta rất khó nhận ra giáo đường Do Thái. Từ sau năm 1979, hơn 50.000 tín đồ Do Thái giáo đã rời bỏ Iran, phần lớn sang định cư ở Mỹ. Năm 2007 Israel khuyến khích người theo đạo Do Thái ở Iran di cư ồ ạt, bằng cách đề xuất cung cấp chi phí di cư cho mỗi gia đình 60.000 USD. Tuy vậy, người Do Thái giáo Iran đã bác bỏ, với lý do “bản sắc của người Do Thái giáo Iran không thể mua bán được bằng tiền bạc”. Theo Kinh Thánh, tổ phụ của người Do Thái là Abraham, được Chúa Trời chọn và khải thị. Sách Sáng thế ký (Genesis) ghi lại rằng Abraham được con trai là Isaac và cháu nội là Jacob (còn gọi là Israel) kế tục. Jacob có mười hai con trai và dòng họ này được coi là quốc phụ của một quốc gia vĩ đại, có lãnh thổ của mình, và thần dân luôn sống trong an lành, hưng thịnh. Đạo Thiên Chúa Đạo Thiên Chúa hiện diện ở Ba Tư trước khi Hồi giáo đến và một số vị thánh của Thiên Chúa giáo đã tử vì đạo ở đây. Hiện tại cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Iran chủ yếu là người Armenia, ban đầu định cư ở Jolfa, phía bắc Iran, sau đó chuyển xuống Tân Jolfa ở Esfahan dưới thời Safavid. Cộng đồng Thiên Chúa giáo theo thống kê năm 2011 có khoảng 117.704 người, bao gồm cả Thiên Chúa giáo La Mã, Tin Lành… Hầu hết các thành phố lớn đều có nhà thờ Thiên Chúa giáo. Cộng đồng Thiên Chúa giáo sống thành một quần thể tách biệt, trong đó họ được phép uống bia rượu, nam nữ được tổ chức vui chơi chung, nhưng không được để cho người Hồi giáo nhìn thấy và tham gia. Ở Tehran, họ còn có trung tâm thể thao không phân biệt giới tính, ở đó phụ nữ có thể chơi thể thao mà không cần phải trùm khăn trên đầu. Phần ba Một nhà nước thần quyền, một nền cộng hòa Ở phần ba có sử dụng một số đoạn ở tài liệu tham khảo về Iran của Bộ Ngoại giao, trong đó phần về Iran do Đại sứ quán Việt Nam tại Iran thực hiện, mà tác giả là chủ biên. Thể chế chính trị: Một nhà nước thần quyền, một nền cộng hòa Hệ thống chính trị nước Cộng hòa Hồi giáo Iran dựa trên hiến pháp năm 1979 được gọi là Qanun-e Asasi (Luật pháp cơ bản). Hệ thống chính trị bao gồm nhiều mối quan hệ phức tạp giữa các cơ quan chính phủ. Lãnh tụ tối cao (Supreme leader) Lãnh tụ tối cao Iran là vị giáo chủ, chịu trách nhiệm xây dựng và giám sát “các chính sách chung của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Lãnh tụ tối cao là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, điều khiển tình báo quân đội và các hoạt động an ninh, là người duy nhất có quyền tuyên bố chiến tranh. Lãnh tụ tối cao chỉ định các lãnh đạo tư pháp, mạng lưới phát thanh truyền hình trong nước, chỉ huy cảnh sát, các tướng tư lệnh Vệ binh Cách mạng và các lực lượng quân đội, cùng sáu trong số mười hai thành viên Hội đồng giám hộ hiến pháp. Hội đồng Chuyên gia bầu và bãi nhiệm lãnh tụ tối cao dựa trên cơ sở đánh giá của Hội đồng và mức độ quý trọng của nhân dân. Hội đồng chuyên gia chịu trách nhiệm giám sát lãnh tụ tối cao thi hành các trách nhiệm theo pháp luật. Lãnh tụ tối cao từ năm 1989 là giáo chủ Ayatollah Seyed Ali Hosseini Khamenei, sinh năm 1939. Iran theo chế độ cộng hòa Hồi giáo, song trên thực tế lãnh tụ tối cao có quyền lực tuyệt đối về đối nội và đối ngoại. Năm 2010, Forbes đã xếp hạng giáo chủ Khamenei ở vị trí 26/100 nhân vật quyền lực nhất thế giới. Hội đồng giám hộ hiến pháp (Guardian Council) Hội đồng giám hộ hiến pháp (có tài liệu dịch là Hội đồng bảo vệ cách mạng) gồm 12 giáo sĩ, 6 người trong số đó do lãnh tụ tối cao chỉ định. Bộ trưởng Tư pháp giới thiệu nốt 6 thành viên kia, và họ được Quốc hội thông qua. Hội đồng có trách nhiệm giải thích hiến pháp và có thể phủ quyết Quốc hội. Nếu luật pháp không phù hợp với hiến pháp hay luật Sharia (luật Hồi giáo), luật sẽ được trao lại cho Quốc hội sửa đổi. Người đứng đầu Hội đồng là chủ tịch Hội đồng. Hội đồng chuyên gia (Assembly of Experts) Hội đồng chuyên gia họp mỗi năm một tuần, gồm 86 giáo sĩ “đạo đức và thông thái” được những “cá nhân trưởng thành có quyền bầu cử” bầu ra, nhiệm kỳ tám năm. Tương tự các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội, Hội đồng giám hộ hiến pháp là cơ quan quyết định tư cách của ứng cử viên vào Hội đồng chuyên gia. Hội đồng chuyên gia bầu ra lãnh tụ tối cao và có quyền - theo hiến pháp - cách chức lãnh tụ tối cao ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, Hội đồng chưa từng phản đối quyết định của lãnh tụ tối cao. Một vị chủ tịch là người đứng đầu Hội đồng. Hội đồng lợi ích (Expediency Council) Hội đồng lợi ích có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp giữa Quốc hội và Hội đồng giám hộ hiến pháp, và cũng là một cơ quan tư vấn của lãnh tụ tối cao. Vì vậy Hội đồng trở thành một trong những cơ quan nắm nhiều quyền lực chính phủ nhất trong nước. Một vị chủ tịch là người đứng đầu Hội đồng. Bộ phận hành pháp Tổng thống: hiến pháp quy định tổng thống là người nắm quyền cao nhất quốc gia, sau lãnh tụ tối cao. Tổng thống được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ bốn năm và không quá hai nhiệm kỳ. Các ứng cử viên tổng thống phải được Hội đồng giám hộ hiến pháp phê chuẩn trước khi được ra tranh cử. Tổng thống chịu trách nhiệm việc áp dụng hiến pháp và thực hiện các quyền hành pháp, trừ những việc liên quan trực tiếp đến lãnh tụ tối cao. Tổng thống chỉ định và giám sát nội các, bao gồm các bộ trưởng, phối hợp những quyết định của chính phủ, và lựa chọn các chính sách của chính phủ để đưa ra Quốc hội duyệt. Tám phó tổng thống và nội các gồm 21 bộ trưởng phục vụ dưới quyền tổng thống, tất cả các quan chức này đều phải được Quốc hội thông qua. Nhánh hành pháp ở Iran quản lý bộ Quốc phòng, còn các lực lượng vũ trang khác trực thuộc sự quản lý của lãnh tụ tối cao. Phó tổng thống thứ nhất đóng vai trò tương tự thủ tướng. Trong thực tế, quyền hạn của tổng thống bị lãnh tụ tối cao chi phối. Lãnh tụ tối cao có quyền kiểm soát quân đội và có tiếng nói quyết định ở những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Lãnh tụ tối cao thường chỉ định vị trí Ngoại trưởng, bộ trưởng Tình báo, bộ trưởng Nội vụ, bộ trưởng Quốc phòng. Hệ thống tư pháp Lãnh tụ tối cao chỉ định người đứng đầu nhánh tư pháp, và vị này lại chỉ định lãnh đạo tòa án tối cao và các trưởng công tố. Iran có nhiều kiểu tòa án, gồm cả các tòa án công chúng để xét xử những vụ dân sự và tội phạm. Các Tòa án Cách mạng xử một số tội như chống lại an ninh quốc gia. Quyết định của Tòa án Cách mạng là tối cao và không được tái thẩm. Tòa án Tăng lữ Đặc biệt xử lý các vụ phạm tội của giới tăng lữ, dù cũng xử cả các vụ liên quan đến công dân bình thường. Các chức năng của Tòa án Tăng lữ Đặc biệt độc lập với cơ cấu tòa án thông thường và chỉ tuân theo lãnh tụ tối cao. Phán xử của tòa án này là tối cao và không được tái thẩm. Luật Sharia của Hồi giáo Trong một xã hội Hồi giáo chính thống, bên cạnh luật pháp của chính quyền, người ta còn sử dụng luật Hồi giáo, gọi là Sharia. Nhiều khi, những vấn đề liên quan đến luật pháp chỉ cần tòa án tôn giáo đưa ra xử, và dựa theo luật Sharia. Sharīah (nghĩa đen là con đường hoặc đạo) là luật hành vi hoặc luật tôn giáo của Hồi giáo. Phần lớn tín đồ Hồi giáo tin rằng Sharia xuất phát từ hai nguồn của luật Hồi giáo cơ bản: Giới được quy định trong kinh Koran, và những ví dụ do ngôn sứ Mohammad đưa ra trong sách Sunnah. Người Hồi giáo quan niệm rằng Sharia là vị Chúa bao trùm của pháp luật. Sharia đặt ra nhiều vấn đề để giải quyết bằng luật pháp thế tục, trong đó có vấn đề tội phạm, chính trị và kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cá nhân như tính dục, vệ sinh, chế độ ăn uống, cầu nguyện và ăn chay. Sharia được các thẩm phán Hồi giáo áp dụng để giải thích luật hoặc để xét xử. Iran là một nước Hồi giáo, đồng thời vẫn mang tính chất của một nền cộng hòa. Luật pháp có tính nghiêm khắc của Hồi giáo, đồng thời ở nhiều lĩnh vực, lại có tính cởi mở và linh hoạt hơn nhiều nước Hồi giáo trong khu vực. Chẳng hạn, phụ nữ thành thị có thể đi ra đường mà không cần đàn ông trong gia đình đi kèm giám hộ, hoặc phụ nữ có quyền lái xe hơi, được đi làm việc, tham gia hội họp, biểu tình… Dưới đây, ta sẽ tham khảo một số điểm chính yếu trong luật Sharia, nhưng hầu như những quy định khắt khe này không còn được áp dụng ở Iran, đặc biệt là ở thành thị. Luật Sharia theo kiểu này chỉ được áp dụng nghiêm ngặt ở Afghanistan dưới thời quân Taliban cầm quyền (1996-2001), nhưng các chính phủ sau đó ở Afghanistan đã thôi áp dụng phần lớn các điều khoản của Sharia. Luật Sharia với công dân - Tất thảy công dân phải cầu nguyện năm lần một ngày. Nếu trong thời gian cầu nguyện bị phát hiện đang làm việc khác thì sẽ bị đánh đòn. - Tất cả đàn ông phải để râu. Độ dài chuẩn phải ít nhất bằng một nắm tay tính từ cằm trở xuống. Ai chống lại sẽ bị đánh. - Tất cả nam học sinh phải đội khăn xếp. Học sinh từ lớp một đến lớp sáu phải đội khăn màu đen, lớp lớn hơn thì đội khăn màu trắng. Tất cả đều phải mặc quần áo đạo Hồi. Cổ sơ mi phải cài cúc. - Nghiêm cấm hát. - Nghiêm cấm nhảy múa. - Nghiêm cấm chơi bài, chơi cờ, đánh bạc và thả diều. - Nghiêm cấm viết sách, xem phim và vẽ tranh. - Ai nuôi vẹt, nuôi chim sẽ bị đánh đòn, thậm chí bị xử tử. - Kẻ nào ăn cắp sẽ bị chặt bàn tay. Nếu ăn cắp lần nữa sẽ bị chặt chân. - Nếu không phải là người đạo Hồi, không được thờ cúng ở những nơi mà người đạo Hồi có thể trông thấy. Nếu bị trông thấy sẽ bị đánh và tống giam. Nếu ai cố tình dụ dỗ một người đạo Hồi đi theo tín ngưỡng của mình thì sẽ bị tử hình. Luật Sharia với phụ nữ - Luôn ở trong nhà. Không được đi lang thang không có mục đích ở trên đường. Nếu đi ra khỏi nhà, phải đi cùng một một nam giới có quan hệ họ hàng làm người giám hộ. Nếu bị bắt gặp đi một mình trên phố sẽ bị đánh và áp giải về nhà. - Trong bất kỳ trường hợp nào phụ nữ đều không được để lộ khuôn mặt ở nơi công cộng. Phải mặc áo choàng burqa (ở Iran là chador) khi đi ra ngoài đường. Nếu không sẽ bị đánh thật nặng. - Không được trang điểm. - Không được đeo nữ trang. - Không được mặc quần áo lòe loẹt diêm dúa. - Không được tự ý nói nếu người khác chưa nói với mình. - Không được nhìn vào mắt đàn ông. - Không được cười ở nơi công cộng. Nếu cười sẽ bị đánh. - Không được sơn móng tay. Có thể bị phạt bằng cách chặt ngón tay. - Nghiêm cấm trẻ em gái đến trường. Tất cả trường học dành cho con gái phải đóng cửa. - Nghiêm cấm phụ nữ đi làm. - Nếu phụ nữ bị bắt gặp ngoại tình sẽ bị ném đá cho đến chết. Xin nhắc lại, toàn bộ những quy định này chỉ thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt khi lực lượng Taliban nắm chính quyền ở Afghanistan, từ 1996 đến 2001. Dưới chính thể cộng hòa ở Iran, phụ nữ đã có nhiều quyền khá cởi mở như quyền được đi học, quyền lao động, tham gia các tổ chức và hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội… Hệ thống hành chính Cộng hòa Hồi giáo Iran có một hệ thống hành chính gồm bốn cấp, trong đó có ba cấp địa phương. Cấp hành chính địa phương cao nhất là tỉnh. Iran có 30 tỉnh (2011). Cấp hành chính địa phương cao thứ hai là thị xã và huyện. Iran có 324 đơn vị cấp này. Thị xã không được chia thành các đơn vị hành chính nhỏ hơn. Còn các huyện có thể gồm nhiều thị trấn và xã. Một thị trấn trong huyện đồng thời là trung tâm của huyện, Iran có 982 thị trấn và 2.378 xã. Mỗi xã thường gồm nhiều thôn. Nhưng thôn không phải là đơn vị hành chính chính thức. Hiến pháp Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran được công nhận thông qua trưng cầu ý dân ngày 24-10-1979 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3-12 cùng năm, thay thế cho hiến pháp năm 1906. Hiến pháp được sửa đổi ngày 28-7-1989, là sự kết hợp giữa yếu tố thần quyền với dân chủ. Trong khi điều 1 và 2 quy định chủ quyền là của Thượng đế, thì điều 6 quy định dân chúng bầu trực tiếp tổng thống và Quốc hội. Tuy vậy, các quy định và quyền dân chủ đều ở dưới Hội đồng Bảo vệ và lãnh tụ tối cao mà quyền Lực được ghi trong chương 8. """