"
Sài Gòn - Tình Yêu Của Tôi - Nguyễn Ngọc Hà full mobi pdf epub azw3 [Tản Văn]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sài Gòn - Tình Yêu Của Tôi - Nguyễn Ngọc Hà full mobi pdf epub azw3 [Tản Văn]
Ebooks
Nhóm Zalo
SÀI GÒN - TÌNH YÊU CỦA TÔI ---❊ ❖ ❊---
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hà
Nhà xuất bản Văn Học
Thể loại: Tản văn
Nguồn text: Waka
Đóng gói: @nguyenthanh-cuibap ebook©vctvegroup
LỜI NÓI ĐẦU
S
au Sài Gòn Đi Và Nhớ là một bộ sách gồm bốn tập viết về những ngóc ngách, những ký ức về Sài Gòn một thời đã xa, khi tác giả tuổi còn rất trẻ. Hôm nay, các bạn cầm trên tay Sài Gòn _ Tình Yêu Của Tôi là tập đầu tiên nói lên tình yêu Sài Gòn, nơi chứa đựng bao kỷ niệm thời đi học với gia đình, thầy cô, bạn bè.
Sài Gòn _ Tình Yêu Của Tôi gồm những tản văn từng được đăng trên Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy, Người Lao Động, Sài Gòn Tiếp Thị (cũ), Nguyệt San Pháp Luật, Phụ Nữ TPHCM, Tạp San Áo Trắng và tuần san Công Giáo Và Dân Tộc.
Sài Gòn _ Tình Yêu Của Tôi vẫn là quà tặng đầy ý nghĩa cho những cư dân Sài Gòn thế hệ 4X _ 5X thế kỷ 20, những ai từng được Sài Gòn cưu mang, những người một lần ghé Sài Gòn và cả những người bỏ Sài Gòn ra đi ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Hãy đọc để thêm yêu Sài Gòn. Thật là một thiếu sót nếu chỉ có trên tay Sài Gòn _ Tình Yêu Của Tôi, mà không tìm mua Sài Gòn _Tuổi Thơ Hoa Bướm / Sài Gòn _Ký Ức Vượt Thời Gian và Sài Gòn _ Tháng Ngày Không Quên để hiểu thêm trọn vẹn về một Sài Gòn từng là danh từ riêng không dễ quên, không hề muốn quên của rất nhiều người trên hành tinh này.
Hãy đọc để trả lời câu hỏi tại sao ở nhiều nước trên thế giới có Little Saigon!
NGUYỄN NGỌC HÀ
SÀI GÒN QUÊ HƯƠNG TÔI
T
ôi rất tự hào vì mình là dân Sài Gòn chính hiệu. Từ nhỏ thấy bạn bè về quê mùa hè hay lễ tết, tôi hỏi mẹ tôi, bà bảo bà cũng chưa hề có khái niệm “về quê”. Ông bà cậu dì tôi sống tại quận 1, 3 và 5, chỉ đi bộ khoảng mười phút đến nhà dì, thêm vài phút đến nhà cậu.. Tốt nghiệp đại học, thời bao cấp làm việc cùng những đồng nghệp Huế, Hà Nội…họ chê Sài Gòn thậm tệ, nào là ô nhiễm, ồn ào và cả tệ nạn. Tôi cố bênh vực nhưng lần nào cũng thua. Tôi chỉ cố cãi chày cãi cối… Sài Gòn của tôi không có khí hậu mát mẽ của Đà Lạt, không có mùa thu mơ màng của Hà Nội, không có sông Hương êm đềm của Huế..Ừ , buồn thiệt đó. Thế nhưng khi tôi hỏi lại: “Sài Gòn tệ thế sao các bạn cứ bám trụ Sài Gòn?” Không ai trả lời được!
À, chính vì Sài Gòn của tôi có sự thân thiện của một người bạn thơm thảo, có sự phóng khoáng của kẻ dư ăn dư mặc, có sự dễ dãi, bao dung của người trẻ… Sài Gòn thật dễ sống. Có một bài phóng sự kể một làng kia kéo nhau vào Sài Gòn xin ăn, khi về xây được nhà lầu! Chuyện này ngay cả những bạn người nước ngoài tôi cũng biết….
Nếu hỏi Sài Gòn có gì. Thật khó trả lời. Nếu hỏi tại sao tôi yêu Sài Gòn, tôi sẽ trả lời như Edmond de Amicis:”…tôi yêu xứ sở tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy…”. Với người xem Sài Gòn là nơi cưu mang họ, nhờ Sài Gòn họ có cơm ăn áo mặc…thì câu trả lời không phải dễ dàng. Và họ cứ yêu Sài Gòn như một mối tình khó rức bỏ.
Nói về Sài Gòn có câu:_ “Ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1, trấn lột quận 4”. Tại quận 5, người ta dễ dàng tìm từ món ăn hải sản tươi sống ngon lành trong những quán ăn, nhà hàng lớn đến những chiếc bánh chiên, dĩa bột chiên ngon lành trên lề đường. Tại sao lại “nằm quận 3”? Có rất nhiều khu biệt thự trong quận 3. Cũng không cần liên tưởng đến biệt thự với những căn phòng máy lạnh. Lúc mệt mỏi, bạn có thể ghé vườn Tao Đàn
hay ngồi bên lề đường, dưới gốc cây to trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quí Đôn, Tú Xương…hít thở khối không khí hiếm hoi của trưa hầm hập Sài Gòn. Buổi tối, bạn có thể uống một ly bia trong những quán ăn nơi quận 1, la cà từ bar này đến bar khác…mà không tốn lắm cho túi tiền của bạn. Chỉ cần vài chục, bạn có ngay một tách trà lipton và một đĩa đậu phọng nhâm nhi nghe nhạc, có thể là nhạc sống, trong một quán bar bậc trung nơi quận 1. Nếu không thích men rượu, nơi đây cũng có không ít quán cà phê, quán kem…Nói chung, chỉ sợ bạn không dám đi một mình hay không có ai đi cùng. Bạn không ngại thiếu nơi để bạn la cà với một túi tiền rủng rỉnh vừa phải.
Bạn chớ nên ngại khi nghe “trấn lột” quận 4. Xin thưa, trấn lột đã vào quá khứ. Hôm nay quận 4 phóng đường, buôn bán sầm uất, chẳng còn đường cho tội phạm trấn lột. Cũng như không cần vào quận 5 mới ăn ngon. Tại quận 3, đường Kỳ Đồng, quận 10, đường Nguyễn Tri Phương cũng vô số món cho bạn chọn lựa, giá rất mềm. Cũng chẳng cần về “nằm quận 3”, những công viên Gò Vấp dư sức cho bạn “tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi”[1]. Và các quán ăn của quận 6, quận 4 cũng đủ cho bạn la cà nếu bạn thích.
Chúng tôi đều bảo nhau, chẳng cần đi Tây, đi Mỹ…làm gì. Ở Sài Gòn, “có tiền là cái gì cũng có”. Từ những thỏi sôcôla của Bỉ…đến những ly bia của Đức, những khúc thịt bò nướng của Brazil. Không chỉ thuần về hàng hóa, các bệnh viện, trường đại học Sài Gòn có chỗ cho người dân cả nước. Người Sài Gòn không chỉ luôn mở lòng với những học sinh các nơi đổ về mỗi kỳ thi mà còn rộng tay mỗi mùa mưa bão với đồng bào cả nước. Khi Sài Gòn có những cơn mưa dầm hay không khí lành lạnh…là nơi nào đó trên đất nước này có bão lụt. Những đồng tiền ky cóp, những bộ quần áo lành lặn được mang ra cứu giúp. Có người nói vui:_ “Khi Sài Gòn có thiên tai, nơi nào có thể giúp đỡ người Sài Gòn đây?”
Đó chính là “điểm đáng yêu của Sài Gòn”
[1] nhạc Trịnh
BÁNH MÌ SÀI GÒN
V
ùng đất nào cũng có những “đặc sản” riêng. Thật khó khăn có ai hỏi “đặc sản Sài Gòn” là gì. Những chuyến Xuyên Việt, tôi nghiệm ra một cách đầy chủ quan: Bún bò, bánh nậm, bánh bèo.. Sài Gòn ngon hơn ở Huế, phở Sài Gòn ngon hơn Hà Nội…Có lẽ do khẩu vị. Vâng, vì thế với tôi tất cả những gì Sài Gòn bán đều ngon và đặc sản Sài Gòn là tất cả những gì Sài Gòn bán!
Vậy mà lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài, một buổi sáng thức dậy, tôi chợt thèm làm sao ổ bánh mì thịt Sài Gòn. Cô bạn dẫn đi ăn hamburger. Ổ bánh tròn to, nước sốt, thịt rau có phần nhiều hơn ổ bánh mì, chỉ nhỉnh hơn gang tay người lớn, của Sài Gòn…Nhưng sao tôi không có cảm giác thích thú ngon lành như khi ăn bánh mì Sài Gòn. Từ đó, mỗi chuyến du lịch dù trong nước hay nước ngoài, tôi càng khẳng định: không nơi nào bán bánh mì ngon như Sài Gòn và bánh mì là đặc sản của Sài Gòn!
Bánh mì Sài Gòn thông dụng là bánh mì thịt. Bánh mì thịt gồm thịt ba rọi, chả, ngò, hành lá, dưa leo, cà chua và ớt. Ổ bánh mì Sài Gòn sau 1975 thường không có ruột. Sau này, bánh mì được “phục hồi thể trạng cũ” là có ruột xốp, mềm. Nhiều nơi cũng bán bánh mì thịt nhưng họ thường cắt một khe nhỏ ở bụng bánh mì rồi mới dồn thịt, rau vào. Như thế, người mua có cảm giác mình được ăn ổ bánh mì “dồn đầy thịt”. Đến chừng cắn vào mới hỡi ôi bên trong là “ruột” bánh trống không.
Bánh mì Sài Gòn không như thế. Người bán ở Sài Gòn xẻ chiếc bánh từ đầu trên kéo thẳng xuống, sâu vào cái bụng bánh. Banh hai mặt bánh ra, họ nhanh nhẹn phết một mặt là batê, mặt kia là bơ hoặc sốt (sauce), gắp những miếng chả, thịt ba rọi được cắt từng lát đặt đều đặn trên mặt bánh, có nơi còn thêm vài miếng jambon hay xúc xích Sau đó họ thêm vài miếng dưa leo, hai ba tép hành (phần dưới), vài cọng ngò, lát cà chua, một gắp đồ
chua (cà rốt, của cải xắt miếng dài, mỏng), vài miếng ớt, xịt nước tương, rắc ít muối tiêu.., rồi rứt một miếng giấy báo nhỏ hình chữ nhật gói tròn, cột thun lại, bỏ vào bao xốp.
Ổ bánh nóng dòn, ôm trong hai bàn tay và đưa lên miệng cắn. Miếng bánh giữa hai hàm răng, bột thơm ngọt hòa với vị bùi bùi của batê, chả, thịt, jambon, vị beo béo của sốt, vị gay gay của hàng, ngò, man mát của dưa leo, chua chua của cà, đồ chua và cay xè của ớt…thêm vào âm thanh dòn rụm của bánh mì. Chao ôi, tuyệt vời!
Ngoài bánh mì thịt, Sài Gòn còn có bánh mì bì, bánh mì bơ, đường, bánh mì ốp la, bánh mì thịt nướng. Bánh mì bì, phết mỡ hành hai mặt, dồn bì và chan nước mắm ớt. Bánh mì bơ hay bơ đậu phọng có rắc thêm đường, bánh mì ốp la mắc hơn một ngàn. Ngoài trứng ốp la được chiên chín, có thêm ba tê hai mặt, xịt nước tương, rắc ít muối tiêu. Bánh mì thịt nướng thì phết tương ớt, tương đen, dưa leo, đồ chua,ớt…Nói chung, món nào đi theo “chất phụ gia” đó sao cho “hợp gu” và “đúng mốt”. Không ai ăn bánh mì bì với nước tương, phết ba tê hay bơ lên hai mặt. Bánh mì thịt nướng chẳng ai chan nước mắm. Bánh mì bơ chỉ có người “tưng tưng” mới ăn với dưa leo, hành, cà chua…! Thế nhưng, thông dụng và dễ ăn nhứt vẫn là bánh mì thịt. Khi mua chỉ cần:_ “Cho ổ bánh mì thịt” là a lê hấp, người bán thoăn thoắt với thịt chả, ba tê, jambon…
Ai đang sống tại Sài Gòn, sáng mai, sau khi đọc bài này, hãy một lần chậm rải tận hưởng ổ bánh mì Sài Gòn xem tôi nói đúng chăng. Với tôi “nó” ngon hơn hamburger. Và bạn chưa đến Sài Gòn ư? Hãy sắp xếp thời gian, một lần đến Sài Gòn, đừng vào nhà hàng, quán ăn vội, hãy nhìn quanh và tìm ngay dùm tôi một xe bánh mì Sài Gòn và ngẫm nghĩ xem tôi nói đúng không. Bảo đảm hương vị bánh mì Sài Gòn sẽ đến với bạn một khoảng khắc nào bạn xa và cảm thấy nhớ Sài Gòn.
SÀI GÒN NHỮNG DẤU LẶNG
N
gười ta yêu quê hương vì chùm khế ngọt, con sông sau hè…Tôi yêu Sài Gòn vì tôi sinh ra và lớn lên nơi mà người ta gọi là thành phố công nghiệp, thương mại. Tôi yêu Sài Gòn vì nơi đây tôi có biết bao kỷ niệm. Sân nhà thờ Chợ Quán đầy bóng mát với truyền thuyết ông Huyện Sĩ chết và được quàn xác sau nhà thờ trước khi được chôn tại Nhà Thờ Chợ Đủi, thỉnh thoảng ông mang xiềng xích về thăm lại nhà thờ. Mỗi lần đi tập hát về muộn, chúng tôi chạy thụt mạng khi đi ngang cửa sau nhà thờ. Trước nhà thờ có xe đậu đỏ bánh lọt của ông người Hoa, hương vị đặc trưng để rồi bây giờ ăn rất nhiều loại chè, tôi vẫn không tìm thấy được sự độc đáo của món ngon xưa. Sau này chuyển chỗ ở, trở về Nhà thờ, ngang qua Núi Đức Mẹ, tôi như thấy bố mình, người đàn ông ngoan đạo, mẫu mực tốt nhứt tôi từng biết, quỳ trên tam cấp, cầu nguyện thành kính.
Những lúc đen tối của cuộc đời mình, tôi đến Nhà Thờ Đức Bà. Tôi luôn nghĩ cô gái “từng ngón tay buồn, em mang em mang đi về giáo đường.” là tôi chứ không ai khác cho dù hôm nay tôi đã qua tuổi Biết Mệnh Trời Cảm giác yên lành khi đi một vòng nhà thờ, qua những bàn thờ nhỏ của những vị thánh để thấy dường như mình đang dạo quanh một cổ thành La Mã. Người đến nhà thờ như quen biết nhau, nhìn nhau cười hay nhắc nhau mở nón để tỏ lòng tôn kính những đấng Thánh. Có khi không vào nhà thờ, tôi chạy xe vòng qua đường Lê Duẩn, vào Tôn Đức Thắng, đi chầm chậm ngang những tu viện để lắng nghe sự trầm lắng, an bình giữa những xe cộ ồn ào chung quanh. Chuyến về, tôi vào đường Nguyễn Đình Chiểu, thẳng tòa Tổng Giám Mục để thưởng thức tiếng ve, tiếng dế nỉ non. Bọc bên hông tòa nhà, một nhà nguyện bằng gỗ trên trăm năm tuổi. Đứng trước nguyện đường mặc cho tâm hồn bay bỗng đưa tôi về Sài Gòn với những năm tháng cũ cùng những người di dân đến vùng đất mới, xây dựng niềm
tin của riêng mình.
Thánh đường nào cũng có Núi Đức Mẹ Thật thư thả khi đi vào khuôn viên Nhà thờ Chợ Đủi. Rất nhiều người đứng quanh cầu nguyện, trời nắng hay mưa… Phía sau nhà thờ là hai ngôi mộ của ông bà Huyện Sĩ. Tôi thường đứng thật lâu để suy ngẫm về sự phù du của tiền tài, danh vọng cũng như ý nghĩa của cuộc sống và cái chết.
Thi thoảng nhớ một khoảng trời xanh, tôi vào vườn Tao Đàn…Tôi thường tự hỏi ai nằm dưới ngôi mộ cổ kia. Họ có biết nhờ công viên này, ngôi mộ đã không bị phá bỏ để phóng đường chăng. Tôi ngồi và nhớ lại những lần cấm trại cùng bạn bè, những trò chơi, những tiếng cười….Giờ đây tất cả đều chạy theo vòng xoay cơm áo.
Có lúc tôi chạy vòng quanh con đường Hàn Thuyên và Alexandre de Rhode nhiều lần rồi đến bên Hồ Con Rùa, nơi ngày xưa bé xíu chúng tôi đi quanh hồ để tìm chú rùa cũng bé xíu bơi cô đơn trong hồ. Sau này, tôi trở lại hồ với vài người bạn, ngồi trên ghế đá chia sẻ nhau về cuộc sống, về những nỗi buồn và những lo toan trong đời…
Ừ, Sài Gòn của tôi đó. Không phải là những bờ biển, đồi thông…Mà là nơi thân quen từng nhận bao tiếng cười cũng như giọt nước mắt của tôi và bạn bè với những thăng trầm trong cuộc sống. Một nơi náo nhiệt, ồn ào, là đất hứa cho những người muốn làm một cuộc đổi đời. Vậy mà khi buồn phiền, tôi vẫn có thể tìm cho mình những dấu lặng ở những nơi từng là kỷ niệm của một thời áo trắng.
SÀI GÒN NHỮNG QUÁN CÓC
X
in đừng hiểu lầm đây là những quán bán thịt cóc. Quán cóc là danh từ chung chỉ những quán ăn bình dân, rẻ tiền nhưng không kém phần ngon bổ, là một nét thật đặc trưng của người dân Sài Gòn Tại sao gọi là “quán cóc”? Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học hay Sài Gòn …học, tôi chỉ là người dân nhiều đời ông bà, ba mẹ sinh ra và lớn lên tại đây. Bản thân tôi đã sống tại nơi này hơn năm mươi mùa mưa nắng. Tôi chỉ có thể giải thích quán cóc là nơi mà người bán và người mua, gọi cho sang là “thực khách”, ngồi như…con cóc.
Hồi nhỏ, đối diện nhà tôi có cô Năm bán hột vịt lộn. “Quán” của cô là chiếc bàn cao không quá năm tấc, hình chữ nhật, ghế ngồi cao không quá một tấc, gọi là ghế “chồm hổm” do ba miếng cây đóng lại, hai miếng nhỏ làm chân, một miếng lớn hơn là bàn ngồi. Có khi bàn ngồi cũng là hai khúc cây. Thế mà thực khách vui vẻ ngồi lên chén hết hột vịt lộn đến ốc gạo, ốc len xào dừa chung quanh chiếc bàn duy nhất đó.
Quán cóc có thể “mọc” ở bất cứ nơi đâu. Và bán bất cứ …món gì. Từ mặt tiền đường lớn đến sâu trong hẻm. Ngày trước, quanh các Ngã Sáu, Ngã Bảy (ngã sáu Lê Văn Duyệt, giờ là công trường Dân Chủ, ngã sáu Phù Đổng…) đều có những quán cóc bán ốc…Bọn học trò đầu tháng thường hỏi trong tháng có lễ nào để được nghỉ. Chắc chắn có đứa bực mình:_ “Muốn lể ra ngã sáu mà lể…”, tức là lể ốc gạo ấy. Ngoài món ốc gạo, hột vịt lộn, còn có bánh xèo, bánh tráng nướng, mía róc, bò bía…Người bán ngồi chồm hổm, có thể cao hơn thực khách một tí, giữa hai chân là hộp đựng tiền. Nhận tiền, bỏ vào hộp và lấy tiền lẻ ra thối. Thực khác thường là học sinh, sinh viên, công nhân, công chức…Nói chung là những kẻ ít tiền, thường đưa đủ tiền hoặc tiền lẻ, chủ nhân ít phải gặp “giấy lớn” mà thối.
Ngày đó, con chó Beo nhà tôi rất khôn, chú có bộ lông vàng nhạt, mượt mà. Mỗi chiều, chú bò xuống bàn vịt lộn của cô Năm kê mõm, hất cái dĩa đậy lon tiền, hốt ngay đống bạc cắc rồi chạy về nhà đổ xuống gầm giường. Một ngày dọn dẹp chúng tôi phát hiện cả một gia tài “bạc cắc”, cùng lúc cô Năm “mắng vốn hành vi trộm cấp” của con chó nhà tôi. Thế là chú bị “cấm cửa” không được bò “xuống quán” cho dù chúng tôi nhiệt tình trả lại cô Năm số tiền trên.
Thời gian qua đi, kinh tế ngày một phát triển, nhu cầu ăn uống tăng cao, quán cóc cũng “biến dạng”. Không chỉ là những “quán” thuần về ăn, còn có chè vỉa hè, cà phê, nước mía lề đường….Thực khách và chủ nhân không còn ngồi như những con cóc quây quần bên một chiếc bàn, trên những chiếc ghế cây đóng đơn sơ, chắc chắn nữa. Tất cả thay bằng những chiếc bàn ván ép, ghế nhựa cao hơn tấc đến hai tấc. Chủ quán thường đứng sau chiếc xe thô sơ, phía trên cơ man là ly tách hay tô chén, tùy món quán bán. Phía bụng xe là lò hay xô nước được rửa suốt …một ngày. Sau khi dọn quán, bụng xe chứa luôn những chiếc bàn, chiếc ghế đã được xếp gọn gàng ngay ngắn Xe có hai càng, bốn bánh xe nhỏ để tiện đẩy đi loanh quanh hoặc trốn công an trong các ngõ hẻm.
Tại Sài Gòn, các bạn không sợ thiếu thức ăn hay nước uống. Đi trên đường, dưới gốc phương già, bạn dễ dàng gọi cho mình một ly càphê đá, nước mía hay trà đá, chè đá, một dĩa trái cây….Đói bụng, bạn có thể “tấp” đại vào vỉa hè gọi cho mình một tô mì…gõ hay tô bún bò ngon thơm, bổ rẻ…không thua bất cứ quán bún bò, mì, hủ tíu...bề thế trên đường. Chỉ sợ bạn nhìn người bán rửa tô, đủa…mà không dám ăn thôi…Chẳng sao! Ông bà ta nói “ở dơ sống lâu” mà. Có ai vừa ăn xong lăn ra chết đâu. Mà chuyện chết chóc còn ở thì tương lai. Hiện tại hãy giải quyết cho cái bao tử đã. Và chưa chắc những quán ăn lớn lại vệ sinh hơn các quán cóc.
Quán cóc những món ăn chơi như hột vịt lộn, bánh xèo, ốc…thường tập trung phái nữ. Thôi thì đủ mọi lứa tuổi. Từ các cô học sinh choai choai đến những bà dì cô sồn sồn. Vừa ăn, quí bà quí cô vừa kể chuyện chồng con,
chuyện giác mơ đêm qua ...để bàn …đề. Các em học sinh thì tha hồ nói xấu thầy cô, phê bình các môn học hay kể những trò nhứt quỷ nhì ma trong lớp Các quán cóc cà phê lại tập trung các ông. Thôi thì đủ mọi thành phần. Từ anh công chức, giáo viên đến chú xích lô, ba gác… vừa nhâm nhi ly cà phê mà bắp rang nhiều hơn chất cafêin, vừa “tám” đủ thứ chuyện trên đời. Từ một bản tin nóng hổi vừa “lượm” ra trên báo đến những nguồn tin chưa được kiểm chứng nơi vỉa hè.
Có những nơi, quán cóc thành “quán chạy”. Có khi bạn vừa nhấp miệng ly cà phê…bắp, nghe ngay tiếng báo động: _ “Công An” …Thế là chủ quán đẩy xe cà phê chạy, khách cầm cái ghế chay. Bốn bánh xe nhỏ dưới chiếc xe thô sơ tỏ ra rất “phát huy tác dụng” Lát sau, mọi việc “lắng đọng”, cả khách và chủ tụ họp lại cười nói vui vẻ như chẳng có gì xảy ra. Có lúc khách không quen chạy, thế là tìm chủ trả tiền Ngộ thật, quán cóc thường tập trung dân nghèo thành phố, vậy mà ít khi có ai “ăn quịt uống quịt”
Trong những con hẻm nhỏ, nhiều người ít vốn, họ gánh một bên là chiếc lò nhỏ, phía trên có khi là nồi cháo lòng, bún riêu, canh bún, bánh canh cua….Một bên phía trên là cái mâm nhôm úp chén, những món nêm đặc thù cho từng món, phía dưới là xô nước rửa. Đủa, muỗng, ghế được treo quanh những chiếc dây gánh. Có khách là một chiếc ghế nhỏ có khi bằng cây truyền thống mà bàn ngồi láng lẩy đến chiếc ghế nhựa nhỏ mặt ngồi sùi xì đen đúa. Đôi lúc tôi tự hỏi sao một phụ nữ lại có thể “gồng” từng ấy thứ trên đôi vai bé nhỏ vậy. Ăn tô bánh canh cua với những miếng thịt cua nho nhỏ, hòa với nước bánh canh vàng óng lẫn cùng màu đỏ của ớt, những sợi bánh mềm mại…Tôi nhận ra sự tần tảo phi thường, óc tổ chức, sự chu đáo, gọn ghẽ đến từng chi tiết những món ăn của người phụ nữ nghèo Việt Nam. Thiếu chanh ư? Có nè! Một cái đưa tay vào chiếc lồng bằng tre. Trái chanh tươi xanh xuất hiện, một chiếc dao sắc lẽm và một cái “cắt” nhanh nhẹn. Tô canh bún hay bún bò hoặc bánh canh cua có ngay vị chanh chua chua, dễ ăn.
Gánh đậu hủ, chè ư? Cũng là một gánh với chiếc lò, nồi chè hay đậu hủ,
bên kia là đường, nước dừa...Rất nhiều lần ăn dở tô bánh canh hay ly chè, chén đậu hủ, tôi thấy nghèn nghẹn nhớ hai câu thơ của cụ Tú Xương: “Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng”. Vâng, bà Tú Xương khi xưa tần tảo như những chị, những cô với “quán cóc di động” là cùng chứ gì. Thật cám ơn cụ Tú đã vẻ lên hình ảnh thật đẹp với đôi quang gánh quằn vai người phụ nữ.
Bạn đang sống ở Sài Gòn hay chưa từng đến? Hãy một lần ngồi thử quán cóc chờ ly cà phê, tô mì hoặc bên quang gánh di động…sẽ thấy mình như con cóc. Chỉ khác con cóc này không chỉ biết thưởng thức những món ăn dân dã mà còn giúp những cư dân nghèo thành phố chấp cánh cho những ước mơ học hành của những đứa con đang còn ngồi ghế nhà trường…
SÀI GÒN DỊCH VỤ LỀ ĐƯỜNG
M
ột buổi sáng chở bà chị đi chợ, dẫn chiếc xe gắn máy ra: bánh xe mềm èo! Trời ạ, chú Tư bơm xe đâu rồi! Chú về quê chăm sóc mẹ rồi. Thằng bé ngồi vách thành đâu rồi! Do lô cốt, nó dọn qua bờ kè, lô cốt dẹp rồi, bên đó khấm khá, nó chưa chịu về. Giờ mới thấy sự cần thiết của những con người kiên nhẫn, kham khổ trên lề đường bơm, vá những chiếc xe khi phải đẩy xe qua chợ gần hai cây số. Vậy mà thỉnh thoảng tôi còn cáu gắt cò kè bớt một thêm hai với chú Tư lúc tăng sên, khi thay lốp…Sự hiện diện của họ thật quan trọng biết bao cho những chiếc xe chẳng may bị sút sên, bể lốp…giữa đường. Tôi tự hỏi những dịch vụ này ra đời bao lâu nơi đất Sài Gòn này.
Từ nhỏ tôi đã thấy trên lề đường những người đàn ông với cái thau nhôm, chiếc bơm xe đạp…ngồi vá, bơm xe. Còn sửa xe Honda do những đại lý lớn như Minh Đạo trên đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn xưa. Hôm nay, nơi đâu cũng có những cửa tiệm sửa xe của mọi hãng xe trên thế giới, mẫu mã đa dạng. Xe tay ga, xe số hay cả xe đạp điện…Tất cả đều có khách hàng ruột theo uy tín và tay nghề riêng. Xem như “chuyên gia nội khoa” của xe hai bánh.
Còn những dịch vụ lề đường khiêm tốn hơn. Là bác sĩ ngoại khoa Chỉ vá, bơm xe, tăng sên… Cái thau bằng nhôm hay bằng nhựa…được dùng để đựng nước, nhúng ruột xe vào tìm …lổ mọt! Trước đây những “điểm dịch vụ” thường có hai ống bơm. Ống bơm xài được: một lần bơm năm trăm đồng. Ai kẹt tiền mượn để tự bơm sẽ được ống bơm nhấn hoài không có chút hơi. Thế là đành dắt bộ! Giờ đây bơm bằng điện, chỉ việc gắn vòi vào xe rồi mở điện. Thế là o…o, hơi vào “mịt trời”, chẳng cần tốn chút công sức. Kinh tế cũng dễ thở, ít ai còn kẹt tiền giữa đường cho một ruột xe xẹp lép.
Có những “bác sĩ” chẩn đúng bệnh của xe và ra liệu pháp điều trị chính xác. Cũng có những “chuyên gia” …vẽ. Nhất là đối với các bà, các cô không rành máy móc. Có những chuyên gia sẵn sàng đưa dao lam ra rọc khách hàng sau khi vẽ trên trời dưới đất thỏa thích. Cũng có những “bác sĩ” có lương tâm. Đôi khi khuyên khách hàng không nên “đại tu” xe…vì tất cả vẫn còn tốt.
Có bác sĩ ngoại khoa xe hai bánh lại trở thành Đinh Tặc. Họ rải định trên đường và cứ ngồi chờ con mồi sau cú té muốn gãy cổ, chấp nhận đưa xe đến cho họ thay lốp với giá trên trời. Những “thượng đế” này chỉ biết “cười méo”, an ủi may mà mình chưa chết. Có lẽ các bạn sẽ tự hỏi: Nãy giờ tôi toàn nói những “tiêu cực” trên lề đường, có gì mà là nét đẹp tiềm ẩn của Sài Gòn. Có chứ! Tôi từng chứng kiến những cụ già hưu trí, những bà dì …sáng sáng đi tập thể dục sớm, cầm theo thanh cây dài có gắn nam châm để hút…đinh. Hay là những em bé dậy thật sớm đi men theo quốc lộ để …nhặt đinh. Các chú, cô dì hút đinh mang cân ký lô, có khi cho các em nhỏ bán ve chai. Các em nhặt đinh để có tiền mua thêm sách vở, truyện đọc…làm đẹp tâm hồn. Tuy nhiên, đó chỉ là lý do phụ. Mục đích lớn nhứt của họ là chống đinh tặc. Họ tránh những tai nan thương tâm được chừng nào hay chừng ấy. Điều đó xuất phát từ cái Tâm, từ Lương Tri mách bảo. Cũng có những anh dân phòng rình rập, “canh me” bọn rải đinh để bắt giữ. Cũng có những anh công an siêng năng đi tuần để phát hiện đinh tặc. Nói chung, người trong Nhà Nước làm vì trách nhiệm. Người dân thường làm vì lòng thương người mà theo văn chương người ta gọi là lòng Nhân Ái.
Cũng có những “bác sĩ ngoại khoa máy” nghèo gần chết. Thế mà thấy “thằng” sinh viên hay chàng công chức mệt nhọc dẫn chiếc xe gắn máy từ giữa thế kỷ trước, ngập ngừng:_ “Con còn có mười mấy ngàn à”. Thế là người bác sĩ dội lên lòng nhân từ vốn có:_ “Thôi, tao thay dùm mày cái ruột, chừng nào có dịp qua đây ghé trả tao”. Chẳng biết mấy anh chàng sau đó có ghé trả chăng. Thôi thì hãy tin vào con người. À, mà ai lại “ăn quịt” ân nhân mình bao giờ…
Nơi đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Sài Gòn của tôi cũng thế Và ở đâu còn có người tốt, biết nghĩ đến người khác, có lòng tin vào cuộc sống. Nơi đó vẫn còn nét đẹp lung linh, tiềm ẩn.
NHỚ SAO KHÚC HÁT ẦU Ơ
M
ỗi buổi trưa hè, nằm trong căn phòng nhỏ, tôi cảm nhận một sự thiếu vắng mênh mang mà tôi không tài nào giải thích được. Sau này, tôi “ngộ” ra. Đó là tiếng võng đưa kẽo kẹt và tiếng ru ầu ơ ví dầu của tuổi thơ.
Các bạn sẽ nghĩ tôi xuất thân từ một vùng quê hay chí ít phải là một vùng ngoại thành đầy nắng gió. Không, gia đình tôi mấy đời sống tại nội thành Sài Gòn và bản thân tôi sinh ra, lớn lên tại một ngôi nhà mặt tiền Quận 5. Tiếng ầu ơ tôi nghe được khi nhận biết về cuộc sống là từ chị Hai tôi. Chị lấy chồng sớm, lúc tôi bảy tuổi đã nghe chị ầu ơ dỗ cháu tôi ngủ. Cũng từ lúc đó tôi nhận ra tiếng ầu ơ sao buồn và đầy ý nghĩa thế. Có lẽ con người Việt Nam có tâm hồn sâu sắc cũng nhờ những bản nhạc đầu đời ầu ơ. Tiếng ầu ơ từ những câu ca dao thấm đẫm tình người nhưng khác với “đọc”, hát ru có thêm những phần “đệm”
Ầu ơ…(chớ) bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống, ầu ơ, (chớ) tuy rằng khác giống…nhưng chung một giàn.
Có những câu ca dao “dạy” thẳng nghĩa đồng bào:
Ầu ơ, (chớ) nhiễu điều phủ lấy giá gương
(Chớ) người trong một nước …ầu ơ..(chớ) người trong một nước phải thương nhau cùng
Những bài ầu ơ còn dạy đạo làm người, đạo làm con
Ầu ơ, (chớ) ngồi buồn nhớ mẹ thưở xưa
(Chớ)…mẹ nhai cơm húng, lưỡi lừa cá xương
….
Ầu ơ, (chớ ) dò sông dò biển dễ dò
(Chớ) nào ai lấy thước, (chớ ) nào ai lấy thước mà đo lòng người ….
Ầu ơ (chớ) ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếg dữ, ờ, (chớ) bậu gieo tiếng dữ để rời bậu ra ….
Ầu ơ, (chớ) qua sông ghi nhớ tên cầu
Học trò giỏi chữ…ầu ơ(chớ) học trò giỏi chữ…khắc sâu ơn thầy Người xưa không hề có “kỳ thị địa phương”
Ầu ơ, (chớ) kinh đô cũng có người rồ
Man di cũng có, ờ, (chớ) man di cũng có sinh đồ trạng nguyên Những bài hát ru nói lên nỗi khổ của người vợ bị chồng bỏ rơi, nghe thật ngậm ngùi đau đớn
Ầu ơ, (chớ ) gió đưa bụi chuối sau hè
(Chớ ) anh mê vợ bé, ầu ơ, (chớ ) anh mê vợ bé, bỏ bè …con thơ Hay nỗi nhớ chồng của người vợ:
Ầu ơ, (chớ) ai đi bờ đấp một mình
(Chớ) phất phơ chéo áo, ầu ơ, (chớ) phất phơ chéo áo..giống hình phu quân
Hay nỗi hờn trách người đi lấy chồng sớm:
Ầu ơ, trèo lên cây khế mà rung
Khế rụng đùng đùng chẳng biết khế ai
Khế này là khế của chị hai
Khế chưa có trái, ầu ơ, (chớ) khế chưa có trái…chị hai có chồng Nỗi lo sợ của đứa con lấy chồng xa
Ầu ơ, má ơi đừng gã con xa
(Chớ) chim kêu vượn hú, ầu ơ, chứ kim kêu vượn hú…biết nhà má đâu Hay nỗi chờ đợi của người con gái chậm duyên:
Ầu ơ..nằm buồn xem nhện giăng tơ
(Chớ) nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối…ai
…..
Cứ thế mà tôi lắng nghe tiếng ru của chị, của mẹ tôi, trông thấy đám cháu con chị Hai lớn lên. Chị Hai lấy chồng sớm, đông con, hằng ngày
chạy ăn từng bữa nên tôi rất thấm lời bài hát “...lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn…”. Ngoài tiếng ru ở nhà mình, buổi trưa hè, tôi còn nghe tiếng hát ầu ơ ở những ngôi nhà lân cận. Có cả tiếng gà gáy trưa.
Chị Tư tôi lấy chồng, sanh con và ru con bằng…tân nhạc. Tôi cũng nhận ra khi tôi lên hai mươi tuổi, khi các cháu con chị Hai lớn khôn, cũng là lúc tôi hết nghe tiếng ầu ơ. Tôi cũng chẳng còn nghe từ nhà hàng xóm. Chị Tư tôi nói không biết hát ầu ơ. Có những câu phải thêm “chớ’, có những câu phải ngân lên, có những câu ngân giữa chừng, có những câu đi liền một mạch như bài “cây khế của chị Hai”. Tôi thử hát ầu ơ và rồi chịu …thua. Đúng là ầu ơ khó hát thật. Thấy dễ, nghe có vẽ “bình dân” nhưng thật khó hát. Những tiếng ngân, rồi xuống “tông”, xuống lơ mơ thành”đọc” luôn…nghe kỳ dễ sợ Bạn bè thường khen tôi hát nhạc Pháp hay, tôi cũng bon chen những bản nhạc đồng quê của Mỹ hay của The Beatles..Tôi cũng là một giọng hát “tự hát tự nghe” nhạc Trinh Công Sơn, Ngô Thụy Miên…Vậy mà không thể ngân mùi mẫn, xuống “nhẹ nhàng” những câu hát ầu ơ. Lúc nào tôi cũng “rớt nhịp”, tự mình thấy “quê một cục”
Đôi lúc tôi nghĩ trẻ em bây giờ vô cảm nhiều, phải chăng vì chúng lớn lên thiếu tiếng hát ầu ơ của mẹ, của bà. Có phải tiếng ầu ơ là những bản nhạc đầu tiên cho nhân cách sống, những bài đạo đức đầu đời? Tôi không thể kết luận. Thỉnh thoảng nghe đây đó tổ chức hát Vọng Cổ, tôi bỗng ao ước nên chăng một cuộc thi hát Ầu Ơ Ví Dầu. Chắc chắn không dễ kiếm giải nếu người dự thi không có tâm hồn, sự chân chất, mộc mạc, đậm chất Việt Nam.
Tiếng ru ầu ơ hình như mất đi giữa Sài Gòn. Theo những con thuyền du lịch sông nước miền Tây tôi thèm làm sao nghe tiếng ru Tôi chợt an ủi, có lẽ tiếng ru vẫn còn ở những nơi đông dân cư miền quê sông nước. Còn những nơi khách đi qua có lẽ đã là “sản phẩm của du lịch” rồi, làm sao có tiếng ầu ơ.
Tiếng ru ầu ơ là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Việt
Nam, tôi chợt mong “bản sắc” này luôn được trân trọng và gìn giữ một cách nghiêm túc. Để những thế hệ sau biết thế nào là Lời Ru Của Mẹ. À, mà sao những nhà văn hóa không mở lớp ru con ầu ơ ?. Hay là dạy hát ru ầu ơ trong những lớp Dự Bị Hôn Nhân….?
Nghe đâu đó người trẻ đua nhau học nhạc cổ truyền Nhật Bản, nhớ đến những tiếng Ầu Ơ dần mai một đi, tôi cảm thấy sao…
Ầu ơ..(chớ) nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
(Chớ) nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ…ai
Vâng, đôi lúc ta nhớ một tiếng hát, một hình ảnh, một...cái gì đó không định nghĩa được. Có lẽ tiếng ru Ầu ơ, Ví dầu cũng là một trong những nỗi nhớ khôn nguôi đó…
SÀI GÒN TRỞ LẠNH
Đ
ầu tháng 11, bên cạnh những cơn mưa cuối mùa như muốn níu kéo ảnh hưởng nơi thành phố không mấy thiện cảm với mùa mưa là cái lạnh se se buổi sáng sớm. Thức dậy, làn nước lạnh khiến ta tỉnh hẳn. Một cảm giác hạnh phúc lẫn bâng khuâng dâng lên. Trời lập đông rồi. Thế là Giáng Sinh gần đến, tết tới nơi, trên vai thêm một tuổi đời, mái tóc thêm vài sợi bạc. Để rồi một hôm nào ta giật mình thấy màu thời gian đang dán chặt vào ta…
Ngồi trên xe buýt trên đường Hải Thượng Lãng Ông, ta nôn nao với những chùm kim tuyến, những trái châu Giáng Sinh, những cây thông, tấm thiệp, ngôi sao…treo rực rỡ trong các cửa hàng. Từ đầu tháng 10, cũng đã có vài chùm dây kim tuyến, đèn màu…nhưng hình như mùa Giáng Sinh còn lấp ló quanh đây, người bán vẫn còn ngại ngần khi những cơn mưa gây ngập lụt còn ám ảnh người dân thành phố. Để rồi khi cái lạnh se se đến, Giáng Sinh không ngần ngại khoe hình ảnh dễ thương đặc trưng như Giáng Sinh hàng ngàn năm qua…Giáng Sinh đến rồi, thế là Sài Gòn hết mưa và hết luôn ngập!
Qua rồi những cơn mưa vội đến nhưng không vội đi, thường để lại nỗi khổ cho người dân suốt đêm tát nước, suốt buổi bì bõm trong “giòng sông uốn quanh”. Hôm nay Sài Gòn rực rỡ những sắc màu tươi vui và đây đó trong lòng từng người, từ trong ngóc ngách của trái tim…có hình ảnh thân yêu của ai đó hoặc có khi là chính mình của những mùa Giáng Sinh đầy thánh thiện, ngây thơ và lãng mạn…mà giờ này không còn tìm lại được nữa với mái tóc nhuốm màu thời gian.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Trích trong Sài Gòn Đi Và Nhớ _ NXB Thanh Niên_2010
GIAI ĐIỆU MÙA ĐÔNG
M
ẹ yêu nhất là mùa Giáng Sinh. Lúc em còn bé, một chiếc máy cassette cũ là cả một gia tài. Mẹ nhín nhúc mua được một chiếc thật cũ. Hình như là đến twenty-second hand!
Mẹ thâu những bản nhạc Giáng Sinh và nghe suốt từ đầu tháng mười dương lịch cho đến hết mùa Giáng Sinh. Lạ lùng, bản nhạc nào em cũng nghe thật quen. Mẹ bảo em đã từng được mẹ ru bằng những giai điệu du dương đó. Em hỏi cứ Giáng Sinh mẹ nghe hoài một loại nhạc sao không chán. Mẹ nói mẹ nghe để nhớ ông ngoại.
Ngày xưa ông ngoại rất yêu Giáng Sinh. Ông thường dẫn mẹ đi lễ nhà thờ, đi tập kịch đi hát ca đoàn và mua sắm Giáng Sinh. Em bận học tối mắt, không tham gia ca đoàn hay các hoạt động nhà thờ như mẹ ngày xưa. Em cũng nghe nhàm quá các ca khúc Giáng Sinh. Và một ngày, mẹ ra đi trong một cơn bệnh nan y vào cuối thu. Em đã lớn, đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định nên không là gánh nặng cho ai cả.
Đầu mùa đông, những cây thông đầy màu sắc được chưng bày rực rỡ trong các cửa hàng. Đâu đó những giai điệu quen thuộc vang lên thánh thót. “Chú bé đánh trống”_“Đêm thánh vô cùng” _ “Noel Noel”…Tất cả quyên lại đưa em về kỷ niệm, nơi đó có mẹ và em tung tăng đi lễ nửa đêm, nơi đó “đêm thánh vô cùng” em và mẹ ăn réveillon với chiếc bánh kem xinh xinh, nơi đó có món quà ông già nô-ên tặng khi em đang say ngủ…Em bật khóc.
Đôi chân em đi vào cửa hàng băng đĩa một cách vô thức. Em chọn những chiếc đĩa Giáng Sinh của ABBA, của ca sĩ Petite Page, Pat Boone và cả những ca sĩ trong nước. Nhạc Giáng Sinh hát thứ tiếng nào cũng nghe hay. Chiếc máy đĩa, quà em tặng mẹ khi lãnh tháng lương đầu tiên, mẹ chỉ mới nghe được có một mùa Giáng Sinh. Tối nay, em sẽ tha hồ quay trở về với những kỷ niệm về mẹ, em sẽ được khóc trong các giai điệu Giáng Sinh
bất tử này. Em đã hiểu tại sao mẹ yêu nhạc Giáng Sinh và em cũng đã biết tại sao những giai điệu này bất tử với thời gian.
XIN CÁM ƠN THÀNH PHỐ THANH BÌNH
S
áng nay tôi “thông báo” cùng mẹ, chị Tư và hai đứa cháu tôi đi lãnh nhuận bút, ghé Brodard mua bánh kem ăn. Sáng thứ hai là ngày nghỉ của tôi. Thành phố thật thanh bình với dòng xe, người hối hả. Đường Võ Văn Tần cây cao bóng mát, cô thư ký phát nhuận bút thân thiện…Trước khi quẹo sang Đồng Khởi, tôi ghé nhà thờ Đức Bà. Từng đoàn du khách vào tham quan ngôi giáo đường trên trăm tuổi. Không ai chú ý một chú bé bị bại liệt ngồi phía trong hành lang nhà thờ. Gặp tôi, chú cố phát những âm thanh ….À, hôm nay mình mới lãnh nhuận bút mà….Tôi cầm đồng xu năm ngàn đưa chú. Chú vui vẻ cám ơn bằng âm thanh đặc biệt của chú. Tự dưng tôi vui lạ.
Có sống trong không gian thanh bình, êm ấm mới thật thông cảm và xót xa với những người dân trong đất nước chiến tranh. Tôi không sao quên được cảnh trong TV hai cha con người Palestine trên đường về nhà đã lọt vào tầm đạn của Palestine và Israel. Hai người đã núp sau một chiếc thùng to, la hét, xin ngừng bắn. Thế rồi chỉ vài phút, máy quay của phóng viên chiến trường trở lại chỗ họ…Chỉ còn hai cái xác, một già, một trẻ…Thái Lan, hàng trăm giáo viên, học sinh bị tàn sát..
Mang những chiếc bánh kem về, cả nhà xúm xít ăn, thật vui. “Meo” cho nhỏ bạn kể chuyện, nó ganh tỵ. Ngoài giờ dạy tôi còn thời gian viết lách, còn sống những giây phút cùng gia đình và thành phố thân yêu. Nó ở Mỹ, làm “neo” (nails), miệt mài từ sáng đến tối mịt, không còn thời gian mà nghĩ đến bản thân mình. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bệnh vì không có bảo hiểm…Thôi thì ai nói ở Việt Nam cực , làm không đủ sống, cứ kệ họ đi. Mình hãy an phận như chú chuột đồng của La Fontaine, chẳng giàu có gì nhưng thật ung dung với một cuộc sống không chạy vạy, không bom đạn chiến tranh và tận hưởng những niềm vui nhỏ nhoi bên gia đình, trong
thành phố thân yêu.
Cám ơn những người đã mang sự yên bình cho thành phố, cám ơn những giờ phút mơ mộng của tôi….
HƯƠNG VỊ SÀI GÒN SAIGON SAVOUR
N
hà tôi trong hẻm quận 3 gần xóm đậu hủ. Ngày trước mỗi tối từ nhà bên này tôi nghe hương thơm đậu nành toả ra khắp xóm. Thế là lấy lon sữa Guigoz cũ mua hai đồng cả nhà uống đã đời. Nếu sang trễ, sữa được chế biến thành từng lát đậu hủ cho buổi chợ sáng mai. Sau ngày đất nước mở cửa, có nhiều lãnh vực để đầu tư, xóm đậu hủ không còn nữa. Những đêm buồn đơn độc, tôi chợt nhớ hương thơm đậu hủ của xóm mình ngày xưa, nhớ từng cụm khói bốc lên từ lò đậu và nhớ cả nhà xúm xít xì xụp lon đậu nành.
Sữa đậu nành còn được chế biến thành món ăn độc đáo nữa cũng có tên đậu hủ. Đậu hủ này không được chiên để ăn với cơm hoặc với bún nước tương dằm ớt hay xào với giá sống, hẹ hành hoặc để tươi nấu với canh hẹ…Đậu hủ này do đậu nành được nấu đặc lại, đổ vào cái soong lớn, được “hớt” từng miếng mỏng bằng cái muỗng dẹp, đặt nhẹ nhàng vào chén, đổ nước đường đặc nấu với gừng lên trên. Ăn đậu hủ này cũng với chiếc muỗng nhỏ dẹp. Hớt từng muỗng bỏ vào miệng. Chao ôi, vị ngọt của đường hoà với hương thơm của đậu nành…thật tuyệt. Cắn thêm miếng gừng cay từ muỗng đường phủ lên mặt đậu hủ tạo cảm giác thật ấm áp từ cổ xuống đến bao tử, ngược lên mũi, não…
Không còn xóm đậu hủ, vẫn còn gánh đậu trước nhà buổi trưa do một chị là dân nhập cư từ miền tây bán. Trưa nào chúng tôi cũng “ủng hộ” mười mấy chén, thay nhau trả tiền. Đám cháu lớn lên có nhà riêng trên Gò Vấp thi thoảng gọi điện nhờ tôi mua đậu hủ dùm nếu có người lên chơi. Có dịp ghé nhà ngoại, chúng cũng đợi chị đậu hủ đi, mua vài bọc mang về.
Lên Đà Lạt, đi chợ “âm phủ”, ghé ăn chén đậu hủ nóng, nhai miếng gừng cay…Thật chẳng còn gì thú vị hơn. Mỗi lần ghé Đà Lạt, đám cháu nôn nao đến chùa Ve Chai để ăn đậu hủ, chị tôi nói đùa có lẽ trong chúng
có chút “dư âm” của xóm đậu hủ ngày xưa. Thế nhưng tôi luôn thấy thiếu thiếu một cái gì…A, nước dừa.
Một ngày người bạn người Anh nhờ tôi mua dùm chén đậu hủ gánh trước nhà chị. Chị ngạc nhiên khi đậu hủ ở Sài Gòn có thêm nước dừa. Đậu hủ nước dừa chỉ đặc biệt có tại Sài Gòn. Đi Huế, lăng Khải Định, Đà Lạt …Sau này sang Hong Kong, Malaysia…cũng có những xe đậu hủ…Tất cả đều thiếu vị béo ngậy của nước dừa…
Nước dừa hình như được dân Sài Gòn, mảnh đất trù phú, luôn có những người sành ăn thêm thắt hương vị vào các món ăn du nhập từ nhiều nơi mà đậu hủ nước đường là một. Vị béo của đậu nành, nước dừa, vị ngọt của đường và cay sè của gừng, gây cảm giác thú vị trộn lẫn vào nhau Đậu hủ những nơi khác kể cả Hong Kong cũng chỉ dừng lại ở vị ngọt của đường và béo của đậu nành.
Tới bất cứ đâu nơi đất nước này hay sang các nước Đông Nam Á, tôi luôn nhớ quay quắt vị ngọt béo, cay nồng của chén đậu hủ Sài Gòn. Có lẽ do khẩu vị. Khi tôi hỏi đậu hủ có nước dừa không, nếu gánh đậu ở trong nước, người bán sẽ cười, lắc đầu. Nếu là xe đậu hủ ở nước ngoài, người bán giương mắt ngạc nhiên với hương liệu cho thêm độc đáo của người bán Sài Gòn. Tôi thầm hãnh diện thú ăn sành điệu và phong phú của món ăn được chế biến tại Sài Gòn. Chỉ Sài Gòn, người ta mới thêm nước dừa vào chén đậu hủ đường, chỉ Sài Gòn mới thấy sự đa dạng và sung túc của các món ăn. Và hôm nay, gánh đậu hủ quen thuộc không còn nữa, chị bán hàng đã trở về quê làm ruông, tôi bâng khuâng nhớ lại món ăn dân dã của đất Sài Gòn: đậu hủ nước dừa.
NGƯỜI NHẬP CƯ
N
hững ngày cuối năm, thằng cháu nhận xét:
- Ra đường vắng teo, mấy người nhập cư về quê hết rồi.
Chị không quan tâm. Với chị, đó là những người từ khắp nơi đổ về để tăng thêm phần “ồ ào, chen lấn” nơi thành phố. Vậy mà hôm nay, tết đã qua nhiều ngày, đống bưởi thằng bé người Quảng Nam bán cho chị đã hết sạch, chị chợt trông chờ thằng bé có chất giọng khiến gia đình chị luôn nhìn nhau cười:
- Con lựa bưởi ngon và rẻ…bán cô.
Nhà chị gần ga Sài Gòn, nơi tập trung rất nhiều người từ các tỉnh đổ về. Họ thường dành nhau để được là “mối” quen của chị, cô giáo muốn có thân hình tạm được để mặc áo dài nhưng lười tập thể dục, thế là cô ăn bưởi để tiêu mỡ (?). Chị chọn thằng bé này. Có lần chị hỏi chú tên gì, chú nói:
- Cô cứ gọi con thằng Bưởi…
Trước đây sân ga đầy người bán bưởi. Lúc này mỗi trưa đi dạy về, xuống xe buýt, chị nhìn quanh tìm những chiếc xe đạp với giỏ bưởi đầy phía sau. Tất cả vắng tanh, những người nhập cư chưa vào nên thật khó tìm một hình ảnh quen thuộc mà ngày thường chị không quan tâm đến.
Chị chợt thấy những người nhập cư thật quan trọng với đời sống thị thành, nhờ họ, cuộc sống tiện lợi hơn. Sáng làm biếng đi chợ, đã có gánh rau, cá, thịt…lưu động ngồi trước nhà với chất giọng thiệt thà:
- “Cô ơi, mua ít cá chiên ăn..” hay _“Cô ơi, mua thịt nấu súp đi cô…”. Chị chỉ “quan hệ mua bán” với thằng Bưởi. Hằng tuần Bưởi mang cho chị những trái bưởi to tròn với giá phải chăng, chị không cần đi xa để mua. Bưởi còn mài dùm chị con dao để chị “xẻ bưởi” cho “ngọt”. Chị cũng mời chú uống những ly nước trà ướp lạnh giải khát trong cái nắng Sài Gòn. Thằng bé chẳng than van mong nhờ sự thương hại như đa số những người
nghèo chị gặp. Chú chỉ cười lấp liếm:
_“Con nghèo thế này…ai ưng” khi chị vui vẻ hỏi về chuyện vợ con. Ngày đầu tiên bán số lượng bưởi lớn cho chị, chú bé không biết tính tiền, chị phải tính dùm, chú thiệt thà:
- Con học mới lớp 2 đã nghỉ để đi bán…
Chị nghe xót xa như biết chính học trò mình bỏ học tha phương kiếm sống!
Trước tết Bưởi mang đến chị ba chục trái bưởi, nói ráng ăn từ từ để chú ăn tết xong vào bán tiếp. Chị đã ăn hết sạch. Muốn mua bưởi, chị phải đi xe ra những con đường lớn với những trái bưởi giá gấp rưởi giá thằng bé, hay những người nhập cư mang bán chị. Chị chợt cảm thấy thật…cô đơn.
Hôm nay, về Đức Hoà chơi, chị mua được một chục trái bưởi da xanh, chị phân bua cùng người bạn khi họ có ý ngạc nhiên:
- Mấy người nhập cư chưa vào nên không có ai bán bưởi rẻ, vừa với túi tiền của mình cả. Chị bạn lại tròn mắt. Chị giật mình:
- Ô, những người nhập cư đã trở nên quan trọng với chị từ lúc nào?
SÀI GÒN CÀ PHÊ
N
gày trước, sáng sớm ba tôi thường mang ly băng qua quán chị Muối bên kia đường Phan Văn Trị (Quận 5) mua cà phê sữa. Thỉnh thoảng tôi mua cà phê cho mẹ. Có lần tôi đưa chị Muối năm cắc, chị pha cho tôi ly cà phê đen. Tôi tỉnh bơ đưa lại chị đòi:_ “Sữa”, chị la lên:_ “Năm cắc không có sữa”. Sau đó chị “mắng vốn” mẹ tôi:_ “Con gái út bà mua năm cắc cà phê còn đòi sữa!”. Ba tôi mất, mẹ phải gánh vác gia đình. Bà đổ bánh bông lan để bán. Nóng nực bên lò lửa, mẹ thường bảo chị Hai pha cho mẹ những ly cà phê đá. Tôi loay hoay bên mẹ, uống ké…Rồi nghiền luôn cà phê.
Sài Gòn có vô số hàng quán cà phê, thượng vàng hạ cám. Tôi thường đi với Giang vào những quán cà phê hát nhạc Trịnh khu vực Tân Bình. Phía quận 3, đường Ngô Thời Nhiệm, Tú Xương, Hai Bà Trưng…cũng có cà phê sân vườn. Tôi cũng có những người bạn thích uống cà phê lề đường. Ngồi trên chiếc ghế nhựa gọi ly cà phê và nhìn dòng người xe qua lại thật thú vị . Cũng có những quán cà phê ngồi ghế bố đàng hoàng, giá lại rất rẻ như một vài quán trên đường Bà Hạt (Quận 10). Có những quán cà phê trang bị một TV thật to, ngày thường chiếu phim hay ca nhạc, mùa World Cup, những nơi này là ổ cá độ bóng đá bình dân.
Tùy loại nhạc được chơi trong quán mà người ta xếp đẳng cấp cho nó. Quán cà phê chơi nhạc trữ tình, nhạc Trịnh…chắc chắn không thể dành cho những thanh niên choai choai, nói năng ồn ào. Một lần, trong quán cà phê sân vườn, mọi người đang chìm vào những tình khúc của Trịnh, một đám thanh niên vào quán chửi thề, nói năng ồn ào. Hàng chục cặp mắt quay nhìn họ. Không ai thốt một lời, thế mà tự dưng đám thanh niên ngỗ ngáo đó tự biến ra ngoài.
Có những quán cà phê đánh giá khách qua cách gọi thức uống. Có lần, vào một quán cà phê trên đường Lý Chính Thắng (quận 3), tôi và nhỏ bạn
gọi hai ly cà phê đen. Chú bé phục vụ ra chiều khinh bỉ, đến quầy nói oang oang với người pha cà phê:_ “Hai ly đen. Tưởng dân sang uống cacao sữa chứ”. Lúc tính tiền, chỉ ba ngàn. Tôi móc mười đô (USD) đặt trên bàn, buông một tiếng:_ “Khỏi thối”. Lúc đó một đô đổi mười ngàn tiền Việt (10.000đ/USD). Trước khi bước ra cửa, tôi vẫn còn thấy miệng chú ta há hốc!
Một lần ngồi trong quán cà phê dương cầm, tức người ta chơi toàn nhạc cổ điển, nhạc trữ tình bằng đương cầm. Hôm đó, tầm 8 giờ tối, tôi tự hỏi sao người đánh đàn cứ chơi hoài những ca khúc của Văn Cao. Thắc mắc nhưng tôi không hỏi. Chừng để trả lời một số thắc mắc của khách, đến 9 giờ rưỡi, chủ quán mở đài BBC. Chúng tôi vỡ lẽ, Văn Cao đã chết và bên kia, nhạc sĩ Phạm Duy đang khóc Văn Cao. Tôi nhớ, tôi và người bạn đã thẫn thờ thật lâu. Trong tôi, bản Thiên Thai đã cho một ký ức thật đẹp. Một thời tôi từng mơ mình sẽ tìm được Thiên Thai. Nghe người ta kể cứ đi theo mặt trời sẽ đến thiên thai. Một chiều, tôi theo hướng mặt trời lặn, vào tận Chợ Lớn thì thiên thai đâu không thấy, chỉ thấy trời sụp tối, cả nhà một phen hốt hoảng đi tìm tôi. Hên là tôi chỉ đi độc con đường Trần Hưng Đạo. Trời tối, tôi cũng theo con đường đó về nhà. Trong lòng cứ tiếc sao mặt trời lặn sớm quá để tôi không thể tìm đường lên tận thiên thai. Vậy mà hôm sau, tôi không dám đi nữa. Tôi sợ cảm giác vừa mệt, vừa đói trên đường về, nếu không tìm được thiên thai trước khi mặt trời lặn. Tôi tự hứa với lòng sẽ tìm đường lên thiên thai khi lớn lên. Thật buồn khi đã lớn ta không còn tin vào thiên thai nữa.
Tôi thích những quán cà phê chơi nến và trên bàn là cành thạch thảo. Cũng một thời lãng mạn với hoa thạch thảo của Apollinaire. Có quán cà phê, tôi vào để “canh me” chôm Ông Địa dù chẳng biết mình chôm về để làm gì. Chỉ biết tại tượng ông gần tầm tay quá, không chôm…uổng. Thế mà hàng tháng trời cố gắng để cuối cùng bỏ cuộc vì “coi vậy chứ không phải vậy” rất khó với tay cầm tượng đừng nói chi đến chôm.
Thi thoảng chúng tôi tấp vào công viên bên Nhà Thờ Đức Bà uống cà
phê “bệt” tức ngồi bệt xuống đất uống. Cà phê không đậm đà, mà mọi người cứ xúm xít, vừa uống vừa tám. Tôi chợt nhận ra người Sài Gòn uống cà phê, không phải vì ly cà phê ngon, mà vì khung cảnh, vì “gu” nghe nhạc…Ngày 21/1/2010, báo đưa tin tại rẩy ông Thành (Daklak), một phụ nữ đi mót những hạt cà phê thừa mà bị đàn chó bec giê xé xác. Ly cà phê bỗng mặn đắng vị máu. Từ đó, tôi bỏ hẳn thú đi uống cà phê cùng bạn bè, bỏ dần thói quen uống cà phê buổi sáng.
SÀI GÒN BÁNH CUỐN
N
gười ta nói Sài Gòn không có đặc sản, thế nhưng biết bao đặc sản lại tập trung ở Sài Gòn. Bánh cuốn là của người Bắc, mang vào Sài Gòn thành món độc đáo không dễ quên mỗi khi xa Sài Gòn. Người Sài Gòn có khi gọi lầm bánh cuốn là bánh ước. Bánh ước, người ta đổ từng miếng, cuốn tròn, cắt ra, để giá luộc, hành phi, chả lụa sắt mỏng, bánh tôm chẻ làm bốn miếng…để lên trên, rắc chút rau thơm và chan nước mắm ớt vào. Xong người ta trộn lên…Gắp từng gắp bột với chả, bánh tôm…Mùi hành phi chen với rau thơm, giá luộc, thêm với chút dòn dòn của bánh tôm, cay nồng của ớt….Ngon vô cùng!
Bánh cuốn lại khác. Bánh ước người ta mua sẵn từng ký. Bánh cuốn người ta tráng tại chỗ, nóng sốt ăn liền. Người bán đổ một giá bột lên mảnh vải căng trên mặt chõ, tráng đều ra, thêm nhưn gồm thịt nạt, củ sắn, nấm rơm…và cuốn lại, gấp ra dĩa. Những cuốn nhỏ người ta cắt khoanh hay để nguyên ăn luôn cũng được. Bánh cuốn cũng có giá luộc, rau thơm, bánh tôm, chả lụa, hành phi…như bánh ướt. Chỉ hơn chút là có nhưn thịt nên mắc hơn. Trong các món ăn sáng, ít ai điểm tâm bằng bánh cuốn. Bánh cuốn, bánh ước bột ít, không no lâu.
Trước đây, đầu hẻm nhà tôi có hàng bánh ước, bún riêu của cô Hồng. Mỗi ngày, tôi phải ăn hai món và kêu: Một tô, một dĩa. Bạn bè người Mỹ đến nhà chơi sáng sớm trước khi tôi đưa đi tham quan thành phố, tôi cũng ra hàng chị Hồng gọi một tô, một dĩa. Có lần gặp người bạn Mỹ to cao như ông già Noel, tôi chỉ đãi cũng một tô một dĩa, chị tôi la quá chừng:
- Thằng Mỹ to như khổng lồ mà cho ăn một tô bán riêu, một dĩa bánh ước…Sao thấm?
Tôi chỉ nói đó là đặc sản của khu phố nhà tôi, tiêu chuẩn có thế, muốn ăn nhiều cứ về Mỹ cháp hamburger.
Bánh cuốn thường không mắc. Có lần tôi rủ thằng cháu ăn sáng. Suốt con đường không có hàng nào ngoài một tiệm bánh cuốn khá sang trọng. Hai bà cháu vào gọi mỗi người một dĩa, kèm theo ly sữa đậu nành. Lúc tính tiền, tôi choáng váng. Số tiền bằng mười dĩa bánh cuốn ngoài chợ bán. Dĩa bánh không có gì đặc biệt, chỉ bánh tôm, chả…Vậy mà giá ngất ngưỡng. Trên đường về tôi cứ xuýt xoa tiếc tiền. Từ đó, mỗi lần ngang qua cái quán ấy tôi nhìn vào mới ánh mặt căm hận…Và thề không bao giờ tấp bừa vào một quán hàng nào trên đường mà mình không biết rõ.
Tại Sài Gòn trước đây, trên đường Phan Đình Phùng (giờ là Nguyễn Đình Chiểu), gần đường Lý Thái Tổ có một quán bánh cuốn vang bóng một thời. Cũng những muỗng bột tráng lên mặt vải nóng, cũng nhưn thịt nạt, củ sắn...cuốn lại xếp lên dĩa. Nhưng độc đáo hơn hết là nước mắm cà cuống. Nước mắm được pha chế rất ngon. Sau khi đổ nước mắm đã pha chế vào chiếc chén nhỏ, người bán chấm đầu tăm vào nước dịch của con cà cuống, chấm vào chén nước mắm. Ăn ngây ngất…
Anh họ tôi nói người ta nặn nước dịch của con cà cuống ra, đựng vào một chai nhỏ như chai dầu gió Nhị Thiên Đường ngày trước. Khi ăn, chỉ cần lấy hai giọt cà cuống pha với nước mắm, ăn cùng với bánh cuốn…Hết ý. Tôi nói chỉ thấy họ lấy cây tăm chấm vào dịch cà cuống. Anh bảo bấy nhiêu đó cũng đủ ngon rồi. Hồi nhỏ, không biết gì, chỉ thấy ngon là được. Lớn lên, biết con cà cuống giống con gián. Và người ta nặn nước dịch của nó. Nước dịch là nước gì từ cơ thể nó? Ui cha, ghê quá! Nhưng sao ngày trước ăn ngon vậy. Cảm giác không thể quên và cũng không tìm ra được đất Sài Gòn này nơi nào có bánh cuốn ăn với nước mắm cà cuống.
Một lần, anh họ tôi từ xa về lại Sài Gòn. Anh nhờ tôi chở tìm quán bánh cuốn cà cuống ngày nào. Tôi cười bảo nơi đó dẹp rồi. Anh không tin. Đến chừng đi ngang qua nơi ngày xưa chiếc quán nhỏ với món bánh cuốn nước mắm cà cuống độc đáo, anh chợt thở dài:_ “Sài Gòn mất đi một món đặc sản”…
SÀI GÒN CHÁP
C
háp, quằm, đá…có nghĩa ăn với người Sài Gòn. Có ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Ở đây không có nghĩa ba bữa ăn bắt buộc trong gia đình. Có nhà nấu cơm hay mua bánh mì về ăn sáng chung. Tuy nhiên, đa số đều ra quán ngồi:, một dĩa bánh mì ốp la hoặc tô phở, hủ tíu, dĩa bánh cuốn, bánh ước…kèm với ly cà phê, hay pạt xỉu…
Như một thói quen, không ai ăn sáng với bánh xèo, bột chiên, bò bía hay thịt quay. Những món này chỉ dành ăn lúc xế chiều, sau giấc ngủ trưa muộn, hay sau vài tiếng đồng hồ làm việc buổi chiều, bữa ăn trưa đã tiêu hóa hết. Buổi tối, tầm 10 giờ, có những món như sủi cảo, há cảo. “Lép nhép” suốt ngày có bò bía, phá lấu, cá viên chiên…
Tôi thật “may mắn” khi sống trong những khu xóm “phục vụ” ăn uống cả ngày. Hồi nhỏ, buổi sáng có bà Phở, bán phở ở xóm trên, chị Muối bán hủ tíu, mì ở đầu xóm tôi, giữa xóm có chị bán bánh cuốn, bánh ướt. Có câu đố vui:_ “Xe nào có phun khói mà không chạy được”. Câu trả lời là xe phở hoặc xe hủ tíu. Xe phở của người Việt, nhỏ gọn, cao hơn xe hủ tíu của người Hoa. Xe hủ tíu thường được sơn màu mè, hoa văn…Xe nào cũng có một thùng rổng ở dưới đủ cho chiếc lò. Phía trên là thùng nước lèo, có một ngăn nhỏ chứa nước để trụng mì, thịt tái, giá hẹ…Người ta thường ăn hủ tíu, mì, phở…buổi sáng. Vậy chứ buổi tối, một tô hủ tíu mì, thêm miếng bánh tráng phía trên, trộn đều rồi …cháp. Ngon phải biết!
Xế trưa, có bà Hai chè ở xóm cũ (quận 5). Tầm chiều, thím Tư đầu đường đổ bánh xèo thật ngon. Thím ngồi cái bàn thấp, chung quanh là những chiếc ghế cây nhỏ, mọi người ngồi như con cóc chung quanh, kẻ cuốn, người chấm hít hà cay nồng với những miếng bột vàng ươm, tôm, thịt, giá trắng muốt…Phía ngoài hàng bánh xèo là xe ông Tàu bán bột chiên. Lúc nhỏ, tôi nhớ ông trộn bột bằng tay, đống bột đen thui. Vậy mà
khi đổ bột vào cái chảo lớn, xào qua xào lại, mùi thơm quyến rũ, quên ngay hai bàn tay đen thui của ông Tàu. Xe bột chiên của ông lớn hơn xe phở nhưng nhỏ hơn xe hủ tíu. Kế bên xe bột chiên cũng một ông Tàu khác bán bánh “má ơi”. Ông đổ bột vào khuôn, thêm đường dừa, xong ụp lại và cắt ra từng miếng nhỏ. Tôi chỉ nghe ông rao “má ơi”, cả xóm tôi đều gọi bánh đó là bánh “má ơi”. Đối diện hai ông Tàu, trước quán chị Muối là một ông Tàu khác với xe thịt heo, xá xíu. Xe này nhỏ nhứt, không thông với thùng xe bên dưới, ba mặt phía trên bằng kính, bên trong treo lủ khủ thịt heo quay vàng ươm…Chúng tôi phục lăn nhìn con dao sáng bóng, cắt những miếng thịt nhẹ nhàng trên tấm thớt vuông bóng lưỡng. Có lần băng nhóm du côn trong xóm đánh lộn, một người chạy đến giật con dao trong tay ông, ông la lên xí xô đòi lại, người này quay lại giơ con dao lên:
- Tui chém luôn ông à...
Ông Tàu hoảng hồn bỏ con dao đẩy xe chạy mất. Nhóm đánh lộn bị dập tắt, ngày mai lại thấy ông với con dao khác lui cui bán thịt quay. Xóm tôi hiện nay (quận 3) cứ cách vài bước chân là đủ các món ăn. Trước nhà buổi sáng bún bò, cách vài bước là bún thịt nướng, lên xa chút là hàng hủ tíu, nui…Đi thêm vài con hẻm đến một khu vực gọi là Chuồng Bò, chẳng có con bò nào nhưng ê hề là cơm tấm, hủ tíu, canh bún…bánh bèo ít ai ăn buổi sáng. Thế nhưng gánh bánh bèo của chị Điểm lúc nào cũng đông khách, miếng bánh to, trắng ngần, ở giữa là một cục nhưn đậu xanh, rải lên bột tôm thịt, đáng nói nước mắm rất ngon…Ngoài bánh bèo là “đặc sản” của chị, chị còn bán bánh ít trần, bánh ướt. Chị bán từ gánh sang đến cửa tiệm luôn. Đặc biệt các hàng bún, hủ tíu…đều là những bàn thấp, với những chiếc ghế thấp cho khách ngồi quanh ăn, không bán xe đẩy như xóm cũ tôi ở quận 5. Ngoài hẻm vài bước là quán cơm tấm. Ngày trước, tôi thường mua hộp cơm tấm theo ăn. Mang xuống trường ai cũng khen hộp cơm bốc mùi thơm lừng đặc trưng của cơm tấm. Có người nhờ mua dùm nhưng tôi từ chối. Mà kỳ thật. sao họ không nghĩ tôi phải đi hai chuyến xe để xuống trường, có khó khăn không khi lủ khủ hai ba hộp cơm
mang theo? Họ nhờ người khác mua cơm tấm dọc đường, hoặc ở quận 8… nhưng tất cả đều không thơm ngon bằng hộp cơm tấm của tôi. Trong tôi một chút hãnh diện dâng lên:
- Cơm tấm Sài Gòn mà.
Xế trưa, đầu hẻm là cô Thanh bán đủ loại chè giá bình dân, thêm một gánh đậu hủ nước dừa gánh vào tận xóm. Nếu không thích ngọt, cứ lên Chuồng Bò, hàng bán sáng đã dẹp nhường cho những chiếc bàn cũng thấp thấp bán hột vịt lộn, ốc len xào dừa, ốc bươu, ốc gạo, gỏi cuốn, mì xào, ....Phía ngoài đường có quán bột chiên khá ngon. Ngày trước bột chiên của ông Tàu xóm cũ thường là bột, sang lắm mới có thêm trứng vịt. Hôm nay, bột chiên người Việt chế biến có phần ngon hơn, thêm cái trứng gà đập vào, và gỏi đu đủ phủ lên. Khi ăn, xịt tương ớt lên, trộn đều gỏi hòa với bột trứng, nước tương, ớt bằm…Vừa cay, vừa thơm vị trứng chiên, vừa mềm đặc trưng của bột thêm vào vị chua của gỏi. Thằng cháu gọi tôi bằng bà cứ vài ngày sang nhà đòi tôi dẫn đi ra quán ăn bột chiên. Một tối trên đường đi bộ về nhà, nó hốt hoảng, ôm cổ vì bị giựt dây chuyền. Bị sốc vài ngày, rồi lại sang rủ tôi đi ăn bột chiên tiếp.
Đôi lúc, nhu cầu ăn uống của chúng tôi nhiều hơn số hàng quán bán trong xóm, chúng tôi đi tìm những món ăn độc đáo như chè thịt quay, kem chiên_ kem phết bột chiên lên. Khi ăn, cắn miếng bột nóng bên ngoài và hòa với kem lạnh bên trong, tạo cảm giác hay hay trong miệng. Có lúc chúng tôi lại vào tận Chợ Lớn ăn sủi cảo, há cảo, cá viên chiên, chè đặc biệt của người Hoa. Có khi chúng tôi vào những quán dành cho giới trẻ ăn “lẩu sô cô la”. Một khung nhỏ đặt chiếc “nồi” nhỏ bé xíu trên ngọn đèn cầy, bên trong là sô cô la đặc. Chỉ vài phút sô cô la nóng chảy, chỉ việc lấy bánh quét vào sô cô la đó ăn.
Chúng tôi thường bị mẹ mắng cứ thích ăn hàng vặt, có đói thì lục cơm nguội ăn cho đỡ tốn. Tôi chỉ nhắc mẹ ngày xưa đó khi gia đình còn nghèo, mẹ bán sinh tố, chị Hai cứ tầm chiều xào một thau hủ tíu mì đặt trên chiếc bàn cạnh xe sinh tố. Rồi sau 1975, dọn về quận 3, chị Hai bán cơm tấm
mỗi sáng. Hồi đó, chắc chắc cả gia đình mình đều mong có người đến ăn ủng hộ. Bây giờ con cháu có tiền, thì ăn ủng hộ lại những người nghèo. Có sao đâu!? Mẹ tôi chỉ biết cười, lắc đầu, “hết ý kiến”!
Những món ăn chơi đôi lúc còn là dấu ấn một thời. Lâm, thằng cháu gọi tôi bằng dì, lúc nhỏ thích ăn bánh tráng kẹo. Tức bánh tráng ngọt, nướng phồng lên, trét kẹo mạch nha rồi ụp lại. Sau này, mỗi lần từ Mỹ về thăm nhà, cu cậu cứ tìm bánh tráng kẹo ăn. Nghe cháu tâm sự mà buồn, tự hỏi sao ngày xưa khổ thế:
- Hồi nhỏ thấy mấy đứa có tiền ăn…. con thèm lắm!
Nhiều người than sao ăn hoài không mập. Tôi nói hãy theo tôi một tuần, bảo đảm tăng hai ký liền. Sáng “làm” một bánh hamburger chính hiệu, ly cà phê sữa. Trưa ăn cơm ba món thịt cá, đồ xào, canh. Xế trưa, một ly chè, một dĩa chuối nướng chan nước dừa, rắc đậu phọng nhuyễn lên. Tầm chiều hai hột vịt lộn, một dĩa ốc len xào dừa. Cơm chiều cũng đủ ba món. Tầm 8 giờ tối một là ra ăn chè thập cẩm trên đường Kỳ Đồng, hai là vào Chợ Lớn ăn sủi cảo, hoặc ghé Bà Huyện Thanh Quan ăn bò bía, ốc, trước khi về ngủ thêm một ly sinh tố sầu riêng…Làm sao ốm nổi? Ăn nhiều mà toàn cơm trắng, muối tiêu hay bánh mì lạt…Làm sao mập nổi?
Ngày trước có hai khu vực bán chè ngon với chúng tôi. Chè hiện nay, ngày trước gọi là đậu đỏ, bánh lọt. Giờ đây, món đó thêm nước dừa đặc hơn, chút bánh xôi vi, đậu phọng...thành chè thập cẩm. Trên đường Lý Chính Thắng có quán chè cùng với Kỳ Đồng. Nhưng rồi quán tại Lý Chính Thắng bỏ cuộc, chè Kỳ Đồng ngày càng phát triển, bán nhiều món ngoài chè, buổi chiều, tối…không còn chỗ ngồi.
Càng lớn tuổi tôi càng không thấy may mắn chút nào khi ở những khu phố toàn bán thức ăn…chơi để cháp. Ngày trước tôi khổ vì chiều cao khiêm tốn. Giờ tôi khổ thêm vì trọng lượng cứ tăng. Tuân theo chế độ ăn kiêng, vậy mà khi thằng cháu rủ đi ăn, thế là cầm lòng không được. Đành cấm cửa nó:_ “Mai mốt đừng rủ bà Út đi ăn nữa nhe”. Ôi, sao Sài Gòn nhiều món cháp thế!
SÀI GÒN GIẢI KHÁT
S
ài Gòn nắng nóng quanh năm, chỉ se lạnh lúc gần Giáng Sinh. Vì vậy, nước giải khát tại Sài Gòn muôn hình muôn vẻ, để lại cho con dân Sài Gòn biết bao kỷ niệm vui buồn.
Hồi tôi còn bé tí, một trong những người bạn của ba tôi là ông Araban, người Ấn. Mỗi lần đến nhà, tôi có nhiệm vụ ra tiệm chạp phô (tiệm tạp hóa) mua cho ông chai xá xị Con Cọp. Thưở đó, các quán chạp phô Sài Gòn đều có tủ ướp đá thật to phía ngoài, vừa bán đá, vừa đập đá bán nước ngọt. Sang quán gọi chai xá xị, người bán lấy cái ly, ống hút, chặt cục đá bỏ vào, khui chai nước ngọt…Thường tôi nghe lời ba, mua cho ông Araban chai xá xị Con Cọp, đổ ly đầy, dư một khúc nước ngọt trong chai bằng hai lóng tay người lớn. Khúc nước dư đó tôi tự nhiên…tu.
Tôi lại không thích xá xị. Tôi thích uống nước bạc hà. Một lần, ông đến, tôi mua chai bạc hà. Ba tôi la quá chừng. Ông Araban cười, bảo tôi mang ra thêm một cái ly, ông sớt vào ly của tôi phân nửa và mời tôi cụng ly chúc sức khỏe ông, ông chúc tôi học giỏi. Từ đó, mỗi lần đến nhà, tôi không cần phải “tu” một mình phần nước ngọt còn lại trong chai. Tôi mang nguyên chai ra phòng khách cùng chiếc ly của tôi. Ông vui vẻ cụng ly món nước bạc hà của tôi trong lúc chờ ba tôi chuẩn bị tiếp ông…Một lần, ông về Ấn, mang tặng ba tôi viên ngọc đổi màu theo thời tiết. Sau khi ba tôi mất, ông về Ấn luôn, nhưng tôi luôn nhớ ông, mỗi khi vào quán kêu chai bạc hà.
Sài Gòn có món nước mía lề đường, vừa ngon vừa rẻ. Đi đường khát nước, tấp vào lề, ngồi xuống chiếc ghế đẩu nhỏ, gọi một ly. Người bán lấy ngay vài cây mía đã được róc vỏ trên sóng rồi đặt giữa hai trục tròn. Hồi tôi còn nhỏ, người bán quay bằng tay thật nặng nhọc. Chiếc tay quay tròn lớn như bánh xe với những thanh gỗ ly tâm, tay cầm bằng kim loại, đặt bên hông xe nước mía. Sau này họ chỉ cần bật điện. Chỉ vài giây, một ly
nước mía sủi bọt, ngọt lịm đặt ngay trước mặt khách. Có khi người bán hào phóng đặt một hủ những trái tắc được cắt đôi trên bàn. Nếu thích, khách lấy một miếng, vắt vào ly. Vị ngọt của mía mát lạnh hòa với vị chua của tắc, xóa ngay tức khắc cơn khát giữa trưa hè Sài Gòn. Trước đây, gần nhà tôi ở xóm cũ quận 5 có dì Ba chuyên róc mía bán và cung cấp cho các xe nước mía. Vỏ mía đầy mấy giỏ cần xé. Bọn con trai lấy giắt lưng quần làm kiếm đánh nhau. Có đứa nghịch ngợm hát:
- Anh đến thăm em, áo anh đầy …xác mía.
Có khi người bán sau một lần ép, đặt miếng tắc vào giữa xác mía, cuộn lại và ép tiếp. Nước tắc hòa hẳn vào nước mía, không cần khách phải mắc công. Có nơi “phục vụ” thêm chén nhỏ muối trắng. Ly nước mía có muối thêm đậm đà.
Sau này, Sài Gòn có thêm nước mía siêu sạch, giá gấp ba nước mía thường, và được bán trong các quán trang trí bắt mắt, khá sang. Tuy nhiên, hình như bản chất người Sài Gòn thích đơn giản, dung dị. Những xe nước mía lề đường vẫn đắt khách, chắc chắn không phải vì giá rẻ!
Sài Gòn còn “món” chanh muối. Theo môn vạn vật học (sinh) hồi nhỏ, khi làm việc mệt nhọc, mồ hôi đổ nhiều, ly chanh muối đá sẽ bồi hoàn lượng muối mất đi, khiến ta khỏe hơn. Khách không cần bồi hoàn lượng muối đường gì gì đó theo khoa học. Chỉ cần ly chanh muối. Những trái chanh nước muối, cắt lát bỏ vào ly, thêm tí đường, bỏ đá vào…Thật là cứu tinh cho buổi trưa hè nóng bức. Sau này người ta còn thêm tắc muối, chanh dây…
Thời bao cấp, có lần tôi và mẹ đi bộ miệt mài từ Nhà Thờ Đức Bà về nhà quận 3. Giữa đường khát nước, nhìn mấy quán vỉa hè mà thèm, thấy miệng mình đắng hơn. Bỗng mẹ tôi nhận ra chị Ngọc Em cùng xóm đang bán nước trên đường. Chúng tôi “tấp” vào xin một ly trà đá. Không ngờ, chị làm cho chúng tôi ly chanh muối miễn phí. Đó có lẽ là ly chanh muối ngon nhứt tôi từng uống.
Dọc đường phố Sài Gòn còn món nước sâm. Chị Hai tôi thường nấu
mía lau, đường phèn, rễ tranh, râu bắp thành món nước giống nước sâm. Tôi không biết nước sâm ngoài đường bán nấu bằng gì. Chỉ thấy uống vào không ngọt mấy, chắc chắn họ cho ít đường chứ không thể nấu bằng đường phèn được, giá chỉ bằng một phần ba ly nước mía. Nước sâm được đựng trong thùng đầy đá, lại không ngọt nên giải khát “cấp kỳ”, hơn hẳn các thức uống khác.
Còn một món cực kỳ rẻ, xuất hiện sau 1975 tại các sân ga, bến xe…Đó là trà đá. Trà được cho vào chiếc ấm lớn, bỏ đầy đá. Người bán một tay xách bình trà, tay kia cái bọc đựng mấy cái ca nhựa nhỏ đi loanh quanh các sân ga, bến xe chào mời hành khách, người buôn chuyến…So ra trà đá quá rẻ, được đưa đến tận miệng, hành khách có thể giữ chỗ xếp hành chờ mua vé, người buôn đường dài không phải bỏ hàng hóa, bỏ chỗ trong hàng…Có lẽ nhờ vậy trà đá phát triển rất nhanh. Có khi uống ca trà nghe vị trà, có khi chẳng nghe vị gì hết, chỉ thấy màu vàng vàng. Nhưng không sao, miễn giải được cơn khát là tốt rồi.
Sau này đất nước mở cửa, nhiều loại nước giải khát đóng chai ra đời, người bán chỉ cần xách những chai nước ngọt, những bịch nước chanh … đi quanh bến xe chào mời. Còn sân ga cũng ê hề các quán giải khát. Trà đá lại vào các quán ăn, thậm chí nhà hàng…Người đang khát hiểu rất rõ, chỉ trà đá thứ thiệt mới giải được cơn khát, không làm người ta “khát nước thêm” sau khi uống.
Giới học trò thường chế nhạo những đứa chảnh chọe, làm cao bằng câu: - “Thứ đồ trà đá mà tưởng Pepsi”. Tại sao không là Cocacola hay 7_up? Thực tình tôi không biết! Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa, trà đá rất có giá trị
chứ không phải là thứ rẻ rúng gì. Du lịch trong nước, vào các quán ăn, nhà hàng…thường được “phục vụ” món trà đá, ai muốn uống thêm thứ gì thì gọi và trả thêm tiền. Món trà đá tự dưng đi vào đời sống người Sài Gòn lúc nào chẳng biết.
Một điều rất thú vị và cảm động là trong nhiều người Sài Gòn muốn tạo phúc đức, họ đặt thùng trà đá miễn phí trên đường cho khách bộ hành, cho
người bán hàng rong, cho trẻ bán vé số, đánh giày…uống. Có từng “đị bộ đường dài”, từng khát nước mà túi không có tiền như mẹ và tôi ngày trước, mới thấy nghĩa cử cao đẹp của người chủ các thùng trà đá miễn phí.
Nhiều lần đi xe buýt từ trường về tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai lãnh nhuận bút. Rồi thong thả đi bộ ra trạm xe buýt trên đường Cách Mạng Tháng Tám đón xe về nhà, tôi không ngần ngại đến bên thùng trà đá miễn phí đặt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai “làm” một ly giải khát, dù trong túi tôi có bạc triệu. Mọi người ngạc nhiên với một phụ nữ trong chiếc áo dài, đầy chất professional[1], uống ngon lành ly trà đá miễn phí. Có gì đâu! Tôi thích thưởng thức “cái nhận” của người đi đường. Tôi cũng muốn chủ nhân thùng trà đá đó mang cảm giác sung sướng của người “cho”. Điều đó làm nên bức tranh tuyệt đẹp của người Sài Gòn để mọi người thấy rằng, trong khung cảnh chen chúc, tranh giành quyền lợi, ồn ào xe cộ, vội vã…Lẩn khuất đâu đó là những tấm lòng, những trái tim vô danh đối với những người họ chưa từng biết, thậm chí không muốn biết, một ca trà đá lạnh giữa cái nắng nung người của Sài Gòn này…
[1] Có nghề nghiệp
SÀI GÒN HOA GIẢ
C
ứ đầu Giáng Sinh, người ta thấy từng chiếc xe đạp “cộ” những chậu hoa, cành hoa giả…đi khắp phố phường, nhất là những vùng ngoại thành….Mọi người tự hỏi, hoa giả ai sản xuất và ai tiêu thụ.
Ngày trước, lúc tôi thất nghiêp, gia đình lâm cảnh bế tắc, anh Oanh, một người bạn của anh tôi, và là người quen thân với gia đình tôi. Làm hoa giấy là nghề “gia truyền” của anh. Sau khi lập gia đình, anh ra riêng, tự làm, mang bỏ mối tại các chợ. Gia đình tôi là một trong những “tay thợ” của anh.
Từng xấp giấy mỏng, được cắt khuôn bằng tay thành dạng những cánh hoa, nhúng vào phẩm màu, màu vàng là hoa cúc, màu đỏ, hồng là hoa hồng…. Chúng tôi “bóp bông” từ những cánh hoa lại thành hình chữ V, bung ra từng miếng mỏng rồi dán vào cành. Bóp bông mất nhiều thời gian, chúng tôi thường nhờ mấy đứa bé hàng xóm sang bóp phụ. Trong số đó bé Chi, tuổi cặp kê, thường sang nhà tán dóc với đám cháu tôi. Đôi lúc, con bé lười, bóp không kịp cho tôi kết lại, thế là tôi chửi con bé “bung nóc nhà”. Sau này lớn lên, lấy chồng, con bé thỉnh thoảng cứ nhắc những ngày tháng bị”dì út đì bắt bóp bông gần chết”.
Cành là sợi kẽm mỏng, quấn một đầu bằng mẩu giấy nhỏ làm nhụy hoa. Người làm hoa trét hồ vào giữa miếng giấy hình hoa được bung ra, xỏ ngay giữa vào sợi kẽm, bóp lại ở đầu nhụy. Cứ một cái hoa có tám miếng giấy hoa. Giấy hoa bung ra, ép vào nhụy thành hình bông hoa thật đẹp, cuối cùng miếng giấy làm đài hoa được nhuộm màu xanh. Nếu hỏi chúng tôi hoa gì…thật khó trả lời. Chỉ biết có hình cái hoa là được.
Anh Oanh giao chúng tôi kết thành một cái hoa, còn anh làm nhụy, lá và cành. Chúng tôi nấu hồ, bóp bông và gắn kết những cành hoa, đài hoa vào dây kẽm…rồi giao cho anh. Vậy mà khi thành phẩm là những bó hoa đủ
màu sắc, thực tình tôi không nhận ra đó cũng có bàn tay của tôi. Làm bông chờ đến tết lãnh tiền. Năm đó lãnh chỉ có vài ngàn vì nhiều người làm, tôi đã bật khóc. Những đóa hoa chúng tôi làm, anh không chỉ gắn kết lại thành những chậu hoa, những bình bông sặc sỡ, mà còn gắn hoa vào những cái khung nhỏ xinh xắn treo tường.
Trong khi kết hoa, tôi thâu những cuộn băng Streamline, vừa nghe, vừa học. Nhờ nền tảng Anh văn hồi trung học, đại học, chỉ vài tháng, tôi lấy được các chứng chỉ ngoại ngữ. Khả năng nghe nói tiếng Anh của tôi nâng cao, tôi mở lớp dạy Anh văn và làm việc cho một công ty nước ngoài. Tôi ngưng “cộng tác” với anh. Nhờ vào đồng lương kiếm được của tôi, mẹ tôi cũng không phải ngồi kết hoa nữa. Mất một lúc mấy người thợ, nhưng ông chủ Oanh chẳng buồn, mà còn vui vẻ, chia mừng với những thành công của tôi.
Đất nước mở cửa, hoa giấy của anh Oanh không cạnh tranh được với hoa vải Thái Lan, Trung Quốc, anh đành chuyển sang làm hoa vải, giá rẻ hơn hoa ngoại và dĩ nhiên không tinh xảo bằng. Tuy nhiên, với bàn tay khéo léo và sự cần cù, “xưởng” hoa vải của anh vẫn ăn nên làm ra. Một mùa tết kiếm sống trọn năm. Trong năm thì lai rai đủ tiền đi chợ.
Trên chuyến xe buýt đi về hằng ngày, tôi luôn nhìn thấy những chiếc xe đạp treo những chùm hoa vải sặc sở. Vào những gia đình thuộc tầng lớp bình dân, tôi thật vui ngắm nhìn những bình hoa giả của người thợ thủ công Việt Nam đang khoe sắc. Còn những khách hàng, họ không hề có khái niệm xài hàng Việt Nam, hỗ trợ hàng Việt…Họ chỉ biết mua một bình hoa vải, rẻ tiền, rực rở…cho vui cửa, vui nhà. Cũng là những đóa hoa vải, mua chi hoa ngoại tốn tiền.
Hôm nay vào lớp, trên bàn giáo viên một bình hoa vải màu sắc đậm đà. Nếu một người am hiểu về cái đẹp sẽ buông tiếng chê:
- “Bình hoa sến quá”. Nhưng với tôi, một người từng thất nghiệp, từng ngồi ròng rã kết những cánh hoa giấy với nhau, tôi lại nhìn vào đó một giá trị riêng. Hoa của những người lao động bán cho những người thu nhập
thấp. Một giá trị thật khó giải thích. Trong ký ức tôi, cành hoa giả còn là kỷ niệm một thời kiếm sống bằng chính bàn tay của mình. Bên cạnh những cành hoa rực rở, tôi đã ươm giấc mơ trở lại giảng đường đại học, hòa vào nhịp sống sôi động của một người trí thức trong xã hội,và tôi đã thành công…
SÀI GÒN GIẶT ỦI
K
hông biết nghề giặt ủi có từ bao giờ trên đất Sài Gòn, chỉ biết từ khi tôi nhận thức, gia đình tôi có một phụ nữ hiền lành, phúc hậu, chúng tôi gọi Cô Năm. Cứ tầm 8 giờ sáng, cô sang nhà tôi ôm hết quần áo đi giặt, ủi. Chiều cô mang từng bộ đồ thẳng thớm sang nhà tôi giao.
Thưở đó, nước máy chưa vào từng nhà. Mỗi ngã tư đều có phông tên nước công cộng. Thật bất lợi khi xách từng thùng nước về nhà giặt giũ. Có người mang cả thau đồ ra phông tên ngồi giặt. Cô Năm có hai thằng con trai, nên thùng phuy nước của cô bao giờ cũng đầy ấp, thoải mái cho cô giặt đồ thuê những gia đình trong xóm. Cũng từ nguồn nước từ ngã tư mà có lẽ nghề giặt đồ mướn ra đời.
Một sáng cô Năm sang nhà lấy quần áo dơ. Gia đình tôi chẳng có ai ở nhà. Chúng tôi đi học, ba tôi đi làm, mẹ tôi đi chợ. Thưở đó, nhà cửa có thể mở toanh mà không sợ kẻ nghiện vào dọn đồ. Tuy nhiên, con Mino của chúng tôi lại xuất sắc trong vai bảo vệ. Thấy cô Năm vào và trở ra với một đống quần áo, cu cậu không “nói” gì, không sủa, không gừ, “lặng lẽ” chặn cô Năm lại, để cái mõm ngay hai bàn chân của cô. Báo hại, người phụ nữ “tình ngay ý gian” chỉ biết đứng la…làng cho đến lúc mẹ tôi quay về nhà.
Thường xóm nào cũng có vài người giặt đồ mướn. Sau khi dọn về quận 3, gia đình tôi cũng có chị Tư đảm trách việc giặt giũ. Chị giặt xong, mang lên ban công (balcon) phơi. Nhiều lúc trời mưa, chúng tôi đi học, chị lại bận giặt đồ mướn ở đâu đó, toàn bộ quần áo chúng tôi được ông Trời giặt lại!
Như một vòng xoay cuộc đời, chị Hai tôi với gánh nặng chồng con, gia đình sa sút. Hằng ngày chị trở lại xóm cũ của tôi (quận 5) vào nhà những người quen, thấy thau đồ ai đang ngâm, chị tự ngồi vào giặt, xả và phơi. Những người cùng xóm cũ biết gia đình tôi trước đây, không dám thuê
mướn chị. Nhưng trước chuyện đã rồi, họ đành gởi chị vài ký gạo, chút thức ăn khô. Vì vậy, cứ tầm 7 giờ sáng, chị lại đến từng nhà người quen cũ để rồi trưa đứng bóng, chị ôm những bọc gạo, vài con khô về nuôi bầy cháu tôi đang sức ăn sức lớn. Chị truyền tôi kinh nghiệm:
- Đừng chờ người ta nhờ. Không ai biểu mình hết. Cứ thấy thau đồ là nhào vô giặt. Người ta tự biết điều lấy gạo, lấy tiền cho mình à. Máy giặt ra đời, ít ai thuê mướn người giặt đồ. Nếu cần đã có các tiệm giặt ủi. Thường cuối năm, người ta tìm đến các tiệm để giặt từng đống đồ cũ, mền, áo gối, mùng…Hoặc sau những chuyến du lịch, những bộ đồ jeans, những cánh quần áo thời trang…người ta lười ủi, cho dù có máy giặt, cũng mang đến tiệm giặt ủi cho tiện.
Trong những chuyến du lịch, giá giặt ủi tại các khách sạn quá đắt, tôi thường mang về nhà và “réo” người giặt ủi đến. Có lần, trên chuyến ra La Vang (Quảng Trị), một người vào từng đoàn du khách tại Huế hỏi ai có nhu cầu giặt ủi quần áo, với giá khá mềm. Chúng tôi vui vẻ giao quần áo cho chị, tưởng sẽ lấy lại những bộ đồ thẳng thớm. Chẳng ngờ, qua hôm sau, chị ta giao toàn quần áo khô. Chị bảo chỉ giặt và “sấy khô” chứ chị không có “bàn là”. Tình huống thế, chúng tôi đành chửi vài tiếng rồi thôi. Chẳng ngờ chỉ vài phút, nhiều người la toáng do mất quần áo. Thế là nhiều đoàn khách tìm đến phòng nhau kiếm quần áo của mình. Một người không tìm ra chiếc áo màu mắm ruốc. Tôi lại có một chiếc áo cùng màu. Thế là chị giặt quần áo thuê chạy vòng vòng tìm tôi để khổ chủ “nhìn” chiếc áo. Cuộc cãi vã nổ ra. Thật vui mỗi khi nhớ lại chuyến du lịch, hành hương Đức Mẹ La vang mà gây gỗ um trời. Nghĩ lại mới thấy bản thân tôi cũng thật cố chấp. Vì tự ái, bỗng dưng phải mở va li cho người khác…xét, tôi mắng chửi chị ta tới tấp. Bực bội, tôi cởi phăng chiếc áo mình đang mặc, tròng vào chiếc áo màu mắm ruốc rồi la lên:
- Nè, nhìn đi. Có phải của mấy người không?
Khổ chủ cũng nhận ra chiếc áo không phải của mình, cũng chửi chị ta tung tóe, lủi thủi về phòng. Chị ta xí xô một tràn giọng địa phương, gọi
chúng tôi là mạ. Lại bị chửi tiếp vì chẳng ai thích là Mạ một người gần bằng tuổi mình! Trước khi lên xe đi tiếp, chúng tôi còn quay lại chửi “đợt chót”:
- Không có nghề thì đừng bày đặt giặt ủi. Giờ mới biết tại sao họ giặt giá rẻ…
Nghĩ lại, tôi cười chính mình:
- Ai biểu ham rẻ!
Vậy mà khi xe chuyển bánh, lòng tôi chợt chùng xuống khi nhớ cảnh chị Hai tôi “nhào” vô thau đồ những người hàng xóm cũ để giặt. Chị này chắc cũng thế. Không có “kỹ năng” gìn giữ quần áo của khách hàng, chị cũng “lao” vào làm công việc giặt giũ, có lẽ chỉ để kiếm thêm vài ngàn nuôi các con như chị Hai tôi ngày trước. Thái độ cam chịu, nhẫn nhịn. Bị chửi té tát, vẫn một mực vuốt giận chúng tôi.
Những người giặt ủi trong xóm tôi đã dọn đi nơi khác khi nhà của họ trên kênh Nhiêu Lộc bị giải tỏa. Cũng chẳng ai có nhu cầu nữa. Hình như các chị giặt ủi đã thất nghiệp từ lâu. Thế nhưng mỗi chuyến du lịch, với đống đồ nặng trịch, phải “ôm” đến tiệm giặt ủi gần nhứt cách nhà tôi gần nửa cây số, tôi lại ao ước có ai đến tận nhà giặt ủi dùm tôi …
SÀI GÒN SINH TỐ
H
ồi xưa học Vạn vật (sinh), thầy cô dạy rằng vitamin là sinh tố, chứ không dùng nguyên từ của Tây. Tôi hiểu có lẽ nước trái cây được xay ra có nhiều vitamin nên người ta gọi là sinh tố. Cũng hồi xưa, sinh tố là những ly rau má, đu đủ, sa bô chê, pôm (pomme), xoài…Mẹ tôi mở xe sinh tố trước nhà. Xe đang ăn nên làm ra, bỗng đầu đường xuất hiện một xe sinh tố khác, với những cô gái xinh đẹp, vẹo người. Xe sinh tố của mẹ bị ế, chỉ bán mít được tách ra thành từng múi…Rồi cũng không cầm cự được lâu, mẹ phải sang xe sinh tố.
Trong các loại sinh tố, rau má rẻ tiền nhứt, nhưng phải làm hai công đoạn. Xay lá rau má và lược lại để lấy nước, bỏ xác. Trong Chợ Lớn, người ta ép lá rau má chứ không xay bằng máy xay sinh tố. Từng nắm rau má cho vào giữa hai trục nhỏ như trục ép nước mía, quay bằng tay. Nước rau má chảy xuống cái ly để bên dưới. Trông dơ thật, nhưng biết sao hơn, lỡ gọi một ly rồi. Rau má kiểu này không có đường. Người bán nói:
- Uống không đường mới …mát.
Tôi nhớ chỉ uống một lần rồi “bái bai” rau má “ép tay” này. Trước các trường học, có những thùng ướp lạnh, trong đó thường một bên là rau má, một bên là sữa đậu nành. Hai loại nước giải khát này xoáy tròn trong thùng thủy tinh, hơi lạnh ngưng tụ phía ngoài tạo cảm giác khát nước, muốn “làm” ngay một ly cho đã khát. Tôi thường uống rau má khi khát và thêm một ly sữa đậu nành lạnh cho đủ chất. Thế nhưng, khi nghe một người bạn bán sinh tố khuyến cáo uống rau má đồng nghĩa uống luôn sâu bọ. Có ai rảnh bắt từng con sâu, lựa từng cọng rau má đâu, tôi chừa luôn loại nước này.
Thời sinh viên, có tí tiền học bổng, chúng tôi thường ngồi uống sinh tố đối diện trường. Ly sinh tố này khá nhỏ, được bán cũng khá rẻ, phù hợp
với túi tiền của sinh viên. Nào là sinh tố mít, thơm, sa bô chê…Sinh tố pôm thuộc hàng cao cấp, được thêm sữa, giá gần gấp đôi. Gần chợ Thủ Đức có cửa hàng sinh tố rất đông khách, giá khá rẻ, gọi mít, xoài gì cũng nghe một vì đặc trưng trái cây và đậu xanh cà luộc sẵn. Người bán gấp vài miếng mít, hay sa bô chê, múc nửa muỗng đâu xanh, bỏ đường, nước vào và xay. Rót ra ly, xong lại bỏ mít vào xay tiếp…Ly xay sinh tố hình như đến khuya, khi dẹp hàng mới rửa! Vậy mà chúng tôi mê loại sinh tố này, chiếc ly to hơn ly sinh tố ở quán trước cổng trường, giá lại rẻ hơn.
Kinh tế phát triển, ly sinh tố cũng thiên biến vạn hóa. Sinh tố pôm hết là cao cấp. Cũng ít ai uống loại nước này. Hình như người ta sợ pôm Trung Quốc hoặc pôm thứ phẩm, uống ngon miệng nhưng toàn chất độc hại. Sinh tố dâu Đà lạt ra đời. Những trái dâu đỏ mọng, thêm đường sữa vào, ly dâu trở thành hồng nhạt, thật ngon. Sinh tố dâu nếu uống mất vị chua sẽ chỉ nghe vị sữa và đường. Nếu muốn nghe vị dâu, phải chịu xay ít đường, sữa. Như thế ly dâu chua hơn, và bớt ngon với những ai thích ngọt như tôi. Vì vậy, không bao giờ tôi uống sinh tố dâu.
Theo thằng cháu gọi bằng bà Út đi uống sinh tố, nó thường gọi sinh tố dừa. Ủa, sao không gọi một trái dừa ướp lạnh có hơn không. Thằng bé bảo thử uống sinh tố dừa sẽ thấy ngon như thế nào. Người ta xay cơm dừa ra, vị béo hơn, uống không nghe mùi đường như những ly nước dừa bán trong quán. Biết tôi thích sầu riêng, cũng thằng cháu “tư vấn” uống thử một ly sinh tố sầu riêng. Ôi, thật ngon và thơm đặc trưng của sầu riêng. Từ đó, tôi chọn luôn gọi sầu riêng mỗi lần đi uống sinh tố.
Xe sinh tố tại Sài Gòn khá nhiều, cũng có “đẳng cấp” như ai. Uống sinh tố không được tráng miệng bằng trà, mà bằng chai nước lọc, màu đục đục. Một lần, đi khám bệnh, ghé xe sinh tố, cô bán vui vẻ “tư vấn” tôi uống thuốc bằng ly trà, sau đó thì “làm” một ly sinh tố sẽ ngon hơn. Tưởng bở, tôi gọi thêm ly trà tráng miệng. Đến lúc tính tiền, cô ấy tính luôn hai ly trà, giá bằng hai ly cà phê đen! Ai biểu. Đã nói xe sinh tố không có phục vụ trà mà.
Đừng tưởng sinh tố ở đâu cũng thế. Một ngày bạn rời Sài Gòn, đi bất cứ đâu trên đất nước này, hoặc ra cả những nước làng giềng…Khó có nơi nào, bạn tìm thấy ly sinh tố đặc trưng Sài Gòn: vừa mát lạnh, vừa thơm…, nhứt là uống ly sinh tố trong cái nắng và ồn ào, náo nhiệt của Sài Gòn…
Thú vô cùng!
SÀI GÒN THỊT CHÓ
V
ới gia đình tôi, con chó, con mèo không phải là những con vật để ăn thịt. Học chuyên khoa vi trùng tại viện P, một đồng nghiệp khoe mới ăn thịt mèo, chúng tôi “oa xịt” ông này ngay. Tôi không thể tưởng tượng, con mèo, con chó, dễ thương, gần gủi với người, biết biểu lộ tình cảm với người như ngoắc đuôi, cọ đầu…Vậy sao nỡ đập đầu, xẻ thịt ăn. Dược sĩ Ngọc A trách móc:
- Con mèo đâu phải là cái con để ăn thịt.
Có phải chúng tôi quá cực đoan chăng?
Tôi cũng rất bực cứ gần Giáng Sinh, đồng nghiệp đều hỏi tôi có đặt mua thịt chó chưa. Tôi nói thẳng vào mặt họ tôi chỉ ăn gà quay, gà rô ti, cà ri gà…Tôi hoàn toàn không thích thịt chó, ghét luôn cả người cứ thịt chó mà “dọng”. Đối với họ, dân Bắc Kỳ Công Giáo ăn thịt chó đêm Giáng Sinh. Tôi nói tôi là dân Công Giáo Miền Nam, Sài Gòn chính hiệu nên không ăn thịt chó!
Một lần, tôi được người bạn ở Gò Vấp mời ăn một món thịt xào rất ngon. Tôi ngốn no nê. Tôi cứ nghĩ đó là thịt heo, hay thịt bò. Không ngờ, anh chàng tỉnh bơ tuyên bố đó là thịt con chó tơ nhà anh ta, và món cầy tơ thì ngon phải biết. Tôi đâm tức giận, muốn móc họng cho ói ra cũng chẳng được. Không phải lúc nào cũng có thể ói được, đành hậm hực và “nghỉ chơi” cái thằng cha ác độc nuôi chó để “xử”. Tuy nhiên, sau lần ăn thịt cầy tơ đó, tôi lại muốn khám phá thịt chó thực sự có ngon như món thịt tôi đã ăn không.
Anh chị tôi mua thịt chó ở Ngã ba Ông Tạ, tôi ăn cũng chẳng thấy ngon. Đến Gò Vấp, vương quốc thịt chó, tôi cũng không tìm được hương vị thịt chó ngon như lần đầu người bạn làm.
Trên đường Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần) gần rạp Nam Quang có
quán thịt chó Tám Lọ, ngon nức tiếng Sài Gòn xưa. Thịt chó thường luộc hoặc nướng, ăn với rau thơm mà trong đó có lá mơ chủ yếu. Thịt chó thường chấm với mắm tôm đen, thêm ớt và nặn chanh vào. Tuy nhiên, với người Miền Nam, thịt chó thường chấm với chao.
Đầu tiên, người ta bắc chảo lên bếp, đổ mỡ, thả những tép tỏi vào. Tỏi vừa vàng, đổ chao vào. Nước chao có vị béo của chao, cay nồng của ớt, vị beo béo của mỡ và cả mùi thơm đậm đà của tỏi, đặc biệt tép mỡ phải vớt ra, nếu không, người ăn sẽ mất hứng khi cắn phải tép mỡ nặng mùi …heo. Quán Tám Lọ, anh họ tôi thường đưa tôi đến, tôi nhận ra thịt chó có ngon hơn nhiều nơi, nhưng không mang tôi cảm giác của lần đầu ăn thịt chó. Tuy nhiên, vốn yêu chó, mèo, tôi chỉ nhấm nháp chứ không ăn.
Học về cơ thể học, năm thứ nhất đại học, khoa nông nghiệp, chúng tôi mổ chó. Hai con chó được mua vào, trước khi bị đánh thuốc mê để mổ, cả hai buồn hiu, không ngoắc đuôi, không sủa, dù chúng vẫn còn khỏe mạnh. Tôi thấy như hai mắt chúng ứa nước mắt. Từ đó mỗi lần anh họ tôi rủ đi Tám Lọ ăn thịt chó, nhớ đến đôi mắt hai con chó ngày trước, tôi lắc đầu…
Cũng người anh họ đó ở xa về sau mấy chục năm rời Sài Gòn, anh lại rủ tôi đến Tám Lọ, tôi cười bảo quán ấy giờ dẹp rồi. Chúng tôi đi ngang nơi ngày xưa tấp nạp khách khắp Sài Gòn đổ về thưởng thức món thịt chó Tám Lọ mà buồn buồn…
Ăn thịt chó giờ không còn là độc quyền của người Bắc, và không còn đặc biệt cho đêm Giáng Sinh. Thịt chó được ăn mọi lúc, mọi nơi...Ăn thịt chó chán, người ta lại nghĩ đến món thịt mèo, đặt cho cái tên “mỹ miều” là tiểu hổ. Thưở tôi còn nhỏ, chó thả rong, chó có thể sang nhà hàng xóm chơi như chó nhà chị Tuyết cách nhà tôi hai căn phía bên phải, thường sang nằm trước nhà tôi. Các cháu tôi ị bậy, con chó giúp “dọn dẹp”. Còn mèo thì khỏi nói, chẳng ai bắt, mèo có thể sang nhà hàng xóm đẻ, thậm chí thằng bé cách tôi hai căn nhà phía trái kể con mèo của tôi cứ sang nhà nó, chui vào mùng nó “ngủ nhờ”. Hôm nay, nuôi chó mèo phải “kín cổng cao tường”, phải cột nhốt thật kỹ, hớ chút là không còn gặp những con thú yêu quí nữa. Cũng vì
vậy, tình hàng xóm không còn như xưa nữa…Ai không ngại gọi cổng khi muốn đến với nhau?
Chứng kiến những con chó bị tròng đầu vào những buổi sáng sớm đi dạy bởi những tay trộm chó trên đường. Tôi cũng từng mất những con mèo yêu quí, chắc chắn được lên bàn với món tiểu hổ, tôi tự hỏi:
- Đến lúc nào, người ta mới thôi ăn, thôi tìm thú vui qua những món ăn từ thịt các con vật được xem là bạn của con người này?
BỘT DINH DƯỠNG SÀI GÒN
M
ột sáng tại trạm xe buýt, tôi được giới thiệu loại bột uống giảm béo. Đau khổ vì ngày càng tăng ký, tôi như nghe tin tốt lành nhứt tôi từng có. Liên hệ ngay đại lý, sự háo hức ban đầu mất hẳn khi giá của loại bột này trên một triệu đồng cho mười ngày uống. Tôi đành hùn với nhỏ cháu thuộc loại đầy đà uống thử. Sau ba ngày nốc loại bột đó, tôi phát hiện trong bột không có một loại thuốc nào giúp tôi giảm cân, chẳng qua chỉ tạo cảm giác không đói để người uống không ăn cơm hay bất cứ thức ăn nào khác. Như thế thì cần chi bỏ bạc triệu?
Trước 1975, tại Sài Gòn xuất hiện loại bột dinh dưỡng mà chỉ bán tại các nhà thuốc tây. Bột Tâm Phương, dùng cho trẻ ăn dậm. Sau 1975, sữa cho trẻ hiếm hoi, sữa cho người già lại như một đại xa xỉ phẩm, bột dinh dưỡng xuất hiện rầm rộ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mọi người.
Khu vực Vườn Chuối, quận 3, một người đàn ông khoảng 60 tuổi chuyên bán các loại bột: bột đậu xanh, đậu nành, ngũ cốc, hạt sen…Có thể mua bột xay sẵn hay xay tại chỗ. Mỗi tháng, tôi xuống Vườn Chuối mua vài gam bột đậu nành mang lên nông trường uống. Có khi nông trường bán rẻ đậu nành, tôi mua về, rang chín và mang đến cửa hàng nhờ ông già xay dùm. Có lần tôi rang quá lửa, đậu khét, mang đến ông, ông nhạo tôi:
- Ai rang đậu khéo thế!
Thưở đó, phải công tác xa nhà, thực phẩm lại hiếm hoi, một ly bột có thể an tâm ngủ đến sáng. Nhờ vậy, tôi không mất sức, nhưng cũng chẳng mập mạp.
Chị tôi có em bé. Chị không đủ sữa cho con bú, cũng không được tiêu chuẩn mua sữa giá quốc doanh, đành cho con ăn dậm bột đậu xanh, đậu nành…Nhiều lúc thèm ngọt, chị lấy bột trộn đường ăn để nhớ bánh in, để đáp ứng nhu cầu ăn uống của cơ thể.
Tôi không nhớ mình chấm dứt uống bột từ lúc nào. Đất nước mở cửa, hàng hóa vào nhiều, trong đó có đủ loại sữa cho mọi người lựa chọn. Sữa dành cho người già, sữa tăng chiều cao, sữa dành cho người gầy…Không ai còn nhớ loại bột dinh dưỡng ngày nào. Có lần giật mình nhớ lại, tôi được biết quầy hàng bán bột của ông già ngày xưa đã dẹp từ lâu. Rồi tôi cũng quên luôn các loại bột như người bạn cũ thời nghèo khổ.
Hôm nay, phải bỏ bạc triệu để mua bột uống giảm cân, tôi chợt nhớ đến sản phẩm ngày xưa: bột đậu xanh, đậu nành…Và quyết tâm tìm kiếm mặt hàng tôi chắc chắn không thể biến mất dễ dàng tại các khu chợ. Suốt một buổi trưa lùng sục, cuối cùng, tôi đã chọn được cho mình sản phẩm bột đậu xanh, đậu nành đóng thành từng gói nhỏ.
Khi nghe tôi giới thiệu giá cả, chỉ bằng một phần ngàn loại bột giảm béo trước đó, các cháu tôi nghi ngờ chất lượng. Tôi lại khác. Tôi tin vào chất lượng dinh dưỡng truyền thống từ các loại ngũ cốc của Việt Nam. Tôi uống hai tuần liền, vào buổi sáng và tối, giảm hai ký…Vui vì giảm cân ít, mà vì tôi đã tìm lại một sản phẩm tưởng biến mất trong cuộc đời mình lâu rồi, nay được sử dụng lại: Bột dinh dưỡng.
BÒ BÍA BÁNH TRÁNG TRỘN SÀI GÒN
H
ồi nhỏ, bò bía là một trong những món khoái khẩu của tôi. Người bán bò bía thường đẩy chiếc xe nhỏ, rong ruổi khắp nơi…Phía trên là kệ bằng kính gồm đĩa lạp xưởng được xắc từng lát mỏng, rau răm, tương đen, đậu phọng, bánh tráng…Chiếc thau củ sắn xắt từng miếng nhỏ bằng nhôm đặt phía dưới kệ, bên ngoài, đáy thau nằm gọn trong thùng xe, luôn được hâm nóng nhờ cái lò đặt gọn trong thùng. Bên cạnh thau mà nước sắn sôi nhẹ là cái thớt chữ nhật bằng gỗ, nhỏ mỏng.
Có người mua, người bán nhanh nhẹn lấy nột phần tư chiếc bánh tráng, nhúng ít nước sạch, múc chút sắn, cho ít rau răm, xà lách, miếng lạp xưởng mỏng dày tùy giá tiền…Rồi nhẹ nhàng gấp hai bên miếng bánh tráng, cuốn lại đặt trên chiếc đĩa nhỏ bằng nhựa. Sau khi cuốn xong, người bán múc tương đen, bỏ thêm đậu phọng, hành phi, ớt sa tế hay ớt bằm, thêm đồ chua là củ cải, cà rốt xắc nhuyễn ngâm giấm.
Cầm cuốn bò bía, chấm tương hỗn hợp, vị ngọt củ sắn, vị béo của lạp xưởng trộn với vị tươi thơm của rau râm, xà lách, bùi bùi của đậu phọng, chua chua của củ cải, cà rốt trộn giám thêm vị béo gậy của hành phi…tạo nên hương vị đặc biệt của bò bía. Trước nhà tôi xóm cũ ở quận 5 cũng như xóm mới ở quận 3 đều có xe bò bía bán buổi chiều. bạn bè đến nhà chơi, đãi bò bía, lãnh lương hay một khoản tiền bất ngờ, đãi gia đình bò bía. Mỗi lần gọi từ vài chục cuốn trở lên nhưng khi tính tiền, một khoản tiền khá nhỏ hơn nếu dùng món ăn khác. Cho đến một hôm, tôi nhận ra bà bò bía không còn bán ở xóm tôi nữa. Nhiều người kể bà bị bệnh một thời gian rồi chết. Tôi thật vô tâm cho đến khi cảm nhận được sự thiếu vắng một món ăn quen thuộc thì người bán đã chết. Từ đó chỉ thỉnh thoảng tôi mới được ăn món bì bía ở chợ hay vô tình xe bò bía ngang qua trạm xe buýt tôi đang chờ.
Sau này, bò bía chỉ bán trước vài quán ăn, cũng bởi đây là một món cần sự tỉ mỉ, ít ai bám được với nghề. Thêm nữa, loại bánh tráng phải nhúng nước mới gói được càng ít người dùng để cuốn chả giò, đã có chả giò làm sẵn bán trong siêu thị, đã có loại bánh tráng mềm trộn bột đậu xanh. Để tự cứu mình, và để thêm vào danh sách ăn chơi món mới. Món bánh tráng trộn ra đời.
Bánh tráng trộn gồm những miếng bánh tráng cắt từng miếng dài, bỏ vào bao ni lông nhỏ, thêm dầu ăn cho bánh mềm, đậu phọng, khô bò cắt nhỏ, ớt sa tế, rau răm, trứng cút, hành phi…thêm đôi đũa nhỏ. Người mua đã có một món ăn đầy đủ hương vị. Bánh tráng cưng cứng, mềm mềm trộn với dầu ăn thơm thơm, đậu phọng béo gậy, rau răm gay gay hòa với vị thơm của hành phi, cay sè của ớt. Một cảm giác khó tả khi đưa vào miệng món ăn hỗn hợp đó.
Lần đầu thấy học trò ăn, tôi nghĩ món này chỉ có ở quê. Nhìn vào chỉ mấy miến bánh tráng cắt dài ra, trộn đậu phọng, rau răm, ớt. Về nhà để ý thấy mấy đứa cháu cũng ăn, có thêm khô bò, trứng cút…Tôi ăn thử rồi ghiền luôn. Hôm nào, sau giờ làm việc, không thể ăn cơm được, một bịch bánh tráng trộn….Thế là xong!
Một ngày, tôi chợt nhận ra, cho dù Sài Gòn không sản xuất ra bánh tráng, món bánh tráng trộn lại là đặc sản của Sài Gòn. Đến những thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang hay thăm quê bạn bè…, tôi không hề thấy món bánh tráng trộn này. Nếu có, bánh tráng không trộn ngon như bánh ở Sài Gòn. Một niềm tự hào cho sự năng động, sáng tạo và sành ăn của dân Sài Gòn.
Những người bạn nước ngoài lần đầu tiên đến Sài Gòn, ngoài những món ăn thuần Việt, tôi không quên giới thiệu hai món ăn chị em với nhau: Bò bía và bánh tráng trộn Sài Gòn. Lần nào, họ cũng xuýt xoa khen đây là những món ăn ngon nhứt, dân dã nhất, dễ ăn nhứt họ từng thưởng thức. Cứ cho rằng họ nói kiểu ngoại giao đi, tôi chắc chắn trong đó, mức độ thật cho hai món ăn bình dân và đơn sơ đó là trên năm mươi phần trăm.
SÀI GÒN THÂN MÀ LẠ
T
ôi luôn tự hào mình là dân Sài Gòn gốc, gắn bó với Sài Gòn rất nhiều. Để rồi một ngày, đến Trùng Khánh, vào dinh thự họ Tống, một người hỏi tôi có nguy nga bằng biệt thự Chú Hỏa ở Sài Gòn chăng. Tôi ngớ người… Tôi chưa từng đến nhà Chú Hỏa, chỉ cách nhà tôi không tới mười phút đi xe gắn máy.
Lên Đà Lạt, đến dinh Bảo Đại, người ta hỏi có tráng lệ bằng Dinh Thống Nhất không. Tôi lại ngớ người…Tôi chưa từng đến dinh Thống Nhất dù từ nhà tôi có thể đi bộ đến đó khoảng hai mươi phút. Hóa ra tôi chưa thật sự hiểu Sài Gòn ở từng ngóc ngách đáng yêu của nó.
Có những cái thật gần đến độ ta chẳng cần quan tâm dù thật sự ta rất yêu nó. Những con đường đầy cây sao, cây me…thuộc quận 1, 3, 5….Những ngôi nhà thờ từng gắn một phần ký ức như Nhà Thờ Đức Bà, Nhà Thờ Chợ Quán, Nhà Thờ Chợ Đủi…Những ngôi chùa mà mỗi rằm tháng bảy, tôi và đám bạn đến xin bữa cơm chay y như thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh. Có khác là chúng tôi thỉnh được niềm vui mục đích hòa đồng tôn giáo. Chúng tôi thường bảo nhau, ở dưới đất bày đặt phân chia đạo này, tôn giáo nọ. Thực ra trên đời có một Đấng mà bên Công Giáo gọi là Thiên Chúa, bên Phật gọi là Phật Thích Ca và người Hồi Giáo gọi Thánh Ala. Thanh Ân, thằng bạn thân, lại nói, dưới đất bày đặt phân biệt, chứ ở trên Trời không chừng “mấy ổng” uống rượu, cá độ bóng đá với nhau vui vầy. Có chi mà phân biệt. Tất cả là chánh đạo mà…
Những khu mua sắm một thời vang bóng như Passage Eden, những rạp hát mà ngày nay không còn nữa như rạp Văn Cầm, công viên đầy kỷ niệm như công viên Chi Lăng, Tao Đàn…Cứ tưởng Sài Gòn đó, trong ta, và ta trong lòng Sài Gòn. Để rồi một ngày ngộ ra ta sống bên một người mà ta chưa hiểu gì về họ.
Một buổi chiều, 27 tết Canh Dần (2010), thằng cháu gọi tôi bằng bà rủ đi xem thành phố mùa xuân, người ta trang trí vườn hoa Nguyễn Huệ, thiết kế nào là những con cọp trắng, những con cọp sọc vàng đen thật đẹp. Chúng tôi thả bộ dọc những con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi…, thằng cháu bảo tôi để nó chụp vài tấm hình, tôi chợt ngẩn ngơ… Tôi không có một bức ảnh nào chụp tại Sài Gòn. Những tòa cao ốc, khách sạn, trung tâm mua sắm…sang trọng mà theo như đứa cháu nói không thua bất cứ một thành phố nào cả. Nếu chụp ở một góc nào đó của một khách sạn, rồi khoe đã từng đến Paris hay New York…chắc chắn người ta tin ngay. Sài Gòn ban đêm cũng rực rỡ đèn hoa, cũng dập dìu nam thanh nữ tú…Thế mà bao năm nay, lên Đà lạt, ra Nha Trang, sang các nước láng giềng…thấy cảnh lung linh xứ người mà trầm trồ thán phục, rồi chụp lấy chụp để. Hóa ra Sài Gòn không thiếu những cái đáng ghi lại bằng hình ảnh, quá dư thừa cảnh sắc chết mê lòng người.
Tôi tự trách mình đã bỏ quên Sài Gòn hơn nửa thế kỷ. Mấy chục năm lang thang du lịch suốt chiều dài, chiều ngang đất nước, ra cả nước ngoài …Vậy mà ngay trên thành phố chôn nhau cắt rốn lại quên bẵng đi, không có lấy một tấm hình kỷ niệm!
Tối đó, chúng tôi loanh quanh những con đường huyết mạch Sài Gòn, ngắm nhìn, ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của Sài Gòn chợt nắng chợt mưa, Sài Gòn phóng khoáng cho tất cả mọi người, Sài Gòn bao dung rộng mở…Mọi người cứ nghĩ chúng tôi là du khách của Sài Gòn, nhìn cười thông cảm. Tôi cảm thấy xấu hổ…Đã từng là du khách nhiều tỉnh thành, vài quốc gia láng giềng…Nhưng hôm nay, tôi mới thực sự là du khách trên chính thành phố tôi từng yêu thương, ca tụng qua những bài báo đã được in thành nhiều quyển sách. Thành phố từng nghe bao ước mơ, từng chứa chất bao kỷ niệm của những ngày tôi còn rất trẻ…
Cũng chính hôm nay, tôi nhận ra rằng bên cạnh cái rêu phong của một Sài Gòn trong quá khứ, còn đó một Sài Gòn tươi trẻ, nhộn nhịp, rực rỡ với từng bước chân của một thế hệ tuổi hai mươi đầy ấm ước mơ và khát
vọng.
SÀI GÒN XÍCH LÔ
Đ
ến Bangkok, nhìn những chiếc xe Tuk Tuk chạy trên đường, tôi như chạnh nhớ về người bạn của Sài Gòn thời đã xa, bà con với Tuk Tuk, xe lam.
Vào thập niên 60 thế kỷ trước, xe lam là một trong những phương tiện vận chuyển công cộng tại Sài Gòn. Xe lam là tên goi tắt của chữ lambretta. Xe trông to hơn xe Dathasu, không được điều khiển bằng vô lăng mà lên hay giảm ga ở tay cầm bên phải như xe gắn máy hai bánh. Xe khác Dathasu vì là xe ba bánh. Xe gồm hai phần. Phần trên là chỗ ngồi của tài xế, một chiếc băng có thể ngồi được ba người. Muốn nổ máy, tài xế phải đứng lên đạp máy ở chiếc cần sát băng. Đông khách, băng trước chở thêm hai người nên có những chuyện vui như tài xế nói với bà khách:
- Ngoại đứng lên cho con đạp máy…!
Phần sau là khoang rộng gồm hai băng ghế dài hai bên hông xe, có nệm, có thể ngồi năm người mỗi băng. Thường, tài xế “nhét” đến 6_7 người, thêm vài chiếc ghế nhựa ở giữa. Như vậy, xe có thể “nhồi” khoảng 17 người, thêm hai người ngồi với tài xế. Giờ cao điểm người đông, cảnh sát cũng thông cảm cho những người “liều mạng”, đu phía ngoài khoan xe.
Xe lam chở khách cùng với xe buýt. Thưở đó, xe buýt ít, người ta thường đi xe lam, mắc hơn chút ít nhưng nhanh hơn. Hình như xe lam cũng có bến đang hoàng. Hồi nhỏ, tôi đón xe lam trên đường Trần Hưng Đạo để ra chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành), xe ngừng tại bến gần ga xe lửa (cũ). Một lần, tôi không nhớ đi đâu nhưng đón thế nào mà xe ngừng ở đầu đường Lê Văn Duyệt (giờ là Cách Mạng Tháng Tám), tôi không biết đường ra chợ Sài Gòn. Hỏi, người ta nói:_ “Đây là Sài Gòn rồi”. Và chỉ tôi hướng ra chợ. Thấy chiếc xe lam chạy ngang, tôi hỏi chợ Sài Gòn. Chỉ nghe tài xế nói:
- Lên đi.
Tôi bước lên. Xe chở tôi đến chợ Bà Chiểu. Tài xế nhận tiền tôi rồi chỉ tôi sang bến khác đón xe trở lại chợ Sài Gòn. Tôi mới biết mình bị gạt, đành quay ngược lại chợ Sài Gòn. Hên là chuyến xe đó ngừng ngay đầu đường Trần Hưng Đạo, tôi mới biết đường đón xe tiếp về nhà.
Đi xe lam, muốn xuống nơi đâu cứ đưa tay khều lưng tài xế, xe sẽ ngừng, khách trả tiền rồi xuống xe. Có lần tôi đi trên chuyến xe lam cùng người bạn, tài xế đòi tiền trước. Trên xe một anh đang học trường luật. Anh hỏi:
- Luật nào đòi tiền trước…
Hai bên cãi nhau. Cả tài xế lẫn khách cùng đến Phòng cảnh sát quận 1. Anh sinh viên dặn chúng tôi:
- Nếu cảnh sát có hỏi, các em nói tài xế đòi tiền trước nhé. Chẳng biết giải quyết thế nào, chúng tôi đứng phía ngoài. Lát sau, bác tài, anh sinh viên ra ngoài. Bác tài xin lỗi anh sinh viên. Chúng tôi trở lại xe. Chiếc xe tiếp tục chạy không một tiếng chửi hay cằn nhằn. Sau này, chứng kiến những cuộc thanh toán nhau đẫm máu vì một va chạm nhỏ trên đường. Tôi thường tự hỏi:
- Quái, sao ngày xưa người ta dễ dàng xin lỗi và tha thứ cho nhau thế? Xe lam, xe buýt dành cho học sinh và giới bình dân. Sang hơn là đi xích lộ đạp. Tôi còn nhớ một lần đang ngồi tại bến xe lam. Một con bé nhà giàu, ở xóm trên, đến bến xe xích lộ, trả giá rồi chễm chệ ngồi lên. Nhỏ không thấy tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn buồn cho cái gọi là giai cấp trong sinh hoạt, điển hình là phương tiện vận chuyển cho dù xe lam chạy nhanh hơn, tôi về nhà sớm hơn nhỏ.
Mỗi chiều, ba tôi thường thuê xích lô đạp chở cháu các cháu chạy vòng từ đường Phan Văn Trị ra Trần Hưng Đạo, quẹo Trần Bình Trọng rồi đường Cộng Hòa (Nguyễn văn Cừ), về lại nhà. Tôi cũng thường được đi ké.
Xe xích lô máy cồng kềnh hơn xích lô đạp, dĩ nhiên chạy nhanh hơn.
Nếu xích lô đạp chỉ ngồi một người là thoải mái, xích lô máy ngồi hai người. Có thể “nhét” ba người. Xích lô máy thường được những người buôn bán nhỏ sử dụng trong những chuyến đi chợ lấy hàng, những người muốn đi nhanh mà không phải tốn nhiều tiền. Cả hai loại xích lô đều có mái che xếp gọn vào thành dựa, nếu trời mát. Trời nắng, mái kéo ra đủ mát người ngồi trong xe. Trời mưa, cả xích lô máy và xích lô đạp được phủ tấm bạt dầy, không thể ướt người ngồi trong.
Ngày trước, ba tôi đặt hẳn mối xích lô máy cho chị Hai tôi đi học Hội Việt Mỹ mỗi chiều từ một người cùng xóm, chú Ba. Giờ rước chị tôi, chú thường cho tôi theo chơi, chờ trước cổng. Một lần đến khá sơm, thấy tôi ngồi buồn, chú hỏi tôi thích chơi bong bóng không. Tôi gật. Chú gọi một anh cầm chùm bong bóng đi ngang. Anh ta đi luôn. Đến người thứ hai, chú chọn một chiếc bong bóng đưa tôi thì người thứ nhất quay lại. Tôi nhớ chú nói:
- Sao lúc nãy tao gọi mày đi luôn?
Người bán thứ nhất tiếc hùi hụi, bỏ đi, không một tiếng cãi lại chú hay chửi anh chàng bán bong bóng thứ hai “giựt mối”. Sau này, thấy những người bán dạo chửi nhau dành khách, tôi lại tự hỏi:
- Quái, sao ngày xưa người ta hiền thế!
Lớn lên, phải đi bộ hàng cây số đến trường, tôi luôn nghẹn ngào, tiếc sao mình không được sinh ra sớm hơn, khi ba tôi còn sống để được đi học bằng xích lô máy.
Tập học sinh thưở đó nhiều thương hiệu, trong đó có thương hiệu khi mua chỉ cần nói:
- Cho một cuốn Xích Lô Máy.
Lập tức người bán đưa quyển tập với hình chiếc xích lô máy và chú tài xế. Ngoài ra không có một hàng chữ, một hình ảnh nào khác quảng cáo cho thương hiệu. Tôi thường tự hỏi sao sao không là Xích Lô Đạp hay Taxi.
Có hai loại xe chuyên chở hàng hóa là ba gác đạp, chúng tôi gọi xe Ba Bánh. Xe Ba Bánh gắn động cơ chúng tôi gọi xe Ba Gác. Chú Tư nhà kế
bên chạy xe ba bánh. Môt chiều về ăn cơm, chú đậu xe trước nhà. Bọn tôi bưng cơm ngồi vào lòng xe của chú, vừa ăn vừa tán dóc Chị Út nghịch ngợm nhảy lên yên, đạp xe thẳng ra đường Trần Hưng Đạo. Chúng tôi sợ hãi la chói chói, nhảy đùng đùng. Mất thăng bằng, và yếu tay lái, chị Út ngã nhào, chiếc xe lật theo. Chúng tôi đứa bị mảnh bể của chén cứa rách trán, đứa đầu đập vào thành xe, u lên, có đứa đổ máu… May mà thời đó ít xe cộ. Chị Út bị trận đòn no nê. Mẹ chị mắng:
- Tuần sau có chồng rồi mà giờ này còn phá (lúc đó chưa có từ quậy). Tưởng mẹ chị nói giỡn. Chủ nhật sau chị lấy chồng thật, và từ đó chúng tôi không còn gặp chị nữa.
Sau năm 1975, xích lô máy hoàn toàn vắng bóng, xích lô đạp thọ hơn vài năm rồi cũng bị cấm chạy trong nội thành. Bây giờ xích lô đạp chỉ chở người nước ngoài với kiểu trang hoàng du lịch hóa loại xe dân dã này. Sài Gòn hôm nay chỉ còn xe buýt, taxi và …xe ôm. Những lần sang Thái Lan, Campuchia thấy xe Tuk Tuk, một số tỉnh Trung Quốc với kiểu dáng xe ba bánh đạp chở khách ngồi sau…Tôi tiếc làm sao những phương tiện vận chuyển đặc trưng của Sài Gòn một thời để nhớ…
SÀI GÒN HỚT TÓC
Ô
ng bà xưa có câu:_ “Cái răng cái tóc là gốc con người”. Ở đây tôi không bàn về răng, tôi chỉ kể về loại hình hớt tóc mà nay đã biến mất nơi đô thị Sài Gòn này.
Trước đây, các cô các bà có cái gọi là Viện Uốn Tóc. Ngay từ Viện đã bị báo chí Sài Gòn nhiều phen chỉ trích. Cứ làm như Viện Vị Trùng Học, Viện Khoa Học…Tại sao không gọi là Tiệm uốn tóc…Thế là sau đó, các “viện uốn tóc” dành cho quý bà đổi thành tên Tây cho nó có vẻ “mở cửa”: Beauty Salon. Thế mới biết mấy bà nhiều chiêu và cả nhiều chuyện.
Cánh đàn ông thì khác. Ngày trước đối diện nhà tôi có Dượng Năm Hớt Tóc. Người lớn gọi dượng là ông Hớt Tóc. Chúng tôi gọi vợ dượng là Cô Năm. Cô Năm bán hột vịt lộn, trái cây, đồ chơi…một gian, còn gian kế bên là tiệm hớt tóc của dượng Năm. Vách ngoài bằng kính có vẽ hình chiếc đầu người đàn ông mái tóc “bồng bềnh” kiểu Elvis Presley, dưới hình là chữ Barber. Vâng, dùng chữ Anh vì khu phố của tôi ở trước đây có rất nhiều lính Mỹ thuê. Có lần, một sĩ quan Mỹ vào tiệm dượng Năm nói câu gì đó mà dượng nghe là:
- Xêm xêm Bù Đà _dượng “thoải mái” dùng tông đơ hớt trọc cái đầu người sĩ quan nọ. Một tràng tiếng Anh xí xô, dượng chẳng hiểu đến khi người sĩ quan túm áo dượng, cô Năm mới sang nhà nhờ ba tôi phiên dịch nói lời xin lỗi….
Ngoài tiệm hớt tóc của dượng dành cho người lớn và các cậu bé khá giả, thưở đó Sài Gòn có loại hình “hớt tóc dạo”. Một người đàn ông đạp xe, phía sau là hộp dụng cụ, vừa đạp vừa rao “hớt tóc đây”, hoặc vừa đạp vừa cầm chiếc kéo thật to, mở đóng tạo âm thanh tiếng kéo cắt. Ai có nhu cầu chỉ một tiếng:
- Hớt tóc.
Người thợ hớt dạo ghé vào. Chủ nhà mang chiếc ghế đẩu, hộp dụng cụ mở ra ê hề là kéo, tông đơ, lược…Một loáng, mái tóc khét nắng của các cậu bé được “húi cua” cao ráo, sạch sẽ. Có lần chúng tôi hỏi sao không dùng cái kéo to phát âm thanh mời gọi khi nãy cắt tóc mấy thằng bạn tôi, chú hớt tóc cười bảo cái kéo đó để “rao hàng”, từ hiện nay có thể gọi là “tiếp thị”, chứ không dùng để cắt tóc, nếu muốn dùng đế cắt…đầu đứa nào không ngoan!
Trước đây dọc đường Kỳ Đồng, quận 3, trước Nhà Dòng Chúa Cứu thế có gần chục ông hớt tóc. Hình như mỗi ô tường của nhà dòng là một ông hành nghề. “Tụ” hành nghề của mỗi ông là chiếc ghế dựa, cái kính lớn gắn vào tường rào, một tấm bạt nhỏ che nắng và hộp dụng cụ. Vậy mà các ông nuôi nổi bầy con ăn học đầy đủ, nên nhà nên cửa. Sau 1975, khu phố giải tỏa, mỗi lần đi ngang qua con đường này, nhớ đến các ông, tôi thấy buồn buồn.
Hớt tóc, nghe giản dị nhưng là “vấn đề” với những cô cậu nghèo. Thưở sinh viên, chúng tôi thường cắt tóc nhau vì không có tiền đến tiệm. Sài Gòn nắng mùa hè đổ lửa, thật không lãng mạn với mái tóc dài, nếu không cắt ngắn, chúng tôi túm gọn, kẹp quật lên phía trên đầu. Sau này đi dạy, tôi thường phải tốn tiền cho nam sinh cắt tóc mỗi khi các em bị giám thị bắt, cấm vào lớp. Một nam sinh của tôi tháng nào cũng tốn tiền. Bực mình, em hớt…trọc. Thấy đầu bạn mát mẽ, cả bọn nam sinh kéo nhau đi hớt trọc. Thế là một sáng thứ hai dưới cờ, cô hiệu phó cấm nam sinh hớt trọc. Từ trên lầu nhìn chỉ lớp của em mười mấy đứa hớt trọc đã thấy buồn cười.
Hôm nay Sài Gòn với những kiểu đầu đinh, đầu nhuộm “hai _ lai” trong những “beauty salon” đắt tiền, những chiếc đầu thanh niên đủ màu với chiếc bông tai toòng teng quái dị, tôi thật nhớ làm sao mái tóc húi cua của đám con trai ngày trước cùng những chiếc xe hớt tóc dạo hay những “tụ” hớt tóc rẻ tiền lề đường.
SÀI GÒN ĐẤM BÓP CẮT LỂ GIÁC HƠI
M
ỗi lần cảm sốt, tôi lại nhớ bà “giác hơi, cắt lể”. Được bà cắt lể rồi giác hơi là tôi cảm thấy khỏe liền, ngoài chuyện cạo gió bình thường. Có lẽ bà là người giác hơi, cắt lể dạo cuối cùng của Sài Gòn.
Xóm cũ tôi có anh Bé chuyên nghề “đấm bóp, giác hơi” và ba tôi là khách hàng thường xuyên của anh. Cứ chiều xuống đậm, anh dùng một xâu nấp khoén nước ngọt đập dẹp, xâu vào khoanh kẽm và lắc. Tiếng lắc “đặc trưng” ai cũng biết đó là anh chàng “đấm bóp giác hơi”. Anh thoăn thoắt dùng hai tay đấm lên lưng ba tôi, rồi dùng những ống giác bằng thủy tinh, cọng kẽm dầy quấn cục gòn phía trên, nhúng vào alcool, mồi lửa từ cây nến cũng đặt kế bên, quậy trong ống giác và đặt lên lưng ba. Chờ vài chục phút, lớp lưng dưới ống giác nổi lên màu đậm, anh gở ống giác ra và xoa bóp tiếp.
Vậy mà khi anh Bé bệnh, nhờ người giác hơi, chẳng biết người ta lúng túng thế nào anh bị phỏng alcool khắp lưng! Chuyện lan ra khắp xóm. Khi anh khỏe, đến nhà đấm bóp giác hơi cho ba tôi, anh vạch áo “khoe” nguyên cái lưng bị bỏng rồi cười vô tư.
Sau này xóm tôi có bà giác hơi kèm theo cắt lể dạo đi loanh quanh xóm. Chúng tôi vẫn có thói quen mỗi khi trái gió trở trời đều réo bà vào cắt giác. Giá bà lấy rất rẻ. Bà làm để vui vì các con bà đều giàu có. Bà nói cũng nhờ nghề này, các con bà ăn học thành người.
Không chỉ bị bệnh. Những lúc đi học phải “cuốc bộ”, hoặc đạp xe hàng cây số để dạy kèm, tối về, bà già cắt giác không cắt mà giác đôi chân rã rời của tôi bằng tình thương yêu của một người bà. Tôi nghe nhẹ đi đôi chân, khỏe từng tế bào để rồi ngày mai lại bước vào cuộc mưu sinh và học tập mới Bẵng một thời gian không thấy bà vào xóm tôi, nghe nói bà không còn nữa! Mỗi lần bệnh, mỗi chuyến đi mỏi nhừ cơ thể, nhớ làm sao những cái
giác hơi của bà. Nhớ làm sao cảm giác khỏe khoắn sau khi được bà tận tụy cắt giác.
Người ta nói cắt lể, giác hơi, cạo gió làm bể mạch máu, có hại cho sức khỏe. Tôi không đồng ý như thế. Với tôi đó là phương pháp trị cảm ho cổ truyền mà không phải người dân xứ nào cũng có. Căn bệnh thế kỷ AIDS lây qua máu khiến người ta ngại không dùng cắt lể để chữa bệnh cảm nữa. Đấm bóp được gọi là “mát xa” (massage), có những “shop” mát xa hẳn hoi. Những ngày du lịch bên Thái Lan, tôi cũng đi mát xa thử và nhận ra sau những giờ nhờ “chuyên viên” mát xa cơ thể, tôi chẳng cảm thấy khỏe khoắn chút nào, chỉ thấy nhồn nhột, tức cười như bị các cô chuyên viên “thọt lét”.
Sau những cuộc đi loanh quanh Thế Giới Thu Nhỏ (Thâm Quyến), Disneyland (Hong Kong) Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành (Bắc Kinh)…đôi chân rã rời. Về nước, tôi đến nhờ phương pháp mát xa chân tại những “shop mát xa” vùng Chợ Lớn, Quận 10…Người ta nói bấm huyệt đạo chân, tôi tưởng tượng cảm giác khỏe lại cho đôi chân suốt mấy ngày trời lê la xứ người. Thật thất vọng! Đôi chân vẫn nặng nề, cảm giác thật mệt mỏi vẫn còn và nhớ làm sao những ống giác hơi ngày xưa.
Chỉ tưởng tượng mình nằm sấp, những ống giác hơi được làm nóng, úp xuống bấp chân, kèm theo những cái đấm nhẹ nhàng, những cái xoa điêu luyện của bà cụ già cắt giác ngày trước mà nghe khỏe từng thớ thịt. Có phải tôi đã quá hoài cổ và bảo thủ chăng?
SÀI GÒN NHỮNG CÁI …DẠO
D
ạo này không phải dạo chơi, đi loanh quanh hay lê la khắp nơi. Có những cái nghề không ngồi một chỗ mà đi làm…dạo, như coi bói dạo, làm móng dạo…Hễ dùng từ dạo, người Sài Gòn biết ngay một cái gì đó … không ổn. Vậy mà lúc tôi còn nhỏ, có những cái …dạo mà ai cũng lắng nghe rồi gọi vào nhà …nhờ cậy.
Cứ tầm mười giờ sáng, một giọng phụ nữ đứng tuổi, tóc búi đơn sơ, đội chiếc khăn vuông, xếp lại thành tam giác, hai đầu khăn được cột nơi cổ, xách chiếc giỏ nhỏ rao nhẹ:
- Các em nhỏ xỏ lổ tai …hông.
Các cháu tôi lúc gần đầy tháng, mẹ và chị tôi đều ngóng “bà xỏ lổ tai” đi ngang để xỏ dùm đôi tai của cháu tôi, chuẩn bị ngày đầy tháng nhận những khoen tai vàng mới, quà mừng thông thường dành cho các bé gái. Chính tôi cũng được xỏ lổ tai theo cách đó.
Tôi không nhớ cảm giác đau đớn vì khi ấy tôi còn nằm oe oe. Chỉ sau này thấy bà “xỏ lổ tai” thao tác cho các cháu mới nhận ra sự thành thục và tự tin của bà. Công xỏ cho đôi tai rất rẻ. Có lẽ không thể rẻ hơn. Tôi cũng nghĩ bà làm chỉ để vui vẻ cuộc đời, nhưng nếu mỗi ngày bà xỏ lổ tai khoảng hai mươi em bé gái, chắc chắn là số tiền không nhỏ.
Bà dùng cây kim may, xỏ chỉ, bật hộp quẹt hơi lửa cây kim rồi xỏ “bụp bụp”. Em bé khóc cái oe….Bà nhanh nhẹn “lợi mũi chỉ” thành cái vòng chỉ giữa dái tai. Vài ngày, cái lổ xỏ khô đi, cọng chỉ được lấy ra để một chiếc khoen bằng vàng được đeo vào lóng lánh…Hôm nay, không còn nghe tiếng rao “xỏ lổ tai” nữa. Các cháu tôi đã lớn và tôi không hiểu những bé gái sau này được xỏ lổ tai bằng cách nào. Nghe nói, những bà mẹ trẻ cũng nhờ những thím lớn tuổi, mát tay…xỏ lổ tai dùm các bé gái.
Một “cái dạo” nghe khá rùng mình đó là “nhổ răng dạo”, đặc biệt răng
sữa của các bé. Tôi nhớ một chú đi xe đạp, cũng tầm tám giờ sáng, đạp xe ngang xóm tôi rao to:
- Nhổ răng sữa đây…
Chiếc răng sữa nào lung lay, ba mẹ nhát tay không dán “lặt”. Thế là mời chú vào. Chú lấy sợi chỉ cột vào răng rồi …giựt. Thường chiếc răng rơi ra. Chú trả răng để chúng tôi mang và ném dưới gầm giường kèm theo câu: - Hú mèo hú chuột, răng cũ trả mày, răng mới trả tao.
Vài ngày sau, chiếc răng mới nhú lên chỗ cũ, chúng tôi biết răng mình được “mèo chuột” trả lại và đôi khi tôi tự hỏi:
- Mấy con mèo chuột này sao ngu quá, lấy răng hư để trả răng tốt! Có lần tôi vạch miệng mèo ra để tìm cái răng cũ của tôi. Thật ngỡ ngàng khi thấy răng mèo nhọn hoắc. Tôi nghĩ có lẽ chuột dành lấy răng tôi, nhưng tôi chẳng có dịp bắt được con chuột để đòi lại răng mình. Những chú bé thời nay mấy đứa có được sự ngây thơ đến ngu ngơ như chúng tôi ngày xưa?
Có lần, chú nhổ răng dạo gặp phải răng hơi khó nhổ bằng chỉ. Tôi nhớ chú lấy kềm lúc lắc răng của nhỏ Minh, bạn tôi. Tôi nhớ cái đầu nó lắc theo nhịp lắc của chú nhổ răng dạo. Cuối cùng cái răng cũng rơi ra. Tôi hỏi Minh đau không. Nó trả lời:
- Chỉ ê ê chứ không đau…
Tôi phục lăn “bản lĩnh chịu đau” của nhỏ.
Chúng tôi luôn ngạc nhiên là những lần đau răng sau, ba mẹ không gọi chú nhổ răng dạo nữa mà đưa chúng tôi đến phòng nha khoa bệnh viện Sài Gòn thưở đó. Tại đây, chúng tôi bị chích thuốc đau đớn, rồi bị nạy, bị giựt…Tôi luôn kêu gào ba mẹ cho tôi được chú nhổ răng dạo nhổ nhưng chẳng được. Giờ mới hiểu…
Ôi, những cái răng sữa ngày xưa cũng tạo nên một nghề nghiệp, một công việc cho những con người lương thiện của Sài Gòn những ngày xa lắm…
ÔNG ĐỒ
N
hững năm ngồi ghế nhà trường, thuộc nằm lòng bài thơ của cụ Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua..
Cô giáo bắt học thuộc, cô giáo giảng một nét đẹp văn hóa của người Việt năm hết tết đến: người xin chữ, người cho chữ. Học trò Sài Gòn thập niên 60 thế kỷ trước đọc làu làu bài Ông Đồ vẫn không hình dung ra ông đồ như thế nào. Chỉ thấy qua hình vẽ trên những tấm thiệp ngày xuân. Nếu có ông đồ hẳn ở ngoài Bắc. Cụ Vũ Đình Liên ở ngoài ấy, viết bài này mấy chục năm trước, ngậm ngùi hình ảnh ông đồ không còn nữa, chắc chắn ngoài ấy như trong này, ông đồ đã biến mất.
Có lần tôi tíu tít đọc bài ông đồ vào ngày tết, anh họ tôi khen hay. Tôi nói còn một đoạn nữa, anh có muốn nghe không. Anh buồn buồn: - Thôi, đọc làm gì, đoạn sau buồn lắm.
Phải, người thuê viết không còn, không ai hay ông đồ đi đâu, ông đồ không còn, người Việt mất đi nét độc đáo ngày xuân. Thế kỷ 20 rồi, ai còn đến xin những chữ phúc lộc thọ nữa.
Vậy mà cuối thế kỷ 20, tại đất Sài Gòn này, bỗng xuất hiện phong trào học viết thư pháp. Tiếng Việt theo mẫu tự Latinh, viết theo thư pháp đẹp tuyệt, trông phớt như chữ tượng hình, nhìn kỹ, mới nhận ra tiếng Việt, được người Việt “múa bút” như phượng múa rồng bay…
Ngày Nhà Giáo, cô học trò mang đến tặng một bức tranh thư pháp với hai dòng chữ như thoát tục: Kim Ngọc Soi Gương Nước _ Anh Thư Rạng Nếp Nhà. Nhìn bức tranh chợt nhớ người bạn lớp đệ tam (lớp 10) ngày
trước, có cách viết tiếng Việt phóng bút như chữ Hoa. Thoạt nhìn tưởng nhỏ viết tiếng Hoa, xem kỹ, đọc được mới hay đó là tiếng Việt. Hóa ra bạn mình đi trước thời đại, hay là trước đây người ta không biết đề cao và phổ thông hóa thư pháp?
Rồi, một ngày cuối năm, tự dưng một đoạn đường Trương Định, dưới các bóng cây cao, những ông đồ tuổi chỉ ngoài hai mươi, hý hoáy viết những chữ Phúc Lộc Thọ theo phong cách thư pháp. Ban đầu công an cũng đuổi, nhưng rồi mọi người chợt mừng vui vì hình ảnh ông đồ lại xuất hiện trên phố Sài Gòn, đặc biệt không là chữ Hán, mà là chữ Việt, chữ quốc ngữ của Alexandre De Rhode được những hậu nhân của ông đồ xưa múa bút cho chữ. Một bài, hai bài và nhiều bài báo xuất hiện cổ vũ các ông đồ. Những ông đồ bị công an quận 1 đuổi, chạy về quận 3, được các phóng viên ca ngợi. Thế là Nhà Văn Hóa Thanh Niên có hẳn một Phố Ông Đồ.
Theo một số ông đồ, phải gọi là anh đồ mới đứng chứ, ban đầu học viết thư pháp như một thú vui. Tết, mua mực tàu giấy đỏ viết vui tặng bạn bè và treo nhà. Không ngờ, hàng xóm đến xin chữ…Tự dưng những anh đồ gặp nhau và liều mạng trải chiếu ngồi lề đường cho chữ. Người xin chữ khác xưa, không chỉ mực tàu giấy đỏ, mà còn xin cả chữ nhủ được đóng khung đàng hoàng, chữ viết trên mành trúc…Ngoài việc viết thư pháp, anh đồ còn kiêm luôn vẽ hình phong cảnh hoặc chân dung khách hàng trên áo thun. Không chỉ các anh đồ múa bút, còn cả sự tham gia của các chị đồ. Anh chị đồ tại Nhà Văn Hóa phải mặc áo dài khăn đóng, mang guốc mộc, ngồi chiếu hoa hay trên chỏng tre.. cho đúng phong cách.
Chắc chắn ai cũng vui khi hình ảnh anh đồ với nét thư pháp quốc ngữ xuất hiện tại Sài Gòn. Chữ quốc ngữ ai cũng đọc được, dễ hòa vào lòng thành phố. Ngày xưa khi học bài Ông Đồ, học sinh nghe những lời giảng đầy ngậm ngùi của thầy cô giáo với hình ảnh đẹp đã xa. Hôm nay, dạy về Ông Đồ hẵn thầy cô sẽ giới thiệu về những Phố Ông Đồ tại Sài Gòn. Cả thầy trò đều hiểu cụ Vũ Đình Liên đã quá bi quan. Ông đồ vẫn còn đó, thế kỷ 21! Người muôn năm cũ vẫn hiện diện, trẻ trung, đầy nhiệt huyết…
Người thuê viết vẫn rất trân trọng chữ nghĩa đầu năm. Cả hai cố giữ lại sắc màu tốt đẹp của ngày xuân. Có lẽ cụ Vũ Đình Liên đã mỉm cười.
ĐẶC SẢN CỦA NGƯỜI HOA
X
óm cũ tôi tầm khoảng 11 giờ có ông Tàu thường đẩy xe bán các loại cà na, mứt, cắn chỉ, xí muội…Tôi không thích chua nên chẳng quan tâm đến chiếc xe của ông ngoài cái món chua chua được cắt lát mỏng dính, hình tròn màu hồng mà nhỏ bạn tôi gọi là xí muội cán dẹp (?) Tôi thường mua bảo mấy đứa lè lưỡi ra để tôi trao “mình Chúa”, chẳng là nó giống cái bánh lễ trong nhà thờ. Nhờ vậy mấy đứa bạn thích chơi “trò” đó với tôi. Tụi nó được ăn miễn phí cái món chua chua đó.
Chiếc xe của ông Tàu gồm một thùng kính to, nằm ngang, có nhiều ngăn chứa những loại mứt chua khác nhau. Ai mua, ông kéo kính, lấy giấy và gấp những miếng mứt,cà na…đưa cho họ. Tủ kính đặt thấp, vừa tầm nhìn bọn con nít chúng tôi. Chúng tôi thích gì, chỉ lên mặt kính, ông đều chìu hết, thậm chí ông còn cho chúng tôi ăn thử.
Một lần tôi cùng nhỏ bạn đứng xớ rớ bên xe kính, ông Tàu xách xô đến phông tên (fontaine) công cộng lấy nước, tôi rủ nhỏ bạn kéo kính lấy ít xí muội cán dẹp, nhỏ ừ. Tôi làm chia cho nhỏ. Chỉ dám lấy tí xíu nhưng cũng sợ lắm. Quái! Sao ngày xưa ngây thơ và trong sạch thế! Vẫn còn thời gian cho một “phi vụ” nữa, vậy mà tụi tôi không dám.
Những hàng quán ngày xưa người ta bày mận, ổi, me, bánh …phía ngoài kệ. Phía trên, người ta treo đồ chơi lủng lẳng, mấy rổ mận, bánh… khuất tầm nhìn người bán. Một lần tôi cầm trái mận, bạn gọi, tôi cầm đi theo luôn, giật mình mới biết mình “cầm nhầm”. Nhỏ bạn xúi tôi đến cái hẻm xóm trên ăn. Chao ôi, một trái mận “chôm” ăn sao ngon thế chứ! Ngày mai tôi và nó “làm tiếp”, chẳng ngờ về nhà mẹ tôi bảo chị Cúc thấy tôi lấy mận, vì nể mẹ không la lên. Thế là tôi bị mắng một trận, bị “cho treo” năm cây roi mây. Từ đó tôi không dám cầm nhầm bất cứ “món” nào kể cả món “bánh lễ chua” của ông tàu.
Mỗi lần ông đến, chúng tôi nghe ông rao như hát “cà na, cà na cắn chỉ, cắn chỉ cắn chỉ xí muội…”. Tuy không thích chua, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ cái món “xí muội dẹp”. Mỗi lần tết đến, tôi đi loanh quanh những hàng mứt để tìm lại món “xí muội cán” hay cà na hoặc cắn chỉ…của ông tàu ngày xưa mà không thấy. Cà na của ông Tàu không phải những trái cà na xanh ngâm đường rồi lấy ra chấm muối ăn như hiện nay mà “nó” chua chua ngọt ngọt, cắn chỉ của ông cũng ngọt ngọt chua chua …, không giống bất cứ loại mứt nào hiện nay.
Một loại bánh thường bán tại tiệm của bà tàu gần nhà tôi có tên bánh pẻng. Tôi nhớ bánh có hương vị đặc biệt, giống như bánh in của người Việt nhưng dường như là đậu xanh nướng, ở giữa có tí mứt bí…Ăn rất ngon!...Có câu chuyện kể rằng buổi trưa một người ra nhìn lên tàn cây cao, gặp một con tinh chỉ xuống ngay mắt ông. Ông bị mờ mắt. Một hôm gặp một thiền sư chữa bệnh và bảo ông hãy ăn một loại bánh pẻng có hình Đức Phật, mắt sẽ từ từ sáng ra. Tôi nghe kể chuyện, để ý thấy các bánh pẻng có hình những ông tiên. Tôi lại tin đó như thuốc ngừa những bệnh tà ma!
Người Hoa có một loại chè tôi rất thích, đó là chí mè phủ, còn gọi là chè mè đen. Ăn xong miệng mồm đen thui. Sau này chị tôi sanh em bé, thấy những thứ đầu tiên em bé thải ra, tự dưng tôi không thích ăn chí mè phủ nữa. Vả lại, xóm tôi còn bà Hai bán chè, những loại chè đậu xanh bột báng hay đậu xanh phổ tai, ăn ngon hơn và…trông vệ sinh hơn. Tôi còn thiết tha với chí mè phủ làm gì chứ.
Mồng 5 tháng 5 âm lịch, những doanh nhân Hoa kiều bạn với ba tôi thường mang biếu chúng tôi bánh pá chạng. Loại bánh ú có hột vịt muối, hạt maron và hương vị thật đặc biệt. Sau 1975, gia đình tôi cho một người Hoa thuê nhà, ông đã biếu chúng tôi những chiếc bánh với hương vị ngày xưa. Rồi ông dọn đi. Chúng tôi làm việc có tiền, ngày tết mồng 5 cũng muốn tìm mua bánh pá chạng đặc biệt đó. Chúng tôi đi lòng vòng, nào nhà hàng Đồng Khánh, La Cai…Tất cả chỉ là bánh ú của người Việt hoặc bánh ít lá gai. Thật khó tìm thấy lại hương vị cũ.
Người Hoa còn loại bánh giống bánh bông lan nhưng có hương vị rất khác. Đó là bánh thuẩn. Bánh này thường to, có hai màu và hình dáng như cái hoa có những cánh hoa xòe ra.
Đi dạy hằng ngày ra vào bến xe Chợ Lớn. Thi thoảng tôi đi tìm mua cà na cắn chỉ, xí muội cán dẹp, bánh pẻng, pá chạng… Tất cả chỉ vô ích! Có thể là cà na, cắn chỉ, xí muội, bánh pẻng…nhưng hương vị đã thay đổi hẳn, không như những loại bánh mứt đặc trưng của người Hoa ngày xưa tôi từng nếm thử. Chị tôi nói giờ toàn Tào Lao nên thức ăn Tàu đã mai một… Bỗng nghe buồn buồn và chợt nhớ về xóm cũ. Nơi đó có ông Tàu đẩy xe kính, những món ăn chua chua…tôi từng chôm những miếng xí muội cán dẹp…
Chắc chắn người Hoa có vô số đặc sản. Nhưng với tôi chỉ là những món ăn trẻ con ngày xưa: cà na, xí muội dẹp, cắn chỉ, bánh pẻng, bánh pá chạng…Tất cả như đã vào quá khứ, bởi đi hoài vẫn không gặp lại hương vị cũ. Cũng như tìm hoài chẳng thấy lại Ta của Ngày Hôm Qua…
LỄ SỚM CHỦ NHẬT
C
ông việc bận rộn suốt, ngày chủ nhật không ai ép tôi phải dậy sớm. Thế mà tôi vẫn để đồng hồ reo đúng 4:30 sáng để đi lễ …nhất. Bạn bè nói đi lễ nhất là ngủ gục. Đi lễ nhất để …trả nợ cho xong trách nhiệm “con chiên” của Chúa. Tôi không nghĩ vậy. Đi lễ sớm với tôi là một cái thú không phải ai cũng cảm nhận được. Sau khi đọc bài này, các bạn hãy làm theo tôi, ngày chủ nhật dậy đi lễ sớm sẽ thấy thú vị vô cùng. Ngày trước, tôi thường đi bộ ra nhà thờ Chúa Cứu Thế, nhà thờ họ của tôi để đi lễ. Trên đường chỉ vài chiếc xe của người đi bỏ hàng sớm. Tôi lắng nghe “âm thanh của sự thinh lặng” như tên bài hát The Sound of Silence. Tôi nghe tiếng giày của mình trên mặt đường. Đôi khi nghe tiếng chân lạ, tự dưng vui vui có kẻ cùng đi với mình. Có thể cũng là một người đi lễ sớm, là người đi mua hàng hay công nhân đi ca hoặc về ca. Họ đi lầm lủi. Có khi họ cũng nhìn tôi cười nhẹ:
- Đi làm hả cô?
Tôi cười hãnh diện là con chiên “có vẻ ngoan đạo”:
- Không, đi lễ.
Một lần tôi “đổi không khí”, sáng dậy sớm đi lễ Nhà Thờ Đức Bà. Thú vị vô cùng. Lễ bắt đầu lúc 5:30, tôi đi xe khoảng mười lăm phút. Đi xe trên những con đường thành phố vào buổi sáng sớm cũng có cái hay riêng. Nếu thời gian trước và sau Giáng sinh, người ta nói “tháng 10 chưa cười đã tối” thật đúng. Trời tối u u, phải bật đèn mới tránh được tai nạn. Vài chiếc xe mở đèn tù mù, chạy thật chậm. Con đường Điện Biên Phủ, Lê Quí Đôn, Phạm Ngọc Thạch thật vắng lặng. Những ngôi nhà yên ắng. Chỉ nghe tiếng xe của mình trong buổi sáng tinh khôi. Vâng. Tiếng ồn, khói xe, bụi bậm… đặc trưng của thành phố chưa thức giấc. Không khí thật mát rượi. Hít đầy buồng phổi khối oxy trong lành ban mai mà nghe thật sảng khoái. Cơn
buồn ngủ biến mất dành cho một tâm trạng thênh thang, thoải mái đón chào ngày mới.
Trước Nhà Thờ Đức Bà, nơi tượng đài Nữ Vương Hòa Bình không biết từ bao giờ một đàn bồ câu đến tìm mồi buổi sáng. Và cũng không biết từ đâu có những con người tự nhận trách nhiệm nuôi bồ câu. Buổi sáng, có người từ Hóc Môn, Bình Thạnh…mang từng bọc gạo vun từng nấm cho đám bồ câu. Bồ câu ăn, chim sẻ cũng ké phần. Người “chủ xị nuôi đàn bồ câu hoang cũng là người có thể điều khiển đàn bồ câu” nói mùa dịch gia cầm, có đôi bồ câu bị chủ thả ra, không nơi “nương tựa”, thế là theo đàn chim sẻ kiếm ăn. Lúc đó anh thường rải gạo cho chim sẻ, hai con bồ câu xuống “ăn ké” và từng ngày từng ngày, đàn bồ câu “phát triển tốt”. Anh nói:_“Nuôi chim để Mẹ bớt buồn”. Sự “mở rộng” đàn của bồ câu khiến anh lo lắng. Tuy nhiên, bồ câu có mặt cùng chim sẻ đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Từ người lớn muốn giáo dục con mình ý thức bảo vệ thiên nhiên đến “kẻ nhỏ” ham vui. Tôi không còn nhỏ nhưng còn ham vui. Tuần nào tôi cũng dành một bọc gao nửa ký hoặc một ký thóc cho bầy bồ câu, se sẻ. Có người còn cho bồ câu cả ký đậu xanh. Bồ câu se sẻ trở thành “của chung” những người đi lễ nhà thờ hay những ai có ý thức làm đẹp thành phố.
Cho đến một ngày, thằng cháu rủ tôi đi lễ Nhà Kín. Từ nhà tôi đi xe ra Lê Duẩn và quẹo vào Nhà Kín. Buổi sáng con đường dẫn vào Nhà Kín thật thênh thang. Những ngày sau tháng năm, như câu nói “tháng năm chưa nằm đã sáng”. Trời sáng, trong vắt. Hai hàng cây bên đường còn đọng sương mai. Gởi xe phía dưới, bước chân lên cầu thang Nhà Kín như bước lên bậc tam cấp của Domaine De Marie, đồi Mai Anh Đà Lạt. Không còn những bon chen, những ngộp thở của trưa nắng kẹt xe hay bít bùng lô cốt Tự dưng thằng cháu nói:_“Kỳ này lên Đà Lạt, con với bà Út ráng đi lễ sớm ở đồi Mai Anh nhé” Tôi bảo ừ. Tôi tưởng tượng thật thú vị giữa tiết trời lành lạnh của Đà Lạt, bọn tôi đến nhà thờ sáng sớm, tự dưng lòng thật thanh thản, thấy mình thật nhỏ bé trước mênh mông đất trời.
Thằng cháu thích buổi sánh nghe tiếng hát Thánh ca nơi Nguyện Đường Nhà Kín, còn tôi thích lễ Nhà Thờ Đức Bà để tiện cho bồ câu ăn. Thằng cháu giẫy nẩy:
- Trời ơi, bà Út làm như mình mắc nợ chim bồ câu vậy.
Ừ, thì có đi lễ Nhà Kín, ghé đài Nữ Vương Hòa Bình cho bồ câu ăn. Mình nuôi những “nhân tố” để thành phố thêm đẹp và tượng Mẹ thêm vui…
Ôi những buổi sáng đi lễ sớm thật thơ mộng và ý nghĩa biết bao…
"""