"Sài Gòn Phong Vị Báo Xuân Xưa - Phạm Công Luận full mobi pdf epub azw3 [Văn Hoá] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sài Gòn Phong Vị Báo Xuân Xưa - Phạm Công Luận full mobi pdf epub azw3 [Văn Hoá] Ebooks Nhóm Zalo Những bài viết được trích sử dụng trong cuốn sách đã đăng báo trên dưới 50 năm trước, chúng tôi chưa tìm được tác giả hay đại diện giữ bản quyền để xin phép. Do đó, rất mong nhận được thông tin từ tác giả hay đại diện giữ bản quyền bài viết được trích sử dụng để chúng tôi gởi thư cám ơn, sách biếu và nhuận bút. Lời ngỏ Cứ đến gần Tết, độc giả Sài Thành lại trông đợi những sạp báo dọc đường phố trưng ra những tờ giai phẩm Xuân, như những bông hoa mới nở đầy màu sắc, thay cho mấy tờ nhật báo không bìa hằng ngày đầy các cột chữ đen li ti. Có thể nói các tờ báo Xuân mang tín hiệu Tết đậm đà không thua hình ảnh đống dưa cao ngất ở cửa Bắc chợ Bến Thành hay mớ lạp xưởng treo kín mít ở chợ La Cai trên đường Nguyễn Tri Phương. Trên tờ báo đặc biệt này, giống như khi thời tiết chuyển mùa, mọi thứ ồn ào, tranh cãi, lộn xộn của đời thường được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng, chiêm nghiệm, nhìn lại năm qua và hy vọng cho năm tới. Trong thời gian biên soạn cuốn sách này, có lúc tôi tưởng mình đang trở lại một sáng tháng Chạp năm mười hai tuổi, khi tôi đi dọc con đường Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng bây giờ) để đến một sạp báo quen, mua cho ba tôi mấy tờ giai phẩm Xuân Điện Tín, Đại Dân Tộc. Tay tôi cầm chắc tờ tiền giấy, một mặt in hình con nai và mặt kia là hình dinh Độc Lập, trong bụng hy vọng tìm được cả tờ Thiếu Nhi số Tết có tranh bìa vẽ đám con nít cưỡi trâu như đã được xem quảng cáo trong số báo trước. Trên đường về, tôi gí mũi vào mấy tờ báo khổ lớn bìa màu, hít sâu mùi mực in trên giấy láng, thấy dễ chịu không khác chi mùi chiếc bánh Madeleines nhúng nước trà của Marcel Proust, thứ mùi có thể giúp “... gợi nhớ lại tất cả những chi tiết tỉ mỉ, những hình xưa bóng chết, những chơn trời năm cũ, những gương mặt thân yêu, cho đến những tiếng động không đâu, tiếng một chiếc muỗng khua ly, tiếng một con ve sầu ngoài vườn, tất cả đều hiện hồn về” như Bình Nguyên Lộc đã viết trong một bài báo đăng trên tờ Buổi Sáng năm 1964. Những tờ báo Xuân gọi tôi về mấy ngày Tết cũ, với buổi Tất niên thi cạp dưa hấu ở trường Võ Tánh hồi học tiểu học, những buổi sáng tháng Chạp giúp ba nhổ lông vịt để nấu nồi thịt vịt hầm, lần đi xem đại nhạc hội có nghệ sĩ Ngọc Phu giả tiếng chó sủa, gà gáy, ngựa hí... và mấy ngày Tết vùi đầu vào trang Mai Bê Bi dành cho thiếu nhi trên báo Chính Luận. Thường ngày, hai tờ tuần san Thiếu Nhi và Tuổi Hoa cũng đủ thỏa mãn thú vui đọc báo và thích tranh đẹp của tôi. Nhưng trong đợt nghỉ Tết, những tờ báo Xuân người lớn mới cuốn tôi vào thế giới mỹ thuật đa dạng hơn với bao nhiêu bìa báo đẹp, những bức tranh minh họa hàm súc và biếm họa sinh động. Sau khi đọc hết những giai thoại Tết xưa, chuyện ăn Tết trong tù, chuyện ma thiêng nước độc, tôi mê mẩn ngắm lại những bức tranh làm nên sự hấp dẫn của một tờ báo Xuân. Sau Tết, tôi đem cất riêng những tờ báo đó, thỉnh thoảng lấy ra xem tranh và đọc cho đến khi nát. Tình cờ mười năm trước, tôi tìm lại được tờ báo Xuân Chính Luận Tết Kỷ Dậu có bìa in hình cô Kim Loan. Lật vội, tôi tìm bài Mùa xuân mười tám đã in sâu trong trí nhớ, là nhật ký song đôi của hai mẹ con với phần nhật ký người mẹ khá xúc động bên cạnh phần nhật ký vui nhộn của cô con gái hippy với cách nghĩ cởi mở so với thời đó. Bài viết này có hai bức tranh minh họa đen trắng được in không sắc nét lắm, mà sao thuở nhỏ tôi thấy đẹp và gợi cảm quá chừng. Được nhìn lại những bức tranh và bài viết cũ từng yêu thích, thấy vui như tái ngộ người bạn thân thiết đã lâu không gặp. Vài năm gần đây, ở Hà Nội và Sài Gòn thỉnh thoảng có tổ chức triển lãm báo Xuân trước 1954, nhưng khách đến xem chỉ được ngắm cái bìa báo thấp thoáng trong lớp nylon, các trang bên trong thì mặc sức mà tưởng tượng vì đã được phong kín. Giới chơi sách báo xưa ở Sài Gòn từ lâu chỉ chuộng mua giai phẩm Xuân trước năm 1954. Trước hết là do vật phẩm (đáng sưu tầm) càng xưa càng có giá, vì dễ hư hao mất mát qua thời gian nên dần trở nên hiếm. Sau nữa, báo Xuân thời trước 1954 đa số dùng tranh vẽ, tác giả có thể là họa sĩ có tiếng và hình tượng thiếu nữ được vẽ khá gợi cảm. Nội dung báo Xuân tiền chiến có không khí Tết hơn, chú trọng văn chương hơn. Do hút hàng, báo Xuân trước 1954 đã hiếm càng hiếm, thỉnh thoảng muốn tham khảo hay đọc chơi cho biết thì không biết tìm đâu ra. Ở Sài Gòn có một vị linh mục lưu trữ được khá nhiều báo Xuân trước năm 1954 ở hai miền Nam – Bắc và báo miền Nam sau 1954. Trước đây, bộ sưu tập quý giá này được lưu giữ tại thư viện giáo xứ nơi ông làm việc. Nhờ đó, chúng tôi được xem và chụp lại vài trang báo làm tư liệu. Hiện nay bộ báo này đã được chuyển giao cho cơ sở tôn giáo khác. Mười năm trước, giới sưu tầm sách báo chưa đông như bây giờ. Những người chơi sách báo xưa rất “kén cá, chọn canh”, coi trọng sự toàn vẹn của tờ báo, cuốn sách. Bìa các tờ báo Xuân đáng sưu tầm không những không rách, không nát mà phải còn “men”, tức là lớp láng trên bìa in couché không bị nứt và rớt ra. Dần dần, người chơi đông hơn, báo cũ nát cũng được miễn còn đủ trang. Rồi rách dọc rách ngang cũng chấp nhận. Thậm chí mất bìa cũng mua. Báo Xuân trước 1954 cạn dần, ai có trong nhà cũng không chịu “nhả” ra. Báo Xuân xuất bản sau 1954 cũng trở thành hàng hiếm từ lâu. Trong giới sưu tầm sách báo quý ở Sài Gòn có vài người lưu giữ những tờ báo Xuân đẹp. Thỉnh thoảng, họ chia sẻ hình ảnh bìa những tờ báo trên diễn đàn của cộng đồng thích sách xưa hay trên mạng xã hội, nhưng nhìn chung họ khá kín tiếng và chỉ trao đổi, mua bán trong giới. Chủ một tiệm bán sách cũ kể rằng cách nay gần chục năm, có một người sưu tầm sách báo trẻ từ Hà Nội mang theo vài chục triệu đồng và mua hết số giai phẩm Xuân miền Nam trước 1975 mà cửa hàng ấy có. Bây giờ, không dễ mua được dù chỉ dăm tờ, trừ khi có người trong giới sưu tầm cần tiền hay không chơi nữa bán ra. Lùng sục ở các cửa hàng sách báo cũ may ra kiếm được vài tờ cũ nát, nhưng phải lui tới vài lần, làm thân với người bán sách loại có máu mặt thì may ra họ nhớ đến mình khi có hàng. Ở đường Trần Nhân Tôn, có một tiệm sách cũ đem photo mấy tờ báo Xuân xưa, nhìn rất lem nhem, bán ra 100 ngàn đồng một tờ cũng có người mua. Đúng là “hết nạc vạc đến xương”. Cách nay không lâu, nhờ may mắn, tôi mua được một xấp báo Xuân mà phần lớn từng thuộc tủ sách của một giáo sư đại học ở Sài Gòn trước 1975 đã ra nước ngoài. Hai phần ba số đó còn nguyên bìa. Số ít mất bìa rơi vào giai phẩm Xuân của báo Sài Gòn Mới và báo Tiếng Chuông, vốn nổi tiếng về bìa in màu có hình thiếu nữ đẹp. Hơn phân nửa số đó có vết xé ngang tờ báo, đã được người bán dán lại. Bộ báo phải được mua toàn bộ, không được lựa từng tờ, giá không rẻ. Không dám kén chọn, tôi lấy hết. Đó là quyết định đúng, vì không bao giờ có dịp mua được một lần 70 tờ báo Xuân mà xưa nhất là từ năm 1935. Lần khác, tôi mua được từ Cần Thơ gần 30 tờ báo Xuân khoảng từ 1954 cho đến 1958. Trong số đó có những tờ báo lạ, có thể chỉ phát hành trong một thời gian ngắn rồi đình bản nhưng kịp ra giai phẩm Xuân. Thật may mắn vì đó là những tờ báo hiếm có. Không chỉ vì khan hiếm mà các giai phẩm Xuân xưa có sức hút như vậy. Dạng báo này được mê chuộng vì thường có nhiều bài viết hay, bìa báo và tranh ảnh minh họa được chăm chút kỹ lưỡng, lưu giữ khá nhiều phong vị Tết ngày xưa và hơi thở cuộc sống một thời, cùng những bài viết của nhiều nhà văn, nhà báo và họa sĩ đã khuất bóng từ lâu. Sau này theo nghề báo, tôi hiểu sâu hơn về việc “bếp núc” của một tòa soạn khi làm báo Xuân. Sẽ có những buổi họp, bàn bạc vài tháng trước Tết với người chủ biên, để làm sao tập hợp được những cây bút già dặn và cứng cỏi, cho họ phô diễn phong độ viết lách và sự lịch duyệt của mình qua mỗi câu chuyện viết ra. Sẽ có những trải nghiệm được đúc kết, những hoài niệm được xới tung, những tâm tình được thủ thỉ và những ước vọng về tương lai, những khó khăn phía trước cùng nhau chia sẻ. Cũng từ những buổi họp đó, phải làm sao có được một bìa báo Tết lộng lẫy hay trang nhã nhất từ những họa sĩ hay nhà nhiếp ảnh tên tuổi, làm sao có những bức minh họa hay, đẹp và vui nhất cho những bài báo đặc sắc trong ấn phẩm này. Có khi chưa đến Giáng sinh, cảm giác một cái Tết đã đầy ắp trong lòng người làm báo Xuân. Cho đến nay, tạp chí Nam Phong Tết Mậu Ngọ 1918 xuất hiện tại Hà Nội vẫn được xem là tờ báo Xuân đầu tiên, khởi đầu cho một dạng báo chí đặc thù ở Việt Nam. Nhân 100 năm kỷ niệm dấu mốc này, chúng tôi muốn góp thêm chút tư liệu về diện mạo báo Xuân Sài Gòn trước năm 1975, như một lát cắt nhỏ cho việc tìm hiểu nền báo chí của miền Nam xưa, cái nôi của báo chí cả nước. Với tư liệu hạn chế, cái nhìn cá nhân chủ quan, cũng như chưa có sự đánh giá một cách toàn diện, hệ thống, chắc chắn cuốn sách này còn nhiều thiếu sót. Một số bài viết, minh họa và biếm họa được trích dẫn ở đây không có tên tác giả, hoặc họa sĩ có ký tên nhưng người biên soạn không xác định được. Rất mong nhận được thông tin từ quý độc giả khắp nơi để bổ sung hoặc chỉnh lý. Cuối cùng, tôi xin trân trọng cám ơn sự giúp đỡ của linh mục Nguyễn Hữu Triết, ông Vũ Hà Tuệ, ông Trần Thành Trung, ông Lê Hoan Hưng, ông Trần Hữu Nghiêm, ông Nguyễn Xuân Đang trong việc bổ sung tư liệu và góp ý cho cuốn sách này. Phạm Công Luận PHONG VỊ BÁO XUÂN XƯA Báo Xuân của các nhật báo Sài Gòn trước 1975, với cái tên trang nhã và trân trọng là Giai phẩm Xuân, thường có khổ lớn, có tờ lên tới 30cm x 42cm. Giai phẩm Xuân của các tạp chí, thường trung thành với kích cỡ tờ tạp chí thường kỳ, chỉ thể hiện sắc xuân ở bìa đẹp và thường là tăng tranh, bên trong có nhiều tranh minh họa và có thể thêm phụ bản màu. Đây là loại ấn phẩm đặc biệt của tòa soạn, một tờ báo thu hút rất nhiều tinh lực của người tổ chức bài vở, trình bày và của các cây bút trong và ngoài tòa soạn. Có ý kiến cho rằng tờ báo Xuân là món quà mà chủ báo mang đến cho anh em ký giả, nhân viên trong tòa soạn có việc làm để thu lợi nhuận hưởng Tết. Có thể đúng là như vậy, nhưng rõ ràng báo Xuân là một dịp làm ăn không nhỏ đối với một tòa soạn báo. Thời xưa, độc giả không phải ai cũng thường xuyên bỏ tiền mua báo ngày. Nhiều người đọc báo ở sở làm, mượn báo hàng xóm đọc nhờ hay ra sạp đọc ké không tốn tiền, ngại quá thì trả ít tiền lẻ cho chủ sạp. Tuy nhiên, nhiều người nhất thiết phải mua tờ báo Xuân để nhâm nhi ngày Tết, làm quà tặng, vừa có thể lấy lịch hay tranh phụ bản tặng kèm để trang trí nhà cửa, ép dưới tấm kính bàn salon cho đẹp. Báo Xuân làm tốt thì bán được nhiều, thu được nhiều tiền quảng cáo sản phẩm trên báo. Đó là lý do giới chủ báo chịu chi nhiều tiền cho giấy má, công in, nhuận bút cao để có thể xuất bản ra một loại ấn phẩm đẹp, in trên giấy tốt, có nhiều cây bút sừng sỏ cộng tác và có bức tranh bìa, minh họa thật thu hút. Làm ra một tờ báo Xuân đẹp lộng lẫy từ bìa vào trong, có nội dung đặc sắc cũng là niềm hãnh diện của một tòa báo, thể hiện đẳng cấp trong làng báo. Những giá trị này vẫn còn cho tới ngày nay. Báo Xuân Hà Nội ở Sài Gòn Theo Vũ Xuân Tự trong cuốn Túi bạc Sài Gòn xuất bản năm 1941, khi báo Phụ Nữ Tân Văn, tờ báo chiến tướng của Sài Gòn đang thịnh hành thì “chỉ có dân Bắc ham đọc báo chí trong Nam thôi. Trái lại, người Nam ít đọc văn Bắc lắm”. Nhưng khi các báo Phụ Nữ Tân Văn, Thần Chung, Đuốc Nhà Nam đình bản thì văn chương Bắc Hà cũng đổi mới, tiến bộ, tìm lối vào Nam. Ông viết “đứng đầu hàng ngũ đi cám dỗ độc giả Nam Kỳ, ta nên dành công cho tuần báo Phong Hóa. Tờ tuần báo này khi tái bản (1932) đã sửa đổi tôn chỉ, văn thể hợp với trình độ dân trí nên được hoan nghênh. Thì báo nào mới ra tài liệu chẳng dồi dào, bao nhiêu cái hay họ trưng ra hết. Khởi thủy, những bức vẽ khôi hài đã mua được những cái để ý của người Nam thường hay đọc báo. Rồi kẻ mua, người đi mượn, và có những anh đứng xem ghé mấy bức tranh riễu Lý Toét, liền bị bùa mê dần dần. Trước còn mua báo xem mấy bức vẽ, sau đọc các bài vở, gặp những tiếng Bắc bèn dò hỏi, sinh ra ham thích là mắc nghiện ngay”. Ông cho biết sau đó là báo Loa, cũng trào phúng, châm biếm nhưng có mồi câu độc giả Nam Kỳ là hai bức phụ bản. Ở Sài Gòn, công in đắt đỏ nên tính riêng hai bức tranh là giá năm xu rồi, rẻ lắm cho nên có người Nam chỉ thích hai bức tranh lồng kính chơi mà mua cả báo Loa. Giai phẩm Xuân Ngày Nay, Phong Hóa – những tờ báo có sức hút đối với độc giả Nam Kỳ. Các tờ báo miền Bắc thời ấy vào Nam Kỳ bằng nhiều cách khác nhau. Đến gần cuối thập niên 1930, các tờ nổi tiếng nhất ngoài ấy như Phong Hóa, Ngày Nay, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tri Tân... theo con đường phát hành xuyên Việt vào tới Sài Gòn, trong đó có vai trò nổi bật của nhà sách Nguyễn Khánh Đàm gần chợ Bến Thành, là đại lý phân phối sách báo của Nhà xuất bản Tân Dân ở Hà Nội. Hơn một tháng trước Tết, những giai phẩm Xuân của các tờ báo này góp phần làm phong phú thêm thị trường báo Xuân ở Sài Gòn, không chỉ nhờ những bức vẽ trào phúng hay phụ bản đẹp như Vũ Xuân Tự cho biết, mà còn từ những bìa báo đẹp mang phong cách cổ điển của xứ Bắc và nội dung giàu chất văn chương ý nhị được độc giả Nam Kỳ thích thú đón nhận. Giở ra tờ báo Xuân từ Hà Nội, người đọc Nam Kỳ được xem tranh của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lemur… qua những bìa báo và minh họa, được đọc những truyện ngắn, kịch, thơ của các cây bút được ưa chuộng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và các cây bút tài danh xứ Bắc khác như Tản Đà, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Thanh Châu... Dù sao, một món ăn tinh thần mang tính “hương xa” có giá trị vẫn dễ thu hút người Sài Gòn vốn cởi mở, luôn thích tiếp nhận cái mới. Đã vậy, xem báo Xuân xứ Bắc, có thể xem được những “giá trị” khác, như qua các trang quảng cáo có thể hình dung sản vật và cách tiêu dùng của ngoài ấy, hay những bài viết về Tết Sài Gòn với góc nhìn lạ của người xứ có mùa xuân lạnh mát viết về mùa xuân rực nắng của miền Nam. Những nhân vật nổi danh trong tranh biếm họa của báo Phong Hóa như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh... sớm thu hút người đọc Nam Kỳ nên sau này, báo chí Sài Gòn đã tái hiện các nhân vật này trong một khoảng thời gian nữa, cho đến thập niên 1950 mới ngưng dần. Trong những ngày cuối năm, tôi lật xem tờ giai phẩm Xuân Ngày Nay xuất bản năm 1940 tại Hà Nội và thấy lại cảm giác bồi hồi. Đó là một tờ báo Xuân đẹp, tao nhã với tranh bìa dễ thương vẽ ba cô gái bận áo dài tha thướt của họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân. Kỹ thuật in lúc đó cộng với màu thời gian phủ lên bìa báo khiến bức tranh xuống sắc, màu in trầm xuống, nhìn như một bức tranh lụa cũ. Nội dung bài vở bên trong khá phong phú, toàn là của “chiến tướng” làng văn miền Bắc thời đó vì Ngày Nay là tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nổi đình đám ở Hà Nội. Cảm động nhất là bài Đĩa mứt ngũ vị, thực chất là “Đĩa mứt ngũ vị văn chương” do Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam viết. Đây là món quà văn chương ngày Tết với những tản văn, câu chuyện ngày Tết được viết khá súc tích, đặc biệt có những bức minh họa do các tác giả vẽ dù họ không phải là họa sĩ. Nhà văn Hoàng Đạo vẽ hoa thủy tiên, Khái Hưng vẽ một người đi dưới mưa, che lá trên đầu và có hai khuôn mặt thiếu nữ trên cao dõi theo. Thạch Lam vẽ quả đựng mứt. Tranh Tô Ngọc Vân trên giai phẩm Xuân Ngày Nay 1940. Truyện Hoa Thủy Tiên của Hoàng Đạo viết về một anh ở nhà quê rất thích chơi hoa thủy tiên. Ngày Tết anh thường ra Hà Nội mua hoa thủy tiên đem về nhà bày kín giường ngủ. Do nghiện hút và lười biếng, cảnh nhà anh sa sút dần và tác giả không có dịp gặp nữa. Một dịp Tết, tác giả về quê thì biết anh đã bán nhà, ở trong một cái chòi, thân thể tiều tụy vì nghiện nặng. Khi đến thăm, thấy ngày Tết anh chỉ có một bát gạo ăn. Nhưng khi nhìn lên bàn thờ cũ vẫn có một củ thủy tiên nở đầy cái chậu sành nhỏ. Anh ta thấy khách nhìn hoa, cũng ngước mắt âu yếm nhìn hoa thủy tiên, rồi tươi cười khoe: “Bây giờ tôi gọt khéo hơn trước nhiều anh ạ. Năm nào hoa cũng nở đúng ngày mồng Một!”. Tác giả man mác nghĩ thầm: “Tình yêu hoa hay là lòng thương tiếc một quãng đời thiếu niên đầm ấm!”. Thế giới báo Xuân Sài Gòn Phụ Nữ Tân Văn Tết 1930 là một trong những tờ báo Xuân phát hành sớm nhất ở miền Nam mà chúng tôi xem được đầy đủ. Trang đầu tờ báo ghi rõ “Số báo mùa xuân 1930”. Tên tờ báo đặt trên nền mai vàng ẩn hiện và bài thơ bốn câu man mác buồn: “Nghe nói xuân vừa đến/tìm xuân chẳng thấy xuân/Đầu nhành mai chiếng (?) trổ/ xuân đã vẹn mười phân”. Bài vở bên trong đã có màu sắc báo Xuân như bài Nam Âm thi thoại của Chương Dân (Phan Khôi) viết về thơ xuân của Tú Xương, truyện vui xuân mới, trang nhi đồng... Năm 1931, Phụ Nữ Tân Văn không ra báo Xuân. Đến số báo Xuân 1932, bằng kỹ thuật in màu đơn giản, tờ báo danh tiếng này đã trình bày một bìa báo có màu đỏ rực rỡ làm nền cho hình vẽ bình hoa đặt cạnh tờ báo Xuân. Nội dung bài vở bên trong đã rõ phong cách báo Tết như có tới hai trang ảnh quê hương đất nước từ Nam ra Bắc, có những bài mang tính “nhìn lại” như bài điểm qua thơ xuân các nhà thơ từ Tây, Tàu, Nhật đến ta, hay bài viết về phụ nữ Việt bước vào năm 1932 và nhìn lại năm cũ. Bên cạnh đó có bài về nhân vật lớn như Alexandre de Rhodes, về một nhân tài đất Việt sống ở hải ngoại như Nguyễn Chấn Nam, một nhà ảo thuật. Tờ báo này dùng minh họa khá nhiều, có trang tới ba, bốn tranh. Đọc lại bốn tờ báo Xuân Phụ Nữ Tân Văn năm 1930, 1932, 1933 và 1934, ta thấy có điều đáng lưu ý là không tờ báo Xuân nào nhắc đến năm âm lịch của Tết đó, không chỉ trên bìa báo, mà toàn bộ bài vở bên trong. Chi tiết tuy nhỏ nhưng thể hiện chủ trương canh tân mà báo nhắm tới. Bìa Phụ Nữ Tân Văn Xuân 1930, 1932, 1933. Bài vở trên giai phẩm Xuân thường không nặng về chuyện thời sự, chiến cuộc mà thiên về văn hóa văn nghệ, chuyện kể, giai thoại, ôn cố tri tân, mang tính văn chương nhiều hơn nên thường dễ đọc. Số trang báo dày mỏng khác nhau, có số lên tới cả trăm trang khổ to, bài vở rất phong phú. Ví dụ như giai phẩm Xuân báo Sóng Thần số Xuân năm 1973 có tới 90 trang. Ngày xuân, tạm quên những chuyện đời thường, tình yêu quê hương trỗi dậy nên nhiều tờ báo Xuân thích đưa hình ảnh về quê hương đất nước, cảnh kiến trúc cổ như tháp Rùa, chùa chiền lăng tẩm ngoài Huế, bài du khảo. Tuy nhiên, kỹ thuật in còn lạc hậu đã phản tác dụng, các trang in ảnh khá lem nhem. Báo Thần Chung Xuân Canh Dần 1950 đưa tới ba trang ảnh phong cảnh Việt trong trang ruột như cầu Cái Khế, Phụng Hiệp, Đêm trăng… do nhà chế bản nổi tiếng Cliché Dầu thực hiện nhưng cảnh vật đều không rõ. Đưa ảnh quê hương trang ruột là thất bại của hầu hết các báo Xuân từ Nam chí Bắc lúc đó. Tuy nhiên, có thể độc giả thời ấy chấp nhận, thỏa chút ước mơ đi đây đi đó hay biết thêm phong cảnh quê hương. Đến những năm thập niên 1960, kỹ thuật in tốt hơn, sắc nét hơn nên coi như vấn đề này được giải quyết. Đến cuối thập niên này, hình ảnh quê hương ít thấy dần trên trang ruột. Phụ bản chủ yếu là hình ảnh các ngôi sao cải lương hay ca nhạc, và minh tinh màn bạc. Nhìn sâu vào nội dung các giai phẩm Xuân ở miền Nam từ khoảng giữa thế kỷ XX đến sau này, thường thấy bài bản tổ chức nội dung có na ná nhau, với các mục như: Thơ ông Táo, xuân con gì kể chuyện con đó, trang thiếu nhi, tử vi cả năm... Phần văn nghệ, nhất thiết phải có kể chuyện ăn Tết khắp nơi. Bài Tết đặc sắc trên báo Xuân thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, thường là chuyện “Tết khổ sở” trong đó kể những trải nghiệm ăn Tết trong tù: hết ăn Tết trong khám Chí Hòa, ở Côn Đảo lại ăn Tết ở khám lớn Sài Gòn, ở Hỏa Lò Hà Nội. Ăn Tết trong tù chưa đủ, đến chuyện ăn Tết với người Thượng trên cao nguyên, ăn Tết kháng chiến trong rừng U Minh… Kiểu bài thứ hai là bài “xông đất”. Hết xông đất các tòa soạn báo, rồi lại xông đất các nghệ sĩ với những dự định diễn xuất trong và sau Tết. Có báo như Đời Mới thì quan tâm đến người nghèo, đi hỏi chuyện người nghèo ăn Tết, hỏi từ viên công chức ở Bàn Cờ đến anh thợ hớt tóc ở Phú Nhuận. Đặc biệt, các báo Xuân miền Nam rất chuộng đăng bài giai thoại về nhà văn nhà thơ nổi tiếng, nhất là về nhà thơ Tản Đà. Đại thi sĩ này rất được yêu quý nên chỉ trong thời gian ngắn ông vào Gia Định viết cho báo Thần Chung và Đông Pháp Thời Báo cũng đủ nảy sinh những chuyện thú vị về ông đăng dài dài trên một số tờ báo Xuân sau này. Bên cạnh đó còn có các giai thoại về các nhà thơ, nhà văn khác như Phan Khôi, Nguyễn Bính, Hồng Tiêu, Bùi Thế Mỹ, Lê Văn Trương... Vài trang báo Phụ Nữ Tân Văn Xuân 1932. Báo Xuân thường có những bài tổng kết có giá trị, như Nhìn về văn chương Việt Nam trong năm 1969 – Nguyễn Nhật Duật (Khởi Hành 1970), Làng báo Sài Gòn 21 năm về trước – Trần Tấn Quốc (Báo Hương Xuân năm Đinh Dậu 1957)... Hoặc có những bài báo chỉ đọc tựa là thấy hấp dẫn như: bài Toàn quyền Decoux vác bạc Mỹ của quân đội Pháp đã vứt bỏ xuống sông Kỳ Kùng (Lạng Sơn) hồi Tết 1885 của A Mi báo Việt Thanh số Xuân 1952; bài Ngày xuân nghe chim hót hay là đi xem những cô Thanh Nga tập sự của Sơn Nam (Tin Sớm – Xuân Bính Ngọ 1966); bài Một đêm 30 Tết rùng rợn, chuyện có thật xảy ra năm 1928 của Nhã Hiền (Thời Cuộc – Canh Dần 1950); bài Người Việt miền Nam có lắm tật xấu đáng yêu của Sơn Nam (Thời Nay – Kỷ Dậu 1969). Đặc biệt, có những tờ báo làm khá bài bản một tờ báo Xuân tập trung chuyên đề riêng. Ví dụ: giai phẩm Xuân báo Sóng Thần số Xuân 1973 làm chuyên đề “Chung sống”, trong đó, hầu hết các bài vở xoay quanh câu chuyện những đối tượng khác nhau, đối lập nhau, đặt vấn đề liệu họ có thể chung sống yên bình, hài hòa với nhau không. Đề tài cho chủ đề này khá đa dạng, như Nghệ sĩ và chung sống, Thế giới sắp chung sống và hòa bình, Cuộc trao đổi sinh hoạt nghệ thuật cải lương Bắc Nam hồi tiền chiến,... và những bài báo về triển vọng kinh tế và viện trợ cả hai miền sau khi chiến tranh chấm dứt, chuyện sống chung của hai mẹ con, hai thế hệ cách xa với hai cách nghĩ khác nhau. Giai phẩm Đuốc Nhà Nam số Xuân 1971 chuyên đề đặc biệt “Tiền” được coi là “công trình sưu khảo” có các bài viết khá hấp dẫn từ các ký ức thời xa xưa về đồng tiền Đông Dương, chuyện đồng tiền những năm Đại khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 đến giá trị đồng bạc đương thời. Chuyên đề về kinh tế Hoa Kỳ trên giai phẩm Thần Chung của báo Đại Dân Tộc năm 1975 chiếm 70% số trang báo. Trên giai phẩm Thời Nay Xuân Bính Ngọ năm 1966, phụ trang đặc biệt 100 năm báo chí Việt Nam có nhiều bài hay như Lịch trình tiến hóa, Tiếng Việt qua 100 năm báo chí, 50 năm làng báo đất Thần kinh, Dở chồng báo cũ, Gia Định báo, Bút chiến, hí họa. Các chuyên đề trên báo Xuân là nguồn tư liệu tham khảo rất đáng quý cho người viết thế hệ sau. Bên cạnh đó, có hai mảng nội dung mang tính văn nghệ của báo Xuân xưa có sức thu hút độc giả. Đó là hồi ức Tết xưa và thơ. Người đọc xem báo Xuân vẫn thường đọc được những hồi ức rất hay của một số tác giả viết về những cái Tết ngày xưa. Người viết có thể là một nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, một người hoạt động chính trường, một họa sĩ. Ở những số báo thường ngày, họ bình luận chuyện thời sự, vẽ tranh minh họa, viết biên khảo hay truyện ngắn, tiểu thuyết... nhưng khi tham gia viết báo Xuân, họ kể về chính mình, một kỷ niệm đã trải qua ở một khoảng đời, một tuổi thơ xa lắc lơ, một cái Tết đáng nhớ... Hầu hết những bài này được viết bằng giọng văn rất chân thành, đầy cảm xúc nên càng đọc càng thấm. Nhà văn Mai Thảo, trong Khởi Hành số Xuân Canh Tuất 1970 viết tùy bút Thăm nhà một buổi thể hiện tâm trạng u hoài sau mười sáu năm gia đình ông di cư vào Nam. Trong mười sáu năm, có những người già đã ra đi và những em bé trong dòng họ được khai sinh. Khi về Phú Nhuận thăm cha mẹ ở một căn chung cư, ông thấy ở đó có một bầu không khí lặng lẽ, tịch mịch như trong một tản văn của Alphonse Daudet viết về cõi của người già. Khi soi vào tấm gương mà gia đình mang từ miền Bắc vào ông đã từng soi những ngày thơ, ông thấy bên kia gương “sự truyền tiếp vô hình mà rực rỡ... tự động, hiển hiện trên từng xó góc một”. Nhà văn – họa sĩ Tạ Tỵ cũng trong tờ báo này, có bài hồi ức Quê ngoại viết rất chi tiết, giọng văn chân thật. Ông kể về một dịp Tết ngày còn bé, được mẹ đưa về thăm quê ngoại ở một vùng biển nghèo gần Yên Tử. Chuyện vất vả tàu xe ngày Tết thuở xưa đi từ Hà Nội qua mấy chặng tàu lửa, tàu thủy, đi bộ dưới mưa rét mới đến quê, và những ngày xuân ở quê nghèo vùng biển Bắc bộ, những đối đãi của người thân trong gia đình ngày Tết sao mà xúc động và buồn cho những con người và một quê hương nghèo khó. Hoặc bài viết Cái Tết cuối cùng trên đất Pháp của nghệ sĩ Kim Cương trong giai phẩm Xuân Con Gà Sống Tết Kỷ Dậu 1969. Bà kể chuyện trong thời gian sống bên Paris, một đêm Giao thừa nghỉ diễn, bà cùng em gái là Kim Quang nắm tay nhau dạo chơi trong ánh đèn rực rỡ của kinh đô ánh sáng mà cảm thấy nhớ nhà da diết. Cả hai hướng về quê nhà, không chỉ nhớ má và em, nồi thịt kho dưa giá mà còn nhớ quê hương, sân khấu, khán giả. Khi hai chị em vào quán cà phê gọi hai tách trà nóng uống cho ấm bụng, lấy ra mấy thứ mứt mang theo để nhấm nháp thì cảnh quê hương trên máy truyền hình được bật lên với cảnh bom rơi đạn nổ khiến cả hai vội vã ra về, lòng đau xót. Về tới nhà, nằm nghe khúc dân ca lại trào nước mắt và bà thấy một niềm thương dâng trào như men say, như sóng ngầm, xao động từ trong sâu kín của tâm hồn và sau đó đánh điện xin má cho trở về ngay và lòng nguyện gắn bó không bao giờ rời bỏ quê hương. Mảng thơ trên báo Xuân, có bài nằm trong trang mục hẳn hoi, có bài được đệm vào chỗ trống của trang. Đọc báo Xuân xưa, thường nhặt được những bài thơ hay, nhiều câu thơ hàm súc, cảm động. Thơ của các tác giả như Vũ Anh Khanh, Tạ Ký, Viễn Châu, Lê Minh Ngọc, Thanh Nam, Đinh Hùng, Kiên Giang, Hoàng Hương Trang... luôn buồn, cái buồn man mác trước một mùa xuân đẹp khi con người còn nặng nỗi hoài hương, thương xót cho quê nhà đang cảnh chiến tranh hay nhớ về cảnh sum họp đã không còn. Xin trích dẫn vài khổ thơ hay: Lòng riêng nào những xuân hay Tết Dứt áo ra đi một chuyến này Những chuyện tâm tình không tỏ được Hoa đào trước cửa lả lơi bay... Bỗng nhiên trời đất đem xuân lại, Mùa mới dâng hương ngập luống cày Chim hót bình minh, hoa đón gió Và người sực tỉnh một cơn say. (Xuân về thương nhớ với ai đây – Tạ Ký. Đời Mới Xuân 1955) Tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc không mây Dù mùa lá rụng hay dù tiếng kèn nửa đêm có căng buồm thổi đến Honolulu nhiều gió Xa rồi Việt Nam Đà Lạt và cà phê Tùng cuối năm Anh gục đầu trong hầm cà phê Figaro Nữu Ước Chuyến ô-tô-buýt của đời tôi vẫn chạy hoài Trên những con đường Mỹ châu trống rỗng. (New York, tháng 11, 1965 – Phạm Công Thiện. Văn Xuân 1966) Các cây bút nổi tiếng thường viết cho báo Xuân miền Nam trước đây có Vương Hồng Sển, Tùng Lâm, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Bà Tùng Long, Việt Tha, Tô Nguyệt Đình, Song Thao, Ngọa Long... Các báo Tự Do, Sáng Dội Miền Nam, Tiền Tuyến… có nhiều bài vở của các cây bút gốc Bắc. Một số cây bút thường thấy xuất hiện trên báo Xuân thập niên 1970 như Trường Kỳ chuyên viết về nhạc trẻ và đời sống giới trẻ, Trần Trọng Thức viết về kinh tế và bình luận thời cuộc. Danh sách còn rất dài, ở đây chỉ xin nêu vài cái tên nổi bật còn nhớ. Minh họa của họa sĩ Tạ Tỵ trên Tạp chí Sáng Dội Miền Nam. Các nhà văn, nhà thơ từ ngoài Bắc, Trung vào Nam tham gia viết báo trong một thời gian ngắn hoặc định cư ở đây đã góp phần làm phong phú văn chương trên báo chí miền Nam. Thời gian từ khoảng thập niên 1920 cho đến 1945, đó là Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Tùng Lâm Lê Cương Phụng, Bùi Thế Mỹ, Hồng Tiêu, Nguyễn Bính... Họ không chỉ để lại tác phẩm mà còn những giai thoại về mình, nhất là Tản Đà, Nguyễn Bính, Phan Khôi. Sau đó là lớp nhà văn nhà thơ từ miền Bắc vào Nam sinh sống từ năm 1954 khá đông, mang sinh lực bổ sung vào làng văn chương báo chí miền Nam. Họ làm những tờ báo và tạp chí mang sắc thái riêng của đất Hà Nội hào hoa trước kia như Văn Hóa Ngày Nay, Sáng Tạo, Tự Do... viết những bài văn, thơ sâu sắc, nặng suy tưởng, hoặc có hơi hướng hiện đại như Nhất Linh, Vũ Bằng, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Nhật Tiến, Tạ Tỵ... Có những nhân vật của báo chí Sài Gòn nay đã bị quên lãng, dù họ có một thời viết báo sôi nổi như Phan Thứ Khanh, Bùi Thế Mỹ, Ngọa Long Nguyễn Kim Lượng... Riêng về Phan Thứ Khanh, báo Tin Điển Xuân Ất Mùi 1955 có bài viết Những mặt tài tình trong làng báo cũ của Ngô Thị Đào Hồng rất tôn kính khi nhắc đến ông, một người có khí tiết, thanh bạch, con của tiến sĩ Phan Quang trong “Ngũ phụng tề phi” đất Quảng Nam. Phan Thứ Khanh có tài làm thơ và dịch thơ. Khi Đào Trinh Nhất làm tờ báo Mai có nhờ ông làm bài ca trù đặt ngoài bìa số Xuân. Năm sau, ra báo Xuân, Đào Trinh Nhất lại dùng in trên bìa lần nữa, được ấn loát rất đẹp. Lần nào ông Nhất cũng trả nhuận bút hậu hĩnh đến nỗi được coi là kỷ lục thời đó. Tác giả bài viết còn cho biết thi thoại và thi phẩm của Phan Thứ Khanh rất nhiều, có thể sưu tầm đủ ra một cuốn sách. Qua các trang báo Xuân, phát hiện ra vài điều thú vị: Soạn giả Viễn Châu từng làm thơ, viết truyện. Họa sĩ Duy Liêm, chuyên vẽ mẫu sơn mài, bìa nhạc và tranh lập thể cũng có vẽ biếm họa, khá sinh động và có ý. Họa sĩ Lê Trung, chuyên vẽ bìa báo và minh họa có viết văn, kể chuyện khá hay về Châu Đốc quê ông. Nhà báo Lê Phương Chi, chuyên phỏng vấn nghệ sĩ cũng là người lấy số tử vi các nghệ sĩ để đăng trên báo. Báo Xuân ngày xưa đạt một vị trí trong lòng người đọc, được đón mua, nên giới nghệ sĩ cũng bắt chước làm… báo Xuân, được thuật lại trên báo Xuân Thời Nay năm Kỷ Dậu 1969. Nghệ sĩ viết báo Xuân kể về chuyện đời, chuyện nghề của họ trên đường nghệ thuật. Độc giả rất thích thú khi đọc những tờ báo Xuân độc đáo này, vì qua đó có thể hiểu thêm tâm tình của những nghệ sĩ mà họ hâm mộ. Năm 1955 và 1956 có hai số báo Xuân do nghệ sĩ Tường Vi chủ biên, có phần lý lịch về các đào kép và soạn giả cải lương. Năm 1961, một ký giả tên là Thanh Khiêm nhảy vào làm tờ báo Xuân Cải Lương. Qua năm sau 1962, nghệ sĩ Thành Được làm tờ Xuân Cải Lương thứ hai, được cho là “rất đáng khen về mặt kỹ thuật”. Báo Xuân Sài Gòn xưa, trên suốt chặng đường 45 năm từ 1930 đến 1975, tải được phần nào những điểm nổi bật của đời sống xã hội của thành phố nhiều biến động này, qua những bài báo, truyện ngắn, bài thơ, tranh ảnh chọn lọc, chân tình, sắc bén, đầy cảm xúc với bao nhiêu suy gẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời trong đó và chứa nhiều tư liệu quý. Còn là người Việt, ít nhiều chúng ta còn có cảm xúc trước mùa xuân, trước cái Tết và hoài vọng những chân trời cũ đã trôi xa. Mỗi dịp đọc báo Xuân xưa, những điều đó lại sống dậy. Nhà văn Đỗ Phương Khanh giới thiệu báo Thiếu Nhi Xuân 1972 trước chợ Bến Thành. Tư liệu gia đình nhà văn Đỗ Phương Khanh. Diện mạo báo Xuân Bìa loại ấn phẩm này hầu hết là bức tranh vẽ thật đẹp, hoặc ảnh chân dung các nữ tài tử, diễn viên. Tranh vẽ luôn thể hiện những gì tượng trưng cho Tết như nhành mai vàng, bộ lư đồng và mâm ngũ quả, ngôi chùa cổ với người đi hái lộc, con vật tượng trưng cho năm Âm lịch đang tới. Nhiều bức tranh gợi lại không khí êm đềm của cuộc sống ngày xưa như thiếu nữ mặc áo dài bên hoa xuân, thôn nữ bên hàng dừa, gia đình tưng bừng bên nhau ngày Tết với mai vàng, đào thắm, thủy tiên xinh, bao lì xì. Dù tranh hay ảnh, nhân vật trung tâm hầu hết là các thiếu nữ, nhân vật gắn liền với mùa xuân, duyên dáng trong tà áo dài. Hiếm có bìa báo gắn với chuyện thời sự đang diễn ra, trừ vài bìa báo những năm đầu thập niên 1970 liên tục đưa hình ảnh chim bồ câu, tượng trưng cho sự khát khao hòa bình. Dù sao, báo Xuân là dịp tạm quên những trăn trở, nhọc nhằn của cuộc sống trần trụi mà tờ báo phản ánh cả năm qua. Dù không xem được nhiều báo Xuân phát hành ở miền Nam trong khoảng thời gian 1930 – 1940 nhưng qua các số Phụ Nữ Tân Văn Xuân đầu thập niên 1930 đến khi đình bản năm 1935, cùng vài tờ khác như Công Luận, Nam Kỳ Tuần Báo, Kiến Thiết… chúng tôi xin nêu vài nhận xét về việc trình bày bìa báo Xuân thời ấy. Qua báo Phụ Nữ Tân Văn, có thể thấy báo chí miền Nam lúc ấy đã mời các họa sĩ miền Bắc tham gia vào phần mỹ thuật. Họa sĩ Trần Quang Trân, Lê Yên của trường Mỹ thuật Đông Dương phụ trách “hội họa” (hiểu là phần thiết kế mỹ thuật) của báo. Trong năm 1933, báo Phụ Nữ Tân Văn mặc dù mới ra được ba số báo Xuân đã mở một cuộc thi vẽ bìa báo Xuân năm 1934. Đến số báo 229 (ra ngày 21.12.1933), báo đăng danh sách dự thi và thông báo là đến ngày 25 tháng 12 chấm xong sẽ trưng bày các mẫu tranh dự thi tại nhà in Jh Nguyễn Văn Viết. Danh sách dự thi gồm 42 người, cho thấy có đủ thí sinh các nơi gửi tranh về, xa nhất có tới 2 người tận Cao Bằng, 7 người ở Hà Nội, vài người ở Hà Đông, Phúc Yên. Trong Nam đông hơn, tập trung nhiều nhất ở Gia Định 7 người, Sài Gòn 3 người và từ các nơi khác như Chợ Lớn, Tây Ninh, Sa Đéc, Tân An, Cần Thơ… Cuối cùng, tòa soạn chấm bức tranh của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, tự Lemur, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, được giải nhất. Giải nhì trao cho ông Nguyễn Duy Tân, trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một. Bìa báo Xuân năm đó rất thơ mộng, với ba cô gái bận áo dài ngồi trên thuyền ngang qua bóng của một cây mai trắng cổ thụ đang nở đầy hoa. Dù trong điều kiện in ấn đơn giản của thời đó, dưới tay họa sĩ có tiếng từng sáng tạo ra chiếc áo dài, bức tranh hiện lên cảnh chơi xuân êm đềm bằng tông màu nhẹ nhàng, hài hòa như trong một giấc mơ xuân êm ả. Có thể nói đây là một bìa báo đẹp trong làng báo Xuân Việt trăm năm qua. Bìa Xuân Phụ Nữ Tân Văn 1934 với tranh của họa sĩ Lemur Cát Tường. Báo Công Luận năm Bính Tý 1936 thể hiện trên bìa hình ảnh người phụ nữ miền Nam bới đầu trong trang phục áo dài ôm sát thân hình. Bìa báo thể hiện một bài “đinh” đứng tên bổn báo có tít là Y phục của phụ nữ có cần cải cách không? và khẳng định là có. Thời điểm đó, áo dài Lemur chỉ mới phổ biến không lâu từ Bắc vô Nam, chứng tỏ tư duy làm báo nhanh nhạy và quan điểm cổ vũ sự tân tiến của tòa báo. Đến thập niên 1940, có lẽ ảnh hưởng chiến tranh, báo Xuân xuất hiện với bìa báo đơn giản, không được chăm chút. Bìa báo Nam Kỳ Tuần Báo năm 1944, Kiến Thiết năm 1947 vẽ đơn giản, màu sắc đơn giản. Đến cuối thập niên này, có hiện tượng báo Xuân đua nhau xuất bản, không chỉ từ các tòa soạn báo mà từ các nhà xuất bản như Nam Cường, Tân Việt... và từ các tổ chức tôn giáo. Qua giai đoạn đầu những năm 1950, bìa báo Xuân ở Sài Gòn đã cố gắng cuốn hút độc giả với nhiều màu sắc rực rỡ. Có nhiều bìa báo như một bức tranh xinh tươi như báo Tiếng Dội, Thần Chung, Dân Quí cùng ra Tết Tân Mão 1951. Báo Dân Quí Xuân Tân Mão 1950 mời được họa sĩ học trường Mỹ thuật Đông Dương là Mai Trung Thứ vẽ bìa cho mình dù ông ở Paris. Từ năm 1954, ở Sài Gòn, sau những năm chiến tranh là khoảng thời gian kiến thiết miền Nam. Kinh tế khởi sắc hơn, làm ăn thông thoáng hơn, giáo dục phát triển và sách báo phát hành nở rộ với nhiều nhà xuất bản và tòa báo mới thành lập. Báo Xuân giai đoạn này xuất hiện những tờ có manchette lạ, sau này không còn thấy nữa, như các tờ Dân Quí, Việt Thanh, Xuân Việt Nam, Thanh Bình… bên cạnh các báo quen thuộc như Tiếng Chuông, Thần Chung, Mới, Tiếng Dội. Lúc đó, bìa báo hầu hết sử dụng tranh vẽ, nhiều bìa rất đẹp, trang nhã như bìa báo Tự Do (họa sĩ Phạm Tăng vẽ), bìa báo Tin Điển (họa sĩ Tú Duyên vẽ), Tiếng Chuông… Đặc biệt, các báo có tranh của họa sĩ Lê Trung bán rất chạy. Hai tranh bìa báo Xuân của họa sĩ Lê Trung. Thời kỳ này, một số báo như Quê Hương, Việt Thanh, Ánh Sáng, Dân Tộc Hòa Bình, Đời Mới... dùng ảnh thiếu nữ làm bìa, tuy nhiên do hạn chế về kỹ thuật in tráng phim màu, hầu hết các bìa báo là ảnh đen trắng được tô màu, số ít dùng ảnh đen trắng nhưng đặt trong khung tranh màu sắc sặc sỡ in typo, như bìa báo Hương Xuân số Xuân Đinh Dậu năm 1957, in chân dung của nghệ sĩ Kim Cương. Lúc này, kỹ thuật tô màu lên ảnh đen trắng bằng màu dầu được ưa chuộng từ sáng chế của ông Nguyễn Hữu Quý ở tiệm ảnh Văn Hoa Photo. Nửa đầu thập niên 1960 là thời kỳ phong phú nhất về cách thể hiện bìa báo Xuân. Các báo thương mại như Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn tiếp tục khai thác mạnh mẽ tranh bìa của họa sĩ Lê Trung rồi Lê Minh. Báo Tự Do in tranh bìa của họa sĩ Phạm Tăng, Nguyễn Gia Trí, có cả kiểu tranh trổ giấy lạ mắt. Tạp chí Ánh Đèn Dầu dùng tranh lập thể của họa sĩ Tạ Tỵ làm tranh bìa. Các họa sĩ vẽ tranh bìa đắt giá của thời kỳ này là Lê Trung, Lê Minh, Duy Liêm, Thái Văn Ngôn. Ảnh nữ nghệ sĩ lúc này đã in màu đẹp hơn, đưa nhiều chân dung các nghệ sĩ có tiếng như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga. Tiệm ảnh Bình Minh ở đường Bùi Thị Xuân (của đạo diễn Lê Dân) và tiệm ảnh Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu ở đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu nay) cung cấp nhiều chân dung đẹp để làm bìa báo. Một số giai phẩm Xuân dùng ảnh chụp nữ nghệ sĩ làm bìa. Từ năm 1965 đến 1975, nhìn chung mỹ thuật trên bìa báo Xuân không còn đặc sắc như trước, dù vẫn thấy thấp thoáng những bìa báo đẹp. Điều đó phản ánh sự thiếu ổn định của nền kinh tế, chiến cuộc leo thang nên nhiều người tài ở mọi lãnh vực phải ra chiến trường, sự thiếu hụt giấy in ảnh hưởng đến hình thức báo chí Sài Gòn. Giai đoạn từ 1970 đến 1975 xuất hiện nhiều tờ báo in ấn lem nhem, giấy mỏng manh, thiết kế bìa sơ sài, minh họa ít, nét vẽ rất nghiệp dư và thậm chí không có minh họa, tranh biếm thì dùng của tạp chí nước ngoài cho đỡ chi phí. Hình ảnh trên bìa giai đoạn này dùng nhiều ảnh nghệ sĩ, ngoài Thẩm Thúy Hằng có thêm các nghệ sĩ như Minh Hiếu, Diễm Thúy, Mộng Tuyền, Phương Hoài Tâm, Kim Loan… Một số bìa báo Xuân cố gắng duy trì tính mỹ thuật cao, trở lại dùng tranh vẽ làm bìa như báo Sóng Thần, Sống. Một số báo khác dàn dựng ảnh chụp hình tượng chim bồ câu các kiểu, thể hiện khát vọng hòa bình giữa giai đoạn khói lửa chiến tranh ngất trời. Tuy nhiên, năm năm đầu thập niên 1970 lại đánh dấu sự phát triển về hình thức, bao gồm kỹ thuật trình bày, bìa báo, minh họa của các tạp chí, tuần báo dành cho thiếu nhi, học sinh như Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Tuổi Ngọc, Ngàn Thông… với những họa sĩ có tài được hỗ trợ bởi kỹ thuật in ấn đã rất phát triển. Nổi bật trong đó có họa sĩ ViVi, một họa sĩ tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn có kỹ thuật hình họa rất vững, tạo hình đẹp, sinh động và sáng tạo, rất gần gũi với thị hiếu thẩm mỹ giới học trò đô thị miền Nam. Ông vẽ bìa báo, minh họa, tranh vui… trên các tuần báo Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Ngàn Thông. Trên báo Tuổi Ngọc, họa sĩ đồng thời là nhà văn Đinh Tiến Luyện vẽ nhiều tranh bìa, minh họa đẹp và dễ thương, gây cảm xúc, đặc biệt đáng nhớ là hình tượng thiếu nữ với đôi mắt nai to tròn. Cho đến giờ, tranh vẽ của hai họa sĩ này vẫn được nhắc nhở, lưu truyền trên các trang báo điện tử và mạng xã hội. Tranh minh họa trên báo Xuân Đầu thập niên 1930, tranh minh họa xuất hiện lai rai trên tờ báo Xuân có mặt rất sớm ở miền Nam là báo Phụ Nữ Tân Văn 1930. Tranh minh họa thường khổ rất nhỏ, có khi không ăn nhập đến nội dung như hình một con thuyền, một bình hoa, con chim én, chỉ để lấp khoảng trống còn dư dưới một cột báo. Đến số Xuân 1932, chỉ có một hoặc hai bài nổi bật trong tờ báo có thêm tranh minh họa khổ lớn, vẽ kỹ, sát nội dung bài, nhưng cách thể hiện bố cục chặt chẽ giống một bức tranh hơn là minh họa. Đến số Xuân 1934, có sự tham gia vẽ bìa và minh họa của họa sĩ Lemur Cát Tường, với những bức tranh sinh động và mềm mại hơn. Đến đầu thập niên 1950, trên các tờ báo Xuân ở Sài Gòn thể loại này bắt đầu được chú ý hơn, xuất hiện nhiều hơn. Một số họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Mạnh Quỳnh, Hoàng Tích Chù, Tú Duyên lúc đó có vẽ minh họa cho báo Sài Gòn Mới số Xuân 1952, báo Mới số Xuân Quý Tỵ 1953... Khách quan mà nói, số tranh này không bắt mắt lắm, ít chi tiết và nét vẽ còn sơ sài dù tác giả là họa sĩ nổi tiếng (có thể do quan niệm của họ về vai trò của tranh minh họa). Tuy nhiên, từ lúc đó đã xuất hiện những họa sĩ mới tuy chưa được biết tiếng nhưng vẽ rất đẹp, rất mới. Trong số đó, có nhiều họa sĩ xuất thân từ trường Trang trí Gia Định, có vài người tuy không học trường lớp nhưng có năng khiếu tham gia. Minh họa của Lemur trên báo Phụ Nữ Tân Văn Xuân 1934. Từ giữa thập niên 1950 và suốt thập niên 1960, có thể nói là thời kỳ dài có nhiều giai phẩm Xuân mang hình thức đẹp nhất vì từ bìa đến ruột, vai trò của tranh vẽ được đẩy mạnh hết mức do lúc đó kỹ thuật in ảnh chụp chưa đạt tới mức rõ đẹp. Điều này thể hiện sự quan tâm của giới chủ báo đến tính mỹ thuật của tờ báo như một cách thu hút độc giả quan trọng. Sự chuyển hướng trong tổ chức thực hiện báo Xuân lúc đó, như mở rộng khổ báo, tăng số trang lên để tăng hàm lượng nội dung bài vở nhằm thu hút độc giả mua báo đã dẫn đến sự lên ngôi của tranh minh họa. Vì nội dung báo Xuân là món quà văn nghệ tâm tình, nhìn lại đời, nhìn lại mình, do đó, truyện ngắn được dùng nhiều, hồi ký hay chuyện kể luôn có. Những bài viết dạng này khá dài, đọc mệt mắt lại khó theo dõi nên cần có tranh minh họa. Tranh minh họa thu hút độc giả khi mới thoáng nhìn trang báo, sau đó giúp độc giả cảm nhận sâu hơn nội dung bài viết. Có tờ báo dày đặc tranh ảnh minh họa như Sài Gòn Mới Xuân 1955 có tới 21 tranh, 15 ảnh chưa kể vài tranh biếm họa. Giữa thập niên 1950, minh họa trên báo Xuân khá phong phú, nhiều bức mang tính mỹ thuật cao. Có thể xu hướng minh họa được chăm chút kỹ trên các báo Pháp, Mỹ du nhập vào Sài Gòn đã tác động lên giới họa sĩ. Điểm qua tên tuổi một số họa sĩ minh họa gắn với từng tờ báo phát hành hàng ngày và dịp ra báo Tết: báo Ánh Sáng năm Canh Dần 1950 có các họa sĩ Bình Thành và Mai Hoàng Minh; báo Tiếng Chuông 1951 có các họa sĩ Thế Chương, Hưng Hội, Nguyễn Văn Mười, Bình Thành. Ngoài ra, có họa sĩ Phan Khánh vẽ cho tờ Buổi Sáng; họa sĩ Diệp Đình ảnh hưởng báo Pháp vẽ rất Tây, sẵn sàng chạy sô, ai kêu gì vẽ nấy. Họa sĩ Lê Phan rất xông xáo ở lĩnh vực này, vẽ nhiều tranh minh họa đẹp, sinh động. Trên báo Điện Báo Xuân Canh Dần 1950, ông vừa vẽ biếm vừa minh họa hơn chục bức. Họa sĩ Hiếu Đệ là tay minh họa có tầm cỡ, vẽ đẹp, sinh động và ý tứ sâu sắc. Thỉnh thoảng có tranh minh họa của họa sĩ Mai Hoàng Minh trên báo Lửa Sống Xuân Canh Dần. Họa sĩ Lê Trung, họa sĩ chuyên vẽ bìa cũng tham gia minh họa nhưng không nhiều, thỉnh thoảng tham gia một bức đơn lập được đóng khung trang trọng. Đến cuối thập niên này, nhiều bức minh họa trên báo Tự Do của người miền Bắc di cư vào mang tính mỹ thuật cao, trong đó có tranh của họa sĩ Ngọc Dũng và những bức không ký tên, có thể của họa sĩ Phạm Tăng. Tranh minh họa của Ngân Hà, một họa sĩ gốc Bắc cũng thường xuất hiện có nét duyên dáng riêng. Đến đầu thập niên 1960, các tòa báo có trong tay nhiều họa sĩ vẽ đẹp, hợp thị hiếu độc giả nên cho phép kích thước tranh minh họa lớn dần để thu hút người xem. Có bức kéo dài từ đầu đến cuối trang giấy, chiếm cả một phần ba chiều đứng của trang báo khổ lớn, chừa phần còn lại cho bài. Minh họa thường được bố trí trên trang báo gồm tranh vẽ quanh tít bài và ô tranh minh họa theo nội dung bài. Đội ngũ họa sĩ vẽ minh họa tăng dần theo sự phát triển của báo chí về số lượng và sự quan tâm của giới chủ báo, đội ngũ càng đông thì cách thể hiện phong phú và đa dạng hơn, tỉa tót kỹ càng hơn trước. Có nhiều họa sĩ ăn lương cao chỉ chuyên vẽ minh họa. Thời gian này, người đọc chú ý đến những bức minh họa mang sắc thái lạ xuất hiện trên tạp chí Sáng Dội Miền Nam của Tạ Tỵ, người từng học trường Mỹ thuật Đông Dương và là họa sĩ tiên phong theo trường phái lập thể ở Việt Nam. Minh họa của ông đường nét đơn giản nhưng tính biểu hiện cao, hiện đại và sang trọng, phù hợp với thị hiếu của người có học. Tranh đẹp, lại được in màu càng đẹp. Một họa sĩ minh họa khác được chú ý nhiều, đó là Lê Minh. Ông tốt nghiệp trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định, chuyên minh họa và vẽ bìa báo từ trước và sau năm 1960. Ông vẽ rất sung sức, hình tượng nhân vật luôn là những cô gái đẹp mắt to, vóc dáng cân đối, những thanh niên đẹp trai với mái tóc bồng. Nhân vật của Lê Minh tả hao hao giống nhân vật của họa sĩ Lê Trung nhưng “bốc” hơn, được tả chi tiết từ mái tóc đến bàn tay, nếp gấp tà áo đến đôi bông tai. Lúc đó, giấy in báo dồi dào và có chất lượng tốt nên tranh ông vẽ được in ấn sắc sảo, đến giờ còn thấy đẹp. Do cách vẽ tả thực của Lê Minh bắt mắt, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của giới bình dân nên các báo mang tính thương mại như Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai rất chuộng và tranh của ông góp phần giúp các loại báo này bán chạy. Trên một tờ báo Xuân của Phụ Nữ Diễn Đàn, Lê Minh vẽ tới 22 bức minh họa. Có bức tràn cả trang báo. Năm 1969, sau khi chiến cuộc lắng dịu, có sự hồi sức mạnh mẽ trên báo Xuân Sài Gòn với nhiều bài có nội dung hay, minh họa đẹp. Đặc biệt năm này, báo Xuân có nhiều minh họa mang tính mỹ thuật cao là giai phẩm Xuân Chính Luận. Rất tiếc là các bức minh họa trên báo này không ký tên tác giả. Từ 1970 đến 1975, kinh tế ngày càng khó khăn, giá giấy tăng, chiến cuộc căng thẳng, công nhân nhà in, họa sĩ thiếu hụt nên hình thức báo Xuân khổ lớn của các nhật báo giai đoạn này xuống thấy rõ. Tranh minh họa ít hẳn đi. Điển hình như giai phẩm Xuân Công Luận năm Canh Tuất 1970 in trên giấy xấu và mỏng, minh họa sơ sài. Báo Ngôn Luận Xuân Tân Hợi 1971 có vài minh họa bé xíu. Báo Hòa Bình in lem nhem, minh họa nhỏ như hộp diêm. Đến báo Điện Tín Xuân Nhâm Dần 1974 thì không có bức minh họa nào cả, toàn chữ là chữ. Tuy nhiên, trên các tạp chí khổ nhỏ như Văn, Nghệ Thuật, Thời Nay... phần mỹ thuật vẫn được chăm chút. Đặc biệt, các số báo Xuân có bìa và minh họa đẹp, nhờ sự cộng tác của các họa sĩ có tiếng đương thời như Duy Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn Trung, Đinh Cường... Phải chăng vì các tạp chí này đã tạo được cho họ những sân chơi văn nghệ nhẹ nhàng giữa thời buổi kinh tế khó khăn và chiến tranh song hành? Cũng thời gian này, nhờ có họa sĩ ViVi trên báo Tuổi Hoa và Thiếu Nhi, họa sĩ Đinh Tiến Luyện trên báo Tuổi Ngọc mà các báo dành cho tuổi nhỏ này vẫn đẹp nhờ in nhiều tranh minh họa, tạo dấu ấn đậm đà trong lòng độc giả học sinh. Phụ bản tranh Ngọc Dũng, Nguyễn Trung, Duy Thanh trên tạp chí Văn số Xuân Giáp Dần 1974. Lần giở trên hai trăm tờ báo Xuân trải dài suốt hơn ba mươi năm trước 1975, chúng tôi thấy có hiện tượng nhiều bức tranh không ghi tên tác giả nhưng lại có tên... cơ sở làm bản kẽm như Cliché Dầu hay Cliché Trung. Điều đó cho thấy kỹ thuật in ấn, làm bản kẽm tranh ảnh để in trên báo rất được coi trọng. Tranh ảnh, minh họa trên báo Xuân xưa có thể xem là loại mỹ thuật bình dân dành cho đại chúng, giúp phổ cập và nâng cấp cảm thụ mỹ thuật. Ở thể loại tranh này, người đọc thấy được tay nghề vẽ minh họa của các họa sĩ thời đó, những ảnh hưởng của họ từ tài liệu nước ngoài và ảnh hưởng lẫn nhau. Minh họa làm thăng hoa nội dung bài vở, giúp độc giả đương thời và cả người đọc hôm nay hình dung rõ hơn cuộc sống muôn màu của người thế hệ trước. Biếm họa Biếm họa trên các giai phẩm Xuân ở Sài Gòn đã có từ đầu thập niên 1930. Đến những thập niên sau đó xuất hiện nhiều hơn trên các ấn phẩm Xuân so với trên báo ngày. Loại tranh này có vài đặc điểm riêng. Giống như nội dung báo Xuân dồi dào tính văn nghệ, đọc để thư giãn, hồi tưởng, biếm họa ở đây tập trung nhiều vào mục đích giải trí, cung cấp cho độc giả những giây phút thư giãn trong ngày xuân khi xem tờ báo đặc biệt mỗi năm ra một lần. Các biếm họa liên quan đến thời sự xã hội, chuyện chính trị, đả kích cũng có trên báo Xuân nhưng không nhiều vì đã thường có trên báo ngày. Tranh biếm họa còn dùng để lấp chỗ còn dư cuối trang khi bài đã hết. Biếm họa rải rác từ đầu đến cuối số báo Xuân. Một số tờ dành cả trang hoặc có khi hai trang, vẽ một chùm tranh với rất nhiều nhân vật, chuyện trò với nhau, bàn đủ mọi vấn đề đang diễn ra hay vừa xuất hiện trong năm qua, từ chuyện kiếm sống, quan hệ xã hội đến chuyện chính sách nhà nước. Từ thuở ban đầu của báo Xuân miền Nam, trên báo Phụ Nữ Tân Văn Tết 1930 đã có vài bức biếm họa của họa sĩ Trần Quang Trân và Nguyễn Thành Vinh, được chú thích bằng… thơ, trích từ bài Chúc Tết của Tú Xương chế giễu thói học đòi của thị dân miền Bắc thời đó, thể hiện bằng hình vẽ sơ sài. Số 1932 không có bức biếm họa nào. Đến số Tết 1933, bất ngờ xuất hiện chỉ một bức biếm khá sắc sảo vẽ hai nhân vật đang nổi đình nổi đám là Tản Đà và Phạm Quỳnh, một ông đang ngất ngưởng say bên đống vỏ chai rượu, một ông bận áo dài khăn đóng đập vỡ chai rượu, dưới hai câu thơ: “Trăm năm trong cõi người ta/ Ông Quỳnh ông Hiếu khéo là cợt nhau”. Người vẽ là Tứ Ly, có thể là nhà văn Hoàng Đạo (sau này có tranh minh họa trên báo Ngày Nay). Biếm họa về Tản Đà và Phạm Quỳnh do Tứ Ly vẽ. Đến số báo 1934, cải tiến hình thức rõ rệt, có sự tham gia về mỹ thuật của họa sĩ Lemur Cát Tường, vẽ từ bìa báo đến minh họa, biếm họa. Những bức biếm họa của ông khá sinh động, nội dung nhẹ nhàng gần gũi. Biếm họa của Lemur trên báo Phụ Nữ Tân Văn Xuân 1934. Báo Công Luận Tết Bính Tý 1936 có nhiều bức biếm họa vẽ khá chi tiết về các cuộc đối thoại của vợ chồng thuộc giới thượng lưu trong xã hội với trang phục lịch sự, lời nói của người có học, nhà cửa tươm tất. Qua đó, cùng với bài vở trong tờ báo, có thể thấy đối tượng báo hướng tới là tầng lớp trên của xã hội đang hướng tới cuộc sống tân tiến. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nam Kỳ cũng được thể hiện trên báo Xuân qua tranh biếm thời kỳ này. Từ cuối thập niên 1940 trở về sau, khoảng thập niên 1950, tranh biếm trên báo Xuân xuất hiện nhiều hơn trước đó, do vài họa sĩ xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ nghệ Thực hành Gia Định vẽ. Thời gian này, tranh tập trung cười cợt, chế giễu những tính cách lôi thôi, sĩ diện hão, thói hư tật xấu của con người hay cách sống phi đạo đức trong hôn nhân, trong đối nhân xử thế, trong quan hệ giữa con người với nhau. Đầu thập niên 1950, vẫn còn dư âm của thời làm giai phẩm Xuân hồi trước 1945, với sự xuất hiện của hai nhân vật Xã Xệ và Lý Toét – “siêu sao” của biếm họa Việt Nam thời Pháp thuộc trên báo Phong Hóa và Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Xuất hiện trên báo Điện Báo Xuân Canh Dần 1950 hay báo Tiếng Chuông Xuân Tân Mão 1951 vẫn là Lý Toét cao gầy, tóc búi, đầu đội khăn, mặt mày khắc khổ, gò má cao, râu mép tua tủa và Xã Xệ mập lùn, mặt tròn quay, tóc có mỗi một cọng xoắn lò xo... Lý Toét lúc được gọi là cụ Lý, lúc dùng lại tên Lý Toét. Tuy nhiên, sức hút của hai hình tượng này không mạnh nữa, có lẽ không hợp với xã hội miền Nam nên đến khoảng cuối thập niên 1950 thì mất hẳn. Đến giữa thập niên 1960, ý tưởng châm biếm trên biếm họa mạnh mẽ hơn, phê phán quyết liệt thái độ coi trọng đồng tiền, đạo đức suy đồi và đặc biệt phê phán giới thương gia đầu cơ tích trữ cùng người có chức quyền ăn hối lộ, tham nhũng. Tuy nhiên, dù mang tính phê phán nhưng tranh biếm báo Xuân thể hiện ý tưởng không quá gay gắt và chua cay, giễu cợt nhẹ nhàng chứ không mạnh mẽ và trực diện như biếm họa trên báo ngày. Hình ảnh người nghèo xuất hiện thường xuyên vì họ là nạn nhân của mọi bất công hay là đối tượng chịu nhiều khó khăn trong một xã hội đang bước đầu phát triển dù đang có chiến tranh. Các họa sĩ, phía sau là tòa báo, đứng hẳn về phía người dân bình thường, độc giả thường xuyên của họ. Giai đoạn nửa đầu thập niên 1970, những biến động xã hội như đồng tiền mất giá, đàn áp biểu tình, chiến tranh lan rộng được phản ánh rõ trên biếm họa. Điểm qua một số tranh biếm trên báo Xuân, chúng ta có thể thấy ý hướng và công phu thể hiện của các họa sĩ: Bộ tranh Văn nghệ sĩ của Hoàng Lập Ngôn trên báo Ánh Sáng Xuân Tân Mão 1951 cho thấy một góc nhìn duyên dáng của làng báo Sài Gòn thời bấy giờ. Hai mươi chân dung nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội được phác họa khá dí dỏm và cường điệu đúng tinh thần của chân dung biếm, có thêm lời bình của họa sĩ người Hà Nội vốn là bạn bè thân thiết hay có mối quan hệ quen biết với các nhân vật, giúp người đọc Sài Gòn có cái nhìn bao quát về giới nghệ sĩ miền Bắc cùng thời. Bộ tranh khá hài hước nhưng chừng mực Tết các giới của họa sĩ Hiếu Đệ trên giai phẩm Tiếng Chuông Tết Ất Mùi 1955 phản ánh một cách nhẹ nhàng những mặt trái của xã hội, cảnh ăn Tết của giới cần lao cũng như tính xấu của một “bộ phận” viên chức chính quyền (hối lộ và hối lộ vặt...). Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những tranh này vẫn giữ nguyên tính thời sự. Các biếm họa trên số Tết 1957 Đinh Dậu, 1960 Canh Tý, 1964 Giáp Thìn thể hiện góc nhìn khá hài hước về lãnh vực giáo dục. Lúc nào cũng vậy, vai trò người thầy và mục đích giáo dục có lẽ là mối quan tâm thường xuyên của người dân. Tranh Tết 1961 Tân Sửu lần nữa nhắc lại thói “làm chơi ăn thiệt” của viên chức Việt, có lẽ đây là yếu tố chính ảnh hưởng tới sự phát triển của người Việt và làm bận lòng khá nhiều cây cọ biếm. Tranh Tết 1962 Nhâm Dần nói về những chuyện thường ngày của phụ nữ và tật xấu phổ biến đến tận ngày nay của đàn ông Việt: “Nhậu!”. Tranh biếm trên báo Xuân cho đến giai đoạn này thường xoay quanh những chuyện hài hước ngày Tết, ít nhiều cho người đọc cảm nhận được không khí Tết tiêu biểu của dân Sài Gòn – Gia Định từ thương gia cho tới người lao động chạy ăn từng bữa một. Tranh biếm đầu thập niên 1970 đến Tết 1975 mang đến cho người đọc một cảm giác bất an. Hình ảnh vòng rào thép gai trên đường phố và người thành thị lẫn nông thôn oằn lưng với lạm phát phi mã có giá trị hơn ngàn lời nói về một cái Tết đầy âu lo, dằn vặt. Lúc đó, biếm họa chính trị xuất hiện nhiều hơn trên báo Xuân với hai “đại gia” làng biếm họa Sài Gòn là họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí) và họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành). Trên báo Đại Dân Tộc 1973, họa sĩ Chóe vừa vẽ biếm họa, vừa vẽ minh họa và làm cả thơ lục bát. Họa sĩ Chóe khi vẽ minh họa ký tên thật là Nguyễn Hải Chí, không là thế mạnh nên không sắc sảo như lúc là Chóe. Trên báo này còn có chùm tranh Gia đình ông Ký Râu của họa sĩ Đan Chi. Ký Râu – nhân vật xuất hiện thường xuyên – là một người đàn ông gầy, có ria mép, xoay quanh ông là các nhân vật trong gia đình với đủ chuyện hỉ nộ ái ố. Biếm họa xã hội của hai kiện tướng trong làng tranh biếm trước 1975: Họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành) và họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí) trên báo Xuân Điện Tín 1973 (trên) và giai phẩm Thần Chung báo Đại Dân Tộc 1975 (dưới). Ngoài hai họa sĩ tiêu biểu trên, xin nhắc tên vài họa sĩ: Hiếu Đệ, Lê Phan, Hưng Hội, Phan Phan vẽ cả minh họa lẫn biếm họa. Bên cạnh đó, có các họa sĩ khác như họa sĩ Hĩm, năm 1954 từ Bắc vào Nam với những bức tranh hí họa độc đáo có một không hai trên các báo Chính Luận, Độc Lập, Tiếng Vang; họa sĩ Văn Hiếu vẽ trên tờ Ngôn Luận với hai nhân vật bé Ngôn, bé Luận; họa sĩ Ngân Hà vẽ biếm nhẹ nhàng và có duyên; họa sĩ Phan Phan vẽ truyện tranh và biếm họa. Họa sĩ Ngọc Dũng vẽ trên báo Chính Luận rất đẹp, ký tên Tuýt. Có những bút danh chúng tôi không có điều kiện tìm hiểu về tác giả như Tám Bờm (Gia đình Năm Trật Búa), Cả Tếu, Hòa Thanh, Đức Khánh, v.v... Một bài viết trên báo Tia Sáng có nêu: “Biếm họa không thể thay đổi được thế giới, nhưng biếm họa có thể mang đến cho chúng ta tiếng cười trí tuệ, tiếng cười mà con người cần có để tự hoàn thiện chính mình”. Hơn thế nữa, khi sống trong một xã hội đầy biến động, những bức tranh biếm họa ít nhiều mang đến nhận thức cho người xem về hiện tình cuộc sống, về những điều cần hoàn thiện ở mỗi người, về nguyên do những khó khăn mình đang gánh chịu, và cả những thói xấu mình đang có... Có khi, nó chỉ mang mỗi tiếng cười vui vẻ, để tiễn đưa năm cũ bộn bề lo toan và bước vào năm mới đầy hy vọng. Giở chồng báo Xuân xưa, có thể thấy cách trình bày bìa báo, vẽ minh họa và biếm họa, thiết kế trang, kỹ thuật chế bản, in ấn của báo chí Sài Gòn cách nay trên dưới nửa thế kỷ khác xa bây giờ. Dù vậy, chúng ta thích thú nhận thấy rằng bằng những phương tiện đơn giản hơn và tốn nhiều công sức hơn hiện nay, các ấn phẩm này vẫn chuyển tải rất tốt hình ảnh và cảm xúc của một thời đại. Đó là quan niệm về vẻ đẹp phụ nữ, ý thức và khát vọng của người làm báo về hiện tình đất nước, cách châm biếm những thói hư tật xấu của xã hội hay giễu cợt chính mình, sự cảm thông đối với gánh nặng cuộc sống của những người nghèo khó... Ảnh trên: Họa sĩ Ngân Hà (ngồi) đang vẽ phụ bản tranh vui cho báo Sài Gòn Mới. Ảnh dưới: Tấm thẻ nhà báo với tư cách là họa sĩ cộng tác do bà Bút Trà, chủ nhiệm báo Sài Gòn Mới, cấp năm 1961. (Ảnh tư liệu gia đình họa sĩ Ngân Hà) VÀI HỌA SĨ TRONG LÀNG BÁO XUÂN SÀI GÒN Họa sĩ Lê Minh (hàng đứng, thứ hai từ trái qua) cộng tác vẽ minh họa cho báo Dân Ta. Người ngồi thắt cà-vạt là nhà thơ Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm báo. (Tư liệu: Lê Minh) Họa sĩ Lê Trung Trong ký ức của nhiều người sống ở miền Nam trước 1975, ấn tượng từ những bức tranh do họa sĩ Lê Trung vẽ in trên báo Xuân không bao giờ phai mờ. Không ít người mua cho được tờ báo Xuân chỉ vì có tranh hay phụ bản do ông vẽ và mua về chỉ để ngắm tranh. Hết Tết, có thể lấy ruột tờ báo đem gói đồ, quấn thuốc hút nhưng tờ tranh bìa thì phải giữ lại, đem dán lên vách gỗ để ngắm chơi. Họa sĩ Lê Trung sinh năm 1919 tại Châu Đốc, là cựu học sinh trường Mỹ nghệ Gia Định và Mỹ thuật Đông Dương. Ông vẽ chân dung, phong cảnh, tĩnh vật bằng phấn màu và màu nước. Ông đã tổ chức triển lãm tranh ở đô thành Sài Gòn, từng trưng bày nhiều bức tranh phong cảnh khá đẹp và không có mấy tranh chân dung. Nhưng khi nhận vẽ bìa báo Xuân, ông làm theo yêu cầu từ chủ báo, là vẽ thiếu nữ đẹp. Nhờ sự lan truyền rộng rãi của tờ báo, nhiều người chỉ nhớ tranh của ông qua những bìa báo này. Họa sĩ Phan Phan thuật lại: Cuối thập niên 1950, ông từ Bến Tre về Sài Gòn học và nhờ một người bạn dẫn đến thăm nhà họa sĩ Lê Trung dưới chân cầu Kiệu đường Hai Bà Trưng, trong một con hẻm. Mục đích của Phan Phan là được gặp thần tượng, người vẽ tranh thiếu nữ trên bìa báo Xuân mà từ những ngày còn trẻ ở thị xã Bến Tre, ông đã mê mẩn ngắm nhìn, cất giữ và cuối cùng đi đến quyết định theo nghề họa sĩ. Trong cuộc gặp này, Phan Phan hỏi họa sĩ Lê Trung một câu: “Hình ảnh cô gái đẹp anh vẽ trên mấy tờ bìa báo Xuân, luôn là một thiếu nữ với đôi mắt to ướt át, mày cong, ngực nở eo nhỏ và mái tóc dài đen nhánh, có phải là hình ảnh người vợ của anh như nhiều người đồn?”. Họa sĩ Lê Trung cười bảo: “Người ta còn bảo là tôi vẽ người yêu nữa. Thực ra, đó không phải là hình ảnh của vợ tôi, hay của người yêu nào cả. Làm gì có người đẹp được như vậy? Đó chỉ là một phụ nữ do tôi… tưởng tượng ra, tổng hợp lại những nét đẹp nhất mà tôi nghĩ phụ nữ cần có”. Họa sĩ Lê Trung đang vẽ chân dung. Dưới nét cọ tài hoa của ông, thiếu nữ nào cũng đẹp lên rực rỡ. (Theo Nghệ thuật Việt Nam hiện đại – Nguyễn Văn Phương) Họa sĩ Lê Minh Họa sĩ Lê Minh tên thật là Lê Ngọc Minh, sinh năm 1937, tốt nghiệp trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định năm 1957. Ông bắt đầu vẽ bìa sách, đầu tiên là bìa cuốn Tiếng suối Sao Len, truyện đường rừng của Nguyễn Ngọc Mẫn, một cây viết đường rừng đầu thập niên 1960. Sau đó, ông vẽ tranh minh họa cho loạt truyện Hoa Lư động chúa đăng trên nhật báo Dân Ta của Nguyễn Vỹ. Đây là dạng truyện feuilleton, mỗi ngày ra một kỳ kèm minh họa. Sau đó ông vẽ truyện tranh, lấy cốt truyện là những truyện xưa như Người con gái Nam Xương trong Truyền kỳ mạn lục hay Hòn Vọng Phu … và cả truyện tranh nhiều kỳ (mỗi kỳ vẽ 5 cột báo) dựa trên cốt truyện của Bồ Tùng Linh. Thuở ban đầu, ông vẽ truyện tranh khá cực nhọc, vẽ bằng mực tàu và bút sắt lá tre. Bản kẽm lúc đó còn làm trên gỗ, khắc từng chi tiết, rất kỳ công. Sau, theo kỹ thuật in typo, một miếng kẽm để trên máy in nhỏ 65 x 50cm, máy pedal. Hồi đó in bìa báo bốn màu bằng bản kẽm typo, in các màu vàng – đỏ – xanh – đen. Cliché Dầu phải làm bốn bản kẽm cho từng màu. Kỹ thuật này khiến cho họa sĩ và nhà in luôn vất vả. Bản kẽm già quá, hay non quá đều không chuẩn. Họa sĩ khi vẽ phải canh màu, phải biết kỹ thuật in để hình dung bức tranh mình gồm bốn màu in chồng lên nhau thế nào mà vẽ cho ra từng màu thuần chất, không dùng màu ửng ửng khó tách màu. Họa sĩ Lê Minh về vẽ cho báo Sài Gòn Mới từ khoảng năm 1958, một năm sau khi ra trường. Ông làm họa sĩ thường trực, vẽ theo yêu cầu của thư ký tòa soạn. Lương hàng tháng là 4 ngàn đồng, trong khi lương sĩ quan quân đội cấp bậc thiếu úy chưa tới 3 ngàn. Bà Bút Trà có các người con làm báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai đều nhờ ông vẽ minh họa, biếm họa, vẽ truyện tranh. Việc nhiều, giấy vẽ Calson của Pháp ông mua một lần cả cuộn chứ không mua lẻ, mang về nhà cho vợ lọc ra thành từng tờ. Thu nhập của ông lên tới 6 ngàn đồng một tháng, chưa kể tiền “súp” được quản lý trả khi làm thêm những công việc ngoài hợp đồng. Với số lương đó, ông sống thoải mái, sau vài năm đã có thể mua được xe hơi. Tại báo Sài Gòn Mới, ngoài Lê Minh là họa sĩ thường trực lúc đó còn có họa sĩ Hoàng Lương vẽ cộng tác, thường đến giao tranh rồi đi. Ông này vẽ truyện tranh Bàn tay máu của nhà văn ăn khách Phi Long. Trong những công việc của Lê Minh, việc quan trọng không thể thiếu là mỗi ngày vẽ một bức hí họa ở trang nhất. Có lần, ông vẽ trong đêm, mệt quá ngủ gục, tay quơ khiến lọ mực Tàu đổ lên tranh. Đến sáng, không có tranh đưa đi làm kẽm, thư ký tòa soạn là ông Chi Lăng phải soạn ngay một tin kiểu “xe cán chó” để trám vào ngay. Rất may, tiệm Cliché Dầu biết kẽm cần gấp của Sài Gòn Mới nên lập tức làm ngay mới kịp để in báo ra buổi trưa. Lê Minh cộng tác với Sài Gòn Mới cho đến khi báo bị đóng cửa năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ và tờ báo bị cho là thân với nhà Ngô. Anh em trong tòa báo tan tác, đi sang các báo Ngôn Luận, Độc Lập. Sau đó là giai đoạn vẽ bìa sách, mà đáng nhớ nhất là vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung. Họa sĩ Phan Phan Họa sĩ Phan Phan tốt nghiệp trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định năm 1959, đã sớm cộng tác vẽ truyện tranh cho một số báo khi còn đang đi học. Ông tên thật là Phan Đắt Trưởng, sinh năm 1933 tại Bến Tre. Đầu thập niên 1960, ông chuyển sang làm họa sĩ thiết kế sân khấu, trở nên sáng giá và theo nghề cho đến nay, khi đã 84 tuổi, từng đoạt nhiều giải thưởng và được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Bộ truyện tranh đầu tiên nhận nhuận bút khi đang là học sinh Mỹ nghệ Thực hành Gia Định vượt ngoài ước mơ của ông. Lúc đó, tiền tòa báo trả cho họa sĩ một ô tranh 8cm vuông là 45 đồng. Một đợt tranh vẽ trong một tuần phải xong 100 ô tranh, lãnh 4.500 đồng. Cơm tháng 450 đồng, chỉ bằng một phần mười tiền nhuận bút. Lúc đó, còn đi học, ông rất sung sướng vì tự làm ra tiền bằng chính năng khiếu và sở thích của mình. Ông biết gia đình không muốn ông theo nghề vẽ, nhưng nhờ ý kiến người cậu: “Cho nó học một năm biết Sài Gòn với người ta, xong bắt về cũng không muộn!” mà ông có mặt ở đây. Thành công ban đầu khiến ông quyết ở lại, đến kỳ nghỉ hè cũng không về nhà, nhận vẽ truyện tranh cho các báo. Vẽ tranh cộng tác với báo là để có tiền trang trải chuyện học, nên ông và nhiều họa sĩ khác lúc đó không coi trọng và cũng không có ý thức về tác quyền nên chẳng ký tên vào tranh. Bút danh Phan Phan, tòa báo cũng đặt cho ông một cách tình cờ. Số là sau khi được nhận tranh, ông mừng rỡ quay lưng ra về thì bị gọi giật lại, đòi cho biết tên để ghi tác giả. Ông trả lời “Khoan, khoan!”, định về nhà nghĩ cho mình một bút danh. Nào ngờ, nhân viên tòa báo nghe ba chớp ba nháng, viết tên ông là “Phan Phan”. Từ đó chết tên luôn! Sau này, do cơ duyên, họa sĩ Phan Phan chuyển sang thiết kế sân khấu từ rất sớm nên không tiếp tục theo nghề vẽ tranh hí họa. Nhưng nhờ vào làng tranh biếm, ông gặp được người ngưỡng mộ bấy lâu là họa sĩ Lê Trung. Họa sĩ Hưng Hội Hưng Hội là họa sĩ lớp trước, xuất thân từ trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định, đã vẽ cho Nam Kỳ Tuần Báo từ trước năm 1945. Hưng Hội là bút danh, không ai biết tên thật của ông là gì và đến giờ không để lại tấm ảnh nào. Hai họa sĩ Lê Minh và Phan Phan, đều trên tám mươi tuổi, khi nói về họa sĩ Hưng Hội đều thừa nhận ông vẽ minh họa và hí họa rất đẹp, đường nét diễn tả gọn, sắc sảo và sinh động. Trong hai năm sống gần rạp Văn Hoa Đa Kao, họa sĩ Phan Phan thường cùng họa sĩ Hưng Hội uống cà phê ở góc đường Trần Quang Khải – Hai Bà Trưng. Ông còn lưu chút ký ức về họa sĩ này. Khoảng cuối thập niên 1950, Hưng Hội sống trong căn nhà ở Khánh Hội cùng vợ con. Tính cách ông hiền hòa, bề ngoài bình dị, ăn mặc khá lèng xèng, thường đi xe đạp. Ông có nét bút sắc sảo, hình họa vững nên được mời vẽ trên nhiều báo như Tin Điển, Thần Chung, Sài Gòn Mới... Ông vừa vẽ biếm họa, minh họa, truyện tranh, ăn tiền từng sản phẩm chứ không ăn lương họa sĩ thường trực. Giống như các họa sĩ khác, Hưng Hội vẽ bằng bút sắt, thứ nét mịn chấm trong lọ mực của Pháp, rồi đưa tòa báo để duyệt xong chuyển làm bản kẽm. Từ những bức tranh vẽ còn sơ sài trên Nam Kỳ Tuần Báo, đến thập niên 1950 trở đi Hưng Hội đã có những bức minh họa và biếm họa rất đẹp trên nhiều báo, rất được anh em trong giới khen ngợi. Sau năm 1975, bạn bè làm báo không thấy họa sĩ Hưng Hội đâu nữa. Tranh biếm của họa sĩ Hưng Hội trên báo Sài Gòn năm 1964. Họa sĩ ViVi Ông tên thật là Võ Hùng Kiệt, sinh năm 1945 tại Vĩnh Long. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu về hội họa, bắt đầu đăng truyện tranh đầu tiên trên báo Tuổi Xanh năm 13 tuổi (1958), do sự khuyến khích của chủ bút, ông Bùi Văn Bảo. Năm 1964, ông đậu vào trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và cũng bắt đầu vẽ cho nguyệt san Tuổi Hoa với bút hiệu ViVi, ghép từ hai chữ đầu Việt Nam và Vĩnh Long. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật năm 1968, gia nhập quân ngũ nhưng vẫn tiếp tục vẽ bìa báo, minh họa, biếm họa, truyện tranh cho nhiều sách, báo và minh họa sách giáo khoa cho một số nhà xuất bản. Đến năm 1971, ông bắt đầu cộng tác với tuần báo Thiếu Nhi và tạo nên dấu ấn đậm nét. Họa sĩ ViVi vẽ chủ yếu bằng chất liệu màu nước và sơn dầu. Nhiều họa phẩm của ông trên các bìa sách, báo, tem thư được ngưỡng mộ và nhắc nhở cho đến tận hôm nay vì kỹ thuật tả thực xuất sắc, sinh động và có cảm xúc. Rất nhiều độc giả báo chí thời trước 1975 thích tranh của ông, có người gần như là “tín đồ”, khi tranh được thể hiện ở những ấn phẩm hay, lành mạnh dành cho thiếu nhi mà họ đã từng mê say đọc hồi còn đi học. Ông còn vẽ tem cho bưu điện khi đang học năm thứ nhất trường Cao đẳng Mỹ thuật cho đến năm 1975, nhận được khoảng 40 giải thưởng về bưu hoa. Thời gian cộng tác với tuần báo Thiếu Nhi là lúc tay cọ của ông đang độ chín, tranh của ông ngày càng mượt mà, giàu cảm xúc. Họa sĩ ViVi cho biết trước kia, tranh minh họa hay biếm họa được họa sĩ vẽ nét đen trên giấy, tòa báo hay nhà xuất bản gửi nhờ nhà làm bản kẽm (như Công ty Cliché Dầu) chụp ra phim, cho khắc trên một miếng kim loại chì pha nhôm, gắn trên một miếng gỗ rồi xếp vào trang chữ (chữ cũng bằng chì), kỹ thuật này gọi là in typo. Khi vẽ tranh bìa tuần báo Thiếu Nhi các số Xuân, chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương, vợ chồng nhà văn Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh (chủ biên và trị sự) cùng anh em biên tập bàn bạc với ông rất kỹ về chủ đề. Bức tranh bìa báo Xuân 1972 với cảnh gia đình đón xuân đầm ấm, sum họp với ông bà cha mẹ con cháu, câu đối đỏ, cây nêu, bánh chưng xanh, hoa đào... được thể hiện đẹp và tự nhiên là một bìa báo được độc giả nhớ lâu. Khi ông nhận thực hiện bìa báo Xuân Thiếu Nhi Tết Quý Sửu 1973, cũng đang lúc Tổng nha Bưu chính Sài Gòn gửi lời mời cho các họa sĩ trong và ngoài nước gửi mẫu tranh dự thi đề tài Con Trâu. Để có hình ảnh thực tế, ông ra ngoại thành Hóc Môn và Thủ Đức, vừa chụp hình vừa ký họa trâu cộ, trâu nái và trâu nghé ở các góc cạnh tư thế cho sinh động và chính xác để vừa vẽ tem vừa vẽ bìa báo. Họa sĩ ViVi cũng là người vẽ những tranh bìa rất đẹp, nên thơ cho Tủ sách Tuổi Hoa do ông Nguyễn Trường Sơn làm chủ biên. Trên báo Thiếu Nhi, ngoài việc vẽ bìa và minh họa, họa sĩ ViVi thỉnh thoảng có vẽ biếm họa, rất sinh động, tự nhiên, tiếc là ông không đi theo con đường này. Ông cho biết thời gian đó, mỗi ngày ông phải vẽ một băng truyện vui Gia đình Nàng Hương trên nhật báo Dân Chủ, truyện tranh trên nhật báo Độc Lập, minh họa sách giáo khoa, còn lo vẽ bìa cùng minh họa cho hai tờ báo Tuổi Hoa và Thiếu Nhi nên ít thời giờ để vẽ tranh biếm họa. Hiện nay ông sống tại Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục sáng tác tranh và điêu khắc. Họa sĩ Đinh Tiến Luyện Trước 1975, tuần báo Tuổi Ngọc rất được học sinh, sinh viên miền Nam yêu thích. Bên cạnh nhiều sáng tác văn, thơ hay, giàu cảm xúc, các chuyên mục hấp dẫn, tờ báo còn thu hút độc giả trẻ nhờ có bìa và tranh minh họa rất đẹp. Thư ký tòa soạn báo Tuổi Ngọc, nhà văn đồng thời là họa sĩ Đinh Tiến Luyện là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất ở Tuổi Ngọc. Ông nhớ lại: “Làm báo tay viết thì nhiều nhưng tay vẽ thì không sẵn, nên cũng như làm “đầu bếp”, tôi phải biết xào nấu sao cho thường xuyên có món bày bàn, ngon hay dở cũng phải chủ động cho đúng kỳ hạn. Chỉ mê vẽ thôi, là một tay ngang không có bài bản, nhưng có cơ hội, “không có ai trồng khoai đất này” nên vẽ bìa là tôi và minh họa trang trong cũng là tôi. Viết về tuổi học trò mới lớn nên nét vẽ của tôi cũng chở theo hồn ấy. Nếu có gì gọi là riêng biệt thì đó là vì làm báo Tuổi Ngọc”. Ông được chủ nhiệm báo Tuổi Ngọc giới thiệu vui là họa sĩ của “Trường phái mắt to”. Thực sự là tranh bìa và minh họa của ông thường vẽ các cô gái với đôi mắt nai to tròn đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Ngoài minh họa và làm bìa cho báo Tuổi Ngọc, ông còn vẽ cho sách của Nhà xuất bản Tuổi Ngọc. Về kỹ thuật in ấn liên quan đến kỹ thuật vẽ tranh minh họa trang trong và vẽ bìa báo thời đó, họa sĩ Đinh Tiến Luyện kể rằng: “Khi có computer thì ngành in ấn thay đổi rất mạnh. Làm báo nhưng đồng thời cũng làm nhà in nên tôi rất rõ chuyện này. Một phần quan trọng của nhà in là công việc xếp chữ. Nếu có được kho chữ cả ngàn fonts và fontsize hầu như vô tận từ chiếc computer như ngày nay thì nhà in, riêng khu vực xếp chữ cũng phải có tòa nhà hàng trăm tầng. Kỹ thuật in ấn thời thủ công, bên cạnh nhà in còn có nhà đúc chữ và nhà làm cliché (bản kẽm). Hình vẽ được chụp phim và làm thành bản khắc trên kẽm để sau đó chèn vào trang xếp những con chữ li ti bằng chì. Nhiều công và tốn phí như vậy nên minh họa trên báo cũng hạn chế, có một bản kẽm xài đi xài lại cả chục lần. Riêng bìa màu thì phức tạp hơn. Nếu không in offset thì có khi người thiết kế bìa phải tự tách màu ra từng bản và chọn màu (typo thường không quá 3 màu). Những chữ trên bìa nếu muốn đặc biệt theo ý mình thường phải kẻ riêng bằng tay (thường không bén nét). Tôi hay sưu tập những sách báo cũ nước ngoài để tìm kiểu chữ lạ. Có khi mua một cuốn báo dày cộm chỉ để lấy hàng chữ đem về cắt ra dán vào bìa làm tựa cho một cuốn sách. Người thiết kế bìa báo hay bìa sách không hoàn toàn chủ động cho đến khi ấn phẩm được in ra, có khi còn đợi… hên xui của kỹ thuật nhà in (vì thế cũng có đôi kỳ làm bìa báo tôi đã tự mình làm lấy những công đoạn chuyên môn của nhà in). Tôi rất ham làm ra các ấn phẩm nên khi có chiếc computer đầu tiên là tôi cài photoshop và say mê với nó. Ngày nay với một thiết kế ấn phẩm nó có thể chui từ máy nhà mình, phóng thẳng tới nhà in và chạy ra một ấn phẩm hoàn toàn theo ý muốn, phong phú cả màu sắc lẫn chữ nghĩa. Tất cả dễ dàng hơn rất nhiều so với thời kỳ làm báo theo lối thủ công. Tranh dùng để làm bìa báo hay bìa sách thường là những hình vẽ nhỏ hoặc đôi khi lấy ra từ một bức tranh, tự chụp qua máy riêng. Có khi những bìa báo Xuân này là từ những bức sơn dầu trên vải, có tấm khổ khá lớn, được đem thẳng tới nhà in để trực tiếp qua máy tách phim bốn màu của kỹ thuật ấn loát”. Một Số Bài Báo Ðặc Sắc Trên Các Giai Phẩm Xuân Xưa Làng báo Sài Thành trên 10 năm trước vài tay kiện tướng Không rõ tên tác giả (Giai phẩm Xuân Việt Thanh Tết Nhâm Thìn 1952) Ông Phan Khôi còn hay mất? Ông Phan Khôi, một nhà văn hơn là một nhà thơ. Ông viết lối văn lý luận hay lắm, mà hay nhứt là những khi ông “lập dị” – ngược dòng. Đến ngày nay hễ ai có tánh hay cãi “bướng” người ta cho là “lý luận Phan Khôi”. Mà quả thế, văn ông cũng như người ông, ít cười, ít nói không thích đùa giỡn hay gắt gao, tóm tắt là hơi khó chịu. Vừa rồi, một người bạn tới cho tôi hay ông Phan Khôi đã mất! Nếu tin này mà không sai sự thật, thì làng văn làng báo nước ta mất đi một người đàn anh hiếm có. Tôi làm chung với ông Khôi và Hồng Tiêu Khoảng năm 1941 – 42 tôi có làm chung với ông trong một thời gian ngắn. Tôi lúc ấy viết còn kém, mỗi tuần chỉ viết một bài, và giữ mục văn uyển, còn ông viết mỗi tuần hai bài, một bài dạy làm thơ và một bài luận thuyết. Ông Phan Khôi có một điều khác người ta là định tiền mỗi bài mình viết, hễ giao bài là lấy tiền, có nhiều khi lấy tiền trước mới viết sau. Tiếng là anh em chung với nhau trong một tòa soạn, thật ra tôi coi ông như một người anh cả, mà tự xem mình như một người em út. Báo Đông Thinh ra đời Lúc ấy tôi mới 16 tuổi, còn ông đã ngoại ngũ tuần. Cuộc cộng tác giữa tôi và ông Phan Khôi tại tờ tạp chí Đông Thinh do ông Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy làm chủ nhiệm, sự ấn loát và trình bày ông Hồng Tiêu giao trọn quyền cho tôi, còn ty quản lý do thầy Lâu, người em vợ lớn của ông, trông coi quán xuyến. Tờ Đông Thinh lúc ấy in tại nhà in Xưa Nay, do cô Triệu Âu làm chủ (con gái ông Nguyễn Háo Vĩnh). Khôi – Phụng bất trùng phùng Thuở ông ở Saigon, người bạn được ông Phan cho là tri âm tri kỷ là ông cử Tùng Lâm Lê Cương Phụng, hễ tới là được ông mời hút. Nhưng ông Tùng Lâm cũng lạ, không mấy khi nhận lời, đôi khi nể lắm, chỉ hút vài điếu mà thôi. Mặc dầu anh em quen biết đã lâu, từ Hanoi đến Saigon, tánh ông Tùng Lâm dường như không thích gần ông Phan. Lúc làm tờ Đông Thinh chung với tôi, ban đêm thì ông Phan ngụ tại nhà ông Bùi Thế Mỹ, còn ban ngày ông thường đóng “trụ sở” ở tiệm Khoan Ký đường Kitchener, vì tiệm này tới nhà ông Bùi Thế Mỹ gần hơn hết. Tòa soạn báo Đông Thinh Ông viết bài xong cũng ở tiệm. Xong xả cho đứa “làm thuốc” đưa lại tòa soạn chớ ít khi ông đích thân đến. Tòa soạn báo Đông Thinh lúc đó, kêu là tòa soạn cho oai, để có địa chỉ độc giả gởi thơ mua báo hoặc gửi bài, thật ra thì mướn phía trước hàng ba tiệm thuốc Đồ Nam ở đường Đại tá Grimaud[1] vừa đặt một cái bàn con và hai cái ghế. Ông Khôi đang rặn Nhiều kỳ, Chúa nhựt báo ra, mà thứ năm ông Phan Khôi vẫn chưa có bài nào hết. Ông Hồng Tiêu đến nhà in rủ tôi cùng đi với ổng lại tiệm Khoan Ký lấy bài về cho thợ sắp. Tại tiệm, ông Phan Khôi có một chỗ nằm nhứt định, lên thang gác, khi khỏi chỗ bán thuốc là đến “trụ sở” của ông. Chúng tôi bước vào, thấy bộ đồ tây treo trên móc, bàn đã lên đèn, anh làm thuốc nằm chèo queo một bên đang hí hoáy làm thuốc, ông Phan đang lum khum “rặn” bài. Thấy chúng tôi đến, ông ngồi dậy, lột cặp mắt kiếng ra nói: Tưởng lát nữa xong, “mỏa” cho người cầm lại nhà in, gặp “toa” đến may quá! À, có cầm tiền lại cho “mỏa” mượn với không? Ông Hồng Tiêu chỉ cười mà không đáp, rồi móc túi lấy ra 60 đồng đập ra giữa bàn một cái bép. Ba người trông nhau cùng cười. “Cổ động viên ở Nam Vang hôm qua gởi “măng đa”[2] về được bao nhiêu “mỏa” đem theo đấy”. Tôi từ chối nhập làng bẹp Bấy giờ Hồng Tiêu bảo tôi cũng cởi áo quần tây và giày rồi lên nằm chơi. Tôi nghe lời, song khi ông bảo kéo vài điếu chơi, thì tôi nhứt định từ chối. Ổ Ổng nói: “Toa dại lắm, “vô sở bất chí”, ở đời không có cái gì là không biết, không có cái gì không làm”. Ông Phan Khôi nghe nói, đang viết bèn ngồi ngay dậy, lấy cặp kiếng ra ngăn lại: “Toa không nên rủ cái anh ấy hút. Bọn mình đây đã già rồi thôi thì tới đâu thì tới, chẳng những không chịu bỏ, mà quyết không bỏ, còn mấy anh thanh niên đang đứng ngoài vòng, tụi mình đừng nên kéo họ vào…”. Ông Khôi tuyên bố Rồi ông tiếp: “Từ trước đến giờ, đối với vấn đề thuốc phiện, “mỏa” khác hơn “toa”, đã không nghiện thì chớ, đã nghiện rồi thì nhứt định không bỏ, dẫu nghèo đến chết cũng vậy, còn “toa” nay hút, mai bỏ, mốt hút, kia bỏ, rốt cuộc chỉ thêm hại mình và tốn tiền, chứ không ích gì. Mà thật có như vậy, ông Phan Khôi có viết trong một số Xuân Dân Báo, dám tuyên bố: “Tôi nhứt quyết không bỏ thuốc phiện”, và ông cũng có nói với tôi, từ khi tập hút chút cho đến ngày nay đã già, ông chưa hề uống thuốc “cai nha phiến” một lần nào. Bỏ đi hút lại Còn ông Hồng Tiêu trái ngược lại: hễ có tiền và gặp anh em bạn là ông rủ hút, thích là chơi, còn ngày mai ra sao? Ông không cần nghĩ tới. Hễ một khi hết tiền, thì ông ra cụ Mộng Võ (một ông lang từng xuất dương du học bên Nhựt về, có viết trong Đông Thinh về kỹ nghệ làm giấy ở Nhựt Bổn, một bạn chí thân của Hồng Tiêu và lúc tờ Đông Thinh sắp chào đời, cụ có xuất vốn cho ít nhiều), bổ một thang thuốc Bắc về ngâm, mua năm cắc bạc thuốc phiện (giá hồi năm 1942) táo lại ngâm chung trong ít ngày đem ra uống là bỏ được. Anh em rất phục ông Hồng Tiêu là chỗ đó: hễ có tiền là hút cả ngày, có bao nhiêu hút bấy nhiêu, nhưng khi hết tiền là thôi cái một, có quạu quọ vài ngày rồi lại vui vẻ như thường, nhưng hễ có chuyện chi buồn là ông đi hút lại ngay. Một con vịt quay Bấy giờ gần 12 giờ trưa, ông Phan Khôi vừa hút vừa viết đã xong hai bài. Ông Hồng Tiêu đứng dậy kêu tôi mặc đồ đi về. Ông cầm lấy 60 đồng bạc khi nãy đưa cho ông Phan Khôi hầu hết, nói: “Ông cầm 50 này, rồi mai mốt có tôi sẽ đưa ông thêm”. Còn 10 đồng, ông cho anh làm thuốc 2 đồng, trả tiền thuốc 6 đồng. Vỏn vẹn còn 2 đồng, ông rủ tôi ra Chợ Cũ mua một con vịt quay gói xách mang về. Trả tiền 2 cái giấy xe điển hạng nhứt Cuniac – Petrus Ký 0đ30, hồi ấy ông Hồng Tiêu còn ở tại Chợ Quán sau nhà S.A.M.I.P.I.C – thế là số tiền trong mấy tuần lễ, cổ động viên đi thâu ở Nam Vang, chỉ nội buổi sáng tiêu ra mây khói, vợ con không hưởng một đồng xu, ngoài con vịt quay mới xách về. Tấm lòng hào hiệp Ông Hồng Tiêu đối với anh em bạn rất hào phóng, coi đồng tiền không ra cái quái gì. Rượu cũng như thuốc phiện, những người nào ông đã gọi là bạn chí thân, thì ông đối đãi “hết mình”. Tôi còn nhớ trong cuốn Hồng Tiêu thi tập của ông, trong một bài ngẫu hứng có câu: Nhà cửa bốn mùa như cái chợ, Tháng ngày không chật với em anh. Lời nói của ông thật đúng như việc làm của ông. Có tài không biết xài Nói ngay ra, ông Hồng Tiêu là một tay làm báo kỳ cựu trong Nam. Ông có tài ba về nghề nghiệp và hào hiệp đối với anh em, nhưng cái tài của ông là một thứ tài để cho người khác dùng thì được, mà ông tự dùng, tự lợi dụng cái tài của ông thì hỏng. Hồng Tiêu văn sĩ Ông xuất sắc nhứt là lối viết chuyện hằng ngày, tức tranh xã hội cho báo Saigon của ông Bút Trà là anh ruột của ông. Ông mà chửi lộn thì không ai bì kịp, lý luận hay mà hỗn ẩu cũng dữ. Có đôi khi ông công kích ai, người ấy phải nhảy nhổm dậy, chịu không thấu. Đông Thinh số Xuân Tạp chí Đông Thinh, chỉ ra không đầy một năm thì tự đình bản vì tài chánh, song trong khoảng đó, ông có ra một số Xuân, mà số Xuân ấy lại bảnh hơn cả các báo “trường thọ” ở Saigon, là ngoài cái bìa của họa sĩ Nam Xuân Hải, còn có một tấm phụ bản, chạy ly-tô 3 màu in tại nhà in Ng.V.I. (tấm phụ bản ấy vẽ một cô gái chèo thuyền trên sông Hương), ruột in tại nhà in Nguyễn Đức nhưng hai bên có chuyện bất bình nên số Xuân Đông Thinh, in trễ ra gần Tết, bán không được phải lỗ nhiều. Chính số Xuân ấy tôi có viết đến mấy bài, nhưng vì thấy ông H.T. lỗ tội nghiệp, tôi cũng từ chối không lãnh tiền nhuận bút. Đông Thinh đình bản Báo Đông Thinh tự đình bản, ông Phan Khôi bây giờ chỉ sống vào tờ Dân Báo còn ông Hồng Tiêu, mỗi ngày chỉ viết một bài Tranh xã hội cho báo Saigon, với số lương hồi ấy 120 đồng một tháng, với một gia đình 8 người và một người ở nữa, thật sống một cuộc đời sống hết sức chật vật. Vẫn cứ phong lưu Thế mà khi nào cao hứng là ông kéo khách về một nhà, bắt vợ con phải kiếm cơm rượu đãi đằng tử tế. Đũa gãy, chén sứt, giường chỏng xiêu vẹo, đặt ngồi ngoài vườn, dưới bóng cây, rượu đế rót vào chén nước trà, thế mà anh em quen viết ai nấy vẫn ưa ông Hồng Tiêu lắm. Ông thường tự phụ, khoe với anh em: “Anh Bút Trà hơn tôi được cái giàu tiền và giàu con, thì tôi cũng hơn anh Bút Trà được cái giàu bạn và giàu rượu” rồi ông ngụm một ngụm rượu đế, nhai một miếng thịt vịt, cười bể nhà bể cửa, coi vẻ tự đắc và sung sướng lắm. Bấy giờ ông Phan Khôi đã dời… trụ sở về đóng tại nhà ông Hồng Tiêu, nào rương, nào bao, nào bàn đèn, ống vố chở về đầy nhà. Vợ lại sợ chồng à! Lúc ấy ông Hồng Tiêu đã bỏ bút, xoay sang nghiện rượu, mà lại rước về một ông “thỉ tổ” làng hút để ở trong nhà, vợ ông – cô Bạch Vân bất bình lắm, song không dám nói ra, vì vợ ông sợ ông còn hơn chuột lắt sợ mèo, đời nào dám hó hé. Hơn nữa tính ông Phan Khôi lại hết sức kỳ khôi, khó từng chút, từ cái ăn, cái ngủ, tới cái đóm hút thuốc, cái tăm xỉa răng. Con ở mất hồn Có một hôm, tôi cũng có mặt đến giờ ăn cơm, con ở dưới nhà bưng lên một mâm cơm, nhưng không cho ông hay trước, nên bàn đèn ông chưa thu xếp kịp (nhà ông Hồng Tiêu chật lắm, chỗ ông P.K. hút kiêm cả bàn ăn) ông nổi đóa quát tháo ầm lên, rồi xách ống vố rượt theo người ở xuống đến nhà bếp. Mà tánh ông đã nổi nóng lên thì đố ai cản được. Từ bữa đó, con ở không dám bén mảng lên nhà trên. Và khi gặp ông, nó không dám ngó ngay mặt nữa. Sau đây, tôi sẽ kể một chuyện tranh luận giữa Phan Khôi và Hồng Tiêu suýt hai người gây ra ẩu đả! Nói chuyện văn chương Cũng tại tiệm Công-Yên[3] Khoan Ký ở đường Kitchener[4], hai người nằm hút. Bên một đống sách và nhựt trình Việt lẫn Hoa trong đó có bộ sách Vương Dương Minh, ba chúng tôi cùng xem và nói chuyện. Ông Phan Khôi đang xem tờ báo Saigon nơi mục Tranh xã hội, bỗng vụt ngồi dậy chỉ cho ông Hồng Tiêu xem mấy cái lỗi về chánh tả, rồi nói: “Anh em các ông viết quốc ngữ theo giọng Quảng Ngãi, c. t không chịu khó phân biệt, có g hay không g cũng không cần. Bây giờ các ông nên tập theo lối này thì có lẽ viết trúng: Mát mẻ đọc mát tờ, thì phía sau chữ mát phải viết chữ t. Dao mác đọc mác cờ, thì phía sau chữ mác phải viết chữ c…” Suýt có ẩu đả Động tới lòng tự ái, ông Hồng Tiêu nổi nóng cự lại: “Tôi hỏi ông, ông đọc bài Tranh xã hội của tôi có hiểu hết ý nghĩa không? Ông là người Việt, chớ đâu phải thứ người gì mà tiếng Việt không hiểu?” Nghe nói mình là thứ người gì… Ông Phan Khôi đổ mồ hôi ra trán, nói lớn: “Anh là một người viết quốc ngữ trật nhứt nước Nam!” “Anh là một người tánh khí kỳ khôi nhứt nước Nam!” Thế là cả tiệm hút từ dưới đất lên trên lầu, người ta đổ xô lại can, người lớn có, kẻ nhỏ có, Hoa đông mà Việt cũng lắm. Dĩ hòa vi quí…! Các ông đều tự biết các ông có điều quấy, đây là chỗ công cộng, ai có quyền cho các ông tới đây đánh lộn. Trời quang mây tạnh Sau khi cả hai đều nguôi cơn giận, ông Hồng Tiêu ôn tồn nói: “Chữ là cái dấu hiệu, miễn sao đọc lên hiểu được thì thôi, t hay c không quan hệ, có g hay không g cũng không cần. Tôi hỏi ông bây giờ căn cứ vào đâu mà biết trúng hay trật? Muốn nói trúng trật là khi nào Việt Nam có một Viện hàn lâm làm ra một quyển thống nhứt, gồm danh nhân cả Bắc, Trung, Nam. Hiện thời mạnh xứ nào xứ ấy nói tiếng của họ là trúng. Ông đừng khen tiếng Bắc là trúng. Ở Quảng Ngãi tôi nói con trâu mà ở Bắc nói con châu, như vậy tiếng Bắc có trúng hay không? “Nói bướng như ông thì không khi nào xong việc gì hết – lời ông Phan Khôi cãi lại – trúng hay trật là nói theo nghĩa tương đối, xem một bài Tranh xã hội của ông, về chánh tả trật bấy xà ngầu hết ráo. Tôi hỏi lại ông, ví dụ ông có một đứa con trai tên là Nguyễn Văn Lan đi học xa mà ông gởi cho nó một cái măng-đa đề là Nguyễn Văn Lang (phía sau thêm chữ g) hỏi nó có nhận được số tiền ấy không? Lẽ tự nhiên là không khi nào nhà giây thép cho nhận, đó là chưa nói đến những việc quan hệ hơn nữa, như giấy khai sinh, giấy căn cước,v.v… chẳng hạn”. Hồng Hồng Bút Bút Ông Hồng Tiêu thích cãi lộn, thét rồi hầu khắp làng báo không có mấy người ông chừa, nhứt là người đối lập với ông càng tài cao càng học rộng, càng nổi tiếng bao nhiêu ông lại càng ưa khai chiến bấy nhiêu. Độ nọ, một nhân vật (xin giấu tên) làm báo giỏi nhứt trong Nam có lẽ khắp cả Trung, Nam, Bắc, bị ông Hồng Tiêu mần sát ván, nhân vật ấy cùng với các “đồng chí” trong “đảng” tức ứa gan, không biết làm cách nào trả đũa lại cho nguôi cơn giận. Một hôm gặp Lê Trọng Đình. Đình nói: “Hồng Tiêu chỉ có tôi là trị lại, nếu các ông bằng lòng, để tôi làm một bài hát thì anh em họ tiêu “dên”. Mọi người đều tán thành. Lê Trọng Đình về tiệm thuốc phiện đường A. Courbet[5] nằm hai ba ngày, vò đầu, vò óc làm được một bài ca trù, thể theo điệu Hồng Hồng, Tuyết Tuyết. Tôi còn nhớ được mấy câu như thế này: Hồng Hồng, Bút Bút. Mới ngày nào còn nằm hút ở Lơ-pheo (Lefèbvre). Mười lăm năm vừa thoát khỏi cơn eo. Ngoảnh mặt lại đã lên lèo phách lối. Công kích ông… đầu nhức nhối. Tuy lâu ngày song bài bát này có lẽ ở Saigon nhiều người “còn nhớ”. Đại khái những tranh luận trong làng báo Sài Thành trước kia là vậy khác hẳn những vụ công kích nhắm vào đời tư, cá nhơn của đối phương. Nhơn vui năm mới tôi xin nhắc lại làm chuyện mua vui, giải muộn, chớ không ngụ so sánh chê bai ai hết. Và quyền phẩm bình xin tuyệt đối nhường lại bạn đọc. _______________________________ Chú thích: [1] Ðường Ðại tá Grimaud: Phạm Ngũ Lão ngày nay. [2] Măng đa: (tiếng Pháp mandat) thư chuyển tiền. [3] Tiệm Công-yên: tiệm thuốc phiện. [4] Ðường Kitchener: Nguyễn Thái Học ngày nay. [5] Ðường A. Courbet: Nguyễn An Ninh ngày nay. Một chuyện hồi ký 30 năm Lạc Nhân (Giai phẩm Xuân Sài Gòn Mới Tết Quý Tỵ 1953) Minh họa: Lê Phan. Năm ấy vào năm 1920 – 21, ông Phan Khôi còn phụ bút ở báo Nam Phong. Tình cờ tôi gặp ông ở nhà ông Sở Cuồng (Lê Dư) vào chiều 30 Tết. Ăn uống xong, ông Tú Khôi đâm ra cao hứng rủ tôi cùng một bạn nữa đi hát cô đầu. Trước khi đi, chúng tôi đều tỏ ý ngờ vực ông Khôi, vì sợ ông cao hứng giây lát. Rủ đi, rồi đến đó ông cụt hứng bất ngờ, thì xấu hổ cho cả bọn. Ông Khôi nhìn thấy vẻ mặt hai chúng tôi dụ dự, ông bèn nói một giọng quả quyết: - “Mình “tây” lắm; mình đã mời anh em thì mình bao tất cả chi phí, ai để phiền đến anh em. Huống chi số tiền này, mình định để về ăn Tết nhà; nhưng có điều không tiện về, nên đành ăn Tết Hanoi.”. Nghe lời quả quyết, hai chúng tôi mới dám đi. Vì chúng tôi đã rõ tánh tình ông Khôi không mấy khi hào hiệp. Trời mưa phùn, ba chúng tôi đều lên 3 xe kéo. Xe ông Khôi đi trước. Qua ngõ Khâm Thiên, ông bảo xe ngừng lại. Ông móc bóp trả tiền xe, hai chúng tôi còn đứng sau. Thì ông bươn bả đi trước, đi ngay vào nhà cô Đốc Sao. Hai chúng tôi đều giựt mình! Nói với nhau: - Ông Tú Khôi bướng quá! Ở phố Khâm Thiên thiếu chi nhà cô đầu lại không vào, nhè nhà thượng đẳng này mà vào! Trời mưa mặc dầu, hai chúng tôi vẫn ngần ngừ đứng ngoài hàng ba, không dám vào. Nhưng liền đó, thấy ông trở ra gọi chúng tôi: - Kìa, sao không vào, còn đứng đó làm gì? Thì theo câu nói đó, hai cô đầu nhỏ tuổi, mặc áo màu tiến ra ngoài cửa. - Mời hai quan vào chứ. Giời gió rét lắm cơ. Bất đắc dĩ, chúng tôi phải vào. Nhưng tôi nghĩ, sự thế đã bức bách thế này, mình không vào, chúng cũng ra lôi vào không thể từ chối được. Hai cô đầu nhường hai chúng tôi đi trước. Vào nhà trong, ông Khôi giới thiệu hai chúng tôi với bà chủ (cô Đốc Sao). Mới tối 30 Tết, bà chủ đã đóng bộ y phục rất huy hoàng. Áo gấm hoa thêu chữ Thọ vàng, bạc, chít khăn nhung, choàng khăn sạc len, đi giày cườm thêu, qua lại tiếp khách với mùi nước hoa thơm ngát. Trong nhà chưng diện ra vẻ Tết nhà quan. Một cành mai trắng cao hơn thước, cắm vào chiếc bình lớn, đặt ngay trên bàn. Nhiều bình nhỏ hơn thì cắm cành trúc đào, tử vi, để rải rác mấy chiếc ghế bên vách tường. Bàn chính giữa, đặt chậu thủy tiên hoa ướm nở, mùi hương thơm phức. Ngoài ra, những bức tranh thêu, những bức trấn gấm, trông sáng rực cả nhà. Ông Tú Khôi, ngồi vếch mày chễm chệ trên ván giữa. Chống nạnh vào chiếc gối năm nếp thêu hoa. Hai chúng tôi ngồi hai chiếc ghế cẩm thạch bên ngoài, nhưng hôm ấy có trải nệm nhung màu hồng xem có vẻ Tết. Các cô đầu tiếp khách lăng xăng, cô bưng tách trà, cô đem thuốc. Bỗng thấy đèn điện bật lên thêm nhiều ngọn, xanh đỏ sáng lòa. Rồi một tên bồi từ nhà sau cắp theo hai chai rượu champagne đi ra, một tay bưng cái khay trên có bốn cốc. Hai chúng tôi, đều đánh trống ngực phập phồng… Mỗi người đều lo… Chủ nhà chơi kiểu này đây, chết cho ông Khôi rồi! Không biết trong hầu bao ông được bao nhiêu, mà thấy ông ngồi điềm tĩnh thế. Chúng tôi nhìn vào ông Khôi, có ý nháy nhó ông. Hãy từ chối cuộc champagne, bảo mang ra thứ rượu khác. Nhưng nhìn ông, mà ông chẳng hề ngó lại. Thì vừa bà chủ (cô Đốc Sao) đi ra. Cười một chuỗi cười ra rả và nói: - Tối nay, ba quan đến mở chầu hát giao thừa, chắc là nhà này năm tới được nhiều may mắn lắm. Bà chủ nói vừa dứt lời thì nghe một tiếng “bốp”, nút chai champagne văng ngược lên trần nhà. Bà chủ vỗ tay, các cô đào đều vỗ theo. Tên bồi rót bốn ly rượu, bốn cô chia nhau bưng. Bà chủ giành bưng ly rượu đi đến trao trước ông Tú Khôi và chúc: - Xin cám ơn quan mở hàng chầu hát giao thừa hôm nay. Thật một chầu hát hiếm có lắm. Vì tối hôm nay, nào có quan nào được rỗi mà đi hát chơi. Ông Khôi cười vẻ tự nhiên rồi nói: - Người ta không đi hát, chúng tôi đi hát, thế mới là tình chứ. Tình mà cũng oai nữa. - Cám ơn quan. Rồi đó, hai cô đào bưng hai ly rượu đến mời hai chúng tôi. Bà chủ cũng nói một câu xã giao, chứ thực ra bà để ý vào ông “quan” ngồi chính ván giữa. Hai chúng tôi ngồi kề tai nhau nói nhỏ: - Cuộc hát này ít ra cũng phải mất trăm bạc. Vì lâu nay tiếng nhà hát Đốc Sao đắt gấp đôi nhà khác, chẳng hay trong túi lão Phan Khôi có đủ số ấy không? Nếu thiếu thì chúng mình phải hỏi lão để bù thêm, đừng để lòi đuôi ra mà xấu. Toan đi xích đến ngồi gần bên ông Khôi để hỏi nhỏ vấn đề “quan trọng” ấy thì ông đã tay cầm roi chầu, đánh ngay mấy tiếng “gọi cô đầu”. Kế đó thì đầu hát gõ phách, anh kép vặn đàn, cô Tâm nhịp một khổ phách “giáo đầu” rồi hát lên bài hát nói, đến “Tỳ bà”, qua “Sa mạc”. Ông Khôi ngồi ngúc ngắc, vừa đánh tom, chát vừa cười. Hai chúng tôi vẫn phập phồng, không biết gì là hứng thú. Vì đứa nào trong túi cũng không đầy 30 bạc, nếu ông Khôi cũng bấy nhiêu đó thì nguy! Theo lệ hát thì có mâm á phiện, khi ba chúng tôi quây quần trước mâm á phiện, nhờ “ả” tiên nâu mà gần được nhau. Bạn tôi hỏi ông Khôi. Ông trợn mắt lên… “Các anh đừng lo, mình còn dư sức mà.” Chừng nghe câu nói ấy, hai chúng tôi mới hả dạ, nghe hát hay, uống rượu và hút ngon lành, trọn đêm 30 Tết. Sáng ngày ông Khôi lên mặt quan sang đặt trên khay 100 bạc và thưởng cho các cô mỗi cô 5 đồng. Ra về chúng tôi khúc khích cười với nhau. Ông bạn kia nói: - Năm tới đây, chắc chúng tôi “hên” lắm. Bao giờ mà được ông Tú Khôi cao hứng lại phát tâm hào hiệp như buổi hôm qua! Mà thật. Ông Phan Khôi đêm ấy cao hứng thật. Ông ít có làm thơ; thế mà đêm ấy ông nảy ra được một bài thi Đường-luật, tôi còn nhớ hai câu: “Hồn qui lâm hạ tâm nan ổn “Thân tại hoa gian mộng bất kinh”. Quê cũ về thêm lòng rạo rực, Dưới hoa mình được giấc êm đềm. Một tờ báo Xuân một kỷ niệm Hồi ký của nhà báo Nguyễn Bảo Hóa tức Tô Nguyệt Đình (Giai phẩm Xuân Việt Thanh năm Giáp Ngọ 1954) Mỗi dạo gần Tết, một hai bạn làng văn hỏi: “Năm nay anh có ra báo Xuân?” Báo Xuân! Hai tiếng ấy đập mạnh vào tai, gợi lại cả một kỷ niệm mà tôi cảm thấy thấm thía nhứt. Trong ngày Tết, những tờ báo Xuân chen nhau khoe sắc ở phố phường. Nhìn nó, tôi nhớ đến tờ báo Xuân của tôi. Nó cũng “đứng” ở góc đường này, đầu phố nọ và theo những chiếc xe hơi chu du khắp tỉnh thành. Tôi đoán chừng, nó đã nằm trên bàn tay nõn nà của một cô gái, bàn tay nhăn nheo của một cụ già, hoặc dưới cặp mắt sáng quắc của anh công nhân yêu đời. Một tờ báo Xuân tung ra khắp phố phường, thiên hạ đọc nói với sự vui buồn tùy theo giọng cảm xúc (!) Đôi người coi nó như món quà ngang với cái bánh món mứt, cục kẹo đường. Mấy ai hiểu sự khó khăn khổ cực của bàn tay làm ra nó. Từ là một cái “bóng” ấp ủ trong đầu con người văn nghệ, đến khi biến thành tờ báo Xuân thực sự, nó đã sống qua bao nhiêu trở lực? *** Từ tháng Mười âm lịch, tôi gởi thơ kêu gọi một số văn nghệ sĩ quen biết hợp sức làm một tờ báo Xuân “cho ra hồn”. Giữa thời kỳ khủng hoảng văn nghệ, muốn làm một tờ báo Xuân theo cái nghĩa lành mạnh của văn nghệ kể cũng khó. Mình tự nghĩ: “Có khó mới có thú”. Thế là tôi chạy rong kiếm anh em văn nghệ sĩ để nhắc bài, phác họa hình thức và nội dung tập báo Xuân. Phần đông góp ý kiến và khuyến khích: “Tôi mong tập báo Xuân của anh sẽ được độc giả hoan nghinh cũng như những báo Xuân danh tiếng nhứt thời tiền chiến”. Tôi thấy vui nhộn. Tự lạc quan: “Lần này, tờ báo Xuân của mình chào đời sẽ đánh dấu một cái gì?”. Tôi muốn nói một công trình văn chương nghệ thuật đấy. Bài vở lần lượt góp về, tôi tìm các bạn họa sĩ Nguyễn Văn Mười, Thế Chưởng và Tú Duyên giúp sức tô điểm cho từ cái hình, cái tựa đúng với cặp mắt “thẩm mỹ” của mọi người. Mỗi bài của văn nghệ sĩ trao đến, mỗi bức tranh của họa sĩ vừa ráo mực đưa ra, tôi tâng tiu như trứng mỏng. Qua tháng Mười Một, tôi đi tìm nhà in để giao cái bìa và cái “ruột”. Tôi chọn những nhà in danh tiếng nhứt như I.D.E.O và “Sông Gianh” giao công việc. Thú thật, khi bắt tay vào việc, tôi sống thuần bằng tình cảm, mà không nghĩ gì đến điều kiện vật chất. Con người cầm cái bút “mộng” nhiều hơn “thực”. Có khi hoàn toàn mộng chứ không thực chút nào. Phải đặt cọc trước hai phần ba giá tiền, nhà in mới ra được. Lời người quản lý khi tôi trao cái “đờ vi”[6] mười hai ngàn đồng, tiền in, tiền sắp chữ 8.000 tờ báo Xuân 24 trang, khuôn khổ 0,50 x 0,37. Tiền giấy: mười bốn ngàn đồng, cộng là hai mươi sáu ngàn. Cái bìa in sáu màu trên giấy láng phải trả hai mươi lăm ngàn nữa, vị chi năm mươi mốt ngàn đồng. Chưa kể tiền bài, tiền vẽ làm bản kẽm, đã tốn ngần ấy tiền. Dành dụm, vay mượn của bạn bè thân thích vỏn vẹn có hai chục ngàn, đào đâu ba chục ngàn nữa để chi phí cho tờ báo Xuân? Trong lúc nôn nả để làm, tôi không nghĩ phải có nhiều tiền tờ báo Xuân mới thành hình. Tiền bạc cũng có thể là trở lực để phát triển văn học nghệ thuật. Sự lạc quan buổi đầu mất mát đi nhiều. Tôi bắt đầu nghi ngờ do dự… Thiếu tiền, tờ báo Xuân thiếu điều kiện chào đời. Những lời phê bình ngây ngô văng vẳng qua tai “Năm nay cũng còn báo Xuân “nhảy dù” ra nhiều”. Người ta mang danh những tờ báo Xuân ra bất thường là “Xuân nhảy dù”! Người ta coi nó là “đứa con hoang” của vườn văn nghệ? Người ta có óc ngoan cố, nông nổi. Người ta không hề biết trong những tờ báo Xuân ấy đã ép những mảnh lòng, chứa đựng rất nhiều mồ hôi, sức lực của văn nghệ sĩ. Nhìn lại những tập bản thảo đã bày sẵn trên bàn. Mỗi tập bản thảo, một thứ giấy, một tuồng chữ, một ý nghĩ điển hình cho các trạng thái tâm lý, xã hội Việt Nam. Ngần ấy “hình ảnh” làm cho tôi xúc động, ngùi ngùi. Làm sao cho các đứa con tinh thần của một số văn nghệ sĩ được chào đời vào ngày đầu xuân nắng ấm này? Câu hỏi cứ vẩn vơ trong óc tôi mãi. Tôi nghiệm thấy cái triết lý sức mạnh của đồng tiền. Đồng tiền đối với cuộc đời tình cảm của con nhà văn nghệ không có nghĩa gì hết, nhưng đối với thực tế nó có giá trị mạnh. Trong giờ phút bâng khuâng này, tôi phải để tình cảm xuống để đưa tay tiếp nó. Một cặp rằng[7] phát báo đề nghị với tôi: “Tôi bằng lòng ký giao kèo cho anh mượn ba chục ngàn đồng với điều kiện: độc quyền phát hành hoa hồng bốn chục phần trăm tính vào tiền bán báo. Anh phải cam đoan khi bán báo lỗ sẽ làm giấy nợ kỳ hẹn trả góp hàng tháng, v.v…” Với tờ giao kèo này, quyền lợi của tôi mất rất nhiều. Hoa hồng báo Xuân thường lệ hai mươi lăm phần trăm, thế mà tôi phải trả thêm mười lăm phần trăm nữa. Với lại “đứa con tinh thần” của tôi phải giao đứt cho người khác sai khiến. Nghĩ mà tủi lòng! Nhưng tiền bạc là nhu cầu cấp bách cho tờ báo Xuân, thiếu thốn nó mọi công việc dở dang, tờ báo sẽ không bao giờ thấy ánh sáng nữa. Cuối cùng tôi phải ký tên vào giao kèo, nhận tiền của người cặp rằng phát báo (nhà văn nghệ đã gián tiếp đầu hàng nhà tư bản trước hoàng kim!) Có tiền rồi, mạch sống của tờ báo Xuân chuyển động. Nhưng trên thực tế, không phải tờ báo Xuân đã vượt qua mọi nỗi khó khăn. Còn trình bài vở cho ty kiểm duyệt, còn mọi công việc ấn loát, sắp chữ đóng thành tập, cắt bìa. Mỗi công việc đòi hỏi rất nhiều lao lực. Nhiều đêm, dưới ánh đèn dầu, một đám ấn công áo thun, quần đùi, đứng thẳng người bên những ô chữ có từng hộc vuông vức như những ô cờ, hoặc hộp thuốc chích to lớn. Họ cặm cụi làm việc, thỉnh thoảng có tiếng vỗ bành bạch của bát chữ sắp rồi quăng ra sửa lỗi. Lâu lâu có tiếng một người thợ lẩm bẩm đọc: “Xuân này là ba xuân, dân ta ăn Tết dưới cánh phi cơ, trong tiếng bom đạn gào thét…” Hoặc “Trước thềm năm mới ai ai cũng hy vọng được sống trong hòa bình, no cơm, áo ấm, gia đình đoàn tụ, tổ quốc vinh quang,v.v…” Đâu đấy, tiếng máy ì ầm nghe như sóng vỗ bờ xa. Những bàn tay đầy dầu mỡ của anh thợ máy nhẹ nâng những trang báo Xuân chạy rồi, lên tận đôi mắt gần như mờ đi vì thức đêm nhiều, để săn sóc những trang báo từ máy in nhả ra. Tất cả bao nhiêu người và tôi phải thức hằng bao nhiêu đêm để lo cho một tờ báo? Nhiều trang báo đã lên khuôn, vội phải phá “mi” để làm lại vì bài vở phải sửa đổi. Lúc đó chỉ nhờ bàn tay vén khéo của người thợ: Đục bỏ chỗ này đem bài kia dời qua, trám cái hình vô đây, để khi in ra không còn thấy dấu vết phá phách đổi dời. Trong một góc nhà in đầy bụi bậm, đầy mùi mực in, mùi chì nấu, có những thân hình cúi rạp bên ô chữ, có những cái lưng còng xuống trên bàn giấy để xem từng chữ, từng con số chằng chịt, ngổn ngang như bãi cát, hết đêm này qua đêm nọ. Bài vở vơi dần, bàn tay của người thợ cũng nhẹ dần nhưng cả thân thể nặng nhọc mệt đừ, tay chưn rã rời như người đau mới mạnh. Tờ lịch trên tường nhà in lép dần. Hôm ấy mùng Mười tháng Chạp. Mọi người thợ phải đem hết sức, sắp những trang báo cuối cùng. Họ chạy đua với thời gian, mà tôi cũng chạy đua với kim đồng hồ. Nào chờ những trang báo xem xét rồi, nào đến nhà in thúc hối cái bìa. Ruột gần xong mà vỏ chưa xong là chí nguy. Những trang báo bắt đầu xếp lại từng tập, chờ giờ ra sạp báo, ra mắt bạn bốn phương. Tờ báo Xuân của tôi hoàn thành. Chiều Mười sáu tháng Chạp, nó rời nhà in để “đi’ khắp phố phường. Tôi thấy nhẹ nhõm cả người như người khách phiêu lưu giũ áo phong sương khi về đến quê nhà nhìn đám con thơ ấu sởn sơ, chạy nhảy tung tăng dưới ánh nắng hồng. Nhưng cũng trong giờ phút đó, túi tôi nhẹ tợ cánh mai vàng. Bao nhiêu tiền bạc đã trút vào tờ báo Xuân. Tiền không còn để xài, Tết này tôi ăn Tết ở đâu? Chiều Hăm bảy, tôi đến nhà anh cặp rằng phát báo hỏi mượn hai trăm. Anh ta vắng mặt. Hai ngày sau cũng vắng luôn. Chiều Ba mươi, trời nhá nhem, tay dắt chiếc xe đạp cũ mèm có cột gói đồ, tôi lang thang trên đường Tân Thuận đi tìm nhà một người bạn. Rằm tháng Giêng tôi mới đến nhà anh cặp rằng để tính sổ báo Xuân. Báo ế trả về từng đống cao như… núi. Tính sổ: bán 4.500 tờ x 8 đ = 36.000 đ. Hoa hồng 40% = 14.400 đ – còn lại 21.600 đ. Tiền mượn trước: 30.000 đ. Tôi thiếu lại người cặp rằng 8.400 đ Số tiền này tôi phải biên giấy nợ. Sau mỗi khi bán một tác phẩm thì bị trừ tiền thiếu một phần, phần ấy tôi đã hy sinh cho tờ báo Xuân. Kỷ niệm này tôi nhớ mãi. Mỗi độ Tết về, tôi thấy những tờ báo Xuân chen chúc ở các nẻo đường, tôi trân trọng đón nó trên đôi bàn tay (dầu nó dở hay hay) vì tôi nghĩ khi nó thành hình là có bao nhiêu người đổ mồ hôi nước mắt và đổ nợ! Và trớ trêu tôi hỏi: “Làm tờ báo Xuân này, là tiền của anh hay vay mượn của ai?” Câu chuyện thi sĩ Tản Đà và cô Lucie Băng-đô Lão Tùng (Giai phẩm Xuân Thần Chung Tết Giáp Ngọ 1954) Nhớ độ ấy vào đêm trừ tịch (30 Tết) năm Đinh Mão (1925) thi sĩ Tản Đà vừa thôi tờ Annam Tạp Chí vào Nam, được ông Diệp Văn Kỳ mời vào trợ bút tờ Đông Pháp Thời Báo. Chiều hôm ấy thi sĩ đã mang chai rượu cô-nhát vào Gia Định kiếm tôi. Người quen tính phong lưu lãng mạn bao giờ cũng vẫn tính lãng mạn. Vừa bước vào cửa, thi sĩ đã cười ròn rã và nói: – Chúng mình đều bọn tha hương, lữ khách, đêm nay tôi và bác, chúng mình phải cùng nhau “trường dạ ẩm” (uống rượu suốt đêm) mới được. Tôi đang sửa soạn mở cuộc đánh “chén” thì cô Lucie Băng-đô từ ngoài xăm xăm vào. Lucie Băng-đô, có lẽ ở Sài Thành không mấy người không quen mặt biết danh. Hai mươi năm trước, Lucie một cành hoa biết nói mà hạng vương tôn công tử đều mến yêu và nàng cũng ham sống trong cảnh trận cười suốt đêm, cuộc say đầy tháng. Nhưng, Lucie có một tánh rất đặc biệt là ưa gần gũi các văn nhân thi sĩ để nghe những câu chuyện lý thú về văn chương. Đọc thi, văn Tản Đà lâu nay, Lucie thường hâm mộ nhà thi sĩ lãng mạn, tài hoa. Tình cờ gặp được Tản Đà hôm nay sau mấy lời của tôi giới thiệu. Lucie hiện trên nét mặt một vẻ sung sướng, tươi cười nàng nói: _ Chiều hôm nay, cháu định mang xe rước bác và anh Bùi Thế Mỹ đi Thủ Đức “nhậu nhẹt” chơi. Một sự ngẫu nhiên, lại được gặp Tản Đà tiên sanh, thật đời em lấy làm hân hạnh vô cùng. Sẵn đây, em xin mời tiên sanh đi chơi luôn. Nhân nghe tôi giới thiệu tánh tình Lucie hào hiệp, ưa thích văn thi, nên Tản Đà vui lòng nhận lời. Thế là ba chúng tôi cùng ra xe một lượt. Bước lên xe, không một ai không để mắt nhìn trân và có lẽ họ đều nín cười hai hạng người gặp nhau như hai thái cực! Một đàng thì một thiếu nữ trẻ trung phấn son diễm lệ. Tay xách bóp đầm, cổ choàng khăn sạc, đi giày cao gót. Còn một đàng thì khăn đen, áo dài lượt bượt, chân đi giày hàm ếch, người đều lão mạn gần 50 xuân thu! Nhưng cả hai bên đều tự nhiên như quên hẳn cả hình thức. Tản Đà bấy giờ chưa có hơi men, nên vẫn còn giữ lễ độ. Ngồi trên xe, hình như nhà thi sĩ đã ngấm ngầm cao hứng và thỉnh thoảng đưa mắt liếc trộm giai nhân. Đầu gục gặc như đã trong lòng những câu tình tứ. Xe chậm chậm quay ra Sài Gòn, rước thêm một nhà văn thanh niên lãng mạn Bùi Thế Mỹ. Có Bùi Thế Mỹ, chúng tôi có phần đỡ ngượng khi đi qua các nơi đông người. Lucie lại đỗ xe trước chợ Sài Gòn. Nàng thân hành vào chợ, mua thêm nào gà quay, xúc xích, đồ hộp và bom, lê, táo, nho. Nàng không quên mua thêm hai chai cô-nhát, hai chai sâm-banh và một chai Rôm. Dọc đường, Lucie nói một câu lý thú và chan chứa bao nhiêu cảm tình: – Thưa các tiên sanh, em tổ chức du xuân trước thiên hạ, vì hôm nay, Thủ Đức không như các đêm thường. Trong lúc cả muôn ngàn người đang bận rộn lo gà vịt, nhang đèn cúng quảy, có ai rảnh đi Thủ Đức ăn nem? Ấy là Thủ Đức riêng để dành cho chúng mình hôm nay chiếm độc quyền du thưởng, thanh nhã vô cùng. Bởi nghĩ thế, nên em lựa ngày hôm nay để biệt đãi quý ngài văn nhơn thi sĩ. Quả như lời nói của Lucie tiên đoán. Khi xe đậu trước nhà hàng Thủ Đức, đèn vẫn sáng mà khách vắng hoe! Nếu không có bốn chúng tôi đêm ấy, thì nhà hàng Thủ Đức cơ hồ như một cảnh chùa hoang vắng. Nem là thực phẩm đầu tiên. Chúng tôi mỗi người đều an vị thì nem bóc ra, rượu khui ra, máy hát từ từ vặn lên, những bản cô đầu xen lẫn bản vọng cổ. Lucie bảo vặn những đĩa hát ấy có ý nghĩa dung hòa Nam Bắc một nhà. Thi sĩ Tản Đà giờ phút này, con ma men hơi thấm, nên thi sĩ cất giọng lên ngâm những bài “hát xẩm” mà thi sĩ cho là giai tác: “Nước trong xanh, lơ lửng cái con cá vàng Cây ngô cành bích, cái con phượng hoàng nó đậu cao Tiếc thân em, như cánh hoa đào Ham cái đồng bạc trắng, em tựa vào cái ông Tây đen” Cử tọa đều vỗ tay. Thi sĩ càng thêm cao hứng gật đầu không ngớt. Giữa lúc mọi người đang ngà ngà, Lucie giới thiệu đi chơi thêm cảnh Gò Xoài nữa. Nàng nói: Gò Xoài cách Thủ Đức không xa mấy, nhưng thường ngày có vẻ thanh tịnh hơn, nhứt là suối Gò Xoài trong và đẹp lắm. Mọi người đều hoan nghinh. Chúng tôi cũng hôm nay mới được biết Gò Xoài lần thứ nhứt. Lên Gò Xoài, giờ ấy mới lối 12 giờ đêm. Ở đây, Lucie lại tổ chức tiệc cháo gà đổi món. Chúng tôi dạo quanh trên nguồn suối Gò Xoài, trở về nhà hàng Gò Xoài, lại say một tiệc nữa, mãi đến ba giờ sáng mới ra về. Trước khi từ biệt Gò Xoài, Thủ Đức, Lucie xin thi sĩ Tản Đà một bài thi để kỷ niệm cuộc thi trừ tịch đêm nay. Thi sĩ hứa sẽ biếu bài thi ấy một hôm sau, nhưng đêm nay thi sĩ xin vịnh hai câu “tục Kiều” để kỷ niệm. Tản Đà vừa bước lên xe vừa ngâm: “Chén vui nhớ buổi hôm nay, Càng yêu vì nết, càng say vì tình” Thi sĩ vừa cười vừa yêu cầu Lucie tục một câu khác. Khen cho Lucie lanh thật, nàng tục một câu khác liền: “Chén vui nhớ buổi hôm nay, Biết rằng mai có như rày cho chăng?” Phải chăng câu “sấm ngữ” đó mà thành sự thật. Thì từ đó về sau, Tản Đà trở về Bắc, Lucie cũng trụy lạc lần. Từ trụy lạc đến tàn tạ, tuyết sương ngày một hao mòn mình ve. Mãi đến mười năm sau, thi sĩ Tản Đà qua đời, Lucie ở trong Nam phiêu lưu, vất vả, đến nỗi vương tôn, quý khách phải tránh xa. Tôi tình cờ được gặp nàng nằm queo trong một tiệm công-yên, mặt võ, mình gầy, không còn nhìn ra Lucie hai mươi năm trước được nữa. Hồi tưởng cuộc đời của nàng trong một thời oanh liệt mà ngày nay... thảm thay! Nhưng, mỗi năm đến chiều hôm 30 Tết, tôi không khỏi động lòng nhớ đến người ấy năm xưa! Hoa Xuân Lữ Thứ Ấ (Báo Ánh Sáng Xuân Ất Mùi 1955) Tôi gặp cô một buổi chiều xuân Một buổi chiều nồng thắm ái ân. Thế Lữ Chiều hôm ấy, anh Hoàn Bích và tôi đi thăm mộ ông Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương về. Mưa phùn lấm tấm. Xuống ô tô buýt, chúng tôi còn phải đi chân một quãng đường mới đến khách sạn Lan Đình, nơi chúng tôi trọ. Loanh quanh thế nào, chúng tôi lạc lối. Mưa vẫn cứ rơi. Chúng tôi rủ nhau vào hiên của những hiệu buôn bên đường để chờ mưa tạnh. Đang buồn vì ngày xuân mà hai chúng tôi còn lang bạt xứ người và ngậm ngùi vì cái cảm giác vừa qua: tiếc thương người anh hùng họ Phạm của nước Việt phải bỏ mình ở đất khách, thì có người thiếu nữ từ ngoài phố tất tả chạy vào đứng cạnh chúng tôi cũng để tránh mưa làm cho chúng tôi chú ý. Thiếu nữ trẻ đẹp, vẻ ngây thơ. Nàng mặc chiếc áo tím màu hoa cà, ngoài khoác chiếc áo tơi nylon màu xanh lá cây. Anh Hoàn Bích vốn tính vui vẻ, thích làm quen, ưa gợi chuyện trên bước đường phiêu lưu, vồ lấy cơ hội. Anh hỏi thăm thiếu nữ bằng tiếng Quảng Đông mà anh vừa học được từ lúc bước chân lên đất Tàu: - Thưa cô, không biết từ đây về khách sạn Lan Đình cạnh Ái Quần lữ điếm phải đi lối nào cô nhỉ? Người thiếu nữ đáp lại, cũng bằng tiếng Tàu: – Thưa... đi lối này, lối này... Vừa nói, thiếu nữ mỉm cười đưa tay chỉ cho bạn tôi hướng của lối đi. Bạn tôi mừng rỡ vì thấy thiếu nữ không lãnh đạm, nên hỏi dồn: – Có xa không hở cô? Giọng nói không Tàu chút nào và phải tìm nhớ từng tiếng một để chắp thành câu làm cho thiếu nữ tươi cười hỏi, và lần này hỏi bằng tiếng Việt, giọng Bắc: – Hai ông là người Sài Gòn? Bạn tôi ngớ ngẩn, trố đôi mắt tròn xoe, liếc nhìn tôi, rồi lại nhìn thiếu nữ, ấp úng đáp bằng tiếng Việt, giọng Sài Gòn: – Dạ phải, chúng tôi là người Sài Gòn! Rồi bạn tôi hỏi luôn: – Cô không phải người Tàu sao? Trời ơi! Vậy mà chúng tôi cứ tưởng cô là người Tàu. Thế cô là người Bắc? – Vâng, tôi là người Bắc… ... Thế rồi câu hỏi qua, câu đáp lại, cái cảnh xứ lạ gặp người cùng nước khiến cho ba người chúng tôi trở nên thân mật ngay từ buổi chiều ấy đến ngày bạn tôi và tôi lìa đất Quảng Châu, mang theo trong cuộn phim của chiếc máy ảnh, hình ảnh của người thiếu nữ Việt Nam trôi dạt ở đất Tàu, và trong lòng, mẩu chuyện tâm tình của nàng kể: “Nàng tên M..., họ H... quê ở Nam Định. Năm 1945 khi quân đội Tàu của tướng Lư Hán đến giải giới quân Nhật ở Bắc Việt, nàng bị một quan Tàu cưỡng bách bắt về làm vợ. Dưới cái áp lực của kẻ mạnh thời bấy giờ, nàng buộc lòng đánh liều theo số mệnh. Đến năm 1946, quan Tàu ấy về nước, mang nàng theo. Chừng đến quê hương chồng, nàng mới hay chồng nàng đã có vợ, có con. Thế là sau những ngày cơ cực sống trong cảnh đọa đày của người vợ lẽ, nàng quả quyết khăn gói ra đi. Từ Thượng Hải, xuống Hương Cảng, nàng lần dò về đến Quảng Châu. Hết tiền lộ phí và lúc bấy giờ ở Việt Nam đánh nhau ráo riết, nàng thấy chưa tiện hồi hương nên đành lưu lại đấy, tìm được việc làm “nữ chiêu đãi” ở hiệu giải khát Diamond to nhất của Quảng Đông để chờ cơ hội…”. ... Nhưng nay đã tám chín năm qua rồi. Cuộc đời nàng ra sao? Đã về nước hay còn lận đận viễn phương? Và nhân dịp xuân về, để kỷ niệm buổi chiều xuân gặp gỡ ấy, chúng tôi xin mạn phép phô bày ảnh nàng lên mặt báo để gửi một ít nhớ nhung của người giang hồ được về nước cho người giang hồ biết đâu còn lang bạt ở trời xa?” Đêm 30 Tết thi-sĩ biến thành “du côn” vào bót ăn Tết Bang Gia (Giai phẩm Xuân Đời Mới Tết Ất Mùi 1955) """