" Sách Xã Hội Việt Nam Thời Lê Nguyễn Đã Sai Thế Nào? - Tô Như full mobi pdf epub azw3 [Tham Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sách Xã Hội Việt Nam Thời Lê Nguyễn Đã Sai Thế Nào? - Tô Như full mobi pdf epub azw3 [Tham Khảo] Ebooks Nhóm Zalo PHÊ BÌNH SÁCH XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÊ-NGUYỄN (CỦA TÁC GIẢ LÊ NGUYỄN) ...SỰ BẤT ĐẮC DĨ Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn là cuốn sách gồm 30 bài của tác giả Lê Nguyễn được xuất bản đầu năm 2021. Lê Nguyễn là một cái tên khá quen thuộc với độc giả yêu thích tìm hiểu lịch sử với một số đầu sách dịch, sách tự viết và nhiều bài báo. Tình cờ, tôi đọc được bài viết của tác giả Lê Nguyễn về Lịch sử pháp luật Việt Nam cuối năm 2020, và thấy ông đã viết sai, hiểu sai rất nhiều về lịch sử. Tôi đã đăng trên trang facebook cá nhân ba bài “Lịch sử Hình luật từ Lý tới Lê”, “về việc Chúa Trịnh Tạc bỏ phép dùng tiền chuộc tội” ngày 13/12/2020 và “Đôi điều về Hoàng Việt luật lệ và Hình luật đời Nguyễn” ngày 14/12/2020. Nội dung tuy không nhắc tới đích danh tác giả Lê Nguyễn cũng như bài viết của ông, nhưng có chỉ ra một số điểm không chuẩn xác mà Lê Nguyễn đã nhận định. Giả như nội dung bài viết có đến được tay tác giả Lê Nguyễn, để ông tự biết mà sửa các nội dung bài viết của mình thì thực quý báu. Tôi không phải bạn bè của tác giả, nên cũng ngại không muốn đường đột mời ông Lê Nguyễn đọc bài ấy. Bẵng đi một thời gian bận việc riêng và tiếp đó là Tết Nguyên đán nên tôi không dành sự quan tâm cho những gì ông Lê Nguyễn viết lách nữa. Sau đó, tôi lại đọc được loạt bài trích trong cuốn sách này được đăng trên báo Thanh Niên (tháng Hai năm 2021) trong mục Khảo cứu, bao gồm “Những khám phá thú vị trong Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn”; “Tiết lộ về hoạn quan thời Lê - Nguyễn và chuyện bí mật danh tướng Lý Thường Kiệt”; “Thái giám và những chuyện ‘thâm cung bí sử’ trong cung cấm ít ai biết”. Tôi thực sự hoảng hốt bởi không biết từ bao giờ, người ta có thể nghiên cứu và cho ra đời những bài viết, những cuốn sách sai nhiều đến vậy. Thời điểm này, tôi có viết trên trang facebook cá nhân phân tích các lỗi sai trong loạt bài viết này như “Thái giám không phải hoạn quan”, “Thường thị không phải hoạn quan”, “Hoạn quan Trung Hoa và Đại Việt”, “Tế giao”,... Không biết những bài viết của tôi có lọt vào mắt ông Lê Nguyễn hay không, vì trước đó ông đã block nick facebook của tôi, sau khi tôi dại dột đường đột vào trang facebook của Lê Nguyễn và chỉ ra các lỗi sai của một bài viết liên quan tới Quang Trung và Gia Long. Đầu tháng Tư năm nay, biết tôi thích đọc sử nên một người bạn có nhã ý gửi tặng tôi cuốn Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn. Mặc dù đã biết trước không nên kỳ vọng vào chất lượng của cuốn sách này, nhưng tôi vẫn đọc hết nó. Và một lần nữa, tôi thất vọng vì cuốn sách, thất vọng vì tác giả, và thất vọng về cả các đơn vị xuất bản đã đỡ đẻ cho nó. Thực sự đây là một cuốn sách tồi, xét cả về phương diện truyền tải kiến thức và phương pháp khoa học. Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn là cuốn sách khổ to, dày 350 trang, giá là 179k, gồm 30 bài của tác giả Lê Nguyễn. Cuốn sách này đặt tựa rất kêu, viết về Xã hội Việt Nam (tác giả còn có một cuốn sách khác đặt tựa tương tự: Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc), tựa sách này khiến tôi liên tưởng tới cuốn khảo cứu nổi tiếng Xã hội Việt Nam của cố tác giả Lương Đức Thiệp, ra đời năm 1943, đó là một tác phẩm bao quát cả lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, gồm cả phong tục tập quán, kiến trúc, tiếng nói... Vì vậy tôi có chút sốc khi đọc mục lục (in đầu sách), bởi tiêu đề của các bài viết hầu như chẳng liên quan gì tới xã hội rộng cả, có chăng là chút ít pháp luật, một chút về học hành thi cử, một chút về đê điều, một chút về khai khoáng. Xã hội Việt Nam mà tác giả Lê Nguyễn định danh là một xã hội dành cho tầng lớp thống trị, đó là vua, hoàng tộc, triều đình, quan lại... Tóm lại, đây là một cách đặt tựa đề khống, chắc là để thu hút độc giả. Đọc lời nói đầu của tác giả, tôi lại sốc lần hai khi tác giả nhấn mạnh: “Bên cạnh những tìm tòi và trình bày các điều mới lạ trong tư liệu lịch sử, tập sách này còn chú trọng đến sự dẫn nguồn các tư liệu tham khảo - một yếu tố không thể thiếu trong thể loại biên khảo...” Xin lỗi tác giả, viết như vậy có phải là các cuốn khảo cứu trước của ông không hề có dẫn nguồn tư liệu? Từ khi nào một việc quá bình thường trong việc viết lách như “dẫn nguồn” lại được nhấn mạnh như một sự mới mẻ và cố gắng của người viết vậy? Và khi đọc xong cuốn sách, thì hóa ra chính vấn đề này lại sẽ trở thành một vấn nạn đối với tác giả và cuốn sách, sẽ có bài viết sau. Quá chán nản với chất lượng sách, tôi quyết định sẽ làm một loạt bài với nội dung “Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn đã sai như thế nào?” và đăng trên trang facebook cá nhân. Trong ba ngày liên tiếp, từ mùng 3 đến mùng 5 tháng Tư, tôi đăng ba bài phân tích chi tiết các sai lầm tại ba bài tương ứng trong sách. Sau khi đăng ba bài này, tài khoản facebook của tôi bị report và bị facebook khóa tài khoản. Tôi hiểu rằng có một thế lực nào đó muốn bịt miệng, không cho tôi lên tiếng để chỉ ra các sai lầm mang tính hệ thống của tác giả Lê Nguyễn. Vì vậy song song với việc khiếu nại đòi lại tài khoản facebook, tôi dùng page Mật ngữ nhà Tô để đăng lại các bài trên và tuyên bố sẽ viết một cuốn sách (ebook) để chỉ ra chi tiết các lỗi sai trong ít nhất 15 bài của tác giả Lê Nguyễn. Ngay sau khi đăng tin, tài khoản quản trị page của tôi bị khóa vĩnh viễn, hôm sau thì page cũng bị facebook khóa nốt. Rất may mắn là tài khoản cá nhân của tôi đã được mở lại. Tôi từng có lần nói rằng, hàm lượng kiến thức trong một bài bóc lỗi chỉ bằng một phần nhỏ bài tự viết. Tức là cùng khoảng thời gian bóc lỗi, tôi có thể cho ra đời một bài viết chỉn chu và ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, tôi tôn trọng công sức mà tác giả Lê Nguyễn đã dựng nên khung sườn cho cuốn sách, và hoàn toàn không có ý viết lại dựa trên đó. Nhưng với chất lượng kém cỏi của Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn, mặc dù bất đắc dĩ, việc cần làm thì tôi phải làm thôi. Tôi không chấp nhận được cách làm ẩu tả, đưa một cuốn sách đầy rẫy kiến thức sai lầm ra thị trường, khiến độc giả (phần vì quá tin vào danh tiếng tác giả) mà hiểu sai đi lịch sử của nước nhà. Vả lại, mỗi lần đọc và chỉ ra lỗi cũng đồng thời là củng cố lại kiến thức cho bản thân. Việc ấy không thừa. Chính vì vậy, như đã hứa, cuốn sách này được ra đời và gửi tới bạn bè tôi cùng các độc giả yêu thích lịch sử. Nó hoàn toàn miễn phí, toàn bộ số tiền độc giả đã ủng hộ tôi trong giai đoạn trước, tôi trân trọng và kính chuyển tới Làng trẻ em SOS là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. PHÀM LỆ Mỗi chương trong sách này sẽ tương ứng với một bài trong sách Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn, và để cuốn sách truyền tải hàm lượng kiến thức cao hơn, ngoài việc chỉ ra các lỗi sai, tôi sẽ cố gắng, trong giới hạn kiến thức của mình, nêu ra “nếu chỗ đó sai thì thế nào là đúng”. Mỗi chương trong sách ban đầu tôi dự định chia làm ba phần: 1. Những điều chưa ổn: Tức là những điểm không quá sai hoặc những thứ cần điều chỉnh. 2. Những điều chưa đúng: Tức là những thông tin sai, cách làm sai của tác giả. 3. Tiểu kết: Tức kết luận ngắn gọn của tôi về mỗi bài viết. Sau đó, tôi chợt nghĩ rằng để cuốn sách này có ích hơn, tôi bổ sung thêm một phần “Nếu là tôi” vào một số chương, nghĩa là nếu thực hiện nghiên cứu/viết bài về chủ đề này thì bản thân tôi sẽ viết những gì và dựa vào đâu. Phần này chỉ là ý tưởng khung, hy vọng là nó có ích cho độc giả hoặc những người muốn thử sức viết lách. Như vậy, trừ các chương ngắn, thì mỗi chương sẽ gồm bốn phần: Những điều chưa ổn; Những điều chưa đúng; Nếu là tôi; và Tiểu kết. Bốn phần chính này được đánh số La Mã I, II, III,... trong mỗi phần lại chia thành từng mục nhỏ tương ứng với mỗi lỗi sai, các mục này được đánh số 1, 2, 3,... để độc giả tiện theo dõi. Về thể lệ dẫn nguồn, ngoài tên sách viết tắt cho ngắn gọn (như bảng bên dưới), thì thay vì dẫn số trang của sách in như cách làm chuẩn chỉ nhưng hơi mất thời gian, vả lại các tài liệu sử dụng hầu hết được tái bản nhiều lần và có bản ebook, nên để tránh việc khó khăn khi phải tìm chính xác bản in tài liệu để dò trang, tôi xin phép chỉ dẫn tên sách, số quyển và năm xảy ra sự kiện (độc giả không hài lòng về cách làm này thì tôi đành xin cáo lỗi trước). Phần đa sử sách nước ta là dạng biên niên, khi đã biết số năm thì dễ dàng tìm được nguyên văn sự kiện. Tôi cũng sẽ cố gắng mỗi khi trích dẫn thì sẽ sử dụng nguyên văn nội dung của tài liệu, để đảm bảo thông tin nguồn được bảo lưu tốt nhất, tránh các suy diễn ngữ nghĩa cá nhân. Danh mục chữ viết tắt LN Tác giả Lê Nguyễn XHVNTLN Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn B.A.V.H Tập san Những người bạn cố đô Huế Cương mục Khâm định Việt sử thông giám cương mục Hoàng Lê Hoàng Lê nhất thống chí Liệt truyện Đại Nam liệt truyện Loại chí Lịch triều hiến chương loại chí Thực lục Đại Nam thực lục Tiền biên Đại Việt sử ký Tiền biên Toàn thư Đại Việt sử ký Toàn thư TTL Trước Tây lịch BÀI 1 - HÌNH LUẬT VIỆT NAM QUA CÁC CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ Đây là bài đầu tiên trong sách, viết về nội dung lịch sử hình luật Việt Nam. Công bằng mà nói, đây là bài tốt nhất trong XHVNTLN với phần viết về thời Lê đầy đặn hơn hẳn các bài sau. Tức là về bố cục bài viết là ở mức trung bình khá. Tôi đã đọc Loại chí mục “Hình luật chí”, và mục đó đã viết quá tốt, quá chi tiết. Tôi biết rằng LN đã rất may mắn khi kế thừa từ những kết quả khảo cứu của Phan Huy Chú. Mặc dầu có bố cục khá, nhưng bài viết của LN lại tồn tại quá nhiều điểm bất ổn, tỷ như những mốc lịch sử hình pháp quan trọng không được nhắc tới, một số bộ luật không được kể ra, và không ít sự kiện mà tác giả viết không đúng. I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Luật nhà Đinh LN viết: “Nhà Đinh tiếp nối nhà Ngô đã ban hành những điều luật hết sức nghiêm khắc để trừng trị kẻ phạm tội như bỏ vào vạc dầu sôi, thả vào chuồng thú cho cọp xé xác.” Viết như vậy là chưa chính xác, Toàn thư viết: “Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: ‘Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn.’” Như vậy đây là mệnh lệnh mang tính răn đe của vua chứ không phải làm thành luật. 2. Dẫn nguồn thứ cấp LN viết: “Sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1782-1840) đã viết về Hình thư như sau: “Buổi đầu, trong việc hình ngục, kiện cáo phiền nhiễu, pháp quan câu nệ luật văn, chuộng sự nghiêm khắc, phần nhiều oan uổng sai phạm...” Trích dẫn không sai, nhưng thông tin của Loại chí là chép lại từ Toàn thư. LN đã bỏ qua nguồn trực tiếp để dẫn từ nguồn thứ cấp, một cách làm hơi dở. Không chỉ ở chi tiết này mà một loạt các đoạn dẫn trong bài từ Loại chí cũng vậy. Hoặc “24 điều luật phổ biến trong dân” được LN dẫn nguồn trong Việt Nam sử lược thì có nguồn trực tiếp là Thiên Nam dư hạ tập. 3. Không nhắc tới bộ luật triều nhà Hồ Năm 1402, “Hán Thương định quan chế và hình luật nước Đại Ngu” (Toàn thư, Hồ, 1402). 4. Không nhắc tới bộ Luật thư thời Lê sơ Loại chí - Văn tịch chí khi nhắc tới thư tịch cổ Đại Việt có chép vê bộ Luật thư, gồm 6 quyển do Nguyễn Trãi sửa định khoảng niên hiệu Đại Bảo (1440-1442) đời vua Lê Thái tông. Tuy không biết nội dung, như từ cái tên sách ta biết rằng đó là một bộ hình luật ra đời rất sớm ở thời Lê sơ. 5. Không nhắc tới Bát nghị Bát nghị là một điều cực kỳ quan trọng với hình pháp từ thời Lê trở về sau. Người phạm pháp thuộc diện Bát nghị sẽ được miễn trừ hoặc giảm nhẹ hình phạt. 6. Không nhắc tới bộ Quốc triều điều luật thời Lê Trung hưng Loại chí - Văn tịch chí cho biết bộ này gồm 6 quyển, sửa định và ấn hành ở năm Cảnh Hưng thứ 38, “Đại khái theo luật cũ đời Hồng Đức thời quốc sơ”. 7. Không nhắc tới việc xử kiện và phúc thẩm ở các triều đại Việc này khác đáng tiếc vì lịch sử pháp luật nước ta, các thời Lý, Trần, Lê sơ đều nhắc tới việc vua hoặc tể tướng đích thân xử kiện. 8. Không nhắc tới bộ luật đầu tiên của nhà Nguyễn Trước bộ Hoàng Việt luật lệ do Nguyễn Văn Thành làm tổng tài soạn, vua Gia Long đã từng định ra 15 điều luật lệ để xử kiện. Thực lục chép: “Mùa thu tháng Bảy... Định điều lệ kiện tụng. Sai đình thần tham chước hình luật đời Lê Hồng Đức (niên hiệu của Thánh Tông), định làm 15 điều...” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1802). 9. Không nhắc tới thu thẩm Thu thẩm được biết tới như một kỳ phúc thẩm mỗi năm một lần với các tội tử hình, được lập ra ở thời nhà Nguyễn. Tới mùa thu, bộ Hình dâng danh sách các phạm nhân phải tội chết nhưng được cho “giam hậu” (giam lại chờ qua kỳ Thu thẩm). Vua sẽ xem kỹ từng trường hợp để ra quyết định phạm nhân nào đáng xử tử ngay, phạm nhân nào có thể được khoan hồng. Đây là một nét đẹp trong hình pháp nước ta, không nhắc tới thì thực đáng tiếc. 10. Tam ban triều điển Đây không phải là luật, hoàn toàn không liên quan tới hình pháp. Không hiểu sao LN lại đưa vào nội dung bài viết. 11. Trống Đăng văn Đánh trống kêu oan đã trở thành một thành ngữ của Việt Nam, liên quan đến việc khiếu kiện, luật pháp. Tiếc là LN đã không nhắc tới trong bài viết của mình. II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Bộ luật sớm nhất LN viết: “Vào thời Trưng vương (thế kỷ thứ nhất), một đoạn văn trong sách Hậu Hán thư của Trung Quốc chứng tỏ rằng người Việt đã có một nền tảng pháp luật riêng biệt...” Thực ra thì từ thời Nam Việt vương của họ Triệu thì nước Nam Việt đã có hình pháp rồi. Thời Ai vương, vua và Thái hậu xin nội phụ nhà Hán, bởi vậy “bỏ hình phạt cũ thích chữ, cắt mũi, dùng pháp luật nhà Hán như các nội chư hầu” (Toàn thư, Ngoại kỷ, 112 TTL). 2. Quốc triều hình luật LN viết: “Năm 1230, nhà Trần cho soạn sách Quốc triều hình luật”. Thông tin này không đúng, thực chất năm 1230, nhà Trần “khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thông chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển” (Toàn thư, Trần, 1230). 3. Tội chặt bàn tay LN viết: “[Luật của Lê Thái tổ] đánh bạc thì chặt bàn tay 5 phân, đánh cờ thì chặt bàn tay 2 phân” Không rõ LN căn cứ sách nào để viết, và ông có suy nghĩ về những thứ mình chép không, ví dụ bàn tay mà chặt 5 phân thì nghĩa là gì? Tôi ước tính 5 phân thì phải cỡ nữa lòng bàn tay rồi, chặt mất thì còn gì là bàn tay nữa? Ở đây là chặt đốt ngón tay, tội đánh bạc chặt 5 đốt, tội đánh cờ chặt 2 đốt. 4. Xao lãng luật lệ LN viết: “...họ Trịnh ở phương bắc và họ Nguyễn ở phương nam bận đối phó nhau nên xao lãng việc củng cố sinh hoạt xã hội thông qua luật lệ.” Không biết LN dựa trên nghiên cứu nào mà đưa ra kết luận như vậy. Thời Lê Trung hưng có rất nhiều lần thay đổi, bổ sung luật, đặc biệt liên quan tới quy trình xử kiện. Loại chí ghi nhận các năm 1654, 1659, 1665, 1674, 1676, 1687, 1694, 1717, 1718, 1719, 1721, 1729, 1734, 1777, triều đình có các điều chỉnh về việc xét xử kiện tụng. Ngoài ra, Lê Trung hưng cũng là triều đại ban hành nhiều sách về hình luật nhất từ trước đến giờ, có thể kể tới Quốc triều điều luật (1777), Khám tụng điều lệ (1778). 5. Chúa Trịnh Tạc bỏ phép dùng tiền chuộc tội LN viết: “Đến đời chúa Trịnh Tạc (1657-1682), quy định về việc dùng tiền chuộc tội bị bãi bỏ”. Điều này là sai. Nội dung thay đổi luật năm 1663 chỉ là “những phạm nhân nào không được dự vào bát nghị, đều phải theo hình luật đã luận tội nặng hay nhẹ mà thi hành, không được phép chuộc” (Cương mục, quyển 33, 1663). Nghĩa là không bỏ hoàn toàn lệ dùng tiền chuộc tội mà là giới hạn phạm đối tượng được chuộc tội. Các đời chúa sau, sử nhiều lần chép về việc cho chuộc tội này, có thể liệt kê như sau: - Năm 1669, sử chép việc chúa muốn làm chính sự trở nên tốt đẹp hơn, liền ra 18 điều, trong đó có “Các thứ tiền chuộc tội và tiền phạt mà chưa thu được tiền tha miễn cả” (Toàn thư, Lê, 1669). - Năm 1732, vì trong nước nhiều giặc giã nên triều đình muốn thi hành ân xá để phụ dụ dân, hạ lệnh “phần thuế tô và dung đều được xá cho hai phần mười; Thanh và Nghệ về tiền nhà trạm và tiền cửa đình; tứ trấn và ngoại trấn về tiền nộp để chuộc tội còn bỏ thiếu chưa nộp; đều được miễn xá” (Cương mục, q38, 1732). - Đến thời chúa Trịnh Doanh, năm 1752, Phạm Đình Trọng trình bày bốn mối tệ với chúa, trong đó có “Thu tiền phạt chuộc tội thêm làm nhiễu dân” (Cương mục, q41, 1752) - Năm 1758, vì hạn hán mất mùa nên triều đình lại “miễn tiền gia tô và tiền chuộc tội còn bỏ thiếu từ lâu” (Cương mục, q42, 1758). - Năm 1764, chúa đặt các chức quan ở mỗi phủ để thu thuế và “tiền nộp chuộc tội còn thiếu lại” (Cương mục, q42, 1764). - Đời chúa Trịnh Sâm, năm 1767, chúa lên ngôi nên muốn lấy lòng dân, bèn “tha tiền thuế thiếu từ các năm trước và tiền chuộc tội” (Cương mục, quyển 43, 1767). Nghĩa là luật pháp vẫn đang cho phép người có tội được chuộc bằng tiền. Việc tiếp tục cho dùng tiền chuộc tội còn được ghi rõ trong Loại chí: “Huyền Tông, năm cảnh Trị thứ 3 [1665], định lệ tạ phạt trong việc xử kiện: về án lớn mà xử không đúng thì xử biếm 1 tư, cho nộp tiền chuộc như sau: nhất phẩm chuộc 100 quan, nhị phẩm 75 quan, tam phẩm 50 quan, tứ phẩm 30 quan, ngũ phẩm 25 quan, luc thất phẩm 20 quan, bát cửu phẩm 15 quan; về án nhỏ mà xử không đúng thì xử phạt: xã trưởng và phủ huyện 5 quan, Thừa [ty], Hiến [ty], Đề lĩnh, Trấn thủ, Cai đạo 15 quan, Ngự sử [đài] 20 quan.” 6. Bộ luật Gia Long ra đời năm nào? LN viết: “Tháng 7 AL năm 1812, bộ luật hoàn tất gồm 22 quyển, cộng 398 điều”. Viết vậy không quá sai, nhưng vô nghĩa, bởi vì phải tới năm 1815 thì bộ luật này mới được khắc in và ban sách ấy cho ra khắp cả nước và quy định “Từ nay xét xử ngục tụng, hết thảy y theo luật điều mới ban, không được trái vượt” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1815) 7. Bộ luật nhà Nguyễn thay đổi không đáng kể LN viết: “Đến các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, có một số thay đổi không đáng kể trong bộ Hoàng Việt luật lệ như chỉ dụ về tài sản của người vô tự (không con) hoặc chỉ dụ về khế ước điểm mại (bán đợ) và khế ước đoạn mại (bán đứt) vào năm 1839...” Không rõ LN căn cứ vào đâu để kết luận bừa như vậy. Cũng như các bộ Hình luật những triều đại trước, nghĩa là một bộ luật ra đời nhưng không hề bất biến. Nó luôn được sửa đổi và bổ sung để hợp với các điều kiện xã hội. Triều Nguyễn cũng như vậy, Hoàng Việt luật lệ được bổ sung và ngoài các luật lệ trong sách ra thì còn có các nghị định được ban hành dưới các đời vua sau. Nghị định đã trở nên một thành phần quan trọng của luật pháp mà triều đình luôn đề cập, sử dụng khi xem xét án tụng hoặc rà soát luật lệ. Từ nghị định, triều đình sẽ thêm thành các điều luật bổ sung. Điển hình như Quốc triều chính biên toát yếu viết về việc vua Tự Đức nghe trong dân có tục đua nhau ăn mặc xa xỉ, lễ hôn chưa đúng, liền truyền bộ Lễ xem xét và bàn định. Thế rồi “bộ Lễ lấy luật lệ và nghị định trong năm Minh Mạng thứ 8 và 19 tâu lên...” Như vậy Toát yếu đã để lại một đầu mối khá rõ ràng về việc vua Minh Mạng có đặt thêm luật lệ và nghị định. Lần giở Đại Nam thực lục Đệ nhị kỷ, ta sẽ thấy thời Minh Mạng từng có một lần bổ sung lớn Hình luật. Đó là Chín điều luật phạm gian. Năm Minh Mạng thứ 8, vua dụ bộ Hình rằng các điều luật “Phạm gian mà hòa gian và điêu gian” xử trượng quá nhẹ, nên muốn đình thần đặt luật nặng thêm. Kết quả là Chín điều luật được bổ sung và cho thi hành ngày trong tháng Bảy năm đó. Trong đó, hình phạt cao nhất đẩy lên mức xử chém bêu đầu, xử giảo. Các điều luật này về sau được gọi là các nghị định năm Minh Mạng thứ 8. Sang tới thời vua Tự Đức, năm thứ 28, vua tiếp tục cho đình thần bàn nghị để biên vào luật, “tra luật lệ phạm gian gồm 34 điều, châm chước định khoản nào theo luật, khoản nào theo lệ, lần lượt kê ra tâu lên chờ chỉ quyết định. Trong đó có 21 điều theo nghị Minh Mệnh năm thứ 8; 2 điều theo nghị Tự Đức năm thứ 10. Còn thì đều theo luật lệ cũ mà làm.” Vua y cho (Thực lục, đệ tứ kỷ). Về nghị định năm Minh Mạng thứ 19, nó được nhắc lại ở thời vua Thiệu Trị, về thể lệ quan viên cao cấp để tang. Như vậy có lẽ nội dung nghị định liên quan tới lời tâu của bộ Lại về châm chước điển lệ nhà Minh, Thanh để đặt ra điển lệ phong tặng ông bà cha mẹ quan viên văn võ. Việc này không liên quan đến Hình luật. Ngoài ra thời vua Tự Đức, nhắc tới nó về việc “việc hạn chế về phục dụng, về hôn thú”. Căn cứ vào luật và nghị định, vua Tự Đức ban hành quy chế bổ sung về phục dụng của quan viên và dân thường; Lễ nghi về tang tế, việc Lễ lạt ở hương đảng và cả việc sính lễ giá thú. Việc này cũng không liên quan tới Hình luật. 8. Xét xử tại trung ương LN viết: “Việc xét xử tại trung ương do các cơ quan thuộc bộ Hình thụ lý”. Câu này sai hoàn toàn với quy định pháp lý thời Lê và Nguyễn. Thời vua Minh Mạng, năm 1832 đặt ra Tam pháp ty để lo việc kiện cáo ở kinh. Cụ thể: “lấy ba nha của Hình bộ, Đô sát viện và Đại lý tự, gọi riêng là Tam pháp ty, rồi tìm đặt làm dinh thự ở góc đông nam trong Kinh thành” (Thực lục, đệ nhị kỷ, 1832). 9. Thí vua Hiệp Hòa LN viết: “nhà vua [Hiệp Hòa] đã gặp ngay viên quan Ông Ích Khiêm đứng chờ sẵn, tay bưng cái khay trên đặt một thanh đoản kiếm, một chén thuốc độc và một vuông lụa. Sau một thoáng ngần ngừ, vua Hiệp Hòa bưng chén thuốc độc uống cạn (có tài liệu chép khác, cho rằng nhà vua kháng cự, bị đè xuống, đổ thuốc độc vào miệng”. Không biết “tài liệu chép khác” mà LN muốn nói là tài liệu nào và nguồn tài liệu về việc thí vua Hiệp Hòa của LN là đâu. Xin chép lại đoạn viết trong Thực lục: “Lúc bấy giờ, vua sai thái giám là Trần Đạt đem tờ chiếu nhường ngôi, yêu cầu lui về chỗ phủ cũ. Hai người [Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết] giả cách nhận lời, sai Tôn Thất Thạ đem võng đưa vua cùng phi tần nội cung cho về phủ cũ (ở địa phận xã Phú Xuân). Nhưng mật dặn riêng Ích Khiêm, Văn Đễ trực trước ở ngoài cửa Hiển Nhân, đón đường sai đưa vua đến nhà Hộ Thành, cho uống thuốc độc giết đi. Lúc bấy giờ những phi tần đã cho về trước để hộ vệ đưa vua. Khi đến đấy, Ích Khiêm, Văn Đễ cho thuốc độc vào nước chè dâng lên, vua không chịu uống. Văn Đễ ra lạy khóc khuyên rằng: “Vua tôi đến lúc biến không thể làm thế nào được.” Vua nói rằng: “Ta lại không được bằng Thụy quốc công à?” Còn lần chần không uống. Ích Khiêm bèn đem nước chè ấy đổ vào miệng vua. Lập tức phát lên như người phải gió. Một lúc lâu Trần Xuân Soạn ra truyền nói rằng: Nếu để chậm quá sẽ phải tội nặng, lập tức lấy tay bóp họng vua lè lưỡi, lồi mắt ra, rồi vua mới chết. Đến lúc đưa vua về phủ, thấy chỗ cổ họng vua sưng như cái cung giương lên, ai cũng thấy làm lạ. Ích Khiêm, Văn Đễ vào bảo rằng: “Lãng quốc công đến đấy đã uống thuốc độc chết rồi.” (Thực lục, đệ tứ kỷ, 1883). Cái chết của vua Hiệp Hòa được chính sử chép lại rất rõ, không hề có tam ban triều điển, không hề có rượu độc mà do Ông Ích Khiêm đổ nước chè pha độc rồi Trần Xuân Soạn bóp cổ tới chết. 10. Án lăng trì chủ yếu dành chống lại các giáo sĩ Cơ Đốc? LN viết: “Hình phạt này [lăng trì] được thi hành nhiều nhất dưới các thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, chủ yếu chống lại các giáo sĩ truyền bá đạo Cơ Đốc”. Không biết LN đã làm thống kê chưa, hoặc căn cứ vào đâu để kết luận như vậy. LN dẫn ra được một ví dụ về án lăng trì giáo sĩ Marchand (tức Cố Du). Thực ra án lăng trì chủ yếu là dành cho các tội danh phản loạn. Có thể liệt kê: Thời Gia Long: Lê Văn Hoán, Nguyễn Văn Thuyên (1817). Thời Minh Mạng rất nhiều, tạm liệt kê vài chục cái tên: Lý Khai Ba (1823); Nguyễn Đức Khoa và Vũ Tiêm (1823); Nguyễn Đình Cúc (1823); Nguyễn Trọng Giao (1824); Ma Kiền, Ma Bi (1826), Hoàng Đình Bành, Nguyễn Đức Trường (1827), Lý Công Đồng (1828); Trần Tứ, Đỗ Bảo (1832); Lê Duy Lương, Lê Duy Nhiên, Lê Văn Lận, Phạm Doãn Dũng và Hoàng Kim Thịnh, Đỗ Viết Trai, Bùi Văn Thuận, Hoàng Công Bá, Hoàng Văn Thông, Trần Khắc Doãn, Đào Duy Phước, Lê Văn Nhiếp, Hoàng Văn Sương, Nguyễn Văn Nguyên, Hoàng Kim Lượng (1833); Nguyễn Khắc Thước, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Chân, Quách Ngọc Khuyến, Nguyễn Văn Trịnh, Trần Đình Tam, Nguyễn Văn Sương, Trần Văn Cảm, Triệu Văn Triệu (1834); Lưu Trọng Huyền, Lưu Trọng Liêu, Nông Văn Nghiệt, Nông Văn Hải, Nguyễn Thế Thọ, Nguyễn Thế Liễu, Nguyễn Thế Khôi, Bế Nguyễn Thục, Xạ Căn, Nguyễn Văn Thừa, Nguyễn Văn Nguyên (1835)... Cao Lăng Nê (1839)... Thời Thiệu Trị: Lê Văn Khoa, Lâm Sâm (1841); Nguyễn Văn Nhàn (1843); Phan Hữu Phú và Vũ Gia Hội (1844); 10 người bọn Nguyễn Hữu Chính (1847). Thời Tự Đức: Tôn Thất Thiều, Phạm Xích (1851); Trần Trường, Hoàng Ngọc Quang (1852); Đào Trí Phú (1854); Lý Mân, Hoàng Ngại, Thị Cát (1855); tên Xuyên (1858); Lê Duy Hòa, Lê Duy Đạo, Lê Duy Cự, Lê Duy Uân. Đào Mỹ, Hồ Thành, Cao Bá Nhạ Cao Bá Phùng, Đỗ Lệnh Hựu (1859); Nguyễn Văn Viện (1864); Tạ Văn Phượng, Nguyễn Đình Ước, Lê Bá Đức, Vy Xuân, Phan Văn Khương (1865); 13 người đám Trưng, Trực, Hòa, Quý (1866); Nguyễn Văn Nhuận (1874); Hoàng Anh (1875); Nguyễn Đình Huân (1876); Trương Thập (1877); Lô Văn Nhâm (1880). Trong các trường hợp trên, chỉ trừ vụ tên Xuyên (1858) là liên quan tới đạo Thiên Chúa, còn lại hơn trăm án lăng trì đều do tội phản nghịch hoặc ngỗ nghịch (con giết cha mẹ, em giết anh, vợ giết chồng) và các tội danh này đều được ghi rõ là tội cực hình (tức lăng trì) trong luật. LN đã không tham cứu lịch sử để đưa ra kết luận vội vàng. Thậm chí trường hợp mà LN đưa là ví dụ như Cố Du cũng không phải do hoạt động truyền bá đạo mà ông ta bị lăng trì vì mưu phản cùng Lê Văn Khôi, tương tự như trường hợp Cao Lăng Nê (1839). III. NẾU LÀ TÔI Cổ luật Việt Nam đã có các bộ sách tuyệt vời của tác giả Vũ Văn Mẫu (Dân luật khái luận, Cổ luật Việt Nam thông khảo,...) Để viết tốt hơn một chuyên gia đầu ngành hiển nhiên là không thể, nên việc khả dĩ nhất ta có thể làm được là lược lại nội dung trong các tác phẩm ấy kết hợp với việc tra cứu các bộ sử và viết thành một dạng bài tổng hợp, cốt sao độc giả có cái nhìn khái quát về Hình luật Việt Nam từ Lý tới Nguyễn. Thêm nữa, mặc dù luật pháp đã có các quy định cụ thể, nhưng song song đó là các ngoại lệ dành cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Đã viết về hình luật thì không thể thiếu các điều khoản khoan miễn này. Và bên cạnh đó là các hình thức tương tự như phúc thẩm, giám đốc thẩm thời nay, nó cho ta biết rằng triều đình phong kiến cũng coi trọng nhân mạng, họ không dễ dàng ra phán quyết tử hình một con người. IV. TIỂU KẾT Cổ luật vừa là một chủ đề dễ viết, lại vừa là chủ đề cực kỳ khó viết. Với nội dung điểm qua lịch sử các bộ cổ luật từng tồn tại, chỉ cần tra cứu Toàn thư, Cương mục, Loại chí là tương đối đủ. Nhưng muốn viết sâu hơn về nội dung các bộ luật thì cần kiến thức căn bản rất vững. Bài viết của LN đã không đạt được cả hai yêu cầu này. Về lịch sử hình pháp, LN bỏ sót rất nhiều mốc lịch sử, nhiều bộ hình thư được ban hành, cũng như không đề cập các điều căn cốt tạo nên một hệ thống tư pháp của hai triều đại Lê và Nguyễn. Về nội dung các bộ luật, LN chỉ đưa ra các nhận định mơ hồ và không có dẫn chứng. Tỷ như so sánh luật (Hồng Đức và Gia Long) với bộ luật các triều đại Trung Quốc, tác giả chỉ nói rằng “mô phỏng”, nhưng mô phỏng như thế nào, mô phỏng những gì và cải biến ra sao thì tuyệt nhiên không nói đến. Tôi tin rằng LN chỉ nhắc lại những điều người ta thường nói (ví dụ nhắc lại nhận định của Vũ Văn Mẫu) chứ ông không thực sự nắm được vấn đề này. BÀI 2 - BINH CHẾ TRONG LỊCH SỬ I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Tựa sách Đầu tiên, vẫn là cái tựa của cuốn sách: Khoảng thời gian đề cập tới là Lê-Nguyễn, bao gồm (Hậu) Lê sơ 1428-1527, Lê Trung hưng (1533-1789) và Nguyễn (1802-1945), với nhà Lê hơn 350 năm, và nhà Nguyễn 143 năm. Thời gian trị vì của nhà Lê dài hơn gấp đôi nhà Nguyễn, nhưng nội dung bài viết thì chỉ có 18 dòng dành cho nhà Lê sơ, cũng từng đó dành cho thời Lê Trung hưng (bao gồm các Đàng Trong), còn lại 10 trang viết về nhà Nguyễn (thực ra nói thế cũng hơi phóng đại, rải rác trong 10 trang này có vài chỗ nói qua loa về nhà Lê như các chức võ quan, thi võ... nhưng chỉ vài dòng). Một sự mất cân bằng trầm trọng, cũng chứng tỏ tác giả chủ định lấy nhà Lê làm nền để viết chủ đạo về Binh chế nhà Nguyễn. Điều ấy không ổn, ít ra là với độc giả kỳ vọng tìm được chút thông tin nào đó về nhà Lê. 2. Sự chuyển tiếp Điều chưa ổn thứ hai, LN mở đầu binh chế bằng thời Đinh Tiên Hoàng (tổ chức Thập đạo), rồi nhảy thẳng sang thời điểm 1428 (Lê Thái tổ) mà không hề nhắc tới Binh chế Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ. Dĩ nhiên các triều đại đó không nằm trong tựa đề của cuốn sách, nhưng sự nhảy cóc này khiến độc giả hụt hẫng, chẳng thà đừng nhắc tới thời Đinh mà đi luôn vào thời Lê thì hơn. 3. Nguồn thứ cấp Điều chưa ổn thứ ba, đó là LN trích nguồn tư liệu từ Loại chí. Cách làm này không sai, nhưng các thông tin mà LN trích từ Loại chí thì chúng ta có thể dễ dàng tìm được trong Toàn thư, nghĩa là Toàn thư là nguồn đầu tiên còn Loại chí là nguồn thứ cấp. Một thông tin đơn giả mà bỏ qua nguồn đầu để sử dụng nguồn thứ cấp (dù nội dung không có gì khác biệt) là cách làm không hay, nó khiến độc giả nảy sinh nghi ngờ là tác giả chưa đọc Toàn thư. Mà cũng vì thông tin từ nguồn thứ cấp thì đôi khi sẽ có xuất nhập so với ghi chép trong chính sử, hay tôi hay dùng chữ “đạp đinh”. 4. Thiếu chiều rộng và chiều sâu Điều không ổn thứ tư, LN không hiểu nghĩa của chữ “Binh chế” (Chế độ về binh bị quốc phòng, tổ chức quân đội) nên nội dung của phần Binh chế nhà Lê, ngoài vỏn vẹn mấy chữ “chia làm 5 đạo: Đông-Tây-Nam-Bắc đạo và Hải Tây đạo”, thì toàn bộ hơn 10 dòng còn lại chỉ dành viết về mỗi cách tuyển binh. Trong khi đó, Binh chế quan trọng nhất là quy mô quân đội (thay đổi qua các thời kỳ), cách tổ chức quân đội, các đơn vị quân đội, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động,... Qua các thông tin căn bản này, chúng ta sẽ có hình dung trong đầu về tổ chức quân sự của một triều đại, và các thông tin này dễ dàng tìm được trong Toàn thư và Loại chí. Thậm chí trang wikipedia còn có nhiều thông tin hơn bài viết của tác giả. II. VÀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Quân số nghĩa quân Lam Sơn LN viết “Năm 1428, sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, trong 25 vạn quân đã kháng chiến gian khổ, Bình Định vương Lê Lợi cho 15 vạn người về làm ruộng, giữ lại 10 vạn quân...” Thông tin được dẫn nguồn là Loại chí. nhưng Toàn thư và Cương mục đều chép rõ quân số của nghĩa quân Lam Sơn là 35 vạn và Lê Thái tổ giải giáp 25 vạn, giữ lại 10 vạn: “Hiện kim tam thập ngũ vạn đãi phá Đông Quan thành, phóng nhị thập ngũ vạn quy nông, lưu thập vạn vi quân phòng ngự quốc sự” (Hiện nay có 35 vạn. Đợi khi phá được thành Đông Quan, sẽ cho 25 vạn người về nhà làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn làm quân để đề phòng việc nước) (Toàn thư, Lê, 1427). Ngoài ra có thể nói thêm là câu chữ trong bài của LN không phải trích nguyên văn Loại chí mà chỉ dùng thông tin của Loại chí để viết lại theo ý chủ quan của tác giả, nên lại dẫn tới sai lầm. Sau khi đánh đuổi xong giặc Minh thì Lê Lợi đã lên ngôi vua, không thể dùng Bình Định vương để chỉ ngài nữa. 2. Điều lệ luân phiên LN viết: “Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đặt ra hai thứ quân: Ưu binh ở kinh thành, canh giữ cung vua, phủ chúa, và nhất binh ở các trấn, chia thành nhiều cơ, cứ mỗi cơ 200 người và 100 người tại ngũ, 100 người về làm ruộng, lần lượt luân phiên nhau như thế.” Đoạn này được LN ghi là dẫn từ Việt Nam sử lược, và nó không đúng. Bắt đầu thời Lê Trung hưng, Nhất binh chỉ đặt ra ngạch chứ chưa thực sự tuyển binh. Cương mục chép sự kiện năm 1724 rằng: “Hồi đầu triều Lê, binh lính ở tứ trấn đều đặt các vệ, các sở. Đến lúc trung hưng, chuyên dùng lính Thanh, Nghệ làm ưu binh, còn lính ở tứ trấn chỉ giữ có ngạch hão mà thôi. Khoảng năm Bảo Thái (1720-1728), Nguyễn Công Hãng làm tướng lại tuyển lính tứ trấn, phân phối bổ vào đội ngũ, chưa bao lâu Công Hãng mất chức, phép ấy bèn bãi bỏ, đến nay, vì phải dùng lính đi đánh dẹp, không đủ lính để điều động sai phái, bèn tuyển dân tứ trấn, cứ 5 suất đinh lấy một người, được số lính 11.465 người, phỏng theo phép phủ vệ nhà Đường, chia làm 20 vệ, ở vệ đặt chức tuần phủ và tuần thủ, chọn viên quan có tài cán mưu mô về hàng văn và hàng võ mỗi hàng một người để giữ các chức ấy, còn thuộc viên về hàng văn, hàng võ thì giữ chức phó nhị. Mỗi vệ đều chia thành hai phiên, hàng tháng thay đổi nhau để thường trực. Bình thường cứ cho một nửa số lính về nhà làm ruộng, người nào ở trong quân ngũ, quan sẽ cấp cho lương ăn hàng tháng. Lúc có việc phải tập hợp để điều động, thì sự sai phái đều tùy theo viên quan mà binh lính thuộc quyền (các tùy sở lệ sai bát), xong việc lại trã về vệ cũ.” Ghi chép rất chi tiết này cho thấy lính tứ trấn trước thời điểm này chỉ đặt tên hão, định sẵn phép chứ chưa thực hiện. Tới tháng Mười năm 1724 mới tuyển lính tứ trấn và phân bổ luân phiên. Phép đặt cơ 200 người phải 20 năm sau mới thành lệ và được chép trong Cương mục năm 1748: “Triều đình bèn hạ lệnh cho vệ binh đều lệ thuộc vào trấn, chia đặt từng cơ, từng đội, cứ 200 người làm một cơ, cho phép một nửa ở quân ngũ, một nửa về làm ruộng, thay đổi lẫn nhau.” 3. Quân chúa Nguyễn có 5 cơ? LN viết: “Quân đội thời các chúa Nguyễn có khoảng 30 ngàn quân, chia thành 5 cơ: Trung cơ, Tả cơ, Hữu cơ, Tiền cơ và Hậu cơ”. Đây là sai lầm căn bản vì “cơ” không phải đơn vị quân sự lớn nhất ở Đàng Trong, một cơ chỉ có vài trăm người mà thôi (Thực lục, tiền biên, 1653). Quân đội ở Đàng Trong chia làm 5 dinh (doanh) quân chứ không phải cơ. Thực lục chép: “Năm dinh Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Hậu quân, Tiên phong, mỗi dinh đều là 5 chi, mỗi chi 5 hiệu, mỗi hiệu 3 đội, mỗi đội 4 thập.” Đây cũng là cơ cấu cốt yếu của binh chế Đàng Trong, rất tiếc tác giả không nắm được để ghi lại. 4. Đô thống Chưởng phủ sự LN viết: “...người đứng đầu mỗi đạo là quan Đô thống Chưởng phủ sự”. Viết như vậy không chính xác. Ngay tên gọi Chưởng phủ đã cho thấy viên tướng đó quản lý một phủ. Như vậy tên gọi đầy đủ của chức danh là Đô thống phủ Chưởng phủ sự. mặc dù vậy, tôi cho rằng chức danh đúng của viên quan đứng đầu mỗi dinh là Đô đốc cơ, tức là Đô đốc phủ Chưởng phủ sự. Chức danh này được ghi chép phổ biến hơn trong Thực lục tiền biên. 5. Hoạn quan và giám ban LN viết: “Một điểm đặc biệt trong thời Lê-Trịnh là giới nội giám (hoạn quan) rất được tin dùng, nên trong triều, ngoài hai ban văn và võ còn có giám ban, quyền hành thực tế rất lớn.” Điểm sai căn bản do không biết Thái giám là một chức võ quan triều Lê sơ đã thể hiện rõ trong câu này. Bởi cuốn sách còn có một chương riêng (và lặp lại sai lầm cực lớn này) mà tôi đã có bài viết phân tích riêng, nên không nhắc lại ở đây nữa. 6. Xử phạt việc mướn người đi lính LN viết: “Năm 1728, chúa Trịnh Cương định rõ biện pháp tróc nã những ai mướn người đi lính thay. Người mướn hay người đi thay đều bị xử tội đồ, tức bị đày đo lính phương xa để làm những việc hạ tiện như chăn voi, chăn ngựa...” Đoạn này tác giả không dẫn nguồn nên không biết tự sai hay do chép sách nào sai. Nếu chép từ Loại chí, thì việc này Loại chí phân biệt rõ tội mướn người và tội đào ngũ, trong đó mướn người chỉ bị trượng và vẫn giữ trong quân ngũ, chỉ đào ngũ mới phải tội đồ: “Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 9 [1728], chuẩn định rằng binh lính mượn người thay thế thì bị 60 trượng và vẫn sung vào đội ngũ, người thay thế cũng bị 30 trượng. Binh lính chưa đến niên hạn mà viện lây khoán ước riêng để tự tiện bỏ về thì xử theo tội đồ.” Các ghi chép khác trong Cương mục (năm 1741) và Loại chí (năm 1730) đều khá rõ ràng ở điểm không có phạt tội đồ với người mướn kẻ đi lính thay. Hình phạt đó chỉ dành cho kẻ đào ngũ. 7. Khoa thi võ đầu tiên LN viết: “Mãi đến năm 1721, chúa Trịnh Cương mới mở trường dạy võ đầu tiên trong cả nước. Theo sách ĐVSKTT, tháng 8 AL năm 1721, đời vua Lê Dụ tông, triều đình họp bàn việc mở trường dạy võ và tổ chức thi võ để tuyển người tài.” Thực ra khoa Võ cử đầu tiên đã được tổ chức từ thời Lê sơ rồi. Mạc Đăng Dung xuất thân từ chức võ cử ấy. Toàn thư chép: “Đăng Dung hữu dũng lực, dĩ vũ cử nhập Túc vệ, chí thị nãi bái thị chức” (Đăng Dung có sức khoẻ, vì đỗ võ cử, được sung vào quân túc vệ, đến đây phong cho chức này). Loại chí ghi nhận “Phép thi các quân, buổi Lê sơ có lệ đô thí, chỉ thi cung tên, kiếm, mộc, thi nhau để định hơn kém, phép thi chưa được kỹ càng.” Tuy sơ sài nhưng đó mới là những kỳ thi võ đầu tiên của nhà Lê. 8. Thi võ như thế nào? LN viết: “Trong những kỳ thi võ đầu tiên, thí sinh được hỏi về những điều cốt yếu trong sách Tôn tử binh pháp, ai thông hiểu thì cho vào thi võ nghệ gồm các môn: thứ nhất là cưỡi ngựa múa thanh mâu dài, thứ 2 là đánh kiếm có múa khiên, thứ 3 là múa đao. Cuối cùng là thi về phương lược quân sự. Thí sinh nào trùng cách sẽ được hướng dẫn vào sân phủ chúa để thi phúc hạch, tùy vào thứ hạng cao thấp mà được bổ dụng”. Thực ra chỉ có duy nhất kỳ thi năm 1721 là thi như trên, tới năm 1724 thì Võ cử đã phân thành hai vòng: Sơ cử và Bác cử. Trong đó Sơ cử trước hết hỏi qua loa về Võ kinh, rồi ba kỳ sau thi võ nghệ. Rồi hỏi về mưu lược dùng binh. Thí sinh nào trúng cách thì được tham dự kỳ thi Bác cử vào năm sau. Ở kỳ thi Bác cử này, cũng diễn ra trường nhất là ý nghĩa Võ kinh thất thư (không phải riêng Tôn tử binh pháp), trường nhì là đấu võ, Cương mục dẫn Kiến văn lục của Lê Quý Đôn mô tả đấu sức gồm cưỡi ngựa múa mâu, đấu siêu đao, lăn khiên và múa gươm giáo (khác kỳ Sơ cử trường ba hỏi về văn sách, các phép thao luyện và bày trận. Ai trúng thì được xuất thân Tạo sĩ. Tạo sĩ tương đương với Tiến sĩ bên văn. Nên nếu nói về thi võ thì phải xét quy cách từ năm 1724 trở về sau mới đúng. III. TIỂU KẾT Qua hơn mười trang viết về Binh chế chí, tôi khẳng định rằng bất kỳ một ai, chỉ cần dựa vào đề mục mà tác giả dựng ra, rồi mở wiki ra chép, thì cũng có thể tạo được một bài viết chính xác và đầy đủ hơn bài viết trong sách. Dĩ nhiên nó không đạt tiêu chuẩn sách khoa học, không đáng gọi là nghiên cứu. Thậm chí không đạt chuẩn một bài viết facebook bởi sự thiếu hệ thống. Viết về Binh chế không hề dễ, cần phải có một hình dung chi tiết, từ việc phân cấp các đơn vị quân đội ra sao, hệ thống chức danh từ cao tới thấp thế nào. Ngạch quân, tuyển quân, cử tướng ra làm sao, và kèm theo đó là các chế độ lương bổng, luyện tập, điều lệ... Và quan trọng hơn hết là sự biến động cơ chế trong cùng một triều đại. Không thể viết chung Binh chế Lê sơ với Lê Trung hưng được, thậm chí đời vua Thái tổ và Thánh tông đã khác nhau hoàn toàn. Binh chế trong lịch sử của Xã hội Việt Nam thời Lê Nguyễn không làm được điều ấy. Nó thiếu khuyết hầu như hoàn toàn các thông tin về thời Lê, một số thông tin lắt nhắt dẫn ra thì hoặc sơ sài hoặc sai, thậm chí có những cái sai cơ bản. Thực chất thì muốn làm tốt (tốt hơn), chỉ việc mở Loại chí ra chép lại từ đầu chí cuối, chúng ta sẽ có một bài rộng hơn, sâu hơn rất nhiều so với nội dung của sách. Tức là LN chẳng những không tạo ra được những điểm mới trong sách của ông, mà nội dung sách còn thua xa các thông tin đã cũ và đã có sẵn thành hệ thống. Cũng cần nói thêm rằng, tuy lời nói đầu, LN có nhắc tới việc dẫn nguồn tư liệu trong sách, đúng là ở một số đoạn tác giả có dẫn nguồn, nhưng các phần còn lại (chiếm 70-80% nội dung sách mà tôi tin chắc rằng tác giả chép lại ý từ Loại chí, Việt Nam sử lược,...) đã không được dẫn nguồn tử tế. Điều này gây khó khăn không ít trong việc kiểm chứng số liệu và thông tin trong bài. Điểm này tôi nhấn mạnh rằng với bài viết tiêu chuẩn (không phải status facebook) thì mọi thông tin nêu ra, nhất là sự kiện và số liệu, BẮT BUỘC phải dẫn nguồn. Những thứ không dẫn nguồn mặc định hiểu là các lập luận, suy diễn riêng của tác giả (có lẽ tôi hơi khó tính chăng?). Tuy nhiên, nếu mọi thông tin trong bài mà LN dám dẫn nguồn đầy đủ, thì tất lẽ dĩ ngẫu, độc giả sẽ thấy được cả bài này chỉ là từng đoạn từng đoạn chép lại từ các sách khác (lấy ý và viết lại nội dung) mà thôi. Nó hoàn toàn không xứng là một bài nghiên cứu. Có lẽ chỉ nên gọi là bài TỔNG HỢP THÔNG TIN thiếu chiều sâu của một người nắm không quá vững về lịch sử. BÀI 3 - LỄ CHÚC THỌ TRONG CUNG ĐÌNH Mặc dù bài viết chỉ có 5 trang (kèm hai ảnh Cao Xuân Dục và Tôn Thân Hân, không rõ để làm gì), nhưng vẫn tồn tại rất nhiều điều phải đề cập tới. I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Mất cân đối Giống hệt hai bài trước trong sách, bài này vẫn cùng một tông mất cân đối trầm trọng, bỏ đi 01 trang giới thiệu và 02 trang hình, bài viết chỉ có 05 trang viết thì trong đó chỉ có nửa trang dành cho các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, gần 1 trang dành cho Lê sơ và Lê Trung hưng, còn lại 3 trang rưỡi dành cho Nguyễn. 2. Tựa đề Mặc dù tựa ghi rõ là Lễ chúc thọ trong cung đình, nhưng nội dung của bài viết lại không nhắc mấy tới nghi lễ trong cung, mà nói chủ yếu về lễ hội tổ chức ngoài trời. 3. Hình minh họa Bài viết có thêm 1 trang hình “Thọ quan Cao Xuân Dục” và “Thọ quan Tôn Thất Hân” chẳng rõ liên quan gì tới nội dung “Lễ chúc thọ”? Phải chăng vì hai vị ấy sống lâu lên lão làng? 4. Thọ quan, thọ dân Cuối bài, LN tặng hẳn cho độc giả một trang viết về việc nhà Nguyễn tôn trọng những vị quan, dân sống thọ, tặng quà tặng tiền, tặng biển thọ. Nhưng đó không phải lễ chúc thọ, có lẽ tác giả nhầm tưởng việc tặng quà ấy được tổ chức thành lễ chăng? Thành ra bài viết đã ít chiều sâu lại càng thêm loãng. 5. Dẫn nguồn Hầu hết các thông tin trong bài không được dẫn nguồn, và tôi tin rằng một số không nhỏ trong đó là không chính xác vì nó không hề được ghi chép trong các bộ sách có uy tín như Toàn thư, Cương mục, Loại chí. Nhưng bởi tác giả không dẫn nguồn nên không cách nào để kiểm tra độ chính xác của thông tin cả. II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Thánh thọ là Thánh thọ nào? Tác giả Lê Nguyễn (từ đây viết tắt là LN) viết: “Không rõ các cung đình của nước ta đặt ra lệ chúc thọ từ đời nào, nhưng xét theo sử cũ thì vào thời Lê Đại Hành hoàng đế, năm 985, kỷ niệm sinh nhật của nhà vua được xem là nghi lễ thánh thọ”. LN có lẽ đã chép theo Loại chí mà bỏ qua tham khảo chính sử (mặc dù tôi hơi nghi ngờ điều này, cả bài viết chỉ có một lần dẫn nguồn Loại chí tập 2, trong khi mục này nằm trong Loại chí tập 1, có khả năng LN đã lấy thông tin từ một nguồn thứ cấp của thứ cấp), tính từ năm 985 tới hết thời nhà Nguyễn, bao gồm cả các đời nhà Lý, Trần, chưa bao giờ ngày sinh nhật của vua gọi là Thánh thọ cả. Vô hình chung LN đã sai ngay từ khi mở bài, viết về một thứ mà thậm chí mình còn gọi sai tên. Toàn thư chép về sự kiện năm 985 không hề nhắc đến đặt tên cho lễ tiết chi cả, vua tổ chức lễ đua thuyền để quốc dân chung vui. Các thời Lý, Trần, Lê, ngày sinh nhật vua được sử chép rất rõ, đặt là ngày Tiết. Và mỗi đời vua thì tên tiết đó được thay đổi khác nhau, trong đó không có lần nào là Thánh thọ cả, nếu gọi chung thì dùng “Đản thánh” (Toàn thư, Lý, 1123). Ta có thể tạm liệt kê ra như sau: (Vua - Tên tiết) Lý Thái tổ - Thiên Thành Thái tông - Thiên Thánh Thánh tông - Thừa Thiên Nhân tông (không rõ) Thần tông - Thiên Thụy Anh tông - Thọ Ninh Cao tông - Càn Hưng Huệ tông (không rõ) Chiêu Hoàng (không rõ) Trần Thái tông - Càn Ninh Thánh tông - Hưng Thiên Nhân tông - Thọ Thiên Anh tông - Sùng Thiên Minh tông - Ninh Thiên Hiến tông - Hội Thiên Dụ tông (không rõ) Nghệ tông - Kiến Thiên Duệ tông - Tề Thiên Đế Hiện - Quang Thiên. Lê sơ Thái tổ - Vạn Thọ Thánh tiết Thái tông - Kế Thiên Thánh tiết, sau đổi thành Vạn Thọ Thánh tiết giống Thái tổ Nhân tông - Hiến Thiên Thánh tiết Thánh tông - Sùng Thiên Thánh tiết Hiến tông - Thiên Thọ Thánh tiết Túc tông - Thiên Minh Thánh tiết Uy Mục đế - Thiên Khánh Thánh tiết Tương Dực đế - Thiên Bảo Thánh tiết Chiêu tông - Nghi Thiên Thánh tiết Cung Hoàng - Khâm Thiên Thánh tiết Lê Trung hưng Thế tông - Dương Nguyên Thánh tiết Thần tông - Thọ Dương Thánh tiết Tên các tiết Đản thánh này được chép trong Toàn thư, nhưng một điều khá lạ là chỉ vài tiết được chép trong sử nhà Nguyễn (Cương mục), có vẻ LN chưa đọc Toàn thư nên không nắm được các thông tin khá minh bạch này. Nhưng ngạc nhiên hơn nữa là triều Nguyễn cũng không hề dùng chữ “Thánh Thọ” đề gọi ngày sinh nhật vua, hai chữ ấy là để chỉ ngày sinh của Hoàng thái hậu (Thực lục - Đệ nhất kỷ - năm 1803). Vậy ngày sinh nhật của vua nhà Nguyễn gọi là gì? Xin thưa, đó là Vạn Thọ (Thực lục tiền biên - năm 1791), hay còn gọi là Vạn Thọ Khánh tiết. 2. Sinh nhật vua được tổ chức ra sao ở thời Lý Trần? LN viết: “Đến các triều Lý, Trần, trong ngày lễ Thánh thọ, triều đình tổ chức yến tiệc, bày những trò vui để quan dân cùng tham dự.” Thực ra sử sách ít ghi chép kỹ việc ngày sinh nhật vua được tổ chức thế nào, đặc biệt là thời Trần. Nhưng ta biết vào năm 1022, vua bãi trò núi trúc vì ngại mệt sức dân, chỉ đặt yến ban cho bá quan thôi. LN đã khá võ đoán để đưa ra kết luận chung. 3. Lễ nào tổ chức ở điện Cẩn Đức LN viết: “Đời Lê Thánh tông (1460-1497), mỗi năm cứ vào buổi đầu xuân thì làm lễ Bảo thần ở Thái miếu, lễ Thánh thọ ở điện Cẩn Đức.” Chúng ta đều biết ngày sinh của vua Lê Thánh tông là mùa thu tháng Bảy (Toàn thư, Lê) chứ không phải mùa xuân, vậy thì tại sao lại có lễ Thánh thọ (LN nhầm tên lễ) vào đầu xuân? Rất may là Toàn thư có thông tin về lễ Bảo thần (bao phong các thần) tổ chức đầu xuân, từ đó trích ra được thông tin mà LN đã nhầm. Cụ thể như sau: “Ngày 12, bắt đầu định lễ bao phong các thần vào dịp tế xuân; không dùng cỗ chay, dùng lụa để tế, theo phong tục nước mình thôi. Ngày 16, làm lễ Khánh thọ ở điện Cần Chính. Trước đây, cứ đến đầu mùa xuân thì làm lễ bao phong các thần ở Thái miếu, xong rồi thì làm lễ Khánh thọ. Đến đây, mới làm lễ Khánh thọ ở điện Cần Chính. Sau đó làm lệ thường.” Hóa ra LN đã nhầm lễ Khánh thọ với lễ Thánh thọ. Khánh thọ là lễ mừng thêm tuổi (năm mới) chứ không phải sinh nhật. Loại chí có mục riêng cho lễ Khánh thọ này, và giải thích rằng “Đại để hai lễ ấy đều là lễ vui mừng về đầu xuân, mà lễ Bảo thần thì làm ở nhà Tôn miếu để cầu thần giúp phúc, còn lễ Khánh thọ thì rước từ ngoài Giao thị vào mà vua lại ban phúc ban ơn.” III. TIỂU KẾT Đây là một bài viết có chất lượng khá kém, từ bố cục cho tới nội dung. Nội dung viết sơ sài chỉ có 5 trang, tức là khoảng hơn 2.000 chữ (đem so sánh thì bài viết này của tôi đã 1.700 chữ). Trong đó, LN đã gặp phải vấn đề cơ bản là không biết mình viết về điều gì, mà sự hiển hiện lớn nhất là gọi nhầm tên của lễ mừng sinh nhật vua TRONG TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI, kể cả với triều nhà Nguyễn mà tác giả thường vẫn tự phụ là mình nắm khá vững. Cũng giống như các bài trước, lối viết không trích dẫn, không dẫn nguồn (độc giả chắc đã nhận ra rằng các bài viết của LN hầu như không có đoạn nào trích dẫn nguyên văn tài liệu) gây khó khăn rất lớn trong việc kiểm chứng thông tin. Và cũng tương tự bài trước, nội dung của bài Lễ chúc thọ trong cung đình không có gì mới mẻ mang tính tìm tòi nghiên cứu của tác giả. Lịch triều hiến chương loại chí đã làm quá tốt chủ đề mà tác giả nhắm tới ở các triều trước Nguyễn. Nghĩa là thay vì viết linh tinh những điều mình không biết, LN nên copy & paste nguyên văn nội dung Loại chí - Lễ nghi chí thì sẽ có bài viết chuẩn chỉ, sâu rộng hơn. Tóm lại, đây vẫn chỉ là MỘT BÀI TỔNG HỢP THÔNG TIN đầy rẫy thiếu sót và sai lầm mà thôi. BÀI 4 - LỄ TẾ GIAO Lễ tế Giao là bài thứ 4/30 trong sách, nội dung điểm qua các lễ tế trời của các triều đại phong kiến. Bài viết khoảng gần 7 trang chữ. I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Tế Giao là gì? Mặc dù giải thích tế Giao là tế trời, nhưng LN không giải nghĩa chữ “giao”, có lẽ do ông không biết. Và bởi sự không biết này, dẫn tới sai lầm sẽ nhắc tới ở mục sau. Giao là khu phụ cận của kinh thành. Hoàng đế lập đàn tế trời ở ngoại thành phía nam nên lễ tế gọi là tế Giao, đàn gọi là Nam Giao. 2. Sử chép sao lại là “tương truyền”? LN viết: “Khi họ Hồ soán ngôi nhà Trần, Hồ Hán Thương lập đàn tế trời ở núi Đốn Sơn (Thanh Hóa). Tương truyền trong buổi tế, Hán Thương run tay làm đổ chén rượu trên nền bãi tế. Người đương thời cho đó là điềm gở cho nhà Hồ.” Việc này tất cả các bộ chính sử như Toàn thư, Tiền biên, Cương mục đều chép cả, sao lại ghi là tương truyền: “Nay Hán Thương mới bắt đầu làm lễ này. Nhưng vì khi dâng chén rượu, run tay, rượu bị đổ xuống đất, nên phải ngừng lại” (Toàn thư, Hồ, 1402). II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Tế Giao từ thời Nghiêu? LN viết: “Lễ Tế giao đã xuất hiện ở Trung Quốc từ thời Nghiêu, Thuấn, cách đây hơn 4.000 năm”. Vì không hiểu xuất xứ của chữ “giao” nên LN coi tất cả các lễ tế trời, vì bất kỳ lí do gì đều là tế Giao. Sử sách Trung Quốc chép về tế Giao sớm nhất là Công Dương truyện: “Lỗ Giao hà dĩ phi lễ? Thiên tử tế thiên, chư hầu tế địa”. Đại để lễ tế Giao xuất hiện ở khoảng thời Chu chứ không có sách nào chép là thời Nghiêu, Thuấn cả. Dĩ nhiên thời Nghiêu cũng có lễ tế trời, gọi là “Loại”. Kinh Thư - Nghiêu điển viết “[Thuấn] tứ Loại ư Thượng đế”. 2. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế LN viết: “Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế”. Câu này hoàn toàn sai. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi vua, nhưng ngài không làm Hoàng đế mà chỉ xưng là Đại vương: “Khi có chiếu lệnh đại xá đều xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại vương, hiệu là Lam Sơn động chủ” (Toàn thư, Lê, 1428). Cương mục dẫn lời vua Lê Lợi giải thích rằng: “Các vua Vũ, Thang, Văn, Võ ngày xưa công đức lớn là thế, vậy mà chỉ xưng là vương thôi, huống chi trẫm nay, công đức nhỏ mọn mong manh, dám đâu nói đến Hoàng đế làm một tôn hiệu to tát?” (Cương mục, quyển 15, 1428). Sau khi băng, ngài được đặt miếu hiệu là Thái tổ, sử sách đời sau chép thì dùng chữ “đế”, nhưng kỳ thực ngài chưa từng lên ngôi Hoàng đế. 3. Lê Thái tổ định ngày tế Giao LN viết: “Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, định lễ Tế giao vào mùa xuân, trong ba ngày Xuân đán chọn một ngày tốt để làm lễ.” LN đã không dẫn nguồn thông tin này, và tôi cũng không tìm được thông tin nào tương tự như vậy trong sử sách. Các bộ sử của ta chỉ nó mơ hồ về tế Giao khi nhà Lê mới lập (qua việc Nguyễn Trãi cùng Lương Đăng được sai làm nhạc tế Giao thời vua Thái tông). Tới năm 1461, vua Thánh tông bàn việc định lệ tế Giao vào đầu xuân, và có dụ rằng: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông, nên mới tế giao vào đầu mùa xuân” (Toàn thư, Lê, 1461), tức là gián tiếp thừa nhận các đời trước đã từng tế Giao mà thôi. Và đến năm sau, 1462 thì mới “Từ năm nay trở đi, cứ đến đầu mùa xuân làm lễ tế Giao. Việc này hàng năm sẽ cử hành theo lệ thường” (Cương mục, quyển 19, 1462). Nghĩa là phải tới 1462 mới đặt tế giao vào mùa xuân làm lệ cho nhà Lê. Các lời bàn của Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Chú và Quốc sử quán đều không dẫn được việc tế Giao cụ thể nào thời Thái tổ, Thái tông, Nhân tông cả. 4. Lê Trung hưng tế Giao giản lược? LN viết: “Đến thời Lê Trung hưng, nhà vua chỉ ngồi làm vì do chúa Trịnh giật dây: trong Lễ tế giao, bên cạnh nhà vua làm chủ tế trên nền điện chiêu sự, còn có chúa Trịnh và quan tiết chế (thường là một thế tử con chúa Trịnh giữ chức này) làm bồi tế. Lễ tế thời đó giản lược, chỉ có lễ thượng hương rồi đọc tờ tấu, lạy tám lạy.” Nhận đinh này sai hoàn toàn. Lễ tế Giao thời Lê Trung hưng được tổ chức cực kỳ trọng thể. Loại chí chép cực rõ về lễ tế Giao: Quan chức chí: “Về lễ tế Giao và tế Tiên nông, theo lệ vua ngự, phải cử Lễ bộ tu sang, truyền trước cho viên Đề lĩnh dọn dẹp đường sá và bản đồ vẽ để theo mà xếp đặt vị thứ các quân tiến đi và bày cắm [nghi truợng]. Ngày tế Giao thì theo lệ cắm cờ to từ ngoài ba cửa đến điện Nam Giao.” Lễ nghi chí: “Ngày tế Giao, thì 10 thị hiệu quân Thị hậu và 2 hiệu Nghiêm nhất, Hùng trung đứng dàn ở trong phủ. Chúa ngồi kiệu kim long ra giữa phủ đường. Các đội thuyền Nhưng nhất, Kiệu nhất, Nội nhưng, Nội kiệu, Nội khuông, Nội dực, Nội nhuệ, Nội tiệp, Thị hãn, Thị tượng, Truyền kỵ, Truyền mã, Nội siêu, Nội tuyển, Nội ưu, Nội trạch, chiếu theo thứ tự đứng hầu; các hiệu Thị tiền bộ, Thị tiền thủy, Thị tả bộ, Thị tả thủy, Thị trung bộ, Thị trung thủy, Thị hữu bộ, Thị hữu thủy, Thị hậu bộ, Thị hậu thủy tiến vào sau. Trung quân tiến đến giữa Phủ đường thì đứng lại. Quan thủ hiệu lạy xong lại tiến lên như lệ.” Lễ nghi chí: “Nghi, thức tế Giao: Trước hai ngày, Thái thường tự tiến bài xin vua ăn chay; trước một ngày, Đàn sứ đặt một cái kỷ sơn son truớc thần vị Hạo thiên thượng đế và Hoàng địa kỳ, đặt một cái hương án hạng trung ở trước cái kỷ sơn son, và đặt một cái hương án lớn ở giữa sân điện Chiêu Sự (hơi nhích lên trên một chút). Sớm ngày làm lễ, Đàn sứ và Thừa dụ cục đặt lễ vật ở truớc vị thần kỳ (dưới cái kỷ sơn son), Thượng thiết ty đặt vị bái của vua ở chính giữa sân điện, đặt chỗ vua rửa tay ở bên đông vị bái (hơi về phía bắc), đặt án dâng hương ở trước hương án, lại đặt cái bàn để đỉnh hương hộp hương ở trước hương án. Tả hữu Giáo phường ty đặt các đồ đại nhạc ở phía đông trong sân điện (hơi lên trên một chút). Các viên chấp sự đội mũ mặc áo vào truớc, ai giữ việc nấy. Vua đội mũ mặc áo màu huyền, từ cửa Đại Hưng đi ra, không đánh nhạc. Các quan đủ mũ áo đi đằng truớc. Chúa tiến đi có các tướng sĩ, thị hậu theo hầu. Tiết chế phủ cũng tiến đi, có các tướng sĩ nội hậu theo hầu. Vua tiến đến bên ngoài cửa đàn Nam Giao, xuống kiệu đi bộ đến tầng cửa thứ ba. Hai viên nội tán (dùng quan Hàn lâm) quỳ tâu xin đến điện Cánh phục [thay áo], rồi rước vua đến nhà Cánh phục đại thứ để ngự chay. Vua đội mũ xung thiên, mặc áo bào vàng, đai ngọc, đúng như nghi lễ. Chúa đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, đi bộ tiến đến cửa thứ hai, tạm dừng ở bên tả cửa ấy (hơi về phía bắc). Tiết chế phủ đủ mũ áo đai, tiến đến cửa thứ hai, tạm dừng ở bên hữu cửa ấy (hơi về phía nam). Hai viên nội tán đều quỳ xuống. Viên đông tán xướng tâu xin vua tiến đến sân Chiêu Sự điện, rồi rước vua đến bên trong cửa thứ nhất, lại quỳ tâu xin vua đến vị bái, rồi rước vua đến vị bái ở giữa ngự đạo. Hai viên Đạo tán (lâm thời đặc sai) quỳ khải xin chúa đến điện Chiêu Sự, rồi rước chúa đến bên trong cửa thứ nhất, lại quỳ xin chúa đến vị bái, rồi rước chúa đến vị bái ở bên hữu ngự đạo (lùi xuống một tý). Hai viên đạo lễ quỳ bẩm Tiết chế đến sân điện Chiêu Sự, rồi rước tiết chế đến cửa thứ nhất, lại quỳ bẩm xin đến vị bái, rồi ruớc đến vị bái ở bên tả ngự đạo (lại lui xuống một tý). Các công, hầu, bá và các viên văn, võ đại phu, chia ra đứng bên ngoài cửa thứ hai, chờ sẵn đấy đợi triệu vào ; võ ban từ nhị phẩm trở lên, văn ban từ tam phẩm Đô ngự sử trở lên, vào đứng ở đường dưới sân bên tả bên hữu cửa thứ hai; văn võ từ tam phẩm trở xuống, đều đứng sắp hàng ở hai bên tả hữu ngự đạo ngoài cửa thứ hai. Viên nội tán tâu xuớng: “Tấu, bẩm cúc cung bái” (nhạc nổi), “hưng” (xướng “bái” và “hưng” bốn lần), “bình thân” (nhạc nghỉ, ở ngoài cũng xướng thế). Lại xướng: “tấu nghệ quán tẩy sở” “tấu quán tẩy”, “tấu thuế cân” (nguời chấp sự dâng chậu rửa và khăn lau tay) ; “tấu nghệ hương án tiền”, “tấu quỵ”. Quan điển lễ xướng: “thượng hương” (một viên bưng đỉnh hương, một viên bưng hộp hương, đều quỳ dâng lên). Nội tán xướng: “tấu tam nẫm hương”, “tấu phủ phục”, “hưng”, “bình thân”. Quan điển lễ xuớng: “tấu cáo văn”. Viên triển quan bưng bản cáo văn trao cho viên tuyên quan, viên này bưng lấy cáo văn, quỳ ở bên tả hương án Nội tán: “tấu quỵ” (khải với chúa và bẩm với Tiết chế phủ cũng thế). Thông tán xướng: “bách quan giai quỵ”. Đọc xong, Nội tán xướng: “phủ phục” (khải và bẩm cũng thế), “hưng”, “bình thân”, (thông tán cũng xướng thế). Nội tán: “tấu phục bái vị”, “tấu cúc cung bái” (nhạc nổi), “hưng” (bốn lần), “bình thân” (thông tán cũng xướng thế, nhạc nghỉ). Điển lễ xướng: “phần tấu cáo văn”. Nội tán quỳ xướng: “tấu lễ tất”. Nội tán lại quỳ: “tấu phản Cánh phục đại thứ”. Vua đến nhà thay áo. Chúa về đến ngoài cửa đàn Nam Giao, tạm ngự ở đấy. Tiết chế phủ cũng về theo. Còn công, hầu, bá và các quan văn, võ đều lui ra ở ngoài cửa thành phía nam. Khi Thiên uy ty phát lệnh thì vua ngự về, các quan đi trước. Chúa lên kiệu về, các tuớng sĩ thị hậu theo hầu về phủ. Tiết chế đi kiệu về, các tướng sĩ nội hậu theo hầu về phủ. Các quan đi trước, về đến sân rồng chia ban ra đứng chầu. Vua ngự về nội cung, các quan lần luợt ra về.” Lệ chầu hầu: “Hằng năm tế Giao, Binh phiên từ tháng 12 năm trước, sao ngày Tư thiên giám đã chọn gửi sang Lễ phiên để khải lên, truyền cho quan đề lĩnh dọn đường sửa cầu, từ Nội điện đến điện Nam Giao. Lại chiếu bổ 10 thị hiệu binh thị hậu cùng hai hiệu Nghiêm nhất, Hùng trung đứng sắp hàng ở Nội phủ, 8 hiệu thị cơ, 2 vệ, 5 thuyền Trung đứng sắp ở ngoài thành. Còn chọn sai 4 hiệu ngoại binh đi phù giá. Lại chiếu bổ các hiệu bộ binh ngoại dàn bày khí giới suôi hai bên đường từ Nội điện đến điện Nam Giao. Thủy binh ngoại thì bày các cờ lớn nhỏ suôi hai bên đường từ ngoải ba cửa đến điện Nam Giao. Các binh phụng thị, thị hậu mũ áo đều dùng gai là; ngoại binh thì mũ bằng gai là, áo bằng vải thanh cát. Khi nghe tiêng hiệu lệnh của hiệu Thiên hùng và trông thấy cờ của quân bốn vệ giương lên thì các hiệu quân đều giương cờ của bản hiệu lên ngay. Các tiểu giám sáu cung cùng các nội thư tả, binh thể sát bản cung, các đội Nội khuông, Nội dực, Nội nhuệ, Nội tiệp, Thị hãn, Thị tượng của binh thị hậu, phải đặt sáu độ trạm : một độ khi binh phù giá tiến lên đến Chợ Dầu, một độ khi vua đi đến Chợ Dầu, một độ khi vua vào Chính cung miếu làm lễ xong rồi ngự lên kiệu rồng, một độ khi hậu binh đến Chợ Dầu. Đến ngày lễ, quan và binh các hiệu thị hậu vào sắp bày trong phủ chúa. Nếu thấy quân phụng thị rước vua đi thì rước chúa ra phủ đường. Các đội thuyền Nhưng nhất, Kiệu nhất, Nội nhưng, Nội kiệu, Nội khuông, Nội dực, Nội nhuệ, Nội tiệp, Thị hãn, Thị tượng, Thị kỵ, Thị mã, Nội siêu, Nội tuyển, Nội ưu, Nội trạch, chiếu theo thứ tự đứng hầu. Các hiệu Thị tiền bộ, Thị tiền thủy, Thị tả bộ, Thị tả thủy, Thị trung bộ, Thị trung thủy, Thị hữu bộ, Thị hữu thủy, Thị hậu bộ, Thị hậu thủy, lần lượt tiến lên. Trung quân tiến đến giữa phủ đường tạm dừng lại. Các quan thủy hiệu lạy xong, lại tiến đi như lệ.” Cương mục cũng cẩn thận trích lục: “Theo Hội điển triều cố Lê, thì hàng năm, tháng giêng ( hoặc mồng một, hoặc mồng hai ) trước ngày lễ chính một ngày, bày đặt hương án lớn ở gian chính giữa điện Chiêu Sự. Đến ngày chính lễ, nhà vua mặc áo bào thâm, các viên chấp sự đem đủ cả lỗ bộ, pháp giá và nhã nhạc, do cửa Đại Hưng (cửa nam kinh thành ) đi ra. Khi đến điện Canh Y ở ngoài đàn, nhà vua đội mũ xung thiên, mặc áo bào vàng, thắt đai ngọc, rồi đến sân điện Chiêu Sự hành lễ, Chúa Trịnh và văn võ trăm quan theo hầu, dự lễ bồi tế theo như nghi thức.” Kiến văn lục của Lê Quý Đôn mô tả: “Lễ nghi tế Giao, tế Miếu về hai triều đại nhà Lý, nhà Trần không thể tra khảo được; lễ nghi Giao, Miếu dùng ở bản triều ngày nay đại lược phỏng theo hội điển nhà Đại Minh. (...) Nghi lễ tế Giao: ngày làm lễ chính tế, rước Hoàng đế ngự ở sân điện Chiêu minh, sau khi đã quán tẩy, Hoàng thượng mới bước lên trên điện dâng hương trước án, việc dâng hương và đọc chúc đều cử hành ở trên điện, chỉ quỳ và cúi đầu vái, còn lễ bốn lạy trước và sau khi đọc chúc đều lạy ở sân điện. Đây là điển lễ rất tôn nghiêm rất kính trọng.” Tựu trung, không ai phản đối nhà Nguyễn tổ chức tế Giao trọng thể cả, nhưng thực tế thời Lê Trung hưng tế Giao cũng rất long trọng. III. TIỂU KẾT Tế Giao là một hoạt động thường niên ở các triều Lê và Nguyễn. Sử thư và sách vở đã ghi chép lại chi tiết rành mạch nghi lễ của lễ tế này. Rất tiếc trong bài của LN, tất cả sự tôn nghiêm, hoành tráng của tế lễ bị lược bỏ. Tác giả chỉ tập trung trong việc tóm tắt bài Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh. Trong khi đó, Thực lục chép về đàn Nam Giao khá kỹ lưỡng, thậm chí còn so sánh với quy mô ở đời Lê. Tôi cho rằng LN chưa đọc Thực lục nên khi bắt tay vào nội dung này, ông chỉ trích lục từ những bài viết hồi đầu thế kỷ 20 trên báo như Bàn về tế Giao của Chương Dân, Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh, hoặc lượm lặt một số thông tin trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Bỏ qua Loại chí, bỏ qua Thực lục, bài Lễ tế Giao của LN đã không còn chút nào tính học thuật, chỉ còn là tóm tắt các bài viết cũ của người khác mà thôi. BÀI 5 - LỆ BẢO CỬ VÀ HỒI TỴ Bài Lệ bảo cử và hồi tỵ gồm bốn trang chữ và hai trang hình (vua Minh Mạng và Phan Thanh Giản), xét về số lượng chữ thì hơi ít, chắc độ 1.500 mà thôi. I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Dẫn nguồn Toàn bộ phần Lệ bảo cử thời Lý, Trần Lê không được chú thích dẫn thông tin từ đâu cả. Có vẻ LN khá tự tin những điều mình viết ra đều mặc nhiên đúng, bất khả tư nghị. 2. Ví dụ không chuẩn LN viết: “Cũng có những người tuy giỏi, như Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, nhưng đường khoa hoạn luôn trắc trở, đi không lại trở về không.” Cụ Tú Xương có thể giỏi làm thơ chứ khó mà nói là người giỏi được. Thơ không nằm trong nội dung thi cử thời Nguyễn. 3. Lệ rọc phách LN viết: “Việc thi cử được các triều đại Lý-Trần đến Lê-Nguyễn tổ chức khá chu đáo, bài thi được rọc phách để tránh trường hợp quan trường lợi dụng cho điểm tốt đối vời bài làm của người thân hay học trò của mình”. Nhẽ ra tôi định đưa nó vào phần Những điều chưa đúng, nhưng thú thực là bản thân tôi cũng không thể nào tìm được thông tin chính xác về việc này. Thời Nguyễn thì có ghi chép cụ thể, ngược lên thời Lê sơ, tôi phải mất khá nhiều công phu mới tìm được thông tin về việc rọc phách trong thi Hương, Hội thời Hiến tông và trước đó là thi miễn tuyển thời Thánh tông (có thể suy luận rằng thời Lê sơ có rọc phách). Còn thời Lý, Trần tuyệt nhiên không thấy ghi chép nào cả. 4. Quá vắn tắt Hơn 350 năm của nhà Lê được gói gọn trong mấy dòng, rồi nhảy thẳng sang thời Nguyễn. 5. Thời Gia Long thì sao? Việc nhảy cóc từ Lê Trung hưng sang đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn là một điều khó chấp nhận được. Vua Gia Long và vua sáng nghiệp một triều đại. Trong thời gian trị vì của ông, các định lệ, hoạt động sẽ cho độc giả một cái nhìn quan trọng về nhà Nguyễn. 6. Thời Minh Mạng thì sao? LN viết về quy định cụ thể năm 1832, nhưng lại quên mất (hoặc không biết) lần đầu tiên vua Minh Mạng ra quy định về bảo cử là năm 1823 (Thực lục - Đệ nhị kỷ). 7. Các lệ bảo cử Có một số ngoại lệ về bảo cử mà nhẽ ra LN nên nêu ra (có lẽ do tác giả không biết chăng?). Ví dụ như một số chức quan không có lệ bảo cử (Hiến phó). Hoặc điều quan trọng nhất là quy trình bảo cử thì sách hoàn toàn không nhắc đến. Tóm lại đọc xong bài Lệ bảo cử, người đọc hoàn toàn không hiểu bảo cử là gì, để làm gì, được thực hiện ra sao. II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Bảo cử là gì? LN viết: “Bảo cử là tiến cử kẻ hiền tài ra làm việc nước”. Nói Bảo cử là Tiến cử chỉ đúng một phần, xét về mặt nghĩa thì ngoài cử (đề cử) còn có bảo (bảo đảm). Bảo cử không đơn thuần là tiến cử, mà người bảo cử còn phải chịu trách nhiệm về hành trạng của người mình đề cử. Bảo cử cũng không phải ai cũng được quyền, mà thường chỉ quan đại thần mới có đặc quyền cũng là nghĩa vụ này. Nếu Bảo cử là tiến cử thì các Phật môn thời Lê, Lý hay Thái ấp quý tộc thời Trần vẫn thường xuyên tiến cử học trò, môn khách của mình cho triều đình để làm quan 2. Thi cử thời Lý LN viết: “Việc thi cử được các triều đại từ Lý-Trần đến Lê-Nguyễn tổ chức khá chu đáo”. Điều này khá sai lầm. Việc thi cử nước ta mở ra năm 1075 thời Lý, rồi từng bước mò mẫm mô phỏng các phép thì thời Đường, Tống bên Trung Quốc nên không thể nói là chu đáo ngay từ đầu được. Đầu tiên là các khoa thi Minh kinh, Nho học, rồi thi Văn học, mãi tới năm 1152 thời Anh tông mới lần đầu có thi Điện. Sang thời Trần, nước ta vẫn loay hoay thay đổi giữa các kiểu thi Thái học sinh và thi Tiến sĩ, thời gian tổ chức các kỳ thi cũng không thống nhất, phép thi ở mỗi thời kỳ cũng có thay đổi nhất định (Về thi cử Lý-Trần, độc giả quan tâm có thể đọc trong Thương hải tang điền). Phải sang tới thời Lê sơ thì quy cách thi Hương, thi Hội, thi Đình và định kỳ ba năm một lần mới được xác định và duy trì tương đối đều đặn. 3. Trước năm 1429 LN viết: “Ngay khi vừa phục hồi nền độc lập cho xứ sở, năm 1429, vua Lê Thái tổ đã xuống chiếu định rằng các đại thần từ tam phẩm trở lên có bổn phận tiến cử người hiền tài...” Câu này không sai, nhưng nói lệ tiến cử của Lê Lợi thì phải nhắc mốc đầu tiên là năm 1427 (trước khi giành độc lập), Lê Lợi đã “Hạ lệnh cho các tướng hiệu, các quan lộ tìm hỏi những người có tài lược, trí dũng, làm nổi các chức quan trọng như Tư mã, Thượng tướng, mỗi viên tiến cử lấy một người.” Và cũng năm đó “Hạ lệnh cho các lộ tiến cử những người hiền tài, chính trực, trí dũng anh kiệt, cho gọi tới trả lời các câu hỏi, rồi cất nhắc sử dụng. Ai che giấu thì bị xử tội truất giáng.” (Toàn thư) Nếu coi đó là lệ tiến cử không có bảo đảm thì liền đó lại có lệnh “cho các đại thần và các quan văn võ đều tiến cử người hiền lương phương chính, nếu tiến cử được người giỏi thì được thăng thưởng theo lệ tiến cử hiền thần, nếu vì tiền tài, vì thân quen, tiến cử người không tốt thì bị trị tội theo lệ tiến cử kẻ gian” (Toàn thư). Cử người giỏi được thưởng, cử người kém bị phạt, đó chính là bảo cử. 4. Hồi tỵ là gì? LN viết: “Hồi tỵ là từ Hán Việt, có nghĩa là tránh đi, lệ được đặt ra để ngăn chặn tình trạng nhiều người trong một đại gia đình cùng làm việc trong cùng một đơn vị, cơ quan, dễ dẫn đến sự câu kết với nhau để tham ô và nhũng nhiều dẫn lành.” Sau đó dẫn thêm: “Ở mỗi khoa thi, các quan chức được cử làm khảo quan mà có anh em hay con cháu dự kỳ thi đó thì cũng phải xin hồi tỵ.” Không sai nhưng cũng không đúng. Hồi tỵ ý nghĩa rộng hơn thế, bao gồm cả việc bảo cử, xét án kiện (Thực lục, Đệ nhị kỷ, 1825) và quan trọng hơn, là vấn đề quan phụ mẫu sở tại phải “hồi tỵ” một số phương diện. Mặc dù phía dưới, LN có nhắc tới việc chức thông phán, kinh lịch không được lấy người bản trấn, nhưng nó chỉ chứng tỏ một điều là tác giả viết không có mạch, nhặt nhạnh vài tiểu tiết để ghép thành bài, đoạn dưới tự mâu thuẫn với đoạn trên. 5. Lệ Hồi tỵ thời Lê Đầu tiên, phải nói luật Hồi tỵ đã được xác lập vào thời Lê, quy định trong bộ luật Hồng Đức, ví dụ điều 218 “Quan lấy đàn bà con gái trong hạt”. Chỉ cần google từ khóa “luật hồi tỵ” ta sẽ có kha khá kết quả. 6. Cứ phạm luật hồi tị là phải đổi công sở? Thực ra có ngoại lệ, ví dụ năm 1834 có dụ về quan lại ở hạt chỉ có một phủ thì quan viên có quê ở đó không cần Hồi tỵ (bình thường phải đổi sang phủ khác). 7. Các con cụ Phan Thanh Giản LN viết: Trường hợp cụ Phan Thanh Giản là một tiêu biểu cho tinh thần bất vị thân, khi cụ giữ chức Kinh lược sứ, hàm Hiệp biện Đại học sĩ, nhất phẩm triều đình, các con trai cụ là Phan Liêm và Phan Tôn dù tuổi đời đã trên dưới 30, vẫn không có một địa vị nào đáng kể trong xã hội.” Trước tiên, Hiệp biện Đại học sĩ chỉ là Tòng nhất phẩm. Và ở tuổi trên dưới 30 không rõ Phan Liêm, Phan Tôn đang làm chức gì, có quá thấp hay quá cao so với những vị đồng lứa không, có khoa cử gì không? Thậm chí so với người cha là cụ Giản, thì cũng 30 tuổi cụ mới trúng Tiến sĩ và một năm sau bắt đầu với chức Hàn lâm viện Biên tu. Đặt cạnh trường hợp ông Phan Huy Vịnh con của cụ Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực, thì khi cụ Thực còn làm quan, ông Vịnh đã lần lượt trải qua các chức Chủ sự bộ Binh, Viên ngoại lang (Đại Nam liệt truyện - Truyện Phan Huy Vịnh). Năm Thiệu Trị thứ nhất, cụ Thực ốm nên tạm nghỉ việc quan, ông Vịnh được bổ làm Lang trung bộ Lễ. Không thấy có lệ hồi tỵ cha làm quan to thì con không được làm quan to gì cả, chỉ có hồi tỵ việc cha con không cùng một nha môn mà thôi. Về hai con cụ Giản, không rõ sĩ đồ cụ thể thế nào, chỉ biết cuối cùng Liệt truyện chép “Con [Phan Thanh Giản] có 2 người: Thanh Liêm [tức Phan Liêm] làm quan đến Thượng thư; Thanh Tôn [tức Phan Tôn] làm quan đến Hồng lô tự thiếu khanh.” 8. Mượn mác học thuật Sau khi ca ngợi trường hợp các con cụ Phan Thanh Giản, LN chuyển sang viết “miền Nam trước 1975, lệ hồi tỵ trong ngành tư pháp khác cụ thể và rõ ràng, viên chánh án một tỉnh thụ lý một vụ án mà nguyên cáo hay bị cáo, nguyên đơn hay bị đơn có quan hệ huyết thống hoặc mối thâm giao với mình, viên chức này sẽ xin hồi tỵ, cơ quan tư pháp trung ương sẽ cử một chánh án khác ở tỉnh gần đó sang xét xử nội vụ.” Theo tôi biết thì đây là quy định chung của ngành tư pháp từ thời Pháp thuộc cho tới ngày nay chứ không riêng gì miền Nam hồi 54-75. Các độc giả công tác trong ngành luật hoặc từng học chuyên ngành Luật, xin cho tham vấn về việc này. Tôi tin rằng hiện nay, chủ tọa phiên tòa xét xử dân sự hoặc hình sự đều buộc phải không có quan hệ ruột thịt với bên nguyên hoặc bên bị. Tôi không rõ thâm ý của LN là gì khi kéo dài nội dung xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn sang tận giai đoạn 54-75, rồi chêm thêm câu kết luận: “Tóm lại, vào thời nào hay ở đâu cũng vậy, những kẻ chỉ biết lạm dụng chức quyền, trọng dụng bọn dốt nát và xu nịnh, quay lưng ngoảnh mặt lại với người tài, sẽ mang trọng tội với Lịch sử.” Tác giả đã đi quá xa, vượt ra ngoài khung học thuật thì phải. III. TIỂU KẾT Bài thứ năm của sách vẫn không hơn gì bốn bài trước, thậm chí kém đi rất nhiều vì nội dung tủn mủn, sơ sài, mượn mác học thuật để ám chỉ những việc khác. Với góc nhìn hạn hẹp và tiểu tiết, LN chỉ chắp vá một vài sự kiện thời Nguyễn để cố tạo ra bài viết, nên không tránh được là độc giả (và chính bản thân tác giả) hiểu sai Bảo cử và Hồi tỵ. Ví dụ muốn hiểu về Bảo cử, độc giả phải đọc để rút ra kết luận rằng Bảo cử quan trọng nhất là chọn người xứng đáng vào đúng chức vụ, nghĩa là hầu hết (nhưng không phải 100%) các vị trí trong bộ máy cai trị của nhà Nguyễn thì đều cần sự bảo cử của các quan đại thần trong triều. Đó là cách triều đình xây dựng bộ máy hoạt động chứ không đơn giản là tiến cử để không bỏ sót người tài. Và dĩ nhiên vẫn phải phê phán cách viết giấu giếm nguồn tư liệu, dẫn tới khó khăn rất lớn cho việc khảo chứng lại những điều tác giả nhận định. Nó giống và tương đương vô vàn các bài viết kém chất lượng trên facebook ngày nay mà thôi. BÀI 6 - CÁCH TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI CỦA NGƯỜI XƯA Bài Cách trọng dụng nhân tài của người xưa dài khoảng 6 trang, kèm thêm 3 ảnh chụp tượng đài các cụ Tô Hiến Thành, Nguyễn Thiếp, Võ Trường Toản. I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Dẫn nguồn thứ cấp Câu chuyện Tô Hiến Thành được LN ghi nguồn là Đại Việt sử ký tiền biên. Nhưng rõ ràng tích truyện này có trong Toàn thư, việc LN bỏ qua tài liệu nguồn để sử dụng nguồn thứ cấp là việc khá dở. 2. Không có thông tin gì về Lê sơ Quả thực LN đã bỏ qua việc các đời vua nhà Lê sơ từ Lê Thái tổ trở xuống sử dụng nhân tài như thế nào. 3. Trùng lặp nội dung với các bài trước Một số nội dung trong bài lặp lại ý trong bài Lệ Bảo cử và Hồi tỵ. Việc này khó tránh khỏi bởi Bảo cử và Dùng người luôn liên quan mật thiết với nhau. Tuy vậy, bởi nội dung cả hai bài đều sơ sài nên độ trùng lặp là quá lớn và dễ nhận ra. 4. Chỉ đi vào tiểu tiết mà thiếu đại cục Nội dung bài viết chỉ dẫn được vài ví dụ không mang tính phổ quát, tỷ như về vua Quang Trung chỉ nói việc Nguyễn Thiếp, vua Gia Long chỉ nói Võ Trường Toản, rồi đoạn sau chỉ thêm 2 ví dụ về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát. Nhân tài nước ta đâu chỉ có vài người. II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Trọng dụng nhân tài là gì? Điều cơ bản mà ai cũng biết là chọn lọc người hiền ra làm quan. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu mà thôi, như viên gạch đầu tiên dựng nền móng. Quan trọng hơn là đặt đúng người hiền vào vị trí hợp với khả năng của họ. Điều này rất tiếc là LN không viết đến, đúng hơn là có viết nhưng viết chệch. Điểm này cũng là khiếm khuyết của bài Bảo cử. Bảo cử chính là trọng dụng nhân tài, dùng đúng người, đúng chức. Thay vì lý giải cách thức xây dựng bộ máy quan lại để thể hiện việc dùng người, thì LN lại chỉ lấy ví dụ về việc bảo cử rồi bị phạt vì kẻ được tiến cử phạm pháp (trường hợp Nguyễn Công Trứ bảo cử Phi Quý Trại). 2. Câu chuyện Tô Hiến Thành là bài học về dụng nhân? Mở đầu bài viết, LN kể lại tích truyện Tô Hiến Thành khi sắp mất thì tiến cử Trần Trung Tá thay vì Vũ Tán Đường và kết luận “Câu chuyện trên đã trở thành bài học sâu sắc về cách sử dụng nhân tài của người xưa”. Rất tiếc là LN không đọc cổ sử nên chẳng biết rằng sau khi Tô Hiến Thành mất thì cả Trần Trung Tá lẫn Vũ Tán Đường đều không được dùng lại quan Tể tướng thay họ Tô. Toàn thư chép: “Thái hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy”. Người được bổ làm quan phụ chính là Đỗ An Di. Tích truyện Tô Hiến Thành tiến hiền chỉ là để ca ngợi tấm lòng trung của họ Tô chứ hoàn toàn không liên quan, nếu không muốn nói là phản ví dụ, về sự dùng người của triều đình xưa. 3. Cử nhân, Tú tài thời Trần-Lê? Trước khi viết sang thời Lê-Trịnh, LN bàn về thi cử trước đó: “Từ đó, các điều kiện khoa cử ngày một hoàn thiện, tiến đến việc tổ chức ba khoa thi liên tiếp liền nhau là thi Hương để lấy Cử nhân và Tú tài, thi Hội để lấy Tiến sĩ (và Phó bảng vào thời nhà Nguyễn), và thi Đình để xếp hạng Tiến sĩ.” Rất tiếc là không có Cử nhân, Tú tài nào ở thời Lê cả. Phải sang tới năm 1823 đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn thì danh xưng Cử nhân, Tú tài mới ra đời. Trước đó, thời Lê gọi người trúng thi Hương là Hương cống, người thi Hương đỗ tam trường gọi là Sinh đồ. 4. Vua đích thân ra đề? LN viết: “Thời Lê-Trịnh, buổi đầu thi có sự hiện diện của cả vua Lê, chúa Trịnh. Đề bài do nhà vua đích thân ra...” Câu này viết quá chung chung, không rõ kỳ thi Hương, Hội hay Đình? Nếu là thi Hương thì trước vốn do quan trường tự ra, nhưng tới năm 1720, chúa Trịnh Cương quyết định tự thân ra đề (Cương mục). Còn nếu nói là thi Đình thì... từ xưa tới nay vốn đều do nhà vua tự thân ra đề cả, không riêng gì thời Lê Trung hưng. 5. Vụ án Cao Bá Quát LN viết: “Năm 1841, với chức danh Hành tẩu bộ Lễ, họ Cao được bổ làm Sơ khảo trường thi Hương Thừa Thiên, ông cùng một Sơ khảo khác là Phan Nhạ thấy có mấy quyển bài thi viết rất hay mà tiếc tthay người sĩ tử sơ suất để phạm trường quy, bài sẽ phải bị loại, chưa kể tác giả của nó còn có thể bị tội hình. Thương cho học trò có tài nhưng không may, Cao Bá Quát quyết liều cứu họ...” Có lẽ LN đã tham khảo wikipedia để viết bài cẩu thả. Wikipedia mục Cao Bá Quát viết rằng: “Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng Tám năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại.” Vụ án năm Tân Sử (1841) được sử nhà Nguyễn ghi lại khá chi tiết, cả trong Thực lục và Liệt truyện. Xin trích lại nguyên văn: “Có hai viên sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa văn bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 tên (...) Bọn Bá Quát thú nhận là sính bút làm càn, chứ không có ai dặn dò gửi gắm gì cả.” Đọc qua loa thì có thể ta sẽ hiểu giống như trang wikipedia đã viết, rằng hai quan Sơ khảo Quát, Nhạ chỉ sửa đôi ba chữ để tránh cho 24 khảo sinh khỏi phạm quy. Nhưng sau đó còn có dụ của vua Thiệu Trị về vụ án: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát lại dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ: bọn Quát chữa văn đến 24 quyển, tự mình hoặc phê lấy đỗ, hoặc phê bỏ đi, cũng có chỗ câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước, hoặc giả là do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Vậy đều cho đổi làm giảo giam hậu” (Thực lục - Đệ tam kỷ). Có thể thấy Cao Bá Quát không chỉ sửa vài chữ để tránh cho khảo sinh phạm quy, mà còn thay đổi cả câu chữ trong bài thi. Có những câu Quát cho rằng dở mà sửa lại theo ý riêng của mình, dẫn tới vua phán “cũng có chỗ câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước”. Đây không phải vì thương sĩ tử sơ ý mà là hành động chơi ngông, ỷ mình văn tài hơn đời nên cố ý sửa bài thi của người khác. Một điểm nữa là với chức vụ rất thấp của Cao Bá Quát, ông không có khả năng và địa vị để “trọng dụng nhân tài”. Việc lấy đỗ rồi tuyển bổ là việc của triều đình và các quan đại thần. LN đã nhầm lẫn việc “có lòng thương người” với “trọng dụng nhân tài”. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng trường thi Thừa Thiên mà Quát, Nhạ làm Sơ khảo có ngạch đỗ là 38 người (sau vua Thiệu Tri gia ân lên 45 người), nghĩa là trong trường hợp giả định, hai vị khảo quan sửa bài mà thành công cả, thì 24 người đáng trượt lại đỗ kia sẽ chiếm tới 2/3 số lượng thí sinh được vào vòng sau. Một tỷ lệ oan sai cao khủng khiếp. Phép tuyển người làm quan thời xưa, chủ yếu trông vào kết quả thi cử. Dĩ nhiên đó là một phép tuyển cử lạc hậu và chứa đầy bất công, nhưng dẫu sao đó cũng là một hệ thống tiêu chuẩn dùng để sàng lọc nhân tài, và không có nghĩa rằng ai đó được phép dùng một hành động sai trái (sửa bài thi dẫn tới sai lệch kết quả chấm, người đáng đỗ thì trượt, người đáng trượt lại đỗ) để phản kháng lại pháp luật. Một người làm văn không đủ giỏi để đỗ, không thuộc phép tỵ húy (tức luật) đã ban hành, liệu có chắc anh ta là nhân tài cần trọng dụng không? Cao Bá Quát có thể tự phụ mình tài giỏi, có thể u uất vì cảm giác sinh bất phùng thời, nhưng hành động sửa văn thi của ông không đáng được ca ngợi, bởi nó không hề xuất phát từ ý tưởng nghĩa hiệp hay muốn nhân tài được trọng dụng. Chỉ là sự ngông cuồng của cá nhân mà thôi. III. TIỂU KẾT Muốn viết về đề tài Trọng dụng nhân tài của người xưa, thì tốt nhất nên gộp chung với đề tài Bảo cử thì mới không bị trùng lặp. Mặc dù vậy, phép dùng người của cổ nhân không phải chỉ là cứ người giỏi thì mời ra làm quan, mà phải là đặt người đúng vị trí tài năng của họ, để họ phát huy được tài năng, ra công gắng sức phục vụ cho đất nước, cho triều đình, đó mới là trọng dụng. Bên cạnh đó là hệ thống đánh giá năng lực của quan lại để qua đó quyết định sự thăng/giáng của người giỏi/dở sau một khoảng thời gian nhất định. Một đề tài rất hay như vậy về bộ máy cai trị phong kiến mà đã bị LN phá nát bằng mấy ví dụ sai lầm hoặc tủn mủn, người đọc khó mà tưởng tượng ra sự sáng suốt và tài tình của các bậc minh quân thuở xưa. BÀI 7 - BƯU CHÍNH VIỆT NAM TỪ THỜI QUÂN CHỦ ĐẾN THỜI PHÁP THUỘC Nghiên cứu về bưu chính là bài thứ 8/30 trong sách. Đây là một bài viết khá dài, khoảng 7 trang sách và một số hình vẽ và chụp đều là thời Pháp thuộc. Tôi không rành về sử thời Pháp thuộc nên nội dung bài này sẽ khoanh gọn trong nội dung 2 trang viết của LN với khoảng thời gian trước thời Pháp thuộc. I. NHƯNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Không hề dẫn nguồn Thực sự khá sốc, nếu các bài trước, LN còn đôi chỗ có dẫn nguồn của thông tin cung cấp cho độc giả, thì toàn bộ phần viết về thời Lê, Nguyễn trong bài này tuyệt không dẫn một nguồn tư liệu nào, ngoại trừ đúng một lần nhắc tới Việt Nam sử lược. 2. Viết vo Toàn bộ 800 năm lịch sử ngành bưu chính của nước ta, được tác giả viết vo thành một cục, không chia thành từng thời kỳ tức là ai muốn hiểu thông tin là ở thời nào thì cứ tự đi mà hiểu. 3. Bố cục không ăn nhập với sách Cũng biết rằng tiêu đề sách bao gồm thời Nguyễn nghĩa là cả thời Pháp thuộc, nhưng dành 2/3 nội dung bài viết để mô tả ngành bưu chính thời Pháp thuộc thì có lẽ là quá lệch mất rồi, có lẽ nên cắt riêng thành nội dung nghiên cứu thời Pháp thuộc thì sẽ hợp hơn đặt vào khoảng thời gian hai triều đại Lê-Nguyễn. II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Trạm là gì? LN viết: “Từ thời Lý, Lý Thái tông (1028-1054) đã cho dựng lên những ngôi nhà nhỏ được gọi là ‘trạm’ trên mỗi cung đường nằm cách nhau từ 15 đến 20km để cho người đi đường có chỗ dừng chân, nghỉ ngơi. Sau này, khi nhu cầu liên lạc giữa triều đình và các địa phương ngày càng gia tăng, trạm giữ nhiều nhiệm vụ hơn, trong đó có: - Khiêng kiệu, hành lý, đưa các quan đi lại trên đường công tác. - Vận chuyển hàng hóa, vật tư của triều đình. - Chuyển công văn, thư từ.” Đoạn này LN không dẫn nguồn, nhưng có vẻ tác giả đã nhầm thông tin về “trạm”. Toàn thư và Cương mục viết năm 1044 đời Thái tông nhà Lý, “đặt trạm Hoài Viễn ở bờ sông Gia Lâm” và sau đó “đặt trấn Vọng Quốc và 7 trạm Quy Đức, Bảo Ninh, Tuyên Hóa, Thanh Bình, Vình Thông, Cảm Hóa, An Dân, các trạm đều dựng ụ bia”, nhưng thực ra các trạm (nguyên văn 驛 - dịch) là để “làm quán nghỉ trọ cho người nước ngoài khi đến chầu” và “để làm chỗ trọ cho người man di” (Toàn thư, Lý, 1044). Dĩ nhiên đầu thời Lý chúng ta đã có trạm dịch dành cho chuyển tiếp tin tức, nhưng kết luận đó là đời vua Thái tông và “trên mỗi cung đường nằm cách nhau từ 15 đến 20km để cho người đi đường có chỗ dừng chân, nghỉ ngơi” thì hẳn là nhầm với dịch trạm cho người nước ngoài ngủ trọ mà Toàn thư ghi lại. Thứ mà dành cho người đi đường nghỉ ngơi thì gọi là “đình trạm” (nguyên văn: dịch đình) cơ, An Nam chí lược ghi tên các đình này là Phấn dịch đình, không liên quan tới dịch trạm của nhà nước. Việc này được chép ở cuối thời Lý đầu thời Trần, gắn với cố sự Trần Thừa. Dịch trạm là chỗ nghỉ đỗ của người giữ việc chuyển đệ văn thư thì gọi là Bưu đình (Cương mục, quyển 37). 2. Dịch trạm có từ bao giờ? Chuyển phát văn thư qua các trạm đã xuất hiện từ rất xưa bên Trung Quốc. Trong một ngàn năm đô hộ nước ta, người Trung Hoa đã mang theo hệ thống này và xây dựng thành một chuỗi các dịch trạm phục vụ cho việc vận chuyển từ An Nam về nội địa Trung Quốc. An Nam chí lược ghi lại (không rõ từ nguồn nào) từ La Thành (tức thành Thăng Long) tới kinh sư (của Trung Quốc) ước chừng có 115 trạm, cộng hơn 7.700 dặm. Ghi nhận ở sử sách nước ta thì từ thời Tiền Lê đã vận hành hệ thống trạm này rồi. Toàn thư chép năm 1005 đời vua Long Đĩnh: “Chuyến đi này khi quan quân đánh nhau với người trại Phù Lan, chợt thấy trạm (nguyên văn: dịch) báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần Đầu (nay là cửa biển Thần Phù).” 3. Dịch trạm chuyển thư từ? Hiển nhiên là không có chuyện dịch trạm được phép chuyển thư từ cá nhân rồi. Họ chỉ được phép vận chuyển văn thư, tấu sớ, đồ đạc gửi từ các địa phương tới kinh đô cho vua hoặc bộ, các và ngược lại. Thư riêng, đặc biệt của bình dân thường phải nhờ người có việc đi lại cầm chuyển giúp. Nghiên cứu về chủ đề này hẳn sẽ rất lý thú và bổ ích, đó mới là cái nhìn về xã hội Việt Nam. 4. Chỉ có hệ thống đường bộ? LN viết: “Riêng công văn, thư từ, triều đình tuyển chọn lính trạm hay phu trạm từ những trai tráng khỏe mạnh, dẻo dai để có thể chạy bộ trên những quãng đường dài...” Quả thực không chỉ những câu trên mà toàn bộ bài viết của LN không hề nhắc tới hệ thống chuyển gửi văn thư sản vật giữa kinh thành và các trấn qua đường thủy. Độc giả yêu thích lịch sử hẳn ai cũng biết nước ta từ xa xưa cho tới thời Nguyễn, giao thông vận tải chủ yếu là dùng đường thủy. Không lý gì riêng việc bưu vận của triều đình là dùng độc đường bộ. Tỷ như năm 1721, Tuyên Quang có lời tâu với triều đình: “Nếu văn thư ở trấn đệ vào Kinh, xin đi bằng thuyền, giao cho phường chài này luân chuyển cho phường khác, cứ như thế thuận dòng nước mà xuôi. Còn như việc đệ nộp tiền thuế và dâng sản vật địa phương cũng đi đường thuỷ là tiện hơn” (Kiến văn lục). Hoặc thời Nguyễn cũng nhiều lần nhắc tới các trạm ở sông (Thực lục, Đệ nhất kỷ, 1814; Đệ nhị kỷ, năm 1833, Đệ nhị kỷ, năm 1836). 5. Trạm dịch được quản lý ra sao? Mảng này hoàn toàn không được nhắc tới, mặc dù sử nhà Nguyễn chép rất nhiều. Ví dụ bài trạm là một thứ rất quan trọng để vận hành trạm dịch thì không hề được nhắc tới. 6. Mã thượng phi đề là cái gì? Thực ra ban đầu tôi nghĩ là lỗi chính tả thôi, đúng ra phải là Mã thượng phi đệ, đệ nghĩa là đệ trình, bốn chữ này nghĩa là “đệ phi bằng ngựa”. Tuy nhiên, trong cả hai lần nhắc tới chữ này thì LN sai cả hai, đồng thời kết quả tìm kiếm trên mạng cho tôi một loạt bài cùng nội dung nay, và đều sai “đệ” thành “đề” cả. Tôi tạm kết luận là cả tác giả LN lẫn ban biên tập sách không hề biết ý nghĩa của chữ này. 7. Công văn khẩn và cờ đuôi nheo LN viết: “Triều đình xưa cũng qui định độ khẩn trong công văn; thường hành là độ khẩn bình thường nhất, người phu trạm chỉ cần đi bộ chậm rãi; kế đến là thu cần, người phu trạm phải đi bộ nhanh; lên đến thôi cần là phải chạy bộ; đến độ khẩn thôi cần, gia cần, được sử dụng ngựa chạy bình thường và cuối cùng đến độ khẩn mã thượng phi đề [sic] là phải phi ngựa chạy thật nhanh. (...) Với độ khẩn mã thượng phi đề [sic] (tương đương với hỏa tốc sau này), người lính trạm giắt những lá cờ đuôi nheo nhỏ trên lưng để làm hiệu, cưỡi ngựa phi nước đại, không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm.” Tôi chưa tìm được thông tin về các mức độ khẩn như “thu cần”, “thôi cần”, “gia cần” (cũng bởi tác giả không dẫn nguồn, và tôi nghĩ LN nhầm chữ “cần” với chữ “cẩn” nghĩa là khẩn). Theo ghi chép của Thực lục năm 1827 (Minh Mạng năm thứ 8) thì cấp độ khẩn chia làm ba cấp: Tối khẩn, Thứ khẩn và Thường hành. Trong đó Thứ khẩn và Tối khẩn là chạy bằng ngựa. Trong đó bộ Binh xin cấp cho mỗi nhà trạm hai lá cờ đuôi nheo. Tuy nhiên ở ghi chép năm 1833 (Minh Mạng thứ 14), trên Thượng khẩn còn có Tối khẩn, người phu trạm chạy công văn Tối khẩn thì cờ đuôi nheo được quấn thêm lông đuôi gà để làm dấu: “Vậy xin từ nay, phàm các nha môn trong Kinh và các tỉnh ngoài, có việc quan hệ đến quân phải theo lệ tối khẩn thì ở trong tờ trát biên rõ 2 chữ “quân vụ”, đóng triện nhỏ vào, giao cho đội trạm lập tức đem lông cánh gà (các trạm đều chuẩn bị thứ lông cánh gà trống, dài, đẹp, dùng sợi dây khâu liền nhau, kết thành mảng to, đại khái quấn khắp ngọn cờ là đủ) cắm lên trên cái ngù đỏ ở chóp cờ, tinh tốc chạy đi như bay.” III. NẾU LÀ TÔI Giả sử tôi viết một bài về đề tài Bưu chính thời quân chủ, tôi sẽ xây dựng một bức tranh toàn cảnh gồm hai phần: Bưu chính công - tức các hoạt động chuyển phát thuộc hệ thống triều đình; và Bưu chính tư - tức các hoạt động dành cho bình dân. Chủ đề Bưu chính tư sẽ rất khó kiếm tư liệu, nhưng tôi sẽ cố trình bày để độc giả hiểu sự khó khăn để gửi thư tín và đồ vật của giới bình dân thuở xưa. Họ sẽ phải nhờ vả những thương nhân buôn bán qua lại các xứ, nhưng bà con thân hữu có việc đi xa, và nhờ các hệ thống vận tải đường thủy, nhà đò. Có lẽ cái cuối là phổ biến nhất. Ngoài ra tôi sẽ so sánh với Trung Quốc ở thời điểm tương đương, họ cũng không hề có hoạt động bưu chính tư nhân (phải tới giữa thế kỷ 19 thì công ty đó mới ra đời). Nhưng dĩ nhiên cần phải khảo sát các văn bản cho kỹ. Đây chỉ là phác thảo ý tưởng. Về Bưu chính công, tôi sẽ tham cứu An Nam chí lược, Toàn thư và Cương mục (để xem thời Lê Trung hưng) về việc dịch trạm hoạt động ra sao. Và cuối cùng, cũng là phần dễ nhất, đó là Bưu chính thời Nguyễn vận hành thế nào. Chắc chắn sẽ có rất nhiều số liệu về phu phen mỗi trạm, số ngựa, số thuyền, thời gian quy định chạy trạm cho mỗi loại công văn (Thường hành, Thứ khẩn, Thượng khẩn, Tối khẩn). Và quan trọng nhất (mà LN không nhắc tới) là cơ quan quản lý Bưu chính thời Nguyễn. Đó là Bưu chính ty (Thực lục - Đệ nhị kỷ - năm 1825). IV. TIỂU KẾT Mặc dù Bưu chính Việt Nam thời từ thời quân chủ tới Pháp thuộc không phải là bài viết quá tệ, bởi có phần Pháp thuộc khá dài, tôi không biết nó đúng hay sai, nó ở ngoài sự hiểu biết của tôi. Tuy nhiên, phần viết về hoạt động Bưu chính thời quân chủ thì quá xoàng xĩnh. Các nhược điểm tôi đã nói ở trên, và thay vì viết một chủ đề gắn liền với xã hội Việt Nam thì LN chỉ viết khoanh gọn trong những gì liên quan tới triều đình. Giới bình dân không nằm trong khuôn khổ của cuốn sách, cả bài này và các bài khác. Đó là thiếu sót trầm trọng mà không thể sửa chữa được đối với cuốn sách. BÀI 8 - HOẠN QUAN Ở CÁC CUNG ĐÌNH XƯA Nghiên cứu về Hoạn quan là bài thứ 13/30 trong sách. Chủ đề Hoạn quan được tác giả viết khá dài, gần 8 trang viết và có vẻ công phu, nhưng thật tiếc đây lại là một trong những bài dở nhất của LN. Bởi vì nó đầy rẫy các sai lầm từ sơ đẳng cho tới phức tạp. Thậm chí sai hết tất cả các định nghĩa và tên gọi. I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Kết cấu của bài viết Chủ đề là Hoạn quan trong sách Xã hội Việt Nam, nhưng bài viết dành 8 dòng cho Lịch sử hoạn quan Trung Quốc và 8 dòng để nói về lược sử hoạn quan nước ta tới hết thời Lê sơ. Tiếp đó là khoảng một trang về thời Lê Trung hưng. Còn lại thuộc về triều Nguyễn. 2. Dẫn nguồn Với tám trang viết và chỉ có bảy cước chú dẫn nguồn thông tin thì không thể gọi là một bài viết tử tế được, chúng ta sẽ quay lại vấn đề này ở mục sau. II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Hoạn quan thời Tiên Tần LN viết: “Ở Trung Quốc, nghề Hoạn quan được đề cập đến từ đời nhà Chu (năm 1122 đến năm 256 TCN). Theo sách Chu lễ, hoạn quan thời này được gọi là Tử nhân hay yêm doãn, được tuyển vào cung để làm một số việc cần như: truyền chỉ của nhà vua đến các quan lại khác, canh giữ hậu cung, quét dọn đường ốc, liên lạc giữa nhà vua với các cung phi...” Mặc dù thông tin được dẫn nguồn BAVH, nhưng đây là kiến thức sai. Tỷ như Yêm doãn không phải dùng để chỉ hoạn quan nói chung mà là chức quan đứng đầu các hoạn quan (Hán ngữ từ điển). Và đặc biệt hơn, trước thời nhà Hán, Hoạn quan không hoàn toàn dùng để chỉ những người bị thiến, mà dùng để chỉ những người hầu cận vua, hoàng đế. Hoạn Giả là tên một cụm bốn ngôi sao (sau tăng thêm 1) thuộc khu vực sao Thiên Thị viên. Thiên Thị viên (còn gọi là Thiên Phủ, Trường Thành) ý nghĩa như tên gọi, biểu thị chợ trên trời, là nơi bách tính tập trung, phồn hoa đô thị. Trong đó có sao Đế Tòa biểu thị cho Hoàng đế, và bên cạnh đó có Hoạn Giả là những người hầu cận. Ý nghĩa ban đầu của Hoạn không phải người bị thiến như sau này, mà chỉ là người làm việc, hầu hạ ở công phủ, tư phủ. Thời Chiến Quốc, quý tộc nuôi nhiều Tân khách (môn khách) nên Hoạn mang ý nghĩa là người tiếp đón hầu hạ môn khách. Hơn nữa, không chỉ nhà quý tộc nuôi Tân khách mà cả vua cũng có Tân khách riêng. Những người chuyên tiếp đón phục dịch Tân khách của vua thì gọi là Hoạn quan. Như vậy, người phục dịch nhà quý tộc thì gọi là Hoạn giả (hoặc Hoạn nhân), còn phục vụ vua thì gọi là Hoạn quan. Thời đó, Hoạn giả hay Hoạn quan hoàn toàn không phải người bị thiến, mà là chỉ những người tùy tùng, hầu cận của nhà vua. Triệu Cao nước Tần là một nhân vật như vậy. Lý Tư liệt truyện chép Cao là “Hoạn nhân”, là người đánh xe cho Tần Thủy Hoàng (tức bộ mặt của vua mỗi khi ra ngoài), bản thân Cao lại có con gái gả cho Diêm Nhạc, lại chép Triệu Cao sao khi giết Hồ Hợi từng muốn tự thân lên làm vua, chừng ấy đủ để nói Triệu Cao hoàn toàn không phải người bị thiến. Hậu Hán thư - Hoạn giả truyện viết: “Trung hưng chi sơ, Hoạn quan tất dụng yêm nhân” - Thời đầu Trung hưng (tức Đông Hán), hoạn quan tất dùng người bị thiến. Câu này chứng tỏ từ Tây Hán trở về trước, không phải 100% Hoạn quan đều là người bị thiến. Chỉ tới thời Quang Vũ đế, do Hoạn quan thường được tự tiện ra vào nội cung nên mới quy định chỉ lấy người bị thiến làm Hoạn quan, trở thành lệ từ đó trở về sau. 2. Thường thị là gì? LN viết: “Đời Hán, hoạn quan được gọi là Thường thị”. Đây là kiến thức sai căn bản. Thường thị là tên chức quan, viết tắt của Trung thường thị. Thời Tây Hán, Hoàng đế đặt ra chức quan này dành cho các cận thần, phụ trách việc cố vấn, ứng đối, trật Thiên thạch, sau tăng lên Tỷ nhị thiên thạch. Có thể kể đến hai vị Trung thường thị là anh em họ Ban nổi tiếng là Ban Bá và Ban Trĩ (cha của Ban Bưu, ông nội của Ban Cố). Sang thời Đông Hán, chức Trung thường thị do Hoàng đế thường lấy Hoạn quan đảm nhiệm. Do ảnh hưởng lớn của Thập thường thị trong Tam quốc diễn nghĩa, nên một số người cho rằng cứ Hoạn quan là Thường thị, hoặc nghĩ Thường thị là quan danh của Hoạn quan. Rất sai lầm. Thường thị đôi khi được sử dụng như một dạng tôn xưng để tỏ ý cung kính với Hoạn quan. Sang thời Ngụy, chức Thường thị được gộp với chức Tán kỵ, trở thành Tán kỵ thường thị, không còn do Hoạn quan riêng đảm nhiệm nữa. Như vậy, Thường thị là chức quan, có thể dùng hoạn quan hoặc người thường chứ không phải cứ Thường thị là hoạn quan, càng không phải cứ hoạn quan là Thường thị. 3. Trung quan được dùng bắt đầu từ thời Đường? Và bởi Hoạn quan chủ yếu ở trong nội cung, nên để phân biệt với các quan trên triều thì Hoạn quan còn được gọi là Nội cung quan (tức Nội quan), hay Trung cung quan (tức Trung quan), không phải tới triều nhà Đường thì mới gọi là Trung quan. 4. Hoạn môn chi hầu là chức gì? LN viết: “...các vua Đại Việt cũng tuyển vào cùng các hoạn quan với nhiều chức danh khác nhau, tùy từng thời kỳ: đời Lý gọi là Hoạn môn chi hầu”. Đây là thông tin sai tới mức không thể sai hơn. - Thứ nhất: Không có chức “chi hầu” mà chỉ có “chi hậu” (như Chi hậu nội nhân Đỗ Thích, Chi hậu Đào Cam Mộc, Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông...) - Thứ hai: Không có chức Hoạn môn chi hầu hay Hoạn môn chi hậu gì cả. LN đã chép (và không dẫn nguồn) cái sai này từ bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính1. Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Duy Chính nhầm từ chức danh của Lý Thường Kiệt: Hoàng môn chi hậu. Thực chất thì thời Lý, hoạn quan được gọi với cái tên: Hoạn quan và Yêm tự. Sử sách nhiều lần nhắc tới hai chữ này: “duy cung nữ, hoạn quan kiến chi” (Toàn thư, Lý, 1125); “Chiếu yêm tự bất đắc thiện nhập cung” (Toàn thư, Lý, 1150); “Hoạn quan Phạm Bỉnh Di chi ngôn” (Toàn thư, Lý, 1203); “Hoạn quan phụng ngự Phạm Bỉnh Di” (Cương mục, 1208). Tựu trung, Hoàng môn chi hậu là một chức quan, nhưng không phải hoạn quan nào cũng là Hoang môn chi hậu. 5. Nội thị LN viết: “[...các vua Đại Việt cũng tuyển vào cùng các hoạn quan với nhiều chức danh khác nhau, tùy từng thời kỳ]... thời Trần gọi là Nội thị”. Một lần nữa, LN đã chép (và không dẫn nguồn) cái sai này từ bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính2. Thời nhà Trần có một cơ quan rất quan trọng gọi là Nội thị sảnh học theo mô hình bên Trung Quốc, người trong Nội thị sảnh gọi là quan Nội thị, gồm cả hoạn quan và sĩ nhân. Người nổi tiếng đầu tiên trong Nội thị sảnh phải kể tới Lý Nhân Nghĩa. Thời Lý Thái tổ, ông từng đảm nhậm chức Viên ngoại lang đi sứ nhà Tống năm Thuận Thiên thứ 2 [1011] (Toàn thư - Lý). Việc mang chức danh Viên ngoại lang (chức chuyên về ngoại giao) cho thấy rất có thể ông không phải Hoạn quan. Đến đầu thời Thái tông, Nhân Nghĩa là quan Nội thị. Đây là chức quan được đặt cùng lúc với các chức Tả hữu Khu mật, Tả hữu Tham tri chính sự, Tả hữu Gián nghị, Trung thư thị lang, cùng các chức Uy nghi thượng tướng, Định thắng thượng tướng, Tả hữu phúc tâm, Nội thị, Đô thống đại nguyên soái (Loại chí). Có thể giả định rằng khi Thái tông lên ngôi, ông xếp đặt lại cơ cấu triều đình, đặt Khu mật viện, Trung thư sảnh và Nội thị sảnh. Nội thị sảnh còn gắn liền với vị Hoạn quan nổi tiếng thời 1 https://ongvove.wordpress.com/2009/02/21/ho%e1%ba%a1n-quan/#more-2312 https://ongvove.wordpress.com/2009/02/21/ho%e1%ba%a1n-quan/#more-231 Lý: Lý Thường Kiệt. Ông xuất thân từ chức Hoàng môn chi hậu rồi lên Nội thị sảnh Đô tri, rồi Nội thị Phán thủ Đô áp nha - các chức danh thể hiện vai trò đứng đầu Nội thị sảnh. Mặc dù vậy, có thể khẳng định Nội thị sảnh không phải cơ quan chuyên dành cho Hoạn quan. Cuối thời Lý, Trần Thừa (tức Trần Thái tổ) từng được phong Nội thị Phán thủ, và Trần Cảnh (tức Trần Thái tông) từng giữ chức Nội thị Chính thủ (Cương mục, quyển 5). Nội thị sảnh tồn tại cả ở thời Lê sơ, và cũng không phải cơ quan dành riêng cho Hoạn quan. Cương mục quyển 20 chép “Theo chế độ cũ, Nội thị sảnh có cục Thân tùy, bổ dụng con quan viên từ lục phẩm trở lên đến tam phẩm; đến nay thăng cục ấy làm Điện Tiền tả hữu Vũ Lâm quân.” Vũ Lâm quân là thân quân của Hoàng đế, có thể thấy Nội thị sảnh tuyển con em quan viên vào làm việc hầu hạ và bảo vệ Hoàng đế, hoàn toàn không phải Hoạn quan. Tựu trung, Nội thị hoàn toàn không phải cách gọi hoạn quan ở thời Trần. Sử sách nước ta khi chép về hoạn quan thời Trần có dùng các chữ “nội nhân” (Toàn thư, Trần, 1267), “hoạn thị [nội thần]” (Toàn thư, Trần, 1280; 1288); “trung quan” (Toàn thư, Trần, 1288; 1303); “thụ tử” (Toàn thư, Hậu Trần, 1409). 6. Thái giám thời Lê LN viết: “[...các vua Đại Việt cũng tuyển vào cùng các hoạn quan với nhiều chức danh khác nhau, tùy từng thời kỳ]... đến đời Lê đổi thành Tả hữu Thái giám. Từ thái giám xuất hiện vào thời này và về sau, nhiều người vẫn ngộ nhận khi đồng hóa nghề hoạn quan với chức danh thái giám.” Một lần nữa, LN đã chép (và không dẫn nguồn) cái sai này từ bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính3. Thái giám hoàn toàn không liên quan tới Hoạn quan thời Lê (sẽ viết kỹ ở phần Nếu là tôi). Điển hình như niên hiệu Vĩnh Tộ, có lệnh tập ấm cho các quan viên, trong đó “Các chức Tổng thái giám, Đô thái giám, Tham chưởng giám thuộc nội giám thì được quan 3 https://ongvove.wordpress.com/2009/02/21/ho%e1%ba%a1n-quan/#more-231 viên tử 4 người, quan viên tôn 2 người. Các chức Thái giám, Tham tri giám sự, Đồng tri giám sự, đuợc quan viên tử 3 người, quan viên tôn 2 người. Các chức Thiếu giám, Tả Hữu giám thừa, Đề điểm, được quan viên tử 2 người, quan viên tôn 2 người” (Loại chí - Quan chức chí). Nếu là hoạn quan thì con nào được tập ấm? Sai lầm căn bản về chức quan Thái giám (hoàn toàn không phải để chỉ hoạn quan) dẫn tới toàn bộ bài viết của LN sụp đổ. Cách gọi Hoạn quan ở thời Lê cũng tương tự như các triều đại trước, đó là hoạn quan, trung quan,... mà thôi. 7. Giám ban đặt vào thời nào? LN viết: “Thời vua Lê Ý tông, niên hiệu Vĩnh Hữu (1735-1740), trong hàng quan lại, ngoài Văn ban và Võ ban, năm 1739, chúa Trịnh Khương (Giang) còn đặt thêm một ban thứ ba là Giám ban với các chức danh có phẩm hàm cao chưa từng thấy trong hàng hoạn quan trước đó...” Đây là một sai lầm nhưng tôi không coi là lỗi của LN (trừ việc không dẫn nguồn tư liệu). Các nguồn Tục biên, Cương mục đều cho rằng ở năm 1739, chúa Trịnh Giang lập Giám ban và tới năm 1740 thì bãi bỏ. Tuy nhiên, sự thực là Giám ban đã tồn tại trước đó (sẽ nói ở phần Nếu là tôi). Công việc mà Trịnh Giang thực hiện là cho thi tuyển hoạn quan vào Giám ban, tức là Giám ban trước kia dùng quan viên bình thường và không định thành ngạch riêng ngang với Văn ban và Võ ban. Bởi chuyên dùng hoạn quan vào Giám ban nên “Các quan lấy thế làm hổ thẹn, nhưng không ai dám nói” (Cương mục quyển 38). 8. Đàng Trong thì sao? Quan chức Đàng Trong kế tục rất nhiều chức danh của thời Lê (vì bản chất các chúa Nguyễn vẫn xưng là thần tử của nhà Lê). Chức Thái giám do vậy đôi lần được nhắc tới, tỷ như Nguyễn Đình Quý là Chưởng Thái giám (sau được phong làm công thần bậc nhì, cao hơn các vị Thiếu sư Tôn Thất Diễn, Chưởng dinh Tôn Thất Tráng, Chưởng cơ Tống Phước Đào), Mai Phước Hòa (sau được phong Tổng đốc); Ngô Tân, Nguyễn Tăng Tri (sau được phong Tổng đốc), Nguyễn Văn Lạo (sau được thăng Tổng đốc kiêm Cai cơ, coi quân các thuyền Nội phủ); Mai Văn Hoan; Chử Đức. Tôi không nghĩ tất cả các vị trên đều là hoạn quan, đặc biệt các vị được phong Tổng đốc, Cai cơ. Triều Nguyễn ban đầu thường dùng chữ “Nội giám” để gọi hoạn quan, phải tới thời Minh Mạng mới chuyên dùng chữ “Thái giám”. 9. Quan viên tự thiến để tỏ lòng trung? LN viết: “Riêng triều Lý, các quan lại có lệ tự thiến để toàn tâm toàn ý lo việc nước và chứng tỏ lòng trung thành, tận tụy với nhà vua. Tiêu biểu cho trường hợp này là hai anh em Lý Thường Kiệt, Lý Thường Hiến đã lập nên công trạng hiển hách trong lịch sử.” Tôi không biết LN đã khảo sát bao nhiêu văn võ đại thần nhà Lý để kết luận “các quan lại có lệ tự thiến để toàn tâm toàn ý lo việc nước và chứng tỏ lòng trung thành, tận tụy với nhà vua”? Những người không tự thiến như Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành,... có trung thành tận tụy với nhà vua hay không? Ở đây ta phải hiểu rằng thời Lý (và Trần) có lệ tuyển người vào nội cung làm quan. Do được tùy tiện ra vào cấm cung nên mới phải chịu thiến. Như Lý Thường Kiệt sau khi tự hoạn thì làm Hoàng môn chi hậu rồi từ từ thăng tới Thái úy. 10. May mắn của Lê Văn Duyệt LN kể về việc vua Gia Long gả bà Đỗ Thị Phẫn nguyên là cung nữ làm phu nhân Lê Văn Duyệt và nhận định: “Tuy nhiên, không phải thái giám nào cũng có may mắn như vị Tả quân họ Lê. Phần lớn họ sống đơn độc đến cuối đời.” Thực ra LN đã không hiểu rằng từ sau khi làm Thuộc nội Cai đội rồi từ từ thăng lên các chức Vệ úy vệ Điều Vũ, Thần Sách quân Tả đồn chánh thống, rồi Khâm sai chưởng Tả quân doanh Bình Tây tướng quân, Gia Định tổng trấn (Liệt truyện, quyển 22) thì Lê Văn Duyệt đã không còn là Thái giám mà là một vị quan của triều đình. Việc ông ta có vợ (dù là người khuyết tật về mặt thể chất) là bình thường. Nghĩa là bài viết của LN rất ngớ ngẩn khi so sánh một viên hoạn quan sống trong cung với một vị đại thần thời xưa từng là hoạn quan và nay đang là quan Tổng trấn ở tận Gia Định, sự khác biệt như trời với đất vậy. 11. Đạo văn Vấn đề này khá nghiêm trọng. Nếu như ở các bài trước, LN thường không dẫn nguồn các tài liệu, và chúng ta tạm coi lỗi ấy là do thói viết ẩu hoặc muốn giấu giếm tài liệu nguồn, dẫu sao việc đưa lại thông tin từ các bộ sử đã phổ biến thì cũng chấp nhận được. Nhưng trong bài Hoạn quan ở các cung đình xưa, toàn bộ phần đầu hầu như chép lại nguyên từ bài nghiên cứu “Hoạn quan” của tác giả Nguyễn Duy Chính. Bởi hai bài đều sai y hết nhau trong toàn bộ các nhận định về hoạn quan từ Lý đến Lê nên rất dễ nhận ra người nọ đã chép lại bài của người kia. Bài của Nguyễn Duy Chính mà tôi đã dẫn link có từ tháng Hai năm 2009 (có thể còn sớm hơn nữa), tồn tại trước rất nhiều bài viết của LN. Dĩ nhiên cũng có thể LN chép lại từ một nguồn thứ cấp bài viết của tác giả Nguyễn Duy Chính. Bất kể nội dung bài Hoạn quan đúng hay sai thì đây cũng là kết quả nghiên cứu của một người khác. LN chép lại mà không dẫn nguồn tức là đạo văn. 12. Và đạo văn Sau phần viết về Hoạn quan thời Lê chép từ bài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Duy Chính, thì phần viết về thời Nguyễn đã được LN chép lại khá nhiều từ bài viết “Các thái giám của triều đình Huế” của Công sứ A. Laborde rút từ tập san Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) mà không hề dẫn nguồn. Việc này không đáng quá ngạc nhiên, bởi cuốn sách của LN đầy rẫy các đoạn chép lại từ B.A.V.H cũng nhưng các bài nghiên cứu của người khác mà tác giả không hề dẫn nguồn. Nhưng điều đáng trách là khi chép lại các thông tin, LN đã tự tiện thay đổi vài câu chữ, và tệ hơn, LN không hề kiểm chứng lại thông tin. Đơn cử như A. Laborde viết: “Hậu Hán du phục chí đã cho biết các huy hiệu bên ngoài mà các Thái giám có thể được đeo. Họ đội mũ có viền vàng được tô điểm thêm con ve ve và một cái đuôi chuột. Theo một nhà Nho thì người ta muốn so sánh Thái giám với con ve ve bởi theo các nhà thi sĩ thì con ve ve chỉ ăn sương và giữ sự tinh khiết; mặt khác, công việc của Thái giám cho ta hình dung đến con chuột bởi vì chuột có thể chui rúc ở những nơi bí mật.” Trong cuốn XHVNTLN, ông LN viết: “Theo sách Hậu Hán du phục chí của nhà Hậu Hán, hoạn quan thời đó đội mũ trùm đầu không vành viền vàng, thêu hình con ve sầu và một cái đuôi chuột. Các nhà sử học giải thích là các hoạn quan được so sánh với loài ve vì loài này chỉ sống bằng sương mai và biết giữ gìn sự trong sạch, còn cái đuôi chuột tượng trưng cho một loài vật nhanh nhẹn, giỏi luồn lách các ngõ ngách trong nhà.” Rõ ràng LN đã đã sao chép hầu như nguyên vẹn ý tưởng trong B.A.V.H, chỉ thay các chữ “nhà Nho”, “thi sĩ” thành “nhà sử học” để tăng thêm độ tin cậy cho lời lẽ của mình. Thực tế thì sao? Không hề có cuốn sách nào mang tên “Hậu Hán du phục chí” cả. Đó là chương “Dư phục chí” (Dư chứ không phải Du) trong bộ Hậu Hán thư, là chương viết về xe cộ và y phục thời Đông Hán. Và nguyên văn đoạn viết trong “Dư phục chí” là “Thị trung, Trung thường thị được gia thêm hoàng kim đang (đang tức là vật trang sức đeo trước nón), khảm phụ thiền (phụ thiên: hình con ve làm bằng vàng), trang sức bằng điêu vĩ, gọi là nón Triệu Huệ văn.” Đây là đoạn mô tả loại mũ có tên là Điêu thiền. Mũ Điêu thiền (điêu thiền quan) được làm từ mây, đan thành hình vuông, trang sức bằng bạc, phía trước có hoa bạc, có khảm hình con ve (thiền) lớn bằng đồi mồi, hai bên trái phải có ba con ve nhỏ, bên trái cắm đuôi chồn (điêu vĩ). Bởi trang trí bằng đuôi chồn và hình ve nên gọi là mũ điêu thiền. Loại mũ này có xuất xứ từ nước Triệu (Triệu Huệ văn vương là tên một ông vua nước Triệu) ở thời Chiến quốc, có lẽ là Triệu Vũ Linh vương cải hồ phục kỵ xạ, tới đời Triệu Huệ thì thành tên. Loại mũ này còn được tiếp tục sử dụng ở thời Tống, Minh. Trong đoạn trích của “Dư phục chí”, ta thấy: 1. Đó không phải mũ dành riêng cho Hoạn quan mà là cho các chức Thị trung, Trung thường thị. Đây là các chức quan khá lớn thời Hậu hán, Tam quốc. 2. Không phải viền vàng mà là khảm hình con ve bằng vàng và đeo hoàng kim đang. 3. Không phải đuôi chuột mà là đuôi chồn. B.A.V.H viết nguyên văn tiếng Pháp: “Ils étaient coiffés d’un bonnet frange d’or agrémenté d’une cigale et d'une queue de rat”. Vì ông A. Laborde hiểu sai tiếng Hán nên dịch sai “điêu vĩ - đuôi chồn” thành “queue de rat - đuôi chuột”; và “hoàng kim đang - trang sức đeo trên mũ bằng vàng” thành “frange d’or - diềm vàng”. Hai lỗi sai do hai lần chuyển ngữ Hán-Pháp, Pháp-Việt đã được LN kế thừa từ bản dịch B.H.V.H đưa vào sách của mình. Ông A. Laborde hiểu sai ghi chép trong “Dư phục chí” và đưa ra nhận định sai hoàn toàn về ý nghĩa con ve cùng đuôi chồn. Ông LN chép theo và nhận định sai hoàn toàn là điều tất yếu. Đây chỉ là một trong số nhiều chi tiết mà ông LN đã chép lại từ B.A.V.H mà không hề đề cập tới tài liệu nguồn. III. NẾU LÀ TÔI Nói một cách khách quan thì thông tin về hoạn quan trong thư tịch nước ta không có nhiều, nhất là giai đoạn nhà Lê trở về trước. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ không cố viết về chủ đề mà mình không có đủ thông tin. Tuy nhiên nếu bắt buộc phải viết, tôi sẽ gạn lọc các thông tin và cố gắng né tránh những điểm chưa minh bạch hoặc không phải trong tầm hiểu biết. Ví dụ như LN không biết tiếng Trung và không đọc sử Tàu, thì không nên cố đưa các thông tin lượm lặt được về hoạn quan Trung Quốc, sai lầm sẽ khó tránh khỏi. Tôi sẽ tuyệt đối không dùng sườn bài viết của ông Nguyễn Duy Chính vì các thông tin trong bài không được dẫn nguồn, và thật không may là hầu hết không đúng. Như vậy, có lẽ nội dung này chỉ nên thu gọn về hoạn quan thời Nguyễn mà thôi, cụ thể là đời Minh Mạng trở về sau. Tôi nghĩ hai trang cuối trong bài của LN với nội dung này là tạm ổn, nhưng vì không dẫn nguồn nên khó mà khảo sát được đúng hay sai, tác giả tự điều nghiên hay chép từ nguồn khác. Hoặc có thể mở rộng thêm một chút về sự bành trướng thế lực của các hoạn quan thời Lê. Bắt đầu từ Đinh Phúc, Đinh Thắng thời Lê Thái tông, rồi sang thời Lê Trung hưng xuất hiện các vị hoạn quan hay xuất thân hoạn quan, được phong tước, lên tới Quận công (Hiệp quận công Hoàng Công Phụ, Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc...) Về Giám ban mà tôi nhắc ở trên, Loại chí đã ghi nhận sự tồn tại của nó ở niên hiệu Bảo Thái (1720) ở mục Ngụ lộc của các và chép quan chức đời Bảo Thái. Nó lại được nhắc tiếp ở niên hiệu Vĩnh Khánh (1732) trong lệ cấp tuất. Các chức danh trong Giám ban còn tồn tại sau năm 1740 rất lâu, ví dụ Tả hữu Thiếu giám được nhắc ở năm 1750. Các thông tin này cho phép tôi đưa ra kết luận là Cương mục và Tục biên đã chép không rõ ràng sự kiện thành lập và giải thể Giám ban năm 1739 và 1740, việc ấy dẫn tới nhiều hệ lụy sau này. Như đã trình bày về suy nghĩ của tôi, năm 1739 là cho hoạn quan thi để bổ vào Giám ban (đã tồn tại trước đó rất nhiều), đồng thời tách Giám ban thành ngạch riêng, nâng ngang hàng với hai ban Văn, Võ. Năm 1740, thay vì giải thể Giám ban thì chúa Trịnh Doanh “Khôi phục hai ban văn vũ theo chế độ cũ” (Cương mục, quyển 38). Nghĩa là trả các quan thuộc Giám ban về vị trí trong ban Văn như cũ. IV. TIỂU KẾT Hoạn quan ở các cung đình xưa là một bài viết thuộc loại kém nhất trong sách Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn. Trong đó, tác giả bộc lộ toàn bộ điểm yếu của mình, như: không biết Hán văn mà lại sính chữ (nên sai rất ngô nghê); không có hiểu biết về lịch sử Trung Quốc mà lại thích “chém gió”; không hiểu lịch sử Việt Nam cổ trung đại, hiểu sai danh hiệu Thái giám, đạo văn trắng trợn,... Tôi hơi ngạc nhiên vì nội dung bài viết được đăng khá nhiều nơi, kể cả trên báo Thanh Niên, và mặc dù tôi đã cố lên tiếng, nhưng không có mấy ai để ý. Tôi lưu lại link bài viết ngày 2/3/2021 ở đây, như một cảnh báo về sự tắc trách của người sách, biên tập sách và viết báo. https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/725577304814 942 V. PHỤ LỤC Về chức Thái giám thời Lê, như đã nói trên, tôi có bài viết trong sách Ngàn dặm quan san, nay trích lục lại để độc giả tham khảo. Nhắc đến Thái giám (太監) thì độc giả luôn xuất hiện ý nghĩ trong đầu là chúng ta đang nói đến Hoạn quan. Quả vậy, thời nhà Đường bên Trung Quốc lập ra Trung ngự phủ, sung Hoạn quan làm các chức Thái giám, Thiếu giám. Từ đó về sau, Hoạn quan cao cấp trong cung thường được xưng là Thái giám. Tới đời nhà Minh, lập ra Thập nhị giám trong cung, đứng đầu mỗi giám là Thái giám, thuộc hạ bên dưới vẫn gọi là Hoạn quan. Phải sang đời nhà Thanh thì Thái giám và Hoạn quan mới đồng nhất danh xưng là một. (...) Phải sang tới thời nhà Lê, ta mới thực sự bất ngờ vì số lượng cực lớn các quan Thái giám mà con đàn cháu đống đề huề. Bởi họ là Thái giám nhưng không phải Hoạn quan. 1. Những vị Thái giám không phải Hoạn quan Toàn thư chép về các viên tướng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, có nhắc nhiều tới chức danh Thái giám: “Mùa thu, tháng Tám, vua cho là quân tinh nhuệ của giặc đều ở Nghệ An cả, các xứ Đông Đô của chúng nhất định suy yếu, bèn tăng thêm binh tượng, sai bọn Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo, Thái úy Lê Triện, Thái giám Lê Khả, Á hầu Lê Như Huân, Lê Bí đem hơn 3.000 quân một thớt voi đi tuần các xứ Thiên Quan, Quảng Oai, Quốc Oai, Gia Hưng, Quy Hóa, Đà Giang, Tam Đới, Tuyên Quang để cắt đứt đường viện binh của giặc từ Vân Nam sang; bọn Thái úy Lê Bị, Thái giám Lê Khuyển đem 2.000 quân và một thớt voi đánh ra các xứ Khoái Châu, Bắc Giang, Lạng Giang để chặn viện binh từ Lưỡng Quảng tới...” Trong đoạn này, ta thấy có hai viên Thái giám là Trịnh Khả và Lê Khuyển. “Bọn Thiếu úy Lê Khả giữ cửa đông, Tư đồ Lê Lễ giữ cửa nam, Thái giám Lê Chửng đem hai vệ Thiết đột là bọn Nghi Phúc giữ cửa tây...” Tới đây Lê Khả đã thành Thiếu úy, mà lại xuất hiện thêm Thái giám Lê Chửng. “Thiếu úy Lê Bị, Thái giám Lê Nguyễn, Chấp lệnh Lê Chửng đem ba vệ Thiết đột đóng ở cửa tây.” Lê Chửng đổi thành Chấp lệnh, và xuất hiện thêm Thái giám Lê Nguyễn. Ta biết rằng Lê Lợi bấy giờ còn chưa lên ngôi vua, chưa thiết lập triều đình, hậu cung, vậy thì lấy đâu ra nhiều Hoạn quan tới vậy? Bởi Hoạn quan là những người bị thiến, đưa vào cung cấm để hầu hạ. Mà thêm nữa ở đây toàn Hoạn quan cầm quân đánh giặc. Cho nên bắt buộc ta phải nghi ngờ rằng chức Thái giám không liên quan gì tới Hoạn quan cả. Chép về Trịnh Khả, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có câu: “Tháng Chín năm thứ chín [1451], có kẻ gièm rằng cha con ông kết đảng, Thái hậu cả giận, nên sau đó ông cùng con trai là Trịnh Bá Quát bị hại.” Vậy là Trịnh Khả có con trai là Trịnh Bá Quát. Không những vậy, Trịnh Khả còn “có mười ba người con trai: con cả bị hại, thứ đến Trịnh Công Lộ, Công Đán, Công Ngô trở xuống mười người; có người làm Thượng thư, người Đô đốc, người Quận công đều hiển đạt.” Về Lê Khuyển, Toàn thư - Bản kỷ chép: “Lê Quán Chi, con trai Đại đô đốc Lê Khuyển đang đêm tụ tập đánh giết người ở giữa chợ...” Vậy là Lê Khuyển cũng có con trai. Ta có thể kết luận luôn Thái giám bấy giờ hoàn toàn không phải dùng để chỉ Hoạn quan. 2. Thái giám là chức quan thế nào? Chữ giám (監) có nghĩa là giám thị, giám sát. Sau khi triều nhà Lê lập quốc, Toàn thư - Bản kỷ liền chép sự tình rõ ràng hơn: “Lấy Lê Khuyển làm Nhập nội Thiếu úy, Tham tri Hải Tây đạo chư vệ quân sự Thái giám như cũ...” Lê Khuyển ở đây chức vụ là Giám sát việc quân sự ở Hải Tây đạo. Tương tự như vậy, Trịnh Khả cũng được phong: “Hành quân tổng quản tri Xa kỵ vệ chư quân sự, Quản lĩnh Thiết đột hậu dực, Thánh quân Thái giám Ngự tiền lục quân, Tri ngự tiền võ sĩ ngự tiền trung quân chư đội.” Chức trách của Trịnh Khả là Giám sát ngự tiền lục quân. Toàn thư lại chép một đoạn rất ý nghĩa về chức quan này: “Đinh Tỵ [1437]... Ra chỉ dụ cho các Đại thần, Thái giám và hình quan rằng: Những người xử án, phải căn cứ vào các điều chính trong luật mà xét xử, còn căn cứ vào điều nào để xử một tội nào thì phải tham khảo luật hình rồi trình cho Đại thần, Thái giám, đài quan và năm đạo cùng nhau xem xét, nếu các quan ấy đều cho là phải thì sau mới quyết định. Đó là vì việc kiện tụng có thể có oan khuất, cho nên phải xét lại cho rõ ràng, không được như bọn Lê Sát trước đây, chỉ xét xử theo lối thiên vị hối lộ.” Khá rõ ràng, khi xét án, phải tham khảo luật rồi trình lên Thái giám, Ngự sử đài và Năm đạo (có lẽ là Hành khiển năm đạo) để xem xét. Chức năng giám sát được thể hiện qua đó. Tới đời Lê Thánh tông, có chép về Đồng Thái giám Nguyễn Đảm trong chiến dịch đánh Chiêm Thành năm 1471: “Sai Đồng thái giám Nguyễn Đảm dụ các tướng sĩ ở các doanh rằng...” (Toàn thư - Bản kỷ) Tới đời Tương Dực đế, có Tổng thái giám Lê Văn Huy “đem lực sĩ của hai ty Hải Thanh và Hà Thanh chèo hai chiếc thuyền nhẹ ra xứ Từ Liêm để dò xét tình hình quân giặc [Trần Tuân].” (Toàn thư - Bản kỷ) Niên hiệu Cảnh Trị lại có “[thăng] Thiêm thái giám Tài Kiêm hầu Đặng Sĩ Vinh làm Thái giám.” (Toàn thư - Bản kỷ) Vậy là triều nhà Lê có cả một hệ thống Thái giám chứ không chỉ là một chức quan riêng lẻ, ta đã thấy Tổng Thái giám, Thái giám, Thiêm Thái giám. Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết: “Thái tổ bản triều lúc mới dấy quân, xưng Bình Định vương có đặt các chức: Thái úy, Thiếu úy, Thiếu bảo, Tư đồ, Tư không, Tư mã, Bình chương sự, Thượng tướng quân, Tả hữu Bộc xạ, lục bộ Thượng thư, Hàn lâm thừa chỉ, Nhập nội hành khiển, Khu mật đại sứ và Thái giám...” Vậy thì Thái giám chắc chắn là một chức quan được đặt ra từ khi Lê Lợi mới bắt đầu khởi nghĩa. Lịch triều hiến chương loại chí viết khá kỹ về chức quan này. “Buổi đầu thời Trung Hưng, tên quan văn võ đại lược đặt theo quan chế cũ, duy về văn ban thì thêm các chức Tư lễ, Thái giám, Hàn lâm viện tri chế cáo, Ngự dinh ký lục, Đô sử xá nhân...” Nghĩa là sau khi dẹp yên nhà Mạc thì nhà Lê Trung Hưng đặt thêm chức quan văn võ, trong đó có chức Thái giám thuộc văn ban. Chức quan Thái giám này có hoàn toàn tương đồng với chức Thái giám đời Lê Thái tổ hay không thì chúng ta khó lòng khảo xét được. Nhưng xét về tên gọi chức trách thì có lẽ không quá khác biệt. (Ngàn Dặm Quan San, NXB Hội Nhà văn, 2019) BÀI 9 - NHÂN VẬT NGUYỄN HỮU CHỈNH THỜI TÂY SƠN Hai bài viết về các nhân vật Nguyễn Thiếp và Nguyễn Hữu Chỉnh là bài thứ 14 và 15/30 trong sách. Theo y kiến cá nhân của tôi thì nội dung danh nhân không thực sự phù hợp với chủ đề Xã hội Việt Nam bởi khi con người, phong tục, văn hóa không hề được viết mà lại chỉ tập trung vào một vài cá nhân điển hình thì cuốn sách sẽ trở nên lệch lạc. Tức là độc giả sẽ có xu hướng bị đóng khung những hiểu biết về xã hội thời cổ trong hình thái các nhân vật đơn lẻ này. Mặc dù vậy, tôi vẫn tôn trọng cấu trúc sách tác giả. Trong bài viết La Sơn phu tử và khí tiết của kẻ sĩ triều Lê, đây là bài viết có ý đồ không tốt, bởi một mặt ca ngợi tài năng và khí tiết của Nguyễn Thiếp, thì tác giả cố hướng người đọc rằng, “Ít lâu sau, Huệ nhờ cụ giúp coi địa lý nhằm dựng đô ở quê quán Nghệ An” và “cụ [Nguyễn Thiếp] cũng chưa có dịp biểu lộ tài kinh bang tế thế, và chuyện Nguyễn Huệ cố công vời cụ chắc chủ yếu cũng chỉ vì cái Phượng hoàng Trung đô đầy tham vọng mà ông dự định xây dựng tại Nghệ An.” Trong bài ấy, kiến thức về chính trị của LN bộc lộ nhiều nhược điểm, ví dụ năm 1787, khi đó Nguyễn Nhạc đã lập triều đình riêng và lấy niên hiệu là Thái Đức, trong khi nhà Lê vẫn còn đó với niên hiệu Cảnh Hưng thì Nguyễn Huệ là tôi thần của Nguyễn Nhạc viết thư dùng niên hiệu Thái Đức và Nguyễn Thiếp là người thuộc quản hạt của nhà Lê viết thư dùng niên hiệu Cảnh Hưng là việc quá đỗi bình thường, lại được tán tụng thành “ngụ ý cụ vẫn còn là thần tử của nhà Lê”. Nếu thời điểm đó Nguyễn Thiếp dùng niên hiệu Thái Đức mới là nực cười. Tuy nhiên, vì LN viết trên trang facebook cá nhân chụp mũ rằng tôi chỉ ra các điểm sai trong sách của LN là vì muốn trả đũa bài viết “Nhắc lại một quan điểm nhất quán về hai nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh - Gia Long và Quang Trung - Nguyễn Huệ”, nên tôi sẽ không sa đà vào bài viết về Nguyễn Thiếp của LN nữa mà chuyển sang bài sau. Bài viết về Nguyễn Hữu Chỉnh dài 7 trang, gồm 1 hình vẽ “Cảnh vua Lê ngự triều”. I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN 1. Cõng rắn cắn gà nhà Nhắc tới Nguyễn Hữu Chỉnh, sử sách đều dùng câu “cõng rắn cắn gà nhà” để miêu tả hành động dẫn quân Tây Sơn ra đánh Thăng Long dưới danh nghĩa Phù Lê diệt Trịnh. Nhưng bài viết này LN không hề nhắc tới, phải chăng vì mấy chữ ấy quá đụng chạm chăng? 2. Dùng quá nhiều nguồn không đáng tin cậy Mặc dù không dẫn nguồn đầy đủ, nhưng một số thông tin trong bài được lấy từ nguồn Hoàng Lê nhất thống chí (hoặc nguồn dẫn theo sách này). Tôi không phủ nhận hoàn toàn các thông tin mà Hoàng Lê nhất thống chí đưa ra, nhưng không thể coi đó là nguồn đáng tin cậy được, đặc biệt là khi nó không giống với các bộ sử như Tục biên, Cương mục, Liệt truyện. II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG 1. Nguyễn Nhạc được phong Tuyên úy đại sứ, trấn thủ Quảng Nam năm nào? LN viết: “Nhạc thấy mình đang ở trong tình trạng phải vừa chống chúa Nguyễn ở phía nam, vừa đối phó quân Trịnh ở phía bắc nên thuận theo lời khuyên của Chỉnh, được Hoàng Ngũ Phúc tâu về triều phong cho Nhạc làm Tuyên úy đại sứ Cung quốc công, trấn thủ đất Quảng Nam”. Thông tin này không chính xác. Khi Hoàng Ngũ Phúc đem quân Nam tiến và sai Hữu Chỉnh chiêu hàng Nguyễn Nhạc thì Nhạc chưa được phong chức này mà chỉ là một viên Tây Sơn hiệu trưởng (Cương mục, quyển 44; Liệt truyện, quyển 30). Sau khi Ngũ Phúc chết (năm 1776) thì sang năm 1777, Nguyễn Nhạc chiếm cứ Quảng Nam, “sai bộ thuộc là Đỗ Phú Tuấn xin với Trịnh Sâm để được trấn thủ địa phương này. Lúc ấy, Trịnh Sâm ngại về việc dụng binh, nhân đấy, chuẩn y cho” (Cương mục, quyển 45). 2. Hoàng Đình Bảo Trấn thủ Nghệ An LN viết: “Cũng năm đó, Hoàng Ngũ Phúc qua đời vì bệnh, quyền hành trong quân được chúa Trịnh giao cho cháu ông là Huy quận công Hoàng Đình Bảo, lãnh chức Trấn thủ Nghệ An.” Thông tin này không chuẩn xác. Năm 1776, Hoàng Ngũ Phúc chết trong quân nên chúa Trịnh cho Đình Bảo làm Quyền phủ sự “thay Ngũ Phúc quản lĩnh binh lính bản bộ”. Chức Trấn thủ Nghệ An vẫn do Bùi Thế Đạt rồi Hoàng Đình Thể lĩnh. Năm 1777, “Sâm bèn hạ lệnh cho Đình Bảo thay Hoàng Đình Thể làm trấn thủ và Bùi Huy Bích giúp việc” (Cương mục, quyển 45). 3. Huy quận công Hoàng Đình Bảo Tương tự lỗi trên, LN cũng nhầm việc Hoàng Đình Bảo được phong Huy quận công. Đây là việc xảy ra ở năm 1778, sau khi Đình Bảo có công dẹp giặc cướp ở hai huyện Đông Thành, Quỳnh Lưu (Cương mục, quyển 45). 4. Hữu Chỉnh - Hữu tham quân? LN viết: “quận Huy có biệt nhãn đối với tài năng của Chỉnh, cử ông làm Hữu tham quân”. Thông tin này tôi tra được trong trang wikipedia mục Nguyễn Hữu Chỉnh và dẫn nguồn là Hoàng Lê. Còn Cương mục thì chép khác: “[Hữu Chỉnh] Sau theo Hoàng Đình Bảo đánh giặc biển có công, đổi bổ sang quản lãnh đội Tuần hải, rồi chuyển bổ quản lãnh cơ Tiền ninh thuộc trấn Nghệ An”. Tôi tin Cương mục hơn là Hoàng Lê. 5. Vương phi Dương thị? LN viết: “Tuy nhiên, khi cậu con trai của Đặng thị mới ra đời thì con trai lớn của Trịnh Sâm và vương phi họ Dương là Trịnh Tông (sau gọi là Trịnh Khải) đã 14 tuổi”. Đây là lỗi sơ đẳng vì Dương thị chỉ là một cung tần trong phủ Tiết chế (khi đó Trịnh Sâm đang ở Tiết chế phủ) (Tục biên, 1743). Thậm chí khi Trịnh Khải được sinh ra, bá quan chúc mừng, chúa còn từ chối vì đó không phải con vợ đích. 6. Tuyên phi được tấn phong khi nào? LN viết: “Chúa Trịnh Sâm qua đời, thọ 44 tuổi, để lại thư cố mệnh giao ngôi chúa cho Trịnh Cán (con Đặng Thị Huệ) và sách phong Tuyên phi để các quan tâu lên vua Lê.” Có lẽ LN tưởng vương phi và Tuyên phi là hai danh hiệu khác nhau, rằng Đặng thị đang là vương phi, rồi khi chúa Trịnh Sâm mất thì được tấn phong Tuyên phi chăng? Sự thực thì Đặng thị được phong Tuyên phi từ khi sinh được Trịnh Cán (1777). Nếu có được tôn thì sau sẽ là Thái phi (bậc mẹ chúa) mà thôi. Khi Trịnh Sâm mất, di mệnh để lại là “sách phong chính cung Tuyên Phi cùng tham dự xét đoán công việc chính trị” (Cương mục, quyển 45). Sự nhầm lẫn của LN, tôi cho rằng xuất phát từ trang wikipedia hoặc Hoàng Lê nhất thông chí: “Sau khi Chúa tắt thở, quận Huy một mặt cắt đặt cho các quan lo liệu việc tang lễ, một mặt sai Thùy Trung hầu sao lấy mấy bản thư cố mệnh và tờ sách phong Tuyên phi đưa ra chính phủ, để cho các quan triều tâu lên vua Lê” (Hồi 2). 7. Đặng thị bị giáng làm cung tần nội thị? LN viết: “Cuối cùng người vương phi này [tức Đặng Thị Huệ] bị giáng xuống làm cung tần nội thị”. Việc này Cương mục chép khác: “Lại truất Đặng Thị làm thứ nhân, sau Đặng Thị uống thuốc chết” (Cương mục, quyển 45). Một lần nữa, thông tin mà LN dẫn trong bài viết là đến từ wikipedia hoặc Hoàng Lê: “Chúa bèn sai quan tế lễ tạ tội, rồi cho Tuyên phi được trở lại làm cung tần nội thị vào thờ phụng tẩm miếu” (Hồi 4). 8. Nguyễn Nhạc không tin cậy Nguyễn Hữu Chỉnh? LN viết: “Nhạc không tin hẳn vào thiện chí quy phục của Chỉnh, song biết Chỉnh là người có tài nên vẫn thu nhận”. Thông tin này được dẫn nguồn là Tục biên và Liệt truyện. Nhưng thực tế các sách ấy không hề viết thế. Liệt truyện viết “Kịp khi Tố Lý bị kiêu binh Tam Phủ giết, Chỉnh ở Nghệ An, nghe có biến, sợ bị bắt, bèn mang gia quyến vượt biển đến với Nhạc, bàn kế hoạch cho Nhạc, nói gì Nhạc cũng theo cả.”Tục biên chép: “Rồi [Chỉnh] đem cả gia quyến đi vào Quảng Nam, Nguyễn Văn Nhạc đại Chỉnh làm thượng khách”. Còn Cương mục viết: “Văn Nhạc được Hữu Chỉnh mừng lắm, đãi làm bậc thượng khách. Hữu Chỉnh đem tình hình trong nước báo cáo cho giặc biết, rồi hắn chuyên tâm rình chỗ sơ hỡ để toan tính việc báo thù cũ.” 9. Tiết chế thủy bộ chư quân Thượng tướng công LN viết: “Nhạc cử Nguyễn Huệ làm Tiết chế Thủy bộ chư quân Thượng tướng công”. Không rõ LN chép từ nguồn nào, nhưng tôi tin rằng không có chức tước nào là “Thượng tướng công” cả mà chỉ có tước “Thượng công” và chức “Thượng tướng quân” thôi. Và Cương mục cũng như Liệt truyện không hề chép chức danh này của Nguyễn Huệ, thay vào đó là “Long Nhương tướng quân”. 10. Vũ Văn Nhậm từ chối gặp, rồi bị phanh thây thả cho chó ăn? LN viết: “Trong một cuộc đụng độ tại khu vực gần Bắc Ninh, Chỉnh bị quân Tây Sơn bắt, xin ra mắt Vũ Văn Nhậm, Nhậm không cho. (...) Sau đó, Vũ Văn Nhậm ra lệnh phanh thây Chỉnh, thả cho chó ăn.” Tôi không tìm được nguồn chính thống của thông tin này. Tỷ như Cương mục chép là: “Hữu Chỉnh thua chạy, bị giặc bắt được vì ngựa què. (...) Văn Hòa điệu Hữu Chỉnh về Thăng Long. Văn Nhậm kể tội Hữu Chỉnh là kẻ bất trung, sai xé xác Hữu Chỉnh ở cửa thành để rao cho mọi người biết.” Hoặc Tục biên chép hơi có ý giống như nội dung trong sách: “Chỉnh cưỡi ngựa, ngựa quỵ xuống, quân giặc đến xúm lại đâm. Chỉnh kêu to: ‘Xin bắt sống để nộp.’ Chúng bèn trói đóng cũi giải về kinh sư. Vũ Văn Nhậm kể tội Chỉnh bất trung, cho đem xé xác ra.” Việc suy diễn Chỉnh xin quân Tây Sơn đừng giết mà hãy bắt sống có thể tạm coi là để xin gặp Vũ Văn Nhậm, nhưng tôi không hiểu thông tin Nhậm từ chối và “thả cho chó ăn” là từ đâu mà ra? Có lẽ LN đã chép theo Hoàng Lê chăng? Tôi thấy đoạn văn trong Hoàng Lê y hệt như bài của LN4: Chỉnh lên ngựa nhằm hướng bắc mà chạy. Ngựa ngã, bị quân địch đuổi kịp, chúng tranh nhau chĩa giáo chực đâm. Chỉnh vội kêu to: “Xin cứ bắt sống mà đem dâng!” Quân địch bèn trói Chỉnh lại, bỏ cũi đưa về kinh. Chỉnh xin gặp Văn Nhậm để nói một lời. Nhậm không cho, sai người kể tội Chỉnh rằng: “Mày vốn là tôi Chúa Trịnh, phản chủ mà về với chúng tao để mưu đồ diệt họ Trịnh; rồi lại phản chúng tao về Bắc, lừa dối vua Lê, chiếm lấy ngôi cả, tự tiện làm oai làm phúc, ngầm ngầm lo mưu lấn cướp để tranh giành với chủ tao. Xét cuộc đời của mày, toàn học thói cũ của quân giặc loạn, phải phanh gan ruột mày ra, bỏ hết những cái dơ bẩn, để người Bắc lấy mày làm răn!” Rồi Nhậm bảo phanh thây Chỉnh, thả cho chó ăn thịt. (Hồi 10) 11. Đạo văn hay không? Mặc dù có một lần chú thích dẫn nguồn là bài viết “Con cắt biển” của Nguyễn Thị Chân Quỳnh (cho đoạn Nguyễn Hữu Chỉnh được Hoàng Ngũ Phúc bổ chức Tự thừa”, nhưng toàn bộ đoạn sau, tức là khi Hữu Chỉnh theo Phúc bình nam về sau đã lấy rất nhiều từ bài viết “Con cắt biển”, và cả những mục sai thứ 1, 2, 3, 7, 9 đều lấy từ đó. “Con cắt biển” của Nguyễn Thị Chân Quỳnh là một bài khảo cứu công phu với danh mục tài liệu phong phú (khoảng 30 mục), hơn xa bài viết của LN. 4 Trước khi được in trong sách XHVNTLN, nội dung của nó đã được tác giả đăng thành bài với tựa đề “Vai trò của Nguyễn Hữu Chỉnh thời Tây Sơn”. Trong đó có cả lời kể tội của Vũ Văn Nhậm y hệt trích đoạn trên. Tôi tin chắc rằng LN đã chép lại toàn bộ thông tin từ Hoàng Lê chứ không căn cứ vào Tục biên hay Cương mục. III. NẾU LÀ TÔI Để viết về nhân vật lịch sử trong một cuốn sách tử tế, tôi sẽ căn cứ theo hai thứ: 1 là các ghi chép quan phương, 2 là các ghi chép của nhân vật đương thời ít mang tính hư cấu, và 3 là các văn thơ của chính nhân vật ấy. Các thông tin về Nguyễn Hữu Chỉnh trong Tục biên, Cương mục, Thực lục, Liệt truyện có khá nhiều, đủ để khắc họa hình tượng nhân vật. Ngoài ra, thơ văn của ông còn lưu giữ khá nhiều (không riêng bài Cái pháo), trong đó tôi đặc biệt quan tâm tới bài Trương Lưu hầu phú. Nguyễn Hữu Chỉnh tự ví mình như Lưu hầu Trương Lương, muốn “Ngôi đế sư nảy chốn phúc tâm; Việc trù sách vận trong duy trướng”. Quả thực Nguyễn Hữu Chỉnh không phải một viên tướng xoàng, mà ông thực sự có tài. Chiến dịch đánh Bắc Hà của Tây Sơn năm 1876, ông góp công lớn. Các chiến dịch đưa quân Nghệ An ra Thăng Long dẹp thế lực Trịnh Bồng, Đinh Tích Nhưỡng tỏ rõ tài năng quân sự của ông. Có thể nói Nguyễn Hữu Chỉnh là một người văn võ song toàn. Người đời sau chê Nguyễn Hữu Chỉnh cõng rắn cắn gà nhà, nhưng thiết nghĩ trai thời loạn chí tại bốn phương, nước này không dùng thì bỏ sang nước khác. Thế nên Thương Ưởng, Phạm Thư mưu đánh Ngụy, Nhạc Nghị không đành lòng đánh Yên, Đào Duy Từ phò Nguyễn chống Trịnh, mà đều trở thành danh nhân mỗi thời đại, ấy là chí hướng của mỗi người chứ không phải tiêu chí đạo đức chung. Tôi thích đánh giá của tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh trong bài “Con cắt biển”: 1. Quận Việp cho Chỉnh là kỳ tài nên thu dụng, thế mà 16 năm sau mới cho coi đội Thiện tiểu; khi Nam chinh, Chỉnh chỉ được giữ chức Tự thừa. 2. Vì chung thủy với Quận Huy mà Chỉnh bị tra khảo đến gần chết; sau còn phải bỏ trốn vào Nam với Nguyễn Nhạc. 3. Hết lòng với Tây Sơn mà vẫn bị Tây Sơn nghi ngờ, bỏ rơi đến hai lần. 4. Hết sức giúp vua Lê trị nước nhưng rút cục vua cho là lạm quyền, muốn giết, các quan hạch tội, người Kinh ném đá… 5. Hết lòng vì chủ, vì nước, chết đã bị phanh thây mà vẫn tiếp tục bị hậu thế phỉ báng là giảo quyệt, phản thần vv. Tôi không thấy Nguyễn Hữu Chỉnh “đắc chí” ở chỗ nào. IV. TIỂU KẾT Đây là một bài viết kém chất lượng, có thể thấy LN quá dựa vào Hoàng Lê nhất thống chí - một tác phẩm văn học chứ không phải lịch sử. Và bởi sự thiếu cẩn trọng (cũng có thể do không biết) trong cả cách tuyển chọn thông tin lẫn cách dùng câu chữ, nên bài viết đầy rẫy những điểm sai, mặc dù nội dung thuộc loại dễ viết. Cũng như các bài trước, việc dẫn nguồn bị LN cố tình bỏ qua, đặc biệt là những thứ liên quan tới “Con cắt biển” hoặc Hoàng Lê. Nhưng hài hước là LN lại dùng một câu nhận định trong Hoàng Lê (có dẫn nguồn) để nói về nhân vật: “Từ đó, quyền Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước”. Có lẽ LN nghĩ Ngô gia văn phái là các sử quan và Hoàng Lê đáng tin hơn chính sử chăng? BÀI 10 - CHUYỆN TÔN MIẾU Ở HUẾ Đây là bài viết thứ 17/30 trong sách, giới thiệu về lịch sử hình thành Thái miếu, Thế miếu, cùng lai lịch cửu đỉnh. Vì nội dung không có gì đặc biệt nên bài viết này chỉ nêu các điểm sai của sách chứ không chia thành mục lớn như các bài khác. 1. Miếu hiệu Hưng tổ LN viết: “[Nguyễn Phúc Luân] năm 1806 được truy tôn là Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng đế”. Thông tin này không chính xác, năm Gia Long thứ 5 (1806), Nguyễn Phúc Luân được tôn từ Hiếu Khang vương lên làm Nhân Minh Cẩn Hậu Khoan Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang Hoàng đế, giản thụy là Hiếu Khang Hoàng đế, miếu hiệu là Hoàng khảo (Thực lục - đệ nhất kỷ, 1805). Phải sang năm Minh Mạng thứ 2 (1821), các đại thần mới bàn dâng đổi miếu hiệu Hoàng khảo thành Hưng tổ (Thực lục - đệ nhị kỷ, 1821). Như vậy, LN đã gộp hai sự kiện làm một và đặt chung vào thời điểm năm 1806. Sai lầm này là do LN không phân biệt được sự khác nhau giữa miếu hiệu và thụy hiệu, và nó còn xuất hiện rất nhiều ở sau. 2. Thế miếu được lập năm nào? LN viết: “Thế miếu được vua Minh Mạng lập vào năm 1821 để thờ vua cha là hoàng đế Gia Long...” Thông tin này không đúng, bởi năm 1821, triều đình mới bàn việc dựng miếu riêng thờ vua Gia Long (các đời chúa trước thờ chung trong Thái miếu). Địa điểm dựng miếu được quyết định là nền miếu Hoàng khảo (đang thờ ngài Nguyễn Phúc Luân là cha của vua Gia Long). Do vậy phải di dời và dựng lại miếu này ở địa điểm mới trước, gọi là Hưng tổ miếu. Đến mùa xuân, tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 3 (sự việc được chép vào ngày Giáp Dần tức mùng 8 tháng Giêng, vậy là Dương lịch rơi vào 30/1/1822) Thế miếu được lập xong. Đến ngày hôm sau (Ất Mão tức mùng 9 tháng Giêng, tức ngày 1/2/1822), “vua đem bầy tôi rước thần chủ Thế tổ Cao hoàng đế và Cao hoàng hậu lên Thế miếu và rước thánh vị về để yên ở điện Hoàng Nhân” (Thực lục - Đệ nhị kỷ). Như vậy, Thế miếu được lập vào năm 1822 chứ không phải 1821 như trong sách viết. 3. Quy củ của Thế miếu LN viết: “Từ đó về sau, ngoài việc thờ vua Gia Long, Thế miếu còn được dành thờ các vua kế tục mà theo gia pháp của hoàng tộc triều Nguyễn bấy giờ, chỉ thờ các vua không ở vào các trường hợp bị phế truất hay bức tử trong lúc làm vua (phế đế) hay xuất bôn khỏi kinh thành trong thời gian trị vì (xuất đế).” Đây là một nhận định có phần hơi thừa và ngớ ngẩn. Thế miếu, cũng như Thái miếu các triều đại trước đều có quy củ giống nhau tuân theo lễ chế cả. Khi một vị vua băng, vua mới lên ngôi cùng với triều đình sẽ dâng thụy và đặt miếu hiệu. Sau ba năm hết tang mới rước thần chủ vào Thế miếu để thờ. Ví dụ vua Gia Long mất năm 1820, đến năm 1822 sau khi Thế miếu hoàn thành mới “rước thần chủ Thế tổ Cao hoàng đế và Cao hoàng hậu lên Thế miếu” (Thực lục - đệ nhị kỷ, 1822); vua Minh Mạng mất năm 1840, đến năm 1843 mới rước thần chủ vào Thế miếu (Thực lục - đệ nhỉ kỷ, 1840; đệ tam kỷ, 1843). Cho nên với các vị phế đế, xuất đế, tức là không còn ở đế vị thì không có quá trình đặt thụy và dâng miếu hiệu. Đã không có miếu hiệu thì tất nhiên không được thờ trong Thế miếu (trừ các trường hợp hi hữu được phối hưởng). 4. Đạo văn LN viết: - Cao đỉnh được đặt tên theo miếu hiệu Thế tổ CAO hoàng đế của vua Gia Long. Đỉnh này được đặt vượt lên trên các đỉnh khác, có lẽ để tượng trưng cho công việc khai sáng triều Nguyễn của nhà vua. """