"
Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng - Kate Douglas Wiggin & Phạm Minh Điệp (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Rebecca Ở Trang Trại Suối Nắng - Kate Douglas Wiggin & Phạm Minh Điệp (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Kinh Điển]
Ebooks
Nhóm Zalo
REBECCA Ở TRANG TRẠI SUỐI NẮNG Tác giả: Kate Douglas Wiggin
Người dịch: Phạm Minh Điệp
Phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2014
—★—
ebook©vctvegroup
CHƯƠNG I
“Chúng cháu có bảy người*” C
hiếc xe ngựa chở khách cũ kỹ lóc xóc chạy trên con đường bụi mù từ Maplewood đi Riverboro. Mới giữa tháng Năm mà trời oi nóng như đang giữa mùa hè. Bác Jeremiah Cobb chiếu cố cho lũ ngựa hết mức có thể, song vẫn không quên mình đang đi đưa thư. Đồi còn nhiều. Bác thả lỏng đôi dây cương trong tay, uể oải ngả lưng trên ghế và duỗi một chân gác lên miếng chắn bùn xe cho thoải mái. Chiếc mũ vành đã sờn kéo sụp hẳn xuống che mắt, bác bỏm bẻm nhai một miếng thuốc lá bên má trái.
Trên xe có một hành khách - một người nhỏ bé tóc đen mặc váy trúc bâu bóng màu vàng nhạt. Cô bé người mảnh mai quá và ngồi thẳng đừ đến nỗi liên tục bị trượt từ chỗ này sang chỗ khác trên chiếc ghế nệm da, mặc dù cô đã gắng hết sức lấy chân tì sao cho mình ngồi đúng giữa ghế và hai tay mang găng vải bám chặt hai bên để giữ thăng bằng. Cứ lúc nào bánh xe thụt xuống rãnh sâu hơn bình thường, hay bất thình lình nảy xóc lên vì vấp phải hòn đá, là cô bé dù chẳng muốn vẫn cứ bị nảy lên một cái, rồi rơi xuống, thế là lại phải chỉnh lại chiếc mũ rơm nho nhỏ trông rõ buồn cười, rồi nhặt cái dù bé xinh màu hồng lên hoặc đặt lại cho nó ngay ngắn, một việc dường như là nhiệm vụ chính của cô - trừ phi chúng ta tính cả chiếc ví đính hạt cườm, mà cứ chốc chốc, khi điều kiện đường sá cho phép, cô lại dòm vào, và hài lòng ra mặt khi những thứ quý báu trong ấy không mất hay rơi đi tẹo nào. Bác Cobb chẳng biết tí gì về những phiền hà của việc đi lại ấy, bởi công việc của bác là đưa người ta đến nơi họ cần, chứ không nhất thiết phải làm cho họ đi đường được thoải mái. Thậm chí bác còn
quên béng sự tồn tại của vị khách bé nhỏ không có gì đáng chú ý này. Khi bác chuẩn bị rời bưu điện ở Maplewood sớm hôm ấy, một thiếu phụ bước từ xe ngựa chở hàng xuống, tới chỗ bác hỏi có phải đây là xe đi Riverboro, và bác có phải bác Cobb hay không. Khi bác trả lời rằng phải, thiếu phụ liền gật đầu với một cô bé đang háo hức đợi câu trả lời, và cô chạy ngay tới chỗ bà như thể sợ bị muộn mất dù chỉ là một tích tắc. Cô bé áng chừng mười, mười một tuổi, nhưng cho dù đã trải qua bao nhiêu mùa hè thì cô vẫn có vẻ nhỏ hơn so với tuổi của mình. Mẹ cô bé giúp con leo lên xe, đặt bên cạnh con một cái bọc và một bó hoa tử đinh hương, quan sát việc chằng buộc cái rương cũ ở phía sau, và cuối cùng tỉ mẩn đếm từng đồng bạc để trả lộ phí.
“Tôi nhờ bác đưa cháu đến chỗ mấy chị tôi ở Riverboro,” thiếu phụ nói. “Bác có biết Mirandy và Jane Sawyer không? Họ sống ở ngôi nhà gạch ấy.”
Lạy Chúa phù hộ, bác biết họ rõ như thể bác đã sinh ra họ ấy chứ! “Là thế này, con bé sẽ đến đó, và hai chị ấy đang đợi cháu nó. Xin bác để mắt đến cháu nhé! Cháu nó mà thấy có thể ra ngoài bắt chuyện với người lạ hay rủ người ta đi cùng là nó làm ngay đấy ạ. Tạm biệt con, Rebecca; gắng đừng gây chuyện đấy, và phải ngồi yên, như thế thì khi đến nơi con mới chỉnh tề xinh đẹp được. Mà đừng có làm phiền bác Cobb nhé. Bác thấy đấy, nó đang háo hức lắm. Mẹ con tôi đi tàu từ Temperance đến đây từ hôm qua, nghỉ đêm ở nhà bà chị họ tôi và sáng nay mới đánh xe từ nhà chị ấy đến đây - những tám dặm đấy.”
“Tạm biệt mẹ, mẹ đừng lo lắng; mẹ biết mà, có phải con chưa đi xa bao giờ đâu cơ chứ.”
Thiếu phụ khẽ cười nhạo một tiếng và nói với bác Cobb giọng thanh
minh, “Nó mới đến Wareham ngủ lại một đêm; chẳng đáng để mà tự hào là đi xa được!”
“Thế là đi xa chứ còn gì nữa mẹ,” cô bé nói giọng hào hứng và bướng bỉnh. “Rời trang trại này, chuẩn bị bữa trưa cho vào giỏ này, đi xe ngựa một lúc và đi tàu hỏa chạy bằng hơi nước nữa này, mình còn mang cả váy ngủ nữa.”
“Có nói thì cũng đừng nói cho cả làng nghe thế chứ,” người mẹ lên tiếng, cắt ngang dòng hồi tưởng của nhà du hành giàu kinh nghiệm. “Mẹ chẳng dặn con rồi,” thiếu phụ thì thầm, với nỗ lực thiết quân luật cuối cùng, “không được nhắc đến váy ngủ và tất dài và… những thứ tương tự, bằng giọng ông ổng lên thế, nhất là khi có đàn ông con trai xung quanh.”
“Con biết, mẹ, con biết mà, và con sẽ không như thế nữa đâu. Con chỉ muốn nói là…” - đến đây bác Cobb tặc lưỡi một tiếng, quất cương, và đôi ngựa khoan thai bắt đầu công việc hằng ngày của mình - “Con chỉ muốn nói rằng đi xa là khi…” - lúc này chiếc xe ngựa đã bắt đầu đi rồi nên Rebecca phải thò đầu ra ngoài cửa sổ để nói cho hết câu -“Đi xa là khi mà mình mang theo váy ngủ!”
Cái từ cấm kỵ kia, được thốt ra bằng một giọng cao chót vót, bay ngược tới đôi tai khó chịu của bà Randall, bà đứng nhìn theo chiếc xe ngựa đi xa khuất rồi thu vén hành lý trên chiếc ghế dài ngoài cửa hiệu, đoạn lên chiếc xe ngựa chở hàng vẫn đang buộc ở cọc. Quay ngựa định về rồi, bà còn đứng dậy một lúc, khum tay che nắng để nhìn về phía đám bụi đường mờ xa.
“Mirandy sẽ vất vả lắm đây,” bà tự nhủ, “nhưng để Rebecca nên người thì cũng đành thế chứ biết làm thế nào.”
Đã nửa giờ trôi qua, và mặt trời, cái nóng, bụi bặm, cùng những ngẫm
ngợi về các công việc phải làm ở khu trung tâm Milltown đã khiến đầu óc chưa bao giờ minh mẫn của bác Cobb quên bẵng đi lời hứa để mắt đến Rebecca.
Bất chợt bác nghe thấy một giọng nói bé nhỏ cất lên át những tiếng lóc cóc lục cục của bánh xe và tiếng cót két của bộ dây cương. Ban đầu bác tưởng là tiếng dế, tiếng ếch, hay tiếng chùn, nhưng khi xác định được nó phát ra từ đâu, bác quay lại thì thấy một hình dáng bé nhỏ nhoài ra bên ngoài cửa sổ vừa sát ngưỡng an toàn cho phép. Một dải đuôi sam đen dài tung tẩy theo nhịp xe ngựa; cô bé một tay giữ mũ tay kia cố gắng một cách vô vọng chọc chọc bác xà ích bằng cái dù tí hin của mình.
“Cháu bảo cái này bác ơi!” cô bé kêu to.
Bác Cobb dừng ngay ngựa lại.
“Ngồi trên đó với bác thì có mất thêm tiền không ạ?” cô bé hỏi. “Dưới này ghế trơn bóng đi ấy, mà xe này quá to so với cháu, làm cháu cứ bị trôi hết chỗ nọ đến chỗ kia và giờ thì gần như thâm tím hết cả. Cửa sổ thì nhỏ quá, cháu chả thấy được hết các thứ bên ngoài, lại còn suýt gãy cả cổ lúc ngoái ra sau xem cái rương có bị rơi xuống không. Đấy là rương của mẹ cháu, mẹ quý nó lắm.”
Bác Cobb chờ đến khi câu chuyện, hay đúng hơn là bài ca thán, ngừng lại mới hóm hỉnh nói:
“Nếu muốn thì cháu có thể lên đây; ngồi cạnh ta thì không mất thêm tiền gì cả.” Liền sau đó bác giúp cô bé bước ra, “xốc” cô lên ghế trước, và ngồi lại chỗ của mình.
Rebecca ngồi xuống rất cẩn trọng, vuốt váy đâu ra đấy, để gấu váy xếp nếp trùm lên chiếc dù đặt giữa bác xà ích và mình. Xong xuôi cô bé chỉnh mũ cho khỏi sụp xuống, kéo đôi găng lưới màu trắng bằng vải cốt tông
lên, rồi nói rất hào hứng:
“Ôi! Thế này thích hơn bao nhiêu! Thế này mới giống đi xa chứ! Bây giờ cháu là một hành khách thực thụ rồi, còn ở dưới kia cháu thấy mình cứ như cái con gà mái đẻ ở nhà khi chúng cháu nhốt nó vào trong chuồng ấy. Hy vọng chúng ta sẽ còn được đi rất rất xa nữa chứ ạ?”
“Ồ! Chúng ta mới chỉ vừa bắt đầu thôi,” bác Cobb ôn tồn đáp; “còn hơn hai tiếng đồng hồ nữa.”
“Có hai tiếng thôi ạ?” cô bé thở dài. “Thế thì đến nơi sẽ là một giờ rưỡi; mẹ cháu đang ở nhà bác Ann, lũ trẻ ở nhà thì mới xong ăn, và chị Hannah vừa dọn dẹp xong. Cháu có bữa trưa đây, vì mẹ bảo nếu cháu đến ngôi nhà gạch với cái bụng đói meo và việc đầu tiên bác Mirandy phải làm là kiếm cho cháu cái gì ăn thì đó sẽ là một khởi đầu tệ hại. Càng lúc càng nóng, bác nhỉ?”
“Phải, hẳn rồi; nóng quá ấy chứ. Sao cháu không giương dù lên?” Cô bé vừa phủ váy kín hơn nữa lên cái vật đang được hỏi đến vừa nói, “Ôi không đâu ạ! Cháu chẳng bao giờ dùng dù lúc trời nắng; màu hồng phai khiếp lắm, bác biết đấy, cháu chỉ mang nó đi nhà thờ những hôm Chủ nhật nhiều mây thôi; thỉnh thoảng mặt trời bất chợt ló ra, và cháu phải che chắn cho nó khổ ơi là khổ; nó là thứ quý giá nhất đời của cháu, nhưng nó cũng đòi hỏi phải được giữ gìn kinh lắm ạ.”
Lúc này trong bộ óc chậm chạp của bác Jeremiah Cobb dần len lỏi ý nghĩ rằng con chim đang vắt vẻo bên cạnh là một loài khác xa những loài bác vẫn gặp hằng ngày trên những chuyến đi. Bác bỏ roi da vào hốc, hạ chân trên miếng chắn bùn xuống, đẩy vành mũ cao lên, thổi phù miếng thuốc lá xuống đường, như thế để cho đầu óc hoạt động được minh mẫn, rồi lần đầu tiên bác mới quay sang nhìn thật kỹ vị hành khách nọ, cô bé
đáp lại bằng ánh mắt nghiêm túc pha chút tò mò trẻ con.
Bộ váy áo trúc bâu thô vàng nhạt đã phai màu, nhưng sạch sẽ tinh tươm, và được hồ bột nhiều quá đến nỗi sắp hỏng đến nơi. Sau lớp bèo nho nhỏ dựng đứng ở cổ áo hiện rõ cái cổ mảnh mai rám nắng và gầy guộc, còn cái đầu thì trông quá nhỏ so với bộ tóc đen tết đuôi sam dày và dài đến eo. Cô bé đội cái mũ rơm có vành be bé trông rõ kỳ cục, đó có thể là xu hướng thời trang mới nhất trong ngành mũ trẻ em, hoặc rất có thể là một thứ cổ lỗ sĩ được tân trang lại cho chuyến này. Nó được viền ruy băng màu vàng nhạt và một túm lông nhím màu cam đen lẫn lộn buông xuống hoặc chọc vào một bên tai, khiến cô bé trông vô cùng kỳ quặc. Gương mặt không được hồng hào và mềm mại cho lắm. Về đường nét, hẳn cô trông cũng bình thường, bác Cobb hầu như chẳng bao giờ để ý tỉ mỉ đến cái mũi, trán, hay cằm, vậy mà lần này bác chú ý ngay vào đôi mắt không rời ra được. Đôi mắt Rebecca giống như đức tin, “là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy*.” Dưới đôi lông mày như chạm như khắc tinh tế, chúng sáng lên như hai ngôi sao, những tia sáng nhảy nhót nửa giấu mình trong lòng đen long lanh. Ánh mắt đầy háo hức và tò mò mà không bao giờ thấy thỏa mãn; cái nhìn kiên định lại toát vẻ thông minh và bí ẩn, vì thế có khả năng nhìn xuyên thấu những điều hiển lộ cho tới những gì sâu xa hơn thế ở đồ vật, ở khung cảnh, ở con người. Chưa ai lý giải nổi chúng, đôi mắt của Rebecca ấy. Người thầy giáo và vị mục sư ở Temperance đã cố gắng nhưng thất bại; cô họa sĩ trẻ đến hồi mùa hè để vẽ nhà kho màu đỏ, nhà máy xay bột mì đã hỏng và cây cầu mà cuối cùng đã phải từ bỏ tất cả những cảnh đẹp đặc trưng của nơi này để toàn tâm toàn ý vào khuôn mặt của một đứa trẻ - một khuôn mặt nhỏ nhắn mộc mạc sáng bừng lên chỉ nhờ đôi mắt đem theo
những nhắn nhủ, những thông điệp, những ẩn ý về một sức mạnh còn say ngủ và một tâm hồn sâu lắng, đôi mắt sâu lấp lánh khiến người ta không bao giờ chán ngắm nhìn, cũng như không bao giờ chán tưởng tượng rằng những gì thấy được ở đó phản chiếu tâm tưởng của chính mình.
Bác Cobb chẳng bình luận gì giống những cảm nhận nói chung ở trên cả; nhận xét của bác với vợ đêm hôm ấy chỉ đơn giản là mỗi lần cô bé nhìn bác, bác lại thấy choáng váng.
“Cô Ross, cô làm nghề vẽ ấy, đã tặng cháu cái dù này,” Rebecca nói khi đã nhìn đi nhìn lại bác Cobb và thuộc lòng khuôn mặt bác. “Bác có thấy cái diềm đăng ten kép màu hồng với cái đầu chóp và cán ô màu trắng này chưa? Chúng làm bằng ngà đấy. Cái cán này bị sứt, bác thấy không. Đấy là vì em Fanny cứ hết mút lại nhá nó trong buổi lễ nhà thờ mà cháu không để ý. Từ đấy cháu chẳng bao giờ có cảm giác như xưa với Fanny được nữa.”
“Fanny là em cháu à?”
“Một trong số các em của cháu ạ.”
“Nhà cháu có mấy chị em?”
“Bảy ạ. Có cả thơ viết về bảy đứa trẻ con đấy bác:
Nhanh nhảu cô bé liền trả lời,
“Thưa ông! Chúng cháu có bảy người!”
Cháu đã học thuộc để đến trường đọc, nhưng các bạn đáng ghét lắm, lại đi cười nhạo cháu. Chị Hannah lớn nhất, đến cháu, rồi John, rồi Jenny, rồi Mark, rồi Fanny, rồi Mira.”
“Chà, quả là một gia đình lớn!”
“Quá lớn ấy chứ ạ, ai cũng bảo thế,” Rebecca đáp ngay với vẻ thản nhiên rất người lớn khiến bác Cobb lẩm bẩm, “Lại còn phải nói!” và đút thêm thuốc lá vào bên má trái.
“Chúng đáng yêu thật, nhưng mà cũng phiền ghê, và nuôi thì rõ là tốn, bác biết rồi đấy,” có bé tiếp tục thủ thỉ. “Chị Hannah và cháu chẳng làm được gì ngoài việc tối thì cho bọn trẻ con đi ngủ rồi sáng lại gọi chúng dậy suốt bao nhiêu năm qua. Nhưng việc ấy cũng xong rồi, thật nhẹ cả người, rồi gia đình cháu sẽ có cuộc sống tốt đẹp khi chúng cháu lớn hết và tiền cầm cố nhà trả xong.”
“Xong rồi à? À, ý cháu là giờ cháu đã đi xa chứ gì?”
“Không, ý cháu là các em đã lớn hết rồi, gia đình cháu sẽ không có thêm người nào nữa. Mẹ bảo thế, bà luôn giữ lời hứa. Em Mira nhà cháu là út, và con bé đã ba tuổi rồi. Em sinh đúng ngày cha cháu mất. Bác Miranda muốn chị Hannah đến Riverboro chứ không phải cháu, nhưng mẹ không thể để chị ấy đi được; chị ấy coi sóc nhà cửa tốt hơn cháu, chị Hannah ấy. Tối qua cháu đã bảo với mẹ rằng nếu lúc cháu đi mà có thêm bất kỳ em bé nào nữa, thì mẹ phải gọi cháu về, vì khi có em bé thì luôn phải có cả chị Hannah và cháu, mẹ còn phải lo nấu nướng và đồng áng.”
“Ổ, cháu sống ở trang trại hử? Ở đâu thế? Gần chỗ cháu lên xe đấy à?” “Gần ấy ạ? Trời, phải đến cả vài ngàn dặm ấy chứ! Mẹ con cháu đi tàu từ Temperance. Rồi đi xe ngựa mãi mới đến nhà bác Ann để ngủ nhờ. Rồi mẹ con cháu dậy và lại đi xe ngựa xa ơi là xa đến Maplewood đón xe ngựa chở khách. Trang trại nhà cháu xa tất cả mọi nơi, nhưng trường học và nhà thờ thì ở Temperance, hai chỗ ấy chỉ cách hai dặm thôi. Ngồi đây với bác thật thích, như kiểu được leo lên tháp chuông nhà thờ ấy. Cháu biết một
thằng bé từng leo lên tháp chuông nhà thờ chỗ chúng cháu. Nó nói người và bò trông như là ruồi ấy. Bác cháu mình chưa gặp người nào hết, nhưng cháu hơi bị thất vọng về lũ bò; chúng trông không nhỏ như cháu hy vọng; mà (lại rạng rỡ lên) chúng trông cũng không to như lúc ta nhìn gần, bác nhỉ? Lũ con trai luôn làm những việc thật hay ho thú vị, còn bọn con gái chỉ có thể làm những việc ngớ ngẩn đáng ghét không ai buồn làm thôi. Chúng không thể leo thật là cao, hay là đi thật là xa, hay là đi chơi về thật muộn, hay là chạy thật nhanh, hay là bất cứ một việc gì.”
Bác Cobb đưa mu bàn tay lau miệng và thở hắt ra. Bác có cảm giác mình đang bị rượt từ đỉnh núi này tới đỉnh núi khác mà không kịp dừng lại thở cho ra hơi.
“Ta không hình dung ra trang trại của cháu ở đâu cả,” bác nói, “mặc dù ta từng đến sống trên Temperance. Nhà cháu họ gì?”
“Randall ạ. Mẹ cháu tên là Aurelia Randall; tên chúng cháu là Hannah Lucy Randall, Rebecca Rowena Randall, John Halifax Randall, Jenny Lind Randall, Marquis Randall, Fanny Ellsler Randall, và Miranda Randall. Mẹ đặt tên cho nửa số chúng cháu còn lại là cha đặt, nhưng mà số người lại lẻ nên cha mẹ nghĩ lấy tên bác Miranda ở Riverboro đặt cho Mira thì sẽ thật hay; cha mẹ cháu hy vọng như thế có thể đem lại những điều tốt lành, nhưng mãi chẳng thấy có gì tốt lành cả, nên bây giờ chúng cháu gọi em là Mira. Chúng cháu đều được đặt theo tên các nhân vật cụ thể cả đấy ạ. Tên chị Hannah thì là từ bài thơ “Hannah khâu giày bên cửa sổ”, và tên cháu được lấy từ truyện Ivanhoe; John Halifax là một quý ông trong một cuốn sách; Mark được đặt theo bác Marquis de Lafayette đã mất, bác ấy là anh em song sinh với cha cháu. (Trẻ sinh đôi thường không sống được lâu, và trẻ sinh ba thì gần như không có cơ hội sống sót - bác có biết không, bác
Cobb?) Chúng cháu không gọi em là Marquis, mà chỉ Mark thôi. Jenny được đặt theo tên một ca sĩ và Fanny thì theo tên một vũ công xinh đẹp, nhưng mẹ cháu nói hai đứa thật chẳng xứng với tên chúng chút nào, vì Jenny không thể hát nổi một điệu nhạc cho ra hồn còn Fanny thì có tật hơi cà nhắc. Mẹ muốn gọi hai đứa nó là Jane và Frances và bỏ tên đệm đi, nhưng lại nói như thế thì không công bằng với cha. Bà nói chúng cháu phải luôn bảo vệ cha, vì mọi thứ đều chống lại cha, và ông lẽ ra đã không chết nếu như ông chẳng gặp vận đen đến thế. Cháu nghĩ chuyện về chúng cháu thế là hết rồi đấy ạ,” cô bé kết luận bằng giọng nghiêm túc.
“Trời đất quỷ thần ơi! Ta nghĩ thế là đủ quá rồi,” bác Cobb thốt lên. “Sau khi mẹ cháu chọn xong thì thật cũng chả còn mấy cái tên nữa. Cháu thực là có trí nhớ tuyệt vời đấy. Ta đoán cháu học bài cũng chẳng lấy gì làm khó khăn, nhi?”
“Cũng không khó lắm ạ; vấn đề nằm ở chỗ đi giày vào để mà đến học ấy ạ. Đôi này mới cứng cựa, và chúng phải trụ cho được sáu tháng. Mẹ cháu luôn dặn cháu phải giữ gìn đôi giày. Có vẻ như chẳng có cách giữ giày nào ngoại trừ tháo chúng ra mà đi chân không; nhưng cháu không thể làm như vậy ở Riverboro mà không làm bác Mirandy xấu mặt. Cháu sẽ đi học ngay khi đến sống với bác Mirandy, và sau hai năm cháu sẽ lên trung học ở Wareham; mẹ nói phải như vậy thì cháu mới được nên người! Học xong cháu sẽ làm họa sĩ như cô Ross. Thật ra thì, đấy là điều cháu nghĩ cháu sẽ làm. Còn mẹ nghĩ tốt hơn cả là cháu nên đi dạy.”
“Trang trại nhà cháu không phải là chỗ Nhà Hobbs ngày xưa chứ hả?” “Không ạ, chỉ là Trang trại Nhà Randall thôi. Đấy là mẹ cháu gọi thế. Cháu thì gọi nó là Suối Nắng.”
“Ta đoán gọi thế nào thì cũng chẳng có gì khác nhau miễn là ta biết
được nó ở chỗ nào,” bác Cobb nói với giọng châm biếm. Rebecca hướng toàn bộ luồng sáng đôi mắt mình về phía bác đầy vẻ trách móc, gần như nghiêm khắc, cô bé đáp:
“Ô! Bác đừng nói vậy, nghe giống y như những người khác! Tên gọi khác nhau thì sẽ rất khác nhau chứ ạ. Khi cháu nói Trang trại Nhà Randall, bác có thấy được nó trông ra sao không?”
“Không, đúng là ta không thể thấy được,” bác Cobb đáp với vẻ lo lắng. “Vậy giờ cháu nói Trang trại Suối Nắng, nó khiến bác nghĩ đến gì nào?”
Bác Cobb có cảm giác như là một con cá mắc cạn đang hấp hối trên cát vậy; không có cách nào xóa tan đi cái trách nhiệm kinh khủng là phải đáp lời, bởi đôi mắt của Rebecca như hai ánh đèn pha, xuyên qua đầu bác tới cái khoảng bị trọc sau gáy.
“Ta đồ rằng quanh đấy có một con suối,” bác bối rối trả lời. Rebecca trông thất vọng, nhưng không đến nỗi chán nản. “Thế là khá tốt rồi,” cô bé nói với vẻ khuyến khích. “Bác nói tạm ổn nhưng chưa chính xác. Có một con suối, nhưng không phải suối bình thường đâu. Có nhiều cây non và bụi cây be bé hai bên bờ, dòng suối nhỏ nước luôn róc rách thầm thì với đáy cát trắng và vô số đá cuội nhỏ lấp lánh. Bất kỳ khi nào có một chút ánh nắng, con suối ấy bắt lấy ngay, và nó luôn ngập tràn những dải sáng lóng lánh lung linh suốt cả ngày trời. Bụng bác đã thấy rỗng chưa ạ? Bụng cháu thì có. Sợ lỡ mất chuyến xe này nên sáng cháu chẳng ăn được tí nào.”
“Thế thì cháu phải ăn trưa đi thôi. Ta thường tới Milltown mới ăn; lúc ấy ta sẽ kiếm miếng bánh nướng và một cốc cà phê.”
“Ước gì cháu được thấy Milltown. Cháu đoán nó còn to và rộng hơn cả Wareham; hẳn là giống Paris bác nhỉ? Cô Ross đã kể cho cháu nghe về Paris; cô ấy mua chiếc dù màu hồng này cho cháu ở đó cùng với cái ví đính cườm. Bác có thấy nó mở đánh tách một cái không? Cháu có hai mươi xu trong ấy, và phải trụ cho được ba tháng, để mua tem, giấy, mực. Mẹ nói bác Mirandy sẽ không muốn mua những thứ ấy bởi bác còn phải nuôi ăn nuôi mặc cháu và trả tiền sách cho cháu.”
“Paris chẳng có gì hay ho cả,” bác Cobb chê bôi. “Đấy là cái chỗ chán nhất ở bang Maine. Ta đánh xe đến đó suốt.”
Một lần nữa Rebecca thấy cần phải phản bác lại bác Cobb, khéo léo và nhẹ nhàng, nhưng cũng phải thật cứng rắn, mặc dù sự phản bác ấy được thể hiện bằng một cái liếc mắt, đưa sang thật nhanh và rút về cũng nhanh chẳng kém.
“Paris là thủ đô của Pháp, và phải đến đó bằng thuyền chứ bác,” cô bé nói bằng giọng giảng giải. “Sách địa lý của cháu viết: ‘Người Pháp vui vẻ và lịch sự, yêu thích khiêu vũ và rượu vang.’ Cháu hỏi thầy giáo rượu vang là cái gì, thì thầy cho là nó gần giống như rượu táo, hoặc có thể như bia gừng. Chỉ cần nhắm mắt lại là cháu có thể nhìn thấy Paris rõ như ban ngày. Những tiểu thư xinh đẹp luôn vui vẻ nhảy múa khắp nơi với những chiếc dù màu hồng và ví đính cườm, những đức ông sang trọng thì khiêu vũ rất lịch sự và uống bia gừng. Nhưng bác thì có thể nhìn thấy Milltown gần như mỗi ngày với hai mắt mở to,” Rebecca nói vẻ thèm thuồng.
“Milltown cũng chả có gì đỉnh cả,” bác Cobb đáp lại, với cái vẻ như là bác đã tới mọi thành phố trên thế giới này và đều thấy chúng chẳng ra làm sao. “Giờ thì cháu hãy xem ta văng tờ báo này lên đúng phóc bậc cửa nhà bà Brown nhé.”
Véo! Bọc báo rơi xuống đứng nơi nó cần đến, trên tấm thảm bện vỏ ngô bên ngoài cửa lưới.
“Ôi, tuyệt quá!” Rebecca khoái chí reo lên. “Cứ y như người ném dao mà Mark đã thấy ở đoàn xiếc ấy. Ước gì có một hàng dài những ngôi nhà với tấm thảm vỏ ngô và một cái cửa lưới ở chính giữa, và một tờ báo để ném nữa!”
“Ta có thể hụt một vài cái đấy,” bác Cobb nói, rạng lên với một niềm tự hào nho nhỏ. “Nếu bác Mirandy của cháu cho phép thì hè này ta sẽ chở cháu xuống Milltown hôm nào xe còn chỗ.”
Một niềm hân hoan sung sướng chạy khắp người Rebecca, từ đôi giày mới lên mãi chiếc mũ rơm và xuống cái đuôi sam đen. Cô bé háo hức tì mạnh lên đầu gối bác Cobb và nói bằng giọng nghẹn lại vì những giọt nước mắt hạnh phúc lẫn ngỡ ngàng, “Ôi, không thể tin nổi, không thể tin nổi; cháu không nghĩ rằng có ngày cháu sẽ thấy Milltown. Cứ như là có một bà tiên hỏi ta ước gì và ban cho ta điều ước đó vậy! Bác đã bao giờ đọc Công chúa lọ lem, hay là Chú lùn màu vàng, hay là Hoàng tử cóc, hay là Cô gái xinh đẹp có những lọn tóc vàng chưa?”
“Chưa,” bác Cobb đáp đầy thận trọng, sau một chút ngẫm nghĩ. “Ta không nhớ là đã đọc những cuốn ấy. Cháu đọc ở đâu ra mà được lắm thế?”
“Ôi, cháu đã đọc nhiều sách lắm,” Rebecca trả lời rất bình thản. “Sách của cha, của cô Ross và các thầy cô giáo ở trường, và tất cả những quyển có trong thư viện trường Giáo lý. Cháu đã đọc Người thắp đèn, Những thủ lĩnh Scotland, rồi Ivanhoe, rồi Người thừa kế tước tòng nam Redclyffe, rồi Cora, vợ người bác sĩ, và David Copperfield, rồi Vàng ở Chickaree, rồi Những cuộc đời của Plutarch,rồi Thaddeus ở Warszawa, rồi Chuyến
đi của người hành hương, và nhiều nhiều nữa. Bác đã đọc gì rồi ạ?” “Ta thì chưa bao giờ đọc những quyển ấy; nhưng ta đọc nhiều lắm! Ta đã đọc vô số chứ! Dạo này hơi chán rồi nên ta thường đọc Almanac, tờ Argus hằng tuần, rồi thì Nông nghiệp bang Maine. Lại có sông nữa rồi kìa; đây là ngọn đồi dài cuối cùng, rồi khi lên tới đỉnh chúng ta sẽ thấy ống khói của Riverboro phía xa xa. Đi chẳng mấy nữa đâu. Ta sống cách ngôi nhà gạch chừng nửa dặm.”
Bàn tay Rebecca lấn bấn trên lòng và cô bé cựa quậy trên ghế. “Lúc đầu cháu không nghĩ là mình lại lo lắng đâu,” cô bé nói như hụt hơi, “nhưng có lẽ là có, chỉ một tí thôi, khi bác bảo là sắp đến nơi rồi.”
“Cháu không định quay về đấy chứ?” bác Cobb tò mò hỏi. Cô bé đá về phía bác một ánh nhìn gan dạ và đáp với vẻ tự hào, “Cháu sẽ không bao giờ quay về - có thể là cháu sợ, nhưng bỏ chạy thì thật là đáng xấu hổ. Đến nhà bác Mirandy cũng như đi xuống dưới hầm để đồ vào ban đêm vậy. Có thể có quái vật hoặc là thú dữ dưới đó, nhưng, như cháu đã bảo chị Hannah ấy, cũng có thể có cả các chú lùn, những nàng tiên và những chàng hoàng tử cóc! Làng có phố chính không hả bác, như ở Wareham ấy?”
“Ta đồ rằng cháu có thể gọi nó là phố chính được đấy, và bác Sawyer của cháu sống trên phố chính đó, nhưng chẳng có cửa hiệu hay nhà xưởng gì đâu, làng chỉ bé tí tẹo thôi! Phải sang bên kia sông phía nhà ta thì cháu mới mong thấy được cái gì đó.”
“Cháu cứ thấy tiêng tiếc,” cô bé thở dài, “vì sẽ thật tuyệt biết bao nếu như được đi xe ngựa dọc một con phố chính thực thụ, được ngồi trên này với bác sau hai chú ngựa đẹp tuyệt, rồi cháu xòe chiếc dù hồng ra nữa, và mọi người trong thị trấn ai nấy đều băn khoăn không biết bó hoa tử đinh
hương và chiếc rương là của ai. Sẽ thật giống y như tiểu thư xinh đẹp trong cuộc diễu hành nọ. Hè năm ngoái đoàn xiếc đã đến Temperance, và buổi sáng họ đi diễu hành. Mẹ cho phép chúng cháu đi cùng còn Mira được đẩy trong xe nôi, vì chúng cháu không có tiền đến rạp xiếc chiều hôm ấy. Có ngựa và những con vật dễ thương nằm trong cũi, và các chú hề thì cưỡi ngựa; mãi ở cuối đoàn có một cỗ xe do hai chú ngựa non kéo đi, và trong xe, trên tấm ghế nệm nhung là người thôi miên rắn, mặc toàn đồ xa tanh và đính trang kim. Cô ấy đẹp không gì sánh nổi, bác Cobb ạ, đẹp đến nỗi ngắm cô ấy mà người ta phát nghẹn ở cổ họng và có cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng ấy. Bác có hiểu ý cháu không bác? Bác đã bao giờ thấy một ai khiến bác cảm thấy như thế chưa?”
Bác Cobb có cảm giác khó ở rõ rệt hơn bất kỳ lúc nào trong cái buổi sáng đầy ắp sự kiện này, nhưng bác khéo léo lảng tránh câu hỏi bằng cách đáp lại rằng, “Ta thấy cũng chẳng chết ai nếu chúng ta đi vào thị trấn với cung cách oách nhất mình có được. Ta sẽ trưng cái roi lên, ngồi ngay ngắn, và đánh xe thật nhanh; còn cháu thì ôm bó hoa vào lòng, và mở cái dù nhỏ màu hồng kia lên, chúng ta sẽ khiến dân làng phải trố mắt lên mà nhìn!”
Khuôn mặt đứa trẻ bừng lên trong phút chốc, nhưng cái lấp lánh ấy phai đi nhanh chóng khi cô bé đáp, “Cháu quên, mẹ cho cháu vào ngồi bên trong, và chắc mẹ muốn cháu ngồi đó khi cháu tới nhà bác Mirandy. Có lẽ cháu sẽ lịch thiệp hơn khi ở trong ấy, và rồi cháu sẽ không phải nhảy xuống làm cho váy bay tung lên, mà mở cửa ra và bước xuống như một cô nương. Bác dừng lại một phút được không, bác Cobb, để cháu đổi chỗ ạ?”
Bác xà ích nhân hậu kéo ngựa lại, bế sinh linh bé nhỏ sôi nổi kia xuống, mở cửa, giúp cô bé bước vào xe, đặt bó hoa tử đinh hương và chiếc dù
màu hồng bên cạnh cô.
“Chúng ta đã có một chuyến đi thật tuyệt,” bác nói, “và chúng ta đã thật là thân rồi, phải không nào? Cháu sẽ không quên chuyện Milltown đấy chứ?”
“Không bao giờ!” cô bé hào hứng đáp, “và bác chắc là bác cũng không quên chứ?”
“Không bao giờ! Bác thề đấy!” bác Cobb nghiêm túc thề, đoạn lại trèo lên ghế đánh xe; và khi chiếc xe ngựa lọc cọc chạy trên con đường làng giữa những cây phong xanh, những ai nhìn qua cửa sổ có thể thấy một bé gái da nâu tí xíu trong bộ váy vải trúc bâu vàng nhạt đang ngồi rất thẳng thớm trên ghế sau, một tay cầm bó hoa thật lớn còn tay kia cầm chiếc dù hồng. Khi chiếc xe ngựa rẽ vào sân bên của căn nhà gạch cũ, nếu ai bị viễn thị thì có thể sẽ còn thấy được một bên cầu vai chiếc váy thô nọ nhô lên hạ xuống đầy hối hả bởi trái tim bên trong váy đang đập thật gấp gáp, màu đỏ thoắt đến thoắt đi trên hai gò má nhợt nhạt, và một màn nước mắt ùa tới trên đôi mắt sẫm màu đẹp tuyệt kia.
Chuyến du hành của Rebecca đã kết thúc.
“Có xe ngựa vào sân nhà Sawyer kìa,” bà Perkins nói với chồng. “Đấy hẳn là đứa cháu trên Temperance xuống. Hình như họ đã viết thư cho Aurelia mời Hannah, đứa chị cả, nhưng Aurelia nói bà ấy chỉ có thể cho Rebecca đi thôi, nếu Mirandy và Jane thấy hai đứa nó không khác gì nhau; thế là Rebecca đến đấy. Con bé sẽ hợp với Emma Jane của chúng ta thôi, nhưng tôi chẳng tin là họ sẽ giữ con bé lại nổi ba tháng! Tôi trông nó đen đúa như là thổ dân ấy; đen đúa và có vẻ nhanh nhẹn. Trước người ta hay bảo nhà Randall có anh con trai lấy một cô người Tây Ban Nha dạy nhạc và ngôn ngữ ở một trường bán trú. Lorenzo có nước da đen, ông nhớ chứ,
và đứa bé này cũng thế. Thật ra thì, tôi cũng chẳng biết máu Tây Ban Nha có phải là thực sự đáng xấu hổ hay không, chứ như ngày xưa thì cô ta đáng kính lắm đấy.”
CHƯƠNG II
Họ hàng nhà Rebecca
N
gười ta đã gọi họ là các cô gái nhà Sawyer từ khi Miranda mười tám, Jane mười hai và Aurelia tám tuổi cùng tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong làng; và khi dân làng Riverboro đã quen gọi quen nghĩ thế rồi, họ thấy chẳng có lý do gì mà phải từ bỏ thói quen ấy đi cả, nhất là khi vẫn còn chưa sang thế kỷ khác. Vì thế mặc dù Miranda và Jane đã vào tuổi ngũ tuần khi câu chuyện này bắt đầu, thì dân làng Riverboro vẫn gọi họ là các cô gái nhà Sawyer. Họ là hai bà cô không chồng; còn Aurelia, cô con gái út, đã thực hiện điều mà bản thân bà gọi là một cuộc hôn nhân lãng mạn và các chị gái của bà đặt tên là một cuộc đổi chác vô cùng đáng thương. “Có những thứ còn tệ hơn là làm bà cô già,” họ nói vậy; họ có nghĩ như thế thật hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Yếu tố lãng mạn trong cuộc hôn nhân của Aurelia tồn tại chủ yếu ở chuyện ông L. D. M. Randall có một tâm hồn bay bổng khỏi những công việc đồng ruộng và buôn bán. Ông là kẻ tôn thờ nghệ thuật. Hằng tuần ông đi dạy ở trường nhạc (khi ấy trường nhạc là một đặc trưng của đời sống thôn quê) ở sáu thị trấn lân cận, ông chơi đàn violin và hát lệnh trong các điệu nhảy bốn cặp, hoặc hòa âm những bản nhạc sâu lắng với cây đàn phong cầm của nhà thờ mỗi Chủ nhật. Ông dạy cho những thiếu niên đã đến tuổi bước ra ngoài xã hội mà còn vụng về điệu nhảy dân gian New England phức tạp, hay cách bước chân trong điệu polka chậm và điệu mazurka, ông là một nhân vật nổi bật trong tất cả các nhóm hội, mặc dù ông thường vắng mặt trong các buổi hợp mặt của thị trấn và những buổi tụ
tập của cánh đàn ông ở hàng quán hoặc trên cầu.
Tóc ông dài hơn một chút, đôi tay ông trắng hơn một chút, giày của ông mỏng hơn một chút, cung cách của ông tao nhã hơn một li, so với những người cùng trang lứa; thực chất cái khía cạnh duy nhất của cuộc đời mà ông không tỏa sáng nổi là việc kiếm tiền. May mắn thay ông không phải gánh vác trách nhiệm gì; cha ông và người anh em song sinh với ông đã chết khi ông còn nhỏ, và mẹ ông, người có duy nhất một thành tựu đáng kể trong đời là đặt tên cho hai con trai là Marquis de Lafayette và Lorenzo de Medici Randall, đã tự nuôi được bản thân và cho con học hành bằng nghề may vá cho đến tận ngày bà trút hơi thở cuối cùng. Bà thường buồn bã nói, “E là năng lực của hai đứa song sinh nhà tôi khác nhau hoàn toàn. Thằng L. D. M là thằng cực kỳ có tài, còn thằng M. D. L. mà còn sống hẳn là đứa rất thực tế.”
“Cái anh L. D. M. mà không thực tế thì đã chẳng vớ được cô con gái giàu nhất làng,” bà Robinson đáp.
“Phải,” mẹ ông thở dài, “lại chuyện đó nữa; nếu cả hai đứa nó lấy Aurelia Sawyer thì tốt. Thằng L. D. M. đủ tài để lấy được tiền của Reely, còn thằng M. D. L. sẽ đủ thực tế để giữ được chỗ tiền ấy.”
Phần của Aurelia trong số tài sản khiêm tốn nhà Sawyer đã được ông Lorenzo de Medici đẹp trai và kém may mắn tiêu tốn vào hết thứ này đến thứ nọ. Ông có một kiểu cách đậm chất thơ ca và duyên dáng trong việc đầu tư cho mỗi đứa con mới ra đời. “Mỗi món quà sinh nhật cho con của chúng ta, Aurelia à,” ông sẽ nói như thế, “là một cái tổ ấp trứng nho nhỏ cho tương lai;” nhưng có lần Aurelia đã phải chua chát thốt lên rằng chẳng có con gà mái nào có thể ấp mấy quả trứng ấy nở ra được cái của nợ gì cả.
Miranda và Jane gần như đã phủi tay rũ Aurelia đi khi bà lấy ông Lorenzo de Medici Randall. Khi đã xoay xở hết mọi nguồn hỗ trợ ở Riverboro và vùng lân cận, đôi vợ chồng kém may mắn tiếp tục di chuyển hết chỗ này tới chỗ nọ trong cảnh ngày càng nghèo khó cho đến khi họ đến Temperance, định cư tại đây và phó mặc cho số phận thỏa sức xoay vần, một lời mời đã được số phận chấp nhận ngay lập tức. Hai người chị gái không chồng ở nhà viết thư cho Aurelia mỗi năm đôi ba lần, và gửi cho lũ trẻ những món quà khiêm tốn song được cái thiết thực vào dịp Giáng Sinh, nhưng họ từ chối giúp đỡ L. D. M. chi phí sinh hoạt cho cái gia đình liên tục gia tăng dân số của ông. Khoản đầu tư cuối cùng của ông, được thực hiện không lâu trước khi Miranda ra đời (Miranda được đặt tên với kỳ vọng về những sự giúp đỡ không bao giờ thành hiện thực), là một trang trại nhỏ cách Temperance hai dặm. Aurelia một mình xoay xở với nó, nên ít nhất nó cũng được coi là nhà, là chốn ông Lorenzo thất thế ra đi và được chôn cất, cái nghĩa vụ dường như đã bị trì hoãn quá lâu, theo ý nhiều người, mà ông đã thực hiện vào đúng ngày Mira sinh ra.
Chính dưới mái nhà vô tư lự này Rebecca đã khôn lớn. Đó cũng chỉ là một gia đình bình thường; vài ba đứa trẻ con xinh xẻo và lũ còn lại thì tầm tầm, ba trong số chúng khá thông minh, hai đứa chăm chỉ, hai đứa còn lại thì bình thường và chậm chạp. Rebecca thừa hưởng năng khiếu của cha và luôn là học sinh giỏi giang nhất của ông. Cô bé “cảm” giọng nữ trầm bằng tai, biết khiêu vũ mà không cần dạy, biết chơi phong cầm mà không cần học các nốt. Tình yêu sách vở của cô bé được thừa hưởng chủ yếu từ mẹ, một người luôn thấy khó mà quét dọn nhà cửa hoặc nấu nướng hoặc khâu vá được khi trong nhà không có lấy một cuốn tiểu thuyết. May mắn thay sách vở không phải dễ mà có được, nếu không thì đôi khi lũ trẻ đã có thể
bị bỏ đói hoặc rách rưới.
Nhưng ở Rebecca còn có cả những phẩm chất khác nữa, những dấu ấn của tổ tiên xa xưa đã ăn sâu trong con người cô bé. Lorenzo de Medici thì yếu đuối và nhu nhược, Rebecca lại chất chứa lửa nhiệt thành; ông thiếu đi sinh khí và sự quả cảm, Rebecca thì hai tuổi đã bạo lắm và năm tuổi đã gan dạ rồi. Bà Randall và Hannah chẳng có tí hài hước nào cả, Rebecca thì thể hiện óc khôi hài ngay khi còn lẫm chẫm tập đi và bập bẹ nói.
Tuy vậy, cô bé không thể vừa có được những đức tính tốt của cha mẹ và những vị tổ tiên hào phóng mà lại vừa thoát được những khiếm khuyết trong tính cách họ. Cô bé không có được tính kiên nhẫn của cô chị Hannah hay sức khỏe của cậu em John. Ý thích của cô bé đôi khi ngang ngạnh, và sự dễ dàng mỗi khi cô làm hầu hết các việc khiến cô trở nên thiếu kiên nhẫn đối với những việc khó hoặc đòi hỏi thời gian. Nhưng dù gì đi nữa thì ở trang trại nhà Randall trẻ con luôn được tự do. Lũ trẻ lớn lên, làm việc nhà, chành chọe nhau, ăn ngủ vô tội vạ; yêu thương nhau và yêu thương cha mẹ rất nhiều, nhưng không phải kiểu yêu thương thắm thiết; và mỗi đứa mỗi kiểu, chúng tự học suốt chín tháng mỗi năm.
Kết quả của phương pháp này là Hannah, đứa trẻ chỉ có thể phát triển nhờ vào sự ép buộc, thì tỉ mỉ, buồn tẻ và năng lực có hạn; trong khi Rebecca, đứa rõ ràng là không cần gì ngoài một không gian để phát triển và vốn từ để diễn đạt ý nghĩ của bản thân, thì cứ lớn lên, lớn lên và lớn lên mãi, sức mạnh nội tâm luôn tỏa ra bên ngoài. Các năng khiếu của cô bé có vẻ như đã được đặt ở trạng thái động ngay khi cô bé ra đời; chúng chẳng cần phải được hối thúc mỗi ngày, mà tự phát triển theo ý mình - theo hướng chẳng một ai biết được, nhất là bản thân Rebecca. Môi trường thể hiện dành cho bản năng sáng tạo của cô bé thật hạn chế quá thể, cô bé chỉ
có thể dùng được nó vào việc hôm nay không cho trứng vào bột bánh mì ngô còn hôm khác thì không cho sữa, để xem kết quả sẽ ra sao; rẽ ngôi cho Fanny lúc thì ngôi giữa, lúc thì ngôi lệch phải, lúc thì ngôi lệch trái; và chơi đủ mọi trò tai quái với lũ em, thỉnh thoảng cho chúng đóng giả những nhân vật tưởng tượng hoặc nhân vật lịch sử trong những cuốn sách yêu thích của cô rồi mới đưa chúng tới bàn ăn. Rebecca nhìn chung khiến cho mẹ và gia đình rất vui vẻ, nhưng cô bé chẳng bao giờ được coi là người quan trọng thật sự, tuy được cho là “thông minh” và chín chắn hơn tuổi song cô bé cũng chẳng được cho là đặc biệt gì hơn cả. Kinh nghiệm của Aurelia về thiên tài, mà ví dụ điển hình là ông Lorenzo de Medici quá cố, đã khiến cho bà càng thêm ngưỡng mộ những điều đơn giản, thường tình, một khả năng mà Rebecca phải nói thật là lắm lúc vô cùng thiếu thốn.
Hannah là đứa con cưng của bà mẹ, bởi bà thấy mình được quyền thiên vị đứa nọ đứa kia chứ. Một người mẹ phải nuôi ăn nuôi mặc cho bảy đứa trẻ với thu nhập mười lăm đồng một tháng mấy khi có thời gian để ý kỹ sự khác nhau giữa đám con của mình, nhưng Hannah lúc mười bốn tuổi đã biết cùng mẹ lo toan gánh vác mọi chuyện trong gia đình. Cô bé là người trông nom nhà cửa khi Aurelia bận rộn việc trang trại hay đồng áng. Rebecca có thể làm được những việc nhất định, như để mắt đến bọn bé con không cho chúng đánh nhau hoặc nghịch dại, cho gà ăn, lượm củi nhóm bếp, nhặt cuống dâu tây, lau đĩa ăn; tuy vậy bà vẫn thấy không thể trông cậy được gì ở cô bé, và Aurelia, đang rất cần có ai đó để trông cậy (bà chưa bao giờ được hưởng diễm phúc đó với ông Lorenzo tài giỏi), đã chọn Hannah. Và việc ấy ít nhiều đã để lại dấu ấn ở Hannah - cô bé lúc nào cũng mang vẻ mặt mệt mỏi và phong thái khô cứng; nhưng cô là đứa tự lập, ngoan ngoãn, đáng tin cậy, đó chính là lý do hai bà bác mời cô đến
Riverboro làm thành viên trong gia đình họ và hưởng lợi lạc từ vị trí danh giá hơn người của họ. Mấy năm rồi Miranda và Jane không gặp lũ trẻ, nhưng họ vẫn hài lòng khi nhớ lại rằng Hannah không hề nói một lời nào suốt buổi trò chuyện, và đó chính là lý do họ mời cô bé đến ở cùng. Còn Rebecca thì khác, cô bé mặc đồ của John cho chó, và khi được bảo gọi ba đứa em về ăn tối, cô đã giúi chúng xuống cái bơm nước và ép dẹp tóc của chúng xuống da đầu bằng cách chải thật lực, dắt chúng tới bàn ăn trong tình trạng ướt nhẹp và bóng lộn đến kinh dị làm mẹ chúng cảm thấy vô cùng mất mặt. Mái tóc xoăn đen của Rebecca thường được chải gọn để lộ trán, nhưng vào dịp đó cô bé đã tạo ra cái mà tôi chỉ còn biết gọi bằng cái tên duy nhất, một lọn tóc xoăn nước bọt, nó rủ ngay xuống giữa lông mày, là món trang sức mà cô chỉ được diện mỗi một tí, đến khi Hannah mách mẹ, cô bé bị bắt vào phòng trong duỗi ra và khi quay trở lại phải trông đúng như một con chiên ngoan đạo. Yêu cầu của mẹ cô bé có lẽ đã được hiểu quá sát nghĩa đen, bởi cô đã xoay xở trong vòng chỉ hai phút đồng hồ mà ra được một kiểu tóc cực kỳ ngoan đạo, mang lại hiệu quả mạnh nếu như không muốn nói là giật mình y như kiểu trước. Những trò kỳ quặc này nguyên do nằm cả ở sự bức bối, một trạng thái tâm lý bắt nguồn từ thái độ cứng nhắc, dữ dằn và rất nhà binh của bà bác Miranda Sawyer. Hồi tưởng về Rebecca sinh động đến mức lá thư của cô em Aurelia thực là một cú sốc đối với hai bà cô không chồng trầm lặng trong ngôi nhà gạch; bởi lá thư nói rằng Hannah không thể rời nhà trong vài năm tới được, nhưng Rebecca sửa soạn xong cái là có thể đến ngay; rằng gia đình Aurelia rất trân trọng lời mời của hai bà chị, rằng việc đi học và những ân sủng của nhà thờ, cũng như ảnh hưởng của nhà Sawyer, không nghi ngờ gì nữa, sẽ giúp Rebecca “nên người”.
CHƯƠNG III
Sự khác biệt của những trái tim “C
hả biết tôi có thể khiến đứa trẻ nào nên người được hay không đây,” Miranda vừa nói vừa gấp lá thư của Aurelia lại cất vào chiếc tủ nhỏ để đèn. “Cứ tưởng Aurelia sẽ gửi cho chúng ta đứa chúng ta muốn, nhưng đúng là chỉ cô ta mới có cái kiểu lật lọng để tống cái con bé rồ ấy cho người khác.”
“Chị có nhớ là mình đã nói Rebecca hoặc thậm chí Jenny đến cũng được, trong trường hợp Hannah không thể đến mà,” Jane xen vào. “Thì biết thế, nhưng chúng ta làm sao hình dung nổi sự việc lại ra nông nỗi ấy,” Miranda càu nhàu.
“Ba năm trước mình gặp nó thì nó còn bé tí,” Jane đánh bạo cho ý kiến, “con bé hẳn đã đủ thời gian để tiến bộ hơn rồi.”
“Và đủ thời gian để hư hỏng hơn!”
“Chẳng phải uốn nắn được con bé là một điều đáng tự hào hay sao?” Jane rụt rè hỏi.
“Tự hào hay không tôi chả biết; nhưng tôi cho là sẽ có cả một đống việc đây. Nếu cho đến giờ phút này mẹ nó vẫn chưa cho nó vào khuôn khổ được, thì có khối mà tự nó đùng một cái lại ngoan lên được.”
Tư tưởng thất vọng và đáng thất vọng này cứ dai dẳng tới tận cái ngày quan trọng là ngày Rebecca đến.
“Con bé đến mà vẫn bày trò như ngày trước thì chúng ta chẳng còn hy vọng được ngơi nghỉ gì nữa cả,” Miranda thở dài, phơi mấy cái khăn lau
bát đĩa lên bụi hoàng liên gai ngoài cửa hông.
“Nhưng dù có Rebecca hay không có Rebecca thì chúng ta vẫn nên dọn dẹp nhà cửa đi,” Jane giục chị, “mà em không hiểu sao chị lại kì cọ giặt giũ nấu nướng cho con bé thế, còn mua cả đồ thêu thùa vải vóc ở nhà Watson nữa chứ.”
“Nếu như cô không hiểu Aurelia thì tôi có hiểu đấy,” Miranda đáp. “Tôi thấy nhà cô ta thế nào rồi, và tôi đã chứng kiến cái lũ trẻ con ấy, mặc đồ của nhau lẫn lộn cả, lại chẳng thèm quan tâm xem mặc trái hay mặc phải nữa; tôi biết rõ số tiền nhà chúng có để trang trải ăn mặc ra sao, và cô cũng thế. Con bé lại chẳng tới đây với một lô một lốc những thứ đi mượn của tất cả những đứa khác ấy chứ. Chắc nó lại đi giày của Hannah, mặc áo lót của John và đi tất của Mark. Tôi đồ rằng cả đời con bé chưa bao giờ đeo đê khâu, nhưng cứ ở cái nhà này rồi chẳng mấy chốc mà nó sẽ quen ngay thôi. Tôi đã mua một miếng mút xơ lin chưa chuội và một miếng kẻ ca rô nâu để nó may vá; cho nó có cái mà làm. Nó sẽ chẳng bao giờ tự thu dọn được gì hết, cái này thì khỏi phải nói; có khi nó còn chưa thấy cái chổi phủi bụi bao giờ ấy chứ, việc rèn cho nó vào khuôn phép nhà ta sẽ khốn khổ chẳng khác nào tìm đường lên giời đâu.”
“Con bé sẽ thay đổi chứ,” Jane nhìn nhận, “mà biết đâu nó ngoan ngoãn hơn chúng ta nghĩ.”
“Ngoan hay không thì nó cũng sẽ để bụng khi bị nhắc nhở,” Miranda vừa khẳng định vừa giũ nốt cái khăn cuối cùng.
Miranda Sawyer có một trái tim, điều đó là đương nhiên, nhưng bà chưa bao giờ dùng nó vào việc gì ngoài bom và tuần hoàn máu. Bà sòng phăng, tỉ mỉ, tiết kiệm, chịu khó; là người thường xuyên đến nhà thờ và lớp học giáo lý, là thành viên của Hội Truyền giáo bang và hội Truyền bá
Kinh Thánh, nhưng trước những đức tính lạnh lẽo như vậy người ta mong mỏi được thấy một khuyết điểm nho nhỏ dễ gần, nếu không thì một thiếu sót đáng yêu nào đó, một thứ người ta có thể vin vào để thấy rằng bà vẫn là con người bằng xương bằng thịt. Bà không học quá trường huyện, bởi khao khát và tham vọng của bà chỉ tập trung vào việc cai quản nhà cửa, đồng áng và trang trại bò sữa. Khác với bà chị, Jane đã học hết phổ thông, và cả một trường nội trú dành cho nữ sinh; Aurelia cũng thế; nên sau tất cả những năm tháng dài đã lùi vào dĩ vãng vẫn luôn có một sự khác biệt nho nhỏ trong lời ăn tiếng nói và cung cách giữa bà chị cả và hai người em gái.
Jane còn có một nỗi khổ đau khôn xiết của riêng mình; không phải là nỗi đau vốn dĩ khi mất cha mẹ già, bởi bà xác định họ sẽ ra đi; mà là một điều thầm kín hơn rất nhiều. Hồi trẻ bà đã đính hôn với chàng trai Tom Carter, anh chẳng có chút của cải gì, thật vậy, nhưng vẫn luôn tin là mình sẽ có, vào một lúc nào đó. Rồi chiến tranh nổ ra. Tom nhập ngũ đợt đầu tiên. Cho tới tận khi ấy Jane vẫn luôn yêu anh với một thứ tình cảm thầm lặng và gần như tình bạn, và cũng dành cho đất nước mình một xúc cảm nhẹ nhàng giống như vậy. Nhưng cái xung đột, cái nguy hiểm, cái bất an của thời cuộc đã xô tới những luồng sóng cảm xúc mới. Cuộc sống không chỉ còn là ba bữa ăn, không chỉ là vòng xoay nấu nướng, giặt giũ, khâu vá và đi lễ nhà thờ. Người làng gặp nhau không còn nói dăm ba thú chuyện phiếm. Những chuyện lớn lao chiếm chỗ những điều nhỏ nhặt - những người mẹ người vợ mang trong lòng bao nỗi đau cao cả, những người cha người chồng gạt đi cái nhói đau trong tâm khảm, giờ họ nói về sự hy sinh, lòng cảm thông, niềm mong mỏi được đỡ lấy gánh nặng của kẻ khác. Người ta lớn nhanh hơn trong những ngày tháng đất nước lâm nguy, và Jane đã thức tỉnh khỏi giấc mơ buồn tẻ mờ nhạt mà trước nay cô vẫn gọi
là cuộc đời để đối mặt với những niềm hy vọng mới, nỗi sợ hãi mới, động lực mới. Rồi sau một năm trời lo lắng bồn chồn, một năm không ai đọc báo mà có thể thoát khỏi dự cảm về những điều đáng sợ và thương đau chực chờ, có điện báo đánh về nói rằng Tom bị thương; vậy là thậm chí chẳng kịp xin phép Miranda, cô gói ghém đồ đạc lên đường về miền Nam. Cô đã kịp đến cầm tay Tom trong những giờ phút đau đớn; để cho anh thấy một lần duy nhất trái tim của người con gái New England thùy mị khi nó hùng hực cháy trong tình yêu và nỗi đau; để vòng tay ôm anh cho anh được ra đi trong yêu thương, và chỉ thế mà thôi - chỉ thế, nhưng đã là đủ rồi.
Kỷ niệm ấy đã dìu dắt cô qua những tháng dài mệt mỏi trong vai trò điều dưỡng - chăm sóc những người lính khác vì Tom; nó đã biến cô trở thành một người tốt đẹp hơn khi cô về lại quê nhà. Cô chưa bao giờ rời Riverboro trong suốt những năm sau đó, và ngoài mặt sống như người chị yà tất cả những bà cô không chồng gầy mòn của New England khác, song đó chỉ là vỏ bọc mà thôi, bởi bên trong cô vẫn vang vọng nhịp đập hoang dại từ trái tim của tuổi thanh xuân. Khi đã thấu hiểu được nhịp đập, tình yêu, và nỗi đau, trái tim chân thành tội nghiệp ấy kiên cường chống đỡ, mặc dù nó sống bằng ký ức và vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những cảm xúc yếu đuối trong âm thầm.
“Cô ủy mị quá, Jane ạ,” Miranda có lần nói, “ngày xưa đã thế, và cũng mãi như thế thôi. Không có tôi giúp cô vững vàng lên thì tôi tin chắc cô đã tan thành nước chảy từ trong nhà ra ngoài vườn mất rồi.”
Đã quá giờ bác Cobb đánh xe chạy lóc cóc trên phố rồi.
“Xe ngựa lẽ ra đã phải đến rồi chứ,” Miranda nói, lo lắng liếc chiếc
đồng hồ cây lần thứ hai mươi. “Tôi nghĩ mọi thứ đã xong hết rồi. Tôi đã đóng đến hai tấm khăn dày lên đằng lưng cái giá rửa và đặt một tấm thảm lót dưới cái âu đựng nước thừa cho con bé; nhưng trẻ con thì phá đồ kinh lắm. Tôi cho là một năm nữa chúng ta sẽ chẳng còn nhận ra cái nhà này đâu.”
Tâm tưởng của Jane, một cách tự nhiên, nhuốm màu u uất và sợ sệt trước ảnh hưởng từ những linh cảm tối tăm của Miranda về tai họa sắp tới. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai chị em trong chuyện này là trong khi Miranda chỉ băn khoăn làm sao để họ chịu đựng được Rebecca, thì Jane lại nghĩ ngợi làm sao để Rebecca có thể chịu đựng nổi họ. Chính nhờ một trong những lần cảm xúc trào dâng như thế bà đã tất tả chạy lên cầu thang phía sau để đặt một bình hoa táo và một cái gối nhỏ cắm kim hình cà chua màu đỏ lên tủ của Rebecca.
Chiếc xe ngựa chạy lóc xóc về bên hông nhà, và bác Cobb đỡ tay Rebecca xuống xe như một quý hành khách thực thụ. Cô bé rạng ngòi lên cùng với sự thận trọng cao độ, đặt bó hoa đã héo vào tay bác Miranda, và nhận lấy sự chào đón của bà; sự chào đón ấy cũng khó lòng được coi là một nụ hôn nếu không muốn làm tổn thương cái tên đẹp đẽ của nó.
“Mang hoa hoét làm gì cho thêm phiền,” quý bà lịch thiệp và khéo léo ấy nói, “đến mùa thì vườn này chẳng đầy những hoa.”
Rồi Jane hôn Rebecca, một thứ giống nụ hôn hơn là thứ bà chị đã trao. “Để cái rương lên chỗ cửa đó, bác Jeremiah, rồi chiều nay chúng tôi sẽ nhờ người mang lên gác,” bà nói.
“Tôi sẽ mang lên ngay bây giờ, nếu các cô cần.”
“Thôi, thôi; ai lại bỏ lại lũ ngựa như thế chứ; thể nào cũng có người đi qua, lúc ấy chúng tôi gọi họ cũng được.”
“Vậy thì, tạm biệt Rebecca; chúc một ngày tốt lành, Mirandy và Jane nhé. Các cô có cô cháu sôi nổi thật đấy. Tôi đoán cô bé sẽ là người bầu bạn không thể tuyệt vời hơn của các cô đấy.”
Bà Sawyer rùng mình một cách lộ liễu trước tính từ “sôi nổi” khi nó được dùng cho một đứa trẻ; bà vốn vẫn tin rằng bất đắc dĩ phải thấy đứa trẻ con quanh quẩn trước mắt thì thôi cũng đành chấp nhận, nhưng nếu có thể bà sẽ tránh để không bao giờ phải nghe thấy tiếng chúng. “Jane và tôi đây không quen ồn ào cho lắm,” bà gay gắt.
Bác Cobb thấy là mình đã sai chiến thuật mất rồi, nhưng bác quá ngây ngô về khoản tranh luận nên chẳng tài nào giải thích ý mình một cách nhanh chóng được, thế là bác đánh ngựa đi ngay, trong đầu vẫn cố nghĩ xem có từ nào an toàn hơn từ “sôi nổi” để miêu tả vị hành khách nhỏ thú vị của mình không.
“Ta sẽ dẫn cô lên phòng, Rebecca,” bà Miranda nói. “Vào thì đóng kín cái cửa lưới lại, kẻo ruồi bay vào; chưa đến mùa cô ruồi đâu, nhưng ta muốn cô tập dần đi; mang các thứ của cô lên luôn để khỏi phải quay xuống lần nữa; lúc nào cũng phải dùng cái đầu để đỡ cho cái chân. Chùi chân lên tấm thảm bện; lúc đi qua thì treo mũ và áo khoác ở cửa vào đằng kia.”
“Đây là cái mũ đẹp nhất của cháu đấy ạ,” Rebecca nói.
“Thế thì cầm lên phòng cất trong tủ com mốt; nhưng ta chẳng nghĩ người ta lại đội cái mũ đẹp nhất để đi xe ngựa đâu.”
“Cháu có mỗi cái mũ này,” Rebecca giải thích. “Cái mũ mọi ngày cháu vẫn đội không còn tốt mấy nữa. Fanny sẽ dùng thừa của cháu.” “Cho dù vào cái tủ ngoài cửa.”
“Bác cho cháu mang nó lên phòng được không ạ? Cháu thấy thế an
toàn hơn.”
“Quanh đây không có trộm cắp gì, và nếu có, thì ta đoán chúng cũng chẳng thèm động vào cái dù của cô, nhưng thôi được. Nhớ là luôn lên phòng bằng cầu thang sau; chúng ta không dùng cầu thang trước để còn giữ thảm; chỗ chiếu nghỉ phải cẩn thận không được miết gót giày; phòng ở bên phải. Khi nào rửa mặt mũi chân tay và chải đầu xong thì cô có thể xuống dưới này, rồi chúng ta sẽ lấy đồ trong rương ra sắp xếp ổn định cho cô trước bữa tối. Chẳng phải cô đang mặc váy đằng trước ngược đằng sau đấy à?”
Rebecca cúi xuống nhìn hàng cúc áo màu xám giả ngọc trai chạy dọc trên khuôn ngực nhỏ phăng lì của mình.
“Đằng trước ngược đằng sau ấy ạ? Ồ, cháu hiểu rồi! Không, đúng đấy ạ. Nếu bác mà có bảy đứa con thì bác không thể thay ra mặc vào cho chúng suốt cả ngày được ạ - chúng phải tự làm lấy thôi. Nhà cháu ai cũng mặc khuy ra trước. Mira mới ba tuổi mà nó đã mặc khuy đằng trước rồi đấy ạ.”
Miranda chẳng nói gì khi đóng cửa lại, nhưng ngay lập tức ánh mắt của bà không những tương đương mà còn có sức mạnh hơn cả lời nói. Rebecca đứng im lìm giữa phòng nhìn quanh. Có một tấm vải dầu chống thấm hình vuông đặt trước mỗi thứ đồ vặt và một tấm thảm đặt cạnh một chiếc giường có khăn phủ dệt nổi viền tua rua trắng. Tất cả mọi thứ đều ngăn nắp gọn gàng, nhưng trần nhà thì cao hơn rất nhiều so với những chỗ Rebecca đã quen thuộc. Căn phòng ở phía Bắc, cái cửa sổ vừa dài vừa hẹp nhìn ra những khu nhà phía sau và nhà kho. Không phải vì căn phòng tiện nghi hơn phòng của Rebecca ở nhà rất nhiều, cũng không phải vì cảnh bên ngoài không đẹp, hay là chuyến đi dài, vì cô bé còn không cảm thấy mệt mỏi; không phải cảm giác sợ hãi ở một
nơi xa lạ, bởi cô bé yêu thích những nơi mới lạ và luôn đón nhận những cảm xúc mới lạ; mà vì sự pha trộn lạ lùng của những cảm xúc không thể hiểu nổi đã khiến Rebecca dựng cái dù vào góc phòng, giật mũ ra quăng lên nóc tủ khiến nhúm lông nhún nằm ẹp xuống dưới, rồi kéo tấm phủ giường ra, lao xuống giường rồi kéo tấm chăn trùm kín mặt.
Lát sau cánh cửa khẽ mở ra. Gõ cửa là kiểu lịch sự không tồn tại ở Riverboro, và nếu có thì cũng chẳng bao giờ được thực hiện với một đứa trẻ con.
Miranda bước vào, và đôi mắt bà đưa quanh căn phòng trống, dừng lại ở cái đại dương chăn phủ giường màu trắng như đang có bão, một đại dương bị giày xé thành những cơn sóng to nhỏ cuồn cuộn. “Rebecca!”
Âm điệu khi cái từ ấy phát ra có sức mạnh ngang với khi nó được thét lớn từ trên nóc nhà.
Một mái đầu đen rối bù và đôi mắt hoảng hốt ló ra dưới tấm chăn. “Cô làm cái trò gì mà nằm chềnh ềnh giữa ban ngày ban mặt, tanh bành cả giường chiếu, giày dép lại còn bôi bẩn cả gối thế kia?” Rebecca đứng dậy vẻ hối lỗi. Chẳng có lý do gì để vin vào hết. Tội lỗi của cô thật không thể giải thích cũng chẳng thể xin lỗi mà xong được. “Cháu xin lỗi, thưa bác Mirandy - cháu cảm thấy làm sao ấy; cháu chẳng biết là cảm xúc gì nữa.”
“Thế thì, nếu nó lại sắp đến nữa chúng ta tốt hơn cả là phải tìm cho ra nó là cái gì. Vuốt cho phẳng giường ngay đi, vì Abijah Flagg sắp mang rương lên đây cho cô, và ta chẳng muốn anh ta trông thấy cái phòng bừa bãi lung tung hết lên như thế này đâu; anh ta sẽ kể cho cả thị trấn nghe
mất.”
Tối ấy, cho ngựa vào chuồng xong xuôi, bác Cobb bê một cái ghế trong bếp ra hiên sau ngồi cạnh bác gái.
“Mẹ nó ạ, hôm nay tôi đã đưa một cô con gái nhà Randall từ Maplewood về đây. Con bé là họ hàng với hai cô nhà Sawyer và đến đây sống cùng họ,” bác vừa nói vừa ngồi xuống và bắt đầu chuốt chuốt gọt gọt. “Nó là con của Aurelia, cái cô đã bỏ đi cùng con trai Susan Randall ngay trước khi chúng ta đến đây sống ấy.”
“Con bé bao tuổi?”
“Chừng mười, hoặc khoảng đấy, trông nhỏ hơn tuổi; nhưng trời ơi! Nghe nó nói chuyện thì cứ như nó đến cả trăm tuổi ấy! Nó cứ làm tôi phải cuống cả lên mà kiếm cách trả lời! Trong tất cả những đứa trẻ kỳ lạ tôi đã gặp thì nó là đứa kỳ lạ nhất. Con bé không xinh - mặt chỉ thấy mắt là mắt; nhưng nếu nó lớn lên với đôi mắt ấy và đầy đặn hơn chút nữa thì nó sẽ khiến ai cũng phải ngắm nhìn. Trời đất, mẹ nó ơi! Giá bà được nghe nó nói chuyện.”
“Tôi chẳng hiểu một đứa trẻ như thế thì nói được chuyện gì với một người xa lạ cơ chứ,” bác gái đáp.
“Lạ hay không lạ cũng chẳng có nghĩa lý gì với con bé. Nó có mà nói chuyện với cả cái bom hay cục đá nghiền bột ấy chứ; nó thà nói chuyện một mình còn hơn là im lặng.”
“Nó nói những chuyện gì?”
“Có mà nhắc lại được ấy à. Con bé làm tôi choáng váng chẳng còn đầu óc nào nữa. Nó có một cái dù be bé màu hồng - trông như cái giày Victoria của búp bê, và nó bám chặt lấy cái dù như là cỏ lau bám lấy tất len ấy. Tôi
khuyên con bé mở dù ra - vì trời nắng lắm; nhưng nó bảo không, cái dù sẽ phai mất, và nó giắt cái dù xuống dưới váy. ‘Đây là thứ quý giá nhất đời của cháu,’ con bé bảo, ‘nhưng nó cũng đòi hỏi phải được giữ gìn kinh lắm ạ.’ Nó nói thế đấy, tôi lại chỉ nhớ được có thế. ‘Đây là thứ quý giá nhất đời của cháu, nhưng nó cũng đòi hỏi phải được giữ gìn kinh lắm ạ!’” Đến đây bác Cobb cười hào sảng và đẩy ngửa cái ghế ra sau tựa vào tường nhà. “Còn cái này nữa, nhưng tôi không nhớ chính xác lắm. Con bé kể chuyện đoàn xiếc diễu hành và người thôi miên rắn ngồi trên xe ngựa, nó nói là, ‘Cô ấy đẹp không gì sánh nổi, bác Cobb ạ, đến nỗi chỉ nhìn cô ấy thôi cũng phát nghẹn trong cổ họng.’ Con bé sẽ qua thăm bà đấy, mẹ nó ạ, lúc ấy bà có thể tự nhận xét. Không biết làm thế nào nó sống được với Mirandy Sawyer đây - tội nghiệp con bé!”
Mối băn khoăn này được bàn tán ít nhiều lộ liễu ở Riverboro, mà thực tế là có hai luồng ý kiến; một thì nói rằng chưa thấy ai rộng lượng như hai cô gái nhà Sawyer khi nhận nuôi ăn học cho một đứa nhà Aurelia, còn một thì cho là co hội học hành ấy phải trả bằng một cái giá lớn hơn nhiều lần so với giá trị thực của nó.
Những lá thư gửi mẹ đầu tiên của Rebecca dường như ngụ ý rằng cô bé thật sự đồng cảm với luồng ý kiến thứ hai kia.
CHƯƠNG IV
Suy nghĩ của Rebecca
M
Ẹ THÂN YÊU - con đã đến nơi an toàn. Váy của con không bị nhàu lắm và bác Jane đã giúp con là phẳng rồi. Con quý bác Cobb lắm. Bác ấy cứ nhai thuốc lá nhưng lại ném cuộn báo trúng phóc cửa nhà người ta. Con ngồi ở ghế trên một lát, nhưng con quay trở vào trong xe khi sắp tới nhà bác Miranda. Con chẳng thích thế, nhưng con nghĩ mẹ sẽ thích con vào trong hơn. Chữ Miranda dài quá nên chắc con sẽ gọi là bác M. và bác J. trong thư con viết vào Chủ nhật nhé. Bác J. đưa cho con một cuốn từ điển để tra những từ khó. Tra thế lâu ơi là lâu và con thấy may là người ta có thể nói chuyện mà không cần phải dừng lại đánh vần từng chữ cái một. Nói chuyện dế hơn và hai hơn viết nhiều lắm. Ngôi nhà gạch trông y hệt những gì mẹ kể. Phòng khắt lung linh đẹp tuyệt đến nỗi nhìn qua cửa cũng muốn nổi da gà rồi. Đồng đạc cũng sang chọng nữa, và tất cả các phòng cũng thế nhưng chẳng có chỗ nào ngồi được cả chừ trong bếp. Con mèo ngày xưa vẫn còn đây nhưng các bác không giữ lại mèo con khi nó đẻ, và nó già quá không thích chơi nữa rồi. Chị Hannah có lần bảo con mẹ đã bỏ nhà để đi cùng cha và con thấy làm thế thật hay. Bác M. mà có bỏ đi thì con nghĩ con sẽ thích sống với bác J. Bác không ghét con nhiều như bác M. Mẹ bảo với em Mark là em có thể dùng hộp màu của con, nhưng con muốn em để lại cho con màu đỏ vì biết đâu con lại về nhà. Con hy vọng chị Hannah và John không quá mệt với những việc nhà con để lại.
Người bạn thân thiếp của mẹ
REBECCA
Tái bút: Mẹ đưa đoạn thơ này cho em John nhé vì em thích thơ của con dù nhiều lúc thơ con không hay lắm. Đoạn này không thật hay nhưng đúng sự thật và con mong mẹ không để bụng những gì con viết ra vì mẹ cũng đã phải bỏ đi mà.
Ngôi nhà này tối tăm u ám và yêu ma
Không ánh sáng nào rọi tới dù gần dù xa
Như một nấm mồ.
Và chúng ta những kẻ sống nơi đây
Đã chết như những thượng thần* mãi trên mây
Dù không thể sánh bằng ở lòng tốt.
Thần hộ mệnh của ta đang xay ngủ
Hay ít nhất người cũng chẳng thèm đoái rủ Chao! Ta thật khổ! Vậy hãy trả ta lại trang trại cô đơn
Nơi không kẻ nào rủa ta những điều ác nhơn Mái nhà tuổi thơ dấu yêu!
Tái bút lần nữa: Con viết bài này bắt chước một đoạn trong sách nhưng lúc đầu con không thể nào gieo đúng vần được. Mẹ thấy “mồ” và “tốt” không vần nhưng mà con muốn dùng “mồ” lắm ấy và vì thiên thần trên mây thì luôn luôn “tốt” nên con không thể bỏ nó được. Con đã viết lại rồi đây. Nó không giống những gì con nghĩ nhưng nó đúng hơn. Mẹ hãy đưa bài hay hơn cho John vì em sẽ cất vào một cái hộp cùng với chỗ trứng chim của em ấy. Đây là bài hay hơn ạ.
Tâm tình ngày Chủ nhật
REBECCA ROWENA RANDALL
Ngôi nhà này tối tăm u ám và yêu ma
Chẳng chút ánh sáng dù gần dù xa
Sẽ chẳng bao giờ có.
Và chúng ta những kẻ sống nơi đây
Đã chết như những chí thần mãi trên mây
Dù không thể sánh bằng sự tốt lành đó.
Thần hộ mệnh của ta đang say ngủ
Hay ít nhất người cũng chẳng thèm đoái rủ
Mà rảo bước ngông chơi.
Vậy hãy trả ta lại trang trại cô đơn
Nơi không kẻ nào rủa ta những điều ác nhơn, Mái nhà tuổi thơ yêu dấu ơi!
MẸ THÂN YÊU - sớm nay con ngập trong nỗi buồn. Con lấy câu ấy trong cuốn Cora vợ người bác sĩ đấy. Cora có bà mẹ chồng luôn cáu gắt và tàng nhẫn với cô ấy y như bác M. đối với con vậy. Ước gì chị Hannah đến đây chứ không phải là con vì chị ấy mới là người được mời và chị ấy tốt hơn con và không trả lời các câu hỏi nhanh quá. Còn miến vải trúc bâu màu vàng nào của con không ạ. Bác J. muốn có ít vải làm cái khuy giả đằng sau để trông con không quá kỳ cục. Bậc thang qua rào nào ở Riverboro trông cũng xinh lắm và bậc thang qua rào ở nhà thờ thì sang chọng hơn ở Temperance nhiều mẹ ạ.
Thị trấn này thật đẹp tươi và duyên dáng,
Và biết bao nhiêu kẻ giàu sang
Nhưng ủ ấm trong vòng tay ta
Vẫn là giấc mơ về Trang trại Bên Suối nơi xa.
Trường học thích lắm mẹ ạ. Cô giáo trả lời được nhiều câu hỏi hơn thầy giáo ở Temperance nhưng vẫn không hết những câu con muốn hỏi. Con thông minh hơn hầu hết các bạn nữ trừ một bạn nhưng không thông minh bằng hai bạn nam. Emma Jane có thể tính nhẩm cộng trừ nhanh như chớp và thuộc làu làu quyển tập đọc nhưng chẳng có ý kiến riêng gì cả. Bạn ấy ở lớp Đọc Ba nhưng lại không thích chuyện ở trong sách. Con ở lớp Đọc Sáu nhưng chỉ vì con không thể đọc được bảng nhân bảy mà cô Dearborn giọa sẽ cho con xuống lớp vỡ lòng với hai bé song sinh Elijah và Elisha Simpson.
Đau đớn trái tim, ngiêng ngả niềm
tự hào bướng bỉnh,
Với Lijah và Lisha ta bị buộc vào,
Lòng ta chùn bước như vợ người bác sĩ - Cora,
Xợ mình chẳng đứng vững trước cuộc đời bao la.
Con sẽ thử đi thi đọc nhưng con e là không đạt giải gì. Con không quan tâm đến giải lắm nhưng đọc thơ mà sai thì khủng khiếp lắm. Chủ nhật trước con thấy từ chí thần trong từ điển con thật xấu hổ vì đã viết trí thần nhưng chí không phải là từ có thể đoán được như là một từ khác trong thư
này, đọc thế nào viết thế ấy. Cô Dearborn nói nên dùng những từ mình có thể viết đúng và nếu không biết viết từ chí thần thì nên dùng từ thiên thần nhưng mà thiên thần không hẳn là chí thần. Chí thần trắng hơn sáng hơn và cánh to hơn và con nghĩ là già hơn và chết từ hồi xưa hơn còn thiên thần vừa mới chết và sau một thời gian dài trên thiên đàng bay quanh chiếc ngai trắng khổng lồ mới trở thành chí thần.
Chiều nào con cũng khâu váy kẻ ca rô nâu trong khi Emma Jane và chị em nhà Simpson chơi trò gia đình hoặc là chạy trên những khúc gỗ nổi trên hồ nước khi mẹ chúng không để ý. Mẹ chúng sợ chúng chết đuối còn bác M. sợ là con sẽ ướt váy nên cũng chẳng cho con chơi. Con được chơi từ bốn rưỡi cho đến bữa tối và một chút nữa sau bữa tối và tất cả các chiều thứ Bảy. Thật vui vì con bò ở đây đã sinh một con bê con có đốm. Năm tới sẽ được mùa táo và mùa cỏ khô thế là mẹ và em John có thể vui rồi, và chúng ta lại còn trả thêm được ít nợ cầm kố. Cô Dearborn hỏi bọn con mục đích của dáo dục là gì và con nói mục đích của con là giúp trả nợ cầm kố. Cô nói với bác M. và con bị phạt phải khâu nhiều hơn nữa vì bác nói nợ cầm kố xấu xa không khác gì ăn cắp hay là bệnh đậu mùa và khắp thị trấn sẽ biết rằng nhà chúng ta có nợ. Nhà Emma Jane không phải trả nợ cầm kố và nhà Richard Carter và bác sĩ Winship cũng thế nhưng nhà Simpson thì có.
Phải mạnh mẽ, căng từng sợi nghĩ,
Món cầm kố kia phải xóa đi,
Đáy lòng mẹ biết ơn mi
Gia đình yêu mến bởi xá gì chút hy sinh.
Phải đọc “chút hy sinh” thật nhanh không là nghe sẽ không chuẩn. Người bạn thân thiết bé nhỏ của mẹ
REBECCA
JOHN THÂN YÊU - Em có nhớ khi mình buột con chó mới vào chuồng gia súc nó đã cắn dây thừng và tru lên không. Chị giống y như nó chỉ khác chỗ ngôi nhà gạch là chuồng gia súc và chị không thể cắn bác M. vì chị phải biết ơn vì dáo dục sẽ giúp chị nên người và giúp em trả nợ cầm kố khi mình lớn lên.
Yêu em
BECKY
CHƯƠNG V
Đại lộ Khôn ngoan
N
gày Rebecca đến là thứ Sáu, và thứ Hai tuần tiếp đó cô bé bắt đầu đi học ở ngôi trường giữa khu trung tâm Riverboro, cách nhà khoảng một dặm. Bà Sawyer mượn ngựa và xe chở hàng của hàng xóm chở cô đến trường, nói chuyện với cô giáo, cô Dearborn, lo chuyện sắm sách vở, và nói chung là khởi công con đường học vấn dài vô tận cho cô bé. Cô Dearborn, phải nói sơ qua là không được đào tạo gì đặc biệt về nghệ thuật giảng dạy. Cô phù hợp với nghề giảng dạy một cách tự nhiên, gia đình cô nói thế, và có lẽ vì lý do này mà cô, giống như vị mục sư làm gia sư cho Tom Tulliver*, “bắt đầu công việc ấy với sự thống nhất về phương pháp và không phụ thuộc vào hoàn cảnh, mà đó chính là thứ tạo nên sự khác biệt trong hành vi loài vật dưới ảnh hưởng của sự giáo dục trực tiếp của Tự nhiên.” Bạn có nhớ chuyện một nhà tự nhiên học kể về một chú hải ly “một mình hì hục xây một con đập trong một căn phòng trên tầng ba giữa London cứ như thể chú ta đang dựng nó trên một cái hồ ở Bắc Canada vậy. Nhiệm vụ của chú ta là xây dựng, chứ chú không chịu trách nhiệm về việc không có nước hay đập không thể đi vào hoạt động”. Cùng với cung cách ấy, cô Dearborn đặt ra cái mà cô tha thiết tưởng tượng là nền móng cho những tâm hồn trẻ thơ.
Sau buổi đầu tiên đó, Rebecca đi bộ tới trường. Cô bé yêu lắm khoảng thời gian ấy trong ngày. Hôm nào sương không nặng hạt và trời đẹp, cô có thể tới lớp bằng con đường tắt qua rừng. Cô bé rẽ khỏi đường chính, chui qua hàng rào nhà bác Josh Woodman rồi xua lũ bò nhà bà Carter đi để đặt
chân lên cánh đồng cỏ non có lối mòn chạy qua những vườn hoa mao lương vàng và hoa dại trắng, cùng những lùm cây lá mép trắng và bụi giả dương xỉ. Cô đi xuống ngọn đồi nhỏ, nhảy trên những phiến đá nối hai bờ suối, làm giật mình những chú ếch ngái ngủ đang chớp chớp mắt trong cái nắng sớm mai. Rồi tiếp theo là đến ‘khoảnh rừng’, hai chân cô bé bấm chặt xuống thảm lá thông nâu tron trượt; ‘khoảnh rừng’ ướt đẫm sương mai, và chứa đựng bao bất ngờ, - nấm mốc màu da cam và đỏ thẫm rực rỡ nở bung quanh những gốc cây bị đốn từ lâu, những thứ tuyệt đẹp ấy sinh sôi chỉ sau một đêm; và đôi khi còn có cả phép mầu là một bụi nấm hà hồ màu sáp, may mắn thay cô bé kịp nhìn thấy để không giẫm lên. Rồi cô leo bậc thang qua rào, đi qua một đồng cỏ tươi tốt, chui qua một hàng rào nữa, lại ra đường chính, và thế là đã đi hết được gần nửa dặm.
Tuyệt vời biết bao! Rebecca siết chặt cuốn Ngữ pháp của Quackenbos và Số học của Greenleaf với cảm giác hứng khởi vì đã thuộc bài. Tay phải vung vẩy hộp ăn trưa, cô bé thích thú khi nhớ rằng mình có hai chiếc bánh quy sô đa phết bơ và si rô, bánh sữa trứng nướng, bánh vòng và bánh quy gừng. Thỉnh thoảng cô bé đọc to một “đoạn” bất kỳ nào mà cô sẽ trình bày vào thứ Sáu tuần tiếp theo.
Một người lính của đoàn quân La Mã
chết mòn giữa Algiers,
Không bàn tay phụ nữ chút chăm,
không nước mắt phụ nữ xót thương.
Cô bé yêu sao nhịp điệu và tứ thơ ấy! Giọng trẻ con của cô rưng rưng làm sao khi tới phần điệp khúc:
Nhưng ta chẳng còn hạnh ngộ nữa nơi Bingen,
Hỡi Bingen yêu dấu của vùng Rhine*.”
Phần điệp khúc ấy vang lên đẹp biết bao bên tai cô bé khi tiếng hát cao vút đầy tâm tư của cô ngân trong không gian trong trẻo sớm mai. Một bài nữa Rebecca yêu thích ngay từ đầu (chúng ta phải nhớ rằng hiểu biết về thế giới thơ ca của Rebecca gói gọn trong các cuốn tập đọc của nhà trường) là bài này:
Bác tiều phu, xin bác dừng tay!
Đừng chặt cây, dù một nhánh hao gầy!
Tuổi thơ tôi được nương nhờ bóng mát,
Tôi nguyện lòng bảo bọc cho cây.”*
Khi Emma Jane Perkins đi “đường tắt” cùng cô bé, cả hai thường diễn bài thơ thành kịch. Emma Jane luôn chọn vai bác tiều phu vì cô chẳng phải làm gì ngoài việc giơ cái rìu tưởng tượng lên. Có một lần cô đọc phần lời của nhân vật Tôi đầy mơ mộng nọ, cô tự nhận mình diễn “thật ngốc nghếch kinh khủng” nên không bao giờ chịu đóng lại vai ấy nữa, việc này thật ra lại khiến Rebecca ngấm ngầm sung sướng, vì cô bé thấy vai bác tiều phu quá tẻ nhạt đối với tham vọng lớn lao của mình. Cô bé đắm chìm trong lời van nài chất chứa xúc cảm của nhà thơ, cô nài nỉ bác tiều phu tàn nhẫn phải vung cái rìu thật là hung bạo để cô có thể nhập tâm hơn nữa vào lời thoại. Một sớm cao hứng hơn mọi ngày, cô bé còn quỳ xuống túm vạt váy của bác tiều phu mà khóc thút thít. Có điều cô bé nhận thấy ngay sự quá đà của mình và từ bỏ trò ấy ngay khi diễn xong.
“Không phải thế, thật là ngu ngốc quá đi, Emma Jane nhỉ, nhưng kiểu đó có thể sẽ hợp với câu chuyện này - chuyện ‘Cho con thêm ba hạt ngô’. Cậu làm mẹ, còn tớ sẽ làm đứa trẻ Ai Len đói khát. Vì Chúa hãy bỏ cái rìu xuống đi; cậu không còn là bác tiều phu nữa đâu!”
“Vậy tớ sẽ làm gì với đôi tay này đây?” Emma Jane hỏi.
“Làm gì cũng được,” Rebecca chán nản trả lời, “cậu chỉ là một bà mẹ thôi mà. Mẹ của cậu làm gì với tay của bà nào? Nào, bắt đầu đây!
Cho con thêm ba hạt ngô, mẹ ơi,
Chỉ ba hạt ngô thôi,
Để sinh mệnh mong manh được nối dài
Tới bình minh sớm mai.”
Những trò này khiến Emma Jane lúng ta lúng túng, nhưng cô bé là nô lệ của Rebecca và luôn nguyện làm theo mọi thứ, cho dù cô có thấy không thoải mái thế nào đi chăng nữa.
Ở chỗ hàng rào cuối cùng thỉnh thoảng hai cô bé gặp một trong hai đứa trẻ nhà Simpson. Gia đình chúng sống trên đường Đồng Dâu Đen trong ngôi nhà sơn đen có cánh cửa đỏ và nhà kho đỏ sau nhà. Rebecca cảm thấy mến nhà Simpson ngay từ lần đầu tiên, vì nhà ấy rất đông con và quần áo cũng vá chằng vá đụp y như chị em cô ở trang trại Suối Nắng.
Trường học nhỏ nằm trên đỉnh đồi có cột cờ trên nóc, hai cửa vào đằng trước một cho con trai và một cho con gái, bên này là đồng bãi nhấp nhô, bên kia là cánh rừng thông, xa xa là dòng sông lấp lánh như dát bạc. Trong trường lại không có lấy một cảnh gì đẹp đẽ. Tất cả đều đơn điệu xấu xí và
khó chịu hết sức, bởi các làng dọc bờ sông đã tiêu tốn hết tiền của vào việc xây đi sửa lại những cây cầu nên phải hết sức hết kiệm đối với chuyện trường lớp. Bàn giáo viên nằm ở một góc trên bục; có cái bếp cả năm người ta không động đến quá một lần, một bản đồ nước Mỹ, hai bảng đen, một xô nước mười lít và một cái gáo dài để trên giá ở một góc, chỉ có hai mươi bàn học sinh dài bằng gỗ trong thời gian Rebecca học ở đó. Chỗ ngồi về cuối lớp cao dần lên, học sinh lớp cao hơn và chân dài hơn ngồi ở đó. Vị trí này rất được lũ học sinh thèm muốn, vì nó gần cửa sổ hơn mà lại xa giáo viên hơn.
Trường cũng chia lớp này lớp nọ, dù nhìn chung không học sinh nào học cùng một sách với học sinh khác, hay là nhập học với cùng trình độ ở một môn nào cả. Đặc biệt, Rebecca khó xếp lớp đến nỗi cô Dearborn sau nửa tháng trời cũng phải chào thua. Cô bé học đọc với Dick Carter và Living Perkins, những học sinh đã đủ trình độ học lên phổ thông; học số học với Thuthan Thimthơn nói ngọng; học địa lý với Emma Jane Perkins, và học ngữ pháp một mình sau giờ học với cô Dearborn. Dù đầu óc luôn tràn ngập những ý nghĩ tinh quái và những liên tưởng kỳ quặc, cô bé ban đầu lại viết văn khá tệ. Cái việc viết cho rõ ràng và đúng chính tả, cùng với khó khăn trong việc dùng dấu câu và viết hoa, làm cô bé khó mà thoải mái diễn đạt ý mình. Cô bé học lịch sử với lớp của Alice Robinson. Lớp này đang học tới phần Cách mạng, trong khi Rebecca được chỉ dẫn bắt đầu từ phần khám phá ra châu Mỹ. Sau một tuần cô bé đã nắm được tất cả các sự kiện cho đến tận giai đoạn Cách mạng, và sau mười ngày đã đến phần Yorktown, phần mà cả lớp rõ ràng là dành cho kỳ học hè. Thế rồi khi phát hiện rằng cố gắng học thêm nữa sẽ chỉ dẫn đến việc phải học bài với cậu anh cả nhà Simpson, cô bé cố tình giảm bớt tốc độ lại, bởi đường khôn
ngoan sẽ không còn thú vị và nẻo khôn ngoan không còn được bình yên* nếu như người ta buộc phải đồng hành cùng Simpson Bập Bênh. Samuel Simpson thường bị gọi là Bập Bênh, bởi cái tính thiếu quyết đoán của mình. Dù là một vấn đề về sự thật hiển nhiên, về đánh vần, hay về ngày tháng, về việc chọn giữa đi bơi hay đi câu, về việc chọn sách ở thư viện trường Giáo lý hoặc chọn mua que kẹo ở quán trong làng, cậu ta vừa nghiêng về ý này đã ngay lập tức đổi sang ý kia. Bập Bênh xanh xao, tóc nâu nhạt, mắt xanh, lúc nào cũng lom khom rúm ró, và hễ lo lắng là lắp ba lắp bắp. Có thể bởi chính điểm yếu này mà tính cách quyết đoán của Rebecca hấp dẫn cậu, và mặc dù cô bé cứ lờ tít cậu đi đến phát bực mình, cậu vẫn không thể nào rời mắt khỏi cô được. Sự dứt khoát khi cô bé buộc lại sợi dây giày bị tuột, kiểu hất đuôi sam đen ra sau mỗi khi cao hứng, cung cách học hành của cô - sách trên bàn, tay khoanh lại, mắt dán lên bảng - tất cả đều tạo ra sức mê hoặc vĩnh cửu đối với Simpson Bập Bênh. Khi cô bé xin phép cô rồi tới chỗ xô nước trong góc lớp lấy gáo múc nước uống, một sức mạnh vô hình đã dựng Bập Bênh dậy để ra uống theo. Không chỉ vì có thứ gì đó kiểu như gần gũi khi cậu được uống nước ngay sau cô, mà còn có một niềm vui sướng pha lẫn lo sợ khi được đụng mặt cô và nhận lấy ánh nhìn lạnh lùng ghét bỏ từ đôi mắt tuyệt đẹp đó.
Có một bữa hè oi bức, Rebecca khát quá thể không chịu được nữa. Cô bé phải xin phép đến lần thứ ba thì cô Dearborn mới gật đầu, nhưng cô nhướng mày khó chịu khi Rebecca đến gần bàn uống nước. Có bé vừa đặt gáo lại chỗ cũ, Bập Bênh ngay lập tức giơ tay xin phép cô giáo, và cô Dearborn mệt mỏi gật đầu.
“Có chuyện gì thế hả, Rebecca?” cô hỏi.
“Sáng nay em ăn cá thu muối ạ,” Rebecca trả lời.
Xem ra đâu có gì buồn cười trong câu trả lời ấy, chỉ là một câu trình bày sự việc thôi, nhưng những tiếng cười khúc khích không nén nổi râm ran khắp lớp học. Cô Dearborn không thích đùa cợt cũng như không bao giờ đùa và không hiểu những lời đùa cợt, nên mặt cô đỏ ửng lên.
“Tôi nghĩ tốt nhất là em ra đứng cạnh xô nước năm phút đi, Rebecca; có thể em sẽ đỡ khát đấy.”
Trái tim Rebecca đập loạn xạ. Cô mà phải đứng ở góc lớp cạnh xô nước để cho các bạn nhìn vào chằm chằm ư! Cô bé vô thức tỏ thái độ bất đồng và bước thêm một bước về chỗ ngồi, nhưng đã bị cô Dearborn ra lệnh bằng giọng nghiêm hơn trước.
“Ra đứng cạnh xô nước, Rebecca! Còn Samuel, hôm nay em đã xin đi uống nước mấy lần rồi?”
“Đây là lần thứ t… t… tư ạ.”
“Đừng có động vào cái gáo. Cái lớp này chiều nay chẳng làm được việc gì ngoài uống nước cả; làm sao mà còn thời gian học hành được nữa. Chắc sáng em cũng lại ăn món gì muối phải không, Samuel?” cô Dearborn chất vấn với vẻ châm chích.
“Em ăn cá th… th… thu, y… y như Reb… b… becca.” (Cả lớp rúc rích những tiếng cười không nén nổi.)
“Tôi biết ngay mà. Ra đứng phía bên kia xô nước đi, Samuel.” Mái đầu Rebecca cúi xuống đầy xấu hổ và phẫn nộ. Cuộc đời thật đen tối quá sức chịu đựng. Hình phạt đã tồi tệ rồi, mà còn bị phạt chung với Simpson Bập Bênh thì thật quá giới hạn chịu đựng của con người ta. Hát đồng ca là phần cuối cùng của buổi chiều, và Minnie Smellie chọn bài “Nào ta hãy cùng tới bên sông”? Đó là một lựa chọn độc ác và dường
như có liên quan mơ hồ tới hoàn cảnh hiện tại cùng những sự kiện xảy ra trước đó; dù sao đi nữa, cái cách các học sinh gào đi gào lại lời mời gọi ở phần điệp khúc chắc chắn cũng có một lý do nào đó:
Nào ta hãy cùng tới bên sông,
Con sông xinh đẹp, được không?
Cô Dearborn vừa liếc trộm mái đầu cúi gằm của Rebecca đã phát hốt lên. Khuôn mặt đứa trẻ tái nhợt trừ hai gò má đỏ rực. Nước mắt đọng trên mi, hơi thở gấp gáp, còn bàn tay cầm khăn run như chiếc lá trước gió.
“Em có thể về chỗ, Rebecca,” cô Dearborn nói sau khi dừng bài hát đầu tiên. “Còn Samuel, đứng nguyên đó cho đến khi tan lớp. Và cô phải nói điều này, các em, rằng cô bảo Rebecca đứng bên xô nước chỉ là để bạn bỏ thói quen uống liên tục, một việc hoàn toàn do thiếu suy nghĩ và do thích đi đi lại lại trong lớp chứ chẳng vì cái gì khác. Hôm nay hễ Rebecca xin lên uống nước là cả lớp này lại theo đuôi nhau lên uống. Cô hiểu bạn khát thật, và cô phải nói rằng lẽ ra cô đã phạt các em vì bắt chước bạn, chứ không phải phạt bạn vì tội đầu têu. Alice, chúng ta sẽ hát bài gì bây giờ?”
“Bài ‘Chiếc xô gỗ sồi cũ kỹ’ đi ạ.”
“Alice, chọn bài nào đỡ ướt át hơn đi, và chuyển chủ đề đi thôi. À, bài ‘Lá cờ lấp lánh sao’* nếu các em thích, không thì bài khác cũng được.” Rebecca ngồi sụp xuống ghế và lôi cuốn sách nhạc ra. Lời giải thích trước lớp của cô Dearborn đã giảm bớt sức nặng đè lên trái tim cô bé, và cô cảm thấy lòng tự trọng được nâng lên chút xíu.
Ngụy trang bên dưới lời bài hát nghe thật dễ chịu, đồ lễ của sự cảm thông và tôn trọng bắt đầu được bày ra trước điện thờ của cô bé. Living
Perkins chả có khiếu hát hò thả một miếng đường nhựa phong vào lòng Rebecca khi đi ngang qua cô lên bảng vẽ bản đồ bang Maine. Alice Robinson lăn một cây bút chì đá mới tinh trên sàn chỗ Rebecca, trong khi bạn cùng bàn của cô, Emma Jane, đã vo được một đống nho nhỏ những viên giấy tròn và ghi là “Đạn dành cho kẻ ai cũng biết là ai đấy”.
Tất cả trở nên sáng sủa hẳn lên, và khi còn lại một mình học ngữ pháp với cô giáo, cô bé gần như đã trấn tĩnh lại được, và còn trấn tĩnh hơn cô Dearborn nữa. Bước chân lộp cộp cuối cùng vọng lại ngoài hành lang, cái ngoái đầu đầy ăn năn của Bập Bênh bị bướng bỉnh đáp trả bằng thái độ đầy lạnh nhạt.
“Rebecca, cô không định phạt em nặng như thế,” cô Dearborn nói, bản thân cô cũng mới mười tám tuổi, và suốt một năm đi dạy vừa rồi cô chưa gặp đứa trẻ nào như Rebecca.
“Em chưa hề bỏ một câu hỏi nào cả ngày hôm nay, cũng chẳng nói chuyện riêng,” kẻ tội đồ giận lẫy, “và em không cho là mình phải bị bêu xấu chỉ vì uống nước.”
“Em đã đầu têu cho các bạn khác, hoặc có vẻ là như thế. Em làm gì các bạn cũng làm theo, cho dù em cười, trả lời sai, ghi bài, xin ra khỏi lớp, hay là uống nước; và việc ấy cần phải dừng lại.”
“Sam Simpson là kẻ chuyên bắt chước!” Rebecca phản ứng dử dội. “Em không phiền gì việc phải đứng một mình trong góc lớp - tức là không phiền mấy; nhưng em không thể chịu được việc phải đứng chung với cậu ta.”
“Cô thấy là em không thể chịu được rồi, đó là lý do cô bảo em về chỗ, và để mình bạn ấy đứng góc lớp. Nên nhớ rằng em là người mới ở đây, và mọi người để ý hơn đến việc em làm, cho nên em cần phải cẩn thận hơn.
Nào hãy xem phần đặt câu đi nào. Đặt cho cô câu có từ ‘có thể’.”
“Em đã có thể vui vẻ.
Cô đã có thể vui vẻ.
Cậu ấy, cô ấy, hoặc nó đã có thể vui vẻ.”
“ ‘Cậu ấy’ hay ‘cô ấy’ đã có thể vui vẻ bởi đó là giống đực và giống cái, nhưng có thể nào lại là ‘nó’ đã vui vẻ được không?” cô Dearborn hỏi, cô vốn rất thích chẻ sợi tóc làm tư.
“Sao không được ạ?” Rebecca hỏi lại.
“Vì ‘nó’ là giống trung.”
“Ta có thể nói, ‘Mèo con có thể đã vui vẻ nếu khi ấy nó biết mình sẽ không bị chết đuối’ không ạ?”
“Đư… ợc,” cô Dearborn dè dặt trả lời, không bao giờ cảm thấy tự tin cho lắm trước những lời phản bác của Rebecca; “có điều mặc dù chúng ta thường dùng ‘nó’ trong trường hợp một em bé, một chú gà, một con mèo con, thì thật ra chúng vẫn hoặc là giống cái hoặc là giống đực, chứ không phải giống trung.”
Rebecca ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi, “Hoa thục quỳ có phải giống trung không ạ?”
“Ồ phải chứ, tất nhiên rồi, Rebecca.”
“Vậy thì, ta có thể nói ‘Cây thục quỳ đã có thể hân hoan vui sướng khi thấy mưa rơi, nhưng có một nụ thục quỳ bé nhỏ yếu ớt đang vươn ra từ thân cây và cây sợ rằng cơn mưa có thể làm đau nụ hoa; thế nên cây thục quỳ hơi lo sợ một chút, thay vì hân hoan vui sướng?”
Cô Dearborn bối rối đáp, “Tất nhiên rồi, Rebecca, cây thục quỳ không thể lo lắng, vui vẻ, hay là sợ hãi được, thực sự là thế.”
“Em nghĩ là chúng ta không biết chắc được điều đó,” đứa trẻ đáp lại; “nhưng dù sao em vẫn nghĩ là có. Giờ em phải làm gì tiếp đây ạ?” “Chia thức giả định, thời quá khứ hoàn thành của động từ ‘biết’.”
“Nếu tôi biết trước.
Nếu bạn biết trước.
Nếu anh ấy biết trước.
Nếu chúng ta biết trước.
Nếu các bạn biết trước.
Nếu họ biết trước.”
“Ôi, đấy là cái thời đáng buồn nhất,” Rebecca than thở; “chẳng có gì ngoài NẾU, NẾU, NẾU! Và nó khiến người ta cảm thấy rằng nếu như người ta biết TRƯỚC được thì mọi chuyện đã có thể tốt hơn!”
Cô Dearborn chưa từng nghĩ đến điều đó, nhưng khi ngẫm lại cô tin rằng thức giả định đúng là một thức “đáng buồn” và “nếu” đứng là một từ đáng buồn vô cùng.
“Cho cô vài ví dụ về thức giả định đi, Rebecca, rồi chúng ta sẽ kết thúc buổi học hòm nay,” cô nói.
“Nếu trước đó em không mê món cá thu thì em đã không khát nước,” Rebecca vừa nói với một nụ cười tinh quái, vừa gấp cuốn ngữ pháp lại. “Nếu đúng là cô yêu quý em, cô đã không bắt em đứng vào góc lớp. Nếu Samuel không khoái làm trò quỷ cậu ta đã không đi theo em tới chỗ xô
nước.”
“Và nếu Rebecca tôn trọng quy tắc của trường học, cô bé đã kiềm chế cơn khát,” cô Dearborn kết lại với một nụ hôn và hai cô trò chia tay không còn một chút giận hờn.
CHƯƠNG VI
Tia nắng giữa vùng tối tăm N
gôi trường nhỏ trên đồi có những khi hân hoan và cũng có cả những lúc đáng buồn, nhưng thật may là Rebecca có sách và bè bạn mới để thấy thú vị và bận rộn, nếu không cuộc đời hẳn đã trở nên nặng nề vào cái mùa hè đầu tiên ở Riverboro ấy. Cô bé cố gắng quý bác Miranda (cái ý tưởng dành tình yêu cho bà đã tan thành mây khói ngay ở phút giây gặp mặt mất rồi), nhưng thất bại thảm hại. Cô bé là đứa trẻ sôi nổi và nhiều khuyết điểm, không mong trở thành thiên thần trong nhà, nhưng cô bé có ý thức trách nhiệm và khao khát làm một đứa trẻ ngoan ngoãn -kiểu ngoan ngoãn đúng mực. Bất kỳ khi nào bị tụt xuống dưới chuẩn tự đặt ra này, cô bé sẽ cảm thấy khốn khổ vô cùng. Cô bé không thích sống dưới mái nhà của bác, được bác nuôi ăn nuôi mặc và cho học hành mà lại luôn căm ghét bác. Trong vô thức, cô bé cảm thấy điều đó vừa sai trái vừa hèn mọn, và bất kỳ khi nào cảm giác ăn năn trào dâng trong lòng, cô bé lại nỗ lực hết sức để làm hài lòng người họ hàng khó tính và cay nghiệt ấy. Nhưng làm sao có thể thành công khi cô chưa bao giờ được là chính mình trước mặt bác Miranda? Ánh mắt soi xét, giọng nói sắc lạnh, những ngón tay xương xẩu, đôi môi mỏng dính, sự im lặng triền miên, phần tóc đằng trước chẳng ăn nhập gì với mái tóc của bà, chỗ “rẽ ngôi” lộ liễu trông như một đường chỉ trắng khâu lên một tấm lưới đen - ở bác không có bất kỳ điều gì khiến Rebecca yêu thích. Có những người già hẹp hòi, khô khan và chuyên quyền dường như luôn khơi dậy tính cách nghịch ngợm, đôi khi là quái quỷ nhất ở lũ trẻ con. Bà Miranda, nếu như bà sống ở khu đông dân cư,
hẳn đã bị rung chuông cửa suốt ngày, bị chúng chọc ghẹo buộc chặt cổng, hoặc bị đào hố bẫy trên lối đi ngoài vườn rồi. Hai đứa bé song sinh nhà Simpson sợ bà đến nỗi đứng ngẩn hết cả tò te, không dám bén mảng tới cửa hông cả khi bác Jane giơ mãi mấy cái bánh quy gừng ra cho chúng.
Khỏi phải nói, bà bác khó chịu thậm chí với cả từng hơi thở của Rebecca. Cô bé liên tục quên rằng không được đi cầu thang trước vì đấy là đường ngắn nhất lên phòng; cô bé để gáo lên kệ bếp chứ không treo trên xô nước; cô bé ngồi vào cái ghế mà con mèo thích nhất; cô bé sẵn sàng chạy đi ngay khi được sai, nhưng thường quên mất được sai việc gì; cô bé để hở cửa lưới làm ruồi bay vào; mồm mép lúc nào cũng như tép nhảy; cô bé hát rồi huýt sáo khi đi nhặt củi nhóm bếp; cô bé luôn nghịch chơi đám hoa cỏ, khi thì cắm vào lọ, khi lại cài lên váy, rồi gắn lên mũ; cuối cùng cô bé không thôi làm người ta nhớ tới người cha vô dụng, ngu ngốc, một kẻ đã lừa được Aurelia bằng khuôn mặt điển trai và cung cách hấp dẫn, và có lẽ, nếu như sau này người ta có phát hiện ra được, thì còn lừa cả những người khác ngoài Aurelia nữa. Nhà Randall là những kẻ xa lạ. Họ không sinh ra ở Riverboro hay thậm chí ở quận York. Nếu bị bắt buộc, Miranda có lẽ đã đồng ý với việc, theo lẽ tự nhiên, nhiều người không nhất thiết phải được sinh ra ở cái quận thiêng liêng này; nhưng bà có quan điểm riêng của mình về bọn họ, và đó chẳng phái là một quan điểm hay ho gì. Giá đưa tới đây là Hannah - Hannah nghiêng về phía gia đình bên ngoại; cô bé “đặc Sawyer”. (Hannah đáng thương! Điều đó là sự thật!) Hannah chỉ trả lời khi được hỏi, thay vì lanh chanh nói trước, nói cuối cùng, hoặc là nói suốt ngày; Hannah mười bốn tuổi đã là thành viên của giáo hội; Hannah thích đan lát; nhẽ ra đã có thể là Hannah, cô gái hội tụ tất cả những đức tính khiêm nhường hơn; nhưng thay vào đó lại là một con bé gypsy
tóc đen, mắt to như bánh xe, chình ình ở giữa nhà thế này. Đối với Rebecca, bác Jane thật giống tia nắng ấm giữa một miền tăm tối! Bác Jane với giọng nói nhỏ nhẹ, ánh mắt cảm thông, luôn bao biện cho Rebecca trong những tuần đầu tiên chật vật ấy, khi đứa nhỏ lạ lẫm và đầy háo hức nọ cố gắng “nhập gia tùy tục” ở ngôi nhà gạch. Cô bé có tùy tục được, một phần thôi, và có mức độ, nhưng dường như việc không ngừng gò mình theo những chuẩn mực đạo đức ngặt nghèo và lạ lẫm khiến cô bé già đi hơn bao giờ hết so với tuổi.
Đứa trẻ học khâu vá bên cạnh bác Jane trong bếp trong khi bác Miranda đóng đô ngồi quan sát bên cửa sổ phòng khách. Có lúc hai bác cháu làm việc ở mái hiên bên hông nhà có cây ông lão và cây kim ngân che đi cái nắng gay gắt của mặt trời. Đối với Rebecca, miếng vải ca rô nâu thật là rộng đến vô tận. Cô bé chật vật khâu khâu vá vá, làm đứt chỉ, đánh rơi đê khâu vào bụi tử đinh hương, đâm kim vào tay, lau mồ hôi trán, làm lệch ô kẻ, và khâu rúm khâu ró. Cô bé hết đàm đi đâm lại kim vào bọc bột mài kim hình trái dâu mà kim vẫn rít. Dù vậy lòng kiên nhẫn của bác Jane vẫn không giảm, và một chút khéo léo bắt đầu nhen nhóm xuất hiện trên những ngón tay của Rebecca, những ngón tay cầm bút chì, cầm chổi vẽ, và bút mực thật thành thạo mà lại thật vụng về với những chiếc kim mảnh mai.
Khi chiếc váy ca rô nâu đầu tiên đã xong, đứa trẻ chớp ngay lấy cái mà nó cho là một khoảnh khắc phù hợp để hỏi bác Miranda xem cái váy tiếp theo có thể khâu màu khác không.
“Ta đã mua cả một mảnh lớn vải nâu rồi,” bác Miranda trả lời ngắn gọn. “Chỗ ấy còn đủ thêm hai cái váy cho cô nữa, ống tay thoải mái, gắn vào tháo ra cũng được, và rất tiết kiệm.”
“Cháu biết thế ạ. Nhưng ông Watson nói sẽ đổi cho chúng ta chỗ vải
còn lại lấy màu xanh và hồng cùng với giá ấy.”
“Cô đã hỏi ông ấy à?”
“Vâng thưa bác.”
“Đấy không phải việc của cô.”
“Lúc ấy cháu đang giúp Emma Jane chọn tạp dề, và cháu tưởng bác không bận tâm về màu váy của cháu. Màu hồng cũng sạch như màu nâu vậy, và ông Watson nói nó đun sôi cũng không bị phai màu.”
“Gớm, ông Watson phán về chuyện giặt giũ cứ như thánh ấy. Ta không ủng hộ việc trẻ con diện đồ màu mè, nhưng ta muốn hỏi ý kiến bác Jane của cô.”
“Em nghĩ không vấn đề gì nếu cho Rebecca một bộ hồng và một bộ xanh,” Jane nói. “Một đứa trẻ sẽ phát chán với việc khâu vá mãi một màu. Con bé thích thay đổi cũng là lẽ tự nhiên; hơn nữa nó sẽ giống một đứa bé được cứu tế nếu cứ mặc suốt váy nâu và tạp dề trắng. Mặc thế không phù hợp với nó một tí nào!”
“‘Tốt gỗ hơn tốt nước son’, tôi là cứ nói vậy. Rebecca sẽ chẳng bao giờ phải tiếc thương cho lắm về nhan sắc của nó, chắc chắn là thế, và không hay ho gì khi khiến nó nghĩ rằng nó xinh đẹp. Tôi đồ rằng bây giờ nó dương dương tự đắc lắm, trong khi chẳng có gì đáng để mà tự đắc.”
“Con bé còn nhỏ tuổi nên thích những màu tươi sáng thôi chứ có gì ghê gớm đâu. Em vẫn còn nhớ cảm giác của em hồi bằng tuổi nó.” “Cô bị coi là một đứa ngốc hồi bằng tuổi nó đấy, Jane ạ.” “Phải, đúng vậy, cảm ơn trời! Em chỉ ước mình biết đường giữ lại một ít ngu ngốc ấy, như nhiều người đã làm, để được vui vẻ trong những năm về già.”
Cuối cùng cũng có một bộ ca rô màu hồng, và khi chiếc váy xinh xắn đã xong, bác Jane cho Rebecca một bất ngờ thú vị. Bác chỉ cho cô bé cách trang trí thêm dải vải lanh trắng, bằng cách gấp thành dải hình răng cưa và khâu thật phẳng bằng những mũi kim nhỏ chắc tay.
“Đây sẽ là công việc rất hay ho cho cháu đấy Rebecca; vì bác Miranda của cháu sẽ chẳng ưng khi thấy cháu đọc sách suốt vào những đêm mùa đông đâu. Giờ nếu như cháu có thể khâu lược hai dải lanh trắng đó lên gấu váy cho thẳng các ô kẻ, bác sẽ khâu cho cháu rồi viền nốt phần eo và phần ống tay, như vậy thì cái váy sẽ đẹp gần như nhất rồi.”
Niềm sung sướng của Rebecca dâng lên vô bờ bến. “Cháu sẽ lược nhanh như chớp luôn!” cô bé tuyên bố. “Gấu váy này phải rộng đến cả ngàn mét chứ chẳng ít, cháu khâu rồi cháu biết; nhưng cháu có thể khâu thêm phần trang trí cho dù nó có dài bằng từ đây đến Milltown. Ôi! Bác có nghĩ là có thể bác Mirandy sẽ cho cháu đi Milltown với bác Cobb không? Bác Cobb lại hỏi cháu, bác biết đấy; nhưng cứ thứ Bảy này thì cháu phải hái dâu, thứ Bảy kia lại bị mưa, mà cháu không nghĩ là bác ấy đồng ý cho cháu đi. Bốn giờ hai mươi chín phút rồi, bác Jane ơi, Alice Robinson ngồi dưới bụi lý chua chờ cháu lâu lắm rồi đây. Cho cháu đi chơi được không ạ?”
“Được, cháu có thể đi, nhưng các cháu phải chạy thật xa ra sau nhà kho để bác Mirandy không nghe thấy tiếng nhé. Bác trông thấy Susan Simpson cùng hai đứa song sinh và Emma Jane Perkins trốn sau rào kia kìa.”
Rebecca nhảy phóc xuống khỏi hiên nhà, túm lấy Alice Robinson dưới bụi lý chua, và dứt được Emma Jane khỏi hai đứa nhà Simpson, cái nhiệm vụ khó khăn vô cùng bởi cô bé phải sử dụng một hệ thống các ký hiệu cực kỳ phức tạp. Chúng còn quá nhỏ để chơi mấy trò đặc biệt đã được lên kế
hoạch cho chiều hôm ấy; nhưng không thể coi thường chứng, bởi nhà chúng có cái sân hấp dẫn nhất làng. Trong đó, trong cái mớ hỗn loạn đó, nào là xe trượt tuyết, nào là thùng xe ngựa, rồi là cào cỏ, có cả thùng gỗ lớn, trường kỷ đã mất phần lưng, khung giường thiếu mất phần đầu, ở đủ mọi mức độ hỏng hóc, và mỗi ngày trông lại mỗi khác. Cô Simpson hiếm khi ở nhà, và nếu có thì cũng chẳng mấy quan tâm đến những gì xảy ra quanh nhà. Một trong những trò chơi được yêu thích nhất là biến ngôi nhà thành một pháo đài, do một toán lính Mỹ dũng cảm đóng để chiến đấu lại đội quân Anh đang vây hãm xung quanh. Chia vai trong trò này phải hết sức Cẩn thận, bởi chỉ được phân chia sao cho không kẻ nào được thắng ngoài quân Mỹ. Simpson Bập Bênh thường chịu đóng vai tổng tư lệnh quân Anh, thật là một thủ lĩnh ù lì thiếu quyết đoán, hay đưa những mệnh lệnh trái ngược và ưa ở mãi tít đằng sau, nên hoàn toàn có thể đưa bất cứ đội quân nào đến chỗ thất bại nhục nhã. Đôi khi ngôi nhà cũ kỹ mệt mỏi lại trở thành một căn chòi gỗ, những cư dân mới tới khai hoang và định cư dũng cảm đánh gục một toán thổ dân Anh điêng hung hãn, hoặc thi thoảng bị chúng giết sạch; nhưng trong cả hai trường hợp thì nhà Simpson đều trông, mượn tạm câu cửa miệng của Riverboro, “như thể ma quỷ vừa thỏa sức lộng hành”.
Bên cạnh cái sân chơi thú vị rất khác biệt này, là “chốn bí mật”, theo quan điểm của lũ trẻ. Có một dải đất mượt như nhung trên đồng cỏ nhà Sawyer đầy những hố những đụn nhấp nhô hấp dẫn, cũng như những khoảnh đất bằng phủ đầy cỏ xanh để xây nhà. Một vạt cây che khuất nó khỏi tầm nhìn từ bên ngoài và tỏa bóng rọp mát lên những ngôi nhà được dựng ở đó. Vừa mệt mà cũng vừa thú vị là cái cõng khuân vác hết củi lại gạch đá từ chỗ máy xay lúa mì đến chốn bí mật này, nhất là việc ấy hầu
như lại được thực hiện sau bữa tối, trong thời khắc chập choạng nên càng đem lại cảm giác thích thú hơn nữa. Nơi đây, trong những hộp xà phòng cất giấu trên cây là tất cả vật báu của lũ trẻ: những cái giỏ, đĩa và cốc bé tí làm từ quả cây ngưu bàng, những mẩu sứ vỡ dùng cho tiệc tùng, búp bê, chẳng mấy mà phải vứt đi, nhưng vẫn làm tốt các vai trong những vở kịch bọn trẻ diễn ở đó - chuyện chết chóc, tang ma, cưới xin, rửa tội. Chiều nay một căn nhà cao hình vuông bằng củi được dựng lên quanh Rebecca, và cô bé sẽ là Charlotte Corday tựa vào song sắt nhà tù.
Thật tuyệt khi ở trong ngôi nhà ấy, quấn quanh tóc cái tạp dề của Emma Jane; thật tuyệt làm sao khi cô bé tựa đầu lên những chấn song, chúng duờng như trở thành những thanh sắt lạnh lẽo; thật tuyệt làm sao khi cô cảm nhận được đôi mắt mình không còn là của Rebecca Randall mà ánh lên ít nhiều nỗi thống khổ của Charlotte Corday.
“Trông đẹp chưa kìa?” hai cô bé hiền lành thốt lên. Hai cô đã làm hầu hết mọi việc, và cũng xuýt xoa thán phục kết quả với vẻ nhiệt tình. “Phá nó đi thì tiếc đứt ruột,” Alice nói, “nó đẹp quá đi mất.” “Nếu cậu có thể nhấc mấy hòn đá hàng trên cùng xuống, tớ sẽ bước qua được đấy,” Charlotte Corday gọi ý. “Rồi để mấy hòn đá lại, và ngày mai hai cậu có thể vào ngồi nhà tù làm hai chàng hoàng tử nhỏ trong tháp, và tớ sẽ giết hai cậu.”
“Hoàng tử nào? Tháp nào cơ?” Alice và Emma Jane hỏi dồn. “Kể cho bọn tớ nghe với.”
“Không phải lúc này, tớ phải về ăn tối rồi.” (Rebecca là cô bé giữ kỷ luật tương đối sắt đá.)
“Cậu giết hẳn sẽ êm ái,” Emma Jane nói vẻ trung thành, “mặc dù khi cậu giết ai đó thì rất thật; hay là để Elijah và Elisha làm hoàng tử.”
“Chúng sẽ la hét khi bị giết cho xem,” Alice phản đối; “cậu biết chúng đóng kịch ngố lắm đấy, tất cả bọn ấy trừ Clara Belle. Với lại bọn mình mà chỉ cho chúng chỗ bí mật này là chúng chơi ở đây suốt đấy, ngộ nhỡ chúng trộm đồ thì chết, giống như cha chúng ấy.”
“Không cứ cha chúng ăn trộm thì chúng cũng là ăn trộm,” Rebecca bác lại; “và các cậu đừng có mà nói về chuyện đó trước mặt chúng nếu các cậu còn muốn làm bạn bè đặc biệt và bí mật của tớ. Mẹ tớ bảo không bao giờ được nói những điều không hay về cha mẹ người khác trước mặt họ. Bà nói không ai có thể chịu đựng được điều đó, và làm người ta phải mất mặt vì những điều không phải do lỗi của họ là điều độc ác. Nhớ chuyện Minnie Smellie đấy!”
Nói thật, chẳng khó khăn gì để chúng nhớ lại tình tiết căng thẳng ấy, vì nó mới chỉ diễn ra có vài ngày trước; và một phiên bản của câu chuyện đó có thể làm tan chảy trái tim sắt đá nhất, nó được kể lại với tất cả mọi đứa bé gái trong làng từ chính miệng Minnie Smellie, đứa trẻ đã nuôi dưỡng lòng căm hận và ý định trả thù, vì chính Rebecca là người thắng trong trận chiến ngôn từ ác liệt.
CHƯƠNG VII
Những bí mật của Riverboro Ô
ng Simpson ít khi ở nhà, cũng bôi cái phương thức kỳ cục gì đó của việc buôn ngựa, hay là việc “đổi chác” dụng cụ nhà nông và các phương tiện đi lại đủ kiểu -những vụ kinh doanh mà khách hàng của ông ta không cố định được mấy nỗi. Sau mỗi vụ đổi chác thành công ông ta thường ngồi tù lúc dài lúc ngắn; bởi khi một người đàn ông nghèo không của cải không đất đai lại nhiễm cái thói đổi chác mãn tính, thì tự nhiên ông ta phải kiếm thứ gì đó để đổi; và vì chẳng có gì, nên hệ quả còn đương nhiên hơn nữa là ông ta phải đổi cái gì đó thuộc về nhà hàng xóm.
Lúc này ông Simpson đang vắng nhà vì ông ta đã đổi xe trượt tuyết của bà quả phụ Rideout lấy cái cày của ông Joseph Goodwin. Ông Goodwin mới chuyển đến Bắc Edgewood gần đây và trước đó chưa bao giờ gặp ông Simpson lịch thiệp cũng như khéo mồm. Cái cày của Goodwin ông Simpson đã nhanh như chớp đổi chác với một ông “tận mạn Wareham”, để lấy một con ngựa già mà chủ nó không cần đến, vì người đàn ông đó sắp rời thị trấn đến ở nhà con gái chừng một năm, ông Simpson vỗ béo con ngựa già trong vài tuần (vào lúc sớm mai hoặc đêm tối) luân phiên khắp các đồng cỏ các nhà hàng xóm, rồi đổi nó lấy chiếc xe một ngựa của một ông ở Milltown. Đúng lúc này bà quả phụ Rideout phát hiện ra chiếc xe trượt tuyết trong nhà để xe đã mất. Bà không dùng nó có đến mười lăm năm rồi và có lẽ cũng chẳng dùng đến trong mười lăm năm sau nữa, nhưng nó là tài sản của bà, và bà không định để mất nó một cách dễ dàng mà không chiến đấu đến cùng. Khi biết chiếc xe bị mất, bà nghĩ ngay đến
ông Abner Simpson - âu cũng bởi cái chiều hướng ngờ vực ấy đã nằm trong căn cốt của người làng. Tuy nhiên, phức tạp là ở bản chất của vụ đổi chác này và sự vòng vèo của nó (một phần vì sự vắng mặt của chủ con ngựa, người đã đi về miền Tây mà không để lại địa chỉ nơi đến), cuối cùng cảnh sát trưởng phải mất vài tuần để chứng minh ông Simpson có tội cho thỏa lòng dân làng và bà quả phụ Rideout. Ông Abner thì thề thốt rằng mình hoàn toàn vô tội, đồng thời kể với hàng xóm là một gã tóc đỏ, sứt môi, mặc bộ cánh màu xám đã gọi ông ta một sóm tinh mơ nọ đề nghị đổi cho một chiếc xe trượt tuyết còn tốt lấy một máy ép nước táo mà ông ta để trước sân. Họ thương lượng và ông ta, Abner, đã phải trả thêm kẻ lạ mặt sứt môi bốn đô bảy mươi nhăm xu; ngay lập tức gã đàn ông bí ẩn kia hạ cái xe trượt tuyết xuống, bỏ máy ép lên xe ngựa đoạn đi mất dạng, không sủi chút tàm hoi từ đấy tới nay.
“Tôi mà tóm được tên trộm già chết tiệt ấy,” ông Abner hùng hồn tuyên bố, “tôi sẽ làm cho ra chuyện - ai lại tống cho tôi cái xe ngựa ăn cắp và lấy của tôi chỗ tiền với cái máy ép quả chứ, đấy là còn chưa kể đến thanh danh của tôi nữa!”
“Ông sẽ không bao giờ bắt được hắn đâu, Ab ạ,” cảnh sát trưởng nói. “Hắn đã biến mất cùng với cái máy ép táo và thanh danh với lại bốn đô bảy nhăm kia của ông rồi; chưa ai từng thấy những thứ đó ngoài ông, và ông cũng chẳng bao giờ thấy lại nữa đâu!”
Bà Simpson, người không nghi ngờ gì là nửa kia tốt đẹp của ông Abner, nhận việc giặt giũ và đi làm mỗi ngày, còn cả thị trấn đỡ đần cho việc ăn việc mặc của lũ trẻ. George, cậu con giai mười bốn tuổi cao lêu nghêu vụng về thì đi làm thuê vặt ở mấy trang trại loanh quanh, còn những đứa khác, Samuel, Clara Belle, Susan, Elijah và Elisha, thì đi học khi
chúng có quần áo tử tế và không say sưa vào những trò khác. Không có một bí mật nào tồn tại nổi trong những ngôi làng nằm bên bờ sông Pleasant*. Dân làng cũng có rất nhiều người chăm chỉ, nhưng cuộc sống trôi qua thật chậm chạp và yên bình, nên họ luôn có nhiều thời gian rỗi rãi dành cho chuyện phiếm - dưới gốc cây ban trưa trên đồng cỏ khô; trên cầu khi đêm xuống; quanh bếp lò của cửa hàng bách hóa vào buổi tối. Những chỗ tụ tập này là đất để bàn tán về các sự kiện đương thời từ góc nhìn của cánh đàn ông, trong khi các đội tập hát hợp xướng, các nhóm khâu vá, hội đọc sách, các buổi dã ngoại của nhà thờ, và những thứ tương tự, lại cho phía phụ nữ cơ hội thể hiện quan điểm. Tất cả những điều này được coi là rất bình thường, như một lề thói, nhưng thỉnh thoảng cũng có một người vô cùng nhạy cảm nào đó gay gắt phản đối, âu cũng là lẽ thường tình.
Ví như bà Delia Weeks, một bà cô không chồng có hàng may quần áo nhỏ; bà bị ốm, và mặc dù được tất cả bác sĩ trong vùng trông nom để mắt đến, vẫn yếu dần yếu mòn trước khi người anh họ Cyrus nhờ bà đến Lewiston trông nom nhà cửa. Bà đi, và trong vòng một năm đã trở thành một phụ nữ tràn trề súc sống, nhiệt tình và vui vẻ. Khi trở về thăm Riverboro một thời gian ngắn, người ta hỏi liệu bà có định nằm xuống ở một chốn không phải là nhà không.
“Chắc chắn là thế rồi, nếu tôi kiếm được bất kỳ chỗ nào khác,” bà thẳng thắn trả lời. “Tôi đã trở thành một bóng ma mòn mỏi ở nơi này, tôi cứ luôn phải cố gắng giữ lấy những bí mật của riêng mình, và chẳng bao giờ thành cõng cả. Đầu tiên người ta đồn rằng tôi muốn lấy ông mục sư, rồi khi óng ấy lấy bà vợ ở Standish người ta khẳng định là tôi đã rất thất vọng và suy sụp. Rồi suốt năm sáu năm họ đoán già đoán non là tôi đang
cố kiếm một chân đi dạy học, mãi tới khi tôi hết hy vọng và quay ra làm may, thì họ lại thương hại tôi và thông cảm với tôi vì điều đó. Khi cha tôi mất tôi tự dặn mình không được cho ai biết tôi đã sống một mình ra sao, bởi điều đó khiến người ta giận dữ hơn bất cứ điều gì; nhưng rồi người ta vẫn có cách tìm ra, cho dù tôi đã gắng hết sức mình! Rồi còn cả em trai tôi là James, nó chuyển tới Arizona từ hồi mười sáu tuổi. Tôi kể toàn tin tốt của nó trong suốt ba mươi năm ròng, nhưng dì Achsy Tarbox có một người em họ tọc mạch đến Tombstone khám bệnh, bà ta viết thư cho một bác giám đốc bưu điện, hay một ông có chức có quyền nào đó, biết chuyện của Jim liền thư lại cho dì Achsy về nó và về chuyện nó khốn khổ ra sao. Tôi nhổ răng và làm lại răng mới người ta cũng biết; tôi đội tóc giả người ta cũng biết; người ta biết cả khi tay bán trái cây rong hỏi tôi làm vợ ba của hắn - tôi chẳng bao giờ kể cho họ, và cô có thể chắc chắn là anh ta cũng chẳng bao giờ kể, nhưng ở cái làng này chẳng cần kể thì người ta cũng biết; người ta chẳng làm gì cả ngoài việc đoán mò, và người ta đoán đúng tất tần tật. Tôi đã quá mệt mỏi với việc phải cố gắng đánh lạc hướng và qua mắt họ; và vào cái giây phút tôi tới được nơi mà tôi không còn ngày bị soi dưới kính hiển vi, đêm thì bị soi bằng kính thiên văn và được là chính mình mà không phải xin phép, tôi quyết đi ngay. Ông anh họ Cyrus đã già và cũng lắm chuyện lắm, nhưng ông ấy nghĩ rằng tôi cũng đẹp và nói tôi có mái tóc trông tuyệt lắm. Chẳng có người nào ở Lewiston biết về vị mục sư, di chúc của cha, hay là chuyện Jim làm, hay là tay bán trái cây dạo; dù có biết họ cũng chẳng quan tâm mà cũng chẳng nhớ nữa; vì, ơn trời, Lewiston là một nơi bận rộn!”
Bà Delia Weeks có thể đã thổi phồng sự việc ít nhiều, nhưng rất dễ hình dung là Rebecca cũng như tất cả trẻ em Riverboro đã được nghe
chuyện cái xe trượt tuyết bị mất của bà quả phụ Rideout và mối hồ nghi về việc ông Abner Simpson có dính dáng tới nó.
Ở một trường làng bình thường thì lấy đâu ra chuyện lịch sự với tế nhị, đám học sinh xì xào với nhau đủ những loại câu đố và vè về nhà Simpson mỗi khi lũ trẻ nhà ấy không có mặt.
Rebecca Randall cũng chơi cùng hội ấy, sự liên quan của cô bé trong những chuyện này cũng chẳng khác nào chúng bạn, vậy nên khó có thể hiểu tại sao cô bé lại ghét thói nói xấu và tránh xa nó một cách vô thức như vậy.
Trong số những đứa bé gái đồng trang lứa ở Riverboro có một đứa đặc biệt với cái tên rất phù hợp với tính người là Minnie Smellie*, chẳng ai ưa nó cả. Con bé có đôi mắt như mắt chồn, tóc vàng, chân dài, và tính tình thì là sự kết hợp giữa một con vẹt và một con cừu. Mọi người nghi con bé nhìn trộm bài ở bảng của những đứa con gái khác, dù chưa bao giờ bắt quả tang. Rebecca và Emma Jane luôn biết rõ hôm nào nó mang bánh nhân hoa quả hay bánh bông lan trong hộp đồ ăn trưa, vì thể nào hôm đó con bé cũng sẽ từ bỏ lũ bạn đông vui đi kiếm một chỗ kín đáo trong rừng, rồi lát sau quay trở lại với một nụ cười tươi trên khuôn mặt đầy thỏa mãn.
Một hôm sau bữa trưa kín đáo đó, Rebecca không thể nhịn được nữa, thấy Minnie ngồi xuống với lũ bạn, cô bé bèn hỏi, “Cậu đỡ đau đầu chưa, Minnie? Để tớ lau mứt dâu trên miệng cho.”
Sự thật là chẳng có vết mứt dâu nào cả, nhưng cái khăn tay tội lỗi của Minnie nhanh như cắt được đưa lên lau cái miệng trên khuôn mặt đỏ như gấc của nó.
Ngay buổi chiều hôm đó Rebecca thú nhận với Emma Jane rằng cô bé cảm thấy xấu hổ vì trò quỷ của mình. “Tớ có ghét cái kiểu của nó,” cô bé
khẳng định, “nhưng tớ thấy có lỗi khi để cho nó biết mình nghi ngờ nó; thế nên tớ đã cho nó mẩu san hô tớ vẫn cất trong cái ví đính cườm; cậu biết cái đó không?”
“Tớ thấy cho nó chả đáng, nó tham lam chết đi được,” Emma Jane nhận xét.
“Tớ biết thế, nhưng như thế tớ cảm thấy dễ chịu hơn,” Rebecca rộng rãi, “với lại tớ đã giữ mẩu san hô hai năm nay rồi, nó còn bị vỡ nữa nên cũng chẳng đẹp được như lúc đầu.”
Miếng san hô đã phần nào phục vụ được mục đích làm lành, cho đến một chiều nọ Rebecca về nhà theo đường tắt sau khi ở lại trường để học ngữ pháp như mọi khi. Xa xa đằng trước, bên kia hàng rào, cô bé nom thấy chị em nhà Simpson vừa mới đi tới khoảnh rừng nhỏ. Bập Bênh không có trong nhóm ấy, nên cô bé nhanh chân bước để được đi cùng về nhà. Chúng nhanh chóng đi khuất tầm mắt, nhưng khi sắp bắt kịp chúng, cô bé nghe thấy ở hàng cây trước mặt giọng hát của Minnie Smellie cao vống lên, và cả tiếng một đứa trẻ đang khóc nức nở. Clara Belle, Susan và hai đứa song sinh đang chạy vội trên lối mòn, và Minnie thì vừa nhảy nhót vừa hát tướng lên:
“Sao xe trượt tuyết yêu Simpson đến thế?”
Lũ trẻ háo hức hỏi cô;
“Chao, bởi Simpson yêu xe lắm mà,”
Cô giáo trả lời ngay như vậy.
Bóng dáng lũ trẻ nhà Simpson và vạt áo rách rưới cuối cùng của chúng thoắt cái đã mất hút trên đường. Tiếng một hòn đá nhỏ do “đứa song sinh
hung hăng” Elijah ném roi xuống phá vỡ cái yên bình của khu rừng trong phút chốc, nhưng nó không chạm được tới khu vực một trăm mét quanh Minnie, kẻ vừa mới hét tướng “Lũ tù tội!” và sung sướng quay lại thì gặp Rebecca đang đứng im như tượng trên đường với ánh mắt báo cho Minnie biết rằng đã đến lúc nó phải đền tội.
Khuôn mặt của Minnie trông không được hay ho cho lắm, vì cảnh tượng một kẻ hèn nhát bị bắt quả tang làm điều sai trái thật không đẹp đẽ gì.
“Minnie Smellie, nếu - như - tôi - bắt - được - cậu - hát - như - thế - với - anh - em - nhà - Simpson - lần - nữa, cậu biết tôi sẽ làm gì không?” Rebecca nén giận hỏi.
“Tao không biết và tao không thèm biết,” Minnie đáp vẻ khoái trá, cho dù trông mặt thì rõ là đang nói dối.
“Tôi sẽ lấy lại miếng san hô, và tôi nghĩ là tôi sẽ còn tát cậu nữa đấy!” “Thách mày!” Minnie trả miếng. “Mày động đến tao là tao mách mẹ tao và cô giáo cho mày biết mặt!”
“Cậu có mách mẹ cậu, mẹ tôi, mách cả họ hàng nhà cậu, cả tổng thống nữa thì tôi cũng cóc sợ,” Rebecca nói, thêm dũng cảm nhờ những từ ngữ cao quý đang tuôn ra. “Cậu có nói với cả thị trấn, cả quận York này, cả bang Maine và… và cả nước này tôi cũng cóc sợ!” cô bé huếnh lên. “Giờ thì biến về nhà đi và nhớ những lời tôi nói. Nếu cậu còn làm thế nữa, và đặc biệt là nếu còn nói ‘Lũ tù tội’, tòi sẽ cho cậu biết tay nếu thấy cần phải làm thế.”
Sáng hôm sau vào giờ ra chơi Rebecca để ý thấy Minnie thêu dệt câu chuyện ấy với Huldah Meserve. “Nó dọa tớ,” Minnie thì thầm, “nhưng tớ chẳng bao giờ tin lời nó nói.”
Câu thứ hai được nói ra với chủ đích để người khác nghe thấy, vì Minnie thỉnh thoảng cũng có chút gan dạ khi được luật lệ và quy định bảo vệ.
Khi Rebecca trở về chỗ ngồi, cô bé xin phép cô Dearborn gửi một mẩu giấy cho Minnie Smellie và được cô đồng ý. Mẩu giấy ấy thế này:
Trong cả đám con gái nhỏ nhen
Nhỏ nhen Bốc mùi chẳng ai bằng.
Tôi sẽ lấy lại quà đã tặng
Rồi giã cho nó câm họng.
Tái bút: Giờ thì tin chưa?
R. RANDALL
Hiệu quả của bài vè thật đáng thuyết phục, và nhiều ngày sau đó hễ Minnie gặp anh em nhà Simpson nơi nào cách ngôi nhà gạch cả dặm con bé cũng rùng mình và khóa chặt mồm miệng.
CHƯƠNG VIII
Màu hoa hồng
N
gày thứ Sáu ngay sau “cuộc chiến đấu khủng khiếp nhất từng có” ấy, như Bunyan viết trong cuốn Chuyến kinh lý của người hành hương, có nhiều hoạt động thú vị diễn ra trong ngôi trường nhỏ trên đồi. Chiều thứ Sáu luôn là khoảng thời gian dành để diễn hội thoại, ca hát và đọc diễn cảm, nhưng nó không phải một ngày hội theo đúng nghĩa của từ đó. Hầu hết bọn trẻ ghét “cái khoản nói”; ghét sự lằng nhằng khi phải học thuộc, lo sợ mình đang nói thì quên béng. Thường hôm nào về nhà cô Dearborn cũng đau đầu, cả buổi chiều và tối đó không dậy nổi khỏi giường. Còn bà mẹ đến dự buổi hôm đó ngồi ở ghế đầu thì trán rịn đẫm mồ hôi lạnh khi phải nghe đi nghe lại những đoạn ngập ngừng lúng búng đã quá quen thuộc. Đôi khi có đứa khóc òa lên gục vào lòng mẹ và mẹ phải bế ra ngoài, hôn nựng con không xong thì phải tét vào đít nó; nhưng dù trong trường hợp nào thì sự thất bại càng làm tăng thêm nỗi đáng sợ và u ám của sự kiện đó. Sự xuất hiện của Rebecca không hiểu sao đã truyền cảm hứng mới cho những buổi chiều đáng sợ từ trước đến nay này. Cô bé đã dạy Elijah và Elisha Simpson đọc được ba đoạn thơ với vẻ hài hước khiến cho bản thân chúng, cô giáo, và cả lớp ai ai cũng thấy vui vẻ; trong khi Susan nói ngọng được dành riêng cho một bài thơ vui trong đó cô bé đóng vai một đứa trẻ nói ngọng. Emma Jane và Rebecca thì diễn một đoạn đối thoại, và việc diễn chung khiến Emma Jane cảm thấy tự tin và phấn chấn hẳn lên. Thực tế, cô Dearborn đã tuyên bố vào sáng cái ngày thứ Sáu ấy rằng các phần trình diễn hứa hẹn là sẽ rất thú vị nên cô đã mời bà vợ ông bác sĩ,
bà vợ ông mục sư, hai thành viên trong hội đồng trường, và một vài bà mẹ nữa. Cô giao cho Living Perkins trang trí một bảng còn Rebecca trang trí cái bảng còn lại. Living, họa sĩ đỉnh cao của lớp, chọn vẽ bản đồ Bắc Mỹ. Rebecca thích vẽ những thứ ít thực tiễn hơn, và rất nhanh, trước ánh mắt mê mẩn của cả lớp, hiện ra dưới những ngón tay khéo léo của cô bé là một lá cờ Mỹ vẽ bằng phấn đỏ, trắng và xanh biển, mỗi ngôi sao ở đúng vị trí của nó, mỗi sọc ngang bay phấp phới trong gió nhẹ. Bên cạnh đó là hình nữ thần Columbia, bắt chước hình trên nắp hộp xì gà đựng bút màu.
Cô Dearborn rất vui sướng. “Cô đề nghị cả lớp hoan hô Rebecca vì đã vẽ một bức tranh đẹp tuyệt - bức tranh khiến cả lớp chúng ta có thể tự hào!”
Tất cả học sinh vỗ tay nhiệt tình, và Dick Carter còn vừa vẫy tay vừa hò hét.
Trái tim Rebecca muốn nhảy tưng lên vì xốn xang hạnh phúc, cô ngỡ ngàng khi thấy nước mắt mình ngân ngấn. Cô bé gần như không thấy nổi đường về chỗ ngồi, bởi suốt cuộc đời bé nhỏ, cô đơn, tăm tối của cô, cô chưa hề được ai vỗ tay hoan hô riêng một mình mình, chưa hề được ngọi khen, hay được tôn vinh, như trong cái khoảnh khắc tuyệt vời đáng kinh ngạc này. Nếu như “sự cao quý nhen nhóm thêm cao quý*” thì lòng nhiệt thành cũng tạo ra lòng nhiệt thành, và trí tuệ cùng tài năng khơi nguồn cho trí tuệ và tài năng. Alice Robinson đề nghị cả lớp hát bài “Muôn năm lá cờ Đỏ-Trắng-Xanh”! Và khi cá lớp hát đến phần điệp khúc, tất cả đều chỉ về lá cờ của Rebecca. Dick Carter gọi ý Living Perkins và Rebecca Randall nên ký tên dưới hình vẽ của mình, để các khách đến thăm biết được ai đã vẽ chúng. Huldah Meserve xin phép lấy cành khô lấp đầy các lỗ lớn trên tường thạch cao và lấy hoa dại cắm vào xô nước. Tâm trạng Rebecca hân
hoan quá đỗi nên không còn để ý được đến những điều thực tế ấy. Cô bé ngồi yên lặng, trái tim ngập tràn hạnh phúc và biết ơn đến nỗi cô hầu như không nhớ nổi lời thoại của mình. Vào giờ chơi cô bé rất yên lặng khiêm tốn, mặc dù cô mới đạt được một thành công lớn, ngoài ra thì nhìn chung sự vụ Smellie-Randall đã được cho qua trong không khí êm đềm và Minnie gom cành phong che lại cái bếp lò xấu xí dưới sự chỉ đạo của Rebecca.
Cô Dearborn cho lớp nghỉ lúc mười hai giờ kém mười lăm, để những bạn nhà gần trường có thể về thay đồ. Emma Jane và Rebecca gần như chạy hết quãng đường về, vì quá vui sướng, chỉ dừng lại thở trước khi leo bậc thang qua rào.
“Liệu bác Mirandy có cho cậu mặc đồ đẹp nhất không, hay chỉ bộ váy trúc bâu vàng thôi?”
“Tớ nghĩ tớ sẽ hỏi bác Jane,” Rebecca đáp. “Ôi! Giá như bộ váy hồng của tớ xong rồi! Tớ phải để bác Jane thùa khuyết giúp!”
“Tớ sẽ xin mẹ cho đeo cái nhẫn đá đỏ của mẹ,” Emma Jane nói. “Nó sẻ lấp lánh trong nắng đẹp tuyệt vời khi tớ chỉ tay lên lá cờ. Tạm biệt, đừng chờ tớ nhé, có thể tớ sẽ được đi nhờ.”
Rebecca thấy cửa hông khóa, nhưng cô bé biết chìa khóa ở dưới bậc thềm, tất nhiên ai ở Riverboro cũng biết, vì mọi người hầu như đều làm như thế. Cô bé mở cửa vào phòng ăn thì thấy phần ăn trưa của mình trên bàn và một tờ giấy bác Jane viết rằng hai bác đã đi Moderation với bà Robinson bằng cái xe ngựa bốn chỗ của bà ấy. Rebecca nuốt ực một miếng bánh mì bơ, và chạy như bay lên cầu thang trước vào phòng mình. Trên giường là chiếc váy ca rô hồng đã được đôi tay yêu thương của bác Jane hoàn tất. Có thể nào, liệu cô bé có dám mặc mà không xin phép hay
không? Dịp này có xứng để mặc đồ mới không, hay hai bác nghĩ cô bé phải để đến buổi hòa nhạc ở nhà thờ mới được mặc?
“Mình sẽ mặc,” Rebecca nghĩ vậy. “Các bác chẳng ở đây cho mình hỏi, và có thể các bác cũng chẳng để tâm tí gì chuyện ấy; rốt cuộc thì cũng chỉ là một bộ váy ca rô thôi mà, cũng chẳng quan trọng cho lắm nếu như không phải là vì nó mới tinh, và không có vải viền, và không phải là màu hồng.”
Cô bé gỡ hai bím tóc đuôi sam, chải mượt những gọn tóc xoăn rồi lấy ruy băng buộc lại, đoạn thay giày, mặc vào bộ váy xinh đẹp, cố cài hết các khuy trừ ba khuy giữa, dành để nhờ Emma Jane.
Rồi mắt cô bé bắt gặp chiếc dù hồng yêu quý của mình, đúng bộ luôn, và lũ con gái còn chưa được thấy nó bao giờ. Cũng không hợp với chốn trường lớp cho lắm, nhưng cô chẳng cần mang nó vào phòng làm gì; cô sẽ cuộn nó vào giấy, chỉ cần khoe với chúng bạn thôi, rồi lại mang về. Cô bé liếc vào chiếc gương dưới phòng khách và thấy như có điện giật. Cứ như thể không còn thứ quần áo nào đẹp hơn chiếc váy kẻ ca rô hồng tuyệt trần ấy! Ánh mắt long lanh, gò má ửng hồng, suối tóc óng ả, tất cả bị lu mờ đi trước vẻ yêu kiều không gì sánh nổi của bộ váy áo màu hoa hồng. Trời ạ! Đã một giờ kém hai mươi, không khéo cô bé sẽ muộn mất. Cô nhảy chân sáo ra khỏi nhà lối cửa hông, ngắt một đóa hồng từ bụi hoa trước cổng, và xử lý quãng đường một dặm từ ngôi nhà gạch đến lớp học trong nháy mắt. Cô gặp Emma Jane, cũng rực rỡ và hổn hển không kém, ở cửa lớp.
“Rebecca Randall!” Emma Jane thốt lên, “trông cậu đẹp như tranh ấy!” “Tớ á?” Rebecca cười khúc khích. “Vớ vẩn! Chỉ là bộ váy ca rô hồng chứ có gì đâu.”
“Không phải ngày nào cậu cũng xinh đẹp,” Emma Jane nhất quyết;
“nhưng cậu trông vẫn khác thế nào ấy. Thấy cái nhẫn đá đỏ này không; mẹ tớ đã cọ bằng xà phòng đấy nhé. Làm thế quái nào mà bác Mirandy lại cho cậu mặc bộ váy mới toanh thế hả?”
“Cả hai bác đi vắng nên tớ không hỏi xin ai cả,” Rebecca lo lắng đáp. “Sao thế? Cậu có nghĩ hai bác sẽ không cho phép không?” “Chẳng phải bác Mirandy lúc nào cũng không cho phép sao?” Emma Jane hỏi.
“Ph… ải; nhưng chiều nay rất đặc biệt - gần bằng buổi hòa nhạc ở trường Giáo lý còn gì.”
“Ừ,” Emma Jane tán đồng, “tất nhiên rồi; trên bảng có tên cậu, chúng mình thì chỉ lên lá cờ, lại cả màn hội thoại hấp dẫn của bọn mình, và tất cả mọi thứ nữa chứ.”
Chiều hôm ấy là một chuỗi thành công vang dội cho tất cả những ai liên quan. Không có thất bại thật sự nào cả, không nước mắt, không bậc cha mẹ nào phải hổ thẹn vì con. Cô Dearborn nghe rất nhiều lời ngợi khen về khả năng dạy dỗ của mình, và băn khoăn không rõ chúng dành cho cô hay, ít nhất một phần, dành cho Rebecca. Đứa trẻ ấy không làm gì nhiều hơn một vài đứa khác, nhưng cô bé bằng cách nào đó luôn nổi bật. Sau này trọng các buổi văn nghệ của làng Rebecca có muốn chìm khuất cũng không được nữa; vị trí ấy đơn giản là không chịu chấp nhận cô. Kẻ thù tệ nhất của cô bé cũng không thể nói rằng cô thích chơi trội được. Cô bé luôn xông xáo và không bao giờ ngượng ngùng; không tìm cách phô trương nhưng cũng không chút dè dặt, thậm chí cô còn hào húng lôi cuốn người khác vào cuộc vui. Nếu MacGregor ngồi chỗ nào nơi đó sẽ là đầu bàn*, thì tương tự, nơi nào Rebecca đứng cũng trở thành trung tâm của sân khấu. Giọng kim trong vắt của cô bé cao vút lên trên tất cả các giọng khác trong
dàn đồng ca, và dù có thế nào thì ai cũng phải nhìn cô bé, quan sát điệu bộ của cô, cách hát bằng cả tâm hồn, và niềm nhiệt thành không thể kiềm chế của cô.
Cuối cùng tất cả cũng kết thúc, Rebecca thả bước trên đường về mà cảm tưởng như thể mình sẽ không bao giờ bình tâm và điềm đạm lại được nữa. Tối nay không còn bài nào phải học, và cái viễn cảnh phải giúp bác làm mứt sáng hôm sau cũng chẳng đáng sợ với cô - nỗi sợ hãi không dám ho he trước ánh sáng chói lọi đang ngập tràn tâm hồn cô. Mây kéo dày đặc trên trời, nhưng cô bé chẳng lo sợ mà còn mừng vì có thể giương cái ô lên. Cô bé vẫn đi trên mây, và có cảm giác mình không hề thuộc về một gia đình bình phàm nào cả, cho đến khi cô bước vào trong sân ngôi nhà gạch và trông thấy bác Mirandy đứng ngay ở cửa. Thế là thoắt một cái cô bé rơi bịch xuống đất.
CHƯƠNG IX
Tàn tro của hoa hồng
“N
ó kia rồi, muộn hơn một tiếng đồng hồ; thiếu chút nữa là bị mưa, nhưng mà nó chẳng bao giờ thèm để ý gì cả,” Miranda nói với Jane; “nó còn mắc cái tội nữa là dám diện cái váy mới, vừa đi vừa nhảy nhót đúng cái kiểu cha nó, lại còn xoay tít cái dù cho cả thế giới xem như thể nó đang diễn kịch nữa chứ. Cô Jane, nhà này tôi lớn tuổi nhất, và tôi muốn nói cho ra mọi nhẽ; nếu cô không thích cô có thể vào bếp chờ đến khi xong xuôi. Bước vào đây, Rebecca; tôi muốn nói chuyện với cô. Cô đi học thì diện váy mới làm cái gì, mà lại không thèm xin phép nữa?”
“Trưa nay cháu định xin phép bác, nhưng bác không có nhà, nên cháu không xin được,” Rebecca bắt đầu giải thích.
“Cô chẳng có định gì sất; cô diện nó bởi vì cô chỉ có một mình, cô thừa biết không đời nào tôi lại cho phép.”
“Nếu cháu biết chắc chắn là bác không đồng ý, cháu đã không bao giờ làm thế,” Rebecca nói, cố gắng tỏ ra thành thật; “nhưng cháu không chắc chắn, và nó cũng đáng để cháu liều mặc thử. Cháu nghĩ chắc bác sẽ cho, nếu như bác biết ở trường có một buổi trình diễn thật sự.”
“Trình diễn!” Miranda thốt lên đầy khinh bỉ; “nguyên cô cũng đã đủ một màn trình diễn rồi, tôi là tôi chắc chắn thế. Cô trình diễn cái dù hả?” “Cái dù trông đúng thật là ngu ngốc,” Rebecca cúi đầu thừa nhận; “nhưng đây là lần duy nhất trong đời cháu có được thứ hợp với nó, và nó trông đẹp tuyệt khi đi cùng với chiếc váy hồng! Emma Jane và cháu diễn
đoạn hội thoại giữa một cô gái thành phố và một cô gái nông thôn, và đúng trước khi diễn cháu nghĩ bộ váy sẽ rất phù hợp với cô gái thành phố; và đúng thế thật. Cháu không hề làm hư hỏng cái váy một tí nào đâu, bác Mirandy.”
“Cái trò lén lút láu cá của cô mới là hư hỏng nhất,” Miranda lạnh lùng nói. “Trông mấy trò khác mà cô đã bày ra kia kìa! Cứ như là quỷ sa tăng đã cướp mất linh hồn cô rồi! Cô lên phòng bằng cầu thang trước, nhưng cô chẳng biết xóa dấu vết, còn cái khăn tay rơi ở cầu thang kia kìa. Cô không thèm đóng cửa lưới cửa sổ phòng cô lại để mời cả bầy ruồi bay đầy nhà. Cô không dọn dẹp bữa trưa cũng chẳng buồn cất một cái đĩa nào đi, và cô để cửa sổ hông mở suốt từ mười hai rưỡi đến ba giờ, để cho bất kỳ ai cũng có thể vào trộm bất cứ thứ gì họ muốn!”
Rebecca nặng nề ngồi xuống ghế khi nghe cái danh sách tội lỗi của mình. Làm sao cô lại có thể sơ suất đến thế? Nước mắt bắt đầu tuôn trào khi cô bé cố gắng giải thích những tội lỗi không bao giờ có thể giải thích và bào chữa được.
“Ôi, cháu vô cùng xin lỗi!” cô bé ấp úng. “Cháu trang trí lớp học, rồi bị muộn, và chạy một mạch về nhà. Mặc váy một mình khó quá, và cháu chỉ kịp ăn mỗi một miếng. Đến phút cuối, cháu thật sự - thật sự - nghĩ đến việc dọn dẹp và khóa cửa rồi, nhưng cháu lại nhìn lên đồng hồ và biết là mình khó có thể chạy kịp đến trường để xếp hàng; cháu nghĩ đến muộn thì sẽ thật khủng khiếp và sẽ bị điểm xấu đầu tiên vào chiều thứ Sáu, mà lại có cả vợ ông mục sư, vợ bác sĩ với cả hội đồng trường nữa chứ!”
“Đừng có rên rỉ nữa; khóc lóc về sự đã rồi chỉ vô ích thôi,” Miranda đáp lại. “Một lạng việc tốt đáng giá một cân hối hận. Thay vì cố gắng gây ra ít thiệt hại nhất ở cái nhà chẳng phải nhà cô, có vẻ như cô lại định xem
cô có thể quấy rầy bọn ta được đến đâu. Bỏ cái bông hồng trên váy ra để ta xem cái vết nó để lại trên cầu vai, và hai cái lỗ chỗ cài cái kim băng han gỉ bị ướt nữa. Không có. Nhưng là do may mắn chứ chẳng phải cẩn thận gì. Ta không kiên nhẫn nổi với hoa hoét và bộ tóc cuốn xoăn với trang sức màu mè rồi thì cái kiểu đỏm dáng của cô, rõ y như cái ông bố ẻo lả của cô.”
Rebecca ngẩng phắt lên. “Bác Mirandy, bác nghe này, cháu sẽ cố gắng ngoan ngoãn theo cách cháu hiểu thế nào là ngoan ngoãn. Cháu sẽ nghe lời và không bao giờ để cửa mở nữa, nhưng cháu sẽ không để người khác bêu riếu cha cháu. Ông là một người cha c… cực kỳ t… tuyệt vời, ông là thế đấy, và bảo ông ẻo lả thế thật là xấu bụng!”
“Đừng có mà đáp trả ta cái kiểu hỗn láo ấy, Rebecca, còn nói ta xấu bụng nữa; cha cô là một kẻ chuyên mơ hão, ngu ngốc, bất tài, không chỉ có ta nói thế mà còn ối người nói ra đấy; ông ta nướng hết tiền của mẹ cô và để lại cho mẹ cô bảy đứa con để tha hồ nai lung ra làm mà nuôi chúng.”
“Để lại b… bảy đứa con ngoan ngoãn c… cũng là một điều đáng kể chứ,” Rebecca sụt sùi.
“Thưa với cô là chẳng được điếc gì sất nếu như người khác phải giúp nuôi ăn nuôi mặc nuôi học hành cho chúng,” Miranda đáp lại. “Giờ thì lên phòng, thay đồ ngủ vào rồi lên giường, ở yên đó cho đến sáng mai. Cô sẽ có một âu bánh quy nhỏ và sữa trên bàn học, và ta không muốn nghe một tiếng gì của cô cho đến bữa sáng mai. Jane, chạy ra rút khăn lau bát đĩa trên dây phoi vào và đóng hết cửa nhà kho lại; sắp mưa to rồi.”
“Em nghĩ là mưa rồi đấy,” Jane nói khẽ, đoạn đi làm những việc bà chị giao. “Em thì em không hay ý kiến ý củng gì, chị Mirandy; nhưng chị không nên nói như thế về Lorenzo. Chú ấy là người như thế, muốn thay
đổi cũng chả được; nhưng dù gì chú ấy cũng là cha Rebecca, và Aurelia cũng luôn nói chú ấy là người chồng tốt đấy thôi.”
Miranda chưa bao giờ nghe câu “Người Anh điêng tử tế duy nhất là người Anh điêng đã dưới mộ”, nhưng đầu óc bà suy nghĩ theo cách tương tự khi bà nói một cách tàn nhẫn, “Phải, tôi nhận ra rằng những ông chồng đã chết thường là những ông chồng tử tế; nhưng sự thật không sớm thì muộn cũng cần phải được nói ra, và đứa trẻ đó sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì nếu nó không bỏ được cái thói của cha nó. Ta mừng là ta đã nói những điều đó.”
“Chắc chắn là chị mừng rồi,” Jane nhận xét với thái độ có thể coi là con dũng cảm mỗi năm một lần của bà; “nhưng cũng vẫn thế thôi, chị Mirandy, như thế chẳng phải phép gì và cũng chẳng phải đạo gì cả!”
Tiếng sấm vang lên làm chấn động ngôi nhà đúng vào lúc ấy không sao át được lời nói của Jane vang lên trong tai Miranda Sawyer khi nó gầm rú réo gọi lương tâm bà.
Có lẽ đó là điều cũng chỉ nên nói một lần mỗi năm để đạt được hiệu quả mạnh mẽ.
Rebecca mệt mỏi leo lên cầu thang sau, đóng cửa phòng, và cởi chiếc váy ca rô hồng ra bằng những ngón tay run rẩy. Chiếc khăn tay bị cuộn chặt lại, mỗi lần cởi xong một cái khuy và chuẩn bị phải cởi cái khó hơn giữa vai và eo, cô bé lại cẩn thận chấm đôi mắt ướt để nước mắt mặn không rơi xuống món đồ quý được mặc với cái giá đắt đỏ nhường ấy. Cô bé cẩn thận vuốt phăng váy, kéo thẳng chỗ bèo cổ, đoạn vừa cất váy vào tủ vừa khóc thêm chút nữa cho cuộc sống nghiệt ngã của mình. Bông hồng héo úa rơi xuống sàn. Rebecca nhìn nó và nghĩ, “Thật giống như cái ngày hạnh phúc của mình đây!” Không gì có thể cho thấy rõ ràng tâm hồn của
đứa trẻ ấy hơn việc cô cảm nhận được ngay tính biểu tượng của bông hồng, cô cất nó vào ngăn kéo cùng với chiếc váy như thể chôn vùi cả quãng thời gian kia với những kỷ niệm buồn của nó. Đó là thứ mộng mơ bản năng trong một đứa trẻ, là khởi nguyên của một tâm hồn phụ nữ đa cảm.
Cô bé tết tóc thành hai bím như mọi khi, cởi đôi giày đẹp nhất ra (đôi giày may mắn đã không bị nhận ra), trong đầu miên man nghĩ đến một lối thoát, từ bỏ ngôi nhà gạch trởvề trang trại nhà mình. Cô bé sẽ không được chào đón ở đó - không có hy vọng gì - nhưng cô sẽ đỡ đần mẹ việc nhà để Hannah đến Riverboro thay thế. “Hy vọng chị ấy sẽ thích!” cô bé nghĩ trong con oán giận thoáng chốc. Cô ngồi bên cửa sổ vừa cố hình dung kế hoạch của mình, vừa ngắm chớp nhảy nhót trên đồi và những dòng mưa lớn đuổi nhau xuống theo từng ánh chớp. Ngày hôm nay khởi đầu mới vui vẻ làm sao! Mặt trời rực rỡ trên cao, cô bé tựa bậu cửa sổ học bài và nghĩ rằng cuộc đời này đáng yêu quá đỗi. Thật là một buổi sáng huy hoàng! Phòng học trơ trọi xấu xí biến thành căn phòng đẹp tuyệt; cô Dearborn hài lòng vì nhờ cô bé mà hai đứa song sinh nhà Simpson hoàn thành bài đọc thơ trước lớp; đặc quyền được trang trí bảng; ý tưởng hay ho về chuyện vẽ nữ thần Columbia từ hình trên hộp xì gà; cái khoảnh khắc say mê khi cả lớp vỗ tay ngọi khen cô! Và thật là một buổi chiều tuyệt vời! Cái cách nó đi từ hết vinh quang này đến vinh quang kia, bắt đầu với việc Emma Jane nói với cô, Rebecca Randall, rằng cô “đẹp như tranh”.
Cô bé sống lại những kỷ niệm đó, đặc biệt là phần kịch thoại với Emma Jane và sáng kiến dùng cái lò phủ đầy cành phong làm bờ đê rêu xanh của cô, nơi cô gái nông thôn ngồi trông đàn vịt. Điều đó khiến Emma Jane có cảm giác thật dễ dàng, cô chưa bao giờ đọc thoại tốt như thế; thật hào
"""