" Răng Sư Tử - Biên Khảo Về Cuộc Chiến Điệp Báo Giữa Các Cường Quốc - Yên Ba full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Răng Sư Tử - Biên Khảo Về Cuộc Chiến Điệp Báo Giữa Các Cường Quốc - Yên Ba full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử] Ebooks Nhóm Zalo “Khi tham gia vào điệp vụ trên đất địch, các điệp viên phải chấp nhận đưa mình vào giữa hàm răng của con sư tử. Nhưng nếu điệp vụ thành công đấy sẽ là cú táp chí mạng của những chiếc răng sư tử sắc nhọn vào cổ họng kẻ thù." Lời một bậc thầy điệp báo TỰA Nhiều năm dõi theo đời sống chính trị quốc tế, tôi rút ra một kết luận: Rất nhiều quyết định của các chính trị gia liên quan đến các sự kiện quốc tế, cả trước, trong và sau khi chúng xảy ra, là dựa trên cơ sở thông tin từ các cơ quan đặc biệt. Những sự kiện này, đôi khi, làm thay đổi cả dòng chảy lịch sử một quốc gia, một dân tộc, thậm chí của nhiều quốc gia, dân tộc. Mà tác giả của những thông tin từ các cơ quan đặc biệt là các điệp viên. Nói cách khác, nhiều điệp viên đã góp phần tác động để làm thay đổi thế giới. Trong lịch sử, có không ít những cá nhân như vậy. Richard Sorge là một ví dụ tiêu biểu. Nếu không có thông tin do điệp viên của cơ quan tình báo quân đội Liên Xô này gửi về từ Tokyo trong thời kì vận mệnh của Liên bang Xô viết thập phần nguy hiểm - thời kì đầu của cuộc chiến tranh với nước Đức Quốc xã, hẳn là nhà lãnh đạo Xô viết Joseph Stalin đã không dám quyết định điều các sư đoàn Hồng quân từ Viễn Đông xa xôi về tăng cường phòng thủ Moscow. Để đi tới quyết định ấy, nhà lãnh đạo Xô viết phải chắc chắn loại trừ được khả năng Liên Xô phải chống đỡ các đòn tấn công từ phía phát xít Nhật. Chính việc điều các sư đoàn Hồng quân từ vùng Viễn Đông về tăng cường phòng thủ Moscow đã đẩy cục diện cuộc chiến ở thủ đô Liên Xô sang một hướng khác, làm xoay chuyển tình thế của cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô nói riêng và Đệ nhị thế chiến nói chung. Eli Cohen lại là một ví dụ khác. Những thông tin của điệp viên Mossad này mang tính quyết định giúp Israel chiến thắng các nước Ả Rập trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, đánh chiếm thành công cao nguyên Golan, cứ điểm mang tính chiến lược của Syria. Nói cách khác, với tư cách của một điệp viên, Eli Cohen đã góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị của toàn vùng Trung Đông! Nhưng cuốn sách này không nói về hai điệp viên vĩ đại ấy. Lí do đơn giản bởi cả Richard Sorge và Eli Cohen thuộc về những vùng đất khác, những dòng chảy chính trị - quân sự khác. Cuốn sách này chủ yếu nói về cuộc chiến điệp báo sinh tử giữa các cơ quan đặc biệt của các cường quốc Mỹ, Anh, Liên Xô cả trước, trong và sau Chiến tranh Lạnh trong thế kỉ 20. Kể từ khi những thành viên đầu tiên của Bộ Ngũ Cambridge được tình báo Liên Xô tuyển mộ hồi giữa thập niên 30, cho đến khi điệp viên CIA Aldrich Ames bị bắt giữ vào năm 1994, cuộc chiến đó đã kéo dài suốt sáu thập kỉ, góp phần định hình diện mạo thế giới trong một thời kì lịch sử biến động dữ dội. Nhân vật trong cuốn sách này là các điệp viên xuất chúng, như Morris và Leontine Cohen, Klaus Fuchs, Theodore Hall, Abel, Francis Powers, George Blake, Harold Kim Philby, Donald Maclean, Guy Burgess, Anthony Blunt, John Cairncross, Oleg Penkovsky, John Walker, Oleg Gordievsky, Vitaly Yurchenko, Aldrich Ames... Những tên tuổi lẫy lừng đủ để xây dựng một bảo tàng điệp báo! Cuốn sách cũng kể về những chiến dịch mật lớn nhỏ như Candy/Enormous, Venona, Grand Slam, Rose, Smoky Joe’s/Silver, Stopwatch/Gold, Windflyer, RYaN, Courtship, Nightmover... Những chiến dịch đủ để soạn một cuốn sách bách khoa thư về nghệ thuật điệp báo! Nhưng vượt lên tất cả những điệp viên thượng thặng những chiến dịch kì bí đó, nhân vật chính của cuốn sách này chính là cuộc chiến điệp báo với những chiến binh bóng tối, trong các chiến hào của cuộc đọ sức thầm lặng không tiếng súng. Nhiều người trong số đó tham gia cuộc chiến vì lí tưởng, số khác vì tiền bạc hay danh vọng của những chiến binh đủ sức một mình làm xoay chuyển thế giới. Nhiều người may mắn thoát khỏi án tử hình trong đường tơ kẽ tóc, người quay về nhà sau những cuộc trao đổi điệp viên căng thẳng, người khác vượt ngục thành công sau hành trình hiểm nguy và có cả những người mà số phận buộc phải trải qua những năm tháng dằng dặc trong lao tù hay thậm chí đứng trước họng súng của một đội hành quyết. Tất cả họ tạo nên bức tranh bi tráng về số phận của nhân loại trong một thời kì dài, khi cuộc đối đầu sinh tử giữa hai thế giới Đông - Tây chuyển thành cuộc đối đầu giữa các cơ quan điệp báo sừng sỏ. Cuốn sách này không có tham vọng vẽ lại toàn bộ bức tranh thế giới trong suốt sáu thập kỉ căng thẳng của thế kỉ XX. Cuốn sách chỉ nhằm phác họa lại chân dung của cuộc chiến điệp báo thông qua những con người cụ thể, những sự kiện có thật đã xảy ra trong thời gian đó. Chiến tranh Lạnh chấm dứt cùng với việc phổ biến mạng điện toán toàn cầu Internet đã giúp sức rất nhiều cho tác giả cuốn sách. Vô số hồ sơ, tài liệu mật đã được đăng tải công khai trên các trang mạng, phổ biến rộng rãi qua Internet. Công việc của tác giả chỉ là xâu chuỗi, gắn kết các sự kiện, các hành động của điệp viên trong bối cảnh cụ thể, so sánh, đối chiếu với các nguồn tư liệu tham khảo để hình thành một cuốn sách biên khảo phi hư cấu với nhân vật chính là cuộc chiến điệp báo. Xin mời bạn đọc bước vào thế giới của những bí mật! YÊN BA 1 ĐÁNH CẮP NGUYÊN TỬ “Tôi có những người có thể giải quyết được vấn đề này”. Joseph Stalin - nhà lãnh đạo Xô viết Tân tổng thống Hoa Kỳ, Harry S. Truman, không ưa gì Joseph Stalin. Có quan điểm chống cộng khá rõ ràng, H. Truman luôn nhìn nhà lãnh đạo Xô viết bằng con mắt cảnh giác, cho dù cả Liên Xô và Hoa Kỳ đều đang nằm trong khối Đồng minh chống lại sự bành trướng hung hãn của chủ nghĩa phát xít. Lẽ ra H. Truman chưa có dịp sớm đối mặt với nhà lãnh đạo Liên Xô nếu như không có một sự cố bất ngờ xảy ra đúng vào những ngày cuối cùng của Đệ nhị thế chiến. Ngày 12-4-1945, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt, người đã dẫn dắt nước Mỹ đi qua Đệ nhị thế chiến, qua đời sau một thời gian dài lâm đủ các thứ bệnh. Là phó tổng thống trong liên danh với Tổng thống F. Roosevelt vừa thắng cử mấy tháng trước, H. Truman đương nhiên lên nắm giữ cương vị lãnh đạo tối cao của Hoa Kỳ. Trung tuần tháng 7-1945, một lần nữa, các nhà lãnh đạo Đồng minh lại gặp nhau để bàn cách tái tổ chức lại nước Đức sau chiến tranh cũng như thiết lập một thế giới mới thời hậu chiến. Hơn hai tháng trước đó, phát xít Đức đã kí tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Đồng minh. Cuộc gặp diễn ra từ ngày 16-7 đến 2-8-1945 ở cung điện của Thái tử Đức Wilhelm Hohenzollern tại thành phố nhỏ Potsdam, ngoại ô Berlin. Cuộc gặp này thường được biết đến trong lịch sử dưới tên gọi Hội nghị Potsdam. Tham dự cuộc gặp lần này chỉ còn lại duy nhất một người đã từng có mặt trong những cuộc họp thượng đỉnh tam cường diễn ra trước đó, là lãnh tụ Liên Xô J. Stalin. Tổng thống H. Truman thay thế cho F. Roosevelt đã mất, còn vị thủ tướng Anh khét tiếng thời chiến Winston Churchill đã bị thay thế bởi Thủ tướng Clement Attlee, sau khi Đảng Bảo thủ thua Đảng Lao động trong cuộc bầu cử năm 1945. Vậy là vào cái ngày 24-7-1945 ấy, khi đi vòng quanh chiếc bàn phủ vải màu xanh trong phòng họp ở Potsdam để tới chỗ J. Stalin, Tổng thống H. Truman đã nghĩ rằng đây là cơ hội để ông thể hiện vị thế “thượng phong” trước nhà lãnh đạo Xô viết. Ông mới được thông báo rằng đúng một tuần trước đó, ngày 16-7-1945, Mỹ đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên ở hoang mạc New Mexico. Nhưng ông sẽ không nói với nhà lãnh đạo Xô viết những chi tiết cụ thể về thứ vũ khí ghê gớm mà Hoa Kỳ mới có được này. H. Truman e ngại rằng nếu như biết được sức mạnh khủng khiếp của nó có khả năng nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Thái Bình Dương, có thể nhà lãnh đạo Xô viết sẽ ra lệnh tăng cường các hoạt động chống lại phát xít Nhật Bản và đòi thêm những quyền lợi cho Liên Xô sau cuộc chiến. Ông sẽ chỉ nói những gì cần thiết, để sau này phía Liên Xô không thể kết tội ông là cùng chung chiến hào chống phát xít mà lại che giấu một thông tin có tầm quan trọng đến vậy. Điều đó chẳng khác nào sự bội phản! Thế nên khi tới chỗ J. Stalin, Tổng thống H. Truman chỉ nói một cách vắn tắt: “Chúng tôi đã có một loại vũ khí mới có sức phá hủy ghê gớm”. Nhà lãnh đạo Xô viết tỏ vẻ hoàn toàn lơ đãng khi nghe tổng thống Mỹ thông báo tin đó. J. Stalin đáp: “Tôi rất mừng khi biết vậy và hi vọng chúng ta sẽ sử dụng nó một cách tốt nhất để chống lại Nhật Bản”. Cả Tổng thống Mỹ H. Truman cũng như những người có mặt tại cuộc họp chứng kiến cuộc nói chuyện đều cho rằng J. Stalin đã không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của thông tin mà tổng thống Mỹ vừa truyền đạt. Tất cả đều không biết rằng sau cuộc gặp hôm đó, khi quay trở về chỗ nghỉ, J. Stalin đã kể cho Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov, người cũng tham dự Hội nghị Potsdam, về cuộc nói chuyện với H. Truman. - Họ đang nâng giá đấy. - V. Molotov nói. J. Stalin mỉm cười: - Cứ để cho họ làm thế. Chúng ta cần phải nói với I. Kurchatov đẩy nhanh tốc độ công việc lên thôi. Được trang bị bởi những thông tin mật do các tình báo viên Xô viết gửi về, J. Stalin hoàn toàn nắm chắc tiến trình phát triển bom nguyên tử tối mật của cả Anh và Mỹ, nhưng đã diễn vai ngu ngơ trước mặt Tổng thống Mỹ H. Truman. Mọi sự đã diễn ra từ trước Hội nghị Potsdam rất lâu, ngay trong thời kì đầu của cuộc chiến tranh. +++++ Vào ngày thứ 136 sau khi nổ ra chiến tranh của phát xít Đức chống Liên Xô, Lavrenti Beria, người lãnh đạo Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô NKVD, nhận được một bức điện từ mạng lưới tình báo ở London, trong nhóm điệp viên sau này thường được gọi dưới tên Bộ Ngũ Cambridge, gửi về. Bức điện thông báo rằng các điệp viên Liên Xô đã nắm được nhiều tài liệu tuyệt mật có liên quan đến nghiên cứu của các nhà vật lí hàng đầu của Anh lúc bấy giờ nhằm phát triển loại bom nguyên tử có sức công phá tương đương với hàng nghìn tấn thuốc nổ TNT. Theo bức mật điện thì quả bom này hoạt động dựa trên phản ứng phân hạch nguyên tử uranium 235. Các nhà khoa học Anh lúc đó hết sức vội vã vì lo sợ rằng các nhà bác học Đức sẽ tới đích trước họ. L. Beria chuyển bức mật điện cho lãnh đạo tối cao J. Stalin. Trước đó, ngay từ khi chiến tranh còn chưa nổ ra, Stalin cũng đã đọc một tài liệu nói rằng việc phát minh ra sự phân hạch uranium hứa hẹn tạo ra một loại “siêu bom” có sức công phá khủng khiếp. Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác lúc bấy giờ, J. Stalin không quan tâm sâu hơn đến hậu quả của phát minh này, bởi vì ngay cả từ “phân hạch uranium” thực ra cũng không có ý nghĩa đặc biệt lắm đối với ông, một người làm chính trị ngoại đạo, không biết chi tiết về các nghiên cứu khoa học cơ bản rắc rối. Hai tháng sau đó, cơ quan phản gián mặt trận lại gửi cho L. Beria những tài liệu mật lấy từ một sĩ quan Đức do quân báo Liên Xô thu hồi được ở gần Taganrog. Viên sĩ quan Đức cùng lái xe đã chết. Trên bản tài liệu này có các tính toán số học khó hiểu mà sau khi nghiên cứu kĩ, các chuyên gia toán và vật lí nhận ra rằng đó là những công thức có liên quan đến oxit deuteri và uranium 235. Có lẽ viên sĩ quan Đức đang trên đường đi tìm kiếm những nguồn khai thác uranium. Rõ ràng các nhà bác học Đức đang dốc sức vào nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Cả Tổng cục Tình báo Quân đội Liên Xô GRU lẫn Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô NKVD, tiền thân của KGB, đều nắm được những thông tin sơ bộ cho biết ở nước Đức, kẻ thù chính của Liên Xô khi ấy, các nhà khoa học Đức đã tiến được những bước dài trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Tính tiên tiến của nền khoa học Đức là điều không ai phải nghi ngờ. Các nhà khoa học Đức là những người đầu tiên phát hiện ra năng lượng nguyên tử. Họ có một nguồn tài nguyên uranium nằm ở phía đông nước Đức đủ để thực hiện chương trình phát triển loại bom có sức phá hủy khủng khiếp này. Hơn thế nữa, nước Đức phát xít có khả năng kiểm soát được nhà máy duy nhất chế tạo ra “nước nặng”, còn gọi là deuterium, một nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình tạo ra môi trường để làm xảy ra phản ứng nguyên tử. Nằm tại Na Uy, nhà máy này có khả năng chuyển đổi 100.000 lít nước thường thành 1 lít “nước nặng”. Ngoài những lợi thế đó, nước Đức phát xít còn một ưu thế không thể coi thường: Họ có những nhà bác học hàng đầu thế giới. Bất chấp việc vô số các nhà khoa học kiệt xuất đã lựa chọn rời bỏ nước Đức do chế độ phát xít, một số khác vẫn ở lại. Một trong số đó là Werner Heisenberg. Mới 23 tuổi, W. Heisenberg đã phát hiện ra mô hình chuyển động của nguyên tử xung quanh hạt nhân, là tác giả của Nguyên lí bất định nổi danh mang tên mình đặt cơ sở cho vật lí lượng tử và đoạt giải Nobel về Vật lí năm 1932. “Nước Đức cần tôi”, ông này nói để giải thích cho quyết định ở lại Đức của mình. Cần để làm gì? Dĩ nhiên là cho chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của nước Đức phát xít. Năm 1939, trong bài phát biểu ở Danzig sau khi Đức xâm chiếm Ba Lan, Hitler đã khoe khoang về một loại vũ khí bí mật mà “nhờ nó sẽ không một ai dám tấn công chúng ta”. Một tờ báo ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong bài báo không dẫn nguồn, đã đề cập đến khả năng nước Đức có thể ngay lập tức chế tạo ra một loại “siêu vũ khí” dựa trên “năng lượng nguyên tử”. Không phải tình cờ khi các thông tin liên quan đến nghiên cứu vật lí nguyên tử đột nhiên biến mất trên tất cả các ấn phẩm khoa học được công bố ở Đức. NKVD càng lo lắng hơn khi biết được rằng các nhà khoa học hàng đầu nước Đức đã được tập trung tại một cơ sở nghiên cứu khoa học mang tên Viện Hoàng đế Wilhelm với nỗ lực tối đa tập trung vào phát triển vũ khí nguyên tử. Không nghi ngờ gì là với những bộ óc kiệt xuất như của W. Heisenberg, nước Đức của Hitler hoàn toàn có khả năng là quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu vũ khí nguyên tử. Cuộc tấn công tổng lực của nước Đức Quốc xã nhằm vào Liên bang Xô viết từ tháng 6-1941 đã đặt các cơ quan tình báo của Liên Xô trước nhiệm vụ khẩn cấp phải xác định xem liệu Hitler có thể có được thứ vũ khí đáng sợ đó hay không. Câu trả lời đầu tiên hóa ra lại đến từ nước Anh, với những bức diện mật do Bộ Ngũ Cambridge gửi về từ London. +++++ Sau bức điện mật đầu tiên của Bộ Ngũ Cambridge, một bức điện mật nữa cũng được mạng lưới tình báo ở London gửi về: “Gửi Moscow. Trung tâm. Tối mật. Gửi riêng Alesandrov (mật danh của Pavel Fitin, trưởng Phân ban Tình báo đối ngoại thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô NKVD). Ủy ban Quân sự Anh phụ trách việc sử dụng uranium đã báo cáo lên Bộ Không quân và sau đó, lên Thủ tướng Churchill, rằng quả bom nguyên tử có thể được chế tạo xong trước khi chiến tranh kết thúc nếu như tìm ra được những nguồn tài trợ thích hợp cho dự án này. Bản dự án đã vạch ra một cách chi tiết số lượng người tham gia chế tạo quả bom, những yêu cầu về năng lượng điện và tài chính, kích cỡ quả bom, hiệu suất cũng như số thương vong mà nó có khả năng gây ra. Một nhà máy sản xuất thử uranium 235 đang được xây dựng ở Anh và một nhà máy khác nhằm hoàn thiện toàn bộ sản phẩm đã được xây dựng ở Canada. Do cần những nguồn tài trợ chi phí cho dự án nên Anh đã đề nghị Mỹ cùng hợp tác chế tạo quả bom. Tổng thống Mỹ Roosevelt đã đồng ý sẽ có những sự trao đổi sâu rộng các thông tin khoa học kĩ thuật giữa Anh và Mỹ, đồng thời gợi ý rằng bất kì một nỗ lực nào nhằm thực hiện dự án này đều cần có sự hợp tác và chia sẻ giữa hai bên. Kí tên: Vadim (mật danh của Anatoly Gorsky, Trạm trưởng tình báo Liên Xô ở London trong thời gian 1940 -1943)”. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà các sự kiện đã diễn ra hầu như trong cùng một thời gian, từ những công thức toán học thu được ngoài mặt trận đến bức thư gửi cho J. Stalin và những bức điện mật đánh về từ London. J. Stalin đặc biệt quan tâm đến bức điện mật từ London bởi vì nó chỉ ra rằng các nước đồng minh phương Tây đang tính toán một cách nghiêm túc việc chế tạo ra bom nguyên tử. Sau khi đọc kĩ các tài liệu này, J. Stalin chuyển chúng cho các viện sĩ hàng đầu của Liên Xô lúc bấy giờ là Ioffe, Semionov và Khlepin. Tuy nhiên, J. Stalin đã không gặp các nhà vật lí vào cái hôm hẹn gặp họ và có thể cuộc gặp mặt như vậy sẽ chẳng bao giờ diễn ra nếu như không có một bức điện mật nữa đánh đi từ London và ngay lập tức nó được chuyển tới cho J. Stalin. Bức điện viết: “14-3-1942. Tối mật. Khẩn. Theo những nguồn tin đáng tin cậy, chúng tôi được biết rằng hiện nay, trong điều kiện tuyệt đối bí mật, vũ khí nguyên tử đang được phát triển tại Viện Hoàng đế Wilhelm (Đức). Lãnh đạo nhóm nghiên cứu là các nhà bác học Otto Hahn, Werner Heisenberg. Các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội Đức tuyên bố vũ khí nguyên tử sẽ đảm bảo cho đế chế Đức giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh. Vật liệu mà các nhà bác học Đức đang sử dụng trong nghiên cứu nguyên tử là một chất được gọi là “nước nặng”. Nó được sản xuất tại nhà máy sản xuất hydro ở thành phố Rukan (Na Uy). Hiện nay, người ta đang tiến hành cải tạo để tăng sản lượng “nước nặng” của nhà máy lên 10.000 pound (1 pound bằng 453 g) mỗi năm. Kí tên: Vadim”. Như vậy là cả ở Đức lẫn Anh đều đang có các đề án gấp rút chế tạo vũ khí nguyên tử. Trong khi ở Đức, các nhà khoa học chạy hết tốc lực để đáp ứng nhu cầu chế tạo loại “siêu vũ khí” cho Hitler thì ở Anh, tình báo Liên Xô biết được có một đề án tương tự đang được triển khai mang mật danh Tube Alloys. Do sự thiếu hụt về mặt tài chính đối với một đề án lớn đến như vậy nên Anh buộc phải tìm kiếm sự hợp tác, hỗ trợ từ phía Mỹ và như thế, kéo nước Mỹ vào cuộc chơi tốn kém này. Ở Mỹ, đề án này mang mật danh Manhattan, là một trong những đề án bí mật được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới. +++++ Đầu tháng giêng năm 1939, tức là chín tháng trước khi nổ ra Đệ nhị thế chiến, một bức thư được gửi đi từ thủ đô Paris của nước Pháp cảnh báo các nhà khoa học Xô viết về khả năng các nhà khoa học Đức đã thực hiện được phản ứng phân hạch nguyên tử. Bức thư do nhà vật lí lừng danh người Pháp Frédéric Joliot-Curie gửi cho đồng nghiệp Liên Xô ở Leningrad là viện sĩ Abram Fedorovich Ioffe. Trong bức thư, Joliot-Curie mô tả việc bắn phá uranium bằng các hạt neutron có thể gây ra phản ứng phân hạch nguyên tử và sản sinh ra một lượng năng lượng khổng lồ mà trước đó loài người chưa bao giờ có thể hình dung ra được. Việc sử dụng năng lượng này như thế nào tùy thuộc vào người nắm giữ nó có mục đích ra sao. Cảnh báo của nhà khoa học Pháp đã khiến giới khoa học Xô viết sửng sốt. Có thể ngửi thấy mùi của một loại vũ khí mới có sức phá hủy khủng khiếp lởn vởn trong không khí. Gần như ngay sau đó, giới khoa học Anh đã khẳng định thông tin của Joliot-Curie là xác thực bằng một bài báo trên tạp chí khoa học Nature của Anh. Một cuộc chạy đua gấp gáp nhằm làm chủ nguồn năng lượng khổng lồ này bắt đầu diễn ra ở khắp các trung tâm khoa học lớn trên toàn thế giới. Người Nga đã bắt đầu cuộc đua này từ rất sớm. Năm 1910, Vladimir I. Vernadski, một nhà khoáng vật học người Nga đã nói với Viện Hàn lâm Khoa học Nga rằng chất phóng xạ “sẽ mở ra một nguồn năng lượng nguyên tử lớn gấp hàng triệu lần những nguồn năng lượng mà nhân loại có thể tưởng tượng ra”. Cũng trong năm 1910, một trong những mỏ uranium giàu tiềm năng được phát hiện ở thung lũng Fergana tại Uzbekistan, do Công ty tư nhân Tiuia-Muiun, nghĩa là Cổ Lạc Đà, quản lí cho đến năm 1914. Sau Cách mạng Tháng Mười, Hồng quân tiếp quản những gì còn lại của Công ty, trong đó có một lượng nhỏ chất radium được điều chế từ uranium. Đến năm 1921, nhà hóa học phóng xạ Xô viết Vitali Grigorievich Khlepin đã chiết xuất được chừng vài gram radium dùng cho mục đích y học. Một trong số các nhà khoa học kiệt xuất thời kì đầu dưới chính quyền Xô viết là Abram Ioffe, từng bắt đầu công việc nghiên cứu ở Đức với nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel là Wilhelm Röntgen. Năm 1918, trong cơn hỗn loạn của thời kì sau cách mạng, A. Ioffe thành lập ra Viện Vật lí và Công nghệ tại thành phố Petrograd (năm 1924 được chính quyền Xô viết đổi tên thành Leningrad). Bất chấp hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đói kém và đổ nát tràn lan, thiếu thốn trang thiết bị nghiên cứu, viện này vẫn nhanh chóng trở thành một trung tâm nghiên cứu vật lí quốc gia của nước Nga. Sau khi nắm quyền lãnh đạo, nhà lãnh đạo Xô viết J. Stalin đặt ra yêu cầu nền khoa học của nước Nga phải đuổi kịp và vượt các nước tư bản phát triển trong thời gian ngắn nhất. Năm 1932, ngay sau khi nhà vật lí James Chadwick phát hiện ra hạt neutron, A. Ioffe, với nhãn quan sắc bén của mình, quyết định chuyển hướng nghiên cứu của Viện Vật lí và Công nghệ, tập trung vào vật lí nguyên tử. Ông đến gặp Sergei Ordzhonikidze, khi ấy là Chủ tịch Hội đồng tối cao Kinh tế Nhà nước để đưa ra đề xuất và mười phút sau, ra khỏi phòng làm việc của ông này với tờ lệnh có chữ kí, chuẩn y cấp một khoản tiền lớn để duy trì hoạt động của Viện. Để thực hiện đề án mới, A. Ioffe chọn Igor Vasilievich Kurchatov, một nhà vật lí 29 tuổi, con trai một nhân viên đo đạc và một giáo viên ở vùng Chelyabinsk, làm trợ thủ đắc lực cho mình. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng Igor Kurchatov là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, đầy nhiệt huyết và tự tin trong công việc. Những đồng nghiệp của Igor Kurchatov đặt biệt hiệu cho ông là “Tướng quân”. Tập hợp xung quanh A. Ioffe và I. Kurchatov là những nhà khoa học kiệt xuất như Pyotr Kapitsa, một học trò của nhà khoa học đoạt giải Nobel Ernest Rutherford; nhà vật lí lí thuyết Lev Landau; nhà khoa học trẻ tuổi Yulii Khariton, người có bằng tiến sĩ của Phòng thí nghiệm Cavendish thuộc Đại học Cambridge nước Anh... Nhờ sở hữu tài năng hiếm có, tất cả bọn họ đã sống sót qua thời kì Đại Thanh Trừng sau vụ ám sát nhà lãnh đạo Sergei Kirov vào tháng 12-1934. Chỉ có Lev Landau bị ngồi tù một năm trời vì tội “làm gián điệp của Đức”, nhưng do sự đấu tranh quyết liệt của Pyotr Kapitsa, chính quyền buộc phải thả L. Landau. Cuối năm 1938, hai nhà khoa học Đức là Otto Hahn và Fritz Strassmann đã thực hiện được phản ứng phân hạch nguyên tử trong phòng thí nghiệm, mở ra khả năng sử dụng nguồn năng lượng khổng lồ của nó như một thứ vũ khí hủy diệt khủng khiếp. Đó chính là điều mà nhà khoa học Pháp Joliot-Curie đã cảnh báo trong bức thư gửi các đồng nghiệp người Nga vào đầu năm 1939. Sau khi nhận được bức thư, Igor Kurchatov ngay lập tức tổ chức một phân ban trong Viện Vật lí và Công nghệ để nghiên cứu về vấn đề sử dụng năng lượng nguyên tử làm vũ khí. Cũng như khắp nơi trên thế giới, các nhà khoa học Nga đã vấp phải những thách đố nan giải về mặt khoa học. Về lí thuyết, việc phân hạch nguyên tử trong phòng thí nghiệm có thể đem ra ứng dụng ở thực tiễn. Tuy nhiên, việc thực hiện nó ở quy mô lớn, có kiểm soát rồi tích hợp vào trong một loại vũ khí để ném xuống mục tiêu lại là chuyện hoàn toàn khác hẳn. Rồi chiến tranh nổ ra. +++++ Trong số những người làm việc dưới quyền của Igor Kurchatov tại Viện Vật lí và Công nghệ thời kì trước chiến tranh có một nhà khoa học trẻ tuổi là Georgi Flerov, người có những nghiên cứu rất ấn tượng trong lĩnh vực phân hạch nguyên tử. Khi chiến tranh vừa nổ ra, G. Flerov được điều động vào quân đội, làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học của Binh chủng Không quân Liên Xô. Đến tháng 12-1941, G. Flerov đã trình bày về vấn đề uranium tại một cuộc hội thảo khoa học tổ chức ở Viện Hàn lâm Khoa học, khi ấy đã sơ tán về Kazan. Tại hội thảo này, lần đầu tiên, G. Flerov đề cập tới khả năng sử dụng phản ứng dây chuyền neutron để tạo ra một quả bom nguyên tử. Theo ước tính của G. Flerov, chỉ cần khoảng 2,5kg uranium tinh khiết là đủ để tạo ra một quả bom có đương lượng nổ tương đương với 100.000 tấn thuốc nổ TNT. I. Kurchatov không có mặt tại cuộc hội thảo này nhưng ông biết về đề xuất của nhà khoa học trẻ từng làm việc dưới quyền mình. Tuy nhiên, có vẻ như điều kiện chiến tranh ác liệt cùng với những thiếu thốn căn bản của nền khoa học Liên Xô lúc bấy giờ đã không cho phép nghĩ đến khả năng biến ý tưởng của G. Flerov thành hiện thực. Trong khi ấy, G. Flerov, chỉ đang là một trung úy làm việc trong Binh chủng Không quân tại một phi đoàn ở vùng Voronezh, cách xa Moscow 500 cây số về phía nam, vẫn không từ bỏ ý định của mình. Trường Đại học Tổng hợp Voronezh khi ấy tiếp tục sơ tán xa hơn nữa về phía đông, để lại thư viện trong thành phố. G. Flerov vào thư viện, tìm đọc tất cả tạp chí khoa học nước ngoài có liên quan đến những nghiên cứu về vật lí hạt nhân. G. Flerov phát hiện ra rằng toàn bộ các thông tin nghiên cứu về lĩnh vực vật lí nguyên tử đều đã biến mất khỏi các tạp chí khoa học, không còn một chút dấu vết gì. Tất cả các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ cũng ngừng công bố các kết quả nghiên cứu của họ. G. Flerov ngay lập tức hiểu ra rằng những thông tin đó đã được xếp vào diện tối mật. G. Flerov dự đoán, điều đó cũng có nghĩa là ở Mỹ, người ta đang nghiên cứu để chế tạo ra một quả bom nguyên tử. Tháng 4-1942, G. Flerov viết một bức thư gửi trực tiếp cho J. Stalin, trong đó cảnh báo rằng nước Nga sẽ phạm phải sai lầm lớn nếu để cho tệ quan liêu hoành hành mà không gấp rút tiến hành các hoạt động nghiên cứu nhằm chế tạo bom nguyên tử. G. Flerov đề nghị tổ chức một cuộc . họp, với sự chứng kiến của J. Stalin và các nhà khoa học vật lí hàng đầu của đất nước khi ấy, gồm Ioffe, V. Khlepin, Kapitsa, Leipunski, Landau, Kurchatov, Khariton, Zeldovich... để có thể trình bày ý tưởng của mình. Nhận được bức thư, J. Stalin đã triệu tập một cuộc họp với sự có mặt của các viện sĩ Ioffe, Kapitsa, Khlepin và Vernadski, chỉ trích họ thậm tệ. Theo ý J. Stalin, đến ngay một nhà khoa học trẻ như G. Flerov còn nhận thức rõ những hiểm họa đối với đất nước do sự chậm trễ trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử, vậy mà các nhà khoa học hàng đầu đất nước lại tỏ ra dửng dưng trước hiểm họa đó. J. Stalin hỏi thẳng các viện sĩ về tính xác thực của những thông tin có được về khả năng chế tạo bom nguyên tử. Tất cả những người có mặt đều khẳng định tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, có quá nhiều khó khăn đang chờ đón ở phía trước. Viện sĩ Ioffe là người lên tiếng đầu tiên: - Ngoài những khó khăn phức tạp về mặt khoa học, chúng ta sẽ phải đương đầu với những vấn đề nan giải khác nữa. Một mặt chúng ta biết là hiện đã có quyết định chế tạo bom nguyên tử ở Đức cũng như ở các nước phương Tây. Nhưng đó cũng là điều duy nhất mà chúng ta nắm được hiện nay. Mặt khác, nước Anh đã tập trung được hầu hết các nhà bác học siêu hạng trên thế giới, những chuyên gia vật lí giàu kinh nghiệm như Niels Bohr, Silak, Kirkrov, Fuchs, Kinderman. Chúng ta có rất ít những chuyên gia ở trình độ như vậy và hầu hết nếu không ở ngoài mặt trận thì cũng đang phục vụ trong các công trình phòng thủ. Nước Anh có những trung tâm nghiên cứu khá lớn ở Oxford, Birmingham, Cambridge, Liverpool. Các trung tâm nghiên cứu của chúng ta không có được quy mô lớn như vậy. Hơn nữa, phần lớn đã bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và hiện đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ. Khi bước vào nghiên cứu trong lĩnh vực nguyên tử, các nhà bác học Anh được sự hỗ trợ bởi các cơ sở công nghiệp hùng mạnh, còn chúng ta thì hầu như không có gì, lại phân tán hoặc bị phá hủy do chiến tranh. Các trang thiết bị của chúng ta hiện đang phân tán ở các bộ khác nhau và trên thực tế, hầu như không có ai quản lí chúng. Một trong những khó khăn lớn là kinh phí. Theo ước tính của những người có mặt, cần phải tiêu tốn hàng chục triệu rúp, thậm chí tới hàng trăm triệu rúp cho một đề án như vậy mà vẫn không chắc là có đạt được thành công hay không. Tuy nhiên, nếu không chấp nhận rủi ro như vậy thì có thể một ngày nào đó, Liên bang Xô viết sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn nhiều: Kẻ thù có được loại vũ khí ghê gớm đó trong tay, còn Liên Xô thì không. - Tôi biết rằng để thực hiện đề án chế tạo loại “siêu bom” này cần phải có một nguồn nhân lực, vật liệu và tài chính khổng lồ, nhưng chúng ta sẽ tìm cách huy động được, bất chấp những khó khăn của chiến tranh. - J. Stalin nói. - vấn đề đầu tiên hiện nay là phải phát triển những cơ sở đáp ứng được đòi hỏi của việc chế tạo bom nguyên tử, đồng thời phải tìm ra con đường ngắn nhất và rẻ nhất để chế tạo ra nó. Một trong số các nhà bác học có mặt tại đó rụt rè nói rằng để thực hiện thành công đề án này cần thời gian từ 10 đến 15 năm. J. Stalin rõ ràng không muốn chờ đợi trong một thời gian dài đến như vậy. Phương thức hiệu quả nhất để rút ngắn thời gian chế tạo một quả bom như vậy là phải thông qua kênh tình báo. Nhà lãnh đạo Xô viết nói: - Tôi nghĩ rằng chúng tôi có người có thể giúp các đồng chí ở một số lĩnh vực. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ cung cấp cho các đồng chí những thông tin cần thiết để rút ngắn thời gian nghiên cứu. Trong giai đoạn đầu chế tạo quả bom, đề nghị các đồng chí cứ nói với đồng chí Beria loại thông tin nào có thể giúp ích cho các đồng chí. Tôi muốn các đồng chí ghi yêu cầu về những thông tin cần thiết mà các đồng chí muốn nhận được từ nước ngoài. - Tất cả các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nguyên tử cần phải được sắp xếp lại một cách chặt chẽ. Cần phải dừng mọi công bố có liên quan đến lĩnh vực này, - một trong số các nhà khoa học nói. - Các đồng chí không phải lo lắng đến điều đó. - J. Stalin nói và đưa mắt về phía L. Beria. - Đồng chí Lavrenti Pavlovic sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ việc thực hiện đề án này. Chúng tôi sẽ gửi tất cả những tin tức tình báo mà chúng tôi nhận được thẳng tới chỗ đồng chí I. Kurchatov. Khi rời khỏi phòng làm việc của J. Stalin, các nhà khoa học đều biết rõ rằng chỉ có một cách là thực hiện thành công càng sớm càng tốt đề án. Không có sự lựa chọn nào khác. +++++ Trong những ngày sau đó, J. Stalin đã tiếp Pavel Fitin, trưởng Phân ban Tình báo đối ngoại của NKVD và Vasili Zarubin, người sắp được cử sang hoạt động tại Mỹ. J. Stalin đã giao cho họ những nhiệm vụ sau: - Theo dõi chặt chẽ xem liệu Mỹ và Anh có tiến hành đàm phán riêng rẽ với Hitler để quay sang chống Liên Xô hay không. - Tìm kiếm thông tin mà Mỹ hiện đang nắm được về những kế hoạch của Hitler chống lại Liên Xô. - Xác định những kế hoạch và hành động của Mỹ và Anh trong cuộc chiến tranh, nếu có thể thì phải cố nắm bằng được thời điểm hai nước này mở mặt trận thứ hai chống nước Đức phát xít. - Thu thập mọi thông tin có liên quan đến những chương trình phát triển các loại vũ khí bí mật gần nhất đang được tiến hành ở Mỹ, đặc biệt là việc chế tạo bom nguyên tử. Để nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của công tác đặc biệt liên quan đến vận mệnh của nhà nước Xô viết sau chiến tranh, J. Stalin ra lệnh đặt tên cho hoạt động đánh cắp bí mật vũ khí nguyên tử của Mỹ và phương Tây là Nhiệm Vụ Số Một! Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, J. Stalin muốn các thông tin thuthập được trong Nhiệm Vụ Số Một phải được chuyển tới trực tiếp cho cá nhân mình, càng nhiều càng tốt, nhanh hơn, chính xác hơn. Hơn một tháng sau cuộc gặp này, ngày 14-6-1942, một bức điện mật số hiệu 834/23 được đánh đi qua làn sóng vô tuyến điện cho các cụm tình báo Xô viết ở New York, Berlin và London. Bức điện viết: “Tối mật. Được biết, Nhà Trắng đã quyết định dành một ngân khoản rất lớn cho đề án tuyệt mật chế tạo bom nguyên tử. Những công việc tương tự cũng đang được tiến hành ở Anh và Đức. Vì những lí do nêu trên, trong điều kiện cho phép, đề nghị hãy thu thập các tin tức theo những nội dung sau: - Những phương hướng về lí thuyết và thực tiễn của đề án chế tạo bom nguyên tử, về thiết kế của bom, các thành phần nhiên liệu và cơ chế gây nổ. - Những phương pháp làm phân hạch uranium, phương pháp nào có triển vọng hơn cả. - Những phần tử chuyển uranium, vật lí neutron và vật lí hạt nhân. - Những thay đổi có thể có trong chính sách của Mỹ, Anh, Pháp có liên quan đến việc chế tạo bom nguyên tử. - Bộ phận nào trong chính phủ chịu trách nhiệm phối hợp các hoạt động nhằm chế tạo bom nguyên tử, chúng được tiến hành ở đâu, dưới sự lãnh đạo của ai. Kí tên: Alesandrov (tức Fitin)”. Cụm tình báo Xô viết ở New York đã có điện trả lời bức điện mật này: “Gửi Moscow. Trung tâm. Cá nhân tới đồng chí Alesandrov. Trả lời điện mật số 834/23 ngày 14-6-1942. Tối mật. Thái độ của chính phủ và các nhà khoa học Mỹ đã thay đổi sau khi Nhật Bản tiến công Trân Châu cảng. Trước khi Nhật Bản lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến tranh, chính phủ Mỹ cũng như giới chính trị bảo thủ ở Lầu Năm Góc xem nhẹ hoặc không quan tâm đến tiềm năng của sự phân hạch uranium. Một trong những lí do chính của thái độ này là do phần lớn các nhà khoa học hiện đang làm việc ở Mỹ đều mới từ châu Âu di cư đến và chỉ bắt đầu hòa hợp vào đời sống xã hội Mỹ. Do Mỹ tham gia vào chiến tranh đã buộc chính phủ Mỹ và Lầu Năm Góc đặt ra vấn đề sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích quân sự; tất cả các phòng thí nghiệm nghiên cứu sự phân hạch uranium ở New York, Berkeley, Princeton và Chicago đã được huy động hợp tác thực hiện một đề án chung có tên là Manhattan. Chính phủ Mỹ đã trao cho quân đội chịu trách nhiệm thực hiện mọi chi tiết có liên quan đến đề án này. Người được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy việc thực hiện đề án là tướng Leslie Groves. Theo những nguồn tin chưa được khẳng định, nhà bác học Robert Oppenheimer được cử đứng đầu phòng thí nghiệm lớn nhất nước Mỹ nhằm mục tiêu chế tạo bom nguyên tử. Vị trí của nhà máy chế tạo bom nguyên tử đã được xác định. Robert Oppenheimer đã đề nghị với tướng L. Groves chọn địa điểm xây dựng nhà máy ở cao nguyên Los Alamos, bang New Mexico. Đó là một vùng hoang mạc cách xa bờ biển Đại Tây Dương nên các tàu ngầm của quân Đức khó có khả năng với tới được cũng như cách xa các trung tâm dân cư lớn nhằm tránh tai nạn có thể xảy ra trong quá trình tiến hành thí nghiệm. Đề nghị của Oppenheimer đã được chấp nhận và từ đó, phòng thí nghiệm được gọi là Los Alamos. Các nhà bác học, kĩ sư và kĩ thuật viên được bố trí ở trong dãy nhà tạm thời gần phòng thí nghiệm. Một số khác được xe buýt hằng ngày chở tới từ thành phố cổ Santa Fe ở gần đó. Những người từ ngoài muốn tới khu vực hạn chế phải được phép trực tiếp của William Donovan, Cục trưởng Cục Phục vụ chiến lược OSS (cơ quan đảm nhiệm chức năng tình báo, tiền thân của CIA). Tất cả những người trong khu vực nhà máy Los Alamos, gồm những người trực tiếp tham gia vào đề án cũng như gia đình họ, chỉ được phép ra ngoài mỗi tháng một lần, vào ngày chủ nhật cuối tháng. Thực tế, tất cả các công nhân làm việc tại phòng thí nghiệm Los Alamos hầu như bị cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. Tất cả thư từ gửi đến và gửi đi đều bị kiểm duyệt. Nghiêm cấm việc viết thư ra bên ngoài Los Alamos. Mọi người ở trong khu vực nhà máy bắt buộc phải báo cáo với các nhân viên quân sự có trách nhiệm cũng như với các sĩ quan an ninh về mọi người quen mới của họ và tất cả các mối tiếp xúc trong thời gian ra ngoài nhà máy. Họ cũng phải báo cáo về những ai nói chuyện với người khác liên quan đến các bí mật nằm ngoài phạm vi công việc, những người tỏ ý quan tâm đặc biệt đến đề án. Mỗi bộ phận trong nhà máy hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Tại tất cả các bộ phận đều có người của Cục Điều tra Liên bang FBI gài vào. Những người bị nghi ngờ về mặt chính trị đều chịu sự kiểm soát gắt gao. Họ không được phép rời khỏi nơi làm việc sau 10 giờ tối, không được đi mua hàng hoặc gọi điện thoại cho bạn bè nếu như không có sự cho phép của các sĩ quan an ninh. Tất cả các đường dây điện thoại đều bị đặt máy ghi âm. Các đặc vụ FBI cũng theo dõi chặt chẽ những nhà bác học không phải người Mỹ chính gốc, những người mà theo FBI, có thể bị các điệp viên Liên Xô hoặc một nước nào khác mua chuộc để cung cấp các thông tin tối mật liên quan đến đề án. Mặc dù có những biện pháp an ninh nghiêm ngặt như vậy, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng một nguồn cung cấp tin đáng tin cậy ở Los Alamos. Kí tên: Maxim (tức Vasili Zarubin, Cụm trưởng Cụm tình báo Xô viết tại New York)”. Có thể thấy là các cơ quan phản gián cũng như an ninh Mỹ đã dựng lên một bức tường vô cùng cẩn mật nhằm bảo vệ một trong những bí mật sống còn của nước Mỹ. Trong khi đó, các điệp viên Xô viết tìm mọi cách để xuyên qua bức tường này, xâm nhập vào trung tâm đầu não cất giữ bí mật nguyên tử Mỹ. Với những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt của giới chức an ninh mật vụ Mỹ dựng lên quanh đề án Manhattan, các điệp viên Xô viết chấp nhận đưa mình vào giữa những hàm răng sắc nhọn của con sư tử để đánh cắp bí mật nguyên tử, phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Liên Xô. +++++ Khi J. Stalin đã quyết định rằng nước Nga Xô viết cũng phải có chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của mình, vấn đề tiếp theo là phải bổ nhiệm người đứng đầu chương trình này. J. Stalin tham khảo ý kiến L. Beria, cánh tay phải của mình, người lãnh đạo tổ chức điệp báo khét tiếng NKVD kể từ năm 1938. L. Beria đề xuất người đó là nhà bác học kì cựu Ioffe hoặc Kapitsa, nhưng J. Stalin không đồng ý. J. Stalin lập luận rằng hai nhà bác học đó quá nổi tiếng; nếu họ được bổ nhiệm làm người đứng đầu chương trình vũ khí nguyên tử của phía Xô viết, có nghĩa là phải rút vào hoạt động trong vòng bí mật thì việc họ bỗng dưng biến mất sẽ bị các cơ quan điệp báo nước ngoài phát hiện ra ngay. Theo ý của J. Stalin thì người đứng đầu chương trình vũ khí nguyên tử Xô viết phải là một nhà khoa học tài giỏi nhưng lại không quá nổi danh khiến dư luận chú ý. Người này cũng phải còn trẻ để theo đuổi chương trình trong một thời gian dài bởi không ai biết chắc là một đề án phức tạp như thế có thể sẽ diễn ra trong bao lâu. Viện sĩ Ioffe được tham khảo ý kiến. Ông cho rằng mình đã 63 tuổi, quá già để theo đuổi một chương trình như vậy. Ioffe đề xuất hai ứng cử viên là hai nhà khoa học tài năng, Abram Alikhanov, 39 tuổi, và Igor Kurchatov, 40 tuổi. Trong hai ứng cử viên này, A. Alikhanov cũng khá nổi tiếng vì là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Xô viết và từng đoạt giải thưởng Stalin; I. Kurchatov ít nổi danh hơn, lại là người trong một thời gian dài đã làm việc ở lĩnh vực uranium và phân hạch nguyên tử. Khoảng tháng 9-1942, Igor Kurchatov, khi ấy đang ở nơi sơ tán tại Kazan, được gọi về Moscow để phỏng vấn về khả năng tham gia chương trình nghiên cứu vũ khí nguyên tử. Ngày 11-2-1943, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước chính thức bổ nhiệm I. Kurchatov làm người đứng đầu chương trình phát triển vũ khí nguyên tử Xô viết. Gặp nhau trong một căn phòng của khách sạn Moscow trên đại lộ mang tên Marx cách không xa điện Kremlin, I. Kurchatov tập hợp xung quanh mình những trợ thủ tài năng của nền khoa học Xô viết như các nhà vật lí lí thuyết Georgi Flerov, Yulii Khariton, Yakov Zel'dovich, các chuyên gia thực hành như Isaak Konstantinovich Kikoin, Abram Alikhanov. Họ là những thành viên chủ chốt trong chương trình phát triển vũ khí nguyên tử Xô viết. Cũng trong thời kì đầu năm 1943 ấy, I. Kurchatov cùng các đồng sự quyết định thành lập Phòng thí nghiệm số 2 dưới sự lãnh đạo của I. Kurchatov, bước đầu có kế hoạch xây dựng lò phản ứng nguyên tử và tiến tới chế tạo bom nguyên tử. Khi ấy, các nhà khoa học Xô viết còn hiểu biết rất hạn chế về chu trình chế tạo một quả bom như vậy. Cần phải tìm con đường ngắn nhất, nhanh nhất và rẻ nhất để có thể tiếp cận được với những thông tin mới nhất về chế tạo vũ khí nguyên tử ở nước ngoài. Đó là thông qua các hoạt động điệp báo. Bộ trưởng Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô NKVD Lavrenti Pavlovich Beria ra quyết định thành lập một tiểu ban đặc biệt nhằm thu thập những tin tức tình báo về khoa học - công nghệ quân sự. Điệp viên Leonid Kvasnicov được bổ nhiệm làm trưởng tiểu ban này. Dưới sự chỉ đạo của L. Beria, một căn phòng nhỏ ở Kremlin được dành riêng để L. Beria gặp và trao đổi với I. Kurchatov về những tin tức cần nhận được từ nước ngoài thông qua các kênh tình báo. Chiến dịch thu thập tin tức tình báo về vũ khí nguyên tử được Trung tâm tình báo Liên Xô đặt mật danh là Candy, có nghĩa là Kẹo. Trong một số tài liệu mật, chiến dịch này mang mật danh khác là Enormous - Khổng Lồ. Tham gia chiến dịch Candy (Enormous) là những điệp viên thượng thặng của tình báo Xô viết. Gregory Kheifetz là điệp viên NKVD tại địa bàn San Francisco. Từng là sinh viên tại Học viện Công nghệ Massachusetts từ năm 1939, G. Kheifetz có một vốn kiến thức vững chắc về vật lí nguyên tử. Nhiệm vụ chính của điệp viên này là thận trọng bắt mối, duy trì tiếp xúc với những người trong cộng đồng khoa học Mỹ có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản. Những mối quan hệ này cho phép G. Kheifetz có thể xâm nhập vào phòng thí nghiệm phóng xạ tại Berkeley, trung tâm nghiên cứu về năng lượng nguyên tử của Mỹ và tuyển mộ những nguồn tin có liên quan trực tiếp đến đề án nguyên tử Manhattan. Dựa trên ba nguồn tin tại phòng thí nghiệm này, đến cuối năm 1941, G. Kheifetz đã có thể thông báo cho Trung tâm ở Moscow về quy mô của đề án sản xuất bom nguyên tử do người Mỹ thực hiện và các nguồn tin đảm bảo sẽ cung cấp những thông tin xác thực, đáng tin cậy về đề án. Vợ chồng điệp viên Vasili và Elizabeth Zarubin là những người đóng vai trò cực kì quan trọng trong chiến dịch Candy (Enormous). Vasili Zazubin, mật danh Maxim, là điệp viên phụ trách địa bàn New York dưới vỏ bọc ngoại giao, chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ chiến dịch Candy (Enormous) tại Mỹ. Vợ của Vasili, Elizabeth Zarubin, là một điệp viên kiệt xuất. Người phụ nữ biết tới năm ngoại ngữ này là một trong những điệp viên gây ảnh hưởng có hiệu quả nhất ở Mỹ trong thời kì chiến tranh. Bằng các mối quan hệ của mình trong số những người Mỹ có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản, Elizabeth Zarubin đã thành công trong việc tuyên truyền ý tưởng mấu chốt rằng Liên Xô, một đồng minh chủ chốt của nước Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, xứng đáng được chia sẻ bí mật của vũ khí nguyên tử. Chính Elizabeth Zarubin là người trực tiếp điều khiển nhà khoa học Arthur Fielding, mật danh Perseus và Klaus Fuchs, nhà khoa học Đức mang mật danh Rest sau đổi thành Charles, hai điệp viên quan trọng bậc nhất trong chiến dịch Candy (Enormous). Gaik Ovakimian, mật danh Genady, Cụm trưởng Cụm tình báo Xô viết tại New York. Cuối năm 1941, ông bị chính quyền Mỹ trục xuất. Sau khi về nước, ông giữ chức Phó Phòng Ngoại quốc trong Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô NKVD. Nhiệm vụ chính của Gaik Ovakimian ở Mỹ là thu thập các bí mật khoa học công nghệ, nhưng ông cũng là một nhà tuyển mộ điệp viên bẩm sinh. Trong số những điệp viên mà Gaik Ovakimian tuyển mộ được có vợ chồng nhà khoa học Julius và Ethel Rosenberg. Em trai của Ethel, David Greenglass, là nhân viên kĩ thuật cấp thấp làm việc tại Los Alamos, nhưng lại ở một vị trí tối quan trọng là thiết kế tạo khuôn cho quả bom nguyên tử! Anatoly Yatskov, bí danh Yakovlev, mang mật danh Aleksei, hoặc John, cũng là một điệp viên thượng thặng hoạt động ở địa bàn New York, vốn là một kĩ sư, A. Yatskov được NKVD tuyển mộ từ năm 1939, được giao nhiệm vụ kế nhiệm Leonid Kvasnikov chuyên thu thập tin tức khoa học công nghệ ở Mỹ (năm 1943, Leonid Kvasnicov được gửi sang New York để lãnh đạo cụm tình báo Xô viết thu thập những thông tin liên quan đến công nghệ và khoa học kĩ thuật). A. Yatskov cũng tuyển mộ được nhiều đầu mối trong số những người Mỹ có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là có cả một vài người làm việc cho các cơ quan chính phủ Mỹ. Thông qua các đầu mối này, A. Yatskov có được những thông tin về lượng uranium mà các cơ sở hạt nhân của Mỹ sản xuất ra và qua đó, giúp ước lượng được số lượng bom nguyên tử mà Mỹ có thể chế tạo. Nếu như những điệp viên đó đều có nguồn gốc từ Liên Xô thì đặc biệt, trong mạng lưới điệp viên Xô viết tham gia vào điệp vụ khám phá bí mật bom nguyên tử của Mỹ còn có cặp vợ chồng Morris, mật danh Luis, và Leontine Cohen, mật danh Leslie, những người Mỹ chính gốc. +++++ Morris, sinh năm 1910, người Mỹ, độc thân, công nhân, đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ, tự nguyện tham gia hoạt động tình báo cho Liên Xô năm 1938. Trích một đoạn trong tiểu sử của Luis: “Cha mẹ tôi là những người di cư từ nước Nga. Mẹ tôi là người ở Vimo, còn cha tôi là người ở Tarasi, gần Kiev. Chúng tôi sống ở Marlen, khu đông New York. Những người Nga di cư thường tụ tập ở nhà tôi để nghe những đĩa hát mà họ đã mang theo từ Nga, hát những bài dân ca hoặc khiêu vũ. Tôi nhớ tất cả những câu chuyện họ kể về nước Nga bí ẩn. Mỗi lần họ nhắc tới nước Nga lại làm cho tôi càng bị cuốn hút về mảnh đất quê hương. Trong khi các nước phương Tây đang sa lầy vào cuộc suy thoái 1929-1933 thì Liên Xô, với sức vươn dậy nhanh chóng qua các kế hoạch 5 năm, không có người thất nghiệp, công bằng xã hội... đã có sức hấp dẫn tôi một cách mạnh mẽ. Năm 1933, tôi tham gia Đoàn Thanh niên cộng sản ở trường Đại học tổng hợp Illinois nhưng sau đó bị trục xuất ra khỏi trường này vì tội rải truyền đơn. Tôi trở về New York và gia nhập Đảng Cộng sản Mỹ. Năm 1936, bọn phát xít hoành hành ở Tây Ban Nha, thế giới phân chia thành hai lực lượng. Một bên là các lực lượng hòa bình tiến bộ và dân chủ, còn bên kia là các lực lượng phản động, áp bức và tàn bạo. Tất cả mọi người đều phải lựa chọn chỗ đứng của mình. Tôi đã đứng về phía nước Cộng hòa Tây Ban Nha và không chần chừ gia nhập lữ đoàn tình nguyện quốc tế mang tên Abraham Lincoln”. Năm 1938, chàng thanh niên Mỹ Morris Cohen, khi đó dưới cái tên Altman, bị thương ở cả hai chân trong một trận đánh và được chuyển tới một bệnh viện ở Barcelona. Tháng 4-1938, trong thời gian điều trị tại bệnh viện, Altman được mời tới một biệt thự có tường cao bao quanh ở ngay gần đó. Biệt thự này trước đấy là của một quý tộc ở Madrid nhưng lúc đó là trường đào tạo tình báo của quân đội nước Cộng hòa Tây Ban Nha, mang mật danh Công trường xây dựng. Tại đó, Altman đã gặp một người cao dong dỏng, tóc vàng, mặc bộ quân phục màu xanh oliu. Đó chính là một cán bộ tình báo Liên Xô có tên là Brown, Hiệu trưởng của trường tình báo này. Bằng một thứ tiếng Anh hoàn hảo, người cán bộ tình báo Liên Xô đã giới thiệu với Altman về trường đào tạo, đồng thời đề nghị Altman gia nhập trường tình báo. Altman nhận lời và được đào tạo thành một nhân viên điện đài. Trung tâm huấn luyện nằm trên một ngọn đồi ngay sát chân núi Pyrenees. Trước khi ra trường, người cán bộ tình báo Liên Xô đã trò chuyện rất lâu với Altman về phương hướng cũng như môi trường hoạt động của Altman trong tương lai. Tháng 2-1939, sau khi tốt nghiệp trường tình báo Barcelona, chàng thanh niên 29 tuổi người Mỹ Altman quay về Mỹ và bắt đầu làm việc trong lưới tình báo Xô viết. “Gửi Moscow. Trung tâm. Riêng gửi đồng chí Alexandrov. Tối mật. Đã bắt liên lạc được với Altman. Từ nay, tên của anh ấy là Luis. Twain (Twain là mật danh của điệp viên Liên Xô Semyon M. Semyonov, người sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts đã làm việc một thời gian dài ở New York, sau đó chuyển về Paris) sẽ làm việc cùng với Luis. Nhiệm vụ của Luis là tuyển mộ một nhóm điệp viên có khả năng thu thập tin tức về quân Đức. Kí tên: Genady (Genady là Gaik Ovakimian)”. Một thời gian sau, một bức điện khác được gửi tới địa chỉ của Phó Ban Dân ủy Bộ Nội vụ: “Gửi Moscow. Trung tâm. Gửi riêng đồng chí Abakumov. Đặc biệt quan trọng. Đang nghiên cứu những biện pháp chuyển Morton đến một trong những trung tâm công nghiệp ở bang Maryland, nơi bắt đầu sản xuất những vũ khí mới của quân đội Mỹ. Ngoài ra, Luis đã tuyển mộ được một điệp viên quý giá là Rei. Anh ta đã cung cấp những tin tức cực kì quan trọng về hệ thống radar và phương tiện dò tìm sử dụng trong quân đội (liên lạc viên sẽ mang về cho đồng chí những bản vẽ và số liệu tính toán). Kí tên: Genady”. Morris Cohen làm quen với Leontine Petka năm 1937 tại một cuộc mít tinh ủng hộ nước Cộng hòa Tây Ban Nha. Petka muốn đăng kí tham gia Lữ đoàn tình nguyện quốc tế Abraham Lincoln, nhưng người lãnh đạo chi nhánh Đảng Cộng sản Mỹ tại New York đã thuyết phục được cô ở lại để làm việc tại New York. Hồi ức của Luis: “Ngay sau cuộc mít tinh ở Quảng trường Madison, chúng tôi cùng vào một quán ăn. Trong bộ quần áo màu xanh da trời và chiếc mũ nhỏ màu trắng, trông Lena (tên gọi thân mật Leontine) giống như vừa bước ra từ một bức tranh. Điểm yếu duy nhất của cô là quá tốt - giống như một cô vợ chưa cưới mà nhiều người hằng mơ ước. Cô có thể chinh phục được mọi người bằng vẻ kiều diễm và tốt bụng. Tuy bản tính tôi vốn rụt rè, không quyết đoán nhưng lập tức tôi đã quyết định: Cô gái này chính là người yêu của tôi. Sau đó, tôi cũng chỉ nhận được một cú điện thoại của cô. Rồi tôi đi Tây Ban Nha. Chúng tôi đã không gặp nhau trong hai năm”. Chuyện kể của Leontine: “Tôi cho rằng sự kiên nhẫn, biết chờ đợi là những đức tính quan trọng trong cuộc sống. Morris là một người như vậy. Tính bình tĩnh của anh làm cho tôi phải ghen tị. Trong những lúc thần kinh căng thẳng (vì chúng tôi cũng là những người bình thường), anh ấy biết giấu đi những cảm xúc của mình. Kiên nhẫn, đó là bí mật những thành công của anh ấy. Khi lần đầu chúng tôi gặp nhau, Morris đã quay đi - có thể vì bối rối mà cũng có thể vì không để ý đến tôi - tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi đã quen với những ánh mắt ngưỡng mộ của cánh đàn ông khi gặp tôi. Điều đó làm tôi tức giận. Tuy nhiên, Morris cũng làm tôi phải chú ý: Anh có khuôn mặt dễ coi, mũi cao, mắt nâu và rất hiền. Sau khi từ Tây Ban Nha trở về, anh vẫn không thay đổi: Đứng đắn, tế nhị, lịch sự. Tôi nhận thấy anh rất thận trọng trong lời nói và hành động. Một lần, tôi bảo anh: “Morris, tôi nghĩ rằng nên sống đúng như bản thân mình, điềm tĩnh nhưng đừng thái quá. Những người quá kín đáo, ít giao thiệp và thận trọng thường gây nên sự chú ý. Đặc biệt là những người hay đi khỏi New York trong một thời gian dài”. Sau đó, tôi bắt đầu đoán ra là Morris đang làm một công việc bí mật nào đó. Ngày 22-6-1941, chúng tôi tổ chức đám cưới. Đó cũng là ngày phát xít Đức tiến công Liên Xô. Chồng tôi trở nên buồn bã, có những lần vài ba ngày anh chẳng nói một câu. Một lần, anh ấy về nhà với một bó hồng nhung và đặt nó lên bàn ở ngoài hành lang. Tôi cảm thấy anh ấy có điều gì muốn nói với tôi nhưng không thể thốt được nên lời”. Hồi ức của Morris: “Vâng. Khi đó tôi đã băn khoăn rất lâu trước quyết định có nên tuyển dụng Lena vào hoạt động cùng với tôi hay không. Tôi hiểu rằng chơi trò ú tim là không thể được, rằng trước sau cô ấy cũng đoán biết ra hết. Hơn nữa, Moscow cũng đã thông qua quyết định cho phép tôi và Lena có thể cùng nhau hoạt động. Không có gì tốt hơn là vợ chồng tin cậy nhau trong công việc. Tôi đã do dự rất lâu. Khi tôi quyết định kể cho Lena biết về bí mật của mình, cô ấy đã kết tội tôi phản bội nước Mỹ. Lại phải giải thích rằng nếu như tôi phản bội nước Mỹ, phản bội Đảng Cộng sản, lương tâm, lí tưởng của mình vì tiền, thì đó là một chuyện. Còn nếu như tôi đấu tranh, bảo vệ cho lẽ phải thì đó hoàn toàn không phải là phản bội...”. Nhiệm vụ đầu tiên mà cặp vợ chồng trẻ thực hiện là tìm kiếm mẫu của các loại vũ khí mới. Leontine, người mang mật danh Leslie trong mạng lưới tình báo Xô viết, đã làm quen với một kĩ sư trẻ tên là Alen, làm việc tại nhà máy sản xuất động cơ máy bay và vũ khí tại Harford. Alen đã cung cấp những thông tin quý giá về một loại súng lắp trên máy bay, mang được cả những chi tiết của khẩu súng ra khỏi nhà máy, trừ cái nòng khá dài và nặng. Cuối cùng, Alen cũng mang ra được khỏi nhà máy cái nòng súng bằng cách buộc nó vào sau lưng dưới lớp quần áo ngoài. Luis đã tới chỗ Alen (sau này mang mật danh là Frank) với một chiếc hộp đàn contrabass và khi ra về, mang theo loại “nhạc cụ” đặc biệt này. Tuy nhiên, việc chuyển giao “nhạc cụ” cho phía Liên Xô cũng rất khó khăn. Trao nó cho người của lãnh sự quán tại trụ sở lãnh sự hoặc một địa điểm nào đó đều hết sức mạo hiểm vì mọi công dân Liên Xô đều bị an ninh Mỹ theo dõi gắt gao. Luis đã tìm được cách giải quyết. Một người mặc quần màu tro, áo bành tô kẻ ô, tay cầm một chiếc gậy chỉ huy dàn nhạc đã tới khu chợ mua đồ cũ ở vùng Harlem. Tại đó, ông ta đã “mua” được chiếc hộp đàn contrabass của một người da đen rồi sau đó cả hai cùng biến mất khỏi khu chợ. +++++ Tháng 11-1944, Trung tâm tình báo ở Moscow nhận được một bức điện mật đánh đi từ New York. Bức điện viết: “Những thông tin mà Luis nhận được là do một người quen của Luis từ thời nội chiến ở Tây Ban Nha, nhà bác học Arthur Fielding cung cấp (dĩ nhiên đây là tên giả, vì những lí do dễ hiểu). Khi được biết Luis làm việc tại Cơ quan hợp tác thương mại Xô - Mỹ Amtorg, ông ta đã đề nghị được trao đổi và giới thiệu với người Nga. Arthur Fielding không giấu giếm rằng ông ta có trong tay những thông tin cực kì quan trọng liên quan đến đề án chế tạo bom nguyên tử tại phòng thí nghiệm Los Alamos. Ông ta cho rằng sẽ mạo hiểm nếu như chính ông trực tiếp liên hệ với Tổng lãnh sự Liên Xô. Ông ta sẽ tới New York trong khoảng hai tuần để thăm bố mẹ đang bị ốm ở đó. Qua trao đổi, Luis có cảm tưởng rằng Fielding thực sự muốn cộng tác với tình báo Liên Xô. Chúng tôi cũng cho là như vậy. Chúng tôi dự định sẽ bắt liên lạc với Fielding thông qua Luis. Có nhiều khả năng thành công, cần trả lời gấp”. Trung tâm Moscow chuẩn y yêu cầu của New York, cho phép Luis bắt liên lạc với nhà bác học nguyên tử A. Fielding. Sau khi được chấp thuận, Luis đã bố trí một cuộc gặp gỡ với A. Fielding. Tại cuộc gặp, A. Fielding đã trao cho Luis một cặp tài liệu tuyệt mật về những công trình nghiên cứu nguyên tử ở Los Alamos. Cuộc đối thoại giữa hai người đã được lưu lại trong hồ sơ mật số 13676 của tình báo Liên Xô. Luis (L): Arthur, xin anh hãy giải thích cho tôi việc anh quyết định chuyển giao cho một quốc gia khác những tài liệu mật về bom nguyên tử là thế nào? Fielding (F): Tôi khẳng định rằng giới quân sự Mỹ đã trắng trợn lừa dối các nhà bác học nguyên tử khi bắt họ phải nghiên cứu đề án bom nguyên tử với cái cớ là để cứu loài người khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít đang lan tràn khắp châu Âu. Thực ra, Lầu Năm Góc cho rằng Liên Xô chỉ có khả năng nắm được công nghệ nguyên tử trong thời hạn không sớm hơn 10 năm nữa và trong thời gian đó, Mỹ sẽ tiêu diệt chủ nghĩa xã hội bằng bom nguyên tử. L: Tôi đồng ý với anh rằng sự độc quyền về bom nguyên tử là một cám dỗ to lớn đối với những viên tướng như Groves. Tôi tin rằng những tin tức của anh về Los Alamos sẽ thúc đẩy công việc của người Nga trong việc chế tạo ra quả bom như vậy. Anh hãy tin rằng người Nga sẽ không bao giờ sử dụng những thông tin của anh để làm hại anh. Họ còn yêu cầu tôi nói với anh rằng nếu cần thiết thì họ sẽ giúp đỡ anh về mặt vật chất. F: Vì Chúa, xin anh đừng nói tới điều đó. Tôi sẵn sàng hợp tác với họ không phải vì tiền mà vì tư tưởng. Tôi muốn hiến dâng cuộc đời mình cho việc loại bỏ thảm họa nguyên tử đang lơ lửng trên đầu nhân loại, bởi vì chỉ đến bây giờ, tôi mới nhận thức được sự nguy hiểm rõ ràng của nó và điều này dẫn tôi tới quyết định phải đấu tranh chống lại nó. L: Người Nga cũng yêu cầu tôi cam đoan với anh rằng sự giúp đỡ của anh sẽ không được sử dụng để làm hại nước Mỹ. Những kế hoạch của họ chỉ tính tới việc đạt được sự cân bằng về vũ khí nguyên tử. Còn bây giờ, chúng ta sẽ thảo luận xem nên gặp nhau ở đâu. F: Tôi không có quyền ra khỏi Los Alamos nếu không có sự đồng ý của tướng Leslie Groves. Ông ta cũng thường xuyên phải báo cáo với Cục Điều tra Liên bang... Chúng ta chỉ có thể gặp nhau không hơn một lần trong một năm, vào thời gian tôi nghỉ phép. L: Nếu vậy thì không bao giờ chứng ta đạt được mục tiêu đã đặt ra. Nếu anh không thể ra khỏi Los Alamos thì chúng ta hãy thỏa thuận như sau: Cứ 3 tháng một lần, vào chủ nhật cuối cùng, tôi hoặc ai đó sẽ tới chỗ anh. Nếu vì một lí do nào đó mà chúng tôi không đến theo kế hoạch đã định thì cuộc gặp sẽ được chuyển sang chủ nhật tiếp theo, cứ như vậy cho tới tháng cuối cùng. F: Các anh không nên đến Los Alamos. Tôi nghĩ rằng điều đó có thể gây nguy hiểm cho cả hai bên vì bị Cục Điều tra Liên bang nghi vấn. Tốt nhất nên gặp nhau ở thành phố nhỏ cạnh đó là Albuquerque. Ở đó có một nhà điều dưỡng nổi tiếng và có thể tới đó dưới dạng đi chữa bệnh. L: Nếu có người khác thay tôi tới bắt liên lạc thì anh ta sẽ phải nhận ra anh thật nhanh và chính xác theo những dấu hiệu đặc biệt nào đó. Anh hãy cầm trong tay một cái túi giấy màu vàng, từ miệng túi thò ra đuôi con cá.Nếu anh cảm thấy nguy hiểm và cho rằng cần phải thay đổi cuộc gặp thì hãy quay mặt túi có những hình vẽ quảng cáo ra bên ngoài. Và hãy nhớ kĩ rằng trong mọi thư từ trao đổi giữa chúng ta, đề án Manhattan được gọi là Carthage, chỗ anh làm việc, Los Alamos, là Parthenon, quả bom là Gorgon, còn anh là Perseus. Lãnh đạo tình báo Liên Xô hẳn là những người rất am hiểu về thần thoại La Mã. Chỉ có người anh hùng Perseus trong thần thoại, con của thần Zeus và nàng Danae xinh đẹp, mới có thể giết được con quái vật Gorgon là quỷ Medusa tóc rắn. Những ai lỡ nhìn vào quái vật Gorgon sẽ hóa đá, còn những ai nhìn vào quả bom nguyên tử Gorgon khi nó nổ mà không đeo kính bảo hộ sẽ bị mù! Lãnh đạo tình báo Liên Xô hi vọng rằng điệp viên Perseus của mình sẽ vô hiệu hóa được con quái vật này. Perseus, tức Arthur Fielding, là Theodore Alvin “Ted” Hall, con trai của ông bố làm nghề buôn bán da thú, một trong những sinh viên xuất chúng tốt nghiệp chuyên ngành vật lí của Đại học Tổng hợp Harvard. Chi tiết Arthur Fielding từng quen biết Luis từ thời kì nội chiến Tây Ban Nha được đề cập tới trong bức điện mật gửi về Trung tâm Moscow rất có thể là một đòn đánh lạc hướng của cụm tình báo New York, đề phòng phản gián Mỹ chặn bắt được bức điện bởi vì khi tham gia vào đề án Manhattan, T. Hall mới 19 tuổi, là nhà khoa học trẻ nhất trong nhóm các nhà bác học tài năng thực hiện đề án này. T. Hall chơi với Saville Savoy Sax, già hơn mình một tuổi, là thành viên của Đoàn Thanh niên cộng sản Mỹ. Mẹ của S. Sax là thành viên Ủy ban Trợ giúp nước Nga trong chiến tranh và thông qua bà, T. Hall đã tham gia Đoàn Thanh niên cộng sản Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, T. Hall làm việc tại Liên minh Sáng lập Thép, sau đó được mời tham gia vào đề án nguyên tử Manhattan. Chính người bạn S. Sax đã giới thiệu T. Hall với người Nga và tình báo Xô viết quyết định cử Luis liên lạc với T. Hall vào tháng 11-1944, khi T. Hall đang làm việc tại một phòng thí nghiệm ở Los Alamos. Trong mạng lưới điệp báo của Liên Xô hoạt động xâm nhập đề án Manhattan, T. Hall mang mật danh Mlad (nghĩa là “trẻ” trong tiếng Nga, tiếng Anh là Youngster), còn người bạn Saville Sax mang mật danh phiên âm tiếng Nga là Star (nghĩa là “già” trong tiếng Nga, tiếng Anh là Old). Thời kì đầu cộng tác, chính Saville Sax đóng vai trò liên lạc viên giữa T. Hall với tình báo Liên Xô. +++++ Đầu năm 1943, Trưởng Phòng thí nghiệm số 2, Giáo sư I. Kurchatov cùng các đồng nghiệp bắt đầu kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân để thực hiện phản ứng dây chuyền, tiếp đó tiến tới chế tạo một quả bom nguyên tử sử dụng uranium 235. Tuy nhiên, Giáo sư I. Kurchatov hoàn toàn không chắc chắn là liệu cách tiếp cận của các nhà khoa học Xô viết nhằm thực hiện quy trình chế tạo một quả bom nguyên tử đã đúng hướng hay chưa. Trữ lượng uranium 235 ở Liên Xô khi ấy rất nhỏ, hoàn toàn chưa có công nghệ tách uranium 235 ra từ uranium 238 và cũng chỉ có chừng vài kilogram “nước nặng”, phải thay thế bằng than chì tinh khiết. Cho đến đầu năm 1943, I. Kurchatov cũng hoàn toàn chưa biết đến việc có thể sử dụng plutonium như một nhiên liệu thay thế để chế tạo bom nguyên tử. Ngày 7-3-1943, I. Kurchatov soạn thảo một tài liệu dài 14 trang, trong đó nêu rõ những yêu cầu thông tin mà các nhà khoa học Xô viết muốn tình báo Liên Xô thu thập, rồi gửi nó cho Phó Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Nội vụ Mikhail G. Pervukhin: “Tuyệt mật. Tôi đã xem xét bản liệt kê những công trình nghiên cứu về uranium của người Mỹ. Tôi gửi anh những kết luận của tôi và đề nghị anh chuyển chúng cho đồng chí Sergei Kaftanov (người được Ủy ban Dân ủy Quốc phòng ủy quyền lãnh đạo bộ phận khoa học) và đồng chí Ovakimian (Phó chỉ huy Phân ban Tình báo hải ngoại của NKVD). Những thông tin tôi muốn nhận được từ nước ngoài tôi đã đánh dấu bằng chì xanh”. Trích phụ lục 115CC về những yêu cầu của giáo sư I. Kurchatov: “Trong tài liệu các anh đã gửi cho tôi có nói về khả năng sử dụng không những uranium 235 mà cả uranium 238 trong “lò ural” như một loại nguyên liệu cho bom nguyên tử. Cho tới nay, ở nước ta vẫn chưa có những công trình nghiên cứu theo hướng này. Vì vậy, đề nghị anh chỉ thị cho Cục Tình báo làm rõ những gì đã được tiến hành ở Mỹ theo hướng này. Bức thư này chưa được thông báo với ai. Những suy tính của tôi cũng chỉ có Giáo sư Kicoin và Giáo sư Alikhanov được biết. Kí tên: I. V. Kurchatov 22-3-1943. Bản duy nhất”. Bản đề xuất của giáo sư I. Kurchatov đã được gửi tới NKVD cùng với bức thư sau: “Tuyệt mật. Số P-37CC. 8-4-1943. USSR. Gửi đồng chí Cục phó NKVD Merculov. Tôi gửi thư này cùng bản đề xuất của Giáo sư Kurchatov về những tài liệu liên quan đến uranium. Đề nghị đồng chí chỉ thị đáp ứng những vấn đề được đặt ra trong bản đề xuất. Khi sử dụng xong tài liệu, đề nghị gửi trả lại cho tôi. Kí tên: Pervukhin. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân ủy”. Trích tài liệu mật của NKVD: “Gửi riêng đồng chí Fitin. Hãy giao nhiệm vụ theo những vấn đề đặt ra trong bản đề xuất. Kí tên: Merculov, 9-4-1943”. Chỉ một ngày sau, một bức điện mật mã hóa từ Moscow được gửi tới cụm tình báo Xô viết ở New York: “Gửi riêng đồng chí Ovakimian. Hãy giao nhiệm vụ cho Anton (Anton là mật danh của Leonid Kvasnikov, chỉ huy lưới tình báo Xô viết về các vấn đề khoa học công nghệ ở New York từ tháng 2-1943)”. Kí tên: Fitin, 10-4-1943”. Nhận lệnh từ Moscow, lưới tình báo Liên Xô tham gia chiến dịch Candy (Enormous) bắt đầu được huy động hết công suất. Đến đầu năm 1943, sau khi biết được rằng Mỹ đã thực hiện đề án Manhattan nhằm chế tạo bom nguyên tử với lò phản ứng đầu tiên được xây dựng ở Chicago trong năm 1942, mục tiêu chủ yếu của chiến dịch giờ đây nhằm thu thập thông tin từ Mỹ chứ không phải từ Anh như trước đấy nữa, cụ thể hơn là từ phòng thí nghiệm Los Alamos. Tại đây tập trung những bộ óc kiệt xuất nhất của nước Mỹ và thế giới. Hầu hết họ đều mới ngoài hai mươi tuổi; cao tuổi nhất, cũng là người đứng đầu đề án về mặt khoa học là Robert Oppenheimer, mới 39 tuổi. Trong thời gian đó, tổng cộng có tới 12 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel tập trung ở Los Alamos. +++++ Chiến dịch Candy (Enonnous) được tình báo Xô viết điều hành với mạng lưới điệp viên rộng khắp, từ các nhà bác học nguyên tử hàng đầu của Anh, Mỹ cho tới các nhân viên kĩ thuật, tiếp cận không chỉ trung tâm Los Alamos mà còn các nhà máy ở Oak Ridge, các phòng thí nghiệm nguyên tử ở Berkeley, Chicago và Columbia ở New York, để thu thập bí mật nguyên tử từ nhiều nguồn, nhiều hướng khác nhau. Ngay trong tháng 4-1943, cụm tình báo New York đã có được một nguồn tin quan trọng liên quan đến đề án Manhattan. Một người phụ nữ lạ mặt đã tiếp cận với Tổng lãnh sự quán Xô viết và trao một bức thư, trong đó có chứa những thông tin mật về chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Mỹ. Một tháng sau đó, vẫn người phụ nữ ấy mang đến một lá thư khác, trong đó trình bày chi tiết những nghiên cứu về chu trình sử dụng plutonium cho bom nguyên tử. Người phụ nữ cương quyết không chịu xưng danh tính, nhưng bằng biện pháp nghiệp vụ, các điệp viên Xô viết ở Trạm New York đã xác định được đó là một nữ y tá người Ý có họ là Lucia. Lucia là con gái của một nhà lãnh đạo tổ chức Liên đoàn chống phát xít có mật danh là D. Thông qua sự giúp đỡ từ lãnh đạo tổ chức Những người bạn của Liên Xô, các điệp viên đã tổ chức được một cuộc gặp với Lucia. Trong cuộc gặp này, Lucia nói rằng thật ra cô chỉ là người đưa tin. Những bức thư chứa đựng thông tin mật về vũ khí nguyên tử là của người anh rể cô, một nhà khoa học Mỹ đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu plutonium cho Công ty DuPont ở Newport. Trong thời gian làm luận án ở New York, người anh rể này đã nhờ vợ mình, Regina, chuyển các thông tin mật cho Tổng lãnh sự quán Xô viết thông qua cô em gái Lucia. Nhà khoa học này, rất có thể là một trong những gián điệp nguyên tử đầu tiên người Mỹ, sau này được tình báo Xô viết tuyển mộ và mang mật danh Mar; người vợ Regina mang mật danh Mona, còn Lucia thì mang mật danh Olivia. Đến tháng 6-1943, cụm tình báo New York tiếp tục nhận được thông tin mật về quá trình tách uranium bằng phương pháp khuếch tán khí từ một nguồn tin mang mật danh Kwan (có nghĩa là “lượng tử”), người đang làm việc trong đề án Manhattan. Kwan đề nghị được trả thù lao cho những thông tin mật mình cung cấp và nhận được 300 USD. Nhận được những thông tin này do kênh tình báo chuyển về từ Mỹ, ngày 3-7-1943, nhà khoa học I. Kurchatov đã viết một bức thư gửi NKVD, tới đích thân ông trùm L. Beria: “Tôi đã đọc kĩ những thông tin về đề án nghiên cứu uranium của người Mỹ. Hầu hết các thông tin này đều cực kì hữu ích với chúng tôi... Những tài liệu này có giá trị quý giá và chúng tôi hết sức quan tâm. Chúng tôi vô cùng mong mỏi tiếp tục nhận được những thông tin theo hướng này”. Điệp viên Mar, người từ tháng 10-1943 đã chuyển tới làm việc tại một nhà máy của Công ty DuPont ở Hanford, bang Washington, chuyên sản xuất plutonium cho đề án Manhattan, là người đã thỏa mãn được các yêu cầu của nhà khoa học I. Kurchatov bằng việc tiếp tục cung cấp các thông tin mật về đề án. Mar nói với điệp viên Xô viết phụ trách mình rằng mục đích chính của hành động này là nhằm đánh bại âm mưu “tội ác” của giới quân sự Mỹ muốn chế tạo một quả bom nguyên tử mà không cho phía Liên Xô biết. Những nguồn tin khác liên quan đến việc cung cấp bí mật nguyên tử cho phía Xô viết trong thời gian này còn có một “giáo sư” làm việc tại phòng thí nghiệm về phóng xạ ở Berkeley, California và một nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu kim loại phục vụ đề án Manhattan tại Đại học Tổng hợp Chicago. Sau khi cung cấp những thông tin mật hồi tháng 6-1943, nguồn tin Kwan dường như biến mất tăm, nhưng đến đầu năm 1944, lại có một nguồn tin khác, một kĩ sư mang mật danh Fogel (sau đó đổi thành Pers), cung cấp những thông tin về nhà máy và các thiết bị được dùng trong đề án Manhattan. Đặc biệt hiệu quả là những thông tin do cụm tình báo khu vực Washington dưới quyền chỉ huy của điệp viên Iskhak Abdulovich Akhmerov chuyển về. Vào khoảng giữa những năm 1930, chính xác là từ năm 1934, NKVD bắt đầu xây dựng một mạng lưới điệp viên hoạt động trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Lưới này nằm dưới quyền chỉ huy của Boris Bazarov, mang mật danh Nord, vốn từng là Trưởng Trạm tình báo Xô viết ở Berlin, làm phó cho B. Bazarov là I. Akhmerov, một người Nga gốc Tartar. Trái với quy định nghiêm ngặt của NKVD là không được phép quan hệ với người nước ngoài trừ lí do vì công việc, I. Akhmerov đem lòng yêu một trợ thủ của mình là Helen Lowry, em họ của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Mỹ khi ấy là Earl Browder. Điều đáng ngạc nhiên là NKVD lại chấp thuận cho phép I. Akhmerov cưới Helen Lowry. Cả B. Bazarov và I. Akhmerov đã tuyển mộ được nhiều điệp viên làm việc trong các cơ quan chính phủ Mỹ hoạt động cho tình báo Xô viết. Đến gần cuối thập niên 1930, khi chiến tranh đang ngấp nghé bùng nổ ở châu Âu thì nhu cầu của Trung tâm Moscow về thông tin tình báo thu thập ở Hoa Kỳ tăng đột biến. Tuy vậy, các chiến dịch của NKVD thời kì này trên lãnh thổ Mỹ đã bị giáng đòn nặng nề bởi các vụ bắt bớ truy lùng những “kẻ thù của nhân dân” tràn lan trong chiến dịch Đại Thanh Trừng khốc liệt do J. Stalin chỉ đạo thực hiện trong thập niên 1930 ở Liên Xô. Mặc dù là cỗ máy chính thực hiện các đợt thanh trừng này nhưng bản thân NKVD cũng bị tổn hại vô cùng nặng nề khi có tới 20.000 nhân viên của chính NKVD là nạn nhân của các chiến dịch bắt bớ, đày đi các trại cải tạo lao động và tệ hơn, bị xử bắn. Năm 1938, B. Bazarov bị Trung tâm triệu hồi về Moscow và xử bắn. Người thay thế là I. Akhmerov, chịu trách nhiệm điều khiển toàn bộ các chiến dịch tình báo chính trị trên lãnh thổ Hoa Kỳ, thu được những kết quả rất ấn tượng trong việc phát triển mạng lưới điệp viên. I. Akhmerov tuyển mộ được ít nhất 8 điệp viên hoạt động trong lưới tình báo của mình, sẵn sàng thu thập thông tin mật phục vụ cho cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi đang tới rất gần. Dưới quyền chỉ huy của I. Akhmerov, tình báo khoa học công nghệ Xô viết đã thu được những thành quả to lớn. Chỉ tính riêng trong năm 1939, các chiến dịch của NKVD trên đất Mỹ đã đánh cắp được 18.000 trang tài liệu kĩ thuật, 487 bộ hồ sơ thiết kế và 54 mẫu công nghệ mới của Mỹ. Mặc dù vậy nhưng sau tháng 10-1939, đến lượt I. Akhmerov cũng bị triệu hồi về Moscow, nơi điệp viên này bị L. Beria kết tội “phản bội” vì “dính líu với kẻ thù của nhân dân”. Chỉ vì một lí do bí ẩn nào đó mà không ai hiểu rõ, lời buộc tội này sau đó được xóa bỏ và I. Akhmerov được bố trí làm ở một bộ phận riêng biệt trong NKVD, bị nghi ngờ và theo dõi trong suốt hai năm sau đó. Sau khi I. Akhmerov bị gọi về Moscow, các chiến dịch tình báo của NKVD trên lãnh thổ Hoa Kỳ được chuyển giao cho một điệp viên hoạt động hợp pháp ở Mỹ là Gaik Ovakimian, mang mật danh Genady, được các đặc vụ FBI theo dõi đặt cho biệt danh là “Gã Armenia hoang dã”. Sở dĩ phản gián Mỹ đặt ra biệt danh này bởi các đặc vụ FBI đã phải bở hơi tai để đeo bám G. Ovakimian, người từng thực hiện gặp gỡ tới mười điệp viên của mình chỉ trong vòng có một ngày! Chính G. Ovakimian là điệp viên đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch phức tạp nhằm thực hiện thành công vụ ám sát Leon Trotsky, đối thủ chính trị của J. Stalin, ở Mexico City tháng 8-1940. Nhưng lĩnh vực hoạt động chính của G. Ovakimian là thu thập tin tức tình báo khoa học công nghệ. Năm 1933, G. Ovakimian lấy bằng tiến sĩ của Học viện Công nghệ cao Moscow và hoạt động dưới vỏ bọc một nhân viên của Cơ quan Hợp tác thương mại Xô - Mỹ Amtorg. Năm 1940, G. Ovakimian tốt nghiệp Học viện Hóa học New York và được giao nhiệm vụ thay thế I. Akhmerov bị gọi về nước, đảm nhiệm các hoạt động tình báo khoa học công nghệ. G. Ovakimian là người đầu tiên đề xuất phương án sử dụng các điệp viên trong Phân ban Hải ngoại của NKVD dưới vỏ bọc là “sinh viên” để thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên nhằm xâm nhập vào Học viện Công nghệ Massachusetts. “Sinh viên” đầu tiên là điệp viên Semyon Markovich Semyonov, mang mật danh Twain, vào học tại Học viện Công nghệ Massachusetts từ năm 1938. Điệp viên Twain sau này là đầu mối liên lạc với Luis trong chiến dịch đánh cắp bí mật nguyên tử. Đến tháng 4-1941, NKVD đã phát triển được một mạng lưới hoạt động rộng khắp trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tổng cộng lên tới 221 điệp viên. Yêu cầu thu thập thông tin khoa học công nghệ tăng đột biến đã khiến NKVD, cũng trong tháng 4-1941, thành lập một phân ban riêng chịu trách nhiệm tiến hành các chiến dịch mật liên quan đến khoa học công nghệ, sau này là Tuyến X trong KGB. Nhưng tháng 5-1941, G. Ovakimian bị FBI bắt giữ trong khi đang nhận tài liệu từ một điệp viên mang mật danh Octane, bị giam giữ một thời gian ngắn rồi trục xuất về nước vào tháng 7-1941. Sau khi phát xít Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng và Hitler tuyên chiến với Mỹ vào tháng 12-1941, Vasili Zarubin, bí danh Zubilin, mật danh Maxim, được NKVD bổ nhiệm làm điệp viên phụ trách địa bàn New York dưới một vỏ bọc hợp pháp tại Tổng lãnh sự quán Xô viết. Luôn nghi ngờ về cam kết của Anh - Mỹ cùng tham gia liên minh chống nước Đức phát xít, J. Stalin đã giao nhiệm vụ cho V. Zarubin phải xác định xem liệu “Tổng thống Mỹ Roosevelt cùng các cận thần của ông ta” có đàm phán bí mật với Hitler và kí hiệp ước hòa bình riêng rẽ với Đức hay không. Vừa đảm nhiệm phụ trách cụm tình báo ở New York, V Zarubin cũng phải chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động bí mật ở Washington, San Francisco và cả địa bàn Mỹ Latinh. Cũng trong tháng 12-1941, khi V. Zarubin tới New York thì I. Akhmerov, sau hai năm bị nghi ngờ ở Moscow, cũng được giao nhiệm vụ quay trở lại New York để tổ chức lại mạng lưới gián điệp bất hợp pháp đã ngưng hoạt động hai năm trước đó. I. Akhmerov lúc này mang mật danh Yung, sau đổi thành Albert. Mặc dù vợ mình là em họ của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Mỹ Earl Browder nhưng I. Akhmerov cắt đứt mọi liên lạc với những người cộng sản Mỹ để bảo đảm an toàn cho mạng lưới điệp viên của mình. Tháng 3-1942, I. Akhmerov chuyển đến Baltimore, một thành phố nhỏ chỉ cách thủ đô Washington D.C khoảng 35 dặm, vị trí lí tưởng để điều khiển các hoạt động của cụm điệp báo ở Washington. Tại đây, I. Akhmerov cùng với một điệp viên khác có mật danh Khosyain, mở một cơ sở kinh doanh quần áo lông thú để tạo vỏ bọc hoạt động. Một trong những nhóm điệp viên ở Washington mà I. Akhmerov xây dựng hoạt động thành công nhất là nhóm gồm nhiều thành viên hoạt động trong các cơ quan chính phủ Mỹ, nằm dưới sự chỉ huy của Nathan Gregory Silvermaster, mang mật danh Pal, sau là Robert, một nhà thống kê học làm việc tại Cơ quan An ninh Nông nghiệp, sau chuyển sang Cục Kinh tế Chiến tranh. Bất chấp những biện pháp an ninh nghiêm ngặt do phía Mỹ dựng lên, các điệp viên trong nhóm của N. Silvermaster vẫn thu thập được những thông tin mật từ mọi mối quan hệ mà họ có được. Một nguồn tin đáng giá khác của I. Akhmerov là Cedric Belfrage, mang mật danh Charlie, người vào làm việc tại Cơ quan Điều phối an ninh Anh (BSC) tại New York chỉ một thời gian ngắn sau khi Mỹ quyết định tham chiến. Được đích thân Sir William Stephenson chỉ huy, BSC đại diện cho Cục An ninh MI5, Cục Tình báo mật MI6, Cục Các chiến dịch đặc biệt SOE của Anh, chịu trách nhiệm làm kênh liên lạc trao đổi thông tin tình báo với phía Mỹ. Vị trí làm việc tại BSC cho phép điệp viên Charlie tiếp cận một số lượng vô hạn các thông tin mật được trao đổi giữa hai cộng đồng tình báo Anh và Mỹ trong hầu hết thời gian chiến tranh. Lượng thông tin mật do mạng lưới tình báo của I. Akhmerov ở Washington thu thập được chuyển qua New York rồi sau đó về Moscow tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 1942, cụm này chỉ gửi 59 cuộn vi phim thì trong cả năm 1943, số lượng vi phim gửi về đã tăng gần gấp bốn lần, lên 211 cuộn. Có thể nói, tình báo Xô viết đã dốc toàn lực vào mục đích thu thập thông tin tình báo về vũ khí nguyên tử của Mỹ, với một mạng lưới khổng lồ các điệp viên được huy động vào chiến dịch. Một trong những điệp viên quan trọng nhất và cũng thành công nhất của tình báo Xô viết trong chiến dịch đánh cắp bí mật nguyên tử này là nhà bác học người Đức, Klaus Fuchs. +++++ Điệp viên nguyên tử Klaus Fuchs sinh ngày 29-12-1911 tại ngôi làng nhỏ Russelsheim của nước Đức. Tám năm sau, cậu bé K. Fuchs sống trong một nước Đức kiệt quệ khi bước ra khỏi cuộc Đệ nhất thế chiến với những tổn thương khủng khiếp: Hai triệu người chết, năm triệu người bị thương; lương thực, thực phẩm khan hiếm, nhiên liệu thiếu thốn và các cựu chiến binh gia nhập vào đội ngũ những người thất nghiệp, đi ăn xin trên đường phố... Hoàn cảnh đó khiến cho phong trào cách mạng dấy lên sục sôi tại Đức và người ta có cơ sở để cho rằng có khả năng ở nước Đức cũng sẽ phát sinh một cuộc cách mạng giống như những người Bolshevik đã làm ở Nga. Tuy nhiên, sự thể lại không diễn ra như vậy. Lí do là vì Đảng Dân chủ xã hội Đức SPD là đảng chính trị có tổ chức và ảnh hưởng nhất ở nước Đức sau chiến tranh đã không đi theo con đường phát triển của những người cộng sản. Năm 1915, khi SPD bỏ phiếu ủng hộ việc nước Đức tham gia Đệ nhất thế chiến, hai nhà lãnh đạo trong đảng này là Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg đã tách ra thành lập nhóm những người cánh tả gọi là Liên đoàn Spartacus, sau đó trở thành Đảng Cộng sản Đức KPD vào năm 1919. Tuy nhiên, vai trò và ảnh hưởng của KPD không thể nào vượt ra khỏi được cái bóng của SPD. Bất chấp bối cảnh u ám của đất nước, tuổi thơ của Klaus Fuchs vẫn trôi qua êm đềm cùng với người anh Gerhard, người chị Elisabeth và cô em gái Kristel của mình. Cha của Klaus Fuchs, ông Emil Fuchs, là một mục sư nhà thờ phái Luther ở Eisenach, bang Thuringia. Ông Emil là người theo chủ nghĩa hòa bình, một tín đồ đạo Quaker và một ngày kia đã tham gia Đảng Dân chủ xã hội Đức. Có lẽ ông Emil là mục sư duy nhất tham gia một đảng chính trị vào thời gian đó và chính hành động này đã khiến ông phải trả giá: Bị trục xuất khỏi nhà thờ. Sau khi bị trục xuất, ông Emil cùng với cả gia đình chuyển tới Kiel, gần biển Baltic. Năm K. Fuchs hai mươi tuổi, một bi kịch lớn xảy ra trong gia đình khi mẹ của K Fuchs, bà Else, bị chứng rối loạn tâm thần đã uống axit tự tử. Lớn lên, Fuchs theo học tại trường Đại học Tổng hợp Leipzig rồi sau đó là trường Đại học Tổng hợp Kiel. Trong thời gian ở trường Kiel, Fuchs bắt đầu quan tâm đến các vấn đề chính trị và cũng như anh trai và chị gái mình, gia nhập Đảng Dân chủ xã hội Đức SPD. Tuy nhiên, thất vọng trước đường lối của đảng này chịu nhượng bộ trước Đảng Quốc xã của Hitler, K. Fuchs tích cực giúp đỡ những người cộng sản trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1932. Tháng 3-1932, K. Fuchs bị SPD khai trừ. K. Fuchs quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Đức KPD, đảng chính trị duy nhất mà K. Fuchs cho rằng dám đứng ra chống lại chủ nghĩa phát xít và đủ khả năng ngăn chặn mối hiểm họa Quốc xã. Tháng 1-1933, Hitler được bổ nhiệm nắm giữ cương vị thủ tướng Đức và ngay lập tức, phát động làn sóng khủng bố nhằm vào những người cộng sản ở Đức. Các đơn vị của lực lượng xung kích SA, tổ chức quân sự do Đảng Quốc xã thành lập, thực hiện các vụ đàn áp, truy sát những người cộng sản. Ở trường Đại học Tổng hợp Kiel, một lần, K. Fuchs bị một nhóm SA đánh đập tàn nhẫn, kéo lê từ trường ra ném xuống sông. K. Fuchs may mắn thoát chết, chỉ bị gãy mấy cái răng, sau phải dùng răng giả. Đêm 27-2-1933, nhà Quốc hội Đức bị đốt. Marinus van der Lubbe, một người Hà Lan bị bắt giữ ở gần hiện trường với cáo buộc là thủ phạm đốt tòa nhà Quốc hội, đồng thời cũng nhanh chóng bị khoác cho cái mũ “là đảng viên cộng sản”. Những người Quốc xã sử dụng vụ việc này như một cái cớ để đàn áp khốc liệt những người cộng sản. Chỉ trong đêm 27-2 ấy, Hermann Goring, lãnh đạo Quốc xã ra lệnh bắt giữ tới 4.000 đảng viên Đảng Cộng sản Đức. K. Fuchs biết về vụ đốt nhà Quốc hội vào sáng hôm sau, khi đang trên tàu hỏa từ Kiel lên Berlin để tham dự một cuộc họp của các đảng viên cộng sản. Ngay lập tức, K. Fuchs hiểu rằng dù cho ai là thủ phạm của vụ hỏa hoạn này thì giờ đây, những người cộng sản cũng sẽ là đối tượng đàn áp của chủ nghĩa Quốc xã. K. Fuchs vẫn tiếp tục hành trình lên Berlin nhưng khi tới nơi, đã trở thành một đảng viên hoạt động bí mật! Người anh trai Gerhard và chị gái Elisabeth của K. Fuchs đã lên Berlin từ trước. Elisabeth kết hôn với Gustav Kittowski, một đảng viên cộng sản Đức và cả ba cùng tham gia các hoạt động bí mật cho những người cộng sản. Được người cha Emil trợ cấp một số tiền, ba người mua một số xe ô tô và lập ra hãng cho thuê xe. Dưới vỏ bọc này, họ đã tổ chức bí mật đưa những người Do Thái và cộng sản đang bị truy lùng vượt biên ra nước ngoài theo ngả qua bờ biển Baltic. K. Fuchs tham gia cùng các anh chị mình trong công việc nguy hiểm này. Đến tháng 7-1933 thì tổ chức Đảng Cộng sản ở Berlin quyết định rằng K. Fuchs phải ra nước ngoài để trốn tránh sự truy nã của chế độ Quốc xã. Trải qua những tháng ngày căng thẳng ở Berlin, K. Fuchs đã tận mắt chứng kiến sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít, trực tiếp rút ra bài học rằng một chính quyền dựa trên sự đàn áp đã phá hủy những nền móng của xã hội như thế nào; rằng khi sự sợ hãi và vô luật pháp ngự trị thì những người có lương tri phải dũng cảm đứng lên chống lại nó. Đó là bài học chi phối các hoạt động chính trị trong suốt cuộc đời sau này của K. Fuchs. Ngay trong tháng 7-1933, khi mới 22 tuổi, K. Fuchs buộc phải rời nước Đức. Điểm đến đầu tiên là Paris, rồi sau đó là nước Anh. +++++ K. Fuchs chỉ ở lại Paris trong thời gian vài tháng ngắn ngủi. Tại đây, K. Fuchs làm việc cho Nghị viện Chống chiến tranh và chủ nghĩa phát xít, một tổ chức do những người cộng sản Đức lưu vong sáng lập ra. Cũng tại Paris, K. Fuchs gặp một người phụ nữ Đức đã có chồng là Margarete Keilson, hơn mình 6 tuổi. Ở Paris, Margarete Keilson được biết dưới tên gọi là Margot, hoặc là Grete. Cho đến khi gặp K. Fuchs, Grete đã có nhiều năm làm việc cho Quốc tế Cộng sản. Cô gia nhập Đảng Cộng sản Đức năm 1926, tham gia xuất bản tờ báo phát hành bí mật của Đảng Cộng sản Đức là tờ Der Rote Kammerhof, do người chồng Max Keilson làm biên tập viên. Năm 1928, Grete có mặt trong thành phần đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đức tới Moscow tham dự Đại hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản. Khi quay về Đức, Grete làm trợ lí cho Georgi Dimitrov, đảng viên cộng sản người Bulgaria, phụ trách Phân ban Đông Âu trong Quốc tế Cộng sản. Ngày 9-3-1933, hai tuần sau vụ cháy nhà Quốc hội, G. Dimitrov cùng với hai cộng sự bị lực lượng Quốc xã bắt với cáo buộc âm mưu cùng Marinus van der Lubbe đốt nhà Quốc hội Đức. Dù sáu tháng sau đó, G. Dimitrov đã tự bào chữa cho mình trong phiên tòa nổi tiếng do chính quyền Quốc xã tổ chức ở Leipzig và được trả tự do, nhưng ở thời điểm nhà lãnh đạo cộng sản người Bulgaria bị bắt, Grete đã nhận thức rõ mối nguy hiểm lơ lửng trên đầu mình. Bọn Quốc xã có thể bắt giữ Grete bất cứ lúc nào. Qua các đầu mối của những người cộng sản, Grete bí mật rời khỏi Đức, đầu tiên qua Copenhagen, rồi sau đó tới Paris. Tại đây, Grete làm việc cho Nghị viện Chống chiến tranh và chủ nghĩa phát xít rồi gặp K. Fuchs, khi ấy cũng rời nước Đức để trốn tránh sự đàn áp của Quốc xã. Không một ai biết chắc là cuộc gặp ngắn ngủi ở Paris với Grete có tác động thế nào đến khuynh hướng chính trị cũng như các hoạt động bí mật của K. Fuchs sau này, nhưng chắc chắn là người phụ nữ này có những mối dây liên hệ bí ẩn với điệp viên nguyên tử của Liên Xô trong thời gian dài và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của K. Fuchs. K. Fuchs chỉ ở thủ đô nước Pháp trong thời gian khoảng hai tháng. Ngày 24-9-1933, K. Fuchs lên chuyến phà ở bến Folkestone, tới Anh. Khai với nhân viên nhập cư của Anh, K. Fuchs nói rằng mình tới để nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Bristol của Anh. Do ở đây không có khoa toán, vốn là sở trường nghiên cứu của K. Fuchs khi còn ở Đức nên chàng thanh niên quyết định chuyển sang lĩnh vực vật lí. Khả năng nghiên cứu các vấn đề lí thuyết của Fuchs nhanh chóng khiến cho chàng thanh niên nổi lên như một nhà khoa học trẻ tuổi tài năng tại trường Đại học Tổng hợp Bristol. Năm 1936, tập san khoa học của Hội Hoàng gia Anh đã đăng công trình nghiên cứu cơ học lượng tử của Fuchs, công trình giúp cho Fuchs có được một chân giảng dạy tại Đại học Edinburgh năm sau đó. Năm 1937, khi mới 26 tuổi, Fuchs đã giành học vị tiến sĩ vật lí tại trường Bristol dưới sự hướng dẫn của nhà khoa học Nevill Mott, rồi học vị tiến sĩ khoa học dưới sự hướng dẫn của nhà khoa học nổi tiếng Max Born, khi ấy cũng đang giảng dạy tại Đại học Edinburgh sau khi bị trục xuất khỏi nước Đức vì nguồn gốc Do Thái của mình. Ở Anh, song song với hoạt động nghiên cứu khoa học, K. Fuchs vẫn tiếp tục duy trì mối liên hệ với các đảng viên cộng sản Đức đang lưu vong tại đây. K. Fuchs tích cực tham gia vào những chiến dịch tuyên truyền chống chủ nghĩa Quốc xã và chế độ độc tài quân sự, rồi kể từ năm 1936, là các hoạt động ủng hộ chính quyền Cộng hòa Tây Ban Nha sau khi nội chiến nổ ra ở đây. Các hoạt động này của K. Fuchs đều diễn ra trong vòng bí mật và thoát khỏi con mắt nhòm ngó của các cơ quan đặc vụ Anh ở địa phương. Tháng 8-1936, Jürgen Kuczynski, một thành viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Đức KPD ở Berlin tới Anh. Jürgen Kuczynski thành lập Liên đoàn Văn hóa những người Đức tự do, tập hợp các công dân Đức sống lưu vong tại Anh trong mặt trận chung chống Quốc xã. Ít ngày sau khi tới London, Jürgen Kuczynski gặp K. Fuchs và rất ấn tượng về những hoạt động của K. Fuchs cho KPD trong thời gian còn ở Đức. Các công trình khoa học của K. Fuchs được đăng trên các tạp chí chuyên ngành đã giúp nâng uy tín của K. Fuchs lên rất cao trong giới nghiên cứu khi ấy, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và vật lí lí thuyết. Với sự giới thiệu của hai giáo sư Nevill Mott và Max Born cùng tài năng khoa học nổi trội của mình, khả năng K. Fuchs được nhận quốc tịch Anh là rất lớn. Ngày 17-7-1939, K. Fuchs nộp hồ sơ để xin quốc tịch Anh và đến tháng 8-1939, được Bộ Nhập cư Anh viết thư đề nghị đóng khoản phí trị giá 1 bảng Anh để trở thành công dân Anh quốc. Nhưng ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, mở màn Đệ nhị thế chiến. Việc Đức tấn công Ba Lan và nước Anh tuyên chiến với Đức đã làm thay đổi số phận của K. Fuchs. Là một công dân Đức tại Anh, Fuchs bỗng trở thành “đối tượng” cần phải để ý của nhà cầm quyền Anh. Câu hỏi đặt ra là, trong điều kiện thời chiến như vậy, liệu có cần phải giam giữ các công dân quốc gia đang là kẻ thù của nước Anh vào một chỗ để trừ hậu họa hay không? Một loạt các “phiên tòa” được mở ra để xét hỏi những công dân mang quốc tịch Đức và Áo từ 16 tuổi trở lên để xem họ có được miễn trừ giam giữ hay không. K. Fuchs phải ra điều trần trước một “phiên tòa” như vậy ở Edinburgh vào ngày 2-11-1939. Với những lời đảm bảo mạnh mẽ của người thầy mình là nhà khoa học Max Born, rằng học trò của ông là một người “nhiệt thành đối nghịch với chính quyền hiện tại ở nước Đức và hi vọng chiến thắng sẽ thuộc về phe Đồng minh”, cùng với thư ủng hộ của tổ chức đạo Quaker, đến tháng 3-1940, có quyết định về việc K. Fuchs được miễn trừ giam giữ. Tuy nhiên, những diễn biến trên chiến trường đã khiến cho quyết định đó trở nên khó khả thi. Tháng 5-1940, quân Đức Quốc xã đã tràn ngập Bỉ và Hà Lan. Tiếp đó, sự sụp đổ của Pháp trước đà tấn công mạnh mẽ của các lực lượng phát xít khiến cho mối đe dọa đến sát ngay cửa ngõ nước Anh, ở ngay bờ biển nước Pháp, chỉ cách 25 dặm bên kia eo biển Manche. Thế nên lệnh giam giữ các công dân có quốc tịch của quốc gia “kẻ thù” được thi hành. Cùng với khoảng vài trăm người Đức khác sống tại Anh, K. Fuchs bị đưa tới Nhân Đảo, một hòn đảo tự trị trong Vương quốc Anh ở biển Ireland, rồi sau đó tới Halifax ở Canada ngày 17-5-1940. Đến ngày 13-7-1940, K. Fuchs chính thức bị đăng kí vào một trại giam giữ ở Quebec, Canada. +++++ Trong thời gian ở trại giam Quebec, K. Fuchs tham gia Ủy ban Người tị nạn, có trách nhiệm làm trung gian trong các cuộc đàm phán giữa những người bị giam giữ với giới chức quản lí trại giam. Những người bị giam giữ bầu lên một người lãnh đạo trại là Hans Kahle, một sĩ quan phục vụ trong quân đội Đức thời Đệ nhất thế chiến với cấp hàm trung úy. Hans Kahle từng là tù binh chiến tranh, bị giam tại Pháp hai năm, sau khi được phóng thích đã theo học tại Trường Kinh tế London rồi làm việc tại Mexico. Quay lại Đức năm 1927, H. Kahle viết bài cho một số tờ báo có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và gia nhập Đảng Cộng sản Đức KPD. Cũng như K. Fuchs, H. Kahle phải rời Đức sau vụ đốt nhà Quốc hội và chính quyền phát xít lên cầm quyền năm 1933. H. Kahle cũng qua ngả Paris nhưng không giống như K. Fuchs, từ đây, H. Kahle tới Moscow và trở thành một chỉ huy Lữ đoàn quân tình nguyện chiến đấu bên cạnh chính quyền cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha từ năm 1936. Trong thời gian ở Tây Ban Nha, H. Kahle đã tiếp xúc với Tổng cục Chính trị và Bảo vệ OGPU, một cơ quan điệp báo của Hồng quân Liên Xô sau này sát nhập vào NKVD. Cả H. Kahle và K. Fuchs cùng hoạt động trong Ủy ban Người tị nạn ở trại giam giữ Quebec và giữ mối quan hệ thân thiết với nhau trong suốt quãng thời gian sau đó. Bạn bè cùng những mối quan hệ của K. Fuchs ở Anh không để nhà khoa học trẻ tuổi bị lãng quên trong một trại giam ở Canada. Tổ chức bảo vệ khoa học và nghiên cứu đã thực hiện một chiến dịch đấu tranh đòi phải đưa K. Fuchs trở lại Anh. Cùng với sự can thiệp của người thầy Max Born, chiến dịch này thành công và đến tháng 12-1940, K. Fuchs nhận được giấy phóng thích khỏi trại giam. K. Fuchs theo tàu biển quay lại Anh và tháng 1- 1941 đặt chân lên bến cảng Liverpool. Trong số những người được phép quay lại Anh khi ấy có cả H. Kahle, lãnh đạo những người bị giam giữ ở Quebec và là điệp viên Liên Xô. Sau khi về lại Anh, H. Kahle làm việc một thời gian với Giáo sư J. B. S. Haldane, một trí thức cánh tả tại trường Cao đẳng Tổng hợp London, rồi sau đó, do có kinh nghiệm và hiểu biết về quân sự, vào làm việc cho tờ tạp chí của Mỹ Time and Fortune như một phóng viên chuyên về mảng quân sự. Khi phát xít Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến, các lực lượng vũ trang Mỹ nhanh chóng thiết lập phái bộ quân sự ở London. Vị trí công tác cho phép H. Kahle tiếp cận được các bí mật quân sự cũng như chính trị ở nước Anh và chuyển chúng cho một điệp viên của Tổng cục Tình báo Quân đội Liên Xô GRU, người mang mật danh Sonya. Sonya đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp hoạt động điệp báo của K. Fuchs tại Anh. Sonya chính là Ruth Werner, cũng là Ursula Ruth Kuczynski, con gái của Robert Kuczynski, một nhà thống kê học kinh tế nổi tiếng người Đức. Cô cũng là em gái của Jurgen Kuczynski, người lãnh đạo bộ phận Đảng Cộng sản Đức KPD hoạt động ở Anh trong thời kì chiến tranh. Trong khoảng thời gian giữa những năm 1920, U. Kuczynski đã là một thành viên tích cực tham gia các hoạt động cho KPD ở Đức. Cuối những năm 1920, khi cha và anh làm việc cho GRU dưới vỏ bọc ở một cửa hàng bán sách tại New York, U. Kuczynski cũng sang Mỹ và tham gia các hoạt động cùng cha và anh mình. Năm 1929, U. Kuczynski quay về Đức, kết hôn với người bạn thuở thiếu thời là Rudolf Hamburger, một kiến trúc sư. Năm sau đó, U. Kuczynski theo chồng sang Thượng Hải, Trung Quốc, nơi Rudolf Hamburger được bổ nhiệm một chân làm việc cho Hội đồng thành phố. Cả hai đều làm việc cho tình báo Liên Xô. Ở Thượng Hải, U. Kuczynski bắt liên lạc với một đảng viên Đảng Cộng sản Đức mà cô quen trước đấy và bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được làm công việc cho Đảng. Người này giới thiệu U. Kuczynski với Richard Sorge, điệp viên huyền thoại của tình báo Liên Xô, khi ấy đang chỉ huy một lưới điệp báo hoạt động cho GRU ở cả địa bàn Trung Quốc và Nhật Bản. Richard Sorge đặt mật danh cho U. Kuczynski là Sonya. Sonya làm việc trong mạng lưới điệp viên của Richard Sorge được hai năm thì bí mật tới Moscow, tham gia một khóa đào tạo điệp viên trong thời gian 6 tháng. Cô học cách mã hóa và giải mã, truyền các bức điện mật đi bằng tín hiệu morse, cách mua các linh kiện điện tử để lắp ráp thành một điện đài... Ở thời điểm ấy, Sonya mang quân hàm đại úy trong GRU. Sau chương trình huấn luyện ở Moscow, Sonya quay lại Thượng Hải và cùng chồng tới Mãn Châu làm việc dưới vỏ bọc của những người xuất nhập khẩu sách cho một công ty của Mỹ. Năm 1935, hai vợ chồng tới Anh, nơi bố của Sonya là Robert Kuczynski giảng dạy tại Trường Kinh tế London. Năm 1938, Sonya một lần nữa bí mật sang Moscow để tham dự tiếp một khóa đào tạo điệp viên nâng cao. Nhờ những thành tích hoạt động điệp báo trong thời gian ở Thượng Hải, trong chuyến đi này, cô được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, phần thưởng cao quý nhất dành cho quân nhân trong Hồng quân Liên Xô, đồng thời được thăng quân hàm đại tá trong GRU. Tháng 9-1938, Sonya được phái tới Thụy Sĩ thiết lập một lưới điệp viên GRU tại đây mang mật danh Lưới Lucy; cùng lúc, cô chia tay người chồng đầu tiên. Tại Thụy Sĩ, điệp viên Alexander Foote được tuyển mộ vào Lưới Lucy của Sonya và đến tháng 8-1939, một điệp viên khác là Leon Charles Beurton cũng tham gia vào mạng lưới điệp viên này. Ngoài hoạt động tuyển mộ và điều hành mạng lưới điệp viên hoạt động cho GRU trong thời gian trước chiến tranh, ở Thụy Sĩ, Sonya còn giữ vai trò liên lạc điện đài với một lưới hoạt động khác mang mật danh Dora do điệp viên người Hungary, Sandor Rado điều hành. Khi chiến tranh nổ ra năm 1939, Sonya được lệnh của Trung tâm Moscow rời Thụy Sĩ chuyển sang hoạt động ở địa bàn Anh. Khi ấy, hộ chiếu Đức của Sonya đã hết hạn. Sonya kết hôn với điệp viên người Anh trong lưới của mình, Leon Charles Beurton, nhờ đó có được tấm hộ chiếu Anh. Cùng với những đứa con, từ Thụy Sĩ, Sonya qua Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha rồi tới Anh vào tháng 1-1941. Ở Anh, nữ điệp viên Sonya định cư tại một làng nhỏ gần Chipping Norton. Cứ hai tuần một lần, Sonya lên London, nơi cô gặp điệp viên H. Kahle, nhận các tài liệu mật, mã hóa rồi chuyển về Moscow bằng điện đài hoặc gửi qua đầu mối của tình báo Liên Xô ở London qua các cặp ngoại giao. Thông qua người anh trai Jurgen Kuczynski, khi ấy đã trở thành người lãnh đạo chi nhánh Đảng Cộng sản Đức KPD ở Anh, thỉnh thoảng Sonya gặp K. Fuchs. Sonya không hề có một ý niệm gì về vật lí nguyên tử, nhưng lại trở thành người chuyển đi những tin tức về một trong những bí mật lớn nhất thế kỉ XX. +++++ Vào thời gian K. Fuchs trở lại Edinburgh nước Anh tháng 1-1941 thì hai nhà vật lí lưu vong tại Anh là Otto Frisch và Rudolf Peierls, khi ấy làm việc tại Đại học Tổng hợp Birmingham, đã có những bước tiến vượt bậc trong quá trình nghiên cứu nguyên tử. Những nghiên cứu của họ chỉ ra rằng hoàn toàn có thể chế tạo một loại “siêu bom” dựa trên quá trình phản ứng dây chuyền phân hạch uranium. Hai nhà khoa học cũng ước tính rằng chỉ cần khoảng 1 kg uranium 235 tinh khiết là đủ để chế tạo nên một quả bom như vậy. Hai nhà vật lí bèn viết một bức giác thư gửi Giáo sư Marcus Oliphant, Trưởng Khoa vật lí tại Đại học Birmingham, trong đó đề cập đến khả năng chế tạo một loại “siêu bom” có sức công phá tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ thông thường, đủ sức phá hủy một khu vực rộng lớn nơi quả bom phát nổ, có thể bao trùm toàn bộ trung tâm một thành phố lớn. Như vậy là bằng nhãn quan thiên tài, chỉ dựa trên những tính toán lí thuyết, hai nhà khoa học lưu vong tại Anh đã có thể dự đoán được chính xác sức phá hủy khủng khiếp của loại vũ khí trong tương lai. Đọc giác thư của hai nhà khoa học trẻ, giáo sư Marcus Oliphant ngay lập tức hiểu ra tầm quan trọng của vấn đề. Ông gửi giác thư này cho Sir Henry Tizard, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Imperial, nhưng quan trọng hơn còn là Chủ tịch của Ủy ban nghiên cứu phòng không, một cơ chế để điều phối các hoạt động khoa học của nước Anh khi đó. Ủy ban này liền lập ra một tiểu ban có tên là MAUD để nghiên cứu sâu hơn vấn đề mà hai nhà khoa học lưu vong đã đề xuất. Trong tiểu ban này có các nhà khoa học hàng đầu của nước Anh khi ấy như Chủ tịch Tiểu ban là Giáo sư vật lí George Thomson của trường Cao đẳng Imperial, Giáo sư James Chadwick từ Đại học Liverpool, Sir John Cockcroft tại Phòng thí nghiệm Cavendish ở Đại học Cambridge và bản thân Giáo sư Marcus Oliphant. Do nhân thân là hai nhà khoa học nước ngoài sống lưu vong tại Anh nên cả Otto Frisch và Rudolf Peierls không được phép làm việc trực tiếp với Tiểu ban MAUD. Sau khi đọc bức giác thư, Giáo sư James Chadwick ở Đại học Liverpool mời O. Frisch tới Liverpool để cùng tham gia vào việc tách uranium 235 từ uranium 238, còn nhà khoa học R. Peierls tiếp tục làm việc theo hướng tạo ra uranium 235 bằng phương pháp khuếch tán khí dưới áp suất mạnh qua màng lọc với những lỗ siêu nhỏ. Tiểu ban MAUD đồng ý triển khai theo hướng này. Do O. Frisch đang ở Liverpool nên R. Peierls phải một mình làm rất nhiều nghiên cứu lí thuyết. Khoảng đầu năm 1941, R. Peierls gửi đề xuất đến một số khoa vật lí ở các trường đại học tại Anh, đề nghị họ cử giúp cho một người trợ lí. Chỉ có duy nhất một người trả lời đề xuất của R. Peierls là Giáo sư Max Born ở Đại học Edinburgh. Giáo sư Max Born nói rằng R. Peierls nên mời một nhà khoa học tên là K. Fuchs, vừa mới trở về Anh hồi tháng 1-1941 từ trại giam giữ ở Canada. Trước đấy, nhà khoa học Max Born đã thảo luận với K. Fuchs về những tiến triển mới nhất trong nghiên cứu về phân hạch nguyên tử, về khả năng sử dụng những thành quả này để chế tạo ra loại vũ khí có sức phá hủy khủng khiếp. Ngày 10-5-1941, nhà khoa học R. Peierls gửi bức thư cho K. Fuchs, trong đó trực tiếp đề nghị nhà khoa học Đức cộng tác với mình. Bức thư viết: “Tôi khá bận rộn với công việc nghiên cứu cho Bộ Hàng không. Tôi cần một ai đó giúp tôi trong công việc. Đó là những vấn đề liên quan đến toán học khá phức tạp và tôi sẽ rất vui mừng nếu không phải lo về chúng. Để giải quyết những vấn đề này, cần các nhà vật lí lí thuyết có trình độ cao...”. Nhưng trước đó hơn một tháng, ngày 3-4-1941, K. Fuchs đã đi tàu hỏa từ Edinburgh lên London và ở lại đây đến ngày 15-4-1941. Ở lại thủ đô London trong 12 ngày là thời gian quá dài đối với một người không có nhiều bạn bè tại đây như K. Fuchs. Trên thực tế, trong chuyến đi này, lần đầu tiên, K. Fuchs đã chủ động bắt liên lạc với tình báo Xô viết. Tại đây, K. Fuchs gặp lại Jurgen Kuczynski, khi ấy là người lãnh đạo chi nhánh Đảng Cộng sản Đức KPD tại Anh. K. Fuchs hỏi J. Kuczynski rằng liệu Liên bang Xô viết có quan tâm đến một loại vũ khí cực kì hiệu quả và nguy hiểm không? J. Kuczynski trả lời: “Có chứ!”, rồi bố trí để K. Fuchs gặp một điệp viên của Tổng cục Tình báo Quân đội Liên Xô GRU là Semyon Kremer, người hoạt động ở Anh dưới vỏ bọc là tùy viên quốc phòng Liên Xô ở London. Cuộc gặp diễn ra tại một địa điểm phía nam Hyde Park ở London, S. Kremer tự giới thiệu với K. Fuchs mình Alexander, nói rằng J. Kuczynski đã biết K. Fuchs khá lâu, từ năm 1936, khi lần đầu tới London. Trong cuộc gặp này, K. Fuchs yêu cầu những thông tin mình chuyển cho phía Xô viết phải được gửi trực tiếp đến bàn làm việc của J. Stalin! S. Kremer trả lời rằng tuy không có liên hệ trực tiếp với J. Stalin nhưng mình có những đường dây đủ để đáp ứng yêu cầu của K. Fuchs. K. Fuchs nói rõ rằng mình giúp đỡ Liên bang Xô viết hoàn toàn vì tư tưởng chứ không phải vì tiền. Sau khi nhận được bức thư mời cộng tác gửi ngày 10-5-1941 của nhà khoa học R. Peierls, ngày 27-5-1941, K. Fuchs tới Birmingham và bắt đầu làm việc ở đây với mức lương 275 bảng một năm, chính thức bước vào lĩnh vực chế tạo bom nguyên tử của nước Anh. K. Fuchs nhanh chóng nắm bắt công việc và có liên hệ mật thiết với R. Peierls cũng như các nhà khoa học khác đang làm việc trong Tiểu ban MAUD. Công việc nghiên cứu trong lĩnh vực vũ khí nguyên tử của các nhà khoa học Anh tiến triển một cách nhanh chóng và đến tháng 7-1941, Tiểu ban MAUD đã có thể soạn thảo một báo cáo khoa học, tập hợp kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm nhà khoa học rải rác tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp nước Anh, trong đó có nhóm của R. Peierls và K. Fuchs ở Birmingham. Trong báo cáo, Tiểu ban MAUD chỉ rõ khả năng chế tạo ra một quả bom nguyên tử trong vòng hai năm. Báo cáo này được chuyển tới Huân tước Hanskey, một bộ trưởng trong nội các chiến tranh của Thủ tướng W. Churchill, rồi từ đây, nó lại được chuyển tới Ủy ban cố vấn khoa học của chính phủ Anh. Sau khi xem xét kĩ càng báo cáo của Tiểu ban MAUD, đến cuối tháng 9-1941, Ủy ban cố vấn khoa học của chính phủ Anh cơ bản đồng ý với những điều nêu ra trong báo cáo, nhưng cho rằng thời gian để chế tạo thành công một quả bom nguyên tử phải mất chừng 5 năm chứ không phải 2 năm như gợi ý trong báo cáo. Ủy ban cũng cho rằng để thực hiện thành công dự án này thì cần phải có sự hợp tác của Mỹ. Công việc nghiên cứu cũng như chế tạo bom diễn ra ở Mỹ sẽ tránh được khả năng bị ngăn cản bởi các đợt không kích của máy bay kẻ thù. Mặt khác, Mỹ là quốc gia có các nguồn lực để tham gia vào dự án và điều này sẽ trói buộc chú Sam phải giúp đỡ nước Anh trong thời kì sau chiến tranh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Mỹ vẫn là một quốc gia trung lập. Bởi thế, Ủy ban đề xuất là trước hết, công việc nghiên cứu cũng như xây dựng các cơ sở thử nghiệm nên đặt ở Canada và một cơ sở khác cũng nên được đồng thời xây dựng ở Anh. Đó chính là những kết luận dẫn tới việc ra đời Ban Tube Alloys, tổ chức điều hành dự án mang mật danh Tube Alloys chế tạo bom nguyên tử của nước Anh. Trong khi những báo cáo bí mật vẫn còn đang luân chuyển trong các cơ quan nghiên cứu của nước Anh thì K. Fuchs đã sớm ra tay hành động. Ngày 8-8-1941, K. Fuchs có cuộc gặp thứ hai với điệp viên GRU Semyon Kremer, hay còn gọi Alexander, trên một con phố ở London. Trong cuộc gặp này, K. Fuchs đã lần đầu trao cho điệp viên Alexander những tài liệu tối mật, nêu lên chi tiết về dự án chế tạo bom nguyên tử của nước Anh. Hai ngày sau, 10-8, Cụm điệp báo London gửi các tài liệu này cùng một bức điện mật về Trung tâm Moscow, trong đó có đề cập đến nguồn tin là “thành viên của một nhóm nhỏ đặc biệt các nhà khoa học ở Đại học Tổng hợp Birmingham đang nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử”. Nhận được bức điện mật này, Giám đốc GRU ở Moscow, Aleksei Panfilov lập tức trả lời, ra lệnh cho mạng lưới điệp báo London “bằng mọi cách phải thu thập những thông tin về việc chế tạo bom nguyên tử”, đồng thời yêu cầu phải duy trì mối liên hệ với K. Fuchs. Ngày 22-9-1941, những thông tin mật về dự án chế tạo bom nguyên tử ở Anh do điệp viên K. Fuchs gửi về từ London được chuyển tới Sergei Kaftanov, thành viên Ủy ban Nhà nước về quốc phòng chịu trách nhiệm phụ trách các vấn đề khoa học. Ủy ban này được thành lập chỉ ít lâu sau khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô ngày 22-6-1941. Vậy là 8 năm sau khi quyết định rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể ngăn chặn được chủ nghĩa Quốc xã ở nước Đức, K. Fuchs đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ Liên bang Xô viết. Vào mùa thu năm 1941, các lực lượng Đức Quốc xã đã chiếm được khoảng 45% vùng lãnh thổ và dân số, kiểm soát khoảng 60% các mỏ than, sắt, nhôm của Liên Xô. Tình hình có thể còn tệ hơn nữa. Cũng chính trong mùa thu ấy, K. Fuchs đã bắt đầu chuyển những thông tin mật để giúp Liên Xô trở thành cường quốc nguyên tử thứ hai trên thế giới. Bản thân K. Fuchs khi ấy cũng chưa hình dung ra con đường mình đã chọn rồi sẽ dẫn tới đâu. +++++ Trong vòng một năm, từ giữa năm 1941 đến tháng 7-1942, K. Fuchs đã gặp điệp viên S. Kremer 4 lần, chuyển hơn hai trăm trang tài liệu mật về chương trình vũ khí nguyên tử của Anh cho phía Liên Xô. Trong suốt thời gian này, mặc dù K. Fuchs phải chịu những sự hạn chế ngặt nghèo về chuyện di chuyển cũng như tiếp xúc do vẫn là công dân một quốc gia “kẻ thù” của nước Anh, thế nhưng Cục An ninh MI5 của Anh đã không phát hiện được mối quan hệ bí mật này. Tuy nhiên, đường dây liên lạc giữa K. Fuchs và S. Kremer đột nhiên bị cắt đứt bởi S. Kremer bất ngờ quay về Liên Xô mà không một lời báo trước. Cho dù nhận biết được tầm quan trọng của những tài liệu do K. Fuchs cung cấp nhưng GRU đã không hề bố trí chuyển giao K. Fuchs cho một điệp viên khác của mình để tiếp tục hoạt động. Lí do dường như là ở thời điểm ấy, các lãnh đạo của GRU bị thay đổi xoành xoạch. Luồng thông tin tình báo về chương trình vũ khí nguyên tử của Anh chuyển về từ London giảm hẳn. Trước đấy, K. Fuchs đã thực hiện cuộc tiếp xúc đầu tiên với điệp viên GRU thông qua Jürgen Kuczynski, người lãnh đạo chi nhánh Đảng Cộng sản Đức ở London. Nay, khi quan hệ với tình báo Xô viết đột ngột chấm dứt, một lần nữa, K. Fuchs lại tìm đến Jurgen Kuczynski. Nghe K. Fuchs kể lại chuyện bị đứt liên lạc với tình báo Xô viết, J. Kuczynski lập tức tìm ra giải pháp. Cô em gái Ursula Kuczynski, một điệp viên của GRU vừa tới Anh vào đầu năm 1941. Vào thời điểm điệp viên Kremer - Alexander đột ngột rời nước Anh, U. Kuczynski, tức điệp viên Sonya, đã thiết lập được một trạm điện đài, thường xuyên liên lạc với Trung tâm GRU ở Moscow. Trong một lần U. Kuczynski tới London thăm cha và anh trai tại căn nhà của họ ở khu Hampstead, J. Kuczynski nói với em gái rằng có một đồng chí có khả năng tiếp cận được với những thông tin bí mật vô cùng quan trọng nhưng đã bị đứt liên lạc với phía Xô viết. Không hề xin phép Tổng hành dinh GRU ở Moscow, U. Kuczynski vẫn bố trí cuộc gặp với K. Fuchs tại một tiệm cà phê ở Birmingham. Trong cuộc gặp gỡ này, cả K. Fuchs lẫn U. Kuczynski đều chiếm được lòng tin của nhau. Với K. Fuchs, việc bắt liên lạc lại được với phía Xô viết sau một thời gian gián đoạn là hết sức quan trọng bởi khối lượng tài liệu mật tích tụ lại quá nhiều, cần phải chuyển gấp. Còn với U. Kuczynski, sau một thời gian dài sống hoàn toàn cô độc trong vòng bí mật, việc trò chuyện với K. Fuchs, một đảng viên Đảng Cộng sản Đức giúp giải tỏa bớt căng thẳng trong cuộc sống thường nhật của một điệp viên. Ngày 22-10-1942, trong phiên liên lạc qua điện đài với Moscow, U. Kuczynski, tức điệp viên Sonya, báo cáo với Trung tâm về cuộc gặp gỡ với K. Fuchs. Cô nhận được chỉ thị bằng mọi giá phải tiếp tục duy trì mối liên hệ này và chuyển ngay lập tức những thông tin nhận được về Moscow. Để tránh sự chú ý và theo dõi của phản gián Anh, Sonya quyết định các cuộc gặp gỡ giữa hai người, cứ ba tháng một lần, thường diễn ra ở các vùng quê gần Banbury, một thành phố cổ nằm giữa Birmingham và Oxford. Trong khung cảnh đó, họ có thể dễ dàng phát hiện ra những cái đuôi bám theo nếu có, cũng là nơi mà K. Fuchs có thể trò chuyện một cách thoải mái, tự nhiên. Do các tài liệu mật mà K. Fuchs chuyển cho thường rất dài và mang những đặc trưng ngôn ngữ khoa học khá phức tạp, rất khó để có thể mã hóa rồi chuyển bằng điện đài nên Sonya buộc phải chuyển đổi chúng sang một dạng khác để có thể chuyển về Moscow mà không bị các trạm dò sóng của phản gián Anh phát hiện, hoặc tìm cách đưa tới thẳng sứ quán Liên Xô ở London rồi chuyển về qua đường ngoại giao. Khoảng đầu năm 1943, những tài liệu mật do K. Fuchs chuyển về Moscow đã được chuyển giao cho nhà khoa học trẻ I. Kurchatov, người đứng đầu Phòng thí nghiệm số 2 mới được thành lập để nghiên cứu khả năng chế tạo bom nguyên tử cho Liên Xô. Cho đến lúc ấy, bản thân I. Kurchatov cùng các cộng sự của mình đã quyết định xây dựng lò phản ứng nguyên tử đầu tiên của Liên Xô, nhưng vẫn hoàn toàn không biết được rằng với nguồn quặng uranium hạn hẹp của Liên Xô, có thể đi theo một hướng khác là sử dụng một nguyên liệu mới: Plutonium. Những tài liệu mật do K. Fuchs gửi về từ Anh đã tới thật đúng lúc. Vyacheslav Molotov, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, “cái bóng của Stalin” như cách mà các đối thủ chính trị thường gọi, một lần đã hỏi I. Kurchatov về giá trị của những tài liệu mật đó; I. Kurchatov trả lời: “Những tài liệu này thật vô giá. Chúng bổ sung chính xác những gì mà chúng tôi còn thiếu”. Sau vài ngày giam mình trong căn phòng ở điện Kremlin để nghiên cứu những tài liệu mật này, I. Kurchatov đã viết bản báo cáo ngày 7-3-1943 với những yêu cầu cụ thể để bộ máy điệp báo Xô viết hoạt động hết công suất nhằm thu thập những thông tin cần thiết cho các nhà khoa học Xô viết. Những yêu cầu này cũng được chuyển cho K. Fuchs, khi ấy được GRU đặt cho mật danh là Otto, rồi Rest. Ngày 19-8-1943, Tổng thống Mỹ F. Roosevelt đã có cuộc gặp Thủ tướng Anh W. Churchill tại Quebec, Canada. Trong cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo hai nước đồng minh chống phát xít đã thỏa thuận sẽ cùng phối hợp nghiên cứu tăng tốc quá trình chế tạo bom nguyên tử để đề phòng khả năng các nhà bác học Đức sẽ tới đích trước. Trong thỏa thuận này, không hề có sự tham dự của Liên Xô, một đồng minh của cả hai nước trong cuộc chiến chống Đức Quốc xã. Chính do thỏa thuận Quebec mà phía Mỹ đề nghị Anh cử sang Mỹ một nhóm các nhà bác học ưu tú nhất để tham gia vào dự án chế tạo bom nguyên tử tối mật của Mỹ mang tên Manhattan. Đến tháng 9-1943, K. Fuchs biết được rằng mình sẽ nằm trong số các nhà bác học Anh được cử sang Mỹ và báo lại cho Sonya biết trong một cuộc gặp thường lệ. K. Fuchs vẫn muốn duy trì mối quan hệ hợp tác với tình báo Xô viết khi tới Mỹ. Tổng hành dinh GRU lệnh cho Sonya phải thiết lập một đầu mối tiếp xúc với K. Fuchs trên đất Mỹ, bao gồm các kí hiệu và mật khẩu nhận biết. K. Fuchs nói với Sonya rằng hầu như chắc chắn mình sẽ bị điều đến một vùng hoang vu heo hút nào đó của nước Mỹ nhưng nơi gặp gỡ thuận tiện nhất là New York. Đấy là nơi mà nhiều năm trước, Sonya đã từng hoạt động dưới vỏ bọc làm nhân viên ở một hiệu sách. Bởi thế nên dựa trên trí nhớ của mình, Sonya đã cung cấp cho K. Fuchs đặc điểm nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với đầu mối của tình báo Xô viết tại New York. Vốn tính cẩn thận, K. Fuchs đã đặt ra giả thiết là cần có một đầu mối dự bị để liên lạc trong trường hợp không tiến hành tiếp xúc được ở New York. K. Fuchs cho Sonya địa chỉ nhà của cô em gái Kristel và người chồng Robert Heinemann tại Boston, là địa điểm dự bị. Tháng 11-1943, Sonya nhận được một bức điện mật từ Moscow và thông báo lại cho K. Fuchs biết. Bức điện viết: “Nhất trí về địa điểm gặp gỡ tại New York. Đề nghị chuyển cho Otto lời cảm ơn chân thành. Hãy nói với anh ấy rằng chúng tôi hi vọng sự cộng tác ở địa bàn mới cũng thành công như đã diễn ra ở Anh”. Quả thật đấy là một sự hợp tác thành công mĩ mãn. Trong khoảng thời gian từ năm 1941 đến năm 1943, điệp viên nguyên tử K. Fuchs đã chuyển cho tình báo Xô viết 570 trang tài liệu thể hiện những tính toán phức tạp, mô tả cấu trúc của một quả bom nguyên tử cũng như chu trình làm giàu uranium. Đó gần như là toàn bộ những kết quả nghiên cứu về vũ khí nguyên tử được tiến hành tại Anh trong thời gian đó. Bằng việc cung cấp cho Liên Xô những tài liệu mật này, K. Fuchs đã góp phần thay đổi tiến trình lịch sử. Ngày 24-11-1943, chiếc tàu biển mang tên Andes rời nước Anh đi ngang qua Đại Tây Dương. Trong số những hành khách của con tàu này có 17 người trong phái bộ các nhà khoa học Anh tới nước Mỹ tham gia vào đề án nguyên tử, trong đó có những nhà bác học hàng đầu như Rudotf Peierls, Franz Simon, Otto Robert Frisch, Klaus Fuchs. Ngày 3-12-1943, điệp viên nguyên tử K. Fuchs đặt chân tới cảng Newport News, bang Virginia, Hoa Kỳ. +++++ Cũng như nhiều người Mỹ gốc Do Thái khác, Harry Gold sinh ra trong một gia đình Do Thái đã rời khỏi nước Nga do những biến động chính trị dữ dội hồi đầu thế kỉ XX. Năm 1904, cha mẹ của Harry, ông bà Sam và Celia Golodnisky rời nước Nga sang Thụy Sĩ và ở lại đó trong một thập kỉ. Harry sinh ra ở Bern ngày 12-12-1910. Năm 1914, cả gia đình tới Mỹ và cậu bé Harry được nhân viên nhập cư trên đảo Ellis, nơi tạm trú của người di cư trước khi vào nước Mỹ, đặt cho cái tên là Gold. Thoạt đầu, cả gia đình ở với họ hàng tại Arkansas, sau chuyển tới Chicago và năm 1915 thì chính thức định cư ở Nam Philadelphia. Thời niên thiếu của Harry Gold trải qua trong những khu vực tồi tàn bẩn thỉu dành cho người nhập cư, nơi cả cậu bé lẫn người cha Sam đều phải sống trong sự kì thị người Do Thái một cách nặng nề. Chính những trải nghiệm nặng nề thời thơ ấu đó đã hằn sâu trong kí ức của Harry Gold và có ý nghĩa khá lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của Harry. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Harry đi làm cho Công ty đường Pennsylvania để tích lũy tiền vào học tiếp đại học. Năm 1930, Harry bắt đầu vào học tại Đại học Tổng hợp Pennsylvania. Tại đây, Harry đã gặp và kết bạn với Tom Black, một nhà hóa học là thành viên Đảng Cộng sản Mỹ, người khuyến khích Harry trở thành một đảng viên. Harry có vẻ không mặn mà lắm với ý tưởng đó. Tuy nhiên, đến tháng 9-1933, khi Harry bắt đầu theo học các lớp ban đêm ở Học viện Công nghệ Drexel, Tom Black thôi không khuyến khích Harry gia nhập Đảng Cộng sản Mỹ nữa. Nguyên nhân của sự thay đổi này là khi ấy, Tom Black đã vào làm việc ở Amtorg, Cơ quan hợp tác thương mại Xô - Mỹ ở New York, thực chất là trung tâm điều phối các hoạt động đánh cắp bí mật khoa học công nghệ trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tom Black muốn tình nguyện sang Liên Xô làm việc với tư cách của một nhà khoa học, nhưng phía Xô viết muốn Tom dấn thân vào một lĩnh vực giúp ích cho Liên Xô nhiều hơn, ngay trên đất Mỹ: Tình báo khoa học công nghệ. Cuối năm 1934, đầu năm 1935, Tom Black tiết lộ với Harry Gold về công việc của mình, đồng thời đề nghị người bạn cùng tham gia; Harry Gold nhận lời, chính thức trở thành một điệp viên trong mạng lưới điệp báo Xô viết ở Mỹ. Trong năm 1935, Harry Gold đánh cắp những bí quyết công nghệ hóa học ở Công ty đường Pennsylvania với Tom Black là người liên lạc, chuyển thông tin cho phía Xô viết. Rồi từ tháng 11-1935, Harry Gold làm việc với một người chỉ huy mới mang mật danh là Paul. Năm 1940, Harry Gold tốt nghiệp Trường Xavier ở Cincinnati với tấm bằng hóa học. Cũng trong năm này, Harry Gold có chỉ huy mới, điệp viên Semyon M. Semyonov, mật danh Sam, người đã tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts. Dưới sự chỉ đạo của điệp viên Sam, Harry Gold thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, từ việc thu thập những tin tức công nghệ của hãng phim Kodak cho tới liên lạc với những đầu mối làm việc cho các nhà thầu tư nhân có hợp đồng với chính phủ trong lĩnh vực hóa học. Sự kiện Đức Quốc xã tấn công Liên Xô đã khiến cho Amtorg phải tăng tốc các hoạt động thu thập tình báo khoa học công nghệ, đặc biệt là chú trọng vào các thông tin về vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, đối với Harry Gold, người chuyên về lĩnh vực hóa học thì đó vẫn là một khái niệm khá xa lạ. Tháng 11-1943, Sam thông báo là nhờ các hoạt động điệp báo trên lãnh thổ Hoa Kỳ, Harry Gold được phía Xô viết tặng Huân chương Sao đỏ. Chừng một tháng sau đó, Sam nói với Harry rằng sắp có một điệp vụ cực kì quan trọng, Harry Gold sẽ phải cắt đứt toàn bộ các liên hệ với những đầu mối, những nguồn tin từ trước để chỉ tập trung tham gia vào điệp vụ này. Rồi đến khoảng cuối tháng 1-1944, Harry Gold được lệnh bắt liên lạc với một người đàn ông trên phố Henry ở khu Đông New York. Cuộc gặp diễn ra vào 4 giờ chiều thứ bảy, ngày 5-2-1944. Theo hướng dẫn của Sam, một tay Harry Gold cầm đôi găng tay, còn tay kia cầm một cuốn sách bọc giấy màu xanh; người đàn ông mà Harry phải gặp cũng sẽ cầm một quả bóng nhỏ dùng trong môn thi đấu bóng chày. Nhận ra người đàn ông cầm quả bóng, Harry Gold lại gần rồi hỏi đường đến khu Hoa kiều ở thành phố New York; người đàn ông trả lời: “Tôi nghĩ các cửa hàng khu Hoa kiều đóng cửa vào quãng 5 giờ chiều!”. Hai người chào hỏi nhau. Harry Gold tự giới thiệu mình là Raymond, còn người đàn ông đó nói rằng tên ông ta là Klaus Fuchs. Trong cuộc gặp đầu tiên này, chỉ kéo dài chừng hai mươi phút, hai người thống nhất với nhau về những nguyên tắc trao đổi liên lạc cũng như địa điểm, thời gian cho cuộc gặp tiếp theo. Các cuộc gặp phải diễn ra trong thời gian ngắn hết mức. Không gặp gỡ ở hiệu ăn cũng như không bao giờ gặp hai lần ở cùng một địa điểm. Cả hai sẽ chỉ chờ nhau tối đa từ 4 đến 5 phút. Cuộc gặp sẽ bị hủy ngay nếu như có những dấu hiệu đáng ngờ về việc bị theo dõi. K. Fuchs cũng giải thích sơ bộ cho Harry Gold về những khái niệm như “năng lượng nguyên tử” hay “bom nguyên tử”, về dự án nguyên tử bí mật của Mỹ mang mật danh Manhattan nhưng không biết chắc các nhà máy của dự án được xây dựng ở đâu trên đất Mỹ. Toàn bộ những nội dung của cuộc gặp đầu tiên này với K. Fuchs được Harry Gold báo cáo lại cho Sam trong cuộc gặp diễn ra sau đó ngay trong tối hôm ấy. Vậy là một kênh thu thập trực tiếp thông tin về vũ khí nguyên tử của Mỹ đã được thiết lập trên lãnh thổ Hoa Kỳ để cung cấp cho nhóm các nhà khoa học Liên Xô do I. Kurchatov đứng đầu ở Moscow. Trước khi diễn ra cuộc gặp thứ hai với K. Fuchs, Harry Gold còn có thêm một cuộc gặp nữa với người chỉ huy Sam của mình. Trong cuộc gặp này, Sam thông báo cho Harry Gold biết rằng kể từ hôm đó, sẽ có người thay mình làm việc với Harry, mang mật danh là John. Harry đã gặp người chỉ huy mới của mình tên John trên phố 34 ở Manhattan, New York. John không phải ai khác, chính là điệp viên Anatoly Antonovich Yatskov, người hoạt động tại Mỹ dưới tên gọi Yakovlev. Yakovlev là điệp viên NKVD trực tiếp phụ trách địa bàn New York. Trong mạng lưới của Yakovlev có cả vợ chồng điệp viên Morris Cohen. Không giống như điệp viên Sam làm việc dưới vỏ bọc ở Amtorg, Yakovlev làm việc dưới vỏ bọc một nhân viên tại Lãnh sự quán Liên Xô ở New York. Với việc Yakovlev là điệp viên của NKVD, vậy là K. Fuchs cũng đã được chuyển giao từ GRU sang làm việc dưới quyền của NKVD. Thật ra, sự việc này bắt đầu từ những biến động ở Liên Xô, khi ông trùm L. Beria được cơ cấu vào trong Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, chịu trách nhiệm về các ngành công nghiệp quốc phòng. Tháng 1-1944, lãnh đạo GRU nhận được một bức thư từ Pavel Fitin, khi ấy mới được bổ nhiệm làm người đứng đầu Phân ban Tình báo Đối ngoại của NKVD. Trong thư, Pavel Fitin yêu cầu chuyển giao điệp viên K. Fuchs sang cho NKVD quản lí. Từ lúc đó, mọi thông tin liên quan đến Nhiệm Vụ số Một, tức các nghiên cứu về vũ khí nguyên tử, đều phải được báo cáo trực tiếp với L. Beria. Ông trùm tình báo và mật vụ muốn tất cả các nguồn tin liên quan đến lĩnh vực bí mật nguyên tử đều phải được tập trung trong tay mình thông qua bộ máy NKVD. Mật danh của K. Fuchs khi hoạt động tại Anh do GRU đặt là Rest, khi sang Mỹ được NKVD đổi thành Charles. Tuy nhiên, bất chấp sự chuyển giao này, nhà khoa học Đức chẳng nhận thấy có sự khác biệt nào đáng kể trong hoạt động gián điệp của mình. +++++ Ngay khi vừa đặt chân tới Hoa Kỳ, phái bộ các nhà khoa học đến từ nước Anh, trong đó có K. Fuchs, được đưa về Washington, nơi họ gặp tướng L. Groves, Tổng chỉ huy đề án Manhattan của Mỹ. Tướng L. Groves lên lớp cho các nhà khoa học về những nguyên tắc an ninh, bảo vệ đề án Manhattan trong vòng tuyệt đối bí mật. Là một người đa nghi, ngoài những biện pháp bảo vệ thông thường, tướng L. Groves còn thực hiện một nguyên tắc mà ông ta cho rằng quá thông minh để đảm bảo giữ bí mật: Không có bất cứ ai được biết một cách tổng thể toàn bộ quá trình nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử; mỗi người sẽ chỉ biết một phân đoạn trong phần việc của mình. Từ Washington, các nhà khoa học được đưa tiếp về New York, ngụ lại khách sạn Taft. K. Fuchs không thích khách sạn này, chỉ ở đó một thời gian rồi tháng 2-1944 chuyển tới một căn hộ nhỏ ở số 128 đường 77 Tây New York. Trong dịp Giáng sinh 1943, K. Fuchs tới thành phố Cambridge gần Boston, thăm gia đình người em gái Kristel đã lấy chồng ở đây. Theo thỏa thuận với điệp viên Sonya trước đó ở Anh, K. Fuchs nói cho em gái biết một số tín hiệu để ráp nối trong trường hợp có người lạ tìm tới để bắt liên lạc với K. Fuchs. Sau khi bắt liên lạc được với Raymond trên phố Henry vào đầu tháng 2- 1944, các cuộc gặp của K. Fuchs với điệp viên này bắt đầu diễn ra thường xuyên. Cuộc gặp thứ hai diễn ra tại góc đường 59 với Đại lộ Lexington ở New York. K. Fuchs muốn biết các thông tin mình chuyển giao trước đó khi ở Anh đã được xử lí tại Moscow như thế nào. Raymond không trả lời được câu hỏi này và K. Fuchs có vẻ không hài lòng về điều đó. Cuộc gặp thứ ba của K. Fuchs với Harry Gold - Raymond, diễn ra vào tháng 3-1944 ở đường Park. K. Fuchs chuyển cho Raymond một gói giấy khổ lớn rồi nhanh chóng rời đi. Bên trong gói có chừng hơn hai mươi trang viết tay những hàng chữ viết sít vào nhau. Trong cuộc gặp sau đó với John, Raymond chuyển lại gói hàng và nó nhanh chóng được mã hóa rồi chuyển về Moscow. Vài tuần sau, K. Fuchs lại gặp Harry Gold. K. Fuchs phá vỡ nguyên tắc bảo mật nêu ra trước đấy bằng việc đồng ý vào một tiệm ăn ở khu Bronx của New York. Lần này, K. Fuchs không mang theo tài liệu để chuyển giao. K. Fuchs nói với H. Gold rằng người Mỹ có vẻ không muốn hợp tác sâu hơn với các nhà khoa học Anh trong đề án nguyên tử và công việc của mình có thể kết thúc vào khoảng tháng 7-1944. Điều đó có nghĩa là hoặc K. Fuchs sẽ tới một địa điểm bí mật nào đó, K. Fuchs gọi là Trại X, nơi chế tạo bom nguyên tử, hoặc phải quay trở về Anh. K. Fuchs cũng đề nghị H. Gold hỏi xem tình báo Xô viết cần ưu tiên thu thập những thông tin gì trong lĩnh vực vũ khí nguyên tử. Tháng 4-1944, họ lại gặp nhau. Lần này K. Fuchs cũng không có tài liệu chuyển giao nên hai người có thể ăn tối tại một tiệm ăn ở Long Island. K. Fuchs thông báo cho Harry Gold biết là nhà khoa học Peierls trong phái bộ Anh vừa mới trở về sau một chuyến đi ba tuần tới Trại X, nơi ông làm việc với một nhóm nhỏ các nhà khoa học đang phát triển vũ khí nguyên tử. Trong hai cuộc gặp tiếp theo, K. Fuchs cũng không có nhiều thông tin, ngoại trừ thông báo với Harry Gold rằng vẫn chưa chắc chắn là liệu mình sẽ quay về Anh hay tới Trại X. Đến tháng 7-1944, một cuộc gặp diễn ra ở khu Queen của New York. Lần này, K. Fuchs mang theo số lượng lớn tài liệu đựng trong một cái phong bì chứa khoảng chừng bốn mươi trang viết chi chít chữ và các công thức rối rắm, khó hiểu. Đó hầu như là toàn bộ kết quả những nghiên cứu về quá trình khuếch tán mà K. Fuchs thực hiện trong thời gian ở New York. Tiếp đó là hai lần gặp nữa giữa Harry Gold với K. Fuchs mà không có gì đặc biệt. Ngày 25-7-1944, Cụm điệp báo New York đánh một bức điện mật về Trung tâm Moscow: “Gần nửa năm bắt liên lạc lại với Rest đã chứng tỏ giá trị của anh ấy đối với chúng ta, đề nghị Trung tâm duyệt chi một ‘phần thưởng’ trị giá 500 USD để trao cho Rest". Moscow chuẩn y đề nghị này, nhưng chưa kịp trao thì đột nhiên Rest, tức K. Fuchs, biến mất! Ở lần gặp theo hẹn vào tháng 8-1944 tại Bảo tàng nghệ thuật New York, K. Fuchs không xuất hiện. Đấy là lần đầu tiên K. Fuchs lỡ hẹn. Ở cuộc gặp dự bị tiếp theo tại đường 96 phía tây Công viên Trung tâm cũng vậy; K. Fuchs mất hút, không một chút tăm hơi. John, tức điệp viên Xô viết Yakovlev, cảm thấy lo lắng, không rõ điều gì xảy ra với K. Fuchs, cả Harry Gold lẫn Yakovlev đều không biết K. Fuchs sống ở đâu và cũng không biết làm thế nào để liên lạc được với người mà họ biết chắc là điệp viên quan trọng nhất mà họ từng cùng làm việc. Đấy cũng có thể là điệp viên quan trọng nhất mà NKVD có được cho tới lúc đó. Moscow ra lệnh bằng mọi giá phải tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra. Cả John lẫn Raymond đều phải đối mặt với nguy cơ bị FBI bắt giữ bất cứ lúc nào. Đầu tháng 9-1944, John thông báo cho Harry Gold biết là đã xác định được địa chỉ của K. Fuchs ở New York. Harry sẽ phải thân đến đó để tìm hiểu. Rất có thể một cái bẫy đang chờ Harry ở đó nhưng cả hai buộc phải liều bởi một trong những chiến dịch điệp báo quan trọng nhất sẽ đổ vỡ nếu như không xác định được điều gì đã xảy ra với điệp viên của họ. Với vẻ thận trọng tối đa, Harry Gold tới khu nhà ở số 128 đường 77 Tây New York. Đến căn hộ có gắn tấm biển bên ngoài đề “Tiến sĩ Klaus Fuchs”, Harry Gold gõ cửa. Một cặp vợ chồng có vẻ là dân di cư đến từ Bắc Âu ra mở cửa. Đúng, trước đấy ông Fuchs có ở đây, cặp vợ chồng nói với Harry. Nhưng ông ta đã rời đi rồi và không ai biết là ông ta đi đâu. Điệp viên quan trọng nhất mà Raymond có nhiệm vụ phải liên lạc đã biến mất. +++++ Thật ra, đường đi của K. Fuchs trên đất Mỹ đã được quyết định ở một nơi nào đó mà không một ai có thể biết lí do thực sự cũng như hệ lụy mà nó gây ra sau này sẽ ra sao. Thỏa thuận Quebec giữa Tổng thống Mỹ F. Roosevelt và Thủ tướng Anh W. Churchill dẫn tới sự có mặt của phái bộ các nhà khoa học Anh trên đất Mỹ, nhưng không chấm dứt được những tranh cãi về việc các nhà khoa học Anh sẽ tham gia sâu đến mức độ nào vào đề án chế tạo vũ khí nguyên tử của Mỹ. Cả nhà khoa học Chadwick, người đứng đầu phái bộ tại Mỹ, và Wallace Akers, chịu trách nhiệm về đề án nguyên tử Tube Alloys của Anh, đều thống nhất cho rằng nước Anh cần có một đề án vũ khí nguyên tử của riêng mình. Chỉ có điều là họ không biết tìm đâu ra nguồn lực ở Anh cho một đề án như vậy. Cả hai nhà khoa học này nhận định rằng sớm hay muộn thì người Mỹ, với sự ích kỉ cố hữu, cũng sẽ tách các nhà khoa học Anh ra khỏi giai đoạn cuối cùng của quá trình chế tạo vũ khí nguyên tử, không để họ tham gia cho đến khi đề án kết thúc. Trong bối cảnh ấy, tranh cãi về việc nên để K. Fuchs quay về Anh hay tới Los Alamos, nơi có phòng thí nghiệm nghiên cứu vũ khí nguyên tử của Mỹ, vẫn tiếp tục. Nếu quay về Anh, K. Fuchs sẽ là một trong những thành viên chủ chốt trong chương trình vũ khí nguyên tử của London; còn nếu tới Los Alamos, K. Fuchs cũng sẽ chỉ là một trong số rất nhiều nhà khoa học xuất chúng ở đó. Tuy nhiên, những tranh cãi này bất ngờ kết thúc với việc ngày 11-8- 1944, K. Fuchs nhận được lệnh lên đường tới Los Alamos, Trại X, như cái cách mà K. Fuchs mô tả với các điệp viên trong mạng lưới điệp báo Xô viết. Tháng 3-1943, Robert Oppenheimer, nhà bác học tổng chỉ huy đề án Manhattan chế tạo bom nguyên tử, đã lựa chọn khu vực trường nội trú hẻo lánh ở gần thành phố Santa Fe trên hoang mạc New Mexico làm nơi xây dựng các phòng thí nghiệm cũng như các nhà máy để phục vụ cho đề án Manhattan. Bao quanh bởi những triền cát hoang vu, khu vực này được đặt mật danh Los Alamos, với những hàng rào bao quanh và sự kiểm soát an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Đây là trung tâm đầu não của đề án chế tạo vũ khí nguyên tử Mỹ, nơi được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới. K. Fuchs được bố trí một căn phòng trong khu nhà lớn của trường học cũ, với người “hàng xóm” là nhà vật lí người Mỹ trẻ tuổi Richard Feynman. Người vợ của R. Feynman đang điều trị bệnh lao phổi tại bệnh viện ở thành phố Albuquerque gần đó. K. Fuchs đã thi lấy được bằng lái xe và mua một chiếc Buick cũ, thường cho R. Feynman mượn hay tự mình lái xe đưa nhà vật lí trẻ đi thăm vợ ở nhà an dưỡng. Ở Los Alamos, các nhà khoa học tiến hành song song hai phương án chế tạo bom nguyên tử. Phương án một giống như các nhà khoa học ở Anh đã tiến hành, dựa trên việc sử dụng uranium 235. Đây là phương án khá đơn giản nhưng do quá trình làm giàu uranium nên chi phí rất đắt. Phương án hai sử dụng plutonium, rẻ và quá trình phản ứng xảy ra nhanh hơn. K. Fuchs thuộc Phân ban lí thuyết, làm việc tới 18 giờ mỗi ngày và đóng góp rất nhiều trong việc tính toán cho ra kết quả để tiến hành các hoạt động thử nghiệm. Tại khu nhà ở của các nhà khoa học tại Los Alamos không lắp đặt máy điện thoại. Bên trong hàng rào, các nhà khoa học được thoải mái trao đổi, di chuyển, nhưng khi ra bên ngoài Los Alamos, họ phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt. Các thành phố nhỏ lân cận như Santa Fe và Albuquerque cũng nằm dưới sự giám sát của phản gián Mỹ. Phần lớn các tài xế taxi ở hai thành phố này đều làm việc cho cơ quan tình báo quân đội Mỹ và các nữ phục vụ phòng ở những khách sạn lớn như Hilton hay Alvarado cũng vậy. +++++ Sau khi Harry Gold tìm đến ngôi nhà mà K. Fuchs từng cư ngụ ở New York và không tìm ra manh mối gì vào dịp đầu tháng 9-1944, điệp viên Xô viết Yakovlev, tức John, buộc phải khẩn cấp xoay sang tìm kiếm theo hướng khác. Không thể để một chiến dịch điệp báo quan trọng bậc nhất của tình báo Liên Xô đổ vỡ một cách đơn giản như thế được. Trước khi rời Anh sang Mỹ, K. Fuchs đã để lại cho nữ điệp viên Sonya một địa chỉ liên lạc dự bị, là nhà cô em gái Kristel, khi ấy đã lấy một người chồng tên Robert Heinemans và định cư ở thành phố Cambridge, gần Boston. Khoảng giữa tháng 9-1944, John liên lạc với Trung tâm Moscow và nhận được những thông tin cần thiết về gia đình Heinemans. Người tới tìm K. Fuchs sẽ phải tự giới thiệu với cô em gái Kristel: “Tôi là một người bạn của Max”; cô em gái Kristel sẽ trả lời: “Tôi nghe nói rằng Max mới có một người anh em kết nghĩa”; người đến thăm nói tiếp: “Vâng, hai tuần trước đây”. Vậy là vào ngày chủ nhật cuối tháng 9-1944, theo chỉ dẫn của John, điệp viên Harry Gold đáp chuyến tàu từ Philadelphia đi Boston rồi từ đây đi xe điện ngầm đến Cambridge, tìm tới ngôi nhà của Kristel nằm trên phố Lakeview. Một người giúp việc ra mở cửa. Gia đình Heinemans đã đi nghỉ và sẽ không quay về trước tháng 10. Harry Gold quay về tay không, báo cáo lại cho John. Ít nhất thì cũng đã định vị được địa chỉ nhà cô em gái của K. Fuchs. Chừng một tháng sau, vẫn Harry Gold tìm đến ngôi nhà của cô em gái của K. Fuchs. Lần này thì Harry Gold gặp được Kristel. Harry Gold tự giới thiệu mình là một người bạn của K. Fuchs ở New York, tiện thể có việc đi qua và ghé thăm để xem bạn mình ra sao. Kristel nói với Harry rằng có lẽ anh trai cô đã quay trở về Anh! Nếu đúng như vậy thì đấy quả thật là một tin không vui đối với mạng điệp báo Xô viết đang thực hiện chiến dịch xâm nhập vào đề án nguyên tử của Mỹ ở Los Alamos. Nhưng đến ngày 2-11-1944, Harry tiếp tục quay lại nhà Kristel và nhận được tin mừng. K. Fuchs có gọi điện về từ Chicago, nói rằng đang có một công việc ở New Mexico và có thể sẽ quay về nhà em gái nghỉ khoảng hai tuần lễ trong dịp lễ Giáng sinh. Harry hẹn sẽ quay lại vào ngày 7-12-1944. Đúng hẹn, Harry Gold quay lại. Cô em gái Kristel nói vẫn không nghe được tin tức gì từ anh trai và hi vọng K. Fuchs có thể về Cambridge sau vài tuần lễ. Harry để lại cho Kristel một mẩu giấy, trên đó có ghi số điện thoại và tên của một người đang làm việc tại Cơ quan Hợp tác thương mại Xô - Mỹ Amtorg ở New York, nói rằng nếu anh trai gọi về thì báo cho K. Fuchs biết số điện thoại đó để liên lạc. Trong lúc ấy, ở Los Alamos, K. Fuchs vẫn làm việc như điên. Quá trình chế tạo bom diễn ra khá chậm chạp. Cùng với các nhà khoa học khác, K. Fuchs đã tham gia giải quyết những vấn đề lí thuyết hết sức hóc búa, đòi hỏi trình độ của một bậc thầy toán học và vật lí. Giáng sinh năm 1944 rồi dịp năm mới 1945 trôi qua mà cả John và Harry Gold không nghe thấy một tin tức nào từ K. Fuchs. Rồi bất chợt một ngày tháng 1-1945, K. Fuchs gọi điện theo số điện thoại mà Harry đã để lại cho Kristel, thông báo rằng mình đã quay về nhà em gái ở Cambridge. Sau khi hội ý khẩn với John, Harry Gold lập tức tới Cambridge. Trước khi đi, Harry không gọi điện báo trước nên khi tới ngôi nhà của gia đình Heinemans, Harry Gold gặp được K. Fuchs nhưng cô em gái Kristel nói rằng chồng mình khi ấy cũng đang ở nhà; Kristel không muốn anh chồng nhận ra có người lạ đến tìm K. Fuchs. Harry Gold nên quay lại sau hai ngày nữa! Điệp viên Raymond không có lựa chọn nào khác. Ngày 21-1-1945, Harry Gold quay lại nhà Heinemans và gặp K. Fuchs. Sau khi chào hỏi, hai người rời nhà đi Boston với lí do để mua sắm. K. Fuchs cho biết sẽ phải báo cáo lại với nhân viên an ninh ở Los Alamos bất cứ người nào mà mình gặp khi ra ngoài, bởi vậy không muốn người em rể, chồng của Kristel, gặp mặt Harry Gold. Cả hai quan sát hết sức cẩn thận để đảm bảo không bị bám theo rồi quay lại nhà em gái K. Fuchs ở Cambridge. Sau bữa trưa, hai người lên tầng trên, nơi K. Fuchs ở trong nhà cô em gái. K. Fuchs thông báo là tình hình ở Los Alamos đang diễn biến hết sức nhanh chóng: Khi K. Fuchs bắt đầu tới Los Alamos hồi tháng 8-1944, nhân sự ở đây mới chỉ có khoảng ba ngàn người; nay thì số lượng nhân viên ở đây đã tăng vọt lên tới 45 ngàn người. Một quả bom nguyên tử sẽ được chế tạo xong trong vòng ba tháng nữa. K. Fuchs đã đứt liên lạc với mạng lưới tình báo Xô viết trong nửa năm trời và có rất nhiều thông tin để chuyển giao trong lần gặp này. K. Fuchs đưa cho Harry Gold một chiếc phong bì dày dán kín. Nhưng K. Fuchs không muốn lần gặp sau diễn ra ở Cambridge nữa. Những lần tới lui liên tục của Harry Gold có thể thu hút sự chú ý của những cặp mắt tò mò, gây nên sự nghi ngờ không cần thiết. Lần gặp sau có thể diễn ra ở thành phố Santa Fe gần Los Alamos, nơi mỗi tháng K. Fuchs có thể tới đó một lần. K. Fuchs đưa cho Harry một tấm bản đồ thành phố Santa Fe và chỉ rõ địa điểm nơi sẽ diễn ra cuộc gặp sau. Harry hoặc người thay thế có thể tới đó. K. Fuchs sẽ nói mật khẩu liên lạc: “Người anh trai Raymond của ông thế nào?”; trả lời: “Không ổn lắm. Anh ấy phải nằm viện hai tuần lễ rồi”. Tuy nhiên, K. Fuchs không thể ấn định được chính xác thời điểm cho lần gặp gỡ sau. Lí do bởi rất khó khăn để ra khỏi Los Alamos. Cuộc gặp có thể vào tháng 6-1945, K. Fuchs nói. Harry Gold đưa cho K. Fuchs một chiếc phong bì chứa 1.500 USD nhưng nhà khoa học Đức không nhận. “Tôi không cần tiền”, - K. Fuchs nói. Tiền không phải là mục đích của K. Fuchs khi quyết định cộng tác với tình báo Xô viết. Nhưng K. Fuchs có một yêu cầu khác, đề nghị Harry Gold phải thông báo gấp cho Moscow. Đó là Hồng quân Liên Xô, trên chặng đường tiến đến Berlin để kết liễu chế độ Đức Quốc xã, khi chiếm thành phố Kiel, nơi K. Fuchs sống thời thanh niên, và Berlin, họ cần phải lục soát rất kĩ trụ sở cơ quan mật thám Gestapo của Đức Quốc xã, tìm bằng được những hồ sơ có liên quan đến thời kì K. Fuchs hoạt động trong phong trào cộng sản ở Đức và hủy đi cấp kì trước khi chúng có thể rơi vào tay ai khác. K. Fuchs không muốn bị phản gián Anh - Mỹ phát hiện ra bởi quá khứ hoạt động cộng sản của mình. Trong chiếc phong bì dày mà K. Fuchs chuyển giao cho Harry Gold có những tính toán mới nhất đến thời điểm đó cũng như toàn bộ những thông tin cập nhật cho việc chế tạo một quả bom nguyên tử dựa trên nguyên liệu là plutonium. Đó hầu như là tất cả những thông tin về Manhattan mà K. Fuchs thu thập được kể từ tháng 8-1944. Toàn bộ bí mật của đề án này nằm trong một chiếc phong bì dán kín và ung dung trên đường quay về Moscow. Ngày 16-2-1945, số tài liệu này đến tay nhà bác học I. Kurchatov. Gần hai tháng sau, ngày 7-4-1945, I. Kurchatov viết một bản đánh giá về số tài liệu nhận được từ K. Fuchs, trong đó nhận xét rằng những tài liệu này “cực kì giá trị, đặc biệt là những thông số liên quan đến sự phân hạch tự phát của các hạt nhân nặng”. Manhattan, đề án trị giá 2 tỉ USD vào thời điểm đó, tập trung tổng cộng khoảng 100.000 nhà khoa học, kĩ thuật viên, thợ cơ khí, viên chức hành chính cũng như các nhân viên hỗ trợ. Mặc dù có quy mô khổng lồ như vậy nhưng đề án được giữ bí mật đến nỗi ngay cả phó tổng thống Mỹ cũng không biết. Vậy nhưng nó đã bị điệp báo Xô viết xâm nhập thành công vào ngay trung tâm đầu não. +++++ Lúc đó là 4 giờ 30 phút sáng ngày 16-7-1945. Bóng đêm hầu như vẫn còn bao phủ trên khắp vùng hoang mạc New Mexico. Tại một địa điểm quan sát được gọi là Đồi Compania, một nhóm các nhà khoa học được những chiếc xe quân sự đưa từ Los Alamos tới đây lúc 2 giờ sáng. Họ sắp được chứng kiến một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Vụ thử bom nguyên tử đầu tiên mang mật danh Trinity. Trong số những người có mặt ở đây có James Chadwick, người lãnh đạo phái bộ các nhà khoa học Anh tham gia đề án Manhattan; nhà khoa học Đức gốc Do Thái Rudolf Peierls, nhà khoa học Đức gốc Hungary Edward Teller, một người cực kì thông minh nhưng cũng có cái tôi quá lớn... Và có mặt cả điệp viên nguyên tử K. Fuchs. Hơn một tháng trước đó, ngày 26-5-1945, Harry Gold đã gặp điệp viên Xô viết Yakovlev, tức John, tại một quán rượu có tên là Volk nằm ở giao lộ giữa đường 42 với Đại lộ số Ba ở Manhattan, New York. Trong cuộc gặp kéo dài khoảng một giờ đồng hồ này, John yêu cầu Harry phải khẩn cấp tới Santa Fe để gặp K. Fuchs nhận những tài liệu mới nhất về vũ khí nguyên tử của Mỹ. Ngoài ra, John còn đề nghị là sau cuộc gặp với K. Fuchs ở Santa Fe, Harry phải tới thành phố Albuquerque gần đó để gặp một nhân mối thứ hai hoạt động cho lưới tình báo Xô viết. Harry Gold lập tức phản đối bởi vì làm như vậy là vi phạm những nguyên tắc sơ đẳng nhất của hoạt động gián điệp. Gặp K. Fuchs để nhận những tài liệu mật có thể đưa người ta lên ghế điện rồi lại khơi khơi vác những tài liệu đó đến một cuộc gặp thứ hai rõ ràng không phải là một hành động khôn ngoan chút nào trong hoạt động điệp báo, nếu không nói là quá nguy hiểm. Nhưng John thuyết phục rằng việc gặp nhân mối thứ hai này ở Albuquerque là tối quan trọng đối với chiến dịch thu thập các tin mật về vũ khí nguyên tử. Thật ra, trước đấy, một nữ điệp viên Xô viết đã được giao nhiệm vụ tới gặp nhân mối thứ hai này nhưng vì một lí do bất khả kháng nên đã không thể thực hiện được chuyến đi. Cuối cùng, Harry Gold phải đồng ý thực hiện cả hai cuộc gặp trong chuyến đi này. Đây là một sai lầm nghiêm trọng khiến cho lưới tình báo Xô viết phải chịu những tổn thất to lớn sau này. Ngày thứ bảy, 2-6-1945, K. Fuchs lái chiếc Buick cũ kĩ của mình từ Los Alamos tới thành phố lân cận Santa Fe. Hơn hai tháng đã trôi qua kể từ khi các binh lính trong đơn vị Hồng quân Liên Xô và quân đội Mỹ trên đất Đức bắt tay nhau ở Torgau, cách Potsdam chừng 100 cây số về phía nam, ít ngày trước khi Hitler tự sát vào hôm 30-4-1945. Cuộc chiến chống phát xít Đức đã kết thúc, nhưng công việc ở Los Alamos vẫn tiếp tục, với nhịp độ còn khẩn trương hơn. Hôm ấy, K. Fuchs lái xe tới điểm hẹn trên phố Alameda, bên cạnh cầu Castillo ở Santa Fe. Địa điểm này K. Fuchs đã chỉ cho Harry Gold trên bản đồ trong cuộc gặp trước đó. Cuộc gặp diễn ra vào lúc 4 giờ chiều. Harry Gold, vẫn sau một hành trình dài từ Philadelphia, đã đợi sẵn ở chỗ hẹn và chui vào bảng ghế trước của chiếc xe. K. Fuchs lái xe qua cầu Castillo, tới một địa điểm vắng vẻ. Cả hai chui ra khỏi xe và đi dạo quanh đó. K. Fuchs thông báo cho Harry Gold biết là quá trình chế tạo bom nguyên tử đã bước vào giai đoạn cuối. Chẳng bao lâu nữa sẽ diễn ra cuộc thử nghiệm đầu tiên, có thể vào thời gian đầu tháng 7-1945. Nếu thử nghiệm thành công, một quả bom tương tự sẽ được sử dụng nhằm vào một mục tiêu ở khu vực Thái Bình Dương, dù K. Fuchs không thực sự biết chắc là nó nằm ở đâu. Trước khi chia tay, K. Fuchs đưa cho Harry Gold một chiếc phong bì dày. Cuộc gặp tiếp theo được ấn định sẽ diễn ra vào ngày 19-9-1945. Trong chiếc phong bì mà K. Fuchs trao cho Harry Gold hôm 2-6-1945 ấy có bản mô tả chi tiết loại hình bom nguyên tử sẽ được thử nghiệm tại một địa điểm mang tên Alamogordo, cách Los Alamos chừng 200 dặm về phía nam. Có cả phác thảo sơ bộ cấu trúc quả bom cùng kích thước các thành phần cơ bản, hình dạng lõi quả bom, mô tả chi tiết về tình trạng kích nổ, phương thức can thiệp để dừng vụ nổ, phương pháp tính toán hiệu suất vụ nổ do quả bom gây ra... Đó chính là loại bom nguyên tử tương tự như quả bom mang tên Fat Man sẽ được ném xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản sau này vào ngày 9-8-1945. Ngay sau cuộc gặp với điệp viên K. Fuchs, Harry Gold đi bộ tới bến xe buýt của Santa Fe và bắt xe buýt đi Albuquerque. Theo hướng dẫn tỉ mỉ của John trước khi đi, địa chỉ của nhân mối Harry phải gặp mặt là ngôi nhà của cặp vợ chồng có tên là David và Ruth Greenglass, ở 209 đường High, phía trước có một chiếc cổng có mái che lớn. Tới nơi, Harry chỉ gặp người cha của cặp vợ chồng này, nói rằng họ có việc đi đâu đó và phải sáng hôm sau mới quay về. Đêm ấy, khó khăn lắm, Harry mới tìm được chỗ trú chân tại một nhà riêng ở Albuquerque để chờ đến cuộc gặp ngày hôm sau. Sáng hôm sau, chủ nhật, 3-6-1945, Harry một lần nữa tìm đến gõ cửa nhà Greenglass. Lần này thì David Greenglass ra mở cửa. Theo lời dặn của John, Harry nói: “Julius cử tôi đến!”, Julius là chồng chị gái của David, Ethel Greenglass, lấy theo họ chồng là Ethel Rosenberg, cũng hoạt động trong lưới điệp báo Xô viết. David mở ví vợ lấy ra một mảnh của chiếc hộp bìa hiệu Jell-O đưa ra. Harry Gold cũng lấy mảnh bìa mà John đã chuẩn bị sẵn cho khi hai người gặp nhau ở New York. Hai miếng bìa khớp nhau. David giới thiệu Harry với vợ mình, Ruth Greenglass. David Greenglass là một thợ cơ khí bắt đầu làm việc ở Los Alamos từ ngày 5-8-1944. Là người theo chủ nghĩa lí tưởng, hoàn toàn thiếu những kĩ năng cơ bản của hoạt động gián điệp, David Greenglass hoạt động gián điệp cho Liên Xô thông qua vợ chồng người chị gái Ethel và Julius Rosenberg. Vị trí một thợ cơ khí ở Los Alamos, tuy không quan trọng trong số những người làm việc tại đây, nhưng lại cho phép David tiếp cận được với những thông tin tuyệt mật là các bản vẽ thiết kế quả bom nguyên tử của Mỹ đang hình thành ở Los Alamos! David nói rằng do Harry Gold tới bất ngờ nên mình chưa kịp chuẩn bị các tài liệu. Bởi vậy, Harry Gold có thể đi đâu đó ở Albuquerque rồi đến chiều quay trở lại. Trong thời gian đó, David Greenglass sẽ chuẩn bị các tài liệu để chuyển giao cho phía Xô viết. Với tập tài liệu mật mới nhận được từ K. Fuchs ở Santa Fe, Harry Gold không dám mạo hiểm đi lại loanh quanh ở Albuquerque bởi rất có thể sẽ lọt vào tầm ngắm của các nhân viên an ninh dày đặc tại đây. Harry Gold tới """