"
Quốc Văn Đời Tây Sơn - Hoàng Thúc Trâm full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quốc Văn Đời Tây Sơn - Hoàng Thúc Trâm full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : QUỐC-VĂN ĐỜI TÂY-SƠN
Tác giả : Sơn-Tùng HOÀNG THÚC-TRÂM Nhà xuất bản : Nhà sách VĨNH-BẢO SÀI-GÒN Năm xuất bản : 1950
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : yeuhoatigone
Kiểm tra chính tả : Cao Ngọc Thùy Ân, Thanh Hoa, Nguyễn Văn Huy, Trương Thu Trang
Biên tập chữ Hán – Nôm : Lý Hồng Yến Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 08/10/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả Sơn-Tùng HOÀNG THÚC-TRÂM và nhà sách VĨNH-BẢO SÀI-GÒN đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
PHÀM-LỆ
LỜI ĐẦU
PHẦN THỨ NHẤT : LỊCH-SỬ QUỐC-VĂN ĐỜI TÂY-SƠN
Chương 1 : Tây-sơn lên cầm chính-quyền, có ảnh-hưởng đến quốc-văn thế nào ?
Chương II : Hưởng phần « hương-hỏa » quốc-văn từ cuối Lê
Chương III : Quốc-văn được dùng trong việc hiệu-triệu tướng súy
Chương IV : Quốc-văn dùng trong việc tế-lễ thiêng-liêng Chương V : Quốc-văn dùng trong quân-sự
Chương VI : Quốc-văn trong dân-gian
Chương VII : Những đặc-tính của quốc-văn đương thời PHẦN THỨ HAI : CÁC TÁC-GIẢ ĐỜI TÂY-SƠN Chương I : Hồ-xuân-Hương
Chương II : Ngọc-Hân công-chúa (1770-1799) Chương III : Phan-huy-Ích (1750-1822)
Chương IV : Nguyễn-hữu-Chỉnh (?-1787)
Chương V : Nguyễn-huy-Lượng
KẾT LUẬN
SÁCH BÁO THAM KHẢO
SÁCH HIỂU-BIẾT
Sơn-Tùng HOÀNG THÚC-TRÂM QUỐC-VĂN ĐỜI TÂY-SƠN NHÀ SÁCH VĨNH-BẢO SÀI-GÒN
敕命之寶 (SẮC MỆNH CHI BẢO)
Dấu ấn này rập trong đạo sắc của Phan Huy Ích (người phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây do vua Quang Trung gia phong…
PHÀM-LỆ
1) Sách này có hai mục-đích là giúp các bạn học-sinh dùng trong các trường học và cung tài-liệu cho bộ thuần-túy Việt-nam văn-học-sử sau này, nên tác-giả cố-gắng khảo cứu cho được kỹ và chú-thích cho được tường. Nhưng ngặt vì trong cơn khói lửa, còn nhiều điều-kiện chưa đủ, nên không sao tránh khỏi những khuyết-điểm đáng tiếc.
2) Phàm những sách báo tham-khảo để viết sách này, sẽ liệt-kê ở cuối. Còn nội-dung có những bài thơ văn cổ, hoặc từ chữ nôm mới phiên-âm ra, hoặc sao-lục hay so sánh ở sách báo quốc-ngữ nào, đều có chưa rõ xuất-xứ để độc-giả tiện kiểm-điểm lại.
3) Phàm những bản phiên-âm chữ nôm hay là những bản sao-lục quốc-ngữ, nếu thấy chỗ nào hoặc do chữ nôm khó hiểu, hoặc do tiếng cổ ít dùng, hoặc do sự sao chép đáng ngờ, đều xin đánh dấu hỏi ở bên để tồn-nghi, đợi sẽ khảo sau và mong các bậc cao-minh chỉ-giáo.
4) Các tác-giả đời Tây-sơn, nhà nào có đủ tài-liệu thì ở tiểu-sử xin nói kỹ, còn thì xin chịu cái lỗi sơ-lược để đợi một ngày sáng sủa thuận tiện hơn. 1
5) Như nhan nó đã nêu, sách này chỉ nằm trong phạm vi quốc-văn đời Tây-sơn (1778-1802) nên mấy tác-giả đời ấy, như Phan-huy-Ích, Nguyễn-hữu-Chỉnh, dầu có tác-phẩm bằng Hán-văn, nhưng chỉ được kể ra tên sách hoặc tên bài để cung làm tài-liệu bị khảo, chứ không dùng làm đối-tượng nghiên-cứu.
6) Đối với các bài văn cổ đời Tây-sơn, ngoài sự chú thích cho dễ hiểu, nếu gặp bài nào quá dài như « Ai-tư vãn », v.v… tôi xin mạo-muội chia phần và nêu tiểu-đề để tóm ý từng đoạn cho dễ nhận xét.
7) Vì phải thu gọn trong khuôn-khổ một cuốn sách nhỏ, nên có nhiều văn đời Tây-sơn buộc phải trích-lược2, hoặc chỉ dẫn được đầu-đề3, xin đọc-giả lượng thứ.
LỜI ĐẦU
Nhà Tây-sơn (1778-1802) 4, do mấy anh em « áo vải », đáp theo tiếng gọi của thời-đại, tiếng gọi của dân-chúng, chỗi dậy với bao hào-khí, hùng-tâm, giữ vững được tự do, chủ-quyền và lĩnh-thổ của Việt-nam, suốt từ Nam-quan đến Gia-định.
Về chính-sự cũng như về võ-công, đời Tây-sơn có nhiều rực rỡ lắm. Chẳng thế, từ khi quật-khởi (1771) đến lúc bại vong (1802), trong vòng thời-gian ngắn ấy, bắc quét được Mãn-thanh, nam đuổi được Xiêm-la, tây phục được Miên, Lào, thống-nhất Trung, Nam, Bắc, trước đó chưa từng có trong lịch sử Việt-nam.
Một triều-đại dầu hưởng-thụ ngắn-ngủi, nhưng kinh-tế có tổ-chức, chính-trị có tổ-chức, quân-sự có tổ-chức, xã-hội có tổ-chức, không lẽ trên trang văn-học lại không có nét gì đặc-biệt đáng ghi ?
Nghĩ vậy, trong vòng ngót hai mươi năm nay, tôi vẫn để tâm khảo-cứu đến đoạn lịch-sử Tây-sơn là một triều đại bị phe chiến-thắng xóa nhòa gần hết : đào mả, tán xương, tru-di giống-nòi, rất đỗi niên-hiệu Cảnh-thịnh trên chuông đồng và tờ nhan ngoài bộ ĐẠI-VIỆT SỬ-KÝ khắc đời Tây-sơn cũng bị đục bỏ, xóa đi cho tuyệt dấu tích !
Thời gian khảo-cứu dần dần mang lại cho tôi một vài tia sáng : càng đi sâu vào lịch-sử Tây-sơn, càng thấy có cái đặc-điểm văn-học : trọng-dụng quốc-văn.
Phải, một triều-đại đã có nhiều sáng-kiến về kinh-tế (như việc đòi lập nha-hàng ở Nam-ninh thuộc Quảng-tây), về võ-bị (như việc bắt-buộc đầu quân), về chính-trị (như việc làm thẻ tín-bài) như kia, thế nào chẳng có cái đáng chú-ý về văn-học ? Thì một việc yêu tiếng mẹ đẻ, trọng
dụng quốc-văn đủ nêu cao viết lớn những chữ vàng trên tờ văn-học sử của thời đại ấy.
Đã tìm được phương-hướng, tôi cứ lần bước trong « tiểu-thụ lâm » quốc-văn Tây-sơn, nay đã có thể nói với các bạn thân mến rằng đời Tây-sơn cũng trội về quốc-văn và QUỐC-VĂN ĐỜI TÂY-SƠN đã chiếm được một địa-vị quan-trọng trên trang sử văn-học thuần-túy Việt-nam cận đại.
Nhà Tây-sơn sớm sụp đổ, đến nỗi những đặc-điểm về văn-học ấy, cũng như các sáng-kiến về mọi phương-diện khác, tuy không kịp phát-triển được rộng, ăn rễ được sâu, nhưng cái « cây » quốc-văn đã vun trồng trong khoảng hơn hai mươi năm đó cứ theo thời-gian, chống với gió sương, dạn cùng giông-tố, vượt bao chật-vật khó-khăn để đến ngày nay, đi kịp tư-trào thế-giới, rèn thành một thứ lợi-khí cho Việt-nam xây-dựng một nền văn-hóa dân-tộc, khoa-học và đại-chúng.
Mồng sáu tháng giêng 1950
Tác-giả
PHẦN THỨ NHẤT : LỊCH-SỬ QUỐC-VĂN ĐỜI TÂY-SƠN
Chương 1 : Tây-sơn lên cầm chính-quyền, có ảnh-hưởng đến quốc-văn thế nào ?
Từ thế-kỷ thứ XVII, Việt-nam thành một cục-diện địa phương cát-cứ : từ sông Gianh (Linh-giang) ra Bắc, gọi là Bắc-hà, nhà Trịnh 5vịn họ Lê, cầm quyền thống-trị ; từ sông Gianh vào Nam, gọi là Nam-hà, nhà Cựu-Nguyễn 6 làm chúa ở Thuận, Quảng 7, riêng nắm chính-quyền.
Đến cuối thế-kỷ XVIII, nhất là từ năm kỷ-sửu (1769) trở đi, suốt nước rối loạn, đói kém, nhân dân điêu-đứng lầm than ; quốc-nạn ngày một trầm trọng.
Anh em Tây-sơn, Nguyễn-Nhạc và Nguyễn-Huệ, với áo vải, cờ đào, nhân thời-thế, nổi lên từ năm tân-mão (1771).
Qua năm mậu-tuất (1778), Nguyễn-Nhạc lên ngôi hoàng-đế ở Qui nhơn, đặt niên-hiệu là Thái-đức.
Ta nên nhớ rằng trong buổi loạn-lạc, những người có thủ-đoạn, thường bỏ bút-nghiên, tập cung-kiếm, chứ không mấy khi giữ lề-lối, do khoa-cử mà xuất-thân. Cho nên từ anh em Tây-sơn đến các tướng ở bên vua Thái-đức bấy giờ hầu hết là những tay quân-nhân thượng-võ.
Hán-văn, đối với họ, có thể bị coi là những món xa lạ, không sát thực-tế. Vậy nên quốc-văn bấy giờ, vì nhu-cầu của thời-đại, vì sở-năng của cá-nhân, đã được đóng một vai trò lịch-sử khá quan-trọng.
Chứng-cớ là vua Thái-đức từ khi lên ngôi (mậu-tuất, 1778) đến năm mậu-thân (1788) đã mười một năm đằng đẵng, rất có đủ thì-giờ để tuyển dùng những nhà túc-nho, những tay khoa-bảng làm việc thảo sắc-thư, viết chiếu-chỉ ; nhất là Bình-vương Nguyễn-Huệ, bấy giờ đang làm đại
nguyên-súy, tổng-quốc-chính, rất có đủ điều-kiện và quyền lực mà « động-viên » hết cả những bậc thông-nho ở khu « ảnh-hưởng » của Tây-sơn để nhờ giúp việc văn-hàn từ lệnh. Vậy mà tờ chiếu do Bình-vương Nguyễn-Huệ gửi cho La sơn phu-tử Nguyễn-Thiệp (1) đề năm Thái-đức thứ mười một (1788), cũng viết bằng chữ nôm. Nguyên-văn như dưới đây :
« Chiếu truyền La-sơn phu-tử Nguyễn-Thiệp khâm tri 8 : Ngày trước ủy cho phu-tử về Nghệ-an tướng địa làm đô cho kịp kỳ này hồi-ngự 9. Sao về tới đó chưa thấy đặng việc nhỉ ? 10. Nên hãy giá-hồi Phú-xuân kinh, hưu-tức sĩ-tốt 11. Vậy chiếu ban hạ, phu-tử tảo-nghi dữ trấn-thủ Thận cộng sự, kinh chi, doanh chi 12, tướng địa tu đô tại Phù-thạch hành-cung sao hậu cận sơn. Kỳ chính-địa phỏng tại dân-cư chi gian hay là đâu cát-địa khả đô, duy phu-tử dạo-nhãn giám định, tảo tảo tốc-hành 13. Ủy cho trấn-thủ Thận tảo lập cung-điện, kỳ tam nguyệt nội hoàn-thành, đắc tiện giá ngự 14. Duy phu-tử vật dĩ nhàn hốt thị 15. Khâm tai ! Đặc chiếu 16. Thái-đức thập nhất niên 17 lục nguyệt, sơ nhất nhật ». 18
Vua Quang-trung (1788-1792), trong năm năm trị-vì, hai năm đầu còn phải đấu-tranh bằng quân-sự, rồi bằng ngoại-giao để chiến thắng Mãn-thanh về hai phương-diện ấy mà giành lấy độc-lập, giữ trọn tự do ; đến vài năm sau lại lo chấn-chỉnh vũ-bị, định đánh Mãn-thanh, đòi đất Lưỡng-Quảng. Thế nghĩa là trong khoảng thời-gian ngắn ngủi ấy, tâm-lực vua Quang-trung hầu chuyên-chú cả vào một việc đối-ngoại. Dẫu vậy, công-cuộc nội-trị của ngài cũng có nhiều đặc-sắc. Riêng một việc trọng-dụng quốc-văn đủ làm đại-biểu cho những đặc-điểm ấy.
Ngoài cái chứng-cớ chắc-chắn bằng bức chiếu-văn gửi cho La-sơn phu-tử như đã thấy rõ ở trên, các truyền-văn và dã-sử còn cho ta biết thêm :
1) Mỗi khoa thi, cứ đệ tam trường (kỳ thứ ba), các sĩ-tử phải làm thơ phú bằng quốc-âm. 19
2) Nhờ danh-sĩ Nguyễn-Thiệp dịch kinh, truyện ra tiếng nôm, nhưng Thiệp mới dịch được một ít, thì triều Tây-sơn đổ, nên những dịch-phẩm ấy đều bị tiêu-hủy hết.
Đến đời Cảnh-thịnh (1793-1800), nhiều nhà khoa-bảng rất giỏi Hán-văn như Phan-huy-Ích, Ngô-thì-Nhậm, Nguyễn huy-Lượng tuy vẫn đang đứng ở trong triều, thế mà những việc quan-trọng như dụ quận Diệu, quận Dũng, dụ quân dân thành Qui-nhơn và tế Hoàng thái-hậu, v.v… cũng thường thấy viết bằng quốc-văn cả, đủ biết đến triều Cảnh thịnh (1793-1800), Bảo-hưng (1801-1802), quốc-văn đã chiếm được địa-vị lớn-lao là thế nào rồi.
Cái cớ quốc-văn được trọng-dụng, xu-hướng quốc-văn được bùng nổ ở đời Tây-sơn như vậy, tưởng cũng dễ hiểu.
Trong mấy lần Bắc-thuộc, phe chiến-thắng vì muốn giữ vững địa-vị thống-trị, bảo-vệ quyền-lợi của mình, thường dùng những thủ-đoạn tàn-khốc như tiêu-diệt văn-hóa của đối-phương, xóa-nhòa tinh-thần dân-tộc của nước bị-trị, để một mặt thì dân bị-trị ấy ngoan-ngoãn thu-hút lấy món giáo-dục ngu-dân, một mặt thì vất-vưởng bấp-bênh như cây đứt gốc, khó lòng cựa lên mà giành được cái quyền sống còn ở dươi ánh-sáng mặt trời. Cho nên hồi Minh đô-hộ (1414-1427), chúng đã cướp hết đồ-thư điển-tịch của ta từ Trần về trước, rồi chúng nhồi sọ cho ta bằng những TỨ-THƯ ĐẠI-TOÀN, TÍNH-LÝ ĐẠI-TOÀN ; đồng thời lại cấm dân ta không được cắt tóc, bắt đàn-bà con gái ta phải mặc áo ngắn, quần dài, theo lối ăn mặc của người Minh.
Mấy triều-đại tự-chủ tuy giữ được chủ-quyền về chính trị và văn-hóa, nhưng còn những dây liên-lạc với Trung quốc rất khăng-khít, chưa thể một sớm đã dễ phục-hưng về mặt tinh-thần, nên mãi đến cuối Lê thì tính-chất dân-tộc mới thật chớm nở.
Đến đời Tây-sơn, Nguyễn-Huệ từ đám bình-dân « áo vải » chỗi dậy, có tinh-thần một nhà cách-mệnh, đủ tư-cách một tay lãnh-đạo, nên về phương-diện văn-hóa, vua Quang-trung đã sáng-suốt hơn ai hết : trọng-dụng quốc
văn, vạch rõ con đường tiến tới : phải đi sát với thực-tế, phải gần-gũi với bình-dân để thích-hợp với nhu-yếu của nhân-dân và ăn nhịp với xu-thế của thời-đại. Sau năm năm trị-vì, dẫu cá-thể vua Quang trung đã mất đi, nhưng cái đà
của quốc-văn cứ do đó mà tiến-triển. Vậy nên đến đời Cảnh-thịnh, Bảo-hưng thì cái xu-hướng quốc-văn đã lên cao, cứ việc nở bừng, lan rộng.
Chương II : Hưởng phần « hương-hỏa » quốc văn từ cuối Lê
Quốc-văn đời Tây-sơn không phải bột-phát, mà là tiệm tiến, nghĩa là không vượt bực, nhưng cứ theo trình-tự mà tiến-hóa lên.
Việt-nam là một nước theo học Hán-văn đã lâu đời, tất nhiên, một triều-đại dù có nhiều đặc-điểm và sáng-kiến như Tây-sơn cũng không phải một sớm một chiều gây thành cái phong-trào quốc-văn bồng-bột ngay được. Tất phải từ trước tiến dần, đến khi gặp nhiều điều-kiện thuận-tiện, nó mới mạnh-mẽ phát-triển.
Nay muốn xét xem Tây-sơn đã được thừa-hưởng cái phần « hương-hỏa » quốc-văn như thế nào, ta nên đi ngược thời-gian, ngó sơ trình-tự tiến-triển của quốc-văn trước triều-đại ấy.
Nên chia văn-học Việt-nam làm hai loại : một là văn-học Hán-Việt, hai là văn-học thuần-túy Việt-nam.
Bên loại văn-học Hán-Việt, bắt đầu vỡ lòng từ hồi nước Văn-lang bị Triệu Vũ-vương (207-137 trước Công-nguyên) chiếm-cứ đến năm 1918 bãi thi hội ở Trung-kỳ, đã chép thành một pho Việt-nam cổ-văn-học-sử, ta phải kể loại văn
học thuần-túy Việt-nam là chính, là gốc.
Loại văn-học thuần-túy Việt-nam này bắt nguồn từ tục ngữ ca-dao, phôi-thai ở Nguyễn-Thuyên (tức Hàn-Thuyên), Nguyễn-sĩ-Cố đời Trần (1225-1293), rồi hình-thành ở mấy triều-đại sau, vì lác-đác có một số nhà văn, nhà thơ có tác phẩm hoặc dịch-phẩm bằng tiếng Việt.
Đến đời Lê-trung-hưng (1592-1789), quốc-văn theo trình-tự tiến dần, đã có cơ khởi-sắc đôi chút.
Ở Nam-hà, Đào-duy-Từ (1572-1634) có bài NGỌA LONG CƯƠNG sánh mình với Chu-cát-Lượng, Nguyễn-cư-Trinh (1716-1767) có bài SÃI-VÃI, làm năm 1750 (đời Nguyễn Vũ-vương) là một bài vè đặt theo lối đối-thoại.
Ở Bắc-hà, quốc-văn khá hơn, theo tương-đối ở bấy giờ :
Ngoài dịch-phẩm CHINH-PHỤ NGÂM của Đoàn-thị-Điểm (tiền bán-thế-kỷ XVIII), Nguyễn-bá-Lân (1701-1785) có bài Giai-cảnh hứng tình phú và bài Ngã ba Hạc phú ; chúa Trịnh-Căn (1682-1709), viết tập NGỰ ĐỀ THIÊN-HOA DOANH BÁCH VỊNH có cả thơ nôm ; chúa Trịnh-Sâm (1742- 1782), trong TÂM THANH TỒN DỤY TẬP, cũng có cả thơ nôm. 20
Quốc-văn bấy giờ chẳng những chỉ là văn chơi, khiển hứng trong khi quên hương trà, nóng men rượu, mà dần dần đã đóng một vai kha khá, được đưa dùng vào « việc triều-đình », chẳng hạn như hồi tháng năm, năm Cảnh hưng thứ 16 (1755), các quan-liêu bên Vương-phủ đã dùng thơ quốc-văn làm đồ mừng về việc vợ cả chúa Trịnh được kim sách phong làm chính-phi :
« Tần-tảo 21 bấy nay hợp đạo thường.
Tiếng khen còn nghĩ 22 giá Nhâm 23, Khương. 24 Tài gồm có đức nên nhuần tốt,
Gấm cấy (?) thêm hoa mới rỡ-ràng.
« Cù mộc » 25 thơ còn in vẻ ngọc,
« Kê minh » 26 thiên hải 27 tạc phên (?) vàng. Khôn tam 28 danh cậy trong muôn việc.
Kiền ngũ 29 ngồi xem máy sửa-sang, 30
Việc ngoài cậy dã sửa-sang,
Giúp trong thêm cậy đởm-đương gia-tề. 31
Sắc-cầm dạo nổi (?) tiếng hòa,
Khi ca Lân-chỉ 32, khi đề Chung-tư ». 33
(Phiên âm theo bản chữ nôm trong « QUỐC-ÂM THI-CA TẠP-LỤC », sách viết trường Bác-cổ, số Ab 296).
Năm kỷ-sửu (1769), nắng lâu không mưa, đồng ruộng tiêu khô, có nạn mất mùa đói kém đe dọa, nên suốt từ triều-đình đến dân-dã, ai cũng lo-lắng băn-khoăn. Bỗng một trận mưa « thuận mùa » trút xuống, làm cho các triều-thần đều vì nông-dân mà mừng, vì « bề trên » mà ca-tụng.
Trước cái quan-niệm « nước lấy nông làm trọng, dân lấy ăn làm trời » ấy, họ có làm một bài thơ « mừng mưa » 34 dâng lên Triều-đình để ghi mừng một việc có liên-quan đến mạng sống nhân-dân và căn-bản nhà nước. Bài ấy cũng được viết bằng quốc-văn :
« Tinh-thành đâu dám thấu u-huyền. 35
Cam-vũ 36 đều nhờ sức cán-tuyền. 37
Một trận dồi-dào 38 nhuần Thuấn dã, 39
Muôn phương hớn-hở khắp Chu điền. 40
Cơ-mầu cảm-cách câu « như hưởng », 41
Điềm ứng phong nhương vận « hữu niên ». 42 Khôn biết lấy chi phu thượng đáp, 43
Gìn lòng kính-cẩn, dám khi quên ». 44
Coi vậy đủ thấy từ đời Lê trung-hưng, quốc-văn đã kèn lên, cựa dậy, chiếm được địa-vị nho nhỏ trên đàn văn-học Việt-nam rồi.
Tây-sơn lên cầm chính-quyền, quốc-văn theo cái đà ấy tiến được bước dài, nêu được đặc-điểm lịch-sử.
Có thể nói quốc-văn như một cây to, mọc mầm từ tục ngữ ca-dao, nảy chồi đâm rễ ở đời Trần, thành cây vào cuối Lê, nhưng đến Tây-sơn, gặp tiết xuân ấm, mưa hòa, cây đó mơn-mởn nảy cành trổ lá.
Chương III : Quốc-văn được dùng trong việc hiệu-triệu tướng súy
Như ta đã thấy ở chương nhất, quốc-văn đời Tây-sơn đã chiếm được địa vị quan-trọng, chẳng hạn : năm mậu thân (1788), dùng để viết chiếu cầu hiền 45. Từ chương này trở đi, ta lại sẽ thấy quốc-văn đương-thời được dùng vào quân
quốc trọng sự, như việc hiệu-triệu các tướng súy xem ở chương ba này, việc điển-lễ tế-tự 46, việc hiểu-dụ quân-dân
47, thì biết quốc-văn bấy giờ đã phát-triển đến một trình-độ nào rồi.
Nguyên từ năm giáp-dần 1794 các tướng nhà Tây-sơn, nhân dịp vua Cảnh-thịnh (793-800) 48 hãy còn thơ-ấu, quốc-gia đang buổi nghiêng-ngửa chông-chênh, bèn chèn bẩy nhau, tàn-hại nhau để tranh quyền-bính. Trần-quang Diệu đang vây Diên-khánh hay tin Vũ-văn-Dũng làm mưa làm gió ở triều-đình, giết cha con Bùi-đắc-Tuyên, bắt giam
Ngô-văn-Sở, liền lật-đật rút quân về đóng ở phía nam sông Hương để uy-hiếp Văn-Dũng.
Vua Cảnh-thịnh phải sai người đi úy-lạo, phủ-dụ hòa giải cả quận Diệu lẫn quận Dũng bằng một bài chiếu đề là DỤ NHỊ SÚY QUỐC-ÂM CHIẾU-VĂN 49, do tiến-sĩ Phan-huy Ích 50 thảo năm giáp-dần (1794) :
« Chiếu thiếu-phó Diệu quận-công Trần-quang-Diệu, tư đồ Dũng quận-công Vũ-văn-Dũng khâm tri : Nhị khanh 51 là huân cựu-đại-thần 52, quốc-gia trụ thạch 53, người thì phụng-tuân cố-mệnh 54, bảo dực trẫm cung 55; người thì chuyên-chế Bắc-thành, bình-hàn vương-thất 56. Trẫm vốn lấy làm cổ quảng tâm lữ, đãi dĩ chí-thành. 57
« Khoảnh nhân biên-sự khổng-cức 58, trụng lao khanh đẳng động binh vu ngoại 59. Như nay thố-trí đồn-ngũ đã rồi, mà hồi-triều nghị-sự, cùng lo tính thủy-bộ cơ nghị, dĩ đồ hậu cử 60, để cho thượng hạ chi tình tương-đạt 61, thì cũng là phải. Dầu là chưa có triều mệnh, mà đã thiện-hồi 62, mà
cũng chẳng qua cấp ư quốc-kế, lược ư lễ-văn 63, trẫm cũng chẳng hà-trách những điều tế-quá 64. Bỗng nay hai khanh tự hoài-nghi cụ, cách hà ủng binh, bất lai triều yết 65. Tằng dĩ lũy ban dụ-chỉ, hãy còn suy thác trì hồi 66 ! Trong quân thần phận nghĩa mà tự xử dường ấy, khanh đẳng nghĩ đã yên lòng hay chưa ?
« Trẫm thanh-niên lãm chính 67 đường thành-tín ngự-hạ có điều chưa được tố-phu 68, khiên tới nỗi những kẻ huân cựu dường ấy, còn phải quải-ngại vu tâm 69, ấy cũng là trẫm tri quá thất. 70
« Tưởng nay đang buổi tông-thành thất-thủ, kình-địch tại tiền, dẫu quân-thần-đồng tâm mưu lự do khủng phất cập 71, bỗng lại gây nên nội-loạn 72 thì nữa quốc-sự làm sao !
« Ví như trẫm chẳng suy lượng bao-hàm 73, lại có lòng tường-hại tướng-thần 74, ấy là tự tiễn kỳ vũ dực, thế ắt nguy-vong lập kiến 75. Mà khanh đẳng dĩ binh hiếp chế, khiến cho chủ-bính hạ di, đại-cương vẫn xuyễn 76, thì cũng chung-quy loạn-vong. Thử nghĩ hai nhẽ ấy, trẫm an-nhiên vi chi hồ ? Khanh đẳng an-nhiên vi chi hồ ? 77
« Dầu như khanh đẳng còn ngại tiếng « phạm thượng » mà lại bất năng thích nghi 78, thiên tương nội-đạo viên quân tầm lộ tha khứ 79 để đến nỗi nhân-tình hung-động 80,
địch-quốc ngoại thừa 81, thì tận-khí tiền-công, thùy nhậm kỳ cữu ? 82
« Trẫm thừa tông-miếu xã-tắc chi trọng 83, nhị khanh vi triều-đình đống cán chi thần 84, nhẽ đâu lưỡng tương nghi trở 85 sự biến hoạn sinh 86, chẳng là di tiếu thiên-cổ 87 vậy du ?
« Sổ nhật lai phản phúc tư duy 88, tẩm thiện câu giảm 89, tưởng chưng quốc-gia đại-kế hệ tại tư tu 90. Vậy đã khai thành trì dụ 91, mà khanh đẳng còn chưa khai thích, trẫm vưu bất-an vu tâm ! 92
« Vả, kinh lãm khanh đẳng biểu nội 93, sở chư thố-trí các điều cũng là đương hành-sự nghi 94, song khanh đẳng còn đối khuyết liệt binh, vị lai triều yết 95 thì quân-thần chi nghĩa chưa được minh-chính 96. Như trong nước mà chưa thuận đạo, quân-thần hầu dễ lo đường chính-sự làm sao ?
« Dầu như khanh đẳng muốn rằng tiên y tấu-biểu, hậu thủy xu-triều 97, thì ra quân nhược thần cường 98, cương thường điên-đảo, dầu có chính-sự cho hay, thi-hành sao đặng ? Như thế lấy làm binh-gián 99, e chưa hợp trong sự thể.
« Khanh đẳng đã thực lòng ái-quốc thì tua 100, giữ đạo tôn-thân ; thể lòng trẫm suy thành đãi-ngộ 101, sớm nên thích kỳ hiềm-nghi 102, qui triều tạ quá mà hãy phu-trần sự lý 103. Như việc binh-nhung nên khu-xử những làm sao 104,
trong quan-liêu nên tiến-thoái những làm sao 105, cùng triều-thần thương-nghị rồi thì thỉnh chỉ phụng hành 106, ngõ cho thượng hạ tình thông 107, thứ sự tựu tự 108, để giúp nhà nước chưng cơn này, phương ngưỡng phó Tiên-hoàng-đế chi di-thác 109, bất phụ trẫm-cung chi ỷ tỉ dã. 110
« Phu-bố trung-khúc 111, bất tích phiền-ngôn 112. Nhị khanh kỳ thục tư chi. 113
« Khâm tai ! Đặc chiếu ». 114
Chương IV : Quốc-văn dùng trong việc tế-lễ thiêng-liêng
Ngày hai mươi chín tháng bẩy 115 năm nhâm-tý (1792), vua Quang-trung, miếu-hiệu là Thái tổ Vũ hoàng-đế, mất. Trong việc tang ngài, nhà Tây-sơn đã dùng quốc-văn làm văn-tế. Bài văn-tế ấy, gần đây, đã có nhiều sách báo in ra quốc-ngữ và cho là do Ngọc-Hân công-chúa, vợ vua Quang
trung, soạn ra. Nhưng hiện nay chưa đủ tài-liệu để phê phán xem nguyên-văn có đúng chắc và có quả thật tác-giả là Ngọc-Hân công-chúa, nên bài này xin nay tạm gác, chưa dám dẫn ra đây. Dẫu vậy, đó cũng là một chứng-cớ tỏ rằng quốc-văn bấy giờ đã quý-giá, được dùng vào những việc thiêng-liêng hơn hết, trịnh-trọng hơn hết, như việc điện-tế một vị anh-hùng dân tộc đã có công lớn đánh đuổi giặc Thanh xâm-lược, giữ vững độc lập cho Việt-nam.
Mùa đông năm kỷ-mùi (1799), thứ-mẫu vua Cảnh-thịnh là bà Ngọc-Hân – truy-tôn là Nhu-ý-trang-thận-trinh-nhất
Vũ hoàng-hậu 116qua đời 117, quốc-văn cứ theo mực ấy mà tiến, được nhà nước dùng làm văn tế đọc trong những dịp tế-điện, tế-điếu vị hoàng-hậu của cái triều-đại bấy giờ còn nhất-thống, còn hùng-cường.
- Bài thứ nhất, đọc trong tuần-tế do vua Cảnh-thịnh « chịu chén ». 118
- Bài thứ hai, đọc trong dịp lễ-điện do các công-chúa là các con gái vua Quang-trung đứng tế.
- Bài thứ ba, đọc trong tuần-tế do bà Từ-cung Nguyễn thị-Huyền, quê ở Phù-ninh (nay thuộc Bắc-ninh), là mẹ đẻ Ngọc-Hân Vũ hoàng-hậu, đứng viếng.
- Bài thứ tư, đọc trong tuần-tế do những người trong hoàng-tông nhà Lê, là anh em thân-thuộc với Vũ hoàng hậu, tỏ tình ai-điếu.
- Bài thứ năm, đọc trong buổi tế điện do các bà con họ ngoại bên Phù-ninh (quê mẹ của Vũ hoàng-hậu) đứng chia buồn.
Tất cả năm bài văn tế nôm ấy đều do Dụ-am Phan-huy Ích, một vị nho-thần, đỗ tiến-sĩ, đã từng đi sứ Mãn-thanh, đứng soạn, và đều chép theo thứ-tự trong DỤ-AM VĂN-TẬP, quyển 7, từ tờ 10b đến tờ 15b, chưa từng in ra quốc-ngữ
bao giờ.
Nay xin hãy phiên-âm và chú-giải bài thứ nhất đầu đề là « Kỷ-mùi đông, nghĩ Ngự-điện Vũ hoàng-hậu tang, quốc âm văn » (mùa đông năm kỷ-mùi (1799) nghĩ đỡ nhà vua bài văn quốc-âm để tế điện Vũ hoàng-hậu 119 :
« Than ôi ! Nguyệt in phách-quế, mái trường-thu 120 vừa giãi vẻ làu-làu. Sương ủ hồn hoa ; miền thượng-uyển 121, chợt phai (?) mùi thoảng-thoảng 122. Nẻo chân-du 123 quạnh-quẽ biết đâu tìm ! Niềm vĩnh mộ 124 bâng-khuâng hằng trạnh-tưởng ! Giọt ngân phái 125câu nên 126 vẻ quí, duyên hảo-cầu 127 thêm giúp mối tu tề 128. Khúc Thư-châu 129 thổi (?) sánh tiếng hòa, khuôn nội-tắc 130 đã gây nền nhân nhượng 131. Rành rành bút đỏ 132 dua thơm, Chói chói sách vàng 133 tỏ rạng. Hồ Đinh 134 ngậm-ngùi cung nọ 135 sắp rắp (?) chìm châu nát ngọc đã từng nguyền ; Cung khôn 136 bận-bịu gối nao 137 ếp vì (?) vun quế quến lan nên hãi gượng 138. Tự xung linh 139 hay gìn-giữ hiếu tư 140. Vâng từ-đức 141cũng thỏa vui vinh-dưỡng 142. Nối tiên-chí 143 vậy dốc bề tri kính 144, dấu sân huyên đòi chốn xum vầy 145. Cảm mẫu nghi 146 mà thay buổi thừa hoan 147, vẻ áo vi xưa kia mường-tượng 148. Mong thẻ tiên trùng trập thêm cao 149. Hiềm máy tạo so le khôn lượng 150. Sương nắng bấy chầy ngăn trường thúy, băn-khoăn cơn bữa ngọc, lò đan 151. Gió mây xảy phút lối xe loan, khơi diễn nẻo non Bồng, vườn Lãng 152. Lễ theo tình, tròn cuộc mấy cam 153. Đức so thọ, lệch cân chưa đáng 154. Dầu ngự đoái di-thể sữa măng vài chút, lòng quyên linh 155 đành có vẻ-vang thêm 156. Dầu ngự cảm cố khư 157 hương khói đòi châm (?), lệ ân tuất 158vốn còn nhuần gội xuống 159. Ấy tấc vuông hằng
chăm một tín-thành 160, Ắt mảy chút cũng thấu lên tinh sảng. 161
« Ôi ! Bóng quạnh nước mây, Thoi đưa ngày tháng ! Chồi tiêu lan 162 dường rã-rợi bên thềm 163 ! Dấu cư vũ bỗng lạnh-lùng dưới trướng 164; Nguyện cũ hẳn nay lọn vẹn 165, bên đan lăng quanh-quất mạch liên châu 166; Khí thiêng gìn (?) để dặc-dài, trong Thanh-miếu ngạt-ngào mùi quán sưởng. 167
« Rày nhân : Cách bánh liễu dư 168. Bày hàng thể trượng 169. Nhìn khâm vệ 170 trạnh ngưng mỗi vẻ, dường u hiển xa lìa 171 ! Dâng điện-diên 172gọi giãi mấy nhời, mối luân-thường sáng tỏ 173. Hỡi ôi ! Cảm thay ! »
Chương V : Quốc-văn dùng trong quân-sự Mùa hè năm bính-ngọ (1786), đức lệnh 174 Nguyễn-Huệ đem quân ra đánh Trịnh ở Bắc-hà. Tương truyền : ngài có sai Nguyễn-hữu-Chỉnh 175 thảo một bài hịch 176 kể tội họ Trịnh dưới cái danh-nghĩa là « thanh tội, trí thảo, diệt Trịnh, phù Lê ». 177
Bài hịch ấy viết theo thể văn biền ngẫu đối nhau, trong có những vế như :
« Vả, bây giờ thần nịnh chúa hôn, gương bình-trị lòng nên ắt muôn 178; Lại gặp hội binh kiêu dân oán, sửa kỷ cương tài cả phải ra ». 179
Theo trình-tự mà tiến-triển, quốc-văn đến triều Cảnh thịnh, được dùng vào quân-sự có tính-cách trang-nghiêm như lời nhật-lệnh, oai-hùng như bài hịch-văn. Chứng-cớ ấy thấy rõ ở bài « Diệu quận quân-thứ quốc-âm hiểu-văn » do Dụ-am Phan-huy-Ích vâng mệnh vua Cảnh-thịnh, làm vào mùa xuân năm canh-thân (1800), niêm yết ở Qui-nhơn là nơi quân-thứ của quận Diệu để hiểu-dụ quan-quân, dân chúng.
Nguyên Qui-nhơn trước là địa-bàn của Nguyễn-Nhạc. Năm quí-sửu (1793), quân bên cựu-Nguyễn 180 vây bức thành Qui-nhơn. Nhạc sai con là Bảo chống cự lại, nhưng quân vỡ. Bảo thua chạy. Nhạc bấy giờ đang ốm, sai ruổi thư ra Phú-xuân để cáo-cấp.
Vua Cảnh-thịnh sai lũ thái-úy Phạm-công-Hưng, hộ-giá Nguyễn-văn-Huấn, đại tư-lệ Lê-trung và đại tư-mã Ngô văn-Sở đốc-suất một vạn bẩy nghìn (17.000) bộ binh, tám mươi (80) thớt voi và đại thống-lĩnh Đặng-văn-Chân đem hơn ba chục (30) chu sư, chia làm năm đường vào cứu.
Quân Cựu-Nguyễn cởi vây, rút lui ; bọn Hưng vào thành Qui-nhơn. Nhạc sai đem một mâm vàng, một mâm bạc để khao quân. Hưng bèn tịch-biên kho đụn, thu lấy giáp binh, chiếm-cứ thành ấy. Nhạc uất-ức, hộc máu mà chết. 181
Từ đó Qui-nhơn lại thuộc quyền thống-trị của vua Cảnh thịnh.
Qua năm mậu-ngọ (1798), Nguyễn-Bảo (con Nguyễn Nhạc) nổi cuộc phản-công, bắt tù Thanh-uyên hầu 182 là
tướng của triều-đình Phú-xuân lưu lại để kiềm-chế Bảo, rồi Bảo chiếm-cứ thành Qui-nhơn, sai đô-đốc Đoàn-văn-Cát và Nguyễn-văn-Thiệu giữ Phú-yên ; sau lại đưa thư xin hàng bên Cựu-Nguyễn.
Nhưng quân Cựu-Nguyễn chưa đến thì binh Phú-xuân đã kéo tới bắt Bảo rồi.
Năm kỷ-mùi (1799), sau trận Bến-đá (Thạch-tân), Diệu, Dũng đều thua, Qui-nhơn lại bị Cựu-Nguyễn lấy được.
Từ năm ấy cái tên « Bình-định » do chúa Nguyễn-Ánh đặt cho để thay hai chữ « Qui-nhơn » mới bắt đầu thấy trên sử-sách.
Cuộc chiến-tranh ở thành Qui-nhơn này bước sang thời kỳ kịch-liệt cũng từ khi thành ấy bị đổi tên làm Bình-định, do Chưởng Hậu-quân Vũ-Tính và Lễ-bộ Ngô-tông-Chu bên Cựu-Nguyễn cùng gánh trọng-trách trấn-thủ.
Để đi giành lại Qui-nhơn, Trần-quang-Diệu thiếu-phó Tây-sơn, từ ngày 21 tháng chạp năm kỷ-mùi (1799), tiến quân vào mặt nam.
Qua ngày 29 (tháng chạp năm kỷ-mùi, 1799) Diệu đến đèo Bến đá, chia quân làm ba đạo, lách núi non, vượt hiểm trở mà thẳng tiến. Đến ngày mồng hai tết canh-thân (1800), Diệu bức thành Qui-nhơn, bao vây bốn mặt 183, khiến Vũ-Tính và Ngô tông-Chu bên Cựu-Nguyễn đều phải chết theo thành.
Nhận được tờ biểu của quận Diệu để trong ống tre, cẩn niêm, dâng lên từ nơi quân-thứ, khi đã vây thành Qui-nhơn,
vua Cảnh-thịnh, như trên đã nói, có sai Phan-huy-Ích làm bài hiểu-văn bằng nôm này niêm-yết nơi quân-thứ của Diệu tại Qui-nhơn để vỗ-về yên-ủi lòng quân lính và dân-chúng.
Có xét rõ lai-lịch về việc Qui-nhơn như thế, ta mới hiểu thêm một đoạn lịch-sử ở đương-thời và khỏi bỡ-ngỡ những chỗ dụng-ý trong bài hiểu-văn (cũng viết theo thể văn biền ngẫu đối nhau) dưới đây :
« Nhất hiểu Qui-nhơn phủ : quan, quân, dân thứ đẳng tri : Tướng vâng quyền chế ngoại 184, dẹp lửa binh mà trợ (giúp) lấy dân lành. Người sẵn tính giáng trung 185, cởi lưới ngược lại noi về đường thuận. Mấy lời cặn-kẽ ; Đòi chốn sum-vầy.
« Quý-phủ ta : Cội gốc nền vương. Dậu phên nhà nước. Miền thang mộc 186 vốn đúc non gây (?) bể, mở-mang bờ cõi bởi từ đây 187. Hội phong-vân 188 từng dìu phượng vin rồng, ghi tạc thẻ quyên 189 đành dõi để. Dấu cờ nghĩa đã sáng công dực vận 190. Buổi xe nhung thêm đồng sức cần vương. Mấy phen gió bụi nhọc con dòng 191, giúp oai-võ cũng đều nhờ đất cũ. Ba huyện đá vàng bền tấc dạ, căm cựu thù chi để đội trời chung. Tiệc ca phong 192 chầm nhạn vừa yên. Vời tĩnh-hải tăm kình lại động 193 ! Đoàn ngoại-vũ lung-lăng quen thói, nương thế đèo, đường Bến đá chia ngăn 194. Kẻ khốn ư 195 dáo-dở nên lòng, phụ ơn nước, chốn thành vàng phút bỏ 196 ! Nơi trọng-địa xảy nên gai góc. Lũ lương-gia 197 lây phải lầm-than ! Kẻ thì sa vào thế hiếp tòng
198, trót lỡ bước dễ biết đâu tránh thoát ? Kẻ thì quá nghe lời khu dụ 199, dẫu căm-hờn nào có kịp nàn than 200. Giận vì địch thế hãi buông tuồng 201. Xót đến dân-tình càng áy náy ! Trong một cõi, nỗi hoành ly 202 là thế, đầu tên trước đạn, nghĩ cỏ cây âu đã đổi màu xưa ; Trên chín lần, niềm trắc-ẩn dường bao, sớm áo, đêm cơm 203, mong đệm chiếu lại cùng êm nếp cũ 204. Chước diễn khấu ngửa vâng tiếng ngọc 205 ; Việc đổng nhung xa chỉ ngọn đào. 206
« Bản-tước nay 207: chịu mạng đền phong 208. Buông oai dinh liễu 209. Thế phân-đạo gấu giồ (?) hùm thét, suối rừng pha (?) đồn lũy đã tan tành. Cảnh sơ-xuân 210 hoa rước oanh chào, đất nước thấy quan-quân càng hớn hở. Súy-mạc vốn quyết bài tất thắng 211. Tông-thành âu hẹn buổi phục-thù. Ngẫm chúng-tình 212 đà quải-cách bấy lâu, sự biến ấy hoặc có người nghi cụ 213; Vậy tướng lịnh phải đinh-ninh đòi nhẽ, thân-cố ta cho biết nẻo tòng, vi 214. Nghiệm cơ giới đành thu góp về nhân ; Vâng ngôi thánh lấy chở che làm lượng. Bao nhiêu kẻ trót theo đảng dữ, như đã thích mê hồi thiện 215, thì đều nơi chức-nghiệp cũ cho yên. Hoặc mấy người riêng lẳm (?) chí cao, mà hay nỗ-lực lập công, ắt lại chịu ân-thưởng nay càng hậu. Dầu trước có hà tỳ 216, nào xá trách ; Ai sớm hay hối-ngộ 217 thảy đều dung. Hội thanh-ninh 218 đành trên dưới đều vui. Người Bái-quận 219… (thiếu một chữ) móc mưa hiệp sái 220. Phương tị tựu ví
kíp chầy chưa tỏ 221, Thủa Côn-cương ngọc đá khôn chia 222. Nghĩa cả mà nhầm. Lòng ngay xá giữ. Nay hiểu ». 223
Chương VI : Quốc-văn trong dân-gian Triều Tây-sơn, từ khi nổi dậy đến lúc bại-vong, chỉ vẻn vẹn vào vài chục năm ngắn ngủi. Trong thời-gian ấy, phải đương đầu với nhiều phe địch ghê-gớm ở trong nước, như nhà Cựu-Nguyễn ở Nam, họ Lê và họ Trịnh ở Bắc, ấy là chưa kể Mãn-thanh là một cường-địch ở ngoài. Cho nên, sau khi nhà Tây-sơn đã đổ, dân-gian thường thấy truyền tụng những câu như :
« Đầu cha 224 lấy làm chân con, 225
Mười bốn năm tròn 226 hết số thì thôi ».
Và :
« Cha nhỏ đầu 227 con nhỏ chân, 228
Đến năm nhâm-tuất 229 thì thân chẳng còn ».
Đó là những câu hoặc ra từ miệng người bên Cựu Nguyễn là phe chiến-thắng, hoặc ra từ chỗ dụng-ý của nhóm di-thần nhà Lê là phe kình-địch. Họ cố-ý bịa-đặt thêu dệt sau khi sự-kiện đã xẩy để tỏ cho dân-chúng biết rằng « vận-mệnh » nhà Tây-sơn ngắn-ngủi có bấy nhiêu, đừng ai « dại-dột » nghe bọn cô-thần vong-mạng của Tây-sơn mà làm cái trò « phiên-động » nữa nhé. Tây-sơn đã « tận-số » rồi, đừng có ai đoái-hoài thương-tiếc hay ngóng trông gì nữa đấy.
Nhưng, bên những tiếng của phe phản-đối ấy, còn có những câu đáng ghi khác.
Chương này hoàn-toàn khách-quan, xin cứ lượm-lặt những câu ca, bài hát lưu-hành ở nơi dân-dã đương-thời mà có dính-líu đến đoạn lịch-sử Tây-sơn để đánh dấu mấy nét quốc-văn trong dân-gian dưới triều-đại ấy :
1) Ở đàng trong, đời chúa Nguyễn Định-vương (1763- 1778), quốc-phó Trương-phúc-Loan nhân dịp chúa thơ-ấu 230, nước chông-chênh, bèn chuyên quyền làm loạn triều chính.
Để chống lại chính-sách tham-bạo của kẻ quyền-thần, anh em Tây-sơn chỗi dậy từ năm tân-mão (1771), truyền hịch kể tội Phúc-Loan. Rồi Nguyễn-Nhạc đón lập hoàng-tôn nhà Cựu-Nguyễn, tên là Nguyễn-phúc-Dương, làm chúa để tiện hiệu-triệu nhân-dân và đương đầu với phe Quốc phó.
Mỗi khi trẩy đến đâu, quân Tây-sơn thường hay rầm-rộ la-ó.
Để phân-biệt quân của hai phe ấy, dân-gian bấy giờ có câu : « Binh (quân) Triều, binh Quốc-phó ; binh ó, binh Hoàng-tôn ».
Thế nghĩa là quân Quốc-phó Trương-phúc-Loan là phe triều-đình Nam-hà, mà quân Hoàng-tôn Dương là phe Tây sơn hay la-ó.
2) Nguyễn-Nhạc trước làm tuần biện lại, nên đời thường gọi là biện Nhạc. Nhạc có một viên tướng là Tứ-linh. Quân của tướng này gọi là quân Tứ-linh.
Từ năm tân-mão (1771), Nhạc quật khởi ở thượng-đạo ấp Tây-sơn (Qui-nhơn) 231. Đến năm mậu-tuất (1778), thì lên ngôi, kỷ-nguyên là Thái-đức. Trong 8 năm ấy, đánh Cựu Nguyễn, chống quân Trịnh, Nhạc tất phải « động-viên » số đông dân-chúng ở miền mình đã kiểm soát, nhất là Qui
nhơn, để dưới cờ có thể có một số binh khá đông ngõ hầu mới ứng-phó được với tình-thế.
Trong các gia-đình quân-nhân, khi tiễn chồng đi trận, lòng chinh-phụ nào là chẳng « dặc dặc buồn », mắt chinh phụ nào là chẳng hoen mờ ngấn lệ ! Lại thấy chồng phải trèo núi Cù-mông (ở Qui-nhơn) với bao vất-vả nhọc-nhằn, rồi dần dần chìm khuất trong lùm cây kẽ đá, người chinh phụ càng « nhìn rặng núi » càng « ngẩn-ngơ nỗi nhà », càng có thể òa lên mà than, mà khóc ! Cho nên bấy giờ dân-gian có câu :
« Tiếng ai than khóc nỉ-non,
Là vợ chú lính trèo hòn Cù-mông ! »
Trong số quân tại-ngũ của Biện Nhạc, khi tổ-chức chưa được chu-đáo, kỷ-luật chưa được chặt-chẽ, rất có thể có một tốp quân, chẳng hạn như quân Tứ-linh, thường làm việc trái phép, khuấy-nhiễu đàn-bà con gái ở xung-quanh ! Mấy câu dưới đây là phản tưởng việc ấy :
« Trách lòng Biện Nhạc, Tứ-linh,
Làm cho con gái thất kinh, hãi hồn ! »
3) Hồi tháng bẩy năm bính-ngọ (1786), công-chúa Ngọc-Hân, mỹ-hiệu là chúa Tiên, con gái thứ hai mươi mốt
vua Lê-Hiển-tôn (1740-1786), bấy giờ mới 16 tuổi, vâng mệnh vua cha, kết duyên với đức lệnh Nguyễn-Huệ.
Cuộc nhân-duyên này, theo sự nhận xét của người đời sau, là một chuyện đẹp anh-hùng giai-nhân gặp gỡ, nhưng đối với con mắt một số người đương-thời, nó lại là một đối tượng dùng để mỉa-mai trào-phúng. Họ cho rằng việc gả chúa Tiên cho « đức lệnh » Nguyễn-Huệ chỉ là một gượng gạo ép duyên, chứ không phải do sự se tơ kết chỉ của Thiên-tiên Nguyệt-lão. Mà Nam-hà ở tận góc biển chân trời xa tít, một sớm « đem con bỏ chợ » như thế thì biết bao giờ lại được sum-vầy ?
Nguyễn-thì-Thấu là con của Nguyễn-Thế và là bạn của Ngô-thì-Nhậm, đã từng làm quân-sư cho hai ông hoàng Lê duy-Chút, Lê-duy-Mật, dấy quân ở Ninh-trấn, chống lại họ Trịnh, nay về ở ẩn, thấy chuyện hôn-nhân mà Thấu cho là ép thúy gượng loan ấy, bèn làm một bài « kỷ thuật thời sự », trong có mấy câu cười cợt như :
« Ngựa thồ thay mối xích thằng,
Ông Tơ bà Nguyệt dẫu giằng, chẳng ra !
Một ngày một vắng quê nhà,
Sáng từng từng nhớ, tối tà tà trông… »
4) Tháng mười năm nhâm dần (1782), Nguyễn-hữu Chỉnh 232 đang làm hữu-tham-quân ở Nghệ-an thì trong kinh-đô Thăng-long có việc quân Tam-phủ 233 nổi loạn. Chỉnh sợ vạ lây, phải đem cả gia-quyến vào Qui-nhơn, theo anh em nhà Tây-sơn.
Năm bính-ngọ (1786) đức-lệnh Nguyễn-Huệ cùng Chỉnh đem quân ra Bắc-hà, diệt Trịnh, phù Lê, rồi lại bỏ Chỉnh ở Bắc.
Sau, Chỉnh khi lưu trấn Nghệ-an, được vua Lê-chiêu thống (1787-1789) vời vào kinh hộ-vệ và phong làm Bằng trung công. Vì Chỉnh được phong tước là quận Bằng, nên người đời bấy giờ thường gọi Chỉnh là « con sáo ».
Khi đã đắc-chí ở Bắc-hà, Chỉnh lại tự đặt mình vào ngôi chúa Trịnh xưa : lập trại quân Vũ-thành, đóng tướng-doanh ở Trịnh-phủ, lập phủ « thế tử » cho con là Nguyễn-hữu-Du.
Thế là, sau khi được đức lệnh Nguyễn-Huệ đưa qua sông Gianh sang Bắc-hà, Chỉnh chẳng những bay nhảy dọc ngang, hiệu-triệu cả một nước cũ, lại sai sứ-bộ Trần-công Sán vào đòi đất Nghệ an ngang-nhiên tranh-giành với Bắc bình-vương Nguyễn-Huệ. Vì thế đương-thời có câu :
« Ai đem con sáo sang sông ?
Nên chi con sáo sổ lồng sáo bay ! »
Chương VII : Những đặc-tính của quốc-văn đương thời
Thừa-hưởng « hương-hỏa » từ Lê trung-hưng để lại, hình-thức quốc-văn đời Tây-sơn cũng không ngoài ba thể tài : 1) Văn vần. 2) Văn biền ngẫu (đối nhau). 3) Văn xuôi.
1) Văn vần gồm có lục bát, lục bát gián thất, thơ tứ tuyệt và thơ bát cú.
- « Lục bát » là một thể văn vần trên sáu dưới tám chữ, như :
« Đi cùng bốn biển, chín châu,
Về ngồi trong bếp, chuột chù gặm chân ! »
(Nguyễn-hữu-Chỉnh)
- « Lục bát gián thất » hoặc « song thất lục bát » thường gọi tắt là « song thất » là thể văn vần mỗi tiết gồm bốn câu : hai câu bẩy chữ, rồi đến câu sáu và câu tám. Thể này rất phát-đạt ở đời Tây-sơn. Ta thấy như CUNG-OÁN NGÂM-KHÚC của Ôn-như-hầu Nguyễn-gia-Thiều (1741- 1798) và AI TƯ VÃN 234 của Ngọc-Hân công-chúa :
« Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ-y lạnh ngắt như đồng !
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào ? »
(Cung-oán ngâm-khúc)
« Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo !
Trước thềm lan, hoa héo héo ron !
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm-thẳm, bóng loan rầu-rầu… »
(Ai tư vãn)
- « Tứ tuyệt » là thể thơ bốn câu, ba vần, mỗi câu năm chữ, hoặc bảy chữ, như :
« Thân em thì trắng, phận em tròn,
Bẩy nổi, ba chìm mấy (với) nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son ».
(Hồ-xuân-Hương)
- « Bát cú » là thể thơ tám câu làm theo Hàn-luật, tức là cách-luật Hàn-Thuyên, như :
« Hiên sách băng trông mái bắc lân 235
Một đài bày đặt có thanh tân.
Lầu canh cơ-mật khua bên chái (?),
Tấc bóng cần-lao rợp nửa sân.
Tịch chứa (?) cầm thi hăm-hở chí, 236
Cửa chen đào mận 237 dặt dìu xuân.
Màn viên 238 là chốn công-danh sẵn,
Sảnh các 239 mai kia nước bước dần ».
(Phan-huy-Ích « Đề cai án Đặng-Tú tân-trạch » : Đề nhà mới viên cai-án Đặng-Tú).
2) Văn Biền ngẫu hoặc tứ lục là thể văn câu bốn chữ, câu sáu chữ đặt xen nhau mà hai vế phải cân đối. Trừ phú và văn tế phải có vần, còn thì chỉ cần đối nhau, không cần vần. Văn biền ngẫu rất thịnh-hành ở đời Tây-sơn :
« Nhớ thủa việt vàng ra cõi Bắc, khúc hoàng sớm ứng duyên lành ; Tới phen trướng gấm giãi lầu Nam, mũ phượng thêm lồng vẻ thụy ». 240 (Phan-huy-Ích – « Cửu-hoàng tông điện-văn » : Nghĩ đỡ hoàng-tông nhà Lê tế điện Vũ hoàng-hậu).
« Câu đối » cũng thuộc thể văn biền ngẫu, có lối câu đối thơ, có lối câu đối phú, cũng rất thịnh-hành ở đương-thời :
« Khéo khen ai ; đẽo đá chênh-vênh, tra hom ngược để đơm người đế bá ; Trách con tạo : lừa cơ tem hẻm, rút nút
xuôi cho lọt khách cổ kim ». (Hồ-xuân-Hương – Đề đẻo Cửa-đó)
3) Văn-xuôi hoặc tản-văn là một thể văn viết buông không cần có vần, không phải bó-buộc cách-điệu gì cả. Vì bấy giờ ít chịu luyện-tập văn xuôi, nên thể văn này chậm tiến và không phát-đạt. Họa-hoằn mới thấy xuất-hiện, mà văn viết thường lủng-củng những chữ nho, chẳng hạn như :
« …Tưởng nay đương buổi tống-thành thất-thủ, kình địch tại tiền, dẫu quân-thần đồng-tâm mưu-lự, còn e phất cập, bỗng lại gây nên nội-loạn, thì nữa quốc-sự làm sao ! » 241 (Phan-huy-Ích – Dụ nhị súy quốc-âm chiếu-văn)
Sau khi biết qua các thể-tài quốc-văn đời Tây-sơn rồi, ta nhận xét rằng đương-thời thơ ca, nhất là lục bát và song thất, đã tiến lên một trình-độ khá-cao, chứ không còn nặng như thơ Nguyễn-bỉnh-Khiêm (1549-1585) và trúc-trắc như thơ Trịnh-Sâm (1740-1786) ở đầu và cuối Lê trung-Hưng trước.
Văn biền ngẫu, tuy có lấy chữ và dùng điển Hán-văn còn nhiều đấy thật, nhưng đã chịu dịch từ-ngữ và điển-tích Hán-văn ra tiếng Việt với nhiều cố-gắng.
Còn cái cớ văn xuôi sở-dĩ thấp kém và chậm tiến hơn văn vần, là do văn vần được luyện-tập lâu đời, mà văn xuôi thì mới bắt đầu tập-tành chớm nẩy. Dầu vậy, những bài văn xuôi như « Chiếu truyền La-sơn phu-tử » và « Dụ nhị súy quốc-âm chiếu-văn » ở đời Tây-sơn đều là cái mốc đánh dấu cho ta biết rằng bắt đầu từ đấy, người mình đã có xu
hướng muốn đưa văn xuôi vào địa-vị quan-trọng.
Bây giờ thử xét đến khuynh hướng quốc-văn ở đời Tây sơn thế nào.
Quốc-văn của ta khoảng thế kỷ XVI, XVII và tiền bán thế-kỷ XVIII còn chịu ảnh-hưởng của Hán-văn rất nhiều, rất sâu, rất nặng. Tuy là văn thơ nôm, nhưng dùng nhan-nhản những chữ nho, lại mượn đề, mượn tứ và mượn cả cảnh sắc của thơ văn Trung-quốc nữa.
Đến đời Tây-sơn, quốc-văn đã phát-đạt, dần dần có tính-cách dân-tộc, đã muốn thoát-ly ảnh-hưởng của Hán văn, đã biết bắt nguồn với mạch sống của nhân-dân và liên quan chặt-chẽ với hoàn-cảnh xã-hội. Cho nên nay ta mới có thể nhận xét được đôi chút khuynh-hướng của quốc-văn ở thời-đại ấy.
Có thể tạm chia làm mấy khuynh-hướng như dưới đây :
1) Trữ tình là một thứ thơ văn thuần-túy văn-nghệ, phát-trữ hoàn-toàn những mối tình-tự của chính mình. Nó chỉ tuyền ca vịnh những cảm-xúc và cảm-tình của cá-thể con người. Nó mượn thơ ca để phô-bầy tình yêu, nỗi nhớ, cảnh vui, cảnh buồn… Ở đời Tây-sơn, có thể lấy bài AI TƯ VÃN làm đại-biểu cho khuynh-hướng trữ tình :
« Trông mong luống những mơ màng,
Mơ-hồ bằng mộng, bàng-hoàng như say !
Khi trận gió, hoa bay thấp-thoáng,
Ngỡ hương giời bảng lảng còn đâu… »
(Ngọc-Hân công-chúa)
2) Khuynh-hướng tả chân ở đời Tây-sơn phải lấy Hồ xuân-Hương làm đại-biểu. Xuân-Hương có cặp mắt của nhà
họa-sĩ : chỉ chọn lấy một khung-cảnh, một đặc-điểm, rồi hạ bút miêu-tả cho đúng với thực-tại :
« Đứng chéo trông theo cảnh hắt-heo ;
Đường đi thiên-thẹo, quán treo-leo.
Lợp lều mái cỏ gianh xơ-xác,
Sỏ kẽ, cầu tre đốt khẳng-kheo.
Ba gạc cây xanh hình uốn éo,
Một giòng nước biếc chẩy tăn teo.
Thú vui quên cả niềm lo cũ, 242
Kìa cái diều ai gió lộn lèo ! » 243
3) Đời Tây-sơn, thể phê-bình cũng đã chớm nở trong thơ văn, chẳng hạn như bài thơ ĐỀ ĐỀN THÁI-THÚ SẦM NGHI-ĐỐNG của một nữ-thi-sĩ khuyết danh nào đó mà nhiều người cho là của Hồ-xuân-Hương :
« Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền-Thái-thú đứng treo-leo !
Ví đây đổi phận làm giai được,
Sự nghiệp anh-hùng há bấy nhiêu ? »
Nguyên ngày mồng năm, tháng giêng, năm kỷ-dậu (1789), Điền-châu thái-thú Sầm-nghi-Đống bị các chiến-sĩ Việt-nam, do nhà anh-hùng dân-tộc Quang-trung lãnh-đạo, kịch-liệt vây đánh đến nỗi phải thắt cổ mà chết ở Đống đa. Về sau, các Hoa-kiều có làm đền thờ Sầm-nghi-Đống ở ngõ Sầm-công, sau phố hàng Buồm tại Bắc-thành (nay là Hà
nội). Khi nhà thơ khuyết danh ấy qua đền Sầm-công, nhớ đến sự-tích viên bại-tướng Mãn-thanh, nên mới có bài thơ
phê bình như vậy. Ngoài ra, những bài như Trương Lưu-hầu phú 244 cũng thuộc về thể phê-bình.
Các khuynh-hướng thơ văn tiếng Việt ở đời Tây-sơn đại khái là thế. Ấy còn chưa kể đến thể thơ trào-phúng của Hồ xuân-Hương đã nêu được những đặc-sắc một thi-tông ở thời đó.
Đến đây, ta thử xét qua về từ ngữ dùng trong quốc-văn đương-thời có thể ghi được đôi chút đặc-tính của thời-đại ấy.
Ngoài những tiếng quốc-văn như đã thấy ở cuối Lê và sẽ thấy ở đầu Nguyễn, đời Tây-sơn thường có những từ-ngữ do Hán-văn dịch ra khiến cho ta nay không khỏi ngỡ-ngàng, bỡ-ngỡ :
- « Lầu thư » tức là lầu sách : « Cầm ve gẩy lầu thư ánh ỏi ». (Tụng Tây-hồ phú) 245
- « Thư son khoán sắt » tức là « đan-thư thiết-khoán » hoặc « kim-thư thiết-khoán » : « Rờ rỡ thư son khoán sắt, nhời nãi ông đủ trỏ núi thề sông » (Trương Lưu-hầu phú) 246
- « Phút mai » tức là nhất đán, hoặc nhất triêu :
« Phút mai dâu bể biển dời,
Mất trông cậy cây cao bóng cả ».
(Phù-ninh ngoại-tộc diện văn) 247
Ngoài những tiếng dịch ở thành-ngữ hoặc điển-tích chữ Hán ấy, đương-thời còn có những tiếng Việt hơi khác với ngày nay, như :
- « Đầm-hâm » tức là đầm-ấm : « Trong quế-dịch đầm hâm hơi thụy ». (Công-chúa chư nha điện văn) 248
- « Lọn vẹn » tức là trọn vẹn : « Ba tấc lưỡi đưa đẩy ngoại năm năm, vừa lọn vẹn thù Tần, oán Hạng ». (Trương Lưu-hầu phú) 249
- « Nẻo thủa » tức là nhớ thủa, đương thửa : « Nẻo thủa doành hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân ». (Công-chúa chư nha điện văn)
- « Phê-pha » tức là phỉ phê : « Một lần mộng dọc ngang tám cõi, đủ phê-pha công Hạn, nợ Hàn ». (Trương Lưu-hầu phú)
- « Diễn » cũng như xa, Khơi diễn tức là xa khơi : « Thảm cùng khi non diễn mây lồng kẽo-cọt dưới giăng say (?) khúc dế ! » (Phù-ninh Từ-cung điện văn)
- « Thoi » dùng làm động từ, nghĩa là thánh-thót, là đưa thoi, là rọi tí tách. : « Ngậm-ngùi khi phủ-trạch giọt lầu thoi… » (Phù-ninh Từ-cung điện văn) 250
Mỗi thời đại thường có một văn-thể riêng và những từ ngữ quen dùng riêng. Cứ tế-nhận những từ-ngữ đã cử ra làm lệ đó, ta cũng có thể đánh dấu được ít nét đặc-thù của quốc-văn đời Tây-sơn rồi đây.
PHẦN THỨ HAI : CÁC TÁC-GIẢ ĐỜI TÂY SƠN
Chương I : Hồ-xuân-Hương
Viết đến phần « Các tác-giả đời Tây-sơn » này đáng lẽ phải có Nguyễn-huy-Tự (1743-1790) là soạn-giả truyện Hoa-tiên 251, người làng Lai-thạch, huyện La-sơn (nay là huyện Can-lộc, tỉnh Hà-tĩnh), đậu hương-cống đời Lê Hiển
tôn (1740-1786) hồi 17 tuổi (1759) và Nguyễn-Thiện 252, nhuận-giả truyện Hoa tiên, người làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân (nay thuộc tỉnh Hà-tĩnh), cũng đậu hương-cống đời Lê Hiển-tôn từ năm 20 tuổi (1782).
Lại đáng lẽ cũng phải nói đến Ngô-thì-Nhậm, tự Hi doãn, người làng Tó (tả Thanh-oai), huyện (nay là phủ) Thanh-oai (nay thuộc tỉnh Hà-đông), đỗ tiến sĩ khoa ất-mùi (1775) đời Lê Hiển-tôn, là một tay văn-học trứ-danh đời Tây-sơn và là tác giả vế câu đối « Thế Chiến-quốc, thế Xuân-thu, gặp thời-thế, thế thời phải thế ». 253
Nhưng hai nhà văn trên, hiện nay chưa đủ tài-liệu mà họ Ngô thì, theo chỗ tôi biết, tác-phẩm hầu hết bằng Hán văn, ngoài một vài đôi câu đối nôm thường truyền tụng 254. Vậy, hãy tạm để họ đấy, phần thứ hai này xin bắt đầu từ Hồ-xuân-Hương, Ngọc-Hân công-chúa, đến Phan-huy-Ích, Nguyễn-hữu-Chỉnh và Nguyễn-huy-Lượng, gọi là nêu làm
đại-biểu cho xu-hướng quốc-văn ở đời Tây-sơn. *
Vào khoảng cuối thế-kỷ mười tám và đầu thế-kỷ mười chín, trong giới quốc-văn, đột nảy một thi-sĩ thiên-tài, một cây bút thuần-túy Việt-nam hơn hết, đặc-sắc hơn hết, không những làm rung-động cả một rừng Nho đương-thời, mà lại soi rọi trên đường văn-học Việt-nam những tia rất sáng ngời, rất rực-rỡ : ấy là nhà thơ cách-mệnh Hồ-xuân Hương. 255
Cha là Hồ-phi-Diễn, quán làng Quỳnh-đôi, huyện Quỳnh-lưu, xứ (nay là tỉnh) Nghệ-an, sau ra ngụ ở Khán xuân, gần hồ Tây, huyện Vĩnh-thuận (nay thuộc Hà-nội), Xuân-Hương là người đồng-thời với Phạm-đình-Hổ, tục gọi Chiêu-Hổ (1768-1839), tác-giả VŨ TRUNG TÙY BÚT, v.v…
Thế tức là người cuối Lê, qua Tây-sơn sang đầu Nguyễn.
Thông-minh, bình-dị, tình-tứ, Xuân-Hương có thiên-tài về thơ.
Sớm bồ-côi cha, Xuân-Hương được mẹ (người Hải dương) cho theo đòi bút nghiên, nhưng được ít lâu lại phải thôi học. Nhờ ở tự-tu, học-nghiệp ngày một tiến, nữ-sĩ nổi tiếng hay chữ ở đương thời.
Tục truyền : Xuân-Hương muốn « lấy chồng cho đáng tấm chồng », nên mới mở một ngôi hàng nước để tiện tiếp xúc với thi-sĩ văn-nhân mà kén chọn. Bấy giờ nhân gặp khoa thi, nhiều sĩ tử trong nước có vào làm thơ để « tự giới thiệu », nhưng phần nhiều là :
« Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ »
Nên chưa ai được « trúng tuyển » cả !
Duy chỉ có ông thủ-khoa mới đỗ, vì bài thơ « Thạch liên thiên » được vừa ý Xuân-Hương, nên về sau Xuân-Hương lấy lẽ ông ấy, tức là ông phủ Vĩnh-tường. 256
Kết hôn được ít lâu, ông phủ Vĩnh-tường mất, Xuân Hương có thơ khóc rằng :
« Trăm năm ông phủ Vĩnh-tường ôi !
Cái nợ ba sinh có thế thôi. 257
Chôn chặt văn-chương ba thước đất,
Ném tung 258 hồ thỉ bốn phương giời.
Cán cân tạo-hóa rơi đâu mất ? 259
Miệng túi càn-khôn thắt lại rồi. 260
Hăm bẩy tháng giời là mấy chốc,
Trăm năm ông phủ Vĩnh-tường ôi ! »
Khi bà đang góa, thì có ông cai-tổng, tục gọi tổng Cốc, góa vợ, đến hỏi, bà lại « đi bước nữa ». Nhưng được vài năm, tổng Cốc mất ! Bà lại làm thơ khóc cuộc nhân-duyên thứ hai :
« Chàng Cóc ôi ! Chàng Cóc ôi ! 261
Cong-cóc đi đâu chẳng bảo tôi ! 262
Nòng-nọc dứt đuôi từ đấy nhé, 263
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi ! »
Từ đó, Xuân-Hương ở vậy, vui cùng thơ văn cho khuây khỏa. Những lúc chơi danh-lam thắng-cảnh, hoặc những khi tỉnh giấc tàn-canh, đối cảnh xúc hoài, bà thường có thơ kỹ thuật, miêu-tả hoặc trào-phúng.
Bà có một bạn thơ là Phạm-đình-Hổ, tức Chiêu-Hổ. Giữa nữ-sĩ và danh-sĩ ấy thường có những cuộc xướng họa rất nên thơ. Thơ xướng đã đẫm vẻ trào-lộng, thơ họa lại nhuộm màu hài-hước.
Có lần không rõ Chiêu-Hổ hay Xuân-Hương vay mượn tiền nong của nhau bao nhiêu đó, nhưng đến khi trao tiền, lại có sự ỡm-ờ không đúng, nên danh-sĩ Chiêu-Hổ bị nhà thơ Xuân-Hương « mắng đùa » là Cuội :
« Sao nói rằng năm lại có ba ?
Trách người quân-tử hẹn sai ra !
Bao giờ thong-thả lên chơi Nguyệt :
Nhớ hái cho xin nắm lá đa… »
Chiêu-Hổ lại cứ theo vần mà « lỡm-lờ » họa lại : « Rằng gián 264 thì năm, quí 265 có ba :
Bởi người thục nữ tính không ra !
Ừ, rồi thong-thả lên chơi Nguyệt :
Cho cả cành đa lẫn củ đa ! »
Thơ Xuân-Hương mới-mẻ, thoát sáo, đi sát với bình dân, vượt ngoài khuôn khổ lối thơ « phong-kiến », thơ « ngự dụng ».
Xuân-Hương sở-trường về tả-chân, có thể làm tiêu-biểu cho khuynh-hướng này ở đương thời. Bà lại trội hẳn về nghệ-thuật « trào-phúng », đứng riêng một thi-tông ở đời Tây-sơn.
Thi-phẩm của bà, người sau lặt-lượm lại, biên thành một tập gọi là XUÂN-HƯƠNG THI-TẬP. Nay xin sao-lục thêm
mươi bài nữa :
« DỆT CỬI »
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau, Con cò 266 mấp-máy suốt đêm thâu. Hai chân đạp xuống năng năng nhắc ; Một suốt 267 đâm ngang thích thích nhau. Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả.
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau. Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ, 268 Chờ đến ba thu mới dãi màu. 269
« ĐÁNH ĐU » 270
Tám cột khen ai khéo khéo giồng ! Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông ; Giai đu gối hạc khom khom cật, 271
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng. Bốn mảnh quần hồng 272 bay phới phới, Hai hàng chân ngọc duỗi song song, Chơi xuân đã biết xuân chăng tá ? Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không…
« CÁI QUẠT »
I.
… … … 273
Chành ra ba góc, da còn thiếu.
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh-hùng khi vắng gió,
Che đầu quân-tử lúc sa mưa
… … …274
Phì-phạch trong màn đã sướng chưa ?
II.
Mười bảy hay là mười tám đây ? Cho ta yêu dấu chẳng rời tay. Mỏng dầy chừng ấy chành ba góc, Rộng hẹp dường nào cắm một cây. Càng nóng bao nhiêu thời càng mát, Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày. Hồng hồng má phấn duyên vì cậy ! Chúa dấu, vua yêu một cái này…
« QUẢ MÍT »
Thân em như quả mít trên cây ; Da nó sù sì, múi nó dày.
Quân-tử có thương thì đóng nõ, Xin đừng mân mó, dựa ra tay.
« ỐC NHỒI »
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi ; Đêm ngày lăn đám cỏ hôi hôi. 275 Quân-tử có thương thì bóc yếm, Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
« KẼM TRỐNG »
Hai bên thì núi, giữa thì sông. Có phải đây là Kẽm Trống không ? Gió đập cành đa khua lắc cắc ?
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong. … … … 276
« VĂNG VẲNG »
Văng-vẳng tai nghe tiếng khóc chồng, Nín đi, kẻo thẹn mấy 277 non sông. Ai về nhắn-nhủ đàn em bé :
Xấu máu, đừng tham miếng đỉnh chung.278
« THIẾU-NỮ NGỦ NGÀY »
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng. Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long, 279 Đôi gò bồng-đảo sương còn ngậm, Một lách Đào-nguyên suối chửa thông. Quân-tử dùng-dằng đi chẳng dứt, Đi thì cũng dở, ở không xong.
« CÁI GIẾNG »
Ngõ ngay thăm-thẳm tới nhà ông, Giếng tốt thảnh-thơi, giếng lạ-lùng ! Cầu trắng phau phau đôi ván ghép, Nước trong leo-lẻo một giòng thông. Cỏ ga lún-phún leo quanh mép,
Cá giếc le-te lách giữa giòng.
Giếng ấy thanh-tân ai đã biết,
Đố ai dám thả nạ giòng-giòng ?
Chương II : Ngọc-Hân công-chúa (1770-1799)
Cha là vua Lê Hiển-tôn (1740-1786), mẹ là Nguyễn-thị Huyền 280, Ngọc-Hân là vị công-chúa thứ hai mươi mốt. Từ bé, Ngọc-Hân ở trong cung nhà Lê đã được rèn cập kinh sử, tập tành thơ-văn.
Năm bính-ngọ (1786), đức lệnh Nguyễn-Huệ ra bắc, diệt Trịnh, phù Lê, kết duyên với Ngọc-Hân công-chúa. Bấy giờ công-chúa mới mười sáu tuổi.
Năm kỷ-dậu (1789), sau khi chiến-thắng giặc Thanh, vua Quang-trung đã xong mọi việc đối-nội và đối-ngoại, bèn lập bà Ngọc-Hân làm Bắc-cung hoàng-hậu 281 :
« Nẻo thủa Long-thành chống việt, nghị duyên lành hương-hỏa sớm lây ; Tới phen phượng-các sánh ngôi, lồng vẻ lạ vi du càng rỡ ». 282
Mấy câu trên đây là chỉ việc đức-lệnh Nguyễn-Huệ chống cây việt ra Thăng-long, đẹp duyên với Ngọc-Hân công-chúa rồi Ngọc-Hân được lập làm hoàng-hậu với bao vẻ-vang rực-rỡ.
Đến năm nhâm-tí (1792), vua Quang-trung mất, bài « Ai tư-vãn » đã tỏ được cả một trời thương biển nhớ của Ngọc-Hân đối với chồng :
« Buồn xem hoa, hoa buồn, thêm thẹn,
Cánh hải-đường đã quện gió sương ! »
Về cái chung-cục của Ngọc-Hân, như phần thứ nhất đã chua, trước giờ nhiều người đã đưa ra nhiều thuyết :
Có thuyết nói, về sau, nhà Tây-sơn bị diệt, vua Gia-long (1802-1819) muốn lấy bà Ngọc-Hân, quần-thần có người can lại vì cho thế là lấy vợ thừa của nhà Tây-sơn, nhưng vua Gia-long không nghe, cứ lấy và giải-thích rằng : Giang sơn thành-quách này cái gì chẳng phải mình lấy lại từ nhà Tây-sơn, lọ là một người đàn-bà ?
Thuyết khác lại cho rằng sau khi nhà Tây-sơn mất, bà Ngọc-Hân cùng hai con, một trai, một gái, phải giả dạng làm vợ một người lái buôn, trốn tránh vào một miền quê ở tỉnh Quảng-ngãi ; được ít lâu, tung-tích bại-lộ, bà và hai con cùng bị triều Nguyễn gia hình bằng lối « tam ban triều điển ». 283
Nhưng, sự thực không phải thế.
Bà Ngọc-Hân mất từ năm kỷ-mùi (1799), mà nhà Tây sơn mãi đến năm nhâm-tuất (1802) mới đổ, thế nghĩa là bà chết trước khi Tây-sơn bị diệt vong những ba năm, thì sao còn ở lại để lấy vua Gia-long hay để chịu « tam ban triều điển » được ?
Chứng-cớ ấy tôi tìm được ở năm bài văn tế do một yếu nhân đời Tây-sơn là Dụ-am Phan-huy-Ích đứng thảo : một bài cho vua Cảnh-thịnh, một bài cho các con gái vua Quang-trung, một bài cho Phù-ninh từ-cung là mẹ đẻ của Ngọc-Hân, một bài cho cựu hoàng-tông là những người trong tông-thất nhà Lê và một bài cho các bà con họ ngoại bên Phù-ninh để đọc trong những tuần tế điện bà Ngọc-Hân tức Vũ hoàng-hậu.
Trong bài « Cựu-hoàng-tông điện-văn » có câu :
« Hẳn non Lam khí vượng đã tàn rồi ?
Nên vườn Lãng cảnh khơi mà vội thế ! »
Tức là ý nói : có lẽ cái vượng-khí ở Lam-sơn là chỗ phát tích của nhà Lê đến lúc đã tàn vạc, cho nên bây giờ bà Ngọc-Hân mới vội chơi cảnh tiên (sớm mất) như thế !
Đến tháng mười một (trung-đông) năm kỷ-mùi (1799), triều-đình nhà Tây-sơn làm lễ truy-tôn miếu-hiệu bà là NHU-Ý-TRANG-THẬN-TRINH NHẤT VŨ HOÀNG-HẬU. Trong bài sách-văn truy-tôn bằng chữ Hán có câu : « Tố thập tứ niên vi việp đồng thư… » (Cuốn sách rực-rỡ viết bằng cây bút quản đỏ chép công-đức bà trong mười bốn năm…)
Như vậy rất đúng với số năm : từ bính-ngọ (1786) bà lấy đức-lệnh Nguyễn-Huệ, đến kỷ-mùi (1799) bà mất, vừa mười bốn năm theo lối tính tuổi của ta xưa. 284
Nếu bảo những chứng-cứ trên còn chưa đủ, vì vua Quang-trung có những hai bà hậu, e rằng Vũ hoàng-hậu ấy có thể lẫn với bà hậu họ Phạm là mẹ đẻ vua Cảnh-thịnh chăng.
Thì cái sử-liệu này lại có thể trả lời. Ngoài bài sách-văn truy-tôn Vũ hoàng-hậu ấy, triều Tây-sơn còn có bài sách văn khác gia-tôn miếu-hiệu cho bà hậu là mẹ đẻ vua Cảnh thịnh, nội-dung gọi là « hoàng-tỉ » 皇妣 (mẹ đẻ mà đã chết của vua) và tôn-hiệu là « Nhân cung đoan-tĩnh trinh-thục nhu-thuần Vũ hoàng-chính-hậu ». Thế là hai người khác nhau hẳn từ miếu-hiệu đến tiếng tôn-xưng. Vậy xin nhắc lại cho rõ :
Lê-thị Ngọc-Hân là « Nhu-ý-trang-thận-trinh nhất ».
Phạm thị là « Nhân-cung-đoan-tĩnh-trinh-thục-nhu thuần ».
Lê thị là « Vũ hoàng-hậu ».
Phạm-thị là « Vũ hoàng-chính-hậu ».
Thế là nay đã thanh-toán xong cái sử-sự về chung-cục của Ngọc-Hân. Giờ xin giới thiệu đến bài « AI TƯ VÃN » 285 :
MỞ ĐẦU
« Gió hiu hắt, phòng tiêu 286 lạnh lẽo,
Trước thềm lan hoa héo ron ron !
Cầu Tiên 287 khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu !
Nỗi lai-lịch dễ hầu than-thở,
Trách nhân-duyên mờ lỡ cớ sao ?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao…
Sầu dầy giạt bể, thảm cao ngất giời ! »
KỂ CÔNG-ĐỨC VUA QUANG-TRUNG, MỐI LƯƠNG DUYÊN GIỮA NHÀ VUA VÀ NGỌC-HÂN CÔNG-CHÚA « Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù 288 vằng vặc bóng dương. 289
Rút dây 290 vâng mệnh phụ-hoàng, 291
Thuyền lan, chèo quế thuận đường vu-qui.
Trăm ngàn dặm quản chi non nước,
Chữ « nghi gia » mừng được phải duyên.
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ-ràng vẻ thúy, nổi chen tiếng cầm.
Lượng che chở, vụng lầm nào kể,
Phận đinh-ninh cặn kẽ mọi nhời.
Dù rằng non nước biển dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là ».
TÌNH NGHĨA VUA QUANG-TRUNG ĐỐI XỬ VỚI NHÀ LÊ
« Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội, 292
Khắp tôn-thân cùng đội ơn sang…293
Miếu-dường còn dấu chưng thường, 294
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh. 295
Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế, 296
Đượm hơi sương, dây rễ cùng tươi.
Non Nam 297 lần chúc tuổi giời,
Dâng câu Thiên-bảo 298, bày nhời Hoa-Phong ». 299
VUA QUANG-TRUNG NHUỐM BỆNH
« Những ao-ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm 300 ngõ 301 được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng giời giáo-giở, vận người biệt-ly !
Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mệt mỏi chẳng yên !
Xiết bao kinh sợ lo phiền !
Miếu thần đã đáo 302, thuốc tiên lại cầu.
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương-pháp nào đổi được cùng chăng ? »
VUA QUANG-TRUNG MẤT
« Ngán thay, máy Tạo bất bằng !
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan ! Cuộc tụ, tán 303, bi, hoan 304 kíp bấy ! 305 Kể xum-vầy đã mấy năm nay ?
Lênh-đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu ? »
THƯƠNG-XÓT, MƠ-TƯỞNG
« Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối, Biết cậy ai dập nỗi bi thương ?
Trông mong luống những mơ-màng, Mơ-hồ bằng mộng, bàng-hoàng như say ! Khi trận gió, hoa bay thấp-thoáng, Ngỡ hương giời bảng-lảng còn đâu… Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi, quạnh-quẽ trước lầu nhện chăng ! Khi bóng giăng, lá in lấp lánh,
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi : Vội-vàng dạo bước tới nơi,
Thương ôi, vắng-vẻ giữa giời tuyết sa ! Tưởng phong-thể 306 xót-xa đòi đoạn, Mặt rồng sao cách-gián 307 lâu nay ! Có ai chốn ấy về đây,
Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành ? Nẻo u minh 308 khéo chia đôi ngả,
Nghĩ đòi phen, nồng-nã 309 đòi phen ! Kiếp này chưa trọn chữ « duyên »,
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương ».
NGƯỜI CÓ ĐỨC MÀ KHÔNG ĐƯỢC THỌ « Nghe trước có đấng vương Thang 310, Võ 311 Công-nghiệp nhiều, tuổi thọ thêm cao. Mà nay áo vải, cờ đào, 312
Giúp dân, dựng nước biết bao công-trình ! Nghe rành-rành trước vua Nghiêu 313, Thuấn 314 Công-đức đầy, ngự vận càng lâu.
Mà nay lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa rưới khắp chín châu 315 đượm-nhuần Công dường ấy mà nhân dường ấy,
Cõi thọ sao hẹp bấy ! Hóa-công ?
Rộng cho chuộc được tuổi rồng, 316
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi ». 317
HỒN PHÁCH THEO CHỒNG
« Buồn thay nhẽ ! sương rơi, gió lọt,
Cảnh đìu-hiu, thánh-thót châu sa !
Tưởng nhời di-chúc 318 thiết tha.
Khóc nào lên tiếng, thức mà cũng mê ! Buồn thay nhẽ ! xuân về, hoa ở, 319
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong ?
Quyết liều mong vẹn chữ « tòng »,
Trên rường nào ngại, giữa giòng nào e 320 Còn trứng nước thương vì đôi chút 321 Chữ « tình-thâm » chưa thoát được đi ! 322
Vậy nên nấn-ná đôi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo… Theo buổi trước ngự đèo Bồng đảo, 323 Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân. 324 Theo xa thôi lại theo gần,
Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa… Đương theo, bỗng tiếng gà sực tỉnh, Đau đớn thay, ấy cảnh chiêm-bao ! Mơ màng thêm nổi khát khao,
Ngọc-kinh 325 chốn ấy ngày nào tới nơi ! »
NHỚ CẢNH SUM-VẦY ĐẸP-ĐẼ « Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ, Nguyện đồng sinh 326 sao đã kíp phai ? Xưa sao sớm hỏi, khuya bầy,
Nặng lòng vàng đá, cạn nhời tóc tơ. Giờ sao bỗng thờ-ơ lặng-lẽ ?
Tình cô-đơn, ai kể xét đâu ?
Xưa sao gang tấc gần chầu ; 327 Trước sân phong nguyệt, trên lầu sinh ca… Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi, 328 Tin hàn-huyên khôn hỏi thăm nhanh ! 329 Nửa cung gẫy phím cầm lành, 330 Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ ! »
BỒN-CHỒN TRÔNG TÌM…
« Nghĩ nông-nỗi, ngẩn-ngơ đôi lúc… Tiếng tử-qui 331 thêm giục lòng thương !
Não người thay, cảnh tiên hương ! 332
Dạ thường quanh-quất, mắt thường ngóng trông… Trông mái đông : lá buồm xuôi ngược, Thấy mênh-mông những nước cùng mây ! Đông rồi thì lại trông tây ;
Thấy non ngây-ngất, thấy cây rườm-rà ! Trông nam : thấy nhạn sa lác-đác !
Trông bắc : thì ngân bạc màu sương !
Nọ trông trời đất bốn phương,
Cõi tiên khơi thẳm biết đường nào đi ! »
MUỐN GỞI VẬT KỶ-NIỆM CHO NGƯỜI MẤT « Cậy ai có phép gì tới đó,
Dâng vật thường, xin ngỏ lòng trung ; Này gương là của Hán-cung, 333
Ơn trên xưa đã soi chung đôi ngày…334 Duyên hảo hợp xót rày nên lẻ ! 335
Bụng ai hoài 336 vội ghẽ 337 vì đâu ?
Xin đưa gương ấy về chầu,
Ngõ 338 soi cho tỏ gót đầu trông ơn. 339 Tưởng linh sảng 340 nhơn-nhơn còn dấu, Nỗi sinh-cơ 341 có thấu cho không ? »
CẢNH BỒ-CÔI CỦA BẦY CON NHỎ
« Cung xanh đang tuổi âu sung 342
Di mưu 343 sao nỡ quên lòng đoái thương ? Gót lân-chỉ 344 mấy hàng lẫm chẫm,
Đầu mũ mao, mình tấm áo gai ! 345
U-ơ ra trước hương đài, 346
Tưởng quanh-cảnh ấy chua cay dường nào ! »
CẢNH LẺ LOI CỦA ĐÀN VỢ GÓA
« Trong sáu viện 347 ố đào, ủ liễu
Xác ve gầy, lỏng-lẻo xiêm nghê ! 348
Long-đong xa cách hương quê,
Mong theo : lầm lối ! mong về : tủi duyên ! » 349
NỖI THƯƠNG NHỚ CỦA THẦN DÂN « Dưới bệ-ngọc, hàng-uyên 350 vò-võ, Cất chân tay thương khó xiết chi !
Hang sâu nghe tiếng thương bi,
Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân ? » 351
NGƯỜI BUỒN CẢNH CŨNG ĐEO SẦU « Cảnh ly biệt nhiều phần bát-ngát,
Mạch sầu tuôn, ai tát cho vơi !
Càng trông càng một xa vời,
Tấc lòng thảm thiết, chín giời 352 biết chăng ? Buồn trông giăng, giăng mờ thêm tủi ; Gương hằng-nga đã bụi màu trong !
Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà (?) Buồn xem hoa, hoa buồn, thêm thẹn ; Cánh hải đường đã quện gió sương !
Trông chim, càng dễ đoạn-trường ;
Uyên-ương chiếc bóng 353, phượng hoàng lẻ đôi. Cảnh nào cũng bùi ngùi cảnh ấy,
Tiệc vui-mừng con thấy chi đâu ! »
LỜI KẾT
« Phút giây bãi bể nương dâu, 354
Cuộc đời là thế, biết hầu nài sao ? 355
Chữ « tình nghĩa » giời cao, đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống, còn đau !
Mấy nhời tâm-sự trước sau,
Đội vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho… » 356
Chương III : Phan-huy-Ích (1750-1822) Tự Khiêm-thụ-phủ, hiệu Dụ-am, Huy-Ích người làng Thày (Thụy Khuê) ở ngay chân núi Sài-sơn (thuộc tổng Lật sài, phủ Quốc-oai, tỉnh Sơn-tây).
Tổ tiên xưa quán làng Thu-hoạch, huyện Thiên-lộc, xứ Nghệ-an 357. Đến đời ông tổ tên là Cẩn nhân có ơn-huệ với dân làng Thụy-Khuê, nên mới vào làng và lập nghiệp ở đấy.
Cha làm quan đời Lê-trung-Hưng, đã từng cầm quân đánh giặc, vì có chiến-công mà được thăng-trật.
Huy-Ích đỗ tiến-sĩ khoa ất-mùi (1775), niên-hiệu Lê cảnh-hưng thứ ba mươi sáu.
Khi Ngô-thì-Nhậm đắc dụng với Tây-sơn, thì Nhậm có tiến-cử các bạn thân lên đức lệnh Nguyễn-Huệ, trong có Phan-huy-Ích cùng Nguyễn-thế-Lịch, Trần-bá-Lãm và Vũ huy-Tấn, v.v…
Ban đầu Ích được nhà Tây-sơn dùng làm Lại-bộ hữu thị lang.
Vua Quang-trung, sau khi chiến thắng hai mươi vạn quân Thanh ở Ngọc-hồi, Hà-hồi và Đống-đa (mồng 4, mồng 5 tháng giêng, năm kỷ-dậu 1789) muốn hòa-hoãn tình-thế để gây oai dưỡng sức trong mươi năm, bèn giao việc từ
lệnh ngoại-giao với Mãn-thanh cho Phan-huy-Ích và Ngô thì-Nhậm.
Năm canh-tuất (1790), Huy-Ích đi sứ sang nhà Thanh, được vua Thanh Cao-tôn (1736-1795) rất ưu-đãi, thân rót rượu « đề-hồ » vào chén bích ngọc mời uống ở đền Chính đại-quang-minh.
Ngày 18 tháng tư nhuận, năm nhâm tý (1792), được vua Quang-trung gia phong làm Thụy-nham hầu.358
Tháng năm, năm tân-dậu (1801), được vua Bảo-hưng dùng làm Lễ-bộ thượng-thư.
Tháng sáu (quí hạ) năm nhâm-tuất (1802), chúa Nguyễn-Ánh kéo quân ra Bắc. Ngày 16 tháng ấy (nhâm-tuất 1802), vua Bảo-hưng 359 bị bắt ở Phượng-nhỡn (thuộc Bắc giang). Nhà Tây-sơn mất.
Ngày 23 tháng sáu ấy, chúa Nguyễn Ánh vào Bắc-thành (nay là Hà-nội). Trước đó, chúa Nguyễn có chiếu ban : Phàm quan-viên nhà Tây-sơn ra hàng đều được bao dung. Huy-Ích cùng Ngô-thì-Nhậm và Nguyễn-thế-Lịch lần lượt tiến yết, qui-thuận, Chúa Nguyễn Ánh ban chỉ (chỉ-dụ) cho
vào nội thành để phòng có dùng làm cố vấn. Nhưng, sau mắc gièm, Huy-Ích bị giam ở Cẩm-vệ.
Ngày 23 tháng chín (nhâm tuất, 1820), Huy-Ích cùng hai bạn đều phải dời vào kinh Phú-xuân để hậu chỉ.
Qua thượng tuần tháng giêng nhuận, năm quí-hợi (1803), Huy-Ích cùng hai bạn lại phải đưa đến Bắc-thành, rồi bị giam ở trại Tiên-quân.
Ngày 12 tháng hai (quí hợi, 1803), Ích bị đánh đòn ở nhà Giám (Văn-miếu, Hà-nội) rồi được cho về.
Đến năm Minh-mệnh thứ ba (1822), Huy-Ích mất.
Trong một hai năm đầu « đem thân về với » triều Nguyễn ấy, Huy-Ích, trước khi được cáo lão về làng, thỉnh thoảng cũng phải « ứng mệnh » giúp tân-triều chút việc văn-chương. Chẳng hạn : mùa xuân năm giáp-tí (1804), Tiền-quân Nguyễn-văn-Thành làm Bắc-thành tổng-trấn, định tổ-chức một tuần tế các tướng sĩ trận vong trong bản quân 360, có nhờ Huy-Ích nghĩ đỡ một bài văn-tế.
Khác với bài « Tiền-quân Thành tế tướng sĩ văn » bấy lâu vẫn truyền tụng, như nhiều người đã biết, bắt đầu bằng câu « Giời Đông-phố vận ra sóc cảnh… » bài của Phan-huy Ích đề là « Giáp-tí (1804) xuân, nghĩ Chưởng Tiền-quân Tổng-trấn quan khao tế bản quân trận cố tướng sĩ quốc-âm văn » 361, nghĩa là mùa xuân năm giáp-tí (1804), nghĩ đỡ quan Chưởng Tiền-quân Tổng-trấn (Nguyễn-văn-Thành) bài văn tế bằng quốc-âm để khao tế các tướng sĩ bản quân đã tử trận. 362
Nhưng, bấy giờ chừng vì một cớ gì đó, Tiền-quân Thành không ưng dùng bài của Phan-huy-Ích, bèn nhờ một cây bút nào đấy viết giùm một bài khác để tế, nên bài của Huy-Ích chưa ai biết đến và từ trước tới nay chưa từng in ra chữ quốc-ngữ bao giờ.
Nguyên-văn bài ấy bằng chữ nôm, nay xin phiên âm mà giới-thiệu mấy câu đầu 363 :
« Than ôi ! Mây Nam ngất mấy từng non nước, trông cõi bờ hằng nhớ lối chinh-hành 364; Gió Đông vầy (?) muôn khớp (?) cỏ hoa, đối ngày tháng lại thương người lao tụy 365. Kiếp nam nhi vẹn nghĩa ấy nên danh ; Đạo sư súy 366 suy tình mà đặt lễ ».
Về dịch-phẩm CHINH-PHỤ-NGÂM bấy lâu vẫn truyền là của nữ-sĩ Đoàn-thị-Điểm, có thuyết (Nguyễn-hữu-Tiến, Nam-phong, số 106) lại cho Dụ-am Phan-huy-Ích là dịch giả, vì vin vào bài thơ chữ hán của huy-Ích đại-ý như sau đây :
« Cuốn CHINH-PHỤ-NGÂM của Nhân-mục tiên-sinh (chỉ Đặng-trần-Côn) truyền-bá ở nơi từ-lâm. Tình-tứ thì cao nhã, cách-điệu thì kỳ-dật. Gần nay người ta truyền tụng, đọc lên, lấy làm khoái trá lắm. Có nhiều người chỉ vì muốn diễn ra quốc-âm mà phải cân nhắc từng lời, loay hoay từng chữ. Xét theo vận luật thì không sao kể xiết được cái tinh túy của mạch văn. Nên lần theo thiên chương mà tìm lấy nhạc điệu. Tôi, trong khi nhàn rỗi, đem dịch thành khúc mới. Tin rằng mình hiểu rõ được lòng tác-giả ». 367
Về vấn đề này, tôi đã viết một bài đầu đề là « Dịch phẩm CHINH-PHỤ-NGÂM phải chăng của bà Đoàn-thị Điểm ? » đăng ở Tri-Tân, số 13, ngày 23 tháng chín 1943, trình bày đã cặn kẽ 368. Nay xin kết luận rằng bản dịch CHINH-PHỤ-NGÂM được truyền tụng bấy nay, bây giờ nếu chưa đủ chứng-cớ bảo là của người khác, thì ta hãy cứ cho Đoàn-thị-Điểm là dịch-giả như đời vẫn thường truyền.
Còn dịch phẩm CHINH-PHỤ-NGÂM của Phan-huy-Ích là một bản khác.
Huy-Ích có tập thơ gọi là VÂN DU TÙY BÚT, được xếp làm sách thứ sáu (đệ lục sách) DỤ-ÂM NGÂM TẬP.
VÂN DU TÙY BÚT là một thi-tập gồm những bài làm từ năm giáp-tí đến năm giáp-tuất, tức từ 804 đến 814.
Theo sự khảo-cứu của tôi thì bản dịch CHINH-PHỤ NGÂM của Huy-Ích có lẽ ra đời vào khoảng 1803-1804.
Là vì, trong tập thơ VÂN DU TÙY BÚT ấy, sau bài « Giáp tí (1804) nguyên-đán thi bút » (Tết giáp-tí thử bút) và bài « Sách phong lễ hoàn, kỷ sự » ghi việc làm lễ sách phong đã xong, tác giả Huy-Ích viết đến bài « Tân diễn CHINH PHỤ NGÂM KHÚC thành ngẫu thuật » như đã dẫn và dịch nghĩa ở trên.
Căn-cứ vào đầu đề bài thơ và câu tư, cây bảy, trong bài thơ chữ nho ấy của Huy-Ích, ta có thể nói : dịch phẩm CHINH-PHỤ-NGÂM của Huy-Ích là bản dịch mới, bản dịch lại, bản dịch sau, nên Huy-Ích mới nói là « tân diễn », là « đa hữu thôi sao vị diễn âm », và là « nhàn trung phiên dịch thành tân khúc ».
Vậy nay có thể khẳng nhận Phan-huy-Ích cũng là MỘT dịch-giả CHINH-PHỤ-NGÂM. Nhưng bản dịch này cũng như bài « Giáp-tí (1804) xuân, nghĩ Chưởng Tiền-quân Tổng trấn quan khao tế bản quân trận cố tướng sĩ quốc-âm văn » của Huy-Ích ít ai biết đến nên bấy nay không thấy truyền
tụng ở đời.
Huy-Ích tuy là một nhà hán-học uyên-bác, nhưng rất chú ý đến quốc-văn. Cho nên trong DỤ-AM VĂN TẬP và DỤ AM NGÂM TẬP (hoặc NGÂM LỤC), ngoài những thơ văn chữ hán, Huy-Ích còn ít tác-phẩm bằng quốc-văn ; độ ngót chục bài văn tế nôm và hơn chục bài thơ nôm. Ấy là không kể những bài quốc-văn của Huy-Ích như đã dẫn ở phần thứ nhất và sẽ dẫn ở phần thứ hai này.
Dưới đây xin giới-thiệu thêm một bài thơ và một bài văn tế của Huy-Ích :
« LẠP TRUNG, HỒI SƠN, HỌA TRẤN QUAN TIỄN VẬN » 369
Non nước sum vầy trước chiếu thơ,
Giục người sang cũ vẻ xuân giờ.
Giùng giằng dặm liễu dừng chân ngựa,
Bát ngát doành châu lét (?) ngọn cờ.
Hương lửa xiết bao niềm kính mến,
Bèo mây dễ mấy chốn nương nhờ !
Tiễn diên 370 vâng dội nhời vàng ngọc,
Tấc bóng am tây luống thẩn-thờ !…
(Phiên âm theo bản chữ nôm trong Dụ-am ngâm tập, chưa in quốc ngữ bao giờ).
« CÔNG CHÚA CHƯ NHA ĐIỆN VĂN »
(đọc trong dịp tang Vũ hoàng-hậu năm kỷ mùi, 1799) « Than ôi ! đóa thượng-uyển hây hây đua nở 371, giọt sương ngưng mà hiu hắt màu hoa 372 ! Vầng thái-âm 373 vằng vặc sáng lòa, hơi vụ ngất dễ mịt mờ bóng quế 374 ! Nhẽ đổi thay máy Tạo khôn dò. Cơn tan hợp đoạn tình xiết kể ! Nẻo thuở doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân 375. Trải phen bến Vị đưa duyên 376, phím sắt soang cầm vầy một thể 377. Trên tuyền-đình dìu dặt thói hòa 378. Trong quế dịch đầm hâm hơi thụy 379. Bóng cù-mộc sênh-sang tán đẹp, phận dựa leo đều vui chốn nương nhờ 380; Đóa phương-lan đua ruổi màu tươi, tình vun quén cũng có phần xan xẻ 381. Hương nồng phấn đượm những nâng niu, Ngọc thuyết hoa chào cùng hủ hỉ 382. Bông đào nở (?) mừng duyên nghi thất 383, buổi qui ninh vâng đôi nhẽ dặn dò 384; Giá ngọc trong khuyên nét sạ bình, lượt kiều dưỡng được mọi bề cặn kẽ 385. So đấng trên, âu sánh chữ cù lao 386; Gìn sách trước, đã sáng gương tề mỵ 387. Những ước thêm đáo thẻ hạc, xôn xao tiệc thọ, ngẫu dâng thơm 388; Bao ngờ kíp ruổi xe loan, man mác cung xuân, hoa chịu tẻ 389 ! Âm dương chia hai ngả luống phiền 390 ! Chung thủy cẩn một niềm dám trễ 391. Dầu gót ngọc vui miền tịnh độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế con thơ 392. Dầu xiêm nghê vắng cảnh thanh-đô, nỡ nào lảng một bóng tang du hầu xế 393. Tình biệt ly hằng mọi nỗi băn-khoăn, Kiếp sinh-hóa hẳn
các điều vẹn vẽ 394. Trên đội chín-lần trí kính, chốn đình vi săn-sóc chẳng nguôi tình 395. Trước dâng sáu chữ truy-tôn 396, việc khâm-vệ sửa-sang càng xứng lễ. 397
« Rày nhân : Hầu cách linh dư 398. Kính bày diên lễ 399. Trông đóa bạch vân 400 thăm thẳm, tình nghĩa xưa lìa dứt vì đâu ? Dâng tuần hoàng thủy vơi vơi 401, nghi văn ấy thấu soi chăng nhẽ ? Hỡi ôi ! Cảm thay ! »
(Phiên âm theo bản chữ nôm trong DỤ-AM VĂN TẬP chưa in quốc-ngữ bao giờ)
Chương IV : Nguyễn-hữu-Chỉnh (?-1787) Người làng Đông-hải, huyện Chân-phúc (nay là huyện Nghi-lộc) trấn (nay là tỉnh) Nghệ-an, Chỉnh vốn thông sáng, lanh-lẹ và có tài từ bé.
Năm 16 tuổi, Chỉnh đỗ hương-cống 402 nên người ta thường gọi là Cống Chỉnh. Xoay tập võ nghệ, Chỉnh ra Thăng-long thi tạo-sĩ 403, vào lọt ba kỳ nhưng không đỗ.
Sau Chỉnh được quận Việp Hoàng-Ngũ-Phúc, tướng nhà Trịnh, thu dùng làm môn khách, giúp việc từ-lệnh trong quân.
Năm giáp-ngọ (1774), Chỉnh có theo quận Việp Hoàng Ngũ-Phúc đi đánh nhà Cựu Nguyễn ở Nam-hà. 404
Năm ất-mùi (1775), Chỉnh được quận Việp sai đem ấn, sắc, cờ, kiếm phong Nguyễn-Nhạc bên Tây-sơn làm tráng tiết tướng-quân.
Sau khi Ngũ-Phúc mất, Chỉnh lại dựa con nuôi của Phúc là quận Huy Hoàng-đình-Bảo.
Hồi Đình-Bảo đóng ở Nghệ-an, Chỉnh làm hữu tham quân, coi việc phòng giữ mặt biển, tỏ ra trội hẳn về môn thủy chiến, được người đời bấy giờ gọi là « Hải-điêu » 海鷂.
Tháng mười, năm nhâm dần (1782), quân Tam-phủ 405 nổi loạn giết Đình-Bảo và sát hại phe đảng quận Huy. Chỉnh sợ liên-lụy, bèn đem cả gia-quyến vào Qui-nhơn 406, theo anh em Nguyễn-Nhạc.
Từ đấy, Chỉnh là người của Tây-sơn, hăng hái hoạt động, bày mưu-kế, diễn đồ-pháp, luyện quân lính, lập phép thi…
Năm bính-ngọ (1786), Chỉnh là tướng Hữu quân bên Tây-sơn, giúp đức lệnh Nguyễn-Huệ ra hạ Thăng-long diệt họ Trịnh.
Khi Nguyễn-Huệ ở Thăng-long thì Chỉnh đóng ở chùa Tiên-tích xóm Nam-ngư, tổng Vĩnh-xương, huyện Thọ xương. 407
Vì muốn bỏ Chỉnh, nên đêm 17 rạng 18 tháng tám, năm bính ngọ (1786), anh em Nguyễn-Huệ lẳng lặng rút quân về Nam, không cho Chỉnh biết.
Chỉnh cố theo đến Nghệ-an, được Nguyễn-Huệ cho đóng lại ở đấy để cùng làm việc với tướng Tây-sơn là Nguyễn văn-Duệ.
Bấy giờ vua Lê-chiêu-Thống (1787-1789) thấy Tây-sơn đã đi, nhưng Trịnh-Bồng lại đến, bèn triệu Chỉnh từ Nghệ-an
vào kinh hộ-vệ.
Vì có công đuổi Trịnh-Bồng, Chỉnh được vua Lê phong chức bình-chương quân quốc trọng sự, đại tư-đồ, Bằng trung công.
Lăng bức vua Lê-chiêu-Thống, Chỉnh lại sai Trần-công Sán vào Thuận-hóa đòi đất Nghệ-an (đinh-mùi, 1787).
Cho thế là Chỉnh làm phản, Bắc-bình-vương Nguyễn Huệ bèn sai Vũ-văn-Nhậm ra bắc bắt Chỉnh, buộc vào xe mà xé xác. Bấy giờ là cuối năm đinh-mùi (1787).
Chỉnh là người hào-dật, thảng-thích, không cái gì giàm buộc được. Trong nhà, lúc nào cũng đầy con hát. Trội về quốc-văn, lại làm được nhiều lối như thơ, ca, khúc và phú. Chỉnh thường có câu :
« Tay nhỏ, khó bưng vừa miệng thế,
Giãi lòng ngay thảo, cậy thiên tri ».
Ý Chỉnh cho rằng dư-luận ở đời nhiều khi khắc-nghiệt và sai-lệch, có chăng chỉ Trời biết cho tấm lòng của mình. Trong bài TRƯƠNG LƯU HẦU 408 PHÚ, Chỉnh có câu : « Lòng này ai biết Hán hay Hàn… » Tác-giả có ý sánh mình với Lưu-hầu Trương-Lương giúp Lưu-Bang, nào ai đã biết rằng cốt vì phò Hán hay cốt vì báo thù cho nước Hàn ?
Đã đỗ hương-cống, lại có thi tạo-sĩ, từng trải chiến trận, Chỉnh chẳng những lầu thông thao lược, mà lại thường hay ngâm vịnh thơ văn.
Có lần ở Thăng-long, nhân một ngày xuân, mưa bay phơi phới, Chỉnh được dịp nhàn rỗi, có làm một bài tả cảnh
đau khổ của thời loạn và nỗi ấm lạnh của tình đời :
« Lửa hồng tứ dấy mái thành đô,
Đòi chốn lầm than thủa được thua !
Xanh biếc cảnh xen người ẩn dật,
Bạc đen đường vẩn khách bôn xu ! » 409
Sau khi vào kinh Thăng-long hộ vệ, quyền-hành suốt cả Bắc-hà cầm nắm ở một tay, Chỉnh lập phủ thế-tử cho con là Nguyễn-hữu-Du, tự đặt mình như chúa Trịnh cũ. Để tỏ mình cũng ngang với « triều-đình » Thuận-hóa, cũng chẳng kém cạnh với Bắc-bình vương Nguyễn-Huệ, Chỉnh có mấy câu tự-hùng :
« Đường trời mở rộng thênh-thênh,
Ta đây cũng một triều-đình, kém ai ? »
Muốn biết văn-tài về thể phú của Chỉnh và lời nghị-luận phê-phán của Chỉnh đối với Lưu-hầu Trương-Lương, ta nên xét qua tiểu-sử Trương-Lương đã :
Trương-Lương tên tự là Tử-phòng, từ cụ kỵ đến ông cha, năm đời làm tướng nước Hàn. Khi Hàn bị Tần diệt, Lương vẫn ngầm lo tính báo thù cho nước Hàn, nên đã đánh Tần Thủy-hoàng ở Bác-lãng-sa, nhưng trúng lầm vào cái xe thứ hai. Khi Hán cao-tổ (206-194 tr.C.n) dấy binh, Lương giúp Hán, bày kế hoạch. Hán nhất-thống toàn-quốc rồi, Lương được phong tước Lưu-hầu, nên đời thường gọi là Trương Lưu-hầu. Công thành, danh toại, Lương rút lui, học thuật thần tiên tịnh cốc.
Dưới đây là đoạn cuối bài TRƯƠNG LƯU HẦU PHÚ, tác giả phê-bình về nhân-vật lịch-sử Trung-hoa ấy :
« Ngẫm từ trên như Trọng Liên 410, Phạm-Lãi 411 hào hơn. So về dưới như Lý-Tĩnh 412, Khổng-minh 413 chưa đáng. Ngôi đế sư mà danh cao sĩ 414, ngoại vật há còn trong bụng 415, ngàn thu, chữ thắm chửa phai vàng 416. Nền nho giả mà giá danh thần 417, chẳng tiên nhưng cũng khác phàm 418, muôn kiếp sử xanh còn để sáng 419. Nay đọc Danh thần truyện, xem Thượng hữu thiên 420, trách ai thượng hữu cổ-nhân, sao chẳng nguyện hi 421 Tử-phòng 422, mà lại nguyệt hi Chư-cát Lượng ? » 423
Ngoài những thơ văn như trên đã dẫn, tác-phẩm của Chỉnh còn có :
- NGÔN ẨN THI TẬP (bằng hán-văn) làm từ khi còn hàn vi (Có in trong NAM-PHONG, tập XIII, trang 79, 64).
- CUNG-OÁN THI (tập thơ nôm), tả nỗi u-hận của các cung-nữ.
- QUÁCH-TỬ-NGHI PHÚ, tả cái phong-lưu nhã-thú của thái-úy nhà Đường : Phần-dương Quách-tử-Nghi.
Có thuyết còn cho Hữu-Chỉnh là tác giả bài TẦN CUNG NỮ OÁN BÁI CÔNG-VĂN, nhưng chưa đủ bằng-chứng.
Chương V : Nguyễn-huy-Lượng
Nguyễn-huy-Lượng, tức Hữu-hộ-Lượng, trước có làm quan với nhà Lê, sau theo Tây-sơn, được phong Chương-lĩnh hầu.
Ngày mồng 3 tháng năm, năm tân-dậu (1801) vua Cảnh-thịnh (1793-1800) (sau đổi làm Bảo-hưng, 1801- 1802), sau khi Phú-xuân (Huế) thất thủ, phải chạy ra Bắc hà, đóng đô ở Bắc-thành (Hà-nội).
Tháng năm, năm ấy (tân-dậu, 1801), đổi niên hiệu làm Bảo-hưng thứ nhất, vua Tây-sơn sai đắp gò tròn 424 ở ngoài cửa ô chợ Dừa và xây bó chầm vuông 425 ở hồ Tây để hạ chí và đông chí thì chia ra mà tế tự Trời, Đất. Đó tức là tế-lễ Nam-giao mà các thời đại quân-chủ vẫn thường làm.
Vì có việc đắp chầm vuông ở hồ Tây để tế Trời, Đất này, nên Nguyễn-huy-Lượng mới có bài TỤNG TÂY-HỒ PHÚ : « Hương khâm kính xông miền hạo đãng, 426
Rượu cung kiền thấm cõi linh u ». 427
Hai câu ấy chính chỉ về việc vua Cảnh-thịnh tế Trời, Đất năm tân-dậu (1801).
Tác giả bài phú ấy gieo đến tám mươi nhăm vần, nội dung miêu-tả và ca-tụng Tây-hồ ở Thăng-long (nay là Hà nội), rồi kết thúc bằng mấy vần khen ngợi công-đức nhà Tây-sơn.
« Tụng Tây-hồ phú » là một danh tác ở đương-thời : văn rất điêu luyện, lời rất đẹp đẽ. Chỗ tả hình-thế Hồ-tây, có những câu đầy hình ảnh và màu sắc như : « Sắc rờn-rợn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động Bích 428 nổi lên giông lẻo lẻo ; Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc 429, tưởng vầng Ngân rơi xuống mảnh nhỏ-nhỏ… » 430
Và chỗ tả phong-cảnh hồ Tây : « Ngang thành-thị, ghé yên-hà 431 một thú ; Doc phố phường, tung phong nguyệt hai kho 432. Gió hiu hiu giòng Nhị-thủy 433 đưa lên ; lồng hơi mát tới chùm hoa, khóm trúc. Giăng vằng-vặc mái Tam-sơn 434 rọi xuống ; đớp bóng tròn từ lũ cá, đàn cò ». 435
Đến đoạn kỷ-niệm công-đức vua Quang-trung đánh đuổi giặc Thanh, dẹp yên đất nước, giữ vững được nền độc-lập, khiến cho hoa cỏ sông hồ cũng đượm tươi sáng dưới trời Nam, tác giả bài phú ấy đã ghi bằng mấy lời có cái đặc điểm lịch-sử :
« Tới mậu-thân 436 từ rỡ vẻ tường vân 437 sông núi khắp nhờ công đãng định 438. Qua canh-tuất 439 lại tưới cơn thì vũ 440, cỏ cây đều gội đức chiêm nhu ». 441
Toàn-văn bài « Tụng Tây-hồ phú » cũng khá dài. Tiếc vì trang sách có hạn, nên không thể dẫn trọn ra đây được.
Sau đó, Phạm-Thái tục gọi Chiêu-Lý (1777-1813) đứng trên lập-trường khôi-phục nhà Lê, phản-đối Tây-sơn, lại phản-đối luôn cả người viết bài « Tụng Tây-hồ phú », bèn làm bài « Chiến tụng Tây-hồ phú » để chống lại bài của Nguyễn-huy-Lượng.
Ngoài bài Tụng Tây-hồ phú này, Huy-Lượng còn có tập « Cung-oán thi » để tả cái hận « dê ngấy lá dâu » ở nơi cung cấm.
KẾT LUẬN
Đời Tây-sơn (1778-1802) tuy ngắn, nhưng trên trang sử Việt-nam cận-đại, đã viết được những chữ rất hùng vĩ, rất sáng ngời ; hai lần chống ngoại xâm và một việc trọng tiếng Việt.
Trận chống ngoại xâm lần thứ nhất là năm giáp-thìn (1784). Bấy giờ Tây-sơn mới quật-khởi 442, chính Nguyễn Huệ đã quét sạch ở Xoài-mút (thuộc Định-tường) bên rạch Gầm hàng hai vạn thủy binh và ba trăm chiến thuyền của Tiêm-la do bọn tướng Xiêm là Chiêu-Tăng, Chiêu-Sương cầm đầu để cứu viện chúa Nguyễn-Ánh. 443
Lần thứ hai là năm kỷ-dậu (1789). Bấy giờ vua Quang trung mới lên ngôi, chỉ đem ra Bắc có hơn mười vạn quân, vậy mà chưa đầy mười ngày, đã phá tan được hai mươi vạn quân Mãn-thanh, vào sâu tận Thăng-long, do Lê Chiêu thống rước sang cứu viện.
Bên cái công nghiệp chống giặc ngoài giữ độc lập đầy oanh-liệt ấy, nhà Tây-sơn lại có sáng-suốt là gây được xu hướng chuộng quốc-văn, đưa quốc-văn lên cái độ cao và rộng hơn hồi cuối Lê khiến nó có một địa vị quan-trọng như những bằng chứng mà trong sách này đã dẫn.
Vì vậy, trong vòng hai mươi bốn năm (1778-1802), quốc-văn gặp nhiều điều-kiện thuận-tiện, đã tiến-triển phát-đạt là thế.
Ngoài cái lượng đáng kể về thơ, phú, chiếu dụ, văn tế và văn từ, ta còn thấy có những khuynh-hướng văn học rõ
rệt, như khuynh-hướng tả chân trong thơ của Hồ-xuân Hương, khuynh-hướng trữ tình trong bài « Ai tư vãn » của Vũ hoàng-hậu. Phê-bình nhân-vật lịch-sử thì như bài « Trương Lưu-hầu phú » của Nguyễn-hữu-Chỉnh, miêu tả cảnh vật thì như bài « Tụng Tây-hồ phú » của Nguyễn-huy Lượng…
Tóm lại, quốc-văn đời ấy đã tiến lên một nấc khá cao : văn đã bóng bẩy, nhẹ nhàng, lời đã điêu-luyện, trau-chuốt…
Chính nhờ di-sản quốc-văn đời Tây-sơn để lại hồi đầu Nguyễn, tức đầu thế kỷ XIX, mới mạnh-mẽ bùng lên cái xu hướng chuộng quốc-văn : nào làm văn tế bằng quốc-văn 444, nào viết truyện bằng quốc-văn 445, rồi kết tinh trong tác-phẩm bất-hủ là truyện KIỀU của Nguyễn-Du, một trong Hồng-sơn văn phái.
Viết ngày 18 tháng chạp 1949
Mùng bốn tháng hai 1950.
SÁCH BÁO THAM KHẢO
(xếp theo thứ-tự a b c)
- Dụ-am ngâm tập, Phan-huy-Ích, Sách viết tay. - Dụ-am văn tập, Phan-huy-Ích, Sách viết tay.
- Đại-Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30-32, Quốc sử quan triều Nguyễn.
- Dynastie des Tây-sơn, M.L. Cardière, Bác cổ tùng san, tập V, năm 1905.
- Khâm định Việt-sử thông giám cương mục, Quốc-sử quán triều Nguyễn.
- Lê kỷ, Dã sử, Sách viết tay.
- Morceaux choisis d’auteurs annamites, Georges Cordier, Lê-văn Tân, Hà-nội, 1935.
- Nam thi hợp tuyển, Nguyễn-văn-Ngọc, Vĩnh-hưng-long thư quán, Hà-nội.
- Nhà thơ cách-mệnh Hồ-xuân-Hương (Thân-thế, tư tưởng, thi-phẩm), Sơn Tùng.
- Période des Tây-sơn, M.L Cardière, Bác-cổ tùng san, tập VI, năm 1906.
- Phú nôm, tập dưới, Thái phong Vũ-khắc-Tiệp, Vĩnh hưng-long thư quán, Hà-nội, 1931.
- Quang-trung, tập I, tập II, Hoa-bằng Hoàng-thúc Trâm, Hà-nội, 1944.
- Quốc-âm thi ca tạp lục, Sách chữ nôm của trường Bác cổ, Bản chép tay.
- Tri-tân tạp chí
- Việt-nam phong sử, Tiểu-cao Nguyễn-văn-Mại (tựa năm Duy-tân thứ 8), Sách viết tay.
- Việt-nam văn-học sử yếu, quyển I, Lương-quang-Hàm, Nha Học-Chính, Hà-nội, 1943.
NHÀ XUẤT-BẢN SÔNG-NHỊ
19 bis, Hàng Bông thợ Nhuộm – Hà-nội
Đã ra :
- Đại-Nam Quốc-sử diễn-ca của Lê-ngô-Cát và Phạm Đình-Toái. Tựa và dẫn của Hoàng-Xuân-Hãn (2 cuốn trọn Bộ).
- Lý-Thường-Kiệt (Lịch-sử ngoại-giao triều Lý) của Hoàng-Xuân-Hãn (2 cuốn trọn Bộ).
- Việt-luận của Nghiêm-Toản (3 tập trọn Bộ). - Thực-vật học của Nguyễn-Gia-Tường.
- Hà-thành thất-thủ và Hoàng-Diệu (Tài liệu và văn cổ). Dẫn và chú-thích của Hoàng-Xuân-Hãn.
Sẽ ra : Danh-từ chuyên-môn (chính-trị, ngoại-giao, cai-trị, kinh-tế, tư-pháp) của Vũ-Văn-Hiền, Nguyễn-huy Mẫn và Bùi-tường-Chiểu.
Giấy phép số 107/TXB ngày 28-3-1950 Thư từ và ngân-phiếu xin đề tên bà Nguyễn-thị Quyên,
Số 10b, Hàng Bông Thợ nhuộm, Hanoi. Nhà in VĨNH BẢO SAIGON
SÁCH HIỂU-BIẾT
VŨ-VĂN-HIỀN
Giám đốc bộ biên-tập
Đã ra :
- VŨ-VĂN-HIỀN : TIỀN VÀNG VÀ TIỀN GIẤY - NGHIÊM-TOẢN : VIỆT-NAM VĂN-HỌC SỬ I - NGHIÊM-TOẢN : VIỆT-NAM VĂN-HỌC SỬ II - NGUYỄN-HUY-MẪN : HÙN VỐN LẬP HỘI
- BÙI-TƯỜNG-CHIỂU : TỔ-CHỨC LIÊN-HIỆP-QUỐC - NGUYỄN-TRỌNG-LỰC : TIẾNG NÓI CỦA ĐỒNG RUỘNG - HOÀNG-THÚC-TRÂM : QUỐC-VĂN ĐỜI TÂY-SƠN
Đang in : ĐIỆN của BÙI-PHƯỢNG-CHI
Sẽ ra tiếp :
- NGUYỂN-DƯƠNG-ĐÔN : THIÊN-VĂN
- HOÀNG-XUÂN-HÃN : HỒNG-SƠN VĂN-PHÁI - NGHIÊM-TOẢN : NGUYỄN-HUỆ
- HOÀNG-THÚC-TRÂM : TRẦN-HƯNG-ĐẠO
- PHẠM-KHẮC-QUẢNG : NHỮNG BỆNH TRUYỀN-NHIỄM
"""