" Quê Nhà - Tô Hoài full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quê Nhà - Tô Hoài full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo Thông tin sách Tên sách: QUÊ NHÀ Tác giả: Tô Hoài Nhà phát hành: Phương Nam Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn Khối lượng: 350g Kích thước: 13 x 21 cm Ngày phát hành: 05/2008 Số trang: 348 Giá bìa : 42.000đ Thể loại: Tiểu thuyết Hiện thực Thông tin ebook Nguồn: http://tve-4u.org Type+Làm ebook: thanhbt Ngày hoàn thành: 31/08/2016 Dự án ebook #227 thuộc Tủ sách BOOKBT Giới thiệu Quê Nhà: Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: tiểu thuyết “Quê người”, tiểu thuyết “Mười năm”, tiểu thuyết “Quê nhà.” Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng tây bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996). Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1985) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân - các anh hùng vô danh, đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào. Lời giới thiệu Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: Quê người, Mười năm, Quê nhà. Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định. Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng Tây Bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996). Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1978) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân - các anh hùng vô danh đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào. Tiểu thuyết Quê người (viết 1941) cũng một khung cảnh ấy, những vùng Hà Nội đã bị chiếm đóng. Cảnh điêu linh và khốn cùng diễn ra, biết bao nhiêu người đã phải tha hương. Đi phu, đi làm đường, vào Nam, sang Tân Đảo và các thuộc địa Pháp ở ngoài châu Đại Dương, làm cu li đồn điền. Trong cảnh khốn đốn, phải đi “đất khách quê người”. Tiểu thuyết Quê người đã được tác giả viết trước nhất, cách đây nửa thế kỷ, từ khi nhà văn Tô Hoài mới bắt đầu cầm bút. Điều đó chứng tỏ đề tài của vấn đề đã nung nấu lâu dài trong tâm tư và tình cảm tác giả theo bước với sự phát triển của số phận cuộc sống và lịch sử. Tiểu thuyết Mười năm (viết 1957) cũng vẫn quang cảnh và tình hình ở vùng ấy, nhưng bước sang một giai đoạn quyết liệt nhất, mười năm 1935 - 1945. Nước Pháp đã bại trận ngay khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Phát xít Nhật can thiệp vào Đông Dương. Đất nước ta bị hai tròng áp bức và bóc lột, nạn đói vô cùng thảm khốc đã xảy ra mà mỗi con người chỉ còn có con đường một sống một chết. Trong khốn cùng ấy, lá cờ nghĩa đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo giương cao đã tung bay khắp nước, từ rừng núi xuống đồng bằng. Tiểu thuyết Mười năm ấy là thời gian mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đến nay, hơn năm mươi năm đã qua, để thấy được nguyên nhân sâu xa những điều tâm huyết của Tô Hoài với một vùng đất ông từng gắn bó. Trải ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngày nay đương bước vào giai đoạn xây dựng đất nước hùng vĩ chưa bao giờ từng có, xin được in lại trọn bộ cả ba tiểu thuyết: Quê nhà, Quê người và Mười năm. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. I KHÔNG AI CÒN NHỚ TỪ NĂM NÀO - loạn lạc lâu quá rồi, con đường quan từ trấn Sơn[1] xuống Kẻ Chợ vắng ngẩn vắng ngơ đến đỗi cả các làng ven đồng xưa rày có lối ra đường cái cũng như không biết có nữa. Những ngày phiên chợ Gạch, chợ Nhổn, chợ Phùng, không thấy một bóng qua đường về chợ. Lại cho đến cái năm quan ba Ngạc Nhe[2] sang bị chết trận ở đầu làng Thủ Lệ thì đường cái từ Sơn Tây xuống tưởng như tuyệt nhiên không còn ai dám qua lại. Đến mùa cỏ may, chỉ thấy từng quãng trắng mờ hút mắt. Thỉnh thoảng, giữa đám cỏ hoang ấy, một cuộn bụi đỏ bốc lên, cuốn dài, như những tổ mối đương đùn. Biết đấy là có ngựa trạm chạy thư lên ngược. Chỉ có thế, rồi đồng đất càng vắng lặng hơn. Nhưng không phải như thế. Ở trong những khoanh tre kín mít các làng cuối cánh đồng xa tít kia, chợ nào cũng vẫn đông. Người tự xa cũng về chứ chẳng phải chỉ có làng xóm gồng gánh quanh. Thế mới lạ. Chỉ vì người qua lại, người đi chợ ngại ra đường quan gặp giặc, gặp kẻ cướp. Làng nào cũng đi tắt đồng. Từ Sơn xuống toàn đường tắt. Cả sang bên kia sông Cái cũng đi quanh co xó xỉnh, lên đê ra Vân, ra Cốc, xuống Bồng Lai, Bá Giang rồi mới trở ra, sang đò ở một bến lẻ nào đấy. Bởi vậy, cái cảnh quen thuộc người ta thường gặp bấy giờ, đôi khi chợt tới đầu đồng, chân đê, dưới bóng một cây đề, một cây trôi tán lá tròn xoe, xanh mướt, cứ tưởng đến chỗ khuất nẻo quá như thế này mà nhỡ độ đường thì chỉ còn cách ba chân bốn cẳng chạy thục mạng thêm một thôi nữa, bỗng nhiên lại thấy lúp xúp một quang cảnh yên vui, đôi ba chiếc lều chợ, một quán nước, có khi có cả hàng cơm chứa trọ. Qua sông Đáy đến Phùng, tạt xuống cánh đồng Gối, đi một đỗi, theo đường bờ ruộng vào đầu ô Cầu Giấy, hay tạt ngang sang sông Cái. Nhưng dù sang sông hay vào Kẻ Chợ cũng không ai dám đi thẳng đường Phùng. Chỉ ở những chỗ không ngờ mới có đò ngang sang sông. Có lối tắt vòng sau lưng phủ Hoài ra đầu ô. Và có hàng quán. Người đi đường dừng chân lại ở chỗ khuất nẻo, làm hớp nước, hoặc nếu nhìn ra thấy đã vàng mặt trời thì nghỉ lại. Trước mặt, chỉ thấy lũy tre và bãi ngô vàng thăm thẳm, xa làng xóm quá. Người đi đã ròng rã mấy ngày đường lại càng ngại. Chỗ ấy kín đáo đầu đồng, tựa lưng vào mấy gò đất cao, bên cạnh một dãy ba cây đề cổ thụ. Từ cuối đồng đằng kia đã trông thấy những cành lá đề lưa thưa đan lên khoảng trời. Có một cái cầu ngói, nơi người đi làm đồng sâu đến nghỉ trưa. Không biết rồi mùa hạ tới, mấy quán kia có còn đứng được ở chỗ chơ vơ này không. Bây giờ mới chớm gió heo mà đã thấy mái rạ tơi tả, như những mái lều phải chúi vào gốc cây và lưng gò đất mới tránh được những làn gió giật từ cuối đồng lên lùa vào vòm lá đề cứ reo à à suốt đêm. Người xuống Kẻ Chợ hay sang sông qua đây đã quen gọi nơi dừng chân này là chỗ Ba Cây Đề đầu lối xuống bãi Cốc. Bấy giờ, mặt trời đã khuất lưng núi Ba Vì. Chỉ còn thấy một vùng hửng trên đầu lũy tre xanh đen giăng ngang cuối đồng. Có hai người đương tất tả đi lên. Từ bờ tre cuối làng qua một dải đồng cao rồi lại xuống đồng sâu, men theo bờ đìa - những lối kín qua làng. Đàn chim choi choi, chập tối rồi mà còn bay như vãi thóc, vụt lên vụt xuống, ở từng quãng chợt có người đi qua. Lên tới được đầu đồng, đã nhọ mặt người. Bấy giờ mới trông rõ đấy là một ông già và một người trẻ tuổi - dáng như hai bố con. Cái nón bứa cũ kỹ - cả tàu lá cọ uốn khum, để nguyên đầu vấu, cũng khiến người ta đoán được ông con nhà này hẳn từ vùng chân núi Ba Vì ra thăm ai hay có việc về Kẻ Chợ. Ông già đeo khăn gói và người trẻ tuổi gánh hai tay nải nhỏ, trông chừng như bên trong đựng mấy lẻ gạo và chiếc mền để tiện ngủ đêm đâu sẵn có cái đắp. Lều hàng cơm anh Đề Cụt ở ngay gốc đề ngoài cùng. Thoạt trông như một cây rơm to được đánh đống lại. Hay bảo đấy là cái lều ép mía cũng được. Những lều cây rơm, lều ép mía như thế cứ vào cữ gặt ba giăng xong thường thấy được dựng tùm hum lên ngoài đồng. Những lều hàng cơm ấy thật sự là một cây rơm rỗng ruột, có cửa tò vò vào qua cái mành những cuộng rạ lướp tướp xuống. Người vừa bước chân vào đã cảm thấy ấm áp mùi rơm, bỏ lại ngoài kia một cánh đồng ào ạt gió. Mới chập tối mà nhiều người các ngả đường đã đến rồi. Không phải vì nghe tiếng lào xào trong nhà hàng và thấy ánh lửa các nhà trọ phía trong, mà chỉ mới trông trước cửa các quán thấy ngổn ngang từng cuộn những gánh song mây gác bếp ám khói, đã lên nước cánh gián sẫm bóng, người ta cứ để nguyên cả chiếc đòn ống như vừa lẳng xuống. Các phường Hàng Tre, Hàng Mây dưới Kẻ Chợ vẫn ăn hàng song mây của lái chợ Nghệ. Những sọt củ nâu lóc nhóc chất ngập hai đầu đòn xóc, chắc mai gánh vào Hàng Vải Thâm hay các lò nhuộm ở Đồng Lầm. Những vò rượu Kẻ Sấu trát bùn ngoài giả như thùng sơn để che mắt kẻ trộm, cũng bỏ lăn lóc cả đấy. Rượu Sấu Giá vào Kẻ Chợ đường ô Cầu Rền. Rượu Thụy Chương, Võng Thị qua đằng trại Hàng Hoa đương được khách hơn. Cả những gánh đĩa bát buôn ở Bát Tràng bên kia sông đem lên ngược, xếp ngay ngắn như những gồng cỏ khô. Rồi lại những thùng tre ghép to gấp đôi thùng gánh nước, chít kín nắp, đấy là thùng dầu sở, dầu lạc mang vào các thổ mua buôn ở phường Đồng Xuân, phường Đình Ngang, phường Đông Tác - những nhà ở phường này lại quảy dần đi bán lẻ rao khắp các phố. Những thứ hàng cồng kềnh ấy để ngoài cửa, cả trên những vè rễ đề. Riêng những dãy tơ Phùng mang vào Sài Bái, Nghĩa Đô hay chợ tơ đình hàng Đào, những thúng cau khô, những buộc trầu vỏ đỏ chóe bọc lá chuối khô, những cửa hàng hoa ấy được người ta đem vào chất cẩn thận sát vách cuối ổ rơm. Ấy đấy, thời buổi loạn lạc, khó khăn, đường quan ngập cỏ mọc, mà của quê của rừng cứ ùn ùn vào phường phố. Thế nào thì ai cũng vẫn phải ăn phải làm, cuộc sinh sống của con người lúc nào cũng đăm chiêu mê mải. Nhưng nói vụng với nhau đây thôi - dứng có mạch, vách có tai, có tài thánh mà biết được đấy là lái buôn hay đấy là tay chân các ông lãnh, ông võ, ông xuất ở đâu về quanh Kẻ Chợ để nghe ngóng, rình rập. Ai biết trong đống gồng gánh chồng chất ấy là củ nâu hay là súng, là giáo mác... Ông già dừng lại, bỏ nón ra, quạt lên khuôn mặt hốc hác đen sạm vì bụi, vì mệt nhọc hơn là vì nhớp nháp mồ hôi. Rồi nói: - Nghỉ lại đây thôi, con ơi! Một quang đèn dầu trẩu giữa nhà treo bằng cả cái chão mây thõng trên mặt chõng hàng. Ánh sáng đỏ đọc, khói ngùn ngụt, soi nhếnh nhoáng xuống cái lưng bóng nhẫy một con cầy luộc xóc cả con trên chiếc móc tre, ngay cạnh bóng đọi đèn. Anh chủ hàng cứ chốc lại nhổm lên, giơ con dao mỡ nhoáng, xẻo ngọt từng miếng thịt xuống. Trên mặt mâm chõng, dài có đến ba sải tay, thôi thì la liệt, chỗ bát tương, chỗ cái vỉ, chỗ lá chuối tươi mở ra, những tảng thịt cầy, miếng nầm, miếng đùi lẫn lộn, tú ụ cả một lùm rau ngổ ba lá với từng tảng riềng gần như để cả củ, chỉ xắt đôi xắt ba to bằng quả cau, bằng nắm tay một. Đầu chõng đằng này đặt một chĩnh tương. Bên kia, xếp ngất ngưởng chồng bong bóng rượu, như đàn lợn tháu ăn no rồi nằm đè lên nhau mà ngủ. Những bong bóng lợn đựng rượu - các làng Bồng Lai, Bá Giang bên sông vẫn có thói quen xưa nay chỉ đựng rượu chợ bằng bong bóng lợn. Bọn lái vừa đem đến lúc chiều, chưa kịp trút vào hũ. Bây giờ cứ mở nút lá chuối khô, đong thẳng từng be. Uống suồng sã thế càng thích. Người ngồi chen chúc hai bên hàng ghế. Ai cũng như quen nhau mà kỳ tình chẳng biết ai quen ai, chốn hàng quán bốc bải tứ chiếng thường như thế. Khói muội đèn, khói rơm bếp, hơi người, hơi rượu thịt, cái lều rơm ấm sực hẳn lên. Ông già vừa nhô đầu vào, hai hàng ghế đương ăn uống, cứ nhồm nhoàm cất tiếng như đã gặp nhau ở đâu rồi. - Ấy kìa cố, chúng tôi vô phép rượu cố. - Không dám, chư ông cứ tự nhiên. - Cậu cả nữa kìa, mời cậu xơi rượu. Một bác ngồi gần đấy, lừ con mắt đỏ ngầu, cầm bát rượu đưa lên mời người trẻ tuổi vừa bước vào sau lưng ông lão: - Rượu đây, uống rồi mới được đặt khăn gói xuống. Lệ quán anh Đề này thế. Con trai mà như con gái thế, à mà má lúm đồng tiền nữa kìa. Cái nhà cậu cả này, hì hì... Một người khác không nhìn lên, cứ gật gù lẩm bẩm một mình với bát rượu: - Ừ, cười má lúm đồng tiền, khéo mà là con gái cũng nên. Ấy ấy, chẳng là nhà bố tôi hiếm, bố tôi cho cô em út cất váy đi bắt mặc quần con trai lấy khước đấy, anh em ạ! Ông già rầu hẳn nét mặt rồi gườm mắt nhìn mấy người đương vừa nói vừa đùa cười hô hố: - Đừng trêu cợt người già mà phải tội, chư ông ạ. Bố con tôi đi đường xa mỏi chân quá rồi. - Cố bỏ lỗi cho chúng cháu. Một người phân trần: - Nói thật với cố chứ, người thiên hạ bây giờ mà còn đi đó đi đây thì đến cái mồm cũng phải có võ mới dám bước chân ra đường cái. Thế là mấy người lại nhao nhao hỏi: “Võ gì thế? Võ mồm à? Cái gì thế?”. Một người nói: - Cố ạ, mắt tôi đã trông thấy con gái Kẻ Sấu chuyên buôn rượu ra Kẻ Chợ toàn mặc giả đàn ông. Gánh rượu bằng đòn càn, gặp Tây đánh Tây, gặp cướp đánh cướp. Đám giặc cái ấy đã có lần nào nghỉ đêm ở hàng ta chưa, hả anh Đề? - Dễ thường chưa đâu, ông anh ạ. - Ừ mà giá các cô giặc cái ấy qua đây, người điển trai mà lại sức võ như anh Đề thế nào mà chẳng ngắm được vài cô. - Thời buổi này chán vạn cái lo, không dưng lại đeo thêm cái lo nặng nợ vợ con nữa, sống làm sao? Anh chủ hàng vừa xẻo miếng thịt, vừa nói. Cái bác uống rượu, cứ ngắm bát rượu của mình từ lúc nãy lại lẩm nhẩm nói: - Đã bảo thời loạn, con người cứ phải lặn lội đầu hôm sớm mai thế này thì đến đàn bà rồi cũng hóa ra đàn ông, hà... hà... Ở góc trong hàng, phía cửa đun bếp có tiếng đàn bà nói ra: - Ơ kìa, em vẫn có hôm đi cất hàng đấy chứ. Cả mấy bợm rượu lại nhao nhao: - Cô ấy à, buôn ngồi như cô thế này thì ai chẳng buôn được. - Đố cô dám mai đi chợ Canh mua chó về làm nào? - Hay là vẫn đầu sai ông anh! Anh Đề vào bếp, bước chen giữa đám khách đông bây giờ ngồi cả sang ổ rạ, vừa đi vừa cười hề hề: - Không, không, cô nó nhà cháu vẫn đi chợ Canh, cả chợ Trôi, có khi sang tận chợ Đăm đấy ạ. - Không phải mặc giả trai chứ? - Không ạ. - Thế thì giỏi, giỏi! Bác cầm bát rượu lúc nãy bây giờ đặt bát xuống, nói: - Hãy còn chuyện lạ hơn nữa kia, từ nãy là chuyện đàn bà hóa đàn ông, bây giờ chuyện đàn ông giả đàn bà. Vẫn bọn lái rượu Sấu Giá đấy thôi. Các tướng ấy muốn đi thong dong, ngại bọn cướp đường quấy rầy. Thế là, váy đụp, khăn mỏ quạ xùm xụp và đôi quang gánh tềnh toàng như những bà lão trong làng đi chợ bán thúng khoai. Ấy thế mà cả trong ngực yếm cũng nhét hai cái bong bóng rượu phồng to tướng như hai quả dừa! Người ta cười như hét lên. - Chẳng biết thế nào, ông hóa bà, bà hóa ông... Ha, ha... - Này thôi hãy hượm bông phèng. Cô em vào đong cho anh bát rượu nữa nào. Người con gái đứng dậy, bước ra. Tiếng ù ù nhẹ nhẹ ở xó bếp bỗng dứt đi. Bấy giờ mọi người mới để ý từ nãy ở xế phía cửa nách cô Gái ngồi xay bột làm bún trong ấy. Thớt đá nghiến vào nhau, dấm dứt, lẫn tiếng gió xào xạc ngoài mái rạ, làm cho không ai nghe ra. Gái bước vào quầng sáng đèn, nhấc cổ chiếc bong bóng để rót rượu và bấy giờ ai cũng trông rõ mặt. Cứ kể bộ dạng cô này thì đêm hôm cô đi chợ nào cũng được mà cả đến cho cô vào đánh nhau lột váy Tây đen trong Đồn Thủy cô cũng dám vào như bỡn. Mặt vuông chữ điền, dáng chắc mầm, nhanh thoăn thoắt. Trong làn khăn vuông đen, chỉ thấy đôi mắt sắc như dao lúng liếng. Gái lễ phép chào ông già vừa vào. - Lạy cụ ạ. Rồi quay sang người trẻ tuổi, khẽ nói: - Chào bác ạ. Anh chàng đã hạ đôi tay nải xuống từ nãy, ngồi ngang lên cái đòn gánh, ngượng nghịu, lí nhí đáp lại câu chào có vẻ tinh nghịch của cô gái hàng cơm. Rồi, lại như sợ sệt, anh nhấc cái đòn lên, ngồi lùi sát vào trong. Gái nhanh mắt đã nhận thấy những cử chỉ nhút nhát của anh trai đường ngược. Lúc ấy, chui từ trong bếp ra giữa làn khói thơm nồng nàn có ánh đèn tỏa trên quang dầu xuống, mọi người mới trông tỏ mặt anh Đề chủ hàng cơm. Anh Đề còn trẻ, chỉ trong ngoài ba mươi. Mặt cũng vuông chành chạnh như cô em gái, thoạt trông biết ngay là anh em. Và bây giờ mọi người mới để ý, anh Đề mặc tấm áo kép năm thân vải nâu da bò lửng ngang đầu gối, một bên ống thõng, tay trái cụt hết nửa khuỷu dưới. Chủ hàng vờn vỡ làm như bây giờ mới nhìn thấy bố con ông già vào. Có lẽ cũng là do thói quen nhà hàng chuộng vui vẻ. Bởi một tay anh Đề đương xách ra một xâu lòng gan luộc vừa chín tới, khói lên nghi ngút. - Lạy cụ ạ. Kìa chú, ngồi ra mâm này, còn đánh chén nữa chứ. Xin cụ xơi tạm. Các vị đằng kia ngồi dẹp một tí. Rộng chán. Mà cho nó ấm. Hàng cháu là thượng hạng thịt cầy chỗ Ba Cây Đề này. Chỉ độc món luộc với món hầm, toàn kén chợ Canh cả. Chó chợ Canh ngon nức tiếng ra tận Kẻ Chợ đấy. Rượu thì có cái Quế Dương bây giờ là nhất. Rồi bún xáo, cô cháu kia vừa xay vừa rót khuôn làm bún, bún nóng. Ngà ngà rồi mời cụ với chú nghỉ trong ổ rơm. Khắp lều, chỗ nào cũng ngả lưng được, đấy ổ rơm suốt vào đến trong vách. Tối nay hàng cháu vui quá. Thưa cụ ở trên ngược xuống ạ? - Phải. - Cụ về Kẻ Chợ à? - Phải ạ. - Còn một thôi đường nữa thôi. Đây tới đầu ô chỉ rảo chân một nhát. Mà ấy chớ, cụ đừng ra đường quan. Cứ ven đê lên rồi tắt cánh đồng trước mặt ra sau lưng phủ Hoài, lội qua đồng Noi mà sang Bưởi, cụ ạ. Các ông đây mai cũng đi tắt đồng thế cả. Bây giờ chẳng ai dại mà đâm đầu ra đường quan cho phải vác thêm cái hốt hoảng vào người. Ông lão thủng thẳng nói: - Đội ơn bác mách cho. Bố con tôi ở đồng rừng về, không sõi đường sá thế nào. Một người nói: - Cụ cứ yên tâm xơi rượu. Bà con trong làng trong nước cả, có gì ta phải bảo nhau. - Xin đội ơn ông. Đề Cụt lại nói: - A, khách nhớ nhà hàng, bận sau cụ có về cứ vào đây. Hàng cháu là hàng Đề Cụt. Ông già ra vẻ lúng túng, nhưng đã nhác mắt nhìn rất nhanh chủ quán, rồi rụt rè: - Vâng, cụ... cụ đề... Đề Cụt cười lớn, trong khi đẩy bát tương và đĩa thịt vừa thái về phía trước mặt ông già. - Cháu không phải đề với lãnh gì đâu, bố già ạ. Hàng cháu ở gốc cây đề, cái tay cháu cụt, khách quen gọi luôn thành tên cho dễ nhớ. Từ đấy thành tên là hàng thịt cầy thằng Đề Cụt. Có thế thôi ạ. Mời cụ nhắp rượu. Một bác khách ngồi đằng cuối mâm chõng lè nhè nói chõ lên: - Nhưng mà này anh cụt, bây giờ mà anh là đề đốc, lãnh binh thì em cũng xin khăn gói theo anh ngay. Tướng anh trông cũng phải đấy. - Ới ông ơi, hàng cơm quán trọ, dứng mạch vách tai, đừng có trống mồm mà oan gia. Đây cũng chẳng xa đường quan lắm, ông có muốn cho ông còn lần sau được về hàng em nghỉ chân mà khề khà thế này không? Ông già bây giờ mới cười xuề xòa, hai tay nâng bát rượu cúi xuống húp một hơi cạn rồi chép chép miệng. - À thế thì đề là cái gốc đề, thế cũng được. Mấy người đã đổi chỗ xuống ổ rơm, nhường cho ông già ngồi bên cái ghế bằng mảnh tre úp đóng trên đôi chân mễ gộc tre uốn khum. Ông già nhấc cái bát đàn rượu của anh quán vừa đong, lại uống một hớp vơi hẳn đến lưng bát rồi mới gắp thức nhắm - một miếng gan thái pha to bằng ba đốt ngón tay. Trong khi ấy, cậu con trai ông già xếp cái tay nải tựa gọn bên chân vách rơm sau lưng rồi ngồi tựa vào, thờ thẫn nhìn ra, hai tay ôm đầu gối, vẻ mỏi chân. Mấy người ngồi gần ông già kêu: - Ấy kìa cậu cả ra đây... ra đây... Ông già đỡ lời: - Vô phép chư ông, cháu nó không thời được thịt chó. Gói cơm muối vừng trong tay nải bố ấy, con lấy ra đây mà thời cho vui. Tất cả lại cười váng lên: - Thế thì cậu cả lại là đàn bà rồi. Đàn bà mới không biết ăn thịt chó. Từ trong chỗ xay bột bún góc lều lại có tiếng léo nhéo nói ra: - Các ông anh ơi, vuốt mặt phải nể mũi, còn có em đây chứ. - Cô Gái thì cũng là đàn ông thôi, thịt hùm cô cũng nhá được, cô còn quá đàn ông nữa, không kể, không kể. Ông già tợp một ngụm rồi cười khà: - À cái rượu đậm đấy. Nguyên vì cháu nó có số thờ, phải kiêng từ thuở bé, lâu rồi đâm ra sợ, sợ cả mùi rượu. Chỉ vì cái số thờ mà đành chịu hèn, chư ông ạ. - Bố cứ cho cậu cả xuống đây chạy hàng cho anh Đề ít lâu, bén mùi rồi thì có mà lại tì tì chén đủ hai mươi món thịt chó trên đời cho mà xem. - Thật đấy nhỉ? Nhưng rồi mọi người lại ồn ào cười nói, không ai chú ý đến anh con trai không biết ăn thịt cầy ấy nữa. Bây giờ, đến lúc đã ngơi tay, anh chủ quán cũng ra đóng một vai ngồi vào đám rượu. Cho thêm vui. Cái quán Đề Cụt này có lẽ tối nào khách qua lại cũng đông đen đầu bởi anh chủ quán dễ tính thế vậy. Anh Đề ngồi xổm xuống ổ rạ đầu chõng kê bên chồng bong bóng rượu cũng đen xỉn như hai bàn chân to bè của anh. Anh vừa nhấm nháp, vừa đong rượu cho mọi người. Ông già nói: - Anh để dành cho tôi cái thủ này. Anh chủ hàng kêu lên: - Ôi, bố già đòi xơi đầu thằng Ngạc Nhe kìa, ghê chưa? Ông lão gật gật: - Trong con cầy thích nhất cái thịt thủ. Chả là cái răng mình còn khớ khớ. Anh chủ quán bây giờ mới thật thong thả, cứ cười hê hê. - Bố già đường rừng mà cũng biết cái thú xơi thịt cái sỏ Ngạc Nhe thì hay thật. Này cụ, trông cái đầu con chó kia có hệt thủ cấp thằng Ngạc Nhe không? Đấy đấy, hai hàm răng nó chìa hết ra trắng tểnh hơn răng lợn luộc, Tây Ngạc Nhe răng trắng mà. Một ngày tôi được cắt tiết mấy thằng Ngạc Nhe, tối nay lại ngồi hầu rượu thịt thủ Ngạc Nhe với bố già, bố già ơi. Nhắm một mình cái thủ Ngạc Nhe mới thật đích đáng ở đời, có phải không, chư ông? Cái bác nâng bát rượu cứ nhìn như soi mặt xuống bát lúc nãy, bây giờ lấy tay làm hiệu che miệng, trong khi đảo mắt nhấp nháy nhìn mọi người, giả vờ nói khẽ: - Này ông Đề Cụt, đây gần đường cái quan lắm. - Thằng Đề Cụt này sợ gì đường cái quan. - Hàng cơm quán trọ chớ có trống mồm, ông ơi! - Đây không phải hàng cơm, đây là nhà tớ. - Nhưng mà ông vừa quát chúng tôi đừng có trống mồm mà. Việc quốc sự, mất đầu như chơi, có phải không, ông Đề Cụt? Anh quán lại cười hề hề, biết đấy là mấy ông giỡn mình lúc nãy đã làm hiệu bảo người ta phải giữ mồm miệng. Nhưng rồi Đề Cụt vẫn cãi gượng: - Thế tớ bảo chém đầu thằng Ngạc Nhe thì có đúng không? Cái đầu lâu hoa cái nó chẳng đã lăn lông lốc ở cổng làng Thủ Lệ đấy à. Nó chả chết đỏng tử ra ở đấy à? Ai vu cho nó mất đầu nào? Ai vu cho nó nào? Mọi người lại cười râm ran. Những câu chuyện quốc sự như thế, ở mọi hàng quán hẻo lánh trên ngã ba, ngã năm đường tắt quanh Kẻ Chợ, mặc dầu nơi quán xá nào cũng vô khối bọn chó săn chim mồi được các quan trong tỉnh thả cho đi la cà rình mò, nhưng cái lo giặc dã từ đâu đâu tới, nạn nước nỗi nhà đang trải cảnh lầm than vẫn là câu cửa miệng, không mấy ai e ngại trò chuyện, than thở. Vả chăng, nếu có mật thám của Tây, của chánh lý đi nghe ngóng thì ở những ngã ba, ngã bảy người người hay tụ hội này, lại cũng là nơi những kẻ đi lo quốc sự thường hẹn bắt mối, giao quân và có khi còn giăng bẫy thịt bọn chim mồi ấy. Đề Cụt đương hăng: - Mà ai biết được nhỉ, bố già tôi đây biết đâu lại chẳng là ông thống trên đường ngược về lấy quân. Anh em chúng tôi có ai được lọt mắt bố, bố cho đi theo làm chân giữ ngựa được không? Ông già lờ đờ xua tay: - Ấy chết, chư ông tha cho, đừng nói thế mà buộc người già phạm vào quốc sự. Chúng em ở nơi rừng thiêng nước độc, chỉ biết xưa nay yên phận thủ thường. - Này bố ạ, ở những nơi rừng xanh núi đỏ ấy bây giờ mới ghê gớm đấy. - Thôi thôi, hãy biết ta đương nhắm thịt cầy. Cứ kể lần này lão mới được nếm cái chó chợ Canh, quả là ngon có tiếng thật. - Chưa chưa, bố già lõi đời lắm, bố đòi ăn thịt thủ. Trong con chó, đến cái thủ thằng Ngạc Nhe này mà ngon thì mới là chó ngon. Vừa nói, Đề Cụt vừa nhấc con dao, lấy cùi tay đỡ rồi khoanh lượn một vòng, xẻo ngọt cái sỏ chó trên móc xuống đặt trên thớt. Rồi mũi dao khía luôn đường ngang dưới tai và một viền suốt sống mũi. Sau tỳ cùi tay giữ một bên, tay kia bẻ ngược hai cái, mới nghe răng rắc mà đã “roách” một tiếng, cả vòng cùi xương sọ chó với hai hàm răng trắng hếu đã bật rời khỏi nạm da, vành tai, thịt cổ và cả cái lưỡi lòng thòng uốn cong. Tiện tay, Đề Cụt vứt luôn đám xương sọ ra qua lỗ cửa sau nhà. Rồi con dao lại thong thả khía vào vùng thịt thủ giòn ngon, thái gọn từng miếng. Ông già từ nãy bưng bát rượu ngang miệng quên cả uống, mải xem Đề Cụt, chỉ bằng một tay mà lột gọn chiếc sỏ chó, tài tình quá. Bây giờ mới thốt lên: - Hay! Hay! Cô Gái ngồi trong xó nhà đã làm nốt mẻ bún cuối, hong lên vỉ, thành bốn lọn bún rối to tướng. Áng chừng phải có thêm khách nửa đêm nữa mới có thể hết được chỗ bún ấy và thế là đã xong. Gái đứng dậy, đến trước mặt chàng trẻ tuổi vẫn đương ngồi thừ, mà từ nãy ngồi làm trong cửa bếp Gái vẫn nhìn trộm ra. Gái cất tiếng hỏi: - Bác không ăn được thịt chó thật ạ? Anh chàng ấp úng: - Mình còn... mình còn non tuổi, đừng gọi thế. Không ngờ anh chàng xưng với Gái là mình. Cái tiếng mình êm quá khiến Gái đương mạnh dạn lại hóa ra lúng túng chưa biết trả lời thế nào. Lát sau, Gái mới dịu dàng, thì thào, nói trống không: - Chốc nữa ăn bún. Bún nóng chấm tương, đậm lắm. Anh chàng trẻ tuổi tủm tỉm cười. Gái ngây nhìn, như muốn lịm người đi. Nhưng anh chàng dường như cũng nhận ra mình vừa ăn nói có vẻ tự nhiên quá. Anh đáp cộc lốc: - Tôi ăn cơm rồi. - Ăn bao giờ? - Lúc nãy. - Không phải. - Từ lúc nghỉ giữa đường kia. - Bố vừa bảo còn nắm cơm trong tay nải lấy ra ăn cơ mà. Thấy cô ả để ý mình kỹ quá, lại ăn nói trống trếnh như người nhà, anh chàng đâm bực: - Đã bảo ăn rồi mà. Gái cười, lại nói trống không: - Ăn thêm. Bún nóng chấm tương nếp ngon đáo để. Anh chàng thoáng nhìn cô gái dạn dĩ. Có lẽ cũng trạc tuổi mình. Trai ở trại, gái hàng cơm. Gái hàng cơm có khác, cứ sấn sổ vào người ta. Phải rồi, mới đấy mà cô Gái đã ra bề dường như phải lòng anh chàng đường ngược. Kể thì nom anh chàng có vẻ lam lũ nhưng khác người ta ở đây. Cái áo năm thân vải nâu da bò, quần nâu bạc, tóc búi tron trỏn trong vòng khăn vải gốc mộc thô đen như nước xáo chó. Nhưng sao mà làn da trắng mởn như con gái, mà cái miệng tươi quá, hai con mắt lư đừ nhìn nồng nàn như đuôi mắt muốn mắc vào nhau cho đến phải lòng nhau rồi. Gái đã để ý anh chàng từ lúc Gái ngồi xay bột làm bún mà chàng ta không biết. Cũng không thể biết đâu mà để ý được, cái anh chàng từ núi Ba Vì về đây còn mải ngồi bóp hai bàn chân đi đất đã sưng vù lên. Mà thật, người ta nói ở núi quen leo dốc ngược bàn chân bây giờ đi chân phẳng đường bờ ruộng cũng đâm ra đau chân sinh bệnh. Nhưng, sức trai trẻ thế ấy, chỉ nghỉ một đêm, mai khỏi thôi. Chắc lẽ cái nhà anh chàng này có nếp khuôn phép, bố còn thức, con chưa dám đi ngủ. Mấy lần ngáp vụng rồi mà chỉ thấy vẫn ngồi tựa lưng vào tay nải. Đến khuya, các quán bên cạnh cũng im ắng cả. Chỉ nghe gió từ đồng sâu hun hút lên. Giá ai nhỡ độ đường mà còn qua đây vào đêm hôm khuya khoắt thế này chợt đến có thể không biết trong chỗ lộn xộn ngổn ngang ấy là quán hàng mà tưởng như đây đương cuộc chén chú chén anh trong nhà - hay là một bọn cướp vừa đi làm ăn về, đương mải vừa đánh chén vừa chia của, vừa ngủ ngay giữa cuộc cãi cọ. Quang đèn cầy treo giữa nhà, đã mấy lần Gái bê hũ dầu trẩu ra đổ rồi chốc lại kéo bấc lên. Các ổ rơm cũng được dần dần lôi đến quanh chân chiếc mâm chõng còn la liệt thức nhắm và những phạng nước xáo. Có mấy người cứ nguyên cả quần áo lấm láp thế lăn ra, đã ngáy khò khò từ lúc nào không biết. Giữa lúc ấy, cái bác suốt từ chập tối cứ gật gưỡng vừa uống vừa ngắm bát rượu, chốc lại đấm vào đám đánh chén một câu nhủng nhẳng đôi khi chẳng đâu vào đâu, bây giờ lồm cồm đến ngồi trước mặt Đề Cụt, cởi chiếc hầu bao vải nâu nặng cộp đặt lên chõng, như đặt cọc. - Tỉnh rồi đấy nhé. Tính tiền đây này. Rượu hai đấu một lẻ. Ba khoanh thịt, một bát xáo thôi. - Bây giờ đã đi đấy à? - Ừ, đi cho kịp độ đường. Bác ta đếm ra một đống tiền kẽm để trên mặt chõng, lại buộc lại hầu bao vào lưng rồi đến bên vách xốc ra cái đãy to, - đã đứng lên mà người cứ lom khom như cõng cây rơm. Một anh lè nhè hỏi: - Đãy gì thế? Người khác ngồi cạnh vỗ vào lưng anh nọ vừa nói: - Đãy đựng thừng đem vào trói Tây ở Đồn Thủy đấy, mày hỏi làm gì! Nhưng mà bác ấy ạ, giờ khuya quá rồi, đừng đi. Đồng đất này không biết chừng thế nào đâu. Người đeo đãy rút trong thắt lưng ra con dao găm lưỡi sáng trắng, cười khẽ: - Tao chẳng chặt cổ đứa nào thì thôi. Rồi lom khom vác đãy trên lưng, đi xuống cánh đồng trăng suông mờ mờ. Đề Cụt vẫn ngồi im giữa mấy hũ rượu - cũng im lặng như những hũ rượu. Có hũ đã cạn, nằm lăn chiêng. Đám bong bóng đựng rượu đã xẹp hết, được xếp lại như đống áo rách. Những ông khách ngủ lại, những ông khách thình lình đi nửa đêm hay đi canh ba canh tư, cũng là thường. Người ta chỉ hỏi nhau thế thôi, không tò mò, không quan tâm lắm - ngộ như có người có ý tứ gì thì cũng chỉ để ý khéo, khó ai biết được. Gái vừa ra bưng hũ dầu cất vào trong vách, Đề Cụt nói: - Vãn hàng rồi, giập mấy cây nứa làm đóm mà về đi. - Anh bảo em về bây giờ ấy a? - Hai con chó mua chợ Canh vẫn còn để ngoài sân nhà. Khéo kẻo phơi sương chết mất. Mày phải về cất đi. - Em không về đâu. - Xà... cái con này... Gái cười. - Em ở đây để chốc nữa nghe anh lại kể chuyện mà. - Chuyện với trò gì! - Chuyện đánh Tây ở Thủ Lệ... - Mày nói như trẻ con đòi ăn kẹo, làm tao bật cười. Một ông khách nói chen vào: - Anh Đề ạ, khuya rồi, đừng bắt cô ấy về, từ đây vào làng phải qua cả một cánh đồng trống... - Nó ấy à, có nửa đêm cho nó lên trời bắt voi nó cũng lên được. Nhưng thà mày cứ nói toạc ngay cái bụng ra thì tao còn nghe. Gái ngúng nguẩy: - Cái anh này rõ hay! Đề Cụt vẫn cười, thong thả lắc lại xem vò nào còn rượu thì chiết dồn rồi nút lại, bê gọn vào một chỗ. - Lại còn mĩ tự. Cứ nói thẳng là mày ăn phải bả cái anh ả xứ Đoài kia rồi thì tao nghe ra, tao cho ngủ lại đây ngay thôi. Có người khúc khích cười. Một người bật cười khơ khớ. Cả những người đương gà mắt cũng bừng thức, ngóc cổ, nhìn quanh, khi thấy mọi người cười, cũng cười ngẩn ngơ. Gái thì ngồi chúi vào vách rơm và lặng im, không ai trông thấy nữa. Có người sốt sắng và ngơ ngẩn hỏi: - Anh ả nào xứ Đoài? - Dở hơi nhà ông này! Cái thằng không biết ăn thịt chó ấy mà. - Người đào hoa cũng có khác, đi giữa đường mà số đào hoa cứ quàng vào cổ thôi. - Có phải thế không? - Thằng con trai nào lúc mới đẻ cứ tràng hoa quấn đầy hai vai, cái số đào hoa mà, ngày sau lớn, đi đến đâu gái theo đến đấy. - À à... Ông già đã ngả lưng rồi lại trở dậy tìm điếu cày, cũng gật gù vỗ miệng điếu. - Cháu nó ngủ rồi. Hôm nay phải bữa đi quá độ đường sưng cả chân. Rồi cái quán lại lặng im. Mọi người ngủ yên và những đám lửa phía trong vách rơm đã tắt. Nửa đêm rồi, đâu đâu cũng chỉ nghe trong cánh đồng không tiếng gió bấc miên man lên, dào dạt qua ánh trăng suông nhờ nhệch, tưởng như cả thế gian bây giờ chỗ nào cũng chỉ là một cánh đồng bàng bạc gió bấc thổi rợn qua. Đề Cụt vẫn ngồi trầm ngâm nhìn tụm bấc đèn bốc ngọn lửa đỏ ngòn quanh hai cái tai đèn làm bằng hai tảng gộc tre đã bám đầy những nạm muội đen nhánh cứ rơi xuống từng mảng. Không phải anh Đề Cụt thường hay chuyện đánh Tây ở Thủ Lệ như Gái nói lúc nãy. Cũng có khi anh vui, có khi nói giỡn. Lúc nào hàng đông khách, anh vẫn thế. Chỉ đôi khi, đêm có những đám khách xa ở đâu về không biết, Đề Cụt mới lại kể chuyện cái trận ta đánh Tây ở đầu làng Thủ Lệ năm trước. Cô gái đã được nghe chuyện đến có phần thuộc, và có những đêm Gái thấy anh vừa kể vừa đưa ống tay áo lên quệt nước mắt xong rồi lại cười - cái cười nhợt nhạt. Khách hỏi: - Thế trận ấy anh có đi với bố con ông Xuất Vấn à? Đề Cụt nhìn ông khách, không nói. Khách lại thì thào: - Cánh tay này anh bỏ lại ở trận ấy à? Đề Cụt chỉ nhìn người hỏi mà không trả lời. Gái đã biết không bao giờ anh đáp những câu hỏi ấy. Anh chỉ lặng im. Rồi lại tiếp tục kể chuyện. Câu chuyện còn sôi nổi cả vùng đến tận bây giờ, trận ta giết được quan ba Ngạc Nhe ở cổng làng Thủ Lệ. Bọn lính Cờ Vàng của thằng Đu Bi[3] ở phố Mới đã biết kiềng mặt anh em quân ta, chúng nó sợ mất mật, chẳng đứa nào dám thò ra đầu ô này đâu. Nhưng thằng quan ba Ngạc Nhe mới ở Sài Gòn ra. Nghe nói nó đã đi suốt các nước Lào, nước Xiêm cho nên nó hung hăng lắm. Nó nhắn cả nước Nam ai có giỏi muốn đánh nhau với nó thì cứ ra Cống Vị. Rồi Ngạc Nhe ra Cống Vị, ra Cầu Giấy thật. Râu xồm đen kín mặt, nó đi hàng đầu. Có lúc như thằng cuồng, cứ chạy tít lên trước, tay cầm súng, bắn vẩy vào bụi cây, bắn mô đất, bắn con trâu. Cho đến hôm nghe có các quan trong Kinh ra xin giảng hòa, nó mới nguôi cơn điên được mấy hôm. Nhưng rồi bên ta lại có cánh quân nghĩa làng nào không biết, thách nó ra Cầu Giấy đánh nhau. Nó lại phát rồ lên. Nó đe lần này nó ra tận phủ Hoài, quyết phá đốt các làng từ ô Cầu Giấy đến tận Phùng. Nó biết tin bên ta đương sửa soạn đánh nó thật. Tin tức hai bên cứ thông tỏ như réo nhau ra mà thách. Bởi vì người ta vào thành hàng ngày. Ở trong thành, thằng Tây buôn Đu Bi sắp mở cả một khu phố mới trên bờ sông, nó làm như cái Kẻ Chợ riêng của nó. Cho nên, bọn Tây đi đứng thế nào ai cũng biết. Thế là một vùng ngoài thành phía bắc lại dậy lên tin Tây sắp đánh ra. Nhiều làng nghe ngóng rồi rộn rịch chạy. Bao năm loạn lạc, chẳng mấy khi được ở yên. Cả tổng Trung, cả vùng phủ Hoài chạy loạn dồn lên Giày Kẻ, Noi Cáo. Giày Kẻ lại kéo sang ở đậu tận Bắc Bỏi bên kia sông Cái. Nhưng chỉ vẫn chỉ các ông già bà lão và trẻ con đi, chứ trai tráng thì không mấy ai chạy loạn. Ai cũng nghĩ vừa đau vừa buồn cười, vừa căm giận đến phải chửi lên một câu. Bởi vì mỗi lúc thời buổi nháo nhác, lại vẩn lên biết bao chuyện bẩn thỉu, hèn hạ. Cứ gì giặc Tây, lắm khi chỉ nghe mơ hồ bên kia sông có bọn cướp to sắp tràn sang, mới thế mà các quan giữ thành Hà Nội đã mặt xanh như tầu lá. Đến bây giờ người ta còn kháo nhau như chuyện trò hề. Chỉ có quan thấy kiện thì bò đến như kiến thấy mỡ, còn từ hôm Tây chiếm thành, đến cả tháng sau cũng vẫn chưa ai lôi ra được mặt ông quan nào ở đâu. Người ta lại vừa mếu, vừa đùa: “Dễ thường các quan đã chạy loạn về rồi, người gặp ngoài đường, mà không nhận được mặt. Sợ quá cái mặt cũng khác đi đấy”. Phen này mà Tây ra phủ Hoài, chắc làng nào cũng có người đi đánh. Cũng lại là thường thôi. Có năm, đê Văn Giang vỡ, chẳng mấy năm đê Văn Giang không vỡ, thế mà người các vùng đã dựng lên xưng danh làm ông xuất, ông đề, ông ngũ kéo quân đi hỏi tội các quan làm sao để cho thiên hạ đói, làm sao đê điều vỡ mãi. Vận hội đất nước và con người cứ có khi, có lúc bồng bột thế. Đâu cũng đồn quân Tự So tận Kẻ Mảy ra. Còn thì Quận Chữ trên làng Hồ, trong Noi có Lãnh Trứ, trong Đăm có Đề Kiên. Thế nào các tay khét tiếng tụ nghĩa ấy cũng nổi quân ra rồi. Ông Xuất Vấn ở Nha đã được đích thực các ông ấy cho người ra đưa tin như thế. Ông Xuất mấy lần vào Cổ Nhuế. Tây Tựu, Mễ Trì, các nơi ông cũng đã đi cả. Rồi về, ông Xuất cho gọi anh em thủ hạ lại. Việc cứ thế, cứ thế mà làm. Có gì báo cho nhau biết thêm. Ngày ngày, các làng lại cho người vào dò la trong thành. Có độ nghe tin quân ông Tán Dương[4], ông Khâm[5], ông Đề Lưu[6], lúc Sơn Tây, lúc Hưng Hóa, khi Tuyên Quang, quan quân mới xuống, đã đóng đen nghịt suốt dọc sông Tô Lịch rồi. Nghe thế, ai cũng phấn khởi. Nhưng cũng phấp phỏng lắm. Quân quan triều đình kéo về kéo đi, ai biết đâu chừng. Chỉ có làng nước, có bờ tre, có ao đình thì bao giờ cũng vẫn ở mãi một chỗ không đi đâu được cả. Không có quân quan, không có cơ Chấn, cơ Định, cơ Hùng, cơ Dũng[7]thì ta lập quân lên mà đánh. Vua quan không biết đến mà phong thành ông thống, ông vệ, thì người ta cứ đặt chức tước lên mà hội quân. Thằng Tây ra, nhất định thịt thôi. Nó ra lối nào cũng có người của ta chặn. Quân ông Tự So tận Mễ Trì cũng đã về la liệt ở Vòng. Chiều chiều, ông Tự So cầm cái tay thước đi tắt cánh đồng Noi ra Nha đánh chén với ông Xuất Vấn, đến khuya mới cùng thủ túc về. Ông Xuất, hôm ấy, gọi anh em lại. - Ta mới được tin Tây cận ngày ra lắm rồi. Anh em đừng ai đi đâu nữa, kẻo lúc có việc động dụng không kịp. Không ai ra khỏi cổng làng. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Một người lắc đầu nói: - Mấy hôm nay nhiều người vào thành lắm. - Chúng nó vào thành làm gì? - Bẩm ông lớn, đi khuân gạch. Có những chỗ tường thành loang lở trống trải từ mấy năm nay, không ai trông nom đến, người các làng xung quanh thường lẻn vào khuân về. Lính phòng thành gác trên chòi cứ làm ngơ. Làng nào cũng xô nhau đi khuân gạch vồ tường thành. Những người túng đói lấy từng viên gạch vồ, gạch hòm sớ về bán cho người ta xây tường, bán cho nhà chùa, cho làng xây cổng, ngõ xóm. Một người nói: - Phải cho người của ta đi xem có phải thế không. Nếu là vào thành lấy gạch như mọi khi thì không nên cắt miếng cơm người đói. Nhưng không cho bố con thằng Vạn đi. - Bố con nhà Vạn làm sao? - Người của ta để ý thấy hôm nào bố con nó cũng đi, nhưng không thấy khuân gạch về. - Nó đi đâu? - Bẩm ông lớn, không biết ạ. - Thế mới rầy! Ông Xuất Vấn nói: - Việc này phải nghĩ đấy. Lúc nãy ai nói thằng lý trưởng ô Chợ Dừa đã vào ở trong Trường Thi với Tây rồi. Có đích xác không? - Cả chánh lý mấy làng ngoài Mai Dịch cũng rục rịch chạy. - Chúng nó nói thế nào mà là chạy? - Có người đến lạy van thẳng với ông tự, ông quận, ông đề quân ta thưa xin đội ơn quan lớn con thề không bao giờ làm mật thám, không bao giờ theo Tây, con chỉ tham sống sợ chết thôi. Bây giờ hai bên sắp đem nhau ra quyết liệt sống mái ở đây, con phải tránh đi để khỏi tai vạ. - Bọn cua cáy ấy thì giết làm gì cho bẩn dao, nhưng cái lũ vào thành theo Tây mà ta vớ được thì cứ việc chặt chân, chúng mày nghe không. - Có đứa còn về khoe Tây mới chiếm thành mà bây giờ cái gì Tây cũng có, đông vui hơn chợ Cầu Dừa, chợ Hàng Bè nữa. Hôm nào Tây cũng đón phường về hát tuồng rồi đi rao gọi người trong phường vào xem. Ông Xuất Vấn gật đầu: - Được, để tao cho hỏi tội thằng Vạn. Ông Xuất Vấn gọi lão Vạn đến. Lão Vạn gốc người ngoài Kẻ Sở bên hồ Tây, nhưng cứ phiêu bạt, có khi lên Phú Gia, mấy năm nay xuống làm ăn dưới Nha, ở đâu cũng loi thoi nheo nhóc không kiếm đủ miếng. Nhà không có, ở ghé mái ngoài, khi cửa đình, cửa đền và cứ bố con một mình một tính. Cả vùng người ta, làng trên chạ dưới, nghề giấy, nghề canh cửi, trồng dâu nuôi tằm, làm ruộng trồng ngô đất bãi, đằng này, lão không. Vẫn lối dông dài quan viên Kẻ Sở, cái giỏ đeo đít, suốt ngày quanh năm lúi húi, lang thang như con cuốc lủi kiếm con nhái, con lươn ngoài đồng. Không vào làng, không hàng phe, hàng giáp, không biết đến ai. Mà giá ông thủ từ ngoài đền có đuổi không cho lão trú chân lão cũng đi ngay. Sống bằng con cáy cái tôm theo bờ ruộng, đi đâu, ở đâu cũng đến vậy thôi. Vừa thấy ông Xuất Vấn, lão Vạn đã bước đến tận nơi chắp tay vái rồi thì thào: - Ông ơi, ông nghe tin gì chưa? - Tin gì? - Thằng lý trưởng trại Đại Ơn theo Tây rồi. - Tao biết. Nó còn đem lính về Đại Ơn bắt người nữa chứ gì! Rồi ông Xuất cười nhạt, vuốt vểnh một bên ria mép, chăm chắm nhìn lão Vạn, trong khi lão đương lơ láo vì những chuyện ghê gớm đến như thế vừa xảy ra mà ông Xuất cũng đã rõ. Ông Xuất nói: - Làng người ta có việc người ta, làng mình có việc làng mình. Làng mình khác làng người ta, nghe không. - Vâng ạ. - Ông lý làng ta đương ốm. Nhưng mà giá có khỏe, ông ấy cũng không đi theo Tây như thằng nào đâu. Lão Vạn kể lể tự nhiên: - Ông ấy tiếc cái nhà ngói cửa bức bàn, ông ấy còn hòng có khi về mà giữ. Cả mười mẫu ruộng chân liền nữa. Đi với Tây, biết còn gì ăn, lại biết bao giờ về. - Không phải ai cũng dễ theo Tây đâu. Bọn chánh lý cũng tùy đứa. Ừ, đi theo Tây cũng còn có lúc phải về làng nước, về thì biết cất cái đầu đi đâu. Rồi ông Xuất nghiêm mặt, nói: - Thằng Tây chứ thằng giặc trời cũng không đặt chân được vào khoanh tre làng này. Tao nhất quyết thế. Mày cũng biết đấy. Tao không phải lý trưởng. - Dạ, vâng. - Nhưng bây giờ tao trông nom cả làng. - Vâng ạ. - Quân tướng làng này đủ. - Bẩm lạy ông lớn. - Tao ra quân lúc nào cũng được. - Bẩm ông lớn, ra quân ngay bây giờ ạ, để con xin... - Cho mày đi báo Tây à? - Ông lớn đừng chặt đầu con, con... - Có phải bố con mày vẫn vào thành lấy gạch? - Vâng ạ. - Sao không thấy mang về hòn nào? - Được hòn nào con đã mang vào bán ngay cho Nhà Chung ở ngoài làng Chân Cầm. Ngoài ấy lính đạo nó mua được giá hơn. - Được rồi, nếu phải là thế thì tao giải cái oan cho mày. Nhưng mà từ hôm nay tao cấm không được ra khỏi cổng xóm. - Bố con con chỉ đi dỡ gạch bán kiếm ăn, cũng như người ta. - Không được. - Ai có trông thấy con vào thành, con xin chịu tội bêu đầu tế cờ. Thế thì con không bán gạch cho lính đạo Nhà Chung nữa, con đem về bán cho người làng Hồ xây tường vậy. - Ông đã bảo không được đi đâu cả. - Bẩm vâng. Có tin gà gáy mai các làng hội quân ở Cống Vị. Ông Xuất Vấn làng Nha, ông lãnh Trứ trong Noi đều được báo gấp như thế. Đề Cụt kể đến quãng các ông đi hội quân ở Cống Vị, không biết chuyện đã sang canh mấy rồi. Ngoài kia tối đen, không còn trăng mờ như lúc nãy. Khi sắp tàn canh, cái lúc ngày đêm giao nhau, bao giờ trời đất cũng có một khoảnh khắc sẫm lại như thế. Chẳng nghe một tiếng gà, chỉ có gió hú lên như hàng nghìn con cú con chồn cùng một lúc về kêu trong cánh đồng. Lại bỗng nhiên chợt lặng im. Rồi nghe rời rạc rơi xuống một tiếng vạc rải rác đi ăn đêm bay qua. Đề Cụt bảo ông già: - Khuya lắm rồi. Cố nghỉ đi. Mai còn độ đường nữa mà. Ông già nhấc điếu cày, rồi mới hỏi. Nét mặt nhăn nheo bỗng căng thẳng, hai mắt chăm chăm nhìn như đợi từng tiếng Đề Cụt nói. Trong khuya, lúc ấy chỉ còn một người kể, một người nghe ngồi đấy. Phía cửa bếp, Gái ngả mình duỗi chân tựa vào vách, không biết thức hay ngủ. Ông lão hỏi: - Thế rồi hai bên đánh nhau to? - Vâng, đánh nhau to. - Có phải có một thằng quan Tây phóng ngựa ra Cầu Giấy, mới đến cửa đền Trại đã bay mất đầu. - Quân ta hạ đấy ạ. - Còn thằng Ngạc Nhe thì chết thế nào? Đề Cụt mỉm cười: - Thằng Ngạc Nhe thế nào a? Thằng Ngạc Nhe đánh thành cửa Bắc bắt được ông Kinh lược Khâm sai, nó tưởng thế là nó tài hơn thiên hạ rồi. Mới nghe có quân ta lăm le đánh lấy lại thành, nó đã tức đổ máu mắt, xông ra, chỉ đem theo mười tám thằng vừa quan vừa lính và một cái xe súng thần công. Đến ô Kim Mã, thấy súng trong bụi tre bắn ra, nó mới giật mình. Nó cho quan hai Ban-ny[8] đi thẳng Cầu Giấy, nó lên Thủ Lệ. Thằng Ban-ny đến cửa đền Trại bị ta bắn chết đấy. Thằng Ngạc Nhe lên được một quãng đê, đương chạy xồng xộc thì bị sụt hầm. Cả nó, cả thông ngôn, cả thằng lính hầu chết tươi ngay. Chặt đầu rồi khiêng cái sỏ nó đi rồi, lột lon quan ba của nó đem theo rồi mà lục mãi không thấy khẩu súng lục. Ra cái thằng ngông quá, đi đánh nhau chỉ đem rượu, quên cả đem súng. Đề Cụt im một lúc rồi trợn mắt, nghiến răng nói: - Người ta đồn dăng dăng là ông Tán Dương hội quân với ông Đề Lưu ở Hạ Yên Quyết, ngay đêm ấy lên Sơn bàn với ông Thống[9] cùng nhau cho quân đem cả súng thần công, cả voi chiến về đánh chiếm lại thành Hà Nội. Nhưng cái lão Hoàng này lại co vòi, lắc đầu. Thế có cay đắng không? Cái bác hay nói đùa đã ngủ từ nãy, bây giờ bỗng thức, nghe thế rồi thong thả góp vào chuyện: - Chư ông ạ, cái năm tôi còn trẻ, đã có lần tôi phải ba năm đăng lính phòng thành[10], tôi đã nhẵn chân đi tuần khắp bốn mặt thành Hà Nội đấy. Vọng canh san sát, một khóa lính tuần đi suốt đêm liền ba năm mới mãn mà cũng không thuộc được hết mặt nhau. Cứ tám thước[11] một tầm mà đường vòng bốn cửa thành trên hai nghìn tầm chứ có ít đâu. Cái hào bọc quanh thành sâu ngập con sào, rộng năm chục tầm, thuyền đánh lưới ngoài sông Tô Lịch vào được mà. Trời, lại còn mỗi mặt thành ngồi năm khẩu thần công oai vệ trong pháo đài, ngày rằm, mùng một chúng tôi phải khói hương cúng các ông súng. Nào chỉ có thế thôi, bên trong còn có hoàng thành, cấm thành, tường cao đến nỗi chập tối đàn dơi bắt muỗi cũng chỉ chập choạng bay đụng ngang vòm cửa. Rồi nào dinh tổng đốc, đề đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát, mỗi dinh là một cái thành con, đồn ngũ sẵn sàng, cả thủy binh, tàu ngựa, trường đúc tiền, trường đúc đạn, đồn tượng binh, xung quanh lại có hàng chục cái ao cho voi tắm... Nhiêu khê quá. Ấy thế mà một tay thằng Ngạc Nhe với thằng lái buôn Đu Bi với dăm chục khẩu súng mà vua quan chạy táo tác. Đến đỗi các làng hội quân ra chặt được đầu thằng Ngạc Nhe rồi mà các quan vẫn còn hoảng hốt chạy loạn chưa một ai dám về. Nhục thật. - Thằng Ngạc Nhe cụt đầu rồi mà quan quân cũng chưa dám vào lấy lại thành! - Chó má nhỉ! Mọi người lại lặng im. Cái im lặng ngấm xuống, như cơn đau. Đề Cụt ngửa cổ phả một hơi thuốc lào, tần ngần lúc lâu rồi thở dài. - Không ai ngờ giữa lúc ở đầu ô ta được to như thế thì đằng Cống Vị cũng có đánh nhau. Quân ta nấp cả xung quanh gốc đa chỗ Đấu Đong, chặn lối nó ra đằng ấy. Trời còn chưa sáng. Ai cũng ngóng sao chưa thấy quân ông Lãnh Trứ đến. Mãi mới nom như có bóng người đi phía miếu Đôi lên, rồi thấp thoáng nhiều người qua sông. Đúng quân lãnh Trứ rồi. Giữa lúc nghe phía Cầu Giấy có tiếng súng, một bọn Tây từ phía trong trại Liễu Giai kéo ra Cống Vị. Bên ta và anh em bên ông Lãnh Trứ chạy ra đón nhau, trời rét như cắt, sương mù mịt, ta không biết gì cả. Thế là chúng nó bắn vào tận nơi. Đến đấy, ông già không hỏi nữa. Mà Đề Cụt cũng ngồi lặng, lờ đờ mắt, tay khều cái điếu, xoa lòng bàn tay trên đầu ống. Câu chuyện buồn bã rồi sẽ như thế nào, hình như cả người kể và người nghe chuyện cũng đều đã biết. Khói thuốc lào lại mờ mịt trên mặt Đề Cụt. Tiếng Đề Cụt khao khao như tiếng người nói ở đâu. - Trận ấy, hai bố con ông Xuất tôi đều chết trận. Ông già thở dài, thốt ra một câu khó hiểu: - Một mặt người bằng mười mặt của, chư ông ạ. Hai người im một lúc thật lâu. Im lặng sâu thẳm. Bỗng thõm một tiếng vạc kêu trong vòm sương ngang trời, hệt tiếng nức quệt xuống mặt nước. - Sáng hôm ấy, làng kéo quân về, đi lùng bố con nhà Vạn để hỏi tội. Nhiều người vẫn ngờ bố con nhà này lắm. Làm sao Tây bắn thẳng được ngay vào chỗ gốc đa. Phải có đứa phản phúc thế nào nó mới biết được quân ta đã đến đấy. Ai cũng tưởng có lẽ bố con nhà nó trốn rồi. Nhưng mà đến lúc thấy lão vẫn ngồi hun chuột ở giữa cánh đồng. Bảo lão là ông Xuất chết trận rồi, lão ôm mặt khóc hu hu. Cũng không ai nỡ giết. Biết nó thế nào, có khi cũng là cái số con người ta thôi, cố ạ. Đề Cụt mở mắt nhìn và nghe ra tiếng ông già thở dài, như tiếng não nuột từ lúc nãy chưa dứt. Lát sau, Đề Cụt hỏi ông già: - Mai bố đi còn xa không? - Tôi cũng xuống Nha đây thôi. - Bố về Nha à? - Chẳng nói giấu anh, tôi về viếng ông Xuất. Đề Cụt đứng phắt dậy, một cánh tay ôm chặt vai ông già, nước mắt giàn giụa. - Giời ơi, ông, có phải ông là ông Tư ở Ba Trại đấy không?. Ông già nói khẽ: - Tôi đây. Đề Cụt cứ một tay ôm ông Tư như thế, nước mắt ròng ròng. - Ông Tư ơi, không ngờ mà anh cả Vấn cũng chết trận sáng hôm ấy ở Cống Vị. Một lát sau, ông Tư nói: - Mãi đến đầu năm nay tôi mới biết. Tháng Ba năm ngoái, không thấy người lên tảo mộ tổ, tôi đã ngờ ngợ. Nhưng cũng không ngờ. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, bố con tôi xuống viếng ông Xuất, viếng cháu cho phải đạo, dẫu rằng một ngày cũng nên nghĩa... - Cậu cả cùng đi với ông đây là... - Nó là thằng út nhà tôi. Không ai biết lúc ấy anh chàng con út nọ vẫn nằm thức, hai mắt mở chong. Đến khi Đề Cụt ôm vai áo ông Tư kêu lên, nước mắt anh cũng ứa ra giàn giụa ướt xuống thấm cả mặt cái tay nải gối đầu. Trời dần dần rạng sáng... Từ canh ba trở đi, các quán trọ dưới gốc đề đã rộn rịch người sửa soạn gồng gánh, rồi lần lượt đi. Hầu như cho đến sáng bạch, chẳng nhà nào còn khách nữa. Ai cũng muốn mải miết đi từ lúc tối đất cho qua nhanh được độ đường một ngày khó khăn trước mặt. Những cây đề chơ vơ giơ cành khẳng khiu lên nền trời đục sáng sớm. Cái quán hàng ban ngày trông như những đống rạ mốc thếch. Cả bốn phía, những con đường tắt thấp thoáng từng quãng trong cỏ cao ngang đầu người. Phía nào cũng vắng ngơ vắng ngắt như mọi ngày thường. Không ai có thể tưởng tượng ở nơi quạnh hiu ấy lại có lúc đầm ấm, ồn ã, có những đêm người ta lo nghĩ gần xa như đêm qua. Bố con ông Tư đã sắp sẵn khăn gói. Đề Cụt giữ lại mời cơm sáng thế nào cũng không được: - “Thế thì tùy ông...” Đề Cụt bao giờ cũng là người kỹ tính. Ông Tư vẫn thường xuống nhà ông Xuất, Đề Cụt biết thế, nhưng Đề Cụt chưa được gặp ông Tư lần nào. Mặc dầu, Đề Cụt trước nay đã biết cả Vấn sắp làm rể ông Tư, hai nhà đã có chạm ngõ, ăn hỏi. Nhưng Đề Cụt cứ chợt lại nghĩ: Có phải ông Tư đây không... hay là thế nào... Cứ cẩn thận vẫn hơn. Ông Xuất Vấn mất đã ngót hai năm rồi mà Đề Cụt vẫn nhớ như sinh thời ông Xuất. Cái hàng cơm chứa trọ của Đề Cụt chẳng qua chỉ là nơi che mắt thế gian, chỗ này là trạm gặp gỡ của nhiều hội nghĩa các vùng. Đón hẹn, rủ đi hội, có khi tải giáo mác, tải súng, có khi đưa đường. Đề Cụt vẫn được các nơi giao làm việc ấy. Người mất rồi mà Đề Cụt vẫn nhớ lệ, vẫn coi đây như trạm gác, vẫn cẩn thận. Đề Cụt gọi em gái ra sau nhà, dặn vội mấy câu, rồi ra nói với khách: - Hôm nào về ông lại qua đây nghỉ, bây giờ tôi cũng không dám giữ. Tôi chỉ xin cho em tôi nó đưa hai ông con về dưới Nha. Ông Tư thoái thác: - Tôi thuộc đường rồi mà. Đề Cụt cười, nói: - Đành là ông thuộc đường, mà tôi không biết thì chẳng nói làm gì nhưng đã biết ông đã về qua đất ông Xuất tôi, chúng tôi phải lo lắng tươm tất, đấy là bổn phận của con cháu, xin hai ông con cứ cho tự nhiên thế. Hai người ngồi nhấp chén rượu sớm rồi mới đi. Chỉ có Gái, cứ vừa hí hửng vừa lạ lùng và ngỡ ngàng không hiểu sao hôm nay anh lại bảo đưa hai người khách đường ngược chu đáo đến thế về Nha. Có lúc Gái chợt nhìn tấm áo năm thân rộng thùng thình của anh chàng. Rõ ra người đường ngược về đất tỉnh. Nhưng trong cái vẻ chân quê vẫn thấy sao ở đâu mà có người điển trai đến thế. Gái cứ nhìn anh chàng, đôi lúc đăm đắm, con mắt có tình với ai như không rời ra được. Gái mỉm cười, lại hỏi trống không: - Đã hết đau chân chưa? Anh chàng chỉ lắc đầu không nói. II TỪ SƠN TÂY, đi vào núi Ba Vì, cả ngày đường vẫn chỉ qua một vùng đồi cỏ tranh xõa suốt tận chân núi. Tưởng đến quãng trước mặt thì cạn lối nhưng gạt cỏ ra lại thấy vết chân người đi. Từ bao nhiêu đời, đã có người qua lại rồi lâu dần, thành đường. Những ai cả đời ro ró không ra khỏi chỗ đường cái chốt Nghệ đầu tỉnh, tưởng đâu có làng xóm trên ấy, đến khi thấy người phía trên xuống chợ mới biết trong chân núi cũng có người ở từ bao giờ. Quãng này, một phía núi nghiêng lên trước mặt, đến mùa lũ đi xa trông lại còn thấy làn nước thác trắng xóa đổ xuống, lẩn vào khoảng trời xanh trong và dưới kia, triền miên những cánh đồi hoang tràn ra, hầu như đến tận sông Cái ngoài bến Phú Nhi. Ven các bờ suối trong thung lũng, người Mường ở Lương Sơn về. Từ các cánh rừng lưng núi xuống, người Dao bên Tuyên, Thái mấy ngày đường trèo núi sang. Đầu tiên, đi tìm đất đốt nương, lâu dần, người đến ở hẳn với đồi với ruộng. Phía ngoài Sơn vào, từ ngã ba Suối Hai tới, có nhiều người vùng xuôi lên. Vài năm lại thấy nhấp nhô một quãng đất mới đỏ khé. Trước kia, còn ở rải rác, ruộng đâu nhà đấy, sau các nhà cứ ở gom dần lại trong những khoanh tre quanh từng cánh đồng nhỏ, cạnh những quả đồi trồng chè. Có khi giữa nương sắn lại thấy chon von một nóc nhà. Từ đấy được đặt tên là Ba Trại - cũng không biết thành tên bấy giờ là từ bao giờ. Gốc gác nhà ông Tư lên Ba Trại dễ thường từ khi vùng này chưa có tên là Ba Trại, cũng như nhiều nhà lưu lạc đến đây. Chẳng ai để ý là Mường, là Dao hay người đường xuôi tới, chỉ biết mỗi con người ở đâu đã phải đưa nhau tới chốn này - đều cùng một cảnh ngộ tha hương, người vì đói khổ, người phải trốn tránh tù tội, biết bao nỗi éo le, bao nhiêu tình cảnh. Đến đời nhà ông Tư ở Ba Trại đã là đời thứ năm, thứ sáu, không rõ. Con đàn cháu đống sinh sôi thành hai chòm một xóm nhỏ ở sít đầu cánh đồng. Đất ấm hơi người đã ra nền nếp. Những vườn mít cây to một người ôm, trồng đã mấy mươi năm, lặc lè quả bằng cái chõ đại. Hàng cau liên phòng trước nhà như mành mành buông. Cau tốt chẳng khác những vườn cau xóm nhà sàn người Mường bên kia đồi. Rồi cũng giống mấy làng ở xuôi, trong những khoanh tre âm u che khuất mỗi chòm xóm cũng có đình thờ thần như dưới xuôi. Không có thánh hóa tại chỗ thì thờ vọng. Có chỗ thờ ông bắt ếch núi phải rắn cắn, có nơi thờ người thắt cổ được giờ linh. Cũng không biết từ đời nào truyền lại như thế. Lại có chùa, có đền, có văn chỉ, có miếu thần đất, ngoài đồng xa có mái cầu cho người làm đồng nghỉ trưa trong bóng mát những cây đề, cây trôi cổ thụ. Ở đâu có đất sống, người ta cũng dựng được cơ ngơi và một tấc đất cũng tần tảo nên miếng cơm ăn. Nhưng dù ở đâu, các cụ đều có một điều mà đời nào cũng đinh ninh. Những người già, trước khi nằm xuống, dặn lại cho con cháu biết quê gốc nhà ta ngày xưa ở xuôi lên. Lời dặn ấy, đã truyền miệng, bây giờ trước khi “đi” lại trối trăng nữa. Người tha hương chỉ có hai bàn tay chịu khó, chí thú làm ăn, không ai biết đến chữ nghĩa và gia phả. (Có lần, làng cũng kén được thầy đồ lên ngồi bảo học. Nhưng chỉ vài tháng, thầy đồ sợ con hùm, sợ nước độc, bỏ về xuôi. Từ đấy thôi). Lời dặn đã khắc sâu, con cháu phải biết, phải nhớ, phải nói lại. Các cụ quy tiên ngày trước có thể còn dặn dò kỹ lưỡng nữa, họ nhà ta cụ tổ ở mỗ tỉnh, mỗ huyện, mỗ xã, mỗ thôn. Nhưng trải bao đời cho đến bây giờ, các chi họ ở xuôi lên Ba Trại chỉ còn nghe để lại có một câu: gốc họ Lê nhà ta ở phủ Hoài. Nhà ta ngày trước... Họ ta xưa kia... Cụ tổ nhà ta quê gốc ở... Cả mấy đời cũng chỉ biết thế. Nhưng thật cũng chưa ai đã lần nào cất công đi tìm. Chưa ai biết phủ Hoài ở đâu dưới xuôi. Chỉ bởi tối ngày, đời cha hết đời con, chẳng cất đầu ra khỏi được cửa rừng. Vẫn chỉ vì miếng ăn. Có điều khác, ở xuôi nhà nào không có tấc đất thì có cơ chết đói, đây của rừng không thiếu, người ta cố nai sức ra cũng kiếm được cái sống trợ thời qua ngày. Bây giờ, đến vùng Ba Trại, thấy được làng mạc quanh cánh đồng, những nhà Mường gác cao, khách nằm hóng mát kê gối lên cửa sổ trông xuống mảnh ruộng lúa thả cá trước cột sàn, rõ nghĩa câu ví phong lưu: cơm trên, cá dưới. Những nhà Kinh, buổi sớm buổi tối, gà quanh chuồng chen chúc táo tác như ngôi hàng gà giữa buổi chợ. Không ai ngờ được xưa kia, đất hoang xơ xác, người đến ở lẫn với hổ gấu hươu nai, thế mà con người ta chí thú nên được cơ ngơi nhường ấy. Khác nào, nhà ông Tư bây giờ đã có bát ăn - nhà ông Tư và nhiều nhà trong làng cũng chỉ còn nghe kể lại đời các cụ vì đói khó mà phải lìa quê. Kể từ đời các cụ mò mẫm lên tới đây, không ai biết, không bao giờ con cháu biết rõ ràng được tại sao. Chỉ đoán bởi tội nghèo. Có thể nghèo vì ốm đau, có thể vì cờ bạc. Không đủ vốn đẽo nổi khung cửi hoặc có sào ruộng đã cầm cố đi rồi. Đành trông vào cái đơm cái đó, cái mai đào rắn, bắt chuột - kế sinh nhai cuối cùng của con người. Cũng vẫn chưa yên. Có năm vỡ đê, trôi mất cả lều vó. Rồi lại giặc dã đâu đâu kéo đến, không biết chỗ nào mà tránh. Con cháu cũng chỉ tưởng đến những nỗi niềm cha ông phải tha phương cầu thực vì thế. Vài ba năm lại có người lưu lạc đến đây ở làm dân ngụ cư mới. Cái chuyện kể đi kể lại người nào cũng vẫn chỉ chồng chất những giày vò, những đau khổ đói khó đến cùng cực, phải bò lên đường rừng thôi. *** Ông cụ tổ chi họ Lê phiêu bạt lên đây, xưa kia phải ra đi rồi khuất núi ở Ba Trại đã không bao giờ kể lại chuyện cụ phải bỏ làng như thế nào. Bởi nông nỗi ấy đã là cái khổ, lại còn khổ còn nhục hơn cả cái đói. Không bao giờ muốn kể lể, muốn nhớ. Đấy là cái hèn, còn nhục hơn cả cái đói, cái hèn chỉ vì đói khó quá không gánh vác được lệ làng mà phải bán xới. Lệ làng! Lệ làng! Đất có thổ công, sông có hà bá, làng có quan làng, có lệ làng... Cả đời người ta no đói cũng chỉ vì lệ làng. Đời cha đời con đời cháu xoay vần, còn lệ làng thì không hề biết đến đời người, vẫn cứ trơ ra như thế. Trai làng mười tám tuổi bạch đinh, bắt đầu làm tuần phiên hầu làng rồi chạy tiền lên chân cai cờ, cai kiệu được trông coi cai quản đô tùy, khỏi nỗi phu phen. Rồi phải bắt lính, tiếng là lương lính một tháng Hai quan tiền, một phương gạo, nhưng tiền gạo ấy của xóm, của nhà đổ ra nuôi. Lấy đâu mà bù được. Đến khi được tuổi tam tứ tuần, dù cho có rớt mùng tơi cũng phải biết dành dụm, vay mượn, bán sống bán chết lo bữa cỗ trình làng cho lên lình. Rồi năm sáu mươi tuổi chạy lên lão, bảy mươi tuổi lên thượng thọ. Khi được phúc, có tuổi cao, lại làm thủ từ, làm ông chùm, làm tế chủ. Việc gì cũng phải đắp tiền ra lo khao vọng, tuổi nào cũng đầy những lo. Lệ trọng ấy với tất cả mọi người. Kể chi những nhà giàu, người chữ nghĩa đỗ đạt được vào hàng tư văn, làm thủ bạ, làm chánh lý - các quan làng đặt ra lệ làng. Lại kể chi những người một chữ cắn đôi không biết nhưng nhà ruộng cả ao liền, được mua hương hào, lý hào, vừa đến tuổi bước chân vào đình đã ngồi chiếu cạp điều. Lệ làng thật nghiêm. Những người nghèo khó cứ cả đời vừa điêu đứng lo sợ cũng vừa ao ước, vừa áy náy, đăm chiêu. Mới chỉ lo lên lình, lo được ghé đít vào ngồi chiếu mộc ngoài cột đình bắt đầu vào hàng lão ông, nào đã “câu đương” chức dịch gì. Làm sao, chạy đâu tiền nuôi được con bò thờ. Con bò mộng ấy tha hồ lộng hành, lệ như thế. Bò ăn lúa ruộng nhà ai cũng không dám kêu. Bò vào vườn nhà người ta cứ đi thong dong, không ai đuổi, quơ gì cũng được. Con bò béo mượt, tròn khoáy mông. Đến tháng Một qua Tết cơm mới, bò được ngả thịt mời làng. Các quan viên, các cụ lình lão, các ông “câu đương” chức dịch đi ăn cỗ lên lình. Từ hôm ấy, cả làng không được gọi trống không ông cả, ông hai, mà ai nấy cũng kính gọi ông ấy là ông lình Giáp, ông lình Ất... Ông nghĩ mà sướng, ông nghĩ mà lo. Không lo được vọng, thì cả đời như con chuồn chuồn lang thang vật vờ ở bờ ao chẳng dám bén mảng chốn đình trung, đi đường không ngẩng được mặt. Ông tổ chi họ Lê này ngoài bốn mươi tuổi rồi đã nghĩ, biết lo từ thuở trẻ mà bây giờ cũng không đào đâu ra tiền tậu được con bê, con bò. Không biết trông vào ai. Dù có trong họ ngoài hàng, nhưng đã là người nghèo khó thì chỉ có trông vào bơ vơ. Ông cũng không nuôi nổi con lợn thờ. Con lợn thờ phải kén giống ăn cám trộn cháo gạo nếp, nước mía - người cũng chẳng có của ấy đổ vào mồm, nữa là lợn. Quanh năm, ông đóng khố một, kéo vó đánh tôm. Ông chẳng có gì cả. Mà lệ làng như quả núi dựng đứng trước mặt. Hương đảng chi hữu sự lệ. Do triều đình chi hữu pháp kỷ. Làng nước có sự lệ. Cũng như triều đình có luật pháp... Các quan làng hét thế kia mà. Không biết làm thế nào. Nghìn đời nay làng nước khinh rẻ những người không gánh nổi lệ làng, đến bạc đầu vẫn phải đeo cái tên bố cu, bố hĩm. Sống tủi hổ trong sự khinh bỏ, không thể sống. Chỉ có thắt cổ hay là bỏ làng đi. Bỏ làng! Bỏ làng! Hai tiếng bỏ làng bao nhiêu đau đớn. Làm thế nào bây giờ. Đã sinh ra ở trong làng, làm thế nào thoát được cái sung sướng mà chết người ấy. Trời cho sống được nửa đời người, phải chạy trâu chạy bò chạy lợn cho làng ăn để được lên lình, rồi lên lão, rồi thượng thọ, rồi còn được làm cụ thủ từ giữ đền, giữ đình - đời con người ở làng, ai cũng phải lo để được trải qua. Hết thời trai tráng đứng ngoài giải vũ, thu vén đủ lệ làng, được bước vào trong đình, được ăn “một miếng giữa làng”. Bây giờ đến tuổi vào bậc lên lình, không bước nổi thì làm thế nào. Lại còn đóng góp hàng phe hàng giáp, lại còn chịu phần việc họ lễ chi trên chi dưới. Người nghèo cứ bối rối trong nông nỗi tơ vò ấy đến chết. Không, ông nghĩ cái lo truyền kiếp ấy đã lâu rồi. Ông sợ. Nhưng ông không buồn phiền phải đến nỗi trẫm mình, phải thắt cổ bờ bụi nào. Rồi ông không sợ nữa. Ông đã định rồi. Gà gáy một đêm kia, cái ông họ Lê không thể lo được bò lợn trình làng lên lình năm ấy lủi thủi dắt vợ con ra khỏi lũy tre cổng làng. Chẳng một ai trông thấy. Không biết đã nghe ai mách bảo hay cứ liều bước, cả nhà lênh đênh những đâu rồi trôi dạt lên Sơn, rồi lần mò vào sinh sống ở chân núi Ba Vì. Đã mấy đời rồi. Bao nhiêu cay đắng vì cái làng ngày trước, thế mà đời nào các cụ cũng dặn lại con cháu: nhà ta xưa kia là người phủ Hoài lên lập nghiệp ở đây. Cả mấy đời cũng chẳng có người biết cầm cái bút lông, chỉ nghe truyền miệng lại thế. Cũng có người nhớ các cụ đời trước bảo dưới xuôi họ ta làm nghề canh cửi. Còn câu chuyện đói khó không kham nổi lệ làng, phải bỏ làng thì không ai biết. Cụ tổ đầu tiên lên đất này không giối giăng lại chuyện xấu hổ ấy. Thế là quê gốc nhà ta ngày trước ở dưới kia. Khắc khoải, thiết tha thế, nhưng cũng chưa đời nào con cháu đã lần mò đi tìm được. Cho đến đời bố ông Tư. Bấy giờ vừa qua vụ gặt tháng Mười, việc đồng áng còn thong thả. Làng xóm chỉ còn đi rừng vác của về lo sưởi Tết. Cụ cố và ông Tư là người con cả xuống tỉnh Sơn. Năm trước, nhân trong ngày giỗ tổ ở nhà thờ họ, ông cố có nói với các cụ đến góp giỗ nhà chi trưởng: - Lạy tổ phù hộ, thế nào tôi cũng cất công một lần. Cả xóm đến bàn đi bàn lại. Có khi cả đêm, câu chuyện càng thấm thía về nơi làng quê ở đâu, chưa ai được trông thấy. Làm như ngày mai bố con ông đã về dưới xuôi ngay không bằng. Thế rồi chuyến ấy, đi ba ngày đường ròng rã, quanh co rồi bố con hỏi thăm được về phủ Hoài. Đến đâu cũng kể lể như van: “Nghe tổ chúng tôi nói lại làng có nghề dệt lĩnh. Chúng tôi cũng như con cháu các cụ. Con chim lạc đàn, bây giờ tìm về tổ. Các cụ phúc đức bảo cho...”. Lặn lội lần mò rồi cũng về tới được. Người ngày trước phải bỏ làng đi vì đói, vì không chịu được lệ làng. Bây giờ con cháu chưa hề biết mặt mũi cái làng của cha ông xưa ra sao, thế mà hỏi thăm người ta bảo đến đây là làng Nha, làng này có họ Lê, có nghề dệt lĩnh, ô hay, đã cảm thấy ngay đây là nơi chôn nhau cắt rốn thân thiết dường như đã biết từ lâu rồi. Bố con ông Tư đứng lại, nhìn lên cây đa bên bờ ao làng. Cây đa cổ quái. Những vè rễ xù xì vắt ngang vin hai gốc cây to thành một, bành ra những tảng rễ cao lởm nhởm. Bố bảo con: - Dễ thường cây đa này có từ thời cụ tổ nhà ta còn ở làng. Có khi còn trước nữa. Tốt tươi quá. Thế mà bây giờ vẫn còn. Đất tụ thế này là làng xóm thịnh vượng đây. Rồi hai mắt ông bố rưng rưng. Ở làng, cũng chẳng ma nào biết họ ấy ngày xửa ngày xưa lại có một chi lạc lên tận chân núi Ba Vì. Bây giờ, bỗng nhiên thấy có người ở đâu vào hỏi thăm. Những chiếc nón quả bứa lá gồi tết cả núm, chắc chắn, ôm khư khư trước mặt như cái khiên. Cậu con đi theo ông già mặc áo năm thân nhuộm chàm. Tiếng nói lạ tai, nặng trịch. Nghe đến mấy lần mới tường. Hai ông con hạ xuống hai gánh nặng, những sọt sắn mới dỡ và những quả bầu lọ đựng mật ong. Lại túi mật gấu, túm lá gồi bọc miếng cao hổ - quà đường ngược, của rừng. Chưa ai được rõ ràng những người này ở đâu, câu chuyện còn đang tíu tít dở dang, nhưng cứ nghe nói đây là người làng ta đời trước lạc lên ngược, ai cũng mừng. Hầu như mọi người hôm ấy đều tạt đến nhà thờ họ. Họ Lê không phải là họ to. Lại càng náo nức đổ đến xem mặt “bà con tận đường rừng về nhận họ”. Không có gia phả ghi lại, nhưng đã có trí nhớ. Các cụ ông, các cụ bà, mỗi người nhớ một ít, chắp lại. Ngày xưa, nghe ông bà kể, nghe cụ cố kể. Họ ta thường có người đi lang bạt. Đời nào cũng có người phải bỏ làng không biết đi những đâu. Chẳng ai biết được ông tổ lên ngược này thuộc chi cánh nào. Mặc dầu, rậm người hơn rậm cỏ, người tìm tông chim tìm tổ, thế này là quý rồi. Nhà thờ họ làm cái lễ cho bố con ông họ Lê trên đường rừng về được nhận họ. Mươi hôm sau, mấy cụ trong họ cùng lên ngược với bố con ông. Các cụ ra mua bó hương đen ở chợ Bưởi, gói lá chuối khô cẩn thận, đeo vào tay nải. Nửa tháng sau, các cụ từ Ba Trại về, kể cả năm cũng không biết những chuyện làm ăn xa lạ mà làng Nha chưa ai được biết bao giờ. Người Mường, người Mán ra chợ, váy áo xanh đỏ, vòng tay vòng cổ lóng lánh như người động tiên đi chơi. Người trên ấy làm đồi làm nương gieo lúa mố không phải cấy mà có cơm ăn, lại kiếm được của rừng, ruộng cũng như ao, thả cá bơi vào đến cổng ngõ, quanh năm no đủ, với tay ra có cá, có gà, có hươu nai, thịt luộc, thịt nướng ê hề, không như dưới ta chỉ trông vào mảnh ruộng chó ỉa với thước cửi đi chợ. Của rừng tha hồ chẳng bao giờ cạn thật. Củ nâu, bó song, mây lăn lóc vứt đi như cục đất, nhưng khuân được về đến Ô Quan Chưởng ngoài Kẻ Chợ nó đã hóa thành đống tiền, thành của. Người trong làng nghe chuyện nơi khác phong lưu, bao giờ cũng thở dài. Dẫu thế nào, thân phận mình vẫn là nghèo hèn, hình như thiên hạ ở đâu cũng hơn mình. Từ năm ấy, thành lệ, cánh họ Lê làng Nha cứ tháng cuối năm thong thả lên Ba Trại ăn giỗ tổ chi trên ấy rồi năm sau, bà con trên ấy lại về Nha tảo mộ. Đến đời ông xuất Vấn và ông Tư vẫn đi lại như thế, có phần càng thân hơn. Có năm, cả đám trai trẻ trong xóm không phải người họ cũng nô nức đi. Về kể chuyện uống rượu từng vò, hút rượu bằng cái xe làm bằng sợi mây uốn cong như xe điếu ống. Rồi lại cũng đã quen như thường, cứ tháng Ba tới dịp hội làng, một đám người đường ngược về, cách ăn mặc loi thoi khác người là lượt đất canh cửi, nhưng ai nấy đều quảy nặng trĩu gánh gà trống thiến đuôi dài, mào đỏ rực, rõ ra gà rừng. Có khi hai người khiêng theo một con lợn nái. Một năm kia, ông Tư về chơi vào vụ gặt tháng Mười vừa xong. Nhà làm ruộng, công việc đồng áng ung dung thong thả từ giờ đến Tết. Ông Tư đi có một mình. Ông quảy một gánh nếp cẩm và đôi gà về làm quà đường ngược. Ông Tư nói nhà bây giờ còn rỗi rãi, ông xuống chơi Kẻ Chợ, có gì sắm Tết nhân thể. Mấy hôm ông ra Kẻ Chợ rồi về nhà ông Xuất. Có những hôm cả hai ông cùng khăn gói đi Kẻ Chợ. Ông Tư vốn vui chuyện, mỗi lần ông ở trên ngược về, người đến trò chuyện có khi khuya rồi vẫn nghe trong vách tiếng nõ điếu ran tanh tách. Nửa đêm, trăng đã lặn, càng rét căm căm, mọi người đến chơi từ chập tối đã lản tản ra về. Hai ông vẫn ngồi gật gưỡng hút thuốc lào vặt. Ông Tư bấy giờ mới hỏi ông Xuất: - Em ở trên kia nghe dưới Kẻ Chợ ta nhộn nhạo lắm mà về dưới này em thấy chợ búa vẫn đông vui... Dù đã có tuổi, nhưng khi nói chuyện, ông Tư có thói quen xưng “em” nhún nhường như vậy. Ông Xuất thở dài: - Bề ngoài yên đấy thôi. - Cướp à? - Thỉnh thoảng, mấy cái tàu Tây ở đâu bơi về đậu ngoài bãi Cơ Xá thả lính Cờ Vàng lên bến kiếm ăn. Nó mua thì ít, mà chỉ thấy đánh người cướp của. Người ta còn đồn là quân nó là quân dò la muốn dắt Tây về cướp cả vùng Kẻ Chợ này. Chẳng biết có thật hay không. Bọn giặc khách Cờ Vàng chẳng là quân thằng Tây Đu Bi nuôi ăn mà. Nhộn nhạo là thế, ông ạ. - Em nghĩ đứa nào thò lên cướp của hàng phố, ta hè nhau đánh què cẳng cho nó chừa làm càn đi chứ. - Bác ở trên rừng, bác làm chúa sơn lâm, bác thét thế nào cũng ra lửa chứ bác không biết tình cảnh nông nỗi chúng tôi ở đây. Các quan bên mình thì trăm người cũng như một con cáy, cả lũ ăn hại, chẳng dám làm trò trống gì. Chỉ khi thằng Tây, thằng Cờ Vàng bước đi rồi mới lại cong đuôi lên, còn lúc nó đến thì cụp đuôi xuống, thế thôi. - Quan hèn, đã có dân, sợ gì ạ. - Ừ quan hèn thì đành làng nước ta ta phải giữ lấy. Chúng tôi cũng biết như thế. Nhà nào cũng sắp sẵn vài ba thứ phòng thân rồi. - Cũng như ở trên rừng chúng em đánh con hổ hay đi đuổi con hươu vào lưới, cứ đông người cùng đuổi cùng bắn, hổ hay hươu cũng không thoát được. Ông Xuất cười: - Kể ra thì có vài ba cái tàu, mấy thằng Tây, mấy thằng Cờ Vàng, mà mình hàng huyện người thế này, chẳng khác cả xóm các ông ra đuổi con hổ, con hươu thật. Tôi đã nghĩ cứ cả trăm, cả nghìn cái thuyền cùng tủa ra, mỗi thuyền chỉ lao vào xỉa một nhát đinh ba, thì có đến mấy chục tàu Tây cũng phải đắm, huống hồ vài cái... Ngẫm nghĩ các quan bên mình đớn thật. Câu chuyện lại nói về các vua các quan ươn hèn. Dân nghĩ như thế, vẫy một cái người ta theo lên cả trăm, thế nhưng vua quan còn chạy chọt thậm thọt ký giấy má bán đất. Bán ba tỉnh, bán sáu tỉnh, làm như bán mớ tôm ở chợ Hôm không bằng. Dễ thường có người còn được chấm mút vào đấy. Mà nào nó có để cho yên, vẫn phải chạy loạn thất điên bát đảo. Chưa thấy vua quan thời nào mà chạy như cờ lông công thế. Hai người bỗng cười ha hả. Tiếng cười rộ lên, rồi ngắt giữa đêm. Không biết cười thật hay cười đời. Một lúc, ông Tư vào vách, lấy trong tay nải ra một gói dài bọc mấy lần lá dong khô lại buộc lạt chắc chắn như cái bánh tét. Ông Xuất ngồi nhìn ông Tư lặng lẽ bóc mấy lần lá dong giữa chiếu. Thì ra đấy là một thanh mã tấu chuôi gỗ lim hun, dọng dầy mà lưỡi suốt mỏng như nước lấp lánh trong ánh đèn nhấp nhoáng. Các lò dưới xuôi chẳng thể rèn được loại mã tấu tốt thế này. Chắc chém ngọt lắm! Ông Xuất gãi ngón tay vào lưỡi dao rồi áp con dao lên một bên má, lên trán, cười hê hê, khoái trá. - Cái này một nhát ngang lưng cũng đứt băng hai người. - Vâng, em nghĩ có thuyền ta ra đánh tàu Tây phải có cái này trên tay mới được. Chỉ vung lên một cái, nó cũng đủ hoa mắt. Có cái này thì lúc giáp lá cà, súng Tây cũng bằng vứt đi. - Bác nói chí phải. Ông Tư thì thào: - Bác Xuất à, trên chúng em sẵn giống này lắm. Xưa nay dân người ta vốn có phong tục thế, nhà nào cũng phải có đôi ba thứ gác mái bếp để giữ nhà, để kiếm ăn. Cứ độ rỗi rãi mùa màng, chòm xóm lại đụng con bò, đánh cày cuốc, từng hội một, rèn mã tấu, đinh ba xĩa cá, làm dao đi rừng. - Ở dưới này, các quan tỉnh có lệnh sức cấm nhà nào tàng trữ, cả dao bảy, thùng lùng cũng không được. - Trên kia thì rừng núi của người ta, cấm chẳng ăn thua. - Ừ nhỉ! - Em xin thưa thực với bác, chuyến này em về chơi thăm hai bác, nhân thể em mang về món này bác xem thử. Khi nào động dụng đến, bác cho người lên bảo em một tiếng. Cả trăm con cũng có. Em dám hẹn với bác thế. - Các cụ linh thiêng run rủi thế nào mà bác lại khéo nghĩ ra vậy? - Chúng em ở chỗ thâm sơn cùng cốc mà cũng thấy được tình thế nó đã rối như canh hẹ rồi. Thỉnh thoảng em về đây, nghe qua ý tứ câu chuyện, bác chẳng nói với em em cũng hiểu, em cũng vọc vạch những điều bác tính đếm. Không biết có phải thế không, bác bỏ qua cho. Ở đâu bây giờ cũng phải lo nghĩ cả việc của trời đất loạn lạc, bác ạ. - Trên ấy cũng thế a? - Ngày ngày chúng em trông về Kẻ Chợ cả thôi. Bấy giờ ông Xuất mới nói: - Nghe chừng còn loạn chứ chẳng đã yên được: Trông vào vua quan thì vua hèn quan hèn, còn bọn giặc khách vốn nó là nòi kẻ cướp xưa nay. Cho nên chúng tôi bảo nhau các làng thì biết chạy đi đâu, dẫu trời cho được đỏ da thắm thịt hay lúc trời làm tao loạn, làng xóm nào cũng vẫn một chỗ, cho nên bây giờ chỉ còn có cách làng nào giữ làng ấy, trăm làng như một, mình trông vào thân mình chứ nhờ cậy ai. Chúng tôi bảo nhau mỗi làng mỗi xóm một khoanh tre, sắm mã tấu, giáo mác, người già cho trai tráng chịu khó tập tành, giặc Tây giặc khách mà bén mảng đến à. Làng mình mình thông thuộc chứ ai bằng. Nhất quyết phải làm chúng nó chưa lọt vào được bờ tre cổng làng, đã phải để đầu lại rồi. Nói có bác là anh em trong nhà, làng nào người ta cũng sắp sẵn như thế đấy. - Thế ra đâu đâu thiên hạ cũng như thế. Lòng trời xui khiến rồi. Cần đến bao nhiêu cái này, bác cứ bảo em. - Vâng, xin vâng. Ông Xuất ung dung cầm thanh mã tấu đứng dậy bắt tay phải sang tay trái, xắn hai tay áo rồi xuống tấn, vung lên một đường dao. Trong ánh đèn quang dầu nhập nhòe, lưỡi dao hoa nhoang nhoáng. Con dao nặng mà ông cảm thấy nhẹ thênh. Ngồi xuống, ông Xuất lại gại ngón tay vào mé lưỡi, vỗ vào dọng dao, nói một câu, vẻ mặt thật phớn phở. - Phúc đức quá! Phúc đức quá! Ông Tư trầm ngâm một lát, rồi nói: - Cái chí của ta bây giờ em nghĩ cũng tựa như các cụ ngày xưa đã thế. Ở trên ấy em được nghe trước kia làng Đường Lâm gần Sơn Tây có nhà họ Phùng đánh giặc Đường, khi thắng tràn xuống bao vây đến tận hồ Tây. Thời gần đây có cụ giáo thụ phủ Quốc[12] nổi lên, cũng bôn ba khi Kẻ Chợ, khi Lương Sơn, khi Ba Vì, đời nào thì xuôi ngược cũng một chí ấy cả. Thế rồi ông Xuất Vấn lên Ba Trại tảo mộ năm ấy, cùng đi có đông trai họ và nhiều cụ có tuổi. Người đường xuôi, đốt ngọn đèn trên quang treo cũng phải mua mất vài tiền, bây giờ lên đây mới được thấy thế nào là tiền rừng bạc bể. Cái Tết đường ngược rả rích từ khi gặt hái xong, tiếng trâu kẽo kẹt kéo mật suốt từ tháng Mười trở đi. Lá gai mọc hoang trong đồi, bánh gai đen nhánh hạt na, nhà nào cũng đựng hàng chum bánh, ăn qua tháng Giêng chưa hết. Rượu chung nhau nấu cả thạp, đêm đông ngồi đợi uống rượu nóng nước đầu ngay cạnh lò than củi cây đỏ rực... Người ở đây không mấy khi biết mặt đồng tiền, thế mà cái gì cũng đủ. Có đi chợ la cà chơi thì đi, chứ cả đời không cần chợ, trong nhà vẫn sẵn mọi thứ. Đúng như ông Tư kể, mỗi chòm vài ba nhà cũng có một lò rèn. Thường ngày, chữa cày, đánh cuốc, làm vòng chân lưới, làm đinh đỉa, chẳng mấy lúc ngớt việc. Trong bữa rượu đầu năm ở nhà ông Tư, cả xóm la đà, nghiêng ngả. Ông Tư chắp tay nói: - Em xin thưa một điều, bà con thể tất cho, cũng thật bụng chúng em như thế từ lâu. Người đồng rừng chúng em nghĩ sao cứ nói vậy. Đi xa rồi phải về gần, đời con người ta là như vậy, chúng em đã xin cho một cháu gái được về làm dâu con nhà bác Xuất đấy ạ. Một cụ vuốt râu, cười ha hả: - Các bác đã ăn lời với nhau rồi bây giờ lại để nhà gái trình làng, nhà gái mà trình làng à! Ông Xuất tủm tỉm cười: - Bẩm cụ, bác cháu đã thưa là xin các cụ thể tất cho mà... Có nhẽ thế đấy ạ. Cả mấy cụ cùng cười to: - Lại còn có nhẽ không nhẽ gì, nhưng mà phải nhà trai có lời trình làng trình họ cả làng cả họ mới bằng lòng. - Vâng ạ, vâng ạ. - Ai lại chỉ có nhà gái ngỏ lời, mà lại nói trước. Thời buổi này lắm cái lạ thật. Một cụ nói to: - Được, thế là được, làng nước bảo thế là được. Đã vui càng vui. Thế là hôm ấy cũng như hai họ ăn cỗ chạm ngõ. Rồi còn lễ dạm mặt, lễ hỏi. Thế là việc cưới xin đất Ba Trại đã giản tiện nhiều lắm. Ông Xuất Vấn tính vốn chu đáo. Nhưng điều ông ưa trước nhất là thấy được trên đất này cơ ngơi nền nếp. Người tứ xứ đến đây lập nghiệp mà xem ra ai cũng sùng bụng. Việc quân mà được chỗ này dựa không còn gì phải lo. Trước tiên, ông thật quý cái thế thủ hiểm. Từ việc ấy mới nghĩ ra đường đi lại. Ở dưới làng, cũng có người gièm: dù cách bao nhiêu đời rồi cũng vẫn họ đồng tông. Nhưng cả hai ông đều nói: Xa lâu, bây giờ gần lại, sum họp càng vui. Nhiều cụ cũng bằng lòng, đã bảo họ mạc “lại càng vui” đấy mà. Ông Tư Ba Trại có cô con gái út cũng trạc tuổi Vấn - cô lanh lợi, xốc vác lắm, ông Xuất lên đây chơi đã để ý. Làng nước ở nơi bóng núi rừng xanh, người ta khó nhọc phá trời dựng đất mới được miếng ăn, xem ra con người nào cũng khoát đạt, không so đo quanh quẩn như người phường gạo chợ nước sông dưới ta. Ông Xuất càng thiết tha hơn từ khi được ông Tư đưa xem chiếc mã tấu rồi lại cùng nhau than thở nạn nước. Đến hôm lên Ba Trại, vào nhà nào chơi cũng nghe nói chuyện đánh cướp đánh Tây. Ở đây người ta đem việc quốc sự ra bàn cả ở hàng chòm, ở đình cũng được. Có lúc ông hỏi: Không sợ mật thám đi báo Tây à? Người nào cũng cười, nói: Mật thám mà mò được đến đây thì chẳng còn xác mà về được với vợ con... Cả cái ông Tư nhà mình cũng cứ tính chuyện dẹp giặc như chuyện buổi sáng đi làm đồng mà thôi. Ông Tư mà bàn quốc sự, dù cho việc đương rắc rối đến thế nào, ông tính gỡ ra cũng cứ như ngon ơ. Giặc Tây, giặc khách ông ví nó cũng bằng con hươu, con hổ ẩn nấp ở cánh rừng sau nhà. Để yên sinh phúc cho nó được sống thì thôi, nếu muốn bắt, chỉ việc cắp cái súng hay rủ anh em vác lưới đi quây là được ăn. Nghĩ thế, lại càng thấy đất Ba Trại thật nơi dụng võ. Vả chăng, xa cũng là gần, được làm dâu gia thế này, bây giờ thế là đôi nơi một nhà rồi. Bà Xuất không nói ra, nhưng thoạt đầu cũng có ý không bằng lòng. Bởi ông bà nhà chỉ có một mình cậu Vấn là đầu con trai. Bà vẫn ước được đứa con dâu gần gựa, làng trên chạ dưới. Nhưng bà không nói ra. Rồi về sau nghe ông bàn bạc xa gần thế, bà lại thấy ông định liệu như vậy là phải, mặc dầu trong bụng bà cũng không cắt nghĩa được. Xưa nay, ở trong nhà bao giờ ông cũng quyết đoán, bà chỉ thấy ông phải và khi nào bà cũng làm như ông bảo thế và như thế đã thành thói quen. Ông Xuất đã ngỏ lời trước với ông Tư rồi. Ông Tư mừng hơn được của, bây giờ có các cụ dưới làng lên đông đủ thế, ông Tư bồng bột hả hê ra mặt. Gả bán con gái đấy mà ông tưởng như chính ông được trở về quê cha đất tổ từ đây. Tháng Ba năm ấy, hai bố con ông Xuất lên chơi Ba Trại. Đánh tiếng đi chơi, nhưng là ông Xuất đem con trai đi xem mặt vợ. Hai họ tỏ tường cả rồi, chạm ngõ rồi, chú rể mới đi xem mặt. Không sao, Vấn cũng chỉ biết nghe lời bố. Ở mấy hôm mà Vấn cũng chưa biết vợ là cô nào. Mỗi hôm, từ gà gáy, dưới bếp đã bập bùng ngọn lửa thổi cơm. Rồi trời chưa rạng, trong khi hai ông và cậu cả Vấn ngồi nhà trên, uống cạn nồi nước chè tươi vò nóng sủi lên, thì dưới nhà ngang người nhà đã thắp đuốc ăn cơm sớm, rồi ngoài cổng ngăn tiếng gọi nhau ơi ới, các dõi chuồng trâu buông xuống, người đánh trâu ra đồng đi làm trong làn sương sớm lùa vào trắng mờ chưa trông rõ cổng đồng đâu. Đến lúc đã tang tảng sáng, Vấn theo anh con trai thứ ông Tư ra đầu xóm đốt tổ ong trên cây tràm. Ong kéo đàn đến làm tổ từng dãy như những cái thúng cái trên ngọn cây. Những ngọn bùi nhùi huơ lên, ong về thấy lửa thì sợ, hốt hoảng bay đi. Thế là mọi người trèo tót lên gõ những miếng khoái đầy mật xuống. Vấn ở dưới xuôi chưa được biết cái thú bắt ong thế bao giờ, cứ mặc cho những con ong bâu đến đốt sưng vù cả trán mà vẫn leo lên. Đêm hôm ấy, nghe tiếng hươu ở rừng xa gộ trong rặng trám ngay nơi vừa bắt tổ ong ban ngày. Có hươu mới về tìm ăn quả trám rụng. Sáng hôm sau, thế là Vấn lại theo cả xóm vào rừng săn hươu. Lưới chăng chặn các ngả. Người đi sục bờ bụi, lên tận nguồn nước, khua mõ cho hươu ở đâu hoảng chạy ra, đâm quàng vào lưới. Con hươu mắc lưới được xả thịt ngay, chia đều cho tất cả những người có mặt trong buổi săn, người gõ mõ, người xua bụi cây, người chăng lưới, người hò reo... Vấn đi theo xem mà cũng được phần một miếng. Đến tận chập tối mới về. Bấy giờ khói bếp đã tỏa đầu bụi tre. Ở ngõ, một đám mấy cô làm đồng, đi hái dâu về, người gánh lá, người quảy gông cỏ, tíu tít chẳng khác ban sáng. Các cô vào đứng trong cửa nhà ngang, cô áo nâu, cô áo chàm, cô áo hoa cà, cô mặc váy Mường, khăn vuông trắng. Cứ tíu tít lên, cả những cô trong xóm cũng đến ngó nghiêng anh trai đường xuôi đi với bố lên xem mặt vợ. Thế thì làm thế nào Vấn biết được cô nào cô nào. Tối đến, nhà trong xóm đã lên đèn. Những hàng cau thân trắng kẻ đều như buông mành. Nghe xa có tiếng cồng nổi. Bọn con trai trong xóm lại đến rủ Vấn sang chòm Mường xem đánh cồng ở các xóm Nghê, xóm Úp Bát, xóm Che Tai, mỗi đêm đi nghe cồng lại biết thêm một tên xóm mới. Cho đến hôm về Vấn cũng chỉ loáng thoáng trông thấy những người con gái đi vào trong sân, xếp quang gánh, vác ống vầu cao như cột nhà, đựng đầy nước, dựng trước cửa bếp - chẳng biết ai là ai. Ông Xuất cũng không hỏi Vấn thế nào. Mà Vấn cũng thật chưa biết mặt người nào đi ngoài sân là vợ mình. Nhưng Vấn cũng không băn khoăn. Vấn yên tâm một cách bình thản thế là bố mẹ đã hỏi vợ cho. Mai kia, Vấn làm rể trên Ba Trại - Vấn có số lấy vợ người thiên hạ, bọn trai gái làng Nha nói thế và càng chế giễu tợn. Mỗi năm, tháng Tám tháng Mười, nhà trai sêu Tết nhà gái. Đường xa, đôi bên cùng châm chước, chỉ đi mỗi lần vào dịp cơm mới. Đôi ngỗng, có khi chục chim ngói, mấy vỉ cốm Vòng gói lá sen, hai chục hồng chín bày vừa mâm ngũ quả. Có năm, thằng trưởng con nhà thím hai quảy lên, cùng đi với một lũ trai làng, như đi chơi, như các cậu ấy cũng đi xem mặt, các cậu ấy cũng muốn nhòm ngó tìm vợ ở Ba Trại. Đến hôm sêu Tết về, mỗi người một gánh nặng. Đôi sọt mới đan xếp lưa thưa một hàng củ nâu. Không người đi đường nào biết được ở dưới lưng sọt, đặt khít từng bọc mã tấu. Trời đã sang thu, mát mẻ. Họ đi như chạy, một ngày đã về qua tỉnh Sơn. Thổi cơm ăn giữa cánh đồng, nghỉ đến lúc trăng lên, lại cất gánh. Vừa sáng về đến làng. Một chuyến lên ngược, được hai công việc. Năm ấy qua tháng Mười rồi mà không thấy người nhà ông Xuất lên. Mà cả năm cũng không thấy ai lên lần nào. Mọi khi ngày dưng, có khi ông Xuất cũng thường lên. Người làng trên chạ dưới cho là hai ông ấy hợp nhau, vừa dâu gia, vừa tri kỷ, mà không mấy ai để ý, vì ông Xuất vốn giao du rộng. Còn một nhẽ nữa khiến ông Xuất hay lên Ba Trại, ông mê cái lò rèn. Đất này rèn khéo, đủ các thứ mã tấu, đinh ba, giáo mác... Ông Tư lại đã đưa ông Xuất xuống chơi các lò rèn ở Thừa Lệnh, dưới Bất Bạt. Đất Thừa Lệnh có tiếng làm cày, cả tỉnh Sơn chỉ kén cày Thừa Lệnh. Nhưng Thừa Lệnh còn đánh đại đao khéo không đâu bì. Quân nghĩa tận bên Bắc cũng sang thửa dao Thừa Lệnh. Ông Xuất cũng đã rao tiếng cho nhiều nơi biết. Mỗi khi có người đến tìm mối, ông lại lên Ba Trại rồi xuống Thừa Lệnh đặt làm hàng “quốc cấm”. Ông già đeo tay nải con con, áo lụa nâu, quần xắn móng lợn, tay cầm chiếc quạt dài bằng tay thước, vừa quạt vừa che nắng, vừa làm gậy phòng thân. Ai không biết ngỡ là được khi thong thả, ông lên chơi nhà dâu gia. Cho đến cuối năm, cũng không thấy ai dưới Nha lên. Ngày phiên, ông Tư ra chợ, phiên nào cũng đi. Sốt ruột, đi ngóng. Có bọn gánh dầu dưới tỉnh lên bán, hay kể chuyện dưới ấy. Ít lâu, nghe dồn dập chuyện đồn Tây hạ thành Hà Nội, lại có tin quan Tây đem quân ra đánh nhau ở ô Cầu Giấy bị quân ta chặt đầu thằng quan ba giữa cổng làng Thủ Lệ. Phiên nào những người đi chợ đường núi cũng xúm đến dãy hàng dầu dưới Sơn lên, nghe có tin gì mới. Lại chuyện dưới Kẻ Chợ Tây hạ thành, chuyện đánh Tây, nhốn nháo không hiểu thế nào. Ông Tư thật phấp phỏng. Nếu thật có đánh nhau dưới ấy, thế nào mã tấu Ba Trại, đại đao Thừa Lệnh chắc là đã được ra quân trận này. Nhưng mà không biết ông Xuất thế nào. Thế là ông Tư đeo khăn gói xuống Nha. Ông Tư ở Nha về được ít lâu thì một hôm, nhà ông Tư có đông người đến. Như mọi khi nhà có giỗ chạp gì. Trẻ con trong xóm chơi quanh cửa, xúm vào đám mổ lợn ngoài ao xem người lớn ngả mấy cái nia lót lá chuối tươi. Thế mà chỉ một lát đã làm lòng, pha xong cả con lợn nhỡ rồi nồi ba mươi bắc luộc luôn trên bờ nước. Người ra vào chật ba gian nhà. Các cụ bà áo nâu dài, có cụ bên chòm Mường sang, váy chàm mới, ngồi ngoài phản hè, vừa têm trầu vừa thì thào kể lại những chuyện nghe ngoài chợ: dưới Kẻ Chợ đánh Tây. Mùi hương đen, mùi trầu cau và khói bếp ấm nồng nhà trên nhà dưới. Các cụ ông ngồi tương phản giữa, chưa rượu mà đã nói choang choác. Vẫn lại chuyện đánh Tây dưới Kẻ Chợ. Cơm cúng đã sửa xong, ông Tư thắp thêm tuần nhang, cầm bầu rót chén rượu cúng rồi đặt cả cái be bên thành mâm, mở sẵn nút lá chuối. Ngoài rạp, cỗ xong, những chồng mâm gỗ được dỡ ra. Đám con trai và những người đến làm giúp bưng lần lượt từng mâm lên bày suốt ba gian. Từ lúc thắp hương cúng, ông Tư đã thay áo năm thân, mặc tấm áo dài nâu nhuộm vỏ xó, chít khăn lượt. Ông nghiêm nghị ra quỳ giữa phản giữa, chắp hai tay nâng lên ngang trán, mắt đăm đăm, miệng lẩm nhẩm khấn, rồi lẳng lặng một lúc thật lâu mới đứng dậy. Cả nhà im nhìn vào ông Tư. Mặt ông ngước lên. Trong làn khói hương ngào ngạt, ông Tư thì thầm thưa chuyện với ông bà ông vải. Như ông đương khóc trong lòng mà người trần mắt thịt không thể thấy. Như ông đương cầu xin, đương van lạy. Cái lúc lặng im thành kính thiêng liêng ấy, trong nhà chỉ còn có ông với tổ tiên mà thôi. Rồi ông Tư bước xuống cạnh phản, quay ra, thong thả nói. Ông nghẹn ngào, người ta nghĩ như ông Tư ở đường âm với các cụ vừa về đây, tiếng còn lạc đi, chưa thật. - Trên có các cụ dưới có bà con anh em, hôm nay tôi có sửa chén rượu nhạt, các cụ đến mừng cho cháu. Tôi đã khấn tổ tiên nội ngoại cho được trình gia tiên, ngày mai tôi cho cháu Trại nó về ở riêng dưới làng. Ba gian nhà càng im phăng phắc. Nghe thoáng buồng trái bên có tiếng thút thít, tiếng thì thào. Thường ở mọi đám cưới, trong vách buồng cô dâu, đương giữa cỗ bàn đông vui ồn ào, vẫn nghe tiếng thổn thức, trong đám cưới nước mắt cũng như tiếng cười, ai cũng ngỡ là như nhau. Nhưng hôm nay, ở đám cưới cô Trại, nghe tiếng khóc của cô dâu, nhiều bà lấy dải yếm lau nước mắt. Một cụ nhấp chén rượu. Nghe rõ tiếng chôn chén đặt xuống cạnh thành mâm gỗ. Ông Tư nói: - Việc vui mừng của con Trại nhà tôi cũng lắm nỗi éo le. Thế nào thì các cụ đã rõ mọi nông nỗi cả. Quê cha đất tổ dưới Nha kia, nhờ phúc tổ mà vợ chồng tôi được làm dâu gia với ông bà Xuất cháu dưới ấy, mấy năm nay đã sêu hỏi, họ hàng đã biết cho, đã mừng cho. Phải khi trời làm đất nước lắm tai nạn, giặc Tây kéo đến nhiễu nhương, chẳng giấu gì các cụ, giấu các cụ thì các cụ đã biết cả rồi, cái hôm Tây đánh ra ô Cầu Giấy, ông con ông Xuất tôi kéo quân đến Cống Vị vào trận, hai ông con ông Xuất đều quy tiên. Đến đây, ông Tư mắm môi, như giữ tiếng nức lại, nét mặt vạc xuống. Ba gian người ngồi bàng hoàng thở dài - mặc dầu tin bố con ông Xuất chết trận, ai cũng đã biết rõ từ lâu rồi, thế mà bấy giờ có người đứng lên, hai tay ôm cột nhà, cứ im thế, ngẩn ngơ như lo lắng, như sửng sốt. Ông Tư vẫn nhợt nhạt nói: - Thôi thì bố con ông ấy đi việc vua việc nước đành một nhẽ. Còn vợ chồng tôi bây giờ ở trên đời này chúng tôi đem chữ tín mà ăn ở cho thuận nghĩa. Ngày mai, tôi cho cháu Trại xuống Nha. Chúng tôi cho cháu về hầu hạ, lo toan gánh vác nhà chồng nó. Việc dựng vợ gả chồng, nhân gian ở đâu cũng vậy, chúng tôi sửa mâm cơm cúng, có chén rượu nhạt, xin các cụ với bà con đánh chữ đại xá, mừng cho chúng tôi. Mặc nhiên nghe lời ông Tư nói là phải, họ hàng làng xóm đã đến góp mặt chứng kiến. Hoàn cảnh có khác, nhưng đám cưới nào xưa nay vẫn một tục lệ cha mẹ gả bán. Cả làng ái ngại thay cho cảnh cô Trại. Song ai cũng khen ông Tư là người tín nghĩa. Nửa đêm qua, nửa đêm kia, mấy đêm, ông Tư bảo con gái: - Con về dưới làng, hầu hạ mẹ chồng, trông nom công việc nhà chồng. Nhà chồng con xưa nay đã tiếng tăm trọng nghĩa khinh tài. Con là gái, nhưng bây giờ con là trai, thời loạn gái cũng là trai, bổn phận con phải nối chí cha ông nhà chồng con. Ông Tư bỗng nghiêm mặt, nói xa vắng, từng tiếng: - Con ơi! Bố đã nghĩ kỹ lắm rồi. Con phải là đứa con trai, con là con trai đi gánh vác, đi rửa thù cho nhà chồng con. Đã mấy đêm, mẹ lủi thủi bên cạnh con như bóng con. Nước mắt lúc nào cũng ướt đẫm dải yếm. Hai chị của Trại lấy chồng làng bên, cả ngày về quấn quít với em. Mẹ sắm cho con tấm quần nái nâu. Trại quấn ngược mái tóc lẫn vào trong làn khăn chàm của người anh mọi khi vẫn đi rừng. Chiếc áo năm thân, Trại mặc vừa vặn. Ông Tư cười nhệch nhạc như mếu, nói: - Con ơi! Ăn ở lấy cái nghĩa thủy chung, từ giờ bố đặt tên cho con là Nghĩa, thằng Nghĩa, cái nghĩa thủy chung. Con nhớ lấy. Trại cúi mặt: - Vâng, con nhớ. Rồi hai mẹ con ôm nhau, thổn thức. Tiếng gà gáy eo óc. Ông Tư bước ra sân. Trời còn tối đen kịt. Phía chân núi, ngôi sao mai vẫn sáng rời rợi. - Trời rạng rồi. Ta đi cho được đường, con ạ. Hai bố con ra khỏi cổng làng. Cả xóm không ai trông thấy. Nhưng các anh các chị trong nhà đã đưa em ra tận ngoài cửa ngăn. Trại ơi Trại, thế là Trại về nhà chồng. Mẹ đứng đầu ngõ, tay cầm vốc muối, ném theo vào sương mù. Mẹ gửi điềm lành đưa chân con. Rồi mẹ lại chạy theo, nắm chặt tay đứa con gái từ thuở lọt lòng chưa đi xa bao giờ. Cả nhà bịn rịn quanh con bé út nhất. Nhưng không ai khóc. Con gái lớn thì về nhà chồng. Nỗi niềm thân phận người con gái mỗi người mỗi cuộc đời. Trại đã hiểu từ khi cha mẹ nhận lễ chạm ngõ. Trại biết mình sẽ đi lấy chồng xa. Xóm giềng bảo dưới ấy mới là quê gốc, xa mà gần. Dù sao, cũng là người con gái đi lấy chồng xa. Trại chưa tường mặt chồng thế nào. Cái lần người ta lên “xem mặt”, Trại vẫn đi hái dâu, chiều tối về, không dám bước chân lên nhà trên, cúi mặt đi lẫn lộn với chị em vào nhà ngang trong tiếng cười rúc rích xung quanh rồi chúi vào bếp. Bố nói rằng bây giờ vì nạn nước mà chồng Trại đã ra đi vì việc nước rồi. Nhưng lời ước hẹn thì bao giờ cũng đinh ninh như vàng như đá. Trại về nhà chồng, lo toan, cho phải đạo vợ chồng, Trại đi gánh vác việc nhà chồng, thay chồng. Trại nghĩ hệt như lời bố dặn. Trại chỉ nghĩ như lời bố dặn. Những người trong làng, từ ngày trước đã tin vào cái số. Số Trại có khi rồi vất vả. Con gái mà tính gan góc, ương bướng, thường phải mua cái khó nhọc vào mình. Ấy là mọi người nghiệm thế. Chẳng hay hớm đâu thứ đàn bà con gái ngang ngược tai quái. Người ta lại nói thế. Đến bây giờ, làng nước càng đổ cho cái đời cô Trại rồi ra đúng là như vậy. Chỉ vì một câu chuyện đã xảy ra, độ ấy Trại mới trạc lên mười hai, mười ba. Trại vốn chịu khó, xốc vác, hay làm. Tinh mơ mẹ gọi, vừa trỗi, chỉ quấn xong cái tóc, Trại đã nhào vào việc rồi. Khi mùa cạn, Trại ra mò cá ngoài suối. Hôm ấy cũng thế, trời ít mưa, sông suối đã hiếm nước. Đêm trước, có hai con hổ ở rừng sâu ra vờn nhau, tay đôi vui chân thế nào dồn nhau ra cửa rừng, quá bước đến sáng rồi vẫn còn luẩn quẩn dưới cánh đồng. Ban ngày, hổ không dám đi qua chỗ đồng trống. Hổ men theo bờ suối, tìm chỗ ẩn. Trại ngẩng lên, thấy hai con hổ nối đuôi nhau đương đi tới. Trại buộc giỏ vào lưng, rảo bước núp vào bụi rậm cạnh tảng đá. Hai con hổ cũng chui vào trú chân nép vào chỗ bụi cây có tảng đá ấy. Suốt ngày, cả nhà, cả xóm đổ đi tìm Trại. Dò khắp các vực sâu xem nó có ngã chết đuối ở đấy. Lúc thấy trong ruộng lỗ chỗ vết chân hổ, ai cũng kêu lên: thế là hổ ra vồ cái Trại, hổ tha vào rừng mất rồi. Đến lúc trời chạng vạng tối, người đứng trong xóm trông ra chợt thấy hai con hổ chạy ngang ngoài đầu đồng. Cả xóm gõ ninh rồi vác dao vác hỏa mai đổ ra đuổi hổ. Nhưng chỉ thấy cái Trại lủi thủi đi ra từ phía hai con hổ vừa chạy qua. Chiếc giỏ vẫn đeo đằng lưng. Mấy con cá trong giỏ đã chết khô cong từ bao giờ. Người ta hỏi mày ở đâu từ sáng? - Tôi ngồi trên ngách đá có hai con hổ ngồi dưới hang. - Mày sợ không? - Tôi chỉ buồn ngủ! - Hai con hổ lên ăn thịt mày thì mày làm thế nào? - Xóm Mường bên kia có người đã biết mẹo bóp chết hổ rồi, tôi không sợ. Ai cũng lè lưỡi lắc đầu: - Con bé này gan chín mề... Nhưng người ta lại chép miệng: - Xưa rày đàn bà con gái to gan lớn mật, dẫu có làm nên công lênh gì cũng không qua khỏi cái gian truân. Mấy lâu, mẹ Trại cũng thở dài âm thầm mường tượng như thế. *** Hai bố con mải miết đi trong đường sương buông mù mịt chân núi. Mãi tới lúc mặt trời lên quá ngọn tre đến một con sào mà sương vẫn còn lan đầy chưa tỏ hẳn mặt người và bố con ông Tư chưa ra đến đường cái quan. III TRONG BỜ LŨY, tiếng chặt tre đương chí chát. Có mấy người dưới ruộng sâu, lội bùn đến đầu gối đi lên, lưng giắt lủng liểng bó lạt. Trông thấy người lạ, ngẩng đầu nhìn, rồi tíu tít kêu: - Ơi giời ôi, ông Tư! - Ông xuống chơi, lạy ông ạ! Ông Tư chẳng thuộc mặt ai, nhưng đoán đấy là người trong làng. Ông Tư hỏi to: - Các chú đi đâu sớm thế? - Chúng cháu ra rào lũy ngoài ạ. - Bà Xuất tôi có nhà không? - Chúng cháu đi vớt lạt từ tờ mờ sáng không biết. Ông về nhà bà cháu, chốc nữa chúng cháu vào chơi. Rồi cả bọn đi về phía bờ tre đang có tiếng người cười nói, tiếng dao chặt. Đến đây, Gái trở lại. Cứ kể, Gái còn muốn đi nữa, Gái đi nữa cũng được. Bây giờ Gái đã biết anh ấy tên là Nghĩa. Nhưng có mấy lúc, Gái đòi gánh hộ đôi tay nải mà Nghĩa không nghe, lại vằng đi. Trông thấy bước tập tễnh, khoeo chân sưng húp, người ta thương tình, lại còn lên mặt. Có lúc nghĩ tức anh ách, có lúc lại ái ngại. Chân đau thế kia, lại làm bộ vẻ nghiêm hơn. Rõ khéo, chỉ khi quay mặt đi mới dám nhăn nhó. Đau quá, tưởng người ta không biết đấy. Bây giờ người trong làng ra thế là đã biết có ông Tư ở Ba Trại về chơi. Gái dùng dằng muốn trở về, lại ngại. Vì có ý, nên ngại. Lại cũng không muốn để bỏ nhỡ buổi chợ. Thế là đích ông Tư rồi. Vả chăng, việc anh giao cho chỉ có thế. Bởi Đề Cụt cũng chưa có dịp nào được tường mặt ông Tư ở Ba Trại. Tin thì có tin, nhưng cứ phải cẩn thận, biết thế nào. Nhưng chẳng phải đến tận cổng làng gặp người quen mới rõ ông Tư mà chỉ một thôi đường Gái đã biết cả chuyện ông Tư chuyện thật thà như đếm. Ông Tư ở Ba Trại dâu gia với nhà ông Xuất Vấn, anh Nghĩa là con trai út ông Tư. Nghe tin chẳng lành, ở xa mới biết, bây giờ ông Tư mới xuống được. Men qua cái cầu chênh vênh một gióng, sang sông rồi, Gái dừng lại, chắp tay, nói: - Cháu xin ông cho cháu về. Cháu còn phải đi chợ Canh bây giờ. Lạy ông ạ, lạy anh ạ. - Cô không vào trong nhà được với bố con tôi a? - Lạy ông... Gái nhìn Nghĩa, cười ranh mãnh: - Sắp đến nhà, anh Nghĩa cũng khỏi đau chân rồi. Nghĩa nửa ngượng, nửa tức, mặt đỏ gấc. Nhưng chỉ biết cúi xuống, không nói lại được một câu. Gái đã trở lại bên kia sông. Chợt nhớ, Gái hớt hải quay lại, hỏi to: - Anh Nghĩa ơi anh Nghĩa, anh ở chơi dưới này còn lâu không? Không thấy Nghĩa đáp, chỉ có ông Tư nói vọng sang: - Bảo anh Đề lúc nào thong thả xuống chơi. Đi lên tận cầu trên, thỉnh thoảng Gái còn dừng bước trông lại. Nhưng ông con ông Tư đã khuất vào bóng tre từ lúc nào. Gái đi, chốc vẫn quay nhìn rồi hình như mủm mỉm cười một mình, rồi lại bước nhanh. Bố con ông Tư vào đến đầu xóm còn thấy lố nhố người quanh lũy tre. Làng nào, xóm nào cũng đương rào rấp lại cổng rong, bờ lũy - đông như đám chọi gà. Các cụ lọm khọm cũng mải mê ra làm. Việc vua việc quan chẳng bao giờ được người ta gióng giả như thế, chỉ việc làng mới có nhất loạt vậy. Người trèo lên, hạ những cây tre chết róc đổ nghiêng trên búi xuống. Những cành tre lòa xòa ngang hào nước đã bị đẵn quang hẳn - dù kẻ cướp có lọt được qua lũy cũng không cách vượt nổi hào. Hào sâu, chỉ có cái thúng đi tuần bơi vòng hào, xóm ngoài vun vút vào xóm trong. Cả những lỗ chó chui cũng được rấp lại kỹ lưỡng. Ông Tư ngả vành nón to tùm hụp, đứng lại, ngắm nghía lũy tre xóm. Một người nói to: - Ông Tư xuống chơi kìa. Cái Ngát đâu! Ra đưa ông về! Có tiếng nói như quát lại: - Cái Ngát đằng lũy ngoài bờ kia mà. Quanh lũy tre làng, có một cổng chính, mỗi xóm lại một cổng đồng. Cổng làng Nha xây gạch vồ, trên có chòi gác. Hai cối cánh cửa lim chồng lên hai tảng đá to bằng chân cột đình. Gạch vồ và cánh cổng lim ấy chỉ những dinh thự nhà cao cửa rộng trong thành mới có. Không biết làng này kiếm đâu được cái gỗ quý thế hay đã đi khuân trộm trong thành về. Trộm từ bao giờ, có lẽ từ năm loạn Ngạc Nhe đánh thành Hà Nội. Hôm Tây hạ thành, vùng ven nội xô vào hôi của, đông kìn kịt. Các làng bên trại lấy được không biết bao nhiêu các thứ. Trong Kẻ Noi khiêng về nguyên cả cỗ kiệu bát cống. Người ta bây giờ còn kể một chuyện thương tâm: một ông ở làng Nha suốt năm suốt đời chỉ có cái khố một, cứ lưỡng lự không biết có nên đóng khố một thế mà vào thành lấy của. Cũng chẳng biết làm thế nào. Sau thấy người ta đi nhiều quá, đâm ngốt, thế là cứ cởi trần đóng khố thế mà đi. Đến lúc vào nhà một ông quan, vớ được chiếc nón chóp bạc và cái áo gấm, đóng luôn bộ áo gấm nón chóp đi ra xúng xính. Qua cửa Bắc, Tây trên thành trông thấy, tưởng quan ta đem quân quan vào đánh nhau, bèn giương súng đòm một phát. Ông ấy thành người chết đường. Khuân tiệt đồ ăn thức đựng rồi, người ta vác đến gạch, gỗ và đá tảng. Làng Nha cũng như các làng Yên Thái, làng Hồ, cả vùng Bưởi trèo vào thành dỡ gạch các dinh cơ công sở, về xây cổng, xây lũy. Ông Tư vào làng Nha thường không hay đi cổng chính, - vốn tính kín đáo đã thành thói quen. Cổng đồng mỗi xóm cũng ba lần cánh cổng tán kín bưng. Cổng đồng này để phòng việc gấp vừa đường người và trâu ra làm đồng. Mọi việc vào cổng chính, đám ma cũng từ đầu làng đưa ra qua lũy xuống gốc gạo. Chỉ có trẻ con chết phải chôn lúc chập tối mới chỉ đi đằng cổng đồng. Từ Phùng xuống, liền những cánh đồng, những khoanh tre, lại cánh đồng, lại khoanh tre khít tới tận đầu ô, làng làng trông ngoài cũng như làng Nha, khó phân biệt được. Như buổi chiều nào cũng giống nhau, trong một vùng ấy, lại thấy từng đàn cò trắng từ dưới đìa bay lên trắng xóa, kêu táo tác trên lũy rồi im dần theo mặt trời lặn, tờ mờ sáng hôm sau cả đàn lại tỏa đi kiếm ăn dưới đìa xa. Đã quen mắt quá, cũng không ai để ý. Những khoanh tre rì rào lả lướt, nhưng giữa bụi tre gai xù ra như đàn chim tủa lông như bó chông chà. Cả đến những ngày hanh hao, trông vào vườn chuối chỉ thấy xờ xạc vàng mượt, lũy tre vẫn xanh đen. Lũy tre và cánh đồng đi cùng đời sống con người. Người ở đâu trồng tre đấy, người đến đâu đến với cây tre. Cái lều dưới bờ tre đánh dấu chỗ ở. Bờ tre để dấm mọi thứ tre pheo cho người ta được sang năm dựng nhà khang trang hơn. Cánh đồng, lũy tre, làng này qua làng khác... Đứng ngoài trông vào chỉ thấy rậm rì. Nhưng bên trong chen chúc những đình chùa, xóm mạc, đôi khi, cả cái chợ đổi vai bán con cá mớ tôm ở bờ đầm, ngoài đầu bến. Trong khoanh tre, giang sơn mỗi làng, giặc cướp khó lọt vào được. Bố con ông Tư đã đến chân tre đầu xóm. Mọi khi, đây là cổng đồng, trông thông thống ra bờ ruộng đồng cao bên lối đi. Bây giờ bờ tre đã tỏa kín, nhìn kỹ mới nhận ra cổng rong lẫn bờ lũy, cũng đã vàng úa như cả loạt tre đương chết dóc giữa mùa hanh hao. Không trông thấy ai, chỉ nghe tiếng giật giọng hỏi ra: - Những người kia đi đâu? Liền đấy có tiếng hỏi to, mừng rỡ: - Ông Tư trên Ba Trại đấy phải không? - Ầu, Tư đây. Tiếng cười hê hê: - Đích ông Tư rồi. - Ông xuống chơi ạ. Cánh cổng rong bật chốt, mở ra một lối vào vuông gọn như đục dựng ra đứng giữa bức tường xanh. Hai bên làng lũy bây giờ nhộn nhạo tiếng người mà lúc nãy ở ngoài cứ nghe văng vẳng, không biết đích đâu. Bởi thấy người lạ, tất cả đã lặng phắc, giờ mới lại cười nói vang động. Ông Tư đứng lại. - Các quan viên xóm ta ra dọn lũy a? - Thưa ông, vâng. - Trên kia chúng tôi không làm lũy xóm thế này. - Thế trên ấy không phải làm lũy? - Nhà nào cũng có rào, chúng tôi có lũy từng nhà rồi. Một người, vẻ hiểu biết: - Trên rừng chả lắm cướp mà. Ông Tư nói: - Ngăn con hổ, con trăn, con cáo vào quấy nữa. - Ối giời ôi nhỉ! Có người hỏi: - Nhà nào cũng có lũy, ngộ thằng Tây mà lên trên ấy thì nó phải đánh nhau với từng nhà a? - Phải thế chứ! Mấy anh con trai từ trong bờ tre bước ra, chắp tay cung kính: - Mời ông vào nhà bà cháu ạ. Có người nhìn quanh quất rồi nói: - Quái, vừa thấy cái Ngát đây mà. Rõ ràng tao trông thấy nó từ ngoài lũy làng vào. Rồi gọi: - Ới Ngát, ra đưa ông Tư về nhà. Chẳng thấy cô Ngát thưa. Ông Tư đã thuộc đường cứ bước xăm xăm đi. Nghĩa gánh đôi tay nải, lững thững theo. Đến chỗ đông người ra làm lũy đứng nhìn, Nghĩa cố bước không khập khiễng. Lại những bụi tre, những bụi tre không biết từ đời nào, không ai đánh gộc bao giờ, gốc tre cứ xù xì ra như đống rạ. Lệ làng cấm đào măng ngoài lũy, đến như nhà nào trồng tre bờ rào mà cũng chỉ được bẻ những cái măng lạc. Mỗi năm, vào những ngày đầu hè, tre non tủa lên như chông chà, xanh rợp mắt. Gốc tre từng vừng năm này sang năm khác, chồng lên nhau, cao thành bờ lũy tự nhiên, rìu bổ cũng khó vỡ. Vẫn thấy những tre là tre. Người đi dưới bóng tre xao xác gió hanh trong búi tre chết dóc đỏ khé cả chòm. Qua đến ba rặng liền nhau mới vào đến đầu xóm. Mỗi lũy tỏa thành một bờ tre quanh xóm. Lại cũng như ngoài lũy làng, cách mỗi bờ tre, có một hào nước rộng nửa con sào, tre lòa xòa xuống mặt nước tù xanh đen. Hai lũy nữa, lớp hào nữa mới tới ao đình. Trên bờ ao có một cây đa cổ thụ. Mỗi ngày, những con trâu đi làm đồng về xuống đầm trong ao rồi lên đứng âm thầm cọ mình, mài nhẵn cả bốn phía những chùm rễ đa xù xì lòng thòng xuống như những mắt võng. Nhà trong xóm, chỗ sùm sụp, chỗ lác đác. Cũng không khác năm trước. Con đường đi ngang, hai bên mặt ao, đỏng đảnh chiếc cầu tre. Thấp thoáng làn nước bình yên, nhịp cầu ao dưới bóng cây táo nắng lăn tăn trong lá. Cô gái giơ tay víu cành ổi lả xuống che mặt, ý tứ đưa mắt ra đường nhìn khách lạ, chân hờ hững khỏa đám bèo cái giãn loãng mặt nước xanh trong. Những khoảng vườn có cổng tán kín đáo bên búi tre. Qua vườn tre đến vườn xoan. Bên cổng vào nhà bà Xuất nhô lên bức tường đất thấp, chằng chịt lớp xương rồng già, gai nở lẫn hoa li ti tán vàng như xôi đỗ. Trong gian nhà ngang, tiếng khung cửi đương có người dệt. Nghe lào thào thoi qua mặt cửi và tiếng chân đòn trong lỗ đạp kêu lạch xạch. Dưới nhà ngang, mấy người đàn bà nạ dòng ngồi quay tơ. Ngoài hiên, hai đứa trẻ đánh “suốt”, ống tơ đẫm nước vỗ bắn quanh như đám mưa bụi. Cả hai cây cau lùn trước nhà đương ốp buồng. Tàu cau rụng xuống, hoa cau trổ nhánh vàng rượi, thơm ngây ngất một khoảng sân. Khách đến chơi nghĩ giống cau liên phòng này tứ thời, chiêm cũng đâm buồng như cau mùa, quý thật - phải xin cho được giống ấy về ươm. Lại phảng phất đâu mùi hương đen đầm ấm. Vào mùa lạnh lẽo này chắc chỉ hương đen rấm chuối. Nhưng bước chân lên thềm, trông thấy giữa giường thờ, hai cánh vải sô trắng buông, khói hương tỏa trong màn ra. Bên trong, đặt hai bát hương, một bát chính giữa, một bát cạnh. Hai nải chuối xanh trên đôi mâm bồng ngũ quả sơn then. Lại cảm ngay thấy mùi hương đen bây giờ chỉ có lạnh lẽo. Ông Tư bước tới trước bàn thờ, không cần để ý biết có ai trong nhà. Tưởng như nếu ông không đến ngay thế, thật là thất lễ với vong linh người chết đương ngồi trên kia. Ông Tư buông cái tay nải nhỏ xuống bên chân cột, xếp bó hương đen lên góc mâm bồng, đứng lùi ra, chắp hai tay, lẩm nhẩm khấn. Rồi ông Tư bưng một tay lên miệng, cúi mặt, kêu mấy tiếng thật to, hai mắt đỏ hoe: - Ô hô! Ông ơi! Ô hô! Con ơi! Nghĩa cũng đặt gánh, ngồi sụp xuống chắp tay vái lên bàn thờ. Bối rối, buồn thương, lo sợ, Nghĩa quên cả chỉ có đàn bà mới ngồi lễ như thế. Bao nhiêu nông nỗi trước sau, Nghĩa không muốn mở hai bàn tay đã úp chặt lên mặt. Ông Tư lại bưng miệng ô hô khóc viếng lần nữa. Nghĩa ngỡ như tiếng bố gọi mình. Nghĩa cứ ngồi gục mặt, nức nở. Ở dưới nhà ngang, Ngát chạy lên. Ngát đến trước mặt ông Tư, Ngát òa khóc. Bấy giờ mọi người trong nhà cũng bỏ khung cửi, bước ra. Ai ở nhà dưới lên cả nhà trên đứng quanh Ngát và bố con ông Tư. Đấy toàn con cháu trong nhà. Ông em ông Xuất cũng đã mất năm trước. Người em dâu và các con, hai đứa lớn đã có vợ có con nhưng vẫn ở quây quần cùng nhà. Nhiều nhà khác trong xóm cũng ở với nhau tam đại đồng đường như thế. Người ta lấy việc hòa thuận mấy đời một nhà là tốt đẹp. Ông Tư nhìn ra, rồi nói: - Đừng khóc nữa, các con ạ. Nhưng rồi ông Tư nâng ống tay áo lên, lau nước mắt. Ngát mủi lòng, vẫn khóc to. Từ lúc Ngát và mọi người trong nhà lên trước bàn thờ, Nghĩa chợt nhớ mình bây giờ không phải người vợ về đây khóc chồng, mà cô Trại đương là anh Nghĩa rồi. Nghĩ thế, Nghĩa ngượng. Không dám nhìn lại quần áo, quên cả đau chân, Nghĩa đứng vội dậy, lấy vạt áo chùi mắt. Ông Tư quay lại, bảo Nghĩa: - Con dỗ em nín đi. Ngát ngước mắt, thấy người cầm tay mình là một anh con trai. Ngát im khóc và rụt tay lại. Ông Tư hỏi: - Mẹ đi đâu, con? - Mẹ cháu đi chợ tơ. - À hôm nay phiên tơ. Ngát vẫn thút thít khóc, nói: - Bây giờ đã đứng bóng, chắc mẹ cháu cũng sắp về. Ngát trạc mười bốn tuổi. Từ khi bố và anh mất, nhà tuy đông, nhưng thực sự chỉ hai mẹ con quanh quẩn với nhau. Tự nhiên, Ngát cảm thấy mình xốc vác khác mọi khi. Mẹ vắng nhà, Ngát biết lo toan, điều mà trước kia chưa bao giờ Ngát nghĩ tới, bây giờ Ngát làm được. Ngát rụt rè, khẽ hỏi: - Thưa ông, ông đã thổi cơm chưa để cháu đi thổi. - Khoan, con ạ. Ông với anh ăn cơm sáng sớm rồi. Ông còn ở chơi, đợi mẹ con về hãy hay. - Cháu cứ đi thổi cơm đây. - Khoan đã mà, mặc ông con tao. Chợt nhớ, ông Tư bảo Ngát: - Anh Nghĩa này là con trai tao. Tao cho anh Nghĩa xuống ở nhà ta cho vui nhà. Con đương quay tơ, cứ xuống làm đi. Cả nhà ai làm gì cứ làm, để tao đưa anh nó dạo quanh cho biết thông thổ. Ông Tư và Nghĩa ra sân. Trước mặt, một cái chuôm ao nhỏ có cầu xuống bên gốc khế. Nhà trên năm gian hai chái, hai bên đặt khung cửi. Dưới nhà ngang, gian làm hồ. Đầu bếp đằng kia có cái chuồng trâu cạnh một góc gác lửng để cày bừa. Quanh nhà, um tùm mấy búi tre, lại còn vây kín những cây xương rồng ông làm tường rào dọc bờ ao. Ông Tư nói: - Dưới này không nhiều cướp như trên ta. Nhưng ở đây thằng Tây còn ác hơn kẻ cướp. Làng nào cũng phải hào lũy phòng nó, chắc chắn thế đấy. Thằng Tây ở đâu đến ngồi trên cái tàu lênh đênh ngoài sông Cái, mặt mũi xám ngắt, ngô ngọng nói không biết nghe, làm sao nó vào được từng làng từng nhà thế này. Những hào nước ngoài lũy sâu ngập con sào chứ không vừa đâu. Ông Tư vừa đi vừa giảng giải cho Nghĩa. Nhưng Nghĩa không nhìn, cũng không nghe thấy gì. Nghĩa đương có cảm tưởng chập chờn thật thấy như thế, ở đâu, cạnh gốc cau, dưới nhà ngang, sau bếp, hay vừa ở ngoài cổng tán bước vào, đằng sau bàn thờ che hai cánh màn sô, trước bài vị quấn lá bùa vàng rợn, có một người đàn ông chít khăn lượt thấp thoáng. Không kịp trông rõ mặt, ngươi ấy nhẩn nha ngoài cổng tán lại thoáng sang chỗ tường, bờ rào, lại thoáng đi như từ hôm ở trên Ba Trại. Nước mắt mọng trong mắt, chỗ nào Nghĩa cũng thấy cái bóng ấy. Lạy anh, anh sống khôn chết thiêng, phù hộ độ trì cho cửa nhà được bình yên. Từ nãy Ngát vào nhà ngang. Thấy ông Tư bảo xuống quay tơ, Ngát cũng không nghĩ ra việc gì khác, Ngát ngồi bên rổ tơ. Dù cố học cho ra người tháo vát, Ngát vẫn còn nguyên cái tính dễ bảo ấy của trẻ con. Những chiếc rổ tơ đặt đầu hè, cạnh gốc cây táo. Mặt đất loáng thoáng nắng. Táo còn xanh, nhưng quả đã mẩy, đã tròn mẫm bóng nằm bày trên từng tụm trên lá. Tiếng cái vầy tơ nhảy lóc cóc. Con tơ ở chiếc vầy ánh vàng lên. Công việc nhẹ nhàng như ngồi chơi. Nghĩa ở nơi rừng sâu ruộng trằm, nghề thổ mộc nặng nhọc. Hai bàn chân ruỗi ra dưới gấu váy và bàn tay, khuôn mặt trắng xanh của người quanh năm ở trong nhà không thể tưởng đấy lại là người làm. Chốc Ngát lại nhìn ra sân. Ngát vẫn chưa hiểu ông Tư nói cái anh ấy về ở dưới này là thế nào. Anh ấy chỉ phải cái ăn mặc đường ngược, áo dải bê chèo lụng thụng, quần nâu da bò chó cắn gãy răng, còn trông mẽ người ra dáng hơn cả con trai vùng này. Ngát lại cười thầm mình. Thật thì không phải Ngát mới trông thấy anh ấy từ lúc vào nhà. Ngát đã nhìn ra ông Tư và anh ấy từ lúc hai người mới qua sông ở đầu làng. Lúc ấy, Ngát đương theo người ta ra rào lũy làng ngoài. Nghĩ thế nào, Ngát lẻn chạy trước về nhà. Nhưng lại chợt nhớ ra một việc - việc chào hỏi mời đón của người lớn, Ngát đứng dậy, vào bếp, đem cái ấm đất, súc bã chè cũ rồi ra chum múc nước. Ngát lại lên nhà lấy âu trầu. Chỉ một lát, Ngát đã tề chỉnh bày ra giữa chõng tre, bốn chiếc bát đàn uống nước. Nồi chè tươi khói thơm nghi ngút. Trên cơi đặt mấy miếng trầu mới têm và lá trầu không vừa ngắt ngoài dàn vào xếp ngay ngắn với miếng rễ đỏ cắt xếp khéo như vảy cá cạnh quả cau tươi tiện chũm bổ tư. Ngát ra chắp tay, kính cẩn: - Mời ông, mời anh xơi trầu. Ngát rón rén bước theo sau hai người vào nhà. Rồi Ngát bỗng hỏi Nghĩa, tưởng như câu hỏi bâng quơ. - Thế còn chị ấy đâu, hả anh? Nghĩa giật mình, quay lại, nhìn đôi mắt óng ánh tò mò, tinh nghịch của Ngát. - Chị nào? - Cái chị lúc qua cầu ngoài đầu làng ấy thôi. Nghĩa còn đương lúng túng chưa biết đáp thế nào, ông Tư đã nói to: - À cái Gái em chú Đề Cụt. Nó về đi chợ Canh rồi. Kỳ tình, Ngát đã biết tỏng đấy là cô Gái. Bà Xuất về đến ngoài ngõ. Ngát gọi mẹ, như trẻ con reo: - Mẹ ơi! Có ông Tư xuống... Ông Tư ngỡ ngàng nhìn ra. Thoạt trông, không thể tưởng người đương đi vào, ngả chiếc nón chóp lá đã thâm trên đầu xuống lại là bà Xuất. Nếu không nghe cô Ngát gọi mẹ, cũng chẳng thể đoán nổi. Bà mặc xống áo đàn ông. Bà Xuất cũng ra tướng đàn ông. Vai đeo cái đãy to, bà bước xăm xăm. Quần xắn đến gối, bụi đường đỏ bay bùn đã khô bám lên ngang bắp chân. Nếu trông dáng mà phỏng chừng, cũng chỉ biết đấy là người đàn ông đứng tuổi. Cái áo kép bạc, một bên vai vá đổi miếng chồi nâu non. Lần khăn đầu rìu bằng vải thâm lộn với mớ tóc bơ phờ hoa râm nhưng vẫn còn đủ lọn để búi chon chỏn một núm sau gáy. Chiếc quần chồi nhuộm vỏ dà đã nhờ nhệch, đũng quần không rách mà đụp thêm một miếng vuông bằng cái quạt nan. Nhưng đến khi trông nét quai hàm và miệng ăn trầu cắn chỉ, ông Tư nhận ngay ra bà Xuất. Bà Xuất đặt đãy tơ ngoài đầu hè. - Ông mới xuống, mời ông ngồi chơi... Chỉ nói được một câu, nước mắt đã lã chã. Thế rồi, bà Xuất cứ vừa nghẹn ngào, vừa mời, vừa hỏi: ông ngồi chơi... ông xuống bao giờ... tối hôm qua hai ông con ngủ đâu, đã cơm nước chưa... Ngát đứng cạnh mẹ. Như để khoe khéo mình vừa têm trầu, đun nước, tươm tất mời khách. Bà Xuất hỏi con gái: trầu mày têm đấy à? Đem bình vôi vào đây. Bà mắng yêu: Têm trầu bao giờ cũng nhạt vôi. Rồi bà lại nói: mời ông xơi miếng trầu... Có lớn mà chẳng có khôn... Cháu chưa biết làm gì đâu... Ông xơi tạm... mời ông... Này... chú... Hai người đã ngồi vào chõng tre trên thềm. - Tôi xuống được một lúc lâu rồi. Cháu đã có giầu nước đủ cả. Ngoan quá, chóng nhớn quá. - Ấy, bé người mà đã biết việc mình phải lo. Lắm lúc nghĩ cũng thương. Tôi thì chạy ngoài, hôm tối đi về không biết thế nào. Đàn bà con gái bây giờ, một bước cũng dễ giẫm phải gai, tôi cứ đem xống áo của ông cháu ra mặc lấy cái vía. Ông đừng cười. Ông Tư khoát tay lên, nói to: - Thời tao loạn, cốt sao cho được việc. Bà thế là giỏi. Không phải là câu ông Tư khen lấy lòng, mà sự thật trong nhà này bấy lâu ông Tư đã biết, làng xóm cũng biết. Từ xưa tới nay, khi còn sống, ông Xuất quanh năm chỉ có giao du đây đó. Một tay bà Xuất cáng đáng mọi việc nhà. Bà em dâu quá hiền, người trong xóm còn nói bà ấy có hơi đụn. Bà Xuất phải trông nom cả đến các cháu. Có khi ông Xuất đưa về hàng chục người làm khách trong nhà suốt tháng. Ban ngày các ông rủ nhau đi đâu không biết, tối về họp bọn quần thảo luyện võ suốt đêm, bàn bạc suốt đêm đến sang canh, cơm rượu xong vừa tảng sáng, lại kéo đi. Các ông đi đâu, những đâu, bà Xuất không biết, bà Xuất không bao giờ hỏi. Thật thì bà cũng mang máng nhưng cũng cứ như không. Bà chỉ biết chịu thương chịu khó lo toan mọi việc trong nhà cho chồng con. Bà chỉ biết chồng con, nhà cửa. Bà Xuất kể: - Dưới này tôi bây giờ ngổn ngang quá, ông ạ. Bố con ông nó thế là đi việc nước cả rồi. Trong nhà chỉ còn hai mẹ con với thím nó và một lũ cháu dại, có nhớn chưa có khôn. Nhà thì vừa việc ruộng vườn vừa canh cửi, đằng nào cũng phải có người chạy chợ, người hồ cháo. Việc trong nhà không như việc đồng còn mùa bận mùa nhàn, lúc nào cũng tối mặt tối ngày. Từ khi thằng cả nó đi việc nước với bố nó, khung cửi đành để trống đấy. Buổi đực buổi cái, nhà đã neo càng neo. Mà trời còn làm tao loạn thế này... Ông Tư nói: - Vừa hay, tôi cũng định thưa chuyện với bà. Trước kia cũng như bây giờ, một lời đã dao chém đá. Vợ chồng tôi xin cho thằng cháu út này được về làm dâu con ông bà. Ông đi việc nước thì cũng như ông ở nhà, lúc nào cũng có hai ông con vẫn ngồi kia, trông nhà trông cửa, với con cháu, ông chứng giám cho, xin ông bà nhận cho nó là con ông bà. Nghĩa ơi! Con lại đây. Con lạy bố mẹ đi. Nghĩa bước lại, thong thả, trang nghiêm, quỳ gối, lạy bà Xuất hai lạy. Quay ra bàn thờ, lại quỳ xuống, cúi lạy. Rồi Nghĩa lùi lại đằng sau, đứng chắp hai tay, im lặng. Bà Xuất ngước nhìn Nghĩa. Tay bà Xuất run run sờ lên cánh tay Nghĩa mà bà không nhìn ra được. Bà có một cảm tượng lạ lùng, bà không biết đấy là con trai bà hay đấy là con dâu bà. Tấm lòng thủy chung như nhất của ông dâu gia khiến bà xúc động. Bà Xuất gục mặt vào vai Nghĩa. Bà nắm tay Nghĩa, bà gọi: “Con ơi!” Rồi bà kéo Nghĩa bước lại trước giường thờ, bà ngồi sụp xuống, mếu máo vừa vái vừa khấn. “Ông sống khôn chết thiêng, bố con ông sống khôn chết thiêng, phù hộ cho mẹ con tôi”. Bà Xuất đứng lên, quay lại, gọi Ngát. Tiếng mừng rỡ mà nước mắt cứ lã chã. - Con ơi! Con ra nhận anh, anh con đây. Nghĩa bước lại, đặt tay lên cánh tay Ngát, như bà Xuất vừa nắm cánh tay Nghĩa. Bây giờ Ngát không nguẩy đi như lúc nãy, Ngát để yên và rơm rớm nước mắt. Bà Xuất nhìn Ngát và Nghĩa, thấy như tự bao giờ, hai đứa ấy là con mình. Bà Xuất ngắm nghía. Cái áo cái quần thô cũ, nhưng nét mặt hiền hậu. Bà Xuất cũng nghĩ như Ngát lúc nãy: người vùng này khó lòng ăn đứt được. Răng đen rưng rức hạt na. Nước da mịn, cười má lúm đồng tiền, như con gái. Chỉ mỗi đôi mày rậm mới thật dáng con trai. Bà Xuất càng cảm kích tấm lòng vợ chồng ông Tư ăn ở chỉn chu. Dẫu cho sự thể đã thế này, người ta nghĩ thế nào cũng được, nhưng ông vẫn đưa con về. Nó về đây, ừ thì con trai hay con dâu cũng một đầu con. Càng nghĩ, lại thương lại mừng. Chữ tín nghĩa trên đồng rừng còn tròn vành vạnh, không như lòng dạ đưa đẩy lèo lá đầu đường xó chợ như dưới này. Từ khi người Tây đến nhiễu nhương, bọn khách buôn coi đồng tiền phân bạc nặng hơn lời nói, tâm địa con người ta bây giờ cũng xoay như con chong chóng. Mấy hôm sau, một hôm, nhà bà Xuất cho người đi mời họ. Thoạt tiên không ai đoán ra việc gì. Giỗ đầu ông Xuất và anh cả Vấn đã qua, nhưng chưa tới kỳ giỗ hết. Sau mới biết là bà Xuất sửa lễ mời họ nhận con ông Tư trên Ba Trại về làm đầu con. Bà Xuất chỉ phàn nàn không đứa nào lên Ba Cây Đề gọi anh em nhà Đề Cụt về “cho anh em nó mừng”. Chỉ bởi đã xem được ngày tốt, phải làm lễ gia tiên cho được ngày. Ông Tư nói: - Hôm về thế nào tôi cũng ghé nghỉ Ba Cây Đề, tôi bảo cho. Bà Xuất lại tự nói cho mình yên tâm: - Chúng nó là con cháu trong nhà, vậy cũng được. Ông Tư nhớ lại đêm ở hàng Đề Cụt: - Ngày sinh thời ông nhà, tôi có nghe ông nói đến thằng ấy, mà cũng chưa gặp nó. Xem ra cũng tay đáo để. Bà Xuất vẫn cắm cúi bổ cau. - Ông cháu quý anh em nó chẳng khác con đẻ. Mới đánh tiếng mời họ mà mấy chi đã góp nhau khiêng con lợn hơn mười tháng đang được thịt đến hạ xuống giữa sân. Tiếng lợn eng éc khua trẻ con nháo nhác chạy tới Từ gà gáy đã có người về làm giúp. Phải treo quang đèn ra đầu giại phía cổng ngăn vào cho tỏ đường xuống bờ ao. Đến sáng ngày ra, ở phản chõng đã có các bà ngồi têm trâu. Các chị đi rút cây rơm, gánh gộc tre về, bắc chõ thổi xôi giữa sân, nhộn nhịp như ngày giỗ họ. Xế trưa, được chừng chục mâm đã bưng trước lên đặt suốt tầng giá cỗ ngoài hè. Người mang rượu, trầu cau, hương và tiền đến đông nghịt. Khói hương, khói bếp ngào ngạt, mù mịt. Bà Xuất thay váy áo chồi nâu, ra thắp tuần hương mới. Ông Tư đứng chắp tay cạnh phản giữa. Các cụ cao tuổi trong họ ngồi một loạt từ gian giữa trở ra, liền mấy mạch chiếu. Ông Tư lúng túng, cảm động: - Trình các cụ, ông Xuất cháu với anh cả nó chẳng may thất lộc. Nhưng đi việc nước thì dẫu đi đâu cũng vẫn về nhà về đình về miếu, các cụ ta đã bao đời nay lưu truyền thế. Chúng tôi đã có lời trước xin với ông bà Xuất cháu, thế nào chúng tôi cũng đưa một đứa con về làm đầu con ông bà. Bây giờ, việc dữ mà hóa lành, chúng tôi cho cháu về đây. Từ nay cháu nó là con cái trong nhà, trong họ, mọi điều ăn nhẽ ở nhờ các cụ bảo ban cho. Cả những người đến làm giúp đương hái rau trên bè ngổ ngoài hào cũng bỏ đấy, chạy lên xem mặt anh con nuôi bà Xuất. Bà Xuất ngồi có Nghĩa và cái Ngát đứng bên. Nhiều người nói nhỏ với nhau: “Chẳng phải mang nặng đẻ đau, thế kia là sướng rồi”. Nghĩa cúi mặt. Đôi lúc chợt ngẩng lên, lần nào cũng tự dưng nhìn vào cái mâm bồng con bày ngũ quả trước bàn thờ. Những nén hương đen, khói lượn trên bát hương. Lá bùa giấy bản chữ son nhạt tô ngoằn ngoèo quấn quanh chiếc đũa tre trước bài vị - bài vị anh ấy. Nghĩ thế, Nghĩa lại bặm môi, cố cầm nước mắt. Nghe ông Tư nói, nhiều người lặng ngó trân trân rồi, không bận gì mà nước mắt ai cũng cứ rơi xuống. Mãi sau mới có tiếng thì thào. - Bụng nghĩ được như ông Tư ở đời chưa dễ đã có mấy ai. - Trên đường ngược người ta không biết chợ búa, không biết nói hai lời. - Quý thật. - Này, con giai mà bộ tịch ngượng nghịu như con gái. - Hay là con gái? - Trông tay chân thầy đồ thế mà không phải vừa đâu. Lúc nãy ra làm lợn, mổ đâu gọn đấy, nhanh lắm! - Chắc cắt tiết Tây phải thạo. - Còn nói! Đến khuya, đã vãn khách, chỉ còn những bà con gần đã đến làm giúp cả ngày, bà Xuất dọn hai mâm - có nồi mười cháo nước xuýt, tất cả bắc lên giữa nhà. Ở mâm cỗ vét, ai nấy mới ăn uống cật lực, sau một ngày vất vả. Ông Tư nhấp ngụm rượu rồi ngồi im lúc lâu. Như định nói gì, lại thôi. Ông Tư nhớ lại lúc náo nhiệt ban ngày. Khác nào cái cảnh đó các lần ông Xuất hội quân các nơi về Ba Trại lấy “hàng” đi, cũng đông thế. Anh em toàn người dưới Thái Bình. Tiếng Sơn Tây đã khó nghe, thế mà giọng Quần Anh, Quần Tín còn nặng hơn. Lần ấy, ông Tư đón về cả mấy tay thợ rèn giỏi ở Thừa Lệnh. Suốt vụ rét, các lò Thừa Lệnh đánh được đến mấy trăm thanh mã tấu. Khách cất hàng và thợ lò gặp nhau, bàn chuyện rèn gươm cả đêm. Ông Tư hỏi bà Xuất: - Mấy lâu nay có ai về ta không? - Ông hỏi thế nào nhỉ? - Người của ta có thường qua lại như trước kia... - Vưỡn, ông ạ. Ông Tư uống cạn chén ấy, rồi mới nói: - Tôi đã dặn cháu đủ nhẽ. Các con bây giờ nối chí cha anh. Các con phải nối cho được chí của cha anh. Khuya rồi, nghe tiếng gió ào ào trên lũy tre như sóng đánh. IV BA NĂM SAU. Con người chân chỉ cày cuốc xứ Đoài đã thành chàng trai canh cửi đất Kẻ Chợ. Chiếc áo nhuộm vỏ dà quê kệch sạm đen đã được đút nút vào vò từ lâu. Cái quần nâu bạc mới khi bây giờ là tấm quần chồi cạp buông lá tọa nhuộm vỏ xó màu hoa hiên. Tết đến, Nghĩa chít khăn lượt. Tóc tốt như tóc con gái, búi tó đen nhánh. Chiếc thắt lưng nhiễu hoa lý bỏ giọt lỏa tỏa bốn múi. Thật đây người đẹp trai nhất làng. Nhưng có điều ý nhị mà không ai để ý. Nghĩa không mặc áo khách chiết tà như con trai trong làng bây giờ đương đua nhau sắm. Tứ thời, Nghĩa đánh chiếc áo năm thân rộng thùng thình, dải tết bê chèo. Nghĩa bảo quen mặc áo này từ bé. Kệ cho Ngát chế giễu. Bà Xuất cũng chiều, chỉ may toàn một kiểu áo cũ kỹ ấy cho Nghĩa. Bà bênh Nghĩa: “Thời tao còn con gái, đàn ông người ta quần áo chỉnh tề như thằng Nghĩa ấy. Bây giờ mới đua đòi nhố nhăng, khuy áo cài đưỡn bụng ra như chú khách phố Mới. Ấy như thằng Nghĩa thế mà hóa ra nền”. Tấm áo năm thân tà vuông, dài rộng của Nghĩa, trai tráng vùng này chê kiểu áo ấy cổ. Nhưng Nghĩa mặc cái áo cũ kỹ ấy nom vẫn nổi. Áo chồi không chuội vỡ mịn nền hoa cau, hợp với khổ người hơi đậm của Nghĩa. Nghĩa đi qua bờ ao, bước vào cổng tán. Vòm tre mát rợi suốt mùa hè. Cành ngả xòa mặt nước, cành vươn lên xanh mỏng mảnh như làn khói. Nghĩa đi khoan thai. Vành khăn lượt đỡ búi tóc cao lên. Cái dải áo lĩnh mỡ gà năm thân, gió bay bay. Người đi vào giữa đường tre, nét mặt nhẹ nhõm như chú học trò đi nghe giảng ở nhà thầy đồ về, - chứ không ra dáng anh thợ cửi. Ngát đứng bên cổng ngăn, tủm tỉm cười, hỏi Nghĩa: - Ngoài xóm đương đồn anh Nghĩa sắp về đường ngược rồi. - Ai mà nói điêu thế? - Người ta bảo anh đòi mẹ may một lúc những mấy cái áo năm thân để anh đem về trên ấy anh mặc dần. Nghĩa biết cô em nói trêu. - Cái áo khách xẻ tà cũn cỡn, tôi trông đã ghét rồi. - Đàn ông bây giờ không ai người ta mặc như anh. - Mình có mặc áo hộ ai đâu mà lo. - Nhưng chúng nó cười. - Ai cười người ấy hở mười cái răng. - Em cũng không thích. - Mẹ có bắt cô mặc áo này đâu. - Rồi có lúc em giấu hết áo anh đi cho mà xem. - Đố cô đấy? Ngát trả lời Nghĩa bằng nụ cười mỉm rồi Ngát nói “được rồi, được rồi, nhớ đấy, thách rồi đấy” xong lại cười rinh rích đi theo Nghĩa vào sân. Giàn thiên lý mọc lẫn trong dây đỗ ván cứ đến chập tối mùi hoa lý tỏa khắp xóm, càng khuya càng ngát. Thế là sắp đến Tết mùng năm tháng năm. Tết đến nơi, vậy mà các chợ Canh, chợ Cáo, chợ Diễn, chợ Bưởi bấy lâu họp lánh vào chân tre trong làng, ngày chợ vẫn còn lẻ tẻ, mặc dầu có nhiều người chạy loạn đã trở về. Người ta kháo nhau đã yên rồi. Nhưng thật hay không, bình yên sâu nông thế nào, chẳng ai biết. Những tin đồn thổi bối rối, trái ngược, khó hiểu. Thấy nói ngoài Kẻ Chợ, Tây không ở Trường Thi, cũng không còn đóng trong thành. Nhưng các người cố đạo lại ra chiếm đất làm nhà, lấy hẳn địa phận hai thôn Minh Cầm, thôn Tiên Nhị. Trên cánh đồng làng Chân Cầm bây giờ đương xây cho bên đạo từng dãy nhà tường đá mái ngói, nhà nào cũng có chữ thập ác trên nóc. Tây đã xuống ở hết trong Đồn Thủy. Nghe nói dưới ấy bây giờ bỗng dưng vui nhất Kẻ Chợ. Tây muốn xóa tiếng ác, đến chỗ nào cũng bày trò giảng đạo, phát không các thuốc nhức đầu, đau bụng, tháo dạ, lại hay gọi phường tuồng chèo về hát ngay ở cuối chợ. Nhưng đêm đến, có khi không chỉ có im vắng cũng bắn súng suốt sáng. Bởi vậy người ta vẫn ngại tụ tập. Thằng Tây đương cười đùa múa may tử tế, nhưng bụng nó thế nào, nó trở mặt lúc nào, ai mà biết. Cho nên các chợ to cũng vắng người như những chợ hôm chợ mai rúc ráy đầu làng bến sông chốc lát. Tết đến cũng thế. Nhưng Tết cả trong từng nhà vẫn ấm cúng. Nhà bà Xuất đã sửa soạn hũ rượu nếp cẩm từ tháng trước. Lại giữ lệ, giết con gà, thổi nồi xôi, không bày vẽ thêm nữa. Cái Tết mùng năm tháng năm, náo nức nhất đám trẻ con. Sáng sớm, chúng đã tíu tít đi kiếm vôi vẽ vòng khoanh rốn. Rồi ăn mận, bổ dừa uống. Xuống ao làng, ra sông lội mấy sải, làm được những việc ấy, ăn như thế, người lớn bảo thế là cả năm, sâu bọ không dám vật đứa nào đau bụng được. Trai gái đi tìm phèn, cánh kiến làm thuốc nhuộm răng. Tết mùng năm ai cũng lo nhuộm răng mới, nhuộm lại răng. Nghĩa đương ngồi trong khung cửi. Nghĩa đã trở nên người thợ giỏi bậc nhất nhì trong làng, mỗi đầu hôm lên đèn khuya dệt trọn cuốn cửi mà giàn hoa lý ngoài hiên vẫn chưa dậy hết mùi. Mới ngày nào Nghĩa bước vào khung hồ, còn ghê mùi hồ cửi vừa chua vừa thối, bây giờ đã quen như không. Nghĩa dệt khỏe, các khung khác không ai theo kịp. Tấm hàng Nghĩa dệt, biên phẳng tắp, mặt trong óng không một gợn gùn gút. Bà Xuất đem đi chợ, hàng đắt đến độ quen khách, lái chỉ đón đãy lính bà Xuất. Nghĩa dệt khéo, lại hay làm. Bà Xuất quý Nghĩa như vàng, bà Xuất bắt được vàng - người ta ví thế. Cô Ngát còn có khi phải mắng, Nghĩa thì không bao giờ. Ngát bĩu môi, hờn: - Con trai bao giờ chả hơn con gái! Ngát vào khung cửi. Nghĩa vừa dệt hết con “suốt” đương cắm văng rồi ngồi thẳng người trên đòn ngồi, lấy thoi ra tra cái “suốt” mới. Nghĩa bảo Ngát: - Chưa đầy cuốn, chưa phải sửa cửi đâu. Ngát đứng lại, nói: - Người ta đã vào sửa cửi đâu mà anh phải đuổi! - Thế cô vào làm gì? Ngát cười, giọng dỗ dành: - Nhờ anh việc này. - Việc gì nào? - Chỉ sợ mẹ chửi thôi. Nghĩa nói chặn: - Tôi bỏ khung cửi ra thì mẹ chửi, không được đâu. - Đấy, anh chưa biết thế nào mà đã đuổi em bùi bụi. - Biết rồi. Cô chỉ có việc vẩn vơ con bò trắng răng chứ còn việc gì nữa. Ngát cười: - Anh chưa biết đâu. Nhưng anh có làm hộ em mới nói. Ngát vẫn nhõng nhẽo trẻ con như mấy năm trước - dường như Ngát chưa muốn nhớ mình đã mười sáu, mười bảy. Nghĩa hút sợi “suốt” rồi cau mày, nhăn nhó, làm mặt nghiêm trang: - Cái gì nào? Ngát hỏi: - Anh lại sắp mắng em đấy hả? Nghĩa vừa thương vừa bực mình, cũng phải bật cười. - Cô nói ngay đi thì khỏi phải mắng. Ngát thì thào, vẻ quan trọng: - Tối nay chúng em ruộm lá móng, mà phải ruộm liền ba đêm, mỗi đêm hai bã. Đến sáng mùng năm móng tay mới đỏ đẹp được. Anh tỉnh ngủ, anh nhớ đánh thức để em buộc bã lá nửa đêm. Nghĩa cau có: - Bây giờ thì sai người ta đi lấy lá móng chứ gì. Ngát cười tít mắt. - Anh đoán được à, giỏi nhỉ? Chỉ tại cây móng đằng bờ giếng cao quá. Em mà biết trèo em đã chẳng phải nhờ anh. Mà con gái trèo cây, chúng nó kể vè cho. Anh lấy bốn mớ, năm mớ cũng được. Anh trèo cây tài lắm. Em nhớ rồi, năm kia anh lấy lá móng cho cả hội con gái xóm này nhuộm móng tay mà... """