"
Pinball 1973 PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Pinball 1973 PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Pinball, 1973
Tác giả
Haruki Murakami
(Dịch từ bản Tiếng Anh của Alfred Birnbaum)
Lời giới thiệu
Pinball, 1973 là cuốn thứ hai trong Bộ ba Chuột của Haruki Murakami, ra mắt sau Lắng nghe gió hát (1979) và trước Cuộc săn cừu hoang (1982). Cả ba cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Anh, nhưng hai cuốn đầu tiên chỉ được in dưới dạng bản dịch tiếng Anh tại Nhật Bản bởi Kodansha dưới thương hiệu Kodansha English Library của họ. Trước khi được tái bản vào năm 2009, những cuốn tiểu thuyết này rất khó tìm và khá đắt đỏ, đặc biệt là bên ngoài Nhật Bản. Theo Murakami (Publishers Weekly, 1991), ông cho rằng hai tiểu thuyết đầu tay của ông là "yếu", và không có ý định dịch chúng sang tiếng Anh.
Tuy không được chính tác giả đánh giá cao như những tác phẩm sau này, nhưng Pinball, 1973 vẫn ẩn chứa nhiều nét đặc trưng trong phong cách kể chuyện của Murakami, từ những chi tiết kỳ lạ len lỏi trong cuộc sống thường nhật cho đến những nhân vật cô độc, lạc lõng với thế giới xung quanh. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những chi tiết và ý tưởng mà về sau đã được ông phát triển trong những tác phẩm thành công hơn.
Bản dịch này được thực hiện bởi một người hâm mộ Murakami đơn thuần, không phải là một dịch giả chuyên nghiệp. Dựa trên ấn bản tiếng Anh của Alfred Birnbaum, người dịch đã cố hết sức để truyền tải tinh thần của tác phẩm, dù chắc chắn không thể tránh khỏi những sai sót do khả năng ngôn ngữ có hạn.
Nhưng trên hết, người dịch hy vọng rằng nó sẽ giúp những độc giả chưa có cơ hội tiếp cận tác phẩm bằng tiếng Nhật hay tiếng Anh có thể phần nào khám phá thế giới của Murakami từ giai đoạn ban đầu cho đến quá trình phát triển của một trong những nhà văn đương đại được yêu mến nhất thế giới.
Rất mong nhận được sự góp ý của các bạn - những người đem lòng yêu mến Murakami và văn chương Nhật Bản nói chung - để bản dịch này được hoàn thiện hơn.
Chúc bạn đọc sách vui vẻ!
Kỳ Khôi,
facebook.com/kykhoi.photographer Hà Nội, tháng 5, 2024
1969-1973
Từng có một dạo, tôi thích thú lắng nghe những câu chuyện về những vùng đất xa xôi. Điều đó gần như là một nỗi ám ảnh.
Quãng thời gian cách đây chắc cũng mười năm rồi, tôi cứ bám lấy hết người này đến người khác để hỏi han về nơi họ sinh ra và lớn lên. Hình như thời đó người biết lắng nghe cũng chẳng có mấy, thế nên ai cũng sẵn sàng trải lòng, kể hết mọi chuyện với tôi một cách chân thành và chi tiết. Thậm chí có những người chẳng quen biết gì cũng tự tìm đến.
Họ cứ như đang ném đá xuống một cái giếng cạn vậy: họ kể đủ loại chuyện cho tôi nghe, xong xuôi rồi thì về nhà trong sự hài lòng. Có người kể chuyện nhẹ nhàng, có người lại tức tối. Có người kể chuyện rất hay, nhưng cũng có người kể những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối. Có những chuyện buồn chán, có những chuyện bi thương đến rơi nước mắt, có những chuyện kỳ quặc không sao hiểu nổi. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng lắng nghe một cách nghiêm túc nhất có thể.
Ai cũng có điều muốn nói với ai đó hoặc hét lên cho cả thế giới biết – biết đâu được đấy? Tôi luôn cảm thấy như mình được trao cho một cái hộp các tông chứa đầy những chú khỉ. Tôi sẽ lấy từng chú ra khỏi hộp, cẩn thận phủi bụi, vỗ nhẹ vào mông và thả cho chúng chạy vào cánh đồng. Tôi không biết chúng sẽ đi đâu từ lúc ấy. Có lẽ chúng sẽ dành cả đời mình để gặm quả sồi ở đâu đó, rồi chết đi. Nhưng đấy cũng là số phận của bọn chúng.
Đó chính là điều đáng nói. Bao nhiêu công sức bỏ ra mà chẳng đem lại được gì. Nghĩ lại thì, tôi cá rằng nếu năm đó có cuộc thi Người Lắng Nghe Chân Thành Nhất Thế Giới thì chắc chắn tôi sẽ là người thắng cuộc. Và giải thưởng? Có lẽ sẽ là một hộp diêm.
Trong số những người đã nói chuyện với tôi, có một người đến từ Sao Thổ và một người đến từ Sao Kim. Câu chuyện của họ đã thực sự khiến tôi xúc động. Đầu tiên là câu chuyện về Sao Thổ.
***
"Ở ngoài đó... lạnh kinh khủng," anh ta rên rỉ. "Chỉ nghĩ đến thôi là đã r-rợn hết cả người rồi."
Anh ta thuộc một nhóm chính trị đã chiếm lấy Tòa nhà số 9 trong trường đại học. Khẩu hiệu của họ là "Hành động quyết định tư tưởng – chứ không phải ngược lại!" Nhưng chẳng ai nói cho anh ta biết rằng điều gì quyết định hành động. Mà thôi, Tòa nhà số 9 có bình nước nóng lạnh, điện thoại, lò sưởi; trên lầu còn có một phòng nghe nhạc nhỏ xinh với loa Altec A-5 và một bộ sưu tập hai nghìn đĩa nhạc. Quả là thiên đường (so với Tòa nhà số 8 chẳng hạn, nơi bốc mùi như nhà vệ sinh của trường đua ngựa). Mỗi sáng họ thoải mái cạo râu sạch sẽ với nước nóng, chiều đến tha hồ gọi điện thoại đường dài, và khi mặt trời lặn, họ lại tụ tập nghe nhạc. Đến cuối thu, mọi thành viên đều đã trở thành fan cuồng nhạc cổ điển.
Rồi vào một buổi chiều tháng 11, trời trong xanh tuyệt đẹp, cảnh sát chống bạo động đã xông vào Tòa nhà số 9 trong lúc L'Estro Armonico của Vivaldi đang vang lên hết cỡ. Tôi không biết chuyện này có hoàn toàn là thật không, nhưng nó vẫn là một trong những câu chuyện ấm lòng nhất của năm 1969.
Khi tôi lẻn qua "chướng ngại vật" là những chiếc ghế dài xếp chồng lên nhau, bản Piano Sonata giọng Sol thứ của Haydn đang du dương. Không khí ấm cúng và thân thuộc như con đường ven triền dốc nở đầy hoa dã quỳ dẫn đến nhà bạn gái. Anh chàng từ Sao Thổ mời tôi ngồi vào chiếc ghế tốt nhất trong phòng, rót bia ấm vào những chiếc cốc đong được trộm từ phòng thí nghiệm.
"Chưa hết, trọng lực ở đó khủng khiếp lắm," anh ta tiếp tục kể về Sao Thổ. "Có những người khờ dại đã gãy cổ chân chỉ vì nhổ một cái bã kẹo cao su. Đúng l-là địa ngục trần gian!"
"Chắc là vậy," tôi lên tiếng sau vài giây. Lúc này tôi đã có trong tay gần ba trăm câu nói xã giao để lấp đầy những khoảng lặng khó xử.
"Mặt trời cũng nhỏ xíu, chỉ bằng một quả cam. Thế nên trời luôn tối.”
"Vậy tại sao mọi người không rời đi?" Tôi hỏi. "Phải có những hành tinh tốt hơn để sinh sống chứ."
“Tôi cũng chịu. Có lẽ vì họ được sinh ra ở đó. Như tôi chẳng hạn - ngay sau khi ra trường, tôi sẽ trở về Sao Thổ. Và tôi sẽ xây dựng một quốc gia v-vĩ đại. Một cuộc c-ca-cách mạng!"
Dù sao đi nữa, có thể nói rằng tôi rất thích nghe những câu chuyện về những vùng đất xa xôi đó. Tôi đã tích trữ cả một kho tàng những nơi chốn ấy như một con gấu chuẩn bị để ngủ đông. Tôi nhắm mắt lại, những con phố hiện ra, những dãy nhà hình thành. Tôi có thể nghe thấy giọng nói của mọi người, cảm nhận nhịp sống êm đềm và đều đặn của họ, những con người xa lạ mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ gặp trong suốt cuộc đời mình.
* * *
Naoko thường hay kể cho tôi nghe về những chuyện này. Và tôi nhớ từng từ nàng nói.
"Thật sự em cũng không biết phải diễn tả thế nào nữa." Naoko cười gượng gạo, ngồi trong phòng sinh hoạt chung của trường đại học ngập tràn nắng, khuỷu tay chống lên bàn, má tựa vào lòng bàn tay. Tôi kiên nhẫn chờ đợi nàng nói tiếp. Như mọi khi, nàng cứ thong thả lựa chọn từng câu từng chữ.
Chúng tôi ngồi đó, giữa hai đứa là chiếc bàn nhựa đỏ, bên trên có một cốc giấy chứa đầy tàn thuốc. Một ô cửa sổ trên cao rọi xuống luồng ánh sáng như trong một bức tranh của Rubens, chia đôi chiếc bàn thành hai nửa sáng tối. Tay phải tôi nằm trong vùng sáng, còn tay trái chìm trong vùng tối.
Mùa xuân năm 1969, chúng tôi mới ngoài hai mươi. Và với đám sinh viên năm nhất chân đi giày mới, tay cầm thời khóa biểu mới, đầu óc chứa đầy những kiến thức mới, thì phòng sinh hoạt chung gần như không còn có chỗ để mà thở. Sinh viên năm nhất va vào nhau tứ phía, chào hỏi hay lăng mạ nhau cũng chẳng biết nữa.
"Em nói thật với anh, cái thị trấn đó chẳng có gì đặc biệt cả," nàng tiếp lời. "Chỉ có một đoạn đường ray thẳng tắp và một nhà ga. Một cái nhà ga nhỏ xíu đến tội nghiệp, đến nỗi nhân viên nhà ga có khi còn chẳng nhìn thấy nó trong một ngày mưa."
Tôi gật đầu. Rồi trong khoảng ba mươi giây, cả hai đứa tôi cứ thế nhìn làn khói thuốc bay lên trong luồng ánh sáng.
"Có một con chó hay đi đi lại lại trên sân ga. Anh biết cái kiểu nhà ga đó mà."
Tôi gật đầu.
"Ngay trước nhà ga có một trạm xe buýt và một bùng binh nhỏ để xe ô tô đón trả khách. Rồi vài ba cửa hàng... những cửa hàng nhỏ thật sự buồn ngủ. Đi thẳng một đoạn là đến công viên. Công viên có một cầu trượt và ba cái xích đu."
"Và một cái hố cát?"
"Hố cát á?" Nàng nghĩ một lúc rồi gật đầu. "Có đấy.” Chúng tôi lại im lặng. Tôi cẩn thận dập điếu thuốc vào cốc giấy.
"Một cái thị trấn chán ngắt. Em không thể nào hiểu nổi tại sao người ta lại tạo ra một nơi buồn tẻ đến thế". "Chúa luôn hành động theo cách riêng của Ngài mà," tôi nói đùa. Naoko lắc đầu và mỉm cười. Đó là một nụ cười kiểu nữ sinh xuất sắc, nhưng nó cứ ở lại trong tâm trí tôi một cách kỳ lạ. Một lúc lâu sau khi nàng đi rồi, nụ cười đó vẫn còn đọng lại, như nụ cười của Mèo Cheshire trong Alice ở xứ sở thần tiên. Và tôi chợt nhận ra mình khao khát được nhìn thấy con chó đi đi lại lại trên sân ga đó đến nhường nào.
* * *
Bốn năm sau, vào tháng 5 năm 1973, tôi một mình đến thăm nhà ga ấy. Chỉ để gặp con chó đó. Nhân dịp này, tôi cạo râu, thắt cà vạt lần đầu tiên sau sáu tháng, và mang đôi giày Cordovan ra khỏi tủ.
* * *
Bước xuống từ chuyến tàu hai toa ọp ẹp tưởng chừng như sắp rỉ sét đến nơi, điều đầu tiên ập vào tôi là mùi hương quen thuộc của đồng cỏ. Mùi hương của những buổi dã ngoại thủa xưa. Những ký ức, hoài niệm, tất cả đều ùa về trong làn gió tháng 5. Tôi nghiêng đầu lắng nghe và có thể nghe thấy tiếng chim sẻ ríu rít.
Thả một cái ngáp dài, tôi ngồi xuống băng ghế nhà ga và chán nản hút một điếu thuốc. Cảm giác phấn chấn khi rời khỏi căn hộ vào buổi sáng đã hoàn toàn biến mất. Chỉ là sự lặp lại tẻ nhạt. Hoặc có vẻ như vậy. Một cảm giác déjà-vu bất tận càng lúc càng tệ hơn.
Đã có lúc tôi và bạn bè thường ngủ lăn lóc trên sàn nhà. Bình minh đến, lúc nào cũng có ai đó dẫm lên đầu tôi. Rồi sẽ là một câu "Úi, xin lỗi," theo sau là tiếng đi tiểu. Cứ lặp đi lặp lại mãi như thế.
Tôi nới lỏng cà vạt, miệng ngậm thuốc lá, cào đế đôi giày chưa quen chân lên sân ga để giảm bớt cơn đau ở bàn chân. Không phải là cơn đau quá tệ, nhưng nó mang lại cho tôi cảm giác khó chịu như kiểu cơ thể tôi đang tan ra thành từng mảnh.
Chẳng thấy bóng dáng con chó nào cả.
* * *
Một cảm giác thật khó chịu…
Sự khó chịu này thỉnh thoảng lại ập đến, và tôi cảm thấy như mình được chắp vá từ hai mảnh ghép khác nhau. Dù đó là gì, vào những lúc như thế này tôi lại nốc một ly whiskey rồi lăn ra ngủ. Và khi tôi thức dậy vào buổi sáng, mọi thứ còn tệ hơn. Cứ lặp đi lặp lại mãi như thế.
Một lần khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm giữa hai cô gái sinh đôi. Những chuyện như thế này đã xảy ra với tôi nhiều lần trước đây, nhưng phải thừa nhận đây là lần đầu tiên có một cặp song sinh nằm ở hai bên. Cả hai đều đang ngủ say, mũi dụi vào vai tôi. Đó là một buổi sáng Chủ nhật trong trẻo và tươi sáng.
Cuối cùng, cả hai đều thức dậy - gần như đồng thời - và bắt đầu chui vào áo sơ mi và quần jean mà họ đã ném xuống gầm giường. Không nói một lời nào, họ đi vào bếp nướng bánh mì và pha cà phê, lấy bơ từ tủ lạnh ra và bày tất cả lên bàn. Họ biết rõ mình đang làm gì. Bên ngoài cửa sổ, những con chim mà tôi không thể nhận dạng được đậu trên hàng rào mắt cáo của sân golf và ríu rít không ngừng.
"Tên của hai em?" Tôi hỏi họ. Tôi nôn nao kinh khủng.
"Tên của chúng em chẳng có gì đặc biệt cả," cô gái ngồi bên phải nói.
"Thực sự không có gì đặc biệt đâu," cô gái bên trái nói. "Anh hiểu mà."
"Ừ, tôi hiểu," tôi nói.
Vì vậy, chúng tôi ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn, nhấm nháp bánh mì nướng và uống cà phê. Cà phê rất ngon.
"Anh có phiền không khi chúng em không có tên?" một người hỏi. "Hmm... em nghĩ sao?"
Hai cô gái suy nghĩ một lúc.
"Chà, nếu anh nhất định phải đặt tên cho chúng em, hãy chọn một cái tên phù hợp," cô gái còn lại đề nghị.
"Anh thích gọi là gì cũng được."
Hai cô gái luôn thay phiên nhau nói. Nó giống như một bài kiểm tra âm thanh nổi, và khiến đầu tôi còn đau hơn.
"Ví dụ?" tôi hỏi.
"Trái và Phải," một người nói.
"Dọc và Ngang," người kia nói.
"Lên và Xuống."
"Trước và Sau."
"Đông và Tây."
"Vào và Ra," tôi cố gắng nói xen vào, không chịu thua kém. Hai cô gái nhìn nhau cười mãn nguyện...
* * *
Nơi nào có lối vào thì ắt phải có lối ra. Hầu hết mọi thứ đều hoạt động theo cách đó. Hòm thư công cộng, máy hút bụi, sở thú, chai nhựa đựng gia vị. Tất nhiên cũng có những thứ không như vậy. Ví dụ như bẫy chuột.
* * *
Có lần tôi đặt bẫy chuột dưới bồn rửa trong căn hộ của mình. Tôi dùng kẹo cao su bạc hà làm mồi. Sau khi lục tung cả căn hộ, đó là thứ duy nhất gần giống với đồ ăn mà tôi tìm được. Tôi thấy nó trong túi áo khoác mùa đông cùng với một cuống vé xem phim.
Đến sáng ngày thứ ba, một con chuột nhỏ đã đùa giỡn với số phận. Vẫn còn rất nhỏ, con chuột có màu giống như những chiếc áo len cashmere được chất đống trong các cửa hàng miễn thuế ở London. Có lẽ nó mới mười lăm hay mười sáu tuổi nếu tính theo tuổi người. Một độ tuổi còn non nớt. Một miếng kẹo cao su bị cắn dở nằm ở dưới chân nó.
Tôi không biết phải làm gì với con vật sau khi đã bẫy được nó. Chân sau vẫn bị kẹp dưới dây thép lò xo, con chuột chết vào sáng ngày thứ tư. Nhìn thấy nó nằm đó, tôi đã có một bài học. Mọi thứ đều cần lối vào và lối ra. Đó là quy luật của tự nhiên.
* * *
Đường ray chạy thẳng tắp như kẻ chỉ men theo những ngọn đồi. Phía xa xa, bạn có thể thấy những khu rừng hiện lên như những mảnh giấy màu xanh lá cây xám xịt. Đường ray lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, hòa vào khoảng xanh xa xăm ấy. Cho dù bạn có đi bao xa thì khung cảnh vẫn sẽ lặp đi lặp lại mãi như vậy. Một ý nghĩ thật chán nản. Thà đi tàu điện ngầm còn hơn.
Tôi hút hết điếu thuốc rồi vươn vai một chút và ngước nhìn lên bầu trời. Đã lâu lắm rồi tôi mới thực sự nhìn lên bầu trời. Hay đúng hơn là, đã lâu lắm rồi tôi mới cố gắng nhìn kỹ một thứ gì đó.
Trời trong vắt không một gợn mây. Hơn nữa, toàn bộ bầu trời được bao phủ bởi một lớp mờ đục đặc trưng của mùa xuân. Từ trên cao, màu xanh đang nỗ lực xuyên qua lớp màn vô hình đó, khi ánh sáng mặt trời như bụi mịn âm thầm rơi xuống từ bầu khí quyển, và dường như không để ai hay biết, ánh sáng ấy tạo thành một lớp màn bao phủ lên mặt đất.
Ánh sáng đung đưa trong làn gió ấm áp. Không khí trôi nhẹ nhàng như một đàn chim bay lượn giữa những tán cây, tụ lại rồi bay đi. Chúng lướt xuống sườn đồi xanh thoai thoải dọc theo đường ray, băng qua, rồi len lỏi vào rừng cây mà gần như không làm xao động một chiếc lá. Tiếng chim cu gáy vang vọng khắp khung cảnh êm dịu sáng sủa, rồi tiếng vọng biến mất sau rặng núi. Những ngọn đồi nối tiếp nhau nhấp nhô như những chú mèo khổng lồ đang cuộn tròn ngủ say trong vũng nắng của thời gian.
* * *
Cơn đau ở chân tôi càng lúc càng tệ hơn.
* * *
Để tôi kể cho bạn nghe một chút về cái giếng này.
Naoko chuyển đến vùng này khi nàng mười hai tuổi. Năm 1961. Năm mà Ricky Nelson hát "Hello Mary Lou." Khi ấy, nơi đây là một thung lũng xanh yên bình chẳng có gì nổi bật. Chỉ có vài trang trại, vài cánh đồng, một con suối đầy ắp tôm càng, một tuyến đường sắt địa phương một đường ray, một nhà ga nhỏ xíu buồn tẻ, chỉ có vậy thôi. Hầu hết các trang trại đều trồng cây hồng ở trong sân, và những nhà kho cũ kỹ đã bạc màu vì thời tiết đứng ở một bên – hay đúng hơn là ọp ẹp sắp đổ. Có những tấm biển thiếc rẻ tiền quảng cáo giấy lụa hoặc xà phòng được đóng trên tường nhà kho hướng ra phía đường ray. Nơi này thực sự là như vậy đấy. Naoko nói rằng thậm chí còn chẳng có lấy một con chó nào.
Ngôi nhà mà nàng chuyển đến là một biệt thự hai tầng kiểu phương Tây, được xây dựng vào khoảng thời gian Chiến tranh Triều Tiên. Không quá rộng rãi, nhưng những cột trụ chắc chắn và gỗ chất lượng tốt đã mang lại cho ngôi nhà một vẻ ngoài vững chãi thoải mái. Bên ngoài ngôi nhà được sơn ba sắc xanh lá cây, đã phai màu một cách đẹp mắt dưới nắng, gió và mưa để hòa quyện hoàn hảo với vùng nông thôn xung quanh. Có một khoảng sân rộng lớn, trong đó có vài hàng cây và một cái ao nhỏ. Giữa những tán cây là một ngôi nhà bát giác nhỏ xinh đã được sử dụng làm studio, khung cửa sổ lồi của nó được treo tấm rèm ren đã phai thành một màu không
rõ. Phía dưới ao, hoa thủy tiên nở rộ và mỗi buổi sáng lũ chim thường bay đến tắm táp.
Người chủ đầu tiên của ngôi nhà, đồng thời cũng là người thiết kế, là một họa sĩ lớn tuổi chuyên vẽ tranh sơn dầu, nhưng phổi của ông đã bị suy yếu khiến ông qua đời vào mùa đông trước khi Naoko chuyển đến. Đó là vào năm 1960, năm mà Bobby Vee hát "Red Rubber Ball". Đó là một mùa đông mưa dầm dề. Tuyết hiếm khi rơi ở những nơi này; thay vào đó, bạn sẽ gặp một cơn mưa lạnh buốt. Mưa thấm vào lòng đất, làm lạnh lớp đất ở bề mặt với một cơn lạnh ẩm ướt. Nhưng ở dưới sâu, nó tạo ra một tầng nước ngầm ngọt lành.
Cách nhà ga năm phút đi bộ dọc theo đường ray là nhà của một người đào giếng. Nằm ở vùng trũng ẩm thấp ven suối, mùa hè nhà ông ta bị bao vây bởi lũ muỗi và ếch nhái. Người đào giếng là một lão già khó tính, năm mươi tuổi có lẻ, nhưng khi nói đến việc đào giếng, ông ta đúng là một thiên tài. Khi được thuê đào giếng, ông ta sẽ dành vài ngày đầu tiên chỉ đi quanh khu đất, lẩm bẩm một mình và ngửi những nắm đất xúc lên ở chỗ này chỗ kia. Sau đó, khi tìm được một chỗ ưng ý, ông ta sẽ gọi vài người làm cùng đến và họ sẽ đào thẳng xuống.
Đó là lý do tại sao mọi người ở đây có thể uống nước ngọt thoải mái. Nước mát lạnh và trong vắt đến mức bạn gần như có thể thề rằng không có cái cốc nào trong tay. Một số người cho rằng nước đến từ tuyết tan của núi Phú Sĩ, nhưng điều đó là không thể. Không đời nào nó có thể đến từ một nơi xa xôi như vậy.
Vào mùa thu năm Naoko mười bảy tuổi, người đào giếng bị tàu hỏa cán chết. Một cơn mưa tầm tã, rượu sake lạnh và chứng lãng tai là nguyên nhân. Vài nghìn mảnh thi thể của ông nằm vương vãi trên các cánh đồng. Bảy cảnh sát với những chiếc gậy nhọn đã xua đuổi một bầy chó đói trong khi thu thập được năm thùng xác của ông. Mặc dù vậy, vẫn có một thùng đầy xác bị đổ xuống ao. Mồi câu cá.
Người đào giếng có hai người con trai, cả hai đều đã rời khỏi vùng nông thôn mà không theo nghề của cha mình. Chẳng ai đến gần
ngôi nhà của ông sau thời điểm đó, nó bị bỏ hoang và dần dần mục nát. Kể từ đó, giếng nước ngọt đã trở nên khó tìm trong khu vực này.
Tuy nhiên, tôi thích những cái giếng. Mỗi khi nhìn thấy một cái giếng, tôi không thể cưỡng lại việc ném một viên đá vào đó. Không có gì êm dịu hơn âm thanh của một viên sỏi rơi xuống nước trong một cái giếng sâu.
* * *
Chính vì bố nàng mà gia đình Naoko mới chuyển đến vùng này vào năm 1961. Ông là bạn thân của người họa sĩ đã khuất, chưa kể đến việc ông cũng rất thích nơi này.
Ông vốn là một học giả văn học Pháp rất được kính trọng, nhưng đột nhiên, khi Naoko còn học tiểu học, ông bỏ việc ở trường đại học và từ đó dành thời gian thong thả dịch những văn bản cổ kỳ quái và những thứ tương tự. Thiên thần sa ngã và những linh mục sa đọa, quỷ Sa tăng, ma cà rồng, các luận thuyết về những chủ đề ti tiện và tạp nham. Tôi không thực sự biết chi tiết. Chỉ một lần tôi tình cờ nhìn thấy bức ảnh của ông trên một tạp chí. Theo Naoko, ông đã có một cuộc sống khá sôi nổi và khác thường khi còn trẻ, và bức ảnh đã phần nào thể hiện điều đó. Trong ảnh, ông đội một chiếc mũ đi săn và đeo kính gọng đen, ánh mắt sắc bén nhìn chằm chằm vào một điểm ở phía trên máy ảnh. Chắc hẳn, ông đã nhìn thấy thứ gì đó.
* * *
Vào khoảng thời gian Naoko và gia đình chuyển đến, có một nhóm những người lập dị có học thức đã tụ tập trong khu vực này. Nói chung, nó giống như một trong những trại tù ở Siberia dành cho những tên tội phạm tư tưởng bị lưu đày vào thời Nga Hoàng.
Tôi đã đọc một chút về những trại tù đó trong hồi ký của Trotsky, nhưng vì lý do nào đó, những đoạn duy nhất tôi nhớ rõ lại liên quan đến gián và tuần lộc. Vậy nên, đây là câu chuyện về những chú tuần lộc.
Có vẻ như Trotsky đã trốn thoát khỏi một trại tù trong màn đêm bằng cách đánh cắp một chiếc xe trượt tuyết tuần lộc. Bốn con tuần lộc lao vun vút trên mặt băng màu bạc của lãnh nguyên băng giá, hơi thở của chúng biến thành làn sương trắng trong không khí lạnh, móng guốc của chúng khuấy động lớp tuyết nguyên sơ. Hai ngày sau, khi đến một nhà ga, những con tuần lộc kiệt sức đã ngã quỵ và không bao giờ đứng dậy được nữa. Trotsky ôm những con tuần lộc đã chết và thề, với nước mắt chảy dài trên má. Dù có phải làm gì, ông nói, tôi sẽ mang lại công lý và lý tưởng, và trên hết là cách mạng cho đất nước.
Và cho đến tận ngày nay, trên Quảng trường Đỏ vẫn còn một bức tượng đồng của bốn con tuần lộc. Một con hướng về phía đông, một con hướng bắc, một con hướng tây và một con hướng nam. Ngay cả Stalin cũng không thể tự mình phá bỏ những con tuần lộc này. Du khách đến Moscow nên đến thăm Quảng trường Đỏ vào sáng sớm thứ Bảy. Đó là lúc những đứa trẻ học cấp hai má đỏ hây hây, thở ra khói trắng xóa trong giá rét, lau chùi những con tuần lộc.
Nhưng quay lại với nhóm trại địa phương: Họ cố tình tránh vùng đất bằng phẳng dễ tiếp cận gần với nhà ga hơn, thay vào đó họ chọn những nơi ở vùng chân đồi để xây dựng những ngôi nhà mơ ước của mình. Từng khu đất đều có diện tích rộng lớn đến khó tin, với ao, gò đồi và cả những lùm cây nguyên vẹn trong ranh giới của chúng. Một điền trang thậm chí còn có một con suối đầy ắp cá Ayu.
Những tâm hồn tự do này thức dậy với tiếng chim cu gáy vào sáng sớm, giẫm lên hạt dẻ khi đi dạo trong vườn, dừng lại để đón ánh sáng ban mai xuyên qua những tán lá.
Nhưng thời thế thay đổi, và dần dần sự mở rộng theo cấp số nhân của quá trình đô thị hóa đã xâm nhập vào nơi đây. Ngay vào khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội Tokyo. Diện tích rộng lớn của những cây dâu tằm từng trải dài dưới chân đồi như một biển màu mỡ đã bị san phẳng thành một vùng đất hoang tối tăm, đầy sẹo, dần dần mang hình dạng của một thị trấn thông thường, tỏa ra từ nhà ga.
Những cư dân mới phần lớn là những người đi làm thuộc tầng lớp trung lưu. Họ sẽ bật dậy như một cái đồng hồ vào khoảng năm giờ sáng, hầu như không có đủ thời gian để rửa mặt trước khi lên tàu và trở về vào đêm muộn với vẻ mặt phờ phạc.
Chiều Chủ nhật là thời gian duy nhất họ có thể thư giãn đủ để tận hưởng thị trấn và ngôi nhà mới của mình. Ngoài ra, như thể đã có sự đồng thuận, hầu hết đều nuôi chó. Những con chó giao phối với nhau, và chó hoang ở khắp mọi nơi. Đó là ý của Naoko khi nàng nói rằng trước đây không có một con chó nào trong vòng nhiều dặm.
* * *
Tôi chờ trọn một tiếng đồng hồ mà chẳng thấy một con chó nào. Đã mười điếu thuốc tôi châm lên rồi lại dập tắt. Tôi đi đến giữa sân ga, uống một ngụm nước mát lạnh từ vòi nước ở đó. Vẫn không thấy chó đâu.
Bên cạnh nhà ga là một cái ao lớn. Một hồ nước dài và uốn khúc, như thể họ đã ngăn một con suối lại. Bờ ao mọc đầy cỏ dại cao ngút, thi thoảng lại có một con cá quẫy lên khỏi mặt nước. Dọc theo bờ ao là vài người đàn ông, môi mím chặt, những chiếc cần câu thả vào làn nước đục ngầu. Dây câu không hề nhúc nhích, trông giống như những cây kim bạc cắm trong nước. Thế nhưng, dưới ánh nắng lười biếng của mùa xuân, có một con chó trắng to lớn mà có lẽ được một trong những người đàn ông đó mang theo, đang hăng hái đánh hơi trong đám cỏ ba lá.
Khi con chó cách tôi khoảng mười thước, tôi nghiêng người qua hàng rào nhà ga và gọi nó. Con chó ngước lên nhìn tôi bằng đôi mắt màu nâu sáng buồn bã nhất rồi vẫy đuôi vài cái. Tôi búng ngón tay, con chó chạy đến thò mũi qua hàng rào và liếm tay tôi bằng chiếc lưỡi dài của nó.
"Này, vào đây đi," tôi gọi con chó khi nó rút lui. Con chó ngập ngừng quay đi, rồi lại tiếp tục vẫy đuôi như thể thông điệp chưa được truyền đạt rõ ràng.
"Vào đi. Tao mệt vì phải chờ rồi."
Tôi lấy một thanh kẹo cao su ra khỏi túi và giơ vỏ kẹo cho nó xem. Nó nhìn chằm chằm vào thanh kẹo một lúc trước khi quyết định chui xuống dưới hàng rào. Tôi vỗ nhẹ vào đầu nó vài cái, vo viên kẹo cao su thành một quả bóng trong lòng bàn tay và ném về phía đầu kia của sân ga. Con chó lao thẳng đi như tên bắn.
Tôi trở về nhà trong sự hài lòng.
* * *
Trên chuyến tàu trở về, tôi tự nhủ đi nhủ lại, mọi chuyện đã kết thúc rồi, mày đã thỏa mãn rồi, hãy quên nó đi. Mày đã có được thứ mày muốn rồi mà, phải không? Vậy mà tôi không thể nào quên được nơi đó. Cũng như không thể nào quên rằng tôi yêu Naoko. Cũng như không thể nào quên rằng nàng đã chết. Sau tất cả, tôi vẫn chưa thể khép lại bất cứ điều gì.
* * *
“Sao Kim là một hành tinh nóng nực quanh năm mây phủ. Một nửa dân số chết trẻ vì nóng ẩm. Sống được ba mươi năm đã là cả một kỳ tích. Nhưng cũng chính vì thế, họ càng trở nên nhân hậu hơn. Mọi người Sao Kim đều yêu thương lẫn nhau. Họ không ghét bỏ, kỳ thị hay thù hận ai. Họ thậm chí không biết nguyền rủa. Không có giết chóc hay đánh nhau, chỉ có tình yêu và sự quan tâm.”
"Ngay cả khi có ai đó chết đi chẳng hạn, chúng tôi cũng không cảm thấy buồn," anh chàng đến từ Sao Kim, một người cực kỳ trầm lặng nói. "Chúng tôi chỉ muốn thể hiện tình yêu nhiều hơn khi người đó còn sống. Bằng cách đó, sau này sẽ không còn gì phải hối tiếc."
"Vậy có nghĩa là các bạn thể hiện tình yêu trước thời hạn?"
"Hmm… những từ ngữ bạn dùng nghe thật lạ lùng đối với tôi," anh ta nói, lắc đầu.
"Và mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ?" tôi hỏi.
"Nếu không," anh ta nói, "Sao Kim sẽ chìm trong đau khổ." * * *
Tôi trở về căn hộ và thấy hai cô gái sinh đôi trên giường, nằm gọn dưới tấm chăn như hai con cá mòi trong hộp, đang khúc khích cười với nhau.
"Chào mừng anh trở lại," một trong hai người nói.
"Anh đi đâu thế?"
"Nhà ga," tôi nói, nới lỏng cà vạt, và nằm gọn giữa họ. Tôi đã kiệt sức.
"Nhà ga nào, ở đâu?"
"Anh đi để làm gì?"
"Một nhà ga ở rất xa đây. Đi để xem một con chó."
"Loại chó gì?"
"Anh thích chó hả?"
"Một con chó trắng lớn. Và không, anh không thực sự thích chó cho lắm."
Tôi châm một điếu thuốc và cho đến khi hút xong, chẳng ai trong số họ nói lời nào.
"Anh có chuyện gì buồn à?" một trong hai người hỏi. Tôi gật đầu im lặng.
"Sao anh không ngủ một chút đi?" người kia nói.
Và thế là tôi ngủ thiếp đi.
* * *
Cho đến nay, tôi đã kể câu chuyện này như câu chuyện của chính mình, nhưng nó cũng là câu chuyện của một người khác, người mà chúng ta sẽ gọi là Chuột. Mùa thu năm đó, hai chúng tôi - tôi và cậu ấy - sống cách nhau gần năm trăm dặm.
Tháng 9 năm 1973, đó là nơi cuốn tiểu thuyết này bắt đầu. Đó là lối vào. Chúng ta chỉ hy vọng rằng sẽ có một lối ra. Nếu không thì, viết bất cứ điều gì cũng đều là vô nghĩa.
Nguồn gốc của Pinball
Trước hết, chúng ta cần biết đến cái tên Raymond Maloney. Có vẻ như đã từng có một người có cái tên như vậy, nhưng giờ ông ta đã chết rồi. Đó là tất cả những gì chúng ta biết về cuộc đời ông. Tức là, chẳng ai biết gì về ông cả. Cũng chẳng khác gì việc người ta biết về một con nhện nước ở dưới đáy giếng.
Chắc chắn là, có một sự thật lịch sử rằng chính tay người đàn ông này đã đưa nguyên mẫu đầu tiên của máy pinball đến với thế giới ô uế này vào năm 1934, từ đám mây công nghệ vĩ đại, vàng son. Đó cũng chính là năm mà bên kia bờ Đại Tây Dương, một Adolf Hitler đã đặt tay lên bậc đầu tiên của thang Weimar1.
Câu chuyện cuộc đời của Raymond Maloney không có màu sắc huyền thoại như anh em nhà Wright hay Alexander Graham Bell. Không có những giai đoạn tuổi trẻ ấm lòng, cũng không có khoảnh khắc "Eureka!" đầy kịch tính nào. Chỉ có vài dòng nhắc đến tên ông trên trang đầu của một cuốn sách lạ lùng, được viết cho một số ít độc giả tò mò. Một thông tin tóm tắt rằng: năm 1934, Raymond Maloney đã phát minh ra chiếc máy pinball đầu tiên. Thậm chí còn không có một bức ảnh nào kèm theo. Khỏi phải nói, chúng ta không tìm thấy bức chân dung hay tượng đài nào để tưởng nhớ tới ông.
Giờ bạn có thể nghĩ rằng, nếu Maloney không tồn tại, lịch sử của máy pinball có lẽ sẽ hoàn toàn khác so với ngày nay. Hoặc tệ hơn, có thể nó sẽ không tồn tại. Và như vậy, chẳng phải sự đánh giá thấp vội vàng của chúng ta về Maloney là một sự vô ơn đến tột cùng hay sao? Tuy nhiên, nếu chúng ta có dịp tận mắt xem xét nguyên mẫu đầu tiên "Ballyhoo" do chính tay Maloney tạo ra, tất cả những suy nghĩ đó chắc chắn sẽ biến mất. Bởi vì ở đó, chúng ta sẽ không tìm thấy một yếu tố nào khơi gợi trí tưởng tượng của mình.
Sự phát triển của máy pinball và Hitler có những điểm tương đồng nhất định. Cả hai đều có khởi đầu mờ nhạt, xuất hiện như những bong bóng trên đám bọt thời đại; chính tốc độ tiến hóa chứ không phải tầm vóc vật chất khiến chúng có được hào quang huyền thoại. Và tất nhiên, sự tiến hóa đó đã đến trên ba bánh xe: đó là công
nghệ, đầu tư vốn, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là những ham muốn cơ bản của con người.
Với tốc độ chóng mặt, con người đã liên tục cung cấp cho cỗ máy biến hình tầm thường này những khả năng mới hơn. Ai đó tuyên bố, "Phải có ánh sáng!" Người khác hét lên, "Phải có điện!" Một người khác lại hét lên, "Phải có cánh tay đập bóng!" Và thế là có ánh sáng chiếu sáng sân chơi, điện để làm lệch hướng bóng bằng nam châm, hai cánh tay đập bóng để đưa chúng trở lại cuộc chơi.
Hệ thống tính điểm đã chuyển đổi khả năng của người chơi thành số điểm với hệ số nhân mười, trong khi đèn báo nghiêng ngăn chặn việc thao tác thô bạo và rung lắc máy. Tiếp theo là khái niệm siêu hình về trình tự, dẫn đến các biến thể như Bonus Light, Extra Ball và Replay. Trên thực tế, vào thời điểm này, máy pinball đã có sức hấp dẫn kỳ diệu.
* * *
Đây là một cuốn tiểu thuyết về pinball.
* * *
Trong lời mở đầu của Bonus Light, cái cuốn sách chú giải về pinball, có đoạn viết thế này:
Bạn chẳng thu được gì nhiều từ cái máy pinball đâu. Chỉ có vài ánh đèn chuyển thành điểm số. Mặt khác, lại có quá nhiều thứ để mất. Tất cả số tiền xu bạn cần để dựng tượng cho mọi vị tổng thống trong lịch sử (dĩ nhiên, với điều kiện là bạn có ý định tốt đẹp đến mức dựng cả tượng cho Richard M. Nixon), chưa kể đến rất nhiều thời gian quý báu và không thể lấy lại được.
Trong khi bạn đang đốt cháy bản thân trong sự tiêu hao cô độc trước một cái máy pinball, người khác có thể đang nghiền ngẫm Proust. Hoặc có thể đang mải mê âu yếm bạn gái tại một rạp chiếu phim ngoài trời với bộ phim Paths of Courage. Người này có thể trở thành một nhà văn, một nhân chứng của thời đại; những người kia, thành một cặp vợ chồng hạnh phúc.
Máy pinball, tuy nhiên, sẽ chẳng dẫn bạn đến đâu cả. Chỉ là ánh đèn replay thôi. Replay, replay, replay... liên tục đến nỗi bạn có thể thề rằng một ván pinball khao khát sự vĩnh cửu.
Bản thân chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết nhiều về sự vĩnh cửu. Nhưng chúng ta có thể có một ý niệm mơ hồ về nó.
Mục đích của pinball không nằm ở sự thể hiện mà ở sự chống lại bản thân. Không phải là sự mở rộng mà là sự nén lại của cái tôi. Không phải là phân tích mà là tổng hợp.
Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm sự thể hiện bản thân, sự mở rộng cái tôi hay phân tích, bạn sẽ phải chịu đựng sự trả thù không thương tiếc của đèn báo nghiêng.
Chơi vui vẻ nhé.
1
Chẳng biết có bao nhiêu cách để phân biệt hai chị em sinh đôi, nhưng tôi chỉ biết mỗi một cách. Họ không chỉ giống nhau về mọi mặt, từ biểu cảm, giọng nói, kiểu tóc, mà còn không có một nốt ruồi hay tì vết nào để phân biệt. Tôi hoàn toàn bó tay. Họ là bản sao hoàn hảo của nhau. Phản ứng của họ với bất kỳ kích thích nào cũng giống hệt nhau; những thứ họ ăn uống, những bài họ hát, số giờ họ ngủ, thậm chí cả chu kỳ kinh nguyệt của họ - tất cả đều giống nhau.
Toàn bộ tình huống này vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi không thể hình dung được cảm giác trở thành một cặp song sinh là như thế nào. Ý tôi là, tôi chắc chắn rằng, nếu tôi có một người anh em sinh đôi, và chúng tôi giống hệt nhau về mọi chi tiết, tôi sẽ thực sự bối rối. Bởi vì, chỉ riêng bản thân tôi cũng đã đủ bối rối rồi.
Tuy nhiên dù sao đi nữa, hai cô gái vẫn sống cuộc sống của họ một cách bình thản nhất. Trên thực tế, các cô gái đã rất sốc khi biết rằng tôi không thể phân biệt được họ. Họ đã rất tức giận.
"Tại sao, chúng em hoàn toàn khác nhau chứ!"
"Hoàn toàn trái ngược!"
Điều đó khiến tôi im lặng. Vì vậy, tôi chỉ nhún vai.
Tôi thậm chí không thể bắt đầu đoán xem đã bao lâu trôi qua kể từ khi họ chuyển đến căn hộ của mình. Điều duy nhất tôi biết chắc chắn là, kể từ khi họ bắt đầu sống với tôi, chiếc đồng hồ sinh học bên trong tôi đã chạy chậm lại một cách rõ rệt. Tôi chợt nghĩ rằng đây hẳn là cách trải nghiệm thời gian của các sinh vật nhân lên bằng phương pháp phân chia tế bào.
* * *
Một người bạn và tôi đã thuê một căn hộ chung cư trên con dốc từ Shibuya đến Nampeidai và mở một dịch vụ dịch thuật nho nhỏ. Cha của bạn tôi đã bỏ vốn, nhưng không phải là một số tiền lớn - chỉ là tiền đặt cọc cho chỗ ở và tiền mua ba chiếc bàn làm việc bằng thép, khoảng mười cuốn từ điển, một chiếc điện thoại và nửa tá chai rượu
bourbon. Chúng tôi nghĩ ra một cái tên phù hợp, và với số tiền còn lại, chúng tôi đã cho khắc cái tên đó lên một tấm biển kim loại rồi treo trước cửa, sau đó đăng quảng cáo trên báo. Và rồi, chúng tôi ngồi đợi khách hàng. Hai đứa tôi, với bốn chân gác lên bàn, ngồi uống rượu whisky. Đó là mùa xuân năm 1972.
Sau một vài tháng, chúng tôi cảm thấy mình đã tìm thấy một mỏ vàng thực sự. Một lượng công việc lớn đến kinh ngạc đã tìm đường tới văn phòng khiêm tốn của chúng tôi. Và với số tiền kiếm được, chúng tôi đã mua một chiếc máy điều hòa, một chiếc tủ lạnh và một bộ quầy bar mini.
"Chúng ta đã làm được, chúng ta thành công rồi!" bạn tôi thốt lên.
Nó khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Bởi vì, đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nghe những lời động viên như vậy.
Chúng tôi thậm chí còn được giảm giá từ một mối liên hệ của bạn tôi là một người làm in ấn và đã để anh ta xử lý tất cả các bản dịch cần in. Tôi đã nhờ một trường đại học ngoại ngữ tập hợp vài sinh viên giỏi và giao cho họ một khối lượng lớn công việc dịch thô. Chúng tôi thuê một cô nhân viên văn phòng để lo việc kế toán, các công việc lặt vặt, thư từ. Một cô gái tươi tắn, nhanh nhẹn vừa tốt nghiệp trường kinh doanh, chân dài và không có khuyết điểm gì đặc biệt, ngoại trừ việc (trong những lúc buồn chán) cô ấy sẽ ngân nga bài "Penny Lane" đến hai mươi lần một ngày. "Chúng ta đã đúng khi nhận cô ấy," bạn tôi tuyên bố. Vì vậy, chúng tôi trả cho cô ấy gấp rưỡi mức lương bình thường của công ty, thưởng cho cô ấy năm tháng lương và cho nghỉ phép mười ngày vào mùa hè và mùa đông. Vì vậy, mỗi người chúng tôi đều có lý do để hạnh phúc, và chúng tôi rất hòa thuận.
Văn phòng bao gồm một phòng ăn kiêm bếp nhỏ cộng với hai phòng bổ sung; điều kỳ lạ là phòng ăn kiêm bếp nhỏ lại nằm giữa hai phòng còn lại. Chúng tôi bốc thăm, kết quả là tôi được căn phòng phía sau và bạn tôi được căn phòng gần cửa ra vào nhất. Cô gái ngồi trong phòng ăn kiêm bếp nhỏ làm sổ sách, pha đồ uống và lắp ráp bẫy gián, tất cả đều theo giai điệu của "Penny Lane."
Tôi mua một cặp tủ hồ sơ vì thấy cần thiết, và đặt một chiếc ở mỗi bên bàn làm việc của mình; cái bên trái tôi chất đống tài liệu đến để dịch, cái bên phải là bản dịch đã hoàn thành để gửi đi.
Thật là một mớ hỗn độn các tài liệu và khách hàng. Tất cả mọi thứ, từ các bài báo của Scientific American về độ bền của vòng bi dưới áp lực cho đến sách All-American Cocktail năm 1972, từ các bài tiểu luận của William Styron cho đến quảng cáo dao cạo râu an toàn. Tất cả mọi thứ đều có thời hạn được gắn thẻ - ngày này ngày nọ - và được xếp chồng ở bên trái cho đến khi, đến đúng thời hạn, nó được chuyển sang bên phải. Mỗi khi tôi hoàn thành một bản dịch, tôi lại uống hai ngụm rượu whisky.
Một trong những điều tuyệt vời về trình độ dịch thuật của chúng tôi là chẳng cần phải suy nghĩ quá nhiều. Bạn có một đồng xu trong tay trái, đập tay phải xuống tay trái, trượt tay trái ra, và đồng xu sẽ nằm trên lòng bàn tay phải của bạn.
Đại khái là như vậy.
Tôi sẽ đến văn phòng lúc mười giờ và rời đi lúc bốn giờ. Vào các ngày thứ Bảy, ba người chúng tôi sẽ đến một vũ trường gần đó và nhảy theo một bản nhạc nhái của Santana trong lúc nhấm nháp J&B.
Thu nhập cũng không tệ. Sau khi trừ tiền thuê văn phòng, chi phí phát sinh, lương của cô gái, tiền lương của người giúp việc bán thời gian và tỷ lệ phần trăm thuế, chúng tôi sẽ chia số tiền kiếm được còn lại thành mười phần, một phần để dành cho công ty, năm phần cho bạn tôi, và bốn phần cho tôi. Phương pháp của chúng tôi rất đơn giản - chúng tôi sẽ đặt mười cọc tiền mặt bằng nhau lên bàn - nhưng rất vui. Nó luôn gợi cho tôi nhớ đến ván bài poker giữa Steve McQueen và Edward G. Robinson trong The Cincinnati Kid.
Tôi nghĩ rằng việc chia năm-bốn là khá công bằng. Suy cho cùng, cậu ấy là người gánh vác việc quản lý thực tế của công ty, và cậu ấy là người sẽ im lặng chịu đựng mỗi khi tôi uống quá nhiều rượu whisky. Thêm vào đó, cậu ấy còn phải vật lộn với một người vợ ốm yếu, một đứa con trai ba tuổi và một chiếc Volkswagen liên tục cần
sửa chữa. Và như thể vẫn chưa đủ, cậu ấy luôn gặp phải vấn đề này hay vấn đề khác.
"Còn tôi thì sao? Tôi đang nuôi hai cô gái sinh đôi," một ngày nọ, tôi buột miệng nói. Tất nhiên, điều đó không có ý nghĩa gì nhiều – cậu ấy vẫn lấy năm phần của mình và tôi lấy bốn phần của tôi.
Đó là cách tôi đã trải qua những năm tháng tuổi hai mươi của mình. Giống như rất nhiều buổi chiều yên bình tắm mình dưới ánh nắng mặt trời.
"Dù ai viết ra," câu khẩu hiệu trên tờ rơi ba màu của chúng tôi tự hào tuyên bố, "không có gì mà chúng tôi không thể làm cho dễ hiểu hơn." Cứ nửa năm một lần, khi công việc rơi vào thời kỳ trầm lắng, vì quá buồn chán, ba chúng tôi sẽ ra đứng trước ga Shibuya và phát tờ rơi.
Đã bao nhiêu thời gian trôi qua như thế? Tôi cứ lê bước mãi trong sự im lặng bất tận. Khi xong việc về nhà, tôi sẽ uống cà phê thơm ngon của hai chị em sinh đôi và đọc cuốn Phê bình lý tính thuần túy lần thứ bao nhiêu đó không biết.
Thỉnh thoảng, những việc xảy ra ngày hôm trước dường như xa vời như năm ngoái, hoặc những việc của năm trước lại hiện về như mới hôm qua. Khi mọi thứ thực sự vượt khỏi tầm kiểm soát, năm sau sẽ đến với tôi như ngày hôm qua. Hoặc là thế, hoặc tôi sẽ dịch một bài báo của Kenneth Tynan về Polanski từ số báo tháng 9 năm 1971 của Esquire, trong suốt thời gian đó, tôi lại nghĩ về vòng bi.
Hàng tháng trời, hàng năm trời, tôi ngồi một mình dưới đáy một hồ nước sâu không đáy, trong làn nước ấm, trong thứ ánh sáng được lọc dịu nhẹ, và im lặng. Im lặng...
* * *
Chỉ có một cách để tôi phân biệt hai chị em sinh đôi, đó là qua chiếc áo nỉ họ mặc. Những chiếc áo xanh navy đã phai màu, in số màu trắng to tướng trên ngực. Một chiếc in số "208", chiếc kia là "209". Số 2 nằm ở núm vú bên phải, số 8 hoặc 9 nằm ở núm vú bên trái, còn số 0 thì ngay ngắn ở giữa.
Ngay ngày đầu tiên, tôi đã tò mò hỏi hai chị em về ý nghĩa của những con số này. Họ chỉ đáp tỉnh bơ rằng chúng chẳng có nghĩa lý gì.
"Trông giống số seri của nhà sản xuất ấy nhỉ."
"Thế nghĩa là sao ạ?" một cô gái hỏi lại.
"Ừ thì, cứ như thể có cả một lô người giống hệt các em, và các em là số 208 với 209 trong số đó."
"Anh nghĩ hay thật đấy!" 209 cười khẩy.
"Từ khi sinh ra chỉ có hai đứa em thôi," 208 nói. "Bọn em được tặng áo đấy."
"Tặng ở đâu cơ?" Tôi ngạc nhiên.
"Ở lễ khai trương siêu thị. Họ tặng cho những khách hàng đầu tiên." "Em là khách hàng thứ hai trăm lẻ chín," 209 nói.
"Còn em là hai trăm lẻ tám," 208 tiếp lời.
"Hai đứa em mua ba hộp khăn giấy cơ đấy."
"Thế này nhé," tôi đề nghị. "Anh sẽ gọi em là 208. Còn em là 209. Như vậy anh mới phân biệt được."
"Không được đâu," một cô gái lắc đầu.
"Sao lại không?"
Không nói không rằng, cả hai cởi phăng áo ra, đổi cho nhau rồi lại mặc vào.
"Em là 208," 209 tuyên bố.
"Còn em là 209," 208 cũng không vừa.
Tôi chỉ biết thở dài bất lực.
Thế nhưng, mỗi khi muốn gọi riêng từng người, tôi vẫn phải dựa vào con số trên áo. Thật sự chẳng còn cách nào khác.
Ngoài mấy chiếc áo nỉ đó ra, hai chị em gần như chẳng có thêm quần áo nào. Cứ như thể họ đang đi dạo, rồi tự dưng bị lạc vào căn
hộ của tôi và quyết định ở lại luôn vậy. Mà sự thật cũng chẳng khác là bao. Đầu tuần nào tôi cũng đưa cho họ ít tiền để mua những thứ cần thiết, nhưng ngoài đồ ăn ra, họ chỉ thi thoảng mới mua vài hộp bánh quy kem cà phê.
"Không có quần áo, hai em không thấy bất tiện à?" Tôi hỏi. "Chẳng có gì bất tiện cả," 208 đáp.
"Quần áo thì có gì mà phải quan tâm chứ?" 209 thêm vào.
Mỗi tuần một lần, hai chị em lại cẩn thận giặt áo nỉ của mình trong bồn tắm. Có lần tôi đang nằm đọc sách, ngẩng lên đã thấy hai cô gái trần truồng trong phòng tắm đang tỉ mỉ giặt áo. Những lúc như thế, tôi lại thấy lòng mình chùng xuống một nỗi buồn mơ hồ. Chẳng hiểu sao, kể từ mùa hè năm ngoái, khi tôi đánh mất miếng trám răng dưới ván nhảy ở hồ bơi, thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác này.
Nhiều khi đi làm về, tôi bắt gặp bóng hai con số 208 và 209 đung đưa trước cửa sổ phía Nam. Những lúc ấy, nước mắt tôi lại chực trào ra.
* * *
"Hai em 'đổ bộ' xuống căn hộ của anh thế này là sao? Định ở lại bao lâu? Mà quan trọng hơn, hai em là ai vậy nhỉ?" Chợt nhận ra mình chưa từng hỏi tuổi tác hay lai lịch của hai cô gái, tôi buột miệng.
Về phần mình, hai chị em vẫn giữ thái độ im lặng như mọi khi.
Thế là cứ thế, ba chúng tôi sống chung dưới một mái nhà. Cùng nhâm nhi cà phê, cùng dạo quanh sân golf tìm bóng lạc, cùng nô đùa trên giường. Niềm vui mỗi ngày là khoảng thời gian tôi đọc báo, giải thích tường tận tình hình thế giới cho hai cô gái ngây ngô. Burma với Úc còn lẫn lộn, Việt Nam bị chia cắt hay hai miền đang đánh nhau cũng là những khái niệm xa lạ với họ. Tôi mất ba ngày để giải thích về cuộc chiến tranh, rồi lại mất thêm bốn ngày nữa để nói về lý do Nixon ném bom Hà Nội.
"Thế anh ủng hộ bên nào?" 208 đột ngột lên tiếng.
"Bên nào cơ?"
"Thì miền Bắc hay miền Nam?" 209 hối thúc.
"Khó nói lắm."
"Ý anh là sao?" 208 tiếp tục hỏi.
"Ý anh là, anh đâu có sống ở Việt Nam."
Cả hai đều không hài lòng với câu trả lời đó.
Thậm chí, chính tôi cũng thấy nó thật vô lý.
"Họ đánh nhau vì bất đồng quan điểm, đúng không ạ?" 208 vẫn không chịu bỏ cuộc.
"Có thể nói vậy."
"Tức là có hai luồng suy nghĩ trái ngược nhau, em hiểu đúng chứ?" 208 tiếp tục đào sâu.
"Đúng, nhưng... trên thế giới này có cả triệu, thậm chí cả tỷ luồng tư tưởng đối lập nhau."
"Vậy chẳng mấy ai làm bạn với nhau được à?" 209 thắc mắc. "Chắc là vậy," tôi thở dài. "Gần như chẳng ai là bạn của ai cả."
Dostoyevsky đã tiên đoán, còn tôi thì đang sống trong cái thực tế nghiệt ngã đó.
Đó là cuộc sống của tôi những năm 1970.
2
Mùa thu năm 1973 dường như ẩn chứa một nỗi cay nghiệt đến tận sâu thẳm. Chuột cảm nhận điều đó rõ ràng một cách đau đớn, rõ ràng như một hòn sỏi trong giày vậy.
Dẫu mùa hè ngắn ngủi năm ấy đã tan biến như chưa hề tồn tại, cùng với những bất định đầu tháng 9, một chút dư vị mùa hè vẫn còn vương vấn trong trái tim của Chuột.
Cậu vẫn mặc chiếc áo phông cũ, quần soóc, dép xỏ ngón, quay trở lại quán J’s Bar. Cậu ngồi đối diện với J, nốc hết cốc bia lạnh buốt này đến cốc khác. Sau năm năm cai thuốc, cậu lại hút, và cứ mười lăm phút lại liếc nhìn đồng hồ đeo tay.
Chuột như thấy được thời gian đang đứt gãy ở đâu đó phía trước. Tại sao lại như vậy, cậu cũng chẳng thể hiểu nổi. Cậu không tìm thấy điểm kết nối. Thế là cậu cứ lang thang trong ánh chiều thu phai dần, tay nắm chặt sợi dây đứt đoạn. Cậu băng qua những ngọn đồi cỏ, vượt qua những con sông, mở tung biết bao cánh cửa - nhưng sợi dây đó chẳng dẫn cậu đến đâu. Giống như con ruồi bị mùa đông cướp mất đôi cánh, giống như cửa sông đối mặt với biển cả mênh mông, Chuột bất lực và cô độc. Một cơn gió lạnh thổi đến từ nơi nào đó cuốn phăng đi tấm chăn không khí bảo vệ cậu, như thể nó đã bị thổi bay sang tận đầu bên kia của địa cầu.
Một mùa vừa mới khép lại, một mùa khác đã vội vã bước vào. Có lẽ ta sẽ chạy đến cánh cửa đang khép lại và gọi với theo: "Này, đợi đã, còn một điều cuối cùng tôi quên chưa nói." Nhưng sẽ chẳng còn ai ở đó nữa. Cánh cửa đóng sập lại. Một mùa mới đã ngồi ngay ngắn trên ghế, quẹt diêm, châm điếu thuốc. "Có gì muốn nói thì cứ nói với tôi," người lạ mặt bảo, "Nếu được, tôi sẽ chuyển lời."
"Thôi không sao, chẳng có gì đâu," ta đáp. Và xung quanh chỉ còn tiếng gió rít. Thật đấy, chẳng có gì cả. Một mùa đã qua đời, chỉ vậy thôi.
* * *
Năm nào cũng vậy, cứ đến cái thời điểm giao mùa se se lạnh từ thu sang đông, cậu công tử bỏ học đại học và ông chủ quán người Hoa cô độc lại quây quần bên nhau như một cặp vợ chồng già.
Mùa thu luôn đến thật nhanh. Vài người bạn của Chuột còn sót lại trong thị trấn sau kỳ nghỉ hè cũng chẳng đợi đến tháng 9 mà đã vội vã chào tạm biệt để trở về chốn quen thuộc của họ. Sắc màu xung quanh cũng thay đổi một cách tinh tế, như thể ánh sáng mùa hè đã vượt qua một ranh giới vô hình nào đó, và Chuột nhận ra thứ ánh sáng rực rỡ như hào quang đang dần phai nhạt xung quanh mình. Chẳng mấy chốc, hơi thở cuối cùng của giấc mơ ấm áp đã tan biến như một dòng suối nhỏ hòa vào cát mùa thu, không còn để lại dấu vết.
Thậm chí với J thì mùa thu cũng chẳng phải mùa vui vẻ gì. Từ giữa tháng 9 trở đi, lượng khách giảm đi trông thấy. Năm nào cũng vậy nhưng sự suy giảm của mùa thu năm ấy thật đáng kinh ngạc. Cả J lẫn Chuột đều không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sắp đến giờ đóng cửa mà vẫn còn nửa xô khoai tây đã gọt vỏ đang chờ được chiên.
"Rồi sẽ đông khách thôi, cứ chờ xem," Chuột an ủi J. "Đến lúc bận tối mắt tối mũi thì lại kêu ca đấy."
"Cậu nghĩ vậy à?" J lẩm bẩm đầy nghi ngờ, ngồi phịch xuống chiếc ghế đã chiếm dụng sau quầy bar, dùng cây tăm cạo lớp bơ dính trên lò nướng bánh mì.
Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Chuột tiếp tục lật giở từng trang sách, còn J, giữa những lúc lau chùi chai lọ, lại rít một hơi từ điếu thuốc không đầu lọc trên những ngón tay mập mạp.
* * *
Khoảng ba năm về trước, dòng chảy thời gian của Chuột bắt đầu mất dần sự ổn định. Vào mùa xuân năm đó, cậu bỏ học đại học.
Tất nhiên, Chuột có cả tá lý do để bỏ học. Những lý do đó rối ren như mớ dây điện, và khi mọi thứ nóng lên quá điểm tới hạn, cầu chì
đã nổ tung. Có những thứ ở lại với cậu, có những thứ bị thổi bay đi, có những thứ tan thành mây khói.
Cậu chưa bao giờ giải thích với ai lý do mình bỏ học. Sẽ mất đến năm tiếng đồng hồ để cậu xâu chuỗi lại mọi chuyện. Và nếu cậu nói với một người thì những người khác cũng sẽ muốn nghe. Chẳng mấy chốc cậu sẽ rơi vào tình huống khó xử là phải giải thích với cả thế giới. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi cũng đủ khiến Chuột chìm vào trầm cảm.
"Họ không thích cách tôi cắt cỏ trong sân," cậu thường nói bất cứ khi nào cần phải giải thích thêm. Thậm chí, có một nữ sinh còn cất công ra tận sân để kiểm tra. "Cậu cắt cũng đâu đến nỗi nào," cô nói với cậu khi quay lại. "Có vài mẩu giấy rơi rớt thôi, nhưng..." "Vấn đề là gu thẩm mỹ mà," Chuột đáp lại.
Hoặc khi tâm trạng tốt hơn, cậu có thể nói: "Chúng tôi không hợp nhau, trường đại học và tôi," rồi thôi.
Nhưng chuyện đó đã xảy ra ba năm trước rồi.
Mọi thứ trôi qua nhanh đến khó tin. Cho đến một lúc nào đó, tất cả những cảm xúc chất chứa đều mất đi màu sắc, nhạt nhòa thành những giấc mơ cũ kỹ vô nghĩa.
* * *
Chuột rời khỏi nhà vào năm cậu vào đại học, chuyển đến căn hộ penthouse mà cha cậu từng sử dụng làm phòng làm việc. Bố mẹ cậu không phản đối. Xét cho cùng, họ mua căn hộ này với ý định giao lại cho con trai mình, sớm hay muộn gì cũng vậy. Hơn nữa họ cũng không thực sự phản đối việc cậu tự mình bươn chải một thời gian.
Tuy nhiên, dù nhìn thế nào đi nữa cũng chẳng ai nói rằng cậu đang bươn chải cả. Dưa hấu thì không thể nào trông giống củ cải. Bạn thấy đấy, căn hộ là một không gian hai phòng rộng rãi, bao gồm phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, đầy đủ tiện nghi như điều hòa, điện thoại, TV màu 17 inch, phòng tắm vòi sen, chỗ đậu xe ngầm với một chiếc Triumph, và trên hết là ban công lý tưởng để tắm nắng. Từ cửa sổ góc đông nam trên tầng cao nhất, cậu có thể
phóng tầm mắt ra toàn cảnh thành phố và biển cả. Mở cửa sổ bên hông, hương thơm ngào ngạt của cây cối và tiếng chim hót líu lo tràn vào.
Chuột dành những buổi chiều thư thái trên chiếc ghế mây êm ái. Nhắm mắt lại, cậu cảm nhận dòng chảy thời gian êm đềm trôi qua cơ thể mình như một dòng nước. Chuột đã trải qua hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần như thế.
Tuy nhiên, đôi khi những gợn sóng cảm xúc nhỏ lại nổi lên như để nhắc nhở cậu. Vào những lúc như vậy, Chuột chỉ đơn giản nhắm mắt lại, gạt bỏ mọi suy nghĩ và ngồi yên cho đến khi những gợn sóng lắng xuống. Khi đó, trời đã bắt đầu tối dần, những gợn sóng biến mất, sự tĩnh lặng quen thuộc lại bao trùm lấy cậu như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.
3
Ngoài người đưa báo ra, chẳng mấy khi có ai gõ cửa nhà tôi. Vì thế hễ nghe tiếng gõ, tôi thường chẳng buồn mở cửa, thậm chí còn không lên tiếng.
Nhưng sáng Chủ nhật hôm ấy, người gõ cửa cứ kiên trì gõ mãi, đến tận ba mươi lăm lần. Cuối cùng tôi đành đầu hàng, mắt nhắm mắt mở bò dậy, lê bước ra cửa và hé mở một khe nhỏ. Đứng ngoài hành lang là một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, mặc bộ đồ bảo hộ màu xám, tay ôm chiếc mũ bảo hiểm như đang nâng niu một chú cún con.
"Tôi đến từ công ty điện thoại," người đàn ông nói. "Tôi đến để thay bảng chuyển mạch."
Tôi gật đầu. Người đàn ông có một bộ râu quai nón rậm rạp, kiểu râu mà dù có cạo bao nhiêu lần cũng không thể sạch sẽ hoàn toàn. Cả khuôn mặt ông ta toàn râu, lên tới tận mắt. Tôi thấy thương cảm cho ông ta, nhưng hơn cả là tôi thấy buồn ngủ. Tôi thức đến tận bốn giờ sáng để chơi cờ tào cáo với hai chị em sinh đôi.
"Liệu ông có thể quay lại vào buổi chiều được không?" "Không được, tôi e là phải làm ngay bây giờ."
"Tại sao vậy?"
Người đàn ông lục túi quần, lôi ra một cuốn sổ màu đen. "Tôi có một số công việc nhất định phải hoàn thành trong một ngày. Xong việc ở đây là tôi phải đi khu khác ngay."
Tôi liếc nhìn những địa chỉ trong cuốn sổ, và dù nó bị lộn ngược, tôi vẫn thấy đúng như ông ta nói, nhà tôi là căn hộ duy nhất còn lại trong khu vực này.
"Đó là loại sửa chữa gì vậy?"
"Rất đơn giản. Tháo bảng chuyển mạch cũ ra, cắt dây, nối bảng mới vào, thế thôi. Xong trong mười phút."
Tôi suy nghĩ một lúc, rồi lắc đầu.
"Bảng hiện tại vẫn hoạt động tốt."
"Bảng hiện tại là loại cũ rồi."
"Tôi không thấy có vấn đề gì."
"Nghe này," ông ta bắt đầu, rồi lại suy nghĩ lại. "Vấn đề không phải như vậy. Làm vậy sẽ gây rắc rối cho mọi người."
"Sao cơ?"
"Thế này, tất cả các bảng chuyển mạch đều được liên kết với một máy tính lớn tại văn phòng chính. Nhưng bảng chuyển mạch của anh lại gửi đi những tín hiệu khác với mọi người, nên nó làm hỏng toàn bộ hệ thống. Hiểu chưa?"
"Hiểu rồi. Vấn đề là phải khớp phần cứng với phần mềm." "Vậy thì bây giờ chúng ta đã rõ rồi, anh cho tôi vào được chứ?" Đến lúc này, tôi quyết định mở cửa cho ông ta vào.
Rồi tôi chợt nhớ ra phải hỏi: "Nhưng sao ông chắc chắn bảng chuyển mạch ở trong căn hộ của tôi? Không phải nó nên ở trong phòng quản lý hay chỗ nào đó tương tự sao?"
"Thông thường thì đúng là vậy," người đàn ông nói, quét mắt khắp các bức tường trong nhà bếp tìm dấu hiệu của bảng chuyển mạch. "Anh thấy đấy, hầu hết mọi người đều thấy bảng chuyển mạch rất phiền phức. Chúng chẳng có tác dụng gì nhiều. Chỉ vướng víu thôi."
Tôi gật đầu. Người đàn ông trèo lên ghế đẩu trong nhà bếp, kiểm tra xung quanh trần nhà. Chẳng có gì ở đó cả.
"Như đi tìm kho báu vậy. Bảng chuyển mạch được giấu ở những nơi không thể tin nổi. Thật là tội ác. Vậy mà người ta lại chất đầy nhà mình với những cây đàn piano khổng lồ, búp bê trong tủ kính và đủ thứ linh tinh khác. Thật vô lý."
Tôi thông cảm. Người đàn ông bỏ cuộc trong nhà bếp, tiến vào phòng khác, ngó nghiêng khắp nơi, và trước khi tôi kịp nhận ra, ông ta đã mở cửa phòng bên cạnh.
"Ví dụ như bảng chuyển mạch ở căn hộ trước tôi vừa đến. Ôi trời! Anh biết họ nhét nó ở đâu không? Ý tôi là, ngay cả tôi–"
Lời nói của người đàn ông ngắt quãng thành tiếng thở gấp. Ở góc phòng, trên chiếc giường lớn, hai cái đầu của cặp song sinh đang thò ra khỏi chăn, nằm ở hai bên vết lõm mà tôi vừa để lại. Người thợ sửa chữa chết lặng, há hốc mồm trong mười lăm giây. Còn hai chị em sinh đôi thì cũng chẳng nói năng gì. Tôi nghĩ mình nên phá vỡ sự im lặng này.
"À, đây là người thợ sửa điện thoại."
"Rất vui được gặp ông," cô gái bên phải nói.
"Cảm ơn ông nhiều," cô gái bên trái nói.
"Vâng, tôi cũng vậy... rất vui được gặp hai cô," người thợ sửa chữa nói.
"Ông ấy đến để thay bảng chuyển mạch."
"Bảng chuyển mạch?"
"Cái gì cơ?"
"Thiết bị kết nối các mạch điện thoại của chúng ta."
Điều đó càng làm họ khó hiểu hơn, nên tôi giao phần giải thích còn lại cho người thợ sửa chữa.
"Ừm... nó như thế này. Rất nhiều đường dây điện thoại tập trung lại ở đây, được chưa? Giả sử đây là một con chó mẹ và đây là tất cả những đứa con của nó. Các cô hiểu chứ?"
"?"
"Không hiểu gì hết."
"À, ừm... vậy thì chó mẹ chăm sóc chó con, nhưng nếu chó mẹ chết, thì chó con cũng chết. Đó là lúc tôi đến, và thay một con chó mẹ mới khi có vẻ như chó mẹ sắp chết."
"Hay quá!"
"Tuyệt vời!"
Ngay cả tôi cũng thấy ấn tượng.
"Và đó là lý do tại sao hôm nay tôi đến đây. Xin lỗi vì đã làm phiền hai cô."
"Đừng bận tâm đến bọn em."
"Không, thực sự đấy, em muốn xem!"
Người đàn ông thở phào nhẹ nhõm, lau mồ hôi trên trán bằng chiếc khăn tắm, rồi đưa mắt nhìn quanh phòng.
"Vậy thì, giờ tìm cái bảng chuyển mạch cũ đó ở đâu..." "Không cần tìm đâu," cô gái bên phải nói.
"Nó nằm ở phía sau tủ quần áo. Chỉ cần bẩy tấm ván lên là thấy."
Tôi sững sờ. "Này, sao em biết chuyện đó? Anh còn không biết nữa là."
"Bảng chuyển mạch á?"
"Ai mà chẳng biết!"
"Thôi được rồi," người thợ sửa chữa nói.
* * *
Quả đúng như vậy, công việc chỉ mất mười phút. Trong khi đó, hai chị em thì thầm to nhỏ, cười khúc khích, trán tựa vào nhau. Có lẽ vì thế mà người thợ liên tục làm rối dây điện. Khi xong việc, hai cô gái chui vào áo nỉ và quần jean dưới lớp chăn, rồi bước ra bếp pha cà phê cho mọi người.
Tôi mời người thợ sửa chữa một chiếc bánh ngọt còn thừa, ông ta nhận lấy với vẻ vui mừng và dùng kèm với cà phê.
"Cảm ơn anh nhiều. Hôm nay tôi chưa ăn gì cả."
"Ông không có vợ ạ?" 208 hỏi.
"Có chứ, nhưng vợ tôi chẳng bao giờ muốn dậy vào sáng Chủ nhật." "Thật tội nghiệp," 209 nói.
"Ừ thì, nhìn tôi đây. Tôi đâu có thích làm việc ngày Chủ nhật đâu."
"Ông có muốn ăn một quả trứng luộc không?" Tôi đưa ra đề nghị an ủi.
"Ồ, không, không, không... làm phiền anh quá."
"Không phiền gì đâu," tôi nói. "Dù sao tôi cũng đang định luộc cho cả chúng tôi."
"Vậy thì, nếu được, luộc vừa chín tới nhé..."
Người đàn ông vừa bóc vỏ trứng vừa nói tiếp. "Tôi đã đi đến nhà của mọi người được hai mươi mốt năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên."
"Lần đầu tiên gì ạ?" tôi hỏi.
"Ý tôi là... một người đàn ông ngủ với hai cô gái sinh đôi. Chắc hẳn phải khó khăn lắm nhỉ?"
"Không hẳn," tôi nói, nhấp ngụm cà phê thứ hai.
"Thật không?"
"Thật."
"Đó là bởi vì anh ấy rất tuyệt vời," 208 nói.
"Một con thú hoang," 209 nói.
"Thôi đủ rồi," người đàn ông nói.
***
Tôi thực sự nghĩ câu nói đó đã khiến ông ta phải rời đi. Ông ta luống cuống đến nỗi để quên cả bảng chuyển mạch cũ. Hoặc đó là một món quà cảm ơn cho bữa sáng. Dù sao đi nữa, hai chị em sinh đôi đã dành cả ngày hôm đó để chơi với bảng chuyển mạch. Một người đóng vai chó mẹ, người kia là chó con, lảm nhảm không ngừng.
Tôi để mặc hai cô gái tự chơi, còn mình thì dành cả buổi chiều để hoàn thành một số bản dịch mang về nhà. Tất cả các sinh viên làm thêm đều bận rộn với các kỳ thi và không có ai làm bản dịch thô, vì vậy tôi có cả một núi việc. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ cho đến khoảng ba giờ chiều, khi tốc độ làm việc của tôi bắt đầu chậm lại như thể
pin sắp hết. Đến bốn giờ tôi hoàn toàn kiệt sức, không thể dịch nổi một dòng nào nữa.
Vì vậy tôi đành bỏ cuộc. Tôi chống khuỷu tay lên mặt bàn kính, thổi khói thuốc lên trần nhà. Khói thuốc lững lờ trôi trong ánh chiều tà yên tĩnh như một dạng ectoplasm2. Một cuốn lịch nhỏ tôi lấy ở ngân hàng nằm trên bàn, dưới mặt kính. Tháng 9 năm 1973... cứ như một giấc mơ... 1973, ai mà ngờ một năm như thế này lại tồn tại chứ? Và vì một lý do nào đó, không có gì sai khi nghĩ rằng nó không tồn tại.
"Sao vậy anh?" 208 đến hỏi.
"Trông anh có vẻ mệt mỏi. Uống cà phê không?"
Cả hai cùng gật đầu, rồi quay trở lại bếp, một người xay cà phê, người kia đun nước và hâm nóng cốc. Sau đó, cả ba chúng tôi ngồi bệt xuống sàn cạnh cửa sổ, nhâm nhi ly cà phê mới pha.
"Không suôn sẻ à?" 209 hỏi.
"Hình như là vậy," tôi đáp.
"Nó sắp hỏng rồi."
"Cái gì sắp hỏng?"
"Bảng chuyển mạch của anh."
"Chó mẹ."
Tôi thở dài từ tận đáy lòng. "Hai em thực sự nghĩ vậy sao?" Cả hai cùng gật đầu.
"Sắp tiêu đời rồi."
"Chính xác."
"Vậy hai em nghĩ chúng ta nên làm gì?"
Họ chỉ lắc đầu.
"Không biết nữa."
Tôi im lặng rít một hơi thuốc. "Hay là chúng ta đi dạo trên sân golf? Hôm nay là Chủ nhật, chắc sẽ có nhiều bóng golf bị lạc."
Sau một giờ chơi cờ tào cáo, chúng tôi trèo qua hàng rào thép gai, đi dạo trên sân golf vắng vẻ trong ánh hoàng hôn. Tôi huýt sáo bài hát It's So Peaceful in the Country của Mildred Bailey hai lần, và hai chị em khen tôi huýt sáo hay. Tuy vậy, chúng tôi chẳng tìm thấy quả bóng nào. Có những ngày như thế đấy. Có lẽ tất cả những tay golf có điểm chấp thấp nhất ở Tokyo đã tập trung lại. Hoặc là, họ đã bắt đầu nuôi những chú chó săn chuyên nghiệp để tìm bóng golf. Chúng tôi bỏ cuộc và quay trở lại căn hộ.
4
Ngọn hải đăng đứng sừng sững ở cuối một cầu tàu dài vươn ra từ bờ biển theo một góc xiên. Ngọn hải đăng nhỏ bé cao chưa đầy ba mét. Những chiếc thuyền đánh cá từng nhờ ánh sáng của nó mà tìm đường cho đến khi nước biển ô nhiễm đến mức chẳng còn con cá nào ngoài khơi nữa. Vốn dĩ nơi đây cũng chưa từng có cảng biển đúng nghĩa. Ngư dân chỉ dựng tời và khung gỗ tạm bợ dọc theo bờ biển làm đường ray dẫn để kéo thuyền lên bờ bằng dây thừng. Gần bãi biển, có lẽ có ba gia đình ngư dân sinh sống, ngày nào họ cũng đem mẻ cá nhỏ ra phơi khô dưới nắng sau bức tường chắn sóng.
Cuối cùng, những ngư dân này bị buộc phải rời đi vì ba lý do: 1) cá đã biến mất; 2) người dân địa phương phản đối việc ngư dân sống trong khu dân cư; và 3) những túp lều họ dựng trái phép chiếm dụng đất công. Tất cả những chuyện đó đã xảy ra vào năm 1962. Biết họ đã đi đâu về đâu? Ba túp lều bị san phẳng, những con thuyền đánh cá mục nát, vì không còn công dụng hay chỗ nào để vứt bỏ, được kéo lên giữa một lùm cây ven biển, và lũ trẻ con thường đến đó để chơi đùa.
Từ khi không còn những thuyền đánh cá, chỉ thi thoảng mới có một chiếc du thuyền ghé qua gần bờ, hoặc một chiếc tàu chở hàng thả neo khẩn cấp trong sương mù dày đặc hoặc khi có bão. Chẳng mấy khi có tàu nào cần đến ngọn hải đăng nữa. Mà kể cả có thì cũng không chắc nó còn hữu dụng.
Phai mờ theo thời gian, ngọn hải đăng có hình dáng như một chiếc chuông. Hoặc cũng có thể là hình dáng một người đàn ông trầm tư nhìn từ phía sau. Khi mặt trời lặn và những tia sáng xanh len lỏi vào ánh chiều tà đang nhạt dần, một chiếc đèn màu cam sẽ sáng lên trên đỉnh chuông và từ từ xoay tròn. Ngọn hải đăng luôn báo hiệu chính xác thời khắc màn đêm buông xuống. Dù hoàng hôn rực rỡ hay màn sương mù lất phất, ngọn hải đăng vẫn luôn trung thành với khoảnh khắc được giao: khoảnh khắc chính xác trong sự hòa quyện của ánh sáng và bóng tối, khi bóng tối nghiêng về phía chiến thắng.
Thời thơ ấu, Chuột đã bao lần ra biển vào lúc hoàng hôn chỉ để bắt trọn khoảnh khắc đó. Vào những buổi chiều muộn khi sóng biển đã lặng, cậu sẽ đi dọc theo cầu tàu ra đến ngọn hải đăng, vừa đi vừa đếm những viên đá lát đường đã bạc màu theo thời gian. Dưới mặt nước trong vắt đến khó tin, cậu có thể nhìn thấy đàn cá nhỏ thon dài của đầu mùa thu. Như thể đang tìm kiếm thứ gì đó, chúng lượn vòng bên cạnh cầu tàu trước khi bơi ra vùng nước sâu hơn.
Khi cuối cùng cũng đến được ngọn hải đăng, cậu sẽ ngồi xuống cuối cầu tàu và từ từ nhìn ra biển. Những vệt mây mỏng lướt qua bầu trời xanh hoàn hảo, trải dài đến tận chân trời. Một màu xanh thẳm vô tận, sâu đến mức khiến đôi chân cậu run rẩy. Cứ như thể cậu đang run lên vì sợ hãi. Mùi biển, hơi gió, mọi thứ đều sống động đến kinh ngạc. Cậu từ từ thưởng thức khung cảnh, để nó lan tỏa khắp người mình, rồi cũng chậm rãi quay đầu nhìn lại. Bây giờ cậu quan sát thế giới của riêng mình bị ngăn cách bởi biển cả sâu thẳm. Phía sau cậu là bãi cát trắng và tường chắn sóng, rừng thông xanh trải dài thấp thoáng, và phía sau đó là những ngọn đồi xanh xám nhấp nhô lên trời.
Ở phía xa bên trái là một cảng biển khổng lồ. Cậu có thể nhìn thấy những chiếc cần cẩu lớn, bến tàu nổi, nhà kho hình hộp, tàu chở hàng và những tòa nhà cao tầng. Bên phải, uốn lượn vào đất liền dọc theo bờ biển là một khu dân cư yên tĩnh, bến du thuyền và một dãy nhà kho rượu sake cũ kỹ; rồi xa hơn nữa là khu công nghiệp với những dãy bồn chứa hình cầu và những ống khói cao cùng làn khói trắng lững lờ trôi trên bầu trời. Còn xa hơn nữa, trong trí tưởng tượng của cậu bé Chuột mười tuổi, là nơi tận cùng thế giới.
Suốt thời thơ ấu, từ mùa xuân đến đầu thu, Chuột đã thực hiện những chuyến đi nhỏ ra ngọn hải đăng. Vào những ngày sóng lớn, chân cậu sẽ ướt sũng vì nước biển bắn lên, gió rít trên đầu khi cậu bước đi, cậu liên tục trượt chân trên những viên đá phủ đầy rêu. Cậu biết rõ con đường ra ngọn hải đăng hơn bất cứ thứ gì. Và khi ngồi trên mép cầu tàu, cậu sẽ để tiếng sóng biển lấp đầy tai mình, ngắm nhìn những đám mây và đàn cá nhỏ, lấy những viên sỏi đã bỏ vào túi trên đường đi và ném chúng xuống biển sâu.
Rồi khi hoàng hôn buông xuống, cậu sẽ quay trở lại thế giới của mình. Trên đường về nhà, nỗi cô đơn luôn chiếm lấy trái tim cậu. Cậu không bao giờ hiểu rõ đó là gì. Chỉ có cảm giác rằng bất cứ điều gì đang chờ đợi "ở ngoài kia" đều quá rộng lớn, đều quá sức đối với cậu.
Một cô gái quen biết của cậu sống gần cầu tàu. Mỗi khi đi qua nơi đó, Chuột lại nhớ về cảm giác mơ hồ thời thơ ấu, mùi hương của những buổi hoàng hôn. Cậu dừng xe trên đường ven biển, băng qua khu rừng thông thưa thớt được trồng trên bãi biển để chắn cát. Cát khô rít lên dưới chân cậu.
Người ta đã xây những tòa chung cư ở nơi từng là những túp lều của ngư dân. Cỏ lau trước các căn hộ có vẻ như đã bị giẫm nát. Căn hộ của cô ấy nằm trên tầng hai, nơi mà vào những ngày gió, cát bụi sẽ bám đầy cửa sổ. Cô ấy có một căn hộ nhỏ xinh xắn hướng Nam, nhưng vì lý do nào đó, không khí trong căn hộ luôn u ám.
"Tại biển," cô nói. "Nó quá gần. Thủy triều, gió, tiếng sóng gầm, mùi tanh của cá. Tất cả mọi thứ."
"Chẳng có mùi tanh nào cả," Chuột nói.
"Có đấy," cô gắt lên, kéo mạnh dây khiến rèm cửa sập xuống. "Nếu anh sống ở đây, anh sẽ biết."
Cát đập vào cửa sổ.
5
Ở khu nhà tôi từng trọ hồi còn là sinh viên, chẳng ai có điện thoại cả. Đến cục tẩy có khi cũng chẳng đủ mà chia. Ấy thế mà trước căn hộ của người quản lý, chúng tôi đặt một cái bàn thấp "mượn tạm” từ trường tiểu học gần đó, trên đó có một chiếc điện thoại công cộng màu hồng, chiếc điện thoại duy nhất trong cả khu nhà. Thế nên chẳng ai bận tâm đến bảng chuyển mạch hay bất cứ thứ gì tương tự. Đó là một thế giới bình yên trong những tháng ngày yên bình.
Chẳng mấy khi có ai ở trong căn hộ của quản lý, nên mỗi lần điện thoại reo, một trong số chúng tôi sẽ phải chạy đi nghe rồi gọi tên người được tìm. Tất nhiên, khi chẳng ai muốn nhấc máy (chẳng hạn như lúc hai giờ sáng), điện thoại sẽ reo mãi không ngừng (kỷ lục của tôi là ba mươi hai hồi chuông), gầm rú như một con voi biết mình sắp lìa đời. Rồi nó sẽ tắt. Đúng nghĩa đen, nó sẽ "chết" đi. Khi tiếng chuông cuối cùng tan vào màn đêm, một sự im lặng đáng sợ bao trùm. Tất cả đều nín thở dưới lớp chăn futon, suy nghĩ về cuộc gọi đã tắt.
Điện thoại reo giữa đêm khuya chẳng bao giờ báo tin tốt lành. Ai đó nhấc máy, giọng thì thầm. "Không nói chuyện này được không?... Anh không hiểu à, đâu phải vậy.... Anh nói sao cơ? Cứ phải như vậy, đúng không? Em mệt mỏi quá rồi.... Tất nhiên, em xin lỗi và.... Thì anh thấy đấy... Em hiểu rồi, cứ để em suy nghĩ thêm một chút, được không?... Em không thể nói hết qua điện thoại..."
Hình như ai cũng ngập trong rắc rối. Rắc rối cứ rơi xuống như mưa, mà chúng tôi thì không bao giờ chán nó. Chúng tôi nhặt nhạnh rồi nhét đầy túi. Đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao chúng tôi lại làm vậy. Có lẽ chúng tôi đã nhầm nó với thứ gì khác.
Đôi khi còn có cả điện tín. Bốn giờ sáng, một chiếc xe đạp dừng trước cổng, tiếp theo là tiếng bước chân dọc hành lang. Rồi có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ thình thịch như báo hiệu sự xuất hiện của Thần Chết. Biết bao người đã ra đi, phát điên, chôn vùi trái tim trong bùn lầy của thời gian, thiêu đốt thân xác bằng những suy nghĩ vô ích, gây rắc rối cho nhau. Năm 1970 là một năm như thế. Nếu loài người
được tạo ra để tự nâng tầm thông qua biện chứng, thì năm đó chắc hẳn phải là một bài học lớn.
* * *
Tôi ở tầng một cạnh căn hộ của quản lý, còn cô gái tóc dài kia ở tầng trên gần cầu thang. Cô ấy là quán quân nhận điện thoại của khu nhà, và vì lý do nào đó tôi lại là người suốt ngày chạy lên chạy xuống mười lăm bậc thang trơn trượt đó. Cô ấy nhận đủ loại cuộc gọi. Giọng lịch sự, giọng hách dịch, giọng buồn não nề, giọng hống hách, và tất cả đều hỏi tên cô ấy. Tôi đã quên khuấy cái tên đó từ lâu; chỉ nhớ mang máng đó là một cái tên bình thường đến tội nghiệp.
Cô ấy luôn nói vào điện thoại với một giọng đều đều mệt mỏi. Một giọng nói thì thầm gần như không thể nghe rõ. Cô ấy khá xinh xắn nhưng gương mặt luôn u ám và khó gần. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau trên phố, nhưng cô ấy chẳng bao giờ nói một lời. Cô ấy bước đi với vẻ mặt căng thẳng như thể đang cưỡi một con voi trắng băng qua khu rừng rậm.
* * *
Cô ấy sống ở khu nhà khoảng nửa năm. Nửa năm từ đầu thu đến cuối đông.
Tôi nghe điện thoại, leo cầu thang, gõ cửa phòng cô ấy và gọi: "Điện thoại!" Sau đó, sau một khoảng dừng ngắn, sẽ có tiếng "Cảm ơn." Đó là tất cả những gì tôi từng nghe cô ấy nói, chỉ "Cảm ơn." Nhưng về phần mình, tôi cũng chẳng nói gì ngoài "Điện thoại."
Đối với tôi, đó là một mùa cô đơn. Mỗi khi về nhà và cởi quần áo, tôi cảm thấy như thể bất cứ lúc nào xương cốt của mình cũng sẽ đâm xuyên qua da. Như thể một thế lực vô hình nào đó bên trong tôi đã đi sai đường ở đâu đó, và đang dẫn tôi đi theo một hướng kỳ lạ đến một thế giới khác.
Điện thoại lại reo. Và tôi nghĩ có ai đó cần nói điều gì đó với ai đó. Bản thân tôi gần như không bao giờ nhận được cuộc gọi. Chẳng có ai muốn nói gì với tôi, hoặc ít nhất là chẳng có ai mà tôi muốn nghe.
Mọi người dường như đã bắt đầu sống theo những hệ thống do chính họ tạo ra. Nếu hệ thống của họ rất khác với tôi, tôi sẽ thấy khó chịu; nếu quá giống, tôi sẽ thấy chán nản. Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy.
* * *
Lần cuối cùng tôi nghe điện thoại hộ cô ấy là vào cuối mùa đông. Một buổi sáng thứ Bảy trong veo đầu tháng 3. Khoảng mười giờ, nắng sớm xuyên qua ô cửa sổ nhỏ, len lỏi vào từng ngóc ngách căn phòng. Tôi nằm ườn ra, mơ màng nhìn cánh đồng bắp cải ngoài kia, tiếng chuông điện thoại vẫn còn văng vẳng đâu đó. Vài mảng tuyết sót lại trên nền đất đen thẫm lấp lánh như những ô nước nhỏ phản chiếu ánh sáng. Tàn dư của đợt lạnh cuối cùng trong mùa.
Mười hồi chuông rồi im bặt. Chưa đầy năm phút sau, tiếng chuông lại réo lên. Cáu kỉnh, tôi khoác vội áo len ra ngoài bộ đồ ngủ, mở cửa và nhấc máy.
"Làm ơn cho tôi gặp cô ______," một giọng nam đều đều vang lên. Một giọng nói vô hồn, nhạt nhẽo, không để lại chút ấn tượng nào. Tôi ậm ừ vài câu cho qua chuyện, rồi lững thững leo lên cầu thang, gõ cửa phòng cô ấy.
"Điện thoại!"
"..... Cảm ơn."
Tôi về phòng, nằm dài trên giường nhìn lên trần nhà. Nghe tiếng cô ấy bước xuống cầu thang, giọng nói thì thầm khô khốc quen thuộc lại vang lên. Cuộc gọi ngắn ngủi, chắc chỉ mười lăm giây. Tiếng cúp máy vang lên, rồi im bặt. Không một tiếng động, không một bước chân.
Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng bước chân chậm rãi tiến đến, rồi tiếng gõ cửa. Hai tiếng gõ, một khoảng lặng đủ để hít một hơi sâu, rồi lại hai tiếng gõ nữa.
Mở cửa, tôi thấy cô ấy đứng đó trong chiếc áo len trắng dày cộp và quần jean. Trong một thoáng, tôi nghĩ mình đã gọi nhầm người, nhưng cô ấy không nói gì. Cô ấy chỉ đứng đó, hai tay ôm chặt lấy
thân mình, run rẩy. Ánh mắt cô nhìn tôi như một người đang nhìn con tàu đắm từ trên thuyền cứu sinh. Hoặc cũng có thể là ngược lại.
"Tôi vào được không? Ở ngoài này lạnh cóng cả người."
Không biết chuyện gì sẽ xảy ra, tôi vội mở cửa cho cô vào rồi đóng lại. Cô ngồi xuống trước lò sưởi, hơ ấm đôi tay, mắt đảo quanh căn phòng.
"Căn phòng của cậu trống trải quá nhỉ."
Tôi gật đầu. Đúng là chẳng có gì ngoài chiếc giường kê sát cửa sổ. Lớn hơn giường đơn nhưng lại nhỏ hơn giường đôi. Nhưng dù sao thì, đó cũng không phải chiếc giường tôi mua. Một người bạn đã tặng cho tôi. Tôi cũng chẳng hiểu sao cậu ta lại tặng tôi một chiếc giường vì chúng tôi cũng đâu thân thiết gì cho cam. Hầu như chưa bao giờ trò chuyện. Cậu ta là con nhà giàu ở đâu đó, bị đám đầu gấu của một phe phái chính trị khác đánh hội đồng trong sân trường, mặt mũi bầm dập, suýt mù một mắt, và phải bỏ học. Cậu ta lên cơn co giật suốt quãng đường tôi đưa đến bệnh xá của trường, trông thật thảm thương. Vài ngày sau, cậu ta nói sẽ về quê, rồi để lại cho tôi chiếc giường này.
"Chắc cậu còn không có gì nóng để uống ấy chứ," cô ấy nói. Tôi lắc đầu. Thật vậy, chẳng có gì cả. Không cà phê, không trà, không bancha3. Đến cả ấm đun nước cũng không. Chỉ có một cái nồi nhỏ tôi dùng để đun nước cạo râu mỗi sáng. Cô ấy thở dài, đứng dậy và bảo tôi cứ ngồi đó, cô ấy đi một lát rồi về. Năm phút sau, cô ấy quay lại với hai chiếc hộp các tông trên tay. Trong hộp là trà túi lọc và trà xanh đủ dùng nửa năm, hai hộp bánh quy, đường cát, một bình giữ nhiệt, và một bộ bát đĩa đầy đủ, kèm theo hai chiếc cốc in hình Snoopy. Cô ấy đặt những cái hộp xuống giường, rồi đun nước sôi để đổ vào bình giữ nhiệt.
"Cậu sống kiểu gì thế này? Như Robinson Crusoe giữa thời hiện đại ấy!"
"Không, không vui đến thế đâu."
"Chắc chắn rồi."
Tôi im lặng nhấp ngụm trà nóng.
"Tôi tặng cậu tất cả những thứ này."
Tôi suýt sặc. "Cậu tặng tôi á?"
"Cậu đã phải nghe biết bao nhiêu cuộc điện thoại hộ tôi. Đây là lời cảm ơn."
"Nhưng còn cậu, cậu không cần chúng sao?"
Cô ấy lắc đầu lia lịa. "Tôi chuyển đi vào ngày mai rồi, nên không cần gì nữa."
Tôi im lặng suy nghĩ, cố hình dung xem chuyện gì đã xảy ra. "Tin vui hay tin buồn?"
"E là không vui lắm. Tôi phải bỏ học và về quê."
Căn phòng ngập tràn nắng ấm bỗng tối sầm lại, rồi lại sáng lên.
"Nhưng cậu không muốn nghe về chuyện đó đâu. Ngay cả tôi cũng không muốn nghĩ đến nữa. Ai lại muốn dùng bát đĩa của một người đã khiến mình buồn, đúng không?"
Ngày hôm sau, trời đổ mưa lạnh từ sáng sớm. Mưa bụi thôi, nhưng vẫn thấm qua áo mưa làm ướt cả áo len của tôi. Cơn mưa khiến mọi thứ trở nên tối tăm, trơn trượt. Chiếc vali quá khổ tôi xách hộ, chiếc vali cô ấy mang theo, túi xách trên vai cô ấy, tất cả đều ướt sũng. Người lái xe taxi còn gắt gỏng bảo chúng tôi đừng đặt hành lý lên ghế.
Bên trong xe taxi ngột ngạt vì hơi nóng của máy sưởi và khói thuốc lá, một bản nhạc enka4cũ kỹ phát ra từ radio. Một bài hát cổ từ thời ô tô còn dùng đèn xi nhan cơ học. Những hàng cây trơ trụi như những rặng san hô dưới đáy biển vươn những cành cây ẩm ướt ra hai bên đường.
"Cậu biết không, ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy, tôi đã không thích vẻ ngoài của Tokyo rồi," cô ấy nói.
"Thật sao?"
"Đất đai quá tối tăm, đường thủy thì ô nhiễm, cũng chẳng có núi non gì cả. Còn cậu?"
"Tôi chưa bao giờ để ý nhiều đến cảnh vật."
Cô ấy thở dài rồi bật cười. "Cậu, tôi biết cậu sẽ sống tốt thôi."
Hành lý đã được đặt an toàn trên sân ga, đến lúc cô ấy nói lời cảm ơn tôi.
"Từ đây tôi tự xoay xở được rồi, cảm ơn cậu."
"Cậu đi đâu vậy?"
"Lên phía Bắc."
"Chắc là lạnh lắm."
"Không sao đâu, tôi quen rồi."
Khi tàu rời đi, cô ấy vẫy tay từ cửa sổ. Tôi giơ tay lên ngang tai, nhưng lúc đó tàu đã khuất bóng. Không biết làm gì với cánh tay đang giơ lên, tôi đút nó vào túi áo mưa.
Cơn mưa kéo dài đến tận đêm khuya. Tôi mua hai chai bia ở cửa hàng rượu gần đó, rồi rót cho mình một cốc bằng chiếc cốc tôi nhận được từ cô ấy. Tôi cảm thấy như thể cơ thể mình sắp đóng băng đến tận xương tủy. Trên cốc là hình Snoopy và Woodstock đang chơi đùa trên nóc chuồng chó, và phía trên đó là dòng chữ:
HẠNH PHÚC LÀ MỘT TÌNH BẠN ẤM ÁP
* * *
Tôi tỉnh giấc khi hai chị em sinh đôi đã ngủ say. Ba giờ sáng. Ánh trăng mùa thu sáng rực một cách bất thường xuyên qua cửa sổ phòng tắm. Tôi ngồi xuống mép bồn rửa trong bếp, uống hai cốc nước máy rồi châm một điếu thuốc trên bếp ga. Ngoài sân golf ngập ánh trăng, tiếng ve mùa thu hòa quyện thành từng lớp trên nền cỏ.
Tôi nhặt bảng chuyển mạch mà hai chị em đã để bên cạnh bồn rửa và nhìn kỹ. Dù lật mặt nào, trước hay sau, nó cũng chỉ là một tấm ván sợi vô nghĩa. Tôi bỏ cuộc và đặt nó lại chỗ cũ, phủi bụi trên tay rồi rít một hơi thuốc. Dưới ánh trăng, mọi thứ đều phủ một màu
xanh nhạt. Nó khiến mọi thứ trông thật vô giá trị, vô nghĩa. Tôi thậm chí còn không thể chắc chắn về những cái bóng. Tôi dập tắt điếu thuốc trong bồn rửa và ngay lập tức châm một điếu khác.
Tôi có thể tiếp tục như thế này mãi mãi, nhưng liệu tôi có bao giờ tìm được một nơi dành cho mình? Ví dụ như, ở đâu? Sau một hồi suy nghĩ, nơi duy nhất tôi có thể nghĩ đến là buồng lái của một chiếc máy bay ném bom cảm tử Kamikaze hai chỗ ngồi. Thật là một ý tưởng ngu ngốc. Trước hết, tất cả các máy bay ném bom cảm tử đã bị loại bỏ từ ba mươi năm trước.
Tôi trở lại giường và nằm xuống giữa hai chị em sinh đôi. Cơ thể họ, mỗi người cong lên một đường cong nhẹ nhàng, đầu quay ra ngoài, thở khẽ trong giấc ngủ. Tôi kéo chăn lên và nhìn chằm chằm lên trần nhà.
6
Cô ấy đóng cửa phòng tắm lại. Rồi có tiếng vòi sen.
Chuột ngồi dậy trên giường, đầu óc trống rỗng. Cậu châm một điếu thuốc và tìm bật lửa. Không thấy trong túi quần trên bàn. Cậu lục tung cả ngăn kéo cũng chẳng thấy que diêm nào. Cậu lục lọi cả ví của cô ấy, nhưng vẫn không có kết quả. Cuối cùng, Chuột phải bật đèn và lục tung tất cả các ngăn kéo, cuối cùng cũng tìm thấy một hộp diêm cũ có tên của một nhà hàng nào đó.
Trên lưng chiếc ghế mây, nơi cô ấy đã đặt tất và đồ lót gấp gọn gàng, có một chiếc váy màu vàng mù tạt được cắt may tinh tế.
Trên bàn cạnh giường, bên cạnh chiếc đồng hồ đeo tay của phụ nữ, có một chiếc túi đeo vai hiệu Baggagerie không mới nhưng được chăm sóc cẩn thận.
Chuột ngồi xuống chiếc ghế mây đối diện, vẫn ngậm điếu thuốc trên miệng, lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ.
Từ căn hộ trên đồi, cậu có thể nhìn thấy những hoạt động ngẫu nhiên của con người chìm trong bóng tối bên dưới. Thỉnh thoảng, Chuột đặt tay lên hông giống như một người chơi golf đứng trên bờ vực của một sân golf dốc xuống, và tập trung sự chú ý vào khung cảnh hàng giờ liền. Dốc đồi rải rác những ánh đèn nhà, trải dài xuống từ dưới chân cậu. Có những cụm cây tối tăm, những gò đất nhỏ nhô lên, và đây đó là ánh sáng chói của đèn thủy ngân phản chiếu từ những hồ bơi riêng. Ở nơi con dốc bằng phẳng, một đường cao tốc uốn lượn; một dải ánh sáng siết chặt lấy trái đất, và xa hơn nữa, có lẽ một dặm dài đô thị trải dài ra biển. Biển tối đen, tối đến mức không thể phân biệt được mặt nước với bầu trời. Và từ giữa bóng tối đó, ánh sáng màu cam của ngọn hải đăng nhấp nháy rồi biến mất. Qua tất cả những tầng lớp khác biệt đó, một đường fairway5 tối tăm đơn độc trải dài xuống dưới.
Một dòng sông.
* * *
Chuột gặp cô ấy lần đầu tiên vào đầu tháng 9, khi bầu trời vẫn còn lưu lại chút ánh sáng rực rỡ của mùa hè.
Cậu đang xem mục "Cũ người mới ta" trong tờ báo địa phương. Trong số những chiếc cũi trẻ em, máy học ngôn ngữ và xe đạp trẻ em, cậu tìm thấy một chiếc máy đánh chữ chạy điện. Một giọng nữ rất chuyên nghiệp trả lời điện thoại: "Vâng, nó đã được sử dụng trong một năm, nhưng vẫn còn bảo hành một năm nữa. Không chấp nhận trả góp hàng tháng. Anh có thể đến lấy trực tiếp được không?" Sau khi thỏa thuận xong, Chuột lên xe đến căn hộ của người phụ nữ, trả tiền và lấy máy đánh chữ. Giá gần như bằng đúng số tiền cậu kiếm được trong mùa hè bằng những công việc lặt vặt.
Mảnh mai và nhỏ nhắn, người phụ nữ mặc một chiếc váy không tay xinh xắn. Một loạt các chậu cây cảnh đủ hình dạng và màu sắc xếp hàng ở lối vào. Khuôn mặt thanh tú, tóc búi gọn gàng. Tuổi của cô? Chắc hẳn cậu sẽ đồng ý với bất cứ con số nào từ hai mươi hai đến hai mươi tám.
Ba ngày sau, cậu nhận được một cuộc điện thoại, người phụ nữ nói rằng cô đã tìm thấy nửa tá ruy băng cho máy đánh chữ, nếu cậu muốn lấy chúng. Và khi đến lấy, cậu đã mời cô đến J’s Bar và đãi cô vài ly cocktail để cảm ơn. Cậu thực sự không nói chuyện nhiều với cô.
Lần thứ ba họ gặp nhau là bốn ngày sau đó tại một hồ bơi trong nhà ở thị trấn. Chuột chở cô về nhà và ngủ với cô. Chuột thực sự không hiểu tại sao mọi chuyện lại kết thúc như vậy. Cậu thậm chí còn không nhớ ai đã tán tỉnh ai trước. Có lẽ tất cả là do cách không khí lưu thông.
Sau vài ngày trôi qua, mối quan hệ với cô ấy bắt đầu lớn dần trong cậu, thể hiện sự hiện diện của nó như một cái nêm mềm mại được đóng vào cuộc sống hàng ngày của cậu. Mỗi khi hình ảnh đôi cánh tay mảnh mai của cô ôm lấy cơ thể cậu hiện lên trong tâm trí, cậu lại cảm thấy một sự dịu dàng lâu nay bị lãng quên lan tỏa khắp người mình.
Cậu có ấn tượng rõ ràng rằng cô ấy, trong thế giới nhỏ bé của riêng mình, đang cố gắng xây dựng một loại hoàn hảo nào đó. Và Chuột biết rằng đó là một nỗ lực hơn cả bình thường. Cô ấy luôn mặc những chiếc váy trang nhã nhất, không bao giờ thu hút quá nhiều sự chú ý, và đồ lót đẹp - không rườm rà mà tinh tế. Cô ấy xức nước hoa với mùi hương của những vườn nho buổi sáng, cẩn thận lựa chọn từ ngữ khi nói, không hỏi những câu hỏi thừa, và luôn mỉm cười với "vẻ thực hành" mà cô ấy học được từ việc soi gương thường xuyên. Và mỗi điều trong số này, theo cách nhỏ bé của riêng chúng, đã làm cho Chuột buồn. Sau khi gặp cô ấy vài lần, Chuột đã đoán cô ấy hai mươi bảy tuổi. Và cậu đã đoán đúng.
Ngực cô nhỏ, thân hình mảnh mai không có mỡ thừa và rám nắng đẹp - mặc dù cô sẽ phủ nhận việc mình muốn có làn da rám nắng. Gò má cao và đôi môi mỏng thể hiện sự giáo dục tốt và một cốt cách bên trong mạnh mẽ, nhưng đằng sau tất cả những sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt cô, điều thể hiện ra là một sự ngây thơ hoàn toàn không phòng bị.
Cô tốt nghiệp khoa kiến trúc của một trường nghệ thuật và đang làm việc trong một văn phòng quy hoạch, chỉ có vậy, cô nói với cậu. Nơi sinh? Không phải ở quanh đây. Đến đây sau khi tốt nghiệp. Mỗi tuần một lần, cô sẽ bơi ở hồ bơi, và vào tối Chủ nhật, cô đi tàu đến lớp học viola của mình.
Mỗi tuần một lần, vào tối thứ Bảy, hai người họ sẽ gặp nhau. Sau đó, cả ngày Chủ nhật, Chuột sẽ nằm dài trong khi cô chơi Mozart.
7
Sau ba ngày nằm liệt giường vì cảm lạnh, tôi trở lại văn phòng với một núi việc đang chờ. Miệng lưỡi khô khốc, toàn thân rã rời như vừa bị ai đó chà xát bằng giấy nhám. Sách báo, tập tài liệu, tạp chí chất đống xung quanh bàn làm việc của tôi như những tổ kiến. Cộng sự bước vào, hỏi thăm sức khỏe qua loa rồi lại quay về phòng mình. Cô thư ký mang đến một cốc cà phê nóng và hai chiếc bánh mì như thường lệ, đặt chúng lên bàn rồi biến mất. Tôi nhớ ra mình quên mua thuốc lá, nên đành xin một điếu Seven Stars của cộng sự, bóc bỏ đầu lọc rồi châm lửa. Bầu trời u ám đến nỗi không phân biệt được đâu là mây đâu là trời. Khắp nơi thoang thoảng mùi lá cây ẩm ướt bị đốt cháy. Hoặc cũng có thể là do cơn sốt của tôi.
Tôi hít một hơi thật sâu, rồi bắt đầu giải quyết "tổ kiến" gần nhất. Mỗi tài liệu đều được đóng dấu "KHẨN" lên trên cùng và đánh dấu thời hạn bằng bút dạ đỏ bên dưới. May mắn thay, đó là "tổ kiến" duy nhất được đánh dấu khẩn. Và may mắn hơn nữa, tôi vẫn còn vài ngày để hoàn thành chúng. Những tài liệu còn lại có thời hạn từ một đến hai tuần sau, không vấn đề gì nếu tôi thuê người dịch thô một nửa. Thế là tôi bắt đầu xử lý từng cuốn sách nhỏ và tài liệu quảng cáo, xếp lại chúng theo thứ tự đã hoàn thành. Quá trình này để lại một "tổ kiến" với hình thù kém ổn định hơn trước. Trông nó giống như một biểu đồ thống kê độ ủng hộ của cử tri theo độ tuổi và giới tính dành cho nội các. Và không chỉ có hình dáng kỳ lạ, mà nội dung của nó cũng ly kỳ như một mớ chủ đề ngẫu nhiên.
Điều đáng tiếc là không có tên khách hàng nào được ghi trên đó. Tôi không thể tưởng tượng nổi ai lại muốn dịch những thứ này (và còn là việc khẩn cấp nữa). Có lẽ một chú gấu đã dừng chân bên dòng suối mong chờ bản dịch của tôi. Hoặc có thể một cô y tá đang lặng lẽ thức đêm bên cạnh một bệnh nhân hấp hối.
Vừa nhâm nhi cà phê, vừa nhai miếng bánh mì nhạt nhẽo như bột giấy, tôi nhìn những bức ảnh chụp một chú mèo đang rửa mặt bằng chân trước. Đầu óc tôi đã tỉnh táo hơn một chút, nhưng tay chân
vẫn còn tê buốt vì sốt. Tôi lấy con dao gấp từ ngăn kéo bàn, tỉ mỉ gọt sáu cây bút chì F, rồi bắt đầu làm việc.
Tôi bật một bản nhạc cũ của Stan Getz và làm việc cho đến trưa. Ban nhạc rất tuyệt - Stan Getz, Al Haig, Jimmy Rainey, Teddy Kotick và Tiny Kahn. Tôi huýt sáo theo giai điệu của Stan Getz trong bài "Jumping with Symphony Sid" và cảm thấy khá hơn nhiều.
Giờ nghỉ trưa, tôi ghé vào một quán ăn nhỏ đông đúc cách văn phòng năm phút đi bộ để ăn cá chiên, rồi đứng bên ngoài một quầy bán hamburger, uống hai cốc nước cam. Tiếp theo, tôi dừng lại ở một cửa hàng thú cưng, chơi với mấy chú mèo Abyssinian khoảng mười phút, thò ngón tay qua khe hở trên kính. Một giờ nghỉ trưa điển hình.
Trở lại văn phòng, tôi lười nhác lướt qua tờ báo buổi sáng cho đến khi đồng hồ điểm một giờ. Rồi tôi lại gọt sáu cây bút chì cho buổi chiều, bóc hết đầu lọc của những điếu Seven Stars còn lại, và đặt chúng lên bàn. Lúc đó, cô thư ký mang đến một cốc trà xanh nóng.
"Anh thấy trong người thế nào rồi?"
"Cũng tạm."
"Công việc thì sao?"
"Cũng ổn."
Bầu trời vẫn u ám không đổi. Thậm chí, màu xám còn đậm hơn so với buổi sáng. Khi thò đầu ra ngoài cửa sổ, tôi có cảm giác rõ ràng là trời sắp mưa. Những chú chim mùa thu bay lượn trên bầu trời, và mọi thứ đều nặng trĩu với tiếng ồn ào đặc trưng của đô thị (tiếng tàu điện ngầm, tiếng rán hamburger xèo xèo, tiếng xe cộ ầm ầm trên đường cao tốc, tiếng đóng mở cửa xe, và vô số những tiếng ồn khác).
Tôi đóng cửa sổ, bật một bản cassette Charlie Parker chơi "Just Friends", và tiếp tục dịch từ phần "Khi nào chim di cư ngủ?"
Đến bốn giờ tôi kết thúc công việc, giao bản dịch cho cô thư ký rồi rời khỏi văn phòng. Tôi quyết định mặc chiếc áo mưa mỏng thường
để ở văn phòng để khỏi phải mang theo ô. Tại nhà ga, tôi mua một tờ báo buổi tối rồi chen chúc trên chuyến tàu đông đúc gần một tiếng đồng hồ. Ngay cả bên trong tàu cũng có mùi mưa, nhưng cho đến lúc đó vẫn chưa có một giọt mưa nào rơi.
Mãi đến khi mua xong đồ ăn tối ở siêu thị gần nhà ga, trời mới bắt đầu mưa. Từng giọt mưa nhỏ li ti gần như không nhìn thấy dần dần biến vỉa hè dưới chân tôi thành một màu xám xịt. Sau khi kiểm tra lịch trình xe buýt, tôi lách vào một quán cà phê gần đó và gọi một ly cà phê. Quán đông nghịt người và mọi thứ đều có mùi mưa thật sự. Áo của cô phục vụ, cà phê, tất cả mọi thứ.
Khi những chiếc đèn đường xung quanh bến xe buýt bắt đầu lấp lánh trong ánh hoàng hôn, những chiếc xe buýt lướt qua lại giữa ánh đèn như những con cá hồi khổng lồ bơi ngược dòng nước. Mỗi chiếc xe buýt chật kín nhân viên văn phòng, sinh viên và các bà nội trợ; rồi lần lượt biến mất vào màn đêm. Một người phụ nữ trung niên dắt theo một chú chó chăn cừu Đức màu đen đi ngang qua cửa sổ. Những đứa trẻ học sinh chạy qua tung hứng một quả bóng cao su. Tôi dập tắt điếu thuốc thứ năm và uống ngụm cà phê lạnh cuối cùng.
Rồi tôi nhìn kỹ hình ảnh phản chiếu của mình trong tấm kính. Có lẽ vì cơn sốt, đôi mắt tôi trông thật mệt mỏi. Thôi được rồi, bỏ qua chuyện đó. Râu ria lởm chởm trên khuôn mặt. Cũng bỏ qua luôn đi. Vấn đề là, nó thậm chí còn không giống khuôn mặt của tôi nữa. Đó là khuôn mặt của bất kỳ chàng trai hai mươi tư tuổi nào có thể đang ngồi đối diện trên chuyến tàu. Khuôn mặt tôi, bản thân tôi, chúng có ý nghĩa gì với ai đó? Chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt. Thế nên, khi cái tôi này lướt qua một cái tôi khác trên đường phố - chúng ta có gì để nói với nhau? Chào! Chào! Chấm hết. Không ai giơ tay. Không ai ngoảnh lại nhìn lần thứ hai.
Có lẽ nếu tôi cắm hoa dành dành vào hai tai, hoặc đeo chân vịt vào cả hai tay, có thể ai đó sẽ nhìn lại lần nữa. Nhưng chỉ có vậy thôi. Họ sẽ quên ngay sau ba bước chân. Ánh mắt họ chẳng nhìn vào thứ gì. Cũng như mắt tôi. Tôi cảm thấy trống rỗng, một khoảng trắng xóa. Liệu tôi còn có thể cho đi bất cứ điều gì cho ai đó nữa không?
* * *
Hai chị em đang đợi tôi.
Tôi đưa túi đồ từ siêu thị cho một trong hai người rồi đi tắm, vẫn ngậm điếu thuốc trên môi. Không buồn dùng xà phòng, tôi chỉ đứng dưới làn nước, lơ đãng nhìn những viên gạch men. Một bóng hình thoáng qua trước mắt rồi biến mất. Bóng hình của thứ gì đó tôi không thể chạm tới, cũng chẳng thể gọi tên.
Bước ra khỏi phòng tắm, tôi lau khô người rồi thả mình xuống giường. Ga trải giường mới giặt, màu xanh san hô, không có một nếp nhăn. Nằm đó nhìn lên trần nhà, tôi hồi tưởng lại những sự kiện trong ngày. Trong khi đó, hai chị em đang bận rộn thái rau, xào thịt và nấu cơm.
"Anh uống bia không?" một người hỏi.
"Ừm."
Và cô gái mặc áo số 208 mang đến một chai bia và một cái cốc. "Nghe nhạc nhé?"
"Được đấy."
Cô ấy lấy đĩa "Recorder Sonatas" của Handel ra khỏi kệ, đặt lên máy và nhẹ nhàng đặt kim lên. Đó là món quà Valentine của một cô bạn gái nhiều năm về trước. Tiếng xào thịt quyện vào âm thanh của sáo, violin và cello như một âm nền liên tục. Tôi và bạn gái đã từng làm tình rất nhiều lần với bản nhạc này. Ngay cả khi đĩa nhạc kết thúc, chúng tôi cũng chẳng quan tâm đến việc kim đang cào lên đĩa hết vòng này đến vòng khác.
Ngoài cửa sổ, mưa rơi không một tiếng động trên sân golf tối tăm. Tôi uống hết chai bia, và khi Hans-Martin Linde chơi nốt nhạc cuối cùng của bản Sonata in F Major, bữa tối đã sẵn sàng. Cả ba chúng tôi đều im lặng một cách khác thường trong bữa ăn tối hôm đó. Bản nhạc đã kết thúc, ngoài tiếng mưa rơi trên mái hiên và tiếng ba bộ hàm nhai thịt, căn phòng im ắng đến lạ. Ăn xong, hai chị em dọn bàn rồi cùng nhau pha cà phê. Chúng tôi cùng thưởng thức ly cà
phê nóng hổi, thơm nồng hương vị cuộc sống. Một trong hai cô gái đứng dậy bật một đĩa nhạc. Đó là "Rubber Soul" của Beatles.
"Ơ, anh có nhớ mình mua đĩa này đâu," tôi ngạc nhiên thốt lên. "Bọn em mua đấy."
"Tích góp từng đồng từ số tiền anh cho đấy ạ."
Tôi chỉ biết lắc đầu.
"Anh không thích Beatles à?"
Im lặng.
"Tiếc quá. Bọn em cứ nghĩ anh sẽ thích."
"Xin lỗi."
Một người đứng dậy, lấy đĩa nhạc ra, nhẹ nhàng phủi bụi rồi cẩn thận đặt lại vào vỏ. Trong suốt thời gian đó, không ai nói một lời. Rồi tôi thở dài.
"Anh không có ý đó," tôi giải thích. "Anh chỉ hơi mệt và cáu kỉnh thôi. Nghe lại nhé."
Cả hai nhìn nhau rồi bật cười khúc khích.
"Thôi khỏi, đây là nhà của anh mà."
"Không, thật đấy, các em không cần phải chiều theo ý anh đâu." "Nghe lại đi."
Thế là chúng tôi cùng nhau nghe hết hai mặt của đĩa "Rubber Soul" trong khi uống cà phê. Tôi cũng dần thả lỏng hơn. Hai chị em dường như rất vui vẻ.
Sau khi uống cà phê xong, hai chị em đo nhiệt độ cho tôi. Cả hai nhăn mặt khi nhìn nhiệt kế. 38 độ. Tăng một độ so với ban sáng. Tôi cảm thấy choáng váng.
"Tắm kiểu đấy không bệnh mới lạ."
"Anh nên đi ngủ đi."
Họ hoàn toàn đúng. Tôi cởi quần áo và trèo lên giường với cuốn "Phê bình lý tính thuần túy" và một gói thuốc lá. Chiếc chăn có mùi nắng mới. Kant vẫn tuyệt vời như mọi khi, nhưng điếu thuốc có vị như tờ báo ẩm ướt được đốt bằng bếp ga. Tôi khép sách lại, lơ mơ nghe giọng hai chị em, mắt nhắm lại, rồi bóng tối cuốn tôi vào giấc ngủ.
8
Nghĩa trang trải dài rộng lớn trên đỉnh đồi. Những con đường sỏi hẹp len lỏi giữa các ngôi mộ, những bụi hoa đỗ quyên được cắt tỉa gọn gàng nằm rải rác như những chú cừu đang gặm cỏ. Một vài hàng đèn thủy ngân cao vút soi xuống không gian rộng lớn, tỏa ánh sáng trắng nhân tạo đến từng ngóc ngách của nghĩa trang.
Chuột dừng xe trong khu rừng ở góc đông nam của nghĩa trang, tay ôm lấy vai cô, nhìn xuống những con phố đêm bên dưới. Một biển đèn lung linh. Cả thị trấn như được đúc trong một tấm vải lớn vẫn còn ấm nóng trong khuôn đúc. Hoặc cũng có thể là một con bướm đêm khổng lồ vừa rắc bụi vàng lên khắp nơi.
Cô nhắm mắt mơ màng dựa vào Chuột. Từ vai trở xuống, Chuột cảm nhận được trọng lượng mềm mại của cơ thể cô. Một cảm giác lạ lùng, cái trọng lượng ấy. Một sinh vật có thể yêu một người đàn ông, sinh con, già nua và chết đi; nghĩ về cả một kiếp nhân sinh nằm trong cái trọng lượng này. Chuột lấy một điếu thuốc ra khỏi bao và châm lửa. Thi thoảng, một cơn gió biển lại thổi lên từ dưới dốc làm xào xạc những cây thông. Có lẽ cô ấy đã thực sự ngủ thiếp đi. Chuột đặt tay lên má cô, rồi chạm nhẹ một đầu ngón tay vào môi cô. Cậu cảm nhận được hơi thở của cô, ấm áp và ẩm ướt.
Bằng cách nào đó, nghĩa trang này trông giống như một khu nhà ở chưa hoàn thành hơn là một nghĩa địa. Hơn một nửa số lô đất trống không. Đó là bởi vì những người được chỉ định ở đó vẫn còn sống. Thỉnh thoảng vào chiều Chủ nhật, một số người sẽ lái xe lên cùng gia đình để xem nơi an nghỉ tương lai của họ. Nhìn ra khu đất từ bệ đá đã được dựng sẵn, "Hmmm, tầm nhìn từ đây đẹp thật, hoa theo mùa, không khí trong lành, bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận, thậm chí còn có cả vòi phun nước. Và không có chó hoang ăn đồ cúng."
Nhưng trên hết họ sẽ bị ấn tượng bởi không khí tươi sáng, lành mạnh. Hài lòng, họ sẽ ngồi xuống ghế dài để ăn cơm hộp, rồi trở về nhà với cuộc sống thường nhật hối hả.
Buổi sáng và buổi tối, người trông coi sẽ cào những lối đi bằng sỏi. Sau đó, ông ta sẽ đuổi bất kỳ đứa trẻ nào có ý định bắt cá chép trong cái ao ở trung tâm. Và như thể vẫn chưa đủ, ba lần một ngày - lúc chín giờ, mười hai giờ và sáu giờ - một bản nhạc "Old Black Joe" sẽ được phát ra từ loa khắp các khu vực. Chuột không bao giờ hiểu được ý nghĩa của việc chơi nhạc, mặc dù cậu phải thừa nhận rằng "Old Black Joe" vang lên trong một nghĩa địa vắng vẻ lúc sáu giờ chiều tà quả là một trải nghiệm đáng nhớ.
Lúc sáu giờ ba mươi, người trông coi sẽ trở về cõi trần bằng xe buýt và sự im lặng hoàn toàn sẽ bao trùm nghĩa trang. Sau đó, các cặp đôi sẽ bắt đầu đến để tâm sự trong xe hơi của họ. Đến mùa hè, những chiếc xe hơi sẽ xếp thành hàng dài trong rừng.
Nghĩa trang vì thế đã chiếm một vị trí quan trọng trong những năm tháng tuổi trẻ của Chuột. Ngay cả khi còn học trung học và chưa biết lái xe, Chuột đã chở các cô gái lên dốc bên dòng suối bằng chiếc xe máy 250 phân khối. Luôn ngước nhìn lên những ngọn đèn đường quen thuộc, cậu đã trải qua nhiều mối tình. Như những mùi hương thoảng qua rồi bay đi. Biết bao giấc mơ, biết bao thất vọng, biết bao hứa hẹn. Và cuối cùng, tất cả đều tan biến.
Quay đầu lại, cái chết đã bén rễ dưới mỗi mảnh trên khu đất rộng lớn. Thỉnh thoảng, Chuột sẽ nắm tay các cô gái và đi dạo trên những con đường sỏi của nơi trang nghiêm này. Tất cả những cái tên, ngày tháng, cái chết khác nhau, mỗi cái đều ẩn chứa một tiền kiếp, giống như những cây bụi trong một vườn ươm, cách đều nhau đến tận chân trời. Không có làn gió nhẹ nhàng nào đung đưa cho họ, không có hương thơm, không có cái chạm tay nào xuyên qua bóng tối. Họ giống như những cái cây lạc vào thời gian. Họ không còn suy nghĩ, cũng không còn lời nào để truyền đạt. Họ đã để lại tất cả những điều đó cho người còn sống. Cậu và cô gái của mình sẽ trở lại rừng, ôm chặt lấy nhau. Xung quanh chỉ còn tiếng gió biển, mùi hương lá cây, tiếng dế kêu, mọi thứ của thế giới này vẫn tiếp tục sống.
"Em ngủ có lâu không?" cô ấy hỏi.
"Không," Chuột nói. "Chẳng lâu chút nào."
9
Lại thêm một ngày nữa trôi qua, giống như mọi ngày khác. Giống đến mức tôi gần như phải đánh dấu để khỏi bị nhầm lẫn.
Cả ngày có mùi như của mùa thu. Tôi tan làm đúng giờ, nhưng về đến nhà thì chẳng thấy hai chị em đâu cả. Tôi thả người xuống giường, chân vẫn còn mang tất, nằm dài hút thuốc. Cố nghĩ về những chuyện khác nhau, nhưng chẳng có gì lóe lên trong đầu. Tôi thở dài ngồi dậy, nhìn chằm chằm vào bức tường trắng đối diện. Tôi chẳng biết phải làm gì - không thể cứ nhìn chằm chằm vào bức tường mãi được, tôi tự nhủ. Nhưng ngay cả lời tự nhủ đó cũng chẳng có tác dụng. Giáo viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của tôi chắc sẽ có nhận xét hoàn hảo: anh viết rất hay, lập luận rõ ràng, nhưng anh chẳng có điều gì để nói.
Thật chính xác. Lần đầu tiên được ở một mình sau một thời gian dài, và tôi không biết mình nên làm gì với chính mình.
Thật lạ lùng. Bao nhiêu năm tôi sống một mình, chẳng phải vẫn ổn đó sao? Sao giờ tôi lại không thể làm được như vậy nữa? Không thể nào quên được hai mươi tư năm cuộc đời chỉ trong chốc lát. Tôi cảm thấy như mình đang tìm kiếm thứ gì đó, nhưng lại quên mất mình đang tìm cái gì.
Đó là cái gì nhỉ? Cái mở nắp chai? Một lá thư cũ, một tờ biên lai, hay dụng cụ lấy ráy tai?
Trong cơn bối rối tột độ, tôi với lấy cuốn sách của Kant trên đầu giường, và một tờ giấy note rơi ra từ giữa các trang sách. Được viết bằng nét chữ của hai chị em, ghi rằng: "Đã đi ra sân golf." Lúc đó tôi mới thực sự lo lắng. Chẳng phải tôi đã dặn họ không bao giờ được ra sân golf mà không có tôi sao?
* * *
Sân golf có thể là một nơi nguy hiểm vào buổi chiều tối đối với những người không biết đến những mối nguy hiểm tiềm tàng. Ai biết được khi nào một quả bóng golf có thể bay đến từ hư không?
Tôi xỏ vội đôi giày thể thao, khoác chiếc áo nỉ lên vai rồi ra khỏi căn hộ, trèo qua hàng rào thép gai vào sân golf. Qua một ngọn đồi thoai thoải, qua lỗ thứ mười hai, qua nhà nghỉ, qua một khu rừng, tôi cứ đi mãi. Ánh hoàng hôn từ những hàng cây phía tây trải dài trên thảm cỏ. Trong một hố cát hình quả tạ, tôi tìm thấy một hộp bánh quy kem cà phê rỗng, rõ ràng là của hai chị em. Tôi vò nát nó và nhét vào túi, cẩn thận xóa đi dấu chân của ba chúng tôi mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc tôi bị bỏ lại phía sau. Sau đó, tôi băng qua một cây cầu gỗ nhỏ bắc qua con suối trước khi gặp hai chị em trên một ngọn đồi gần đó. Họ đang ngồi cạnh nhau giữa một thang cuốn ngoài trời được xây dựng trên sườn đồi phía xa, mải mê chơi cờ tào cáo.
"Anh đã bảo hai em không được đến đây một mình mà?" "Hoàng hôn đẹp quá," một trong hai cô gái lên tiếng.
Chúng tôi đi xuống thang cuốn và nằm dài trên một gò đất phủ đầy cỏ lau để ngắm nhìn hoàng hôn rõ hơn. Khung cảnh tuyệt đẹp.
"Hai em không được vứt rác trong hố cát đâu đấy," tôi trách móc. "Xin lỗi anh," cả hai đồng thanh xin lỗi.
"Ngày xưa, anh từng bị thương ở hố cát. Hồi còn học tiểu học." Tôi chỉ cho họ thấy đầu ngón trỏ trái của mình, nơi vẫn còn một vết sẹo nhỏ màu trắng dài khoảng một centimet. "Ai đó đã chôn một mảnh chai vỡ ở đó."
Cả hai gật đầu.
"Tất nhiên, không ai bị đứt tay bởi hộp bánh quy rỗng cả. Nhưng dù sao, các em cũng không được vứt đồ đạc lung tung trong cát. Những nơi có cát là thiêng liêng và không được làm ô uế."
"Bọn em hiểu rồi," một cô gái nói.
"Bọn em sẽ cẩn thận hơn," cô gái kia nói. "Anh còn có vết sẹo nào khác không?"
"À, nếu em hỏi vậy..." Và tôi bắt đầu chỉ cho hai cô gái mọi vết sẹo trên cơ thể mình. Một danh mục đầy đủ các vết sẹo. Đầu tiên, mắt
trái của tôi, nơi tôi bị bóng đập vào trong một trận bóng đá. Cho đến nay, tôi vẫn còn một vết sẹo nhỏ trên võng mạc. Rồi đến mũi tôi, cũng nhờ bóng đá. Tôi định đánh đầu quả bóng, nhưng lại đập vào răng của một cầu thủ khác. Và bảy mũi khâu trên môi dưới. Ngã xe đạp, cố gắng tránh một chiếc xe tải. Rồi đến chiếc răng bị sứt mẻ...
Cả ba chúng tôi nằm trên thảm cỏ mát lạnh lắng nghe tiếng xào xạc của cỏ lau trong gió.
Mặt trời đã hoàn toàn khuất bóng khi chúng tôi trở về căn hộ để ăn tối. Sau khi tắm và uống một chai bia, ba con cá hồi đã được nấu chín cùng với măng tây đóng hộp và những cọng cải xoong khổng lồ để thêm màu sắc. Hương vị của cá hồi gợi lại những ký ức. Nó có vị như một con đường núi vào một ngày hè. Chúng tôi từ từ thưởng thức cá hồi. Những thứ duy nhất còn lại trên đĩa của chúng tôi là xương cá hồi trắng và những cọng cải xoong to bằng cái bút chì. Hai chị em ngay lập tức rửa bát và pha cà phê.
"Về cái bảng mạch đó," tôi nói. "Anh bắt đầu thấy lo lắng rồi đấy." Cả hai đều gật đầu.
"Tại sao hai em lại nghĩ nó sắp hỏng?"
"Chắc là nó đã hút phải thứ gì đó khủng khiếp, anh nghĩ vậy không?"
"Nó đã xẹp lép rồi."
Tôi trầm ngâm suy nghĩ một lúc, tay trái cầm cốc cà phê, tay phải kẹp điếu thuốc.
"Vậy chúng ta có thể làm gì?"
Cả hai nhìn nhau rồi lắc đầu. "Đã quá muộn để làm bất cứ điều gì rồi."
"Nó sẽ trở về với cát bụi thôi."
"Anh có bao giờ thấy một con mèo bị nhiễm trùng máu chưa?" "Chưa," tôi nói.
"Nó sẽ bắt đầu cứng lại như đá từ ngoài vào trong. Mất rất nhiều thời gian. Và thứ cuối cùng còn lại là trái tim. Nó sẽ ngừng đập."
Tôi thở dài. "Nhưng anh không muốn nó chết."
"Chúng em hiểu cảm giác của anh," một người nói. "Nhưng anh biết đấy, gánh nặng quá sức đối với anh rồi."
Đó là một cách nói nhẹ nhàng. Như thể nói một cách bâng quơ, thôi không đi trượt tuyết mùa đông này vì không có đủ tuyết vậy. Ít nhất thì tôi vẫn còn cà phê để uống.
10
Đêm thứ Tư, Chuột ngủ gục lúc chín giờ rồi tỉnh dậy lúc mười một giờ, không tài nào ngủ lại được. Đầu óc căng như dây đàn, cứ như thể đang đội một chiếc mũ quá chật. Cảm giác thật khó chịu. Không còn cách nào khác, cậu đành phải dậy. Chuột bước vào bếp trong bộ đồ ngủ, nốc cạn một cốc nước đá. Rồi cậu bắt đầu nghĩ về cô ấy. Khi đứng bên cửa sổ nhìn ánh đèn hải đăng, mắt cậu dõi theo cầu tàu cho đến khi nhìn thấy khu vực gần căn hộ của cô. Cậu nghĩ về những con sóng vỗ trong bóng tối, về cát bụi phủ lên cửa sổ của cô. Nhưng dù nghĩ thế nào, cậu cũng chẳng đi đến đâu - cậu đang lừa dối chính mình ư?
Kể từ khi gặp người phụ nữ đó, cuộc sống của Chuột cứ lặp đi lặp lại triền miên, tuần này qua tuần khác. Cậu thậm chí còn không nhớ nổi hôm nay là ngày nào. Tháng mấy rồi nhỉ?
Chắc là tháng 10. Phải không nhỉ? Thứ Bảy nào cậu cũng gặp cô ấy, rồi ba ngày từ Chủ nhật đến thứ Ba, cậu đắm chìm trong hồi ức. Thứ Năm, thứ Sáu, nửa ngày thứ Bảy, cậu lại lên kế hoạch cho cuối tuần. Chỉ còn lại thứ Tư là trống rỗng, chẳng có gì để làm. Không tiến triển, không thụt lùi. Những ngày thứ Tư này...
Sau mười phút hút thuốc thong thả, cậu thay bộ đồ ngủ, khoác áo khoác gió ra ngoài áo sơ mi rồi xuống hầm để xe. Sau mười hai giờ, đường phố gần như vắng tanh. Chỉ còn những ngọn đèn đường soi sáng những con phố tối tăm. Cửa chớp của J’s Bar đã được kéo xuống, nhưng Chuột đẩy chúng lên một nửa, chui xuống và đi xuống cầu thang.
J ngồi một mình sau quầy bar hút thuốc. Mấy chiếc khăn tắm vừa giặt xong được vắt trên lưng ghế cho khô.
"Một cốc bia thôi, được không?"
"Tất nhiên rồi," J vui vẻ đáp lại.
Đây là lần đầu tiên Chuột đến J’s Bar sau giờ làm việc. Tất cả đèn đều đã tắt, ngoại trừ những bóng đèn trên quầy bar, thậm chí cả hệ
thống thông gió và điều hòa cũng im lặng. Chỉ còn mùi hương đã ngấm vào sàn nhà và bức tường qua năm tháng vẫn còn vương vấn.
Chuột bước ra sau quầy bar, lấy một chai bia từ tủ lạnh và rót cho mình một cốc.
Không khí bên ngoài quán bar đặc quánh trong bóng tối, ấm áp và ẩm ướt.
"Thực ra em không định đến đây tối nay," Chuột xin lỗi, "nhưng em tỉnh dậy và thèm một cốc bia. Sẽ đi ngay thôi."
J gấp tờ báo lại, đặt lên quầy và phủi tàn thuốc trên quần. "Không cần phải vội. Nếu cậu đói, tôi sẽ nấu gì đó cho cậu ăn." "Không, không cần đâu. Chỉ cần bia là được rồi."
Bia ngon tuyệt. Cậu uống cạn cốc trong một hơi, rồi thở dài hài lòng. Sau đó, cậu rót nửa chai còn lại vào cốc và nhìn chằm chằm vào lớp bọt đang tan dần.
"Anh có muốn uống với em không?" Chuột hỏi.
J cười gượng. "Cảm ơn, nhưng tôi không đụng đến rượu bia. Không một giọt."
"Ồ, em không biết vậy."
"Cơ địa của tôi không hợp."
Chuột gật đầu vài cái, rồi im lặng nhấp từng ngụm bia. Cậu lại một lần nữa ngạc nhiên về việc mình biết quá ít về người bartender người Hoa này. J là một người đàn ông cực kỳ ít nói. Anh không bao giờ tự nguyện chia sẻ bất cứ điều gì về bản thân, và nếu ai hỏi, anh sẽ thận trọng đưa ra một câu trả lời sẵn có, nhẹ nhàng và vô thưởng vô phạt, như thể vừa được lấy ra từ ngăn kéo.
Mọi người đều biết J là người Hoa thế hệ thứ nhất, điều này không quá hiếm đối với người nước ngoài ở thị trấn này. Trong câu lạc bộ bóng đá của trường Chuột, có một tiền đạo và một hậu vệ là người Hoa. Không ai quan tâm lắm đến chuyện đó.
"Không có nhạc cũng buồn nhỉ?" J nói, ném cho Chuột chìa khóa của máy hát tự động.
Chuột chọn năm bài hát, trở lại quầy và tiếp tục uống bia. Một bài hát cũ của Wayne Newton vang lên.
"Anh không phải về nhà sao?" Chuột hỏi.
"Không sao. Tôi không có ai đợi ở nhà cả."
"Anh sống một mình à?"
"Ừ."
Chuột lấy một điếu thuốc ra khỏi túi, duỗi thẳng và châm lửa.
"Chỉ có một con mèo," J bất ngờ nói. "Một con mèo già, nhưng là một người bạn tốt để trò chuyện."
"Anh tâm sự với nó à?"
J gật đầu vài cái. "Ừ. Chúng tôi đã ở bên nhau một thời gian dài nên có thể hiểu tâm trạng của nhau. Tôi hiểu con mèo nghĩ gì và nó cũng biết tôi nghĩ gì."
Chuột khịt mũi khe khẽ sau làn khói thuốc. Máy hát tự động kêu vo vo, rồi "MacArthur Park" bắt đầu phát.
"Vậy anh nói cho em biết, một con mèo nghĩ gì?"
"Mọi thứ. Giống như cậu và tôi thôi."
"Chà, khó đấy," Chuột cười.
J cũng cười, rồi suy nghĩ một lúc và đưa ngón tay dọc theo quầy bar. "Nó bị què một chân."
"Què á?" Chuột hỏi.
"Con mèo ấy. Bốn mùa đông trước, hình như vậy. Nó về nhà mình mẩy toàn máu. Cái chân đáng thương của nó mềm nhũn như mứt cam."
Chuột đặt cốc xuống quầy và nhìn thẳng vào mặt J. "Chuyện gì đã xảy ra với nó vậy?"
"Tôi không biết. Tôi đoán nó bị xe tông. Nhưng mà, còn tệ hơn thế nữa. Bị bánh xe cán qua không thể nào như vậy được. Ý tôi là, trông nó như thể bị nghiền nát trong một cái ê tô. Bẹp dí như bánh kếp. Tôi gần như cá là ai đó đã cố tình làm vậy."
"Thôi nào," Chuột lắc đầu không tin. "Ai lại muốn làm vậy với chân của một con mèo chứ?"
J liên tục gõ điếu thuốc không đầu lọc của mình trên quầy, rồi đưa lên miệng châm lửa.
"Cậu nói đúng. Chẳng có lý do gì để nghiền nát chân một con mèo cả. Nó là một con mèo ngoan ngoãn, chưa bao giờ làm gì sai trái. Chẳng ai được lợi gì khi nghiền nát chân nó cả. Thật là vô nghĩa và tàn nhẫn. Nhưng mà, thế giới này đầy rẫy những ác ý vô cớ như vậy. Tôi không bao giờ hiểu được, cậu cũng sẽ không bao giờ hiểu được. Nhưng nó vẫn tồn tại. Cậu có thể nói rằng nó đang bủa vây chúng ta."
Chuột gật đầu lần nữa, mắt dán vào cốc bia. "Em không thể hiểu tại sao."
"Không sao đâu. Nếu cậu có thể chấp nhận việc không hiểu, đó là điều tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể mong đợi."
Nói rồi, J thổi khói thuốc vào khoảng không tối tăm phía trên quầy bar. Anh nhìn theo làn khói trắng cho đến khi nó hoàn toàn tan biến trong không khí.
Một khoảng im lặng dài giữa hai người. Chuột nhìn chằm chằm vào cốc của mình, chìm đắm trong suy tư. J lướt ngón tay qua lại trên mặt quầy như thường lệ. Máy hát tự động bắt đầu chơi bản nhạc cuối cùng. Một bản ballad soul bằng giọng falsetto.
"Này J," Chuột nói, mắt vẫn dán vào cốc, "Em đã sống ở đây hai mươi lăm năm rồi, và em có cảm giác mình chưa thực sự học được điều gì cả."
J không nói gì, chỉ nhìn chằm chằm vào ngón tay của mình. Rồi anh nhún vai nhẹ. "Tôi đã sống bốn mươi lăm năm, và tôi chỉ hiểu ra một điều. Đó là: nếu một người chịu khó nỗ lực, thì có thể học được
điều gì đó từ mọi thứ. Ngay cả từ những điều bình thường, tầm thường nhất, luôn có điều gì đó cậu có thể học hỏi. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng người ta nói thậm chí có những triết lý khác nhau trong dao cạo. Thực tế là, nếu không có điều đó, không ai có thể tồn tại."
Chuột gật đầu, rồi uống cạn chút bia cuối cùng trong cốc. Bản nhạc kết thúc, máy hát tự động tắt, và không gian lại trở nên yên tĩnh.
"Em nghĩ em hiểu ý anh, nhưng..." Chuột bắt đầu, rồi nuốt lại suy nghĩ. Nhưng - từ đó nằm trên môi cậu, nhưng cậu không thể nói thêm gì nữa. Vì vậy, cậu mỉm cười và đứng dậy, cảm ơn J và nói: "Em đưa anh về nhà nhé?"
"Thôi khỏi, nhà tôi cũng gần đây, với lại tôi thích đi bộ." "Vậy anh nghỉ ngơi nhé. Chào con mèo hộ em."
"Cảm ơn."
Leo lên cầu thang, Chuột bước ra ngoài, hít thở bầu không khí mùa thu trong lành. Cậu đi về phía bãi đậu xe, vừa đi vừa đấm nhẹ vào những thân cây ven đường. Đến trước cột thu phí đỗ xe, cậu dừng lại nhìn chằm chằm vào nó chẳng vì lý do gì, rồi mới lên xe. Sau vài lần rẽ nhầm, cuối cùng cậu cũng lái xe về hướng biển. Cậu dừng lại trên con đường ven biển, nhìn về phía tòa chung cư của cô. Một nửa số căn hộ vẫn sáng đèn. Ở vài căn có bóng người thấp thoáng sau rèm cửa.
Căn hộ của cô ấy tối om. Ngay cả đèn ngủ cũng đã tắt. Chắc là cô ấy đang ngủ. Một cảm giác cô đơn khủng khiếp tràn ngập trong lòng cậu.
Tiếng sóng biển dường như ngày càng lớn hơn. Cứ như thể chỉ một lát nữa thôi chúng sẽ tràn qua bờ kè và cuốn trôi Chuột - cả cậu và chiếc xe - đến một nơi xa xôi nào đó. Cậu bật radio và ngả lưng ghế ra sau, mắt nhắm nghiền, tay khoanh sau đầu, lơ đãng nghe giọng nói nhạt nhẽo của DJ. Cậu mệt mỏi rã rời, nhờ đó, mọi cảm xúc dù có xuất hiện cũng chỉ thoảng qua rồi biến mất không để lại dấu vết. Chuột dần thư giãn và thả đầu óc trống rỗng vào những âm thanh
hòa quyện của sóng biển và giọng nói của DJ cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
11
Sáng thứ Năm, hai chị em đánh thức tôi dậy. Tôi không nhận ra rằng mình dậy sớm hơn mười lăm phút so với thường lệ, vừa cạo râu, uống cà phê, vừa đọc báo buổi sáng còn thơm mùi mực.
"Bọn em có một việc muốn nhờ anh," một cô gái lên tiếng.
"Anh có thể mượn xe cho bọn em vào Chủ nhật này được không?" cô gái kia tiếp lời.
"Có thể," tôi nói, "nhưng hai em muốn đi đâu?"
"Hồ chứa."
"Hồ chứa?"
Cả hai gật đầu.
"Hai em định làm gì ở hồ chứa?"
"Làm lễ tang."
"Cho ai?"
"Cho bảng chuyển mạch."
"Ừm," tôi đáp, rồi quay lại đọc báo.
Thật không may, Chủ nhật hôm đó trời lại lất phất mưa phùn từ sáng sớm. Thực ra, tôi cũng không biết thời tiết thế nào mới phù hợp cho một đám tang của bảng chuyển mạch. Hai chị em không đề cập đến chuyện mưa nên tôi cũng im lặng.
Tối thứ Bảy, tôi mượn chiếc Volkswagen màu xanh nhạt của cộng sự. Anh ta bóng gió hỏi có phải tôi đã tìm được bạn gái không, tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Ghế sau của chiếc xe bị dính bẩn một bên, có lẽ là do con anh ấy làm đổ socola sữa, nhưng nhìn lại giống vết máu sau một trận đấu súng hơn. Cộng sự tôi chẳng có băng cassette nào hay trong xe, nên chúng tôi lái xe cả tiếng rưỡi đến hồ chứa mà không có nhạc, cứ thế im lặng suốt quãng đường. Mưa lúc to lúc nhỏ, đều đặn thay đổi khiến người ta buồn ngủ.
Âm thanh duy nhất là tiếng xe cộ vun vút lao trên đường cao tốc.
Một cô gái ngồi ghế trước, cô còn lại ngồi ghế sau, ôm chiếc túi đựng bình giữ nhiệt và bảng chuyển mạch "đã khuất". Hai chị em trông rất nghiêm trang đúng với không khí ngày tang lễ. Tôi cũng cố tỏ ra như vậy. Chúng tôi thậm chí còn ăn ngô nướng một cách nghiêm nghị tại một điểm dừng chân ven đường.
Chỉ có tiếng lách tách của hạt ngô nổ trên vỉ nướng mới phá vỡ bầu không khí trầm lắng. Bỏ lại ba bắp ngô đã gặm sạch đến hạt cuối cùng, chúng tôi lại lên xe và tiếp tục hành trình.
Trên đường có rất nhiều chó hoang lang thang trong mưa như đàn cá dưới đáy bể. Chúng tôi phải liên tục bấm còi. Nhìn vẻ mặt của chúng, có vẻ như chúng chẳng bận tâm đến mưa hay xe cộ. Thường thì chúng sẽ tỏ vẻ khinh khỉnh khi nghe tiếng còi, nhưng rồi vẫn tránh đường. Tất nhiên, chúng không thể tránh khỏi cơn mưa. Lũ chó ướt sũng từ đầu đến chân; có con trông như những đứa trẻ lang thang trong tiểu thuyết của Balzac, có con lại giống như những nhà sư đang trầm ngâm.
Cô gái ngồi cạnh đặt một điếu thuốc lên môi tôi và châm lửa. Rồi cô ấy đặt bàn tay nhỏ nhắn của mình lên đũng quần cotton của tôi, vuốt ve. Hành động của cô ấy giống như một sự trấn an hơn là kích thích.
Cơn mưa dường như không có điểm dừng. Mưa tháng Mười thường như vậy. Trời đổ mưa đều đặn, không ngừng nghỉ, cho đến khi mọi thứ ướt sũng. Mặt đất sũng nước. Cây cối, đường cao tốc, cánh đồng, xe cộ, nhà cửa, lũ chó - tất cả đều thấm đẫm nước mưa, khiến thế giới tràn ngập một nỗi lạnh lẽo vô vọng.
Con đường dẫn lên đồi, và cuối cùng chúng tôi cũng ra khỏi khu rừng, đến bờ hồ chứa. Nhờ cơn mưa nên không có một bóng người. Mưa như trút nước trên mặt hồ.
Khung cảnh hồ chứa mưa gió ấy còn thê lương hơn tôi tưởng. Chúng tôi đậu xe bên bờ, ngồi trong xe uống cà phê từ bình giữ nhiệt và ăn bánh quy mà hai chị em đã mang theo. Có ba loại bánh
quy: kem cà phê, kem bơ và siro cây phong, chúng tôi chia đều để đảm bảo mỗi người đều có phần.
Trong suốt thời gian đó, mưa không ngừng rơi trên mặt hồ. Âm thanh giống như tiếng giấy vụn rơi xuống tấm thảm dày. Nó giống như cơn mưa trong những bộ phim của Claude Lelouche.
Sau khi ăn hết bánh quy và mỗi người uống hai cốc cà phê, chúng tôi đồng loạt phủi sạch vụn bánh trên đùi như đã sắp xếp trước. Chẳng ai nói một lời.
"Chà, chắc cũng đến lúc rồi," một cô gái lên tiếng.
Cô gái kia gật đầu.
Tôi dập tắt điếu thuốc.
Chúng tôi đi bộ đến cuối cầu tàu nhô ra mặt nước mà không buồn bung ô. Hồ chứa được hình thành bằng cách đắp đập ngăn dòng sông. Mặt nước uốn cong một cách kỳ lạ khi vỗ vào những nếp gấp của sườn đồi. Màu nước mang đến cảm giác sâu thẳm đáng lo ngại. Những giọt nước mưa tạo nên những gợn sóng nhỏ li ti khắp nơi.
Một trong hai chị em lấy bảng chuyển mạch thân yêu của chúng tôi ra khỏi túi giấy và đưa cho tôi. Dưới mưa, bảng chuyển mạch trông càng thảm hại hơn bao giờ hết.
"Anh đọc kinh cầu gì đó đi ạ."
"Kinh cầu?" Tôi ngạc nhiên.
"Đây là đám tang, nên chúng ta cần đọc kinh cầu tiễn biệt." "Anh chưa nghĩ đến," tôi nói. "Anh chưa chuẩn bị gì cả." "Không sao đâu, gì cũng được."
"Chỉ là để làm đúng thủ tục thôi."
Tôi cố gắng tìm những lời phù hợp trong khi ướt sũng từ đầu đến chân.
Hai chị em nhìn tôi rồi lại nhìn bảng chuyển mạch với vẻ mặt lo lắng.
"Nhiệm vụ của triết học," tôi nhớ lại lời Kant, "là xóa bỏ những ảo tưởng sinh ra từ sự hiểu lầm. Hỡi bảng chuyển mạch! Hãy yên nghỉ dưới đáy hồ chứa."
"Ném nó đi."
"Hả?"
"Bảng chuyển mạch ấy."
Tôi lấy đà và ném nó lên một góc 45 độ với tất cả sức lực của mình. Bảng chuyển mạch vẽ một vòng cung tuyệt đẹp trong mưa rồi rơi xuống nước. Những gợn sóng lan rộng dần, cuối cùng chạm vào chân chúng tôi.
"Bài kinh cầu hay quá."
"Anh tự nghĩ ra à?"
"Tất nhiên rồi," tôi đáp.
Rồi cả ba chúng tôi, ướt như chuột lột, túm tụm lại bên nhau và nhìn ra hồ chứa.
"Nó sâu bao nhiêu ạ?" một cô gái hỏi.
"Rất sâu," tôi trả lời.
"Có cá không ạ?" cô gái kia hỏi.
"Hồ lớn thế này luôn có cá."
Nhìn từ xa, ba chúng tôi đứng đó chắc hẳn trông giống như một cái bia tưởng niệm trang trọng nào đó.
12
Sáng thứ Năm trong tuần đó, tôi khoác lên mình chiếc áo len đầu tiên của mùa thu. Một chiếc áo len xám bình thường, hơi sờn dưới nách nhưng vẫn đủ ấm áp. Tôi cạo râu kỹ càng hơn mọi khi, mặc chiếc quần cotton dày và xỏ chân vào đôi bốt desert đã sờn cũ. Chúng nằm dưới chân tôi như hai chú cún con ngoan ngoãn. Hai chị em sinh đôi lăng xăng khắp phòng, thu dọn thuốc lá, bật lửa, ví tiền và thẻ tàu của tôi.
Ngồi vào bàn làm việc, tôi gọt sáu cây bút chì trong khi nhấm nháp ly cà phê cô thư ký vừa mang tới. Cả căn phòng thoang thoảng mùi áo len mới lấy ra khỏi tủ và mùi bút chì.
Giờ nghỉ trưa, tôi ra ngoài ăn và lại ghé qua chơi với mấy chú mèo Abyssinian. Tôi thò đầu ngón tay út qua khe hở trên tủ kính, hai chú mèo thi nhau nhảy lên đớp vào tay tôi.
Hôm đó, một nhân viên của cửa hàng thú cưng cho tôi bế một chú mèo. Bộ lông của nó mềm như nhung, chiếc mũi lạnh áp vào môi tôi.
"Nó rất thích làm nũng với mọi người đấy," người nhân viên nói.
Tôi cảm ơn và trả chú mèo lại vào tủ kính, rồi mua một hộp thức ăn cho mèo mà tôi chẳng dùng đến. Người nhân viên gói nó lại cẩn thận, và khi tôi bước ra khỏi cửa hàng với hộp thức ăn dưới cánh tay, hai chú mèo nhìn theo tôi như thể đang cố nhớ lại một mảnh vụn nào đó trong giấc mơ.
Trở lại văn phòng, cô thư ký phủi lông mèo trên áo len của tôi. "Tôi vừa chơi với mèo," tôi giải thích.
"Áo len của anh bị sờn dưới nách rồi kìa."
"Tôi biết. Nó bị như vậy từ năm ngoái rồi. Lúc tôi cố gắng lật một chiếc xe bọc thép, nó bị vướng vào gương chiếu hậu."
"Cởi ra đi," cô nói, không có vẻ gì là buồn cười.
Tôi cởi áo len ra, và cô ấy ngồi xuống cạnh ghế, bắt chéo đôi chân dài của mình và bắt đầu vá áo bằng sợi len đen. Trong khi cô ấy đang vá áo, tôi trở lại bàn làm việc, gọt bút chì cho buổi chiều và tiếp tục làm việc. Ngay cả khi có ai đó nhận xét, bạn cũng khó có thể chê trách thói quen làm việc của tôi. Tôi hoàn thành chính xác công việc được giao trong khoảng thời gian quy định, và làm tất cả một cách tận tâm nhất có thể - đó là phương pháp của tôi. Tôi chắc chắn sẽ được đánh giá cao ở Auschwitz. Vấn đề là, tôi nghĩ, những nơi tôi phù hợp luôn tụt hậu so với thời đại.
Nhưng có lẽ điều đó không thể tránh khỏi. Không thể quay trở lại Auschwitz hay máy bay ném bom cảm tử hai chỗ ngồi. Không ai mặc váy ngắn nữa, không ai nghe Jan và Dean nữa. Và lần cuối cùng bạn nhìn thấy một cô gái đeo đai garter6 là khi nào?
Khi đồng hồ điểm ba giờ, cô thư ký đến bàn tôi như thường lệ với trà xanh nóng và ba chiếc bánh quy. Cô ấy đã vá áo len của tôi rất đẹp.
"Anh này, em có thể nói chuyện với anh một chút được không?" "Cứ nói đi," tôi nói, vừa nhâm nhi bánh quy.
"Về chuyến đi vào tháng Mười Một," cô nói, "Hokkaido thì sao ạ?" Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một chuyến đi công ty, chỉ ba người chúng tôi.
"Không tệ," tôi nói.
"Vậy thì quyết định vậy nhé. Anh có nghĩ ở đó sẽ có gấu không?" "Ừm, tôi nghĩ chúng đã ngủ đông hết rồi."
Cô ấy gật đầu, nhẹ nhõm. "À, anh có thể ăn tối với em hôm nay không? Có một nhà hàng tôm hùm tuyệt vời gần đây."
"Được thôi," tôi đáp.
Nhà hàng cách văn phòng năm phút đi taxi, nằm trong một khu dân cư yên tĩnh. Chúng tôi ngồi xuống, một người phục vụ mặc vest đen lướt nhẹ trên tấm thảm bằng sợi cọ, đặt xuống bàn hai cuốn thực đơn to như ván chèo.
Chúng tôi gọi hai cốc bia trước bữa tối.
"Tôm hùm ở đây rất ngon. Họ luộc sống luôn đấy."
Tôi ậm ừ cho qua chuyện rồi uống bia. Ngón tay mảnh khảnh của cô mân mê mặt dây chuyền hình ngôi sao trên cổ.
"Nếu cô có gì muốn nói thì cứ nói trước khi ăn đi," tôi buột miệng. Ngay khi vừa dứt lời, tôi đã thấy hối hận. Lần nào cũng vậy.
Cô khẽ mỉm cười. Rồi, chỉ vì ngại phải xếp lại nụ cười chưa đầy một milimet đó, cô cứ để nó trên môi một lúc. Nhà hàng vắng tanh đến nỗi tôi gần như có thể nghe thấy tiếng tôm hùm vẫy càng.
"Anh có thích công việc hiện tại của mình không?" cô hỏi.
"Ừm. Thú thật là tôi chưa từng nghĩ về công việc theo cách đó. Nhưng tôi không thể nói là mình bất mãn."
"Em cũng vậy, không thể nói là mình không hạnh phúc," cô nói, nhấp một ngụm bia. "Lương tốt, hai anh đều rất chu đáo, và em có thể tự do sắp xếp kỳ nghỉ."
Tôi không nói gì. Đã lâu rồi tôi không thực sự lắng nghe những rắc rối của người khác.
"Nhưng em mới chỉ hai mươi tuổi," cô nói tiếp, "và em không muốn kết thúc như thế này."
Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm dừng khi nhân viên phục vụ sắp xếp món ăn trên bàn.
"Cô còn trẻ," tôi nói, "với mọi thứ còn ở phía trước, tình yêu, hôn nhân. Cuộc sống của cô sẽ trải qua 69 kiểu thay đổi."
"Chẳng có gì thay đổi đâu," cô lẩm bẩm, khéo léo dùng dao và nĩa tách vỏ tôm hùm. "Chẳng ai thèm để ý đến một người như em. Em sẽ dành cả đời để lắp ráp mấy cái bẫy gián rẻ tiền và vá áo len."
Tôi thở dài. Tôi cảm thấy như mình bỗng già đi nhiều tuổi.
"Cô dễ thương, hấp dẫn, có đôi chân đẹp và một cái đầu thông minh. Cô bóc tôm hùm cũng rất giỏi. Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi."
Một sự im lặng u ám bao trùm lấy cô, và cô tiếp tục ăn tôm hùm của mình. Tôi cũng ăn tôm hùm của mình. Và suốt thời gian đó, tôi nghĩ về bảng chuyển mạch dưới đáy hồ chứa.
"Anh đã làm gì khi anh hai mươi tuổi?"
"Tôi say mê một cô gái." Vào năm 1969, năm của chúng tôi. "Rồi chuyện gì đã xảy ra với cô ấy?"
"Nhiều chuyện xảy ra, và chúng tôi chia tay."
"Anh đã hạnh phúc chứ?"
"Nếu nhìn từ xa," tôi nói trong khi nuốt miếng tôm hùm, "hầu như mọi thứ trông đều đẹp đẽ."
Khi chúng tôi ăn xong, nhà hàng đã bắt đầu đông khách, tiếng dao nĩa va chạm, tiếng kéo ghế. Tôi gọi một ly cà phê, còn cô ấy gọi một ly cà phê và một chiếc bánh soufflé chanh.
"Còn bây giờ thì sao? Anh có bạn gái không?"
Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định không tính hai chị em sinh đôi. "Không," tôi nói.
"Và anh không cảm thấy cô đơn sao?"
"Tôi quen rồi. Tôi đã có kinh nghiệm."
"Kinh nghiệm?"
Tôi châm một điếu thuốc và thổi khói lên không trung, cách đầu cô ấy chưa đầy một mét. "Tôi sinh ra dưới một vì sao kỳ lạ. Bất cứ thứ gì tôi muốn, tôi đều có thể có được. Nhưng mỗi khi tôi có được thứ gì đó, tôi lại làm hỏng một thứ khác. Cô hiểu ý tôi không?"
"Một chút."
"Chẳng ai tin tôi, nhưng đó là sự thật. Tôi chỉ nhận ra điều đó vào ba năm trước. Đó là lúc tôi nghĩ, tốt hơn là đừng mong muốn bất cứ điều gì nữa."
Cô ấy gật đầu. "Và đó là cách anh định sống hết phần đời còn lại sao?"
"""