"
Phương Trình Hạ Chí - Higashino Keigo full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Phương Trình Hạ Chí - Higashino Keigo full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám]
Ebooks
Nhóm Zalo
HIGASHINO KEIGO
PHƯƠNG TRÌNH HẠ CHÍ
THẦY GIÁO YUKAWA #6 Mai Khanh dịch
1
Lối vào sân ga nơi hành khách có thể chuyển từ tuyến Shinkansen sang tuyến tàu thường đập ngay vào mắt Esaki Kyohei. Cậu bước lên cầu thang, vào đến sân ga đã thấy đoàn tàu ở đó, cửa tàu đang mở. Bên trong phát ra tiếng chuyện trò huyên náo.
Lên tàu từ cửa gần mình, Esaki Kyohei nhăn nhó. Bố mẹ cậu bảo hết lễ Obon rồi nên chắc tàu sẽ không đông lắm, vậy mà trên tàu gần như không còn ghế trống. Dãy box-seat* dành cho bốn người ngồi hầu như đã bị lấp kín. Kyohei bước trên lối đi giữa các hàng ghế, cầu trời tìm được chỗ nào mới chỉ có một, hai người ngồi.
Hầu hết mọi người đều đi cùng gia đình. Trong số đó có nhiều đứa trạc tuổi cậu, nghĩa là cỡ học sinh lớp năm. Ai nấy đều tỏ vẻ thích thú, cười đùa rôm rả.
Kyohei nghĩ bụng "Mấy đứa này bị ngơ à". Đi tắm biển thì có gì mà vui đến vậy. Chẳng qua chỉ là biển thôi mà. Nếu muốn chơi, đến bể bơi còn vui hơn nhiều. Ở biển làm gì có bể bơi lười, cũng chẳng có những máng trượt khổng lồ.
Kyohei nhận ra hàng ghế ở góc trong cùng vẫn chưa có người ngồi. Hình như có ai đó ngồi ở ghế đối diện, nhưng cậu vẫn cảm thấy may mắn vì dù sao cũng được ngồi một mình trên chiếc ghế dành cho hai người.
Cậu lại gần, đặt ba lô lên chiếc ghế trống. Ngồi đối diện là một người đàn ông cao ráo. Người này đeo kính không viền và đang đọc tạp chí. Bìa tạp chí vẽ hình thù kỳ lạ cùng những từ ngữ mà Kyohei chưa nghe thấy bao giờ. Lúc cậu ngồi xuống, người đàn ông vẫn tiếp tục đọc, hoàn toàn không biểu lộ cảm xúc gì. Anh ta mặc áo khoác bên ngoài áo sơ mi. Trông không có vẻ gì là khách du lịch.
Ở hàng ghế phía bên kia lối đi là một ông lão đậm người, tóc bạc trắng ngồi đối diện một bà lão có khuôn mặt tròn trịa. Có vẻ họ là một cặp vợ chồng. Bà lão rót trà từ chai vào chiếc cốc nhựa, đoạn đưa cho ông lão. Ông ta nhận lấy cốc trà với vẻ mặt sưng sỉa, nốc liền một hơi đâm bị sặc. Ông ta càu nhàu đổ tại bà vợ rót nhiều quá. Cả hai người đều ăn vận bình thường, không có vẻ gì là đang đi du lịch. Chắc họ mới từ đâu đó về.
Chẳng mấy chốc con tàu bắt đầu chuyển bánh. Kyohei đặt ba lô sang bên cạnh, đoạn lấy túi ni lông đựng bữa trưa ra. Món cơm nắm gói bằng giấy thiếc vẫn còn âm ấm. Hộp nhựa Tupperware đựng món gà chiên xù và trứng cuộn. Tất cả đều là món khoái khẩu của cậu.
Vừa uống nước đóng chai, Kyohei vừa nhai cơm nắm nhồm nhoàm. Bên ngoài cửa sổ, biển đã trải rộng ngay trước mắt. Hôm nay là một ngày quang mây, xa xa mặt biển sáng lấp lánh, phía trước những bọt nước trắng xóa đang tung bay.
“Chỉ mấy hôm vợ chồng mình đi công tác Osaka thôi. Cho Kyohei đi biển chơi chắc con sẽ vui hơn là ở khách sạn mà,” mẹ của cậu, Yuri đã nói vậy cách đây chỉ mới ba ngày. Trước đó, Kyohei không mảy may nghĩ tới việc sẽ một thân một mình đến nhà người bà con
cách nơi cậu ở rất xa.
“Nhưng liệu có ổn không? Harigaura xa lắm đấy,” bố cậu, Keiichi nghiêng ly whisky, tỏ vẻ nghi ngại.
“Không sao đâu. Thằng bé đã học lớp năm rồi mà. Con bé Hana nhà Kobayashi ấy, nghe đâu nó còn đi một mình sang tận Úc cơ đấy.” Yuri vừa gõ bàn phím vừa nói. Đã thành thông lệ, tối nào cô cũng ngồi ở phòng khách tính toán doanh thu của cửa hàng.
“Đấy là vì bố mẹ con bé đã tiễn nó ra tận sân bay, rồi khi đến Úc thì lại có người nhà ra tận nơi đón. Nếu chỉ là ngồi trên máy bay không thôi anh đã chẳng lo làm gì.”
“Như nhau cả thôi. Cũng chỉ phải chuyển từ tàu Shinkansen sang tàu điện thôi mà. Từ ga đến đó không xa lắm, chỉ cần đem theo bản đồ là không vấn đề gì đâu, nhỉ?” Câu cuối của Yuri dường như là để nói với Kyohei.
“Vâng.” Kyohei đáp gọn lỏn. Cậu còn đang bận dán mắt vào chiếc máy chơi game cầm tay. Cậu thừa biết cho dù lúc này có trả lời thế nào cũng không thay đổi được việc trong thời gian bố mẹ đi công tác ở Osaka, mình sẽ phải tới Harigaura, vùng quê mà cậu vốn chẳng thiết tha gì. Chuyện tương tự như vậy đã xảy ra không ít lần. Hồi bà cậu còn sống, hễ có chuyện là cậu lại bị gửi về quê ngoại ở Hachioji. Nhưng từ sau khi bà ngoại mất hồi năm ngoái, địa điểm gửi gắm cậu đã chuyển thành nhà của vợ chồng bà bác, chị gái bố cậu.
Bố mẹ Kyohei cùng quản lý một chuỗi cửa hàng thời trang. Họ rất bận và thường xuyên phải đi tới các vùng miền để quảng bá những sản phẩm độc đáo của mình. Cũng có khi Kyohei được đi cùng bố mẹ, nhưng nếu trùng ngày đi học, cậu sẽ phải ở nhà. Cũng may nếu
chỉ một đêm, cậu có thể ở một mình mà không hề gì. Thế nhưng, nghe đâu chuyến công tác Osaka lần này là để chuẩn bị khai trương một cửa hàng mới. Bố mẹ cậu sẽ vắng nhà ít nhất một tuần.
“Cũng phải, thằng bé học lớp năm rồi nhỉ. Chắc không vấn đề gì đâu. Vậy đi Kyohei, đi chơi biển một tuần cho thỏa thích nhé. Đồ ăn ở đấy cũng ngon lắm. Bố sẽ dặn bác cho con ăn đầy bụng cá biển tươi nhé.” Giọng Keiichi nhẹ bẫng như thể rượu whisky đã giúp lưỡi của anh hoạt động trơn tru hơn vậy. Hai vợ chồng bàn qua tán lại cho có, rốt cuộc kết luận cuối cùng vẫn là gửi thằng con trai đi. Lần nào cũng vậy.
Đoàn tàu tốc hành lướt êm ru trên tuyến đường dọc bờ biển. Ăn cơm nắm xong, Kyohei chơi điện tử, giữa chừng thì điện thoại nhét trong ba lô của cậu đổ chuông. Cậu chỉnh trò chơi về trạng thái nghỉ, đoạn thọc tay vào ba lô lần tìm điện thoại. Điện thoại của cậu là loại dành riêng cho trẻ con.
Người gọi đến là mẹ cậu. Kyohei nghe máy, bụng thầm nghĩ "Phiền chết đi được".
“A lô.”
“Ừ, Kyohei hả con. Con đang ở đâu rồi?”
Vớ vẩn. Rõ ràng chính mẹ là người lên kế hoạch và mua vé tàu mà.
“Con đang trên tàu.” Kyohei đáp khẽ. Ít nhất cậu cũng hiểu phép lịch sự khi đi tàu.
“Thế à? Vậy là con lên tàu an toàn rồi hả.”
“Vâng.” Đừng coi con là thằng ngốc thế chứ, Kyohei nghĩ bụng. “Đến nơi con nhớ chào hỏi cho phải phép đấy nhé. Nhớ đưa quà cho bác nghe chưa.”
“Con biết rồi. Con tắt máy đây.”
“Còn đống bài tập nữa. Con nhớ làm bài hằng ngày nhé, mỗi ngày làm một chút thôi cũng được. Đừng để dồn đống lại, sau sẽ khổ hơn đấy.”
“Đã bảo là con biết rồi mà.” Kyohei đáp gọn lỏn, đoạn tắt máy. Mẹ cậu đang lặp lại y nguyên những điều đã dặn dò trước khi cậu ra khỏi nhà. Tại sao các bà mẹ đều như vậy nhỉ?
“Này.” Đúng lúc Kyohei vừa cất điện thoại, đang định chơi tiếp thì một giọng trầm cất lên từ đâu đó. Nghĩ không phải nói với mình nên cậu phớt lờ. “Này, thằng nhóc kia.” Lần này giọng nói đã pha chút bực tức.
Kyohei ngẩng mặt lên khỏi máy chơi game, nhìn sang bên. Ông lão đầu bạc trắng đang lườm cậu với vẻ mặt hầm hầm đáng sợ. “Ai cho nghe điện thoại hả?” Ông ta nói bằng giọng khàn khàn. Kyohei không khỏi ngạc nhiên, thời buổi này rồi mà vẫn còn có người cằn nhằn về chuyện đó sao? Đúng là đồ nhà quê. “Tại đầu bên kia gọi đến chứ ạ.” Kyohei trề môi.
Ông lão đưa ngón tay nhăn nheo chỉ vào ba lô của Kyohei. “Tắt nguồn đi. Chỗ này cấm dùng điện thoại.”
“Nhìn kia kìa.” Ông lão chỉ vào tấm biển trên tàu, trên đó đề dòng chữ: “Chỗ ngồi ưu tiên. Vui lòng tắt nguồn điện thoại khi ngồi gần khu vực này.”
“À…”
“Hiểu chưa? Chỗ này cấm dùng điện thoại.” Ông lão nói vẻ đắc thắng.
Kyohei lấy điện thoại ra khỏi ba lô. Nhưng thay vì tắt nguồn, cậu chìa nó ra trước mặt ông lão.
“Đây là điện thoại cho trẻ con.”
Ông lão chau cặp lông mày bạc trắng tỏ vẻ hồ nghi. Hình như ông ta không hiểu ý.
“Kể cả cháu có tắt nguồn, chỉ một lát sau nó sẽ tự bật lên. Nếu không biết mật mã thì không thể tắt nguồn được. Nên cháu cũng chịu thôi.”
Ông lão suy nghĩ một lát, đoạn hất cằm.
“Thế thì ra chỗ khác mà ngồi. Chỗ này không được. Đây là chỗ ngồi ưu tiên.”
“Thôi mà ông.” Bà lão ngồi đối diện nói, đoạn quay sang cười với Kyohei: “Xin lỗi cháu nhé.”
“Không được, đây là quy tắc của xã hội.” Ông ta càng lúc càng lớn tiếng hơn. Các hành khách khác bắt đầu nhìn chằm chằm về phía họ. Kyohei thở dài, nghĩ bụng: “Chậc, lão già lắm điều.” Đúng lúc cậu định túm lấy ba lô, túi ni lông đựng rác, nhấc mông lên thì một cánh tay vươn ra ấn vào vai cậu, ngăn lại. Không những thế, người đó còn giật luôn chiếc điện thoại khỏi tay cậu.
Kyohei kinh ngạc nhìn người đàn ông ngồi đối diện. Mặt vẫn tỉnh bơ, lần này anh ta thọc một tay vào chiếc túi ni lông mà Kyohei đang cầm. Đoạn lấy miếng giấy thiếc dùng để bọc cơm nắm ra.
Kyohei không kịp nói gì. Người đàn ông banh miếng giấy thiếc ra, dùng nó bọc chiếc điện thoại của Kyohei lại.
“Vậy là được.” Anh ta đưa nó cho Kyohei. “Nhóc không cần chuyển chỗ nữa.”
Kyohei lặng lẽ nhận lấy. Cậu có cảm giác như mình đang xem ảo thuật. Có thật là ổn rồi không?
“Thế nghĩa là sao? Cậu làm thế thì ích gì hả?” Ông lão vẫn chưa thôi càm ràm.
“Giấy thiếc có khả năng làm gián đoạn sóng điện thoại.” Người đàn ông đáp, mắt vẫn không rời cuốn tạp chí. “Việc yêu cầu hành khách tắt nguồn điện thoại trên tàu là để tránh làm ảnh hưởng đến những người đang sử dụng máy trợ tim. Điện thoại tuy bật nhưng không có sóng, vậy là thỏa mãn yêu cầu rồi.”
Quá đỗi kinh ngạc, Kyohei hết nhìn ông lão lại nhìn người đàn ông nọ. Ông lão đang nhìn người đàn ông với vẻ bối rối, nhưng khi bắt gặp ánh mắt của Kyohei, tự nhiên ông ta ho lên mấy tiếng rồi nhắm mắt lại, chừng như đang ngượng. Bà lão cười tủm tỉm, thở phào vì vụ lùm xùm cuối cùng cũng kết thúc êm đẹp.
Một lúc sau, hành khách trên tàu bắt đầu rục rịch đứng lên, dỡ hành lý khỏi giá đỡ. Loa phát thanh thông báo tên nhà ga nơi con tàu sắp sửa dừng chân. Đây là một ga khá nổi tiếng vì có bãi tắm biển.
Chẳng mấy chốc con tàu đã dừng hẳn, phân nửa số hành khách xuống tàu. Nhớ lại chuyện ban nãy, Kyohei quyết định chuyển sang
chỗ khác. Nhưng cậu chưa kịp làm vậy thì người đàn ông ngồi đối diện đã đột nhiên đứng phắt dậy, cầm theo chiếc túi vừa lấy xuống từ giá để hành lý, di chuyển sang chỗ ngồi cách đó khoảng ba hàng ghế.
Kyohei lần khần không đứng lên vì cảm giác như mình đã chậm chân mất rồi. Nhìn sang bên, cậu thấy ông già lắm điều khi nãy đang ngáy.
Dọc tuyến đường này trải dài toàn những bãi tắm biển. Cứ mỗi bận tàu dừng lại, lượng hành khách trên tàu lại vơi đi. Nhưng Harigaura, đích đến của Kyohei vẫn còn ở rất xa.
Tiếng ngáy của ông lão ngồi ghế bên làm Kyohei điếc tai. Vậy mà bà lão đi cùng vẫn thản nhiên ngắm cảnh ngoài cửa sổ như thể đã quá quen với việc này. Không tài nào tập trung chơi điện tử được nên cuối cùng Kyohei quyết định chuyển chỗ. Cậu xách theo ba lô và túi ni lông đựng rác, đứng lên khỏi ghế.
Giờ thì có vô khối ghế trống. Bụng bảo dạ phải đi thật xa khỏi ông lão, Kyohei cứ thế bước đi, rồi cậu bắt gặp người đàn ông khi nãy ngồi đối diện mình. Anh ta ngồi quay lưng về phía cậu, hai chân bắt tréo. Cuốn tạp chí đang để mở. Kyohei vô tư nhòm vào từ đằng sau. Người đàn ông đang dừng mắt ở trang giải ô chữ. Một vài ô trống đã được điền đáp án. Tuy nhiên, có vẻ như anh ta đang bị mắc ở một ô chữ nào đấy.
“Temperance.” Kyohei nói khẽ.
Người đàn ông giật mình ngoái lại. “Gì cơ?” Kyohei chỉ tay vào ô trống.
“Ô thứ 5 hàng dọc. Câu đố ‘Ai là người đọc xương?’ cháu nghĩ
đáp án là Temperance.”
Người đàn ông nhìn xuống ô chữ, gật gù.
“Đúng là vừa khít này. Đấy là tên người à? Chú chưa nghe thấy bao giờ.”
“Temperance Brennan, vai chính trong BONES, một bộ phim nước ngoài. Cô này có khả năng lập luận từ những bộ xương người chết.” Không hiểu sao người đàn ông lại chau mày, lật nhìn bìa cuốn tạp chí.
“Một nhân vật hư cấu à? Tại sao lại đưa vào làm câu đố của một cuốn tạp chí khoa học? Ăn gian quá.” Người đàn ông lầm bầm. Kyohei ngồi xuống ghế đối diện. Người đàn ông không nói gì, tiếp tục trò chơi giải ô chữ. Cây bút bi nằm yên nãy giờ lại bắt đầu chuyển động, chắc hẳn vì anh ta đã giải được thêm một câu đố nữa. Người đàn ông vươn tay với chai trà đặt bên cạnh. Nhưng ngay khi vừa cầm lên, chừng như sực nhớ ra chai đã rỗng không nên liền bỏ lại chỗ cũ.
Kyohei giơ chai nước lọc vẫn còn một nửa ra trước mặt người đàn ông.
“Chú uống đi.”
Người đàn ông mở to mắt ngạc nhiên, khẽ lắc đầu. “Không cần đâu.”
Kyohei tiu nghỉu. Đúng lúc cậu đang định cất chai nước vào balô, người đàn ông nói: “Cảm ơn nhé.” Kyohei ngạc nhiên ngẩng mặt lên, liền bắt gặp ánh mắt của anh ta. Đây là lần đầu tiên hai người chạm mắt nhau. Người đàn ông vội quay mặt đi.
Sắp sửa tới ga Harigaura. Kyohei lấy tấm bản đồ ra khỏi túi quần soóc. Tấm bản đồ được in từ máy tính chứ không phải vẽ bằng tay, trên đó là vị trí của nhà trọ Lục Nham Trang. Hôm qua bác cậu đã gửi fax cho cậu.
Cậu từng đến đó cách đây hai năm. Khi ấy cậu đi cùng với bố mẹ. Nhưng lần đó họ đi bằng ô tô chứ không phải tàu điện. Thành ra, đây là lần đầu tiên cậu tới đó từ ga tàu.
Kyohei mở bản đồ để xác nhận lại vị trí của nhà trọ. Thấy vậy, người đàn ông hỏi: “Nhóc nghỉ ở đó một mình à?” Có vẻ anh ta nghĩ việc này không đúng với một cậu nhóc tiểu học cho lắm.
“Đấy là nhà họ hàng cháu.” Kyohei đáp. “Bác trai và bác gái cháu quản lý nhà trọ đó.”
Người đàn ông gật gù như đã hiểu ra, sau đó anh ta hỏi: “Chỗ đó thế nào?”
“Thế nào là sao ạ?”
“Ý chú muốn hỏi chỗ đó có được không? Có điểm gì hấp dẫn không? Ví dụ như trang thiết bị vừa mới vừa đẹp, khung cảnh nên thơ, hay đồ ăn ngon chẳng hạn.”
Kyohei nghiêng đầu.
“Cháu mới đến một lần thôi nên không nhớ rõ lắm. Nhưng nhà trọ ấy cũ lắm, lại hơi cách xa biển nên khung cảnh cũng chẳng đẹp mấy. Còn đồ ăn à, cháu thấy bình thường.”
“Hừm, cho chú xem một chút.”
Nhận tấm bản đồ từ Kyohei, người đàn ông liền cầm bút viết số điện thoại, địa chỉ và tên nhà trọ vào phần giấy trắng trong cuốn tạp
chí, đoạn xé mẩu giấy.
“Chữ này đọc thế nào? Có phải là Ryokuganso không?” “Rokuganso. Biển hiệu là một tảng đá lớn lắm, dựng ngay trước nhà trọ.”
“Thế à? Cảm ơn nhóc.” Người đàn ông trả lại tấm bản đồ. Kyohei gấp lại, nhét vào túi quần. Con tàu vừa chui ra khỏi đường hầm. Cậu có cảm giác màu sắc của biển như trở nên rực rỡ hơn.
2
Lúc Kawahata Narumi xỏ chân vào đôi giày thể thao, chiếc đồng hồ cũ treo trên tường đang chỉ một giờ ba mươi phút. “Vừa kịp,” cô nghĩ. Nếu đạp xe, chắc chỉ mất mười lăm phút là tới hội trường. Cô sẽ có khoảng mười lăm phút để trao đổi lần cuối với mọi người.
“Mẹ ơi, con đi đây.” Cô hét to về phía quầy. Nằm sâu bên trong, phía sau tấm rèm vải treo cao là khu vực nhà bếp. Bà Setsuko vén rèm bước ra. Bà buộc khăn trên đầu, chắc là đang dở tay sơ chế đồ ăn.
“Con đi lâu không?” Bà Setsuko hỏi. Mặc dù đã năm mươi tư tuổi nhưng mặt bà chưa nhiều nếp nhăn. Nếu trang điểm tử tế, trông bà có thể trẻ ra đến chục tuổi. Song có vẻ bà không mặn mà gì với việc làm điệu, suốt mùa hè bà chỉ dặm chút kem nền kiêm luôn cả chống nắng.
“Con cũng không biết nữa, chắc khoảng hai tiếng gì đó.” Narumi đáp. “Hôm nay chỉ có một nhóm đặt phòng mẹ nhỉ. Mẹ có hỏi khoảng mấy giờ khách tới không ạ?”
“Mẹ không hỏi kỹ, họ chỉ bảo tầm chiều tối.”
“Hừm, thế không sao đâu, con sẽ về trước lúc đó.”
“Với cả hôm nay Kyohei sẽ đến nhà mình đấy.”
“À đúng rồi nhỉ. Em ấy đi một mình ạ?”
“Ừ, mẹ nghĩ chắc tàu cũng sắp tới nơi rồi.”
“Con biết rồi. Con đi đường đấy nên sẽ tạt qua xem sao. Nếu em ấy không biết đường, con sẽ dẫn em về.”
“Vậy nhờ con nhé. Để thằng bé bị lạc ở đây thì mẹ chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn bố nó nữa.”
Mặc dù nghĩ bụng ở cái thị trấn bé tí tẹo này làm gì có chuyện đi lạc nhưng Narumi vẫn gật đầu đáp "Vâng" rồi ra khỏi nhà. Hôm nay cũng là một ngày trời quang mây và nắng gay nắng gắt. Tảng đá khảm vỏ chai dòng chữ "Lục Nham Trang" ngay cạnh lối vào sáng chói cả mắt.
Khoác chiếc túi đeo chéo trên vai, Narumi leo lên xe, đạp về phía nhà ga. Đường sá quanh đây chỗ nào cũng mấp mô, khúc khuỷu. Nhà trọ Lục Nham Trang nằm ở nơi đất cao, xuống một con dốc thẳng tuột là tới ga.
Chưa đầy năm phút Narumi đã tới ga. Hình như vừa đúng lúc tàu cập ga, hành khách đang bước từ cầu thang xuống. Nói vậy nhưng cũng chỉ có đâu mươi người là cùng.
Trong số đó có một cậu bé trong trang phục dạo phố với áo thun đỏ cùng quần soóc màu kaki, lưng đeo ba lô.
Mặc dù nhận ra khuôn mặt trông có vẻ khó tính đó nhưng trong phút chốc Narumi ngập ngừng chưa cất tiếng gọi. Không chỉ vì sau hai năm gặp lại trông Kyohei đã cao lớn hơn nhiều so với cô nghĩ, mà còn vì lúc này cậu bé đang trò chuyện thân mật với người đàn ông đi bên cạnh. Cô nghe nói Kyohei tới đây một mình, còn nếu là Keiichi bố của cậu bé thì Narumi đã gặp nhiều lần rồi.
Nhưng đó quả đúng là Kyohei. Chẳng mấy chốc cậu bé cũng nhận ra Narumi. Cậu nói gì đấy với người đàn ông đi cùng, đoạn chạy về phía Narumi.
“Em chào chị.”
“Chào em, trông em lớn quá nhỉ.”
“Ôi, thật thế ạ?”
“Em học lớp năm rồi nhỉ?”
“Vâng. Narumichan đến tận đây đón em đấy à?” Cậu bé ngước lên, khuôn mặt rạng rỡ.
Narumi không khỏi cảm thấy kỳ lạ khi bị cậu em họ kém gần hai mươi tuổi gọi chan* kèm sau tên như vậy. Chắc vì bố mẹ Kyohei thường gọi Narumi như vậy nên cậu học theo.
“Chị đến xem em đã đến nơi an toàn chưa. Chị đang có việc đi chỗ khác, nhưng vẫn còn thời gian nên nếu em không biết đường, để chị dẫn em về.”
Cậu bé vừa lắc đầu vừa phẩy tay.
“Không cần đâu. Em có bản đồ, với lại hồi trước em từng đến đây rồi mà. Chỉ cần leo thẳng con dốc này là đến nơi đúng không?” Cậu bé chỉ tay về phía con dốc trước mặt.
“Đúng rồi. Ngay trước cửa có một tảng đá to, đó chính là dấu hiệu nhận biết.”
“Vâng, em biết rồi.”
“Kyohei này, em quen người kia hả? Khi nãy chị thấy em nói chuyện với anh ta.” Narumi hướng ánh mắt về phía xa. Người đàn ông đi cùng Kyohei ban nãy lúc này đang nói chuyện điện thoại.
“Chú ấy đi cùng tàu với em, nhưng em không quen.”
“Hừm, không quen mà lại nói chuyện thế à?”
Narumi nghĩ bụng việc đó không được hay cho lắm. Mặc dù trông người đàn ông không có vẻ gì là đáng ngờ.
“Em bị một ông lão kỳ quặc càu nhàu, chú ấy đã giúp em.” “Ồ.”
Không hiểu thằng bé bị càu nhàu chuyện gì. Narumi quan tâm đến điều đó hơn. Nhưng dù sao như thế cũng yên tâm rồi. “Thôi em đi đây.”
“Ừ, đi cẩn thận nhé. Chị em mình sẽ nói chuyện thong thả sau nhé.”
Kyohei gật đầu, đoạn đi về phía con dốc. Narumi nhìn theo, sau đó cô nhấn pê đan. Cô trông thấy người đàn ông khi nãy đang đứng ở bến đậu taxi. Tội nghiệp anh ta, Narumi nghĩ. Taxi ở thị trấn này chỉ đến ga theo giờ tàu dừng. Hơn nữa cũng chỉ có hai, ba chiếc là nhiều. Nếu giờ không còn chiếc nào đỗ ở đây nghĩa là xe đã rời đi hết, nhanh nhất cũng phải ba mươi phút nữa mới lại có xe.
Narumi đạp xe êm ru trên con đường dọc bờ biển. Những cơn gió mang theo mùi ghềnh đá làm mái tóc rối tung, nhưng cô chẳng bận tâm. Đã hơn mười năm rồi cô không nuôi tóc dài. Bởi lúc nào hứng lên cô sẽ đi lặn biển, rồi cứ thế ra quán uống bia mà chẳng buồn tắm gội lại. Nghĩ đến điều đó, cô chẳng thể cười nổi việc mẹ mình, bà Setsuko không hề có hứng thú gì với chuyện trang điểm.
Giữa chừng Narumi rẽ sang ngang, đi xa khỏi biển. Đoạn này hơi dốc. Ở đây tọa lạc nào trung tâm mua sắm, ngân hàng, mang lại cảm
giác phồn hoa, dù chẳng nhiều nhặn gì. Đi qua chỗ này sẽ thấy một tòa nhà màu xám. Đó chính là tòa thị chính của thành phố. Hôm nay, một cuộc họp quan trọng sẽ diễn ra tại đây.
Sau khi để xe vào nơi quy định, Narumi liếc nhìn quanh bãi đậu. Một chiếc xe khách đang đỗ ở đó. Cô lại gần, nhìn tấm biển treo ở chính diện. Trên đó đề dòng chữ: "Đoàn DESMEC". Tên chính thức là "Cơ quan Tài nguyên kim loại và khoáng sản dưới biển" nhưng mọi người đều tiện miệng gọi luôn là Desmec.
Trên xe không có người. Có lẽ họ đã tới nơi và đang chuẩn bị. Phía mình cũng không thể lơ là được, nghĩ vậy Narumi đi về phía cửa.
Người của tòa thị chính đang đứng ở lối vào để kiểm tra. Narumi xuất trình thẻ tham dự, đoạn đi về phía sảnh chính.
Những người đến tham dự cuộc họp đều đã tập trung ở đây. Cô bồn chồn đảo mắt nhìn quanh thì chợt nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình.
Sawamura Motoya đang sải bước về phía cô. Sawamura mới nghỉ việc ở Tokyo và trở về quê mùa xuân vừa rồi, hiện anh vừa phụ giúp ở cửa hàng đồ điện của gia đình, vừa làm một cây bút tự do. Cả khuôn mặt lẫn cánh tay lộ ra dưới áo sơ mi đều đen nhẻm.
“Em làm gì mà đến muộn thế?”
“Em xin lỗi. Những người khác đâu rồi ạ?”
“Mọi người tập trung cả rồi, ở đằng này.” Narumi theo sau Sawamura. Không hiểu bọn họ nói thế nào mà lại được sử dụng nguyên một phòng chờ. Trong phòng có khoảng mười mấy người, toàn là những gương mặt quen thuộc. Phân nửa trong số họ trạc tuổi
Narumi, số còn lại thì đầu bốn, đầu năm. Họ làm đủ nghề khác nhau, nhưng tất cả đều là cư dân đang sinh sống tại Harigaura. Cũng có người Narumi quen từ trước, nhưng hầu hết đều là quen qua cuộc vận động lần này.
Sawamura hít một hơi sâu, đoạn nhìn một lượt tất cả mọi người. “Trước mắt hôm nay chúng ta cứ nghe xem họ nói gì. Tài liệu tôi vừa phát khi nãy tổng hợp những nội dung mà chúng ta đã tự tìm hiểu được. Tôi nghĩ lời giải thích bên phía họ chắc chắn sẽ có những điểm mâu thuẫn với tài liệu này. Mọi người hãy coi đó là trọng tâm của cuộc thảo luận lần này. Tuy nhiên, buổi thảo luận chính sẽ diễn ra vào ngày mai. Chúng ta cứ nghe toàn bộ giải thích của phía bên kia rồi tối nay sẽ hợp tác chiến thêm một lần nữa. Có ai có câu hỏi gì không?”
“Trong này không viết gì đến chuyện tiền nong nhỉ?” Một thầy giáo dạy môn Xã hội ở trường cấp hai lên tiếng. “Chẳng hạn việc khai thác lần này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế ra sao? Tôi nghĩ phía bên kia sẽ nhấn mạnh vào điểm này.”
Sawamura mỉm cười với vị thầy giáo.
“Nói về hiệu quả kinh tế cũng giống như một miếng bánh mochi được vẽ trên giấy vậy. Nó sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc người vẽ là ai và cách chúng ta nhìn nó như thế nào. Tôi đồ rằng phía bên kia sẽ chỉ toàn nói những lời có cánh, nhưng chúng ta tuyệt đối không được nhẹ dạ cả tin.”
“Hơn nữa,” Narumi chen ngang, “theo tôi vấn đề quan trọng không phải là tiền mà ở chỗ họ sẽ làm thế nào để bảo vệ bờ biển xinh đẹp của chúng ta. Bởi một khi môi trường đã bị phá hoại, cho dù có bỏ ra
vài trăm triệu yên cũng không thể trả lại như cũ được nữa.” Trước lời lẽ có phần mạnh mẽ đó, thầy giáo Xã hội nhún vai tỏ ý "ừ thì đúng là vậy".
Có tiếng gõ cửa. Cửa mở ra, một nam nhân viên trẻ của tòa thị chính nhòm vào.
“Sắp tới giờ rồi, xin mời các anh chị vào hội trường.” “Ok, chúng ta đi thôi.” Sawamura hăng hái nói. Nghe hiệu lệnh đó, những người khác rục rịch đứng lên.
Ghế trong hội trường được xếp hình bậc thang. Nếu ngồi kín chỗ này thì có khi phải chứa được bốn, năm trăm người. Nghe đâu hội trường được thiết kế để dùng cho cả các buổi diễn thuyết, tuy nhiên trong ký ức của Narumi, chưa từng có buổi diễn thuyết của người nổi tiếng nào được tổ chức tại đây.
Nhóm của Narumi chiếm lấy hàng ghế phía trên. Họ đặt tài liệu trên mặt bàn, chuẩn bị giấy bút để ghi chép. Ngồi bên cạnh, Sawamura đang kiểm tra lại máy ghi âm.
Hội trường rộng lớn dần được lấp kín. Cô thấy cả ngài thị trưởng và người đứng đầu thị trấn. Nghe đâu không chỉ có người dân địa phương mà cả những người từ các tỉnh thành khác cũng đến. Ai cũng quan tâm nhưng hầu như chẳng ai biết gì cả. Chủ đề được bàn luận ngày hôm nay chính là như vậy.
Trong lúc nhìn những người đến tham gia, Narumi bắt gặp ánh mắt của một người đàn ông áng chừng ngoài sáu mươi. Ông ta để đầu húi cua, tóc điểm vài sợi bạc, mặc một chiếc áo sơ mi hở cổ. Người đàn ông nhoẻn miệng cười, đoạn khẽ cúi đầu chào Narumi. Cô cũng đáp lại, song không rõ ông ta là ai.
Trên bục có đặt một chiếc bàn dài cùng mấy chiếc ghế gấp xếp thẳng hàng. Trên bàn có dán giấy đề chức danh và họ tên. Hầu hết đều là người của Desmec, ngoài ra còn có sự góp mặt của một vài nhà hải dương học và vật lý học. Họ còn chuẩn bị sẵn một màn hình ở ngay chính giữa căn phòng.
Cánh cửa phía trước mở ra, những người đàn ông trong trang phục áo vest nối đuôi nhau đi vào. Khuôn mặt ai nấy đều nghiêm nghị. Theo chỉ dẫn của nhân viên tòa thị chính, họ lặng lẽ ngồi vào những chiếc ghế đã được chuẩn bị sẵn trên bục.
Cách đó một khoảng là chỗ ngồi dành cho người dẫn chương trình. Một cậu thanh niên khoảng ba mươi tuổi, mắt đeo kính cầm lấy micro.
“Hiện đã đến giờ, vậy tôi xin phép được bắt đầu. Còn thiếu một người nữa, nhưng chắc anh ấy sẽ đến ngay thôi…”
Người dẫn chương trình vừa nói đến đó thì cánh cửa bật mở, một người đàn ông tay cầm áo khoác hớt hải chạy vào.
Narumi không khỏi bất ngờ. Đó chính là người cô đã gặp ở nhà ga, người khi nãy đi cùng với Kyohei. Hai bên thái dương anh ta ướt đẫm mồ hôi. Hẳn là anh ta không bắt được taxi và phải đi bộ từ ga tới đây. Chạy xe đạp chỉ loáng cái là tới, nhưng đi bộ thì cũng mất kha khá thời gian.
Anh ta ngồi vào chiếc ghế có đề dòng chữ: "Yukawa Manabu - Phó giáo sư vật lý trường Đại học Teito".
“Vâng, vậy là đã đông đủ tất cả mọi người, tôi xin phép được bắt đầu lại.” Người dẫn chương trình lên tiếng. “Hôm nay chúng ta sẽ có buổi thuyết trình liên quan đến việc khai thác tài nguyên kim loại và
khoáng sản dưới biển. Tôi tên là Kuwano đến từ phòng Quan hệ công chúng thuộc Cơ quan Tài nguyên kim loại và khoáng sản dưới biển. Tôi xin phép được dẫn chương trình cho buổi ngày hôm nay. Rất mong nhận được sự hợp tác từ phía quý vị. Vâng, trước tiên sẽ là phần giải thích sơ lược của phòng Kỹ thuật.”
Người đàn ông với chức danh trưởng phòng Kỹ thuật vừa đứng lên thì đèn trong phòng được tắt đi. Trên màn hình xuất hiện dòng tiêu đề với cỡ đại: "Về đề án khai thác tài nguyên kim loại và khoáng sản dưới biển".
Narumi dựng thẳng lưng, nghĩ bụng không thể để sót một câu một chữ nào của đối phương. Sứ mệnh của cô là bảo vệ biển, không thể để việc khai thác tài nguyên hủy hoại bảo bối quý giá của thiên nhiên được.
Mùa hè này đã xảy ra một sự việc gây xôn xao dư luận Harigaura và các vùng lân cận. Nguyên nhân bắt nguồn từ một bản báo cáo được công bố bởi Hội nghiên cứu năng lượng tài nguyên thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp. Nội dung bản báo cáo cho rằng dải biển từ Harigaura kéo dài mấy chục ki lô mét về hướng Nam rất có tiềm năng cho việc thử nghiệm khai thác quặng nhiệt dịch dưới biển, nhằm hướng đến thương mại hóa.
Quặng nhiệt dịch là khối đá được hình thành do sự lắng đọng của các thành phần kim loại có chứa trong nguồn nước nóng phun trào từ đáy biển. Thành phần của nó bao gồm đồng, chì, kẽm, vàng, bạc… Ngoài ra còn có một lượng lớn các kim loại hiếm như germanium, gallium. Nếu có thể khai thác những kim loại đang ngày càng khan hiếm trên khắp thế giới đó một cách có lợi nhuận thì Nhật
Bản sẽ vươn lên trở thành cường quốc về tài nguyên thiên nhiên. Bởi thế chính phủ đầu tư phát triển kỹ thuật cho lĩnh vực này như một lẽ đương nhiên. Và Desmec chính là nhà tiên phong.
Lần này người ta đặc biệt quan tâm đến quặng nhiệt dịch ở đây bởi nó nằm ở tầng khá nông, khoảng tám trăm mét dưới đáy biển. Càng nông thì việc khai thác càng dễ dàng, và chi phí cũng nhờ thế mà giảm đi. Vài chục ki lô mét từ đất liền là khoảng cách vừa phải để nhắm đến thương mại hóa. Ngay khi kế hoạch khai thác đó được công bố, dư luận ở Harigaura nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung trở nên xôn xao. Không phải họ tức giận vì biển của mình sẽ bị tàn phá. Rất nhiều người kỳ vọng sẽ có một ngành công nghiệp mới sinh ra trên vùng đất của họ.
3
“Con dốc này dài thế cơ à.” Kyohei dừng chân, nhìn quanh với vẻ chán nản. Lần trước khi tới đây cậu cũng đã đi qua đi lại con đường này mấy lần để ra bãi biển. Nhưng hồi đó là bố cậu lái ô tô. Đây là lần đầu tiên cậu phải cuốc bộ thế này.
So với hai năm trước, cảnh vật xung quanh không mấy thay đổi. Một căn nhà lớn mà trước đây có lẽ từng là nhà trọ ẩn mình ngay bên dưới chân dốc. Mái nhà và tường đã ngả sang màu tro cũ kỹ, lớp sơn trên tấm biển hiệu khổng lồ cũng đã bong tróc cả. Kyohei nhớ lại lần trước khi đi ô tô qua đây, bố cậu đã nhắc tới "vết tích của sự đổ nát".
“Người ta gọi đây là vết tích của sự đổ nát đấy. Chữ Hán từ này hơi khó, tóm lại là chỉ những căn nhà tan hoang, không người ở. Ngày xưa chắc nó đã từng là một nhà trọ hoành tráng lắm.” “Tại sao không có ai ở đó nữa ạ?” Kyohei hỏi.
“Thì làm ăn không sinh lời, khách không đến trọ nữa chứ sao.” “Sao khách lại không đến nữa ạ?”
Bố cậu trả lời sau một tiếng hừ…m: “Vì họ đến những nơi khác tốt hơn.”
“Tốt hơn thế nào ạ?”
“Những chỗ vui hơn như Disneyland hay Hawaii chẳng hạn.”
“Hừm.”
Kyohei chưa được đi Hawaii bao giờ, nhưng Disneyland thì cậu rất khoái. Khi cậu kể cho mấy đứa bạn nghe chuyện sẽ đi Harigaura, chẳng đứa nào biết đấy là đâu, cũng chẳng đứa nào lấy làm ghen tị.
Vừa nhớ lại đoạn hội thoại khi ấy, Kyohei vừa tiếp tục leo dốc. Ngay từ đầu cậu đã thắc mắc không hiểu tại sao người ta lại xây một nhà trọ lớn như thế ở nơi này. Chắc ngày xưa du khách tới đây nhiều lắm.
Chẳng mấy chốc căn nhà quen thuộc hiện ra trước mắt cậu. Mặc dù rộng chưa bằng một phần tư căn nhà đổ nát khi nãy nhưng xét về độ cũ thì không hề thua kém. Chủ nhà trọ là bác trai của Kyohei, ông Kawahata Shigeharu. Ông là chủ đời thứ hai, nhưng kể từ sau khi tiếp quản nhà trọ này cách đây khoảng mười lăm năm, ông chưa một lần tiến hành cải tạo lại. Bố Kyohei vẫn thường nói: “Đằng nào cũng chẳng có khách tới, chi bằng bỏ quách cái nhà trọ rách nát ấy đi.”
Kyohei mở cửa kéo ngoài hiên, bước vào trong. Điều hòa bật vừa phải khiến cậu cảm thấy thật dễ chịu. “Cháu chào bác ạ!” Kyohei gọi với vào trong.
Tấm rèm sau quầy đung đưa, bác gái cậu, bà Kawahata Setsuko tươi cười bước ra.
“Ái chà chà, chào cháu, Kyohei. Cháu lớn thật đấy.” Câu đầu tiên của bà giống hệt câu của Narumi. Có lẽ họ nghĩ bọn trẻ con sẽ vui khi được khen như vậy.
Kyohei cúi gập người xuống. “Từ hôm nay mong bác giúp đỡ ạ.” Bà Setsuko nở nụ cười nhăn nhó. “Cháu nói gì thế, khách sáo quá. Nào, vào đây đi đã.”
Kyohei cởi giày, xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà. Căn nhà trọ này có cả tiền sảnh, dù khá nhỏ. Ở đó đặt một chiếc ghế mây dài. “Bên ngoài nóng lắm phải không? Bác lấy thứ gì mát cho cháu uống nhé. Cháu uống nước hoa quả hay trà lúa mạch? Có cả Coca nữa đấy.”
“Thế bác cho cháu Coca ạ.”
“Coca hả, Ok.” Bà Setsuko giơ hai ngón tay hình chữ V, đoạn đi về phía sau quầy.
Kyohei cởi ba lô, ngồi xuống ghế mây. Cậu lơ đãng nhìn quanh phòng. Một bức tranh sơn dầu có vẻ là vẽ bãi biển gần đây được lồng trong khung trang trí. Bên cạnh đó dán một tấm bản đồ kèm theo hình minh họa giới thiệu các địa điểm du lịch quanh đây. Ấy vậy nhưng màu của nó đã phai sạch thành ra không còn đọc được gì. Chiếc đồng hồ cũ kỹ treo trên tường đang chỉ hai giờ chiều.
“Ồ, ồ.” Kyohei nghe thấy một giọng nói khàn khàn. Cậu quay ra thì thấy ông Shigeharu đang đi lại từ bên trong hành lang. “Chào cháu, Kyohei lớn thật rồi nhỉ, đi một mình tới tận đây.”
Ông Shigeharu vẫn to béo hệt một con búp bê Daruma, y như lần gặp hai năm trước, có khác chăng chỉ là giờ đây ông phải chống gậy. Mái tóc đã mỏng hơn nhiều, phải gọi là đầu hói mới đúng. Kyohei nhớ bố cậu từng nhắc đến chuyện bác bị tăng cân quá nhiều nên đầu gối không còn chống đỡ được nữa.
Kyohei đứng lên chào người bác.
“Không phải đứng lên đâu, bác cũng ngồi xuống đây. Hây dà.” Ông Shigeharu ngồi xuống đối diện Kyohei, cười hề hề. Trông mặt ông cứ như thần Ebisu vậy. “Thế nào, bố mẹ cháu khỏe cả chứ?”
Kyohei gật đầu. “Vâng. Cả hai đều rất bận ạ.”
“Vậy à? Làm ăn khấm khá thế là tươm rồi.” Bà Setsuko bưng chiếc khay đặt sẵn một bình trà và ba chiếc cốc ra, có lẽ bà đã nghe thấy tiếng ông Shigeharu. Trong đó, một chiếc cốc đã rót sẵn Coca.
“Ái chà, tôi cũng muốn uống Coca.” Ông Shigeharu nói. “Không được, ông phải kiêng đồ ngọt.” Bà Setsuko rót trà lúa mạch vào cốc.
Kyohei đang khát khô cả cổ, cậu uống Coca một cách ngon lành. Setsuko là chị gái cùng cha khác mẹ với Keiichi. Nghe nói mẹ của bà Setsuko mất trong một vụ tai nạn giao thông từ hồi bà còn nhỏ. Sau đó, bố bà tái hôn và sinh ra Keiichi. Bởi vậy mà hai người chênh nhau những chín tuổi.
“Cháu gặp chị Narumi ở ga rồi ạ. Chị ấy bảo đang có việc gì đó.” “Việc á? Việc gì thế?” Ông Shigeharu hỏi bà Setsuko, có vẻ ông cũng không nắm được tình hình.
“Thì chuyện đó đấy. Chuyện liên quan đến biển, gì mà khai thác vàng với bạc dưới đáy biển ấy.”
“À, chuyện đó hả.” Ông Shigeharu tỏ vẻ không mấy quan tâm. “Không biết thế nào, thật là ngon ăn thế, hay lại lừa đảo?” “Ai mà biết.” Bà Setsuko nghiêng đầu. “Con bé Narumi lo biển sẽ bị ô nhiễm nếu họ thực sự tiến hành khai thác.”
“Biển à… Thế thì không được.” Ông Shigeharu hớp một ngụm trà, mặt tỏ vẻ nghiêm nghị.
“À, phải rồi.” Kyohei mở ba lô, lấy ra một bọc giấy. “Cháu quên mất, đây là quà mẹ nhờ cháu gửi biếu hai bác ạ.”
“Chà chà chà, thật ngại quá. Đâu cần câu nệ thế chứ.” Bà Setsuko nhíu mày, mỉm cười nhận lấy món quà, đoạn mở gói bọc ngay tắp lự. “Ái chà, là món khô bò ướt mặn ngọt đây mà. Cửa hàng này nổi tiếng lắm phải không. Phải gửi lời cảm ơn mợ Yuri mới được.”
Kyohei uống hết cốc Coca. Thấy vậy bà Setsuko liền hỏi: “Cháu uống thêm không?” Kyohei vừa gật đầu vừa đáp "Có ạ", bà Setsuko đã cầm ngay chiếc cốc rỗng đi. Nếu ở nhà thể nào cậu cũng phải nghe những câu đại loại như “Muốn uống thì tự đi mà lấy.”
Kyohei nghĩ bụng: “Ở đây đến hết kỳ nghỉ hè cũng không phải ý tồi.”
4
Trưởng phòng Phát triển đứng lên, bắt đầu trình bày về kế hoạch sau này. Trước mắt họ sẽ tìm hiểu địa hình, xem xét khối lượng và tỷ trọng của quặng cũng như tỷ lệ kim loại. Song song với đó, họ sẽ nâng cao các kỹ thuật khai thác tài nguyên như đào và đưa quặng lên. Ngoài ra, họ cũng sẽ xây dựng kỹ thuật luyện quặng, đẩy mạnh hoạt động để mười năm nữa có thể cân nhắc tới việc thương mại hóa.
Nghe vậy, Narumi cảm thấy yên tâm phần nào. Bởi họ đã không nói những câu bùi tai đại loại như đây là dự án tiềm năng có thể mở ra một ngành công nghiệp mới hỗ trợ người dân địa phương. Có lẽ họ cũng đang phải thận trọng vì đúng là vẫn còn quá nhiều điều chưa được làm rõ.
Mặc dầu vậy, vẫn có âm hưởng gì đó trong cụm từ "tài nguyên dưới biển" khiến người ta ôm mộng. Không có gì khó hiểu khi những người đang muốn vực dậy nền kinh tế địa phương cảm thấy như vừa có một vị cứu tinh đột nhiên xuất hiện. Thị trấn Harigaura đang ngày càng trở nên suy thoái. Ngành du lịch vốn được coi là nguồn doanh thu lớn nhất vẫn đang tiếp tục trì trệ.
Tuy nhiên, Narumi cũng lo chỉ vì lẽ đó mà dễ dàng tiếp nhận một kỹ thuật mới chưa ai biết đến liệu có ổn không? Thị trấn Harigaura
được hình thành từ biển, nhưng phải là một bờ biển xinh đẹp, tràn ngập sức sống. Nếu để vực dậy thị trấn mà phải hy sinh biển cội rễ của thị trấn thì chẳng khác nào đang làm một việc ngược đời cả.
Nói thì nói vậy nhưng một mình Narumi chẳng thể làm được gì. Nghĩ chí ít cũng phải cho mọi người biết suy nghĩ của mình, cô đã viết lên blog. Từ dạo trước, Narumi đã quản lý một trang web cá nhân giới thiệu về biển Harigaura.
Khi đó, Sawamura Motoya, một người cũng xuất thân từ Harigaura đã gửi thư điện tử cho cô. Là một cây bút tự do, anh rất tích cực viết về chủ đề bảo vệ môi trường. Anh đã liên hệ với những người bạn yêu quý thiên nhiên của mình và bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc vận động phản đối. Anh viết thư cho Narumi ngỏ ý mời cô tham gia cùng.
Như người sắp chết đuối vớ được cọc, Narumi viết thư hồi âm ngay lập tức, bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia vào hoạt động bảo vệ biển. Sau đó là những ngày trao đổi thông tin và học tập. Sawamura rời căn hộ ở Tokyo, trở về quê để toàn tâm toàn ý tham gia cuộc vận động. Anh tận dụng những mối quan hệ xã hội của mình, tập trung những người sẵn lòng ủng hộ cuộc vận động phản đối. Nhóm Narumi cho rằng việc khai thác lần này sẽ phá hủy hệ sinh thái và tác động chủ yếu tới những người làm ngư nghiệp. Chính bởi vậy những người này bắt đầu xuất hiện ngày càng đông trong các cuộc tụ họp của phe phản đối.
Chính phủ cuối cùng cũng có động thái khi mà cuộc vận động ngày càng lan tỏa sâu rộng. Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp đã ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan liên quan mở cuộc họp giải thích rõ
ràng với người dân sống quanh khu vực biển có sàng quặng. Thế nên hôm nay mới có buổi thuyết trình này đây. Một cơ hội hiếm có. Narumi quyết định sẽ nhân dịp này nói ra hết những suy nghĩ của mình về biển.
Kỹ sư của Desmec vẫn đang tiếp tục trình bày. Họ cũng đã chuẩn bị sẵn phần giải thích liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, nội dung mà Narumi nghe được không mấy thuyết phục.
Tiếp nối phần trình bày kéo dài gần hai giờ đồng hồ của Desmec là phần hỏi đáp. Ngồi kế bên, Sawamura ngay lập tức giơ tay. Anh nhận lấy micro, bắt đầu chất vấn.
“Sàng quặng nhiệt dịch dưới biển, đúng như tên gọi của nó, là một cái hố nơi nguồn nước nóng phun trào. Xung quanh cái hố đó có rất nhiều loài sinh vật tầng nước sâu đang sinh sống. Các vị nói rằng sẽ dự đoán xem việc khai thác quặng có ảnh hưởng như thế nào và đưa ra đối sách, nhưng tôi cho rằng chẳng cần phải dự đoán làm gì, những sinh vật đó chắc chắn sẽ bị hủy diệt. Trong số các sinh vật sống ở tầng nước sâu, có những loài phải mất đến vài năm mới đạt đến kích thước mười mấy xen ti mét. Ấy vậy mà chúng sẽ bị giết chết chỉ trong nháy mắt. Hãy cho chúng tôi biết các vị định sẽ làm gì để bảo vệ chúng, các vị chỉ cần nói ý tưởng ở thời điểm hiện tại thôi cũng được.”
“Thật không hổ danh!” Narumi thầm thán phục. Sawamura đã nói thay cho suy nghĩ của cô.
Trưởng phòng Phát triển của Desmec đứng lên trả lời chất vấn. “Đúng như anh nói, việc gây hại cho một số loài sinh vật là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi đang cân nhắc các đối sách bảo toàn
môi trường bằng những nghiên cứu di truyền học. Tức là chúng tôi sẽ tìm hiểu gen của các loài sinh vật ấy và xác minh xem chúng có đang tồn tại ở vùng biển nào khác không. Nếu như chúng chỉ có ở vùng biển đó, chúng ta cần đưa ra biện pháp bảo vệ. Phương pháp bảo vệ như thế nào còn tùy thuộc vào từng loài.”
Sawamura cầm micro.
“Ý anh là nếu các loài sinh vật ấy còn sinh sống ở nơi khác nữa thì đám sinh vật ở đây có bị hủy diệt cũng không sao hết?” “Thì, đúng là như vậy.” Vị trưởng phòng Phát triển trả lời với khuôn mặt méo xệch.
“Nhưng các vị có thể tìm hiểu gen của tất cả các loài sinh vật sống ở đó không? Chưa kể các loài sinh vật sống tầng nước sâu vốn ẩn chứa vô vàn bí ẩn. Nắm tường tận hết loài nào sống ở đâu chẳng phải là việc nằm ngoài khả năng hay sao?”
“Không, chuyện đó, chúng tôi đang suy nghĩ xem sẽ phải làm gì.” “Nói thế không được.” Đột nhiên có một giọng nói cất lên từ chỗ khác. Tất cả những người ngồi trên bục giật mình quay sang nhìn chủ nhân của giọng nói. Người vừa lên tiếng là nhà vật lý Yukawa. “Trả lời như thế là không được.” Yukawa nhắc lại. “Ngay cả các nhà chuyên môn cũng khó mà khẳng định rằng họ hiểu hết về các sinh vật sống dưới tầng nước sâu. Việc gì không làm được thì nên nói thẳng là không làm được.”
Vị trưởng phòng Phát triển im lặng, vẻ bối rối. Người dẫn chương trình lại gần micro, định nói điều gì đó. Song Yukawa đã cất lời trước. “Để sử dụng tài nguyên dưới lòng đất, con người chỉ có cách khai
thác mỏ mà thôi. Một khi đã làm vậy, các loài sinh vật sẽ bị nguy hại. Dù trên mặt đất hay dưới biển sâu thì cũng như nhau cả thôi. Con người đã và đang lặp đi lặp lại những việc ấy. Vấn đề còn lại là lựa chọn thế nào thôi.” Yukawa chỉ nói có vậy, sau đó anh đặt micro xuống, khép mi mắt lại như để phớt lờ mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía mình.
Nhóm của Narumi và Sawamura rời hội trường lúc hơn bốn giờ rưỡi.
“Nhìn chung mọi thứ diễn ra đúng như dự đoán. Không có nhiều những lời chót lưỡi đầu môi như chúng ta tưởng, nên cũng không đến nỗi khó chịu.” Sawamura nói trong lúc đi trên hành lang.
“Em cũng nghĩ họ nói khá thật lòng. Có vẻ như phía bọn họ cũng đang thăm dò tình hình thôi. Dù sao họ cũng có nghĩ đến vấn đề bảo vệ môi trường.”
“Không đâu, không thể yên tâm được. Một khi đã thương mại hóa họ sẽ đâm đầu vào khai thác, khi đó bảo vệ môi trường chỉ còn là vấn đề thứ yếu. Từ trước đến nay vẫn luôn như vậy. Nhà máy điện nguyên tử là một ví dụ điển hình đấy. Không thể để mắc lừa họ được.”
Narumi gật gù, đúng là như vậy. Tham gia buổi thuyết trình hôm nay khiến cô có cảm giác như vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ, song cuộc chiến phân thắng bại vẫn còn đang ở phía trước.
“Mà phe ủng hộ cũng có đủ loại người nhỉ. Cái người giảng viên đại học đã chen ngang khi anh Sawamura đặt câu hỏi ấy. Nghe anh ta nói việc gì không làm được thì nhận không làm được, em chợt nghĩ ‘À, thì ra cũng có người như vậy.’”
“Vị học giả đó à.” Sawamura nhếch môi, nói, “Chỉ là đang xù lông tự vệ thôi.”
“Nhưng em vẫn nghĩ anh ta cũng tử tế vì đã không có ý quanh co. Viên chức chính phủ hay các nhà chính trị khó mà nói được mấy lời như vậy.”
“Cũng phải.” Tuy gật đầu song Sawamura vẫn tỏ thái độ không phục. Có lẽ anh không muốn dành lời khen cho đối thủ. Ra khỏi tòa thị chính, cả nhóm quyết định giải tán.
“Gặp mọi người sau nhé.” Sawamura chào tạm biệt. Họ dự định sẽ lại gặp nhau sau bữa tối để họp bàn chuẩn bị cho buổi ngày mai. Narumi leo lên xe và nhấn bàn đạp sau khi vẫy tay chào mọi người.
Sau khi đi qua ga, cô xuống xe. Từ đây phải lên dốc nên dắt bộ sẽ đỡ mệt hơn nhiều.
Một chiếc taxi từ đằng sau vượt lên trước Narumi khi nhà trọ Lục Nham Trang hiện ra trước mắt. Cô nhìn theo thì thấy chiếc taxi đỗ lại trước cửa nhà trọ. Hình như đó chính là vị khách duy nhất đã đặt phòng tối nay.
Gần đây chuyện chỉ có một đơn đặt phòng không còn hiếm nữa. Năm nay hè đến rồi nhưng lượng khách đến trọ cũng chẳng tăng lên, trái lại còn đang giảm đi. Không riêng gì nhà trọ Lục Nham Trang mà ngành du lịch của thị trấn Harigaura nói chung đang ở trong thời kỳ ảm đạm. Mấy năm trở lại đây, một vài khách sạn, nhà nghỉ đã lâm vào cảnh phải đóng cửa. Narumi đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhà trọ của gia đình cô cũng chung số phận, vấn đề chỉ là thời gian. Ngoài những khi bận rộn ra, nhà trọ không đủ tiền để thuê người làm, kể cả
từ sau hồi ông Shigeharu bị đau chân cũng chỉ có hai mẹ con bà Setsuko thay nhau quán xuyến. Tóm lại nhà trọ vắng khách tới nỗi hai người vẫn xoay xở được. Chiếc taxi vừa dừng trả khách quay ngược trở lại. Tài xế là người thi thoảng Narumi vẫn gặp. Anh ta cúi chào khi đi ngang qua cô, đúng là chuyện chỉ có ở một thị trấn nhỏ bé thế này.
Narumi bước vào nhà đúng lúc vị khách trọ đang đứng ghi thông tin ở quầy. Bà Setsuko, người đang tiếp khách gật đầu với cô. Sau khi điền thông tin xong, vị khách ngoảnh mặt lại. Narumi hơi bất ngờ khi trông thấy khuôn mặt của ông ta. Đó chính là người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi hở cổ tham dự buổi thuyết trình khi nãy. Ông ta lại cúi chào Narumi với vẻ mặt điềm đạm, như thể đã đoán trước việc cô sắp về.
“Vậy, tôi xin phép dẫn quý khách lên nhận phòng.” Bà Setsuko cầm chìa khóa phòng rồi bước ra khỏi quầy. Vị khách xách chiếc ba lô du lịch loại nhỏ lặng lẽ đi theo sau.
Sau khi hai người đi khuất, Narumi bước vào trong quầy kiểm tra phiếu thông tin. Tên vị khách đó là Tsukahara Masatsugu, một cái tên hoàn toàn xa lạ.
Narumi nghĩ có lẽ mình không cần để ý đến người này. Lúc ở tòa thị chính, có thể vì tình cờ bắt gặp ánh mắt của Narumi nên ông ấy mới mỉm cười để bày tỏ thiện ý.
Nhưng rồi Narumi nghiêng đầu khi nhìn tờ phiếu thông tin. Trên đó ghi địa chỉ ở tỉnh Saitama. Tại sao một người đến từ tỉnh Saitama lại tham dự buổi thuyết trình này nhỉ?
“Narumi, chị về rồi à?”
Nghe tiếng gọi, Narumi ngẩng đầu lên. Cánh cửa bên cạnh mở ra, Kyohei đang đứng đó.
“Ơ, em vừa xuống tầng hầm à?”
“Vâng, em đi cùng bác.”
Kyohei vừa dứt lời Narumi đã nghe thấy tiếng gậy lộc cộc. Đằng sau cánh cửa có cầu thang dẫn xuống phòng lò hơi dưới tầng hầm. Một lát sau, thân hình ục ịch của ông Shigeharu xuất hiện. Dáng đi của ông trông thật khổ sở. Nếu biết một người đàn ông như vậy lại được giao nhiệm vụ vận hành lò hơi, thể nào người của Phòng cháy chữa cháy cũng sẽ quở trách hai mẹ con cô.
“Narumi về rồi hả con? Buổi thuyết trình thế nào?” Ông Shigeharu hỏi.
“Bọn con cũng tham khảo được kha khá. Ngày mai lại có buổi thảo luận nữa. Con xin lỗi vì sẽ lại vắng nhà.”
“Chuyện đó không sao, miễn là con thấy nhẹ nhõm.”
“Chị Narumi đang tham gia vận động bảo vệ môi trường ạ? Chị giỏi quá!” Kyohei nói với vẻ thán phục.
“Giỏi giang gì đâu em.”
“Này này, thế chị có ra khơi rồi tấn công mấy tàu đánh bắt cá voi không?”
Narumi không khỏi bất ngờ.
“Chị không làm việc đó. Việc bọn chị đang làm là ngăn không cho bọn họ làm những điều quá trớn gây ô nhiễm biển. Nếu họ khai thác tài nguyên dưới biển thì rất có thể còn làm ảnh hưởng đến cả ngành ngư nghiệp nữa.”
“Hừm, thế ạ.” Kyohei tụt hứng ngay tức khắc. Có lẽ cậu bé đã hy vọng sẽ được nghe chuyện chiến đấu với tàu đánh bắt cá voi. Bà Setsuko quay trở lại. “Vị khách ban nãy sẽ ăn tối lúc bảy giờ nhé.”
Narumi nhìn đồng hồ. Gần năm giờ rồi.
“Với lại chúng ta sẽ có thêm một vị khách đột xuất nữa.” Bà Setsuko nói. “Lúc con vừa đi khỏi, người đó đã gọi điện đến đặt phòng. Là một người đàn ông.”
“Ồ.”
Đúng lúc Narumi đang nghĩ chuyện hiếm đây thì cánh cửa ngoài hiên mở ra. “Tôi xin phép,” giọng một người đàn ông vang lên. Narumi không khỏi sửng sốt vì giọng nói đó nghe rất quen.
Cô ngoảnh lại. Quả nhiên không ngoài dự đoán, vị giáo sư vật lý đang đứng đó.
5
Tầng một của nhà trọ Lục Nham Trang có vài căn phòng dùng cho các bữa tiệc nhỏ. Hiện tại chúng được sử dụng làm phòng ăn cho khách. Kyohei sẽ ăn tối cùng gia đình Narumi ở căn phòng cạnh khu bếp. Nhưng nghe nói người đàn ông có tên Yukawa sẽ ăn tối ở phòng tiệc lúc sáu giờ nên Kyohei thử ghé qua đó xem sao.
Tấm cửa kéo của căn phòng ngay trước mặt đang mở. Cậu thấy xe đẩy thức ăn ngoài hành lang, có lẽ bà Setsuko đang mang đồ ăn tới.
Kyohei rón rén nhòm vào trong. Yukawa ngồi lọt thỏm một mình giữa căn phòng có thể chứa được khoảng mười người. Bà Setsuko đang bày biện thức ăn lên chiếc khay nhỏ đặt trước mặt.
“Vậy à, ý cô là vẫn có quán mở tới khá khuya phải không ạ?” Yukawa hỏi bà Setsuko. Kyohei không rõ họ đang nói về chuyện gì. “Chỗ này nhà quê mà, nên nói muộn cũng chỉ đến mười giờ, mười rưỡi là cùng thôi. Nếu anh muốn, tôi sẽ dẫn anh tới quán mà tôi biết.” Bà Setsuko đáp.
“Thế thì tốt quá, cô có hay ra ngoài uống rượu không ạ?” “Không, làm gì có. Chỉ thảng hoặc thôi.”
“Thế ạ.” Bất giác Yukawa nhìn về phía Kyohei. Hai người mắt chạm mắt làm cậu bé giật mình rụt cổ lại.
“Có chuyện gì vậy?” Bà Setsuko hỏi. Có vẻ bà không nhận ra Kyohei đang đứng đó.
“Không có gì. Tôi xin phép dùng bữa nhé.”
Nghe thấy giọng của Yukawa, Kyohei quay lưng, rón rén rời đi. Một lát sau, Kyohei cùng gia đình bà Setsuko cũng bắt đầu dùng bữa tối. Có lẽ phấn khởi vì cậu cháu trai lâu lắm mới tới chơi nên trên bàn bày la liệt món ăn, còn có cả món sashimi nữa.
“Cháu ăn nhiều vào nhé. Bố mẹ cháu gửi cháu nhà bác, đến lúc về cháu lại gầy đi thì gay to.” Ông Shigeharu vừa đẩy đĩa sashimi về phía Kyohei vừa nói. Bụng cậu bé đã tròn thu lu như quả dưa hấu.
“Mà này, bác không ngờ cháu còn dẫn khách về cho nhà mình cơ đấy.” Bà Setsuko nói. Có vẻ bà đã nghe Yukawa kể chuyện tại sao anh lại biết nhà trọ này.
“Cháu chỉ mở bản đồ ra xem thôi, tự nhiên chú ấy đòi xin số điện thoại đấy chứ.”
“Thế cũng được chứ sao. Chắc chú ấy đã nghĩ nhà trọ này phải an toàn lắm thì người ta mới dám cho trẻ con trọ ở đây một mình.” Kyohei nghiêng đầu ngẫm nghĩ. Cậu không thấy vậy. Theo lời chị Narumi, Yukawa là một nhà vật lý tới đây tham dự buổi thuyết trình về kế hoạch khai thác tài nguyên dưới biển. Kyohei nhớ lại chuyện chú ta đã dùng giấy thiếc để bọc chiếc điện thoại. Gần bảy giờ, Narumi đứng dậy. Cô có cuộc họp với hội vận động bảo vệ biển. Kyohei cũng quyết định trở về phòng xem chương trình tivi mà cậu yêu thích.
Kyohei đứng chờ thang máy, cửa mở và cậu trông thấy một người
đàn ông luống tuổi, tóc ngắn bước ra. Ông ta mặc bộ yukata, sắc mặt khá tốt, chắc vừa mới tắm xong. Người này thoáng bất ngờ khi trông thấy Kyohei, sau đó ông ta đi về phía phòng tiệc.
Kyohei bấm thang máy lên tầng hai. Cậu được xếp cho một căn phòng vốn dành cho bốn người. Bà Setsuko còn lo cậu sẽ buồn vì phải ở một mình trong căn phòng quá rộng, song Kyohei đâu còn bé bỏng gì nữa nên làm gì có chuyện buồn bã kia chứ. Cậu nằm dang tay dang chân hình chữ đại trên chiếu, vươn tay với điều khiển tivi.
Sau khi xem tivi khoảng một tiếng đồng hồ, Kyohei đứng ngắm nghía bên ngoài cửa sổ nhân lúc kéo rèm. Đáng lý có thể nhìn thấy biển ở đằng xa nhưng vì trời tối quá nên cậu không thấy rõ.
Một lát sau có tiếng mở cửa ở dưới hiên, xem ra ai đó vừa ra ngoài. Là Yukawa và bà Setsuko. Không hiểu hai người đi đâu vào giờ này. Cậu không thấy bóng dáng ông Shigeharu đâu cả.
Đột nhiên chuông điện thoại trong phòng cậu reo vang. Kyohei ngạc nhiên, vội vàng nhấc ống nghe lên.
“A lô.”
“À, Kyohei hả. Bác đây, cháu ngủ chưa?” Ông Shigeharu hỏi. “Chưa ạ, cháu vừa xem tivi xong.”
“Thế hả? Cháu muốn chơi pháo hoa không? Pháo hoa lần trước bác mua vẫn còn.”
“Có, có ạ, mình chơi đi bác.”
“Thế cháu xuống đây nhé.”
“Vâng ạ, cháu xuống ngay đây ạ.”
Kyohei đi xuống, thấy ông Shigeharu đang đứng đợi ở chỗ để
giày. Dưới chân ông là một cái xô và một thùng các tông. “Mọi người ra ngoài cả rồi. Bác cháu mình mà không chơi là thiệt đấy.” Ông Shigeharu nói.
Kyohei nhòm vào bên trong thùng các tông. Trong thùng không chỉ có pháo hoa cầm tay mà còn có rất nhiều loại như loại cắm xuống đất, loại phụt lên trời.
“Nào, đi thôi. Cháu cầm hộ bác cái thùng kia nhé.” Ông Shigeharu một tay xách xô, một tay chống gậy bước đi. Kyohei ôm thùng các tông đi theo sau.
6
Khoảng gần chín giờ nhóm Narumi và Sawamura mới ra khỏi phòng họp của thị trấn.
“Giờ sao nhỉ, mọi người có muốn đi uống một chút không?” Sawamura đề nghị.
“Được đấy ạ.”
“Em cũng đi.”
Một đôi nam nữ trẻ tuổi tán đồng. “Kawahata thì sao?” Sawamura hỏi Narumi. “Vậy em cũng đi một lát.” Narumi đáp.
Đến trước ga, họ chia tay những người còn lại, đoạn đi về phía quán rượu mọi khi. Đây là quán rượu đóng cửa muộn nhất vùng này. Khi đến trước cửa quán, Narumi trông thấy bà Setsuko đang đứng gần đê chắn sóng ở phía bên kia đường. Bà đang chăm chú nhìn ra biển. Narumi cất tiếng gọi mẹ.
Như sực tỉnh, bà Setsuko ngoảnh mặt lại, nở một nụ cười khó hiểu, đoạn băng qua đường.
“Chào các cháu.” Sau khi chào hỏi bạn bè của Narumi, bà quay sang phía cô.
“Các con nói chuyện xong rồi à?”
“Vâng, nhưng mà mẹ đang làm gì ở đây thế?”
Bà Setsuko hất cằm về phía quán rượu.
“Mẹ dẫn khách nhà mình đến đây. Cái cậu Yukawa ấy, cậu ấy bảo muốn đi đâu đó uống thêm.”
“Mẹ cũng uống cùng à?”
“Chỉ một chút xíu thôi.” Bà Setsuko chụm ngón cái và ngón trỏ lại với nhau, ngụ ý chỉ uống rất ít.
“Lại nữa sao? Lần nào dẫn khách đi mẹ cũng ngồi cùng họ luôn thôi.”
Từ sau khi ngã bệnh, ông Shigeharu không đụng tới đồ uống có cồn nữa, nhưng bà Setsuko lại rất thích rượu. Nếu không đến quán rượu thì thể nào trước khi đi ngủ bà cũng phải làm một ly whisky pha với nước ấm.
“Con hiểu rồi. Thế nên mẹ đang đứng hóng gió cho tỉnh rượu phải không?”
“Ừ. Con cũng đừng quá chén đấy nhé.”
“Con không muốn nghe câu đó từ mẹ đâu.”
“Vậy mẹ về trước đây. Tạm biệt các cháu nhé.” Bà Setsuko cúi đầu chào.
“Bác đợi chút, để cháu đưa bác về.” Nói đoạn Sawamura nhìn sang Narumi. “Thật ra anh đi xe bán tải của cửa hàng tới, đang đậu ở gần ga. Anh cũng đang chưa biết phải làm thế nào nên sẽ đưa bác gái về rồi tiện thể cất xe luôn.”
“Không cần đâu, như vậy phiền cháu quá.” Bà Setsuko xua tay tỏ vẻ ái ngại.
“Bác đừng ngại, đoạn đường chỗ đó tối lắm, lại còn lên dốc nữa.
Đi ô tô thì chỉ mất đôi, ba phút thôi ạ.”
“Không sao thật chứ? Vậy bác cũng không khách sáo nữa.” “Không sao mà bác. Thế nhé, anh đi một lát rồi sẽ quay lại.” Sawamura nói với Narumi.
“Xin lỗi anh, cảm phiền anh nhé.” Narumi nói lời cảm ơn. Sau khi tiễn Sawamura và mẹ đi khỏi, Narumi cùng hai người còn lại bước vào quán rượu. Cô liếc nhìn bên trong quán. Yukawa đang ngồi ở một chiếc bàn nằm trong góc và đọc tạp chí. Bên cạnh là cốc rượu shochu uống kèm với đá lạnh.
“Kia chẳng phải nhà vật lý chúng ta vừa gặp hồi chiều sao?” Cô bé sinh viên đi cùng thì thầm vào tai Narumi. “Ô đúng kìa.” Cậu thanh niên còn lại cũng lẩm bẩm theo.
Narumi kể cho hai người nghe chuyện Yukawa đang trọ ở nhà mình. Cả hai gật gù tỏ ý đã hiểu. Họ cũng biết gia đình Narumi kinh doanh nhà trọ.
Narumi cùng hai người trong nhóm ngồi vào một chiếc bàn hơi cách xa chỗ Yukawa. Anh ta vẫn tiếp tục đọc tạp chí. Ba người vừa uống bia vừa chuyện trò, được khoảng ba mươi phút, Narumi đứng dậy nói, “Tôi xin phép một chút,” đoạn cô tiến đến gần bàn của Yukawa.
“Chào anh.”
Yukawa ngẩng mặt lên khỏi cuốn tạp chí, chớp mắt. “À, chào cô.” Anh ta không có vẻ gì ngạc nhiên khi Narumi bắt chuyện, có lẽ anh ta đã nhận ra sự có mặt của họ từ trước rồi.
“Hình như vừa nãy anh uống cùng mẹ tôi thì phải?”
“Ừ, có vẻ bà ấy thích uống rượu nên chúng tôi đã ngồi cùng nhau một lát. Không được sao?”
“Ý tôi không phải vậy… Tôi ngồi đây một lát được không?” Narumi chỉ tay về phía chiếc ghế đối diện.
“Đương nhiên là được. Nhưng hình như cô đang đi cùng bạn mà?”
“Không sao đâu.” Narumi nhìn về phía đôi bạn trẻ. Họ đang ngồi đối diện nhau, chuyện trò vui vẻ.
“Tôi muốn để họ ngồi riêng với nhau một lát.” Thấy Yukawa nghiêng đầu, Narumi tiếp tục nói khẽ. “Hai người đó đang hẹn hò.” “À, ra là vậy.”
Narumi gọi nhân viên phục vụ, cô cũng yêu cầu một cốc shochu kèm đá lạnh.
“Tôi nghe mẹ cô kể hôm nay cô cũng tham gia buổi thuyết trình đó à?”
“Anh nhớ người đã đặt câu hỏi về vấn đề bảo vệ sinh vật dưới tầng nước sâu chứ? Tôi cùng hội với anh ấy.”
“Cùng hội với người đó à.” Yukawa gật gù. “Vậy nhờ cô gửi lời xin lỗi anh ấy giúp tôi vì đã xen ngang câu chuyện.”
“Nếu nghĩ vậy thì anh tự đi mà nói với anh ấy. Anh ấy cũng sắp sửa tới đây rồi. Nhưng tôi nghĩ anh đâu cần phải xin lỗi, ý kiến của anh rất chân thật mà.”
“Hơi chân thật quá. Cái tính tôi thế, không thể ngồi yên khi nghe những phát ngôn phi lý được.”
Nhân viên phục vụ bưng cốc rượu tới. Yukawa cũng cầm cốc của
mình lên. Thành ra họ cứ thế chạm cốc nhau.
“Nghe cách nói chuyện của mẹ cô, có vẻ cô là một nhà hoạt động khá cực đoan.”
“Không có chuyện đó đâu, tôi chỉ đang làm những việc mình nên làm thôi.”
“Phản đối khai thác tài nguyên dưới biển là việc cô nên làm ư?” “Tôi không phản đối việc khai thác tài nguyên, tôi chỉ muốn bảo vệ thiên nhiên thôi. Đặc biệt là biển.”
Yukawa lắc lắc chiếc cốc làm đá bên trong kêu lanh canh rồi từ tốn nhấp một ngụm shochu như thể đang nhâm nhi câu nói của Narumi. “Bảo vệ biển nghĩa là sao? Chẳng lẽ biển mỏng manh, yếu đuối đến mức cần con người bảo vệ à?”
“Chính con người đã làm cho nó trở nên yếu đuối, bằng thứ vũ khí mang tên văn minh khoa học.”
Yukawa đặt cốc rượu xuống. “Ồ, thật thế sao?”
“Chắc anh cũng biết mọi loài sinh vật đều có nguồn gốc từ biển. Trải qua hàng trăm triệu năm, nhiều giống loài mới được sinh ra và tiến hóa như bây giờ. Vậy mà chỉ trong ba mươi năm gần đây, số lượng động vật biển đã giảm tới hơn ba mươi phần trăm. Anh có biết điều đó không? Ví dụ tiêu biểu nhất chính là các bãi san hô.”
Narumi có thể nói trơn tru như vậy là bởi cô đã nói điều này ở rất nhiều nơi rồi.
“Theo cô đó là lỗi của khoa học sao?”
“Chẳng phải chính các nhà khoa học đã tiến hành những vụ thử hạt nhân trên biển Thái Bình Dương đó sao?”
Yukawa cầm cốc rượu shochu lên. Nhưng trước khi đưa lên miệng, anh đưa mắt nhìn về phía trước.
“Vậy là đối với kế hoạch khai thác quặng nhiệt dịch dưới biển lần này, nhóm các cô cũng quy chụp rằng những nhà khoa học như chúng tôi sẽ phạm phải sai lầm tương tự? Rằng chúng tôi sẽ lại tàn phá biển mà không thèm nhìn lại những bài học về việc phá hoại môi trường?”
“Tôi nghĩ các anh cũng có quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, nhưng chính các anh cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra phải không? Khi con người bắt đầu sử dụng dầu mỏ, các nhà khoa học cũng đâu dự đoán được nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên, đúng không?”
“Chính bởi vậy nên mới cần phải điều tra và nghiên cứu. Desmec không nói họ sẽ đào bới lòng biển ngay bây giờ để phục vụ cho mục đích thương mại hóa. Như cô nói đấy, không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi con người khai thác lòng biển. Nên họ mới nói sẽ làm rõ trong khả năng có thể.”
“Nhưng cũng đâu thể làm rõ một cách tuyệt đối phải không? Trong buổi thuyết trình hôm nay, chính anh cũng đã nói như vậy mà.” “Chắc chắn tôi cũng đã nói thêm rằng đây là vấn đề lựa chọn. Nếu chúng ta không cần các kim loại hiếm đó đến mức phải đào xới lòng biển thì kế hoạch lần này chẳng có nghĩa gì cả.”
Anh ta đã nói trúng bản chất của cuộc tranh cãi lần này. Đó là có thật sự cần thiết phải khai thác tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển hay không? Đây cũng chính là chủ đề trọng tâm cho buổi thảo luận ngày mai.
“Về vấn đề đó,” Narumi nói, “chúng tôi định sẽ nói trong buổi thảo
luận ngày mai ở tòa thị chính.”
Yukawa khẽ mỉm cười.
“Tức là cô không thể tiết lộ kế hoạch chứ gì, không sao cả.” Sau khi gọi thêm một cốc shochu, Yukawa hướng ánh mắt trở lại phía Narumi. “Nhưng tôi cũng nói trước để cô biết, tôi tuyệt đối không phải người của phe ủng hộ đâu đấy.”
“Thật vậy sao?” Narumi ngạc nhiên nhìn khuôn mặt điển trai của nhà vật lý. “Vậy tại sao anh lại ngồi chỗ đó?”
“Tôi nhận lời đề nghị từ phía Desmec. Họ nói rằng có thể sẽ cần giải thích về việc thăm dò điện từ.”
“Thăm dò điện từ?” Narumi không hiểu từ này.
“Tức là dùng một cuộn dây kim loại để đo đạc và phân tích trường điện từ dưới đáy biển, qua đó có thể nắm được cấu trúc ở độ sâu hàng trăm mét. Tóm lại có thể biết rõ nguồn tài nguyên kim loại được phân bổ ở đâu và như thế nào mà không cần phải đào bới lên.”
“Ý anh muốn nói đó là cách làm thân thiện với môi trường?” “Tất nhiên đó là ưu điểm lớn nhất của phương pháp này.” Cốc shochu kèm đá lạnh được bưng tới. Yukawa xem thực đơn và gọi món shiokara*.
“Anh đang nghiên cứu cái đó mà lại nói mình không phải người của phe ủng hộ sao?”
“Tại sao tôi không thể nói thế? Đúng là tôi đã đề xuất phương pháp thăm dò điện từ mới cho phe ủng hộ Desmec. Tuy nhiên, đây là vì tôi cho rằng giả dụ kế hoạch đó được triển khai thì cũng nên có một phương pháp hợp lý xét cả về khía cạnh kinh tế lẫn bảo vệ môi
trường. Còn nếu kế hoạch có bị dừng lại thì cũng chẳng sao cả.” “Nếu vậy chẳng phải việc nghiên cứu của anh sẽ trở thành công cốc hay sao?”
“Trên đời này chẳng có nghiên cứu nào là vô ích cả.” Nhân viên phục vụ mang đĩa shiokara tới. “Chà, trông ngon ghê!” Hai mắt Yukawa híp cả lại sau cặp kính.
Đúng lúc đó, cánh cửa ra vào quán rượu đột nhiên mở ra, Sawamura bước vào. Sau khi nhìn một lượt khắp quán, khuôn mặt anh lộ vẻ bối rối khi trông thấy Narumi đang ngồi riêng ở một bàn khác, lại còn cùng với nhà vật lý họ đã gặp hồi chiều nữa.
Sawamura lại gần, mặt vẫn tỏ vẻ khó hiểu. “Như này là sao?” “Anh biết rồi đúng không, đây là thầy Yukawa đến từ trường Đại học Teito. Em chưa có lúc nào để nói với anh là anh ấy đang trọ ở nhà em.”
“À.” Sawamura há hốc miệng, gật gù.
“Nói mới nhớ khi nãy mẹ em có bảo dẫn anh Yukawa này tới đây nhỉ. Ra là vậy, hóa ra anh ấy trọ ở nhà em à.”
“Nếu được mời anh ngồi cùng chúng tôi luôn.” Yukawa chỉ tay vào chiếc ghế bên cạnh Narumi.
“Vậy tôi xin phép.” Nói rồi Sawamura kéo ghế ngồi xuống. Anh gọi một cốc bia tươi.
“Anh đi lâu thế.” Narumi nói.
“Ừ, có chút sự cố ở nhà em.”
“Sự cố?” Narumi chau mày, hỏi lại tức thì.
“À không, nói là sự cố thì hơi quá. Khách nhà em đi đâu đó ấy, đến
giờ vẫn chưa thấy về nên bố em đang lo. Vì thế anh đã đánh xe đi tìm loanh quanh gần nhà em.”
“Vị khách đó ạ? Hình như tên ông ta là Tsukahara thì phải.” “Đúng là ông ấy đấy.”
“Thế anh đã tìm thấy ông ấy chưa?”
“Chưa, vẫn chưa thấy.” Sawamura đưa cốc bia vừa được mang tới lên miệng. “Không thấy ông ấy ở quanh khu vực nhà trọ. Anh định sẽ tìm thêm một lúc nữa nhưng chắc bố mẹ em thấy ngại nên giục anh mau quay lại chỗ mọi người, bảo là có khi ông ấy sắp về cũng nên.”
Narumi nghĩ bụng bố mẹ cô thì dễ sẽ nói như vậy thật. Chỉ riêng việc nhờ Sawamura đưa bà Setsuko về nhà rồi lại tiện thể nhờ anh tìm người giúp đã là quá lắm rồi.
“Hay là ông ấy đi câu cá đêm?” Yukawa hỏi.
“Tôi nghĩ không phải. Hành lý của ông ấy không có đồ câu. Vả lại, ông ấy không đến đây để du lịch.”
Narumi kể lại chuyện mình đã gặp Tsukahara ở tòa thị chính. Sawamura tỏ vẻ bối rối.
Sau đó họ uống thêm một lát rồi cùng nhau rời quán. Narumi đi bộ cùng Yukawa về nhà trọ Lục Nham Trang.
“Hôm nay tôi uống hơi nhiều, nhưng nhờ mẹ cô mà tôi biết một quán rượu rất được đấy. Chắc tối nào tôi cũng ra đây mất.” Yukawa vừa đi vừa nói.
“Anh định sẽ ở đây đến khi nào vậy ạ?”
“Tôi cũng chưa rõ. Thật ra theo kế hoạch tôi sẽ theo tàu khảo sát
của Desmec để hướng dẫn họ thử nghiệm phương pháp thăm dò điện từ, tuy nhiên chiếc tàu khảo sát quan trọng ấy lại chưa đến. Nghe đâu sẽ phải mất kha khá thời gian vì vấn đề thủ tục. Người nhà nước toàn làm ăn kiểu đó thôi, đến là đau đầu.” Nghe giọng điệu của Yukawa có phần như muốn hắt hủi Desmec. Narumi nghĩ bụng có lẽ chuyện anh ta bảo mình không phải người của phe ủng hộ là nói thật.
Hiên nhà trọ Lục Nham Trang vẫn đang sáng đèn. Bước vào trong nhà, họ thấy ông Shigeharu và bà Setsuko đang ngồi ở hành lang, cả hai đều mang vẻ mặt thẫn thờ. Nhìn thấy Narumi và Yukawa, bà Setsuko cất tiếng chào. Tất nhiên là nói với Yukawa.
“Con nghe kể khách nhà mình vẫn chưa về.” Narumi nói. “Ừ, mẹ đang bàn với bố con xem nên làm thế nào.”
“Giờ này mà báo cảnh sát thì cũng chẳng ích gì. Bố định để đến sáng mai nếu ông ấy vẫn chưa về sẽ gọi 110…” Ánh mắt ông Shigeharu hướng về phía sau Narumi. Ngoảnh mặt lại, cô thấy Yukawa đang đứng đó, có vẻ anh ta đã nghe cuộc trò chuyện giữa họ.
“Gay go quá nhỉ. Tôi có thể giúp được gì không?” Yukawa hỏi. “Không cần đâu.” Ông Shigeharu xua tay. “Chúng tôi sẽ làm gì đó. Xin lỗi vì đã phiền tới anh.”
“Vậy à, vậy tôi xin phép. Chúc cả nhà ngủ ngon.” Nói đoạn nhà vật lý đi về phía thang máy.
7
Hiện trường nằm cách cảng Harigaura khoảng hai trăm mét về hướng Nam, men theo bờ biển.
Viên cảnh sát mặc đồng phục đang đứng trước bờ đê, bên cạnh là chiếc xe wagon của cảnh sát. Có lẽ xe của đội giám định đã đến từ trước. Hẳn do mới sớm tinh mơ nên không thấy đám đông hiếu kỳ bu quanh.
Nishiguchi Tsuyoshi cầm lái chiếc xe của Phòng Cảnh sát. Anh chờ cho cấp trên và tiền bối của mình xuống xe rồi mới mở cửa từ ghế lái, rảo bước theo sau hai người. Viên cảnh sát mặc đồng phục kính cẩn cúi chào họ.
Đội trưởng Motoyama kiễng chân nhòm xuống dưới. Ngay lập tức, khuôn mặt tròn trịa của anh ta nhăn nhúm lại.
“Chà chà, lại là một chỗ gớm ghiếc thế này…”
Hashigami, người tiền bối lớn hơn Nishiguchi năm tuổi bắt chước theo như thể muốn nói, "Đâu nào, đâu nào". Khác với Motoyama, Hashigami khá cao nên có thể dễ dàng nhòm xuống dưới. “À chà chà, đúng thật.”
Nishiguchi cũng rụt rè tiến đến gần bờ đê. Anh đã tưởng đó là một cái xác chết đuối. Kể từ ngày được điều động vào chỗ làm hiện tại, anh đã phải chứng kiến xác người chết đuối vài lần rồi, song thật sự
vẫn không thể nào quen nổi.
Anh nuốt nước miếng rồi nhìn xuống. Đội giám định đang khám xét xung quanh bờ đá gồ ghề bên dưới chỗ Nishiguchi đứng chừng bốn, năm mét.
Xác chết nằm ngửa trên một tảng đá to. Chiếc áo tanzen* khoác bên ngoài bộ yukata bị tốc ngược lên một cách lạ thường, cảm giác như thể chỉ quấn bên ngoài chứ không mặc hẳn vào người. Nạn nhân có tạng người hơi mập mạp, song đó không phải là hiện tượng trương lên thường thấy ở xác người chết đuối. Thay vào đó, phần đầu bị vỡ, những vệt máu đỏ thẫm vấy bẩn mấy tảng đá xung quanh.
“Này, mấy anh giám định.” Motoyama gọi với xuống. “Tình trạng thế nào?”
Một giám định viên luống tuổi, mắt đeo kính đưa tay giữ vành mũ, ngẩng mặt lên đáp.
“Vẫn chưa rõ, có lẽ là bị ngã từ trên đó xuống.”
“Có tìm thấy ví hay gì không?”
“Không, có đôi guốc mộc thôi.”
“Có biết là của nhà trọ nào không?”
“Không, cả guốc và yukata đều không ghi tên nhà trọ.” Tiếp đó Motoyama quay sang phía viên cảnh sát mặc đồng phục khi nãy hỏi: “Ai đã tìm thấy cái xác?”
“Một người sống gần đây, chuyên cho thuê ô che nắng ở các bãi biển vào mùa hè, anh ta tình cờ phát hiện cái xác trong lúc đang đi làm. Hiện anh ta đã ra bãi tắm rồi, nhưng tôi có thể liên lạc được.” “Không, không cần đâu.” Motoyama xua tay tỏ ý phiền phức, đoạn
rút điện thoại ra. Anh ta dùng ngón tay ngắn mũm mĩm của mình bấm điện thoại, sau đó áp lên tai. Có vẻ đầu dây bên kia đã kết nối ngay lập tức. “A lô, tổ trưởng à, tôi Motoyama đây. Chúng tôi vừa tới hiện trường, có vẻ như không phải chết đuối mà là bị ngã từ bờ đê xuống vách đá… Hình như là khách của nhà trọ nào đấy vì tôi thấy có mặc yukata và tanzen… Vâng, sao ạ…? À, thế ạ. Vậy chúng tôi sẽ thử tới đó xem sao. Nhà trọ đấy tên là… Dạ? Lục Nham Trang ạ? Chữ Hán viết thế nào ạ?”
Nishiguchi nhận ra ngay đó chính là nhà trọ Lục Nham Trang. Anh đứng trước mặt Motoyama, chỉ tay vào mình, gật gật đầu để ra hiệu. “À, tổ trưởng, xin đợi một lát.” Motoyama lấy tay bịt loa lại, hỏi Nishiguchi xem có chuyện gì.
“Em biết nhà trọ đó.”
“Thế hả?” Motoyama lại áp điện thoại lên tai. “Nishiguchi bảo cậu ta biết nhà trọ đó… Vâng, chúng tôi sẽ làm như vậy.” Sau khi cúp máy, Motoyama hết nhìn Nishiguchi lại nhìn Hashigami.
“Có người báo khách trọ của họ ra ngoài từ tối qua chưa thấy về. Các cậu thử đi tìm hiểu xem sao.”
“Bọn em đi xe được không ạ?” Hashigami hỏi.
“Không cần đâu, từ đây chúng ta có thể đi bộ đến đó được.” Nishiguchi nói. “Em nghĩ có lẽ đúng vị khách đó rồi.”
“Vậy quyết định thế đi.” Motoyama lại nhòm xuống phía dưới hỏi người giám định. “Các anh đã chụp ảnh cái xác chưa? Ảnh chụp lấy ngay ấy, nếu có thì cho tôi mượn một tấm. Cố gắng chọn tấm nào
trông không dọa người quá ấy… À, thế hả, vậy phiền anh.” Một giám định viên trẻ tuổi leo thang lên, đưa cho Motoyama bức ảnh vừa chụp xong. Motoyama đưa nó cho Nishiguchi. “Đây, cậu mang cái này đi đi.”
Bức ảnh chụp một khuôn mặt hơi phớt hồng, không cảm xúc, trông giống như mặt nạ kịch Nô vậy.
Do đầu nạn nhân bị vỡ toác ở sau gáy nên nhìn từ đằng trước không đến nỗi kỳ dị cho lắm. Nishiguchi cảm thấy an tâm phần nào vì với bức ảnh này anh có thể đưa cho người dân bình thường xem được.
Nhà trọ Lục Nham Trang nằm cách đó chừng vài trăm mét. Họ đi bộ trên con đường ngoằn ngoèo hướng về phía quả đồi, giữa chừng là một con dốc dựng đứng. Hashigami lẩm bẩm biết thế này đi ô tô cho rồi.
“Cậu Nishiguchi sinh ra ở thị trấn này nhỉ? Nên mới biết nhà trọ đó?”
“Vâng, nhà trọ đó là của bố mẹ một người bạn từng học cùng với em.”
“Hừm, thế thì tốt quá. Vậy nhờ cậu nói chuyện với họ nhé.” “Nhưng chẳng biết cô ấy còn nhớ em là ai không nữa. Từ sau khi tốt nghiệp cấp ba, bọn em chưa gặp lại nhau lần nào.” Nishiguchi nhớ lại hình ảnh của Kawahata Narumi, cô bạn học cùng cấp ba trường làng. Hầu hết bạn bè khi đó đều đã quen nhau từ hồi cấp hai, riêng cô thì khác. Cô ấy vốn là dân Tokyo, chuyển tới thị trấn này hồi lớp chín.
Hồi mới đến, Narumi là một cô bé khá trầm tính. Có lẽ do không có bạn cũ nên hầu như lúc nào cô cũng chỉ ru rú một mình. Gần trường có một cái đài quan sát nhỏ có thể nhìn xuống biển, Nishiguchi thường bắt gặp Narumi đứng đó, vừa say sưa ngắm biển vừa như đắm chìm trong suy nghĩ. Thành tích học tập của Narumi cũng tốt, chẳng thế mà trong hình dung của Nishiguchi, anh tự cho rằng Narumi là một cô gái có sở thích đọc sách hay viết lách gì đó.
Thế nhưng, chẳng bao lâu sau Narumi đã cho anh thấy một bộ mặt hoàn toàn khác. Hè đến, cô vừa phụ giúp công việc gia đình, vừa bắt đầu làm thêm ở bãi biển. Có điều, cô không làm ở mấy cửa hàng hay quán ăn mà đi thu gom rác. Một công việc gần như là làm tình nguyện, số tiền kiếm được chẳng nhiều nhặn gì. Nishiguchi khi đó cũng làm thêm tại một cửa hàng ngay sát bờ biển nên rất hay chạm mặt Narumi. Đã có lần anh hỏi tại sao Narumi lại làm công việc đó. Narumi khi ấy khuôn mặt đen nhẻm vì bị cháy nắng đã trả lời thế này.
“Nếu không bảo vệ bãi biển xinh đẹp này thì còn làm gì nữa? Hình như ngay từ đầu những người sống ở đây đã không biết rằng biển chính là bảo bối của họ.”
Không hẳn là tức giận nhưng giọng điệu cô giống như đang chỉ trích những người suốt ngày chỉ biết đến kiếm tiền khiến Nishiguchi không khỏi cảm thấy có chút hổ thẹn.
Cuối cùng họ cũng tới được nhà trọ Lục Nham Trang. Cả Nishiguchi lẫn Hashigami đều đã cởi áo khoác ngoài từ lúc nào. Mồ hôi ướt sũng nách áo sơ mi họ mặc.
Họ mở cửa ngoài hiên, cất tiếng gọi: “Xin chào.” Luồng không khí mát lạnh tỏa ra từ điều hòa thật dễ chịu.
“Vânggg.” Một giọng phụ nữ vang lên. Tấm rèm sâu bên trong quầy động đậy, một cô gái mặc áo thun và quần jean bước ra. Nishiguchi nhận ra ngay đó chính là Kawahata Narumi, song quá ngạc nhiên vì cô giờ đã ra dáng một phụ nữ trưởng thành nhường này nên trong một thoáng anh không thể cất lên thành lời.
“Oa, ngạc nhiên chưa này.” Narumi tròn xoe mắt, nét mặt trở nên thư thái. “Nishiguchi phải không? Lâu lắm rồi không gặp, cậu khỏe chứ?” Ngay đến giọng nói của cô cũng người lớn lắm rồi. Ngẫm ra chuyện này có gì lạ đâu chứ. Narumi đâu khác gì anh, cũng đã ba mươi rồi mà.
“Lâu thật rồi nhỉ, tớ vẫn khỏe. Trông cậu vẫn mạnh khỏe là tớ mừng rồi.”
“Ừ.” Gật đầu với Nishiguchi xong, Narumi hướng ánh mắt bối rối về phía Hashigami, đoạn cúi chào.
“Thật ra tớ đến đây vì công việc. Hiện tớ đang làm ở Phòng Cảnh sát Hari.” Nishiguchi giơ sổ tay cảnh sát ra.
Nghe vậy Narumi chớp mắt liên tục. “Cảnh sát? Nishiguchi á?” “Ừ, chắc thể nào cậu cũng cười tớ cho xem.” Nishiguchi rút danh thiếp ra, đưa cho Narumi.
“Ồ, là tổ hình sự à.” Narumi nói giọng thán phục.
“Hình như sáng nay nhà cậu báo với cảnh sát là có khách trọ bị mất tích phải không?”
“Đúng rồi. À, hóa ra vì thế nên cậu mới tới đây hả?” Cuối cùng Narumi cũng hiểu ra.
“Ừm. Thật ra bọn tớ vừa mới phát hiện một thi thể ngoài bờ biển
đằng kia.”
“Hả?” Khuôn mặt Narumi tối sầm lại. “Cậu không đùa đấy chứ?” “Không đâu.” Nishiguchi đáp. Dù sao cũng từng là bạn học với nhau nên khó tránh được việc dùng từ ngữ như hồi còn đi học. “Người đó mặc yukata, khoác tanzen bên ngoài nên bọn tớ đang nghĩ không biết có phải khách trọ nhà cậu không.”
“Đợi chút nhé. Nếu đúng vậy thì để tớ đi gọi bố mẹ.” Nét mặt Narumi lộ rõ vẻ căng thẳng, cô biến mất vào trong quầy. Hashigami lại gần, huých cùi chỏ vào mạn sườn Nishiguchi. “Được đấy chứ. Cậu bảo bạn học cùng làm tôi cứ tưởng là một thằng con trai cơ đấy.”
“Anh Hashigami thích kiểu con gái như vậy à?” Nishiguchi hỏi khẽ. “Thích chứ, cô ấy mà trang điểm lên thì còn đẹp nữa.” “Không biết thế nào nhỉ?” Nishiguchi nghiêng đầu mặc dù trong thâm tâm anh cũng cho là vậy.
Một lát sau Narumi từ quầy đi ra. Theo sau cô là một cặp vợ chồng đã luống tuổi. Người chồng trông khá to béo, đi phải chống gậy. Narumi giới thiệu hai người là bố mẹ cô, ông Kawahata Shigeharu và bà Setsuko. Nét mặt cả hai đều căng thẳng, chắc có lẽ đã nghe con gái kể về việc tìm thấy cái xác.
Nishiguchi đưa cho ông Shigeharu xem bức ảnh chụp thi thể vì chính ông là người đã báo với cảnh sát. Ông Shigeharu liếc nhìn một cái, mặt nhăn lại, đoạn đưa bức ảnh cho vợ mình xác nhận. Bà Setsuko mặt tái mét, đưa tay che miệng. Còn Narumi thì quay mặt đi chỗ khác.
“Có phải không ạ?” Nishiguchi hỏi.
“Phải, chính là khách trọ nhà chúng tôi.” Ông Shigeharu đáp. “Là tai nạn ư?”
“Hiện chúng tôi vẫn chưa biết, có vẻ ông ấy đã ngã xuống vách đá và bị đập đầu.”
“Ôi trời, vách đá à…”
Bà Setsuko lấy sổ ghi chép của nhà trọ và phiếu thông tin của khách ra. Theo đó thì tên của vị khách ấy là Tsukahara Masatsugu, sáu mươi mốt tuổi, đến từ tỉnh Saitama.
“Ông ấy ra khỏi nhà trọ từ lúc nào ạ?”
“Chuyện đó chúng tôi cũng không rõ.” Ông Shigeharu đáp. Theo lời kể của ông Shigeharu, khoảng tám giờ tối hôm qua ông cùng cậu cháu trai đang học tiểu học ra sân sau của nhà trọ để chơi bắn pháo hoa. Thế nhưng đến khoảng tám rưỡi, nhớ ra là chưa hỏi vị khách Tsukahara thời gian dùng bữa sáng hôm sau nên ông Shigeharu quay trở lại quầy, thử gọi điện tới phòng của khách nhưng không thấy ai nghe máy. Nghĩ bụng có thể ông Tsukahara đang đi vệ sinh hoặc đang tắm nên ông Shigeharu lại ra sân sau, tiếp tục chơi bắn pháo hoa. Họ kết thúc lúc gần chín giờ, sau đó ông Shigeharu lại gọi điện nhưng vẫn không có ai nhấc máy. Ông thử nhòm vào phòng tắm lớn ở tầng một cũng không thấy ai cả. Chẳng còn cách nào khác, ông quyết định đi lên tầng bốn, gõ cửa phòng nhưng không thấy tiếng trả lời. Vì cửa không khóa nên ông đã thử mở ra, đồ đạc vẫn còn trong phòng mà khách thì đã đi đâu mất rồi.
Trong lúc đó, bà Setsuko được một người quen đưa về. Bà vừa dẫn một vị khách khác tới quán rượu gần đây và đã ngồi tiếp rượu
anh ta một lát.
Đến lượt Narumi kể về người đã đưa mẹ cô về, anh ta là Sawamura. Sawamura là người tham gia hoạt động phản đối khai thác tài nguyên dưới biển cùng Narumi, tối hôm qua sau khi họp hành xong, lúc bốn người gồm Sawamura, Narumi và hai người nữa tới quán rượu thì tình cờ trông thấy bà Setsuko đang đứng trước quán.
“Cậu Sawamura nói là muốn chào ông nhà tôi một tiếng nên đã vào hẳn trong nhà, thấy ông nhà tôi đang cuống cuồng vì không biết khách đi đâu mất nên cậu ấy đã đề nghị đi tìm kiếm quanh đây giúp.” Bà Setsuko tiếp lời. “Chồng tôi cùng với cậu Sawamura đánh xe đi lòng vòng xung quanh để tìm kiếm còn tôi thì thử đi xem quanh nhà. Nhưng chẳng thấy bóng dáng ông ấy đâu cả. Rồi chồng tôi và cậu Sawamura quay về, quả nhiên họ cũng không tìm thấy ông ấy.”
“Nói là đi tìm nhưng ở cái thị trấn này quá chín giờ là trời đã tối đen như mực rồi, nếu không phải ông ấy đang đi bộ trên đường hoặc đang đứng ở chỗ nào đó dễ nhìn thì khó mà tìm thấy được.”
Nishiguchi gật đầu đồng tình với ông Shigeharu. Xung quanh đây hầu như không có đèn đường.
Hashigami vừa rút điện thoại, vừa mở cửa hiên đi ra ngoài. Chắc anh ta định báo cáo cho Motoyama những chuyện nghe được nãy giờ.
“Nhưng thật không thể ngờ lại xảy ra chuyện như thế.” Ông Shigeharu đưa tay lên đầu. “Các anh tìm thấy ông ấy ở đâu vậy?” “Ở dưới bờ đê gần chỗ có quán ăn Misaki.”
Nishiguchi nói tên một quán ăn đã sập tiệm ba năm trước, đúng là
lợi thế của người xuất thân ở vùng này. Ngay lập tức cả ba người nhà Kawahata đều gật đầu tỏ ý đã hiểu.
“Nếu là ngã xuống vách đá đó, tùy vào vị trí va đập, có thể khó mà cứu được.” Nói đoạn ông Shigeharu bặm môi lại.
“Nhưng tại sao ông ấy lại đi ra đó nhỉ?” Narumi hỏi.
“Thì chắc là ông ấy muốn đi dạo để ngắm biển đêm cũng nên. Hoặc có thể vì ông ấy đã uống rượu trong bữa tối nên muốn ra đó cho tỉnh rượu.”
“Xong rồi ông ấy trèo lên thành đê và bị ngã xuống sao?” “Cũng có thể lắm chứ.”
Narumi nhìn về phía Nishiguchi. “Chuyện là như vậy sao?” “Chà.” Nishiguchi nghiêng đầu. “Cái đó thì tớ chưa biết, giờ cảnh sát bọn tớ mới bắt đầu tiến hành điều tra cụ thể.”
Narumi khịt mũi, dường như cô không thỏa mãn với câu trả lời đó. Hashigami quay lại, thì thầm vào tai Nishiguchi hai từ "hành lý", có lẽ là chỉ thị của Motoyama.
“Chúng cháu muốn kiểm tra đồ đạc của ông Tsukahara, phiền hai bác dẫn chúng cháu lên phòng của ông ấy được không ạ?” Nishiguchi nói.
“Vậy để tôi.” Bà Setsuko khẽ giơ tay.
Theo sau bà Setsuko, Nishiguchi bước vào trong thang máy. Anh đeo găng tay trong lúc thang máy đi lên.
Nghe nói mỗi tầng ở đây đều có tám phòng dành cho khách. Tsukahara Masatsugu trọ ở căn phòng có tên là "Cầu Vồng". Căn phòng kiểu Nhật rộng khoảng mười chiếu vẫn đang trải đệm, bàn và
đệm ngồi được xếp gọn một góc. Cạnh cửa sổ là khu vực lát sàn gỗ, ở đó có đặt ghế và một chiếc bàn nhỏ.
“Ai đã trải đệm và trải khi nào vậy ạ?” Nishiguchi hỏi.
“Tôi nghĩ là khoảng hơn bảy giờ, chính tôi đã trải đệm trong lúc ông Tsukahara đang dùng bữa tối. Ông nhà tôi bị như thế, thành thử những lúc không thuê người phụ giúp thì công việc trải đệm đều do một tay tôi và Narumi làm.” Bà Setsuko đáp.
Có vẻ ông ấy chưa động vào chiếc đệm. Có lẽ sau khi dùng xong bữa tối, Tsukahara quay về phòng rồi đi ra ngoài luôn. Đồ đạc chỉ có duy nhất một chiếc túi du lịch cũ. Hashigami lục tìm bên trong, lôi ra một chiếc điện thoại. Đó là loại điện thoại dành cho người già, chỉ có mấy chức năng cơ bản.
Quần áo được gấp gọn gàng, xếp ở góc phòng. Một chiếc áo sơ mi hở cổ với một chiếc quần dài màu xám. Nishiguchi lục thử, lấy ra một chiếc ví từ trong túi quần. Trong ví có một ít tiền mặt.
Anh tìm thấy giấy phép lái xe, trên đó đề tên Tsukahara Masatsugu, địa chỉ cũng trùng khớp với thông tin ghi trên phiếu thông tin.
“A,” Nishiguchi bất giác thốt lên. “Chuyện gì thế?” Hashigami vội vàng hỏi lại.
“Cái này,” Nishiguchi lấy từ trong ví ra một tấm thẻ. “Là thẻ thành viên của Hiệp hội cảnh sát Nhật Bản.”
8
Kyohei mở mắt, cảm giác như vừa nghe thấy tiếng hét của ai đó. Cậu đang nằm trên đệm, chậm rãi đưa mắt nhìn xung quanh. Cả tường và trần nhà đều lạ hoắc.
Mãi sau cậu mới nhớ ra đây là nhà bác mình. Hôm qua cậu đã đi tàu Shinkansen tới đây. Buổi tối cậu còn chơi bắn pháo hoa cùng ông Shigeharu nữa.
Nhưng đây không phải căn phòng mà trưa hôm qua bác gái dẫn cậu tới. Cũng không thấy ba lô của cậu đâu cả.
“Phải rồi.” Kyohei lại nhớ ra tiếp. Sau khi chơi bắn pháo hoa xong, hai bác cháu rủ nhau ăn dưa hấu. Đây là căn phòng gia đình ông Shigeharu thường dùng làm phòng khách. Lúc Kyohei đang ăn dưa hấu, ông Shigeharu bảo sẽ đi gọi điện cho khách một lát. Cậu nhớ mình đã xem tivi một mình, nhưng sau đó thế nào thì chịu không nhớ nổi.
Kyohei ngồi hẳn dậy, nhìn xung quanh. Chiếc bàn gấp dùng lúc ăn dưa đang để ở góc phòng.
Hình như cậu đã thiếp đi trong lúc xem tivi, thế nên ông Shigeharu mới trải đệm ra đây cho cậu nằm.
Trên kệ tivi có đặt một chiếc đồng hồ để bàn. Kim đồng hồ đang chỉ chín giờ hai mươi phút. Kyohei đứng dậy, cậu vẫn mặc áo thun
với quần soóc giống lúc chơi bắn pháo hoa tối qua.
Kyohei kéo cửa trượt, ra khỏi phòng. Nghe thấy tiếng nói chuyện ngoài hành lang, cậu bèn ra xem thử thì thấy hai người đàn ông đang đứng đó. Một người tầm tuổi trung niên, dáng thấp đậm. Người còn lại trẻ hơn, cả mặt mũi lẫn hình thể đều săn chắc. Ông Shigeharu ngồi trên chiếc ghế mây dài, hình như đang tiếp chuyện họ.
“Ồ, cháu dậy rồi đấy à?” Ông Shigeharu nhận ra Kyohei. Hai người đàn ông hướng ánh mắt về phía Kyohei. Cậu bé bất giác đứng khựng lại.
“Đây là cháu trai của anh à?” Người đàn ông trung niên hỏi ông Shigeharu.
“Đúng vậy, là con trai của em vợ tôi. Cháu đang nghỉ hè nên đến đây chơi từ hôm qua.”
Người đàn ông trung niên gật đầu. Đứng phía sau, cậu thanh niên trẻ tuổi hơn đang ghi chép gì đó vào cuốn sổ nhỏ.
“Vậy, rất xin lỗi nhưng phiền ông bà cứ giữ nguyên hiện trạng căn phòng đó giúp chúng tôi nhé.” Người đàn ông trung niên nói. “Chúng tôi biết rồi. Có một phòng thôi nên cũng không vấn đề gì đâu. Đằng nào cũng hết lễ Obon rồi, vả lại hầu như chẳng có mấy khách đặt phòng.” Ông Shigeharu nói như thể đang tự giễu. Có vẻ như đã xảy ra chuyện gì đó. Căn phòng đó là phòng nào nhỉ.
“Bác ơi,” Kyohei lên tiếng. “Cháu có thể về lại phòng hôm qua không ạ?”
Ông Shigeharu nhìn người đàn ông trung niên.
“Phòng của cậu bé là phòng khách ở tầng hai, chắc không vấn đề gì chứ?”
“À, đương nhiên rồi.” Người đàn ông trung niên mỉm cười với Kyohei. “Nếu không có việc gì thì cháu đừng lên tầng bốn nhé. Bọn chú vẫn cần điều tra một số thứ ở trên đó.”
“Các chú này là cảnh sát đấy.”
Nghe vậy, Kyohei tròn xoe mắt. “Đã có chuyện gì vậy ạ?” “À không, chuyện đó…” Ông Shigeharu tỏ vẻ giữ ý trước mặt hai viên cảnh sát.
Chắc là chuyện gì đó không thể nói cho trẻ con nghe rồi. Lại thế, người lớn lúc nào cũng tự cho rằng không thể chia sẻ bí mật với bọn trẻ con mà chẳng hề có căn cứ gì.
Nếu là trước đây, những lúc như thế này thể nào Kyohei cũng nhằng nhẵng hỏi cho bằng được, nhưng giờ thì cậu không thế nữa. Cậu chỉ "hừm" một tiếng rồi đi về phía sảnh thang máy.
Ngay trước khi bấm nút thang máy, Kyohei vô tình nhìn về phía phòng tiệc. Cậu thấy đôi dép đi trong nhà xếp trước cửa phòng, có lẽ ai đó đang dùng bữa sáng.
Kyohei rón rén lại gần căn phòng, cửa kéo vẫn đang để mở. Cậu lén lút nhòm vào trong thì thấy Yukawa đang trộn natto, anh ta ngồi đúng vị trí hôm qua đã ngồi trong bữa tối.
Yukawa đột nhiên dừng tay. “Sở thích của nhóc là nhìn trộm người khác ăn cơm à?”
Kyohei rụt đầu lại, nhưng rồi lần này cậu quyết định sẽ đường hoàng xuất hiện. Lúc này Yukawa đang bỏ natto đã trộn vào bát cơm.
Anh không định quay ra nhìn Kyohei.
“Cháu tưởng ai đó khác.”
Yukawa khịt mũi, nở một nụ cười như thể coi Kyohei là thằng ngốc.
“Một câu trả lời ngốc nghếch. Đây là phòng ăn dành riêng cho khách trọ. Vì thế, ở đây vào giờ này đương nhiên chỉ có thể là khách. Hơn nữa, từ hôm qua khách đến trọ ở đây chỉ có hai người, một người đã mất tích nên chỉ còn lại một người. Vậy nên còn ai khác ngoài chú nữa.”
“Mất tích? Vị khách kia mất tích rồi ạ?”
Đang đưa đũa gắp cá khô, Yukawa bỗng dừng tay lại. Cuối cùng anh cũng chịu nhìn về phía Kyohei.
“Hóa ra nhóc chưa biết chuyện gì à?”
“Hình như đã xảy ra chuyện gì đó, cháu thấy cảnh sát tới đây. Nhưng họ không cho cháu biết là chuyện gì, người lớn luôn như vậy mà.”
“Đừng có dằn dỗi vì mấy chuyện không đâu. Biết mấy chuyện người lớn giấu giếm cũng chẳng ích lợi gì cho cuộc đời nhóc đâu.” Yukawa húp canh miso. “Nghe nói họ đã tìm thấy xác của ông ấy.” “Xác? Nghĩa là ông ấy chết rồi ạ?”
“Nghe đâu tối qua chẳng rõ ông ấy ra ngoài từ lúc nào rồi không thấy về. Đến sáng nay người ta phát hiện cái xác ở bãi đá ngoài bờ biển. Rất có thể ông ấy bị ngã từ trên đê xuống.”
“Ra vậy… Ai nói cho chú biết thế ạ?”
“Cô con gái nhà này, hình như tên Narumi phải không nhỉ. Cô ấy
đã kể chuyện đó khi chú hỏi tại sao mãi chưa thấy có bữa sáng.” “Ồ.” Kyohei quay lại nhìn về phía hành lang, không biết chị Narumi đang ở đâu rồi.
“Cô Narumi chắc đang ở chỗ cảnh sát cũng nên.” Yukawa nói như thể đi guốc trong bụng cậu bé.
“Đi cùng với bà chủ.”
“Sao bác cháu lại phải đến chỗ cảnh sát ạ?”
“Chắc là để viết tờ khai chính thức. Người tiếp xúc trực tiếp với vị khách đã mất kia thực chất chỉ có mình bà ấy. Chú nghĩ họ sẽ hỏi những câu đại loại như thái độ của vị khách đó khi ấy thế nào.”
“Thế thì phiền chết đi được, chẳng qua chỉ là ngã xuống vách đá rồi chết thôi mà.”
Yukawa lại dừng cánh tay đang cầm đũa lại, nhìn về phía Kyohei. “Cháu nghĩ thân nhân của người đã khuất sẽ có cảm giác thế nào? Nếu cảnh sát nói với họ rằng ông ấy bị ngã xuống vách đá và chết, chỉ vậy liệu họ có cam lòng không? Chắc chắn họ sẽ muốn biết lý do tại sao lại như vậy, càng chi tiết càng tốt. Trái lại chú cầu mong cảnh sát sẽ không điều tra theo kiểu chiếu lệ.”
“Thế nghĩa là gì ạ?”
“Chẳng có nghĩa sâu xa gì đâu.” Nhai miếng cơm trộn natto xong, Yukawa với tay lấy tách trà ấm.
“Này, cháu hỏi một câu được không?”
“Nếu là về vụ tai nạn đó thì chú không biết gì hơn đâu.” “Không phải chuyện đó. Cháu muốn hỏi tại sao chú lại quyết định trọ ở đây? Vẫn còn đầy nhà trọ khác cơ mà.”
Yukawa nghiêng đầu, tay mân mê tách trà. “Chú không được phép trọ ở đây à?”
“Không phải vậy. Thường thì chắc chú phải đặt phòng ở nhà trọ nào đó trước khi đến Harigaura rồi chứ?”
“Có đặt trước, nhưng không phải chú mà là người của Desmec chuẩn bị.”
“À, cháu biết bọn họ. Là mấy người đang định đào biển lên đúng không, kẻ thù của chị Narumi.”
Yukawa cười nhăn nhó, chắc tại từ "kẻ thù" nghe hơi kỳ quặc. “Nếu nói theo cách của nhóc thì chú cũng không hoàn toàn là đồng minh của Desmec đâu nhé. Bởi quan điểm của chú là không nhất thiết phải bằng mọi giá thực hiện kế hoạch khai thác tài nguyên biển lần này. Thế nên nếu được chú không muốn nợ nần Desmec thứ gì cả. Họ đã nhờ chú ủng hộ trong buổi thuyết trình kia nên việc chuẩn bị nhà trọ cho chú âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng thật tình chú thấy không thoải mái. Đúng lúc đó chú lại gặp nhóc và biết đến nhà trọ này. Chú nghĩ chắc đó cũng là một cơ duyên nào đấy nên đã quyết định trọ đấy. Giải thích như vậy nhóc đã thỏa mãn chưa?” “Hừm,” Kyohei gật gù. “Cháu hiểu rồi, nhưng giáo sư cũng kỳ quặc nhỉ.”
Yukawa chau mày. “Giáo sư?”
“Thì chú đang nghiên cứu khoa học ở trường đại học còn gì? Không phải họ gọi những người đấy là giáo sư ạ? Hay phải gọi là thầy ạ?”
“Gọi thế nào cũng được. Giáo sư hay thầy thì sự thật vẫn là chú
đã học xong bằng tiến sĩ rồi.”
“Vậy cháu sẽ gọi chú là giáo sư nhé. Gọi thế nghe oách hơn.” “Tùy nhóc. Nhưng sao cháu lại nói chú kỳ quặc?”
“Thì nếu cháu là chú, cháu sẽ ở nhà trọ người ta chuẩn bị. Kiểu gì ở đó chẳng tốt hơn ở đây.”
“Nghe nói là một khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất ở Harigaura.”
“Đấy thấy chưa. Nếu họ triển khai kế hoạch khai thác tài nguyên biển hẳn giáo sư sẽ được lời hơn phải không ạ?”
Yukawa uống cạn tách trà, vừa lắc đầu vừa đặt tách xuống. “Các nhà khoa học sẽ không thay đổi lập trường của mình chỉ vì chuyện lời hay không lời đâu. Điều họ quan tâm trước nhất phải là con đường nào sẽ có lợi hơn cho nhân loại. Nếu đã xác định con đường đó hữu ích thì cho dù nó không đem lại lợi ích cho bản thân mình, họ cũng vẫn phải lựa chọn. Đương nhiên, lý tưởng nhất là con đường vừa đem lại lợi ích cho nhân loại, vừa giúp bản thân kiếm được lời.”
Kyohei nghĩ bụng người này chỉ toàn nói lý thuyết, khó hiểu quá. Bình thường xung quanh cậu chẳng có ai dùng từ "nhân loại" cả. “Nghĩa là các nhà khoa học không cần tiền ạ?”
“Làm gì có chuyện đó, chú cũng cần tiền chứ. Có ai chê tiền bao giờ đâu. Chỉ là chú không nghiên cứu chỉ vì tiền.”
“Nhưng công việc của giáo sư là nghiên cứu khoa học phải không ạ? Nếu đã là làm việc thì phải có lương chứ ạ?”
“Bọn chú nhận lương từ trường đại học.”
“Vậy trước hết chú phải nghĩ đến chuyện làm sao để kiếm được tiền chứ. Bố mẹ cháu hay bảo mình bỏ tiền ra trả lương cho nhân viên, ai không làm được việc thì đuổi luôn cho rồi.”
Yukawa chống hai tay xuống chiếu, giữ nguyên tư thế ngồi khoanh chân, đoạn anh xích mông ngồi chính diện với Kyohei. “Hình như nhóc đang hiểu nhầm nên để chú giải thích cho mà nghe nhé. Lương chú nhận được là thù lao của việc dạy vật lý cho các anh chị sinh viên. Tất nhiên chú cũng làm nghiên cứu, nhưng cho dù có công bố bao nhiêu bài luận đi chăng nữa, chú cũng tuyệt nhiên không nhận được bất kỳ khoản thù lao nào. Đúng là trường đại học có cấp chi phí để chú nghiên cứu, nhưng cái đó gọi là đầu tư. Bởi giả sử luận văn của chú được đánh giá cao, kiểu như đoạt giải Nobel chẳng hạn, nó sẽ đem lại danh tiếng cho nhà trường.” Kyohei nhìn khuôn mặt đầy nghiêm túc của nhà vật lý. “Đoạt giải Nobel ấy ạ?”
“Chú đã bảo giả sử rồi mà.” Yukawa lấy ngón giữa đẩy gọng kính lên. “Các nhà khoa học chỉ muốn tìm ra chân lý. Nhóc có hiểu chân lý nghĩa là gì không đấy?”
“Hơi hơi ạ.”
“Trong số các nhà vật lý học, rất nhiều người vẫn đang miệt mài nghiên cứu về sự hình thành của vũ trụ. Nhóc có biết neutrino không? Đó là một loại hạt sơ cấp bắn ra từ các vụ nổ siêu tân tinh. Bằng việc phân tích các hạt này, người ta có thể biết được hình dạng của những ngôi sao ở xa tít mù tắp. Thế nhưng, nếu được hỏi những nghiên cứu như thế có đem lại lợi ích gì không thì chú chỉ có thể trả lời rằng nó chẳng có tác động gì tới cuộc sống thường ngày của con
người cả.”
“Vậy người ta làm những việc đó để làm gì ạ?”
“Vì họ muốn biết.” Yukawa trả lời dứt khoát. “Nhóc đã dùng bản đồ để tới đây phải không? Nhờ bản đồ mà nhóc không bị lạc đường. Tương tự như vậy, loài người cũng cần một tấm bản đồ chi tiết chỉ cho họ biết thế giới này đang như thế nào để họ có thể đi đúng đường. Tuy vậy, bản đồ mà chúng ta đang có vẫn chưa hoàn chỉnh, gần như không dùng được. Thế nên đến tận thế kỷ hai mươi mốt rồi mà con người vẫn cứ mắc sai lầm. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, môi trường bị hủy hoại, tất cả đều bởi chúng ta mới chỉ có một tấm bản đồ đầy thiếu sót. Sứ mệnh của các nhà khoa học chính là làm sáng tỏ những thiếu sót ấy.”
“Hừm, nghe chán òm.”
“Tại sao? Cái gì chán cơ?”
“Chán ở chỗ nó không sinh ra tiền. Nếu là cháu, cháu chẳng có hứng làm đâu. Mà cháu cũng kém mấy môn tự nhiên lắm, không biết chúng có ích gì chứ. Chú này, nghiên cứu khoa học có thú vị không ạ?”
“Không còn gì thú vị hơn, chẳng qua là nhóc chưa biết thôi. Thế giới này ngập tràn những điều bí ẩn. Không gì sánh được niềm vui sướng khi tự mình làm sáng tỏ dù chỉ là một bí ẩn nhỏ nhoi nhất.”
Kyohei không tài nào hiểu được. Cậu xoay cổ, nghiêng cả người sang một bên.
“Cháu chẳng cần. Chừng nào chưa trở thành tổng thống Mỹ, cháu chẳng quan tâm việc loài người có đang đi đúng đường hay không.”
Yukawa khịt mũi, cười khổ.
“Có lẽ chú dùng từ loài người thành ra nghe hơi to tát, nói đơn giản là mỗi người thôi cũng được. Mỗi khi định làm gì đó, con người luôn phải đứng giữa những sự lựa chọn. Hôm nay nhóc định sẽ làm gì?”
“Cháu chưa biết. Tối qua bác cháu bảo sẽ dẫn cháu ra biển chơi, nhưng lại xảy ra tai nạn kia nên cháu cũng chưa biết thế nào.” “Cứ coi như ông ấy thu xếp được đi, khi đó nhóc sẽ có hai lựa chọn: một là đi biển như dự định, hai là hoãn lại.”
“Làm gì có chuyện đó, nếu bác ấy bảo dẫn cháu đi thì đương nhiên là cháu sẽ đi rồi.”
“Trời mưa cũng đi à?”
Kyohei nhìn ra ngoài cửa sổ. “Hôm nay thời tiết xấu ạ?” “Chú không biết. Có thể lúc nhóc ra khỏi nhà trời vẫn đẹp, nhưng không biết chừng lại sầm sì ngay cũng nên.”
“Vậy thì trước tiên cháu sẽ xem dự báo thời tiết.”
“Chính nó đó. Dự báo thời tiết chính là kết quả của khoa học khí tượng. Nhưng dự báo thời tiết ngày nay vẫn chưa chính xác. Chắc hẳn nhóc sẽ muốn biết thông tin dự báo cụ thể hơn, chính xác hơn, chẳng hạn như thời tiết ở bãi biển Harigaura trong một giờ tới, rồi trong hai giờ tới sẽ như thế nào, phải không?”
“Thì đúng là vậy, nhưng cái gì không biết thì đành chịu thôi ạ.” “Vậy nhóc hãy thử hỏi các ngư dân trong vùng xem thời tiết hôm nay thế nào. Chắc chắn họ sẽ chỉ cho nhóc biết cụ thể. Sáng nào trước khi ra biển họ cũng phải ước lượng xem thời tiết ngày hôm đó
thế nào, bởi nếu biển động dữ dội họ có thể sẽ mất mạng. Họ không chỉ dựa vào dự báo thời tiết mà còn dựa vào tình hình thời tiết các ngày trước đó, màu trời, hướng gió, độ ẩm không khí để dự đoán một cách chính xác nhất. Đó chính xác là khoa học đấy. Nhóc bảo học mấy môn tự nhiên chẳng có ích gì à? Trước khi nói như vậy, ít nhất hãy học cách xem bản đồ thời tiết đi đã nhé.”
Kyohei im bặt, vẻ bực bội. Chắc vì nghĩ cậu bé không thể nói lại gì nữa, Yukawa liền đứng dậy. Song trước khi ra khỏi phòng, anh ngoảnh lại nhìn xuống cậu bé.
“Nhóc ghét mấy môn tự nhiên cũng không sao cả, nhưng hãy nhớ một điều. Nếu cứ giữ thái độ buông xuôi trước những điều mình không biết, đến một lúc nào đó nhóc sẽ phạm phải sai lầm lớn đấy.”
9
Ga Nakahari là nhà ga gần Phòng Cảnh sát Hari nhất và cũng là ga lớn nhất của tuyến đường này. Bởi ít ra, nó cũng được xây thành một tòa nhà, với một bùng binh ngay phía trước. Song với dân Tokyo thì đây vẫn chỉ là một nhà ga quê mùa thôi, Nishiguchi nghĩ. Mỗi năm anh đều lên Tokyo vài bận, song lần nào anh cũng choáng ngợp vì đến đâu cũng thấy toàn những nhà ga hào nhoáng.
“Sắp đến rồi,” Motoyama nhìn đồng hồ đeo tay lẩm bẩm. Thấy vậy Nishiguchi cũng kiểm tra đồng hồ, gần hai giờ hai mươi phút chiều. Chỉ lát nữa thôi chuyến tàu tốc hành từ Tokyo sẽ cập bến.
Hai người đứng ngay bên ngoài cửa soát vé. Chạy tới chạy lui từ sáng nên áo sơ mi của cả hai đều đã ướt sũng mồ hôi, song họ vẫn mặc nguyên áo khoác ngoài, cà vạt đeo chỉnh tề.
Họ đã ngay lập tức liên lạc được với thân nhân của Tsukahara Masatsugu. Lúc Nishiguchi gọi đến số điện thoại nhà riêng được ghi trong phiếu trọ thì vợ của Tsukahara, bà Sanae đang ở nhà. Nghe anh thông báo sự tình, bà Sanae không thốt nổi nên lời. Sự im lặng kéo dài đó đủ giúp anh hình dung được cảm xúc của bà Sanae khi ấy.
Cuối cùng bà cũng cất tiếng, bà hỏi đã có chuyện gì xảy ra với ông Tsukahara. Giọng bà điềm tĩnh đến rùng mình.
Nishiguchi tường thuật mọi chuyện. Bà Sanae không hỏi han gì thêm mà chỉ ậm ừ, lắng nghe cho tới khi anh nói xong. Khi anh ngỏ ý muốn bà Sanae tới xác nhận thi thể, bà đồng ý và nói sẽ xuất phát ngay. Nishiguchi đọc số điện thoại di động của mình, dặn bà thông báo cho anh ngay khi quyết định được giờ tàu. Anh định sẽ tới ga đón bà. Song khi ấy, theo kế hoạch Nishiguchi sẽ chỉ đi một mình.
Khoảng một tiếng sau khi gọi điện cho bà Tsukahara Sanae, Nishiguchi nhận được điện thoại của Motoyama thông báo việc anh ta cũng sẽ đến nhà ga để đón người nhà nạn nhân.
Theo lời Motoyama một người tên là Tatara, chánh thanh tra tổ điều tra số Một thuộc Sở Cảnh sát Tokyo đã gọi điện cho cảnh sát trưởng của họ nói rằng ông ấy muốn đi cùng với bà Tsukahara Sanae. Nghe đâu nạn nhân Tsukahara Masatsugu là tiền bối của Tatara ở tổ điều tra số Một, vừa mới về hưu năm ngoái.
Nishiguchi cũng đoán Tsukahara từng làm cảnh sát vì ông có mang theo thẻ thành viên của Hiệp hội cảnh sát Nhật Bản, song anh không ngờ ông lại trực thuộc tổ điều tra số Một của Sở Cảnh sát Tokyo. Nhưng cũng vì thế mà Nishiguchi mới hiểu được vì sao bà Sanae lại có thể điềm tĩnh đến vậy sau khi nghe tin về cái chết của chồng mình. Hẳn bao năm nay, mỗi khi tiễn chồng ra khỏi nhà, bà đã luôn chuẩn bị sẵn tâm lý.
Dù sao, có cả chánh thanh tra của Sở Cảnh sát Tokyo đi cùng như vậy nên họ không thể để cho một viên cảnh sát quèn như anh tự mình đi đón được. Đó là lý do vì sao Motoyama cũng đang ở đây thế này.
Ồ
“Ồ, hình như họ tới rồi kìa.” Motoyama nhìn về phía bên kia cửa soát vé và nói.
Hành khách nối đuôi nhau xuống cầu thang. Sau đợt nghỉ lễ Obon, lượng khách du lịch giảm đi trông thấy. Nhìn qua cũng biết những người đang đi ra phía cửa soát vé toàn là dân địa phương cả. Cứ nhìn kích cỡ hành lý của họ là biết.
Trong số đó có hai người một nam một nữ trông khác hẳn những người xung quanh. Người phụ nữ có dáng người mảnh khảnh, mặc chiếc váy liền thân màu xám, đeo kính râm nhạt màu, áng chừng trên dưới năm mươi tuổi. Còn người đàn ông thân hình cao ráo, bờ vai rộng, trông rất hợp với bộ vest đen. Ông ta đeo kính gọng vàng, mái tóc điểm hoa râm được chải gọn gàng.
“Là họ đấy.” Motoyama thì thầm. “Không thể sai được, kia chính là đôi mắt của một thanh tra cảnh sát kỳ cựu.”
Hai người ra khỏi cửa soát vé. Nhận ra Nishiguchi và Motoyama, người đàn ông rảo bước tiến đến gần không chút do dự. Người phụ nữ cũng đi theo sau.
“Chánh thanh tra Tatara phải không ạ?” Motoyama lên tiếng trước. “Đúng vậy, các cậu là…”
“Tôi là Motoyama, phụ trách đơn vị điều tra tội phạm thuộc Phòng Cảnh sát Hari. Còn đây là Nishiguchi, cấp dưới của tôi.” “Rất mong được anh giúp đỡ ạ.” Nishiguchi cúi đầu.
Tatara khẽ gật đầu, đoạn chỉ tay về phía người phụ nữ đang đứng chếch phía sau.
“Chị ấy là vợ của anh Tsukahara. Chắc các cậu đã biết tên chị ấy
rồi nhỉ.”
“Vâng, chúng tôi có nghe tên bà nhà rồi.” Motoyama quay về phía bà Tsukahara Sanae, cúi gập người. “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về việc lần này, xin chia buồn cùng bà.”
Nishiguchi cũng cúi rạp người theo.
“Làm phiền các anh rồi.” Bà Sanae nói, giọng còn trầm hơn cả lúc nghe trên điện thoại.
“Xin lỗi, lần này làm phiền mọi người rồi.” Tatara nói.
“Không có gì đâu ạ.” Motoyama dè dặt.
“Nghe chị Sanae thông báo về việc anh Tsukahara qua đời, tôi cứ đứng ngồi không yên. Nói gì thì nói, đối với tôi anh ấy không chỉ đơn thuần là tiền bối mà còn là ân nhân nữa.”
“Dạ, ra là vậy ạ…” Motoyama rút khăn mùi soa ra lau mồ hôi ở hai bên thái dương.
“Hiện thi thể ông ấy đang ở đâu?” Tatara hỏi.
“Đang ở nhà xác của Phòng Cảnh sát. Đã khám nghiệm xong rồi, giờ tôi sẽ dẫn hai vị tới đó.”
“Vậy à, vậy xin làm phiền các cậu.” Đứng bên cạnh Tatara, bà Tsukahara Sanae lại cúi đầu thật thấp.
Nishiguchi lái xe chở hai người tới Phòng Cảnh sát Hari. Tới nơi, tổ trưởng tổ điều tra hình sự Okamoto đã chờ sẵn ở cửa, cúi người chào đón chánh thanh tra Tatara và bà Sanae.
“Có yêu cầu gì xin các vị đừng ngại nói với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố hết sức trong khả năng có thể.” Okamoto với cái lưng hơi gù như đang bắt đầu bài ca xun xoe. Xét về cấp bậc thì chánh thanh tra Sở
Cảnh sát Tokyo cũng tương đương với cảnh sát trưởng của một Phòng Cảnh sát nhỏ.
Nishiguchi và Motoyama dẫn hai người xuống nhà xác dưới tầng hầm. Thi thể của Tsukahara Masatsugu được đặt nằm trên giường sao cho những vết thương không quá nổi bật.
Vừa nhìn một cái bà Sanae đã khẳng định ngay đó chính là chồng mình. Mặc dù sắc mặt có phần nhợt nhạt, song bà không hề tỏ ra kích động.
Nishiguchi và Motoyama để hai người lại trong phòng, còn họ đứng đợi ngoài hành lang. Khoảng năm phút sau cửa mở, nhưng chỉ có Tatara bước ra.
“Giờ chúng ta đi ạ?” Motoyama hỏi.
“Tôi muốn để chị ấy ở trong đó thêm một lát, tiện cũng muốn phiền hai cậu nói rõ đầu đuôi sự việc.”
“Tôi hiểu rồi. Vậy chúng ta qua phòng khác nhé.” Nói đoạn Motoyama nhìn sang Nishiguchi. “Cậu ở lại đây nhé, khi nào bà Sanae ra cậu hãy dẫn bà ấy lên phòng họp số hai giúp tôi.” “Rõ.” Nishiguchi đáp.
Sau khi đứng chờ khoảng mười phút ngoài hành lang tối âm u, Nishiguchi thấy cửa phòng xác khẽ mở, bà Sanae bước ra. Hai mắt bà đỏ ngầu nhưng không thấy vệt nước mắt nào. Có lẽ bà đã trang điểm lại trước khi ra ngoài.
Trông thấy Nishiguchi, bà Sanae liền cúi đầu. “Xin lỗi đã để cậu chờ lâu.”
“Chánh thanh tra Tatara hiện đang trao đổi với cấp trên của tôi về
chuyện lần này. Tôi xin phép được dẫn bà tới chỗ họ.” “Vậy cảm phiền cậu.”
Phòng họp số hai nằm ở tầng hai. Lúc Nishiguchi dẫn bà Sanae tới, Motoyama đang mở bản đồ trên mặt bàn để chỉ cho Tatara vị trí hiện trường. Ngoài hai người họ ra, còn có cả tổ trưởng Okamoto và cảnh sát trưởng Tomida cũng đang ở đó. Thấy bà Sanae bước vào, Tomida nhanh nhảu đứng dậy, động tác nom chẳng hợp gì với dáng vẻ to béo của ông ta. Ông ta cúi đầu chào và bày tỏ niềm thương xót.
“Anh Tsukahara qua đời ở thị trấn Harigaura.” Tatara nhìn về phía bà Sanae. “Chị có biết gì về nơi này không?”
“Chuyện này…” Bà Sanae vừa nghiêng đầu vừa ngồi xuống ghế. “Tôi vừa nghe từ ngài chánh thanh tra Tatara, hình như ông ấy đã ra khỏi nhà mà không báo cho bà biết là sẽ đi đâu phải không ạ?” Motoyama hỏi. “Chuyện như vậy có thường xảy ra không?” Bà Sanae siết chặt dây đeo của chiếc túi đang để trên đầu gối. “Từ sau khi về hưu hồi năm ngoái, thi thoảng ông nhà tôi cũng nổi hứng đi tắm suối nước nóng hoặc đi đây đi đó một mình. Vì ngày thường tôi còn đi làm mà. Cũng có khi ông ấy quyết định trước là sẽ đi đâu, nhưng không ít lần ông ấy chỉ nói với tôi là đi ngắm lá đỏ hay đi ngắm biển Nhật Bản gì đó thôi. Lần này cũng vậy, tôi chỉ nghe ông ấy nói là sẽ đi đến vùng này, nhưng cụ thể thế nào thì tôi không biết.” “Ông nhà đã từng nhắc đến cái tên Harigaura bao giờ chưa?” “Chuyện đó thì… Tôi nghĩ là chưa.” Bà Sanae không mấy tự tin với câu trả lời của mình.
Motoyama đặt chiếc ba lô du lịch đang để ở ghế bên cạnh lên mặt
bàn.
“Bà có nhận ra cái túi này không?”
“Là túi của ông nhà tôi.”
“Bà có thể kiểm tra bên trong được không? Nếu phát hiện thứ gì lạ xin hãy nói với chúng tôi.”
“Tôi dùng tay trần cũng được à?” Đúng là vợ của một cựu cảnh sát hình sự có khác. Motoyama đáp: “Không sao đâu ạ.” Sau khi kiểm tra bên trong, bà Sanae nói: “Tất cả đều là đồ của ông nhà tôi.”
“Còn điện thoại di động thì sao? Theo những gì chúng tôi xác nhận được, có vẻ như từ khi đến đây ông ấy không dùng điện thoại mấy.” Bà Sanae mở điện thoại, kiểm tra nội dung bên trong cũng như lịch sử các cuộc gọi. Theo những gì cảnh sát tìm hiểu được, lần cuối cùng ông Tsukahara gọi điện là cách đây ba ngày. Địa chỉ gọi đến là nhà trọ Lục Nham Trang, có lẽ là để đặt phòng.
“Tôi nghĩ không có gì bất thường cả. Tuy có mang theo điện thoại nhưng ông nhà tôi không mấy khi dùng đến. Ông ấy bảo về hưu rồi chẳng có ai để mà gọi điện nữa… Ông ấy cũng không gửi thư điện tử.”
Motoyama gật đầu, lần này anh ta lấy một cái túi ni lông từ trong túi áo khoác ra. Trong túi có một mẩu giấy, anh đặt nó lên mặt bàn. “Bà có biết cái này không? Bà kiểm tra xem ạ.”
Bà Tsukahara Sanae cầm lấy cái túi ni lông, nhìn chăm chú vào mẩu giấy bên trong, nét mặt thấp thoáng vẻ bối rối.
Người tìm thấy mẩu giấy đó là Nishiguchi. Nó được gấp gọn trong
"""