" Phương Pháp Giáo Dục Montessori - Phát hiện mới về trẻ thơ PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Phương Pháp Giáo Dục Montessori - Phát hiện mới về trẻ thơ PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Mục lục LỜI NÓI ĐẦU CHƯƠNG 1: ĐƯA KHOA HỌC VÀO TRƯỜNG HỌC Chúng ta cần đánh thức từ trong sâu thẳm tâm hồn những người làm công tác giáo dục lòng nhiệt tình và hứng thú của họ đối với hiện tượng tự nhiên, rồi từ đó làm cho những nhận thức ấy dẫn đến tình yêu sâu sắc đối với thiên nhiên, đồng thời cũng khiến cho nhận thức ấy đến được với khát vọng cấp thiết của một người đang chuẩn bị cho việc thực nghiệm, của một người đang chờ đợi sự xuất hiện của những số liệu mới. CHƯƠNG 2: NHÌN LẠI LỊCH SỬ CỦA PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC Trên thực tế, hệ thống giáo dục sử dụng trong “ngôi nhà trẻ thơ” (The Children’s House) đã có một bước tiến lớn. Nếu mọi người cho rằng, kinh nghiệm có được qua việc cùng chung sống với những trẻ em phát triển bình thường của tôi là tương đối ngắn ngủi, thì kinh nghiệm này chính là được xây dựng trên cơ sở của kinh nghiệm giáo dục đối với trẻ em không bình thường trước kia, do vậy nó cũng đại diện cho tư tưởng của một giai đoạn khá dài. CHƯƠNG 3: GIÁO DỤC TỰ NHIÊN Trong xã hội hiện nay, trẻ em ngày càng xa rời thiên nhiên, rất ít có cơ hội tiếp cận với thiên nhiên, càng không có bất kì trải nghiệm trực tiếp nào về thế giới tự nhiên. CHƯƠNG 4: GIÁO DỤC VẬN ĐỘNG Phương pháp giáo dục kiểu mới của chúng ta không chỉ đưa ra phương thức phát triển hành vi cá nhân cho trẻ em mà còn trao hết quyền tự do cho trẻ em để chúng tự xử lí hành vi của mình. CHƯƠNG 5: KHÁM PHÁ GIÁO CỤ TRẺ EM Thông qua giáo cụ để hạn chế sai sót của bản thân, giúp cho trẻ em có thể sử dụng tối đa khả năng suy đoán và khả năng suy xét để đưa ra quyết định của mình, không chỉ như vậy, việc này còn khuyến khích chúng tìm kiếm những năng lực khác biệt. CHƯƠNG 6: HUẤN LUYỆN TRẺ EM Trách nhiệm đầu tiên của nhà giáo dục là kích hoạt sinh mệnh và để nó được tự do phát triển. Tuy nhiên để thực hiện một sứ mệnh tuyệt vời như vậy, những kiến nghị đưa ra về thời gian và phạm vi can thiệp thích hợp còn cần phải có tính nghệ thuật. Làm như vậy có thể phòng tránh việc giáo viên gây trở ngại hoặc chỉ đạo sai lầm cho một tâm hồn non nớt đang chờ được khai phá, một tâm hồn đang cố gắng dựa vào sự tự nỗ lực của bản thân để sinh tồn. CHƯƠNG 7: NHẬN BIẾT THỊ GIÁC VÀ NHẬN BIẾT THÍNH GIÁC Việc huấn luyện nghe dựa vào một phương thức đặc biệt đưa chúng ta vào trong mối quan hệ giữa con người với môi trường động, bởi chỉ có môi trường động mới có thể sinh ra âm thanh và tiếng ồn. Trong một môi trường tương đối tĩnh lặng, không có một tiếng động nào khác ngoài sự yên lặng tuyệt đối. CHƯƠNG 8: TỔNG THUẬT VỀ HUẤN LUYỆN CẢM GIÁC Bất kì một sự giáo dục trí tuệ chân chính nào cũng đều cần có tiềm năng có thể đồng thời thúc đẩy hai chức năng này của giác quan, mà tiềm năng của chúng thì gần như vô hạn. CHƯƠNG 9: GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN CHO TRẺ EM Giáo viên cần triển khai nghiên cứu hai vấn đề: Thứ nhất, cần phải hiểu một cách toàn diện về công việc mà mình mong muốn được tham gia; thứ hai là hiểu đầy đủ cặn kẽ chức năng của giáo cụ. CHƯƠNG 10: KĨ NĂNG GIẢNG DẠY Muốn trở thành người dẫn dắt, người bảo hộ đúng với vai trò của mình, giáo viên cần phải cố gắng rèn luyện. Dù biết rằng giai đoạn khởi đầu và giai đoạn thay đổi ở mỗi người mỗi khác, nhưng nhiều khi người giáo viên cũng không dám chắc rằng liệu trẻ em đã đủ khả năng để có thể chuyển từ giai đoạn này sang một giai đoạn khác hay chưa. CHƯƠNG 11: QUAN ĐIỂM VỀ THÀNH KIẾN Khi trẻ em học cách mang mọi thứ xung quanh trở về vị trí ban đầu của nó, thông qua sự luyện tập cảm giác, nó đã thành công trong việc lưu lại trong não mình ấn tượng về sự sắp đặt đó. Đây là bước đầu của sự phát triển trí tuệ, cũng là xuất phát điểm của quá trình phát triển hoạt động tâm lí, phòng tránh những trở ngại có thể xảy ra. CHƯƠNG 12: ĐÁNH GIÁ Sự khác biệt cơ bản giữa một đứa trẻ bình thường và một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ là ở chỗ, khi chúng tiếp xúc với cùng một sự vật thì đứa trẻ thiểu năng sẽ không sinh ra hứng thú tự phát với nó. Chúng ta phải không ngừng thu hút sự chú ý của đứa trẻ, chỉ có sự khích lệ mới thúc đẩy nó quan sát và hành động. CHƯƠNG 13: NGÔN NGỮ VIẾT Ngôn ngữ cho phép chúng ta có thể bày tỏ suy nghĩ của mình qua suy xét logic và cho phép chúng ta hiểu được qua sách vở suy nghĩ của những người ở rất xa hoặc những người đã không còn trên đời. Nếu như một đứa trẻ do còn chưa trưởng thành mà thiếu đi khả năng sử dụng ngôn ngữ viết, thì nó cũng không cần phải đảm đương nhiệm vụ nặng nề này quá sớm. CHƯƠNG 14: CƠ CHẾ VIẾT CHỮ Một đứa trẻ có thể dùng chữ cái rời để ghép lại thành các từ ngữ, đó không phải là vì trẻ có khả năng ghi nhớ siêu phàm, mà là vì nó đã “khắc hoạ” và “hấp thụ” những điều ấy vào trong não của mình. CHƯƠNG 15: ĐỌC Nếu như việc viết chữ có thể giúp sửa chữa hoặc định hướng và hoàn thiện cơ chế ngôn ngữ của trẻ em, thì việc đọc lại giúp trẻ em phát triển tư duy và ngôn ngữ. Nói một cách đơn giản, viết chữ có thể hỗ trợ trẻ về khía cạnh tâm lí, còn đọc thì giúp trẻ về mặt giao tiếp xã hội. CHƯƠNG 16: NGÔN NGỮ TRẺ EM Sự phát triển của ngôn ngữ có hai giai đoạn: Một là giai đoạn thấp hơn, các dây thần kinh và trung khu thần kinh kết nối với nhau làm tốt việc chuẩn bị cho các giác quan và cơ chế vận động; giai đoạn thứ hai là giai đoạn cao hơn, nó được quyết định bởi hoạt động thần kinh ở mức cao hơn, các hoạt động này được thực hiện thông qua sự vận dụng cơ chế ngôn ngữ. CHƯƠNG 17: CHỮ SỐ VÀ SỐ HỌC Rất nhiều trẻ khi tính toán luôn dựa vào thứ tự chữ số mà chúng đã thuộc lòng trong trí nhớ, nhưng một lúc nào đó, khi gặp phải số lượng tương ứng với những con số này thì trẻ sẽ trở nên mơ hồ. CHƯƠNG 18: BỒI DƯỠNG KHẢ NĂNG SỐ HỌC Điều không giống với người khác là, tôi cho rằng môn Số học rất khó hiểu, đặt quá nhiều kì vọng vào một đứa trẻ nhỏ như vậy, hi vọng đứa trẻ ấy nắm bắt được kiến thức số học thực là một điều rất ngu ngốc. CHƯƠNG 19: HỘI HOẠ VÀ NGHỆ THUẬT BIỂU ĐẠT Chúng ta không chỉ dạy cho trẻ hội hoạ, mà còn phải cho các em cơ hội chuẩn bị cách thức biểu đạt. Tôi cho rằng đây là một sự bổ trợ vô cùng lớn lao đối với “hội hoạ tự do”, khiến cho “hội hoạ tự do” vừa có tác dụng hơn lại vừa dễ hiểu và khích lệ trẻ em tiếp tục vẽ. CHƯƠNG 20: NHẬP MÔN ÂM NHẠC Tiết tấu, hoà âm, kí xướng âm rốt cuộc sẽ phải trở thành một chỉnh thể. Vì vậy, tuy chúng là ba bộ phận tách rời nhau, nhưng cũng là ba bài luyện tập với cấp độ khác nhau trong quá trình chinh phục âm nhạc, đồng thời là những kinh nghiệm khiến cho người thực hiện cảm thấy hạnh phúc. CHƯƠNG 21: KỈ LUẬT TRONG NGÔI NHÀ TRẺ THƠ Dựa vào khiển trách và yêu cầu để duy trì kỉ luật chỉ là việc làm vô ích. Những biện pháp này có thể khi bắt đầu sẽ cho người ta ảo tưởng rằng nó rất có hiệu quả ở một mức độ nào đó. Nhưng rất nhanh sau đó khi yêu cầu thể hiện tính kỉ luật thực sự thì cái ảo giác méo mó này sẽ sụp đổ khi đối diện với hiện thực: “Bóng tối phải nhường chỗ cho ánh sáng”. CHƯƠNG 22: THẮNG LỢI TRỞ VỀ “Ngôi nhà trẻ thơ” không phải là sự chuẩn bị cho giai đoạn tiểu học mà là khởi đầu cho một quá trình giáo dục không bị đứt đoạn. Trong phương pháp của mình, chúng tôi không phân chia giới hạn giữa nhà trẻ và nhà trường. LỜI KẾT Nếu như sự chăm sóc về thể chất có thể làm cho một đứa trẻ tận hưởng được niềm vui mà sức khoẻ mang lại, thì sự chăm sóc về trí tuệ và đạo đức sẽ có thể dẫn trẻ đến niềm vui ở tầm cao hơn – niềm vui tinh thần. Lời nói đầu Khi cuốn sách này được xuất bản lần thứ ba ở Ý, nếu như tôi cho rằng, việc tiến hành chỉnh sửa và in lại nội dung đã viết trước đây là cần thiết, thì 42 năm sau – khi công bố bản thảo này, tôi cảm thấy việc xin lỗi độc giả càng là việc cần thiết hơn. Tuy động cơ thì như nhau, nhưng tiến độ công việc của cá nhân tôi và những kết luận được rút ra từ những học sinh trong trường thì đã vượt xa so với sự mong đợi tốt đẹp nhất của chúng tôi. Nếu như không sửa lại hoàn toàn bản thảo, từ hình thức đến nội dung, thì gần như không thể làm cho nội dung cuốn sách theo kịp được với thời đại. Nhưng, hoàn cảnh đã không cho phép tôi có điều kiện làm được như vậy, bởi điều này đòi hỏi chúng ta phải có trong tay một hệ thống các ấn phẩm chuyên nghiệp, đề cập đến những kinh nghiệm phong phú về mặt Giáo dục học và Tâm lí học từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù đã có một số sách được xuất bản, như Bí mật thời thơ ấu (The secret of childhood), Sức thẩm thấu của tâm hồn (The absorbent mind), Giáo dục trong thế giới mới (Education for a new world), Huấn luyện tiềm năng con người (To educate the human potential)... Nhưng vẫn còn có rất nhiều nội dung đang trong quá trình chuẩn bị, chưa hoàn thiện. Trong phiên bản hiện tại, tôi chỉ cố gắng làm rõ một số vấn đề nào đó, nhất là muốn chỉ ra một thực tế như vậy: công việc của chúng tôi không chỉ đã tạo ra một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới, mà còn có thể dùng tiêu đề mới của cuốn sách để thể hiện kết luận mà chúng tôi đã có được – Phát hiện mới về trẻ thơ. Trong mấy chương đầu, tôi đã khái quát một cách giản lược tình hình tiến triển của các nghiên cứu gần đây. Nhưng mong bạn đọc đừng quên rằng, phần lớn nội dung cuốn sách hoàn thành khi chúng tôi mới cất những bước đi đầu tiên, thường đề cập đến kinh nghiệm và lí luận khoa học phù hợp hoặc phổ biến với hoàn cảnh lúc đó. Xã hội đang có sự chuyển biến, khoa học cũng đã đạt được những tiến bộ lớn hơn, cũng như vậy, công việc của chúng tôi cũng có được những cải thiện tương đối lớn, niềm tin của chúng tôi cũng càng kiên định hơn, với niềm tin ấy, chúng tôi càng tin chắc rằng, con người sẽ tìm ra cách giải quyết khó khăn. Trong đó, điều cấp thiết nhất là vấn đề hoà bình và thống nhất, phương pháp duy nhất có thể tiến hành là hướng sự quan tâm chú ý và sức lực vào khám phá trẻ em, đồng thời việc nghiên cứu về quá trình hình thành nhân cách trẻ em cũng có tiềm năng phát triển nhiều hơn. Chúng tôi đã trình bày một cách rõ ràng và chính xác rằng, mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu quan sát, đều mong muốn được phản ứng với thế giới bên ngoài, đều có thể tự chủ trong học tập, đều có thể tập trung tinh thần, đều có thể biết cách sống độc lập và biết thỉnh thoảng tạm dừng mọi hoạt động để cho bản thân bình tĩnh lại. Chúng tôi có thể rất tự tin nói với mọi người một cách rõ ràng, chính xác rằng, trong một hoàn cảnh bên ngoài thích hợp để tiếp nhận sự giáo dục, việc cho phép trẻ được ở vào trạng thái nghỉ ngơi tĩnh tại là một quan niệm sai lầm. Chúng ta có trách nhiệm dẫn dắt hành động của trẻ em – trừ khi nỗ lực này làm tiêu hao năng lượng, làm mai một nhu cầu theo đuổi tri thức một cách bản năng của trẻ và trở thành một nguyên nhân thường gặp khiến cho tinh thần trở nên bấn loạn và ngăn cản trẻ phát triển. Bởi vì, cho dù là giáo dục tiến hành đối với trẻ em thì cũng không nên lấy việc chuẩn bị nhập học làm chuẩn, trái lại, việc chuẩn bị cuộc sống cho tương lai mới là mục đích thực sự của giáo dục. Maria Montessori Pune, 11/ 1948 Chương 1 ĐƯA KHOA HỌC VÀO TRƯỜNG HỌC Chúng ta cần đánh thức từ trong sâu thẳm tâm hồn những người làm công tác giáo dục lòng nhiệt tình và hứng thú của họ đối với hiện tượng tự nhiên, rồi từ đó làm cho những nhận thức ấy dẫn đến tình yêu sâu sắc đối với thiên nhiên, đồng thời cũng khiến cho nhận thức ấy đến được với khát vọng cấp thiết của một người đang chuẩn bị cho việc thực nghiệm, của một người đang chờ đợi sự xuất hiện của những số liệu mới. T ôi không có ý định làm một bản luận văn chuyên đề về giáo dục khoa học(1) trong cuốn sách này. Những ghi chép ban đầu này đã đưa ra những kết luận phù hợp và thú vị về kinh nghiệm dạy học, rất rõ ràng, những thực nghiệm này đã mở ra một con đường đưa nguyên lí khoa học mới vào ứng dụng thực tế, tranh thủ nhiều hơn những thực nghiệm khoa học trong giáo dục mà không phải cắt bỏ đi nền tảng tự nhiên trên nguyên tắc mạo hiểm. Nhiều năm nay, vẫn luôn tồn tại hiện tượng khuếch trương phóng đại, giáo dục nên từ bỏ hoàn toàn lĩnh vực mạo hiểm thuần tuý, giới Y học đã thực hiện được điều này và đã xây dựng được hệ thống riêng của mình trên cơ sở lấy kết quả thực nghiệm làm định hướng. Từ Weber, Gustav Fechner đến Wilhelm Wundt, Pinel... Sinh lí tâm lí học hoặc Tâm lí học thực hành đã trở thành một bộ môn khoa học mới. Giống như Tâm lí học siêu hình trước đây lấy giáo dục Triết học làm cơ sở, Sinh lí tâm lí học hay Thực hành tâm lí học cũng lấy khoa học giáo dục làm nền móng. Ứng dụng vào Nhân loại học hình thái để nghiên cứu thể trạng trẻ em cũng là một nhân tố quan trọng không dễ bỏ qua trong giáo dục kiểu mới. Dù đã có được những bước phát triển như vậy, nhưng hệ thống “giáo dục khoa học” đến nay vẫn chưa hình thành, chưa có một định nghĩa chuẩn xác nào. Những điều chúng ta bàn bạc, thảo luận chỉ là một thứ mơ hồ và không hề tồn tại thực sự. Mấy năm trước, ở nước Ý đã xuất hiện một cái gọi là “trường học giáo dục khoa học” (School of Scientific Pedagogy), ngôi trường này do một thầy thuốc giàu kinh nghiệm sáng lập ra, mục đích là đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên những phương pháp giáo dục mới. Họ đã thu được thành công to lớn và giành được sự đồng tình hưởng ứng của đội ngũ giáo viên trên khắp nước Ý. Dù rằng trước đó, những lí luận mới mẻ này được đưa vào Ý từ nước Đức và Pháp, nhưng các nhà Nhân loại học Ý lại khá quan tâm đến những quan sát của giáo viên bản địa đối với trẻ em ở mỗi một giai đoạn trưởng thành khác nhau và ưu điểm của việc sử dụng chính xác các công cụ và thiết bị đo lường. Ví dụ như giáo sư người Ý Giuseppe Sergi, gần 50 năm qua vẫn kiên trì theo đuổi việc thông qua các quan sát khoa học để tìm ra một phương pháp mới cho hệ thống Giáo dục cách tân. Ông từng nói: “Ngày nay, việc phải có phương thức và phương pháp giáo dục cách tân đã là vấn đề cấp bách, bất cứ ai phấn đấu vì điều này đều được coi là người phấn đấu vì sự phục hưng nhân loại”. Tác phẩm của ông đã được xuất bản với nhan đề Giáo dục và huấn luyện. Trong đó có một bản thảo bài thuyết trình của ông, đó là bài thuyết trình được ông trình bày khi tham gia một hội nghị xúc tiến cho cuộc vận động mới này. Ông tỏ rõ sự vững tin vào con đường đổi mới của mình, lấy Tâm lí học thực hành và Nhân loại học giáo dục làm tôn chỉ, tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống đối với người được tiếp nhận phương pháp giáo dục của mình: “Nhiều năm nay, tôi luôn cố gắng đưa ra quan niệm về Người giáo dục và Người huấn luyện, tôi suy nghĩ càng nhiều về vấn đề này thì càng thấy vững tin là nó sẽ giúp ích cho việc định hướng và giáo dục con người. Nếu như chúng ta muốn dùng phương pháp tự nhiên để tìm hiểu mục tiêu thì nhất thiết phải tiến hành quan sát chính xác, tích cực đối với con người với tư cách cá nhân, đặc biệt là trong việc quan sát trẻ em, bởi vì chúng đang ở trong thời kì xây dựng nền tảng giáo dục và văn hoá. Quả thực, chúng ta không thể xây dựng được một hệ thống giáo dục từ việc đo những thông số như kích thước của đầu hay chiều cao thân thể của một người, nhưng phương thức này lại có thể chỉ rõ con đường đi cho chúng ta: Chỉ khi nắm vững được những thông tin trực tiếp về đối tượng nghiên cứu của mình thì chúng ta mới có thể giáo dục được trẻ em một cách hiệu quả”. Quyền uy của giáo sư Sergi đủ để làm mọi người cảm thấy hoàn toàn tin tưởng, một khi trẻ em được hiểu rõ thông qua thực nghiệm, thì việc áp dụng phương pháp giáo dục của ông càng dễ như trở bàn tay. Nhưng, đúng như hiện tượng ta thường gặp, điều này đã dẫn đến sự hiểu nhầm của những người đi theo tư tưởng ấy, họ đã lẫn lộn khi phân biệt giữa “Tiến hành giáo dục” và “Tiến hành nghiên cứu thực nghiệm đối với trẻ em”. Dưới cách nhìn của họ, nếu tiến hành nghiên cứu thực nghiệm đối với học sinh là con đường giáo dục hợp lí thông suốt, thì giáo dục học sinh cũng nên thông qua nghiên cứu thực nghiệm để làm cho trẻ có thể phát triển tự nhiên, dường như nghiên cứu thực nghiệm hoàn toàn có thể thay thế vị trí của giáo dục. Thế là họ gọi trực tiếp Nhân loại học giáo dục là “Giáo dục học khoa học”. Sự chuyển biến của hệ thống mới dường như đại diện cho “ý đồ ghi truyền lại”, những người theo quan điểm của giáo sư Sergi cho rằng, chỉ cần làm cho “ngọn cờ bay lên được trong trường học” thì coi như đã giành được thắng lợi rồi. Vì thế, cái gọi là “Trường giáo dục học khoa học” chỉ dạy cho các giáo viên tiến hành đo kích thước cơ thể người như thế nào, sử dụng Tâm lí học và thiết bị đo xúc giác như thế nào và phác thảo từng cá nhân, con người ra sao... Theo hướng này, chỉ cần làm được những điều ấy là một nhà giáo dục khoa học đã ra đời. Trên thực tế, lĩnh vực này ở các nước khác cũng chưa có tiến bộ lớn hơn. Ở Pháp, Anh và đặc biệt là Mỹ đã triển khai thực nghiệm một cách rộng rãi trên cơ sở nghiên cứu Tâm lí học giáo dục và Nhân loại học, thậm chí là trong các trường tiểu học, người ta thông qua việc tiến hành trắc nghiệm tâm lí và sinh lí đối với học sinh để chứng minh trường mình đã bước vào con đường cải cách. Sau đó, xu thế như vậy cũng đã bắt đầu trở nên thịnh hành trong nghiên cứu đối với từng cá nhân con người, lấy nghiên cứu Tâm lí học Wilhelm Wundt làm tôn chỉ, tiếp theo là thực nghiệm Pinel và họ cũng đã lưu lại được những kết luận chung chung như nhau. Sau này, những thực nghiệm này không còn do các giáo viên thực hiện nữa, mà do các bác sĩ thực hiện. Những người này thực hiện không phải là do hứng thú với công việc giáo dục, mà là họ hứng thú với lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của mình. Họ không cố hết sức tiến hành thực nghiệm để từ đó đạt được kết quả để xây dựng ngành Giáo dục học khoa học, mà họ lại thông qua thực nghiệm để làm ra những cống hiến cho Tâm lí học và Nhân loại học. Tóm lại, Tâm lí học và Nhân loại học chưa thực sự dồn sức vào nghiên cứu Giáo dục học, đội ngũ giáo viên cũng chưa đạt tới trình độ của nhà khoa học sinh lí. Bất luận thế nào thì sự tiến bộ của giáo dục cũng cần phải có sự hoà hợp thực sự về tư tưởng và thực tiễn, sự hoà hợp này không chỉ giúp đưa các nhà khoa học trực tiếp tiến vào lĩnh vực cao cả của giáo dục, mà còn làm cho trình độ văn hoá tương đối thấp như hiện nay của đội ngũ giáo viên được nâng cao hơn. Một đơn vị trực thuộc trường đại học sư phạm Rome đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện lí tưởng cao cả này, mục tiêu của họ là nâng cao địa vị của ngành Giáo dục học, đưa nó từ chỗ vốn là môn học trực thuộc ngành Triết học trở thành môn học độc lập chiếm địa vị nổi bật, giống như ngành Y học, có thể bao hàm cả lĩnh vực nghiên cứu rộng rãi, trong đó gồm Nhân loại học giáo dục và Tâm lí học thực hành. Nhưng, cho dù khoa học phát triển tự do ra sao thì giáo dục cũng vẫn giậm chân tại chỗ trong phạm vi khởi nguồn từ môn Triết học cũ, chưa hề chịu bất cứ một ảnh hưởng nào mà mới chỉ là sự thay đổi tự thân. Nhưng hiện nay, những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục không có được niềm hứng thú đối với khoa học như đối với nhân loại và văn minh, bởi vì nhân loại và văn minh chỉ có một “người mẹ”, chỉ có một thế giới. Tất cả mọi người vì điều đó mà tạo ra những cống hiến to lớn – dù cho đó có thể mới chỉ là một sự “thử nghiệm” chứ chưa phải là đã thành công hoàn toàn – thì cũng đáng nhận được sự tôn trọng của toàn xã hội. Vì vậy, không phân biệt tuổi tác, chúng ta cùng đứng trên một trận tuyến phấn đấu vì cùng một mục tiêu, những người đến sau cũng sẽ có một mục tiêu như vậy, bởi vì trước họ đã từng có những người rất tin tưởng và hết lòng phấn đấu vì điều đó. Cũng như vậy, chúng ta cũng tin tưởng rằng, chỉ cần mang từ phòng thí nghiệm – tảng nham thạch vừa cứng vừa trơn nhẵn chuyển đến trường học rách nát cũ kĩ – thì nhất định chúng ta sẽ xây dựng lại được trường học. Rất nhiều người coi cách nhìn này là Thuyết duy vật và Thuyết cơ giới(2) vượt ra ngoài sự kì vọng, khiến cho chúng ta bước vào một con đường vừa sai lầm lại vừa chật hẹp, muốn kích hoạt nghệ thuật giáo dục để bồi dưỡng cho thế hệ sau này thì nhất định phải vượt qua được con đường này. Dùng phương pháp khoa học thực hành để đào tạo giáo viên không phải là một việc dễ dàng. Cho dù chúng ta dùng phương pháp chuẩn xác hết sức có thể để dạy cho những người đó cách tiến hành đo đạc cơ thể người và trắc nghiệm tâm lí như thế nào, cũng chẳng qua chỉ là tạo ra một số “máy móc” tiến hành thao tác theo trình tự cứng nhắc, giá trị sản xuất của nó cũng đáng để chúng ta phải nghi ngờ. Việc dạy cho họ cách tiến hành thực nghiệm như thế nào cũng không thể đào tạo ra ngay được đội ngũ giáo viên kiểu mới. Điều thú vị là, việc chúng ta bồi dưỡng ra đội ngũ giáo viên kiểu mới cũng mới chỉ là cho họ dừng lại ở bên ngoài cánh cửa khoa học thực hành mà chưa đưa họ bước vào lĩnh vực thực nghiệm khoa học, chưa tiến vào giai đoạn nghiên cứu cao sâu, chưa thể tiến hành thực nghiệm như các nhà khoa học thực sự. Vậy thì rốt cuộc các nhà khoa học là những người như thế nào? Nhà khoa học không phải là người chỉ biết gẩy qua gẩy lại các loại thiết bị vật lí trong phòng thí nghiệm, cũng không phải là người có thể linh hoạt tạo ra các phản ứng hoá học, càng không phải là những người chuẩn bị tốt các mảnh mẫu vật để phục vụ cho việc quan sát dưới kính hiển vi. Quả thực, kĩ thuật thao tác của các trợ lí và nhân viên trong phòng thí nghiệm thành thạo hơn họ nhiều. Nhà khoa học thực sự – theo định nghĩa của chúng tôi – là một người có khả năng phát hiện ra manh mối thực sự của các sinh mệnh huyền bí trong quá trình thực nghiệm, người ấy có khả năng vạch ra cái mặt nạ bí mật đang ẩn giấu trong quá trình theo đuổi tri thức, người ấy có thể vô cùng vui sướng lao vào việc tìm kiếm những điều kì diệu của tự nhiên một cách trọn vẹn đến quên cả bản thân mình. Một nhà khoa học thực sự không nhất thiết cứ phải biết cách sử dụng hết các loại thiết bị máy móc, mà phải là người hiểu biết về tự nhiên. Họ nhiệt tình với tự nhiên giống như một người cuồng tín vậy. Chúng tôi thường miêu tả chân dung một nhà khoa học như thế này: Suốt ngày trong phòng thí nghiệm, hoàn toàn quên mất tất cả mọi thứ ở ngoài đời, đôi lúc xuất hiện những hành vi không bình thường, thường xuyên không quan tâm đến việc ăn mặc của bản thân, bởi họ hoàn toàn không nghĩ đến bản thân mình. Do việc sử dụng kính hiển vi trong một thời gian dài nên mắt họ rất kém; vì thực nghiệm khoa học mà họ cố ý để nhiễm vi khuẩn bệnh phổi; để tìm hiểu con đường truyền bệnh của mầm bệnh, họ đã tự làm cho mình nhiễm bệnh tả. Các nhà khoa học còn tiếp tục thực nghiệm thuốc thử mà không màng đến sự nguy hiểm trong khi biết rõ rằng, hỗn hợp hoá học nào đó có thể nổ tung. Chính trước những người như vậy, thiên nhiên mới lộ rõ những bí mật của nó, ban tặng vòng nguyệt quế cho nhà phát minh. Vì thế, các nhà khoa học có một loại “tinh thần” có thể vượt qua được bất kì kĩ năng máy móc nào. Chỉ khi tinh thần này vượt qua và điều khiển được kĩ năng ấy, thì người đó mới đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp. Nhà khoa học không chỉ thông qua việc phát hiện một số hiện tượng tự nhiên mới mẻ nào đó để làm phong phú thêm cho khoa học, mà còn dùng sự hợp thành của các tư tưởng Triết học mới để làm cho khoa học phong phú hơn nữa. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta nên quan tâm chia sẻ loại “tinh thần” ấy nhiều hơn với đội ngũ giáo viên, chứ không phải chỉ là kĩ thuật thực nghiệm khoa học. Cũng có thể nói, mục tiêu của chúng ta nên theo hướng trí tuệ chứ không phải là theo hướng vật chất. Ví dụ, khi chúng ta nghiên cứu khoa học để đào tạo đội ngũ giáo viên, thì chúng ta chỉ đơn giản là làm cho họ nắm vững được loại kĩ thuật máy móc nào đó mà không cần phải tìm cách làm cho họ trở thành nhà Nhân loại học ưu tú, nhà Tâm lí học thực hành chuyên nghiệp hoặc là một chuyên gia chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Chúng ta từng hi vọng dẫn dắt họ vào lĩnh vực khoa học thực hành, nhưng lại chỉ là hướng dẫn họ thao tác các loại thiết bị với kĩ năng cần thiết nhất định. Mặc dù đã giới hạn trong lĩnh vực riêng này của nhà trường, nhưng chúng ta hiện nay nhất thiết phải khích lệ đội ngũ giáo viên dùng khoa học để phát triển cách nhìn và nỗ lực hơn trong công việc. Chúng ta phải thức tỉnh từ trong sâu thẳm tâm hồn những người làm công tác giáo dục, để họ hứng thú và yêu mến sự phổ biến của hiện tượng tự nhiên, rồi từ đó làm cho họ – từ những nhận thức ấy dẫn đến tình yêu sâu sắc đối với tự nhiên, đồng thời cũng khiến cho nhận thức ấy đến được với khát vọng cấp thiết của một người đang chuẩn bị cho việc thực nghiệm, một người đang chờ đợi xuất hiện những số liệu mới. Thực nghiệm khoa học cũng giống như chữ cái, chúng ta muốn hiểu bí mật của thiên nhiên thì cần phải tìm hiểu cách dùng nó như thế nào. Một cuốn sách cho thấy tư tưởng vĩ đại của tác giả là nhờ nó đã sử dụng các loại kí hiệu và chữ cái để ghép thành chữ viết và nội dung. Cũng như vậy, thiên nhiên cũng thông qua thực nghiệm kĩ thuật để công bố đến nhân loại những bí ẩn kì diệu vô tận. Nếu như in ấn rõ ràng, bất cứ người nào có trình độ đọc sơ đẳng cũng đều có thể đọc được và có thể dựa vào phương thức máy móc như vậy để đọc hết bất kì một tác phẩm nào của Shakespeare. Một người chỉ biết làm thực nghiệm thì cũng giống như những người chỉ biết ghép vần đọc chữ cái đơn giản từ những sách báo cho trẻ em. Nếu như giáo viên của chúng ta không thể tiếp nhận sự đào tạo nhằm đạt được kĩ năng này, thì sẽ chỉ có thể đạt được trình độ sơ cấp trong lĩnh vực này mà thôi. Vì vậy, chúng ta cần phải làm cho đội ngũ giáo viên trở thành những người sùng bái và thuyết trình cho tinh thần tự nhiên, giống như một người hiểu được cách đọc như thế nào thì có một ngày sẽ phát hiện ra rằng, mình còn có khả năng sử dụng phương thức kí hiệu nào đó để viết, tổng hợp và thuật lại tư tưởng của Shakespeare, Goethe hoặc Dante. Có thể thấy rõ ràng rằng, phương thức và loại hình của hai cách đọc này khác nhau một trời một vực. Vậy mà chúng ta lại tự nhiên phạm phải sai lầm đầu tiên này. Một đứa trẻ mới biết đọc thường cho rằng mình đã biết đọc rồi. Trên thực tế, nó chẳng qua chỉ là có thể nhận biết được một số chữ hoặc một đoạn ngắn trên bảng hiệu, tên tờ báo... vô tình lọt vào tầm mắt mà thôi. Không khó để tưởng tượng ra, nếu như đứa trẻ ấy đi vào một thư viện, nó sẽ thích thú như thế nào với cái cảm giác có thể nhận biết được tất cả danh mục sách. Thế nhưng nếu nó thử đọc những quyển sách này, nó sẽ nhanh chóng ý thức được rằng, “hiểu một cách máy móc khi đọc chữ” chẳng có giá trị gì, chắc chắn nó sẽ rời khỏi thư viện, trở về trường để học tập tiếp. Chúng ta cũng phạm sai lầm như vậy khi những người giáo viên ban đầu cũng chỉ được truyền thụ một cách đơn giản là làm thế nào để tiến hành thực nghiệm tâm lí và đo đạc các kích thước trên cơ thể người. TÓM LẠI, KHÁI NIỆM “NHÀ KHOA HỌC” LÀ GÌ? Chúng ta tạm thời không nói đến mức độ khó khăn của giáo viên Giáo dục học khoa học được đào tạo đúng với thực tế, chúng ta thậm chí không định đưa ra một phương án đào tạo như vậy, bởi vì điều đó sẽ khiến chúng ta xa rời với chủ đề. Ngược lại, chúng ta hãy giả thiết trước, thông qua việc huấn luyện kiên trì, tỉ mỉ trong thời gian dài, chúng ta đã đào tạo ra đội ngũ giáo viên quen với việc quan sát tự nhiên một cách kĩ càng, tỉ mỉ, và đưa nó lên đến trình độ của các nhà Động vật học, có thể đến cánh đồng hay vào rừng sâu, quan sát những hành vi ban đầu nào đó của loài côn trùng nào đó theo cảm hứng của mình. Anh ta nhất định sẽ bất chấp cả việc thể xác và tinh thần vô cùng mệt nhọc mà tập trung ý chí cho việc quan sát. Anh ta rất cẩn thận không để lộ mình, chính là để tiến hành mọi hoạt động theo thời gian chủ động của mình mà không làm cho lũ côn trùng này bị xáo động, đó mới là thế giới tự nhiên mà anh ta muốn nhìn thấy. Chúng ta hãy tưởng tượng một chút, giả dụ những giáo viên này đã đạt tới trình độ kiên trì nhẫn nại của các nhà khoa học, có thể không hề động đậy trước kính hiển vi để quan sát hành vi tự nhiên của động vật đúng như nguyên trạng của nó. Theo cách nhìn của anh ta, những sinh mệnh nhỏ bé ấy có thể nhường tránh và hỗ trợ lẫn nhau hoặc biết lựa chọn thức ăn cho mình, từ đó chứng minh rằng chúng vốn có một loại bản năng hoặc chút ý thức lờ mờ. Sau đó, anh ta dùng điện để kích thích, làm rối tung cuộc sống yên tĩnh của chúng và quan sát trong đám sinh vật đó, sẽ có một nhóm dồn lại bên cực dương, một nhóm khác thì dồn sang phía cực âm. Tiếp theo, anh ta cho luồng ánh sáng mạnh chiếu vào chúng, quan sát thấy một nhóm thì hướng về phía nguồn sáng còn nhóm kia thì rời xa khỏi nguồn sáng. Anh ta dựa vào phương thức này để nghiên cứu phản ứng khác nhau của sinh vật và phát hiện ra rằng, hiện tượng hướng theo ánh sáng và tránh xa ánh sáng phải chăng là giống với tính chất hoạt động chọn lựa thức ăn hoặc nhường tránh, hỗ trợ lẫn nhau? Nói cách khác, hành vi khác biệt giữa chúng phải chăng xuất phát từ một loại ý thức lờ mờ hoặc một loại bản năng tự nhiên mà ra, mà không phải từ tác dụng vật lí của việc đẩy ra và hút vào tương hỗ lẫn nhau giữa hai thanh nam châm? Chúng ta lại giả thiết là, nhà khoa học này phát hiện ra lúc này đã là 2 giờ chiều và vô cùng vui mừng khi ý thức được rằng, công việc mà mình đang tiến hành là trong phòng thí nghiệm chứ không phải là ở nhà, bởi nếu như đang ở nhà thì anh ta sẽ bị gọi đi ăn cơm và vì vậy sẽ làm gián đoạn việc quan sát đầy hứng thú của mình. Chúng ta lại tưởng tượng một chút, một người giáo viên chưa qua huấn luyện đặc thù đã đạt đến giai đoạn có được niềm hứng thú như vậy với việc quan sát hiện tượng tự nhiên, nhưng mức độ hơi thấp một chút. Cho dù như vậy thì công việc chuẩn bị của anh ta cũng không được đầy đủ, chu đáo. Công việc của người giáo viên vô cùng đặc thù, đối tượng quan sát của anh ta không phải là côn trùng hay động vật mà là Con Người. Những Con Người mà anh ta quan sát cũng không giống những loại côn trùng sáng sớm vừa thức dậy đã bận rộn. Anh ta cũng không phải quan sát hành vi công việc hằng ngày bận rộn ấy, mà cần quan sát những biểu hiện khi được đánh thức của sinh mệnh trí tuệ này. Một người muốn trở thành giáo viên, nhất thiết phải có hứng thú say mê với việc nghiên cứu con người, người quan sát và người bị quan sát phải kết hợp chặt chẽ với nhau, mối liên hệ so sánh giữa nhà Động vật học hoặc nhà Sinh vật học với tự nhiên càng cần phải chặt chẽ, do sự kết hợp này vô cùng chặt chẽ nên sẽ càng làm cho con người vui vẻ hơn. Một người nếu như không có tinh thần hi sinh thì không thể yêu thích các phản ứng hoá học hoặc côn trùng mà anh ta nghiên cứu, mà kiểu nhượng bộ này – trong con mắt của một số người – được xem như là một kiểu khổ nạn, một sự thay đổi mang tính bước ngoặt của cuộc đời, một sự hi sinh. Đồng thời, tình yêu giữa con người với nhau cũng có thể khiến cho người ta vui vẻ và giản đơn như vậy, không chỉ có lợi cho tâm hồn, mà đó là tình cảm những người bình thường nhất cũng dễ dàng có được. Khi những người giáo viên đạt được “tinh thần nhà khoa học” nào đó thì trong lòng họ sẽ cảm thấy vui mừng thanh thản, không lâu sau đã có thể thể nghiệm niềm vui này trong những quan sát của mình. Để làm rõ khái niệm bồi dưỡng loại tinh thần thứ hai, chúng ta cần phải thâm nhập vào tư tưởng của người được Chúa cứu thế lần đầu chọn là người đi theo, khi họ nghe nói có một thiên đường vĩ đại hơn bất kì nơi nào có thể nhìn thấy trên trái đất, thì trong lòng có chút hoài nghi. Có một đệ tử trong số đó không kìm nổi sự hiếu kì đã nghĩ: “Ai từng là người vĩ đại nhất của thiên đường này?”, vì thế đã đưa ra một câu hỏi vô cùng ngây thơ: “Thưa Chúa, ai mới là người vĩ đại nhất trên thiên đường?” Sau khi nghe câu hỏi ấy, Chúa Giê–su liền xoa đầu đứa trẻ đang ngước cặp mắt kinh ngạc khó hiểu và thành khẩn nhìn Người và trả lời: “Ai có thể trở nên giống đứa trẻ này, thì người đó chính là người vĩ đại nhất trên thiên đường”. Bây giờ, hãy thử tưởng tượng đến tâm hồn của một nhà chủ nghĩa thần bí cuồng tín, có thể nhìn thấy ánh sáng tâm hồn của tất cả trẻ em, anh ta có lòng hiếu kì thiêng liêng, biết tôn trọng, biết yêu thương và có khát vọng cao độ đối với thiên đường, anh ta có thể hiểu con đường tất yếu để hoàn thiện mình, vì vậy có thể vào một phòng học toàn là trẻ em. Cho dù như vậy, anh ta cũng không thể trở thành người giáo viên kiểu mới mà chúng ta kì vọng. Chúng ta tìm cách đem tinh thần hi sinh quên mình và lòng thành kính vô vàn đối với Đức Chúa Trời của nhà khoa học để cấy vào trong tư tưởng của các nhà giáo dục, có như vậy thì mới có thể đạt được tinh thần của “nhà giáo dục” hoàn hảo. Trên thực tế, anh ta sẽ học được phương pháp và phương thức giáo dục từ lũ trẻ, và điều này cũng có nghĩa là, anh ta đã học được cách tự hoàn thiện mình như thế nào để trở thành một người giáo viên thực sự. Chúng ta lại tưởng tượng mình trở thành một nhà Thực vật học hoặc nhà Động vật học, có các kĩ năng quan sát và thực nghiệm. Để nghiên cứu một loại vi khuẩn nào đó trong trạng thái tự nhiên và môi trường nguyên thuỷ mà thường xuyên đi điền dã bên ngoài, dưới sự hỗ trợ của thiết bị trong phòng thí nghiệm và kính hiển vi, anh ta đã tiến thêm một bước trong việc nghiên cứu và thực nghiệm, và đã nuôi cấy được loại khuẩn này. Tiếp theo, chúng ta lại tưởng tượng, một vị học giả như vậy – vì thành quả nghiên cứu của mình mà bị chọn vào một hạng mục nghiên cứu khác – liên quan đến loài côn trùng bộ Cánh màng. Anh ta đến với cương vị công tác mới, khi nhìn thấy trước mặt bày ra một chiếc hộp có nắp bằng kính, bên trong đặt một tiêu bản bướm rất đẹp, cánh bướm được cố định bằng đinh ghim, anh ta sẽ có phản ứng như thế nào? Nhà khoa học trẻ có thể sẽ nói rằng: Đây là trò chơi của trẻ em chứ không phải tiêu bản nghiên cứu khoa học, giáo cụ trong chiếc hộp đại diện cho một loại đồ chơi, các bé trai có thể đuổi bướm trong công viên rồi dùng vợt để bắt, sau đó đặt vào trong một chiếc hộp. Tiêu bản này đối với một nhà khoa học thực nghiệm mà nói, hoàn toàn không có giá trị gì. Nếu như một người giáo viên theo kiểu nhà khoa học kia, tiếp nhận quan điểm giáo dục của chúng ta, rồi được điều đến làm việc tại một ngôi trường công lập thì cũng sẽ xảy ra tình trạng mà nhà khoa học kia đã gặp phải. Tại đó, những biểu hiện tự nhiên trong cá tính của trẻ em sẽ bị kìm nén, giống như xác chết khô không thể bộc lộ bản thân, cũng chẳng khác gì con bướm bị cố định bằng đinh ghim đó, chúng cũng bị cố định vào chỗ ngồi sau bàn học. Tại đó, các em chỉ có thể xoè ra đôi cánh đã mất đi tác dụng và ý nghĩa đối với việc bay lượn, lúc này chỉ còn thu được thứ tri thức kém thú vị. Do đó, chỉ bồi dưỡng tinh thần nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên là không đủ, còn cần phải chuẩn bị tốt vũ đài – trường học cho họ thi thố tài hoa. Cho phép trẻ em được phát triển tự do là cơ chế cần có của nhà trường. Nếu như một hình thức giáo dục khoa học có thể ra đời, thì đó chính là sự cải cách quan trọng nhất. Không có ai dám nói, nguyên tắc này đã tồn tại trong trường học và trong nền giáo dục của chúng ta. Tuy vậy, một số giáo viên dưới sự chỉ bảo của Rousseau đã từng kêu cứu rằng, phải tôn trọng sự tự do của trẻ em, hơn nữa còn thể hiện một số nguyện vọng mơ hồ không rõ ràng. Nhưng những người làm công tác giáo dục chuyên nghiệp vẫn không hiểu nổi hàm ý thực sự của tự do. Họ cho rằng, đó chính là loại tự do được thể hiện khi người dân phản kháng sự nô dịch; hoặc có thể nói, tự do – ở mức cao hơn – là một thứ tự do thường xuyên bị ràng buộc, bởi vì nó chỉ là tự do của một tầng cao hơn, là một bộ phận trong sự tự do thuần tuý, là sự tự do của một đất nước, tự do của một giai cấp hoặc là một kiểu giải phóng tư tưởng. Có thể khích lệ tự do trong giáo dục, nó có tính phổ biến về mặt khái niệm – Nó là một kiểu giải phóng cho những sinh mệnh bị áp bức ngăn cản khi vấp phải vô số phản đối về việc phát triển hài hoà, bao gồm hai vấn đề: Thể chất và Tinh thần. Đây mới là nhân tố căn bản nhất, mặc dù cho đến nay, phần lớn mọi người còn chưa nhận thức được điều này. Đây là một vấn đề không nên coi thường, mọi người cần phải nhận thức rõ ràng về điều này. Vấn đề tự do vẫn thường được rêu rao rằng, trong nhà trường hiện nay, nguyên tắc tự do đã thâm nhập vào bất cứ người nào làm công tác giáo dục, chúng tôi vẫn thường nói vui rằng những người đó giống như đứa trẻ đứng trước tiêu bản bướm, nó một mực tin rằng con bướm ở trong hộp vẫn còn sống, nó vẫn có thể tiếp tục bay. Nguyên tắc áp chế, có lúc là một kiểu chế độ giống như nô dịch, luôn luôn thâm nhập vào trong nhà trường và giáo dục. Bàn học và ghế ngồi đang được sử dụng trong lớp học là một minh chứng rõ ràng nhất. Nó cũng chứng minh cho việc chúng ta vẫn đang tiếp tục phạm vào sai lầm của các nhà giáo dục khoa học theo Chủ nghĩa duy vật thời kì đầu, họ thử cố gắng dùng những hòn đá khoa học cứng nhắc để sửa chữa phục hồi bức tường xiêu vẹo trong trường học. Trẻ em chen nhau ngồi trên những chiếc ghế hẹp và dài, sau đó, khoa học đã xuất hiện và làm cho chiếc bàn học trở nên hoàn thiện hơn. Ngành Nhân loại học nhờ thế đã có được những phát hiện mới, đó là những cống hiến vô cùng quan trọng cho toàn thế giới. Họ căn cứ vào độ tuổi và độ dài chân trẻ em để quyết định chiều cao của ghế. Khoảng cách giữa ghế và bàn cũng thông qua đo đạc và tính toán chính xác, làm cho trẻ nhỏ khi ngồi xuống cột sống không bị cong vẹo. Sau đó, vận dụng sự quan sát vô cùng sâu sắc, họ đem chia lại chỗ ngồi, nhưng chiều rộng của chiếc ghế sau khi đã được đo đạc chính xác thì lại quá nhỏ, một khi trẻ em ngồi xuống thì cơ bản là không thể duỗi dài được cả hai bên chân trái và chân phải, cũng không thể dịch chuyển sang chỗ ngồi bên cạnh. Sở dĩ bàn ghế được thiết kế như vậy là để cho trẻ em chỉ hoạt động trong tầm mắt của giáo viên, còn động cơ thực sự của việc chia tách chỗ ngồi của các em với nhau, là vì muốn ngăn chặn những hành vi vô đạo đức xảy ra trong trường học, thậm chí cả trong nhà trẻ cũng làm như vậy! Ở bất kì nơi nào, việc nói đến nguyên tắc mang tính giáo dục đều bị cho là điều đáng xấu hổ, lí do là người ta lo lắng cho sự trong sáng của trẻ em có thể bị làm vấy bẩn. Trong một xã hội cẩn thận thái quá thì chúng ta có thể nói được điều gì đây? Nhưng chúng ta vẫn phải từng bước đưa khoa học vào hỗ trợ cho sự suy đoán này, từ đó chế tạo ra những chiếc bàn học và ghế ngồi một cách càng máy móc hơn nữa. Đây vẫn chưa phải là tất cả, vì người ta còn tỏ ra rất tâm đắc về điều này. Khoa học đã cải tiến sự hoàn thiện của bàn ghế như thế đó, họ cho rằng họ đã có thể bảo vệ tốt đạo đức của trẻ em. Hoặc là – đúng như họ hi vọng – có thể hạn chế tất cả các hành vi của trẻ em. Tất cả đều suy nghĩ như vậy thì đương nhiên là bàn ghế sẽ được sắp xếp như vậy, khi một đứa trẻ bị ép cố định vào bàn học thì nó sẽ buộc phải cho rằng, cái vị trí này rất có lợi cho sức khoẻ của nó. Chúng tôi phát hiện ra rằng, sự bố trí ghế ngồi, chỗ để chân và bàn học kiểu này làm cho trẻ em không thể đứng lên được. Chỉ khi chúng ngồi hơi nghiêng một chút trên ghế, bàn học nâng cao hơn chút nữa, chỗ giẫm chân bị cuộn lại thì chúng mới có thể đứng thẳng người lên được. Đó là phương thức để từng bước hoàn thiện chiếc bàn học. Những người được gọi là “nhân sĩ chuyên nghiệp” của “hệ thống giáo dục khoa học”, gần như ai cũng thiết kế một cái mô hình bàn học khoa học. Không ít quốc gia còn cảm thấy tự hào vì “bàn học mang đậm bản sắc dân tộc” của họ, hơn nữa thiết kế tinh xảo ấy còn giành được bản quyền sáng chế. Chẳng có gì để thắc mắc, cấu tạo của mặt ghế có một số chỗ phù hợp với nguyên lí khoa học. Nhân loại học còn cung cấp phương pháp tiến hành đo thân thể trẻ em và miêu tả tính cách đặc trưng vốn có của trẻ em ở lứa tuổi này, Sinh lí học đã giải thích hoạt động cơ bắp của một đứa trẻ, còn Tâm lí học thì lại miêu tả hành vi khác thường của bản năng và sự trưởng thành sớm của đứa trẻ. Điều chủ yếu nhất là Y học cần phải ngăn chặn sự biến dạng cột sống của trẻ em. Vì thế, căn cứ vào số liệu mà ngành Nhân loại học cung cấp khi nghiên cứu về trẻ em, bàn học và ghế ngồi đã được thiết kế theo khoa học như vậy, từ đó chúng ta thấy được rằng, con người chỉ đem khoa học vận dụng vào trường học một cách máy móc. Nhưng dùng chẳng được bao lâu, mỗi một quốc gia khi khôi phục lại sự quan tâm đến phúc lợi cho trẻ em đều phải thay đổi thái độ của mình. Trước những tiến bộ to lớn của 10 đầu trước thế kỉ XX, các nhà nghiên cứu Y học, Nhân loại học, Xã hội học nhiều như vậy mà không phát hiện ra sai lầm cơ bản của bàn học, điều này quả thực khiến cho người ta không thể tưởng tượng nổi. Chẳng được mấy năm sau, mọi người đã thấy ngạc nhiên khi dùng tay xoa xoa những chiếc bàn học hiện đại đó, hoặc xem trên tranh ảnh tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại thiết kế như vậy, họ không dám tin vào cảm giác của chính mình. Khó có thể tin được là mục đích ban đầu khi làm ra những chiếc bàn ghế này lại là để tránh cho học sinh không bị biến dạng cột sống! Nhưng sự phát triển của bàn ghế cũng đã nói lên sự nghiêm khắc đối với học sinh. Chúng phải chịu sự quản lí và thống trị của một thể chế, cho dù chúng sinh ra rất khoẻ mạnh thì cột sống cũng vẫn bị biến dạng cong vẹo, sớm muộn chúng cũng sẽ còng lưng! Nhìn từ góc độ Sinh vật học, cột sống là bộ phận then chốt nhất, cơ bản nhất và là bộ phận đầu tiên trong bộ xương, là sự chống đỡ chủ yếu cho cơ thể người. Trải qua thời kì nguyên thuỷ và thời kì văn minh cùng với cuộc đọ sức quyết tử với sư tử và voi ma mút, trải qua thời kì dài đấu tranh ác liệt từ đồ đá, tinh luyện kim loại và cả khi mở rộng chủ quyền lãnh thổ trên địa cầu, cột sống của con người mới phát triển như ngày nay, nhưng dưới những gông xiềng của trường học, nó không thể đứng thẳng lên được! Điều khiến người ta khó lí giải là “khoa học” đã hoàn thiện cái công cụ nô dịch này trong nhà trường, nhưng tư tưởng được sinh ra từ các cuộc vận động giải phóng trên thế giới và ánh sáng của sự nỗ lực phấn đấu vẫn chưa chiếu sáng được đến nơi này. Gần như ai cũng biết phương hướng của cuộc vận động giải phóng. Người dân lao động nghèo khổ không có nhu cầu tẩm bổ thuốc quý, họ chỉ yêu cầu tình hình kinh tế được cải thiện, đảm bảo đời sống được ấm no, khoẻ mạnh. Công nhân mỏ làm việc nhiều giờ mỗi ngày trong đói rét rất dễ bị bệnh sa tạng, nhưng họ cũng không yêu cầu hỗ trợ để điều trị bệnh. Ngược lại, họ hi vọng có thể rút ngắn thời gian làm việc, cải thiện môi trường làm việc, ít nhất là có được thân thể khoẻ mạnh như những người bình thường khác. Vậy mà trong thời đại biến động này, trẻ em đang phải học tập trong hoàn cảnh lớp học không có lợi cho sức khoẻ như vậy, sự dậy thì tự nhiên của cơ thể chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bộ xương cũng sẽ bị biến dạng, chúng ta lại phát hiện ra biện pháp giải quyết đối với việc trị liệu cho tình trạng tồi tệ này là sửa chữa bàn học. Không lâu trước đây, một phụ nữ cho rằng, tôi cũng đồng tình với tất cả những việc cải cách khoa học trong trường học, đã rất hào hứng giới thiệu với tôi một loại “áo bó chặt người” cho học sinh mặc, bà ta là chuyên gia giải quyết vấn đề bàn học và đặc biệt phát minh ra bộ y phục này cho học sinh trong nhà trường. Sự thực là, giới Y học có rất nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề biến dạng cột sống, như “uốn nắn bằng nẹp”, “liệu pháp dải băng” và “liệu pháp kéo”... Thực ra bản chất của những phương pháp đó là định giờ rồi kéo cái đầu hoặc vai của đứa trẻ lên, để tự cơ thể sẽ dài ra, đồng thời cũng sẽ kéo thẳng cột sống. Đến bây giờ, vẫn có người kiến nghị cho trẻ em mặc áo bó chặt người, tương lai không xa, chắc sẽ có người kiến nghị thực hiện “liệu pháp kéo” đối với học sinh! Tất cả những cái đó đều là kết quả logic của phương pháp khoa học ứng dụng vật lí vào giáo dục gần mấy chục năm nay, kết quả của việc ứng dụng Tâm lí học thực hành và Nhân loại học trong giáo dục trường học cùng thời kì chắc hẳn cũng như vậy. Phương pháp hợp lí để phòng tránh cong vẹo cột sống trẻ em là thay đổi phương thức làm việc của cột sống, như vậy sẽ không làm cho trẻ em bị ép trên một chỗ ngồi có hại trong vài giờ. Và điều mà nhà trường cần phải cho phép nhiều hơn nữa đó là tự do, chứ không phải là chỉ chú trọng vào việc cải tiến bàn ghế. Dù rằng bàn học có lợi trong việc phát triển thể trạng của trẻ em, nhưng nó đồng thời cũng là một trở ngại trong môi trường lành mạnh, bởi vì khi phòng học ngăn nắp thì sẽ rất khó tuỳ ý thay đổi vị trí của chúng. Hiện nay, đồ dùng trong nhà cũng có xu thế phát triển mới, thiết kế ngày càng linh hoạt, đơn giản và tiện di chuyển để quét dọn mỗi ngày, chứ không chỉ dùng mỗi nước để lau chùi. Nhưng chúng ta không thể bắt gặp sự thay đổi như vậy ở trường học. Hãy thử lật ngược vấn đề, trẻ em lớn lên trong môi trường độc hại do con người tạo ra, có thể sẽ phải chịu hậu quả của việc biến dạng bộ xương. Vậy thì khi đó thế giới tinh thần của trẻ sẽ ra sao? Khi nói đến việc cứu giúp nhân dân lao động, chúng ta hiểu rằng, đằng sau những bệnh tật mà họ phải chịu đựng, như thiếu máu và bệnh sa tạng chẳng hạn, còn ẩn giấu những tổn thương nghiêm trọng hơn – sự giày vò về tư tưởng nô dịch – dù đã được giảm nhẹ. Khi chúng ta nói đến việc nhân dân lao động phải được hưởng tự do, thì mục đích chỉ là làm giảm nhẹ nỗi thống khổ về thể xác của họ mà thôi. Chúng ta hiểu rõ mười mươi rằng, khi một người bị hao tổn về khí huyết thì tinh thần cũng sẽ bị kìm nén, trở nên tê liệt không còn cảm giác gì. Giống như trên cổ phải đeo thêm trọng trách nặng nề, đạo đức sa đoạ là trở ngại chính trên con đường tiến bộ của nhân loại, vì vậy cứu giúp linh hồn nhân loại càng cấp bách hơn việc cứu giúp thể xác. Vậy thì, đối với vấn đề giáo dục trẻ em, chúng ta nên nói về những gì? Chúng ta có thể lí giải một cách đầy đủ những vấn đề khó khăn của giáo viên. Trong một lớp học phổ thông, thầy giáo bận rộn vô cùng trong việc truyền bá kiến thức vào những cái đầu nhỏ bé mà thầy phụ trách. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, thầy buộc phải yêu cầu các học sinh ngồi im, ép chúng phải tập trung chú ý, và để đạt được mục đích này, thầy sẽ phải sử dụng đến một số biện pháp thưởng phạt. Nhưng thẳng thắn mà nói, khen thưởng và trừng phạt đều là chiếc bàn linh hồn, là phương thức trói buộc tâm hồn trẻ em, nói cách khác, việc này sẽ càng kích thích tâm lí bất thường ở trẻ em chứ không phải là phòng tránh từ xa. Trên thực tế, khen thưởng hay trừng phạt đều được dùng để ép trẻ em củng cố nhận thức về quy tắc của thế giới mà con người tạo ra chứ không phải là ý muốn của tạo hoá, những quy tắc này là quyền uy của người lớn dùng để trói buộc hành vi của trẻ em. Một người giáo viên thường xuyên đưa ra mệnh lệnh vì cái tôi quá lớn của mình và hi vọng trẻ em sẽ tuân thủ mệnh lệnh, bởi vì người thầy đó quá yếu đuối. Người lớn không những không nên như vậy, mà nên lấy tình yêu thương và sự khích lệ để dẫn dắt trẻ em và phải luôn hỗ trợ, giúp đỡ chúng trên con đường hướng tới thiên đường tương lai. Cho dù là nghèo hèn hay sang giàu, bất cứ người nào thể hiện tài năng đều phải được ca ngợi, ghi nhớ, bất cứ ai cũng đều cần nhận được sự cổ vũ, khen thưởng. Nhưng trong trường học, chỉ có “người có lòng tín nghĩa và danh dự cao cả” tham gia trong cuộc cạnh tranh mới có thể giành được sự khen thưởng. Trên thực tế, điều này chỉ tạo ra tâm lí đối địch, ghen ghét đố kị và kiêu ngạo trong trẻ em, mà không sinh ra sự nỗ lực, đức tính khiêm tốn và tình yêu thương mà mỗi một cá nhân đều có thể cảm nhận được. Xung đột mà chúng ta tạo ra theo cách này không chỉ tồn tại giữa tiến bộ xã hội và trường học, mà còn tồn tại giữa tín ngưỡng tôn giáo và trường học. Có một ngày, một đứa trẻ nào đó nhất định sẽ để tay lên ngực tự hỏi, phải chăng những sự khen thưởng giành được trong nhà trường đã trở thành trở ngại ngăn cản nó bước vào cuộc sống? Hoặc là, khi không đủ khả năng để biện hộ cho bản thân, trẻ sẽ cảm thấy nỗi hổ thẹn khi bị trừng phạt cũng không làm cho nó trở thành một “người theo đuổi chính nghĩa” – đó là bài giảng của chúa Kitô trong lời răn leo núi. Quả thực là, trong đời sống xã hội đâu đâu cũng tồn tại sự khen thưởng và trừng phạt, nhưng chúng hoàn toàn khác biệt với sự thưởng phạt trên phương diện tinh thần. Người lớn đã chấp hành sự thưởng phạt tinh thần, trẻ em không lâu sau trong lòng cũng sẽ tiếp nhận cách làm này, sau đó cũng gia nhập vào trong đội ngũ đó, thế là hình thành một thế giới từ thói quen ước định mà thành. Họ lợi dụng hết mức chế độ thưởng phạt, khiến cho trẻ em phải tuân theo ý nguyện của họ. Nhưng, nếu như quan sát xã hội này một cách tỉ mỉ, bạn sẽ thấy nó đang dần dần được cải thiện, sinh mệnh chịu sự chi phối của lí trí và tư tưởng cũng đang dần dần đi theo hướng thắng lợi. Gông xiềng của nô lệ đã tạo thành gông xiềng của các công nhân làm thuê và nó lại theo thứ tự tạo ra gông xiềng cho người lao động. Nô dịch ở bất cứ hình thức nào đều sẽ dẫn tới hướng diệt vong. Lịch sử của loài người tiến bộ, đại diện cho một loạt kết quả thắng lợi của đấu tranh giải phóng tự do, mà bất kì sự thất bại nào về mặt này đều bị coi là một kiểu thoái hoá. Trên một phương thức nào đó, trong trường học cũng tồn tại tác phong quan liêu giống như chính phủ. Nhân viên tạm thời của từng bộ phận khác nhau trong chính phủ đều bận giữ khoảng cách an toàn chứ không phải là tranh thủ trau dồi những tiến bộ tích cực, nhưng kết quả của việc này không thể thấy rõ ngay trước mắt. Chính là thông qua họ, chính phủ tham gia vào sự nghiệp vĩ đại, đem lại phúc lợi nói chung cho dân thường. Nhưng bản thân họ lại rất ít nhận ra tầm quan trọng của công việc mình làm. Điều mà họ thích thú nhất là được đề cao, cũng giống như một học sinh thường trông chờ bản thân có thể dễ dàng vượt qua kì thi và được lên lớp. Những viên chức không nhìn thấy mục tiêu cao cả trong công việc cũng giống như trẻ em bị đúp một lớp hoặc giống một nô lệ bị lừa gạt vậy. Điều đó được coi như sự tôn nghiêm bên trong con người bị hạ thấp như máy móc, huống hồ một cỗ máy cũng còn cần được chăm sóc và bảo dưỡng thường xuyên, bởi vì khi công suất không đủ, nó cũng sẽ mất đi công hiệu. Mong muốn được công nhận, nên anh ta phải tiếp tục công việc nhàm chán và khiến cho người khác khó chịu. Tâm lí sợ hãi, lo lắng không được thăng chức ngăn cản anh ta vứt bỏ công việc này, nó buộc chặt anh ta vào việc lao động gian khổ và đơn điệu, giống như nỗi sợ hãi khiến học sinh không dám xa rời sách vở. Sự uốn nắn của lãnh đạo rất giống với việc la hét của giáo viên, việc viết văn bản phê bình cấp dưới thì giống như giáo viên đánh một kí hiệu nhận định trình độ không tốt lên vở bài tập qua quýt của học sinh. Nếu như chính sách của các cơ quan hành chính không phù hợp với hình tượng vĩ đại của đất nước, nếu như nơi đâu cũng là tham ô hủ bại, thì nhất định là do tinh thần cao thượng của nhân loại – vốn nên có ở những viên chức này đã bị vùi lấp trong tim họ. Tầm nhìn của họ đã bị hạn chế trong sự thiếu kiến thức và trong các hình thức thưởng phạt, từ lâu đã không nhìn ra được tâm lí sâu sắc, cao thượng. Chẳng lấy gì làm lạ khi quyền lực và niềm vui thích đã ảnh hưởng và thao túng những “nô lệ” của một đất nước như vậy. Sở dĩ một quốc gia còn tồn tại là nhờ phần lớn các nhân viên đều còn chính trực, họ có thể ngăn chặn ảnh hưởng của sự hủ hoá, biến chất của chế độ thưởng phạt. Giống như trong xã hội loài người, sự sống chiến thắng cái chết và bệnh tật, bản năng tự do cũng sẽ khắc phục hết thảy mọi trở ngại để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hơn nữa, động lực bên trong đang thúc đẩy thế giới tiến bộ thường tiềm ẩn trong tâm hồn con người. Do bị thu hút bởi cái gọi là “khen thưởng”, hoặc bị doạ dẫm bởi cái gọi là “trừng phạt”, không có ai thực sự làm nên được kì tích to lớn. Nếu như một nhóm các binh sĩ thân hình vạm vỡ – để thăng quan tiến chức, để giành được huân chương cao quý, để không bị chết trên chiến trường nên đã quyết chiến với một nhóm những con người thấp bé lòng tràn đầy tình yêu nước mãnh liệt, thì có thể khẳng định rằng, những con người bé nhỏ ấy sẽ giành được chiến thắng. Khi một quân đội mất đi tinh thần chủ nghĩa anh hùng thì khen thưởng và trừng phạt chỉ đóng vai trò phá hoại, dẫn đến sự xuất hiện của hiện tượng tham ô hủ bại(3). Mỗi một bước tiến, mỗi một thắng lợi vì sự tiến bộ của loài người đều đến từ một sức mạnh nào đó thôi thúc bên trong. Một sinh viên – nếu như nhận được sự thôi thúc của niềm cảm hứng và sự đam mê – thì sẽ trở thành một người giáo viên hay một thầy thuốc. Nhưng nếu như anh ta chỉ đơn giản hi vọng có được một phần tài sản, có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, hay có một chỗ đứng nào đó ở bên ngoài xã hội, thì anh ta vĩnh viễn không thể trở thành một người giáo viên hay một người thầy thuốc thực sự, mà anh ta cũng không thể qua công việc của mình để cống hiến bất cứ điều gì cho xã hội. Nếu như một thanh niên học tập tốt vì mục đích giành được học vị, nhưng trong quá trình ấy anh ta buộc phải nhận sự khen thưởng và cả sự trừng phạt của gia đình và nhà trường, vậy thì đối với anh ta mà nói, tốt nhất là không cần phải đạt được học vị. Mỗi người đều có mong muốn riêng hoặc bí mật không giống với những người khác, cũng có lựa chọn nghề nghiệp bí mật không thể nói ra. Có lẽ lựa chọn chân chất không màu mè loè loẹt của mình lại có tác dụng khích lệ đáng kể. Khen thưởng có thể thay đổi điều này, làm cho người ta bỏ lỡ nghề nghiệp mà mình thực sự yêu thích. Chúng ta nhiều lần nhắc lại thế giới đang đi theo hướng tiến bộ, thì cần thiết phải cổ vũ khích lệ mọi người không ngừng mưu cầu tiến bộ. Nhưng, tiến bộ thực sự ẩn trong phát hiện sự vật bí mật. Thông thường, nó có thể là mục tiêu nào đó chỉ đòi hỏi cải tiến hoặc hoàn thiện. Phát hiện bí mật cũng sẽ không nhận được bất kì sự khen thưởng nào. Thực tế thì một người định để lộ bí mật thông thường cũng là một nạn nhân. Nếu như làm thơ chỉ với khát khao giành được giải thưởng của nhà nước, thì sẽ thực sự trở thành một bi kịch. Tầm nhìn đẹp nhất của nhà thơ chỉ nằm trong nội tâm của chính họ, một khi trong tim chứa đầy những ý nghĩ mờ ám vị kỉ, nữ thần Muses phụ trách thơ ca sẽ mất đi. Thơ ca phải được tuôn ra từ trong trái tim hoàn toàn quên mình, không toan tính của nhà thơ và cho dù có giành được giải thưởng thì cũng không vì thế mà tự mãn. Tuy nhiên, một số khen thưởng bên ngoài cũng tồn tại thực sự đồng thời cho con người. Ví dụ, khi một nghệ sĩ nhìn thấy nét mặt khán giả thay đổi theo diễn biến bài biểu diễn của mình, thì trong lòng sẽ cảm thấy mừng vui thanh thản y như khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của họ. Đây là một thứ niềm vui xuất phát từ trái tim, có thể chạm vào tâm hồn, chúng ta sẽ được hưởng thụ thứ tình cảm này khi những nỗ lực của bản thân được báo đáp. Có lúc, chúng ta cũng sẽ vui mừng vì một sự giao phó nào đó, như vậy có thể duy trì lâu dài cuộc sống trong hoà bình. Khi chúng ta rơi vào tình yêu, hoặc biết mình mang thai, hoặc xuất bản một cuốn sách, hoặc có một phát minh vĩ đại, hoặc cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế giới, tình trạng đó sẽ xảy ra. Nhưng nếu như một người quyền lực, hoặc một người vượt lên trên chúng ta như một giáo viên, lúc này chạy đến và trao cho chúng ta một chiếc huy chương hoặc một phần thưởng nào đó, thì thực chất người đó đã giằng lấy phần thưởng thực sự của chúng ta rồi. Chúng ta quá thất vọng, không ngăn nổi mà nói trong tiếng khóc: “Ông là ai, tại sao lại bắt tôi nhận ra bản thân mình không phải là cao nhất, còn có một người khác mạnh hơn tôi đến trao thưởng?”. Sự khen thưởng cao quý nhất của con người chỉ có thể đến từ tâm hồn. Còn về trừng phạt, chúng ta không cần phủ nhận tác dụng xã hội và hiệu quả đơn lẻ của nó, mà chỉ nhấn mạnh giá trị đạo đức và nhu cầu nói chung của nó. Về khía cạnh trừng trị tội phạm, nó rất hiệu quả, nhưng cũng chỉ là có tác dụng ở mức tương đối mà thôi. Tiến bộ xã hội vốn không thể chỉ dựa vào phương sách này. Nếu như chúng ta đi ngược lại với quy định của luật pháp, hình phạt sẽ có tác dụng răn đe chúng ta. Nhưng chúng ta cũng không vì sợ hãi luật pháp mà không phạm pháp; chúng ta không trộm cắp, không cướp của, không giết người, là vì chúng ta nhận thức được tính tà ác của bản thân những hành vi ấy. Sự trừng phạt của pháp luật chỉ khiến chúng ta nhận thức được nó một cách mãnh liệt hơn, trong khi mục đích chủ yếu của sinh mệnh là cho chúng ta biết rằng, cần phải cố gắng hết sức tránh để nảy sinh ra những hành vi tà ác này. Trước khi tiến vào khía cạnh Tâm lí học của vấn đề này, chúng ta có thể nói, một người có hành vi không đứng đắn sẽ vẫn phạm pháp ngay cả khi biết rõ luật pháp. Hay nói cách khác, anh ta đã được nhắc nhở rất rõ ràng là sẽ chịu sự xử lí của pháp luật nhưng vẫn vi phạm pháp luật, hoặc là anh ta bị dụ dỗ phạm tội trong khi tưởng tượng rằng mình có thể thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp. Bất luận thế nào thì từ sâu thẳm lòng mình, anh ta nhất định sẽ cảm nhận được sự đấu tranh khốc liệt giữa phạm tội và trừng phạt. Cho dù hình phạt có đạt được mục đích ngăn chặn việc phạm tội hay không thì cũng không có gì để nghi ngờ là nó đã được đưa vào mức hạn chế hành vi cá thể con người. Cho dù trong hoàn cảnh không hiểu rõ lắm về mức độ của chế tài hình phạt, nhưng phần lớn người dân thành thị đều là những người trung thực với hành vi đứng đắn. Hình phạt thực sự cho một người bình thường là làm cho họ mất đi cảm giác về sở trường và sức mạnh của bản thân, sự trừng phạt như vậy thường sẽ đến với những người yêu thích cái gọi là “khen thưởng”. Tuy nhiên, thật không may, người ta thường không chú ý đến những hình phạt thực sự đầy đe doạ. Ở đó, giáo dục sẽ có thể đóng vai trò hỗ trợ. Nhưng ngược lại, chúng ta lại dùng các loại công cụ như giáo cụ, bàn học, khen thưởng và hình phạt bằng vật chất... làm thoái hoá tâm hồn và thể chất, hạn chế trẻ em trong trường học. Nguyên nhân là vì đâu? Là để khiến lũ trẻ duy trì sự yên lặng, không làm xáo trộn lớp học nữa. Nhưng kết quả sẽ ra sao? Thật không may, chẳng có chút kết quả gì! Giáo dục lúc này là nhồi nhét một cách cứng nhắc nội dung giảng dạy được áp đặt bởi luật pháp và Bộ Giáo dục vào tư tưởng của học sinh. Đối diện với trẻ thơ – những sinh linh sẽ duy trì sự tồn tại của nhân loại và những thế hệ hậu sinh, nếu vẫn tiếp tục phương thức giáo dục đáng xấu hổ này với chúng, chúng ta nên cảm thấy xấu hổ và hãy tự lấy tay che mặt! Cải cách giáo dục ngày nay quả thực đang tồn tại như một nhu cầu bức thiết, bất kì người nào lấy cách tân làm mục đích đều sẽ phấn đấu không ngừng vì thế hệ sau của nhân loại. Chương 2 NHÌN LẠI LỊCH SỬ CỦA PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC Trên thực tế, hệ thống giáo dục sử dụng trong “ngôi nhà trẻ thơ” (The Children’s House) đã có một bước tiến lớn. Nếu mọi người cho rằng, kinh nghiệm có được qua việc cùng chung sống với những trẻ em phát triển bình thường của tôi là tương đối ngắn ngủi, thì kinh nghiệm này chính là được xây dựng trên cơ sở của kinh nghiệm giáo dục đối với trẻ em không bình thường trước kia, do vậy nó cũng đại diện cho tư tưởng của một giai đoạn khá dài. N ếu chúng ta muốn phát triển hệ thống giáo dục khoa học, thì cần phải mở ra một con đường mới mà trước đó chưa từng có. Giáo viên cần phải được đào tạo chuyên nghiệp, đồng thời trường học cũng phải được thay đổi. Nếu các giáo viên đều được đào tạo trong môi trường thực nghiệm và quan sát, thì họ cũng cần phải thực hiện những hoạt động này trong trường học. Vì vậy, yêu cầu cơ bản của hệ thống giáo dục khoa học là có một môi trường giáo dục có thể cho phép trẻ em được tự do phát triển nhân cách. Nếu như có một hệ thống giáo dục nào đó lấy nền tảng là việc nghiên cứu trên từng cá thể học sinh, thì phương pháp nghiên cứu đó chính là tiến hành quan sát và nghiên cứu đối với trẻ em được hoạt động trong môi trường tự do chứ không phải là tiến hành quan sát và nghiên cứu đối với một đứa trẻ bị áp chế. Dưới sự giúp đỡ của ngành Nhân loại học và Tâm lí học thực hành, việc thử nghiệm phát triển phương pháp giáo dục kiểu mới trong trường học vẫn tồn tại cơ chế thi tuyển là ý tưởng ấu trĩ nhất. Mỗi một lĩnh vực khoa học thực nghiệm đều phát triển nhờ việc sử dụng phương pháp độc đáo của riêng họ. Ngành Vi trùng học khởi nguồn từ việc tách ra và phát triển từ ngành Vi sinh vật. Ngành Tội phạm học, Y học và Giáo dục học ban đầu đều sử dụng phương pháp đo lường cơ thể con người trên từng cá nhân khác nhau, như trên tội phạm, người bệnh tâm thần, người bệnh lâm sàng trong bệnh viện, học sinh... Tâm lí học thực hành trong giai đoạn đầu đã chỉ ra kĩ thuật chuẩn xác trong việc thực hành thực nghiệm. Nói chung, định nghĩa kĩ thuật và phương pháp thực nghiệm vô cùng quan trọng, sau khi tiến hành thì chỉ cần bình tĩnh đợi kết quả thực nghiệm mà thôi. Tiền đề của phương pháp quan sát nghiên cứu này là tuyệt đối không được tưởng tượng trước kết quả. Ví dụ, nếu như chúng ta mong muốn nghiên cứu một cách khoa học sự liên quan lẫn nhau giữa phát triển về trí tuệ và phát triển phần xương trẻ em, thì sẽ cần phải gác sang một bên vấn đề trí tuệ cao thấp của học sinh được đo bằng kích thước của cái đầu. Chúng ta cần áp dụng biện pháp dự phòng, như vậy, những khái niệm có sẵn – ví dụ như phần lớn những đứa trẻ thông minh đều có phần đầu phát triển cân đối – sẽ không vô thức lọt vào trong kết quả nghiên cứu. Khi tiến hành nghiên cứu, người ta cần phải loại trừ cách nhìn thiên lệch cá nhân của mình, thậm chí cả bối cảnh văn hoá đặc thù và sự diễn sinh của nó. Vì vậy, giả dụ chúng ta muốn tiến hành thực nghiệm giáo dục, thì không thể dựa vào khoa học cùng ngành, mà cần hoàn toàn giải phóng tư tưởng, như vậy mới không có trở ngại gì trong việc tìm kiếm chân lí chuẩn xác về mặt giáo dục chuyên nghiệp. Đồng thời, không nên bắt đầu từ khái niệm hữu hình liên quan đến vấn đề Tâm lí học trẻ em, mà nên lấy kế hoạch giải phóng trẻ em làm khởi điểm, như vậy mới có thể thông qua quan sát phản ứng của những trẻ cùng độ tuổi để thu được những hiểu biết thực sự khoa học về tâm lí trẻ em. Trong việc quan sát này hoàn toàn có thể ẩn chứa những tin tức đáng vui mừng mà chúng ta đang cần tìm kiếm. Vấn đề của chúng ta là cần xây dựng một phương thức giáo dục thực nghiệm đặc thù, không thể để bị chi phối bởi các ngành khoa học thực nghiệm khác. Nếu như giáo dục khoa học kết hợp với ngành Y học, Nhân loại học và Tâm lí học trên một mức độ nào đó, hơn nữa nếu như được tiếp nhận phương pháp kĩ thuật sử dụng trong ba ngành khoa học này trên một mức độ nào đó, thì thực tiễn này cũng sẽ giới hạn ở việc nghiên cứu chi tiết về cá thể được giáo dục. Các phương pháp nghiên cứu khoa học này rất giống với phương pháp giáo dục, nhưng lại không tương đồng, vì vậy chúng chỉ có một tác dụng hỗ trợ ở một phương diện nào đó của giáo dục. Kiểu nghiên cứu giáo dục đặc thù này liên quan mật thiết với phương pháp sử dụng trong giáo dục thực nghiệm, cũng là thành quả thực nghiệm cá nhân của tôi khi cùng chung sống với rất nhiều trẻ em trong trường học. Trên thực tế, phương pháp giáo dục mà tôi nêu ra chỉ là một sự giới thiệu đơn giản hệ thống giáo dục mới. Tôi đã từng sử dụng phương pháp này cho trẻ em từ 3 – 6 tuổi, nhưng tôi tin rằng, chúng sẽ đạt được những thành tích đáng kinh ngạc, sẽ khích lệ chúng ta tiếp tục nỗ lực theo con đường này. Tuy chúng tôi đã giành được những thành tựu phi phàm, và tuy hệ thống giáo dục này còn chưa thực sự hoàn chỉnh, nhưng cũng đủ để hình thành nên một chỉnh thể hữu cơ, bởi vì nó đã được thực tiễn chứng minh là có lợi cho sự phát triển của học sinh năm đầu tiên và trẻ em trường mẫu giáo(1). Nếu như nói thành tích trước mắt là kết quả thực tiễn của tôi trong hai năm làm việc, có lẽ còn chưa hoàn toàn chuẩn xác. Tôi không cho rằng tất cả những nội dung thể hiện những nỗ lực chuẩn bị gần đây hoàn toàn là do mình đã phát hiện ra. Trên thực tế, hệ thống giáo dục sử dụng “ngôi nhà trẻ thơ” đã có một bước tiến lớn. Nếu mọi người cho rằng, kinh nghiệm có được qua việc cùng chung sống với những trẻ em phát triển bình thường của tôi là tương đối ngắn ngủi, thì kinh nghiệm này chính là được xây dựng trên cơ sở của kinh nghiệm giáo dục đối với trẻ em không bình thường trước kia, do vậy nó cũng đại diện cho tư tưởng của một giai đoạn khá dài. Khoảng 10 năm trước, khi tôi còn làm thực tập sinh tại Bệnh viện Tâm thần thuộc Trường Đại học Rome, nhân cơ hội này tôi đã tham quan bệnh viện tâm thần, đối tượng nghiên cứu được chỉ định là bệnh nhân lâm sàng của khoa này. Chính vì vậy, tôi mới bắt đầu nảy sinh hứng thú đối với việc nghiên cứu trẻ em chậm phát triển trí tuệ, bởi vì chúng cũng được nhận vào trong cùng một bệnh viện. Thời kì này, phần lớn các thầy thuốc đều rất nhiệt tình hứng thú với việc trị liệu bệnh tuyến giáp, việc này càng làm cho tôi say mê nghiên cứu trẻ em bị thiểu năng trí tuệ. Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ của thực tập sinh, tôi đã tập trung toàn lực cho việc nghiên cứu bệnh tật trẻ em. Thông qua việc quan tâm đến trẻ em chậm phát triển trí tuệ, tôi bắt đầu tìm hiểu phương pháp giáo dục đặc thù đối với những đứa trẻ thiếu may mắn do Édouard Séguin phát minh, hơn nữa, nhằm vào những khiếm khuyết khác nhau – như bệnh nhân điếc, bệnh tê liệt, bệnh đần độn, chứng bệnh còi xương... để tiến hành phương pháp “trị liệu giáo dục”, khiến tôi bắt đầu cảm thấy vô cùng hứng thú, việc này ở thời điểm đó đang trở thành một xu thế phổ biến của giới Y học. Sau nhiều lần suy nghĩ về vấn đề này, tôi đã rút ra kết luận thực tiễn – tin tưởng rằng giáo dục cần phải kết hợp chặt chẽ với phương pháp trị liệu chữa khỏi những bệnh này, hơn nữa còn cần phải đặc biệt tăng cường ứng dụng của Vật lí trị liệu. Về mặt này, ý kiến của tôi và những đồng nghiệp khác trái ngược nhau. Xét từ khía cạnh bản năng, tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến trí tuệ nghèo nàn là do vấn đề giáo dục, chứ không phải là vấn đề y học. Tại các hội nghị khác nhau, mọi người đều đề xướng dùng phương pháp Giáo dục y học để trị liệu và giáo dục trẻ em có khiếm khuyết. Nhưng tại hội nghị về giáo dục tổ chức tại Turin, Ý năm 1898, tôi đã đưa ra vấn đề tiến hành giáo dục đạo đức đối với những trẻ em có hoàn cảnh như thế, khiến cho người nghe rất đồng cảm, bởi vì quan điểm do thầy thuốc truyền cho giáo viên tiểu học này chẳng khác nào tia chớp, nhanh chóng thu hút sự quan tâm, hứng thú của công chúng. Trên thực tế, thầy của tôi lúc bấy giờ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ giáo dục – đã mời tôi tới một loạt các buổi lên lớp cho các giáo viên dạy trẻ em khuyết tật ở Rome. Các bài thuyết trình này đã được đưa đến một cơ sở của nhà nước cho giáo viên bồi dưỡng và huấn luyện trẻ em chậm phát triển trí tuệ, và tôi đã hướng dẫn họ trong hơn hai năm. Học sinh trong tổ chức này đến từ nhiều nơi khác nhau, do trí tuệ của chúng phát triển chậm chạp nên bị các trường tiểu học coi là những đứa trẻ có trí tuệ yếu kém không thể cải thiện được. Sau đó, dưới sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện, họ đã thành lập một cơ sở giáo dục chuyên biệt, ngoài những học sinh từ nơi khác đến ra, nơi này còn thu hút một số trẻ em bị trở ngại về trí tuệ đang cư trú tại Bệnh viện Tâm thần Rome. Dưới sự phối hợp, giúp đỡ của các đồng nghiệp trong trường học, tôi đã dành thời gian hai năm để chuẩn bị một loạt cách dạy và “cách quan sát đặc thù” đối với trẻ em bị trở ngại về trí tuệ cho giáo viên tại Rome. Nhưng đó chưa phải là toàn bộ, quan trọng hơn là sau khi đi London và Paris để nghiên cứu về một bộ tài liệu giáo dục đầu tay cho trẻ em thiểu năng trí tuệ, tôi đã bắt đầu bắt tay vào tự mình dạy dỗ các em, đồng thời hướng dẫn công việc cho các giáo viên khác trong nhà trường. Tôi không những là một giáo viên tiểu học mà còn chung sống cùng với các em, bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến tận 7 giờ tối để không gián đoạn việc tiến hành hướng dẫn giáo dục. Khoảng thời gian 2 năm này – trên thực tế – là lần đầu tiên tôi thực sự không cảm thấy xấu hổ vì danh hiệu Giáo viên của mình. Từ năm 1898 đến năm 1900, trong thời gian đầu tập trung sức lực cho công việc giáo dục trẻ em bị thiểu năng trí tuệ, tôi cảm thấy cách dạy mà mình đang sử dụng không chỉ giúp ích cho trẻ em bị thiểu năng trí tuệ, mà nó còn hợp lí hơn so với cách dạy hiện nay đang được sử dụng, bao gồm cả nguyên tắc giáo dục, đặc biệt là ngay cả đối với trẻ em chậm phát triển trí tuệ nó cũng đều có thể áp dụng được. Sau khi rời trường học của trẻ em thiểu năng trí tuệ, suy nghĩ này ngày càng trở nên mãnh liệt trong tôi. Dần dần tôi bắt đầu tin rằng, đối với trẻ em phát triển bình thường, sử dụng phương pháp này cũng sẽ thu được kết quả khiến mọi người phải kinh ngạc trong việc giúp chúng phát triển nhân cách. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn cái gọi là “giáo dục trị liệu” và quyết định nghiên cứu giáo dục đối với trẻ em phát triển bình thường trên cơ sở nguyên tắc đã được xây dựng. Thế là, tôi lại một lần nữa vào trường đại học, bắt đầu nghiên cứu Triết học. Tôi mang theo trong lòng niềm tin sâu sắc, hăm hở tiến về phía trước, cho dù không biết có thể kiểm nghiệm được chân lí mà tôi tin tưởng hay không, nhưng để tiếp tục tiến hành đề tài nghiên cứu này, tôi đã phải gác lại tất cả các công việc khác. Hình như tôi sinh ra là để gánh vác cái sứ mệnh đặc biệt chưa biết này. Phương pháp được dùng để dạy cho trẻ em thiểu năng trí tuệ, trong thời kì Đại cách mạng ở Pháp đã sớm được đưa ra trong tác phẩm của một vị thầy thuốc nào đó, ông là người đặt nền móng cho một môn trong ngành “Khoa học nghiên cứu về tai” mà chúng ta biết rõ hiện nay – giáo sư J. M.G. Itard, chủ yếu tập trung cho các nghiên cứu bệnh tật về chuyên khoa tai, tác phẩm này đã chiếm được vị trí nhất định trong lịch sử ngành Y học. Ông là người đầu tiên đề xuất hệ thống hướng dẫn phát triển thính giác. Ông tham gia công việc này trong tổ chức người câm điếc do Pereire sáng lập tại Pháp và thành công trong việc giúp đỡ người mắc bệnh câm điếc tạm thời khôi phục lại thính giác. Sau đó ông lại tập trung điều trị 8 năm cho một bé trai bị chứng đần độn được gọi là “đứa trẻ hoang dã trong rừng Aveyron”, và đã đem ứng dụng thành công trong phương pháp giáo dục điều trị cho người mắc bệnh câm điếc này phát triển thành phương pháp trị liệu cho tất cả các giác quan. Itard từng là học sinh của Pinel, ông dùng phương thức quan sát bệnh nhân trong bệnh viện để quan sát học sinh, nhất là sử dụng phương thức quan sát người bệnh tâm thần bị rối loạn cảm xúc, ông là nhà giáo đầu tiên làm như vậy. Công việc giáo dục của Itard vô cùng thú vị, ông miêu tả một cách chi tiết những cống hiến và kinh nghiệm ông nghiên cứu ra nhằm mục đích phục vụ cho công tác giáo dục. Bất kì một người đương đại nào đọc nó đều không thể không thừa nhận, đây mới là những bước thực nghiệm đầu tiên của giáo dục thực nghiệm. Trên thực tế, từ việc nghiên cứu khoa học, ông đã thu được một loạt các phương pháp luyện tập, có thể thông qua một phương thức nào đó để khắc phục cho những khiếm khuyết trong trạng thái tồi tệ của mọi người, từ đó điều chỉnh nhân cách. Itard đã thành công trong việc làm cho trẻ em nửa câm điếc hồi phục được khả năng nghe nói, giúp chúng thoát khỏi tình trạng câm điếc, thậm chí là giúp chúng tránh được việc vĩnh viễn trở thành người tàn tật. Thực tế, điều này hoàn toàn không giống với việc tiến hành nghiên cứu một cách giản đơn về một con người, hay việc thông qua những thực nghiệm Tâm lí học thực hành để tiến hành hướng dẫn. Thực nghiệm Tâm lí học thực hành chỉ cung cấp thông tin về trí tuệ thực tế của một con người, chứ không có tác dụng sửa chữa, cũng không gây ra bất kì ảnh hưởng nào cho phương pháp giáo dục. Mặt khác, khoa học kĩ thuật mà con người sử dụng đã trở thành một phương thức chỉ đạo và bản thân phương thức giáo dục cũng đã bị thay đổi. Vì vậy, Itard được coi như là người đi trước dẫn đường của giáo dục khoa học. Danh hiệu này không thực sự thuộc về Wilhelm và Pinel, họ là những người đặt nền móng cho ngành Sinh lí tâm lí học, nhưng những thành tựu của Itard mới thực sự cần được ứng dụng vào giáo dục trong trường học. Đây là một điểm cơ bản cần phải làm rõ. Ở Thuỵ Sĩ, Pestalozzi(2) là ông tổ của hệ thống giáo dục mới. Nhưng khoảng 50 năm sau, Fechner và Wilhelm Wundt mới sáng lập ra ngành Tâm lí học thực nghiệm tại Đức. Hai xu thế này ngày càng phát triển sinh sôi trong các trường học khác nhau. Hệ thống cũ của giảng dạy học thuật tiếp tục được tiến hành trên cơ sở vốn có, nhưng đồng thời cũng tiến hành kiểm tra trí tuệ đối với học sinh. Thế nhưng điều này chưa hề có ảnh hưởng gì đối với bản thân giáo dục. Trái lại, thực nghiệm mà thời gian đầu Itard tiến hành mới là sự bắt đầu thực sự của giáo dục khoa học, nó vừa có thể điều chỉnh phương pháp giáo dục, lại có thể giúp hoàn thiện bản thân học sinh. Nhưng do nó bắt nguồn từ việc điều trị cho trẻ em bị thiểu năng, cho nên giới giáo dục vẫn chưa đối xử với nó một cách thực sự nghiêm túc, tin tưởng. Người hoàn thiện cơ chế giáo dục đối với trẻ em thiểu năng, kì thực phải là Édouard Séguin(3). Thời kì đầu ông là một nhà giáo, sau đó lại trở thành một thầy thuốc. Ông lấy kinh nghiệm của Itard làm xuất phát điểm, một trường tiểu học ở vùng Pigalle (Paris) đã thu nhận trẻ em tàn tật đến từ bệnh viện tâm thần để điều trị, trong 10 năm đã điều chỉnh và hoàn thiện phương pháp giáo dục này. Ông lần đầu đưa ra phương pháp này trong tác phẩm Lí luận về giáo dục trẻ em thiểu năng trí tuệ liên quan đến vấn đề đạo đức và y tế (Traitement Moral, Hygiène et Education des Idiots) – một tác phẩm dài hơn 600 trang, xuất bản tại Paris năm 1846. Không lâu sau, Séguin di cư đến nước Mỹ, ở đó, ông sáng lập ra rất nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ em khiếm khuyết. Hơn 20 năm sau, Séguin – với kinh nghiệm phong phú – đã xuất bản cuốn Trẻ thiểu năng và phương pháp điều trị sinh lí học (Idiocy and its treament by the Physiological Method) tại New York năm 1866, ông nêu ra một cách chuẩn xác cái gọi là kinh nghiệm và phương pháp đặc biệt của “giáo dục sinh lí học”. Ông cắt bỏ những nội dung liên quan đến trị liệu cho trẻ em đần độn mà thời kì đầu đã từng sử dụng, hình như đối với họ có chút đặc biệt, nhưng hiện tại, đề cập đến từ “đần độn” đã trở thành “một kiểu phương pháp sinh lí”. Nếu như chúng ta phản ánh một sự thật như vậy – giáo dục vốn vẫn lấy Tâm lí học làm cơ sở, hơn nữa Wilhelm Wundt cho rằng Sinh lí tâm lí học là điều đương nhiên – vậy thì thực sự chúng ta nên hoài nghi, không biết phương pháp sinh lí và “Sinh lí tâm lí học” liệu có mối quan hệ nào không? Khi tôi còn đang làm trợ lí trong bệnh viện tâm thần, tôi đã rất thích thú khi được đọc tác phẩm của Séguin. Tuy nhiên, khi giải quyết một vấn đề đặc thù của Giáo dục học, Bourneville đã từng dẫn một số điều trong cuốn sách này, nhưng tôi lại không tài nào tìm được ở bất kì một thư viện nào, cuốn sách mới được viết bằng tiếng Anh xuất bản tại New York sau 20 năm của Séguin. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là Bourneville từng nói rằng, ông ta có thể tìm thấy cuốn sách này ở Paris, nhưng tôi thì chịu không thể tìm được chút manh mối nào, cứ như là cuốn sách này còn chưa đến được với châu Âu. Nhưng tôi vẫn hi vọng có thể tìm được một cuốn ở London. Cuối cùng thì tôi cũng phát hiện ra rằng, dù là thư viện công lập hay là thư viện tư, đều không có cuốn sách này. Tôi rất muốn có nó, và để có được nó, có thể nói là tôi đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, hầu như đã đến thăm tất cả các thầy thuốc có hứng thú với công việc giáo dục trẻ thiểu năng hoặc là nhậm chức trong trường học giáo dục đặc biệt, cuối cùng tôi cũng được mãn nguyện. Tuy rằng đã có bản tiếng Anh được đưa ra thế giới, nhưng cuốn sách này cho dù ở ngay tại nước Anh cũng rất ít người biết đến, thực tế này làm tôi tin chắc rằng, hệ thống giáo dục của Séguin còn chưa được mọi người biết đến. Tuy Séguin thường dẫn ra phương pháp trị liệu cho trẻ em thiểu năng trong tác phẩm của mình, nhưng nguyên tắc giáo dục được giới thiệu trong đó hoàn toàn không giống với phương pháp mà bản thân Séguin sử dụng. Tất cả các phương pháp giáo dục chỉ ứng dụng cho giáo dục trẻ em bình thường, gần như hoàn toàn thống nhất với phương pháp hướng dẫn trẻ em khiếm khuyết. Hiện tượng này phổ biến nhất ở nước Đức. Có một người bạn Đức phối hợp giúp đỡ công tác nghiên cứu của tôi, anh ấy từng bảo rằng, có thể tìm được một số tài liệu giáo dục đặc thù, nhưng nó đang được lưu giữ trong một viện bảo tàng có liên quan đến trường học cho trẻ em thiểu năng trí tuệ, rất ít người biết đến. Người Đức không chấp nhận được việc đem phương pháp sử dụng cho trẻ em chậm phát triển chuyển sang áp dụng cho trẻ em bình thường, nhưng chúng ta cần phải thừa nhận rằng, phương pháp này ở Đức khách quan hơn so với ở đất nước chúng ta. Tôi duy trì nghiên cứu ở Bicêtre trong một thời gian tương đối dài. Ở đó, tôi thấy mọi người thích dùng thiết bị máy móc của Séguin, mà không phải là hệ thống lí luận của ông ấy, nhưng nó vẫn được giới thiệu trong các giáo trình cho giáo viên bằng tiếng Pháp. Giáo dục hoàn toàn cứng nhắc máy móc, tất cả các giáo viên đều theo sách mà đọc. Nhưng, dù là ở London hay là ở Paris, tuy Séguin tuyên bố rằng phương pháp này vô cùng thực dụng khi giáo dục trẻ em đần độn, nhưng vẫn có sai lầm khi thực hiện, tôi vẫn chú ý mong muốn của mọi người ở khắp mọi nơi đối với kinh nghiệm mới và vấn đề mới trên thực tế không bao giờ có thể được thoả mãn. Nguyên nhân của thất bại lần này rất dễ dàng lí giải. Mỗi người đều tin rằng, trẻ em khiếm khuyết – tức là người mà sinh lí phát triển chưa đầy đủ, nếu tiếp nhận sự giáo dục giống như với trẻ em bình thường, sẽ cần thời gian dài hơn. Họ không biết rằng, một hệ thống giáo dục hoàn toàn mới đã lộ ra, hơn nữa đã có thể đưa công tác giáo dục trẻ em khiếm khuyết lên một tầm cao mới. Thậm chí họ còn không hiểu rõ rằng, việc nâng cao trình độ của phương pháp giáo dục trẻ em khiếm khuyết, đồng thời cũng thích hợp để sử dụng cho những trẻ em bình thường. Trong 2 năm sau đó, tôi tiếp tục dạy dỗ những trẻ em khuyết tật đó tại Rome để kinh nghiệm của mình càng phong phú hơn. Tôi làm theo những vấn đề đã bàn trong sách của giáo sư Séguin, đồng thời cũng phát hiện ra rằng, kinh nghiệm của Itard khiến mọi người khâm phục mới là tài sản thực sự. Ngoài điều này ra, dưới sự “dẫn dắt” của các bậc thầy đầy quyền uy này, tôi cũng tích luỹ được khá nhiều công cụ dạy học tự chế. Những giáo cụ này là những sáng tạo độc đáo của tôi, chưa từng gặp trong các cơ cấu, phương pháp giáo dục khác. Đối với bất kì một người nào sẽ sử dụng nó mà nói, chúng đều có tác dụng hỗ trợ rất lớn, nhưng nếu như chỉ đơn thuần là đưa vào trong tay đứa trẻ khuyết tật để chơi đùa, thì không có ý nghĩa gì cả. Bây giờ, tôi bắt đầu hiểu nguyên nhân dẫn đến sự nản lòng và từ bỏ phương pháp giáo dục của mình của các giáo viên. Họ nhận định một cách phiến diện rằng phải đưa mình vào vị trí trình độ của người được giáo dục và cách nghĩ này lại khiến họ rơi vào trong một trạng thái thờ ơ khá thường gặp. Họ hiểu rằng mình đang giáo dục trẻ em bị khiếm khuyết bẩm sinh, vì vậy mới không thể nào đạt được kết quả gì tốt đẹp. Hiện tượng tương tự cũng sẽ xảy ra đối với giáo viên mầm non. Họ cũng cho rằng một người giáo viên mầm non cũng cần phải nói chuyện với trẻ em thông qua việc cùng chơi đùa và ngây ngô như chúng, phải đặt mình thấp xuống ngang với mức như trẻ em. Ngược lại với điều này, chúng ta cần thiết phải tìm hiểu xem, làm thế nào để đánh thức tâm hồn đang ngủ say bên trong những đứa trẻ, tạo ra một loại bản năng. Tôi cho rằng, không phải là giáo cụ đã phát huy tác dụng, mà là tiếng nói của tôi đã kích thích bọn trẻ và khích lệ chúng dùng những công cụ này để giáo dục bản thân. Những cảnh ngộ không may của bọn trẻ và cá tính muôn màu của chúng khi đối diện với mọi người khiến cho sự quan tâm yêu mến trong lòng tôi tự nhiên sinh ra. Vì vậy, trong công việc, tôi đã được tình yêu và sự quan tâm vô tận chỉ lối. Séguin đã đạt được kết luận như vậy trước tôi rất sớm. Sau khi hiểu rõ sự cống hiến không mệt mỏi của ông, tôi mới ý thức được rằng phương pháp giáo dục của ông chủ yếu là hướng dẫn trên tinh thần. Quả thực, trong tác phẩm bằng tiếng Pháp của mình, ông công khai với mọi người lí lịch sơ lược của mình và đau buồn cho rằng nếu như các giáo viên không làm tốt công tác chuẩn bị thì tất cả đều sẽ tan thành mây khói. Về việc các giáo viên dạy trẻ em bị khiếm khuyết nên làm công tác chuẩn bị như thế nào, ông có một số quan niệm trái ngược với những quan niệm nguyên thuỷ. Những ý kiến của ông có một chút giống như một người đem sự mê hoặc có tính nghệ thuật đến cho người khác. Ông rất muốn nhìn thấy dáng vẻ thường ngày, giọng nói vui vẻ, thái độ miệt mài tỉ mỉ trong mỗi công việc của các giáo viên, cách họ làm cho bản thân mình luôn có sức hấp dẫn ở bất cứ chỗ nào. Cử chỉ và giọng nói của họ cũng cần được trải qua sự nghiên cứu rất kĩ càng, giống như các siêu sao chuẩn bị trước khi lên sân khấu biểu diễn, bởi vì họ cần phải khắc phục tính nhút nhát của mình, đồng thời tràn đầy nhiệt huyết khi đứng trước những sinh mệnh khác. Hành vi nhằm tác động vào thế giới tinh thần của trẻ em này chính là chiếc chìa khoá bí mật mở ra hành trình mới, từ đó có thể hiểu một loạt thực nghiệm giáo dục sau những phân tích kì diệu của Édouard Séguin, thực tế, nó đã phát huy tác dụng to lớn trong việc giáo dục trẻ em bị thiểu năng trí tuệ. Tôi thu được kết luận khiến người khác kinh ngạc chính từ chúng, nhưng cũng cần phải thừa nhận rằng, ngay khi tôi cố gắng đưa trí tuệ của trẻ em tiến lên một bước phát triển, thì lại cảm thấy có chút mệt mỏi, điều này khiến tôi luôn thấy kì lạ. Dường như tôi thấy mình đang mất đi tất cả sức mạnh ở bên trong. Động viên khích lệ, an ủi, hoà nhã tôn trọng mà chúng ta nói đến thực tế đều là sự mất đi linh hồn một con người, một người càng khảng khái, hào hiệp quan tâm đến người khác, thì càng dễ khôi phục sức lực, làm phấn chấn tinh thần. Nếu như không có sự nỗ lực từ bên trong, thì sự kích thích bên ngoài hoàn hảo cũng sẽ không mang lại ích lợi gì, cũng giống như khi một người kêu to lên: “Đây là cái gì?... Đây là một màn sương mờ!”, anh ta không nhìn thấy phía sau màn sương mờ mịt ấy là ánh sáng rực rỡ của Mặt trời. Đây chưa phải là lúc thích hợp để trình bày về thực nghiệm mới của tôi. Chỉ là nhân tiện đề cập đến, lần này, tôi bắt đầu thử dùng phương pháp cũ để dạy cho trẻ em đọc, viết như thế nào. Trong việc giáo dục trẻ em, đây là hai kĩ năng cơ bản, mà Itard và Séguin về mặt này đều chưa đưa ra được giải pháp tốt nhất. Sau thành công của việc dạy cho mấy đứa trẻ ở bệnh viện tâm thần cách đọc viết như thế nào, giờ đây, chúng đều đã đủ điều kiện để được đưa đến trường tiểu học công lập cùng làm bài kiểm tra trình độ với những trẻ em bình thường khác và chúng đã vượt qua kì kiểm tra một cách dễ dàng. Kết quả rõ ràng như vậy khiến cho mọi người đều cho rằng điều này thật là khó lí giải. Nhưng quan điểm của cá nhân tôi là, trẻ em đến từ bệnh viện tâm thần cũng có thể cạnh tranh với trẻ em bình thường, nguyên nhân rất đơn giản, đó là chúng được tiếp nhận giáo dục dựa trên một phương thức khác. Trong quá trình trưởng thành, về mặt tinh thần, chúng đã nhận được sự cổ vũ khích lệ; trong khi đó, quá trình trưởng thành của những đứa trẻ bình thường lại vấp phải sự ngăn cản và kìm nén. Tôi luôn suy nghĩ rằng, nếu phương pháp giáo dục đặc thù có thể tạo ra tác dụng hữu hiệu và thần kì như thế đối với trẻ em có khiếm khuyết, thì nếu như có một ngày phương pháp này được ứng dụng trên những đứa trẻ bình thường thì phép lạ có thể sẽ bị mất đi, bởi vì sự khác biệt rất lớn giữa hai trình độ phát triển trí tuệ này sẽ không còn liên kết với nhau nữa. Khi tôi giành được sự ca ngợi tán thưởng khắp nơi của mọi người về những tiến bộ trong việc giáo dục trẻ em có khiếm khuyết, thì tôi cũng suy đoán nguyên nhân làm cho tình trạng “sức khoẻ của trí tuệ” bị kém đi: trong trắc nghiệm kiểm tra trí tuệ, những học sinh đến từ trường học phổ thông bình thường lại có trình độ chỉ thấp ngang với những đứa trẻ kém may mắn mà tôi đang dạy. Một hôm, có một nữ giáo viên đã từng làm trợ lí cho tôi trong tổ chức giáo dục trẻ em khiếm khuyết, đưa cho tôi một tờ giấy có thông tin của nhà tiên tri Ezekiel(4). Đó là lời tiên đoán cho phương pháp giáo dục đối với những đứa trẻ kém may mắn, những nội dung này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với cô ấy. Trong đó có một câu: “Tôi gửi những tinh thần này lưu giữ trong lòng bạn và bạn sẽ sống cùng với nó”, hình như “bạn” trong câu nói này là để chỉ thế hệ giáo viên ngày nay, họ cổ vũ, kích thích, giúp đỡ chỉ dẫn cho học sinh của mình, xây dựng cơ sở vững chắc vì sự nghiệp giáo dục mai sau. Một câu kế tiếp: “Tôi cần phải cho các bạn thêm gân cốt, thêm bắp thịt chắc đẹp, cần phải đắp da che kín toàn thân bạn”, nhắc tôi nhớ đến cấu trúc cơ bản của phương pháp này trong tổng kết của Séguin, tức là “việc dạy dỗ trẻ em, gần như là bắt đầu từ việc cầm tay dạy trẻ vận động bắp thịt, cho đến việc vận dụng lên cảm giác và hệ thống thần kinh”. Séguin đang dùng phương pháp này để dạy cho trẻ em thiểu năng học cách đi và có thể giữ cho cơ thể cân bằng khi vận động ở mức độ khó và lớn hơn, như trèo cầu thang, nhảy múa... Cuối cùng còn phải dạy cho chúng biết cách chắt lọc cảm nhận của bản thân như thế nào. Bắt đầu từ giáo dục về rèn luyện cơ bắp, sau đó là rèn luyện xúc giác, cảm giác mãnh liệt, lấy cảm giác cá nhân làm mục đích giáo dục cuối cùng. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm coi trọng nhất là đời sống vật chất của trẻ em. Trong tiên đoán lại nói: “Tiên đoán đối với tinh thần này... và có thể lại tái sinh nó lần nữa.” Trên thực tế, Séguin đã đưa những trẻ em thiểu năng này từ cuộc sống vật chất đến với cuộc sống tinh thần, “từ giáo dục cảm giác dẫn đến giáo dục khái niệm, từ khái niệm dẫn đến quan điểm, từ quan điểm dẫn đến hiểu biết về đúng và sai”. Khi kết thúc công việc tuyệt vời này, một đứa trẻ khiếm khuyết mặc dù đã được tiếp nhận sự hướng dẫn tận tình về việc phân tích sinh lí một cách tỉ mỉ đầy đủ và phương pháp giáo dục tiên tiến, nhưng khi đứa trẻ đó trở thành một người trưởng thành, nó vẫn sẽ kém hơn một bậc so với những người cùng tuổi bình thường khác, cũng như sẽ vĩnh viễn không được xã hội thực sự tiếp nhận, “xương của chúng tôi đã khô rồi, những điều mong đợi của chúng tôi cũng không còn nữa, chúng tôi đã tuyệt chủng”. Cống hiến chủ yếu của nhà giáo dục học Pestalozzi là ông đã đưa ra một nguyên tắc: giáo viên cần phải được bồi dưỡng và huấn luyện đặc biệt, không phải chỉ có bồi dưỡng và huấn luyện trí tuệ, mà còn cần phải bồi dưỡng và huấn luyện để có thể chạm đến tận đáy sâu tâm hồn của trẻ. Theo lí luận của ông, về cơ bản, giáo dục trở thành một loại “khế ước tâm hồn” và một người giáo viên cần phải “tôn trọng và ủng hộ hết mình” đối với trẻ em được tiếp nhận sự giáo dục đó. Đương nhiên, nếu có thể nói như vậy, thì đó cũng mới chỉ là bước đi đầu tiên trong tiến trình thức tỉnh tâm hồn trẻ em. Hoạt động tự chủ của trẻ em chắc chắn có thể được phát hiện và dẫn dắt theo phương pháp phát triển ấy. Yếu tố thứ hai trong giáo dục trẻ em đã trở thành cống hiến của Giáo dục khoa học. Cũng bởi vậy, với tư cách là thành quả thực nghiệm của bản thân tôi, giờ đây tôi đã có thể công bố với mọi người là: dù trẻ em có bị khiếm khuyết, chỉ thích ngủ hay là phải chịu sự kìm nén... thì giáo viên cũng chính là một dạng “chất xúc tác” giữa học sinh và hoàn cảnh sống để tiến hành việc giáo dục. Thông thường, giữa trẻ em và hoàn cảnh sống không dễ dàng thiết lập quan hệ, trừ khi được giải phóng từ từ trước khi phải chịu những ảnh hưởng có hại hay sự kìm nén. Từ ví dụ nêu ra như vậy, trước phương pháp truyền thụ thúc đẩy trẻ em phát triển, chúng ta cần phải có mục đích trị liệu, tức là “làm cho nó bình thường hoá”. Rất nhiều giáo viên đã được nếm mùi thất vọng nặng nề, bởi vì họ thiếu kinh nghiệm thành công. Trong thời gian đầu làm việc, chúng ta cứ ngỡ rằng mọi trẻ em đều bình thường, hơn nữa lại chưa chú ý đến nhu cầu cần được điều chỉnh lại của trẻ em. Đây cũng chính là một nguyên nhân khác làm cho phương pháp của Séguin bị gác lại lần nữa. Người ta đã rất cố gắng và tổn hao rất nhiều sức lực, nhưng hiệu quả thu được thì lại quá ít ỏi và ai cũng đều nói một câu giống nhau: “Để dạy dỗ trẻ em bình thường, có quá nhiều công việc cần làm.” Áp dụng những kinh nghiệm rút ra được từ phương pháp của Séguin khiến tôi lại càng tin tưởng sâu sắc vào chúng. Sau khi từ giã công việc giáo dục đối với trẻ em khiếm khuyết, tôi dồn hết tinh thần vào nghiên cứu tác phẩm của Itard và tác phẩm của Séguin. Tôi thấy rằng mình cần phải dồn rất nhiều tâm huyết để tiến hành nghiên cứu kĩ càng lí luận của họ. Vì vậy, tôi quyết định sẽ làm công việc mà từ trước đến nay chưa từng có và tôi tin rằng sẽ có rất ít người muốn lặp lại công việc này, đó là dịch toàn bộ tác phẩm của hai bậc thầy sang tiếng Ý. Trong quá trình dịch, để hiểu rõ tinh thần của từng từ ngữ cũng như hiểu được ý tứ thực sự của tác giả, tôi đã tự mình chép lại toàn bộ tác phẩm chứ không nhờ đến người khác làm giúp mình công việc này. Khi nhận được tập sách thứ hai của Séguin – tác phẩm viết bằng tiếng Anh xuất bản tại New York năm 1866, tôi đã dịch hết sang tiếng Pháp, tổng cộng hơn 600 trang. Nghe nói, người bạn tặng tôi cuốn sách này tìm được nó từ trong đống sách cũ của một vị bác sĩ ở New York. Dưới sự giúp đỡ của một phụ nữ người Anh, tôi đã hoàn thành công việc biên dịch. Chủ đề của cuốn sách này là một số vấn đề triết học được suy diễn lại theo một số kinh nghiệm đã đưa ra trong cuốn sách đầu tiên của Séguin, cuốn sách đã nêu lên tư tưởng giáo dục của Séguin. Vị giáo sư đã bỏ ra 30 năm ròng để nghiên cứu về trẻ em khiếm khuyết này chỉ ra rằng, phương pháp sinh lí tương tự có thể được vận dụng cho trẻ em bình thường, những cách giảng dạy này có thể dẫn dắt trẻ em đi theo con đường mới. Như câu nói ở trên: “phương pháp sinh lí học” là đưa mỗi học sinh trở thành một đề án để nghiên cứu, trải qua muôn vàn hiện tượng từ góc độ Sinh lí học, Tâm lí học để quyết định phương pháp giáo dục. Quan niệm của Séguin – theo cách nhìn của tôi – giống như tiếng kêu giữa cánh đồng hoang của nhà tiên tri, vang dội vào sâu thẳm trái tim tôi. Trái tim tôi đã bị kích động mạnh bởi tính quan trọng của tác phẩm này, nó đã dẫn đến sự cải cách trong trường học, thậm chí làm thay đổi toàn bộ quan niệm giáo dục. Một lần nữa, tôi trở lại trường đại học để nghiên cứu Triết học. Tôi đã chọn khoá học của môn Tâm lí học thực nghiệm – khoá học này gần đây mới được giới thiệu ở Trường Đại học Turin, Rome và Naples. Đồng thời với việc đó, tôi còn làm công việc nghiên cứu về lĩnh vực “Nhân loại học trong Giáo dục học” trong mấy trường tiểu học. Tranh thủ cơ hội này, tôi đã nghiên cứu phương pháp giáo dục đối với trẻ em bình thường. Những nghiên cứu này có tác dụng hỗ trợ rất lớn đối với những người đi sau tôi, theo học chương trình Nhân loại học trong giảng dạy, thuộc ngành Giáo dục học tại Trường Đại học Rome. Dưới đây là những việc có vai trò như bước chuẩn bị cho công việc tiếp theo của tôi. Tôi bắt đầu tìm hiểu vấn đề khoa học trong cuộc sống hằng ngày, nhất là bắt đầu quan tâm đến phương pháp điều trị bệnh tâm thần bằng thuốc. Giống như những người khác, tôi cũng nhận ra rằng, giáo dục khoa học không thể được xây dựng trên cơ sở những kết quả đo đạc và nghiên cứu đối với cá nhân người được giáo dục, mà phải quan tâm coi trọng nhiều đến việc có thể thay đổi phương pháp điều trị lâu dài cho họ. Itard cũng đã từng sử dụng phương pháp giáo dục khoa học này, bởi vì ông đã từng đem chuyên môn là phương pháp đo lường thiết kế thính giác trẻ em trở thành phương pháp hồi phục thính giác cho trẻ em nửa câm điếc. Khi điều trị cho “Đứa trẻ hoang dã trong rừng Aveyron” bị hạn chế về thính giác ấy, phương pháp khoa học mà ông sử dụng rất giống với phương pháp mà những người đặt nền móng Tâm lí học thực hành sau này xây dựng. Thông qua phương pháp này, ông đã giúp những đứa trẻ vốn bị coi là đần độn và câm điếc trở về với xã hội một cách thành công. Trên thực tế, Séguin cũng đã gặt hái được thành công từ những đứa trẻ không may đó, dạy cho chúng biết cách nghe như thế nào, biết cách hiểu các thông tin mà mình nghe được và biết cách đọc như thế nào. Cùng phương thức giống như vậy, Séguin đã sử dụng phương pháp phân tích rất giống với phương pháp của Fechner nhưng nghiên cứu sâu hơn, ông không chỉ đã nghiên cứu mấy trăm trẻ em chậm phát triển trong Bệnh viện Tâm thần Paris, mà còn biến chúng thành người có thể phối hợp nhịp nhàng trong công việc, hơn nữa còn tiếp nhận được kiến thức và hình thức nghệ thuật. Theo những kinh nghiệm mà cá nhân tôi đã từng trải qua, chỉ cần thông qua việc nghiên cứu cá nhân, kết hợp với sử dụng dụng cụ thí nghiệm khoa học và trắc nghiệm trí tuệ, thì đã có thể giúp cho những đứa trẻ chậm phát triển (vốn trước đây bị nhà trường công lập coi là những đứa trẻ không thể giáo dục được và bị gạt ra bên ngoài) thay đổi, trở thành người có thể cạnh tranh bình đẳng trên cùng một vũ đài với những đứa trẻ bình thường trong các trường học. Khi đã được thay đổi, chúng cũng có thể trở thành một người thông minh, được tiếp nhận sự giáo dục đầy đủ trong xã hội. Do vậy, giáo dục khoa học cho dù lấy khoa học làm cơ sở, cũng có thể thực hiện thay đổi và hoàn thiện chức năng cá nhân. Giáo dục khoa học được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu khách quan, cũng có khả năng giúp làm thay đổi những trẻ em bình thường. Nhưng, thay đổi như thế nào? Đó là: thông qua việc nâng cao trình độ để ngày càng trở nên ưu tú hơn. Mục đích của giáo dục khoa học không phải chỉ là “quan sát”, mà còn cần làm “thay đổi” trẻ em. Dưới đây là kết luận mà tôi rút ra: chúng ta không chỉ cần quan sát trẻ em, mà còn cần làm thay đổi chúng trong sự quan tâm và yêu mến. Quan sát đã được nâng lên thành một môn khoa học sinh lí mới, nhưng còn chưa thay đổi trường học hoặc học sinh. Nó cũng đã tăng thêm nhân tố mới, nhưng vẫn làm cho trường học giữ nguyên như cũ, bởi vì nó chưa tạo ra sự thay đổi về phương pháp hướng dẫn trong giáo dục. Nếu như phương pháp mới tiếp tục đi theo con đường khoa học thì chúng ta cần phải thay đổi hoàn toàn trường học và phương pháp giáo dục, như vậy mới có thể hình thành hình thức giáo dục mới. Đối với vấn đề mấu chốt trong phương pháp giáo dục khoa học đối với trẻ em chậm phát triển, đó là phương pháp giáo dục nói chung không thể khiến cho trẻ em chậm phát triển và trẻ em thiểu năng trí tuệ sinh ra bất kì phản ứng nào, chúng cũng không thể chấp hành bất cứ mệnh lệnh nào. Vì thế, phải nhằm vào từng cá nhân khác nhau để điều chỉnh phương pháp giáo dục cho hợp lí, đây là một điều kiện bắt buộc. Kiểu giáo dục này đã trở thành một mục đích nghiên cứu, mục đích thực nghiệm, mục đích mong muốn phát hiện tiềm lực ẩn giấu trong mỗi học sinh, là mục đích cung cấp động cơ và phương thức nào đó, từ đó đánh thức tiềm lực trẻ em, giúp ích cho việc thông qua luyện tập chính xác để tiếp tục sử dụng, mở rộng và tự điều chỉnh bản thân. Khi giáo viên lần đầu đối diện với trẻ năng lực kém và trẻ câm điếc, thông thường cảm thấy không thể giúp được, giống như đang đứng trước một đứa trẻ sơ sinh vậy. Chỉ có khoa học thực nghiệm mới có thể chỉ ra một con đường, một phương thức giáo dục kiểu mới thích hợp với những đứa trẻ không may này. Tôi rất muốn thử nghiệm nhiều lần đối với những phương pháp giáo dục mà Séguin đã sử dụng, tìm hiểu xem làm thế nào để có thể hướng dẫn những đứa trẻ 6 tuổi vừa mới chân ướt chân ráo vào trường, còn chưa biết gì về việc đào tạo và huấn luyện. Nhưng do thường xuyên bị ngăn cản bởi thói quen và cách nhìn thiên lệch, tôi cũng chưa hề nghĩ đến sử dụng phương pháp như vậy cho những đứa trẻ trước tuổi đi học. Hoàn toàn do tình cờ, tôi có được cơ hội thực nghiệm. Nhưng, đem phương pháp tương tự như vậy để áp dụng cho trẻ nhỏ dường như là hợp lí, bởi việc giáo dục này cũng có nhiều điểm tương đồng so với việc giáo dục những trẻ chậm phát triển. Thông thường người ta cho rằng, não của trẻ nhỏ còn chưa hoàn toàn phát triển hoàn thiện và chúng chưa thể tiếp thu được sự giáo dục. Nếu như chúng ta xét đến những độ tuổi khác nhau của trẻ em, hay nói cách khác, nếu như chúng ta đem trẻ em có những hành vi khác thường, trẻ em không có năng lực phát triển và trẻ em phát triển chưa toàn diện – để so sánh với trẻ nhỏ – là không thể so sánh được, không thể đem trẻ em có khiếm khuyết để so sánh với trẻ em phát triển bình thường. Trẻ em chậm phát triển có thể bị coi là năng lực trí tuệ kém hơn so với trẻ em cùng tuổi bình thường. Cho dù chưa xét đến trình độ và năng lực bẩm sinh khác nhau thì sự so sánh này cũng chẳng có nghĩa lí gì. Trẻ thơ còn chưa có được sự nhịp nhàng đầy đủ trong hoạt động cơ bắp, đi lại còn chưa vững, chưa thể thực hiện được những hành vi thường nhật như đi tất, cài khuy áo, xâu dây giày, đeo găng tay... Các cơ quan giác quan của chúng còn chưa phát triển đầy đủ, ví dụ như khả năng nhìn tập trung vào một điểm của mắt. Khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng chưa phát triển, thể hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết trong ngôn ngữ của trẻ dưới 1 tuổi. Chúng không dễ tập trung tinh thần và sức lực, thường xuyên thay đổi, thất thường... tất cả những điều trên đều là đặc điểm chung của trẻ em cùng lứa tuổi. Trong nghiên cứu Tâm lí học trẻ em, Preyer(5) đã tiến hành so sánh rộng rãi người có bệnh lí thiểu năng ngôn ngữ và những người có biểu hiện bình thường trong giai đoạn phát triển tuổi thơ. Sự thực đã chứng minh hiệu quả của phương pháp này rất rõ ràng, bồi dưỡng huấn luyện trẻ chậm phát triển cũng có thể được dùng để hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ em bình thường, và vì vậy đã cung cấp phương pháp dùng âm thanh để dạy cho trẻ em bình thường. Rất nhiều khiếm khuyết mang tính vĩnh viễn cản trở chức năng ngôn ngữ đã sớm hình thành từ khi còn ở giai đoạn trẻ thơ của con người, bởi vì chúng ta chưa dành sự quan tâm, coi trọng nhiều hơn đến giai đoạn quan trọng nhất của đời người – thời kì hình thành và ổn định các chức năng cơ bản, cũng chính là giai đoạn 3 – 6 tuổi này. Mặc dù cá nhân tôi vô cùng hứng thú với vấn đề này, nhưng trong giai đoạn đặc biệt của trẻ – khi trí tuệ và tính cách đặc trưng được hình thành – thì ý tưởng táo bạo về việc sử dụng phương pháp giáo dục khoa học để khai phá tiềm năng của con người vẫn còn chưa đủ để khiến tôi xúc động mạnh mẽ. Lúc này, tôi còn đang có niềm cảm hứng khác đối với “phát hiện tâm lí” và phương pháp giáo dục khoa học. Trước đây cũng thường xuất hiện tình trạng tương tự, ví dụ, trong quá trình phát hiện ra điện, thì “sự may mắn” cũng đóng một vai trò nhất định. Trên thực tế, “cơ hội” là một thứ đặc biệt rất ít gặp, chắc chắn có thể khiến cho trực giác thức tỉnh, tạo nên sự thoải mái vui tươi. Chính trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, những tri thức mới mới được thể hiện ra, sau khi trực giác và hứng thú đều được thức tỉnh, thì mới có thể mở ra con đường mới tiến về phía trước. Tạm thời không nói về những nghiên cứu và cách nhìn thiên lệch đã tồn tại từ trước, ở đây, kinh nghiệm của cá nhân tôi là vô cùng thú vị, bởi vì nó sinh ra một hoàn cảnh phức tạp, không chỉ trong giáo dục trẻ em, cho dù trên phương diện tình cảm và đời sống xã hội thì cũng đã mang lại cho đời sự thống nhất hài hoà của sự hoàn mĩ. QUÁ TRÌNH PHÁT HIỆN GIÁO DỤC KHOA HỌC ĐỐI VỚI TRẺ EM BÌNH THƯỜNG Khoảng cuối năm 1906, khi vừa từ Milan trở về, tôi liền được chọn làm giám khảo của lĩnh vực giáo dục khoa học và Tâm lí học thực nghiệm cho triển lãm quốc tế. Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Bất động sản Rome, tôi bắt đầu làm công tác tổ chức trong trường mầm non của khu nhà thuê giá rẻ. Ông ấy đang ấp ủ hoài bão lớn là cải thiện khu dân nghèo, ở đó đầy rẫy những người dân khó khăn và những người đang lâm vào hoàn cảnh sống giống như những người ở vùng Rome – San Lorenzo. Có khoảng 30.000 người sinh sống trong hoàn cảnh chật chội chen chúc, dường như là họ nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền thành phố. Quá nửa trong số họ là người thất nghiệp hoặc lao công lương thấp, ăn xin, gái điếm và cả những người phạm tội vừa được ra tù... Trong các khu nhà, các công trình chưa hoàn thành, họ chờ đợi sự cứu tế của Chính phủ. Nguyên nhân của hoàn cảnh này là do nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ khiến cho các công trình đang xây dựng trong khu vực này bị đình trệ. Một kĩ sư đã đưa ra kiến nghị thu mua toàn bộ các công trình đang xây dựng dang dở lúc bấy giờ, rồi dần dần từng bước hoàn thiện nó, như vậy có thể hình thành một vùng cư trú cho các gia đình. Theo kế hoạch này, ông ta còn đưa ra một kế hoạch khác cũng rất đáng nhận được sự tán thưởng: ông hi vọng tất cả trẻ em chưa đến tuổi đi học (3 – 6 tuổi) sẽ được tập trung lại để hình thành nên một “trường học gia đình”. Mỗi một khu nhà thuê giá rẻ đều sẽ có trường học của mình, có khoảng 400 điểm ở Rome do Hiệp hội này thành lập, kiểu nhà ở như thế này rất có khả năng sẽ tiếp tục phát triển. Cùng lúc đó, trường học đầu tiên chuẩn bị được thành lập chính thức tại vùng San Lorenzo cho dân nghèo ở Rome vào tháng 1 năm 1907. Hiệp hội này đã có 58 công trình xây dựng ở đây, và ngài Chủ tịch muốn xây dựng 16 ngôi trường học cho vùng dân cư này. Loại hình trường học đặc biệt này, được gọi là “ngôi nhà trẻ thơ”. Ngôi nhà trẻ thơ đầu tiên chính thức được khai trương vào ngày 6 tháng 1 năm 1907 tại số 53 phố Marsi, tôi được uỷ quyền phụ trách toàn bộ. Lúc đó, tôi đã nhận thức được tính chất quan trọng của giáo dục cũng như tầm quan trọng của một tổ chức như vậy trong cái xã hội vô cùng rộng lớn này và kiên trì cho rằng, mình đã có được tầm nhìn và dự báo đúng đắn về những thắng lợi trong tương lai, nhưng cho đến tận bây giờ, rất nhiều người mới bắt đầu nhận ra rằng, dự báo lúc đó của tôi là chính xác. Ở nước Ý, ngày 6 tháng 1 được quy định là ngày Tết thiếu nhi. Ngày này cũng là ngày lễ Chúa hiển linh, mọi người chúc mừng nhau như chúc mừng ngày lễ Noel, ngày hôm đó còn có cây thông Noel, trẻ em cũng nhận được đồ chơi và các món quà khác. Đúng vào ngày 6 tháng 1, hơn 50 đứa trẻ lần đầu tiên được tập trung quây quần bên nhau. Hiểu được những sinh mệnh nhỏ bé này trước khi đi học có sự khác biệt như thế nào so với những đứa trẻ khác là một việc rất thú vị. Chúng có khuôn mặt không biểu lộ tình cảm, ánh mắt đờ đẫn thất thần, nhìn vẻ ngoài giống như những đứa trẻ hơi có chút thiểu năng. Chúng không tự đứng thành hàng được, giáo viên phải ôm lấy chúng để xếp thành hàng, như vậy mới có thể khiến chúng đi theo hàng được. Mắt chúng mơ mơ màng màng, dường như cảm thấy sợ hãi với tất cả mọi thứ trước mặt – chúng sợ người phụ nữ xinh đẹp trước mặt, sợ tất cả mọi thứ vây quanh cây thông Noel. Chúng chẳng muốn nhận quà gì cả, cũng chẳng muốn ăn bánh kẹo, không muốn trả lời câu hỏi gì, chúng trông giống như một đám người rừng nhỏ bé. Đương nhiên, chúng không giống với “đứa trẻ hoang dã trong rừng Aveyron” và những con thú sống cùng trong rừng sâu, mà chúng là những con người của rừng sâu bị lạc bước bên ngoài xã hội văn minh. Khi những người phụ nữ thấy cảnh tượng này trước mặt, đại đa số đều cho rằng chỉ có xuất hiện phép lạ thì mấy đứa trẻ này mới ngoan ngoãn tiếp nhận sự giáo dục, họ còn mong muốn 2 năm sau sẽ quay lại để thăm lũ trẻ. Tôi nhận lời lên nói chuyện. Do lúc ấy tôi chưa hoàn toàn hiểu kĩ về toàn bộ tình hình cơ cấu và nhiệm vụ, nên tôi chỉ giới thiệu một cách khái quát công việc bắt đầu trước mắt của tôi, sau đó đọc một đoạn nội dung trong Kinh Thánh, một đoạn nội dung được dùng trong nghi thức chúc mừng ngày lễ Chúa hiển linh, bởi vì ngày khai trương “ngôi nhà trẻ thơ” lại chính là ngày lễ Chúa hiển linh. Tôi chọn nội dung một đoạn trong sách Isaiah (Kinh Thánh). Kết thúc bài nói chuyện, tôi còn nói thêm một câu: “Có lẽ “ngôi nhà trẻ thơ” có thể trở thành một Jerusalem mới, nếu như có thể truyền bá rộng rãi trong các khu dân nghèo ở khắp nơi trên thế giới, có lẽ nó có thể mang đến cho thế giới một thứ ánh sáng mà nền giáo dục trước đây chưa từng có.” Nhưng báo chí đương thời thì lại chỉ trích những lời nói trên, họ cho rằng những lời nói đó có chút hơi khoa trương quá mức. Hai năm tiếp theo, tôi triển khai “ngôi nhà trẻ thơ” và làm các việc có ý nghĩa trong công tác giáo dục. Những công việc này thể hiện qua một loạt các kết quả thực nghiệm, cũng là tâm huyết của các giáo viên dạy học sinh theo phương pháp mới. Nó không chỉ là ứng dụng kĩ thuật phương pháp Séguin cho giai đoạn trẻ thơ, bởi vì mỗi một người nghi ngờ thành quả nghiên cứu đó đều có thể hiểu rõ sự thật. Nền tảng công việc trong hai năm này của tôi dựa trên sự nỗ lực trọn đời của hai vị giáo sư đáng kính Séguin và Itard trong thời đại cách mạng Pháp, đó là sự chân thực không dối trá. Đối với cá nhân tôi mà nói, trong 30 năm sau khi tác phẩm của Séguin bằng tiếng Anh ra đời, tôi đã ngưỡng mộ quan điểm lí luận của ông, hơn nữa – nếu có thể nói như thế này – tôi sẽ kế thừa sự nghiệp của ông với đầy ắp nhiệt tình và những tình cảm tươi mới như vậy, đó đều là sự kế thừa tinh thần của thầy Séguin – cống hiến suốt đời vì sự nghiệp này. 10 năm nay, tôi luôn tuân theo quan niệm này, nghiền ngẫm suy nghĩ tác phẩm vĩ đại của hai vị nhân sĩ kiệt xuất, mà họ thì đã sống một cuộc sống lặng lẽ không ai biết. Sau những nỗ lực suốt 40 năm nghiên cứu của Séguin và Itard, tôi lại tiếp tục đi theo nghiên cứu trong suốt 10 năm ròng. Do vậy trong giai đoạn nối tiếp nhau của hai thế kỉ, sự chuẩn bị tích cực của hơn 50 năm đã thành quá khứ, trên nền tảng này, chúng ta đã đạt được con đường tắt về giáo dục mà không chỉ được tạo nên từ chỉ 2 năm kinh nghiệm thực tiễn ngắn ngủi. Nếu nói rằng, nó đại diện cho sự nỗ lực của ba người thầy thuốc – từ Itard, Séguin đến tôi – để tạo nên những bước đầu tiên trên con đường khai thông ngành Tâm thần học, thì tôi cho rằng cũng chẳng có gì là quá đáng. MIÊU TẢ HOÀN CẢNH CỦA LẦN THỰC NGHIỆM ĐẦU TIÊN: COI TRỌNG VIỆC PHỔ BIẾN LẦN ĐẦU “Ngôi nhà trẻ thơ” đầu tiên bắt đầu có được chút tiếng tăm nhất định, môi trường của nó có lẽ khiến người ta dành cho nó nhiều thiện cảm, trong 1 năm, nó đã đạt được kết quả rất đáng kinh ngạc – hiện tượng mà sau đó không lặp lại một lần nào nữa. “Ngôi nhà trẻ thơ” đầu tiên đã có thể tạo ra trong các gia đình có trẻ em và dân cư ở nơi đó một thứ cảm xúc hoà bình, hạnh phúc, ngăn nắp, thân mật, đó chính là cảm xúc mà trước đây họ chưa từng biết đến. Không chỉ như vậy, mọi người còn đều tự mình trải qua một kiểu như “lựa chọn đạo đức”. Họ nghèo, chính trực nhưng lại không có nghề nghiệp đặc thù. Cơ hội công việc của họ ngày qua ngày chỉ là tạm thời, như làm công khuân vác, giặt đồ hoặc giúp thu hoạch hoa tử la lan và các loại hoa tươi khác đang mùa nở rộ trên đồng ruộng... Hàng xóm của họ là người thô tục không được học hành. Tất cả những người dân gặp khó khăn đều tập trung trong một khu nhà trọ mới xây dựng lại và đều giống nhau – chẳng biết chữ nào. Tất cả trẻ em đều tập trung trong chỗ vui chơi của trẻ em – nơi mà mọi người thường thấy. Vì bị bố mẹ bỏ bê nên bọn trẻ đều không nhận được sự dạy dỗ từ gia đình. Nói chung trẻ em chỉ nhận được sự giáo dục từ trường học mà hầu như cũng không ảnh hưởng đến bất kì ai trong số chúng. Người nữ giáo viên trong “ngôi nhà trẻ thơ” đầu tiên cũng không phải là giáo viên theo đúng nghĩa thực sự của nó, cô ấy chỉ được giáo dục chút ít, bình thường chủ yếu là làm những việc giống như quản gia, hoặc là ra ngoài cánh đồng giúp đỡ làm ruộng. Cô ấy thiếu quan niệm giáo dục và kiến thức chuyên nghiệp, ở trong trường cô ấy không có trách nhiệm gì, cũng không bị giám sát đánh giá. Lúc bấy giờ, chỉ cần các phụ huynh ra ngoài tìm công việc, trẻ em lập tức bị bỏ rơi trong nhà. Hoàn cảnh này đối với bất kì một trường học nào mà nói, hầu như đều không có gì là tốt đẹp, cần phải được cải thiện đáng kể. Trước mắt, một ảnh hưởng giáo dục được quan tâm chú trọng là họ đã tạo ra được một bầu không khí trung tính. Công việc của trường học là thực hiện theo một phương thức khoa học thực sự, bởi vì nó không bị bất kì một trở ngại nào từ phía những người phản đối. Hơn nữa, kiểu tự do không có bất kì trở ngại này đã có tác dụng hỗ trợ rất nhiều để có được kết quả thực nghiệm, khiến cho mọi người phấn khởi. “Ngôi nhà trẻ thơ” vì thế cũng đã trở thành phòng thực nghiệm tâm lí, không phải chịu bất kì ảnh hưởng độc hại nào của những thành kiến. Chính ở nơi này, những phép lạ tuyệt vời làm người ta kinh ngạc như “biểu hiện của động tác viết nằm ngoài dự liệu và tự phát đọc”, “rèn luyện một cách tự chủ” và “cuộc sống xã giao tự do” mới được thực hiện, không chỉ đã tăng thêm sự hiếu kì của mọi người mà còn làm cho du khách đến tham quan từ khắp mọi nơi không ngớt khen ngợi là một kì tích. Không có gì là cường điệu khi nói rằng, những đứa trẻ vốn thô thiển và hoang dã ấy giờ đã biến thành một tập thể nhỏ những con người đầy cảm hứng, thu hút vô số những du khách đến thăm từ khắp nơi trên thế giới, nhất là các học giả đến từ nước Mỹ, như thể đây là một đám đông những người đang tràn đầy khát vọng về thánh địa giáo dục trong tương lai. Do sự hấp dẫn này mà nhiều nhà khoa học, nhà cầm quyền, thành viên quý tộc xã hội... nhộn nhịp đến vùng San Lorenzo tham quan, họ đều mong muốn được tận mắt nhìn thấy những đứa trẻ ưu tú này. Từ đó, “ngôi nhà trẻ thơ” bắt đầu được phổ biến rộng rãi trên phạm vi thế giới, các chi nhánh của nó được mở ra ở cả trong và ngoài nước. Sau khi thành lập “ngôi nhà trẻ thơ” đầu tiên vào ngày 06 tháng 01, một trường học khác cũng được thành lập vào ngày 07 tháng 04, địa điểm được chọn là một khu nhà khác do Hiệp hội kiến trúc sửa chữa lại. Ngày 18 tháng 10 năm 1908, một “ngôi nhà trẻ thơ” đã được thành lập tại Milan bởi một tổ chức xã hội (Humanitarian Society) lớn nhất nước Ý, do một nhà chủ nghĩa xã hội Do Thái thành lập, mục đích là giúp đỡ cho dân thường. Địa điểm trong nhà mẫu của công nhân, đồng thời cũng là một trung tâm truyền đạo. Vào thời điểm đó, có một kí giả đã làm việc ở đó một cách nghiêm túc. Thực tế thì điều này có thể có giá trị khi ghi chép lại, bởi vì sau đó ông ta trở thành người mang tiếng xấu trên khắp thế giới. Tên của ông ta là Benito Mussolini. Tổ chức xã hội này tạo ra nhiều cống hiến to lớn cho công việc của chúng tôi, những công cụ giáo dục khoa học tôi đã từng sử dụng ở “ngôi nhà trẻ thơ” đầu tiên, thì ở đây tôi cũng cho chế tạo những dụng cụ như vậy. Sau đó, Hiệp hội kiến trúc lại mở tiếp mấy trường học nữa ở trong các khu nhà tại các vùng dân cư khác nhau ở Rome. Cũng chính trong thời gian này, các nhân sĩ của giai cấp tư sản dân tộc bắt đầu có nguyện vọng sáng lập “ngôi nhà trẻ thơ” cho con cái mình. Về sau, đại sứ Anh tại Rome đã thành lập một “ngôi nhà trẻ thơ” cho trẻ em quý tộc, trẻ em học trong đó đều đến từ tầng lớp cao trong xã hội. Một trận động đất kinh hoàng đã phá huỷ thành phố Messina đảo Sicily nước Ý, trong đống hoang tàn người ta tìm được khoảng 60 đứa trẻ, tất cả đều được đưa đến “ngôi nhà trẻ thơ”, được các nữ tu dòng Franciscan Thừa sai Đức mẹ Maria quản lí. Lúc đó, do vừa mới trải qua thảm hoạ quá lớn như vậy, nên những đứa trẻ đáng thương này vẫn sống trong nỗi kinh hoàng. Trường học này do mục đích hoạt động là giúp cải thiện tâm trạng của trẻ em mà trở nên nổi tiếng thế giới. Nó còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm, ví dụ tác giả Dorothy Canfield Fisher người Mỹ đã lấy cảm hứng từ đó để hoàn thành tác phẩm Mẹ Maria Montessori. Sau khi ngôi trường này được mở ra, Nam tước Franchetti và phu nhân đã là những người đầu tiên dùng tiền lương của mình để giúp đỡ cho giáo viên của “ngôi nhà trẻ thơ”. Mục đích ban đầu của họ là chuẩn bị giáo viên cho trường học vùng ngoại ô nước Ý, nhưng các giáo viên đến từ chín nước châu Âu đều đăng kí tham gia đại hội lần thứ nhất. “Ngôi nhà trẻ thơ” ở các nơi khác cũng tự nhiên trở nên hào hứng mà làm theo. Năm 1913, trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cuộc toạ đàm mang tính quốc tế lần thứ nhất do Mỹ khởi xướng khai mạc tại Rome. Các học sinh đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và Ấn Độ được tập hợp đông đảo tại đây. Đây là khởi nguồn của giáo dục khoa học trẻ em, hơn nữa, nó đã có những ảnh hưởng sâu sắc đối với các loại hình giáo dục, làm cho giới giáo dục nhận thấy một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ phía trước. Mặc dù thành kiến vẫn tồn tại, mặc dù chiến tranh dẫn đến muôn vàn khó khăn, nhưng những “ngôi nhà trẻ thơ” vẫn nhanh chóng phát triển đến khắp nơi trên thế giới. Và trong thời kì Chiến tranh thế giới lần thứ hai, “ngôi nhà trẻ thơ” còn được phát triển lên gấp nhiều lần tại Ấn Độ. Lịch sử cho thấy rằng, sau khi có sự điều chỉnh chút ít thì cùng một phương pháp giáo dục này, chúng ta có thể đem áp dụng phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, các dân tộc trên thế giới, hơn nữa nó còn phù hợp với bất kì đứa trẻ nào – dù là trẻ em trong gia đình hạnh phúc hay là trẻ em vừa phải trải qua nạn động đất hay các tai hoạ khác. Giờ đây, chúng ta đang sống trong thời đại mà trẻ em là động lực của một xã hội tiến bộ, mang đến tia hi vọng mới cho những người rơi vào trong bóng tối. “Ngôi nhà trẻ thơ” còn có tầm quan trọng gấp bội. Nó quan trọng đối với xã hội ở chỗ, đây là “trường học gia đình”. Quan trọng đối với giáo dục ở chỗ, thành công của nó hoàn toàn dựa vào kiến thức thực sự được sinh ra thông qua thực tiễn của tôi. Nó là sự đóng góp cho nền văn minh nhân loại và cần thiết được miêu tả một cách tường tận trong cuốn sách này. Trên thực tế, nó đã giải quyết được rất nhiều vấn đề xã hội và vấn đề giáo dục. Dù đã từng bị mọi người cho là giấc mơ không tưởng, nhưng nó đã thực hiện được mong muốn đóng góp vào sự phát triển của gia đình. Nó đã trực tiếp tác động đến điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong xã hội, đó chính là đời sống nội tâm của con người. Chương 3 GIÁO DỤC TỰ NHIÊN Trong xã hội hiện nay, trẻ em ngày càng xa rời thiên nhiên, rất ít có cơ hội tiếp cận với thiên nhiên, càng không có bất kì trải nghiệm trực tiếp nào về thế giới tự nhiên. T rong tác phẩm kinh điển Đứa trẻ trong rừng Aveyron, Itard đã miêu tả tường tận cái bóng đen đang lan nhanh trong mỗi đứa trẻ đần độn và phương pháp giáo dục khác thường của ông với mục đích cứu giúp chúng thoát khỏi tình trạng hoang dã. Đứa trẻ hoang dã này bị bỏ rơi trong rừng, lớn lên trong môi trường hoàn toàn tự nhiên. Trên người nó có những vết thương nghiêm trọng, những kẻ muốn hại nó có lẽ cho rằng nó đã chết rồi. Nhưng dưới sự điều trị của thiên nhiên, nó đã sinh tồn rất nhiều năm một cách tự do hoang dã ở trong rừng. Sau khi được một người đi săn phát hiện ra, nó được đưa về với cuộc sống văn minh ở Paris. Những vết sẹo trên cơ thể ốm yếu của nó thể hiện rất rõ rằng, nó đã phải đấu tranh quyết liệt với các loại dã thú ở trong rừng, dường như nó còn từng bị rơi từ trên cao xuống. Cậu bé hoang dã gần như vừa điếc vừa câm, bác sĩ Philippe Pinel đã rút ra kết luận rằng, chứng ngu đần của cậu bé hoang dã này không thể điều trị tận gốc được, cũng như không thể tiếp nhận được bất kì sự huấn luyện nào về trí tuệ. Nhưng giáo dục khoa học lại là ngoại lệ đối với cậu bé này. Bác sĩ Itard, người đã dồn tâm huyết cho việc nghiên cứu Triết học, rất có sở trường trong việc điều trị cho người mắc khiếm khuyết câm điếc. Ông đã gánh vác nhiệm vụ quan trọng là dạy dỗ cho cậu bé. Ông đã sử dụng phương pháp có hiệu quả tuyệt vời, đã được chứng minh trong việc điều trị khôi phục thính lực cho những người ở tình trạng gần điếc hẳn. Ông cho rằng, năng lực kém cỏi của đứa trẻ là hậu quả của sự thiếu được giáo dục, chứ không phải là rối loạn chức năng giác quan. Ông tán thành nguyên tắc của Helvetius – “Không có công việc của nhân loại, nhân loại hoàn toàn không có chỗ.” Hơn nữa ông còn cho rằng giáo dục không có việc gì không làm được. Trước Cách mạng Pháp, ông phản đối chủ trương về giáo dục của Rousseau, vì Rousseau cho rằng giáo dục có hại đối với nhân loại. Kết luận đầu tiên mà Itard rút ra là: những hành vi của đứa trẻ hoang dã này trong thực nghiệm đã chứng minh mức độ tin cậy của lí luận Helvetius. Tuy nhiên, dưới sự phối hợp hỗ trợ của bác sĩ Philippe Pinel, giáo sư Itard lại bắt đầu bị thuyết phục, bản thân ông đang điều trị cho một bệnh nhân đần độn, nhưng lí luận Triết học của ông lúc này nhường chỗ cho việc thử nghiệm những kinh nghiệm thực tiễn của giáo dục. Itard chia việc dạy dỗ đứa trẻ hoang dã này làm hai bước. Bước đầu tiên, đưa đứa trẻ vào sống trong xã hội bình thường, yên bình hoà hợp. Tiếp theo đó mới tiến hành giáo dục về trí tuệ và cảm xúc cho bệnh nhân. Đứa trẻ hoang dã đã sinh tồn trong hoàn cảnh bị bỏ rơi này có thể tự cảm nhận được niềm vui trong điều kiện hiện tại. Nó nghiễm nhiên trở thành một thành viên của thiên nhiên. Cho dù là trong mưa, trong tuyết, trong mưa to gió lớn thì đối với nó vẫn là một viễn cảnh đẹp đẽ vô cùng. Nó luôn có thể hưởng thụ niềm vui từ trong tâm khảm, bởi vì những điều đó đều là đối tượng lọt vào tầm mắt của nó, là bạn bè với nó mỗi sáng chiều, hơn nữa còn là chỗ dựa tinh thần cho nó. Cuộc sống văn minh có nghĩa là vứt bỏ tất cả những điều này, nhưng lại mang đến cho nó sự tiến bộ mang tính thúc đẩy đối với nhân loại. Itard đã miêu tả một bức tranh lớn bằng những ngôn từ sinh động trong cuốn sách của mình về những điều mình đã nỗ lực đạt được, mục đích là làm cho con người hoang dã nhỏ bé này trở về với trạng thái văn minh. Điều đó cũng có nghĩa là, đứa trẻ hoang dã hiện đang được bao bọc vây quanh bởi sự yêu mến, phạm vi nhu cầu của nó vô cùng rộng lớn. Itard là một người rất kiên nhẫn, luôn quan tâm sâu sát tới những hành vi tự phát của cậu học trò này. Công việc tỉ mỉ, nhẫn nại ấy và khả năng kiềm chế của ông, đối với các giáo viên đang tận dụng hết mức phương pháp thực nghiệm trong việc chuẩn bị vào nghề dạy học của mình mà nói, không chỉ là một kiểu cổ vũ. Có thể tìm hiểu thêm về điểm này trong đoạn văn dưới đây: “Khi nán lại trong phòng quan sát, cậu bé này thường thích đi đi lại lại một cách nhàn rỗi, nhưng mắt thì lại thường hướng ra bên ngoài cửa sổ, chăm chú nhìn vào hư không vô hạn. Nếu bất ngờ thấy một cơn gió thổi đến, hoặc là mặt trời xuyên qua tầng mây chiếu xuống khắp nơi trên mặt đất, đứa trẻ này sẽ cất tiếng cười ngây thơ trong sáng, dường như nó đang rất vui mừng. Có mấy lần, nó không chỉ không thể hiện ra vẻ vui sướng mà ngược lại còn tỏ ra phẫn nộ điên cuồng. Nó vặn tay, nắm chặt tay dụi lên mắt, nghiến chặt răng hù doạ những ai ở gần nó. Có một hôm, khi những bông hoa tuyết rơi xuống lấp lánh, nó đang nằm trên giường, nhưng sau khi tỉnh dậy, nó lập tức hét lên thích thú, rồi đứng bật dậy, vội vàng chạy đến bên cửa sổ, sau đó lại chạy ra cửa. Nó thiếu kiên nhẫn, sốt ruột chạy đi chạy lại, cuối cùng để mình trần lao nhanh ra vườn hoa. Ở đó, nó tự do hò hét reo vui, chạy ngược chạy xuôi, nó lăn qua lăn lại trên tuyết, còn dồn tuyết thành một đống to và rồi với niềm khao khát khó có thể tin được đối với mọi người, nó ăn luôn tuyết trên tay. Nhưng không phải lúc nào nó cũng tỏ ra hoạt bát và ồn ào náo động như thế khi nhận được tiếng gọi mạnh mẽ của tự nhiên. Có mấy lần, nó nhìn lên giống như có chút gì buồn bã và sầu muộn trong sự yên lặng. Ví dụ, đúng hôm thời tiết thay đổi, khi mọi người đều rời khỏi vườn hoa, thì đứa trẻ hoang dã này lại đi ra. Có mấy lần ở trong vườn hoa, nó dạo chơi khắp nơi, sau đó ngồi xuống bên đài phun nước. Tôi đã bỏ ra nhiều giờ quan tâm chú ý đến đứa trẻ với đầy cảm xúc. Tôi nhận ra rằng, khuôn mặt vốn không hề biểu lộ cảm xúc và biến dạng của nó lúc ấy lại dần dần toát ra một thứ cảm xúc khó chịu và sầu muộn, nó lúc thì chăm chú nhìn mặt nước không hề chớp mắt, lúc lại ném xuống đó mấy chiếc lá rụng. Trong một đêm trăng sáng đầy trời, khi ánh trăng bàng bạc chiếu vào phòng, nó tỉnh giấc, đi đến bên cửa sổ. Hình như cả đêm nó đứng canh ở đó, vươn cổ ra không hề động đậy, ngắm nhìn ánh trăng chiếu khắp bên ngoài, chìm đắm trong những suy tưởng của riêng mình. Sự yên tĩnh và bình yên này chỉ bị phá tan bởi hơi thở thật sâu và dài của nó, như tín hiệu của nỗi đau đến rồi dần dần yếu đi.” Trong một chương khác của cuốn sách, Itard chỉ ra rằng: đứa bé này không thể đi lại với tư thế bình thường, nó chỉ biết chạy. Ông còn kể với chúng tôi rằng, khi dẫn nó đi bộ trên đường phố Paris, ông thường phải chạy đuổi theo nó, thay vì đo tốc độ đi của nó. Qua quá trình trị liệu cho đứa trẻ hoang dã này, Itard đã cung cấp cho chúng ta một tài liệu minh chứng quý báu là sự kết hợp của nhiều nguyên tắc giáo dục, có thể ứng dụng trong việc giáo dục tất cả trẻ em. Trong vấn đề này chúng tôi đặc biệt chỉ ra, Itard đã sử dụng phương thức mềm mỏng, “mưa dầm thấm lâu” với đứa trẻ hoang dã, từ từ đưa nó đến với cuộc sống xã hội. Đây là lần đầu tiên ông tự mình gần gũi với học sinh, mà không phải là đợi học sinh đến với mình, ông làm cho cuộc sống mới trở nên tràn đầy sức hấp dẫn và sử dụng sức hấp dẫn kì lạ này giành lấy trái tim đứa trẻ hoang dã, thay vì dùng phương thức thô bạo làm cho đứa trẻ đau khổ và phản kháng để ép nó thích ứng với cuộc sống mới. Tôi cho rằng, chưa có tác phẩm nào có thể cung cấp cho chúng tôi sự so sánh sinh động như vậy giữa tự nhiên và cuộc sống xã hội, hơn nữa tác phẩm này còn nói rõ với chúng tôi rằng, cuộc sống xã hội đầy rẫy sự ruồng rẫy và trói buộc. Nó đủ để khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn, xem cần phải thay đổi như thế nào để đứa trẻ tự giác chuyển từ chạy nhanh trở thành đi dạo nhịp nhàng, hay làm thế nào để hạ thấp tiếng thét gào đầy xúc động xuống tiếng nói bình thường. Trong xã hội ngày nay, điều kiện sống của trẻ em càng ngày càng xa rời thiên nhiên, rất ít có cơ hội tiếp cận với thiên nhiên, càng không có bất kì trải nghiệm trực tiếp nào về thế giới tự nhiên. Từ xưa đến nay, người ta vẫn thường cho rằng, thế giới tự nhiên chỉ có ảnh hưởng về mặt đạo đức đối với việc giáo dục trẻ em. Người ta chỉ có một kiểu phản ứng là cố gắng khai phá, tìm hiểu về sự thần bí của thiên nhiên, về cây cối cỏ hoa, động vật, phong cảnh, gió, ánh sáng... Sau đó, họ thông qua việc giao cho trẻ em một miếng đất nhỏ có thể cày cấy, trồng trọt trên đó để làm cho chúng tự nảy sinh hứng thú đối với thiên nhiên. Thế nhưng, việc làm thế nào để có thể sinh tồn được trong tự nhiên lại là một quan niệm giáo dục trẻ em mới ra đời trong thời gian gần đây. Trên thực tế, nói về nhu cầu tự nhiên của trẻ em thì không phải chỉ đơn thuần là tìm hiểu kiến thức về tự nhiên. Trong số những việc mà chúng ta làm thì điều quan trọng nhất là giải phóng trẻ em, nếu như có thể thì hãy làm cho chúng thoát khỏi những mối quan hệ của cuộc sống thành thị do con người tạo ra. Phương pháp chăm sóc sức khoẻ trẻ em ngày nay có tác dụng hỗ trợ đối với giáo dục sinh lí trẻ em, ví dụ như vui chơi ở công viên ngoài trời, phơi dưới ánh nắng mặt trời hay tắm trong nước biển. Để giải phóng trẻ em khỏi những gánh nặng quá sức của cuộc sống thành thị, hiện nay người ta bắt đầu tiến hành một vài thử nghiệm dè dặt, ví dụ như phụ huynh sẽ mặc cho trẻ quần áo thật đơn giản, nhẹ nhàng tiện lợi, để trẻ đi dép hoặc đi chân trần trên đường. Thực nghiệm đã chứng minh, ở viện điều dưỡng, phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lao phổi và bệnh còi xương cho trẻ em là cho chúng tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên, cho chúng ngủ ngoài trời, sinh hoạt dưới ánh nắng mặt trời. Khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ sâu hơn về vấn đề này, thì chúng ta cũng sẽ hiểu rõ hơn một điều, đó là ngay cả với trẻ em khoẻ mạnh bình thường cũng không nên cự tuyệt việc để chúng tiếp xúc với thiên nhiên, bởi trẻ vẫn có thể được lợi từ việc này. Nhưng vẫn có rất nhiều người giữ thành kiến về vấn đề này. Chúng ta đã quá dễ dàng vứt bỏ đi sự tự do của mình, hơn nữa còn tỏ ra thích thú với sự ràng buộc này trong cuộc sống, không chỉ như vậy, họ còn đem điều đó tiếp tục truyền lại cho đời sau. Dần dần chúng ta sẽ biến thiên nhiên thành một nơi chỉ đơn giản là có hoa tươi hoặc là có gia súc, nơi có thể cung cấp cho chúng ta thức ăn, có thể hỗ trợ cho công việc lao động của chúng ta, có lợi trong việc chúng ta tự bảo vệ mình. Điều này sẽ làm cho tinh thần của chúng ta trở nên ủ ê, đầy mâu thuẫn. Thậm chí, nó còn khiến chúng ta bị lẫn lộn giữa niềm vui khi được nhìn thấy động vật trong tự nhiên, với cảm xúc vui mừng khi thấy một con vật chỉ vì mê mải tìm cái ăn mà lao đến với cái chết đã được sắp đặt sẵn. Hoặc, chúng ta có những cảm xúc yêu thích một cách mơ hồ đối với thiên nhiên, cảm thấy thích thú trước con chim nhỏ đang cất tiếng hót tuyệt vời trong chiếc lồng tù túng. Có lẽ, chúng ta sẽ cho rằng, một chậu cát mà chúng ta lấy lên từ biển cả sẽ giúp đỡ được cho trẻ em. Bãi biển thường được dùng làm nơi để giáo dục trẻ em, bởi vì ở đó có cát, giống như cát trong hộp đồ chơi của mỗi gia đình. Chúng ta đã bị cầm tù từ rất lâu và hỗn loạn trong một chiếc lồng như vậy, vì thế không có gì để nghi ngờ về việc chúng ta sẽ rút ra những kết luận hết sức sai lầm. Trên thực tế, thiên nhiên khiến cho nhiều người cảm thấy nguy hiểm, khó khăn mà lui bước. Họ sợ không khí và mặt trời, như thể những thứ đó đều là kẻ thù tự nhiên của đạo đức. Họ sợ đêm tối trong rừng sâu, như thể có một con rắn độc nấp dưới đám cây cỏ trong rừng. Thực ra, “người văn minh” ngày nay là những người tự bằng lòng với hiện trạng bị cầm tù của chính mình, ví dụ nếu một người được khuyên là nên tận hưởng thiên nhiên vì nó tốt cho sức khoẻ của anh ta, thì anh ta sẽ tỏ ra rụt rè, thận trọng khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chốc chốc lại nhìn quanh một cách cảnh giác, chú ý đến nguy hiểm xung quanh. Đi dã ngoại, dãi dầu mưa gió, phơi mình dưới ánh mặt trời như đổ lửa, nhảy cầu ván... đều là những hoạt động mà người ta chỉ dám bàn luận chứ trên thực tế không dám tham gia vào. Vì sợ lộ ra những suy tính, ai mà không tìm cách đóng kín cánh cửa cơ chứ? Có ai không đóng cửa sổ trước khi đi ngủ, nhất là khi trời nổi cơn mưa to gió lớn? Gần như mọi người đều đồng ý rằng, sự nguy hiểm không lúc nào không tồn tại, đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều thì mới có thể dựa vào sự che chở của Mẹ Thiên Nhiên trong những chuyến đi xa. Người ta nói rằng, muốn có những hành động vĩ đại, cần phải hiểu rõ điều này, vì thế có lẽ không có ai dám tuỳ tiện hoạt động. Nhưng, mọi người cần phải hiểu như thế nào về những hoạt động đó? Có lẽ chúng ta cũng nên cung cấp cho trẻ em môi trường như vậy. Chắc chắn, chúng là người được bảo vệ nhiều nhất. Ngay cả với những người thích vận động như người Anh, họ cũng không muốn để con mình chịu gian khổ ngoài môi trường thiên nhiên hay phải chịu đựng sự mệt mỏi vì quá sức. Thậm chí, phải đợi đến khi đứa trẻ lớn lên một chút, đến một ngày kia, trong ánh nắng ấm áp của mặt trời mùa xuân, bảo mẫu mới cho chúng ngồi trong xe đẩy, đẩy đến một nơi mát mẻ để chúng ở đó chơi đùa; nhưng ngay cả như vậy, họ cũng sẽ không cho phép chúng đi quá xa hay tuỳ ý đi khắp nơi. Khi mọi người tham gia hoạt động thể thao, những cuộc chiến ganh đua thực sự sẽ xảy giữa những thanh niên ưu tú nhất và can đảm nhất, họ sẽ được gọi là “những chiến binh đang chiến đấu với đối thủ”. Đối với chúng ta, ý tưởng dưới đây có lẽ vẫn còn là quá mới mẻ: cho phép trẻ em được phát triển một cách tự do; khích lệ chúng nhiều hơn; cho chúng đi dạo dưới trời mưa; cho phép chúng giẫm chân trần vào trong bể nước để cảm nhận niềm vui khi nước bắn toé ra khắp nơi; cho chúng thoả sức chạy trên thảm cỏ còn đọng đầy những hạt sương đêm và thích thú chạy bằng chân trần; khi cây cối mời gọi, hãy để cho chúng được đến với giấc ngủ dịu êm dưới bóng râm của vòm lá; khi ánh mặt trời buổi sớm đánh thức chúng dậy như đánh thức tất cả các sinh linh trên trái đất, hãy cho phép chúng được cất tiếng cười sung sướng, sự khác nhau giữa ngủ và thức là như vậy đó. Tuy vậy, trong thực tế chúng ta lại hoàn toàn làm ngược lại với điều đó, chúng ta cứ lo lắng mà tự hỏi: làm sao lại có thể cho phép trẻ em ngủ dưới khung cảnh đẹp đẽ như vậy được, làm thế nào để dạy trẻ em đừng có bỏ giày ra hoặc là đừng có quanh quẩn trên thảm cỏ... Trong những giới hạn ràng buộc này, trẻ em sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài sự thụt lùi, đau khổ, phiền não trong sự ràng buộc của bản thân, chỉ biết giết chết những con côn trùng nhỏ bé hoặc những động vật vô hại. Có thể chúng ta sẽ biến những điều đó thành hiện tượng tự nhiên nào đó, mà không nhận thấy rằng trái tim đứa trẻ đã trở nên xa lạ với thiên nhiên tự bao giờ. Chúng ta chỉ biết yêu cầu trẻ em một cách mù quáng rằng, phải biết thích ứng với cuộc sống đầy ràng buộc của nó và không gây thêm cho chúng ta bất kì rắc rối nào nữa. Cho dù sức mạnh của trẻ em hoàn toàn vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, nhưng để thấy rõ điều này, cần phải có một vũ đài cho chúng tự do thi thố. Trẻ em thành thị chỉ đi mấy bước đường là đã cảm thấy vô cùng mệt mỏi, điều đó khiến mọi người cho rằng sức khoẻ của chúng quá kém. Nhưng kì thực, sức ì đó hoàn toàn đến từ hoàn cảnh mà con người tạo ra: cảm giác buồn chán trong lòng, quần áo khó coi, bị đau đớn khó chịu vì đôi chân nhỏ bé bó buộc trong đôi giày da cứng quèo, thậm chí sức ì đó còn đến từ những người đi lại tấp nập trên con đường lát xi măng cứng với bộ mặt ủ rũ không có chút phấn chấn nào... Có thể họ chỉ quan tâm tham gia vào câu lạc bộ, hoặc cùng nhau ca ngợi một bộ quần áo đẹp, đối với họ mà nói, tất cả đều không có nghĩa lí gì. Họ đã bị gông xiềng vô hình trói buộc lại, đã bị sự lười biếng dụ dỗ vào trong cái bẫy của nó, thế mà còn hi vọng có thể tiến lên phía trước trong thế bị động như vậy. Tuy nhiên, ngay khi trẻ em bắt đầu tiếp cận với thiên nhiên, thì cái sức mạnh bên trong ấy lại bùng ra. Nếu như có một cơ thể khoẻ mạnh, dinh dưỡng đầy đủ, thì cho dù một đứa trẻ rất bình thường, chưa đến 2 tuổi cũng có thể đi bộ được vài cây số. Đôi chân nhỏ chưa biết mệt đó còn có thể trèo lên sườn dốc dưới ánh mặt trời. Tôi còn nhớ, có một đứa trẻ khoảng 6 tuổi từng bị mất tích mấy tiếng đồng hồ. Nó tự trèo lên một sườn núi vì nó nghĩ rằng, sau khi lên đến đỉnh núi thì nó có thể nhìn thấy được phong cảnh ở bên kia núi. Mặc dù không thấy mệt, nhưng vì không nhìn thấy được cảnh tượng mà nó hi vọng được nhìn thấy nên nó rất thất vọng. Một đôi vợ chồng mà tôi biết, có một đứa con vừa tròn 2 tuổi. Hai vợ chồng muốn thay phiên nhau bế con đi chơi ở bãi biển xa, nhưng ý định này không ổn vì họ sẽ quá mệt. Thực ra, cái gia đình nhỏ đầy nhiệt tình ấy hoàn toàn có thể tự mình đi đến đó và mỗi ngày đều có thể đi xa được như vậy. Nếu như hai người thay phiên nhau bế con đi thì chẳng thà cả nhà hi sinh một chút để đi chậm cùng con. Khi con dừng lại ở ven đường để hái hoa thì không nên ngăn cản con; khi con nhìn thấy con lừa nhỏ đang ăn trong bãi cỏ, trong cái khoảnh khắc con ngồi xuống bày tỏ sự quan tâm thân thiết và nghiêm túc với sinh mệnh nhỏ ngoan ngoãn và may mắn ấy thì cha mẹ không nên ra lệnh bắt con đi tiếp. Nếu như hai người thay phiên nhau bế con đi, chi bằng hãy để cho con tự đi, còn bố mẹ đi theo sau bé. Xưa nay chỉ có nhà thơ và trẻ nhỏ là có thể cảm nhận được sức hấp dẫn của dòng nước chảy trên đá cuội. Nhìn thấy cảnh tượng đó, trẻ em đều sẽ cười vui vẻ thoải mái, muốn đến bên để dùng bàn tay nhỏ bé xoa vuốt lên hòn đá, tựa như đang thể hiện cho hòn đá biết tình cảm yêu thương của mình vậy. Tôi thấy là, nếu như trẻ còn chưa biết đi, bạn có thể bế con đi bộ ngoài đường. Trên đường ở nông thôn có thể nhìn thấy rất nhiều cảnh đẹp, bạn nên bế trẻ theo cách cho lưng đứa trẻ đối diện với cảnh đẹp. Bạn hãy cùng con dừng lại, con sẽ quay người lại để thưởng thức cảnh tượng đẹp đẽ đang bày ra trước mắt mình. Một nhóm trẻ em đứng nghiêm trang, cảm thấy khó chịu vì con chim non bị rơi ra khỏi tổ, bạn đã bao giờ nhìn thấy cảnh tượng như vậy chưa? Đám trẻ nháo nhác chạy, hỏi nhau với đầy ắp sự quan tâm thân thiết, hoặc thông báo cho nhau biết rốt cuộc đã xảy ra việc gì, cảnh tượng như vậy bạn đã gặp bao giờ chưa? Vẫn chính là những đứa trẻ ấy đấy – nhưng rất nhanh chóng – có thể biến thành những kẻ ăn trộm trứng trong tổ chim. Giống như các sự việc khác, để có thể cảm nhận được thiên nhiên thì cũng cần phải đi đôi với việc luyện tập rồi dần dần thành thục. Trẻ em ngày nay đều bị nhốt trong căn phòng với bốn bức tường hạn hẹp, thường xuyên phải nghe hoặc nhìn thấy việc “đối xử tàn nhẫn với động vật là một phần của cuộc sống”, đối với một đứa trẻ thái độ vô tình và chán ngắt như vậy, chúng ta đương nhiên không thể sử dụng phương thức giao tiếp “hàn lâm” để miêu tả hay khuyên dạy chúng. Nhưng thực tế thì lại diễn ra theo chiều hướng có hại như thế. Một thành viên nào đó trong gia đình đã cố tình giết chết một con chim bồ câu, lần đầu đối mặt với sự chết chóc sẽ trở thành bóng đen ám ảnh, hằn sâu trong lòng mọi đứa trẻ. Chúng ta cần phải trị lành vết thương trong lòng trẻ, trong sự tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần của những đứa trẻ đáng yêu này, chúng chính là người bị hại bởi hoàn cảnh do con người tạo ra trong cuộc sống thành thị. MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TỰ NHIÊN Giáo dục nhà trường có thể cố định sự chú ý của trẻ em vào mục tiêu đặc biệt, mà những đối tượng này hoặc là có thể biểu hiện chính xác mức độ cảm nhận bên trong nội tâm của học sinh đối với thiên nhiên khi được kích thích, hoặc là sẽ làm cho nội tâm tiềm ẩn hoặc thứ tình cảm đã bị mất đi lại lần nữa phát triển trở lại. Đối với điều này – giống như bất cứ kiểu hoạt động nào khác – chức năng của trường học là mang đến cho học sinh những thông tin gây hứng thú và động cơ để hoạt động. Trẻ em biết quan sát thiên nhiên tốt hơn so với bất kì người nào khác, đương nhiên chúng cũng mong muốn có quyền được tự do chi phối đối với những giáo cụ hỗ trợ. QUAN TÂM YÊU MẾN NGƯỜI KHÁC Trẻ em luôn có mong muốn được quan tâm đến người khác, khi được thoả mãn nhu cầu này thì trẻ sẽ có được niềm vui. Vì vậy, việc chăm sóc cây cối, nhất là chăm sóc những động vật nhỏ bé sẽ có thể dễ dàng giúp khơi dậy hứng thú ở trẻ em. Chẳng có điều gì có thể khiến cho trẻ em phải nghĩ ngợi sâu xa, nói chung, chúng chỉ sống với hiện tại trước mắt, còn chuyện ngày mai có xảy ra điều gì thì chúng cũng chẳng cần phải bận tâm. Những con vật bé nhỏ cần được chăm sóc, những cái cây sẽ khô héo nếu không được tưới nước... Sau khi trẻ em đã hiểu rõ những điều này, thì cho dù bất cứ lúc nào hay bất cứ chuyện gì xảy ra, trẻ cũng sẽ luôn dùng tình yêu thương của mình để chăm sóc chúng chu đáo. Với tình yêu và sự quan tâm thực sự, bọn trẻ sẽ để nước và thức ăn ở chỗ gần nhất cho lũ chim bồ câu đang kêu “grù... grù...”, sau mấy hôm đều đặn làm như vậy, cuối cùng vào sáng sớm một ngày nọ, bọn trẻ đã được nhìn thấy thành quả lao động của mình. Bạn nên quan sát thật kĩ biểu hiện tình cảm của trẻ lúc ấy. Khi trẻ được nhìn thấy một đàn gà con phá vỡ vỏ chui ra sau khi được gà mẹ ấp nở một thời gian dài, bạn cũng nên cố gắng quan sát bọn trẻ. Từ những đứa trẻ này sẽ toả ra thứ ánh sáng của vẻ dịu dàng, ấm áp và trong lòng chúng còn sinh ra một thứ ham muốn được chia sẻ sự giúp đỡ nhiều hơn nữa. Chúng sẽ tập hợp rơm rạ mềm, sợi tơ vải, vải bông cũ hoặc ruột bông xếp lại thành một cái tổ dành cho con chim nhỏ ở dưới hiên nhà, trên cây, trong vườn hoa và tiếng chiếp chiếp của những con chim nhỏ vang lên như bày tỏ lòng cảm ơn đối với bọn trẻ. Sự lột xác của côn trùng và sự chăm sóc của mẹ cha đối với thế hệ sau, đều là đối tượng để trẻ em quan sát một cách say mê, chúng thường xuyên thể hiện sự hứng thú bất ngờ khiến chúng ta kinh ngạc. Có một lần, một bé trai đã bị cuốn hút bởi sự biến đổi trong quá trình lớn lên của con nòng nọc, sau một thời gian quan sát, thậm chí cậu bé còn có thể mô tả tường tận quá trình lớn lên của con nòng nọc, giống như một nhà khoa học miêu tả các giai đoạn trong quá trình phát triển của con ếch vậy. Cũng như đối với động vật, trẻ em cũng bị các loài thực vật thu hút. Khu vườn để làm ruộng và trồng trọt trong “ngôi nhà trẻ thơ” không lớn lắm, vì vậy chậu hoa chỉ có thể được đặt trên sân phơi. Bọn trẻ luôn nhớ dùng bình phun nước nhỏ để tưới nước cho cây cối. Có một hôm vào sáng sớm, tôi phát hiện ra bọn trẻ đang ngồi quây thành vòng tròn trên nền nhà, ở giữa đặt một cái chậu hoa hồng đã nở hoa từ đêm hôm qua. Chúng yên lặng bình thản ngồi đó, hoàn toàn trầm tư đắm chìm trong thế giới riêng. Lại một lần khác, có một cô bé chăm chú nhìn từ trên sân phơi xuống với sự hào hứng mà ai cũng có thể nhận ra. Giáo viên và người mẹ đều biết rằng, cô bé vốn có niềm say mê đối với hoa tươi và khoảng sân trước nhà, nhưng lúc này, cô bé lại đang bị thu hút bởi một thứ khác. Cô bé nói với mẹ: “Ở trong khu vườn này có trồng một loại cây có thể ăn được”. Đó là vườn cây ăn quả, không hề thu hút sự quan tâm chú ý của người mẹ, nhưng lại làm cho cô bé vô cùng thích thú. ĐỊNH KIẾN ĐỐI VỚI VƯỜN HOA Cho dù là đối với thiên nhiên đi nữa, trong lòng chúng ta cũng vẫn tồn tại những định kiến nhất định, hơn nữa chúng ta còn phát hiện ra rằng, rất khó để lí giải sự coi trọng mà chúng ta dành cho giới tự nhiên. Sự hiểu biết của mọi người về hoa tươi chỉ mang tính tượng trưng, không chỉ vậy, chúng ta còn muốn nhào nặn trẻ em trở thành những người giống như chính mình, chứ không thuận theo tự nhiên của nó để tìm ra ý thích và nhu cầu thực sự của trẻ em. Chính vì vậy, cho dù ở trong vườn hoa, nhưng trẻ em cũng vẫn bị ép làm theo hành vi của người lớn. Còn người lớn thì cho rằng, việc gieo một hạt giống trên đất, sau đó chờ nó nảy mầm lớn lên quả thực là một quá trình dài đằng đẵng, mà bản thân công việc này đối với họ thực sự là một việc quá nhỏ nhặt, không đáng kể. Họ muốn làm những việc lớn, muốn những việc mình làm có thể nhanh chóng kết hợp được với thành quả của thiên nhiên. Trẻ em thực sự rất thích hoa, nhưng chúng muốn tự tay mình trồng lên chứ không phải chỉ là vây quanh và chăm chú nhìn ngắm đám hoa đầy màu sắc. Sự thu hút bởi vẻ bề ngoài này sẽ nhanh chóng được đặt sang một bên, chỉ có trong hành động thực tiễn, tìm hiểu, tìm tòi thăm dò thì trẻ em mới có thể tìm thấy được niềm vui lớn nhất. CÔNG VIỆC YÊU THÍCH NHẤT Nhiều kết quả đạt được qua thực nghiệm không những hoàn toàn không giống với kết luận tôi đã thu được trước đây, để có được kết luận như vậy, chúng tôi phải tiến hành nghiên cứu dưới sự “chỉ dẫn” của những đứa trẻ có quyền tự do lựa chọn. Đối với trẻ em, điều chúng thích thú nhất không phải là gieo hạt mà là thu hoạch, mọi người đều biết rằng, việc thu hoạch có thể không nhất thiết phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt như việc gieo hạt. Thậm chí có thể nói, chính việc thu hoạch đã kích thích mạnh mẽ sự hứng thú đối với công việc gieo hạt của trẻ. Một người thu hoạch được càng nhiều thì càng có thể trải nghiệm được một cách rõ ràng hơn sự bí ẩn kì diệu của việc gieo hạt. Thu hoạch lương thực và thu hoạch nho có thể là trải nghiệm tuyệt vời nhất. Trên một cánh đồng lúa mạch màu vàng óng, sau khi gặt, người ta sẽ dùng dây để buộc gọn lúa mạch thành từng bó từng bó, việc này trở thành trải nghiệm thành công nhất, thậm chí người ta còn mượn dịp này để mở hội ăn mừng mùa màng bội thu của nhà nông. Việc bảo vệ giàn nho, làm sạch nho và hái những chùm quả đã chín cho vào những chiếc giỏ màu xanh đẹp đẽ... tất cả những việc ấy đều có thể biến thành một bữa đại tiệc lớn. Cây quả cũng có thể mang đến cơ hội làm việc như vậy cho con người. Cho dù trẻ em tuổi còn nhỏ nhưng cũng thích thú nhặt ô liu. Trong khi cố gắng tìm kiếm những quả rơi rụng từ trên cây xuống, chúng sẽ không cho phép mình được nhìn ngang nhìn dọc, những đứa trẻ nhanh mắt nhanh tay có thể nhanh chóng tìm được những quả ô liu rơi dưới đất và bỏ vào trong giỏ của mình. Quả dâu thường nằm dưới đám lá của giàn dây leo um tùm, khi tìm kiếm những quả này, lũ trẻ cũng sẽ có được niềm vui chẳng kém gì so với việc đi tìm kiếm những đoá hoa tử la lan thơm ngào ngạt. Từ những trải nghiệm này, trong lòng trẻ em sẽ nảy sinh ra hứng thú đối với công việc gieo hạt, ví dụ: trong cánh đồng lúa mạch rộng lớn, chúng sẽ gieo hạt bằng nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, công việc cày đất phải do người lớn chuẩn bị từ trước, nhưng trẻ em có thể chuẩn bị hạt giống sắp gieo. Sau đó chúng chia số hạt giống đó cho vào từng giỏ nhỏ, men theo từng luống đất mà người lớn đã cày sẵn để gieo hạt vào đó. Trong quá trình lớn lên, những cái cây mỏng manh và non nớt đó sẽ mang đến cho mọi người niềm vui không gì thay thế được, cho dù là từ góc độ cảm nhận thị giác hay từ trong tâm hồn thì cũng đều có thể khiến mọi người có được những “thu hoạch” cho riêng mình. Chất lượng đều đặn và bức tranh phác hoạ những đường thẳng song song thẳng tắp ấy, gần như cũng đang nhấn mạnh quá trình phát triển của thực vật. Nếu như chỉ nhìn vào một cá thể nào đó thì gần như không thể khiến người ta cảm thấy thích thú, nhưng nếu tập hợp chúng lại với nhau, sẽ hình thành một cảnh tượng hùng vĩ ngay trước mắt. Những ngọn lúa mạch màu vàng uốn mình trong gió, không biết từ lúc nào đã cao bằng vai bọn trẻ, khiến cho bọn trẻ đang mong ngóng đến ngày thu hoạch nhảy nhót vui mừng mãi không thôi. Tuy rằng khu vực nhỏ bé của chúng tôi chỉ trồng được nguyên liệu đủ để làm bánh Thánh, nhưng chúng tôi vẫn rút ra được một kết luận: cuộc sống làng quê thích hợp với trẻ em hơn là tính tượng trưng của triết học và hoa tươi. Một vườn hoa thơm ngát nhỏ xinh cũng có thể tạo ra niềm vui thực sự cho trẻ em: chúng tìm kiếm, phân biệt và thu thập các loài hoa theo mùi hương khác nhau... những việc ấy đều nằm trong phạm vi hoạt động của trẻ em. Việc phân chia các loài hoa dựa vào ngoại hình, hay căn cứ vào mùi hương thay vì căn cứ vào mỗi loài hoa... những cách như vậy giúp trẻ luyện tập khả năng so sánh, hơn nữa còn khiến cho trẻ em có được cảm giác thoả mãn khi tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Đương nhiên là hoa tươi cũng hấp dẫn con người, nhưng nói một cách tương đối thì việc thu nhặt những loại quả được lớn lên từ đất sẽ tự nhiên hơn. Xem ra hoa tươi có sức thu hút đối với côn trùng hơn là đối với con người, bởi côn trùng có thể giúp cho chúng thực hiện sứ mệnh sinh sản để bảo tồn giống nòi. Trên thực tế, trẻ em đã tự nhiên học được cách làm thế nào để thoả mãn nhu cầu tinh thần của bản thân, chúng có thể sẽ ngồi bên cây hoa mà thưởng thức vẻ đẹp của nó, nhưng một lúc sau, sớm muộn gì cũng phải đứng lên mà đi làm việc khác, bởi vì đó mới là hoạt động dành cho con người, có thể lôi cuốn mầm non dần dần lớn lên trong mỗi con người. TÍNH ĐƠN GIẢN Công việc dành cho trẻ em cần phải đa dạng. Chúng ta không nhất thiết phải yêu cầu chúng tìm hiểu về nguyên nhân của việc gieo trồng và thu hoạch, mà chỉ cần có thể mang đến cho chúng niềm cảm hứng là được. Trẻ em rất vui lòng thực hiện những hành vi giản đơn nhưng có hiệu ứng trực tiếp, hoặc cho phép chúng được thực hiện hành vi đòi hỏi sự nỗ lực đặc biệt. Ví dụ, chúng có thể nhổ cỏ, quét dọn lá khô, hay nhặt cành khô trong luống cày hoặc trong ruộng. Nói đơn giản, những trải nghiệm thực tiễn mới mẻ hoặc những cơ hội và nhiệm vụ khó khăn nặng nề có thể sẽ mang đến cho trẻ em cảm giác thoả mãn về tinh thần, từ đó có tác dụng hỗ trợ chúng phát triển theo bản năng sinh tồn của mình. Trong số giáo cụ của chúng tôi có một số tranh ảnh, trong đó các bạn nhỏ có thể thoải mái đi lại không cần phải sợ hãi gì giữa đàn bò và đàn dê đông đúc. Trong một số tranh ảnh khác, chúng được sàng đất và dùng chiếc xe đẩy nhỏ đi lại để bốc xếp và vận chuyển, hoặc là xếp từng bó cành cây to dưới gốc cây. Tạo dựng môi trường phù hợp như: nhà ấm, tưới nước cho thực vật thuỷ sinh, che lưới để bảo vệ hồ ao khỏi bị côn trùng phá hoại... đó đều là những việc mà người lớn chúng ta gần như không đủ khả năng làm, nhưng đó lại là những công việc mà trẻ em rất muốn thực hiện. VƯỜN HOA CỦA CHÚNG TÔI Trong môi trường mà trẻ em có thể tự do thể hiện nhu cầu của bản thân, chúng tôi đã quan sát và rút ra thêm một bước tiến nữa về kết luận đối với vấn đề này: vườn hoa hay mỗi một lĩnh vực nào đó đều có thể trở thành phạm vi hạn chế sự thoả mãn nhu cầu về tinh thần của trẻ em. Tuy nhiên, những quan điểm ngược lại với điều này lại cho rằng, tốt nhất là cho trẻ em một không gian phát triển vô hạn. Những tư tưởng này hoàn toàn chỉ đơn giản là chú trọng tập trung vào sự phát triển sinh lí của trẻ em, nhìn từ bên ngoài thì thấy có vẻ như đôi chân bé nhỏ của trẻ em di chuyển với tốc độ rất nhanh, dường như tiên báo cho việc cần phải hạn chế phạm vi hoạt động của trẻ. Nhưng, giả dụ như ta có lấy một đường chạy làm giới hạn cho không gian của trẻ đi nữa, chúng ta cũng sẽ phát hiện ra rằng, việc hạn chế như vậy còn nghiêm ngặt hơn nhiều so với tưởng tượng. Cho dù là trẻ được chơi trong một khu vực rộng lớn thì chúng cũng vẫn cứ thích được chơi đùa, chạy nhảy ở một góc nào đó, hoặc là trong một không gian chật hẹp nào đó. Tất cả mọi sinh mệnh trên đời này đều thích tìm cho mình một thế giới riêng và sẽ hoạt động trong phạm vi ranh giới của mình. Tiêu chuẩn hạn chế như vậy cũng được áp dụng vào đời sống tinh thần của trẻ em. Giữa dư thừa và thiếu thốn, nhất định sẽ có ranh giới, các sự vật khác cũng như vậy. Trẻ em chẳng thích thú với bất kì thứ gì kiểu như “cơ sở giáo dục”, bởi đối với chúng thì phạm vi luôn là quá nhỏ. Đây chỉ là một phần “tài sản” ít ỏi, đối với chúng mà nói là không đủ. Khi một đứa trẻ mong muốn được thoả mãn nhu cầu thì nó sẽ không quan tâm đến việc mình có tài sản gì, điều nó muốn chỉ là một cảm giác được thoả mãn. Nó cần quan tâm đến những sự việc mà bản thân nó có thể làm được, tìm hiểu những cây cối trong phạm vi kí ức của mình, có như vậy thì mới thực sự mở mang kiến thức cho mình. Đối với người lớn chúng ta cũng vậy, một khu vườn với đầy các loại cây cối và hoa tươi còn giấu bên trong bao điều chưa biết đến. Tuy rằng lá phổi của chúng ta có thể được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng dưỡng khí, nhưng tâm hồn thì lại không chịu ảnh hưởng bởi những thứ đó. Một vườn cảnh nho nhỏ không khiến chúng ta thoả mãn. Những cây cối trong vườn nhỏ bé không thể làm thoả mãn được nhu cầu của chúng ta. Vì vậy, cái nhu cầu tinh thần là mong muốn được giao hoà với thiên nhiên lại càng không thể được thoả mãn. Vậy là, giới hạn cần được thoả mãn nhu cầu về tinh thần của trẻ em là một cái sân đầy cây cối, mỗi một loại thực vật ở trong đó đều nhận được sự quan tâm yêu mến của chúng ta, hơn nữa còn có tác dụng hỗ trợ đối với việc thúc đẩy sự phát triển tự thân. Tiêu chí phạm vi hoạt động của trẻ em, đã khơi dậy sự quan tâm to lớn của mọi người. Rất nhiều quốc gia đang cố gắng bảo vệ quan điểm cho rằng, vườn hoa và nhu cầu nội tâm của trẻ em là một sự hoà hợp thống nhất. Hiện nay, kế hoạch xây dựng các khu vườn đã đi đôi với ý tưởng xây dựng “ngôi nhà trẻ thơ”. Chương 4 GIÁO DỤC VẬN ĐỘNG Phương pháp giáo dục kiểu mới của chúng ta không chỉ đưa ra phương thức phát triển hành vi cá nhân cho trẻ em mà còn trao hết quyền tự do cho trẻ em để chúng tự xử lí hành vi của mình. T “NGƯỜI ĐỎ” VÀ “NGƯỜI TRẮNG” ôi cho rằng cần phải làm rõ một chút đối với đội ngũ giáo viên, cụ thể là: có sự khác biệt giữa bộ phận phụ trách dinh dưỡng trong hệ thống cơ thể người và bộ phận liên kết chúng ta với môi trường sống. Bộ phận thứ nhất liên quan tới hệ thống tuần hoàn máu, còn bộ phận thứ hai lại liên quan đến hệ thống thần kinh. Hệ thần kinh bao gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh trung ương. Hệ thần kinh giao cảm kiểm soát chức năng của nội tạng và có mối quan hệ mật thiết với trạng thái cảm xúc. Còn hệ thần kinh trung ương – với vô vàn các dây thần kinh – thì thông qua các cơ quan cảm giác để kết nối được với thế giới bên ngoài bằng cách kiểm soát ý chí để chi phối hoạt động của cơ bắp. Sự xuất hiện của “Cảm xúc” và “Ý nguyện” đã cho ta thấy rằng, hệ thần kinh giao cảm vừa phục tùng lại vừa phụ thuộc vào hệ thống thần kinh trung ương. Bất cứ ai – khi quan tâm tới giáo dục – thì đều cần phải tỉ mỉ nghiên cứu mối quan hệ giữa hai “người” này. Vấn đề mà chúng ta cần quan tâm nhất hiện nay, đó là sử dụng phương thức ngắn gọn, đơn giản để tìm hiểu về hai hệ thống khác nhau này. Trong hai hệ thống đó có một là hệ tuần hoàn, lấy tim làm trung tâm, hệ thống này có các mao mạch vô cùng nhỏ, phân tán đến khắp các nơi trên bề mặt cơ thể. Hệ thống thứ hai là hệ thần kinh, lấy não làm trung tâm, các dây thần kinh vô cùng nhỏ bé của nó phân bố khắp nơi trên khắp cơ thể. Như chúng ta đều biết, mao mạch và các đầu dây thần kinh được phân bố ở khắp mọi nơi trên cơ thể con người. Nó cung cấp cho cơ thể tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu và duy trì quá trình vận chuyển máu tươi của các tổ chức cơ bản. Cho dù là ở bên trong hay bên ngoài, dù ở bất cứ một vị trí nào trên cơ thể, khi tiến hành thí nghiệm châm kim thì cũng đều có hiện tượng chảy máu và cảm giác đau, điều đó đủ giúp chúng ta hiểu rõ về phạm vi phân bố của mao mạch và hệ thống thần kinh trên khắp cơ thể. Nếu như chúng ta có thể dùng một biện pháp nào đó để lấy ra được hết toàn bộ hệ tuần hoàn trong cơ thể con người, thì cái “cơ thể sống” mới này, có thể gọi là “người đỏ”; cũng như vậy, nếu lấy ra được hết toàn bộ hệ thần kinh, thì cái “cơ thể sống” mới này được gọi là “người trắng”. “Người đỏ” sống mang tính thực vật. Người ta phát hiện ra rằng, phương thức liên tục tương hỗ lẫn nhau giữa các cơ quan trong “người đỏ” – nhằm hấp thụ được hết dinh dưỡng mà cơ thể đòi hỏi từ trong môi trường như thức ăn và không khí, đồng thời loại bỏ những tạp chất không cần thiết cho cơ thể – là không giống nhau. Mặt khác, “người trắng” lại liên quan đến các giác quan trên cơ thể người, đây là bộ phận tiếp nhận thông tin – kết quả của những quan sát và cảm nhận đến từ bên ngoài, đồng thời cũng thực hiện các hoạt động có liên quan đến hệ thống cơ bắp. Mặc dù cả hai “người” có những điểm khác nhau rõ rệt, nhưng chúng ta có thể căn cứ vào chức năng của chúng để phân chia một cách rõ ràng (một loại là hấp thụ vật chất cho cơ thể người, một loại thì ngược lại – làm việc vì tinh thần). Tuy vậy, giữa chúng lại tồn tại mối quan hệ nội tại, liên quan mật thiết lẫn nhau, nếu như thiếu sự hiệp đồng tác nghiệp, thì bất cứ một bộ phận nào trong đó cũng không thể thường xuyên phát huy được tác dụng. Chính nhờ nối liền với hệ thống thần kinh nên trái """