" Phù Thủy Sàn Chứng Khoán - Jack D. Schwager full prc pdf epub azw3 [Tài Chính] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Phù Thủy Sàn Chứng Khoán - Jack D. Schwager full prc pdf epub azw3 [Tài Chính] Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Tác phẩm kinh điển "phải đọc" đối với bất cứ ai đã, đang và sẽ quan tâm đến các giao dịch trên thị trường tài chính Lời nói đầu: Một khởi đầu đầy bất hạnh Stuart Walton - Trở về từ địa ngục Steve Watson - Quay số nhận tiền Dana Galante - Lội ngược dòng Mark D. Cook - Thu hoạch lợi nhuận từ S&P “Anh bạn thân” - Alphonse Fletcher Jr - Đầu tư hai bên cùng có lợi Ahmet Okumus - Từ Istanbul đến con bò phố Wall Mark Minervini - Chứng khoán 24 giờ/ngày Stuart Walton - Hệ thống giao dịch tối thượng Michael Masters - Bơi qua thị trường John Bender - Nghi ngờ cả những điều hiển nhiên David Shaw - Tính ưu việt của định lượng Steve Cohen - Phòng giao dịch Bác sỹ Ari Kiev - Tư duy của người chiến thắng Bài học của các phù thủy Phụ lục: Quyền chọn – Hiểu về các vấn đề cơ bản Lời cảm ơn TÁC PHẨM KINH ĐIỂN "PHẢI ĐỌC" ĐỐI VỚI BẤT CỨ AI ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ QUAN TÂM ĐẾN CÁC GIAO DỊCH TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH C uốn sách được thiết kế như một chuỗi những cuộc phỏng vấn liên tiếp các nhà giao dịch thành công và nổi tiếng nhất, với nhiều chi tiết nhất về câu chuyện thành công và những bí mật kinh nghiệm chuyên môn của họ. Ngoài ra, cuốn sách cũng không thể thiếu sự thật về sự nghiệp giao dịch của các nhà quản lý quỹ đầu tư vĩ đại nhất, các nhà giao dịch hàng đầu và các nhà đầu tư chứng khoán tư nhân: Từ Richard Dennis, huyền thoại của Sàn chứng khoán Chicago kiêm người sáng lập của Turtles; đến nhà vô địch giao dịch Martin “Buzzy” Schwartz; hay William O’Neil trứ danh, và cả Paul Tudor Jones, người đứng đầu quỹ đầu tư với lợi nhuận hằng năm trong 5 năm liên tục là 100%. Chúng tôi mượn trích lược một phần cuộc phỏng vấn chính tác giả Jack. D. Schwager về cuốn sách để giải đáp một phần thắc mắc của độc giả liên quan đến lý do khiến đa phần các nhà giao dịch thất bại, liệu họ (các độc giả) có thể học hỏi được gì từ các nhà giao dịch được phỏng vấn trong cuốn sách này và sự phù hợp của cuốn sách với thị trường chứng khoán ngày nay, vốn được coi là có rất nhiều biến động và thay đổi liên tục. Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi ấn bản đầu tiên của cuốn sách này được phát hành, ngày nay liệu những thông tin trong cuốn sách có còn hữu dụng? Chắc chắn rồi. Thị trường thay đổi và các kỹ thuật hoặc hệ thống từng hiệu quả nhất cũng thay đổi, nhưng các nguyên tắc cơ bản quan trọng dẫn đến thành công trong giao dịch vẫn được giữ nguyên. Và có một lý do chính đáng cho điều đó. Qua mọi giai đoạn, biến động giá thị trường phản ánh một sự kết hợp nào đó của các nguyên tắc cơ bản và hành vi con người. Vì bản chất con người không đổi, nên các mô hình hành vi cơ bản của thị trường cũng không đổi. Tôi tin rằng mỗi kết luận của tôi về các yếu tố quan trọng đối với thành công trong giao dịch ở phiên bản đầu tiên của cuốn sách này tới nay vẫn còn giá trị. Có lẽ minh chứng tốt nhất về sự hữu dụng của cuốn “Phù thủy sàn chứng khoán” trong thị trường ngày nay đó là rất nhiều vị quản lý tôi từng gặp - những người đọc phiên bản đầu tiên của cuốn sách này trong sự nghiệp của họ - đều cho rằng đây là cuốn sách “phải đọc” đối với các nhà giao dịch mới trong tổ chức của họ. Tại sao hầu hết các nhà giao dịch đều thất bại? Có nhiều lý do. Họ tìm kiếm những câu trả lời dễ dàng. Họ lắng nghe “các chuyên gia” và đuổi theo các mốt giao dịch thay vì nỗ lực để phát triển phương pháp của cá nhân họ. Họ tập trung gần như toàn lực vào việc xác định điểm vào giao dịch và tất cả mọi thứ ngoại trừ những câu hỏi quan trọng hơn về việc thoát khỏi vị thế và quản lý rủi ro. Họ lắng nghe những người khác. Đây là một vài lý do. Độc giả sẽ biết thêm về các lý do này trong cuốn sách. Cuộc phỏng vấn nhà giao dịch nào trong cuốn sách này được độc giả ưa thích nhất? Người đọc thường cho tôi biết về chương yêu thích của họ và chương đó cũng là chương giữ vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng giao dịch của chính họ. Điều thú vị là họ luôn luôn đề cập đến các nhà giao dịch khác nhau. Những độc giả khác nhau sẽ tìm thấy những điều quan trọng khác nhau trong cuốn sách này. Họ sẽ nhắc đến tên của các nhà giao dịch khác nhau. Tất cả đều truy về tầm quan trọng của việc tìm ra cách tiếp cận của riêng bạn trên thị trường. Mọi thông tin chi tiết về vô vàn những điều bí mật được bật mí bởi 15 nhà giao dịch chứng khoán hàng đầu nước Mỹ sẽ được đưa ra trong cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay. Alpha Books xin trân trọng giới thiệu đến độc giả! CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA Lời nói đầu MỘT KHỞI ĐẦU ĐẦY BẤT HẠNH Đ àn ông đến từ sao Hỏa, vì họ lỡ chuyến bay tới sao Kim. Vợ chồng tôi luôn có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về thời gian rời nhà ra sân bay; theo tôi: sát giờ một chút cho thú vị; theo vợ tôi: đến sớm một chút để đề phòng kẹt xe, xẹp lốp, có thời gian rảnh để mua sắm ở sân bay, hoặc ăn một bữa no trước chuyến bay. Trong nhiều năm, tôi luôn đến sân bay sát giờ bay mà chưa từng lỡ chuyến nào. Khoảng 18 tháng trước, tôi chuyển đến Martha’s Vineyard, tại đây tôi có thể ước tính chính xác thời gian di chuyển đến sân bay do lưu lượng xe cộ rất ít và sân bay rất nhỏ − kiểu giống như sân bay trong loạt chương trình truyền hình cũ, Wings, nhưng nhỏ hơn. (Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, người ta mới xây dựng sân bay mới.) Một sáng nọ, chỉ một vài tháng sau khi chúng tôi chuyển đến Martha’s Vineyard, vợ chồng tôi có lịch bay đến Boston. Tôi rất tự hào về khả năng dự đoán thời gian đến sân bay đúng giờ – chỉ khoảng 20 phút lái xe – vì thế chúng tôi rời nhà chỉ 30 phút trước giờ bay theo lịch trình. Nhưng quãng thời gian lái xe lại lâu hơn dự kiến do bị kẹt phía sau một người lái xe chậm chạp mà không thể xin vượt vì con đường chỉ có một làn xe duy nhất. Tôi nhận ra rằng thời gian còn lại quá eo hẹp. “Mình sẽ tới kịp mà em,” tôi trấn an vợ,“nhưng chúng ta sẽ không dư nhiều thời gian.” Cô ấy tỏ vẻ hoài nghi – một điều quá vô lý, tôi nghĩ. Chúng tôi đến lối vào sân bay chỉ cách giờ bay 10 phút. Mặc dù bãi đậu xe chỉ cách nhà ga một đoạn ngắn, nhưng tôi để Jo Ann xuống xe ở ngay lối vào nhà ga và nói rằng,“Hãy để họ biết chúng ta đã đến nhé.” Khi trở lại sau đó khoảng một phút, tôi thấy Jo Ann đứng ngoài chờ với vẻ mặt đầy lo lắng. Trong lòng rối bời khi thấy cô ấy đứng đó, tôi hỏi,“Sao thế em?” “Máy bay cất cánh rồi,” cô ấy nói với tôi với giọng điệu đầy thất vọng,“em đã nói rồi mà anh có chịu nghe đâu?” “Ý em là sao, máy bay cất cánh rồi hả?” Tôi vừa hỏi vừa liếc nhìn đồng hồ, mặc dù tôi biết chính xác thời gian. “Mới chỉ 10 giờ kém 8 phút mà.” Tôi lao vào nhà ga, vô cùng tức tối vì chiếc máy bay đã cất cánh trước thời gian dự kiến, bỏ lại hai vợ chồng tôi. “Tôi không thể hiểu được,” tôi lớn giọng nói với nhân viên quầy của hãng hàng không, sẵn sàng vào vai một khách hàng phiền muộn. Cô ta có lẽ chưa bao giờ tỏ ra dễ mến đến thế. “Máy bay của chúng tôi đã cất cánh ngay khi hành khách có mặt đông đủ. Chúng tôi không hề nhận được tin báo rằng ông bà sẽ đến trễ, nên chúng tôi cho rằng ông bà không đến. Giá mà ông gọi trước cho chúng tôi thì chúng tôi đã hoãn giờ bay.” Và bạn biết đấy, họ sẽ làm vậy; đó là cách làm việc tại Martha’s Vineyard. Sau lời giải thích đó thì tôi chỉ còn biết tự trách mình. Khoảng sáu tháng sau, khi bắt đầu quá trình phỏng vấn để viết cuốn sách này, tôi có lịch bắt chuyến bay đầu tiên trong hành trình phức tạp đưa tôi đến bốn tiểu bang trong bốn ngày để thực hiện sáu cuộc phỏng vấn. Lịch trình dày đặc nên sẽ không kịp thời gian nếu bị lỡ chuyến bay nào. Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi chắc chắn sẽ đến sân bay thật sớm để có nhiều thời gian dư dả. Trên đường chở tôi đến sân bay, Jo Ann nhận ra chiếc áo khoác màu xanh của tôi có một vết xước. Cô ấy khuyên tôi nên đến quầy lễ tân để xin băng dính dán lại vì chúng tôi đến sớm những 30 phút. Tôi bước vào lề đường và chào tạm biệt Jo Ann. Sau khi làm thủ tục check-in xong, tôi ngồi một lúc, và nghĩ rằng mình đủ thời gian để sửa sang lại cái áo khoác. Tôi đi đến quầy và xin ít băng dính. Có khoảng hơn chục người ở trong cái phòng chờ bé xíu. Một lát sau, có thông báo về chuyến bay của tôi: “Xin mời tốp thứ nhất lên máy bay, những hành khách có số ghế từ 1 đến 8.” Tôi lôi chiếc thẻ lên máy bay bằng nhựa màu đỏ, cỡ chiếc phong thư ra xem, thấy nó được đánh số 11. “Quái lạ nhỉ?” tôi nghĩ,“máy bay bé như cái kẹo mà cũng bày đặt chia làm 2 tốp, vẽ chuyện!” Tôi ngồi xuống và tiếp tục việc sửa áo khoác. Tôi tiếp tục ngồi ở đó lơ đãng, nhặt chỉ xước ở chiếc áo khoác một hồi. Đột nhiên, tôi sực nhớ và trở về thực tại. Hình như phải đến 5 hay 10 phút trôi qua kể từ khi họ gọi nhóm hành khách đầu tiên lên máy bay. Tôi nhìn xung quanh khu vực chờ và hốt hoảng vì phát hiện ra chẳng còn ai ở đó. Tôi bật dậy, chạy vội qua cánh cửa đến tận đường băng và nhìn thấy một chiếc máy bay nhỏ ở đó, với cái cánh quạt đáng ghét đang quay vù vù. “Chờ tôi với!” tôi la lên, vẫy tay điên cuồng về phía máy bay. Tôi thấy như hiển hiện trước mắt là cả cuộc hành trình bốn ngày, bốn tiểu bang và sáu cuộc phỏng vấn. Nhân viên an ninh của hãng đến chặn tôi lại. Tôi chìa tấm thẻ lên máy bay màu đỏ ra trước mặt họ. “Ông sẽ không đi đâu cả,” anh ta nói giọng chắc nịch. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng ý anh ta là đã quá muộn và tôi bị lỡ chuyến bay. Nhưng sau đó anh ta nói thêm,“5 phút nữa mới đến tốp của ông.” Lúc đó tôi mới biết rằng tại Martha’s Vineyard, từ “tốp” chỉ các máy bay khác nhau! Tôi len lén trở về chỗ ngồi của mình. Giây phút hoảng loạn đã qua, đầu óc đã bình tĩnh lại và tôi có thể nhận ra sự ngốc nghếch của mình. Lần cuối cùng tôi cảm thấy xấu hổ là lúc tôi hỏi một người bà con lâu ngày mới gặp là khi nào cô ấy sinh, sau đó mới biết rằng cô ấy đã sinh trước đó hai tháng, nhưng trông vẫn rất to béo. Có lẽ bạn sẽ nói: “Được rồi, được rồi. Câu chuyện khá thú vị đấy – có lẽ là thế – nhưng nó liên quan gì đến việc giao dịch hay đầu tư?” Đơn giản chỉ là thế này: Nếu bạn quá chăm chú vào việc nhặt bỏ sợi vải bị xước ở chiếc áo khoác của bạn, bạn sẽ dễ dàng bị lỡ chuyến bay. Nói cách khác, đừng để bị cuốn vào những tiểu tiết mà bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh. Dưới đây là một số ví dụ về sự thiển cận trong thị trường: Một nhà giao dịch nghiên cứu cẩn thận để cố gắng tìm ra các công ty công nghệ mới tiềm năng nhất, nhưng lại bỏ qua một dữ kiện rằng 70% yếu tố tăng giá trong lĩnh vực này suốt sáu tháng qua ngụ ý một môi trường đầu tư có mức độ rủi ro cao một cách bất thường. Một nhà giao dịch xem xét tỉ mỉ các báo cáo và báo cáo tài chính của một công ty, nhưng không phát hiện ra rằng lợi nhuận tăng vọt của công ty có được là nhờ một sản phẩm duy nhất mà doanh số bán sản phẩm này trong tương lai đang bị đe dọa vì các đối thủ cạnh tranh mới sắp bước vào thị trường. Một nhà giao dịch say sưa tìm kiếm các phương pháp tính toán thời điểm tham gia nhưng lại gần như bỏ qua những vấn đề quan trọng như: Nên thoát khỏi các vị thế1 khi nào và bằng cách nào? Kiểm soát rủi ro như thế nào? 1 Vị thế (position): Là số lượng cổ phiếu, hàng hóa hoặc tiền tệ mà một cá nhân, tổ chức, hay nhà giao dịch sở hữu (trường vị) hay vay mượn rồi bán lại (đoản vị). Một vị thế có thể sinh lợi nhuận hoặc không, tùy thuộc vào các diễn biến trên thị trường. Tất cả những ví dụ này đều chứa đựng cùng một thông điệp cơ bản: Duy trì một cái nhìn toàn cảnh. Tập trung vào toàn bộ thị trường và nhóm ngành, chứ không phải chỉ một cổ phiếu riêng lẻ. Hãy chú ý đến các yếu tố chất lượng chứ không chỉ tập trung vào các thông tin định lượng có sẵn. Xây dựng một kế hoạch giao dịch bao gồm mọi phương diện về giao dịch chứ không chỉ là chiến lược thâm nhập thị trường. STUART WALTON - TRỞ VỀ TỪ ĐỊA NGỤC V ào tháng Sáu năm 1999, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, sau 8 năm gây dựng một trong những thành tích giao dịch chứng khoán xuất sắc nhất trong thập niên 1990 cùng với số tiền thuộc quyền quản lý lên tới 150 triệu đô-la, Stuart Walton trả lại toàn bộ số tiền cho các nhà đầu tư và rời bỏ hoàn toàn công việc giao dịch. Cuộc hôn nhân tan vỡ kéo theo những tổn thương về mặt tâm lý khiến ông không thể tập trung vào giao dịch, và ông cảm thấy thật sai lầm khi tiếp tục quản lý tiền bạc trong tình cảnh như thế, vì thế ông muốn chờ đến khi bản thân lại có thể dành “toàn tâm, toàn trí” cho công việc. Trong 8 năm trước đó, ông đã kiếm được mức lợi nhuận kép đáng kinh ngạc, trung bình đạt mức 115% hằng năm từ việc giao dịch (92% cho khách hàng sau khi trừ chi phí quản lý), với lợi nhuận từ 63- 274% mỗi năm (trừ một phần của năm 1999). Sự nghiệp giao dịch của Stuart Walton là một chuỗi các mâu thuẫn và nghịch lý. Trước kia ông muốn trở thành nghệ sĩ hoặc một nhà văn, nhưng rồi lại trở thành một nhà giao dịch. Mặc dù ông coi trọng học thuật và coi thường thế giới tài chính, nhưng cái nghiệp của ông lại gắn với thị trường. Ông đã từng ghét cay đắng hoạt động giao dịch đến nỗi một sáng khi thức dậy, ông cảm thấy rằng mình không thể tiếp tục làm việc này thêm nữa và bỏ việc ngay buổi sáng hôm đó; vậy mà vài năm sau, các thị trường trở thành nơi ông dành trọn công sức và cả niềm đam mê. Ông đặt những bước chân non nớt đầu tiên vào cuộc phiêu lưu chứng khoán và gần như bị phá sản, nhưng sau đó thuần thục dần lên đến mức mỗi năm số tiền của ông lại được nhân đôi. Tôi đến thăm Walton, một người Canada sống xa xứ, tại văn phòng của ông ở trung tâm thành phố San Francisco. Tôi phát hiện ra rằng, dù đang quản lý một khoản tiền lên đến 9 con số, nhưng ông không có trợ lý giao dịch, không có nhân viên hành chính, không có nhân viên tiếp thị, không có lập trình viên, thậm chí không có cả một thư ký toàn thời gian. Công ty của Stuart, Reindeer Capital, chỉ có một mình ông. Tuy nhiên sự đơn độc của ông là có chủ ý. Sau khi thường xuyên mắc sai lầm vì nghe theo đủ loại lời khuyên và ý kiến, ông đã nhận ra tầm quan trọng của việc không để bị ảnh hưởng bởi những người khác trong khi giao dịch. Walton rất dễ chịu và thoải mái. Chúng tôi đã nói chuyện suốt năm giờ liền không dứt. Thời gian như trôi qua thật mau. *** Tên công ty ông có ý nghĩa gì đặc biệt không hay chỉ đơn giản vì ông thích tuần lộc2? 2 Tên công ty của Stuart Walton là Reindeer Capital, tức là Quỹ Tuần lộc. (ND) Công ty được đặt theo tên ông cố của tôi, William Gladstone Walton, với biệt danh “Reindeer” do đã tổ chức và dẫn dắt một cuộc di cư nổi tiếng. Phần lớn những gì tôi biết về ông cố đều qua lời kể của ông nội, ông ấy đã qua đời năm ngoái ở tuổi 100, suýt nữa ông đã làm nên kỳ tích sống trong ba thế kỷ liên tiếp. Năm 1892, ở tuổi 23, Reindeer Walton đã rời nước Anh để trở thành một nhà truyền giáo ở miền bắc Canada. Hằng năm ông thường đi cả hơn 2.000 dặm bằng ca nô và xe chó kéo để thăm hỏi những người da đỏ và người Eskimo sống ở vùng Bắc Cực xa xôi. Thế rồi một năm nọ, có một trận cháy rừng rất lớn quét qua phía bắc Quebec, giết chết hầu hết các loài động thực vật của khu vực, khiến những cư dân bản địa nằm trên bờ vực của nạn đói. Reindeer Walton đã nảy ra ý tưởng lùa giống tuần lộc Siberi, còn được gọi là caribou, từ Alaska đến phía bắc Quebec. Bằng sự kiên trì hiếm có, ông thuyết phục được chính phủ Canada tài trợ cho chuyến di cư do ông tổ chức và dẫn dắt. Ông phải mất năm năm, từ năm 1921 đến năm 1925, để đưa khoảng 3.000 con tuần lộc đến khắp miền bắc Canada. Tuần lộc không giống như những loại gia súc khác, chúng chỉ di chuyển khi chúng muốn, và đi theo các hướng khác nhau. Làm thế nào mà ông ấy quy tụ được chúng thành đàn? Tuần lộc sẽ đi theo đường có thức ăn. Ông phải dự đoán rất nhiều việc để chọn đúng đường. Ông đã thành công khi di chuyển được ba phần tư đàn, số còn lại bị chết hoặc thất lạc. Cuộc di cư của ông đã vĩnh viễn thay đổi phương thức di cư giống tuần lộc Siberi. Số tuần lộc được di cư đã sống sót và phát triển mạnh mẽ ở miền bắc Quebec, và ông đã trở thành người hùng trong vùng. Cái tên liệu có mang ý nghĩa biểu tượng cho tôn chỉ nào không hay nó chỉ để tôn vinh cố của ông? Tôi muốn nói với mọi người rằng ông cố của tôi đã đem lại nhiều giá trị cho xã hội hơn là tôi có thể. Ông tham gia thị trường lần đầu tiên khi nào? Ngay sau khi tôi tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học McGill. Lúc đầu tôi muốn trở thành một họa sĩ truyện tranh. Một họa sĩ truyện tranh với tấm bằng Quản trị Kinh doanh? Ông định trở thành họa sĩ truyện tranh về kinh doanh đầu tiên của thế giới chăng? Không, tham vọng vẽ tranh xuất hiện từ trước đó. Khi tốt nghiệp đại học, tôi rất muốn trở thành một họa sĩ truyện tranh. Tôi đã ngồi nói chuyện với thầy trưởng khoa nghệ thuật, và thầy bảo tôi: “Nếu cậu cảm thấy mình có thể vẽ và miêu tả cơ thể con người ngang ngửa với các bậc thầy trong lịch sử nghệ thuật, sau đó cậu sẵn sàng kiếm năm đô-la mỗi giờ từ việc vẽ truyện tranh, thì đây chắc chắn là con đường sự nghiệp dành cho cậu.” Lời nói của thầy đã tạt một gáo nước lạnh vào kế hoạch của tôi. Tôi cũng đã từng viết lách lúc học đại học, và một vài truyện ngắn của tôi đã được đăng. Thế là tôi nghĩ làm phóng viên có thể là một lựa chọn tốt vì nó cho phép tôi được sáng tạo. Các sở thích của ông có vẻ mang đậm tính nghệ thuật. Tại sao ông lại học Quản trị Kinh doanh? Bởi ý định làm báo cũng tiêu tan, và tôi quyết định mình cần phải kiếm sống. Điều gì xảy ra với ước mơ làm báo của ông vậy? Tôi đã nộp đơn vào một số trường báo. Mùa hè năm đó, khi đến thăm bố mẹ tôi lúc ấy đang ở Brazil, tôi nhận được một cuộc gọi từ chối từ Đại học Carleton, vốn là lựa chọn đầu tiên của tôi trong số các trường báo chí. Khi ấy tôi đang tham gia một bữa tiệc. Tôi đã uống quá nhiều caipirinhas, thứ rượu rum pha chế của Brazil, nhưng tôi vẫn tự nhủ với bản thân rằng,“Có lẽ đây là một trong những ngã tư khác trong cuộc đời mình.” Vì vậy, tôi quyết định từ bỏ ý tưởng trở thành một nhà báo. Tôi cho rằng tôi không quá tha thiết với nó đến mức phải cố theo đuổi nó. Bây giờ nhìn lại, ông có thấy rằng lời từ chối của trường báo nọ là một điều may mắn đối với ông không? Tôi thấy đó là một điều vô cùng may mắn. Cha tôi luôn nói rằng tôi phải phân định rõ sở thích và sự nghiệp. Tôi nghĩ ông đã đúng. Mẹ tôi gần đây đã hỏi tôi rằng liệu tôi có cảm thấy hối tiếc vì không theo đuổi bất cứ sở thích nào trong những sở thích này không. Lúc đầu, tôi nói rằng không, bởi tôi đang đắm mình trong thành công có được từ công việc kinh doanh, nhưng mỗi ngày trôi qua, tôi lại thấy hối tiếc hơn. Cuối cùng, tôi nhận ra bản thân mình muốn quay trở lại. Quay trở lại để vẽ hay để viết? Có lẽ là cả hai, hoặc không gì cả. Tôi luôn luôn nghĩ rằng cách tốt nhất để kết hợp cả hai sở thích vẽ và viết của tôi chính là các bộ phim, cụ thể là những bộ phim ngắn. Tôi đã có rất nhiều ý tưởng rồi, nhưng không ý tưởng nào có thể thương mại hóa được, những bộ phim có lẽ sẽ có khách hàng trực tiếp là ba người trên thế giới này. Ông đã từng làm bộ phim nào chưa? Chưa, tôi sẽ phải tham gia một khóa học về phim ảnh chỉ để biết cách sử dụng máy quay phim. Ông có đang nghĩ đến việc ngừng giao dịch để theo đuổi những thú vui khác? Tôi thực sự ngưỡng mộ những người làm được những gì họ muốn và không quan tâm đến bất cứ chuyện gì khác. Tôi có một người bạn đại học, anh ấy quyết tâm trở thành ngôi sao nhạc Rock&Roll. Anh ấy đã thành lập ban nhạc The Cowboy Junkies. Mặc dù khi vào đại học, ngay cả guitar anh ấy còn không biết chơi, vậy mà bây giờ các buổi biểu diễn của anh ấy đều bán sạch vé. Nhưng tôi tự biết mình. Tôi thích cuộc sống tiện nghi, và đối với tôi việc giao dịch trên thị trường chứng khoán là cách tốt nhất để có được điều đó. Mặc dù, cuối cùng, có thể tôi sẽ theo đuổi một số thú vui, nhưng có lẽ chưa phải lúc này. Chuyện gì xảy ra sau khi ông bị trường báo chí từ chối? Tôi quyết định học Quản trị Kinh doanh vì tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để kiếm được việc làm. Ông có nghĩ đến những việc ông có thể làm với tấm bằng Quản trị Kinh doanh không? Tôi định dấn thân vào ngành quảng cáo bởi đó là công việc có thể thỏa mãn trí sáng tạo trong tôi. Nhưng tôi lại chưa bao giờ có cơ hội. Khi tôi tốt nghiệp, nền kinh tế Canada gặp phải khủng hoảng. Chỉ có hai công việc được mời chào ở trường. Một là vị trí thực tập quản lý tại ngân hàng Lloyds. Tôi thích công việc này vì địa điểm: ở New York hoặc ở London. Tôi nghĩ rằng được làm việc tại một trong hai thành phố này quả thật tuyệt. Tôi nộp đơn và được nhận vào làm. Họ cử tôi tham gia một chương trình đào tạo tại New York. Tôi đã dành phần lớn thời gian trong chương trình đào tạo tại phòng giao dịch ngoại hối, đó là một điều may mắn vì họ muốn đào tạo tôi trở thành một nhân viên tín dụng và để tôi quay về Canada. Vậy là ông đã tình cờ bước chân vào môi trường giao dịch như thế? Đó là lý do tại sao tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể làm công việc này. Tôi không nghĩ rằng người ta phải có năng khiếu bẩm sinh mới làm được. Tôi quả thật không biết điều đó. Nhưng tôi có thể đảm bảo với ông rằng, trong số hàng trăm ngàn người đã thử giao dịch, thì có rất ít người có thể đạt được thành tích, dù là thành tích kém xa ông. Công việc của ông tại bàn ngoại hối là gì? Tôi chỉ làm việc vặt ấy mà. Tôi nhận các lệnh của khách hàng và làm vài việc khác. Tôi phải đến làm việc vào lúc ba rưỡi sáng – quả là một điều quá tàn nhẫn đối với một chàng trai độc thân sống ở New York – để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho các nhà giao dịch. Tôi cắt những bài báo và sửa soạn sẵn sàng các phiếu ghi lệnh3 cho họ. Quả là công việc chạy vặt đáng quý! 3 Phiếu ghi lệnh (order ticket): Là bản kê khai đăng ký các lệnh, tức chỉ dẫn của khách hàng, liên quan đến việc thu xếp một thỏa thuận mua hoặc bán. Vào thời điểm đó, ông có quan tâm chút nào đến các thị trường tài chính không? Không hề. Tôi vẫn còn đắm chìm trong chủ nghĩa lý tưởng của cuộc sống học thuật trước đây. Tôi coi thường tấm bằng Quản trị Kinh doanh. Suy nghĩ của tôi lúc đó là: “Chuyện quái gì xảy ra với tất cả những kiến thức mà tôi đã học được vậy? Liệu chúng có bị gạt sang một bên trong suốt phần đời còn lại của tôi không?” Công việc ở bộ phận ngoại hối chẳng giúp ích được gì. Có chăng là nó khiến tôi thấy chán nản với công việc giao dịch vì những va chạm hằng ngày. Công việc này là bước đầu làm quen của tôi với người Mỹ, trước kia xung quanh tôi toàn người Canada. Người Canada thoải mái hơn, họ quan tâm nhiều đến phép tắc xã giao hơn là đi thẳng vào vấn đề hay truyền đạt ý tưởng của họ đến người khác. Có những nhà giao dịch lúc nào cũng sẵn sàng quát vào mặt tôi mà tôi thậm chí còn không hiểu tại sao. Có lẽ là vì họ cần ai đó để trút giận khi vị thế của họ tệ đi, hoặc có thể vì tôi không làm việc nhanh đủ khiến họ hài lòng. Thế là tối nào tôi cũng trở về nhà với tâm trạng buồn bực vì có ai đó đã hét vào mặt mình. Ông làm công việc đó được bao lâu? Khoảng sáu tháng. Tôi nghỉ vì nghe đồn rằng họ sắp chuyển tôi tới Toronto. Lúc đó, tôi thích sống ở New York, vì cũng vừa gặp vợ tương lai của tôi nên tôi không muốn xa cô ấy. Vì vậy, tôi đã chấp nhận một công việc tại chi nhánh New York của một công ty Canada, Wood Gundy. Điểm hấp dẫn ở công việc mới đó là họ làm thẻ xanh cho tôi. Thế là tôi đã được ở lại Mỹ theo diện thị thực tạm thời. Vậy công việc của ông ở đó là gì? Còn tệ hơn cả chạy việc vặt. Tôi đã trải qua chương trình đào tạo của Wood Gundy và được phân về phòng cổ phiếu doanh nghiệp. Tôi chỉ là người nhận lệnh, công việc rất nhàm chán. Khách hàng đưa ra quyết định, người môi giới tại sàn thực hiện giao dịch. Tôi chỉ là một người trung gian. Tôi thấy buồn cười khi các nhà môi giới bán cổ phần của doanh nghiệp tự gọi mình là nhà giao dịch. Bọn họ không phải là nhà giao dịch mà chỉ là những kẻ nhận lệnh mua bán. Chẳng ai trong bọn họ mở vị thế cho công ty hay bằng tiền túi của mình cả. Vào thời điểm đó, tôi bắt đầu thực hiện giao dịch đầu tiên bằng tài khoản riêng của mình. Bạn gái tôi, người sau này trở thành vợ tôi, lúc ấy làm việc cho Liz Claiborne. Cô ấy luôn nói với tôi rằng công ty cô ấy làm ăn rất khá: “Em thậm chí không cần phải gọi cho khách hàng mà họ tự gọi đến cho em.” Vì tôi không có tiền để đầu tư, nên tôi đã gọi cho bố tôi để hỏi vay. “Bố,” tôi nói,“con có một ý tưởng rất tuyệt, bố chỉ cần cho con mượn một số tiền thôi.” Ông đã cho tôi mượn 10.000 đô-la, và tôi đổ tất vào mua cổ phiếu Liz Claiborne. Cổ phiếu này nhanh chóng tăng lên ba điểm, và tôi có lãi ngay. Nhưng điều tồi tệ nhất mà một nhà giao dịch mới vào nghề có thể làm là thành công ngay từ giao dịch đầu tiên. Trong vòng ba tuần sau đó, tôi đã mất đi không chỉ tất cả số tiền lời kiếm được từ việc mua bán cổ phiếu Liz Claiborne, mà còn mất luôn cả khoản tiền vay của bố. Ông đã làm gì mà ra nông nỗi ấy? Tôi đã quá vui mừng với thành quả của giao dịch đầu tiên, vì thế tôi bắt đầu lắng nghe tất cả các loại mánh khóe và tin đồn. Anh chàng giao cà phê sáng cho tôi cũng có thể thì thầm vào tai tôi về một cổ phiếu ất ơ nào đó và tôi sẽ mua nó. Tôi nướng sạch tiền trong ba tuần và phải mất 5 năm tích lũy từng đồng mới có tiền trả lại bố tôi. Vậy bố ông phản ứng thế nào khi ông nói rằng ông đã mất sạch tiền? “Ừ, bố biết chuyện rồi sẽ thành ra thế này,” ông nói,“nhưng bố tôn trọng việc con có ý tưởng và muốn theo đuổi nó.” Trớ trêu thay, cổ phiếu của Liz Claiborne, mà lúc đầu tôi đã mượn tiền của bố để đầu tư, tiếp tục tăng giá, gấp 5 lần trong vòng một năm. Kinh nghiệm giao dịch tiếp theo của ông là gì? Phòng cổ phiếu của Wood Gundy là một phiên bản khác của lối hành xử quát tháo ở New York. Một lần nữa, tôi thấy mình dính vào một công việc mà tại đây tôi liên tục bị các đồng nghiệp hét vào mặt. Đó là công việc hằng ngày, nhưng tôi ghét điều đó. Khi nhìn sang phía bên kia phòng, khu giao dịch trái phiếu, tôi thấy mọi người đều im lặng. Họ không hề quát nhau và rất ư lịch sự, khiến tôi cảm thấy thích thú. Thế là tôi xin chuyển sang bộ phận giao dịch trái phiếu. Vào thời điểm đó, Wood Gundy đang nỗ lực trở thành một hãng kinh doanh chứng khoán4 lớn trên thị trường trái phiếu Mỹ, và họ đã thu thập được một nhóm các chuyên gia giao dịch. Nhưng họ chỉ là những kẻ ba hoa. Những khoản lỗ lớn xuất hiện khắp nơi. Có người còn giấu phiếu ghi lệnh vì sợ người khác biết mình bị lỗ. Cuối cùng gần như tất cả nhóm này bị sa thải, chỉ còn tôi và một vài người khác. 4 Dealer: Là cá nhân hoặc tổ chức tham gia mua bán chứng khoán cho chính mình (có thể thông qua nhà môi giới hoặc trực tiếp). Nhà kinh doanh chứng khoán khác nhà giao dịch ở chỗ mua bán chứng khoán là một phần trong hoạt động thường xuyên của họ, trong khi nhà giao dịch cũng mua bán chứng khoán cho chính mình nhưng đó không phải là một hoạt động kinh doanh thường nhật. Ở bộ phận trái phiếu ông có thấy vui hơn không? Tôi có cảm giác lẫn lộn. Nhưng phải vui hơn vì đã tránh xa được đám người hay thét lác. Ngoài ra, bộ phận trái phiếu rất sôi động vì khối lượng giao dịch rất lớn so với bộ phận cổ phiếu. Tôi thích thú với ý nghĩ rằng tôi có thể kiếm được hoặc mất nhiều gấp 5 lần so với 20 người ở bộ phận cổ phiếu gộp lại. Nhưng tôi không muốn phụ trách giao dịch các trái phiếu thanh khoản thấp, hầu hết trong số đó là trái phiếu nước ngoài. Người bên Nhật thường gọi cho tôi vào khoảng 2-3 giờ sáng, và tôi sẽ phải bán hoặc chào giá một lượng lớn trái phiếu kém thanh khoản trong khi chẳng biết thị trường như thế nào. Rồi bởi tôi đang buồn ngủ nữa nên còn có thể báo giá sai. Nếu bạn báo giá sai cho họ khoảng 100 điểm cơ bản, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó và bạn có thể tổn thất cả triệu đô-la vì họ vẫn khăng khăng cho rằng giao dịch đó là hợp lệ. Chuyện đó đã bao giờ xảy ra với ông chưa? Rồi chứ! Ông đã phạm lỗi và mất 1 triệu đô-la? À, chưa đến mức đó, mới chỉ 300.000 đô-la thôi. Chỉ vì ông đã báo giá sai. Lúc đó tôi buồn ngủ quá. Tôi cứ nghĩ rằng mức sinh lợi là 9,5% trong khi thật ra là 10,5%. Thực hiện giao dịch dựa trên báo giá lỗi có được xem là điều bình thường không, thưa ông? Ở Bắc Mỹ thì chắc chắn là không, và tôi ngờ rằng chuyện này bây giờ cũng không được coi là bình thường ở Nhật Bản nữa. Ông cân đối các giao dịch của mình thế nào? Tôi làm việc đó rất tốt và được đề bạt làm Phó Chủ tịch trẻ nhất tại Wood Gundy. Các quyết định mua và bán của ông được đưa ra dựa trên cơ sở nào? Tôi chẳng có phương pháp luận nào hết. Tôi gần như đã đi đến chỗ nghĩ rằng thị trường là ngẫu nhiên. Nhưng ông kiếm được tiền, nên hẳn là ông phải hành động đúng. Phải chăng vấn đề chỉ nằm ở trực giác? Tất cả các giao dịch tôi tiến hành đều liên quan đến trực giác. Nhưng vào giai đoạn đó, tôi nghĩ rằng tôi ăn may nhờ có một thị trường trái phiếu theo chiều giá lên5, và trực giác của tôi đủ nhạy bén giữ tôi khỏi bán khống6 phần lớn trái phiếu. Trong năm làm ăn khấm khá nhất, tôi kiếm được khoảng 700.000 đô-la cho phòng, nhưng chẳng đáng là bao, vì phải chia số tiền đó cho nhiều người khác nữa. 5 Thị trường theo chiều giá lên (bull market): Là dạng thị trường tài chính trong đó các loại chứng khoán tăng nhanh hơn mức bình quân trong lịch sử của chúng trong một thời gian tương đối dài với lượng mua bán lớn. 6 Bán khống (short selling): Là bán một loại chứng khoán mà người bán không sở hữu hoặc đi vay mượn. Bán khống xuất hiện khi người bán tin rằng giá của chứng khoán sẽ giảm, do đó có thể được mua lại với giá rẻ hơn để kiếm lợi nhuận. Một lần, lúc đang ngồi uống với sếp, tôi nói với ông ấy rằng: “Chúng ta thật ra không giao dịch các trái phiếu này, mà chúng ta đang đầu tư, giống như một trong các khách hàng của chúng ta vậy. Mà nếu đúng là vậy, thì thà đầu tư vào những cái khác còn hơn.” “Cậu đừng cầm đèn chạy trước ô tô,” ông ấy nói. “Thôi, cứ vậy đi.” Chính vào thời điểm đó, tức sau 3 năm làm việc, tôi bắt đầu mệt mỏi. Tôi đã đóng góp hết sức mình vì tôi hào hứng với việc chịu trách nhiệm giao dịch với một đống tiền lớn như vậy. Vào thời điểm đó, ông đã có niềm đam mê đối với giao dịch chưa? Rồi, tôi biết đó là điều mà mình yêu thích. Tôi thích ý tưởng rằng tôi đấu với thị trường. Tôi chỉ không quan tâm đến các thị trường tôi giao dịch. Một trong những nỗi thất vọng lớn nhất đó là những trái phiếu mà chúng tôi đang giao dịch lúc đó tại New York có tính thanh khoản quá kém. Tôi quyết định chuyển tới trụ sở chính của Wood Gundy ở Toronto vì ở đó tôi có thể giao dịch trái phiếu chính phủ Canada, vốn có tính thanh khoản tốt hơn nhiều. Lúc đầu, tôi đã rất vui vì được ở trụ sở chính và giao dịch ở các thị trường trái phiếu có tính thanh khoản cao, công việc rất sôi động. Tuy nhiên, sáu tháng sau, tôi nhận ra rằng tôi không muốn làm việc tại Canada. Đó là một môi trường khép kín như một câu lạc bộ miền quê, nơi thành công liên quan nhiều đến chính trị hơn là đến năng lực của bạn. Lúc này tôi cũng bắt đầu chán nản với các loại trái phiếu và lãi suất. Tại sao vậy? Bởi nó giống như hàng hóa. Tại các cuộc họp đầu giờ sáng của chúng tôi, một câu hỏi thường xuyên xuất hiện là: “Điều gì sẽ xảy ra hôm nay?” Tất cả những người tham dự sẽ đọc một bài diễn văn đưa ra lý do mà họ nghĩ rằng thị trường sẽ đi lên hoặc xuống. Họ sẽ nói về ảnh hưởng của biến động tỷ giá, chính sách tài khóa và tiền tệ, xu thế của lãi suất tại Mỹ và các nước khác, v. v… Đến lượt tôi, tôi chỉ nói,“Tôi cho rằng thị trường sẽ xuống trong hôm nay.” Khi họ hỏi tại sao, tôi trả lời,“Tại hôm qua nó đã lên rồi.” Họ cũng không biết tôi nói thật hay đùa. Tôi đã đi đến chỗ tin tưởng rằng thị trường hoạt động hiệu quả đến mức nếu thị trường tăng lên vào một hôm nào đó, thì có khả năng nó sẽ đi xuống vào hôm sau. Một buổi sáng nọ, tôi thức dậy và nhận ra rằng tôi không còn muốn bận tâm về lãi suất một lần nào nữa trong suốt phần đời còn lại. Tôi đến cơ quan và xin nghỉ việc, mặc dù tôi chỉ mới chuyển đến Canada 7 tháng trước đó. Mọi người ở đó không thể tin nổi. Ông bỏ việc ngay cả khi ông chưa kiếm được việc khác? Đúng thế, tôi không thể chịu đựng được nữa. Điều trớ trêu là cùng ngày hôm đó vợ tôi cũng gọi cho tôi để thông báo rằng cô ấy đã nghỉ việc, và tôi chưa hề nói cho cô ấy biết ý định bỏ việc của mình. Tôi biết cô ấy không hài lòng với công việc, nhưng tôi không nghĩ là đến mức phải nghỉ. Rõ thật hay ho chúng tôi đều tự quyết định nghỉ việc trong cùng một ngày. Thế rồi chúng tôi quyết định hoãn kiếm việc mới để có thể dành 6 tháng đi du lịch khắp nước Mỹ, từ khu trượt tuyết này đến khu trượt tuyết khác. Khi đến Lake Tahoe, chúng tôi đi luôn đến San Francisco. Chúng tôi yêu thành phố này và quyết định chuyển tới đây. Khi trở về Toronto sau chuyến du lịch, chúng tôi muốn tới thăm lại San Francisco trước khi chuyển tới sống ở đó, để chắc chắn rằng chúng tôi vẫn thích nó như trước. Khi đến nơi, chúng tôi tìm việc làm, và cả hai vợ chồng tôi đều kiếm được việc ngay. Thậm chí chúng tôi còn tìm thấy một ngôi nhà ưng ý và đã cố mua được. Chúng tôi nghĩ thế là ổn. Chúng tôi bay trở lại Toronto, thuê một chiếc xe tải, và chuyển tất cả đồ đạc đến San Francisco. Nhưng khi đến đó, chúng tôi phát hiện ra cả hai công việc đều thất bại. Công việc ông tưởng rằng mình nhận được khi đó là gì? Tôi phỏng vấn xin vào một hãng đầu tư mạo hiểm nhỏ. Người phỏng vấn tôi cũng tốt nghiệp Đại học McGill. Ông có nghĩ đó là một lợi thế? Vâng, ông ấy rất nhiệt tình. “Ồ! Chắc chắn chúng tôi có thể nhận anh. Anh về chờ đi, và chúng tôi sẽ thu xếp.” Khi đến San Francisco, tôi gọi cho ông ấy nhiều lần nhưng ông ấy không bắt máy. Đến khi cuối cùng cũng gặp được thì ông ấy bảo rằng: “Ồ, trong năm nay chúng tôi không có kế hoạch tuyển thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.” Thật hoàn toàn ngược lại với những gì ông ấy đã nói với tôi trước đây. Tôi đã phải lấy khoản tiền tiết kiệm để trả tiền thế chấp cho ngôi nhà, vì vậy chúng tôi gần như rỗng túi. Thoạt tiên, chúng tôi không lo lắng vì chúng tôi nghĩ sẽ kiếm được việc trong một hoặc hai tháng sau đó. Thế nhưng tháng này qua tháng khác, cả hai chúng tôi vẫn chưa có việc làm. Tôi không thể tin được. Và rồi tôi bắt đầu nốc loại bia rẻ tiền và thức rất khuya. Có phải ông bị trầm cảm không? Không, tôi không phải là loại người đó. Mà vì tôi quá căng thẳng với việc mỗi sáng thức dậy, tôi lại phải lang thang khắp nơi để tìm việc. Tôi không thể tin rằng sau khi đã có một sự nghiệp thành công ở New York, tôi lại chẳng thể kiếm được việc gì ở đây. Tôi chán nản đến nỗi còn đến cả các công ty bảo hiểm để xin phỏng vấn cho vị trí nhân viên bán hàng. Ông nói như thể ông rất ghét việc đó vậy. Tất nhiên rồi, nhưng tôi nản quá. Tôi đã có thể sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Tôi cần tiền để tiền đặt cọc mua nhà, và tôi không muốn cầu xin sự giúp đỡ của gia đình. Trong thời gian khó khăn đó thái độ của vợ ông như thế nào? Cô ấy khá lạc quan. Cô ấy cảm thấy chúng tôi sẽ làm được điều gì đó. Vợ chồng ông hết sạch tiền ư? Đúng thế. Thế rồi sau sáu tháng đến đây, vợ tôi kiếm được công việc đầu tiên, vị trí nhân viên bán lẻ tại J. Crew, đó là một bước thụt lùi đối với cô ấy vì vợ tôi từng là trưởng phòng thương mại ở Liz Claiborne. Nhưng cô ấy cũng rơi vào hoàn cảnh phải chấp nhận gần như bất kỳ công việc gì. Tháng đó chúng tôi vừa hết tiền, và cô ấy đã sử dụng tiền lương tháng đầu tiên của mình để trả tiền đặt cọc. Ông có hoảng sợ trước khi vợ ông kiếm được việc làm mới vào phút cuối không? Tôi mất hết hy vọng và trở nên bất cần. Họ có thể lấy ngôi nhà nhưng tôi chẳng quan tâm vì lúc đó tôi quẫn trí quá rồi. Đó là lần đầu tiên biết mùi San Francisco. Họ không cần biết bạn đến từ New York, Los Angeles hay London. Đây không phải là một thành phố lưu trú ngắn ngày như New York hay Los Angeles, nơi mà người từ các thành phố khác đến cũng có thể dễ dàng kiếm được một công việc. San Francisco có tính cộng đồng hơn. Mọi người muốn thấy rằng bạn phải sống ở đó một thời gian. Bây giờ tôi thực sự đánh giá cao đặc tính đó của thành phố này, nhưng vào thời điểm đó tôi rất bất mãn. Ý ông là những việc ông nộp đơn xin làm chỉ dành cho người dân địa phương? Đúng vậy, mặc dù cũng chẳng có nhiều việc. Tôi không thể tin được rằng tôi đã từ vị trí uy tín xuống ngưỡng suýt phải đi làm việc tại Starbucks. Tôi đã đến thư viện để lục tìm trong hệ thống lưu trữ mọi công ty nghe có vẻ liên quan đến tài chính và gửi hồ sơ xin việc. Cuối cùng, đã có một người quan tâm đến hồ sơ của tôi gọi đến. “Tôi không có việc cho anh,” ông ta nói,“nhưng tôi có một người bạn mà tôi cho là có thể quan tâm đến anh.” Những điểm nào trong hồ sơ của ông đã hấp dẫn ông ấy? Ông ấy thích sự đa dạng – sự kết hợp giữa các công việc tài chính và những thú vui nghệ thuật. Trước khi ông nhận được lời đề nghị công việc này, tôi nghĩ lúc đó hẳn là thời điểm vô cùng khó khăn trong cuộc đời ông. Không, thời điểm khó khăn xuất hiện sau đó. Người nhận được hồ sơ của tôi đã thuyết phục bạn mình, người đang phụ trách đơn vị bán hàng và giao dịch cho một công ty môi giới địa phương có tên là Volpe, Welty & Co., thu xếp cho tôi một cuộc phỏng vấn. Khi tôi đến phỏng vấn, tôi không biết người ta cần điều gì. Ông ấy hỏi tôi về lý lịch, và tôi nói với ông ấy những gì mà tôi vừa kể với anh. Sau đó ông ta hỏi tôi,“anh muốn yêu cầu mức lương bao nhiêu?” Tôi cộng thêm 200 đô-la vào khoản đặt cọc của mình và trả lời: “2.500 đô-la một tháng.” “Thế 4.000 đô-la thì sao?” ông ấy hỏi. “Như thế cũng tốt,” tôi trả lời. Ông ấy có biết hoàn cảnh khó khăn của ông không? Không, nhưng ông ấy thấy những công việc tôi đã phụ trách trước đây, và có lẽ ông ấy thấy không phải khi trả cho tôi mức lương ít như tôi yêu cầu. Ông ấy thuê ông làm việc gì? Tôi được thuê để làm người môi giới chứng khoán cho tổ chức7, nhưng tôi không có khách hàng. Tôi phải thực hiện những cuộc gọi bán hàng trước mặt người khác, điều đó thực sự khiến tôi rất bực. Từ Ngài Giao dịch trái phiếu mà ai cũng muốn mời đi ăn tối, tôi trở thành gã chuyên gọi điện thoại đến các tổ chức vô danh để thuyết phục họ về những ý tưởng vô giá trị về cổ phiếu của chúng tôi. 7 Là người môi giới chứng khoán cho các nhà đầu tư là các tổ chức lớn, ví dụ như các ngân hàng hoặc quỹ tương hỗ. (ND) Khi ông gọi như thế, tôi đoán có rất nhiều người dập máy. Tất nhiên rồi. Tôi phải gọi không biết bao nhiêu cuộc gọi. Tôi lập một danh sách dài những người phải gọi rồi cắm cúi quay số. Bản tính tôi không phải người xông xáo, vì vậy tôi cố gắng thu hút mọi người bằng cách tỏ ra là một anh chàng dễ thương. Nhưng cũng chẳng ăn thua. Đó là một quá trình mòn mỏi và khắc nghiệt. Thật đau khổ khi nhìn người khác làm việc trong khi tôi cứ phải gọi điện thoại suốt, và biết rằng hễ người ở đầu dây bên kia dập máy là họ lại biết ngay. Tôi thường chỉ nói được khoảng năm giây, đặt điện thoại xuống và nhìn xung quanh. Sau đó, tôi sẽ phải thực hiện cuộc gọi tiếp theo. Đúng là một quá trình đáng xấu hổ. Tôi căm ghét nó. Tôi không biết khi nào có thể lấy lại được hình ảnh của mình. Tôi không thể kiếm được một giao dịch nào cả. Ông đang nói nghĩa đen hay nghĩa bóng vậy? Nghĩa đen. Số giao dịch của tôi là 0. Chuyện như vậy tiếp diễn trong bao lâu? Tôi chẳng có lấy một khách hàng hay một giao dịch nào trong suốt 8 tháng. Ông thực hiện các cuộc gọi ngẫu nhiên trong 8 tháng mà không có lấy một giao dịch nào! Nghe có vẻ thật kinh khủng. Đây có phải thời điểm khó khăn nhất của ông không? Không, cũng chưa phải lúc này [ông cười]. Mà là ngay sau đó. Mặc dù không thành công trong việc bán hàng, nhưng tôi nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa giao dịch và bán hàng. Cuối cùng, sau khi theo dõi các thị trường, tôi quyết định bắt đầu giao dịch một lần nữa. Mặc dù không có tiền, nhưng tôi biết tôi có thể vay thế chấp tài sản nhà8 và làm bất cứ điều gì tôi muốn với số tiền đó. Tôi tự nhủ,“Mình có thể thế chấp ngôi nhà và lấy tiền đầu tư.” 8 Là khoản vay tiêu dùng trả góp dựa trên tài sản là nhà mà chủ sở hữu đang mua bằng thế chấp, hay còn gọi là thế chấp thứ cấp. Khoản vay này cho phép chủ sở hữu nhà được vay dựa trên phần tài sản họ có trên ngôi nhà đó, được xác định dựa trên giá trị tài sản nhà của chủ sở hữu bằng cách lấy giá trị thị trường của ngôi nhà trừ đi số tiền mà chủ sở hữu còn thiếu nợ. (ND) Tôi biết chuyện gì sắp xảy ra… Thế rồi tôi bắt đầu bán những cổ phiếu mà tôi cho rằng lên quá cao – cổ phiếu của những công ty lớn như Liz Claiborne và Gap – và mua vào những cổ phiếu mà tôi nghĩ là xuống quá thấp. Trên thực tế, tôi đã bán khống cổ phiếu của những công ty làm ăn tốt và mua của các công ty làm ăn tệ. Vậy ông thế chấp nhà thì vay được bao nhiêu tiền? Tôi đã đặt cọc 75.000 đô-la tiền mặt, và tôi thế chấp lấy khoản vay 50.000 đô-la. Trong vòng ba tuần sau khi nhận khoản vay, tôi đã mất 75% số tiền đó. Phản ứng của vợ ông đối với việc này thế nào? Cô ấy không biết. Bà ấy không biết ông thế chấp nhà để vay tiền sao? Cô biết về khoản vay, nhưng không biết tôi đã làm gì với số tiền đó. Thế ông nói với bà ấy là ông định làm gì với số tiền đó? Tôi có nói với cô ấy rằng tôi sẽ đầu tư, nhưng tôi nói rằng tôi sẽ đầu tư vào cổ tức truyền thống để kiếm được lợi nhuận lớn hơn lãi suất chúng tôi phải trả cho khoản vay mua nhà. Đó là ý định ban đầu của tôi. Nhưng đến lúc cầm tiền tôi lại nghĩ,“Mình sẽ không đầu tư vào mấy đồng cổ tức chán ngấy để kiếm vài đô-la chênh lệch giữa thu nhập cổ tức và lãi suất khoản vay.” Khi anh làm ở một công ty môi giới, luôn có một điều gì đó sôi động đang xảy ra. Luôn có một số cổ phiếu tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Anh không thể tránh khỏi bầu không khí điên cuồng xung quanh. Khắp nơi xung quanh tôi chỗ nào cũng có tiếng xì xào. Giới bán hàng có thể nhào nặn cho bất kỳ câu chuyện nào cũng trở nên tuyệt vời. Vậy là rõ ràng ông vẫn chưa rút ra được bài học về việc không nghe những lời xúi bẩy và các tin đồn. Ông lại phạm sai lầm tương tự thêm lần nữa. Đúng thế. Tôi không thể về và nói với vợ tôi rằng tôi đã mất gần hết tiền. Tôi đã mất ngủ cả tháng. Tôi viện mọi lý do giải thích cho việc tại sao trông tôi phờ phạc. Tôi nói với vợ rằng tôi bị cúm. Cô ấy lo lắng lắm, nhưng vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra với tôi. Một hôm, người bạn ngồi làm việc cạnh tôi khuyên tôi mua cổ phiếu của công ty máy tính Commodore. Anh ấy nói: “Tôi nghĩ lần này chắc chắn sẽ thành công. Nghe nói chiến lược mới nhất của họ là sẽ định giá cổ phiếu ở mức cao.” Lúc đó tôi tuyệt vọng đến nỗi tự nhủ: “Mình sẽ mua nó.” Tôi vét phần còn lại trong tài khoản, vay thêm 200%, và mua cổ phiếu Commodore. Đó chính là thời điểm khốn khó nhất trong cuộc đời tôi. 75.000 đô-la tôi đã dùng để trả tiền nhà là toàn bộ khoản tiền tiết kiệm mà tôi có. Cứ nghĩ đến việc sau vài canh bạc tôi có thể mất tất cả mọi thứ mà tôi đã tích cóp trong 10 năm mới có được khiến tôi sợ hãi. Đó đúng là địa ngục. Khi cổ phiếu tăng từ 10 lên 17 đô-la, tôi thoát ra. Sau khi tôi bán hết, cổ phiếu này tiếp tục vọt lên 20 đô-la, nhưng cuối cùng nó đã quay về 0 vì công ty bị phá sản. Chỉ giao dịch đó thôi cũng đủ để tôi gần như lấy lại được những gì đã mất. Ông thực sự đã được cứu nhờ vào sự may mắn, lời khuyên của người bạn đó có thể dẫn đến một thảm họa vì cổ phiếu đó cuối cùng rớt giá về 0. Ông đã may mắn chớp được nó vào đúng thời điểm. Đó chỉ là may mắn thôi. Cho đến tận ngày nay, khi nhìn lại những thời điểm quan trọng trong cuộc đời, và tôi không biết liệu là nhờ may mắn hay thông minh, nhưng tôi không quan tâm tới sự khác biệt ở đây. Mọi việc diễn ra thật buồn cười. Tôi luôn nói với mọi người rằng may mắn là một yếu tố rất quan trọng trong chuyện làm ăn. Chúng ta ai cũng có lúc may mắn, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều được chia sẻ thời vận một cách công bằng – cả vận may và vận rủi. Chúng ta chỉ cần nắm bắt khi nó tới mà thôi. Chính giao dịch cổ phiếu Commodore ấy đã cứu tôi. Anh có thể nghĩ rằng thái độ của tôi lúc ấy là: “Lời khuyên đó hay thật, vì vậy mình sẽ tiếp tục nghe những lời khuyên khác.” Nhưng chính lúc đó, tôi nhận ra mình đã may mắn. Vị Thánh chứng khoán đã phù hộ và giải cứu tôi. Từ khi học được bài học này, tôi giao dịch tốt hơn rất nhiều. Vậy là ông đã nói,“Cảm ơn Chúa, con sẽ không phạm sai lầm nữa” phải không? Chính xác. Mặc dù tất cả mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhưng tôi vẫn căng thẳng khủng khiếp. Vì vậy, khi kiếm lại được tiền, tôi nghĩ là do trời cho. Sau đó, tôi bắt đầu loại bỏ suy nghĩ đó. Tất nhiên, tôi vẫn còn phải học nhiều, nhưng ít nhất tôi đã có được chút ít kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là cứ phải rớt xuống và nhìn thấy địa ngục đã. Điều đó đã giúp ông như thế nào? Cú sốc đó đã giúp tôi sáng mắt. Tôi hiểu rằng chứng khoán sẽ không lên vì những tin đồn, lời khuyên, hoặc ý kiến của mọi người; chúng đi lên vì những lý do cụ thể. Tôi phải kiên quyết tìm ra những lý do đó, bịt tai trước những lời nói bên ngoài và hành động dựa trên hiểu biết của mình. Tôi đã bắt đầu làm như thế, và dần dà, thành tích của tôi ngày một tốt lên. Đây thực sự là lần đầu tiên trong đời ông giao dịch chứng khoán thành công. Thành công này do yếu tố nào vậy? Điều cơ bản tôi nhận thấy đó là dù thị trường có lên và xuống thế nào đi nữa thì nhìn chung, cổ phiếu của các công ty làm ăn tốt sẽ tiếp tục đi lên. Mấy bà bán rau ngoài chợ cũng biết điều này. Ông tìm thấy những công ty làm ăn tốt này bằng cách nào? Tôi tìm các công ty được thị trường ưu ái. Chúng có thể được ưu ái nhờ thành quả làm được trong các quý liên tục [những quý mà công ty có báo cáo thu nhập đạt hoặc vượt mục tiêu], hoặc vì một lý do nào khác. Bạn có thể xác định những cổ phiếu này dựa vào hoạt động của công ty. Vì lý do nào đó, thị trường ủng hộ cho một số cổ phiếu này chứ không ủng hộ cho những cổ phiếu khác, dù các nhà môi giới có gạ gẫm khách hàng của họ mua các cổ phiếu khác đó vì chúng rẻ đi nữa. Trên thực tế, ông đã làm ngược lại những gì đã làm trước đây: Thay vì mua cổ phiếu giá rẻ và bán cổ phiếu tăng giá nhiều, ông lại mua những cổ phiếu giá cao. Điều đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Điều khó khăn nhất đó là mua một cổ phiếu đang lên cao hoặc bán một cổ phiếu đã đi xuống rất nhiều, nhưng tôi luôn thấy rằng điều khó khăn nhất lại chính là điều cần làm. Đó là một bài học rất khó, đến nay tôi vẫn còn đang phải học. Điều gì cho ông biết rằng cổ phiếu được “ưu ái” (xin mạn phép dùng từ của ông)? Đó là sự kết hợp mọi thứ. Các yếu tố cơ bản của cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 25%. Thế còn lại 75% là gì? Thêm 25% là yếu tố kỹ thuật. Ông nhìn vào điều gì ở khía cạnh kỹ thuật? Tôi thích những cổ phiếu thể hiện đường tuyến tính tương đối ở xu thế. Tôi không thích những cổ phiếu lúc nào cũng lên xuống thất thường. Vậy là mới 50%, bao gồm cả những yếu tố cơ bản và kỹ thuật. Thế 50% còn lại là gì thưa ông? Thêm 25% nữa là xem một cổ phiếu phản ứng thế nào với các loại thông tin khác nhau: các sự kiện kinh tế vĩ mô, thông tin riêng về cổ phiếu đó. Ngoài ra tôi còn chú ý đến cách mà cổ phiếu phản ứng khi mức giá của nó ở các số tròn như: 20 đô-la, 30 đô-la, v.v... Tôi cố gắng để cảm nhận xem liệu một công ty có có tỏa sáng đặc biệt tại các ngưỡng đó hay không. Ông thường trông chờ các loại phản ứng nào? Tôi muốn thấy cổ phiếu đi lên khi có thông tin tích cực, chẳng hạn như một báo cáo thu nhập rất tốt hoặc công bố đưa ra sản phẩm mới, và không lao dốc khi có thông tin xấu. Nếu cổ phiếu phản ứng tiêu cực với các tin xấu nghĩa là nó không được thị trường ưu ái. Thế là đã được 75% rồi. Số còn lại là gì thưa ông? 25% cuối cùng là trực giác đối với xu thế của thị trường xét về tổng thể, tức là dựa vào cảm giác của tôi về việc thị trường phản ứng thế nào với tin tức kinh tế vĩ mô và các sự kiện khác. Nó giống như tôi đang quan sát toàn bộ thị trường như thể nó là một loại cổ phiếu riêng biệt. Ông thường nắm giữ một cổ phiếu bao lâu sau khi đã mua nó? Tôi không giao dịch theo ngày, nhưng tôi cũng chỉ giữ một cổ phiếu trung bình khoảng một vài tuần. Ngoài ra, khi mua một cổ phiếu, ngay cả khi đó là vị thế lõi9 trong số một vài trăm nghìn cổ phiếu, tôi có thể mua vào và thoát ra hai lần trong cùng một ngày và sáu lần trong một tuần, cố gắng để có được cảm giác liệu tôi có đang làm đúng hay không. Nếu không thoải mái với cách cổ phiếu đang được giao dịch, tôi sẽ thoát ra. Đó là lý do tôi thích ở việc điều hành một quỹ phòng vệ. Tôi không phải lo lắng các khách hàng thấy các giao dịch kỳ quái của mình. Tôi đã từng làm việc cho một công ty mà ở đó khách hàng nhận được thông báo xác nhận cho toàn bộ các giao dịch mà tôi đã thực hiện. Họ thường điên lên, gọi cho tôi và nói,“Anh điên hả? Anh đang làm quái gì vậy? Tôi tưởng là anh phải nghiên cứu tử tế chứ.” 9 Là khoản đầu tư dài hạn, tạo nền tảng cho danh mục đầu tư của nhà đầu tư. Điều gì thôi thúc ông bán ra một cổ phiếu nào đó? Tôi bán ra hoặc là vì cổ phiếu lộn ngược và tôi có nguy cơ mất đi những gì tôi đã kiếm được, hoặc vì các cổ phiếu đã tăng giá quá nhiều trong một khoảng thời gian quá ngắn. Sau đó ông có tìm cách mua lại các cổ phiếu đó để sửa sai không? Có chứ. Có được không, hay ông thường để mất phần đuôi cá? Tôi thường bỏ lỡ đoạn tăng giá cuối cùng vì các cổ phiếu tôi mua là của những công ty làm ăn tốt, và chúng thường tiếp tục đi lên. Ông đã bao giờ nghĩ đến việc thay đổi phương pháp giao dịch của mình để nắm giữ cổ phiếu lâu hơn chưa? Tôi đã thay đổi dần dần trong những năm qua, nhưng cho đến hôm nay, tôi vẫn phạm sai lầm vì thoát ra quá sớm. Sau khi bán ra cổ phiếu nào đó, có lần nào ông phải mua lại với giá cao hơn không? Có chứ, lần nào cũng thế. Vậy là, ông đã phải ngậm đắng nuốt cay thừa nhận rằng mình sai lầm vì đã thoát ra, và sau đó mua lại với giá cao hơn. Chứ ông không nói rằng,“giờ tôi không thể mua vào được; tôi đã bán chúng hồi giá thấp hơn bây giờ những 10 đô-la.” Đó là những năm trước đây, còn bây giờ tôi không còn thấy buồn phiền vì phải mua lại cổ phiếu với giá cao hơn. Với tôi, thành công trong giao dịch cổ phiếu không phải là mua ở mức 10 và nắm giữ đến lúc 100, mà là nhặt dần ở đây 5, kia 7, chỗ khác 8 và nắm bắt được phần lớn con sóng. Nhưng việc mua một trong những cổ phiếu được thị trường ưu ái và nắm giữ nó có vẻ như dễ dàng hơn. Đôi khi là vậy, nhưng thật ra nó còn phụ thuộc vào các điều kiện thị trường. Ví dụ, ngay bây giờ các cổ phiếu được định giá quá cao nên tôi không định nắm giữ vị thế lõi nào cả. Điều này khiến tôi nảy ra một câu hỏi như thế này: Trong thị trường kiểu này, khi mà các cổ phiếu dẫn dầu đã lên cao một cách bất thường, ông vẫn sử dụng phương pháp tương tự chứ? Nếu không, ông điều chỉnh phương pháp của mình như thế nào? Thành thật mà nói, tôi mất một thời gian khó khăn để điều chỉnh. Triết lý của tôi là để “bèo dạt mây trôi” và để thị trường đẩy tôi tới nơi mà nó muốn. Tôi không vẽ vời trên cát và nói đây là chiến lược của tôi và chờ thị trường đến với mình. Tôi cố gắng tìm ra các chiến lược có thể áp dụng trên thị trường. Năm này có thể là đà thay đổi giá10, nhưng năm nữa có thể là giá trị. 10 Đà thay đổi giá (momentum): Là tỷ lệ thay đổi về giá hoặc số lượng của một cổ phiếu. Đà thay đổi giá đề cập đến lực hoặc tốc độ thay đổi của giá, và thường được định nghĩa là một loại tỷ lệ. Vậy là ông lựa chọn chiến lược để phù hợp với quan điểm của ông về thị trường. Chính xác, tôi cố gắng đoán trước thị trường sẽ như thế nào. Làm thế nào ông biết được khi có một sự thay đổi lớn? Tôi quan sát tất cả mọi thứ và lắng nghe càng nhiều người càng tốt, từ người lái tàu điện đến các nhà phân tích chứng khoán. Sau đó, tôi ngồi lại và cố gắng xem ý tưởng nào mạnh mẽ nhất. Đôi khi những cơ hội hiển nhiên đến nỗi bạn gần như không thể để mất chúng khi chúng xuất hiện; vấn đề là những cơ hội như thế không thường xuyên xuất hiện. Điều quan trọng là không để bị mất tiền trong lúc chờ chúng xuất hiện. Xin ông hãy đưa ra một ví dụ về một cơ hội hiển nhiên như ông vừa nói? Năm 1998, tôi có một cơ hội mười mươi – thật ra tôi cũng không thích nói như thế bởi nghe cứ như thể tôi có tài tiên đoán vậy – nhưng thị trường có một cơ hội chuyển đổi rất tốt vào tháng Tám. Điều gì làm ông chắc chắn như vậy? Tôi luôn đánh giá tâm lý thị trường – thị trường có hy vọng không? Hay nó đầy sợ hãi? – và tôi chờ chuyển động giá để xác nhận đánh giá của mình. Trong suốt mùa đông và mùa xuân năm 1998, tình hình rất hỗn loạn. Có rất nhiều báo cáo về các nguy cơ tiềm ẩn ở châu Á, nhưng thị trường đã phớt lờ tất cả. Vì vậy, cách duy nhất để kiếm tiền là mua vào theo chiều giá lên, ngay cả khi đối mặt với rủi ro có thể xảy ra. Vì vậy, tôi quyết định mua vào thật nhiều trong tháng Bảy. Thế rồi thị trường lại tăng ầm ầm và các cổ phiếu hàng đầu hoạt động rất tuyệt vời. Có lúc, tôi kiếm được 15% trong một tháng. Sau đó, đột nhiên, tôi mất tất cả trong một vài ngày, và âm thêm 3% vào vốn trong tháng. Thị trường đã lấy lại tiền nhanh đến nỗi chỉ cần nhìn vào danh mục đầu tư của riêng tôi, với toàn các công ty dẫn đầu thị trường, chứ không phải những cổ phiếu có nền tảng không ra gì, tôi biết có gì đó sai. Ông đã làm gì lúc đó? Ông nói rằng đã bắt đầu mua vào rất nhiều trong cả tháng. Ông có che chắn cho vị thế của mình không? Ông có đoản vị ròng11 không? 11 Đoản vị ròng: Là trạng thái trong đó nhà đầu tư có nhiều đoản vị hơn trường vị trong một tài sản, thị trường, danh mục đầu tư hay chiến lược giao dịch. Nhà đầu tư có đoản vị ròng sẽ được lợi khi giá của tài sản cơ sở giảm đi. Tôi đã mua vào 130%. Tôi thường bán sạch mọi thứ khi có hiện tượng giá giảm mạnh và sau đó ngồi quan sát. Đó là những gì tôi đã làm khi đó. Ông có bán khống không? Có, khoảng hai tuần sau đó. Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng châu Á là nguyên nhân dẫn đến sụt giảm mạnh sẽ còn tiếp diễn. Thông thường, bạn không chỉ nghe được về một vấn đề nào đó và rồi thấy nó chấm dứt ngay. Chúng tôi cũng bắt đầu thấy báo chí giật tít về các nguy cơ tiềm ẩn ở Nga. Mặc dù chúng tôi đã thấy những loại báo cáo tin tức kiểu này trước đó, nhưng sự khác biệt lần này là giá cổ phiếu có phản ứng với thị trường. Tôi cảm thấy rằng tình hình sẽ tiếp tục. Nga sẽ không ổn định ngay nay mai, cả Thái Lan, Hàn Quốc cũng thế, và những nỗi sợ hãi này đang được phản ánh ở giá. Trong tuần thứ hai của tháng Tám, đoản vị ròng của tôi là 130%, và kịch bản tôi dự đoán đã diễn ra. Với tôi, điều đó rất hiển nhiên. Vậy ông mua lấp trống12 vào khi nào? 12 Mua lấp trống (short covering): Là hoạt động mua lại các chứng khoán đã vay nhằm đóng một đoản vị mở. Mua lấp trống đề cập tới việc mua lại đúng số chứng khoán mà nhà đầu tư đã vay mượn để bán khống. Tôi mua lấp trống vào tuần thứ hai của tháng Mười. Tôi có một số quy tắc được cài vào máy báo giá của tôi. Một trong số đó là: Mua tận gốc, bán tận ngọn. Cách duy nhất để xác định những điểm gốc và ngọn đó là phải có cảm nhận về tâm lý thị trường – thị trường đang tích cực hay tiêu cực. Sau đó, bạn phải hành động thật nhanh, bởi vì thường có những đỉnh và đáy rất bất ngờ. Đến tuần thứ hai của tháng Mười, tôi cảm thấy phải tận dụng cơ hội lúc thị trường đang cực kỳ suy yếu để mua lấp trống cho toàn bộ các khoản bán khống của mình trong vòng một ngày và đạt trạng thái trường vị ròng13 25%. 13 Trường vị ròng: Là trạng thái trong đó nhà đầu tư có nhiều trường vị hơn đoản vị trong một tài sản, thị trường, danh mục đầu tư hay chiến lược giao dịch. Nhà đầu tư có trường vị ròng sẽ được lợi khi giá của tài sản gia tăng. Ngày hôm đó có điều gì đặc biệt khiến ông đảo thế? Ngày hôm đó, những cổ phiếu như Dell đã giảm từ 50 xuống 40, và trước khi hết ngày, chúng lại đồng loạt tăng trở lại 2 hoặc 3 điểm. Vậy là ông đã mua các cổ phiếu này với giá cao hơn nhiều so với giá chúng được giao dịch vào buổi sáng hôm đó. Đúng vậy. Thật ra có một điều tôi thích khi mua cổ phiếu đó là khi thấy chúng trở nên rất khó mua. Tôi đặt lệnh mua Dell tại mức giá 42, nhưng lại được khớp lệnh ở mức 45. Tôi thích điều đó. Ông chỉ đặt lệnh mua vào thị trường, hay ông cố gắng để có thể khớp lệnh tại một mức giá cụ thể? Tôi luôn mua và bán ở tại thị trường. Tôi không bao giờ mất thời gian để tìm cách khớp được giá tốt nhất. Tôi là niềm ước mơ của các nhà môi giới chứng khoán. Ông nói rằng đã mở trường vị 25%. Đến lúc nào thì ông gia tăng trường vị đó? Bất cứ khi nào tôi bắt đầu quay về phía trường vị, tôi đều muốn chờ để xem thị trường còn tiếp tục hồi phục vào ngày hôm sau và không có tin tức tiêu cực gì nữa không. Nếu có thêm tin gì xấu mà thị trường vẫn không đi xuống thì quả là phát điên. Vậy điều đó có xảy ra không? Nó không xảy ra vào ngày hôm sau, nhưng lại xảy ra vào cuối tuần đó. Có thêm nhiều tin tức về sự sụp đổ của Long Term Capital. (Quỹ phòng vệ trị giá hàng tỉ đô-la đã vay nợ quá nhiều trên thị trường trái phiếu và thua lỗ rất lớn, gây ra sự lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính. Xem phần phỏng vấn David Shaw). Tuy nhiên, thị trường đã phớt lờ sự kiện đó. Điều đó đã khiến tôi tự tin hơn để tiếp tục đầu tư vào trường vị. Tôi đã có cơ hội mua vào tất cả các cổ phiếu dẫn đầu thị trường khi chúng từ đỉnh lao dốc, và tôi thích thế. Có phải cú giao dịch “được ăn cả ngã về không” đã giúp ông lấy lại phần lớn số tiền thế chấp tài sản nhà bị mất là điểm đánh dấu sự nghiệp giao dịch thành công của ông? Ông vẫn giữ lời thề từ bỏ những sai lầm của mình trong giao dịch chứ? Gần như thế. Tôi bắt đầu buôn bán các cổ phiếu tăng trưởng tốt ngay lập tức. Tôi mua các cổ phiếu tăng mạnh hơn thị trường khi thị trường lên. Tôi cho rằng đó là những nơi đặt cược tốt. Tôi buộc mình phải mua những cổ phiếu này trong những ngày thị trường đi xuống. Tôi thấy rằng những cổ phiếu này thường tăng lên 5 điểm trong một tuần trong khi trước kia, khi mua cổ phiếu chất lượng thấp, may lắm tôi cũng chỉ được tăng 5 điểm trong một năm. Lần duy nhất tôi thực sự gặp rắc rối là khi tôi ngả theo một bài thuyết trình bán hàng tuyệt hay. Điều nguy hiểm nhất trên Phố Wall là kỹ năng giao tiếp. Tôi đã làm việc với một vài người rất giỏi trong giới bán hàng. Họ thường nói: “Stuart, ông phải xem thứ này.” Và trong một phút yếu lòng, tôi nghĩ rằng mình đã giao dịch rất tốt nên dư ra chút tiền để đầu cơ cái này cũng được. Có thể nó cũng có lãi, mà nếu không thì tôi có thể nhanh chóng thoát ra được. Trước khi kịp nhận ra thì tôi đã bị lỗ 20 hoặc 30%. Đó là một bài học mà tôi phải học không ngừng. Đến giờ ông còn thấy mình vẫn bị dao động trước những lời xúi bẩy của người khác không? Có chứ. Ở một mức độ nào đó, tôi có máu cờ bạc, mà tôi từ lâu đã quyết định phải thỏa mãn nó, nhưng chỉ chút ít thôi. Vì vậy, tôi dành một khoản tiền nhỏ trong quỹ cho các giao dịch mang tính đầu cơ. Nhìn chung, cuối cùng thì ông lãi hay lỗ? Hòa vốn. Làm thế nào mà từ một nhà môi giới chứng khoán ông lại có thể trở thành nhà quản lý quỹ? Về việc này, có bao giờ ông rao bán hàng chưa? Cuối cùng tôi cũng làm tốt ở vai trò nhà môi giới chứng khoán bởi tôi đã học được cách bán hàng. Ông bán hàng như thế nào? Anh cần phải hiểu khách hàng muốn gì để chuẩn bị bài thuyết phục mua hàng – chứ không phải giới thiệu sản phẩm – tương ứng. Vậy khách hàng muốn gì? Sự thỏa mãn ngay lập tức, sự hào hứng, những bàn tán ồn ào, sự yên tâm khi biết rằng rất nhiều người khác cũng đang mua cổ phiếu giống mình, và một triệu lý do tại sao cổ phiếu đó sẽ tăng. Vì vậy, ông đã cố gắng làm sao để những cổ phiếu đó càng hấp dẫn càng tốt? Chính xác. Đó chính là những gì tất cả các nhà môi giới chứng khoán làm. Vậy ông không bận tâm khi đã biến thứ không chắc chắn nghe có vẻ chắc chắn? Có chứ, nhưng đấy cũng không hẳn là nói dối, bởi tôi cũng không biết cổ phiếu có lên hay không. Tuy nhiên, chúng được tô vẽ thêm rất nhiều. Sau một thời gian, tôi không thể làm thế được nữa. Ông thoát khỏi tình cảnh đó như thế nào? Sau khi giao dịch tốt cho chính mình, tôi bắt đầu đề xuất một số ý tưởng riêng của mình chứ không chỉ tập trung vào những cổ phiếu theo quy định của công ty. Tôi thoát khỏi tình cảnh này nhờ một khách hàng thích phong cách của tôi đã ngỏ ý mời tôi làm công việc quản lý tiền cho họ. Đó chính là việc tôi muốn làm. Nếu không có công việc đó, hẳn tôi phải bỏ việc bởi tôi lại rơi vào trạng thái thức dậy mỗi sáng và cảm thấy mình không thể làm việc tiếp được nữa. Công ty mới thuộc loại gì? Đó là một công ty tư vấn đầu tư, quản lý khoảng 300 triệu đô-la của các khách hàng tổ chức. Họ có chiến lược đầu tư riêng. Ông có được phép đưa ra các quyết định giao dịch của riêng mình, hay ông phải làm theo quy định của họ? Tôi có thể mua bất kỳ cổ phiếu nào tôi muốn, nhưng nó phải đáp ứng các tiêu chí đầu tư của họ. Những quy định đó là gì? Hệ số giá trên thu nhập của một cổ phần phải dưới 15. Lợi nhuận phải tăng ít nhất 20% mỗi năm. Ngoài ra còn phải đáp ứng một số điều kiện về bảng cân đối kế toán và tính thanh khoản. Đó là một thuận lợi hay cản trở? Đó là một trở ngại rất lớn bởi vì nó thu hẹp đáng kể phạm vi các công ty mà tôi có thể đầu tư vào. Ông phải bỏ lỡ những cổ phiếu nào vì chính sách này? Ví dụ, tôi không thể mua cổ phiếu Microsoft hay Cisco, thay vào đó tôi lại phải mua cổ phiếu Novell hoặc 3Com. Bởi vì hệ số giá trên thu nhập của một cổ phần lớn hơn 15? Đúng. Ông có cảm thấy cố gắng mua chứng khoán có hệ số giá trên thu nhập một cổ phần thấp là một chính sách đúng đắn không? Không phải lúc nào cũng đúng đắn. Bản thân tôi không bao giờ áp dụng kiểu chiến lược đó, nhưng tôi cảm thấy rằng bất kỳ chiến lược hợp lý nào cũng sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu bạn bám sát nó. Vậy thì có quy định nào cho các cổ phiếu mà ông tự mua không? Tôi được phép mua bất kỳ cổ phiếu nào tôi muốn, miễn là không trùng với cổ phiếu tôi mua cho các khách hàng của công ty. Sự khác biệt về hiệu suất giao dịch giữa tài khoản riêng của ông và các tài khoản ông quản lý cho công ty là gì? Đối với các khách hàng của công ty, tôi chỉ tăng được mức trung bình từ 15 đến 20% mỗi năm, còn với tài khoản riêng, trung bình là khoảng hơn 100% mỗi năm. Sao ông không đến gặp ban giám đốc và nói rằng,“Hãy nhìn xem, đây là những gì tôi đã làm cho tài khoản của mình mà chẳng cần quy định nào hết. Hãy để tôi giao dịch cho các khách hàng của công ty theo cách đó.” Có chứ, nhưng họ đã hướng công ty đi theo triết lý riêng của họ, và đó là những gì mà khách hàng tin tưởng. Các nhà đầu tư không hề muốn có sự thay đổi trong chiến lược. Tuy nhiên, ý tưởng của tôi đó là cố gắng để thích ứng với bất kỳ chiến lược mới nào có vẻ khả thi. Cuối cùng, tôi đã kiếm được đủ vốn trong tài khoản riêng để có thể rẽ sang đường riêng. Tôi bắt đầu thành lập một quỹ đầu tư với 1,3 triệu đô-la, trong đó tiền túi của tôi chiếm khoảng một nửa. Ông kêu gọi các nhà đầu tư bằng cách nào? Hoàn toàn do truyền miệng. Tôi không hề làm marketing. Tôi thấy ông ở đây làm việc một mình, quả là điều ngạc nhiên đối với một quỹ phòng vệ quản lý cả 150 triệu đô-la. Ông có được ai giúp không? Tôi có một thư ký đi làm cách nhật. Chỉ thế thôi sao? Ngoài ra không còn ai khác? Năm ngoái tôi thuê một người – một chàng trai tuyệt vời, giờ cậu ấy nghỉ để làm riêng – nhưng tôi đã biết ngay từ đầu rằng cậu ấy không phải là người dành cho tôi. Tại sao vậy? Tôi phát hiện ra rằng có thêm một ý kiến khác trong văn phòng sẽ gây mất ổn định. Vấn đề của tôi là tôi rất dễ bị tác động. Nếu tôi thuê người làm việc cho tôi hằng ngày, có lẽ chính người đó cũng sẽ cùng quản lý tiền nong vì khi đó tôi không còn đưa ra các quyết định riêng của mình nữa. Tôi thích yên tĩnh. Tôi nói cả ngày trên điện thoại, như thế là quá đủ. Tôi không cần các đoàn thể và các cuộc họp, tôi không cần ai giúp đỡ để giải thích tại sao một cổ phiếu đi xuống. Tôi thậm chí muốn trợ lý của tôi chỉ đến cách ngày, để những ngày còn lại tôi hoàn toàn được ở một mình và có thể ngồi mọc rễ ở đây. Tôi hoàn toàn hiểu ý ông, vì tôi làm việc ở văn phòng tại nhà. Tôi thấy rằng khi làm việc một mình, người ta có thể hoàn toàn đắm chìm vào công việc. Chính xác. Đó là lý do chính cho việc tôi muốn ở một mình. Mọi người đến đây và hỏi tôi,“Làm thế nào một mình ông có thể quản lý nhiều tiền vậy? Ông không muốn có một công ty lớn hơn sao?” Thế rồi ông nói với họ những gì? Vâng, trước giờ vẫn thế. Vấn đề là tôi làm việc thế nào, chứ không phải là số tiền tôi đang quản lý lên đến bao nhiêu chữ số. Với thành tích của mình, ông có thể dễ dàng kiếm rất nhiều tiền. Chính điều đó có thể hủy hoại mọi thứ. Cách duy nhất tôi có thể duy trì thành tích là phải đảm bảo rằng tôi không chôn vùi bản thân dưới đống tài sản của mình. Ngay bây giờ, nếu tôi có một quý làm ăn tốt thì sẽ làm tăng số tiền tôi đang quản lý lên. Thông qua việc định giá vốn, tôi có thể phát triển phong cách giao dịch của mình để thích ứng với sự gia tăng tài sản quản lý. Tôi đoán là theo ông thì vốn 150 triệu đô-la với 50% lợi nhuận còn hơn là vốn 1 tỷ đô-la nhưng chỉ có 20% lợi nhuận. Chính xác. Rất nhiều người làm ăn tốt và quyết định tăng tài sản của họ lên một cách đáng kể, sau đó họ thấy rằng chỉ có năm đầu tiên công việc diễn tiến tốt nhất, sau đó là xuống dốc. Tất nhiên, họ vẫn kiếm được những số tiền lớn. Nhưng hằng ngày tôi đều muốn có cảm giác tốt về những việc sắp diễn ra. Tôi muốn khách hàng của tôi vui vẻ và trông thấy tài sản của tôi tăng lên đều đặn. Tôi không muốn có một lối sống xa hoa dựa trên một doanh nghiệp đang bị hủy hoại dần. Tôi gần như không mất chi phí quản lý gì, vì vậy tôi vẫn có thu nhập rất lớn. Nên tôi thấy chẳng việc gì phải tham lam. Ông có cho rằng kinh nghiệm của việc từng đứng trên bờ vực phá sản đã giúp ông thành công? Hẳn là thế. Bằng cách nào? Điều kỳ lạ của nghề này là dù bạn có thành công thế nào chăng nữa, nếu bạn để cho bản ngã của bạn xen vào, bạn có thể bị loại khỏi cuộc chơi. Việc tôi đã từng thấy địa ngục đã giúp tôi rất nhiều. Tôi biết sự việc có thể trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng như thế nào. Bất kỳ cổ phiếu nào cũng có thể về mức giá 0, và bạn cần phải nhận thức được điều đó. Khi nói chuyện với các nhà đầu tư mới tiềm năng, tôi tập trung vào các sai lầm của mình. Bởi nếu bạn sắp sửa đầu tư cùng ai đó, thì bạn muốn đó phải là người từng mắc sai lầm và từng chịu hậu quả từ những sai lầm đó chứ không phải bạn sẽ trở thành người chịu trận. Người nguy hiểm là người chưa từng phạm sai lầm, bởi sai lầm sẽ luôn xảy ra. Nếu bạn từng phạm sai lầm, bạn sẽ nhận ra rằng sai lầm có thể tái diễn, và điều đó khiến bạn cẩn trọng hơn. Chúng ta đã nói về những sai lầm của ông trong những buổi đầu lập nghiệp. Vậy trong những năm tháng thành công gần đây, ông có mắc phải những sai lầm gì không? Năm nay tôi chọn xu hướng giá giảm mà không đợi các mức giá để xác nhận ý kiến của mình. Điều gì khiến ông tự tin có quan điểm đó? Tôi rất quan tâm tới việc lãi suất tăng. Trước đây, lãi suất cao luôn luôn dẫn đến chứng khoán giảm, và tôi cho rằng điều tương tự sẽ lặp lại trong năm nay. Tuy nhiên thị trường còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhưng tôi không chờ đợi thị trường xác nhận rằng nỗi lo ngại lãi suất tăng là một thực tế, và tôi đã mất tiền rất nhanh chóng. Tôi đã mất 7% trong tháng Ba, đối với tôi đấy là tổn thất khá lớn trong một tháng. Ông còn nhớ sai lầm nào khác nữa không? Trong tháng Một năm 1998, tôi đầu tư vào một loạt các cổ phiếu vốn hóa nhỏ lần đầu chào bán ra công chúng (IPO), mà tất cả đều làm ăn cực kỳ kém trong quý đầu tiên trở thành công ty đại chúng. Sai lầm của ông ở đây là gì? Sai lầm của tôi là mua các các cổ phiếu kém tính thanh khoản mà không nghiên cứu đầy đủ về chúng. Lý do gì khiến ông mua các cổ phiếu này? Tâm lý thị trường. Các thị trường trở nên rất háo hức về các IPO trừu tượng – những cổ phiếu có ước mơ và câu chuyện nhưng không có lợi nhuận. Khi các cổ phiếu như thế này lao dốc, chúng có thể nhanh chóng giảm 70% hoặc hơn nữa. Như thể có một cơn lốc đã càn quét qua danh mục đầu tư của tôi vậy. Tôi bị mất 12% trong tháng đó và quyết định bán sạch mọi thứ. Có một cổ phiếu mà tôi đã mua ở mức 18, nhưng phải bán ở mức 2. Nếu các cổ phiếu này giảm nhiều như vậy, sao ông giữ chúng lại phòng khi chúng bật lại? Sau khi ông bán sạch chúng thì chuyện gì xảy ra? Chúng có bật lại, nhưng không nhiều. Khi thanh lý các cổ phiếu này xong, tôi dùng tiền để mua các loại cổ phiếu mà lẽ ra tôi nên mua – tức là các công ty làm ăn tốt với mức giá cao hơn nhiều. Vậy là ông đã đi trật triết lý của mình? Đúng, lại một lần nữa. Giống như một tên nghiện đã cai thuốc được 3 năm, sau đó gặp tay buôn ma túy có thể thuyết phục anh ta bắt đầu chơi lại. Tôi không có ý đổ lỗi cho người khác đã thuyết phục mình. Đó là lỗi của tôi khi cho phép bản thân nghe lời họ. Tôi nghĩ rằng tôi đã học được cách không giao dịch dựa trên các tin đồn nữa. Cũng may mắn là tôi nhanh chóng quay trở lại mua cổ phiếu các công ty mà tôi yêu thích. Đến cuối quý đó, tôi đã lấy lại tất cả những gì đã mất. Tôi đoán ý ông là việc nắm giữ các cổ phiếu thua lỗ là một sai lầm lớn, ngay cả khi chúng bật lại, vì lẽ ra số tiền đó đã có thể được sử dụng hiệu quả hơn vào việc khác. Hoàn toàn chính xác. Bằng cách loại chúng ra khỏi danh mục đầu tư của mình và tái đầu tư vào cổ phiếu mạnh, tôi kiếm được nhiều tiền hơn là giữ lại chúng và trông chờ con mèo chết ngóc đầu lên. Ông có nói chuyện với tất cả các công ty không? Tôi từng tới thăm các công ty trong thời gian tôi làm việc cho công ty tư vấn đầu tư. Liệu điều đó có giúp được gì không? Hầu như không giúp được gì. Tôi thấy rằng hoặc là họ nói với tôi những gì họ đã nói với người khác, và nó đã được phản ánh vào giá, hoặc là họ nói dối tôi. Năm thì mười họa bạn mới phát hiện được điều gì giá trị một chút, nhưng lại mất một chi phí cơ hội lớn khi bạn đi từ công ty này đến công ty khác để biết được một chút thông tin có ích. Ông có thể cho tôi ví dụ về một tình huống mà ban quản trị công ty đã nói dối ông. Các ví dụ thì nhiều vô số, tôi không nhớ nổi. Xin ông vui lòng chọn ra một ví dụ thật đặc biệt. Tôi thấy Autumn Software14 đưa ra một bài thuyết trình tại một hội nghị. Tôi chưa bao giờ nghe được câu chuyện nào tuyệt vời như thế. Họ sản xuất phần mềm được sử dụng trong các hệ thống sao lưu máy tính trên toàn thế giới. Đội ngũ quản lý rất đáng tin cậy và rõ ràng rành mạch. Cổ phiếu của họ giá đã cao, nhưng tôi cảm thấy vẫn còn đà tăng mạnh. Tôi mua nửa triệu cổ phiếu, và chúng gần như bắt đầu sập ngay sau đó. 14 Tên công ty thật đã được thay đổi. Tôi gọi cho ban giám đốc và hỏi họ đang có chuyện gì vậy. “Chúng tôi không biết nữa,” họ nói. “Việc kinh doanh bây giờ còn tốt hơn cả tháng trước mà.” Một hôm, tôi vừa đến Nantucket, và có người gọi điện thoại thông báo cho tôi rằng Autumn vừa công bố trước rằng họ sẽ có một quý đáng thất vọng. Ngày hôm đó, cổ phiếu của họ chốt ở mức 30, nhưng mở cửa tại giá 7 vào sáng hôm sau. Thật buồn cười bởi mỗi lần tôi nói chuyện với các công ty, họ đều nói rằng,“Việc kinh doanh của công ty chưa bao giờ tốt như bây giờ cả.” Điều đó chứng tỏ rằng các nhà đầu tư bên ngoài không bao giờ biết được sự thật. Đây có phải là một ví dụ về tình huống mà trong đó ông bỏ qua quy tắc của mình là phải hết sức chú ý xem cổ phiếu phản ứng với tin tức như thế nào, hay có phải là nó xuống mà không có lý do rõ ràng? Thật không may cho công ty tôi, vì vào thời điểm ấy tôi vẫn còn đang phải học bài học đó. Có phải trải nghiệm đó khiến ông cảm thấy chán nản, không muốn nói chuyện với ban quản trị công ty? Không hẳn thế. Tôi có thể gọi cho ban lãnh đạo của một công ty khi cổ phiếu của họ rất thấp và chẳng ai nói với họ, bởi đó là lúc họ quá tuyệt vọng đến nỗi không thể nói chuyện với ai nữa. Tôi hy vọng rằng tôi có thể tìm ra những nhân tố xúc tác khiến cổ phiếu quay đầu trở lại. Theo ông, các đặc điểm của một nhà giao dịch thành công là gì? Tôi nghĩ rằng rất nhiều nhà giao dịch thành công đều là những người điềm tĩnh, chăm chỉ và tuân thủ kỷ luật. Trớ trêu thay, tôi thấy mình cái gì cũng thiếu. Tôi rất dễ bốc đồng, tôi thực sự không làm việc chăm chỉ và cũng chẳng tuân thủ kỷ luật cho lắm. Tôi cho rằng thành công của riêng tôi là nhờ niềm tin của tôi vào trực giác và khả năng hành động theo trực giác một cách nhanh chóng. Điều đó vô cùng quan trọng. Vậy là trong trường hợp của ông, ông có thể bù đắp một số nhược điểm chỉ đơn giản bằng khả năng hành động nhanh chóng? Chính xác, đó chính là một điểm rất tốt. Quan niệm sai lầm lớn nhất về thị trường chứng khoán mọi người thường có là gì? Hiện nay, quan niệm sai lầm lớn nhất là nhiều người tin rằng rất dễ kiếm sống nhờ giao dịch trên thị trường chứng khoán. Mọi người cảm thấy họ có thể từ bỏ công việc và giao dịch để kiếm sống, hầu hết trong số họ sẽ phải thất vọng. Các quy tắc giao dịch ông đã ghi trên máy tính của mình là gì? ▶ Bình tĩnh − chờ thời cơ. ▶ Giao dịch dựa trên ý tưởng và phong cách riêng của bạn. ▶ Không bao giờ giao dịch bốc đồng, đặc biệt là không được nghe lời khuyên của người khác. ▶ Đừng mạo hiểm quá nhiều vào một sự kiện hay một công ty. ▶ Luôn tập trung, đặc biệt là khi thị trường đang biến động. ▶ Dự đoán, đừng phản ứng. ▶ Lắng nghe thị trường, chứ không phải những ý kiến bên ngoài. ▶ Suy nghĩ kỹ về các giao dịch trước khi thực hiện, bao gồm lời/lỗ ở các điểm thoát ra. ▶ Nếu bạn không chắc chắn về một vị thế, hãy thoát ra khỏi đó. ▶ Buộc bản thân giao dịch ngược với đám đông. ▶ Nhận dạng xu hướng giao dịch. ▶ Đừng nghĩ đến chuyện chỉ một vài ngày, hãy phát triển tầm nhìn sáu tháng hay một năm. ▶ Giá cả chuyển động trước các yếu tố cơ bản15. 15 Yếu tố cơ bản: Bao gồm các thông tin định tính và định lượng đóng góp vào sức khỏe về mặt kinh tế và các định giá về tài chính kéo theo đó của một công ty, loại chứng khoán hay tiền tệ. Các nhà phân tích và nhà đầu tư phân tích những yếu tố cơ bản này để dự đoán xem liệu một loại tài sản có đáng để đầu tư hay không. Đối với các doanh nghiệp, những thông tin như doanh thu, lợi nhuận, tài sản, nợ và mức tăng trưởng được coi là một số các yếu tố cơ bản. ▶ Nếu thị trường không phản ứng đúng với các dữ liệu thì đó là một cảnh báo. ▶ Hãy linh hoạt, khi bạn sai hãy thừa nhận điều đó. ▶ Bạn sẽ thường xuyên sai lầm, hãy nhận ra kẻ thắng và người thua một cách nhanh chóng. ▶ Bắt đầu mỗi ngày từ kết quả chốt giao dịch của đêm trước chứ không phải từ chi phí bạn bỏ ra ban đầu. ▶ Gia tăng các cổ phiếu thua lỗ thì rất dễ nhưng đó thường lại là lựa chọn sai lầm. ▶ Buộc bản thân phải mua vào cổ phiếu lúc chúng đang ở mức cực yếu và bán ra lúc chúng đang cực mạnh. ▶ Loại bỏ tất cả những yếu tố gây phân tâm. ▶ Luôn tự tin – cơ hội sẽ không ngừng xuất hiện. Tôi biết ông không thích làm việc với bất cứ ai, nhưng giả sử 5 năm nữa ông quyết định theo đuổi một sự nghiệp mới là làm phim. Vậy ông có thể đào tạo một người nào đó để người này có thể thay ông đầu tư theo các hướng dẫn của ông không? Tôi có thể dạy cho ai đó các quy tắc cơ bản, nhưng tôi không thể dạy họ làm thế nào để lặp lại những gì tôi đã làm, bởi phần nhiều trong só đó phải dựa vào kinh nghiệm và trực giác, mà những thứ này thì mỗi người mỗi khác. Sau khi ông đạt đến một mức độ thành công tài chính nhất định, đâu là động lực để ông tiếp tục? Đó là thách thức về việc đạt được hiệu suất cao và sự hài lòng lớn mà tôi có được khi biết rằng mình đã góp phần đảm bảo sự an toàn về tài chính cho mọi người. Điều đó thật tuyệt vời. Tôi đã và đang có thể giúp mang đến sự độc lập hoàn toàn về mặt tài chính cho rất nhiều khách hàng, trong đó có những người ở cùng độ tuổi với tôi. Ông xử lý các thất bại hàng loạt bằng cách nào? Tôi giao dịch với khối lượng nhỏ hơn. Bằng cách đó, tôi biết tôi sẽ không kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi cũng biết tôi sẽ không bị mất nhiều. Nó giống như một điểm tạm dừng. Tôi cần phải làm mới bản thân. Sau đó, cơ hội lớn tiếp theo đến gần và tôi nắm bắt được nó. Vậy thì có bỏ lỡ vài giao dịch trong thời gian tạm nghỉ cũng không thành vấn đề. Ông có lời khuyên nào dành cho người mới chơi chứng khoán không? Hoặc dồn toàn bộ tâm sức hoặc đừng tham gia. Đừng học đòi. Còn điều gì quan trọng mà chúng ta chưa nói đến không nhỉ? Với tôi, có một điều rất quan trọng là phải đối xử công bằng và văn minh với mọi người. Có lẽ đó là một phản ứng của tôi đối với những sự lạm dụng mà tôi là nạn nhân tại phòng giao dịch New York. Nhưng, bất kể lý do là gì, việc cư xử với người khác bằng sự tôn trọng mỗi ngày đã luôn đem lại cho tôi rất nhiều thuận lợi. *** Stuart Walton không hề có tham vọng trở thành một nhà giao dịch, ông cũng không có khả năng phân tích hay toán học đặc biệt, và có khuynh hướng đưa ra quyết định giao dịch dựa vào cảm xúc, khiến ông trắng tay vài lần. Vậy thì tại sao ông vẫn thành công, thậm chí còn thành công một cách vô cùng ngoạn mục nữa? Có năm yếu tố then chốt: Kiên trì. Ông đã không để những thất bại cản đường mình. Tự ý thức. Ông nhận ra điểm yếu của mình là dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, và ông đã thực hiện các biện pháp để khắc phục khuyết điểm cá nhân này. Cuối cùng, ông quyết định làm việc một mình và dành ra một khoản nhỏ – nhỏ đến nỗi không gây ảnh hưởng gì – để mua bán theo lời khuyên và thỏa mãn máu cờ bạc trong người. Phương pháp luận. Walton thành công đúng vào khi ông phát triển một triết lý và phương pháp luận thị trường cụ thể. Linh hoạt. Mặc dù Walton bắt đầu sự nghiệp giao dịch bằng cách bán cổ phiếu mạnh và mua cổ phiếu giá rẻ, nhưng ông đã linh hoạt đảo ngược hoàn toàn chiến lược ban đầu của mình dựa trên những quan sát thực nghiệm về những gì thực sự hiệu quả trên thị trường. Nếu ông tin rằng cổ phiếu trước đó ông bán ra sẽ còn tiếp tục tăng, thì ông vẫn sẵn sàng mua lại với giá cao hơn mà không hề do dự. Nếu ông nhận ra mình đã làm sai, ông không ngần ngại bán hết cổ phiếu, ngay cả khi nó đã rơi xuống mức thấp hơn nhiều so với giá lúc mua. Cuối cùng, ông điều chỉnh chiến lược để phù hợp với nhận thức của mình về thị trường hiện hành. Nói theo cách của Walton,“Năm này có thể là tốc độ thay đổi giá, nhưng năm nữa có thể là giá trị.” Khả năng chẩn đoán. Hầu hết các nhà giao dịch giỏi đều có một kỹ năng hoặc khả năng đặc biệt nào đó. Tài năng của Walton không chỉ nằm ở khả năng quan sát những tin tức và thông tin như người khác, mà còn nằm ở sự thấu hiểu rõ ràng hơn về xu thế tiềm năng của thị trường lớn – đôi khi ông còn nhìn thấy rõ xu hướng tương lai của thị trường. Khả năng chẩn đoán thị trường này có lẽ là do bẩm sinh chứ không phải do học hỏi. Tương tự như hai người thông minh ngang nhau cùng học trường y, đều làm việc đều chăm chỉ, và thực tập trong cùng một bệnh viện, nhưng vấn đề ai có kỹ năng chẩn đoán giỏi hơn thì còn phụ thuộc vào tài năng thiên bẩm. Hồ sơ cá nhân của Walton chứng minh rằng thất bại ban đầu không ngăn cản được thành công sau đó. Nó cũng minh họa cho tầm quan trọng của việc phát triển phương pháp của riêng mình và loại bỏ các ý kiến khác. *** CẬP NHẬT TÌNH HÌNH VỀ STUART WALTON Walton rời bỏ thế giới giao dịch trong lúc thị trường đang theo chiều giá lên một cách mạnh mẽ, sau 8 năm lăn lộn trên thị trường ông đã đạt được thành tích rất đáng nể với lợi nhuận (gộp) trung bình hằng năm lên đến ba chữ số. Ông trở lại giao dịch khi thị trường đang theo chiều giá xuống (tháng 1/2001), và lỗi nhịp vì môi trường đã thay đổi. Trong 21 tháng kể từ khi quay trở lại, ông trải qua giai đoạn tích lũy giảm của các chỉ số, thấp hơn chỉ số S&P500 là 6% và kém 4% so với chỉ số Nasdaq. Trong cuộc phỏng vấn tiếp theo, chúng tôi đã thảo luận về các lý do cho sự thay đổi trong hiệu suất hoạt động của Walton và những thay đổi mà ông đã thực hiện trong phương pháp giao dịch theo sau đó. Ông đã có 8 năm liền đạt được mức lợi nhuận vượt trội, sau khi nghỉ ngơi một thời gian, ông quay lại và phải trải qua một năm tồi tệ. Xin ông cho biết chuyện gì đã xảy ra? Khi tôi ngừng giao dịch vào giữa năm 1999, chỉ số Nasdaq vẫn chưa bước vào thời kỳ tăng tốc điên loạn. Trước đó, nó đã tăng hơn 20% một năm, nhưng chỉ trong 8 tháng sau khi tôi rời thị trường, nó vọt lên thêm 75%. Vì vậy, tôi không giao dịch suốt quãng thời gian thị trường sôi động và giá tăng bùng nổ. Tương tự như vậy, tôi cũng không giao dịch vào giai đoạn bong bóng vỡ sau đó. Khi tôi quay lại vào năm 2001, do không trải qua những thái cực mà thị trường đã trải qua nên tôi đã không thể đánh giá đầy đủ những thiệt hại về tâm lý mà thị trường phải chịu đựng trong năm 2000. Kinh nghiệm giao dịch gần nhất của tôi là những thành công mà tôi đã chứng kiến trong những năm 1990 bằng cách uyển chuyển đi theo nhịp điệu của thị trường. Kết quả là, thay vì dồn sức đánh lớn, vốn vẫn theo chiều đi xuống của thị trường, tôi lại cố gắng lợi dụng thị trường từ cả hai phía. Ngẫm lại, rõ ràng khi ấy tôi thất bại vì thiếu nhận thức. Nhiều chỉ báo kỹ thuật đáng tin cậy trong nhiều thập kỷ đã không còn hiệu quả trong thị trường theo chiều giá xuống hiện nay, khiến nhiều người tham gia thị trường chuyên nghiệp cũng trở thành kẻ ngớ ngẩn. Vấn đề là ở chỗ hầu hết chúng ta chưa bao giờ thấy một thị trường chứng khoán giống như vậy từ trước tới nay. Chỉ một số ít người sống qua giai đoạn sau khi một bong bóng thị trường tan vỡ. Sự việc có nhiều nét tương đồng nhất sẽ là vào những năm 1930 tại Mỹ hoặc những năm 1990 tại Nhật Bản. Ý ông muốn nói rằng thị trường giá xuống hiện nay có thể kéo dài như những trường hợp ví dụ cực đoan trên? Sự so sánh trên cũng không hoàn toàn phù hợp, vì nền kinh tế Mỹ hiện tại tốt hơn nhiều so với nền kinh tế Mỹ trong những năm 1930 hoặc nền kinh tế Nhật Bản trong suốt 10-15 năm qua. Nhưng có một lý do để nghĩ như vậy, đó là tôi không tin rằng tình trạng bất ổn trên thị trường chứng khoán như hiện nay sẽ kết thúc hẳn cho đến khi những ký ức về thị trường giá lên vào những năm 1990 đã bị xóa sạch hoàn toàn. Hiện vẫn còn quá nhiều người sẵn sàng thu hoạch các cổ phiếu chạm đáy và mua các cổ phiếu công nghệ. Nếu chỉ cần nhìn vào các yếu tố cơ bản của một số công ty công nghệ – lợi nhuận là con số âm, nợ nhiều, định giá cao – thì ta sẽ không có lý do gì để lại gần chúng. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn nhảy vào mỗi khi các cổ phiếu này bắt đầu bật lại. Tại sao? Bởi vì họ vẫn còn nhớ các cổ phiếu này đã từng tăng từ 10 đô-la lên đến 200 đô-la trong giai đoạn cuối những năm 1990. Nó giống như ký ức về máy đánh chữ khi máy tính ra đời. Các nhà đầu tư đã bị các máy đánh chữ thống trị quá lâu, mà ngay cả khi rõ ràng là cuộc cách mạng máy tính đã bắt đầu, người ta vẫn sẵn sàng mua Smith Corona trong khi cổ phiếu này đang trên đường về 0. Tương tự như nắm giữ cổ phiếu công nghệ và đầu cơ của thị trường hiện tại. Một ví dụ khác, bạn biết rằng không thể có sự kiện nào kinh khủng hơn những gì xảy ra vào ngày 11 tháng Chín. Tuy nhiên, thị trường vẫn không thể tiệm cận đến các ngưỡng cực đoan như đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng. Tôi thấy rằng điều này thật đáng ngạc nhiên, và tôi nhận ra rằng quá trình này sẽ mất một thời gian dài để tự điều chỉnh. Mỗi khi có một đợt hồi phục thất bại, thị trường lại rơi xuống những mốc đáy thấp hơn, như là trường hợp gần đây thị trường đã phá đáy của tháng Chín năm 2001, và điều đó đã khiến nhiều người tỉnh ngộ hơn. Khi chưa xuất hiện các mốc cực đoan nghĩa là quá trình này vẫn còn phải lặp đi lặp lại trước khi thị trường giá xuống kết thúc. Nói về cực đoan, có phải ông muốn nói là các định giá cực thấp? Đúng, chắc chắn mức định giá trong tháng Chín năm 2001, và thậm chí mức thấp hơn nữa là trong tháng Bảy năm 2002, vẫn ở mức trên các ngưỡng so với đáy của thị trường trong quá khứ, nhưng tôi còn muốn nói đến mức độ cực đoan về cảm xúc. Về mặt này, mức độ sau ngày 11 tháng Chín và tháng Bảy năm 2002 vẫn chưa là gì so với các ngưỡng cực đoan trong quá khứ, đó là lý do chính tại sao tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy sự cực đoan của những năm 1990 quay trở lại. Tuy nhiên, nếu thị trường có đợt tăng điểm mạnh mẽ trong ba tháng tới, thì tôi cũng muốn tham gia vào đợt hồi phục, bất kể quan điểm dài hạn của tôi là gì đi chăng nữa. Làm thế nào để ông phân biệt được một đợt hồi phục cỡ trung bình của thị trường với một cơn sóng ngắn ngủi chỉ kéo dài một tuần? Từ góc độ kỹ thuật, tôi tìm kiếm những đường xu thế bị phá vỡ và khối lượng giao dịch khi cổ phiếu tăng. Ngoài ra tôi tiếp cận thị trường theo từng cổ phiếu một, hoàn toàn chú ý vào thời điểm hiện tại. Nhưng tôi không chỉ nói rằng bây giờ là lúc phù hợp để tham gia thị trường cho đợt sóng tăng trong ba tháng và mở thế mua vào. Nếu các yếu tố cơ bản của cổ phiếu là tốt thì cổ phiếu và ngành nghề đó về mặt kỹ thuật sẽ vận động tốt, thị trường sẽ được cải thiện, và tôi có thể mở thế mua và nắm giữ nó miễn là những yếu tố cơ bản không bị xấu đi một cách đáng kể. Có phải ông luôn sử dụng các điểm dừng? Đúng vậy. Tại sao chúng không giúp gì cho ông vào năm 2001? Tôi đã sử dụng các điểm dừng, nhưng tôi đã có một tháng rất kinh khủng – tháng Hai – trong tháng này toàn bộ danh mục đầu tư của tôi đã đóng quyền chọn16 hai lần. Các cổ phiếu hàng đầu giảm xuống 50-70%, thế rồi tôi mua vào một rổ cổ phiếu này, sau đó chúng nhanh chóng xuống tiếp 10% nữa, và tôi bị đóng quyền chọn. Cũng trong tháng đó, tôi thử thực hiện tiếp vẫn các giao dịch đó, và lại bị đóng quyền chọn lần nữa. Bây giờ tôi sử dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro ở cấp độ danh mục đầu tư, và thêm vào các lệnh cắt lỗ cho từng cổ phiếu riêng lẻ. Nếu danh mục đầu tư giảm 5% trong một tháng nào, tôi sẽ bán dần, và nếu nó giảm khoảng 10% , tôi sẽ chuyển hết thành tiền mặt. 16 Đóng quyền chọn: Chỉ việc thực thi một lệnh cắt lỗ (tức lệnh cho phép nhà môi giới chứng khoán có thể tự động bán cổ phiếu của bạn nếu cổ phiếu xuống đến mức mà bạn quy định ở lệnh cắt lỗ). (BT) Ngoài việc không chú trọng đầy đủ vào rủi ro ở mức độ danh mục đầu tư, sai lầm tệ hại nhất mà ông mắc phải kể từ khi quay lại giao dịch là gì? Không đánh giá được rằng một thị trường giá xuống có thể mang lại những thay đổi sâu sắc như thế nào cho cán cân giữa lợi nhuận và rủi ro. Ví dụ, giả sử bạn thích một công ty dược phẩm bởi bạn đã nghiên cứu kỹ về nó, bạn tin rằng khả năng 80% Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ phê chuẩn thuốc của họ. Trong môi trường thị trường giá xuống như hiện nay, ngay cả khi bạn đoán đúng về khả năng, giao dịch vẫn có thể là một vụ cược tồi vì chứng khoán có thể lên chỉ 5% nếu quyết định của Cục Quản lý là có lợi, nhưng nó sẽ xuống tới 50% nếu quyết định diễn ra theo chiều hướng bất lợi. Bài học quan trọng nhất mà ông có được từ trải nghiệm khó khăn của ông trong năm 2001 là gì? Điều quan trọng là chỉ giao dịch khi có ưu thế – không giao dịch khi không có giao dịch nào cả. Hiện giờ ông có giao dịch ít hơn không? Có, ít hơn nhiều. Tôi đã kiểm tra lại các giao dịch của mình tại các quỹ phòng vệ trước kia và thấy rằng trong những giai đoạn trong đó doanh thu của tôi là cao nhất, tôi không hề có tiến bộ nào cả. Khi tôi nhìn lại những lần có doanh thu cao, thì đó cũng chính là thời kỳ mà tôi có những cảm xúc dâng trào nhất. Quá nhiều cảm xúc thường dẫn đến quá nhiều doanh thu và có những quyết định sai lầm. Mặc dù tôi vẫn muốn được hành động ngẫu hứng, nhưng giờ đây tôi bắt mình phải suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi quyết định tiến hành một giao dịch. STEVE WATSON - QUAY SỐ NHẬN TIỀN S teve Watson chưa từng ngần ngại đón nhận rủi ro. Ông thích thú kể lại một thói quen trong những ngày hè thời thơ ấu, khi ông cùng người anh họ của mình đi bắt rắn trên dãy núi Ozark. Năm ông lên 11 tuổi, ông và người anh họ nghĩ rằng bắt rắn độc sẽ “vui” hơn rắn không độc. Họ tìm thấy hai con rắn hổ nước to bự. Sau khi đè mỗi con rắn bằng một cành cây dài và túm chặt ngay dưới đầu chúng, họ quyết định mang chúng trở lại chiếc lều của gia đình cách đó khoảng một dặm về phía hạ lưu để tự hào khoe với cha họ về những gì bắt được. Sau khi bì bõm lội qua sông cạn được khoảng nửa dặm, bị mấy con rắn quấn quanh cánh tay, họ bắt đầu mỏi tay không giữ chặt được đầu con rắn. Thế rồi họ nghĩ lại. “Có lẽ đây không phải là một ý kiến hay ho gì.” Cuối cùng, không thể giữ lâu hơn nữa, họ ném mấy con rắn xuống nước và chạy thật nhanh theo hướng ngược lại. Tương tự như vậy, việc mua bán cổ phiếu hẳn cũng có vẻ kiểm soát được. Watson cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp của mình. Hai năm sau khi trở thành người môi giới, càng ngày ông càng nhận ra rằng ông đã chọn con đường sai lầm để thực hiện mục tiêu của mình là giao dịch cổ phiếu, vì vậy ông nghỉ việc và chuyển đến New York. Ông đã làm như vậy mà không có trong tay những mối quan hệ kinh doanh, đầu mối công việc, hoặc một lý lịch cá nhân đẹp đẽ. Trong thực tế, hoàn toàn không có lý do gì hợp lý để giải thích cho sự thành công của Steve Watson – ngoài lòng quyết tâm của bản thân. Vài năm sau đó, ông bỏ một công việc yên ổn tại một quỹ lớn để gây dựng quỹ phòng vệ của riêng mình. Ông khởi sự khi thậm chí không có đủ tiền thuê văn phòng. Tuy nhiên, khi nói đến giao dịch, Watson sẵn sàng chấp nhận rủi ro. “Bạn phải sẵn sàng chấp nhận một mức độ rủi ro nào đó”, Watson nói,“nếu không bạn sẽ không bao giờ làm được gì.” Nhưng ông tin rằng cần phải hạn chế rủi ro trong tầm kiểm soát. Trường vị ròng của ông thường ở mức dưới 50% tài sản, và thường là thấp hơn nhiều. Kể từ khi ông bắt đầu thành lập quỹ cách đây bốn năm rưỡi, mức sụt giảm tồi tệ nhất từ mốc đỉnh điểm chỉ dưới ngưỡng 4%, tương đương mức lợi nhuận trung bình hằng tháng của ông sau khi khấu trừ hết mọi chi phí. Xét về tỷ lệ lợi nhuận trên rủi ro, thành tích này đặt ông vào hàng ngũ các nhà quản lý quỹ hàng đầu. Một trong những bài học lớn mà tôi rút ra khi thực hiện các cuộc phỏng vấn cho cuốn Phù thủy sàn chứng khoán là: các nhà giao dịch thành công luôn luôn sử dụng những phương pháp phù hợp với tính cách của họ. Watson đã chọn cho mình phương pháp phụ thuộc rất nhiều vào việc giao tiếp và nghe ngóng thông tin từ người khác, một phong cách rất phù hợp với tính tình thoải mái của ông. Khi được hỏi liệu ông có thấy khó khăn trong việc khiến những người hoàn toàn xa lạ dành thời gian để nói chuyện với mình hay không, Watson nói: “Cha tôi là một trong những người tử tế nhất trên thế giới. Ông đã dạy tôi một điều rằng,‘Hãy đối xử với mọi người như thể họ là những người bạn tốt nhất của con.’ Tôi nhận ra là nếu anh tiếp xúc với mọi người bằng thái độ đó thì hầu như lúc nào họ cũng sẵn lòng tìm cách giúp anh.” Tôi gặp Watson trong một phòng họp tại công ty ông ở Manhattan. Ông rất thoải mái và thân thiện với giọng nói phản ánh nguồn gốc Arkansas của mình. *** Lần đầu tiên ông quan tâm đến thị trường chứng khoán là khi nào? Tôi xuất thân từ một gia đình không bao giờ đọc tờ Wall Street Journal, và không bao giờ mua cổ phiếu, mà cũng chẳng bao giờ đầu tư vào các quỹ tương hỗ. Tôi không biết bất cứ điều gì về thị trường chứng khoán cho đến khi vào học đại học. Ở Đại học Arkansas, tôi học một khóa về đầu tư, và chính khóa học này đã làm dấy lên sự thích thú của tôi với thị trường. Khóa học có điều gì hấp dẫn ông? Nghiên cứu một cổ phiếu. Trong một dự án chính của khóa học, chúng tôi phải chọn một cổ phiếu và viết báo cáo về nó. Nhóm của tôi chọn một công ty dịch vụ công cộng địa phương đang gặp rắc rối. Chúng tôi đã phân tích và đi đến kết luận rằng đó là một công ty rất kinh khủng. Trong bài trình bày của mình, tất cả chúng tôi đều đã sẵn sàng vứt cổ phiếu của họ vào sọt rác. Trước hôm thuyết trình một ngày, một người trong nhóm đã nảy ra ý tưởng sáng suốt là đến văn phòng môi giới địa phương để xem họ nói gì về cổ phiếu của công ty này. Hãng môi giới có báo cáo rất đẹp về công ty này với đủ mọi bình luận tích cực và kết thúc bằng khuyến nghị mua cổ phiếu. Thế rồi chúng tôi, một nhóm sinh viên đại học đang theo một khóa học đầu tư căn bản, nghĩ rằng vì họ kiếm sống bằng nghề này nên hẳn là chúng tôi sai rồi. Chúng tôi sửa lại toàn bộ báo cáo để có một kết luận tích cực, mặc dù nó hoàn toàn ngược lại với những gì chúng tôi tin tưởng. Ngày hôm sau, chúng tôi nộp bài thuyết trình, và vị giáo sư đã xé nó ra. “Đây là một công ty kinh khủng!” ông kêu lên và đưa ra một danh sách các lý do để minh chứng cho kết luận của mình – và tất cả những điều đó đều đã có trong báo cáo ban đầu của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi nhìn nhau chẳng biết nói gì hơn (cười lớn). Cuối cùng cổ phiếu ấy ra sao? Đi xuống. Đó chính là lúc tôi học được bài học đầu tiên và quan trọng nhất về thị trường chứng khoán: Hãy trung thành với những gì mình tin tưởng. Có phải khóa học đó đã khiến ông quyết định theo đuổi sự nghiệp trong thị trường chứng khoán? Đúng rồi. Sau khi tốt nghiệp, tôi chuyển đến Dallas, thành phố lớn duy nhất tôi từng ghé thăm, để tìm việc làm môi giới chứng khoán. Tôi nghĩ làm môi giới chứng khoán có nghĩa là bạn quản lý tiền bạc của người khác và chơi trên thị trường chứng khoán cả ngày. Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng nó giống việc bán hàng hơn, và thành thật mà nói, tôi là một người bán hàng rất tệ. Tôi kiếm được khách hàng lớn nhất của mình vì người môi giới của ông ta không chịu trả lời điện thoại vào ngày sụp đổ thị trường chứng khoán tháng Mười năm 1987 – anh ta không dám nói chuyện với các khách hàng của mình – và tôi là người duy nhất ông ta có thể tiếp cận. Sau khi làm ở đó được khoảng hai năm, tôi gọi điện thoại cho bố và nói,“Con không muốn làm môi giới chứng khoán. Tất cả những gì con làm là gọi điện thoại ngẫu nhiên tới khách hàng, cố gắng thuyết phục họ mua những thứ họ không cần.” Sau khi diễn đạt cảm xúc thành lời, tôi quyết định nghỉ việc. Tôi biết mình thực sự muốn trở thành người quản lý tiền. Tôi chuyển đến New York để tìm một công việc phù hợp hơn với mục đích của mình. Ông có thành công ở cương vị nhà môi giới chọn cổ phiếu không? Không, không hề. Vậy thì điều gì đã khiến ông tự tin rằng ông có thể quản lý tiền thành công? Tôi không mong muốn có được công việc quản lý tiền ngay lập tức. Tôi chỉ muốn chen được chân vào nghề này mà thôi. Khi tôi đã quyết định làm điều gì đó, tôi trở nên rất quyết liệt, mặc cho có nhiều trở ngại. Nếu tôi không có thái độ như thế, có lẽ tôi đã không bao giờ thành công. Khi đến New York, tôi chẳng có bất kỳ mối quan hệ nào, và sơ yếu lý lịch của tôi với điểm trung bình 2,7 từ Đại học Arkansas cộng với hai năm kinh nghiệm làm môi giới chứng khoán – chắc chắn chẳng gây được ấn tượng với ai. Do đó, tôi không thể cạnh tranh được với những người đã tốt nghiệp ở Harvard và thực tập tại Goldman Sachs. Thế là tôi phải đi đường vòng. Tôi làm cho một công ty bảo hiểm, công việc là phân tích tín dụng, chủ yếu là để thanh toán các hóa đơn, nhưng nhờ đó tôi có thêm một số kinh nghiệm về phân tích. Ngoài ra tôi còn nộp đơn vào trường Kinh doanh trực thuộc Đại học New York nhưng không được nhận. Tôi theo học Đại học Fordham một học kỳ, nhận được điểm tốt, và sau đó tôi chuyển đi. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã phỏng vấn khoảng 45 nhà quản lý quỹ phòng vệ, việc đó rất có ích, vì nó đã giúp tôi cảm nhận được về những gì người khác đang làm. Rồi tôi kiếm được việc tại Bankers Trust, làm việc trong bộ phận vốn hóa nhỏ [nhóm đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ]. Mặc dù tôi là người mới, nhưng họ tuyển tôi vì lý do tôi biết cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn bất cứ ai. Không thể đếm xuể đã bao nhiêu đêm tôi thức đến 3 giờ sáng để xem mục chứng khoán trên Bloomberg. Vào lúc đó, có lẽ tôi có thể biết tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn có mức vốn hóa thị trường dưới 300 triệu đô-la. Tại sao ông lại quyết định tập trung vào cổ phiếu có vốn hóa nhỏ? Tôi luôn yêu thích các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ bởi tôi không thể có được ưu thế về các cổ phiếu như Microsoft hay Intel. Tôi không thể gọi cho Giám đốc Tài chính (CFO) của những công ty này. Ở trường đại học, mặc dù chưa đi làm nhưng tôi có thể gọi cho các CFO, nói với họ rằng tôi đang làm dự án về công ty của họ, và đặt câu hỏi cho họ. Báo cáo của các công ty chồng chất hàng đống trong phòng tôi. Trách nhiệm của ông tại Bankers Trust là gì? Tôi làm phụ tá đắc lực cho Bill Newman trong việc phụ trách hai quỹ vốn hóa nhỏ. Ông đã cho tôi rất nhiều sự tự do. Nếu tôi thích ý tưởng nào, ông để tôi thực hiện nó. Tôi gần như là người quản lý danh mục đầu tư vì ông ít khi từ chối những cổ phiếu tôi chọn. Thật không may, ông rời công ty ba tháng sau khi tôi vào làm. Sau đó tôi lại không hợp với người thay thế ông vì triết lý đầu tư của ông ta và tôi có nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn như thế nào? Sếp mới của tôi, tình cờ lại là một trong những người chọn cổ phiếu tệ nhất mà tôi từng gặp, là một nhà giao dịch theo đà thay đổi giá17, thích mua các cổ phiếu có hệ số P/E cao [tức các cổ phiếu giao dịch ở mức bội số so với mức thu nhập của chúng] đang lên giá nhanh chóng. Trong khi đó, tôi lại thiên về mua các cổ phiếu giá trị và làm rất nhiều nghiên cứu chi tiết về mỗi công ty. Tôi xin nghỉ khoảng nửa năm sau đó, và đi tìm việc khắp Phố Wall, cuối cùng tôi vào làm cho Friess Associates, họ quản lý quỹ Brandywine. 17 Chỉ các nhà giao dịch hành động dựa trên sự thay đổi trong giá, lợi nhuận hay doanh thu của cổ phiếu, theo đó nhà giao dịch sẽ mở trường vị hoặc đoản vị với hy vọng rằng đà thay đổi này sẽ tiếp tục theo hướng đi lên hoặc đi xuống như hiện tại. Chiến lược này dựa trên những diễn biến ngắn hạn trong giá cổ phiếu hơn là quan tâm đến giá trị cơ bản. (BT) Họ thuê ông làm công việc gì? Về mặt danh chính ngôn thuận thì tôi được thuê làm chuyên gia tư vấn, vì tôi làm việc ở một văn phòng vệ tinh. Vào thời điểm đó, chi nhánh chính của công ty được đặt tại Wilmington, Delaware, còn tôi thì làm việc ở Manhattan. Theo cung cách vận hành của Friess thì ai cũng đều vừa là nhà phân tích nghiên cứu vừa là nhà quản lý danh mục đầu tư. Họ sử dụng phương pháp gọi là “lợn trong máng”. Nếu tìm thấy một cổ phiếu bạn thích và muốn mua, bạn phải thuyết phục người khác bán bớt cổ phiếu họ đang nắm giữ để có chỗ trống trong danh mục đầu tư, giống như một con lợn đẩy con lợn khác đi nếu nó muốn có được một chỗ ở máng ăn. Ông làm ở đó được bao lâu? Khoảng hai năm. Tại sao ông lại bỏ việc? Tài sản của quỹ đã tăng trưởng nhanh chóng. Tôi thích các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Nhưng tài sản của quỹ trở nên quá lớn, khiến họ không còn bận tâm đến cổ phiếu vốn hóa nhỏ nữa, và trọng tâm của quỹ gần như hoàn toàn chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn, khiến việc gặp gỡ và đặt câu hỏi cho các CFO rất khó khăn. Ngoài ra, vì tài sản tăng lên, số lượng các nhà phân tích cũng tăng. Khi có đến 15 nhà phân tích thì hiệu suất làm việc của bạn chẳng có tác động gì nhiều đến quỹ. Tôi muốn ở trong tình huống mà tôi có thể kiểm soát được hiệu suất. Tôi quyết định thôi việc để thành lập quỹ của riêng tôi. Xin ông cho biết ông lấy tiền ở đâu ra để thành lập quỹ? Vào lúc đó, tôi chỉ có khoảng 20.000 đô-la. Tôi bèn đến gặp vài vị CFO mà trước kia tôi cho họ lời khuyên để họ mua bán chứng khoán trên tài khoản cá nhân, và những lời khuyên của tôi đã từng rất có ích cho họ. Tôi chỉ kêu gọi được 700.000 đô-la làm tài sản cho quỹ; thì tôi là người bán hàng tệ nhất thế giới mà. Nhưng bấy nhiêu là đủ để thành lập quỹ. Làm thế nào mà ông trang trải được tất cả các chi phí hoạt động? Tôi thật vô cùng may mắn. Ed McGuinn, người cho tôi thuê văn phòng vào thời điểm đó, muốn giúp tôi khởi nghiệp. Ông biết tôi không đủ khả năng thuê văn phòng riêng, vì vậy ông để tôi sử dụng một văn phòng nhỏ miễn phí. Đó là cái văn phòng nhỏ nhất mà tôi từng thấy – khoảng 4m2 – nhưng tôi vô cùng biết ơn ông ấy. Thậm chí ông còn trả lệ phí hằng tháng cho tài khoản Bloomberg giùm tôi. Tôi nhận thấy trong năm đầu tiên làm quản lý quỹ, rủi ro ròng18 của ông khá lớn, có thể là gấp đôi những năm sau đó. Tại sao vậy? 18 Rủi ro ròng (net exposure): Chỉ tỷ lệ chênh lệnh giữa rủi ro trường vị ròng và rủi ro đoản vị ròng của một quỹ phòng vệ. Rủi ro ròng là thước đo mức độ chịu ảnh hưởng các biến động thị trường của các công cụ tài chính của một quỹ. Nhà quản lý quỹ phòng vệ sẽ điều chỉnh rủi ro ròng theo quan điểm đầu tư của mình. Một quỹ có rủi ro trường vị ròng khi tỷ lệ đầu tư vào trường vị lớn hơn tỷ lệ đầu tư vào đoản vị và ngược lại, một quỹ có đoản vị ròng khi đoản vị lớn hơn trường vị. Nếu tỷ lệ đầu tư vào trường vị và đoản vị tương đương nhau, đây gọi là chiến lược trung hòa thị trường, vì rủi ro ròng ở ngưỡng 0. Trong năm đầu tiên, tôi có quan điểm về tỷ lệ rủi ro trên lợi nhuận khác với sau này, bởi khi ấy tôi mới quản lý dưới 1 triệu đô-la. Tôi cho phép rủi ro ròng lên đến 70-80% và mỗi vị thế có thể lên đến 5 hoặc 6% tài sản. Kết quả là năm đó chúng tôi đã có lợi nhuận lên đến ba chữ số. Ông chọn mua cổ phiếu như thế nào? Chúng tôi có hai quỹ: Quỹ vi mô đầu tư vào các công ty có vốn hóa thị trường dưới 350 triệu đô-la, và quỹ vốn hóa nhỏ đầu tư vào công ty với số vốn từ 350 triệu đến 1,5 tỷ đô-la. Ở cả hai quỹ, chúng tôi bắt đầu bằng cách tìm kiếm các công ty còn tương đối rẻ – giao dịch tại mức giá khoảng 8-12 lần lợi nhuận. Trong nhóm này, chúng tôi cố gắng xác định những công ty nào mà các nhà đầu tư sắp thay đổi nhận thức về chúng. Thông thường, đây có thể là những công ty hiện đang gặp một số khó khăn, nhưng tình hình sắp đảo ngược. Chúng tôi cố gắng để tìm hiểu thông tin như vậy trước khi mọi người biết đến. Ông làm điều đó như thế nào? Chúng tôi thực hiện rất nhiều cuộc gọi. Sự khác biệt giữa quỹ của tôi với hầu hết các quỹ phòng vệ khác là chúng tôi tập trung trước hết vào việc nói chuyện với các công ty. Tôi có 2 nhân viên dành ba phần tư quỹ thời gian của họ để đặt trước các cuộc gọi với ban quản lý công ty và 5 người chuyên nghiên cứu, cả ngày hầu như chỉ gọi đến các công ty và nói chuyện với các CFO. Trong nghề này, bạn không thể ngồi chờ một sản phẩm ra mắt rồi thành công bởi đến lúc đó, bạn sẽ phải trả gấp ba lần để mua cổ phiếu. Chúng tôi cố gắng tăng thêm giá trị bằng cách tự nghiên cứu. Nếu bạn mua các cổ phiếu đang bị thua lỗ lớn – chỉ giao dịch ở mức gấp 8-12 lần thu nhập19 – thì bất kỳ sự thay đổi lớn nào cũng đều có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu một cách đáng kể. 19 Thu nhập (earnings): Ở đây được hiểu theo nghĩa là thu nhập ròng sau thuế. Thu nhập là yếu tố quyết định chính đối với giá cổ phiếu, bởi thu nhập và những yếu tố xung quanh liên quan đến nó có thể cho thấy một doanh nghiệp có sinh lợi và thành công xét về lâu dài hay không. Thế không CFO nào có xu hướng tô vẽ một bức tranh màu hồng cho công ty họ sao? Có chứ. Bạn không thể tin tưởng tuyệt đối những gì họ nói. Họ cũng chỉ là con người, và họ có xu hướng phóng đại việc làm ăn tốt của công ty mình. Nhưng chúng tôi cũng phải nói chuyện với các nhà phân phối, khách hàng và đối thủ cạnh tranh của họ nữa. Nếu muốn sở hữu một cái gì đó, chúng tôi sẽ nói chuyện không chỉ với công ty, mà còn phải nói chuyện với những người bán và sử dụng sản phẩm của công ty đó nữa. Ông đã dạy các chuyên viên nghiên cứu của mình thực hiện phỏng vấn qua điện thoại như thế nào? Bạn muốn người khác đứng về phía bạn. Đừng bao giờ nói với một CFO là ông ta sai hoặc chỉ dạy ông ta cách điều hành doanh nghiệp. Nếu bạn làm thế, lần sau ông ta có thể sẽ không bao giờ nghe máy của bạn nữa. Bạn cũng phải đặt câu hỏi đúng cách. Bạn không được đặt cho một vị CFO một câu hỏi sỗ sàng như: “Thu nhập quý này của các vị là bao nhiêu?” bởi vì, rõ ràng, ông ta không thể nói với bạn được. Thay vào đó, nếu hỏi về những tác động của ông ta đối với công ty khi đối thủ sắp ra mắt một sản phẩm, có thể bạn sẽ biết được một số thông tin hữu ích. Chúng tôi là những thám tử. Chúng tôi cố gắng để tìm kiếm những thông tin không được phát tán rộng rãi và sau đó lắp ghép các mảnh thông tin với nhau để có được ưu thế cạnh tranh. Ông còn tìm kiếm điều gì khác nữa khi ông mua vào một cổ phiếu? Mức giá thấp và triển vọng cho sự thay đổi sắp diễn ra là hai yếu tố chính. Ngoài ra, nếu có hiện tượng mua nội bộ20 từ ban lãnh đạo công ty thì đó cũng là một dấu hiệu tốt, góp phần khẳng định triển vọng cải thiện xét từ góc nhìn của công ty đó. 20 Mua nội bộ (insider buying): chỉ việc người trong một công ty mua cổ phiếu của chính công ty đó. Không nên nhầm lẫn mua nội bộ với hoạt động giao dịch nội gián, hoặc còn gọi là giao dịch tay trong (insider trading), một thuật ngữ chỉ việc những người trong công ty thực hiện giao dịch dựa trên những thông tin kín – một hoạt động bất hợp pháp. Ngược lại, mua nội bộ dựa trên những thông tin công khai, phản ánh một tình huống mà trong đó những người trong công ty tin rằng cổ phiếu của họ chưa được đánh giá đúng mức. Mua nội bộ có phải là một yếu tố mà ông thường cân nhắc đến không? Có chứ, nhưng tôi không muốn chuyện này được đưa ra trong sách. Tại sao lại không? Bởi vì tôi không muốn để lộ bí mật. Nhưng mua nội bộ không hoàn toàn là một bí mật. Trên thực tế, nó đã được bàn đến trong nhiều cuộc phỏng vấn trước đây mà tôi đã thực hiện để viết cuốn sách này. Trong quãng thời gian hai lần tìm việc ở Phố Wall, tôi đã phỏng vấn ở khoảng 80 công ty. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà quản lý quỹ phòng vệ sử dụng các biểu đồ và thông tin về bên bán [nghiên cứu của bên môi giới] nhưng không để ý đến thông tin mua nội bộ. Thực ra, có rất nhiều nhà quản lý nói với tôi rằng việc sử dụng thông tin mua nội bộ là ngu ngốc (cười lớn). Đầu tư chứng khoán không phải là một môn khoa học chính xác. Bạn càng nhìn ra nhiều điều hữu ích thì khả năng thành công của bạn càng lớn. Nếu chúng tôi nói chuyện với các công ty thì khả năng đưa ra những quyết định đầu tư chính xác của chúng tôi càng lớn. Tương tự như vậy, nếu chúng tôi tập trung vào các công ty có xu hướng mua nội bộ, điều đó không có nghĩa là các cổ phiếu này sẽ tăng lên, nhưng chắc chắn điều đó sẽ nâng cao khả năng thành công của chúng tôi. Ý ông là ông không sử dụng các biểu đồ hay các khảo sát của Phố Wall? Tôi chưa bao giờ nhìn vào một biểu đồ nào cho 99% số cổ phiếu tôi đã mua cho quỹ của mình. Lý do ông không sử dụng biểu đồ vì ông đã cố gắng sử dụng chúng nhưng không thể tìm thấy bất kỳ giá trị nào hay là vì ông chưa bao giờ khám phá cách thức nghiên cứu này? Có quá nhiều người sử dụng biểu đồ. Một khi quá nhiều người cùng sử dụng một phương pháp, tôi cảm thấy rằng tôi không có được một lợi thế cạnh tranh. Còn những nghiên cứu của bên môi giới? Có phải ông cũng không bao giờ sử dụng chúng? Tôi xem xét các dự đoán về thu nhập của giới phân tích bởi một phần công việc của tôi là tìm hiểu xem một công ty đang kinh doanh tốt hơn hay tệ hơn những gì mọi người được biết. Nhưng tôi chưa bao giờ gọi cho các nhà phân tích bên bán21 để hỏi ý kiến. Đừng hiểu nhầm tôi, ở đó cũng có những nhà phân tích rất giỏi. Vấn đề thực sự chỉ nằm ở triết lý của tôi: Tự làm nghiên cứu riêng thì giá trị hơn nhiều để bạn có thể đưa ra quyết định về thời điểm ra hay vào thị trường. 21 Nhà phân tích bên bán: Là người làm việc cho một hãng môi giới với nhiệm vụ đánh giá tiềm năng phát triển thu nhập tương lai của các công ty và các tiêu chí đầu tư khác. Họ thường đưa ra những đề xuất cho các nhà đầu tư. Nếu tôi mua một công ty vì khuyến nghị của một nhà phân tích, rồi cổ phiếu đột ngột giảm 20%, tôi sẽ phải phụ thuộc vào nhà phân tích đó để biết thông tin. Nếu tôi gọi cho họ và họ trả lời, “Mọi việc đều tốt cả” thì sau đó tôi cố gắng gọi cho CFO của công ty, có thể ông ấy cũng chẳng thèm bắt máy vì không biết tôi là ai. Trong khi đó, ông ấy đang bận nói chuyện với cả chục người khác mà ông có quan hệ. Nếu tôi là người tự gây dựng mối quan hệ với công ty, có lẽ tôi sẽ là người đầu tiên mà vị CFO phải gọi lại. Một khía cạnh khác nữa là nghiên cứu của bên bán có xu hướng thiên vị, nó bị chi phối bởi các mối quan hệ với bộ phận đầu tư của ngân hàng. Nếu một công ty môi giới kiếm được vài triệu đô la để bảo lãnh cho một cổ phiếu thì các nhà phân tích tại công ty đó khó có thể làm gì khác ngoài khuyến nghị mua vào, ngay cả khi họ biết rằng công ty đó có những vấn đề rất nghiêm trọng. Một số nhà phân tích nghiên cứu của tôi có bạn thân làm nhà phân tích bên bán cho biết rằng họ bị áp lực phải khuyến nghị khách hàng mua những cổ phiếu mà họ không thích chút nào cả. Giả sử một cổ phiếu đang được giao dịch trong khoảng P/E là 8- 12 và ông thích các phân tích cơ bản. Làm thế nào để ông quyết được khi nào nên mua nó? Rõ ràng ông không sử dụng bất cứ phân tích kỹ thuật nào để xác định thời điểm, bởi ông thậm chí còn không nhìn biểu đồ nữa mà. Anh cần một chất xúc tác22 nào đó để đẩy cổ phiếu đi lên. 22 Chất xúc tác (catalyst): Trên thị trường chứng khoán, chất xúc tác là một thông tin được tiết lộ hay một sự kiện có thể khiến giá của một cổ phiếu biến động tăng hoặc giảm một cách đáng kể. Chất xúc tác có thể là bất cứ điều gì: báo cáo thu nhập, bình luận của nhà phân tích, công bố sản phẩm mới, đạo luật mới, một vụ kiện, một bình luận từ một vị CEO hoặc quan chức chính phủ, v.v... (ND) Hãy cho tôi một ví dụ về nhân tố khiến ông mua vào một cổ phiếu. Một ví dụ hiện tại là Amerigon. Cách đây hai tuần, họ đưa ra một thông cáo báo chí công bố bản thỏa thuận 5 năm với Ford Motors để sản xuất ghế xe hơi có thông gió. Thông cáo báo chí không chứa nhiều thông tin về trị giá hợp đồng. Nhưng bằng cách nói chuyện không chỉ với công ty mà còn với người của Ford, chúng tôi biết là hợp đồng rất lớn. Ngoài ra chúng tôi biết thêm rằng họ cũng đang đàm phán các hợp đồng tương tự với các nhà sản xuất xe hơi khác. Xin ông cho biết một ví dụ khác nữa về chất xúc tác? Một sự thay đổi dẫn đến sự cải thiện lớn về lợi nhuận. Một trong những cổ phiếu trường vị của chúng tôi là Windmere, một công ty sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân như máy sấy tóc. Năm ngoái, họ mua lại một bộ phận của Black & Decker và trả giá bị hớ. Chi phí vận hành quá cao của bộ phận được mua lại này khiến thu nhập của họ sụt giảm. Chúng tôi gần đây đã mua các cổ phiếu này vào khi được biết công ty có kế hoạch đóng cửa một số cơ sở không đem lại lợi nhuận, động thái đó sẽ giúp họ cắt giảm được chi phí và dự kiến có được lợi nhuận cao hơn trong những quý sắp tới. Ông còn ví dụ nào khác nữa về các chất xúc tác không? Đôi khi chất xúc tác có thể là một sản phẩm mới. Một trong những cổ phiếu thắng lớn của chúng tôi năm ngoái là LTXX, một công ty chuyên về sản phẩm bán dẫn. Khi họ tung ra sản phẩm mới, bằng cách nói chuyện với khách hàng của họ, chúng tôi biết doanh số bán sẽ rất cao. Phố Wall không biết điều này bởi doanh số bán sản phẩm mới này chưa xuất hiện trong các báo cáo thu nhập. Khi thu nhập bắt đầu vượt qua các ngưỡng kỳ vọng, cổ phiếu đó bắt đầu khởi sắc. Nếu ông mua một cổ phiếu và nó tăng giá, khi nào thì ông quyết định thanh lý vị thế? Quá sớm [cười]. Chúng tôi luôn quay vòng cổ phiếu. Nếu chúng tôi mua một cổ phiếu ở mức gấp 10 lần thu nhập và nó tăng lên, thường thì đến khi nó lên gấp 20 lần thu nhập, chúng tôi sẽ thoát ra. Chúng tôi sẽ quay vòng tiền qua cổ phiếu khác có chất lượng tương tự để giữ cho tỷ lệ rủi ro trên lợi nhuận của danh mục đầu tư càng thấp càng tốt. LTXX là một ví dụ điển hình. Chúng tôi bắt đầu mua cổ phiếu khi giá khoảng 5 đô-la và thoát ra khi nó lên đến 15 đô-la, mặc dù dự báo lợi nhuận của chúng tôi vẫn còn rất tích cực. Hôm nay cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức giá 45 đô-la. Tuy nhiên việc thanh lý cổ phiếu sớm đã giúp chúng tôi rất nhiều trong giai đoạn thị trường sụt giảm, vì chúng tôi không bao giờ mua vào các cổ phiếu có tỷ lệ giá/thu nhập quá cao để bị tổn thất nặng nề khi thị trường điều chỉnh. Nếu ông mua vào một cổ phiếu nhưng nó không có biến động gì, thì đâu là thời điểm ông quyết định thoát ra? Nếu nó giống như một thứ tiền chết và tình hình diễn biến không như mong đợi ban đầu của tôi, có lẽ tốt hơn hết là tiếp tục bước đi. Nói cách khác, ông thanh lý ngay khi thấy rằng những lý do khiến ông mua cổ phiếu đã không còn giá trị? Hoặc cũng có thể vì tôi có một ý tưởng tốt hơn. Tiền bạc của chúng ta là hữu hạn. Do đó, điều quan trọng là hãy đầu tư vào những ý tưởng tốt nhất. Ông thường có bao nhiêu vị thế cùng một lúc? Hơn 100. Chúng tôi sẽ không để cho bất kỳ một vị thế nào có khối lượng quá lớn. Chúng tôi mua nhiều nhất khoảng 3% tài sản cho một loại cổ phiếu, và thậm chí cũng ít khi tới mức đó. Đối với các cổ phiếu đoản vị, cổ phiếu lớn nhất cũng chỉ bằng một nửa số đó. Sự cân bằng giữa các trường vị và đoản vị của ông là gì? Rủi ro gộp của chúng tôi thường dao động từ khoảng 20 đến 50% trường vị ròng, hoặc thấp hơn nếu tôi cho rằng thị trường sẽ xuôi theo chiều giá xuống. Ngay lúc này chúng tôi đang có 80% trường vị và 40% đoản vị, cũng là một hiện tượng khá điển hình. Chúng tôi luôn duy trì một tỷ lệ đoản vị tương đối lớn và sẽ tiếp tục làm như vậy. Một phần lý do cho điều đó là tôi là một nhà giao dịch giá xuống23 kinh niên. 23 Chỉ nhà giao dịch/nhà đầu tư bán chứng khoán với kỳ vọng rằng giá cả sẽ tiếp tục giảm. Một nhà giao dịch giá xuống kinh niên trong một thị trường giá lên lớn nhất trong lịch sử – có vẻ như đó không phải là đặc điểm đem lại nhiều lợi ích. Tại sao ông lại thiên về quan điểm giá xuống? Tạ ơn Chúa, dù sao chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền. Tôi đã duy trì quan điểm này trong thời gian dài, nhưng dĩ nhiên là bây giờ [tháng Ba năm 2000], tôi cho rằng chúng ta đang được chứng kiến một sự sôi động ở một vài lĩnh vực, chẳng hạn như Internet và công nghệ. Cổ phiếu được định giá lên tận chín tầng mây. Nó không khác gì những cơn sốt của thị trường mà chúng ta đã từng thấy trước đây, như thị trường Nga cách đây vài năm, thị trường Nhật Bản thập niên 1980, thị trường bất động sản thập niên 1970, thậm chí cả cơn sốt hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ XVII. Ngay lúc này đây, khi xung quanh bạn mọi người đều kiếm được tiền khi mua những cổ phiếu đó, bạn sẽ có áp lực phải đi theo số đông. Bạn như có một đầu máy kéo khi giá cả tăng lên, nhưng vấn đề là, điều gì sẽ xảy ra khi đầu máy dừng lại và đảo hướng, vì chắc chắn nó sẽ như thế. Chúng ta đang ở gần ngưỡng đỉnh hay ngưỡng đỉnh sẽ tồn tại trong ba năm tới? Tôi không thể trả lời câu hỏi đó. Tất cả những gì tôi có thể làm là kiểm soát các yếu tố mà tôi có thể tác động được. Tôi có thể kiểm soát số lượng CFO và khách hàng mà chúng tôi nói chuyện mỗi ngày, nhưng tôi không thể xác định thị trường sắp sửa làm gì. Vậy nói chuyện với CFO của các công ty mà ông đang bán khống cổ phiếu của họ có khó không? Tôi nghĩ họ sẽ không háo hức nói chuyện với các nhà quản lý đang bán khống cổ phiếu của họ cho lắm. Chúng tôi không thực sự nói chuyện với CFO của các công ty mà chúng tôi bán khống nữa. Bởi vì không liên hệ được? Không, bởi chúng tôi đã từng bị thuyết phục bỏ những đoản vị tốt nhất của mình. Trong những năm trước đây, có một số lần tôi thay đổi ý định về việc bán cổ phiếu vì vị CFO bảo đảm với tôi rằng mọi thứ đều ổn, và sau đó cổ phiếu này giảm mạnh. Vì vậy, khi cân nhắc một cổ phiếu đoản vị, chúng tôi dành nhiều thời gian để nói chuyện với các khách hàng, nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh. Ông lựa chọn đoản vị như thế nào? Tất nhiên chúng tôi tìm kiếm các cổ phiếu giá cao – tức các công ty có giá giao dịch ở mức khoảng gấp 40 lần thu nhập, hoặc cổ phiếu không có thu nhập. Trong nhóm đó, chúng tôi tìm kiếm những công ty có kế hoạch kinh doanh sai lầm. Xin ông vui lòng cho một ví dụ về kế hoạch kinh doanh sai lầm. Chủ đề ưa thích của tôi khi chọn đoản vị là các công ty chỉ có một sản phẩm, vì nếu sản phẩm đó thất bại, họ không có gì dự phòng cả. Kiểm tra doanh số bán cho một công ty một sản phẩm cũng dễ dàng hơn nhiều. Một ví dụ hoàn hảo là Milestone Scientific. Công ty này sản xuất một sản phẩm được coi là có thể thay thế thuốc giảm đau Novocain dùng trong nha khoa. Có vẻ như đó là một ý tưởng tuyệt vời, và ban đầu chúng tôi còn tính mua cổ phiếu vào. Một nhà phân tích của chúng tôi đã đến triển lãm thương mại nha khoa và thu thập một loạt danh thiếp từ các nha sĩ tham dự triển lãm. Một nhà phân tích chính của Phố Wall phỏng đoán """