" Phong Trào Đại Đông Du - Phương Hữu full prc pdf epub azw3 [Lịch sử] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Phong Trào Đại Đông Du - Phương Hữu full prc pdf epub azw3 [Lịch sử] Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : PHONG-TRÀO ĐẠI-ĐÔNG-DU Tác giả : PHƯƠNG HỮU Nhà xuất bản : NAM-VIỆT SAI-GON Năm xuất bản : 1950 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : kehetthoi Kiểm tra chính tả : Nguyễn Văn Phẩm, Nguyễn Thanh Hải Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 29/05/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả PHƯƠNG HỮU và nhà xuất bản NAM VIỆT đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC I. Cụ Tăng-bạt-Hổ về nước II. Hội-nghị mở tại nhà cụ đốc Định-Trạch III. Các nhà ái-quốc Việt-Nam ở Nhựt IV. Cụ Phan về rước đức Cường-Để sang Nhựt V. Căm hờn Nhựt, chí-sĩ Trần-đông-Phong tự-sát VI. Các nhà ái-quốc Việt-Nam trở về Trung-Quốc và qua Xiêm VII. Cụ Gilbert thành lập Minh-tân Công-nghệ xã VIII. Cụ Mai-Sơn với phong-cảnh Trung-quốc IX. Cuộc bạo-động ở Saigon X. Cụ Phan-sào-Nam viết sách gởi về cho toàn-quyền Albert Sarraut XI. Việt-Nam Quang-phục hội thành lập tại Quảng-Châu XII. Đức Cường-Để và Cụ Chương-Chu bị nhà cầm-quyền Anh ở Hướng-Cảng bắt Cụ Chương-Chu tuẩn-quốc tại nhà pha Hỏa-lò (Hà-nội) XIII. Bom nổ ở Thái-Bình và nhà hàng Coq-d’Or (Hanoi) XIV. Các thẩm-phán quan người Nam với các phạm-nhân XV. Những cuộc tấn-công ở biên-giới Lèo và Bắc-Kỳ XVI. Cụ Tăng-bạt-Hổ XVII. Cụ Tăng-bạt-Hổ mạng-chung ở Huế XVIII. Phạm-hồng-Thái ám-sát hụt Toàn-Quyền Merlin tại tô giới Anh Quảng-Châu XIX. Cụ Phan-bội-Châu bị bắt và ra trước Hội-đồng đề-hình Hanoi XX. Cụ Phan bị an-trí ở Huế XXI. Lớp màn chót của Phong-Trào PHƯƠNG-HỮU PHONG-TRÀO ĐẠI-ĐÔNG-DU (Tài-liệu về phong-trào bồng-bột của các nhà ái-quốc Phan bội-Châu, Tăng-bạt-Hổ, Nguyễn-Thuật v.v… đã gây ra trước đây hơn 40 năm). Nhà Xuất-Bản NAM-VIỆT 151, Đại-lộ la Somme – Saigon I. Cụ Tăng-bạt-Hổ về nước Năm 1905, nước Nhựt đại thắng quân-đội của Nga Hoàng Tsar Nicolas II ở cửa Lữ-Thuận và cửa biển Đối-Mã làm chấn động dư-luận hoàn-cầu, và như một tiếng còi báo-động đánh thức hết thảy các dân-tộc ở Á-Châu, nhất là dân-tộc Việt Nam. Tinh-thần quốc-gia Việt-Nam bộc phát một cách mạnh mẽ. Tức thì Phong-trào Đông-Du hay Đông-độ cũng thành lập vào hồi nầy. Nguyên trong cuộc Nhựt-Nga chiến-tranh cũng có một số người Việt-Nam gia-nhập trong đạo quân chinh Nga của Minh-trị thiên-hoàng như cụ Nguyễn-Thuật, tức Tán-Thuật cha vợ ông Tôn-thất-Thuyết và cũng có một số người Việt Nam được chứng-kiến sự thắng trận của Nhựt như cụ Tăng bạt-Hổ. Trong một bữa tiệc « ca khúc khải-hoàn » do vua Minh-trị tổ chức khao tướng-sĩ, có cả cụ Tán-Thuật tham-dự, khi vua Nhựt ban rượu, cụ Tán-Thuật nưng chén rượu, khóc trước vua Nhựt, yêu-cầu Ngài giúp đỡ trong công cuộc phục quốc nên trong bài ca Á tế Á của cụ có những câu : Thân phiêu bạc đã đành vô lại Bấy nhiêu năm Thượng-hải, Hoành-Tân. Chinh-Nga nhân buổi hoàn quân, Tủi mình bô há theo chưn khải hoàn. Nâng chén rượu ơn ban hạ tiệp, Gạt hàng châu khép nép quì tâu, Trời Nam mù mịt ngàn dâu, Gió thu như thổi dạ sầu năm canh… Có người kể lại, sau đó cụ Tán-Thuật và cụ Tăng-bạt-Hổ cùng hội-đàm với nhau nhiều lần ở bên Nhựt, quyết định về đem thanh-niên Việt-Nam qua Nhựt học, và chờ có cơ hội thuận tiện sẽ vận-động với Nhựt-hoàng và các chánh khách bên Nhựt ủng-hộ, lập một đạo binh Hải-ngoại về phục quốc. Ý-kiến của hai nhà ái-quốc Việt-Nam đã nhứt định là nhờ ở Nhựt để mưu đồ đại sự và muốn tự cường là phải noi gương người Nhựt : Gương Nhựt-bổn đất Á đông, Muốn khôn ta phải soi chung kẻo nhầm. Qua năm 1906, cụ Tăng ở Nhựt về nước lo cổ-động và tuyên-truyền trong đám thanh-niên hữu-chí với quốc-gia. Ở Huế, ít lâu, vào khoảng cuối năm 1906 cụ Tăng ăn mặc giả thầy đồ Nghệ ra Bắc kiếm chỗ dạy học và làm thuốc. Sau khi giao dịch với sĩ-phu Bắc-Hà, cụ biết một thanh niên có chí-khí là Nguyễn-Quyền hiện đương làm Huấn-đạo ở tỉnh Lạng-Sơn, cụ liền lên kiếm nhà vị học quan trẻ tuổi nầy, trước là lấy chỗ ẩn-thân chắc-chắn để làm việc, sau là ở đấy vốn gần biên-giới Tàu, nếu động có thể dễ bề lẻn trốn. Cụ xin trọ ở nhà cụ Huấn Quyền giả danh làm thuốc kiếm ăn. Cụ Huấn vẫn tưởng ông đồ Nghệ nghèo làm thuốc thiệt tình. Sau biết rõ nhân-phẩm chủ nhà, nhân trong một cuộc đối ẩm, cụ nói rõ cụ là Tăng-bạt-Hổ và kể cho cụ Huấn nghe những thành-tích Minh-trị duy tân của nước Nhựt và chuyện thầy trò Khương, Lương kêu gào, biến pháp bên Tàu ra thế nào. Cụ Huấn nghe chuyện hàng xóm trong lòng phấn phát và sau nầy xin nghỉ phép một năm vận-động mở ra trường Đông-kinh nghĩa-thục, phổ-thông nền tân học bằng quốc-văn mà không lấy học-phí, trái lại còn nuôi cơm cho học-sinh nghèo. II. Hội-nghị mở tại nhà cụ đốc Định Trạch Cụ Tăng ở Lạng-Sơn non một năm trời giao-du với sĩ-phu Bắc-hà, dò xét sĩ-khí và thấy phần đông ai nấy đều còn nặng lòng với tổ-quốc, nên cho là rồi đây sẽ có cơ-hội thuận lợi cho chủ-trương của cụ, nên cụ liền viết thư mời cụ Phan-bội-Châu ra Bắc. Cụ Phan-bội-Châu hồi nầy mới đỗ thủ-khoa, tiếng hay chữ lừng lẫy trong nước. Khi tiếp được thư của họ Tăng, liền lấy cớ ra Bắc thăm ông thân tức là cụ Đồ-Phổ, hiện ngồi dạy học tư ở làng Trình-Phố, tỉnh Thái-Bình để dễ bề gặp gỡ cụ Tăng. Sau khi thăm viếng cha ở Thái-Bình, cụ Phan trở về Nam-Định được nhân-sĩ ở tỉnh nầy tiếp-đãi là thượng khách. Cụ Mai-Sơn Nguyễn-thượng-Hiền lúc bấy giờ làm đốc-học ở Nam-Định giới-thiệu cụ với cụ Đốc Định-Trạch. Ở nhà cụ Đốc Định-Trạch ít lâu, cụ viết thư báo tin cho cụ Huấn Quyền và cụ Tăng-bạt-Hổ. Tức thời, cụ Huấn xin nghỉ ít bữa cùng họ Tăng xuống Nam-Định ở nhà cụ đốc Nguyễn-thượng-Hiền. Các cụ ước-hội với nhau ở nhà cụ đốc Định-Trạch. Cụ Đốc Định-Trạch vốn là một vị hưu quan, nhà phong phú, có thế-lực lớn trong vùng, tuổi già mà lòng yêu nước vẫn hăng hái bồng bột như ai. Cụ dành cho các nhà đại ái quốc một căn nhà ở phía trong để các ông nầy mở cuộc hội nghị. Hội-nghị chỉ có bốn người tham-dự : Tăng-bạt-Hổ, Phan-sào-Nam Nguyễn-thượng-Hiền, Nguyễn-Quyền Sau mấy ngày thảo-luận, các cụ đều thỏa-thuận thành lập Phong-trào Đông-Du, tức là cổ-động trong đám thanh niên trí-thức sang Nhựt học về máy-móc binh-bị, để nếu có dịp tốt, cướp lại chủ-quyền cho xứ sở. Cụ Huấn-Quyền tuy không đồng ý với các cụ, song vì còn ít tuổi nên chỉ ngồi nghe không dám phát biểu ý-kiến. Phong-trào Đông-Du thành-lập. Các cụ liền kêu gọi lòng ái-quốc của sĩ-phu toàn quốc giúp vào việc nghĩa quyên của Phong-trào. Đồng-bào từ Nam chí Bắc đem tiền bạc giúp vào việc nghĩa quyên này rất nhiều. Riêng ở trong Nam, cụ Gilbert Chiếu, có Pháp tịch mở Minh-tân công-nghệ không những giúp đỡ về mặt tài-chánh cho Phong-trào Đông-Du, còn là đại-biểu cổ-động thanh-niên trong Nam gia-nhập P.T.Đ.D. Thanh-niên toàn-quốc gia-nhập đông lắm. Cụ Phan-sào-Nam ủy thác công việc đảng cho các đồng chí ở trong nước, rồi đầu năm 1907, cùng đại-đội du học sinh, kẻ trước, người sau khởi sự xuất-dương do đường Moncay hay Phongsalv (Lèo) trốn sang Tàu. Trong số du học sinh nầy có nhiều thanh-niên người Nam-Bộ là các ông : Trương-duy-Toản, Đỗ-văn-Y, Nguyễn-háo-Vĩnh v.v… Lúc cụ Phan-sào-Nam ra đi, cụ Huấn-Quyền đi tiễn-biệt và nói : « Ninh thọ vô công chí danh, bất khả đồ hữu công nhi tiền môn cự hổ, hậu môn tiến lang, dĩ di họa hậu thế ». « Thà chịu cái tiếng đi ra ngoài mà không làm nên công trạng gì cho tổ-quốc, chớ đừng ráng mưu có công, rồi cửa trước đuổi cọp chạy mà rước beo vô cửa sau, để sanh ra mối lo cho hậu thế ». Cụ Phan lưu biệt các bạn-bè đi tiễn chưn, một bài thi khẩu chiếm như sau này : « Sanh vi nam tử yếu hy kỳ, Khảng hứa càn khôn tự chuyển di. Ư bách niên trung tu hữu ngã, Khí thiên tải hạ cánh vô thùy. Giang-san tử hỉ, sanh đồ nhuế, Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si. Nguyện trục trường phong Đông-hải khứ, Thiên trùng bạch lảng nhứt tề phi ». Đại ý cụ nói mình sanh làm nam nhi phải làm sao cho lạ đời mới khoái, há để cho trời đất tự nó xoay vần. Trong khoảng một trăm năm phải có ta, có lẽ đâu dưới ngàn năm không ai hết. Nay giang-san không còn nữa, ta sống cũng thừa ; mà hiền thánh vắng vẻ, đọc sách mãi cũng vô bổ. Thôi giờ ta nguyền đuổi theo gió mạnh đi qua biển Đông, lúc bấy giờ sóng trắng ngàn trùng thảy đều bay lên phơi phới. III. Các nhà ái-quốc Việt-Nam ở Nhựt Cụ Phan-sào-Nam và một số du học-sinh qua Tàu, lưu-trú ở Tàu ít lâu, rồi cùng nhau đáp tàu qua Nhựt. Đưa học sinh qua Nhựt và lo cho họ có nơi ăn, nơi học rồi, Cụ Tăng nhờ các nhân-sĩ Trung-Hoa ở Nhựt giới-thiệu cụ Phan-sào-Nam và Phan-tây-Hồ với các chánh-khách người Nhựt, vì nhân-sĩ Trung-Hoa ở Nhựt đã lâu nên quen biết nhiều người Nhựt trong chánh-giới. Các nhà cách-mạng Việt-Nam được các chánh-khách Nhựt lấy tình đồng văn, đồng chủng tiếp-đãi rất trọng-hậu và giúp đỡ nhiều chuyện. Đại chánh-khách Nhựt Khuyển-dưỡng-Nghi sau nầy là bạn thiết của cụ Phan, bởi vậy khi ông nầy mệnh-chung (bị người ta ám-sát) cụ Phan có câu đối viếng : « Thất tuần dư chính-trị sinh nhai, vô hạn hùng tâm, phương tương ư Đông-Á Tây-Âu gian, nhứt thanh sất sá ». Vạn lý ngoại bô đào kỳ khách, hữu thùy tri kỷ, nải bất liệu Phú-sơn, Hoành hải tế, tứ cố thương mang. Đời chánh-trị trên bảy mươi năm, một khối hùng tâm, Đông-Á Tây-Âu lừng lẫy sấm. Thân bô bá ngoài muôn vạn dặm ; mấy ai tri-kỷ, biển Hoành, non Phú mịt mù tăm ». Cụ Phan-tây-Hồ ở Nhựt ít lâu, rồi không biết suy tính thế nào, cụ lại trở về nước, sau bị Pháp đày ra Côn-đảo. Lúc bị xiềng ở Kinh giải đi, ngài có thơ : « Luy-luy thiết tỏa xuất đô môn, Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn. Quốc-thổ trầm luân dân-tộc tụy, Nam-nhi hà sự phạ côn-lôn ». Ông Phan-Khôi dịch : « Mang xiềng nhẹ bước khỏi đô môn, Hăng-hái hò reo lưỡi vẫn còn, Đất nước hãm chìm, dân-tộc héo, Làm trai chi sá thứ Côn-lôn ». Hồi ở Nhựt, cụ có đề cuốn tiểu-thuyết « Giai nhân kỳ ngộ » của nhà đại-văn-hào Trung-quốc Lương-khải-Siêu, tưởng nên viết ra để kỷ-niệm thời-kỳ cụ lưu-trú ở đấy : « Vật cạnh phong-trào hám ngũ châu, Anh hùng không túy tự-do lâu. Bạch đầu tráng-sĩ toàn ưu-quốc, Hồng phấn giai-nhân giãi báo cừu. Đàm tiếu nhởn cơ không nhứt thế, Tử sanh nhơn tự túc thiên thâu, Hào tình diệu ngữ ban ban thị, Nhứt độc linh nhơn nhứt điểm đầu ». Ông Võ-Oanh dịch : « Phong-trào tranh-đấu rộn năm châu, Sự tự do, ai chẳng ước cầu. Đầu bạc trai kia lo nợ nước, Môi son gái nọ gỡ thù sâu. Nói bàn chê-chán đời rơm rác, Sống chết theo cùng cuộc biển dâu. Tình tự phô bày trên mặt giấy. Khiến người đọc tới phải rung đầu ». Các nhà lãnh-tụ Việt-Nam ở Nhựt bàn tính việc nước, và nghe đâu một chánh-khách Phù-tang khuyên nên đem một người Hoàng-phái sang Nhựt để cho dễ bề nói truyện, và nhất là Nhựt Hoàng sẽ tin mà ủng-hộ công cuộc phục quốc. IV. Cụ Phan về rước đức Cường-Để sang Nhựt Sau một đêm bàn tính, cụ Phan-sào-Nam được các đồng chí ủy-thác về nước, trước là đưa một người trong Hoàng phái sang Nhựt, sau là để vận-động nền tài-chánh vì khoản chi-phí cho du học-sinh cũng lớn lao lắm, mà tiền quỹ đã gần cạn. Cụ Phan lén về Huế, lẩn-lút trong các nhà đồng-chí ở đất Thần-kinh, trải bao nhiêu công-phu, nỗ-lực mới gặp được một người Hoàng-phái còn có chút tâm huyết đối với giang-san, tổ-quốc, tức là đức Kỳ-ngoại-hầu Cường-Để. Sau khi thuyết cho đức Cường-Để rõ đại sự và nói sự hiện-diện của cụ ở Nhựt là cần thiết cho công việc cứu-quốc, cụ Cường-Để thuận tình xuất dương. Cụ Phan liền viết thư cho các đồng-chí gửi tiền lộ phí gấp rút, rồi một đêm nọ hai người cùng đáp ghe bầu nước mắm ra Bắc để dọ đường Moncay trốn qua Tàu. Nếu không nhầm thì năm Cường-Để xuất-dương là đầu năm 1908. Chính trong năm nầy cụ Mai-Sơn cũng bỏ ngang chức đốc-học Nam-Định để sang Tàu. Có người kể lại rằng cụ Mai-Sơn bỏ ra đi, có để lại trong nhà một cái tráp trong đựng nguyên vẹn số tiền lương đốc học của cụ trong mấy năm làm việc với Pháp. Ngoài tráp cụ đề câu chữ Hán như vầy : « Hiền ư bảo-hộ vô công, bất cảm thọ tứ » nghĩa là « Đối với chánh-phủ Bảo-hộ, tôi không có công gì, vậy không dám nhận cái của ban cho nầy ». Cụ Phan đem đức Cường-Để sang Nhựt nhờ các nhân-sĩ Phù-tang đưa vào yết-kiến Nhựt-hoàng. Vua Nhựt phủ-ủy và hứa nếu có thuận-tiện sẽ đưa Cường-Để về nước, cùng là giúp Việt-Nam này nọ. Cường-Để được Nhựt-hoàng trọng đãi coi là quí-khách. Nhờ thế, các lãnh-tụ trong phong-trào Đông-du cũng có hy vọng sau này sẽ thực-hiện được sở-vọng, ai nấy đều tỏ vẻ thỏa-mãn. Nhựt-hoàng lưu Cường-Để và chu-cấp cho mọi nhu cầu, chắc thâm ý là muốn để sau này lợi dụng ông, đặng thôn tính Việt-Nam, đặt ông lên làm vua « bù nhìn ». Chẳng thế, sao năm 1909, Nhựt lại tống cổ hết thảy các nhà cách-mạng Việt-Nam, không cho lưu-trú ở lãnh-thổ Nhựt nữa, để làm vừa lòng nước Pháp. V. Căm hờn Nhựt, chí-sĩ Trần-đông Phong tự-sát Cuối năm 1908, Pháp Nhựt cùng ký kết một bản hiệp-ước rồi chánh-phủ Nhựt trục-xuất du học-sinh Việt-Nam ra khỏi trường Đông-Á đồng-văn. Chí-sĩ Đông-Phong cho rằng tương lai đã dứt, lại thêm nỗi có nhiều đồng-chí trở về nước bị bắt, ông phẫn-nộ bảo các bạn : - Thời-thế không có vẻ thuận, mặc dầu chúng ta hãy về nước liều chết một phen. Không ai tán-thành đề-nghị của Đông-Phong, ông buồn quá, ngày-ngày ra bờ biển, ngâm-nga những bài ca ái quốc, đầu óc mất cả thường thái. Thật là : « Vạn lý bi thu thường tác khách, Bách niên đa bệnh độc đăng đài. Muôn dặm nghìn thu đau đớn khách, Trăm năm thêm bịnh thẫn thờ đây ! » Sau đó ít lâu, ở Nhựt có cuộc lễ lớn, anh em đồng chí đi xem, duy có Đông-Phong không đi. Thì ra, ở nhà, thi-sĩ đã dùng sợi dây kết thúc đời mình. Ai nấy trông thấy đều nghẹn ngào, ứa lụy, trông lên cuốn sách trên bàn có ghim bức thư tuyệt-mạng của ông, trong có câu : « Thời dử thế, dị sự giữ tâm di, Hư sanh đồ nhuế, hà dĩ sanh di ». Thời với thế đã thay đổi, việc khác với lòng muốn. Thôi thì còn sống làm chi, sống chỉ vô ích ». VI. Các nhà ái-quốc Việt-Nam trở về Trung-Quốc và qua Xiêm Mùa đông năm 1909, trong khi các du học-sinh còn ở Nhựt vận-động, hoặc cũng còn có người đang theo học ở các trường tư, thì cảnh-sát-cuộc Phù-tang ra cấp lệnh buộc phải ra khỏi đất Nhựt. Từ các cụ Phan-sào-Nam, Nguyễn-thượng Hiền, Tăng-bạt-Hổ cho chí đến các du học-sinh đều lần lượt xuống tàu trở về Thượng-Hải. Về Thượng-Hải, cụ Phan, cụ Mai-Sơn và ông Dương-bá Trạc (ông này sau trở về làm quan với Nam-triều) cùng làm nghề viết báo, viết sách để kiếm tiền cung-cấp cho các đồng chí. Cụ Phan-sào-Nam vô biên-tập cho « Đông-phương tạp chí » tập nguyệt-báo có giá-trị về văn-chương, và khảo-cứu của nhà xuất-bản « Thượng-vụ Ấn-quán » ở Thượng-Hải. Du học-sinh kéo về Tàu cả, nên sự chi-phí tốn-kém, hằng ngày ngoài giờ viết sách, báo, các cụ còn phải kiếm việc làm cho các đồng-chí. Tình cảnh các nhà cách-mạng Việt-Nam lúc này thật gian-nan. Đời sống hằng ngày phải tiết-kiệm. Số tiền các đồng-chí ở trong nước gửi sang không thấm-thím vào đâu, và lại thất-thường. Sau các cụ bàn tính đưa một số đồng-chí về Xiêm. Cụ Phan-sào-Nam, vốn là người lanh-lẹ, và có tài ngoại-giao phải nhận trách-nhiệm đưa các đồng-chí trẻ tuổi thất-nghiệp về Xiêm. Các đảng-viên của Quốc-Dân Đảng Tàu lo giùm giấy tờ thông-hành, nhiều người lại giúp tiền lộ-phí cho các nhà cách-mạng Việt-Nam nữa. Về Xiêm, cụ Phan dâng thư cho vua Xiêm và được Ngài cho cả trăm mẫu ruộng tốt để cày cấy, lấy huê-lợi ăn xài. Nhờ đồng-bào ta ở Xiêm cũng khá đông nên các đảng viên phong-trào Đông-du về đó liền được đồng-bào trợ-cấp. Đời sống từ đó mới khỏi lo. Song khỏi lo ăn mặc mà thôi, ở Xiêm mà lại ở trong ruộng rẫy còn có hoạt-động về công cuộc cách-mạng làm sao được. Các nhà ái-quốc ta, kẻ trước người sau, lần-lượt sang Tàu, rồi vì sinh kế khó khăn, cụ Phan-sào-Nam phải đem các anh em đồng-chí, một đoàn non trăm người về Xiêm trú-ngụ. Tại Xiêm, tuy cụ Phan có xin được ít ruộng cho anh em cày cấy để sanh sống tạm, nhưng thật lúc bấy giờ trong tay không ai có lấy một xu nhỏ, biết lấy gì chi-dụng, nhứt là « làm cách-mạng » thì lẽ tự-nhiên là phải xài tiền nhiều. Nhân ở Vọng-các được ít lâu, cụ Phan có gặp một Kiều-bào ta tu hành bên ấy là Thiện-quảng Thiền-Sư, tức thầy Rau vì ngài tu-hành tuyệt cốc, mỗi ngày chỉ ăn một buổi sáng, mà mỗi bữa vỏn vẹn có hai chén rau luộc. Thiện-quảng Thiền-Sư được dân-chúng mộ Phật bên Xiêm kính-trọng lắm, người Xiêm từ trẻ chí già đều ca-tụng ngài, và suốt đời ngài không bao giờ cầm tiền trong tay. Chính vua Xiêm rất kính-trọng ngài nên đã nhiều lần với ngài thuyết-pháp mỗi khi gặp ngày đản-sinh hoặc đại lễ mở ra trong thủ-đô Vọng-các ; Thiện quảng Thiền-Sư không phải tu ở các chùa tại Vọng-các, chỉ thỉnh-thoảng có việc ngài mới về đó mà thôi. Một hôm, cụ Phan-bội-Châu đương-cùng mấy người đồng-chí ở Xam-Xến, bỗng được tin Thiện-quảng Thiền-Sư mới về và hiện đang ở chùa Phổ-Phước. Trong lòng đương bận-rộn, lo nghĩ về vấn-đề tài-chánh, cụ Phan liền lợi-dụng cơ-hội, nhờ nhà tu hành một phen may giải-quyết được vấn đề khó-khăn nầy chăng. Sau bữa cơm chiều, cụ Phan liền đến kiếm cụ Nguyễn thành-Hiến, biệt hiệu là Chương-Chu người Cần-thơ, để bàn tính nhờ Ngài về nước đặng cầu-cứu với đồng-bào Nam-kỳ. Cụ Chương-Chu nói với cụ Phan : « Về việc viện lương, ta cứ đến nhờ cậy thầy Rau là thượng sách. Tôi với ông đến thăm thầy, chúng ta cứ lấy đạo-lý từ-bi, cứu dân cứu nước mà nói với thầy, chắc thầy cũng phát nguyện bồ-đề tâm lý về Nam-kỳ giúp việc sinh-sống cho chúng ta. Thầy lại chính là người Nam-kỳ (Bến-tre), tất nhiên được đồng-bào Nam-kỳ tín-nhiệm… » Hôm sau, hai cụ Chương-Chu và Sào-Nam đến chùa Phổ Phước thăm bái thầy Rau. Thầy Rau tiếp-đãi hai cụ rất niềm-nở rồi sau vài câu chuyện xã-giao ba người cùng dắt nhau lên trên lầu đối trước tượng Phật nói chuyện. Hai nhà cách-mạng ngỏ ý với Thiền sư muốn nhờ ngài giúp-đỡ một việc là trở về nước quyên tiền trợ-cấp cho các đảng-viên của phong-trào Đại-đông-Du hiện đương lâm vào cảnh khốn-đốn. Thiền-Sư nghe hai nhà ái-quốc tả hết nỗi khổ cảnh của các đồng-bào vì việc nước bôn-đào ở hải-ngoại, không sao cầm được mối thương tâm, gạt nước mắt và hứa nội trong tuần ngài thu xếp công việc rồi sẽ trở về nước. Quả nhiên, một tuần sau Thiền-Sư vào bái-yết Xiêm- hoàng xin về hang núi tu-hành, nhưng kỳ thiệt ngài cùng một đảng-viên cách-mạng là Minh-Trai lên đường lẻn về Nam-kỳ. Hơn một tháng sau, ngài cùng Minh-Trai trở lại với một số tiền 2.000$ và nói nếu cần món tiền lớn năm sau ngài sẽ về nước một lần nữa, đây chỉ là số tiền của đám đồ-đệ ngài chung góp chớ chưa phải quyên thỉnh của ai. Năm sau, thiền-sư Thiện-Quảng đúng hẹn lại trở về nước định quyên món tiền lớn cho đảng cách-mạng Việt-Nam hoạt-động nhưng than ôi ! Trời chẳng chiều người, ngài cùng một đảng-viên cách-mạng do đường bộ, ngả Cao-Miên xuyên đường rừng núi xuống Tây-Ninh, không may bị lộ hình tích, cả hai thầy trò đều bị bắn… Năm đó, Thiện-quảng Thiền-sư mới trong vòng 50 tuổi. Hiện giờ còn tấm bia đá kỷ-niệm công-đức ngài trong hang Kho-Lẻm Xiêm do bút tự các cụ Chương-Chu và Sào-Nam. Đức Kỳ-ngoại-hầu Cường-Để xuất-dương được mấy tháng liền thảo một hiệu-triệu gửi về cho đồng-bào ở Nam-bộ. Nguyên văn bản hiệu-triệu bằng Hán-văn do cụ Nguyễn-hải Thần dịch ra quốc-văn. Vào khoảng cuối tháng chạp năm 1907, bản hiệu-triệu gửi về tới tay lãnh-tụ của phong-trào là Gilbert Chiếu. Cụ Gilbert Chiếu (có Pháp tịch) in ra thành nhiều bản gửi đi cho hết thảy các đảng-viên ở các tỉnh. Sau đó ít lâu cụ Gilbert bí mật qua Hong-kong hội-kiến với đức Cường-Để và Phan-bội Châu. Lúc trở về cụ trứ-tác cuốn « Hướng-cảng nhơn-vật » trong có đoạn cụ viết rằng đồng-bào ai muốn sang Hướng cảng cứ viết thư cho cụ, cụ sẽ lo cho sang. Cụ Gilbert hoạt-động về mặt tuyên-truyền rất gắt. Ngay từ ngày 17 Octobre 1907 Cụ đã đăng trong báo « Le Moniteur des Provinces » một bài khuyến-khích về nông nghiệp, trong đó cụ ngụ-ý kêu gọi đồng-bào khởi-nghĩa ; ít tháng sau, cụ lần-lượt đăng trong báo « Lục-tỉnh Tân-văn » bài « Lê Tân-văn » trong đó cụ kể chuyện một người mẹ nuôi Lê-thị-Vân hành-hạ các con nuôi để thỏa-mãn những nhu cầu đê-tiện, khả-ố, toàn-thể bài này có ý bài Pháp hẳn-hòi. Ngày 12 Décembre, Cụ đăng bài hiệu triệu dân-chúng bất tuân lịnh của nhà cầm-quyền Pháp dưới nhan đề « Khi những nhân-vật thượng-đẳng khởi-nghĩa ». Sau cùng ngày 13 Janvier 1908 lại thấy trên mặt báo « Lục-tỉnh Tân-văn », mà cụ là chủ bút, một bài tán-dương cuộc tấn-công quân Pháp trong một đồn nọ ở Rạch-giá dưới đầu đề « Sự hổ tương phù trợ giữa đồng-bào và bàn về nghĩa hổ tương phù trợ ». Sự tuyên-truyền của cụ trong tờ « Lục-tỉnh Tân-văn » làm cho nhà cầm-quyền Pháp phải chú-ý và lo lắng nên chi cụ tạm ngưng không dùng báo-chí để tuyên-truyền nữa, cụ quay ra việc doanh thương. VII. Cụ Gilbert thành lập Minh-tân Công-nghệ xã Không phản đối bằng ngòi bút nữa, cụ Gilbert liền thiết lập một hãng nấu sà-bông tại Chợ-lớn, đồng thời mở ra Nam trung khách-sạn tại Sàigon, Minh-tân khách-sạn tại trước ga xe lửa Mỷ tho để làm nơi liên-lạc với các đồng-chí. Các sĩ-phu ở khắp lục-tỉnh theo cụ rất đông, chúng tôi có thể kể sơ mấy cụ sau nầy, ở Sadec có cụ Đặng-thúc-Liêng và cụ Hội-đồng Hiến, nhạc-phụ ông Diệp-văn-Kỳ ; ở Hốc-môn có cụ Nguyễn-an-Khương, thân-phụ ông Nguyễn-an-Ninh ; ở Chợ-Lớn có cụ Hội-đồng Tồn ; ở Ất-Ếch Trà-vinh có các cụ Ngô-trung-Tín, nhạc phụ bác-sĩ Nhã, Huỳnh-đình-Điển, Nguyễn-viên-Kiều, Nguyễn-thành-Vương ; ở Mỷ-tho có cụ Cả Trận v.v… Về phe phụ-nữ gia-nhập phong-trào có cô Năm (cô ruột ông Nguyễn-an-Ninh), qụản-lý Chiêu-an-Lầu ở đường Kinh lấp tức Bd. Charner bây giờ và bà đầm Fabien Perrot, vợ ông Perrot một người Pháp có chưn trong Hội Tam-Điểm của Pháp (Franc-Maçon). Bà Perrot tục thường kêu là cô Năm Tây cũng là đảng-viên của hội Tam-Điểm, sau có tiệm may ở đường Ét banh bây giờ. Cô Năm Tây giúp việc cụ Gilbert một cách rất đắc-lực. Năm 1913, đức Cường-Để về Nam-Bộ, ngụ tại Chiêu-an-Lầu, cô Năm Tây đùm-bọc, che-chở nên tránh khỏi lưới của Ty mật-thám Pháp. Đức Cường-Để với bộ y-phục và giấy thông-hành người Tàu, nên dễ đóng vai trò ông « lang Khách-trú » cô Năm Tây giả đò là hiền nội-tướng của ông Lang-Tàu rồi dẫn đức « phu quân giả » đi vận-động tài-chánh trong các giới thân-sĩ ở khắp lục-tỉnh. Các nhà hảo tâm Nam-Bộ giúp đỡ Phong-trào Đ. Đ. D. một cách tận tình, nhất là cụ Hội-đồng Hiến, nếu chúng tôi không lầm thì ngài đã bỏ ra tới 20.000đ giúp vào quỹ. Lúc bấy giờ, số tiền 20.000đ thật là lớn lao, có lẽ bằng hai mươi vạn bây giờ. Lại nói khi cô Năm Tây đưa đức Cường-Để đi làm xong xứ mạng ở lục-tỉnh Cường-Để trở về tới Chiêu-an-Lầu thì nhân viên Ty-mật-thám Pháp đến xét bắt đức Cường-Để. Các thám-tử vô khám-xét Chiêu-an-Lầu thì đức Cường Để còn bận quần xà-lỏn, nằm dài trên bàn Tài-Phú. Cũng nhờ nằm trên bàn Tài-Phú nên các thám-tử cho là anh làm công trong tiệm, không để ý tới, bởi thế đức Cường-Để mới thoát khỏi. Sợ đức Cường-Để ở lại lâu ngày, hình-tích sẽ bại-lộ, cô Năm Tây liền phái đồng-chí Nguyễn-văn-Kiệu tức Bảy Kiệu thuê xe song-mã đưa ngài xuống Tân-An (Mỹ-tho) ở ít bữa, rồi ở đó thẳng đường ra Phú-Quốc kiếm tàu hay ghe bầu trở sang Hongkong. Lần hồi hương nầy của đức Cường-Để có đem về nhiều « thông-dụng ngân-phiếu » in hồi năm 1912 tại Hương-cảng ; các ông Huỳnh-Hưng, Phạm-cao-Đài, Thiên-Chưng đem bán khắp Nam-Bộ, bao nhiêu phiếu đều bán được hết không còn một cái nào. Kết-quả mỹ-mãn. Hai bà nữ đảng-viên của Phong-trào sau nầy già nua tuồi tác đều phải sống một khoảng đời « hậu vận » rất chật vật. Cô Năm Tây trở về Cầu-Ngang (Trà-vinh), mới thất lộc vào khoảng năm 1944. Cô Năm thì trở về Hốc-môn bán quán. Về việc kinh-thương, cụ Gilbert tóm lại đã thực hiện y nguyên như « Quốc-nhân hiệp-thương-xã ». Chương-trình của đảng đã hoạch định ngày 13 Février 1907 tại thủ-đô Tokio nước Nhựt. Sau khi đã lập hãng nấu sà-bông và các khách-lầu, cụ Gilbert thường trú-trọng về việc vận lương cho các nhà ái quốc ở Hải-ngoại, và lãnh nhiệm-vụ phân-phát các sách tuyên-truyền, cổ-động ở ngoài gửi về cho các đảng-viên như Kỷ-niệm-Lục, Hải-ngoại huyết-thư, lưu-cầu huyết-lệ thư, Sùng-bái Giai-nhơn, Á tế Á ca v.v… Các sách này phần nhiều đều do cụ Phan-sào-Nam viết ra. Ngoài việc phân-phát sách vở, còn ban-bố chức-tước như Tổng-Ty và Đại-biểu cho các đảng-viên. Mấy ông sau này đều được ban chức Tổng-Ty : trưởng-ban tôn-giáo của Phong-trào Lão-Sư (Núi-Cấm), Giám-đốc Minh-Tân Công-nghệ xã Nguyễn-văn-Kiên, nghiệp chủ Lưu-đình-Ngoạn v.v… Vì hoạt-động gắt quá nên cụ Gilbert Chiếu bị Pháp bắt vào khoảng cuối năm 1908 tại Mỹ-tho, nhưng không đủ bằng chứng buộc tội cụ, nên phải trả lại tự-do cho cụ vào khoảng Avril 1909. Sau khi cụ được tự-do thì các tổ-chức chánh-trị ở khắp lục-tỉnh đều đã bị Ty-mật-thám Pháp khám-phá, tan rã gần hết, nên cụ cũng ít hoạt-động hơn trước. Nghe đâu, sau vì một bài báo (36 con thú) do cụ viết ra có đụng-chạm tới ông đốc-phủ Trần-bá-Thọ hay cụ thân ông này, nên cụ bị bắt và người ta giam cụ ở khám-lớn Saigon một ít lâu, rồi cụ cũng được Phóng-thích trở về sống vui cảnh điền viên tại nơi cố hương là tỉnh Rạch-Giá. Chí-sĩ Gilbert Chiếu mạng chung vào khoảng cuối năm 1913, nghĩa là trước khi cuộc Âu-chiến lần thứ nhứt phát khởi. Để kỷ-niệm đức tánh hy-sinh cao cả của cụ đối với tổ quốc, chúng tôi mạo muội có bài thi sau này gọi là để tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn một bậc anh-hùng của xứ sở : « Trời đất bẩm sinh vốn khác thường, Tài trai lại gặp buổi tang thương. « Tân-văn » kêu gọi hồn non-nước. Minh-xã tranh đua chí quật cường. Quốc tịch mang danh dân Phú-Lãng, Thâm-tâm vẫn máu họ Hùng-vương. Những mong dụng sức xoay trời lại, Vận-động đàn em gấp xuất dương ». VIII. Cụ Mai-Sơn với phong-cảnh Trung-quốc Khi cụ Sào-Nam đưa các đồng chí qua Xiêm, cụ Mai-Sơn ở Thượng-hải nhân những ngày nghỉ thường ngao-du khắp nơi, chỗ nào có phong-cảnh đẹp đều tự đến thăm, hoặc cùng các văn-hữu Trung-hoa cùng đi ngoạn cảnh. Đi tới đâu, cụ cũng có lưu thơ lại, vì thơ đối của cụ rất hay, các danh-sĩ Tàu ai cũng mến tài. Đi chơi Tây-hồ, cụ có bài hát nói : Du Tây-hồ, Non non, nước nước. Ở bên Nam mà mới vượt sang đây, Cấp mảnh trăng lên trải chốn hồ Tây. Ai nói chuyện thì đây ta nói với, Nay ta chán phong-lưu, thôi ý-chí, không thành-thị, chẳng yên hà. Ngồi mà nghĩ có rượu tốt hoa thơm là dễ chịu, Qui lai nhất hướng Long-thành liễu.1 Mộng khứ ưng huề Hạc-phố vân. Mượn lông hằng chắp dưới hai chân, Bay một dịp tới thảo đường ta nghỉ. Dỡ cháp cũ, xem qua « Chẩm trung ký » Chỉ danh sơn mà hỏi một đôi câu, Năm trăm năm nữa là đâu. Đề cái Phong-đình ở Tây-hồ : « Bằng lan khán vân ảnh, ba quang tối hảo thị hồng lục hoa sơ, bạch tần thu lão ! Cử bôi đối Quỳnh lâu, ngọc vũ mạc vô phụ thiên tâm nguyệt đáo, thủy diện phong lai. Vịn câu lơn ngắm ánh sáng, bóng mây đẹp biết bao, lục đỏ hoa, thưa thu già tần trắng ! Nâng chén rượu, nhìn lầu quỳnh mái ngọc, đừng làm phụ lòng trời trăng tỏ, mặt nước gió lay. » Một bữa nọ, cụ đi dự-thính một cuộc diễn-thuyết kín của các đảng-viên Hưng-Trung do ông Tôn-Văn tổ-chức, vừa về tới nhà trọ, thì một đồng-chí ở nước nhà mới sang cho cụ hay rằng phu-nhân ở nhà đã từ-trần. Cụ nghe xong, liền vừa cười vừa đọc : « Giang sơn thùy điếu huống gia sơn ». Tang nước ai khóc huống tang nhà. Tuy thế, cụ cũng có câu đối khóc phu-nhân : « Ngưỡng quan thiên : thiên tắc vân mai từ tắc, phủ quan địa : địa tắc kinh cức hoành sanh ! Trì khu sổ vạn lý, ngọa tuyết san phong, thương hải vị tang điền ! tráng ngã tám quan, khởi phục lương khuê, huỳnh lữ mộng ! Thiếu tòng phụ, phụ dĩ vương sự xuất bôn ; trưởng tòng phu, phu dĩ quốc nạn viễn tỵ, truân tuần sổ thập niên : hàm tân như khổ bạch đầu ưng cánh thậm ! đà khách tảo giác : tiên ư trọc thế đoạn sầu-căn. Ngước trông trời : Trời sao mịt-mờ mây mái ; cúi nhìn đất : đất sao bừa-bãi chông-gai ! giong ruổi vài muôn dặm ăn gió nằm sương, biển cả lấp chưa bằng, lòng tớ còn hăng, màn gấm rồi đâu bay mộng điệp ! Bé theo bố, bố vì việc chúa long-đong ; lớn lầy chồng, chồng vì nạn nước trốn tránh ! thấm-thoát vài mươi năm, nuốt cay nếm đắng, mái đầu chừng toát bạc, phận mình khéo liệu : Dây sầu sớm cắt khỏi đời ô ». Đồng thời cụ có bài thi cảm-tác : Lênh-đênh phiêu bạt tam thiên-lý Trầm thống lâm ly sổ vạn ngôn. Nhiệt huyết tẫn tương văn tự chiến, Hùng phong trực hướng :đẩu ngưu thôn. Có người dịch : Lênh-đênh trôi dạt ba ngàn dặm Đau đớn tê-mê mấy vạn lời. Nuốt trửng sao ngâu hơi khá mạnh, Khua tràn ngòi bút máu đang sôi. IX. Cuộc bạo-động ở Saigon Các đảng viên của phong trào lẻn về Nam-bộ hoạt-động rất gắt vào khoảng tháng Janvier, Février và Mars 1913. Và do theo lịnh của lãnh-tụ Phan-phát-Sanh thì đúng đêm 24-3- 1913 đảng-viên sẽ mở cuộc tấn-công Saigon-Chợlớn. Không dè có nội phản nên Phan-phát-Sanh bị bắt trước hai hôm, tức là ngày 22-3 tại Phan-Thiết. Đồng-thời, một lãnh-tụ khác do đường Xiêm định về Saigon cũng bị Pháp bắt ở Kam-pot (Cao-Miên) ngày 19-3. Mặc dầu hai viên cầm đầu bị bắt, các đồng-chí khác vẫn rải truyền đơn trong đêm 23 rạng 24 ở Saigon-Cholon và khắp lục-tỉnh. Sáng bữa 24-3 nhà cầm-quyền Pháp kiếm thấy 8 trái nổ đặt gần các công-sở ở Saigon. Đến ngày 28-3 xảy ra cuộc biểu-tình ở Chợlớn có gần 1.000 người tham-dự, nhưng cuộc biểu-tình không võ-trang nên bị Pháp giải-tán một cách dễ dàng. Cuộc mưu toan bạo-động ở Nam-bộ thất bại, chắc-chắn là mất người chỉ huy. Phan-phát-Sanh bị bắt rồi thì liền sau đó có thêm 104 vụ bắt bớ khác và 34 đảng viên bị lên án hoặc bị tù, hoặc bị phát lưu. Phan-phát-Sanh bị khổ sai chung thân, nhưng người ta giam ông ngay ở khám-lớn Saigon, khỏi phải đày sang Guyane vì thiếu điều kiện chuyên chở, nước Pháp hồi ấy theo như tờ trình của nhà binh Pháp thì đương ở trong tình trạng chiến-tranh với Đức. X. Cụ Phan-sào-Nam viết sách gởi về cho toàn-quyền Albert-Sarraut Cụ Phan viết cuốn Hải-ngoại huyết-lệ thư gởi về cho đồng-bào và cho ông toàn-quyền Albert-Sarraut nội dung có cái giọng trầm-thống, lâm-ly, chiếm một địa-vị khá lớn trong giải-phóng về tinh-thần của dân tộc Việt-Nam ta : « Hồn thiêng của nước tổ bốn ngàn năm, đã tỉnh hay chưa ? Ta là khách bỏ nước ra đi xa mấy muôn dặm, bao giờ cũng tưởng nhớ non nước mà ngậm-ngùi bâng-khuâng ». Cụ trách các tham quan ô-lại Việt-Nam cho là : « Ngày ngày chỉ mong thê vinh ấm tử cùng hầu non vui chơi trong trốn gác tía đài son. Thật là vô dụng đối với tổ-quốc, thật là những phường tàn dân ». Trong cuốn Pháp-Việt đề-huề chánh-kiến thơ gửi về sau, cụ đề-nghị với toàn-quyền Pháp đại để như vầy : « Nếu nước Pháp coi người Việt-Nam như trâu như ngựa thì lý ưng người Việt phải coi Pháp là kẻ thù. Muốn lúc hoạn-nạn có nhau thì Pháp phải đối đãi tử-tế với người Việt như anh em, như bằng hữu ». Cụ Phan ý muốn cho toàn-quyền Pháp biết nước Nhựt đã dòm ngó Đông-dương, nếu Pháp-Việt không đề-huề thì khi hoạn-nạn dại gì người Việt lại giúp Pháp để chống Nhựt. Sau quả nhiên Nhựt đã chiếm Đông-dương như ai nấy đã rõ. Lời đoán của cụ Phan không sai. Sách vở cụ Phan gửi về cũng gây ít nhiều ảnh hưởng đến chánh-giới Pháp, nên sau nầy mới có trường Cao-đẳng mở ra ở Hà-nội để đào-tạo thanh-niên Việt-Nam. Có lần ông Albert Sarraut nói với quan-lại Pháp ở Đông-dương để cảnh-cáo họ : « Nếu coi người Việt-Nam là hạng nô-lệ, thì việc đổi chủ đối với họ có quan-hệ gì ! » XI. Việt-Nam Quang-phục hội thành lập tại Quảng-Châu Sau những năm hoạt-động ở Tàu, muốn củng-cố địa-vị cuộc đại cách-mạng của phong-trào Đông-du, các lãnh-tụ thỏa-thuận lập ra « Việt-Nam Quang-phục hội ». Việt-Nam Quang-phục hội có điều-lệ và hệ-thống tổ-chức hẳn-hoi, giống như Quốc-dân-Đảng bên Trung-Hoa. Các vị lãnh-tụ có tai mắt và được trọng thị nhứt là các cụ Mai-Sơn, Tăng-bạt Hổ, Phan-sào-Nam, Hoàng-trọng-Mậu, Nguyễn-Thuật tức Tán-Thuật, Đặng-hữu-Bảng v.v… Sau đó (1912) một lâm-thời chánh-phủ thành-lập, lấy Quảng-Châu làm trụ-sở. Cụ Cường Để được bầu làm tổng-thống, cụ Phan-bội-Châu giữ chức phó tổng-thống kiêm-ngoại-giao bộ-trưởng. Chánh-phủ lâm-thời thành-lập xong xuôi, nhiều thanh niên được phái về nước tuyên-truyền và cổ-động về vấn-đề tài-chánh. Hồi nầy các thanh-niên về nước hoạt-động rất gắt, đồng thời tại Long-châu các đảng-viên mở lò chế bom và súng đạn. Nhà cầm-quyền Pháp được tin chăng lưới bổ vây khắp nước đề dò bắt các đảng-viên phong-trào Đông-du. Nhiều quan-lại Việt-Nam làm việc với Pháp được đặc-quyền đàn-áp, tra-xét phong-trào cách-mạng. Vì có công dẹp các đảng-viên V.N.Q.P.H, nên phần nhiều đều được thưởng huy chương Bắc-đẩu bội-tinh. XII. Đức Cường-Để và Cụ Chương-Chu bị nhà cầm-quyền Anh ở Hướng-Cảng bắt Cụ Chương-Chu tuẩn-quốc tại nhà pha Hỏa-lò (Hà-nội) Ai cũng biết Anh với Pháp vẫn luôn luôn đi đôi với nhau, để binh vực lợi quyền lẫn cho nhau ở Á-Đông. Bởi thế các nhà cách-mạng Việt-Nam trú ngụ ở Hướng-cảng thường bị sở trinh-thám Anh để ý truy-tầm. Khoảng tháng 10 năm 1913, cụ Hội-đồng Chương Chu Nguyễn-thành-Hiến, người tỉnh Cần-thơ, vì học làm bom ở Hướng-Cảng nên bị nhà chức trách Anh ở đấy bắt, rồi giải giao cho Pháp. Pháp đưa cụ về giam tại nhà Hỏa-lò Hanoi được ít hôm, tự nhiên chưa kịp lấy khẩu-cung của cụ, thì cụ đã tự-vẫn một là để tránh sự tra tấn tàn khốc của đối phương, hai là để tránh tiết-lậu sự bí mật của đảng. Được tin cụ Chương-Chu mất, các đồng-chí ai nấy đều sa giọt lụy, Hồi cụ Chương-Chu bị bắt thì đức Cường-Để đã cùng các đồng chí là các cụ Đỗ-văn-Y, Huỳnh Hưng v.v… sang Berlin để thương lượng với Đức về việc giải-phóng cho Việt-Nam. Lại nhớ năm 1913, Đức-Cường-Để cùng với cụ Đặng bĩnh-Thành đem « thông dụng ngân phiếu » về bán cho đồng-bào ở Nam-Bộ, khi trở sang Hương-Cảng liền bị sở trinh-thám Anh bắt nhằm ngày 8 Juillet 1913, phải đóng một số tiền là 2.000 đồng mới được phóng thích. « Thông dụng ngân phiếu » in tại Hongkong vào năm 1912 gồm có giấy 100 đồng, 50 đồng và 5 đồng. Một viên thơ-ký tại lãnh-sự quán Đức là Hồ-thọ-Lân đã giúp vào công việc ấn-loát. Ngoài « thông dụng ngân phiếu », chánh phủ lâm thời của Đức-cường-Để còn phát-hành « quân-dụng phiếu » ; quân dụng phiếu in tại Quảng-Đông, cũng trong năm 1912 mặt sau có lẽ có hình cụ Phan-sào-Nam. Số tiền bán « thông-dụng ngân-phiếu » và « quân dụng phiếu » đại để dùng vào các việc trọng đại, một là in các sách của Phong-trào như : Hải-ngoại huyết thơ, Lưu cầu huyết lệ thơ. Khuyến quốc dân du-học, Lão bạn phế khuyến thê. Việt-Nam vong quốc-sử, Lời hiệu-triệu đồng-bào Nam-Bộ. Quốc nhơn hiệp thương xã chương-trình. Ca Á tế Á, Phương-lược (chương-trình khởi nghĩa). để phát cho các đồng-chí và gửi về nước, hai là trao cho Đặng-tử-Mẫn và Tchong-Quang mua nguyên-liệu chế bom và đạn-dược, ba là trợ-cấp cho các tiệm buôn như tiệm « Hồng Xương » ở Long-Châu do Trần-văn-Chính chủ-trương và tiệm Quang-y-Chang v.v… XIII. Bom nổ ở Thái-Bình và nhà hàng Coq-d’Or (Hanoi) Vào khoảng hạ tuần tháng Avril năm 1913, ông tuần-phủ Thái-Bình là Nguyễn-duy-Hàn ngồi trên chiếc xe kéo nhà từ dinh công-sứ về dinh tuần-phủ. Một tên lính gò lưng kéo, hai bên xe hai tên lính, một tên ôm tráp, tên xách điếu cúi đầu rảo bước đẩy theo. Khi xe tới trước cửa dinh đỗ xuống, ông Hàn trên xe vừa bước xuống thì Phạm-văn-Tráng, tung một trái bom, tiếng nổ vang dậy một góc tỉnh, khói đen bao trùm trong mấy phút mới tan. Chiếc xe kéo bị bể ra làm trăm mảnh, ông Hàn nằm trên vũng máu, hồn lìa khỏi xác. Ba tên lính và mấy người qua lại cũng bị nạn theo, nằm lăn trên đường mặt mày cháy xém cả. Sau vụ ám-sát ông Hàn ít bữa, tức là nhằm ngày 26 Avril 1913, nhà-hàng Coq-d’Or ở Hanoi cũng bị liệng bom. Nhiều sĩ-quan Pháp đương ngồi ăn uống trong nhà-hàng nầy thì các ông Nguyễn-văn-Quý, Nguyễn-khắc-Cần tức Nguyễn-văn-Túy lén liệng bom hạ-sát tức-tốc hai viên thiếu-tá Pháp là Montgrand và Chapuis. Sau hai vụ ám-sát chính-trị lớn-lao nầy, nhà cầm-quyền Pháp bắt bớ nhiều người có tên trong sổ tình-nghi đem giam cầm hay phát-lưu. Thủ-phạm giết Nguyễn-duy-Hàn bị bắt và bị lên đoạn đầu đài ngay ở tỉnh Thái-Bình. Nguyễn-văn-Quý và Nguyễn-khắc Cần can vụ ám-sát mấy viên thiếu-tá Pháp cũng đều bị lên án tử-hình. Hội-đồng đề hình Pháp ở Hanoi lên án xử-tử khiếm diện luôn cụ Phan-sào-Nam cho là chủ-xử xúi giục các vụ nầy. XIV. Các thẩm-phán quan người Nam với các phạm-nhân Ông Nguyễn-duy-Hàn, tuần phủ Thái-bình bị giết, thì ngay đó ông Phạm-văn-Thụ về thế. Viên tuần phủ sau nầy bớt gắt, và rất dè dặt trong các vụ bắt bớ, nghĩa là nếu ai không có đủ tang chứng là làm cách-mạng hay liên can vào vụ ám-sát ông Hàn, ông đều ra lịnh tha hết. Thành ra ở Thái bình không có ai bị kết án oan về vụ Phạm-văn-Tráng. Cũng bởi thế, sĩ-phu Thái-Bình cho thái-độ ông Thụ là không đáng khiển-trách. Về vụ liệng bom ở Ha-noi, viên thẩm-phán người mình có vẻ gắt, tra xét cặn kẽ nên một phạm nhơn nghe đâu là ông Nguyễn-khắc-Cần thì phải, đã trả lời viên ấy một cách khinh bỉ như vầy : « Ông cũng là người Việt Nam như tôi, sao ông lại hỏi tôi những câu ấy ? Tôi cho ông biết hết ý tưởng của tôi : chết bây giờ, chết ngày mai hay ngày sau, ông thấy khác ở chỗ nào ? Nếu ông cho rằng tôi đã phạm một tội tàn bạo thì ông cứ chặt cổ tôi đi, tôi sẵn-sàng chịu hình-phạt ông còn tra hỏi tôi nhiều mà làm chi ! Mục đích việc hành động của tôi há không rõ như nước trong ở dưới khe ? Năm ba người bị xử-tử, thây kệ, những kẻ khác sẽ noi theo dấu chúng tôi ; ông không giết chết hết chúng tôi đâu ! » Trong hai vụ bom nổ kể trên có tất cả 254 vụ bắt bớ, 64 đảng-viên hay là người có cảm tình với phong-trào bị đưa ra trước Hội-đồng đề-hình Hanoi. Kết cục có bảy đảng-viên phải bị xử-tử, các người khác bị tù đày. XV. Những cuộc tấn-công ở biên-giới Lèo và Bắc-Kỳ Trong khi Pháp bị Đức xâm lăng thì các lãnh tụ của phong-trào muốn thừa cơ hội đem quân về đánh người Pháp cướp lại chủ-quyền, nên trong những năm 1914-15-16-17 và 18 liên tiếp có các cuộc đánh phá ở biên-giới Lèo và Bắc-Kỳ, nhưng lực-lượng yếu quá, các cuộc tấn-công nào cũng bị Pháp hạ nội trong 24 tiếng đồng hồ, trừ có trận tấn-công ngày 10-11-1914 là có thắng lợi vẻ vang. Trận tấn công ngày 10-11-1914 lại biên-giới Lèo hạ sát được ủy-viên của chánh-phủ Bảo-hộ ở San-neua là Lambert, thiêu hủy các công sở ở đấy, chiếm được 100.000 đồng bạc, 20 khẩu súng trường và rất nhiều đạn dược. Trận này có một số lính Đức tham-dự. Sau khi thắng trận ít hôm tức là ngày 23-11-14, các viên chỉ-huy liền thảo tờ hịch kêu gọi hết thảy các quan-lại trong vùng và công-bố thời-kỳ đô-hộ của Pháp đã chấm dứt. Nơi nào quân đội của phong-trào đã giải-phóng đều được độc-lập, nhưng chẳng bao lâu viện binh của Pháp kéo tới, lại hạ được bộ-đội giải-phóng quốc-gia của phong trào. Bẵng đi một thời-gian, đến ngày 13-3-1915, các đảng viên của phong-trào lại đem quân về đánh phá đồn Talung, và nhiều đồn Pháp khác tại biên-giới Bắc-Kỳ nữa, nhưng đều không có kết-quả khả-quan. Ngày 8-8-1916 đánh Ba Xát. Ngày 3-3-1917 đánh Đông Van. Ngày 7-2-1918 đánh Muong-Khuong. Ngày 9-7-1918 đánh Pha-Long. Ngày 4-9-1918 đánh Coc-Pan. Những cuộc khởi-nghĩa của phong-trào nói trên không trướng-đại được vì các lãnh-tụ muốn dùng toàn lực-lượng của mình, không muốn viện-trợ ngoại-quốc. Số sĩ-quan chỉ-huy thật đông mà binh-lính trái lại không có bao nhiêu. Bởi vậy số đảng-viên tử-trận quá nửa, các lãnh-tụ như cụ Hoàng trọng-Mậu, cụ Trần-hữu-Lực v.v… đều bị Pháp bắt sống đem ra xử-tử. Cụ Hoàng-trọng-Mậu, trước khi bị lên đoạn đầu đài, có đọc : « Yêu nước tội gì đâu, thân chết tinh thần còn sống mãi. Ra quân hơn chửa được, kiếp sau tâm sự sẽ bù ngay ». Nghe nói cụ Trần-hữu-Lực cũng có câu đối đọc trước khi thụ hình : « Giang-san ký tử, ngô an đắc thâu sinh, thập dư niên luyện kiếm ma đao tráng chí vị thù hồng tổ-quốc. Vủ dực vị thành sự hốt nhiên trung bại cửu tuyền hạ bài binh bố trận hương hồn âm trợ thiếu niên quân ». Có người dịch : « Non sông đã chết, mình há nỡ sống thừa trên 10 năm vác súng mài gươm chí cả chửa đền hồn tổ-quốc. Lông cánh chưa đều, việc giữa đường vội hỏng, dước chín suối điều binh khiển-tướng hồn thiên ngầm giúp đội thanh-niên ». XVI. Cụ Tăng-bạt-Hổ Cụ Tăng-bạt-Hổ, còn có tên riêng là Nguyễn-Ba người tỉnh Bình-định, lúc nhỏ còn theo học chữ nho, sau khi lớn lên gia-nhập quân-đội của triều-đình, ở ít lâu trong quân-đội, cụ được lên chức Cai cơ và đổi ra Sơn-Tây, rồi lại đổi đi Cao Bằng. Đến năm Giáp-Thân năm 1884, Pháp đặt cuộc bảo-hộ ở Bắc-kỳ, cụ được về Huế và thăng chức Xuất đội. Chẳng bao lâu, cụ xin về nhà rồi hiệp-tác với một đồng-chí là Phạm Toàn mộ dân quân, mưu-đồ phục quốc. Nghĩa-quân do cụ và cụ Phạm-Toàn điều-khiển đã từng giao-phong với quân-đội Pháp nhiều trận, nhưng sau bị quân của ông Nguyễn-Thân đánh thua phải chạy. Trong khi thất trận, Nguyễn-Thân có phái người đến dụ cụ ra hàng Pháp. Song cụ không nghe và biểu-lộ chí quật cường cùng là tấm lòng trung-quân ái-quốc với một câu sau nầy, chính ông G. Coulet đã chép vào cuốn « Sociétés secrètes en Terre d'Annam » của ông : « Dẫu rằng tôi không thành công nhưng đồng-chí và học-trò tôi vẫn còn nhiều, như thế tôi có thể nhìn người Pháp mà không thẹn mặt ». Được ít lâu, người nhà cụ bắn tin ra nói rằng cụ đã mạng chung. Đó chẳng qua là một cái kế của cụ bày ra để dễ bề trốn tránh vì quân Pháp phái người truy-nã cụ gắt lắm. Sau cụ gặp được một đồng-chí nói tiếng Anh rất giỏi tên là Nguyễn-văn-Hậu. Cụ cùng ông Hậu lẻn trốn qua Xiêm có ý cầu cứu với Xiêm, thất-bại nên cụ đáp tàu đi A-Moy rồi qua Phúc-kiến kiếm Lưu-vĩnh-Phúc, tướng giặc Cờ-Đen ; họ Lưu vốn là bạn cố tri của cụ khi cụ còn ở Bắc-kỳ. Gặp-gỡ Lưu-vĩnh-Phúc ở Quảng-Đông, cụ thuật nội tình Việt-Nam lúc bấy giờ cho Lưu nghe, nhưng mới bị thất trận ở Formose về Lưu cũng không có phương kế gì giúp cụ. Cụ từ-giã Lưu-vĩnh-Phúc, đáp xe đi Thiên-Tân, xin gia nhập vào trong quân-đội của Nga để quan-sát và học-hỏi về chiến-lược Âu-tây, Đến đằu năm 1906 cụ trở về vùng Quảng-Nam, Quảng Bình, Bình-Định liên lạc với sĩ-phu trong nước. Ra Huế, cụ gặp cụ Phan-sào-Nam. Hai nhà ái-quốc hội đàm với nhau trong ít hôm về vấn đề quốc sự, rồi cụ ra Bắc và trú ngụ ở nhà cụ Huấn-Quyền tại Lạng-sơn. XVII. Cụ Tăng-bạt-Hổ mạng-chung ở Huế Không biết đúng là mùa thu năm nào có người nói là năm 1915, Cụ Tăng-bạt-Hổ trở về nước để vận động tài-chánh vì nhân Âu-châu đương có giặc, Pháp bị Đức đánh, V.N.Q.P.H muốn gom góp tiền để mua súng đạn, dự-bị đem quân về chiếm lại xứ sở. Cụ Tăng về Huế được non một tháng thì không may ngài bị bịnh kiết lỵ và mạng-chung. Các anh em đồng-chí ở Huế, lén chôn cất ngài tử-tế và phái người đưa tin buồn nầy cho cụ Phan-sào-Nam. Ai nấy nghe tin cụ Tăng mất đều ngậm-ngùi thương-tiếc. Thật là : Trời Nam mù-mịt ngàn dâu, Gió thu như thổi dạ sầu năm canh. Cụ Phan có câu đối khóc cụ : « Quân khởi kỳ sinh tác hi ư thế da, dụng binh ngũ tải, khứ quốc trấp dư niên, ký khốc vu Xiêm ; ký khốc vu Thanh, hốt hốt nhiên đại khốc vu đông, thùy linh tứ nhập thư phong hướng ngã thần châu mai cổ kiếm. Ngã bất tri tử, vi chi hà vật dã, độc thư ngũ châu tri giao sổ thập bối, hoặc chiến dĩ bút, hoặc chiến dĩ thiệt, đoan đoan nhiên tại chiến dĩ kiếm, (khuyết 2 chữ) quyết đồ noãn đới, vị ngô hoàng tộc phụng hồng kỳ ». Có người dịch : 1) Bác đâu lẽ làm trò cho cuộc thế ? Cầm quân 5 năm, bỏ nước 20 thu có lẽ, từng kêu cứu ở Xiêm ở Tàu, lại bôn ba sang Nhựt, ai khiến gió vàng hiu hắt, gươm linh một ném đất Thần-Châu (Huế). 2) Tôi chẳng biết chết là trò gì cả, đọc sách năm châu, bạn bè vài chục kẻ, đánh nhau bằng bút, bằng lưỡi, lại đánh bằng gươm…, vì chưng Hoàng tộc kéo ngọn cờ hồng. Cụ Tăng-bạt-Hổ là nhà chí-sĩ, sáng lập Phong-trào Đông Du và là một cách-mệnh gia xuất dương trước nhứt. Cụ xuất thân là một người lính thường, song vốn có nho học nên trong năm năm ở trong quân-đội của Triều-đình, liền được thăng chức xuất đội trưởng. Cụ tuy là một viên quan võ chưa nhuần ơn mưa móc của nhà vua, nhưng lòng trung-quân ái quốc của cụ thật ít người sánh kịp. XVIII. Phạm-hồng-Thái ám-sát hụt Toàn-Quyền Merlin tại tô-giới Anh Quảng-Châu Năm 1924, Toàn-Quyền Đông-Dương là Merlin sang Nhựt có sứ mạng riêng, lúc trở về ghé Quảng-Châu thăm kiều-dân Pháp. Kiều-dân-đoàn Pháp ở Quảng-Châu mở tiệc khoản-đãi Merlin tại nhà hàng « Victoria » trong tô-giới Anh (Shamen). Liệt-sĩ Phạm-hồng-Thái lén ám sát Merlin, bom liệng trúng bàn-tiệc song Merlin thoát nạn, chỉ có một sĩ-quan theo hầu và vài người đầm dự tiệc bị thương. Muốn thoát thân họ Phạm nhẩy xuống sông Châu-Giang định vượt qua sông sang địa-phận tỉnh Hà-Nam, nhưng vì bị đuối sức nên bị giòng nước cuốn đi. Các đồng-chí thuê người kiếm xác ông, và các giáo-sư ta ở trường võ-bị Hoàng-Phố yêu-cầu Quốc-dân-Đảng Tàu đem mai-táng hài-cốt liệt-sĩ ở Hoàng-hoa-Cương cạnh lăng của 72 liệt-sĩ Trung-Hoa. Sau viên tỉnh-trưởng Quảng-Đông là Hồ Yên tức Hồ-hán-Minh đã tự xuất tiền ra xây mộ dựng bia cho liệt-sĩ và tự tay đề bia và ký tên. Cụ Mai-Sơn có câu đối khóc liệt-sĩ Phạm-hồng-Thái : « Ngũ châu mịch-mịch, cố nhân qui hà qui ? thập tải dư ngọa tuyết xan phong, huyết thả vị chi ẩu, túc thả vị chi huy, bôn tẩu sơn hà phong vũ nhựt ! Nhất bộc oanh oanh quốc hồn tỉnh vị tỉnh ? Vạn lý ngoại ly-hương viễn khách gia tư chi nhi bi, hữu tư chi nhi úy, khấp ca hào-kiệt tử sanh gian ». Có người dịch : « Năm châu mù-mịt, người cũ đâu về đâu ? Hơn mười năm ăn gió nằm sương, máu đã vì ai học, gót đã vì ai chồn, gánh nặng non sông khi gió bụi ! Một tiếng ỳ ầm, hồn nước tỉnh chăng tỉnh ? Ngoài muôn dặm quê người đất khách, nhà nghĩ đến thì buồn, bạn nghĩ đến thì sợ, khóc thầm hào-kiệt lúc chìm trôi ! » Liệt-sĩ Phạm-hồng-Thái mất một năm, thì một nhà xuất bản ở Quảng-Châu có phát-hành một cuốn sách nhỏ bằng chữ Hán in thạch bản rất đẹp nói về tiểu-sử của liệt sĩ và việc mưu sát Toàn-quyền Merlin. XIX. Cụ Phan-bội-Châu bị bắt và ra trước Hội-đồng đề-hình Hanoi Năm 1925, cụ Phan-bội-Châu bị bắt ở Thượng-Hải giải về Hanoi. Toàn thể đồng-bào nghe tin ai nấy đều xôn-xao, bàn tán, chắc không phải cụ, nhưng sau biết chính là cụ Phan. Thanh-niên học-sinh, sinh-viên trường Cao-đẳng Hanoi, các đoàn thể đều nhóm-họp đánh điện-văn cho toàn-quyền Alexandre Varenne xin phóng-thích cụ. Ở các ngã ba đường Hanoi các đoàn-thể học-sinh, sinh-viên, thợ-thuyền căng các biển-ngữ yêu-cầu thả nhà đại-ái-quốc của Việt-Nam. Tới phiên tòa xử cụ, trời mờ-mờ sáng, tòa án hàng Tre (Hanoi) đã chật ních người đến coi, ước lượng có mấy vạn ngoài. Nhiều người không có chỗ đứng phải chịu ngồi ngoài sân trước tòa. Lối gần 8 giờ, một đội lính Tây bồng súng dẫn cụ Phan từ Hỏa-Lò sang tòa-án ; cụ ăn mặc theo Tàu, mũ che kín tai, áo dài gần tới gót, chân dận giày đen, trông giống hệt vị thượng lưu trí-thức người trung-quốc. Nhiều người trông thấy cụ mới bước ở nhà Hỏa-lò ra, cảm động quá phát khóc. Ra trước Hội đồng đề-hình Pháp, cụ tự xin biện hộ lấy cho mình, các ông Bùi-bằng-Đoàn, Saintonge thông ngôn cho cụ. Mặc dầu thế, Chánh-phủ Pháp vẫn cử trạng-sư Bona ra bào chữa cho cụ. Tòa buộc vào nhiều tội, trong đó có mấy tội phải xử-tử, và mấy tội phải khổ-sai chung-thân hay có kỳ hạn. Trong khi tòa đương xử cụ, thì ở ngoài có một ông già xông vào, trong tay cầm một lá đơn thỉnh-nguyện, cảnh binh ngăn cản thế nào cũng cứ vừa la, vừa nhắm mắt xô đại đám đông mà vào. Quan tòa phải ra lịnh ngưng xử mấy phút để xem có chuyện gì, thì té ra một nhà Nho ở Nam-định, ông tú Nguyễn-khắc-Doanh, đưa đơn xin chết thay cho cụ Phan. XX. Cụ Phan bị an-trí ở Huế Có lẽ chánh-phủ Pháp hồi ấy nghĩ làm tội một ông già phản đối mình cũng không có lợi gì, chỉ làm dân Việt-Nam phẫn-nộ và càng kích-thích lòng ái-quốc của người ta, nên Toàn-quyền Varene đánh điện về Paris xin ân-xá cụ. Paris ưng-thuận đề-nghị của Varenne. Muốn buộc chơn cụ để khỏi lo hậu-hoạn, Toàn-quyền Pháp ra lịnh an-trí cụ ngay ở Huế. Từ đó cụ Phan sống lẩn-quẩn trong chốn sông Hương, núi Ngự. Các nhà hảo-tâm trong nước, nhất là các nhà hảo-tâm trong Nam-bộ thường gửi tiền ra tặng cụ. Tọa thực sơn băng. Đời vật-chất mấy năm về sau của cụ rất chật-vật, mấy người con cụ thường ngày đóng khố dã gạo bán lấy tiền nuôi cụ. Ở Huế, cụ sống một cuộc đời quạnh-quẽ, buồn-thiu của người anh-hùng mạt-lộ, bạn bè chung qui còn sót lại có một cụ Huỳnh-thúc-Kháng. Vào khoảng năm 1926-27, cụ được tin cụ Mai-Sơn ở Tàu, tuổi già sức yếu đã từ-trần. Cụ liền lập tại nhà cụ bàn thờ vọng tế cụ Mai-Sơn một tuần và đọc bài văn tế sau nầy : « Than ôi ! dâu chìm bể nổi, ngán cuộc đời. Mây gió đôi phen kẻ bắc người Nam, xót tình bạn ruột tằm vò mấy đoạn. Cày tàn, núi nở dấu sư nho khôn biết đâu tìm, trời sập đất già, nguồn đạo nghĩa chẳng bao giờ cạn. Lửng lơ mây bạc cuối trời, Thấp thoáng gió hương trước án. Thống duy : Mai-Sơn tiên-sinh, thơ-kiểu thịnh Đường, văn khuôn tiền Hán, nức tài danh từ thuở ấu đồng ; kể môn phiệt vẫn nhà khoa-hoạn. Ngang mắt trắng liếc phường hữu tục, kệ thây cá chậu chim lồng, bước mây sanh che mắt trần ai, thời cũng bảng rồng tháp nhạn. Vận tổ-quốc rủi gặp hồi truân-bĩ, nghiệp trung hưng mong mỏi xoay trời ; nợ Đình vi vừa nhẹ gánh thần hôn, đường muôn dặm vội-vàng dắt bạn. Ngó cân đai cùng tuôn giọt lệ. Tống-văn-Sơn gai mắt với Hồ-Nguyên, nhớ nước non thêm nóng gan vàng, chu thuấn thủy băng miền qua Nhựt-bản. Vượt khơi cỡi gió, lưỡi búa nào hề ; nếm mật nằm gai, gió sương bao quản. Gót bôn-tẩu trải bao phen nguy-hiểm, khi Hương-cảng, khi Quảng-Đông, khi Long-châu, khi Mãn-cốc, tức tối đất không dung vũ giọt khắp đình ai nắm máu Thân-Tư. Thuốc cứu thời toan mượn ngón văn-chương, nào Yên kinh, nào Tấn-Tĩnh, nào Ngô-Quần, nào Hoàng-Thành, ngại ngùng trời chẳng chiều người, phương y-quốc khó ra lay biển hoạn. Ngoài năm chục, thân già lận-đận, bóng hạc hình mai. Hai mươi năm bồng mộng đi về sông Lô núi Tản. Phong trần đất khách đá đã phai xanh, nhật nguyệt trời riêng, lòng khôn bày tỏ. Hai mươi lăm triệu xương tan thịt nát, xót đồng-bào đương giữa biển trầm-luân ; toan một mình trống tối, chuông mai, dắt đại-chúng thoát ra vòng khổ- nạn. Những ước trời Nam đất Việt khắp mọi vùng mưa pháp mây từ ; thôi đành cửa phật buồng thiền, chuyên một niệm câu kinh quyển tán. Than ôi ! đời chậm hồi xuân, trời còn nuôi loạn, hạt đương gieo mộng, âm thầm quả phúc cây tu ; ma chửa nép hình, ghê-ghớm rừng xanh mưa đạn. Gió cuốn bụi hồng đôi trận thổi nghe những ủ ê, nước dăng sóng bạc chín lần tuôn, thấy càng chán ngán. Kiếp phù-sinh chốc tỉnh giấc hoàng lương ; miền cực lạc sẽ tìm phương chấn đảo. Lửa can tịnh thiêu xương người khí tiết, sống thanh cao mà chết cũng thanh cao. Đời văn-minh mỏi mắt chốn quê-hương, danh viên mãn nhưng chí chưa viên mãn. Tuy nhiên, bất loại là tinh-thần, vô thường là vận hạn. Đành đã tiêu dao cỏi phật, thế đáng vui mừng chỉ vì ngơ ngáo đàn em, riêng càng đau đớn. Em châu mày ; đầu xanh lửa lấn, vừa bạn vừa thầy, tóc bạc theo đòi đồng ưu đồng hoạn. Nhớ những bên đèn trước án, gà năm canh chung tiếng lúc hôm mai, nỡ nào kẻ ở người về, hạt nghìn tuổi đau lòng phen tụ-tán. Lời tối hậu ân cần khi tiễn biệt, nguyệt tây hồ lai-láng nét sơ chung ; chữ cảm-hoài năn-nỉ nghĩa bình sinh, mây cát lịnh díu-dan hồn vãng phản. Những chắc trời còn nước Việt, chén « Long-thành » mở tiệc hoan-nghinh ; vậy nên thơ gởi gió nam, bài « quốc-ngữ » thay lời cung vãn. Hồn hỡi, chứng cho mấy lời đơn giản ». XXI. Lớp màn chót của Phong-Trào Cụ Phan-bội-Châu bị bắt và an-trí ở Huế là một biến-cố đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của Phong-trào Đại-Đông-Du. Một đồng-chí của cụ Phan và là cựu đảng viên của Phong trào, bất đắc chí, sau đáp tàu sang Âu-châu, lúc tàu ra giữa Thái-bình-dương, nhớ lại việc xưa xúc động can-tràng, lòng buồn rười rượi bất giác đọc : Thanh thủy không lưu hoành hải khí, Hồng vân vị hộ Đại-Đông-Du. Có người dịch : Hoành hải xuôi theo dòng nước biếc, Đông du chưa tỏ áng mây hồng. Theo đà tiến hóa của tư-tưởng loài người, nếu cụ Phan không bị nước Pháp bắt ở Thượng-hải và giải về an-trí Huế, thì phong-trào Đ.Đ.D. cũng đi đến chỗ suy sụp theo công lệ đào thải, để nhường-chỗ cho một phong-trào cách mạng khác, có đủ điều-kiện thật chất hơn. Nói thế không phải cụ Phan-bội-Châu về nước không có ảnh-hưởng gì đâu. Chính cụ bị bắt về là nhắc nhở cho hết thảy đồng bào nhớ một sự hy sinh triệt để, một tấm lòng yêu nước tràn-trề của một lớp đàn anh suốt đời đã cúc cung tận-tụy cho tổ-quốc, cho giống con Hồng, cháu Lạc. Cụ Phan, linh-hồn của phong-trào Đ.Đ.D. Về năm 1925, thì lối 2 năm sau 1927 đã thấy một phong trào cách-mạng quốc gia khác nảy mầm, rồi từ từ xuất hiện. Đó là Việt-Nam quốc-dân đảng do chí-sĩ Nguyễn-thái-Học điều khiển ra đời. Việt-Nam quốc-dân đảng thành lập trên một nền tảng chắc chắn hơn, vì hoàn-toàn tin cậy vào sức mình, không có ỷ-lại sức ở ngoại quốc. Hoạt động không được bao lâu và chưa lập được thành tích gì khả quan lắm thì tổ-chức cách-mạng này-vì có nội phản phải bạo-động cấp tốc thành ra bị áp-phục một cách khốc-liệt vào khoảng năm 1929-1930. Ngay sau đó, cũng trong năm 1930, cụ Nguyễn-ái-Quốc thành lập Đông-dương Cộng-sản đảng, và hoạt động từ đó. Theo đúng nhịp tiến hóa của trào lưu thế giới, dân tộc Việt-Nam luôn luôn tranh đấu cho cuộc sanh tồn do tài-lực và chí quật-cường súc-tích từ ngàn xưa của giống nòi Bách-Việt xô đẩy, dẫn độ bền bỉ… tất nhiên sẽ đi đến một kết-quả tích cực. IN XONG NGÀY 20 THÁNG NĂM 1950. TẠI NHÀ IN NAM-VIỆT, 58 ĐƯỜNG LACOTTE-SAIGON. GIẤY PHÉP SỐ 150 /T. X. B. NGÀY 5-5-1950. Nam-Việt Xuất bản Nam Việt : 10$00 Các nơi : 11$00 NẾU CÁC BẠN MUỐN : • Có một quan-niệm sáng-suốt về nhơn-sinh, về xã-hội, về loài người. • Phân-biệt kinh-tế học của giai-cấp thống-trị với kinh-tế học của giai-cấp bị-trị. • Có một mớ kiến-thức căn bản về kinh-tế, nhứt là về kinh-tế tư-bản, và đồng thời vạch rõ con đưòng tiến-hóa của nhơn loại. • Biết và hiểu kinh-tế điều-khiển chánh-trị cách nào đặng nhận-định thời-cuộc nước nhà, và định-nghĩa danh-từ độc lập. Các bạn hãy đọc : KÍNH TẾ HỌC YẾU LUẬN (II) của BÁCH-VIỆT TỦ SÁCH « CHÂN TRỜI MỚI » SỐ 10 Notes [←1] Khi về từng ngắm liễu Long-thành. Mông đi bằng ôm mây Hạc-phố. """