" Phi Trường - Arthur Hailey PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Phi Trường - Arthur Hailey PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Arthur Hailey PHI TRƯỜNG Nguyên tác: Airport ©1968 by Arthur Hailey, Ltd. Doubleday & Company, Inc Garden City, New York Dịch từ Tiếng Anh: DgHien Có tham khảo Phi Trường – Thái Hà (dịch từ Tiếng Nga) NXB Lao Động 1986 PHẦN I 6:30 PM - 8:30 PM (Giờ miền trung)[1] 01 Tháng giêng, lúc sáu giờ ba mươi chiều một ngày thứ sáu, Phi trường quốc tế Lincoln, tiểu bang Illinois, vẫn đang hoạt động, dù rất khó khăn. Cũng như toàn bộ miền trung nước Mỹ, phi trường đang rối tung bởi một cơn bão tuyết lớn chưa từng thấy trong vòng sáu năm nay. Cơn bão đã kéo dài ba ngày. Bây giờ, như những mụn mủ trên một thân thể xiêu vẹo, yếu ớt, những chỗ yếu nhất đang vỡ ra đều đều. Một xe tiếp phẩm của hãng United Airlines mang theo hai trăm phần ăn, bị mất tích và bị kẹt tuyết đâu đó trong phạm vi sân bay. Việc tìm kiếm chiếc xe tải hoặc người tài xế của nó đã thất bại trong bão tuyết và bóng tối. Chuyến bay 111 của hãng United, chuyến bay thẳng đến Los Angeles mà chiếc xe tiếp phẩm phải phục vụ, đã chậm lịch bay nhiều giờ. Sự hỗn loạn do chiếc xe tiếp phẩm bị mất tích sẽ làm cho nó chậm hơn nữa. Những trường hợp chậm tương tự vì những lý do khác nhau đã làm ảnh hưởng đến ít nhất một trăm chuyến bay của hai mươi hãng hàng không khác nhau đang sử dụng Phi trường quốc tế Lincoln. Trong phạm vi sân bay, đường băng 3-0 không sử dụng được, do bị chặn bởi chiếc máy bay Boeing 707 của hãng Aéreo-Mexican, những bánh xe của nó kẹt sâu trong lớp bùn tuyết, gần mép đường băng. Hai giờ tận lực để kéo chiếc máy bay khổng lồ đi đều thất bại. Bây giờ, sau khi sử dụng hết khả năng của mình, hãng Aéreo-Mexican phải cầu cứu hãng TWA. Vì đường băng 3-0 bị chặn nên đài kiểm soát không lưu (KSKL) phải áp dụng chế độ kiểm soát trên không hết sức chặt chẽ và hạn chế việc tiếp nhận máy bay từ những trung tâm lân cận như Minneapolis, Cleveland, Kansas City, Indianapolis và Denver. Mặc dù vậy, vẫn có hai mươi máy bay đang lượn tròn trên trời xin hạ cánh, một số gần cạn nhiên liệu. Còn trên mặt đất thì có gấp đôi số máy bay như thế sẵn sàng cất cánh. Nhưng chừng nào tình hình trên không chưa bớt căng thẳng, đài KSKL chưa cho phép bất cứ máy bay nào cất cánh. Kết quả là các cửa ra máy bay, đường lăn, khu sân đỗ nhồi đầy máy bay đang nằm chờ, nhiều chiếc đang nổ máy sẵn. Trong kho của tất cả các hãng hàng không đều đầy ứ hàng hóa, những hàng hóa cần vận chuyển gấp nhưng giờ bị cơn bão ngăn trở. Các nhân viên giám sát hàng hóa lo lắng nhìn những đống hàng mau hỏng - những hoa hồng trồng trong nhà kính từ Wyoming đi New England; một tấn phó mát Pennsylvania chở đi Anchorage, Alaska; đậu ướp lạnh chở đi Iceland; những con tôm hùm sống từ miền đông chở đi châu Âu trên chuyến bay qua Bắc cực. Những con tôm hùm này phải xuất hiện trong thực đơn ngày mai của các khách sạn, nhà hàng ở Edinburgh và Paris, nơi chúng được gọi là “hải sản tươi sống của địa phương” và đám khách du lịch Mỹ cả tin sẽ tranh nhau ăn chúng. Dù có bão hay không, các hợp đồng đã ghi rằng những thứ hàng mau hỏng này phải được vận chuyển đến nơi vẫn còn tươi và phải nhanh chóng. Điều làm các nhân viên hàng hóa của hãng American Airlines đặc biệt lo ngại là lô hàng mấy nghìn con gà tây mới ra khỏi lồng ấp cách đây vài giờ. Lịch chuyên chở món hàng này đã được sắp xếp chính xác từ nhiều tuần lễ trước đây - giống như mệnh lệnh khai hỏa một trận chiến - trước khi những quả trứng gà tây được đưa vào lồng ấp. Chậm nhất những con gà sống này phải được chở tới bờ biển phía tây trong vòng bốn mươi tám giờ đồng hồ sau khi nở, là thời hạn để những sinh vật tí hon này có thể sống sót mà không cần ăn uống. Thông thường, việc vận chuyển như vậy có tỉ lệ sống sót gần một trăm phần trăm. Còn nếu cho chúng ăn uống trong khi vận chuyển thì chúng và cả chiếc máy bay sẽ bốc mùi nặng đến nhiều ngày sau chưa hết. Bây giờ lịch vận chuyển chúng đã bị chậm mất nhiều giờ. Vì thế một chuyến bay chở hàng được điều động thay cho một chuyến bay hành khách, xem ra những chú gà tây mềm yếu này được ưu tiên hơn mọi thứ, kể cả những hành khách VIP. Trong nhà ga hàng không chính, sự hỗn loạn đã tăng cao. Các phòng chờ chật kín hàng nghìn hành khách của các chuyến bay bị hoãn hay bị hủy. Hàng đống hành lý khắp nơi. Cả căn phòng khổng lồ trông giống như sự lộn xộn kết hợp giữa một trận đấu bóng đá kiểu Mỹ với cửa hàng Macy's trước lễ Giáng sinh. Cao trên mái nhà ga, câu slogan thiếu khiêm tốn PHI TRƯỜNG QUỐC TẾ LINCOLN - NGÃ TƯ HÀNG KHÔNG THẾ GIỚI, hoàn toàn bị tuyết che lấp. Thật đáng kinh ngạc là mọi thứ vẫn tiếp tục hoạt động, Mel Bakersfeld nghĩ. Mel, Tổng giám đốc phi trường - dáng gầy, khắc kỷ - đang đứng cạnh phòng chỉ huy chống tuyết, cao trên tháp KSKL, nhìn chăm chú vào màn đêm. Bình thường từ văn phòng kính này, toàn bộ khu liên hợp phi trường - các đường băng, đường lăn, nhà ga, giao thông dưới đất và trên không - trông giống như những mô hình bé xíu, ngay cả vào ban đêm hình dạng và chuyển động của chúng có thể nhìn thấy rõ ràng dưới ánh đèn. Chỉ có một nơi nhìn được như vậy cao hơn - Đài KSKL chiếm hai tầng trên cùng. Nhưng đêm nay chỉ nhìn thấy thấp thoáng vài ánh đèn gần nhất sau tấm màn tuyết dày đặc đang bị gió cuốn. Mel nghĩ rằng mùa đông này sẽ còn được thảo luận tại Hội nghị các nhà khí tượng trong nhiều năm tới. Trận bão tuyết này xuất hiện cách đây năm ngày tại vùng núi khuất gió ở Colorado. Lúc mới xuất hiện nó chỉ là một vùng áp thấp không to hơn một quả đồi, và đa số các nhà dự báo thời tiết, để lập bản đồ khí tượng cho các chuyến bay, không ghi nhận ra nó, hay bỏ qua nó. Và như bất mãn, cơn áp thấp đó gia tăng sức mạnh giống như một căn bệnh ác tính khổng lồ, vẫn đang phát triển, lúc đầu hướng về phía đông nam, sau đó phía bắc. Nó vượt qua Kansas và Oklahoma, sau đó tạm dừng tại Arkansas, thu thập thêm sức mạnh. Ngày hôm sau, mạnh lên và hung hãn, nó ào ào đổ vào thung lũng Mississippi. Cuối cùng, cơn bão trút xuống Illinois, gần như làm tê liệt cả tiểu bang với gió mạnh, nhiệt độ đóng băng, và một lượng tuyết dày mười inch trong 24 giờ. Tại sân bay, lớp tuyết dày mười inch lúc đầu rơi nhẹ, liên tục. Nhưng bây giờ lớp tuyết cũ được tiếp nối bởi nhiều tuyết hơn, gió cuốn chúng thành từng đống, cùng một lúc các đống tuyết mới lại chồng lên các đống tuyết cũ. Đội dọn tuyết đã gần như kiệt sức. Trong vòng vài giờ qua một số người đã được lệnh về nhà, mặc dù trong trường hợp khẩn cấp như thế này sân bay có cung cấp cho họ nơi tạm nghỉ. Tại phòng chỉ huy chống tuyết ở gần Mel, Danny Farrow - lúc bình thường là trợ lý của Tổng giám đốc phi trường, nay phụ trách phòng chỉ huy chống tuyết - đang gọi Trung tâm chống tuyết qua radio. “Chúng tôi đang mất cả các bãi đậu xe rồi. Tôi cần thêm sáu xe dọn tuyết nữa và một đội banjo tại ngã ba bảy bốn”. Danny đang ngồi tại phòng chỉ huy chống tuyết, thực sự không phải là một căn phòng đúng nghĩa, nhưng là một chỗ rộng cỡ ba gian nhà. Trước mặt Danny và hai người giúp việc của ông ở hai bên là một loạt điện thoại, máy telex và máy radio. Xung quanh họ là các bản đồ, sơ đồ, và các tờ phiếu ghi lại tình trạng và vị trí của tất cả các xe dọn tuyết, cũng như các nhân viên và các giám sát. Có một phiếu riêng biệt cho các đội banjo - đội lưu động với dụng cụ dọn tuyết cá nhân. Phòng chỉ huy chống tuyết chỉ hoạt động đúng mục đích của mình trong một mùa này. Tại các thời điểm khác trong năm, căn phòng này chỉ còn sự vắng vẻ và yên tĩnh. Cái đầu hói của Danny bóng nhẫy những giọt mồ hôi khi ông ghi chú những ký hiệu trên bản đồ khổ lớn của sân bay. Ông lặp đi lặp lại thông điệp của mình cho Trung tâm chống tuyết, nghe giọng ông giống như một lời van xin cho cá nhân, mà có lẽ đúng như thế thật. Ở trên cao này là phòng chỉ huy. Và người chỉ huy phòng này phải hiểu rõ toàn bộ sân bay, biết rõ từng yêu cầu và triển khai các thiết bị đến bất cứ nơi nào cần thiết nhất. Một vấn để - và chắc chắn là nguyên nhân làm cho Danny toát mồ hôi - là những người dưới kia, những người đang chiến đấu để sân bay tiếp tục hoạt động, ít khi chia sẻ quan điểm giống nhau về những nơi nào ưu tiên hơn. “Chắc chắn, chắc chắn rồi. Thêm sáu xe dọn tuyết nữa”. Một giọng nói từ Trung tâm chống tuyết, từ đầu bên kia sân bay, gắt gỏng trong loa. “Để chúng tôi hỏi Ông già Noel đã. Hình như ông ta đang ở quanh đây thôi”. Im lặng một chút, rồi sôi nổi hơn, “Còn có chỉ dẫn ngu ngốc nào nữa không?” Liếc nhìn Danny, Mel lắc đầu. Ông nhận ra giọng nói trong loa là của một đội trưởng có lẽ đã làm việc liên tục kể từ khi bắt đầu có bão tuyết. Tâm trạng giận dữ trong hoàn cảnh như thế này cũng dễ hiểu. Thông thường, sau một mùa đông khó khăn chiến đấu với tuyết, Trung tâm chống tuyết và Ban giám đốc sân bay sẽ tổ chức một buổi tối vui vẻ với nhau mà họ gọi là “đêm-hóa-dữ-làm-lành”. Năm nay chắc chắn sẽ cần một buổi tối như thế. Danny nói có lý, “Chúng tôi đã yêu cầu bốn xe dọn tuyết đi tìm chiếc xe tiếp phẩm của hãng United. Họ có lẽ đã xong việc rồi chứ”. “Họ có thể đã xong việc rồi - nếu chúng ta tìm được chiếc xe chết tiệt đó”. “Anh chưa tìm ra nó sao? Mấy người của anh đang làm gì vậy - Ăn tối với các quý bà chắc?” Danny vươn tay vặn nhỏ âm thanh như một cử chỉ đáp trả bực bội. “Nghe này, những con chim trong cái chuồng nhếch nhác đó làm sao có ý tưởng nào về những gì xảy ra ngoài sân bay? Có lẽ anh nên nhìn ra ngoài cửa sổ một lát chứ. Bất kỳ ai có thể ở Bắc cực chết tiệt đêm nay mới biết khác biệt như thế nào”. “Cố thổi vào tay đấy, Ernie”, Danny nói. “Nó có thể làm tay anh ấm áp và im miệng”. Mel Bakersfeld hiểu hầu hết các trao đổi này, ông biết rằng những gì đã nói về tình hình bên ngoài nhà ga là sự thật. Một giờ trước đây, Mel đã lái qua sân bay. Ông đã sử dụng đường công vụ, mặc dù ông biết rõ sân bay như lòng bàn tay, nhưng tối nay ông đã rất khó khăn khi tìm đường và nhiều lần gần như bị lạc đường. Mel đã đến kiểm tra Trung tâm chống tuyết nơi đang hoạt động khẩn trương. Nếu tòa tháp nơi đặt phòng chỉ huy chống tuyết là sở chỉ huy, thì Trung tâm chống tuyết là một doanh trại ở chiến tuyến. Từ đây, các đội công nhân mệt mỏi và các đội trưởng đến và đi, những người đẫm mồ hôi và lạnh cóng thay phiên nhau, các công nhân thường xuyên được bổ sung thêm những công nhân tạm thời - thợ mộc, thợ điện, thợ ống nước, nhân viên, cảnh sát. Các công nhân tạm thời được lấy từ công nhân và nhân viên làm nhiệm vụ thường xuyên trong sân bay và được trả lương gấp rưỡi cho đến khi kết thúc tình hình khẩn cấp vì tuyết. Nhưng họ biết công việc phải làm, vì trong mùa hè và mùa thu họ đã diễn tập dọn tuyết nhiều lần vào những ngày cuối tuần, như những người lính, trên đường băng và các đường lăn. Những người đứng bên ngoài đôi khi tức cười khi xem các nhóm công nhân cào tuyết, máy ủi, máy thổi tuyết gầm rú, vào một ngày nắng nóng. Nhưng nếu có ai ngạc nhiên trước mức độ chuẩn bị công phu như thế, Mel Bakersfeld sẽ nhắc nhở họ rằng việc dọn tuyết khỏi khu vực hoạt động của sân bay tương đương bằng bảy trăm dặm đường cao tốc. Cũng giống như phòng chỉ huy chống tuyết trên tháp KSKL, Trung tâm chống tuyết chỉ hoạt động theo chức năng của nó vào mùa đông. Đó là một gian phòng lớn, tối tăm ở bên trên một nhà để xe tải của sân bay, khi sử dụng, được lãnh đạo bởi một người điều vận phụ trách công tác vận chuyển trong sân bay. Căn cứ từ giọng nói trong radio hiện nay, Mel đoán rằng người ta đã thay người điều vận khác, có lẽ người kia đã về ngủ trong “Phòng Xanh”, như mọi người trong sân bay gọi đùa phòng nghỉ của công nhân. Tiếng người đội trưởng của Trung tâm chống tuyết vang lên lần nữa trong radio: “Chúng tôi cũng đang lo về chiếc xe đó, Danny. Thằng con hoang khốn khổ đó chắc chết cóng ngoài đó rồi. Mặc dù nếu hắn ta có tháo vát chút nào đi nữa, hắn ta không phải chết đói”. Chiếc xe tiếp phẩm của UAL đã rời nhà bếp của hãng hàng không để đến nhà ga chính cách đây gần hai giờ. Hành trình của nó chạy theo đường vành đai, thông thường chỉ mất mười lăm phút. Nhưng chiếc xe tiếp phẩm đã không đến nơi, và rõ ràng lái xe đã lạc đường và bị kẹt tuyết trong khu hoang vu nào đó của sân bay. Hãng United đã gửi đi một đội tìm kiếm, mà chưa có kết quả. Bây giờ những người quản lý sân bay phải đích thân lo việc này. Mel hỏi: “Rốt cuộc chuyến bay United cất cánh rồi sao? Bay mà không có thực phẩm à?” Danny Farrow trả lời mà không cần nhìn lên. ”Tôi nghe thấy cơ trưởng nhường cho hành khách quyết định. Ông ta nói với họ rằng phải mất thêm một giờ nữa mới có một chiếc xe tiếp phẩm khác, rằng họ đã có phim và rượu trên máy bay, và mặt trời vẫn chiếu sáng tại California. Mọi người đã biểu quyết để rời khỏi địa ngục này. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy”. Mel gật đầu, chống lại sự cám dỗ để tiếp nhận và đích thân tìm kiếm chiếc xe tải mất tích và người lái xe. Hành động là một liệu pháp. Cái lạnh và sự ẩm ướt nhiều ngày, đã làm nhói đau vết thương cũ thời chiến tranh của Mel một lần nữa - ký ức chiến tranh Triều Tiên không bao giờ rời ông - và ông có thể cảm thấy nó ngay bây giờ. Ông chuyển, nghiêng, tì trọng lượng của mình sang chân lành. Nhưng chỉ được một lát. Hầu như cùng một lúc, ở vị trí mới, cơn đau trở lại. Ông vui mừng, một lúc sau đó, rằng ông đã không can thiệp. Danny hầu như đã làm đúng - tăng cường tìm kiếm chiếc xe, kéo các xe dọn tuyết và công nhân từ khu vực nhà ga, chuyển ra các đường vành đai. Trong thời gian này, các bãi đỗ xe sẽ phải để lại, và sau đó sẽ có rất nhiều lời phàn nàn về điều đó. Nhưng người lái xe mất tích phải được cứu giúp ưu tiên. Giữa các cuộc gọi, Danny cảnh báo Mel, “Ông phải tự chống chọi với nhiều khiếu nại hơn nữa đấy. Việc tìm kiếm này phải chặn đường vành đai. Chúng tôi phải giữ lại tất cả xe tiếp phẩm khác cho đến khi chúng ta tìm thấy anh chàng kia”. Mel gật đầu. Các lời khiếu nại là một phần công việc mà người quản lý sân bay không sao tránh khỏi. Trong trường hợp này, như Danny đoán, sẽ có một cơn lũ các lời phản đối khi các hãng hàng không khác nhận ra xe tiếp phẩm của họ đã bị giữ lại, bất kể vì lý do gì. Có một số người nhất định không chịu tin rằng người ta có thể chết vì ở ngoài trời tại một trung tâm của nền văn minh như sân bay, nhưng chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Các khu xa tít của sân bay không phải là nơi để đi lang thang vào một đêm như thế này. Và nếu người lái xe quyết định ở lại trong chiếc xe của mình và giữ được động cơ chạy ấm áp, nó có thể nhanh chóng bị tuyết bao phủ, với khí carbon monoxide chết người tích lũy bên dưới. Một tay Danny giữ ống nghe điện thoại màu đỏ, tay kia giở quyển hướng dẫn xử lý những trường hợp khẩn cấp, do chính Mel thảo ra cặn kẽ, tỉ mỉ cho những dịp như thế này. Chiếc điện thoại màu đỏ dùng để liên lạc với đội trưởng đội cứu hỏa sân bay. Danny đang tóm tắt cho anh ta biết tình hình hiện nay. “Khi chúng tôi xác định được vị trí chiếc xe, hãy đưa một xe cứu thương ra đó nhé, có lẽ anh cần mang theo máy hô hấp hoặc máy sưởi, có thể là cả hai. Nhưng tốt nhất đừng đi vội cho đến khi chúng tôi biết nơi chính xác. Chúng tôi cũng không muốn lại đi bới mấy người của anh đâu”. Những giọt mồ hôi ngày càng nhiều trên đầu hói của Danny. Mel hiểu rằng Danny không thích phải làm việc tại phòng này mà hạnh phúc hơn trong bộ phận riêng của mình về quy hoạch sân bay, chọn lọc các cơ sở phục vụ hậu cần và các giả thuyết về tương lai của ngành hàng không. Những việc như vậy được dự kiến thoải mái, có thời gian để suy nghĩ, không vội vã, ngay lập tức giống như đêm nay. Cũng như có những người sống vì quá khứ, Mel nghĩ, nhưng cũng có những người như Danny Farrows, sống vì tương lai. Nhưng dù có vui vẻ hay không, dù mồ hôi ra như tắm, Danny vẫn làm tròn nhiệm vụ. Với qua vai của Danny, Mel cầm lấy chiếc điện thoại trực tiếp tới Tháp KSKL. Người chỉ huy đài trả lời ông. “Chiếc 707 Aéreo-Mexican thế nào rồi?” “Vẫn thế, ông Bakersfeld. Họ đã cố gắng di chuyển nó vài giờ qua. Nhưng chẳng có chút may mắn gì”. Chuyện xảy ra khi trời vừa tối, khi cơ trưởng chiếc Aéreo-Mexican, trên đường lăn đi ra để cất cánh, nhầm lẫn rẽ qua bên phải thay vì bên trái của dãy đèn màu xanh dọc đường lăn. Thật không may, mặt đất phía bên phải, thay vì thông thường được phủ cỏ, lại có một rãnh thoát nước, người ta định sẽ lấp đi khi hết mùa đông. Do đó, mặc dù tuyết rơi nhiều, vẫn còn có một khối bùn bên dưới bề mặt. Trong vòng vài giây đi sai đường, chiếc máy bay một trăm hai mươi tấn bị lún sâu trong bùn. Khi hiểu ra chiếc máy bay có tải nặng không thể nào tự thoát ra bằng sức mạnh của mình, người ta bèn quyết định đưa các hành khách đang càu nhàu tức giận ra khỏi máy bay, đưa họ lội qua bùn và tuyết đến những chiếc xe buýt được điều ngay tới đó. Bây giờ, hơn hai giờ sau đó, chiếc máy bay phản lực khổng lồ vẫn không nhúc nhích được, thân và đuôi của nó nằm chắn cả đường băng 3-0. “Nghĩa là đường băng và đường lăn vẫn chưa sử dụng được?”, Mel hỏi. “Khẳng định”, người chỉ huy đài báo cáo. ”Chúng tôi giữ tất cả các máy bay đang đỗ ở các cửa ra lại, sau đó cho chúng chuyển đến các đường băng khác”. “Có chậm quá không?” “Làm chậm chúng tôi năm mươi phần trăm. Ngay bây giờ chúng tôi đang giữ mười chuyến bay chờ trống đường lăn, một tá chuyến bay khác đang chờ khởi động”. Đó là một bằng chứng hiển nhiên, Mel phản ánh, về việc sân bay cần khẩn trương xây dựng thêm đường băng và các đường lăn. Trong ba năm qua ông đã cố thuyết phục để xây dựng một đường băng mới song song với đường 3-0, cũng như cải tiến các hoạt động khác. Nhưng Hội đồng quản trị sân bay, dưới áp lực chính trị từ trung tâm thành phố, từ chối phê duyệt. Áp lực là vì chính quyền thành phố, vì lý do riêng của họ, không muốn phát hành thêm trái phiếu mới, là nguồn tài chính cần thiết. “Mặt khác”, người chỉ huy đài nói, “Vì đường 3-0 không sử dụng được, chúng tôi đang phải cho cất cánh trên Meadowood. Người ta đã bắt đầu phản đối rồi đấy”. Mel rên rỉ. Thị trấn Meadowood, nằm tiếp giáp phía tây nam của sân bay, là một cái gai trong mắt ông và là một trở ngại cho hoạt động của các chuyến bay. Mặc dù sân bay này được xây dựng trước thị trấn rất lâu, cư dân của Meadowood liên tục và than phiền gay gắt về tiếng ồn từ máy bay trên không. Báo chí cũng hùa theo. Nó thu hút các khiếu nại, tố cáo ngày càng gay gắt hơn đối với sân bay và Ban giám đốc. Cuối cùng, sau các cuộc đàm phán dài liên quan đến chính trị, sau sự rùm beng của báo chí và - theo ý kiến của Mel Bakerfeld - sau những trò gian lận, sân bay và Cục Hàng không Liên bang đã thừa nhận rằng máy bay phản lực cất cánh và hạ cánh trực tiếp trên Meadowood sẽ chỉ được thực hiện khi cần thiết trong trường hợp đặc biệt. Kể từ khi bị hạn chế về đường băng, hiệu quả của sân bay này bị giảm sút đáng kể. Hơn nữa, người ta cũng đồng ý rằng máy bay cất cánh về phía Meadowood - gần như cùng một lúc sau khi cất cánh vào không trung - sẽ phải áp dụng biện pháp giảm bớt tiếng ồn. Bây giờ, đến lượt đẻ ra sự phản đối từ các phi công, cho rằng biện pháp giảm bớt tiếng ồn là nguy hiểm. Tuy nhiên, các hãng hàng không - vì không muốn công chúng thêm phẫn nộ và vì hình ảnh doanh nghiệp của họ - đã ra lệnh cho các phi công phải chấp hành. Tuy nhiên, ngay cả điều này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cư dân Meadowood. Các thủ lĩnh hiếu chiến của họ vẫn còn tổ chức phản đối, và - theo tin đồn mới nhất - lập kế hoạch quấy rối pháp lý của sân bay. “Có nhiều cuộc gọi về việc này không”, Mel hỏi người chỉ huy đài. Ngay trước khi nghe câu trả lời, ông rầu rĩ nghĩ rằng những ngày đáng lẽ được làm việc thì ông lại mất vào việc xem xét các đơn khiếu nại, các cuộc thảo luận mà chẳng thay đổi được gì. “Chúng tôi đã trả lời ít nhất là năm mươi cuộc gọi, và còn nhiều cuộc gọi khác mà chúng tôi không trả lời được. Chuông điện thoại bắt đầu réo ngay sau mỗi lần cất cánh - cả trên các số máy không có trong danh bạ điện thoại. Tôi sẵn sàng trả nhiều tiền để tìm hiểu xem làm thế nào họ biết được những số máy này”. “Tôi hy vọng rằng ông đã trả lời những người gọi đến rằng chúng ta có một tình huống đặc biệt - cơn bão, một đường băng không sử dụng được”. “Chúng tôi đã giải thích. Nhưng không ai quan tâm. Họ chỉ muốn các máy bay không bay qua đầu họ. Một số người nói rằng dù có vấn để gì, phi công vẫn có nghĩa vụ phải áp dụng biện pháp giảm bớt tiếng ồn, mà đêm nay họ không làm như vậy”. “Chúa lòng lành! Nếu tôi là phi công tôi cũng sẽ không làm như vậy”. Lẽ nào một người có hiểu biết, Mel tự hỏi, lại có thể đòi hỏi phi công phải giảm động cơ ngay sau khi vừa cất cánh trong thời tiết tồi tệ như tối nay và sau đó lượn qua hướng khác theo tài liệu hướng dẫn - là những gì được gọi là biện pháp giảm bớt tiếng ồn. “Tôi cũng sẽ không làm như vậy”, người chỉ huy đài nói. “Mặc dù tôi nghĩ nó tùy thuộc vào quan điểm của ai. Nếu tôi sống ở Meadowood, có lẽ tôi sẽ thấy cách họ làm là đúng”. “Ông không sống ở Meadowood. Ông phải nghe những lời cảnh báo chúng tôi đã nói với người dân nhiều năm trước là không nên xây dựng nhà ở đó”. “Tôi cũng nghĩ vậy. Dù sao đi nữa, một nhân viên của tôi nói sẽ có một cuộc họp cộng đồng ở đó đêm nay”. “Trong thời tiết này à?” “Có vẻ họ vẫn tổ chức cuộc họp, và nghe nói họ đang bày ra một âm mưu gì đó nữa”. “Điều gì cũng được”, Mel dự đoán, “Chúng ta sẽ biết sớm thôi”. Chỉ cần như vậy, ông nghĩ, cuộc họp cộng đồng tại Meadowood là một dịp để cung cấp vũ khí tươi rói rất thuận tiện. Hầu như chắc chắn báo chí và các chính trị gia địa phương sẽ có mặt, và các chuyến bay trực tiếp trên đầu, tuy rất cần thiết tại thời điểm này, sẽ cung cấp cho họ rất nhiều điều để viết và nói. Vì vậy, đường băng 3-0 được giải phóng càng sớm chừng nào càng tốt cho cả hai bên. Ông nói với người chỉ huy Tháp KSKL “Lát nữa tôi sẽ đích thân ra ngoài sân bay xem đang xảy ra chuyện gì. Tôi sẽ báo cho ông biết tình hình tại chỗ”. “Rõ rồi”. Thay đổi chủ đề, Mel hỏi, “Chú em của tôi có trực đêm nay không?” “Có đấy. Keith trên radar theo dõi từ hướng tây đến”. Hướng tây đến, Mel biết, là một trong những vị trí khó khăn, căng thẳng trong đài KSKL. Nó giám sát tất cả các chuyến bay đến ở góc tọa độ phía tây. Mel do dự một chút, sau đó ông nhớ ông đã hiểu người chỉ huy đài từ lâu lắm. “Keith có ổn không? Có căng thẳng quá không?” Có một chút ngập ngừng trước câu trả lời. “Có, tôi muốn nói là nhiều hơn bình thường”. Họ đều hiểu rõ rằng em trai của Mel gần đây gây lo lắng cho cả hai người. “Thành thật mà nói”, người chỉ huy đài nói, “Ứớc gì tôi có thể giao cho anh ta việc dễ dàng hơn. Nhưng tôi không thể. Chúng tôi ít người quá và tất cả mọi người như ngồi trên lửa vậy”. Và ông nói thêm, “Kể cả tôi”. “Tôi biết, và tôi đánh giá cao cách ông lo lắng cho Keith như thế”. “Vâng, trong công việc này hầu hết chúng ta đều mệt mỏi vì chiến đấu, không lúc này thì lúc khác”. Mel có thể thấy ông cân nhắc từng từ một cách cẩn thận. “Đôi khi nó hiện lên trong đầu, khi khác trong lòng. Dù cách nào đi nữa, khi điều đó xảy ra, chúng tôi đều cố gắng giúp đỡ nhau”. “Cảm ơn”. Cuộc đối thoại đã không xoa dịu đi sự lo lắng của Mel. “Có lẽ lát nữa tôi sẽ ghé thăm”. “Vâng, thưa ngài”. Người chỉ huy Tháp KSKL gác điện thoại. Từ “ngài” được dùng một cách lịch sự. Mel không có thẩm quyền trên Tháp KSKL, mà thuộc về Cục Hàng không liên bang có trụ sở chính tại Washington. Nhưng mối quan hệ giữa các nhân viên KSKL và lãnh đạo sân bay rất tốt, và Mel thấy họ cố gắng giữ mối quan hệ đó. Sân bay, bất kỳ sân bay nào, là một cơ cấu chồng chéo phức tạp kỳ lạ. Không người nào có thể chịu trách nhiệm hết toàn bộ công việc, cũng không bộ phận nào có thể hoạt động hoàn toàn độc lập được. Là Tổng Giám đốc sân bay, Mel gần như được giao hết tất cả trách nhiệm và quyền lực, nhưng ông biết có những nơi không xâm phạm đến là tốt hơn. Tháp KSKL là một nơi như thế, một bộ phận khác cũng như thế là văn phòng đại diện của các hãng hàng không. Ông có thể can thiệp, và thực sự đã can thiệp vào những vấn để ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay nói chung hay liên quan đến việc phục vụ hành khách. Ông có thể kiên quyết yêu cầu một hãng hàng không nào đó loại bỏ một tấm biển treo ở cửa có thể gây hiểu lầm hoặc trái với những quy định của sân bay. Nhưng những gì xảy ra phía sau cánh cửa đó, đương nhiên thuộc quyền kinh doanh của hãng hàng không. Đó là lý do tại sao lãnh đạo sân bay cần phải là chiến lược gia cũng như là nhà quản trị đa năng. Mel đặt ống nghe xuống. Trên một đường dây khác, Danny Farrow đang tranh cãi với người phụ trách bãi đậu xe, người trong vài giờ qua phải nghe những lời khiếu nại đầy giận dữ từ các chủ xe bị kẹt tuyết. Mọi người hỏi: không có ai trong sân bay biết rằng tuyết đang rơi hay sao? Và nếu họ đã biết rồi, tại sao không có ai tìm cách dọn những đống tuyết đi để người ta có thể lái xe của mình đi bất cứ đâu bất cứ lúc nào, như là quyền dân chủ của mình? “Bảo họ chúng ta đã tuyên bố một chế độ độc tài”. Không làm thế nào được, Danny khẳng định, sẽ phải đợi cho đến khi giảm bớt chế độ ưu tiên. Ông sẽ gửi người và thiết bị khi nào có thể được. Câu chuyện bị cắt đứt bởi một cuộc gọi từ người chỉ huy Tháp KSKL. Dự báo thời tiết mới dự đoán hướng gió sẽ thay đổi trong một giờ nữa. Có nghĩa là sẽ thay đổi các đường băng, và họ có phải vội vàng dọn tuyết trên đường băng 1-7L không? Ông ấy sẽ làm tốt nhất, Danny nói. Ông kiểm tra lại đường dây tới người phụ trách Đoàn Conga và gọi điện trả lời sau. Đấy là loại áp lực không ngừng, đã kéo dài suốt ba ngày đêm kể từ khi bão tuyết như hiện nay bắt đầu. Thực sự là áp lực đó làm cho Mel cáu hơn khi người liên lạc mang đến một mẩu thư, mười lăm phút trước. Mẩu thư viết: ô m - cảnh báo cho ô - tiểu ban chống tuyết của các hãng hàng không (do sức ép của vern demerest… tại sao ông em rể của ông không ưa ông thế) đang làm bản báo cáo công kích việc dọn tuyết trên đường băng & đường lăn là tệ hại, không hiệu quả... (v.d nói thế) báo cáo đổ lỗi cho sân bay (có nghĩa là ô) trách nhiệm chính của sự chậm trễ các chuyến bay... cũng tuyên bố chiếc 707 sẽ không bị mắc kẹt nếu đường lăn được dọn tuyết sớm hơn, tốt hơn... vì vậy bây giờ tất cả các hãng hàng không bị thiệt hại, v.v, v.v... ô bị mắc lưới rồi... và ô đang ở đâu? (trong lưới, tôi nghĩ thế)... hãy leo ra & mua cho tôi cà phê sớm. chào t Từ “t” nghĩa là Tanya - Tanya Livingston, phụ trách quan hệ khách hàng của hãng Trans America, và là một người bạn đặc biệt của Mel. Mel đọc mẫu thư một lần nữa, như ông thường đọc các tin nhắn từ Tanya, thông điệp của cô trở nên rõ ràng hơn sau khi đọc lần thứ hai. Tanya, người có trách nhiệm giải quyết các rắc rối và quan hệ công chúng, phản đối các chữ hoa. (“Mel, nếu chúng ta bỏ các chữ hoa, sẽ có ít rắc rối hơn, nó không nó có ý nghĩa gì sao? Chỉ cần nhìn vào mấy tờ báo mà xem”). Thực sự cô đã ép người thợ cơ khí của hãng Trans America đục bỏ tất cả các chữ hoa trong máy chữ của cô. Mel nghe nói có người cấp trên của cô đã làm ầm ĩ lên về điều đó, do vi phạm quy định cứng nhắc của hãng hàng không về cố ý làm thiệt hại tài sản công ty. Dù vậy, Tanya vẫn làm được điều đó, như cô vẫn thường làm. Hai từ Vern Demerest trong bản ghi chú là cơ trưởng Vernon Demerest, cũng của hãng Trans America. Như các cơ trưởng giỏi của các hãng hàng không, Demerest là một thành viên tích cực của Hiệp hội phi công dân dụng (ALPA), và vào mùa này, là một thành viên trong Tiểu ban chống tuyết của các hãng hàng không tại Phi trường quốc tế Lincoln. Tiểu ban này kiểm tra, giám sát đường băng và đường lăn trong thời gian có tuyết và công nhận là chúng có đạt yêu cầu cho máy bay sử dụng hay không. Thành phần của Tiểu ban bao giờ cũng có một cơ trưởng đương nhiệm. Vernon Demerest cũng là em rể của Mel, kết hôn với em gái của Mel, Sarah. Thông qua các tiền lệ và hôn nhân, từ gốc đến ngọn gia tộc Bakersfeld đều làm trong ngành hàng không, giống như xưa kia có những gia đình chỉ liên quan với nghề đi biển. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mel và ông em rể rất lạnh nhạt, người mà Mel coi là tự phụ và kiêu ngạo. Ông biết những người khác đều có cùng một ý kiến như vậy. Gần đây, Mel và cơ trưởng Demerest đã có một cuộc cãi nhau kịch liệt tại một cuộc họp của Hội đồng quản trị sân bay, nơi Demerest đại diện cho ALPA. Mel nghi ngờ rằng bản báo cáo công kích việc dọn tuyết - rõ ràng do em rể của ông khởi xướng - là để trả đũa. Mel không lo lắng nhiều về bản báo cáo đó. Công việc của sân bay có thể có bất cứ sai sót gì đi nữa, ông biết mọi người đã đối phó với cơn bão giống như bất kỳ cơ quan nào khác. Dù sao đi nữa, bản báo cáo là một mối phiền toái. Bản báo cáo sẽ được gửi đến tất cả các hãng hàng không, và ngày mai sẽ có các cuộc gọi điện thoại và văn bản chất vấn, và cần phải có lời giải thích. Mel nghĩ rằng tốt hơn ông nên chuẩn bị sẵn ý kiến. Ông quyết định ông sẽ thực hiện việc kiểm tra tình hình dọn tuyết hiện tại cùng một lúc với việc kiểm tra đường băng bị chặn và chiếc máy bay Aéreo-Mexican bị sa lầy. Tại Phòng chỉ huy chống tuyết, Danny Farrow đang nói chuyện với Trung tâm chống tuyết một lần nữa. Khi có một khoảng im lặng, Mel xen vào, “Tôi sẽ vào nhà ga, sau đó ra ngoài sân bay”. Ông nhớ những gì Tanya đã nói trong bản ghi chú về việc uống cà phê với nhau. Ông dừng lại ở văn phòng riêng của mình trước, sau đó trên đường đi qua nhà ga, ông sẽ ghé qua cánh của hãng Trans America để gặp cô ấy. Suy nghĩ thế kích thích ông. 02 Mel dùng thang máy dành cho nhân viên, mở bằng chìa khóa riêng, đi từ tháp xuống tầng điều hành của bộ phận hành chính. Dù khu văn phòng riêng của ông vắng lặng, bàn làm việc của nhân viên tốc ký trống rỗng và các máy đánh chữ còn phủ bao, đèn đã được bật sáng. Ông bước vào văn phòng riêng của mình. Từ một ngăn tủ riêng, gần chiếc bàn gỗ gụ rộng dùng thường ngày, ông lấy ra chiếc áo choàng dày và đôi ủng lông. Thực ra Mel không có nhiệm vụ đặc biệt gì phải ở lại sân bay đêm nay. Nhưng điều này đã xảy ra. Lý do ông ở lại là để sẵn sàng giải quyết các trường hợp khẩn cấp, phần lớn do cơn bão ba ngày qua. Nếu không, giờ này ông đã ở nhà với Cindy và các con, ông trầm ngâm khi mang và cài ủng. Có thực vậy không? Con người ta dù cố tỏ ra khách quan đến mấy, Mel lý luận, không phải lúc nào cũng hiểu được cái động cơ thúc đẩy anh ta. Có lẽ, nếu không có bão tuyết, ông lại có cớ khác để không về nhà. Thực tế, dường như gần đây ông bắt đầu muốn càng ít phải ở nhà càng tốt. Công việc của ông là một nguyên nhân, tất nhiên. Nó cung cấp rất nhiều lý do để kéo dài thời gian ở lại sân bay, nơi mà gần đây đã có nhiều vấn để lớn đối mặt với ông, không kể tình hình rối ren như tối nay. Nhưng - nếu ông tự trung thực với chính mình - sân bay cũng giúp ông thoát khỏi những tranh cãi không ngừng giữa ông và Cindy mà bây giờ dường như xảy ra bất cứ khi nào họ ở cạnh nhau. “Ôi! Như là địa ngục!” Lời than vãn của Mel xuyên qua sự tĩnh lặng của văn phòng. Ông bước nặng nề trong đôi ủng lông về phía bàn làm việc. Mảnh giấy nhỏ do cô thư ký để lại xác nhận những gì ông vừa nghĩ. Đêm nay có một cuộc họp, một trong những công việc từ thiện chán ngắt của vợ ông. Tuần trước, Mel đã miễn cưỡng hứa sẽ tham dự. Đó là một bữa tiệc cocktail và ăn tối tại khách sạn Lake Michigan xa hoa trong trung tâm thành phố (như đã viết trong mảnh giấy). Còn tổ chức từ thiện gì, mảnh giấy không để cập tới, và nếu nó đã từng được để cập, ông cũng đã quên mất, chẳng có gì khác nhau. Những cuộc họp mà Cindy Bakersfeld tham dự đều chán ngắt như nhau. Theo ý Cindy, điều đó xứng đáng với địa vị xã hội của các thành viên trong tổ chức từ thiện của cô ta. May ra hôm nay ông sẽ giữ được hòa khí với Cindy, thời gian bắt đầu cuộc họp hơi muộn - gần hai giờ nữa, và theo quan điểm về thời tiết tối nay, có thể muộn hơn nữa. Vì vậy, ông có thể về kịp, ngay cả sau khi đi kiểm tra sân bay. Mel có thể trở lại văn phòng của mình, cạo râu, thay quần áo và về trung tâm thành phố muộn một chút. Dù sao ông cũng nên gọi điện báo cho Cindy thì tốt hơn. Sử dụng đường dây trực tiếp ra bên ngoài, Mel gọi vào số máy nhà. Roberta, con gái lớn của ông, trả lời. “Chào con”, Mel nói. “Ông già của con đây”. Giọng Roberta hờ hững trong điện thoại. “Vâng, con biết”. “Ở trường hôm nay thế nào?” “Bố có thể hỏi chính xác hơn được không? Có nhiều môn học. Bố muốn biết môn nào chứ?” Mel thở dài. Có những ngày ông cảm thấy dường như cuộc sống gia đình của ông đang tan rã nhanh chóng. Ông có thể nói rằng Roberta đang trong cái mà Cindy gọi là tâm trạng khinh khỉnh. Ông tự hỏi, phải chăng tất cả những người cha đều đột ngột bị mất liên hệ với con gái của họ ở tuổi mười ba? Gần một năm trước đây, hai cha con ông có vẻ như rất gần gũi nhau. Mel yêu cả hai cô con gái sâu sắc - Roberta, và em gái, Libby. Có những khi ông nhận ra chỉ nhờ có hai cô bé mà cuộc hôn nhân của ông còn duy trì được. Đối với Roberta, ông cũng biết rằng, như một cô gái tuổi teen, cô sẽ có những sở thích riêng mà ông không thể chia sẻ và cũng không hoàn toàn hiểu được. Ông đã được chuẩn bị cho việc này. Điều ông không ngờ là tâm hồn cô bé đóng lại hoàn toàn nhanh chóng, hay đối xử với ông bằng sự hoà trộn giữa thờ ơ và vị nể. Mặc dù, khách quan hơn, ông cho là các xung đột ngày càng tăng giữa Cindy và ông đã góp phần làm sâu thêm hố ngăn cách ấy. Trẻ con vốn nhạy cảm. “Thôi không sao”, Mel nói. “Mẹ có ở nhà không?” “Mẹ đi rồi. Mẹ dặn nếu bố gọi điện thì nói bố phải vào trung tâm thành phố để gặp mẹ, và lần này cố gắng đừng đến muộn”. Mel cố nén giận. Roberta chỉ lặp lại chính xác lời của Cindy. Ông vẫn thường nghe vợ nói với chúng như vậy. “Nếu mẹ gọi về, nói với mẹ là bố có thể trễ một chút, và rằng bố không thể nhanh hơn được”. Một khoảng im lặng, và ông hỏi, “Con có nghe bố không đấy?” “Có, ạ”, Roberta nói. “Còn gì nữa không, bố? Con có bài tập phải làm”. Ông không nhịn được nữa, “Còn một chuyện nữa. Con phải đổi giọng đi, bà trẻ, và thể hiện sự tôn trọng một chút. Hơn nữa, cuộc nói chuyện này chỉ kết thúc khi nào bố muốn”. “Tùy bố”. “Và đừng gọi tôi là bố nữa!” “Được rồi, thưa bố”. Mel suýt phì cười, nhưng kìm lại được. Ông hỏi, “Mọi việc ở nhà vẫn tốt cả chứ?” “Vâng. Nhưng Libby muốn nói chuyện với bố”. “Chờ một chút. Bố đang định nói với con - vì cơn bão tuyết bố có thể không về nhà đêm nay được. Có rất nhiều việc xảy ra tại sân bay. Có lẽ bố sẽ trở lại sân bay và ngủ ở đấy”. Lại thấy im lặng, khi Roberta định trả lời câu: có gì mới đâu bố? Rõ ràng cô bé quyết định không nói. “Bây giờ bố có nói chuyện với Libby không?” “Được rồi. Chúc con ngủ ngon, Robbie”. “Chúc bố ngủ ngon”. Có tiếng sột soạt khó chịu khi điện thoại chuyển từ tay này sang tay kia, sau đó là giọng hổn hển nho nhỏ của Libby. “Bố ơi, bố ơi! Bố đoán đi!” Libby luôn luôn hổn hển như vậy, tựa như đối với một cô bé bảy tuổi, cuộc sống chỉ thú vị khi chạy và cô bé phải giữ tốc độ mãi nếu không sẽ bị tụt lại sau. “Để bố suy nghĩ xem”, Mel nói. “Bố biết con chơi tuyết vui vẻ hôm nay”. “Có, con có chơi, nhưng không phải chuyện đó”. “Bố không đoán được. Con phải nói cho bố biết thôi”. “Vâng ạ, ở trường, cô Curzon cho bài tập, con phải viết tất cả những điều tốt đẹp mà con nghĩ rằng sẽ xảy ra vào tháng tới”. Ông trìu mến nghĩ: ông có thể hiểu được sự nhiệt tình của Libby. Đối với cô bé, hầu như tất cả mọi thứ đều thú vị và tốt đẹp, và số ít những thứ không tốt phải dẹp sang một bên và nhanh chóng bị lãng quên. Ông tự hỏi còn bao lâu nữa sự ngây thơ hạnh phúc của cô bé sẽ qua. “Thế thì hay lắm”, Mel nói. “Bố thích như vậy”. “Bố ơi, bố ơi! Bố giúp con nhé? “ “Nếu bố có thể giúp được”. “Con muốn có một bản đồ của tháng hai”. Mel mỉm cười. Libby tự sáng tạo kiểu nói của riêng mình mà đôi khi dường như nhiều ý nghĩa hơn lời nói thông thường. Nhưng nó gợi ý cho ông rằng ông có thể sử dụng một bản đồ thời tiết tháng hai của mình. “Có một cuốn lịch trên bàn của bố trong phòng làm việc ấy”. Mel chỉ cho con gái nơi tìm cuốn lịch và nghe tiếng đôi bàn chân của cô bé chạy ra khỏi phòng, quên luôn điện thoại. Mel nghĩ Roberta đã treo nó lên mà không nói câu nào. * * * Từ văn phòng của Tổng giám đốc, Mel đi ra tầng điều hành chạy dọc theo chiều dài của nhà ga chính. Ông theo mang chiếc áo choàng dày. Dừng lại một chút, ông quan sát phòng chờ đông đúc phía dưới, dường như đã trở nên bận rộn hơn trong nửa giờ qua. Tất cả ghế trong phòng chờ đều có người ngồi. Quầy bán báo và quầy thông tin bị đám đông bao vây, trong đó có nhiều người mặc quân phục. Phía trước tất cả các quầy hàng không hành khách đang xếp hàng dài, một số hàng dài đến nỗi không nhìn thấy đuôi đâu cả. Đằng sau các quầy, số nhân viên bán vé và người phụ trách tăng cao hơn bình thường do những người của ca trước đó được giữ lại làm thêm giờ, các phiếu lịch trình và phiếu chuyển trải ra giống như bản tổng phổ của dàn nhạc. Sự chậm trễ và sự thay đổi hành trình do cơn bão tuyết gây ra buộc phải xem lại cả lịch trình và lòng kiên nhẫn của con người. Ngay bên dưới Mel, tại quầy vé của hãng Braniff, một người đàn ông còn trẻ, tóc vàng, quấn một chiếc khăn quàng màu vàng đang quát tháo, “Các người thật vô liêm sỉ khi bắt tôi phải đi Kansas City để đến New Orleans. Các người đang viết lại lại địa lý hay sao! Các người cứ có quyền là điên lên hết rồi!” Nhân viên quầy vé đang đối mặt với anh ta, một cô gái tóc đen hấp dẫn ở tuổi hai mươi, vuốt mắt trước khi trả lời với sự kiên nhẫn chuyên nghiệp, “Chúng tôi vẫn có thể cho ông bay thẳng được, thưa ông, nhưng chúng tôi chưa biết khi nào. Do thời tiết, đường dài hơn nhưng vẫn nhanh hơn và giá vé không đổi”. Đằng sau người đàn ông quấn khăn vàng, nhiều hành khách với những vấn để khác đang khẩn trương ép về phía trước. Tại quầy của hãng United, đang diễn ra một vở kịch câm nhỏ. Một doanh nhân ăn mặc sang trọng đang nghiêng người về phía trước nói khẽ gì đó. Bằng cách biểu hiện và hành động của người đàn ông kia, Mel Bakersfeld có thể đoán những gì đang được nói. “Tôi rất muốn bay chuyến kế tiếp”. “Tôi xin lỗi, thưa ông, chuyến bay đã đầy chỗ. Cũng có một danh sách chờ dài...” Trước khi anh nhân viên quầy vé nói hết câu, anh ngước lên. Người hành khách đã đặt chiếc cặp của mình trên quầy ở phía trước anh ta. Nhẹ nhàng, nhưng sâu cay, ông gõ gõ một chiếc thẻ nhựa vào một góc của chiếc cặp. Đó là chiếc thẻ hội viên Câu lạc bộ Mười vạn dặm, một trong những chiếc thẻ do hãng United phát hành cho khách hàng thân thiết của mình - những khách hàng tinh hoa do các hãng hàng không tạo ra. Anh nhân viên quầy vé thay đổi ngay thái độ. Giọng anh trở nên thấp hẳn xuống. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ điều chỉnh một chút, thưa ngài”. Cây bút chì trong tay người bán vé gạch ngang tên của một hành khách khác - người đã được xếp chỗ trên chuyến bay đó sớm hơn nhiều - thay vào là tên của người mới đến. Hành động đó, những người xếp hàng phía sau không ai thấy gì. Những chuyện tương tự như thế, Mel biết, xảy ra ở tất cả các quầy hàng không khắp mọi nơi. Chỉ có những người ngây thơ hoặc không am hiểu mới tin tưởng vào tính công bằng vững chắc của danh sách chờ đợi và danh sách đăng ký. Mel quan sát một nhóm người mới đến - có lẽ là từ trung tâm thành phố - đang đi vào nhà ga. Họ phủi tuyết từ quần áo khi bước vào, và xét về sự xuất hiện của họ, dường như là thời tiết bên ngoài đang xấu đi. Những người mới đến nhanh chóng bị cuốn vào đám đông. Trong số tám mươi nghìn hoặc hơn hành khách chen chúc trong nhà ga hàng ngày có ít người ngước lên tầng điều hành, và đêm nay còn ít hơn, đó là ý nghĩ của Mel, đang ở trên cao nhìn xuống. Hầu hết mọi người nghĩ về sân bay dưới hình ảnh của các hãng hàng không và những chiếc máy bay. Nhiều người còn bất ngờ khi biết rằng sân bay có cả một cơ quan hành pháp hay một bộ máy hành chính - không nhìn thấy, nhưng phức tạp và có hàng trăm nhân viên - đang tồn tại, làm việc liên tục, để duy trì chức năng của sân bay. Có lẽ như vậy lại tốt, Mel nghĩ, khi ông theo thang máy đi xuống. Nếu dần dần mọi người được thông tin tốt hơn, đúng lúc hơn, họ cũng sẽ tìm thấy những điểm yếu và sự nguy hiểm của sân bay, và sau đó bay đi và bay đến với ít sự an tâm hơn trước. Trong phòng chờ chính, ông hướng về phía tiền sảnh của hãng Trans America. Gần quầy check-in [2], một người phụ trách mặc đồng phục bước ra. “Chào ông Bakersfeld. Ông tìm bà Livingston phải không?” Không biết làm thế nào mà ở một sân bay bận rộn như thế này, Mel nghĩ, người ta lại luôn luôn có thời gian để buôn chuyện. Ông tự hỏi làm thế nào mà sự liên hệ giữa tên mình và Tanya lại được biết rộng rãi đến thế. “Vâng, đúng thế”, ông nói. Người phụ trách hất đầu hướng tới một cánh cửa có biển ghi CHỈ DÀNH CHO NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG. “Ông sẽ tìm ra bà ấy ở đó, ông Bakersfeld. Chúng tôi chỉ có một chút khủng hoảng ở đây. Bà ấy đang giải quyết nó”. 03 Trong căn phòng khách nhỏ đôi khi dùng để tiếp những khách VIP, một cô gái mặc đồng phục của nhân viên phòng vé hãng Trans America đang khóc nức nở. Tanya Livingston cho cô ta ngồi xuống ghế. “Cứ bình tĩnh”, Tanya nói với giọng của người từng trải, “Và không đi đâu vội. Cô sẽ thấy tốt hơn, và khi nào cô bình tĩnh lại, chúng ta có thể nói chuyện”. Tanya ngồi xuống, vuốt lại chiếc váy đồng phục bó sát của cô. Không có ai khác trong phòng, và âm thanh duy nhất - ngoài tiếng khóc - là tiếng ù ù khe khẽ của máy điều hòa không khí. Hai người phụ nữ cách nhau khoảng mười lăm tuổi hoặc hơn. Cô gái chưa tới hai mươi, còn Tanya sắp bước vào tuổi bốn mươi. Nhưng nhìn cô ta, Tanya cảm thấy khoảng cách đó lớn hơn nhiều. Cô cho là có lẽ vì cô đã lập gia đình, dù chỉ trong một thời gian ngắn và đã lâu rồi - nhưng dù sao cũng là người đã lập gia đình. Hôm nay, đây là lần thứ hai cô nghĩ đến tuổi tác của mình. Lần đầu là khi chải tóc sáng nay, cô đã nhìn thấy những sợi tóc bạc trong mái tóc ngắn, màu đỏ rực rỡ của mình. Có nhiều sợi tóc bạc hơn so với lần cô kiểm tra hơn một tháng trước, và cả hai lần nhắc nhở rằng tuổi bốn mươi của mình - là thời điểm một người phụ nữ phải biết mình đang đi đâu và để làm gì - đã đến gần hơn. Rồi cô lại nghĩ: mười lăm năm nữa, con gái của cô sẽ cùng tuổi với cô gái đang khóc kia. Cô gái, tên là Patsy Smith, cầm lấy chiếc khăn tay mà Tanya đưa cho. Cô nói nghẹn ngào trong nước mắt. “Họ đâu có nói... nghĩa là thô lỗ như vậy... ở nhà... với vợ của họ đâu”. “Cô muốn nói những hành khách?” Cô gái gật đầu. “Một số cũng như vậy”, Tanya nói. “Khi nào cô lập gia đình, Patsy, cô sẽ hiểu, mặc dù tôi hy vọng cô không bị như vậy. Nhưng nếu cô nói với tôi rằng người đàn ông hành xử như tên thô lỗ khi kế hoạch chuyến đi của họ bị chậm trễ, thì tôi đồng ý với cô”. “Cháu đã hết sức cố gắng... Tất cả chúng cháu đều cố gắng... Cả hôm nay và ngày hôm qua... cả ngày hôm kia... Nhưng họ nói chuyện như là…” “Cô muốn nói là họ đối xử với các cô như thể các cô là người gây ra cơn bão tuyết. Đặc biệt là gây ra khó khăn cho họ phải không?” “Đúng vậy... Và đó là người cuối cùng... Trước ông ta, cháu đều làm tốt cả”. “Chính xác chuyện gì đã xảy ra? Họ gọi tôi khi mọi chuyện xong rồi”. Cô gái dần dần bình tĩnh lại. “À... ông ta đã có vé đi chuyến 72, nhưng vì thời tiết chuyến đó bị hủy bỏ. Cháu đã dành cho ông ta một chỗ trên chuyến 114, rồi ông ta lại bị chậm chuyến đó. Ông ta nói ông ta ngồi trong tiệm ăn và không nghe thông báo lên máy bay được gọi”. “Thông báo cho lên máy bay không phát trong các tiệm ăn”, Tanya nói. “Có một thông báo lớn như vậy, và nó được in trên tất cả các thực đơn”. “Cháu đã giải thích như thế, thưa bà Livingston, khi ông ta từ cổng ra máy bay quay lại. Nhưng ông ta vẫn khó chịu. Ông ta làm như thể ông ta bỏ lỡ chuyến bay là lỗi của cháu chứ không phải của ông ta. Ông ta nói rằng tất cả chúng cháu đều làm việc không hiệu quả và ngủ gật”. “Cô có gọi người phụ trách chưa?” “Cháu đã cố gọi, nhưng ông ấy đang bận. Tất cả chúng cháu đều bận”. “Rồi sau thế nào?” “Cháu xếp cho ông ta một chỗ bổ sung, chuyến 2122”. “Và?” “Ông ta muốn biết chuyến bay đó chiếu phim gì. Cháu nói tên phim, và ông ta nói rằng ông ta đã xem phim đó rồi. Ông ta tỏ ra khó chịu một lần nữa. Ông ta muốn bộ phim được chiếu trên chuyến bay đầu tiên đã bị hủy. Ông hỏi cháu có thể tìm chuyến bay nào có chiếu bộ phim đầu tiên được không? Trong thời gian đó, có những hành khách khác đang xếp hàng chờ, họ gây áp lực lên quầy của cháu. Một số đã to tiếng nhận xét là cháu chậm chạp lề mề. Vâng, khi ông ta lại lải nhải về bộ phim, đó là khi cháu…” Cô gái do dự. “Cháu nghĩ có cái gì đó bị vỡ”. Tanya nhắc, “Đó là khi cô ném bảng lịch trình chứ gì?” Patsy Smith gật đầu khổ sở. Cô dường như sắp khóc một lần nữa. “Vâng. Cháu không biết cháu như thế nào nữa, thưa bà Livingston... Cháu đã ném nó ngay trên quầy. Cháu bảo ông ta có thể tự chọn chuyến nào thì chọn”. “Tôi có thể nói”, Tanya nói, “Là cô hy vọng ném trúng ông ta”. Cô gái ngước lên. Thay cho những giọt nước mắt, đã có nét cười. “Ồ, vâng, cháu đã làm đúng như thế”. Cô suy nghĩ, sau đó cười khúc khích. “Giá bà nhìn thấy khuôn mặt của ông ta. Ông ta rất ngạc nhiên”. Gương mặt của cô trở lại nghiêm trọng. “Sau đó, sau đó...” “Tôi biết những gì xảy ra sau đó. Cô òa lên khóc, đó là một điều hoàn toàn tự nhiên. Cô được đưa đến đây để bình tĩnh lại, và bây giờ, cô ra đón taxi về nhà đi”. Cô gái trông sửng sốt. “Bà nói thế nghĩa là... chỉ có vậy thôi ạ?” “Chắc chắn như vậy. Cô mong đợi chúng tôi đuổi việc cô sao?” “Cháu... Cháu không biết nữa”. “Chúng tôi có thể đuổi việc cô”, Tanya nói, “Mà chúng tôi không thích điều đó chút nào, Patsy, nếu cô làm điều tương tự một lần nữa. Nhưng cô sẽ không làm vậy nữa phải không? Không bao giờ?” Cô gái lắc đầu chắc chắn. “Không, cháu sẽ không thế nữa. Cháu không thể giải thích vì sao, nhưng làm như vậy chỉ một lần là đủ”. “Mọi chuyện kết thúc tại đây. Ngoại trừ việc cô có muốn nghe những gì xảy ra sau khi cô rời khỏi quầy”. “Vâng, cháu muốn biết”. “Một người đàn ông ở phía trước. Ông ấy là một trong những người đang xếp hàng, và ông ấy nói rằng ông ấy nghe thấy mọi chuyện. Ông ấy cũng nói rằng ông ấy có một con gái cùng tuổi với cô, và nếu người đàn ông nào nói chuyện với con gái mình giống như cách ông kia nói chuyện với cô, ông ấy sẽ tự tay đấm vào mũi hắn ta. Sau đó người đàn ông thứ hai - một trong những người đang xếp hàng - có để lại tên và địa chỉ của ông, và nói rằng nếu người đàn ông cô đã nói chuyện có bất kỳ loại khiếu nại nào, hãy báo cho ông ấy biết và ông sẽ làm chứng cho những gì thực sự xảy ra”. Tanya mỉm cười. “Vì vậy, cô thấy đấy - cũng còn những người tốt đẹp”. “Cháu biết”, cô gái nói. “Hiện không có nhiều, nhưng khi ta gặp được một người như thế, những người rất tốt, và tử tế, ta cảm thấy rất muốn ôm lấy ông ấy”. “Thật không may chúng ta không thể làm điều đó, cũng như chúng ta không thể ném bảng lịch trình vào mặt khách. Công việc của chúng ta là đối xử với tất cả mọi người như nhau, và phải lịch sự, ngay cả khi hành khách bất lịch sự”. “Vâng, thưa bà Livingston”. Patsy Smith đúng, Tanya quyết định. Rõ ràng, cô ấy đã không nghĩ đến bỏ việc, như một số cô gái đã làm khi bị những việc tương tự. Thực tế, bây giờ cô ấy đã vượt qua cảm xúc của mình, Patsy dường như có loại nghị lực đó, sẽ hữu ích cho cô ấy trong tương lai. Tanya nghĩ, chỉ có Chúa mới biết người ta cần nghị lực và kiên nhẫn trong công việc với khách hàng như thế nào, ở bất cứ chức vụ nào. Như ở phòng vé chẳng hạn. Cô hiểu rằng những người làm việc ở bộ phận đặt vé trong thành phố cũng bị áp lực cá nhân, thậm chí còn lớn hơn tại sân bay. Kể từ khi cơn bão bắt đầu, các nhân viên phòng vé đã thực hiện hàng nghìn cuộc gọi tư vấn cho hành khách về sự chậm trễ và sắp xếp lại các chuyến bay. Đó là một công việc bàn giấy đáng ghét bởi vì những người mà họ gọi đều nóng tính và dễ dàng cãi lộn. Ảnh hưởng của sự chậm trễ các chuyến bay dường như khơi dậy tính dã man tiềm ẩn. Đàn ông nói chuyện một cách thô lỗ tục tằn với người nữ điện thoại viên, và ngay cả những người lịch sự và nhẹ nhàng vào những thời điểm khác, trở nên khó chịu và không chấp nhận được. Các chuyến bay tới vùng xung quanh New York là tồi tệ nhất. Được biết các nhân viên phòng vé đã từ chối gọi điện thoại khi được phân công thông báo về sự chậm trễ hay hủy bỏ một chuyến bay cho các hành khách bay đến New York, chấp nhận rủi ro cho công việc của họ hơn là phải đối mặt với dòng nước lũ của chửi rủa đang chờ đợi họ. Tanya thường suy đoán không biết New York có sức quyến rũ gì mà người ta hăng hái đâm đầu vào đó như phát cuồng. Nhưng cô biết khi các trường hợp khẩn cấp hiện nay qua đi, sẽ có đơn thôi việc của các nhân viên các hãng hàng không - trong phòng vé và các nơi khác - với bất cứ lý do gì. Luôn luôn như vậy. Cũng sẽ có một vài trường hợp rối loạn thần kinh được tính, thường là trong số các cô gái trẻ hơn, tâm trạng yếu đuối và nhạy cảm hơn với sự thô bạo của hành khách. Lịch sự kiên trì, ngay cả khi ta đã được rèn luyện, quả là một sự căng thẳng nặng nề. Mặc dù vậy, cô vui mừng rằng Patsy Smith không là một trong những cô gái như thế. Có tiếng gõ cửa. Cửa bật mở và Mel Bakersfeld xuất hiện. Ông đi ủng lông và chiếc áo khoác dày trên tay. “Tôi đi ngang qua đây”, ông nói với Tanya. “Tôi có thể ghé lại sau, nếu cô bận”. “Ở lại đi”. Cô cười đón chào. “Chúng tôi hầu như xong rồi”. Cô nhìn ông khi ông băng ngang qua phòng đến một chiếc ghế. Trông ông thật mệt mỏi, Tanya nghĩ. Cô chuyển sự chú ý trở lại cô gái, điền vào một chiếc phiếu, và đưa cho cô gái. “Đưa cái này cho người phụ trách taxi, Patsy, và ông ấy sẽ cho xe đưa cô về nhà. Hãy nghỉ ngơi một đêm, chúng tôi mong cô sẽ trở lại vào ngày mai, tươi sáng và khỏe khoắn”. Khi cô gái đi rồi, Tanya xoay quanh chiếc ghế của mình đối diện khuôn mặt của Mel. Cô nói rõ ràng, “Chào ông”. Ông đặt tờ báo vừa mới liếc qua xuống và cười. “Chào cô”. “Ông có nhận được mẩu thư của tôi chứ?” “Tôi đến để cảm ơn cô. Mặc dù tôi có thể đến đây mà không cần có mẩu thư đó”. Rồi chỉ vào cánh cửa mà cô gái đã đi ra, ông hỏi, “Tất cả là chuyện gì? Mệt mỏi quá à?” “Đúng vậy”. Cô nói với ông những gì đã xảy ra. Mel cười. “Tôi cũng mệt mỏi lắm. Cô làm thế nào cho taxi đưa tôi về được không?” Tanya nhìn ông tò mò. Đôi mắt màu xanh sáng của cô tỏ rõ sự trung thực. Đầu cô hơi nghiêng, và ánh đèn trên cao phản chiếu màu đỏ nổi bật từ tóc của cô. Bộ đồng phục hàng không bó sát càng tôn thêm dáng vẻ thanh tú của cô… Giống như mọi lần khác, Mel có thể cảm nhận được sự khao khát và sự ấm áp của cô. “Để tôi nghĩ đã”, cô nói. “Hãy đi taxi về nhà tôi, và hãy để tôi nấu bữa ăn tối. Xem nào, món cừu hầm nhé”. Ông do dự, cân nhắc các khả năng có thể xảy ra, sau đó miễn cưỡng lắc đầu. “Tôi ước gì có thể làm được như vậy. Nhưng chúng tôi có một số rắc rối ở đây, và sau đó tôi còn phải vào trung tâm thành phố”. Ông đứng dậy. “Dù sao đi nữa, ta hãy đi uống cà phê”. “Thế cũng được”. Mel giữ cửa cho cô ra trước, và họ đi vào phòng chờ chính, nhộn nhịp ồn ào. Cả một biển người vây xung quanh các quầy của hãng Trans America, thậm chí còn đông hơn lúc Mel đến. “Tôi không có nhiều thời gian”, Tanya nói. “Tôi vẫn phải làm việc hơn hai giờ nữa”. Khi họ đi lách qua các đám đông và các chồng hành lý chất cao, cô đi chậm hơn bình thường để Mel theo kịp. Cô nhận thấy ông khập khiễng hơn mọi khi. Cô thấy mình muốn khoác tay đỡ ông, nhưng cô hiểu rằng không nên thì tốt hơn. Cô đang mặc đồng phục hãng Trans America. Chưa có gì mà những lời đồn đại đã lan truyền nhanh chóng. Gần đây người ta phát hiện hai người có chung ý tưởng dù cả hai làm việc khác cơ quan, và Tanya chắc chắn rằng bộ máy tin đồn của sân bay - hoạt động như một rừng máy điện tín với tốc độ của máy IBM - đã ghi lại. Có lẽ người ta nghĩ rằng cô và Mel đã chung giường với nhau, mặc dù, chuyện đó chưa bao giờ xảy ra. Họ đi hướng đến cửa hàng cà phê Captain Cloud's ở sảnh trung tâm. “Về món cừu hầm”, Mel nói. “Có thể ta làm vào một ngày khác được không? Xem nào, ngày kia chẳng hạn? Lời mời lúc nãy của Tanya làm ông bất ngờ. Mặc dù họ đã hẹn hò nhiều lần - đi uống hoặc ăn tối - cho đến bây giờ cô vẫn chưa mời ông đến thăm căn hộ của cô. Dĩ nhiên, đến đấy chỉ ăn tối mà thôi. Nhưng... luôn luôn có khả năng là có cả chuyện khác. Gần đây, Mel cảm nhận rằng nếu các cuộc gặp gỡ của họ ở sân bay vẫn tiếp tục, quan hệ của hai người có thể tiến triển tự nhiên và rõ ràng. Tuy nhiên, ông tiến tới thận trọng, bản năng cảnh báo ông rằng quan hệ với Tanya không phải là chuyện tình lãng mạn mà là mối quan hệ đầy xúc cảm sâu sắc cho cả hai. Ông cũng phải xem xét các vấn để riêng của ông với Cindy. Sắp có nhiều việc phải làm nếu họ muốn giải quyết tất cả, và số rắc rối mà một người đàn ông có thể xử lý cùng một lúc là một con số giới hạn. Thật là một nhận xét kỳ lạ, ông nghĩ, rằng khi có một cuộc hôn nhân yên ổn thì dường như chuyện lăng nhăng lại dễ dàng hơn là khi cuộc hôn nhân đang lung lay. Dù sao cũng vậy thôi, lời mời của Tanya có vẻ quá hấp dẫn khó bỏ qua. “Ngày kia là chủ nhật”, cô nhắc. “Nhưng tôi không phải đi làm, và nếu ông có thể rảnh rỗi được, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn”. Mel cười. “Sẽ có nến và rượu vang chứ?” Ông đã quên mất là ngày kia chủ nhật. Nhưng dù sao đi nữa ông vẫn phải đến sân bay vì ngay cả khi cơn bão qua đi, hậu quả của nó vẫn còn. Với lại chính Cindy cũng nhiều lần tự đi chơi một mình vào ngày chủ nhật, mà không nói với ông câu nào. Lập tức, Mel và Tanya tách ra khi cô tránh một người đàn ông vội vã, mặt tươi như hoa, theo sau là một công nhân với chiếc xe đẩy chất đầy hành lý, trên cùng là các túi đựng gậy chơi golf và vợt tennis. Số hành lý này sắp bay xa về phương nam, Tanya nghĩ vẻ ghen tị. “Đồng ý”, cô nói khi họ lại đi bên nhau. “Sẽ có nến và rượu vang”. Khi họ đi vào tiệm cà phê, một nữ tiếp viên nhanh nhẹn nhận ra Mel và đi trước dẫn ông đến một chiếc bàn nhỏ ở phía sau, có bảng ghi ĐÃ ĐẶT TRƯỚC, thường được dành riêng cho các nhân viên sân bay. Lúc ngồi xuống, ông vấp nhẹ nên phải nắm lấy cánh tay của Tanya. Đang quan sát cả hai người, đôi mắt người nữ tiếp viên chớp nhẹ với một nụ cười nửa miệng. Bộ máy tin đồn đang chờ một bản tin mới, Tanya nghĩ. Lớn tiếng, cô nói, “Có bao giờ ông thấy đông như vậy chưa? Theo tôi nhớ thì hôm nay là cuồng loạn nhất trong ba ngày qua”. Mel liếc nhìn xung quanh quán cà phê đang bị nhồi nhét, sự hỗn loạn của các giọng nói bị ngắt quãng bởi tiếng cốc đĩa va chạm nhau. Ông gật đầu về hướng cánh cửa mà họ có thể nhìn thấy cả một biển người đang dâng trào, di chuyển. “Nếu cô nghĩ rằng đêm nay là một biển người, hãy chờ cho đến khi phiên bản dân sự của máy bay C-5A được đưa vào sử dụng”. “Tôi biết - chúng tôi có thể đủ sức đương đầu với 747, nhưng một nghìn hành khách đến cùng một lúc tại quầy check-in thì... Chúa ơi!” Tanya rùng mình. “Ông có thể tưởng tượng cảnh họ nhận hành lý giống như cái gì không? Thậm chí tôi còn không muốn nghĩ về chuyện đó”. “Nhiều người khác cũng không muốn nghĩ về chuyện đó - những người đúng ra cần phải suy nghĩ về chuyện đó, ngay bây giờ”. Ông cảm thấy vui vẻ nhận ra rằng cuộc nói chuyện của họ đã bị lôi cuốn vào ngành hàng không. Máy bay và các hãng hàng không tạo nên niềm đam mê của Tanya, và cô thích nói chuyện về chúng. Do đó Mel đã làm như vậy, đó là một trong những lý do ông rất thích công ty của cô. “Những ai không nghĩ đến chuyện đó?” “Đó là những người kiểm soát chính sách trên mặt đất - sân bay và giao thông trên không. Hầu hết họ đều hành động như thể máy bay của ngày hôm nay sẽ bay mãi mãi. Họ dường như tin rằng nếu tất cả mọi người cứ ngồi yên và bình thản thì các máy bay lớn, mới, sẽ biến mất và không làm phiền chúng ta. Bằng cách đó chúng ta không cần phải cải tạo các hệ thống phục vụ dưới đất”. Tanya trầm ngâm, “Nhưng có rất nhiều công trình được xây dựng tại các sân bay lắm mà. Đi đâu cũng thấy”. Mel mời cô một điếu thuốc và cô lắc đầu từ chối. Ông đốt một điếu trước khi trả lời. “Phần lớn việc xây dựng đang diễn ra là chắp vá - để cải tạo và mở rộng các sân bay được xây dựng từ những năm 1950 hoặc đầu những năm 60. Những cái ít ỏi đó không phải là nhìn xa trông rộng. Có những trường hợp ngoại lệ - như Los Angeles; Tampa ở Florida, và Dallas - Fort Worth, đó sẽ là những sân bay đầu tiên trên thế giới sẵn sàng cho các máy bay phản lực khổng lồ mới và máy bay siêu âm. Kansas City, Houston, và Toronto trông cũng tốt; San Francisco đã có kế hoạch, mặc dù nó có thể bị nhận chìm vì lý do chính trị. Tại Bắc Mỹ không còn ấn tượng nào khác nữa”. “Còn châu Âu thế nào?” “Châu Âu thì bình thường”, Mel nói, “ngoại trừ Paris - sân bay Nord mới thay thế Le Bourget là sân bay tốt nhất. London là loại hỗn độn kém hiệu quả mà chỉ có người Anh mới có thể tạo được”. Ông tạm dừng, xem xét. “Mặc dù vậy, chúng ta không nên phê phán các nước khác, tình hình ở ta đã đủ xấu. New York thật là đáng sợ, ngay cả với những thay đổi đang được thực hiện tại Kennedy; đơn giản là không đủ vùng trời bên trên New York - Tôi đang nghĩ đến việc sắp tới sẽ đi đến đó bằng tàu hỏa. Washington DC, đang lúng túng - sân bay quốc gia Washington là một lỗ đen Calcutta [3]; nhưng Dulles là một bước tiến khổng lồ. Và vào một ngày nào đó Chicago sẽ thức dậy để thấy rằng nó đã chậm mất hai mươi năm”. Ông dừng lại, xem xét. “Cô có nhớ vài năm trước đây, khi các máy bay phản lực đầu tiên bắt đầu bay - thì ở các sân bay được thiết kế cho máy bay DC-4 và Constellation đã xảy ra tình trạng như thế nào không?” “Tôi nhớ”, Tanya nói. “Tôi đã làm việc tại một sân bay như vậy. Vào những ngày bình thường người ta không thể di chuyển vì các đám đông; còn vào những ngày bận rộn người ta không thể thở được. Chúng tôi thường nói đùa rằng nó giống như là người ta quay phim đại cảnh trên sân chơi cát của trẻ con”. “Cái sẽ đến trong những năm 1970”, Mel dự đoán, “Là là tình hình sẽ tệ hơn, tồi tệ hơn rất nhiều. Và không chỉ những dòng người tắc nghẽn. Chúng ta cũng sẽ bị nghẹt thở về những thứ khác”. “Chẳng hạn như những thứ gì?” “Các tuyến hàng không và kiểm soát không lưu là một, nhưng đó là cả một câu chuyện khác. Điều thực sự lớn, mà hầu hết các nhà thiết kế sân bay chưa nắm bắt được là chúng ta đang chuyển nhanh chóng về hướng này - khi ngành vận tải hàng không lớn hơn số lượng hành khách. Điều này xảy ra tương tự với mọi loại phương tiện giao thông vận tải, bắt đầu từ thuyền gỗ. Lúc đầu, người ta chở người là chính, cộng với một ít hàng hóa, nhưng rồi dần dần, hàng hóa nhiều hơn người. Trong ngành hàng không chúng ta đang gần với điều đó hơn bao giờ. Khi nào vận chuyển hàng hóa trở nên hàng đầu - điều đó sẽ xảy ra trong mười năm tới hoặc hơn một chút - rất nhiều ý tưởng về sân bay hiện tại của chúng ta sẽ lỗi thời. Nếu cô muốn có một dấu hiệu của sự chuyển biến đó, hãy xem một số thanh niên đang làm việc trong bộ máy hành chính của các hãng hàng không bây giờ. Cách đây không lâu, hầu như không ai muốn làm việc trong các phòng vận chuyển hàng hóa; đó là công việc thầm lặng ít người biết đến; công việc với hành khách quyến rũ hơn. Chuyện đó không còn nữa! Bây giờ thanh niên đang hướng về vận tải hàng không. Họ nhận ra tương lai và khả năng thăng tiến nhanh đang ở hướng đó”. Tanya cười. “Nghĩa là tôi đã lạc hậu vì thích làm việc với con người. Còn hàng hóa thì dù sao...” Cô tiếp viên đến bàn của họ. “Các món đặc biệt hết mất rồi, và nếu khách tiếp tục đông hơn nữa trong đêm nay, sẽ không còn món gì nữa”. Họ đặt cà phê, Tanya món bánh mì nướng quế, và Mel một bánh sandwich trứng chiên. Khi cô phục vụ đi rồi, Mel cười. “Tôi đoán cô nghĩ tôi bắt đầu một bài diễn văn. Tôi xin lỗi”. “Có lẽ ông cần thực tập”. Cô nhìn ông tò mò. “Gần đây ông không diễn thuyết nhiều”. “Tôi không còn là Chủ tịch Hội đồng điều hành các sân bay nữa. Tôi không phải đi Washington nhiều, hoặc những nơi khác cũng không”. Nhưng đó không phải là lý do ông thôi không diễn thuyết nữa và được ít tiếng tăm hơn trong mắt công chúng. Ông ngờ rằng Tanya cũng biết điều đó. Thật kỳ lạ, một bài phát biểu của của Mel đã bắt đầu mang họ lại với nhau. Tại một cuộc họp hiếm hoi do các hãng hàng không tổ chức, ông đã nói chuyện về sự phát triển sắp tới của ngành hàng không, và sự tụt hậu của dịch vụ mặt đất so với tiến bộ trong không trung. Ông đã sử dụng cuộc họp như là một dịp diễn tập cho một bài diễn văn ông dự định đọc tại một diễn đàn quốc gia một tuần sau đó. Tanya là một đại diện của hãng Trans America, và ngày hôm sau đã gửi ông một mẩu thư toàn chữ thường của cô: ông b. 1 dvăn vĩ đại. tất cả nô lệ mặt đất chúng tôi hài lòng với ô vì thừa nhận các nhà hoạch định chính sách sân bay đang ngủ trên các bản vẽ. ai đó cần phải nói ra. ô để nghị ai? dvăn sẽ sinh động hơn nếu ít nói về kỹ thuật, nh` hơn về con người... hành khách, một khi ngồi trong bụng (máy bay hay cá voi, nếu đen đủi?) chỉ nghĩ về bản thân, chứ không nghĩ gì nữa. tôi cá là orville/ wilbur[4] cũng cảm thấy như vậy một khi rời khỏi mặt đất. phải kh^g? tl Mẩu thư không chỉ làm ông buồn cười, mà còn làm ông phải suy nghĩ. Đúng như vậy, ông nhận ra - ông đã tập trung hơn vào các sự kiện và hệ thống máy móc, loại trừ vai trò của con người. Ông sửa lại bài diễn văn của mình, chuyển sự nhấn mạnh như Tanya để nghị. Kết quả là bài diễn văn của ông thành công rực rỡ chưa từng thấy. Người ta hoan hô ông nhiệt liệt và được trích dẫn rộng rãi trên báo chí quốc tế. Sau đó ông đã gọi điện cho Tanya để cảm ơn. Từ đó họ bắt đầu tìm cách gặp nhau. Những suy nghĩ về tin nhắn đầu tiên của Tanya nhắc nhở ông về mẩu thư cô đã gửi tối nay. “Tôi đánh giá cao lời nhắc về báo cáo của tiểu ban chống tuyết, dù tôi tò mò cô đã làm như thế nào thấy nó trước tôi”. “Đâu có gì bí ẩn. Nó được đánh máy trong văn phòng hãng Trans America. Tôi thấy cơ trưởng Demerest của chúng tôi kiểm tra nó, và cười như nắc nẻ”. “Vernon đưa cho cô xem?” “Không, nhưng ông ta đã trải nó ra, còn tôi chuyên nghiệp về đọc ngược. À, nhắc mới nhớ, ông chưa trả lời câu hỏi của tôi: Tại sao ông em rể của ông không thích ông?” Mel nhăn nhó. “Tôi đoán hắn ta cũng biết tôi không ưa gì hắn ta”. “Nếu ông muốn”, Tanya nói, “Ông có thể nói cho anh ta ngay bây giờ. Người đàn ông vĩ đại ấy đang ở đàng kia”. Cô hất đầu về phía quầy thu ngân, và Mel quay đầu lại. Cơ trưởng Vernon Demerest của hãng Trans America đang tính tiền, là một người vai rộng, gương mặt nổi bật, cao hơn hẳn những người khác xung quanh. Anh ta mặc bộ quần áo chính thức của hãng, ngoài khoác áo jacket vải tweed hiệu Harris và quần ủi không một nếp nhăn, nhưng vẫn toát ra ngoài một ấn tượng của quyền lực - giống như một vị tướng quân đội chính quy, tạm thời trong bộ quần áo dân sự, Mel nghĩ. Gương mặt mạnh mẽ, quý phái của Demerest không cười khi anh ta nói chuyện với một cơ trưởng mặc đồng phục có bốn vạch vàng trên tay áo của Trans America - người đi cùng với anh ta. Điều đó nói rằng Demerest đang đưa ra các chỉ dẫn; người kia gật đầu. Cơ trưởng Demerest liếc nhanh xung quanh cửa hàng cà phê và, trông thấy Mel và Tanya, khẽ gật đầu chào. Sau đó, xem đồng hồ, và với một từ cuối cùng cho người cơ trưởng còn lại, anh ta đi thẳng ra ngoài. “Anh ta đang vội”, Tanya nói. “Mặc dù anh ta đi đâu chăng nữa, cũng không còn nhiều thời gian. Cơ trưởng D. sắp bay Chuyến Hai đi Rome đêm nay”. Mel mỉm cười. “Chuyến Du thuyền vàng?” “Chính thế. Tôi thấy ông đã đọc quảng cáo của chúng tôi, thưa ngài”. “Thật khó để không đọc nó”. Mel nhận ra, cũng như hàng triệu người khác, những người hâm mộ trang giữa bốn màu trong các tạp chí Life, Look, Post, và các tạp chí quốc gia khác, rằng Chuyến Hai của hãng Trans America - Du thuyền vàng - là chuyến bay lịch sự, sang trọng, uy tín của hãng. Ông cũng biết rằng chỉ có các cơ trưởng cao cấp nhất mới được chỉ huy nó. “Có lẽ tôi đồng ý rằng Vernon là một trong những phi công tốt nhất còn lại”, Mel nói. “Ồ thực vậy. Tốt nhất và kiêu ngạo nhất”. Tanya do dự, sau đó tâm sự, “Nếu ông có tâm trạng để buôn chuyện, ông không phải là người duy nhất phiền muộn về ông em rể của ông. Tôi nghe một trong những thợ máy của chúng tôi nói cách đây không lâu, ông ta tiếc rằng không còn máy bay cánh quạt nữa bởi vì ông ta luôn hy vọng cơ trưởng Demerest ngày nào đó sẽ rơi vào gầm cánh quạt”. Mel nói mạnh, “Đó là một suy nghĩ khá độc ác”. “Tôi đồng ý. Về ý kiến cá nhân, tôi thích những gì ông Youngquist, chủ tịch của chúng tôi, có trách nhiệm phải nói. Tôi hiểu các chỉ dẫn của ông về cơ trưởng Demerest là: Giữ tên con hoang kiêu căng đó đừng chạm vào sợi lông nào của tôi, nhưng xếp chỗ cho tôi trên chuyến bay của hắn”. Mel cười khúc khích. Ông biết cả hai người, ông cảm thấy chắc chắn rằng câu nói hóm hỉnh kia là sự thật. Ông nhận ra rằng ông không cần phải hạ mình để bị cuốn vào một cuộc đối thoại về Vernon Demerest, nhưng tin về bản báo cáo công kích và tác dụng phiền toái của nó vẫn làm ông khó chịu. Ông tự hỏi không biết tên em rể đi đâu vào lúc này, chắc có liên quan đến những cuộc phiêu lưu tình ái nào đó - nghe đồn như là có rất nhiều. Nhìn về phía sảnh trung tâm, Mel thấy cơ trưởng Demerest đã bị nuốt chửng trong đám đông bên ngoài. Bên kia bàn, Tanya vuốt váy của cô với một cử chỉ nhanh nhẹn mà Mel nhận thấy và rất thích từ lâu. Đó là một thói quen nữ tính và nhắc rằng chỉ một vài phụ nữ trông có vẻ đẹp hơn trong bộ đồng phục. Còn thông thường bộ đồng phục dường như có tác dụng làm mất nữ tính, nhưng với Tanya thì ngược lại. Mel biết một số hãng hàng không cho phép các phụ trách hành khách cao cấp của họ không phải mặc đồng phục, nhưng Trans America yêu cầu các lãnh đạo của hãng chấp nhận bộ đồng phục màu xanh da trời và vàng. Hai vạch vàng viền trắng trên cổ tay áo của Tanya chứng tỏ chức vụ và thâm niên của cô. Như đoán được suy nghĩ của ông, cô thổ lộ, “Có lẽ tôi sắp được thoát khỏi bộ đồng phục này”. “Tại sao?” “Ông trưởng ban vận chuyển (TBVC) của chúng tôi được thuyên chuyển đến New York. Phó TBVC sẽ lên thay, và tôi đã xin thay vào chỗ Phó TBVC của anh ta”. Ông nhìn cô chăm chú với vẻ ngưỡng mộ và tò mò. “Tôi tin rằng cô sẽ nhận được chức vụ đó. Và chức vụ đó cũng không phải là chức vụ cuối cùng”. Cô nhướn mày nhìn ông. “Ông nghĩ rằng tôi có thể làm đến phó chủ tịch hãng không?” “Tôi tin là có thể. Trở thành thành viên hội đồng quản trị, nếu đó là điều cô muốn”. Tanya nói nhẹ nhàng, “Tôi không chắc chắn là tôi muốn gì, hay không”. Cô phục vụ mang những món họ đặt đến. Khi chỉ còn lại hai người, Tanya nói: “Đôi khi những cô gái của chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Nếu người ta không hài lòng với công việc cho đến khi nghỉ hưu - mà rất nhiều người trong chúng ta không được - cách duy nhất là leo lên cao”. “Thế cô loại trừ cả việc lấy chồng sao?” Cô chọn một miếng bánh mì nướng quế. “Tôi không loại trừ nó. Nhưng tôi đã bị hỏng một lần rồi, và có thể hỏng lần nữa. Bên cạnh đó, không có nhiều người - những người thích hợp - chấp nhận cô dâu cùng với con cô ta”. “Cô có thể tìm thấy một ngoại lệ”. “Nếu vậy chắc tôi có thể thắng cả giải đua ngựa Ireland. Nói về kinh nghiệm, Mel thân yêu, tôi có thể cho ông biết rằng người đàn ông thích phụ nữ của họ không có gánh nặng. Hãy hỏi ông chồng cũ của tôi về chuyện đó. Nếu ông có thể tìm ra anh ta, còn tôi không thể”. “Anh ta bỏ cô sau khi sinh con à?” “Chúa ôi, không! Nếu vậy, Roy sẽ có thêm sáu tháng trách nhiệm. Tôi nhớ rằng đó là một ngày thứ năm. Tôi bảo anh ấy tôi đã mang thai, tôi không thể im lặng hơn được nữa. Ngày thứ sáu, khi tôi đi làm về, quần áo của Roy không còn. Kể cả Roy”. “Cô đã không gặp anh ta kể từ đó?” Cô lắc đầu. “Cuối cùng, điều đó làm cho việc ly hôn đơn giản hơn nhiều - đào ngũ, không một lời giải thích như những người phụ nữ khác. Dù vậy, tôi cũng có được sự công bằng. Roy không phải xấu hoàn toàn. Anh ta không rút tiền trong tài khoản chung của chúng tôi, mặc dù anh ta có thể làm như vậy. Tôi phải thừa nhận là đôi khi tôi tự hỏi có phải đó là do lòng tốt, hay là do anh ta quên. Dù sao đi nữa, tôi đã có tất cả tám mươi dollar cho riêng mình”. Mel nói, “Trước đây cô chưa bao giờ nói đến điều đó”. “Tôi nên nói hay sao?” “Để cảm thông, có thể lắm chứ”. Cô lắc đầu. “Nếu ông hiểu tôi hơn, ông nên biết lý do tôi nói bây giờ là bởi vì tôi không cần sự đồng cảm. Tất cả mọi thứ đã tiến triển tốt đẹp”. Tanya mỉm cười. “Tôi thậm chí có thể trở thành nữ phó chủ tịch hãng hàng không. Ông vừa nói như vậy mà”. Bên bàn kế cận, một phụ nữ nói lớn tiếng, “G… Gừ! Xem mấy giờ rồi!” Tự nhiên, Mel xem đồng hồ. Từ khi ông chia tay Danny Farrow tại Phòng chỉ huy chống tuyết đã bốn mươi lăm phút. Vội vàng đứng dậy, ông nói với Tanya, “Đừng đi đâu. Tôi phải gọi điện thoại một chút”. Có một máy điện thoại tại quầy thu ngân, và Mel gọi vào một trong những số không có trong danh bạ của Phòng chỉ huy chống tuyết. Nghe giọng nói của Danny Farrow, “Hãy giữ máy”, một vài giây sau đó Danny nói. “Tôi sắp gọi cho ông”, Danny nói. “Tôi chỉ có một báo cáo về chiếc 707 bị mắc kẹt của hãng Aéreo-Mexican”. “Tiếp tục đi”. “Ông có biết những người Mexico yêu cầu được hãng TWA giúp đỡ?” “Có”. “Vâng, họ đã có xe tải, xe cần cẩu, và chỉ có Chúa mới biết có thêm những máy móc gì nữa ngoài đó bây giờ. Đường băng và đường lăn bị chặn hoàn toàn, nhưng họ vẫn chưa nhúc nhích được chiếc máy bay chết tiệt. Tin mới nhất là hãng TWA đã cho gọi Joe Patroni”. Mel thừa nhận, “Tôi vui mừng khi nghe tin đó, mặc dù tôi mong họ thực hiện điều đó sớm hơn”. Joe Patroni là Trưởng ban bảo trì cho hãng TWA tại sân bay, và là một chuyên gia giải quyết tình trạng khẩn cấp bẩm sinh. Anh ấy cũng là người rất tháo vát, năng động và là bạn thân thiết của Mel. “Rõ ràng họ đã cố gắng tìm Patroni ngay”, Danny nói. “Nhưng anh ta đã về nhà và người ta gặp khó khăn trong việc tiếp cận anh ta. Có vẻ có rất nhiều đường dây điện thoại bị hỏng vì cơn bão”. “Nhưng bây giờ anh ta đã biết chưa? Ông có chắc không?” “Hãng TWA báo là chắc chắn. Họ nói rằng anh ta đang trên đường đi”. Mel tính toán. Ông biết rằng Joe Patroni sống ở Glen Ellyn, cách sân bay khoảng hai mươi lăm dặm, và ngay cả trong điều kiện lái xe lý tưởng, hành trình mất bốn mươi phút. Tối nay, với những con đường bị phủ tuyết và giao thông như rùa bò, người trưởng ban bảo trì may mắn lắm cũng phải mất gấp đôi thời gian đó. “Nếu có người nào có thể di chuyển chiếc máy bay đó tối nay”, Mel thừa nhận, “Chỉ có thể là Joe thôi. Nhưng không có nghĩa là mọi người khoanh tay ngồi chờ anh ta đến. Hãy nói cho mọi người rõ rằng chúng ta cần đường băng 3-0 được đưa vào sử dụng, và phải khẩn trương”. Cũng như nhu cầu hoạt động, ông nhớ lại một cách không vui về các chuyến bay vẫn phải cất cánh trên Meadowood. Ông tự hỏi liệu cuộc họp cộng đồng mà người chỉ huy Tháp KSKL đã báo cho ông, đã kết thúc chưa. “Tôi đã nói với họ”, Danny khẳng định. “Tôi sẽ nhắc lại lần nữa. À, có tin tốt hơn một chút - chúng tôi đã tìm được chiếc xe tiếp phẩm của hãng United”. “Người lái xe có sao không?” “Hắn đã bất tỉnh dưới tuyết. Động cơ vẫn chạy, và có khí carbon monoxide như chúng tôi dự đoán. Nhưng họ có một máy thở cho hắn, và hắn sẽ tốt thôi”. “Tốt! Tôi sẽ ra sân bay ngay bây giờ để tự kiểm tra. Tôi sẽ gọi điện thoại vô tuyến cho anh từ ngoài đó”. “Trùm kín vào”, Danny nói. “Tôi thấy đêm nay là một đêm thật tệ hại”. Khi Mel trở lại, Tanya đang chuẩn bị đứng dậy. “Chờ một chút”, ông nói, “Tôi cũng đi”. Cô chỉ chiếc bánh sandwich mà ông chưa đụng đến. “Thế còn bữa ăn tối? Nếu cái đó được gọi là bữa ăn tối”. “Lúc này đó là bữa ăn tối”. Ông cắn một miếng to, vội vàng hớp cà phê, và lấy áo choàng ngoài. “Dù sao đi nữa, tôi sắp ăn tối trong thành phố”. Khi Mel trả tiền, có hai nhân viên phòng vé của hãng Trans America bước vào cửa hàng cà phê. Một người là người phụ trách mà Mel đã nói chuyện hồi nãy. Quan sát thấy Tanya, ông ta bước tới. “Xin lỗi ông Bakersfeld... Bà Livingston, ông TBVC đang tìm bà. Ông ta có một vấn để khác”. Mel nhét tiền thừa vào túi. “Để tôi đoán xem. Có ai đó đã ném một bảng lịch bay nữa chứ gì”. “Không, thưa ngài”. Người nhân viên cười toe toét. “Tôi nghĩ nếu tối nay có người nào ném nữa thì nó là tôi. Có một hành khách đi lậu vé trên chuyến bay 80 từ Los Angeles”. “Tất cả có vậy thôi?” Tanya ngạc nhiên. Hành khách đi lậu vé - dù tất cả các hãng hàng không đều bị - hiếm khi là một vấn để lớn. “Tôi nghe thấy”, người nhân viên nói, “Tên này là một tên xuất sắc. Có một tin nhắn qua radio của cơ trưởng, và một đội bảo vệ đã đi ra cổng máy bay đến. Dù sao đi nữa, thưa bà Livingston, có bất cứ các rắc rối nào là người ta đều gọi cho bà”. Với một cái gật đầu thân thiện, ông ta đi lại chỗ người bạn đồng hành của ông ta. Mel đi với Tanya từ cửa hàng cà phê vào trong sảnh trung tâm. Họ dừng lại nơi chiếc thang máy sẽ đưa Mel xuống tầng hầm, nơi đậu xe của ông. “Lái xe cẩn thận ở ngoài đó”, cô nhắc. “Đừng đi vào đường đi của bất kỳ máy bay nào”. “Nếu tôi làm như vậy, tôi đảm bảo rằng cô sẽ biết ngay”. Ông mặc chiếc áo choàng ngoài nặng vào. “Vị hành khách lậu vé của cô nghe thú vị thật. Tôi sẽ cố gắng ghé qua trước khi tôi ra về, để tìm hiểu tại sao họ ầm ĩ lên vì chuyện đó”. Ông do dự, sau đó thêm vào, “Nó cho cho tôi lý do để gặp cô một lần nữa đêm nay”. Họ đứng gần sát nhau. Hai người như một, bước đến, và chạm tay nhau. Tanya nói nhẹ nhàng, “Ai lại cần lý do chứ?” Trong thang máy đi xuống, ông vẫn có thể cảm thấy sự êm ái ấm áp của thân hình cô, và giọng nói của cô. 04 Joe Patroni - như Mel Bakersfeld đã được báo - đang trên đường từ nhà anh ở Glen Ellyn đến sân bay. Người trưởng ban bảo trì của hãng TWA tại sân bay là một người Mỹ gốc Ý, thân hình vạm vỡ, tính tự phụ, đã rời ngôi nhà gỗ kiểu trang trại bằng ô tô hai mươi phút trước. Chuyến đi cực kỳ chậm, như Mel dự đoán. Có lúc, chiếc Buick Wildcat của Joe Patroni phải dừng hẳn lại vì giao thông tắc nghẽn. Phía sau và phía trước anh, xa hết tầm mắt, các xe cộ khác cũng dừng lại. Trong khi chờ đợi, dưới ánh đèn hậu của chiếc xe ở phía trước, Patroni châm một điếu xì gà mới. Có nhiều truyền thuyết xung quanh Joe Patroni, một số về tay nghề, một số về cá nhân anh ta. Anh bắt đầu cuộc đời làm việc của mình như là một công nhân tra dầu mỡ trong một xưởng ô tô. Chẳng bao lâu sau, anh thắng ông chủ xưởng ô tô trong một trò chơi xúc xắc, vì vậy khi trò chơi kết thúc, họ đã đổi ngược vai trò. Kết quả là, Joe trẻ đã trở thành người thừa hưởng các khoản nợ xấu khác nhau, bao gồm cả chiếc máy bay cổ Waco cánh kép hư nát mà anh cũng là chủ nhân. Với sự tháo vát và thành thạo cơ khí, anh đã sửa chữa chiếc máy bay, sau đó đã bay nó thành công - không qua lớp dạy lái máy bay nào, vì anh không có điều kiện đi học được. Chiếc máy bay và hoạt động cơ khí của nó thu hút Joe Patroni hoàn toàn - đến mức anh dụ dỗ ông chủ cũ vào một trò chơi xúc xắc khác và cho ông ta thắng xưởng ô tô trở lại. Liền sau đó Joe nghỉ ở xưởng ô tô và chọn công việc thợ cơ khí hàng không. Anh học ở trường nghề buổi tối, trở thành một thợ cơ khí hàng đầu, sau đó là một đội trưởng với danh tiếng như là một chuyên gia giải quyết tình trạng khẩn cấp xuất sắc. Đội của anh có thể thay một động cơ nhanh hơn nhiều so với quy định kỹ thuật của nhà sản xuất máy bay và với độ tin cậy tuyệt đối. Sau một thời gian, bất cứ khi nào có áp lực, hoặc một công việc sửa chữa khó khăn, người ta nói: gọi ngay Joe Patroni. Một nguyên nhân góp phần cho sự thành công của anh là anh không bao giờ lãng phí thời gian cho xã giao. Thay vào đó, anh đi trực tiếp vào điểm chính, cả với con người cũng như máy bay. Anh cũng chẳng đếm xỉa đến cấp bậc, và thẳng thắn như nhau với tất cả mọi người, kể cả lãnh đạo cấp cao của hãng hàng không. Có một lần, mọi người vẫn nói với nhau khi nhớ lại, Joe Patroni bỏ việc, không nói không hỏi ai, lên máy bay đi New York. Anh mang theo một cái gói. Đến New York, anh đi bằng xe buýt và tàu điện ngầm đến trụ sở của hãng hàng không Olympic tại trung tâm Manhattan, không cần thông báo hay giải thích, anh đi thẳng vào văn phòng của chủ tịch hãng. Mở gói, anh đặt trên chiếc bàn bóng lộn của ông chủ tịch bộ chế hòa khí đã tháo rời đầy dầu mỡ. Ngài Chủ tịch, người chưa bao giờ nghe nói về Joe Patroni, và là người mà không ai có thể gặp mà không có hẹn trước, suýt bị ngất xỉu cho đến khi Joe nói với ông, “Nếu ông muốn một số máy bay bị rơi khi đang bay, thì hãy ném tôi ra khỏi đây. Còn nếu không, thì ngồi xuống và nghe tôi”. Ngài Chủ tịch ngồi xuống - trong khi Joe Patroni đốt một điếu xì gà - và lắng nghe. Sau đó, ông cho gọi ông Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật, sau một lúc nữa, ra lệnh sửa đổi một số chi tiết cơ khí của bộ chế hòa khí bị ảnh hưởng bởi sự đóng băng khi đang bay, mà suốt mấy tháng trời Patroni thuyết phục những người ở cấp dưới không thành công. Sau đó, Patroni được khen thưởng chính thức, và chuyện đó trở thành một trong nhiều chuyện thêm vào những truyền thuyết không ngừng sinh sôi nảy nở của Patroni. Chẳng lâu sau đó, Joe được thăng chức quản đốc, và vài năm sau nữa được thăng lên trưởng ban bảo trì của hãng TWA tại sân bay quốc tế Lincoln. Về đời tư, một báo cáo khác nói rằng Joe Patroni làm tình với cô vợ Marie hầu như hàng đêm, giống như những người đàn ông khác thích uống bia rượu trước bữa ăn tối. Thực sự đúng như vậy. Cụ thể, anh đang làm điều đó khi nhận được điện thoại từ sân bay về chiếc máy bay Aéreo-Mexican sa lầy mà TWA được yêu cầu giúp giải thoát. Tin đồn tiếp tục: Patroni làm tình giống như cách anh làm mọi thứ khác - với một điếu xì gà dài và mỏng, vui sướng ngậm bên mép. Nhưng điều này không đúng, ít nhất là bây giờ. Sau một số vụ cháy gối trong những năm đầu kết hôn của họ, Marie - người được đào tạo thành tiếp viên hàng không của TWA, có kinh nghiệm dập tắt lửa - đã kiên quyết cấm bất kỳ điếu xì gà nào trên giường. Joe đã chấp nhận điều đó bởi vì anh yêu vợ. Anh có lý do để yêu vợ. Khi anh kết hôn với cô, có lẽ cô là tiếp viên hàng không nổi tiếng và đẹp nhất trong toàn ngành hàng không, sau mười hai năm và ba đứa con cô ấy vẫn có thể là đối thủ với hầu hết người kế tục mình. Có một số người tự hỏi tại sao Marie - người được các cơ trưởng và viên chức hàng đầu hăng hái theo đuổi - lại chọn Joe Patroni. Nhưng Joe, thậm chí chỉ là một đội trưởng trẻ khi họ gặp nhau, đã tỏ ra là một người có nhiều triển vọng, và đã thỏa mãn Marie trong mọi mặt từ lúc đó. Một điều khác về Joe Patroni là anh không bao giờ tỏ ra hoang mang bối rối trong mọi trường hợp khẩn cấp. Thay vào đó, anh nhanh chóng đánh giá tình hình, quyết định việc ưu tiên khẩn cấp nhất, và cân nhắc có nên hay không nên hoàn thành các nhiệm vụ khác trước khi đối phó với nó. Trong trường hợp của chiếc 707 bị sa lầy, bản năng nói với anh đó là một tình trạng khẩn cấp vừa phải, có nghĩa là còn có thời gian để tiếp tục làm tình với vợ, hoặc ăn bữa tối, nhưng không phải cả hai. Theo đó, anh bỏ bữa ăn tối. Sau lúc đó, Marie phải chạy vào nhà bếp trong chiếc váy choàng vội và chuẩn bị bánh mì cho Joe để ăn trong khi lái xe 25 dặm ra sân bay. Bây giờ anh đang gặm một chiếc bánh sandwich. Bị gọi trở lại sân bay sau một ngày làm việc dài không phải là một kinh nghiệm mới, nhưng tối nay thời tiết tồi tệ hơn mọi lúc khác mà anh còn nhớ. Ảnh hưởng chồng chất của cơn bão ba ngày ở khắp mọi nơi, làm cho việc lái xe khó khăn và nguy hiểm. Những đống tuyết khổng lồ trải dài khắp các con đường, và khi đêm xuống, tuyết rơi nhiều hơn. Cả hai chiều vào và ra khỏi xa lộ, xe cộ đang bò lúc nhúc, hoặc dừng hẳn lại. Ngay cả với lốp xe đặc biệt để đi trong bùn tuyết được lắp trên chiếc Buick Wildcat của Patroni, mà lực kéo cũng rất yếu. Cần gạt trên kính chắn gió và thiết bị chống đọng tuyết hầu như không đối phó được với tuyết đổ xuống từng cơn bên ngoài và hơi nước bên trong, trong khi đèn pha chỉ chiếu sáng một khoảng cách ngắn ở phía trước. Những chiếc xe đang dừng, một số do người lái bỏ lại, biến đường thành cuộc đua vượt chướng ngại vật. Rõ ràng là chỉ những người có lý do chính đáng mới phải ra ngoài ban đêm như vậy. Patroni kiểm tra đồng hồ. Cả hai xe của anh và xe ngay phía trước đã đứng yên trong vài phút. Xa hơn về phía trước vẫn thế, anh có thể nhận ra những xe khác, cũng dừng lại, và bên phải của anh là một làn giao thông dừng hẳn. Hơn nữa, sau một thời gian, không thấy có xe đến từ hướng ngược lại, do đó rõ ràng có một chuyện gì đó xảy ra đã cản trở tất cả bốn làn xe. Nếu không có gì xảy ra trong năm phút nữa, anh quyết định sẽ ra khỏi xe để điều tra, dù quan sát thấy bùn, các đống tuyết, và vẫn còn tuyết rơi bên ngoài, anh hy vọng sẽ chẳng phải bước ra tí nào. Sẽ có đủ thời gian để chịu lạnh và khổ sau khi đến sân bay - anh chắc chắn sẽ bị như vậy trước khi hết đêm. Trong lúc đó, anh bật đài thu thanh trong xe lên, đã được điều chỉnh đến một làn sóng rock-n-roll, và ngồi rít xì gà. Năm phút đã trôi qua. Phía trước, Joe Patroni có thể nhìn thấy mọi người đang bước ra khỏi xe và đi bộ về phía trước, và anh chuẩn bị tham gia cùng họ. Anh mặc áo choàng lót lông cừu và xiết nó chặt xung quanh mình, kéo chiếc mũ trùm qua đầu. Anh với lấy chiếc đèn pin cực mạnh mà anh luôn mang theo. Khi anh mở cửa xe, gió và tuyết ùa vào. Anh bước nhẹ ra, đóng cửa một cách nhanh chóng. Anh bước nặng nhọc về phía trước trong tiếng các cửa xe khác đóng sập lại và một giọng nói, “Có chuyện gì xảy ra vậy?” Một người nào đó hét lên, “Có tai nạn. Thật là hỗn loạn”. Khi anh tiến lên, ánh đèn nhấp nháy trở nên rõ ràng hơn, và bóng tối di chuyển và tách ra, thành một đám đông người. Một giọng nói khác, “Tôi báo các ông biết họ sẽ không dẹp được chỗ này nhanh đâu. Chúng ta đều sẽ bị mắc kẹt ở đây cả giờ”. Một cái bóng to lớn, tối lờ mờ, được chiếu sáng một phần bởi ánh đèn chớp màu đỏ. Đó là một chiếc xe tải remorque có in tên một hãng vận tải lớn bên thành của nó. Chiếc xe cồng kềnh mười tám bánh đổ ra ngang đường, chặn tất cả giao thông. Một phần hàng hóa của nó - rõ ràng là các thùng đồ hộp - rơi vãi tứ tung, và một số người cơ hội, bất chấp cả tuyết, tranh nhau nhặt chúng, sau đó vội vã mang về xe ô tô của họ. Hai xe cảnh sát tuần tra đang có mặt tại hiện trường. Người cảnh sát đang hỏi người lái xe tải, trông có vẻ không bị thương. “Tất cả việc tôi làm là đạp cái phanh mắc dịch kia”, người lái xe to tiếng thanh minh. “Sau đó nó ngoặt đầu lại, và đổ kềnh xuống như một con điếm lên cơn thèm muốn”. Một trong những cảnh sát đang ghi vào sổ tay của mình, và một người phụ nữ thì thầm với người đàn ông bên cạnh, “Ông có nghĩ rằng anh ta ghi đúng như thế vào sổ à?” Một người phụ nữ hét lên, “Thôi đủ rồi đấy”. Giọng nói lanh lảnh của cô ta át cả tiếng gió. “Sao mấy ông cảnh sát không lôi thứ này đi?” Một trong những cảnh sát đi qua. Tuyết bám đầy bộ đồng phục của ông ta. “Nếu bà nâng giúp chúng tôi một tay, thưa bà, chúng tôi đội ơn bà vô cùng”. Một vài người cười khúc khích, và người phụ nữ lầm bầm, “Đồ cớm khôn như lỗ đít”. Một chiếc xe kéo đến - trên nóc xe nhấp nháy đèn hiệu màu hổ phách - di chuyển chậm ở bên kia chiếc xe bị nạn. Người lái xe sử dụng hướng ngược chiều vì bây giờ các làn đường bên đó không có xe. Anh ta dừng lại và bước ra, lắc đầu hồ nghi khi anh ta nhìn thấy kích thước và vị trí của chiếc xe tải remorque. Joe Patroni lấn lên phía trước. Anh rít điếu xì gà đỏ rực trong gió, và vỗ mạnh vào vai một người cảnh sát. “Nghe này, con trai, với mỗi một chiếc xe kéo các người sẽ không bao giờ di chuyển được cái thứ kia đâu. Giống như con chim sẻ bị cột vào cục gạch thôi”. Các viên cảnh sát quay lại. “Dù giống cái gì đi nữa, thưa ông, có xăng bị đổ quanh đây. Tốt hơn ông hãy tắt xì gà đi”. Patroni vẫn tỉnh bơ, giống như khi anh bỏ qua hầu như tất cả các quy định về hút thuốc lá. Anh vẫy điếu xì gà về phía chiếc xe tải remorque. “Hơn nữa, con trai, các người đang lãng phí thời gian của mọi người, kể cả của tôi, để cố lật lên cái đống khổng lồ đó trong đêm nay. Các người phải kéo nó tránh ra để xe cộ có thể di chuyển được, và để làm điều đó cần phải có thêm hai xe kéo - một ở bên này để đẩy, hai ở bên đó để kéo”. Ông bắt đầu đi xung quanh, sử dụng đèn pin của mình để kiểm tra chiếc xe tải remorque từ các góc độ khác nhau. Như mọi khi, khi xem xét một vấn đề, anh bị thu hút hoàn toàn. Anh vẫy điếu xì gà một lần nữa. “Hai chiếc xe kéo cột với nhau vào ba điểm. Chúng sẽ kéo phần cabin đầu tiên, và nhanh dần. Điều đó sẽ khắc phục sự gập lại. Chiếc xe kéo còn lại…” “Khoan đã”, viên cảnh sát nói. Ông ta gọi một viên cảnh sát khác. “Hank, có một người nói anh ta biết phải làm gì đây nè”. Mười phút sau, làm việc với các nhân viên cảnh sát, Joe Patroni hầu như chỉ huy toàn bộ công việc. Hai xe kéo thêm, như ông đã để nghị, được triệu tập bằng điện thoại vô tuyến. Trong khi chờ đợi chúng đến, theo hướng dẫn của Patroni, người lái chiếc xe kéo đầu tiên đang cố định sợi dây xích vào trục của chiếc xe tải remorque bị lật. Tình hình có vẻ tốt hơn khi người trưởng ban bảo trì của hãng TWA tham gia xử lý, một con người thành thạo, làm việc ăn ý, mẫu mực - một dấu hiệu của sự tiến triển. Patroni nhớ lại nhiều lần, với mối quan tâm, lý do ra ngoài vào nhiều đêm như thế này, và thực tế là đáng lẽ bây giờ anh đã đến sân bay từ lâu rồi. Nhưng giúp giải phóng con đường cao tốc bị chặn, ông tính toán, là cách nhanh nhất để đến sân bay. Rõ ràng, ô tô của anh và những người khác không thể di chuyển tiếp cho đến khi chiếc xe tải remorque bị hỏng được kéo ra khỏi lòng đường. Quay trở lại và đi bằng một con đường khác là không thể được vì phía sau xe anh, giao thông cũng chật cứng, với các dòng xe liên tục - như viên cảnh sát nói - kéo dài nhiều dặm sau xe anh. Anh trở lại chiếc xe của mình để gọi điện thoại vô tuyến được lắp đặt theo yêu cầu của hãng hàng không, và hãng cũng thanh toán chi phí hàng tháng. Anh gọi cho bộ phận bảo trì của hãng hàng không tại sân bay báo cáo về sự chậm trễ của mình, và ngược lại, nhận được tin nhắn của Mel Bakersfeld về nhu cầu cấp thiết cho đường băng 3-0 được giải phóng và đưa vào sử dụng. Joe Patroni đã cho một số hướng dẫn qua điện thoại vô tuyến, nhưng nhận thức được rằng việc quan trọng nhất là phải tự mình vào sân bay càng nhanh càng tốt. Khi anh rời chiếc Buick lần thứ hai, tuyết vẫn rơi nặng nề. Lách qua các đống tuyết mới hình thành xung quanh dòng xe đang chờ, anh đi gần như chạy quay lại khúc đường bị chặn và thở phào thấy rằng một trong hai chiếc xe kéo được điều thêm đã đến nơi. 05 Sau khi chia tay Tanya, Mel Bakersfeld theo thang máy xuống tầng hầm nhà ga. Chiếc xe công vụ trong sân bay của ông - màu vàng và được trang bị radio vô tuyến - đang đậu trong một ô riêng cách đấy không xa. Mel lái xe ra, gặp ngay cơn bão chỗ nhà ga nối với hành lang xếp dẫn ra máy bay. Khi ông rời khỏi mái vòm của nhà ga, gió và tuyết đập dữ dội vào kính xe. Hai chiếc cần gạt nước hối hả gạt hết bên này sang bên kia, nhưng chỉ đủ nhìn rõ về phía trước một chút rồi mờ đi ngay. Qua khe kính cửa sổ bị hở, một luồng không khí băng giá và tuyết đổ xô vào. Mel vội vàng kéo ngay kính lên. Đang từ chỗ ấm cúng dễ chịu trong nhà ga chuyển ra cái bóng tối lạnh lẽo hung bạo này thật quá đột ngột. Ngay lập tức đã thấy phía trước là những chiếc máy bay đang đậu tại các cửa ra, bên cạnh hành lang xếp. Qua những khoảng trống của màn tuyết, khi gió đập vào và xoáy xung quanh các phòng chờ, Mel có thể nhìn thấy bên trong sáng rực của một số máy bay, trong đó có hành khách đang ngồi. Rõ ràng, một số chuyến bay đã sẵn sàng để bay đi. Những chiếc máy bay này đang chờ lệnh từ tháp KSKL để khởi động động cơ, sự chậm trễ kéo dài của chúng là hậu quả của đường băng 3-0 bị tắc nghẽn. Xa hơn trên sân bay và các đường băng, ông có thể nhận ra hình dạng lờ mờ và ánh đèn dẫn đường của các máy bay khác vừa đáp xuống, động cơ còn đang hoạt động. Chúng được giữ trong một khu vực mà các phi công gọi là khu hình phạt, và sẽ di chuyển vào khi có cổng ra trống. Chắc chắn, ở bảy phòng chờ xung quanh nhà ga cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Chiếc radio vô tuyến hai chiều trong xe hơi của Mel, được điều chỉnh ở tần số kiểm soát mặt đất, kêu lạo xạo náo nhiệt. “Tháp gọi Eastern mười bảy”, tiếng một kiểm soát viên, “Bạn được phép ra đường băng 2-5. Hãy chuyển sang tần số kiểm soát cất cánh ngay”. Tiếng trả lời đột ngột. “Eastern mười bảy đây. Roger”.[5] Một giọng nói mạnh mẽ hơn xen vào giận dữ. “Kiểm soát mặt đất đâu, Pan Am 54 đang trên đường lăn ra đường 2-5. Có một chiếc Cessna tư nhân ở phía trước - một con rùa hai động cơ. Tôi phải đứng trên phanh để giữ máy bay của tôi ở phía sau nó”. “Pan Am 54, dừng lại”. Im lặng ngắn ngủi, sau đó lại là giọng nói của kiểm soát viên: “Cessna 73 metro, Kiểm soát mặt đất đây. Rẽ phải ở ngã tư kế tiếp rồi chờ ở đó, và để cho Pan American vượt qua bạn”. Thật bất ngờ, giọng nói dễ chịu của một phụ nữ trả lời. “Kiểm soát mặt đất, Cessna 73 metro. Tôi đang rẽ ngay. Tiến lên, Pan Am, chàng bò mộng khổng lồ”. Có tiếng cười, sau đó, “Cảm ơn, honey. Hãy tô son môi đi trong khi chờ đợi nhé”. Tiếp đó là giọng khiển trách của kiểm soát viên. “Tháp gọi tất cả máy bay. Hãy giới hạn tin nhắn của các bạn cho công việc chính”. Kiểm soát viên đang bực mình, Mel có thể nói vậy, mặc dù giọng anh ta vẫn bình tĩnh như thường ngày. Nhưng ai mà không cáu gắt, với các điều kiện và giao thông họ gặp phải như đêm nay? Ông nghĩ một cách bứt rứt một lần nữa về em trai của ông, Keith, đang làm việc với những áp lực không ngừng tại Tháp KSKL, tiếp nhận máy bay từ hướng tây đến. Cuộc trao đổi giữa tháp KSKL và các máy bay liên tục, không có khoảng trống giữa đường truyền nào. Khi một cuộc trao đổi kết thúc, Mel nhấn vội vào nút radio của mình. “Kiểm soát mặt đất, xe số một đây. Tôi đang ở cổng 65, đang đi ra đường băng 3-0, chỗ chiếc 707 bị mắc kẹt”. Ông lắng nghe trong khi kiểm soát viên đang cho những hướng dẫn cho hai chuyến bay khác vừa hạ cánh đi vào đường lăn. Sau đó: “Tháp gọi xe số một. Nghe rõ, hãy đi theo chiếc Air Canada DC-9 đang rời khỏi cổng phía trước ông. Dừng lại chờ ở đường băng 2-5”. Mel báo đã nhận điện. Ông có thể thấy chiếc máy bay Air Canada, lúc này đang rời một cổng từ nhà ga, chiếc đuôi cao duyên dáng của nó nổi rõ hình dáng góc cạnh. Trong khi vẫn còn ở khu vực đỗ máy bay, ông lái xe về hướng sân bay một cách cẩn thận, chú ý theo dõi những “con rận” - như mọi người trong sân bay gọi các loại xe cộ bao quanh máy bay trên mặt đất. Cũng như những xe bình thường, tối nay có một vài “máy hái anh đào” - là xe tải có sàn nâng cao và cơ động gắn vào cuối cánh tay thép bằng khớp nối. Trên sàn nâng, đội phục vụ đang dọn sạch tuyết trên cánh máy bay, và phun dung dịch glycol để tuyết chậm đóng băng. Bao nhiêu người đều ngập trong tuyết ở vị trí của họ. Mel bỗng phanh gấp để tránh một chiếc xe chở “mật ong” đang phóng vội, trên đường từ khu vực đỗ máy bay tới chỗ đổ ra món hàng hôi hám của nó là bốn trăm gallon được bơm ra từ phòng vệ sinh trên máy bay. Chất thải có thể phun vào một máy nghiền trong một tòa nhà riêng biệt mà các nhân viên sân bay ai cũng tránh xa, và sau đó được bơm vào hệ thống cống của thành phố. Nhiều lần thủ tục này thực hiện nhanh chóng, trừ khi có hành khách báo mất đồ đạc - răng giả, bóp đầm, ví, thậm chí cả giày - vô ý bị bỏ vào bồn vệ sinh máy bay. Chuyện đó xảy ra một hoặc hai lần mỗi ngày. Sau đó chất thải phải được sàng lọc, trong khi mọi người chỉ hy vọng tìm ra nhanh chóng món đồ mất tích. Mặc dù không có sự mất mát nào xảy ra, Mel nhận ra rằng, tối nay sẽ là một đêm bận rộn cho các đội vệ sinh. Những người lãnh đạo sân bay biết từ kinh nghiệm rằng nhu cầu về nhà vệ sinh, trên mặt đất và trong không trung, gia tăng khi thời tiết trở nên tồi tệ. Mel tự hỏi có bao nhiêu người nhận thức được rằng người phụ trách vệ sinh sân bay nhận được dự báo thời tiết hàng giờ và lập kế hoạch của họ một cách phù hợp cho việc dọn dẹp và cung cấp vật tư tăng thêm hơn mức bình thường. Chiếc phản lực Air Canada mà ông đi theo đã ra khỏi khu vực nhà ga và đang tăng tốc độ trên đường lăn. Mel phải tăng tốc để theo kịp. Ông cảm thấy yên tâm khi thấy ánh đèn đuôi của chiếc DC-9 - vì cần gạt trên kính chắn gió không đủ đối phó với tuyết. Qua kính chiếu hậu ông có thể nhìn thấy hình dáng chiếc máy bay phản lực lớn khác đang theo sau. Trên radio, kiểm soát mặt đất cảnh báo, “Air France 404, có một xe công vụ của sân bay giữa bạn và Air Canada”. Phải mất mười lăm phút để đến được ngã tư, nơi đường băng 3-0 bị chặn bởi chiếc 707 của Aéreo-Mexican. Trước đó, Mel đã rời khỏi dòng máy bay đang trên đường lăn, được lệnh cất cánh trên hai đường băng đang hoạt động khác. Ông dừng xe và bước ra. Trong bóng tối và đơn độc ở đây, cơn bão có vẻ như lạnh lẽo và dữ dội hơn nơi gần nhà ga. Gió gào rú trên đường băng trống trải. Nếu chó sói xuất hiện ở đây đêm nay, Mel nghĩ, thì cũng không có gì phải ngạc nhiên. Một gương mặt tối đen chào ông. “Có phải ông Patroni?” “Không, không phải”. Mel thấy rằng ông cũng đã phải nói to để có thể nghe được chính mình vì gió. “Nhưng Joe Patroni đang trên đường tới”. Người đàn ông đến gần hơn. Ông ta trùm kín mít một chiếc áo lông, khuôn mặt tái xanh đi vì lạnh. “Khi nào ông ấy tới đây, chúng tôi sẽ vui mừng khi gặp ông ấy. Mặc dù tôi tự nguyền rủa nếu tôi biết Patroni sẽ làm những gì. Chúng tôi đã thử mọi thứ để kéo đứa con hoang này ra”. Ông ta chỉ chiếc máy bay lờ mờ, đen đen phía sau họ. “Nó bị mắc kẹt, nhưng còn tốt”. Mel xưng danh, sau đó hỏi: “Ông là ai?” “Ingram, thưa ngài. Quản đốc bảo trì của hãng Aéreo-Mexican. Ngay bây giờ, tôi ước sao tôi có một nghề khác”. Trong khi hai người nói chuyện, họ tiến gần hơn đến nơi chiếc Boeing 707 bị giam hãm, theo bản năng tìm chỗ trú dưới cánh và thân máy bay, phía trên cao của họ. Dưới bụng chiếc máy bay phản lực to lớn, ánh đèn báo nguy hiểm màu đỏ nhấp nháy đều đặn, Trong ánh đèn nhấp nháy của nó Mel có thể nhìn thấy bùn bên dưới lớp tuyết, mà bánh xe của chiếc máy bay bị ngập sâu trong đó. Trên đường băng và đường lăn kế cận là vô số xe tải và xe phục vụ bao gồm một xe chở nhiên liệu, xe chở hành lý, xe chở hàng bưu điện, hai xe buýt cho phi hành đoàn, và một máy phát điện đang chạy, xúm xít như những thân nhân lo âu bên giường người bệnh. Mel kéo chặt cổ áo choàng ngoài. “Chúng tôi cần đường băng này, rất khẩn trương ngay trong đêm nay. Các ông đã làm được những gì rồi?” Trong hai giờ qua, Ingram báo cáo, từ nhà ga người ta gấp rút mang đến các cầu thang cũ, và hành khách được hướng dẫn xuống khỏi máy bay. Đó là một công việc chậm chạp, khó khăn bởi vì các bậc thang bị đóng băng nhanh hơn cả thời gian dọn dẹp. Một phụ nữ lớn tuổi được hai người thợ cơ khí bế xuống. Những đứa trẻ được quấn trong chăn và chuyền tay từ người này sang người khác. Bây giờ, tất cả hành khách cùng với các tiếp viên và phi công thứ hai đã vào nhà ga bằng xe buýt. Cơ trưởng và phi công thứ nhất vẫn còn ở lại. “Các ông đã có thử tìm cách kéo chiếc máy bay đi sau khi hành khách xuống hết chưa?” Người trưởng ban gật đầu quả quyết. “Đã hai lần các động cơ được cho nổ máy. Cơ trưởng đã cho động cơ chạy hết cỡ. Nhưng nó vẫn không nhúc nhích. Dường như nó còn lún sâu hơn”. “Thế bây giờ các ông đang làm gì?” “Chúng tôi đang cho dỡ hàng xuống, hy vọng rằng điều đó giúp được chúng tôi”. Hầu hết nhiên liệu, Ingram nói thêm, đã được hút ra xe từ một bồn chứa lớn trên máy bay đầy nhiên liệu để cất cánh. Khoang bụng máy bay đã dọn sạch hành lý và hàng hóa. Chiếc xe chở hàng bưu điện đã lấy đi các túi thư. Mel gật đầu. Dù sao đi nữa, ông biết, các thư tín và bưu phẩm sẽ được bay đi. Bưu điện tại sân bay theo dõi lịch bay từng phút một. Họ biết chính xác túi thư và bưu phẩm của họ ở đâu, và nếu có việc chậm trễ chuyến bay xảy ra, nhân viên bưu điện sẽ nhanh chóng chuyển các túi thư sang một chuyến bay của hãng hàng không khác. Trên thực tế, các túi thư từ những chiếc máy bay phản lực bị mắc kẹt sẽ may mắn hơn hành khách. Hầu hết chỉ trong nửa giờ, nó sẽ lại lên đường bằng một chuyến bay khác, nếu cần thiết sẽ đi theo đường vòng. Mel hỏi: “Các ông đã có đủ sự trợ giúp cần thiết chưa?” “Bây giờ tất cả chúng tôi đã có đủ để có thể làm, thưa ngài. Ở đây tôi đã có hầu như toàn đội của chúng tôi từ hãng Aéreo-Mexican - mười hai người. Một nửa hiện đang sưởi ấm trong chiếc xe buýt. Patroni có thể cần thêm nhiều người hơn, tùy thuộc vào ý tưởng của anh ta là gì”. Ingram quay lại, ngắm nhìn một cách chán chường chiếc máy bay nằm chết cứng. “Nhưng nếu ngài hỏi tôi, đó sẽ là một công việc lâu dài. Và chúng tôi sẽ cần các cần cẩu hạng nặng, những cái kích, và những túi khí nén để có thể nâng đôi cánh lên. Đối với hầu hết những máy móc đó, chúng tôi sẽ phải đợi cho đến khi trời sáng. Toàn bộ công việc có thể mất gần cả ngày mai”. Mel ngắt lời, “Không thể mất gần cả ngày mai được, hoặc thậm chí đêm nay cũng không. Đường băng này phải được thông thoáng...” Ông dừng lại đột ngột, cái rùng mình bất ngờ làm ông giật mình. Cái rùng mình mạnh mẽ không mong đợi, gần như là hoảng sợ. Mel rùng mình một lần nữa. Nó là cái gì vậy? Ông tự vấn an: do thời tiết, do gió ác liệt và khắc nghiệt thổi qua sân bay, cuốn tuyết xoay tròn. Tuy nhiên, thật là kỳ lạ, từ khi rời khỏi xe cho đến thời điểm này, cơ thể của ông phải quen với cái lạnh rồi chứ. Từ phía đối diện của sân bay, át cả tiếng gió rít, ông có thể nghe thấy tiếng ầm ầm của động cơ phản lực. Tiếng máy tăng đến cao độ, sau đó giảm dần khi chuyến bay cất cánh. Một chiếc khác theo sau, và một chiếc nữa. Nghĩa là ở đó mọi việc tốt đẹp. Còn ở đây? Có phải đó là sự thật? Trong tíc tắc ông có một linh cảm. Một dấu hiệu lờ mờ, không hơn; một trực giác; hơi thở của mối nguy hiểm lớn đang tới gần. Ông có thể bỏ qua nó, tất nhiên, sự bốc đồng, linh cảm không có chỗ trong công việc quản lý thực tế. Ngoại trừ một lần, đã rất lâu, ông cũng có một cảm giác y hệt như vậy - một sự chắc chắn của các sự kiện đang diễn ra, và tiến triển đến một kết thúc bi thảm. Mel còn nhớ trọn vẹn cái kết thúc đó, mà ông đã không thể ngăn chặn... Ông nhìn lướt qua chiếc 707 một lần nữa. Bây giờ nó bị tuyết phủ kín, không nhận ra được hình thù của nó nữa. Cảm giác chung nói với ông rằng ngoài chuyện đường băng bị tắc nghẽn và sự bất tiện khi cất cánh trên Meadowood, tình hình là không còn gì đáng sợ nữa. Đã có một tai nạn rủi ro, nhưng không có ai bị thương tích, chưa có thiệt hại rõ ràng nào. Tóm lại là không còn gì nữa. “Hãy lên xe của tôi”, ông nói với người quản đốc của hãng Aéreo Mexican. “Chúng ta sẽ gọi điện và tìm hiểu những gì đang xảy ra”. Trên đường đi, ông nhắc nhở mình rằng Cindy đang sốt ruột chờ đợi trong trung tâm thành phố. Mel không tắt máy sưởi nên trong xe lúc này rất ấm và dễ chịu. Ingram khà một tiếng hài lòng. Ông nới lỏng chiếc áo lông và cúi người đưa bàn tay của mình vào dòng không khí ấm áp. Mel chuyển radio sang tần số bộ phận kỹ thuật sân bay. “Xe số một gọi Phòng chỉ huy chống tuyết. Danny, tôi đang ở ngã tư đường băng 3-0 bị chặn. Hãy gọi điện đến bộ phận bảo trì của hãng TWA và kiểm tra về Joe Patroni. Anh ta đang ở đâu? Khi nào tới? Over”. [6] Giọng Danny Farrow khàn khàn qua loa trên bảng điều khiển. “Phòng chỉ huy chống tuyết gọi Xe số một. Wilco[7]. Và, Mel, vợ của ông có gọi tới”. Mel nhấn nút radio. “Cô ấy có để lại số điện thoại không?” “Vâng, có”. “Xe số một gọi Phòng chỉ huy chống tuyết. Hãy gọi giúp cho cô ấy, Danny. Nói với cô ấy tôi xin lỗi, tôi sẽ về trễ một chút. Nhưng trước hết kiểm tra về Patroni đã”. “Hiểu rồi. Xin đợi một chút”. Máy radio trở nên im lặng. Mel lục trong áo choàng lấy ra một bao Marlboro. Ông mời Ingram. “Cảm ơn”. Họ hút thuốc, nhìn hai chiếc cần gạt đang gạt qua lại trên kính chắn gió. Ingram gật đầu về phía buồng lái còn sáng đèn của chiếc máy bay phản lực Aéreo-Mexican. “Ở trên đó, lão cơ trưởng chó chết chắc đang khóc vào chiếc mũ sombrero của hắn. Từ giờ trở đi, hắn ta sẽ nhìn những chiếc đèn xanh trên đường lăn như những ngọn nến trên bàn thờ”. Mel hỏi, “Các đội nhân viên mặt đất của ông là người Mexico hay người Mỹ?” “Tất cả chúng tôi đều là người Mỹ. Chỉ những kẻ đầu đất [8] như chúng tôi mới làm việc trong thời tiết tệ hại như thế này. Ngài có biết chuyến bay này bay đi đâu không?” Mel lắc đầu. “Đi Acapulco. Trước khi chuyện này xảy ra, tôi đã bỏ ra sáu tháng ki cóp để được bay với nó”. Người trưởng ban bảo trì cười khảy. “Ngài tưởng tượng được không, dù đã lên tàu, và ngồi chưa nóng đít, rồi sau đó đi xuống. Ngài có thể nghe hành khách chửi rủa, đặc biệt là phụ nữ. Tôi đã học được một số từ mới tối nay”. Máy radio trở nên sống động trở lại. “Phòng chỉ huy chống tuyết gọi Xe số một”, Danny Farrow nói. “Tôi đã nói chuyện với TWA về Joe Patroni. Họ vẫn liên lạc với ông ấy, nhưng ông ấy bị kẹt xe. Ông ấy sẽ đến đây nhanh nhất là một giờ nữa. Ông ấy có gửi một tin nhắn. Ông có nghe rõ không?” “Chúng tôi nghe rõ”, Mel nói. “Hãy đọc tin nhắn”. “Patroni cảnh báo không được để chiếc máy bay lún sâu hơn trong bùn. Nói rằng điều đó có thể xảy ra dễ dàng. Vì vậy, trừ khi đội của hãng Aéreo-Mexican biết thật chắc chắn về những gì họ đang làm, họ nên dừng mọi cố gắng lại cho đến khi Joe có mặt”. Mel liếc nhìn sang Ingram. “Hãng Aéreo-Mexican cảm thấy thế nào về điều đó?” Người đội trưởng gật đầu. “Patroni có thể làm được mọi cách. Chúng tôi phải chờ thôi”. Danny Farrow nói: “Ông đã nhận được chưa? Có rõ ràng không?” Mel nhấn radio. “Rõ rồi”. “Được rồi. Còn nữa. Hãng TWA đã huy động thêm một đội mặt đất để giúp đỡ. Và, Mel, vợ của ông gọi điện lần nữa. Tôi đã nói cho bà ấy thông điệp của ông”. Mel cảm nhận Danny đang do dự, hiểu rằng những người khác có radio cùng tần số với bộ phận bảo trì cũng có thể nghe được. Mel nói: “Cô ấy không vui phải không?” “Tôi đoán là không”. Một giây im lặng. “Tốt hơn ông nên gọi ngay cho bà ấy khi có thể gọi được”. Đó là một cách nói an toàn, Mel nghĩ, rằng Cindy đã nói với Danny những lời cay độc nhiều hơn bình thường, nhưng là một người bạn trung thành, ông ấy không muốn nói như vậy. Còn với chiếc 707 của Aéreo-Mexican, rõ ràng không còn gì để làm cho đến khi Joe Patroni đến. Lời dặn của Patroni không được để chiếc máy bay lún sâu hơn tạo được cảm giác tốt. Ingram đang xỏ đôi găng nặng nề và mặc chiếc áo lông vào. “Cảm ơn ông đã cho sưởi”. Ông bước ra, vào gió và tuyết, sập cửa nhanh chóng. Một lát sau, Mel có thể thấy ông ta bước nặng nề qua những đống tuyết hướng về những chiếc xe đỗ trên đường lăn. Trên radio, Phòng chỉ huy chống tuyết đang nói chuyện với Trung tâm chống tuyết. Mel đợi cho đến khi cuộc trao đổi chấm dứt, sau đó bấm nút truyền đi. “Xe số một đây, Danny. Tôi đang đi đến chỗ đoàn Conga”. Ông lái chiếc xe chầm chậm về phía trước, chọn đường cẩn thận trong lốc tuyết và bóng tối, chỉ với những ánh đèn đều đặn trên đường băng dẫn đường ông. Đoàn Conga, vừa là đội xung kích mũi nhọn vừa là bộ phận chủ yếu trong hệ thống chống tuyết của sân bay - tại thời điểm này - đang làm việc trên đường băng 1-7L. Trong một vài phút, Mel nghĩ dứt khoát, ông sẽ tự tìm ra nếu là sự thật, hay chỉ đơn thuần là ác ý, trong bản báo cáo công kích của cơ trưởng Demerest trong Tiểu ban chống tuyết của các hãng hàng không. 06 Đối tượng suy nghĩ của Mel - Cơ trưởng Vernon Demerest của hãng Trans America - vào lúc này đang ở cách sân bay khoảng ba dặm. Anh ta đang lái chiếc Mercedes 230 SL Roadster của mình, so sánh cuộc hành trình trên quốc lộ từ nhà đến sân bay hồi sớm, bây giờ đã dễ dàng hơn trên các đường phố địa phương, vốn mới được dọn tuyết gần đây. Tuyết vẫn rơi nặng nề, được tiếp tay bởi một cơn gió mạnh, nhưng lớp tuyết mới trên mặt đất chưa đủ dày để gây ra khó khăn. Điểm đến của Demerest là một khu nhà chung cư ba tầng, gần sân bay, thường được cánh phi công gọi là Ngõ tiếp viên hàng không. Ở nơi đây có nhiều căn hộ của nhiều tiếp viên từ tất cả các hãng hàng không đóng tại phi trường quốc tế Lincoln. Mỗi căn hộ thường được chia sẻ bởi hai hoặc ba cô gái, và những người ở đây cũng có một cái tên cho những căn hộ riêng biệt. Chúng được gọi chung như là tổ ấm của các nữ tiếp viên. Những tổ ấm đó thường có những cảnh sống động, những buổi tiệc sau giờ làm việc, và đôi khi là những cuộc tình xảy ra, với sự đều đặn có thể đoán được, giữa các nữ tiếp viên và nam trong phi hành đoàn. Xét về tổng thể, các tổ ấm của các nữ tiếp viên không chơi bời nhiều hơn hay ít hơn so với căn hộ khác của các cô gái độc thân ở nơi khác. Sự khác biệt là hầu hết những gì diễn ra trong cách ăn chơi, các hành động phi luân, đều có liên quan đến nhân viên hàng không. Có một lý do tốt cho việc này. Cả hai nữ tiếp viên và các thành viên nam trong phi hành đoàn mà họ gặp - cơ trưởng, phi công thứ nhất và phi công thứ hai - là những người có phẩm chất cao, không có ngoại lệ. Tất cả đã đạt đến địa vị của họ, mà nhiều người khác thèm muốn, thông qua một quá trình sàng lọc khó khăn, đòi hỏi cao, trong đó những người kém tài năng bị hoàn toàn che lấp. Một ít người còn tồn tại được là những người sáng nhất và tốt nhất. Kết quả là một tập thể của những cá nhân xuất sắc, tươi sáng với một niềm say mê cuộc sống và có khả năng nhận thức để đánh giá đúng người khác. Vernon Demerest, thời gian ở trong ngành, đã đánh giá cao nhiều nữ tiếp viên, cũng như họ đã đánh giá cao anh ta. Trong thực tế, anh ta đã có một loạt cuộc tình với những phụ nữ trẻ xinh đẹp và thông minh, mà một vị vua hay một diễn viên điện ảnh mới mong lọt được vào mắt xanh, mà chưa chắc đạt được. Các nữ tiếp viên mà Demerest và những phi công khác quen biết, và thường xuyên làm tình với họ, không phải là gái làm tiền cũng không phải lăng nhăng bừa bãi. Tuy nhiên, họ là những cô gái tràn đầy sức sống, nhiệt tình, và thành thạo kinh nghiệm tình dục, những người biết đánh giá chất lượng, và sẵn sàng chộp lấy khi cơ hội đến tay rõ ràng và thuận tiện. Một người biết đánh giá đúng giá trị - như đã nói - của Vernon Demerest, và dường như còn tiếp tục lâu dài, là một cô gái hoạt bát hấp dẫn, người gốc Anh, tóc đen, Gwen Meighen. Cô là con gái của một nông dân, đã đến Hoa Kỳ mười năm trước ở tuổi mười tám. Trước khi gia nhập Trans America cô đã là người mẫu thời trang ở Chicago một thời gian ngắn. Có lẽ vì những kinh nghiệm khác nhau đó, ở cô kết hợp một bản năng tình dục hoang dại khi lên giường với sự sang trọng và kiểu cách trước mặt mọi người. Lúc này chính là lúc Vernon Demerest đang đi đến căn hộ của Gwen Meighen. Sau vài giờ nữa, cả hai sẽ rời khỏi nơi đây bay đi Rome trên Chuyến Hai của hãng Trans America. Trong buồng lái, cơ trưởng Demerest sẽ chỉ huy. Trong khoang hành khách, phía sau, Gwen Meighen sẽ là tiếp viên trưởng. Ở Rome cuối cuộc hành trình, sẽ có một kỳ nghỉ “xả hơi” ba ngày cho phi hành đoàn, trong khi một phi hành đoàn khác - đã hưởng kỳ nghỉ của họ ở Ý - sẽ lái máy bay trở về phi trường quốc tế Lincoln. Từ “xả hơi” từ lâu đã trở thành từ ngữ chính thức của các hãng hàng không và được sử dụng một cách hóm hỉnh. Có lẽ người nào đặt ra thuật ngữ đó là người có đầu óc hài hước, trong mọi trường hợp, các phi hành đoàn thường xuyên cho nó một áp dụng thực tế cũng như chính thức của nó. Bây giờ Demerest và Gwen Meighen đã lên kế hoạch tạo một định nghĩa riêng của họ. Khi tới Rome, họ sẽ đi Naples ngay lập tức cho một kỳ “xả hơi” bốn mươi tám giờ với nhau. Đó là một viễn cảnh thanh bình, thôn dã, và Vernon Demerest mỉm cười hài lòng khi nghĩ đến điều đó. Anh đã gần đến Ngõ tiếp viên, và khi nhớ lại mọi việc trôi qua suôn sẻ như thế nào chiều nay, nụ cười của anh ta càng mở rộng. Anh đã đến sân bay từ sớm, sau khi chia tay Sarah, vợ anh, bình thản như mọi ngày chúc ông một chuyến đi bình yên. Giá như sống trong thời đại trước, Sarah có thể đã tự bận rộn với kim may hoặc đan áo trong thời gian vắng mặt của vị lãnh chúa của cô. Nhưng ở thời đại này, ông biết rằng ngay sau khi ông đi khỏi, cô sẽ đắm mình trong câu lạc bộ, đánh bài, và vẽ tranh sơn dầu nghiệp dư, là những việc chủ yếu của cuộc đời cô. Sự bình thản, buồn tẻ và nhạt nhẽo đi với Sarah Demerest một cách tự nhiên, là những tính chất mà chồng của cô lúc đầu đã chấp nhận và cho là có giá trị một cách sai lầm. Giữa những chuyến bay và các các cuộc tình với những phụ nữ thú vị hơn, anh ta nghĩ về sự tạm trú của mình ở nhà, và đôi khi nói với họ để thông báo, như là “đi vào hangar [9] để tạm lui binh”. Cuộc hôn nhân của anh ta còn có một sự tiện lợi khác. Khi nó còn tồn tại, những người phụ nữ ông đã làm tình có thể trở nên tình cảm và đòi hỏi tùy thích, nhưng đừng bao giờ trông đợi sẽ được đáp ứng yêu cầu cuối cùng của hôn nhân. Bằng cách này, ông có một sự bảo vệ vĩnh viễn đối với những hành động nông nỗi của mình khi ở cao độ của niềm đam mê. Đối với việc gần gũi tình dục với Sarah, thỉnh thoảng ông vẫn ban ơn, như người ta chơi trò ném bóng với một con chó già. Sarah đáp ứng ngoan ngoãn, với sự rung động cơ thể theo thông lệ và hơi thở dồn dập, mặc dù ông nghi ngờ cả hai là do thói quen nhiều hơn là do hứng thú, và rằng nếu họ chấm dứt hoàn toàn việc quan hệ vợ chồng cô ấy sẽ chẳng quan tâm. Ông cũng chắc chắn rằng Sarah nghi ngờ sự lăng nhăng của ông, nếu không phải trong thực tế thì ít nhất là theo bản năng. Nhưng theo bản tính đặc trưng, cô cho là tốt hơn không nên biết, một sự sắp xếp mà trong đó Vernon Demerest vui lòng hợp tác. Một việc xấu khác làm anh ta hài lòng tối nay là bản báo cáo của tiểu ban chống tuyết của các hãng hàng không mà trong đó anh ta đã gửi đi một cú đá vào háng bằng lời, nhằm vào ông anh rể của anh ta, Mel Bakersfeld. Bản báo cáo công kích là ý tưởng của Demerest. Đại diện của hai hãng hàng không khác trong tiểu ban đầu tiên có quan điểm cho rằng việc quản lý sân bay đã được làm tốt nhất trong điều kiện đặc biệt. Cơ trưởng Demerest lập luận khác. Những người khác cuối cùng cũng bị lôi kéo theo anh ta và đồng ý rằng cá nhân Demerest sẽ viết báo cáo, mà anh ta đã thực hiện gay gắt như anh ta muốn. Anh ta đã không lấy làm phiền về tính chính xác hay ngược lại của bản báo cáo; trên tất cả, tuyết rơi rất nhiều xung quanh như thế, ai có thể chắc chắn về bất cứ điều gì? Tuy nhiên anh ta chắc chắn rằng bản báo cáo lưu hành rộng rãi sẽ gây ra sự bối rối và tức bực tối đa cho Mel Bakersfeld. Bây giờ các bản sao đang được photocopy và sẽ được gửi đến Phó Chủ tịch khu vực của tất cả các hãng hàng không, cũng như trụ sở của các hãng hàng không tại New York và các nơi khác. Biết trước tất cả mọi người thích tìm kiếm một vật tế thần cho sự chậm trễ trong hoạt động như thế nào, cơ trưởng Demerest tin rằng điện thoại và máy điện báo sẽ bận rộn sau khi nhận được bản báo cáo. Vernon Demerest vui vẻ nghĩ, một cuộc trả thù - tuy nhỏ nhưng thỏa mãn - là chính xác. Bây giờ có lẽ ông anh vợ khập khiễng, thọt chân của mình, sẽ phải suy nghĩ hai lần trước khi phản đối cơ trưởng Demerest và ALPA, như Mel Bakersfeld đã dám làm công khai hai tuần trước đây. Cơ trưởng Demerest đưa chiếc Mercedes vào bãi đậu xe của tòa nhà chung cư. Anh ta dừng xe êm ái và bước ra. Anh ta nhận thấy là đã đến sớm một chút - mười lăm phút trước thời điểm ông sẽ đón Gwen và đưa cô ra sân bay. Dù sao đi nữa, anh ta quyết định đi lên nhà. Khi anh đi vào khu chung cư, bằng chìa khóa Gwen đã đưa, ông huýt sáo nhẹ nhàng, sau đó mỉm cười, nhận ra giai điệu của bài O Sole Mio [10]. Phải rồi, tại sao không? Thật là thích hợp. Naples... một đêm ấm áp thay vì tuyết, quang cảnh vịnh biển trong ánh sao, tiếng nhạc nhẹ nhàng của đàn mandolin, rượu vang Chianti với bữa ăn tối, và Gwen Meighen bên cạnh anh ta... tất cả không đầy hai mươi bốn giờ đồng hồ nữa. Vâng, quả thật vậy! O Sole Mio. Anh ta tiếp tục huýt sáo. Trong thang máy đi lên, anh ta nhớ tới một điều tốt đẹp nữa. Chuyến bay tới Rome là một chuyến bay dễ dàng. Đêm nay, mặc dù cơ trưởng Demerest là chỉ huy của Chuyến Hai - Du thuyền vàng – anh ta sẽ chỉ làm một ít công việc mà chuyến bay đòi hỏi. Lý do là anh ta bay như là một cơ trưởng kiểm tra cấp bậc. Một cơ trưởng bốn vạch vàng khác - Anson Harris, gần như là cao cấp ngang với Demerest - được giao điều khiển chuyến bay và sẽ chiếm chỗ chỉ huy của phi công bên trái. Demerest sẽ ngồi ghế bên phải - thường là vị trí của phi công thứ nhất - nơi anh ta sẽ quan sát và báo cáo về hoạt động của cơ trưởng Harris. Việc bố trí chuyến bay kiểm tra được đặt ra vì cơ trưởng Harris đã được chọn để chuyển từ các đường bay nội địa của Trans America sang các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, trước khi bay như là một cơ trưởng quốc tế chính thức, ông được yêu cầu thực hiện hai chuyến bay vượt đại dương với một cơ trưởng cùng cấp, người có trình độ hướng dẫn. Demerest Vernon chính là người có trình độ hướng dẫn ấy. Sau hai chuyến bay của cơ trưởng Harris, mà tối nay là chuyến thứ hai, ông sẽ được kiểm tra lần cuối cùng bởi phi công trưởng của hãng trước khi được chấp nhận chỉ huy các chuyến bay quốc tế. Các cuộc kiểm tra như vậy - cũng như các chuyến bay kiểm tra thường xuyên sáu tháng một lần, mà tất cả các phi công của tất cả các hãng hàng không bắt buộc phải trải qua - là một cuộc giám sát trên không về khả năng và thói quen bay. Việc kiểm tra diễn ra trên các chuyến bay theo lịch trình thông thường, và chỉ duy nhất một dấu hiệu - mà hành khách có thể nhận ra rằng đó là một chuyến bay kiểm tra - là sự hiện diện của hai cơ trưởng bốn vạch vàng trên buồng lái phía trước. Mặc dù thực tế rằng các cơ trưởng luân phiên kiểm tra lẫn nhau, các bài kiểm tra, cả thông thường và đặc biệt, thường là nghiêm túc, khắt khe với công việc. Các phi công muốn họ làm như vậy. Có quá nhiều cái đặt trên quân bài - sự an toàn cho tất cả mọi người và các tiêu chuẩn chuyên môn cao - nên không thể có bất kỳ sự qua loa vì tình cảm, hoặc bỏ qua những điểm yếu. Một cơ trưởng bị kiểm tra biết rằng anh ta phải vượt qua các tiêu chuẩn bắt buộc trong tất cả mọi chi tiết. Nếu không làm được như vậy có nghĩa là một báo cáo bất lợi tất yếu, mà nếu đủ nghiêm trọng, có thể dẫn đến thậm chí một cuộc kiểm tra khó khăn hơn với phi công trưởng của hãng hàng không, lúc đó công việc của người bị kiểm tra lâm vào thế hiểm nghèo. Tuy nhiên, trong khi việc thực thi các tiêu chuẩn không được thoải mái lắm, thì cơ trưởng cấp cao đang chịu đựng việc kiểm tra chuyến bay được các đồng nghiệp của họ đối xử với sự lịch sự tỉ mỉ. Ngoại trừ Vernon Demerest. Demerest đối xử với bất kỳ phi công nào ông được giao nhiệm vụ kiểm tra, cấp thấp hơn hoặc cấp cao ngang mình, cùng một cách chính xác như nhau - như một cậu học sinh hư hỏng bị triệu tập đến gặp mặt hiệu trưởng. Hơn nữa, trong vai trò của hiệu trưởng, Demerest luôn nhiễu sự, kiêu ngạo, tàn nhẫn và khó khăn. Anh ta không giấu giếm về sự chắc chắn của anh ta rằng không ai khác có khả năng là một phi công giỏi hơn anh ta. Các đồng nghiệp đã nhận được vết nhục của việc đối xử này trong bụng đã nổi cơn thịnh nộ, nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài ngồi đó và chịu đựng nó. Sau đó họ thề với nhau rằng khi đến thời gian kiểm tra của Demerest họ sẽ cho anh ta một chuyến kiểm tra khốn khổ, khó khăn nhất anh ta chưa từng có. Họ luôn làm như vậy, với một kết quả phù hợp duy nhất - Vernon Demerest luôn thu được một sự thực hiện rất hoàn mỹ mà không hề có một lỗi nào.. Chiều nay, như một hành động đặc trưng, Demerest mở đầu buổi kiểm tra của mình bằng cách gọi điện thoại đến nhà cơ trưởng Anson Harris. “Đêm nay lái xe khó khăn đấy”, Demerest nói mà không cần mào đầu. “Tôi thích phi hành đoàn của tôi đúng giờ, vì vậy tôi để nghị ông dành nhiều thời gian, đến sân bay sớm”. Anson Harris, người trong hai mươi hai năm không có tai tiếng nào với hãng Trans America, chưa bao giờ đến muộn một chuyến bay nào, đã rất giận dữ, ông gần như bị nghẹn thở. May mắn thay, trước khi Harris có thể thốt ra bất cứ lời nào, cơ trưởng Demerest đã gác máy. Vẫn còn nổi giận, nhưng để hoàn toàn chắc chắn rằng Demerest sẽ không có cớ bắt bẻ gì được, cơ trưởng Harris đến sân bay gần ba giờ trước thời gian bay thay vì một giờ như bình thường. Cơ trưởng Demerest, tươi tỉnh từ phần việc của mình với Tiểu ban chống tuyết của các hãng hàng không, gặp Harris trong tiệm cà phê Captain Cloud’s. Demerest mặc một áo khoác thể thao và bộ quần áo thường, ông để một bộ đồng phục dự phòng trong tủ khóa ở sân bay của mình và dự định thay đổi sau đó. Cơ trưởng Harris, một cựu chiến binh tóc hoa râm, già dặn, người mà nhiều phi công trẻ gọi là “ngài”, mặc bộ đồng phục của Trans America. “Chào ông, Anson”. Vernon Demerest buông mình vào một chỗ ngồi kế bên quầy. “Tôi thấy ông đã nghe lời khuyên tốt của tôi”. Cơ trưởng Harris bóp chặt ly cà phê của mình, nhưng ông chỉ nói, “Xin chào, Vern”. “Chúng ta sẽ bắt đầu chuẩn bị cất cánh trước chuyến bay hai mươi phút sớm hơn so với bình thường”, Demerest nói. “Tôi muốn kiểm tra các tài liệu hướng dẫn chuyến bay của ông”. Ơn Chúa, Harris nghĩ, vợ ông đã xem qua các tài liệu hướng dẫn của ông chỉ mới ngày hôm qua, thêm vào những sửa đổi mới nhất. Nhưng tốt hơn ông nên đi kiểm tra hộp thư của mình trong phòng thông báo. Tên con hoang này có khả năng đổ lỗi cho ông vì không ghi lại một sửa đổi chỉ vừa mới công bố chiều nay. Để cho tay của mình không bị ngứa ngáy, có cái gì đó để làm, cơ trưởng Harris nhồi thuốc vào tẩu rồi châm lửa hút. Ông cảm thấy Vernon Demerest đang nhìn ông phê phán. “Ông không mặc áo sơ mi theo quy định”. Trong một giây, cơ trưởng Harris không thể tin rằng đồng nghiệp của ông nghiêm túc. Nhưng sau đó, khi hiểu ra, gương mặt của Harris đỏ nhừ. Áo sơ mi theo quy định là thứ rất khó chịu đối với các phi công của Trans America, cũng như phi công của các hãng hàng không khác. Chúng được mua thông qua các công ty cung cấp hàng hóa giá chín dollar một chiếc, và thường được may rất cẩu thả, chất lượng vải rất đáng ngờ. Mặc dù trái với quy định, ở các cửa hàng bình thường có thể mua được một chiếc áo tốt hơn với giá rẻ hơn vài dollar, mà trông cũng không khác gì. Hầu hết các phi công đã mua áo sơ mi không chính thức và mặc chúng. Demerest Vernon cũng như vậy. Nhiều lần Anson Harris nghe Demerest nói một cách khinh miệt về áo sơ mi của công ty và chỉ vào chiếc áo chất lượng vượt trội của mình. Cơ trưởng Demerest ra hiệu để người phục vụ mang cà phê đến, sau đó an ủi Harris, “Không sao. Tôi sẽ không báo cáo về việc không mặc đồng phục của ông ở đây. Miễn là ông thay đổi nó trước khi lên chuyến bay của tôi”. Cố nhịn! Anson Harris tự nhủ. Lạy Chúa ở trên cao, hãy ban cho con sức chịu đựng nếu không con nổi nóng mất, mà có lẽ thằng chó đẻ xấu tính này muốn thế. Nhưng tại sao? Tại sao? Được rồi. Được rồi, ông quyết định; đê tiện hay không, ông sẽ thay chiếc áo sơ mi không chính thức của mình bằng một chiếc áo theo quy định. Ông sẽ không cung cấp cho Demerest sự hài lòng của việc kiếm ra dù chỉ một cái cớ rất nhỏ nhoi để bắt lỗi ông. Thật là khó khăn để kiếm được một chiếc áo sơ mi công ty đêm nay. Có lẽ ông sẽ phải mượn hoặc đổi một chiếc áo sơ mi với một vài cơ trưởng khác hoặc nhân viên đầu tiên. Khi ông nói với họ lý do tại sao, họ sẽ khó mà tin ông. Chính ông cũng không tin vào tai mình. Nhưng khi nào đến chuyến bay kiểm tra của Demerest... lần tới, và tất cả những lần tiếp theo nữa kể từ thời điểm này... hãy liệu chừng. Anson Harris có nhiều bạn tốt trong số các phi công giám sát. Hãy bắt Demerest mặc áo sơ mi theo quy định; hãy bắt anh ta tuân thủ chặt chẻ các quy định dù không quan trọng khác... hoặc những thứ khác nữa. Sau đó, Harris nghĩ rầu rĩ: tên con hoang xảo quyệt sẽ nhớ, chắc chắn hắn cũng sẽ làm như vậy với ông. “Này, Anson!” Demerest dường như thích thú. “Ông cắn phải cán tẩu kìa”. Và quả thực ông suýt cắn phải cán tẩu. Nhớ lại chuyện đó, Vernon Demerest cười khúc khích. Vâng, chuyến bay tối nay sẽ thật dễ dàng cho anh ta. Suy nghĩ của anh ta trở về hiện tại khi thang máy của chung cư dừng lại ở tầng ba. Anh ta bước vào hành lang trải thảm và rẽ sang bên trái quen thuộc, hướng đến căn hộ mà Gwen Meighen chia sẻ với một nữ tiếp viên của hãng United AirLines. Cô gái kia, Demerest đã biết vì Gwen có nói với anh ta, đã đi trên một chuyến bay đêm. Trên chuông cửa căn hộ, anh ta nhấn tín hiệu thông thường của họ, những chữ cái đầu của tên anh ta bằng tín hiệu Morse... te-tit-tit-tit-te-te... rồi sau đó đi vào, dùng cùng một chìa khóa đã mở cánh cửa thang máy lúc nãy. Gwen đang tắm. Anh ta có thể nghe thấy tiếng nước chảy. Khi anh ta đến cửa phòng ngủ của cô, cô kêu lên: “Vernon, anh đấy à?” Ngay cả khi nói to để át tiếng vòi sen, giọng nói của cô - với giọng Anh hoàn hảo, mà anh ta rất thích - vẫn có vẻ êm ái và thú vị. Anh ta nghĩ: Cô gái kỳ diệu bé nhỏ Gwen đã thành công rất nhiều với các hành khách. Anh ta đã nhìn thấy họ xuất hiện để rồi tan chảy - đặc biệt là đàn ông - khi sự quyến rũ tự nhiên của cô hướng về phía họ. Anh ta trả lời, “Đúng vậy, honey”. Những món đồ lót mỏng của cô đang được để trên giường - quần lót, vải nylon trong suốt mỏng dính; một áo ngực trong suốt, màu da, với dây bằng loại vải tương tự; bộ quần áo ngủ bằng lụa Pháp, thêu tay. Đồng phục """