" Phần Lan - Ngôi sao Phương Bắc PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Phần Lan - Ngôi sao Phương Bắc PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Phần Lan - Ngôi sao phương Bắc Tác giả: Võ Xuân Quế Số trang: 328 Kích thước: 16x24 cm Phát hành: NXB Thế Giới Tái bản: 2017 Link: https://vietvafin.files.wordpress.com E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy. TVE-4U CÙNG ĐỌC - CÙNG CHIA SẺ! Lời nói đầu (Lần xuất bản thứ Nhất) Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Phần Lan, một quốc gia non trẻ ở châu Âu gần như vẫn còn xa lạ không chỉ với người dân thường mà cả nhiều người trong giới trí thức nhiều nước trên thế giới. Trong một bài đăng trên tạp chí “Universitas Helsingiensis” của trường Đại học Helsinki năm1995, một giáo sư người Ấn Độ thỉnh giảng tiếng Hindi tại Đại học Helsinki tâm sự rằng khi nhận được thư mời của trường này bà không biết Phần Lan ở đâu và chưa biết gì về đất nước bà sẽ đến. Bà rất khó khăn khi tìm một người cung cấp cho bà những thông tin về Phần Lan, thậm chí hai tiếng Phần Lan rất xa lạ với người Ấn Độ và bị nhầm với Anh (England) và Hà Lan (Netherland). Song, bước sang những năm đầu thế kỷ 21, cùng với sự lớn mạnh của Nokia, cái tên Phần Lan đã trở nên quen biết hơn với người dân khắp nơi trên thế giới. Đất nước sản sinh ra Kalevala và thương hiệu “Connecting People” đã đứng đầu trong bảng xếp hạng của thế giới về hàng loạt lĩnh vực: từ kinh tế (là quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh nhất trong 2 năm liền) đến giáo dục (có tỉ lệ người biết đọc biết viết cao nhất, đứng đầu thế giới về giáo dục phổ thông trong hai cuộc điều tra của tổ chức OECD), từ quản lý xã hội (quốc gia ít tham nhũng nhất) đến bảo vệ môi trường (có môi trường sống và nguồn nước sạch nhất)... Thành công của Phần Lan, từ một quốc gia nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì đáng kể ngoài rừng, lại nằm ở một vị trí “xa xôi, hẻo lánh” và gần như bị kiệt quệ sau Chiến tranh Thế giới II, nhưng trong một thời gian ngắn, khoảng 30 năm, không chỉ vươn lên trở thành một nước công nghiệp phát triển mà còn dẫn đầu thế giới về nhiều mặt như vậy đã thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới. Chỉ riêng năm 2005, ngành giáo dục Phần Lan đã đón 120 đoàn đại biểu từ 30 quốc gia đến tìm hiểu về hệ thống giáo dục của nước này. Cũng chỉ trong năm 2005, với sự quan tâm của dư luận quốc tế, Phần Lan đã tổ chức 3 cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề “PISA và giáo dục Phần Lan” với sự tham gia của 500 đại diện từ 57 quốc gia trên khắp thế giới. Năm 2004 Hãng truyền thông BBC của Anh, đã cử một phóng viên đến Phần Lan để tìm hiểu về nền giáo dục của nước này và một chuyên mục về Giáo dục Phần Lan đã được mở ra trên website của hãng này. Năm 2005, hai phóng viên của báo Washington Post (Mỹ) cũng đã dành 3 tuần đi vòng quanh Phần Lan để giải mã “vì sao một nước nhỏ ít được biết đến với người Mỹ như Phần Lan lại có một nền giáo dục tốt nhất thế giới, có một nền âm nhạc và kiến trúc tài năng, có nhiều mobile phone tính theo bình quân đầu người hơn cả Nhật Bản và Mỹ” và lập nên chuyên mục “Finland diary” với một loạt bài viết rất hấp dẫn trên website của tờ báo nổi tiếng này. Mặc dù cách rất xa nhau nhưng Phần Lan và Việt Nam có một số điểm khá tương đồng về vị trí địa lý và lịch sử. Hai nước có diện tích lãnh thổ tương đương, đều ở cạnh những nước lớn, từng bị đô hộ và phải đấu tranh để giành độc lập. Với truyền thống yêu chuộng hoà bình, người dân Phần Lan đã nhiều lần xuống đường đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Phần Lan là một trong những quốc gia sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (hai ngày trước khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh và khôi phục hoà bình ở Việt Nam được ký kết) và tích cực giúp đỡ Việt Nam xây dựng đất nước sau ngày thống nhất. Cũng kể từ năm 1973 đến nay Việt Nam luôn luôn được coi là đối tác lâu dài trong chính sách hợp tác và phát triển của Phần Lan. Không giống như những người đồng hương châu Á Ấn Độ, kể từ đầu những năm 1980 với dự án Phà Rừng, Phần Lan đã bắt đầu được biết đến đối với nhiều người dân Việt Nam. Đặc biệt với người dân Hà Nội, hai tiếng Phần Lan đã trở nên hết sức thân thiết trong cụm từ nước “Phần Lan”. Cũng vào thời gian đó một số người Việt Nam là nhóm người châu Á đầu tiên được tiếp nhận đến định cư ở xứ sở Ông Già Tuyết. Cho đến nay hơn 4.000 người Việt đã chọn Phần Lan làm nơi an cư lập nghiệp của mình. Tuy nhiên, với đại bộ phận người Việt Nam, đất nước, lịch sử, xã hội và văn hoá của người Phần Lan vẫn còn nhiều “bí ẩn” cần khám phá. Những kinh nghiệm và thành công của Phần Lan trên nhiều lĩnh vực rất đáng được tham khảo đối với các nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách Việt Nam trên con đường xây dựng nước ta thành “một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Đó chính là suy nghĩ thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Trong suốt thời gian viết cuốn sách, tôi đã nhận được sự động viên, khích lệ của nhà văn Markku Nieminen, chủ tịch Juminkeko, bà Sirpa Nieminen, Giám đốc Juminkeko cũng như các thành viên trong gia đình tôi. Chị Vũ Thu Ngà đã cung cấp cho tôi một số bức ảnh. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn và nhà thơ Ngô Thế Oanh đã đóng góp cho tôi một số ý kiến bổ ích trong việc trình bày và trang trí cuốn sách. Các cơ quan: Trung tâm Thống kê, CIMO, Ban giáo dục quốc gia, Phòng thông tin Bộ Ngoại Giao, Bộ Xã hội, Bộ Tư pháp Phần Lan đã cung cấp cho tôi những tư liệu cập nhật và tin cậy. Nhân đây tôi xin gửi tới các cá nhân và cơ quan lời cảm ơn chân thành nhất. Đặc biệt, tôi xin trân trọng cảm ơn Quỹ Văn hóa Kalevala Koru đã giúp tôi một phần kinh phí để xuất bản cuốn sách. Espoo, mùa xuân 2007 Đôi lời cùng bạn đọc (Nhân lần xuất bản thứ Hai) Cuốn sách “Phần Lan - Ngôi sao phương bắc” được xuất bản lần đầu tiên vào mùa hè năm 2007 và lập tức được những người quan tâm đến Phần Lan tìm đọc và yêu thích. Trong ba năm tiếp theo, nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, sách đã được tái bản hai lần (2008, 2010). Nhiều chương trong cuốn sách đã được một số trang mạng trích đăng. Nhiều nội dung cũng đã được Chương trình phát thanh bằng tiếng Việt ở Helsinki - Lähiradio đưa lên sóng phát thanh. Kể từ khi cuốn sách ra đời lần đầu đến nay đã 10 năm. Trong thời gian đó trên thế giới cũng như ở Phần Lan có rất nhiều thay đổi. Thời gian đầu, Nokia - “Cối xay thần Sampo” vẫn đang đi lên, kinh tế Phần Lan đạt đỉnh cao (2008), xã hội phát triển ổn định và chế độ an sinh xã hội chưa nảy sinh những vấn đề nan giải. Nhưng từ khi Nokia Mobile bắt đầu đi xuống (2012) và chấm dứt hoạt động (2014) đến nay, bị tác động bởi cuộc khủng khoảng của các nước sử dụng đồng euro và dòng người tị nạn, kinh tế Phần Lan bắt đầu chững lại và đời sống xã hội xuất hiện những vấn đề bất cập. Mặt khác, 10 năm qua thông tin về Phần Lan đã có những thay đổi và phong phú, đa dạng hơn trước rất nhiều. Phần Lan cũng đã được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Song, quốc gia mới nổi lên này vẫn còn nhiều trầm tích và không ít điều tưởng chừng đã biết vẫn bị hiểu sai. Vì vậy cuốn sách “Phần Lan - Ngôi sao phương Bắc” cần được sửa đổi và bổ sung thêm để cập nhật hơn với thực tế đồng thời giúp cho bạn đọc hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước và con người Phần Lan. Lần xuất bản thứ hai này ngoài việc cập nhật lại những thông tin mới nhất (đến cuối năm 2016) của tất cả các chương và sắp xếp lại bố cục của cuốn sách, chúng tôi còn viết lại một số phần trong các chương: IV, V, VI, XI và XIV, đồng thời viết thêm hai chương mới là: Chương XIII. Từ Nokia đến Mobile Games và Chương XV. Vị thế Phần Lan trên thế giới và quan hệ hợp tác với Việt Nam. Mặc dù đã chú ý cập nhật, góp nhặt thông tin trong nhiều năm, song để ấn bản mới này có được các tư liệu mới nhất, tôi vẫn cần tới sự giúp đỡ của nhiều cá nhân mà tôi không liệt kê hết được ở đây từ các cơ quan, tổ chức, như: Cục Thống kê Phần Lan, Nha Giáo dục Quốc gia, Thư viện Helsinki, Nghị Viện Phần Lan, Trung tâm Âm nhạc quốc gia. Nếu không có một mạng lưới thông tin cập nhật, xác tín và công khai cùng với sự phục vụ tận tình của công chức ở các cơ quan trên, nhiều thông tin trong cuốn sách này khó có thể có được. Tôi xin gửi tới tất cả lời cám ơn chân thành nhất. Xin trân trọng cám ơn Đại sứ quán Phần Lan ở Việt Nam, nhất là các vị đại sứ: Pekka Hyvönen (từ 2007-2011), Kimmo Lähdevirta (từ 2011-2015), hiện nay là ngài Ilkka-Pekka Similä và bà Aila Oikarinen đã ủng hộ và giúp đỡ tôi trong những lần tái bản “Phần Lan - Ngôi sao phương Bắc” trước đây cũng như trong lần xuất bản thứ hai này. Tôi lấy làm vui mừng khi cuốn sách được đưa vào chương trình Kỉ niệm 100 Phần Lan của Sứ quán tại Việt Nam. Xin trân trọng cảm ơn Quỹ Jenny và Antti Wihuri đã hỗ trợ tôi một phần kinh phí trong lần xuất bản thứ hai này. Cảm ơn các anh chị: Vũ Hoàng Nam, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Thành Nhân, Lê Quốc Cường, Vũ Thu Ngà-Lilja, Oanh Phạm đã vui lòng cho tôi sử dụng ảnh, và đọc, góp ý cho tôi một số nội dung. Đặc biệt, cám ơn các bạn Trung tâm Chế Bản và In - Nhà xuất bản Thế Giới đã sửa lại các sơ đồ, các bảng và trình bày giúp tôi cuốn sách. Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc lại lời cảm ơn chân thành tới nhà văn Markku Nieminen, chủ tịch Quỹ Juminkeko và giám đốc điều hành Juminkeko - Sirpa Nieminen, những người đã khích lệ và truyền cho tôi cảm hứng để viết cuốn sách này cũng như nhiều việc khác. Tôi đã tiếp thu phần nào tinh thần sisu Phần Lan từ họ để vượt qua những trở ngại và thách thức trong suốt 15 năm qua. Đặc biệt, tôi muốn dành những lời cám ơn sâu sắc nhất cho gia đình là chỗ dựa của tôi về mọi mặt. Thiếu sự yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia của vợ và hai con, tôi không thể viết được cuốn sách như bạn đang cầm trên tay. Cuối cùng tôi xin cảm ơn Nhà xuất bản Thế giới, trong vòng 10 năm đã hai lần xuất bản và hai lần tái bản cuốn sách này. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, song cuốn sách vẫn khó tránh khỏi những sơ suất, thiếu sót. Tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý bạn đọc để lần xuất bản sau cuốn sách hoàn thiện hơn. Helsinki Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu, 2017 A few words for the second edition The book “Finland - The Northern Star” was published for the first time in Summer 2007, and immediately gathered attention and admiration from people who were interested in Finland. During the following three years, the book has been re printed twice to meet the needs and expectations of the readers. Some excerpts and chapters from the book have been posted online, as well as broadcasted in Vietnamese by a Helsinki-based Lähiradio. It has been ten years since “Finland - The Northern Star” saw daylight. Within that time period, the entire world - including Finland - has witnessed many changes. In the beginning, Nokia -“Sampo” was still rising, and the peak in Finland’s economy in 2008 ensured stable societal development and a social welfare framework that did not encounter unsolvable problems. However, since the downfall of Nokia Mobile in 2012 and the complete termination of its operations two years after, Finland’s economy - affected by the euro crisis and the increased influx of refugees - stagnated, creating complex problems in the society. On the other hand, during the past ten years, change is also apparent regarding information and news sources about Finland, which have increased and diversified. Finland is now much more known not only in Vietnam, but as well as throughout the world. However, countries emerging to worldwide knowledge still hold secrets, and many of their even simplest qualities are often misunderstood. Thus, the book “Finland - The Northern Star” had to be edited to include more information accurately reflecting the contemporary world, whilst helping the reader to gain deeper insight into the country and people of Finland. In addition to updating the latest information (end of 2016) in all of the chapters, the second edition re-structured the book’s layout and added new chapters (Chapter XIII. From Nokia to Mobile Games and Chapter XV. Finland’s role in the global world). I have also re-written and added additional information to the following chapters: IV, V, VI, XI and XIV. Although the second edition is up-to-date, includes information collected over a span of many years and uses the latest available data, I still needed the help of many that I cannot possibly list all here, ranging from agencies to organizations. These include, but do not limit to: Statistics Finland, The Finnish National Agency for Education, The Library of Helsinki, The Parliament of Finland and Helsinki Music Centre. Without a network of data that is openly accessible - thanks to the effort and dedicated service of hardworking people in institutions mentioned above - I would have not been able to collect as much information in this book. Once again, I would like to express my most sincere gratitude. I would like to thank the Embassy of Finland in Vietnam, especially the ambassadors Mr. Pekka Hyvönen (2007-2011) and Mr. Kimmo Lähdevirta (2011-2015), the current ambassador Mr. Ilkka-Pekka Similä and attaché Ms. Aila Oikarinen for their encouragement and support regarding the previous edition of “Finland - The Northern Star”, as well as the current one. I am very pleased that the book launch has been included in the agenda for the 100th anniversary celebrations of Finnish independency by the Embassy of Finland in Vietnam. My deepest gratitude goes to the Jenny and Antti Wihuri Foundation (Jenny ja Antti Wihurin rahasto) for supporting me to fund a portion of this second edition. A warm thank you to: Vũ Hoàng Nam, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Thành Nhân, Lê Quốc Cường, Vũ Thu Ngà-Lilja and Oanh Phạm for kindly letting me use their photographs, and reading, rewieving and giving ideas for some parts of the book. My special thanks to the Design Unit of Thế Giới Publishers which helped with the editing of tables, graphs and layout of the book. I would also like to sincerely thank author Markku Nieminen, the President of the Juminkeko Foundation and Sirpa Nieminen, the Director of Juminkeko, who have given me the encouragement and inspiration to write this book amongst many other responsibilities. It is from them that I have learned the spirit of Finnish sisu to overcome any obstacles and challenges presented during the past fifteen years. In particular, I would like to save the most profound gratitude to my family, who is my rock and the shoulder I can always lean on. Without the love, understanding and sharing of my wife and two daughters, I would have not been able to write the same book that you are currently holding in your hands. Last but not least, I would like to warmly thank the Thế Giới Publishers for re-printing the first edition twice and publishing two editions of this book within the span of ten years. Despite the very hard effort to remain honest and objective, I still think it is impossible for the book to avoid some negligence and mistakes. I greatly appreciate and am very much looking forward to receiving your comments and suggestions for a better publication next time. Helsinki, January 2017 Thông tin vắn tắt Bản đồ Phần Lan Tên gọi chính thức: Cộng hòa Phần Lan Chính thể nhà nước: Cộng hòa Nghị viện Diện tích: 390.905 km² (thứ 6 ở châu Âu, thứ 65 thế giới) Tiếp giáp: Liên bang Nga,Thụy Điển, Na Uy Dân số: 5.546.502 người, mật độ: 18 người/ km² Thủ đô: Helsinki (629,512 người) Giờ địa phương: GMT + 2 Đơn vị tiền: Euro (từ 2002) Ngôn ngữ quốc gia chính thức: Tiếng Phần Lan & tiếngThụy Điển Người đứng đầu nhà nước: Tổng thống với nhiệm kỳ 6 năm Chính phủ trung ương: Đứng đầu là thủ tướng Nghị viện: Nghị viện đơn viện với 200 thành viên, nhiệm kỳ 4 năm Tham gia các tổ chức quốc tế: UN (1955), OECD (1969), EU & WTO (1995) Tổng sản phẩm quốc gia: 209 tỉ euro (2016) Thu nhập trung bình mỗi người: 37.200 euro Các thành phố lớn theo dân số: 1. Helsinki (629.512) 2. Espoo (270.416) 3. Tampere (225.485) 4. Vantaa (215.813) 5. Oulu (198.804) 6. Turku (186.030) 7. Jyväskylä (137.392) 8. Lahti (118.885) 9. Kuopio (112.158) 10. Kouvola (85.808) Phần I Phần Lan trên bản đồ thế giới Xứ Phần Lan rừng thông trùng trùng xanh ngắt, nước biếc một màu... Nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) 1. Xứ sở của rừng và hồ Nhìn lên bản đồ Châu Âu, bạn sẽ thấy Phần Lan (Suomi theo tiếng Phần Lan) cùng với Iceland là hai quốc gia nằm ở phía bắc nhất của châu lục này. Tuy nhiên, so với Iceland, Phần Lan còn ở phía bắc hơn vì một phần tư lãnh thổ của nước này nằm ở phía trên đường Bắc Cực. Điểm cực bắc nhất của Phần Lan là Utsjoki nằm ở 70°5’30’’ vĩ tuyến bắc, còn điểm cực nam là Hanko nằm ở 59°30’10’’ vĩ tuyến bắc1. Phần Lan là một nước có hình dáng kéo dài từ bắc xuống nam như Việt Nam, nhưng ngắn hơn. Chiều dài nhất từ điểm cực bắc tới điểm cực nam theo đường chim bay là 1.157 km (so với 1.650km của Việt Nam) và chiều rộng nhất từ điểm cực đông đến điểm cực tây là 540 km. Phần Lan là từ được dịch theo âm Hán-Việt từ tiếng Thụy Điển và tiếng Anh: Finland. Tên gọi này được ghép lại từ hai từ “Finne” và “land” (đất) (như trong: Thailand, Holland, New Zealand…). Từ “Finne” được cho là bắt nguồn từ động từ “finna” trong ngôn ngữ German, dường như có nghĩa là “lần theo dấu vết”, “thợ săn” hay “người du mục”. Finne bắt đầu được dùng nhiều từ người Saame. Mặc dù Na Uy, Nga và Canada cũng có một phần lãnh thổ trải xa lên Bắc Cực hơn Phần Lan, nhưng ở đấy hầu như không có người cư trú. Còn phần lãnh thổ có cùng vĩ tuyến với phía bắc của Phần Lan ở Alaska và Siberia hầu như bị băng tuyết bao phủ quanh năm. Riêng Phần Lan, nhờ có dòng hải lưu ấm khởi nguồn từ vịnh Mexico qua Đại Tây Dương sang Châu Âu chảy qua nên không có phần đất nào của nước này bị băng tuyết che phủ quanh năm và nhờ vậy, hơn 5 triệu người, tức khoảng 35% tổng số người sinh sống trong khu vực nằm trên 60° vĩ tuyến Bắc của toàn thế giới đã chọn nơi đây làm nơi cư ngụ của mình. Phần Lan có chung 736km đường biên giới trên đất liền với Na Uy ở phía bắc, 614km chung với Thuỵ Điển ở phía tây và 1.340km đường biên giới chung với Cộng hoà Liên bang Nga ở phía đông. Còn phía nam và tây nam là vịnh Phần Lan, biển Baltic và vịnh Bothnia với tổng chiều dài khoảng 1.250km. Với tổng diện tích 390.905 km² (trong đó diện tích đất liền là 303.900km²), Phần Lan là quốc gia lớn thứ 7 ở châu Âu và lớn thứ 63 trên thế giới. Ngày nay, mặc dù với thương hiệu Nokia, Phần Lan đã được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới, song cũng còn không ít người nhầm lẫn Phần Lan với Hà Lan. Đặc biệt, về mặt địa lý, Phần Lan nằm trên bán đảo Bắc Âu cùng với các nước Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Iceland, song Phần Lan không thuộc các nước Scandinavia. Scandinavia là từ quen dùng để chỉ các nước Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy có ngôn ngữ cùng họ với nhau.2 Địa hình tự nhiên của Phần Lan có thể nói là không đa dạng lắm. Phong cảnh chủ đạo của nước này là rừng và nước xen lấn nhau. Vào thời kỳ băng hà Phần Lan hoàn toàn nằm dưới lớp băng dày. Khi băng tan, để lại đá và sỏi. Nơi đây vắng bóng của những dãy núi cao hay vách đá dốc đứng. Phần lớn lãnh thổ là đồi đất thấp và trải xuôi theo hướng nam và đông nam với độ cao trung bình so với mặt biển chỉ có 152m, trong khi đó độ cao trung bình chung của thế giới so với mặt biển là 840m. Địa hình cả nước nhìn chung tương đối bằng phẳng, chỉ có vùng Lapland ở phía bắc là có những ngọn đồi trọc cao hơn 200m làm thành đường ngăn cách với vùng núi phía bắc của Na Uy và Thuỵ Điển. Điểm cao nhất của Phần Lan là núi Halti ở rìa tây bắc, cao 1.324m so với mực nước biển3. Đồng bằng lớn nhất là khu đồng bằng ven biển Ostrobothnia ở phía tây nam. Còn phía đông được tô điểm bởi nhiều hồ và đồi tạo nên những địa điểm thích hợp cho các hoạt động thể thao mùa đông như: trượt tuyết, nhảy cầu tuyết với thanh trượt. Do địa hình nhìn chung khá bằng phẳng, ít đồi núi nên mặc dù có diện tích lớn hơn Việt Nam nhưng Phần Lan không có nhiều sông lớn với sức chảy mạnh như Việt Nam. Cả nước có 647 con sông với tổng chiều dài 25.000km và 20 hồ chứa nước nhân tạo. Sông dài nhất là sông Kemi, có chiều dài 500 km, bắt nguồn từ phía nam Lapland đổ ra vịnh Bothnia ở Kemi. Mặc dù sức nước của các sông này phần lớn đều được sử dụng để sản xuất điện, nhưng do sức chảy yếu nên công suất của các nhà máy thủy điện này không lớn. Vì thế Phần Lan vẫn phải dựa vào năng lượng nguyên tử và nhập khẩu điện từ nước ngoài. Bù lại cho sự ít ỏi về sông ngòi, đất nước Phần Lan lại được tô điểm bằng một số lượng rất lớn hồ và đầm lầy. Màu xanh lam của nước hồ cùng với màu trắng tinh của tuyết gắn bó với người Phần Lan đến mức được chọn làm hai màu tiêu biểu cho quốc kỳ của nước này. Cả nước có khoảng 168.000 hồ với diện tích từ 500m2 trở lên (trong đó có 57.000 hồ rộng hơn 1 héc ta), nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới4. Nếu như ở Việt Nam có nhiều sông và khi được hỏi: sinh ra ở đâu, ai cũng trả lời “bên một dòng sông” (thơ Bế Kiến Quốc) thì có thể nói với người Phần Lan ai cũng sinh ra “bên một hồ nước”. Hồ chiếm tới 33.522km², tức khoảng 10% diện tích cả nước, trong khi đó diện tích đất canh tác chỉ chiếm khoảng 8%. Ở một số vùng mặt nước hồ che phủ tới một phần tư, thậm chí một phần hai diện tích đất đai. Khu vực có mật độ hồ dày đặc nhất là vùng đông nam, với 25% diện tích được che phủ bởi nước hồ. Nhìn chung, đại bộ phận hồ của Phần Lan không rộng và không sâu. Hồ lớn nhất là hồ Saimaa, có diện tích 1.393km², được xếp vào hàng lớn thứ tư ở châu Âu và hàng thứ bốn mươi ba trên thế giới. Theo Wall Street Journal (Mỹ), Saimaa (được người Phần Lan gọi là “biển Đông”) là một trong những hồ kỳ vĩ nhất thế giới không phải vì bờ hồ dài 8.000km mà còn bởi những sáng tạo mang tính đột phá công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo cho vùng Bắc Karelia của Phần Lan. Còn hồ sâu nhất là Päijänne, sâu 95,3m. Nổi lên trên làn nước xanh ngắt của hồ là khoảng 100.000 đảo lớn nhỏ, khiến cho Phần Lan được coi là quốc gia có số lượng đảo trong đất liền lớn thứ hai trên thế giới sau Canada5. Cùng với sauna, hồ là yếu tố dường như không thể thiếu được về mặt “phong thủy” trong việc xây dựng hay lựa chọn nhà nghỉ mùa hè (kesämökki - tiếng Phần Lan), một ước muốn tiêu biểu và phổ biến nhất của người Phần Lan. Bên cạnh một số lượng lớn đảo trong đất liền, bờ biển phía nam cũng tạo nên một trong những quần đảo lớn nhất trên thế giới với khoảng 95.000 hòn đảo, trong đó quần đảo Åland rộng tới 685km². Sản lượng rừng trồng thêm và khai thác qua các năm gần đây Nguồn: Finnish Forest Association. Cùng với hồ, rừng là một trong hai nét đặc trưng nổi bật nhất của thiên nhiên Phần Lan. Rừng chiếm một diện tích rất lớn và là nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhất của nước này. Hơn 202.000 km², tức 75% diện tích mặt đất cả nước được che phủ bởi rừng (trung bình mỗi người dân có 4,2 ha), vì thế Phần Lan được coi là nước có diện tích rừng lớn nhất ở châu Âu. Còn nếu tính cả diện tích rừng cùng với đầm lầy và đất ẩm thì Phần Lan là nước đứng đầu trên thế giới. Hơn 53% diện tích rừng trong cả nước là của tư nhân, chỉ có 35% thuộc sở hữu của nhà nước, 7% của các công ty và 5% của các thành phần khác. Điểm đáng chú ý là mặc dù mùa sinh trưởng của cây cối chỉ có chừng 100-180 ngày mỗi năm tùy theo vùng, nhưng diện tích rừng (hay sản lượng gỗ) của Phần Lan không ngừng tăng thêm, mỗi năm một nhiều hơn. Do nằm ở rìa phía tây của vùng rừng Taiga giữa châu Âu và châu Á, nên rừng Phần Lan có ít chủng loại thực vật, chủ yếu là các cây thuộc họ tùng bách, chứ không đa dạng và phong phú như rừng nhiệt đới ở phương Nam. Rất nhiều rừng thấp và ẩm ướt, được coi như đầm lầy, chiếm khoảng ⅓ diện tích cả nước. Các loại lâm sản phổ biến và có giá trị kinh tế nhất là: vân sam - mänty (chiếm 50%), thông - kuusi (30%), bạch dương (koivu), tống quán sủi (leppä) và dương lá rung (haapa). Rừng giữ một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Phần Lan. Năm 1980 rừng thu hút 5,2% lực lượng lao động, năm 1990 thu hút 3,7% và năm 2011, rừng thu hút 2,8% lực lượng lao động cả nước. Từ những năm 1995 trở về trước nguồn xuất khẩu lớn nhất của Phần Lan là các sản phẩm xuất phát từ rừng như gỗ, giấy. Đáng chú ý từ những năm đầu thế kỷ XX đến những năm 1960 các mặt hàng này chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu của Phần Lan mỗi năm. Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, giá trị xuất khẩu của rừng giảm đi, nhường chỗ cho các ngành công nghệ, viễn thông. Năm 2013 rừng chỉ còn chiếm 20,3% và năm 2015, rừng chiếm 20,0% sản lượng xuất khẩu của Phần Lan và đóng góp cho nền kinh tế 4,2% GDP, thuộc diện cao nhất ở châu Âu. Bên cạnh gỗ, rừng Phần Lan còn có rất nhiều loại quả và nấm sinh trưởng tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cao với sản lượng có năm lên đến 50 triệu kg. Các loại quả phổ biến và được ưa chuộng nhất là: việt quất đen (mustikka - blueberry), việt quất đỏ (puolukka- lingonberry) và mâm xôi vàng (lakka - cloudberry). Hàng năm cứ đến mùa hè các công ty Phần Lan còn phải thuê thêm hàng ngàn nhân công từ nước ngoài đến để hái quả. Cách đây 60 năm, sau một tuần cùng với đoàn đại biểu Việt Nam đến Helsinki dự Hội nghị Hòa bình Thế giới (22- 29.6.1955), nhà văn Nguyễn Tuân đã viết rất dí dỏm về thiên nhiên và con người đất nước này: “Xứ Phần Lan rừng thông trùng trùng xanh ngắt, nước hồ biếc biếc, phụ nữ da trắng một màu tượng tuyết, gái trai quần áo len ngũ sắc, người nào người nấy ai cũng nai nịt sắp biểu diễn điền kinh. Mình thành ra lạc lõng vào một thế giới vật chất nó sạch sẽ quá, sạch đến cái mức tạo cho tôi một thứ nghi ngờ đây là một ấn tượng giả tạo” (Nguyễn Tuân, “Phở”, 1957). 2. Khí hậu Một hướng dẫn viên du lịch Phần Lan từng nói vui với khách nước ngoài đến Phần Lan rằng trẻ em Phần Lan vừa mới lọt lòng đã được gắn vào chân hai ván trượt tuyết. Điều đó nói lên rằng tuyết, và đi cùng với tuyết là lạnh, là một hiện tượng rất phổ biến và tiêu biểu cho khí hậu lạnh của Phần Lan. Trung bình mỗi năm hơn 100 ngày tuyết phủ ở phía nam và tây nam, còn vùng Lapland ở phía bắc tới hơn 200 ngày có tuyết. Tuyết phủ dày nhất vào khoảng giữa tháng Ba với độ dày trung bình từ 60-90cm ở phía bắc và phía đông, từ 20- 30cm ở phía nam và tây nam. Có lẽ trên thế giới không có nơi nào mà sự chênh lệch về nhiệt độ giữa lạnh nhất và nóng nhất có lúc lại lên tới 80°C như ở Phần Lan. Còn nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh nhau khoảng 20°C là chuyện thường gặp. Mặc dù theo các tài liệu địa lý và khí tượng, nhờ có biển Baltic ở phía nam và dòng hải lưu ấm từ vịnh Mexico chảy dọc biển Na Uy ở phía bắc cùng với một số lượng hồ rất lớn trong đất liền sưởi ấm nên khí hậu ở đây ấm hơn các nơi khác nằm trên cùng vĩ tuyến ở nửa bán cầu bắc từ 6°C đến 10°C, nhưng Phần Lan vẫn được biết đến là nước có khí hậu lạnh và thời tiết thay đổi thất thường. Nhiệt độ trung bình vào tháng nóng nhất khoảng +15°C, và tháng lạnh nhất khoảng -9°C. Với một lãnh thổ khá lớn lại trải dài theo chiều từ bắc xuống nam, trong đó một phần tư nằm phía bắc Đường Bắc Cực nên khí hậu và thời tiết giữa các vùng, nhất là giữa hai miền tây nam và đông bắc khác nhau đáng kể, nhất là về mùa đông. Sự chênh lệch về nhiệt độ giữa hai khu vực này vào tháng lạnh nhất là khoảng 10- 12°C (từ -4°C đến -14°C) còn tháng nóng nhất là khoảng 3 - 5°C (từ +12°C đến +17°C). Chẳng hạn, ở Helsinki vào tháng lạnh nhất của mùa đông nhiệt độ trung bình ban ngày là -6°C và tháng nóng nhất của mùa hè là 17°C. Còn ở phía bắc Đường Bắc Cực, nhiệt độ thường xuống thấp hơn: -13°C về mùa đông và +12°C về mùa hè. Vào những ngày lạnh nhất của mùa đông, đôi khi ở vùng này và vùng phía đông nhiệt độ có thể xuống tới -40°C, thậm chí -51,5°C6 như năm 1999 (được coi là năm lạnh nhất được biết đến từ trước đến nay). Còn nhiệt độ thấp nhất từng đo được ở Helsinki là -34,5°C (1987). Điều này giải thích vì sao ở Phần Lan có nhiều sauna và người Phần Lan là dân tộc nghiền sauna nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiện tượng trái đất nóng lên thể hiện khá rõ ở Phần Lan. So với năm 2010, nhiệt độ các tháng trong năm ở các địa phương trên cả nước năm 2015 đều tăng lên 2-3°C và thời gian có tuyết rơi đã rút ngắn hơn trước. Không chỉ khác nhau về nhiệt độ mà thời gian bắt đầu và kết thúc cũng như độ dài của các mùa giữa hai vùng này cũng khác nhau, nhất là vào mùa hè và mùa đông. Ở phía bắc mùa đông thường bắt đầu từ giữa tháng 10 và kéo dài đến giữa tháng 5, còn ở phía nam mùa đông thường bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 và kết thúc vào đầu tháng 4. Trái lại, ở miền nam mùa hè thường bắt đầu từ cuối tháng 6 và kéo dài đến tháng 9, còn ở miền bắc nó lại bắt đầu muộn và kết thúc sớm hơn ở miền nam ít nhất khoảng 1 tháng. Ngày 21 hoặc 22.12 hàng năm thường là ngày ngắn nhất trong năm ở Phần Lan. Ở Helsinki, vào ngày này mãi đến 9 giờ 24 phút mặt trời mới mọc nhưng 15 giờ 13 phút đã lặn. Mặc dù thời tiết ở đây cũng có đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông khá rõ; song trên thực tế mùa đông lạnh và tối với ngày ngắn đêm dài chiếm nhiều thời gian hơn so với các mùa khác. Ở phía nam mùa đông thường kéo dài khoảng 100 ngày, còn trên miền bắc người dân thường phải trải qua mùa đông lạnh và tối không dưới 200 ngày (có khi tới 7 tháng). Vào mùa này ở vùng đất Lap, thời gian được gọi là đêm bắc cực (tức thời gian mặt trời không hiện ra trên bầu trời) kéo dài tới 52 ngày; còn ở miền nam thời gian ban ngày vào những ngày ngắn nhất trong năm (thường là các ngày 23, 24, 25, 26 tháng 12) cũng chỉ kéo dài khoảng 6 tiếng. Trong cuốn sách “From Finland with love”, một nhà làm phim người Đức sống ở Phần Lan 20 năm qua đã viết: Cứ mỗi khi mùa đông về người nước ngoài sống ở Phần Lan lại tự vấn mình vì sao lại chọn sống ở mảnh đất này. (Roman Schatz, 2005) Vào mùa đông, ở phía bắc thường có những luồng ánh sáng xanh trắng kèm theo lân tinh xuất hiện trên bầu trời. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng aurora hay Northern Light. Với mùa đông lạnh kéo dài, nhiều tuyết và băng nên dễ hiểu vì sao các môn thể thao gắn với băng, tuyết rất được ưa chuộng ở Phần Lan và thành tích của họ trong các môn này không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Những đợt tuyết đầu mùa thường rơi vào tháng 9 và nơi khác vào tháng 10. Vào mùa thu thường xuất hiện sương mù vào buổi sáng. Ai đã từng qua một số mùa thu và mùa đông ở Vương quốc Anh và Phần Lan hẳn sẽ thấy nhận xét của người Việt về thời tiết của nước Anh là “xứ sở sương mù” nên dành cho Phần Lan thì đúng hơn. Mặc dù có thời tiết lạnh và ảm đạm như vậy, nhưng theo một nghiên cứu dựa trên năm tiêu chí: giáo dục, sức khỏe, chất lượng sống, tính cạnh tranh của nền kinh tế và đời sống chính trị do tạp chí Newsweek thực hiện năm 2010, Phần Lan được xếp đứng đầu danh sách 100 quốc gia được khảo sát và được coi là quốc gia đáng sống nhất trên thế giới. Mùa đông cũng là thời kỳ đắt đỏ và tốn kém nhất trong năm ở Phần Lan. Mỗi năm một khoản chi phí rất lớn phải dành cho việc sưởi ấm trong nhà, dọn băng tuyết trên đường phố, phá băng trên biển vào mùa này. Để chống đóng băng, những năm trước đây, người ta phải rải muối xuống đường phố. Gần đây cát và đá dăm hoặc sỏi đã được dùng thay muối để chống trơn trượt. Năm 2005, chỉ riêng thành phố Helsinki đã phải chi tới 16 triệu euro (khoảng 40% kinh phí của cả năm) cho các hoạt động đó. Theo con số thống kê, trung bình mỗi mùa đông thành phố Helsinki phải chi trả trung bình từ 200.000 - 300.000 euro cho những người bị ngã do trơn trượt vì băng, tuyết trên đường phố. Đáng chú ý là số người bị chết vì lý do này mỗi năm lên tới 800 người trong cả nước, nhiều gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông. Riêng năm 2005 thống kê cho biết trong cả nước có tới 50.000 người phải vào bệnh viện vì trượt ngã trên đường phố vào mùa đông. Ngoài ra, thời tiết mùa đông cũng làm cho số người ốm, người nghỉ việc tăng lên gây cho các công ty cũng như các cơ quan bảo hiểm một khoản thiệt hại lớn trong năm. Nhưng, cái tối và lạnh của mùa đông ở đây được bù lại với ánh sáng “dư giả” và sự mát mẻ, ấm áp của mùa hè. Đây là mùa đẹp và dễ chịu nhất trong năm ở Phần Lan. Mùa hè thường bắt đầu vào cuối tháng Năm ở phía nam và kéo dài tới giữa tháng Chín. Còn ở miền bắc mùa hè bắt đầu muộn hơn một tháng, song lại kết thúc sớm hơn một tháng. Vào mùa này, thời gian ban ngày dài hơn nhiều so với thời gian ban đêm. Với ngày dài nhất trong năm (21 tháng 6) ở miền nam mặt trời lơ lửng trên bầu trời tới 19 giờ. Khoảng thời gian còn lại dù không có mặt trời nhưng đêm cũng không tối hẳn mà chỉ lờ mờ đủ nhìn rõ mặt người. Còn trên miền cực bắc, nơi vào thời gian này được gọi là thời gian những đêm trắng, mặt trời không lặn trong khoảng 2 tháng liền, thậm chí có nơi kéo dài tới 75 ngày. Nhiệt độ trung bình của cả nước vào mùa hè là trên +10°C. Nhiệt độ +30°C trở lên ở Phần Lan thường rất ít gặp. Nhiệt độ cao nhất từng đo được vào mùa hè ở Phần Lan là ngày 29.7.2010 khi một số nơi hơn 35°C (cao nhất là 37,2°C ở Joensu, cách Helsinki 430km về phía đông bắc). Còn cao nhất ở Helsinki từ trước đến nay là +31, 6°C. Sống quen với khí hậu lạnh nên đối với người Phần Lan nhiệt độ +25°C đã được coi là nóng (helle) và khó chịu. Thời gian sáng kéo dài có một tác động rất lớn đối với người nước ngoài khi lần đầu tiên đến Phần Lan vào mùa hè. Về điều này, gia đình tôi đã có một ấn tượng khó quên. Đó là đầu tháng 7.2002 khi chúng tôi đến Phần Lan và được cơ quan thuê cho một căn hộ ở Espoo, thành phố lớn thứ hai của Phần Lan nằm sát Helsinki. Căn hộ gồm 4 phòng rộng hơn 90m² nhưng nội thất chỉ có bếp điện và tủ lạnh (thông thường đó là hai thứ duy nhất cần phải có trong nhà thuê ở Phần Lan). Rèm cửa sổ không có (mà cửa sổ nhà ở Phần Lan thường là cửa kính và khá rộng), nửa đêm mà trời vẫn sáng quá, chúng tôi không thể nào ngủ được. Không biết lấy gì để che ánh sáng bởi chúng tôi vừa mới đến. Sẵn có mấy tờ báo quảng cáo mới được người ta vứt vào nhà, tôi nghĩ ra cách lấy báo dán lên kính để che cửa sổ và làm tối phòng ngủ, nhờ thế cả nhà mới ngủ được. Trưa hôm sau, cả nhà đang hài lòng ngắm nhìn sáng kiến kiểu “linh động Việt Nam” (từ mà một người bạn Phần Lan thường nói với chúng tôi) của tôi thì chợt có tiếng chuông cửa reo. Một người đàn ông Phần Lan không quen biết đứng trước cửa phòng với hai mảnh vải trong tay. Ông đưa cho vợ tôi hai mảnh vải, nói là để cho chúng tôi làm rèm cửa sổ thay cho các tờ báo. Hỏi ra chúng tôi được biết ông ở căn hộ tầng trên cùng cầu thang với chúng tôi và nhìn những tờ báo dán trên cửa kính ông biết chúng tôi là người mới đến. Không chỉ khác biệt giữa các miền và các mùa; thời tiết trong cùng một ngày ở Phần Lan nhiều khi cũng thay đổi thất thường. Do điều kiện khí hậu như vậy nên việc dự báo và nhận biết thời tiết hết sức quan trọng. Nếu để ý quan sát nhà ở của người Phần Lan bạn sẽ nhận thấy hầu như căn hộ nào cũng có một chiếc nhiệt kế gắn phía ngoài cửa sổ hoặc ban công để đo nhiệt độ ngoài trời. Nhiệt kế được bán ở khắp nơi. Các phương tiện truyền thông cũng thông báo thời tiết nhiều lần trong ngày để người nghe được biết, nhất là đài phát thanh và truyền hình. Tin thời tiết là phần không thể thiếu được sau mỗi bản tin (thường 30 phút một lần) của các đài phát thanh. Cũng vì khí hậu lạnh nên lò sưởi là hệ thống không thể thiếu được trong nhà ở cũng như nơi làm việc ở Phần Lan. Đồng thời khác với nhiều nước ở châu Âu, việc sưởi ấm ở các khu chung cư của Phần Lan gần như hoạt động quanh năm và người dân không phải trả tiền. Hệ thống sưởi luôn luôn giữ nhiệt độ trong nhà ở +20°C. Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến người dân Phần Lan do một tờ báo tiến hành gần đây, khi trả lời câu hỏi những điều gì làm bạn hạnh phúc, 100% người được hỏi đều trả lời “trời nắng” là yếu tố thứ hai sau “làm chủ một ngôi nhà đẹp” khiến họ cảm thấy hạnh phúc. 3. Các loài động vật Cũng như thảm thực vật, thảm động vật của Phần Lan không phong phú, so với các nước phương nam, do khí hậu lạnh. Phần Lan chỉ có khoảng 45.000 loại động vật, thực vật và nấm, trong đó có 27.000 loại động vật, 4.500 loài cây cỏ và khoảng 7.500 loại nấm. Sâu bọ và côn trùng có số lượng phong phú nhất với khoảng 30.000 loại. Trong số các loài động vật có xương sống, chim là loài có chủng loại đa dạng hơn cả, với khoảng 468 loại, tuy nhiên chỉ có khoảng 256 loài sinh sống lâu dài ở Phần Lan, còn lại là chim di cư. Động vật có vú gồm khoảng 70 loại, phổ biến nhất là cáo, chồn, thỏ, tuần lộc, chó sói, mèo rừng, gấu. Trong số các loài đó, tuần lộc là loài tiêu biểu và phổ biến nhất ở phía bắc. Người ta thường nói rằng đến đất Lapp bạn sẽ gặp nhiều tuần lộc hơn người. Nguồn thủy sản cũng chiếm một số lượng không đáng kể mặc dù tới 1/10 diện tích Phần Lan được nước bao bọc. Trong hồ và biển của Phần Lan chỉ có khoảng 67 loài cá (chưa bằng một nửa của 162 loài cá có trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam), trong đó 49 loài cá “bản địa”7. Hai loài cá được biết đến nhiều nhất là cá hồi và một loại cá giống như cá trích nhưng nhỏ hơn (tiếng Phần Lan gọi là silakka). Ngoài ra còn một số loại cá khác như: kuha, ahven, lahna. Nhưng loài cá ngon và được người Phần Lan ưa thích nhất lại là cá muikku, một loại cá có hình dáng giống như silakka nhưng nhiều thịt hơn. Cá muikku tẩm bột rán trong bơ là đặc sản có tiếng của vùng Savo ở miền trung Phần Lan và cũng được bán hàng ngày vào mùa hè tại Kauppatori (Quảng trường Chợ) ở Helsinki. 4. Môi trường và việc bảo vệ Môi trường Môi trường thiên nhiên nói chung, nhất là rừng và hồ nói riêng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần của người Phần Lan. Người Phần Lan đã coi môi trường thiên nhiên của đất nước như một bản sắc riêng của dân tộc, như một người hoạt động vì môi trường Phần Lan đã nói đại ý: trái tim của người Phần Lan nằm ở hồ và rừng. Hồ và rừng là bản sắc, của cải và sự giàu có của Phần Lan. Có lẽ trên thế giới hiếm có nước nào nói nhiều đến thiên nhiên của đất nước mình như người Phần Lan. Quốc ca của Phần Lan dành những lời hoa mỹ để ca ngợi cảnh đẹp đất nước vào mùa hè, quốc kỳ với hình chữ thập màu xanh lại tượng trưng cho màu xanh của nước hồ mùa hè, còn nền trắng tượng trưng cho màu trắng tinh khôi của tuyết mùa đông. Cờ của các địa phương, cờ hay logo của các đảng chính trị đều lấy từ thiên nhiên, hoa lá có ở Phần Lan. Văn học nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế và mỹ thuật đều phản ảnh rất đậm nét thiên nhiên đặc trưng của Phần Lan. Sự gắn bó mật thiết giữa thiên nhiên với con người ở Phần Lan còn thể hiện rất đặc biệt ở chỗ người Phần Lan đã lấy tên gọi của các hiện tượng, sự vật của thiên nhiên làm tên gọi của người. Trong tên họ và tên riêng của người Phần Lan có rất nhiều tên lấy nguyên tên gọi các hiện tượng thiên nhiên như: Virtanen (dòng nước chảy), Vuori (núi), Järvi (hồ), Mäki (đồi), Koski (thác nước), Laine (sóng-từ cổ), Meri (biển), Lahti (vịnh)... hoặc có nguồn gốc từ tên gọi các hiện tượng thiên nhiên như: Saarinen (saari - đảo), Nieminen (niemi - bán đảo), Jokinen (joki - sông), Peltonen, Peltola (pelto - cánh đồng), Mäkelä (mäki - đồi)... Họ của kiến trúc sư nổi tiếng nhất Phần Lan, Alvar Aalto (1898 - 1976) có nghĩa là “sóng”. Theo trung tâm đăng ký tên người quốc gia Phần Lan (http://vrk.fi/etusivu), trong số 10 tên họ phổ biến nhất hiện nay có tới 7 họ lấy nguyên tên hoặc có nguồn gốc từ tên gọi của các hiện tượng thiên nhiên (được xếp theo mức độ phổ biến: 2. Virtanen, 3. Nieminen, 4. Mäkinen, 5. Mäkelä, 7. Laine, 8. Koskinen (Koski - thác nước) và 10. Järvinen). Việc dùng tên các hiện tượng, sự vật của thiên nhiên làm tên gọi của người cũng bắt gặp ở một số dân tộc khác, song thường chỉ dùng với tên riêng, chứ ít dùng làm tên họ và phổ biến nhiều như trường hợp Phần Lan8. Người Phần Lan đặc biệt thích sống gần gũi với thiên nhiên. Với hơn ¼ dân số vẫn sống ở nông thôn, Phần Lan hiện là quốc gia có số người dân sống ở nông thôn nhiều nhất trong các nước EU. Ngoài những người sống và làm việc ở các vùng quê, rất nhiều người làm việc ở thành phố, nhưng sống ở nông thôn. Rừng cây và hồ nước hay bờ biển là ba yếu tố quan trọng nhất đối với một nhà nghỉ mùa hè ở Phần Lan. Theo số liệu của cơ quan thống kê, năm 2014 cả nước có 500.422 nhà nghỉ mùa hè trong rừng, bên cạnh hồ và biển. Phần Lan tự hào với luật “everyman’s right” truyền thống, theo đó mọi người được tự do đi lại và hái quả trong rừng cũng như các khu vực thiên nhiên khác, bất kể đó là sở hữu của ai, miễn là không làm tổn hại đến môi trường và ảnh hưởng đến người khác. Vào những năm 1980 và 1990 người Phần Lan đã tiến hành một cuộc bầu chọn một số loại động vật và thực vật làm biểu trượng của dân tộc. Kết quả là gấu (karhu), thiên nga (jousen), cá vược (ahven), bạch dương (koivu), hoa chuông (kielo) và đá granit (graniitti) được chọn làm những biểu tượng thiên nhiên của Phần Lan với số phiếu bình chọn cao nhất của người dân. Với 75% diện tích đất đai được rừng che phủ và 10% diện tích mặt nước, trong khi mật độ dân số trung bình chỉ 18 người trên 1km² nên Phần Lan có một môi trường thiên nhiên hết sức nguyên sơ và trong sạch. Các thành phố, thị trấn Phần Lan nhìn chung đều nhỏ và các khu dân cư không quá tập trung. Các thành phố lớn đều có các phương tiện giao thông công cộng vì thế hiện tượng ách tắc giao thông là điều rất ít gặp. Nhờ có các nhà máy xử lý nước thải hiện diện ở khắp nơi nên 80% nguồn nước hồ, 73% nguồn nước biển và 43% nguồn nước sông của Phần Lan hiện nay được đánh giá có chất lượng tốt. Hầu hết hồ ở Phần Lan đều sạch đến mức nước của chúng có thể dẫn về các gia đình để sử dụng mà không cần xử lý đáng kể, nước một số hồ có thể uống được trực tiếp. Nguồn nước cạnh các cơ sở công nghiệp được chú ý làm sạch trong những năm gần đây. Tuyệt đại bộ phận người dân Phần Lan hiện nay đều được sử dụng nguồn nước sạch. Tuy nhiên, những hồ nhỏ và nông rất dễ bị ô nhiễm vì thế việc bảo vệ môi trường ở những nơi này đang được quan tâm và tăng cường. Với vị trí địa lý cách xa các trung tâm công nghiệp lớn của thế giới, nên Phần Lan ít bị ảnh hưởng bởi những thảm hoạ chất độc hoá học, trừ một số trường hợp tràn dầu trên Biển Baltic. Theo một nghiên cứu tiến hành năm 2013, các thành phố Phần Lan có nhiều cây xanh hơn các thành phố khác ở châu Âu. Bốn thành phố lớn nhất là Helsinki, Espoo, Turku và Tampere có thảm cây xanh chiếm từ 31- 48% diện tích của thành phố và các khu dân cư thường ở phía ngoại ô chứ không ở trung tâm. Riêng Oulu được coi là một thành phố công nghiệp, nhưng diện tích cây xanh chiếm tới hơn 60%. Đất canh tác ở Phần Lan chưa bị khai thác nhiều do quy mô nông trang ở đây nhìn chung nhỏ và hoạt động nông nghiệp ngày càng thu hẹp trong cơ cấu của nền kinh tế Phần Lan. Nhà nông Phần Lan rất hạn chế thuốc trừ sâu, đồng thời phân hữu cơ được sử dụng rất phổ biến, với tỉ lệ cao thứ hai trong các nước EU. Điều này lý giải vì sao, sản phẩm nông nghiệp với nhãn “kotimainen” (hàng nội địa) của Phần Lan rất được người dân ưa chuộng và bao giờ cũng đắt hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài. Đặc biệt, việc khai thác phải đi đôi với tái tạo rừng rất được coi trọng và kiểm soát chặt chẽ. Trung bình mỗi năm ngành công nghiệp Phần Lan sử dụng khoảng 60 - 70 triệu mét khối gỗ, song diện tích rừng gia tăng hàng năm luôn bảo đảm lớn hơn con số đó. Luật về rừng của Phần Lan quy định muốn khai thác được rừng, chủ sở hữu phải thay thế những gì họ đốn chặt dù đó là tư nhân hay nhà nước. Vấn đề bảo vệ môi trường có một lịch sử khá sớm ở Phần Lan. Từ năm 1886, tức 30 năm trước khi nước Cộng hoà Phần Lan ra đời, Luật về Rừng của Phần Lan đã được ban hành. Năm 1916 khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên được thành lập. Một số loài động vật quý hiếm như thiên nga, gấu, mèo rừng được bảo vệ từ năm 19239. Năm 1962 Phần Lan ban hành Luật về nguồn nước. Kể từ năm 1980 môi trường đã trở thành một vấn đề chính trị của quốc gia. Năm 1987, lần đầu tiên đảng Liên minh Xanh (Vihreä liitto - tổ chức của những người đấu tranh bảo vệ môi trường của Phần Lan) đã giành được 4 ghế trong Nghị viện Phần Lan. Trong hai cuộc bầu cử Nghị viện gần đây nhất (2011, 2015) số ghế của liên minh những người đấu tranh cho môi trường Phần Lan đã tăng lên 10 và 15. Hiện nay, Liên minh Xanh là đảng lớn thứ 5 trong Nghị Viện Phần Lan. Liên minh Xanh còn giành được 2 ghế trong Nghị viện EU năm 1999 và 1 ghế trong cuộc bầu cử gần đây nhất (2014). Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất (2.01.2017), lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh Xanh đã vươn lên dẫn đầu trong 8 đảng ở Phần Lan với 25,8% số người ủng hộ10. Hiện nay (năm 2016) Phần Lan có 10.864 khu thiên nhiên được bảo vệ với diện tích gần 2,1 triệu ha, trong đó có 17.000km² được bảo vệ nghiêm ngặt. Có 39 vườn quốc gia, 19 vườn thiên nhiên, 90 khu rừng có các loại cây lâu năm và 12 khu vực hoang sơ do nhà nước quản lý và 10.244 khu vực bảo vệ thuộc về tư nhân. Ngày 17.7.2006, Quần đảo Kvarken ở ven biển phía tây Phần Lan đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Đây là một trong bảy di sản của Phần Lan được xếp hạng trong danh sách di sản văn hoá của thế giới, nhưng là di sản thiên nhiên duy nhất của nước này. Các đảo nhỏ thuộc Quần đảo Kvarken đang nổi lên trên mặt biển mỗi năm khoảng 8,5mm, khiến cho bề mặt của nó tăng lên và cứ mỗi năm lãnh thổ của Phần Lan lại rộng thêm 1km². Bên cạnh Bộ môi trường với các trung tâm môi trường ở địa phương, chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường, Phần Lan còn có Viện Môi trường được thành lập năm 1995. Năm 1998, Phần Lan là một trong những nước đầu tiên đã đưa ra Chương trình quốc gia về phát triển bền vững, thu hút cả xã hội quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Mục đích của chương trình này là hạn chế sự thay đổi của khí hậu, sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng ít gây tác hại cho môi trường và bảo đảm sự đa dạng sinh học. Thật ra, các công ty Phần Lan đã buộc phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường kể từ những năm của nửa cuối thế kỷ XX bằng việc giảm lượng khí thải và nâng cao kỹ thuật xử lý phế liệu. Gần đây, các công ty bắt đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chu trình sản phẩm của họ kể từ việc tiết kiệm năng lượng cho đến giảm mức tiêu thụ nguyên liệu thô. Hiện nay khoảng 300 công ty của Phần Lan chuyên về các hoạt động cũng như kỹ thuật môi trường với doanh số xuất khẩu từ 1,7 đến 5,0 tỉ euro mỗi năm. Kiến thức về thiên nhiên và môi trường hiện nay được dạy ở tất cả các cấp học trong nhà trường. Việc thu giữ, xử lý rác và đồ phế thải ở Phần Lan được thực hiện hết sức vệ sinh. Nếu có dịp đến các thành phố lớn của nước này, bạn sẽ nhìn thấy quanh mỗi khu nhà ở hay nơi làm việc đều có một ngôi nhà nhỏ che chắn kín đáo, phần lớn có cửa khóa dùng để làm nơi chứa rác tạm thời. Trong ngôi nhà đó có nhiều thùng chứa rác có nắp đậy, được đánh dấu hoặc sơn màu dành riêng cho các loại rác khác nhau: loại dành cho thức ăn và những thứ có thể làm phân vi sinh, loại dành cho giấy, báo và loại hỗn tạp với các thứ như gỗ, sắt... Các gia đình phải phân loại rác và bỏ vào những túi khác nhau trước khi bỏ vào các thùng quy định trong nhà chứa rác tạm thời để hàng tuần có 3 loại xe chở rác khác nhau của công ty vệ sinh đến chở đi. Thùng rác có mặt khắp nơi trên các đường phố, trên các phương tiện giao thông công cộng, cũng như ở các khu vực công cộng. Thậm chí ở những khu vực, đoạn đường thường có chó đi người ta còn đặt cả những thùng dành chứa phân của chó. Tôi đã không ít lần chứng kiến những người một tay dắt chó, trong khi tay kia vẫn còn cầm túi đựng phân chó. Trong các cửa hàng, siêu thị loại túi đựng phân này cũng được bày bán. Phần Lan là một trong những quốc gia hoạt động rất tích cực trong vấn đề hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và đã ký kết tất cả các hiệp định quốc tế quan trọng. Trong hơn một thập kỷ qua, Bộ Môi trường và Bộ Ngoại giao Phần Lan đã cung cấp kỹ thuật và tài chính cho hơn 1.300 dự án về môi trường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước có nhiều dự án trên lĩnh vực này. Trong phạm vi hợp tác khu vực, dự án quan trọng nhất đang được tiến hành hiện nay của Phần Lan là nâng cao việc xử lý nước thải ở Saint Petersburg (Nga) nhằm giảm ô nhiễm cho Vịnh Phần Lan. Việc bảo vệ Biển Baltic nói chung là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong các dự án hợp tác khu vực về môi trường của Phần Lan dựa trên cơ sở Công ước Helsinki năm 1974 về bảo vệ môi trường Biển Baltic - công ước hợp tác khu vực đầu tiên trên thế giới thuộc loại này được ký kết. Năm 2002, Chương trình Bảo vệ Biển Baltic của Chính phủ Phần Lan đã được Quỹ Bảo vệ Thiên Nhiên Quốc tế (WWF) phong tặng là “Gift to the Earth” (Món quà dành cho trái đất). Tháng 12 năm 2016, Phần Lan đã quyết định từ năm 2017, Phần Lan sẽ lấy ngày 26.8 hàng năm làm ngày thiên nhiên Phần Lan. Vào ngày này cả nước sẽ treo cờ như những ngày lễ chính thức khác. Với sự kiện này, Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới có ngày môi trường của nước mình. Riêng năm 2017- năm kỉ niệm 100 năm độc lập, Phần Lan có 4 ngày môi trường trong năm11. Chất lượng nguồn nước của Phần Lan được đánh giá ở mức tốt nhất trong số 122 quốc gia được khảo sát trong Chương trình đánh giá nguồn nước của Liên Hiệp Quốc năm 2003. Trong các cuộc khảo sát về vấn đề bảo vệ môi trường ở 142-180 quốc gia (tùy theo năm), do các trường Đại học Yale, Columbia và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tiến hành, Phần Lan là nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng năm 2005, thứ tư năm 2006 và thứ năm năm 2008. Còn theo báo cáo gần đây nhất về Environmental Performance Index (tạm dịch: Chỉ số bảo vệ môi trường) năm 2016, Phần Lan được xếp thứ nhất trong số 180 quốc gia được khảo sát trên thế giới12. Điều đáng quan tâm hiện nay là lượng khí thải hàng năm của Phần Lan vẫn còn vượt mức cho phép, theo quy định của Công ước Kyoto 15 triệu tấn. Để thực hiện công ước này, Chính phủ Phần Lan đang quyết tâm giảm bớt lượng khí thải của nước này xuống còn như mức của năm 1990. Song vấn đề này không phải dễ thực hiện. Sở dĩ như vậy là vì việc tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng lên, trong khi nguồn thuỷ điện hạn chế, Phần Lan phải sử dụng nhiều than và một số nhà máy điện nguyên tử. Năm 2013, điện nguyên tử chiếm 27% trong sản lượng điện năng. Hiện nay, Phần Lan có 2 nhà máy điện nguyên tử với 4 lò phản ứng đã đi vào hoạt động với 1 lò đang xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2018. Năm 2013 nhà máy thứ 3 đã được cấp phép. Tuy nhiên, vấn đề này đang gây tranh cãi trong xã hội và bị những người bảo vệ môi trường kịch liệt phản đối. Năm 2014, thất bại khi phản đối việc xây dựng thêm nhà máy điện nguyên tử ở Phần Lan, bộ trưởng bộ Môi trường, Ville Niinistö - chủ tịch đảng Liên Minh Xanh (Vihreä Liitto), đã từ chức bộ trưởng và Liên Minh Xanh rút ra khỏi liên minh cầm quyền của chính phủ Phần Lan lúc bấy giờ. Phần II Dân số, ngôn ngữ và tôn giáo 1. Dân số và sự khác biệt giữa các vùng Là quốc gia rộng thứ bảy ở châu Âu, nhưng dân số của Phần Lan chỉ có 5.546.502 người (2016), xếp thứ 23 ở châu Âu và thứ 115 trên thế giới (ít hơn dân số của thành phố Hồ Chí Minh, tương đương dân số của Singapore trong khi diện tích lớn hơn quốc gia này 100 lần)1. Với mật độ dân cư 18 người trên 1km², Phần Lan là nước có dân cư thưa thớt thứ ba ở châu Âu sau Na Uy và Iceland, thứ 202 trên thế giới2. Trong những năm gần đây dân số Phần Lan tăng lên rất chậm và chủ yếu là do số người nhập cư chứ không phải do tỉ lệ sinh. Có một nghịch lý là mặc dù có chế độ thai sản rất ưu việt, có trợ cấp cho trẻ em hàng tháng kể từ khi lọt lòng đến 17 tuổi, với thùng quà cho trẻ sơ sinh độc nhất vô nhị trên thế giới, song số trẻ em được sinh ra ở Phần Lan mỗi năm một ít hơn. Đại bộ phận người Phần Lan đều tự hào rằng: “Being born in Finland is like winning the lottery - Sinh ra ở Phần Lan giống như trúng xổ số”. Theo bảng xếp hạng trong “Báo cáo về các bà mẹ thế giới” (State of the World’s Mothers report) của Tổ chức “Save the Children”, trong 14 năm liền (từ 2000-2014) Phần Lan luôn đứng đầu danh sách 176 - 179 quốc gia, nơi bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tốt nhất. Vậy mà theo Trung tâm Thống kê Phần Lan (Tilastokeskus), tỉ lệ sinh trong năm năm gần đây đều giảm. Năm 2015 cả nước chỉ có 55.472 trẻ em chào đời, ít nhất trong vòng 150 năm qua3. Cũng theo số liệu Tilastokeskus công bố vào tháng 1 năm 2017, năm 2016 số trẻ em sinh ra ở Phần Lan là 52.645 cháu4, ít hơn khoảng một ngàn so với số người chết trong năm. Điều đáng chú ý nữa là số trẻ sơ sinh gốc Phần Lan (cả bố và mẹ đều là người gốc Phần Lan) càng ngày càng giảm. Hiện nay ⅕ trẻ em ở Helsinki có nguồn gốc nước ngoài. Số trẻ sơ sinh từ năm 2010-2016 ở Phần Lan Nguồn: Trung tâmThống kê Phần Lan (Tilastokeskus). So với trước đây tỉ lệ người ở độ tuổi thiếu niên giảm đi và tỉ lệ người cao tuổi tăng lên một cách đáng kể. Năm 1950, chỉ có 6,7% người dân ở độ tuổi từ 65 trở lên, nhưng 50 năm sau (năm 2000), con số đó đã lên tới 15% và năm 2015 là 20,5%. Theo dự báo của Trung tâm Thống kê Phần Lan, số người về hưu ở nước này sẽ cao hơn số người ở độ tuổi từ 18-40 vào trước năm 2029 và xu hướng đó sẽ tiếp tục kéo dài vài thập kỷ tiếp theo. Sự phát triển dân số của Phần Lan còn bị tác động bởi hai làn sóng di cư ra nước ngoài với số lượng lớn của người Phần Lan. Lần thứ nhất xảy ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với khoảng 350.000 người di cư sang Bắc Mỹ, chủ yếu là Mỹ và Canada để tìm kiếm việc làm. Lần thứ hai là vào cuối những năm 1960, với khoảng 200.000 người di cư sang Thụy Điển. Ước tính, trong thời gian từ 1945-1994 khoảng 700.000-800.000 người Phần Lan di cư sang Thụy Điển, trong đó khoảng 250.000 định cư lâu dài tại nước láng giềng này. Theo con số chính thức, hiện nay có khoảng 1,5 triệu người Phần Lan đang sống ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ, Canada và Thụy Điển. Trong khi đó số lượng người nhập cư vào Phần Lan ít hơn nhiều. Mặc dù trong khoảng một thập niên trở lại đây số người nước ngoài đến Phần Lan ngày một nhiều hơn, song theo số liệu của Trung tâm Thống kê Phần Lan, đến cuối năm 2015 con số người gốc nước ngoài ở Phần Lan là vẫn chỉ có 339.925 người, chiếm 6,2% dân số. Chính vì thế, Phần Lan vẫn được coi là quốc gia di cư hơn là nhập cư. Tỉ lệ người dân theo các độ tuổi ở Phần Lan từ năm 1950-2015 Nguồn: Statistics Finland year book 2016. Số người nhập cư ở các nước Bắc Âu năm 2013 Nguồn: Key figures on Europe, 2015 Edition So với một số quốc gia có nhiều người nhập cư ở châu Âu, nhìn chung người Phần Lan không có thái độ bài xích, chống đối người nước ngoài một cách cực đoan, song đại bộ phận vẫn không muốn có sự hiện diện của người nhập cư trên xứ sở của họ. Mặt khác, dù đang thiếu hụt lao động trong nhiều lĩnh vực, nhưng Phần Lan vẫn rất dè dặt trong việc mở cửa cho lao động nước ngoài cũng như đón nhận người tị nạn. Năm 2014 có 31.507 nước ngoài được phép nhập cư vào Phần Lan, nhưng vào năm 2015 chỉ có 28.746 người (Tilastokeskus). 10 nước có người sống ở Phần Lan nhiều nhất (tính đến 31.12.2015) Nguồn: Trung tâmThống kê Phần Lan (Tilastokeskus, 2016) Đặc điểm thứ hai trong cơ cấu dân số của Phần Lan là dân cư phân bố rất không đồng đều giữa các vùng. Trong số 313 kunta (địa phương), thủ đô Helsinki với diện tích 214,2 km², có dân số 629.512 người (2016), mật độ cao nhất: 2.932,6 người/ km², trong khi đó Rovaniemi có diện tích 7.581,8 km², dân số 61.838 người, mật độ 8,16 người/ km². Việc dân số chuyển từ vùng nông thôn ra thành phố ngày một tăng lên cùng với xu hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa khiến cho dân số ở các vùng nông thôn ngày càng giảm. Dân cư nhiều nơi ở những vùng này chủ yếu là người già. Vào những năm 1860, chỉ có khoảng 6,3% dân số sống ở thành phố, đến năm 1960, con số đó tăng lên đến 38,4%. Hiện nay, số người Phần Lan sống ở thành phố và thị xã là 79,6%. 2. Ngôn ngữ ở Phần Lan Ngôn ngữ là vấn đề rất quan trọng và nhạy cảm trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong việc xây dựng nhà nước dân chủ ngày nay của Phần Lan. Cuộc đấu tranh để bảo vệ và giành vị trí xứng đáng cho tiếng nói dân tộc của người Phần Lan về một số khía cạnh nào đó cũng giống như cuộc đấu tranh của người Việt Nam cho tiếng Việt trước đây. Từ chỗ sử dụng một ngôn ngữ chính thức không phải là ngôn ngữ bản địa, người Phần Lan đã đấu tranh giành lại địa vị cho tiếng nói của dân tộc mình và đưa đất nước trở thành một quốc gia đa ngôn ngữ. Kể từ khi trở thành nước cộng hòa độc lập từ năm 1917 đến nay, khác với các quốc gia khác ở Bắc Âu cũng như các láng giềng từng gắn kết trong lịch sử, Phần Lan sử dụng hai ngôn ngữ quốc gia chính thức là tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Mặc dù trên phạm vi quốc gia, hai ngôn ngữ Phần Lan và Thụy Điển đều là ngôn ngữ chính thức và được sử dụng như nhau, song ở phạm vi địa phương (kunta) cảnh huống ngôn ngữ có thể là song ngữ (cả tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển) hay đơn ngữ (chỉ tiếng Thụy Điển hoặc tiếng Phần Lan). Vậy dựa vào tiêu chí nào để xác định một địa phương song ngữ hay đơn ngữ? Theo quy định hiện thời, một kunta được coi là song ngữ khi có ít nhất 8% hay 3.000 người trong tổng dân số của kunta nói ngôn ngữ chính thức thứ hai (tiếng Thụy Điển hoặc tiếng Phần Lan) như tiếng mẹ đẻ. Trong trường hợp số người nói ngôn ngữ chính thức thứ hai như tiếng mẹ đẻ dưới 6% hoặc 3.000 người thì địa phương đó được quyền khẳng định là kunta đơn ngữ. Tiêu chuẩn về tỉ lệ và số lượng đều được coi là cơ sở để xác định một kunta song ngữ hay đơn ngữ. Chẳng hạn, vào năm 2015 thành phố Turku/Åbo và Vantaa/Vanda có tỉ lệ người nói tiếng Thụy Điển chỉ là 5,2% và 2,6% tổng số dân cư của địa phương nhưng vẫn được xác định là các địa phương song ngữ vì có số lượng nhiều hơn con số 3.000 theo qui định. Chính phủ có thể dựa vào đề xuất của các địa phương để quyết định trạng huống ngôn ngữ của địa phương trong tương lai. Việc xác định trạng huống ngôn ngữ của các địa phương được chính phủ thực hiện cứ mười năm một lần dựa trên cứ liệu thống kê dân số của địa phương. Theo Nghị định của Chính phủ về trạng huống ngôn ngữ cho các kunta mới đây nhất (được thông qua tháng 12 năm 2012), trong số 313 địa phương của cả nước có 32 địa phương song ngữ (trong đó 18 địa phương sử dụng tiếng Phần Lan là ngôn ngữ chính, 14 địa phương dùng tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ chính), 271 địa phương còn lại là đơn ngữ. Trong số các địa phương đơn ngữ này có 16 kunta (đều thuộc quần đảo Åland) là các địa phương đơn ngữ tiếng Thụy Điển, còn lại là địa phương đơn ngữ tiếng Phần Lan. Cảnh huống ngôn ngữ này được áp dụng từ ngày 1.1. 2013 cho đến năm 20225. Theo quy định, ở các kunta song ngữ, ngôn ngữ chiếm ưu thế hơn sẽ được viết trước. Những trường hợp mà địa danh giống nhau trong hai ngôn ngữ thì chỉ viết một lần. Điều này rất dễ nhận thấy ở Phần Lan qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ cần nhìn qua các biển báo giao thông, biển chỉ đường hay các tờ quảng cáo, người ta có thể biết được là địa phương song ngữ hay đơn ngữ, và nếu là song ngữ thì tiếng gì là ngôn ngữ chủ yếu, tiếng gì là ngôn ngữ thứ yếu. Luật ngôn ngữ của Phần Lan quy định cả tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển đều dược dùng làm ngôn ngữ để giảng dạy trong trường học ở nước này. Các trường dạy bằng tiếng Thụy Điển có ở hầu hết các cấp: mẫu giáo, tiểu học, trung học phổ thông, trung học dạy nghề và cả đại học ở tất cả các địa phương đơn ngữ Thụy Điển và song ngữ. Thậm chí ở một số địa phương đơn ngữ tiếng Phần Lan như thành phố Tampere hay Oulu cũng có trường học bằng tiếng Thụy Điển. Bên cạnh hai ngôn ngữ quốc gia, tiếng Saame được Hiến pháp Phần Lan xác định là một ngôn ngữ dân tộc thiểu số chính thức của quốc gia. Ngoài ra còn có tiếng Romani của người Digan (gypsies) và ngôn ngữ ký hiệu với khoảng 14.000 người dùng. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước tới nay có thêm nhiều người nói các ngôn ngữ khác đến định cư ở Phần Lan. Người nói các ngôn ngữ này cũng được duy trì tiếng nói và văn hóa của mình theo luật pháp Phần Lan, vì thế bức tranh ngôn ngữ ở Phần Lan hiện nay có sự góp mặt của 150 thứ tiếng khác nhau. Trong số đó, năm học 2014-2015 có 52 thứ tiếng được dạy và học trong các trường học tiểu học và trung học phổ thông của cả nước, trong đó có 507-610 học sinh Việt Nam. Tỉ lệ (%) người nói các ngôn ngữ chính ở Phần Lan từ năm 1990 - 2015 Nguồn: Stastical Yearbook of Finland 2016 10 tiếng nước ngoài có nhiều người nói nhất ở Phần Lan (2015) Nguồn: Statistics Finland year book 2016 Tiếng Phần Lan Hiện nay là ngôn ngữ mẹ đẻ của 88,7% dân số ở Phần Lan6 và khoảng 1,3 triệu người ở ngoài biên giới Phần Lan, chủ yếu ở Mỹ (khoảng 616.000), Thụy Điển (450.000), và Canada (91.000). Tiếng Phần Lan được xác định là một trong năm ngôn ngữ dân tộc thiểu số chính thức ở Thụy Điển cùng với các tiếng Romani, Yiddish, Saame và Meän. Khác với hiện tượng thường bắt gặp trên bản đồ ngôn ngữ thế giới, tiếng Phần Lan không có chung nguồn gốc với các ngôn ngữ láng giềng Thụy Điển, Na Uy cũng như Nga mà thuộc họ ngôn ngữ Finno-Ugric cùng với các thứ tiếng Estonia, Hungary, Saame và một số ngôn ngữ nhỏ khác ở vùng Siberi của nước Nga, với tổng cộng khoảng 20 triệu người nói. Đây là họ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt với họ ngôn ngữ Ấn-Âu mà các tiếng Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Nga, Ba Tư và cả tiếng Hindi thuộc vào. Sự khác biệt của tiếng Phần Lan với phần lớn các ngôn ngữ phổ biến ở châu Âu đã khiến cho người Phần Lan di cư sang Mỹ vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX bị nghi ngờ không phải người châu Âu và bị phân biệt đối xử. Nhiều người coi họ là người châu Á bị trục xuất và từ “Finlander” được dùng với nghĩa xem thường cùng với từ “Người Thụy Điển Trung Quốc” (China Swede) và “đầu tròn” (roundhead)7. Là một trong những ngôn ngữ điển hình của loại hình ngôn ngữ chắp dính, tiếng Phần Lan được coi là một ngôn ngữ khó học đối với người nước ngoài, nhất là với những người mà tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ không biến hình, kiểu như tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Anh... Tiếng Phần Lan có một hệ thống ngữ pháp phức tạp với 15 cách biến đổi khác nhau, trong đó nhiều cách được sử dụng đồng thời trong một câu nói. Chính vì thế, không ít người đã có nhận xét rằng nếu một người nào đó đã học được tiếng Phần Lan thì có thể học được bất cứ ngôn ngữ nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, phải công nhận rằng hệ thống ngữ pháp của tiếng Phần Lan có tính logic cao, trong đó sự biến đổi hình thái của các từ tuân theo những quy luật nhất định và ít có những trường hợp ngoại lệ. Đặc biệt, hình thức viết của tiếng Phần Lan phản ánh khá chân thực hình thức nói, chứ không “nói một đàng viết một nẻo” như nhiều ngôn ngữ Ấn-Âu. Phải chăng chính vì nguyên tắc một đối một đó cùng với sự lạ lùng, bướng bỉnh của hệ thống từ vựng “chẳng giống ai” mà nhà văn nổi tiếng người Anh, J.R.R. Tolkien, tác giả The Lord of the rings đã “phải lòng” với tiếng Phần Lan. Ông đã tự học tiếng Phần Lan và đọc nguyên bản sử thi Kalevala, sau đó còn dựa trên cơ sở tiếng Phần Lan để sáng tạo nên ngôn ngữ Haltia tưởng tượng trong tác phẩm Lords of the rings. Hiện nay, mặc dù chỉ là ngôn ngữ mẹ đẻ của hơn 6 triệu người (kể cả khoảng hơn 1 triệu người ở nước ngoài), nhưng theo CIMO (Center for International Mobility) tiếng Phần Lan đang được dạy như một ngoại ngữ ở hơn 100 trường học tại 30 nước trên thế giới. Trong suốt thời kỳ Phần Lan thuộc Thụy Điển, tiếng Phần Lan là ngôn ngữ thứ yếu, chỉ được sử dụng chủ yếu trong tầng lớp bình dân. Kể từ năm 1902, tiếng Phần Lan mới thực sự được sử dụng ngang hàng với tiếng Thụy Điển trên phạm vi cả nước. Năm 1906, tiếng Phần Lan trở thành ngôn ngữ quốc gia chính thức. Chữ viết Phần Lan do giám mục Mikael Agricola (1510? -1557) tạo ra, ngày nay được coi là một trong những hệ thống chữ viết ghi âm điển hình nhất cho loại hình chữ viết ghi âm các ngôn ngữ trên thế giới. Cũng như tiếng Việt từng chịu nhiều ảnh hưởng từ tiếng Hán, tiếng Phần Lan có nhiều yếu tố vay mượn từ tiếng Thụy Điển, nhất là về từ vựng. Một số từ thường dùng như: Espoo (Phần Lan) < Esbo (Thụy Điển), Helsinki < Helsingfor, hissi < hiss (thang máy), kaneli < kanel (quế), kassi < kasse (túi, túi xách), passi < pass (hộ chiếu), silli < sill (cá trích)… Vào thế kỷ XIX, với sự ra đời của sử thi Kalevala và trào lưu dân tộc, nhiều nhà ngôn ngữ Phần Lan đã thực hiện chủ trương “Phần Lan hóa” tiếng Phần Lan bằng cách thay đổi các từ, các hình thức ngữ pháp mượn trực tiếp từ tiếng Thụy Điển. Mặc dù vậy, một nghiên cứu cho thấy trong vốn từ tiếng Phần Lan hiện nay có khoảng 4.000 từ có nguồn gốc từ tiếng Thụy Điển, trong khi chỉ tìm thấy mấy chục từ gốc Phần Lan trong tiếng Thụy Điển8. Tiếng Thụy Điển Tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ thuộc nhánh phía đông của các ngôn ngữ Bắc Âu (Scandinavia) thuộc họ ngôn ngữ Ấn-Âu, hiện nay được nói như ngôn ngữ mẹ đẻ của 290.161 người có nguồn gốc Thụy Điển ở Phần Lan (khoảng 5,3% dân số cả nước)9. Theo các nhà ngôn ngữ, tiếng Thụy Điển của người Phần Lan gốc Thụy Điển hơi khác với tiếng Thụy Điển phổ thông hiện sử dụng ở Thụy Điển về cách phát âm và ngữ điệu Phần Lan cùng với một vốn từ ngữ hơi cổ, ít hoặc không còn dùng ở “chính quốc”. Trên thế giới hiện nay có lẽ hiếm có quốc gia nào áp dụng một chính sách ngôn ngữ “thoáng” như trường hợp Phần Lan khi công nhận một ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ chỉ của khoảng 5,3% dân số cả nước là ngôn ngữ quốc gia chính thức, ngang hàng với ngôn ngữ của hơn 88% người nói tiếng mẹ đẻ Phần Lan hiện nay. Tuy nhiên, điều này có lý do từ trong lịch sử. Trong vòng hơn sáu thế kỷ Phần Lan thuộc Thụy Điển, tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ chính thức trong lĩnh vực hành chính cũng như lập pháp trên toàn lãnh thổ Phần Lan. Hơn thế nữa tiếng Thụy Điển cũng là ngôn ngữ của nhà thờ, giới quý tộc và của tầng lớp trí thức. Trạng huống đó còn kéo dài hơn nửa thế kỷ sau khi Phần Lan trở thành Công quốc tự trị thuộc Nga, năm 1809. Từ những năm 1840, mặc dù bắt đầu được sử dụng trong lĩnh vực hành chính ở một số địa phương, nhưng phải đến năm 1863, tiếng Phần Lan mới chính thức được dùng bên cạnh tiếng Thụy Điển trong lĩnh vực hành chính cũng như trong tòa án theo Sắc lệnh về Ngôn ngữ của Nga hoàng Alexandre II, và đến năm 1902 trở thành ngôn ngữ chính thức ngang hàng với tiếng Thụy Điển trên phạm vi toàn quốc. Năm 1906, một đạo luật được Nghị viện của công quốc Phần Lan tự trị thông qua đưa tiếng Phần Lan thành ngôn ngữ chính thống của quốc gia. Năm 1917, tiếng Phần Lan trở thành ngôn ngữ chiếm ưu thế hơn tiếng Thụy Điển10. Sự vươn lên địa vị chính thống và có phần lấn át của tiếng Phần Lan cùng với việc nêu cao chủ nghĩa dân tộc Phần Lan vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu XX đã tạo nên sự xung đột về ngôn ngữ giữa tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển trong những năm 1920, 1930. Một sự kiện khác nữa có tác động đến chính sách ngôn ngữ của Phần Lan là vấn đề quần đảo Åland, nơi người dân có nguồn gốc Thụy Điển và chỉ nói tiếng Thụy Điển. Để giữ được chủ quyền lãnh thổ về quần đảo này, Phần Lan đã chấp thuận giải pháp trao cho quần đảo quyền tự trị theo luật pháp quốc tế và luật pháp của quốc gia, đồng thời được duy trì tiếng nói và văn hóa Thụy Điển trên quần đảo. Kết quả là, năm 1919, Hiến pháp đầu tiên của nước Phần Lan độc lập chính thức công nhận tiếng Thụy Điển cùng với tiếng Phần Lan là hai ngôn ngữ quốc gia. Chính sách này tiếp tục được khẳng định lại trong Hiến pháp năm 1995 và gần đây nhất là Hiến pháp sửa đổi năm 2000. Hiến pháp đảm bảo cho công dân nói tiếng Thụy Điển được quyền sử dụng tiếng nói của họ trong mọi lĩnh vực, ở phạm vi địa phương cũng như cấp quốc gia; đồng thời chính quyền các cấp có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu văn hóa và xã hội của họ bằng tiếng Thụy Điển như đối với người nói tiếng Phần Lan. Quân đội Phần Lan cũng có một đơn vị dùng tiếng Thụy Điển và những người nói tiếng Thụy Điển tham gia quân đội có thể phục vụ trong đơn vị này. Điều đáng lưu ý là ngoài vấn đề ngôn ngữ ra, có thể nói cộng đồng nói tiếng Thụy Điển ở Phần Lan không khác biệt nhiều so với người bản địa Phần Lan. Chính vì thế nhiều người cho rằng cách gọi thích hợp cho hai cộng đồng dân tộc này là người Phần Lan nói tiếng Thụy Điển và người Phần Lan nói tiếng Phần Lan. Một bộ phận người Phần Lan nói tiếng Thụy Điển đã đóng góp một phần rất quan trọng vào nền văn hóa Phần Lan, như nhà tư tưởng Johan Vilhelm Snellman (1806-1881); nhà thơ Johan Ludvig Runeberg (1804-1877); người có thơ được lấy làm lời cho quốc ca của Phần Lan; họa sĩ, nhà văn Tove Jansson (1914-2001) hay nguyên soái C.G. Mannerheim (1867-1951) là người gốc Thụy Điển không nói tiếng Phần Lan, song lại được người Phần Lan bầu chọn là “Người Phần Lan vĩ đại nhất”. Hàng năm Phần Lan có một ngày lễ được gọi là Ngày Thụy Điển, cả nước treo cờ như những ngày lễ lớn của quốc gia. Hiện nay Phần Lan có 10 tờ báo bằng tiếng Tiếng Thụy Điển và riêng ở thủ đô Helsinki có 1 nhà hát tiếng Thụy Điển. Theo một kết quả điều tra năm 1997, đại bộ phận người Phần Lan (75%) cho rằng cần duy trì chính sách song ngữ bình đẳng giữa tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Tuy nhiên, vẫn còn quan điểm cho rằng chính sách song ngữ là một gánh nặng của đất nước. Đồng thời cũng có xu hướng so sánh địa vị của tiếng Phần Lan ở Thụy Điển với địa vị của tiếng Thụy Điển ở Phần Lan. Việc học tiếng Thụy Điển như một môn học (ngôn ngữ quốc gia thứ hai) được thực hiện bắt buộc trong cả nước đối với học sinh mà tiếng mẹ đẻ là tiếng Phần Lan ở trường cơ sở và trung học phổ thông. Đồng thời tiếng Thụy Điển cũng là một môn thi bắt buộc trong kỳ thi hết bậc trung học. Tuy nhiên, năm 2005, theo qui định mới của Ban giáo dục Quốc gia Phần Lan (Opetushallitus), tiếng Thụy Điển không còn là một môn thi bắt buộc như tiếng Phần Lan mà chỉ là môn lựa chọn trong kỳ thi hết bậc trung học trên cả nước. Điều này đã gây nên một sự phản đối từ cộng đồng nói tiếng Thụy Điển ở Phần Lan cũng như quan ngại từ phía chính phủ Thụy Điển. Năm 2006, một đoàn cán bộ của Bộ Giáo dục Thuỵ Điển đã đi tìm hiểu tình hình dạy và học tiếng Thụy Điển trong một số trường học Phần Lan. Không chỉ trong quá khứ mà ngay cả hiện thời, ngôn ngữ vẫn là một vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị và xã hội ở Phần Lan. Trong cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan năm 2006, bên cạnh đòi hỏi chứng chỉ về tiếng Thụy Điển tại kỳ thi hết bậc trung học phổ thông cấp quốc gia (ylioppilaskirjoitus trong tiếng Phần Lan), các ứng cử viên tổng thống còn phải thể hiện khả năng sử dụng tiếng Thụy Điển và quan điểm của mình về tiếng Thụy Điển ở Phần Lan trong một chương trình truyền hình trực tiếp của Đài truyền hình quốc gia Phần Lan. Tuy nhiên, chính sách song ngữ của Phần Lan hiện nay cũng đang đứng trước những thách thức. Việc sử dụng tiếng Thụy Điển trong đời sống hàng ngày, cũng như ở công sở ngày một giảm. Tiếng Phần Lan đang có chiều hướng chiếm ưu thế trong mọi lĩnh vực. Nhu cầu học tiếng Thụy Điển như một ngôn ngữ quốc gia thứ hai trong trường học cũng đang giảm dần. Thực trạng đó khiến phía Thụy Điển lo ngại về tương lai của tiếng Thụy Điển ở Phần Lan. Tiếng Saame Saame là tên gọi của ngôn ngữ thuộc họ Finno-Ugric của người Saame hay Sami (tiếng Anh), một trong các dân tộc bản địa ở phía bắc châu Âu, giống như người Inuit ở Greenland. Người Saame sống rải rác trên lãnh thổ thuộc các nước Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và phía bắc Liên bang Nga với số lượng khoảng 30.000 người11. Trừ Liên bang Nga, hiến pháp các nước khác đều công nhận địa vị chính thức của dân tộc Saame và tiếng Saame được chính thức sử dụng ở một số địa phương. Riêng ở Phần Lan, hiện nay có 1.957 người nói tiếng Saame như tiếng mẹ đẻ sống chủ yếu ở phía bắc, dọc theo biên giới với các nước Na Uy, Thụy Điển và Nga12. Quan hệ cội nguồn giữa tiếng Phần Lan và tiếng Saame có lẽ cũng tương tự như quan hệ giữa tiếng Việt với tiếng Khmer trong họ ngôn ngữ Nam Á. Theo các nhà nghiên cứu vào đầu Công nguyên người Phần Lan và người Saame mới bắt đầu tách ra về mặt ngôn ngữ và địa bàn cư trú. Tiếng Saame vẫn được coi là một ngôn ngữ với các phương ngữ khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế người Saame nói sáu phương ngữ/ngôn ngữ xa nhau đến mức người nói các tiếng này nhiều khi không hiểu được nhau, tương tự như giữa các tiếng Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, và một số ngôn ngữ khác. Song, người Saame ở Phần Lan chỉ nói 3 phương ngữ trong số đó. Ở Phần Lan có ba nhóm Saame chính: Saame Bắc, Koltta (Skolt) và Inari Saame; trong đó Saame Bắc là thứ tiếng có nhiều người nói nhất, với 70% dân số. Người Saame có chữ viết riêng và một truyền thống văn hoá dân tộc rất phong phú. Từ năm 1992, luật ngôn ngữ Phần Lan xác định người Saame có quyền sử dụng tiếng và chữ Saame trong giao tiếp với chính quyền địa phương, cũng như được nhận những trả lời bằng tiếng Saame và chữ Saame từ chính quyền địa phương. Mặc dù chỉ chiếm một số lượng không đáng kể, nhưng người Saame ở Phần Lan có một Hội đồng đại diện của dân tộc mình trước Chính phủ gọi là Saamelaikäräjät (Nghị viện Saame). Hội đồng này gồm 21 thành viên do người Saame bầu ra với nhiệm kỳ bốn năm. Dân tộc Saame ở Phần Lan còn có cờ cùng với bài hát như kiểu quốc ca riêng. Từ năm 2004 bắt đầu có một ngày dân tộc Saame vào ngày 6 tháng 2 hàng năm. Vào ngày này không chỉ các vùng có người Saame mà trên khắp Phần Lan đều treo quốc kỳ như những ngày lễ lớn khác. Năm 2003, Nghị viện Phần Lan ban hành một đạo luật riêng về ngôn ngữ Saame. Đài phát thanh bằng tiếng Saame cũng có chương trình phát thanh bằng tiếng Saame hàng ngày. Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Phần Lan (YLE) cũng có kênh phát thanh bằng tiếng Saame phủ sóng không chỉ trong địa bàn cư trú của người Saame mà trong cả nước qua internet và truyền hình kỹ thuật số. Ngoài ra, người Saame Inari còn có báo bằng tiếng Saame xuất bản hàng tháng ở Phần Lan và Na Uy. Năm 2012 một trung tâm văn hóa và chính trị dành cho người Saame hoàn toàn làm bằng gỗ được khánh thành ở Inari. Tuy nhiên, cũng như tiếng Thụy Điển, số người nói tiếng Saame ở Phần Lan giảm dần trong vòng một thế kỷ qua. Nhiều người Saame chuyển từ tiếng mẹ đẻ sang dùng tiếng Phần Lan làm ngôn ngữ trong gia đình vào những năm 1940-1960. Đến năm 1980, khi tiếng Saame được đưa vào dạy trong trường tiểu học, số lượng người nói tiếng Saame bắt đầu tăng dần lên. Hiện nay, tiếng Saame được dạy trong một số trường đại học của Phần Lan, trong đó trường Đại học Oulu có bộ môn Ngôn ngữ và Văn hoá Saame. Hội văn học Phần Lan cũng có chính sách khuyến khích sáng tác và dịch thuật từ tiếng Saame sang các thứ tiếng khác và ngược lại. Vài đặc điểm của tiếng Phần Lan Âm thanh Tiếng Phần Lan có một hệ thống âm thanh tương đối đơn giản với 8 nguyên âm và 13 phụ âm. Cả nguyên âm và phụ âm đều có hai dạng ngắn và dài. Việc phân biệt âm ngắn với âm dài trong các từ là vấn đề hết sức quan trọng. Ví dụ: tuli (lửa), tulli (hải quan) và tuuli (gió); muta (bùn), mutta (nhưng), muuta (khác). Việc phân biệt dài/ngắn trong câu tiếng Phần Lan quả là một thách thức lớn với người nước ngoài khi nghe, nói thứ tiếng này. Chẳng hạn: câu “Anna palaa!” có thể hiểu tới 5 nghĩa khác nhau: 1. Được phép quay lại! 2. Để nó cháy! 3. Anna (tên người) đang quay lại! 4. Anna (tên người) đang cháy; và 5. Đưa cho tôi một miếng! (dẫn theo: Very Finnish Problem). Trong tiếng Phần Lan, trọng âm luôn luôn nằm ở âm tiết đầu tiên của từ. Khi muốn nhấn mạnh một từ nào đó trong câu người Phần Lan dùng ngữ điệu và chuyển từ đó lên đầu câu. Ngữ pháp Cũng giống như tiếng Việt, tiếng Phần Lan không có quán từ (article) cũng như không phân biệt giống đực và giống cái. Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít đều được gọi là hän. Sự biến đổi hình thái của các từ loại đều tuân theo những quy luật ngữ âm nhất định. Tuy nhiên, điều rắc rối là sự biến đổi quá đa dạng khiến người nước ngoài học tiếng Phần Lan rất khó nhớ. Mặt khác thân từ (stem) còn xuất hiện dưới 2 dạng “cứng” (vahva) và dạng “mềm” (heikko) với sự biến đổi của các phụ âm (p, t, k) ở 16 kiểu khác nhau. Nếu không nắm vững các dạng khác nhau này sẽ không tra tìm dạng gốc của các từ trong từ điển. Ví dụ: joki “sông”, joet “những con sông”; matto “thảm”, matolla “trên thảm”; katu “phố”, kadulla “trên phố” Ý nghĩa ngữ pháp trong tiếng Phần Lan được diễn đạt bằng cách thêm các hậu tố vào thân từ, với 15 cách khác nhau. Điều này khiến cho từ tiếng Phần Lan thường dài hơn so với các ngôn ngữ khác, song lại làm cho câu và văn bản bằng tiếng Phần Lan tiết kiệm hơn. Chẳng hạn: auto “ô tô”, autossa “trong ô tô”, autosta “từ trong ô tô ra”, autoihin “đến ô tô”. Giới từ trong tiếng Phần Lan gồm hai loại: hậu giới từ và tiền giới từ, trong đó loại thứ nhất thường được dùng phổ biến hơn. Ví dụ: Ajoimme kaupan ohi (chúng tôi đã lái qua cửa hiệu) và Ilman rahaa (thiếu/không có tiền). Tiếng Phần Lan không có hình thái riêng để diễn đạt thời tương lai và thời hiện tại tiếp diễn như thường thấy trong nhiều ngôn ngữ khác mà chỉ có các hình thái diễn đạt các thời: quá khứ (imperfekti), quá khứ hoàn thành (pluskvamperfekti) hiện tại (preesens) và hiện tại hoàn thành (perfekti) Từ vựng Mặc dù không phải là ngôn ngữ thuộc họ ngôn ngữ Ấn-Âu như các tiếng Anh, Đức, Thụy Điển… song trong vốn từ của tiếng Phần Lan có rất nhiều từ có nguồn gốc từ các ngôn ngữ này, nhất là tiếng Thuỵ Điển và tiếng Anh, do sự tiếp xúc trong lịch sử cũng như hiện nay. Tuy nhiên, khi vay mượn vào tiếng Phần Lan, các từ nước ngoài đều được “Phần Lan hóa” theo âm thanh của tiếng Phần Lan. Ví dụ: presidentti (tổng thống) có gốc từ “president”, professori (giáo sư) từ “professor”, lektori (giảng viên) từ “lecturer”. Đặc biệt các địa danh nước ngoài đều được “Phần Lan hóa” trong tiếng Phần Lan (Japani, Kiina, Thaima …) Tiếng Phần Lan có nguyên tắc cấu tạo từ bằng cách ghép từ gốc với một số yếu tố cấu tạo từ. Ví dụ: kirja “sách”, kirjasto “thư viện”, kirjoittaa “viết”, kirje “thư”, kirjain “chữ cái”, kirjallinen “thuộc về chữ viết”, kirjoittaja “người viết, nhà văn”. Việc cấu tạo từ tuân theo quy tắc hài âm một cách nghiêm ngặt: các nguyên âm trước (ä, y, ö) và các nguyên âm sau (a, u, o) không cùng xuất hiện trong một từ. Quy tắc ghép từ để tạo từ mới trong tiếng Phần Lan khá phổ biến. Chính vì thế tiếng Phần Lan có nhiều từ rất dài. Đây là một trong số đó: REAKTO RIGENERAATTORILAUHDUTTAJATURBIINIRATASVAIHDE (Tạm dịch: Hộp thiết bị nén tụ hơi của cơ sở năng lượng hạt nhân - Nuclear Power Plant’s steam condensation compressor’s gear box). Nhưng, trong tiếng Phần Lan cũng có những từ diễn đạt rất nhiều khái niệm được thể hiện bằng nhiều từ khác nhau trong các tiếng khác, chẳng hạn từ “maa” của tiếng Phần Lan mang nghĩa của các từ: land, soil, ground, world, country, countryside, area, earth, dirt, suit, terrain trong tiếng Anh. Chữ viết Chữ viết Phần Lan thường được viễn dẫn như là một trường hợp tiêu biểu nhất cho hệ thống chữ viết ghi âm vì giữa hệ thống âm thanh của ngôn ngữ và chữ viết có một mối tương ứng rất nhất quán: mỗi âm tương ứng với một chữ viết và ngược lại mỗi chữ viết chỉ dùng để biểu thị một âm thanh. Các âm ngắn được viết với 1 chữ cái, các âm dài được viết với 2 chữ cái. Đặc điểm này giúp cho trẻ em Phần Lan học chữ Phần Lan rất nhanh, đồng thời cũng giúp cho người lớn nước ngoài khi học tiếng Phần Lan từ chữ viết dễ phân biệt âm ngắn với âm dài hơn so với khi học một số ngôn ngữ khác, chẳng hạn như tiếng Việt. Khác với trong một số ngôn ngữ thuộc hệ Slav cũng như tiếng Việt, hai chữ cái -i- và -y- của tiếng Phần Lan biểu thị hai nguyên âm khác nhau: -i- là nguyên âm không tròn môi, còn - y- là nguyên âm tròn môi (đọc như là “uy” trong tiếng Việt). Vì vậy, khi viết tiếng Phần Lan, bạn cần thận trọng. Không ít người Phần Lan từng tỏ ra khó chịu khi thủ đô của họ là Helsinki bị một số người viết thành Helsinky13. 3. Tôn giáo ở Phần Lan Có thể nói Phần Lan là một trong những quốc gia vốn rất “thuần khiết” về tôn giáo ở châu Âu. Cho tới nửa đầu thế kỷ XX, đại đa số người Phần Lan là thành viên của Suomen evankelis luterilainen kirkko - Evangelical Lutheran Church of Finland (gọi tắt là Luther). Song theo thời gian, cùng với sự gia tăng số người nhập cư là sự xuất hiện của một số tôn giáo mới, như Islam, Phật, Do Thái, Hindu... Trong những năm gần đây số người theo đạo Luther giảm đi trong khi số người không theo đạo tăng lên đáng kể. Theo con số mới công bố tháng 9.2016, trong số hơn 5,5 triệu dân có hơn 1,3 triệu người không theo tôn giáo nào, tức gần ¼ dân số. Trong ¾ dân số còn lại chỉ có khoảng 10.000 người theo đạo Islam, một số rất ít theo đạo Do Thái; còn lại là người theo đạo Giêsu hay “đạo Chúa Giêsu”14, trong đó khoảng 73% người theo đạo Luther, 1,1% theo đạo Orthodox và khoảng 1,0% theo các tông phái khác của đạo Chúa Giêsu. Tôn giáo là một môn học lựa chọn trong trường cơ sở và trung học của Phần Lan. Bất cứ trường học nào của Phần Lan, nếu có 3 học sinh cùng theo một tôn giáo trở lên có nhu cầu được học giáo lý của tôn giáo đó thì trường học sẽ đáp ứng. Tôn giáo cùng với đạo đức là một trong các môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước này. Tỉ lệ (%) người theo các tôn giáo ở Phần Lan từ 1900 - 2015 Nguồn: Stastical Finland 3.2 Đạo Luther và Phong trào Cải cách Đạo Chúa Giêsu (Kristinusko trong tiếng Phần Lan) được truyền bá vào Phần Lan từ thế kỷ XII. Đầu thế kỷ XVI, phong trào Cải cách đạo Tin lành ở các nước Tây Âu lan truyền đến Thụy Điển và Phần Lan. Hấp dẫn bởi tư tưởng cải cách của Martin Luther, vua Thuỵ Điển lúc bấy giờ là Gustavus Vasa I (trị vì 1523-1560) thực hiện cuộc Cải cách tôn giáo trên toàn vương quốc và kết quả là vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, đạo Luther đã thay thế đạo Công giáo (Catholic Church) và trở thành “quốc đạo” của Thụy Điển và Phần Lan. Người có đóng góp lớn nhất trong phong trào Cải cách đạo Tin lành (Protestant) ở Phần Lan là Mikael Agricola, vị giám mục đạo Luther đầu tiên của Phần Lan. Ngoài việc đặt ra hệ thống chữ viết Phần Lan, ông còn dịch Kinh thánh Tân ước ra tiếng Phần Lan năm 1548. Kể từ đó các nghi lễ trong nhà thờ dần dần được tiến hành bằng tiếng Phần Lan. Các tu viện bị đóng cửa và các linh mục được phép lấy vợ. Sau khi Phần Lan trở thành công quốc tự trị thuộc Nga (1809), đạo Luther vẫn được giữ địa vị quốc giáo ở Phần Lan. Năm 1869, Luật về Tôn giáo đã nới lỏng sự ràng buộc giữa giáo hội và nhà nước, cho phép giáo hội được hoạt động độc lập hơn. Đáng chú ý là cho đến cuối thế kỷ XIX, người dân Phần Lan bắt buộc phải là tín đồ của một trong hai đạo: Luther hay Orthodox. Năm 1889, Đạo luật về việc không theo quốc giáo được ban hành với việc các đạo khác được công nhận, số thành viên của hai đạo chính thống mới giảm bớt. Năm 1923, quyền tự do về tôn giáo của người dân được nhà nước công nhận. Người dân có quyền quyết định gia nhập hay không đi theo bất cứ đạo nào. Sau khi Phần Lan thành quốc gia độc lập (1917), một số hoạt động do giáo hội phụ trách trước đây được chuyển giao cho nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động hội đoàn, giáo hội Luther và giáo hội Orthodox vẫn nắm giữ những phần việc thuộc về nhà nước hay chính quyền địa phương. So với giáo hội Luther ở các quốc gia Bắc Âu, giáo hội Luther Phần Lan có sự độc lập hơn đối với nhà nước. Linh mục nữ đầu tiên ở Phần Lan được công nhận năm 1988. Hiện nay đạo Luther ở Phần Lan có khoảng 4 triệu thành viên được chia làm 9 giáo phận với 9 giám mục và khoảng 548 xứ đạo. Cũng giống như chính quyền ở các kunta, hội đồng các xứ đạo có một vị trí tương đối độc lập so với giáo hội. Các thành viên đạo Luther đóng thuế đạo từ 1- 2% mức thu nhập hàng tháng. Khác với những người theo đạo ở nhiều quốc gia, người theo đạo ở Phần Lan hành đạo theo cách riêng rất Phần Lan. Phần lớn đều rất ít khi tham dự các buổi lễ cầu nguyện ở nhà thờ mà thường cầu nguyện theo cách riêng. 55% người theo đạo ở Phần Lan cầu nguyện mỗi tháng một lần, nhưng chỉ có 6% trong số đó đến cầu nguyện ở nhà thờ, còn 50% chỉ đến nhà thờ một lần trong năm. Nhà thờ của Phần Lan thường chỉ tập trung đông người vào dịp lễ Giáng sinh hoặc một số ngày lễ lớn khác của đạo. Tuy nhiên, đa số người Phần Lan vẫn tin vào Thượng đế và rất coi trọng việc làm lễ đặt tên, lễ cưới cũng như lễ tang ở nhà thờ. 3.2 Đạo Orthodox Orthodox là tôn giáo lớn thứ hai ở Phần Lan hiện nay với khoảng 62.000 thành viên (1,1% dân số), trong đó phần lớn thuộc về giáo hội Orthodox Phần Lan (Suomen ortodoksinen kirkko), một bộ phận nhỏ thuộc về tông phái Orthodox Nga và Rumani. Trung tâm hành chính của giáo hội Orthodox Phần Lan lại đặt ở Kuopio, cách Helsinki khoảng 700km. Khác với đạo Orthodox ở một số nước, từ năm 1920 đạo Orthodox ở Phần Lan sử dụng lịch Gregorian (dương lịch) của đạo Giêsu Chính thống. Đạo Orthodox được các nhà truyền giáo từ Novgorod (Nga) mang vào vùng Karelia và khu vực phía đông Phần Lan khoảng thế kỷ thứ XIII. Nhưng chỉ từ khi Phần Lan trở thành công quốc tự trị thuộc Nga, đạo Orhtodox mới được lan truyền ra các nơi khác của Phần Lan. Cũng như đạo Chúa Giêsu ở Việt Nam trong thời gian từ thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, thời gian đầu đạo Orthodox được coi là tôn giáo của kẻ thù ở Phần Lan. Mãi cho đến giữa thế kỷ XIX, khi nguồn văn hoá dân gian ở Karelia được phát hiện, nhất là việc ra đời của sử thi Kalevala, thái độ nghi ngờ đó mới dần dần được thay đổi. Năm 1892 giáo khu Orthodox đầu tiên với giám mục người Phần Lan được thành lập. Còn trước đó, đạo Orthodox ở Phần Lan và Karelia thuộc sự điều hành của địa phận St. Peterburg. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1923, đạo Orthodox Phần Lan mới chuyển sang trực thuộc giáo trưởng Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) - thủ phủ của giáo hội Orthodox phía đông, đồng thời có tổng giám mục riêng. Năm 1918, chính phủ Phần Lan công nhận sự độc lập của giáo hội Orthodox Phần Lan. Từ năm 1935, giáo hội Orthodox Phần Lan được quyền thu thuế như giáo hội Luther. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù chính phủ cũng như giáo hội đạo Luther có thái độ và những biện pháp nhằm khuyến khích sự phát triển của đạo Orthodox ở Phần Lan (như cấp kinh phí xây dựng nhà thờ, tu viện) nhưng đạo Orthodox vẫn bị suy yếu và có nguy cơ tàn lụi do số người gia nhập ngày một ít đi. Phải đến cuối những năm 1970, và vào những năm 1980 số người theo đạo Orthodox mới dần dần tăng lên. Đến cuối những năm 1990 với số người nhập cư từ các nước thuộc Liên bang Xô Viết trước đây ngày một nhiều, số tín đồ Orthodox ở Phần Lan cũng được nhân lên. Bên cạnh tiếng Hy Lạp, tiếng Anh cũng đã được công nhận là ngôn ngữ của nhà thờ Orthodox. Hơn thế nữa hoạt động được tiến hành bằng các ngôn ngữ Slav của giáo hội Orthodox Phần Lan cũng đã tăng lên. Ngoài một nhà thờ lớn nhất ở các nước Tây Âu xây dựng năm 1868 ở Helsinki - công trình kiến trúc thu hút khách du lịch ở Helsinki, đạo Orthodox Phần Lan còn có một bảo tàng xây dựng năm 1957 ở Kuopio, được coi là bảo tàng duy nhất của đạo Orthodox ở các nước Tây Âu. Cũng như các tôn giáo khác, giáo lý và đức tin của đạo Orthodox được dạy trong trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Phần Lan. Các nghi lễ truyền thống của đạo Orthodox đang có xu hướng hấp dẫn đối với nhiều người dân Phần Lan cũng như các phương tiện thông tin đại chúng và thậm chí còn có ảnh hưởng tới một số nghi lễ của đạo Luther trong những năm gần đây. Các buổi lễ của nhà thờ Orthodox ngày nay thường được phát trên sóng radio và truyền hình. Phần III Vài nét về lịch sử Phần Lan “Người nào không biết về lịch sử của mình, người đó không có tương lai” J.V. Snellman - Nhà tư tưởng Phần Lan (1806-1881) 1. Phần Lan thời tiền sử Vào thời kỳ băng hà, vùng đất ngày nay là lãnh thổ Phần Lan còn ngủ yên dưới những lớp băng dày. Khoảng 10.000 năm trước Công lịch, khi các tảng băng bắt đầu tan, một phần đất cao của Phần Lan ngày nay mới nổi dần lên từ dưới các tảng băng, nhưng phần lớn vùng đất phía tây và nam vẫn còn chìm dưới biển. Phải đến thời kỳ đồ đá giữa (8.300-5.100 năm trước Công lịch) những người đầu tiên mới bắt đầu đến đây sinh sống. Vào khoảng 3.000 năm trước Công lịch, văn hóa thời kỳ đồ đá mới dường như đã phổ biến ở vùng Karelia, thể hiện qua hoa văn trang trí trên đồ gốm tìm thấy nhiều nơi từ dãy núi Ural cho đến bờ vịnh Bothnia và cả ở đất Lapp. Khoảng 2.000 năm trước Công lịch một làn sóng di cư mới vào Phần Lan theo đường biển đến định cư ở các vùng ven biển phía tây nam và quần đảo Åland. Đến thời kỳ đồ đồng (1400-500 năm trước Công lịch) trên lãnh thổ Phần Lan đã hình thành sự khác biệt về văn hóa giữa phía đông và phía tây: vùng ven biển tây nam chịu ảnh hưởng từ phía tây, còn vùng phía đông, đặc biệt là vùng Karelia chịu ảnh hưởng từ phía đông. Vào thời kỳ đồ sắt (khoảng 500 năm trước Công lịch) Phần Lan chịu nhiều ảnh hưởng mới từ phía bờ nam của vịnh Phần Lan, nhưng văn hóa Germanic của làn sóng dân di cư tràn ngập lục địa châu Âu lúc bấy giờ không tác động đến Phần Lan. Trong khi đó sự tiếp xúc giữa những người Saame bản địa với nhóm người nói tiếng Finno-Ugric đến từ phía đông được tăng cường. Vấn đề nguồn gốc của người Phần Lan, cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Dựa vào ngôn ngữ, người ta cho rằng người Phần Lan có nguồn gốc châu Á, nhưng dựa vào gen di truyền, nhiều người cho rằng ba phần tư người Phần Lan có nguồn gốc từ phương tây, phần còn lại có nguồn gốc từ phương đông (Matti Klinge, 1981). Trong khi đó truyền thuyết lại kể rằng tổ tiên của người Phần Lan ngày nay là sự hòa trộn của ba bộ tộc: Karjalaiset, Hämäläiset và Suomalaiset. Người suomalaiset cư trú ở vùng Suomi1 (Turku và vùng phụ cận). Người hämäläiset tập trung ở quanh vùng Hämeenlinna, Lahti và Tampere hiện nay. Còn người karjalaiset cư trú ở lãnh thổ Karelia. Mãi tới đầu thế kỷ 14 tên gọi Suomi mới được dùng để chỉ phần lớn lãnh thổ Phần Lan. Thời kỳ trung đại toàn bộ lãnh thổ Phần Lan được gọi là Österlandet (“phía đông” trong tiếng Thụy Điển). 2. Dưới vương triều Thụy Điển Trong một thời gian dài, Phần Lan luôn là miền đất thu hút sự tranh giành giữa vương quốc Thụy Điển và Giáo hội Cơ đốc ở phía tây với Cộng hòa Novgorod (một quốc gia thịnh vượng phía tây bắc của Nga, phía nam biển Baltic từ thế kỷ XII-XV) và Giáo hội Orthodox ở phía đông. Mặc dù phần lãnh thổ phía tây nam Phần Lan dường như đã gắn với trung tâm Thụy Điển từ thời Viking, nhưng phải đến sau “Cuộc viễn chinh thứ nhất” (1155) Phần Lan mới thực sự trở thành một bộ phận của vương quốc Thụy Điển và “trong vòng sáu trăm năm người dân Phần Lan được hưởng mọi quyền và nghĩa vụ như công dân Thụy Điển” (Bell & Hietala, 2002)2. Năm 1323, Thụy Điển và chính quyền Novgorod đã ký một hiệp ước về biên giới Phần Lan, theo đó phần lớn lãnh thổ Phần Lan thuộc về Thụy Điển, còn phần phía đông của Karelia nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Novgorod. Như vậy là vào giữa thế kỷ XIV, Phần Lan chính thức trở thành địa phương của Thụy Điển và được coi là phần đất phía đông (Österland) của vương quốc. Năm 1362 Phần Lan được quyền có đại diện tham gia vào việc lựa chọn vua Thụy Điển và quyền cử các đại diện vào nghị viện của vương quốc. Trung tâm hành chính, thương mại và văn hóa của Phần Lan trong thời kỳ này là Turku với hơn ¾ dân cư là người Đức. Dân số của Phần Lan vào đầu thế kỷ XVI vào khoảng 350.000 người, trong đó 90% là nông dân và đến tận đầu thế kỷ XX nông nghiệp vẫn giữ một phần chủ đạo trong nền kinh tế. Năm 1523 Gustaf Vaasa trở thành vua Thụy Điển và đã tích cực ủng hộ công cuộc cải cách tôn giáo. Chính sách của ông đã được Giám mục xứ đạo Turku lúc bấy giờ là Mikael Agricola thực hiện ở Phần Lan. Năm 1593, đạo Luther chính thức trở thành tôn giáo chính thống ở Thụy Điển và Phần Lan với Công ước Uppsala. Thế kỷ XVI được đánh dấu bởi những cuộc xung đột với Moskva, vì thế Phần Lan trở thành một bộ phận được quan tâm đối với vương quốc (Thụy Điển). Các hoàng tử Vaasa được dạy tiếng Phần Lan. Các chủ điền trang Phần Lan được huy động để phục vụ trong các cuộc chiến tranh với Nga. Viipuri (một thành phố phía đông nam Phần Lan, sau chiến tranh Thế giới thứ hai bị cắt cho Nga) được xây dựng thành một giáo khu thứ hai ở Phần Lan sau Turku. Vào thế kỷ XVII Thụy Điển tăng cường bành trướng thế lực và trở thành một siêu cường trên thế giới. Các tỉnh Gotland và Scanian (thuộc Đan Mạch) và nhiều vùng rộng lớn hơn trong lục địa châu Âu bị xâm chiếm. Phần Lan tiếp tục là nguồn cung cấp quân lính và cả chỉ huy cho quân đội Thụy Điển trong các cuộc xâm chiếm các nước ở Trung Âu. Mặt khác, với học thuyết trọng thương đang thịnh hành lúc bấy giờ, chính quyền Stockholm xiết chặt hơn chính sách kiểm soát kinh tế Phần Lan. Nguồn xuất khẩu chủ yếu lúc bấy giờ là terva - nhựa cây chế xuất từ gỗ thông (được gọi là “vàng đen”) được khai thác không có giới hạn để xây dựng các hải đội phục vụ cho các cuộc chiến tranh. Năm 1640, trường Đại học đầu tiên của Phần Lan - Học viện Turku (Åbo Academy) được thành lập ở Turku giúp cho sinh viên Phần Lan không phải đi ra nước ngoài để học đại học như trước đó. Tuy nhiên, từ những năm đầu thế kỷ XVII tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ sử dụng trong lĩnh vực hành chính, tòa án và nhà thờ. Từ năm 1649 trở đi tiếng Thụy Điển, chứ không phải tiếng Phần Lan, cũng là ngôn ngữ dùng để giảng dạy trong nhà trường của Phần Lan giống như tiếng Pháp ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Cũng từ đó một phong trào nhằm truyền bá văn hóa Thụy Điển ở Phần Lan được phát động. Thế kỷ XVII kết thúc một cách đầy thương tâm trong lịch sử Phần Lan với nạn đói kéo dài 2 năm (1695-1697) khiến dân số Phần Lan bị chết đói rất nhiều. Cuộc chiến tranh được gọi là “Great Northern War” (Đại chiến phương Bắc) kéo dài hơn 20 năm giữa Thụy Điển với Nga bắt đầu từ năm 1700 đánh dấu sự suy yếu của siêu cường Thụy Điển và năm 1710 phần lớn lãnh thổ Phần Lan đã bị Nga thôn tính. Chỉ đến năm 1721, với hiệp ước hòa bình Uusikaupunki (Nystad - tiếng Thụy Điển), chiến tranh kết thúc, đất Phần Lan mới được trao lại cho Thụy Điển, trừ phần nam Karelia với Viipuri vẫn thuộc về Nga cùng với các tỉnh Baltic khác: Estonia, Lithuania và Ingria. Đây là thời kỳ hết sức khó khăn của Phần Lan. Sau nạn đói kinh hoàng, dân số tiếp tục giảm, nền kinh tế suy sụp, bộ máy hành chính rệu rã. Năm 1747 Thụy Điển bắt đầu xây dựng Sveaborg (pháo đài của Thụy Điển, sau đó được Phần Lan đổi thành Suomenlinna - pháo đài của Phần Lan), trên sáu hòn đảo nhỏ ở Helsinki. Từ giữa thế kỷ XVIII dân số Phần Lan bắt đầu tăng lên rất nhanh và đạt tới con số 907.000 người năm 1807. Nền kinh tế được phục hồi với việc hình thành một số xí nghiệp sản xuất thủy tinh, đường và bột giấy, nhất là các nhà máy cưa - nơi cung cấp một số lượng lớn nguồn xuất khẩu mới của Phần Lan: gỗ tấm và tàu cùng với sản phẩm cũ là nhựa thông, vào thị trường châu Âu. Các nhà chính trị Phần Lan cũng thường giữ vai trò lãnh đạo trong nghị viện thời kỳ này. Tiếng Phần Lan bắt đầu dần dần được coi trọng và sử dụng trong các lĩnh vực hành chính. Trong giới trí thức ở Phần Lan đã bắt đầu có thái độ đứng về phía Nga khiến cho vua Gustav III và Gustav IV Adolf ngờ vực. Tầng lớp trên có xu hướng chuẩn bị thỏa hiệp và sáp nhập vào Nga trong cuộc tấn công tháng 2 năm 1809. Tuy nhiên, tầng lớp nông dân lại chống đối, vì vậy giữa họ đã nảy sinh sự nghi ngờ và chia rẽ. Suomenlinna Suomenlinna (pháo đài của Phần Lan) trước đây có tên là Sveaborg (pháo đài của Thụy Điển) hay Viapori như từng dùng trong tiếng Phần Lan là hòn đảo pháo đài nằm ven biển phía nam Helsinki, do kiến trúc sư, bá tước, đồng thời là nguyên soái Thụy Điển, Augustin Ehrensvärd xây dựng năm 1748 dưới sự chỉ huy của Adolf Fredrik. Đây là công trình xây dựng lớn nhất ở Phần Lan trong thời kỳ Phần Lan thuộc Thụy Điển, được hơn 6.400 binh lính Phần Lan và nhiều dân tham gia xây dựng với trợ giúp về kinh phí của Pháp, đồng minh quân sự của Thụy Điển lúc bấy giờ. Đây là công trình có quy mô lớn nhất ở khu vực Bắc Âu vào thời đó. Pháo đài gồm nhiều công trình kiên cố với các tường lũy, công sự bao quanh nằm trên bảy đảo đá, trong đó một số được kết nối với nhau bằng những chiếc cầu. Tại đây còn có một cầu tàu trên cạn tạo điều kiện cho các tàu hải quân của pháo đài có thể vào ra. Đây là cầu tàu cạn cổ nhất còn hoạt động ở châu Âu hiện nay. Pháo đài Suomenlinna đã trở thành một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất của Thụy Điển lúc bấy giờ. Thời gian đầu, pháo đài đã phát triển nhanh hơn cả Helsinki. Vào năm 1805 có 4.600 người cư trú ở đây khiến cho cư dân ở đây đông thứ hai sau Turku, thủ đô Phần Lan lúc bấy giờ và đông hơn cả Helsinki (với chỉ 4.200 người). Suomenlinna trở thành cửa ngõ của Phần Lan và việc đi ra nước ngoài của các công chức đã ảnh hưởng tới đời sống văn hóa của pháo đài, nhất là về âm nhạc và sân khấu. Không ít người đã so sánh nó với Portmouth của Anh, nhưng trên thực tế nó còn có quy mô lớn hơn. Năm 1808, quân Nga chiếm Viapori một cách rất dễ dàng. Kể từ đó cho đến khi Phần Lan giành được độc lập, pháo đài này là căn cứ quân sự của Nga với khoảng 13.000 quân đồn trú, được coi là căn cứ quan trọng thứ hai trong khu vực của Nga, sau Kronstadt. Năm 1855 Suomenlinna bị liên quân Anh-Pháp tấn công trong cuộc chiến tranh Krym (nổ ra năm 1854), song lần này không bị thất thủ. Một năm sau khi Phần Lan trở thành quốc gia độc lập, tên gọi của pháo đài được đổi thành Suomenlinna. Nhà thờ Orthodox của Nga trên đảo được cải tạo lại như nhà thờ Lutheran. Suomenlinna được giữ như một khu quân sự của Phần Lan cho đến năm 1973 được chuyển thành khu vực dân sự. Kể từ đó, việc xây dựng, phục chế lại các công trình trên đảo bắt đầu được tiến hành. Ngày nay, Suomenlinna là nơi cư trú ổn định của 900 dân và là một trong những pháo đài có kiến trúc đẹp nhất ở châu Âu. Năm 1991, Suomenlinna được UNESCO công nhận là di sản của thế giới. Bên cạnh các thành lũy, các công sự, trên đảo này còn có một số bảo tàng về quân sự, Trung tâm Nghệ thuật Bắc Âu và một nhà hát ngoài trời mùa hè. Suomenlinna là một địa điểm hấp dẫn nhất đối với khách du lịch cũng như người dân trong nước ở Phần Lan. Vào mùa hè, mỗi ngày có hàng trăm chuyến phà chở du khách ra thăm đảo và nghỉ ngơi giải trí. 3. Công quốc tự trị thuộc Nga Mùa đông năm 1808 Nga tấn công Phần Lan để ép Thụy Điển phải đứng về phía họ phong tỏa nước Anh theo một hiệp ước được ký kết giữa Napoleon và Nga hoàng Alexander I. Năm 1809, Thụy Điển bị thất bại phải trao toàn bộ lãnh thổ Phần Lan cho Nga, chấm dứt bảy thế kỷ cai quản Phần Lan (1250- 1809), đưa nước này trở thành công quốc tự trị thuộc Nga. Mặc dù trên danh nghĩa là một công quốc nằm dưới sự giám sát của Nga hoàng, nhưng có thể coi đây là thời kỳ tốt đẹp của Phần Lan. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự tự chủ của Phần Lan được công nhận với việc có một nghị viện (Diet) riêng được lập nên vào năm 1863, mặc dù người đứng đầu là một toàn quyền người Nga và các thành viên của Nghị viện là người Phần Lan nhưng phải được Nga hoàng phê chuẩn. Nghị viện này được quyền quyết định nhiều vấn đề của quốc gia, trừ những vấn đề hệ trọng nhất phải thông qua ý kiến của Nga hoàng. Hệ thống pháp luật và thiết chế xã hội được giữ theo hình mẫu Thụy Điển (chứ không theo kiểu Nga). Đạo Luther (chứ không phải Orthodox) cũng được công nhận là tôn giáo chính thống ở Phần Lan. Phần Lan được quyền tự chủ về kinh tế với việc thuế thu được ở Phần Lan chỉ dành cho Phần Lan. Một số cải cách về chính trị được thực hiện, trong đó quan trọng nhất là việc bãi bỏ đẳng cấp. Đây là sự thay đổi đầu tiên từ khi Phần Lan trở thành công quốc tự trị thuộc Nga. Người Phần Lan không chỉ hướng về St. Peterburg với sự lãnh đạo chính trị mà họ còn tìm kiếm việc làm ở đấy. Quả thật, vào thế kỷ XIX, St. Peterburg là một thành phố quan trọng đối với người Phần Lan. Đây là nơi có nhiều người Phần Lan (chỉ sau người Đức) sống và làm việc hơn Helsinki vào thời gian đó. Ở đây có một số trường học và nhà thờ mà ngôn ngữ chính là tiếng Phần Lan và khá nhiều người Phần Lan có học vấn đã trở thành tướng lĩnh quân đội và người lãnh đạo hành chính ở thủ đô của đế chế Nga. Vào năm 1869 có tới 16.000 người Phần Lan sống ở St. Peterburg, đứng thứ hai trong số người thiểu số sau người Đức3. Công quốc tự trị còn có đồng tiền riêng, ngân hàng riêng của mình mà không bị lệ thuộc vào Nga như hồi còn thuộc Vương quốc Thụy Điển. Vị trí “đặc ân” của Phần Lan còn được thể hiện rõ hơn ở chỗ các sự vụ được Nga Hoàng giải quyết trực tiếp mà không cần thông qua bộ máy hành chính của Nga. Trong tương quan với các “công quốc” khác thuộc đế chế Nga lúc bấy giờ như Ba Lan và các nước Baltic, Phần Lan được coi như là trường hợp đặc biệt. Theo Paavo Lipponen, cựu thủ tướng (1995- 2003), cựu chủ tịch Nghị viện Phần Lan (2003-2007), việc trở thành một bộ phận của Thuỵ Điển và công quốc độc lập thuộc Nga năm 1809 là hai cơ may (onnenpotku) trong lịch sử của Phần Lan (Suomen Kuvalehti, 16.3.2007). Chính vì thế ngày nay mặc dù đại bộ phận người Phần Lan không có thiện cảm lắm với người bạn lớn láng giềng phương Đông, song nhiều người vẫn thầm biết ơn chính quyền Nga Hoàng đã đưa Phần Lan ra khỏi Thụy Điển và sau đó trao cho họ nền độc lập. Tuy nhiên, Nga cũng chú ý kéo Phần Lan ra khỏi ảnh hưởng của Thụy Điển. Với e ngại rằng Turku quá gần với Thụy Điển về mặt địa lý và xã hội nên năm 1812 Nga Hoàng đã cho chuyển thủ đô của Phần Lan từ Turku về Helsinki, và năm 1828 chuyển đại học quốc gia Phần Lan ở Turku về Helsinki. Năm 1812, trước khi quân Napoleon tấn công Nga, Alexander I còn đưa ra một quyết định hết sức hào phóng là trả lại cho Công quốc tự trị phần đất đã bị cắt cho Nga vào năm 1721 theo Hiệp ước Uusikaupunki và 1743 theo Hiệp ước Turku. Điều đáng chú ý nữa là chính Aleksander I đã giao cho Carl Ludvig Engel, một trong những kiến trúc sư ông yêu quý nhất thiết kế và xây dựng khu trung tâm thành phố mới cho Helsinki theo dáng dấp của kiến trúc St. Perteburg. C. L. Engel đã để lại một dấu ấn đậm nét mà không kiến trúc sư nào có được trước đó cũng như sau này đối với Helsinki. Ông đã thiết kế và xây dựng 30 công trình công cộng và làm cố vấn xây dựng cho hơn 600 công trình khác. Những công trình của C. L. Engel vẫn được giữ nguyên đến ngày nay và vẫn là khu vực nổi bật nhất của thủ đô Phần Lan. Mặc dù người nối ngôi Alexander I là Nikolai I ít nhiều phản cải cách, nhưng trong thời kỳ ông ta trị vì kinh tế và văn hóa của Phần Lan cũng phát triển đáng kể. Phong trào “Lãng mạn dân tộc” thu được nhiều thành quả rất có ý nghĩa. Hội văn học Phần Lan được thành lập năm 1831 đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất là việc xuất bản sử thi Kalevala năm 1835. Cùng lúc đó, phong trào chính trị nhằm nâng cao bản sắc dân tộc do nhà văn hoá, nhà tư tưởng J.V. Snellman dẫn đầu kêu gọi tầng lớp trí thức ủng hộ việc đưa tiếng Phần Lan thành ngôn ngữ của văn hóa, giáo dục và hành chính. Khác với Nikolai I, người kế vị ông năm 1855 là Alexander II phóng khoáng hơn. Trong vòng 6 năm, Nga Hoàng Alexandre II đã thông qua một đạo luật mới cho phép công quốc triệu tập các cuộc họp của Nghị viện và khá nhiều quyền tự do. Đặc biệt Alexander II đã mở đường cho tiếng Phần Lan được sử dụng một cách rộng rãi hơn bằng một sắc lệnh đưa tiếng Phần Lan lên địa vị bình đẳng với tiếng Thụy Điển trong lĩnh vực hành chính vào năm 1863. Sắc lệnh này có hiệu lực trong thời gian 20 năm, nhưng thực tế nó đã kéo dài tới khi được thay thế bằng một đạo luật mới về ngôn ngữ của nghị viện Phần Lan năm 1902. Đó là lý do vì sao cho tới tận ngày nay tượng của Alexandre II được đặt ở vị trí trang trọng trước nhà thờ trắng (Tuomiokirkko) với bốn biểu tượng: Luật pháp, Hòa bình, Ánh sáng và Lao động vây quanh trên quảng trường Nghị viện ở trung tâm Helsinki. Ngoài ra, đường phố sầm uất nhất và có hệ thống sưởi duy nhất dưới lòng đường về mùa đông ở Helsink cũng mang tên ông. Phần Lan trở thành bộ phận tân tiến của đế chế Nga lúc bấy giờ với trình độ giáo dục cao, thiết chế xã hội công dân phát triển. Năm 1866, đạo luật mới về giáo dục cơ sở được thông qua đem lại sự quan tâm hơn đối với giáo dục trong cả nước. Năm 1878 quân đội riêng của Phần Lan được xây dựng với hơn 5.000 người. Về kinh tế, động lực chính để thúc đẩy sự phát triển là việc ban hành đồng tiền riêng của Phần Lan, đồng markka năm 1860 và sau đó 2 năm xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở Phần Lan. Tuy nhiên, Phần Lan vẫn là một xã hội nông nghiệp và kinh tế công nghiệp chỉ chiếm 8% dân số vào năm 1880. Một nạn đói thảm khốc không kém so với trước đây đã xảy ra từ tháng 9.1867-6.1868 (Ollikainen, 2012). Trong thời kỳ thuộc Nga hoàng Nikolai II (1894-1917), quyền tự chủ của Phần Lan bắt đầu bị hạn chế. Các nhà dân tộc chủ nghĩa Nga lúc này bắt đầu một làn sóng Nga hóa đối với Công quốc tự trị. Tác động đầu tiên của làn sóng này là việc năm 1899 vai trò của Nghị viện Phần Lan giảm sút trong mối tương quan với cơ quan lập pháp của Đế chế Nga và việc tiếng Nga được dùng phổ biến hơn trong giáo dục cũng như trong lĩnh vực hành chính. Quân đội Phần Lan bị giải tán, việc giám sát gắt gao hơn. Tuy nhiên, với “Cuộc bãi công khổng lồ” ở Nga, sau đó lan truyền sang Phần Lan vào cuối năm 1905 và vì sự suy yếu của Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật, Nga hoàng buộc phải nhượng bộ, khôi phục lại các quyền tự quyết ban đầu cho Phần Lan. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử trên đất Phần Lan và đem lại nhiều kết quả rất có ý nghĩa, trong đó các tầng lớp khác nhau trong xã hội cùng tham gia bình đẳng trong các hoạt động cộng đồng. Sau cuộc bãi công đó, Nghị viện Phần Lan đã có một cuộc cải cách từ chỗ là Nghị viện bốn đẳng cấp trở thành một nghị viện thống nhất gồm 200 thành viên được lập nên bằng việc bầu phiếu phổ thông, bình đẳng của mọi công dân từ 24 tuổi trở lên. Đây là cải cách tiến bộ nhất trong hoạt động của Nghị viện ở châu Âu lúc bấy giờ. Lần đầu tiên trong lịch sử Phần Lan và châu Âu, phụ nữ được quyền đi bỏ phiếu như nam giới. Nhưng chính sách Nga hóa lại được phục hồi vào năm 1908 với việc Nghị viện mới của Phần Lan gần như bị mất hết quyền lực và hầu hết các thành viên của Nghị viện là người Nga. Trong thời gian là Công quốc tự trị thuộc Nga, dân số Phần Lan tăng đáng kể: từ khoảng 1 triệu vào năm 1812 lên 3 triệu người năm 1912. Thế kỷ XIX cũng là thời gian mà các học giả, các nhà khoa học Phần Lan được thế giới biết đến như những công dân của Phần Lan chứ không phải của Thụy Điển như trước đó. 4. Nước cộng hòa độc lập Năm 1917, với Cách mạng tháng Mười, Nga hoàng bị phế truất và những người Bolshevik lên nắm quyền. Chớp thời cơ đó, ngày 6.12 .1917 Nghị viện Phần Lan chính thức tuyên bố Phần Lan trở thành quốc gia độc lập. Và ngày cuối cùng của năm 1917, V. I. Lenin, người đứng đầu chính phủ Bolshevik Nga đã công nhận nền độc lập của Phần Lan. Có lẽ nhờ sự kiện này mà người Phần Lan biết ơn ông và đã xây dựng một bảo tàng Lenin ở thành phố Tampere4. Ngoài ra, những nơi Lenin đã từng sống ở Phần Lan đều được lưu giữ. Tuy nhiên, ngay khi nhà nước độc lập vừa mới ra đời một hố sâu ngăn cách giữa hai lực lượng chính trị ở Phần Lan cánh tả (thân Nga) và cánh hữu (thân Đức) đã xuất hiện, dẫn đến một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” nổ ra ngày 28 tháng 1 năm 1918 giữa “Quân Trắng” do Tướng C. G. E. Mannerheim chỉ huy (với sự hậu thuẫn của Đức) và “Quân Đỏ” (với hậu thuẫn của lực lượng Cận vệ Đỏ của Nga). Lúc đầu Quân Đỏ làm chủ Helsinki và lập nên chính phủ lâm thời. Nhưng tháng 5 năm 1918 cuộc xung đột kết thúc với thắng lợi thuộc về Quân Trắng. Cuộc “nội chiến” chỉ kéo dài 4 tháng, nhưng đã để lại trong lịch sử Phần Lan một trang đầy đau thương, mà theo kết quả nghiên cứu được công bố trên báo Helsingin Sanomat, 21.02.2006, số người chết lên tới 36.700 từ cả hai phía. Ngày nay, tùy theo nhãn quan chính trị mà cuộc chiến tranh này được nhắc đến với những tên gọi khác nhau (Nội chiến, chiến tranh giải phóng, chiến tranh giai cấp…). Sau cuộc chiến, cánh hữu muốn đưa Phần Lan trở thành một nhà nước quân chủ như các láng giềng Bắc Âu nên Nghị viện lúc bấy giờ đã chọn Frederich-Charles (hoàng tử xứ Hesse, Đức) làm vua của “vương quốc” vào ngày 9.10.1918. Nhưng sự thất bại của Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (tháng 11.1918) đã khiến cho chủ trương đó bất thành. Ngày """