"Pep Guardiola - Một Cách Thắng Khác - Guillem Balague full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Sử] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Pep Guardiola - Một Cách Thắng Khác - Guillem Balague full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Sử] Ebooks Nhóm Zalo NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI Số 4 - Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ĐT: (04) 38252916 - Fax: (04) 39289143 PEP GUARDIOLA - MỘT CÁCH THẮNG KHÁC. MỘT TRIẾT LÝ – MỘT CON ĐƯỜNG – MỘT HUYỀN THOẠI Guillem Balague Việt Cường dịch Chịu trách nhiệm xuất bản: Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập Vũ Văn Việt Biên tập: Phạm Thị Thu Trang Vẽ bìa: Jc Black Trình bày: Linh Vũ Sửa bản in: Trang Ly - Lê Nguyên Mã ISBN: 978-604-55-7377-8 In 3.000 cuốn, khổ 16 x 24cm tại Công ty Cổ phần in Công Đoàn Việt Nam. Địa chỉ: số 167 Tây Sơn. phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Số xác nhận ĐKXB: 3996- 2020/CXBIPH/6-251/HN. Quyết định xuất bản số: 1897/QĐ HN ngày 04/11/2020. In xong và nộp lưu chiểu năm 2020. LỜI TỰA T ôi từng để hụt Pep Guardiola khi anh ấy còn đang thi đấu, vào thời điểm anh ấy nhận ra rằng mình không có tương lai ở Barcelona nữa. Dù không có lý do nào rõ ràng để anh ấy rời đội bóng, chúng tôi vẫn nói chuyện với Guardiola và tôi đã nghĩ rằng mình đang có một cơ hội tốt để có được anh. Có thể là tôi đã chọn sai thời điểm. Nếu thành công, đó sẽ là một vụ chuyển nhượng thú vị. Guardiola chính là mẫu cầu thủ mà sau này Paul Scholes phát triển thành: Anh ấy là đội trưởng, thủ lĩnh và tiền vệ tổ chức lối chơi trong đội hình Dream Team của Barcelona do Johan Cruyff xây dựng. Sự điềm tĩnh, khả năng điều khiển trái bóng và kiểm soát nhịp độ trận đấu là những phẩm chất khiến anh trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất thế hệ mình. Đó cũng là những phẩm chất mà tôi đang tìm kiếm. Chính vì những lý do đó mà tôi đã mua Juan Sebastián Verón. Đôi lúc, ta nhìn lại một cầu thủ ở đẳng cấp hàng đầu và tự hỏi: “Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta tới chơi bóng cho United nhỉ?” Đó chính là trường hợp của Pep Guardiola. Tôi có thể hiểu được tình thế của Pep lúc đó. Khi bạn chơi cho một đội bóng như Barcelona, bạn luôn mong muốn mình có thể gắn bó ở đó cả đời. Bởi thế nên khi chúng tôi tiếp cận, anh ấy vẫn nghĩ rằng mình còn tương lai ở đội bóng, dù thực tế là anh ấy đã phải ra đi vào cuối mùa giải đó. Thật đáng tiếc! Trong bóng đá, chẳng có gì là mãi mãi cả: tuổi tác và thời gian sẽ bắt kịp bạn, và khi ngày đó tới, cả bạn lẫn đội bóng đều phải bước tiếp trên con đường của mình. Thời điểm đó, tôi đã nghĩ rằng chúng tôi đang mang tới cho Pep một giải pháp, một con đường mới cho sự nghiệp của anh ấy, nhưng cuối cùng thì chuyện chẳng thành. Chuyện của Pep làm tôi nhớ tới Gary Neville. Gary đã gắn bó với Manchester United từ khi cậu ấy 12 tuổi, bởi thế cậu ấy gần như đã trở thành một thành viên “trong gia đình” - một người con trai mà ta có thể nương nhờ và tin tưởng, đồng thời là một phần trong toàn bộ cấu trúc đội bóng. Nhưng tới một ngày, tất cả kết thúc. Trong trường hợp của Pep, thời khắc nhận ra mọi chuyện đang đi đến hồi kết hẳn là rất khó khăn. Tôi có thể hiểu được những nghi ngờ của anh ấy, lý do anh ấy trì hoãn cam kết với chúng tôi, nhưng cũng tới lúc chúng tôi phải nhìn sang nơi khác, và thế là cơ hội ấy tan biến. Ở Guardiola, tôi nhận thấy có một đức tính nổi bật - yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên thành công to lớn của anh ấy khi làm huấn luyện viên - đó là sự khiêm nhường. Anh ấy không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo, lúc nào cũng đầy tôn kính. Điều đó rất quan trọng. Bây giờ nhìn lại, ta có thể thấy rõ là trong suốt sự nghiệp cầu thủ, Guardiola chưa một lần tỏ ra huênh hoang, tự phụ. Anh ấy không phải là loại cầu thủ thường xuyên xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo. Anh chơi bóng theo cách của riêng mình; anh không quá nhanh, nhưng lúc nào cũng giữ được sự điềm tĩnh tuyệt vời. Khi trở thành huấn luyện viên, anh đã thể hiện là người rất nguyên tắc về cách mà anh muốn đội bóng của mình chơi, nhưng dù đội thắng hay thua thì anh ấy vẫn luôn là chính mình, một người nhã nhặn, không phô trương. Nói thật, tôi nghĩ việc có được một người như thế là rất tốt trong cái nghề mà chúng tôi đang làm. Tuy nhiên, có vẻ như sự nghiệp huấn luyện của anh ấy đã đi tới điểm mà ở đó anh vừa ý thức được tầm quan trọng của công việc mà mình đang làm ở Barcelona, đồng thời lại phải chịu đựng những yêu cầu khủng khiếp đi cùng với công việc đó. Tôi chắc chắn là anh ấy đã mất không ít thời gian để nghĩ về những câu hỏi như: “Chuyện này sẽ kéo dài tới bao giờ? Mình có thể tạo ra một đội bóng vô địch quốc gia nữa hay không? Mình có thể tạo ra một đội bóng vô địch Cúp Châu Âu nữa hay không? Mình có thể duy trì mức độ thành công như hiện tại hay không?” Nếu tôi có thể có mặt đúng lúc để đưa ra lời khuyên, tôi sẽ nói với Pep rằng đừng lo lắng gì về điều đó: không thể giành Champions League không có nghĩa là năng lực huấn luyện của anh ấy hay trình độ của đội bóng đáng bị nghi ngờ. Dẫu vậy, tôi hiểu rằng có rất nhiều áp lực: mỗi lần đội bóng của Guardiola ra sân, kỳ vọng luôn rất lớn, ai ai cũng muốn đánh bại họ. Thực ra tôi nghĩ rằng anh ấy đã rất may mắn, bởi điều duy nhất mà anh ấy phải bận tâm là làm thế nào để “khoan phá” những đối thủ đang tìm mọi cách để ngăn đội bóng của anh ấy giành chiến thắng. Cá nhân tôi cho rằng vấn đề ở đây chỉ là làm thế nào để tiếp tục tiến lên. Vậy thì tại sao lại ra đi? Có thể Guardiola gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cầu thủ, hoặc tìm ra những chiến thuật mới, bởi vì các đội bóng lúc ấy đã bắt đầu giải mã được phong cách chơi của Barca. Cũng có thể anh ấy gặp vấn đề trong việc thúc đẩy họ. Theo kinh nghiệm của tôi, một người “bình thường” luôn muốn làm mọi việc trong đời theo cách nhẹ nhàng nhất có thể. Ví dụ, có một số người tôi biết đã nghỉ hưu ở tuổi năm mươi - đừng hỏi tôi tại sao! Như thế có nghĩa là động lực của phần lớn chúng ta khác với của Scholes, Giggs, Xavi, Messi và Puyol, những người mà theo tôi đều là những cá nhân kiệt xuất và động lực chưa bao giờ là vấn đề với họ bởi họ luôn đặt lòng kiêu hãnh của mình lên trên hết. Tôi chắc chắn rằng đội bóng của Pep gồm toàn những kiểu tính cách có thể làm gương và là nguồn động lực cho những người khác, chứ không phải những kiểu người muốn nghỉ hưu quá sớm. Tôi biết Gerard Piqué sau thời gian cậu ấy ở United. Tôi biết kiểu tính cách của cậu ta là gì: ngoài sân, cậu ta có thể là một người xuề xòa, dễ dãi, nhưng trên sân, cậu ta là một nhà vô địch. Cậu ta là một nhà vô địch ở Barcelona. Những cầu thủ dưới quyền Pep cần ít sự thôi thúc hơn phần lớn những người còn lại. Có lẽ Pep đã đánh giá thấp khả năng truyền động lực của mình? Các bạn đã có thể thấy những gì mà anh ấy giành được với đội Barcelona, và các bạn sẽ cần sở hữu một tài năng đặc biệt để có thể duy trì được tính chiến đấu ở một trình độ cao như thế, để có thể thành công, trong một thời gian dài như thế. Nhưng tôi tin rằng anh ấy có đủ “vũ khí” để có thể chiến thắng một lần nữa. Rồi một lần nữa và một lần nữa. Những gì mà Guardiola đã giành được trong bốn năm dẫn dắt Barcelona vượt xa thành tích của tất cả các huấn luyện viên từng làm việc ở Camp Nou trước đó, mà không ít trong đó là những tên tuổi lớn, ví dụ, van Gaal, Rijkaard hay Cruyff. Guardiola đã nâng một số khía cạnh của trò chơi này lên tầm cao mới, điển hình là lối chơi pressing; và phong cách chơi bóng kỷ luật được thể hiện ở Barcelona đã trở thành một đặc trưng ở tất cả những đội bóng của anh ấy. Pep đã tạo ra một văn hóa trong đó các cầu thủ hiểu rằng, nếu họ không làm việc chăm chỉ, họ sẽ phải rời khỏi câu lạc bộ. Tin tôi đi, làm được điều đó chẳng dễ đâu. Dù bước đi tiếp theo của Pep sau thời gian nghỉ ngơi là gì, dù anh ấy có tới Premier League hay không, chắc chắn sẽ luôn có rất nhiều tin đồn xung quanh tương lai của anh ấy. Đã làm việc ở một đội bóng tuyệt vời như Barcelona, sẽ chẳng có nơi nào tốt hơn cho Guardiola dù anh ấy tới bất kỳ đâu. Chuyển sang một đội bóng mới sẽ chẳng giúp trút bỏ được chút áp lực nào khỏi Pep, cũng chẳng thể giảm được mức độ kỳ vọng xung quanh anh ấy. Thực tế là có đi tới bất kỳ đâu thì anh ấy cũng phải làm từng ấy việc: anh ấy sẽ là người quản lý; anh ấy sẽ phải quyết định cái gì là tốt nhất cho đội bóng của mình, trước hết là việc chọn lựa cầu thủ và chiến thuật. Đơn giản thế thôi. Theo cách hiểu ấy thì có tới chỗ nào cũng như nhau, bởi vì tất cả công việc huấn luyện viên đều đi kèm với áp lực. Tôi đã thành công với Manchester United trong nhiều năm, nhưng đừng nghĩ là đội bóng của tôi không có vấn đề - mỗi giờ, mỗi ngày tôi đều phải đối mặt và xử lý một hay vài vấn đề gì đó. Nó bắt nguồn từ thực tế chúng ta đang làm việc với những con người trong thế giới bóng đá. Có ti tỉ thứ phải lo lắng: người đại diện, gia đình, phong độ, chấn thương, tuổi tác, tính cách, cái tôi, v.v... Nếu Pep chuyển tới một đội bóng mới, anh ấy sẽ lại phải đối mặt với những vấn đề mà anh ấy đã phải đối mặt cho tới thời điểm này. Sự kỳ vọng cũng sẽ luôn bám gót anh ấy. Vậy thì, tại sao? Tại sao anh ấy lại quyết định ra đi? Khi nhận được câu hỏi này trước lúc Pep thông báo quyết định của mình, tôi đã trả lời rằng chỉ có thằng ngốc mới bỏ dở công việc giữa chừng. Nếu anh nhìn vào Madrid, đội đã giành năm Cúp C1 trong giai đoạn cuối những năm 50 và đầu những năm 60, anh sẽ thấy là chẳng có lý do gì để nghĩ rằng Pep không thể làm được điều tương tự với Barca. Đó sẽ là một động lực mang tính cá nhân, nếu tôi có một đội bóng như thế. Và nếu tôi là Pep, rời bỏ đội bóng ấy chính là quyết định khó khăn nhất trong đời. Sir Alex Ferguson Mùa xuân, 2012 Rome. 27 tháng 5 năm 2009. Chung kết UEFA Champions League L úc ấy là phút thứ tám của trận đấu. Barcelona vẫn chưa tìm được nhịp điệu. Tất cả các cầu thủ đều đứng đúng vị trí, nhưng không có ai sẵn sàng chiến đấu, tiến lên trước và gây áp lực với cầu thủ có bóng của đối phương. Họ đang chơi theo kiểu thu mình, thể hiện quá nhiều sự tôn trọng với Manchester United. Ronaldo vừa có một cú sút khiến Víctor Valdés phải cản phá. Một cú sút nữa. United đang tiến gần hơn. Thêm một cú sút đưa bóng đi sạt cột của Cristiano. Chỉ vài centimet thôi. Đó là sự khác biệt. Vài centimet so với khung thành. Vài centimet so với việc thay đổi cách thế giới đánh giá Pep Guardiola và cuộc cách mạng Camp Nou của anh. Giggs, Carrick, Anderson đang thoải mái triển khai bóng giữa các tuyến. Cần phải làm gì đó. Từ băng ghế chỉ đạo, Pep bật dậy và đưa ra những chỉ đạo nhanh, tiếng của anh át cả những âm thanh lộn xộn trên những khán đài chật cứng của sân Olympic ở Rome. Messi được chỉ đạo chiếm lấy vị trí giữa hai trung vệ của United, như một tiền đạo ảo, còn Eto’o dạt rộng ra, lấp vào vị trí của Messi ở cánh phải. Trên băng ghế, Ferguson tỏ ra bình thản. Ông hài lòng với thế trận cho tới lúc ấy, và có cảm giác mọi chuyện đều được kiểm soát. Nhưng rồi gió đổi chiều. Ban đầu không dễ nhận ra. Messi tìm thấy Iniesta, Iniesta tìm thấy Xavi, rồi Xavi lại tìm thấy Messi. Bỗng nhiên, Carrick và Anderson bị đặt vào thế phải phản ứng thật nhanh, quyết định xem phải kèm ai, phải cắt đường chuyền nào, chiếm lĩnh khoảng không nào. Giggs đang bị trói chặt với Busquets nên chẳng thể hỗ trợ được gì. Iniesta nhận bóng ở khu trung tâm. Evra vừa để “sổng” Eto’o, và Iniesta nhìn thấy một cơ hội vừa hiện ra bên cánh phải. Anh dẫn bóng lên phía trước và rồi, ở một thời điểm không thể chính xác hơn, tìm thấy Eto’o ở rìa vòng cấm với một đường chuyền sắc lẹm chính xác tới từng phân. Eto’o nhận bóng. Vidic´ lao về, cố gắng ngăn Eto’o bằng một pha nhoài người xoạc bóng nhưng Eto’o vẫn lách đi được, và trong nháy mắt, dựa hoàn toàn vào bản năng sát thủ của mình, tung ra một cú sút vào góc gần. Đích đến của cú sút ấy, khoảnh khắc ấy, điểm kết cao trào của một pha phối hợp hay, sẽ biến một ý tưởng, một hạt giống đã được gieo từ bốn mươi năm trước thành một “cơn đại hồng thủy bóng đá”, làm thay đổi hoàn toàn môn thể thao này trong những năm tiếp theo. LỜI MỞ ĐẦU P ep rời bỏ Barcelona và tất cả những gì mà anh gây dựng được ở đó bởi vì, Sir Alex ạ, anh không giống như phần lớn các huấn luyện viên khác. Anh ra đi bởi vì anh đơn giản không phải là một “con người bóng đá” điển hình trong quan niệm của Ngài. Ngài có thể đã nhận ra điều đó trong lần đầu tiên hai người đối đầu trên băng ghế huấn luyện, trận chung kết Champions League ở Rome hồi 2009. Để chuẩn bị cho trận chung kết ấy, Guardiola đã làm ra hẳn một cuốn yếu lược về những suy nghĩ của mình và áp dụng triết lý của câu lạc bộ cho mọi vấn đề liên quan tới trận đấu, từ khâu chuẩn bị cho tới chiến thuật, từ bài nói chuyện cuối cùng cho tới cái cách mà họ ăn mừng chiến thắng. Pep đã mời cả thế giới cùng chung với anh và các cầu thủ niềm vui được chơi một trận chung kết lớn của Cúp Châu Âu. Anh ấy rất tự tin là đã chuẩn bị đủ những gì cần thiết để đánh bại đội bóng của Ngài, nhưng nếu điều đó không xảy ra, các cổ động viên vẫn có thể trở về nhà với niềm tự hào là đội bóng đã cố gắng để chiến thắng theo cách của Barca, và quan trọng hơn là đã vượt qua được một giai đoạn tăm tối trong lịch sử của đội bóng. Guardiola không chỉ thay đổi được xu hướng tiêu cực trong lòng đội bóng, mà anh còn, chỉ trong vòng mười hai tháng, bắt đầu lấp bỏ một số “điều răn” quyền lực, bất thành văn nhưng đầy sức thu hút, nói về tầm quan trọng của việc đặt chiến thắng cao hơn tất thảy, về sự bất khả trong việc hài hòa giữa mong muốn vươn tới những mục tiêu cao nhất với chơi hay, chơi đẹp mắt. Hay là quan điểm cho rằng những giá trị thiết yếu về tinh thần thể thao mã thượng và sự tôn trọng đều đã lỗi thời. Ngay từ ngày đầu tiên có mặt trên băng ghế huấn luyện của Barcelona, Pep đã sẵn sàng đi ngược dòng nước, bởi vì đó là tất cả những gì mà anh tin tưởng. Nhưng đấy là chuyện của ngày xưa. Vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ ở Barcelona, anh đã không còn là vị huấn luyện viên trẻ trung, háo hức, nhiệt thành mà Ngài đã gặp trong buổi tối hôm đó ở Rome hay trong năm tiếp theo ở Nyon, tại trụ sở của UEFA, trong một khoảnh khắc giao lưu hiếm hoi. Vào cái ngày Pep thông báo với cả thế giới rằng anh chuẩn bị rời bỏ đội bóng của thời niên thiếu sau bốn năm nắm quyền dẫn dắt đội Một, Ngài có thể nhìn thấy bốn năm ấy đã lấy đi của anh ấy những gì. Ngài chỉ cần nhìn kỹ vào đôi mắt của anh ấy là đủ hiểu. Anh ấy đã không còn sôi động và nhạy cảm như trong buổi sáng hôm ấy ở Thụy Sĩ, khi Ngài tặng cho anh ấy những lời khuyên của một người cha. Ngài có biết rằng anh ấy vẫn còn nói về cuộc nói chuyện hôm đó, về mười lăm phút mà anh ấy được trải qua với Ngài, như là một trong những điểm nhấn trong sự nghiệp? Chẳng khác nào một cậu thiếu niên bất ngờ đụng mặt thần tượng, anh ấy đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần câu “Tôi đã ngồi cùng Sir Alex, tôi đã nói chuyện với Sir Alex Ferguson!”. Lúc ấy, mọi thứ còn mới mẻ và đầy phấn khích: những rào cản chỉ là những thách thức thay vì là những chướng ngại không thể vượt qua. Vào buổi sáng nhiều nắng của tháng 9 năm 2010 ấy, tại tòa nhà hình chữ nhật hiện đại của UEFA tọa lạc bên bờ hồ Geneva, cuộc hội thảo thường niên của giới huấn luyện viên đã trở thành bối cảnh cho cuộc gặp gỡ xã hội đầu tiên giữa Ngài và Pep Guardiola kể từ khi hai người trở thành huấn luyện viên. Trước đó, hai người hầu như không có thời gian để trao đổi điều gì ngoài mấy câu xã giao ở Rome, và Pep lúc nào cũng mong ngóng được ngồi riêng với Ngài, ở một nơi nào đó không còn những áp lực cạnh tranh. Và rồi thời cơ cũng tới. Cuộc hội thảo mang tới cho các huấn luyện viên cơ hội được chuyện phiếm, thảo luận các xu hướng mới, hay đôi khi chỉ để phàn nàn về một điều gì đó. Đấy là cơ hội hiếm hoi để họ, một nhóm những cá nhân tinh hoa trong nghề, có thể tìm thấy sự gắn kết. Sau cuộc hội thảo, họ sẽ dành phần còn lại của năm trong cảnh cô độc, nhọc nhằn tìm cách quản lý hơn hai mươi cá tính cùng với gia đình và người đại diện của họ. Trong số những khách mời ở Nyon hôm ấy, có cả José Mourinho, vị huấn luyện viên mới đầy màu sắc của Real Madrid, đồng thời là nhà đương kim vô địch châu Âu với Inter Milan, đội đã đánh bại Barcelona của Pep ở vòng bán kết mùa giải trước đó. Vào buổi sáng của ngày đầu tiên trong hai ngày hội thảo, Ngài đến trụ sở của UEFA trên một trong hai chiếc minibus; chiếc đầu tiên chở vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha cùng với huấn luyện viên của Chelsea lúc đó là Carlo Ancelotti và huấn luyện viên của Roma, Claudio Ranieri. Guardiola đi trên chiếc xe bus thứ hai, cùng với Ngài. Ngay khi Ngài vừa bước vào tòa nhà, Mourinho nhanh chóng nhập hội với nhóm huấn luyện viên vừa tụ tập xung quanh Ngài, trong khi Guardiola bước sang một bên và chụp một bức ảnh lưu lại khoảnh khắc lúc đó. Guardiola là thế, lúc nào cũng ý thức được tầm quan trọng của những sự kiện như thế trong câu chuyện của chính cuộc đời anh. Sau tất cả, anh đang đứng giữa một số trong những bộ óc bóng đá vĩ đại nhất, nên việc của anh là nghe, là xem, và học hỏi. Điều mà anh luôn luôn làm. Pep đứng riêng, tách mình khỏi những cuộc thảo luận đang diễn ra. Rồi Mourinho phát hiện ra anh và bước tới. Anh ta chào Guardiola, và bắt tay anh một cách rất nồng nhiệt. Cả hai cùng cười. Họ bắt đầu thảo luận sôi nổi được vài phút thì huấn luyện viên của Werder Bremen, Thomas Schaaf, nhập bọn. Đó là lần cuối cùng Pep Guardiola và José Mourinho có thể nói chuyện với nhau một cách thân tình như thế. Các nhóm bắt đầu bước vào hội trường chính để chuẩn bị cho một trong hai phiên thảo luận của ngày hôm ấy. Trong phiên đầu tiên, Ngài đã nói về những xu hướng chiến thuật vừa được sử dụng ở chiến dịch Champions League trước, cũng như những chủ đề khác liên quan tới kỳ World Cup ở Nam Phi mà Tây Ban Nha là đội vô địch. Vào cuối phiên thảo luận đầu tiên, tất cả mọi người được yêu cầu ngồi lại để chụp một bức ảnh tập thể. Didier Deschamps ngồi giữa Guardiola và Mourinho ở trung tâm của hàng trước. Ở góc trái, Ngài ngồi kế bên Ancelotti. Mọi người cười nói, trêu chọc nhau rổn rảng. Ngày đầu tiên hóa ra lại rất thú vị. Ngay trước khi phiên thảo luận thứ hai diễn ra là thời gian nghỉ uống cà phê. Ngài và Guardiola vô tình cùng ngồi ở một khu vực có góc nhìn choáng ngợp ra hồ Geneva, mà từ đó có thể thấy được mặt nước trong xanh và cả những căn nhà ở xa xa bên kia mặt hồ. Sự có mặt của Ngài làm Pep cảm thấy bối rối. Trong mắt anh ấy, Ngài là một người khổng lồ trên băng ghế huấn luyện. Nhưng trong buổi sáng hôm đó, Ngài chỉ là một người Scotland nhã nhặn lúc nào cũng sẵn sàng cười - hình ảnh thường thấy của Ngài khi bước ra khỏi ánh đèn sân khấu. Ngài ngưỡng mộ sự khiêm tốn của vị huấn luyện viên trẻ, bất chấp thực tế là Pep đã giành được bảy trong số chín danh hiệu tối đa ở thời điểm đó, và đã khiến thế giới bóng đá phải tranh cãi xem liệu những gì mà anh đang làm là một sự thay đổi hay là một cuộc cách mạng ở FC Barcelona. Ý kiến chung ở thời điểm đó là, chí ít, sự trẻ trung và tích cực của Pep là một luồng gió mới mát lành. Cuộc trò chuyện bên tách cà phê đó nhanh chóng biến thành buổi học một thầy, một trò. Pep rất thích dành thời gian nghiên cứu và học hỏi những giá trị mà các huyền thoại bóng đá mang tới cho môn thể thao này. Anh ấy có thể kể lại một cách chi tiết các trận đấu của Ajax thời van Gaal hay những thành tựu mà Milan có được với Sacchi. Anh ấy có thể nói với Ngài cả ngày về hai đội bóng này. Và anh ấy xem chức vô địch châu Âu có giá trị cũng gần như tương đương với chiếc áo có chữ ký của thần tượng Michel Platini mà anh ấy vẫn giữ. Ngài cũng là một thành viên trong “ngôi đền huyền thoại” đặc biệt của Pep. Trong khi cậu học trò lắng nghe như nuốt vào từng chữ, sự tôn trọng mà anh ấy dành cho Ngài đã chuyển thành sự sùng bái. Không chỉ vì nội dung mang tính biểu tượng của cuộc nói chuyện, hay tầm nhìn của Ngài về nghề huấn luyện viên. Điều quan trọng nhất không hẳn là nội dung câu chuyện mà là tầm vóc của người đàn ông đang nói. Anh ấy rất ngưỡng mộ cách mà Ngài duy trì được triều đại của mình ở Manchester United trong thời gian dài như thế, ngưỡng mộ sự bền bỉ và sức mạnh nội tại mà Ngài cần phải có để trụ được trong nghề lâu đến vậy. Pep vẫn luôn nghĩ rằng áp lực ở Barcelona và Manchester hẳn là phải khác nhau. Anh mong muốn hiểu được, làm thế nào mà một người có thể giữ khát khao chiến thắng và động lực phấn đấu không ngừng, sau những thành công liên tiếp. Anh ấy tin rằng một đội bóng đã thắng quá nhiều cần phải thua để có được những bài học mà chỉ thất bại mới có thể mang tới. Pep muốn khám phá cách Ngài đối mặt với điều đó, cách Ngài tìm lại sự thanh thản, và cách Ngài nhìn nhận về mỗi thất bại. Các Ngài đã không có đủ thời gian để nói về mọi thứ, nhưng trong lần tiếp theo hai người gặp lại, chắc chắn những vấn đề như thế sẽ được Pep nêu ra. Pep sùng bái thái độ điềm tĩnh cả trong chiến thắng lẫn thất bại của Ngài, cũng như cách Ngài chiến đấu đến cùng để bảo vệ thứ bóng đá mà Ngài theo đuổi, và Ngài cũng khuyên anh ấy phải kiên định với con người thật, với những niềm tin và với lòng mình. “Pepe,” Ngài nói với anh ấy - và anh ấy tôn trọng Ngài tới mức không dám nói rằng Ngài đã gọi sai tên anh ấy - “cậu phải chắc chắn rằng cậu sẽ không bao giờ đánh mất chính mình. Nhiều huấn luyện viên trẻ đã thay đổi, vì đủ lý do, có thể vì những vấn đề vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ, vì mọi chuyện không khởi đầu như mong muốn hay chỉ đơn giản vì thành công có thể khiến ta thay đổi. Đùng một cái, họ muốn thay đổi chiến thuật, thay đổi chính mình. Họ không nhận ra rằng bóng đá là một con quái vật mà ta chỉ có thể đương đầu và đánh bại nếu ta luôn là chính mình, trong bất kỳ trường hợp nào.” Với Ngài, những lời ấy có thể chỉ là những lời khuyên bình thường, giúp Ngài thỏa mãn bản năng của bậc trưởng bối mỗi khi có những gương mặt mới xuất hiện trên sân khấu. Nhưng dù không cố tình, Ngài cũng đã tiết lộ cho Pep biết những bí mật tạo nên sự bền bỉ của Ngài trong bóng đá, nhu cầu được tiếp tục cũng như mối quan hệ lạ kỳ giữa Ngài với môn thể thao này, nơi Ngài đôi khi cảm thấy bị mắc kẹt, nhưng có lúc lại cảm thấy được giải phóng. Những lời Ngài nói đã quay lại với anh ấy không dưới một lần trong thời điểm anh ấy còn đang vật vã suy nghĩ về tương lai của mình. Anh ấy hiểu Ngài đang muốn nói tới điều gì, nhưng anh ấy vẫn không tài nào ngăn mình khỏi thay đổi trong bốn năm dẫn dắt đội Một của Barcelona. Bóng đá, con quái vật ấy, đã biến đổi anh ấy. Ngài đã khuyên anh ấy đừng đánh mất con người thật của mình, nhưng anh ấy vẫn thay đổi, một phần là vì áp lực từ đội ngũ cổ động viên luôn biết ơn và ngưỡng mộ anh, tới mức quên đi việc anh chỉ là một huấn luyện viên bóng đá; một phần vì chính anh, vì anh không thể đưa ra những quyết định có thể làm tổn thương mình và các cầu thủ. Hao tổn tinh thần cuối cùng đã trở nên quá lớn, đúng hơn là quá sức chịu đựng. Tới một lúc, Pep tin rằng cách duy nhất để anh ấy có thể tìm lại một phần con người thật của mình là bỏ lại phía sau tất cả những gì mà anh đã dày công gây dựng. Hóa ra, mặc dù rất muốn nghe theo những lời khuyên của Ngài, Pep không thể giống như Ngài, Sir Alex ạ. Thỉnh thoảng Ngài vẫn ví bóng đá như một loại nhà tù kỳ lạ, một nhà tù mà những người như Ngài không muốn thoát ra. Arsène Wenger cũng chia sẻ quan điểm này của Ngài, và ông ấy cũng không thể nào đồng cảm hay hiểu được quyết định rời bỏ một đội bóng chiến thắng - với những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, được tất cả yêu mến và ngưỡng mộ - của Guardiola. Vào buổi sáng Pep thông báo quyết định chia tay Barcelona, ba ngày sau khi Chelsea khiến cả thế giới bóng đá rúng động khi loại Barcelona ở bán kết Champions League, Wenger nói với cánh phóng viên: “Triết lý của Barcelona phải vượt lên trên chuyện thắng hay thua một giải đấu. Chưa kể, ngay sau khi vừa bị loại khỏi Champions League cũng không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra một quyết định như thế. Tôi rất muốn được thấy Guardiola - dù vừa trải qua một năm khó khăn - ở lại, và trở lại để chứng minh triết lý của mình. Hẳn là sẽ thú vị lắm.” Đầu óc của Guardiola thường xuyên ở trong tình trạng rối loạn; trước mỗi quyết định, nó lại xoay với tốc độ 100 vòng một phút. Và cho tới lúc đó, dù anh ấy đã có quyết định cuối cùng, nó vẫn không chịu yên mà không ngừng đặt ra những câu hỏi. Anh ấy đã không thể chạy trốn khỏi định mệnh của mình (trở lại Barcelona với tư cách một huấn luyện viên) nhưng cũng không thể nào sống được trong sự căng thẳng cuối cùng đã khiến anh bị đè bẹp. Thế giới của anh ấy đầy những bấp bênh, tranh cãi, nghi ngờ và đòi hỏi mà anh ấy không bao giờ có thể hòa hợp hay thỏa mãn. Chúng xuất hiện mọi lúc mọi nơi, khi anh ấy đi chơi golf với bạn bè, khi đang nằm dài trên sofa xem phim cùng bạn gái Cris và ba đứa con, hay trong những đêm mất ngủ. Dù tới bất kỳ đâu, anh ấy cũng không ngừng làm việc, suy nghĩ, quyết định, không ngừng đặt ra những câu hỏi. Cách duy nhất để anh có thể dứt ra khỏi công việc (và cả những kỳ vọng to lớn) là cắt đứt hoàn toàn mọi mối ràng buộc. Ngày đến Barca B, anh là một huấn luyện viên mới trẻ trung, tràn trề năng lượng. Sau năm năm và 14 danh hiệu, anh rời đội Một trong tình trạng kiệt quệ. Đấy không phải là tôi tự nói; chính Pep đã nói về việc anh cảm thấy kiệt sức thế nào trong buổi họp báo xác nhận thông tin anh chuẩn bị rời đội bóng. Ngài có còn nhớ cái lần Ngài được hỏi về Pep, ngay trước lễ trao giải Ballon d’Or (Quả Bóng Vàng) 2011 ấy không? Hai người cùng có mặt trong buổi họp báo sau khi Ngài được vinh danh với giải thành tựu trọn đời còn Pep là huấn luyện viên xuất sắc nhất năm. Ngài đã rất thành thật trong câu trả lời của mình: “Guardiola có thể tìm được một chỗ nào khác tốt hơn nhà của mình chứ? Tôi chẳng thấy có lý do gì để anh ấy bỏ tất cả mà đi hết.” Cũng trong ngày hôm ấy, Andoni Zubizarrreta, Giám đốc Bóng đá của Barcelona, đồng thời là bạn thâm niên của Pep, người hiểu rõ ảnh hưởng của cuộc nói chuyện năm xưa ở Nyon cũng như sự tôn trọng mà Pep dành cho Ngài, đã nhắc lại lời của Ngài trong lúc nói chuyện với Guardiola: “Nghe xem Alex Ferguson, người đàn ông thông thái với kho kinh nghiệm đầy ắp về thế giới và bóng đá, nói gì kìa...”, Zubi nói. Đáp lại, Pep, lúc ấy đã thông báo cho Zubi ý định ra đi vào cuối mùa giải, mắng người bạn: “Anh đúng là một tên khốn. Lúc nào cũng tìm cách để làm khó tôi!” Sir Alex ạ, Ngài hãy thử nhìn lại những hình ảnh của Pep khi anh ấy lần đầu bước lên nắm lấy quyền dẫn dắt đội Một Barcelona vào năm 2008 đi. Ngài thấy gì? Một người đàn ông 37 tuổi trẻ trung, đầy háo hức, tham vọng và căng tràn năng lượng phải không? Bây giờ hãy nhìn lại hình ảnh của anh ấy sau bốn năm. Trông anh ấy không giống một người 41 tuổi, đúng không? Trong buổi sáng hôm ấy ở Nyon, Guardiola đã bắt đầu hành trình nâng đội bóng của mình lên những tầm cao mới, và giúp đội bóng ấy làm nên lịch sử. Thời điểm hai người có cuộc nói chuyện ngắn ở bàn cà phê nhìn ra hồ Geneva đó, Pep đã tìm ra những giải pháp chiến thuật mang tính cấp tiến, nhưng tới những mùa giải tiếp theo, anh ấy sẽ còn cho đội bóng phòng ngự và tấn công theo những phương thức mang tính cách mạng hơn hẳn, và đội bóng của anh sẽ chiến thắng ở gần như tất cả mọi giải đấu mà nó góp mặt. Vấn đề là, trên hành trình ấy, mỗi chiến thắng là một bước đi tới gần hơn sự kết thúc. Một quốc gia thèm khát những hình mẫu đương đại, lại đang vật lộn trong khủng hoảng, đã tự động nâng Pep lên thành một nhà lãnh đạo xã hội, một người hoàn hảo, một lý tưởng. Đáng sợ ngay cả với Pep. Như Ngài biết đấy, Sir Alex, chẳng có ai hoàn hảo cả. Có thể là Ngài không đồng ý với nhận định này, nhưng có rất, rất ít người có thể trụ vững khi trên đôi vai của họ là cả một gánh nặng khủng khiếp như thế. Làm huấn luyện viên của Barcelona là một công việc tiêu hao rất nhiều năng lượng, và sau bốn năm, khi anh ấy đã không còn tận hưởng những buổi tối ở Cúp Châu Âu nữa, khi Real Madrid đã khiến cho La Liga trở thành một thách thức đầy mệt mỏi cả trong lẫn ngoài sân cỏ, Pep cảm thấy đã tới lúc anh phải rời xa cái guồng quay nặng nề mà anh đã bị cuốn vào từ khi còn là một cậu bé 13 tuổi. Và vì Pep sẽ trở lại - chắc chắn sẽ trở lại - chẳng phải là tốt hơn nếu ra đi trong thế ngẩng cao đầu, khi mọi chuyện vẫn còn tốt đẹp? Xin hãy nhìn vào những bức ảnh một lần nữa, Sir Alex! Bây giờ, có phải là việc Pep đã cống hiến hết tất cả những gì có thể cho FC Barcelona đã trở nên rõ ràng hơn? Phần I TẠI SAO ANH PHẢI RA ĐI? 1 NHỮNG CÂU HỎI “TẠI SAO” T háng 11 năm 2011, ngay trước buổi tập cuối cùng trước chuyến đi tới Milan để chơi một trận đấu thuộc vòng bảng Champions League, Pep, lúc đó đang trong năm thứ tư trên cương vị huấn luyện viên đội Một Barcelona, yêu cầu các cầu thủ đứng thành một vòng tròn. Anh bắt đầu tiết lộ bí mật mà anh, Tito Vilanova và các bác sĩ đã cố gắng giấu các cầu thủ, nhưng không làm sao mà nói ra được những điều anh muốn nói. Tính chất nghiêm trọng của sự việc khiến anh nghẹn lời. Anh tỏ ra căng thẳng và không thoải mái. Giọng anh như lạc đi, và rồi anh quyết định đứng sang một bên. Các bác sĩ thế chỗ anh để giải thích với các cầu thủ về điều đang diễn ra. Trong suốt thời gian đó, Pep vừa dán mắt xuống sàn nhà vừa liên tục uống nước. Chai nước ấy là để giúp cho giọng của Pep ngọt hơn, nhưng rõ ràng lần này nó đã không phát huy tác dụng. Đội ngũ y tế cho biết trợ lý Tito Vilanova, cánh tay phải, đồng thời là bạn thân của Pep, sẽ phải mổ cấp cứu để loại bỏ một khối u trong tuyến mang tai, tuyến lớn nhất trong hệ thống tuyến nước bọt, và bởi thế không thể cùng toàn đội đi sang Italia được. Hai giờ sau đó, các cầu thủ Barcelona rời khỏi sân tập trong tình trạng sốc nặng. Pep tỏ ra xa cách, hờ hững, cả buổi tập, anh cứ lang thang một mình trong bộ dạng trầm ngâm. Barcelona cuối cùng đã đánh bại Milan 3-2 ở San Siro để dẫn đầu bảng đấu Champions League của mình, sau một trận đấu mà không đội nào muốn tập trung phòng ngự, do đó đã “đãi” các cổ động viên một màn đôi công hấp dẫn với rất nhiều cơ hội được tạo ra. Nhưng dễ hiểu là bất chấp kết quả, Pep vẫn tỏ ra sầu muộn. Cuộc đời, như người ta nói, là những gì xảy ra trong khi chúng ta còn bận rộn lên những kế hoạch khác. Nó cũng là thứ sẽ vả thẳng vào mặt anh và kéo anh ngã nhào đúng vào lúc anh nghĩ rằng mình là bất khả chiến bại, lúc anh quên mất thất bại cũng là một phần luật chơi. Guardiola, người cố gắng tìm hiểu mọi điều cần biết một cách nhanh nhất có thể ngay sau khi hay tin bạn mình bị bệnh, cũng đã trải qua một hành trình cảm xúc tương tự khi anh được thông báo rằng Eric Abidal có một khối u trong gan ở mùa giải trước đó. Hậu vệ trái người Pháp đã kịp phục hồi để có thể góp một phần nhỏ trong trận bán kết lượt về Champions League với Real Madrid. Pep đã gọi đó là “buổi tối xúc động nhất” mà anh có thể nhớ được ở Camp Nou. Abidal vào sân ở phút 90, khi tỉ số đang là 1-1 và Barcelona đang tiến rất gần tới một trận chung kết Champions League khác sau khi đã đánh bại Madrid ở trận lượt đi. Cả sân vận động đã đứng dậy để hoan nghênh anh, điều vốn không thường xuyên xảy ra. Người Catalonia cũng như người Anh, thường thì họ luôn tỏ ra dè dặt trong việc bộc lộ cảm xúc, chỉ tới khi đứng giữa một đám đông đang rần rần, họ mới giải phóng ra phần nào những xúc cảm mà họ cố gắng kìm nén. Ít tuần sau đó, Puyol, trong sự bất ngờ của Pep và tất cả các thành viên trong đội, đã đưa chiếc băng đội trưởng cho Abidal để anh có thể nhận cúp từ tay Platini. Để rồi gần một năm sau, các bác sĩ lại thông báo với hậu vệ trái người Pháp rằng việc chữa trị đã thất bại và anh cần được cấy gan. Những vấn đề sức khỏe của Abidal và Vilanova khiến Guardiola rúng động; chúng giáng cho anh những cú nặng nề. Đó là một tình huống không thể nhìn thấy trước, cũng không thể kiểm soát được. Pep là một người thích dự đoán và kiểm soát tất cả những gì xảy ra bên trong đội bóng cũng như lên sẵn kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ. Nhưng trong những chuyện đó anh hoàn toàn bó tay. Anh chẳng thể làm được gì. Tệ hơn, mạng sống của những người mà anh cảm thấy mình phải có trách nhiệm đang bị đe dọa. Sau chiến thắng ở Milan, Barcelona phải tới Madrid để làm khách của đội bóng nhỏ Getafe. Thất bại trong trận đấu đó đã khiến Guardiola cũng như các cầu thủ, những người đã thống trị trận đấu nhưng tỏ ra thiếu hiệu quả trước khung thành của đối thủ, không thể có được một chiến thắng làm quà cho Tito Vilanova, lúc đó đang bắt đầu quá trình hồi phục sau ca phẫu thuật thành công. Trận đấu ở Getafe, trong một đêm lạnh lẽo giữa một sân vận động trống vắng, là một trận đấu tồi tệ mà trong đó Pep càng ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc tạo cảm hứng cho một nhóm cầu thủ đã đóng vai chính trong quá nhiều đêm vinh quang trước đó (và cho cả chính mình). Ba điểm đánh mất khiến Pep rất thất vọng. Mùa giải của Barcelona có vẻ đã trượt ra khỏi tầm kiểm soát từ quá sớm. Real Madrid, đội đã đánh bại kình địch cùng thành phố Atlético de Madrid 4-1 ngay trên sân khách, đã vượt lên dẫn trước năm điểm, và quan trọng là họ tỏ ra không thể bị ngăn chặn, tràn đầy khát khao chiến thắng và mang trong mình quyết tâm cháy bỏng là sẽ đẩy kỷ nguyên Guardiola tới hồi kết. La Liga không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Pep xuống tinh thần - bộ dạng của anh sau trận đấu khiến nhiều thành viên của đội bóng cảm thấy lo lắng. Trên chuyến bay trở lại Barcelona, vào sáng sớm Chủ nhật, 27 tháng 11 năm 2011, chưa bao giờ người ta thấy Pep tỏ ra xa cách, chán chường và lặng lẽ đến vậy. Nếu chỉ là một thất bại bình thường, không bao giờ Pep để bị tác động nặng nề như thế. Còn một chỗ trống bên cạnh anh trên máy bay - một chiếc ghế trống cạnh lối đi - mà không ai muốn lấp đầy. Đó là nơi Tito Vilanova vẫn thường ngồi. Chưa có thời điểm nào mà tinh thần của vị huấn luyện viên của Barca xuống thấp hơn. “Chỉ có thằng ngốc mới bỏ dở công việc giữa chừng.” Sir Alex Ferguson chắc chắn sẽ nói như thế với Pep trước khi anh đưa ra quyết định. Nhưng vị huấn luyện viên của Manchester United có thể sẽ nghĩ khác nếu ông nhìn thấy Pep, đơn độc, trong chuyến bay đó. Andoni Zubizarreta nhanh chóng nhận ra tác động từ bệnh tình của Tito đối với Pep. Anh ấy nhìn thấy điều đó trên các chuyến đi tới Milan và Madrid, và trong cách vị huấn luyện viên của mình hành xử trên sân tập trước và sau các trận đấu. Cứ như thể trên người của Pep có một lỗ thủng và tất cả năng lượng của anh chảy ra ngoài hết qua lỗ thủng ấy. Trông anh xọp hẳn đi: người gầy hơn, lưng còng xuống, mặt già đi và trông thật xanh xao. Tới bây giờ Zubi vẫn ước rằng lúc ấy anh nên biết phải nói gì với Pep, phải làm gì để an ủi và động viên bạn mình. Có thể là làm thế cũng chẳng thay đổi được gì đâu, nhưng Zubi vẫn không thôi cảm thấy áy náy. Rồi Tito cũng vượt qua được cuộc phẫu thuật, nhưng những gì diễn ra trong tuần đó xác nhận những nỗi sợ hãi lớn nhất của Pep - anh không thể gắng gượng hơn được nữa. Anh không đủ sức chịu thêm trách nhiệm, tìm kiếm thêm các giải pháp, chống chọi thêm với khủng hoảng, không đủ sức để lại làm việc trong nhiều giờ không nghỉ, và cứ sống xa gia đình mãi. Nó xác nhận một mối hoài nghi dai dẳng đã đeo bám anh suốt từ tháng 10, khi mà sau trận đấu với Bate Borisov ở Champions League, anh đã nói với Zubi và Chủ tịch Sandro Rosell rằng anh cảm thấy mình không còn đủ mạnh mẽ để có thể tiếp tục thêm một mùa giải nữa. Rằng nếu lúc đó anh được mời gia hạn hợp đồng, câu trả lời chắc chắn sẽ là “Không”. Đó không phải là một quyết định chính thức, nhưng anh vẫn muốn những người có trách nhiệm biết được anh đang cảm thấy như thế nào. Phản ứng đầu tiên của (lãnh đạo) đội bóng là trấn an Pep, rằng anh sẽ có nhiều thời gian, chẳng việc gì phải vội. Zubi, bạn thâm niên và cũng là đồng nghiệp của Pep, hiểu rõ anh là người như thế nào, và tốt nhất là không nên gây áp lực với anh. Vị giám đốc bóng đá hi vọng rằng lời thú nhận của Pep chỉ đơn giản xuất phát từ việc anh cảm thấy hơi mệt mỏi và xuống tinh thần, điều hoàn toàn dễ hiểu. Thời còn là đồng đội, Zubi đã đôi lần chứng kiến bạn mình ngồi lên chiếc “tàu lượn cảm xúc” kiểu đó. Nhưng Zubizarreta cũng chợt nhớ lại lần ông đi ăn với Pep trong mùa giải đầu tiên của anh ở đội Một. Đó chỉ đơn thuần là một cuộc gặp giữa những người bạn. Thời điểm đó Zubi còn chưa làm việc cho Barcelona và Pep thì vẫn còn rất phấn khích với những gì anh đang làm với đội bóng và cách mà những việc đó được đón nhận. Nhiệt huyết của anh là một thứ bệnh truyền nhiễm. Nhưng ngay từ lúc ấy anh đã nhắc Zubizarreta rằng anh không định làm ở Barcelona mãi mãi. Đó là một cơ chế phòng vệ của Pep, bởi vì anh biết rõ hơn ai hết, đội bóng của anh có thói quen “nhai” và “nhổ” các huấn luyện viên một cách không thương tiếc. Pep khăng khăng rằng tới một ngày anh sẽ không còn kiểm soát được các cầu thủ, những thông điệp của anh sẽ không còn sức nặng như trước, và rằng trong dài hạn thì việc kiểm soát toàn bộ môi trường (truyền thông, những kẻ thù của chủ tịch, các chương trình talk-show, các cựu huấn luyện viên và cầu thủ) là điều bất khả. Một người bạn khác của Pep, Charly Rexach - cựu cầu thủ, từng là trợ lý huấn luyện viên của Johan Cruyff và huấn luyện viên đội Một Barcelona, một biểu tượng của đội bóng xứ Catalonia và là một triết gia huyền thoại - luôn nói rằng một huấn luyện viên Barcelona chỉ có thể cống hiến 30% cho đội bóng; 70% còn lại được dành để đối phó với đống rác rưởi đi kèm thể chế khổng lồ mà đội bóng là một phần trong đó. Pep đã cảm nhận được điều này khi anh còn là một cầu thủ, nhưng phải tới khi làm huấn luyện viên thì anh mới thực sự được trải nghiệm thứ áp lực liên tục này, và phải công nhận tính toán của Charly là chính xác. Johan Cruyff, người thường xuyên có những lần dùng bữa rất lâu với Guardiola, cũng hiểu điều đó, và đã cảnh báo Pep rằng năm thứ hai sẽ khó khăn hơn năm thứ nhất, và năm thứ ba sẽ còn khó khăn hơn năm thứ hai. Cruyff cũng thú nhận rằng nếu ông có thể trở lại thời làm huấn luyện viên của Dream Team, ông sẽ rời câu lạc bộ sớm hơn hai năm so với thực tế. “Đừng ở lâu hơn cần thiết”, có lần Cruyff đã nói với Pep như vậy. Thế nên, Zubizarreta biết rằng thuyết phục Pep ở lại là rất khó, nhưng ông vẫn cứ phải cố hết sức. Chiến thuật của vị giám đốc bóng đá là kết hợp bảo vệ với yên lặng, và đôi lúc có kèm thêm một chút áp lực. Mục đích cuối cùng là một câu trả lời. Nhưng câu trả lời ấy không bao giờ xuất hiện. Trước những câu hỏi của Zubi liên quan tới tương lai của mình, Guardiola luôn trả lời theo một kiểu: “Anh biết rõ là tôi đang phải trải qua những gì, chuyện này thực sự rất khó” và “Rồi, rồi, ta sẽ nói chuyện này sau.” Vào đầu mùa giải 2011-12, sau khi đã giành chức vô địch La Liga và Champions League ở mùa giải trước đó, Guardiola triệu tập một cuộc họp với các cầu thủ để nhắc lại cho họ điều mà mọi huấn luyện viên đều đã nói với đội bóng thành công của mình kể từ ngày bóng đá được phát minh: “Các anh cần biết rằng câu chuyện sẽ không kết thúc ở đây. Các anh cần phải tiếp tục chiến thắng.” Và thực tế là đội bóng tiếp tục gặt hái các danh hiệu: Siêu Cúp Tây Ban Nha, Siêu Cúp Châu Âu, và chức vô địch World Cup các Câu lạc bộ vào tháng 12. Chấn thương của Villa và Abidal, cộng với việc Guardiola chỉ muốn xây dựng một đội hình không quá cồng kềnh, đã khiến Barcelona phải trả giá đắt ở La Liga cho năng lượng mà họ đã tiêu tốn ở Cúp Nhà Vua và Siêu Cúp Tây Ban Nha (những giải đấu chứng kiến họ đánh bại Real Madrid). Cổ động viên của Barcelona ủng hộ Pep, bởi vì họ cũng bị ám ảnh về việc phải chặn đà hồi sinh của kình địch đáng ghét nhất. Trận đấu với AC Milan ở vòng bảng Champions League vào tháng 9 trở thành bước ngoặt và là điềm báo cho mùa giải phía trước. Đội bóng Italia gỡ hòa 2-2 trong những phút cuối của trận đấu ở Camp Nou - bàn gỡ là hậu quả của một tình huống phòng ngự phạt góc không tốt - khiến Guardiola đi đến kết luận rằng đội bóng của anh đã đánh mất lợi thế cạnh tranh. Họ đã không còn chú ý đến những tiểu tiết, vốn là điều đã làm nên sự đặc biệt của Barcelona. Theo sau trận hòa này là một loạt những trận đấu đáng thất vọng trên sân khách ở La Liga, trong đó có thất bại 1-0 trên sân của Getafe trong tháng 11 mà chúng ta đã nói tới. Nhiều lúc Pep tự hỏi không biết các cầu thủ có còn tiếp nhận thông điệp từ anh theo cách mà họ vẫn làm trước đây hay không, trong khi vò đầu bứt tai không hiểu tại sao sơ đồ 3-4-3 từng rất thành công lại không vận hành như mong muốn. Anh thực hiện nhiều điều chỉnh táo bạo với đội hình xuất phát, cứ như thể anh biết rằng mình sẽ không gắn bó với đội bóng tới mùa thứ năm. Linh tính mách bảo Pep rằng việc kiểm soát các cầu thủ càng ngày càng khó khăn. Một vài người còn có nguy cơ lạc lối trong thế giới bóng đá nếu họ không nhanh chóng loại bỏ những thói quen xấu. Dani Alves, người chia tay vợ trong mùa hè và mắc lỗi báo cáo muộn sau kỳ nghỉ Giáng sinh, bất ngờ được cho nghỉ phép hẳn một tuần trong giai đoạn giữa mùa giải để có thể thả lỏng đầu óc. Đó là một hành động chưa từng có tiền lệ, ít nhất là theo cách công khai như thế, trong lịch sử của gã khổng lồ bóng đá Tây Ban Nha. Ngoài ra, còn có vài lần hậu vệ người Brazil bị nhắc nhở ngay trước mặt các đồng đội vì không để ý tới chiến thuật; đây cũng là một hành động mà Pep hiếm khi làm. “Hậu vệ, đầu tiên và trước hết cậu là một hậu vệ”, Pep nói với Alves sau một trận đấu mà anh ta tham gia tấn công nhiều hơn cần thiết. Cầu thủ người Brazil, trong khi đó, lại bày tỏ sự khó chịu mỗi khi bị bỏ trên băng ghế dự bị. Anh ta không phải là người duy nhất. Nhìn thấy những gương mặt bực bội trong các trận đấu khiến Pep khó chịu. Anh chỉnh những người cảm thấy tức giận vì bị loại khỏi đội hình xuất phát một cách gián tiếp thông qua việc khen ngợi thái độ mà những cầu thủ như Puyol và Keita thể hiện mỗi khi họ không đá chính. “Tôi chắc là họ cũng gọi tôi bằng đủ thứ, nhưng điều đầu tiên họ làm khi họ biết mình không ra sân là cổ vũ cho đội bóng”, anh nói. Không có gì khó hiểu khi những vấn đề kiểu đó xuất hiện nhiều lên theo cấp số nhân khi mùa giải trôi đi; đó là tình trạng chung của mọi phòng thay đồ. Nhưng mọi xung đột, dù là nhỏ nhặt nhất, đều ít nhiều khiến cho những “cây cầu” mà Pep đã kỳ công dựng lên giữa ông và đội bóng bị bào mòn. Dẫu vậy, vẫn có những khoảnh khắc vui vẻ. Khi Barcelona loại Real Madrid khỏi vòng bán kết Cúp Nhà Vua vào tháng 2, Guardiola có vẻ như đã trở lại là Pep của những mùa giải trước: tràn đầy năng lượng, quyết liệt, hoạt bát. Đội bóng vẫn đang có cơ hội giành mọi danh hiệu, và ban lãnh đạo đã nghĩ rằng thành công sẽ thuyết phục anh ở lại, dù việc anh giữ im lặng về tương lai của mình đã bắt đầu trở thành cái cớ để một số quan chức chỉ trích anh. Những người này thường gọi Pep là “Dalai Lama” hay là “người thần bí”. Ở một chừng mực nào đó, đúng là đội bóng đã trở thành con tin cho quyết định của Guardiola. Từng bước một, Zubizarreta cố gắng tìm ra một tiếng nói chung để có thể thuyết phục Pep đặt bút ký vào bản hợp đồng mới. Thế rồi, vào tháng 11, vị giám đốc thể thao đề xuất Tito Vilanova là người kế nhiệm của Pep. Đó là một phương án B nghe có vẻ hợp lý nhất, nhưng có thể cũng là một chiến thuật để buộc Pep phải có sự hình dung cụ thể hơn về ngày ra đi của mình, để từ đó buộc ông phải nghĩ lại về nó. Đội bóng âm thầm tính toán rằng sinh nhật của Pep có thể là bước ngoặt. Hai năm trước, vào sinh nhật thứ 39, Pep và bạn gái Cris tới dự khán một buổi biểu diễn của ban nhạc gốc Catalonia, Manel. Lúc ấy, việc anh chưa chịu gia hạn hợp đồng đã trở thành một tin tức tầm quốc gia, và ban nhạc, cũng như khán giả, đã thay lời của một bài hát để chúc mừng sinh nhật anh, đồng thời kêu gọi anh ký vào hợp đồng. Ngày hôm sau, Pep thông báo anh sẽ ở lại thêm một mùa giải nữa. Tới ngày 18 tháng 1 năm 2012, sinh nhật thứ 42 của Pep, Tito Vilanova đã trở lại làm việc, còn Barcelona thì vừa vùi dập Santos trong trận chung kết Club World Cup ở Tokyo. Đội bóng nghĩ rằng điều kiện đã chín muồi để Pep thay đổi ý định. Nhưng chẳng có một sự xác nhận nào cả. Trong những tháng tiếp theo, cho tới tận ngày 25 tháng 4 năm 2012, thời điểm Pep thông báo quyết định cuối cùng của anh, cả vị giám đốc bóng đá lẫn Chủ tịch Sandro Rosell đều không từ một cơ hội nào để khơi chủ đề hợp đồng ra thảo luận, ngay cả trong những bữa ăn tối riêng tư. “Thế nào, mọi chuyện ra sao rồi?” - Sandro hỏi Pep trong một sự kiện diễn ra hồi tháng 2. Đó có lẽ không phải là thời điểm thích hợp nhất để nêu vấn đề ra, bởi vì bao quanh họ lúc đó toàn là những nhân vật quan trọng trong giới chính trị gia Catalonia cũng như trong xã hội. “Giờ chưa phải lúc, Ngài Chủ tịch ạ”, Pep trả lời một cách dứt khoát. Anh chưa bao giờ mất cảnh giác. Rosell giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch vào tháng Sáu năm 2010 sau khi Joan Laporta buộc phải kết thúc nhiệm kỳ của mình giữa chừng. Từ nhiều tháng trước đó, Pep đã đồng ý sẽ tiếp tục ở lại thêm một mùa giải nữa, nhưng vẫn yêu cầu vị sếp mới phải xác nhận trước các chi tiết. Hai tuần sau khi Rosell đắc cử, không có bản hợp đồng nào được ký, thỏa thuận, thương thảo hay thậm chí là nói tới. Cùng lúc đó, Dmytro Chygrynskiy, người được mua về trong mùa giải trước đó với giá 25 triệu euro, bị bán lại cho đội bóng cũ Shakhtar Donetsk với giá 15 triệu euro. Guardiola không vui. Anh không muốn trung vệ của mình ra đi, nhưng theo người ta nói với anh thì đội bóng cần tiền để trả lương do đã rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền mặt, một bằng chứng xác đáng cho thấy Laporta đã đẩy đội bóng rơi vào tình trạng tài chính tệ hại. Lập tức có người phản ứng. Johan Cruyff, người thầy của Pep, quyết định trả lại cho đội bóng Huân chương Chủ tịch Danh dự mà Laporta đã trao cho ông, một cử chỉ có thể xem là lời tuyên chiến chính thức giữa hai vị chủ tịch. Chiếc găng tay đã được ném xuống đất. Và Guardiola sẽ thấy mình mắc kẹt ở giữa tất cả những chuyện đó. Rõ ràng đó không phải là cách người ta bắt đầu một mối quan hệ. Cuộc sống trong khu vực dành cho các quan chức trở nên giống như địa ngục kể từ khi Rosell lên nắm quyền, nào là những cáo buộc vô căn cứ về việc Barcelona sử dụng doping trên sóng truyền thanh quốc gia, những trận bán kết Champions League căng thẳng với Real Madrid và hệ lụy, cuối cùng là tương lai của huấn luyện viên trưởng. Nhưng không như người tiền nhiệm nhiều lời Laporta, vị chủ tịch mới chủ động tránh gây ồn ào, một phần vì ông cảm thấy mình chưa thuộc về đội bóng. Rosell có cảm giác hai tay của mình bị trói chặt bởi một câu lạc bộ đã nâng Guardiola, không cần biết ông có muốn hay không, lên thành một thần tượng, vậy nên ông buộc phải chiều lòng vị huấn luyện viên trong rất nhiều vấn đề mà nếu có nhiều quyền lực hơn ông sẽ phản đối ngay. Chẳng hạn việc có quá nhiều trợ lý, kéo theo chi phí lớn, và trên tất cả là việc ký hợp đồng với Cesc Fàbregas. Khi Rosell, người miễn cưỡng muốn kết thúc mọi ân oán với kẻ thù của mình, tiến hành một vụ kiện dân sự chống lại Laporta với cáo buộc về sai phạm trong quản lý tài chính ở câu lạc bộ, mà hệ quả có thể là việc tất cả bất động sản và tài sản của Laporta bị đóng băng, Pep đã mời vị chủ tịch cũ đi ăn tối. Trong bữa ăn, ông đã phải chứng kiến bạn mình, người đã trao cho ông công việc huấn luyện đầu tiên, khóc một cách ngon lành ngay tại bàn. Người đàn ông ấy đang chuẩn bị mất mọi thứ, và cuộc sống cá nhân của ông cũng đang bung bét hết cả lên. Vài ngày sau đó, Guardiola thừa nhận trong một cuộc họp báo rằng ông cảm thấy buồn cho Laporta. Theo người của Rosell, phát biểu ấy của Pep là một “bất ngờ không hề dễ chịu”. Vụ việc sau đó dịu đi, và đơn kiện cũng được rút, nhưng chẳng có điều gì bị lãng quên ở Camp Nou! Thế nên, không có gì bất ngờ khi Guardiola không bao giờ thể hiện sự tận tâm với Rosell như ông từng làm với Laporta. Nhưng một ông chủ tịch thì không cần phải yêu ai cả. Sau lễ trao giải Laureus ở London mà Barcelona chiến thắng ở hạng mục Đội tuyển của năm, khi được hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu Pep ra đi vào cuối mùa?”, Rosell đã trả lời một cách lạnh lùng rằng: “Trước khi anh ta đến, chúng tôi đã sống và sau đó vẫn vậy.” Đúng vậy, ông ta không cần phải yêu Pep, nhưng sẽ là tốt hơn cho đội bóng nếu cả hai không thể hiện rõ ra là họ không chung một nhịp. “Hãy lập ra một danh sách những việc mà anh muốn làm trong mùa giải tới. Anh sẽ có cơ hội để cân nhắc, và xem xem liệu những gì anh viết ra có đúng là những gì anh muốn làm hay không.” Zubizarreta vẫn không chịu từ bỏ. Anh nghĩ đó là một ý tưởng hay để khiến Guardiola phải cân nhắc kỹ hơn về một quyết định có vẻ như đã bắt đầu hình thành trong tâm trí anh. Pep chỉ cười, và nhắc lại câu trả lời quen thuộc: “Giờ không phải lúc.” Chiến lược gây cho Pep chút áp lực như thế là đã thất bại; tốt nhất là không nên đề cập gì tới nó nữa. Zubi lại một lần nữa thay đổi chiến thuật. Từ khoảnh khắc đó về sau, chủ đề hợp đồng của Pep gần như không được nhắc tới trong các cuộc nói chuyện giữa chủ tịch, giám đốc bóng đá và huấn luyện viên của Barcelona. Guardiola sẽ tự nói với họ anh muốn làm gì bất cứ khi nào anh cảm thấy sẵn sàng làm điều đó. Cũng có đôi lần trong mùa giải, Zubizarreta “bon miệng” định nói ra điều gì đó, nhưng chỉ bằng một cái nhìn kèm một nụ cười nửa miệng của Pep, vị giám đốc bóng đá hiểu rằng, đó chưa phải lúc để nói về một điều gì đó quan trọng, và rằng đơn giản, đó không phải là lúc có thể nói chuyện với Pep. Cũng như Zubizarreta, các cầu thủ sẽ nói với bạn rằng họ rất hiểu huấn luyện viên của mình. Họ tôn trọng người đàn ông có thể bông đùa với họ, nhưng cũng là người ngay khi xuất hiện có thể khiến họ tự động ngồi xuống và lắng nghe. Cách Guardiola quan tâm tới những chi tiết nhỏ nhất giúp họ tiến bộ, và ông cũng là vị huấn luyện viên có thể nhìn ra và nói cho họ biết mọi bí mật của bóng đá. Nhưng họ cũng có thể nói rằng có rất nhiều điều họ không thể nào hiểu nổi ở sếp của mình. Họ thấy ở anh một người đàn ông quá phức tạp trong suy nghĩ, lúc nào cũng suy suy tính tính, đôi khi có phần thái quá. Các cầu thủ khẳng định họ biết chắc rằng anh muốn dành thêm thời gian bên vợ con, nhưng không thể, bởi vì phần lớn thời gian của anh là để dành cho mục tiêu giành chiến thắng. Đó là lẽ sống của anh, nhưng đôi khi ngay cả các cầu thủ cũng phải tự hỏi, có phải anh đang làm quá hay không? Với Pep, cái sự “làm quá” đó chính xác là những gì anh cần để tìm ra “ánh chớp của cảm hứng” mà anh hay nói tới. Đó là khoảnh khắc khi anh nhận ra trận đấu tiếp theo sẽ là như thế nào và khám phá ra cách để giành chiến thắng ở trận đấu đó, là khoảnh khắc “mang lại ý nghĩa cho công việc này”, như Pep từng nói. Dù có tới 24 trợ lý, anh vẫn là người làm việc nhiều nhất, và dù câu lạc bộ đã đề nghị cho một đội ngũ chuyên gia phân tích trận đấu hỗ trợ, anh nhất quyết không chịu từ bỏ quyền kiểm soát phần việc đó. “Với tôi, điều tuyệt vời nhất là lên kế hoạch cho những gì sẽ xảy ra trong mỗi trận đấu” - Guardiola giải thích. “Tôi có trong tay những cầu thủ nào, có thể sử dụng những công cụ gì, đối thủ chơi như thế nào... Tôi muốn được tưởng tượng về những gì sẽ xảy ra. Tôi luốn cố gắng mang tới cho các cầu thủ cảm giác an toàn khi biết họ sắp sửa phải đối mặt với những gì. Điều đó sẽ làm tăng khả năng đội chơi tốt lên.” Guardiola cảm thấy “sống động” nhất, nhập tâm nhất là khi chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ kia, từ deadline này tới deadline khác. Anh bị nghiện cái cảm giác adrenaline chạy rần rần trong người mỗi khi hối hả chuyển từ một dự án này sang một dự án khác. Cách nhìn nhận về nghề nghiệp như thế làm cho anh thấy thỏa mãn, nhưng đồng thời cũng khiến anh kiệt quệ. Vấn đề là, đó là lựa chọn duy nhất khả dĩ với anh, người đã hứa với các cổ động viên khi ra mắt đội bóng vào mùa hè năm 2008: “Tôi hứa với các bạn rằng chúng tôi sẽ luôn nỗ lực. Tôi không biết chúng tôi có chiến thắng hay không, nhưng chắc chắn là chúng tôi sẽ luôn nỗ lực hết sức. Hãy thắt chặt dây an toàn, các bạn đang chuẩn bị bước vào một hành trình thú vị.” Thái độ làm việc ấy, vốn được thừa hưởng từ bố mẹ anh, là một phần không thể thiếu trong tính cách người Catalonia: linh hồn được cứu rỗi thông qua sự cần cù, nỗ lực, tinh thần lao động nghiêm túc và sự hết mình với công việc. Trong bài phát biểu tiếp nhận Huy chương Vàng danh dự quốc gia, hình thức tôn vinh cao nhất dành cho một công dân Catalonia, vì những đóng góp trong việc phát huy các giá trị thể thao Catalonia, trước rất đông quan khách có mặt tài Tòa nhà Quốc hội Catalonia, một địa điểm mang tính biểu tượng, Guardiola đã nói rằng: “Nếu chúng ta dậy sớm, thật sớm, và suy nghĩ về điều đó, thì tin tôi đi, quốc gia của chúng ta sẽ lớn mạnh lắm.” Nhưng đồng thời, Pep đặt ra những tiêu chuẩn cao tới mức không tưởng và anh lúc nào cũng bị bủa vây bởi cảm giác mình chưa thực sự đủ giỏi. Guardiola trông có vẻ mạnh mẽ và có khả năng gồng gánh cả một câu lạc bộ trên vai, nhưng anh lại rất nhạy cảm với phản ứng của đội bóng và sự thất vọng của các cổ động viên mỗi khi không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Hoặc của chính anh. Có lần anh thú nhận với một người bạn thân: “Tôi đưa ra giải pháp cho một vấn đề và nghĩ rằng đó là giải pháp tuyệt vời nhất, nhưng đôi khi trong trận đấu, các cầu thủ lại có những cách giải quyết còn tuyệt vời hơn giải pháp mà tôi từng nghĩ tới. Đối với tôi thì đó giống như là một thất bại nhỏ, bởi vì lẽ ra tôi phải tìm ra giải pháp đó sớm hơn.” Câu lạc bộ, vị giám đốc bóng đá và huấn luyện viên cùng cố gắng giảm yếu tố bất ngờ hay sự khó lường trong một trận đấu thông qua tập luyện và phân tích đối thủ. Trước một trận đấu, huấn luyện viên muốn biết phải tiếp cận theo cách nào, nhưng cuối cùng thì chính các cầu thủ mới là những người quyết định và thường huấn luyện viên chẳng thể can thiệp gì, chưa kể trên sân còn vô số những yếu tố biến thiên khác. Ai có thể giải thích được bàn thắng của Iniesta ở Stamford Bridge trong năm 2009, vào thời điểm Barcelona tưởng như đã phải chấp nhận thất bại? Với Pep, đó chính là sự kỳ diệu của bóng đá. Nhưng cũng là nguồn cơn của sự khó chịu, bởi nhiệm vụ của anh là biến những điều khó đoán trở nên dễ đoán. Dù anh có nỗ lực đến đâu, anh cũng không thể tránh được thất bại. “Guardiola yêu bóng đá”, bạn anh, đạo diễn phim David Trueba, từng viết. “Và anh ấy yêu những chiến thắng, bởi vì trong bóng đá, chiến thắng là những gì chúng ta hướng tới. Nhưng không phải là tất cả. Anh ấy đã vạch sẵn cả hệ thống, và điều duy nhất mà anh ấy yêu cầu là ta tin tưởng anh ấy, trung thành với anh ấy. Mỗi lần nhận ra các cầu thủ không nhiệt tâm, thờ ơ, ngờ vực, ngay cả sau một buổi tập bình thường, anh sẽ lập tức biến thành một người đàn ông rầu rĩ, suy sụp, và sẵn sàng rời bỏ tất cả. “Có điều này mọi người cần hiểu rõ,” Trueba viết tiếp. “Anh ấy là một nhà chuyên nghiệp bị ám ảnh, người luôn để ý tới mọi chi tiết, biết rằng những chi tiết có thể định đoạt một trận đấu. Anh sùng bái câu lạc bộ mà anh đang gắn bó, và đã đặt ra một quy tắc là không làm gì vượt quá phận sự của một mảnh ghép trong hệ thống, đi làm thì hưởng lương, nhưng không bao giờ đòi bất kỳ cái gì miễn phí, dù chỉ là một cốc cà phê. Anh không có nhu cầu được đối xử như là một nhà truyền giáo, một lãnh tụ, hay người dẫn đường. Anh chỉ muốn được nhìn nhận như là một huấn luyện viên - một huấn luyện viên giỏi. Tất cả những việc khác, dù tốt hay xấu, đều là những gánh nặng mà một xã hội đang thiếu những hình mẫu tự đặt lên vai anh. Có lẽ mọi người đều đã chán ngấy những kẻ lừa lọc, những tên cơ hội, những bọn khốn nạn, những kẻ cố tình áp đặt tư duy vị kỷ và cơ hội qua những nền tảng mà chúng có lợi thế, như truyền hình, truyền thông, kinh doanh hay chính trị. Anh thuộc về xã hội ấy. Nhưng anh đã tìm lại phẩm cách cho nó, theo một cách rất đơn giản là làm tốt công việc của mình, lan tỏa những giá trị tốt đẹp một cách rất tự nhiên tới công chúng. Như một người thợ xây đặt những viên gạch của mình mà không cần ai phải nhìn hay vỗ tay khen ngợi.” “Với một huấn luyện viên thì không có khái niệm xong việc,” người ta thường nghe Pep nói thế. Nhưng một sáng nọ, sau một trong những buổi tối mà Pep (“một kẻ cuồng bóng đá” - enfermo de fútbol, theo cách gọi thân thương của một số ngôi sao trong đội) ở lại sân tập để xem lại những đoạn video đã được các đồng nghiệp mổ xẻ và phân tích, các thành viên trong ban huấn luyện thấy anh lang thang trên sân tập trong dáng vẻ ủ rũ. Pep nhiệt tình mà họ thấy ngày hôm trước đã bị thay thế bởi Pep lặng lẽ, người mà mồm nói một đằng nhưng cặp mắt sâu hoắm lại nói một nẻo. “Có chuyện gì vậy?” - một thành viên trong ban huấn luyện hỏi. “Hôm qua lẽ ra tôi nên tới xem con gái biểu diễn ballet nhưng cuối cùng tôi lại không đi được.” “Tại sao?” - bạn anh lại hỏi, giọng đầy ngạc nhiên. “Bởi vì tôi bận xem video về đối thủ của chúng ta.” “Để tôi nói cho các bạn nghe: Ngày nào tôi cũng nghĩ rằng hôm sau, tôi sẽ ra đi,” Guardiola nói một cách công khai sau hai năm từ ngày chính thức nhận việc,“Khi ta phải chịu trách nhiệm về một việc gì đó, ta luôn luôn phải nhớ kỹ rằng, ta có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Tôi sẽ làm việc có hiệu quả hơn khi nghĩ rằng tôi được tự do quyết định tương lai của chính mình. Việc bị trói buộc vào một bản hợp đồng dài hạn khiến tôi khó chịu, thậm chí nó còn có thể khiến ta chai lì cảm xúc. Đó là lý do tôi chỉ ký từng năm một. Nếu có thể, tôi sẽ chỉ ký sáu tháng thôi. Tôi lúc nào cũng nghĩ là mọi chuyện bắt đầu từ việc tìm kiếm những điều mà ta thực sự thích, ngày nay là chuyện khó nhất trên đời. Kiếm tìm điều đó là cốt lõi của mọi việc.” Nhưng cái cốt lõi ấy, trong mùa giải cuối cùng của anh, đã lảng tránh anh: bị hành hạ bởi những lo lắng và do dự của chính mình, anh thậm chí còn không thấy hứng thú với những đêm lớn ở châu Âu. Mình có nên tiếp tục hay không? Nếu mình cứ tiếp tục như thế này thì có tốt hơn cho Barcelona không? Hay là mình nên tìm kiếm những thông điệp, những giải pháp mới để giữ cho mọi người lúc nào cũng sẵn sàng? Mình có thể làm gì để tìm ra những cách mới để mang cho Leo Messi thứ mà anh ta cần? Rồi Iniesta, Cesc và Alves nữa? Mình có thể tiếp tục thế này thêm một tháng, một năm nữa không? Các huấn luyện viên trẻ thành công quá sớm sẽ làm gì khi họ già đi? Kiếm tìm những chân trời mới có tốt hơn hay không? Roman Abramovich đã nhận ra những lo lắng của Guardiola từ sớm và rất muốn nhân cơ hội ấy có được vị huấn luyện viên mà ông ngưỡng mộ. Ông đã không ngừng theo đuổi Pep trong suốt hai năm trước khi anh rời Barcelona. Hè 2011, sau khi Ancelotti rời Chelsea, ông chủ người Nga quyết định tăng tốc. André Villas-Boas chỉ đứng thứ tư trong số những lựa chọn thay thế huấn luyện viên người Italia, sau Guus Hiddink, José Mourinho và Pep, người trong tháng Hai năm đó đã gia hạn hợp đồng thêm một mùa. Vào tháng Sáu, ngay trước khi Guardiola bước vào mùa giải cuối cùng ở Barca, Abramovich thông qua một trung gian đã đề nghị đón Pep bằng trực thăng cá nhân tới du thuyền của ông ở Monaco để nói chuyện riêng. “Đừng có nói với tôi những chuyện như thế nữa. Tôi không muốn gặp Roman, không muốn vì ông ấy mà đổi ý” là câu trả lời lịch sử của Pep. Nhưng Abramovich sẽ còn trở lại vào thời điểm Pep đang trong những tháng cuối cùng xuất hiện với tư cách huấn luyện viên của Barcelona. Ông đã hai lần đề nghị Rafa Benítez một bản hợp đồng ba tháng để chữa cháy tạm thời sau khi sa thải André Villas-Boas. Ông chủ của Chelsea nghĩ rằng ông có thể thuyết phục Pep thay đổi kế hoạch nghỉ ngơi và tiếp nhận công việc ở Stamford Bridge ngay sau khi rời Barcelona. Trong lời đề nghị cuối cùng, được đưa ra trước khi Pep Guardiola “biến mất” vào cuối mùa giải 2012, Abramovich đề xuất kế hoạch bổ nhiệm một huấn luyện viên tạm quyền trong một mùa giải, để ngỏ cánh cửa tới Stamford Bridge sau một năm cho Pep, đồng thời bày tỏ mong muốn anh thiết kế đội hình cho mùa giải 2013-14 ngay khi anh sẵn sàng. Chelsea là đội bóng đầu tiên cố gắng lôi kéo anh một cách tích cực. Tiếp theo là AC Milan, Inter và Bayern Munich. Có một khoảnh khắc xảy ra ở đầu mùa giải rồi sẽ tác động tới cơ cấu đội hình trong phần còn lại của mùa. Trong trận đấu với Real Sociedad ở San Sebastián thuộc vòng ba La Liga, Pep đã để Messi xuất phát từ băng ghế dự bị. Anh nghĩ là Messi bị mệt sau khi thực hiện nghĩa vụ với đội tuyển Argentina. Leo tỏ ra hết sức giận dữ, tới mức anh gần như chẳng có chút đóng góp gì trong những phút ít ỏi có mặt trên sân, và thậm chí không xuất hiện trong buổi tập ngày hôm sau. Kể từ đó về sau, Messi không nghỉ thêm một trận nào nữa. Vai trò của Messi rất đáng để suy nghĩ. Pep xây dựng đội bóng xung quanh cầu thủ người Argentina - nhỏ bé, nhưng là chuyên gia xô đổ những kỷ lục. Đã có rất nhiều tiền đạo đến và đi (Brahimović, Eto’o, Bojan; ngay cả David Villa cũng phải làm quen với việc chơi dạt biên dù trước khi tới, anh được hứa hẹn sẽ là số 9 mới của Barca) vì không thể nào hòa hợp được với phong cách chơi bóng đòi hỏi sự phục tùng với Messi. Khi đội bóng bắt đầu chơi tệ đi, đặc biệt là trong các trận sân khách, cầu thủ người Argentina phải cáng đáng thêm nhiều trách nhiệm hơn, và Pep lựa chọn đội hình theo hướng phục vụ cho anh. Nhưng chính sự ưu ái đó với Messi đã làm hạn chế vai trò của những cầu thủ khác, và làm kinh hãi các cầu thủ trẻ. Mùa giải 2011-12 ấy, Messi ghi được tới 73 bàn thắng trên mọi đấu trường. Ngược lại, những cầu thủ ghi bàn tốt nhất ngay sau anh là Cesc và Alexis cũng chỉ có 15 bàn mỗi người. Pep đã tạo ra một con quái vật săn bàn, nhưng sức mạnh tập thể của đội bóng lại vì nó mà bị ảnh hưởng - và Pep biết rằng, cũng như các cầu thủ, anh phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Như Johan Cruyff từng nói: “Guardiola phải kiểm soát rất nhiều cái tôi trong phòng thay đồ. Không có gì ngạc nhiên khi cậu ấy cạn kiệt năng lượng.” Pep Guardiola gọi điện cho một trong những huấn luyện viên hàng đầu thế giới để hỏi: Nếu ông rơi vào một tình huống mà trong đó sự cân bằng dường như đã bị phá vỡ, ông sẽ làm gì? Ông sẽ ra đi hay ông thay cầu thủ? Anh đã nhận được câu trả lời mà có lẽ anh không muốn nghe: Thay cầu thủ. Đó chính là điều mà Sir Alex Ferguson vẫn thường làm, nhưng rõ ràng vì huấn luyện viên của United cảm thấy ít có sự gắn kết với các cầu thủ, cả về mặt đạo đức lẫn tinh thần, hơn Pep, người đã đầu tư rất nhiều cảm xúc cá nhân vào trải nghiệm đầu tiên với tư cách huấn luyện viên. Quá nhiều thì đúng hơn. Guardiola cuối cùng phải dùng thuốc mới có thể ngủ được; anh cũng thường xuyên đi bộ với vợ con, hi vọng có thể tìm được một chút cân bằng cảm xúc. Từng có thời điểm Barcelona bị Madrid bỏ xa tới 13 điểm. “Những gì mà tôi đã làm tới lúc này không đảm bảo cho tôi bất kỳ điều gì. Nếu các cổ động viên có bất kỳ hoài nghi nào, họ sẽ có đủ lý do cho những hoài nghi đó”, anh nói, vào một trong những thời điểm căng thẳng nhất của mùa giải. Những thống kê vẫn ấn tượng, nhưng đã kém đi nhiều so với ba mùa giải trước. Đội bóng đã đánh mất khát khao chiến thắng và Pep cảm thấy đó là lỗi của anh. Sau thất bại trước Osasuna ở Pamplona (3-2) vào tháng 2, anh nói: “Chúng tôi mắc quá nhiều lỗi. Tôi đã không thể nào tìm được câu trả lời trước khi các câu hỏi được đặt ra. Tôi thất bại rồi. Tôi đã không làm tốt công việc của mình.” Nhưng thực tế là Pep vẫn còn một quân bài trong tay áo. Anh học theo Johan Cruyff, áp dụng thủ thuật tâm lý nghịch, bằng cách thừa nhận một cách công khai rằng Barcelona “sẽ không thể vô địch mùa giải này”. Nó đã tạo ra hiệu ứng như mong muốn. Các cầu thủ, ngờ rằng huấn luyện viên của họ đang tính chuyện ra đi, muốn thể hiện họ vẫn còn sẵn sàng cho những thách thức, vẫn còn rất khát khao. Barcelona sau đó vùng lên và rút ngắn được khoảng cách với Madrid xuống còn bốn điểm, nhưng những nỗ lực đó là không đủ và quá muộn. Với thất bại trước chính Madrid ở Camp Nou vào tháng 5, Barcelona coi như đã tự tay dâng chức vô địch cho Mourinho và những kẻ kình địch. Đã xuất hiện những lời phàn nàn về trọng tài, vốn không thường thấy ở Pep, trong nhiều buổi họp báo diễn ra trong những tháng cuối cùng của mùa giải. Nỗ lực tìm kiếm những lời bào chữa ấy chỉ cho thấy, Guardiola đã đánh mất sự tập trung. Pep cảm thấy khó khăn trong việc chấp nhận một thực tế của cuộc sống: rằng sau một giai đoạn thành công chưa từng thấy (13 danh hiệu trong ba mùa giải đầu tiên với đội Một), sự sa sút là không thể tránh khỏi. Nếu bạn cứ thắng suốt, thì khát khao chiến thắng tự khắc sẽ giảm đi. Anh đã cố gắng chặn đứng tiến trình không thể cưỡng lại đó bằng cách làm việc nhiều hơn, hi sinh nhiều hơn. Ngay cả việc chăm sóc bản thân cũng bị đẩy xuống trên danh sách ưu tiên, và những vấn đề về sức khỏe bị phớt lờ cho tới khi chúng trở nên nghiêm trọng, như khi anh bất động trong mấy ngày hồi tháng 3 vì lệch đĩa đệm. Phân tích của ban huấn luyện cho thấy sai lầm không xuất hiện trong khâu chuẩn bị - những bài nói chuyện trước trận vẫn dựa trên những nghiên cứu chi tiết về đối thủ và được truyền đạt với sự nhiệt thành và sức hút - mà trong khâu thực hiện. Nhưng cũng đã xuất hiện những câu hỏi liên quan tới niềm tin của Pep đối với những cầu thủ trẻ mới được đôn lên đội Một từ La Masia. Tello (người xuất phát ở cánh trong trận đấu với Real Madrid ở Camp Nou - trận đấu mà đội bóng của Mourinho đã có được một thắng lợi then chốt) và Cuenca (đá chính trước Chelsea trong trận lượt về vòng bán kết Champions League 2012) được kỳ vọng sẽ thể hiện được như Cesc Alexis hay Pedro, những người đã bị loại khỏi đội hình chính trong các trận đấu đó. Để từng ấy tài năng trên băng ghế dự bị có phải là một sự hoang phí quá sức chịu đựng của Barcelona hay không? Có phải Pep quá gần gũi với đội bóng, tới mức chỉ thấy cây mà không thấy rừng? Đó đều là những quyết định quan trọng, có ảnh hưởng tới thành bại của cả mùa giải; việc Guardiola thay những tuyển thủ quốc gia nhiều kinh nghiệm bằng những anh lính mới trong những trận đấu quyết định mùa giải hẳn nhiên khiến nhiều người phải nhướng mày. Nó cũng có những tác động tiêu cực tới sự tự tin của cả những cầu thủ trẻ được lựa chọn lẫn những cầu thủ lớn tuổi hơn bị loại. Chứng kiến cảnh đó, từ Madrid, José Mourinho có thể nở nụ cười. Tác động từ Mourinho và những chiến thuật gây mất ổn định của anh là không thể chối cãi, dù Pep luôn cố gắng phủ nhận. Trong đêm trước trận Clásico cuối cùng, khi được hỏi đâu là những điều anh nhớ nhất về các trận Clásico trước đó, Pep hạ giọng: “Tôi không có nhiều ký ức đẹp, cả trong chiến thắng cũng như trong thất bại. Luôn luôn xảy ra những chuyện chẳng liên quan gì tới trận đấu khiến cho nhiều việc trở nên không thể nào giải thích nổi với tôi.” Có thật thế không? Anh không thể nhớ được ngay cả màn hủy diệt 2-6 ở Bernabéu? Rồi thắng lợi 5-0 trong trận Clásico đầu tiên của Mourinho, mà theo nhiều người là màn trình diễn ấn tượng nhất trong lịch sử bóng đá? Áp lực là rất khủng khiếp, không chỉ từ Mourinho mà còn từ đội ngũ phóng viên thể thao của Madrid, những người đã đi xa tới mức xúc phạm Pep khi cho rằng sở dĩ Barcelona có thể chơi được như thế trong mấy năm qua là nhờ chất kích thích. Với một tâm hồn nhạy cảm như Pep, như thế là đủ để xóa sạch ngay cả những ký ức đẹp đẽ nhất. Khi mùa giải đi về cuối, quyết định về tương lai của anh là không thể đảo ngược - anh sẽ rời bỏ đội bóng mà nhờ sự lãnh đạo của anh đã trở thành một trong những tập thể được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Điều duy nhất anh cần làm lúc này là tìm ra cách thích hợp để thông báo với đội bóng. Và các cầu thủ. Và cả các cổ động viên. Cách nào bây giờ? Nếu họ vô địch Champions League, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trong lúc đang chốt lại những chi tiết cuối cùng trong kế hoạch ra đi của mình, anh quyết định không chia sẻ bất kỳ điều gì với bất kỳ ai, kể cả bố mẹ. 2 QUYẾT ĐỊNH T rước khi đưa ra thông báo chính thức, manh mối đáng kể nhất về tương lai của Guardiola được chính anh vô tình tiết lộ khi nói chuyện với một phóng viên người Italia trong một cuộc phỏng vấn sẽ được đưa vào DVD giới thiệu lịch sử của Brescia, thời điểm anh đang trong năm thứ ba dẫn dắt Barcelona. Pep vốn không thích trả lời phỏng vấn trên tư cách cá nhân, nhưng trong dịp hiếm hoi chấp nhận làm vậy, anh lại bị phản bội. Những phát ngôn của anh được tuồn cho đài truyền hình quốc gia Italia. Đó không hẳn là những đánh giá về tình huống cá nhân của anh, mà là những đúc rút, chiêm nghiệm về lịch sử, có thể áp dụng không chỉ cho Barcelona mà còn cho phần lớn các đội bóng lớn. “Để có thể trụ lại một thể chế lớn trong bốn năm”, Guardiola nói, “anh sẽ cần rất nhiều lòng dũng cảm. Các cầu thủ sẽ thấy chán anh và anh cũng thấy chán các cầu thủ; báo chí sẽ chán anh và anh cũng sẽ chán báo chí, khi cứ phải gặp từng ấy gương mặt, trả lời từng ấy câu hỏi, làm từng ấy việc giống nhau. Cuối cùng, anh phải biết lúc nào thì cần dừng lại. Tôi từng ngộ ra điều đó khi còn là cầu thủ, nên tôi đến trước mặt họ và nói, ‘Này, đã tới lúc tôi phải rời khỏi đây rồi’.” Có vẻ như điều đó đang xảy ra với Pep một lần nữa, lần này là trên tư cách huấn luyện viên. Ngay sau khi Chelsea giành quyền vào chơi trận chung kết Champions League với trận hòa Barcelona 2-2 (thắng 3-2 chung cuộc) trong thế phải chơi thiếu người suốt một tiếng đồng hồ, Guardiola tìm gặp Chủ tịch Sandro Rosell ở Camp Nou. “Ngài chủ tịch, hãy đến gặp tôi tại nhà của tôi vào sáng mai”, anh nói. Pep cũng tìm gặp Tito Vilanova để thông báo với người trợ lý, lúc đó lờ mờ đoán ra ý định của Pep, rằng anh sẽ không ở lại sau khi mùa giải kết thúc. Guardiola cũng khiến Tito ngạc nhiên khi dự đoán: “Tôi nghĩ họ sẽ đề nghị bạn tiếp quản lại đội.” “Và dù bạn quyết định như thế nào thì tôi cũng sẽ ủng hộ bạn nhiệt thành.” Vilanova hoàn toàn không biết gì về việc tên của anh đã lần đầu tiên được đề cập tới trong một cuộc thảo luận giữa Zubizarreta và Guardiola hồi tháng 11. “Anh có nghĩ là Tito có thể thay anh nếu anh ra đi hay không?” - vị giám đốc bóng đá hỏi. “Đương nhiên” là câu trả lời của Pep, dù lúc đó anh không biết bạn mình có muốn nhận việc, hay Zubizarreta có thực sự nghiêm túc hay không. Vào 9 giờ sáng ngày hôm sau, Pep Guardiola triệu tập một cuộc họp tại nhà riêng của mình với sự tham dự của Sandro Rosell, Andoni Zubizarreta, Tito Vilanova và Phó Chủ tịch Josep Maria Bertomeu. Tại cuộc họp đó, anh thông báo với các quan chức của câu lạc bộ rằng anh sẽ không tiếp tục gắn bó với FC Barcelona nữa. Trong ba tiếng tiếp theo, Pep trình bày những lý do dẫn tới quyết định dừng lại của mình. “Các ngài còn nhớ những gì mà chúng ta đã nói với nhau trong suốt mùa giải hay không? Chẳng có gì thay đổi cả. Tôi sẽ ra đi. Tôi phải ra đi”, Pep nói. Những thất bại trước Real Madrid và Chelsea không phải là nguyên nhân, nhưng chúng là chất xúc tác cho chuỗi sự kiện sau đó. Những người tiếp theo biết tin là bố mẹ anh. Dù tin rằng sức khỏe của con trai mình là “trên hết”, mẹ anh, bà Dolors, vẫn cảm thấy tim mình “như thắt lại” khi nghe tin. Cũng theo bà Dolors, anh cần “một nơi chốn để nghỉ ngơi và thư giãn”. Bố anh, ông Valentí, cũng nghĩ vậy. Ông cảm thấy con trai của mình “đã bị nuốt chửng bởi trách nhiệm quá nặng nề đối với các hội viên, các cổ động viên và câu lạc bộ”. Theo nhà báo Ramón Besa của tờ El País, ông Valentí rất hiểu tình cảnh của con trai. Ông thậm chí còn dự đoán được kết cục của ngày hôm nay từ tháng 9, sau khi Guardiola nhận Huy chương Vàng danh dự từ Quốc hội Catalonia. Lúc ấy ông nói rằng: “Ngay khi cơn mưa tán tụng bắt đầu đổ xuống, đó là lúc bạn nên bắt đầu gói ghém đồ đạc.” Theo phóng viên Luis Martín, cũng của tờ El País, rất nhiều người đã cố gắng thuyết phục Pep đổi ý trong hai ngày trước khi anh có thông báo chính thức. Điện thoại của anh lúc nào cũng nóng ran vì tin nhắn dồn dập đổ về. Trong danh sách những người đã nhắn tin cho anh, đáng chú ý có Valdés, Iniesta, Xavi, và đặc biệt là Messi. Ngay cả Vilanova cũng muốn anh cân nhắc lại. Zubizarreta cuối cùng đã đi tới một ý tưởng điên rồ, một kiểu đề nghị vô vọng mà ông phải nói ra dù biết trước câu trả lời sẽ như thế nào: “Này, ở một trong các đội trẻ vẫn còn một vị trí trống đấy. Sao cậu không về đấy đi? Chẳng phải công việc mà cậu yêu thích nhất là dạy bọn trẻ đá bóng à?”. Pep trố mắt nhìn bạn mình, cố gắng hiểu lý do anh ta đưa ra một đề nghị kỳ cục như thế. Rồi anh cũng trả lời, theo cách mơ hồ chẳng kém: “Chúa ơi, đó có thể là một ý tưởng tuyệt vời đấy.” Cả hai cùng phá ra cười. Hai ngày sau khi báo tin ra đi với chủ tịch, Pep biết rằng đã tới lúc anh phải cho các cầu thủ biết. Không có thành viên nào trong đội biết điều gì đang diễn ra. Sau thất bại trước Chelsea ở bán kết Champions League, Carles Puyol, trong lúc chờ lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra doping, nhìn thấy Pep đứng tần ngần trước cửa phòng họp báo. Anh cho rằng đó là một dấu hiệu tốt. Nên anh nói với một đồng đội của mình: “Trong tuần này thôi ông ấy sẽ nói với chúng ta rằng ông ấy sẽ ở lại, anh cứ chờ mà xem. Ông ấy chưa muốn bỏ chúng ta lúc này đâu.” Puyol, như chính anh thừa nhận, không có năng khiếu làm thầy bói. Sau trận đấu ở Champions League, các cầu thủ được nghỉ hai ngày. Họ đã nghe nhiều tin đồn và cũng biết về cuộc gặp [của Pep] với Rosell nhưng không hề biết chuyện gì sắp xảy ra. Những dòng tít trên các tờ báo ra sáng hôm sau xác nhận việc người ngoài hoàn toàn không có chút thông tin nào về những gì đang diễn ra bên trong đội bóng. Tờ Mundo Deportivo chia trang nhất ra làm hai nửa, một nửa ghi dòng tít “Pep sẽ ra đi”, nửa còn lại ghi “Pep sẽ ở lại”. Phần lớn các cầu thủ đều nghĩ rằng cuộc họp trước buổi tập chỉ đơn giản là để xác nhận thông tin Guardiola sẽ ở lại. “Ông ấy trông rất ổn”, họ nói với nhau. Tất cả đều hi vọng anh sẽ giũ bỏ được những sợ hãi và hoài nghi để ở lại một thời gian nữa, dù chỉ là thêm một mùa. Chỉ có một số ít người biết trước nội dung của cuộc họp. Các cầu thủ tập trung trong phòng thay đồ ở sân tập. Không có tiếng cười đùa nào cả, chỉ có đôi chút xì xào, và tất cả im bặt ngay khi Pep bước vào rồi bắt đầu nói. Cùng thời gian đó, Sky Sports News chạy tin về quyết định của Guardiola. Những gì anh nói ra là một cú sốc với nhiều cầu thủ. Vị huấn luyện viên của Barcelona sẽ ra đi. “Các bạn là những người tuyệt vời nhất, tôi tự hào về tất cả các bạn. Nhưng bây giờ tôi không còn đủ năng lượng để có thể tiếp tục; tôi biết đã tới lúc mình phải ra đi. Tôi kiệt quệ rồi.” Anh cố tỏ ra thoải mái, nhưng giọng của anh thì lạc đi. Anh đang dùng lại những mẹo mà anh vẫn thường dùng khi muốn cho các cầu thủ thấy đâu là điểm yếu của đối phương. Anh cố gắng thuyết phục họ rằng những gì anh nói là điều tốt nhất có thể xảy ra, và để làm được điều đó, anh xoáy sâu vào cảm xúc của các cầu thủ. “Khoảng tháng 10, tôi đã thông báo với Ngài chủ tịch rằng thời gian tôi làm huấn luyện viên ở đây đã gần cạn. Nhưng lúc ấy tôi không thể nói với các bạn, bởi vì nếu thế, tất cả chúng ta đều sẽ gặp rắc rối lớn. Nhưng bây giờ thì chắc chắn rồi. Huấn luyện viên tiếp theo sẽ mang tới những điều mà tôi không còn có thể đáp ứng được. Trước hết là sự mạnh mẽ. Tôi mà ở lại thì đó sẽ là một rủi ro lớn, bởi vì chúng ta có thể sẽ làm cho đối phương bị tổn thương. Tôi nghĩ tất cả các bạn và cả tôi nữa sẽ không thể tha thứ cho chính mình. Có rất nhiều điều mà tôi tưởng tượng ra đã được các bạn biến thành thực tế. Thế nên tôi sẽ ra đi với cảm giác đã làm tốt công việc của mình, đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Câu lạc bộ này sở hữu một sức mạnh không thể ngăn cản, nhưng tôi là huấn luyện viên có số trận nhiều thứ ba trong lịch sử của nó - chỉ trong vòng bốn năm. Những gì mà chúng ta làm được thật đặc biệt bởi vì các huấn luyện viên của Barcelona thường không trụ được lâu. Chúng ta trụ được lâu đến thế là bởi chúng ta biết cách chiến thắng. Nhưng trong khi những điều đó xảy ra, năng lượng của tôi cũng cạn kiệt dần. Tôi sẽ ra đi như một người đàn ông thực sự hạnh phúc. Ngài chủ tịch đã đề nghị tôi tiếp quản một vị trí khác nhưng lúc này đây tôi cần phải tránh xa tất cả nếu muốn ‘sạc’ lại bản thân.” Không ai nói gì. Nên anh lại tiếp tục. “Tôi cũng muốn nói với các bạn rằng, bởi bây giờ chúng ta đã bị loại khỏi những giải đấu lớn, nên tôi sẽ có đủ thời gian để tạm biệt tất cả mọi người - tôi có thể mời từng người vào văn phòng để trực tiếp nói lời cảm ơn. Tôi không muốn được hoan hô hay cái gì đại loại như thế, vậy nên… hãy ra sân và tập luyện thôi!” Nói rồi Pep vỗ tay để nhấn mạnh rằng bài nói chuyện của anh đã kết thúc; đã tới lúc đứng dậy và làm những việc cần làm. Chỉ trong vòng chưa tới 15 phút, lịch sử của câu lạc bộ đã trải qua một bước ngoặt dữ dội. Các cầu thủ vừa hoang mang vừa ngơ ngác. Pep hầu như không yêu cầu các cầu thủ phải làm gì quá sức trên sân tập hôm ấy. Anh biết rằng mình vừa giáng cho họ một đòn nặng nề. Với các cầu thủ, buổi tập hôm đó chính là những bước đầu tiên trên hành trình hàn gắn. Với Pep, nó là khởi đầu cho sự kết thúc của một hành trình đã bắt đầu từ gần ba thập kỷ trước, trong một thị trấn mộng mơ của xứ Catalonia có tên là Santpedor. Phần II TỪ QUẢNG TRƯỜNG SANTPEDOR TỚI BĂNG GHẾ Ở CAMP NOU Quảng trường chính của làng Santpedor. Các buổi sáng của năm 1979 T rên con đường dẫn tới ngôi nhà mà Pep đã ở suốt thời thơ ấu, ta sẽ bắt gặp một cảnh tượng kỳ vĩ vắt ngang qua thung lũng rộng lớn nơi có ngôi làng nhỏ Santpedor. Không khí rất trong lành, nhưng ta có thể ngửi được mùi đất khô trong gió. Xa xa phía chân trời, Montserrat, ngọn núi “hình răng cưa” mang tính biểu tượng của Catalonia, vươn lên khỏi thung lũng như một tấm hình cắt giấy khổng lồ, tạo thành một bức phông nền hùng vĩ cho ngôi làng mộng mơ nằm cách Barcelona 70 kilomet. Một trong những ngôi nhà đầu tiên mà ta nhìn thấy ở vùng ven của ngôi làng chỉ có 7.500 nhân khẩu này là nơi ở mới của bố mẹ Guardiola. Do chính tay bố của Pep, một thợ xây, xây nên, ngôi nhà là một khối kiến trúc ba tầng hiện đại nằm ngay sát con đường chính, trong một khu vực nơi những căn nhà mới tỏ ra lạc lõng giữa đa số những căn nhà cũ. Hướng về khu trung tâm của Santpedor, ta sẽ bắt gặp một số nhà máy cũ kỹ gợi nhớ lại giai đoạn phát triển công nghiệp chưa xa của ngôi làng, hoàn toàn tương phản với những cổng vòm đã có từ thời Trung cổ. Santpedor là kiểu làng mà ở đó người ta luôn chào hỏi nhau trên đường, bất kể là có quen hay không. Nếu quen nhau, họ sẽ dừng lại để trò chuyện về những chủ đề đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Những con đường lớn bắt đầu chập lại thành những mê lộ nhỏ hẹp, những con phố có tuổi đời nhiều thế kỷ cùng dẫn tới hai quảng trường chính của Santpedor, Placa Gran và Placa de la Generalitat. Quảng trường thứ hai từng được gọi với cái tên Placa de Berga, nhưng bây giờ thì nó được biết tới nhiều hơn với tên gọi “quảng trường nơi Guardiola ra đời”. Vào các buổi sáng của năm 1979, một cậu bé tám tuổi gầy gò bước ra khỏi căn nhà số 15 Placa de la Generalitat, rồi tiến thêm mấy bước về phía trung tâm của quảng trường với một quả bóng kẹp dưới nách. Được người trong làng gọi bằng cái tên “Guardi”, thằng bé, với đôi chân khẳng khiu như hai cây sậy, sẽ gọi thêm bạn bè, trong đó có một cô bé tên là Pilar, ra chơi cùng mình. Nó sẽ đá quả bóng vào tường cho tới khi nào bạn bè ra đủ để chia đội thi đấu. Thời đó chưa có PlayStations, và phố xá cũng không nhiều xe tới mức cần đèn giao thông hay có thể gây nguy hiểm cho đám trẻ con đang mê mải với trò chơi bóng đá đường phố. Pep thường đá bóng trước khi đi học, và trên đường đi học về. Quả bóng lúc nào cũng kè kè bên người. Nó có thể tổ chức một trận đấu vào giờ ra chơi, giờ ăn trưa, trên các con đường lát đá, hay bên vòi phun nước. Nó thậm chí còn chơi bóng trong giờ ăn tối của cả nhà, nhiều tới mức mẹ nó chán chả buồn mắng mà chỉ nói, “Bỏ quả bóng ra năm phút và lại đây ngồi đi!”, như biết bao đứa trẻ và bà mẹ khác ở nhiều thành phố và ngôi làng khác khắp nơi trên thế giới. Những ngày đó, mọi chuyện dễ chịu hơn rất nhiều; không có nhiều “nghi thức”, ít sự “quan liêu” hơn, như Guardiola vẫn hay nói. Việc duy nhất bạn cần làm là đến quảng trường với một quả bóng và cứ thế chơi cho tới khi trời tối mịt thì nghỉ; đơn giản vậy thôi. Không cần tới một sân bóng đúng chuẩn, không cần tổ chức các trận đấu, và cũng chẳng phải giới hạn thời gian. Không có cột gôn hay lưới, và cũng chẳng có những tấm biển cảnh báo bọn trẻ không được chơi những trò chơi với bóng. Một cánh cửa garage bằng kim loại được trưng dụng để làm khung thành, và lúc nào cũng nổ ra tranh cãi xem ai sẽ phải về trông gôn. Pilar không bao giờ muốn làm thủ môn; cô bé có lực sút rất tốt và khống chế bóng cũng rất tài tình (sau này, đội bóng đá nữ của làng bên cạnh sẽ được hưởng lợi từ những ngày Pilar chơi bóng với Pep và lũ bạn). Một tranh cãi thường xuyên khác là đội nào sẽ có Pep. Và dù Pep về đội nào thì chiến thuật cũng chỉ có một: cứ đưa bóng cho Pep để cậu chàng kiểm soát trận đấu. Tất cả bạn bè đều biết rằng cậu giỏi hơn hẳn phần còn lại, rằng cậu có thứ gì đó mà những người khác không có. Cuối cùng, để đỡ phải cãi nhau, bọn trẻ thống nhất Pep sẽ là người được chọn quân cho cả hai đội - để lực lượng hai bên ít nhiều cân bằng. Điều đó cũng có nghĩa là ngay từ khi còn nhỏ, Pep đã tiếp nhận vai trò thủ lĩnh không một chút đắn đo. Và nếu, trong một trận đấu có thể kéo dài hết cả ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật, một trong các cầu thủ lỡ chân sút hỏng một thứ gì đó ở quảng trường, chỉ cần một cái nhoẻn miệng từ Pep cũng đủ để kéo cậu và lũ bạn ra khỏi rắc rối. Ngày nay, xe cộ có thể chạy xuyên qua quảng trường, thậm chí đỗ ngay khu trung tâm. Đó không còn là nơi mà bọn trẻ có thể chơi bóng nữa. Khi Pep trở lại Barcelona để dẫn dắt đội dự bị, người ta thường xuyên bắt gặp anh lang thang trên các con đường ở vùng nông thôn xung quanh Santpedor trong những chuyến “xả stress” chóng vánh ở quê nhà. Pep cũng thường xuyên tìm về với ngôi làng của mình trong thời gian đang cân nhắc, thậm chí là tự tranh cãi với bản thân, xem có nên nhảy từ đội dự bị lên đội Một hay không. Trong bốn năm Pep bận rộn thay đổi thế giới bóng đá với tư cách là huấn luyện viên của đội bóng xuất sắc nhất hành tinh, người ta không mấy khi thấy anh trở lại Santpedor, nhưng hình ảnh của anh vẫn hiện diện ở khắp nơi trong làng. Sân vận động của làng được đặt theo tên anh; nhiều quán bar trang trí bằng ảnh của anh; trên một viên đá ở trung tâm của quảng trường có một bản khắc mà câu lạc bộ cổ động viên địa phương làm ra để thể hiện tình yêu với FC Barcelona - câu lạc bộ này (nhờ Pep) đã có thêm hơn 100 hội viên mới trong vòng bốn năm qua. Bóng đá trẻ phát triển mạnh tới mức các đội bóng ném trong làng bị đẩy vào tình trạng chật vật tồn tại vì thiếu nhân sự. Tất cả trẻ con đều chỉ muốn chơi bóng đá. Và, nếu được hỏi, chúng sẽ nói một cách đầy tự hào rằng chúng đến từ ngôi làng CỦA Guardiolta: Santpedor. Có một chút Pep ở Santpedor, nhưng rõ ràng là cũng có rất nhiều Santpedor trong Pep. Ở đây người ta trò chuyện với nhau bằng tiếng Catalonia, cũng là thứ ngôn ngữ được sử dụng trên các bảng hiệu và tên đường. Người ta treo Senyera - ngọn cờ riêng của xứ Catalonia - trên các ban công, và trên tường các tòa nhà bỏ hoang là những bức graffiti thể hiện tình yêu của người dân nơi đây với quốc gia (tự trị) của họ, cũng như tinh thần Catalonia mãnh liệt bên trong họ. Ngôi làng thậm chí còn có vinh dự được đặt tên là “Carrer de Barcelona”, một danh hiệu thời Trung cổ mà đi cùng với nó là rất nhiều đặc quyền và ưu đãi về thuế. Santpedor chính là “đường tới Barcelona”, thủ phủ của Catalonia và là điểm đến đã thay đổi cuộc đời của Pep. Pep là một người Catalonia kiêu hãnh. Những phẩm chất mà Pep tự hào nhất, có giáo dục và bặt thiệp, đều được thừa hưởng từ bố mẹ anh, những thành viên của nhà Guardiola và nhà Sala, những người mà cũng như mọi cặp bố mẹ khác trong làng, đều giản dị và đáng kính. Họ là những người gieo hạt. Hay thực ra hạt giống đã được chính Santpedor gieo từ trước? Người bạn thân của Pep, David Trueba, nghĩ là cả hai. “Hầu như chẳng ai để ý tới một chi tiết nền tảng là: Guardiola là con của một thợ xây. Với Pep, bố anh - Valentí, chính là hình mẫu về sự liêm chính và chăm chỉ. Anh lớn lên trong một gia đình Santpedor điển hình luôn đề cao những giá trị cũ, những giá trị đã có từ thời bố mẹ chẳng có tiền bạc hay tài sản gì để trao lại cho con cái, ngoài phẩm giá và những nguyên tắc. Nếu định phân tích hay đánh giá Guardiola, anh phải khắc cốt ghi tâm một sự thật rằng bên trong bộ vest bóng bẩy hay chiếc áo len cashmere đắt tiền kia là con trai của một người thợ xây. Những đôi giày Italia xa xỉ không thể làm anh quên đi gốc gác hài cỏ của mình.” Khi Pep nhớ lại về thời niên thiếu trong ngôi làng của mình, về bố mẹ, về những trận đấu bất tận trên quảng trường, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí anh không phải là một khoảnh khắc cụ thể nào đó, mà là cảm giác hạnh phúc. Đấy là niềm vui ở trạng thái nguyên sơ nhất. Cảm giác ấy vẫn trở lại mỗi khi anh về lại làng để thăm bố mẹ, thăm dì Carmen, bác José, hay bất kỳ người họ hàng nào vẫn còn sống ở Santpedor, và cùng họ ngồi hàn huyên trên quảng trường. Cho đến khi người hâm mộ kéo tới và khiến cho sự yên bình bị phá vỡ. Trở lại với thời điểm Pep vẫn còn là một cậu nhóc. Khi mặt trời lặn trên quảng trường cũng là lúc Pep trở về nhà. Cậu sẽ để bóng vào một góc riêng trong phòng ngủ của mình, một không gian hết sức khiêm tốn được trang trí bởi không gì hơn ngoài tấm ảnh khổ lớn của Michel Platini, thần tượng của cả thế giới bóng đá thời điểm Guardiola 10 tuổi. Guardiola chưa bao giờ được xem Platini chơi bóng - những ngày đó, truyền hình không thường xuyên phát bóng đá quốc tế - nhưng cậu đã nghe bố và ông nội nói rất nhiều về tài năng của cầu thủ đang chơi cho Juventus, về phẩm chất thủ lĩnh và sức hút của ông. Tất cả những gì Pep được biết về Platini đều là qua lời kể của người lớn, và tất nhiên cả bức ảnh chụp cầu thủ lịch lãm người Pháp khi ông đang nâng niu trái bóng, đầu ngẩng cao để bao quát toàn bộ mặt sân và chọn lựa đường chuyền tiếp theo. Pep ngay lập tức bị phong thái của Platini thu hút. Năm năm sau, một cậu bé nhặt bóng ở Camp Nou có tên Pep Guardiola sẽ tha thiết xin Platini chữ ký sau một trận đấu, để rồi rút ra được một bài học quan trọng về cuộc đời. Nhưng chúng ta sẽ nói tới câu chuyện này sau. Ở trường dòng của làng, Pep luôn thể hiện mình là một học trò ngoan. Cậu vẫn thường được gọi là tros de pa - nghĩa đen trong tiếng Catalonia là “một mẩu bánh mì”, còn nghĩa bóng là “một đứa trẻ ngoan”. Không chỉ say sưa học hành, Pep còn luôn sẵn lòng hỗ trợ làm các công việc trong nhà thờ. Hành động gần với sự nổi loạn nhất mà Guardi từng làm là trốn đi trong một dịp hiếm hoi bố bảo anh giúp ông xây nhà. Pep có một vẻ ngoài thánh thiện, đó là lý do cậu thường được phân đóng vai thiên thần trong những vở kịch trình diễn dịp Giáng sinh ở làng. Khi lên bảy, Pep chuyển tới học ở La Salle de Manresa, một ngôi trường Công giáo cách nhà vài dặm. Đó là cuộc thoát ly đầu tiên của Pep. Môi trường mới rất nghiêm khắc, và cậu phải học cách thích nghi thật nhanh. Thầy Virgilio là người dạy cậu những từ tiếng Anh đầu tiên, ngôn ngữ mà sau này Pep có thể sử dụng một cách thuần thục mỗi khi cần đến, thường là trong các buổi họp báo ở Champions League trước sự chứng kiến của báo chí thế giới. Pep cũng dùng được tiếng Ý, bên cạnh, tất nhiên, tiếng Catalonia và tiếng Tây Ban Nha. Ồ, và cả tiếng Pháp nữa. Ở La Salle, những đặc điểm nổi trội trong tính cách của Pep tiếp tục hình thành và phát triển. Pep tỏ ra là một người khắt khe với bản thân, may mắn sở hữu một sức cuốn hút tự nhiên và bị ám ảnh bởi bóng đá; nhưng trên hết, cậu đã thể hiện mình là một người rất biết lắng nghe, và như một miếng bọt biển, không ngừng hấp thụ kiến thức từ mọi người xung quanh, đặc biệt là những người già. So với bạn bè đồng trang lứa, Pep gầy và cao hơn cả, có thể đó là hệ quả của việc cậu chẳng bao giờ chịu đứng yên một chỗ - ít ra thì đó là điều mà mẹ của cậu luôn nghĩ. Dẫu thế, cậu vẫn luôn là người đầu tiên được các đội trưởng lựa chọn và thường xuyên là người tham gia duy nhất trong trò chơi ưa thích của cậu: tâng bóng. Lý do Pep thường xuyên chơi trò đó một mình là bởi chẳng có ai muốn thi thố với cậu. Đó là hành động quá vô nghĩa - cậu đâu thể bị đánh bại. Ở một trong những trận đấu như thế tại La Salle, hai tuyển trạch viên của câu lạc bộ Club Gimnàstic de Manresa đã phát hiện ra khả năng của Pep. Họ nhanh chóng bị thu hút bởi tố chất lãnh đạo và khả năng chuyền bóng của “thằng nhóc lòng khòng”. Được sự cho phép của bố, Pep bắt đầu tập luyện ở Gimnàstic, khoảng hai hay ba lần mỗi tuần, và ở đây, cậu nhanh chóng được truyền thụ những nguyên tắc quan trọng: “Không giẫm lên bất kỳ ai, nhưng cũng không được để cho bất kỳ ai giẫm lên mình; luôn ngẩng cao đầu; tối đa hai chạm; giữ cho bóng sát mặt đất.” Nếu bí quyết vàng cho thành công là rèn luyện, Pep đã khởi đầu ở một học viện lý tưởng. Có lẽ việc một đứa trẻ tới từ ngôi làng của Pep ủng hộ Barcelona là điều hoàn toàn tự nhiên. Cả làng chỉ có duy nhất một cổ động viên của Espanyol, kình địch cùng thành phố của Barcelona. Run rủi thế nào, người cổ động viên đặc biệt đó lại là ông nội của Pep. Gia đình Pep thậm chí còn treo ảnh của Espanyol trong nhà để tưởng nhớ ông. Nhưng tình cảm của người ông không hề ảnh hưởng tới lựa chọn của Pep: “Ông tôi là người tốt bụng nhất thế giới, ông sở hữu một trái tim lớn tới mức tôi cảm giác nó lúc nào cũng muốn bật ra khỏi lồng ngực. Ông là người rất giàu lòng trắc ẩn, nên ông thấy mình gần như có nghĩa vụ phải ủng hộ những đội nhỏ hơn, những đội yếu hơn. Trong ngôi làng của chúng tôi, không có thêm bất kỳ cổ động viên Espanyol nào ngoài ông.” Một đồng đội của Pep ở Gimnàstic có một người họ hàng sở hữu vé mùa của FC Barcelona. Có lần, Pep hỏi anh ta rằng liệu một hôm nào đó cậu có thể mượn nó để tới Camp Nou xem bóng đá được hay không. Và thế là vào năm 1981, cậu bé 10 tuổi Pep Guardiola lần đầu tiên được đặt chân vào sân bóng kỳ vĩ ấy, trong trận đấu giữa FC Barcelona và Osasuna ở La Liga. Con phố dẫn tới sân biến thành một dòng sông người, và mỗi người lại vẫy không ngừng một lá cờ Barcelona. Pep đã được trải qua “một cảm giác khó tin” của niềm vui, sự phấn khích, của việc được trở thành một phần của cái gì đó lớn lao, một kiểu giác ngộ. Ngồi trên hàng thứ bảy của khán đài bắc, ngay phía sau và hơi chếch một chút so với khung thành, cậu thì thầm với bạn những lời mà có lẽ hàng nghìn đứa trẻ đã nói trước đó: “Tớ sẵn sàng trả tiền triệu để có thể được chơi trên sân bóng đó vào một ngày nào đó.” Thực tế, trong khi còn ở Gimnàstic, Pep đã có cơ hội chơi một vài trận giao hữu với các đội trẻ của FC Barcelona. Những trận đấu ấy đã mang tới cho cậu nhiều bài học giá trị liên quan tới những hạn chế của chính cậu và của đội bóng. Pep là cầu thủ giỏi nhất trong đội Gimnàstic ấy, nhưng cậu cảm thấy có rất nhiều cầu thủ khác cũng như cậu, thậm chí giỏi hơn, đang khoác trên người chiếc áo xanh-đỏ của FC Barcelona. Cũng trong khoảng thời gian ấy, ông Valentí giấu cậu con trai mười một tuổi của mình để âm thầm điền vào một mẫu đơn được đăng trên một tờ báo thể thao: đơn đăng ký tham gia thử việc ở Barca. “Bên Barcelona muốn gặp con đấy”, ông nói với con trai vài ngày sau đó, trong sự ngạc nhiên tột độ của thằng bé. Tất nhiên là Pep, trong tâm trạng căng thẳng và với một thân hình vẫn còn rất mảnh khảnh, tới thử việc. Cậu đã chơi tệ. Và cậu biết điều đó. Đêm ấy cậu không thể nào ngủ được. Người ta gọi cậu trở lại vào ngày tiếp theo nhưng cũng chẳng khá hơn là bao. Trong buổi thử việc, Pep được xếp chơi ở vị trí của cầu thủ tấn công biên; cậu thiếu cả tốc độ lẫn sức mạnh để có thể tỏa sáng. Nhưng cậu vẫn còn một cơ hội nữa. Lần này, huấn luyện viên xếp cậu chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Đột nhiên Pep trở thành một con người khác. Trái bóng như bị hút về phía cậu, và từ đó, cậu có thể tổ chức các pha tấn công hay kiểm soát nhịp điệu. Thế là quá đủ. Barcelona quyết định chọn cậu. Nhưng ông Valentí giữ kín thông tin này, cho tới khi ông chắc chắn rằng Barcelona là lựa chọn tốt nhất cho con. Ông và Dolors, mẹ của Pep, đều cảm thấy lo lắng khi chứng kiến những chuyến đi căng thẳng và đáng sợ tới Barcelona đã có tác động tiêu cực thế nào tới tinh thần của Pep; khi trở về nhà, cậu bé trở nên lầm lì hơn, lúc nào cũng tỏ ra bất an và chuyện ăn uống cũng lộn xộn. Sau khi thảo luận với vợ, ông Valentí quyết định từ chối lời đề nghị của Barcelona. Họ tin rằng Pep còn quá trẻ để tới La Masia, quá non nớt để có thể sống một mình xa gia đình, và chưa đủ mạnh mẽ để có thể thi thố hay đương đầu với các thách thức. Mấy năm sau đó, bóng đá vẫn là phần chủ đạo trong nhịp sống của gia đình Guardiola. Họ thường xuyên di chuyển tới Manresa và các vùng khác trong khu vực để Pep, lúc này đã được mang băng đội trưởng của Gimnàstic, chơi các trận đấu ở giải vô địch và các trận giao hữu. Giấc mơ Barca có vẻ như đã bị lãng quên. Vài năm sau, FC Barcelona lại gọi điện cho gia đình Guardiola. Ông Valentí nhấc máy và lắng nghe lời đề nghị của họ. “Chúng ta cần phải nói chuyện”, ông nói với con trai sau một buổi tập với Gimnàstic. Cả gia đình, gồm vợ chồng ông và Pep, lúc này đã mười ba tuổi, quây quần bên bàn ăn tối. Người bố cố gắng giải thích, theo cách tốt nhất có thể, với cậu con trai tuổi teen rằng bên ngoài ngôi làng và ngôi trường Công giáo của cậu, còn có một cuộc sống khác; ông cố chuẩn bị tâm lý cho cậu trước những điều có thể xảy ra khi cậu rời nhà; rằng việc học phải là ưu tiên; rằng tới Barcelona là bước vào một thế giới mới mà ở đó mức độ yêu cầu, trách nhiệm và kỳ vọng đều cao hơn một bậc. Cho tới thời điểm đó, trong đời Pep, bóng đá chỉ đơn thuần là một trò chơi. Nhưng, như lời ông Valentí nói lúc ấy, Pep đang có cơ hội thay đổi cuộc đời và kiếm sống được từ môn thể thao mà cậu yêu thích, ở đội bóng mà cậu ngưỡng mộ. Pep hiểu hết những điều bố muốn nói, và cậu cũng hiểu mình có thể được gì và mất gì trong chuyện này. Pep từng quyết định rằng nếu Barcelona không trở lại với một đề nghị, cậu sẽ từ bỏ giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, bởi vì cậu không thể chịu đựng việc bị từ chối thêm một lần nào nữa. Nhưng Barca đã trở lại thật. Quyết định cuối cùng đã được đưa ra. Pep Guardiola đang chuẩn bị rời nhà và bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân thuộc; cậu đang chuẩn bị chuyển tới một thành phố lớn, và ở đó cậu sẽ làm tất cả những gì có thể để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cậu chuẩn bị bước vào hành trình theo đuổi giấc mơ chơi bóng cho FC Barcelona. Đứa trẻ nhảy khỏi giường tầng ở La Masia, Barcelona Một buổi tối đầu tháng 8, cuối những năm 1980 Không lâu sau khi nhận được cuộc gọi từ Barcelona, Pep, cùng với bố mẹ và em trai Pere, tới thăm các cơ sở của Barcelona ở La Masia, một nông trang cũ được cải tạo thành nơi ở cho các học viên trẻ đến từ các khu vực ngoài Barcelona. Nằm trên tầng hai của chiếc giường tầng, Pep mở cửa sổ của căn phòng mà cậu chia sẻ với bốn bạn khác; cửa vừa mở ra, Pep đã không kìm được mà hét toáng lên,“Wow, mẹ ơi, nhìn kìa! Ngày nào con cũng sẽ mở cái cửa sổ này để có thể nhìn ngắm Camp Nou!” Khi chuyển tới La Masia, cậu không mang theo tấm poster có hình Platini mà cậu dùng để trang trí cho căn phòng của mình. Dù Pep có nhận ra hay không, bóng đá đã rẽ sang một hướng mới, nhưng, với Pep, nó vẫn chỉ là một trò chơi. Mỗi khi nhìn lại, Pep đều không cho rằng những ngày đầu tiên của anh ở câu lạc bộ là giai đoạn khó khăn về mặt tình cảm, dù anh thừa nhận rằng việc phải bỏ lại sau lưng tất cả những gì mà anh biết, trong đó có tất cả những người bạn thân, là điều rất khó khăn với một cậu bé mới mười ba tuổi. Chỉ sau một đêm, Pep bỗng thấy những mối liên kết gia đình bị đứt đoạn, đồng thời xuất hiện những mối quan hệ mới cần được thiết lập và củng cố. Thi thoảng, vào buổi tối, cậu sẽ xuống tầng trệt của trang viện cũ và dùng điện thoại trả tiền để gọi về cho bố mẹ. Nhưng không giống như nhiều đứa trẻ khác phải trải qua cảnh nhớ nhà khủng khiếp, bởi vì chúng ở quá xa gia đình, những cuộc gọi của Pep diễn ra không thường xuyên bởi vì hầu hết các ngày cuối tuần, cậu sẽ được trở về ngôi làng của mình, vốn chỉ cách khoảng một giờ chạy xe. Bây giờ anh vẫn kể về giai đoạn ấy như là quãng thời gian giúp anh mở rộng tầm mắt, đầy những điều mới mẻ, những khám phá, và ngay cả những thiếu thốn cũng giúp anh trưởng thành nhanh chóng hơn. Chính việc bị chia cắt với gia đình và bạn bè đã khiến anh và đồng đội trở nên kiên cường hơn. Bố anh lại nhớ về thời gian ấy theo kiểu khác: “Mỗi lần gọi điện là thằng bé lại nức nở trong điện thoại; nó thường khiến cho trái tim của chúng tôi tan nát.” Ký ức quả là thích trêu đùa. Cuộc sống căng thẳng, mệt mỏi trên cương vị huấn luyện viên của Pep đã tạo ra một hiệu ứng thú vị: những ký ức tuổi trẻ như bị viết lại, và anh bắt đầu nhìn về quãng thời gian trước đây với một tâm trạng có sự đan xen giữa nỗi u buồn và lòng ghen tị với sự vô tư không bao giờ có thể tìm lại được. Rõ ràng là bây giờ anh đã quên tất cả những ký ức đau đớn nhất - những điều tồi tệ đã bị “ghi đè lên” bởi những điều tốt đẹp. Nhưng cũng chính anh một thập kỷ trước đã viết rằng đôi lúc anh cảm thấy “bơ vơ” giữa “Ngôi Nhà Lớn”, cách mà bọn trẻ dùng để gọi trụ sở của Barca. Câu lạc bộ đã cho Pep và các cầu thủ trẻ khác mọi thứ mà chúng cần, đặc biệt là “tình cảm và sự bình yên trong tâm hồn khi biết rằng bất kỳ lúc nào tôi cần, họ sẽ lập tức có mặt để ngăn không cho những rắc rối của tôi cản lối những giấc mơ của tôi. Và thực tế đó - rằng họ luôn sẵn lòng có mặt bên chúng tôi - quan trọng với tôi tới mức tôi không bao giờ thôi biết ơn họ, và luôn tự nhủ rằng tôi sẽ không bao giờ có thể báo đáp hết được.” Một ngày của các cậu bé ở La Masia bắt đầu với bữa sáng có sữa chua, ngũ cốc, bánh mì, mứt và sữa. Không giống như đứa trẻ khác cùng thế hệ, các cầu thủ trẻ ở La Masia được phép giải trí bằng cách xem chung một chiếc TV được hẹn giờ để tắt vào đúng mười một giờ mỗi tối. Nhưng lũ trẻ còn tìm được những trò tiêu khiển hay ho hơn nhiều so với các chương trình truyền hình được phát trên TV. Mỗi khi đêm xuống, bất chấp “lệnh giới nghiêm”, Pep và các bạn cùng phòng sẽ tập trung trước cửa sổ và cùng nhau thưởng thức một trong những “đặc sản” của khu vực: cảnh những cô gái bán hoa lượn lờ tới lui trên con phố dẫn tới những cánh cổng của La Masia. Nhưng theo thời gian, rồi lũ trẻ cũng quen với sự có mặt của họ tới mức chẳng thèm quan tâm nữa. Những tiếng nức nở trên giường ngủ cũng trở thành một phần trong “bản giao hưởng” mỗi tối, nhưng Pep nhanh chóng nhận ra rằng khóc lóc chẳng hề khiến cậu cảm thấy tốt hơn. Nói gì thì nói, cậu và các bạn cũng đang được sống trong giấc mơ của mình. Thế nên tốt hơn cả là tập trung vào những gì mình cần phải làm, mà trong trường hợp của Pep, gồm cả việc tham gia một chương trình cải thiện thể chất, bởi vì các huấn luyện viên, dù thấy rõ tiềm năng của Pep, luôn cảm thấy lo lắng về khổ người mảnh khảnh của cậu. Pep có thể nói về bóng đá không ngừng trong những chuyến đi dài tới các vùng khác nhau của Catalonia để thi đấu - cũng chính những chuyến đi đó đã giúp cậu hiểu biết nhiều hơn về quê hương của mình. Cậu không ngừng học hỏi từ những gì mà cậu thấy xung quanh, từ các đội bóng khác, từ các huấn luyện viên, hay những đồng đội lớn tuổi hơn. Một lần nọ, Pep rủ thêm mấy đồng đội của mình thực hiện lại một tình huống phối hợp đá phạt mà cậu nhìn thấy trong một trận đấu của đội B vào cuối tuần trước đó. Pha phối hợp đó dẫn tới bàn thắng, và huấn luyện viên của họ đã hỏi: “Ý tưởng này là của ai? Các con lấy nó từ đâu?” “Từ các anh lớn ạ”, cậu bé mười lăm tuổi Pep Guardiola dõng dạc trả lời. Đó là La Masía - một ký túc xá của đại học bóng đá, nơi ranh giới giữa cầu thủ và huấn luyện viên thường bị xóa mờ. “Trẻ con thì đứa nào cũng chỉ muốn chơi bóng đá, sống cùng bóng đá, và La Masía là nơi cho phép chúng làm điều đó”, Pep nhớ lại. “Bất kỳ thời gian nào trong ngày cũng là lý tưởng để ôm lấy trái bóng và tổ chức nhanh một trận đấu, hoặc để đi xem những cầu thủ khác tập luyện như thế nào. Thi thoảng, khi được đề nghị tới La Masía để nói chuyện, tôi thường hay yêu cầu bọn trẻ trả lời câu hỏi: “Mỗi tối, khi các cháu chuẩn bị đi ngủ, hãy tự hỏi xem liệu mình có yêu bóng đá hay không; mình có sẵn sàng bật dậy, ngay lúc đó, ôm lấy trái bóng và chơi thêm một lúc hay không.” Nếu câu trả lời là “không”, thì đó là thời điểm thích hợp để bắt đầu tìm kiếm một việc gì đó khác để làm. Sống trong một ngôi trường bóng đá còn có những lợi ích khác. Lũ trẻ ở La Masía luôn có cơ hội trở thành những khán giả đặc biệt ở Camp Nou nếu được giao nhiệm vụ phát tờ rơi trong những ngày diễn ra trận đấu, hoặc, may mắn hơn nhưng cũng phải chờ đợi lâu hơn, trở thành những cậu bé nhặt bóng. Có một bức ảnh trong đó chàng trai trẻ Pep đang ở trên sân và hớn hở vỗ tay trong lúc một vài cầu thủ Barcelona đang công kênh huấn luyện viên Terry Venables sau khi FC Barcelona đánh bại Gothenburg để giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp C1 năm 1986. Cũng trong vai trò của một cậu bé nhặt bóng, Pep đã học được một bài học ngoài dự kiến trong lúc chờ đợi thần tượng Michel Platini ra sân để khởi động trước một trận đấu giữa Barcelona và Juventus. Cậu nhóc đã mơ về thời khắc này trong nhiều tuần; đó chính là cơ hội đầu tiên để cậu có thể nhìn thấy người hùng thời thơ ấu của mình bằng xương bằng thịt. Cậu cũng đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch hoàn hảo để có được chữ ký của Platini. Thủ sẵn bút và giấy trong túi quần, Pep định sẽ tiếp cận ngôi sao người Pháp khi anh ta bước sang phần sân đối diện để khởi động với các đồng đội - cậu biết đó là cơ hội duy nhất để cậu xin được chữ ký của Platini mà không gặp rắc rối. Cabrini, Bonini, Brio lần lượt bước ra sân, và sau đó là Michael Laudrup. Nhưng Platini thì chẳng thấy đâu. Hóa ra siêu sao người Pháp không phải lúc nào cũng ra sân để khởi động với toàn đội. “À”, Pep nghĩ, “tức là không phải tất cả mọi cầu thủ đều được đối xử công bằng; hóa ra họ chẳng hề giống nhau.” Bút và giấy thế là vẫn nằm yên trong túi. Tấm poster của Platini mà Pep không mang theo tới La Masía vẫn ở yên trong phòng ngủ của cậu ở Santpedor thêm một vài năm nữa, nhưng dần dần một cầu thủ khác, người này dễ tiếp cận hơn hẳn, đã chiếm được vị trí trung tâm trong trái tim của Pep. Đó là Guillermo Amor, tiền vệ tương lai trong đội hình của Johan Cruyff, người lớn hơn Pep bốn tuổi và cũng là một “cư dân” của La Masía. “Ở thời điểm em bắt đầu để ý tới mọi việc mà anh làm, em mới có mười ba tuổi”, Pep viết về Amor cách đây một thập kỷ, trong cuốn tự truyện của anh có tựa đề My People, My Football. “Em không chỉ theo dõi tất cả các trận đấu của anh, mà còn các buổi tập nữa; em luôn để ý tới thái độ của anh, bởi vì anh đối xử với mọi người cứ như thể cuộc sống của anh phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ với những người ấy. Các buổi thực hành bóng đá của em thường diễn ra vào lúc 7 giờ tối ở sân bên cạnh; nhưng em thường đến sớm hơn hai tiếng để có thể học ké lớp học lý thuyết trên sân số 1: em muốn xem anh di chuyển như thế nào, động viên các đồng đội ra sao, xem cách anh xin bóng, cách anh lắng nghe và giành được sự tôn trọng của tất cả mọi người xung quanh. Hôm nay em muốn bày tỏ sự biết ơn với anh vì tất cả những khoảnh khắc mà anh đã mang đến cho bọn em ở La Masía ngày ấy, dù là trên sân số 1, trong các bữa ăn, trong phòng thay đồ, trong những ngày nghỉ, lúc ở khách sạn khi phải làm khách, hay thậm chí là trên truyền hình.” Mỗi khi Amor trở về sau một trận đấu sân khách với đội B - lúc đó có cả Tito Vilanova, trợ lý và là người kế vị của Pep trên cương vị huấn luyện viên trưởng ở Camp Nou trong tương lai - Pep sẽ quấn lấy anh để hỏi về tỉ số và lối chơi mà đội đã thể hiện. “Bọn anh thắng” là câu trả lời quen thuộc. Trong vòng vài năm tiếp theo, Amor, người mang trên mình tất cả những giá trị mà một cầu thủ của Barcelona phải có, trở thành một người anh lớn đối với Pep, lúc đó đã hiểu được rằng định hình giá trị của câu lạc bộ không phải là gạch vữa ở sân hay ở khu tập luyện, mà chính là ADN bóng đá mà những người như Guillermo chia sẻ. Bởi thế nên khi Pep đưa ra những quyết định lớn đầu tiên với tư cách huấn luyện viên trưởng của Barcelona, quyết định bán Ronaldinho và Deco hay chấp thuận bổ nhiệm Amor vào vị trí giám đốc bóng đá trẻ, mong muốn của anh là trả lại tầm ảnh hưởng trung tâm trong phòng thay đồ về tay những cầu thủ do câu lạc bộ tự đào tạo. Guardiola vẫn là một cậu thiếu niên lòng khòng với lượng cơ hạn chế, một thể trạng trái ngược với một cầu thủ bóng đá lý tưởng. Nhưng trong cái khó bao giờ cũng ló cái khôn, vì không có đủ tốc độ và sức mạnh để vượt qua đối thủ, Pep đã thay năng lực thể chất bằng năng lực trí óc. Dần dần trong cậu hình thành một khả năng nhận biết không gian có một không hai. Cậu có thể loại bỏ ba cầu thủ đối phương chỉ bằng một đường chuyền, có thể tùy ý làm cho sân bóng rộng ra hay hẹp đi, để trái bóng luôn luôn phải di chuyển nhiều hơn cầu thủ. Thông thường khi bọn trẻ bắt đầu chơi bóng, chúng sẽ muốn học cách rê dắt. Guardiola thì không: cậu học cách chuyền trước. La Masía, bây giờ đã được dùng với một nghĩa khác, để chỉ hệ thống đào tạo trẻ của Barcelona, đã và không bao giờ thiếu tài năng. Đó là kết quả của một quá trình theo đuổi và phát triển kéo dài suốt hơn ba thập kỷ một phong cách bóng đá đang được cả thế giới tán tụng. “Nhiều người nghĩ nó cũng giống như công thức của Coca-Cola”, nhà báo người Catalonia Ramón Besa viết, “có thể hiểu là một công thức bí mật để tạo ra thành công.” Trên thực tế, chẳng có gì là bí mật. Tất cả bắt nguồn từ một ý tưởng đơn giản nhưng mang tính cách mạng: kiểm soát bóng, phối hợp, phòng ngự bằng cách tấn công và không ngừng tìm kiếm lối vào khung thành đối thủ; xem việc tìm ra những tài năng lớn nhất bất chấp những hạn chế về hình thể là yếu tố then chốt của quá trình tuyển chọn. Ngoài ra còn phải đề cao chất lượng kỹ thuật và đảm bảo các cầu thủ trẻ thấu hiểu mọi khía cạnh của trò chơi. Đó là một triết lý dựa trên kỹ thuật và tài năng, không hơn, không kém. “Tôi không bao giờ quên điều đầu tiên mà các thầy nói khi tôi tới Barca lúc nhỏ”, tiền vệ của Barca Xavi Hernández nói. “Ở đây, các cậu không bao giờ được phép để mất bóng.” Mô hình Barcelona là kết quả của việc câu lạc bộ luôn theo đuổi bóng đá đẹp (trong những năm 1950, đội bóng xứ Catalonia đã chiêu mộ một loạt ngôi sao người Hungary gồm Ladislao Kubala, Sándor Kocsis và Zoltán Czibor, những thành viên trụ cột trong đội hình đội tuyển xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm đó) và cũng là của những ý tưởng mang tính cách mạng được mang tới bởi hai người đàn ông: Laureano Ruíz và Johan Cruyff. Laureano là một huấn luyện viên rất ương ngạnh. Chính ông là người, vào những năm 1970, đã tạo ra ở Barcelona một chương trình tập luyện chuyên biệt dựa hoàn toàn vào tài năng và kỹ thuật, và tới mùa thứ hai ở câu lạc bộ, đã có thể thuyết phục tất cả các đội trẻ cùng theo chương trình này. Dưới thời Cruyff, kiểm soát bóng trở thành quy tắc đầu tiên và quan trọng nhất. “Nếu ta có bóng, đối thủ sẽ không có và không thể tấn công ta được”, Cruyff nhắc đi nhắc lại mỗi ngày. Nghĩa là, nhiệm vụ bây giờ chính là tìm kiếm những cầu thủ có khả năng giữ bóng, có ý thức và sự linh hoạt về vị trí. Trên tất cả, La Masía, như mọi lò đào tạo chất lượng khác, luôn hướng tới việc giúp các thành viên phát triển cả về kỹ năng bóng đá lẫn khía cạnh con người, và gieo vào họ một cảm giác gắn kết, một sự định danh mạnh mẽ, như Xavi giải thích: “Đâu là điều quan trọng nhất ở đội Barcelona này? Phần lớn chúng tôi đều đi ra từ ‘Ngôi Nhà Lớn’ - từ đây, đây là đội bóng của chúng tôi, nhưng ‘chúng tôi’ ở đây không chỉ có các cầu thủ, mà cả các huấn luyện viên, các bác sĩ, các chuyên gia trị liệu, những người làm các công việc không tên nữa. Tất cả chúng tôi đều là culés, đều là cổ động viên của Barca, chúng tôi là một gia đình, luôn bên nhau, cùng nhau chinh phục những thử thách theo cách của riêng mình.” Bất chấp thực tế rằng từ năm 2001, trang viện cũ này đã không còn được dùng để làm nơi ở cho học viên nữa, cuộc cách mạng khởi phát từ đây ba thập kỷ trước vẫn tiếp tục và đạt tới đỉnh cao cùng sự xuất hiện với tư cách huấn luyện viên trưởng đội Một của Guardiola, người luôn đặt niềm tin vào những “sản phẩm” hoàn thiện nhất của La Masía. Năm 2010, La Masía trở thành học viện đầu tiên đào tạo ra ba cầu thủ cùng có mặt trên bục podium trong cùng một lễ trao giải Ballon d’Or là Andrés Iniesta, Lionel Messi và Xavi Hernández. “Tôi đã trải qua những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời ở La Masía”, Pep nhớ lại. “Đó là quãng thời gian tôi chỉ phải tập trung vào một giấc mơ duy nhất không thể bị thỏa hiệp mà tôi từng có: chơi bóng cho đội Một Barca. Cảm giác lo lắng phải thể hiện đủ tốt để được Johan Cruyff chú ý tới có thể được diễn tả ra thành lời. Không có khát khao đó, không ai trong chúng tôi có thể được như ngày hôm nay. Vinh quang là chuyện khác. Tôi đang nói tới tình yêu bóng đá và cảm giác được kỳ vọng thôi.” Ngay cả khi Pep đã xoay xở để vượt qua được sự thiếu hụt về thể chất và lọt vào tầm chú ý của các huấn luyện viên, cậu vẫn còn thiếu bước đi quyết định: được triệu tập vào đội Một. Nhưng khi Johan Cruyff cần một số bốn, một người dẫn dắt lối chơi cho đội bóng từ vị trí phía trước hàng thủ, vị huấn luyện người Hà Lan không mảy may bận tâm tới thể trạng mỏng mảnh của Pep. Ông cho triệu tập cậu bởi ông có cảm giác rằng cậu có thể đọc trận đấu và biết chuyền bóng. Vào cái ngày tháng 5 năm 1989 ấy, Pep đã phải bỏ lại hết, kể cả cô bạn gái mà cậu vừa mới quen, vơ vội bộ đồ thi đấu và cùng đội Một lên đường để chơi một trận giao hữu ở Banyoles. Đột nhiên, hoàn toàn ngoài dự tính, chàng trai trẻ có màn ra mắt đội Một Barcelona. Lúc đó anh mười tám tuổi. Nếu có lúc nào đó Pep hi vọng rằng vị thế mới của mình có thể gây ấn tượng với cô bạn gái, thì cảm giác ấy cũng không tồn tại lâu. Cruyff tỏ ra vô cùng thất vọng với màn ra mắt của anh. “Cậu còn chậm hơn cả bà nội tôi nữa” - vị huấn luyện viên nói với anh trong giờ nghỉ. Theo thời gian, Pep dần hiểu được phương pháp mà Cruyff thường sử dụng khi chỉ trích các cầu thủ. “Khi ông tấn công anh mạnh mẽ nhất, khi anh cảm thấy tệ hại nhất, đó là lúc ông giúp anh nhiều nhất. Nhưng vì đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi với một huấn luyện viên, người lại rất quan trọng với tôi, những gì ông nói tác động tới tôi sâu sắc đến mức tôi không bao giờ có thể quên được.” “Chậm hơn cả bà nội của tôi” - những từ đó đánh dấu sự bắt đầu của một trong những mối quan hệ bền chặt và giàu ảnh hưởng nhất trong lịch sử bóng đá. Một buổi tập. Camp Nou. Sáng muộn, mùa đông năm 1993 Theo những nguyên tắc Johan Cruyff định ra ở Barcelona, các huấn luyện viên cần phải là những người có khả năng thị phạm. Họ cần phải biết chơi bóng, luôn có mặt trên sân trong các buổi tập và thường xuyên đưa ra những chỉ dẫn, bởi vì chẳng có gì hiệu quả hơn việc dừng trận đấu lại để sửa lỗi, hướng dẫn, để giải thích vì sao cần phải chuyền bóng tới cầu thủ kia, di chuyển tới vị trí đó hay thay đổi một yếu tố nào đấy trong kỹ thuật của họ. Carles Rexach, người đã làm trợ lý cho Cruyff suốt tám năm ở Barcelona, đúc kết: “Một từ của Johan trong một buổi tập có giá trị hơn hàng trăm giờ giảng giải trước bảng đen.” Phong cách huấn luyện ấy được Pep sao chép lại và hiện tại vẫn đang áp dụng vào các buổi tập của mình; nhưng với một cầu thủ trẻ, uy danh của Cruyff có thể biến ông thành một người khó nói chuyện. Vị thế biểu tượng của Cruyff cùng với niềm tin tuyệt đối của ông vào những phương pháp và ý tưởng của chính mình thường tạo ra một kiểu giao tiếp gần như là áp đặt. Vào một ngày nhiều nắng nhưng lạnh, trên một sân bóng nằm xen giữa La Masía và Camp Nou, Cruyff quyết định nhắm vào Guardiola. “Hai chân!” - ông gào lên về phía cậu học trò. Laudrup và những người khác cười ồ lên. “Hai chân, hai chân!” Ông cố gắng giúp Pep loại bỏ nỗi sợ hãi cái chân trái của chính mình. Nếu anh nhận bóng bằng chân trái, anh có thể, chỉ bằng một cái chạm khẽ, chuyển nó sang chân phải, và tung ra một đường chuyền. Và ngược lại. Vấn đề với Pep là anh cảm thấy không thoải mái. “Hai chân, nhóc!” Cruyff vẫn không ngừng gào lên. Johan Cruyff chính là người có nhiều ảnh hưởng với Guardiola nhất: ông vừa là vị huấn luyện viên gắn bó với Pep lâu nhất (sáu năm), vừa là người mà Pep yêu quý và tôn trọng nhất. Cruyff còn là người trao cho anh cơ hội được chơi bóng trong màu áo đội Một Barcelona; theo chiều ngược lại, Pep cũng chính là mẫu cầu thủ mà Cruyff đã tìm kiếm - một chân chuyền chơi ngay phía trước hàng phòng ngự, người có thể tạo ra nền tảng để từ đó bắt đầu mọi pha tấn công của Barcelona. Ông cũng dạy các cầu thủ của mình cách theo kèm một cầu thủ đối phương, dạy họ phải biết tập trung tấn công vào những điểm yếu của đối thủ trong khi phát huy hết những điểm mạnh của mình; hay nói cách khác, cách chiến đấu trong những trận chiến mà mình có thể thắng. Pep thực sự được mở mắt. Dưới sự chỉ bảo của Cruyff, anh biết rằng với thể trạng của mình, anh không thể đánh bại một tiền vệ trung tâm to lớn và mạnh mẽ trong các cuộc không chiến, vì thế, thay vì cố thi nhảy cùng anh ta, Pep sẽ đợi. Phương châm của Cruyff là: “Đâm đầu vào làm gì? Hãy duy trì khoảng cách, phán đoán xem anh ta sẽ đánh đầu đưa trái bóng về đâu và chờ tới khi nó nảy xuống. Trong khi anh ta nhảy nhót lung tung, các anh hoàn toàn nắm quyền kiểm soát.” Nhưng với Pep thì mọi chuyện không dễ dàng như thế, ít nhất là trong thời gian đầu. Sau khi ra mắt trong trận đấu với Banyoles, Guardiola đã phải chờ thêm mười tám tháng trước khi có cơ hội chơi cho đội Một thêm một lần nữa, dù người ta không phải không biết tới những gì anh thể hiện trong màu áo đội B. Vào mùa hè năm 1990, Barcelona cần một tiền vệ trung tâm mới sau khi Luis Milla, người thường chơi ở vị trí đó, chuyển sang Real Madrid, còn Ronald Koeman thì chấn thương. Cryff và trợ lý Charly Rexach đề nghị câu lạc bộ mua Jan Molby của Liverpool. Ông chủ tịch hỏi về những phương án thay thế, và Rexach gợi ý Guardiola. Cruyff hầu như không còn nhớ gì về màn ra mắt đáng thất vọng của Pep, nên ông quyết định xuống đội B xem anh chơi bóng. Thật không may, vào cái ngày mà Cruyff tới xem, Pep lại dành nguyên trận đấu trên băng ghế dự bị. “Anh bảo với tôi là cậu ta hay lắm, vậy mà cậu ta thậm chí còn không ra sân!” - ông gào lên với Rexach. “Tôi hỏi ai là cầu thủ giỏi nhất ở các đội trẻ. Ai cũng nói đó là Guardiola, nhưng hôm nay cậu ta thậm chí còn không khởi động. Tại sao lại thế, nếu cậu ta là người giỏi nhất?” Cruyff tỏ ra giận dữ. Có người nói với ông rằng Pep không đủ sức mạnh, và rằng ở vị trí của anh, huấn luyện viên thường ưu tiên sử dụng những cầu thủ khỏe hơn, nhanh hơn hay năng động hơn. Đáp lại, Cruyff lạnh lùng: “Một cầu thủ giỏi không cần phải là người to khỏe.” Và sau đó là một quyết định đã góp phần định hình lịch sử của câu lạc bộ. Ngày đầu tiên được triệu tập trở lại tập luyện với vị huấn luyện viên người Hà Lan, Pep đến sớm, đầy háo hức. Khi mở cửa phòng thay đồ, anh thấy một số cầu thủ đang đứng bên cạnh Cruyff và Angel Mur - chuyên gia trị liệu của đội, đồng thời cũng là một người truyền bá những nguyên tắc, lịch sử và ý tưởng của Barcelona. Pep bước vào, đầu cúi thấp. Rồi anh cứ đứng yên đó chờ đợi được chỉ bảo. “Đây là ngăn tủ của cậu. Thay đồ đi”, Cruyff bảo. Không có thêm bất kỳ lời nào. Vào ngày 16 tháng 12 năm 1990, Pep, lúc đó mười chín tuổi, có màn ra mắt chính thức ở La Liga trong trận đấu với Cádiz ở Camp Nou, là trận đấu mà thần tượng đồng thời là người thầy của anh, Guillermo Amor, bị treo giò. Ít phút trước giờ bóng lăn, Pep chịu một đợt tấn công hoảng loạn: mồ hôi chảy ròng ròng, tim thì đập với tốc độ một nghìn dặm một giờ. “Bàn tay tôi ướt nhẹp mồ hôi, còn cả người thì căng cứng.” Rất may là lần này đợt tấn công đó qua đi rất nhanh. Nhưng có những lần khác, cơ thể của Pep đã hoàn toàn phản bội anh, khiến cho anh phải chịu tiếng là hay bỏ cuộc trước một trận đấu lớn. “Cậu ta thực sự sống cùng trận đấu, thực tế là hơi quá”, Rexach nhớ lại. Ở tuổi mười chín, Pep Guardiola đã được sánh ngang trong đội hình xuất phát với những Zubizarretta, Nando, Alexanco, Eusebio, Serna, Bakero, Goiko, Laudrup, Salinas và Txiki Beguiristain - những cái tên sẽ cùng nhau tạo nên một trong những giai đoạn rực rỡ nhất lịch sử câu lạc bộ trong một thời gian rất ngắn nữa thôi. Hôm đó, họ đánh bại Cádiz với tỉ số 2-0. Màn ra mắt chính thức của Guardiola đánh dấu một khoảnh khắc có thể xem là bước ngoặt của câu lạc bộ; lịch sử Barcelona có thể chia làm hai nửa, trước và sau màn ra mắt ấy. Dù Laureano Ruíz là huấn luyện viên đầu tiên thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới việc chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo trẻ ở Barca, chính Cruyff mới là người thực sự xác lập ý tưởng lớn, hay triết lý, và chẳng có ai đại diện cho sự chuyển tiếp ấy tốt hơn Guardiola. Pep là người khởi dựng nên di sản về một vị trí gần như là thần thánh ở Barca: vị trí số bốn (xuất phát từ vị trí số năm ở Argentina, là tiền vệ chơi ở phía trước hàng thủ, người vừa phải phòng ngự lại vừa phải tổ chức tấn công). Đúng là Luis Milla đã chơi ở vị trí ấy trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên Cruyff, nhưng Guardiola mới là người đã nâng nó lên một tầm cao mới. Pep chỉ chơi có ba trận cho đội Một trong mùa giải ra mắt, nhưng tới mùa giải tiếp theo, Cruyff quyết định đặt anh chàng Guardiola mảnh khảnh vào vị trí trung tâm trong đội bóng lịch sử của ông, và khi làm điều đó, ông đã thiết lập một hình mẫu lối chơi và định nghĩa một vị trí. Vị trí số bốn ở Barcelona đã có những thay đổi với tốc độ như tốc độ thế giới bóng đá chuyển dịch sang một phong cách chơi giàu tính thể chất hơn, và La Masía đã lần lượt cho ra lò những cầu thủ như Iniesta, Fàbregas, Thiago Alcantara và cả Mikel Arteta, chứng minh di sản của Guardiola là lâu bền. “Guardiola buộc phải thông minh”, sau này Cruyff nói. “Lúc đó cậu ta chẳng có lựa chọn nào khác. Cậu ta có đôi chút giống tôi. Anh phải có rất nhiều kỹ thuật, di chuyển trái bóng thật nhanh, cố gắng tránh va chạm - và để tránh va chạm, anh buộc phải có khả năng quan sát tốt. Đó là một hiệu ứng domino. Rồi dần dần anh sẽ có cái nhìn sắc bén về những chi tiết, về vị trí của các cầu thủ. Anh có thể áp dụng điều này khi là cầu thủ cũng như khi là huấn luyện viên. Guardiola đã học theo cách đó - vì có một thể trạng như thế - và cậu ta đã rất may mắn khi có được một huấn luyện viên từng có những trải nghiệm tương tự.” Sau khi đã ổn định ở đội Một, Pep nhận được một lời khuyên tuyệt vời từ Rexach, và anh vẫn thường nhắc lại nó với các tiền vệ: “Khi cậu có bóng, cậu nên đứng ở một phần sân mà từ đó cậu có thể chuyền bóng cho bất kỳ cầu thủ nào trong số mười cầu thủ còn lại; rồi sau đó, hãy xác định lựa chọn tốt nhất.” Guardiola đã nhiều lần nói rằng nếu anh là một cầu thủ mười chín tuổi ở Barcelona ngày nay, anh sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, bởi vì anh quá mỏng người và quá chậm. Cùng lắm, như anh hay nói, anh chỉ có thể chơi bóng cho một đội nào đó ở hạng ba. Điều đó có thể đúng ở thời điểm cách đây một thập kỷ và có thể cũng đúng ở nhiều đội bóng hàng đầu ngày nay, nhưng không đúng với FC Barcelona, ở thời điểm này. Dải chuyền bóng và tốc độ tư duy nhanh của anh hoàn toàn phù hợp với đội bóng mà anh huấn luyện, và đừng quên cả những kỹ năng lãnh đạo của anh nữa. Những ngày còn thi đấu, anh nhanh chóng cho mọi người thấy rằng anh không chỉ chuyền bóng cho các đồng đội, anh còn thường xuyên nói chuyện với họ nữa. “Đơn giản thôi, Michael!” - một lần, chàng trai trẻ hai mươi mốt tuổi Guardiola hét lên với Laudrup, người lúc đó đã là một siêu sao tầm quốc tế. Trước đó, cầu thủ người Đan Mạch đã cố gắng đi bóng qua ba cầu thủ đối phương ở quá gần vạch giữa sân - mất bóng ở khu vực đó là quá nguy hiểm. “Thế mới là đơn giản”, Michael trả lời với một cái nháy mắt sau khi thực hiện pha bóng thành công. Nhưng anh biết chàng trai trẻ đó nói đúng. Chỉ bảy tháng sau ngày ra mắt, Pep không chỉ là một cầu thủ thường xuyên đá chính, mà còn là một thủ lĩnh với tầm ảnh hưởng lớn lao trong đội hình Barca xuất sắc nhất trong lịch sử, ít nhất là cho tới trước năm 2008, với bốn chức vô địch La Liga liên tiếp từ năm 1991 tới 1994. Mùa 1991-92, Barcelona giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp C1 với Sampdoria ở Wembley. Với Pep, cả trên cương vị một culé lẫn một cầu thủ, đó là sự hiện thực hóa giấc mơ. Đội bóng của anh chưa bao giờ giành được danh hiệu đó. Đêm trước trận đấu, trong buổi tập cuối cùng ở London, tiền đạo Julio Salinas và Pep tranh cãi về số bậc thang dẫn tới ban công nổi tiếng của sân vận động cổ kính đó, nơi người ta sẽ trao cúp cho nhà vô địch. “Có ba mươi mốt bậc, tôi khẳng định thế”, Pep khăng khăng. Với anh, tính chính xác là rất quan trọng, vì anh không nuốt trôi nổi những câu chuyện mang màu sắc thần thoại hay những nghi thức trong bóng đá. Salinas thì lại thích khiến cho Pep phát điên lên, nên trước sau chỉ nhất mực phủ định những gì mà anh nói. Zubizarreta, lúc ấy là thủ môn, không thể chịu nổi cuộc tranh cãi thêm một phút nào nữa: “Cách tốt nhất để giải quyết chuyện này là thắng trận đấu ngày mai! Các cậu có thể đếm số bậc thang trong lúc bước lên bục nhận giải, thế được chứ?” Mười bảy tháng sau ngày ra mắt, vào ngày 20 tháng 5 năm 1992, đúng như kỳ vọng, Guardiola thấy tên mình xuất hiện trong đội hình xuất phát cho trận chung kết châu Âu. Trước khi cùng nhau tiến ra sân, Johan Cruyff chỉ nhắn nhủ các học trò một câu đơn giản: “Hãy ra đó và tận hưởng trận đấu.” Đó là một phát ngôn thể hiện toàn bộ triết lý bóng đá của Cruyff và là trung tâm trong những nguyên tắc của ông; nhưng với nhiều người, sự đơn giản của nó, trước một trận đấu quan trọng như thế, có thể bị xem là một sự sỉ nhục với nghề huấn luyện viên. Khi các cổ động viên Barcelona, các cầu thủ và các quan chức của họ đang ăn mừng một cách điên dại sau khi Ronald Koeman ghi bàn từ một pha đá phạt trực tiếp trong những giây cuối cùng của hiệp phụ thứ hai, ít nhất có một người mang trên mình chiếc áo của Barca đang mải bận tâm tới một điều khác. Giữa lúc cả sân vận động như muốn nổ tung trong khi các cầu thủ Barcelona lần lượt nâng cao danh hiệu vẫn được gọi với biệt danh “Đôi Tai Cũ”, Zubi âm thầm tiến về phía Guardiola và nói: “Cậu sai rồi, nhóc, có ba mươi ba bậc thang cơ. Tôi vừa đếm rồi, từng bậc một.” “Ciutadans de Catalunya, ja teniu la copa aquí” (Hỡi những người Catalonia, cúp về đây rồi), Pep Guardiola gào lên từ ban công của cung điện Generalitat ở Barcelona, nơi đặt các văn phòng của Chính phủ Catalonia. Việc những người hùng trở về Barcelona giới thiệu danh hiệu C1 đầu tiên với toàn thành phố ở chính nơi mà gần mười lăm năm trước, cựu Tổng thống Catalonia, Josep Tarradellas, đã nói một câu tương tự để thông báo sự trở về sau thời gian đi đày (“Ciutatans de Catalunya, ja soc aquí” - “Hỡi những người Catalonia, ta đã về đây”) không hề là một sự trùng hợp vô tình. Guardiola, biểu tượng Catalonia trong đội bóng, trong câu lạc bộ, hiểu rõ tầm quan trọng của sự kiện FC Barcelona đăng quang danh hiệu siêu cường châu Âu. Từ bây giờ, câu lạc bộ đã xác lập được vị thế biểu tượng của cả quốc gia. “Tôi sẽ không bao giờ quên được buổi tối hôm ấy ở Wembley, đó chính là ký ức tuyệt vời nhất của tôi. Không khí tiệc tùng còn kéo dài tới cả các trận đấu tiếp theo ở Liga”, Guardiola nhớ lại. Chỉ sau đó vài ngày, Barcelona, với hàng tiền vệ được dẫn dắt bởi chàng trai trẻ Pep, đã giành chức vô địch quốc gia lịch sử một cách đầy kịch tính. Vào ngày cuối cùng của mùa giải, Real Madrid hành quân tới Tenerife với tư cách đội đầu bảng; họ sẽ giành chức vô địch nếu thắng, điều mà với nhiều người là gần như hiển nhiên. Nhưng sau khi dẫn trước 2-0 trong hiệp một, Madrid đã chơi tệ hại trong hiệp hai và rồi thua trận, đồng nghĩa với việc tự tay dâng chức vô địch cho đại kình địch Barcelona. Đó là giai đoạn Cruyff đang cố gắng biến một câu lạc bộ mà trước năm 1992, đã thu được những thành công trong nước nhưng lại không thể hiện được mình ở sân chơi châu lục, thành một quyền lực bóng đá của thế giới. Thực tế, những gì mà Cruyff làm được còn hơn cả việc tạo ra một hình mẫu bóng đá độc nhất vô nhị. Ông còn thách thức các cổ động viên Barcelona đối mặt với những nỗi sợ hãi của họ để vượt qua tâm lý nạn nhân, vốn đã là một thành tố thường trực trong sự định danh câu lạc bộ kể từ đầu thế kỷ. Đội bóng này, là tập hợp của những tài năng xuất sắc như Ronald Koeman, Hristo Stoichkov, Romário, Michael Laudrup, Andoni Zubizarreta, José Mari Bakero, và tất nhiên là với Pep Guardiola thao túng mọi việc từ hàng tiền vệ, gắn liền với thứ bóng đá đẹp mắt nhưng hiệu quả, nhanh nhưng mượt mà, và dần dần được biết đến với biệt danh “Dream Team” (đội bóng trong mơ). Năm 1992 tiếp tục trở thành một năm kỳ diệu với Pep trên tư cách cầu thủ, khi mà không lâu sau thành công ở Cúp C1, anh thấy mình đang ăn mừng chiến tích giành Huy chương Vàng ở Thế vận hội Barcelona. Nhưng Guardiola lại có những kỷ niệm không mấy vui vẻ với đội tuyển quốc gia: “Thời gian đó với tôi như cát trượt qua các kẽ tay”, anh nhớ lại. Đội tuyển Olympic Tây Ban Nha được triệu tập một tháng trước khi giải đấu bắt đầu ở một trại tập luyện cách Barcelona khoảng 700km, gần Palencia ở phía bắc Tây Ban Nha. Ở đó, theo Pep, anh đã hành xử “như một thằng đần”. “Tôi có thể nói thẳng như thế bởi vì đó chính xác là những gì mà tôi cảm thấy khi nhớ lại việc tôi tự tách mình khỏi tập thể và biến mình thành một kẻ ngoài cuộc như thế nào. Tôi không có ý muốn hòa nhập, cũng chẳng thể hiện được tinh thần đoàn kết mà những thành viên của một đội bóng có chung mục tiêu cần phải làm. Các đồng đội của tôi dù tốt đến mấy thì ít nhất cũng đã cho rằng tôi là một kẻ ích kỷ, một tên ngốc. Cuối cùng, khi tỉnh cơn mê, tôi lại có thể tận hưởng niềm vui chơi bóng với một đội tuyển gồm toàn những cầu thủ tuyệt vời, những người mà tôi đã có thể thiết lập nên những tình bạn bền vững tồn tại cho tới tận bây giờ. Tình bạn ấy chính là một thắng lợi, và nó cũng có giá trị chẳng kém gì chiếc Huy chương Vàng mà chúng tôi giành được.” Một vài trong số những thành viên của đội Olympic Tây Ban Nha đó - Chap Ferrer, Aberlardo, Luis Enrique (lúc đó ở Real Madrid), Alfonso và Kiko - rồi đây sẽ cùng nhau tạo thành bộ khung của đội tuyển quốc gia trong vòng một thập kỷ tiếp theo. Cũng mùa hè ấy, Guardiola bị gán cho một tiếng xấu: anh bị cho là hơi lạ lùng, hơi khác biệt so với một cầu thủ bình thường. Đó là cái mác mà anh đã không làm cách nào rũ bỏ được. Nếu việc anh tự tạo khoảng cách với phần còn lại của đội tuyển khiến một số người cảm thấy khó chịu, thì sự nghiêm túc mà anh thể hiện trong các trận đấu và khi tập luyện lại khiến những người khác cảm thấy sợ hãi, bởi vậy lại khiến cho anh trở nên cách biệt hơn với những kẻ không có nhu cầu tìm hiểu bóng đá một cách thực sự. José Antonio Camacho, huấn luyện viên đội tuyển của Pep trong ba năm, đồng tình với quan điểm này. “Tôi xem Guardiola thuộc mẫu người bí ẩn. Từ cách anh ấy ăn mặc - tuyền một màu đen - tới việc anh ấy đôi lúc trở nên hết sức trầm mặc, lúc nào cũng phân tích, suy nghĩ việc này, việc kia: tại sao chúng ta thắng, tại sao chúng ta thua, tại sao anh ấy lại để mất bóng. Đôi khi sự ám ảnh của anh ấy trở nên thái quá.” Cũng trong năm ấy, khả năng chọn ra đường chuyền chuẩn nhất, khả năng thiết lập nhịp điệu của trận đấu, chạm bóng một nghìn lần mỗi trận nhưng mỗi lần không quá một giây, và niềm tin vào phong cách chơi bóng mà Cruyff xây dựng, của Guardiola đã được công nhận ở quy mô thế giới với danh hiệu Trofeo Bravo dành cho cầu thủ trẻ triển vọng nhất châu Âu. Anh thăng tiến với tốc độ tên lửa: chỉ sau có hai năm từ ngày ra mắt, anh đã được thừa nhận là cầu thủ đẳng cấp thế giới. Những năm tiếp theo, Pep tiếp tục giành thêm những chức vô địch quốc gia liên tiếp. Nhưng rồi cú trượt chân lớn đầu tiên xuất hiện, mà với Pep, nó dạy anh nhiều bài học hơn bất kỳ một thắng lợi nào. Đó là ngày 18 tháng 5 năm 1994. Dream Team hùng mạnh được đánh giá là cửa trên trong trận chung kết Champions League với Milan của Fabio Capello ở Athens. Thất bại 4-0 trở thành một miếng bánh khiêm tốn dành cho Barcelona, một bài học về những tác hại của việc trở nên quá tự tin, thậm chí tới mức tự mãn. Tệ hơn cả, nguyên nhân của thất bại không phải là ở khả năng phòng ngự hay ở chiến thuật, mà là tinh thần. Tất cả chỉ vì thiếu sự chuẩn bị: “Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng mình chuẩn bị đá với một nhóm ô hợp. Chúng tôi bước ra sân với niềm tin rằng chúng tôi là đội mạnh hơn, thế rồi họ vả vào mặt chúng tôi bốn phát. Sự vượt trội của họ rõ ràng tới mức tôi chỉ muốn trận đấu kết thúc càng nhanh càng tốt”, Pep viết về trận đấu nhiều năm sau đó. Sau kỷ nguyên vàng 1990-94, Cruyff càng ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc tìm ra những giải pháp cũng như công cụ khích lệ mới để giải quyết những vấn đề của đội bóng, dẫn tới việc vị huấn luyện viên người Hà Lan đưa ra những quyết định lạ lùng trong hai mùa cuối cùng ở câu lạc bộ. Một trong số đó cho thấy sự nhạy cảm của Pep. Khi thủ thành Zubizarreta, đội trưởng, thủ lĩnh, người mà Guardiola xem như anh trai, bị Cruyff yêu cầu rời câu lạc bộ, Pep bị sốc nặng. Anh cố kìm nén cho tới buổi tối cả đội tập trung trong một nhà hàng để tri ân người đàn ông mà họ vẫn trìu mến gọi bằng cái tên “Zubi”. Giữa chừng, Pep biến mất và khi được tìm thấy, anh đang đứng một mình trong góc tối, nước mắt chảy thành dòng. Chỉ Zubi mới có thể an ủi được anh. Tới năm 1994, Guardiola đã khẳng định được mình với tư cách là nhà đạo diễn lối chơi của Barca. “Nhiệm vụ của tôi là di chuyển trái bóng tới các khu vực khác nhau trên sân để đồng đội của tôi có thể dứt điểm”, anh nói. Sự ra đi của Zubizarreta đã biến Guardiola thành thủ lĩnh mới trong đội; anh chịu trách nhiệm truyền đạt lại những chỉ đạo của Cruyff cả trong lẫn ngoài sân bóng. Nhưng cũng có đôi khi, dù hiếm thôi, anh quên mất vai trò của mình là gì. Anh xem bóng đá là một môn thể thao đồng đội, nhưng tình yêu với nó đã biến anh thành một fan hâm mộ vô điều kiện của những cầu thủ xuất sắc nhất. Sự ngưỡng mộ của anh đặc biệt được dành cho những cầu thủ kỳ diệu có khả năng biến các trận đấu thành những màn trình diễn. Khi Romário mới gia nhập câu lạc bộ, Cruyff muốn cầu thủ người Brazil cùng ông và Pep, đội trưởng của đội, ra ngoài ăn tối. Vị huấn luyện viên đã bị sốc khi thấy sự ngưỡng mộ, thậm chí là sùng kính, mà Pep dành cho cầu thủ tân binh. Tới mức tranh thủ khi Romário đi vào nhà vệ sinh, Cruyff đã phải nhắc nhở Pep chớ có hành động như một thằng nhóc mười lăm tuổi vô tình gặp phải thần tượng nữa. Thật không may, chất lượng của đội hình đã xuống cấp rõ rệt sau đêm định mệnh đó ở Athens. Với mười một danh hiệu, Cruyff chính là huấn luyện viên thành công nhất của Barcelona (sau này Pep sẽ vượt qua ông), và ông vẫn là huấn luyện viên có thời gian tại vị dài nhất. Tuy nhiên, trong hai mùa giải cuối trước khi ra đi vào năm 1996, ông không giành thêm được danh hiệu nào và bị cuốn vào cuộc chiến công khai, gay gắt với chủ tịch câu lạc bộ, Josep Lluís Nuñez. Trong mùa giải cuối cùng nắm đội (1995-96), Cruyff mua Luís Figo từ Sporting Lisbon, nhưng kết quả trên sân vẫn không được cải thiện là bao. Cái kết đã được báo trước ngay khi Barca chính thức hết cơ hội vô địch La Liga, ở thời điểm mùa giải còn hai trận nữa, và ngay sau khi họ bị Bayern Munich loại ở vòng bán kết UEFA Cup và bị Atlético de Madrid đánh bại trong trận chung kết Cúp Nhà Vua. Mối quan hệ giữa Cruyff với Chủ tịch Nuñez đã tới mức không thể hàn gắn, và cuối cùng thì chuyện gì phải đến cũng đến vào ngày 18 tháng 5, ngay trước buổi tập cuối cùng chuẩn bị cho trận sân nhà cuối cùng của FC Barcelona, với Celta Vigo. Sau một cuộc tranh cãi gay gắt giữa Cruyff với Phó Chủ tịch Joan Gaspart trong văn phòng của huấn luyện viên trưởng ở Camp Nou, người đàn ông đã dẫn dắt Barcelona tới thời kỳ thành công nhất trong lịch sử bị sa thải. Vị huấn luyện viên người Hà Lan dù thế nào cũng sẽ không tiếp tục sau khi mùa giải kết thúc, nhưng ông vẫn muốn ở lại cho tới hết mùa và ra đi một cách đường hoàng trong mùa hè. Mâu thuẫn với những người đứng đầu đã tước cơ hội đó khỏi tay ông, và việc ông phát hiện ra rằng câu lạc bộ đã có động thái bổ nhiệm Sir Bobby Robson làm người thay thế mình càng khiến cho ông có cảm giác bị sỉ nhục. Trong cả giai đoạn biến động ấy, Guardiola chọn cách hành xử như phần lớn các cầu thủ vẫn làm - đứng từ xa quan sát trong khi mọi thứ lần lượt đổ vỡ. Trong trận đấu đầu tiên của kỷ nguyên hậu Cruyff, sân Camp Nou ngập tràn những băng rôn thể hiện sự ủng hộ với vị huấn luyện viên người Hà Lan, cảm ơn ông vì tất cả những thành công mà ông đã mang tới cho câu lạc bộ. Đội bóng bị chia làm hai nửa, giữa một bên là những người ủng hộ Cruyff và bên kia là những người ủng hộ Nuñez. Cuối cùng, ngay cả người đàn ông đã thay đổi cả lịch sử của Barcelona cũng không thể trụ vững dưới áp lực khủng khiếp ở câu lạc bộ, vì những xung đột hậu trường và bởi mối quan hệ ngày càng tệ đi với ban lãnh đạo. Cruyff đã ra đi, nhưng một trong những di sản trường tồn nhất của ông thì vẫn ở lại, dưới hình hài của Pep Guardiola, chàng tiền vệ trung tâm mảnh khảnh đã trở thành cả biểu tượng lẫn hiện thân cho những triết lý mà vị huấn luyện người Hà Lan mang tới. Ở vị trí của Cruyff bây giờ là Sir Bobby Robson, huấn luyện viên sáu mươi ba tuổi vui tính, người nhanh chóng được các trụ cột trong đội đặt cho biệt danh “Grandad Miquel”, theo tên của ngôi sao trong đoạn quảng cáo về một loại rượu giá rẻ. Robson không bao giờ hiểu được tiếng Tây Ban Nha cũng như các cầu thủ của ông, nhưng nói gì thì nói, ông đã phải chịu đựng những so sánh bất công với bậc thầy người Hà Lan, người mà cái bóng có thể che mờ bất kỳ ai. Một trong những buổi tập đầu tiên của Sir Bobby Robson ở Camp Nou. Sáng muộn, 1996 Vào một buổi sáng, không lâu sau khi tới Barcelona, Sir Bobby Robson dùng một mẩu phấn vẽ nguệch ngoạc chiến thuật mà ông muốn triển khai lên sàn phòng thay đồ, trong khi José Mourinho ở bên cạnh đều đặn dịch những gì ông nói từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha. Các cầu thủ trao cho nhau những cái nhìn ngơ ngác trong khi trước mặt họ, ông già khốn khổ đang vừa quỳ vừa vẽ những ký hiệu chẳng ai hiểu nổi lên sàn. Chính ở thời điểm đó, ngay khi triều đại của Sir Bobby Robson vừa mới bắt đầu, vị huấn luyện viên người Anh đã đánh mất phòng thay đồ. Từ đó về sau, các cầu thủ đã âm thầm phát triển một hình thức tự quản lý giữa họ với nhau. Thường thường, Mourinho sẽ dịch những lời của Robson, rồi thêm vào những hướng dẫn bổ sung, rõ ràng hơn; thỉnh thoảng, ý bổ sung còn vượt cả ý chính. Pep và José nhanh chóng bắt được sóng của nhau, và rồi họ kết nối, chuyện trò và tự đưa ra những quyết định liên quan tới việc huấn luyện. Có thể chuyện này không xảy ra thường xuyên như José vẫn thích kể trong các câu chuyện của ông, nhưng có lẽ nó xảy ra thường xuyên hơn so với thừa nhận của Pep. Guardiola từng viết trong cuốn My People, My Football rằng: “Charly Rexach luôn nói rằng để có thể trở thành một huấn luyện viên, anh phải dành 30% để nghĩ về bóng đá và phần còn lại về tất cả những gì xung quanh đội bóng. Tôi chỉ hiểu điều đó trong mùa giải Robson làm việc với chúng tôi. Tôi tới từ một trường phái bóng đá khác. Tôi quá quen với những phương pháp của Cruyff tới mức tôi cho rằng tất cả huấn luyện viên đều giống như ông. Robson thì lại cho rằng chúng tôi cần phải khác đi và đó không phải là những gì mà tôi mong đợi. Ông ấy đã đúng, nhưng trước khi nhận ra điều đó, chúng tôi đã mất ba hay bốn tháng gì đó. Quá trễ! Trong bóng đá, anh cần phải dũng cảm. Luôn luôn dũng cảm. Chỉ cần mở mồm ra phàn nàn là coi như chúng tôi đã chết. Chúng tôi phải hành động, trong khi không bao giờ được phép quên đi cam kết hướng tới một mục đích chung. Cả Robson lẫn các cầu thủ đều cùng chiến đấu vì một mục đích: Barca. Nhưng tới thời điểm suy nghĩ của chúng tôi và của ông ấy gặp nhau, mọi chuyện đã trở nên quá muộn.” Pep cho rằng khái niệm “tự quản lý” chỉ là cách người ngoài tự hiểu về những gì xảy ra dưới thời Robson. Nhưng nói như Pep dễ gây hiểu nhầm, bởi vì thực sự đó chính xác là những gì đã xảy ra. Vào giờ nghỉ giữa hai hiệp của trận chung kết tranh Cúp Tây Ban Nha 1997 với Real Betis, Sir Bobby Robson ngồi một mình trong một góc của phòng thay đồ ở Bernabéu. Tỉ số vẫn đang là 1-1 và các cầu thủ Barcelona muốn nắm lấy tiên cơ, tấn công vào những điểm yếu mà họ đã phát hiện ra bên cánh trái của hàng phòng ngự Betis, đồng thời khai thác những khoảng trống giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ của đối thủ. Các cầu thủ, chứ không phải huấn luyện viên, trao cho nhau những chỉ dẫn, với sự can thiệp từ Mourinho. Trận đó Barcelona thắng 3-2 sau hiệp phụ để giành danh hiệu thứ ba - Cúp Tây Ban Nha, Siêu Cúp Tây Ban Nha, Cúp C2 - trong một mùa giải đã khắc sâu vào tâm trí của nhiều người với hình ảnh Ronaldo nhảy múa xung quanh hay xuyên qua các hàng phòng ngự ở La Liga. Sự tự tin của Guardiola đã tăng lên đáng kể, thể hiện rõ nhất qua cách anh liên tục đặt ra các câu hỏi (Tại sao chúng ta lại làm việc này? Tại sao chúng ta không bắt đầu phát triển theo hướng này, hướng kia? Tại sao chúng ta không di chuyển những cầu thủ kia về vị trí đó trong khi trái bóng đang ở hướng khác?). Một biểu hiện là anh không ngại đưa ra những lời khuyên cho đồng đội. “Tôi phát bệnh với Pep, trong phòng thay đồ, hắn ta có thể dành cả ngày để hỏi về cái này hay nói về cái kia. Hắn khiến tôi ong hết cả đầu!” Laurent Blanc, người chơi cho Barcelona trong thời gian Sir Bobby Robson nắm đội, nói. Cầu thủ người Pháp thời gian ấy tỏ ra không mấy ấn tượng với “sự nhẫn nại” của Pep, một cách nói lịch sự để miêu tả cái tính bị ám ảnh thái quá của anh. Chức vô địch La Liga đã lảng tránh Barcelona và những màn ăn mừng cứ thưa thớt dần rồi im hẳn khi mùa giải trôi về cuối. Tâm trạng đã không tốt lại còn tồi tệ hơn sau khi Sir Bobby Robson phát hiện ra rằng mới đến tháng Tư, câu lạc bộ đã đạt được thỏa thuận mời Louis van Gaal về tiếp quản Camp Nou từ mùa giải tiếp theo. Với Guardiola, đó là một cơ hội để học hỏi từ vị kiến trúc sư đã tạo ra một tập thể Ajax vô cùng thành công mà anh hết sức ngưỡng mộ. Nhưng rồi bi kịch ập xuống. Đầu mùa giải tiếp theo, trong trận đấu với đội bóng Latvia, Skonto FC ở Champions League vào tháng 8, Guardiola dính một chấn thương cơ và chấn thương này đã không được kiểm tra, chữa trị cho tới khi quá muộn. Anh chỉ nhận ra có điều gì đó không ổn khi trên đường tới một cửa hàng đặc sản, anh vất vả lắm mới chạy được sang bên kia đường trước khi đèn cho người đi bộ bật đỏ. Cứ tưởng chỉ là một chấn thương cơ bắp chân bình thường, hóa ra vì nó mà Pep đã mất gần trọn mùa giải 1997-98. Anh tìm tới hết chuyên gia này tới chuyên gia nọ trong một hành trình gần như là bất tận để tìm hiểu chính xác điều gì đang xảy ra. Phải tới cuối mùa giải đó - là mùa giải mà Barcelona giành cú đúp La Liga và Cúp quốc gia dưới sự chỉ đạo của vị huấn luyện viên trưởng mới - Pep mới được chữa trị đúng cách, nhưng việc phải lên bàn mổ đã khiến anh bỏ lỡ World Cup 1998 trên đất Pháp, kỳ World Cup thảm họa của Tây Ban Nha. Quá trình hồi phục chấn thương diễn ra chậm chạp và nhọc nhằn. Phải mười lăm tháng sau cú tăng tốc qua đường định mệnh ấy, Guardiola mới có thể chơi một trận cho đội Một Barcelona trong tình trạng không còn bị ám ảnh bởi chấn thương. Lúc ấy, mùa giải 1998-99 đã trôi qua được gần nửa chặng đường: Pep tái xuất vào ngày 5 tháng 12 trong trận đấu với Deportivo La Coruña trên sân Riazor. Thời điểm ấy, có những kẻ độc mồm độc miệng cho rằng việc Pep dính chấn thương bí ẩn và phải vắng mặt trong thời gian dài đúng lúc van Gaal bắt đầu mùa giải đầu tiên ở câu lạc bộ không phải là một sự trùng hợp đơn thuần, rằng Pep đã cố tình né tránh để không phải làm việc với huấn luyện viên người Hà Lan. Đúng là dù đã giành hai chức vô địch La Liga và một Cúp Tây Ban Nha trong ba năm bão tố của nhiệm kỳ đầu ở Barcelona, van Gaal thường xuyên mâu thuẫn, thậm chí đối đầu với giới truyền thông địa phương. Nhưng từ đó kết luận rằng người hùng của Catalonia, Guardiola, cũng có mối quan hệ không êm đẹp với vị huấn luyện viên người Hà Lan là quá hồ đồ. Van Gaal rất nhanh chóng xác định Pep chính là người thay thế tự nhiên Guillermo Amor trong vai trò đội trưởng, còn Pep cũng rất háo hức được học hỏi từ vị huấn luyện viên mà anh rất ngưỡng mộ. Hai người cũng thường xuyên thảo luận về bóng đá, chiến thuật, lựa chọn vị trí và các dạng bài tập. “Cùng với Juanma Lillo, ông ấy chính là huấn luyện viên mà tôi nói chuyện cùng nhiều nhất. Đặc biệt là trong thời gian đầu, bởi vì càng về sau, mối liên hệ giữa chúng tôi càng giảm đi, cả về số lượng lẫn chất lượng”, Pep nhớ lại. Đó là một minh chứng cho sự tôn trọng mà hai người họ dành cho nhau. Khi tôi tiếp cận với van Gaal, đề nghị được phỏng vấn đặng yêu cầu ông tiết lộ nhiều nhất có thể về mối quan hệ cá nhân giữa ông với Pep, vị huấn luyện viên người Hà Lan - lúc đó còn đang trong giai đoạn áp dụng lệnh cấm vận với truyền thông - tỏ ra rất thoải mái khi nói về Guardiola, cựu cầu thủ và cựu học trò của ông. Theo van Gaal, ông nhanh chóng nhận ra rằng, ngay từ khi Pep còn là một cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm, anh đã sở hữu một khả năng lãnh đạo thiên phú, có thể dẫn dắt cả những cầu thủ đồng trang lứa lẫn những bậc đàn anh: “Tôi chọn Guardiola làm đội trưởng bởi vì tôi biết cậu ta có thể nói chuyện về bóng đá. Anh có thể thấy là ngay từ ngày đó anh ta đã là một ‘cầu thủ chiến thuật’. Anh ta, ngay ở thời điểm đó, đã có thể nói chuyện như một huấn luyện viên - không nhiều cầu thủ làm được như thế. Vị trí phù hợp nhất cho Guardiola là số bốn, vị trí ở trung tâm của hàng tiền vệ, bởi từ đó anh ta có thể quan sát toàn bộ thế trận và anh ta sở hữu một cá tính đủ mạnh để có thể thống trị nó. Anh ta trẻ hơn Amor và Nadal, nhưng anh ta là đội trưởng của tôi. Trong một buổi họp khi tôi thông báo cho Guardiola rằng tôi đã chọn anh làm đội trưởng, anh ta nói rằng, ‘Ở FCB, mọi chuyện không diễn ra theo cách ấy, ở đây thường thì cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội cũng chính là đội trưởng.’ Nhưng tôi vẫn quả quyết,‘Không, cậu là người duy nhất tôi có thể nói chuyện một cách bằng vai phải lứa, cậu chính là đội trưởng của tôi.’ Cậu ta thường bảo những cầu thủ khác như Figo nên đứng ở đâu: phía trước cậu ta, ở hai cánh, nói chung là ở đâu mà cậu ta có thể chuyền bóng được. Pep là một chàng trai rất am tường chiến thuật và cũng là một người tốt, và bởi thế, cậu ta có thể thuyết phục được những đồng đội của mình.” Khi mối quan hệ giữa người đội trưởng của Barcelona và huấn luyện viên của anh phát triển hơn, vị thế của Pep cũng được nâng lên và anh không chỉ là người truyền đạt những chỉ đạo của van Gaal tới các cầu thủ khác ở trên sân. Hơn thế, anh còn thường xuyên gợi ý những cách tiếp cận khác mà anh cho là có lợi nhất cho đội bóng. """