" Ông Già và Biển Cả - Mặc Đỗ PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ông Già và Biển Cả - Mặc Đỗ PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo ERNEST HEMINGWAY ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ (Bản dịch của Mặc Đỗ) VĂN NGHỆ ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ ERNEST HEMINGWAY MẶC ĐỖ dịch Trình bày Cao Xuân Huy Bìa Khánh Trường Văn Nghệ xuất bản 1998, USA ISBN: 1-886566-43-7 Copyright © 1998 by Van Nghe VỀ NHỮNG NHÂN DANH, ĐỊA DANH TRONG SÁCH NÀY Để văn dịch được thật sự phổ cập và những bản dịch được hoàn toàn quốc ngữ hóa như của Trung Hoa, Nhật Bản, dịch giả đề nghị áp dụng trong bản dịch này việc phiên âm những nhân danh, địa danh. Phương pháp đề ra chưa chắc đã hoàn hảo; dù sao ta cứ bước một bước đầu. NGUYÊN TẮC CHUNG 1. Nhân danh, địa danh của nước nào thì phải cố gắng phiên âm theo đúng âm của nước đó. 2. Những danh từ đã quá quen thuộc nên giữ lại. Thí dụ: Anh, Pháp, Nga, Mỹ… Nhưng nếu phiên âm đúng hơn và sẽ tiện dụng hơn thì nên đổi: Pari hơn Balê. PHƯƠNG PHÁP 1. Viết dính các âm. Viết rời nếu danh từ gốc viết rời. Cố giữ để khỏi xa với cách viết (theo mẫu tự latinh) của danh từ gốc. Thí dụ: không thay S bằng X (Sanhtơny chớ không Xanhtơny). 2. Không phân biệt cách đọc S và X, nhưng để phiên âm vần CH (Pháp) hay SH (Anh) dùng vần SH. Thí dụ: Shinông. 3. Chấp nhận âm S câm. Thí dụ: Côngstăngtanh, Stăngbun. 4. Chấp nhận thêm những vần không dùng trong Việt ngữ nhưng người Việt phát âm được: Bl, Br, Cl, Cr, Đr, (đơrơ), F (phơ), F1 (phơlơ), Fr (phơrơ), J (thay cho vần GI để khi đọc khỏi lẫn, thí dụ: Anjêri dễ đọc hơn Angiêri vì có thể lầm thành Angi-êri), Kl (Cơlơ), Kr (cơrơ), Z. 5. Cố gắng phiên âm đầy đủ các âm của danh từ gốc, nhưng tránh dùng dấu Việt ngữ để nhấn mạnh nếu không cần thiết lắm, tuy gặp danh từ gốc cố ý nhấn mạnh vẫn cần giữ cho đúng với nguyên tắc chung. Thí dụ: Odessa có thể viết Ôđesa, nhưng Madagascar phải viết Mađagátca. LỜI NGƯỜI DỊCH Đem kinh nghiệm bản thân gửi vào tác phẩm, chủ đích nghệ thuật đó Ernest Hemingway đã giải bày trong cuốn The Snows of Kilimanjaro: một nhà văn khi hấp hối nhớ lại những mẩu đời của mình đã toan để dành đưa vào trong truyện. Toàn thể những tác phẩm đã xuất bản của Hemingway đều là những vang bóng của những quảng thời gian mà chính tác giả đã từng sống. Thời thơ ấu ở Michigan (In Our Time), kỳ đại chiến thứ nhất trong quân đội Ý (A Farewell to Arms), huấn luyện viên võ thuật (Fifty Grend), dự đấu bò tại Tây Ban Nha (The Undefeated), sáu năm sống cuộc đời ly hương tại Montparnasse, Paris (The Sun Also Rises), tham gia nội chiến Tây Ban Nha trong hàng ngũ dân chủ (For Whom The Bells Toll), Cuốn Ông già và Biển cả (The Old Man and the Sea) chúng tôi trình bày cùng độc giả, rút ở những nhận xét tại chỗ hồi ông ở Key West, tận cùng mỏm Florida, thường đi theo dân chài ra khơi. Bằng chứng vào cuộc đời và những tác phẩm của Hemingway ta có thể nói không ngoa rằng nếu ông ở yên một chỗ ông sẽ không thể viết được. Trong một cuộc du lịch tại Phi-châu, ông và bà vợ cùng đi trên một chiếc máy bay riêng và mất tích giữa rừng rậm, báo chí thế giới đã sửa soạn bài ai điếu thì hai vợ chồng ông lại tìm về được không một chút thương tích. Tuy Hemingway sống rất nhiều, nhân vật trong tiểu thuyết của ông thường biểu lộ tâm trạng trơ trọi của con người bất phùng thời. Trơ trọi vì kiêu hãnh từ chối đầu hàng, không chịu phó mặc cho số phận. Ông lão đánh cá trong thiên truyện này là một thể hiện đặc sắc của sự trơ trọi kiểu Hemingway. Bị người đời rẻ rúng ông lão vẫn cương quyết đi con đường của mình cho trọn, chống trả kịch liệt cho đến thành công, rồi lại đem hết sức tàn ra đương đầu với Định Mệnh, không một lời ta oán, tin ở mình cho đến cùng. Có một lão ông, một mình trên chiếc thuyền, lênh đênh đánh cá giữa dòng Loan-lưu, tám mươi bốn hôm ròng không được lấy một con cá. Trong bốn chục hôm đầu có một cậu bé đi theo ông lão. Nhưng sau bốn chục ngày không được một con cá, cha mẹ cậu bé bảo với cậu bé rằng ông lão đã hoàn toàn hết lộc không còn chút may mắn nào nữa. Cậu bé được đưa sang chiếc thuyền khác, ngay tuần lễ đầu đã đánh được ba con cá lớn. Từ đó cậu bé ngày ngày buồn rầu ngó ông lão ghé về với chiếc thuyền không và thường chạy ra đón ông lão, đỡ tay ông lão mang mớ dây câu cuốn tròn, chiếc sào móc, cây lao hay tấm buồm cuộn cùng với cọc. Tấm buồm rách vá bằng những bao bột cũ, cuộn lại chẳng khác gì lá cờ thất bại vĩnh viễn. Lão ông gầy còm, khô đét, đường nhăn trên gáy như những lát dao. Nắng gắt giữa biển vùng nhiệt đới hắt lên làm sạm đen cả hai má. Hai tay đầy những vết sẹo sâu hoắm do dây câu cứa phải khi giằng giựt với cá lớn mắc ở đầu dây. Không một vết sẹo nào mới. Vết nào cũng cũ kỹ như những đường xoi lở trên một bãi hoang vắng bóng cá. Mọi thứ trên người ông lão đều già cằn, chỉ trừ có hai con mắt màu nước biển, linh động và cương quyết. Sau khi kéo thuyền lên bãi, hai người cùng leo trên dốc, cậu bé nói với ông lão: – Ông Săngtiagô ơi, bao giờ cháu lại đi nghề với ông được. Tụi cháu kiếm khá tiền rồi. Ông lão có dạy nghề biển cho cậu bé, cậu bé mến ông lão lắm. Ông lão đáp: – Không, cháu đi trên chiếc thuyền nhiều may mắn, cháu không nên bỏ. – Thế ông quên hồi trước có khi hai mươi bảy ngày liền mình chẳng được con nào, rồi bỗng nhiên trong ba tuần lễ ngày nào cũng được cá lớn? – Ta nhớ chứ. Ta biết không phải vì thất vọng mà cháu bỏ ta. – Tại bố cháu đấy. Cháu còn nhỏ, phải vâng lời bố cháu. – Ta hiểu mà. Lẽ tự nhiên phải thế. – Tại bố cháu không tin. – Ừ. Nhưng chúng mình tin nhau chứ? – Vâng. Ông uống với cháu một cốc bia ở quán nhé? Xong sẽ thu xếp đồ nghề. – Uống chứ. Bạn cùng nghề cả. Hai người vào ngồi trong quán. Mọi người nhìn ông lão ra vẻ chế nhạo, nhưng ông lão không lấy làm giận. Các ông già khác ngó ông lão và cảm thấy buồn buồn. Tuy nhiên họ không tỏ vẻ gì hết và niềm nở nói chuyện con nước, về những vùng họ đã bỏ lưới, chuyện thời tiết còn tốt hay những điều họ nhận xét. Những bạn chài gặp may được nhiều cá đã về hết. Cá moi hết ruột xếp đầy trên hai tấm gỗ, mỗi tấm hai người khiêng đong đưa tiến về phía kho chứa cá đợi xe cam-nhông có thùng lạnh tới chở về chợ Havana. Những người đánh được cá mập đã đem bán cho “xưởng cá mập” ở bên kia eo biển. Những con cá mập được treo lên một cái móc để moi gan, cắt vây và đánh vẩy. Sau đó thịt cá chặt thành miếng đem đi muối. Hôm nào có gió giông, mùi ở “xưởng cá mập” nồng nặc khắp bến. Hôm nay mùi cá chỉ thoang thoảng vì gió đã xoay qua hướng bắc rồi tắt hẳn. Ngồi phơi nắng ở trước quán thật là dễ chịu. Cậu bé nói: – Ông Săngtiagô! Ông lão tay bưng cốc đương mải nghĩ về dĩ vãng, đáp: – Hả? – Cháu đi lấy cá nục cho ông dùng ngày mai nhé? – Thôi, đi ra chơi dã cầu. Một mình ta chèo được rồi, còn Rôjêliô sẽ kéo lưới. – Nhưng cháu thích thế. Cháu không được làm bạn chài với ông nhưng cháu muốn có cách nào đỡ tay cho ông. – Cháu đã cho ta uống bia. Cháu thành người lớn rồi đấy. – Lần đầu tiên đi nghề với ông cháu lên mấy nhỉ? – Lên năm, lần đó cháu suýt chết. Cháu còn nhớ không, hôm ấy ta kéo con cá lên quên không quần cho nó mệt, tý nữa thì đi đời cả thuyền. – Cháu còn nhớ cái đuôi nó quẫy, nó đập, nhớ cái ghế gãy đôi ra, nhớ tiếng chày nện. Cháu nhớ ông hất cháu ngã nhoài lên đống lưới ướt, rung chuyển cả thuyền lên, nhớ tiếng chày ông nện mãi như hạ một gốc cây to, với cái mùi cá nhạt tanh tràn đầy quanh cháu. – Có thật cháu nhớ cái cảnh ấy hay chỉ nhớ câu chuyện ta kể lại? – Ngay từ lần dầu tiên đi nghề với ông, bao nhiêu chuyện xảy ra cháu nhớ hết. Lão ông đưa đôi mắt tin cậy ngó cậu bé, ánh mắt mờ dịu dưới ánh nắng. Ông nói: – Nếu cháu là con đẻ của ta, ta sẽ đem cháu đi, cần quái gì. Nhưng cháu còn cha mẹ, cháu lại đương ở trên một chiếc thuyền nhiều may mắn. – Cháu đi lấy cá nục ông nhé? Cháu biết chỗ lấy cho ông bốn bộ mồi. – Hôm nay ta cũng hãy còn mồi, vừa bỏ vào thùng muối rồi. – Để cháu kiếm cho ông bốn bộ còn tươi cơ. – Một thôi. Niềm hy vọng, lòng tin tưởng của ông lão không bao giờ phai lạt. Nhưng nay cũng giảm sút bớt như cơn gió tắt. Cậu bé cố kèo nài: – Hai bộ ông nhé? – Ừ thì hai. Nhưng cháu không lấy cắp của ai đấy chứ? – Cần thì cháu cũng chả từ. Nhưng mấy bộ này thì cháu mất tiền mua thật. – Cám ơn cháu lắm. Không biết ông lão hóa ra khiêm tốn từ bao giờ. Tâm hồn ông mộc mạc quá chẳng thấy cần phải tìm hiểu nữa. Nhưng ông tự nhận thấy rằng mình đã tự hạ. Ông cũng không lấy thế làm hổ thẹn. Lòng kiêu hãnh bản chất của ông, ông chưa hề mất. Ông nói: – Trông chừng con nước này ngày mai chắc khá lắm. Cậu bé hỏi: – Mai ông thả lưới ở quãng nào? – Càng ra xa càng hay, chừng nào gió ngược thì quay về. Ta phải ra khơi trước khi mặt trời mọc. – Để cháu xúi ông chủ cháu cũng đi khơi ngày mai. Nếu ông kiếm được một mẻ thật lớn, chúng cháu sẽ tới đỡ tay cho ông. – Thằng cha ấy không thích ra khơi đâu. – Đúng đấy. Nhưng cháu sẽ kiếm cách đánh lừa hắn. Ờ, cháu sẽ giả đò trông thấy một con chim đương ăn cá. Thế nào hắn cũng tin là có cá hồng, và hắn bổ đi ngay. – Mắt hắn kém đến thế cơ à? – Gần như mù. – Lạ nhỉ! Nhưng có bao giờ hắn đi câu ba-ba đâu? Câu ba-ba hại mắt ghê lắm. – Ông cũng đi câu ba-ba ở ven biển, muỗi mãi thế sao mắt ông vẫn sáng? – Ta là một con người kỳ lạ lắm. – Ông có thể tin rằng ông còn có thể câu được một con cá thật to không? – Có lẽ. Phải biết mưu mẹo lắm. – Thôi, hãy đem đồ nghề của ông về đã. Cháu sẽ mang lưới đánh cá nục đi, thế nào cháu cũng làm được một mẻ. Hai người thu nhặt mọi đồ vật trên thuyền. Ông lão vác chiếc cột buồm trên vai, cậu bé mang chiếc thùng đựng mớ lưới màu nâu cuộn tròn lại với nhau, chiếc sào móc vào cây lao. Thùng mồi để dưới đáy thuyền, ở đằng lái, cùng với cái chày dùng để đập những cá lớn khi câu được kéo tới mạn thuyền. Có ai tính ăn trộm của ông lão đâu, nhưng cũng phải cẩn thận cất tấm buồm và những dây câu lớn, để phơi sương thì vứt đi ngay. Đành rằng bạn chài chẳng ai đụng tới đồ nghề của ông lão nhưng tội gì lại bỏ chiếc sào móc với cây lao ở thuyền để nhử người ta lấy. Hai người đi bên nhau về phía lều của ông lão, cánh cửa lều vẫn bỏ ngỏ. Ông lão dựng cây cột buồm bên vách; cậu bé đặt cái thùng và các đồ vật ở cạnh. Cây cột buồm dài gần bằng cả một gian lều. Căn lều vách dựng bằng một thứ vỏ cứng của một loại cây cọ lớn tên là guano ghép lại thành tấm. Đồ đạc có một cái bàn và một cái ghế. Trong góc có chỗ để thổi nấu bằng than và ở ngay nền đất nện. Trên vách màu nâu, đây đó lòi ra những mảnh lá guano ép lại cứng đơ, có treo hai bức tranh màu, một bức hình Thánh Tâm và một bức hình Đức Mẹ ở Côbrơ. Đó là những di vật của bà vợ ông lão. Hồi trước trên vách còn treo cả một bức hình bà lão có tô màu, mỗi khi trông thấy ông lão càng cảm thấy nỗi cô quạnh. Bây giờ ông lão cất bức hình ở trên cái giá trong góc dưới chiếc áo sơ-mi sạch của ông lão. Cậu bé hỏi: – Hôm nay ông ăn gì thế? – Cơm trộn với nghệ và cá. Cháu có ăn không? – Thôi, để cháu về ăn cơm nhà. Cháu nhóm bếp nhé? – Để lát nữa. Có lẽ ăn cơm nguội cũng được. – Cháu lấy cái lưới đánh cá nục về nhé? – Ừ. Làm gì còn cái lưới đánh cá nục; cậu bé còn nhớ kỹ, lưới đã phải bán đi từ hồi nào. Nhưng ngày nào hắn cũng đóng kịch với ông lão như vậy. Cả cơm với nghệ và cá cũng chẳng có nốt. Ông lão nói: – Tám mươi lăm, con số may mắn đấy chứ. Cháu sẽ tính sao nếu ta đem về trên thuyền một con cá độ nửa tấn? – Cháu đi lấy cái lưới đánh cá nục đây. Sao ông không ra ngồi sưởi nắng ở trước nhà? – Phải đấy, ra ngồi đọc trang dã cầu trong số báo hôm qua. Cậu bé không hiểu tờ nhật báo có ở trong vở kịch không. Nhưng ông lão đã chạy lại lôi tờ báo ở dưới giường ra. Ông giải thích: – Chú Pêricô cho ta lúc ở quán. – Lấy được cá nục xong cháu sẽ trở lại. Cháu để chung cả phần của ông lẫn phần của cháu vào ướp nước đá, mai sẽ chia. Bao giờ cháu về ông sẽ kể cho cháu nghe tin tức về dã cầu nhé. – Hội Yăngki không thể nào thua được. – Cháu sợ hội Da Đỏ ở Clivơlăn lắm. – Cháu cứ tin ở hội Yăngki đi. Quên quái kiệt Đi Maghiô sao? – Cháu sợ cả hội Hổ Xám ở Đêtrôi lẫn hội Da Đỏ ở Clivơlăn. – Coi chừng đấy: rồi cháu sắp kinh cả hội Áo-đỏ ở Xinxinnati lẫn hội Bí tất-trắng ở Chicagô. – Ông xem kỹ đi, lát nữa cháu trở lại ông kể hết cho cháu nghe nhé? – Cháu nghĩ có nên mua một tấm giấy số tận cùng bằng tám mươi lăm không? Ngày mai là ngày thứ tám mươi lăm đấy. – Cũng hay. Nhưng ông nghĩ sao về con cá to tướng bữa thứ tám mươi bảy? – Phúc bất trùng lai, cháu ơi! Liệu cháu có kiếm được một vé có số tám mươi lăm không? – Đặt mua được chứ. – Một tấm phải hai đô-la rưỡi. Vay ai được bây giờ? – Ồ! Không khó. Cháu có cách vay được hai đô-la rưỡi. – Ta cũng vậy, có lẽ. Nhưng không bao giờ ta tính vay. Bắt đầu đi vay rồi chả mấy chốc phải đi ăn xin. – Thôi, mặc áo ấm vào ông ơi. Ông đừng quên tháng Chín rồi đó. – Tháng nhiều cá lớn. Tháng Năm thì ai cũng đi đánh cá được hết. – Cháu đi lo chuyện cá nục đây. Khi cậu bé trở lại, ông lão ngồi ngủ gục trên ghế bành, ánh nắng đã tắt. Cậu bé mang tấm chăn dạ lính đã cũ để trên giường ra quàng lên lưng ghế, đắp lên vai cho ông lão. Đôi vai ông lão rất lạ, còn chắc nịch, tuy ông đã già; cái cổ trông cũng còn cứng cỏi: ông lão ngồi gục đầu xuống ngủ, những đường nhăn trên cổ cũng đỡ thấy rõ. Cái áo của ông lão vá chằng vá đụp y như tấm buồm; những miếng vá đã bạc mỗi miếng một màu khác nhau. Riêng cái đầu ông lão thật già cấc. Hai mắt nhắm, gương mặt không còn một chút linh động. Tờ nhật báo trải trên đùi; tay ông lão chặn lên trên, gió chiều không thổi bay đi được. Hai bàn chân ông lão không mang giầy. Cậu bé để yên cho ông lão ngủ. Khi cậu trở lại ông lão vẫn còn ngủ. Cậu bé để tay lên đầu gối ông lão gọi: – Dậy đi, ông ơi! Ông lão mở hai mắt, mãi sau mới tỉnh hẳn. Rồi ông lão mỉm cười và hỏi: – Cháu mang cái gì lại thế? – Cơm đây ông ạ. Chúng ta ăn đi. – Ta chả thấy đói mấy. – Cứ ăn đi ông ạ. Ông không ăn uống gì cả làm sao đi biển được. Ông lão đứng lên, tay gập tờ báo: – Nhịn được chứ. Ông lão xếp cả tấm mền. Cậu bé nói: – Ông cứ đắp mền đi. Cháu còn sống thì không đời nào ông phải đi biển mà không có một hột cơm trong bụng. Ông lão đáp: – Cháu rán sống lâu và liệu mà giữ mình. À mà cháu cho ăn gì đó? – Đậu đen với cơm, chuối chiên và thịt hầm. Cậu bé ra quán mua mấy món đó, đựng trong một cái cà-mèn. Hai bộ dao nĩa và cùi-dìa cuộn trong giấy lau tay, bỏ trong túi. – Ai cho thế? – Ông Máctin, chủ quán. – Ta phải cám ơn ông ta mới được. – Chả cần; cháu đã cám ơn ông ta rồi. – Ta sẽ biếu hắn mấy miếng thịt bụng con cá lớn. Đã có lần nào hắn cho mình như hôm nay chưa nhỉ? – Hình như có. – Nếu vậy mấy miếng thịt bụng không đủ. Phải cho nhiều hơn. Hắn ta tốt bụng đấy chứ. – Ông ta còn gửi cho cả hai chai bia nữa. – Ta thích bia hộp hơn. – Cháu biết. Thứ bia này lại đóng trong chai, bia Hatuê, chai cháu sẽ đem trả lại. – Cháu ngoan lắm. Thôi ăn chứ? Cậu bé nhẹ nhàng đáp: – Cháu đã mời ông mãi, cháu đợi ông muốn ăn cháu mới mở ra đấy, ông ạ. – Bây giờ thì sẵn sàng rồi. À nhưng ta còn phải rửa tay đã. Cậu bé tự hỏi: “Rửa tay ở đâu? Máy nước ở xa mãi hai phố trên. Ta quên mất không xách nước lại, quên cả xà-phòng với một cái khăn lông tốt. Tại sao ta hay quên thế! Còn phải xoay cho ông cụ chiếc sơ-mi khác, một cái áo khoác mặc mùa lạnh, lại còn đôi giầy và một cái mền khác nữa”. Ông lão nói: – Thịt hầm của cháu ngon tuyệt. Cậu bé hỏi: – Ông nói chuyện dã cầu đi. Ông lão vui vẻ đáp: – Trong Liên đoàn Mỹ, hội Yăngki là đáng kể nhất. – Hôm nay hội ấy bại rồi. – Chả có nghĩa gì hết. Quái kiệt Đi Maghiô vẫn còn phong độ cũ. – Trong hội ấy còn nhiều đấu thủ khác. – Đành rằng thế, nhưng chỉ có Đi Maghiô là đặc biệt nhất. Ở các liên đoàn khác giữa hai hội Bờrúcklin và Philađenphia ta thích hội Bờrúcklin hơn. Ta vẫn thú Đích Síchlơ, với những cú thật hay ở sân cũ. – Không thể bì được với những cú đó. Chưa bao giờ cháu thấy ai liệng banh xa như thế. – Cháu có nhớ hồi hắn hay đến chơi ở Quán? Ta chỉ muốn rủ hắn đi khơi một hôm nhưng rụt rè không dám. Ta bảo cháu chạy ra thì cháu cũng nhát không dám nốt. – Cháu biết. Nghĩ lại thật là dại. Không chừng hắn chịu đi với chúng mình. Ông thử tưởng tượng còn kỷ niệm nào trong đời tuyệt cho bằng! Ông lão nói: – Ta cũng thú rủ quái kiệt Đi Maghiô đi biển một chuyến quá! Hình như bố hắn ta cũng là dân chài. Nếu đúng như vậy thì hắn cũng nghèo như bọn mình, có thể hiểu bọn mình lắm. – Còn cha của danh thủ Síchlơ thì không bao giờ nghèo cả, ông cụ ngay từ hồi bằng tuổi cháu đã chơi cho những hội lớn. – Hồi ta bằng tuổi cháu ta trèo tít lên ngọn cột buồm một chiếc tàu buồm chạy dọc ven biển Phi-châu, chiều chiều ta trông thấy nhiều sư tử đứng trên bãi biển. – Cháu biết rồi. Ông đã kể cho cháu nghe. – Thế bây giờ nói chuyện Phi-châu hay chuyện dã cầu? – Chuyện dã cầu thích hơn. Ông kể chuyện kiện tướng Jôn J. Mácgơrô cho cháu nghe. Cậu bé đọc chữ J thành chữ Iota. – Hồi xưa hắn cũng hay đến chơi ở Quán. Nhưng anh chàng tục tằn và du côn, hễ uống rượu vào là khó chịu lắm. Hắn ham đánh cá ngựa không kém gì chơi dã cầu. Trong túi hắn lúc nào cũng đầy những bản danh sách ngựa đua, luôn luôn nói chuyện trong máy nói là nhắc đến tên ngựa. – Hắn có biệt tài dìu dắt. Bố cháu bảo rằng hắn là nhà dìu dắt có tài nhất. – Tại hắn năng đến chơi đây hơn các đấu thủ khác. Nếu Đurôcơ cứ tiếp tục năm nào cũng đến chơi ở đây thì bố cháu sẽ cho hắn là nhà dìu dắt có tài nhất. – Thế theo ý ông thì ai là nhà dìu dắt có tài nhất? Lúcki hay Maicơ Gônzalê? – Ta cho hai người ngang nhau. – Còn đánh cá thạo nhất thì có ông. – Không. Ta biết có nhiều người hơn ta chứ. – Thôi đi. Có nhiều người đánh cá giỏi và vài người tuyệt vời. Nhưng riêng ông thì độc nhất. – Cám ơn cháu. Cháu làm ta vui lòng lắm. Ta mong rằng sẽ không bao giờ gặp một con cá khổng lồ để cho cháu khỏi mang tiếng là nói dối. – Nếu ông cứ mạnh như ông nói thì không bao giờ có thể có con cá khổng lồ được. – Có lẽ ta cũng không mạnh như ta nghĩ đâu. Nhưng ta có nhiều mánh lới, lại gan lì nữa. – Thôi bây giờ ông cần đi ngủ để mai tỉnh táo. Cháu đem đồ trả lại Quán. – Ừ, cháu về ngủ ngon. Sáng mai ta sẽ đánh thức cháu dậy. – Ông đúng là cái đồng hồ báo thức của cháu. – Tuổi già là đồng hồ báo thức của ta. Không hiểu sao các người có tuổi hay dậy sớm thế? Chắc hẳn để cho ngày được dài thêm. – Cháu cũng chả biết. Cháu chỉ biết là trạc tuổi cháu ai cũng ngủ trưa, ngủ mệt. – Ta cũng còn nhớ lại cái thời đó. Ta sẽ đánh thức cháu thật đúng giờ. – Cháu không thích lão chủ cháu đánh thức. Để vậy cháu thấy như là kẻ dưới của lão. – Ta biết. – Ông ngủ cho ngon nhé. Cậu bé ra về. Khi nãy hai người ăn cơm thầm với nhau. Ông lão cởi quần và chui vào giường ngủ, trong nhà vẫn tối om. Ông lão cuộn tròn cái quần lại nhét thêm giấy báo vào làm gối, rồi nằm tròn trong chăn trên mớ giấy báo trải làm nệm. Ông lão ngủ ngay, mơ tới Phi-châu hồi ông còn trẻ, những bãi biển vàng ối dài thăm thẳm, những bãi biển sáng ngời đến chói mắt, những mũi biển hiên ngang, những dãy núi cao màu nâu. Đêm nào ông lão cũng nằm mơ tới bờ biển Phi-châu, tiếng sóng vang dội trong giấc chiêm bao, những chú mọi đen chèo thuyền độc mộc trên những mỏm đá ngầm. Giấc chiêm bao lừng mùi xơ gai và mùi hắc-ín, hai thứ mùi quen thuộc trên các boong tầu. Khi hửng sáng, trong gió sớm từ nội địa thổi lại ông lão tưởng như ngửi thấy chính mùi Phi-châu. Thường thường khi ông lão ngửi thấy mùi gió nội địa là ông tỉnh dậy, mặc áo rồi đi đánh thức cậu bé. Nhưng đêm đó mùi gió nội địa đến sớm quá; đương giấc mơ ông lão cũng nghĩ rằng sớm quá. Ông cố ngủ lại để thấy những mỏm núi trắng xóa của các hải đảo từ mặt biển nhô lên. Rồi ông lão thấy những bến, những cảng của quần đảo Canary. Không bao giờ ông lão còn mơ thấy bão táp, thấy đàn bà, không thấy cả những biến chuyển lớn, những con cá khổng lồ, những vụ loạn đả, những phen thử lửa, không mơ cả đến bà vợ cũ. Ông lão chỉ mơ thấy những phong cảnh và những chú sư tử đứng trên bờ biển. Những chú sư tử đùa giỡn như đàn mèo con lúc hoàng hôn, ông lão thấy yêu chúng cũng như yêu chú bé. Không lần nào ông lão mơ thấy chú bé. Ông lão chợt thức giấc, ngó ánh trăng qua khung cửa ngỏ, rồi giũ chiếc quần ra và mặc vào người. Ra ngoài ông lão đứng tiểu ở bên vách rồi leo lên con đường dốc đi đánh thức cậu bé. Sương sớm lạnh, ông lão run lật bật. Nhưng ông lão biết rằng run rẩy như vậy càng thấy ấm và dù sớm cũng vẫn chèo thuyền được. Cửa vào nhà chú bé không có khóa. Ông lão mở cửa và chân dậm đất nhè nhẹ đi vào. Cậu bé nằm ngủ trên một cái ghế bố ở ngay phòng ngoài. Dưới ánh trăng đã mờ ông lão trông thấy rõ cậu bé. Ông lão nhè nhẹ nắm một chân cậu bé đưa lên cao. Cậu bé thức giấc quay lại ngó ông lão, ông lão gật đầu ra hiệu cho cậu bé. Cậu bé với lấy cái quần vắt trên ghế rồi ngồi lên xỏ chân vào hai ống quần. Ông lão bước ra khỏi nhà, cậu bé theo sau, còn đương ngái ngủ. Ông lão quàng tay trên vai cậu bé rồi nói: – Phải đánh thức cháu, ta ngại quá. – Thôi đi. Đã thành người lớn phải thế chứ. Hai người đi về phía lều của ông lão. Suốt dọc đường gặp toàn những người đi chân đất trong bóng tối, vai vác cột buồm. Đến lều, hai người lấy mớ dây câu cuộn tròn trong cái giỏ, cây lao và cái sào móc. Ông lão vác chiếc cột có cuốn lá buồm lên vai. Cậu bé hỏi: – Ông uống cà-phê nhé? – Sắp sửa đồ nghề trên thuyền đã. Họ uống cà-phê trong những cái lon đựng sữa đặc cũ ở một quán nhỏ mở cửa rất sớm để bán cho bạn chài. Cậu bé hỏi: – Ông có ngủ được không? Cậu bé đã tỉnh hẳn, nhưng vẫn còn tiếc giấc ngủ. Ông lão đáp: – Ngon lắm, Manôlin ạ, hôm nay ta thấy vững bụng lắm. – Cháu cũng vậy. Để cháu chạy đi lấy phần cá nục của ông và của cháu, với con mồi tươi cho ông. Đằng cháu ông chủ mang lấy đồ nghề đi. Không ai được quyền mó đến. – Mỗi người một lối. Với ta ngay khi cháu mới lên năm ta đã để cho cháu muốn mang thì gì mang. – Cháu biết. Cháu trở lại ngay. Ông uống thêm một cái cà-phê nữa đi. Ở đây uống chịu được. Chân đất chạy trên những tảng san hô, cậu bé đi đến kho lạnh để lấy mồi trữ ở đó. Ông lão uống cà phê chậm rãi từng ngụm một. Suốt từ giờ cho tới tối ông lão chỉ có một món này vào bụng, ông thấy cần phải uống. Từ lâu lắm ông lão thấy ngán cả ăn, không bao giờ ông mang theo đồ ăn nguội. Chỉ có một chai nước lạnh ở mũi thuyền: như thế cũng đủ cho suốt cả ngày. Cậu bé mang về một ít cá nục và hai bộ mồi bọc trong mảnh giấy báo. Hai người đi vào con đường nhỏ chạy thẳng xuống chỗ neo thuyền, chân dậm trên cát sỏi. Hai người nhắc bổng chiếc thuyền lên và đẩy xuống mặt nước. – May mắn, ông nhé. – Cháu cũng may mắn nhé. Ông lão buộc chèo vào cọc rồi cắm chèo xuống nước đu người ra phía trước lấy đà và bắt đầu chèo, bơi mò ra khỏi bến. Có nhiều thuyền khác, từ các bến khác, cùng tiến ra khơi. Ông lão nghe tiếng mái chèo vỗ nước, nhưng không trông thấy chi hết, trăng đã lặn phía sau mấy ngọn đồi. Thỉnh thoảng có tiếng người nói trên một thuyền nào. Hầu hết các thuyền đều im lặng, chỉ nghe rõ tiếng mái chèo. Ra khỏi bến, các thuyền đều tản mạn đi, mỗi thuyền tiến về một góc đại dương, nơi mong có cá. Ông lão biết rằng phải ra rõ xa; mùi nội địa để lại phía sau lưng; mỗi mái chèo lại đẩy ông lão vào thêm trong làn hương tinh khiết buổi sớm mai trên mặt biển. Dưới nước ông lão trông thấy rõ những mớ rong lóng lánh sáng giữa dòng lưu loan: thuyền đương ở trên một vùng biển mà dân chài đặt tên là Hồ Lớn, nguyên do bởi ở đó biển bỗng nhiên sâu xuống tới ngàn rưỡi thước, cá tụ ở đó rất nhiều do những luồng sóng vỗ mạnh vào vách đá dưới đáy biển. Có từng đàn đặc những tôm và cá nục, những khoảng thật sâu đôi khi có những đám cá mực quy tụ; đêm đến chúng ngoi lên mặt biển làm mồi cho những chú cá lớn lang thang qua đó. Tuy còn tối trời ông lão đã độ chừng sắp sáng. Vừa bơi ông lão vừa nghe thấy tiếng động của những con cá bay nhảy lên khỏi mặt nước, đôi cánh cứng đơ vụt lướt trong đêm tối. Ông lão thích những con cá bay lắm, đó là những bạn độc nhất của lão ở giữa đại dương. Ông lão thương hại mấy con chim quá, nhất là những chú én, bộ lông màu sậm coi thật ẻo lả, luôn luôn bay lượn tìm mồi mà thường chẳng bao giờ gặp. Ông lão nghĩ: “Loài chim cuộc sống còn cam khổ hơn mình, ngoại trừ lũ chim khách chuyên ăn cắp và mấy mãnh chim ưng lớn. Hóa công cũng kỳ cục, tạo ra những con én bé xinh, ẻo ớt, giữa đại dương tàn nhẫn. Đại dương đẹp lắm, đáng yêu lắm nhưng phút chốc có thể trở thành tàn nhẫn, vô cùng tàn nhẫn. Những con chim đương bay kia, lát lại nhào xuống biển để săn mồi, tiếng kêu buồn thảm, thật mảnh dẻ quá đối với đại dương”. Ông lão gọi đại dương là la mar, danh từ bình dân Tây Ban Nha mọi người dùng để chỉ đại dương khi họ thấy quý mến đại dương. Đôi khi người ta cũng hết lời nguyền rủa nhưng đại dương bao giờ cũng được đặt vào giống cái, như để chỉ người đàn bà vậy. Một vài dân chài, trong số những người trẻ tuổi, họ dùng phao kiểu tối tân để buộc vào dây câu và đi nghề trên những chiếc tàu có động cơ sắm được hồi gan cá mập được giá, những bạn chài đó gọi đại dương là le mar, giống đực. Bọn này coi biển cả như một đối phương, một cứ điểm hay một thù địch nữa. Nhưng với ông lão, đại dương vẫn là la mar, một cái gì nó ban cho hay nó từ chối những ân huệ lớn. Nếu la mar có xử sự như một con điên hay một ác phụ, cũng bởi nàng không thể làm khác được. Ông lão nghĩ: mặt trăng luôn luôn phá rối nàng như phá rối một phụ nữ. Ông lão vẫn bơi, không phải cố gắng một chút nào vì cái đà lướt đi của thuyền vẫn giữ đều và mặt nước phẳng lặng trừ một vài đợt sóng nhỏ do dòng nước gợn lên. Một phần ba công việc chèo thuyền đi là nhờ dòng nước trôi. Khi mặt trời bắt đầu ló lên, ông lão đã đi được quá phần đường đã định. Ông lão nghĩ thầm: “Cả một tuần nay thả lưới tại những quãng sâu chẳng được một con nào. Hôm nay ta phải tìm những đàn cá giác hay cá bạc may ra sẽ kiếm được con cá thật lớn”. Trước khi trời sáng rõ ông lão đã thả xong mồi. Dòng nước cứ đẩy thuyền trôi đi. Ông lão thả một con mồi xuống sâu tới bốn mươi sải; con thứ hai tới bảy mươi sải; con thứ ba và thứ tư ngao du mãi tận dưới nước xanh, tới một trăm và một trăm hai mươi lăm sải. Mỗi con đều thả cái đầu chúc xuống, lưỡi câu giấu kỹ trong giữa thân con cá mồi, buộc thật chặt, khâu lại kỹ lưỡng, những gai nhọn hay những khúc dây thép uốn cong đều có cá nục tươi che kín. Những con cá nục xâu liền qua hai mắt trông như một tràng hoa phủ kín những sợi thép. Không một li dây thép nào mà các chú cá lớn không thấy ngon lành thơm tho. Cậu bé cho ông lão hai con cá thu nhỏ thường gọi là cá bạc. Ông lão buộc hai con mồi đó vào dây câu thả xuống sâu nhất, con mồi nặng chĩu như hai hòn chì; hai sợi kia ông lão buộc một cá runner lớn màu xanh và một con cá măng màu vàng, hai con mồi này đã dùng hôm qua nhưng nay còn dùng lại được. Sợi nào cũng buộc thêm những con cá nục cho thêm ngon mắt. Mỗi sợi dây câu bề to bằng một chiếc bút chì hạng đại đều buộc vào cái phao rất nhẹ bằng gỗ màu lục; mỗi khi đụng tới con mồi là cái phao chìm ngay xuống. Ông lão còn sẵn hai cuộn dây mỗi cuộn bốn chục sải, khi cần đến có thể đem nối thêm vào những sợi dây dự phòng, thành ra nếu một con cá mắc câu kéo đi ông lão đã có sẵn tới ba trăm sải dây để dòng. Lúc này ông lão đương chăm chú coi ba cái phao chạy dài theo mạn thuyền, ông lão bơi nhè nhẹ để giữ cho những sợi dây câu căng thẳng xuống tận đáy sâu. Trời đã sáng rõ; chỉ trong giây phút là mặt trời sẽ ló ra. Mặt trời lên khỏi mặt nước, ông lão trông thấy những thuyền câu khác, là là trên mặt nước, không xa bờ mấy, ngay trên mép dòng nước chảy. Mặt trời sáng bùng lên, ánh nắng cháy đỏ trên mặt biển; khi mặt trời lên cao hẳn, ánh sáng phản chiếu xuống mặt gương nước đập thẳng vào mắt lão khiến lão thấy khó chịu quá, phải vừa bơi vừa quay mặt ra chỗ khác. Lão trông chừng từng sợi dây câu thả thẳng băng xuống tận đáy sâu; lão biết giữ cho sợi dây lúc nào cũng thẳng, khéo léo hơn ai hết. Ở mỗi mực sâu, giữa dòng nước tối đen, ông lão đã có một con mồi ở đúng cái chỗ đã định. Những bạn chài khác thường mặc cho con mồi trôi theo dòng và nhiều khi ước lượng chỗ mồi đương đậu sai đến chừng bốn chục sải. Ông lão tự nhủ: “Riêng ta biết thả mồi đúng cái mức sâu vừa tầm. Vậy mà chẳng bao giờ được may mắn! Nhưng biết đâu? Biết đâu ngày hôm nay… Ngày nào cũng vẫn bấy nhiêu ý nghĩ. Cứ kể thì gặp may cũng hay đấy, nhưng ít nhất ta cũng thạo nghề. Như vậy dịp may đến ta đã sẵn sàng”. Mặt trời lên cao đã hai giờ đồng hồ rồi, bây giờ ông lão ngó về phía mặt trời mọc không thấy chói mắt nữa. Còn trông thấy có ba chiếc thuyền câu; chiếc nào cũng thấp sát mặt nước, rất gần bờ. “Suốt đời ta đều thế, sáng ra thì bị mặt trời chói mắt, ông lão nghĩ vậy, cũng may là mắt ta còn tỏ! Đến chiều ta có thể nhìn thẳng vào mặt trời, không thấy cả những chấm đen. Thường thì buổi chiều mặt trời vẫn chói hơn! Ban sáng thì thật là khó chịu”. Trước mặt ông lão một con hải bằng hai cánh dài và đen lượn vòng trên trời. Bỗng chốc nó nghiêng hai cánh hình tam giác rồi lao xuống, rồi lại lượn vòng. Ông lão nói lớn: “Nó đã tìm thấy con gì đây. Nó nhằm không sai đâu”. Nhè nhẹ, đều đều, lão bơi lại chỗ con hải bằng đương bay lượn. Ông lão không hấp tấp; luôn luôn giữ cho mấy sợi dây câu thẳng tắp. Nhưng ông lão bơi có nhanh hơn dòng nước, tuy rằng bao giờ lão cũng giữ đúng lối nhà nghề và nếu không có con chim thì bơi như vậy mới gọi là quá nhanh. Con chim bay cao lên trời, rồi là là hạ xuống lượn vòng; ông lão trông thấy những con cá bay nhảy lên và bối rối chao cánh trên mặt nước. Ông lão reo lên: “Cá hồng! Con lớn lắm!”. Lão gác mái chèo lên rồi lấy một sợi dây nhỏ cất ở dưới mũi thuyền. Sợi dây câu có mắc một sợi thép đầu buộc vào một cái lưỡi cỡ vừa, ông lão móc vào lưỡi một con cá nục quăng dây câu xuống nước qua mạn thuyền rồi cột vào một cái mấu ở đằng lái. Sau đó lão móc sẵn một sợi dây câu ở đằng mũi thuyền nhưng giấu trong bóng mát dưới mạn thuyền. Con chim cánh đen bay là là sát tận mặt nước. Mắt lão không rời con chim, lại bắt đầu bơi. Con chim nghiêng cánh, lại lao xuống những con cá bay, hai cánh vỗ tíu tít, nhưng vô hiệu. Lũ cá hồng thoăn thoắt dưới nước bơi theo đám cá bay, chỉ chờ mấy con cá bay lặn xuống. Ông lão chăm chú dõi theo những đợt sóng do đám cá hồng quẫy lên. Ông lão nghĩ: “Một đàn thật đông những cá hồng. Đầy đặc mọi chỗ. Lũ bay khó lòng thoát khỏi. Con chim sẽ chả xơ múi gì đâu. Cá bay lớn quá, nó bay nhanh như quỷ ấy”. Ông lão ngắm những chú cá bay luôn luôn nhảy lên khỏi mặt nước và con chim nhọc sức cố bắt lấy một con, lão nghĩ: “Lũ cá này chắc muốn chuồn. Chúng bơi nhanh quá, ra xa quá. Không chừng ta sẽ chộp được một con lẽo đẽo ở đàng đuôi; cũng có lẽ chú cá khổng lồ của ta đương rượt theo đàn cá này. Con cá khổng lồ đó, ít nhất ta cũng phải chõm được ở chỗ nào”. Trên trời, gần ven biển, mây tụ lại ngồn ngộn như núi: trông về nội địa chỉ thấy một nét dài màu lục hiện rõ sau dãy đồi màu xanh lợt. Nước trở nên màu xanh sậm, sậm quá trông như màu tím. Ông lão ngó thấy những mảng phù du màu đỏ dưới mặt nước tối đen ánh nắng rọi xuống gây thành những vệt sáng huyền ảo. Những sợi dây câu chạy thẳng xuống trông không thấy hút. Thấy những đám phù du ông lão lấy làm bằng lòng đinh ninh rằng có nhiều cá. Mặt trời lên khá cao, những vệt sáng huyền ảo dưới nước tiên đoán đẹp trời, cũng như hình thù những đám mây ở ven biển. Những con chim đã biến đâu mất và không còn thấy vật gì xuất hiện trên mặt nước, ngoài mấy đám rong biển màu vàng lợt lạt, và cái túi ửng đỏ, nhầy nhụa, óng ánh của một con sứa nổi lềnh bềnh ở gần thuyền. Nó nằm nghiêng rồi nó lại nằm ngả. Con sứa trôi coi bộ linh hoạt như một cái bọt xà phòng. Những sợi râu của nó, dài hàng thước, trôi theo như một cái tràng đầy cạm bẫy. Ông lão nói: “Agua mala, con đĩ, bước ngay!”. Không rời mái chèo, ông lão khẽ nghiêng mình ngó mấy con cá nhỏ bơi ở dưới con sứa đương trôi. Những con cá, đồng một màu đỏ với những sợi râu con sứa, đương uốn lượn mà không bị nguy hiểm. Nọc độc của sứa chỉ nguy hiểm với người ta. Chỉ cần một sợi râu sứa, sợi râu màu đỏ ửng, nhầy nhụa, mắc phải dây câu đứt ra và bắn lên bàn tay hay cánh tay ông lão là lập tức mọc mụn lên và lở loét ngay. Nọc sứa agua lama dây phải cũng đau đớn như bị quất một roi mạnh. Trông những con sứa óng ánh sáng thật là đẹp mắt. Nhưng thật là những vật phản phúc nhất ở dưới biển. Ông lão lấy làm khoan khoái mỗi khi thấy những con ba-ba lớn ngoạm hết mấy con sứa. Mỗi khi gặp sứa, ba-ba nhắm mắt lại để khỏi có kẽ hở rồi lao thẳng vào con sứa và xơi hết cả mình lẫn râu. Xem ba-ba ăn thịt sứa ông lão thú lắm. Lão cũng lấy làm thích mỗi khi sau trận bão sứa bị dạt lên bãi biển, lão dẫm bàn chân không đã thành chai cứng như sừng lên mình con sứa nghe tiếng vỡ đánh bộp. Ông lão thích nhất những con ba-ba xanh hay mõm cong như mỏ chim ưng, trông rất đẹp, bơi rất nhanh, và bán thật là được giá. Trái lại, ông lão cũng thích nhưng khinh rẻ những con ba-ba vàng nặng nề, ngây ngốc, giao cấu với nhau điệu bộ thật tức cười và cứ nhắm mắt lại ngốn ngấu những con sứa. Tuy rằng ông lão chuyên câu ba-ba trong bao nhiêu năm, nhưng không phải ông không lấy làm thương hại cho số phận những con vật ấy. Ông thương hại hết thảy mọi giống ba-ba, kể cả những con ba-ba “hộp” to bằng chiếc thuyền và nặng độ nửa tấn. Thiên hạ không thương những con ba-ba, viện lẽ rằng quả tim con ba-ba còn tiếp tục đập hàng giờ sau khi bị mổ và moi hết ruột gan. Lão nghĩ: “Ta cũng có một trái tim giống hệt như trái tim ba ba, bàn chân, bàn tay ta cũng giống hệt như chân của ba-ba vậy”. Lão ăn những quả trứng màu trắng cho bổ. Suốt trong năm ông lão ăn trứng ba-ba để đến tháng Chín tháng Mười có cá lớn được mạnh khỏe mà đi nghề. Ngày nào ông cũng uống một ly dầu gan cá mập. Ở trong chỗ kho chứa đồ nghề của dân chài, lúc nào cũng có sẵn một thùng đầy. Dầu đó bạn chài tự do dùng, nhưng họ bảo rằng mùi nó ghê tởm quá. Thử hỏi uống dầu đó có khó khăn hơn phải trở dậy thật sớm như họ không? Hơn nữa, dầu đó là một vị thuốc thần hiệu chữa cảm và cúm. Uống dầu đó cũng sáng mắt nữa. Ông lão nhìn lên trời thấy con chim lại lượn vòng. Lão nói lớn: “Nó lại tìm thấy cá”. Thực ra, không thấy bóng một con cá bay và cũng chẳng thấy một chú cá con nào ở quanh đó cả. Trong khi ông lão đương chăm chú chợt thấy một con cá thu nhỏ nhảy lên, rồi đâm nhào đầu xuống trước. Con cá sáng loáng như bạc dưới ánh nắng. Con này rơi xuống lại con khác nhảy lên, rồi một con khác nữa, sau cùng biết bao nhiêu là cá thu nhảy loạn xạ, nước sùng sục lên, cá theo nhau lướt đi kiếm mồi. Chung quanh ông lão toàn thị những cá thu. “Nếu lũ cá này không bơi mau là ta sắp nhảy vào giữa đám”, ông lão nghĩ vậy. Đàn cá thu bơi lượn ngầu bọt lên; con chim bỗng lao xuống bắt những cá nhỏ đương náo loạn trốn tránh trên mặt nước. Ông lão nói: “Con chim thật là được việc!”. Cùng lúc đó sợi dây câu phía đằng sau mũi bỗng giật chân ông lão, bàn chân buộc một vòng vào sợi dây câu. Ông lão buông chèo, với lấy sợi dây và bắt đầu kéo. Ở đầu dây bên kia một con cá thu nhỏ đương quẫy. Ông lão càng kéo lên, nó càng quẫy mạnh. Sau cùng ông lão trông thấy cái lưng xanh và hai cạnh óng ánh của con cá. Ông lão nhấc bổng con cá lên rồi liệng xuống sàn thuyền. Cứng và bóng như một hòn đạn, con cá nằm soài dưới nắng phía lái thuyền. Nó mở to hai mắt ngơ ngác và lấy cái đuôi mỏng thoăn thoắt đập xuống sàn thuyền. Nó nghẹt thở. Thương hại, ông lão đập cho nó một cái rồi lấy chân hất mạnh vào trong một góc tối ở bên bánh lái, con cá vẫn còn quẫy. Ông lão nói một mình: “Cá bạc. Làm mồi thì tuyệt. Nặng ít ra cũng bốn cân rưỡi”. Thật ra không hiểu từ bao giờ lão bắt đầu nói một mình như vậy? Ông cũng không nhớ rõ nữa. Hồi xưa thì ông ca hát. Ban đêm ông hát, trong phiên gác cạnh bánh lái, trên chiếc thuyền đánh cá lớn hay trên một chiếc tàu câu ba-ba. Chắc hẳn từ sau khi cậu bé bỏ đi ông lão mới bắt đầu nói một mình. Nhưng ông cũng không lấy làm chắc. Thời mà hai ông cháu cùng đi nghề, hai người chỉ nói chuyện với nhau ban đêm hay khi gặp cơn mưa. Ở biển không bao giờ nói một lời nào thừa; luôn luôn lão nhận định như thế và luôn luôn ít nói. Nhưng hồi này thường lão vẫn nghĩ lên tiếng. Có lẽ bởi không có ai để những lời nói làm phiền rầy được. Ông nói lớn: “Nếu thiên hạ nghe ta nói một mình như thế này, họ sẽ cho ta là ma-bùn. Nhưng khi mà ta không ma-bùn ta đếch cần. Kể gì những tụi giàu, họ có đem theo máy vô tuyến điện cho có bạn và để nghe tường thuật về dã-cầu”. Ông lão nghĩ rằng lúc này đâu phải lúc nghĩ đến chuyện dã-cầu. Lúc này chỉ nghĩ đến một điều. Nghĩ tới cái việc mà ta sinh ra để làm. Lão lại nghĩ: “Thường khi có cá lớn đi theo những đàn cá thu. Thế mà ta chỉ chộp được có mỗi một con cá bạc lơ láo đương kiếm mồi. Còn tụi nó chuồn hết ráo. Hôm nay hễ con nào thò mõm lên khỏi mặt nước là lại biến về phía đông bắc. Tại thì giờ hay tại thời tiết thay đổi mà ta không biết?”. Ông lão không thấy đường ven biển màu lục, chỉ thấy những ngọn đồi màu xanh trông trắng xóa như tuyết phủ: những đám mây ở bên trên cũng giống như những rặng núi cao tuyết phủ. Biển cũng biến ra một màu sậm, ánh sáng cắt những khối tam lăng trên mặt nước. Những vệt tối rải rác của những đám phù-du cũng tan biến dưới ánh nắng đúng ngọ; ông lão chỉ còn trông thấy những tia óng ánh sâu mãi dưới mặt nước tím và những sợi dây câu xuyên thẳng xuống đáy biển. Đáy biển sâu có cả ngàn thước. Đàn cá thu đã lặn xa dưới mặt nước. Dân chài gọi tất cả các thứ cá cùng một loại đó là cá thu; chỉ khi nào đem bán hay đổi lấy con mồi họ mới gọi bằng tên từng giống cá. Nắng gắt, ông lão thấy nóng ran trên gáy và mồ hôi chảy dọc theo xương sống trong khi lão chèo. “Ta có thể cho thuyền trôi đi rồi ngủ một chập. Chỉ cần buộc dây câu vào ngón chân, có gì là tỉnh dậy ngay. Nhưng hôm nay là ngày thứ tám mươi lăm. Ta không thể nào lơ đễnh được”. Ngay đúng lúc đó, ông lão đương coi mấy sợi dây câu, một cái phao màu lục chợt chúi mũi xuống. “A ha! A ha! Có ta đây”. Ông lão buông mái chèo không làm động tới mạn thuyền. Ông lão cúi xuống chiếc dây câu, nhẹ nhàng cầm lấy bằng ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải. Không thấy nặng, không thấy giựt. Lão nhè nhẹ nắm sợi dây câu. Nó lại đụng đậy. Lần này nghe như có cái gì kéo xuống, nhè nhẹ thôi, nhưng lão biết rõ là cái gì rồi. Độ một trăm sải phía dưới một con cá kìm lớn đương rỉa những con cá nục che cái lưỡi và cái ngạnh ở chiếc lưỡi câu ngay chỗ lưỡi câu thò ra ở đầu con cá thu con. Ông lão, nhẹ tay giữ sợi dây, còn tay trái từ từ gỡ cái nút buộc sợi dây câu vào cái cọc: như vậy sợi dây câu có thể tuột dần giữa hai ngón tay mà con cá vẫn không thấy động. Ông lão nghĩ: “Mùa này, ở ngoài khơi như thế này, con cá phải lớn đại! Rỉa đi, rỉa đi chú mày! Ta để dành riêng đợi chú mày ở chỗ thật mát mẻ gần sáu trăm bộ dưới mặt nước lạnh đấy. Hăng hái lên, nhào một cái nữa nào. Đến mà xực những con cá nục đi”. Lão thấy động nhẹ, rồi động mạnh hơn: chắc một cái đầu cá nục dính chặt quá vào lưỡi câu khó giựt ra. Rồi lại im lìm. Ông lão nói lớn: “Lại đây mà! Chú bé, lại một chuyến xem nào. Thử ngửi một chút. Thế mà không thấy khoái sao? Hãy ăn cho hết lũ cá nục đi, sau sẽ đến chú cá thu. Thật chắc thịt, lại lạnh, lại ngon nữa. Đừng sợ mà, ăn đi!”. Ông lão ngồi đợi, sợi dây cầm bằng hai ngón tay, lão để ý luôn cả mấy sợi dây kia vì con cá lớn có thể bỏ chỗ này bơi qua chỗ khác. Lại thấy động nhè nhẹ như ban nãy. Ông lão lại nói: “Nó trở lại. Trời ơi, cầu trời cho nó cắn”. Nó không cắn. Nó bơi đi rồi. Lão không nghe thấy gì hết. “Không thể được. Trời! không thể nào để cho nó bơi đi được. Nó đi một vòng rồi sẽ quay lại. Chắc hẳn đã có lần cu cậu xơi phải lưỡi câu nên sực nhớ ra”. Lại động đậy nhẹ. Lão vui vẻ nói: “Nó đi đúng có một vòng. Nó sắp cắn”. Sợi dây động nhè nhẹ, ông lão vui sướng quá. Rồi bỗng dưng nghe thấy một cái gì thật cứng, vô cùng là nặng: con cá đeo tất cả sức nặng của nó vào sợi dây. Ông lão thả cho sợi dây tuột, tuột, tuột mãi, một tay mở sẵn một trong hai cuộn dây dự phòng. Sợi dây kéo xuống mãi. Sợi dây tuột rất nhẹ giữa hai ngón tay ông lão; hai ngón tay cầm sợi dây nhẹ như không, thế mà vẫn nghe sức nặng vô cùng là nặng ở đầu dây bên kia. “Con cá lớn dữ. Nó ngậm cả con mồi trong miệng và đương phới đi đây”. “Nó sắp vòng lại. Nó sắp nuốt con mồi”. Lão nghĩ như vậy nhưng không nói ra, bởi vì chưa chi đã nói hay có thể bị xui xẻo. Lão biết đó là một con cá lớn đại. Lão tưởng tượng con cá đương bơi trong bóng tối, miệng ngậm ngang mình con cá thu. Bỗng nhiên con cá không đụng đậy nữa nhưng vẫn đeo nặng. Càng nặng chĩu hơn nữa, lão dòng thêm dây. Sức nặng càng đeo thêm hai ngón tay ông lão trong phút chốc càng siết chặt sợi dây. Con cá chìm thẳng xuống đáy sâu. Ông lão nói: “Nó cắn rồi. Bây giờ nó phải nuốt vào bụng, nuốt hẳn vào bụng”. Sợi dây cứ kéo dài mãi. Tay trái ông lão nắm lấy đầu hai sợi dây dự phòng và nối liền với cái nút để sẵn cho sợi dây thứ ba. Làm như vậy ông lão có sẵn sàng ba cuộn bốn chục sải, không kể cuộn dây đương dùng. “Ăn nữa đi, ăn thêm một chút nữa đi chú mày!”. “Ăn nữa, ăn cho tới khi lưỡi câu móc vào tận trong tim mày cho mày chết! Như vậy chú mày sẽ từ từ nổi lên, hết kiếm chuyện và ta cứ việc phóng cây lao vào tận thớ thịt mày. Cố lên. Bây giờ đã sẵn sàng chưa? Ăn uống chi mà lâu quá vậy?”. “Ái chà!”. Ông lão vừa la lên vừa cố níu sợi dây bằng cả hai tay; lão kéo lại được một thước dây. Hai cánh tay đưa lên đưa xuống rất đều, cố sức kéo rõ cao, ngửa hẳn người ra lấy sức mạnh để giữ. Nhưng lão cố công cố sức níu cũng vô hiệu. Con cá cứ từ từ lảng xa ra, ông lão không níu lại được lấy một phân. Sợi dây câu rất chắc riêng dùng câu những cá lớn. Nhưng sợi dây cột vào vai lão căng thẳng quá đến bật ra từng giọt nước. Sợi dây chạy nghe vo vo dưới nước; ông lão vẫn kéo, bò nhoài trên cái ghế rồi lại ngả người ra phía sau để giữ cho chắc. Chiếc thuyền bắt đầu từ từ tiến về hướng tây-bắc. Con cá kéo mãi; thuyền lừng lững trôi trên mặt nước phẳng lặng. Những con mồi khác vẫn dòng ở đầu dây nhưng đành phải bỏ đấy vậy. Lão nói một mình: “Giá có thằng bé ở đây nhỉ. Thành ra bây giờ ta bị con cá lôi đi, ta hóa ra một cái cọc neo thuyền! Nếu ta neo sợi dây câu gần quá, con cá sẽ giựt đứt phăng. Điều cần thiết là phải níu cho vững hễ nó kéo quá thì thả thêm dây. May thay, nó bơi đi thẳng chứ không lặn xuống”. “Nếu nó sinh chuyện cứ lặn sâu xuống không biết ta sẽ xoay xở ra sao? Ta thử hỏi thế? Ta sẽ phải làm thế nào nếu nó chìm xuống và nếu nó chết? Ta không biết nữa. Ta chỉ biết là ta sẽ phải làm một việc gì. Biết bao nhiêu việc phải làm”. Ông lão quàng sợi dây lên vai để giữ, mắt luôn luôn để ý tới độ nghiêng của sợi dây trên mặt nước. Trong khi đó chiếc thuyền lướt nhanh về hướng tây-bắc. Ông lão nghĩ: “Để cho nó chết. Làm sao nó kéo dài mãi cái điệu này được?”. Bốn giờ sau, con cá vẫn bơi, thẳng ra khơi, kéo luôn cả chiếc thuyền, ông lão vẫn ra sức thủ thế, sợi dây câu vắt trên vai. “Ta giật cho nó mắc câu từ lúc đúng ngọ, thế mà ta vẫn chưa trông thấy nó”. Khi ông lão giật cho con cá mắc câu xong, ông lão lật chiếc mũ cói ra phía sau gáy, vành mũ cứa vào trán. Lão khát nước quá; cố gắng mãi mới quỳ xuống được mà không đụng tới dây câu, cố lê ra phía mũi thuyền. Một tay ông lão với lấy chai nước, mở nút và uống vài ngụm rồi ghé ngồi xuống. Chiếc cột buồm để nằm, cánh buồm cuốn quanh, tạm làm cái ghế ngồi; ông lão cố gắng không nghĩ gì chỉ ra sức chịu đựng mệt nhọc. Lão ngó lại phía sau, nội địa đã mất hút. “Ta lo gì chuyện đó, ông lão nghĩ vậy. Lúc nào muốn quay về ta vẫn có ánh sáng của thành phố Havana làm mức. Còn những hai giờ nữa mặt trời mới lặn. Chắc là nó sẽ nổi lên trước lúc đó. Mà nếu nó chưa nổi lên thì lúc trăng mọc nó sẽ nổi lên. Trăng mọc nó chưa nổi lên thì sáng ngày mai. Ta không bị chuột rút đâu. Ta còn khỏe mạnh lắm. Chính nó bị mắc lưỡi câu trong họng chứ đâu phải ta. Chắc nó lớn lắm mới kéo khỏe đến thế! Giá có cách nào ta trông thấy nó được một phút, để coi cho biết kẻ địch như thế nào”. Đêm tới, con cá vẫn không đổi tốc độ, không đổi hướng lấy một đốt tay, đó là theo con mắt định hướng nhờ các vì sao của ông lão. Sau khi mặt trời lặn, không khí mát hẳn lại; mồ hôi đẫm trên lưng, trên cánh tay, trên đôi cẳng già nua, trở nên lạnh như đá. Lúc ban ngày ông lão có trải cái bao bố đậy thùng mồi ra phơi. Tối đến ông lão cột cái bao quanh cổ trùm xuống phía sau lưng; ông lão cẩn thận hết sức cố kéo một góc bao lên vai lót xuống phía dưới sợi dây câu đương cứa đứt vai. Làm thế như có một lần đệm. Đồng thời, ông lão cũng tựa ngực được vào mạn thuyền, thành ra ngồi cũng thoải mái hơn. Thật ra, cũng đỡ đau đớn hơn lúc trước một chút thôi. Nhưng tương đối cũng là khá. Ông lão nghĩ: “Chừng nào mà nó còn kéo như thế này, ta cũng chả làm gì được nó và nó cũng chả làm gì được ta”. Có lúc, ông lão đứng dậy, tiểu chõ xuống biển. Nhân lúc đó ông lão ngắm sao để định hướng. Từ trên vai ông lão thẳng xuống mặt nước, sợi dây câu trông như một vệt thẳng sáng loáng. Tốc độ của thuyền giảm bớt, ánh sáng của thành phố Havana nhạt dần, ông lão đồ chừng dòng nước đã đưa thuyền tạt sang hướng đông. Ông lão nghĩ thầm: “Hễ cứ không trông thấy ánh sáng ở Havana là ta đã tiến sang hướng đông. Nếu con cá kéo đi thẳng thì ta vẫn trông thấy ánh sáng ở Havana. Không hiểu hôm nay những trận dã-cầu lớn kết quả ra sao? Nếu đi câu như thế này mà có mang theo một cái máy thu thanh”. Nhưng lão lại tự nhủ: “Chỉ nghĩ đến một việc: nghĩ đến việc đương làm. Không phải lúc giở trò ngây ngốc ra”. Ông lão bèn la lên: “Ta muốn có thằng bé ở đây quá. Nó sẽ đỡ tay ta. Và nó sẽ được xem con cá”. “Khi đã già không bao giờ nên ở một mình. Nhưng tránh làm sao được. À, ta chớ quên ăn thịt con cá thu kẻo nó ôi mất! Ăn để giữ lấy sức. Ta phải nhớ sáng mai dù không đói cũng phải ăn. Phải nhớ kỹ lấy”. Đêm có hai con cá heo ghé đến gần thuyền. Ông lão nghe rõ tiếng hai con cá nhào lộn và thở phì phì. Tiếng ọc ọc của con đực và tiếng thở dài của con cái. “Mấy chú cá heo đáng yêu. Nó nô giỡn, đùa nghịch, nó nhẩy nhau. Đó là bạn của người cũng như những con cá bay”. Rồi ông lão chạnh buồn nghĩ tới con cá lớn ông đã giật cho mắc câu. Ông lão nghĩ: “Chắc là một con cá rất đẹp, không giống những con cá khác. Nó độ bao nhiêu năm nhỉ? Chưa bao giờ ta bắt được một con cá to như vậy. Có lẽ nó tinh ranh lắm nên không quẫy mạnh. Nếu nó quẫy, nếu nó bơi rất nhanh nó có thể hại được ta. Nhưng chắc hẳn nó đã bị mắc câu nhiều lần, nên biết rằng chỉ có thế này mới mong thoát khỏi. Nó không thể biết rằng chỉ có một người đương săn nó, mà lại là một ông lão. Nhưng, mẹ kiếp, thật là một món bở! Nếu thịt nó ngon một chút không biết ta sẽ bán được bao nhiêu tiền ở chợ! Nó cắn câu rõ ra vẻ một con cá đực, nó kéo cũng như con đực, nó lo chống cự không luống cuống. Hoặc là nó có ý định sẵn trong đầu, hoặc là nó tùy tiện làm bất cứ việc gì như ta vậy”. Lão còn nhớ một đôi cá marlin, lão bắt được con cái. Con đực bao giờ cũng để cho con cái ăn trước. Khi con cái bị mắc câu, nó vùng vẫy một cách điên dại hốt hoảng, thất vọng, phí hết cả sức lực. Suốt trong lúc vùng vẫy, con đực luôn luôn ở bên cạnh con cái trên mặt nước. Nó bơi ngay bên khiến ông lão chỉ sợ nó vẫy đuôi làm đứt sợi dây câu. Đuôi giống cá này sắc như lưỡi hái, trông hình thù và bề to không khác gì một lưỡi hái. Ông lão lấy cái sào móc kéo con cá lại gần rồi lấy chầy nện, một tay nắm chặt lấy mõm nó, cái mõm dài như cái gươm và ráp như tờ giấy nhám. Ông lão táng lên đầu con cá những cú rất nặng khiến da nó trở nên xám như lớp sơn phía sau những tấm gương soi. Sau cùng ông lão và cậu bé nhấc được con cá lên thuyền. Suốt trong thời gian đó con đực cứ bơi ở gần thuyền. Trong khi ông lão mải gỡ mớ dây câu và sửa soạn chiếc lao, con cá đực bỗng chốc nhảy một cái kinh khủng khỏi mặt nước tới sát tận thuyền để xem con cá cái ở đâu, rồi phô hết những đường sọc lớn màu hoa cà, giương rộng hai cánh màu tím hồng (thực ra đó là những vây ở bụng) và chìm lỉm xuống đáy biển. Con cá thật là hùng vĩ, thật là trung thành! Không bao giờ ông lão quên được nó. Ông lão nghĩ: “Thật là một chuyện cá marlin thảm thương nhất ta được biết. Cả cậu bé cũng lấy làm thương cảm. Thực là hổ thẹn.” Họ vội vàng mổ ruột con cá cái và chặt thành từng mảnh. Ông lão nói lớn: “Ta muốn có thằng bé ở đây quá!”. Lão ngồi tựa vào những tấm ván cạnh tròn ở phía mũi thuyền. Sợi dây câu căng thẳng trên vai. Ông lão cảm thấy sức mạnh của con cá kéo đi không thể cưỡng lại được, kéo đi đâu Trời cũng không biết nữa, đến chỗ nào nó đã chọn trước. Ông lão nghĩ: “Ta đã lừa dối mà bắt được nó. Chính vì cạm bẫy của ta mà buộc nó phải lựa chọn”. Nó đã quyết ở mãi dưới nước sâu, đầy bóng tối, xa những lưỡi câu, xa những kẻ phản bội. Thế mà ta lại quyết đi tìm nó mãi tít tận đáy biển, xa hơn hết mọi người khác. Bây giờ giữa nó và ta có một sợi dây thông cảm. Từ giữa trưa tới giờ cả hai cùng bị ràng buộc vào nhau, không ai có thể giúp đỡ được, cả nó lẫn ta. Có lẽ tốt hơn là ta đừng làm nghề chài lưới. Ờ, ta có thể làm được nghề gì khác? Nhưng cần nhất là ta đừng quên ăn con cá thu khi trời sáng”. Tảng sáng, có vật gì rỉa con mồi ở phía sau lão, cái cọc màu lục gãy đôi và sợi dây câu bắt đầu kéo dài. Trong bóng tối, ông lão chuyển hết sức đè nặng của con cá sang vai trái rồi cúi xuống, lấy con dao trong vỏ ra và chặt dứt sợi dây câu trên mạn thuyền. Ông lão chặt nốt sợi dây kia, sợi dây ở ngay gần lão. Vẫn trong bóng tối ông lão nối hai đầu bỏ không của hai sợi dây dự phòng. Ông lão nối dây một tay rất khéo. Trong khi chú ý buộc nút cho thật chặt, lão lấy chân giữ những cuộn dây. Từ đó ông lão có sẵn tới sáu cuộn dây dự phòng, bốn cuộn lấy ở hai sợi mồi chính vừa cắt đứt và hai ở sợi dây mà con cá đã mắc câu; cả sáu sợi cùng nối liền vào nhau. “Khi trời sáng ta sẽ cố mò ra chỗ sợi dây bốn chục sải, ta cắt nốt và nối với những sợi kia. Như vậy ít nhất ta cũng bỏ mất hai trăm sải dây tốt, chưa kể lưỡi câu và bộ mồi. Nhưng mấy món đó lại mua được. Còn lấy gì thay thế được con cá lớn nếu ta lại giựt cho mắc một con cá của nợ nào đó rồi nó phá ngang cả? Không hiểu con cá gì đã cắn khi nãy? Một con marlin chắc? Một con cá chim-tước? Một con cá mập? Nó không còn thì giờ để kéo vì ta vội cắt dây ngay”. Lão lại nói lớn: “Ta muốn có thằng bé ở đây quá!”. Nhưng lão nghĩ: “Thật sự nó không có đây”. Chỉ còn mỗi một mình lão già thôi, và lão cũng phải cố mò tới chỗ sợi dây câu cuối cùng dù trời tối hay không để cắt và nối hai sợi dây dự phòng vào những sợi khác. Lão làm xong các việc đó. Thật là khó vì trời tối. Trong khi lão lần mò, con cá quẫy một cái, kéo giật lão ngã về phía trước, rách một mảng má ngay dưới mắt. Một dòng máu chảy trên gò má nhưng khô lại và đông đặc trước khi chảy tới cằm. Ông lão quay lại phía mũi, ngồi tựa vào mạn thuyền. Lão cố khoác lại cái bao bố lên lưng cho gọn, và hết sức thận trọng dịch sợi dây câu ra một chỗ khác trên vai. Ông lão đã đến độ đo lường được thật đúng sức mạnh của con cá vì vai ông lão đã biến thành một cái cần trục. Ông lão cũng có thể thả bàn tay xuống nước và có một ý niệm về cái đà của chiếc thuyền. Lão nghĩ: “Ta tự hỏi tại sao nó lại vụt quẫy mạnh như vậy? Hay sợi dây kẽm cọ mạnh trên cái lưng đồ sộ của nó. Tuy nhiên cái lưng của nó đâu có phải đau đớn như lưng ta. Cho nó có lớn bằng một tòa nhà nó cũng không thể kéo chiếc thuyền này cho tới sang năm được. Bây giờ ta đã dứt bỏ được hết những gì vướng bận, ta có sẵn một đoạn dây dự phòng khá dài; còn mong gì hơn nữa?”. Ông lão nhẹ nhàng nói: “Cá ơi, ta có thể theo ngươi cho tới khi ta chết”. “Con cá có lẽ nó cũng đối lại với ta như vậy”. Ông lão chờ cho trời sáng. Lúc sắp rạng đông trời lạnh, ông lão nép sát vào mạn thuyền cho ấm. Ông lão nghĩ: “Ta cũng chịu đựng lâu không kém gì nó”. Khi trời sáng ông lão trông thấy sợi dây câu xiên chếch xuống mặt nước. Con thuyền vẫn trôi. Những tia nắng đầu tiên chiếu trên vai bên tay phải ông lão. Ông lão nói: “Nó tiến thẳng về hướng bắc”. Ông lão nghĩ: “Dòng nước có lẽ đã đưa mình rất xa về hướng đông. Nếu nó dám bơi ngược lại dòng nước. Coi bộ nó đã bắt đầu mệt”. “Mặt trời lên cao. Con cá vẫn chưa tỏ ra đã mệt. Có một điểm đáng yên tâm: độ nghiêng của sợi dây chỉ rõ rằng con cá đã ngoi dần lên mặt nước. Như vậy không có nghĩa nhất định là nó sắp ngoi lên, nhưng cho ta dự đoán thấy thế”. Ông lão nói: “Cầu Trời cho nó nhảy lên. Ta có đủ dây dùng”. Ông lão tự nhủ: “Thỉnh thoảng ta níu dây một chút đủ để cho nó thấy đau, có lẽ nó sẽ ngoi lên. Trời đã sáng rõ, mong sao cho nó ngoi lên đi. Như vậy nó sẽ có đầy hơi trong bong bóng còn hơn là chìm nghỉm dưới đáy bể. Ông lão thử níu sợi dây một chút, nhưng từ lúc con cá mắc câu sợi dây đã căng như muốn đứt. Mỗi khi lão ngả người ra phía sau để níu lão thấy nặng vô cùng và hiểu rằng không thể níu hơn được nữa. Nhưng tuyệt nhiên không thấy vùng vẫy. “Mỗi khi nó vùng vẫy lưỡi câu lại lôi một ít thịt trong họng nó và khi nó ngoi lên lưỡi câu có thể tuột phăng ra được. Dù sao từ khi có ánh nắng tình hình cũng khả quan hơn. Lần này may ta không bị nắng chói vào mắt.” Có những sợi rong vàng bám vào dây câu, nhưng ông lão biết rằng như vậy càng thêm nặng cho con cá phải lôi đi, và lấy làm thú vị. Đó là một thứ rong vàng ở dòng Loan-lưu đêm đến lóng lánh sáng. “Cá ơi, ta yêu mày lắm. Và ta trọng mày lắm. Nhưng từ giờ tới chiều thế nào ta cũng thịt được mày. Ta nói chắc vậy”. Một con chim nhỏ, từ phía bắc lại, tiến về phía thuyền. Đó là một con chim sâu bay là là mặt nước. Ông lão trông thấy rõ con chim đáng thương gần kiệt sức rồi. Con chim giạt xuống phía lái thuyền. Sau khi nghỉ ngơi một chút nó bắt đầu bay quanh đầu ông lão, rồi bay tới đậu trên sợi dây câu coi bộ dễ chịu hơn. Ông lão hỏi con chim: “Mày lên mấy? Lần đầu tiên mày ra biển đấy chứ?”. Trong khi ông lão nói con chim cứ nhìn ông lão. Con chim mệt mỏi đến nỗi chẳng buồn thử chỗ đậu; lúc đôi chân mảnh dẻ của nó bám lấy sợi dây câu nó lao đao muốn ngã. Ông lão nói: “Chắc lắm đó. Quá sức là chắc, ta bảo thật đấy. Mày chắc phải mệt lắm sau một đêm bình thường không có gió. Liệu có về thoát được không?”. Ông lão nghĩ: “Lũ chim cắt, chúng nó bay ra khơi để đợi mồi”. Nhưng ông lão không nói chuyện chim cắt với chú chim sâu vì nó không biết nghe, nó còn đủ thì giờ để hiểu biết về chim ưng chim cắt. “Chú chim non kia, nghỉ ngơi một chập đi. Rồi rán mà bay về nội địa. Mày còn cơ hội của mày. Ai chả có cơ hội tốt, người cũng như chim như cá”. Sống lưng ông lão cứng đơ vì bị lạnh ban đêm. Ông lão đau nhức lắm nhưng câu chuyện nhỏ vừa qua khiến ông lão thêm hăng hái. “Chú chim non ơi, nếu chú muốn chú cứ ở lại đây. Ta cũng muốn giương buồm lên và đưa chú về nội địa nhân có gió đang bắt đầu lên. Nhưng ta bận có khách”. Trong khi ông lão nói, con cá lại bất ngờ quẫy một cái mạnh làm cho ông lão ngã bổ nhào trên sàn thuyền và có thể văng ra khỏi thuyền nếu ông lão không víu kịp và nếu sợi dây câu không trùng. Sự chuyển động bất ngờ khiến con chim bay lên. Ông lão cũng không trông thấy nó bay đi. Lão hết sức kỹ lưỡng cầm lấy sợi dây câu và thấy bàn tay phải đầy máu. “Như vậy nghĩa là có cái gì làm cho nó đau đây”. Ông lão thử níu dây câu xem có thể kéo con cá quay lại không. Nhưng đến khi sợi dây bắt đầu căng thẳng hết sức, ông lão không cố gắng nữa và ngửa người ra phía sau để chống lại sức kéo mạnh. “Cá ơi, chú mày bắt đầu mệt lắm rồi. Còn ta, ta cũng vậy”. Lão đưa mắt kiếm con chim. Lão khoái có bạn lắm. Nhưng con chim đã bay đi mất. Lão nghĩ: “Vừa tới đã bay đi. Chú mày ngu quá, bởi vì từ đây cho tới bờ biển mới là đoạn gay go nhất. Tại sao ta lại để đến nỗi nát cả tay ra thế này? Quả thật, ta ngu dại quá! Hay là tại ta mải ngắm con chim và mắc nghĩ tới nó. Từ bây giờ ta phải luôn luôn chăm chú tới công việc. Với lại ta phải ăn con cá thu cho khỏi mệt”. Ông lão nói: “Nếu thằng bé có ở đây, hay ta có một chút muối nhỉ?”. Ông lão chuyển sợi dây câu đè nặng sang vai trái và quỳ gối xuống rất là từ tốn. Ông lão rửa tay dưới nước biển, ngâm tay dưới nước trong một phút. Theo sức nước lướt qua tay ông lão ước lượng cái đà của thuyền. Bàn tay ông lão làm gợn một làn sóng nhẹ lẫn máu. “Nó chậm lại nhiều lắm rồi”. Ông lão còn muốn ngâm tay trong nước nữa, nhưng e rằng con cá lại sắp quẫy. Ông lão đứng lên vừa cố giữ thăng bằng vừa đưa bàn tay về phía mặt trời. Sợi dây câu sướt trên tay hớt đi một chút da. Vết thương nhằm đúng ngay chỗ hay dùng đến nhất trên bàn tay. Ông lão biết trước sẽ còn phải dùng đến hai bàn tay nhiều lắm, mãi cho đến khi xong xuôi; một bàn tay bị thương trước khi bắt đầu công việc thật đáng bực quá. Khi tay đã khô, ông lão nói: “Thôi ta phải ăn con cá thu. Lấy cái sào móc lại được rồi ngồi đây yên tĩnh mà ăn”. Ông lão quỳ xuống và lấy cây sào móc khều con cá ở dưới sàn chỗ cuối thuyền. Lão kéo con cá lại gần, cẩn thận không đụng tới mớ dây câu; rồi lại chuyển sợi dây câu sang vai bên trái, chống cánh tay và bàn tay không vướng mắc, ông lão gỡ con cá ở móc ra và xếp cây sào vào một góc. Sau đó, chống một gối lên mình con cá, ông lão mổ con cá suốt từ đầu tới đuôi. Ông lão giơ lên những miếng thịt đỏ sẫm dài như những cái thoi, nằm dọc theo xương sống con cá cho tới bụng. Ông lão cắt được tất cả sáu miếng, trải lên tấm gỗ đằng mũi thuyền, rồi lau dao vào quần và xách đuôi con cá liệng cả bộ xương xuống biển. Ông lão cắm con dao vào một thỏi cá và nói: “Ta chả bao giờ ăn hết một con cá”. Con cá lớn vẫn kéo rất khỏe, ông lão thấy tê dại cả bàn tay trái. Nhìn bàn tay co quắp trên sợi dây lớn ông lão lấy làm ngán ngẩm. Ông lão nói với bàn tay: “Khá khen cho mày. Cứ việc mà tê bại đi. Này trông mà xem có khác gì cái càng cua không chứ?”. Lão lại nhìn mặt nước tối sẫm xem sợi dây câu đụng đậy ra sao và nói: “Thôi đi, ông lão, hãy ăn con cá thu đi, rồi tay sẽ hết bại. Không phải lỗi ở bàn tay đâu. Con cá nó quần ta đã khá lâu rồi đó. Cho nó cứ quần như thế suốt đời đi. Thôi, ăn con bonito đi, mau lên”. Lão sóc một miếng cá đưa lên miệng và nhai rất chậm rãi. Kể ra cũng không phải là không ngon. “Nhai cho kỹ, ông lão nghĩ vậy; nhai kỹ cho thật hết nước ngọt. Đành rằng có chút muối chanh thì ngon hơn nhiều”. Ông lão lại hỏi bàn tay đương đau đớn, cứng đơ như bàn tay người chết: “Thế nào, bàn tay, có khá hơn không? Ta sẽ ăn nhiều hơn một chút vì mày đấy”. Ông lão ăn nốt nửa miếng cá. Nhai rất kỹ, rồi nhả miếng da cá ra. “Thế nào bàn tay? Mới ăn vào đã thấy gì được”. Lão ăn thêm một miếng nguyên nữa. Ông lão nghĩ: “Cá bonito thịt chắc, nhiều huyết. Ta cũng may tóm được nó chứ không phải một con cá hồng. Cá hồng thịt ngọt quá. Cá này chỉ hơi ngọt một chút. Nó chết rồi nhưng tưởng như còn giữ nguyên sức lực”. “Có một điều đáng kể, thực sự trước mắt, là ta đã ăn. Giá có một chút muối. Lại nắng nữa, mấy miếng cá sẽ bị phơi khô hoặc là bị ôi đi mất. Ai biết được. Ta hết đói rồi nhưng kể cũng cần ăn hết cả chỗ cá. Con vật dưới nước kia, lúc này nó ở yên đấy. Ờ, ta sẽ ăn hết. Như vậy là ta sẵn sàng”. “Bàn tay ơi, can đảm lên, ta ăn vì mày đấy”. “Ta cũng muốn cho con cá dưới kia nó ăn. Nó cũng như anh em với ta vậy. Nhưng ta cần phải thịt nó, ta phải giữ sức khỏe để thịt nó”. Chậm rãi, từ tốn, ông lão ăn hết những thỏi cá thu dài như những con thoi. Lão đứng dậy, chùi tay vào ống quần. “Nào, bây giờ bàn tay có thể thả sợi dây ra được. Ta sẽ xoay với con cá bằng một bàn tay phải thôi, cho đến lúc nào mày hết cái trò ngu ngốc ấy đi”. Lão chận một chân lên sợi dây nặng, lấy cả người đỡ lấy sức nặng đương cứa sâu vào lưng. “Cầu Trời cho mau hết tê bại vì ta không hiểu rằng giờ đây con cá kếch sù sắp giở trò gì. Tuy nhiên xem ra nó vẫn yên lắm. Nó vẫn giữ ý riêng của nó. Nhưng ý riêng của nó ra sao? Và còn ý riêng của ta nữa, nó thế nào? Nghĩa là phải bày ra một cái gì tùy theo ý của nó vì chính nó chỉ huy cơ mà, nó lớn như vậy. Nhưng nếu nó quyết định sẽ ngoi lên thì ta có một cơ hội để hạ nó. Nhưng nó cứ khăng khăng không chịu rời khỏi đáy nước. Như vậy ta cứ phải chờ nó mãi”. Lão cọ bàn tay bị bại vào quần và rán cử động mấy ngón tay. Nhưng bàn tay vẫn nắm chặt. Lão nghĩ: “Có lẽ phơi ra nắng nó sẽ mở ra được. Có lẽ khi nào ta tiêu hóa xong con bonito sống thì bàn tay sẽ xòe ra được. Chào, lúc nào cần thiết đến ta sẽ có cách mở bàn tay ra được. Nhưng ngay bây giờ không nên cố sức quá. Lúc nào nó muốn tự nó sẽ cử động. Nó đã gặp bao phen gian khổ rồi mà, có sao đâu. Như đêm qua, phải gỡ những sợi dây câu rồi nối lại”. Lão ngắm biển cả một vòng và nhận thấy sự cô quạnh bát ngát đương bao trùm lấy lão. Tuy vậy lão vẫn nhận thấy những khối tam lăng trong đám nước tối đen. Sợi dây câu chạy dài ở phía mũi; trên mặt nước phẳng gờn gợn những làn sóng kỳ lạ. Những đám mây như bay ra đón lấy gió biển. Phía mũi thuyền một bầy vịt trời bay in hẳn lên nền trời; đàn vịt biến mất rồi lại hiện ra, lão hiểu rằng trên mặt biển không có ai hoàn toàn cô độc cả. Ông lão nhớ tới sự hốt hoảng của những bạn chài một mình trên chiếc thuyền con bị hốt hoảng xâm chiếm khi không trông thấy nội địa. Không phải họ không có lý, vì có những mùa mà đột nhiên không có gì báo trước trời bỗng nổi giông bão. Nhưng mùa đó đã qua rồi. Bây giờ đang mùa gió lớn, mỗi khi không có gió thì trời đẹp nhất. Ở Gió lớn bao giờ cũng nhận thấy từ lâu. Ở biển có thể trông thấy điềm trời từ mấy ngày trước. “Dân chúng nội địa chả hiểu cóc gì về điềm trời, họ có biết nhận xét kỹ đâu. Ấy là chưa kể đến chuyện hình thù những đám mây ở trong nội địa cũng khác ở ngoài khơi. Tóm lại trong giờ phút này chưa có thể nổi gió lớn được”. Ông lão ngắm vòm trời, những tảng mây trắng, trông như những chiếc bánh kem ngon lành và vĩ đại, chồng chất từng lớp. Cao hơn nữa, mây phơi phới như lông chim tỏa trên nền trời tháng Chín. “Gió nhẹ. Thời tiết như thế này có lợi cho ta hơn cho mi, cá ơi”. Bàn tay trái của ông lão vẫn cong queo nhưng đã bớt tê bại. “Mẹ kiếp, ta ghét nhất là bị tê bại. Cái xác mình nó hay hành mình những cú đến khổ. Đã đành bị một vố trúng độc thì kể cũng đáng bực mình vì trước mặt anh em mình đi tiêu hoài, hay là mửa; nhưng bị tê bại thì quả là một sự sỉ nhục, nhất là khi ta chỉ có một mình”. “Nếu thằng bé có đây nó sẽ bóp tay cho ta, nó sẽ nắn cổ tay cho ta. Hừm! Như vậy làm gì mà chẳng khỏi ngay”. Trước khi nhận thấy độ nghiêng của sợi dây thay đổi, ông lão bỗng cảm thấy có sự gì khác lạ trong sức kéo của con cá. Đè hết sức lực trên sợi dây, ông đập thật mạnh bàn tay trái vào đùi. Sợi dây từ từ nổi lên. “Kìa nó sắp ngoi lên. Mau! Mau lên, tay ơi! Mẹ kiếp”. Chậm chậm, đều đều, sợi dây nổi lên; bỗng nhiên phía trước thuyền mặt biển nổi sóng lớn và con cá hiện ra. Mãi nó mới ngoi lên được; nước chảy xối hai bên mình nó; nó lóe sáng dưới ánh nắng; đầu nó, sống lưng nó màu tím đậm; nắng chiếu thẳng vào những vằn màu hoa cà trên mình nó. Cái mỏ nó rất dài, dài bằng cái gậy để chơi dã-cầu và nhọn như mũi kiếm. Con cá nổi hẳn lên, rồi nhẹ nhàng như một tay bơi lội giỏi, nó lại lặn xuống. Ông lão đủ thì giờ trông thấy cái đuôi thật lớn hình lưỡi hái của nó chìm lần xuống, trong khi sợi dây câu lại bắt đầu phăng phăng lướt đi. Lão nói: “Nó dài hơn cái thuyền đến hai bộ”. Sợi dây kéo dài hết sức nhanh, không vấp; con cá vẫn bình tĩnh. Bằng cả hai tay, ông lão cố sức giữ sợi dây cho đến mức gần đứt. Cần phải níu con cá cho chặt để ngăn nó bơi chậm lại. Nếu không khéo nó sẽ kéo tuột cả dây đi và làm đứt phăng. “Con cá to, to quá sức! Ta cần phải khéo dụ nó. Cần nhất là đừng để cho nó thấy là nó khỏe, cũng đừng để cho nó tự do quá nó sẽ bơi phăng đi. Nếu ta ở vào địa vị nó ta sẽ quẫy thật mạnh và ta kéo cho đến đứt phựt. Nhờ Trời những con vật đó không được thông minh bằng những người tính thịt chúng. Tuy vậy không phải không khôn hơn loài người, mà trong khía cạnh nào đó chúng còn ranh mãnh hơn”. Trong đời ông lão đã gặp khá nhiều cá lớn. Nhiều con nặng tới hơn trăm kí. Chính ông lão, trong thời đi nghề đã câu được hai con vào cỡ ấy, tuy vậy những khi đó ông lão có bạn nghề. Bây giờ trơ trọi có một mình, không trông thấy nội địa ở đâu nữa và dính vào một con cá lớn nhất chưa từng thấy bao giờ. Thật chưa bao giờ lão được nghe nói có con cá to như thế. Và bàn tay trái của lão lại còng queo như bàn chân con đại bàng quắp con thỏ vậy. “Cứ bình tĩnh thế nào bàn tay cũng phải xòe ra. Chắc chắn thế nào nó cũng phải xòe ra để giúp bàn tay phải. Có ba thứ phải đi với nhau: con cá và hai bàn tay ta. Phải hết tê bại ngay. Bàn tay tê bại như vậy thật không đứng đắn chút nào”. Con kiếm ngư một lần nữa lại chậm bớt: nó trở lại tốc độ lúc đầu. Ông lão tự hỏi tại sao con cá lại nổi lên: “Ý hẳn nó nổi lên để cho ta thấy rằng nó lớn lắm. Bây giờ ta hiểu rõ hết. Đến lượt ta, ta cũng muốn tỏ cho nó thấy ta là hạng người như thế nào. Nó muốn thấy ta với bàn tay tê dại. Ta phải để cho nó biết ta còn cừ hơn nó tưởng, có tỏ ra rất cừ mới thấy rằng cừ thật. Ta muốn ta là con cá. Con cá có nhiều lợi thế hơn. Còn ta, ta chỉ có ý chí và bộ óc”. Lão cố tìm cách ngồi cho thoải mái, vịn vào thành gỗ, và cố quên đau. Con cá cứ bơi đi mãi, chiếc thuyền lừng lững trôi trên mặt nước tối om. Gió đông thổi làm gợn sóng nhẹ. Đến đúng trưa thì bàn tay ông lão xòe ra được. Lão đặt lại sợi dây câu trên cái bao khoác trên vai và nói: “Coi chừng đấy, cá ơi, sắp có chuyện đấy”. Ông lão ngồi cũng khá thoải mái, nhưng vẫn thấy đau, lão nhất định không nhận như thế. Lão nói: “Ta cũng chẳng sốt sắng gì lắm về tôn giáo nhưng ta cũng muốn đọc mười lần kinh Lạy Cha và mười lần kinh Kính Mừng để cầu cho bắt được con cá đó. Nếu ta bắt được nó ta nguyện sẽ đi thăm nhà thờ Đức Bà ở Côbrơ. Nhất định như thế”. Và như cái máy, ông lão tuôn ra những lời kinh. Có lúc, vì quá mệt nên quên, lão phải đọc rất vội cho câu kinh tự nhiên đến. Lão nghĩ: “Kinh Kính Mừng dễ hơn kinh Lạy Cha”. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con đầu lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Rồi tiếp theo: “Đức Mẹ có phúc lạ, cầu cho con cá chết, tuy rằng con cá đó rất khác thường”. Đọc kinh xong, lão thấy khoan khoái hơn nhiều; những chỗ đau của lão tuy vậy vẫn y nguyên, không chừng còn đau đớn hơn trước. Lão tựa người vào mũi thuyền và vận động mấy ngón tay trái như cái máy. Tuy có gió mát nhưng nắng cũng rất gắt. “Không chừng ta phải móc nối mồi vào dây câu nhỏ ở đằng lái. Nếu con cá còn muốn bơi dạo suốt đêm nay thì ta cần phải có gì ăn. Chưa kể là ta chỉ còn rất ít nước trong bình. Ở quãng này nếu ta tóm được một con gì khác ngoài cá hồng thì cũng là một sự lạ. Nếu bắt được ta ăn tươi ngay cũng không đến nỗi dở. May ra mà đêm nay lại có một chú cá bay nhảy tọt vào giữa chân ta; nhưng ta không có đèn để dụ nó đến. Cá bay ăn sống thì ngon tuyệt, chả cần phải chặt ra nữa. Lúc này ta không thể nào bỏ phí sức khỏe được. Lạy Chúa! Ta không bao giờ có thể ngờ là con cá lớn đến thế được. Nhưng không phải là ta không thịt được nó, dù to lớn, đồ sộ như thế nào”. “Cũng phải nhận rằng như vậy cũng không công bằng. Nhưng ta sẽ tỏ cho nó thấy một người có thể làm được như thế nào, có thể chịu đựng được đến như thế nào”. “Ta vẫn nói với thằng bé rằng ta là một người kỳ lạ. Đây là lúc tốt hơn bao giờ hết để chứng tỏ lời nói của ta”. Dù rằng lão đã chứng tỏ tới ngàn lần đi nữa cũng không có nghĩa gì. Còn phải chứng tỏ nữa. Mỗi cuộc phiêu lưu một khác. Trong hành động không bao giờ ông lão nghĩ về dĩ vãng. “Ta cũng muốn con cá nó ngủ đi: cho ta cũng ngủ đi và nằm mơ thấy sư tử. Không hiểu tại sao ta cứ mơ thấy sư tử hoài?”. Nhưng lão lại tự nhủ: “Thôi, lão đừng thắc mắc làm gì. Cứ việc êm tịnh tựa lưng vào mạn thuyền mà nghỉ ngơi, đừng nghĩ gì hết. Nó đương vật lộn đấy, cồn lão thì đừng có cục cựa vô ích”. Đã xế chiều, chiếc thuyền cứ tiếp tục trôi đi, lặng lẽ, đều đều. Bây giờ gió đông lại đẩy thêm chiếc thuyền trôi đi; ông lão cũng thấy sóng đưa nhè nhẹ và sợi dây câu cứa đau mãi trên lưng theo với nhịp sóng đều đều nhẹ nhẹ. Giữa chiều, sợi dây câu bắt đầu nổi lên nhưng con cá chỉ bơi cao lên một chút thôi. Nắng chiếu vào vai, vào tay trái và trên lưng ông lão. Ông lão kết luận rằng con cá đương bơi về đông-bắc. Từ khi lão trông thấy con cá, luôn luôn lão tưởng tượng thấy con cá bơi dưới nước sâu, hai cái vây đỏ sẫm giương rộng như đôi cánh, cái đuôi đứng thẳng cắt ngang bóng tối. Lão nghĩ không hiểu con cá có trông thấy gì không ở mãi dưới đáy sâu ấy. “Thật quả là nó có con mắt thật to, con ngựa chỉ có hai con mắt nhỏ hơn nhiều mà cũng trông thấy trong đêm tối. Hồi trẻ, chính ta cũng trông thấy rất rõ trong đêm tối. Không phải là tối mịt, đã đành. Nhưng cũng gần bằng một con mèo”. Nhờ ánh nắng và chịu khó cử động luôn, bàn tay trái của lão đã hết tê bại; vì thế lão có thể chuyển bớt công việc sang tay trái. Lão cố lấy gân lưng để đẩy sợi dây câu cứa đứt thịt ra chỗ khác. “Cá ơi, nếu mày không mệt thì mày là một khách hàng kỳ dị”. Chính lão đã bắt đầu thấy kiệt lực. Lão biết trước là đêm lại sắp đến, nhưng lão cố gắng nghĩ sang chuyện khác. Lão nghĩ tới những hội dã-cầu lớn mà dĩ nhiên lão gọi là những Gran Ligas; lão nghĩ tới trận giao phong giữa hội Yăngki ở Nữu-ước và hội Hổ Xám ở Đêtrôi. Đã hai ngày rồi, ta vẫn chưa biết kết quả trận đấu. Nhưng cần phải vững tin. Ta cũng sẽ cố sánh ngang với quái kiệt Đi Maghiô, anh chàng bao giờ cũng chơi rất tuyệt, mặc dầu gót chân bị cái “mỏ vịt” làm đau đớn. Lão tự hỏi: “Cái mỏ vịt là cái quái gì nhỉ? Một cái espuela de hueso. Bọn thuyền chài chúng tôi không bao giờ bị như vậy. Chắc hẳn cũng đau như khi bị cái cựa con gà chọi nó đá vào gót chân? Ta thì ta không thể nào chịu như thế được. Nếu ai chọc của ta mất một hay hai mắt, ta không thể nào tiếp tục đánh nhau như những con gà chọi được. Người ta chẳng có nghĩa gì ở bên những loài chim lớn hay loài vật khác. Quả tình ta chỉ mong được như con vật đang níu kéo ở dưới đáy sâu tối đen”. “Chỉ trừ ra gặp lũ cá mập kéo đến. Lũ này mà kéo đến thì cầu Trời thương lấy con cá. Thương lấy ta nữa!”. Lão nghĩ: “Chẳng hiểu quái kiệt Đi Maghiô có níu lấy con cá lâu như ta không? Không thể sai được, hắn níu chứ, trẻ và khỏe mạnh như thế. Không nên quên rằng cha hắn cũng là chân chài. Nhưng gót chân của hắn? Hắn có thấy đau đớn lắm không?”. Lão nói: “Chả biết được. Có bao giờ ta bị mỏ vịt đâu”. Khi mặt trời lặn, ông lão nhớ lại, để lấy thêm can đảm, cái bữa ở một quán rượu ở Cadablăngca, lão chơi đọ gân tay với một anh mọi to lớn quê ở vùng Xiăngfuêgốt, một tay vào bực khỏe nhất ở bến. Cả một ngày và cả một đêm, hai người để khuỷu tay trong một vòng phấn vẽ trên bàn, cùi tay đưa lên, hai bàn tay chắp vào nhau. Mỗi người phải gập cánh tay người kia xuống và ấn bẹt bàn tay người kia trên mặt bàn. Mọi người ở chung quanh nhao nhao đánh cá; kẻ ra người vào nườm nượp dưới ánh đèn dầu; lão lúc thì nhìn cùi tay và bàn tay anh mọi, lúc thì nhìn nét mặt hắn. Tám giờ sau mọi người quyết định cứ bốn giờ lại thay phiên giám khảo một lần cho họ ngủ. Máu rướm ở dưới móng tay lão; máu rướm cả dưới móng tay anh mọi; hai người nhìn nhau chằm chằm; họ cũng nhìn bàn tay và cánh tay nhau; những người đánh cá với nhau không ngớt ra vào, ngồi trên những ghế đẩu cao dựa vào tường, họ ngắm hai người. Trên vách ván của gian phòng, sơn màu xanh tươi, ánh đèn phản chiếu những cái bóng. Bóng anh mọi lớn vô cùng, mỗi khi gió thổi lay ngọn đèn những cái bóng lại động đậy. Suốt đêm cả hai bên đều đồng cân với nhau. Người ta cho anh mọi uống rượu rum; người ta đưa thuốc lá đã châm sẵn vào miệng hắn. Mỗi khi uống rượu rồi, anh mọi lại lấy gân rất hăng. Một lần hắn khiến lão – hồi đó lão chưa già, ai cũng biết Săngtiagô El Campeon* – phải chùn lại đến ít nhất là năm phân. Nhưng lão lại nhích tay về đúng chỗ cũ được. Ngay lúc đó lão tin chắc rằng sẽ đánh bại anh mọi; tuy anh ta to lớn và chơi thể thao ghê lắm. Tảng sáng, những người đánh cuộc năn nỉ xin xử hòa, giám khảo chưa nhất định chỉ ư hữ, nhưng bỗng nhiên lão vận toàn lực, đẩy bàn tay anh mọi xuống mãi cho đến khi chạm hẳn mặt bàn. Cuộc đấu khởi sự sáng Chủ Nhật. Kết thúc vào sáng Thứ Hai. Phần lớn Nhà vô địch Săngtiagô những người đánh cuộc muốn tuyên bố trận đấu hòa. Họ còn công việc ở kho như khuân vác những bao đường, hay công việc ở công ty mỏ than Havana. Không bận việc chắc chắn là họ thích chứng kiến cuộc đấu cho đến kết thúc. Dù sao lão cũng đã thắng cuộc trước khi mọi người đi làm việc. Mãi sau trận đấu oanh liệt đó mọi người vẫn còn gọi lão là nhà vô địch. Đến mùa xuân có trận phục thù, nhưng không mấy ai thích đánh cá. Ông lão không tốn bao nhiêu hơi sức cũng thắng cuộc. Trận thắng trước đã khiến cho anh mọi ở Xiăngfuêgốt mất tinh thần. Sau đó đôi khi lão cũng đấu nữa, rồi thì ngưng hẳn. Lão tuyên bố đủ sức thắng bất kỳ ai nếu thật tâm lão muốn; lâu dần cứ đấu lối ấy mãi lão có thể bị hỏng cánh tay phải, không thể đi nghề được nữa. Lão cũng đã thử tập cánh tay trái; nhưng tay này luôn luôn phản bội; không bao giờ chịu nghe theo lệnh của lão. Không thể nào tin cậy ở cánh tay trái được. Lão nghĩ: “Bây giờ nắng sắp luộc chín bàn tay này cho ta. Như vậy đủ cho đêm nay không bị tê dại nữa, nếu trời không lạnh quá. Không biết đêm nay sự tình sẽ ra làm sao?”. Một chiếc máy bay đi về phía Maiơmi bay ngang trên trời. Cái bóng của nó làm cho những đàn cá bay hoảng sợ. “Nhiều cá bay như thế chắc là phải có cá hồng”. Lão thử kéo dây câu xem có thể kéo con cá kìm gần lại một chút không. Không thể được. Lão ngừng tay khi thấy sợi dây căng cứng và rung rung xem chừng muốn đứt. Chiếc thuyền lừ lừ tiến; lão nhìn theo chiếc máy bay cho tới khi mất dạng. “Ngồi trên máy bay chắc thấy lạ lắm? Từ trên cao đó trông thấy biển như thế nào nhỉ? Nếu không bay cao quá có lẽ trông thấy con cá ở dưới nước. Ta thích nhất nếu được bay rất chậm cao độ hai trăm sải và ngắm con cá ở dưới nước. Trên tàu đánh ba-ba ta hay trèo lên cột buồm, ở đấy trông đã thấy rõ lắm. Ở cao nhìn những con cá hồng có vẻ xanh hơn; trông thấy cả từng đàn đang bơi. Không hiểu tại sao giữa dòng nước đen tất cả những cá bơi nhanh đều màu đỏ? Không hiểu tại sao hầu hết những giống cá đó đều có vằn hay có chàm? Nếu cá hồng trông xanh dĩ nhiên là nó không vàng. Nhưng khi chúng đi kiếm mồi và bụng thật đói, hai bên lườn lại có vằn đỏ như cá marlin. Vì lẽ gì mà nổi vằn lên như vậy? Tại tức giận hay tại bơi nhanh?”. Một lát trước khi trời đổ tối, trong khi lão bơi gần một đám rong biển sóng đánh nhấp nhô y như biển “làm ái tình” dưới một tấm mền màu vàng, một con cá hồng mắc phải sợi dây câu nhỏ phía lái. Khi nó nhảy lên ông lão mới trông thấy. Nó vùng vẫy, quẫy đuôi loạn sạ. Không khác gì một thỏi vàng y dưới ánh nắng chiều. Càng hoảng sợ nó càng vùng vẫy, nhào lộn. Ông lão ngồi xổm cố sức lê lại phía lái, tay phải giữ sợi dây câu lớn, tay trái kéo con cá hồng lên. Mỗi khi kéo được một đoạn dây lão lại lấy bàn chân chận lên trên. Hoảng hồn, nhào lên lộn xuống mãi, con cá màu nâu có vá đỏ cũng vẫn bị kéo tới gần thuyền. Lão nhô người ra ngoài thuyền nhấc bổng con cá lên trên thuyền băng qua bánh lái. Con cá hồng mắc lưỡi câu ngáp lấy ngáp để. Thân nó mỏng và dài đập lia lịa trên sàn thuyền. Ông lão nện một chày ngang cái đầu vàng bóng, con cá giẫy một lúc lâu rồi nằm ngay đơ. Lão tháo lưỡi câu ra, móc một con cá nục khác vào và thả xuống biển. Rồi lão từ từ lần về phía mũi. Lão rửa bàn tay trái, chùi vào quần, rồi đổi sợi dây câu nặng chĩu qua tay trái và rửa tay phải dưới nước biển. Lão ngắm mặt trời lặn xuống biển, và xem độ nghiêng của sợi dây câu. “Nó vẫn không đổi”. Tuy nhiên xét sức nước vỗ vào bàn tay lão nhận thấy tốc độ đã giảm rõ ràng. “Ta muốn cột hai mái chèo ngang phía trước mũi như vậy ban đêm thuyền sẽ bớt trôi nhanh. Cả nó lẫn ta đều cùng muốn qua đêm cho yên tĩnh”. Lão nghĩ: “Ta không nên mổ con cá hồng ngay, để cho máu giữ lại trong thớ thịt. Khi nào buộc hai mái chèo làm thắng xong ta sẽ mổ. Không tội gì làm phiền con cá của ta ngay lúc này. Mặt trời đang lặn. Khi mặt trời lặn cá thường hay hoang mang. Ta biết thế rồi”. Lão đưa bàn tay hong gió cho khô, rồi lại để lên sợi dây câu, lão ngả người ra phía trước lựa thế ngồi cho vững, lưng tựa vào thành thuyền. Chiếc thuyền vì vậy cũng ngả theo sợi dây câu kéo nặng. Lão nghĩ: “Bây giờ ta biết cách rồi. Cách này chẳng hạn. Cũng không nên quên rằng từ khi mắc câu nó chưa ăn gì cả, nó lớn như thế, nó cần phải ăn nhiều lắm. Ta đã ăn cả một con bonito. Mai ta sẽ ăn con cá hồng (ông lão gọi là con dorado). Chắc là khi mổ xong ta sẽ phải ăn hết cả con. Khó ăn hơn con bonito. Nhưng lúc này còn có gì là dễ nữa”. Lão hỏi lớn: Ở “Ở dưới ấy thế nào, cá ơi? Ta thì khá lắm: bàn tay trái gần khỏi, ta đã có đồ ăn cho đêm nay và sáng mai, kéo thuyền nữa đi, chú mày ạ!” Sự thật, lão không lấy làm dễ chịu như vậy đâu. Sợi dây câu cứa nát lưng lão khiến lão đau đớn gần như không biết gì nữa, nỗi đau đến tê đi thấy thật đáng ngại. Lão nghĩ: “Chà, ta còn bị nhiều lần hơn thế. Bàn tay phải chỉ một vết xoàng, tay trái thì hết tê rồi. Chân thì khỏi bận tâm đến. Còn vấn đề thức ăn thì ta còn đầy đủ hơn nó!”. Trời tối hẳn; tháng Chín sau khi mặt trời lặn là tối hẳn. Ông lão tựa lưng vào mạn thuyền đã cũ mòn để nghỉ ngơi một chút. Bắt đầu có sao mọc. Lão không biết tên những vì sao nhưng nhìn nhận thấy và biết rằng lát nữa bao nhiêu các vì sao gần xa, bạn của lão sẽ đầy đặc trên nền trời. Lão nói: “Con cá là bạn của ta. Ta chưa từng trông thấy một con cá như vậy; ta cũng chưa từng nghe nói tới một con cá như vậy. Nhưng ta phải thịt nó. Cũng may là ta không bị bắt buộc phải thịt những vì sao!”. “Thử tưởng tượng mỗi hôm một người phải rán thịt mặt trăng? Được, mặt trăng sẽ chuồn đi. Nhưng thử tưởng tượng mỗi ngày một người phải rán thịt cho được mặt trời?”. Lão nghĩ: “Còn được như thế này kể cũng là may lắm”. Bỗng lão thấy buồn lòng vì con cá của lão chưa được ăn gì cả; tuy vậy ý chí muốn thịt con cá không vì thế mà giảm sút mất chút nào. Lão hỏi: “Bao nhiêu người sẽ ăn nhờ vào thịt con cá ấy? Ừ, mọi người có xứng đáng ăn thịt con cá đó không? Không, dĩ nhiên. Không một ai xứng đáng ăn thịt con cá, nó can đảm và có tư cách như vậy”. Lão nghĩ: “Ta chẳng hiểu gì về chuyện đó cả. Nhưng còn may là người ta không bị bó buộc phải đi săn mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Cứ sống trên mặt biển như thế này, phải thịt những con cá bạn cũng thấy khổ quá rồi”. “Hãy hượm, ta phải tính tới chuyện hãm bớt thuyền lại bằng hai chiếc bơi chèo. Làm vậy cũng có điều bất tiện nhưng cũng có điều lợi. Khi đã buộc mái chèo vào rồi thì thuyền sẽ hết lướt nhẹ. Khi đó nếu con cá vùng vẫy ta sẽ phải thả rất nhiều dây, nó càng quẫy bao nhiêu càng phải thả dài dây bấy nhiêu. Chiếc thuyền càng nhẹ thì cả hai bên cùng phải khổ lâu nhưng nhờ có vậy ta cũng tạm yên: con cá chưa lộ hết sức của nó, nếu muốn có thể bơi rất nhanh. Dù sao ta cũng phải mổ con cá hồng, nếu để lâu nó sẽ ươn, ta cũng cần ăn vài miếng cho mạnh”. “Được, bây giờ ta hãy nghỉ độ một giờ. Sau đó ta sẽ coi xem con cá vẫn ở yên đó không”. “Vậy không một hai gì cả, ta ra phía lái và bắt đầu làm việc, phải đánh liều vậy. Để xem con cá xoay sở ra sao, bày những trò gì”. “Dùng bơi chèo như vậy cũng là một ý hay, nhưng mình đã đến một tình trạng phải luôn luôn mở mắt. Bây giờ nó còn hoàn toàn là cá. Ta đã trông thấy rõ: nó bị mắc câu ở bên mép, mõm nó luôn luôn ngậm lại. Lưỡi câu chưa làm cho nó đau đớn mấy. Nhưng đói và nỗi băn khoăn phải tranh đấu với một thứ mà nó không hiểu là gì, đó là tất cả nỗi thảm thương của con cá. Lúc này lão hãy nghỉ ngơi đi mặc cho con cá nó loay hoay, chờ đến lượt lão”. Lão nghỉ trong vòng hai giờ – hay trong khoảng thời gian lão ước lượng là hai giờ. Vì mặt trăng mọc trễ nên lão không biết lấy gì để phỏng đoán thời giờ. Với lại sự nghỉ ngơi của lão cũng rất là tương đối. Hai vai lão vẫn chịu sức nặng của sợi dây câu; nhưng lão đã để bàn tay trái lên thành thuyền và lần lần lão chuyển sang cho chiếc thuyền chịu đựng sức níu của con cá. “Nếu ta có thể cột sợi dây câu vào một chỗ nào thì tiện quá, nhưng chỉ cần giựt một cái mạnh là dây đứt phăng. Ta cần phải lấy cái lưng ra mà đỡ; và bất kỳ lúc nào ta cũng phải sẵn sàng để thả thêm dây bằng cả hai tay”. Lão nói lớn: “Nhưng ông lão ơi, lão có nhớ rằng chưa ngủ một phút nào không? Thành ra đã một nửa ngày, một đêm và cả một ngày nữa lão không hề nhắm mắt. Nếu nó cứ tiếp tục kéo đi mãi như thế này, lão cần phải kiếm cách ngủ đi một chập. Nếu lâu không ngủ tinh thần cũng sinh ra mụ mẫm mất”. Lão nghĩ: “Tinh thần ta hiện đương sảng khoái lắm. Thật là sảng khoái. Sáng láng như những vì sao là những cô em gái nhỏ của ta. Nhưng ít nhất ta cũng phải ngủ một giấc. Các vì sao cũng ngủ; mặt trăng cũng vậy; cả mặt trời nữa. Ngay cả đến đại dương nhiều khi cũng ngủ, những hôm mặt biển phẳng lặng, không có con nước”. “Ta nên nhớ cần phải ngủ. Ta phải cố gắng nuôi giấc ngủ, phải kiếm một cách nào để khỏi bất ngờ vì sợi dây câu. Bây giờ ta hãy ra phía lái mổ con cá hồng đã. Nếu ta thấy cần phải ngủ thì không nên buộc mái chèo làm thắng”. Lão tự nhủ: “Ta có thể không cần phải ngủ. Nhưng như vậy nguy hiểm quá”. Bò lê bằng hai bàn tay và đầu gối, cẩn thận không chạm tới sợi dây câu, lão lần ra tới đằng lái. Lão nghĩ: “Không chừng con cá cũng đã nửa tỉnh nửa mê. Nhưng không cần. Nó cứ việc kéo đi mãi cho đến kiệt lực”. Tới đằng lái, tay trái lão nắm sợi dây. Tay phải lão lôi con dao ra. Sao lấp lánh sáng; ông lão trông thấy rõ con cá hồng. Lão cắm con dao vào đầu con cá và lôi lại gần. Lấy bàn chân giữ con cá, lão đưa một nhát dao xẻ đôi con cá suốt từ bụng lên đến mõm. Lão đặt con dao xuống và vẫn một tay phải moi hết ruột và mang con cá. Cái bong bóng nặng và nhờn; lão mổ ra thấy có hai con cá bay. Hai con cá còn tươi, thịt chắc. Lão xếp hai con cá ở bên nhau và liệng xuống biển bộ lòng cá hồng. Mớ ruột gan chìm xuống đáy nước vẽ một vệt sáng dài. Con cá hồng lạnh ngắt, để nằm trơ dưới ánh sao, trông nó tái mét như hủi. Lão lấy chân chận lên con cá rồi kéo tuột lằn da ở một phía, rồi lật mặt kia lên, lão lại bóc nốt lằn da; sau cùng lão gỡ từng thỏi thăn ra một suốt từ đầu tới đuôi. Liệng bộ xương cá xuống nước lão chú ý xem có động tĩnh gì không, nhưng chỉ thấy một vệt sáng chìm lần xuống nước. Lão quay mình lại, bọc hai con cá bay vào giữa hai tảng thăn cá hồng, gài con dao vào vỏ và từ từ tiến về phía mũi. Sợi dây căng thẳng khiến lão phải gò lưng xuống; bàn tay phải lão bưng mớ thịt cá. Sau khi bày hai con cá bay và mấy miếng thăn cá hồng lên đầu mũi thuyền, lão chuyển sợi dây ở trên lưng sang chỗ khác. Bây giờ đến lượt bàn tay trái tì lên thành thuyền giữ sợi dây câu. Lão cúi xuống rửa hai con cá bay dưới nước biển và đưa bàn tay ra thử lượng tốc độ nước trôi. Da con cá hồng dính trên tay lão một chất óng ánh như bạc; lão để bàn tay cho những đợt sóng nhỏ tràn tới rồi vỡ tan. Mặt biển yên lặng. Khi lão cọ bàn tay vào mạn thuyền, những mảnh lân tinh nhỏ rơi ra và từ từ trôi theo thuyền. Lão nói: “Con cá hoặc là mệt hoặc là đang nghỉ. Được, việc ta phải làm là xực hết con cá hồng, rồi nghỉ ngơi và ngủ đi một chập”. Dưới ánh sao, trong khi đêm đã trở lạnh thêm lên mãi, lão ăn một cái thăn cá hồng và một con cá bay đã bỏ đầu và bỏ ruột. “Thịt cá hồng kỳ cục thật, nếu nấu chín thì ăn ngon nhưng ăn tươi thì thật là dở. Từ nay không bao giờ ta đặt chân lên một chiếc thuyền mà không đem theo muối với chanh”. Lão nghĩ: “Nếu ta không già nua, ngu xuẩn ta đã đổ nước biển lên đầu mũi thuyền, nắng khô nước đi thì còn lại muối”. “Cũng nên nhớ rằng ta bắt được con cá hồng khi mặt trời đã lặn. Nhưng bề gì ta cũng hay quên quá. Nhai cho thật kỹ như ta thì ăn cũng đỡ buồn nôn”. Mây tụ lại ở đằng đông che lấp lần lần từng ngôi sao một, lấp hết những ngôi sao mà ông lão biết. Có thể nói rằng lão đương tiến giữa một thung lũng lớn toàn mây. Gió đã tắt. “Điệu này trong vài ba bữa nữa sẽ xấu trời lắm. Nhưng ngay đêm nay thì chưa. Cả ngày mai cũng chưa. Lúc này hơn lúc nào hết phải ngủ đi, lão ạ, trong khi con cá cứ tiếp tục bơi”. Lão đưa đùi lên đỡ bàn tay phải đương nắm sợi dây và ngả người về phía mũi tựa vào thành thuyền; rồi lão vòng sợi dây lên vai và chặn dưới bàn tay trái. Lão nghĩ: “Có chỗ tựa, bàn tay phải của ta giữ chắc được. Nếu trong khi ta ngủ bàn tay phải có bỏ lơ thì bàn tay trái sẽ bị giựt ra và cho ta hay là sợi dây tuột. Kể thì cực nhọc cho bàn tay phải quá. Chà, đã nhiều lần nó còn gặp nguy biến hơn. Dù ta chỉ ngủ trong hai chục phút hay nửa giờ cũng là lợi được chừng đó rồi”. Lão ngả người về phía trước lấy cả sức nặng giữ lấy sợi dây. Toàn lực vận dụng vào bàn tay, lão ngủ. Lão không mơ thấy sư tử mà mơ thấy một đàn cá heo kéo dài tới hàng chục dặm. Đương mùa cá nhẩy; những con cá từ dưới nước vọt lên rất cao rồi lại rớt xuống đúng ngay giữa cái phễu mà chúng đã đào xoáy đi nhẩy lên. Sau lão lại mơ thấy ở làng nhà. Lão nằm ngủ trong giường; gió bấc khiến lão run rẩy và cánh tay phải của lão bị tê cứng vì lão nằm gối đầu lên. Sau cùng bãi cát vàng rộng lớn hiện ra. Lão trông thấy con sư tử đầu tiên: nó đi xuống biển, lúc hoàng hôn; nhiều con sư tử khác cũng theo ra. Cằm chống vào thành thuyền phía mũi, lão ngắm bầy sư tử. Chiếc tàu của lão đã bỏ neo, đu đưa trên sóng. Gió chiều từ ven biển thổi lại. Còn nhiều sư tử nữa không? Lão lấy làm khoan khoái lắm. Trăng đã mọc từ lâu, nhưng ông lão vẫn ngủ và con cá cứ kéo với cái đà rất đều, lôi chiếc thuyền trôi giữa một con đường hầm bằng mây. Một cái đấm vào giữa mặt làm ông lão thức giấc. Sợi dây câu cứa đứt một mảng da trên bàn tay phải ông lão. Bàn tay trái không động tĩnh chi hết. Lão cố vận toàn lực trên bàn tay phải để giữ sợi dây lại. Sau cùng bàn tay trái nắm được sợi dây và quàng lên lưng để giữ lại; đến lượt lưng và bàn tay bị sợi dây cứa đứt; bàn tay trái bây giờ phải làm đủ việc và bị đứt rất sâu. Lão ngó về phía sau coi mấy cuộn dây dự phòng: sợi nào cũng xổ ra rất đều đặn. Lúc đó, con cá kìm chọc một lỗ thủng lớn trên mặt nước nhảy lên, rồi nặng nề rớt xuống. Nó vùng quẫy lung tung, kéo chiếc thuyền chạy phăng phăng, mặc dầu ông lão không ngớt thả dây, rồi nó căng thêm mãi sợi dây, kéo mãi, co mãi gần muốn đứt. Cuộc vật lộn kéo ông lão nằm sấp xuống ván thuyền; má và mũi lão đè nát miếng thăn cá hồng, lão cũng không cục cựa được. Lão nghĩ: “Phải chăng mình đã đợi đến lúc này? Vậy thì chẳng nên than trách chi hết”. “Mày tưởng tao biếu mày tất cả chỗ dây này chắc? Tao nói cho mà biết mày sẽ phải trả giá đắt”. Lão không trông thấy con cá nhảy lên; lão chỉ nghe thấy nước xáo trộn, rồi mỗi khi con cá rớt xuống có tiếng nước bắn tung tóe. Trong khi chạy vun vút sợi dây cứa rất sâu trên tay lão, nhưng lão cũng không mong đợi điều gì khác. Lão cố dùng những mảng chai trên tay và cố giữ cho sợi dây không chạy vào khoảng giữa những vết chai hay giữa kẻ tay. Lão nghĩ nếu thằng bé ở đây nó sẽ nhúng nước những cuộn dây. “Ờ, nếu thằng bé ở đây!… Thằng bé ở đây…”. Sợi dây cứ chạy hoài, không ngừng. Nhưng lão cũng nhận thấy có chậm bớt lại. Mỗi phân dây ông lão bắt con cá kìm trả rất đắt. Sau cùng lão có thể ngẩng đầu lên và ngửa mặt khỏi miếng thăn cá hồng dính chặt trên má. Rồi lão quỳ gối dậy, và tiến lần lần lão đứng thẳng lên. Lão tiếp tục thả dây nữa nhưng từng ít một. Lão lùi lại lấy chân đá vào những cuộn dây mắt lão không trông thấy. Lão còn khá nhiều dây nữa. Ông lão nghĩ: “Được, nó đã nhảy lên hàng chục lần và đã hít đầy không khí vào trong những bong bóng ở dưới sống lưng nó. Như vậy nó hết chìm xuống được và nó sẽ không chết chìm dưới đáy sâu không kéo lên được. Rồi đây nó sắp sửa sẽ lượn quay tròn và đến lượt ta dẫn đi đâu tùy ý. Ta thử hỏi tại sao bỗng nhiên nó lại nổi điên lên như vậy. Tại đói nên nổi sung hay trong đêm tối nó bỗng sợ cái gì? Có lẽ tại nó sợ. Tuy nhiên con cá vẫn có vẻ bình tĩnh, khỏe mạnh. Có thể nói rằng nó không bao giờ biết sợ, nó không ghê sợ một chút gì. Lạ kỳ thật”. Ông lão nói: “Lão ơi, chính lão cũng không nên sợ, đừng có luống cuống đấy. Lão đã nắm giữ được nó, điều đó đã đành, nhưng lão vẫn chưa thu về được một thước dây nào. Dù sao nó cũng sắp đến lúc lượn vòng quanh”. Ông lão cầm giữ con cá vừa bằng bàn tay trái vừa bằng hai vai; lão cúi xuống lấy bàn tay phải vốc nước rửa mặt bẩn vì dính miếng thăn cá hồng. Lão sợ rằng ngửi thấy mùi đó lão sẽ mửa và như vậy sẽ giảm sút mất sức lực. Lau mặt xong, lão thả bàn tay trong nước mặn, chăm chú đợi luồng sáng chợt hé rạng trước khi mặt trời sắp mọc. Lão nghĩ: “Bây giờ chắc nó phới thẳng về hướng đông. Như vậy có nghĩa là nó đã mệt và để mặc cho dòng nước đưa đi. Nó sắp sửa phải quay tròn. Bắt đầu quay tròn đi thôi”. Khi lão thấy bàn tay phải ngâm đã lâu trong nước, lão giơ tay lên ngắm. Lão nói: “Được rồi. Một người đàn ông dễ gì mà bị thương được”. Lão thận trọng nắm lấy dây câu và cố giữ không cho chạy vào những vết thương vừa mới bị. Rồi lão vặn người lại để có thể thả bàn tay trái ngâm vào nước ở mạn thuyền bên kia. Lão nói với bàn tay trái: “Kể đối với một bàn tay vô tích sự, mày cũng đã khá được việc đó. Nhưng có lúc ta tưởng như không tìm thấy mày nữa”. Lão nghĩ: “Không hiểu tại sao ta chỉ có một bàn tay dùng được? Có lẽ tại ta vụng tính không chịu luyện tập bàn tay đó cho đến nơi. Tuy vậy, thật tình nó không thiếu gì dịp để tập luyện. Dù sao đêm qua nó cũng tỏ ra khá xứng đáng, chỉ bị tê bại một lần. Nếu nó lại bị bại lần nữa, ta cũng đếch cần: ta sẽ mặc cho sợi dây cứa vào thịt và ta cứ phớt như không”. Lão có cảm tưởng rằng đầu óc không được tỉnh táo nữa. Lão tự nhủ phải ăn thêm một miếng cá hồng nữa. Nhưng lão nghĩ bụng: “Thật khó lòng quá, ta chịu không ăn nổi. Thà để cho đầu óc lỏng lẻo còn hơn là mửa cho phí sức lực đi. Nuốt không thể nào trôi vào cuống họng được. Nghĩ coi: nằm úp mặt mãi vào đó rồi! Ta cứ để dành đó – biết đâu đấy – cho đến bao giờ thiu thì thôi. Bề gì cũng trễ quá rồi. Ta không còn thì giờ mà ăn để lấy lại sức. Đồ ngu thật, sao không ăn nốt con cá bay kia?”. Con cá bay nằm kia, sạch sẽ, sẵn sàng để ăn. Lão đưa bàn tay trái ra quơ lấy con cá và ăn ngon lành, từ đầu tới đuôi, cả xương lẫn thịt. Lão nghĩ: “Cá thì không có thứ nào bổ hơn cá bay. Thật đúng món đồ ăn hợp với ta. Tốt. Bây giờ ta không cần ăn gì hơn. Mau mau nổi lên mà bơi lượn đi, chúng mình sống mái một keo!”. Mặt trời mọc lần thứ ba, chiếu sáng ông lão và chiếc thuyền, khi con cá kìm bắt đầu lượn vòng. Không phải trông thấy độ nghiêng của sợi dây câu mà biết được rằng con cá bắt đầu quay tròn. Còn sớm quá. Chỉ thấy sợi dây chùng bớt một chút. Lão lấy bàn tay phải níu lại nhè nhẹ. Sợi dây lại căng cứng như mọi lần lão toan níu bớt trước, nhưng đến lúc sợi dây căng muốn đứt thì nó lại nhả bớt. Ông lão để cho sợi dây chạy vòng qua đầu xuống vai và nhẹ nhàng, chậm rãi kéo lần lần về. Lão dùng cả hai tay, đu đưa người từ trái qua phải, cố chuyển sức nặng lên mình và dưới chân. Đôi chân già, đôi vai lão đã ngoan ngoãn theo nhịp đu đưa của hai cánh tay. Lão nói: “Nó quay tròn gì mà nhộn lên thế này. Nhưng nó đã bắt đầu quay”. Sợi dây lại căng cứng. Ông lão níu thật chặt đến nỗi những hột nước bắn tung lên dưới ánh nắng. Rồi nó lại bắt đầu kéo; ông lão quỳ gối xuống và lấy làm ân hận phải để cho sợi dây chạy đi nữa, chui xuống dưới nước sâu. “Nó sắp sửa quay tròn nữa. Ta phải rán níu chặt lấy nó. Mỗi lần mệt nó sẽ phải chịu bơi lại gần một chút. Không chừng trong vòng một tiếng đồng hồ nữa ta sẽ trông thấy nó. Bây giờ phải quần cho nó mệt. Sau ta sẽ thịt nó”. Nhưng con cá không vội vàng, cứ tiếp tục lượn vòng. Hai giờ sau ông lão mồ hôi ướt đầm, mỏi mệt thấu xương. Tuy nhiên những vòng tròn cứ nhỏ dần và theo độ nghiêng của sợi dây, người ta có thể nhận thấy con cá từ từ nổi lên mặt nước. Từ hơn một giờ ông lão đã thấy hoa mắt. Mồ hôi chảy cả xuống mắt, vị mặn chát khiến lão thấy cay mắt. Vết thương trên trán cũng thấy xót xa quá. Thấy hoa mắt lão cũng không lấy làm ngại. Đó là một hiện tượng thông thường vì lão cố gắng níu sợi dây. Nhưng đã hai lần thấy choáng váng, chóng mặt. Đó mới là điều đáng ngại. “Không lẽ chính ta lại xỏ ta một cú như vậy, giữa lúc sắp bắt được một con cá như thế kia mà lại quỵ. Trời ơi, Chúa hãy giúp tôi, trong khi tôi sắp sửa thành công. Tôi sẽ đọc một trăm lần kinh Kính Mừng và một trăm lần kinh Lạy Cha. Ngay bây giờ thì chưa thể được.” Lão nghĩ: “Cứ coi như đã đọc rồi ấy mà. Rồi sau đây ta sẽ đọc cũng vậy”. Ngay lúc đó sợi dây giật một cái thật mạnh. Lão lấy hai tay cố níu. Thật là gay go, cực nhọc, nặng nề. Lão nghĩ: “Chắc chắn nó đang quẫy mõm giằng giựt lưỡi câu. Như vậy là phải lắm. Nó không thể làm khác. Nó có thể nhẩy lên quẫy lộn. Ta lại muốn cho nó cứ tiếp tục quay tròn. Nó cần phải nhảy lên để thở không khí. Nhưng bây giờ mỗi khi nó nhảy lưỡi câu lại móc rộng thêm. Làm thế có thể tuột phăng lưỡi câu đi được”. Lão nói: “Thôi mà, đừng nhẩy nữa, đừng nhẩy nữa”. Con cá còn giằng giựt lưỡi câu nhiều lần nữa. Mỗi khi nó giựt, ông lão lại thả bớt một chút dây. “Không nên vội vàng quá. Phần ta nếu ta có khó chịu cũng không quan hệ gì, vì ta hiểu biết. Còn nó, nếu nó đau quá nó có thể nổi xung lên”. Một lát sau, con cá không giựt nữa và lại bắt đầu lượn vòng. Ông lão không ngớt thu bớt dây về. Nhưng lão lại thấy choáng váng. Lão vốc một chút nước biển vỗ lên mặt. Rồi lão vỗ lên gáy. Lão nghĩ: “Ta không bị tê bại. Con cá chẳng mấy chốc sẽ nổi lên, ta còn gắng gượng được. Phải cố gắng nhé! Đừng lý sự lôi thôi gì hết”. Ông lão lại vòng sợi dây qua sau lưng và quỳ xuống sàn thuyền một lát. Lão quyết định: “Ta sẽ nghĩ một chút trong khi nó bơi ra xa. Khi nào nó lại gần ta sẽ đứng lên bắt đầu làm việc”. Ghé vào mũi thuyền nghỉ một chút và mặc con cá quay một vòng, để lỏng sợi dây câu thật là dễ chịu quá! Nhưng khi sức căng của sợi dây cho biết con cá quay tới gần thuyền ông lão vội nhỏm dậy bắt đầu đu đưa người, hết níu lại kéo, để giữ bớt dây. “Ta làm việc đến hết cả sức lực. Hình như lại bắt đầu có gió? Có gió cũng không hại gì khi kéo con cá về. Ta đương cần có một chút gió mát”. “Nhất định rồi, khi nào nó lại lượn vòng ta sẽ nghỉ ngơi một chút. Ta đã thấy khỏe hơn. Độ hai hay ba vòng nữa là tóm được nó”. Con cá kìm lại quay một vòng nữa; sợi dây bớt căng. Đẩy cái mũ rơm ra sau gáy, ông lão thả mình ghé xuống chỗ mũi thuyền. “Đến lượt mày làm việc đó. Chừng nào mày quay lại sẽ đến lượt ta níu”. Mặt biển trở nên gợn sóng. Nhưng đó chỉ là gió mát của một ngày đẹp trời: luồng gió rất cần khi trở về Havana. “Ta sẽ lái thuyền theo hướng tây-nam. Một người đàn ông bao giờ cũng tìm thấy đường ở trên mặt biển, với lại Cuba là một hòn đảo lớn”. Đến vòng thứ ba thì ông lão trông thấy con cá. Ban đầu trông như một cái bóng đen. Nó chui qua thuyền ló ra mãi mới hết khiến ông lão không ngờ là nó dài đến thế. “Trời ơi, không thể ngờ nổi, nó lớn đến thế cơ ư?”. Nhưng thật sự nó lớn đến như vậy, sau vòng thứ ba, nổi lên cách thuyền độ hai mươi lăm thước, ông lão trông thấy rõ cái đuôi nó dựng đứng trên mặt nước. Cái đuôi đứng cao hơn cái lưỡi hái cỡ lớn, màu hoa cà nổi bật trên nền xanh sậm của mặt nước. Rồi cái đuôi biến mất. Con cá bơi gần sát mặt nước. Ông lão trông thấp thoáng thấy thân hình lù lù và những đường vằn đỏ ửng quanh mình con cá. Đường vây trên sống lưng con cá cụp hẳn xuống; hai cánh vây hai bên lưng giương rộng. Ông lão nhận rõ con mắt của con cá và hai con ấn ngư màu xám bơi hai bên nó. Thỉnh thoảng hai con ấn ngư lại bám chặt vào mình con cá kìm. Rồi bỗng nhiên lại rời ra. Cũng có khi lại lặng lẽ bơi theo cái bóng của con cá lớn. Mỗi con ấn ngư dài chừng hơn một thước, chúng bơi nhanh, uốn éo như con lươn. Ông lão mồ hôi dầm dề không phải vì trời nắng. Cứ mỗi lần con cá điềm tĩnh bơi vòng thì lão lại thu về được một ít dây. Chỉ độ hai vòng nữa là chắc chắn lão sẽ phóng được cây lao vào con cá. “Nhưng trước hết phải níu nó lại gần, thật gần. Không nhằm cái đầu. Nhằm đúng tim con cá”. Ông lão nói: “Lão ơi, phải điềm tĩnh. Lúc này không thể đuối sức được đâu”. Đến vòng sau, lưng con cá nổi lên khỏi mặt nước. Tuy vậy nó cũng còn hơi xa chiếc thuyền. Vòng sau nữa nó cũng vẫn còn xa thuyền nhưng lại nổi cao hơn trên mặt nước. Ông lão tin chắc níu thêm dây sẽ kéo nó tới gần thuyền. Cây lao đã sắp sẵn từ lâu với một cuộn dây nhỏ để trong cái giỏ và một đầu dây buộc vào cọc mũi thuyền. Con cá kìm từ từ quay nốt một vòng. Trông nó thật hùng vĩ. Chỉ trông thấy có cái đuôi nó ve vẩy. Ông lão níu thêm dây để kéo nó lại gần. Trong khoảnh khắc con cá nằm nghiêng nhè nhẹ về một bên. Rồi bỗng đứng thẳng dậy và lượn một vòng nữa. “Ta làm cho nó quẫy, ta vừa làm cho nó quẫy!”. Ông lão đã mệt nhoài, nhưng hết sức cố níu con cá lại gần. “Ta làm cho nó quẫy”, lão nghĩ thế, “có lẽ lần này ta có thể kéo nó lại gần. Thôi đi, tay ơi, chân ơi, giữ cho chặt. Đầu ta nữa, phải rán, phải cố gắng. Bao giờ cũng cố gắng được mà. Lần này là ta kéo nó lại”. Nhưng khi lão đem hết sức ra, chờ con cá bơi lại gần thuyền để kéo thật mạnh, con cá vẫn rời xa được, và đứng thẳng lên từ từ bơi đi. “Cá ơi, thế nào mày cũng phải chết. Mày muốn cho ta cũng chết ư?”. “Cứ như thế này thì hỏng”. Miệng lão khô đắng, không nói được nữa. Nhưng lão không sao với được chai nước. “Lần này ta phải kéo nó tới. Cứ cái điệu này thì ta chịu không nổi nữa. Có chứ, ta chịu được”, lão tự nhủ thế. “Ta chịu được cho đến cùng”. Đến vòng sau, thiếu chút nữa thì lão níu được nó. Nhưng con cá lại nhỏm lên và lảng xa. Lão nghĩ: “Cá ơi, mày muốn ta chết hả? Tùy ở mày đấy. Bạn ạ, ta chưa từng thấy con cá nào to hơn, oai nghi hơn và điềm tĩnh hơn. Thôi đi, mày hãy giết ta đi. Đối với ta một trong hai chúng ta chết cũng thế thôi”. “Ta nghĩ gì lạ vậy? Điên rồi hay sao thế? Cần phải hết sức bình thản. Phải bình thản và rán chịu như một người đàn ông. Hay là như một con cá”. Lão nói, giọng nói không thành tiếng: “Bình thản… Bình thản!”. Hai lần nữa con cá cứ bơi vòng tròn, vẫn vô hiệu. “Ta không biết gì nữa”. Mỗi lần lão lại thấy muốn ngất đi. “Ta không còn biết gì nữa. Nhưng hãy rán thêm một lần”. Lão thử một lần nữa. Đúng lúc lão kéo nghiêng con cá thì lão sắp ngất đi. Con cá lại trỗi dậy và chậm chạp bơi đi, cái đuôi lớn ve vẩy trong không khí. “Ta quyết lại cố nữa”, lão quả quyết như vậy trong khi hai bàn tay đã rã rời, mắt chỉ thấp thoáng trông thấy rõ từng lúc. Lão lại cố. Lại hỏng. “Thế là hết!”. Từ trước khi lão sắp níu thì đã muốn ngất đi rồi. “Ta còn cố nữa”. Lão thu thập hết những gì là sức lực, can đảm và kiêu hãnh; lão đem ngần ấy thứ ra chọi với cái chết ngắc ngoải của con cá. Nó lại gần thuyền; ngoan ngoãn bơi ngay gần ông lão, mõm nó chõ vào thuyền. Nó sắp sửa bơi vượt lên. Đó là một con cá dài ánh bạc, vằn rất lớn màu ửng đỏ. Dưới nước trông con cá dài thườn thượt. Ông lão để sợi dây câu xuống lấy chân chận lên. Lão giơ cao cây lao, hết sức cao. Vận toàn lực, cộng thêm với sức mới lão vừa cầu xin được, lão phóng cây lao vào hông con cá, ngay sau cái vây ở bụng giương thẳng lên trời ngang với mình nó. Lão nghe thấy đầu sắt nhọn đâm vào thịt, lão ấn mạnh, đè hết sức nặng cho cây lao vào tận cùng. Con cá, với cái chết nằm trong bụng, chợt tỉnh lại. Một lần cuối cùng phô diễn sức khỏe và vẻ hiên ngang, con cá khổng lồ nhảy vọt lên. Trong khoảnh khắc, nó như treo trên không bên trên ông lão và chiếc thuyền. Sau đó nó rớt nặng nề xuống nước. Ông lão và chiếc thuyền bị nước bắn tung lên ngụp nước. Lão đã đuối sức; kiệt lực; lão trông không rõ nữa. Tuy vậy lão cũng gỡ dây ở chiếc lao và để cho chạy giữa hai bàn tay bị đứt nát. Khi lão trông thấy được thì con cá đã nằm nghiêng; lão trông thấy cái bụng nó láng bạc. Đầu nhọn của cây lao xiên qua mình con cá thò ra ngoài bên dưới mang cá. Mặt biển nhuộm máu đỏ từ tim con cá chảy ra. Trước hết trông tối đen như ở dưới đáy nước, biển ở chỗ này sâu tới cả ngàn thước. Rồi màu sắc tản mạn ra như mây trôi. Con cá kìm, mình ánh bạc ngay dơ, nổi lềnh bềnh trên sóng. Trong khoảnh khắc ông lão có thể trông thấy được, lão chăm chú nhìn con cá. Lão quấn hai vòng dây nối liền với cây lao lên cái cọc ở mũi thuyền và ngồi ôm đầu. Lão nói thầm vào cạnh tấm ván ở đầu mũi thuyền: “Không thể để buông trôi được đâu. Ta bị bạc đãi quá. Nhưng ta đã giết con cá, nó không khác gì anh em ta và bây giờ ta phải lo làm cho hết mọi thứ lặt vặt nữa”. “Ta phải lấy dây làm nút để buộc chặt con cá dọc theo thuyền. Dù cho mình có hai người để kéo con cá lên hẳn trên thuyền, rồi sau đó phải tát nước ra, con cá cũng không nằm vừa trong lòng thuyền. Ta phải sửa soạn mọi thứ trước, xong xuôi ta sẽ giương buồm lên và phới về”. Phải xâu một sợi dây thừng vào mang nó ra tới mõm để buộc đầu nó vào mũi thuyền. Ông lão kéo con cá tới sát mạn thuyền: “Ta muốn ngắm nó, sờ vào nó, nắn được nó. Con cá này là cả một gia tài của ta. Nhưng không phải vì vậy mà ta muốn nắn vào mình nó. Lần thứ hai khi ta cắm cây lao, ta có cảm tưởng như nghe thấy tim nó. Được. Bây giờ hãy buộc nó lại. Buộc cho thật chắc. Ta buộc thêm một nút dây vào đuôi nó và một nút vào bụng nó. Như vậy mới chắc”. “Bắt tay vào việc đi thôi”. Lão nói rồi hớp một ngụm nước. “Cuộc tranh sức đã xong, còn những việc vặt phải làm”. Lão hết nhìn trời lại ngó con cá. Lão chú ý rất kỹ tới vị trí của mặt trời. Lão nghĩ: “Chưa đúng ngọ. Gió đã nổi. Bây giờ thì chẳng cần đến dây câu vội. Chừng nào về sẽ tết lại sau”. “Thôi, cá ơi, lại đây nào”. Nhưng con cá không bơi tới. Trái lại nó cứ nằm chình ình trên sóng, ông lão phải kéo thuyền đến gần nó. Đầu con cá chạm mạnh phải đầu mũi thuyền, con cá lớn quá khiến ông lão đứng sát ngay bên nó mà cũng không tin ở mắt mình nữa. Lão tháo sợi dây ở cây lao buộc liền với cái cọc ở mũi thuyền đem xâu vào mang con cá xuyên ra tới mõm, lão cuốn quanh mõm con cá rồi xâu vào mang bên kia, lại cuốn quanh mõm một lần nữa, nối hai đầu dây lại và buộc chặt vào cọc thuyền phía mũi. Sau khi cắt hết những đoạn dây còn dư, lão đi ra phía lái và cũng buộc cái đuôi lại như vậy. Khi trước con cá màu đỏ và ánh bạc, bây giờ da con cá ngả sang màu hoàn toàn bạc. Nhưng vằn của nó cùng một màu hoa cà như cái đuôi. Mỗi cái vằn rộng một gang tay. Mắt nó lồi ra như những mảnh gương ở cái viễn vọng kính tàu ngầm, lộ hẳn ra như một ông thánh trong đám rước. “Không còn cách nào khác để thịt con cá”. Ngụm nước lão vừa uống khiến cho lão thấy dễ chịu. Lão sẽ không ngất đi nữa. Lão nghĩ: “Như thế kia ít nhất phải nặng hàng tấn. Hơn nữa cũng có. Không ít cũng dư một tấn. Lột da đi cũng còn hai phần ba. Cứ ba cắc một liu, thành ra bao nhiêu tiền nhỉ? Phải có cái bút chì mới tính ra được. Đầu óc ta mờ tịt rồi. Quái kiệt Đi Maghiô hôm nay phải lấy làm kiêu hãnh vì ta. Ta không bị mỏ vịt, nhưng ta đã bị khá nặng ở lưng và ở tay. Ta không hiểu bị mỏ vịt là cái quái gì. Rất có thể bị mà không biết”. Lão buộc chặt con cá vào mũi, vào lái và vào chiếc ghế ngồi ở giữa thuyền. Con cá lớn đến nỗi lão tưởng như cột chiếc thuyền của lão vào một cái thuyền lớn hơn. Lão cắt một đoạn dây câu buộc hàm dưới mõm con cá vào mũi nó cho cái miệng khỏi bành ra, như vậy khỏi làm chậm tốc độ của thuyền. Sau cùng lão dựng cột và lấy cái gậy dùng làm sào lão giương buồm lên. Cánh buồm căng phồng: con thuyền nhúc nhích; lão nằm dài ở phía lái, quay mũi thuyền về tây-nam. Lão không cần phải có địa bàn cũng biết đâu là tây-nam. Lão chỉ cần nghe gió và nhìn chiếc buồm căng lên. “Ta cũng cần thả một sợi dây câu để kiếm một con gì ăn cho có chút nước ngọt vào trong người”. Nhưng lão không kiếm được cái thìa, còn chỗ cá nục thì đã ươn hết. Đi ngang lão móc một mớ rong vàng và rung lên cho mấy con tôm bám vào đó rơi xuống. Trong một lát lão được hơn một tá ở trên ván thuyền: những con tôm cong mình lại và nhẩy như mấy con bọ. Lão lấy hai ngón tay vặn đầu mấy con tôm và ăn luôn cả vỏ. Tôm nhỏ quá nhưng ăn được và cũng thấy bổ béo. Trong chai còn chừng hai ly nước. Ăn xong lão uống một nửa chỗ nước. Tính cả sức đeo nặng, thuyền lướt đi khá nhanh. Ông lão cặp tay lái dưới cánh tay. Hai mắt luôn luôn ngó con cá. Lão chỉ cần tựa lưng vào thành thuyền để thấy đau; lão chỉ cần ngó hai bàn tay để tin chắc rằng cuộc phiêu lưu vừa xẩy ra là thật, không phải là mộng. Một lúc nào đó, khi cuộc đua sức gần mãn, lão chợt nghĩ rằng lão mơ. Khi con cá kìm ngoi lên và ở lưng chừng trời trước khi rớt xuống, lão tự nhủ đó là một sự rất lạ, không thể suy lý mà tin được. Thật sự thì lúc đó mắt lão không trông thấy gì hết. Bây giờ thì lão lại trông thấy như thường rồi. Con cá nằm đó. Hai bàn tay, cái lưng lão không phải là mộng. “Tay này chắc mau khỏi lắm. Ta đã cho máu chảy ra nhiều, nước biển sẽ làm cho mau lành. Thứ nước màu đen trên dòng Loan-lưu là vị thuốc tốt hơn hết. Điều cần nhất là đừng có để mất cái đầu. Bàn tay thì dễ”. “Thuyền đi rất xuôi. Cái đầu buộc chặt, cái đuôi rất thẳng, con cá với ta chúng ta cùng đi như hai anh em”. Đầu óc ông lão lại bắt đầu rối beng. Lão tự hỏi: “Không hiểu nó đưa mình về hay là mình chở nó về. Nếu ta chở nó thì không thành vấn đề rồi. Nếu nó ở trên thuyền, bộ tịch đáng tội nghiệp, thì cũng không thành vấn đề”. Nhưng cả hai cùng lướt đi, buộc chặt lại với nhau. Ông lão nghĩ: “Cần quái gì nếu nó thích thế thì đây chính nó chở ta về. Ta sở dĩ đã thắng vì nhờ những mưu mẹo chẳng đẹp đẽ gì; còn nó, nó có thù hằn gì ta đâu”. Chiếc thuyền trôi đều đều. Ông lão thả bàn tay dưới nước mặn và cố không để lạc tư tưởng. Trên đầu lão mây tụ thành đám và phơi phới như lông chim khiến lão tin tưởng rằng gió còn thổi suốt đêm. Lão cứ dán mắt vào con cá tự hỏi có phải là thật không. Một giờ sau, con cá mập đầu tiên bắt đầu tấn công. Con cá mập này không phải tự nhiên tới đây. Nó rời khỏi đáy biển từ lúc đám mây đen những máu bắt đầu loang ra thấm xuống hàng nghìn thước sâu. Nó hớt hải, hùng hục ngoi lên, làm rách toang mặt nước biển xanh. Ánh nắng chói mắt, nó lại rớt xuống biển, nó tìm thấy luồng máu và bơi đuổi theo con cá với chiếc thuyền. Đôi lúc nó mất hút. Nhưng nó lại tìm thấy, hoặc một vài hình tích dẫn đường cho nó. Nó bơi không nghỉ, không mất một phút nào. Đó là một con cá mập mako bơi rất nhanh, nhanh bằng loài cá nào bơi nhanh nhất; trên mình nó chỗ nào cũng đẹp, trừ có cái mõm. Lưng nó xanh như lưng con cá kìm, bụng nó láng bạc, da nó đẹp và bóng. Nó hình thù cũng giống cá kìm trừ hàm răng; hàm răng của nó lớn đại; nó ngậm miệng, bơi hết sức nhanh, sát mặt nước. Làn vây trên sống lưng nó rẽ nước như một lưỡi thép. Trong miệng đương ngậm lại của nó có tám hàng răng mọc xiên, mũi nhọn quay vào trong. Những cái răng này không có bốn cạnh như thường thấy ở các loại cá mập, nó giống như những ngón tay người cong lại, như những móng chân mãnh cầm. Những cái răng cũng dài gần bằng những ngón tay ông lão, sắc như lưỡi dao cạo cả hai phía. Những loài cá biển bơi nhanh và đủ khí giới tự vệ cũng không còn thù địch nào hơn loại cá này: nó có thể ăn thịt hết thảy các loại khác. Khi nhận rõ hút, con cá mập càng cố bơi nhanh, cái vây màu xanh rẽ nước. Khi trông thấy con cá mập ông lão biết ngay là nó không biết sợ một cái gì và thích làm gì là nó làm được liền. Vừa quan sát con cá lão vừa sửa soạn cây lao và cột sợi dây vào. Sợi dây ngắn, thiếu mất một đoạn mà ông lão lấy để cột con cá kìm vào thuyền. Ông lão tự thấy cương quyết và minh mẫn lắm. Lão vững tâm lắm nhưng không mơ hoặc. “Đẹp quá, làm sao kéo dài mãi được”, lão nghĩ như vậy. Lão ngó con cá của lão thật lâu trong khi coi chừng con cá mập sắp lại. “Cũng có thể như một giấc mộng. Ta không thể nào ngăn con cá kia không tấn công, nhưng có lẽ ta cũng giết được nó. Con đĩ mẹ nó!”. Con cá mập theo sát chiếc thuyền. Khi nó lao vào con cá kìm ông lão thấy cái miệng nó mở rộng, hai con mắt kỳ lạ; lão nghe thấy hai hàm răng va vào nhau khi ngoạm vào con cá ngay trên khúc đuôi. Đầu con cá mập lộ khỏi mặt nước; lưng nó lấp ló trên mặt nước; thịt và da con cá kìm bị xé ra khi ông lão phóng cây lao vào đầu con cá mập. Lão nhằm đúng vết nhăn nối từ con mắt nọ sang con mắt kia và cắt ngang với cái vạch chạy thẳng từ mũi con cá lên. Đó là huyệt lý tưởng. Sự thật nó chỉ có cái đầu xanh, nặng nề và nhọn hoắt, hai con mắt lớn, hai hàm răng va vào nhau, hau háu trông đến khiếp. Tóm lại đó là chỗ bộ óc. Ông lão phóng vào đúng chỗ đó. Lão phóng mạnh bằng hai bàn tay đẫm máu nhờn nhờn, lấy toàn lực ấn sâu cây lao vào. Lão phóng cây lao không một chút ảo tưởng nhưng cương quyết và với trọn vẹn lòng oán giận. Con cá mập ngã nghiêng về một bên, ông lão trông thấy con mắt nó không có hồn nữa. Nó ngã nghiêng sang phía kia, sợi dây cuốn hai vòng bên mình nó. Ông lão biết rằng đã rồi đời con cá nhưng nó lại không nghĩ thế: nằm ngửa bụng lên, cái đuôi quẫy tít, hai hàm răng chạm nhau lập cập, nó làm tung tóe nước như một chiếc thuyền chạy đua. Nước bắn tóe lên chỗ cái đuôi nó đương quẫy. Nó ngoi đến hai phần ba ra khỏi mặt nước, rồi bỗng dưng sợi dây căng thẳng, rung lên rồi đứt phựt. Ông lão chăm chú ngắm con cá, nó nằm im trong một phút. Rồi từ từ nó chìm nghỉm. Lão nói: “Nó sơi mất của mình đến hai chục ký. Nó lại cuỗm mất của mình cây lao và tất cả dây. Bây giờ con cá của ta lại chảy máu, chúng lại sắp kéo đến nữa”. Lão không còn muốn ngắm con cá nữa từ lúc nó bị xẻo mất một miếng. Khi con cá mập tới con cá lão có cảm tưởng như chính lão bị xé thịt. “Nhưng cũng may ta đã giết chết con cá mập dám ăn thịt con cá của ta. Thật là con dentuso lớn nhất ta chưa từng trông thấy. Mà Trời ạ! Ta đã từng trong đời trông thấy nhiều cá lớn lắm chứ”. Lão nghĩ: “Thật quá đẹp nên chả được lâu. Đến bây giờ ta thật muốn coi đó như một giấc mộng. Ta chả muốn bắt được con cá này làm gì. Ta chỉ muốn một mình nằm trong giường, trên mớ giấy báo”. Lão nói: “Nhưng con người ta không bao giờ được tự nhận là thất bại. Một người có thể bị tiêu diệt, nhưng không thể thất bại. Ta tiếc rằng đã giết con cá này. Bây giờ nó mới bắt đầu sinh chuyện, ta lại không còn cây lao nữa. Con dentuso độc ác lắm, nó khỏe và tinh ranh nữa. Tuy vậy ta lại tinh ranh hơn nó. Nhưng có điều chắc chắn là ta có đủ khí giới hơn nó”. “Thôi đi đừng lý sự nữa, lão ơi. Rán mà cầm lái cho vững, còn việc gì sẽ đến thì mặc nó đến”. “Tuy vậy ta cũng phải suy nghĩ. Bởi vì bây giờ ta còn biết làm gì hơn là suy nghĩ. Và nghĩ chuyện dã cầu. Ta không hiểu quái kiệt Đi Maghiô nghĩ thế nào về cái cú ta táng cho con cá mập vào giữa óc? Chào! cũng chả lấy gì làm hay ho lắm. Bất kỳ một ai cũng có thể làm được như ta. Những vết đứt ở tay ta không hiểu có khó chịu như một cái mỏ vịt? Ta thử hỏi thế. Gót chân ta chưa bao giờ bị đau, ngoại trừ lần ta đi tắm, dẫm phải một con cá đuối nó chích vào chân ta. Nó làm cho ta tê bại cả một bên chân. Quả thật là có đau đớn”. Lão nói: “Ông lão ơi, hãy nghĩ đến những chuyện gì vui vui một chút đi. Mỗi phút qua là ta về gần nhà một chút. Mất đứt hai chục ký nhưng càng đi nhanh hơn. Lão không hiểu khi lão bơi vào đến giữa dòng thì sẽ ra làm sao. Nhưng trong lúc này lão chẳng làm gì được cả. Lão la lên: “Được chứ. Ta vẫn có thể cột con dao vào một đoạn bơi chèo”. Lão làm ngay, trong khi kẹp tay lái ở dưới nách và lấy chân giữ dây buồm. “Đành rằng ta chỉ là một lão già, nhưng ta cũng còn một món vũ khí”. Gió đã bắt đầu lạnh. Thuyền vẫn trôi. Ông lão chỉ ngắm phần trên của con cá. Hy vọng đã trở lại. “Không bao giờ nên thất vọng. Ngu dại lắm. Hơn nữa đó còn là một tội lỗi, ta tin rằng thế. Chà! nghĩ làm gì tới tội lỗi. Lúc này ta thiếu gì mối nghĩ mà còn bận tâm tới tội lỗi. Với lại trước hết ta có hiểu gì đâu”. “Ta chẳng hiểu gì hết và đĩ nhiên ta không tin. Có lẽ giết con cá này là một tội lỗi? Nhưng ta tưởng rằng ta có quyền chứ, ta giết nó để khỏi chết đói, với lại nó cũng nuôi sống được nhiều người khác nữa. Vậy thì cái gì cũng tội lỗi sao? Đừng nghĩ tới tội lỗi nữa. Đã muộn quá rồi, có những người đã uổng mạng vì nó. Ai muốn nghĩ tới tội lỗi thì cứ việc nghĩ. Ta sinh ra là dân chài cũng như con cá kia sinh ra là con cá. Thánh Phao-lồ cũng là dân chài, và bố của quái kiệt Đi Maghiô cũng vậy”. Nhưng lão thích suy ngẫm về những chuyện có liên hệ tới lão. Bởi lão không có gì để đọc, không có cả máy vô tuyến điện, lão luôn luôn suy nghĩ. Lão lại quay về chuyện tội lỗi. Lão tự nhủ: “Không phải vì chết đói mà ta giết con cá này. Không phải để đem bán. Ta giết vì kiêu hãnh. Ta giết nó vì ta sinh ra là dân chài. Con cá này ta thương nó khi nó còn sống, sau khi nó chết ta vẫn còn thương nó. Nếu ta thương nó thì giết nó đâu phải tội lỗi. Hay là càng tội lỗi hơn nữa?”. Lão nói: “Nghĩ ngợi nhiều quá, ông lão ơi!”. “Nhưng điều đó không cấm lão thấy khoan khoái khi xơi được con dentuso. Nó cũng là một con vật sinh sống bằng cá tươi như ta vậy. Không phải là loài ăn thịt thối, không phải thứ dạ dày chứa toàn vây như một vài loại cá mập. Con dentuso coi hùng vĩ, oai vệ ghê. Nó không bao giờ biết sợ”. Lão nói lớn: “Ta ở trường hợp phải tự vệ. Ta giết nó cũng khó khăn gớm”. “Với lại mỗi người có một cách giết. Đi đánh cá ta thấy cực nhọc ngang với số lợi kiếm được. Ta chẳng nên kể lể lôi thôi làm gì”. Cúi mình ra ngoài thuyền, lão xé một miếng thịt cá ở chỗ con cá mập vừa ngoạm. Lão nhai rất nhỏ, thưởng thức vị thịt mềm và mùi thơm dễ chịu. Thịt nó cứng và nhiều nước ngọt, y như thịt loài thú vậy. Thịt nó lại không đỏ nữa, cũng không to thớ. Ông lão nghĩ rằng sẽ bán được giá nhất chợ. Nhưng không có cách nào ngăn cho khỏi bắt mùi tanh vào nước biển, lão sợ nhất là điều đó. Gió vẫn tiếp tục thổi, hướng gió thiên về đông-bắc một chút, như vậy có nghĩa là gió chưa tắt được. Ông lão ngắm chân trời ở trước mặt: không một cánh buồm, không một đợt khói nhỏ, không trông thấy một chiếc thuyền nào. Chỉ thấy những con cá bay nhảy vọt lên đàng mũi thuyền rồi nhào xuống bên những đám rong ở dòng Loan-lưu. Không có lấy một con chim nữa. Lão giong thuyền như vậy trong hai giờ đồng hồ, thỉnh thoảng ăn một miếng cá kìm, cố gắng nghỉ ngơi và giữ gìn sức lực. Bỗng lão trông thấy một trong hai con cá mập. “Ái!” lão la lên như thế. Tiếng la thật không thể diễn tả nổi; không chừng đó chỉ là một tiếng kêu, một tiếng kêu bất ngờ thốt ra không kìm được, khi một cái đinh xuyên qua tay và cắm phập vào miếng gỗ. “Galano!” lão lại la lên. Lão vừa trông thấy cái vây thứ hai ở bên cái thứ nhất. Những con cá mập này thuộc loại mệnh danh là “mỏ bẹt”. Lão nhận thấy nhờ cái vây màu nâu và cái đuôi quét như cái chổi. Chúng nó ngửi hơi thấy con cá kìm, nhưng vì đói quá chúng hoảng hốt đến nỗi mất hút đến mấy lần. Nhưng chúng đang tiến lại gần. Ông lão buộc chặt sợi dây buồm và chặn cứng tay lái lại, rồi lão vớ lấy chiếc bơi chèo có buộc con dao. Lão cầm cái bơi chèo rất nhẹ nhàng, lòng bàn tay đau điếng. Lão mở khép bàn tay mấy lần cho thuần, rồi đột nhiên lão nắm mạnh cái cán cho cái đau xót xa nhất qua đi phòng khi phải làm mạnh, và lão ngồi đợi lũ cá mập. Lão trông thấy cái mõm rộng và bẹt hình lưỡi bay, và những chấm trắng trên vây bụng của chúng. Đây là những con cá ghê tởm, tanh tưởi, chuyên ăn thịt thối hơn là tự đi săn lấy mồi. Khi lũ cá mập này đói quá chúng ngoạm cả mái chèo hay bánh lái thuyền, cắt đứt chân những chú ba-ba nằm ngủ trên mặt nước, tấn công cả người ta nếu trên người có dính chút mùi cá hay vương máu. “Galano, lại đây, galano.” Chúng tấn công, nhưng không cùng một kiểu như con mako. Một con rẽ sang phía khác rồi chui xuống gầm thuyền. Mỗi khi nó giựt một miếng cá, con thuyền lại chòng chành. Còn con kia thì rình ông lão bằng con mắt vàng bé tí đến ghét. Bỗng há rộng miệng nó nhào tới chỗ con cá kìm đã bị ngoạm trước. Cái huyệt lý tưởng đúng giữa đỉnh đầu đen của nó, chỗ mà bộ óc nối liền với xương sống lưng: ông lão táng con dao buộc ở đầu mái chèo vào đúng giữa cái huyệt. Lão giơ cao cán dao và cắm sâu vào con mắt mèo của nó. Gần như cùng một lúc, con cá mập nhả con cá kìm, rời ra, nuốt miếng thịt cá vừa giựt được và chìm nghỉm. Chiếc thuyền vẫn chòng chành vì con cá ở dưới. Ông lão thả sợi dây buồm. Chiếc thuyền lao mạnh lên và con cá mập lộ ra. Vừa trông thấy nó, ông lão thò người ra ngoài thuyền bổ cho nó một lát dao. Nhưng lão chỉ đụng tới thịt nó, đụng sơ sơ vì da nó dầy. Ông lão đập một cú thấy đau nhói trên vai và hai bàn tay. Con cá mập trở lại tấn công liền, đầu thò khỏi mặt nước. Khi cái mũi nó ngoi lên và đưa tới gần con cá, ông lão táng xuống giữa đỉnh cái đầu bẹt. Nhấc cái cán lên cao, ông lão táng một lần thứ hai đúng ngay vào chỗ cũ. Con cá mập tuy vậy vẫn cố hết sức hai hàm răng níu lấy con cá kìm: ông lão chọc thủng con mắt trái của nó. Con cá mập vẫn không nhả. “Thế mà mày chưa đủ sao?” Lão thọc con dao vào óc con cá và xương sống nó, cái cú rất dễ trong tình trạng đó. Lão nghe thấy xương con cá bị xẻ đôi. Lão rút con dao rồi đưa vào giữa hai hàm răng con cá, để tách rời ra. Lão quay ngược con dao lại mấy lượt; sau cùng con cá mập nhả ra và chìm xuống nước. Lão nói: “Cút đi, con galano. Chìm xuống tận hàng ngàn thước sâu. Đi theo con bạn mày, nếu không phải là con mẹ mày!”. Ông lão lau con dao, đặt mái chèo xuống và nắm lấy sợi dây buồm. Buồm no căng và con thuyền lại lướt đi đúng hướng. Lão nói lớn: “Chúng nó ăn mất đến một phần tư con cá, những chỗ ngon nhất”. “Phải chăng là một giấc mơ! Nếu ta đừng giựt cho nó mắc câu! Bấy nhiêu chuyện khiến cho ta buồn quá, cá ơi! Nó phá tan hết mọi sự đã thành”. Lão nín lặng và không muốn nhìn con cá nữa. Bị mất máu và bập bềnh trên sóng, con cá đổi sang màu xám chì như màu lớp thủy ngân ở sau những tấm gương, những vằn còn hông thấy rõ. “Đáng lẽ ta chẳng nên đi ra quá xa, cá ạ. Không ích lợi gì cho ta. Cả cho mày nữa. Xin lỗi, cá nhé”. Lão tự nhủ: “Thế vẫn chưa đủ. Hãy coi chừng sợi dây ở dao, có thể nó bị đứt. Với lại hãy lo cho hai bàn tay, vì chắc chắn thế nào chúng nó cũng còn kéo đến nữa”. Lão xem xét sợi dây buộc con dao vào cán chiếc mái chèo rồi nói: “Ta cần một hòn đá mài. Đáng lẽ ta phải mang theo đi một hòn đá mài. Thiếu gì những món mà ta cần phải mang theo. Bây giờ đâu phải lúc nghĩ tới những gì mình thiếu. Hãy nghĩ đến cách xoay xở bằng những món đồ hiện có còn hơn”. Lão nói lớn: “Thôi đi bịt những lời giảng thuyết đó lại. Để cho ta yên”. Lão cắp tay lái vào nách và thả hai bàn tay xuống nước. Thuyền vẫn đi. “Không hiểu con cá đó xơi mất bao nhiêu. Thật tình chiếc thuyền thấy nhẹ hơn trước”. Lão không muốn nghĩ tới cái bụng nát bấy của con cá. Lão biết rằng mỗi khi chiếc thuyền chòng chành là một miếng thịt cá bị giựt mất, và bây giờ con cá vẽ cho các thứ cá mập dưới biển một đường máu rộng bằng cả một đại lộ. “Con cá này có thể nuôi một người đàn ông suốt cả một vụ rét. Thôi đi, đừng nghĩ ngợi nữa. Ta cần nhất phải nghỉ ngơi một chập, rồi xem đến hai bàn tay, làm sao cho đủ sức chống chọi, bảo vệ chỗ còn lại. Mùi máu trên bàn tay ta thật chả đáng gì so với cái mùi này nó đương loang ra trong nước. Trước hết tay của ta đâu có chảy máu nhiều như thế. Không có một vết nào thật nặng. Vả lại bàn tay trái bị máu chảy như vậy cũng đỡ tê bại đi”. ẳ Lão nghĩ: “Bây giờ ta có thể nghĩ đến cái gì được đây? Chẳng nghĩ gì cả, mặc hết, đợi xem nó ra sao. Nếu thật ta đã mơ! Nhưng biết đâu đấy? Có thể không có chuyện gì đã xảy ra”. Con cá mập đến sau chỉ có một mình. Cũng lại một con “mỏ bẹt”. Nó nhào vào mồi như một con lợn nhào vào thùng cám nếu người ta chịu quan niệm một con lợn có cái mõm rộng lớn một người đàn ông đưa cái đầu vào lọt. Ông lão để cho nó cắn con cá rồi mới phóng lưỡi dao buộc ở đầu mái chèo vào giữa óc nó. Nhưng khi chìm lỉm xuống con cá quẫy một cái ra phía sau và lưỡi dao gãy làm đôi. Ông lão cầm lấy tay lái. Không ngó tới con cá mập lớn chìm từ từ, ban đầu to nguyên rồi bé lần, bé tí. Thường thường ông lão nao nức ngắm những con cá chìm như vậy. Nhưng lần này lão không thèm ngoái cổ lại. Lão nói: “Bây giờ ta chỉ còn có con sào móc. Nó chẳng tích sự gì. Ta còn hai mái chèo, còn tay lái, còn cái chày”. Lão nghĩ: “Chúng nó chơi được ta rồi. Ta già quá không thể dùng chày mà giết cá mập. Nhưng, mẹ kiếp, ta sẽ chống trả với chúng nó, vì ta có tay lái, và cái chày, và hai mái chèo”. Lão lại thả hai bàn tay xuống nước. Chiều đã tà. Chỉ thấy có trời và nước. Gió lại nổi lên; lão có thể hy vọng sắp trông thấy ven biển. “Ta mệt quá nhỉ? Mệt thấu xương!” Khi lũ cá mập kéo tới thì trời đã tối. Ông lão trông thấy hai cái vây nâu rẽ nước ở phía sau chỗ con cá vẽ thành vệt nước trên mặt biển. Lũ cá mập không cần phải chia phần tìm kiếm xác con cá. Bơi song song chúng xông thẳng tới thuyền. Ông lão kẹp chặt tay lái, buộc sợi dây buồm lại và nắm lấy cái chày để dưới lái. Đó là một cái cán chèo cũ cưa đi, dài độ chừng bảy mươi lăm phân. Vì hình thù của nó, chỉ có thể cầm một tay được thôi. Ông lão cương quyết nắm chặt lấy nó trong tay phải. Sẵn sàng giơ nó lên, ông lão chờ lũ cá mập tới gần. Lại hai con galano nữa. “Hãy để cho con thứ nhất sán lại ăn đã. Lúc đó ta sẽ táng cho nó vào mũi hay ngang trên đầu”. Hai con cá mập tấn công cùng một lúc. Khi con gần nhất há miệng ra và cắm hàm răng vào bụng láng bạc của con cá kìm, ông lão giơ thật cao cái chày và táng xuống, nặng nề, đổ vỡ trên cái đầu bẹt. Cái chày gặp một sức chống đối mềm dẻo. Nhưng ông lão cũng nhận thấy chạm tới xương cứng. Khi con galano rời khỏi con cá kìm, lão đập cho nó một cú nữa vào mõm. Con cá kia đã giựt được mấy miếng, mõm mở rộng, nó lại tiến đến. Từng miếng thịt còn dính ở mép nó, vẽ thành những vệt trắng. Nó lao tới và ngoạm vào con cá. Ông lão quay tít cái chày; chẳng may lão chỉ đụng nhẹ vào đầu nó. Con cá mập nhìn ông lão và giựt miếng thịt đã ngoạm được. Khi nó lui ra để nuốt miếng thịt, ông lão đập cho nó một cái nữa. Lão chỉ đụng phải khối thịt đầu mềm dẻo. Ông lão nói: “Lại đây, galano, lại đây coi”. Lanh như chớp, con cá mập trở lại. Ông lão đập được nó khi nó cắn. Giơ cao cái chày, lão táng cho nó một cú bằng trời giáng. Lần này thì đúng tới xương. Vận toàn lực, ông lão nện chày xuống. Con cá mập bàng hoàng nhưng cũng cố níu một miếng cá trước khi chìm xuống. Nó có thể trở lại; ông lão cố rình, nhưng cả nó lẫn con kia đều biến mất. Sau đó lão thấy một con quay tròn trên mặt nước và lão trông thấy vây con kia. Lão nghĩ: “Ta không thể mong giết được chúng. Bây giờ không như trước nữa. Nhưng ít nhất ta cũng cho hai con đó một mẻ nên thân. Chắc hẳn chúng nó không lấy gì làm tự đắc. Giá mà ta có một cái gậy dài cầm được cả hai tay, ta có thể giết con thứ nhất chết quay. Ngay cả bây giờ nữa”. Lão không muốn ngó con cá của lão. Trong khi lão chống trả với mấy con cá mập thì mặt trời đã lặn. Lão nói: “Trời sắp tối đen. Ta sẽ có thể trông thấy ánh sáng ở Havana. Nếu chạy sang hướng đông nhiều quá ta sẽ trông thấy ánh đèn ở một bãi biển mới lập”. Lão nghĩ: “Bây giờ ta không còn xa lắm nữa. Mong rằng mọi người ở nhà không phải lo lắng về ta nhiều quá. Ta chỉ buồn nhất là thằng bé. Nhưng ta tin chắc nó còn giữ vững được hy vọng. Những người già cũng hay nóng nảy. Thật tình không riêng gì những người già. Tất cả đều là người khá tuốt”. Bây giờ thật là khó lòng mà giữ được con cá, nó bị tàn phá quá sức. Bỗng ông lão nảy ra một ý. Lão nói: “Nửa con cá ơi, trước mày cũng là cá, hãy nghe đây. Ta rất lấy làm tiếc đã ra quá xa. Cả hai chúng ta cùng hỏng việc. Nhưng ta đã giết được bao nhiêu cá mập, cả hai chúng ta cùng giết, và gây chuyện với nhiều con khác. Giết được bao nhiêu hết thảy hả ông lão? Cái lưỡi kiếm trên mõm chú mày kia, chắc hẳn không phải để dùng vào việc vô bổ, phải không? Kể cũng đáng khoan khoái khi nghĩ tới con cá của ta và những chuyện nó có thể làm được đối với lũ cá mập khi chúng bơi tự do. Có lẽ ta nên cắt lấy cái mỏ để đập cho lũ cá mập. Nhưng lại không có rìu, ta cũng chẳng còn dao nữa. Làm sao bây giờ?”. “Chà! nếu có thể được ta sẽ buộc nó vào một cái cán chèo, như vậy ta có một thứ vũ khí tuyệt tác! Cả hai cùng chiến đấu với những quân bẩn thỉu đó. Và bây giờ ta sẽ làm thế nào nếu trong đêm tối chúng lại kéo tới? Ta biết làm thế nào?” “Giết hết đi. Ta sẽ chiến đấu với chúng cho tới khi chết”. Trong đêm tối rộng lớn, không một chút ánh sáng, dù leo lắt, chỉ có gió và cái đà đều đều của cánh buồm làm bạn, lão thấy thật đã như chết rồi. Lão chắp hai tay lại, hai lòng bàn tay sát vào nhau. Hai bàn tay chưa hề chết một chút nào, muốn tìm lại nỗi đau đớn và sự sống lão chỉ cần đóng mở bàn tay. Lão ngả người ra tựa lưng vào thành thuyền: lão chưa chết, trời ạ. Hai vai lão vừa cho hay như vậy. “Lại còn những kinh mà ta đã hứa sẽ đọc khi ta mới bắt được con cá. Bây giờ nhọc mệt quá không thể đọc được. Phải kiếm cái bao bố khoác lên vai”. Nằm ngả người, chăm chú nắm tay lái, lão chờ đợi những tia sáng đầu tiên sẽ ló trên nền trời. Lão nghĩ: “Cũng hãy còn một nửa. Không chừng ta còn may mắn đem về được cái nửa trên. Ta cũng rán được gặp một chút may. Phải chăng vì ra khơi quá xa ta đã thách thức ma quỷ”. Lão nói lớn: “Đừng có ngu dại. Hãy rán đừng ngủ quên đi và giữ lấy hướng. Không chừng ta cũng gặp được may”. Lão nói tiếp: “Giá ở đâu có bán ta cũng muốn mua một miếng”. “Nhưng lấy gì mà mua, lão tự hỏi như vậy. Phải chăng với cây lao mất, con dao gãy và hai bàn tay bị thương ta có thể trả được?”. “Tại sao không? Ta rán mua bằng tám mươi tư ngày đi biển. Người ta sắp bán cho ta rồi đấy”. Lão nghĩ: “Những chuyện lăng nhăng ấy có nghĩa gì. Phúc bất trùng lai mà. Muốn gặp may phải tinh ranh lắm. Dù sao, nếu cái may có hiện ra ta sẽ làm đúng như lời nó dặn. Ta muốn trông thấy một bóng đèn. Ta còn muốn gì khác? Không, bây giờ ta chỉ muốn có vậy”. Lão tìm một thế ngồi cho thoải mái để cầm lái. Nỗi đau khi lão đụng đậy nhắc nhủ rằng lão chưa chết. Vào khoảng mười giờ tối, lão nhìn thấy phản chiếu xuống mặt nước những ánh đèn của thành phố. Ban đầu chỉ một luồng sáng mờ tựa như ánh sáng khi mặt trăng sắp mọc; rồi những ánh sáng trở thành những chấm đứng yên; ánh sáng thấu qua quãng không trên mặt biển; sóng đánh mạnh vì gió đã trở lạnh nhiều. Ông lão bẻ lái về phía ánh đèn. Lão cho rằng không ở xa đường biên của dòng nước là bao. Lão nghĩ: “Bây giờ thì thật hết. Tụi nó có thể trở lại. Nhưng ta biết làm thế nào trong đêm tối đen, lại không có khí giới gì hết?”. Người lão cứng đờ; chỗ nào cũng thấy đau, lạnh ban đêm kích thích mọi vết thương, mọi chỗ đau trên thân thể quá mệt mỏi của lão. “Cầu cho đừng phải táng cho chúng nó nữa. Ta không muốn chút nào cả”. Nhưng đến nửa đêm cuộc chiến đấu lại bắt đầu. Lần này ông lão hiểu rằng không còn hy vọng gì nữa. Lão phải chống trả với cả một bầy lớn. Không trông thấy gì khác ngoài những cái vây cá ló trên mặt nước và những vệt sáng dài theo đường bơi của mỗi con cá mập khi nó lao vào con cá kìm. Ông lão đập vu vơ vào một vài cái đầu, lão nghe thấy những hàm răng va chạm vào nhau. Chiếc thuyền bị đội lên chòng chành vì những cái lưng cá. Ông lão chống cự một cách thất vọng với kẻ địch mà lão chỉ nghe thấy và đoán thấy thôi. Bỗng cái chày tuột khỏi tay lão: tưởng như có kẻ giằng lấy vậy. Tức thì ông lão tháo cái tay lái ra, hai tay lăm lăm, cứ thế lão phang loạn sạ vào khắp nơi. Nhưng lũ cá mập ùn ùn kéo đến chỗ bánh lái. Lúc thì theo đuôi nhau, lúc thì cùng một lượt, chúng nhào tới con cá, giựt từng miếng thịt mỗi khi chúng quay trở lại tấn công nữa, những miếng thịt lóe sáng dưới nước. Một con cuối cùng nhào tới, nó lan xả vào cái đầu cá. Ông lão hiểu rằng thế là hết. Lão giơ cao tay cán và nện xuống giữa hàm của nó đương mắc vào những xương sụn ở đầu con cá. Lão nện hai lần, ba lần, mười lần. Cái cán gẫy đôi. Lão tiếp tục nện bằng nửa cán còn lại. Lão thấy cái gậy chọc sâu vào mình con cá mập; tuy cái gậy rất nhọn, lão còn nện nữa. Con cá mập phải nhả ra giẫy chết. Đó là con cuối cùng trong đàn. Chẳng còn một chút gì ăn được nữa. Ông lão thở rất khó nhọc; trong miệng lão có một vị lạ lùng, nhạt và tanh mùi sắt khiến lão lo sợ lắm. Nhưng thế có nghĩa gì! Lão khạc nhổ xuống biển và nói: “Lũ galano, ăn đi. Để chúng mày tưởng tượng rằng đã giết chết một người”. Lão tự thấy thất bại rồi, hoàn toàn, không cách gì cứu gỡ. Lão quay ra phía lái: cái đầu cán không vừa kẽ hở đã đục sẵn ở lái. Bây giờ không thể giữ lái được nữa. Lão quàng tấm bố lên lưng rồi đè chặt bánh lái theo hướng đã định. Chiếc thuyền bây giờ rất nhẹ, và ông lão chẳng còn một tình cảm hay một ý nghĩ nào nữa. Lão đã vượt lên trên hết mọi sự. Lão chỉ còn nghĩ tới chuyện đưa con thuyền về tới bến, thật yên ổn, thật khôn ngoan, thế thôi. Trong đêm tối vài con cá mập tới ngoạm vào bộ xương như những người nghèo tới nhặt những miếng rơi vãi trên bàn ăn. Ông lão không lưu ý tới chúng nữa. Lão không còn lưu ý tới một vật gì ngoài cái buồm. Lão nhận thấy con thuyền lướt nhanh vô chừng khi không đeo cái vật quá nặng ở bên sườn. “Chiếc thuyền đã chịu đựng được. Còn toàn vẹn, không bị sứt mẻ một chút nào, trừ có cái tay lái. Chào! cái tay lái thì dễ thay quá”. Lão đã trở vào giữa dòng nước; lão trông thấy ánh đèn ở mọi bãi biển rải rác dọc theo ven bờ; lão biết rằng lão đương ở đâu rồi. Trở về với bến nhà bây giờ là một trò trẻ. Lão nghĩ: “Bề gì ta cũng có gió thuận rồi. Nghĩa là ta muốn nói rằng thường thường như vậy”, lão vội nói thêm như thế. Và còn biển cả nữa, với những bè bạn và thù địch. Cái giường, đó là người bạn tốt! Chỉ có cái giường, lão nghĩ như vậy. Nằm trên giường thì khoái nhất. Những cái mất đi sao mà dễ dàng thế. Ta không bao giờ lại ngờ rằng dễ dàng đến thế. Nhưng cái gì đã xui cho mất mát như vậy?” “Không có gì hết. Chỉ tại ta ra khơi quá xa”. Khi lão vào tới bến nhỏ, đèn ở quán đã tắt hết, lão biết rằng mọi người đều đi ngủ cả. Gió ngày càng lớn, thổi rất mạnh. Tuy ở bến nước lặng, lão cũng đưa thuyền tới được chỗ những mỏm đá nhỏ dưới chân núi. Vì không có ai giúp đỡ, lão bơi rõ xa, rồi leo ra khỏi thuyền và buộc thuyền vào một hòn đá. Lão hạ cột buồm, kéo buồm xuống gập lại. Sau đó lão vác cột buồm lên vai và bắt đầu leo lên dốc. Lúc đó lão mới cảm thấy tất cả sự mỏi mệt ê chề. Lão ngừng lại một lát, ngoái cổ lại và nhìn thấy dưới ánh một ngọn đèn, cái đuôi lớn của con cá kìm dựng đứng, còn cao hơn cả lái thuyền. Lão thấy rõ vệt trắng trơ trọi của bộ xương sống, cùng với khối đen sì của cái đầu và khoảng rỗng không, tất cả cái khoảng trống rỗng đó! Lão lại tiếp tục leo dốc. Lên đến đầu dốc, lão ngã khuỵu, nằm co quắp, cây cột buồm ở ngang vai. Lão cố gắng đứng lên: thật là quá sức tàn của lão. Ngồi đó, tay giữ cột buồm, lão nhìn xuống đường cái. Phía bên kia một con mèo đi ngang, làm công việc của nó. Sau cùng ông lão tì cây cột nặng xuống đất rồi đứng dậy. Lão vác cây cột lên vai và tiếp tục bước. Lão còn phải ngồi xuống đến năm lần nữa. Về đến lều, lão dựng cột buồm ở vách. Lần mò tìm được một chai nước, lão uống. Rồi lão ngã nằm xuống giường. Lão kéo mền lên vai, đắp chân và lưng. Nằm sấp bụng trên mớ giấy báo, hai cánh tay dang thẳng, lòng bàn tay để ngửa, lão thiếp đi. Sáng hôm sau, cậu bé hé cánh cửa, thò đầu vào. Ông lão vẫn ngủ. Trời xấu quá nên thuyền không đi khơi được; thành ra cậu bé ngủ khá trưa. Như mấy sáng trước, nó tìm đến lều ông lão. Trước hết nó xem ông lão còn thở không. Sau nó nhìn thấy hai bàn tay và nó khóc. Nhẹ nhàng nó lui ra chạy đi mua cà-phê. Nó chạy băng xuống dốc. Chiếc thuyền có những bạn chài xúm quanh đương ngắm cái vật buộc ở thuyền. Một người sắn quần lên lội xuống nước và đo bề dài con cá bằng một sợi dây. Thằng bé không xuống tận đó. Nó đã đến xem từ nãy và nhờ một bạn chài trông coi giùm. Mấy người ở dưới nói lên: – Ông lão thế nào? Cậu bé đáp: – Ông ngủ. Mọi người có trông thấy nó khóc nó cũng chả cần. Cốt nhất là đừng phá rối ông lão, cần nhất. Bác chài vừa đo bộ xương nói: – Vừa đúng sáu thước từ đầu đến đuôi. Cậu bé đáp: – Tôi không lấy làm lạ. Nó đi vào trong quán, mua một cốc cà-phê lớn. – Thật nóng, nhiều đường, nhiều sữa. – Với gì nữa? – Được rồi. Lát nữa xem ông cụ ăn được gì sẽ hay. Chủ quán nói: – Con cá như thế thật đáng công. Chưa bao giờ ta trông thấy con cá lớn như thế. Hai con cậu câu được hôm qua cũng to khiếp. Cậu bé trào nước mắt, nói: – Tôi cũng đếch cần. Chủ quán hỏi: – Cậu không ăn gì sao? – Không. Bảo họ đừng đến quấy rầy ông cụ nhé. Lát nữa tôi sẽ ra. """