" Óc Khoa Học - Một Phương Pháp Rèn Luyện Trí Xét Đoán - Phạm Ngọc Khuê & Thái Đức Phương (sưu tầm) full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Luận] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Óc Khoa Học - Một Phương Pháp Rèn Luyện Trí Xét Đoán - Phạm Ngọc Khuê & Thái Đức Phương (sưu tầm) full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Luận] Ebooks Nhóm Zalo ÓC KHOA HỌC 2 Lời người làm ebook Trong cuốn Óc sáng suốt, cụ Nguyễn Duy Cần có trích dẫn một đoạn từ cuốn Óc khoa học của tác giả P. N. Khuê. Lần tìm trên internet, tôi tải được bản scan của cuốn Óc khoa học (xuất bản năm 1943). Chất lượng giấy ngày xưa khá tệ nên có nhiều chỗ khó đọc. Tôi thấy cuốn này hay nhưng không được tái bản, nên quyết định đánh máy nó và đóng gói thành ebook để chia sẻ. Trong sách, có đôi chỗ không rõ chữ (do in ấn) hoặc tôi cho rằng thông tin bị in sai, tôi sẽ đánh ký hiệu (?). Có những chỗ tác giả dùng từ cũ, từ ít gặp, tôi sẽ thêm chú thích của mình vào và đánh ký hiệu (BT). Tôi không biết tiếng Pháp, có những chỗ tác giả ghi chú bằng Pháp văn, nếu tôi thấy chữ đó in rõ, tôi sẽ đánh máy lại; nếu chữ in mờ, tôi sẽ bỏ qua, vì sợ đánh máy sai; cá nhân tôi thấy những thông tin bằng Pháp văn không quan trọng lắm. Trong bản scan bị thiếu mất trang 139, không có cách nào khác, tôi đành bỏ qua trang đó. Nếu sau này hữu duyên tìm được trang còn thiếu, tôi sẽ cập nhật vào ebook. 3 Nếu thấy quyển ebook này có ích, độc giả có thể ủng hộ tôi theo thông tin ở trang kế. Xin cảm ơn. Thái Đức Phương 4 ÓC KHOA HỌC Phạm Ngọc Khuê Bản ebook này được đánh máy từ một bản sách scan (nhà xuất bản Hàn Thuyên - 1943). _________ Đánh máy, biên tập và làm bìa: Thái Đức Phương _________ Bạn có thể mời tôi một ly cafe (hoặc nhiều ly) tại đây nếu thấy tôi xứng đáng: https://thaiducphuong.wordpress.com/cafe2022 hoặc mua sách ủng hộ tôi từ tiki hoặc shopee: https://tiki.vn/dung-cuoc-dua-khong-phai-la-thua-p173763067.html https://shopee.vn/product/392838844/17840347761 5 6 7 P. N. KHUÊ ÓC KHOA HỌC Một phương pháp rèn luyện trí xét đoán (tiểu luận) 1943 HAN THUYEN 8 https://thaiducphuong.wordpress.com Mục lục Tiểu sử tác giả Phạm Ngọc Khuê 10 Tựa 14 Phần thứ nhất 17 Chương I Cần phải đặt rõ vấn đề nhận thức 18 Chương II Óc mê tín 32 Chương III Óc hư ngụy 42 Chương IV Óc cơ giới 61 Chương V Óc mô-lăng 74 Phần thứ hai 84 Chương I Óc kinh nghiệm 87 Chương II Óc duy lý 94 Chương III Óc thực nghiệm 104 Chương IV Óc biện chứng 120 Chương V Tinh thần khoa học 130 Phần thứ ba 144 Chương I Những điều kiện thuận tiện cho óc khoa học nảy nở 148 Chương II Rèn luyện trí xét đoán 157 Kết luận 170 9 Tiểu sử tác giả Phạm Ngọc Khuê Ngày nay, ít người biết đến tên tuổi bác sĩ Phạm Ngọc Khuê - người trí thức một thời vang bóng ấy đã từng là bạn văn chương với các văn nhân tài tử Thăng Long - Hà Nội như Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Trương Tửu, Nguyễn Đỗ Cung… Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê sinh năm 1913, quê gốc ở làng Hòe Lâm, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927 ông vào học trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi) cùng lớp với 10 một chàng trai con nhà Nho ở làng Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Văn Cừ - sau này trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Phạm Ngọc Khuê là một trong những bác sĩ đầu tiên tham gia thành lập Cục Quân y. Khi bác sĩ Vũ Văn Cẩn làm Cục trưởng Cục Quân y, đã có ý định mời bác sĩ Phạm Ngọc Khuê làm Cục phó nhưng ông không nhận, mà chỉ thích làm chuyên môn để được trực tiếp chăm sóc và chữa bệnh cho các chiến sĩ. Năm 1948, bác sĩ Đặng Nguyên Đức - Trưởng ban Quân y kiêm Bệnh xá trưởng Trung đoàn 52 Tây Tiến hy sinh, bác sĩ Phạm Ngọc Khuê đang làm Trưởng ty Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện tỉnh Hòa Bình liền về thay thế để được trực tiếp cứu chữa cho các chiến sĩ của “đoàn binh không mọc tóc”. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ trường Đại học Y khoa Đông Dương (một thứ “của hiếm” thời trước Cách mạng Tháng Tám), Phạm Ngọc Khuê cho ra đời cuốn sách Óc khoa học, mà tờ Thanh nghị trẻ em (do Vũ Đình Hòe làm chủ nhiệm) đã giới thiệu nhiều kỳ. Tiếp đến là bộ sách Sức khỏe mới xuất bản năm 1941 gồm 8 quyển: 11 - Một sức khỏe mới - Nguồn sinh lực - Nghị lực - Yêu đời - Ăn uống - Thở - Vận động - Tinh lực - Huấn luyện thần kinh - Nghĩ - Cảm xúc - Hành động Các tác phẩm của ông đều ký tên P. N. Khuê - mỗi quyển dành nhiều trang bàn bạc, lý giải, thuyết phục thanh niên Việt Nam cải tạo sinh lực. Những cuốn sách của ông hấp dẫn người đọc đến mức, theo cách nói của bạn hữu đương thời với ông, có những người “mê” Phạm Ngọc Khuê như “mê gái”. Đặc biệt là cuốn Nguồn sinh lực với các giá trị khoa học, nhân văn và văn chương của nó, đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà báo Đinh Gia Trinh, một cây bút phê bình nặng ký trên tờ Thanh nghị. 12 Sau khi bộ sách ra đời, Đinh Gia Trinh viết bài Đọc sách “Một sức khỏe mới và Nguồn sinh lực”, với những lời đánh giá trân trọng: “Hai tác phẩm ấy có một tính cách đặc biệt: nó đại diện cho một loại sách đứng đắn, nghiêm trang, cần phải mong mỗi ngày một nhiều lên, loại sách triết lý và khoa học trong văn chương ta” và “... ông P. N. Khuê cho ta tin rằng văn chương Việt Nam có thể đi đến rõ rệt và đẹp đẽ để mang những tư tưởng mới mẻ của thời đại.” (Thanh nghị, số 6, 1941) (Nguồn: Báo điện tử Công An Nhân Dân) 13 Tựa Óc khoa học là một danh từ dịch ở tiếng Pháp ra. Tuy nó mới nhập tịch tiếng ta, nhưng cũng đã thành quen thuộc lắm rồi, nhất là đối với những người Tây học. Tuỳ người dùng, tuỳ chỗ dùng, có khi nó biểu thị một cái gì nghiêm trang, chặt chẽ, đanh thép, một cái gì sáng sủa, vững vàng, sâu sắc, rộng rãi; có khi nó lại đượm những vẻ nghênh ngang, kiêu kỳ, hợm hĩnh, lố bịch; có khi nó lại dùng để giấu diếm những điều trái khoa học, phản khoa học nữa. Danh từ óc khoa học chưa có ý nghĩa xác định rõ rệt, có lẽ tại chúng ta chưa có khoa học. Mỗi người gán cho nó một ý nghĩa riêng, tùy theo cái quan niệm riêng của mình - đúng hay sai, rộng hay hẹp, sâu hay nông - về khoa học. Những ý nghĩa riêng ấy thường có nhiều tính cách chủ quan hơn là khách quan. Tuy vậy, danh từ óc khoa học cũng đã “có mặt” và đã thông dụng trong xã hội ta, và ít ra nó cũng phản chiếu đúng một cái gì: một thắc mắc, một khuynh hướng, một nhu cầu của cả đoàn thể. 14 1. Trước hết, sau một thời kỳ tiếp xúc với người Âu châu, chúng ta cảm thấy rằng có một lối nhận xét sự vật, một lối suy nghĩ, một cách hiểu biết, một thái độ tinh thần khác hẳn với những thể cách tinh thần hiện đang thông dụng của ta. Ta đã cảm thấy rằng cái lối nhận thức mới này hình như vững vàng hơn, tinh xảo hơn, đắc dụng trong đời sống ngày nay hơn. Ta bắt đầu hoài nghi những giá trị tinh thần đã tỏ ra bất lực và không thích hợp nữa. Ta không biết đã đến lúc phải phá đổ chúng hay chưa? 2. Ta lại muốn tìm hiểu xem ở các xã hội văn minh, nhờ có những điều kiện vật chất và tinh thần nào mà khoa học đã nảy nở ra được? Ta muốn biết xem khoa học đã phát triển như thế nào? Đã qua những chặng đường nào mới thành rực rỡ, mãnh liệt như ngày nay? 3. Sau cùng, đó cũng là lẽ tự nhiên, ta cũng muốn tự tạo cho ta một khí giới lợi hại là óc khoa học, một sản phẩm thực dụng và quý giá là khoa học. Nhưng làm thế nào? Phải rèn luyện óc khoa học trước để cái này tạo ra khoa học? Hay là phải đợi cho có khoa học rồi mới có thể làm nảy ra óc khoa học được? Phải làm chuồng trước? Hay tậu bò trước? Vì hiện nay ta chưa có thứ nào cả. 15 Mục đích của quyển sách này là tìm cách trả lời những câu hỏi trên đây. Nội dung gồm 3 phần: một phần phê bình những cách nhận thức khiếm khuyết của ta, một phần nghiên cứu sự phát triển của óc khoa học, và một phần thực hành trình bày một vài cách rèn luyện trí xét đoán. Tôi không dám quên rằng: vấn đề khoa học không phải chỉ là một vấn đề tri thức. Nó còn liên quan mật thiết với sự sinh tồn của chúng ta, đến đời sống hàng ngày của chúng ta, đến cuộc tiến hóa của chúng ta nữa. Nhưng nếu tất cả chúng ta đều hiểu lẽ đó thì một ngày kia gần đây, khoa học sẽ chiếu tỏa hào quang vào khắp mọi chỗ tối tăm và ẩm thấp trong xã hội. Và khi ấy, óc khoa học, đối với chúng ta, sẽ không còn gì là xa lạ nữa. Hanoi, 1er Avril 1943 P. N. KHUÊ 16 Phần thứ nhất 17 Chương I Cần phải đặt rõ vấn đề nhận thức 1. Một khí giới trong đời sống Chúng ta thường gặp những bạn thanh niên, sức khỏe có, học vấn có, tài hoa có, nhiệt tâm có, lý tưởng có, vậy mà lúc ra đời lại bị thua kém, bị rày đạp, bị khổ nhục, bị sa ngã! Cho đến nỗi mới trong vòng 30 tuổi họ đã yếu đuối, chậm chạp, buồn rầu, chán nản; ở những người sớm già cỗi ấy, nguồn tình cảm hầu như đã khô cạn và sức hoạt động không còn gì. Người ta hay phàn nàn cho họ và đổ tội cho số mệnh đã xui như thế. Không phải. Những người “xấu số” ấy chỉ là những tên lính bại vong cần phải làm cho tỉnh ngộ. Trong trận đấu gay go là cuộc đời, họ bị thua là đáng lắm. Và họ quá cậy vào sức khỏe, vào học vấn, vào tài hoa của họ, và họ quên rèn luyện một khí giới rất cần thiết để chống lại kẻ thù (những trở lực của cuộc sống) ở chung quanh họ hoặc ở ngay trong người họ. Khí giới ấy là một ánh lửa dẫn đường quan trọng hơn hết tất cả mọi thứ đức tính khác. Nếu ta không sáng suốt thì ta sẽ gặp thất bại ở mọi trường hoạt động. Lòng hăng hái mù quáng chỉ đẩy 18 ta sâu mãi vào vòng lầm lẫn, và nguyện vọng ta càng cao thì sự đổ ngã của ta càng tai hại, càng đau đớn; trái lại, nếu ta rụt rè, luẩn quẩn, tê liệt không hành động được, cũng chỉ vì ta không hiểu rõ nên làm như thế nào, phải làm như thế nào. Trong đời sống hàng ngày, biết và làm là hai việc không thể đem tách ra được. Có biết thì mới dám làm, có biết rõ thì mới làm mạnh, có biết đúng sự thực thì làm mới thành công được. Có can trường cũng chưa đủ. Còn cần phải sáng suốt nữa. Sự biết cũng quan trọng ngang với sự làm, còn khó khăn hơn sự làm. Vậy làm thế nào để biết sự thực? Để hiểu chân lý thiết dụng? Theo phương pháp nào để rèn luyện cho khối óc thành mẫn tuệ, đắc lực? Làm thế nào để tự tạo cho mình những tư tưởng rõ rệt, một trí tuệ linh hoạt, một thái độ tinh thần sáng sủa, mạnh mẽ, đường hoàng? Nhưng thế nào là biết, là hiểu, là thông minh? 2. Những quan niệm mơ hồ về trí Những danh từ ấy, trong tiếng ta, chưa có ý nghĩa xác định. Chúng ta thường lẫn một người có học vấn với một người có kiến thức, một người xảo trá với một người thông minh; ta tưởng lầm rằng một người nhiều kinh nghiệm ắt phải là một người có đạt 19 kiến, một người già ắt phải sáng suốt hơn một người trẻ; ta quên rằng học và hiểu là hai việc khác nhau; ta không phân biệt trí xét đoán với trí nhớ; Ta không ngờ rằng một người sáng dạ (nhớ nhiều hiểu mau) nhiều khi chỉ hiểu biết sự vật một cách rất hẹp hòi nông nổi... Chính vì thế mà những kẻ nhớ sách nhiều (những con vẹt to đầu) lại tự cho mình là những “bậc thượng trí” hơn đời; những kẻ khôn khéo ranh mãnh được coi là những người thông hiểu lẽ phải; những kẻ giảo hoạt khoe khoang vẫn được nhiều người kính nể... Căn nguyên của cái tình trạng hỗn độn ấy, cần phải tìm ở nền móng và kiến trúc xã hội ta xưa và nay, ở những chương sau chúng ta sẽ bàn tới. Ở đây, muốn khỏi lẫn lộn trong khi suy luận, ta cần phải có một quan niệm rõ rệt về sự hiểu biết. 3. Trí khôn là gì? Cái mà ta gọi là trí, trí tuệ, trí thông minh không phải là một cái khiếu riêng biệt trong tinh thần con người. Đó cũng không phải là một đặc tính của khối óc. Thuyết Homosapiens (con người có trí khôn) bây giờ không thể nào đứng vững được nữa (sẽ nói rõ phần thứ hai). Vậy trí khôn là cái gì? Theo giáo sư H. Piéron là người chuyên về tâm lý học thực nghiệm, thì “khi nào tinh thần ta chuyển biến để giải quyết những vấn đề mới trong đời 20 sống, giải quyết để cho con người thích ứng với hoàn cảnh. Cái năng lực chuyển biến ấy gọi là trí khôn.” Nói một cách khác, trí khôn (hay trí tuệ, trí thông minh) là một thể cách hoạt động của tinh thần. Trong sự hoạt động ấy, không phải chỉ có một tác động đơn sơ là sự hiểu biết. Trái lại, có nhiều tác động hoặc cùng diễn ra một lúc, hoặc lần lượt diễn ra. Các nhà tâm lý học thường phân ra: sự nhận những cảm giác mới, sự nhớ lại những cảm giác cũ, sự chú ý, sự liên tưởng, sự tưởng tượng, sự sáng tác, sự lý luận - trong ấy có phân tích, khái quát, tổng hợp; sự xét đoán - trong ấy có phê bình, tín ngưỡng, dự đoán. Nói tóm lại, sự hoạt động của tinh thần (trong khi giải quyết những vấn đề mới) rất là phức tạp. Ta không nên vin vào một tác động trong bao nhiêu tác động kể trên để đánh giá một trí khôn. Thực ra, có nhiều loại trí khôn, tùy theo cái thể cách hoạt động tinh thần của mỗi người chúng ta. Có người rất mau hiểu biết trong khi học toán pháp, nhưng khi trông vào một cái máy lại mù tịt; có người phê bình rất sắc sảo, nhưng không bao giờ có sáng kiến gì; có người lý luận về thuyết lý rất rành mạch, nhưng lúc cần phải xử đối ở đời thì lại bối rối lúng túng; có người nhớ rất nhiều việc bác tạp mà không bao giờ hiểu rõ cái liên quan giữa những việc ấy. Nếu mà chỉ kể để đến cái bản sắc tinh thần riêng 21 của mỗi người, thì ta có thể nói là có nhiều thứ trí khôn khác nhau. Điều này rất quan trọng về phương diện chọn nghề. Ở nhiều xứ ngày nay, có những cơ quan riêng để xem xét tinh thần thanh niên và định rõ ràng xem trí thông minh của mỗi người thuộc về loại nào và ở trình độ nào. Những cơ quan ấy gọi là Tâm Lý Hướng Nghiệp viện; các nhà tâm lý học chuyên môn về khoa ấy như các ông: A. BINET, PIERON, LAHY... ở Pháp, DECROLY ở Bỉ, MIRA ở I-Pha-Nho... đã nêu ra nhiều kết quả mỹ mãn: làm cho thanh niên đỡ lạc đường trong sự chọn nghề. Ngoài ra, người ta lại có thể đo cái mà ta gọi là trí khôn của một người bằng cách xem người ấy giải quyết những vấn đề cần thiết trong đời sống ra sao (nên nhớ rằng bao giờ người ấy cũng dùng tất cả mọi năng lực tinh thần để giải quyết). 4. Trí khôn lệ thuộc vào cái gì? Tại sao mỗi người chúng ta lại có một cách hiểu biết, một cách xử trí, một trí thông minh khác nhau? Không phải tại trời sinh ra ông A thông minh và sinh ra ông B ngu độn. Trí khôn của ta, dù có siêu việt như thần đồng, cũng chỉ là kết quả của những sự kiện vật chất rất cụ thể. 22 4. 1. Cơ thể chi phối trí tuệ Ta không thể chọn một cơ thể hoàn toàn rồi mới ra đời được. Ta mang ở trong máu, trong xương, trong óc ta tất cả những tính cách sinh lý của cơ thể cha mẹ ta, tuy rằng những tính cách ấy đã hỗn hợp với nhau mà biến đổi đi ít nhiều. Vậy khi ta mới đẻ ra thì ta đã có những nội hạch sung túc hoặc nghèo nàn rồi; thần kinh hệ ta đã bị cấu tạo theo một kiến trúc riêng rồi; đã có một nhịp rung động riêng rồi; ta đã có một cách thu nhận cảm giác riêng rồi. Nếu cha mẹ ta đã làm bạn lâu ngày với rượu, thuốc phiện hoặc trùng giang mai, thân kinh hệ suy nhược của ta chỉ có thể nuôi dưỡng và chứa chấp được một trí thông minh rất yếu ớt, hỗn loạn. Khi ta bị một kịch bệnh như lao phổi, khô gan, sưng tim... ta dễ sinh ra mỏi mệt, hoặc buồn rầu, hoặc nóng nảy, ta không thể bình tĩnh hoặc sáng suốt để nhận xét sự vật như một người khỏe mạnh được. Óc là một cơ quan sống cần phải bổ bằng máu, bằng dưỡng khí, bằng các chất đồ ăn uống. Nếu ta bị đói khát, thiếu thốn thì tất nhiên óc ta cũng sẽ khô khan cằn cỗi như một cái cây thiếu nước vậy. Những con nhà nghèo có khi chậm chạp đù đờ hơn con nhà giàu, người ta thường đè bỉu cho là chúng không có thiên tư, không có khiếu. Thiết tưởng cái khiếu ấy người ta đã tích trữ mất của chúng rồi, khi người ta bắt đầu tích trữ ngay cơm gạo của chúng đi. 23 Ngoài ra, cơ thể còn là nguồn gốc, là nền móng của những dục vọng, những tình cảm, những năng lực cảm xúc và hoạt động của con người. Người ta không thể hiểu biết được nếu không có tình cảm, cũng như một ngọn đèn thiếu dầu không thể cháy và sáng được. Theo Helvetius (một nhà triết học Pháp) thì một người nếu thiếu hẳn tình dục sẽ là người hoàn toàn ngu tối. Trái lại, những nhà bác học, nhà tư tưởng suốt đời tận tụy đi tìm chân lý là những người rất ham mê; họ có ở trong người cả một lò lửa tình dục mà họ đem trút vào công việc đến nỗi trông bên ngoài, ta cứ tưởng là những người khô khan vô tình. Ở người thường, có khi vì hoàn cảnh khe khắt, những nhu cầu mãnh liệt của cơ thể bị đè ép quá, những tình dục cốt thiết không phát lộ ra được. Do đó mà tinh thần con người thành ra luẩn quẩn hoảng hốt, sợ sệt, phẫn uất, cuồng phóng... Trong khi ấy, thần kinh hệ bị xiêu vẹo, khối óc bị mụ mẫm, không làm trọn cái phận vụ nhận thức của nó nữa. Ở trước mặt một anh biển lận thì trong khung cảnh thiên nhiên, không làm gì có núi, sông, cây, cỏ, chim chóc nữa, hắn chỉ trông thấy đó là những mối lợi, những con số, những đồng tiền; ở một người đang mê đắm tình nhân, các giác quan lu mờ hết, hắn trông xanh ra đỏ, bé ra lớn, xấu ra đẹp... Sự xét đoán của hắn không có giá trị gì mấy. Hắn nhìn 24 cuộc đời qua một làn sương mù tự chốn sâu thẳm của cơ thể bốc lên. 4. 2. Hoàn cảnh xã hội chi phối trí tuệ Tuy vậy, không phải chỉ có cơ thể chi phối trí tuệ. Ta còn phải kể đến hoàn cảnh xã hội nữa. Ta hãy đem một đứa trẻ sơ sinh để vào giữa rừng. Nếu nó có thể sống và lớn lên được thì sự hiểu biết của nó cũng rất thô sơ, không hơn gì con khỉ. Và ở những xã hội mọi rợ, tổ chức hãy còn khiếm khuyết, trí thức con người cũng rất đơn giản. Trái lại, ở xã hội văn minh thì dù muốn hay không muốn, con người ta cũng bị hoàn cảnh nào nặn luôn luôn. Nhờ những lợi khí đắc lực, như sự tổ chức kinh tế, sự tổ chức pháp luật, sự tổ chức giáo dục, những lễ nghi, những phong thói, những dư luận bảo thủ biểu thị ra bằng ngôn ngữ đã thành lập... Xã hội là một cái khuôn khổ chật hẹp đè ép tinh thần ta, làm cho phải uốn cong theo cái vòng định sẵn; nhiều khi cái guồng máy xã hội lại lôi kéo người ta với một tốc độ nhanh quá làm cho ta chóng mặt và không nhận thức được gì nữa. Phần nhiều, khi ta tưởng là ta xét, ta nghĩ, ta hiểu sự thực, ta chỉ làm theo thành kiến, nghĩa là theo những hình thức tinh thần 25 nhất định mà xã hội đã bày ra để lùa ta vào đó. Ngay khi ta đã có ý thức về cuộc đời của ta rồi, ta cũng vẫn còn chịu rất nhiều ảnh hưởng của xã hội. Những ảnh hưởng ấy kết tụ lại thành một tấm màn, một “cái khung”. Hình dáng, kích thước, màu sắc “cái khung” ấy ở mỗi người chúng ta lại có những tính cách đặc biệt. Dù sao trong lúc tinh thần ta hoạt động, “cái khung” ấy bao giờ cũng hiện ra để làm biến màu sắc và hình thể của sự vật. Ta nhìn qua đó như qua một đôi kính màu và thấy sự vật cũng nhuộm theo màu đó ít nhiều. Nói tóm lại, trí khôn không phải là một vật độc lập, nó chỉ là kết quả, một sản phẩm của hai cuộc sinh hoạt giao động nhau: cuộc sinh hoạt cơ thể và cuộc sinh hoạt xã hội. H. Piéron cho rằng: “Muốn hiểu sự phát triển của trí tuệ thì phải nghiên cứu sự phát triển của cơ thể, không phải cơ thể trơ trọi, mà là một cơ thể đặt vào giữa một đoàn thể có tổ chức”. 5. Thế lực của trí tuệ Sự hoạt động đặc biệt của tinh thần - mà ta gọi là trí tuệ cho tiện - có ảnh hưởng trở lại đến toàn thể tinh thần, đến cơ thể con người, đến hoàn cảnh xã hội và thiên nhiên, đến những nguyên nhân để cấu tạo ra nó không? 26 Nói khác đi, trí tuệ có thế lực gì trong đời sống của con người không? Muốn tránh sự hàm hồ, ta cần phải nhớ rằng cái sức hoạt động của tinh thần gọi là trí tuệ ấy ở mỗi người mỗi khác, không thể nhất loạt trả lời có hoặc không được. Ta có thể phân ra nhiều thứ bậc: - Ở con trẻ, ở những người mọi rợ, ở những người điên có thương tích trong óc... những tác động trí thức (như nhận xét, nhớ, đoán...) rất sơ sài, rất yếu ớt, rất lộn xộn. Những tác động ấy chỉ đủ sức gây ra một số hình ảnh lờ mờ bác tạp, không đủ sức kết tinh được thành một ý niệm, một tư tưởng rõ rệt. Lẽ tất nhiên là những hình ảnh lờ mờ bác tạp kia cũng không ảnh hưởng gì mấy đến đời sống của những người ấy khi họ hoàn toàn bị cơ thể và hoàn cảnh xô đẩy đi. - Ở trên một bậc nữa, là phần đông những người đã trưởng thành, đã biết nhận xét kỹ càng hơn hồi còn thơ ấu, đã nhờ xã hội, giáo dục, kinh nghiệm luyện cho những thể cách suy nghĩ. Họ đã có một ít ý tưởng kiên cố bên cạnh rất nhiều hình ảnh hãy còn mập mờ rời rạc. Họ không dám phạm những điều xã hội cấm vì biết rằng sẽ bị trừng phạt. Họ không làm trái những phép vệ sinh cần yếu vì biết rằng sẽ bị đau đớn. 27 Nhưng chỉ có thế thôi. Khi mà pháp luật không can thiệp ngay, khi mà không xảy ra những tai nạn nhỡn tiền thì sự biết của họ không có hiệu lực gì: một người đánh bạc, uống rượu, mê gái, phạm tội ác... nhiều khi biết là không nên làm mà vẫn cứ làm. Ở đây, những mối xảm xúc, những dục vọng tiềm thức là chủ động; trí tuệ, lương tâm, lương tri, cái phần ý thức của con người... chỉ là một ánh lửa leo lét, yếu ớt bên cạnh cái lò tình dục sôi nổi. Đó là tình trạng tinh thần của số đông. Gần đây, các nhà tâm lý học như T. Ribot, Ernest Dupré, Morel, Geley, Emil Kroepelin, M. De Fleury, A. Delmas... đã dựa vào sự xét nghiệm thông thường và dựa vào thần kinh bệnh học để tỏ rõ hiện trạng ấy. Bác sĩ Deschamps cho rằng: “Con người ta hoàn toàn bị sức di truyền lôi kéo”, ý nói rằng những dục vọng của cơ thể làm chủ con người. Ông Marcel Boll lại đặt hẳn ra hai định luật tâm lý: luật “di truyền là căn bản” và luật “tình dục chi phối” để xác định chân tướng con người. Tuy vậy, các nhà bác học ấy cũng đã quá thiên về ảnh hưởng của cơ thể, và quên hẳn ảnh hưởng của xã hội, quên hẳn cái sức mạnh của những tư tưởng lưu hành trong xã hội, nhất là khi đã kết tinh thành hệ thống, thành tri thức hệ trong tinh thần mạnh mẽ. 28 Chúng ta đều biết rằng có những người tuẫn nạn đã có thể sống, chết vì một tư tưởng, một nguyên tắc, một chủ nghĩa. Trí tuệ ở đây đã kết tụ được những lực lượng tinh thần để cưỡng lại với sức thúc phọc1 cơ thể, và sức đè ép của hoàn cảnh. Tư tưởng đã thống trị trong con người, trí tuệ đã thành một bó đuốc sáng soi đường cho con người, mang sức sống để nâng đỡ con người. Hơn nữa, trí tuệ - sản phẩm của cơ thể và của xã hội - đã có lúc vượt hẳn ra ngoài hai vòng ấy. Nó tạo ra một phương pháp nhận thức vững vàng, tạo ra phương pháp khoa học. Loài người nhờ thế mà khám phá được những lẽ huyền bí của vũ trụ, sai khiến được những động lực thiên nhiên, đặt tay lên vật chất, và chế ra được những kỹ thuật tinh xảo trong khắp các ngành sinh hoạt, và dám tin ở tương lai mình. 6. Vấn đề nhận thức Xem như vậy thì sự hiểu biết - không phải là sự hiểu biết lờ mờ rời rạc mà là sự hiểu biết rạch ròi có phương pháp, có hệ thống - rất là quan trọng trong đời sống. Trí tuệ là khí cụ độc nhất của con người để biến cải cuộc sinh hoạt, để tiêu trừ những tai nạn, để nâng nhân loại từ trình độ u mê và bó buộc của một con vật lên địa vị một con người có ý thức và có quyền hành. Cái 1 Gò bó, trói buộc. (BT) 29 trình độ tiến hóa của người, đi ngang với cái trình độ phát triển của trí thức. Cái này phản chiếu đúng toàn bộ tinh thần, phản chiếu luôn cả những cuộc sinh hoạt đã giao động nhau mà làm nảy ra tinh thần. Trước khi nói đến óc khoa học là một thể cách tuyệt xảo của tinh thần, ta hãy thử nghiên cứu xem về phương diện trí thức, chúng ta còn ở những chặng đường nào trong sự tiến triển vĩ đại của loài người. Chúng ta quan niệm vũ trụ ra sao? Quan niệm con người ra sao? Chúng ta nhận xét sự vật theo cách nào? Chúng ta giải thích những hiện tượng quanh mình như thế nào? Chúng ta phê bình như thế nào? Phán đoán như thế nào? Tín ngưỡng như thế nào? Đứng trước những sự thường và những sự bất thường, chúng ta xử trí ra sao? Khối óc chúng ta làm việc như thế nào? Tinh thần chúng ta thích ứng ra sao và tỏ thái độ ra như thế nào? Đó là một vấn đề rất phức tạp, rất rộng rãi, khó lòng mà xét cặn kẽ hết được. Đại khái, dựa vào sự quan sát hàng ngày trong xã hội, ta có thể nhận thấy mấy thứ hình thức của trí tuệ rất thông thường: 30 1. Óc mê tín 2. Óc hư nguỵ 3. Óc cơ giới 4. Óc mô-lăng Ba thứ trên, mỗi thứ có những tính cách đặc biệt, thứ cuối cùng là một thể cách hỗn tạp do ba thứ kia biến đổi đi ít nhiều và pha trộn lại. 31 Chương II Óc mê tín Người nhà quê Việt Nam chuyên về nghề nông ở các nơi thôn dã. Họ ít tiếp xúc với cuộc đời mới ở các nơi đô thị. Phần đông đều vô học. Đời sống của họ phẳng lặng như mặt nước ao tù. Họ mang theo gần như y nguyên tất cả những tính cách di truyền cổ lỗ từ thuở nào. Họ quanh quẩn ở nơi chôn rau cắt rốn, trong cảnh bùn lầy nước đọng; họ bị vây ở giữa những đình, những chùa, những nghè, những miếu, những tượng chó đá, những bãi tha ma, những cây cối um tùm có treo lủng lẳng bình vôi và đồ mã... Họ bị chìm ngập trong một không khí lặng lẽ nhưng mà linh động. Trong đó có ma, quỷ, thần, thánh, tiên, phật, và cả Ngọc Hoàng Thượng Đế đang bay lượn phấp phới để ban phúc hoặc giáng họa cho loài người; họ bị trói chặt trong những tập tục cổ truyền (sự tế tự, sự cầu cúng, sự ma chay, sự cưới xin), họ bị ám ảnh bởi những tiếng nói đã đập vào não họ tự lúc nào và in vào đó bao nhiêu tín ngưỡng sâu xa: lạy trời, nhờ trời, cầu trời, khấn phật, quỷ thần chứng giám, thân cây đa, ma cây đề, đất có thổ công, sông có hà bá v.v... Trong sinh hoạt hàng ngày, họ là những người thiếu ăn thiếu mặc, bị áp chế, bị chật vật, luôn luôn lo sợ cho mình và cho những người thân thích. Tuy họ không sợ hùm beo rắn rết như 32 con người thái cổ, nhưng họ luôn luôn nghĩ đến đói, rét, bệnh tật, đau khổ, chết chóc. Họ bị bận suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, suốt đời vì sinh kế eo hẹp và vất vả. Ở trong tình trạng nghèo nàn và khốn khó ấy, tinh thần họ phát triển ra làm sao? Trí tuệ họ có nảy nở được không? Và nó có dự phần gì vào đời sống của họ không? * * * Đứng về phương diện trí thức, ta thấy tinh thần hoạt động theo hai thể cách: - Thể cách kinh nghiệm - Thể cách thần bí 1. Thể cách kinh nghiệm Thể cách này chỉ dùng trong phạm vi nghề nghiệp, vì sinh kế bắt buộc, họ phải để ý quan sát những vật, những hiện tượng có liên lạc trực tiếp đến kỹ thuật sản xuất của họ. Họ dựa vào kinh nghiệm của cha ông để lại bằng sự dạy dỗ trực tiếp hoặc bằng những câu ca dao thiết dụng: “Chớp bắc nhay nháy gà gáy thì mưa.” 33 “Mồng chín tháng chín có mưa Chị em đi sớm về trưa mặc lòng Mồng chín tháng chín không mưa Chị em bán cả cày bừa mà ăn.” Nhờ vậy mà họ có một mớ kiến thức khá sung túc đủ hướng dẫn họ trong sự làm ruộng, đốn củi, đánh cá. Nhà nông biết rõ sự thay đổi thời tiết, biết phân biệt các giống lúa, biết lựa chọn các thứ hoa màu và các thứ phân thích hợp; người đánh cá biết trông chiều trời mà dự đoán hôm nào bể lặng hoặc nổi sóng; người đi rừng biết dò xét những lốt chân của thú dữ, biết rõ tính cách của nhiều thứ hoa quả trong rừng. Những kiến văn ấy, họ giữ gìn kỹ càng lắm để truyền lại cho con cháu, đó là những bài học kinh nghiệm mà bao nhiêu lớp người đã phải trả bằng mồ hôi, bằng máu, bằng bao nhiêu gian nan, đau khổ. Về thiên văn, về địa dư, về thảo mộc, về động vật... cũng có khi họ có những nhận xét rất tỉ mỉ, rất tinh vi, rất thấu đáo. Tuy nhiên, những kiến văn ấy phần nhiều hãy còn thiếu sót, mập mờ, nhất là rời rạc, không thành hệ thống gì. Trí não họ chỉ mới ghi lại những hình ảnh đặc biệt của sự vật, có giá trị thực 34 dụng. Nhưng họ chưa nhận được những mối liên quan giữa những hiện tượng. Họ không hiểu tại sao lại có mưa, gió, sấm, sét... tuy rằng họ đã nhận thấy rõ ràng rằng trước khi mưa thì có nhiều mây, trước khi gió thì trời oi bức, họ không hiểu được tại sao “trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” tuy họ biết chắc rằng sẽ phải xảy ra như thế. Họ không hiểu tại sao bởi vì họ không có thì giờ quan sát kỹ càng nữa. Vả lại, về mặt thực hành thì những nhận xét kinh nghiệm kia thường cũng đã đủ dùng rồi. Nhưng lại có khi họ thấy nắng nhiều quá, mưa ít quá, ruộng khô cả, lúa cháy cả. Họ lấy làm lạ tại sao lại sinh ra như thế, họ cần phải hiểu biết những nguyên nhân của những tai nạn ấy để tìm cách chạy chữa. Kinh nghiệm thô sơ của họ không đủ sức giải quyết vấn đề trí thức mới này. Tinh thần của họ lại xoay ra một kiểu khác. 2. Thể cách thần bí Đến đây, tinh thần của con người đứng dừng hẳn lại trên con đường rất rộng rãi và còn xa thẳm: con đường của kinh nghiệm, của luận lý theo kinh nghiệm, tức là của lý trí, của khoa học. Gặp những trở lực khó khăn, mà lại không gặp những điều kiện xã 35 hội giúp sức cho, cái tinh thần còn non nớt ấy lùi lại một bước, rồi rẽ sang một con đường khác, nhỏ hẹp, âm u nhưng mà không có gì ngăn cản: con đường thần bí. Trí tuệ sáng sủa vững vàng trên nền tảng kinh nghiệm lu mờ đi, và nhường chỗ cho một trí tưởng tượng hoảng hốt, hàm hồ, cuồng phóng. 2. 1. Luật nhân quả thần bí Nó bèn tạo ra thần mưa, thần gió, thần sấm sét (thiên lôi) để giảng cái lý do tại sao lại khi mưa khi gió thất thường như thế. Theo cái tâm lý tự kỷ trung tâm truyền lại tự đời thái cổ, họ cho rằng tại những thần ấy, cũng như người trần, đã bị phật lòng vì dân sự đã phạm vào một điều cấm kỵ nào đó thôi. Vậy thì toàn thể (xóm, làng, tổng...) phải họp nhau lại mà cầu khấn thần linh che chở cho mình (thần ở miếu, ở đình, ở sông, ở núi, Đức Thánh Bà, Đức Thánh Ông... là những lối totem như ở đời thái cổ), sẽ nhờ những vị thần này nói hộ với thần mưa, thần gió... hay nói thẳng với Ngọc Hoàng Thượng Đế để cho dân sự làm lễ rửa tội hoặc bằng lễ tam sinh (trâu, dê, lợn) hoặc bằng hình nhân thế mạng2 hoặc có khi bằng mạng người nữa (ở bên Tàu có tục vứt người xuống sông cho Hà Bá để mong thoát lụt). Trí thức thông thường cho thần thánh can thiệp vào để giải thích nguyên 2 Trong óc người thái cổ thì một hình nhân bằng giấy đề tên một người tức cũng là người ấy - tượng với vật chỉ là một. Đó là luật tham dự. 36 nhân các hiện tượng, đó là một thể cách trí thức thông thường của người nhà quê ta. Cách lập luận giản tiện đó, họ dùng để giảng tại sao ta ốm đau, thất bại trong công việc làm ăn; tại sao ta bị nghèo, bị khổ, bị khinh bỉ, bị giày xéo... Vậy muốn ra khỏi những khổ cảnh ấy, chỉ có mỗi một cách là đi cầu, đi bói, đi dò xem tội vạ ở đâu để mà kêu cầu lạy lục. Thể cách thần bí đã làm thỏa mãn tinh thần hoảng hốt của con người trong chốc lát. Nó cũng dùng luật nhân quả để giải thích sự vật. Song những nhân vật vô hình mà nó tạo ra để làm nguyên nhân lại không kiểm soát được, nên luật nhân quả ở đây khác hẳn với luật nhân quả chứng nghiệm của khoa học - cái này lấy một hay nhiều hiện tượng để giải thích những hiện tượng khác, mỗi hiện tượng đều quan sát, đều chứng thực được. 2. 2. Luật tham dự Ngoài luật nhân quả huyền bí ra, tinh thần của người dân quê còn giữ nhiều vết tích của luật tham dự. Nguyên tự đời thái cổ, con người chưa phân biệt mình với vật bên ngoài. Trong trạng thái hỗn hợp ấy, ta cho là mọi vật đều có ý muốn, có tinh thần, có một động lực bí ẩn xô đẩy như ta cả. Ví như đứa trẻ vấp vào hòn đá, nó cho là vì hòn đá muốn làm cho nó đau, và nó đánh hòn đá để trả thù. Đó là thuyết vật linh, chính vì thuyết này mà 37 ta lẫn tượng với vật. Ta cho tên một người, cái áo người ấy mặc, và người ấy chỉ là một. Nếu ta đem tên người ấy ra nguyền rủa hoặc mang áo người ấy ra đánh thì người ấy sẽ phải nhục phải ốm (tục gọi tên ra chửi rủa, tục chài ngải của người Thổ, người Mường, chuyện Dự Nhượng Đả Long Bào...) Luật tham dự lại xui người ta thờ những con vật khỏe mạnh như hổ, báo, rồng, rắn để được gần những con vật ấy và được chúng tiếp sức mạnh cho. Đó là tục bái vật. Trong dân gian còn có tục kiêng nói động đến tên một người, sợ xúc phạm đến người ấy, kiêng làm bẩn giấy tờ sách vở vì sợ làm nhục đến thánh hiền, kiêng dẫm vào bóng nhau, kiêng mặc áo của nhau... cũng đều do sự nhận thức theo luật tham dự xui nên cả. * * * Nói tóm lại, luật nhân quả thần bí và luật tham dự là hai động cơ chính trong thể cách thần bí của người dân quê Việt Nam. Thể cách tinh thần này thường lại lấn áp bao trùm cả thể cách kinh nghiệm nói ở trên. Người ta không tin ở những vật có thật mà lại tin vào những ảo tưởng hư vô. Tinh thần người mê tín phần nhiều không chiếu thẳng vào những vật hiển nhiên, có thể trông thấy, nghe thấy, sờ mó thấy, di chuyển được; nó bàng bạc, lạc loài, theo đuổi những hình ảnh mơ hồ mà nó tự tạo ra trong những lúc vội vàng hoảng hốt. Con người vì thế bị mê hoặc, bị 38 rối mắt, không nhận thấy cái chân tướng của sự vật nữa. Và vì thế không biết và không kịp thích ứng tùy theo sự biến đổi của hoàn cảnh nữa. Hắn không đủ trí lực để giải quyết những vấn đề mới luôn luôn nảy ra trong đời sống. Hắn là một người lòa đứng ngay trong phạm vi hoạt động của một guồng máy quay nhanh. Hắn không rõ những bộ phận của guồng máy, không biết cử động thế nào cho khỏi hại, không dám cử động nữa: chỉ một tí nữa là đủ cho hắn bị những bánh xe răng cưa nghiền nát một bàn tay, một cánh tay hoặc lôi cuốn cả người hắn vào trong guồng máy. Trong sự hoạt động, hắn dò dẫm theo những vết chân người đi trước, hắn không dám mạo hiểm, vì không có sáng kiến. Đó là một kẻ hoàn toàn bất lực trong đời sống. Xét trong lịch trình tiến hóa thì tinh thần mê tín của dân quê ta là não trạng của loài người ở thời đại nông nghiệp sơ khai. Nó còn đứng trên não trạng của loài người thời thạch khí, mà nhà xã hội học Lévy Bruhi mệnh danh là não trạng thái cổ. Người thái cổ cũng hiểu biết theo hai luật nhân quả thần bí và tham dự, nhưng họ thiên về tục bái vật: thờ hòn đá, cái cây, con thú... chớ chưa tưởng tượng ra những vị thần linh khác. Và kinh nghiệm xác thực của họ còn thô sơ lắm, kể ngay trong phạm vi nghề nghiệp. Người thái cổ có một quan niệm rất mù mịt về hoàn cảnh xung quanh, hắn thấy mình bị vây ở giữa bao nhiêu sức 39 mạnh lộn xộn và độc ác. Hãi hùng quá, hắn phải tìm cách kết liên một cách trực tiếp (thờ một con vật che chở cho cả một đoàn thể: tôtem) hoặc gián tiếp (thờ bất cứ một vật gì để thêm vây cánh cho mình: bái vật). Hắn luôn luôn lo sợ, tìm cách tự vệ. Người mê tín ở xứ ta còn giữ lại một ít tập tục của người thái cổ ấy. Nhưng ta đã đi đến một tôn giáo đa thần bác tạp. Ta có thể mua chuộc được lòng những vị thần ấy bằng lễ vật, bằng những nghi lễ, tuy rằng không phải bao giờ những vị thần kiêu kỳ kia cũng sẵn lòng thương xót ta. Kể về mê tín tinh thần ta lại khác với những người tín ngưỡng ở một vị chúa tể - một vị thôi - của vũ trụ (như trong những tôn giáo độc thần Bà-la-môn, Hy-ba-lai, Hồi giáo). Những kẻ giáo đồ ấy cho mình là đồng thể với vị chúa tể của vũ trụ, họ dám tự tôn, tự phụ, họ sống yên ổn, vững vàng hơn. Tuy vậy, không thể phân thứ bực loài người theo sự mê tín. Không thể cho tôn giáo độc thần tiến bộ hơn tôn giáo đa thần được. Chứng cớ là trong đời Trung Cổ, dân Âu châu tín ngưỡng một tôn giáo độc thần, lại phát triển kém dân Hy Lạp, La Mã đời thượng cổ là những môn đồ của đạo đa thần. Điểm quan trọng nhất trong tinh thần con người là trí khôn, là lý luận, lý trí, cái ánh lửa nảy ra trong sự kinh nghiệm, trong sự giao động của các 40 giác quan với thực tế. Người dã man sở dĩ khác con người văn minh là vì tinh thần của người dã man đi vào con đường thần bí tối tăm. Ông Eleuthère Martin cho rằng: “Khoa học ngày nay là một giai đoạn rực rỡ của tinh thần. Con người đã chọn con đường kinh nghiệm mà đi. Loài người càng rút bỏ những mộng ảo thần bí bao nhiêu, càng ưa chuộng thực nghiệm bấy nhiêu, càng rèn giũa lý trí bao nhiêu thì càng tiến bộ bấy nhiêu.” Có thể nói rằng sự mê tín là một trở lực giam cầm con người trong vòng đời chật hẹp u ám. Và cái triển lực, cái động cơ tiến bộ và giải thoát của con người là thể cách kinh nghiệm. Chỉ buồn thay là ở người dân quê ta, những điều kiện vật chất và tinh thần trong sự sinh hoạt rất ác liệt, chỉ nuôi thêm khuynh hướng thần bí, và đè ép ngọn lửa rực rỡ của trí tuệ. Sang chương sau, ta thử xem ở một trình độ sinh hoạt rộng rãi hơn, bọn nho sĩ (cựu nho và tân nho) đã giải quyết vấn đề nhận thức của họ theo cách nào? 41 Chương III Óc hư ngụy Chúng ta tự phụ là một dân tộc hiếu học trong những văn hiến (những sách vở và nhân vật có trí thức). Dân chúng thường rất kính nể những người có học, không những là người có đỗ đạt hẳn hoi, mà cả người làm bạn với sách vở, hoặc có khiếu văn chương nữa. Chàng thư sinh nào cũng muốn được như Kim Trọng: “Văn chương nết đất, thông minh tính trời.” Hắn yên chí rằng đọc sách, làm văn là cái thuật duy nhất để thành người kiến thức, thông kim bác cổ. Vậy ta nay hãy xét xem bọn nho sĩ của ta đã thu lượm kiến văn như thế nào? Và sự nhận thức của họ mà họ vẫn cho là siêu việt hơn bọn nhà quê vô học - đã đưa đến cho họ những quan niệm gì về vũ trụ và về nhân sự? Muốn cho rõ rằng, ta có thể phân bọn họ ra làm hai loại: cựu nho và tân nho. Tuy rằng hai loại ấy xa cách trong thời gian mà vẫn giống nhau lắm lắm. 42 1. Trí thức của cựu nho Nói đến cựu nho tức là nói đến những môn đệ của Khổng giáo. Ở đây, ta không cần bàn đến bọn môn đồ kém cỏi mà người ta gọi là hủ nho. Ta hãy nói thẳng đến bọn nho sĩ chính thức vẫn mệnh danh một cách tự phụ là chân nho. Phải xét trí thức của họ, tức là cái thể cách tinh thần cao nhất của họ thì mới hiểu được thái độ đặc biệt của họ, mới phê bình được những giá trị luân lý mà họ thường nêu cao lên. Theo ông Trần Trọng Kim thì nho giáo là “một học thuyết có thống hệ và có phương pháp”3. Vậy cái phương pháp ấy là phương pháp gì? Và hệ thống ấy như thế nào? 1. 1. Phương pháp “Cái phương pháp của nho giáo thường dùng là phương pháp chứng luận, lấy thiên lý lưu hành làm căn bản. Nhưng phải biết rằng cái học thuật của ta thường hay chú trọng ở lối trực giác. Sự tư tưởng trong học thuyết cùng những phương pháp trong mỹ thuật, phải dùng trực giác mà xem cả toàn thể mới thấy cái tinh thần. Nếu dùng lý trí và suy xét từng bộ phận một thì thường không thấy gì cả”4. 3 Nho giáo - trang 26 4 Nho giáo - trang 26 43 Phương pháp ở đây chỉ là sự nhận thức. Sự nhận thức của nhà nho gồm có hai thể cách: chứng luận và nhất là trực giác. Chứng luận là thế nào? Là “phép suy nghĩ lấy thực tại làm chứng cứ” (từ điển Đào Duy Anh). Nhà nho đã nhận xét sự vật như thế nào và đã suy nghĩ những gì về những sự vật. Ở chương trên, ta đã thấy rằng phàm những hiện tượng trong khoảng trời đất mà có liên quan đến sự sống của loài người thì người đi săn, người đánh cá (thời thạch khí), người làm ruộng (nhất là người làm ruộng thời nông nghiệp sơ khai) đã ghi nhận hết cả một cách rất tinh vi. Nhưng vì sinh kế của họ eo hẹp quá, họ chưa đủ thời giờ để giải thích những điều mắt thấy tai nghe ấy. Những kiến văn của họ rời rạc và thường họ phải dùng luật nhân quả thần bí để giải thích tạm thời. Đến khi nông nghiệp đã tiến bộ, kỹ thuật sản xuất đã tinh xảo hơn thì sự phân công lại làm nảy ra một bọn người không phải làm việc bằng chân tay. Đó là bọn nhà nho. Bọn này (thường thuộc về hạng người cầm quyền) bèn tìm cách giải thích những hiện tượng thiên nhiên trên kia. Mục đích của họ không phải là để cải thiện nghề nghiệp như nhà nông, mà chính là để xây dựng một hệ thống tư tưởng có lợi cho họ. Họ cũng dựa vào những kinh nghiệm lâu đời của nhà nông, nhưng họ chỉ chắt ở đấy ra 44 những điều đại cương; họ cũng xem ngắm thiên nhiên nhưng không xét kỹ từng hiện tượng, mà chỉ cốt trông toàn thể các hiện tượng để rút ra một bài học về thế sự, về luân lý, về xã hội. Một hôm, Phu Tử đứng trên bờ sông ngắm dòng nước chảy mà than rằng: “Đêm ngày cứ chảy luôn luôn như thế mãi.” Ý Phu Tử nói cái đạo của trời đất cứ lưu hành như nước chảy không lúc nào nghỉ. Và ngài luận luôn rằng việc đời cái gì đổi cũng biến đổi luôn luôn, vậy người quân tử phải biết luôn luôn tùy thời mà thay đổi. Lại một chỗ ngài bảo: “Trời có hề nói gì đâu mà bốn mùa cứ đi, muôn vật cứ sống”5, ý ngài nói rằng trong trời đất đã có những phép màu nhiệm chặt chẽ thì người ta chỉ nên vâng theo trật tự của thiên nhiên, của xã hội chứ không nên tìm hiểu những lẽ bí hiểm làm gì. Đó là những cách chứng luận của Khổng Tử và hầu hết các môn đệ của ngài. Xem như vậy thì tuy nhà nho có chứng luận thực nhưng vì chứng cớ rất sơ lược, nên cách lập luận không tránh khỏi hàm hồ. Nhất là sau khi Khổng giáo đã thành thống hệ và đã đắc thắng rồi thì người ta cứ vin vào những sách vở và biện luận, không còn gì gọi là chứng luận nữa. 5 Ông Trần Trọng Kim dẫn ra trong Nho giáo, trang 103 45 Còn trực giác là thế nào? “Cái sáng suốt tự nhiên sẵn có trong người ta là lương tri hay là trực giác, tức là cái khiếu tri giác rất mẫn tiệp, xem xét cái gì có thể đạt ngay đến cái tinh thần và cái chân lý các sự vật.”6 Các nhà tâm lý học đời nay cũng công nhận có trực giác, nhưng đó chỉ là một thể hiểu biết rất khoa học chứ không phải là một năng khiếu dễ dàng. Không phải ai cũng trực giác. Tại sao nhà khoa học trực giác? nhà nghệ sĩ trực giác? Vì họ đã quan sát, cân nhắc, suy xét, cố gắng dùng phương pháp thực nghiệm trong bao nhiêu lâu để tìm hiểu sự vật rồi: trực giác chỉ là một biến thể đặc biệt của phép chứng luận, một phép chứng luận đanh thép và công phu. Sự chứng luận lỏng lẻo và vội vàng của nhà nho chỉ có thể đưa đến một trực giác lờ mờ, cái này lại dẫn ta đến những ức thuyết lầm lẫn hoặc mơ hồ7 không biết đâu mà kiểm điểm, chứng nghiệm. Nói tóm lại, cái phương pháp nhận thức của nhà nho là một phương pháp rất thô sơ, không thể đem dùng được. Sự đắc dụng của nó đã tạo nên cho chúng ta “một thứ óc chìm ngập trong những 6 Ông Trần Trọng Kim dẫn ra trong Nho giáo trang 107 7 Ví dụ thuyết Lý và Khí của Chu Hy, thuyết Âm Dương và khí hóa của các thầy lang ta... Đó chỉ là những mớ bòng bong rối rắm, không thể nào phân tích và chứng nghiệm được, đem áp dụng vào việc giải thích những hiện tượng hoặc vào việc chữa bệnh thì cũng chẳng có kết quả gì rõ rệt. 46 suy tưởng lờ mờ về đạo đức và nhuộm ít màu triết lý suông. Thứ óc ấy không bao giờ biết phân tích, biết lý luận: nó chứa đựng toàn những danh từ rỗng tuếch, toàn những ý tưởng cũ rích đã nhai đi nhai lại mãi. Trên cái nền tảng trí thức mỏng manh cằn cỗi ấy, tư tưởng của nhà nho bấp bênh và mập mờ, thiếu hình sắc, thiếu sinh khí, vô dụng.”8 1. 2. Thống hệ nho giáo Trong thống hệ nho giáo có hai phần: một phần lý thuyết cao xa gọi là hình-nhi-thượng học nói về cách quan niệm của nhà nho về trời đất, tức là vũ trụ quan; một phần thực hành gọi là hình nhi-hạ học nói về cách xử trí của chúng ta ở đời, tức là ở trong gia đình, trong làng xóm trong xã hội, trong quốc gia, trong nhân loại: đó là nhân sinh quan. Về vũ trụ quan của nho giáo, một nhà nho cự phách ở xứ ta, ông tú Phan Khôi đã phê bình sau này: “Đang thời đại của Khổng Tử, tư tưởng của loài người còn cạn và thấp lắm, Khổng Tử tuy có trí thức hơn thì nhân, nhưng về sự hạn chế của thời đại ấy nên cái vũ trụ quan của Khổng Tử còn mờ tối và yếu đuối lắm”9. Một nhà 8 Trong bài luận “Khoa học và người mình” của ông Nguyễn Xiển đăng trong báo An Nam, Nouveau ngày 29-12-1932. 9 Tao Đàn tạp chí, trang 963 (?). 47 học giả Pháp, giám đốc Cao đẳng Trung Quốc học viện ở Paris, ông Marcel Granet, đã nghiên cứu cái vũ trụ quan của Khổng Tử một cách kỹ càng hơn. Theo ý ông, vũ trụ quan ấy có hai phần: một là Đại Vũ Trụ gồm có trời (hình tròn), đất (hình chữ nhật) và nối liền trời với đất là Vua (hình trục tròn). Vua tức là đại biểu của loài người. Đó là thuyết tam tài (thiên - địa - nhân) của Tàu. Mỗi người chúng ta lại là một tiểu vũ trụ, cái này chỉ là phản ánh của Đại Vũ Trụ: ở chúng ta cũng có đầu tròn, chân hình chữ nhật và mình hình trục tròn. Ông còn nghiên cứu nhiều chi tiết nữa về hai cái vũ trụ ấy, rồi ông kết luận rằng: “Vũ trụ quan ấy chỉ là phản ảnh của sự tổ chức xã hội đời Xuân Thu. Nó không có giá trị gì, vì nó chỉ dùng để bênh vực một hệ thống luân lý cổ truyền.” Cái hệ thống luân lý cổ truyền này lại rất khe khắt, rất hẹp hòi. Tuy nó có lợi cho sự giữ vững chế độ xã hội quân chủ, song nó còn đè nén con người nhiều quá, làm thui chột hết những mầm phát triển trong thân thể, trong tình cảm, trong trí thức. Nhà nho là người mảnh khảnh, khô khan và câu chấp. Lại có những “nho sĩ cả đời đọc sách mà xử kỷ, tiếp vật lại không bằng đàn bà.”10 10 Nguyễn Trường Tộ, ông Nguyễn Lân dẫn ra trong quyển nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ. 48 Hiện nay, ở xứ ta, các nhà nho cũng không còn mấy người, và trí thức nho sĩ cũng không có địa vị như ngày xưa nữa. Chúng ta cũng không cần phải động tay mắm miệng mà đạp thêm vào một bức tường quá mục nát11. Chúng ta chỉ cần phải đề phòng những ảnh hưởng di truyền của trí thức ấy. Và nhất là phải chống lại sự bành trướng của một thể cách trí thức mới, do sự phối hợp của những căn tính di truyền kia với một lối Tây học sai lầm. Chúng ta cần vạch ra chân tướng của bọn tân nho. 2. Trí thức tân nho Tân nho là những ai? Là những người học chữ Tây, nhưng vì mục đích sự học kém nên không gọt dũa được những tính nết cựu nho di truyền. Họ không hấp thụ nổi cái tinh thần khoa học sáng sủa của người Âu. Tuy rằng họ cũng biết qua những môn khoa học trong chương trình nhà trường, họ chỉ mê mẩn về văn chương và những thứ triết lý duy tâm mơ hồ. Tôi đã có dịp lột mặt nạ của bọn nguỵ trí thức ấy trên một tờ báo phê bình. 11 Xem Khổng giáo phê bình tiểu luận của Đào Duy Anh, Quang Hải tùng thư ở Huế xuất bản năm 1938. 49 Đó là một lũ trọc phú, họ đã lần mò vào nhà trường, các thư viện (những nhà băng tinh thần) để vơ vét vào trong đầu những sản phẩm của văn học, khoa học, mỹ thuật, triết học Đông Tây. Họ biết, hay nói cho đúng hơn, họ nhớ nhiều lắm. Bao nhiêu sức lực của họ kéo cả lên đầu để làm “thần giữ của”. Vì thế nên họ khô khan, cảm xúc ít và hẹp hòi. Họ kiệt quệ, không hành động được. Họ chỉ sản xuất ra toàn một thứ văn chương rất kêu, rất bóng, rất rỗng, tỏ ra một tài nghệ hoàn toàn tiểu xảo. Những ý tưởng bã giả sặc mùi sách vở của họ, không động đến cái gì cả, nhất là không động đến sự yên vui của họ. Người ta đã ví họ như những con vẹt to đầu mà cẳng liệt, chỉ có thể dùng làm trò chơi trong những phòng khách của bọn trưởng giả học làm sang được thôi. Tuy vậy, họ cũng rất nguy hiểm, vì nhờ ở bằng cấp và ở địa vị xã hội của họ, họ hay gieo rắc những nhầm lẫn, đầu độc trí não người khác. Bọn nguỵ trí thức thường hay tự phụ là người có tinh thần cao thượng và có kiến thức sâu xa. Vậy thì tinh thần họ cao thượng đến bực nào? kiến thức họ sâu xa đến tận đâu? Tự phụ có tinh thần cao thượng là bọn người chuộng hư văn. Bọn này rất đông. Đó là những giáo sư ban văn chương ẩn mình trong tháp ngà ngoài những giờ phải tiếp xúc với học trò; đó là 50 những học sinh tự cho mình là có khiếu về văn chương; đó là những công chức có duyên nợ với văn chương và dùng văn thơ để lấp cái trống rỗng của một cuộc đời nhạt nhẽo; đó là những văn sỹ trụy lạc mượn cớ làm văn để trốn tránh sự phấn đấu hoặc để đi tìm rượu, thuốc phiện, đàn bà; đó là những độc giả ưa đắm mình trong những tiểu thuyết phong tình lãng mạn hoặc hoang đường quái đản để đi trốn đời sống thiết thực quanh mình... Họ viết gì? họ đọc gì? và họ nhận thức thế nào? Có thể nói hầu hết bị ảnh hưởng của văn chương Pháp, không phải là thứ văn chương cổ điển, sáng sủa, sâu sắc của Montaige, Racine, Pascal, Voltaire, Flaubert, Zola, P. Valery, G. Duhamel... mà của những thứ văn chương suy đồi, nhất là của phái lãng mạn phong tình hồi đầu thế kỷ thứ 19 (Lamartine, Musset); phái chán nản, trụy lạc (Baudelaire, Verlaine...); phái ưu du hồi đầu thế kỷ này (Dekobra, Geraldy, Gide...) Xét trong văn chương hiện đại của ta, từ Tố Tâm, Giọt lệ thu... đến những tiểu thuyết diễm tình của Tự Lực Văn Đoàn như: Hồn bướm mơ tiên, Đời mưa gió, Lạnh lùng; từ những điệu thơ ẻo lả của Lưu Trọng Lư, Thế Lữ... đến trường thơ tượng trưng tối mò của đám Xuân Thu... ở đâu ta cũng thấy vết tích của những tinh thần rối loạn, yếu đuối, chập choạng, ở đâu cũng chỉ là những câu văn vỗ về những nỗi lòng đau đớn, tê tái, để đào 51 sâu mãi những vết thương xuống, để tận hưởng cái say sưa liều lĩnh của những tâm hồn chán nản muốn rã rời, muốn tiêu diệt. Thứ văn chương uỷ mị ấy gây nên ở trong xứ một không khí tinh thần nặng nề, mờ ám, một khuynh hướng duy tâm rất tai hại, nó làm cho óc thực tế bị thui chột, không nảy nở được, và những năng lực hoạt động tàn lụi đi hết trong sự mơ mộng vẩn vơ. Muốn hình dung cho rõ cái não trạng suy đồi ấy, tôi mời các bạn thử đọc qua đoạn văn này của một thanh niên trí thức vào “hàng xuất sắc” trong làng Tây học. “Tất cả hương thơm của bao nhiêu năm niên thiếu mơ mộng trên hè đường. Ánh nắng cười trong lá cây đã hương xanh mơn mởn, cỏ xanh, con đường xinh xinh. Hoa sấu, hoa xoan, hoa gạo khóc buồn, hi vọng, tin yêu và Phương Anh hẹn hò một tình yêu vĩnh viễn.” “Sông chảy đá mòn, hôm nay lữ khách cô độc một mình ngồi trên mỏm đá ngắm dòng suối chảy hòng tìm thấy bóng tiên nga. Trên bờ cỏ này, tôi cùng Phương Anh dắt tay nhau cùng đi, yên lặng trong cảm động, trông thấy đào nở, mặc dầu không có hoa đào.” “Trên bờ cỏ này, tôi đã tìm thấy vũ trụ trong đôi mắt nàng, đựng say đắm của muôn phương và muôn thuở. Cõi bồng lai đã ở bên bờ suối này.” 52 “Hôm nay, sương lam phủ mặt nước, chim vỗ cánh tới những chân trời xa lạ, cánh hoa đã rạt bên bờ. Hồn tiên nga chỉ còn rớt lại trên cành liễu...” D. G. T Juin-Novembre 1942 (Trích báo Thanh Nghị 16-12-1942) Thật là bi thiết! Thật là văn vẻ! Thật là cao xa! Thật là huyền bí! Nhạc điệu ấy, mộng ảnh ấy, tài hoa ấy, thật là không kém gì chàng thư sinh ngày xưa: “Phong tư tài mạo tuyệt vời Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.” (Nguyễn Du) Thực là không hổ với những bậc thầy bên phương Tây như: Verlaine, Geraldy, Gide... Chỉ có điều đáng buồn là cái tinh thần ấy mập mờ loạn xạ, ốm yếu. Tôi không phản đối văn chương và nghệ thuật. Song nếu văn chương và nghệ thuật làm cho trí não con người sa đoạ đến thế thì thà không có còn hơn. 53 Tinh thần bị sa đọa đó là số phận chung của phần đông thanh niên Tây học chúng ta. Ông Đào Duy Anh đã có lần vạch rõ tình trạng ấy trong tập “La culture et nous” của nhóm Responsable xuất bản ở Huế tháng 7 năm 1979: “Thanh niên trí thức ta quả quyết hướng về Tây học. Họ bị choáng mắt về những vẻ rực rỡ của văn hóa Tây phương, họ xô nhau vào để thưởng thức một cách say mê. Nhưng hình như họ không hấp thụ được những tinh hoa, mà chỉ hái được những bông tàn úa. Họ tưởng rằng giá trị tinh thần là ở những cái gì cao xa, mơ hồ. Đó là những kẻ hãnh tiến trong phạm vi tri thức, họ trốn tránh được cái thực tế đau đớn ở quanh mình họ. Một tín đồ của văn hóa Địa Trung Hải (Nguyễn Mạnh Tường) lại còn phê bình trí thức Đông phương cho là cái trí thức này không bám rễ vào mặt đất hay bay lởn vởn ở trên mây như say rượu. Thiết tưởng, lời kết án ấy cũng xứng đáng cho cái thứ văn hóa Tây phương mà thanh niên ta đã kiêu hãnh vồ vập lấy, bởi vì cái văn hóa ấy đã thành ra một mớ trí thức rỗng tuếch, hết sinh khí, mà ở ngay bên Tây, người ta đã ruồng bỏ rồi (xin đọc Emmanuel Berl, M. Martinet, J. Richard Bloch, Denis de Rougemont, Henri de Man...)” Trên đây, Đào-quân chỉ mới nói đến bọn Tây học quá ham mê văn chương mà quên rèn luyện trí não. Ngoài ra, lại còn 54 những độc giả trung thành của Platon, Aristote, Socrate, Thomas d'Aquin, Erasme, Malebranche, Spinoza, A. Frahce, Nietzsche, Bergson..., bọn trí thức mê mải về những môn triết học duy tâm. Những thứ triết học thuần lý này rất thích hợp với cái não trạng lờ mờ mà ta đã thừa hưởng của nhà nho ngày xưa. Họ bị lạc lõng, bị chìm ngập trong những lý thuyết duy tâm và không tưởng. Họ sao nhãng khoa học và chỉ quanh quẩn trong vòng triết lý siêu hình, nó làm cho ta cứ mờ ám dần, không còn thấy gì, hiểu gì nữa. Tại sao vậy? Lẽ ấy rất dễ hiểu, vì ngày nay, không những triết lý duy tâm, ngay đến môn triết học mà chúng ta nhìn bằng con mắt kính phục, ngay đến triết học cũng đã quá thời, đã bị đào thải rồi. Ngày nay chỉ có những ngành của khoa học, những môn học xây dựng trên nền tảng vững chãi của khoa học. Những nhà triết học xuất sắc nhất ở châu Âu bây giờ như Bertrand Russel, Moritz Shlick, Paul Oltramare, Hans Reichenbach, Rudolf Carnap... chỉ là những nhà khoa học chuyên môn nghiên cứu về sự luận lý, sự nhận thức của loài người. Ngay đến luận lý mà ta vẫn cho là một chi nhánh của triết học, nay cũng chỉ là một khoa học, một khoa học mới dựa vào hai khoa tâm lý học và xã hội học. 55 Những danh từ triết học, triết lý nay đã mất hết ý nghĩa cũ rồi. Nếu có thể dùng hai chữ “triết học” thì đó chỉ là “một thái độ tinh thần để hướng dẫn ta trong sự hoạt động”. Ngoài ra, chỉ là những cuộc bàn cãi về chữ, không có ích gì cho sự rèn luyện trí não, không làm nảy ra một tư tưởng nào có giá trị. Gần đây, có lẽ vì thất vọng trong sự chạy theo triết lý duy tâm của Âu-Tây, thanh niên lại quay về nghiên cứu tư tưởng phương Đông. Chúng ta tìm hiểu Nho giáo, Mặc giáo, Lão giáo, Phật giáo, Vương Dương Minh, Tagore... Chúng ta muốn dùng cái trực giác phi thường của nhà đạo học để đạt chân lý! Thì đây, một kết quả rõ rệt: “Trí thức là gì? Thế nào là kẻ trí thức? Làm sao tới được trí thức?...” “Trí thức: gốc cây ta, đầy nhựa thơ, hút nhận nhạc của đất trời, để trổ sinh bao điệu thắm tươi, những bông sáng tạo dâng lên bàn thờ Đạo lý - lẽ sống trong đời.” “Cuộc sáng tạo đầu tiên của bậc trí thức là: tự tạo. Tự tạo trong một tiếng trúc-ty, trong một giây cảm hứng. Tự tạo trong một đợt tình trác tuyệt, khi hồn tan trên một nét anh đào. Tự tạo trong một thể ‘nhập thiền’, trong một ‘đường thánh giá’. Tự tạo trong một 56 ngọn cỏ đùa, trong một cánh hoa nắng giỡn, trong một bức tranh, trong một ngọn tháp, trong một niềm vĩnh biệt cũng như trong một phút lâm chung!”12 Thật là cả một bài thơ gọt giũa và du dương để mô tả cái cảnh hỗn độn, mờ tối, ẩm thấp của những tinh thần ốm yếu, rã rời. Có thể nói đó là một quái thai của thời đại trong phạm vi trí thức. Chúng ta đã điểm qua mấy thứ tinh thần của mấy bọn nho sĩ. Những thứ tinh thần ấy, tuy có khác nhau ít nhiều trong chi tiết nhưng vẫn có hai đặc tính chung: hư và nguỵ. Hư là không căn cứ vào sự thật, không có thật. Tinh thần nho sĩ không chiếu thẳng vào thực tế. Giác quan nho sĩ không nhận đúng chân tướng của sự vật. Trí não nho sĩ tạo ra những ảo tưởng để nâng đỡ, an ủi cái tinh thần bạc nhược của nho sĩ. Ngụy là làm sai sự thật, là lập luận một cách cố chấp theo cái sở thích riêng của mình, không kể gì đến ngoại vật. Nho sĩ đã nhìn sai, lại suy luận một cách quay quắt, cố tình tạo ra một hệ thống tư tưởng để che đậy tâm trạng mình, để chống đỡ địa vị mình. 12 Xuân Thu nhã tập - trang 63, 66, 67 57 Óc hư nguỵ là tinh thần chủ quan của nho sĩ. Kể về mê tín thì nho sĩ cũng mê tín như người nhà quê vô học, không phải mê tín thần thánh, mà mê tín những lý, những khí, những thái cực, những lẽ chí thiện, những hình ảnh mỹ miều, mộng ảo, những lý thuyết siêu hình không tưởng... toàn là những điều không thể quan sát kiểm điểm, chứng nghiệm được. Kể về thực dụng, thì óc nho sĩ lại kém tinh thần thô sơ của người làm ruộng. Vì người này tiếp xúc thẳng với sự vật, biết rõ những hiện tượng quanh mình, và dám làm theo những điều mình biết. Nho sĩ, trái lại, nhiều khi không dám làm theo điều mình nghĩ, không dám thực hành điều mình đã học. Chính vì thế mà “ở xứ ta, những người gọi là hay chữ lại ngu dốt và những người nhà quê vô học lại có kiến thức.” (Đặng P. Thông, trong tập La Culture, tr. 7) Nguyên nhân tình trạng ấy ở đâu? Ngày xưa thì rất dễ hiểu. Nho sĩ chỉ là một bọn ăn không ngồi rồi, sống trên lưng những người làm ruộng, và đi phụng sự những kẻ mạnh để giữ nguyên địa vị an nhàn. 58 Gia dĩ, nền tảng xã hội nông nghiệp của ta trải qua bao nhiêu thế kỷ không thay đổi, nên thế lực nho sĩ vẫn tồn tại. Một mặt khác, chế độ khoa cử là một cách lung lạc nho sĩ rất thần diệu. “Người nào có lọt được vào vòng khoa danh thì mới được ra làm quan phò vua giúp nước, và được tham gia vào sĩ phiệt, còn ngoài ra, dù thiên tài lỗi lạc đến thế nào cũng không thể thi thố vào đâu. Muốn lọt vào vòng khoa danh thì phải theo đúng những điều hạn chế của chế độ khoa cử ấy, tức nghị luận không được trái với Trình Chu, và làm văn phải theo thể thức bát cổ, đó là không kể bao nhiêu điều bó buộc khác mà người ta gọi chung là trường quy. Bởi vậy, kẻ sĩ phu chỉ cần học thuộc lòng mấy bộ sách Tứ Thư Đại Toàn, Ngũ Kinh Đại Toàn, Tính Lý Đại Toàn chứ không cần học thêm gì nữa. Đến khi làm văn thì sẵn tư tưởng trong sách rồi, kẻ sĩ phu chỉ cần lựa những chữ sáo cho xứng, đặt những câu cho đối, hễ đọc lên nghe kêu mà không trái với nghĩa sách là được, chứ không cần có tư tưởng chính xác. Người nào có khiếu lỗi lạc, dám nghị luận theo tư tưởng của mình, hoặc dựa theo nhà khác mà nghị luận sai với Trình Chu thì bị kết cái án tà thuyết, tà đạo mà phải hỏng. Bởi vậy, văn chương của các bậc khoa danh nước ta xưa đều là văn chương có vỏ mà không có ruột, thật khó tìm cho ra một áng văn có tư tưởng chính xác và cảm tình chân thực.” (Đào Duy Anh, Khổng giáo phê bình, trang 120). 59 Còn ngày nay, chúng ta đã tiếp xúc với văn minh khoa học Âu châu trong hơn nửa thế kỷ và sự sinh hoạt xã hội cũng đã thay đổi ít nhiều, vậy mà sao bọn tân nho chúng ta bây giờ cũng không tiến hóa biến đổi? Một nguyên nhân chính cũng là ở sự học để đi thi. Nếu ngày xưa có những sách để học thuộc lòng thì giờ cũng thế. Ở chương trình thi Tú Tài cũng có những sách trích yếu về văn học, triết học, vật lý học, hóa học... Phần nhiều học sinh ta chỉ cốt học thuộc mấy quyển sách trích yếu ấy để làm bài thi hoặc để trả lời cho xuôi trong lúc vấn đáp. Cái học ấy làm cho trí não cằn cỗi, làm cho ta ghét sự học, và nhất là làm cho ta ngộ nhận giá trị của văn hóa Tây phương - một thứ văn hóa rất linh động, rất phiền tạp, rất rộng rãi. Cái văn hóa này chỉ có những người khi được trực tiếp với cách tổ chức công nghệ mới, hoặc trực tiếp với các nhà khoa học Âu châu, mới nhiễm được ít nhiều, đó là những phần tử cấp tiến nhất trong xã hội về phương diện trí thức. Sang chương sau, chúng ta sẽ nghiên cứu cái tinh thần của những người may mắn này. 60 Chương IV Óc cơ giới Chúng ta đã thấy rằng óc mê tín và óc hư nguỵ cùng là con đẻ của một xã hội hoàn toàn xây dựng trên nền tảng nông nghiệp. Hai thứ óc ấy tùy thuộc vào hai loại người sống khác nhau, song cũng đều phản chiếu đúng một tình trạng chung, cũng đều có những đặc tính giống nhau. Trong lúc nhận xét sự vật, trong lúc sử dụng việc đời, người nhà quê vô học và nho sĩ đều lầm lẫn như nhau. Họ dựa vào thần thánh, ma quỷ, trời phật, hoặc vào linh hồn, vào đạo, vào lý... vào những cái không thể chứng nghiệm được. Họ dùng những ảo tưởng của tinh thần để giải thích mọi hiện tượng. Cách lập luận quá đản dị ấy đã đưa họ đến những kết quả rất buồn mà ai cũng biết. Chúng ta ngày nay điều trông thấy rõ đó là những thể cách tinh thần của một thời đại cổ sơ, không thích hợp với cuộc sống hiện tại nữa. Đồng thời, sự mở mang giao thông, sự phát triển công nghệ, sự đột nhập của một văn hóa mới... làm chúng ta chóng mặt, hoảng hốt, sợ hãi... Chúng ta cảm thấy rằng trong cuộc đời mới phải có một tinh thần mới. Và chúng ta cùng nhau đi tìm cái tinh thần 61 mới ấy. Ta chưa biết rõ hẳn nó là cái gì, ta chỉ biết rằng nó kết tinh lại ở một ít người đã được tiếp xúc thẳng với cuộc đời mới. Đó là những nhà doanh nghiệp và những kỹ sư chuyên môn. 1. Óc doanh nghiệp Những người doanh nghiệp đầu tiên ở xứ ta không học ở nhà trường mấy. Nhưng họ học trường đời rất nhiều. Họ không phải là con nhà nho sĩ nhưng phần nhiều họ là những dân quê, vì sinh kế eo hẹp, phải bỏ quê hương làng xóm ra các nơi thành phố lớn để kiếm ăn. Nhờ thế mà họ rút được dễ dàng những thành kiến nặng nề ở thôn quê, và họ cũng không bị nho học bó buộc nữa. Họ ra đời với một khối óc trong trẻo, mạnh mẽ tuy rằng còn ngờ nghệch vụng về. Chạm trán với sự nghèo đói, sự cực nhọc, sự áp bách, sự man trá, họ thay đổi chóng lắm. Họ vẫn giữ nguyên thói cần mẫn của người làm ruộng, nhưng họ lại thêm sắc sảo, thêm gan dạ, thêm khôn ngoan, thêm tháo vát nhanh nhẹn. Quan niệm của họ về cuộc đời rất thiết thực. Họ không nghĩ vẩn vơ như khi còn ở bên những lũy tre xanh, họ trông rõ thấy xã hội là một guồng máy lớn, quay rất đều và rất nhanh. Họ nhận thấy cái giá trị tuyệt đối của đồng tiền trong xã hội ấy, và họ đi tìm đủ mọi cách để làm ra tiền: đi làm thợ, đi làm mại bản, đi buôn, mở công nghệ, đi thầu đê, thầu đường, thầu thuế đò, thuế chợ... không nghề gì là họ không dám làm. Được gần gũi các nhà tư bản 62 ngoại quốc, họ lại học thêm được những mánh khóe nhà nghề, những phương pháp để thành công, những đức tính của nhà doanh nghiệp sành sỏi: chỉ dựa vào kinh nghiệm, vào thực tế để suy luận, có trật tự trong đời sống, biết tổ chức mọi việc, vừa gan dạ vừa mềm mại, kiên nhẫn mà liều lĩnh, hiểu thời thế, hiểu nhân tâm, không chịu lùi trước một cách nào có thể đưa đến chỗ thắng lợi, gạt tất cả mọi thứ tình cảm, mọi thứ thành kiến cản trở trên đường tranh đấu, luôn luôn cố gắng thay đổi chiến lược để thích ứng với hoàn cảnh. Tất cả những nết ấy tạo ra cho họ một tinh thần đặc biệt khác hẳn với tinh thần của người nhà quê và của nho sĩ. Tinh thần ấy có ba tính cách rõ rệt: 1. Thiết thực 2. Hoạt động 3. Có phương pháp Hơn nữa, họ lại thích nêu ra những phương pháp trục lợi của các nhà triệu phú Âu Mỹ (Taylor - Ford - Krupp), thuyết cạnh tranh tiến hóa và luật tự nhiên đào thải của Darwin để bênh vực những hành vi của họ. 63 Bên cạnh những nho sĩ hiền lành và suy nhược, họ nổi bật lên thành những nhân vật anh hùng, có một thân hình vững chắc, một trí tuệ sắc sảo, một nghị lực quật cường. Đó là hình ảnh của một bọn thượng lưu mới. Tuy nhiên, chúng ta không nên để lóa mắt vì các thế lực bên ngoài của một bọn người mà thời cuộc đã nâng lên một địa vị xã hội quan trọng. Chúng ta cần soát lại cái giá trị tinh thần của họ để xem rằng họ đã vứt bỏ những cùm xích mê tín và hư văn như thế nào. Họ đã phấn đấu để tự thích ứng với phong hội như thế nào? Và cái óc doanh nghiệp của họ rộng rãi đến đâu? Sáng suốt đến đâu? Có thể coi là một khuôn mẫu đáng theo cho bọn thanh niên chúng ta không? Vậy ta hãy phê bình ba tính cách cốt thiết của óc kinh doanh nói ở trên. 1. 1. Thiết thực hẹp hòi Các nhà kinh doanh ở xứ ta trông rõ sự thực lắm, nhưng đó chỉ là sự thực trong phạm vi nghề nghiệp, trong phạm vi kinh doanh của họ. Ví dụ, họ biết nhận rõ các mặt hàng; họ biết điều khiển những máy móc họ dùng; họ biết rõ tâm lý những người làm công với họ; họ biết rõ những tính cách lợi hay hại của mọi người và mọi vật trong phạm vi hoạt động của họ. Nhưng chỉ có 64 thế thôi. Ngoài ra thì họ cũng mù mịt như những người khác, không hiểu gì cả. Họ thiếu một nền học vấn cần thiết: họ không được học qua các ngành khoa học, nên khi trông ra ngoài vòng nghề nghiệp của họ thì họ lại không thiết thực nữa. Trong lúc kiếm tiền thì họ rất sắc mắc13, nhưng đến khi bị ốm đau, bị thất bại là họ đâm hoảng hốt, mất hết trí sáng suốt ngay. Họ bị bọn thầy thuốc tham lam bóc lột, họ bị bọn thầy tướng, thầy số lường gạt, bởi vì họ không biết một tí gì về sinh lý học (để hiểu qua tại sao mà mình ốm), họ không biết một tí gì về xã hội học để hiểu qua tại sao mình thất bại. Ở cuộc đời rộng rãi mông mênh quanh họ, họ chỉ trông thấy, chỉ biết có một khu vực của họ. Họ lại không chịu rèn luyện cho họ một trí thức phổ thông để tự hướng dẫn trong các ngành sinh hoạt, họ thiếu hẳn óc phê bình, tuy rằng họ là những người tính toán rất nhiều. 1. 2. Hoạt động trục lợi Nhà kinh doanh là một người nhiều mưu lược, nhiều sáng kiến, họ suy nghĩ rất kỹ càng về những cách thi hành chương trình của họ. Họ không làm cái gì liều lĩnh, cẩu thả bao giờ. Trước khi làm một việc gì, bao giờ họ cũng nghiên cứu, dò xét cẩn thận; họ 13 Sâu sắc. (BT) 65 giải quyết mọi vấn đề như là những bài toán; họ gạt ra hết các tình cảm mà chỉ dùng trí rất thiết thực và can đảm; họ dám dự tính hết các trường hợp hay hoặc dở có thể xảy ra sau khi họ đã bắt tay vào việc và đã có sẵn những cách đối phó thích hợp. Nói tóm lại, trí não nhà kinh doanh hoạt động luôn luôn và có khi sáng suốt một cách phi thường: họ trông rõ thấy những mối lời, trong khi người thường không trông thấy gì cả hoặc lại tưởng là những mối hại. Chỉ có một điều đáng phàn nàn là trí tuệ nhà kinh doanh chỉ dùng vào có một việc: trục lợi, trục tư lợi. Chính vì họ chuyên chú quá vào mục đích không lấy gì làm to rộng lắm cho nên nhiều khi tầm mắt của họ cũng rất ngắn ngủi, sự nhận xét của họ rất dễ sai lầm, thiên lệch. Tệ hơn nữa là cái tinh thần của họ hướng mãi về một chiều, rồi sau có thể sinh ra mụ mẫm, cằn cỗi. Đem một nhà kinh doanh đặt trước một cảnh thiên nhiên, một bức tranh, một pho tượng, hay một cảnh xã hội lầm than rất thương tâm, hắn không trông thấy gì hết, không cảm thấy gì cả: cả một phần lớn tinh thần của hắn đã bị tiêu diệt đi trong sự trục lợi rồi. 1. 3. Phương pháp câu nệ Ta thường cho rằng nhà kinh doanh có phương pháp trong lúc hành động (có trật tự, biết tổ chức). 66 Song, phương pháp của nhà kinh doanh ta chỉ là những phương pháp nhà nghề, những lề lối cũ nhắc lại đúng nhịp. Khi nào gặp một sự khó khăn mới thì theo mấy phương pháp kia lại sai lệch ngay. Ông kỹ sư Đ. P. Thông đã vạch rõ chỗ khác nhau của nhà doanh nghiệp ít học với nhà chuyên nghiệp thông hiểu: “Phương pháp nhà nghề chỉ là một mớ lề lối, một mớ mánh khóe chỉ thi hành được trong những trường hợp nhất định: nhiều khi nhà nghề vì muốn làm đúng như cựu lệ lại đem làm lạc cả công việc đi và giải quyết các vấn đề một cách cưỡng ép không hợp. Nhà nghề chỉ biết nhớ và lặp lại những thói cũ; nhà chuyên môn phải biết tùy trường hợp mà thay đổi thích ứng.” Muốn thấy cái khuyết điểm trong phương pháp của nhà kinh doanh ta, ta xem cách họ xử đối trong gia đình, giải quyết những vấn đề tình cảm, những vấn đề xã hội. Đứng trước những trường hợp khác hẳn với khi trục lợi, họ bỡ ngỡ không biết xử sự như thế nào. Người rất gian hùng trong công việc làm ăn mà không thu xếp xong những sự lục đục trong gia đình. Đó là tại tinh thần của họ bị bó vào những lề lối trục lợi rất chật hẹp, không thể gọi được là những phương pháp. Nói tóm lại, óc doanh nghiệp tuy rằng là thứ tinh thần khá cấp tiến trong xã hội ta, nhưng xét cho kỹ thì cái tinh thần ấy có 67 nhiều vẻ cục súc, ích kỷ, tàn nhẫn như một guồng máy khổng lồ chỉ lăm le nuốt lấy nhiều nguyên liệu vào mình. 2. Óc chuyên môn Cao hơn một bậc nữa là tinh thần những người học chuyên môn trong các trường cao đẳng như: kỹ sư cầu cống, kỹ sư mỏ, điện, hóa học, y khoa bác sĩ, luật sư, nông lâm bác vật, kiến trúc sư, cán sự chuyên môn... những người này có một nền học phổ thông khá rộng trước khi chuyển hẳn về một ngành khoa học. Họ đã được gần những nhà khoa học chân chính, họ đã rèn luyện, tập sự lâu năm trong các phòng thí nghiệm, trong các xưởng máy, trong các thư viện chuyên môn; họ hiểu thấu những lý thuyết căn bản trong sự thực hành của họ. Trong khi học tập, họ đã nhiễm được nhiều nết tốt của các nhà khoa học: óc thực nghiệm, óc phê bình, tính kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong sự nhận xét; sự độ lượng; sự phán đoán; tính kiên nhẫn, tính chuyên cần trong sự làm việc, và đôi khi, một lòng mong mỏi đi tìm chân lý. Với sở học của nhà chuyên môn, lẽ tất nhiên là họ chiếm được những quyền lợi và địa vị to lớn trong xã hội. Đúng như lời ông Tạ Quang Bửu trong bài Sciences Cultures: “Trong tình trạng chính trị và trí thức xứ Đông Dương ta, nàng khoa học nuôi sống các môn đệ của nàng một cách dồi dào. 68 Nhưng, khoa học nuôi sống các nhà chuyên môn là một chuyện, và khoa học có nuôi sống tinh thần các nhà chuyên môn không? Đó lại là một câu hỏi quan trọng hơn. Chúng ta muốn biết rằng những nhà chuyên môn có đặc thù được ưu đãi ấy đã nhờ khoa học để tự luyện cho mình một tinh thần như thế nào? Đứng trước những vấn đề sống của xã hội, ngoài phạm vi chuyên môn của họ, họ nghĩ như thế nào? Giải quyết như thế nào? Trí tuệ của họ có một thể cách tác động khác nhà thầu khoán, khác nho sĩ, khác với người nhà quê vô học như thế nào? Bởi vì công việc chuyên môn nhiều khi không đủ định giá trị con người, nhất là người trí thức không thể nào chỉ nghĩ đến mình, chỉ sống cho mình được. Nếu chỉ đứng trong phạm vi nghề nghiệp thì tôi thấy ông kỹ sư hóa học làm công đang cặm cụi pha thuốc theo y lệnh của ông chủ cũng không khác gì anh lang băm ngày xưa dùng cách thổi vào rốn bệnh nhân để chữa bệnh đau ruột.” (Tạ Quang Bửu) Hai nhà chuyên môn ấy đều chỉ theo đúng những mánh khóe nhà nghề và không có sáng kiến, có tinh thần gì đặc biệt cả. Đã lâu lắm, chúng ta vẫn lầm khoa học với máy móc, chúng ta vẫn cho là ông kỹ sư, ông bác sĩ tất nhiên phải là những người có óc khoa học. Vậy chúng ta hãy nghe lời thú nhận của một thanh niên tân học đã từng lăn lộn trong các phòng thí nghiệm trứ danh bên Pháp: 69 “Ở một xã hội cao hơn, tôi nói cao hơn theo thói thường mà thôi, đối với những người kỹ sư và những người xuất thân ở các trường cao đẳng ra thì khoa học chỉ là một kỷ niệm, kỷ niệm của cuộc đời niên thiếu đã qua hẳn rồi, kỷ niệm những đêm thức khuya để học thi, những ngày bụng thường đói và mặt đầy trứng cá, những buổi hành lạc điên cuồng ở xóm La Tinh... Buổi niên thiếu ấy qua rồi thì khoa học cũng chết theo luôn.” (Tạ Quang Bửu) Ngày nay, mọi người thấy rằng sự học chuyên môn như trước không đủ tạo cho chúng ta một óc khoa học, một tinh thần mới, nó biến chúng ta ra một người khác, nó mở rộng đời sống của ta ra như lòng ta muốn. Ông Nguyễn Xiển cho là tại gánh trí thức di truyền của ta nặng quá nên ta không sao vượt lên đến khoa học được. Trong báo Annam-nouveau ngày 1er Janvier 1933, ông viết: “Vào trong thư viện Henri Poincaré ở Paris, khi tôi ngắm nghía những ngăn sách dành riêng cho những tùng san về toán học của Ấn Độ và Nhật Bản, khi tôi đọc những thiên khảo cứu của các nhà bác học Á Đông thì tôi cũng hăng hái muốn có hai cánh mà vùng vẫy cùng người trên cõi học cao rộng. Nhưng những tính cách di truyền để lại tự bao nhiêu thế kỷ đè trĩu trên vai tôi, và tôi không cất đầu lên được nữa.” 70 Lại mới gần đây trong tập La culture et nous (xuất bản ở Huế năm 1938), ông Đặng Phúc Thông đã công nhận rằng cái học chuyên môn không đủ đào luyện trí thức cho ta. Ông phân biệt rõ ràng nhà nghề với nhà chuyên môn có sở học, và ông nêu ra một nền học nhân bản để tránh cái hoạ tinh thần tê liệt do sự chuyên nghiệp thiên lệch gây ra. Ông cho rằng nhà chuyên môn có một trách nhiệm xã hội quan trọng: làm trung gian giữa thế giới tư bản và thế giới lao động. Vậy thì nhà chuyên môn phải hiểu tâm lý nhà tư bản và tâm lý người thợ để dàn hòa hai bọn ấy. Nhà chuyên môn phải có một nền học nhân bản của kỹ sư. Thiết tưởng cái nền học nhân bản của nhà kỹ sư này, những nhà kinh doanh vô học nói ở trên đã có thừa, và nếu óc những nhà chuyên môn bị tê liệt tinh thần, không phải là tại họ không hiểu tâm lý nhà tư bản và thợ, mà chính tại họ đã học khoa học một cách thiển cận quá. Họ quên rằng tinh thần của nhà khoa học cao rộng hơn cái trí thức của nhà kỹ sư chuyên nghiệp (tuy đanh thép và tinh vi, nhưng hẹp hòi thấp kém). Và khoa học không phải chỉ là những máy móc, những tính toán, những đo lường, phạm vi của khoa học bao quát hết cả những hiện tượng có quan thiết hoặc không quan thiết đến đời sống của loài người. 71 Thường họ chỉ chuyên về toán học, vật lí học và hóa học, họ ít khi khảo sát đến sinh lý học, tâm lý học, và nhất là xã hội học - là những khoa học cũng đanh thép, cũng tinh vi như những khoa học khác, lại còn mở rộng trí khôn và tinh thần con người ta rất nhiều nữa. Họ không vượt ra khỏi cái vòng nghề nghiệp, quyền lợi và hạnh phúc riêng tây của họ. Họ không nhận thấy cuộc sống quanh họ, một thực tế đầy đau khổ, đầy cố gắng, sôi nổi vì những nguyện vọng tha thiết. Vì là kỹ sư, họ quên hẳn mất họ là những người không thể nào tách ra ngoài nhân loại được. * * * Xét kỹ ra, sỡ dĩ cái tinh thần của nhà doanh nghiệp và của các kỹ sư không được rộng rãi và linh hoạt là vì những người ấy chỉ mới trông thấy cái phương diện hẹp hòi yên lặng, thô sơ của khoa học. Đối với họ, khoa học chỉ là máy móc. Bị khuôn vào đó, tinh thần của họ quá thiên lệch, họ nhận xét suy luận một cách giản tiện quá, cục cằn quá, “toán pháp” quá. Khối óc của họ giống in một cái máy, chỉ có cử động mà không rung động. Về mặt thực hành (trục lợi và chuyên môn) không phải là họ không có giá trị. Song sự sinh hoạt của họ không có ảnh hưởng mấy trong cuộc tiến hóa của xã hội, nhất là trong phạm vi tinh thần. 72 Luận về địa vị của khoa học trong xã hội ta, ông Bửu (mà tôi phải nhắc đến luôn luôn vì ông là người thành thực nhất) đã phải nói: “Cái khoa học tê liệt ấy đầy rẫy ở trong các công xưởng ta, ngự giá ở trong các trường học ta. Nó hiến cho các ngài giáo sư, các ngài kỹ sư và cho biết bao nhiêu bậc tai mắt trong xã hội những địa vị thuận tiện, nhưng đó là những tai điếc, mắt lòa, những tai lừa, mắt chuột chũi, không ngửi thấy, không trông thấy cái cảnh bi thương của một nền trí thức thối nát.” Như vậy tỏ ra rằng trong sự đào luyện tinh thần của ta, cái địa vị của khoa học cho đến ngày nay cũng hãy còn nhỏ quá. 73 Chương V Óc mô-lăng Ở những chương trên, chúng ta đã tách bạch ra mấy thể cách tinh thần, mấy thứ óc, mỗi thứ có những đặc tính riêng biệt. Sự thực, ở trong xã hội ta, một xã hội bán khai, đang ở vào thời kỳ hỗn tiến, ít khi ta gặp những thứ óc thuần tuý trên kia. Phần nhiều, ba thứ ấy pha trộn với nhau tạo ra hằng bao nhiêu thứ óc khác nhau tùy theo địa vị xã hội và học vấn của từng người. Những thứ óc hỗn hợp này chỉ giống nhau ở một chỗ là mù mờ không rõ rệt hẳn: đó là tính cách mô-lăng. Mô-lăng là một phẩm từ Trung Quốc, ông Phan Khôi lần đầu mang vào tiếng ta (xem Phụ Nữ tân văn) để chỉ thái độ trí thức của một người trong khi suy xét, biện luận, hành động, hay đứng ở giữa chừng, không quyết hẳn về bên nào. Nó cũng có nghĩa tương tự như những danh từ rất nôm của ta như: ba phải, nói nước đôi, nói lưỡng... hoặc như những danh từ Hán Việt thường dùng: tùy thời, chiết trung, ngụy biện... song những danh từ cũ này chỉ dùng riêng từng trường hợp mà không chỉ rõ rệt một trạng thái trí thức đặc biệt. 74 Muốn hình dung óc mô-lăng một cách cụ thể, ta hãy nhớ lại một vài hiện tượng xã hội rất quen thuộc, quen thuộc đến nỗi ta không chú ý đến những tính cách mâu thuẫn ở đó nữa: những học sinh vận quần trắng áo the thâm sính nói chuyện với nhau bằng một thứ Pháp văn sai mẹo; những thanh niên Âu phục đúng mốt đang hoan hỉ dự một đám ăn khao sặc sụa mùi xôi thịt, hoặc lê la trong những túp lều bẩn thỉu của những anh thầy tướng số; những thiếu nữ phục sức kiểu Lemur đang sì sụp lễ bái ở một ngôi đền bày ngay bên hè phố; những tòa nhà gác đồ sộ hai ba từng vẫn giữ nguyên trên nóc nhà hai con rồng chầu mặt nguyệt hoặc bức vẽ “bát tiên quá hải”; những phòng khách lộng lẫy với những đồ đạc tối tân bên cạnh một cái tủ chè có bầy hạc, độc bình và hòm sắc... Tất cả những hiện tượng tức cười ấy của buổi giao thời tố cáo ở khắp các tầng lớp xã hội một tinh thần lộn xộn. Do đó, nảy ra một lối suy nghĩ quái gở: óc mô-lăng. Những người có óc mô-lăng rất dễ tin và rất lười nghĩ. Nghe ai nói gì, họ cũng tin ngay là đúng. Đọc ở trong sách điều gì, họ cũng cho ngay là phải. Họ công nhận những tư tưởng tự do phóng khoáng của Âu châu; và họ cũng nhận luôn cả những nguyên tắc luân lý khe khắt của đạo Khổng; họ “nhét vào một bị” những điều phát minh mới lạ nhất của khoa học lẫn với tư tưởng cổ truyền của số mệnh thần 75 bí; họ vừa bênh vực chủ nghĩa cá nhân nhưng họ cũng không cho tinh thần đại gia đình là trái, là xấu; họ vừa ở phái cũ, vừa ở phái mới; họ để cho một chân ở phương Đông và một chân ở phương Tây; giống như con dơi trong thơ ngụ ngôn, họ vừa là chim, lại vừa là chuột. Nguyên do là tại chế độ xã hội của ta đương biến đổi dở dang, chưa ra một hình thức nào nhất định. Nhưng một phần cũng là tại họ không có công tìm hiểu sự vật; thiếu óc phê bình, họ thâu nhận một cách thụ động những kiến thức phổ thông ở nhà trường hoặc lượm lặt ở các báo chí hoặc ở những câu chuyện bá láp hàng ngày, hoặc ở những tin đồn vô căn cứ. Trong sự nhận thức của họ, họ chỉ thích nhớ thật nhiều, rất sẵn lòng tin tưởng. Nhưng đó là những ký ức lờ mờ, những lòng tin không vững chãi. Rất ít khi họ tự mình quan sát, kiểm điểm, kinh nghiệm, suy xét để chọn lọc những kiến văn cần thiết cho đời sống. Không bao giờ họ hoài nghi một điều gì, nhất là cái điều ấy do một người có địa vị, có danh tiếng nói ra, không bao giờ họ để ý phê bình ngay cái nhận xét hồ đồ của người đó. Họ lười nghĩ lắm, sợ nghĩ lắm. Họ có thể nhắm mắt tin theo những điều rất trẻ con, rất mơ hồ, nhưng họ không theo nổi một phương pháp, một quy tắc nào trong lúc nghĩ. Ta cứ để ý nghe những câu chuyện công cộng trên xe lửa, trong các đám tiệc, 76 trong các phòng khách... ta sẽ thấy rằng người mình nói rất nhiều mà nghĩ rất ít. Nhiều khi những người mô-lăng lại cố che đậy cái tinh thần suy nhược của mình bằng một dáng điệu khôn ngoan. Họ tự phụ là những người biết khoa học, họ bèn dùng những tà thuyết của khoa học (như những sách vô giá trị của một bọn người loạn óc bên Âu châu mệnh danh là phái thần học) để bênh vực những điều dị đoan mê tín về ma quỷ, linh hồn, tướng số. Họ tự phụ là những người có óc tổng quan cần biết rộng hơn là học sâu; họ tự tạo ra cho mình một thái độ chiết trung để dung hòa tất cả những học thuyết Đông Tây, kim cổ. Tuy không hiểu rõ, nhưng họ cũng nói đến thuyết trực giác của Bergson và của Vương Dương Minh; đến thuyết tương đối của Einstein và lẽ tùy thời của Khổng Tử, những lẽ biến hóa trong Kinh Dịch... Ngụy biện là cái thủ đoạn họ thường dùng để bênh vực quyền lợi và lòng tự ái của họ; rất chủ quan, họ bịa đặt ra những điều không có thật, họ làm sai lệch hẳn những kiến thức thông thường, biến đổi hẳn ý nghĩa các danh từ, bẻ cong hết những lý thuyết nào có lợi cho họ. Họ không thành thực trong khi biện luận, và cũng không thành thực trong việc làm. Họ thiếu can đảm để đứng hẳn về một mặt, để quyết rõ một bề đen hay trắng. Họ thích nhất những thái độ nửa chừng. Họ cho thế là khôn! Không những 77 lời nói và việc làm của họ phản trái nhau, họ lại mâu thuẫn ngay từ trong lúc nói, ngay trong lúc làm. Dùng những danh từ to lớn đẹp đẽ để che đậy những hành vi nhỏ nhen, xấu xa, ẩn nấp đằng sau những lý thuyết, triết lý để mưu danh trục lợi, lừa dối và phản bội người khác bằng một mặt nạ trí thức mập mờ ẩn hiện. Đó là tư cách của những người thiếu thành thực trong tư tưởng, của những người hèn trí thức, của những người có óc mô-lăng. Óc mô-lăng lại thường có một biệt hiệu nữa rất thông dụng nhưng chưa có ý nghĩa xác định: óc sơ đẳng. Cái danh từ mỉa mai độc ác này do một ông nghè Tây nhân trong một lúc tức tối vì có người đã dám không hiểu cái giá trị văn bằng của ông và đã dám chỉ trích ông, đã vứt ra giữa xã hội ta hồi bảy tám năm về trước. Đó là một mũi tên nhọn có tẩm thuốc độc đã xuyên qua bao nhiêu lòng tự ái. Các nhà văn, nhà báo không có bằng cấp, các học sinh ban sơ đẳng và trung đẳng, các công chức xuất thân ở những ban ấy ra... tất cả đều mang một mối hận thấm thía đối với kẻ kiêu ngạo kia đã vin vào bực thang nhà trường mà đánh giá trí thức của con người. Thực ra cả ông nghè kia lẫn những người đã mích lòng kia đều hiểu sai ý nghĩa danh từ óc sơ đẳng nguyên ở Pháp văn dịch ra. “Esprit primaire” không hẳn là trí thức của một người học trường 78 sơ đẳng, học ít hay vô học. Có những người xuất thân ở các trường cao cấp ra mà vẫn giữ óc sơ đẳng. Ý nghĩa danh từ óc sơ đẳng vượt hẳn ra ngoài phạm vi nhà trường: nó chỉ thị một trạng thái tinh thần mập mờ, một lối nhận xét cẩu thả, một lối nghĩ nông nổi, những thể cách hoạt động của những khối óc non nớt. Có những người học rất nhiều, nhớ rất nhiều, mà vẫn thiếu phương pháp nhận thức, thiếu óc phê bình. Họ cũng mê tín như đàn bà, không phải mê tín ma quỷ đồng bóng, mà mê tín những thành kiến của xã hội, mê tín những lý thuyết trong sách vở! Nguyên do là tại họ ở vào những cảnh ngộ êm ái quá, thuận tiện quá, không bao giờ phải vận dụng hết tinh thần để giải quyết những vấn đề thiết thực trong đời sống. Nếu người làm ruộng chọn lầm hạt giống; nếu người thuyền chài đoán sai chiều trời; nếu người tiều phu không nhận rõ lốt chân thú dữ trong rừng... thì những sự sơ ý ấy sẽ đem tai họa đến cho họ. Vì vậy, nhiều khi họ cần phải có những giác quan tinh tế và một trí xét đoán sắc sảo. Còn như người gọi là trí thức lại khác hẳn. Sự luận đàm suông hoặc sự viết văn trên mặt giấy... không có động gì đến sự yên vui của họ. Dù họ có sai lầm, họ cũng không biết hoặc không cần lưu 79 ý. Khối óc của họ không chiếu thẳng vào thực tế và không có trách nhiệm trong đời sống của họ. Thiếu cọ xát, thiếu cố gắng, nó bị yếu ớt mờ tối. Những kiến văn chồng chất trong đầu họ, nếu không làm thỏa mãn một tính phô trương rất tầm thường thì chỉ làm cho họ quẫn trí thêm. Chính vì thế mà họ nghĩ một đằng làm một nẻo, bày ra cái cảnh tượng rất thương hại, rất tức cười của một người bị lôi kéo đi nhiều ngả. Cá tính của họ không rõ rệt. Họ là những hòn bột tha hồ cho hoàn cảnh vo tròn bóp bẹp. Đó là những người mô-lăng có học, những bộ óc sơ đẳng ẩn nấp đằng sau một lớp sơn trí thức hào nhoáng. Nói tóm lại, óc sơ đẳng là một thứ óc có một trong hai tính cách này: nông nổi hoặc hẹp hòi. Tật thứ nhất thường gặp ở những người học ít, không biết lượng cái vốn học thức của mình, và lại hay vin vào đó để lập luận, trong khi họ có thể tìm ngay trong đời sống của họ những kiến thức rất vững chãi. Tật thứ hai thường gặp ở những người học nhiều nhưng chỉ khư khư ở trong một khu vực lý thuyết viển vông không ăn nhập gì vào đời sống của họ và ở xung quanh họ. Hai sự học thiếu bề sâu và bề mặt ấy làm cho tinh thần của ta khô héo, cằn cỗi, không đủ sức thích ứng với hoàn cảnh luôn luôn biến đổi. 80 """