"
Nữ Sinh - Dazai Osamu full prc, pdf, epub, azw3 [Tiểu thuyết]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nữ Sinh - Dazai Osamu full prc, pdf, epub, azw3 [Tiểu thuyết]
Ebooks
Nhóm Zalo
NỮ SINH
Tủ sách Tinh hoa Văn học
Nguyên tác: 女生徒
Tác giả: Dazai Osamu
Dịch giả: Hoàng Long
Công ty phát hành: Phương Nam
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Trọng lượng vận chuyển: 150 g
Kích thước: 13 x 19 cm
Số trang: 177
Ngày xuất bản: 02/2014
Giá bìa: 47.000₫
Nguồn: http://tve-4u.org
Type+Làm ebook: thanhbt
Ngày hoàn thành: 26/02/2015
Cuốn sách này được giới thiệu ở đây nhằm chia sẻ cho những bạn không có điều kiện mua sách! Còn nếu bạn có khả năng hãy mua ủng hộ nha!
Giới thiệu
Hầu hết các truyện trong tuyển tập đều có nhân vật chính là nữ với những miêu tả tâm lý hết sức tinh tế và cao sang. Không những thành công với thể loại tự truyện tư tiểu thuyết, Dazai còn chứng tỏ bản lĩnh bậc thầy của mình trong việc am hiểu tâm lý phụ nữ xứ Phù Tang. Qua tác phẩm của Dazai, tâm hồn Nhật Bản; vốn kiềm nén và khép kín, có thể hiện cũng rất cô đọng, như thơ Haiku, như kịch No, như phim của Ozu; lại được chuyên chở qua ngôn ngữ của văn chương một cách dịu dàng nhưng không kém phần mãnh liệt. Truyện “Nữ sinh” được dịch từ nguyên tác “Nữ sinh đồ” trong tập truyện ngắn Nữ Sinh do Nhà xuất bản Kadokawa tái bản có sữa chữa lần thứ năm năm Bình Thành 21 (2009).
Tác phẩm này được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí “Văn học giới” số tháng 4 năm 1939. Dựa trên nhật ký của một độc giả nữ tên là Ariake Shizu (lúc bấy giờ 19 tuổi) gửi cho Dazai vào tháng 9 năm 1938, Dazai đã viết thành một truyện vừa xuất sắc nói về biến chuyển nội tâm của một nữ sinh 14 tuổi gói gọn trong vòng một ngày, từ khi thức dậy đến khi đi ngủ. Tác phẩm khắc họa rất thành công tâm lý bi quan hay trầm uất của một thiếu nữ tuổi dậy thì với một văn phong vô cùng tinh tế.
Chính vì vậy, ngay từ khi ra đời, tác phẩm được giới văn nghệ thời bấy giờ, tiêu biểu là văn hào Kawabata Yasunari vô cùng tán thưởng.
Đến năm sau, 1940, tác phẩm được giải nhì của giải thưởng văn học Kitamura Tokoku. Tác phẩm đã được tái bản rất nhiều lần và luôn được các độc giả nữ yêu thích cho đến nay. Bản thân tập nhật ký của Ariake đã trở thành một tư liệu văn học quý và được trưng bày tại bảo tang văn học cận đại Aomori vào tháng 2 năm 2000. Cũng như “Nữ sinh”, sự tinh tế trong việc miêu tả tâm lý phụ nữ của Dazai một lần nữa được thể hiện qua truyện “Nữ tác gia”. Tâm lý của một cô gái nuôi mộng văn chương hiện ra thật sinh động và thú vị vô cùng. Là chứng nhân của cuộc thế chiến tàn khốc và là nạn nhân của thời cuộc, Dazai đã đưa những trải nghiệm cay đắng của mình vào tác phẩm.
Truyện ngắn “Tờ tiền giấy” nói về sự đảo điên của cuộc thế chiến nhưng vẫn có một tia sáng ấm áp nhỏ nhoi của tình người. Qua hai tác phẩm “Một ngày trọng đại” và “Người vợ” những tâm tình của người phụ nữ Nhật Bản trong ngày mở màn cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, hay khi bị chồng phản bội đều hiện ra hết sức chân thật. Riêng truyện “Một chuyến đi” nói về nhà văn Kasai, một chân dung tự họa của Dazai, qua đó
chúng ta thấy được phần nào sự cố gắng của tác giả trong việc theo đuổi văn chương, nhiều khi không phải vì đam mê mà còn vì sinh kế nữa.
Mục lục
LỜI NGƯỜI DỊCH
NGƯỜI VỢ
NỮ TÁC GIA
NỮ SINH
MỘT CHUYẾN ĐI
MỘT NGÀYTRỌNG ĐẠI TỜ TIỀN GIẤY
PHỤ LỤC
LỜI NGƯỜI DỊCH
Sau “Tà dương” và “Thất lạc cõi người”, chúng tôi xin được giới thiệu đến quý độc giả một tác phẩm tiêu biểu nữa của Dazai là “Nữ sinh” cùng với năm truyện ngắn xuất sắc khác. Hầu hết các truyện trong tuyển tập đều có nhân vật chính là nữ với những miêu tả tâm lý hết sức tinh tế và cao sang. Không những thành công với thể loại tự truyện (tư tiểu thuyết), Dazai còn chứng tỏ bản lĩnh bậc thầy của mình trong việc am hiểu tâm lý phụ nữ xứ Phù Tang. Qua tác phẩm của Dazai, tâm hồn Nhật Bản; vốn kiềm nén và khép kín, có thể hiện cũng rất cô đọng, như thơ Haiku, như kịch No, như phim của Ozu; lại được chuyên chở qua ngôn ngữ của văn chương một cách dịu dàng nhưng không kém phần mãnh liệt.
Truyện “Nữ sinh” được dịch từ nguyên tác “Nữ sinh đồ” (女生徒) trong tập truyện ngắn “Nữ sinh” (女生徒) do Nhà xuất bản Kadokawa (角川文庫) tái bản có sửa chữa lần thứ năm năm Bình Thành 21 (2009). Tác phẩm này được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí “Văn học giới” số tháng 4 năm 1939. Dựa trên nhật ký của một độc giả nữ tên là Ariake Shizu (lúc bấy giờ 19 tuổi) gửi cho Dazai vào tháng 9 năm 1938, Dazai đã viết thành một truyện
vừa xuất sắc nói về biến chuyển nội tâm của một nữ sinh 14 tuổi gói gọn trong vòng một ngày, từ khi thức dậy đến khi đi ngủ. Tác phẩm khắc họa rất thành công tâm lý bi quan hay trầm uất của một thiếu nữ tuổi dậy thì với một văn phong vô cùng tinh tế. Chính vì vậy, ngay từ khi ra đời, tác phẩm được giới văn nghệ thời bấy giờ, tiêu biểu là văn hào Kawabata Yasunari vô cùng tán thưởng. Đến năm sau, 1940, tác phẩm được giải nhì của giải thưởng văn học Kitamura Tokoku[1]. Tác phẩm đã được tái bản rất nhiều lần và luôn được các độc giả nữ yêu thích cho đến nay. Bản thân tập nhật ký của Ariake đã trở thành một tư liệu văn học quý và được trưng bày tại bảo tàng văn học cận đại Aomori vào tháng 2 năm 2000.
Cũng như “Nữ sinh”, sự tinh tế trong việc miêu tả tâm lý phụ nữ của Dazai một lần nữa được thể hiện qua truyện “Nữ tác gia”. Tâm lý của một cô gái nuôi mộng văn chương hiện ra thật sinh động và thú vị vô cùng.
Là chứng nhân của cuộc thế chiến tàn khốc và là nạn nhân của thời cuộc, Dazai đã đưa những trải nghiệm cay đắng của mình vào tác phẩm. Truyện ngắn “Tờ tiền giấy” nói về sự đảo điên của cuộc thế chiến nhưng vẫn có một tia sáng ấm áp nhỏ nhoi của tình người. Qua hai tác phẩm “Một ngày trọng đại” và “Người vợ” những
tâm tình của người phụ nữ Nhật Bản trong ngày mở màn cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, hay khi bị chồng phản bội đều hiện ra hết sức chân thật. Riêng truyện “Một chuyến đi” nói về nhà văn Kasai, một chân dung tự họa của Dazai, qua đó chúng ta thấy được phần nào sự cố gắng của tác giả trong việc theo đuổi văn chương, nhiều khi không phải vì đam mê mà còn vì sinh kế nữa.
Như vậy là sau ba năm ròng rã đọc và dịch Dazai, chúng tôi đã giới thiệu đến quý độc giả những tác phẩm chính yếu, xuất sắc nhất của ông, cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Chỉ riêng một số thư từ, vài truyện ngắn khác như “Kỷ niệm” (思い出), “Vợ của Villon” (ヴィヨンのつま) và vở kịch “Pháo hoa mùa đông” (冬の花火) là chưa được dịch và giới thiệu. Hy vọng những tác phẩm đó sẽ được bổ sung đầy đủ khi ấn hành tuyển tập tác phẩm của Dazai trong tương lai.
Nagoya, tháng 9 năm 2012
Hoàng Long
NGƯỜI VỢ
Truyện “Người vợ” được dịch từ nguyên tác “Osan” (おさん) trong tập truyện ngắn “Nữ sinh” (女生徒) do Nhà xuất bản Kadokawa (角川文庫) tái bản có sửa chữa lần thứ năm năm Bình Thành 21 (2009), từ trang 215 đến trang 236. Nguyên văn Osan là tên người vợ của Kamiji (紙治) trong vở tuồng “Joururi” (浄瑠璃) “Tự sát đôi ở Amijima” (Shinjuten no Amijima - 心中 天の網島), được dựa trên câu chuyện có thật. Kamiji vốn là một thợ buôn giấy ở Tenma Osaka, qua lại thân mật với một cô du nữ tên Koharu (小春), bị dằn vặt giữa nàng với người vợ trinh thục Osan, cuối cùng cùng với Koharu tự sát đôi ở chùa Daichouji (大長寺)ở Amijima
(網島)
1
Đi ra từ hành lang, không nghe cả tiếng bước chân như thể đã bị rút mất linh hồn. Vừa dọn dẹp chén bát sau bữa cơm tối, tôi vừa cảm nhận được điều đó và thấy buồn đến mức đánh rơi chiếc dĩa, rồi bất giác thở dài, vươn thẳng người mở cánh cửa bếp nhìn ra ngoài, thì thấy bóng dáng buồn bã vô tình của người chồng từ phía sau trong chiếc áo yukata trắng có sợi dây đai lưng nhỏ quấn hờ chập chờn hiện ra trong ánh hoàng hôn mùa hạ, như một bóng ma, như không phải vật sống trong thế giới này, đang đi trên con đường nhỏ ven bờ giậu có những cọng bí leo.
“Cha đâu hả mẹ?”
Con bé gái đầu lòng năm nay lên bảy tuổi chơi ngoài sân, đang rửa chân bằng gàu nước nơi cửa bếp, vô tâm hỏi tôi như vậy. Con bé này thích cha hơn mẹ, mỗi tối cùng ngủ chung màn với cha trên tấm futon trải nơi căn phòng sáu chiếu.
“Đi chùa rồi con.”
Tôi tùy tiện trả lời con bé như vậy nhưng nói xong mới cảm thấy như mình đã nói một điều gì đó bất thường và lạnh buốt sống lưng.
“Đến chùa à? Để làm gì cơ?”
“Lễ Obon mà. Vì thế mà cha đi chùa đấy.”
Những lời nói dối cứ thế mà tuôn ra không ngờ. Thực sự ngày đó đúng là ngày mười ba lễ Obon. Con nhà người ta mặc áo kimono đẹp đẽ, ra trước cổng nhà, phất tay áo dài mà chơi đùa thỏa thích, còn quần áo kimono của mấy đứa con mình bị thiêu cháy hết trong chiến tranh nên dù lễ Obon cũng mặc mấy quần áo thô mạt không khác chi thường ngày.
“Vậy ư? Chắc là cha sẽ về sớm nhỉ?”
“Chà, biết sao nhỉ. Nếu bé Masako mà ngoan thì có lẽ cha sẽ về sớm đấy.”
Mặc dù tôi nói vậy nhưng nhìn điệu bộ của chồng thì tôi chắc chắn đêm nay lại ngủ lang bạt ở ngoài rồi.
Bé Masako bước vào nhà bếp, rồi đi lên căn phòng ba
chiếu, ngồi nơi cửa sổ với vẻ cô đơn mà ngước nhìn ra ngoài.
“Mẹ à, cây đậu của Masako nở hoa rồi đấy.”
Con bé lẩm bẩm vậy rồi nước mắt lưng tròng vì cảm động.
“Đây, đây nữa. A, thực sự rồi. Đậu mọc lên nhiều quá!”
Phía bên hành lang, có một mảnh đất khoảng mười tsubo[2], trước đây tôi có trồng nhiều loại rau trái nhưng sau khi có ba đứa con thì không còn đụng tay chân đến công việc đồng áng nữa; ngày xưa chồng tôi cũng đôi khi giúp đỡ làm vườn nhưng gần đây thì đến việc nhà cũng không làm chút gì. Mảnh vườn nhà bên được chăm bón cẩn thận, trồng rất nhiều loại rau tươi ngon mơn mởn còn vườn nhà mình chỉ toàn cỏ dại, so sánh thấy mà xấu hổ. Masako mới lấy một hạt đậu được cấp phát cho mà vùi xuống đất, tưới nước lên vậy mà lại nảy mầm, đó là thứ tài sản duy nhất của bé Masako không có lấy một cái đồ chơi nào khác, mỗi lần sang nhà hàng xóm lại huyên thuyên không biết ngượng là cây đậu nhà mình thế này, cây đậu nhà mình thế kia.
Sa sút bi thảm. Cô đơn. Không, đối với Nhật Bản bây giờ
mà nói thì không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả những người sống ở Tokyo này nữa, nhìn đâu cũng thấy một sự sa sút trầm kha, dù chạy quanh quẩn thế nào thì những vật mà chúng tôi mang theo cũng bị thiêu cháy hết cả, tuy vậy điều khổ sở bây giờ cấp bách hơn cả sự sa sút đó là nỗi cực nhọc của một người vợ trong thế giới này.
Chồng tôi đã làm việc gần mười năm trong một tòa soạn báo khá nổi tiếng ở Kanda. Khoảng tám năm trước đã cùng tôi làm một lễ kết hôn giản dị thông qua mai mối. Rồi thì lúc đó những căn nhà cho thuê ở Tokyo ngày càng ít đi, nên cuối cùng chúng tôi đã tìm căn nhà nhỏ này, giống như một căn nhà giữa cánh đồng ở ngoại vi thành phố, ven tuyến đường tàu chính Chuosen và sống ở đây cho đến khi đại chiến tranh xảy ra.
Chồng tôi vì cơ thể yếu nhược nên được miễn trưng dụng và triệu tập nên cứ mỗi ngày vô sự đến làm việc chỗ tòa soạn báo, nhưng rồi chiến tranh khốc liệt hơn, vì vùng ngoại vi thành phố chỗ tôi ở có xưởng sản xuất máy bay nên bom đạn thường xuyên rơi xuống sát ngay nhà, cuối cùng vào một đêm bụi trúc sau nhà trúng bom, thế là nhà bếp, nhà vệ sinh với căn phòng ba chiếu tan hoang hết cả. Gia đình bốn người chúng tôi (lúc đó ngoài bé Masako ra thì trưởng nam Yoshitaro cũng mới
vừa được sinh) không thể nào tiếp tục sống trong căn nhà hư hoại như vậy được nữa nên tôi cùng hai đứa con tản cư về quê nhà ở thành phố Aomori, còn chồng tôi thì quyết định ở lại trong căn phòng sáu chiếu, tiếp tục đi làm tòa soạn báo như thường lệ.
Tuy nhiên chúng tôi tản cư về thành phố Aomori chưa đến bốn tháng thì thành phố này đã bị không kích dữ dội, toàn thành phố bị phá hủy, khổ sở vô cùng, tất cả đồ đạc mang theo bị cháy trụi hết, trong cảnh thê thảm trắng tay, chúng tôi đến nương nhờ nhà một người quen còn sót lại ở thành phố Aomori, hỗn loạn như thấy giấc mơ địa ngục. Chừng khoảng mười ngày ăn nhờ ở đậu như vậy thì Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Tôi nhớ chồng mình đang sống ở Tokyo nên mới dắt díu hai đứa con thất thểu như kẻ ăn mày quay ngược về Tokyo, rồi vì không có căn nhà nào khác để dọn đi nên mới nhờ vả người thợ mộc sửa chữa qua loa căn nhà hư hỏng hơn phân nửa đó, quay trở lại cuộc sống đầm ấm của gia đình như trước kia, vừa mới thở phào được một chút thì tâm tính chồng tôi thay đổi.
Tòa soạn báo bị hư hại, rồi những người đứng đầu tranh cãi nhau về vốn liếng nên cuối cùng phá sản, chồng tôi lập tức trở thành kẻ thất nghiệp, nhưng vì làm việc cho tòa soạn báo nhiều năm nên có rất nhiều người quen biết,
trong số đó có một vị có thế lực xuất vốn ra thành lập một nhà xuất bản mới, và đã xuất bản được hai ba chủng loại sách. Nhưng công việc xuất bản rồi thì việc mua giấy cũng thất bại, tổn thất khá lớn, chồng tôi mang nợ rất nhiều, nên mỗi ngày ngơ ngẩn rời khỏi nhà rồi đến tối trở về với bộ dạng mệt lử, vốn trước đây là người ít nói từ dạo ấy thì câm lặng luôn. Đến khi tổn thất của việc xuất bản đã được bù đắp phần nào thì chồng tôi chẳng còn khí lực để làm việc gì nữa. Chồng tôi mỗi ngày cứ đứng trầm ngâm bên khung cửa sổ, suy nghĩ điều gì, vừa hút thuốc vừa nhìn ra chân trời xa xăm. Khi tôi cảm thấy lo lắng “aa, lại bắt đầu rồi chăng” thì chồng tôi thở dài như thể không thể làm gì được nữa rồi vứt mẩu thuốc đang hút dở ra ngoài sân, lấy cái ví trong ngăn kéo nhét vào túi, rồi lặng lẽ bước ra từ hành lang không tiếng động như thể một người bị rút mất linh hồn và thường thì tối đó không trở về nhà.
Một người chồng tốt và dịu dàng. Rượu uống chừng một chai, bia uống một lon còn thuốc lá tuy có hút nhưng ở tầm vừa đủ số lượng thuốc được cấp phát, cưới nhau đã gần mười năm mà anh ấy chưa từng đánh đập hay la mắng tôi một lần nào. Chỉ có một lần khi có khách đến nhà chơi, lúc ấy bé Masako mới chừng ba tuổi thì phải, anh ấy pha trà mời khách bị tràn ra mới gọi tôi nhưng lúc ấy tôi đang quạt lò trong bếp không nghe. Thấy không
trả lời, chồng tôi, chỉ lúc ấy thôi mới làm ra vẻ mặt sưng sỉa ôm bé Masako xuống bếp, đặt bé xuống phản, rồi trừng trừng nhìn tôi đầy sát khí, cứ đứng chôn chân như vậy một lúc lâu không nói lời nào rồi xoay lưng về phía tôi mà đi về phòng, đóng cánh cửa giấy đánh sập một tiếng lớn như vọng vào đến tủy xương tôi khiến tôi run bắn người đi vì sợ. Tôi nhớ là mình bị chồng giận chỉ có một lần đó thôi, tuy vì chiến tranh mà tôi cũng vất vả khổ sở như những người khác nhưng mỗi lần nghĩ đến sự dịu dàng của chồng, tôi nhủ thầm rằng trong tám năm qua mình là người hạnh phúc.
(Thành một con người khác rồi. Chuyện đó bắt đầu từ khi nào nhỉ? Sau khi trở về từ nơi sơ tán ở Aomori, sau khoảng bốn tháng mới gặp mặt, tôi thấy vẻ mặt chồng có cái gì đê tiện, thái độ cứ nhấp nha nhấp nhổm như tránh ánh mắt nhìn của tôi nhưng tôi cho rằng đó chỉ là vì chồng tôi sống thiếu thốn một mình đã lâu nên mới tiều tụy như vậy rồi cảm thấy đau lòng. Hay là trong bốn tháng đó, à mà thôi, không nghĩ nữa, càng nghĩ thì càng vùi sâu vào vũng bùn khổ sở mà thôi).
Chắc hẳn là chồng mình không về, nên tôi mới trải mền futon của chồng với futon của bé Masako ra rồi vừa giăng màn, tôi vừa cảm thấy khổ sở và buồn bã.
2
Đến trước buổi trưa ngày hôm sau, khi tôi đang giặt tã của đứa con gái thứ hai là bé Toshiko vừa mới sinh vào mùa xuân năm nay bên thành giếng cạnh hiên nhà thì chồng tôi giơ cái mặt tối tăm như thằng kẻ trộm nhẹ nhàng tiến đến, nhìn tôi, im lặng cúi mặt rồi vấp ngã chúi đầu đi về phía hành lang. Bất giác cúi đầu trước vợ mình vậy thì ra anh ấy cũng khổ. Nghĩ như vậy, tôi thấy ngực nghẹn ngào, không sao giặt đồ tiếp được nữa nên đứng dậy theo chồng đi vào nhà.
“Nóng lắm phải không anh? Hay thử cởi trần ra xem sao? Sáng nay người ta cấp phát phần lễ Obon được hai chai bia. Em đã ướp lạnh sẵn rồi. Anh uống nhé?”
Chồng tôi nhấp nhổm rồi cười yếu ớt.
“Đằng ấy tuyệt vời nhỉ!”
Giọng nói thiếu điều muốn đứt hơi.
“Vậy mình với mẹ nó uống mỗi người một chai nhé!”
Nhìn thấu rồi nhé, nói ra lời như bợ đỡ cơ đấy. “Thế thì em sẽ tiếp mình vậy!”
Người cha đã mất của tôi là một tay bợm rượu nên có lẽ vì thế chăng mà tửu lượng của tôi còn mạnh hơn chồng nữa. Hồi mới cưới nhau, tôi với chồng hai người đi đến Shinjuku, vào các quán Oden uống rượu. Chồng tôi ngay lập tức mặt đỏ gay rồi nói không được nữa, còn tôi vẫn chẳng thấy gì, có chăng là tiếng ong ong ở trong tai mà thôi.
Trong căn phòng ba chiếu, lũ trẻ ăn cơm, chồng tôi cởi trần, cái khăn ướt khoác trên vai, uống bia. Tôi chỉ làm một cốc rồi sau đó thấy lãng phí nên thôi, ôm bé Toshiko mà cho bú. Bề ngoài nhìn như một gia đình đầm ấm nhưng thực ra chẳng dễ chịu gì, chồng cứ lảng tránh tia nhìn của tôi còn tôi cũng phải chọn những chuyện để không chạm đến nỗi đau của chồng mình thành ra câu chuyện cứ lạc lõng. Con bé Masako với thằng em Yoshitaro hình như cũng mẫn cảm với tâm tình của cha mẹ nên rất đỗi ngoan ngoãn chấm bánh mì hấp vào cốc trà có bỏ đường hóa học mà ăn ngon lành.
“Rượu uống buổi trưa, say đấy nhỉ?”
“Ừ, đúng nhỉ, cả người cứ đỏ au lên này.”
Lúc đó mới thoáng nhìn tôi một tí. Dưới cằm của chồng tôi có một con nhậy màu tím bám vào, không, không phải là con nhậy đâu, khi nhìn thoáng vết bớt hình con nhậy, đột nhiên tôi nhớ đến chuyện lúc mới vừa cưới nhau. Chồng tôi hình như cũng ngay lập tức nhận ra nên mới nhấp nhổm dùng đầu chiếc khăn ướt đang vắt trên vai vụng về che vết bớt bị cắn đó. Mặc dù hiểu rằng ngay từ đầu chồng tôi khoác chiếc khăn ướt trên vai là để che giấu hình dáng con nhậy nhưng tôi làm ra vẻ như chẳng nhận thấy gì, tiếp tục cố gắng.
“Bé Masako được ngồi cùng cha, ăn cơm thấy ngon lành quá nhỉ!”
Tôi thử nói đùa như vậy nhưng chồng tôi nghe có vẻ mỉa mai hay sao đó nên mặt mũi trắng bệch ra, khi nỗi khổ sở của tôi đến mức cực hạn thì đột nhiên tiếng radio nhà hàng xóm bắt đầu phát bài quốc ca Pháp, chồng tôi lắng tai nghe:
“A, ra vậy, thì ra hôm nay là ngày kỷ niệm cách mạng Pháp.”
Và thầm thì như độc thoại, rồi mỉm cười, như nói cho tôi và bé Masako nghe:
“Ngày mười bốn tháng bảy, ngày này đây, cách mạng...”
Chồng tôi nói dở giữa chừng như vậy rồi ngưng. Tôi liếc nhìn, thấy chồng tôi miệng méo xệch, nước mắt ầng ậc trên mi, khuôn mặt nhìn như muốn khóc rồi cất giọng nghẹn ngào.
“Phá ngục Bastille, dân chúng nhé, từ khắp nơi vùng dậy, rồi sau đó dù bữa tiệc hoa mùa xuân của Pháp đã vĩnh viễn, vĩnh viễn mất đi nhưng cũng phải phá hoại, dù cho hiểu rằng sự kiến thiết một thứ đạo đức mới, một trật tự mới vĩnh viễn không thể nào thực hiện được nhưng vẫn phải phá hoại thôi, cách mạng vẫn chưa hoàn thành; Tôn Dật Tiên nói vậy rồi chết nhưng việc hoàn thành cách mạng có lẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ được, tuy vậy cũng vẫn phải làm cách mạng, bản chất của cách mạng là thứ đẹp và đau khổ; nói rằng sẽ làm chuyện như thế, mình sẽ trở thành gì đây, nỗi đau khổ, vẻ đẹp ấy, và rồi tình yêu...”
Bài quốc ca Pháp vẫn tiếp tục, chồng tôi vừa nói vừa khóc, rồi sau đó chừng như thấy ngượng nên lại cố nặn ra một nụ cười khinh khỉnh.
“Chà, có vẻ cha là một tay say rượu khóc nhè rồi.” Nói vậy rồi ngoảnh mặt đứng dậy, đi ra bếp rửa mặt.
“Không được rồi. Say quá. Lại khóc vì cách mạng Pháp nữa chứ. Đi ngủ chút đây.”
Chồng tôi nói rồi đi vào căn phòng sáu chiếu, sau đó là lặng yên nhưng chắc chắn là nằm co mình mà khóc sụt sịt thôi.
Chồng tôi không phải khóc vì cách mạng. Không, nhưng có lẽ cách mạng Pháp và tình yêu gia đình thì cũng giống nhau. Cái nỗi khổ của chồng tôi phải phá hoại cái vương triều lãng mạn Pháp và cái gia đình êm ấm vì thứ đẹp và buồn ấy thì tôi cũng hiểu rõ nhưng vì yêu chồng nên tuy không phải là người vợ Osan của Kamiji ngày xưa, cũng ca thán:
Trong ngực vợ mình
có một con quỷ trú ngụ
A, a, a
hay là con rắn độc chăng?
Nếu bỏ qua mọi chuyện làm ra vẻ như chẳng liên quan gì đến tư tưởng cách mạng và tư tưởng phá hoại, thì còn một người vợ bị bỏ lại ở một chỗ này, một tư thế này lúc nào cũng chỉ thở dài buồn bã. Cuối cùng chuyện này là như thế nào đây? Phó mặc vận mệnh cho ông trời, cầu mong cho cơn gió tình yêu của chồng đổi hướng, rồi cứ nhẫn nại phục tùng vậy sao? Cũng đã có đến ba đứa con rồi, vì những đứa con mà không thể nào chia tay chồng được nữa.
Khoảng hai đêm ngủ lang bạt ở ngoài thì cũng có một đêm chồng tôi ngủ ở nhà. Cơm tối xong, chồng cùng các con chơi đùa ngoài hành lang, còn nói những lời đùa cợt ti tiện với lũ trẻ nữa, vụng về bế đứa con gái út mới sinh năm nay lên mà khen:
“Mập lên rồi đấy nhé, cô bé mỹ nhân này.” Tôi cũng chợt nói, không có ý gì:
“Dễ thương đúng không? Nhìn thấy con cái mình như vậy chắc ai cũng muốn mình sống lâu đấy.”
Vẻ mặt chồng ngay lập tức biến đổi.
“Không đâu.”
Vì nghe chồng trả lời với vẻ khổ sở như vậy nên tôi bất giác kinh ngạc, mồ hôi lạnh túa ra đầm đìa.
Khoảng tám giờ, lúc đi ngủ, chồng tôi trải cái futon của mình và của bé Masako trong căn phòng sáu chiếu rồi giăng màn, con bé Masako có vẻ còn muốn chơi với cha thêm chút nữa nhưng bị cha bắt thay đồ rồi ngủ, sau đó chồng tôi cũng tắt đèn.
Tôi dỗ đứa con trai và con bé gái thứ hai ngủ trong căn phòng bốn chiếu rưỡi bên cạnh rồi khâu vá đến khoảng mười một giờ thì giăng màn chui vào giữa hai đứa bé mà ngủ không phải theo hình chữ “xuyên” (川) mà chụm đầu vào nhau theo hình chữ “tiểu” (小).
Không thể nào ngủ được. Phòng bên chừng như chồng tôi cũng vậy, tôi nghe thấy tiếng thở dài. Bất giác tôi cũng thở dài theo và lại nhớ đến bài ca than khóc:
Trong ngực vợ mình
có một con quỷ trú ngụ
A, a, a
hay là con rắn độc chăng?
Chồng tôi thức dậy, lần sang bên này. Tôi cứng người lại nhưng nghe chồng tôi bảo:
“Thuốc ngủ hết rồi sao em?”
“Có đấy, nhưng đêm qua em uống hết rồi. Chẳng có chút hiệu quả gì anh ạ!”
“Nếu uống nhiều quá thì ngược lại chẳng có công hiệu gì đâu. Uống chừng sáu viên là vừa đủ đấy.”
Giọng nói chồng tôi có vẻ khó chịu.
3
Mỗi ngày, mỗi ngày, nắng nóng kéo dài. Vì trời nóng và vì lo lắng nữa nên đến bữa tôi không thể nào nuốt trôi, xương gò má nhô lên, đầu vú cho con bú cũng teo lại, còn chồng tôi cũng chẳng ăn uống được chút gì, hai mắt lõm sâu xuống, lấp lánh những tia nhìn đáng sợ, đôi khi tự xỉ vả mình rồi lại cười khùng khục, còn nói là:
“Chẳng thà phát điên lên còn vui hơn em ạ.” “Em cũng vậy đấy.”
“Người đúng chắc chắn không có gì phải khổ sở cả đâu. Anh cảm động lắm! Tại sao mẹ con em lại nghiêm túc, lương thiện như vậy? Đáng lẽ ngay từ đầu phải có sự phân biệt rõ những con người được sinh ra để sống đàng hoàng trong thế giới này với những con người không phải như thế chứ.”
“Không đâu, em chậm chạp ngu muội lắm, chỉ là...” “Chỉ là...”
Chồng tôi nhìn tôi với ánh mắt vô cùng kỳ lạ như của người điên.
Tôi ngậm miệng. Ah, không thể nào nói được. Những chuyện cụ thể thật đáng sợ, không thể nói gì.
“Chỉ là thấy anh khổ sở như vậy làm em cũng khổ tâm theo.”
“Cái gì chứ, vớ vẩn.”
Chồng tôi nhẹ người mà mỉm cười nói vậy.
Lúc đó, đột nhiên tôi hưởng thụ được cảm giác hạnh phúc mát lành đã lâu rồi không có được. (Đúng vậy, chỉ cần làm cho tâm trạng của chồng mình trở nên vui vẻ thì tâm trạng của tôi cũng vui vẻ theo. Chẳng cần đạo đức gì, chỉ cần tâm trạng vui vẻ là được).
Khuya hôm đó, tôi chui vào màn của chồng. “Được rồi, được rồi. Anh đừng suy nghĩ gì cả.”
Tôi nói vậy rồi ngả người vào thì chồng tôi cất giọng khàn khàn.
“Thứ lỗi cho anh, Escuse me.”[3]
Chồng tôi nói như đùa cợt rồi ngồi dậy xếp bằng trên giường.
“Đừng phiền, đừng phiền. Don’t mind, don’t mind.”[4]
Đêm mùa hạ trăng tròn, có bốn năm tia sáng từ khe hở của tấm liếp che xuyên vào màn, rọi lên tấm ngực trần gầy gò của chồng tôi.
“Anh gầy đi nhiều đấy.”
Tôi bật cười và nói đùa như vậy rồi cũng ngồi dậy.
“Em mới gầy đi đấy. Cứ lo lắng không đâu nên mới vậy mà.”
“Không đâu, chẳng phải em đã nói rồi sao. Được rồi, anh đừng suy nghĩ gì nữa, bởi vì em nhạy cảm đấy. Chỉ có điều đôi khi cũng phải yêu chiều em tí chứ.”
Tôi nói vậy và bật cười. Chồng tôi cũng cười, nhe hàm răng trắng ởn trong ánh trăng. Khi tôi còn nhỏ, ông bà
tôi cũng thường cãi nhau, mỗi lần thế bà lại nói với ông là “yêu chiều em đi chứ” đến nỗi lúc ấy tôi còn là trẻ con mà cũng thấy buồn cười, rồi sau khi cưới cũng kể cho chồng nghe, cả hai đứa cùng cười lăn cười bò.
Lúc đó khi nghe tôi nói như vậy, chồng tôi quả thật có cười nhưng ngay lập tức lại làm ra vẻ mặt nghiêm túc.
“Anh dự định làm một việc quan trọng. Bất chấp sự chỉ trích của thế gian, anh cũng định làm một việc quan trọng. Em thực sự là một người tốt. Đừng lo lắng đến những chuyện không đâu. Hãy bình tâm lại và có lòng tự hào. Anh lúc nào cũng chỉ nghĩ cho em thôi. Về điểm này thì dù em có thể tự tin đến mấy cũng không thừa đâu.”
Tự nhiên nói ra toàn những chuyện mất hứng, nghiêm trang đáng ghét nên tôi khó chịu, cúi mặt mà lí nhí.
“Nhưng mà anh đã thay đổi rồi đấy.”
(Em chẳng thà không được anh nghĩ đến, chẳng thà bị anh ghét, căm hận thì tâm tư em có lẽ còn thoải mái hơn. Nghĩ cho em đến mức như vậy mà còn đi ôm ấp người khác, cái kiểu cách đó của anh đã đẩy em xuống địa ngục rồi).
Có lẽ đàn ông thường hiểu lầm rằng lúc nào cũng nghĩ về vợ mình là đạo đức chăng? Cho dù có thích người khác đi nữa mà vẫn không quên vợ mình là điều đúng đắn, là lương tâm, chẳng phải đàn ông thường xuyên nghĩ phải như vậy hay sao? Và hễ bắt đầu yêu người khác rồi là cứ thở dài u uất trước vợ mình, bắt đầu cảm thấy dằn vặt về đạo đức, vì thế mà người vợ cũng cảm nhiễm cái u uất của chồng mình, rồi cũng thở dài theo, rồi nếu người chồng vui vẻ bình thường thì người vợ cũng sống mà không nghĩ đến địa ngục. Nếu yêu người ta, xin hãy quên vợ mình đi mà yêu cho tận tụy, cho miệt mài!
Chồng tôi cười như không có chút sức lực nào.
“Thay đổi à? Không có thay đổi đâu. Chỉ có điều dạo này trời nóng quá. Nóng không sao chịu nổi. Đành phải xin lỗi excuse me[5]mùa hạ thôi.”
Vì không biết bám víu vào đâu nên tôi hơi mỉm cười. “Đúng là con người đáng ghét.”
Tôi nói vậy rồi bắt chước chồng, lập tức chui ra khỏi màn về chỗ của mình, chen vào nằm giữa hai đứa con
mà ngủ theo hình chữ “tiểu” (小).
Tuy nhiên, chỉ cần nũng nịu, nói chuyện và cười với chồng như thế thôi là tôi cũng vui và cảm thấy cái khối ngưng kết trong ngực mình đã tan ra một chút, đêm đó tôi đã ngủ được một giấc lơ mơ đến sáng mà không trằn trọc suy tư.
Từ giờ trở đi tôi thay đổi suy nghĩ của mình. Cứ duy trì tình trạng này, nũng nịu với chồng, nói đùa, vờ vĩnh một chút thì có chuyện gì nữa cũng không sao, không cần có thái độ đúng đắn cũng chẳng hề gì, đạo đức gì cũng được, chỉ là muốn sống vui vẻ một chút, lâu lâu, cho dù một giờ hai giờ vui vẻ là được, bám víu vào chồng làm sao trong nhà cất tiếng cười vui vẻ là xong. Đúng lúc tôi định thực hiện điều ấy thì một buổi sáng kia, chồng tôi nói là muốn đi suối nước nóng.
“Anh nhức đầu quá. Đúng là chịu thua cái nóng mất rồi. Ở gần suối nước nóng Shinshu anh có một người quen bảo rằng cứ đến chơi bất cứ lúc nào cũng được, không cần lo lắng mang theo gạo muối làm gì đâu. Anh muốn đến đó tĩnh dưỡng chừng hai ba tuần. Cứ như thế này thì anh sẽ phát điên lên mất. Trước hết anh muốn thoát khỏi Tokyo cái đã.”
Bất chợt tôi nghĩ là chồng mình đi du lịch vì muốn trốn chạy người ấy.
“Trong lúc anh đi vắng, lỡ có trộm vào thì làm thế nào?”
Khi tôi vừa cười (những người buồn bã thì thường hay cười) vừa hỏi vậy thì chồng tôi trả lời:
“Thì em cứ nói với bọn trộm là ông chồng tôi bị điên rồi. Bọn trộm chắc cũng không nỡ ra tay với người điên đâu.”
Vì không có lý do gì để phản đối chồng đi du lịch, tôi mới mở ngăn tủ định lấy đồ mùa hè của chồng ra, nhưng tìm khắp nơi mà chẳng thấy.
Tôi xanh xám cả mặt.
“Không có. Chuyện gì vậy nhỉ? Mình ở nhà hoang hay sao?”
“Anh bán rồi.”
Chồng tôi cười mà như sắp khóc, trả lời như vậy. Tôi kinh ngạc nhưng giả vờ như không.
“Nhanh vậy sao?”
“Cái này còn ghê gớm hơn cả ăn trộm nữa đấy.” Tôi nghĩ chắc chắn là chồng cần tiền vì người đàn bà ấy. “Vậy thì anh sẽ mặc gì đây?”
“Chỉ cần một mảnh áo sơ mi hở cổ là được.”
Vừa mới nói buổi sáng, buổi trưa chồng tôi đã định đi. Dù muốn rời nhà sớm phút nào hay phút ấy, nhưng hôm đó Tokyo giữa những ngày nắng nóng kéo dài lại đổ một trận mưa rào. Chồng tôi khoác ba lô, đi giày, ngồi ở bậc thềm hành lang, vẻ mặt rất hấp tấp vội vàng chờ cho mưa tạnh, bất chợt nói lẩm bẩm:
“Cây bách nhật hồng hình như cứ cách một năm mới nở hoa một lần thì phải.”
Cây bách nhật hồng trước hành lang năm nay không nở hoa.
“Chắc là vậy đấy.”
Tôi trả lời bâng quơ.
Đó là cuộc nói chuyện thân thiết có vẻ vợ chồng cuối cùng của hai chúng tôi.
Trời tạnh mưa, chồng tôi vội vàng rời khỏi nhà như chạy trốn rồi; ba ngày sau, trên báo có một bài nhỏ viết về vụ tự sát đôi ở hồ Suwako.
Sau đó, tôi nhận được bức thư của chồng tôi gửi từ lữ quán ở Suwa.
“Cái chết của anh với người con gái này không phải vì tình yêu. Anh là một ký giả. Ký giả phải dụ dỗ con người ta vào con đường cách mạng và phá hoại đồng thời phải toát mồ hôi mà tìm cách thoát ra khỏi đó. Đúng là một sinh vật kỳ quái. Là một con ác ma thời hiện đại. Anh không chịu nổi sự căm ghét chính bản thân mình mới quyết tâm leo lên cây thánh giá của nhà cách mạng. Một vụ tai tiếng của ký giả. Chắc đây là một sự việc chưa từng có tiền lệ chăng? Cái chết của anh nếu giúp được sự phản tỉnh hay hổ thẹn nơi những con ác ma hiện đại dù chỉ một chút thôi thì anh cũng lấy làm vui mừng.”
Đại khái trong lá thư viết cho tôi toàn những điều ngu
ngốc và vớ vẩn như thế. Có lẽ đàn ông cho đến lúc chết cũng phải ra uy, dối trá hành xử như thể hành vi của mình cũng phải có một ý nghĩa gì đó chăng?
Nhờ hỏi thăm bạn bè của chồng, tôi mới biết được rằng người phụ nữ kia là một ký giả hai mươi tám tuổi, làm ở tòa soạn báo Kanda nơi trước kia chồng tôi từng làm việc. Nghe nói trong khi tôi đi sơ tán ở Aomori thì cô ta đến tá túc ở ngôi nhà này, rồi thì bầu bì hay gì đó, dù chỉ vì thế thôi mà chồng tôi náo động om sòm lên là cách mạng gì gì đó rồi tự sát thì thật đúng là càng nghĩ càng thấy chồng tôi là con người không ra gì.
Tiến hành cách mạng là để con người ta sống vui. Tôi không tin vào nhà cách mạng có gương mặt bi tráng. Tại sao chồng tôi không thể công khai yêu người con gái đó một cách vui vẻ để làm cho vợ mình cũng vui vẻ theo? Thứ tình yêu địa ngục ấy đối với đương sự có thể là một nỗi khổ đau riêng nhưng lại gây phiền hà đến bao nhiêu người khác. Nếu như có thể thay đổi phần nào cảm xúc của mình bằng một cuộc cách mạng chân chính thì chắc chắn đâu phải là chuyện gì khó khăn. Vậy mà sự gớm ghê của cái thập tự giá cách mạng chẳng thay đổi được một chút cảm xúc nào đối với vợ mình cả. Sự ngu ngốc đến mức kinh ngạc ấy làm tôi phiền muộn rã rời hơn là cảm thấy buồn thương và giận dữ khi đưa ba đứa
conlêntàuđiệnđinhậnxácchồngởSuwa.
NỮ TÁC GIA
Truyện được dịch từ nguyên tác “Chiyojo” (千代女) trong tuyển tập truyện ngắn “Nữ sinh” (女生徒) của văn hào Dazai Osamu (太宰治) do nhà xuất bản Kadokawa
(角川文庫) ấn hành khổ bỏ túi năm Bình Thành 21 (2009) từ trang 142 đến 161. Nguyên văn truyện là “Chiyojo” (千代女- Thiên Đại nữ) là bút danh của nữ thi sĩ thơ Haiku Kaganochijo (加賀千代-Gia hạ Thiên đại) (1703-1775) thời trung kỳ Edo. Tác phẩm để lại có “Chiyoni kushu” (千代尼句集-Thi tập của ni sư Chiyojo) và “Matsu no koe” (松の声-Tiếng thông reo).
Phụ nữ quả thật là thứ không ra gì! Có lẽ trong số phụ nữ chỉ có một mình tôi là hư hỏng, cứ không ngừng nghĩ mình là thứ vô dụng bỏ đi. Tuy nói như vậy nhưng quả thật, tôi cảm thấy mình vẫn có một sự ngoan cố bám rễ sâu dày, đen đúa trong đáy tâm tư rằng mình cũng có một điểm hay nào đó mà tôi cũng không hiểu rõ nữa. Tôi bây giờ có cảm giác nặng nề u uất không sao tan được như thể đang đội một cái nồi rỉ sét trên đầu mình vậy. Chắc chắn là mình đầu óc ngu si. Thật sự là
ngu si. Năm sau tôi sẽ mười chín tuổi. Đâu có còn là trẻ con nữa đâu.
Vào năm mười hai tuổi, chú Kashiwagi đã gửi bài văn của tôi cho tạp chí “Chim xanh”, được tuyển hạng nhất và vị tiên sinh tuyển bài cứ khen ngợi mãi đến phát sợ, rồi sau đó thì tôi trở nên chẳng ra gì. Bài văn lúc ấy thật là xấu hổ. Bài văn như vậy mà thật sự hay sao? Cuối cùng thì hay ở chỗ nào chứ? Bài văn ấy có nhan đề là “Tiêu tiền” chỉ viết một chút chuyện cỏn con khi tôi đi mua thuốc lá cho chú thôi mà. Tôi nhận năm điếu Batto từ bà bán thuốc, nhưng vì thấy toàn là màu xanh có vẻ buồn bã quá nên tôi trả lại một điếu để đổi lấy cái hộp thuốc màu đỏ mà tiền không đủ nên chẳng biết làm sao. Bà bán thuốc cười và nói thôi để lần sau trả cũng được làm tôi vui mừng khôn xiết. Trên cái hộp thuốc màu xanh, tôi chồng thêm cái hộp thuốc màu đỏ, đặt nó vào lòng bàn tay thử xem thấy đẹp như hoa anh thảo nên ngực tôi cứ phập phồng, đi lại thật khó khăn. Đại khái là tôi viết như vậy đó. Có vẻ rất chi là trẻ con và nũng nịu quá nên giờ nghĩ lại tôi cứ thấy bất an. Rồi ngay sau đó, được chú Kashiwagi khuyến khích nên lại gửi cho báo bài viết “Khu phố Kasuga”, lần này thì không nằm trong mục bài viết nữa mà được đăng trang trọng chữ lớn ngay trên trang nhất của tờ báo. Bài viết “Khu phố Kasuga” này viết về chuyện người cô tôi ở khu
Ikebukuro nói là lần tới sẽ chuyển nhà lên dãy Nerima khu phố Katsuga, có vườn rộng rãi và mời tôi nhất định phải đến chơi một lần cho biết. Vì thế mà vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng sáu tôi đã lên tàu từ nhà ga Komagome, tới ga Ikebukuro thì đổi tàu rồi xuống ga Nerima nhưng nhìn xung quanh thấy toàn đồng không mông quạnh, không biết khu Kasuga là ở chỗ nào. Hỏi mấy người làm vườn thì họ cũng không biết luôn làm tôi thật muốn khóc. Trời thì nóng nực. Cuối cùng hỏi thử người đàn ông chừng bốn mươi tuổi đang kéo xe chất đầy những chai rượu rỗng xem sao thì ông ta cười buồn, đứng lại rồi vừa dùng một cái khăn cáu bẩn lau mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt vừa lẩm bẩm mấy lần khu Kasuga, khu Kasuga mà suy nghĩ giúp tôi. Sau đó, ông ta nói thế này:
“Khu Kasuga ấy rất chi là xa. Từ ga Nerima này phải lên tàu đi đến Ikebukuro sau đó đổi tàu đến ga Shinjuku, rồi lại đổi tàu đi về hướng Tokyo, đến một nơi tên Suidobashi thì xuống, thật sự rất chi là xa xăm”. Ông ta ráng sức giải thích cho tôi bằng thứ tiếng Nhật bập bẹ đó là con đường thuận tiện nhất để đến khu Kasuga ở Hongo đấy. Nghe chuyện, tôi biết ngay ông ta là người Triều Tiên, vì thế mà tôi càng biết ơn ông hơn, nghẹn ngào cảm động. Người Nhật nhiều khi biết đường đấy nhưng vì phiền phức nên họ cứ nói là không biết còn
người Triều Tiên này tuy không biết đường rành rẽ lại ra sức chỉ đường cho tôi, vừa lau mồ hôi ròng ròng vừa ráng sức giải thích. Tôi nói “cám ơn chú” rồi theo lời ông ta chỉ đi đến ga Nerima rồi lên tàu quay trở về nhà mình. Mặc dù lúc ấy tôi cũng đã định đi đến khu Kasuga ở Hongo cho rồi. Về đến nhà, cảm thấy có cái gì buồn bã, không thoải mái tự nhiên. Tôi cứ viết trung thành những cảm xúc đó. Vậy mà lại được đăng trang trọng chữ lớn trên trang đầu của báo mới thật ái ngại làm sao! Nhà tôi ở khu Nakasato, gần sông Takinogawa. Cha tôi là người Tokyo nhưng mẹ thì lại sinh ra ở Ise. Cha tôi là giáo viên tiếng Anh của trường đại học tư thục. Tôi không có anh hay chị gì cả. Chỉ có một đứa em trai ốm yếu, quặt quẹo. Em trai tôi năm nay đã vào học ở trường trung học của thành phố. Tôi tuyệt đối không ghét bỏ gì gia đình mình cả nhưng lúc nào cũng cảm thấy vô cùng cô đơn. Trước đây hạnh phúc hơn. Thật sự là hạnh phúc! Tha hồ nũng nịu với cha với mẹ, nói những chuyện vui, chọc cười cả nhà. Đối xử với em trai cũng dịu dàng nữa, tôi đã là một người chị tốt. Vậy mà từ sau khi đăng được bài viết trên báo “Chim xanh”, đột nhiên tôi trở thành một đứa con gái đáng ghét và nhút nhát. Thậm chí còn cãi tay đôi với mẹ nữa chứ. Khi được đăng bài “Phố Kasuga” trên báo, tiên sinh Iwami, người tuyển bài đã viết một bài cảm tưởng dài gấp hai gấp ba lần bài viết của tôi. Tôi đọc và cảm thấy buồn bã. Nghĩ
bụng thầy Iwami đó đã bị mình lừa rồi. Tôi nghĩ thầy Iwami là người có cái tâm đẹp đẽ và đơn giản hơn mình nhiều. Rồi sau đó nữa, thầy Sawada trong giờ dạy viết luận ở trường đã mang vào trong lớp quyển tạp chí đó, viết toàn văn bài “Phố Kasuga” của tôi lên bảng rồi dành cả tiếng cất tiếng oang oang mà khen ngợi với vẻ hưng phấn lạ thường. Tôi sợ đến nỗi khó thở, mắt mũi tối tăm, thấy cả thân mình biến thành tảng đá. Tôi biết là mình không xứng đáng được khen ngợi như vậy nên nếu sau này mà viết một bài văn dở tệ bị chúng bạn chê cười thì sẽ là một chuyện khổ sở và hổ thẹn đến thế nào đây. Tôi cứ lo lắng mãi như vậy đến không còn thiết sống nữa. Mà thực sự thì thầy Sawada đâu có cảm động với bài văn tôi viết đâu, chỉ là vì bài văn đó được in chữ lớn trên báo và còn được tiên sinh Iwami nổi tiếng ngợi khen nên mới hưng phấn đến mức như thế, ngay cả đến trẻ con còn biết được nữa là, vì thế mà tôi càng buồn bã hơn, đến mức không sao chịu nổi. Nỗi lo lắng của tôi sau này đã hoàn toàn trở thành sự thật. Toàn là những chuyện khổ sở và hổ thẹn mà thôi. Bạn bè trong trường ngay lập tức xem tôi như người xa lạ. Ngay cả người bạn thân thiết nhất của tôi đến giờ là bạn Ando cũng gọi tôi bằng những lời cạnh khóe như “nữ sĩ Ichiyo[6]”, “nữ sĩ Murasaki Shikibu[7]” cuối cùng cũng tránh xa tôi, chạy đến chơi với nhóm bạn Nara và Imai vốn từ xưa đến giờ
vẫn ghét, mỗi lần thấy bóng tôi từ xa lại chụm đầu thì thầm với nhau điều gì đó, rồi cùng nói cười với nhau, trêu đùa đến mức hạ phẩm. Tôi nghĩ là cả đời mình sẽ chẳng viết văn nữa. Nghe lời tán tụng của chú Kashiwagi mà trót gửi đi, cuối cùng hỏng hết mọi chuyện như vậy đấy. Chú Kashiwagi là em của mẹ tôi. Chú đang làm ở văn phòng quận Yodobashi, năm nay chừng ba mươi bốn ba lăm tuổi, năm ngoái cũng đã có đứa con trai rồi đấy nhưng làm như mình vẫn còn trẻ lắm, nghe nói chú đôi khi vẫn nhậu say “quắc cần câu” rồi bị đuổi làm nữa chứ. Mỗi lần đến nhà chơi hình như chú đều lấy ít tiền của mẹ rồi mới về thì phải. Tôi có nghe mẹ kể lại là hồi mới vào đại học, chú học để nuôi mộng làm nhà văn, cũng được các vị tiền bối kỳ vọng nhưng rồi vì giao du với bạn xấu mà trở nên hư hỏng, bỏ học nửa chừng. Nghe nói chú đọc rất nhiều tiểu thuyết của Nhật Bản và của nước ngoài. Bảy năm trước, chú đã ép uổng gửi bài viết dở tệ của tôi cho báo “Chim xanh” rồi sau đó trong suốt bảy năm trường tôi cứ bị chú ép uổng mãi. Tôi rất ghét tiểu thuyết. Bây giờ thì khác rồi nhưng hồi đó lúc bài viết đơn giản của tôi được đăng trên báo hai kỳ liên tục thì bị bạn bè xa lánh, được thầy cô đối xử đặc biệt khiến tâm tư nặng nề nên thực sự là tôi rất ghét viết văn. Rồi sau đó cho dù chú Kashiwagi có dụ dỗ thế nào đi nữa, tôi cũng quyết không gửi bài. Bị truy bức quá có lần tôi đã khóc thét lên. Trong giờ làm văn ở lớp, tôi
cũng không viết một chữ nào, chỉ vẽ vời những khuôn mặt phụ nữ hình tròn hình tam giác trong vở mà thôi. Thầy Sawada đã phải lôi tôi lên phòng giáo viên mà la mắng rằng “kiêu ngạo là không được đâu, em hãy biết tự trọng đi”. Tôi cũng cảm thấy hối hận. Nhưng vì chẳng bao lâu sau đó tôi tốt nghiệp trường tiểu học nên dù sao cũng thoát được chuyện khổ sở như vậy. Sau khi tôi vào trường trung học nữ ở Ochanomizu, trong lớp không có ai biết tôi được chọn đăng mấy bài văn chán ngắt cả nên tôi thở phào nhẹ nhõm. Đến giờ tiểu luận, tôi cũng vui vẻ viết và đạt điểm thường thường bậc trung. Tuy nhiên chỉ có chú Kashiwagi là lúc nào cũng trêu đùa tôi. Cứ mỗi lần đến nhà tôi lại mang theo ba bốn quyển tiểu thuyết mà bảo rằng “đọc đi, đọc đi”. Vì đọc thử thấy khó quá, hầu như không hiểu lắm nên tôi giả vờ như mình đã đọc rồi trả lại sách cho chú. Vào năm thứ ba của trường trung học nữ, đột nhiên tiên sinh Iwami của báo “Chim xanh” gửi cho cha tôi một bức thư dài. Xấu hổ quá tôi không thể nào kể ra hết được, nhưng khen tôi quá chừng, đại khái là một tài năng mà để chôn vùi như vậy thì thật đáng tiếc, liệu có thể cho cháu viết lại đôi chút không ạ, tôi có thể chăm lo đến những tạp chí đăng bài cho cháu... Nói chung là nói những điều nghiêm túc bằng ngôn ngữ vô cùng lịch sự như vậy. Cha chỉ lẳng lặng đưa bức thư đó cho tôi xem. Đọc thư tôi nghĩ rằng tiên sinh Iwami này thật là một người đàng hoàng
nghiêm túc nhưng qua bức thư này tôi biết chắc được rằng sau lưng có sự giật dây của chú tôi. Chắc chắn là chú đã dùng chiêu trò gì đó để tiếp cận Iwami tiên sinh, lập ra nhiều kế hoạch mà trong đó có việc gửi bức thư này cho cha tôi. Không nghi ngờ gì nữa. Tâm trạng như muốn khóc, tôi cúi đầu mà nói “Cái này là do chú nhờ vả đây. Chắc chắn là vậy. Tại sao chú có thể làm điều đáng sợ như vậy chứ?”. Khi ngước lên nhìn cha tôi thấy cha có vẻ đã thấu hiểu chuyện này, khẽ gật đầu mà nói với vẻ không vui “cậu em Kashiwagi chắc làm chuyện này với ý đồ xấu đây, mình mà không đến chỗ tiên sinh Iwami chào một tiếng thì cũng khó xử”. Cha tôi từ trước đã không ưa chú Kashiwagi cho lắm. Khi bài văn của tôi được tuyển đăng báo cả mẹ và chú đều rất vui mừng nhưng chỉ có cha là nói không được vui mừng quá trớn như vậy, rồi la mắng chú Kashiwagi. Sau này mẹ nói lại cho tôi nghe với vẻ bất mãn. Mẹ thì tuy lúc nào cũng nói xấu chú nhưng mà hễ nghe cha tôi nói xấu về chú một lời là đùng đùng nổi giận. Mẹ vốn là người tốt, dịu dàng và hoạt bát nhưng vì chuyện chú Kashiwagi mà đôi khi cũng cãi nhau với cha tôi. Chú thật là con ác ma của nhà tôi. Khoảng sau hai ba ngày kể từ khi nhận được bức thư lịch sự của tiên sinh Iwami, giữa cha mẹ tôi đã xảy ra một trận tranh cãi kịch liệt. Đến bữa cơm chiều, cha tôi bảo “Tiên sinh Iwami đã nói với thành ý như vậy nên để không thất lễ tôi sẽ dẫn Kazuko
đến chỗ tiên sinh để trình bày tâm tư của nó mà xin lỗi tiên sinh vậy. Chỉ có một bức thư mà để phát sinh sự hiểu lầm rồi có những chuyện không hay xảy ra thì cũng khó xử”. Mẹ tôi thì cúi gầm mặt, suy nghĩ một chút rồi nói “cậu em mình tệ quá. Làm phiền mọi người vất vả bao nhiêu”, rồi sau khi ngẩng mặt lên, lấy ngón tay út của bàn tay phải vén mớ tóc trễ xuống lại nói rất nhanh “có thể là tại chúng em ngu ngốc nên thấy con bé Kazuko được một người nổi danh như thế khen ngợi thì cảm thấy từ nay về sau lại muốn nó được tiếp tục nâng đỡ nữa. Nếu như có thể phát triển nữa thì em cũng muốn cho phát triển nữa xem sao. Mặc dù lúc nào em cũng bị mình la mắng nhưng chẳng phải mình cũng quá cứng nhắc hay sao?” và mỉm cười nhợt nhạt. Cha ngừng đũa rồi nói với giọng bảo ban, dạy dỗ “nếu cứ để cho nó phát triển thì sẽ chẳng ra sao cả. Văn tài của phụ nữ là thứ không đáng giá gì lắm đâu. Có thể vì sự hiếm hoi mà được ưa thích nhất thời đấy nhưng cuối cùng cả đời sẽ chẳng ra gì. Con bé Kazuko nhà mình cũng sợ điều ấy. Đối với con gái mà nói cứ đi làm dâu rồi trở thành một bà mẹ tốt là cách sống hay nhất. Các người lợi dụng con gái mình chỉ để làm thỏa mãn cái lòng hư vinh và ham công danh của mình thôi”. Mẹ chẳng có ý nghe lời cha nói một chút nào, vươn tay nhấc cái nồi trên cái bếp than kế bên tôi đặt xuống đất, rồi đưa ngón cái với ngón trỏ của bàn tay phải lên môi, ngoảnh mặt đi mà nói
“nóng quá, nóng quá, bỏng mất rồi. Nhưng không phải là cậu em em có ý xấu đâu nhé”. Lần này thì cha đặt chén đũa xuống đất mà lớn tiếng “em có hiểu mình đang nói gì không. Hai chị em cô đang ăn thịt con bé Kazuko đấy”. Cha dùng tay trái khẽ đẩy kính lên, rồi sau đó định nói gì đấy nữa thì đột nhiên mẹ khóc rống lên rồi vừa dùng tạp dề lau nước mắt vừa đem bao nhiêu chuyện tiền bạc trong nhà như là tiền lương của cha, tiền quần áo của hai chị em tôi nói ra hết cả. Cha hất cằm về phía chị em tôi, làm hiệu như là “đi ra chỗ khác” vậy nên tôi thúc em tôi, rút lên phòng học nhưng vẫn nghe vọng tiếng tranh cãi từ phòng khách giữa cha và mẹ đến cả tiếng đồng hồ. Mẹ bình thường vốn là người vui vẻ, dễ chịu vậy mà cứ hễ phấn khích lên là nói ra toàn những chuyện thô tục, cực đoan đến mức không thể nào nghe nổi; thành ra tôi rất buồn. Sáng hôm sau, nghe nói cha từ trường về đã ghé nhà tiên sinh Iwami để cảm ơn và tạ lỗi. Sáng hôm đó cha cũng đề nghị tôi cùng đi nhưng mà tôi sợ hãi, miệng cứ run lên, răng đánh lập cập, không đủ sức mà đi cùng cha được. Tối đó cha tôi trở về nhà vào lúc bảy giờ, kể cho mẹ con tôi nghe là Iwami tiên sinh tuy hãy còn trẻ nhưng là người thông minh sáng láng, hiểu rõ được tâm trạng của cha con mình, ngược lại còn xin lỗi cha nữa, nói là thực sự cũng không muốn khuyến khích con gái đi vào con đường văn học, rồi thì tuy không nói rõ tên nhưng quả thật là do bị chú
Kashiwagi nhờ vả năm lần bảy lượt nên bất đắc dĩ đành phải viết thư cho cha thôi. Khi tôi cào cào tay cha, thấy đằng sau đôi mục kỉnh, mắt cha nhắm lại mà cười. Mẹ thì rất điềm tĩnh, như đã quên hết mọi chuyện đã xảy ra, cứ liên tục gật đầu theo lời cha tôi và không nói thêm điều gì nữa.
Từ khoảng thời gian đó trở đi, không thấy bóng chú Kashiwagi xuất hiện thường xuyên nữa, mà cho dù có đến cũng đối với tôi rất ư là xa lạ rồi lại bỏ về ngay. Tôi đã hoàn toàn quên đi chuyện viết văn, cứ từ trường trở về nhà là lại chăm sóc mấy chậu hoa, đi chợ, giúp mẹ việc bếp núc, làm gia sư cho em trai, may vá thêu thùa, học bài, xoa bóp lưng cho mẹ, quá ư bận rộn, đảm đương đủ các vai trò, có ngày còn cảm thấy sức cùng lực kiệt nữa.
Nhưng rồi bão đến. Khi tôi học năm tư trường trung học nữ, vào dịp Tết, thầy Sawada dạy thời tiểu học bất ngờ đến thăm nhà. Cha mẹ tôi quá sức vui mừng hỏi han đủ thứ nào là trời thật là hiếm khi thầy đến chơi, rồi thật là nhớ nhung ngày cũ... nghe thầy Sawada nói chuyện là đã thôi dạy tiểu học từ lâu, giờ làm gia sư chỗ này chỗ kia, sống một cuộc đời thư thả. Tuy nhiên theo cảm nhận của tôi, tuy nói ra thì thất lễ nhưng thầy chẳng có vẻ ung dung thư thả một chút nào. Chắc chắn là thầy
cũng bằng cỡ tuổi chú Kashiwagi thôi nhưng trông thầy cứ như người đã trên bốn mươi, gần năm mươi tuổi ấy, trước đây khuôn mặt thầy trông cũng đã khắc khổ rồi nhưng chỉ trong vòng bốn năm năm không gặp thôi mà trông thầy có vẻ mệt mỏi, già đi chừng hai chục tuổi vậy. Tuy không có sức để cười nhưng lại cố mà cười nên trên má hằn lên những nếp nhăn cứng còng khổ sở khiến thầy thậm chí trông có vẻ bần tiện thế nào ấy hơn là sự đáng thương. Đầu thầy vẫn húi đinh như thường lệ nhưng tóc bạc đã thấy nhiều. Khác với trước đây, thầy giờ cứ tâng bốc tôi quá đáng nên khiến tôi bối rối và khổ sở. Thầy nói toàn những lời nịnh bợ trơ trẽn đến mức nghe không nổi như dung mạo đoan trang, phẩm hạnh quý phái, quả là tôi được thầy đối xử quá mức lịch sự như đấng bề trên của thầy vậy. Thầy cứ hướng về cha mẹ tôi mà nói huyên thuyên về chuyện thời tôi còn học tiểu học đến mức khó chịu, mang cả chuyện bài văn mà tôi đã quên bẵng đi từ lâu ra nói nữa, nào là thật tiếc cho một tài năng, ngày xưa tôi không quan tâm mấy đến các bài luận của các em thiếu nhi tại vì không có phương pháp giáo dục nào nhằm phát huy tâm trí của các em dựa vào bài luận cả, nhưng bây giờ thì khác rồi. Về các bài luận áp dụng cho các em thiếu nhi, tôi đã nghiên cứu đầy đủ và có thể tự tin vào phương pháp giáo dục đó. Sao nào, Kazuko, dưới sự chỉ dẫn mới của thầy, em thử học lại văn chương một lần nữa xem sao. Thầy cứ nói
dai dẳng mãi nào là thầy say rượu rồi nên nói ra những lời khoa trương kệch cỡm, nào là thôi thì bắt tay thầy một cái nhé nên cha mẹ tôi cũng cười cười nhưng trong lòng dường như cũng thấy khó chịu. Nhưng đó không phải chỉ là chuyện đùa nói suông mà thầy Sawada nói trong lúc say sưa. Khoảng chừng mười ngày sau, thầy lại đến nhà tôi chơi với vẻ mặt đầy hàm ý, rồi nói là bây giờ chúng ta bắt đầu luyện lại các bước cơ bản của viết luận từng chút một nhé làm tôi thật sự bối rối khó xử. Sau này tôi mới biết được tình cảnh của thầy là vì trong chuyện học hành luyện thi của học sinh tiểu học xảy ra vấn đề nên thầy bị buộc thôi dạy, rồi cuộc sống không như ý muốn nên thầy lần lượt đến thăm nhà học sinh cũ, gần như cưỡng bức học kèm để lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Sau khi đến thăm nhà tôi vào dịp Tết thì ngay sau đó thầy gửi cho mẹ tôi một lá thư, tán tụng văn tài của tôi, rồi lấy ví dụ một nữ sĩ thiên tài đang được mến chuộng lúc đó để dẫn dụ mẹ tôi, mà cũng vì mẹ tôi cho đến giờ vẫn còn lưu luyến với văn chương của tôi nên đã trả lời là vậy xin thầy khoảng tuần một lần đến làm gia sư hộ cho; còn cha tôi thì cũng chủ trương giúp đỡ chút ít cuộc sống của thầy Sawada nên bảo rằng thầy ấy vốn là thầy dạy con bé Kazuko nên không thể nào từ chối được rồi làm ra vẻ miễn cưỡng mà đón thầy Sawada. Thầy Sawada vào mỗi thứ bảy lại đến nhà, lên phòng học của tôi mà thì thầm toàn những chuyện tào
lao ngu ngốc khiến tôi ghét không sao chịu được. Thầy cứ nói đi nói lại những chuyện đương nhiên như là văn chương đầu tiên là phải biết sử dụng đúng trợ từ, như thể đó là một chuyện gì rất đỗi trọng đại, khiến tôi ganh tỵ với cậu em Taro đang chơi ở ngoài vườn. Quả thật là quá sức ghen tỵ với cậu em Taro đang chơi ngoài vườn. Nghe Taro nói nó phải ra vườn chơi làm tôi cười khúc khích, thì ngay lập tức ánh mắt thầy có vẻ trách móc, nhìn chăm chú vào mặt tôi rồi thở dài mà rằng em thật thiếu sự thành thật, cho dù người ta tài năng phong phú bao nhiêu đi nữa mà không có sự thành thật thì cũng sẽ không thành công được ở trong bất kỳ lĩnh vực nào đâu, em có biết thiếu nữ thiên tài tên là Terada Masako chứ, nàng ấy sinh ra bần hàn, gia cảnh đáng thương đến nổi muốn học mà không mua nổi một quyển sách, tuy nhiên chỉ nhờ vào sự thành thật, tuân thủ theo những lời giáo viên dạy mà có thể hoàn thành được một danh tác đến như thế đó. Đối với những giáo viên mà nói thì cũng cảm thấy được khích lệ biết bao nhiêu. Chỉ cần em có thêm một chút thành thật, tôi cũng có thể đào tạo em thành Terada Masako cho mà xem, mà không, em còn được hoàn cảnh ưu đãi nên có thể trở thành một văn sĩ tài cao hơn nữa. Thầy đây cũng có một vài điểm tiến bộ hơn cả thầy dạy của Terada Masako, đó là điểm giáo dục đạo đức. Em có biết Rousseau không, Jean Jacques Rousseau đấy, ở vào khoảng năm một ngàn sáu trăm
Tây lịch, không một ngàn bảy trăm, một ngàn chín trăm, cứ cười đi, cười cho nhiều vào, em quá ỷ lại vào tài năng của mình mà khinh miệt thầy dạy, ngày xưa ở Trung Hoa có một người tên là Nhan Hồi... Trong vòng một tiếng thầy nói đủ chuyện trên trời dưới đất rồi làm ra vẻ đã xong xuôi nói lần tới sẽ tiếp tục nhé rồi rời khỏi phòng tôi mà xuống phòng khách nói chuyện thời tiết gió mưa với mẹ rồi ra về. Nói xấu về người thầy đã từng giúp đỡ mình ít nhiều hồi còn học tiểu học thì có vẻ không hay nhưng thật sự thì chỉ có mình tôi cho rằng thầy Sawada đã lẩn thẩn. Chẳng hạn như thầy vừa xem quyển sổ tay nhỏ vừa nói những điều quá đáng như là văn chương là phải coi trọng miêu tả, nếu viết những gì không thể hiện nét miêu tả thì người ta không hiểu được, như trường hợp hình dung một cảnh tuyết rơi nhé. Thầy nhét quyển sổ nhỏ ấy vào túi áo ngực, nhìn ra những bông tuyết nhỏ rơi ngoài cửa sổ như diễn kịch. Tuyết rơi dày là không được. Không có cảm giác tuyết. Rơi liên tục là cũng không được. Thế nếu rơi bồng bềnh thì sao nào, vẫn chưa đủ. Phải gần với sự lững lờ. Cảm giác tuyết sẽ đến dần dần. Cái này mới là thú vị. Thầy vừa lắc đầu một mình, vừa khoanh tay với vẻ cảm động, rồi hình dung cảnh mưa xuân thì sao nào. Có phải lâm thâm là tuyệt nhất không nào? Đúng vậy lâm thâm đến lắc rắc là thú vị nhất. Lắc rắc lâm thâm, thầy hạ giọng lẩm bẩm rồi nheo mắt lại như muốn thưởng thức quang cảnh đó
thì đột nhiên lại, ây dà, vẫn chưa đủ, tuyết phải bay tán loạn như lông ngỗng mới đẹp chứ hả? Trong cổ văn có xác thực điều này, rơi như lông ngỗng là một cách nói tuyệt diệu đấy nhỉ. Em hiểu không Kazuko? Đấy, từ buổi đầu tiên thầy đã hướng về tôi mà nói như vậy. Tôi vừa thấy tội nghiệp thầy, vừa căm ghét, như muốn khóc luôn. Tôi chịu đựng suốt ba tháng trời mà nhận chịu sự giáo dục vô nghĩa tào lao như vậy rồi đến lúc chỉ cần nhìn thấy mặt thầy Sawada là tôi phát chán nên đành kể hết mọi chuyện cho cha nghe, thỉnh cầu cha từ chối không cho thầy Sawada đến dạy nữa. Nghe xong cha nói “thật không ngờ”. Cha tôi đầu tiên vốn phản đối chuyện gọi thầy đến làm gia sư nhưng vì để giúp đỡ một phần cuộc sống của thầy cho nên mới quyết định vậy, đâu ngờ là thầy dạy cho con mình thứ giáo dục văn chương vô trách nhiệm như thế, cha chỉ nghĩ mỗi tuần một lần thầy đến để giúp đỡ chuyện học hành của Kazuko một chút thôi. Ngay tức thì cha lại tranh cãi kịch liệt với mẹ. Nghe tiếng cãi nhau của cha mẹ từ phòng khách, tôi cứ thế mà khóc ròng. Vì chuyện của tôi mà trở nên ầm ĩ như thế này, tôi cảm thấy không có ai bất hiếu, tệ hại như tôi cả. Thậm chí tôi đã nghĩ đến chuyện nếu vậy thì chẳng thà mình chuyên tâm học tập viết văn hay tiểu thuyết để làm mẹ vui lòng có khi còn hay hơn nhưng tôi không thể. Tôi không thể viết ra được một chút gì hết. Ngay từ đầu tôi đã không có văn tài rồi. Nếu
để hình dung cảnh tuyết rơi thì thầy Sawada chắc chắn làm giỏi hơn tôi nhiều ấy chứ. Không làm được gì cả vậy mà còn cười chê thầy Sawada nữa, mình thật là một đứa con gái quá chừng ngu ngốc. Ngay cả hình dung những lắc rắc lâm thâm tôi còn không thể nghĩ ra được nữa mà. Vừa lắng nghe cha mẹ cãi nhau trong phòng khách tôi vừa không ngừng nghĩ mình thật là một đứa con gái hư hỏng.
Lúc đó mẹ đã chịu thua cha và thầy Sawada từ đó không thấy bóng dáng đâu nữa nhưng những chuyện xấu thì cứ liên tục xảy ra. Khu Fukagawa ở Tokyo có một cô gái mười tám tuổi tên là Kanazawa Fumiko đã viết một áng văn chương tuyệt tác, được nhiều người khen ngợi. Sách của bạn ấy có số lượng bán vượt xa hơn tất cả những tác gia nổi tiếng khác, chỉ một bước mà thành triệu phú. Chú Kashiwagi với vẻ mặt đắc ý như thể mình đã là kẻ giàu có rồi đến nhà tôi chơi mà lan truyền tin đồn đó, nói cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi lại hưng phấn lên, bảo rằng Kazuko có văn tài chỉ cần muốn viết là viết được thôi, tại sao không thử đi; với lại bây giờ khác xưa rồi, con gái cứ quanh quẩn mãi ở trong nhà là không được đâu, cứ để chú Kashiwagi dạy cho rồi viết thử xem thế nào; chú ấy khác với những người như thầy Sawada, là người đã học lên đến bậc đại học nên nói gì thì nói cũng có chỗ tin tưởng được; nếu được giàu có như thế
thì đến cha cũng tha thứ thôi. Vừa dọn dẹp nhà bếp mẹ vừa nói hăm hở như vậy. Chú Kashiwagi từ hôm đó đến nhà tôi gần như là hàng ngày, lên phòng học của tôi mà dạy bảo, đầu tiên phải viết nhật ký đi, cứ viết ra những gì mình nhìn thấy và cảm nhận thì đó cũng là một áng văn chương tuyệt vời đấy. Rồi sau đó thuyết giảng cho tôi rất nhiều lý luận gì đấy khó lắm nhưng vì tôi không có ý muốn viết nên cứ nghe cho qua chuyện mà thôi. Mẹ tôi mỗi lần phấn khích lên là tan ngay nhưng cơn phấn khích bữa đó kéo dài cả tháng, nhưng rồi cũng xong; chỉ riêng cơn phấn khích chú Kashiwagi thì không những không tiêu biến đi mà còn đậm đặc hơn. Những lúc cha vắng nhà, chú thường lớn giọng bảo với hai mẹ con tôi với vẻ mặt nghiêm trang rằng “em quyết tâm biến Kazuko trở thành tiểu thuyết gia, rồi thì Kazuko là một đứa con gái mà chỉ còn đường trở thành tiểu thuyết gia chứ không thể khác, một đứa con gái thông minh tuyệt đỉnh như thế làm sao có thể đi làm dâu một nhà bình thường được, mà phải bỏ tất cả để dấn thân vào con đường nghệ thuật thôi”. Mẹ thì cũng bị chú thuyết phục đến mức như thế nên cũng ra vẻ không vui, cười buồn mà nói rằng “đúng vậy nhỉ, mà như vậy thì tội nghiệp cho Kazuko quá”.
Những lời chú nói không biết chừng là đúng. Khi tôi tốt nghiệp trường trung học nữ vào năm sau đó, thì tôi vừa
căm ghét những lời dự báo của ông chú ác ma đến chết đi được nhưng một mặt sâu trong đáy tâm tư tôi lại thầm khẳng định là có lẽ đúng như vậy nhỉ. Tôi đúng là một đứa con gái chẳng ra gì. Đầu óc tăm tối ngu muội. Tôi cũng chẳng hiểu được con người mình ra làm sao nữa. Sau khi ra trường đột nhiên tôi hoàn toàn thay đổi. Mỗi ngày đều cảm thấy chán chường. Tôi thấy chuyện làm việc nhà, chăm sóc chậu hoa, luyện đàn koto, chăm sóc em đều có vẻ ngu ngốc, lén cha mẹ mà đọc tiểu thuyết diễm tình. Tại sao tiểu thuyết lại toàn viết về những điều xấu xa bí mật của con người như thế này? Tôi đã trở thành một đứa con gái dơ bẩn mơ tưởng toàn chuyện viển vông hư hỏng mất rồi. Chính lúc này tôi nghĩ rằng mình muốn viết ra nguyên xi những điều mình thấy và cảm nhận như lời chú dạy để tạ lỗi với thần linh nhưng tôi lại không có dũng khí đó. Không phải, tôi không có tài năng. Tâm trạng tôi cứ quanh quẩn không cùng như thể đang đội một cái nồi rỉ sét trên đầu vậy. Tôi không thể viết ra một chút gì. Dạo gần đây tôi muốn viết thử xem sao. Mấy ngày trước đây tôi đã lén viết vào sổ tay một truyện nhan đề là “Cái hộp ngủ” viết về một đêm chán ngắt rồi nhờ chú đọc thử xem sao. Chưa đọc hết một nửa, chú đã mất hứng, bỏ dở giữa chừng mà nghiêm mặt nói rằng Kazuko à, cháu nên bỏ mộng làm nữ tác gia đi. Sau đó chú lại cười khổ sở mà nói với tôi những lời khuyên nhủ rằng trong văn chương mà không
có tài năng đặc biệt thì không được đâu cháu ạ. Ngược lại giờ cha thì cười vui vẻ mà nói rằng nếu như con thích thì cứ làm thử xem sao. Mẹ thì cứ lâu lâu nghe mấy lời đồn đại ở mấy chỗ khác như Kanazawa Fumiko hay một thiếu nữ nào khác một bước nổi danh là lại phấn khích lên, bảo rằng nếu không bền chí thì không được đâu, như nữ sĩ Kagano Chiyojo ngày xưa ấy, lần đầu tiên đến chỗ thầy học làm thơ haiku, khi được bảo là làm thử một bài thơ về chim cuốc thì nhanh chóng thảo mấy bài liền đưa thầy xem nhưng thầy bảo là chưa đạt; thế là về nhà suy nghĩ một đêm liền không ngủ, đến khi nhận ra thì trời đã sáng bạch, mới không nghĩ gì mà than “chim cuốc, chim cuốc kêu, trời đã sáng” rồi viết ra trình thầy xem thế là trở thành nữ sĩ Chiyojo. “Đầu tiên có thể mình chưa được khen ngay đâu nhưng làm chuyện gì cũng phải bền chí con ạ”. Mẹ nói xong, nhấp một ngụm trà, lần này hạ giọng thì thầm “chim cuốc, chim cuốc kêu, trời đã sáng, quả thật là như vậy, một bài thơ thật tuyệt” rồi tự mình cảm động mà thưởng thức bài thơ. Mẹ ơi, con không phải là Chiyojo. Con chỉ là một cô bé ham mê văn học thiểu năng chẳng viết được gì cả mới chui vào kotatsu[8]đọc tạp chí rồi buồn ngủ nên mới nghĩ ra là cái lò sưởi kotatsu thật là cái hộp ngủ của con người rồi thử viết ra một tiểu thuyết nhưng chú đọc giữa chừng đã bỏ dở. Sau này con có đọc lại thì thấy đúng là chẳng thú vị một chút nào. Làm thế nào mới có thể viết
được tiểu thuyết hay đây chứ? Hôm qua tôi đã lén gửi thư cho tiên sinh Iwami. Trong thư tôi viết rằng xin tiên sinh đừng vứt bỏ đi một thiếu nữ thiên tài của bảy năm về trước. Có lẽ tôi đã phát điên mất rồi!
NỮ SINH
A, cái cảm giác khi mở mắt thức dậy thật thú vị. Như khi chơi trốn tìm, ngồi bó gối nấp trong ngăn tủ đựng chăn mền tối tăm, đột nhiên bị Dekochan kéo cửa mở ra, ánh sáng trời tràn vào và Dekochan nói “tìm thấy rồi nhé”. Sự chói mắt rồi thì một nỗi bất an kỳ lạ lan đến và ngực đập thình thịch, chỉnh trang lại phía trước bộ kimono, hơi ngại ngùng bước ra khỏi ngăn tủ rồi đột nhiên bừng bừng giận dỗi. Cái cảm giác như vậy đó. Mà không, cũng chẳng phải cảm giác đó đâu. Có một cái gì đó không thể nào chịu đựng nổi. Như khi ta mở một cái hộp ra, trong đó lại có một cái hộp nhỏ hơn, ta mở cái hộp nhỏ đó ra lại thấy một cái hộp nhỏ hơn nữa, rồi một cái hộp bé hơn, cái hộp bé xíu nữa, cứ như vậy mở đến bảy tám cái hộp ra cuối cùng đến một cái hộp nhỏ như con súc sắc, ta mở thử ra xem sao thì thấy chẳng có gì hết, hoàn toàn trống rỗng. Một cái cảm giác gần như là vậy đấy. Cái chuyện thình lình mở mắt dậy là nói dối đấy thôi. Cứ như là một lớp đùng đục, đùng đục rồi trong lúc ấy những hạt bột từ từ chìm xuống, lớp cặn từ từ đầy lên và cuối cùng mệt mỏi mở mắt thức dậy. Buổi sáng thật trắng trợn làm sao.
Những điều buồn bã cứ chất đầy lên đầy lên trong lồng ngực, không sao chịu đựng nổi. Không được, ghét quá đi! Buổi sáng là khi mình trở nên xấu xí nhất. Hai chân mệt rũ ra rồi chẳng muốn làm gì nữa cả. Có lẽ tại chưa ngủ đẫy giấc chăng? Buổi sáng thì khỏe mạnh gì chứ, cũng là lời dối trá cả thôi. Buổi sáng màu xám tro. Lúc nào cũng như nhau cả. Là hư vô trống rỗng nhất. Nằm trên giường vào buổi sáng, lúc nào tôi cũng thấy yếm thế bi quan. Ghét quá! Bao nhiêu chuyện xấu xa hối hận đến ập vào tim tôi cùng một lúc khiến tôi phiền muộn rã rời.
Buổi sáng thật khó chịu!
“Cha ơi”, tôi thử kêu lên khe khẽ. Tuy xấu hổ nhưng vui sướng, tôi thức dậy và nhanh chóng gấp chăn mền. Khi mang chăn cất đi, tôi cất giọng “ây dà”[9]và ngạc nhiên. Cho đến bây giờ tôi không nghĩ mình là đứa con gái có thể nói ra những lời tùy tiện “ây dà” như thế. Cứ như lời thốt ra của một bà già vậy, đáng ghét quá! Tại sao mình lại bật ra một lời như vậy nhỉ? Tôi cảm thấy khó chịu như có một bà già đang ẩn nấp ở đâu đó trong cơ thể mình vậy. Từ giờ phải chú ý nào. Cứ chê cười kiểu cách ti tiện của người ta mà giờ mình cũng hành xử y như thế. Khi nhận ra điều ấy, sao mình buồn quá đỗi!
Buổi sáng lúc nào mình cũng chẳng có chút tự tin. Cứ
mặc nguyên quần áo ngủ mà ngồi lặng trước tấm gương soi. Vì không đeo kính nên khi nhìn vào gương thấy gương mặt tôi hơi mờ nhạt và lặng lẽ. Trên gương mặt mình tôi ghét nhất là đôi mắt kính nhưng nó cũng có điểm hay mà người ta không biết. Tôi thích tháo kính ra và nhìn xa xăm. Toàn thể lắng xuống như nhìn bức tranh qua một chiếc ống nhỏ, tuyệt vời như mơ. Không nhìn thấy một chút gì dơ bẩn cả. Chỉ có những thứ lớn lao, chỉ có những màu sắc mạnh mẽ tươi mới, chỉ có ánh sáng ngập tràn ánh mắt nhìn. Tôi thích tháo kính ra để nhìn ngắm người ta. Gương mặt của họ đều dịu dàng, đẹp đẽ và tươi cười. Hơn thế nữa, khi tháo kính ra tôi hoàn toàn không có ý muốn cãi nhau với người, không hề muốn nói xấu người ta. Chỉ là một sự lặng yên mơ màng. Và như thế, khi nghĩ mình lúc ấy thật ngây thơ khờ khạo tôi lại càng yên tâm với sự mơ màng, muốn nũng nịu của mình và tâm tư cũng rất dịu dàng thư thả.
Tuy vậy nhưng tôi quả thật là ghét đôi mắt kính lắm. Khi đeo kính vào tôi chẳng có cảm giác gì về khuôn mặt mình cả. Nhiều xúc cảm từ gương mặt từ lúc được sinh ra như sự lãng mạn, đẹp đẽ, nghiêm trang, khiếp nhược, ngây thơ, nỗi sầu bi ai... Tất cả những điều ấy bị cặp mắt kính che đi mất cả. Hơn nữa, khi đeo kính vào muốn nói những lời bằng ánh mắt thì không thể nào làm được.
Cái kính là một con ma.
Chắc là do lúc nào tôi cũng ghét cặp mắt kính của mình hay sao mà tôi nghĩ con người ta đẹp nhất là đôi mắt. Cho dù không có mũi đi chăng nữa, hay là che cái miệng đi thì chỉ cần đôi mắt mà khi ta nhìn vào khiến cho mình phải sống đẹp đẽ hơn nữa thế là đủ rồi. Mắt của tôi chỉ được cái to mà thôi. Chứ hễ nhìn chăm chú vào đôi mắt mình, tôi lại thấy chán ngắt. Ngay cả mẹ cũng bảo như vậy. Chắc là mắt mình chẳng có chút nào long lanh chăng? Như cục than đen vậy. Nghĩ vậy khiến tôi chán chường. Tệ thật đấy! Cứ mỗi lần soi gương, tôi lại không ngừng muốn đôi mắt mình trở nên tươi sáng, long lanh. Một đôi mắt như nước hồ sâu, như khi ta nằm trên bãi cỏ mà ngắm mây trời, đôi khi phản chiếu những đám mây bay qua. Thậm chí phản chiếu rõ ràng cả những cánh chim bay nữa. Tôi muốn mình được gặp gỡ nhiều người có đôi mắt đẹp.
Từ sáng hôm nay đã là bắt đầu tháng năm. Khi nghĩ về điều ấy không hiểu sao tôi lại thấy hồi hộp. Quả thật là vui sướng. Đã sắp đến mùa hè rồi. Bước chân ra vườn, những chùm hoa dâu tây đọng vào đôi mắt. Cái sự thật cha tôi đã mất đi thật là kỳ bí. Chết đi, không còn nữa; chuyện này thật khó mà lý giải được. Thật không sao hiểu nổi. Tôi nhớ đến chị tôi, đến những người đã chia
tay, những người đã lâu rồi không gặp mặt. Buổi sáng gợi cho ta nhớ đến những chuyện quá khứ, những con người xa xưa bỗng phảng phất quanh ta thật gần gũi như thể cái mùi dưa cải chua làm ta không thể nào chịu đựng nổi.
Hai chú cún Japii và Kaa tội (vì thấy nó tội nghiệp quá nên tôi gọi là con Kaa tội[10]) cùng chạy đến bên tôi. Chúng ngồi ngay trước mặt và tôi chỉ thấy con Japii là dễ thương. Bộ lông trắng tinh của Japii ngời sáng lên đẹp đẽ. Còn con Kaa thì dơ dáy làm sao. Tôi biết rõ là khi mình nựng nịu con Japii thì con Kaa ngồi cạnh bên cái mặt như sắp khóc. Tôi cũng biết là con Kaa chân bị tật. Kaa buồn thiu và tôi ghét nó. Vì thấy nó quá tội nghiệp cho nên tôi cố tình chơi xấu nó. Bởi con Kaa nhìn cứ như con chó hoang nên tôi không biết bao giờ thì nó bị người ta giết. Với cái chân như thế chắc nó chạy trốn sẽ chậm chạp lắm. Kaa! Mày hãy mau chạy vào sâu trong núi đi. Mày không làm cho ai cảm thấy dễ thương được cả vậy thì chết cho rồi. Không phải chỉ riêng với Kaa mà với con người tôi cũng tàn nhẫn như vậy. Khi chơi xấu người ta tôi cảm thấy được kích thích. Tôi thực sự là một đứa đáng ghét. Ngồi trên trường kỷ, vừa lấy tay xoa đầu con Japii vừa nhìn những chiếc lá xanh đang thẩm thấu vào đôi mắt, tôi cảm thấy vô cùng khổ đau và bỗng dưng muốn ngồi bệt xuống đất. Tôi muốn thử khóc lên.
Tôi nín thở, cho rằng khi làm mắt bị sung huyết thì sẽ có chút nước mắt ứa ra nhưng làm thử rồi mới thấy là không thể. Có lẽ mình đã trở thành một đứa con gái không có nước mắt mất rồi.
Tôi bỏ cuộc, bắt đầu đứng dậy dọn dẹp căn phòng. Vừa dọn dẹp vừa hát bài “Cô gái Okichi”. Vừa hát vừa cảm thấy mình đã nhìn xung quanh một chút. Thường thì tôi rất say mê nhạc của Mozart và Bach nên tự nhiên thấy mình hát bài “Cô gái Okichi” nên thú vị. Nâng chăn mang cất đi thì nói “ây dà” rồi khi dọn phòng thì lại hát bài “Cô gái Okichi”, mình thật đúng là không được rồi. Cứ vậy thì ai biết trong khi ngủ mơ mình thốt ra những lời nào tùy tiện nữa chứ, và cảm thấy vô cùng bất an. Nhưng tự nhiên cũng cảm thấy có chút gì buồn cười nên tôi ngừng quét và tủm tỉm cười một mình.
Tôi mặc chiếc áo lót mới may xong hôm qua. Nơi vùng ngực, tôi thêu một bông hồng trắng nhỏ. Khi mặc áo ngoài vào thì người ta sẽ không nhìn thấy bông hồng này. Chẳng ai biết cả. Tôi đắc ý lắm!
Mẹ tôi đã rời nhà đi từ sáng sớm để chuẩn bị cho một đám cưới của ai đó kia. Từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã tận lực giúp người như thế rồi nên tôi cũng đã quen nhưng vẫn ngạc nhiên trước sự nhiệt tình của mẹ. Thật cảm
động! Cha tôi ngày xưa suốt ngày chỉ chăm chú vào việc học hành nên mẹ thường làm thay việc của cha nữa. Cha tôi ít giao tiếp, không phải là con người xã giao nhưng mẹ thì lại biết cách tập hợp những con người tử tế. Mặc dù hai người khác biệt như vậy nhưng hình như đều tôn kính lẫn nhau, có thể nói là một đôi vợ chồng hòa thuận, đẹp đẽ, không có chút xấu xa nào. A, không được, thật là hỗn xược, hỗn xược quá!
Trong khi chờ hâm món canh súp miso cho nóng, tôi ngồi nơi cửa bếp, nhìn bâng quơ ra hàng cây phía trước nhà. Và bất chợt tôi cảm thấy mình đã ngồi đây và vẫn sẽ ngồi đây từ ngày xưa đến sau này nữa, cũng vẫn với một tư thế này và cảm giác thật kỳ lạ như thấy được quá khứ, hiện tại, tương lai ngay trong một khoảnh khắc. Những chuyện như thế này đôi khi vẫn thường xảy ra. Chẳng hạn như tôi ngồi trong phòng nói chuyện với một ai đó. Mắt tôi lướt qua một góc bàn và dừng lại, chăm chú nhìn. Chỉ duy có miệng tôi là cử động. Những lúc như thế, tôi có một ảo giác kỳ lạ. Tôi tin rằng mình đã từng nhìn vào góc bàn như thế, nói cùng một câu chuyện như vậy và rồi trong tương lai tôi cũng thấy mình làm những chuyện y như bây giờ. Khi đi bộ trên con đường quê ở chốn xa lạ, tôi cũng nghĩ con đường này mình đã đi qua rồi chăng? Vừa đi vừa ngắt lá đậu ở bên đường, tôi cũng nghĩ mình cũng đã từng ngắt lá đậu
ở con đường này rồi thì phải. Rồi lại tiếp tục tin là sẽ có lúc nào đó mình cũng đi lại con đường này nhiều lần và lại ngắt lá đậu như vậy nữa. Rồi lại còn có chuyện thế này nữa chứ. Tôi ngâm nước nóng và nhìn ngắm đôi bàn tay mình rồi nghĩ nhiều năm sau khi mình đi tắm ngâm mình, nhìn ngắm đôi bàn tay chắc chắn mình sẽ nhớ lại lúc bây giờ đây. Khi nghĩ như thế, bất chợt thấy lòng sao u ám. Rồi trong một buổi tối, khi xới cơm ra bát, tôi chợt cảm thấy có một thứ gì đó chạy dọc thân thể. Cảm giác này nếu gọi là cảm hứng thì có vẻ như hơi khoa trương nhưng có thể gọi là “ý niệm triết học”. Rồi thì đầu, ngực, đến từng ngõ ngách trong người đều trở nên trong suốt, một trạng thái bình lặng bồng bềnh sống động, một vẻ mềm mại như miếng thạch dừa được lấy ra trong im lặng không tiếng động, vẫn còn mịn màng như thế, một cảm giác tươi mới, đẹp đẽ nhẹ nhàng. Lúc này nó chẳng giống như triết học gì cả. Cái dự cảm gắn liền với cuộc đời của mình cứ nhẹ nhàng không tiếng động như một con mèo rình trộm chẳng phải là điều vui sướng gì mà ngược lại còn đáng sợ nữa. Nếu cái cảm giác này kéo dài, chẳng phải con người trở thành sự thể nhập của thần linh sao. Như Đấng Giêsu vậy. Mà Giêsu con gái thì thật chán.
Cuối cùng thì bởi tôi rảnh rỗi quá, không phải khổ sở vì sinh kế nên mỗi ngày tôi không thể nào xử lý được cái
tính cảm thụ nghe nhìn đó của mình và trong lúc mơ màng, cái mặt tôi nhìn như con ma cứ nóng sốt phừng phừng như vậy.
Tôi ăn cơm một mình trong phòng ăn. Trong năm nay đây là lần đầu tiên tôi ăn dưa leo. Mùa hạ đến qua màu xanh mướt của trái dưa leo. Trong vẻ mướt mát của dưa leo tháng năm, có một nỗi buồn nhột nhạt, âm ỉ khiến ngực tôi như trở nên trống rỗng. Cứ hễ mà ngồi ăn cơm một mình là tôi lại muốn đi du lịch vô cùng. Muốn được đi tàu hỏa. Đọc báo. Thấy tấm hình của ông Konoe[11]. Ông Konoe có vẻ là một người đàn ông tốt đây. Tôi không thích gương mặt này. Cái trán không được. Thích nhất là mục quảng cáo trên báo. Vì mỗi chữ, mỗi hàng đều phải trả phí một trăm đến hai trăm yên nên người ta đều cố gắng hết sức. Mỗi chữ, mỗi câu đều là những danh cú, được nén chặt lại để đạt được hiệu quả cao nhất, để ư ử ngâm nga. Những câu văn tốn nhiều tiền như thế này trên thế gian này chắc là ít lắm đấy. Tôi cảm thấy có cái gì rất hay. Thật thống khoái.
Ăn cơm xong, tôi khép cửa lại và đi đến trường. Mặc dù nghĩ rằng chắc chẳng sao, trời sẽ không mưa đâu nhưng vì rất muốn mang theo chiếc dù mẹ mới tặng hôm qua để đi dạo nên tôi đã mang nó theo. Chiếc dù này mẹ tôi đã sử dụng từ hồi còn con gái. Do đã tìm ra được cái dù
thú vị này nên tôi có phần đắc ý. Cầm cái dù như thế này trong tay, tôi muốn đi dạo ở những con phố Paris. Chắc chắn là khi cuộc chiến tranh này kết thúc, chiếc dù mang phong cách cổ kính như mang theo mình một giấc mơ này sẽ rất thịnh hành. Chiếc dù này rất hợp với chiếc nón kiểu bê rê. Chiếc áo cổ to mở ra với viền áo màu hồng, đôi găng tay dài được may bằng lụa đen, với mũ rộng vành, gắn đường viền màu tím đẹp đẽ. Rồi đi ăn trưa ở một nhà hàng Paris. Chống gậy chậm chạp khẽ khàng nhìn dòng người đi trên phố đông bên ngoài, chợt ai đó vỗ vai mình. Đột nhiên âm nhạc nổi lên, điệu vanxơ hoa hồng. A, dị quá, dị quá. Hiện thực chỉ là một cây dù dài cán sắp long ra, kiểu dáng lạ lùng cũ kỹ phai màu. Tự nhiên thấy tội nghiệp mình quá. Con gái của một nhà bán diêm. Thôi thì đi bứt cỏ chơi vậy.
Khi ra khỏi nhà tôi đã bứt một ít cỏ phía trước cửa, coi như làm việc giúp mẹ. Hôm nay không chừng có chuyện hay đây. Chỉ là một loại cỏ thôi nhưng cũng có cọng cỏ mà tôi muốn bứt vô cùng và có những cọng cỏ lại muốn lặng lẽ để lại. Có những ngọn cỏ dễ thương và những ngọn cỏ không như thế, mặc dù hình dáng chúng chẳng khác nhau chút nào, có những ngọn cỏ mong manh đáng yêu và ngọn cỏ đáng ghét được tôi phân chia ra rành mạch rõ ràng. Chẳng hợp lý chút nào cả. Tôi nghĩ rằng cái yêu ghét của con gái thật hết sức tùy tiện. Sau
khi nhổ cỏ giúp mẹ chừng mười phút, tôi vội vàng đi đến trạm xe. Vừa đi ngang qua con đường ruộng tôi vừa vô cùng muốn vẽ tranh. Giữa chừng, tôi đi xuyên qua một con đường nhỏ trong rừng nơi có một ngôi đền thần đạo. Đây là con đường tắt mà tôi tự mình khám phá ra. Khi đi ngang qua con đường nhỏ trong rừng này, bất chợt nhìn xuống dưới chân, tôi thấy những ngọn lúa mạch cao chừng hai tấc[12]mọc rải rác đó đây. Nhìn thấy những ngọn lúa mạch xanh muốt ấy tôi mới hiểu rằng năm nay quân đội đã có ghé qua chỗ này. Năm ngoái cũng đã có một đoàn người ngựa rất đông ghé qua nơi này nghỉ ngơi. Một thời gian sau, khi tôi đi ngang qua chốn đây đã thấy những ngọn lúa mạch trồi lên mơn mởn như ngày hôm nay. Tuy nhiên, những ngọn lúa mạch này không thể lớn thêm được nữa. Năm nay cũng vậy, những ngọn lúa mạch xanh run rẩy vương vãi ra từ những cái túi trên lưng ngựa mới tội nghiệp làm sao vì trong khu rừng tối tăm thế này, ánh sáng không lọt tới nên chúng chỉ mọc được đến đó rồi cứ thế mà chết đi thôi.
Rời khỏi con đường mòn trong rừng nơi có đền thờ thần đạo, đến gần nhà ga, tôi nhập bọn với bốn, năm người nông dân. Những người này như thường lệ lại hướng về phía tôi khạc ra những lời đáng ghét mà không thể nào nói ra ở đây được. Tôi phân vân không biết phải xoay xở
như thế nào. Nếu vượt qua bọn họ để đi lên phía trước một quãng xa thì phải chen vào giữa đoàn bọn họ để xuyên qua. Sợ quá. Nhưng nếu cứ đứng yên đó chờ cho bọn họ đi trước một quãng rồi giữ khoảng cách thì lại cần nhiều dũng khí hơn nữa. Điều đó cũng là thất lễ nên không biết chừng bọn họ nổi giận thì tiêu. Người tôi nóng ran, nước mắt cứ chực ứa ra. Vì ngượng ngùng với cái vẻ sắp khóc đó nên tôi hướng về bọn họ mà cười. Rồi cứ chậm chạp đi theo sau lưng bọn họ. Lúc đó là đã đến cực hạn rồi nhưng nỗi uất ức này lên trên tàu điện vẫn chưa tiêu biến đi. Tôi muốn mình nhanh chóng trở nên mạnh mẽ và tinh khôi để có thể điềm nhiên với những chuyện chẳng ra gì như thế này.
Gần ngay cửa tàu điện có một chiếc ghế trống, tôi lặng lẽ tiến đến, đặt đồ đạc xuống, khẽ sửa lại vạt áo và khi chuẩn bị ngồi xuống thì có một người con trai đeo kính điềm nhiên dời đồ đạc của tôi sang một bên và chiếm chỗ.
Khi tôi cất tiếng nói “A, đó là chỗ tôi tìm ra mà” thì anh ta cười khổ rồi thản nhiên mà đọc báo. Suy nghĩ kỹ thì tôi không biết bên nào mặt dày hơn đây. Có lẽ là phía bên mình chăng.
Chẳng còn cách nào khác, tôi đành chất cái dù đi mưa
và đồ đạc của mình trên kệ lưới, nắm hờ hững sợi dây da rồi tính đọc tạp chí như thường lệ, trong lúc dùng một tay lật lung tung các trang thì tôi chợt nghĩ ra một chuyện kỳ lạ không ngờ.
Nếu ai đó lấy đi mất sự say mê đọc sách của tôi thì chắc tôi chỉ có nước khóc ròng. Tôi lệ thuộc vào những điều được viết trong sách đến mức như thế. Khi đọc một quyển sách, tôi trở nên say mê, tin tưởng, đồng hóa, cảm thông và đắm mình vào cuộc sống trong đó. Rồi khi đọc một quyển sách khác, tôi lại ngay lập tức thay đổi, đọc lướt qua cho xong. Cái tài năng vay mượn ăn cắp của người rồi sửa lại đàng hoàng làm của mình và sự tà ma đó là cái đặc kỹ duy nhất của tôi. Thực sự thì cái sự tà tâm này đã trở nên đáng ghét vô cùng. Mỗi ngày mỗi ngày chồng chất thất bại, toàn là nỗi hổ thẹn thì có lẽ người ta sẽ trở nên điềm đạm chắc chắn hơn chăng? Tuy nhiên ngay cả đối với sự thất bại như thế, không hiểu sao tôi cũng vẫn cưỡng từ đoạt lý, sử dụng được một cách diệu xảo để làm ra một cái lý luận rất đàng hoàng như vẻ tựu thành toàn mãn một tấn tuồng khổ nhục vậy (Những từ như thế này tôi đã đọc được ở trong một quyển sách nào đó).
Thật sự thì tôi không biết cái tôi nào là của mình thật sự nữa. Khi hết sách đọc, hay khi không tìm ra một hình
mẫu nào để bắt chước thì tôi sẽ như thế nào đây? Có lẽ không thể làm gì khác, với dáng vẻ phờ phạc và toàn làm những chuyện tổn hại đến mình thôi. Dù sao cứ mỗi ngày suy nghĩ lung tung trên tàu điện như thế này là không được đâu. Hơi ấm đáng ghét cứ vương lấy cơ thể tôi, không tài nào dứt đi được. Nếu không làm gì cả, nếu không làm chuyện gì đó thì tôi nghĩ không thể nào nắm bắt được chính bản thân mình. Tôi nghĩ những phê phán bản thân mình cho đến bây giờ quả thật chẳng có ý nghĩa gì cả. Khi thử phê phán mình chỉ nhận ra toàn chỗ yếu đuối và yếm trá thế là ngay lập tức lại vuốt ve xoa dịu, an ủi mình, thầm đưa ra kết luận là vì sửa sừng mà phải giết trâu[13], lợn lành chữa thành lợn què thì chẳng hay ho chút nào rồi cuối cùng chẳng có gì phê phán cả. Thôi, chẳng suy nghĩ nữa, chẳng thà sống theo lương tâm thì hơn.
Trên tờ tạp chí này, tôi đọc thấy một bài về “khuyết điểm của những người phụ nữ trẻ tuổi” do nhiều người viết. Trong khi đọc tôi thấy như người ta nói về chính bản thân mình và cảm thấy xấu hổ về điều đó. Tôi nhìn hình của họ, tùy từng người mà có kiểu viết khác nhau. Người tôi cho rằng ngốc nghếch thì quả thật họ viết ra những điều lảm nhảm, rồi người mà hình chụp ra vẻ sành điệu thì quả thật sử dụng ngôn ngữ hoa lá cành nên rất là thú vị, đôi khi tôi vừa đọc vừa cười khúc khích.
Người mang tôn giáo thì viết ngay ra tín ngưỡng, nhà giáo dục thì từ đầu đến cuối toàn viết “ân ân” “nghĩa nghĩa”. Chính trị gia trích dẫn Hán Thi, tác gia thì làm ra vẻ ta đây, sử dụng ngôn từ hoa hòe hoa sói. Chảnh chọe kinh.
Tuy nhiên tất cả những điều họ viết ra lại vô cùng chính xác. Nào là không có cá tính. Không sâu sắc. Những thứ chúng tôi ôm ấp khác xa với những hy vọng và tham vọng đúng đắn. Có nghĩa là chúng tôi không có lý tưởng. Cho dù có phê phán thì cũng không có tính tích cực gắn liền với cuộc sống của mình. Không phản tỉnh. Không có tự giác, tự ái, tự trọng thật sự. Cho dù có thực hiện những hành động dũng cảm thì cũng không biết có thể gánh vác trách nhiệm với hậu quả xảy ra hay không. Thuận chiều và có xảo diệu trong việc xử lý với kiểu cuộc sống xung quanh bản thân mình, nhưng bên cạnh đó lại không có tình cảm mạnh mẽ đúng đắn với cuộc sống đó. Không có ý khiêm tốn thật sự. Nghèo tính sáng tạo. Chỉ bắt chước người ta. Thiếu hụt cái cảm giác “yêu thương” của bản lai con người. Làm ra vẻ cao quý nhưng lại không có khí chất. Ngoài ra còn rất nhiều điều khác nữa. Thật sự khi đọc đi đọc lại tôi thấy kinh ngạc vì quá đúng. Không thể nào phủ định được điều gì.
Tuy nhiên tôi cảm thấy toàn bộ ngôn từ được viết nơi
đây chỉ đơn thuần là những điều họ viết ra thôi, khác xa với cái cảm xúc lạc quan và bình thường của bọn họ. Mặc dù có rất nhiều hình dung từ như “ý nghĩa thực sự của...” hay “bản chất của...” nhưng cái tình yêu “thật sự”, cái tự giác “thật sự” là những cái gì thì không được viết ra rõ ràng. Có lẽ là bọn họ hiểu đấy nhưng nếu như vậy thì tôi không lý giải được tại sao họ lại không nói cụ thể hơn, chỉ bằng một lời, mang tính quyền uy như ngón tay chỉ hãy đi sang trái, hãy đi sang phải chẳng hạn thì có phải tốt hơn không. Vì chúng tôi không nhìn ra được phương châm biểu hiện của tình yêu cho nên thay vì nói cái này không được, cái kia không được thì nhấn mạnh cho chúng tôi rằng hãy làm cái này, hãy làm cái kia đi thì tất cả chúng tôi đều sẽ làm đúng như thế. Có lẽ chẳng ai trong số họ có đủ tự tin. Có lẽ những người phát biểu ý kiến ở đây không phải trường hợp nào và lúc nào cũng có ý kiến như vậy cả. Mặc dù la mắng chúng tôi là không có hy vọng và tham vọng đúng đắn đấy nhưng trong trường hợp chúng tôi mang lý tưởng đúng đắn mà hành động thì bọn họ có thể trông chừng và chỉ bảo cho chúng tôi đến đâu đây chứ?
Chúng tôi cứ phải mơ màng phán đoán về những chỗ tốt nhất mà mình nên đi, những nơi đẹp đẽ mà mình muốn đến, những nơi mà mình nên vươn tới. Tôi muốn sống một cuộc đời tốt đẹp. Chính vì vậy mà cần phải có hy
vọng và tham vọng đúng đắn. Hễ có niềm tin có thể dựa vào mà không lay chuyển thì tôi sẽ vội vàng lên. Nếu như muốn thể hiện những điều này ra trên bình diện cuộc sống của một người phụ nữ trẻ thì cần phải nỗ lực như thế nào đây? Rồi còn những cách suy nghĩ của cha mẹ, anh chị nữa chứ. (Mặc dù ngoài miệng nói là cổ lỗ sĩ nhưng tuyệt đối tôi không có ý khinh miệt những bậc tiền bối hay những người già cả hay đã kết hôn đâu. Ngược lại tôi còn kính nhi viễn chi mà giữ kẽ hai ba bước[14]ấy chứ. Chúng ta có quan hệ thân thiết với họ trong cả cuộc đời mà. Chúng ta có những người quen biết. Chúng ta có bạn bè. Chúng ta còn có cái gọi là “dòng đời” xô đẩy chúng ta đi với sức lực mạnh bạo. Rồi khi suy nghĩ, nhìn ngắm về tất cả những điều này thì việc nâng cao cá tính chẳng phải là chuyện gì kinh động cả. Điều đó khiến tôi bắt buộc phải nghĩ rằng “À, đừng có nổi bật, chỉ im lặng đi theo con đường mà người ta thường đi chẳng phải là khôn ngoan nhất hay sao”? Hướng nền giáo dục cho thiểu số về toàn thể chẳng phải là tàn nhẫn quá sao? Cái lối giáo dục đạo đức ở trường lớp với những luật lệ của cuộc đời này vốn khác nhau quá xa, mà tôi biết rằng dần dần sự khác biệt này còn trở nên rộng lớn hơn nữa. Nếu như tuyệt đối tuân thủ theo những bài học đạo đức ở trường người đó sẽ bị xem là kẻ ngu ngốc, bị coi khinh là kẻ lập dị. Không thể thành đạt và trở nên bần cùng. Người không nói dối ư, có lẽ sẽ
có đấy. Nhưng nếu có thì kẻ ấy vĩnh viễn sẽ là kẻ thua cuộc. Trong số những người quan hệ họ hàng với tôi cũng có một người hành xử đúng đắn, mang niềm tin vững vàng, truy cầu lý tưởng, sống với những điều đó theo ý nghĩa thực sự của nó nhưng lại bị tất cả những người họ hàng thân thích nói xấu đủ điều. Đối xử tàn tệ. Mặc dù tôi biết rằng nếu như tôi bị đối xử tàn tệ như thế thì mình là kẻ thất bại nhưng tôi không thể nào nuôi dưỡng cái suy nghĩ của mình đến mức bị mẹ và tất cả mọi người phản đối cho được. Đáng sợ lắm. Ngay từ hồi nhỏ, khi thấy tâm trạng cảm xúc của mình khác hoàn toàn với người ta và đã hỏi mẹ rằng “tại sao như thế ạ?”. Khi ấy mẹ tôi đã chấm dứt câu hỏi ấy bằng một lời gì đó rồi nổi giận. Mẹ nói hình như thế là xấu, không tốt đâu con rồi ra vẻ buồn bã lắm. Tôi cũng từng nói với cha. Cha im lặng một lúc rồi mỉm cười. Và sau đó tôi nghe cha nói với mẹ là “con bé này kỳ cục thật”. Rồi càng lớn lên tôi càng cảm thấy sợ hãi. Ngay cả việc may một cái áo thôi tôi cũng phải suy nghĩ đến cảm nhận và phản ứng của người khác. Mặc dù thật sự tôi lén yêu thích cái gọi là “cá tính riêng của mình” và muốn làm theo điều đó nhưng tôi sợ phải thể hiện điều đó như nét đặc sắc của mình. Tôi lúc nào cũng muốn trở thành một cô gái được mọi người đánh giá là ngoan hiền. Mỗi lần có chuyện tụ tập lại tôi mới thấy mình đê tiện làm sao. Cứ thản nhiên nói líu lo dông dài những lời dối trá về những
điều mình không muốn nói, về những điều khác xa với cảm xúc của mình. Bởi tôi nghĩ rằng làm như thế sẽ vô cùng có lợi. Dù tôi cho đó là một điều đáng ghét. Tôi muốn cái thứ đạo đức này nhanh chóng thay đổi. Nếu được vậy thì có lẽ tôi sẽ không còn phải đê tiện và sống nhỏ giọt từ ngày này qua tháng khác không phải vì mình mà để chiều lòng người.
A, đằng kia có một chiếc ghế trống. Tôi vội vàng lấy túi đồ trên kệ lưới và cầm chiếc dù chen vào ngồi giữa. Bên tay phải là một học sinh trung học, bên tay trái là một người đàn bà địu đứa bé đang ngủ. Mặc dù đã có tuổi nhưng bà ta trang điểm rất kỹ, cuốn tóc theo kiểu thịnh hành thời bây giờ. Tuy gương mặt bà ta đẹp đẽ nhưng ngay cổ lại có một vết nhăn sâu gớm ghiếc đến mức muốn vả cho một cái. Con người ta lúc đứng với lúc ngồi nhiều khi suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Khi ngồi con người ta chỉ toàn nghĩ đến chuyện yếu mềm, không chỗ dựa, yếu ớt vô lực mà thôi. Nơi dãy ghế đối diện tôi có bốn năm người công nhân viên trạc tuổi nhau ngồi đó mơ màng. Họ chừng khoảng ba mươi. Tất cả họ đều đáng ghét. Mắt cứ đục ngầu. Không có tinh thần, tham vọng. Tuy nhiên nếu bây giờ tôi mỉm cười với một ai đó trong số họ, không chừng tôi sẽ bị người ta đuổi bám và cuối cùng có lẽ rơi vào tình cảnh khó xử là phải kết hôn với người đó không chừng. Cái quyết định số phận của
một người phụ nữ nhiều khi chỉ ở trong một tiếng cười mà thôi. Thật đáng sợ. Gần như là điều lạ lùng không hiểu nổi. Mình phải tỉnh táo lên nào. Từ sáng đến giờ toàn suy nghĩ những chuyện lạ kỳ vớ vẩn không đâu. Tự nhiên gương mặt của người đến làm vườn cho nhà tôi hai ba ngày trước lại hiện ra không sao kìm được. Người ấy là dân làm vườn thứ thiệt nhưng tôi có cảm giác khuôn mặt thì hơi khác. Nếu nói một cách khoa trương thì gương mặt ấy có vẻ như gương mặt của một nhà hiền triết. Nước da đen bóng. Mắt đẹp. Lông mày dính sát nhau. Mũi gần như là mũi sư tử nhưng điều đó hợp với nước da ngăm đen và anh ta cho ấn tượng là một con người có ý chí mạnh mẽ. Hình dáng đôi môi cũng ưa nhìn. Nhưng tai hơi thô. Bàn tay rõ ràng là tay của người thợ làm vườn nhưng khuôn mặt trong ánh nắng dưới cái mũ mềm cho ta cảm giác đáng tiếc là anh ta chỉ là một người thợ làm vườn. Tôi phải hỏi mẹ ba bốn lần là có phải người đàn ông đó vốn dĩ lúc ban đầu làm thợ làm vườn không đến mức mẹ nổi giận và mắng cho tôi một trận.
Cái khăn furoshiki mà tôi dùng gói đồ ngày hôm nay là nhận được từ mẹ vào đúng ngày người thợ làm vườn đến nhà lần đầu tiên. Vào ngày đó, nhà tôi tổng dọn dẹp vệ sinh nên người sửa nhà bếp, người thay chiếu tatami cũng đến phụ giúp một tay. Lúc mẹ tôi sắp xếp lại tủ
quần áo mới phát hiện ra cái khăn furoshiki này và đã cho tôi. Cái khăn như một người phụ nữ đẹp. Vì đẹp nên dùng để gói đồ mới đáng tiếc làm sao. Tôi ngồi xuống, đặt chiếc khăn lên đầu gối, lặng lẽ ngắm nhìn. Tôi vuốt ve chiếc khăn. Tôi muốn mọi người trên tàu điện chiêm ngưỡng nó nhưng chẳng có một ai. Nếu như có người chỉ liếc nhìn cái khăn dễ thương này một chút thôi là tôi có thể về nhà người đó làm dâu cũng được. Khi đụng chạm đến cái từ “bản năng” là tôi muốn khóc. Khi hiểu ra rằng cái sự lớn mạnh của bản năng, cái lực mạnh mẽ mà ý chí chúng ta không thể nào lay chuyển được ấy đôi khi bừng dậy trong tôi là tôi cứ cảm thấy như bị phát cuồng. Tôi mơ màng không biết cư xử thế nào cho phải. Không thể khẳng định cũng không thể phủ định, cái thứ lớn mạnh ấy cứ thế mà phủ chụp xuống đầu mình. Và rồi nó vày vò tôi một cách tự do thỏa thích. Cùng lúc tôi có cái cảm giác vừa bị dẫn dắt vày vò vừa thỏa mãn và một cái cảm xúc khác khi nhìn thấy điều đó bằng tâm trạng buồn bã. Tại sao chúng ta không thể thỏa mãn với chính bản thân mình, không thể yêu riêng lấy mình trong suốt kiếp đời này? Khi nhìn thấy thứ cảm xúc của tôi giờ đây, cái bản năng đang ăn tươi nuốt sống lý trí của mình, tôi vô cùng buồn bã. Sau khi quên lãng bản thân mình trong thoáng chốc, thì chỉ còn lại sự chán ngán mà thôi. Khi phân biệt được cái tôi đó và cái tôi bản năng này thì tôi có thể khóc lên được. Muốn gọi cha ơi,
mẹ ơi. Nhưng sự thực có lẽ nằm ở chỗ tôi cảm thấy căm ghét bản thân mình và do đó tôi lại càng buồn thảm.
Đã đến ga Ochanomizu. Khi bước xuống bậc thềm nơi nhà ga, tôi quên hết những điều vừa nghĩ. Dù tôi cố gắng nhớ lại những điều đó nhưng chẳng làm sao nhớ ra được nữa. Tôi vội vàng tự nhủ suy nghĩ tiếp đi nào nhưng chẳng suy nghĩ được gì cả. Hoàn toàn trống rỗng. Lúc suy nghĩ, tôi có cảm giác những tư tưởng đã đánh trúng vào cảm xúc của mình và cảm thấy vô cùng xấu hổ nhưng khi nó đã trôi qua thì thấy như hoàn toàn chẳng có gì. Cái giây phút “hiện tại” này thật thú vị. Bây giờ, bây giờ, bây giờ trong lúc chúng ta dùng ngón tay ấn vào nó thì cái “bây giờ” đó đã trôi xa và cái “bây giờ” mới xuất hiện. Vừa bước lên bậc cầu thang tôi vừa nghĩ “cái gì vậy chứ”. Thật là ngớ ngẩn. Có lẽ tại vì cuộc đời tôi sung sướng quá mà.
Sáng nay cô Kosugi trông thật đẹp. Đẹp như cái khăn furoshiki của tôi vậy. Cô rất hợp với màu xanh đẹp đẽ. Bông hoa cẩm chướng đỏ nơi ngực áo cũng thật nổi bật. Nếu như không có chuyện làm bộ điệu màu mè thì có lẽ tôi thích giáo viên này nhất. Nhưng cô làm duyên làm dáng quá. Có điều gì không tự nhiên. Chắc cô cũng cảm thấy mệt mỏi nhỉ? Tính cách cô ấy có một chút gì đó thật khó hiểu. Có rất nhiều điều tôi không hiểu được.
"""