"
Nội Chiến Hoa Kỳ - Charles P. Roland PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nội Chiến Hoa Kỳ - Charles P. Roland PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Nội chiến Hoa Kỳ
Charles P. Roland
Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/
Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google :http://bit.ly/downloadsach
Table of Contents
NỘI CHIẾN HOA KỲ
LỜI TỰA
1. Bước ngoặt chính trường
2. Kế sách vũ trang
3. Lệnh tổng động viên và các chiến dịch mở màn
4. Những vị tướng nổi bật và chiến tranh leo thang
5. Chính phủ Liên bang, bộ máy hành chính và tiến trình giải phóng nô lệ 6. Chính phủ Liên minh và bộ máy hành chính miền Nam 7. Sự cân bằng chiến thuật
8. Dòng chiến sự đổi chiều
9. Thí thố tài năng dành sự ưu tiên của châu Âu
10. Thắng lợi quân sự và thành công chính trị
11. Miền Bắc hồi sinh
12. Miền Nam bị phong toả
13. Chiến thắng của Liên bang
14. Nhận xét về các nhân vật chủ chốt và các biện pháp thời chiến
LỜI TỰA
Cách nay hơn một thế kỷ, người Mỹ phải chịu hậu quả của một cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” gây tổn thất to lớn. Cuộc chiến này tái hiện lại hầu như toàn bộ chủ nghĩa anh hùng và đức hy sinh, sự tàn bạo và nỗi kinh hoàng của cuộc chiến giữa người Hy Lạp với người dân thành Troy xưa kia. Sau nội chiến Hoa Kỳ, chiến thắng của Liên bang miền Bắc đã mãi mãi thay đổi tiến trình lịch sử của nước Mỹ, và như vậy cũng thay đổi tiến trình lịch sử nhân loại.
Tác phẩm Nội chiến Hoa Kỳ súc tích nhưng dễ hiểu theo lối văn kể chuyện. Chuyện kể về cuộc chiến tranh “máu chảy ruột mềm” của người Mỹ. Sách không chỉ phân tích nghiên cứu về xu thế nguyên nhân và hệ quả hoặc những bài học xương máu rút ra từ cuộc chiến, mà nó còn kể về diễn tiến cuộc chiến tranh cục bộ này. Sách nhấn mạnh chủ yếu vào hành động quân sự, một thành tố giúp phân biệt chiến tranh với tất cả các hoạt động khác của con người. Nó đề cập đến nhiều vấn đề chính trong sự phát triển của chính trị, kinh tế, ngoại giao, xã hội và văn hóa của thời kỳ ấy, sách cho thấy diễn tiến mọi mặt đã tác động đến tiến trình xung đột như thế nào.
Tổng thống Lincoln nổi lên như một nhà lãnh đạo chiến tranh kiệt xuất. Điều này thể hiện ở đức tính kiên trì theo đuổi mục đích của ông: gìn giữ Liên bang Hoa Kỳ, không chấp nhận chính quyền miền Nam li khai. Đồng thời ông vẫn rất linh hoạt trong việc chấp nhận mục tiêu của cuộc chiến là giải phóng chế độ nô lệ. Sách không quên vạch ra những hệ quả không mấy tốt đẹp của chiến tranh luôn đi kèm với tình trạng xâm chiếm, phá hủy và xâu xé lẫn nhau từng một thời “như nấm sau mưa” ở miền Nam nước Mỹ.
Cuối cùng, sách mang lại cho độc giả sự nhẹ nhõm khi đánh giá những hậu quả bao quát của cuộc chiến này. Liên bang Hoa Kỳ đã được gìn giữ trọn vẹn với những lý tưởng về tự do, công bằng, và một chính phủ dân chủ được Lincoln trình bày trong bài phát biểu nổi tiếng nhất của ông: Diễn văn Gettysburg. Câu chuyện về nội chiến Hoa Kỳ là một thiên sử thi của dân tộc Mỹ.
1. Bước ngoặt chính trường
Một quang cảnh đầy kịch tính bắt đầu tại Nghị viện Hoa Kỳ. Hôm đó là ngày 29/01/1850. Thượng nghị sĩ đáng kính, đảng viên đảng Whig, ngài Henry Clay bang Kentucky đang trên bục diễn thuyết. Cả khán phòng im lặng lắng nghe. Nổi tiếng là một bậc thầy về nghệ thuật hòa giải chính trị. Thượng nghị sĩ Clay vừa trở lại nghị viện sau khi nghỉ ngơi khá lâu. Ông hy vọng tìm được một giải pháp tạm làm lắng dịu những cảm xúc ray rứt nảy sinh trước thực tại của miền Bắc và miền Nam, đồng thời đưa đất nước trở lại cảnh thanh bình.
Bế tắc nảy sinh từ những bất đồng về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị vẫn tiếp tục không có lối thoát. Những bất đồng trong việc diễn giải hiến pháp và tính hợp pháp của ngân hàng Hoa Kỳ, những khoản chi tiêu của chính phủ Liên bang và một loại thuế bảo hộ đã gây căng thẳng đáng sợ giữa miền Bắc và miền Nam. Nhưng vấn đề gây căng thẳng lớn nhất và dai dẳng nhất vẫn là vấn đề sở hữu nô lệ. Chiếm hữu nô lệ là một thể chế đã hình thành và gây căng thẳng giữa hai miền. Bản thân vấn đề chiếm hữu nô lệ đã thực sự là một yếu tố gây tranh cãi và phẫn nộ cả về mặt cảm xúc lẫn đạo đức.
Thỏa ước chính trị lớn đầu tiên về vấn đề này (theo sau việc áp dụng hiến pháp Hoa Kỳ) là Thỏa ước Missouri. Thỏa ước ra đời năm 1820 sau một cuộc tranh cãi gay gắt tại hạ viện. Ngoài việc công nhận bang Missouri là bang có quyền chấp nhận thể chế chiếm hữu nô lệ là hợp pháp, và bang Maine là bang tự do để giữ thế cân bằng, theo thỏa ước này, chế độ tiếm hữu nô lệ bị cấm tại các miền đất thuộc Liên bang ở miền Bắc giới tuyến. Còn miền Nam giới tuyến cho phép chế độ nô lệ được tồn tại.
Sự bất đồng về tính pháp lý của thỏa ước này đã làm dấy nên nỗi sợ hãi sâu xa trong lòng không ít chính trị gia nước Mỹ. Từ nơi nghỉ dưỡng tại Monticello, cựu Tổng thống Thomas Jefferson, người Virginia đã viết: “Vấn đề quan trọng này như một hồi chuông báo cháy ngay giữa đêm khuya, đã làm thức tỉnh và dấy lên trong tôi nỗi kinh hoàng. Tôi cho đó là một hồi chuông báo tử của chính quyền Liên bang. Biên giới về địa lý ăn liền với một nguyên tắc đáng chú ý cả về mặt đạo đức lẫn chính trị sẽ không bao giờ bị xóa mờ. Mỗi một kích thích mới sẽ làm cho lằn ranh chia cắt ấy ngày càng thêm sâu hơn”. Ông còn nói thêm: rất có khả năng miền Nam, một ngày nào đó, sẽ buộc phải viện tới kế li khai và phát động một cuộc chiến tranh tự vệ.
Cựu Tổng thống Jefferson không phải là người duy nhất báo trước viễn cảnh đáng buồn ấy. Với một quan điểm khác với vị Tổng thống nói trên, Bộ trưởng Bộ quốc phòng và tương lai sẽ là Tổng thống của Hoa Kỳ, ông John Quyncy Adams người Massachusetts đã viết bằng tâm huyết trong nhật ký rằng: ông tin sự hi sinh để bảo vệ cho sự nghiệp giải phóng nô lệ là một hành động cao cả. Cân nhắc giữa cái giá phải trả cho một cuộc nội chiến và những hành động cần thiết nhằm giải phóng chế độ nô lệ. Ông viết “thật vinh quang làm sao nếu đó là kết quả của vấn đề. Có thể Chúa trời sẽ phán xét tôi nhưng tôi không dám nói rằng một đất nước không còn chế độ nô lệ không đáng được mong ước”.
Trong vòng ba thập kỷ sau khi hiệp ước Missouri được thông qua, miền Bắc và miền Nam ngày càng trở nên xa cách hơn. Miền Nam thành lãnh địa của cây bông. Có khoảng 3,2 triệu nô lệ da đen làm việc trong những đồn điền ấy. Lượng vốn đầu tư vào số nô lệ da đen này lên tới 1,5 tỷ đô la Mỹ. Những chủ đồn điền lớn đều thuộc tầng lớp “có máu mặt” trong các lãnh vực
chính trị, xã hội và kinh tế miền Nam. Các thành phố miền Nam, nếu so với tiêu chuẩn của miền Bắc, có phần nhỏ hơn. Nơi đây là quê hương của nhiều nhà chuyên môn, chủ ngân hàng, các tay buôn nô lệ và chủ nô giàu có. Họ liên kết chặt chẽ cả về mặt xã hội lẫn chính trị với những chủ đồn điền lớn. Các thành phố cũng có một lực lượng đông đảo các chủ tiệm buôn, thợ thủ công lành nghề, và giới lao động bình dân. Nhưng đa số dân miền Nam là người da trắng sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia súc hay như những nông dân độc lập.
Mặc dù khoảng 3/4 dân số da trắng ở miền Nam không hề có nô lệ, nhưng người da trắng ở miền Nam nói chung ủng hộ chế độ chiếm hữu nô lệ. Quan điểm này có ảnh hưởng sâu rộng. Tham vọng của đại đa số người dân nơi đây là thành chủ đồn điền và được sở hữu nô lệ. Tuy nhiên, phần lớn quan điểm này xuất phát từ lí lẽ chủ đạo: người da trắng, xét về mặt chủng tộc, có quyền tối thượng. Họ lo sợ giải phóng nô lệ sẽ gây ra cảnh bạo lực lan tràn. Xã hội bị lay chuyển tới tận gốc rễ. Chế độ dân chủ về chính trị ảnh hưởng lên phần lớn các bang ở miền Nam như ở bất cứ nơi nào khác: quyền bầu cử thuộc về đàn ông trưởng thành da trắng. Giới học giả ngày nay vấp phải những thách thức lớn lao khi trung thành với quan điểm phổ biến một thời: các tầng lớp da trắng miền Nam đã từng bị chi phối bởi giới chủ đồn điền giàu có và sở hữu nhiều nô lệ. Thời ấy, ai cũng đồng tình rằng: ở miền Nam, da đen là nô lệ, da trắng là ông chủ. Hầu hết dân da trắng miền Nam đều hiểu rằng: dân chủ bình đẳng tức là: người da trắng có quyền có nô lệ là người da đen.
Miền Bắc phát triển toàn diện thành cộng đồng năng động với nhiều hoạt động đa dạng: sản xuất, thương mại, hoạt động ngân hàng, canh tác trồng trọt, có nhân công lao động tự do và các thành phố lớn phát triển nhanh chóng. Tầng lớp chi phối miền Bắc về mặt xã hội và kinh tế bao gồm các thương gia, chủ nhà máy, chủ ngân hàng và giới chuyên môn. Một nửa dân số miền Bắc là nông dân. Phần còn lại là chủ tiệm, thương gia, thợ máy và công nhân làm việc trong các nhà máy.
Chế độ chiếm hữu nô lệ đã bị cấm tại các bang miền Bắc. Đã có thời những bang này công nhận chế độ chiếm hữu nô lệ. Rồi vì nhiều lý do khác nhau, dân cư miền Bắc cùng đồng loạt phản đối thể chế dã man này. Trước hết, sự chống đối xuất hiện từ một lời lên án về mặt đạo đức cho rằng: chế độ chiếm hữu nô lệ, về bản chất, là sai trái. Đó là niềm tin xuất phát từ những ngày đầu người da trắng mới đặt chân lên châu Mỹ. Niềm tin ấy được cộng đồng người Quaker ủng hộ kiên định. Nhưng mãi đến giữa thế kỷ XIX, nó mới được lan truyền rộng rãi trong đa số dân chúng miền Bắc.
Xét về mặt kinh tế, sở dĩ người miền Bắc kiên quyết bài nô lệ là vì họ sợ sự cạnh tranh về giá nhân công của nô lệ và ý thức được rằng công ăn việc làm sẽ bị coi rẻ (vì có chế độ nô lệ). Cuối cùng và cũng là một nghịch lý, yếu tố phân biệt chủng tộc đã góp phần không nhỏ vào quan điểm sống của người miền Bắc. Ác cảm với chế độ chiếm hữu nô lệ thường đi đôi với thuyết phân biệt chủng tộc. Về cơ bản, hai tình trạng này giống nhau. Vấn đề phân biệt chủng tộc đã trở nên căng thẳng. Nó chi phối cảm xúc của người miền Nam về các chủng tộc khác màu da. Rất nhiều người miền Bắc phản đối sự tồn tại của chế độ chiếm hữu nô lệ một phần vì họ phản đối sự có mặt của người da đen trên đất Mỹ.
Trong suốt thập niên ba mươi và bốn mươi của thế kỷ XIX, miền Bắc đã chứng kiến sự náo động trong việc cải cách xã hội và cả cuộc sống của giới tri thức lẫn tôn giáo. Có nhiều phong trào nổ ra nhằm đấu tranh cho sự công bằng, quyền của phụ nữ, phong trào đòi bình đẳng giới,
đòi cải thiện cách đối xử với những bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần và tiến tới cải thiện sâu rộng xã hội thông qua giáo dục và các hoạt động tôn giáo nhằm thay đổi môi trường sống của con người. Nhưng một phong trào mang tính cách mạng nhất vẫn là cuộc thánh chiến chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ. Ông William Lloyd Garrison người Boston là một phát ngôn viên đầy kinh nghiệm trong vấn đề này. Cuộc thánh chiến phát triển và làm thức tỉnh các cảm xúc văn hóa đạo đức, đồng thời lôi kéo được sự quan tâm về mặt kinh tế và xã hội tại miền Bắc.
Người miền Nam phản đối hầu hết các cuộc cải cách, bêu rếu chúng và cho rằng chúng chỉ là những học thuyết sáo rỗng. Càng lúc, miền Nam càng sa vào đường lối bảo thủ trong suy nghĩ. Miền Nam đặc biệt khước từ phong trào bãi nô. Họ bắt đầu coi chủ nghĩa nô lệ là tốt, lương thiện thay vì coi là một tội lỗi. Tôn giáo chính thống (luôn trích dẫn kinh thánh để biện hộ cho chế độ chiếm hữu nô lệ) đã trở thành một thành trì vững chắc che chở cho các nền văn hóa miền Nam. Đáng ngại thay, hai tôn giáo lớn ở Mỹ là Baptist và Methodist, đã chia rẽ thành nhiều chi nhánh rạch ròi giữa miền Bắc và miền Nam. Giáo hội trưởng lão chia thành hai trường phái mang những tư tưởng về mặt xã hội và thần học khác biệt nhau một trời một vực.
Chế độ chiếm hữu nô lệ là một trong những vấn đề nổi trội và gây nhiều bức xúc tại các sự kiện chia rẽ về tôn giáo. Nhưng sự chia rẽ về tôn giáo này thực chất là dấu hiệu cho thấy mối bất hòa ngày càng lớn giữa quan điểm thần học của cả hai miền. Đức cha James H. Thornwell, một nhà thần học hàng đầu và là một trí thức của miền Nam cũ, đã so sánh quan điểm của hai miền như là một trận chiến quyết liệt giữa cái thiện và cái ác, cả về mặt tâm linh, văn hóa và xã hội: “Hai phe trong cuộc xung đột này không chỉ là những chủ nô và người chủ trương bài nô. Kẻ vô thần, các nhà xã hội học, người cộng sản, các thầy tu dòng Dominic ủng hộ chế độ cộng hòa đứng về một phe. Những người của chế độ tự do ôn hòa ở phe kia. Nói cách khác, thế giới là bãi chiến trường. Người cơ đốc giáo và kẻ vô thần là chiến binh. Tiến trình phát triển của nhân loại đang lâm nguy”.
Vào năm 1850, khi Nghị sĩ Clay đọc diễn văn tại thượng viện, nỗi bất hòa cục bộ đã bùng phát một cách nguy hiểm khi bàn tới vấn đề mở rộng lãnh thổ có chiếm hữu nô lệ đến phần đất được người Mexico nhượng lại. Đó là một khu vực rộng lớn, về mặt chính trị chưa được tổ chức chặt chẽ, mới được người Mỹ tiếp nhận sau cuộc chiến với Mexico (1846 - 1848). Sau này, nó sẽ trở thành một hoặc nhiều phần trong sáu bang của miền Tây Nam nước Mỹ. Thành viên của thượng viện chia thành bốn nhóm mang quan điểm đối lập về vấn đề này. Quan điểm cực hữu của người miền Bắc đã được thể hiện rõ trong bản Wilmot Proviso, một biện pháp được đệ trình nhưng đã bị bác bỏ trong chiến tranh. Điều khoản này cho rằng cần phải cấm chế độ nô lệ phát triển ở bất cứ vùng đất nào thu được từ những cuộc chiến. Đảng viên đảng Whig, thượng nghị sĩ Willam H. Seward của New York là một người ủng hộ nhiệt tình quan điểm này. Quan điểm cực đoan miền Nam khăng khăng ủng hộ nguyên tắc được nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, ông John C. Calhoun người miền Nam Carolina nêu ra: đòi quyền bảo hộ của chính quyền Liên bang với các chủ nô và tài sản của họ ở bất cứ lãnh địa nào.
Hai bên cùng lôi kéo một nhóm trung lập. Những người tin vào một thể chế dân làm chủ, với dẫn dắt của một thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ (ông Stephen A. Douglas của bang Illinois, Chủ tịch ủy ban phụ trách về các miền lãnh thổ của thượng viện) kêu gọi hạ viện không can thiệp. Hãy để người định cư tại các vùng lãnh thổ đó tự quyết định họ có nên công nhận tính hợp pháp của chế độ nô lệ ở từng địa phương hay không. Cuối cùng, phải kể đến những
người mong đợi hiệp ước Missouri sẽ được phổ biến đến cả khu vực Thái Bình Dương. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Jefferson Davis bang Mississipi là người ủng hộ hàng đầu cho đề xuất này.
Không một người Mỹ nào nghi ngờ về tính nghiêm trọng của thời điểm này. Năm trước, ông Calhoun đã soạn thảo một bản tuyên ngôn thúc giục các bang có chế độ chiếm hữu nô lệ hãy liên kết lại với nhau về mặt chính trị để chống lại các lực lượng bãi nô đang ngày càng phát triển ở miền Bắc. Theo lệnh ông, một cuộc họp gồm các đại biểu đến từ các bang chấp nhận chế độ chiếm hữu nô lệ đã được tổ chức vào mùa hè năm ấy tại Nashville. Hội nghị không có một thỏa thuận chấp nhận vấn đề “nô lệ trên lãnh thổ có được từ cuộc chiến tranh Mỹ - Mexico”. Rõ ràng, hội nghị Nashville sẽ chấp nhận biện pháp cuối cùng trong quyền hợp pháp của các bang do ông Calhoun là tác giả: đó là biện pháp ly khai.
Trong đề nghị của mình, Thượng nghị sĩ Clay trình bày một vấn đề gây tranh cãi từ mọi phía. Ông kêu gọi mọi người thừa nhận: 1) California là một bang tự do bởi dân số của nó đã quá đông do phong trào đổ xô tìm vàng xuất hiện vào năm 1849. California có diện tích rộng lớn đã chấp thuận thể chế ngăn chặn sự phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ. 2) Phần còn lại của vùng đất chiếm được sau chiến tranh Mexico và Mỹ là Utah và New Mexico sẽ được tổ chức thành vùng lãnh thổ không có “Bất cứ sự hạn chế hoặc điều kiện nào về vấn đề chiếm hữu nô lệ”. 3) Mối bất hòa giữa Texas và New Mexico sẽ được giải quyết theo hướng có lợi cho New Mexico, nhưng kèm theo là sự đền bù cho bang Texas bằng việc mua lại các trái phiếu của chính quyền bang này. 4) Hủy bỏ buôn bán và vận chuyển nô lệ giữa các bang nhưng không hủy bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ trong khu vực của Columbia. 5) Một điều luật có liên quan đến nô lệ bỏ trốn có hiệu lực sâu rộng buộc nhà chức trách địa phương và các bang phải hỗ trợ cảnh sát Liên bang trong việc bắt giữ và giao trả nô lệ đào tẩu ở bất cứ nơi đâu trên nước Mỹ.
Ông Clay đã sử dụng mọi kỹ năng thuyết phục hữu hiệu trong bài diễn văn mang tính chất lịch sử này. Gần cuối bài diễn văn, ông giơ cao một mảnh vỡ được cho rằng lấy từ quan tài của Tổng thống George Washington, như một di vật của cây thánh giá và hô hào mọi người trong khán phòng thiết lập ngay các biện pháp cần thiết để bảo toàn nền cộng hòa mà tổng thống Washington xưa kia đã phải vất vả biết bao mới kiến tạo nên.
Ngày 05 và 06 tháng 02, ông Clausewitz một lần nữa lại xuất hiện trên bục diễn giả tại nghị viện để đưa ra lời kêu gọi làm xúc động đến tận tâm can của người nghe. Lần này những dữ kiện của ông đều nhằm hỗ trợ cho những đề xuất ông đã đệ trình nghị viện trước đây. Ông cầu xin lòng nhân từ và tinh thần thỏa hiệp của các bên. Ông bộc lộ nhiều bức xúc của dân Mỹ trong việc phản đối chế độ nô lệ. Họ cho rằng chế độ nô lệ không thể phát triển rầm rộ tại miền Tây Nam nước Mỹ bởi vì đất đai và khí hậu ở đây không phù hợp để thiết lập các đồn điền trồng trọt. Ông tiên đoán vô cùng chuẩn xác rằng: mọi hành động gây bất hòa sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm náu. Ông kết thúc bài diễn văn với một lời khẩn nài rằng: các thượng nghị sĩ “hãy nghiêm túc suy nghĩ và dừng lại ngay bên bờ vực dốc đứng trước khi thực hiện bước nhảy thảm họa và kinh hoàng xuống vực thẳm phía dưới”.
Triết lý sâu xa và kỹ năng hùng biện chính trị nổi bật, thể hiện trong nhiều bài diễn văn của thượng nghị sĩ Clay và hai chính trị gia đáng kính khác của diễn đàn thượng viện Mỹ (Calhoun và Daniel Webster). Trong số họ, người kế tiếp gây ấn tượng mạnh mẽ sau Thượng nghị sĩ Clay là Calhoun. Khi mới tham gia làng chính trị, ông là người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt tình.
Nhưng giờ đây, sau hai thập kỷ, ông đã trở thành nhà bảo vệ chủ nghĩa cục bộ và ủng hộ miền Nam. Ông Calhoun có học thức uyên bác và kiên định theo đuổi mục đích. Ông từ lâu đã tìm kiếm phương cách dung hòa lợi ích quốc gia và lợi ích của miền Nam bằng cách kết hợp nhiều ý tưởng về chủng tộc, kinh tế, chính trị thành một lý thuyết giai tầng xã hội nhằm bảo vệ quan điểm của người miền Nam và thể chế sở hữu nô lệ ở vùng này.
Ông cho là bất hòa giữa hai miền xuất phát từ sự mất cân bằng giữa miền Bắc chiếm đa phần dân số và lãnh thổ, còn miền Nam chiếm thiểu số và từ những hành động thiên vị của chính phủ Liên bang. Cũng giống như ông Clay, ông Calhoun tiên đoán sẽ có ly khai xảy ra trừ khi, những biện pháp thích hợp được áp dụng để khôi phục sự cân bằng.
Điều ông Calhoun nghĩ nhưng không nói thẳng là: hãy thiết lập một thể chế có hai phần chính đồng thời tồn tại. Thể chế này được mô tả như một sự phân chia quyền lực chính trị “Để trao cho khu vực hiện đang yếu hơn một quyền phủ quyết động thái của chính phủ”, đặc biệt là, thông qua việc thiết lập thể chế hai Tổng thống, mỗi Tổng thống điều hành và đại diện cho một khu vực của đất nước và đều có quyền phủ quyết các đạo luật của hạ viện.
Ba ngày sau, mùng 07 tháng 03, Thượng nghị sĩ Wester xuất hiện. Ông Wester đã thay đổi: từ một người theo chủ nghĩa cục bộ thuộc miền New England của những ngày đầu lập quốc lên vị trí một phát ngôn viên có quyền tối thượng của các nhân vật cấp cao trong chính phủ Liên bang. Nếu ông Calhoun nổi tiếng và có máu mặt trong mọi lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị của miền Nam nhờ theo chủ nghĩa cục bộ, Wester nổi tiếng là một công dân New England đáng kính về mặt xã hội, kinh tế và chính trị nhờ quan điểm dân tộc chủ nghĩa.
Dù trước đây ghét cay ghét đắng chế độ chiếm hữu nô lệ và chống đối sự bành trướng của nó, giờ thì ông Webster đã chấp nhận nó (điều này khiến chính phủ Liên bang ở miền Bắc lo sợ). Chính kiến của ông rõ ràng mang tính chất hòa giải. Ông nói: “không phải với tư cách một người dân Massachusetts, không phải với tư cách là một người miền Bắc mà với tư cách là một người Mỹ”. Ông đòi hỏi, và yêu cầu những đồng nghiệp miền Bắc hãy kiên nhẫn trong nỗ lực ban hành điều khoản Wilmot. Đồng thời ông cũng tin chế độ chiếm hữu nô lệ đã phát triển đến giới hạn của nó về mặt địa lý. Nhưng ông cảnh báo những đồng nghiệp miền Nam rằng việc li khai trong hòa bình là không thể. Ông thúc giục toàn quốc chấp nhận những đề xuất thỏa hiệp đã được đưa ra. Bài diễn văn này được người ta nhớ đến như một bài diễn văn hay nhất của Thượng nghị sĩ Wester.
Hạ viện chấp nhận những lời đề nghị nhưng không phải do áp lực trực tiếp những lời khẩn nài từ Chay và Wester. Cuối cùng vào mùa thu năm ấy, nhờ tài lãnh đạo của Thượng nghị sĩ Douglas, nghị viện đã phê chuẩn nhiều biện pháp cho tình thế hiện tại. Đồng thời, với hỗ trợ của người phát ngôn của hạ viện theo đảng Dân chủ, ông Howell Cobb thuộc bang Georgia, hạ viện đã chấp nhận sự thỉnh cầu. Trong cả hai trường hợp, chiến thắng có được đều nhờ sự liên kết của các hạ nghị sĩ từ cả hai đảng Whig và đảng Dân chủ của hai miền đất nước.
Không có nhà lập pháp nào hành động theo một động cơ thuần túy là lòng yêu nước. Hoàn toàn có lý do để tin rằng ý chí của các chính trị gia của hạ viện đã bị ảnh hưởng bởi những tay đầu cơ trái phiếu của Texas. Những trái phiếu này nếu không được quỹ của Liên bang mua lại sẽ chỉ là đống giấy lộn. Thậm chí số phận của con người cũng liên quan tới bản thỏa hiệp này. Trong mùa xuân và mùa hè năm ấy, hai trong số những người thường mạnh mẽ lên tiếng phản
đối thỏa ước đã qua đời. Một là Tổng thống Zachary Taylor, một chủ nô nhưng lại là một người miền Nam theo chủ nghĩa dân tộc. Ông tin rằng vấn đề chiếm hữu nô lệ tại vùng đất giành được của Mexico là một sự dối trá và ông coi toàn bộ cuộc tranh cãi này như một biểu hiện của một thủ đoạn chính trị. Người thứ hai là Calhoun. Ông qua đời trước Taylor. Theo người ta kể lại, lời trăn trối cuối cùng của ông là một lời than vãn đầy tuyệt vọng:“Ôi miền Nam, miền Nam đáng thương!”.
Sau khi Thỏa ước 1850 được thông qua, cả quốc gia thở phào nhẹ nhõm. Họ tưởng đâu đó là lúc chấm dứt mối bất hòa bắt đầu từ chế độ chiếm hữu nô lệ. Tổng thống Millard Fillmore, người kế nhiệm ông Taylor đã ủng hộ nhiệt thành bản thỏa hiệp này. Ông gọi đó là “Cách dàn xếp cực kỳ đúng đắn” của vấn đề chiếm hữu nô lệ tại Mỹ.
Cuộc họp tại Nashville đã không thể khơi mào một phong trào li khai như những kẻ hiếu chiến miền Nam hy vọng. Các bang miền Nam chỉ thông qua một thỏa ước đặc biệt chú trọng đến các quy ước bầu cử các bang. Nhưng họ cũng cảnh báo rõ ràng rằng bất cứ động thái nào nhằm phá hoại thỏa thuận này cũng sẽ dẫn tới li khai.
Cuộc tranh cử Tổng thống năm 1852 cũng cho thấy cả quốc gia đã tán thành hiệp ước nói trên. Dù cả hai đảng lớn đều tán thành thỏa ước này nhưng người thuộc đảng Whig là tướng Winfield Scott thuộc bang Virginia (cũng là ứng viên của bang này tranh cử Tổng thống) chỉ tán thành nửa vời. Hầu như họ chỉ mặc nhận thỏa ước này mà thôi. Những người theo đảng Dân chủ tán thành với thái độ kiên định. Bằng cách đề cử ông Franklin Pierce thuộc bang New Hampshire, một “ứng cử viên nhu nhược” (một cụm từ người miền Bắc dùng để chế nhạo một người miền Bắc gắn bó và dành nhiều tình cảm cho miền Nam), họ khiến đảng này thiên vị miền Nam rất nhiều. Phe phái thứ ba tham gia tranh cử là đảng Free Soil. Đảng này nhiệt tình với phong trào cấm chế độ nô lệ bành trướng hơn nữa. Cương lĩnh của họ rõ ràng là lên án bản thỏa ước. Họ chỉ trích bất cứ sự bành trướng nào của chế độ chiếm hữu nô lệ, coi đó là tội lỗi. Với số đông thành viên đảng Whig li gián khỏi đảng mình, đảng Dân chủ đã đắt cử.
Nhưng có một sự bất đồng ngấm ngầm và đáng lo ngại đang lan tỏa dưới bề ngoài chấp nhận bản thỏa ước. Hai phát ngôn viên của hạ viện bộc lộ điểm bất đồng này là các thượng nghị sĩ William H. Seward và Jefferson Davis. Ông Seward lên án: thỏa ước chính trị với bất kỳ hình thức nào về bản chất đều là “xấu xa và sai trái”. Ông đặc biệt công kích Thỏa ước 1850, coi đó là sự vi phạm tinh thần hiến pháp. Ông còn nói thêm rằng thậm chí hiến pháp có thể được hiểu như là thừa nhận chế độ nô lệ thì vẫn có “một luật pháp cao hơn nữa” (luật của lương tâm) cho thấy việc thực hành chế độ chiếm hữu nô lệ cần phải được ngăn cấm trong những vùng lãnh thổ thuộc miền Tây nước Mỹ. Ông Davis, thúc giục sự phát triển của vùng lãnh thổ áp dụng các điều khoản của hiệp ước Missouri, lập luận rằng: chế độ chiếm hữu nô lệ thực ra có thể phát triển rực rỡ tại vùng đất giành được từ tay người Mexico. Ông chỉ trích Thỏa ước 1850, coi đó là đại diện của chiến thắng thuộc người miền Bắc. Ông nói: miền Bắc mới chính là kẻ đi theo con đường chia rẽ và binh biến.
Rất nhiều người miền Bắc, đặc biệt là người bang New England, không bao giờ thực tâm chấp nhận Thỏa ước 1850. Chủ trương bài nô chỉ trích thỏa ước này một cách công khai, ông Wester khiển trách sự không khoan nhượng của đồng bào mình. Ông nói: “Bang Massachusetts có thể chinh phục bất cứ ai từ bỏ thành kiến nhưng chính nó lại dung dưỡng cho thành kiến của mình. Vấn đề chính là liệu bang này có từ bỏ chính những thành kiến của
mình được hay không”. Ông gán tội phản quốc với bất cứ sự vi phạm nào của thỏa hiệp. Ông đã đi quá xa khi nói rằng: nếu các bang miền Bắc sẵn lòng từ chối tuân thủ hiệp ước này, hạ viện sẽ không thể có kế sách chữa trị thích đáng cho mối bất hòa hiện nay. Các bang miền Nam sẽ “không còn bị ràng buộc phải tuân thủ hiệp ước này nữa”. Rõ ràng đây là một lời biện minh gián tiếp cho động thái li khai. Đã từ rất lâu ông là thần tượng của dân chúng vùng New England. Giờ đây ông đang là mục tiêu chỉ trích của rất nhiều nhân vật đại diện cho quyền lợi của bang này.
Hầu như chỉ trong một sớm một chiều, “thỏa ước cuối cùng và không thể bãi bỏ” đã tan thành mây khói. Điều khoản gây phẫn nộ nhiều nhất của bản thỏa ước này (là điều khoản dành cho nô lệ bỏ trốn) đã đụng chạm đến nhiều người dân miền Bắc. Trong khi, với nhiều công dân Mỹ, vấn đề chiếm hữu nô lệ tại vùng đất giành lại từ tay người Mexico dường như quá xa xôi, như chuyện xảy ra ở tận vùng Siberia nào đó, thì điều khoản bắt buộc phải thi hành có liên quan tới nô lệ bỏ trốn đã thường xuyên gây ra cảnh ruồng bố những kẻ chạy trốn trên đường phố miền Bắc. Nhiều đám đông tụ tập tại khắp các con đường trong nhiều thành phố ngăn cản sự dẫn độ nô lệ bị trốn bị bắt. Nổi cộm nhất là vụ Anthony Burns tại Boston (1854). Tại Boston, một đám đông cư dân quá khích đã tấn công lính canh, giết một người trong số họ và vô cùng tức tối khi Anthony Burns bị đưa lên tàu hướng về Virginia. Những sự kiện như vậy càng làm tăng thêm lòng thù hận xuất phát từ chủ nghĩa cục bộ.
Tiểu thuyết Túp Lều Bác Tom của Harriet Beecher Stowe xuất bản năm 1852 càng như đổ thêm dầu vào lửa. Với đa phần dân miền Bắc, trước khi có tiểu thuyết này, chiếm hữu nô lệ là một tội ác trừu tượng mơ hồ. Nó có thể so sánh với tục đa thê ở miền Utah xa xôi hẻo lánh. Trường đoạn của tiểu thuyết kể về một cô gái nô lệ Elisa ẵm theo đứa con nhỏ chạy trốn khỏi những kẻ săn đuổi cô ngay giữa mùa đông bằng cách nhảy trên những tảng băng nổi trên dòng sông Ohio. Hoặc trường đoạn bác Tom tốt bụng và thánh thiện đã bị đánh cho tới chết theo lệnh của gã Simon Legree tàn ác, đã cho thấy bức chân dung đẫm máu của chế độ nô lệ và khía cạnh gây phẫn nộ và mất nhân tính bị che giấu của thể chế này. Dù dưới dạng chuyện phát hành nhiều kỳ hay sách bán chạy nhất hay được dựng thành kịch, thông điệp của tiểu thuyết đã thành mối day dứt in đậm vào ý thức và lương tâm của nhân dân toàn nước Mỹ. Tại miền Bắc nó như một lời lột tả chính xác một chế độ đáng ghê tởm và đáng lên án: chế độ chiếm hữu nô lệ. Tại miền Nam, nó như một lời phỉ báng ghê gớm vào bản chất của người dân trong vùng. Sau này Tổng thống Lincoln đã hoan nghênh tác giả. Ông coi bà là “Người phụ nữ bé nhỏ đã mở màn một cuộc chiến vĩ đại”.
Một triệu chứng cho thấy tính thiếu sức thuyết phục của Thỏa ước 1850 được biểu hiện trong bức tranh chính trị hỗn loạn thời ấy. Ông Calhoun, trong bài diễn văn cuối cùng tại thượng viện, nói rằng: các đảng phái chính trị Mỹ, dù là đảng Dân chủ hay đảng Whig, chính là sợi dây cuối cùng ràng buộc miền Bắc và miền Nam. Nếu những mối ràng buộc này đứt lìa, quốc gia sẽ rơi vào cảnh chia cắt. Một trong những mối ràng buộc ấy (đảng Whig) đã sụp đổ. Điều này xuất phát từ những hoàn cảnh có liên quan tới huyết tộc phức tạp. Nỗi lo lắng về vấn đề sở hữu nô lệ phần nào gây nên hậu quả này: Nó khiến sự sụp đổ của đảng Whig đến sớm hơn. Thêm vào đó, một trong những sự kiện nổi bật nhất giai đoạn này là sự di cư của hàng triệu người châu Âu bắt đầu từ cuối thập niên 40 của thế kỷ XIX. Trong đó tín đồ thiên Chúa giáo người Ireland chiếm đại đa số phần đông đám dân di cư này tham gia hoạt động chính trị
và trở thành thành viên của đảng Dân chủ.
Sự xuất hiện của số đông tín đồ thiên Chúa giáo trong lòng một cộng đồng dân cư hầu hết theo đạo tin lành đã khuấy lên nỗi sợ hãi sâu xa về một mối de dọa đối với thể chế cộng hòa và tạo ra làn sóng chống đối người nhập cư mà thực chất là chống đối các tín đồ Thiên Chúa giáo. Vào đầu năm 1845, việc hình thành đảng Native American (Dân Mỹ gốc) cho thấy rõ ràng cảm xúc này đã ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị. Thành viên của đảng này còn mang tên Know
Nothing (Không biết gì) bởi họ chọn cách ngấm ngầm để biểu thị niềm tin của mình. Gần gũi và liên quan chặt chẽ với thái độ chống đối người nhập cư là một phong trào cấm đoán hoặc “chủ hòa mạnh mẽ” đang tìm kiếm cách đạt tới mục tiêu của mình thông qua các hành động chính trị. Đảng mới này nhanh chóng giành được sức mạnh vì phản ứng với làn sóng người nhập cư ngày một dâng cao tại Mỹ.
Đảng phái mới này đã thu hút nhiều thành viên từ cả hai miền đất nước và từ các đảng lớn tại Mỹ. Nhưng sự xâm nhập mạnh mẽ nhất của nó xuất hiện tại đảng Whig nhánh miền Bắc vì hầu hết người mới đều định cư tại miền Bắc. Dù thành viên dáng Know-Nothing không có ứng viên tranh cử Tổng thống năm 1852, nhưng chỉ trong vòng hai năm, họ đã chứng tỏ một sức mạnh nổi bật tại các kỳ tranh cử hạ viện lẫn thống đốc bang trong khắp miền Bắc.
Trong lúc đó chủ nghĩa địa phương bắt đầu thách thức chủ nghĩa chống người cơ đốc giáo. Đồng thời, nhiều vấn đề khác liên quan đến người nhập cư đã được coi là mối đe dọa đối với thể chế cộng hòa. Nhiều người miền Bắc lúc này tin có một âm mưu tăng cường thế mạnh nô lệ để chi phối chính phủ, bành trướng chế độ chiếm hữu nô lệ trên khắp nước Mỹ, phá hủy hệ thống kinh tế miền Bắc với các cơ hội rộng mở và chế độ tự do dành cho người lao động, thay thế hệ thống này bằng một quan điểm của giới quý tộc chặt chẽ và trì trệ. Mặc dù không có bất cứ bằng chứng nào về một âm mưu như vậy, ngoại trừ sự tồn tại của một nhóm người quan tâm đến chính trị và kinh tế của miền Nam, niềm tin này không có gì là lạ lẫm. Giờ đây nó đã nhận được sự quảng cáo rùm beng và có sức thuyết phục mạnh mẽ dưới hình thức một điều luật của hạ viện, công khai khơi mào cuộc tranh cãi về vấn đề sở hữu nô lệ tại các miền lãnh thổ của chính phủ Liên bang. Điều luật này đã nhen nhóm lại cuộc tranh cãi gây bất hòa tưởng như đã được giải quyết bằng hai thỏa ước lịch sử: Thỏa ước Missouri và Thỏa ước 1850.
Cuộc tranh cãi được khơi dậy lần này bao gồm phần đất đai chưa được tổ chức về mặt chính trị có được sau khi ký thỏa thuận buôn bán đất đai Louisiana. Vùng này trải dài từ ranh giới bang Missouri và Arizona tới tận đỉnh của dãy Rocky Munytain. Vùng đất này trước kia được coi là không thích hợp với những người định cư da trắng. Đây là vùng hoang mạc rộng lớn của Mỹ, giờ đang nằm trong tay của những dân định cư đến từ Oregon và California. Nằm ở phía Bắc ranh giới được xác định bởi hiệp ước Missouri, vùng này không cho phép sự tồn tại của chế độ chiếm hữu nô lệ.
Những nhà lãnh đạo miền Nam lo lắng bởi sự mất cân bằng giữa hai vùng miền xuất phát từ sự chấp nhận bang California và cả sự chấp nhận có thể xẩy ra đối với nhiều bang tự do khác. Họ nỗ lực tìm kiếm cách khôi phục lại sự cân bằng bằng cách làm tăng số các bang được công nhận quyền sở hữu nô lệ. Một trong những cách để làm như vậy là gắn những vùng đất đang được mở rộng về phía Tây vào miền Nam, và coi chúng như loại đất đai phù hợp với việc thành lập đồn điền sản xuất nông sản. Hầu hết người miền Nam đều ủng hộ những nỗ lực ngoại giao và cả xâm chiếm bằng vũ trang nhằm chiếm Cuba và nhiều vùng đất khác thuộc Trung Mỹ.
Không chỉ đe dọa mối hòa hiếu cần phải có của quốc gia, các lãnh đạo miền Nam cũng tìm kiếm nhiều phương cách nhằm bành trướng chế độ chiếm hữu nô lệ tại những vùng đất nằm bên ngoài tầm ảnh hưởng của hiệp ước mua bán Louisiana.
Năm 1854, họ tìm được một cơ hội nhằm thực hiện mục đích của mình khi Thượng nghị sĩ Douglas của bang Illinois, với tư cách là Chủ tịch ủy ban lãnh thổ, thông qua một dự luật sát nhập khu vực này với vùng lãnh thổ Nebraska, để đẩy nhanh tiến trình xây dựng đường sắt dọc theo một con đường từ miền Bắc cho tới bờ biển Thái Bình Dương. Chỉ với sự hủy bỏ đường ranh giới theo thỏa ước Missouri và kèm theo nhiều nhượng bộ khác ông đã có thể giành được sự hỗ trợ của người miền Nam. Một cách lưỡng lự, ông thêm sự hủy bỏ ấy vào dự luật của mình cùng với điều khoản thành lập hai vùng lãnh thổ mới (Kansas và Nebraska) thay vì chỉ một mà thôi. Người miền Nam coi đây là một thỏa thuận to lớn nhất: vùng đất tận cùng miền Nam là Kansas sẽ trở thành một bang được thừa nhận tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ. Nebraska sẽ là bang tự do được đa số hạ nghị sĩ miền Nam tán thành, điều luật này đã nhận đủ số phiếu của thành viên đảng Dân chủ người miền Bắc. Bị Bộ trưởng Bộ chiến tranh Jefferson Davis thúc giục, Tổng thống Pierce đã ký dự luật này, biến nó thành một phần của pháp luật hiện hành.
Ông Douglas đã tiên đoán rằng: Dự luật Kansas - Nebraska sẽ làm dấy lên một cơn bão táp khủng khiếp. Thực ra nói vậy còn nhẹ. Nó chính là nguyên nhân hình thành một đảng phái chính trị miền Bắc mới cực kỳ hùng mạnh: đảng Cộng hòa. Mục đích chính của đảng này là ngăn chặn sự bành trướng hơn của chế độ chiếm hữu nô lệ. Nòng cốt của đảng này trước hết là những người thuộc đảng Whig và đảng Dân chủ chống lại sự thiết lập bang Nebraska, cộng thêm nhiều cựu thành viên đảng Free Soil. Một nhóm hạ nghị sĩ chống dối dự luật Nebraska lập tức thảo một bài diễn văn gồm rất nhiều câu chữ mang tính bạo động và nói lên nỗi bức xúc của những người chống lại dự luật này. Theo Thượng nghị sĩ Burnside, nó là “một sự vi phạm nghiêm trọng một lời thề thiêng liêng”, “một sự phản bội đầy tội lỗi những điều luật quan trọng” là một phần của “một âm mưu hung bạo” nhằm biến mọi vùng lãnh thổ của Liên bang thành một vùng lãnh thổ duy nhất tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ chuyên quyền.
Chỉ những người thuộc đảng Cộng hòa không thôi không thể ngay lập tức có được sức mạnh chiến thắng tại các bang miền Bắc. Những nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng: lúc đầu đảng Know Nothing mạnh hơn nhiều. Trong cuộc bầu cử hạ viện vào năm 1854, cử tri chia thành rất nhiều nhóm, bao gồm các đảng Nhân Dân, Liên Hiệp, Cộng Hòa, Dân Mỹ gốc, Đảng Whig, và Đảng Dân Chủ. Nhưng dù dưới bất cứ tên nào, hầu hết cử tri miền Bắc kiên định chống lại dự luật Nchraska - Kansas. Họ cũng đủ mạnh để bầu được đa số ghế trong hạ viện Hoa Kỳ giành sẵn cho những nhân vật chống lại dự luật Nebraska.
Đảng Whig là nạn nhân trực tiếp và đau đớn nhất của những sự chuyển đổi to lớn xuất hiện trong các vòng bầu cử ở cả hai miền Bắc-Nam. Với số lượng lớn đảng viên đảng Whig ở miền Bắc gia nhập đảng Cộng hòa và số lượng lớn đảng viên đảng Whig miền Nam gia nhập đảng Dân chủ, và rất nhiều đảng viên đảng Whig của cả hai miền Bắc-Nam tham gia vào đảng Know
Nothing, đảng Whig đã bị xóa sổ hoàn toàn. Ở thời điểm đó thật bất ngờ đảng Dân Mỹ gốc chẳng bao lâu đã biến mất sau khi tồn tại ở miền Bắc như một đường dẫn quan trọng tử những đảng khác để đến với đảng Cộng hòa. Vấn đề chế độ nô lệ gây bất hòa cục bộ tại các vùng lãnh thổ miền Tây đã che đậy học thuyết cho rằng: công dân sinh ra ở địa phương nổi trội hơn dân
nhập cư, thuyết chống đối người cơ đốc giáo và thái độ ôn hòa trong lời kêu gọi gởi tới cử tri miền Bắc. Đảng viên đảng Cộng hòa (với tư cách cha đẻ của vấn đề gây bất hòa cục bộ này) đã nổi lên như một đối thủ chính của đảng Dân chủ tại miền Bắc và như vậy là đối thủ chính của đảng Dân chủ trên khắp đất Mỹ.
Tình huống vùng lãnh thổ Kansas làm đảng Cộng hòa thêm kỳ vọng. Học thuyết của Douglas về chủ quyền của nhân dân đã được thử nghiệm khi nhiều nông dân không sở hữu nô lệ bắt đầu đổ xô đến vùng Kansas từ những bang thuộc miền Trung-Tây. Từ bang Missouri và khắp mọi nơi, một vài chủ nô cũng mang theo nô lệ đến vùng Kansas. Trong cuộc thi thố nhằm giành quyền kiểm soát chính trị ở địa phương, những cử tri bất hợp pháp bên ngoài vùng lãnh thổ này đã đến Kansas vào ngày bầu cử để hỗ trợ cho cả hai phe. Nhưng đa số người tán thành chế độ nô lệ đến từ vùng đất gần Missouri sống dọc biên giới là lưu manh. Rất nhiều người trong số họ còn trang bị cả súng ống. Các nhóm ủng hộ và chống đối chế độ nô lệ ở khắp nơi lôi kéo nhiều người dân định cư tại vùng này theo phe mình và cung cấp cho họ sự hỗ trợ về tài chính và nhiều phương tiện khác. Một trong những nhóm bài nô đáng chú ý (công ty hỗ trợ người di cư của bang New England) đã bị cáo buộc gởi đi rất nhiều những “Beecher’s Bible” (Kinh thánh của Beecher). Súng trường được xếp đầy trong những hộp bên ngoài ghi là kinh thánh. Henry Ward Beecher là nhà thuyết giáo nổi tiếng New York, anh ruột của tác giả cuốn Túp lều bác Tom.
Kansas là một vùng hỗn loạn cả về mặt xã hội lẫn chính trị. Cử tri tán thành chế độ nô lệ bỏ phiếu cho một thể chế lập pháp ủng hộ chế độ nô lệ trong vùng và chiếm hữu nô lệ đã nhanh chóng trở thành thể chế hợp pháp tại Kansas. Những người dân bài nô phản ứng bằng cách bầu ra đại biểu được nhóm họp trong cuộc họp Topeka và chấp thuận một hiến pháp coi chế độ nô lệ là trái với luật pháp. Cử tri theo chủ trương bài nô sau đó bầu ra một thống đốc, một thể chế lập pháp và một hạ viện, đòi bang Kansas là một bang tự do. Tổng thống Pierce lên án phong trào chủ trương thành lập bang tự do. Ông coi đó là một phong trào bất hợp pháp đồng thời ngầm hỗ trợ cho cơ quan luật pháp ủng hộ chế độ nô lệ trong vùng.
Chuyện gì đến tất phải đến. Bạo lực bùng phát giữa hai phe đối lập. Mùa xuân năm 1855, một đám đông khoảng hàng trăm người ủng hộ chế độ nô lệ, hành động như một nhóm có vũ trang, ruồng bố và đuổi bắt những người ủng hộ chế độ bài nô tại Lawrence. Không có cư dân nào thiệt mạng. Không bao lâu sau các hoạt động trả đũa thi nhau xuất hiện khi Jonh Brown, một cư dân từ bang Ohio và là một kẻ theo chủ nghĩa bài nô cuồng tín, biết về cuộc tấn công ở Lawrence. Ông ta cùng một nhóm, trong đó có cả bốn con trai của mình trả thù bằng cách giết năm cư dân ủng hộ chế độ nô lệ dọc theo nhánh sông Pottawatomie. Có thể nói nội chiến đã gần kề.
Sự kiện đẫm máu ở Kansas đã xuất hiện trên khắp các mặt báo của Mỹ, đặc biệt là sau sự xuất hiện vào tháng 05 năm 1856 của sự vụ đầy bạo lực diễn ra ngay tại nghị viện Hoa Kỳ có liên quan đến vùng đất này. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Charles Sumner, người thuộc bang Massachusetts, đọc diễn văn kịch liệt phản đối chế độ chiếm hữu nô lệ. Khi nhắc đến vấn đề Kansas, ông nói thượng nghị sĩ Andrew P. Butler của miền Nam Carolina là một “Don Quyxote” chọn cho mình một ả nhân tình “là con điếm chiếm hữu nô lệ”. Hạ nghị sĩ miền Nam Carolina Preston Brooks, bà con của thượng nghị sĩ Butler, coi đây là lời chỉ trích xúc phạm với người họ hàng mình. Ông thẳng thừng trả đũa bằng cách tấn công Sumner bằng cây gậy chống,
đánh ông này tới bất tỉnh trên bàn làm việc. Ngay lập tức ông Brooks thành người hùng của miền Nam. Người ta gởi cho ông nhiều cây gậy chống khác có khắc những câu đề tặng khuyến khích ông hãy sử dụng chúng với mục đích tương tự. Khi ông này hết nhiệm kỳ ở hạ viện, họ đã nhất trí bỏ phiếu cho ông và Brooks tái đắc cử. Sumner phải mất ba năm chạy thầy chạy thuốc ở khắp nơi mới hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Trong lúc đó, bang Massachusetts bỏ trống chiếc ghế của ông ở nghị viện như một lời chứng thực rành rành cho chính kiến chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ của họ.
Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1856 cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng của đảng Cộng hòa. ứng viên của đảng này, John C. Fremont, một cựu sĩ quan quân đội hay khoa trương. Ông này được biết đến với cái tên “người mở đường” vì nhiều hoạt động trước đây trong cuộc khai phá miền Tây nước Mỹ. Cương lĩnh của đảng này là chỉ trích chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ đa thê, coi đó là di chứng của sự man rợ. Một khẩu hiệu khác của đảng Cộng hòa cũng thường được nhắc đến trong những bài diễn văn và trên mặt báo của đảng này: chống đối những vấn đề nhạy cảm liên quan tới sắc tộc.
Đảng Cộng hòa đã không giành về cho mình ghế Tổng thống 1856. Họ chỉ dựa vào cử tri miền Bắc để chống lại đảng Dân chủ. Trong số ứng viên miền Bắc còn nhiều người tiếp tục ủng hộ đảng Whig và đảng Know-Nothing. Cả hai đảng này trước đây đều ủng hộ Tổng thống Fillmore. Sức mạnh của đảng Know-Nothing đã lụn bại, đặc biệt là sau khi những thành viên bảo thủ trong đảng phản đối nỗ lực nhằm bác bỏ Điều luật Nebraska-Kansas. Thế nhưng ông Fillmore vẫn còn đủ hấp dẫn thu hút nhiều cử tri các bang miền Bắc và khiến họ quay lưng lại với Fremont.
Đảng Dân chủ một lần nữa thành công trong việc thực hiện chiến lược bổ nhiệm một người miền Bắc thân thiện với miền Nam vào ghế Tổng thống. Lần này chính là James Buchanan của bang Pennsylvania. Những thành viên đảng Whig người miền Nam và thành viên đảng Know Nothing giành được khá nhiều phiếu. Nhưng Buchanan đã thắng đa số phiếu ở tất cả các bang hiện hữu chế độ nô lệ (ngoại trừ bang Maryland nghiêng về Fillmore) cộng với đủ số bang miền Bắc để giành được đa phần số phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống. Đáng chú ý là, nếu tính cả quốc gia, số phiếu của ông ta là không đủ (45%). Đồng thời, ông ta mất rất nhiều phiếu của cử tri miền Bắc. Đảng Cộng hòa sẽ hy vọng nhiều hơn với kỳ tranh cử Tổng thống 1860. Cuộc bầu chọn Buchanan là một chiến thắng sớm nở tối tàn của miền Nam. Hậu quả của nó ngày càng làm mối bất hòa giữa hai miền Nam Bắc thêm trầm trọng.
Ông Buchanan vừa bước chân vào Nhà trắng, Pháp viện tối cao Hoa Kỳ đã quyết định khoét sâu thêm mối bất hòa vốn đã rất tồi tệ. Trong vụ Dred Scott, một nô lệ bị chủ là một sĩ quan quân đội mang tới bang tự do Illinois, sau đó lại đưa hắn tới vùng lãnh thổ Wisconsin, một phần của vùng lãnh thổ tuân thủ hiệp ước mua bán Louisiana. Ở đây chế độ chiếm hữu nô lệ bị cấm. Sau đó, Scott lại bị mang trở lại một bang công nhận chế độ chiếm hữu nô lệ: Missouri. Lúc này, hắn kêu tới tòa án để đòi tự do. Hắn lập luận rằng: hắn đã được tự do khi là một cư dân của bang tự do và trên vùng lãnh thổ tự do theo hiến pháp của Liên bang. Các tòa án ở các bang này đã phản bác lập luận này. Cuối cùng sự việc đã được đệ trình lên Pháp viện tối cao theo đơn kháng cáo.
Hy vọng sẽ dẹp yên vấn đề chiếm hữu nô lệ bằng sắc lệnh của tòa án, và được khích lệ bởi Tổng tống Buchanan mới được nhậm chức, vào tháng 03 năm 1857 với số phiếu 7/2, Pháp
viện tối cao đã chối từ không cho Scott quyền được tự do với lý lẽ: chỉ tạm trú trên một bang hoặc một vùng lãnh thổ tự do sẽ không được công nhận là cư dân tự do. Phán quyết của quan tòa Roger Taney còn có thể được suy rộng rằng: không một nô lệ hay người da đen tự do nào được trở thành công dân của Mỹ. Vào thời điểm đó, sự việc này càng gây thêm tình trạng hỗn độn. Phán quyết của ông Taney cùng với sự chuẩn y của năm chánh án đồng nghĩa với kết luận rằng: lằn ranh giới theo thỏa ước Missouri là không hợp pháp. Sở dĩ như vậy vì điều luật này của hạ viện đã vi phạm một điều khoản chính đáng bằng cách lấy đi của chủ nô phần tài sản thuộc sở hữu của họ là nô lệ. Vì lý do đó, hạ viện không có quyền hợp pháp để cấm chế độ chiếm hữu nô lệ ở bất cứ vùng lãnh thổ nào của Liên bang. Đáng nói là, quyết định này, theo sự suy diễn rộng ra của nó, đã cấm các cơ quan lập pháp trên các bang tại Mỹ không được ban bố lệnh cấm đoán việc chiếm hữu nô lệ bởi vì những cơ quan này vẫn dưới sự giám sát trực tiếp của hạ viện. Một phần của quyết định này được áp dụng cho các vùng lãnh thổ bác bỏ nguyên lý cơ bản của đảng Cộng hòa. Nó kích động mọi công dân Mỹ (bất kể đảng nào) chống đối việc bành trướng của chế độ chiếm hữu nô lệ. Taney và bốn thành viên khác của Pháp viện tối cao chiếm đa số phiếu áp đảo trong vụ Dred Scott đều xuất thân từ những bang có tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ. Và phán quyết của họ đã bị chỉ trích gay gắt tại miền Bắc. Người ta coi đó là lời tuyên bố chính thức ủng hộ chế độ chiếm hữu nô lệ. Một nhân vật hoạt động trong lãnh vực chính trị đang lên như diều gặp gió xuất thân tại bang Illinois, ông Abraham Lincoln, tiên đoán phán quyết kế tiếp của Pháp viện tối cao sẽ là: bất kỳ một bang trên nước Mỹ sẽ không thể coi chế độ chiếm hữu nô lệ là vi phạm luật pháp ngay trong vùng biên giới của chính mình. Mặt khác, hầu hết người miền Nam hoan nghênh quyết định này. Họ coi đó là một chiến thắng về mặt luật pháp chống lại những kẻ cuồng tín có ý đồ bài nô và giới chính trị gia của miền Bắc. Cuối cùng, việc phán quyết này đã mang lại hậu quả ngược với những gì người ủng hộ nó mong đợi. Chính nó đã là một bước kế tiếp trên bậc thang dẫn tới sự li khai của miền Nam và góp phần vào cuộc nội chiến sau này.
Bối cảnh tại Kansas cũng có chiều hướng phát triển tương tự. Tình thế tiến thoái lưỡng nan ở đây cũng không được giải quyết mặc dù có sự chỉ đạo của sáu thống đốc tại các cơ quan hành chính. Bị gây áp lực bởi phán quyết từ vụ Fred Scott, Tổng thống Buchanan sử dụng tầm ảnh hưởng của ông trong một nỗ lực nhằm giành được sự chấp thuận của người dân công nhận bang Kansas là bang tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ, mặc dù hầu hết cư dân ở đây đều chống đối lại chế độ dã man này.
Năm 1857, một cuộc họp của các đại biểu ủng hộ chế độ chiếm hữu nô lệ đã được tổ chức tại thị trấn Lecompton. Hội nghị thảo một bản hiến pháp có lời lẽ quanh co dài dòng cho phép chế độ chiếm hữu nô lệ tồn tại, dù nó có được cử tri chấp thuận hay không. Mặc đù bản hiến pháp này cuối cùng đã bị đa số dân chúng bác bỏ, Tổng thống Buchanan đã thúc giục hạ viện phải chuẩn y nó. Các nhà làm luật từ chối chuẩn y. Ông Buchanan đã ủng hộ một biện pháp thỏa hiệp, gọi là Điều luật Anh quốc, rằng: miễn là dân chúng Kansas bỏ phiếu thông qua hiến pháp Lecompton, ông sẽ cho vùng lãnh thổ này một khoảng trợ cấp hào phóng dưới hình thức đất đai của Liên bang như một điều kiện trao đổi. Các cử tri từ chối con mồi ấy và một lần nữa bác bỏ bản hiến pháp này.
Mãi cho tới năm 1861, Kansas vẫn chưa công nhận là một bang chính thức. Chỉ sau năm 1861 tình hình mới thay đổi, sau khi rất nhiều thành viên miền Nam rút ra khỏi Quốc hội. Sau
đó vùng lãnh thổ này đã được công nhận là một bang tự do. Trong tâm trí của những người ủng hộ chế độ bài nô, tình hình hỗn độn ở Kansas đã cho thấy một bằng chứng nữa về sự tồn tại của một âm mưu phô trương thân thế của chế độ chiếm hữu nô lệ đã tồn tại ở Mỹ.
Mối bất đồng và phẫn nộ sâu sắc đối với quyết định của vụ Fred Scott, và mối chia rẽ từ việc phân định bang Kansas là nguyên nhân khơi mào một trong những vụ xung đột chính trị nổi cộm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ rất có quyền thế là ông Douglas thuộc bang Illinois đã phát động cuộc vận động tái tranh cử. Đối thủ của ông chính là Abraham Lincoln.
Lincoln sinh ra trong một gia đình nhà nông ở Kentucky. Lớn lên ở bang Indiana. Khi trưởng thành, ông chuyển đến bang Illinois. Từ đó trở đi, bang này đã trở thành quê hương của ông. Dù không được theo nhiều trường lớp chính quy nhưng với kinh nghiệm thực tiễn ít ai bì kịp trong việc đồng áng và nhiều việc vặt khác. Ông đã tự trang bị cho mình một vốn kiến thức đáng kể để trưởng thành, và đã trở thành một trong những luật sư xuất sắc của bang ông. Ông cũng là tấm gương của một chính trị gia năng động dù có vốn tri thức khiêm tốn. Ông rất cao (1m93) và gầy. Thân hình với những đường nét thô kệch nhưng cực kỳ mạnh mẽ. Ông nổi tiếng vì tài ăn nói có duyên và óc xét đoán khôn ngoan. Hơn nữa ông còn có khả năng kết hợp hai tài năng nói trên thành những câu chuyện ngụ ngôn chất phác. Bạn thân của ông thường là người bang Kentucky hoặc trước kia là cư dân của bang này. Gia đình của họ cũng như gia đình của Lincoln đều sống ở Illinois. Vợ ông, tên là Mary Todd, xuất thân từ một gia đình sở hữu nô lệ giàu có ở Lexington, thủ phủ bang Kentucky. Thần tượng chính trị của Lincoln là ông Henry Clay.
Ông Lincoln thấm nhuần chủ nghĩa dân tộc và cương lĩnh của đảng Dân chủ trong thời kỳ nước Mỹ đang tiến dần về phía Tây. Dù không theo tôn giáo nào, tôn giáo vẫn ảnh hưởng sâu rộng đến ông. Đặc biệt, ông rất chăm đọc Kinh thánh. Chính vì thế, ông hoàn toàn tin tưởng rằng: chiếm hữu nô lệ vừa là tội ác vừa là tai ương về mặt chính trị và xã hội. Suốt bốn nhiệm kỳ liền, ông đại diện cho đảng Whig tại cơ quan lập pháp bang Illinois. Có một nhiệm kỳ ông phục vụ trong Hạ viện Hoa Kỳ. Đó là lúc ông được người ta nhớ đến nhiều nhất bởi ông phản đối sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Mexico vì ông tin đó chính là hành động khởi đầu cho một tiến trình tiến tới mục đích giành thêm nhiều đất đai nhằm dung túng chế độ chiếm hữu nô lệ. Lincoln sớm gia nhập đảng Cộng hòa mới được thành lập. Lúc này, ông thách thức ông Douglas trong một loạt các cuộc tranh cãi về những vấn đề lớn của thời ấy. Đặc biệt là các vấn đề về chế độ chiếm hữu nô lệ tại các vùng lãnh thổ thuộc Liên bang. Ông Douglas chấp nhận lời thách thức. Từ cuối mùa hè và mùa thu năm 1858, hai ông liên tục diễn thuyết ở bang này. Nội dung các bài diễn văn lặp đi lặp lại các vấn đề lớn trước những đám đông khán thính giả đầy nhiệt huyết. Toàn nước Mỹ bấy giờ và cả bang Illinois đều lắng nghe tiếng nói của hai ông.
Về mặt uy tín và kinh nghiệm chính trị, ông Douglas trội hơn. Ông là “người khổng lồ” trong chính trường Illinois. Đồng thời, ông cũng là người phát ngôn chính cho vấn đề nổi cộm là chiếm hữu nô lệ. Ông tin tưởng vững chắc vào quyền tự chủ của dân chúng. Tuy nhiên, phán quyết từ vụ Dred Scott lại được đông đảo quần chúng hiểu rằng: nó đã xóa bỏ lý tưởng nhân dân làm chủ, bằng cách coi bất cứ điều luật cấm đoán sở hữu nô lệ trên các miền lãnh thổ thuộc Liên bang đều là bất hợp pháp. Ông Douglas buộc tội ông Lincoln có ý định quấy rối thể chế nôi lệ tại miền Nam, khơi mào binh biến giữa hai miền. Đồng thời ông còn nói ông Lincoln
ủng hộ quyền bình đẳng về mặt xã hội và chính trị của mọi sắc tộc. Thời ấy một lời ủng hộ như vậy là đi ngược lại với luật pháp của bang Illinois cũng như không thể có được sự đồng tình của đa số công dân Mỹ. Ông Douglas nói: “Chương trình của ông Lincoln sẽ khiến cho bang Illinois này bị nuốt chửng bởi làn sóng người da đen được trao trả tự do đến từ Missouri và từ mọi nơi trên đất Mỹ”.
Ông Lincoln có một vị trí khiêm tốn trước các cử tri. Ông không phải người bài nô đồng thời cũng không phải (theo lời của ông) là một người tin vào quyền bình đẳng về mặt chính trị và xã hội cho người da đen. Bị đối thủ gây áp lực, ông nói thêm rằng: ông, cũng như bất kỳ ai, rất mong được thấy tộc người da trắng vẫn giữ nguyên quyền thống trị tại xã hội Mỹ. Ông sẽ không đụng chạm đến vấn đề sở hữu nô lệ trừ khi nó vẫn còn là hợp pháp. Nhưng ông không thể không chống đối lại sự bành trướng hơn nữa của thể chế này. Ngay từ những ngày này, ông đã phát biểu một câu sau này người dân Mỹ nhớ mãi: “Một ngôi nhà bị chia năm xẻ bảy sẽ không thể đứng vững. Tôi tin rằng chính phủ này không thể khoác lên mình vẻ ngoài vĩnh viễn một nửa công nhận chế độ chiếm hữu nô lệ một nửa thì không”. Ông đã cho những người ủng hộ mình niềm hy vọng: việc cấm chế độ nô lệ tại những nơi nó đang nhăm nhe bành trướng sẽ là con đường dẫn tới sự xóa bỏ hoàn toàn chế độ này, khi có sự thuận lợi về cả ba mặt: “thiên thời địa lợi, nhân hòa”.
Có lẽ giai đoạn lịch sử đầy kịch tính nhất của một loạt những cuộc đọ sức xảy ra tại thị trấn Freeport. Tại đây ông Lincoln hỏi ông Douglas một câu khiến ông này rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: “Liệu người dân thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ, theo bất cứ cách nào phù hợp với luật pháp, có thể loại trừ chế độ chiếm hữu nô lệ ra khỏi ranh giới địa lý trước khi hình thành hiến pháp của một bang hay không?” Nếu Douglas trả lời có ông ta đã bác bỏ phán quyết từ vụ Dred Scott và chủ động tuyệt giao với nhiều cử tri ở Illinois và hầu hết công dân miền Bắc đang ủng hộ ông. Nếu Douglas trả lời không, ông sẽ chính thức nói lời tuyệt giao với những người còn lại. Vì quá tỏ ra lanh lợi nên chính ông đã bị kẹt trong cái bẫy do câu hỏi này đưa ra. Thực ra câu hỏi này đã được đặt ra cho ông và cũng đã được ông trả lời trong những dịp có ít người chứng kiến hơn. Ông trả lời rằng: bởi vì chế độ chiếm hữu nô lệ có thể chỉ được tồn tại khi nào luật pháp địa phương hỗ trợ và bảo hộ cho nó. Thế nên, nếu đa phần đều muốn như vậy, dân chúng trong vùng lãnh thổ toàn Liên bang có thể bác bỏ nó bằng cách không ban hành một điều luật nào có liên quan tới nó. Học thuyết tại Freeport của ông Douglas đã làm hài lòng những người ủng hộ ông tại bang Illinois. Ông đã tái đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ. Nhưng những lý lẽ của ông Lincoln đã giúp chính ông vững vàng hơn trên con đường tiến tới chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ hai năm sau đó.
Cuối thập niên 50 của thế kỷ XIX, nhiều người miền Nam nỗ lực lập lại đường dây buôn bán nô lệ từ châu Phi. Việc này làm trầm trọng thêm mối bất hòa giữa hai miền Nam-Bắc. Một cuộc họp của giới thương mại miền Nam đã được tổ chức tại Vicksburg, Mississippi. Họ bỏ phiếu ủng hộ cho nghị quyết bác bỏ điều luật của Liên bang cấm nhập khẩu nô lệ. Một chủ báo nổi tiếng, ông De J.D.B. De Bow của bang New Orleans, trở thành chủ tịch của một tổ chức được thành lập chỉ để bác bỏ quy chế này của Liên bang. Sau này, những động thái ấy không mang lại kết quả gì. Bởi lẽ những người trong cuộc họp kia không đại diện cho mong muốn của đa phần dân miền Nam nhưng họ cũng đã xác định và làm tăng thêm mối lo sợ của người miền Bắc: chủ nô miền Nam đã quyết định bành trướng chế độ chiếm hữu nô lệ trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.
Sự bất hòa giữa hai miền Nam-Bắc trở nên ngày một cụ thể hơn. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống người dân Mỹ trong suốt thập kỷ ấy. Đầu năm 1854, với một giai đoạn đầy bạo lực có sự góp phần của cuộc trao trả một nô lệ bỏ trốn là Anthony Burns và sự thông qua của điều luật Kansas-Nebraska, nhiều bang miền Bắc đã bổ sung những điều luật tự do cá nhân mới chặt chẽ hơn, nhằm vô hiệu hóa điều khoản áp dụng đối với nô lệ bỏ trốn có trong Thỏa ước 1850. Pháp viện tối cao của bang Wisconsin tuyên bố điều khoản này của hạ viện làm không hợp với hiến pháp. Rồi thì Pháp viện tối cao Mỹ 1859 đã bác bỏ lời tuyên bố của tòa án Wisconsin. Cả nước Mỹ chứng kiến một sự việc nổi cộm: miền Nam với điều luật ủng hộ cách bang đã bác bỏ quyền lực của giới lãnh đạo Liên bang để bảo vệ cho một hiến pháp “độc nhất vô nhị” của nó. Còn người theo dân tộc chủ nghĩa miền Bắc lại bác bỏ quyền của các bang nhằm công kích thể chế chiếm hữu nô lệ ở miền Nam.
Giới học giả ngày nay tiết lộ rằng: do sợ mất thời gian, sợ hao phí tiền của, và thiếu kiên định trong việc bắt lại nô lệ chạy trốn theo điều luật áp dụng đối với nô lệ bỏ trốn, chỉ có vài chủ nô nỗ lực đuổi theo và bắt lại nô lệ của mình đã đào tẩu. Nỗ lực của người miền Bắc nhằm bãi bỏ điều luật này đã làm dấy lên tình trạng thù địch giữa hai miền: trong tâm trí người miền Bắc, điều luật này như một bằng chứng của một tội ác đáng ghê tởm. Trong tâm trí người miền Nam, điều luật này là biểu trưng cho tính chất hai mặt của người miền Bắc trong việc từ chối thực thi những điều khoản thiêng liêng của một Thỏa ước Quan trọng.
Sự thù nghịch giữa hai miền đã lên tới mức không thể kiềm chế được. Mọi khía cạnh của xã hội miền Nam đều nhức nhối bởi sự công kích của những người bài nô. Họ mô tả: giới chính trị gia miền Nam là thể chế chính trị đầu sỏ và đầy những mưu đồ đen tối; Tôn giáo của người miền Nam là báng bổ; Nền giáo dục của miền Nam là trò hề; Đời sống gia đình người miền Nam bị coi là đồi bại; Tính cách người miền Nam là bãi lầy của sự thoái hóa, trụy lạc nhất từng tồn tại với loài người. Ralph Waldo Emerson ở Massachusetts, là một nhà văn và nhà thuyết giảng nổi tiếng nhất ở Mỹ thời ấy, nói: “Tôi không biết làm thế nào một cộng đồng man rợ chỉ mới thấy được ánh sáng văn minh lại có thể được hiến pháp công nhận là một bang. Theo tôi, phải tống khứ ngay chủ nghĩa chiếm hữu nô lệ khỏi quốc gia mình. Nếu không, ta đang vứt bỏ sự tự do của chính mình. Làm gì còn bình đẳng trên đời khi vẫn còn tồn tại bang tự do và bang công nhận chế độ chiếm hữu nô lệ. Tại bang tự do, con người được sống với giáo dục, lao động có kỹ năng, nghệ thuật, với những mối quan tâm về lâu về dài, với những mối ràng buộc gia đình thiêng liêng, với danh dự và công bằng. Còn trong bang có chế độ sở hữu nô lệ, cuộc sống là một cơn sốt khủng khiếp. Con người là cầm thú, chỉ biết sống với những thỏa mãn tầm thường, những suy nghĩ thiển cận, và luôn luôn bị kích động”. Thượng nghị sĩ Wiliam H. Seward đọc một bài diễn văn trong đó có nhắc đến một cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa hai thế lực: một bảo vệ tự do, một bảo vệ cho chế độ chiếm hữu nô lệ.
Những phát ngôn viên của miền Nam cũng đáp trả với sức công kích ghê gớm. Họ phỉ báng dân miền Bắc là những kẻ vô thần quá quắt, cuồng tín và đạo đức giả; đè đầu cưỡi cổ những “nô lệ được trả lương” của họ, bắt họ phải sống trong thiếu thốn và tủi nhục với điều kiện sống không khác gì nô lệ vì lòng tham và những mưu đồ xảo trá. Ông George Fritzhugh, một nhà văn bang Virginia đã cho ra đời một cuốn sách lập luận rằng: tất cả nhân công ở khắp nơi nên được coi là nô lệ. Ông ta bộc lộ tâm trạng đang thịnh hành tại miền Nam khi bêu xấu xã hội tự do ở miền Bắc như một “quái thai”. Những lời nói đầy ác ý như vậy đã tạo tiền đề cho bạo lực xuất
hiện.
Một sự kiện báo trước phong trào bạo lực lên tới đỉnh điểm xuất hiện vào tháng 10 năm 1859. Grim John Brown lúc ấy chỉ còn là một ký ức trong lòng người dân Kansas, tái xuất hiện trong bức tranh toàn cảnh nước Mỹ. Quyết định giáng một đòn mạnh vào đối thủ nhằm bảo vệ ý tưởng giải phóng nô lệ, ông đã lãnh đạo một nhóm người nỗ lực nhen nhóm một cuộc tổng nổi dậy bằng cách chiếm nhà máy sản xuất đạn dược của Mỹ tại Harpers Ferry, Virginia. Sau đó ông phát súng ống giành được cho nô lệ và kêu gọi họ hành động. Không có nô lệ nào hưởng ứng, Brown và nhóm ủng hộ nhanh chóng bị một phân đội hải quân Mỹ, dưới quyền chỉ huy của đại tá Robert E. Lee đánh bại và bắt giam. Ngay lập tức, Brown bị kết án và bị treo cổ vì đã vi phạm luật pháp Virginia. Nhưng trước đó ông ta đã tiên đoán một cách hết sức chính xác rằng: rồi đây, vấn đề nô lệ sẽ có ngày dìm cả bang Virginia trong bể máu.
Người miền Nam thịnh nộ và càng trở nên cảnh giác sau cuộc tấn công Harpers Ferry. Dù đa số dân chúng miền Bắc chỉ trích hành vi của Brown, nỗi sợ hãi và căm phẫn của người miền Nam lan nhanh khi nhiều người ở miền Bắc hoan nghênh Brown. Nếu không nói là hoan nghênh luôn cả phương pháp hành động của ông ta. Emerson nói Brown là một “vị thánh mới đang chờ đợi những hành động tử vì đạo; nếu có chịu thua thiệt, Brown cũng đã biến giá treo cổ thành cây thập tự vinh quang”. Bạn của Emerson, nhà thơ và là người lý luận nổi tiếng Henry David Thoreau gọi Brown “là một thiên thần ánh sáng”. Còn những phát ngôn viên thiếu thận trọng hơn tán thành cả phương pháp bạo động lẫn mục đích của Brown. Wendell Philips của Massachusetts, một nhân vật bài nô đầy nhiệt huyết đã tuyên bố “Virginia như một con tàu cướp biển. John Brown chỉ huy con tàu chiến của đấng tối cao, với trọng trách đánh chìm bất cứ tàu cướp biển nào ông gặp trên đại dương của Chúa ở thế kỷ XIX này”. Cái chết của Brown khiến ông ta nổi tiếng hơn cả khi ông còn sống. Thi thể của ông “mục rữa dưới đáy mồ” sẽ còn tiếp lửa cho làn sóng sôi sục của một cuộc thánh chiến lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Có thể nói không có một sự kiện nào đẩy việc li khai nhanh bằng sự kiện Harpers Ferry. Trong mắt của người miền Nam, hành động của Brown là sự kích động nô lệ đổ máu. Đồng thời, sự đồng cảm của người miền Bắc đối với ông ta là lời báo trước đầy kinh hoàng cho cuộc “giao tranh không thể tránh khỏi”, như lời tiên đoán của Seward. Một nhân vật quá khích, ông Edmund Ruffin của Virginia, đã phát những ngọn giáo mà Brown định trang bị cho người nô lệ, cho những cơ quan hành chính cao nhất tại các bang miền Nam. Chúng được trưng bày trên các bức tường trụ sở quốc hội các bang. Chúng như lời cảnh báo về một kết cục ghê gớm đang chờ đợi người miền Nam nếu như phe bài nô quyết tâm đi theo đường lối của mình.
Nhiều sự kiện căng thẳng và đối đầu về mặt kinh tế và chính trị trong thời điểm ấy khiến làn sóng cảm xúc phấn kích xuất phát từ sự kiện Harpers Ferry càng thêm sôi sục. Hạ viện liên tục phải ban hành nhiều biện pháp lấy lòng cử tri miền Bắc như giảm thuế, “điều luật ấp trại” cho phép dân định cư có trang trại trên lãnh thổ Liên bang không phải nộp thuế, chi tiền xây dựng một đường sắt xuyên lục địa băng qua các bang miền Bắc, cấp đất để hỗ trợ cho các Hiệp hội nông dân. Những biện pháp này liên tục bị vô hiệu hóa bởi sự chống đối của miền Nam tại thượng viện hoặc sự phủ quyết của “Vị Tổng thống nhu nhược”. Cuối cùng, đầu tháng 12 năm 1859, các hạ nghị sĩ hai miền Bắc và Nam đã ra mặt hầm hè với nhau ngay tại hạ viện. Họ công kích và trút giận vào nhau suốt hai tháng trời chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu bầu người phát ngôn của hạ viện.
Cuộc bầu cử Tổng thống rất quan trọng của năm 1860 diễn ra trong bầu không khí xung đột cục bộ. Đại biểu dự hội nghị của đảng Cộng hòa ở Chicago đã không chọn những chính trị gia cực đoan mà chọn một người ôn hòa. Trước đó, ông Seward đã hùng biện theo quan điểm cực đoan, quá thiên vị người nhập cư và các tín đồ thiên chúa giáo nên không được chọn. Một nhân vật theo chủ nghĩa bài nô, ông Salmon P. Chase của bang OHIO cũng bị cho là quá nguy hiểm đối với vấn đề chiến hữu nô lệ. Ông Edward Bates, bang Missouri thua trong cuộc tranh cử lần này bởi những mối liên hệ của ông với đảng Know-Nothing bị coi là mối nguy hiểm với cử tri nhập cư, đặc biệt là nhóm người Mỹ gốc Đức. Người được đắc cử là Lincoln, vì quan điểm thực tế và những bài diễn văn được suy xét cẩn trọng đến từng từ ngữ, đặc biệt là bài diễn văn được đọc vào tháng 02 năm 1860 tại thành phố New York. Giờ đây tên của ông được nhiều người biết đến. Đến kỳ bỏ phiếu kín thứ ba, ông Lincoln đã nhận được đa số phiếu. Ông Hannibal Hamlin thuộc bang Maine, một cựu đảng viên đảng Dân chủ ít tiếng tăm, được chọn là ứng viên cho ghế Phó tổng thống.
Biết đảng của mình không có thế lực ở miền Nam, những người theo đảng Cộng hòa đã ủng hộ một cương lĩnh được soạn thảo nhằm thu phục mọi lá phiếu tiềm năng tại các bang thuộc miền Bắc và miền Tây. Dù công nhận quyền của mỗi bang là được quyết định thể chế riêng của mình (nói cách khác, được quyết định áp dụng chế độ chiếm hữu nô lệ hay không), nó vẫn không chấp nhận quyền của hạ viện (cơ quan lập pháp chung có tầm ảnh hưởng toàn quốc) hoặc bất cứ cá nhân nào (ở đây ý nói tới Tổng thống hay chủ tịch tối cao pháp viện) “chấp thuận sự tồn tại hợp pháp của chế độ chiếm hữu nô lệ trên bất cứ miền lãnh thổ nào của Hoa Kỳ”. Cương lĩnh này cũng đòi thực hiện những biện pháp kinh tế đã từng hấp dẫn các cử tri miền Bắc và miền Tây nhưng từng bị người miền Nam phủ quyết.
Giờ phút thử thách đã đến đối với đảng Dân chủ. Kể từ năm 1853, đảng này đã giữ ghế Tổng thống nhờ sự liên kết lỏng lẻo giữa các vùng miền. Mối liên kết ấy giờ đây đang khó lòng tồn tại. Cuộc họp của đảng Dân chủ được tổ chức vào tháng 04 ở Charleston, Nam Carolina đã biến thành lò lửa hừng hực cảm xúc của người miền Nam. Hầu hết các đại biểu người miền Nam đều lưỡng lự chấp thuận một cương lĩnh được đề xuất bởi một nhân vật hung hăng người Alabama, ông William L. Yancey. Cương lĩnh này đòi hỏi sự bảo hộ của chính quyền Liên bang đối với chế độ chiếm hữu nô lệ tại các lãnh thổ miền Nam.
Những đại biểu không phải người miền Nam, chiếm đa số thành viên đảng Dân chủ, ủng hộ việc đưa ông Stephens A. Douglas vào ghế Tổng thống. Họ cũng ủng hộ một cương lĩnh về vấn đề sở hữu nô lệ chỉ được bảo đảm bằng vài quyết định của pháp viện tối cao (một sự chứng thực chỉ bằng lời nói: phán quyết từ vụ Dred Scott). Theo nhiều cách, ông Douglas là một lựa chọn tuyệt hảo của đảng này. Người ủng hộ ông rất nhiều. Ông là một trong những người có thể ảnh hưởng tới giới chính trị gia toàn quốc. Ông lại có mối quan hệ chặt chẽ với miền Nam. Nhưng Học thuyết Freeport của ông lại tránh né hợp pháp hậu quả của phán quyết Dred Scott. Đồng thời, sự chống đối của ông với văn bản công nhận bang Kansas trong hiến pháp Lecompton khiến các đại biểu miền Nam không thể chấp nhận ông.
Phần đông người tham dự họp phản đối cương lĩnh Yancey, ủng hộ cương lĩnh Douglas. Sau đó ông William Yancey, con người ương ngạnh của bang Alabama, đã ngay lập tức dẫn đầu hầu hết các đại biểu đến từ bảy bang miền Nam khu vực dưới và đại diện bang Kansas rời khỏi cuộc họp. Theo luật của đảng này, vì thiếu đa số (2/3) thành viên, cuộc họp phải hoãn lại và sẽ
tổ chức ở Baltimore hai tháng sau. Nỗ lực tại Baltimore nhằm hàn gắn mối chia rẽ đã trở nên vô vọng. Toàn bộ đại biểu còn lại sau đó đã bầu Douglas vào ghế Tổng thống. Một người có quan điểm ôn hòa xuất thân từ miền Nam, ông Herschel V. Johnson của bang Georgia, là ứng viên chức Phó tổng thống. Những người chủ trương li khai miền Nam (vài người trong số họ chỉ mới gặp nhau lần đầu ở Richmond) nhóm họp ở Baltimore. Họ chấp nhận cương lĩnh của ông Yancey và đề cử Phó tống thống John C. Breckinridge người Kentucky vào ghế Tổng thống. Thượng nghị sĩ Joseph Lane của bang Oregon được đề cử vào ghế Phó tổng thống. Sự đoàn kết của đảng Dân chủ cuối cùng đã không chống đỡ nổi với mối hiềm thù cục bộ. Những sợi dây ràng buộc cuối cùng (theo cách nói của Calhoun) trước đây từng biến quốc gia thành một thể thống nhất bây giờ đã bị cắt lìa.
Rất nhiều cựu thành viên đảng Whig thuộc khu vực phía trên của miền Nam kết hợp với phần còn lại của đảng Knoww-Nothing để lập ra một đảng mới. Họ gọi đảng này là “Liên Hiệp Hợp Hiến” (Constitutional Union), nhóm họp tại Baltimore. Họ đề ra cương lĩnh: tránh né vấn đề nóng bỏng nhất của thời đại - vấn đề sở hữu nô lệ trên các vùng lãnh thổ thuộc Liên bang. Họ tán thành việc trung thành với hiến pháp, trung thành với liên hiệp các bang miền Bắc, và ủng hộ việc tăng cường thực thi luật pháp. Như một bài ca tán tụng Chúa trời, quốc kỳ, mẹ hiền, cương lĩnh này bày tỏ những cảm xúc cao thượng mang tới sức hấp dẫn chung cho dân chúng. Nhưng đằng này đã không có cơ hội có chân trong trong các cuộc bầu cử. Những người thuộc đảng “Liên hiệp hợp hiến” bầu một thượng nghị sĩ mang tư tưởng bảo thủ, ông John Bell người bang Tennessee vào ghế Tổng thống và nhà hùng biện đồng thời cũng là cựu thượng nghị sĩ Edward Everett của bang Massachusetts vào ghế Phó tổng thống.
Ở miền Bắc và miền Tây, cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống chủ yếu được coi là cuộc chạy đua giữa Lincoln và Douglas. Miền Nam: giữa Breckinridge và Bell. Mặc dù đảng Cộng hòa nỗ lực không bộc lộ quan điểm bài nô của mình, lối hùng biện bảo vệ quyền lợi cục bộ của họ không thể lẫn vào đâu được. Còn lối hùng biện của những người chống lại đảng Cộng hòa là miền Nam lại vô độ. Mỗi phe đều mô tả phe kia như mối hiểm họa của số phận quốc gia. Tại miền Bắc và miền Tây, ông Douglas bị buộc tội là kẻ nhu nhược, ông Breckinridge là kẻ chuyên gây mất đoàn kết. Tại miền Nam, ông Lincoln bị coi là một tay bài nô đen tối. Họ cho rằng nếu bầu ông này sẽ gây nên hậu quả thảm khốc cho miền Nam.
Những nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa không nỗ lực làm dịu bớt nỗi sợ hãi của người miền Nam về nguy cơ Lincoln. Ông Charles Sumner tuyên bố rằng: hiến pháp không hề bảo hộ cho chế độ chiếm hữu nô lệ. Ông quả quyết rằng: ông Lincoln tự thú nhận mình ủng hộ cho “luật pháp tối thượng” và cho “cuộc xung đột không thể kiềm nén”. Lincoln khôn ngoan giữ yên lặng, không hề phản đối những tuyên bố sai trái nhắm vào ông. Bởi vì theo ông: “… Kẻ xấu… ở miền Bắc và miền Nam” sẽ bóp méo và xuyên tạc bất cứ lời nói nào của ông vào thời điểm này.
Đảng Cộng hòa khẩn nài cử tri miền Bắc và miền Tây giành phiếu cho ông Lincoln. Mặc dù ông chỉ chiếm được thiểu số phiếu (39,9% so với tổng số), ông lại nhận được đa số phiếu của những cử tri cao cấp: 180 so với 123 phiếu của cả ba ứng viên còn lại. Ông có thể giành được đa số phiếu tại những bang đông dân cư nhất ở miền Bắc và miền Tây (54% so với số phiếu của toàn dân trong vùng). Và như vậy ông đã có được toàn bộ số phiếu của các ứng viên thuộc miền Bắc và miền Tây. Ông Lincoln không có một phiếu nào từ miền Nam. Chiến thắng của đảng Cộng hòa tại miền Bắc chứng tỏ sự liên kết sâu rộng của các cựu thành viên đảng Cộng
hòa theo đường lối Fremont và các cựu thành viên Know-Nothing theo đường lối Fillmore. Thêm vào đó là sự hỗ trợ quan trọng của các nhóm dân nhập cư theo đạo Tin lành, đặc biệt là những người theo đạo Tin lành gốc Đức và một số ít các cử tri trẻ thuộc thế hệ mới được sinh ra tại Mỹ.
Ông Breckinridge giành được sự ủng hộ từ tất cả các bang tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ ngoại trừ Virginia, Kentucky và Tennessee. Những bang này bầu cho ông Bell. Nhưng ông lại là người giành số phiếu ít hơn tại miền Nam, cũng như Lincoln giành được số phiếu ít hơn nếu tính tổng các bang trên nước Mỹ cộng lại. Ông Breckinridge giành được sự ủng hộ tại các bang miền Nam thuộc khu vực phía dưới cộng thêm bang Bắc Carolina, Maryland và Delaware. Ông nhận được ít phiếu hơn phiếu của ông Bell và ông Douglas gộp lại. Ông Douglas giành được phiếu của thiểu số dân đóng vai trò quan trọng tại miền Bắc và miền Tây đồng thời cho thấy sức thuyết phục đáng ngạc nhiên của ông ở miền Nam (trên 12% tổng số phiếu bầu). Miền Nam là nơi ông vận động tranh cử hăng hái nhất và sôi nổi nhất. Nhưng với bang Missouri, ông chỉ được thêm ba phiếu cộng với bảy phiếu của các cử tri cao cấp tại New Jersey.
Cuộc bầu cử này cho thấy không hề có sự ủng hộ mạnh mẽ nào về các vấn đề sở hữu nô lệ hay li khai. Nó thực sự phản đối cả những người bài nô miền Bắc và những kẻ hung hăng miền Nam. Nhưng hậu quả của nó lại nhen nhóm lên nỗi e sợ sâu xa tại miền Nam bởi vì nó đặt quyền điều hành đất nước vào tay một đảng, về cơ bản, đại diện cho chính kiến của người miền Bắc và miền Tây. Vận mệnh quốc gia giờ nằm cả trong tay một nhân vật ra mặt chống đối thể chế (sở hữu nô lệ) liên quan đến nhiều mặt xã hội và kinh tế, được coi là bất khả xâm phạm của miền Nam.
Những thay đổi của những cơ quan báo chí trước đây ủng hộ đường lối hợp nhất kiểu miền Nam rõ ràng cho thấy hậu quả của chiến thắng của ông Lincoln ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ của người miền Nam. Tờ báo New Orleanss Bee là một ví dụ hoàn hảo. Báo này ủng hộ ông Douglas khi ông này đang tổ chức chiến dịch tranh cử. Ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, báo thể hiện chủ nghĩa hợp nhất rõ ràng như sau: Dù ứng viên Tổng thống chỉ giới hạn ở một vài nhân vật: ông Bell, ông Douglas, ông Lincoln, hay ông Breckinridge; Dù hạ viện sau này có thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ người da đen hay thuộc đảng Bảo thủ; Dù cho ông Seward có dự định khơi mào một cuộc xung đột không thể tránh khỏi; Dù ông (Robert Barnwell) Rhett có nỗ lực tập hợp các lực lượng vũ trang để ngăn chặn lễ nhậm chức của ông Lincoln; Dù cho John Brown có được phong thánh ở bang New England; Những người đàn ông chân chính của Liên bang sẽ không hề nghĩ tới việc phá vỡ thể chế nhà nước Hoa Kỳ hiện hành”.
Nhưng ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng thống hoàn tất, báo này lại viết: “Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Nó cho ta thấy quyền năng to lớn và sự ủng hộ của dân chúng đối với đảng Cộng hòa. Điều gì có thể phủ nhận một bằng chứng đầy sức thuyết phục và quá rõ ràng về tính bất lương người miền Bắc? Lý lẽ nào có thể thuyết phục người miền Nam phải tuân thủ và chờ đợi những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai khi mà chế độ bài nô đã lan tràn khắp các bang miền Bắc. Chế độ bài nô chứng tỏ quyền năng ngày càng lớn không thể tưởng tượng ngay chính trong các bang công nhận chế độ sở hữu nô lệ?”.
Những kẻ hung hăng nhanh chóng tận dụng cơn giận dữ của người miền Nam. Mười năm trước, tại hội nghị Nashville, ông Robert Barnwell đã không thể thuyết phục các bang miền Nam li khai quy tụ về một mối. Ông ta và những người cực đoan miền Nam khác giờ đây đã sẵn
sàng khơi dậy cái gọi là “khả năng tuyệt vọng” - ám chỉ hành động li khai: tách các bang miền Nam ra khỏi chính phủ Liên bang. Cơ quan lập pháp của Nam Carolina, vẫn chủ trương li khai kể từ khi chọn ra các thành viên dự đại hội đại biểu cử tri nhằm bầu ra Tổng thống, ngay lập tức bỏ phiếu kêu gọi nhóm họp một hội nghị để quyết định vấn đề quan trọng này. Các thống đốc của các bang khác thuộc khu vực phía dưới miền Nam nói rằng bang của họ sẽ nghe theo sự chỉ đạo của bang Carolina.
Lúc này, ý kiến li khai tại bang Palmetto hầu như giành được sự nhất trí. Mong muốn li khai được tuyên bố trong hội nghị của bang (một hội nghị nhóm họp tại Charleston, một thành phố được trang hoàng với quốc kỳ của bang và cờ trang trí ủng hộ li khai, một thành phố đã được hít thở bầu không khí sẵn sàng li khai) như vậy đã rõ. Ngày 20 tháng 12, một trăm sáu mươi chín đại biểu bỏ phiếu mà không hề có phiếu chống nào. Họ cùng nhất trí tách bang Nam Carolina ra khỏi Liên bang. Tin tức về động thái này đã biến cả thị trấn Charleston thành cơn cuồng phong chính trị. Các doanh nghiệp đóng cửa, chuông nhà thờ đổ liên hồi, pháo nổ rền, quân đội duyệt binh trên các đường phố, người già hò reo và tuần hành trên đường. Cảnh này có lẽ sẽ khiến ông John C. Calhoun đang yên nghỉ dưới ba tất đất ngắm nhìn cũng hài lòng lẫn buồn vui.
Sự rút chân ra khỏi Liên bang Hoa Kỳ của bang Nam Carolina và sự sụp đổ của những nỗ lực trong hạ viện Hoa Kỳ đã châm ngòi nổ cho cuộc li khai xuất hiện ở vùng đất phía dưới của miền Nam. Ngày 9 tháng 1 năm 1861, bang Missouri rút chân ra khỏi Liên bang Hoa Kỳ. Ngoại trừ bang Nam Carolina, có lẽ bang Missouri là một bang có thái độ bảo vệ quyền lợi địa phương mãnh liệt nhất. Một ngày sau khi bang Missouri rút khỏi Liên bang, bang Florida cũng tuyên bố ly khai. Ngày kế tiếp là bang Alabama.
Li khai không diễn ra quá nhanh chóng và có thể dự đoán trước ở ba bang còn lại ở vùng đất phía dưới của miền Nam. Dù đa số dân chúng của các bang này tin li khai là động thái cuối cùng của bản năng tự bảo toàn, hầu hết họ cùng có chung quan điểm rằng: hoàn cảnh hiện tại có thể bào chữa cho bước đi của họ. Rất nhiều người đã thắc mắc liệu có là khôn ngoan chăng khi ngay lập tức li khai thành một bang đơn lẻ. Vài người ủng hộ chính sách đợi để quan sát xem chính quyền Lincoln sẽ làm gì nhằm giải quyết vấn đề chiếm hữu nô lệ. Người khác lại ủng hộ cách li khai theo từng nhóm bang có chế độ chiếm hữu nô lệ. Những đối thủ phản kháng chính sách li khai, tự nhận mình là những người hợp tác. Những người ủng hộ việc li khai ngay để trở thành bang riêng lẻ đã khinh bỉ gọi họ là “bọn người dễ quy phục”.
Hành động của bang Georgia khá nổi bật. Quyết định của chế độ lập pháp yêu cầu một hội nghị. Cựu hạ nghị sĩ Alexander Stephens, một lãnh đạo đáng kính tại bang này phản đối hành động ly khai. Ông tuyên bố: “Chính phủ là đấng phụ mẫu của ta. Dù có những khiếm khuyết này nọ, chính phủ vẫn đang đến gần những mục tiêu để trở thành một chính phủ tốt đẹp hơn và an toàn hơn bất cứ thể chế nào”. Những người chủ trương đoàn kết như ông Herschel V. Johnson và ông Benjamin H. Hill cũng có tư tưởng như ông Stephens.
Nhưng hầu hết những người có máu mặt ở Georgia mang tư tưởng khác họ. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Robert Toombs và Bộ trưởng Bộ tài chính Howell Cobb (hai ông trước đây từng chủ trương đoàn kết) bây giờ đã không còn tin chính quyền thuộc đảng Cộng hòa có thể giành cho miền Nam một sự công bằng. Ông Toombs sử dụng ngôn từ của đại thi hào Homer, cầu khẩn những nhà lập pháp “… Hãy phóng những ngọn lao nhuốm máu vào hang ổ của những kẻ gây
bất hòa… Tự rút thân ra khỏi chính phủ Liên bang… Hãy khơi mào một cuộc chiến giành độc lập nữa… Đấu tranh như những chiến binh xông pha ngoài chiến trận một lần nữa. Hãy hành động vì tự do và độc lập”. Và rồi “cuộc bỏ phiếu ngày mồng 04 tháng 03 về vấn đề li khai sẽ đầy những lá phiếu của cư tri đồng lòng nhất trí li khai tại Georgia”. Ông Cobb viết “mỗi giờ khắc qua đi (sau lễ nhậm chức của Tổng thống Lincoln), bang Georgia sẽ bị lu mờ ánh hào quang nếu vẫn còn là thành viên của Liên bang Hoa Kỳ và chắc chắn nó sẽ trở thành cảnh hoang tàn trong một thời gian ngắn”. Bị kích động bởi những lời kêu gọi như vậy, giới lập pháp đã triệu tập một hội nghị. Hòn xúc xắc đã được tung ra. Ngày 19 tháng 01, sau khi áp đảo nỗ lực phản đối mạnh mẽ của phái hợp tác trì hoãn động thái li khai, hội nghị đã bỏ phiếu và đồng ý li khai ngay với số phiếu áp đảo 218/89.
Li khai tại bang Louisiana có lẽ lưỡng lự nhiều hơn tại Georgia. Những chủ đồn điền trồng mía tại bang này làm giàu được nhờ thuế bảo hộ của Liên bang. Rất có thể loại thuế này rồi sẽ không còn ở một thể chế cộng hòa miền Nam bị thống trị bởi quá nhiều người quan tâm đến cây bông. Những thương gia bang New Orleans có những mối quan hệ tài chính vững mạnh với các chủ nhà băng miền Bắc. 40% dân số của thủ phủ New Orleans là người di cư gốc châu Âu. Nhiều người trong số họ có ít hoặc không thể nhiệt tình với việc đấu tranh vì nền độc lập của miền Nam. Tuy nhiên những người chủ trương li khai lại nắm quyền trong cơ quan lập pháp và đã bỏ phiếu yêu cầu tổ chức một hội nghị. Theo sau sự sụp đổ của các nỗ lực hòa giải tại hạ viện, báo New Orleanss Bee, với chủ biên là người ủng hộ đường lối đoàn kết viết: “Miền Bắc và miền Nam không đồng nhất về lập trường. Tốt hơn hết nên tách rời nhau… Chúng ta sẽ sa vào thảm họa nếu như tuyên bố không độc lập về mặt chính trị”.
Đa số đại biểu được bầu trong hội nghị bang Louisiana đã đòi li khai ngay. Mọi động thái của phe hợp tác nhằm trì hoãn hành động hấp tấp này đều bị bác bỏ. Ngày 26 tháng 01 hội nghị đã chọn cách li khai bằng biểu quyết và đã thắng với con số lấn át 113/17. Ít nhất cũng có một vài đại biểu chủ trương li khai ý thức được tính chất cực đoan trong hành động của họ.
Texas là bang duy nhất tại khu vực dưới của miền Nam có chính phủ chia rẽ về vấn đề li khai. Đa số thành viên trong cơ quan lập pháp bang này ủng hộ li khai. Họ đòi tổ chức một hội nghị. Ngày 01 tháng 02, hội nghị đã bỏ phiếu về vấn đề này và phe li khai thắng với số phiếu áp đảo: 166/8. Nhưng thống đốc bang này là ông Sam Houston, một anh hùng cách mạng của bang Texas và là một chính trị gia theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, đã phản đối li khai. Cuối cùng ông đã bị cách chức vì không tuyên thệ trung thành với chính phủ Liên bang của miền Nam Hoa Kỳ. Texas cũng là bang duy nhất có được động thái: quyết định của hội nghị những người chủ trương li khai đã được đệ trình lên cuộc trưng cầu dân ý. Chiều theo hành động của hội nghị, cuộc trưng cầu dân ý đã xác định lại lệnh li khai của bang Texas với đa số phiếu theo tỷ lệ 3 ăn 1.
Đầu tháng 02 năm 1861 bảy bang của khu vực phía dưới miền Nam đã rút lui khỏi Liên bang. Trên khắp cả một vùng rộng lớn, đâu đâu cũng thấy người ta bàn tới học thuyết quyền của bang. Những nỗi sợ hãi cùng cảm xúc mãnh liệt dâng tràn. Câu hỏi quan trọng bây giờ là: “Toàn thể nước Mỹ sẽ phản ứng ra sao với tình trạng này?”
2. Kế sách vũ trang
Phản ứng của toàn nước Mỹ với hành động li khai lúc đầu không rõ ràng. Tổng thống Buchanan (người vẫn đương nhiệm trước lễ nhậm chức của ông Lincoln diễn ra vào ngày 04 tháng 03 năm 1861), về bản chất là người ưa hòa giải. Ông cũng có những tình cảm sâu đậm đối với miền Nam. Các động thái của những người trong nội các của ông thể hiện rõ xu hướng này. Người miền Nam giữ khá nhiều vị trí quan trọng trong nội các của Tổng thống Buchanan. Ông Howell Cobb - Bộ trưởng Bộ tài chính, ông Jacob Thompson thuộc bang Mississippi - Bộ trưởng Bộ nội vụ. Ông John Floyd bang Virginia - Bộ trưởng Bộ chiến tranh. Ngoài nội các, những khuôn mặt chính trị gia nổi tiếng của miền Nam như thượng nghị sĩ John Slidell của bang Louisiana và thượng nghị sĩ Jefferson Davis của bang Mississippi cũng là những người bạn tâm giao của Tổng thống Bunachan. Rõ ràng, ông có ảnh hưởng nhất định tới động thái của họ.
Chính tư tưởng chính trị của Tổng thống Buchanan cũng không rõ ràng. Biên bản cuộc họp hàng năm năm 1860 đệ trình lên hạ viện cho thấy những quan điểm bất đồng về mối quan hệ giữa quốc gia với những đơn vị bầu cử. Ông tuyên bố li khai là bất hợp pháp, nhưng lại nói rằng chính phủ Liên bang không có quyền ép buộc một bang bất kỳ phải giữ chân trong Liên bang. Ông Seward đã nhại lại bài diễn văn này cho rằng ý nghĩa của nó là “không bang nào có quyền được li khai nếu như nó không muốn”. Và rằng “nghĩa vụ của Tổng thống là bắt buộc mọi người dân phải tuân thủ luật pháp trừ khi có ai đó chống đối ông ta”.
Về mặt luật pháp, Tổng thống Buchanan đã sai lầm bởi thiếu sự quyết đoán và ý chí. Rõ ràng hành động của ông trong cuộc khủng hoảng chính trị ở nước Mỹ là kém ấn tượng khi so sánh với các ông Andrew Jackson, Abraham Lincoln. Nhưng ông Buchanan sợ hãi rằng nếu chính phủ Liên bang đe dọa hoặc có động thái ép buộc sẽ chỉ thổi bùng lên ngọn lửa đòi li khai chứ không phải dập tắt nó.
Khi đọc bài diễn văn hàng năm vào đầu tháng 12 năm 1860, ông đã phát biểu ý kiến của mình về vấn đề li khai trước khi chưa có bang nào đòi rút chân ra khỏi Liên bang. Tất nhiên sự tự chủ kiên trì của ông đã không ngăn chặn được cuộc li khai của bảy bang thuộc khu vực phía dưới của miền Nam. Có thể chính quan điểm của ông đã khích lệ các bang này li khai. Nhưng có khả năng là họ đã chủ động li khai từ lâu và sự chịu đựng của ông đã đóng góp rất nhiều vào việc ngăn chặn li khai của tám bang có chế độ sở hữu nô lệ còn tồn tại vào thời điểm đó. Một cách gián tiếp, hành động của ông đã giúp một số bang không cùng viện đến động thái li khai. Vào những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, sau khi hành động li khai trở thành việc đã rồi và nhiều thành viên của các bang miền Nam đã không còn thuộc nội các của ông nữa, ông đã củng cố uy tín của mình bằng cách chỉ định những chính trị gia chủ trương đoàn kết và trung thành với Liên bang giữ vị trí những người đã ra đi.
Ông Buchanan luôn thận trọng là vì ông hy vọng đạt được một thỏa hiệp chính trị lớn khác sẽ ngăn chặn hoặc hạn chế việc li khai của các bang có chế độ chiếm hữu nô lệ tại Mỹ. Cả hạ viện lẫn thượng viện đều chỉ định những ủy ban nghiên cứu tính khả thi của một động thái như vậy. Và điều có khả năng nhất đã xảy ra: Thượng nghị sĩ John J. Crittenden đến từ bang Kentucky đã trình lên ủy ban thượng viện một loạt đề nghị vào ngày 18 tháng 12. Thượng nghị sĩ này đang giữ vị trí của ông Henry Clay trước đây. Ông tự coi mình là người kế nhiệm ông
Clay trong vai trò kiến trúc sư của tòa nhà chính trị Mỹ. Điều khoản quan trọng nhất của thỏa hiệp Crittenden kêu gọi bổ sung hiến pháp để có thể phân chia lại ranh giới địa lý theo thỏa ước Missouri và mở rộng vùng ranh giới này cho tới tận biên giới của bang California. Đồng thời chế độ chiếm hữu nô lệ sẽ bị cấm tại các vùng lãnh thổ của Liên bang ở phía Bắc của giới tuyến này. Nhưng thỏa ước Crittenden lại công nhận và bảo hộ cho chế độ chiếm hữu nô lệ ở vùng đất phía Nam giới tuyến.
Dẫn đầu bởi thượng nghị sĩ Jefferson Davis, người miền Nam, bộc lộ thái độ sẵn sàng chấp nhận bảng thỏa ước này nếu những thành viên trong đảng Cộng hòa cũng đồng ý như vậy. Chính đây là vấn đề người đảng Cộng hòa từ chối chấp nhận (một phần do lời khuyên của Tổng thống mới đắc cử Lincoln). Tổng thống nói, trên cương vị cá nhân, ông sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ một biên bản bảo đảm cho chế độ nô lệ vẫn cứ tồn tại ở những bang từng có mặt nó. Nhưng ông cũng đưa ra lời khuyến cáo “… Sẽ không chấp nhận bất cứ một thỏa ước nào nhằm bành trướng chế độ chiếm hữu nô lệ hơn nữa… Hoặc ngay khi ai có ý định bành trướng chế độ nô lệ, chúng ta sẽ không để họ yên. Mọi nỗ lực sẽ là vô vọng và dù sớm dù muộn ý định này cũng sẽ bị bác bỏ. Thà mất lòng trước để được lòng sau”. Như vậy những nỗ lực thỏa hiệp hứa hẹn nhất cũng đã thất bại. Về lâu về dài, việc đẩy lùi và hạn chế li khai trở nên khó khăn. Nhưng ngay tại thời điểm này, việc bác bỏ thỏa hiệp Crittenden đóng vai trò quan trọng khiến cho các bang Georgia, Louisiana, và Texas nhanh chóng đi tới quyết định li khai.
Nỗ lực thỏa hiệp được thực hiện bên ngoài chính phủ Liên bang cũng thất bại. Nỗ lực đáng kể nhất là hội nghị hòa bình Washington được nhóm họp vào tháng hai ngay tại thủ đô nước Mỹ theo lời mời của hệ thống luật pháp bang Virginia. Cựu Tổng thống John Tyler là chủ tọa. Đại biểu đến từ 21 bang (không có đại biểu nào từ các bang li khai) đều đồng loạt đề xuất giống hệt như thỏa ước Crittenden nhưng bao gồm một số điều khoản dự thảo nhằm trấn áp sự phản đối của đảng Cộng hòa. Đặc biệt là sự chỉ trích của Tổng thống Lincoln rằng: đề xuất Crittenden sẽ kích động người miền Nam tìm kiếm vùng đất mới để áp dụng chế độ chiếm hữu nô lệ như miền Nam hiện nay. Hội nghị Washington cũng đề xuất một quyền phủ quyết trong việc thành lập những vùng lãnh thổ mới của Liên bang bằng cách yêu cầu số đông bỏ phiếu. Người được bỏ phiếu đều có thể là thành viên của bang tự do và bang có áp dụng chế độ chiếm hữu nô lệ hiện đang có mặt tại hạ viện. Những đề xuất này là không thể chấp nhận được đối với các lãnh đạo đảng Cộng hòa và các đại biểu đến từ các bang có sở hữu nô lệ thuộc vùng lãnh thổ phía trên của miền Nam. Như vậy những đề xuất này cũng chỉ là vô ích.
Khi chính quyền của Tổng thống Buchanan đang không biết đáp ứng thế nào với tiến trình li khai, những bang đã li khai rất kiên định với kế hoạch của riêng mình và đang tiến những bước đáng kể. Ngày mùng 4 tháng 2, đại biểu từ sau khi các bang li khai nhóm họp tại đại sảnh đường của nghị viện thuộc tòa nhà quốc hội bang Alabama và bắt đầu làm việc cùng nhau để kiến tạo một quốc gia mới tại miền Nam. Trong nhóm năm mươi đại biểu có rất nhiều chính trị gia hàng đầu đại diện cho giới chủ nô, luật sư của miền Nam. Ông Howell Cobb giữ vai trò chủ tọa. Họ nhanh chóng thảo và chấp thuận một bản hiến pháp tạm thời cho chính phủ lâm thời của một thể chế chính trị mới mà họ đặt tên: Liên minh các bang Hoa Kỳ. Cuộc họp thượng đỉnh này trở thành đại hội của chính phủ lâm thời. Cử tri đã bầu ra thủ tướng và phó thủ tướng lâm thời. Đây cũng là hội nghị chính thức trong đó các đại biểu thảo ra một văn kiện chính thức cho chính phủ sau này. Bản hiến pháp mang nội dung: Trong vòng một năm, một
chính phủ chính thức sẽ được bầu và một hiến pháp chính thức sẽ được phê chuẩn bởi các bang miền Nam li khai.
Một công việc khá khẩn trương trước khi diễn ra hội nghị: bầu thủ tướng và phó thủ tướng lâm thời thật nhanh chóng. Có rất ít bất đồng về cá nhân cũng như về chính trị, đại hội này thống nhất chọn ra ông Jefferson Davis là Tổng thống lâm thời. Ông Alexander Stephens là Phó tổng thống lâm thời. Trong tiến trình chọn và bầu hai ông này, các đại biểu đã bác bỏ các ứng viên quá khích của miền Nam. Một trong số những người nổi bật nhất là ông Braggs, thành viên của đại hội. Và một người khác: ông Yancey đang có mặt tại thủ phủ bang Alabama nơi diễn ra hội nghị. Những thành viên quá khích không kiên định và sẽ là mối hiểm họa cho chính phủ. Hoàn cảnh hiện nay đang đòi hỏi những người ôn hòa có thể mang lại sự ổn định sau cuộc cách mạng đòi li khai. Cũng như trước kia, người ta đã chọn tổng thống Washington và John Adam thay vì chọn Patrick Henry và Samuel Adams.
Ông Davis là một người theo đường lối ôn hòa, xuất thân từ miền Nam. Ông chỉ hoan nghênh li khai sau khi bang của ông rút khỏi Liên bang. Cũng như Lincoln, ông Davis sinh ra ở Kentucky trong một gia đình nông dân. Nhưng ông Davis lớn lên tại Missouri. Gia đình ông chuyển đến vùng này khi ông còn ẵm ngửa. Ông Davis càng lớn, gia đình ông càng trở nên giàu có nhờ sở hữu nô lệ và làm chủ nhiều đồn điền trồng bông. Dù trước đây ông mang tinh thần yêu nước sâu sắc nhưng sau này ông đã thấm nhuần tư tưởng của giới quý tộc sở hữu đồn điền tại miền Nam và các học thuyết chính trị ủng hộ quyền các bang của các ông Thomas Jefferson và John C. Calhoun.
Ông Davis được hưởng một nền giáo dục kinh điển theo truyền thống tại trường đại học Transylvania ở Lexington, Kentucky. Đồng thời ông cũng lĩnh hội các kiến thức quân sự truyền thống tại học viện quân sự Mỹ, khóa 1828. Năm 1835, sau cái chết bi thảm của người vợ mới cưới được sáu tuần, ông Davis từ chức và suốt mười năm trời sống gần như ẩn dật với tư cách là một chủ đồn điền, một nhà nghiên cứu lịch sử và các vấn đề liên quan tới chính phủ. Sau đó ông gặp gỡ và kết hôn với một cô gái trẻ sôi nổi người vùng Nashville: Varina Howell. Cuộc hôn nhân này đã mang lại sức sống cho ông. Hầu như ngay lập tức, ông tham gia chính trường và được bầu vào hạ viện Hoa Kỳ. Từ bỏ địa vị cao quý này, ông đã gia nhập quân đội trong thời kỳ chiến tranh Mexico. Ông chỉ huy trung đoàn tình nguyện Mississipi với lòng dũng cảm vô song và kỹ năng quân sự tài tình. Ông đã nổi lên như người hùng của cuộc chiến, một quân nhân lừng lẫy trong lịch sử của bang Kentucky.
Năm 1847, ông Davis tranh cử thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Có lẽ sau lần ấy, ông trở thành nhà vô địch nức tiếng gần xa về tài ăn nói lưu loát trong lịch sử miền Nam. Bốn năm sau, ông rời thượng viện để tranh cử chức thống đốc của bang ông. Nhưng ông thất bại vì quan điểm chống đối Thỏa ước 1850. Ông tỉnh ngộ khỏi quan điểm không rõ ràng về chính trị khi bạn ông là Tổng thống Franklin Pierce bổ nhiệm ông vào chức bộ trưởng bộ chiến tranh. Ông Davis đã biểu hiện tài năng xuất chúng ở vị trí này. Năm 1857, một lần nữa ông lại được bầu vào thượng viện Hoa Kỳ. Ông rời chiếc ghế danh giá ở thượng viện trong cuộc li khai của Mississipi và chấp nhận chức tổng tư lệnh các lực lượng quân đội của bang.
Davis khá cao. Lưng thẳng và dáng người mảnh dẻ. Tác phong của ông đúng là của một quân nhân chính hiệu. Mặc dù nét mặt của ông quá sắc cạnh nên không thể gọi là đẹp trai, nhưng những nét ấy lại rất đặc trưng. Người miền Nam cho rằng nét mặt góc cạnh như vậy mới
là quý phái. Ngày 15 tháng 2, ông đến Montgomery với tư cách Tổng thống lâm thời của Liên minh miền Nam. Tại đây ông đã được giới thiệu với đám đông ngưỡng mộ bởi nhà hùng biện Yancey. Ông Yancey nói: “Con người của giờ khắc quyết định đã đến”. Hiếm người tại Liên minh miền Nam không tán thành câu nói ấy.
Phó Tổng thống Stephens nhỏ thó và ốm yếu: Khuôn mặt khô khốc nhăn nheo nhưng trí tuệ lại thông sáng và sắc sảo. Ông là một chính trị gia tài ba. Ông đã đại điện cho bang Georgia ở hạ viện Hoa Kỳ vào năm 1843 cho tới khi về nghỉ năm 1859 để chuyên tâm nghiên cứu và thực thi luật pháp. Với tư cách là một nhà hùng biện có sức thuyết phục của đảng Whig tại hạ viện, ông gây ấn tượng mạnh với đảng mình và với người bạn đồng thời là đồng nghiệp của ông trong hạ viện, Abraham Lincoln. Sau này ông Lincoln có nghe một trong những bài thuyết trình của ông và nhận xét: Đó là bài diễn văn hay nhất với thời lượng một tiếng đồng hồ ông từng được nghe. Cả hai ông đều phản đối cuộc chiến tranh Mexico, chính điều này đã tạo một mối thân tình đặc biệt giữa hai ông.
Ông Stephens là một người khó hiểu trong bộ máy chính quyền của Liên minh miền Nam. Ông có tình cảm sâu nặng cả với Liên bang và với hiến pháp của Liên bang. Ông từng hỗ trợ cho ông Douglas để ông ta có được cương vị Tổng thống như ngày nay. Ông phản đối sự li khai của bang Georgia. Thế nhưng ông lại ủng hộ nhiệt thành cho quyền của bang. Ông không hề thấy có gì là mâu thuẫn trong tư tưởng của mình. Cuối cùng, ông đã nghiêng hẳn về học thuyết quyền của bang và chống lại thể chế là cha đẻ của những thứ quyền lợi ấy: Liên bang Hoa Kỳ. Ông rất tin tưởng vào tính đúng đắn của chế độ chiếm hữu nô lệ của miền Nam và coi thể chế này là một nền tảng để nền cộng hòa miền Nam có thể phát triển bền vững.
Hiến pháp chính thức của Liên minh được soạn thảo trong hội nghị và lập tức được phê chuẩn bởi đại diện các bang. Nó giống đến mức đáng ngạc nhiên với bản hiến pháp của Hoa Kỳ trước đây: Chỉ khác ở một số câu chữ và điều khoản mà trong quá khứ chúng đã dẫn tới sự bất đồng cục bộ giữa hai miền. Nó làm rõ hơn việc công nhận quyền của các bang, tính hợp pháp và trường tồn của chế độ chiếm hữu nô lệ. Lời nói đầu không hề có một câu chúc phúc chung nào, nó tuyên bố bản hiến pháp này sẽ có hiệu lực đối với mọi người dân thuộc Liên minh các bang Hoa Kỳ “… Mỗi bang có quyền tự trị và độc lập của riêng mình”. Nó cấm bất cứ điều luật nào của chính quyền Liên minh làm tổn hại đến quyền được sở hữu nô lệ tại các vùng lãnh thổ và các bang thuộc Liên minh miền Nam. Nhưng việc nhập khẩu nô lệ, ngoại trừ từ Liên bang Mỹ ở miền Bắc, hoàn toàn bị cấm. Bảng hiến pháp này cấm luật bảo hộ nhập khẩu và sự chiếm đoạt làm của riêng cho sự cải thiện nội bộ của từng bang. Mặc khác, nó cũng mâu thuẫn với hiến pháp Hoa Kỳ: cho phép áp dụng thuế xuất khẩu. Điều khoản này nhằm ủng hộ miền Nam bởi khu vực này chiếm vị trí thống trị trong lãnh vực cung cấp bông cho toàn thế giới.
Luật cơ bản của Liên minh cũng khác với luật cơ bản của Hoa Kỳ nói chung. Luật quy định một nhiệm kỳ của Tổng thống là sáu năm. Mỗi Tổng thống chỉ phục vụ một nhiệm kỳ mà thôi. Luật cho phép Tổng thống được phủ quyết những điều luật riêng đã được đa số tán thành mà không cần hủy bỏ toàn bộ điều luật ấy. Đồng thời cho phép các thành viên trong nội các (những người này sẽ được hạ viện chỉ định) tham gia vào hạ viện để bàn bạc các biện pháp gắn liền với những phòng ban của họ đang phục vụ. Bản hiến pháp không nói gì về quyền li khai, dù quyền ấy đã được thỏa hiệp ngầm và góp phần hình thành nên chính phủ Liên minh miền Nam.
Ông Davis lập tức hình thành các ban bệ. Hội nghị bắt đầu một nhiệm vụ quan trọng: mang lại sức sống mới cho một quốc gia mới. Ông Davis nhanh chóng bổ nhiệm một nội các trong đó có: Robert Toombs - Bộ trưởng Bộ nội vụ; Christopher G. Memminger người Nam Carolina là Bộ trưởng Bộ tài chính; Leroy P. Walker - Bộ trưởng Bộ chiến tranh; Stephen R. Mallory, thuộc bang Florida: Bộ trưởng Bộ hải quân; Judah P. Benjamin của bang Louisiana là Chánh án Pháp viện tối cao. Và ông John H. Eagan bang Texas là Tổng cục trưởng Tổng cục bưu chính. Nội các còn bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng hàng đầu của miền Nam. Đặc biệt là các ông Toombs và Benjamin (đều là cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ). Nội các còn dành nhiều cương vị công bằng cho các đại diện bang của Liên minh. Người miền Nam nói: họ đã tìm được đúng người giữ những chức vụ phù hợp.
Bằng cách giữ lại những nét chính trong luật pháp Hoa Kỳ, chỉ thay đổi chúng khi nào chúng không phù hợp với hiến pháp của Liên minh miền Nam, và giữ bộ máy hành chính, dịch vụ như của Liên bang (nhân viên bưu điện và cách đưa thư chẳng hạn), chính quyền Liên minh dễ dàng thành lập và đi vào hoạt động. Đáng kể là việc tạo ra quân đội Liên minh bằng cách kêu gọi các bang đề nghị góp phần của mình về binh lính cũng như đạn dược. Những sự kiện sắp xảy đến đã nhanh chóng biến quyết định này thành một quyết định vô cùng quan trọng. Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Davis là cử những đặc phái viên của Liên bang miền Nam tới Washington trong một nỗ lực vô vọng nhằm thiết lập những mối quan hệ thân mật ở đây.
Trong lúc ấy, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất mà cả Tổng thống Buchanan và những lãnh đạo của Liên minh lâm thời đều phải đối mặt: vấn đề sở hữu những tài sản của Liên bang (các trại lính, các pháo đài, đạn dược, trụ sở hải quân, và các bưu điện) trong lòng các bang li khai. Khi các bang rút khỏi Liên bang, họ đòi tất cả các cơ sở của Liên bang có trong bang của họ phải đầu hàng. Ngay lập tức, các nhân viên cấp cao của các địa phương, nhiều người trong số họ là người miền Nam đều tán thành quyết định này. Tuy nhiên một vài người không chấp nhận. Một trong số họ chính là thiếu tá Adam J. Slemmer, một sĩ quan chỉ huy của pháo đài Pickens, một vị trí canh gác lối ra vào cảng Pensacola. Một sĩ quan khác cũng không chấp nhận đầu hàng là thiếu tá Robert Anderson, một người Kentucky có nhiều tình cảm sâu đậm với miền Nam. Ông này đóng quân tại một nơi có lẽ là một địa điểm bùng phát nhiều sự kiện chính trị và quân sự nhất trên thế giới, “chiếc nôi” của phong trào li khai: Charleston.
Anderson bảo vệ danh dự bằng cách từ chối giao trả pháo đài Sumter cho người miền Nam. Đây là một công trình kiên cố ở ngay trong cảng và ở vị trí vừa có thể bảo vệ và đe dọa cả thành phố. Tổng thống Buchanan bác bỏ yêu cầu sự đầu hàng của thành trì này do các sứ giả thuộc bang Carolina tại Washington đưa đến cho ông. Ngược lại, ông phái một con tàu có vũ trang mang theo đồ tiếp tế thực phẩm và quân cứu viện đến pháo đài. Ngày 09 tháng 01 năm 1861, con tàu này đã bị bắn hạ bởi một khẩu đội pháo bên cạnh bờ biển miền Nam Carolina. Tổng thống đã quyết định không trả đũa hành động này và coi đó là một tai nạn tất yếu phải xảy ra trong chiến tranh.
Ngày 04 tháng 03, ông Lincoln nhậm chức Tổng thống. Ông được thừa hưởng “một gia tài” to lớn: cuộc khủng hoảng li khai. Ông không hề có một kế hoạch cụ thể nào để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Nhưng trong lễ nhậm chức, ông đã đưa ra một số nguyên tắc hành động cho mình. Ông Lincoln đã khẳng định niềm tin của ông: Liên bang Hoa Kỳ là chính thức và trường
tồn. Li khai là nổi loạn. Bạo lực vì mục đích li khai là nổi loạn. Ông nói ý định của ông là chấp pháp của Liên bang Mỹ ở tất cả các bang. Đồng thời gìn giữ, chiếm lĩnh, sở hữu tài sản của Liên bang.
Nhưng một lần nữa, ông cũng cam đoan với miền Nam rằng: ông sẽ không can thiệp vào thể chế sở hữu nô lệ ở những nơi nó có thể coi là hợp pháp. Ông muốn gây cảm tình với các công dân tại các bang li khai bằng cách hứa sẽ không tấn công họ. Đồng thời ông nói rằng sẽ không có xung đột trừ khi họ là người khởi xướng mâu thuẫn. Kế đến, với một thái độ chân thành và đầy sức thuyết phục, ông nói: “Vì các bạn không thề trước đấng tối cao sẽ hủy hoại chính phủ Liên bang, tôi trang nghiêm thề rằng sẽ bảo toàn, bảo vệ và chiến đấu vì nó… Chúng ta không thể là kẻ thù của nhau. Mặc dù cảm xúc đã có khi căng thẳng, nó vẫn không thể làm tình cảm thân thiết của chúng ta rạn vỡ. Sự hòa hợp thần diệu của quá khứ, bao kỷ niệm khi ta cùng chung tay chiến đấu tại các chiến trường, lòng yêu nước đầy tự hào, từng trái tim đang đập và từng viên đá trên cả lãnh thổ rộng lớn này sẽ mãi cùng hòa hợp với Liên bang mỗi khi sự hòa hợp ấy được cần đến, và chắc chắn người ta sẽ còn cần đến nó bởi bản chất thiên thần của mỗi chúng ta”.
Phân tích hoàn cảnh xảy ra tại pháo đài Pensacola và Charleston, những từ ngữ đáng ngại nhất trong bài diễn văn của ông Lincoln chính là lời tuyên bố về việc sẽ kiên quyết “duy trì, chiếm giữ và sở hữu” tài sản Liên bang. Nhưng ông không nói ông thực hiện lời nói ấy bằng cách nào: Bằng vũ lực hay bằng ngoại giao, tại sao và liệu ông có ý định tính cả những công trình hiện đang nằm trong tay các bang li khai chăng? Những sự kiện tiếp theo sẽ cho ta câu giải đáp.
Lên nắm quyền rồi, Tổng thống Lincoln mới biết đơn vị đồn trú ở pháo đài Sumter đã hết lương thực dự trữ. Anderson buộc phải đầu hàng nếu lương thực không được tiếp cứu ngay. Lincoln tự thấy mình bị bao vây bởi những thông điệp đến từ khắp miền Bắc, thúc giục ông phải có hành động mạnh mẽ. Đồng thời, ông cũng nhận được đủ loại chỉ trích vì đã không có được một kế hoạch nào ngõ hầu giải quyết cơn khủng hoảng này. Nhưng sĩ quan quân đội hàng đầu của nước Mỹ, viên tướng kỳ cựu Winfield Scott, anh hùng trong chiến tranh Mexico, nói rằng pháo đài này sẽ không thể giữ được và không thể tiếp viện. Ông còn gợi ý rằng: cả hai pháo đài (Sumter và Pickens) sẽ phải đầu hàng để lấy lòng những bang có thể chế nô lệ ở vùng đất phía trên của miền Nam, nhằm ngăn chặn họ không li khai khỏi Liên bang. Tổng thống Lincoln muốn giao pháo đài Sumter cho người miền Nam, nếu làm như vậy ông có thể ngăn ngừa được tiến trình li khai của bang Virginia. Người ta nói rằng ông từng đưa ra nhận xét: lấy một pháo đài đổi lấy một bang cũng không phải là một cuộc trao đổi tồi. Nội các mới được bổ nhiệm của ông đã chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.
Nội các này gồm đại diện của mọi miền đất nước (tất nhiên là những bang vẫn trung thành với Liên bang). Nó cũng bao gồm vài cựu đảng viên đảng Dân chủ cũng như những người đã cùng giữ nhiều vị trí quan trọng trong đảng Cộng hòa. Ông William H. Seward là bộ trưởng bộ nội vụ. Ông này là cựu thống đốc bang New York, đang là thượng nghị sĩ đại diện cho bang này, cũng từng là một đối thủ sừng sỏ của đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử Tổng thống vừa qua. Với nhiều cư dân ở hai miền Nam Bắc, ông Seward là “Ông Cộng hòa”. Ông Salmon P. Chase của bang Ohio, từng khao khát chiếc ghế Tổng thống, một nhân vật bài nô nhiệt tình, giữ chân bộ trưởng bộ tài chính. Ông Simon Cameron đại diện của bang Pennsylvania, người đứng đầu
đảng Cộng hòa tại bang này, là bộ trưởng bộ chiến tranh. Ông Gideon Welles của bang Connecticut, một người theo đảng Bảo thủ, rất kín kẽ, luôn chỉn chu với bộ tóc giả và bộ râu quai nón thời thượng, người chăm chỉ viết nhật ký (đã cung cấp rất nhiều dữ liệu cho các nhà sử học tương lai về những gì họ biết về chính quyền và những công việc nội bộ dưới thời Tổng thống Lincoln) giữ chức vụ bộ trưởng bộ hải quân. Ông Caleb Smith thuộc bang Indiana - bộ trưởng bộ nội vụ. Ông Edward Bates đại diện bang Missouri là chánh án tối cao pháp viện. Và ông Montgomery Blair, trước đây đại diện cho bang Missouri lúc này đại diện cho bang Maryland, là bộ trưởng bộ bưu chính.
Ông Seward tham gia một trò chơi khó với vụ việc thành Sumter. Với tinh thần cao thượng và khiêm tốn, ông tự nhận về mình vai trò quân sư cho một Lincoln có vẻ như ngây thơ và vụng về. Sau lưng Tổng thống, Seward đã trao cho các đại sứ của Liên minh miền Nam tại Washington thứ mà họ hiểu là sự đảm bảo thành Sumter sẽ đầu hàng. Ngày 01 tháng 04, ông gởi một bản ghi nhớ đến cho Tổng thống Lincoln, có đoạn: “Chúng ta đang ở vào thời điểm cuối tháng đầu tiên sau sự ra đời của chính quyền mới. Thế nhưng ta vẫn chưa có một chính sách nào để đối phó với các vấn đề trong nước cũng như nước ngoài”.
Ông Seward ủng hộ việc giao thành Sumter cho người miền Nam nhưng lại kiên quyết tăng cường sức mạnh cho thành Pickens. Đồng thời ông cũng đưa ra một lời khuyên khiến cho Lincoln phải sững sờ. Ông Seward gợi ý một kế hoạch tái thống nhất nước Mỹ bằng cách đưa ra tối hậu thư nhằm mở màn một cuộc chiến giữa Mỹ và nhiều quốc gia hàng đầu tại châu Âu. Ông tin rằng lòng yêu nước của người dân Mỹ sẽ được kích hoạt bởi một cuộc chiến tranh với nước ngoài. Cuộc chiến này sẽ đưa những bang miền Nam đã mắc sai lầm trở lại với Liên bang. Ông muốn chung vai gánh vác trọng trách với Tổng thống bằng cách đề nghị gánh lấy trách nhiệm đề ra một chính sách ghê gớm như vậy. Tổng thống Lincoln bác bỏ lời khuyên này. Đồng thời Tống thống lặng lẽ nhưng rành rọt khiển trách Seward là người đưa ra quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Với sự ủng hộ của hầu hết các thành viên trong nội các, cuối cùng Tổng thống Lincoln quyết định nỗ lực chi viện lương thực cho pháo dài Sumter. Đồng thời, ông cử một đội tàu chiến nhỏ cùng với một đội viễn chinh giải vây trong trường hợp các bang li khai chống lại động thái này. Ông hướng dẫn nên làm thế nào trong chiến dịch này. Nhưng trong lúc truyền tin đi, Tổng thống đã ký nhiều lệnh mâu thuẫn nhau khi điều con tàu vững mạnh nhất của đám chiến thuyền thực hiện nhiệm vụ này là tàu Powhatan. Kết quả là, nó giăng buồm đến Pensacola. Như vậy, sứ mạng cứu viện cho thành Sumter không thể thực hiện. Đồng thời, Tổng thống Lincoln thông báo cho thống đốc bang Nam Carolina về những nỗ lực sắp tới và hứa rằng sẽ không có lính tráng, vũ trang, hoặc đạn dược nào được gởi tới thành trì này nếu như nỗ lực giải vây không hoàn thành.
Tin từ cuộc viễn chinh đã đẩy những nhà chức trách Liên minh miền Nam tới một quyết định quan trọng. Từ trước tới nay việc bảo vệ pháo đài Sumter có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ đảm bảo đường vào cho cảng Charleston. Nó còn là một biểu tượng quan trọng của chính nền độc lập của Liên minh miền Nam. Phải chiếm thành trước khi đơn vị đồn trú vững mạnh trở lại bởi bất cứ hình thức giải vây nào.
Ngày 09 tháng 04, Tổng thống Davis tập hợp nội các và nhận được một lời đề nghị mang tính nhất trí cao: hãy ủng hộ hành dộng khiêu chiến. Một người phản đối (mà trong nội các
thấy bất ngờ vì ít có khả năng ông này lại phản đối) chính là ông Toombs. Ông ta đã quá hấp tấp khi tuyên bố như sau: “Làm như thế là tự sát, là giết người, và ta sẽ mất hết bạn bè nơi miền Bắc. Các người làm thế là cố tình chọc phá tổ kiến lửa. Quân đội của họ trải dài từ khắp các miền núi non tới các vùng đại dương. Những “tổ kiến” đông hàng ngàn vạn, giờ đang yên lặng, sẽ tức tối nhào vào và đốt ta cho tới chết… Làm thế là không cần thiết. Nó sẽ khiến ta trở thành kẻ sai trái. Làm thế là tự diệt vong”. Dù ai nói đông, nói tây, Tổng thống Davis vẫn quyết định hành động. Ông yêu cầu bộ trưởng bộ chiến tranh gởi cho tổng tư lệnh quân đội ở Charleston, tướng P. G. T. Beauregard, buộc thành Sumter phải đầu hàng và tấn công nếu như lời yêu cầu ấy bị chối từ.
Rạng sáng ngày 12 tháng 04, sau khi nhận được lời phúc đáp không thỏa mãn cho yêu cầu đầu hàng, ông Beauregard khai hỏa cuộc tấn công thành Sumter. Một nhân vật quá khích kỳ cựu của bang Virginia, ông Edmund Ruffin, bấy giờ là thành viên của một đơn vị quân đội miền Nam Carolina, có vinh dự khai hỏa cho khẩu đại bác. Ít nhất đây cũng được coi là một phát đạn lịch sử. Cuộc oanh tạc diễn ra trong suốt gần 40 tiếng đồng hồ. Trong lúc ấy, các công dân của Charleston (nhiều người trong số họ đứng trên nóc nhà dọc theo bến tàu) chứng kiến cảnh giao chiến trong sự phấn khích và sợ hãi. Đội viễn chinh cứu viện của Liên bang đã quá mệt mỏi đành đứng ngoài cảng vô vọng nhìn vào. Họ không nỗ lực hỗ trợ cho thành Sumter được nữa. Ông Anderson và đơn vị đồn trú nhỏ bé của ông gan dạ bắn trả nhưng vô vọng. Cuối cùng cả thành trì chỉ còn là đống gạch vụn. Nhưng kỳ diệu thay, không có con số thương vong về người sau cuộc oanh tạc của Liên minh miền Nam. Ông Anderson kéo cờ trắng đầu hàng.
Các học giả từng tranh cãi rất nhiều về việc: ai là người chịu trách nhiệm về sự việc xảy ra cuộc chiến này. Phải chăng Tổng thống Lincoln đã cố tình khiêu khích Liên bang miền Nam nổ súng trước, bắt họ phải gánh trách nhiệm khiêu chiến, đồng thời liên kết dân chúng miền Bắc ủng hộ cho một chính quyền có thể coi là yếu kém ngày đó? Phải chăng ông Davis đã tính toán kỹ càng trước khi khơi mào cuộc chiến với một động thái nhằm nhóm lên tinh thần yêu nước của Liên minh miền Nam? Có như vậy mới hỗ trợ được một chính quyền còn non trẻ và đồng thời nỗ lực thuyết phục những bang còn tồn tại chế độ nô lệ hiện vẫn gắn bó với Liên bang lập tức li khai và tham gia vào Liên minh? Thực tế có nhiều bằng chứng cho cách trả lời đúng của hai câu hỏi trên.
Tổng thống miền Nam Davis rõ ràng có nhắc tới ý tưởng khiêu khích, bắt một kẻ thù đang hung hăng phải hành động, liên quan tới một nỗ lực để miền Bắc không nhòm ngó tới Pensacola. Ngày 03 tháng 04, ông viết một bức thư cho tướng chỉ huy quân đội của Liên minh miền Nam ở pháo đài này (thiếu tướng BBraxton Bragg): “Có thể đối với chúng ta việc đổ trách nhiệm khơi mào cuộc chiến lên người miền Bắc là cần thiết. Nhưng khi chúng ta đã tự mình nhận lấy trách nhiệm ấy, nhằm lấy lại quyền thực thi pháp lý và đất đai của chúng ta dưới hình thức một đơn vị đồn trú, lợi thế ấy còn quan trọng hơn bất cứ cân nhắc nào”. Những cân nhắc được nói tới ở đây đã được chuẩn y: chiếm cứ thành Pickens bằng vũ lực. Ông Davis ra lệnh rằng: việc này cần phải nỗ lực hoàn thành nếu như yếu tố mạo hiểm không quá lớn. Chỉ sau khi được thông báo yếu tố mạo hiểm là rất cao, ông mới bỏ qua kế hoạch này.
Ngược lại sau cuộc oanh tạc pháo đài Sumter, Tổng thống Lincoln tỏ ra hài lòng với kết quả. Ông nói với viên chỉ huy của quân cứu viện chưa hoàn thành nhiệm vụ “… Cả anh và tôi đều tiên đoán rằng: sự nghiệp của quốc gia sẽ phải thực hiện gấp hơn nỗ lực cứu viện cho thành
Sumter, nếu thành này có thể thất thủ. Rõ ràng lời tiên đoán của chúng ta đã được chứng minh bởi kết quả vừa rồi”. Chỉ vài tuần sau đó, Tổng thống Lincoln tâm sự với một người bạn cùng bang Illinois, là Orville H. Browning: “Kế hoạch cứu viện đã thành công. Họ tấn công Sumter. Thành này thất thủ và như vậy ý nghĩa của nó còn lớn hơn cả khi khả năng ngược lại biến thành hiện thực”. Tờ New York Times cho rằng cuộc phái quân cứu viện đơn giản là trò nghi binh. Họ còn nói thêm mục đích của nó là nhằm đổ trách nhiệm khai mào cuộc chiến cho Liên minh miền Nam.
Chắc chắn cả Tổng thống Lincoln và Tổng thống Davis đều suy nghĩ rất rốt ráo về những lợi hại của người bắn phát súng đầu tiên. Cũng thật dễ hiểu, cả hai đều muốn có quyền sở hữu pháo đài này mà không muốn buộc phải chiến đấu, dù để giữ nó hoặc giành lại nó. Nhưng cả hai đều sẵn lòng giao chiến nếu cần để có thể sở hữu pháo đài này. Đồng thời cả hai đều hy vọng phía bên kia sẽ khai hỏa trước nếu chuyện xung đột bằng vũ trang là không thể tránh khỏi. Tổng thống Davis đã nhận lấy sự bất lợi là khai hỏa trước để có thể đạt được mục đích của mình. Với Tổng thống Lincoln, nếu thành không bị tấn công, ông có nó mãi mãi, chỉ cần thỉnh thoảng cung cấp quân lương để lính Liên bang duy trì nó. Nhưng nếu thành bị tấn công, ông sẽ là một người tham chiến vì tự vệ chứ không khiêu chiến. Dựa vào thái độ của hai ông, cả hai đều cho rằng giả thuyết của mình là đúng. Và như thế, chuyện chiến sự xảy ra là không thể tránh khỏi.
Ý định và động cơ hướng tới pháo đài Sumter vẫn còn là vấn đề tranh cãi, nhưng hậu quả đã vượt ra ngoài mọi thắc mắc. Lời cảnh báo của ông Toombs, đã được chứng minh. Tại miền Bắc, cuộc tấn công nói trên đã làm dấy lên một phong trào yêu nước và manh động trả thù cho hành động của Liên minh miền Nam và muốn trừng phạt những thủ phạm cuộc tấn công đó. Một tờ báo miền Bắc lên tiếng: “Đây là một hành động khiêu chiến táo bạo và đầy xúc phạm đối với các nhà chức trách thuộc chính thể Cộng hòa. Không có lý do gì có thể biện hộ. Một tờ báo khác hiểu sự kiện này như là “một kích thích rõ ràng… do đấng thượng đế nhân từ gởi xuống cho người dân Mỹ để kích hoạt tinh thần yêu nước tiềm tàng của dân tộc”.
Một ngày sau sự đầu hàng của pháo đài Sumter, Tổng thống Lincoln đưa ra lời cảnh báo. Ông chỉ rõ cuộc tấn công kia là một hành động nổi loạn và kêu gọi các bang tập hợp lực lượng quân sự của họ với con số lên tới 75 ngàn quân. Ông cũng triệu tập hạ viện nhóm họp một cuộc họp đặc biệt vào ngày 04 tháng 07. Bốn ngày sau, ông tuyên bố phong tỏa các cảng của các bang li khai.
Phản ứng của miền Bắc không chỉ giới hạn các thành viên đảng Cộng hòa. Các thành viên đảng Dân chủ miền Bắc cũng đứng về phía ông Lincoln, hỗ trợ cho quyết định của ông là dập tắt cuộc nổi dậy của quân phiến loạn. Trong một hành động chứng tỏ tinh thần cá nhân và tình đoàn kết quốc gia, một thành viên đảng Dân chủ hàng đầu của miền Bắc Mỹ, ông Douglas, nâng chiếc nón của Tổng thống Lincoln trong lúc Tổng thống đọc bài diễn văn nhậm chức. Trước khi Tổng thống Lincoln ban bố lời hiệu triệu tòng quân, ông Douglas gặp Tổng thống và trịnh trọng cam kết sẽ phục vụ sự nghiệp bảo toàn Liên bang. Trước khi đón nhận cái chết đến vài tháng sau đó, ông Douglas tuyên bố: “Không thể có kẻ mang thái độ trung lập trong chiến tranh. Chỉ có người yêu nước hoặc kẻ phản bội”.
Phản ứng của miền Nam đối với sự kiện pháo đài Sumter, đặc biệt là với lời công bố của Tổng thống Lincoln, cũng mãnh liệt không kém. Nó đến từ cơn bùng phát cảm xúc và quyết
tâm chống lại sự áp bức của miền Bắc. Thống đốc Francis Pickens của bang Nam Carolina nói với dân chúng của ông rằng: “Cảm ơn Chúa trời khiến chiến tranh bùng nổ… Chúng ta, hoặc sẽ chinh phục kẻ thù hoặc sẽ hy sinh anh dũng”. Ông Rhett chào mừng làn sóng thù nghịch dâng cao, coi đó là sự thôi thúc người dân miền Nam đoàn kết và tận hiến vì tổ quốc. Ông Davis, trong bài diễn văn nhậm chức của mình trên cương vị Tổng thống lâm thời, đã bày tỏ niềm hy vọng về những mối liên hệ thân tình bè bạn giữa Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc. “Nhưng nếu thiện ý của chúng ta bị coi thường và chối từ, quyền hạn về lập pháp và lãnh thổ của chúng ta bị vi phạm, chúng ta sẽ kiên định cầu viện tới vũ trang và cầu khẩn chúa trời ban phước lành cho sự nghiệp chính nghĩa này”. Lúc này đây, ông nhắc lại lời tuyên bố của ‘Tổng thống Lincoln theo giọng văn của ông, kêu gọi các bang thuộc Liên minh miền Nam triệu tập một trăm ngàn quân và mời gọi những chủ thuyền lớn thành lập những hiệp hội sẵn sàng nhận nhiệm vụ của chính phủ giao để thành lập một “đội quân của biển cả”.
Buộc phải quyết định giữa việc tham chiến để trấn áp những bang li khai hoặc rút lui khỏi Liên bang và gia nhập những bang li khai này, bốn bang thuộc miền đất phía trên của miền Nam tham gia vào Liên minh. Những mối ràng buộc huyết thống và văn hóa với miền Nam đã cho thấy rằng chúng có sức mạnh hơn những mối ràng buộc về chính trị của những bang này với Liên bang miền Bắc. Xét về nhiều khía cạnh, quyết định của bang Virginia là một trong những quyết định tàn nhẫn và chua xót nhất. Người Virginia có tinh thần dân tộc sâu sắc, họ tự hào vì bản thân là hậu duệ của chính những người sáng lập ra nền cộng hòa Mỹ. Ngay từ đầu họ đã lạnh nhạt với ý tưởng li khai. Thống đốc John Letcher chỉ trích gay gắt hành động hấp tấp của bang Nam Carolina. Mặc dù hệ thống lập pháp của Virginia được chỉ định bởi một đại hội đặc biệt cân nhắc con đường sắp tới của bang giữa cuộc khủng hoảng chính trị Hoa Kỳ, thể chế này đòi hỏi phải tuân thủ quyết định: muốn li khai hay không phải được người dân chấp thuận. Ngày 04 tháng 04, bang Virginia đã bác bỏ ý định li khai với số phiếu 85/45. Họ bắt buộc phải tìm kiếm các phương cách kiến tạo một bản hòa ước nhằm cứu lấy Liên bang Hoa Kỳ đang đứng trên bờ vực chia rẽ.
Tuyên bố của Tổng thống Lincoln đã thay đổi toàn bức tranh chính trị Virginia. Thống đốc Letcher chối từ lời kêu gọi thành lập quân đội Virginia. Vào 17 tháng 04 một đại hội được tổ chức. Họ vẫn chờ nghe kết quả của cuộc tấn công pháo đài Sumter. Lúc này số phiếu ủng hộ cho li khai đã là 88/55 phiếu. Ngày 23 tháng 05 là ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Đến thời điểm này bang Virginia chính thức rút khỏi Liên bang, chuẩn y hiến pháp của Liên minh miền Nam, chấp nhận Liên minh các bang miền Nam, tiếp nhận các quân đoàn của quân đội Liên minh miền Nam. Rõ ràng đa số dân chúng đã nghiêng về một thực tế rõ ràng: li khai.
Hành động li khai của bang Virginia khỏi Liên bang đã phát động một phong trào li khai trong chính bang Virginia. Các hạt Allegheny và các hạt ở miền Tây nơi có chế độ sở hữu nô lệ và nền nông nghiệp dựa vào các đồn điền, đã phản đối việc li khai của bang này. Khi hành động li khai thành một việc đã rồi, các đại diện của hạt này có một động thái phản đối cực đoan là thành lập một bang mới mang tên Tây Virginia. Năm 1863, bang này đã được chấp thuận là một bang thuộc Liên bang Hoa Kỳ. Đây chính là một nghịch lý trong lòng một nghịch lý: một bang Virginia theo phe Liên minh, sản phẩm của phong trào li khai, lại bị chính các hạt miền Tây của bang ấy chỉ trích gay gắt. Trong lúc chính phủ Liên bang thề sẽ không đội trời chung với những kẻ li khai, lại hoan nghênh và tiếp tay cho nó trong giới hạn của một bang. Cũng như
Virginia, các bang khác thuộc lãnh địa phía trên miền Nam lúc đầu cũng lưỡng lự trước động thái li khai, sau đó đã tuân thủ nó. Tất cả các bang này đều phản đối lời hiệu triệu tòng quân của Lincoln. Thống đốc Henry M. Rector thuộc bang Arkansas tuyên bố rằng người của bang ông sẽ bảo vệ bang mình chống lại sự tiếm quyền và xuyên tạc của miền Bắc. Ngày 06 tháng 05 một cuộc họp của bang đã diễn ra nhằm biểu quyết việc li khai. Thống đốc bang Bắc Carolina, John M. Ellis, tuyên bố: bang này sẽ không tham chiến vì tự do của những người đã được tự do rồi. Bang này sẽ chiếm cứ những tài sản của Liên bang tại Bắc Carolina và bắt đầu kêu gọi quân tình nguyện chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của bang. Ngày 01 tháng 05 đại hội của bang đã nhất trí chấp thuận li khai.
Thống đốc bang Tennessee, Isham G. Harris, tuyên bố: bang của ông sẽ có 50 ngàn quân, không phải để hỗ trợ Tổng thống Lincoln mà để chiến đấu vì quyền tự vệ của bang Tennessee và những bang miền Nam khác. Đầu tháng 05 ông Harris và bộ máy chính quyền đã tham gia vào Liên minh các bang miền Nam. Ông tuyên bố Tennessee độc lập và phê chuẩn hiến pháp của Liên minh. Những hành động đó đều bộc phát dựa trên sự chuẩn y của cuộc trưng cầu dân ý ngày mùng 08 tháng 06. Trong cuộc trưng cầu dân ý ở Tennessee, cũng giống như cuộc trưng cầu dân ý ở Virginia trước đó, đều thiên vị với chuyện đã rồi: li khai khỏi Liên bang Mỹ.
Bằng việc giành được bốn bang thuộc vùng lãnh thổ phía trên miền Nam, Liên minh đã có thêm sức mạnh đủ để nỗ lực tiến đến thành công trong cuộc chiến vì độc lập. Vùng này còn có thêm một số cư dân da trắng ủng hộ nền cộng hòa miền Nam. Tương đương với số dân này là 80% sản lượng công nghiệp. Bang Virginia là một trong những bang quan trọng nhất tham gia vào Liên minh miền Nam, không phải chỉ vì nó có số dân đông và có khả năng sản xuất công nghiệp vững vàng mà còn bởi uy tín và hình ảnh chính trị khá nổi bật trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhà chức trách Liên minh miền Nam tôn trọng quyền thống trị của Virginia và thống nhất rằng: Richmond sẽ là thủ phủ chính thức của Liên minh miền Nam.
Những bang có sở hữu nô lệ ở vùng biên giới phải chịu số phận không được li khai dù hầu hết người dân trong những bang này nuôi dưỡng tình cảm sâu sắc với Liên minh miền Nam. Việc chối từ của hệ thống lập pháp Delaware đối với việc thành lập một đại hội là một vấn đề nổi cộm ở đây. Bang Maryland cũng chia rẽ sâu sắc. Thống đốc Thomas H. Hicks tìm kiếm trong vô vọng đường lối trung lập cho bang này: Hệ thống lập pháp (dù có nhiều thành viên ủng hộ li khai) đã chối từ hiệu triệu một đại hội đặc biệt. Về mặt địa lý, bang này đóng vai trò trọng yếu. Việc rút chân ra khỏi Liên bang sẽ làm cô lập Washington khỏi Liên bang. Hậu quả đã quá rõ ràng. Ngày 09 tháng 04 ban thành lập quân đội Massachusetts hưởng ứng lời hiệu triệu của ông Lincoln đã bị tấn công trên đường phố Baltimore bởi một đám đông ủng hộ dân miền Nam. Tổng thống Lincoln nhanh chóng đình chỉ lệnh đình quyền giam giữ và cho phép các nhà chức trách quân đội bắt giữ rất nhiều người có tình cảm sâu nặng với miền Nam, trong số họ có cả những nhà lập pháp. Đồng thời ông ra lệnh chiếm hữu rất nhiều vị trí trọng yếu về mặt chiến lược của bang này. Nhờ vậy, Tổng thống Lincoln đã chặn trước nỗ lực chính thức dẫn đến hành động li khai của bang này.
Nỗ lực mang tính quyết định để có thể li khai đã xuất hiện ở cả hai bang Kentucky và Missouri. Thống đốc bang Kentucky, Beriah Magoffin, và Thống đốc Missouri, Claiborne F. Jackson, là những người chủ trương li khai. Họ bác bỏ lời kêu gọi tổng động viên của ông Lincoln. Nhưng cả hai hệ thống lập pháp của bang này đều từ chối thiết lập đại hội nhằm đưa
ra quyết định ly khai. Bang Kentucky đã có lúc nỗ lực giữ quan điểm trung lập nhưng chẳng bao lâu sau bang này đã bị quân đội Liên minh lẫn quân đội Liên bang chiếm giữ. Bang Missouri nhanh chóng chứng kiến cảnh xung đột nội bộ giữa những người theo phe Liên bang và người ủng hộ li khai. Cuối cùng, các hành động li khai đã được chấp thuận và chính phủ Liên minh thành lập nhiều hội nghị ở cả hai bang này. Cả hai bang đã được chấp nhận vào Liên minh. Cả hai bang đều cử đại diện của mình góp mặt trọng hạ viện của Liên minh. Cả hai bang đều treo cờ Liên minh. Nhưng các chính phủ Liên minh của Kentucky và Missouri chỉ đại diện cho ý chí của thiểu số. Và những sự kiện quân sự không lâu sau đó đã khiến cho chính phủ các bang này trở thành “chính phủ lưu vong”.
Bằng cách kiên trì giữ lại những bang có sở hữu nô lệ nhưng nằm ở vùng ranh giới, Liên bang miền Bắc đã giữ được thế cân bằng về lực lượng quyết định kết quả của cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”. Số dân của vùng này, kể cả dân Tây Virginia đã chiếm hơn 40% dân số của Liên minh. Vị trí chiến lược của vùng này có giá trị to lớn. Người ta kể rằng Tổng thống Lincoln đã nhận xét và tuyên bố: dù Chúa trời không ủng hộ cho Liên bang, Liên bang nhất định phải có được bang Kentucky. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ nếu mất bang Kentucky thì cũng gần như ta thua toàn bộ trận chiến. Mất Kentucky, ta không thể giữ nổi bang Missouri hoặc theo tôi cả bang Mayland. Nếu tất cả những bang này chống lại chúng ta… nhiệm vụ đặt lên vai ta sẽ là quá sức. Nếu thế ta sẽ ưng thuận chia rẽ ngôi nhà nước Mỹ ngay lập tức bao gồm cả việc chấp nhận thủ đô thất thủ”.
Liên minh cũng nuôi dưỡng một tham vọng đã có từ rất lâu: bành trướng ra miền Tây Nam nước Mỹ. Những thỏa ước Liên minh với năm quốc gia của người da đỏ đã được “văn minh hoá” của vùng lãnh thổ thuộc người da đỏ được cử đến hạ viện Liên minh và hứa hẹn chính thức chấp nhận những bang da đỏ trong tương lai. Nhiều đơn vị quân đội của người da đỏ phục vụ cho quân đội Liên minh nhưng với một ngoại lệ có một không hai là các hoạt động của cánh quân da đỏ trong Liên minh đều hạn chế ở vùng lãnh thổ của người da đỏ. Những người ủng hộ Liên minh tại khu vực miền Nam vùng lãnh thổ New Mexico đã tự thành lập một vùng lãnh thổ thuộc Liên minh của bang Arizona. Họ cử một đại biểu đến hạ viện của Liên minh và đã nhận được văn bản công nhận chính thức lãnh thổ này. Những lần chiến bại của quân đội vào thời kỳ đầu của cuộc chiến đã phá tan niềm hi vọng của Liên minh tại vùng đất này.
Mùa hè năm 1860, li khai hầu như đã là một sự thật không thể chối cãi. Cả miền Bắc và miền Nam đều thật sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể sẽ kéo dài rất lâu. Khi Tổng thống Liên minh Jefferson Davis tuyên bố ngày 13 tháng 6 là ngày cầu nguyện cho chiến thắng, một đốc công làm việc cho đồn điền ở Louisiana chỉ mới biết đọc và biết viết đã nguệch ngoạc trong nhật kí của ông lời nguyền rủa đáng sợ sau đây: “… Con chân thành cầu nguyện Trúa trời rằng: mỗi kẻ trong chính thể Cộng hòa hắt ám sẽ bị bệnh dịch hạch cả đàn. Đàn ông, đàn bà, trẻ con nào chống đối lại chế độ chiếm hữu nô lệ da đen đã tồn tại tại Liên minh miền Nam sẽ bị rắc rối với thảm họa đủ noại, sẽ phải sống hèn hạ thiếu thốn đồ ăn thức uống, khiến cho hồn không thể đi liền với sác, và con cầu xin Trúa trời dẫn đường cho làn đạn nhắm trúng tim mỗi tên lính miền Bắc đã sâm chiếm đất đai miền Nam, con tin rằng bất cứ đàn ông đàn bà trẻ con nào hỗ trợ cho những kẻ bài lô đều xứng đáng bị đày xuống địa ngục. Cũng như con cầu xin người giúp đỡ cho Liên minh miền lam được đứng vững và chống đối lại ý chí thâm độc đã thể hiện quá rõ ràng. Amen!”.
Còn một bài xã luận của New York Daily Tribune - một tờ báo danh tiếng - viết với những dòng chữ hoa mĩ hơn nhưng ít độc địa hơn: “… Chúng ta phải chinh phục, không chỉ để đánh bại mà còn để chinh phục, nô dịch hóa chúng. Đó là lòng nhân từ cao cả nhất ta dành cho chúng và ta sẽ thực hiện việc này thật sốt sắng. Khi những kẻ phản bội nổi loạn tràn ngập mảnh đất này, chúng sẽ tan rã tựa như lá vàng mùa thu trước cơn gió cuồng phong, vùng đất này sẽ không còn trở lại là mái ấm yên bình và dễ chịu nữa. Chúng nhất định sẽ phải chịu cảnh nghèo đói bên bếp lò nguội lạnh và chịu cảnh thiếu thốn, với những người mẹ phải chua xót nhìn đám con rách rưới”. Chiếc bóng đáng sợ của thần chiến tranh đã hiện ra lù lù ngay phía chân trời!
3. Lệnh tổng động viên và các chiến dịch mở màn
Kết quả của cuộc chiến phụ thuộc vào nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần của các bang tham chiến. Nói về số lượng và nguồn lực con người, Liên bang mạnh hơn Liên minh nhiều. Hai mươi ba bang của Liên bang có số dân khoảng 23 triệu. Mười một bang miền Nam chỉ nhỉnh hơn con số chín triệu. 3,5 triệu nô lệ và 132.760 người da đen tự do không được coi là phần của lực lượng vũ trang. Như vậy dân số da trắng xấp xỉ 5,5 triệu. Liên minh chỉ tiếp nhận người da trắng vào quân đội. Theo thống kê, miền Bắc lợi thế về số quân nhân tham chiến với tỉ lệ so với miền Nam là 4 chọi 1.
Những con số này chắc chắn góp phần làm rõ việc đánh giá lợi hại thật sự của cả hai bên. Những bang có sở hữu nô lệ thuộc miền Bắc và những vùng lãnh thổ có người miền Nam định cư như những bang Ohio, Indiana và Illinois cung cấp cho Liên minh miền Nam hàng ngàn binh sĩ. Nhưng những vùng lãnh thổ không trung thành với Liên minh ngay trong lòng miền Nam cũng ủng hộ cho Liên bang con số nhiều không kém. Vùng đông Tennessee ủng hộ Liên bang đặc biệt trao vào tay chính phủ Liên bang sự hỗ trợ về dân sự quan trọng nhất ngay trong lòng biên giới Liên minh. Và rất nhiều “hòn đảo” khác trên khắp miền Nam góp tình cảm sâu nặng với Liên bang đã làm tăng thêm lợi thế này.
Về mặt lao động, người đa đen ở miền Nam đã hỗ trợ to lớn cho Liên minh, đồng thời giúp hàng trăm ngàn người đa trắng rảnh tay yên tâm chiến đấu. Theo tính toán thống kê cả hai bên tham chiến, một số lớn tương đương với số lượng nô lệ và người da đen tự do trong số dân cư miền Bắc đăng lính. Đối chọi với lượng nhân công này nhất định là con số 134 ngàn cựu nô lệ miền Nam cuối cùng đã gia nhập miền Bắc, cộng với số lớn những cựu nô lệ đóng vai trò là công nhân khi họ buộc phải sống trong vùng lãnh thổ sâu trong vùng Liên minh quản lí. Cuối cùng miền Bắc có thể tuyển dụng rất nhiều quân nhân trong số những người di cư đến từ châu Âu trong thời gian xảy ra cuộc chiến. Còn Liên minh miền Nam chỉ thành lập thêm được vài quân đoàn từ nguồn nhân lực này.
Những con số đa dạng trên đây rõ ràng khiến ta không thể đưa ra một tỉ lệ chính xác về sức mạnh thuộc số lượng giữa miền Bắc và miền Nam. Nhưng ta có thể đưa ra một tỉ lệ khá chính xác về mặt lý thuyết để tiên đoán thành công trong cuộc chiến. Lấy cuộc chiến tranh Napoleon làm kim chỉ nam, nhà triết học quân sự người Đức thế kỷ XIX, Karl von Clausewitz, đã viết: “Nếu các mặt khác là cân bằng, số lượng sẽ quyết định chiến thắng trong cuộc chiến… Trong những trường hợp bình thường, nếu có những con số quan trọng vượt trội hơn đối phương, không cần phải quá tỉ lệ hai chọi một cũng đã đủ cầm chắc chiến thắng. Tuy nhiên ở những trường hợp khác không có được tỉ lệ nói trên, việc bất lợi là có thể xảy ra”. Ông cho rằng: Với sự vượt trội về số lượng với tỉ lệ 2,5 đối chọi 1, Liên minh Tây Âu đã có thể đánh thắng người Pháp.
Những lời mở đầu của triết gia Clausewitz được trích dẫn ở trên “mọi mặt khác là cân bằng” đã chỉ ra vô số những cân nhắc khác nữa. Không bao giờ trong chiến tranh mọi mặt khác ngoài quân số lại là cân bằng. Còn trong cuộc nội chiến Mỹ, mọi mặt lại đặc biệt bất cân bằng. Sự mất cân bằng lớn nhất trong khả năng chiến đấu của quân nhân miền Bắc và miền Nam nằm trong số những yếu tố bị triết gia Clausewitz gần như bỏ qua là mặt vật chất nhằm phục vụ cho cuộc chiến.
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ là dấu hiệu báo trước cho nhiều cuộc chiến tranh sẽ xảy ra trong thế kỷ XX. Trong những cuộc chiến ấy ta thấy được cuộc đọ sức giữa các nền công nghiệp, kinh tế và quân đội hai bên. Sự chênh lệch đáng kể nhất về nguồn lực chính là sự vượt trội về nền công nghiệp của Liên bang miền Bắc. Năm 1860, các nhà máy ở miền Bắc sản xuất lượng hàng hóa chiếm 90% hàng hóa xuất xưởng trên toàn nước Mỹ. Chỉ nói riêng về sản phẩm quan trọng cho sức mạnh quân đội thì sự mất cân bằng còn lớn hơn nhiều. Ví dụ, miền Bắc sản xuất lượng vải len và bông gấp 17 lần, giày các loại gấp 30 lần, 20 lần thép làm đường ray, thép tấm và thép xây dựng gấp 13 lần, đầu máy xe lửa gấp 24 lần, vũ khí súng đạn gấp 23 lần, tàu thuyền gấp 11 lần khu vực miền Nam. Liên minh không có nhà máy sản xuất đạn dược, sắt thép, lốp xe hơi hoặc máy may. Và nó không hề có nền công nghiệp nặng, không có các công cụ máy móc để sản xuất máy cho nền công nghiệp nhẹ và các phương tiện chiến tranh. Sau cuộc chiến, những nhà thống kê tại Mỹ đã viết rất sâu sắc như sau: “Chủ yếu do thiếu thốn về nguồn lực và không có sự can đảm, kỹ năng chiến đấu và ý chí sắt thép nên quân nổi dậy đã thất bại”.
Nhận ra điểm yếu về công nghiệp trong vùng, các lãnh đạo miền Nam dựa dẫm chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp để cung cấp vũ khí nuôi chiến tranh. Nhưng nền kinh tế thời bình của miền Nam hoàn toàn dựa vào việc bán các sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là sợi bông cung cấp cho các nhà máy tại châu Âu và miền New England. Trong chiến tranh, thương mại với người châu Âu chính là mục tiêu phong tỏa của miền Bắc và thị trường New England cũng bị đóng cửa. Thực tế, vai trò quan trọng trong thời chiến của nền nông nghiệp đa dạng miền Bắc đối với Liên bang chẳng kém gì khi so với nền nông nghiệp của miền Nam đóng góp cho Liên minh. Các nhà sản xuất thực phẩm dưới dạng ngũ cốc, rau tươi, trái cây, gia súc gia cầm, các nông trại miền Bắc kết hợp với các nhà máy ở miền Bắc cung cấp cho chính quyền Liên bang một nền kinh tế phát huy hiệu quả và cân bằng làm tăng thêm sức mạnh thời chiến của khu vực miền Bắc.
Xét về mặt giao thông, miền Bắc cũng vượt trội. Đầu cuộc nội chiến được coi là cuộc chiến về đường sắt. Một nghiên cứu về cuộc chiến này mang tựa đề rất hấp dẫn: Chiến Thắng Dọc Theo Đường Ray (Victory Rode The Rails). Năm 1860, tổng chiều dài đường sắt tại miền Bắc xấp xỉ 20 ngàn dặm. Chiều dài đường sắt miền Nam tương dương một nửa con số này. Đường sắt miền Bắc hoạt động hiệu quả hơn miền Nam, có kết hợp chặt chẽ giữa các hệ thống đường sắt chính chạy dọc ngang khắp vùng. Người miền Bắc sở hữu đa phần tàu bè của toàn quốc gia. Miền Bắc cũng có nguồn cung cấp xe hàng, sức kéo gia súc và đường bộ tốt hơn. Chiến tranh càng kéo dài, những lợi thế của miền Bắc càng nổi trội.
Lập luận trên đã cho thấy rõ: kết quả cuộc nội chiến là tất yếu nếu nó chỉ dựa hoàn toàn vào quân số và nguồn lực vật chất. Nhưng rõ ràng có một điều còn quan trọng không kém những yếu tố nói trên. Đó là lòng tin vào chiến thắng. Lúc đầu những lãnh đạo Liên minh và hầu hết dân miền Nam đều tin rằng Liên minh miền Nam có viễn cảnh thành công khá chắc chắn. Nhiều học giả ngày nay cũng tán thành quan điểm này. Quân số, vũ khí, thiết bị, nguồn cung cấp và điều kiện vận chuyển chỉ đóng một vai trò nhất định trong bài toán giành chiến thắng. Những lợi thế vô hình của cuộc chiến, như bản chất của mục tiêu gây chiến, tinh thần của dân chúng và các quân nhân, lòng dũng cảm, sức sáng tạo, kỹ năng chiến đấu và khả năng truyền cảm hứng của những lãnh đạo dân sự và quân sự cũng đóng góp phần không thể thiếu vào kết quả. Lúc mới đầu, đây là yếu tố Liên minh miền Nam chiếm ưu thế.
Mục tiêu chiến tranh của Liên minh, nhằm kiến tạo nền độc lập cho miền Nam, dễ dàng mang lại ý thức cho quân nhân miền Nam hơn là mục tiêu chiến tranh miền Bắc. Mục tiêu của miền Bắc là ngăn cản miền Nam độc lập. Liên minh miền Nam có mục tiêu đơn giản: tự bảo vệ sự tồn tại của mình là đủ. Miền Bắc có thể đạt được mục tiêu chỉ bằng cách hủy hoại ý chí của dân chúng miền Nam thông qua xâm lấn và chinh phục. Mục tiêu của Liên minh miền Nam cụ thể hơn, rõ ràng hơn là khơi lên ý thức bảo vệ miếng cơm manh áo thiết thực của từng người dân. Điều này hấp dẫn đại đa số người da trắng miền Nam không cần họ thuộc tầng lớp nào, điều kiện sống ra sao hoặc quan điểm của họ về li khai hoặc vấn đề nô lệ như thế nào. Mục tiêu của Liên bang miền Bắc trừu tượng. Nó đòi hỏi phải có nỗ lực to lớn, sự hy sinh và chịu đựng gian khổ. Đồng thời không thể ngay lập tức giành được kết quả trông thấy mà chỉ có thể đảm nhận được mục tiêu ấy nếu có tinh thần yêu nước. Chỉ có thế mới bảo toàn được Liên bang.
Về mặt chiến lược, chiến thuật, ít nhất là về lý thuyết, bản chất của mục tiêu chiến tranh khiến dân chúng sẽ ủng hộ miền Nam. Để tổ chức các cuộc tấn công, Liên bang sẽ phải cần nhiều lính, vũ khí, và quân trang quân dụng hơn là những hoạt động tự vệ của Liên minh miền Nam. Khi quân lực của Liên bang tiến sâu vào miền Nam, con đường họ phải đi rõ ràng dài hơn khó khăn hơn, dễ bị phản công hơn.
Khi cân nhắc về một cuộc chiến tranh tự vệ, Liên minh miền Nam được lợi thế “đá bóng trên sân nhà”. Như vậy đường đi ngắn hơn. Thông thường, lợi thế này giúp lực lượng quân đội chiến đấu dễ dàng hơn ở những địa điểm có xảy ra giao chiến. Loại súng hỏa mai ngày càng phổ biến và độ chính xác ngày càng cao, tăng thêm sức mạnh tự vệ ở địa điểm cố định và gia tăng thiệt hại trong các cuộc tấn công. Người ta kể rằng Tướng Liên minh P. G. T. Beauregard, khi trình bày ý kiến của riêng mình về cách Liên minh phải chiến đấu thế nào trong chiến tranh đã nói: Không có dân tộc nào trên thế giới từng nổi dậy giành độc lập lại có những lợi thế lớn hơn miền Nam khi ấy.
Vào thời điểm chiến tranh chỉ còn là chuyện một sớm một chiều, chính phủ Liên bang và Liên minh đã có được lực lượng quân đội hùng hậu, huấn luyện kỹ càng, trang bị đầy đủ và quân số gia tăng để phục vụ cho mục tiêu của họ. Cả hai chính phủ đều làm như vậy theo một cách tương đồng. Nhưng vẫn có những khác biệt nổi trội khi chiến tranh bùng nổ, quân đội thường trực của Liên bang Mỹ phần chính yếu đã được phân công tản mát bảo vệ biên giới phía Tây, chỉ còn 16.402 binh lính thuộc mọi cấp bậc. Hầu hết những quân nhân này quyết định ở lại phục vụ chính quyền miền Bắc. Nhưng 313 sĩ quan trong số ấy, gần 1/3 tổng số sĩ quan quân đội, đã từ bỏ sứ mệnh được Liên bang Mỹ giao cho và gia nhập quân Liên minh. Nhóm này bao gồm một số đông những sĩ quan tài năng, cấp cao nhất của một quân đội đã từng lừng lẫy trong quá khứ. Nói chung, Liên bang chỉ còn giữ lại vài đơn vị trong số các quân nhân thường trực. Các sĩ quan đã bắt tay với Liên minh miền Nam, được Liên minh giải ra khắp quân đội nhằm hình thành một lực lượng nòng cốt, nhờ đó, vực toàn bộ quân nhân thuộc Liên minh miền Nam chiến đấu hiệu quả hơn.
Lời kêu gọi nhập ngũ đầu tiên của Tổng thống Lincoln nói rõ thời gian phục vụ quân ngũ chỉ kéo dài ba tháng. Nhưng khi hạ viện nhóm họp trong một buổi đặc biệt vào ngày 04 tháng 07. Hạ viện đã cho ông quyền kêu gọi và động viên 500 ngàn quân nhân phục vụ trong thời hạn ba năm. Các bang đều được giao nhiệm vụ cụ thể về quân số tính theo tỉ lệ mật độ dân cư. Cần thành lập các quân đoàn tình nguyện cùng làm nhiệm vụ của các bang. Phương pháp thông
thường là tìm một công dân xuất chúng để tổ chức một quân đoàn và kêu gọi người tình nguyện. Những người tình nguyện này sẽ bầu ra sĩ quan chỉ huy họ ở cấp đại đội (trung úy và đại úy). Những sĩ quan ấy lại bầu ra sĩ quan cấp cao hơn (thiếu tá, trung tá và đại tá). Tổng thống sẽ chỉ định những sĩ quan cấp tướng mặc dù các thống đốc bang thông thường gây tác động lớn đến những quyết định bổ nhiệm này. Sau một thời gian ngắn tập luyện cơ bản, quân đoàn ấy sẽ được tham gia vào đội quân chính thức của Liên bang.
Liên minh miền Nam gây dựng quân đội cũng với cách giống hệt như vậy. Một sự khác biệt đáng chú ý nhất là: 100 ngàn quân lúc đầu được Tổng thống Davis huy động chỉ gia nhập quân đội với thời hạn 12 tháng. Vào tháng 05, hạ viện Liên minh được trao quyền tuyển mộ thêm 400 ngàn lính nữa. Các bang nhận lời kêu gọi gây dựng và trang bị cho đội ngũ dân quân và các quân đoàn tình nguyện. Sau khi được trang bị và huấn luyện, họ sẽ tham gia vào quân đội chính thức của Liên minh. Cá nhân người tình nguyện được quân đội Liên minh chấp nhận trực tiếp vào đội quân chính thức của mình, mặc dù sau đó họ sẽ được cử về các đơn vị của từng bang. Một loạt những điều luật của hạ viện gây hoang mang khiến cho thời gian phục vụ quân ngũ cũng khác nhau. Tùy theo các bang dự đoán chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu để định ra thời gian quân nhân phục vụ trong quân ngũ. Có thể là ba năm, một năm, sáu tháng hoặc một thời gian dài không hạn định. Mãi đến tháng 01 năm 1862, thời hạn phục vụ quân ngũ của mọi quân nhân hay người tình nguyện của các bang mới được định đoạt là ba năm; hoặc chiến tranh kéo dài bao lâu phải phục vụ bấy lâu. Quân nhân của Liên minh không chỉ bầu ra các sĩ quan đại đội. Họ cũng có quyền được bầu nhiều sĩ quan cấp cao khác.
Trong nỗ lực khẩn trương trang bị vũ khí và quân trang quân dụng cho hàng ngàn binh lính sắp gia nhập quân đội, hai chính phủ đã đặt hàng cho những doanh nghiệp tư nhân đồng thời cử đại diện ra nước ngoài mua vũ khí, khí tài. Liên bang đặt một số lượng hàng lớn chưa từng thấy cho những xưởng đúc vũ khí. Một trong những cơ sở quan trọng ấy là xưởng đúc Springfield thuộc bang Massachusetts. Xưởng này đã cung cấp 1 triệu 600 ngàn súng hỏa mai trong suốt cuộc nội chiến. Lúc đầu, Liên minh (không hề có nhà máy sản xuất đạn dược tư nhân nào) buộc phải dựa dẫm khá nhiều vào các hợp đồng mua bán nước ngoài và vào số vũ khí chiếm được tại các kho đạn dược của Liên bang trên lãnh thổ miền Nam. Người tình nguyện của Liên minh đôi khi buộc phải tự đi kiếm vũ khí cho mình. Vì thế rắc rối đã nảy sinh: đủ loại vũ khí không đồng bộ xuất hiện trên khắp các quân đoàn. Đồng thời, kỵ binh và pháo binh của quân đội Liên minh cũng phải tự sắm ngựa cho riêng mình.
Đầu mùa hè năm 1861, Tổng thống Lincoln quyết định mở một cuộc tấn công Liên minh. Khi viên tướng đã có tuổi, Winfield Scott, người có vốn hiểu biết sâu sắc về chiến lược chiến thuật, đề nghị tổ chức một cuộc xâm lấn trên rất nhiều mặt trận với số quân lên tới 300 ngàn người cùng với kế hoạch phong tỏa đường biển lâu dài, ông đã bị chỉ trích gay gắt. Kế hoạch của ông được đặt cho cái tên lóng “kế hoạch rắn cuộn mồi”. Một kế hoạch bóp nghẹt chính quyền Liên minh cho tới khi không thể trụ nổi như một con trăn cuộn chặt lấy con mồi.
Lincoln bác bỏ kế hoạch của Scott coi đó là nặng nề và chậm chạp, đặc biệt là khi so sánh với thời gian mãn hạn của những người tình nguyện ra quân đội. Chỉ vì tướng Scott sáng suốt và tính toán chuẩn xác hơn bất cứ ai ở thời điểm đó nên Tổng thống Lincoln có lẽ đã không còn nghe theo ai ngoài dân chúng tại miền Bắc đòi hỏi phải có một chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh với ít thương vong nhất.
Tổng thống Davis bác bỏ mọi đề nghị xâm chiếm nhanh chóng miền Bắc. Thay vào đó ông quyết định thực hiện cuộc chiến tranh tự vệ. Ông gọi nội chiến là cuộc chiến vừa tấn công vừa phòng thủ. Theo ông, chiến lược chung của Liên minh sẽ là phòng thủ, và đẩy lùi cuộc tấn công của các lực lượng miền Bắc. Đồng thời phản công khi nào có thể. Với quyết định đó, ông đã bị rất nhiều người trong chính phủ Liên minh, toàn những nhân vật xuất chúng, chỉ trích gay gắt. Trong số họ có thống đốc bang Virginia, Henry A. Wise, và ông Robert Barnwell Rhett. Họ đã chỉ trích vì ông đã không thể biến chiến tranh thành một đòn mạnh làm kẻ thù khốn đốn.
Ngày nay, nhiều người nghiên cứu cuộc chiến này đã tán thành lời chỉ trích chiến lược phòng thủ của Liên minh. Họ lập luận rằng: một cuộc chiến tranh lâu dài sẽ khiến các nguồn nội lực miền Nam cạn kiệt và miền Nam sẽ thất bại. Ông T. Harry Williams cũng giữ quan điểm này. Ông E. Merton Coulter viết rằng: chiến tranh phòng thủ “là thảm họa và tiêu diệt nhuệ khí” của dân chúng. Nhưng các học giả nghiên cứu về quân sự đồng tâm nhất trí ủng hộ quyết định của Tổng thống Davis. Ông Clausewitz từng nói: “phòng thủ là hình thức tham chiến mạnh hơn”. Ngày nay một nhà phê bình xuất sắc người Anh, tướng J. F. C. Fuller, khi bàn về tài lãnh đạo của Liên minh miền Nam, thú nhận rằng: phòng thủ là chiến lược vững bền nhất khả thi nhất đối với Liên minh.
Lúc đầu Tổng thống Davis chấp nhận một chính sách bảo vệ lãnh thổ bằng cách chia Liên minh thành tám phần. Mỗi phần có quân đội riêng và đều phòng thủ chống lại sự xâm lăng của miền Bắc. Không nhân nhượng với kẻ thù từng tấc đất. Chiến lược này đã mở ra một làn sóng chỉ trích mới bởi nó làm phân tán lực lượng quân sự của Liên minh. Như vậy đã vi phạm những nguyên tắc về chiến lược thiêng liêng trong việc thống nhất về mệnh lệnh và tập trung nguồn lực thời chiến. Tổng thống Davis biết rõ những nguyên tắc này, Nhưng ông cũng biết rõ bản chất tư tưởng người miền Nam đều đòi hỏi phải có sự bảo vệ từng địa phương. Ông lập luận rằng: một chính sách quân sự tập trung (mặc dù thông thường là điều nên làm) không thích hợp với những hoàn cảnh cá biệt mà Liên minh đang phải đối mặt.
Tổng thống Davis buộc phải đổi chính sách chiến lược của ông khi chiến sự ngày càng trở nên ác liệt. Tháng 02 năm 1862, ông lập luận thất bại của quân Liên minh tại các pháo đài Henry và Donelson ở Tennessee và đảo Roanoke trên bờ Đại Tây Dương như là hậu quả của nỗ lực bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của Liên minh. Dần dần ông chuyển dần sang một chính sách tập trung phần lớn quân đội của Liên minh với các cánh quân chủ lực nhưng ông vẫn giữ tổ chức quản trị theo phòng ban. Không bao giờ ông hoàn toàn tuân theo nguyên tắc phòng thủ các vùng lãnh thổ.
Cả hai phía đều phụ thuộc chủ yếu vào lý thuyết chiến lược chiến thuật học được từ học viện quân sự Hoa Kỳ và bài học thực tế từ chiến tranh Mexico mới xảy ra. Các sĩ quan cấp cao của cả hai phía đều tốt nghiệp học viện này và đều là cựu chiến binh của cuộc chiến với Mexico. Họ đều áp dụng chiến lược West Point, và sau này áp dụng những chiến lược của Baron Antoine Henri Jomini, một trong những tướng tài của vua Napoléon.
Mặc dù rõ ràng không có sĩ quan nào trong cuộc chiến này là học trò trực tiếp của Clausewitz. Ngày nay người ta coi ông là một trong những nhà tư tưởng sâu sắc nhất về bản chất của chiến tranh. Những ghi chép của ông vẫn được sử dụng đánh giá chiến lược chiến thuật trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn tại Mỹ. Clausewitz chống lại Napoléon nhưng lại rút ra nhiều ý tưởng từ sự suy ngẫm về các chiến dịch do Napoléon tiến hành. Ông
Clausewitz định nghĩa chiến tranh tức là làm chính trị bởi một phương tiện khác: quân đội. Ông nói chìa khóa đến với chiến thắng nằm trong việc tấn công vào chính trung tâm nguồn lực của kẻ thù. Ta có thể làm theo nhiều cách, bao gồm cách chiếm cứ trụ sở của bang, hoặc thành phố thủ đô, hoặc các vùng lãnh thổ có vị trí trọng yếu, hoặc làm tiêu hao nguồn lực về người và về của, khiến đối phương không thể chịu đựng được. Tuy nhiên phương tiện tối thượng để đạt đến thành công là thông qua hủy diệt quân đội chủ lực của kẻ thù.
Ông Clausewitz đã giảm thiểu nét độc đáo các nguyên tắc của ông Jomini, đồng thời nhấn mạnh đến bạo lực, tính phi lý, cơ hội gây hoang mang và tình trạng khó kiểm soát (bất hòa) trong chiến tranh. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự sáng suốt, dũng cảm, cầu tiến, ý chí, chủ động và tính cách của nhà lãnh đạo. Ông viết: “việc thiên tài làm nhất định phải là thực hiện tốt nhất mọi luật lệ, và lý thuyết không thể sánh được cách thực hiện và lý do hành động”. Cuộc nội chiến đã cho ta những minh chứng sống động cụ thể về các nguyên tắc được ông Clausewitz và Jomini đề ra. Cuộc chiến này cũng phát triển một hệ thống các quy tắc về chiến lược chiến thuật của riêng nó.
Khi các hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh vẫn đang tiếp tục, Liên minh cũng đồng thời tự hoàn thiện thể chế chính trị chính thức của mình. Hiến pháp chính thức đã được chuẩn y vào tháng ba năm 1861 trong đại hội Montgomery và ngay lập tức được phê chuẩn bởi các bang ly khai. Các cuộc bầu cử xảy ra vào tháng 11 để bầu ra thành viên quốc hội và Tổng thống cùng phó tổng thống. Thiếu vắng các đảng phái chính trị và các ứng cử viên Tổng thống đối lập, ông Davis và Stephens đã được nhất trí bầu làm thủ tướng chính thức với thời hạn sáu năm. Lúc đó để đề cao một minh chứng nhằm thúc giục bang Virginia li khai, tháng 07 chính phủ Liên minh đã chuyển thủ đô từ Montgomery tới Richmond.
Những đặc điểm chính của chính sách Liên minh đã dần hình thành ngay cả khi chính phủ Liên minh vẫn chỉ là chính phủ lâm thời. Mặc dù ông Davis và các thành viên của đại hội đều là những người ủng hộ quyền các bang, dù trước chiến tranh họ chỉ là đại diện chính trị cho miền Nam, giờ đây họ sùng bái chủ nghĩa dân tộc miền Nam. Họ muốn tạo thành một cái cớ để bảo vệ cho Liên minh. Sở dĩ ông Davis và các nhân vật quan trọng khác làm vậy vì họ đều xuất thân từ miền Tây Nam mới được mở mang. Ở đây tinh thần đoàn kết cục bộ được coi trọng hơn lòng trung thành đối với tổ quốc. Hoặc có thể nó là kết quả (theo lời gợi ý của các giáo sư Herman Hattaway và Archer Jones) của kinh nghiệm chiến đấu trước kia của ông Davis với quân đội Hoa Kỳ.
Tổng thống Davis sáng suốt nhận ra rằng: ý thức dân tộc của người miền Nam là mới hình thành và chưa được thấm sâu trong dân chúng. Nhất định tinh thần này sẽ được phát triển trong chiến tranh. Ông đã từng phát biểu trong một bài diễn văn trước đây: “Sau khi hồi tưởng lại cuộc chiến vĩ đại, với những truyền thống vinh quang, với hy sinh và đổ máu, sẽ là sự kết nối hòa hợp, làm sâu sắc thêm tình cảm giữa đồng bào, làm tăng thêm tình đoàn kết khi đưa ra các kế sách, làm sâu sắc thêm tình huynh đệ và nỗ lực trong chiến tranh”. Ông đã kết hợp tinh thần dân tộc miền Nam với quyền các bang bằng cách bác bỏ quyền ép buộc, áp đặt cho một bang của chính phủ Liên minh. Ông nói, mối liên kết miền Nam phải được nuôi dưỡng từ “những cảm xúc, chính sách và mối quan tâm”.
Một sản phẩm cụ thể đầu tiên của chính sách dựa trên tinh thần dân tộc miền Nam chính là quân đội Liên minh. Tổng thống Davis đã củng cố thêm tính dân tộc chủ nghĩa của quân đội
bằng những mệnh lệnh được truyền đạt tới Bộ trưởng Bộ chiến tranh Walker. Ông này kêu gọi các bang gây dựng, tổ chức và đề cử chỉ tiêu quân tình nguyện. Nhưng số quân này sẽ được trao vào tay các nhà chức trách Liên minh để được huấn luyện, dàn binh, bố trận và tổ chức các chiến dịch. Đồng thời ông Walker cũng được ủy quyền gây dựng các đơn vị tình nguyện và tuyển mộ những công dân tòng quân riêng lẻ muốn trực tiếp được tham gia quân đội Liên minh. Ông cử nhiều đại diện ra nước ngoài mua vũ khí, khí tài từ những nguồn cung cấp của tư nhân tại châu Âu và miền Bắc. Trong những tháng sôi động đầu cuộc chiến, trước khi thực tiễn phủ phàng của chiến tranh trải ra trước mắt, những thanh niên miền Nam hăng hái ghi danh tòng quân. Tháng 07 năm 1861, ông Walker nói rằng: ông phải trả về gia đình hai trăm ngàn quân nhân vì quân đội thiếu vũ khí và khí tài. Dù vậy, quân đội Liên minh vẫn có 200 ngàn binh sĩ khỏe mạnh. Con số này đang tăng lên từng ngày.
Lúc này, quân đội của hai bên tham chiến đã dần hình thành. Hàng trăm ngàn tân binh sống trong những căn lều gỗ hoặc lều bạt được dựng lên tạm thời trong các trại lính xây dựng vội vàng nằm rải rác khắp các miền biên giới giữa miền Bắc và miền Nam. Điều kiện sống sơ sài trong các trại lính của cả hai phe nhanh chóng trở nên khó khăn và bào mòn lòng hăng hái ban đầu của các tân binh. Các thiết bị vệ sinh thiếu thốn. Khẩu phần ăn khó nuốt, nấu nướng không cẩn thận, chất dinh dưỡng không đủ, thiếu thốn tiền bạc kết hợp với bản chất dân dã và không được giáo dục đầy đủ của quân lính miền Nam đã làm trầm trọng thêm những vấn đề nói trên trong các trại lính của Liên minh.
Luật nhà binh liên quan tới cuộc sống trong trại lính không được củng cố, có thể là không thể củng cố bởi những sĩ quan non trẻ chưa được huấn luyện. Uy tín của họ bị sút giảm, nói không ai nghe dù họ nhờ quân ở dưới bầu lên. Cuộc thanh tra cuối năm 1861 trong 200 doanh trại thuộc các trung đoàn của Liên bang miền Bắc đã cho thấy rằng: hơn 1/4 số trang trại này chất đầy rác rưởi, nhà xí không có cửa che chắn, đâu đâu cũng thấy những đống phân và rác chất đầy. Rận, bọ chét, chuột phát triển lan tràn là cảnh thường thấy trong các doanh trại. Bữa ăn hàng ngày chủ yếu là thịt lợn muối, bánh mì, cà phê kèm với rau sấy. Thứ rau này các binh lính đều từ chối vì không thể ăn được. Còn nếu có rau tươi, lập tức nó trở thành hàng quý hiếm. Binh lính có thể mua kẹo, thuốc lá và vài thứ thực phẩm hạn chế khác từ căng tin của doanh trại hoặc từ những lái buôn dân thường phục vụ trong quân đội.
Điều kiện sống ở các trại lính đã gây ra đủ thứ bệnh tật, điều này trở thành vấn đề nổi cộm và phải đối phó chính. Bệnh tiêu chảy và các bệnh cảm cúm thông thường là chuyện thường ngày xảy ra đối với binh lính. Bệnh kiết lị, viêm phổi cũng lấy đi nhiều mạng sống. Quân đội thiếu Bác sĩ có tay nghề, các loại dược phẩm tiên tiến cũng như thiết bị y tế mới. Những bệnh dịch gây chết người lan tràn khắp các doanh trại. Trong số chúng có cả thương hàn, đậu mùa và bệnh sốt rét, một loại bệnh địa phương gây hậu quả nặng nề thường thấy ở miền Nam. Chỉ trong vòng 18 tháng, quân đội Liên minh đã chứng kiến 17000 người chết riêng vì bệnh thương hàn. Trong số các dịch bệnh gây tử vong cho các binh lính trong cuộc chiến này còn có những căn bệnh từng được coi là bệnh trẻ con như quai bị, thủy đậu, ho gà, sởi. Những căn bệnh này người ở nông thôn chưa từng biết đến và như vậy họ không có được sức đề kháng tự nhiên đầy đủ để chống đỡ. Khoa học ngày ấy không thể chống đỡ nổi căn bệnh này. Bệnh dịch còn tàn độc hơn rất nhiều sức mạnh do vũ khí gây ra.
Ở nhiều nơi, huấn luyện binh sĩ cũng sơ sài chẳng kém gì điều kiện sống trong doanh trại,
dù quân đội cả hai phe đều có một số lượng lớn các sĩ quan có kinh nghiệm được phân bổ về các quân đoàn. Tuy nhiên, hầu hết các lãnh đạo quân đội đều là những người thiếu kinh nghiệm chẳng khác nào binh lính. Rất nhiều các sĩ quan chỉ mới đọc những sách về huấn luyện: Infantry Tactics của Winfield Scott (Các chiến lược của bộ binh) hoặc cuốn Rifle and Light Infantry Tactics của William J. Haedee (Súng trường và chiến lược bộ binh) vào đêm trước khi nhận lệnh huấn luyện cho binh lính. Thông thường sĩ quan ra lệnh một đàng, lính làm một nẻo. Một binh sĩ Liên bang viết: “Mỗi sĩ quan nghiệp dư tự chế cho mình hệ thống chiến lược riêng”. Một quân nhân của miền Bắc nói: “Những sai lầm được sửa đổi bằng cách vi phạm những sai lầm khác còn tồi tệ hơn. Các sĩ quan đủ loại cấp bậc cười nói trong khi huấn luyện. Thỉnh thoảng họ còn phá lên cười hô hố giống như dân nông thôn hay làm”. Nhưng vẫn có huấn luyện. Theo lời một tân binh của Liên bang “mở mắt ra đã tập luyện rồi; tập luyện lại tập luyện nữa. Sau đó tiếp tục luyện tập và để sau cùng là tập luyện. Giữa những lần luyện tập, đôi khi cũng có ngưng nghỉ để ăn hay điểm danh chẳng hạn”.
Một phần của hoạt động huấn luyện quan trọng nhất là: sử dụng vũ khí. Loại vũ khí đa số binh lính sử dụng trong suốt cuộc chiến là hỏa mai. Có súng với cỡ nòng 577 sản xuất tại Anh. Có loại cỡ nòng 58 sản xuất tại xưởng đúc vũ khí Massachusetts. Những vũ khí này bắn viên đạn bay theo đường xoáy được biết như đầu đạn minnie. Rãnh xẻ trong trong nòng súng đưa đầu đạn đi chính xác hơn. Độ sát thương cũng tăng nhiều lần. Một tay thiện xạ có thể bắn trúng một người cách xa bốn trăm bộ. Với quãng đường gấp đôi, đầu đạn vẫn gây sát thương như thường. Loại hỏa mai Springfield được binh lính của cả hai phe ưa thích. Thường quân Liên minh phải giành giật nhau mới có thể sở hữu được cây súng như vậy. Các nhà máy của Liên minh cuối cùng cũng xuất xưởng một số lượng lớn súng hỏa mai giống như Springfeild. Những vũ khí trong thời nội chiến đều phải nhồi thuốc súng từ họng súng. Thực hành một công việc khó khăn và phức tạp này đòi hỏi phải qua nhiều bước khác nhau. Một tay súng lão luyện cũng chỉ bắn được mỗi phút ba phát súng mà thôi.
Mặc dù hầu hết lính tham gia cuộc nội chiến đều đã được thấy súng cầm tay cỡ nhỏ, việc sử dụng một khẩu đại bác vẫn là một kinh nghiệm mới mẻ đối với những ai mới vào các sư đoàn pháo binh. Súng của pháo binh thuộc quân đội hai phe là loại bích kích pháo, sản xuất từ thời Napoléon. Loại đại bác này cũng giống như hầu hết các kiểu đại bác khác được sử dụng trong cuộc chiến phải nhồi thuốc súng từ họng súng. Cần phải có một đội gồm một trung sĩ và tám tay súng phụ. Những người này phải thuần thục động tác lau chùi nòng súng, nạp đạn, nhồi thuốc, nhắm và bắn. Mỗi phút bắn được hai phát đạn.
Đám binh lính thường ngỗ ngược. Kỉ luật quá khó khăn để tuân thủ, còn người Mỹ, nói chung, chống lại bất cứ loại tổ chức nào. Họ cũng nổi tiếng là không tuân phục và tôn trọng chỉ huy. Họ khinh bỉ bất cứ hành vi nào họ cho là vênh váo. Một vài sĩ quan không thể giữ gìn trật tự của đám lính dưới quyền. Đôi khi, có sĩ quan không có gì nổi trội bị đám đông quân lính vây lấy và đánh cho nhừ tử. Cũng có nhiều hình thức chống đối của binh sĩ mơ hồ hơn, đồng thời cũng khá kỳ cục. Ví dụ như cắt tai và cạo bờm ngựa của sĩ quan.
Rất nhiều hình thức kỷ luật quá nghiệt ngã: binh lính nào mắc tội vi phạm hoặc không tuân lệnh hay vắng mặt không phép có thể sẽ bị “cưỡi ngựa gỗ”, hoặc phải chịu quỳ. Đây là một hình phạt cực kỳ khó chịu và nhục nhã: thủ phạm sẽ bị nhét một vật bịt miệng và sẽ buộc quỳ nhiều giờ, lưng thật thẳng bởi một mẩu gỗ đã được cột phía sau của đầu gối, còn tay bị trói chặt.
Những kẻ đào ngũ có thể bị đánh bằng roi và đánh dấu bằng chữ D (Deserter - Kẻ đào ngũ) trước khi bị đuổi khỏi quân ngũ hoặc bỏ tù. Đào ngũ có thể phải chịu phạt tiền. James I. Robertson, Jr., đã viết rằng: khoảng 500 cuộc hành hình các binh sĩ xảy ra ở cả hai đạo quân trong nội chiến. Nhiều hơn tất cả các cuộc hành hình trong các cuộc chiến có Mỹ tham gia cộng lại. Trong số ấy, khoảng 2/3 người bị xử tử mắc tội đào ngũ.
Những khó khăn gian khổ trong việc huấn luyện kết hợp với nỗi cô đơn, nhớ nhà, nhớ người yêu và nhớ tự do đã khiến đời sống ở doanh trại cực kỳ đau khổ đối với hầu hết tân binh. Rất nhiều người trong số họ không chịu nổi gian khổ đã đào ngũ hoặc vắng mặt không phép. Nhưng phần đông đều phải đối mặt với cuộc sống gian khổ ấy bằng cách tìm sự tiêu khiển. Họ tìm bạn gái mỗi khi có dịp nhờ dự các cuộc khiêu vũ, hội hè tại các thị trấn xung quanh và các nông trại ở vùng lân cận. Nhiều người tìm kiếm bạn tình với những hình thức bất ngờ hơn: kết giao với những người phục vụ doanh trại là nữ quét dọn hoặc bằng cách đến chơi ở các nhà thổ mọc lên như nấm ngay sát gần doanh trại. Kết quả là những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục sớm tràn lan và có vị trí hàng đầu trong danh sách những căn bệnh làm suy nhược tinh thần và sức chiến đấu của các trại lính.
Nhiều quân nhân tìm cảm giác thỏa mãn trong men rượu. Quân đội Liên bang thỉnh thoảng thêm vào khẩu phần ăn rượu Wishky vì có lý thuyết cho rằng lượng rượu hạn chế có thể kiềm chế việc ăn uống quá mức. Quân đội Liên minh không theo lý thuyết này. Nhưng Wishky dễ dàng có được theo nhu cầu của đám lính của cả hai đạo quân. Nó nằm trong lượng hàng hóa căng tin doanh trại có bán. Ngoài doanh trại còn có nhiều nguồn cung cấp khác. Chất lượng của loại rượu thương mại này được chỉ định bằng những cái tên như “mắt đỏ ngầu”, “cháy ruột”, “nọc nhện độc”, hoặc “bể xương sọ”… Tình trạng say xỉn đã trở thành vấn nạn ở cả hai đạo quân. Thiếu tướng George B. McClellan nói, vào năm 1862, rằng: nếu kiêng rượu hẳn, quân Liên bang sẽ mạnh mẽ chẳng khác nào có thêm năm mươi ngàn binh sĩ phục vụ vì mục tiêu chính nghĩa.
Hành vi báng bổ quậy phá và đánh bạc (hai hành vi thường thấy nhất trong đám lính thuộc mọi lứa tuổi) là những nét tiêu biểu của cuộc nội chiến. Chửi thề và nguyền rủa như một loại dấu chấm câu mà đại đa số quân nhân cả miền Bắc và miền Nam sử dụng. Việc đánh bạc phát triển ở khắp nơi dưới nhiều hình thức bao gồm đua ngựa, chọi gà, thi đấu thể thao, và những cuộc đánh lộn ngẫu hứng. Thậm chí những cuộc đua tầm thường cũng được người ta đưa ra cá cược. Đánh bài và chơi xí ngầu diễn ra triền miên, nhất là khi đám binh lính không bận rộn tập luyện hoặc tham gia các hoạt động quân sự khác.
Việc hội họp để cầu nguyện vào buổi tối diễn ra thường xuyên. Đại đa số binh lính đều xuất thân từ những gia đình có đạo. Và họ mang vào quân đội một số lượng lớn các giáo phái khác nhau. Những tôn giáo chính đều có các cha tuyên uý trong doanh trại. Những buổi lễ thường xuyên được tổ chức là một phần trong hoạt động thường ngày trong doanh trại. Ngày càng có nhiều binh lính sùng đạo dành thời gian đọc kinh thánh và cầu nguyện. Nhiều nhóm trong số họ tổ chức những buổi cầu nguyện không chính thức khá thường xuyên. Thậm chí cả những binh lính khá thờ ơ với các hoạt động tôn giáo và quen vi phạm các điều răn tôn giáo trong ngày, thì đến cuối ngày cũng quăng hết bài bạc hoặc xí ngầu dể tìm lấy những “tấm Passport cho tội lỗi”, (họ gọi những buổi cầu nguyện như vậy) trước khi lao vào trận chiến. Ông Robertson kết luận rằng: niềm tin vào Chúa trời là một thứ gia vị hiệu quả nhất trong việc giữ
gìn nhuệ khí cho đám binh lính cả hai phe.
Có quá nhiều thiếu thốn trong cuộc sống nơi doanh trại và huấn luyện. Gian khổ, lơ là nhiệm vụ không phải là trường hợp hiếm xảy ra. Thế nhưng, các sự kiện đáng lo ngại vẫn đang di chuyển như lốc xoáy để đến gần hơn sự thử thách cuối cùng. Tình hình chiến sự đã bắt đầu ác liệt.
Những trận đánh đầu tiên của cuộc chiến nổ ra để giữ hoặc chiếm lấy những vùng đất có chế độ sở hữu nô lệ nằm dọc biên giới ở những vị thế quan trọng. Vào tháng 5, ở bang Missouri có một sĩ quan quân đội Liên bang trẻ, đại uý Nathaniel Lyon đã vây hãm và phong tỏa một đội dân quân hỗ trợ Liên minh dưới quyền chỉ huy của thống đốc Claiborne Jackson gần St. Louis. Được khuyến khích và phong hàm tướng, Lyon sau đó đã đánh bại một đội quân nhỏ miền Nam dưới sự chỉ huy của lữ đoàn trưởng, tướng Sterling Price và đuổi đạo quân này đến điểm cuối cùng của bang phía Tây Nam gần Springfield. Ở đây đội quân này đã nhận thêm nhiều binh lính từ những đạo quân khác của Liên minh. Cuối tháng sáu, toàn bộ lãnh thổ bang Missouri đã nằm trong tầm kiểm soát của Liên bang.
Bang Tây Virginia cũng chứng kiến những chiến dịch tương tự. Từ bang Ohio, tháng 6 có một đội quân gồm 20 ngàn lính Liên bang dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng George B. McClellan tiến sâu vào lãnh thổ bang Tây Virginia, chiếm lấy Harpers Ferry. Vào tháng 7, sau một vài trận đánh nhỏ vào Rich Mountain và Carrick Ford, đội quân này đã chiếm lại quyền kiểm soát bang Virginia nằm ở phía Tây của Alleghenies. Quân Liên minh không bao giờ có thể lấy lại khu vực này ngay cả khi vị tướng giỏi nhất của quân Liên minh là Robert E. Lee từng có lần làm chủ tạm thời vùng này. Những thành công này của Liên bang đã dẫn tới một loạt những thành công chính trị quan trọng khác đảm bảo việc thành lập bang Tây Virginia. Thêm vào đó, chiến thắng từ mặt trận đã đặt lực lượng Liên bang vào vị trí có thể đe dọa được khu vực Shenandoah và cánh quân bên sườn của Liên minh lúc này đang chiếm giữ những ngọn núi phía Đông Virginia.
Trong lúc những sự kiện này diễn ra tại Missouri và Tây Virginia, một giai đoạn chuẩn bị cho những cuộc tấn công của quân Liên bang bắt đầu. Đây là cuộc tấn công lớn đầu tiên với hi vọng chấm dứt chiến tranh. Nếu cuộc tấn công này hoàn tất, nó hy vọng chỉ cần một chiến dịch thôi cũng đủ để đánh bại quân đội Liên minh tại Virginia và chiếm thủ phủ Richmond. Một mục tiêu hấp dẫn chỉ cách Washington 700 dặm về phía Nam. Người miền Bắc ủng hộ cuồng nhiệt cuộc tấn công này. Những tờ báo của miền Bắc kêu gọi hành động, đặt ra khẩu hiệu “Hãy tiến về Richmond!”. Sau khi quân Liên bang phải rút lui vào ngày 10 tháng 6 tại nhà thờ Big Bethel gần Yorktown, áp lực lên Tổng thống Lincoln là phải tấn công. Giờ đây ông ra lệnh cho thiếu tướng Irvin McDowell chỉ huy quân chủ lực của Liên bang, thực hiện chiến dịch này.
Ông McDowell chỉ huy một đội quân khoảng 35000 lính dựng lều hạ trại dọc bờ sông Potomac, với điểm khởi đầu là Washington. Biết rằng quân lính không được luyện tập đúng cách, ông xin cho thêm thời gian. Nhưng Tổng thống bác bỏ với lời nhận xét rằng: bọn lính Liên minh cũng trẻ người non dạ không kém. Đối diện với tướng McDowell, cách 25 dặm về phía Nam là tướng Beauregard, chỉ huy trận pháo đài Sumter đáng nhớ của Liên minh, người có trong tay 22 ngàn binh sĩ đang được bổ trí đằng sau một con suối nhỏ có tên là Bull Run. Ông đang bao vây một nhà ga xe lửa quan trọng tại khúc đường sắt giao nhau Manassas Junction. Một đạo quân của Liên bang gồm khoảng 18 ngàn người dưới sự chỉ huy của thiếu
tướng Robert Patterson cũng hạ trại gần Harpers Ferry, cửa ngõ thung lũng Shenandoah. Gần Winchester 25 dặm về phía Nam là một đạo quân của Liên minh có khoảng 12 ngàn binh sĩ dưới quyền chỉ huy của tướng Joseph E. Johnston.
Kế hoạch của tướng McDowell yêu cầu một động thái của quân Liên bang: quay lại hoặc đánh cắt ngang vị trí của quân Liên minh và bao vây con đường huyết mạch chạy dọc theo đường sắt Orange và Alexandria. Trong lúc đó, một điệp viên của Liên minh đã báo ý định của quân Liên bang cho các tướng chỉ huy Liên minh (nhân vật tình báo này là bà Rose O’Neal Greenhow, một nhân vật hoạt động xã hội khá nổi bật ở Washington). Tổng thống Davis ra lệnh cho tướng Johnston phải hỗ trợ cho tướng Beauregard rút quân khỏi thung lũng Shenandoah. Khéo léo bao bọc cuộc hành quân bằng kị binh, Johnston rút khỏi Shenandoah. Viên tướng này thực hiện một cuộc hành quân tác chiến đầu tiên trong nội chiến bằng cách đưa lên tàu hầu hết quân lính của mình tại ga Manassas Gap và nhanh chóng tới Manassas Junction để kết hợp với cánh quân chính của Liên minh ở đây. Ngày 20 tháng 7, lực lượng của Liên minh đưa khoảng 35 ngàn quân tập trung vào vị trí phòng thủ sau Bull Run. Mặc dù Johnston là một trong những viên tướng kỳ cựu của Liên minh, ông vẫn nghe theo tướng Beauregard, viên tướng thực sự chỉ huy đạo quân này trong trận đánh sắp tới.
Ngày 21 tháng 7 trước khi bình minh ló dạng, cuộc tấn công của Liên bang bắt đầu với một cuộc biểu dương lực lượng tiến về vị trí trung tâm của cánh quân Liên minh. Hai đơn vị di chuyển nhanh chóng, nhằm bao vây cánh quân phía trái của địch. Sau khi vượt qua suối Bull Run ở Sudley Ford, lính Liên bang bị tấn công dồn dập bởi một lữ đoàn quân Liên minh dưới sự chỉ huy của đại tá Nathan C. Evans. Ông này đã được cấp báo rằng quân Liên bang đang di chuyển. Người đưa tin là một sĩ quan điện tín trẻ, thông minh của tướng Beauregard, đại uý E. Porter Alexander. Thế nên đại tá Nathan G. Evans đã ra lệnh cho quân của ông tiến về một vị trí phòng thủ vững chắc ngay bên sườn của Liên minh.
Beauregard và Johnston đã nắm bắt kịp tin tức chiến sự, tìm thấy quân của Evans đã bắt đầu dồn cánh quân này tới Henry House Hill, phía Nam của Warrenton Turnpike. Đến xế chiều, bước tiến của quân Liên bang đã bị chặn đứng bởi một đợt kháng cự quyết liệt của những đơn vị quân Liên minh đến từ những phòng tuyến khác. Rõ ràng hành động nổi bậc nhất là một lữ đoàn dưới sự chỉ huy của tướng Thomas J. Jackson. Nó đã khơi nguồn cảm hứng của biết bao nhà hùng biện khi tướng chỉ huy lữ đoàn Barnard E. Bee của miền Nam Carolina trầm trồ thán phục: “Jackson phòng thủ vững như bàn thạch!”. “Stonewall Jackson” đã trở thành biệt hiệu muôn đời gắn với quân đội Liên minh.
Chiều muộn hôm ấy, khi các cuộc tấn công của Liên bang thưa dần và sau khi tướng Beauregard nhận được những toán quân cuối cùng từ khu vực thung lũng Shenandoah, ông đã tiến hành một cuộc phản công. Binh sĩ Liên bang, quá mệt mỏi và rã rời cả về tinh thần lẫn thể xác, đã không còn ý chí chiến đấu nữa. Phòng tuyến của họ bị phá vỡ trước khi một làn sóng quân Liên minh ào lên đáng sợ. Tiếng hét xung trận ấy sau này được nhiều người biết đến với cái tên “Tiếng hét của những kẻ phản loạn”. Quân đội của tướng McDowell nhanh chóng chỉ còn là một đám tàn quân, họ lẫn vào những nhóm người đi nghỉ ngơi từ Washington đứng xem trận chiến với vẻ thích thú. Thật ngẫu nhiên, một viên đạn pháo của quân Liên minh đã bắn trúng một toa hàng và chặn đứng con đường rút lui khiến cho đội quân đang thất vọng, hoảng sợ và mệt mỏi thêm tán loạn. Một đội quân dự bị khoảng 2000 người tại Centreville là đội
quân quy củ duy nhất còn lại ở vị trí giữa những người miền Nam chiến thắng và thủ đô Washington!
Nhưng Washington không thất thủ. Nếu quân Liên minh nếu có cố cũng không đoạt được nó. Và họ đã không cố. Tổng thống Davis đến bãi chiến trường vào buổi chiều và giục các tướng tiến lên phía trước. Sau này người ta kể lại rằng: lúc đó tướng Jackson đã nói: Cho ông 5 ngàn lính mới ông có thể chiếm được Washington. Điều kiện do Jackson đặt ra có lẽ là chìa khóa dẫn đến kết cục sớm sủa. Nhưng chẳng có lính mới nào cả. Tất cả các đơn vị của Liên minh đều đã từng tham gia xung đột. Tướng Johnston sau này tán thành tính toán khôn ngoan của tướng Jackson bằng cách giải thích rằng: lính miền Nam kiệt sức và non nớt đang vô tổ chức mừng chiến thắng cũng chẳng hơn gì quân miền Bắc bị đại bại.
Một cuộc tranh cãi dai dẳng và gay gắt sớm xảy ra giữa Tổng thống Davis và các tướng phải chịu trách nhiệm về việc không khai thác triệt để thắng lợi vừa rồi. Người Liên minh gọi cuộc chiến này là trận “Manassas”, người Liên bang gọi nó là trận “Bull Run”. Nó là chiến thắng của Liên minh. Một chiến thắng rất tài tình mặc dù cả hai đều thiệt hại nặng nề: miền Bắc 481 lính tử trận, 1011 người bị thương, 1216 người mất tích (hầu hết bị bắt); Miền Nam 387 lính tử trận, 1582 người bị thương, 13 người mất tích.
Ngay sau cuộc chiến Bull Run, quân Liên minh thắng thêm trận nữa tại con sông nhỏ Wilson thuộc Tây Nam Missouri. Ngày 10 tháng 08, tướng Liên bang Lyon bừng bừng nộ khí dẫn đội quân của ông chỉ có 5400 lính tấn công bất ngờ và dữ dội vào cánh quân của Price lúc này đã lên tới 12 ngàn quân, bởi được quân cứu viện đến kịp thời. Đám quân bổ sung ấy dưới sự chỉ huy của tướng Ben McCulloch đến từ Arkansas. Ông Lyon đã tổ chức một cuộc tấn công lớn trong lúc tướng Franz Sigel bao vây để tấn công quân Liên minh từ phía sau. Giữa lúc trận chiến xảy ra ác liệt, với chiến thắng gần như đã nắm trong tay, Lyon đột ngột tử trận. Cuộc tấn công bị đẩy lui với số thương vong lớn cho cả hai phía. Quân Liên bang: 1235. Quân Liên minh: 2084. Lúc này ông Price hi vọng sẽ đoạt lại được bang này cho chính quyền Liên minh.
Những thành công của Liên minh trong những ngày đầu trên các chiến trường rộng lớn đã khơi dậy ngọn lửa hào hứng và lạc quan trong tư tưởng miền Nam. Người miền Nam từ lâu đã tin họ nắm trong tay kĩ năng quân đội xuất chúng, một người trong số họ đủ đánh bại vài tên Yankee miền Bắc. Điều ngộ nhận này giờ đây dường như đã được xác nhận là đúng. Có lẽ cuộc chiến sẽ sớm kết thúc thôi. Nhưng tác động của những chiến thắng Liên minh chỉ làm đầu óc người miền Bắc thêm tỉnh táo. Họ không còn bám lấy ảo tưởng giành chiến thắng nhanh gọn dễ dàng nữa. Suy cho cùng, phải chăng lũ phiến loạn kia thực sự là những chiến binh cừ khôi? Vài sĩ quan Liên bang đã có suy nghĩ như vậy.
Nhưng đối với dân chúng miền Bắc nói chung, những thất bại ấy vừa là thách thức, vừa là sự sỉ nhục. Người miền Bắc xác định tư tưởng: cuộc chiến sẽ là lâu dài và gian khổ. Bị sốc nặng nhưng với vẻ kiên định không hề lay chuyển, Tổng thống Lincoln chuyên tâm tìm một viên tướng có thể đảo ngược tình hình.
Tướng McClellan dường như là người ông trông đợi. Viên tướng này là một trong những sĩ quan của Liên bang đã từng đánh bại quân Liên mình trên chiến trường. Cuối tháng 07, Tổng thống Lincoln triệu ông ta tới Washington, chỉ định ông là tướng chỉ huy quân chủ lực của Liên bang (Giờ đây, cánh quân này có tên quân đội của Potomac). Tổng thống cũng nói với ông
rằng: vận mệnh quốc gia hiện nằm trong tay ông. Tràn đầy tự tin, tướng McClellan bắt đầu huấn luyện cho những quân đoàn đang thoái trí và hỗn loạn, biến họ trở thành một cánh quân thống nhất và hừng hực tinh thần chiến đấu.
Vị tổng tư lệnh mới là người từng tốt nghiệp học viện quân sự Mỹ, với nhiều thành tích mẫu mực khi còn là học viên của trường sĩ quan. Con đường binh nghiệp của ông gồm cả lần phục vụ quân đội trong chiến tranh Mexico như một thành viên tham mưu cho tướng Scott. Ông có tài chỉ huy quân sự và nhiều kiến thức về chiến thuật, đã truyền đạt kiến thức của mình cho rất nhiều sĩ quan trẻ đóng vai trò quan trọng trong nội chiến. Vỡ mộng vì cuộc sống nhà binh khi thời bình, năm 1857 ông McClellan đã từ chức để tham gia vào ngành kinh doanh đường sắt đang phát triển nhanh chóng tại Mỹ. Ông cho thấy mình có khả năng xuất sắc ngay cả trong kinh doanh. Và khi cuộc chiến bùng nổ, ông đang là tổng giám đốc của hãng đường sắt Ohio và Mississipi.
Ông McClellan có ngoại hình nổi bật, có tài đàm phán, là nhà tổ chức siêu đẳng và nhà huấn luyện tài ba. Ngay lập tức ông giành được cảm tình của binh lính. Họ yêu mến gọi ông với cái tên “Tướng Mac nhỏ bé”. Tư thế hiên ngang như Napoleon trong bức hình chụp năm 1860, bàn tay phải thọc sâu trongtúi áo ngang sườn, bộc lộ chính xác quan điểm của ông về bản thân. Nhưng tiếc thay khi hành động, ông lại thiếu tự tin. Khi huấn luyện càng mạnh mẽ bao nhiêu thì hành động càng thiếu tự tin bấy nhiêu. Sau cuộc chiến, tướng Richard Taylor của quân Liên minh nói rằng: về mặt này ông McClellan giống vua Frederick Wiliam của nước Phổ. Người ta kể ông vua này, khi huấn luyện tỏ ra mình có tài ném lựu đạn rất giỏi nhưng lại không dám chạm tới những gì có liên quan tới thuốc súng.
Dù chính mình nâng McClellan vào vị trí tướng chỉ huy thay thế cho tướng Scott về nghỉ vào tháng 11, Tổng thống mất hết kiên nhẫn vì việc tấn công diễn ra chậm trễ. Với câu nói nửa đùa nửa thật, ông nhận xét rằng: tướng McClellan đã “mắc bệnh chậm chạp”. Một dịp khác, Tổng thống Lincoln lại nói: nếu tướng McClellan không có ý định sử dụng quân đội Potomac, ông sẽ mượn cánh quân chủ lực này vài ngày để xem liệu ông có thể làm gì được với nó.
Rõ ràng giữa Tổng thống Lincoln và vị tướng chỉ huy của ông có sự xích mích ngày càng sâu sắc. Họ không chỉ bất đồng về thời gian mà còn cả chiến thuật. Tướng McClellan là một đảng viên đảng Dân chủ. Ông ta chống đối gay gắt bất cứ động thái nào can thiệp vào thể chế chiếm hữu nô lệ hoặc liên quan tới hệ thống xã hội ở miền Nam. Ông ta tin chiến tranh nhất định phải được tiến hành theo cách khôi phục lại Liên bang đúng như nó vốn có trước khi li khai xảy ra. Ông cũng công khai tỏ vẻ coi thường Tổng thống Lincoln. Có một lần ông đã không cần giấu giếm làm mất mặt Tổng thống khi Tổng thống Lincoln đến thăm quân đội của ông ngoài chiến trường. Lincoln đành ngậm bồ hòn làm ngọt và có lần nói rằng: ông chỉ chịu đựng viên tướng này nếu ông ta mang thành công về cho quân đội Liên bang.
Sự trì hoãn của tướng McClellan và các quan điểm chính trị của ông đã làm bùng lên ngọn lửa phản đối của những đảng viên đảng Cộng hòa tại hạ viện. Những người này hy vọng giải phóng nô lệ là mục tiêu chính của cuộc chiến, họ được biết với cái tên “những kẻ cực đoan”. Những cảm xúc ngày càng sôi sục khi vào tháng 10, một đội quân do thám hùng mạnh của Liên bang, hành động dưới lệnh của tướng McClellan, đã bị đánh bại và thiệt hại nặng nề tại Ball’s Bluff bên bờ Nam của sông Potomac, trên Washington 30 đăm. Con số thương vong đáng chú ý nhất là của cuộc viễn chinh dưới lệnh của đại tá Edward Baker. Ông này cũng là thượng nghị sĩ
đảng Cộng hòa của bang Oregon và là một người bạn tâm giao của Tổng thống Lincoln.
Khó chịu về McClellan và quá nhạy cảm với những lời chỉ trích của phái cực đoan. Ngày 27 tháng 01 năm 1862, Tổng thống Lincoln ra lệnh cho toàn quân đội Liên bang cùng xung trận vào ngày 22 tháng 02, ngày sinh nhật của Tổng thống Washington. Thay vì lên kế hoạch cho cuộc tiến quân này là trực tiếp nhắm vào quân Liên minh ngoài mặt trận, (như Tổng thống Lincoln đã tỏ rõ ý định), McClellan phản đối với một lời đề nghị làm quân địch phân tán bằng cách di chuyển quân đội của ông (lúc này đã hơn 100 ngàn quân tinh nhuệ) đi trên các phương tiện vận chuyển dọc dòng sông Potomac và tiến vào vịnh Chesapeake, đến vùng hạ lưu sông Rappahannock. Như vậy là phải đi đường vòng mới tới được Richmond. Khi kế hoạch này vẫn còn đang được nghiên cứu, cuộc chiến đột nhiên chuyển hướng về phía Tây các hạt Alleghenies.
Chỉ huy lực lượng quân đội Liên minh tại miền Tây là tướng Albert Sidney Johnston. Ông này người gốc Kentucky, từng tốt nghiệp trường West Point và hay tự nhận mình là người Texas. Ông là một trong những sĩ quan nổi bật nhất của quân đội Liên bang trước đây. Đặc biệt, ông là bạn thân của Tổng thống Jefferson Davis. Vào tháng 09, Johnston được chỉ định là tướng chỉ huy. Ông ta đã đặt trụ sở tại Nashville, Tennessee. Nhưng sự quan tâm chính của ông lại là bối cảnh vùng Kentucky. Một tháng trước đó, thiếu tướng của quân Liên minh là Leonidas Polk bao vây khu vực gần sông Mississipi tại vị trí Columbus, bang Kentucky (như vậy là vi phạm chủ trương trung lập mà bang này đang cố giữ) và các lực lượng Liên bang đã nhanh chóng di chuyển tới Louisville và các vị trí trọng yếu khác.
Trong một nỗ lực giữ Kentucky cho Liên minh, ông Johnston lập tức cử một đội quân chủ lực từ Nashville tới Bowling Green. Ở đây ông thiết lập trụ sở của chính mình và gọi đây là thủ phủ của một bang thuộc Liên minh. Ông triển khai gần như một nửa lực lượng hiện có gồm 45000 quân tại Bowling Green với sự chỉ huy trực tiếp của thiếu tướng William J. Hardee. Mười hai ngàn quân đóng ở Columbus ngay dưới Polk. Một đơn vị đóng đô tại Belmont, Missouri đối diện với Columbus qua con sông Mississipi. Năm ngàn quân tại Mill Spings trên thượng lưu sông Cumberland, phía Đông Kentucky dưới sự chỉ huy của viên tướng chỉ huy lữ đoàn Felix K. Zollicoffer. Nhiệm vụ của quân đội dưới quyền Zollicoffer là canh chừng những đợt tấn công từ đông Kentucky sang đông Tennessee. Những đội quân nhỏ hơn giúp củng cố công sự được thiết kế canh chừng tại những điểm trọng yếu. Chính nơi trọng yếu này, hai con sông Kentucky và Cumberland tiến sâu vào một phần của tuyến phòng thủ quân Liên minh ở phía Tây: pháo đài Henry tại Tennessee, pháo đài Donelson tại Cumberland. Cả hai pháo đài này đều nằm trong địa phận bang Tennessee ngay dưới biên giới của bang này với bang Kentucky.
Quân đội của Liên bang ở miền Tây bị xé nhỏ. Thiếu tướng John C. Fremont trước đây là nhà lãnh đạo xuất chúng của đảng Cộng hòa, với trụ sở tại St Louis, lúc này là tướng chỉ huy cánh quân trụ ở miền Tây, một khu vực hỗn loạn kéo dài từ sông Cumberland đến Tây Kentucky ngang qua vùng Nam Illinois và băng qua sông Mississipi đến tận Rocky Mountains. Thiếu tướng Robert Anderson, được thăng chức sau khi cố thủ pháo đài Sumter thắng lợi, chỉ huy cánh quân đóng đô ở Cumberland (bao gồm miền trung tâm và đông Kentucky với vùng theo lý thuyết là thuộc phía Tây Tennessee). Vào tháng 10, khi ông Anderson bị bệnh, ông đã được thay thế bởi tướng chỉ huy William Tecumseh Sherman, người lãnh đạo một lữ đoàn
quân tinh nhuệ và quả cảm trong trận đánh Bull Run.
Cấp dưới của ông Fremont, chỉ huy quân đội trong khu vực phía Nam Illinois và đông Nam Missouri, là một sĩ quan ít người biết đến tên là Ulysses S. Grant. Ông này người gốc Ohio. Tốt nghiệp với thành tích không mấy nổi bật tại trường West Point, là cựu chiến binh của cuộc chiến Mexico, ông Grant vào năm 1854 đã từ chức không mấy vẻ vang vì đã uống rượu quá nhiều. Khi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này bùng nổ, ông đang sống cuộc đời bình dị của một nhà buôn tại Illinois. Ông hưởng ứng lời tổng động viên và (bởi vì những kinh nghiệm chiến đấu và huấn luyện của ông trong quân đội trước đây) có lẽ bởi ảnh hưởng của ông như một thành viên hạ viện Illinois, ông đã được nhận chức vụ đại tá chỉ huy quân đoàn Illinois.
Sau những sự kiện không mong muốn mở màn cho cuộc chiến, ông Grant đã thăng tiến nhanh chóng, trở thành một lãnh đạo quân đội nổi bật của Liên bang. Ông nhanh chóng chứng tỏ tài chỉ huy của mình và đã được thăng chức lên cấp tướng chỉ huy lữ đoàn. Tướng Grant sau này tổng kết triết lý của tài lãnh đạo quân đội từ những kinh nghiệm thực tế như sau: “Hãy tìm hiểu xem kẻ thù ở đâu. Đến gần hắn tấn công hắn càng sớm càng tốt và càng thường xuyên càng tốt, đồng thời luôn tiến lên”. Hiểu tầm quan trọng về chiến lược quá rõ ràng của ba con sông chính chặn ngang các tuyến phòng thủ phía Tây (Mississipi, Tennessee, và Cumberland), tướng Grant đã đặt sở chỉ huy của mình ở Cairo, bang Illinois. Tại địa điểm này, sông Ohio hòa vào dòng chảy của sông Mississipi. Khi quân Liên minh dưới quyền của tướng Polk bao vây Columbus, Kentucky, ngay lập tức tướng Grant bao vây Paducah và Smithland, nơi hai con sông Tennessee và Cumberland hòa vào dòng chảy của sông Ohio. Bằng những động thái trên, ông đã sở hữu những điểm then chốt, từ đó giúp ông có thể vận chuyển đồ tiếp tế và hỗ trợ cho binh lính được dễ dàng theo đường thủy để đe dọa hoặc tấn công rất nhiều mục tiêu quân sự quan trọng nằm dọc theo ba con sông này.
Những trận đánh mở màn sau này trở thành chiến dịch nhằm chiếm Kentucky và Tennessee nổ ra tại những điểm xa nhất của phòng tuyến của quân Liên minh. Ngày 07 tháng 11, tướng Grant cùng với một đạo quân khoảng 30 ngàn người tấn công đơn vị đồn trú của tướng Polk tại Belmont. Nhưng sau đó cánh quân này phải rút lui sau một trận đánh bất phân thắng bại mà cả hai phe đều công bố là chiến thắng của riêng mình.
Đầu tháng 11, Tổng thống Lincoln không cho tướng Grant chỉ huy cánh quân phía Tây nữa. Viên tướng này tỏ ra không thích ứng với các tướng quân sự, lơi lỏng trong việc giám sát các hợp đồng liên quan tới quân đội. Và có thái độ và hành động không chín chắn về vấn đề liên quan đến giải phóng nô lệ. Thiếu tướng Henry Halleck thay thế ông. Tướng Halleck là một học viên tốt nghiệp trường West Point. Khắp quân đội đều biết tên ông, coi ông là “bộ não kỳ cựu” bởi ông là tác giả của nhiều tác phẩm, bao gồm cả một chuyên luận mang tính độc đáo về các chiến dịch quân sự. Đồng thời, thiếu tướng Don Carlos Buell thay thế tướng Sherman. Sherman dường như đứng trên bờ vực của một cơn khủng hoảng tinh thần sau nhiều rắc rối nảy sinh lúc chỉ huy các cánh quân ở miền Trung và miền Đông Kentucky.
Tháng 01 năm 1862 một nỗ lực chiếm vùng đông Tennessee của sĩ quan cấp dưới của ông Polk: tướng chỉ huy lữ đoàn George H. Thomas đã sa lầy trong một chiến dịch được tổ chức vào mùa đông. Thất bại này được biến thành thắng lợi khi quân Liên minh dưới quyền chỉ huy của tướng Zollicoffer băng qua sông Cumberland vào ngày 19 tháng 01. Bằng cách ra lệnh cho viên tướng cao hơn cấp bậc mình hiện có, tướng chỉ huy quân đội George Crittenden tấn công
Thomas trong trận chiến tại Logan’s Crossroads (hay như quân Liên minh thường gọi là trận chiến Mill Springs). Quân Liên minh thua trận. Nhưng cuộc chiến chỉ là một sự kiện nhỏ. Kết quả của nó không thể lấy lại thế cân bằng về chiến lược tại mặt trận phía Tây. Nhưng nó là một hồi còi báo hiệu cho những sự kiện sẽ xảy ra ở khắp nơi dọc theo phòng tuyến này.
Vị trí quân Liên minh tại phía tây cực kỳ yếu. Tướng Johnston giờ đây chỉ huy tổng số 72 ngàn quân. Hơn 1/4 số quân này đóng ở phía Tây sông Mississipi. Tướng Halleck và Buell cùng chỉ huy một đội quân gấp hai lần số quân của tướng Johnston. Hơn nữa, quân Liên minh được triển khai thành hàng rào phòng thủ. Hàng rào này là mục tiêu tấn công khá lộ liễu của quân Liên bang bất cứ khi nào họ muốn. Biết được điểm yếu này, tướng Johnston nỗ lực tuyển mộ đủ quân bổ sung để tạo ra một lực lượng tương đương tại tuyến phòng thủ tại Nashville. Mọi nỗ lực thực hiện ý định ấy đều thất bại. Tướng Johnston nói rằng: cơn sốt của lòng nhiệt tình lúc mở màn cuộc chiến của nhân dân các bang đang bị đe dọa nguội đi, họ trở nên mệt mỏi. Họ “không còn sẵn sàng tham gia cách mạng như trước nữa”.
Những vị trí sơ hở nhất của phòng tuyến quân Liên minh nằm dọc hai bờ sông Tennessee và Cumberland. Đối thủ của tướng Johnston biết được tình trạng ấy. Tướng Grant dự định tấn công pháo đài Henry tại Tennessee, để phối hợp với một pháo hạm dưới quyền chỉ huy của đô đốc Andrew Foote thực hiện một cuộc tấn công. Tướng Halleck chuẩn y đề nghị này. Ngày 03 tháng 02, quân đội viễn chinh kết hợp nói trên đã lên đường từ Cairo. Quân của tướng Grant gồm 17 ngàn người đổ bộ từ những phương tiện vận chuyển đủ loại ngay dưới chân pháo đài. Và đầu giờ chiều ngày 06, Đô đốc Foote bắt đầu nã pháo vào vị trí trọng yếu này. Tướng chỉ huy quân Liên minh, Lloyd Tilghman, bị đánh bại hoàn toàn. Lúc này ông mới biết đến sự triển khai quân đội của tướng Grant nên cử hầu hết 2,5 ngàn lính rời pháo đài này đến pháo đài Donelson cách đó 12 dặm, bên bờ sông Cumberland. Sau hai giờ giao chiến dữ dội với lực lượng không cân bằng, tướng Tilghman đầu hàng.
Giờ đây tướng Johnston đưa ra một quyết định quan trọng. Với những con đường vận chuyển bằng thuyền trên sông Tennessee thường xuyên bị đe dọa bởi các cuộc tiến quân của Liên bang, và vị trí Bowling Green bị uy hiếp bởi cuộc tiến quân của tướng Buell từ phía dưới Louisville, với đạo quân hùng mạnh xấp xỉ 73 ngàn người, tướng Johnston quyết định bỏ ngỏ toàn bộ bang phòng tuyến Kentucky-Tennessee và tập trung lực lượng vốn đang bị rải mỏng tại miền Bắc Mississipi để thực hiện phản công. Ông cử tướng Beauregard, người gần đây được chỉ định là chỉ huy thứ hai, lãnh đạo chiến dịch này. Trong lúc đó tướng Johnston rút lui từ Bowling Green, băng qua Nashville cùng với cánh quân chủ lực dưới quyền ông.
Mặc dù tướng Johnston đã quyết định pháo đài Donelson không thể cố thủ, nhưng ở phút cuối ông mắc một sai lầm nghiêm trọng khi chia nhỏ thêm nữa những cánh quân của mình, bằng cách ra lệnh cho 12 ngàn quân bổ sung cố thủ cho pháo đài này. Như vậy quân ở pháo đài đã lên tới khoảng 17 ngàn người. Sĩ quan chỉ huy kỳ cựu tại pháo đài là tướng chỉ huy lữ đoàn John B. Floyd, cựu bộ trưởng bộ chiến tranh Hoa Kỳ.
Ngày 14 tháng 02, khi nỗ lực lập lại thành công trước đó của mình bằng cách tấn công pháo đài Donelson thật dữ dội với pháo hạm dưới quyền của ông, ông Foote thấy pháo đài này khó đánh bại hơn pháo đài Henry trước đó rất nhiều. Quân của ông đã phải rút lui với thiệt hại nặng nề bởi nỗ lực của các hạm đội quân Liên minh. Nhưng cánh quân của tướng Grant, lúc đầu chậm trễ vì nước ngập giờ đây đã được củng cố về sức mạnh với 27 ngàn quân đang bao vây
pháo đài. Ngày kế tiếp, quân Liên minh cố bẽ gãy phòng tuyến của tướng Grant để có thể kết hợp với cánh quân đang rút lui của tướng Johnston ở Nashville (tướng này đã nhận được lệnh phải chờ quân từ pháo đài đổ về nếu như pháo đài này thất thủ). Mặc dù lúc đầu cuộc tấn công bất ngờ của Liên minh thành công, quân Liên minh cũng không còn lòng dạ nào tìm kế thoát thân, và phòng tuyến của quân Liên bang dần khép lại, siết chặt vòng vây.
Đêm đó, trong một động thái vô trách nhiệm đáng chê trách, lệnh của quân Liên minh đã được truyền xuống cho tướng chỉ huy lữ đoàn Simon Bolivar Bucker. Ngay lập tức, ông này hỏi các điều khoản của tướng Grant để có thể đầu hàng có điều kiện. Câu trả lời của tướng Grant đã trở thành một cái tên lóng gắn liền với vị tướng này. Cái tên này cũng được ghi danh muôn thuở như tên bức tường thành của tướng Johnston: “đầu hàng không điều kiện”. Tướng Bucker nghe theo. Pháo đài thất thủ. Gần một phần ba quân trong toàn bộ cánh quân của tướng Johnston bị bắt. Chỉ có một số lính không bị bắt. Họ dưới quyền chỉ huy của một đại tá kị binh (sau này không còn ai nhắc đến ông ta nữa) có tên là Nathan Bedford Forrest. Chính ông đã dẫn đầu quân đội thoát vòng nguy hiểm bằng cách băng qua những chỗ nước đọng đang đóng băng. Thất bại của những pháo đài ở Tennessee đã khiến chiến trường miền Tây của quân Liên minh bỏ ngõ để đón tiếp những cuộc tấn công của Liên bang lấn sâu xuống vùng này.
Tổng thống Lincoln phản hồi những thông tin gây hào hứng từ những chiến thắng ở miền Tây bằng cách nỗ lực sửa chữa hiện trạng lính tráng bị chia năm xẻ bảy ở khu vực này. Ngày 11 tháng 03 ông chỉ định tướng Halleck chỉ huy toàn bộ chiến trường. Tướng Halleck lúc này vẫn còn ở St Louis cử tướng Grant (đã bị cách chức tướng chỉ huy bởi đã vi phạm trật tự quân đội) chỉ huy cánh quân ở Tennessee khoảng 40 ngàn người đang theo tàu bè đi một trăm dặm dọc theo con sông Tennessee từ pháo đài Henry, giờ đang hạ trại quanh Pittsburg Landing. Đó là một con tàu hơi nước đang thả neo gần phòng tuyến của bang Tennessee và Mississipi. Tướng Halleck ra lệnh cho tướng Buell lúc này đang ở Nashville với cánh quân chiếm cứ vùng Cumberland, kết hợp với tướng Grant tại Pittsburg Landing. Tướng Grant, lúc này đã đeo lon thiếu tướng, nắm quyền chỉ huy cho tới khi Halleck đến và trao quyền lại cho ông này chỉ huy cánh quân kết hợp. Trong lúc đó tướng Grant, nếu không tấn công, sẽ phải tránh một trận giao chiến lớn.
Theo lý thuyết, các kế hoạch của tướng Halleck đều hợp lý. Ông đang thực hiện một lý thuyết chiến thuật của Jomini: Tập trung lực lượng chống lại quân đội đang bị chia nhỏ của kẻ thù. Nhưng những lãnh đạo Liên minh cũng nghiên cứu Jomini. Họ cũng đang đau đầu không biết làm thế nào để tập trung lực lượng trước đã. Tướng Beauregard dựng trụ sở tại thị trấn nhỏ Corinth, Đông Bắc Mississipi. Chính tại nơi đây, hai dải đường sắt quan trọng nhất của Liên bang (Memphis - Charleston và Mobile - Ohio) giao nhau. Thị trấn này đối với Liên minh cũng quan trọng như Cairo đối với Liên bang. Đường sắt quan trọng đối với Corinth cũng như sông ngòi quan trọng đối với Cairo. Tướng Beauregard mang quân từ Columbus tới Corinth bằng phương tiện của hãng đường sắt Mobile - Ohio. Tướng Johnston mang quân đội từ Bowling Green theo đường bộ tới Bắc Alabama, sau đó lên tàu của hãng đường sắt Memphis - Charleston. Corinth chỉ cách doanh trại của tướng Grant tại bến thuyền Pittsburg Landing một ngày hành quân.
Các nhà chức trách Liên minh tại Richmond tăng cường tập trung tại Corinth bằng cách cử 15 ngàn quân bổ sung bằng đường sắt và đường sông từ Pensacola và New Orleanss. Cuối
tháng 3, Johnston có một lợi thế nhỏ về quân số so với tướng Grant ở Pittsburg Landing. Những cuộc hành quân này thể hiện sự sáng suốt khi sử dụng lợi thế đường sắt, một lợi thế mang tính chiến lược và tiên phong của thời kỳ ấy. Cả Tổng thống Davis lẫn tham mưu quân sự của ông, tướng Robert E. Lee, đều viết thư cho tướng Johnston thúc giục ông này tấn công tướng Grant trước khi quân đội của Buell kịp tới. Đây cũng chính xác là điều tướng Johnston suy nghĩ bấy lâu và ông đã thực hiện ý định này.
Việc tập trung các cánh quân tại mặt trận phía Tây không thực sự hoàn hảo. Ở miền Tây Bắc Arkansas, thiếu tướng Earl Van Dorn (người kế nhiệm ông Price) chỉ huy khoảng hai mươi ngàn lính. Ngày 8 tháng 3, tướng Van Dorn tấn công quân đội đối phương. Quân Liên minh bị đánh bại. Vì thế họ háo hức mong chờ được nổ lực chiếm Missouri. Anh hùng Texas Ben McCulloch tử trận trong trận chiến này. Cuối cùng, tướng Van Dorn buộc phải nghe theo lệnh của tướng Johnston kết hợp với các cánh quân của Liên minh đang tập trung tại Corinth nhưng ông này đến quá trễ nên không kịp tham gia trận chiến đang diễn ra gần đó.
Tướng Grant mong muốn tiến quân chiếm Corinth trước khi các cánh quân của Liên minh kịp gặp nhau tại đây. Nhưng ông đành phải kiềm chế vì nghe theo lệnh của tướng Halleck. Lửa nhiệt tình chiến đấu của tướng Grant bấy giờ quay lại hại ông. Mặc dù bây giờ ông biết về cuộc phản công của Liên minh tại Corinth, nhưng ông không hoàn toàn hiểu tính ác liệt của nó. Ông cho rằng quân Liên minh quá chán nản bởi những thất bại gần đây nên không thể phản công. Và ông ra lệnh cho tướng chỉ huy của lữ đoàn dưới quyền Buell: “Sẽ không có trận chiến nào xảy ra tại bến tàu Pittsburg Landing. Chúng ta sẽ phải tiến tới Corinth khi những kẻ nổi loạn đang mải củng cố lực lượng”. Khi tướng Grant đang nói những lời này, quân đội của tướng Johnston đã được triển khai thành đội hình tấn công cách dãy doanh trại quân Liên bang chỉ có vài trăm bước chân.
Cuộc chiến tại bến tàu Pittsburg (quân Liên minh gọi là Shiloh theo tên của nhà thờ hội giáo lý Shiloh gần nơi chiến sự xảy ra), là một trong những trận chiến lớn nhất kể từ đầu nội chiến. Vào đêm trước chiến dịch, khi tướng Beauregard hoảng sợ và muốn hoãn cuộc tấn công, tướng Johnston đã thôi không còn do dự như trước. Ông lớn tiếng ra lệnh cho cấp dưới đang run sợ tấn công. Đây là một trường hợp kinh điển về tướng tư lệnh. Theo lý thuyết của Clausewitz, “những xích mích trong chiến tranh” sẽ được giải quyết bằng sức mạnh của ý chí và sự thấu hiểu sâu sắc ý định của kẻ thù.
Quân dội của Liên minh có khoảng 40 ngàn người, đồng loạt tấn công vào rạng sáng ngày 6 tháng 4, họ đã sở hữu lợi thế bất ngờ trong chiến thuật và hoàn toàn bất ngờ trong tác chiến ngay ở đợt xung phong đầu tiên làm cho quân của Liên bang tán loạn. Nhưng quân đội của Liên bang, lúc ấy là 35 ngàn người đang có mặt tại chiến trường, nhanh chóng phục hồi và ngoan cường đánh trả. Cả hai người, Johnston và Grant (sau khi quân của Gian tới nơi vào lúc chín giờ sáng từ điểm xuất phát là Savannah, Tennessee nơi có tổng hành dinh của họ) hành động với sự kiên định và bình tĩnh đầy mẫu mực. Đến trưa, trận chiến ác liệt đã lên tới đỉnh điểm của nó. Có lẽ chưa bao giờ lại có cuộc chiến nào ác liệt như vậy từ đầu chiến tranh tới bây giờ. Tương tự, điểm nóng nhất của phòng tuyến là bên trái quân Liên bang, đã đời đời được biết đến như một nơi ác liệt nhất.
Đầu giờ chiều, tướng Johnston thất bại khi nỗ lực bao vây hoặc đẩy lùi cứ điểm khó khăn này, nhằm tách rời quân đội Liên bang khỏi căn cứ bên bờ sông Mississipi. Tướng Beauregard
chỉ huy tiếp tục cuộc tiến công của Liên minh kéo dài suốt buổi chiều cho tới khi quân của ông ta chiếm lĩnh toàn bộ trận địa, ngoại trừ vành đai cố thủ cuối cùng của Liên bang vây quanh nơi bờ đá dốc đứng phía trên bến tàu Pittsburg Landing. Ngay trước khi trời tối, tướng Beauregard dừng tấn công để lính tráng đã mệt mỏi của ông nghỉ lấy sức bởi ông nhận được một thông tin sai lệch rằng quân của Buell đã đi lạc hướng không đến nơi này. Ông ra lệnh sẽ tấn công tiếp tục vào lúc bình minh.
Có lẽ quân Liên minh không thể đánh bại quân của tướng Grant, dù cuộc tấn công của họ không bị ngưng lại giữa chừng. Vào lúc chiều muộn, phòng tuyến quân Liên bang (đã bị cắt ngắn hơn và liên kết chặt chẽ với nhau hơn) đã được hỗ trợ bởi một khẩu đội pháo có quy mô lớn của bộ tư lệnh pháo binh. Đồng thời lúc này một quân đoàn của tướng Grant dưới quyền trực tiếp của lữ đoàn trưởng tướng Lew Wallace, đã đến chi viện. Quân đoàn này đóng quân cách đó vài dặm phía hạ lưu của sông và đã phải mất hàng giờ đi lạc trong rừng mới đến được nơi xảy ra chiến sự. Quyết định của Beauregard vẫn là một sai lầm chết người. Dù cho ông có tiếp tục trận chiến trong ngày đầu tiên để có thể giành toàn thắng hoặc ông rút lui, kết quả đều như nhau. Trong đêm, quân của Buell khoảng 20 ngàn người kết hợp với quân tướng Grant. Khi trận chiến tiếp tục vào ngày hôm sau, quân Liên minh giàn trận trên chiến trường, với tỉ lệ một chọi hai, quân Liên minh đã rơi vào thảm họa.
Tướng Grant lập tức phản công và đẩy lui quân miền Nam, giành lại mảnh đất họ đã chiến thắng với cái giá quá đắt ngày hôm trước. Đầu giờ chiều, cảm giác quân đội mình sắp tan rã, tướng Beauregard ngừng giao chiến và bắt đầu mệt mỏi, mất tinh thần khi rút lui về Corinth. May cho quân Liên minh, tướng Grant không nổ lực nhiều để truy kích. Khi các cánh quân của Sherman hờ hững truy đuổi, họ đã bị chặn đứng bởi một đạo quân tập hậu của Liên minh chiến đấu ngoan cường dưới quyền của tướng Forrest và đại tá John Hunt Morgan. “Trận Shiloh đẫm máu” đã kết thúc. Số lính tử trận của Liên bang là 1754, Liên minh: 1723. 8508 quân Liên bang bị thương, quân Liên minh là 8012. 2885 quân Liên bang mất tích. Quân mất tích của Liên minh là 959, hầu hết bị bắt làm tù binh. Đó là một chiến thắng của Liên bang. Là một chiến thắng giành được trong đường tơ kẻ tóc, nhưng là một chiến thắng quan trọng về nhiều mặt bởi vì nó đã giúp quân Liên bang tiến sâu vào khu vực phía Tây thuộc lãnh địa Liên minh và dọn đường cho một cuộc tiến quân mới của Liên bang vào khu vực này.
Trận Shiloh khiến người ta dự đoán trước được những trận đánh khác diễn ra trong nội chiến. Nó mang tính ác liệt, cơ hội và sự bất thường của chiến tranh. Nó cho thấy lòng dũng cảm, trí thông minh cũng như minh chứng của sự lưỡng lự và thiển cận của các vị tướng cùng cấp dưới của họ. Nó cũng cho ta thấy sự dũng cảm kiên định cũng như sự hèn nhát; cho thấy những cơn hỗn loạn của lính tráng; cho thấy cái giá khủng khiếp của chiến tranh. Nó còn dạy cho cả hai bên tham chiến biết đâu là nỗ lực lớn lao và hi sinh vô bờ bến cần phải có để giành được chiến thắng.
Những cánh đồng và những khu rừng thanh bình thường thấy ở Shiloh giờ tan tác. La liệt đây đó là những xác chết, lính hấp hối và người bị thương. Những bệnh viện dã chiến hoạt động hối hả. Các bác sĩ phẫu thuật áo choàng vấy máu. Số người chết nhiều chưa từng thấy. Những thủ thuật cắt, cưa và cầm máu nhanh chóng tạo ra những đống chất đầy cánh tay, cẳng chân được cắt lìa trông thật khủng khiếp. Y tá quân của Liên minh là Kate Cumming đã mô tả một trong những bệnh viện dã chiến tại Corinth, nơi có quá nhiều binh sĩ tàn phế “bị cắt xẻo
theo những cách không thể tưởng tượng nổi” nằm xếp lớp lên nhau trên nền nhà nhầy nhụa máu. Cô khó tìm được cách để không giẫm vào những quân nhân ấy trong khi làm nhiệm vụ. Thủ thuật cắt cụt liên tục được tiến hành, hầu như chỉ để thấy hậu quả đến ngay là những cái chết đến tức thời. Các phương tiện chuyên chở của Liên bang và tàu thuyền thường mang đồ tiếp tế giờ đầy ắp nhưng nạn nhân của cuộc chiến, “người ta bị thương bị cắt xẻo theo đủ cách trên đời”. Một người trong số họ đã viết như vậy: “Người chết và hấp hối nằm chồng lên nhau, người thì không có tay, người thì không có chân, thậm chí xương hàm của họ cũng bị gãy vụn. Họ bị chảy máu cho tới chết, không ai còn thời gian thường trực chăm sóc hay thay băng cho họ”. Tướng chỉ huy lữ đoàn James A. Garfield người Ohio, sau này là Tổng thống Hoa Kỳ, mô tả Shiloh sau trận chiến là một quang cảnh khủng khiếp không bút mực nào tả xiết.
Cùng với Shiloh, các hoạt động chiến trường xa hơn nữa về phía Tây mang lại thêm nhiều chiến thắng cho Liên bang. Tháng 2 năm 1862, lữ đoàn trưởng Henry H. Sibley, một tướng tài của Liên minh dẫn đầu một đoàn quân khoảng 4 ngàn người Texas đến New Mêxicô với hi vọng bảo toàn lãnh thổ Arizona và bao vây California. Ông đã thành công trong việc chiếm được Albuquerque và Santa Fe. Nhưng ngày 15 tháng 4 ông bị đánh bại tại Glorieta Pass gần Santa Fe bởi một cánh quân Liên bang dưới sự chỉ huy của đại tá Edward R. S. Canby. Phần còn lại của đội quân do tướng Sibley chỉ huy bị đẩy lùi tới tận Texas. Sự kiện này chấm dứt mối đe dọa của quân Liên minh đối với miền Tây Nam xa xôi.
Trong lúc các trận chiến Shiloh và Glorieta đang diễn ra ác liệt, các chiến dịch của Liên bang cũng quan trọng không kém đang được tiến hành trên sông Mississipi. Đây là con đường huyết mạch của lục địa Mỹ. Khi quân của tướng Grant di chuyển lên thượng nguồn sông Tennessee để tập trung tại bến tàu Pittsburg Landing, một cánh quân khoảng 23 ngàn người của Halleck, dẫn đầu là lữ đoàn trưởng tướng John Pope, di chuyển xuống bờ Tây sông Mississipi. Người thuộc Liên minh đã bỏ trống thị trấn New Madrid, Missouri và tập trung quân tại hòn đảo số mười được củng cố vững chắc về mặt quân sự trên sông Mississipi.
Đô đốc Andrew Foote đưa những pháo hạm của ông đi ngang qua hòn đảo này và vận chuyển quân của tướng Pope bằng phà ngang qua dòng sông dưới hòn đảo. Hành động này làm cô lập quân Liên minh bằng cách cắt ngang con đường huyết mạch của họ. Một ngày sau trận chiến Shiloh, một tiểu đoàn quân đồn trú gồm 7 ngàn người đã đầu hàng. Một công sự yếu ớt của quân Liên minh có tên là pháo đài Pillow tại Chickasaw Bluff trên sông Mississipi, phía trên Memphis giờ đây bị cho là không phòng thủ được và bị bỏ trống. Ngày 5 tháng 6, một đội tàu nhỏ quân tiếp viện của Andrew Foote đã đánh bại hạm đội tạm thời của quân Liên minh trên sông ngay tại Memphis và chiếm cứ thành phố này.
Khi quân Liên bang và hạm đội trên sông di chuyển xuôi theo dòng Mississipi, một chiến dịch đầy kịch tính đã mở màn từ miền cực Nam con sông này. Đầu tháng 10 năm 1861, Đô đốc George N. Hollins của quân Liên minh đã tấn công hạm đội phong tỏa của quân Liên bang tại cửa sông nhưng thất bại. Không lâu sau đó, đô đốc quân Liên bang là Davis Glasgow Farragut, người gốc Tennessee và là một cựu binh lừng danh có năm mươi năm kinh nghiệm phục vụ quân ngũ, tập hợp một hạm đội gồm 17 chiến thuyền tại đảo Ship ngay ngoài bờ duyên hải vịnh Mississipi và tiến đến hai pháo đài Jackson và St. Philip (hai công sự của Liên minh trên sông Mississipi cách New Orleans 75 dặm ở phía dưới). Trong đêm 23 rạng sáng 24 tháng 4 năm 1862, sau một trận giao chiến súng đạn ác liệt. Đô đốc Farragut đã thành công trong việc
chiếm hai pháo đài này và tiến thẳng về New Orleanss.
Hạm đội của Liên bang đến New Orleans vào ngày 25 chỉ để thấy nơi này không hề được phòng thủ. Hầu hết quân lính lúc đầu được cử đi chi viện cho New Orleans đã bị quân Liên minh tấn công tại Shiloh. Kết quả là, lữ đoàn trưởng quân Liên minh, tướng Mansfeild Lovell, chỉ huy ở quân New Orleans, bỏ ngỏ thành mà không chống cự. Pháo đài Jackson và St. Philip (bị bao vây bởi một cách quân miền Bắc khoảng 15 ngàn người dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Benjamin F. Butler đi theo hạm đội của Andrew Foote) đầu hàng ngày 27. Ngày 1 tháng 5, quân đội của tướng Butler đổ bộ lên New Orleans và bắt đầu cuộc chiếm đóng lâu dài ở đây.
Vòng vây ngày càng khép chặt của Liên bang trên sông Mississipi diễn ra đồng thời với những chiến dịch thành công dọc theo miền duyên hải Đại Tây Dương của Liên minh. Để vòng vây thêm chắc chắn (lúc đầu nó tỏ ra không hiệu quả), hải quân của Liên bang bắt đầu tổ chức những căn cứ phong tỏa dọc theo bờ biển. Cuối tháng 8 năm 1861, một đội quân lính thủy đánh bộ dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Silas H. Stringham chiếm cứ các vị trí của Liên minh canh giữ vùng Hatteras Inlet, Nam Carolina trong nỗ lực phá vòng vây ở Pamlico Sound. Tháng 1 năm 1862, một đội lính thủy đánh bộ khác chiếm cứ vị trí của Liên minh tại đảo Roanoke. Vị trí này canh giữ một kênh đào giữa Pamlico và eo biển Albemarle. Những cuộc chiếm cứ này vô hiệu hóa mọi bến cảng ở Nam Carolina, ngoại trừ bến cảng Wilmington trên sông Cape Fear, con sông chảy ra biển Đại Tây Dương theo những eo biển ở đây.
Một trong những chiến dịch quan trọng nhất miền duyên hải là chiến dịch chiếm cứ pháo đài Poal Sound ở Nam Carolina xảy ra vào tháng 10 năm 1861. Đây là một cảng tuyệt vời nằm giữa Charleston và Savannah. Đô đốc Samuel F. DuPont chỉ huy hạm đội và quân viễn chinh, cùng với lữ đoàn trưởng tướng Thomas Sherman dẫn đầu một đội quân 17 ngàn người chiếm giữ và cố thủ tại địa điểm này. Sự bất lực giữa các cộng sự Liên minh trong việc chống cự những trận giao chiến trên biển đã khiến tướng Robert E. Lee, người tạm thời chỉ huy tuyến phòng thủ dọc miền duyên hải phía dưới của Đại Tây Dương, bỏ đi nhiều công sự ở đây. Ông cho quân rút lui mang theo súng đạn, ngăn các con sông và hình thành một phòng tuyến quân sự sâu hơn trong đất liền ngoài tầm đạn của các chiến thuyền Liên bang. Phòng tuyến này canh giữ vùng đất trải dài từ Charleston tới Savannah, bao gồm cả một tuyến đường sắt nối hai địa điểm này. Giờ đây hai thành phố này được cố thủ bởi một vành đai pháo đài vững chắc bao quanh. Tuyến phòng thủ này cực kì hữu hiệu trong suốt cuộc chiến. Hai thành phố kia cuối cùng cũng thất thủ, nhưng chỉ khi có quân Liên bang đánh từ trong ra.
Những thành công của Liên bang vào mùa xuân năm 1862 đã nâng cao tinh thần của miền Bắc, và khiến miền Nam thoái chí. Nhưng số thương vong khủng khiếp của trận Shiloh đã khiến nhân dân của hai miền nghẹn ngào. Dân New Orleans không bao giờ còn cười tươi được nữa trong suốt chiều dài cuộc chiến (theo lời của tiểu thuyết gia George Washington Cable, người thành phố này). Tổng thống Lincoln cũng bàng hoàng đau đớn trước cảnh nồi da xáo thịt ở Shiloh. Nhưng ông cũng bắt đầu thấy được con đường đến với kết cục chiến thắng của cuộc nội chiến. Nhiều người hối thúc ông bãi chức tướng Grant bởi người ta cho rằng ông này luôn say xỉn ở Shiloh. Sau này người ta nói Tổng thống Lincoln đáp trả như sau: “Nói xem ông ta uống rượu loại nào, tôi muốn tặng cho mỗi tướng của tôi một chai”. Ý ông là: “Tôi không thể sa thải ông ta. Ông ta đã chiến đấu ra trò”.
4. Những vị tướng nổi bật và chiến tranh leo thang
Mặc dù những chiến thắng của Liên bang trong mùa đông, xuân và đầu mùa hè năm 1862 ở miền Tây và dọc bờ biển Đại Tây Dương là món ngọt ngon cho khẩu vị của người miền Bắc. Nhưng lực lượng 60 ngàn quân Liên minh dưới quyền tướng Josphep E. Johnston vẫn còn nguyên vẹn và vẫn canh giữ Richmond, đồng thời đe dọa Washington.
Đầu tháng 03 năm 1862, khi tướng McClellan đang nỗ lực thao diễn bên sườn phải quân Liên minh, tướng Johnston hủy bỏ cuộc thao diễn này bằng cách rút lui khoảng 30 dặm về bờ phía nam sông Rappahannock. Tướng McClellan giờ đây đề nghị một cuộc thao diễn lớn hơn và kêu gọi quân đội của ông tiến xa hơn xuống phía vịnh Chesapeake để có thể bao vây thủ đô của Liên minh bằng cách tiếp cận nó dọc bán đảo Virginia. Bán đảo này được hình thành bởi hai con sông York và James. Tổng thống Lincoln chấp nhận kế hoạch này với thái độ lưỡng lự bởi vì nó sẽ biến thủ đô Washington thành một vị trí sơ hở.
Kế hoạch của tướng McClellan cũng phải đối mặt với một cản trở khác. Tại Norfolk, thuộc Virginia, đối diện những đường Hampton, từ cửa sông James, có một tàu chiến bọc thép của Liên minh tên là Virginia (được cải thiện từ một con tàu gỗ của Mỹ tên Merrimack). Ngày 08 tháng 03, tàu Virginia tấn công và làm tan tác đội hình của hạm đội phong tỏa gồm nhiều thuyền gỗ tại Hampton Roads. McClellan khăng khăng nói rằng tàu Virginia phải bị đánh bại trước khi ông bắt đầu chiến dịch của mình. Bộ trưởng bộ chiến tranh Edwin M. Stanton, người kế vị ông Cameron, lo sợ rằng con tàu này của Liên minh thậm chí sẽ còn tiến về phía sông Potomac và oanh tạc Washington.
Chính phủ Liên bang cũng có tàu chiến bọc thép của riêng mình là tàu Monitor, một con tàu thiết kế có mâm pháo (trông giống một chiếc hộp pho-mát trên một chiếc bè) với súng ống được gắn trên một mâm pháo có thể xoay được. Tàu này được một kỹ sư hàng hải người Mỹ gốc Thụy Điển tài năng là ông John Ericsson thiết kế. Một ngày sau khi tàu Virginia nổi cơn thịnh nộ, tàu Monitor đến Hampton Roads và khiêu chiến với tàu của Liên minh. Sau một trận đánh dè chừng kéo dài bốn giờ, tàu Virginia chạy ì ạch về phía cảng Norfolk, để tàu Monitor chiếm lĩnh khu vịnh. Con tàu Virginia bị đánh phá hư hỏng không bao giờ còn tiến lên được nữa. Cuối cùng nó bị phá hủy bởi chính đoàn thủy thủ để tránh phải mất nó vào tay quân đội Liên bang chiếm đóng khu vực này. Bên cạnh việc chỉ ra rằng những con tàu bằng gỗ đã nhanh chóng trở nên lỗi thời, cuộc chiến của những con tàu bọc thép tại Hampton Roads đã dọn đường cho cuộc tấn công của tướng McClellan.
Cuối tháng ba tướng McClellan bắt đầu di chuyển tới pháo đài Monroe ở miền cực bán đảo Virginia và nhanh chóng tập trung được hơn 100 ngàn lính tại đây. Dù Tổng thống Lincoln thúc giục ông “vung nắm đấm lên giáng một đòn mạnh”, song ông vẫn thận trọng bao vây Yorktown và để cho lữ đoàn trưởng, tướng John B. Magruder của Liên minh với chỉ 17 ngàn quân triển khai khắp khu vực phía dưới của bán đảo, làm chậm trễ bước tiến của đoàn quân Liên bang suốt gần một tháng, dư dả thời gian cho Johnston can thiệp vào đội quân chủ lực giữa McClellan và Richmond. Tướng McClellan cường điệu những con số của Liên minh báo về cho tổng thống nhờ một nhân viên tình báo, thám tử Allan Pinkerton và tránh né việc thực hiện một đòn tấn công quyết định.
Trong lúc đó, tướng Robert E. Lee lúc này trực tiếp chịu sự chỉ huy của Tổng thống Davis để
thực hiện việc “kiểm soát và làm chủ những chiến dịch quân sự của Liên minh”, từng bước tiếp tay cho Johnston chống lại mối đe dọa của Liên bang. Từ những vị trí an toàn dọc theo bờ biển Đại Tây Dương về phía dưới, tướng Lee đưa quân dần tiến đến Virginia. Nhưng hành động quan trọng nhất của ông là làm suy yếu quân đội của tướng McClellan bằng cách liên tục chia nhỏ lực lượng của Liên bang. Tổng thống Lincoln giữ một quân đoàn của tướng McDowell tại Fredericksburg, dự định sẽ giao nó cho tướng McClellan khi nào ông nhận được tin tốt lành rằng: thủ đô không còn trong vùng nguy hiểm trực tiếp nữa.
Tướng Lee tìm cách không cho Tổng thống Lincoln được hưởng sự thỏa mãn ấy. Có một cánh quân của Liên minh vẫn còn có khả năng đe dọa Washington, một đội quân khoảng 17 ngàn người dưới sự chỉ huy của tướng Stonewall Jacksdon tại thung lũng Shenandoah. Ngày 21 tháng 04 tướng Lee viết thư cho ông Jackson, đề nghị ông hãy tấn công quân đội của Liên bang tại đây. Nếu có thể hãy đi xuôi xuống vùng thung lũng về phía Bắc. Có nghĩa là đi theo một hướng tạo ra cho kẻ thù ý tưởng rằng ông ta định vượt sông Potomac để tiến vào Marylanh. Tướng Lee nói: “Tôi đã hy vọng trong điều kiện bị chia năm xẻ bảy hiện nay của quân lực Liên bang, một đòn mạnh và hiệu quả kết hợp thật nhanh các cánh quân của chúng ta trước khi quân Liên bang kịp củng cố lực lượng tại chỗ hoặc được cứu viện”.
Việc thi hành lời đề nghị của tướng Lee do Jackson đảm nhiệm đã biến mọi niềm hy vọng của ông ta thành sự thật. Cả thế giới được chứng kiến một sự kiện không thể nào quên, minh chứng cho trực giác bén nhạy của giới lãnh đạo, đồng thời cả tính táo bạo, ý chí và những phẩm chất được nhà triết học Clausewitz đánh giá cao. Hơn nữa, họ còn được chứng kiến cả sự sử dụng tài tình địa hình địa thế các phòng tuyến nội bộ, tính linh hoạt, yếu tố bất ngờ và hoạt động tập trung lực lượng chống lại kẻ thù đang bị chia rẽ. Những nguyên tắc chiến thuật này được ông Jomini đánh giá cao. Quân của Jackson bị bao vây bởi một số lượng lính Liên bang gấp ba lần lính Liên minh. Nhưng quân Liên bang bị chia nhỏ thành ba đội quân ngay tại đường vào thung lũng. Tướng Fremont chỉ huy một đội quân nhỏ hơn tại Alleghenies nằm ở phía Tây thung lũng. Lữ đoàn trưởng James Shield đóng đô tại sườn đông của thung lũng. Như vậy họ cho phép Jackson tấn công lần lượt từng cánh quân một.
Jackson đã thực hiện cuộc tấn công lịch sử này với kỹ năng và lòng dũng cảm vô song, quét sạch quân Liên bang cả phía trên và dưới thung lũng. Ông ta sử dụng núi Massanutten, chạy dọc theo đáy thung lũng như một tấm khiên, và di chuyển thật nhanh qua khe núi, tới những điểm xa nhất của nó khiến cho đối thủ của ông liên tục bị bất ngờ. Trong khoảng thời gian từ ngày 08 tháng 05 đến ngày 09 tháng 06, ông đưa quân lính hành quân suốt 400 dặm, đánh 5 trận, và bắt sống số lính của Liên bang nhiều bằng toàn bộ quân lính của ông cộng lại, đồng thời chiếm được một lượng lớn đạn dược và nhu yếu phẩm.
Những thành tựu về mặt chiến thuật là rất to lớn. Những thành tựu về chiến lược còn lớn hơn. Đúng như tướng Lee dự đoán, chiến dịch của tướng Jackson không chỉ vây chặt khoảng 60 ngàn lính Liên bang tại thung lũng. Nó còn khiến Tổng thống Lincoln phải thu lại toàn bộ quân đoàn của tướng McDowell, không cho tướng McClellan nắm giữ trong nỗ lực vây hãm Jackson và đồng thời bảo vệ Washington. Như vậy, ông ngăn chặn các đạo quân của Liên bang tại Virginia không thể tập trung chống lại quân đội của tướng Johnston tại bán đảo Virginia.
Khi chiến dịch thung lũng gần đến hồi kết thúc, những quân đoàn lớn trên bán đảo Virginia đã tham chiến ở vị trí chỉ cách Richmond 5 dặm. Nếu đứng trên tháp nhà thờ lớn của thành
phố, ta cũng có thể quan sát được các trận giao tranh. Trên đường đến thành phố này, tướng McClellan chia quân làm hai nhánh tiến theo thế gọng kiềm vượt qua con sông Chickahominy rộng mênh mông vào mùa mưa lũ khó lòng sang được. Ba trong số năm quân đoàn của ông ở phía Bắc của dòng sông để có thể che chở cho căn cứ của ông tại sông York và giữ chỗ cho cánh quân của tướng McDowell (từ Bắc Virginia tiến tới) cùng kết hợp. Ngày 31 tháng 05, tướng Johnston đưa quân chủ lực chiến đấu với hai quân đoàn của Liên bang ở phía Nam Chickahominy trong trận chiến mang tên Bảy Cây Thông hoặc Rừng Sồi Đẹp (Fair Oaks). Diệu kế của tướng Johnston: tấn công một đạo quân của kẻ thù với một lực lượng hùng hậu. Nhưng việc thực hành kế hoạch này lại sai lầm. Cuộc tấn công quá chậm chạp và sự phối hợp không ăn ý. Tướng McClellan quá khó nhọc mới đem quân cứu viện từ phía Bắc của con sông tới vùng này và ngăn chặn bước tiến của quân Liên minh. Vào lúc chiều muộn, tướng Johnston bị thương nặng trong lúc nỗ lực chỉ huy các cánh quân kết hợp cùng tấn công. Ngày hôm sau, Tổng thống Davis chỉ định tướng Lee là tổng tư lệnh quân đội.
Tướng Robert Lee là hiện thân của truyền thống kỵ sĩ rất được lòng dân chúng miền Nam. Ông là hậu duệ của hai dòng tộc được tôn sùng nhất ở Virginia (dòng họ Lee và Carters). Ông là con trai của “Con tuấn mã Harry”, một trong những chiến binh lừng lẫy của cuộc cách mạng Mỹ. Tướng Lee là sĩ quan được đào tạo bài bản và gương mẫu tại học viện West Point (1829) và là một anh hùng lừng danh của cuộc chiến Mêhico. Nói về vai trò của ông trong cuộc chiến tranh Mêhico, tướng Winfield Scott một vị tướng danh giá bậc nhất của cuộc chiến này từng nói: “Thành công của Mỹ tại Mêhico phần lớn có được nhờ kỹ năng, lòng dũng cảm và trí lực dẻo dai của tướng Robet Lee… Ông là một chiến binh tuyệt vời nhất tôi từng thấy trong cuộc chiến này”. Thêm vào đó tướng Lee còn là một con chiên ngoan đạo của dòng Tân giáo. Ông rất đẹp trai với bộ râu quai nón giống như thần Jupite. Ông từng là lựa chọn đầu tiên của Tổng thống Lincoln vào vị trí chỉ huy quân đội Liên bang trong cuộc nội chiến.
Tháng 05 đến tháng 06 năm 1862.
Lòng trung thành của tướng Lee đối với Liên minh chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Ông phản đối cả chế độ sở hữu nô lệ lẫn hành động li khai. Quân đội Hoa Kỳ vẫn còn nhớ đến ông như một người mang quan điểm vì dân vì nước. Nhưng ông gắn số phận mình với bang Virginia khi bang này li khai với Liên bang. Ông giải thích: không thể rút gươm chống lại đồng bào của chính mình. Sau cuộc chiến, trong một bức thư gửi ngài Acton, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước Anh, tướng Lee giải thích quyết định của ông bằng cách nói rằng ông tin việc duy trì quyền và uy thế do hiến pháp trao cho các bang chính là lá chắn cho việc bảo toàn một bang tự do. “Tôi cho rằng đó là nguồn gốc chính của sự vững bền của hệ thống chính trị đất nước tôi. Việc đoàn kết các bang thành một chính thể cộng hòa hùng mạnh, chắc chắn, về mặt đối ngoại là hung hăng về mặt đối nội là bạo ngược, sẽ là điểm báo trước của sự phá hủy khủng khiếp chôn vùi tất cả những gì đã từng có trước đây”. Trong đoạn này, ông đồng hóa tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình với mối nguy hiểm của những thế lực to lớn ngày một dâng cao.
“Liệu Tổng thống Davis có sáng suốt khi chỉ định tướng Lee làm tư lệnh quân đội Liên minh?” Vẫn còn là một vấn đề khó hiểu. Tài lãnh đạo nổi bật của tướng Lee đối với quân chủ lực của Liên minh (tên ông được đặt cho đội quân Bắc Virginia) đã giành nhiều chiến thắng vinh hiển và xếp ông vào số những tướng tư lệnh vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhưng cuộc chỉ định này đã đẩy Liên minh vào chỗ mất đi một tham mưu về chiến lược trong chính phủ. Ông
Hattaway và Jones kết luận rằng: vị trí của Robert E. Lee tại Richmond ngày ấy giống như vị trí tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ngày nay. Và họ cũng trích dẫn lời của Douglas Southall Freeman rằng: có quá ít thời điểm trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tướng Lee “đóng góp được nhiều cho việc duy trì sự nghiệp của Liên minh”. Có lẽ ông vẫn nên ở vị trí tham mưu cho chính phủ lại hơn.
Tướng Lee nhanh chóng quyết định tiếp tục tấn công tướng McClellan. Ông tập trung quân đội của Liên minh nhắm vào một quân đoàn duy nhất của Liên bang, dưới sự chỉ huy của lữ đoàn trưởng tướng Fitz John Porter, lúc này vẫn đang cố thủ ở Bắc Chickahominy. Từ cuộc tấn công tuyệt vời của đội kỵ binh dưới quyền chỉ huy của tướng J. E. B. “Jeb” Stuart bao vây toàn bộ quân đội của tướng McClellan, tướng Lee biết được cánh quân phía sườn phải của Liên bang đang sơ hở. Nó không thể cố thủ tại nơi địa hình địa thế khó khăn như sông hoặc đầm lầy. Nó cũng không thể dồn lại đằng sau để hình thành một vành đai phòng thủ. Để đòn tấn công của mình thêm mạnh mẽ, tướng Lee lại cho Jackson đưa quân của ông này tới theo đường sắt thông qua ga Atlanta và đường sắt trung tâm Virginia nằm ở phía Bắc Richmond, sau đó kết hợp lại cùng tấn công mạnh vào cánh quân bên sườn đang sơ hở của tướng Porter từ phía sau.
Ngày 26 tháng 06 tướng Lee mở cuộc phản công mang tên “cuộc chiến kéo dài 7 ngày”. Ông Robert E. Lee tấn công phòng tuyến của Porter tại Mechanicsville. Nhưng tướng Lee lúc này cũng hiểu những khó khăn đang khiến tướng Johnston khó xử: “Những khó khăn của những cuộc xích mích thời chiến”. Mọi chuyện bắt đầu xấu đi và khiến cho kế hoạch của tướng Lee phải bỏ dở. Sự kiện tồi tệ nhất là sự chậm trễ không thể hiểu nổi của tướng Jackson và tâm lý thờ ơ lan tràn khắp chiến dịch. Rõ ràng đây là hậu quả đáng buồn sau quá nhiều nỗ lực. Tướng Porter làm chậm lại các cuộc tấn công của ba quân đoàn Liên minh dưới sự chỉ huy của các tướng A. P. Hill, thiếu tuullg D. H. Hill và thiếu tướng James Longstreet. Khi biết sự có mặt của tướng Johnston, tướng Porter rút lui về Gaines’ Mill. Tại đây vào ngày 27, tướng Lee tiếp tục cuộc tấn công của mình. Mặc dù bị đẩy lui khỏi vị trí cố thủ, tướng Porter vẫn có thể rút lui về phía Nam Chickahominy tới ga Savage Station. Ngày 29, tướng Lee một lần nữa lại tấn công nhưng không có kết quả.
Trong lúc đó, tướng McClellan cùng binh lính không có việc gì làm và sống nhàn hạ tại phía Nam Chickahominy. Bị lừa gạt bởi những cuộc thao diễn tài tình của quân Liên minh tại đây, tướng McClellan tiếp tục cường điệu sức mạnh của đối thủ và một mực tin cuộc tấn công lớn của quân Liên minh sẽ diễn ra tại bờ Nam của con sông này. Vào ngày 27, càng lúc càng lo sợ, ông này quyết định thay đổi căn cứ từ sông York tới bến tàu Harrison trên sông James. Từ nơi này quân của ông ta có thể sẽ được hỗ trợ bằng hải quân và ông lệnh cho toàn bộ quân đội của mình tiến theo hướng ấy. Đây là một cuộc rút lui, nếu không nói là cố tình quay lưng lại với chiến dịch tiến tới Richmond.
Nản lòng và tức tối vì Lincoln ngăn chặn quân đoàn của tướng McDowell, tướng McClellan đọc cho Stanton viết một bản báo cáo với những thông điệp không phục tùng ghê gớm được một viên tướng soạn thảo để gửi cho cấp trên của mình. Bản báo cáo có nội dung: “Tôi đã thua trận này bởi lực lượng do tôi chỉ huy quá nhỏ bé… Chính phủ đã không giữ nổi quân đội của mình… Nếu giờ đây có thể cứu được quân đội này, tôi đơn giản nói với ngài rằng tôi không hề nợ một lời cảm ơn nào với ngài hay bất cứ ai ở Washington. Ngài đã nỗ lực biến đội quân này thành vật hi sinh”. May thay cho McClellan, sĩ quan dưới quyền ông đã xóa đi đoạn này trong
bức điện tín.
Tướng Lee cảm nhận rằng tướng McClellan đang tiến về phía sông James và ông ra lệnh nỗ lực tấn công quân đội Liên bang một đòn chí tử trong lúc đang di chuyển. Nhưng quân Liên minh không thể tiến sâu vào đội quân bảo vệ của Liên bang trong trận Glendale (30 tháng 6). Tướng McClellan thành công trong việc gây dựng đội quân của mình ở một vị trí trọng yếu đối diện với đồi Malvern. Chiều ngày 01 tháng 7, tin rằng quân đội Liên bang tiếp tục thoái lui, tướng Lee tấn công đồi Malvern nhưng bị đánh bại trong một trận chiến đẫm máu. Đặc biệt nghiêm trọng là cuộc đọ súng với quân đoàn pháo binh hùng hậu của Liên bang. Ngày hôm sau tướng McClellan cũng rút lui về bến tàu Harrison và chiến dịch vịnh Virginia kết thúc.
Những kết quả cuối cùng của “Cuộc chiến kéo dài 7 ngày” là một chuỗi những lần đụng độ mang lại chiến thắng cho quân Liên bang. Đồng thời quân Liên minh chịu số thương vong lớn hơn quân Liên bang rất nhiều. Trên 20 ngàn so với ít hơn 16 ngàn. Nhưng lòng quả cảm của tướng Lee khiến kế hoạch phòng thủ của Liên bang phải bỏ dở. Robert E. Lee đã cứu được thủ đô của Liên minh miền Nam. Với những thành công này, nhất là sau những mất mát to lớn của Liên minh tại Shiloh và New Orleans, Robert E. Lee đã lên dây cót tinh thần và nhuệ khí cho dân chúng miền Nam. Như vậy, “cuộc chiến kéo dài 7 ngày” chính là thắng lợi về mặt chiến lược của quân Liên minh nếu tính về nhiều mặt.
Cực kỳ thất vọng, Tổng thống Lincoln thăm tướng McClellan tại căn cứ của ông này nhằm nỗ lực tìm hiểu kế hoạch của ông ta và thôi thúc tướng McClellan hành động hiệu quả hơn. Thay vì đệ trình kế hoạch cụ thể, tướng McClellan trao cho Tổng thống một lá thư thuyết giáo ông về mục đích chính trị chính đáng của cuộc chiến khi tổng thống sắp ra về, thư thúc giục rằng: Xã hội và kinh tế miền Nam, đặc biệt là chế độ chiếm hữu nô lệ, nhất định không được động tới. Ông ta bảo: chỉ với cách ấy Tổng thống Lincoln mới có thể “cứu vớt được đất nước đáng thương của chúng ta”. Tướng McClellan và Tổng thống Lincoln đều đang bị những kẻ cực đoan tấn công dữ dội bởi những quan điểm quá rõ ràng này. Thêm vào đó, thất bại trên chiến trường của tướng McClellan đã gây ra một làn sóng bất mãn lan tràn khắp miền Bắc. Bản thân Tổng thống Lincoln cũng chán nản vô cùng. Nhưng ông quyết định không chịu để cảm xúc ấy làm mình ngã quỵ. Ngược lại, ông tuyên bố: “Tôi sẽ duy trì cuộc chiến này cho tới khi nào ta thành công; hoặc cho tới khi tôi gục chết; hoặc cho tới khi tôi bị chinh phạt; hoặc cho tới khi nhiệm kỳ Tổng thống của tôi hết hạn; hoặc cho tới khi hạ viện hoặc tổ quốc ruồng bỏ tôi”. Thêm vào đó, giờ đây ông đang chuẩn bị thực hiện những biện pháp mới với hi vọng chấm dứt tình trạng toàn quân đội đang lâm vào ngõ cụt.
Việc Lincoln làm là thống nhất những đội quân bị phân tán của Liên bang tại miền Bắc Virginia thành một đội quân duy nhất, đồng thời chỉ định tướng Pope, người trước đây vẫn cố thủ hòn đảo số 10, làm tổng chỉ huy. Tổng thống Lincoln cũng đưa tướng Halleck từ Washington vào vị trí tổng tư lệnh. Chẳng bao lâu sau, Tổng thống đã phải thất vọng khi tướng Halleck không thể định hướng và mang lại nguồn nhiệt huyết cho quân đội Liên bang. Nói cách khác, ông ta không thể làm tròn trọng trách của mình. Sau này người ta kể lại rằng Tổng thống Lincoln nhận xét về tướng Halleck là: ông ta chỉ hơn một “nhân viên hạng nhất” chút xíu mà thôi. Nhưng ông Halleck cũng gánh cho Tổng thống rất nhiều việc nhỏ nhặt liên quan tới hành chính. Cuối cùng Halleck cũng thành một nhân vật quan trọng giữ một vị trí khiêm tốn trong cỗ máy quân đội của Liên bang dù chưa thể ngồi vào ghế tổng chỉ huy.
Mệt mỏi vì những lần chậm trễ của tướng McClellan, Tổng thống Lincoln bắt đầu rút lui quân đội ra khỏi bán đảo Virginia vào đầu tháng 08 để hành quân kết hợp với quân đội của tướng Pope ở sông Rapidan. Như vậy ở đây thành lập một quân đoàn có 150 ngàn quân. Tướng Lee không khoanh tay đứng nhìn quân đội Liên bang kết hợp với nhau để chống 70 ngàn quân của ông. Trước khi nhận thức rõ ý định của kẻ thù, ông bắt đầu đưa đội quân của tướng Jackson lên phía Bắc bằng đường xe lửa để triển khai gần Gordonsville tạo một lá chắn chống lại tướng Pope. Tướng Jackson hi vọng sẽ gặp lại những thành công rực rỡ của ông trước đây bằng cách tấn công một đội quân bị cô lập của kẻ thù. Ngược lại, ngày 9 tháng 8 tướng Banks dẫn đầu đội quân của ông tấn công dữ dội vào quân của tướng Jackson ở núi Cedar, tạm thời phá vỡ tuyến phòng thủ của quân Liên minh. Cuối cùng tướng Jackson quay đầu rút lui. Tướng Lee giờ đây hoàn toàn cảnh giác với mối đe dọa từ miền Bắc.
Ngày 13 tháng 6, khi tướng Lee biết lực lượng Liên bang tại bán đảo Virginia sẽ yếu đi, ông cảm nhận rằng tướng Pope sẽ được chi viện từ những cánh quân đến từ Virginia. Ngay lập tức ông cho quân chủ lực của mình hành quân kết hợp với quân của tướng Jackson, chỉ để lại một đội quân nhỏ canh chừng Richmond. Tướng Lee hi vọng sẽ vượt sông Rapidan về phía đông cánh quân tướng Pope và tấn công căn cứ của ông này tại ga xe lửa Brandy. Tuy nhiên tướng Pope ngăn chặn động thái này bằng cách rút lui về phía sau Rappahannock. Tướng Lee giờ đây đã biết cánh quân đang rút lui từ bán đảo Virginia của Liên bang sẽ tiến về đâu, nên tấn công tướng Pope trước khi họ đến được Rappahannock. Trong lúc quân đoàn của tướng Longstreet bận rộn với tướng Pope ở Rappahannock, tướng Jackson với một quân đoàn khác chiếm cứ vị trí này của Liên bang bằng cách hành quân về phía bắc, qua hẻm núi Thoroughfare Gap tại dãy núi Bull Run, sau đó đi về hướng đông để đánh vào căn cứ của tướng Pope tại ga xe lửa Manassas. Robert E. Lee và tướng Longstreet sẽ theo sau vào ngày kế tiếp. Hai lực lượng sẽ kết hợp ở đây với quân của tướng Jackson để mở một cuộc tấn công lớn vào kẻ địch đang hoang mang và phân tán.
Kế hoạch của tướng Lee cho thấy rõ lý thuyết chiến thuật của ông. Mấy ngày trước đó ông đã giải thích chiến thuật trong một thông điệp gởi cho tướng Jackson có nội dung: “… Để ông khỏi phải chiến đấu khó nhọc quá lâu,… tôi mạo muội gợi ý và để ông cân nhắc: đừng tấn công vào điểm mạnh của kẻ thù mà hãy đánh lạc hướng để chia rẽ chúng… sau đó lôi chúng ra khỏi vị trí trọng yếu của mình”. Chiến thuật của tướng Lee tại chiến dịch Bull Run thứ hai là không chính thống nhưng vô cùng táo bạo. Bằng cách phân tán quân đội mình, ông tạm thời lâm vào thế sơ hở dễ dàng bị đánh bại với một kế hoạch mà ông bảo vệ bằng cách nói thật giản dị: “sự chênh lệch về quân số giữa các lực lượng chiến đấu là biểu hiện một rủi ro không thể tránh khỏi”. Sau này ông đã khuếch đại lời phát biểu này: ông thích mạo hiểm trong hành động hơn là chịu thương vong khi thụ động, một lời tuyên bố có thể coi là cốt lõi của lý thuyết lãnh đạo quân đội của ông.
Hành quân suốt sáu mươi dặm sau hai ngày (25, 26 tháng 8 ), đội hình của tướng Jackson đánh chiếm, cướp phá và phóng hỏa sở chỉ huy trung đoàn của quân Liên bang tại Manassas. Khi tướng Pope nỗ lực chống lại, nó đã biến mất vào cánh rừng gần Groveton tại Warrenton Turnpike. Tới đây tướng Pope không thể tìm ra nó trong suốt một ngày dài. Vào ngày 28, Jackson đột ngột xuất hiện và tấn công một quân đoàn của Liên bang bị cô lập đang đi dọc theo đường quốc lộ tại khu vực này. Khi trời nhập nhoạng tối, ông rút lui vào một nhà ga bị bỏ
hoang nằm ở phía tây đường quốc lộ. Suốt ngày hôm sau, quân Liên bang không thể tấn công vào vị trí của Jackson.
Vào lúc chiều muộn, tướng Pope ra lệnh cho Porter tấn công sườn phải quân Jackson. Ông Porter từ chối không làm theo mệnh lệnh ấy bởi quân trinh sát thông tin về sự có mặt của quân đoàn tướng Longstreet đang di chuyển nhằm tấn công vào sườn trái đội quân của mình. Ngày 30 tháng 8, khi quân Liên bang tiếp tục tập trung nỗ lực tấn công quân Jackson, tướng Lee đã tổ chức một cuộc tấn công mạnh mẽ: quân đoàn tướng Longstreet đánh mạnh vào cánh quân bên sườn đang sơ hở của Liên bang (là quân đoàn của Porter) và đẩy lùi nó tới quả đồi Henry House. Cách đây một năm Jackson làm nên tên tuổi của mình: Stonewall Jackson. Đêm xuống, tướng Pope bắt đầu rút lui đưa quân đội đang vô cùng nản trí của mình hướng về phía Centreville.
Ngày hôm sau tướng Lee (hy vọng sẽ giáng một đòn chí tử vào kẻ thù vừa bị đánh bại) một lần nữa cử Jackson đến vòng cung phía bắc và tây đánh tan tác quân đoàn của Liên bang đang rút lui. Nhưng quân của Jackson quá mệt mỏi sau nỗ lực của ngày hôm trước nên ông ta đã bị chặn dừng bởi cánh quân phía sau của Liên bang. Hai bên giao chiến ác liệt tại Chantilly. Tướng Lee, được biết về đội quân hùng hậu của Liên bang sẽ đến tiếp viện từ Peninsula, nên hoãn cuộc tấn công của mình và bắt đầu có một chiến lược mới: tấn công sâu vào lãnh thổ miền Bắc.
Thất bại của Liên bang tại trận Bull Run thứ hai (hay theo người thuộc phe Liên minh gọi là Manassas) làm dấy lên một cuộc tranh cãi buộc tội lẫn nhau với những lời lẽ chua cay tại quân đội cũng như tại chính phủ. Cũng như mọi khi, con số thương vong là cực kỳ nặng nề: 16 ngàn quân Liên bang và hơn 9 ngàn quân Liên minh. Tướng McClellan đổ lỗi thất bại này là do trách nhiệm của tướng Pope. Tướng Pope đổ lỗi cho Porter, người bạn và cũng là người được McClellan bảo trợ. Ông ta đòi đưa Porter ra tòa án binh về tội sơ xuất cẩu thả và không tuân lệnh chỉ huy. Ông đòi đuổi khỏi quân ngủ người lính chỉ huy quân đoàn đến từ vịnh Virginia, đòi ông này phải chịu trách nhiệm chính khi không thể đẩy lui cuộc tấn công của Liên minh ở Malvern Hill. Nhiều năm sau cuộc chiến, Porter đã được miễn tội và được khôi phục lon đại tá quân đội.
Một lần nữa, Tổng thống Lincoln lại tuyệt vọng. Có người cho rằng ông định treo cổ tự tử. Cưỡi ngựa trong vùng ngoại ô Washington, nơi ông thường tìm kiếm không khí yên tĩnh và cảm giác thanh thản, Tổng thống Lincoln nói: “hay là ta thôi tiếp tục chiến đấu nữa”. Nhưng ông không dừng cuộc chiến. Ngược lại, gạt đi những lời can gián chân thành của hầu hết thành viên trong nội các, đặc biệt là của ông Stanton và Chase, ông vẫn tiếp tục khôi phục tướng McClellan vào vị trí chỉ huy mọi cánh quân thuộc miền Bắc, lúc này đã lớn mạnh và thống nhất thành một đội quân Potomac hùng hậu.
Quyết định trên đã chuốc lấy rủi ro ghê gớm về mặt chính trị. Thêm vào với sự thất vọng chung của mọi người với tướng McClellan sau những thất bại tại chiến dịch bán đảo, như sử sách đã ghi, ông này bị những người cực đoan xem thường bởi chính quan điểm chính trị của ông ta. Bộ trưởng Bộ hải quân, tướng Welles cho rằng nếu lần này tướng McClellan lại thất bại: “… sự phẫn nộ và căm phẫn chống lại Lincoln và thể chế của ông ta sẽ rất to lớn không thể kìm chế được”. Tổng thống Lincoln chỉ trích quan điểm tự đắc và tính khí thất thường của tướng McClellan trong việc trễ nải tiếp viện cho tướng Pope trước khi xảy ra trận đánh vừa rồi.
Nhưng ông tin rằng: không có viên tướng chỉ huy nào có thể đưa một đội quân đang chán nản thất bại thảm hại trở về với đội hình chiến đấu có trật tự ngoài tướng McClellan.
Tổng thống giải thích: “… Dù bản thân không chiến đấu giỏi, nhưng ông ta sẽ rất xuất sắc trong việc khiến những người khác sẵn sàng chiến đấu”.
Cuối hè, sau những chiến dịch huy hoàng của tướng Lee và cấp dưới ông ta, uy thế của Liên minh lên như diều gặp gió. Quân đội miền Nam tại Virginia, lúc này dường như là vô địch, đang ở thế tiến công. Đồng thời, dù những chiến thắng tại miền Tây của Liên bang đã xảy ra vào mùa xuân trước, nỗ lực của Liên bang ở miền Tây rõ ràng đang bế tắc. Để đến bến tàu Pittsburg Landing sớm hơn sau trận chiến ở đó, Halleck đã dành hơn một tháng hành quân và đào hào để đưa quân đội đến cách Corinth hai mươi dặm. Tuy nhiên ông ta phải cụt hứng vì quân Liên minh không còn ở đó khi ông ta đến nơi. Họ đã rút lui tới Tupelo, đóng quân tại nhà ga, nơi đường sắt giao nhau giữa Mobile và Ohio cách Corinth 40 dặm về phía Nam.
Tướng Halleck, thay vì duy trì lực lượng (bây giờ đã lên tới 100 ngàn quân) tập trung cho một chiến dịch quyết định dọc sông Mississippi để kết hợp với lực lượng quân Liên bang tại New Orleans, lại cử Buell tiến về phía Đông sáp nhập với đội quân Ohio nhằm chiếm Chattanooga và dàn quân đoàn Tennessee dọc theo phòng tuyến từ Corinth tới Memphis và trở lại Cairo. Ngày 11 tháng 06, khi Halleck được lệnh từ Washington về nhận chức tổng chỉ huy, tướng Grant ở lại chỉ huy đội quân Tennessee với tổng hành dinh ở Jackson Tennessee, trên đường sắt Mobile và Ohio cách Corinth 50 dặm về phía Bắc. Tướng Buell không còn dưới quyền chỉ huy của ông. Tướng Grant không nhanh chóng tập trung lực lượng nhằm gây áp lực lên quân Liên minh tại chiến trường trực tiếp.
Như vậy những chiến thắng của Liên minh tại phía Đông cộng với sự phân tán và sức ì của quân Liên bang tại miền Tây đã cho các lãnh đạo miền Nam một cơ hội phản công mang tính chiến lược với sức mạnh gấp ba lần vào mùa thu năm 1862. Tướng Lee sẽ đưa quân chiếm lấy Maryland để kiếm nhu yếu phẩm cho toán quân đang thiếu lương thực của ông. Nỗ lực đưa bang này trở về với Liên minh hòng giành được sự chú ý của ngoại quốc về cuộc chiến giành độc lập của Liên minh mà ông cho rằng đã đến lúc thời cơ chín muồi cho mục đích này. Tướng Braxton Bragg (giờ có đầy đủ quyền hành trong quân đội của Liên minh tại miền Tây) sẽ chiếm cứ Kentucky với những mục tiêu tương đồng được trù tính sẵn. Tướng Van Dorn, chỉ huy những lực lượng Liên minh còn lại ở Mississippi, sẽ nỗ lực chiếm cứ nhà ga quan trọng tại Corinth và tiến quân vào miền Tây Tennessee.
Chiến dịch Maryland được coi là một trong những nỗ lực lớn của Liên minh bởi nó tập hợp một lực lượng lớn nhất của quân Liên minh từ trước đến nay để tấn công tổng lực vào trung tâm đầu não của Liên bang. Với đội kỵ binh của Stuart che chắn cho cuộc hành quân, tướng Lee di chuyển rất nhanh về hướng Tây Bắc bao vây quân đội Liên bang. Ngày 05 tháng 09, với ban nhạc rầm rộ chơi bản “Maryland ôi Maryland của tôi”, quân đội của tướng Lee bắt đầu băng qua sông Potomac gần thị trấn Frederick khoảng 40 dặm phía trên Washington. Ngay lập tức, ông Robert E. Lee kêu gọi dân chúng của bang này hãy giao lãnh thổ của họ về với Liên minh. Đồng thời ông gợi ý Tổng thống Davis rằng: ông sẽ thảo một văn bản hòa bình gởi tới chính phủ Liên bang, một động thái tướng Lee hy vọng sẽ tranh thủ được cảm tình của những người ủng hộ hòa bình ở miền Bắc.
Tướng Lee nhanh chóng phải thất vọng khi đối mặt với sự lãnh đạm của cư dân miền Tây Maryland. Đồng thời Tổng thống Davis coi một đề nghị hòa bình lúc này là chưa thích hợp. Như vậy, kết quả của chiến dịch như một gánh nặng đè trên đôi vai của tướng Lee và đoàn quân thiếu thốn của ông ta.
Tướng Lee dự định sẽ tấn công Harrisburg, thủ phủ Pennsylvania một trung tâm giao thông quan trọng nơi đường sắt Pennsylvania cắt ngang con sông Susquehannna. Ông muốn đỉnh núi South sẽ che chắn cho cuộc hành quân của ông. Đây là một dãy núi kéo dài từ Blue Ridge tới Harrisburg. Chiếm thành phố này sẽ có được con đường nối Washington với vùng bờ biển phía Đông và những bang miền Tây Bắc. Vùng đất nhiều nông trại màu mỡ nằm ở phía Tây Maryland và Pennsylvania này một khi rơi vào tay tướng Lee, ông sẽ tùy ý sử dụng. Đồng thời đây cũng là nơi ông có thể đe dọa những thành phố lớn nằm ở phía đông như Washington, Baltimore và Philadelphia.
Để bảo vệ cho con đường huyết mạch băng qua thung lũng Shenandoah tới căn cứ của ông tại Bắc Virginia, tướng Lee cần phải cố thủ Harpers Ferry ngay lối vào thung lũng. Ngày 09 tháng 09, ông cử Jackson đem 15 ngàn quân bao vây vị trí chiến lược này. Nơi đây có một đơn vị đồn trú với 10 ngàn quân canh giữ. Một khi đã chiếm được vị trí này rồi, tướng Jackson sẽ sáp nhập với quân chủ lực đang trên đường hành quân tới Pennsylvania. Tướng Lee sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ông tin mình hiểu sự nhút nhát của đối thủ khi ông giải thích điều này với một cấp dưới đang tỏ ra lo lắng: “Trong khoảng ba đến bốn tuần nữa, quân đội của tướng McClellan sẽ không được chuẩn bị cho những chiến dịch tấn công (hoặc ông ta sẽ không nghĩ có những cuộc tấn công này.). Trước khoảng thời gian ấy, tôi hy vọng ta đã ở Susquehannna”.
Nếu bình thường, lời đánh giá của tướng Lee về thái độ của tướng McClellan như vậy là chính xác. Nhưng viên tướng chỉ huy quân Liên bang này (bị Tổng thống Lincoln thúc giục) giờ đây đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ông ta đang cùng quân đội của mình cố thủ ở vị trí giữa tướng Lee và Washington. Ngày 13 tháng 09, đội quân Potomac đang đóng ở phía Bắc con sông này và tập trung quanh Frederick. Sau đó tại đây có một sự kiện minh họa tuyệt vời cho luận điểm của nhà triết học Clausewitz rằng: cơ hội và điều không chắc chắn là cặp bài trùng và là những nhân tố quan trọng trong thời chiến. Một người lính Liên bang tại trại đóng quân đã tìm thấy dưới đất một gói giấy nhỏ. Sau khi kiểm tra, tờ giấy gói ba điếu xì gà chính là một phiên bản mật lệnh chiến dịch của tướng Lee bị đánh rơi. Mật lệnh này nhanh chóng đến tay tướng McClellan và khiến ông ta hiểu rõ tầm quan trọng của mật lệnh. Ông nói như reo lên: đây là mẩu giấy mà với nó nếu tôi không thể đánh cho “Bobby Lee” những đòn túi bụi, thì tôi sẽ sẵn lòng về quê đuổi gà”.
Biết rằng quân đội của tướng Lee đang bị chia nhỏ, với đội quân của Jackson vẫn còn ở phía Nam của sông Potomac, tướng McClellan đã có thể thấy một trận quyết định (hoặc đó cũng là kết quả nhiều học giả nghiên cứu chiến dịch này đã từng kết luận). Kế hoạch của ông là đưa lính qua những con đường nhỏ ở núi South (Turner’s Gap, Fox’s Gap, Crampton Gap), đóng quân giữa các cánh quân của quân đội Liên minh. Theo lời tướng McClellan: “chia nhỏ kẻ thù làm hai và đánh cho chúng không còn mảnh giáp”. Nhưng việc thực hiện kế hoạch này chậm trễ và không hoàn hảo. Mãi cho tới tận sáng hôm sau, 14 tháng 09, tướng McClellan mới đưa quân di chuyển. Phải tới trưa họ mới đến được những con đường trên hẻm núi South. Lúc đó, tướng Lee đã đoán được động thái của quân Liên bang và tập trung lực lượng vào những hẻm
núi này. Tối khuya, sau khi giao chiến ác liệt, quân đội Liên bang đã làm chủ được những con đường băng qua ngọn núi lớn. Nhưng tướng Lee đã rút trở lại theo đường thủy về Virginia. Tướng McClellan bỏ mất cơ hội ngàn năm có một để giáng cho quân Liên minh một còn chí tử.
Tướng Lee cho ông ta một cơ hội khác. Sau khi nhận được tin do tướng Jackson báo: quân phòng thủ Harpers Ferry đã đầu hàng có điều kiện, tướng Lee quyết định đóng quân ở Sharpsburg phía Bắc sông Potomac. Đồng thời ông ra lệnh cho Jackson đem quân về phối hợp với ông. Quyết định thật khó giải thích. (Người viết tiểu sử chính cho tướng Lee, ông Douglas Southall Freeman nêu ý kiến rằng: có thể tướng Lee cũng tin một chiến thắng chiến thuật ở đây sẽ giúp ông tiếp tục kế hoạch cho chiến dịch lúc đầu).
Tướng Lee không rút lui vì sợ rủi ro. Và đây là một trong những quyết định táo bạo nhất của ông. Lúc đó, ông chỉ có chưa đầy 20 ngàn quân tại Sharpsburg. Tướng McClellan có số quân gấp đôi và đang ở gần tướng Lee hơn tướng Jackson. Ông có khả năng đánh tan đội quân của tướng Lee trước khi Jackson đưa quân tới. Một lần nữa, tướng McClellan lại tiến quân với sự thận trọng và chậm chạp, dù quân của ông đang ở thế mạnh. Chiều ngày 16, ông ta vẫn không chịu tấn công mà chờ đến sáng hôm sau. Do đó tướng Jackson đã đến được chiến trường này cùng với một phần quân số của mình sau khi hành quân 12 dặm từ Harpers Ferry suốt đêm hôm trước. Cơ hội lớn thứ hai của tướng McClellan cũng đã tuột khỏi tay.
Thậm chí đến lúc này, theo lý thuyết, đội quân Potomac vẫn có thể tiêu diệt kẻ thù. Tướng Lee chỉ có ít hơn 30 ngàn quân ngoài trận tuyến bởi lẽ họ đã phải hành quân trong đội hình lộn xộn với chân đất đồng thời mang theo cả những người lính bị thương trong suốt hành trình dài trên những con đường gập ghềnh của Maryland. Lúc này họ cũng chỉ có hơn 40 ngàn quân dù đã được chi viện từ Harpers Ferry. Toàn bộ lực lượng của tướng McClellan đông gấp đôi quân số ấy. Phía sau tướng Lee là dòng sông Potomac. Nếu thua ở đây cũng có nghĩa toàn bộ quân của ông sẽ bị hủy diệt.
Tướng McClellan đã không thể ra đòn quyết định. Kế hoạch chiến thuật của ông ta đòi hỏi nỗ lực chính của ba quân đoàn: quân đoàn của lữ đoàn trưởng Joseph Hooker, thiếu tướng Edwin V. Sumner và lữ đoàn trưởng Joseph K. F. Mansfeild để chống lại cánh quân bên sườn phải của tướng Lee, tách nó khỏi con sông trong lúc những quân đoàn khác của ông Burnside sẽ tiêu diệt lực lượng còn lại quân Liên minh bằng cách tấn công vào sườn phải khi cánh quân này tập trung ở Antietam Creek, một phụ lưu của sông Potomac. Tướng McClellan lên kế hoạch tại thời điểm quyết định sẽ sử dụng đến quân dự bị để đánh một đòn chí tử vào giữa phòng tuyến của kẻ thù.
Đòn chí tử ấy không bao giờ được thực hiện. Khi bình minh ló dạng, quân Liên bang miền Bắc tấn công ào ạt vào sườn trái của quân Liên minh. Lúc này cánh quân Liên minh ấy do tướng Jackson chỉ huy. Người miền Nam không có công sự đắp bằng đất nhưng lại núp sau những tảng đá và hàng rào và bất cứ vật che chắn nào mà địa hình ban cho họ. Việc phối hợp giữa ba cánh quân Liên bang rất uể oải mặc dù tướng Hooker đôi khi chọc thủ phòng tuyến của Jackson tại nhà thờ Dunker gần dường cao tốc Hagerstown Turnpike. Tướng Lee đã lấp lỗ hổng bằng cách đưa quân đội từ quân đoàn của tướng Longstreet bên cánh phải sang tiếp ứng.
Ở điểm cuối cùng của cánh quân bên phải quân đội Liên minh, quân đoàn Liên bang của tướng Burnside đã tấn công vào lúc xế chiều. Sau nhiều lần tấn công liên tiếp, cánh quân này
đã có thể chiếm cứ cầu Stone (sau này được gọi là cầu Burnside) bắc ngang qua con sông nhỏ Antietam và miền đất cao nguyên phía ngoài. Nhưng rồi cuối ngày, lữ đoàn của tướng A. P. Hill lại đẩy lui cánh quân này. Cuối cùng đội quân của tướng Jackson cũng đã tới. Toán quân này mặc áo khoác màu xanh dương đoạt được của kẻ thù sau cuộc hành quân mệt nhoài. Trận chiến Antietam (người Liên minh gọi là Sharpsburg) đã khép lại lúc chập choạng tối. Nó ghi dấu một ngày đẫm máu nhất trong lịch sử của cuộc nội chiến: 13 ngàn lính Liên bang phải thiệt mạng; 10 ngàn lính Liên minh cùng chịu chung số phận.
Nỗ lực của Liên bang là tiến gần hơn với thành công dù chậm. Hầu hết những trận chiến của đội quân miền Bắc Virginia đều gần như thành công trong đường tơ kẽ tóc. Việc tướng Hill đến vào giây phút cuối cùng đã làm nên kì tích cho người miền Nam. Những lời của tướng Lee nói mê man trên giường bệnh sau khi chiến tranh kết thúc 5 năm: “Nói với ông Hill, ông ấy phải đến ngay”. Rõ ràng là một lời nói từ tiềm thức khi ông đang hình dung lại cảnh chiến trường ác liệt đầy tuyệt vọng của trận Antietam. Trong đêm đó và ngày hôm sau, hai đạo quân đối mặt với nhau ở chiến tuyến. Con số thương vong đã lên quá cao và họ quá mệt mỏi để có thể chiến đấu. Với số quân còn lại ở phía Bắc sông Potomac, tướng Lee một lần nữa cho mọi người thấy những táo bạo đến quyết liệt của ông. Lúc này mọi nguồn lực của ông gần như đã cạn kiệt. Tướng McClellan không thể tiếp tục tấn công. Nếu lúc ấy ông ta lao tới kẻ địch với toàn bộ quân số có trong tay, có thể ông ta đã đè bẹp đội quân của Liên minh đang yếu sức khi ấy.
Suốt Chiến dịch, tướng McClellan quá thận trọng, ông ta đã đánh giá quá cao sức mạnh của quân Liên minh và nhất định không chịu mạo hiểm để hành động. Sai lầm chiến thuật lớn nhất của ông ta trong trận đánh ấy là đã rút 20 ngàn quân từ cánh quân của tướng Fitz John Porter và thiếu tướng William B. Franklin, cùng đội kỵ binh dưới quyền lữ đoàn trưởng Alfred Pleasonton. Đây là hành động e ngại bởi một cuộc phản công của quân dự bị Liên minh, một đội quân chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của ông McClellan. Như vậy ông đã không thực hiện nguyên tắc trong chiến thuật quân sự là “tiết kiệm lực lượng”, đồng thời ông không triển khai mọi cánh quân có sẵn trong tay. Vào đêm ngày 18 tháng 09 quân Liên minh lại vượt sông Potomac ở Virginia bỏ lại tướng McClellan đang lớn tiếng tuyên bố chính thức về một chiến thắng đã cứu được Liên bang. Nó chỉ làm Tổng thống Lincoln thêm phẫn nộ khi tướng McClellan đã để cho quân đội của tướng Lee đào thoát.
Trận chiến Antietam là một nỗ lực chiến thuật, mặc dù người Liên minh coi đó là một chiến thắng bởi vì cuộc tấn công của quân Liên bang bị đẩy lùi. Thế nhưng, dù Tổng thống Lincoln không vui, toàn bộ chiến dịch vẫn là một chiến thắng chiến lược quan trọng đối với Liên bang bởi vì tướng Lee đã không thể thực hiện mục tiêu tiến sâu vào lãnh địa miền Bắc. Hơn thế nữa, hai thành quả quan trọng nhưng không thuộc lãnh vực quân sự (sau này sẽ được giải thích kỹ càng hơn) đã đến từ thất bại của quân Liên minh: chính phủ Anh quốc (sau khi đã suy nghĩ kĩ càng có nên chấp nhận một cách chính thức nền độc lập của Liên minh hay không) bây giờ quyết định chờ thêm một thời gian nữa. Tổng thống Lincoln, người đã dự định công bố mục tiêu giải phóng nô lệ nhưng cho rằng phải tuyên bố mục tiêu này trong ánh hào quang của một thắng lợi lớn, giờ đây ông đã có thời cơ để làm việc ấy.
Trong lúc chiến dịch của tướng Lee ở Virginia và Maryland trong suốt mùa hè đang diễn ra. Tướng Bragg cũng thực hiện chiến dịch của mình chống lại lực lượng quân Liên bang ở miền Tây. Đối thủ chính của ông là tướng Buell(quân đội của ông này ở Bắc Alabama đang đi về phía
Đông để chiếm cứ một mục tiêu đã được nhắm sẵn: Chattanooga) với những quân đoàn tinh nhuệ đang trong vòng hai mươi dặm phía ngoài thành phố. Với bản chất thận trọng và thiếu quả quyết (về điều này giống như tướng McClellan), tướng Buell bị tấn công dữ dội bởi đơn vị kỵ binh của Liên minh chiến đấu rất dũng cảm và không chùn bước ở Tennessee và Kentucky. Đội kỵ binh này dưới sự chỉ huy của đại tá John Hunt Morgan và lữ đoàn trưởng, tướng Nathan Bedford Forrest. Sự chậm chạp của tướng Buell và sự thất bại của tướng Halleck Grant gây áp lực lên tướng Bragg cho phép ông thực hiện một trong những lợi thế chiến thuật vô cùng lớn lao của đường sắt. Bằng cách di chuyển theo đường sắt, quân Liên minh đã bao vây quân đội Liên bang theo hình vòng cung. Họ điều 30 ngàn lính từ Tupelo, Mississippi vòng Mobile và Atlanta để tới Chattanooga. Quãng đường này dài 776 dặm.
Lúc đầu tướng Bragg định chặn ngang con đường huyết mạch của tướng Buell bằng cách tiến từ Chattanooga để bao vây Nashville. Đến Chattanooga vào cuối tháng 07 gặp thiếu tướng Edmund Kirby Smith, vị tư lệnh quân Liên minh ở phía Đông Tennessee, tướng Bragg tin mình sẽ thuyết phục được tướng Kirby Smith kết hợp với ông trong chiến dịch này. Nhưng tướng Kirby Smith đã có kế hoạch khác. Chịu ảnh hưởng của Morgan, người xuất thân ở Lexington Kentucky, tướng Kirby Smith tin rằng Kentucky đang trong tầm tay với của quân Liên minh. Ngày 15 tháng 08, theo sau đội kỵ binh của Morgan, tướng Kirby Smith đưa quân đội của ông gồm 20 ngàn người không tới với Bragg để kết hợp lực lượng, mà tiến thẳng về phía Đông Kentucky. Lexington là mục tiêu trước mắt của ông ta. Đánh bại một lực lượng nhỏ của Liên bang tại Richmond cách Lexington 30 dặm về phía nam, ông ta đã chiếm được Lexington vào ngày 02 tháng 09.
Dù tướng Bragg mang lon cao hơn tướng Kirby Smith, giờ đây ông ta thấy mình cần phải đổi kế hoạch và đặt mục tiêu phải chiếm cho được Kentucky. Cho quân đội hành quân từ Chattanooga, băng qua miền cao nguyên Cumberland ở trung tâm bang Tennessee, ngày 14 tháng 09 tướng Bragg đã đến Glasgow, Kentucky. Nơi đây ông chính thức mời, không chỉ bang Kentucky mà toàn bộ vùng Tây Bắc gia nhập Liên minh. Cũng như lời mời của tướng Lee ở Maryland trước đây, không ai hưởng ứng lời tướng Bragg. Ngày kế tiếp, tướng Bragg đến Munfordville. Tại đây, quân của ông đụng độ với quân đội Liên bang. Cánh quân này khoảng 4 ngàn người dưới sự chỉ huy của đại tá John T. Wilder. Một tình tiết hy hữu, Wilder được phép vào thăm phòng tuyến của quân Liên minh và khi thấy rằng chống cự chỉ vô ích, nên ông đã đầu hàng trong danh dự.
Tướng Bragg nói Louisville và có thể cả Cincinnati là mục tiêu của ông ta. Mặc dù bộ tham mưu thời chiến của Liên bang liên tục giục giã quân đội phải bảo vệ thành phố này, quân Liên minh có thể phải chiếm St. Louis nếu như họ hành quân thẳng tới đó từ Munfordville. Tướng Buell cũng đang tiến về phía Nashville để khiêu chiến với họ. Nhưng tướng Bragg đang ở giữa tướng Buell và Louisville. Đồng thời tướng Kirby Smith lại ở gần Louisville hơn tướng Buell. Thế nên tướng Bragg giờ đây đã quay sang đông Lexington hy vọng sẽ có thể kết hợp với cánh quân của tướng Kirby Smith đồng thời phân tán các quân đoàn của ông này khắp vùng nông thôn rộng lớn để cướp phá và tuyển mộ thêm lính tráng. Trên con đường tới Louisville giờ đây đang rộng mở, tướng Buell lập tức hành quân tới đó.
Tổng thống Lincoln mất tinh thần khi không đuổi kịp kẻ thù và khiêu chiến với quân đội của Liên minh tại Kentucky. Ông ra lệnh thay tướng Buell bằng tướng George H. Thomas, nhưng
sau đó lại đổi ý định khi Thomas phản đối lệnh thuyên chuyển này.
Tướng Bragg không sẵn sàng cho một trận chiến đấu lớn. Mặc dù toàn bộ sức mạnh của quân Liên minh tại Kentucky giờ đã bằng với sức mạnh của quân Liên bang, quân Liên minh vẫn bị phân tán quá mỏng. Nỗ lực tuyển mộ thêm lính không thành. Nhiều người Kentucky ủng hộ Liên minh nhưng lại thận trọng không dám mạo hiểm công khai ủng hộ. Tướng Kirby Smith giải thích hoàn cảnh này một cách ngắn gọn và cay đắng: “Rõ ràng trái tim của họ hướng về với chúng tôi. Nhưng cái ăn cái mặc của họ chống lại chúng tôi”. Một nguyên nhân giải thích cho việc thiếu tập trung binh lực của quân Liên minh chính là sự vi phạm nguyên tắc quân sự quan trọng của việc ra mệnh lệnh một cách thống nhất. Tướng Kirby Smith độc lập ra lệnh cho lính dưới quyền. Tổng thống Davis bác bỏ lời đề nghị của tướng Bragg rằng: chính ông mới có quyền ra lệnh trong cuộc viễn chinh lần này. Tướng Kirby Smith (tin tưởng một cách sai lầm rằng Lexington đang bị đe dọa bởi một đội quân Liên bang đến từ Cincinnati) cố thủ tại Lexington và chống lại nỗ lực của tướng Bragg trong việc kết hợp hai đội quân thành một.
Tướng Bragg nỗ lực giải quyết những rắc rối này bằng nhiều biện pháp quân sự và chính trị. Trước tiên, ông tìm cách thành lập chính phủ Liên minh lưu vong của Kentucky. Qua đó ông hy vọng sẽ áp dụng luật của Liên minh, đặc biệt là luật Cưỡng bách tòng quân. Thứ hai, vì không thể ra lệnh cho Kirby Smith, tướng Bragg cố tìm cách thương lượng để hai cánh quân cùng phối hợp trong trận đánh sắp tới. Luôn nghĩ tướng Buell sẽ đến Frankfort, thủ phủ của bang Kentucky, tướng Bragg và Kirby Smith gặp nhau ngày 11 tháng 10 tại Lexington, đồng thuận cùng kéo quân đánh quân đội Liên bang trước khi đội quân này đến được đích. Cùng gặp gỡ với hai viên tướng này là ông Richard Hawes, người kế vị cho nhân vật đưa ra yêu sách của Liên minh là George W. Johnson. Ông này đã chết tại Shiloh.
Ngày 04 tháng 10, được che chở và ủng hộ bởi quân đội Liên minh, đồng thời với sự có mặt của tướng Bragg và Kirby Smith, ông Hawes đã tổ chức lễ nhậm chức thống đốc tại Frankfort. Nhưng lúc này diện mạo quân sự đã thay đổi đáng kể. Mục tiêu của tướng Buell không phải Frankfort. Bị Tổng thống Lincoln thúc giục, mục tiêu của tướng Buell chính là quân đội của Bragg lúc này vẫn đang tản mát và cả quân đội của tướng Kirby Smith đang ở Frankfort. Quân đội của Bragg rải rác từ Bardstown tới Danville, cách Frankfort 40 dặm về phía Nam. Tướng Buell nỗ lực tập trung mọi cánh quân của Liên bang tại Harrodsburg, cách Frankfort 30 dặm về phía nam. Trước khi ông ta làm được như vậy, các cánh quân của quân đội đối phương đã họp lại ở Perryville cách địa điểm tập trung quân mười dặm về hướng Tây Nam. Dù không có viên tư lệnh nào lên kế hoạch cho một trận chiến ở đây, nhưng trong tình thế cấp bách, cả hai cánh quân của Bragg và Kirby Smith đều phải vội vã chiến đấu.
Trận chiến Perryville (ngày 08 tháng 10 năm 1962) là một trận chiến cỡ vừa về quân số. Nhưng hậu quả cuối cùng của nó lại rất khốc liệt. Chỉ khoảng 1/3 quân đội của tướng Bragg, khoảng 15 ngàn quân thuộc hai quân đoàn của Leonidas Polk và Willlam Hardee, là có mặt ở Perryville. Khoảng 2/3 lực lượng của tướng Buell (hơn gấp đôi sức mạnh về người của Liên minh) có mặt tại đây. Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy của một mình tướng Bragg, quân Liên minh đã tấn công vào bên trái quân Liên bang. Lúc đầu họ thành công, nhưng cuối cùng cuộc tấn công đã bị đẩy lui mặc dù chỉ có một nửa số quân của tướng Buell trực tiếp chiến đấu. Bởi điều kiện khí hậu làm tiếng súng nghe không rõ, tướng Buell và phần còn lại của đám quân dưới quyền rõ ràng không biết trận chiến đang xảy ra rất ác liệt cách đó không xa. Sau một ngày
chiến đấu ác liệt, khoảng 3700 lính Liên bang thiệt mạng. Hơn 3 ngàn lính Liên minh tử trận. Nhưng hai phòng tuyến còn nguyên vẹn. Trong đêm đó, trước khi tướng Buell kịp phục hồi sức chiến đấu, tướng Bragg đã đưa quân Liên minh rút lui tới Harrodsburg.
Mọi cánh quân của Liên minh bây giờ đã xích lại gần nhau đủ để tấn công với lực lượng tập trung. Họ đã có đầy đủ sức mạnh để khiêu chiến với quân Liên bang mặc dù quân số của họ ít hơn. Nhưng tướng Bragg chán nản vì số lính tuyển mộ được quá ít và những thông tin về thất bại của Liên minh tại Mississippi, đồng thời được các tướng chỉ huy quân đoàn là Polk và Hardee khuyên nhủ nên quyết định bỏ ngỏ Kentucky. Khi quân Liên minh rút vào hẻm núi Cumberland để trở về Tennessee, tướng Bragg tới thủ phủ của quân Liên minh để đích thân thuyết trình về chiến dịch này. Dù biết những sĩ quan chỉ huy quân đoàn của tướng Bragg rất quan trọng trong mưu đồ đã được sắp đặt từ trước của ông ta ở Kentucky, Tổng thống Davis chấp nhận lời thuyết trình của tướng Bragg và vẫn để ông chỉ huy quân đội. Khi quân Liên minh lui về Đông Tennessee, quân Liên bang cũng lui về miền trung Tennessee và gặp nhau tại Nashville. Tướng Bragg tái kết hợp với quân đội của ông ta ở Knoxville.
Theo nhiều cách, chiến dịch Kentucky kết thúc rất giống với chiến dịch Maryland của tướng Lee. Có đôi khi cuộc hành quân của Liên minh về Kentucky đã ảnh hưởng tới sức mạnh của Liên bang tại khu vực phía tây và khôi phục thế cân bằng quân sự ở đây. Perryville giống như Antietam, được người Liên minh coi là một chiến thắng chiến thuật trong đường tơ kẽ tóc của miền Nam. Nhưng xét về mặt tổng thể, chiến dịch lại là một thắng lợi về mặt chiến thuật đối với Liên bang bởi vì nó không để mất Kentucky vào tay Liên minh.
Quân đội của tướng Lee hồi phục tại miền Bắc Virginia sau trận thử thách Antietam. Quân đội tướng Bragg cùng kéo về Harrodburg từ Perryville. Quân Liên minh tại Bắc Mississippi dưới sự chỉ huy của tướng Van Dorn thực hiện chiến dịch thứ ba trong đợt phản công của người miền Nam: nỗ lực giành lại Corinth. Tướng Grant đoán trước và hết sức ngăn chặn bước tiến của quân Liên minh bằng cách ra lệnh tấn công một cánh quân của quân liên minh dưới sự chỉ huy của tướng Sterling Price đang đóng đô ở Iuka, một thị trấn nằm trên đường xe lửa Memphis và Charleston cách Corinth hai mươi dặm về phía đông. Hai lực lượng quân Liên bang cùng đổ về hiệp lực dưới sự chỉ huy của tướng William S. Rosecrans, người thay thế tướng Pope khi viên tướng này được lệnh đến Virginia. Cánh quân còn lại dưới sự chỉ huy của tướng Edward Ord. Tướng Price trốn thoát sau cuộc tấn công của Rosecrans ngày 19 tháng 09, trước khi quân đội Liên bang gặp nhau. Tướng Price lẩn trốn vào ban đêm và đưa quân đội mình đến Nam Corinth để gia nhập với đội quân của tướng Van Dorn cách thị trấn này hai mươi dặm về phía tây, đưa lực lượng quân Liên minh lên tới con số 22 ngàn quân.
Ngày 03 tháng 10, tướng Van Dorn tấn công quân đội ẩn núp dưới đường hào của Rosecrans với tổng số quân bằng với trận chiến Corinth. Sau khi tiến sâu vào vòng tuyến vòng ngoài của quân Liên bang nằm ở phía tây của thị trấn, quân Liên minh dừng lại bởi hàng rào phòng thủ thứ hai. Tướng Van Dorn tập hợp chỉnh đốn lại quân đội và tiếp tục cuộc chiến cho tới sáng hôm sau. Những cuộc tấn công bị đánh bại với số thương vong nhiều vô kể, đặc biệt là ở Battery Robinett, một vị trí quan trọng của quân Liên bang, quân Liên minh cuối cùng tới được Holly Springs cách Corinth khoảng năm mươi dặm về phía Tây Nam. Địa điểm này cũng cách Memphis chừng ấy dặm về phía Đông Nam. Số thương vong của quân Liên bang tại Corinth là 2520 người; Liên minh 3433 người. Như vậy nỗ lực của Liên minh chiếm lại ga đầu
mối quan trọng và tấn công miền Tây Tennessee đã kết thúc với thất bại kể cả về mặt chiến lược, chiến thuật.
Cùng với ba thất bại liên tục của quân Liên minh, mùa thu năm 1862 là một khúc ngoặt quan trọng của cuộc chiến. Không bao giờ miền Nam còn có thể cùng phối hợp thực hiện một loạt chiến dịch dài ngày như vậy nữa.
Cuối tháng 10, Tổng thống Lincoln thay thế Buell bằng Rosecrans, người chiến thắng trận Corinth. Chưa đầy hai tuần sau, Tổng thống lại cách chức McClellan và thay ông ta bằng Burnside. Cả McClellan và Buell không ai còn giữ vị trí chỉ huy. Ông Rosecrans ở Nashville quá lâu để thu thập quân trang quân dụng đến nỗi Tổng thống Lincoln đành phải bỏ ông ta. Tướng Burnside ngay lập tức đưa đội quân Potomac về Fredericksburg bên bờ sông Rappahannock.
5. Chính phủ Liên bang, bộ máy hành chính và tiến trình giải phóng nô lệ
Khi mới nhậm chức, ấn tượng đầu tiên của dân chúng Mỹ đối với Tổng thống Lincoln chẳng có gì hứa hẹn. Đối với nhiều người miền Đông, Tổng thống là kẻ quê mùa cục mịch, một chính trị gia miền Tây chỉ biết tới đồng cỏ và gia súc. Lời nói cùng cử chỉ đều thô lỗ vụng về. Người ta vẽ tranh biếm họa ông như một kẻ thô kệch cao lênh khênh chỉ được lòng đám dân lao động với những nhận xét và giai thoại cay nghiệt. Nhiều người lo sợ rằng ông sẽ thiếu kinh nghiệm điều hành đất nước và họ ra tay ngăn trở ông trên con đường vào Nhà trắng. Ông dường như không đủ phẩm chất là một lãnh đạo thời chiến. Kinh nghiệm quân sự duy nhất của ông là đã từng làm chỉ huy một đơn vị của Illinois trong chiến tranh Black Hawk Indian War đầu thập niên 1830. Ông khôi hài kể lại kinh nghiệm này với câu chuyện đã ra lệnh tấn công trên một cánh đồng đầy cây hành dại. Người ta truyền nhau câu chuyện về cách làm của ông khiến quân dưới quyền đi qua một chiếc cổng của một hàng rào nọ. Không thể để quân đi theo đội hình quy củ, ông dừng họ lại ra lệnh cho họ giải tán rồi sau đổ lại lệnh cho họ vào hàng ngũ chỉnh tề khi đã qua bên kia hàng rào. Chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng lại là một giải pháp rất thực dụng cho rắc rối. Nó cho ta hình dung phong cách lãnh đạo thời chiến hiệu quả thực dụng sau này của ông.
Nhiều người đồng tình với quan điểm ban đầu của bộ trưởng bộ nội vụ Seward rằng: Lincoln chỉ là bù nhìn. Sherman mới là thế lực thực sự điều khiển cả ngai vàng. Có lẽ sự thiếu quyết đoán của Tổng thống Lincoln trong những tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng pháo đài Sumter khiến cho những người chỉ trích ông có cơ sở và làm cho số người hỗ trợ ông (nếu có) càng ít đi. Ông Seward không phải là người duy nhất có tính quyết đoán trong nội các của Lincoln. Đối thủ của Seward cả về tham vọng lẫn khả năng chính là bộ trưởng bộ tài chính Salmon P. Chase người Ohio. Cũng giống Seward, ông ta cũng thèm khát chiếc ghế Tổng thống.
Tổng thống Lincoln nhanh chóng cho thấy rằng: ông là một Tổng thống cả về danh nghĩa lẫn bản chất. Những quyết định và hành động của ông trong cao trào của tấm kịch pháo đài Sumter, đã chứng minh rằng: ông, không phải bất cứ cao nhân nào trong nội các, làm chủ tình thế lúc bấy giờ. Phản ứng của ông với lần tấn công của quân Liên minh ấy đã cho dân chúng thấy sự tự tin và quyết đoán của ông. Bằng cách hoãn phiên họp đặc biệt của hạ viện cho tới ngày 04 tháng 07, Lincoln đã cho mình đủ thời gian (gần ba tháng) để đối mặt với cơn khủng hoảng (vừa là Tổng thống vừa là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang) mà không phải đối thoại trực diện với bất cứ nhà làm luật nào.
Những biện pháp của ông trong thời gian này phản ánh một sự thật có sức thuyết phục là: Tổng thống nắm giữ quyền tùy cơ ứng biến để giải quyết mọi trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Biện pháp này cũng cho thấy: ông có đủ sức mạnh ý chí để thực hiện quyền lực này. Cộng với lời tổng động viên và thiết lập tình trạng phong toả, ông đã làm tăng quân số của quân đội thường trực, ra lệnh cho bộ trưởng bô tài chính Chase dùng quỹ của Liên bang chi trả cho các mục tiêu quân sự và ra lệnh đình chỉ có thời hạn lệnh đình quyền giam giữ.
Thông điệp ông gửi tới hạ viện trong một buổi họp là giải thích “dù có bất tuân theo luật pháp hay không”, những hành động này đều phù hợp với đòi hỏi và phù hợp với ước nguyện của dân chúng. Đồng thời ông tin tưởng rằng hạ viện đã sẵn sàng chuẩn y hành động của ông.
Coi như mọi chuyện đã rồi, và bởi vì hầu hết các thành viên của hạ viện không nghi ngờ gì về những hành động của ông, hạ viện chuẩn y. Cuối cùng, sau chiến tranh, tối cao pháp viện phê chuẩn những hành động này. Tổng thống Lincoln cũng cho thấy một tư tưởng rất thoáng rằng: việc vi phạm nhiều điều khoản của hiến pháp đôi khi là cần thiết để có thể cứu được toàn cục. Có lần ông giải thích điểm này như sau: “Có đôi khi ta phải cưa chân hoặc tháo khớp để cứu một mạng sống. Nhưng không bao giờ là khôn ngoan khi hy sinh mạng sống để cứu lấy một cánh tay, cẳng chân”.
Nhất thời đã có lúc Tổng thống Lincoln cùng đa số dân biểu đồng tình về mục tiêu duy nhất của cuộc chiến: bảo toàn Liên bang. Tháng 07, sau thất bại của quân đội Liên bang tại Bull Run, hạ viện ban hành một giải pháp rõ ràng cho hậu quả này, bao gồm cả việc tuyên bố rằng quyền của nhiều bang (nói cách khác là quyền sở hữu nô lệ) cũng phải được bảo toàn. Không còn cách nào khác, mục tiêu của chiến tranh sẽ tăng thêm một khi chiến sự ác liệt ngày càng leo thang, chiến tranh lan rộng và không biết khi nào mới kết thúc. Ngay từ đầu, những dân biểu thuộc đảng Cộng hòa cực đoan tin giải phóng nô lệ nhất định phải được kết hợp với bảo toàn Liên bang trong mục đích của chiến tranh. Dẫn đầu bởi hạ nghị sĩ Thaddeus Stevens đại diện cho bang Pennsylvania, thượng nghị sĩ Charles Sumner đại diện cho bang Massachusetts, hạ nghị sĩ George W. Julian đại diện bang Indiana, cùng với hai thượng nghị sĩ Benjamin F. Wade của bang Ohio và Zachariah Chandler của bang Michigan, nhóm này đã không mệt mỏi theo đuổi mục tiêu của mình.
Những nhân vật cực đoan cũng kiên quyết theo đuổi chiến tranh của Liên bang. Họ có thể chi phối ủy ban đặc biệt của hạ viện với mục đích chỉ đạo chiến tranh. Nhờ chức năng của mình, ủy ban đã gian lận trong các hợp đồng và các vụ mua bán phục vụ quân đội, đồng thời hoạt động không hiệu quả trong các chiến dịch chiến lược cũng như chiến thuật. Về nhiều mặt, ủy ban này bắt chước các hoạt động của các cao ủy trong quân đội cách mạng Pháp, nỗ lực ca ngợi cho các tướng thuộc đảng Cộng hòa theo đuổi đường lối cực đoan, chỉ trích và quấy rối những tướng thuộc đảng Dân chủ tin vào mục tiêu duy nhất của chiến tranh.
Tướng McClellan và nhiều sĩ quan khác dưới quyền ông ta là mục tiêu chính của ủy ban này. Sau khi quân Liên bang thất bại tại Ball’Bluff, ủy ban đã tìm được một người giơ đầu chịu phỉ báng là tướng Charles P. Stone và liên tục quấy nhiễu, đòi ông ta phải từ chức. Quan điểm và hành vi của ủy ban tạo căng thẳng giữa những người cực đoan, cả những người chủ trương ôn hòa thuộc đảng Cộng hòa lẫn những người theo đảng Dân chủ tại hạ viện, đồng thời gây căng thẳng giữa phe cực đoan và Tổng thống. Mối liên quan chính giữa những kẻ cực đoan trong hạ viện và chính quyền Lincoln chính là Bộ trưởng Bộ tài chính Chase và Bộ trưởng Bộ chiến tranh Stanton. Tháng 01 năm 1862 ông Stanton thay thế ông Simon Cameron sau khi ông này có những biểu lộ tham nhũng và bất tài trên cương vị của mình. Ông Stanton hỗ trợ mạnh mẽ trong việc ngược đãi tướng Stone và trong việc chỉ trích tướng McClellan không đủ khả năng trên cương vị một vị tướng mặc dù hầu hết những học giả nghiên cứu về cuộc chiến này đều cho rằng chính tướng McClellan đã mang tới ngày tàn cho mình.
Phe cực đoan lập luận rằng: tham chiến với nguyên nhân là chế độ sở hữu nô lệ thật phi lí, nếu không lấy bãi bỏ chế độ nô lệ là mục tiêu của cuộc chiến. Cụ thể hơn, họ chỉ ra rằng: người Liên minh sử dụng nô lệ với số lượng lớn để hỗ trợ cho cuộc chiến của họ. Như vậy, giải phóng nô lệ là một biện pháp thời chiến hợp pháp của Liên bang. Những lý lẽ như vậy đã có tác dụng.
Tháng 08 năm 1861, Hạ viện thông qua một điều luật kém hiệu quả là chiếm lấy mọi của cải đã được dùng để hỗ trợ cho quân nổi loạn. Gần một năm sau, 17 tháng 07 năm 1862 với phạm vi và mức độ ác liệt của chiến tranh ngày càng tăng, hạ viện đã ban hành điều luật sung công thứ hai, một biện pháp có tác dụng sâu rộng chống lại những kẻ nổi loạn chống đối Liên bang và rõ ràng ủng hộ cho việc giải phóng nô lệ.
Mặc dù Tổng thống Lincoln ký hai điều luật trên, ông vẫn tin rằng điều luật thứ hai là không hợp với hiến pháp. Ông cũng không tán thành việc cho rằng điều luật này là có hiệu lực bởi vì ông biết: tại thời điểm đó số đông dân miền Bắc đặc biệt là những người thuộc đảng Dân chủ không coi giải phóng nô lệ là một mục tiêu của cuộc chiến. Tổng thống và chánh án tối cao pháp viện không hào hứng với việc đưa các điều luật này vào thực tế. Khi vài tướng của Liên bang (tướng Fremont ở Missouri vào tháng 08 năm 1861 và tướng David Hunter phụ trách việc thỏa hiệp của khu vực duyên hải của Georgia, Nam Carolina và Florida vào tháng 05 năm 1862) ra lệnh giải phóng nô lệ, Tổng thống Lincoln đã bác bỏ lệnh của họ. Bằng cả lời nói và việc làm, rõ ràng Tổng thống nêu rõ ý định của mình là kiểm soát tiến trình của một rắc rối có thể gây thảm họa.
Chính quyền Lincoln và hạ viện cùng chung tay thực hiện những biện pháp khác có tầm quan trọng về lâu về dài cho tương lai của nước Mỹ. Khi các dân biểu miền Nam rời khỏi tòa nhà quốc hội, Hạ viện giờ đây ban hành một loạt biện pháp khiến cho miền Nam phản đối dai dẳng trong đó có luật thuế bảo hộ cho một số hàng hóa xuất xưởng, việc miễn thuế đất như các khoản trợ cấp cho việc xây dựng đường sắt xuyên lục địa dọc theo tuyến đường ở miền Bắc, luật đất đai cấp cho dân định cư 160 mẫu đất từ quỹ đất của cả nước và điều luật Morrill nhằm hỗ trợ cho những vùng đất được cấp thuộc Liên bang để thành lập những trường đại học nông nghiệp và cơ khí của các bang. Như vậy toàn quốc gia không chỉ đoàn kết lại. Nó còn được tổ chức lại theo thiết kế về mặt văn hóa, xã hội và kinh tế của người miền Bắc.
Trong lúc đó chiến sự ngày càng ác liệt. Tổng thống Lincoln tìm biện pháp đảm bảo chiến thắng trong thời gian ngắn nhất và ít thương vong nhất. Thông thường, ông phớt lờ Hạ viện và tòa án trong lúc mải lo tìm các biện pháp hữu hiệu. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong việc ông đối mặt với những người mang tên “rắn hổ mang”, những người ở miền Bắc chỉ trích những điều luật của miền Bắc là hỗ trợ cho chính quyền Liên minh miền Nam hoặc phản bội lại Liên bang. Có nhiều công dân miền Bắc xuất thân ở miền Nam hoặc có quan hệ máu mủ tình cảm sâu sắc, đặc biệt là ở các bang Ohio, Indiana, và Illinois. Quân đội Liên minh có hàng ngàn quân nhân là người thuộc các bang này. Những người chống phân biệt chủng tộc hoạt động mạnh mẽ trên khắp miền Bắc, đặc biệt họ có ảnh hưởng lớn với những người miền Bắc nhưng gốc gác miền Nam. Nhiều công dân ở khắp nơi bất mãn cuộc chiến vì mục đích bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ. Đồng thời, nhiều nông dân thuộc vùng Trung Tây tức tối về chương trình kinh tế của đảng Cộng hòa bởi vì họ cho rằng nó thỏa mãn quyền lợi về thương mại và công nghiệp của người miền Đông Bắc mà không hề màng đến quyền lợi của nông dân miền Trung Tây.
Từ những bất bình như vậy và với sự kích động của các điệp viên Liên minh, những tổ chức bí mật đã thành lập. Họ tự gọi mình là hiệp sĩ của nhóm vàng (Knights of the Golden Circle), hoặc tổ chức của các hiệp sĩ Mỹ (Order of American Knights) hoặc tổ chức những người con của tự do (Sons of Liberty). Mục tiêu trước mắt của họ, cũng giống như của rất nhiều đảng viên đảng Dân chủ ở miền Trung Tây, là chi phối chính phủ các bang miền Bắc và kết thúc chiến
tranh. Trong đó vấn đề nổi cộm nhất là thỏa mãn quyền đòi độc lập của Liên minh miền Nam. Đây là điều những người miền Bắc bất mãi muốn có nhất. Nhưng đại đa số họ đều tin hòa bình sẽ được thiết lập thông qua đàm phán, như vậy Liên bang vẫn được bảo toàn mà chế độ nô lệ vẫn được phép tiếp tục tồn tại. Hành động chống đối với các biện pháp thời chiến của Tổng thống Lincoln gồm đủ loại từ việc can gián người dân tòng quân, sau này chống đối lại chế độ quân dịch cho tới các hành động như tiếp tay cho những kẻ tấn công miền Bắc thuộc Liên minh, âm mưu phóng thích tù binh chiến tranh của Liên minh và phóng hỏa các thành phố miền Bắc.
Tổng thống Lincoln đối mặt ngay tức khắc với những kẻ bị buộc tội thực hiện những việc làm và âm mưu như vậy. Ông cho phép bắt giam những kẻ tình nghi mà không cần tới tòa án. Tháng 09 năm 1862, ông tuyên bố rằng: bởi cuộc chiến còn kéo dài, bất cứ ai cản trở người khác ghi tên tòng quân hoặc có những hành động phản quốc khác sẽ bị bắt và bị đưa ra tòa án binh hoặc ủy ban của quân đội xét xử.
Hơn 13 ngàn người đã bị bắt và giam giữ theo cách này. Có người phóng đại con số lên đến 38 ngàn người. Bên cạnh đó, một số các tờ báo cũng bị từ chối quyền được gởi thư thông qua hệ thống phục vụ bưu chính của Mỹ. Trong số đó có cả các tờ báo miền Bắc như New York World, New York Journal of Commerce, và Philadelphia Evening Journal. Những nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng hầu hết những người bị bắt, cầm tù, và các cuộc đàn áp ngôn luận xuất hiện tại các bang có sở hữu nô lệ nằm ở vùng biên giới hoặc những vùng thuộc các bang miền Nam nhưng dưới sự kiểm soát của Liên bang, các khu vực bất an vì có nhiều phe ủng hộ cho hai miền xung đột lẫn nhau. Nhưng có rất nhiều hành động của chính phủ gây tranh cãi xảy ra ở khắp nơi cho thấy: Tổng thống Lincoln sẵn sàng chấp nhận các phương pháp ngoại lệ mỗi khi ông thấy cần thiết để thắng cuộc nội chiến này.
Những hành động này làm dấy lên sự thù oán mãnh liệt trong một số người miền Bắc, dù đa số cho rằng chúng cần thiết. Những hành động ấy đã bị thách thức tại tòa án nhưng không có kết quả. Tháng 05 năm 1861, khi một quân nhân chủ trương li khai tại Mariland tên là John Merryman bị bắt vì vi phạm luật nhà binh, quan tòa Taney nỗ lực viện đến lệnh đình quyền giam giữ để đưa ông ta về tòa án dân sự. Viên sĩ quan chỉ huy của quân nhân ấy đã phản đối việc làm này. Tổng thống Lincoln ủng hộ viên sĩ quan ấy. Quan tòa Taney sau đó đưa ra ý kiến rằng chỉ có hạ viện mới có quyền này. Tổng thống Lincoln tiếp tục viện đến luật nhà binh để giải quyết vụ việc. Trong thư ngỏ, ông bảo vệ cho biện pháp này, coi đó là hợp pháp bằng cách viện đến tính nghiêm trọng của vấn đề. Để đáp trả nhóm người phản đối, ông nói: “Tại sao tôi phải bắn chết một tân binh chất phác đào ngũ, trong lúc tôi không thể chạm đến sợi tóc của kẻ kích động đã xui khiến người tân binh kia đào ngũ?”.
Ví dụ nối tiếng nhất và cũng thuyết phục nhất trong một vụ bắt giữ người vì mục đích quân sự đã được xử đi xử lại nhiều lần chính là vụ việc của Clement L. Vallandigham dân biểu đại diện cho bang Ohio. Ông này bị bắt vào tháng 05 năm 1863 vì bất tuân lệnh tướng Burnside. Sau đó bất tuân mệnh lệnh tướng chỉ huy quân đội vùng Ohio. Lệnh này cấm phát biểu công khai tình cảm đối với kẻ thù. Một ủy ban quân đội đã tìm cách kết tội dân biểu Vallandigham và tuyên án ông phải ở tù cho tới khi nào chấm dứt chiến tranh. Biết về mối nguy hiểm của việc khuấy động làn sóng bất bình sâu rộng trong dân chúng. Tổng thống Lincoln đã khôn ngoan thay đổi án tù ấy bằng một lệnh trục xuất đến các bang thuộc Liên minh miền Nam. Sau
này, khi dân biểu Vallandigham theo đường Canada trở về Liên bang trong chiến tranh và tham gia chiến trường miền Bắc, Tổng thống Lincoln đã khôn ngoan lờ đi cho ông ta.
Vấn đề quyền hạn của quân đội xử lý dân thường trong thời chiến vẫn không được yên ổn cho tới tận sau cuộc nội chiến. Tối cao pháp viện Hoa Kỳ năm 1866, đã bác bỏ bản án của nhiều người tại Indiana. Những người này trong năm cuối của cuộc chiến đã bị buộc tội và tuyên án tử hình vì đã âm mưu phóng thích tù nhân chiến tranh người Liên minh. Pháp viện tối cao tuyên phạt rằng: “luật nhà binh là hợp pháp trong trường hợp có nổi dậy hoặc xâm chiếm”. Quyết định này cứu được mạng sống của các cá nhân đã bị buộc tội. Nhưng như vậy rõ ràng nó không ảnh hưởng gì tới việc thực hành luật nhà binh trong thời chiến.
Công việc chính trong thời chiến là gây dựng, duy trì và quản lý một số lượng quân khổng lồ trên khắp nước Mỹ. Lực lượng lớn nhất, quân đội Liên bang, đến từ nhiều nguồn khác nhau. Bao gồm quân đội thường trực, các tổ chức dân quân của các bang, các đơn vị tình nguyện của các bang. Đại đa số quân nhân đều là những người tình nguyện phục vụ ba năm trong quân đội, đăng kí từ các bang riêng biệt. Nhưng lòng nhiệt tình đã bị nguội lạnh sau những thất bại của quân Liên bang tại Virginia trong mùa hè năm 1862 buộc chính quyền phải viện tới lệnh bắt quân dịch, kêu gọi 300 ngàn dân quân tại các bang bổ sung cho quân đội. Thời gian phục vụ của họ là chín tháng. Trong nhiều trường hợp, quân số tăng lên nhờ chế độ cưỡng bách toàn quân thực hiện tại các bang.
Cuối cùng tháng 03 năm 1863, Hạ viện đã thông qua điều luật quân dịch yêu cầu tất cả đàn ông trai tráng lành lặn tuổi từ 20 đến 45 đều là đối tượng thực hiện chế độ quân dịch. Luật này được thành lập để khuyến khích người tình nguyện. Bởi thông thường dân chúng thấy xấu hổ nếu bị cưỡng bách tòng quân. Điều luật này cũng cho người dân nhiều con đường tránh phải đi quân dịch bằng cách thuê một người thay thế hoặc chi một khoản lệ phí là 300 đôla để không phải đi lính. Chế độ cưỡng bách tòng quân đã gặp sự phản đối lớn, đôi khi bạo động. Đầu tháng 07 năm 1863, các cuộc nổi loạn chống chế độ quân dịch tại thành phố New York City trở nên nghiêm trọng khiến quân đội Liên bang từ Gettysburg được điều đến để đàn áp quân phiến loạn.
Ngoài tinh thần yêu nước được cổ vũ, sự khích lệ đối với lính tình nguyện là khoản tiền thưởng nhập ngũ 300 đôla. Ngoài ra chính quyền địa phương ở nhiều bang còn bổ sung thêm tiền thưởng với mục đích chiêu mộ nhiều tân binh.
Cách thức tuyển mộ và tổ chức các đơn vị tình nguyện chứng tỏ sức mạnh còn rơi rớt lại của học thuyết chính trị về quyền các bang miền Bắc, mặc dù học thuyết này không gây rắc rối cho chính phủ Liên bang như nó đã từng gây rắc rối cho chính phủ Liên minh (sẽ được làm rõ ở phần sau) và dù học thuyết này không phải lúc nào cũng được gọi đúng tên tại miền Bắc. Cách tổ chức quân đội Liên bang trong các đơn vị đều được nhận biết bằng bang xuất sứ của đơn vị ấy (ví dụ quân đoàn bộ binh New York số 95) và dưới quyền của các sĩ quan được chỉ định bởi thống đốc các bang. Từ đầu thời kỳ chiến tranh, nguyên tắc về quyền các bang nhắc nhở các thống đốc cử đại diện thương mại của bang tìm nguồn cung cấp quân trang quân dụng của họ. Sau đó hạ viện sẽ trả lại những khoản chi phí ấy. Trong suốt cuộc chiến, chính quyền các bang đã hỗ trợ rất nhiều để bảo đảm lương thực và quân trang cho quân đội của bang mình và đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực tham chiến. Trong số những thống đốc tận tuy và nhiệt tình nhất có ông John Andrew của bang Massachusetts. Thống đốc bang Andrew Gregg Curtin của
Pennsylvania, thống đốc Richard Yates bang Illinois và thống đốc Oliver Morton bang Indiana. Tất cả đều là thành viên đảng Cộng hòa.
Thế nhưng có nhiều người miền Bắc ủng hộ quyền các bang, phản đối một số biện pháp của Tổng thống Lincoln khi tiến hành chiến tranh, đặc biệt là sự cắt xén lệnh đình quyền giam giữ, quyền quân đội được bắt giam và xử án, và chế độ quân dịch. Thống đốc Horatio Seymour thuộc đảng Cộng hòa của thành phố New York, một trong những người nhiệt tình đóng góp vào nỗ lực tham chiến, từng cố gắng để tuyển mộ tân binh cho đủ với chỉ tiêu của bang, lại là một người chuyên chỉ trích cách hành xử của Tổng thống Lincoln. Có lẽ ông Seymour chống đối lệnh cưỡng bách tòng quân không kém bất cứ thống đốc Liên minh miền Nam nào. Khi miền Bắc, cũng như miền Nam, là mục tiêu của mối de dọa bị xâm chiếm và đã thật sự bị xâm chiếm bởi cuộc sống gian khổ và biết bao khó khăn chồng chất, mối bất hòa giữa nhà cầm quyền các bang miền Bắc với giới chức trách Liên bang rõ ràng càng lúc càng gay gắt hơn dù nó không đến nỗi quá gay gắt như những bất đồng tương tự tại chính phủ Liên minh miền Nam. Trước bối cảnh như vậy, Tổng thống Lincoln đã kêu gọi tinh thần dân tộc tiềm tàng của miền Bắc và biến nó thành nguồn sức mạnh của Liên bang.
Cuối cùng, quân đội Liên bang cũng ghi được mức kỉ lục: 2,9 triệu người nhập ngũ. Nhiều cá nhân đăng kí nhập ngũ rất nhiều lần, con số binh lính thực sự phục vụ quân ngũ đúng theo quy định trở nên khó tính toán. Con số ước đoán là từ 1,5 triệu cho tới trên 2 triệu. Quân đội Liên bang đã tới đỉnh cao của sức mạnh vào mùa xuân năm 1865 với quân số 1 triệu người. Nhân vật quan trọng trong việc quản lý và duy trì một quân đội lớn như vậy chính là Bộ trưởng Bộ chiến tranh Stanton. Vốn là một luật sư, cựu đảng viên đảng Dân chủ và là một người thích châm chọc Tổng thống Lincoln. Ông Stanton là người liêm chính, nghị lực không bao giờ cạn với những phương pháp thực thi độc tài. Khả năng làm việc hiệu quả và không nương tay đã khiến ông trở thành “nhà tổ chức để làm ra chiến thắng” trong cuộc nội chiến Hoa Kì.
Ông Stanton tập hợp những sĩ quan hàng đầu biết cách tự quản từng nhiệm vụ trong quân đội (tướng phụ trách tiểu đoàn, tướng chủ nhiệm tổng cục hậu cần, trưởng ban quân nhu, trưởng ban kĩ thuật dưới quyền là các kĩ sư và tổng quản các kho lương thực quân đội) thành một ban tham mưu trực tiếp dưới quyền giám sát của ông. Ông thuyết phục các ban ngành thương mại bên dân sự thuộc các thành phố miền Bắc thành lập những ủy viên tham mưu để hỗ trợ cho công việc cung cấp quân trang quân dụng cho những người lính trực tiếp chiến đấu. Như vậy Stanton tận dụng được sự hỗ trợ các nguồn lực thời chiến từ những nguồn cung cấp tri thức và kĩ năng tổ chức, quản lý kĩ thuật và máy móc siêu đẳng nhất trong thời kỳ bấy giờ tại xã hội công nghiệp và thương mại hiện đại của miền Bắc.
Không ở đâu sự hỗ trợ này rõ ràng và quan trọng hơn công việc của Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Montgomery C. Meigs. Là chủ thầu tại khu District of Columbia, xây dựng các công trình dẫn nước và cầu cống trên sông Potomac tại thành phố Washington (một công trình cầu cống dài nhất trên thế giới) và là chủ thầu xây dựng những dãy nhà phụ của tòa nhà quốc hội Mỹ. Ông Meigs có nhiều kinh nghiệm trong việc đàm phán với các nhà thầu và nhà cung cấp tư nhân. Ông đã phát triển và giám sát hệ thống cung cấp quân trang quân dụng cho quân đội Liên bang với đồng phục, lều trại, các toa xe hàng, ngựa và vô số hàng hóa khác trực tiếp từ những nhà sản xuất và những người buôn bán chợ đen tại nước Mỹ. Ông cũng sử dụng lợi thế của mình để thuyết phục những công ty đường sắt miền Bắc chấp nhận tiêu chuẩn chung. Như
"""