" Những Vụ Án Nổi Tiếng Thế Giới: Món Nợ Truyền Kiếp - Ed McBain full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Vụ Án Nổi Tiếng Thế Giới: Món Nợ Truyền Kiếp - Ed McBain full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo THÔNG TIN EBOOK Tên sách: Món Nợ Truyền Kiếp Nguyên tác: Chroniques Du 87e District Tác giả: Ed Mc Bain Người Dịch: Đoàn Doãn Thể loại: Trinh Thám Nhà Xuất Bản Công An Nhân Dân Hà Nội© 2000 The Happiness Project #8-F TVE-4U Read Freely - Think Freedom Thực hiện: lotus, hanhdb Hoàn thành: 07/2015 DỰ ÁN HẠNH PHÚC The Happiness Project #8-F Hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh chúng ta, điều quan trọng ta phải biết nắm bắt, kéo nó về phía mình để đem lại an lành cho bản thân, cho cuộc sống! Cuốn sách này là một niềm vui nhỏ bé chúng tôi muốn dành tặng đến bạn, người đọc ạ! "Hãy nhớ rằng không có hạnh phúc trong sự sở hữu hay sự thâu nhận, mà chỉ có trong sự trao tặng. Hãy mở rộng vòng tay - Hãy chia sẻ - Hãy ghì ôm. Hạnh phúc là một loại nước hoa, mà khi bạn rưới lên những người khác, thế nào cũng có một vài giọt dính trên người bạn." Og Madino BẬC THẦY CỦA TIỂU THUYẾT THÁM TỬ Nhà văn trinh thám Mỹ Salvadore Lombino sinh năm 1926 tại một xóm người Italia ở New York. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông vào học Trường cao đẳng Mỹ thuật. Trong những năm chiến tranh, Lambino phục vụ tại binh chủng Hải quân và bắt đầu viết truyện ngắn. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông tốt nghiệp Trường cao đẳng Hunter. Năm 1952 Lombino chính thức đổi tên thành Evan Hunter, theo tên của ngôi trường phổ thông và cao đẳng nơi ông đã học. Ông từng làm nhân viên bán tôm hùm, chơi piano trong một giàn nhạc jazz, dạy học ở trường phổ thông, làm nhân viên quảng cáo. Một lần, với tư cách là đại lý văn học, Salvadore Lambino đã mang tới nhà xuất bản những tập bản thảo của Evan Hunter, nghĩa là của chính mình. Evan Hunter rất nổi tiếng trong giới những người hâm mộ thể loại trinh thám với bút danh Ed McBain độc nhất vô nhị, tác giả của những cuốn tiểu thuyết về đồn cảnh sát 87 - một chùm tiểu thuyết trinh thám dài, đa dạng và rất nổi tiếng. Theo ý đồ của tác giả, đồn 87 nằm ở một “thành phố tưởng tượng” nào đó, tuy nhiên độc giả tinh ý dễ dàng nhận ra trong đó New York, mặc dù tên gọi các đường phố, đại lộ và các địa danh khác đã được thay đổi. “Thành phố” chia thành 5 quận: Isola (Manhattan), nơi đồn 87 đóng, Riverhad (Bronks), Magesta (Quins), Calm-Point (Brooklin) và Bestawn (Steiten-Ireland). Ai đó có thể lấy làm ngạc nhiên rằng hai con sông xuyên qua “thành phố” - Hurb và Dike (Goojon và East-River), chảy về phía tây, trong khi “thành phố” lại nằm bên bờ phía đông. Theo chủ ý của Ed McBain, New York “quay” xung quanh trục của nó, vì vậy phía bắc trở thành phía đông, phía đông trở thành phía nam... phù hợp hoàn toàn với cực từ của trái đất. Đồn 87 nằm ở một vị trí khiến các nhân viên của nó buộc phải trình diễn tài năng trinh thám của mình khi khám phá các vụ tội phạm xảy ra trong các tầng lớp trên, cũng như ở dưới “đáy” xã hội của nước Mỹ. Phạm vi của đồn bao quát cả những khu sang trọng, vùng ngoại vi trù phú, phần lãnh thổ, nơi sinh sống của đại diện giai cấp trung lưu, lẫn các khu nhà ổ chuột, phố “đèn đỏ”, và thậm chí một số biệt thự kiến trúc kiểu gothique cổ kính. Các cuốn tiểu thuyết của Ed McBain đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn của thể loại trinh thám. Hoạt động trong đó không chỉ là một người hùng đơn độc, mà còn cả một đội cảnh sát nhà nghề được phối hợp chặt chẽ. Thậm chí nếu một nhân vật nào đó của Ed McBain trở nên vượt trội (ví dụ, trong nhiều tiểu thuyết công lao khám phá tội phạm thuộc về Stev Carrele), hành động của anh ta cũng không thể mang lại những kết quả mong muốn, nếu như không có sự giúp đỡ và ủng hộ của các thám tử khác. Đồn 87 có cái gì đó giống như Con thuyền Noe, nơi tập hợp rất nhiều những con người khác nhau, được liên kết bởi một mục đích chung: quét sạch bọn tội phạm, xây dựng cuộc sống trong “thành phố” trở nên hạnh phúc và bình yên. Trong số đó có Trung úy Berne, Cảnh sát trưởng, được các nhân viên cấp dưới của mình, thậm chí cả bọn tội phạm nể trọng; Meier Meier, một thám tử cực kỳ chịu khó, xuất thân từ một gia đình gốc Do Thái, tuổi thơ của anh ta trôi qua trong sự đụng độ của những tín điều; Bert Kling trong cuộc sống và trong công việc không tìm kiếm những con đường dễ dãi, vì vậy anh đã phạm phải rất nhiều sai lầm mà lẽ ra có thể tránh được; Coton House, con trai của một linh mục đạo Tin Lành được phái đẹp hết sức hâm mộ, cũng như những chiến binh tận tụy khác đấu tranh vì sự bình yên của những người dân lương thiện. Một điều hết sức đặc trưng đối với Ed McBain là nhân vật của ông không phải là những con người xơ cứng, bất biến, không phải là những chiếc mặt nạ nào đó, ngược lại, họ biết tận hưởng cuộc sống, trưởng thành và hoàn thiện tài năng của mình. Nhân vật Stev Carelle là một ví dụ, một cảnh sát mẫu mực “đến tận xương tủy”. Thông thường, khi một nhà văn gặt hái được thành công ban đầu thì anh ta hay sản xuất ra những tác phẩm na ná nhau cho tới khi độc giả chán ngấy sự đơn điệu đó. Tuy nhiên, đối với Ed McBain, điều đó đã không xảy ra. Ông không bao giờ ngần ngại thử nghiệm. Trong tiểu thuyết “Cái nêm” có hai cốt truyện cùng phát triển song song, thoạt đầu không hề liên quan gì với nhau: một bên là câu chuyện khủng khiếp về một người phụ nữ mất trí vì quá đau khổ đã dọa đánh bom Đồn 87, và bên kia là một thủ pháp hơi lỗi mốt, khi một nhân vật xuất thân từ thành phần bất hảo đã trở thành kẻ sát nhân và chỉ bằng con đường suy diễn logique các thám tử mới vạch mặt được kẻ tội phạm. Hai cốt truyện này nối với nhau bằng một biểu tượng nào đó được tác giả gửi gắm trong tên gọi của tác phẩm. “Giá của sự ngờ vực” là câu chuyện về một “vụ giết người lý tưởng”, hơn nữa tác giả còn thử nhìn các sự kiện bằng con mắt của kẻ tội phạm, trong khi các thám tử thể hiện vai trò của mình một cách mờ nhạt. Tiểu thuyết “Công việc bình thường” đáng chú ý bởi trong đó có sự tham gia của hầu hết các thám tử thuộc Đồn 87 và họ buộc phải khám phá 14 vụ án. Tiểu thuyết “Sợi lông tơ” là một hài kịch, mặc dù luôn luôn tỏ ra làm việc căng thẳng, các nhân viên cảnh sát không thể vượt qua được bọn tội phạm. Không thể không nhắc tới nhân vật gã Điếc rất thành công của Ed McBain - đó là một kẻ bất khả chiến bại, may mắn thoát chết trong tiểu thuyết “Tên cướp”, lại xuất hiện trong tiểu thuyết “Sợi lông tơ” và muộn hơn trong “Hãy nghe gã điếc nói gì”. Mỗi một cảnh có sự tham gia của nhân vật này đều một pha mạo hiểm tiếp theo của y mà các thám tử tìm mọi cách ngăn chặn. Nhưng gã điếc đều thoát chết và lành lặn sau những hoàn cảnh hiểm nghèo, để rồi lại bất ngờ xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết tiếp theo nào đấy. Ed McBain được công nhận là một bậc thầy về văn xuôi trào phúng. Thực sự không một cuốn tiểu thuyết nào về Đồn 87 thiếu chất hài hước, điều này góp phần làm nên thành công của chùm tiểu thuyết nói trên. Chính chất hài hước đã “hồi sinh” các nhân vật, vì những nguyên nhân nào đó mà chân dung tâm lí của họ chỉ được tác giả phác qua một cách sơ sài. Tất nhiên, đôi khi trong các tác phẩm của Ed McBain bạn đọc cũng bắt gặp những hoàn cảnh và số phận bi kịch thực sự, nhưng chính chất hài hước đã trở thành một phẩm chất lành mạnh của toàn bộ chùm tiểu thuyết của ông Trần Hậu LỜI NÓI ĐẦU Evan Hunter lúc chưa lấy tên Ed Mc Bain, đã viết nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn dưới nhiều tên khác nhau, được một nhà xuất bản đề nghị viết một loạt truyện về vụ án. Ông chọn nhân vật chính trong loạt truyện đó là cả một đơn vị cảnh sát. Ông nói: “Tôi muốn nói về những người khám phá ra án mạng trong thực tế. Tôi cố gắng thể hiện công việc hàng ngày của những nhân viên cảnh sát ở một thành phố lớn, muốn xây dựng một lớp người hình dạng và tính cách khác nhau nhưng tập hợp lại cùng tạo ra một người anh hùng: đội Cảnh sát Quận 87. Việc đó chưa từng được làm và quan niệm này cho phép tôi đưa những nhân vật mới vào tập thể đã có. Toàn đội là người anh hùng trong truyện và không người nào trong đội buộc phải có hoặc không thể thay thế được. Trong đời sống thực tế, một cảnh sát có thể bị giết hay bị thương.” Trong các thanh tra cảnh sát ở Quận 87 Steve Carella được nói đến nhiều nhất, cả về tiểu sử. Gốc Ý, sinh ở Jsola, anh tham gia mặt trận Ý trong thế chiến thứ hai và vào ngành Cảnh sát 21 tuổi. Steve Carella là một cảnh sát liêm khiết, nhân hậu, có trách nhiệm cao trong công việc. Anh cũng là còn người bình tĩnh, không tha thứ đầu óc phân biệt chủng tộc, không thờ ơ với cái chết và có khả năng thông cảm với tất cả những ai anh phải tiếp xúc vì nghề nghiệp. Trực giác nhạy cảm, minh mẫn, ngoan cường, anh có khả năng cảm thụ rất cao: điều này được Mc Bain nói lên một cách hình ảnh bằng gán cho anh một người vợ câm điếc: Teddy. Gia đình sống hạnh phúc - họ có hai con sinh đôi - Carella không ngừng suy nghĩ về cuộc đời mỗi khi có dịp nghề nghiệp đưa lại. Chính tiềm năng nhân đạo, cái nhìn nhiệt tình đối với mọi người và cuộc sống làm anh trở thành hấp dẫn, được trìu mến. Xung quanh Carella, Quận 87 như là cả một gia đình: cảnh sát trưởng Peter Byrnes lãnh đạo đơn vị, như một người cha; Meyer Meyer là anh cả có đức tính kiên nhẫn nổi bật. Là người Do thái nhưng không cố chấp về giáo lý, anh đặt ra nhiều vấn đề về tính cách Do Thái và vị trí của người Do Thái hiện đại. Bert Kling là em út, rất gắn bó với Carella, trải qua hai cuộc thực tập khó khăn trong quá trình trưởng thành: nghiệp vụ cảnh sát nhiều khi rất nguy hiểm và lĩnh vực tình cảm riêng tư. Và những người khác: Cotton Hawes tóc hung, con của một mục sư, rất nhiều quan hệ với phái nữ; Arthur Brown, người da đen duy nhất trong đội; Hal Willis người nhỏ bé nhưng không kém nổi danh; Rogeru Havilland, anh cảnh sát hung bạo và thoái hóa; Grossman, người phụ trách phòng xét nghiệm. Tất cả đều có vai trò; quan trọng trong bối cảnh xuất hiện, len lỏi khắp nơi và có vẻ trở về hậu trường Quận 87. Còn một lớp người khác không là thành phần của Quận 87 nhưng đóng vai trò những kẻ điên khùng, lúc này lúc khác làm cho các thanh tra cảnh sát “điên người”: Những hung thủ, những kẻ vô lại gian ngoan luôn xuất hiện từ hư không, chơi trò trốn tìm với cảnh sát. Ed Mc Bain diễn tả những vụ việc trong một thành phố tưởng tượng, thành phố lớn Isola với những khu vực xen kẽ rất khác nhau: có những khu dinh cơ tầng lớp trên, những khu trung lưu, những khu Do Thái và những căn nhà lụp xụp, rác bẩn. Thành phố tập trung mọi tầng lớp xã hội và tiếp nhận dân cư của mọi bộ tộc thiểu số. Việc điều tra những vụ án tiến hành trực diện hoặc theo bước nhảy trong cùng một việc như diễn biến ở một đơn vị mà cảnh sát viên phải giải quyết nhiều vụ cùng một lúc. Như vậy, sự việc này có thể đối chiếu với sự việc khác, phối hợp giữa chúng với nhau, gây ra những bất ngờ, nhận rõ được nhiều mặt của sự việc. Tác giả biết thay đổi kết cấu, nhiều khi dựa vào tính chất xảo quyệt của tội phạm, thay đổi phương pháp kể, phân tích diễn biến tâm lý phá án, phong cách xã hội trong suốt ba mươi năm tại của Quận Cảnh sát 87 sử dụng lối ghi chép việc để dõi theo số phận các nhân vật. (Trích dịch bài viết của JACQUES BAUDOU) NHỮNG VỤ ÁN NỔI TIẾNG THẾ GIỚI Món Nợ Truyền Kiếp Nguyên bản: Ed Mc Bain - Đoàn Doãn dịch Nhà Xuất Bản Công An Nhân Dân Hà Nội - 2000 CHRONIQUES DU 87E DISTRICT Traduit par Louis Saurin Presses de la Cité ISBN 2-258-02550-5 Ed: 5644 Dépốt Legal 2C Trimestre 1988 (Bản dịch của Louis Saurin - Nhà xuất bản Cité, quí 2-1988) HÃY TIN TÔI 1 Mọi người đều có quyền kiếm sống. Người ta đổ giọt mồ hôi và có một đô la. Với đồng đô la ấy mua chanh, đường, để chiếc bàn và hai chiếc ghế nhỏ, ngồi bán nước chanh bên lề đường, bỗng nhận ra kiếm được mỗi tuần năm đô la. Với năm đồng đó, lại mua chanh, đường, đặt bàn che lều dọc đường. Một thời gian sau thấy cần phải mượn thêm người làm, sản xuất nước chanh vào chai vào hộp rồi có xe để đi phân phối chai hộp đó cho các cửa hàng. Người ta mua một ngôi nhà đẹp ở vùng nông thôn có bể tắm, thường tổ chức chiêu đãi mà khách mời uống nước chanh pha thêm rượu. Có thể nói người ta đã thành đạt. Luật pháp cho việc kiếm đồng tiền sinh sống là chính đáng, nhưng nhiều khi phải nói tới cách kiếm ra đồng tiền. Nếu, ví dụ, anh ta có xu hướng phá khóa những hòm bạc, cảnh sát chau mày. Hoặc anh thích trấn lột khách đi đường, không ai có thể phàn nàn gì về việc cảnh sát can thiệp. Hay tệ hơn nữa anh kiếm sống bằng một khẩu súng ngắn thường chĩa vào người khác để tống tiền thì điều đó hoàn toàn không ổn. Bây giờ nếu là một người ăn mặc đường hoàng nhưng kiếm sống bằng cách phạm tội, anh có thể làm hàng ngàn cách. Có thể đánh lừa thiên hạ. Không cần dùng bạo lực; bỏ tiền ra mua những dụng cụ hành nghề đắt tiền như kìm cộng lực cũng vô ích; trang bị khẩu súng ngắn hay bố trí kế hoạch để cướp một nhà băng bảo vệ chu đáo cũng là thừa. Anh có thể tỏ ra cao sang, sống một cuộc đời lãng mạn và phiêu lưu, gặp gỡ nhiều người, ăn uống thoải mái trong lúc làm tiền... nhưng cái đó nhằm đánh lừa thiên hạ. Tóm lại, anh có thể lừa đảo, lợi dụng lòng tin ở mức độ cao. Cô bé da đen có vẻ bị kích động mạnh. Cô đang ở trong một trạm cảnh sát, trình bày sự việc với hai viên thanh tra. Có một cảnh sát da đen, điều đó cũng không làm cô yên lòng. Hai người chú ý nghe, thái độ thông cảm nhưng cô cảm thấy mình vẫn rất kỳ cục và chính vì sợ kỳ cục mà cô bị kích động. Cô ra thành phố đã hai năm, tự biết lúc ấy thật ngây thơ dại dột. Vừa mân mê quai chiếc túi đen, cô bảo hãnh diện đã đưa đến thất bại. Cô nói: - Tôi cảm thấy mình ngu ngốc đến thế. - Cô cho biết lại tên? - Kling hỏi. Kling vừa lên chức thanh tra và còn chưa biết hỏi như thế nào cho thật đúng. Anh là một chàng trai tóc vàng to lớn, rất trẻ, hầu như còn non nớt. Đôi khi anh cũng cảm thấy mình nêu lên những câu hỏi ngốc nghếch, vì vậy hiểu tâm trạng cô bé da đen đang ngồi thẳng đờ trên ghế. - Tôi tên là Betty - cô ta trả lời - Betty Prescott. - Cô ở đâu, cô Betty?- Kling lại hỏi. - Tôi làm việc cho người ta, ở bang bên cạnh, là đầy tớ ông hiểu chứ? Tôi phục vụ trong nhà ông bà Haines đã sáu tháng nay. (Cô hỏi như Kling phải biết ông bà này. Anh không biết họ). Tôi ra về vì thứ năm là ngày tôi được nghỉ. Ngày thứ năm và một ngày chủ nhật trong hai tuần. Thường thường ngày thứ năm tôi ra thành phố. Ông Haines đánh xe đưa tôi ra ga; khi trở về bà Haines đi đón. Đáng lẽ tôi phải về rồi nhưng cần đến trình bày với các ông việc đã xảy ra. Tôi đã điện cho bà chủ và bà đồng ý tôi phải đến gặp các ông. Ông hiểu chứ? - Tôi hiểu - Kling nói - Cô có chỗ ở trong thành phố à? - Khi tôi đến, tôi ở nhà bà chị họ, Jsabel Johnson ấy? Lại là câu hỏi. Kling không biết bà này. - Được rồi, Betty, tiếp đó việc xảy ra như thế nào? Brown hỏi. Cho đến lúc đó, Brown ngồi im, để cho Kling thẩm vấn. Nhưng Arthur Brown nhiều tuổi hơn, vốn là người thiếu kiên trì. Do tên anh là Brown và hoàn cảnh sinh ra anh có màu da nâu, anh bị đùa cợt nhiều và có lúc đã định đổi tên để thực sự làm mồi cho bọn phân biệt chủng tộc. Nhưng từ tính sốt ruột cùng nảy sinh một loại cố chấp giúp anh trong việc điều tra. Khi Brown bắt tay vào một sự việc, chưa được sáng tỏ thì anh chưa thôi. Như vậy là Brown sốt ruột hỏi: - Việc xảy ra như thế nào? - Sáng hôm qua tôi xuống tàu, đang đi dọc sân ga thì ông ấy đến nói chuyện với tôi. - Ở chỗ nào vậy? - Ở sân ga. Ông ta chào tôi và hỏi mới ra thành phố ít lâu phải không. Tôi trả lời không, từ nông thôn ra đã hai năm nhưng làm việc ở ngoại ô. Ông ta có vẻ đường hoàng, ăn bận lịch sự, và về các mặt. Ông nhận rõ điều tôi muốn nói chứ? Ra dáng lắm phải không? - Đúng - Kling nói. - Ông ta bảo là mục sư. Vả lại cũng có vẻ như vậy. Ông chúc phúc cho tôi, nói với tôi phải rất thận trọng vì ở thành phố lớn đầy cạm bẫy đối với những cô gái ngây thơ. Có những người muốn làm hại tôi à? Lại một câu hỏi và Kling trả lời xác nhận đúng một cách máy móc, bực mình vì ngạc nhiên về cách nói của cô. - Ông ta bảo phải chú ý nhất là về tiền nong vì người ta thường tìm cách đánh cắp. - Người da trắng hay da đen ?- Brown ngắt lời. Cô bé nhìn, Kling như xin lỗi: - Da trắng. - Cô tiếp tục đi - Brown nói. - Thế là tôi bảo tôi có một ít tiền; ông ta đề nghị để ông ban phúc cho, hỏi tôi có tờ mười đô la không, tôi nói không, chỉ có tờ năm đồng. Ông ta cầm lấy, bỏ vào chiếc phong bì trắng, làm dấu chữ thập lên trên. Dấu thánh giá à? Lần này Kling không trả lời câu hỏi. - Sau đó ông lẩm bẩm điều gì như cầu Chúa trời ban phúc cho đồng tiền; chúng tôi nói chuyện vớ vẩn với nhau và ông bỏ phong bì vào túi. Và rồi chúng tôi chia tay, ông đưa cho tôi chiếc phong bì có dấu chữ thập, đồng tiền đã được ban phúc. - Còn sáng nay? - Brown rốt ruột. - Lúc đi lên tàu, khi tôi mở chiếc phong bì ra chứ? - Đúng vậy - Kling nói. - Một điều lạ là không có tờ đô la! - Brown nhận định. - Không hẳn thế! Chỉ có một chiếc khăn nhỏ bằng giấy gấp lại. Chắc ông ta đổi chiếc phong bì trong lúc nói chuyện, sau khi đã ban phúc cho đồng tiền. Tôi không biết phải làm gì bây giờ. Tôi rất cần tờ năm đô la ấy! Ông thấy có lấy lại được không? - Chúng tôi thử cố gắng - Kling nói - Cô có thể nói nhân dạng người ấy được không? - Chà, tôi không nhìn kỹ lắm. ông ta đường hoàng, ăn bận tử tế. Một bộ quần áo màu xanh nước biển. Có thể là đen; nói chung là màu tối. - Có thắt cà vạt không? - Hình như chiếc nơ cánh bướm. - Có cặp da, sách vở gì không? - Không. - Có nói tên với cô chứ? - Có lẽ. Tôi không nhớ nữa. - Được rồi, cô Prescott - Brown thở ra nói - Nếu chúng tôi có được tin tức gì sẽ báo cho cô. Trong lúc chờ đợi, tôi khuyên cô vĩnh biệt tờ năm đô la của cô đi. - Vĩnh biệt? - Câu hỏi vang lên hơn bao giờ hết nhưng không ai trả lời. Người ta dẫn cô gái ra đến hành lang; cô buồn rầu bước xuống cầu thang. - Anh nghĩ việc này thế nào? - Kling hỏi Brown. - Việc đánh tráo cũ rích. Biết bao nhiêu cách làm. Chúng ta có thể theo dõi ở các sân ga. - Anh thấy có thể tìm ra không? - Tôi chẳng biết. Có thể ngày mai nó thay đổi địa điểm. Bert này, tôi có cảm tưởng lối lừa đảo và lợi dụng lòng tin gần đây lại phát triển. Những mưu mô cũ mà mọi người đã phải biết rõ, lại bắt đầu hoành hành. Tôi không hiểu.... - Việc không nghiêm trọng lắm - Kling nói. - Mọi tội trạng đều nghiêm trọng - Brown nghiêm trang xác định. - Đúng, chắc chắn rồi. Tôi muốn nói ngoài mấy đồng đô la bị mất dù sao cũng không có thương tích gì. Cô gái trẻ ở cảng sông thì có thương tích thật sự. Cô nổi lên, trôi vào những tảng đá gần cầu và lúc đầu ba đứa trẻ chơi gần đó không biết là cái gì. Khi hiểu ra chúng đi báo cảnh sát. Khi anh cảnh sát đến, cô gái đang ở gần tảng đá. Anh không hề thích xác chết, nhất là những xác người đã ngâm trong nước trương phình, xác chết gần giống như một người đàn bà. Tóc đã hoàn toàn biến đi trong dòng nước; quần áo thì chỉ còn lại chiếc nịt ngực dán vào da thịt đã rữa như có phép lạ; răng hàm dưới phía trước cũng thiếu. Anh cảnh sát cố gắng giữ khỏi nôn oẹ, chạy ngay đến trạm điện thoại gần nhất báo cho quận Cảnh sát 87 mà anh thuộc quyền. Sulivan, trực ban trả lời anh. - Tôi là Di Angelo - Anh cảnh sát nói. - Gì thế? - Có một thây người chết gần cầu. Anh kể chi tiết cho Sulivan rồi trở lại đứng gần xác cô gái phơi dưới nắng tháng tư, trên tảng đá. 2 Thanh tra Steve Carella thích trời nắng. Anh không ghét mưa, hơn nữa nông thôn lại rất cần mưa, nhưng trời mưa làm tấy lên những cơn đau cũ do một viên đạn lạc. Anh luôn nghĩ những vết thẹo đau vào mùa mưa đã như là một truyền thuyết. Nhưng không thành vấn đề. Vết thương làm anh đau khi trời mưa, anh hài lòng khi mưa tạnh và bắt đầu nắng nóng. Trong lúc này ánh nắng chiếu lên những gì còn lại của một cô gái; Carella nhìn tác động ghê gớm của cái chết, có phần trắc ẩn và giận dữ. Cảm xúc qua đi, anh hỏi Di Angelo: - Chính anh tìm thấy xác chết à? - Mấy đứa bé. Chúng chạy đi tìm tôi. Một cảnh tồi tệ, đúng không? Không đẹp chút nào. - Việc ấy chẳng bao giờ dễ trông cả. Carella lại nhìn thân thể rồi phải quan sát kỹ theo thủ tục, anh rút cuốn số tay đen, mở ra ghi: 1- Chỗ phát hiện xác chết: Trên những tảng đá gần cảng sông. 2- Giờ: - Anh ngước mắt nhìn người nhân viên. - Anh đến lúc mấy giờ - Fred? Di Angelo nhìn đồng hồ. - Một giờ mười lăm phút. Tôi vừa lại... - Cho là một giờ mười lăm phút - Carella ngắt lời và ghi vào sổ tay. Rồi anh viết thêm: 3. Nguyên nhân chết; 4. Ngày chết... Và để trống chỗ cho bác sĩ pháp y, điền. Anh ghi tiếp: 5. Ước đoán tuổi: 25 đến 35 tuổi 6. Nghề nghiệp:? 7. Mô tả xác chết: a. Giới tính: nữ; b. Giống: da trắng; c. Quốc tịch:? d. Cao:? e. Cân nặng:? Có nhiều dấu hỏi. Cũng có nhiều điều Carella sẽ ghi nếu có thể được: khuôn mặt, dạng cằm, mũi, miệng... xương cốt, kiểu dáng... Phiền một nỗi là thây ma bị chết đuối, trong tình trạng rữa nát. Carella thậm chí không ghi được màu tóc vì đã mất hết chỉ đành viết : Lông vàng. Anh kết thúc mô tả thân thể bằng một chữ viết hoa - Chết đuối, để tóm tắt trạng thái. Rồi anh đi vào những vấn đề khác. 8. Quần áo: Nịt ngực. Đưa phòng thí nghiệm xác định và tìm dấu hiệu thợ giặt là. 9. Đồ trang sức hay những đồ vật khác: Không có gì. - Carella gập sổ tay lại. Di Angelo hỏi: - Anh nghĩ thế nào về việc này? - Anh muốn hỏi theo thống kê hoặc về những việc cụ thể? - Tôi chẳng biết, tôi hỏi thế thôi. - Thế này, nếu tin vào thống kê, cô gái này không chết. Như vậy là một sai lầm. - Không đùa đấy chứ? - Nhìn xác chết, tôi nghĩ cô ta ở dưới nước đã ba, bốn tháng. Trong thời gian đó phải có người báo mất tích, nếu cô ta có một gia đình hay bạn bè. - Chà - Di Angelo kêu lên, như thường vốn bị tác động bởi cách thức của viên thanh tra. - Chúng ta hãy xem bản thống kê của Văn phòng tìm kiếm những người trong gia đình. Đây là một cô gái. Mà nói chung, trong số người mất tích thường đàn ông hơn đàn bà 25%. - Chà - Di Angelo lại thốt lên. - Điều thứ hai, cô ta phải vào khoảng 25 đến 30 tuổi. Trung bình tuổi những người mất tích là 15. - Đúng thế à? - Điều thứ ba, chúng ta đang tháng tư. Cao điểm những vụ mất tích là tháng năm rồi tháng chín. - Thế đấy, không tồi! - Vậy, theo thống kê thì không xảy ra việc gì - Carella thở dài nói - Vậy mà cô ấy đã chết. - Ồ không. - Một giả thiết thôi. Mười cược một đây là một cô gái tỉnh lẻ. Di Angelo đồng tình và nhìn ra đường chỗ hai chiếc xe vừa dừng. - Những nhân viên phòng thí nghiệm và thợ ảnh đã đến - Anh nói: Nếu trong giai đoạn điều tra này, Carella có phần ít quan tâm đến cô gái chết đuối thì những nhân viên kỹ thuật của cảnh sát rất chú ý đến thây ma đã thối rửa. Người ta gửi về phòng thí nghiệm chiếc nịt ngực và đưa thây vào nhà xác. Sam Grossman là cảnh sát trưởng nhưng đồng thời là một kỹ thuật viên giỏi trong phòng thí nghiệm. Ông chỉ đạo có kinh nghiệm, nhẹ nhàng và đạt những kết quả nhiều khi đáng kinh ngạc. Phòng thí nghiệm chia làm bảy bộ môn chiếm gần hết tầng trệt, sở cánh sát ở trung tâm thành phố. Bảy bộ môn là: Lý và Hóa, Sinh, Bộ môn tổng hợp, Vũ khí, Tài liệu, nhiếp ảnh, máy móc. Đầu tiên người ta đưa chiếc nịt ngực đến bộ môn Lý. Nhân viên ở đây không hề nghĩ về tác dụng quảng cáo đáng kể của loại ăn mặc này, họ chỉ quan tâm đến việc vật này giúp họ xác định tung tích người chết. Phải nói là phần lớn quần áo hoặc đồ dùng vải vóc thường ít nhiều có mang hiệu cơ sở giặt là. Sam Grossman tự hào về phòng thí nghiệm của ông có bản mẫu đầy đủ nhất về nhãn hiệu tất cả những hiệu giặt là, hiệu nhuộm trong nước. Trong mấy phút nhân viên của ông đã có thể xác định được một dấu hiệu nào đấy. Chiếc nịt ngực không mang một dấu hiệu nào, ít nhất là trong bước đầu xem xét. Phải đưa soi qua tia cực tím, cũng không có dấu vết gì. Nhân viên phòng thí nghiệm kết luận cô gái tự giặt lấy đồ lót của mình và chuyển chiếc nịt ngực sang những xét nghiệm khác mong tình cờ tìm ra dấu vết. Tuy vậy, ở nhà xác... Bác sĩ pháp y tên là Paul Blaney đã nhiều năm khám nghiệm xác chết các loại nhưng vẫn chưa thế quen với những người chết đuối. Ông làm việc với thây ma này gần hai tiếng cũng chưa xác định rõ. Ông cho rằng người chết khoảng ba mươi lăm tuổi dựa vào thân thể và xương cốt, cân nặng khoảng sáu mươi ba kilô và xét theo lông còn lại, tóc có thể màu vàng. Dòng nước đã bóc ra, mang đi răng phía trước hàm dưới nhưng những răng khác còn tốt tuy hàm đã hàn nhiều chỗ. Hàm trên bên phải bị nhổ đi không được thay thế. Blaney nêu lên một trạng thái hàm răng để so sánh với tất cả những bộ răng của những người mất tích. Ông cũng có phương pháp tìm mọi vết thẹo hoặc những dấu vết khác trên người cô gái, kết luận cô đã cắt ruột thừa, tiêm chủng ở đùi trái, ở cuối xương sống có một số hạt làm duyên và cuối cùng, rất lạ đối với một người đàn bà là có vết xăm nhẹ, giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Vết xăm hình quả tim, đầu nhọn chúc về cánh tay, trong lòng chỉ có một chứ, theo dạng sau: MAC Blaney đánh giá xác chết ở trong nước ít nhất đã ba, bốn tháng. Lớp da hai bàn tay đã mất và ông thở dài thất vọng cho các đồng nghiệp phải xác định vân tay. Có phần tởm lợm và rất khéo léo, ông cắt ngón cái và những ngón tay, bọc lại gửi cho Sam Grossman. Sau đó ông khám nghiệm tim và nội tạng. Phải rất kiên trì, và can đảm để lấy vân những ngón tay cắt ra. Nếu người chết đuối không ngâm lâu trong nước, những người của Grossman sẽ phơi khô mỗi ngón tay trên một chiếc khăn mỏng rồi tiêm glixêrin dưới da ngón tay. Sau đó lấy vân tay rất dễ. Không may xác chết đã ở lâu trong nước. Còn nữa, nếu lớp da chỉ hơi hư hỏng thì tương đối dễ giải quyết. Nhân viên kỹ thuật sẽ cắt da mỗi ngón, bỏ tất cả vào ống nghiệm đầy phoóc môn. Sau đó lấy ra dán vào găng tay cao su, một người mang găng vào, ấn ngón vào mực và giấy như tự lấy vân tay của chính mình. Dù mọi dấu vết đường vân mất hết người ta cũng có được hình mặt trong của da và chụp ảnh với ánh sáng mạnh. Nhưng người chết ở trong nước đã bốn tháng; nhân viên kỹ thuật phải dùng những phương pháp phức tạp hơn để tái hiện vân tay. Người của Grossman vẫn không nản vì thế. Họ là những nhà phù thủy thực thụ, lần lượt hơ từng ngón lên ngọn đèn, trở qua lại trên ngọn lửa mạnh, cho đến lúc thật khô, da săn lại. Lúc đó họ mới bôi mực in vào mỗi ngón và lấy vân. Việc làm đó cũng không làm rõ được người chết là ai. Một bản sao dấu vân tay được gửi đến Văn phòng xác định tội phạm. Một bản khác cho F.B.I. Bản thứ ba cho Văn phòng tìm kiếm tung tích nạn nhân. Bản thứ tư cho đội Hình sự vì mọi tai nạn hay tự vẫn đều được xem như án mạng cần thông báo rộng. Cuối cùng, một bản gửi cho quận Cảnh sát 87, nơi nạn nhân được tìm thấy. Và người của Grossman xoa tay xong việc. Carella tự nhủ Blaney làm anh rùng mình. Điều này ở tính cách của người bác sĩ hơn là nghề nghiệp; Anh đã biết nhiều người làm ăn với cái chết nhưng ở Blaney có vẻ lo lắng bận rộn hơn vì công việc - Carella đứng bên cạnh ông và mong được đi tắm rửa. Hai người ơ trong phòng mổ của nhà xác, lát gạch trắng lên đến trần, giữa có rảnh chính thu thập máu và những vật khử trùng. - Ông nghĩ sao? Carella hỏi. - Tôi ghê tởm những người chết đuối- Blaney nói - Tôi không thể trông họ được, cảm thấy khó chịu ngay. - Chẳng ai thích điều đó cả. - Tôi lại kém hơn những người khác - bác sĩ kêu lên - Nhưng bao giờ cũng là tôi tiếp thu những người chết đuối. Mỗi lần người ta mang đến những người khác lảng ra. Đúng vậy chứ? Anh thấy người ta dồn lại cho tôi tất cả những người chết đuối chứ? - Thì cũng phải có một người phụ trách việc đó. - Tất nhiên, nhưng vì sao bao giờ cũng tôi? Anh nghe đây không bao giờ tôi than phiền đâu. Người ta có thể đưa đến cho tôi bất cứ gì. Ở đây chúng tôi có những thây bị cháy không còn là người nữa. Anh đã vầy vọc thịt cháy thành vôi chưa? Thế mà đầu chỉ dính vào người bằng một mảng da. Tôi chẳng nói gì; là bác sĩ pháp y, đó là công việc của tôi. Nhưng tại sao người ta cứ luôn luôn đưa lại cho tôi những người chết đuối? Vì sao những người khác không bao giờ làm việc ấy? - Ông nghe cho... - Carella bắt đầu, nhưng bác sĩ đang trong đà. - Không ai làm tỉ mỉ như tôi trong phạm vi tệ hại này. Phiền một nỗi tôi không phải là người lâu năm nhất, còn xa xôi. Tất cả làm theo lỗi cũ. Đường lối thế mà. Những người cũ cắt thịt lạnh từ bốn mươi năm nay, họ làm qua loa. Nhưng tôi, tôi làm công việc cần mẫn, không bỏ sót điều gì, quan sát tận gốc, họ đưa những người chết đuối lại cho tôi. Thẳng thắn đấy. - Chắc họ nghĩ ông là một chuyên gia - Carella thầm thì, xã giao. Và họ không tin tưởng vào ai khác. - Thế nào? Chuyên gia? - Nhất định rồi. Ông rất giỏi, Blaney ạ. Những người chết đuối là khó khăn nhất. Người ta không thể giao phó cho bất cứ phẫu thuật viên nào. Cái nhìn của Blaney dịu lại; ông mỉm cười. Nụ cười của ông tắt nhanh và ông cau mày, bực bội vì việc của mình. Carella can thiệp, không để ông có thì giờ suy nghĩ nhiều. - Còn trường hợp này? - À, đúng. Tôi đã làm báo cáo. Cả một mớ. Bốn tháng ngâm trong nước, chắc chắn thế. Tôi vừa khám nghiệm xong tim. - Ra sao? - Anh có biết về khoa tim chứ? - Không nhiều. - Tâm thất và tâm nhĩ? Anh biết không, máu chảy qua một bên, được bơm lên... nhưng, tôi không lên lớp giải phẫu cho anh. - Tôi không đòi hỏi đến thế. - Tóm lại, tôi đã làm xét nghiệm, về nguyên tắc, khi người ta chết đuối, nước qua phổi vào trong máu. Bằng cách ấy chúng tôi có thể xác định người chết đuối trong nước ngọt hay nước mặn. - Cô gái được phát hiện ở cảng sông. Trong nước ngọt phải không? - Tất nhiên. Nhưng theo Smith - anh biết không? - Vâng, vâng. - Theo Smith, nếu một người chết trước khi vào trong nước, nước không vào trong máu, trong tim. Nói một cách khác nếu chúng ta không thấy dấu vết nước trong tim, chúng ta có thể khẳng định nạn nhân không phải chết đuối mà chết trước khi đụng vào nước. - Thế ư? - Carella cảm thấy quan tâm, hỏi. - Cô gái này không có một giọt nước nào trong tim, Carella ạ. Cô ấy không phải chết đuối. Carella nhìn thẳng vào bác sĩ. - Cô ấy vì sao mà chết? - Bị đầu độc bằng thạch tín. Chưa bao giờ có một lượng như thế trong dạ dày và ruột, do uống vào miệng. Các mô không bị thấm nhiễm, chúng ta có thể loại bỏ trường hợp đầu độc lâu dài. Việc làm này tàn ác hơn. Cô ta chết sau khi uống chất bẩn thỉu ấy vài giờ. Blaney gãi trán, giữa những sợi tóc thưa thớt. - Như vậy, ông nói thêm rất có thế anh sẽ đứng trước một vụ án mạng đấy. 3 Xét cho cùng, cuộc đời, khi người ta nghĩ đến, đầy rẫy lừa đảo. Chỉ cần nhìn xung quanh mình, thấy rất nhiều những vụ lừa đảo, ăn cắp, nịnh hót. “Hãy mua xà phòng Machin, loại độc nhất chứa chất làm mịn da....” “Thưa các bạn, nếu tôi được bầu, tôi xin hứa xây dựng một chính phủ trong sạch và thẳng thắn. Vì sao tôi có thể hứa với các bạn? Vì tôi là một ứng cử viên không có tì vết và tôi khẳng định, trên những tàn dư của chế độ cũ, chúng ta sẽ giương cao ngọn cờ những yêu cầu của xã hội mới...” “Này George, suy nghĩ đi, đây là một vụ tiền vàng. Anh không rõ đâu, tôi xin hứa với anh, anh sẽ được hai triệu không cần giao ước phần vốn của mình...” “Em yêu, anh không biết nói với em thế nào... nhưng từ khi thấy em, anh thấy tim ngừng đập. Anh có cảm giác em mang lại ánh sáng mặt trời. Mái tóc em, đôi chân em, em là ánh sáng của anh, ánh sáng của đời anh mãi mãi. Anh muốn thét to lên điều đó. Em đẹp, đẹp đến mức anh cảm thấy mê muội. Em thích là người xinh xắn chứ? Anh yêu em lắm, em biết không? Hãy ngoan nào, để cho anh nhìn ngắm em toàn bộ, em đẹp đến thế! Nào em, nâng yếm lên đi, chỉ yếm thôi; để anh ngắm em...” “Tôi nói trung thực với ông. Chiếc xe này có thể chạy đến 75.000 cây số. Ông thấy đấy, tôi không nói dối đâu. Châm ngôn của chúng tôi là thế... Trước hết là trung thực... Mời ông lại đây. Chiếc xe này thì không bao giờ tìm được một chiếc như vậy. Nếu có thể tôi đã giữ nó lại cho mình nhưng vợ tôi không thích màu tím nhạt. Một cơ hội hiếm có. Xe của một gái già chỉ dùng đi ra nghĩa địa ngày chủ nhật. Và được giữ rất cẩn thận, tôi chỉ nói với ông, thế thôi...” “Anh ấy rất dễ mến nhưng không bao giờ biết pha rượu. Phải tinh tế, ông biết chứ. Tôi có cách của tôi. Ông uống một cốc...” “Xin chào mọi người. Tôi giới thiệu ông em Louis của tôi, chủ hãng bia nổi tiếng. Nào, Louis, trình bày với họ đi...” Người đàn ông bận bộ quần áo màu xanh nước biển là một tên lừa đảo. Ngồi trong phòng khách của khách sạn, hắn chờ ông Jamison. Hắn thấy ông Jamison lần đầu ở ga vừa xuống tàu từ Boston tới, đi theo ông đến khách sạn và ngồi chờ vì có dự định đối với ông Jamison này. Hắn ăn mặc lịch sự, cao lớn, nét mặt cởi mở cái nhìn thẳng thắn, bận chiếc sơ mi trắng tinh, cà vạt kín đáo, đôi giày bóng bảy, cầm trên tay một bản hướng dẫn về thành phố. Hắn xem đồng hồ. Nếu Jamison đi ăn tối thì sắp xuống nhà vì đã sáu giờ rưỡi. Phòng khách của khách sạn đầy người hối hả. Một hiệu bia lớn tổ chức cuộc thi chọn người đẹp; những người dự thi đi đi lại lại, vây quanh là thợ nhiếp ảnh và các nhà báo. Tất cả bọn họ đều giống nhau, trang điểm cùng một khuôn mẫu bởi những tay lừa đảo gian ngoan và về cơ bản họ cũng thực hiện việc lừa đảo một cách thư thái. Người đàn ông thấy Jamison ra khỏi thang máy bèn đứng ngay dậy, tay cầm bản hướng dẫn - Liếc nhìn, hắn thấy ông lại gần mình, mở ra say mê nghiên cứu và bỗng quay lại đột ngột đụng mạnh vào Jamison. Ông này có vẻ sửng sốt. Đây là một người đàn ông lực lưỡng và đỏ đắn. Tên lừa đảo cúi xuống nhặt bản hướng dẫn và kêu lên: - Xin ông tha lỗi cho. Mãi xem tập này tôi không trông thấy ông. Thưa ông, tôi không làm ông đau chứ ạ? - Không sao cả. - Càng hay. Tập này tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi từ Boston đến ông ạ. Tôi tìm con đường... - Ở Boston à? Thú vị đấy! - Đúng ra là ở ngoại ô. Ông biết ư? - Biết chứ. Tôi cũng ở Boston đây. Nét mặt tên lừa đảo rạng lên: - Ông không đùa chứ? Tốt quá. - Thế giới chẳng rộng lắm nhỉ, đúng không? - Một cuộc gặp gỡ như thế này phải ăn mừng. Tôi xin chiêu đãi một cốc. - Tôi đang đi ăn tối... - Vậy đúng lúc khai vị. Xin mời ông. Nói thực, tôi rất phấn khởi được gặp ông. Tôi không quen ai ở đây. Ta đến vũ trường trong khách sạn hay chọn một nơi yên tĩnh hơn? - Lạy chúa... - Ông nghĩ đúng. Người ta thường lúng túng trong lựa chọn. Cứ đi rồi sẽ tìm ra. Tên lừa đảo khoác tay, Jamison đưa đi trên hè phố. - Chúng ta đi về phía nào? - Thế thì... - Đúng vậy. Đi lại kia. - Hắn tự giới thiệu mình là Charlie Parsons. Jamison thổ lộ tên là Elliot, ở xưởng dệt. Họ bước đi, quan sát các quán ba và cà phê nhưng không chỗ nào vừa lòng Parsons. Cuối cùng trước một ngôi nhà đề hiệu Con vẹt đỏ, Parsons nắm cánh tay Jamison: - Ở đây trông được đấy. Anh nghĩ sao? - Ồ, đối với tôi, tất cả đều như nhau. Có vẻ không tồi. Họ đi vào và khi cánh cửa mở, một người đàn ông bận quần áo xám xuất hiện, một người khoảng ba mươi, mặt mũi dễ trông, mái tóc hung đậm. Parsons hỏi: - Ông tha lỗi, xin hỏi. - Vâng. - Quán ba này? Có tốt không? . - Ồ, à... Vâng, tốt đấy, nhưng tôi không biết lắm những chỗ tốt. Tôi không phải người ở đây. - Chúng tôi cũng thế - Parsons kêu lên. Ông ở đâu vậy? - Ở Wilmington; tôi vừa đến và những người bạn đi vắng cả. - Thế thì vào uống cùng chúng tôi một cốc. Elliot thấy thế nào? - Parsons đề nghị. - Dĩ nhiên tán thành. Càng nhiều người điên càng vui. - Tôi xin giới thiệu: Tôi là Charlie Parsons và đây là Elliot Jamison. - Rất hân hạnh. Tôi là Frank O’Neil. - Chúng ta cùng vào đi. Họ ngồi vào một bàn cách biệt và gọi lượt đầu. Không lâu người mới gặp tâm sự vừa thắng đậm, tha hồ tiêu, món tiền được bất ngờ. Anh nhỏ giọng cho biết: - Tôi có hơn ba nghìn đô la, có thể chi thoải mái. Rồi họ thân mật tranh cãi ai là người trả tiền lượt ăn uống này; O’Neil khăng khăng sẽ chiêu đãi mọi người, cuối cùng nổi nóng: - Tôi có hơn ba nghìn đô la, có điều kiện mời hai anh ăn uống thật lực. - Chúng ta ai trả tiền nấy - Parsons nói. - Không được! - Thực tình - Jamison can thiệp - tôi nghĩ Parsons nói đúng. - Được – O’Neil gợi ý - Chúng ta rút thăm theo sấp ngửa. Dễ thôi, cùng tung đồng tiền; ai không như những người kia thì thua cuộc. - Đồng ý - Parsons chấp nhận. O’Neil thua cuộc; gặng lần nữa vẫn mất. Anh bực tức, càng ương bướng: - Tôi không bao giờ gặp may; bao giờ cũng thế. Tôi có mua toàn bộ cuốn vé xố số cũng chẳng được gì. Chán thật. - Lượt sau tôi sẽ chi - Parsons nói để anh bình tĩnh lại. - Không, chúng ta rút thăm nữa. O’Neil lại thua. - Thấy không? Không bao giờ tôi thắng. Các anh đỏ thật. - Thôi, đừng bực mình; đừng tranh cãi nữa. Lượt sau tôi trả - Jamison nói. - Không, tôi thua tôi trả. Đỏ bừng mặt, O’Neil có vẻ kích động lạ lùng. - Tôi đi rửa tay đã rồi chúng ta tiếp tục. Các anh chờ nhé. Anh đứng bật dậy đi về cuối phòng. Parsons quay lại nói với Jamison: - Cũng phiền, tôi nghĩ anh ấy không thua mãi thế. Một con người lạ thật! - Nhưng suy cho cùng, chính anh ta muốn chơi như vậy. - Hay chúng ta cho anh ta một bài học? - Làm thế nào? - Anh ta bảo có ba nghìn đô la. Chúng ta lấy đi. - Lấy à? Jamison bất bình kêu lên. - Tất nhiên là đùa thôi. Sau đó chúng ta trả lại cho anh ấy. - Nhưng chúng ta làm thế nào? - Chẳng khó gì. Anh chỉ việc tung đồng tiền của anh sau cùng, khi thấy đồng của tôi ra sao thì cứ để rơi theo mặt đó. Đơn giản, đúng không? Rồi bắt anh ta tăng tiền cược; nóng gỡ mà! - Chà! Thế là lao đầu vào - Jamison vừa nói vừa cười. - Suỵt, anh ta trở lại rồi đấy. O’Neil bước vào, nóng nảy hơn bao giờ hết. - Nào, lại lượt nữa chứ? Họ đem ra chưa? - Này Frank - Parsons nói với anh - Chúng ta không dành cả buổi tối để uống chứ. Hay chúng ta chơi cược tiền? - Tôi lại thua mất. - Tại anh cứ nghĩ thế. Đây là vấn đề nghị lực. Nếu anh quyết tâm thắng thì anh sẽ thắng thôi. - Anh nói thế! - Nào, hãy chơi cho giỏi. Tôi có một ít tiền, nhưng chúng ta đừng say mê quá. Còn Elliot, anh có tiền chứ? - Khoảng hai trăm năm mươi đô la. Tôi không thích đi dạo mà có nhiều tiền trong túi. - Anh nói rất đúng. Biết đâu được. Thế nào Frank? - Được, được. Chúng ta chơi bao nhiêu? - Qui ước là người thua phải trả cho mỗi người thắng năm đô la. Được không? - Đồng ý. Họ bắt đầu tung tiền. Với sự đều đều đặc biệt, O’Neil tiếp tục thua. Rồi chắc để anh ta khỏi nghi ngờ, Parsons thu xếp để Jamison thua một ít. Cả ba người yên lặng, đắm mình vào cuộc chơi. Trong mười lăm phút O’Neil thua bốn trăm đô la. Parsons thỉnh thoảng nháy mắt với Jamison để anh bạn hiểu việc tiến triển theo như dự kiến; O’Neil không ngừng than phiền với Jamison, cũng bị thua theo cách của Parsons. Cuộc chơi tiếp tục, Jamison không thua nữa. Bỗng O’Neil đập mạnh hai tay xuống bàn, nhìn hai người với đôi mắt dữ tợn. - Này, nói đi, như vậy nghĩa là thế nào? - Gì vậy? - Parsons hỏi; - Tôi vừa mất gần sáu trăm đô la. Còn anh? Anh ta ngoảnh về phía Jamison hỏi. - Ồ, khoảng hai trăm ba mươi. - Còn anh? - Anh ta hỏi Parsons. - Tôi được. - Anh không lừa, ăn cắp tiền của tôi đấy chứ? - Ăn cắp tiền? - Các anh phải chăng là một đôi lừa đảo, đúng không? Jamison khó giữ được nghiêm chỉnh. Parsons nháy mắt với anh. O’Neil đột ngột đứng dậy: - Tôi đi báo cảnh sát! - Parsons, túi căng đầy hai trăm ba mươi đô la của Jamison và sáu trăm của O’Neil, cố gắng làm anh ta bình tĩnh lại. - Nào, nào, Frank! Đừng nóng nảy thế. Nợ cờ bạc là nợ danh dự mà! - Rốt cuộc, chúng tôi chỉ muốn... - Jamison bắt đầu nói. Parsons để bàn tay lên cánh tay O’Neil và nói với O’Neil. - Một cuộc chơi là một cuộc chơi, Frank. - Và một thằng ăn cắp là một thằng ăn cắp. Tôi đi tìm cảnh sát! Anh ta chạy đi; Jamison tái mặt: - Những trò đùa ngắn nhất là hay nhất, Charlie. Anh thấy đấy chúng ta... - Anh yên tâm, tôi sẽ giữ anh ta lại. Quỷ quái, con người buồn cười thật!, Này, Frank, chờ đã... Anh kia đã ra khỏi cửa; Parsons chạy đuổi theo. Jamison còn lại một mình, hơi lo lắng, nhận thấy trò đùa đi quá đà. Chỉ nửa tiếng sau anh mới hiểu ra trò đùa dựa vào túi tiền của anh. Anh tự nhủ không thể thế được và chờ thêm nửa giờ nữa. Sau đó anh tìm đến đồn cảnh sát gần nhất, kể việc rủi ro của mình cho một thanh tra viên là Arthur Brown. Brown chú ý lắng nghe, ghi đặc điểm hai con người chơi trò sấp ngửa hay đến thế! 4 Văn phòng tìm kiếm nạn nhân phụ thuộc vào sở Cảnh sát và Bert Kling đến hỏi hai viên thanh tra Ambrose và Bartholdi. - Chúng tôi không có việc sao mà có thì giờ quan tâm đến những người chết đuối, Bartholdi đáp lại. Người ta vừa báo cho chúng tôi mười sáu đứa trẻ dưới mười tuổi hôm nay bị mất tích. Không có việc làm sao mà lo đến một thây ma đã ngâm nước bốn tháng rồi. - Các thanh tra quận 87 là những người có lòng. Họ lo lắng đến những người chết đuối. Loài người có nhiều thương cảm thật - Ambrose tiếp lời. - Chúng tôi, chúng tôi chỉ băn khoăn về những đứa trẻ mất tích. Không lợi ích nào khác. - Các anh làm to chuyện - Kling nói - Tôi chỉ muốn xem qua phiếu danh sách của các anh thôi. - Anh tưởng chúng tôi thích điều đó à? Nếu cứ để mọi người ở sở cảnh sát mó tay đầy ngón vào những phiếu danh sách của chúng tôi thì rồi đảo lộn hết. Hệ thống phiếu của chúng tôi là một mẫu mực về trật tự và chính xác. - Anh làm tôi hân hoan về sự sắp xếp ấy - Và anh cứ khóa chặt lại hay để cho người ta chiêm ngưỡng? - Tôi thường thán phục cảnh sát quận 87 về khả năng hài hước của họ. Mỗi lần có một anh đến là người ta đái ra quần - Ambrose nói. - Như thế nào? - Bartholdi hỏi. - Một cảnh sát viên giỏi là phải vậy: Hài hước, nhân ái, thích đi vào từng chi tiết nhỏ. - Và kiên trì nữa - Kling cắt ngang. Bây giờ tôi có được xem những phiếu của các anh không? - Anh muốn xem từ thời gian nào? Ambrose hỏi. - Khoảng cách đây sáu tháng. - Tôi tưởng cô ta chỉ ngâm trong nước có bốn tháng? - Có lẽ người ta báo mất tích sớm hơn. - Lý luận khá thật. Tôi tự hỏi nếu không có những khối óc lớn của quận 87 thì thành phố và cả nước ta sẽ ra sao! - Thôi đi! Kling quay gót. Phiếu của các anh để ở đâu tùy các anh. Tôi đi nói với Giám đốc các anh không cho mượn xem. Xin chào. Thấy Kling sắp đi, Bartholdi lấy lại thái độ nghiêm chỉnh. - Được, được rồi, đồ rắn đầu. Anh đến mà xem phiếu danh sách. Nếu tra cứu toàn bộ, anh có thể ngập vào đấy một năm ròng. - Rất cám ơn - Kling trả lời. - Anh đi theo hai viên thanh tra dọc theo hành lang; Ambrose giải thích: - Chúng được xếp theo nhiều cách khác nhau. Có thể theo thứ tự năm tháng, theo vần chữ cái hoặc riêng đàn ông hay đàn bà. - Con gái xếp theo con gái, con trai theo con trai, Bartholdi nói nhạo. - Mọi thông tin được xếp trong những hồ sơ khác nhau, báo cáo pháp y, phiếu về hàm răng, thư từ, tài liệu nếu có, v.v... - Và đừng làm lẫn lộn chúng. Kẻo rồi chúng tôi phải đưa đến một cô thư ký đẹp tóc vàng ngồi sắp xếp lại. - Mà chúng tôi thì không thích những cô gái đẹp tóc vàng - Ambrose nói thêm - Gặp trường hợp đó chúng tôi trả họ về với mẹ. - Vì chúng tôi là những người đàn ông trung thực đã có vợ và biết tự kiềm chế. Tài liệu đấy - Ambrose nói, khoát vòng tay chỉ vô số hồ sơ xanh che lấp cả những bức tường trong gian phòng. Chúng ta đang trong tháng tư. Anh có thể dở lùi lại sáu tháng, sẽ là tháng mười một. Ở khoảng kia. (Anh nháy mắt với đồng sự). Thế nào? Thế mới là hợp tác, đúng không? - Các anh rất tốt - Kling nói. - Mong anh tìm ra điều muốn tìm kiếm. Chúng tôi để anh làm việc. Ta đi chứ, Bartholdi? Hai người đi ra. Kling thở dài một hơi, nhìn hệ thống hồ sơ và châm một điếu thuốc. Trên một bức tường có một biểu ngữ: “Cứ xáo trộn, lục lọi, dở xem thật kỹ nhưng để lại hồ sơ như cũ!” Anh tìm phiếu sắp xếp hồ sơ tháng mười một, mở ngăn kéo đầu tiên, kéo một chiếc ghế, ngồi và bắt đầu lục tìm. Không là một công việc chán ngắt nhưng thiếu sự bất ngờ. Người ta bao giờ cũng hình dung một thanh tra cảnh sát là một người cứng rắn và lực lưỡng chạy theo một tên kẻ cướp trên đường và bắn súng ngắn về mọi phía. Kling lực lưỡng nhưng không cứng rắn và khẩu súng của anh không rời khỏi bao. Trong lúc này anh đang ngập đầu đến cổ trong thủ tục bàn giấy mà ai cũng biết chẳng có gì chán bằng thói quen đó. Vả lại có gì không là vấn đề thủ tục? Tắm rửa hàng ngày, cho chìa khóa vào cửa, trả lời: “Không có gì” khi người ta cám ơn, hỏi bà vợ góa của nạn nhân, đánh máy báo cáo, điền vào bản ghi chép, sao thành hai, ba bản... đều là thủ tục cả. Và khi người ta xem xét hàng trăm phiếu về người mất tích người ta bắt đầu mong mình cũng mất tích luôn. Sau một lúc tất cả những người mất tích đó lẫn lộn, hợp thành một khối làm anh đến chết buồn. Người ta cũng không biết ngày sinh được ghi vào ngực phải hay đùi trái, ngón chân nào có xăm hình. Thậm chí cuối cùng người ta hoàn toàn không kể đến nữa. Đôi khi có gặp trường hợp thích thú nhưng hiếm hoi. Như vấn đề người chồng và vợ cùng mất tích đồng thời, cùng ngày và cả hai báo sự mất tích của nhau. Kling không nín được cười, hình dung hình ảnh người chồng đang chuồn êm đi Bresil với một cô gái đẹp. Không tưởng tượng ra được mặt người vợ. Anh đốt một điếu thuốc nữa và tiếp tục tìm kiếm một người hình dạng có thể giống như cô gái chết đuối ở quận 87. Chưa đầy một tiếng anh đốt hết hai bao thuốc, đi ăn một chiếc bánh nhân thịt, uống cốc cà phê, trở về với những tập hồ sơ với bao thuốc thứ ba cùng quyết định không tự đầu độc mình trong khi làm nhiệm vụ. Cuối ngày, thuốc đốt hết và anh thu thập được một số hồ sơ có thể liên quan đến xác chết anh tìm hiểu. Một trong số đó có nhiều hứa hẹn, Kling mở ra và đọc kỹ lại. Một ông Henry Proschek nào đó báo tin con gái mất tích. Cô ta ra đi hôm 31 tháng mười vào buổi chiều tối và được một người gặp lần cuối cùng ở sân ga, khá quan sát nên tả được quần áo cô mặc. Về hành lý, trong báo cáo đánh dấu hỏi. Kling tự nghĩ không biết cô gái đi không có hành lý hay người nhà ga không nhắc tới. Báo cáo hơi mơ hồ, ghi thêm: “Xem lá thư trong hồ sơ”. Đây là bức thư đầu tiên cô gái viết hay thư cô đã hứa để làm rõ? Kling mở lại hồ sơ. Chỉ có một lá thư, rõ ràng là bức thư đầu. Bức thứ hai không được viết. Vì không có tin tức Henry Proschek ra thành phố tìm con và báo tin mất tích cho đồn cảnh sát gần nhất. Hơi phiền lòng vì phải tìm hiểu, Kling đọc hết lá thư. Mary Louise Proschek báo với bố mẹ đã có ý định thay đổi cuộc sống từ lâu, tiết kiệm từng xu được 4.000 đô la. Cô cầu xin bố mẹ đừng giận và cuối thư nói sẽ viết về một lá thư dài sau khi đã ổn định việc ăn làm. Thanh tra Phillips ở Văn phòng tìm kiếm người mất tích đã làm việc thận trọng. Ông điện cho sở Cảnh sát gặp hỏi nhà băng thì được biết cô Proschek đã thanh toán tài khoản, rút 4.375 đô la ngày 31 tháng mười, trước lúc đi. Thanh tra Phillips quan hệ với các nhà băng khác xem cô gái có mở một tài khoản khác không thì không có. Thăm dò những người vay mượn tư nhân cũng không kết quả, ông gặp bác sĩ của gia đình lấy thể trạng hàm răng cho vào hồ sơ. Kling đọc nhanh bản đó. Anh nhớ lại những chiếc răng dưới phía trước của xác chết bị nước cuốn đi nhưng không nhớ rõ những răng nào hàn, những răng nào đã nhổ. Thở dài, anh tìm những thông tin khác. Khi được báo cô gái mất tích thanh tra tiếp Henry Proschek đã tiến hành điều tra ngay ở các bệnh viện, trạm xá trong thành phố và ở các nhà tù, nhà xác. Không thấy hiệu quả, ông thông báo cho các nơi trong nước. Cô gái không bao giờ xuất hiện lại. Có lẽ đó là người chết đuối ở quận Cảnh sát 87. Nhưng nếu Kling không nhớ rõ thể trạng hàm răng xác chết thì anh nhớ được một chi tiết quan trọng; viết xăm trên tay phải, hình quả tim mang chữ MAC. Trong hồ sơ Mary Louise Proschek, về nét xăm, câu trả lời là không có gì? 5 Henry Proschek là một người nhỏ nhắn, mảnh dẻ, hói đầu, đôi mắt nâu to. Ông là thợ mỏ, dấu vết ba mươi năm làm việc in đậm ở móng tay và đường rãnh trên khuôn mặt. ông bận áo quần ngày chủ nhật, đã giặt kỹ trước khi đi nhưng có vẻ còn bẩn và nếu người ta không biết nghề nghiệp đáng kính buộc ông phải khai thác than thì chắc chắn người ta cho ông là một ông già bẩn thỉu. Ông ngồi trong văn phòng Cảnh sát quận 87 trước con mắt dò xét của Carella. Proschek có vẻ giận dữ, sự giận dữ mà viên thanh tra không nghĩ là có được. Ông già khó khăn nghe hết lời báo cáo của Kling và Carella tự hỏi ông có hiểu được không. Nhưng dù Kling tuy còn non trẻ trong nghề, đã nói những điều cần thiết và rất cố gắng. Không biết bao nhiêu cách để nêu rõ cho một người hiểu là con gái ông đã chết. Tức giận, Proschek kêu lên: - Nó không chết! - Có đấy thưa ông - Kling gặng nói - Tôi rất buồn nhưng... - Nó không chết - Proschek nhắc lại rất cương quyết. - Thưa ông... - Nó không chết! Kling ngoảnh lại phía Carella đang ngồi gần bàn đã nhẹ nhàng đứng dậy. - Ông Proschek - anh nói - Chúng tôi đã so sánh hàm răng người chết với bản hàm răng ông giao cho Văn phòng tìm kiếm. Chúng giống hệt nhau. Ông tin là chúng tôi lấy làm tiếc... - Chắc có sự sai lầm nào đấy. - Không sai được. Carella khẳng định. - Làm sao nó chết được? Nó đến đây để bắt đầu một cuộc sống mới. Nó bảo thế. Nó có viết thư cho tôi. Thế thì vì sao các ông cho là đã chết? - Thân thể cô ấy... - Và không bao giờ con gái tôi bị chết đuối. Nó bơi rất giỏi, đã được thưởng huân chương ở trường học. Tôi không biết cô gái trẻ ấy là ai nhưng bảo đảm với các ông không phải Mary Louise. - Ông nghe cho... - Tôi đã bóp cổ nó nếu nó xăm người. Các ông bảo xác người các ông tìm được có vết xăm ở bàn tay phải. Con bé Mary Louise nhà tôi không bao giờ làm một việc như thế. - Đúng là điều chúng tôi muốn hỏi ông. Ông bảo cô ấy không có vết xăm. Trường hợp đó cô ra thành phố mới làm. Chúng tôi biết cô không chết đuối mà chết trước khi bị quẳng xuống nước. Vậy, nếu chúng tôi tìm được xuất xứ của vết xăm... - Các ông làm tôi mất thì giờ. Người chết đuối không phải là con gái tôi. - Phải đấy thưa ông. Tôi xin khẳng định. Đề nghị ông hiểu cho. Cô ấy có những người bạn tên là MAC không? - Không. - Chắc chắn chứ? - Con gái tôi có nhiều bạn. Tôi... Nó không đẹp lắm. Khuôn mặt sáng sủa, tươi tắn như mẹ nó. Tóc vàng, mắt xanh nhưng nó... Không phải một cô gái đẹp. Tôi... đôi lúc nó làm tôi hơi buồn. Một người đàn ông... Nếu một người đàn ông không đẹp, không quan trọng, nhưng một cô gái trẻ! Điều đó làm tôi buồn. Ông im lặng một lúc, nhìn Carella rồi lặp lại như để tóm lại: - ... Nó không đẹp lắm, đứa con gái của tôi... Carella quan sát người thợ mỏ già, nhận ra ông đang nói về con gái mình trước đây, hiểu rằng ông già đã chấp nhận cái chết nhưng từ chối nó. - Tôi muốn xem xác người chết của các ông - Ông bỗng nói. - Chúng tôi khuyên ông không nên. - Tôi muốn thấy nó. Các ông nói đó là con gái tôi, giơ bản vẽ hàm răng ra và kể một mớ những điều nhảm nhí. Tôi muốn thấy nó, biết rõ đấy có phải là Mary Louise không. Xác ở đâu? - Ở nhà xác. - Thế thì dẫn tôi lại đấy. Bố mẹ bị cấm nhận diện xác chết phải không? Đúng thế chứ? Kling đưa mắt nhìn Carella. - Lấy xe đưa ông Proschek đến nhà xác, viên thanh tra thở dài. Họ im lặng cùng đi. Ba người ngồi bên nhau ở ghế trước của chiếc xe. Thành phố ánh lên niềm vui trong mùa xuân nhưng họ vẫn như đá. Khi xuống xe, ông Proschek nheo mắt vì mặt trời tháng tư. Rồi ông đi theo Kling và Carella vào nhà xác. - Chúng tôi đã khuyên ông không nên tới xem, ông Proschek - Carella nói - Xác con gái ông đã ngâm nước rất lâu. Tôi nghĩ... Proschek không nghe. Họ dừng lại trước cánh cửa số 28, và Proschek nhìn nhân viên nhà xác đang bỏ tay vào nắm cửa hỏi: - Thế nào? Tôi có nên mở không? Carella thở dài bảo: - Mở cho ông ấy xem vậy. Nhân viên mở cửa, kéo một chiếc giá. Proschek nhìn xác người trần trụi và thối rữa. Carella không ngớt theo dõi ông, bỗng thấy trong cái nhìn của ông thợ mỏ một ánh mắt vô vọng. Nhưng ông ngảnh lại viên thanh tra, đôi môi mím chặt. - Không - ông nói - Không phải con gái tôi. Những tiếng nói dội theo hành lang và những tấm ngăn thành tiếng vang. Nhân viên đẩy chiếc giá vào và đóng cửa phòng lạnh. - Ông ấy đòi xác à? - Anh hỏi. - Ông Proschek? - Carella nói. - Sao? - Ông đòi xác ư? - Sao? - Không. Không phải con gái tôi. Ông đi ra theo hành lang, lặp lại mỗi lúc một to, nhanh hơn: - Không phải con gái tôi. Không phải con gái tôi; không phải con gái tôi... - Đến cánh cửa cuối, ông đột ngột quì xuống, bàn tay nắm chặt cổ tay, ngực rung lên nức nở. Carella chạy vội tới ôm lấy ông già trong tay. Proschek dựa đầu mệt mỏi vào vai viên thanh tra vừa khóc vừa lẩm bẩm. - Ôi, Chúa ơi, nó chết rồi. Con Mary Louise bé bỏng của tôi chết rồi; con gái tôi chết rồi, con gái tôi.... Tiếng khóc nấc làm ông nghẹn lại, không nói gì hơn được nữa. Teddy Carella không thể yêu người đàn ông nào khác chồng mình nhưng phiền lòng vì san sẻ với anh có một nghề nghiệp bó buộc. Một cảnh sát viên không bao giờ ngừng làm việc. Trong lúc này anh đang ngồi gần cửa sổ, đắm mình trong suy nghĩ. Anh để chân trần và cô vợ trẻ ca ngợi đôi chân ấy vừa tự cảm thấy hơi kỳ cục. Người ta không phải lòng đôi chân một người đàn ông, Không nên! Và cuối cùng chị tự nhủ, sao lại không? Đôi chân đẹp mà! Chị lại gần anh. Chị không cao lớn lắm nhưng cho người ta có cảm giác thế với đôi vai ưỡn ra sau, đầu ngẩng cao, dáng đi thanh thoát. Mái tóc nâu, đôi mắt to màu vàng, miệng đẫy đà không cần tô môi son. Teddy Carella có đôi môi đặc biệt ấy... trước hết vì rất đẹp, sau đó vì không nói được thành lời. Cô vợ trẻ bị câm điếc lúc sinh và vì không nghe không nói được, thân thể chị là phương tiện thể hiện. Khi Teddy nghe, đôi mắt chị không rời một giây đôi môi người đối thoại. Khi chị “nói”, người ta buộc phải nhìn chị thật chú ý và mỗi cử chỉ nhỏ của chị có một ý nghĩa; những cử chỉ đó cũng tô đậm thêm sắc đẹp khác thường của chị. Bận váy đỏ, áo sơ mi trắng cổ hở rộng, chân đi giày vũ nữ màu đỏ chói, một giải băng đỏ buộc tóc, chị đến đứng trước mặt chồng, lông mày nhíu lại, tay bỏ trên háng, chân dạng ra, như thách thức chồng tiếp tục mơ mộng. Không ai nói một lời, Teddy vì không nói được và Steve Carella vì hờn dỗi. Cuộc cãi nhau thầm lặng kéo dài một lúc. Cuối cùng Carella kêu lên: - Tốt, tốt, được rồi! Teddy cúi đầu và dướn lông mày. - Ừ, anh ra khỏi vỏ đây. Chị chấp hai cổ tay với nhau, mở bàn tay và khép nhanh lại. - Em nói đúng. Anh là một con sò. Teddy nắm một bàn tay, giơ ra ngón trỏ và ngón giữa liền nhau như một khẩu súng ngắn nhắm bắn. - Đúng. Vấn đề công việc đang làm anh bực bội. Bỗng chị quỳ hẳn xuống. Anh ôm chặt chị vào lòng, như một con mèo nhỏ, đầu dựa vào ngực anh. Chị ngước đôi mắt nhìn, qua đó anh đọc được một câu hỏi: Anh kể cho em nghe nào? - Cô gái đó là Mary Louise Proschek, ba mươi ba tuổi. Cô ra thành phố làm lại cuộc sống và người ta thấy cô trôi trên cảng sông. Bức thư cô gửi về cho bố mẹ tràn đầy vui sống. Dù các anh có nghĩ đến trường hợp tự tử thì cũng không đúng, bức thư bác bỏ giả thuyết đó. Bác sĩ pháp y, xác định cô chết trước khi đụng vào nước. Bị đầu độc bằng thạch tín. Em theo dõi được chứ? Teddy cúi đầu và mở to mắt. - Cô ấy có một viết xăm ở chỗ này, anh nói và chỉ vào bàn tay, chữ MAC viết trong một quả tim - Khi rời quê nhà, cô không có vết xăm đó. Em nghĩ có bao nhiêu MAC trong thành phố? Teddy xoay tròn đôi mắt mênh mông. - Em đã nói lên điều đó. Cô ta gặp tay Mac đó như thế nào và ở đâu? Tình cờ chăng? Có phải anh ta đã đầu độc cô rồi quẳng xuống nước không? Làm thế nào tìm được một anh tên là Mac? Teddy chỉ vào góc da tay giữa ngón cái và ngón trỏ. - Những người thợ xăm mình? Anh đã bắt đầu đi gặp họ. Có thể có một cơ may nhỏ vì đàn bà hiếm khi xăm mình. Carella im tiếng, lại máy móc đắm mình vào vấn đề vừa ôm chặt vợ. Dần dần anh nới tay, hài lòng chỉ ngồi gần chị. Cuối cùng anh xoay người hỏi: - Hôm nay em làm được việc gì hay? Chị mở hai bàn tay như một cuốn sách. - Thế em đọc gì? - Teddy đứng dậy vừa thổi vào bàn tay, đi qua phòng vừa uốn éo háng và trở lại với một tạp chí bỏ xuống đùi chồng. - Tạp chí về con tim? ý hay đấy - Anh kêu lên thoả mãn. Cô vợ trẻ khoanh tay trên dạ dày, cúi gập người làm đôi để thể hiện một trận cười dữ dội. - Nhưng trong đó có thể có những gì? - Teddy mỉm cười, mở rộng tạp chí. Carella đọc một lúc, ngẩng lên nhìn vợ rồi vứt tờ báo xuống sàn, kêu lên: - Vứt những trò ngu ngốc này đi! Tờ báo nằm trên sàn nhà, mở ở trang Thông tin vặt, trong đó có mấy dòng về Tìm bạn đời như sau: - Góa vợ, 35 tuổi. Có nhà cửa, việc làm. Đang đau khổ ngoại hình khá. Tìm bạn đời. Phụ nữ chưa chồng, hoàn cảnh đặc biệt. Nếu thông cảm được, xin gửi thư theo Bưu điện 137. 6 Cô gái trẻ đọc mẩu thông tin sáu lần và viết lại thư trả lời lần thứ năm. Cô không đần độn và không tưởng tượng lá thư của cô có thể đem lại nhiều mơ mộng lãng mạn. Dù sao cô đã ba mươi bảy tuổi, cuối cùng đã xác định, ở tuổi ba mươi lăm cô không còn được một cuộc sống lãng mạn hoặc phiêu lưu nữa. Được nuôi dạy trong tâm trạng chờ đợi Giấc mơ lớn và Hoàng tử đẹp; đài, báo, tiểu thuyết nhắc đi nhắc lại mãi và cô mơ mộng, có lẽ hơn một người khác vì cô giàu tưởng tượng; Đối với cô, hiệp sĩ với bộ giáp chói sáng phải có thật và cô quyết định chờ đợi. Khi người ta không đẹp thì sự chờ đợi nhiều khi rất lâu. Trong phim thật đẹp nhưng ngoài đời, đàn bà nhiều hơn đàn ông và ít người quan tâm đến việc cô có giỏi làm tính vi phân không nếu ngoại hình cô không lộng lẫy. Về phần mình cô chẳng biết gì về tính vi phân, cũng không phải là một cô gái đặc biệt thông minh. Cô học qua các trường thương mại, tốt nghiệp được chăng hay chớ và tìm được việc làm thư ký trong một hiệu buôn nhỏ đồ đồng, đồ sắt. Đến ba mươi bảy tuổi, cuối cùng cô công nhận truyền thuyết về Hoàng tử đẹp chỉ là một trò chơi khăm, một sự lừa đảo và lạm dụng lòng tin. Cô tự nhủ việc đó đối với cô ra sao cũng được. Hai mươi chín tuổi cô vĩnh biệt sự trinh tiết và đã thất vọng. Cô không biết sự khoái lạc, những say mê điên cuồng và cảm giác thần tiên. Chỉ là nỗi đau đớn. Từ đó cô cho tình yêu xác thịt là một điều bất đắc dĩ cần có như giấc ngủ, không phải là một lý do để lao vào. Và thế là ở tuổi ba mươi bảy, trong lúc bố mẹ từ bỏ mọi hi vọng thấy cô xây dựng gia đình, lần đầu tiên trong đời cô sống riêng một mình. Cô có căn nhà riêng, một phần vì bố mẹ không tán thành những quan hệ tình ái hiếm hoi của cô, một phần bởi thích độc lập . Nhưng bây giờ khi nghe một đồ gỗ lắc rắc hoặc vòi nước nhỏ giọt, cô tự nhủ sống độc lập nhiều khi đồng nghĩa với lẻ loi. Thế giới rộng lớn nhưng ở đâu đó có một người đàn ông góa vợ bị đau khổ, ngoại hình dễ trông tìm kiếm một phụ nữ đặc biệt, rất thông cảm. Mẩu thông tin rõ ràng và cụ thể, không hoa hòe vô ích, không có chữ thừa. Cô tự nhủ chính sự chính xác cụ thể đó làm cô xiêu lòng. Thông cảm. Cô nghĩ có thể hiểu anh ấy cũng cô đơn và lời kêu gọi đơn giản của anh là thực thà. Do sự thực thà đó mà về phần mình cô cũng phải tỏ ra trung thực. Đây là lá thư thứ năm và trong mỗi lần viết nháp ấy tuổi cô được thay đổi. Trong lá đầu cô viết là ba mươi tuổi; lá thứ hai ba mươi hai, lại ba mươi trong lá thứ ba; trong lá thứ tư cô thú nhận ba mươi mốt tuổi. Bây giờ cô suy nghĩ. Cô lại cầm bút và viết: Tôi ba mươi sáu tuổi. Rồi gạch đít câu đó. Người đàn ông này xứng đáng có sự trung thực tuyệt đối. Cô lấy một tờ giấy mới, bắt đầu viết lại. Lần này cô không dừng lại, thú nhận tuổi tác, cuộc đời, những tham vọng không thành; nói cách ăn mặc của mình, những sở thích, những vấn đề thường đọc. Cô nêu lên đặc điểm nhận dạng, cố sức chi tiết, tôn giáo, tính tình của mình. Cô có biết gì đâu. Cô hỏi anh có con không, cuối cùng hứa gửi ảnh nếu anh tỏ rõ nguyện vọng và trả lời cô. Cô ký tên: Priscilla A, 41, đường Mesa, Arizona. Priscilla đọc lại thư, có vẻ chân thật và đúng mức. Chỉ còn tìm cách tỏ ra hấp dẫn hơn trước đây. Sao lại lao vào một loạt đối trá để sau này hối tiếc? Không, như vậy tốt rồi. Cô gấp thư (một thông điệp sáu trang), bỏ vào phong bì, dán kín, viết lại địa chỉ trong mục thông tin rồi đi ngay bưu điện gửi. Priscilla A. - Không hề nghi ngờ gì về việc cô vừa làm. 7 Trong cuộc sống, chính những việc nhỏ lại nghiêm trọng. Những vấn đề lớn giải quyết khá dễ dàng. Có bao nhiêu việc liên quan! Những vấn đề nhỏ rắc rối nhất. Vấn đề lớn của quận cảnh sát 87 là cô gái chết đuối. Điều phiền phức nhỏ là việc lừa đảo. Vì vấn đề lừa đảo mà thanh tra Arthur Brown muốn đập đầu vào tường. Anh không thích bị lừa và cũng không muốn những người khác như vậy. Người - hoặc những người - tìm cách lừa phỉnh những công dân lương thiện làm anh bực bội, không ngủ được ăn mất ngon. Anh trở nên u ám, trầm mặc và khó sống. Và những đồng sự, dễ mến, thông cảm làm tất cả khiến anh thêm khó chịu. Họ không bỏ lỡ cơ hội để hỏi: - Nào Arthur, bắt được anh chàng ấy chưa? - Này, chiều hôm qua có một gã lừa phỉnh bà tôi về hàm răng giả. Tình cờ có phải là anh chàng của anh không? Brown chấp nhận những lời giễu cợt ấy, thật sốt ruột, cáu kỉnh. Câu trả lời quen thuộc nói chung ngắn gọn, cụ thể bằng bốn tiếng sỗ sàng, bảo họ đi làm ngay đi. Anh không có thì giờ đùa cợt, phải đắm mình vào phiếu ghi chép, ẩn mình trong một hồ sơ nào đó có tên lừa đảo của anh. Khách sạn Carter, nhìn về nhiều điểm, trông gần như tăm tối. Nhưng mặt khác, trong mắt một số khách đến theo đường thẳng vỉa hè, nó có vẻ sang trọng như một cung điện. Chỉ là vấn đề quan điểm. Đối với một người bất chợt đến trước khách sạn trong một ngày mưa và nếu người ấy là một anh cảnh sát đến để bắt tội phạm thì khách sạn Carter dứt khoát là rất mờ ám. Brown thở ra, dựng cổ áo mưa, tự nhủ mình giống một anh thám tử tư và đi vào phòng khách. Một ông già ngồi trên chiếc ghế dựa buồn rầu nhìn mưa rơi, nhớ lại những mùa xuân đã qua thời trai trẻ. Phòng khách có mùi hôi, Brown nghi là do ông già. Anh hít hơi, nhìn quanh rồi lại gần bàn tiếp tân. Nhân viên đứng đấy thận trọng nhìn anh đi tới. Một con ruồi vo ve trên sổ sách. Trước bàn, trên mặt sàn có một ống nhổ cũ đã rĩ xanh. Toàn bộ có vẻ bỏ bê, bẩn thỉu. Brown đứng trước bàn, mở miệng hỏi: - Ở đây có một người tên Frederik Deutsh không? - Điều đó anh hỏi để làm gì? - Brown cười, nói lại: - Tôi muốn biết anh ta, hỏi thăm chơi mà. Anh thong thả rút ví, mỏ ra và giơ huy hiệu của mình dưới mũi người nhân viên. - Nào, Deutsh có ở đây không? - Tên này tôi không biết. Anh ta qua đêm à? - Không, ở hẳn. - Trong số khách ở lâu dài, không có ai tên là Deutsh. - Dở số đăng ký xem. """