"
Những Nhân Chứng Cuối Cùng - Svetlana Alexievich full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Nhân Chứng Cuối Cùng - Svetlana Alexievich full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]
Ebooks
Nhóm Zalo
SVETLANA ALEXIEVICH
Phan Xuân Lan dịch
—★—
NHỮNG NHÂN CHỨNG CUỐI CÙNG • LAST WITNESSES: UNCHILDLIKE STORIES •
NXB Phụ Nữ
ebook©vctvegroup | 05-09-2020
Lời giới thiệu
VIẾT VỀ MỘT KHO CẤT GIỮ NỖI ĐAU CÒN TINH KHÔI
Những nhân chứng cuối cùng (ấn bản lần đầu năm 1985) là quyển thứ hai trong loạt năm quyển sách Những giọng nói không tưởng (cùng với Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ -1983, Những cậu bé kẽm - 1991/ Lời nguyện cầu từ Chernobyl - 1997 và Thời second hand - 2013) đã mang đến cho nhà văn Belarus Svetlana Alexievich giải Nobel văn chương 2015. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Ba Lan năm 2013, nữ nhà văn cho biết ý tưởng viết quyển sách thứ hai này xuất phát từ những chuyến đi thực tế cho quyển sách đầu tiên Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ. Cuộc chiến cướp mất hàng chục triệu con người Liên Xô đã khiến nhiều ngôi làng Xô viết sau chiến tranh không còn bóng dáng đàn ông, và tại những ngôi nhà góa bụa đó, bà thường nghe được hai câu chuyện: một của người mẹ và một của đứa con. Nhờ đó, bà phát hiện: “còn một kho cất giữ nỗi đau hoàn toàn chưa được động tới, tinh khôi”: ký ức trẻ thơ. Người ta đã quen nghe nói về chiến tranh từ người lớn, nhưng chỉ những chuyện kể từ miệng trẻ em mới có thể bộc lộ hết sự điên rồ của chiến tranh, sự hung bạo phi nhân tính không gì có thể biện bạch.
Trung thành với thể loại văn xuôi tư liệu của loạt Những giọng nói không tưởng, Svetlana Alexievich kể, trong Những nhân chứng cuối
cùng bà ghi lại lời những “nhân vật trẻ em” khi họ đã trưởng thành. Đây là một công việc hết sức khó khăn. “Một giáo sư sử học thì nói những điều rất khác, rất ‘người lớn’ về chiến tranh. Nên cần nhiều thời gian, bốn hay năm giờ đồng hồ để lộ ra được diện mạo một cậu bé có mẹ bị quân Đức lôi ra khỏi nhà đem bắn. Để cậu bé có thể nhìn tận mắt mình: ‘Tại sao họ bắn mẹ. Mẹ đẹp như thế…’ Cần phải đạt tới được những chi tiết chân thực, tinh khôi, trẻ thơ đó. Vấn đề là gột sạch cái người lớn từ những chuyện kể này”. Và tác giả đã làm như thế với cả trăm câu chuyện trẻ thơ, được kể lại bởi những người mà khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, họ mới từ 4, 5 đến 12 tuổi. Hơn 100 câu chuyện của những đứa bé sống ở Belarus - nằm sát Ba Lan, là nước đầu tiên trong Liên Xô bị phát xít Đức bất ngờ tấn công ngày 22-6-1941, đã đạt được mục đích mà Alexievich đặt ra: Nước mắt trẻ thơ, dẫu chỉ một giọt thôi, cũng nặng hơn vô vàn lý lẽ chiến tranh nào.
Với lời nhắc nhở đó, trong một dịp đi Saint Petersburg năm 2017, tôi đã tìm đến Con đường Sống mà một số nhân vật trẻ em trong Những nhân chứng cuối cùng dã đi qua. Đây là tuyến đường vận chuyển duy nhất kéo dài từ đường vành đai Saint Petersburg tới hồ Ladoga, con đường huyết mạch nối thành phố khi đó còn mang tên Leningrad - với phần còn lại của nước Nga trong 900 ngày đêm bị phát xít Đức bao vây.
Tuyến đường rất xanh, chạy qua những rừng bạch dương, rừng thông… nhưng mỗi ngọn cây lá cỏ đều nhắc tôi rằng hơn 70 năm trước, lá non cỏ tươi ở Leningrad từng không mọc nổi vì nạn đói, cả vỏ cây non cũng bị tước đi… Mỗi cây số ở hai bên đường đều được đánh dấu bằng cột mốc, ở cây số 12 có tượng đài nhắc nhở: “1,5 triệu tấn hàng hóa được chuyển qua cung đường này, 1,2 triệu
người dân theo Con đường Sống này ra khỏi Leningard bị bao vây”. Ở cây số 40 là hiểu tượng vòng vây phong tỏa bị cắt đứt. Ở cây số 45 là bảo tàng Con đường Sống, nằm tại ngọn hải đăng Osinovets. Trong khuôn viên hảo tàng, có đặt một tảng đá to hướng ra hiển, trên đó ghi: “Tại dây sẽ xây dựng tượng đài kỷ niệm những anh hùng của Con đường Sống. Đối diện bảo tàng, bên kia đường là những cây bạch dương non được cột ruy băng đỏ, giữa khu rừng nhỏ đó cũng đặt một tảng đá có khắc hàng chữ: “Nơi đây sẽ đặt tượng đài kỷ niệm những người đã bỏ mình trong lòng hồ Ladoga”.
Người Nga không quên những năm tháng nặng nề với số phận dân tộc mình. 72 năm sau khi chiến tranh hết thúc, những tượng đài vẫn được tiếp tục lưu dấu. Bởi những người cựu binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã già lắm rồi, họ đến dự cuộc duyệt binh chiến thắng mỗi năm một thưa dần. Con cháu họ cũng đã lớn, và ký ức của các nhân chứng ngày càng ít đi này đang dần phôi phai. Ở thế giới vẫn còn chiến tranh của chúng ta, những câu chuyện của các “nhân chứng cuối cùng” này, được gia cố thêm bằng những tượng đài kia, là một nỗ lực nhắc nhớ. Sau giải Nobel văn chương 2015, loạt sách Những giọng nói không tưởng đã được tái bản, có sửa chữa. Bản dịch này dựa trên quyển sách Những nhân chứng cuối cùng được tác giả hiệu đính và nhà xuất bản Vremya phát hành năm 2016. Xin trân trọng gửi tới độc giả bản dịch cùng lời cảm ơn chân thành đến chị Irina Anatolyevna Letiagina, cựu biên tập viên Nhà xuất bản Cầu vồng và Tiến bộ (Liên Xô cũ), đã giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành bản dịch này.
Phan Xuân Loan (11-2017)
Thay lời tựa
… một trích dẫn
“Trong thời chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), hàng triệu trẻ em Xô viết đã chết. Người Nga, Belarus, Ukraine, Do Thái, Tatar, Latysh, Digan, Kazak, Uzbek, Armyan, Tatjik…”
Tạp chí Tình hữu nghị các dân tộc, số 5, 1985
… và câu hỏi của một tác giả kinh điển Nga
Một lúc nào đó Dostoyevsky đã đặt câu hỏi: Liệu có tìm được chăng lời biện hộ cho hòa bình, hạnh phúc của chúng ta, thậm chí cho sự hài hòa vĩnh cửu, nếu vì điều đó, vì sự vững chắc của nền móng, sẽ có dẫu chỉ một giọt nước mắt của đứa bé vô tội đổ ra? Và ông đã tự trả lời - giọt lệ nhỏ đó bất khả hiện bạch cho một tiến bộ nào, một cuộc cách mạng nào. Một cuộc chiến tranh nào. Nó luôn nặng hơn.
Chỉ một giọt nước mắt.
“Ông sợ ngoái đầu nhìn lại…”
Zhenya Belkevich - 6 tuổi
Hiện là nữ công nhân
Tháng Sáu năm bốn mốt.
Tôi nhớ lúc đó mình còn nhỏ lắm, nhưng tôi vẫn nhớ hết.
Điều cuối cùng tôi nhớ từ cuộc sống hòa bình là câu chuyện cổ tích mẹ vẫn đọc hằng đêm. Câu chuyện yêu thích của tôi - Con cá vàng. Tôi luôn xin cá vàng điều gì đó: “Cá vàng ơi, cá vàng dễ thương ơi…” Và em gái tôi cũng vậy. Em nguyện cầu theo kiểu của mình: “Cá nhỏ, cá ngoan. Làm theo lời chị…” Chúng tôi xin nghỉ hè được về quê bà, với ba đi cùng. Ông vui như thế…
Buổi sáng tôi thức giấc vì sợ. Bởi những tiếng động lạ nào đó…
Mẹ và ba ngỡ chị em tôi còn say giấc, còn tôi nằm cạnh em gái và giả vờ ngủ. Tôi thấy ba hôn mẹ rất lâu, hôn lên mặt, lên tay, và tôi ngạc nhiên, trước đây ông chẳng bao giờ hôn mẹ như thế. Họ nắm tay nhau bước ra sân, tôi nhảy lại chỗ cửa sổ: Mẹ ôm lấy cổ ba, không muốn rời ông. Ông đẩy bà ra và chạy, còn bà đuổi theo và hét lên gì đó. Khi đó tôi cũng hét lên: “Ba! Ba!”
Em gái và em trai Vasya thức giấc, em gái thấy tôi khóc, nó cũng la lên: “Ba ơi!” Tất cả chúng tôi lao ra ngoài hiên. “Ba ơi!” Ba nhìn
chúng tôi, và tận bây giờ tôi vẫn nhớ, ông lấy tay che đầu và bước đi, thậm chí là bỏ chạy. Ông sợ ngoái đầu nhìn lại…
Mặt trời soi chiếu gương mặt tôi. Ấm như thế. Và đến giờ tôi vẫn không tin là sáng hôm ấy ba tôi bước vào cuộc chiến. Tôi còn quá nhỏ, nhưng dường như vẫn nhận thức được đây là lần cuối tôi được nhìn thấy ông. Không bao giờ gặp lại. Tôi còn rất, rất nhỏ.
Và như thế gắn liền với ký ức của tôi, chiến tranh - đó là khi không còn ba.
Rồi về sau tôi còn nhớ: bầu trời tối om và máy bay đen sì. Cạnh con đường nhựa mẹ tôi nằm xoải tay. Chúng tôi đánh thức bà dậy, nhưng bà không buồn nhấc người lên. Những người lính quấn mẹ tôi vào tấm bạt và chôn bà trong cát, ngay chính ở chỗ đó. Chúng tôi la hét cầu xin: “Đừng chôn mẹ cháu trong cái hố đó. Mẹ cháu sẽ thức dậy và chúng cháu sẽ đi tiếp”. Những con bọ kềnh càng từ dưới cát bò lên… Tôi không thể nào tưởng tượng nổi mẹ sẽ sống cùng chúng dưới lòng đất. Sau này chị em tôi biết tìm bà thế nào, chúng tôi sẽ gặp lại nhau ra sao? Ai sẽ viết thư cho ba chúng tôi?
Ai đó trong những người lính trẻ hỏi tôi: “Bé con, em tên gì?” Nhưng tôi quên rồi. “Cô bé, vậy họ em là gì? Mẹ em tên gì?” Tôi cũng không nhớ… Chị em tôi ngồi cạnh nấm mộ nhỏ của mẹ tới tận đêm, cho đến khi người ta kéo chúng tôi lên xe ngựa. Một chiếc xe ngựa thồ toàn trẻ em. Đưa chúng tôi đi là một ông già nào đó, ông gom lũ trẻ chúng tôi khắp dọc đường. Chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng, và những người lạ mặt dẫn chúng tôi vào các nhà dân.
Rồi tôi không nói chuyện với ai một thời gian dài. Tôi chỉ nhìn thôi.
Sau đó, tôi nhớ, vào mùa hè. Mùa hè rực rỡ. Một người đàn bà lạ xoa đầu tôi. Tôi bắt đầu khóc. Và bắt đầu mở miệng. Tôi kể về mẹ và ba. Rằng ba đã chạy trốn chúng tôi, thậm chí ông còn không ngoái đầu lại. Và mẹ nằm sõng soài như thế nào. Và những con bọ cánh cứng đã bò trên cát ra sao.
Người đàn bà xoa đầu tôi. Giây phút đó tôi chợt hiểu ra: Bà giống mẹ tôi.
“Điếu thuốc đầu tiên và cuối cùng của tôi.”
Ghena Yushkevich -12 tuổi
Hiện là nhà báo
Buổi sáng ngày đầu tiên chiến tranh.
Mặt trời… Sự yên tĩnh bất thường, vẻ im lặng khó hiểu.
Bà hàng xóm chúng tôi, vợ một người lính, bước ra sân giàn giụa nước mắt. Bà thì thầm gì đó với mẹ tôi, nhưng lại ra dấu im lặng. Tất cả đều sợ nói lớn chuyện đang xảy ra, thậm chí cả khi mọi người đều biết, bởi ai đó đã kịp thông báo. Nhưng họ sợ bị gọi là những tên phản động. Những kẻ hoang mang. Mà chuyện đó còn đáng sợ hơn cả chiến tranh. Họ sợ… Đó là bây giờ tôi nghĩ thế. Và, dĩ nhiên, chẳng ai tin. Các người sao thế! Quân đội của chúng ta ở biên giới, lãnh đạo của chúng ta ở điện Kremlin! Đất nước được bảo vệ tin cậy, không kẻ thù nào có thể xâm phạm! Khi đó tôi đã nghĩ thế. Tôi là một đội viên.
Mọi người bật radio chờ bài phát biểu của Stalin*. Họ cần giọng nói của ông. Nhưng Stalin im lặng. Sau đó Molotov* phát biểu. Mọi người lắng nghe. Molotov thông báo: “Chiến tranh”. Dẫu thế vẫn chẳng ai tin. Stalin đâu rồi?
Những chiếc máy bay tràn vào thành phố. Hàng chục máy bay lạ. Với hình chữ thập. Chúng che phủ bầu trời, che phủ mặt trời. Thật
đáng sợ! Bom rải xuống. Những tiếng nổ không ngừng. Đùng đoàng. Mọi thứ xảy ra như trong mơ. Không phải trong đời thực. Tôi đâu còn nhỏ nữa, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc của mình, nỗi sợ hãi của mình, bò lan ra khắp người. Khắp các từ ngữ. Khắp các ý nghĩ. Chúng tôi lao ra khỏi nhà, chạy tán loạn khắp các con đường. Tôi có cảm tưởng đây không còn là thành phố, đây chỉ còn những đống hoang tàn. Khói. Lửa. Ai đó nói: “Phải chạy ra nghĩa trang, chúng sẽ không đánh bom nghĩa địa. Đánh bom người chết làm gì?” Trong vùng chúng tôi có một nghĩa trang Do Thái lớn, với những hàng cổ thụ. Tất cả đều lao ra đó, cả ngàn người. Họ nấp sau các tảng đá, trốn sau các bia mộ.
Tôi và mẹ ngồi ngoài đó tới tận đêm. Xung quanh không một ai nhắc đến “chiến tranh” mà là từ khác - “khiêu khích”. Tất cả đều lặp đi lặp lại từ đó. Chúng tôi chỉ nói những câu chuyện kiểu như quân đội chúng ta sẽ chuyển sang tiến công. Stalin đã ra lệnh. Và tất cả đều tin vào điều đó.
Các nhà máy ở ngoại ô Minsk rúc còi cả đêm.
Những người chết đầu tiên…
Thứ chết chóc đầu tiên mà tôi thấy là một con ngựa. Tiếp đó là một người đàn bà. Điều đấy khiến tôi không khỏi kinh ngạc. Tôi đã tưởng trong chiến tranh người ta chỉ giết đàn ông.
Buổi sáng thức giấc tôi muốn nhổm dậy, nhưng sau chợt nhớ ra - chiến tranh, và tôi nhắm mắt lại. Không muốn tin.
Ngoài phố đã không còn tiếng súng. Mọi thứ bỗng dưng yên tĩnh. Được vài ngày. Và sau đó bắt đầu chuyển động. Chẳng hạn, một người đàn ông trắng phơ, trắng từ đầu tới chân, đi trong bụi bột. Vác
trên mình bao bột trắng. Một người khác thì chạy. Tay ông ta lỉnh kỉnh đồ hộp, một số còn rơi ra khỏi túi ông ta. Và kẹo. Và những bao thuốc lá. Ai đó ôm trước ngực một chiếc mũ và một cái nồi đầy đường. Không thể tả được! Một người lăn cuộn vải, người khác quấn quanh người vải hoa xanh đỏ. Buồn cười, nhưng không ai cười. Kho thực phẩm của cửa hàng cạnh nhà chúng tôi bị trúng bom. Mọi người lao ra lấy sạch những gì còn lại. Ở nhà máy đường vài người đã chết đuối trong các thùng mật mía. Thật đáng sợ! Cả thành phố cắn hạt hướng dương. Người ta tìm thấy ở đâu đó một kho hạt. Tôi tận mắt nhìn thấy một phụ nữ chạy vào cửa hàng. Bà ta chẳng mang gì theo người, không bao tải, cũng chẳng túi lưới - bà ta cởi bộ áo liền quần ra, nhét đầy lúa mạch vào. Và lê nó đi. Tất cả những chuyện đó chẳng hiểu sao đều diễn ra trong im lặng. Vào những phút đó người ta không nói chuyện với nhau.
Khi tôi gọi mẹ, kho chỉ còn lại mù tạt, những lọ mù tạt vàng. “Đừng lấy gì hết”, mẹ khẩn khoản nói với tôi. Về sau bà thú nhận là bà xấu hổ, vì cả đời đã dạy tôi điều khác. Thậm chí cả khi chúng tôi đói và nhớ lại những ngày đó, chúng tôi cũng không nuối tiếc gì. Mẹ tôi là như vậy.
Trong thành phố, dọc các con đường, lính Đức thản nhiên dạo chơi. Họ quay phim. Họ cười. Trước chiến tranh, bọn trẻ chúng tôi có một trò ưa thích ở trường: Vẽ lính Đức. Chúng tôi vẽ họ với những chiếc răng nanh to tướng. Còn ở đây họ thung thăng. Trẻ, đẹp. Với những quả lựu đạn nhét ống bốt mới cứng. Họ chơi harmonica. Thậm chí còn đùa giỡn với những cô gái đẹp của chúng tôi.
Một người Đức già đẩy cái bao gì đó trông khá nặng. Ông ta gọi tôi lại và chỉ vào nó: Giúp với. Cái bao có hai tay cầm, tôi và ông ta nắm hai đầu khiêng đi. Khi mang nó tới nơi, ông người Đức vỗ vai tôi rồi lấy ra một bao thuốc. Kiểu, đấy, trả công.
Về tới nhà, không nhịn được, tôi xuống bếp châm thuốc. Tôi không nghe thấy tiếng cửa dập và mẹ bước vào:
- Con hút thuốc à?
- Ừmm…
- Thuốc của ai?
- Người Đức.
- Con hút thuốc của kẻ thù sao? Đó là phản bội Tổ quốc. Đó là điếu thuốc đầu tiên và cuối cùng của tôi.
Một buổi tối nọ mẹ ngồi cạnh tôi:
- Mẹ không chịu nổi việc họ xuất hiện ở đây. Con hiểu mẹ không?
Mẹ muốn đấu tranh. Ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi quyết định đi tìm những người hoạt động bí mật, chúng tôi không nghi ngờ gì là có họ. Chúng tôi không một phút nghi ngờ.
- Mẹ yêu con hơn tất thảy mọi thứ trên đời, - mẹ nói. - Nhưng con hiểu mẹ không, có tha lỗi cho mẹ không, nếu như có chuyện gì đó xảy ra với chúng ta?
Tôi yêu mẹ mình, khi đó tôi đã nghe bà mà không hề thắc mắc. Và vẫn như thế suốt cuộc đời này.
“Bà cầu nguyện cho hồn tôi trở lại”.
Natasha Golik - 5 tuổi
Hiện là thợ sửa bản in
Tôi đã học cầu nguyện. Tôi thường nhớ lại, vào đầu chiến tranh tôi đã học nguyện cầu thế nào.
Khi người ta nói đến chiến tranh, tôi, dễ hiểu thôi, ở tuổi lên năm không tưởng tượng ra được bức tranh ấy. Không nỗi sợ hãi nào. Nhưng chính vì khiếp sợ mà tôi đã thiếp ngủ đi. Ngủ suốt hai ngày. Như búp bê. Mọi người nghĩ tôi đã chết. Mẹ tôi khóc còn bà tôi cầu nguyện. Bà cầu nguyện suốt hai ngày hai đêm.
Tôi mở mắt, và thứ đầu tiên tôi nhớ là ánh sáng. Ánh sáng chói lọi, rực rỡ bất thường. Ánh sáng khiến tôi nhức nhối. Tôi nghe thấy giọng ai đó và nhận ra: giọng bà tôi. Bà đứng trước tượng thánh cầu nguyện. “Bà ơi, bà ơi…” - tôi gọi bà. Bà không quay lại. Bà không tin là tôi gọi bà. Mà tôi đã thức dậy. Mở mắt.
- Bà ơi, - sau đó tôi hỏi, - bà cầu nguyện gì lúc cháu chết vậy? - Bà hú hồn cháu quay về.
Một năm sau, bà mất. Tôi đã biết cầu nguyện. Tôi cầu nguyện để hồn bà quay lại.
Nhưng bà đã không trở lại…
Chúng, màu hồng trên tàn tro
Katya Korotayeva - 13 tuổi
Hiện là kỹ sư thủy lợi
Tôi sẽ kể về mùi. Chiến tranh có mùi thế nào.
Trước chiến tranh tôi đã học xong lớp Sáu. Khi đó trường học theo lớp lang thế này: Bắt đầu từ lớp Bốn tất cả phải thi. Và chúng tôi đã thi xong kỳ thi cuối. Đó là tháng Sáu, mà tháng Năm và tháng Sáu năm bốn mốt vẫn rất lạnh. Nếu ở chỗ chúng tôi tử đinh hương thường nở hoa vào tháng Năm, thì năm đó chúng nở tận giữa tháng Sáu. Và như thế, ngày đầu chiến tranh trong kí ức tôi luôn gắn với mùi tử đinh hương. Và mùi anh đào. Những loại cây luôn tỏa mùi chiến tranh…
Nhà tôi ở Minsk, và tôi cũng sinh ra ở Minsk. Cha tôi là nhạc trưởng dàn quân nhạc. Tôi từng tham gia diễu binh cùng ông. Ngoài tôi, trong gia đình còn có hai anh lớn. Dĩ nhiên, tất cả đều thương yêu và cưng chiều tôi, vì tôi là đứa bé nhất, lại là em gái.
Phía trước là mùa hè, phía trước là kỳ nghỉ. Thật là mừng vui. Tôi chơi thể thao và bơi lội tại bể bơi Nhà văn hóa Hồng quân. Bọn trẻ rất ganh tị với tôi, cả bọn con trai trong lớp cũng vậy. Còn tôi thì làm bộ làm tịch rằng tôi bơi giỏi. Ngày 21 tháng Sáu, Chủ nhật, chúng tôi sẽ ăn mừng khai trương hồ Komsomol. Chúng tôi đã đào và xây nó từ rất lâu, thậm chí trường chúng tôi còn phải huy động học sinh đi
lao động thứ Bảy cộng sản. Tôi sẽ là một trong những người đầu tiên xuống bơi. Còn phải nói!
Buổi sáng, chúng tôi có lệ mua bánh mì mới. Đó là nhiệm vụ của tôi. Trên đường đi tôi gặp cô bạn gái, bạn ấy bảo chiến tranh đã bắt đầu. Dọc đường chúng tôi đi có nhiều khu vườn, những ngôi nhà nhỏ chìm ngập trong hoa cỏ. Và tôi nghĩ: “Chiến tranh gì chứ? Cô ta nghĩ chuyện gì vậy?”
Ở nhà cha tôi đã đặt ấm samovar. Tôi chưa kịp kể gì thì những người hàng xóm đã chạy đến, trên môi tất cả chỉ có mỗi từ: “Chiến tranh! Chiến tranh!” Bảy giờ sáng hôm sau người ta triệu tập anh cả tôi đến Ủy ban Quân vụ. Buổi trưa anh ấy chạy ra chỗ làm và ở đó người ta trả anh tiền lương. Với món tiền này anh về nhà nói với mẹ: “Con ra mặt trận, chẳng cần gì cả. Mẹ cầm tiền này, mua cho Katya cái áo khoác mới”. Tôi, một nữ sinh lớp Bảy, đã mơ mặc áo boston* xanh cổ gắn lông cừu xám. Và anh biết điều đó.
Đến giờ tôi vẫn nhớ, trước khi ra trận, anh trai đã cho tiền tôi mua áo khoác. Chúng tôi sống tằn tiện với ngân sách gia đình hổng lỗ chỗ. Nhưng mẹ hẳn sẽ mua áo khoác cho tôi, một khi anh trai đã đề nghị như vậy. Nhưng mẹ đã không kịp làm gì…
Minsk bắt đầu bị đánh bom. Chúng tôi và mẹ chuyển sang trú trong căn hầm đá của người hàng xóm. Tôi có một con mèo mà tôi rất cưng, nó nhút nhát lắm, không đi đâu quá sân nhà chúng tôi, nhưng khi bom bắt đầu dội xuống, nó liền theo tôi chạy khỏi sân sang chỗ người hàng xóm. Tôi xua nó: “Về nhà đi”, nhưng nó vẫn theo tôi. Nó cũng sợ ở nhà một mình. Bom Đức bay rền. Tôi là một cô gái yêu âm nhạc, điều đó tác động đến tôi rất mạnh. Những âm thanh đó. Nó khủng khiếp đến nỗi lòng bàn tay tôi ướt đẫm. Cùng
ngồi trong hầm chúng tôi có cậu bé hàng xóm bốn tuổi, em không khóc. Chỉ có điều, đôi mắt em mở to.
Đầu tiên, những căn nhà cháy, rồi sau cả thành phố bốc cháy. Chúng tôi thích nhìn lửa, lửa trại, nhưng thật đáng sợ khi thấy một ngôi nhà cháy, mà ở đây lửa cháy từ khắp hướng, khói bao phủ cả bầu trời và những con đường. Có những chỗ sáng rực. Vì lửa. Tôi nhớ bệ cửa sổ của căn nhà gỗ nào đó, trên bệ cửa là những bông hồng quỳnh sang trọng. Trong nhà không có người, chỉ hồng quỳnh nở hoa. Có cảm tưởng đó không phải những bông hoa, mà là ngọn lửa. Những bông hoa bốc cháy…
Chúng tôi chạy giặc.
Dọc đường đi, qua những ngôi làng, người ta cho chúng tôi ăn bánh mì và uống sữa, ngoài ra họ chẳng có gì. Mà chúng tôi cũng đâu có tiền. Tôi rời khỏi nhà trong chiếc khăn trùm, còn mẹ tôi chẳng hiểu sao lại mặc áo khoác đông và mang giày cao gót. Người ta cho chúng tôi ăn miễn phí, không ai nhắc tới chuyện tiền bạc. Dòng người chạy nạn lũ lượt chảy về…
Rồi ai đó phía trên đầu truyền tin rằng con đường phía trước đã bị mô tô của quân Đức cắt chặn. Ngang qua những ngôi làng đó, ngang qua những bà cô với vò sữa trên tay, chúng tôi chạy ngược về sau. Chúng tôi quay về tới đường phố của mình. Mới mấy ngày trước ở đây còn xanh ngắt cỏ hoa, giờ thì tất cả đã cháy rụi. Thậm chí những cây gia trăm tuổi cũng không còn. Tất cả đã hóa thành cát vàng. Đã biến đi đâu mất lớp đất đen màu mỡ nuôi dưỡng vạn vật, chỉ còn lại cát vàng thật vàng. Toàn là cát. Giống như ta đang đứng cạnh nấm mồ vừa quật.
Chỉ còn lại những lò sưởi nhà máy, chúng mang màu trắng vì được nung trong lửa lớn. Ngoài ra chẳng còn gì thân quen. Cả đường phố cháy đen. Những cụ già bị thiêu cháy, và nhiều trẻ nhỏ, bởi họ không chạy cùng mọi người, họ nghĩ chẳng ai động đến họ. Nhưng lửa không khoan nhượng ai. Bạn đi và bắt gặp - một thi thể màu đen, có nghĩa là, một người già bị thiêu cháy. Còn nếu là đốm nhỏ màu hồng từ xa, có nghĩa là, một đứa trẻ. Chúng, màu hồng trên tàn tro.
Mẹ tháo khăn trùm và bịt mắt tôi lại. Cứ thế chúng tôi về nhà mình, đến nơi vài ngày trước còn có ngôi nhà của chúng tôi. Nhà không còn nữa. Đón chúng tôi là con mèo sống sót một cách thần kì. Nó bám chặt lấy tôi, đó là tất cả. Không ai trong chúng tôi có thể nói gì. Con mèo không kêu meo meo, thậm chí nó cũng im mất mấy ngày. Tất cả chúng tôi đều câm lặng.
Chúng tôi gặp những tên phát xít đầu tiên, thậm chí tôi không thấy, mà nghe - tất cả đều mang giầy đế sắt, chúng nện rất to. Chúng nện gót trên mặt đường của chúng tôi. Và tôi ngỡ thậm chí đất cũng đau khi chúng đi qua.
Mà tử đinh hương đã nở rộ vào năm đó. Cả anh đào cũng đã nở hoa như thế…
“Và tôi vẫn muốn mẹ…”
Zina Kosyak - 8 tuổi
Hiện là thợ tóc
Lớp Một.
Tôi học xong lớp Một vào tháng Năm năm bốn mốt, và ba mẹ tiễn tôi đi trại hè đội viên ở Gorodisha gần Minsk. Tôi mới bơi được một lần ở đây, hai ngày sau đã là chiến tranh. Người ta đưa chúng tôi lên tàu và chở đi. Máy bay Đức bay trên đầu, còn chúng tôi hò reo: “Ura!” Chúng là máy bay lạ, chúng tôi nào hiểu. Cho đến khi máy bay đánh bom. Khi đó tất cả màu sắc đều biến mất. Tất cả sắc màu. Lần đầu tiên từ “chết chóc” xuất hiện, mọi người đều nói cái từ khó hiểu đó. Còn ba mẹ thì không bên cạnh…
Khi chúng tôi rời khỏi trại, người ta bỏ đầy áo gối mỗi đứa thứ gì đó - đứa thì ngũ cốc, đứa thì đường. Cả những đứa bé nhất cũng không được chừa, tất cả đều phải mang gì đó theo mình. Chúng tôi phải mang càng nhiều thực phẩm càng tốt trên đường đi, và dùng rất dè xẻn. Nhưng trên tàu chúng tôi thấy những người lính bị thương. Họ rên la, đau đớn đến độ chúng tôi chỉ muốn trao hết tất cả cho. Chúng tôi gọi đó là: “Cho các ba ăn”. Chúng tôi gọi tất cả những người đàn ông mặc đồ lính là ba.
Người ta kể chúng tôi là Minsk đã cháy, cháy rụi, quân Đức đã chiếm mất rồi, nên chúng tôi sẽ đi về hậu phương. Chúng tôi đi về
nơi không có chiến tranh.
Họ chở chúng tôi đi cả tháng. Đưa chúng tôi về thành phố nào đó, nhưng cứ gần tới nơi, họ lại không để chúng tôi ở đó, vì quân Đức đã gần kề. Và cứ thế chúng tôi đến tận Mordovia*.
Chỗ ấy rất đẹp, xung quanh là nhà thờ. Những ngôi nhà thấp, còn nhà thờ thì cao. Không có chỗ nằm ngủ, chúng tôi đành chợp mắt trên rơm rạ. Khi mùa đông đến, bốn đứa chung một đôi ủng. Rồi nạn đói bắt đầu. Không chỉ trại mồ côi đói, mà những người xung quanh chúng tôi cũng đói, bởi mọi thứ đều chuyển ra tiền tuyến. Trong trại có hai trăm năm mươi đứa trẻ, và có lần người ta gọi đi ăn trưa, nhưng chẳng có gì để ăn. Những cô bảo mẫu và giám đốc ngồi trong nhà ăn nhìn chúng tôi, mắt họ đầy lệ. Chúng tôi có con ngựa Maika. Nó già và rất dịu dàng, chúng tôi dùng nó để chở nước. Ngày hôm sau người ta giết Maika. Và cho chúng tôi nước cùng một mẩu rất nhỏ thịt Maika. Người ta giấu chúng tôi chuyện đó rất lâu. Không thì chúng tôi đã không thể nào ăn nổi. Không cách nào! Đó là con ngựa duy nhất trong trại trẻ chúng tôi. Và hai con mèo đói nữa. Những bộ xương! Thật tốt, sau này chúng tôi nghĩ, phúc đức làm sao, nhờ lũ mèo gầy trơ xương nên chúng tôi không phải ăn chúng. Chúng chẳng có gì để ăn cả.
Chúng tôi đi với những cái bụng ỏng, như tôi chẳng hạn, có thể ăn cả xô súp, bởi trong súp chẳng có gì. Họ đổ cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ ăn và ăn bấy nhiêu. Thiên nhiên đã cứu chúng tôi, những con vật nhai lại. Mùa xuân, trong bán kính vài cây số không một cái cây nào đâm chồi nẩy lộc. Bởi chúng tôi đã ăn hết tất cả chồi mầm, chúng tôi tước cả lớp vỏ non. Chúng tôi ăn cỏ, ăn sạch. Người ta cho chúng tôi mặc những chiếc áo khoác ngắn, chúng tôi khoét túi áo để mang
cỏ theo người, mang theo và nhai đi nhai lại. Mùa hè cứu độ chúng tôi, còn mùa đông trôi qua rất nặng nề. Những đứa trẻ nhỏ, chúng tôi có khoảng bốn mươi đứa, được cho ở riêng. Ban đêm chúng tôi khóc rền. Gọi ba gọi mẹ. Các cô bảo mẫu và giáo viên cố không nhắc đến từ “mẹ” khi có mặt chúng tôi. Họ kể cho chúng tôi chuyện cổ tích và chọn những quyển sách không có từ này. Nhưng nếu ai đó bất ngờ nhắc đến “mẹ”, lập tức tất cả khóc òa. Gào khóc không nguôi.
Tôi học lại lớp Một, bởi cơ sự thế này: Tôi đã kết thúc lớp Một với bằng khen, nhưng khi tới trại mô côi và người ta hỏi em nào bị thi lại, tôi đáp là em, vì tôi nghĩ: Thi lại tức là bằng khen. Đến lớp Ba tôi trốn khỏi trại. Tôi đi tìm mẹ. Đói lả và kiệt sức, tôi được ông già Bolshakov tìm thấy trong rừng. Biết tôi từ trại mồ côi, ông mang tôi về gia đình mình. Cùng với bà, ba người chúng tôi sống đắp đổi qua ngày. Khi dần khỏe lên, tôi bắt đầu giúp họ việc nhà: dọn cỏ, thu hoạch khoai tây - làm hết mọi việc. Chúng tôi ăn thứ bánh mì có rất ít bột mì. Nó đắng - đắng làm sao. Chúng tôi cho vào bột tất tần tật những gì xay ra được: rau muối, hoa hồ đào, khoai tây. Đến giờ tôi vẫn không thể thản nhiên nhìn cỏ mọng và ăn rất nhiều bánh mì. Tôi không cảm thấy no. Sau hàng chục năm trôi qua.
Dẫu sao tôi vẫn nhớ bao nhiêu chuyện. Tôi còn nhớ nhiều…
Tôi nhớ một bé gái điên, lẻn vào vườn ai đó, tìm thấy một cái hang và đứng đó canh chuột. Em muốn ăn. Tôi nhớ gương mặt em, thậm chí cả cái áo không tay mà em mặc. Có lần tôi lại gần em, em kể tôi nghe về con chuột. Rồi chúng tôi cùng ngồi canh con chuột đó.
Suốt cuộc chiến tôi đã đợi, đợi khi nào chiến tranh chấm dứt, sẽ thắng con ngựa của ông đi tìm mẹ. Khi những người tản cư ghé qua nhà, tôi luôn hỏi họ: “Mọi người có gặp mẹ cháu không?”. Người sơ tán đông lắm, đông đến nỗi mỗi nhà đều có một nồi nước tầm ma. Để người tị nạn có chút gì đó ấm áp mà hớp khi họ ghé qua. Ngoài ra chẳng có gì cho họ cả. Những cái nồi tầm ma ở mỗi nhà… Tôi nhớ rất rõ. Tôi là người đi hái tầm ma mà.
Chiến tranh kết thúc. Tôi đợi một, rồi hai ngày, nhưng không ai đến đón tôi. Mẹ không đến, và ba thì tôi biết, đang ở trong quân ngũ. Tôi đợi như thế suốt hai tuần, đến khi không còn sức để đợi nữa. Tôi lẻn trốn dưới gầm ghế một con tàu và ra đi… Đi đâu? Tôi không biết. Tôi ngỡ (đó vẫn còn là nhận thức tuổi thơ) rằng tất cả các chuyến tàu đều đến Minsk. Và ở Minsk mẹ đang chờ tôi! Sau đó ba tôi sẽ về. Như một anh hùng! Với các huân chương, mề đay…
Nhưng họ đã mất tích đâu đó trong một trận bom. Sau này những người láng giềng kể lại, cả hai đã lao đi tìm tôi. Họ chạy ra ga…
Tôi đã năm mươi mốt tuổi, tôi có hai con. Và tôi vẫn còn muốn mẹ.
“Đồ chơi Đức đẹp thế…”
Taisa Nasvetnikova - 7 tuổi
Hiện là giáo viên
Trước chiến tranh…
Như tôi còn nhớ mọi thứ đã từng rất tốt đẹp: nhà trẻ, những tiết mục thiếu nhi, sân nhà chúng tôi. Những bé gái bé trai. Tôi đọc nhiều sách, sợ côn trùng và thích chó. Chúng tôi sống ở Vitebsk*, ba tôi làm việc trong Sở Xây dựng. Ngày thơ bé tôi nhớ nhất là ba đã dạy tôi bơi thế nào trên sông Dvina.
Sau đó là trường học. Trường học trong tôi còn lưu lại ấn tượng thế này: Cầu thang rất rộng, tường kính trong suốt, rất nhiều ánh nắng, và rất nhiều niềm vui. Có cảm tưởng như cuộc sống là ngày hội.
Vào những ngày đầu chiến tranh, ba tôi ra mặt trận. Tôi nhớ cuộc chia tay ở sân ga. Ba lúc nào cũng thuyết phục mẹ rằng họ sẽ đuổi quân Đức đi, nhưng vẫn muốn chúng tôi phải tản cư. Mẹ không hiểu: Để làm gì? Nếu chúng tôi ở lại, ông sẽ tìm được chúng tôi nhanh hơn. Tìm ra ngay lập tức. Còn tôi thì cứ lặp đi lặp lại: “Ba ơi, ba thương yêu! Ba phải trở về nhanh nhé. Ba ơi, ba thương yêu…”
Ba đi rồi, vài ngày sau chúng tôi cũng lên tàu sơ tán. Dọc đường chúng tôi luôn bị đánh bom, đánh bom chúng tôi rất dễ, bởi các đoàn
tàu đi về hậu phương chỉ cách nhau mỗi năm trăm mét. Chúng tôi đi gọn nhẹ: Mẹ mặc đầm satin chấm bi trắng, còn tôi mặc váy hoa đỏ không tay. Những người lớn đều bảo màu đỏ thấy rất rõ từ trên cao, nên mỗi khi có tập kích, mọi người lao vào các bụi, còn tôi thì được che phủ bằng mọi cách, để cái đầm đỏ không lộ rõ, không thì tôi chẳng khác nào cái đèn lồng.
Chúng tôi uống nước từ đầm, mương. Và bệnh đường ruột bắt đầu xuất hiện. Tôi cũng bệnh. Ba ngày nằm mê man. Sau này mẹ kể tôi đã được cứu thế nào. Khi tàu chúng tôi dừng ở Bryansk*, trên con đường bên cạnh có một đoàn quân xa. Mẹ tôi năm đó hai mươi sáu tuổi, bà rất đẹp. Đoàn tàu chúng tôi dừng rất lâu. Bà bước ra khỏi toa, một viên sĩ quan trong binh đoàn buột miệng khen bà. Và bà đã nói: “Xin tránh ra. Con gái tôi đang hấp hối”. Viên sĩ quan đó hóa ra là y sĩ. Ông ta lao lên toa tàu, khám cho tôi và gọi các đồng chí mình: “Mau mang trà, bánh quy và benlladona đến đây”. Những chiếc bánh quy của lính, chai trà đậm một lít và vài viên benlladona đã cứu mạng tôi.
Khi chúng tôi đến Aktyubinsk*, cả toa tàu đều mắc bệnh. Lũ trẻ con chúng tôi không được phép lại gần nơi quàn các thi thể, người ta giữ chúng tôi khỏi chứng kiến cảnh tượng này. Chúng tôi chỉ nghe những cuộc chuyện trò: ở đó họ chôn bao nhiêu trong một hố, ở đó bao nhiêu… Mẹ về với gương mặt nhợt nhạt, tay bà run rẩy. Còn tôi cứ hỏi vặn: “Mọi người biến đâu cả rồi?”
Tôi không nhớ phong cảnh nào trên đường di tản. Điều đó thật lạ kỳ, vì tôi rất yêu thiên nhiên. Tôi chỉ nhớ những bụi rậm mà chúng tôi trốn trong đó. Những mương xói. Vì sau đó mà tôi ngỡ chẳng đâu có rừng, tàu chúng tôi chỉ chạy giữa những cánh đồng, sa mạc nào đó.
Có lần tôi sợ đến độ về sau tôi không còn sợ trận bom nào nữa. Do người ta không cảnh báo chúng tôi là tàu chỉ dừng chừng mươi, mười lăm phút, ngắn thôi, nên khi tàu chạy, tôi bị bỏ lại. Một mình. Tôi không nhớ ai đã chụp lấy tôi. Người ta ném tôi vào toa đúng nghĩa đen.
Nhưng không phải toa của chúng tôi, mà vào toa áp cuối. Đó là lần đầu tiên tôi sợ sẽ chỉ còn lại một mình, còn mẹ thì đi mất. Khi có mẹ bên cạnh, không có gì đáng sợ cả. Còn ở đây tôi tê dại vì sợ. Và khi mẹ tôi chưa kịp chạy đến, chưa kịp ôm thốc lấy tôi, tôi đã hoàn toàn câm nín, không ai có thể cạy răng tôi một từ. Mẹ - đó là thế giới của tôi. Hành tinh của tôi. Thậm chí nếu như có ốm đau gì đó, chỉ cần nắm lấy tay mẹ là tôi sẽ hết. Ban đêm tôi luôn ngủ bên mẹ, càng gần mẹ bao nhiêu, càng ít sợ bấy nhiêu. Có mẹ ở bên, mọi thứ vẫn hệt như trước kia ở nhà. Nhắm mắt lại - không còn cuộc chiến tranh nào cả. Chỉ có điều mẹ không thích nói về cái chết. Còn tôi thì luôn cật vấn mẹ về nó…
Từ Aktyubinsk, chúng tôi đi về Magnitogorsk, nơi anh ruột của ba tôi sống. Trước chiến tranh ba có một gia đình lớn toàn đàn ông, nhưng khi chúng tôi đến, trong nhà chỉ còn phụ nữ. Tất cả đàn ông trong nhà đã ra trận. Cuối năm bốn mốt, nhà chúng tôi nhận hai giấy báo tử - hai con trai của bác đã hi sinh…
Tôi còn nhớ dịch thủy đậu mùa đông năm đó, cả trường tôi đều bị lây. Và cái quần đỏ. Mẹ được cấp một mẩu vải nỉ đỏ theo tem phiếu, và mẹ may quần cho tôi. Bọn trẻ ghẹo tôi “Thầy tu mặc quần đỏ”. Tôi rất bực. Sau một thời gian nhà chúng tôi nhận được tem phiếu giày cao su. Tôi buộc dây rồi cứ thế mà chạy. Dây giày cọ trầy mắt cá chân, nên tôi luôn phải lót thứ gì đó để tránh những vết thương này.
Nhưng mùa đông lạnh đến độ chân tay tôi lúc nào cũng cóng buốt, ở trường lò sưởi thường xuyên bị hỏng, trong lớp nước trên sàn đóng băng, và chúng tôi thì trượt giữa các bàn. Chúng tôi mặc nguyên áo khoác ngồi học, tay mang găng, chỉ thò hai ngón tay để cầm bút. Tôi nhớ, chúng tôi không được chọc giận hay trêu ghẹo những bạn có cha hi sinh. Tội đó bị phạt rất nghiêm. Và chúng tôi còn đọc rất nhiều. Như chưa bao giờ được đọc. Chúng tôi đọc hết sách thiếu nhi, thiếu niên. Rồi đọc qua sách người lớn. Những đứa con gái khác thì sợ, thậm chí bọn con trai cũng bỏ qua những trang mô tả cái chết. Nhưng tôi đã đọc.
Tuyết rơi nhiều. Tất cả trẻ con chạy ra đường nặn người tuyết. Còn tôi băn khoăn: Làm sao có thể nặn người tuyết và vui sướng khi đang có chiến tranh.
Người lớn lúc nào cũng nghe radio, không có radio họ không sống nổi. Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi mừng với mỗi loạt súng chào ở Moskva, lo cho mỗi thông tin: Mặt trận thế nào? Còn những người hoạt động bí mật, còn du kích quân? Chúng tôi xem phim về trận chiến ở Stalingrad và ngoại ô Moskva tới mười lăm, hai mươi lần. Phim được chiếu ba lần liền mạch, và chúng tôi xem đủ cả ba. Phim được chiếu trong trường học, do không có phòng chiếu nên phim chiếu ngay trong hành lang, và chúng tôi ngồi trên sàn để xem. Suốt hai ba tiếng đồng hồ. Tôi nhớ rõ những cảnh chết chóc. Mẹ mắng tôi vì chuyện đó. Bà hỏi các bác sĩ tại sao tôi như thế. Tại sao tôi lại quan tâm đến những thứ trẻ con không nên biết đến, như cái chết? Làm sao để hướng tôi đến những chuyện trẻ thơ.
Tôi đọc lại truyện cổ tích. Và tôi nhận thấy gì? Tôi thấy trong đó người ta giết hại nhau nhiều quá. Nhiều máu. Và đó là khám phá
của tôi.
Cuối năm bốn tư. Tôi thấy những tù binh Đức đầu tiên. Họ đi thành hàng dọc phố. Và điều khiến tôi kinh ngạc là người ta tới gần đưa họ bánh mì. Chuyện đó làm tôi thấy lạ đến độ phải chạy ngay tới chỗ mẹ làm việc để hỏi: “Tại sao dân mình lại cho quân Đức bánh mì?” Mẹ không nói gì, chỉ khóc. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy có người chết trong bộ quân phục Đức, ông ta cắm cúi đi - đi trong hàng rồi gục xuống. Dòng người khựng lại một chút rồi đi tiếp, bên cạnh cái xác người ta bố trí một người lính của ta xử lý. Tôi chạy lại gần. Tôi bị lôi cuốn bởi cái chết thật gần, ngay cạnh mình. Đôi lúc trên radio người ta công bố tổn thất của quân địch, và chúng tôi luôn lấy đó làm mừng vui. Còn ở đây tôi đã thấy. Người chết dường như đang ngủ. Ông ta thậm chí không nằm, mà ngồi cong người, đầu hơi gục xuống vai. Tôi không rõ mình căm thù hay thương xót ông ta? Đó là kẻ thù. Kẻ thù của chúng tôi! Tôi không nhớ ông ta trẻ hay già? Nhưng trông rất mệt mỏi. Vậy nên tôi khó mà căm thù. Tôi kể cho mẹ điều đó. Và mẹ lại khóc.
Sáng ngày 9 tháng Năm chúng tôi thức giấc khi dưới cổng ai đó hét rất to. Hẵng còn rất sớm. Mẹ chạy ra xem chuyện gì rồi chạy về trong ngỡ ngàng: “Chiến thắng! Chẳng lẽ là chiến thắng?”. Chuyện đó thật xa lạ, chiến tranh chấm dứt, cuộc chiến dài như thế… Ai đó khóc, ai đó cười, ai đó la hét. Những ai mất người thân thì bật khóc, rồi sau lại vui mừng vì dẫu sao cũng là chiến thắng! Ai đó lấy ra một nhúm ngũ cốc, ai đó - khoai tây, ai đó - củ cải, tất cả cùng mang vào một căn hộ. Tôi không bao giờ quên ngày hôm ấy. Ngay buổi sáng hôm ấy. Thậm chí đến chiều mọi thứ đã không còn như thế.
Hồi chiến tranh vì sao đó mà ai cũng nói nhỏ, thậm chí tôi cảm tưởng chỉ như thì thầm, còn giờ đây bỗng nhiên tất cả đều nói rất to. Lũ trẻ chúng tôi bám theo người lớn, họ đãi chúng tôi ăn, âu yếm rồi đuổi chúng tôi đi: “Đi xuống phố chơi đi. Hôm nay là ngày hội”. Rồi họ lại gọi trở lại. Chúng tôi chưa bao giờ được ôm được hôn như ngày hôm ấy.
Và tôi là người hạnh phúc, vì ba tôi đã trở về từ chiến tranh. Ông mang về những món đồ chơi rất đẹp. Đồ chơi Đức. Tôi không thể hiểu tại sao những món đồ chơi đẹp thế lại là của người Đức.
Với ba, tôi cũng thử trò chuyện về cái chết, về những trận bom, khi tôi và mẹ tản cư. Về chuyện dọc hai bên đường thi thể binh lính chúng tôi nằm chết ra sao. Mặt họ được phủ tạm bằng cành lá. Trên đó ruồi bay vo vo. Rất nhiều ruồi. Về người lính Đức chết gục. Tôi kể về cha bạn mình, sau chiến tranh ông trở về được vài ngày thì mất. Chết vì bệnh tim. Tôi không thể hiểu làm sao có thể chết sau chiến tranh, khi tất cả đều hạnh phúc?
Ba chỉ im lặng.
“Một nhúm muối - đó là tất cả những gì còn lại ở nhà chúng tôi..”
Misha Maiyorov - 5 tuổi
Hiện là phó tiến Sĩ nông nghiệp
Trong chiến tranh tôi yêu những giấc mơ. Tôi yêu những giấc mơ về cuộc sống thanh bình, về việc chúng tôi đã sống thế nào trước chiến tranh.
Giấc mơ thứ nhất.
Bà làm xong việc nhà. Tôi chờ đợi khoảnh khắc này. Đấy, bà kéo cái bàn lại chỗ cửa sổ. Bà trải vải lên đó, đặt bông lên trên rồi phủ chúng bằng một lớp vải khác và bắt đầu chần chăn. Tôi cũng có việc: bà đóng đinh vào một đầu chăn rồi gắn vào đó các dây bện đính phấn kẻ, và tôi sẽ kéo thật mạnh đầu chăn còn lại. “Kéo đi, Mishenka, kéo mạnh lên!” - bà nói. Tôi kéo - bà thả ra - một dải phấn đã sẵn sàng trên vải satin xanh hoặc đỏ. Những dải này đan nhau, tạo ra những quả trám nhỏ, dọc chúng là những đường chỉ đen. Công đoạn tiếp theo: bà trải những mẫu giấy cắt (mà nay người ta gọi là khuôn rập), và trên tấm chăn màu kem chua hiện lên một bức tranh. Rất đẹp và thú vị. Bà tôi là thợ chuyên may sơ mi, đặc biệt bà may cổ áo rất đẹp. Chiếc máy may Singer của bà làm việc cả khi tôi đã ngủ. Và khi ông đã ngủ.
Giấc mơ thứ hai.
Ông đóng giày, ở đây tôi cũng có việc - giũa những cây đinh tán bằng gỗ. Hiện nay tất cả đế giày đều được đóng bằng đinh sắt, nhưng chúng dễ han gỉ và làm đế bị long. Có thể, thời đó đã sử dụng đinh sắt, nhưng tôi chỉ nhớ những cái đinh gỗ. Từ miếng gỗ bạch dương già phẳng phiu không có mấu, chúng tôi xẻ thành từng tấm rồi cất trong nhà kho cho quắt lại, sau đó vát thành những lát dày chừng 3 cen-ti-mét rồi tiếp tục hong khô. Những lát gỗ này sau lại được chẻ thành những mẩu dày chừng hai, ba mi-li-mét. Con dao thợ giày rất sắc, nó có thể dễ dàng gọt rìa mẩu gỗ từ hai phía: bạn tì nó vào bàn - dzich dzich... Thoắt cái mẩu gỗ biến thành phiến nhọn, rồi sau đó sẽ là đinh tán. Ông lấy cái khoét (chính là cái dùi của thợ giày) khoét một lỗ dưới đế, đặt đinh tán vào rồi đóng bằng cái búa đóng giày! - Và thế là cái đinh bám chặt vào trong đế. Những cây đinh tán được đóng thành hai hàng, không chỉ đẹp, mà còn rất chắc, khi ngâm nước những cái đinh gỗ bạch dương này sẽ nở ra và bám chắc hơn vào đế, khiến nó không thể long ra cho đến khi nào mòn vẹt đi.
Ông còn khâu vải lót cho những đôi ủng dạ*, nói đúng hơn, là làm cái lòng chân thứ hai cho chúng, nhờ đó chúng sẽ dùng được lâu hơn và có thể mang mà không cần giày đệm. Hay may da vào phần gót ủng dạ, để nó không chóng rách trong giày cao su. Nhiệm vụ của tôi là bện chỉ lanh, phết hắc ín, tẩm sáp vào chỉ rồi xỏ nó qua lỗ kim. Nhưng kim may của thợ giày rất đắt, nên ông thường dùng lông lợn, loại lông cứng mọc trên gáy lợn rừng hoặc lợn nhà, nhưng mềm hơn. Ông tôi có khá nhiều lông lợn như vậy - cả một túm. Chúng có
thể dùng may đế giày hay vá lại những chỗ bất tiện: Lông lợn dễ uốn nên có thể luôn vào đâu cũng được.
Giấc mơ thứ ba.
Bọn con trai tổ chức diễn kịch về lính biên phòng và thám báo ở kho chứa bên hàng xóm. Vé là 10 cô pếch. Do không có hào nào nên chúng không cho tôi vào xem, và thế là tôi bắt đầu gào khóc: tôi cũng muốn “xem chiến tranh”. Tôi liếc trộm vào kho chứa và thấy “lính biên phòng” mặc áo hồng quân* thực thụ. Vở kịch rất sống động…
Sau đó những giấc mơ của tôi chấm dứt đột ngột.
Chẳng bao lâu tôi đã thấy những chiếc áo hồng quân ở nhà mình. Bà cho những người lính mệt mỏi và bụi bặm ấy thức ăn, còn họ thì luôn miệng nói: “Bọn Đức ghê tởm”. Tôi bắt đầu hỏi quấy bà: “Họ là ai, người Đức ấy?”
Cả nhà dỡ các túi đồ lên xe ngựa, đặt tôi ngồi lên rồi đi di tản. Khi quay về, nhà chúng tôi đã toàn người Đức! Họ cũng giống quân ta, chỉ khác mỗi quân phục và trông có phần vui vẻ hơn. Tôi, bà và mẹ giờ sống sau lò sưởi*, còn ông thì ở nhà kho. Bà đã không còn chần chăn, và ông cũng không đóng giày nữa. Có lần tôi hé màn nhìn ra: trong góc nhà, một người Đức đang ngồi cạnh cửa sổ, đeo tai nghe và vặn núm điện đài, tôi nghe có tiếng nhạc, rồi sau đó một giọng Nga phát ra rõ mồn một. Một người Đức khác đang phết bơ lên bánh mì, trông thấy tôi, anh ta liền vẫy con dao sượt ngay cạnh mũi tôi, tôi lủi trốn sau bức màn và không bao giờ dám thò đầu ra nữa.
Trên con phố chạy ngang qua nhà chúng tôi, người ta giải một người mặc áo lính cháy xém, chân trần, với đôi tay bị trói giật bằng
dây thép. Người ấy đen nhẻm. Sau đó tôi thấy ông ta bị treo cổ cạnh hội đồng thôn*. Người ta bảo đó là phi công của chúng tôi. Đêm ấy tôi nằm mơ. Trong mơ tôi thấy ông treo mình lủng lẳng trong sân nhà tôi.
Mọi kí ức được gợi nhớ lại trong một màu đen: xe tăng đen, mô tô đen, lính Đức mặc quân phục đen. Tôi không dám chắc tất cả trên thực tế đều là màu đen hay không, nhưng tôi nhớ là như thế. Như một thước phim đen trắng…
Tôi được quấn trong thứ gì đó cũng màu đen, và cả nhà tôi trốn nhủi trong đầm lầy suốt ngày đêm. Đêm lạnh buốt. Những con chim lạ kêu lên những tiếng đáng sợ. Dường như ánh trăng đang chiếu quá sáng - sáng rỡ. Điều này thật quá nguy hiểm! Nếu lũ chó bẹc giê tìm thấy chúng tôi thì sao? Thỉnh thoảng tiếng sủa khàn của chúng lại vọng tới. Buổi sáng - về nhà! Tôi muốn về nhà! Tất cả đều muốn về nhà, về với sự ấm áp! Nhưng nhà đã không còn, chỉ còn lại đống gỗ cháy dở bốc khói. Sau đống lửa lớn, chúng tôi tìm thấy trong tro một cục muối, từng nằm trên bệ lò sưởi. Chúng tôi thu nhặt cả tro lẫn muối, rồi đổ chúng vào bình. Đó là tất cả những gì còn lại từ nhà chúng tôi…
Bà im lặng, im lặng, rồi đến đêm bà bắt đầu rền rỉ: “Ôi, nhà tôi! Ôi ngôi nhà thân thương của tôi! Tôi từng ở đây cả thời con gái. Những người mai mối đã đến-n-n đâ-y-y. Rồi tôi sinh con đẻ cái ở đây-y-y”. Bà đi đi lại lại trong cái sân tối om, như một bóng ma.
Buổi sáng tôi mở mắt - chúng tôi đang nằm ngủ trên đất. Trong vườn nhà mình…
“Và tôi hôn tất cả chân dung trong sách giáo khoa…”
Zina Shimanskaya -11 tuổi
Hiện là thu ngân
Tôi ngoái nhìn về phía sau và cười. Không khỏi lấy làm ngạc nhiên. Chẳng lẽ chuyện đó đã xảy ra với tôi?
Hôm bắt đầu chiến tranh, cả lớp chúng tôi cùng đi xem xiếc. Chương trình diễn ra vào buổi sáng. Không ai đoán được chuyện gì. Không ai biết được điều gì. Tất cả người lớn đã biết, còn chúng tôi thì không. Chúng tôi vỗ tay reo cười. Ở rạp có một chú voi lớn. Chú voi khổng lồ! Những con khỉ nhảy múa. Và rồi chúng tôi vui vẻ đổ ra đường - người đi đường thất thanh gào khóc: “Chiến tranh!” Còn bọn trẻ con lại reo vang: “U-ra!”. Chúng tôi vui mừng hình dung chiến tranh sẽ là: tất cả đội mũ trụ và cưỡi ngựa* . Bấy giờ chúng tôi sẽ có dịp thể hiện mình, chúng tôi sẽ giúp hồng quân của ta. Chúng tôi sẽ trở thành anh hùng. Tôi thích những cuốn sách viết về các trận đánh, các chiến công… Và tôi tưởng tượng cảnh mình cúi xuống bên một người lính bị thương, dìu anh ra khỏi màn khói dày đặc của đám cháy dữ dội. Ở nhà, trước bàn học tôi dán đầy ảnh những người lính cắt ra từ các tờ báo. Ở đó có Voroshilov* , ở đó có Budyonnyi* …
Tôi và nhỏ bạn gái chơi trò chạy trốn cuộc chiến Phần Lan, còn bọn con trai thì hăng say chơi trò chiến tranh Tây Ban Nha. Chiến
tranh với chúng tôi là một sự kiện thú vị trong cuộc sống. Là cuộc phiêu lưu lớn nhất. Chúng tôi mơ về nó, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ con. Những đứa trẻ tốt lành! Nhỏ bạn gái của tôi luôn đội cái mũ trụ, nhỏ lấy nó ở đâu nhỉ, tôi quên rồi, nhưng đó là cái mũ yêu thích của nhỏ. Còn trò trốn chiến tranh là thế nào? Bây giờ tôi sẽ kể. Nhỏ ấy ngủ lại đêm ở nhà tôi, và dĩ nhiên, là để sáng sớm hôm sau chúng tôi lặng lẽ chuồn khỏi nhà. Nhón gót. Suỵt… Chúng tôi vớ lấy ít đồ ăn mang theo. Còn anh trai tôi, có lẽ, đã để ý những ngày vừa qua chúng tôi luôn thì thào gì đó, thế là anh kịp tóm chúng tôi ở ngoài sân và dong cả hai quay vào nhà. Anh la mắng và dọa sẽ ném hết sách quân sự khỏi tủ sách của tôi. Tôi khóc cả ngày. Đấy, chúng tôi đã như thế đấy!
Còn đây là cuộc chiến thật sự…
Chỉ một tuần sau quân Đức đã tiến vào Minsk. Tôi không nhớ lính Đức, mà lại nhớ những cỗ xe của chúng. Nào ô tô, nào mô tô… Chúng tôi không có những loại xe đó, chúng tôi chưa thấy chúng bao giờ. Mọi người hóa câm hóa điếc. Họ rón rén đi lại với đôi mắt khiếp đảm. Ngoài hàng rào, trên các cột trụ xuất hiện những biểu ngữ và truyền đơn lạ. Những mệnh lệnh lạ. “Trật tự mới” đang đến. Sau một thời gian các trường học lại mở cửa. Mẹ tôi quyết định, chiến tranh là chiến tranh, không được gián đoạn việc học. Trong giờ học đầu tiên, cô giáo Địa lý; người từng dạy chúng tôi trước chiến tranh, bắt đầu phát biểu chống chính quyền Xô viết. Chống Lênin. Tôi tự nhủ: Mình sẽ không học trong một ngôi trường như thế. Khô-ô-ông… Không bao giờ! Tôi về nhà và hôn lên tất cả chân dung trong sách giáo khoa. Tất cả chân dung lãnh tụ yêu quý của chúng tôi.
Bọn Đức xông vào các căn hộ, lúc nào chúng cũng truy tìm ai đó. Lúc thì người Do Thái, lúc thì du kích quân. Mẹ tôi nói: “Giấu cái khăn quàng đội viên của con đi”. Ban ngày tôi giấu cái khăn, còn ban đêm, khi đi ngủ, tôi đeo nó. Mẹ tôi sợ nhỡ bọn Đức gõ cửa ban đêm thì sao? Bà thuyết phục tôi bỏ khăn đi. Tôi khóc. Tôi đợi mẹ tắt đèn, trong nhà và ngoài đường đều tĩnh lặng rồi mới lấy khăn quàng đỏ trong tủ ra, lấy các quyển sách Xô viết ra. Nhỏ bạn tôi thì ngủ với chiếc mũ trụ trên đầu.
Đến tận bây giờ tôi vẫn hoài niệm rằng chúng tôi đã từng như thế…
“Chị đã dùng tay nhặt chúng. Chúng trắng, rất trắng…”
Zhenya Selenya - 5 tuổi
Hiện là nhà báo
Vào Chủ nhật hôm đó, ngày 22 tháng Sáu…
Tôi cùng anh trai đi hái nấm. Đã vào mùa những búp nấm thông mập mạp. Khu rừng khá nhỏ nên chúng tôi thuộc từng bụi cây thảm cỏ, nơi nào có nấm, nơi nào có quả dại và thậm chí là hoa, nơi nào có liễu lá hẹp còn nơi nào là địa nhĩ thảo vàng hay thạch nam xanh. Chúng tôi trở về nhà khi nghe thấy có tiếng ì ầm. Tiếng gầm từ bầu trời. Chúng tôi ngẩng đầu lên: phía trên có khoảng mười lăm, hai mươi chiếc máy bay. Chúng bay cao, rất cao, và tôi thầm nghĩ, máy bay của chúng tôi trước giờ không bay cao như thế. Nghe rõ tiếng rền ù ù.
Ngay lúc đó chúng tôi thấy mẹ chạy về phía mình, khóc ròng, giọng đứt quãng. Ấn tượng ngày đầu chiến tranh là thế, mẹ không gọi âu yếm như mọi khi, mà hét lên: “Các con! Các con tôi!” Mắt mẹ mở to, cả gương mặt chỉ còn đôi mắt.
Hai ngày sau, hình như thế, một nhóm hồng quân ghé vào khu xóm chúng tôi. Bụi bặm, mồ hôi, với đôi môi khô nẻ, họ vục đầu uống nước giếng. Và rồi họ bỗng sống động làm sao, gương mặt họ sáng lên khi thấy trên bầu trời xuất hiện bốn chiếc máy bay của ta. Chúng tôi thậm chí còn thấy rõ những ngôi sao đỏ trên thân máy
bay. “Phe ta, phe ta”. Chúng tôi hò la cùng các chiến sĩ hồng quân. Nhưng bỗng nhiên từ đâu đó bất ngờ ló ra bốn cái máy bay nhỏ màu đen, chúng bay quanh máy bay của chúng tôi, rồi có tiếng gì đó đì đẹt, rền vang. Âm thanh lạ vọng xuống mặt đất. Như tiếng ai đó xé vải dầu, vải gai. Tôi vẫn chưa rõ đó là tiếng máy bay hay là tiếng những tràng súng máy đì đẹt từ trên cao. Tiếp đó, máy bay của chúng tôi rơi, kéo theo những vệt lửa và khói. Ầm! Những người lính hồng quân đứng khóc lặng, họ không giấu nổi nước mắt của mình. Lần đầu tiên tôi thấy những người lính hồng quân khóc. Trong các bộ phim chiến tranh mà tôi xem trong làng, họ không bao giờ khóc…
Vài ngày nữa sau đó, từ làng Kabaka chị gái của mẹ, dì Katya chạy ra. Đen đúa, sợ hãi, dì kể lính Đức đã kéo vào làng, giải những người hoạt động ra cổng làng, và bắn họ bằng súng tiểu liên. Trong số những người bị giết có anh trai của mẹ, thành viên hội đồng thôn. Một người cộng sản già.
Đến giờ tôi vẫn nhớ lời dì Katya:
“Chúng đập bể đầu anh ấy, chị đã nhặt não anh ấy. Chúng trắng, rất trắng…”
Dì sống ở nhà chúng tôi hai ngày. Và suốt những ngày ấy dì cứ nhắc đi nhắc lại mãi. Sau hai ngày đầu dì bạc trắng. Và khi mẹ ngồi ôm dì Katya và khóc, tôi vuốt tóc mẹ. Tôi sợ.
Tôi sợ tóc mẹ tôi cũng bạc trắng…
“Em muốn sống! Em muốn sống!”
Vasya Kharevski - 4 tuổi
Hiện nay là kiến trúc sư
Những cảnh tượng này, những ngọn lửa này. Đó là tài sản của tôi. Là sự xa xỉ chăng, những gì tôi đã trải qua.
Không ai tin tôi cả. Thậm chí mẹ cũng không tin. Sau chiến tranh, khi mọi người bắt đầu hồi tưởng lại, bà ngạc nhiên nói: “Con không thể nhớ được những chuyện ấy, con còn nhỏ mà. Ai đã kể con nghe…
Không, là tôi nhớ.
Khi bom đạn gầm rú, tôi bám chặt lấy anh trai: “Em muốn sống! Em muốn sống!” Tôi sợ chết, dù khi đó tôi biết gì về cái chết? Thì sao nào?
Tôi còn nhớ…
Mẹ đưa cho tôi và anh trai hai củ khoai tây, còn bà chỉ nhìn chúng tôi. Chúng tôi biết đó là những củ khoai tây cuối cùng. Tôi muốn để lại cho bà một mẩu nhỏ. Nhưng không thể. Anh trai tôi cũng thế. Chúng tôi xấu hổ. Xấu hổ kinh khủng.
Không, tôi vẫn nhớ…
Tôi đã thấy người lính đầu tiên của chúng ta. Theo tôi, đó là lính tăng, nhưng chuyện này thì đúng là tôi không thể nói chính xác. Tôi chạy lại gần ông ta: “Ba ơi!” Còn ông ta bế bổng tôi lên cao: “Con trai!”
Tôi nhớ tất cả…
Tôi nhớ lời người lớn nói: “Nó còn nhỏ. Nó không hiểu đâu”. Còn tôi ngạc nhiên: “Những người này thật kỳ quặc làm sao, sao họ lại nghĩ tôi không hiểu gì? Tôi hiểu tất cả”. Thậm chí tôi còn có cảm tưởng tôi hiểu nhiều hơn họ, bởi tôi không khóc, còn họ thì lại khóc rất nhiều.
Chiến tranh - đó là cuốn sách giáo khoa lịch sử của tôi. Sự cô đơn của tôi. Tôi đã bỏ mất thời ấu thơ, nó đã rời khỏi đời tôi. Tôi là người không có tuổi thơ, bởi tuổi thơ trong tôi chính là chiến tranh.
Vì thế sau này tôi chỉ bị tình yêu làm chấn động. Đó là khi tôi yêu… Tôi đã nhận biết được tình yêu.
“Qua khuy nút áo…”
Inna Levkevich -10 tuổi
Hiện là kỹ sư xây dựng
Vào những ngày đầu tiên. Ngay từ sáng.
Trên đầu chúng tôi bom đạn gầm rú. Dưới mặt đất cột điện đổ la liệt. Mọi người sợ hãi, tất cả cùng chạy khỏi nhà. Từ nhà mình họ tứa chạy ra đường, cảnh báo lẫn nhau: “Coi chừng dây điện! Coi chừng dây điện!”, để không ai vấp ngã. Tưởng như đó đã là điều đáng sợ nhất.
Vào buổi sáng ngày 26 tháng Sáu mẹ còn phát lương, bà làm kế toán ở nhà máy, đến buổi chiều chúng tôi đã phải di tản. Và khi rời khỏi Minsk, chúng tôi còn thấy trường mình đang cháy. Ngọn lửa thịnh nộ ở mỗi ô cửa sổ. Chói lòa. Lửa bốc lên tận bầu trời. Chúng tôi nức nở vì trường đã cháy. Ba người chúng tôi đi bộ, còn bé út thì được bế trên tay mẹ. Mẹ vẫn còn lo vì chìa khóa đem theo người, mà căn hộ thì bà lại quên khóa. Bà cố chặn ô tô dọc đường, khẩn khoản yêu cầu: “Hãy giữ con giúp tôi, tôi sẽ bảo vệ thành phố”. Bà không muốn tin rằng bọn Đức đã vào thành phố. Rằng thành phố đã thất thủ.
Thật đáng sợ và không thể hiểu nổi những gì diễn ra trước mắt chúng tôi. Với chúng tôi. Đặc biệt là cái chết. Cạnh những xác người bị giết là ngổn ngang ấm chén, xoong nồi. Tất cả đều cháy xém.
Dường như tất cả đang cùng chạy trên những đống than đang bốc cháy. Từ nhỏ, tôi luôn chơi với bọn con trai và lớn lên như một đứa càn quấy. Tôi rất muốn xem bom được thả như thế nào, chúng rít lên và rơi xuống ra sao. Nên khi mẹ hét lên: “Nằm xuống!”, tôi đã hé mắt nhìn qua các lỗ khuy nút áo… Trên trời có gì thế? Mọi người bỏ chạy ra sao. Có thứ gì đó treo trên cây, và khi nhận ra “cái thứ gì đó” chính là một thi thể, tôi hoàn toàn chết điếng. Nhắm tịt mắt.
Em gái Irma bảy tuổi, em ôm trong lòng cái bếp dầu và đôi giày của mẹ, em rất sợ làm mất đôi giày ấy. Đó là đôi giày mới màu hồng nhạt, với phần đế hoa văn. Mẹ hốt nhiên cầm chúng theo, bởi có thể đó là thứ giá trị nhất của bà.
Với chùm chìa khóa và đôi giày trên tay, chúng tôi nhanh chóng quay lại thành phố, nơi mọi thứ đã hoàn toàn cháy rụi. Chẳng bao lâu tất cả bắt đầu đói ăn. Chúng tôi ăn rau muối và cả những bông hoa khô héo nào đó nữa! Mùa đông đến gần. Bọn Đức, vì sợ quân du kích nên đã đốt khu vườn lớn của nông trang ngoại ô, vì thế chúng tôi ra đó đẵn những gốc cây còn lại, mang về dẫu chỉ ít củi xấu để nhóm lò sưởi. Chúng tôi chế ra bánh gan từ men: Chúng tôi rán men trên chảo để chúng có hương vị giống như gan. Có lần mẹ đưa tôi tiền đi mua bánh mì ngoài chợ. Ở chợ có một bà già bán dê con, và tôi nghĩ mình sẽ cứu cả gia đình nếu mua chúng. Dê con sẽ lớn - và chúng tôi sẽ có sữa uống. Và tôi trả hết tiền để dắt con dê về nhà. Tôi không nhớ mẹ mắng tôi thế nào, mà chỉ nhớ cả nhà đã phải nhịn đói vài ngày vì hết tiền ra sao. Chúng tôi nấu món súp bột cho dê con ăn cùng, tôi thậm chí còn cho nó ngủ cùng nhưng rồi nó vẫn bị cóng. Và chẳng bao lâu sau thì chết. Cả một tấn bi kịch. Chúng tôi khóc rất dữ, không cho đưa nó ra khỏi nhà. Tôi khóc nhiều
nhất vì nghĩ rằng đó là lỗi của mình. Mẹ phải lén mang nó đi ban đêm, rồi bảo với chúng tôi là lũ chuột đã ăn mất dê con.
Nhưng cả trong lúc chiếm đóng chúng tôi vẫn kỉ niệm những ngày lễ tháng Năm và tháng Mười. Những ngày lễ của chúng tôi! Của chúng tôi! Nhất định phải hát, cả nhà chúng tôi đều mê ca hát. Cho dù chỉ có khoai tây luộc cả vỏ hay thỉnh thoảng có thêm thỏi đường cho tất cả, những ngày ấy chúng tôi đều cố nấu thứ gì đó ngon hơn một chút, mặc cho ngày mai sẽ bị đói, nhưng ngày lễ chúng tôi luôn kỉ niệm. Chúng tôi thì thầm hát bài ca yêu thích của mẹ: “Ánh sáng dịu dàng điểm tô lên bức tường Kremlin…” Nhất định là phải thế.
Bà hàng xóm nướng bánh đem bán và đề nghị chúng tôi: “Bà sẽ để giá sỉ, các con lấy mà đi bán. Các con còn trẻ, chân cẳng còn nhanh nhẹn”. Tôi quyết định bắt tay làm ăn, vì tôi biết mẹ khó nhọc thế nào khi một mình nuôi anh em tôi. Bà hàng xóm mang bánh đến, tôi và em gái Irma ngồi nhìn chúng:
- Irma, em có thấy là cái bánh này lớn hơn cái kia không? - Tôi nói.
- Có vẻ thế.
Các bạn không thể tưởng tượng được chúng tôi muốn thử miếng bánh đó thế nào đâu.
- Vậy ta bẻ một mẩu, rồi sau hẵng bán.
Cứ thế, chúng tôi ngồi suốt hai tiếng đồng hồ và cuối cùng không mang gì ra chợ bán. Sau đó bà hàng xóm lại nướng kẹo gối*, đó là loại kẹo mà vì sao đó người ta không còn bán trong các cửa hàng. Bà bảo chúng tôi đi bán những chiếc kẹo này. Một lần nữa tôi và Irma lại ngồi nhìn chúng:
- Cái kẹo này lớn hơn những cái khác thì phải. Irma, hay là chúng ta liếm một chút đi.
- Thử liếm nào.
Ba anh em tôi chỉ có chung một cái áo khoác đông và một đôi ủng dạ. Chúng tôi thường ngồi nhà. Kể cho nhau nghe chuyện cổ tích hay quyển sách nào đó,.. Nhưng việc đó chẳng có gì thú vị. Chúng tôi chỉ thích ngồi mơ màng về chuyện chiến tranh kết thúc như thế nào và chúng tôi sẽ sống sót ra sao. Chúng tôi sẽ ăn đẫm bánh nướng và kẹo gối.
Hôm chiến tranh kết thúc, mẹ mặc áo lụa. Tôi không nhớ vì sao mẹ lại giữ cái áo đó khi tất cả những thứ tốt nhất chúng tôi đều đem đổi lấy thực phẩm. Cái áo đó có viền tay áo màu đen, và mẹ đã tháo nó ra, bà không muốn có cái gì đen tối trong ngày hôm ấy.
Chúng tôi quay lại trường và ngay những ngày đầu tiên, chúng tôi bắt đầu học thuộc những bài hát duyệt binh.
“Tôi chỉ nghe tiếng gào của mẹ…”
Lida Pogorzhenskaya - 8 tuổi
Hiện nay là phó tiến sĩ sinh học
Cả đời tôi không sao quên được ngày hôm ấy. Ngày đầu tiên không có ba.
Tôi lúc đó hẵng còn rất buồn ngủ, nhưng mẹ lay gọi chúng tôi dậy từ sớm và nói: “Chiến tranh!” Ngủ sao được nữa? Cả nhà chúng tôi chuẩn bị lên đường. Khi đó chúng tôi vẫn chưa thấy sợ hãi gì. Tất cả nhìn ba và thấy ông vẫn bình tĩnh như mọi khi. Ông là cán bộ đảng. Mẹ bảo mỗi đứa nên mang theo thứ gì đó. Tôi phân vân không biết mang theo cái gì, còn em gái tôi chụp ngay lấy con búp bê. Mẹ bồng em trai út và chúng tôi đi trước. Ba sẽ đuổi theo chúng tôi sau.
Tôi quên kể là chúng tôi sống ở thành phố Kobrina. Không xa Brest* là mấy. Vậy nên đó là lí do vì sao chiến tranh ập đến với chúng tôi ngay trong ngày đầu tiên. Chúng tôi không kịp hoàn hồn. Những người lớn hầu như không trò chuyện, họ im lặng bước đi, im lặng cưỡi ngựa. Mọi thứ càng trở nên đáng sợ hơn. Dòng người cứ đi và đi, tất cả đều im lặng.
Khi ba đuổi kịp mẹ con tôi, chúng tôi an tâm đôi chút. Ba tôi là người quyết định mọi chuyện trong gia đình, bởi mẹ chúng tôi còn rất trẻ, bà lấy chồng năm mười sáu tuổi. Thậm chí bà còn không biết nấu ăn. Còn ba tôi mồ côi, ông biết làm mọi thứ. Tôi nhớ chị em tôi
rất thích khi ba có thời gian rảnh ở nhà, ông thường nấu món gì đó thật ngon cho chúng tôi. Với tất cả chúng tôi đó là những ngày hội. Đến giờ tôi vẫn cho rằng không gì ngon bằng món cháo bột mà ba tôi nấu. Chúng tôi đã đi bao lâu mà không có ông, chúng tôi đã mong đợi ông biết chừng nào. Bước vào chiến tranh mà không có ba - chúng tôi không thể nào tưởng tượng được. Gia đình chúng tôi là thế.
Đoàn xe ngựa hóa ra rất đông. Cả dòng người chậm chạp di chuyển. Đôi khi tất cả dừng lại, nhìn lên bầu trời. Chúng tôi dõi mắt tìm máy bay của mình. Nhưng vô ích.
Đến trưa chúng tôi thấy một toán lính cưỡi ngựa và mặc áo hồng quân mới toanh. Những con ngựa no căng. To lớn. Không ai đoán ra đó là biệt kích. Chúng tôi ngỡ rằng: quân ta! Mừng rỡ, ba lại gần chúng bỗng nhiên tôi nghe tiếng gào thét của mẹ. Tôi không nghe thấy tiếng súng. Chỉ có tiếng gào của mẹ: “A-a-a-a!”. Tôi nhớ những tên lính đó thậm chí còn không xuống ngựa. Khi nghe mẹ thét gào, tôi bỏ chạy. Tất cả đều chạy đi đâu đó… Tôi chỉ nghe tiếng mẹ gào và chạy cho đến khi quẫn trí ngã nhào vào đám cỏ rậm rì.
Đoàn ngựa xe chúng tôi dừng đến chiều. Tất cả cùng đợi. Chúng tôi quay trở lại khi trời bắt đầu tối. Mẹ ngồi sụp một mình. Ai đó thốt lên: “Các người xem, cô ta bạc trắng đầu rồi”. Tôi nhớ, những người lớn đào hố, sau đó họ đẩy tôi và em gái lại: “Đến vĩnh biệt ba đi”. Tôi bước lên hai bước rồi không thể nào đi tiếp nổi. Tôi ngồi sụp xuống đất. Em gái ngồi cạnh tôi. Em trai út đang ngủ, nó còn bé lắm, không biết gì. Mẹ tôi nằm bất tỉnh trên xe ngựa, người ta không cho chị em tôi lại gần bà.
Vì thế không ai trong chúng tôi thấy hình dáng ba lúc ông qua đời. Và không nhớ về ông như người đã chết. Khi nghĩ về ông, không hiểu sao tôi luôn nhớ ông trong chiếc áo cổ đứng màu trắng. Trẻ và đẹp. Thậm chí đến bây giờ, khi tôi đã già hơn ba khi đó.
Ở Stalingrad, nơi chúng tôi sơ tán, mẹ làm việc ở nông trang. Mẹ tôi, từ người chẳng biết làm gì, không biết làm cỏ đất, không phân biệt nổi kiều mạch với lúa mì, đã trở thành chiến sĩ thi đua. Chúng tôi không có ba, xung quanh cũng có nhiều đứa trẻ không có ba, hoặc mẹ, hay anh trai, em gái. Hay ông bà. Chúng tôi không thấy mình giống trẻ mồ côi. Mọi người đều thương xót và nuôi dưỡng chúng tôi. Tôi nhớ dì Tanya Morozova, hai con dì đã chết, giờ dì sống cô độc. Dì đã dành hết mọi thứ của mình cho chúng tôi, hệt như mẹ tôi vậy. Những người xa lạ trong chiến tranh đã trở thành ruột thịt của nhau. Em út tôi khi khôn lớn, đã nói chúng tôi không có ba, nhưng lại có hai mẹ: Mẹ chúng tôi và dì Tanya. Cứ thế chúng tôi lớn lên. Với hai, ba bà mẹ…
Tôi còn nhớ, khi bị đánh bom trên đường sơ tán và chạy trốn, chúng tôi không chạy về phía mẹ, mà về phía những người lính. Hết trận bom, mẹ mắng chúng tôi vì đã rời khỏi bà. Nhưng không ăn thua, cứ khi nào đánh bom, chúng tôi lại chạy về phía những người lính.
Khi Minsk được giải phóng, chúng tôi quay về nhà. Về Belarus. Mẹ là dân Minsk gốc, nhưng khi chúng tôi bước ra nhà ga Minsk, bà không biết phải đi đâu. Nó đã trở thành một thành phố khác. Một đống đổ nát. Toàn cát đá.
Tôi theo học ở Viện Nông nghiệp Goretskaya. Tôi sống trong ký túc xá, phòng chúng tôi có tám người. Tất cả đều mồ côi. Không ai
tập trung chúng tôi lại một chỗ như vậy - chỉ là chúng tôi rất đông. Và không chỉ có một phòng toàn những đứa mồ côi như thế. Tôi nhớ, có đêm tất cả chúng tôi cùng thét lên. Tôi nhảy khỏi giường, tung cửa, bỏ chạy đâu đó… Các cô bạn gái đã giữ tôi lại. Tôi khóc. Và họ khóc theo. Cả phòng cùng khóc. Mà sáng hôm sau chúng tôi cần phải đi học và nghe giảng.
Có một lần tôi bắt gặp một người đàn ông trên phố. Giống hệt ba tôi. Tôi đã đi theo ông rất lâu. Tôi vẫn chưa tận mắt thấy ba tôi qua đời…
“Chúng tôi chơi nhạc, còn những người lính thì khóc…”
Volodia Chistokletov -10 tuổi
Hiện là nhạc công
Đó là một buổi sáng đẹp trời.
Biển buổi sáng. Xanh và yên tĩnh. Những ngày đầu tiên tôi tới nhà nghỉ thiếu nhi Kvadzhe bên Biển Đen. Chúng tôi nghe tiếng rền máy bay. Tôi lặn vào sóng, nhưng dưới nước vẫn nghe rõ tiếng rền. Chúng tôi chơi trò chiến trận, không mảy may nghi ngờ đã có chiến tranh. Không phải trò chơi, không phải diễn tập quân sự, mà thật sự là chiến tranh.
Vài ngày sau chúng tôi ai về nhà nấy. Tôi về Rostov. Những quả bom đầu tiên rơi xuống thành phố. Tất cả gấp rút chuẩn bị cho chiến tranh: Đào hầm trú ẩn, dựng chướng ngại vật. Tập bắn. Còn chúng tôi, đám trẻ con, canh giữ các thùng gỗ chứa bom xăng, chở cát và nước trong trường hợp hỏa hoạn.
Tất cả trường học đều biến thành bệnh viện. Ngôi trường số 70 của chúng tôi trở thành quân y viện dã chiến cho thương binh. Họ cử mẹ tôi tới đó. Bà được phép đưa tôi theo để tôi không phải ở nhà một mình, còn khi có lệnh rút lui, bệnh viện đi đâu, chúng tôi theo đó.
Sau một trận đánh bom thường lệ, tôi chọn một quyển sách giữa đống đất đá đổ nát có tên là Đời sống động vật. Một quyển sách lớn;
với những bức ảnh đẹp. Cả đêm tôi không ngủ, đọc và không thể rời mắt khỏi nó. Tôi không chọn những quyển sách quân sự vì không muốn đọc về chiến tranh. Còn đây là về động vật, chim chóc…
Tháng Mười một năm 1942. Giám đốc bệnh viện ra lệnh cấp quân phục cho tôi, vốn dĩ chúng phải được sửa lại cho vừa vặn. Cả tháng trời họ không tìm ra giày cho tôi. Và thế là tôi trở thành học viên của bệnh viện. Một người lính. Tôi làm gì? Chỉ riêng với đống vải băng đã có thể làm bạn phát khùng. Chúng lúc nào cũng thiếu. Phải giặt, sấy, quấn. Bạn cứ thử quấn hàng ngàn cuộn băng trong một ngày xem! Vậy mà tôi quấn nhanh hơn cả những người lớn. Điếu thuốc đầu tiên tôi cũng quấn khéo như thế. Ngày tôi tròn mười hai tuổi, một anh trung sĩ đã đưa cho tôi gói thuốc lá, như một người lính thực thụ. Tôi đã lén mẹ để hút. Có thể tưởng tượng được không, dĩ nhiên rồi. Nhưng tôi cũng rất sợ. Khó khăn lắm tôi mới quen với máu. Tôi sợ gặp phải những ca bỏng. Những gương mặt cháy đen…
Khi những toa tàu chở muối và parafin bị đánh bom, tất cả mọi thứ đều phải được tận dụng triệt để. Muối dành cho các anh nuôi, còn parafin là của tôi. Tôi học làm một thứ mà không danh mục quân sự nào quan tâm tới - làm nến. Nó còn tệ hơn cả quấn vải băng nữa! Nhiệm vụ của tôi là làm cho nến cháy được lâu nhất có thể, để sử dụng khi không có điện. Bác sĩ không bao giờ ngừng phẫu thuật dù bị đánh bom hay bắn pháo. Ban đêm chúng tôi che kín mọi khung cửa bằng những tấm ga và chăn.
Mẹ tôi khóc, còn tôi cứ mơ được ra mặt trận. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có thể bị sát hại. Có lần chúng tôi đi lấy bánh mì,mới đi được một đoạn thì đụng phải một trận pháo. Chúng bắn pháo cối.
Anh trung sĩ hi sinh. Người xà ích chết ngay tại chỗ. Còn tôi thì bị chấn thương, mất tiếng và mãi một thời gian mới nói lại được, nhưng bị nói lắp. Tới tận bây giờ. Mọi người kinh ngạc khi thấy tôi còn sống, tôi thì lại có cảm giác khác - chẳng lẽ chúng có thể giết tôi sao? Giết bằng cách nào? Cùng với bệnh viện, chúng tôi di chuyển khắp Belarus… Ba Lan… Tôi còn học được một số từ Ba Lan.
Ở Varsaw, trong số những bệnh binh có một nhạc công kèn trom bon của dàn nhạc opera Praha! Khi vết thương của người nhạc công đã lành, giám đốc bệnh viện vui mừng đề nghị ông lập một dàn nhạc ở đây. Dàn nhạc hóa ra tuyệt vời. Người ta dạy tôi chơi đàn antô, còn ghita thì tôi trước kia đã tự học rồi. Chúng tôi chơi nhạc, còn những người lính thì khóc. Dù chúng tôi chơi những bài nhạc vui nhộn…
Và cứ thế chúng tôi đến Đức.
Trong một ngôi làng Đức đổ nát, tôi thấy một chiếc xe đạp trẻ em vứt bừa. Tôi mừng rỡ, ngồi lên xe và đạp. Nó chạy êm làm sao! Trong suốt cuộc chiến tôi không thấy một vật dụng trẻ con nào. Tôi đã quên chúng vẫn tồn tại đâu đó. Những món đồ chơi trẻ em.
“Ngoài nghĩa trang, những xác người nằm phơi trên đất… Như thể họ bị giết lần nữa”.
Vanya Titov - 5 tuổi
Hiện nay là chuyên viên cải tạo đất
Bầu trời đen.
Những chiếc máy bay to đen gầm rú. Ngay sát mặt đất. Đó là chiến tranh. Như tôi nhớ. Những tia sáng quét ngang dọc…
Nhà chúng tôi bị đánh bom, khi chúng tôi đang trốn sau mấy gốc táo trong vườn. Tất cả năm đứa. Tôi có bốn anh em, anh lớn nhất mười tuổi. Anh dạy chúng tôi cách trốn máy bay sau những gốc táo lớn, nơi um tùm lá. Mẹ thì gom chúng tôi lại đưa xuống hầm chứa. Trong hầm rất đáng sợ. Ở đó lũ chuột với đôi mắt nhỏ sáng quắc đang sống, những con mắt như cháy lên trong bóng tối. Chúng lại còn rượt đuổi chí chóe suốt đêm. Chúng trững giỡn.
Khi quân Đức vào nhà, chúng tôi trốn sau lò sưởi. Dưới mớ quần áo cũ. Chúng tôi nằm im nhắm mắt. Sợ hãi.
Chúng đốt làng. Chúng đánh bom nghĩa địa. Người ta chạy ra xem: những xác người trồi lên trên đất. Họ nằm như thể bị giết thêm lần nữa. Ông chúng tôi người đã qua đời từ lâu, cũng bị phơi xác. Chúng tôi lại chôn cất họ…
Sau chiến tranh chúng tôi lại chơi trò chiến trận. Khi đã chán làm bạch vệ và hồng quân, làm Chapayev, chúng tôi chơi “quân Nga và quân Đức”. Chúng tôi chiến đấu. Bắt tù binh. Xử bắn. Đội mũ sắt lên đầu, làm lính ta và lính Đức. Những chiếc mũ sắt ấy ngổn ngang khắp nơi, trong rừng, ngoài đồng. Không ai muốn làm quân Đức, vì chuyện đó chúng tôi thậm chí còn đánh nhau. Chúng tôi chơi đùa trong công sự và chiến hào thật, đánh nhau bằng cây bằng gậy. Còn những bà mẹ thì rầy la không ngớt.
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi trước đây, trước chiến tranh họ chẳng bao giờ mắng mỏ chúng tôi vì trò chơi đó.
“Và tôi biết chắc - đó là ba. Đầu gối tôi lúc nào cũng run…”
Lenya Khosenevich - 5 tuổi
Hiện là nhà thiết kế
Kí ức của tôi đọng lại những sắc màu.
Dù mới lên năm, nhưng tôi nhớ rất rõ. Ngôi nhà của ông bằng gỗ, có màu vàng nhạt. Sau hàng giậu là những súc gỗ tròn. Cát trắng nơi anh em tôi chơi đùa như được giặt sạch. Trắng thật trắng. Tôi còn nhớ có lần mẹ dẫn tôi và em gái đi chụp ảnh trong thành phố, và Ellochka đã khóc ra sao, tôi phải dỗ dành em thế nào. Bức ảnh đó vẫn còn được lưu giữ, tấm ảnh trước chiến tranh duy nhất của chúng tôi. Chẳng hiểu sao tôi lại nhớ nó có màu xanh.
Sau đó tất cả các hồi ức đều chìm trong gam màu tối. Nếu những hình ảnh đầu tiên đều mang tông sáng - cỏ xanh thật xanh, sắc nước trong thật trong, cát trắng thật trắng, và hàng giậu vàng thật vàng… Thì sau đó tất cả đều chìm trong sắc tối: Tôi ngạt thở vì khói và được người ta mang đi đâu đó, đồ đạc của chúng tôi chất đống ngoài đường, những tay nải, và vì sao đó có cả một cái ghế… Mọi người ôm mặt khóc. Tôi bám chặt vào váy mẹ, đi dọc những con đường. Gặp ai, mẹ cũng nhắc lại đúng một câu: “Nhà chúng tôi cháy rồi”.
Chúng tôi qua đêm dưới cổng nhà nào đó. Tôi rét run, thọc tay vào túi áo len của mẹ sưởi ấm. Tôi dò dẫm phải cái gì đó lành lạnh. Đó là chìa khóa nhà chúng tôi.
Rồi bỗng dưng mẹ không còn ở bên tôi nữa. Mẹ biến mất, chỉ còn lại bà ngoại và ông ngoại. Tôi có bạn hơn tôi hai tuổi - Zhenya Savochkin. Cậu ta bảy tuổi, còn tôi mới lên năm. Mọi người dạy chữ cho tôi theo truyện cổ tích của anh em Grimm. Bà dạy theo kiểu của bà, búng tay vào trán khi tôi đọc sai: “Ôi, cháu thật là!” Zhenya thì vừa đọc sách vừa chỉ tôi mặt chữ. Nhưng tôi thích nhất là được nghe bà kể chuyện cổ tích. Giọng bà rất giống giọng mẹ. Một buổi tối nọ có một phụ nữ mang tới thứ gì đó rất ngon. Qua lời người phụ nữ ấy tôi hiểu mẹ tôi vẫn sống, bà đang cùng ba tôi chiến đấu. Tôi hạnh phúc kêu lên: “Mẹ sắp về!” Tôi muốn nhảy vọt ra sân để chia sẻ tin này với cậu bạn. Nhưng tôi lại bị bà ngoại dùng dây nịt quất một trận. Ông bênh vực tôi. Khi cả hai đi ngủ, tôi thu hết tất cả dây nịt trong nhà ném ra sau tủ.
Lúc nào tôi cũng thèm ăn. Tôi và Zhenya đi ra ruộng lúa mạch ngay sau nhà. Chúng tôi bóp vỡ bông lúa lấy hạt để nhai. Cánh đồng giờ đã là của quân Đức, bông lúa cũng là của người Đức. Vừa thấy chiếc xe trờ tới gần đó, chúng tôi vội bỏ chạy. Thế nhưng một tên sĩ quan mặc quân phục xanh với cầu vai lấp lánh đã kịp tóm lấy tôi từ sau cổng nhà và quất tôi túi bụi bằng roi hay dây nịt gì đó. Điếng người vì sợ - tôi chẳng còn thấy đau.
Rồi tôi chợt thấy bà ngoại: “Pan* yêu quí, xin ngài trả cháu lại cho tôi. Lạy Chúa, xin trả cháu lại cho tôi!” Bà quì xuống trước mặt tên sĩ quan. Gã quay đi, bỏ mặc tôi nằm chỏng chơ dưới đất. Bà bế tôi về
nhà. Tôi hầu như không thể mấp máy được môi. Sau đó tôi ốm rất lâu…
Tôi còn nhớ những đoàn xe ngựa chạy trên đường, rất nhiều xe ngựa. Ông bà đã mở cổng đón những người chạy nạn vào nhà chúng tôi. Chẳng bao lâu họ bị thương hàn. Họ được đưa đi, như người ta bảo - vào bệnh viện. Một thời gian sau ông tôi cũng ngã bệnh. Bà gầy hẳn và đi lại khó nhọc trong phòng. Ban ngày tôi hay chạy đi chơi cùng bọn con trai. Một buổi tối tôi về nhà không thấy ông cũng chẳng thấy bà. Hàng xóm bảo ông bà được đưa vào bệnh viện cả rồi, vào nơi mà từ những người chạy nạn tôi hiểu một khi đã bước vào sẽ không bao giờ trở lại nữa. Sống một mình rất sợ, ban đêm ngôi nhà rộng lớn và xa lạ quá đỗi. Ban ngày cũng thế. Người ta đưa tôi đến ở cùng anh của ông ngoại. Tôi có thêm một người ông mới.
Minsk bị đánh bom, chúng tôi phải trốn trong hầm. Khi bước ra ngoài, mắt tôi bị lóa bởi ánh mặt trời còn tai thì ù đi vì tiếng gầm của mô tô. Xe tăng đi dọc đường phố. Tôi trốn sau cây cột. Bỗng dưng tôi thấy trên tháp tăng có ngôi sao đỏ. “Phe ta!” Ngay lập tức tôi chạy về nhà - một khi người của ta trở về, có nghĩa mẹ tôi cũng sẽ về. Chạy tới gần nhà, tôi thấy cạnh hàng hiên là những phụ nữ mang súng trường, họ chụp lấy tay tôi và bắt đầu gạn hỏi. Một người trong số đó trông rất quen. Bà tiến lại gần tôi, rồi ôm chầm tôi. Những người đàn bà còn lại bắt đầu nức nở. Còn tôi thì hét váng lên: “Mẹ!” Rồi sau đó tôi ngã nhào…
Chẳng bao lâu sau mẹ đưa em gái tôi từ trại mồ côi về, em không nhận ra tôi - em đã quên hẳn. Vì chiến tranh mà em đã quên. Còn tôi mừng làm sao, tôi lại có em gái.
Một hôm đi học về, tôi thấy trên sô pha người cha trở về từ chiến trường đang ngủ. Ông ngủ say sưa, tôi rút giấy tờ từ ba lô của ông ra đọc. Và tôi biết chắc đó là ba. Tôi ngồi nhìn cho đến khi ông thức giấc.
Đầu gối tôi lúc nào cũng run…
“Nhắm mắt Iại, con trai! Đừng nhìn…”
Volodia Parabkovich -12 tuổi
Hiện nay là hưu trí
Tôi lớn lên không có mẹ.
Tôi chưa từng sống như một đứa trẻ. Mẹ mất khi tôi mới bảy tuổi. Tôi sống với dì. Chăn bò, đốn củi, lùa ngựa ăn đêm. Có đủ việc ngoài vườn. Mùa đông tôi trượt trên xe trượt và giày trượt tự tạo bằng gỗ, gắn những miếng sắt rồi buộc vào đôi lapti*, tôi đi ván trượt từ những mảnh thùng vỡ. Tất cả đều tự tôi làm lấy.
Đến giờ tôi vẫn nhớ lần đầu mang đôi bốt mà ba mua cho. Và buồn khổ thế nào khi nó bị trầy trụa bởi những nhành cây trong rừng. Tôi tiếc đến độ đã nghĩ chẳng thà để chân bị cành cây cào xước còn hơn, vì chân sẽ lại lành. Cùng đôi bốt ấy tôi và ba rời Orshi khi thành phố bị phát xít đánh bom.
Chúng bắn thẳng xuống chúng tôi. Mọi người nằm rạp xuống đất, xuống cát, xuống cỏ… “Nhắm mắt lại, con trai! Đừng nhìn…” - ba tôi dặn. Tôi sợ nhìn lên trời - nó tối đen vì máy bay, và sợ nhìn cả mặt đất - khắp nơi là người chết. Một chiếc máy bay là thấp gần chúng tôi. Cha tôi ngã xuống và không dậy nữa. Tôi ngồi sụp xuống bên ông: “Ba, mở mắt đi ba… Ba, mở mắt đi…” Ai đó hét lên: “Bọn Đức”, - rồi kéo tôi chạy. Tôi không hề hiểu ba tôi sẽ không bao giờ dậy nữa, và cứ thế ông nằm trong bụi bặm, trên đường, và tôi phải bỏ
ông lại. Trên người ông không chỗ nào thấy máu, đơn giản là ông nằm lặng im. Người ta lôi tôi rời khỏi ông, nhưng nhiều ngày sau đó tôi vừa đi vừa ngoái lại, đợi ba đuổi kịp mình. Nửa đêm tôi thức giấc, thức giấc vì mơ thấy giọng nói của ông… Không thể tin được là ba không còn bên tôi nữa. Và cứ thế, tôi còn lại một mình với độc bộ quần áo dạ trên người.
Sau nhiêu chuyến phiêu bạt bằng tàu lửa hoặc đi bộ, người ta đưa tôi vào trại mồ côi của thành phố Melekess vùng Kuibyshev*. Vài lần tôi cố trốn ra mặt trận, nhưng lần nào cũng đều thất bại. Người ta bắt được và đưa tôi quay về. Và, như thường nói, trong họa có phúc. Trong một lần vào rừng kiếm củi, tôi giữ rìu không chặt và nó rơi trúng ngón tay phải. Cô bảo mẫu rịt vết thương bằng khăn choàng của mình rồi đưa tôi đi bệnh viện thành phố.
Trên đường về trại mồ côi với Sasha Lyapinyi, người được cử đi cùng tôi, ngay gần trụ sở thành đoàn chúng tôi thấy một người lính thủy đội mũ đính ruy băng dán thông cáo lên bảng. Chúng tôi tới gần và nhận ra đó là quyết định tuyển học viên vào trường Thiếu sinh Hải quân trên đảo Solovetsky. Trường chỉ thu nhận những người tình nguyện. Ưu tiên tuyển chọn là con em lính thủy và trẻ em trong trại mồ côi. Đúng lúc đó tôi nghe giọng người lính thủy ấy:
- Nào, các cậu có muốn làm thủy thủ không?
Chúng tôi đáp:
- Bọn em đến từ trại mồ côi đây ạ.
- Vậy thì các cậu vào viết đơn đi.
Nỗi hân hoan không sao kể xiết ngập tràn chúng tôi giây phút ấy. Bởi đó là con đường đi thẳng ra mặt trận. Thế mà tôi đã không tin là
mình có thể báo thù cho cha! Vậy là tôi đã kịp tham gia chiến trận.
Chúng tôi ghé vào thành đoàn và viết đơn. Vài ngày sau chúng tôi đến ủy ban khám sức khỏe. Một thành viên trong ủy ban khám cho tôi:
- Cậu ta gầy và nhỏ quá.
Một thành viên khác, trong sắc phục sĩ quan, thở dài: - Không sao, rồi cậu ta sẽ lớn.
Người ta cấp đồng phục cho chúng tôi, rất khó để tìm ra kích cỡ vừa vặn. Nhìn mình trong gương với bộ quân phục, đầu đội mũ thủy thủ, tôi hạnh phúc khôn tả. Chỉ vài ngày sau, chúng tôi đã đi thuyền ra đảo Solovetsky.
Mọi thứ đều mới mẻ. Đêm sâu… Chúng tôi đứng trên boong tàu… Các anh lính thủy đuổi chúng tôi xuống ngủ:
- Các cậu xuống buồng thủy thủ đi. Dưới đó mới ấm.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi trông thấy một tu viện lấp lánh dưới ánh mặt trời và cánh rừng chuyển vàng. Đó là đảo Solovetsky, nơi có trường thiếu sinh quân đầu tiên của hải quân. Nhưng trước khi vào học, chúng tôi phải xây trường đã, nói chính xác hơn, xây dựng những ngôi nhà gỗ. Mà đảo Solovetsky toàn là đá. Không có đủ cưa, rìu, xẻng. Chúng tôi học làm tất cả bằng tay: Đào đất, cưa những cội cây hàng thế kỷ, làm mộc. Làm việc xong, chúng tôi nghỉ trong những căn lều lạnh cóng, giường là những tấm đệm nhét đầy cỏ khô và dưới chúng là những lớp lá kim. Chúng tôi đắp áo choàng thay mền để ngủ. Giặt giũ trong làn nước lạnh cóng như nước đá, chúng tôi phát khóc vì tay đau nhức.
Năm bốn hai. Chúng tôi đọc lời thề quân đội, nhận mũ lính thủy với hàng chữ: “Trường Thiếu sinh Hải quân”, nhưng rất tiếc vì không có dải ruy băng phủ trên vai, mà chỉ có nơ gắn bên phải mũ. Rồi người ta trao súng trường. Đầu năm bốn ba, tôi được phục vụ trên tàu khu trục quân đội Soobrazitelnyi. Đối với tôi mọi thứ đều là lần đầu tiên: Những đỉnh sóng mà mũi tàu vùi mình, con đường “lân tinh” túa ra từ những chiếc chân vịt cần cù xắn nước biển mặn. Như bị hút hồn!
- Sợ không, con trai? - Viên chỉ huy hỏi.
- Không! - Tôi trả lời ngay lập tức không một giây nghĩ ngợi. - Đẹp lắm ạ!
- Nếu không có chiến tranh, mới thật là đẹp. - Viên chỉ huy nói và vì sao đó quay đi.
Lúc đó tôi mới mười bốn tuổi.
“Em rấm rứt khóc vì không có em khi ba còn sống”.
Larisa Lisovskaya - 6 tuổi
Hiện là nhân viên thư viện
Tôi nhớ ba tôi, và em trai tôi.
Ba tôi là du kích. Phát xít bắt ông và xử bắn. Những người phụ nữ chỉ cho mẹ tôi nơi chúng bắn ba và mấy người nữa. Bà chạy ra đó, nơi họ đang nằm… Cả đời tôi vẫn nhớ, trời hôm đó rất lạnh, nước trong các vũng đông thành váng băng mỏng. Còn họ nằm đó, độc những đôi vớ.
Mẹ tôi đang có mang. Bà sắp sinh em trai.
Chúng tôi phải đi trốn. Vì bọn phát xít truy lùng những gia đình du kích, không tha cả trẻ con. Chúng đưa họ lên những chiếc ô tô mái phủ vải bạt.
Chúng tôi ở rất lâu trong hầm chứa hàng xóm. Mùa xuân đã đến… Chúng tôi nằm trên đống khoai tây đã bắt đầu nảy mầm. Ngay cả lúc thiếp ngủ vào ban đêm, những chồi khoai vẫn nhú lên nhột nhạt ngay bên mũi bạn. Và bọ cánh cứng. Chúng sống trong túi áo tôi. Trong vớ tôi. Lũ này thì tôi không sợ, ngày cũng như đêm.
Khi ra khỏi hầm chứa, mẹ sinh em trai. Nó lớn lên, bập bẹ tập nói, và chúng tôi kể về ba mình cho em nghe:
- Ba cao lắm.
- Khỏe nữa. Ba tung chị trên tay!
Đó là tôi nói với em gái, và em trai tôi hỏi: - Vậy lúc đó em ở đâu?
- Lúc đó chưa có em.
Em rấm rứt khóc, vì không có em khi ba còn sống…
“Người đến đầu tiên là cô bạn ấy…”
Nina Yeroshevich - 9 tuổi
Hiện là giáo viên thể dục
Trong nhà tất cả đang hồi hộp vì một sự kiện lớn.
Lúc chiều, chú rể đã tới nhà dạm hỏi chị cả chúng tôi. Mọi người bàn luận đến đêm, khi nào thì tổ chức đám cưới, đôi trẻ sẽ đăng ký kết hôn ở đâu, mời bao nhiêu khách. Nhưng mới sáng sớm ba đã được gọi lên ủy ban Quân vụ. Khắp làng ồn ào: Chiến tranh! Mẹ tôi lo âu: Sẽ thế nào đây? Tôi chỉ nghĩ đúng một chuyện: Sao cho sống qua được hết ngày hôm ấy. Vẫn chưa có ai giải thích cho tôi chiến tranh - đó không phải là chuyện một ngày, hai ngày, mà có thể sẽ rất dài.
Và lúc đấy đang là mùa hè nóng bức. Tôi muốn ra sông chơi, nhưng mẹ bắt chúng tôi lại chuẩn bị di tản. Tôi còn có một cậu em trai mới từ bệnh viện về vì em vừa mổ chân, em trở về trên đôi nạng. Nhưng mẹ bảo: “Tất cả đều phải đi”. Đi đâu? Không ai biết. Chúng tôi đi được năm cây số, em trai khập khiễng bước và khóc. Đi đâu được khi em như thế? Chúng tôi quay trở lại. Ở nhà ba đang chờ chúng tôi. Tất cả những người đàn ông lên ủy ban Quân vụ buổi sáng đã quay trở về, bọn Đức đã chiếm trung tâm huyện. Thị trấn Slutsk*.
Khi những quả bom đầu tiên bay ra tôi đứng và dõi theo cho đến khi chúng rơi xuống đất. Ai đó chỉ rằng phải há miệng to, để không bị điếc vì tiếng bom. Và tôi há to miệng, bịt tai nhưng dẫu thế nào vẫn nghe rõ mồn một tiếng bom. Chúng rít lên. Đáng sợ đến nỗi không chỉ mặt, mà khắp cơ thể tôi như thể căng ra. Ngoài sân nhà chúng tôi có treo một cái xô. Khi mọi thứ đã im ắng, chúng tôi tháo nó xuống, đếm được 58 lỗ thủng. Cái xô màu trắng, có lẽ từ phía trên chúng tưởng ai đó đội khăn choàng trắng đứng ngoài sân, và chúng đã bắn… Để tiêu khiển.
Đám lính Đức đầu tiên vào làng với những chiếc mô tô được tô điểm bằng cành bạch dương. Như chúng tôi vẫn làm khi tổ chức đám cưới. Chúng bẻ gãy những cành bạch dương. Ghé mắt qua hàng giậu bằng cây miên liễu, chúng tôi chăm chú quan sát. Dường như chúng cũng giống người thường. Tôi muốn xem đầu chúng, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ lũ chúng không có đầu. Đã có lời đồn đại rằng chúng giết người rồi đốt xác. Còn ở đây chúng đi xe, cười đùa. Hài lòng, rám nắng.
Buổi sáng chúng tập thể dục trong sân trường. Dội nước lạnh. Xắn tay áo, ngồi vào mô tô và phóng đi.
Ở phía sau làng, bên cạnh nhà máy sữa chúng đào một cái hố lớn, và mỗi ngày từ năm, sáu giờ sáng ở đó vọng ra tiếng súng. Chỉ cần có tiếng súng, thậm chí lũ gà trống cũng ngưng gáy, lẩn trốn. Một buổi chiều nọ, ba đánh xe ngựa chở tôi ra đó, ông buộc con ngựa không xa cái hố, “Ba đi xem sao”, ông nói. Chị họ của ông bị bắn ở đó. Ông đi, và tôi theo sau ông.
Bỗng nhiên ba quay lại, che cái hố khỏi tầm mắt tôi. “Quay lại đi. Con không được đi tiếp nữa”. Tôi chỉ thấy, khi bước qua suối, nước
ở đó đỏ quạch… Và đám quạ xao xác bay… Chúng nhiều đến nỗi tôi hoảng sợ thét lên. Còn ba tôi vài ngày sau đó không thể ăn gì. Cứ thấy quạ ông lại chạy vào nhà, cả người run lên như đang sốt.
Trong công viên Slutsk chúng treo cổ hai gia đình du kích. Đang đợt băng giá, những cái xác đông cứng đến độ khi gió thổi, chúng phát ra tiếng lách cách như đám cây bị phủ băng trong rừng. Cái âm thanh ghê rợn ấy…
Khi làng được giải phóng, ba tôi cùng hồng quân ra mặt trận. Ông đi rồi, chúng tôi may những chiếc áo đầu tiên trong chiến tranh. Mẹ may chúng từ những miếng vải bọc chân màu trắng, và nhuộm đen. Nhưng một tay áo bị thiếu màu, mà tôi lại muốn khoe áo mới với các bạn gái ngay. Thế là tôi đứng tựa bên cửa nhà, khoe cái tay áo đẹp, còn tay áo xấu tôi giấu bên trong. Tôi đã nghĩ mình ăn mặc thật đỏm dáng, thật xinh đẹp!
Trong trường học, ngồi trước tôi là Anya. Cha mẹ bạn ấy đã mất, Anya sống cùng bà. Họ là người tị nạn từ Smolensk. Trường phát cho Anya áo khoác, ủng dạ và giày cao su sáng bóng. Cô giáo mang về và đặt tất cả chúng lên bàn học cho Anya. Chúng tôi ngồi im thin thít, không ai trong chúng tôi có được đôi ủng dạ như thế, áo khoác đông như thế. Tất cả đều ganh tị. Ai đó trong bọn con trai còn xô ngã Anya và nói: “Số may thế!” Bạn ấy gục xuống bàn và khóc. Suốt bốn tiết học.
Ba tôi trở về từ mặt trận, mọi người đều đến gặp ba, và nhìn chúng tôi, bởi ba đã trở về với chúng tôi.
Người đầu tiên đến là cô bạn ấy…
“Cô là mẹ con đây”.
Tamara Parkhimovich - 7 tuổi
Hiện là văn thư đánh máy
Suốt cuộc chiến tôi nghĩ về mẹ. Tôi lạc mẹ vào những ngày đầu chiến tranh…
Chúng tôi đang ngủ thì trại hè đội viên bị đánh bom. Chúng tôi nhảy khỏi lều, chạy và kêu: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Cô bảo mẫu lắc vai tôi để tôi trấn tĩnh, còn tôi cứ gào lên: “Mẹ! Mẹ em đâu rồi?” cho đến khi cô ôm tôi vào lòng: “Cô là mẹ con đây”.
Trên đầu giường, tôi treo váy, áo cánh trắng và khăn quàng đỏ. Tôi mặc chúng, rồi cùng đoàn người đi bộ về Minsk. Dọc đường nhiều người đến đón con mình, nhưng không có mẹ tôi. Bỗng người ta truyền tai nhau: “Quân Đức đã tràn vào thành phố”. Chúng tôi quay trở lại. Ai đó nói là đã thấy mẹ tôi bị giết.
Và đến đó thì tôi mất hẳn ký ức.
Chúng tôi đã đi tới Penza* thế nào - tôi không nhớ, người ta đưa tôi vào trại mồ côi ra sao - tôi không nhớ. Những trang trắng trong ký ức… Tôi chỉ nhớ chúng tôi đông lắm, hai đứa ngủ chung một giường. Nếu một đứa khóc thì đứa kia cũng khóc: “Mẹ ơi! Mẹ em đâu rồi?” Vì tôi còn nhỏ nên một cô bảo mẫu muốn nhận tôi làm con nuôi. Còn tôi thì chỉ nghĩ về mẹ.
Tôi từ nhà ăn đi ra, tất cả bọn trẻ con hét lên: “Mẹ mày đến kìa!”.
Trong tai tôi: “Mẹ-ẹ-ẹ mày kia… Mẹ-ẹ-ẹ mày kìa…” Người mẹ tôi mơ thấy hằng đêm. Người mẹ thật sự của tôi. Và bất ngờ bà xuất hiện trong đời thật, nhưng tôi cứ ngỡ là mơ. Tôi thấy mẹ! Và tôi không tin. Suốt mấy ngày liền mọi người thuyết phục tôi, còn tôi lại sợ tới gần mẹ. Biết đâu đó là mơ? Mẹ khóc, còn tôi thì hét lên: “Không được lại gần! Mẹ con bị giết rồi”. Tôi đã sợ. Tôi sợ phải tin vào hạnh phúc của mình…
Tôi vẫn như thế tới bây giờ. Cả đời tôi đã khóc trong những khoảnh khắc hạnh phúc. Tôi tắm trong nước mắt. Cả đời. Chồng tôi và tôi yêu nhau đã nhiều năm. Khi anh ngỏ lời cầu hôn: “Anh yêu em. Chúng mình cưới nhau đi”. Tôi đã ràn rụa nước mắt. Anh sợ hãi gặng hỏi: “Anh làm em giận rồi sao?” “Không! Không! Em hạnh phúc”. Nhưng tôi không bao giờ có thể hạnh phúc đến tận cùng. Hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc không thành trong tôi. Tôi sợ hạnh phúc. Tôi luôn có cảm tưởng rằng chỉ một chút nữa thôi nó sẽ kết thúc. Trong tôi luôn như thế. Nỗi sợ của con trẻ.
“Chúng tôi hỏi xin: Con liếm nó được không?”
Vera Tashkina -10 tuổi
Hiện là lao động phổ thông
Trước chiến tranh tôi đã khóc nhiều.
Cha tôi mất. Mẹ còn bảy đứa con trên tay. Chúng tôi sống nghèo khổ. Khó khăn. Nhưng khi chiến tranh ập tới, hóa ra cuộc sống yên bình ấy lại là hạnh phúc.
Người lớn khóc vì chiến tranh, còn bọn trẻ chúng tôi lại không hề sợ. Chẳng phải chúng tôi vẫn thường chơi chiến trận sao, những từ ấy với chúng tôi hết sức quen thuộc. Tôi còn ngạc nhiên sao mẹ cứ thổn thức cả đêm. Và trở dậy với đôi mắt đỏ hoe. Đến mãi về sau tôi mới hiểu.
Chúng tôi ăn… nước. Đến bữa trưa, mẹ đặt lên bàn ăn một nồi nước nóng. Chúng tôi múc nó đổ vào bát. Bữa tối. Trên bàn lại là nồi nước nóng. Nước trong veo, đến mùa đông cũng chẳng có gì điểm tô cho nó. Thậm chí cỏ cũng không.
Vì đói em tôi ăn cả bếp lò. Nó gặm gặm mỗi ngày, khi chúng tôi nhận ra, cái bếp lò đã khuyết hẳn một lỗ. Mẹ gom hết những đồ đạc cuối cùng, đi ra chợ đổi lấy khoai tây, ngô. Bà nấu một nồi cháo ngô, chia đều cho các con, ăn xong chúng tôi cứ thòm thèm nhìn cái nồi, hỏi xin: Con liếm nó được không? Và chúng tôi thay phiên nhau liếm
nồi. Sau chúng tôi con mèo cũng liếm, nó cũng đói meo. Tôi không biết còn lại gì cho nó, sau chúng tôi trong nồi chẳng còn lại giọt nào.
Thậm chí mùi thức ăn cũng không còn. Cả mùi thức ăn cũng bị chúng tôi liếm mất.
Lúc nào chúng tôi cũng chờ quân mình.
Khi máy bay quân ta bắt đầu ném bom, tôi không chạy trốn mà lao ra nhìn. Và tôi tìm thấy một mảnh.
- Con lấy cái này ở đâu vậy? - Mẹ sợ hãi đón tôi ở nhà. - Con giấu cái gì ở đó?
- Con không giấu gì cả. Con mang về một mảnh bom. - Họ sẽ giết con, nếu họ biết.
- Mẹ sao thế, mẹ! Đấy là mảnh bom của quân ta mà. Chẳng lẽ nó lại giết con?
Và tôi còn giữ nó rất lâu…
“…Thêm nửa muỗng đường”.
Emma Levina - 13 tuổi
Hiện giờ là công nhân nhà in
Ngày hôm đó còn đúng một tháng nữa tôi tròn mười bốn tuổi.
- Không! Chúng ta sẽ không đi đâu cả, không đi đâu hết. Cũng bày đặt chiến tranh với tôi ấy à! Chưa kịp rời khỏi thành phố thì nó đã chấm dứt rồi. Không đi! Không đ-i-i! - Cha tôi đã nói như vậy, ông là đảng viên từ năm 1905. Ông ngồi tù thời Sa hoàng không dưới một lần và từng tham gia Cách mạng Tháng Mười.
Nhưng rồi chúng tôi cũng phải rời đi. Chúng tôi còn cẩn thận tưới cả hoa trên bệ cửa sổ, - nhà chúng tôi có rất nhiều hoa, cửa ra vào lúc nào cũng đóng, chúng tôi chỉ mở cửa sổ để thông hơi và để con mèo ra ngoài khi cần. Chúng tôi mang theo những gì cần thiết nhất. Ba tôi thuyết phục cả nhà: Chỉ vài ngày là chúng tôi sẽ lại trở về. Còn Minsk thì đang cháy…
Chị giữa không đi cùng chúng tôi, chị lớn hơn tôi ba tuổi. Một thời gian lâu sau chúng tôi không nghe tin tức gì về chị. Cả nhà rất lo. Chỉ đến khi sơ tán đến tận Ukraine, chúng tôi mới nhận được thư chị gởi về từ mặt trận, rồi sau lại cái nữa và cái nữa. Tiếp đó là thư cảm ơn từ chỉ huy đơn vị, nơi chị tôi phụ trách cứu thương. Còn ai mà mẹ không cho xem lời cảm ơn đó! Bà rất tự hào. Chủ tịch nông
trang để đánh dấu sự kiện này đã tặng nhà chúng tôi một cân bột thức ăn gia súc. Và mẹ đã làm bánh để đãi tất cả.
Chúng tôi làm các việc nhà nông khác nhau, dù là dân thành thị.
Nhưng chúng tôi làm khá tốt. Chị lớn, trước chiến tranh là thẩm phán, nay học lái máy cày. Nhưng chẳng bao lâu Kharkov* cũng bị đánh bom, và chúng tôi lên đường đi xa hơn.
Trên đường đi, chúng tôi mới biết mình được đưa về Kazakhstan. Trong cùng toa chúng tôi có khoảng chục gia đình, trong đó có một người phụ nữ mang thai. Chúng đánh bom đoàn tàu, máy bay lượn vòng trên đầu, nên không ai kịp nhảy khỏi toa. Chúng tôi nghe thấy tiếng thét: Người phụ nữ mang thai bị đứt lìa chân. Cảnh tượng kinh hoàng đó đến giờ vẫn còn trong ký ức tôi. Người phụ nữ bắt đầu chuyển dạ… Chính cha cô đỡ đẻ cho con mình. Và tất cả diễn ra trước mắt mọi người. Tiếng ầm ầm. Máu me, bụi bẩn. Một bé trai ra đời.
Chúng tôi rời khỏi Kharkov vào mùa hè, và đến ga cuối cùng vào mùa đông. Chúng tôi tới miền thảo nguyên Kazakhstan. Rất lâu sau, tôi vẫn chưa quen với cảnh không bị đánh bom, không bị bắn. Giờ chúng tôi có một kẻ thù chung - lũ rận! To, vừa, nhỏ! Đen! Xám! Đủ loại. Nhưng tàn nhẫn như nhau, ngày cũng như đêm không để chúng tôi yên. Không, tôi nói dối đấy! Khi đoàn tàu lăn bánh, chúng không cắn chúng tôi. Chúng cư xử ít nhiều hòa nhã hơn. Nhưng chỉ cần chúng tôi bước vào nhà… Chúa ơi, chúng lại bắt đầu hoành hành. Chúa ơi! Cả lưng và hai cánh tay tôi đều bị chúng cắn nát, ung nhọt. Khi cởi áo, tôi cảm thấy dễ chịu hơn, dù chẳng còn gì để mặc. Tôi đành đốt cái áo đó vì nó đầy rận, rồi quấn báo, đi lại trong nhà. Áo của tôi làm bằng báo. Bà chủ nhà tắm cho tôi bằng nước
nóng đến độ da tôi suýt nữa bị lột ra. Nhưng lúc đó là cả một niềm hạnh phúc - nước ấm. Nóng!
Mẹ chúng tôi là một người nội trợ tuyệt vời, một đầu bếp xuất sắc. Chỉ có bà mới có thể chế biến chuột nhảy thành món có thể ăn, mặc dù người ta bảo thịt chuột nhảy không thể ăn được. Con chuột nằm trên bàn, nó bốc mùi khó chịu xa cả dặm, cái mùi kinh khủng không sao chịu nổi. Nhưng chẳng còn thứ thịt nào khác, và chúng tôi cũng chẳng có gì để cho vào bụng. Chúng tôi đã ăn những con chuột này.
Cạnh nhà chúng tôi có một phụ nữ rất tốt bụng, hiền lành. Trông thấy sự khốn khổ của nhà chúng tôi, bà bảo mẹ: “Để con gái cô giúp việc nhà cho tôi”. Vì tôi rất còm cõi. Bà ra đồng, để đứa cháu trai lại và chỉ cho tôi mọi thứ để ở đâu để tôi cho đứa nhỏ ăn và chính tôi cũng được ăn. Tôi đi đến bên chiếc bàn, xem thức ăn đặt trên đó, nhưng không dám lấy. Tôi có cảm tưởng nếu cầm thứ gì đó lên, mọi thứ sẽ tan biến, và hóa ra mọi thứ chỉ là một giấc mơ. Không dám ăn, thậm chí tôi còn không động cả ngón tay vào dẫu chỉ một chút thôi, vì sợ tất cả sẽ biến mất. Tốt hơn là tôi cứ nhìn, nhìn thật lâu. Hết nhìn ngang lại nhìn ngửa. Không dám nhắm mắt. Cứ thế cả ngày tôi không cho gì vào miệng cả. Mà nhà người đàn bà ấy có bò, cừu, gà. Và bà để lại cho tôi bơ, trứng…
Buổi tối người đàn bà về, hỏi tôi:
- Cháu ăn rồi chứ?
Tôi đáp:
- Vâng, cháu ăn rồi.
- Ừ, thế thì về nhà đi. Và cầm cái này cho mẹ. - Nói rồi bà đưa bánh mì cho tôi. - Sáng mai lại đến nhé.
Tôi vừa về tới nhà thì người đàn bà đó cũng đến nhà tôi. Tôi hốt hoảng không biết mình có làm mất cái gì của bà ta không? Nhưng bà hôn tôi và khóc:
- Ngốc ạ, cháu sao thế, không ăn một chút gì sao? Tại sao mọi thứ vẫn còn nguyên? - Và bà cứ xoa đầu tôi mãi.
Mùa đông ở Kazakhstan rất khắc nghiệt. Chẳng có gì để sưởi. May mà phân bò đã cứu chúng tôi. Buổi sáng tôi phải dậy thật sớm đợi người ta lùa lũ bò ra sân, và cầm cái xô, chạy từ con bò này sang con bò khác. Mà không chỉ mình tôi, tất cả những người đi sơ tán đều ở đó cả. Lấy một xô đầy, tôi đổ phân cạnh cổng nhà mình, rồi nhanh chóng quay trở lại. Sau đó phân sẽ được nhồi với rơm, phơi khô thành những tảng tròn đen chắc nịch. Gọi là Kiziyak. Chúng tôi sưởi ấm bằng chúng.
Ba chúng tôi mất. Có lẽ ông vỡ tim vì thương xót các con. Tim ông từ lâu đã không được khỏe.
Tôi được đưa vào trường nghề. Người ta phát đồng phục: Áo khoác, giày và - tem phiếu bánh mì. Trước đó tôi cắt tóc ngắn, đến khi đi học tóc lại mọc dài và tôi tết thành bím. Tôi được trao thẻ đoàn viên. Người ta chụp ảnh tôi đăng báo. Tôi cầm thẻ trên tay, chứ không cho vào túi. Thứ quý báu như thế… Tôi sợ nếu bỏ vào túi, tôi sẽ đánh mất nó. Tim tôi đập thịch, thịch, thịch. Ba tôi mà còn sống, ông sẽ hạnh phúc biết bao.
Bây giờ tôi thường nghĩ: “Cái thời kinh khủng làm sao, nhưng những con người khi đó lại vô cùng tuyệt vời. Tôi ngạc nhiên vì
chúng tôi đã như thế nào thuở ấy! Chúng tôi đã tin tưởng làm sao! Và chúng tôi không muốn quên điều đó. Từ lâu tôi đã không tin vào Stalin, phần đời ấy tôi muốn quên, nhưng vẫn giữ trong tim những tình cảm đó. Tôi không muốn quên những cảm xúc của mình, những cảm xúc trân quý.
Chiều hôm đó ở nhà, mẹ tôi chuẩn bị một bữa trà thực thụ, với lá trà hẳn hoi. Còn phải nói, một ngày hội như thế! Và mẹ cho tôi, như bà chủ tiệc, thêm một phần - nửa muỗng đường…
“Nhà ơi, đừng cháy! Nhà ơi, đừng cháy!”
Nina Rachitskaya - 7 tuổi
Hiện là công nhân
Đôi khi mọi thứ rất rực rỡ… Lúc tất cả quay trở lại…
Như lúc bọn Đức cưỡi mô tô đến. Mỗi đứa một chiếc xô, chúng gõ xô xủng xoảng. Còn chúng tôi thì trốn… Tôi còn hai em trai nữa - bốn và ba tuổi. Chúng tôi trốn dưới gầm giường cả ngày.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một sĩ quan phát xít trẻ sống ở nhà chúng tôi, mang kính. Vì tôi cứ tưởng rằng chỉ có giáo viên mới đeo kính. Hắn ta cùng một tên lính cần vụ ở nửa căn nhà chúng tôi, còn chúng tôi sống ở nửa còn lại. Em trai tôi, đứa nhỏ nhất, bị cảm nặng ho sù sụ. Em sốt cao, người nóng bừng bừng, quấy khóc cả đêm. Buổi sáng, viên sĩ quan đi sang nửa nhà của chúng tôi và bảo nếu đứa nhỏ vẫn khóc không cho hắn ta ngủ, hắn ta sẽ pằng-pằng em - rồi chỉ vào khẩu súng lục bên hông. Đến đêm, khi em bắt đầu ho khóc, mẹ quấn em trong chăn rồi chạy ra đường đứng ru cho đến khi em thiếp ngủ. Pằng-pằng…
Chúng tịch thu hết thực phẩm của chúng tôi, chúng tôi đói. Chúng cũng không cho chúng tôi vào bếp, chúng nấu cho riêng chúng. Em tôi nghe mùi thức ăn và bò theo mùi thức ăn ấy. Mà chúng nấu súp đậu mỗi ngày, rất dậy mùi. Chỉ năm phút sau tiếng gào của em vang lên, một tiếng thét khủng khiếp. Chúng tạt nước sôi em dưới bếp vì
em xin chúng cho ăn. Em đói đến độ đến bên mẹ và bảo: “Mẹ nấu vịt của con đi”. Chú vịt con là món đồ chơi yêu thích nhất của em, trước giờ em chẳng bao giờ đưa cho ai. Em ngủ cùng nó.
Và đây là những câu chuyện của đám trẻ chúng tôi.
Chúng tôi ngồi bàn luận: Nếu bắt được chuột (mà trong chiến tranh chuột rất nhiều - cả trong nhà lẫn ngoài đồng) thì có ăn được không? Người ta có ăn sẻ ngô không? Có ăn ác là không? Tại sao mẹ không nấu súp những con bọ béo mập đó?
Chúng tôi không đợi khoai tây lớn nổi, chúng tôi lòn tay vào đất đo xem củ khoai lớn hay nhỏ, và tại sao chúng lớn chậm đến thế. Cả ngô, cả hướng dương…
Ngày cuối cùng. Trước khi rút, quân Đức đốt nhà chúng tôi. Mẹ tôi đứng nhìn ngọn lửa, không giọt nước mắt nào chảy trên gương mặt bà. Còn ba đứa chúng tôi thì chạy nháo nhào và gào thét: “Nhà ơi, đừng cháy! Nhà ơi, đừng cháy!” Chúng tôi chẳng kịp mang gì ra khỏi nhà, tôi chỉ vớ được quyển sách tập đánh vần gần đó. Suốt cuộc chiến tranh tôi đã cứu nó, bảo vệ nó. Tôi ngủ cùng nó, để nó nằm dưới gối tôi. Tôi rất muốn đi học. Sau đó, năm bốn bốn khi tôi vào lớp Một, quyển sách tập đánh vần của tôi dùng cho cả ba mươi học sinh. Cho cả lớp.
Tôi còn nhớ buổi văn nghệ đầu tiên sau chiến tranh của trường. Chúng tôi đã hát say sưa ra sao, đã múa nhịp nhàng thế nào. Tôi vỗ rát cả tay. Vỗ tay và vỗ tay… Tôi đã rất vui, cho đến khi một nam sinh nào đó bước ra sân khấu đọc thơ. Cậu ta đọc một bài thơ dài, nhưng tôi chỉ nghe thấy mỗi từ - “chiến tranh”. Tôi ngoái nhìn: Mọi người đều ngồi thản nhiên. Còn tôi thì sợ - chiến tranh mới vừa chấm dứt, chẳng lẽ lại chiến tranh nữa sao? Tôi không thể nào nghe
từ này nữa. Tôi bật dậy chạy về nhà. Về tới nhà, thấy mẹ đang nấu gì đó trên bếp - điều đó có nghĩa không có cuộc chiến tranh nào. Lúc đó tôi mới quay ngược lại, chạy về trường. Đến với buổi văn nghệ. Và tôi lại vỗ tay.
Ba chúng tôi không trở về từ chiến tranh, người ta gởi cho mẹ tờ giấy báo mất tích. Mẹ đi làm, chúng tôi tụ lại ngồi khóc vì không còn ba. Chúng tôi lật tung cả nhà, tìm cho ra tấm giấy nói về ba. Chúng tôi nghĩ trên đó không viết là ba bị giết, mà viết ba mất tích, nên nếu xé tờ giấy đó đi thì sẽ có tin báo ba chúng tôi đang ở đâu. Nhưng chúng tôi không tìm ra tờ giấy. Mẹ đi làm về, không hiểu tại sao nhà cửa lại bừa bộn. Bà hỏi tôi: “Bọn con đã làm gì vậy?” Em trai đáp thay tôi: “Chúng con tìm ba”.
Trước chiến tranh chúng tôi rất thích nghe ba kể chuyện cổ tích, ông biết nhiều chuyện cổ tích và kể rất hay. Sau chiến tranh, tôi không còn muốn đọc chuyện cổ tích nữa…
“Bà ta mặc áo choàng trắng, như mẹ vậy…”
Sasha Suyetin - 4 tuổi
Hiện là thợ nguội
Tôi chỉ nhớ mẹ.
Bức tranh đầu tiên…
Mẹ luôn mặc áo choàng trắng. Cha là sĩ quan, còn mẹ làm việc trong bệnh viện. Đó là sau này anh cả kể lại cho tôi nghe như vậy. Còn tôi chỉ nhớ chiếc áo choàng trắng của mẹ. Thậm chí tôi không nhớ cả mặt bà, mà chỉ nhớ chiếc áo choàng trắng. Và còn nữa - chiếc mũ trắng, nó luôn được đặt trên chiếc bàn nhỏ, được hồ cứng.
Bức tranh thứ hai…
Mẹ không về. Tôi đã quen với việc cha không về nhà, nhưng mẹ thì luôn về nhà sớm. Tôi và anh trai ngồi lì mấy ngày trong căn hộ, không dám đi đâu: Nhỡ bất ngờ mẹ về thì sao? Nhưng gõ cửa lại là người lạ, họ mặc đồ cho chúng tôi và đưa chúng tôi đi đâu đó. Tôi khóc:
- Mẹ! Mẹ con đâu?
- Đừng khóc, chúng ta sẽ tìm thấy mẹ. - Anh trai tôi an ủi, anh lớn hơn tôi ba tuổi.
Chúng tôi ở trong ngôi nhà dài, trong kho chứa, hay trên chiếc giường nào đó. Lúc nào cũng thèm ăn, tôi mút mấy chiếc nút áo của mình, chúng giống loại kẹo mút ba hay mang về từ những chuyến công tác. Tôi đợi mẹ.
Bức tranh thứ ba…
Một người đàn ông nào đó nhét tôi và anh trai tôi vào góc giường, phủ chăn lên rồi ném thêm quần áo lên đó. Tôi bắt đầu khóc, và ông xoa đầu tôi an ủi. Tôi dịu đi.
Chuyện đó lặp lại mỗi ngày. Nhưng một lần nọ tôi chán ngồi lâu trong chăn, tôi bắt đầu khóc thút thít, rồi sau khóc to thành tiếng. Ai đó kéo mớ quần áo ra khỏi người anh em tôi, rồi lật tấm chăn ra. Tôi mở mắt - cạnh chúng tôi là một phụ nữ mặc áo choàng trắng.
- Mẹ! - Tôi bò về phía bà ta.
Bà ta cũng vuốt ve tôi. Ở đầu rồi đến cánh tay. Sau đó bà ta lấy ra cái gì đó từ chiếc hộp kim loại. Nhưng tôi chẳng chút chú ý tới, tôi chỉ thấy chiếc áo choàng trắng và chiếc mũ trắng.
Đột ngột, một cơn đau sắc nhọn nhói trên tay. Dưới da tôi là cây kim nhọn hoắt. Tôi chưa kịp hét lên thì đã ngất đi. Tôi tỉnh lại - ghé sát mặt tôi chính là người đàn ông đã giấu chúng tôi. Nằm cạnh đó là anh trai.
- Đừng sợ, - người đàn ông nói. - Anh cháu không chết, nó chỉ đang ngủ thôi.
- Đó không phải là mẹ cháu sao?
- Không.
- Bà ta mặc ào choàng trắng, y như mẹ vậy. - Tôi nhắc đi nhắc lại.
- Ta làm cho cháu một món đồ chơi đây. - Người đàn ông chìa cho tôi một quả cầu vải.
Tôi cầm món đồ chơi và ngưng khóc.
Sau đó tôi chẳng nhớ gì: Ai và bằng cách nào đó đã cứu chúng tôi khỏi trại tập trung? Ở đó họ lấy máu của trẻ em cho thương binh Đức. Tất cả trẻ em đều chết. Rồi tôi và anh vào trại mồ côi như thế nào? Cuối chiến tranh chúng tôi nhận tin cha mẹ mình đã chết ra sao? Có chuyện gì đó đã xảy ra với trí nhớ của tôi. Tôi không nhớ những gương mặt, không nhớ được lời nói.
Chiến tranh kết thúc. Tôi vào lớp Một. Những đứa bé khác đọc thơ hai, ba lần đã nhớ, còn tôi đọc tới mười lần vẫn không nhớ nổi. Nhưng không hiểu sao thầy cô không bao giờ cho tôi điểm hai. Họ cho điểm hai các học sinh khác, nhưng tôi thì không.
Đó là câu chuyện của tôi.
"""