"Những Nhà Khám Phá - Lịch Sử Tri Kiến Vạn Vật Và Con Người - Daniel J. Boorstin full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Nhà Khám Phá - Lịch Sử Tri Kiến Vạn Vật Và Con Người - Daniel J. Boorstin full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] Ebooks Nhóm Zalo Và chúng ta nhận lấy trách nhiệm lý giải sự bí ẩn của mọi vật, Như thể chúng ta là điệp viên của Thượng đế. —SHAKESPEARE, Vua Lear, hồi V, cảnh 3 TẶNG RUTH Cũng chính vua Solomon, mặc dù nổi danh về các kho báu và các tòa nhà hoành tráng, về đóng tàu và hàng hải, về đám cận thần và người hầu, về tiếng tăm và danh vọng, vân vân, ngài đã chẳng để ý đến những danh tiếng ấy, mà chỉ coi trọng vinh quang trong tìm kiếm chân lý; vì chính ngài đã thốt ra đầy biểu cảm: “Vinh quang của Thượng đế là giấu kín một sự vật, còn vinh quang của một ông vua là tìm ra nó”; giống như trong trò chơi vô tư của con trẻ, Đấng Chí tôn thích thú giấu đi các thành quả sáng tạo của mình, để cuối cùng chúng được tìm ra; như thể các ông vua không có vinh dự nào lớn hơn vinh dự được làm bạn chơi với Thượng đế trong trò chơi này. —FRANCIS BACON, Con đường tiến lên của Tri thức (1605) Vài lời với bạn đọc Nhân vật của tôi là Con Người Khám Phá. Thế giới mà ngày nay chúng ta quan sát thấy từ nền Văn minh phương Tây - dòng thời gian, đất liền và biển cả, các thiên thể và cơ thể của chính chúng ta, động vật và thực vật, lịch sử và các xã hội loài người trong quá khứ và hiện tại - đã được mở ra cho chúng ta bởi vô số các Columbus vô danh. Họ là những người không ai biết tên, chìm khuất trong những nẻo quá khứ xa xôi. Khi tiến gần đến hiện tại, thì họ mới hiện ra trong ánh sáng của lịch sử, một loạt những nhân vật đa dạng như chính bản tính của con người. Các khám phá trở thành những tình tiết trong các bản tiểu sử, khôn lường như những thế giới mới mà các nhà khám phá đã mở ra trước mắt chúng ta. Những trở ngại trên con đường đến với khám phá - những ảo tưởng, nhầm lẫn của tri thức - cũng là một phần câu chuyện này. Chỉ có đặt mình vào phông nền đã bị lãng quên của điều được coi là hiểu biết thường tình thời đó cùng những huyền thoại thời của họ, chúng ta mới cảm thấy được lòng can đảm, mức độ liều lĩnh, những đột phá vừa anh hùng vừa giàu tưởng tượng của các nhà khám phá lớn. Họ đã phải đấu tranh vất vả với những “sự thật hiển nhiên” đương thời cùng bao nhiêu giáo điều của các bậc có học thức. Tôi đã cố gắng truyền tải những ảo tưởng đó - về Trái đất, các lục địa và biển cả trước khi có Columbus và Balboa, Magellan và thuyền trưởng Cook; về bầu trời trước khi có Copernicus, Galileo và Kepler; về cơ thể con người trước khi có Paracelsus, Vesalius và Harvey; về động vật và thực vật trước khi có Ray và Linnaeus, Darwin và Pasteur; về quá khứ trước khi có Petrarch và Winkelmann, Thomsen và Schliemann; về của cải trước khi có Adam Smith và Keynes; về thế giới vật lý và nguyên tử trước khi có Newton, Dalton và Faraday, Clerk Maxwell và Einstein. Tôi đã đặt ra vài câu hỏi ít người đặt ra. Tại sao không phải là người Trung Hoa “khám phá” ra châu Âu hay châu Mỹ? Tại sao không phải là người Arập đi vòng quanh châu Phi và thế giới? Tại sao phải mất nhiều thời gian đến thế con người mới hiểu rằng Trái đất quay quanh Mặt trời? Tại sao tới một ngày nào đó con người mới nghĩ ra là có các “loài” động vật và thực vật khác nhau? Tại sao các dữ kiện tiền sử và công cuộc khám phá ra tiến bộ của nền văn minh lại đến chậm như vậy? Tôi chỉ đưa vào đây một số khám phá thiết yếu - đồng hồ, la bàn, kính viễn vọng và kính hiển vi, máy in và chữ in rời - những công cụ cốt yếu của khám phá. Tôi sẽ không kể ra đây chuyện hình thành các chính phủ, hay nổ ra các cuộc chiến tranh, sự hưng thịnh lẫn sụp đổ của các đế chế. Tôi cũng không viết biên niên sử văn hóa, chuyện về con Người Sáng Tạo, về kiến trúc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc và văn học, mặc dù những lĩnh vực này đã nhân lên gấp bội những niềm khoan khoái của con người. Tôi chỉ tập trung vào nhu cầu được hiểu biết của nhân loại - hiểu biết về những gì diễn ra xung quanh ta. Bố cục tổng thể của cuốn sách là theo dòng thời gian, còn về chi tiết nó là sự chồng lớp lên nhau. Mỗi phần trong tổng số 15 phần sẽ gối lên phần trước về mặt niên đại khi câu chuyện đi từ thời cổ đại đến hiện tại. Tôi bắt đầu bằng chủ đề Thời gian, cái bí hiểm và khó nắm bắt nhất trong số các chiều kích cơ bản mà chúng ta trải nghiệm. Rồi tôi chuyển sang tầm nhìn ngày càng mở rộng của thế giới phương Tây về Trái đất và Biển cả. Sau đó quay sang Tự nhiên - những vật thể trên trời và dưới đất, thực vật và động vật, cơ thể con người và các quá trình diễn ra trong đó. Cuối cùng là Xã hội, với phát hiện rằng quá khứ của con người không phải như những gì ta đã tưởng tượng, về sự tự khám phá bản thân của Con Người Khám Phá, và về những lục địa mờ tối bên trong nguyên tử. Đây là một câu chuyện không có kết thúc. Thế giới vẫn còn là một châu Mỹ cần khám phá. Và cụm từ nhiều hứa hẹn nhất từng được viết lên bản đồ tri thức của con người chính là terra incognita - vùng đất chưa biết. QUYỂN MỘT THỜI GIAN Thời gian là kẻ đổi mới vĩ đại nhất. —FRANCIS BACON, “VỀ NHỮNG ĐỔI MỚI” (1625) Khám phá lớn đầu tiên là thời gian, khung cảnh của sự trải nghiệm. Chỉ bằng cách phân định tháng, tuần và năm, ngày và giờ, phút và giây, nhân loại mới thoát khỏi sự lặp đi lặp lại đơn điệu của chu kỳ thời gian. Dòng chuyển động của bóng râm, cát, nước, và của bản thân thời gian, được chuyển thành tiếng tích tắc của đồng hồ, trở thành công cụ đo hữu ích các chuyển động của con người trên khắp hành tinh. Những khám phá về thời gian và không gian đã trở thành một chiều kích liên tục. Những cộng đồng chung một thời gian sinh ra những cộng đồng đầu tiên chung một nền kiến thức, chia sẻ khám phá, cùng tiến đến ranh giới chung của những điều chưa biết. PHẦN I VƯƠNG QUỐC THƯỢNG GIỚI Thượng Đế không tạo ra các hành tinh và ngôi sao để chúng thống trị con người, mà để chúng, cũng giống như các sinh vật khác, vâng lời và phục vụ con người. —PARACELSUS, Bàn về Bản chất của sự vật (khoảng 1541) 1 Sự cám dỗ của Mặt trăng T Ừ đảo Greenland xa xôi mạn tây bắc đến mỏm cực nam Patagonia[1], đâu đâu mọi người cũng chào đón trăng mới - thời khắc để ca hát và cầu nguyện, để ăn và uống. Người Eskimo bày tiệc, những phù thủy của họ trổ ngón nghề, họ tắt đèn và đổi phụ nữ. Những thổ dân châu Phi thì khấn tụng: “Trăng non!… Chào Trăng non!” Dưới ánh trăng ai cũng muốn nhảy múa. Nhưng trăng còn có những phẩm tính khác nữa. Các cộng đồng người Đức xưa kia, theo mô tả của Tacitus[2] gần hai ngàn năm về trước, thường tổ chức tụ họp vào những đêm trăng mới hoặc trăng tròn, “thời điểm thuận nhất để bắt đầu công việc”. Chúng ta thấy dấu tích của những ý nghĩa thần thoại, thần bí, lãng mạn ở khắp mọi nơi - như các từ tiếng Anh moonstruck (trúng đòn trăng) chỉ người gàn, hâm hâm, lunatic (gốc tiếng Latin luna nghĩa là trăng) chỉ người điên dại, mất trí, moonshine (ánh trăng) có nghĩa bỏng là ảo tưởng, ảo mộng, chuyện tưởng tượng; và dưới ánh trăng các đôi tình nhân hò hẹn gặp nhau. Mối liên hệ nguyên thủy giữa Mặt trăng và đo lường còn sâu hơn. Từ moon trong tiếng Anh và những từ cùng cội nguồn trong các ngôn ngữ khác bắt nguồn từ từ tố me nghĩa là đo (như trong từ Hy Lạp metron, và trong các từ Anh meter - “dụng cụ đo, đồng hồ đo” và measure - phép đo), nhắc chúng ta về tác dụng cổ xưa của trăng là công cụ đo thời gian phổ quát đầu tiên. Mặc dù, hay chính bởi vì dễ dàng sử dụng trăng làm thước đo thời gian, mà trăng đã thành một cái bẫy đối với loài người ngây thơ. Bởi trong khi các pha của Mặt trăng[3] là thứ chu kỳ tiện lợi mà trên toàn thế giới ai cũng nhìn thấy, các pha ấy cũng là ngõ cụt cám dỗ. Cái mà những người săn bắn và nông dân cần nhất là một cuốn lịch thể hiện các mùa - một cách để dự đoán mưa và tuyết, nóng và lạnh. Bao lâu nữa thì đến mùa gieo trồng? Khi nào sẽ xuất hiện đợt sương giá đầu tiên? Rồi mùa mưa bão? Với những nhu cầu đó, Mặt trăng chả giúp được gì mấy. Có điều, các chu kỳ của Mặt trăng tương ứng lạ lùng với chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, vì một tháng sao - tức là thời gian cần để Mặt trăng quay trở lại đúng vị trí cũ trên bầu trời đêm - ngắn hơn 28 ngày một chút, và sau đúng 10 tháng Mặt trăng này, người phụ nữ mang thai sẽ hạ sinh. Nhưng còn năm tính theo Mặt trời - số ngày chính xác để các mùa quay trở lại - lại kéo dài 365¼ ngày. Các chu kỳ của Mặt trăng, mà dân gian quen gọi là tuần trăng, là do chuyển động của Mặt trăng quanh Trái đất, trong khi đó Trái đất lại quay quanh Mặt trời. Quỹ đạo Mặt trăng có hình elip, và nghiêng một góc khoảng 5° so với quỹ đạo của Trái đất quanh Mặt trời. Điều này cắt nghĩa tại sao nhật thực không xảy ra hằng tháng. Cái điều bất tiện là các chu kỳ của Mặt trăng và các chu kỳ của Mặt trời không thông ước với nhau (không tỷ lệ với nhau) quả thực kích thích suy nghĩ. Giá như có thể tính năm, một vòng của các mùa, bằng cách đơn giản nhân lên các chu kỳ của Mặt trăng, thì nhân loại đã đỡ đi bao nhiêu phiền toái. Nhưng khi đó biết đâu chúng ta cũng mất đi động lực nghiên cứu bầu trời và không giỏi toán học. Các mùa trong năm, như ngày nay chúng ta đã biết, bị chi phối bởi chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời. Mỗi một vòng quay của các mùa đánh dấu việc Trái đất trở lại đúng vị trí cũ trong quỹ đạo tuần hoàn của nó, một quãng thời gian từ tiết phân (hay tiết chí) này đến tiết phân (hay tiết chí) kế tiếp. Con người cần có một thời lịch để đánh dấu mốc cho các mùa. Bắt đầu như thế nào đây? Người Babylon cổ đại đã khởi đầu với lịch mặt trăng (âm lịch) và khư khư giữ lấy nó. Sự bảo thủ của họ trong việc gắn chặt với các chu kỳ của Mặt trăng khi làm lịch đã mang lại những hệ quả quan trọng. Trong khi tìm tòi cách thức đo chu kỳ của các mùa bằng cách nhân lên các chu kỳ của Mặt trăng, rốt cuộc vào khoảng năm 432 TCN họ đã phát hiện ra cái gọi là chu kỳ Meton (lấy theo tên một nhà thiên văn) dài 19 năm. Họ nhận thấy rằng nếu sử dụng một chu kỳ 19 năm, trong đó 7 năm kéo dài thành 13 tháng mỗi năm, 12 năm còn lại giữ nguyên 12 tháng, thì họ có thể tiếp tục dùng các pha nhìn thấy được một cách thuận tiện của Mặt trăng làm cơ sở cho lịch của mình. Phép “đặt tháng nhuận”, tức là tăng thêm tháng vào một năm, đã giúp họ tránh được sự “trôi dạt” bất tiện của năm so với các mùa, nghĩa là các mùa cứ trôi lệch dần dần qua các tháng âm lịch, mà như vậy thì không dễ biết một mùa mới sẽ khởi đầu vào tháng nào. Lịch Meton này với các cụm 19 năm thật quá phức tạp để sử dụng hằng ngày. Nhà sử học Hy Lạp Herodotus, sống và viết vào thế kỷ 5 TCN, đã minh họa những sự phức tạp đó trong một đoạn văn bản nổi tiếng khi ông kể chuyện nhà thông thái Solon đã trả lời Croesus[4] giàu có và nóng nảy ra sao, khi ông vua này hỏi ai hạnh phúc nhất trong số những người trần tục. Để gây ấn tượng với Croesus về sự thay đổi hết sức khó lường của số phận, Solon đã theo lịch Hy Lạp đang được sử dụng thời đó tính số ngày của 70 năm mà ông lấy làm giới hạn của đời người. “Trong 70 năm ấy,” ông nói, “nếu không tính các tháng nhuận, sẽ có 25.200 ngày. Cứ hai năm lại thêm một tháng nhuận vào, để cho các mùa đến tương đối đúng thời điểm, thì sẽ có thêm 35 tháng nữa, tức là 1.050 ngày, ngoài số ngày của 70 năm kể trên. Tổng số ngày có trong 70 năm vị chi là 26.250 ngày. Mà ngày nào cũng có thể xảy ra các sự kiện không giống những ngày còn lại. Do vậy con người hoàn toàn là sự ngẫu nhiên mà thôi, về phần ngài, thưa ngài Croesus, tôi biết rằng ngài rất giàu và là chúa tể của nhiều dân tộc. Nhưng về câu hỏi của ngài, thì tôi không thể có câu trả lời, cho đến khi nào tôi nghe nói rằng cuộc đời của ngài khép lại một cách hạnh phúc.” Người Ai Cập đã tìm được cách thoát khỏi sự cám dỗ của Mặt trăng. Như chúng ta được biết, họ là dân tộc đầu tiên tìm ra độ dài của năm Mặt trời và xác định nó một cách thực tiễn và hữu ích. Cũng như với những thành tựu khác của nhân loại, chúng ta biết câu hỏi cái gì, nhưng vẫn còn băn khoăn về câu hỏi tại sao, như thế nào, thậm chí câu hỏi khi nào. Băn khoăn thứ nhất là, tại sao đó lại là người Ai Cập. Họ không có các dụng cụ thiên văn mà thế giới Hy Lạp-La Mã cổ đại từng biết rõ. Họ cũng không thể hiện tài năng gì đặc biệt về phương diện toán học. Thiên văn học của họ rất thô sơ nếu so với thiên văn học của người Hy Lạp hay các dân tộc khác ở vùng Địa Trung Hải, lại còn bị chi phối bởi lễ nghi tôn giáo. Nhưng đến khoảng năm 2500 TCN họ đã biết cách dự đoán khi nào mặt trời mọc hay lặn sẽ rọi vào điểm mút của một đài kỷ niệm cụ thể nào đó, giúp họ tăng thêm ánh sáng rực rỡ cho các lễ kỷ niệm của mình. Phương pháp của người Babylon giữ lại các chu kỳ của Mặt trăng và cố điều chỉnh chúng cho phù hợp với năm theo mùa (hay năm Mặt trời) bằng cách “đặt tháng nhuận” thực ra không thuận tiện. Thói quen ở các địa phương luôn thắng thế. Chẳng hạn ở Hy Lạp, nơi có núi non và vịnh biển chia cắt các vùng miền cảnh quan đa dạng, mỗi một thị quốc (nhà nước có quy mô thành phố) lại đặt ra lịch riêng của mình, tùy tiện thêm tháng nhuận để đánh dấu một lễ hội địa phương hoặc phục vụ nhu cầu chính trị. Kết quả là họ đã đánh mất chính mục đích của phép làm lịch là sắp xếp thời gian để kết nối mọi người với nhau, giúp lập kế hoạch chung được dễ dàng, chẳng hạn cùng thỏa thuận gieo trồng mùa màng và chuyên chở hàng hóa. Người Ai Cập, cho dù thua kém người Hy Lạp về mặt toán học, đã giải quyết được vấn đề thực tiễn. Họ đã phát minh ra một loại lịch phục vụ cho nhu cầu hằng ngày trên khắp mảnh đất của mình. Ngay từ năm 3200 TCN, toàn bộ vùng thung lũng sông Nile đã thống nhất với vùng châu thổ sông Nile thành một vương quốc duy nhất tồn tại suốt 3.000 năm, cho đến tận thời đại Cleopatra. Sự thống nhất về chính trị được củng cố bởi thiên nhiên. Giống như các thiên thể, sông Nile cũng thể hiện một nhịp điệu tự nhiên đều đặn dù kịch tính hơn. Là con sông dài nhất châu Phi, Nile trải ra gần 6.500 kilômét từ thượng nguồn xa xôi, thu nước mưa và nước tuyết tan của cao nguyên Ethiopia và toàn bộ phần đông bắc của châu lục vào một dòng chảy lớn duy nhất đổ ra Địa Trung Hải. Lãnh địa của các pharaoh được gọi rất có lý là vương quốc sông Nile. Người cổ đại, mượn lời nói ẩn dụ của Herodotus, đã gọi Ai Cập là “món quà của sông Nile”. Cuộc tìm kiếm đầu nguồn sông Nile, cũng giống như đi tìm Chén Thánh, mang những sắc thái huyền bí, khuấy động các nhà thám hiểm bất chấp nguy hiểm đến tính mạng cho đến tận thế kỷ 19. Sông Nile giúp cho mùa màng, thương mại, và kiến trúc Ai Cập phát triển. Là con đường thương mại huyết mạch, sông Nile cũng là con đường vận chuyển nguyên vật liệu cho các đền đài và kim tự tháp khổng lồ. Ba ngàn tấn đá hoa cương cho một đài kỷ niệm có lẽ đã được khai thác ở Aswan rồi xuôi dòng sông hơn 320 kilômét đến Thebes. Sông Nile nuôi sống các đô thị tập trung dọc hai bên bờ sông. Không có gì ngạc nhiên khi người Ai Cập đã gọi sông Nile là “biển”, còn trong Kinh Thánh nó được gọi đơn giản là “con sông”. Nhịp điệu của sông Nile cũng là nhịp điệu của đời sống Ai Cập. Nước sông dâng lên hằng năm đã tạo ra một thứ lịch gieo trồng và gặt hái với ba mùa: mùa lụt, mùa trồng cây và mùa thu hoạch. Nước lụt sông Nile từ cuối tháng 6 đến tận cuối tháng 10 mang lại phù sa màu mỡ, rồi cây lương thực được trồng trên đó và tăng trưởng từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 2 năm sau, sau đó được thu hoạch từ cuối tháng 2 đến tận cuối tháng 6. Nước sông Nile dâng cũng đều đặn và thiết yếu đối với đời sống như mặt trời mọc, đánh dấu khởi điểm một “năm sông Nile”. Lịch Ai Cập sơ khai, một cách tự nhiên, chính là “Nile kế” - thang đo đơn giản theo chiều thẳng đứng có các vạch ghi dấu nước lụt hằng năm. Chỉ cần vài năm quan sát “năm sông Nile” cũng thấy nó không tương ứng với các pha của Mặt trăng. Nhưng ngay từ rất sớm người Ai Cập đã nhận thấy rằng 12 tháng mà mỗi tháng gồm 30 ngày có thể tạo thành một loại lịch hữu ích biểu thị các mùa, nếu thêm năm ngày nữa vào cuối năm, để một năm có 365 ngày. Đó chính là năm “dân sự”, hay “năm sông Nile”, mà người Ai Cập bắt đầu sử dụng ngay từ năm 4241 TCN. Để tránh chu kỳ thuận tiện đầy cám dỗ của Mặt trăng, người Ai Cập đã tìm những dấu hiệu khác để đánh dấu năm của họ: sao Sirius, hay sao Thiên Lang, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Mỗi năm một lần, vào buổi sáng sao Sirius mọc trên cùng một đường thẳng với Mặt trời. Sự kiện sao “Sirius mọc cùng”, năm nào cũng xảy ra vào giữa mùa lụt sông Nile, đã được chọn làm mốc khởi đầu năm Ai Cập. Nó được đánh dấu bằng một lễ hội suốt năm ngày “ngoại thời” (ngày nằm ngoài các tháng), kỷ niệm lần lượt ngày sinh của thần Osiris, của con trai thần là Horus, của kẻ thù của thần là Set, của người chị em đồng thời là vợ thần Iris, và của Nephthys, vợ Set. Vì năm Mặt trời không gồm chính xác 365 ngày, nên năm Ai Cập gồm 365 ngày qua các thế kỷ sẽ trở thành một “năm trôi dạt”, nghĩa là mỗi tháng đã được đặt tên sẽ dần dần xuất hiện vào một mùa khác. Sự sai lệch nhỏ đến mức phải mất nhiều năm, dài hơn cuộc đời của bất cứ người nào, thì sai lệch ấy mới ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày. Mỗi tháng sẽ chu du qua tất cả các mùa trong chu kỳ 1.460 năm. Dù sao thì lịch Ai Cập này vẫn tốt hơn nhiều so với bất cứ thứ lịch nào khác vào thời đó nên nó đã được Julius Caesar lấy làm lịch Julius của mình. Nó đã sống qua cả thời Trung đại và vẫn được Copernicus sử dụng trong các bảng hành tinh của ông vào thế kỷ 16. Trong khi người Ai Cập đã biết thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mặt trăng trong lịch sinh hoạt hằng ngày của mình, Mặt trăng vẫn giữ được sự mê hoặc đối với người nguyên thủy. Nhiều dân tộc, trong đó có cả người Ai Cập, vẫn giữ chu kỳ Mặt trăng để tính toán các ngày lễ tôn giáo và các lễ kỷ niệm thần bí. Ngay cả ngày nay những người chịu ảnh hưởng tôn giáo vẫn để các chu kỳ Mặt trăng chi phối. Sự bất tiện của việc sống theo lịch mặt trăng trở thành minh chứng hằng ngày cho đức tin tôn giáo. Chẳng hạn, người Do Thái vẫn duy trì lịch mặt trăng của mình, và mỗi tháng của lịch Do Thái vẫn bắt đầu vào kỳ trăng mới. Để giữ cho lịch mặt trăng hòa hợp với năm dựa theo mùa, người Do Thái đã thêm một tháng vào mỗi năm nhuận, và lịch Do Thái trở thành tâm điểm nghiên cứu bí truyền của giới giáo sĩ. Năm Do Thái được chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày, tổng cộng có 354 ngày. Để cho đầy năm Mặt trời - theo chu kỳ Meton của người Babylon - người ta thêm một tháng vào các năm thứ ba, thứ sáu, thứ tám, thứ mười một, thứ mười bốn, thứ mười bảy và thứ mười chín của mỗi chu kỳ mười chín năm, thành các năm nhuận Do Thái. Đôi lúc cũng cần các điều chỉnh khác để làm cho các ngày lễ đến vào đúng mùa - ví dụ, lễ vượt qua, là ngày lễ mùa xuân, phải đến sau ngày xuân phân. Trong Kinh Thánh, hầu hết các tháng vẫn giữ tên gọi Babylon, chứ không phải tên gọi Do Thái. Đạo Kitô lấy lại hầu hết các lễ kỷ niệm tôn giáo của đạo Do Thái và vẫn giữ sự kết nối với lịch mặt trăng như cũ. Các “ngày lễ lưu động” của giáo hội được dịch chuyển trong lịch mặt trời để ăn khớp với các chu kỳ Mặt trăng. Chúng vẫn gợi cho chúng ta nhớ về sự quyến rũ nguyên thủy của thứ ánh sáng rạng rỡ nhất trong bầu trời đêm. Quan trọng nhất trong số các ngày lễ Kitô giáo lấy theo trăng ấy tất nhiên là Lễ Phục sinh, kỷ niệm sự kiện Chúa Jesus sống lại. Sách Nghi lễ cầu kinh của Anh quy định: “Ngày Phục sinh bao giờ cũng là ngày Chúa nhật (Chủ nhật) đầu tiên sau trăng tròn, đến vào đúng hoặc sau ngày 21 tháng 3. Nếu ngày trăng tròn rơi đúng vào ngày Chúa nhật, thì ngày Phục sinh là ngày Chúa nhật kế tiếp.” Ít nhất có hơn chục ngày lễ khác của giáo hội được xác định theo tương quan với Lễ Phục sinh và với ngày tháng theo lịch mặt trăng của nó, kết quả là Lễ Phục sinh chi phối khoảng mười bảy tuần trong lịch phụng vụ giáo hội. Việc ấn định ngày Lễ Phục sinh - nói cách khác là xác định lịch - trở thành một vấn đề quan trọng và một biểu tượng. Vì Tân Ước nói rằng Jesus bị đóng đinh trên thập giá vào ngày lễ vượt qua, nên lễ kỷ niệm Jesus sống lại vào Lễ Phục sinh hiển nhiên phải gắn với lịch Do Thái. Hệ quả tất yếu là ngày Lễ Phục sinh phải phụ thuộc vào các tính toán phức tạp về Mặt trăng của Sanhedrin, tức Hội đồng Do Thái tối cao, để xác định ngày lễ vượt qua. Nhiều tín đồ Kitô giáo thuở ban sơ ấy, tuân thủ từng ly từng tí sự giải thích Kinh Thánh của họ, nên đã xác định ngày mất của Jesus vào đúng một ngày thứ Sáu, còn ngày Jesus sống lại, ngày Phục sinh, vào ngày Chủ nhật liền kề. Nhưng nếu kỷ niệm ngày lễ ấy theo đúng lịch mặt trăng của người Do Thái, thì không có gì chắc chắn là ngày Phục sinh sẽ rơi vào Chủ nhật. Sự tranh cãi gay gắt về lịch đã dẫn đến một trong những rạn nứt đầu tiên giữa giáo hội Chính thống phương Đông và giáo hội La Mã. Những tín đồ Kitô giáo phương Đông theo lịch mặt trăng vẫn tiếp tục làm Lễ Phục sinh vào ngày thứ mười bốn của tháng mặt trăng, bất kể hôm đó là ngày nào trong tuần. Ngay tại công đồng chung (hội nghị giám mục toàn cầu) đầu tiên họp tại Nicaea ở Tiểu Á năm 325, một trong những vấn đề cần thống nhất toàn cầu chính là xác định ngày Phục sinh. Một ngày thống nhất đã được chọn, sao cho vừa phù hợp với lịch mặt trăng truyền thống lại vừa bảo đảm rằng sẽ luôn luôn rơi đúng vào ngày Chủ nhật. Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Để tổ chức lễ lạt, cộng đồng vẫn cần có người tính trước các pha Mặt trăng và tìm nó trong lịch mặt trời. Nhiệm vụ tinh tế này được Công đồng Nicaea giao cho giám mục Alexandria. Ở trung tâm thiên văn học thời cổ đại ấy, vị giám mục phải dự báo các pha Mặt trăng cho tất cả các năm trong tương lai. Thế nhưng bất đồng xung quanh việc chọn pha Mặt trăng nào đã dẫn tới sự chia rẽ trong giáo hội. Kết quả là ở các vùng khác nhau trên thế giới người ta tiếp tục làm Lễ Phục sinh vào các ngày Chủ nhật khác nhau. Cuộc cải cách lịch của Giáo hoàng Gregorius XIII là cần thiết vì độ dài năm mà Julius Caesar lấy từ lịch Ai Cập để phục vụ cho xã hội phương Tây đã không đủ chính xác. Năm mặt trời thực, hay chu kỳ Mặt trời - thời gian cần thiết để Trái đất quay trọn một vòng quỹ đạo quanh Mặt trời - là 365 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây, ít hơn 11 phút 14 giây so với năm dài 365 1/4 ngày tính theo lịch Julius. Kết quả là ngày tháng theo lịch này cứ mất dần mối liên hệ ban đầu đối với các hiện tượng theo Mặt trời và đối với các mùa. Một ngày tháng quan trọng nhất là tiết xuân phân, dùng làm căn cứ để tính ngày Phục sinh, đã được Công đồng Nicaea thứ nhất ấn định vào ngày 21 tháng 3. Thế nhưng sự sai lệch tích tụ trong lịch Julius đã dẫn tới hệ quả là vào năm 1582 tiết xuân phân đến vào ngày 11 tháng 3. Giáo hoàng Gregorius XIII, tuy khét tiếng về thái độ tán dương cuộc tàn sát đẫm máu những người theo đạo Tin Lành ở Paris trong ngày lễ thánh Bartholomew (năm 1572), nhưng lại là một nhà cải cách năng nổ trong một số vấn đề. Ông quyết tâm sửa lại lịch. Đẩy lên đến cao trào xu hướng cải cách lịch vốn đã phát triển ít nhất trong một thế kỷ, năm 1582 Giáo hoàng Gregorius XIII đã ra tông chiếu quy định sau ngày mồng 4 tháng 10 là ngày 15 tháng 10. Sự “cắt ngăn” này cũng có nghĩa năm sau đó tiết xuân phân lại rơi đúng vào ngày 21 tháng 3, như đòi hỏi của lịch mặt trời tương ứng với các mùa. Như vậy lại phục hồi năm tương ứng với mùa như từng tồn tại vào năm 325. Các năm nhuận của lịch Julius cũ cũng được điều chính. Để tránh sự sai lệch tích tụ 11 phút hằng năm, lịch của Gregorius đã bỏ một ngày nhuận trong các năm tận cùng chẵn trăm, trừ trường hợp năm ấy chia hết cho 400. Lịch hiện đại của phương Tây chúng ta sử dụng ngày nay đã ra đời như vậy. Chỉ vì cải cách này xuất phát từ La Mã, mà xứ Anh (England) cùng với các thuộc địa châu Mỹ theo đạo Tin Lành đã ngoan cố không chịu tuân theo. Phải mãi đến năm 1752 người ta mới chịu thay đổi. Năm theo lịch cũ đang sử dụng bấy giờ bắt đầu vào ngày 25 tháng 3[5], trong khi năm theo lịch mới bắt đầu vào ngày 1 tháng 1. Sau khi thêm vào 11 ngày cần thiết thì ngày sinh của George Washington, vốn dĩ theo lịch cũ là 11 tháng 2 năm 1731, chuyển sang lịch mới sẽ là 22 tháng 2 năm 1732, chênh lệch hơn một năm! Trở lại năm 1582, việc Giáo hoàng Gregorius quyết định loại bỏ 10 ngày ra khỏi lịch đã gây ra những oán trách và lúng túng. Các gia nô đòi trả đủ tiền công cho tháng bị cắt ngắn đó, nhưng các ông chủ từ chối. Có người phản đối vì năm tháng tuổi đời của họ ngắn lại chỉ vì một sắc lệnh của Giáo hoàng. Nhưng khi nước Anh và các thuộc địa châu Mỹ của nó cuối cùng cũng chấp nhận sự thay đổi, thì Benjamin Franklin, khi ấy 46 tuổi và cũng bị mất 10 ngày trong đời mình, với tài thông minh dí dỏm vốn có, đã khuyên những người đọc cuốn Poor Richard’s Almanack (Niên giám của Richard Nghèo khổ) nên vui vì: Đừng có sửng sốt hay cau có khi bị mất mươi ngày, bạn đọc thân mến ạ, cũng chẳng nên tiếc mình bị mất nhiều thời gian đến thế, mà hãy lấy đó làm điều an ủi, rằng chi tiêu của bạn sẽ ít đi và tinh thần của bạn sẽ thoải mái hơn. Còn gì khoan khoái hơn cho những ai thích ngủ vùi khi được nằm khểnh từ tối ngày mồng hai tháng này cho mãi tới sáng ngày mười bốn mới phải dậy. Thế giới chưa bao giờ chấp nhận hoàn toàn cải cách của Gregorius. Giáo hội Chính thống giáo phương Đông, cho rằng không việc gì phải phục tùng quy định của La Mã, vẫn giữ lịch Julius để tính ngày Lễ Phục sinh theo cách của mình, vậy là thế giới Kitô giáo, lẽ ra phải gắn bó bởi có cùng một Đấng Hòa giải, thậm chí đã không thể nhất trí về ngày lễ kỷ niệm Đấng Cứu thế của họ sống lại. Tuy vậy, đối với các sinh hoạt thế tục hằng ngày, cả thế giới Kitô giáo vẫn dùng chung một loại lịch mặt trời thuận tiện cho cả nhà nông lẫn nhà buôn. Trong khi đó đạo Hồi, cương quyết tuân thủ từng lời của Đấng Tiên tri Muhammad và câu chữ chỉ huấn của kinh Koran, vẫn sinh sống theo các chu kỳ của Mặt trăng. Hình lưỡi liềm biểu tượng cho trăng mới xuất hiện trên quốc kỳ của các nước theo đạo Hồi. Cho dù các học giả còn tranh cãi về nguồn gốc của biểu tượng hình lưỡi liềm ấy, điều không còn nghi ngờ là nó rất phù hợp với các dân tộc đã ngoan ngoãn giao phó các mốc thời gian đời mình cho thước đo thần thánh của Mặt trăng. Nó lại có ý nghĩa quan trọng gấp đôi nếu lưu ý rằng đây là một ngoại lệ nổi bật trong đạo Hồi, vốn cấm mọi cách biểu thị các vật thể thiên nhiên. Ít nhất thì cũng ngay từ thế kỷ 13 hình lưỡi liềm đã trở thành biểu tượng quân sự và tôn giáo của người Ottoman. Có lý do để tin rằng việc nó được chấp nhận và dùng làm biểu tượng trong đạo Hồi lâu như thế bắt nguồn từ vai trò chủ đạo của trăng mới: nó không chỉ đánh dấu sự khởi đầu và kết thúc của mùa nhịn ăn ban ngày kéo dài một tháng trong đạo Hồi mà còn là dấu mốc thường xuyên cho toàn bộ lịch pháp. Trăng mới, theo kinh Koran, “Là thời gian cố định cho mọi người sinh hoạt và cho cuộc hành hương”. Thế giới Hồi giáo, với sự tỉ mỉ chính thống, luôn cố gắng sống theo Mặt trăng. Cũng như Caesar đã cương quyết gắn thế giới của mình với sự tiện lợi của năm mặt trời, Muhammad cũng cương quyết gắn thế giới hằng ngày của mình vào các chu kỳ Mặt trăng. Các chu kỳ Mặt trăng này sẽ chỉ dẫn cho tín đồ những ngày tháng thiêng liêng theo quy định dành cho các nghi lễ tôn giáo trọng đại - hành hương tới Mecca và tháng Ramadan nhịn ăn ban ngày. Năm Hồi giáo gồm mười hai tháng mặt trăng, luân phiên là 29 và 30 ngày. Phần điều chỉnh thập phân để giữ cho các tháng cũng nhịp với Mặt trăng được thực hiện bằng cách thay đổi độ dài của tháng thứ mười hai trong năm. Người ta đã xác định một chu kỳ ba mươi năm Hồi giáo, trong đó mười chín năm có tháng cuối cũng dài 29 ngày, tháng cuối của các năm còn lại gồm 30 ngày. Vì lịch Hồi giáo chỉ gồm 354 hoặc 355 ngày, nên các tháng không có liên hệ cố định với các mùa. Ramadan, tháng thứ chín - tháng nhịn ăn ban ngày mà một tín đồ Hồi giáo đích thực phải tuân thủ - và Dhu’l-Hijja, tháng thứ mười hai, trong hai tuần đầu tín đồ phải hành hương tới Mecca, có thể đến vào mùa hè hoặc mùa đông. Mỗi năm lễ Ramadan và lễ Hành hương đến sớm hơn năm trước mười hoặc mười một ngày. Những bất tiện hằng ngày kiểu đó của lịch chẳng qua là một chứng cứ khác nữa về việc một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo phục tùng ý chí của Đấng Allah. Đối với những người khác, bản thân lịch chỉ đơn giản là thời giờ dự kiến những vụ việc trần thế, nhưng người Hồi giáo biến nó thành sự khẳng định đức tin. Sự phục tùng bất di bất dịch của đạo Hồi đối với chu kỳ Mặt trăng có vài hệ quả thú vị. Sống theo các pha Mặt trăng hiển hiển rõ ràng, do Thượng đế ban tặng (chứ không phải là theo sự tính toán của con người khi nào dự kiến sẽ đến kỳ trăng mới) dĩ nhiên có nghĩa việc cử hành lễ nghi phải đợi đúng khi nhìn thấy Mặt trăng thật sự. Hầu hết các tín đồ Hồi giáo đều có cách hiểu như vậy, do tuân theo phát ngôn xưa nay được coi là của nhà tiên tri Muhammad: “Không nhịn ăn cho đến khi nào người nhìn thấy trăng mới, và không chấm dứt nhịn ăn cho đến khi nào người lại nhìn thấy nó; còn khi nó bị che khuất [bởi mây hay sương mù] thì hãy đợi cho tròn thời hạn.” Nếu mây hay sương mù khiến ở một vài làng mạc không nhìn thấy trăng mới, những nơi này sẽ khởi đầu và kết thúc lễ Ramadan vào những thời điểm khác so với các vùng lân cận. Một trong những vấn đề tranh cãi quyết liệt nhất là liệu có thể cho phép xác định sự khởi đầu và kết thúc các lễ nghi không phải bằng quan sát mà bằng “viện dẫn đến tính toán”. Các thành viên của giáo phái Ismail đã tách biệt mình ra theo xu hướng này, nhưng không thể thuyết phục phần lớn những người anh em cùng tôn giáo vẫn bám giữ nhu cầu quan sát, nghĩa là, phải thực sự nhìn thấy trăng mới. Việc tuân thủ nghiêm ngặt lịch mặt trăng đã trở thành thành trì của lòng trung thành với đạo Hồi truyền thống. “Viện dẫn đến tính toán”, tức là nhờ đến toán học hiện đại tính năm Mặt trời (dương lịch) chứ không chịu dựa theo vòng cương tỏa đơn giản, rõ ràng của chu kỳ Mặt trăng, đã đánh dấu sự nổi loạn thời hiện đại chống lại truyền thống. Năm 1926, khi Kemal Atatürk (Mustapha Kemal) tuyên bố chấm dứt vương quốc Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ và ‘hiện đại hóa” quốc gia này bằng việc thông qua một bộ luật mới, bắt buộc đăng ký hôn nhân dân sự, và quy định bãi bỏ việc đội mũ đuôi seo (fez) đối với nam giới cùng mạng che mặt đối với phụ nữ, ông cũng bãi bỏ lịch mặt trăng của Hồi giáo và phê chuẩn lịch mặt trời của phương Tây. Trong khi nhiều người phương Tây coi lịch chỉ là một hệ thống ghi sổ thời gian, thực tế nó là một trong những thiết chế cứng nhắc nhất của con người. Tính cứng nhắc bắt nguồn một phần từ hào quang thần bí hùng mạnh của Mặt trời và Mặt trăng, một phần từ những ranh giới cố định của các mùa. Các nhà cách mạng thường ra sức thay đổi lịch, nhưng thành quả của họ khá đoản mệnh. Quốc ước của Cách mạng Pháp đã lập ra một ủy ban cải cách lịch, gồm các nhà toán học, một nhà giáo dục, một nhà thơ và nhà thiên văn học vĩ đại Laplace. Ủy ban đó đã soạn ra một thứ lịch mới có tính cân xứng hợp lý quyến rũ. Trong năm 1792, lịch thập phân của họ đã thay tuần bảy ngày bằng tuần mười ngày, được gọi là décade (thập nhật), mỗi ngày trong đó được ban cho một cái tên đánh số bằng tiếng Latin, và ba thập nhật tạo thành một tháng. Ngày lại được chia thành 10 giờ, mỗi giờ gồm 100 phút, mỗi phút gồm 100 giây. Ngoài 360 ngày của 12 tháng nói trên, 5 hoặc 6 ngày bổ sung thêm được đặt cho những cái tên mang tính giáo dục: Les Vertus (Đức hạnh), Le Génie (Tài năng), Le Travail (Lao động), L’Opinion (Ý kiến), Les Récompenses (Phần thưởng), còn ngày nhuận được gọi là Sans-culottide dành cho nghỉ ngơi và thể thao[6]. Loại lịch này nhằm giải thoát vòng kiềm tỏa của giáo hội trong đời sống và tư duy hằng ngày, nhưng chỉ tồn tại một cách khó nhọc được mười ba năm. Khi Napoleon lên cầm quyền ở Pháp, ông cho phục hồi lịch Gregorius với các ngày thánh và ngày lễ truyền thống, vì thế ông nhận được sự ban phước của Giáo hoàng. Ở Trung Quốc, cuộc Cách mạng năm 1911 đã đem lại sự cải cách là du nhập lịch phương Tây bên cạnh âm lịch truyền thống của Trung Quốc. Năm 1929, Liên Xô, với mong muốn xóa bỏ hẳn năm Thiên Chúa giáo, đã thay lịch Gregorius bằng một thứ lịch Cách mạng. Một tuần khi đó chỉ có năm ngày, bốn ngày làm việc, còn ngày thứ năm thì được nghỉ, và mỗi tháng gồm sáu tuần. Những ngày bổ sung cần thiết để một năm có đủ 365 hoặc 366 ngày sẽ là ngày nghỉ. Tên tháng theo lịch Gregorius vẫn được giữ lại, nhưng các ngày trong tuần thì chỉ được đánh số. Đến năm 1940 Liên Xô lại quay trở lại với lịch Gregorius quen thuộc. 1. Vùng đất ở Nam Argentina, (các chú thích cuối trang đều là của người dịch - biên tập). 2. Nhà sử học và hùng biện La Mã (56-120). 3. Bốn giai đoạn thay hình đổi dạng của Mặt trăng trong một chu kỳ: không trăng (hay trăng mới), trăng thượng huyền (khi trăng có hình bán nguyệt), trăng tròn và trăng hạ huyền (khi trăng trở lại hình bán nguyệt). 4. Vua xứ Lydia, mất năm 546 TCN. 5. Vào thời Trung đại, dưới ảnh hưởng của giáo hội Kitô, nhiều nước Tây Âu chọn ngày bắt đầu năm mới không phải là ngày mồng 1 tháng 1 mà là một ngày lễ trọng của đạo Kitô. Nước Anh chọn ngày lễ Truyền tin (25 tháng 3) là ngày bắt đầu năm mới. Tên tháng trong các ngôn ngữ này là tên riêng, không gọi theo số thứ tự như trong tiếng Việt nên không phải đổi khi thay đổi ngày bắt đầu năm mới. 6. Thực ra cả 5 ngày (hoặc 6 ngày nếu là năm nhuận) bổ sung đều có tên gọi chung là Sans-culottide, còn ngày nhuận có tên riêng là ngày Cách mạng (La Révolution). 2 Tuần lễ: Cánh cổng vào Khoa học C HỪNG nào con người còn đánh dấu mốc cuộc đời mình bằng duy nhất các chu kỳ tự nhiên – các mùa thay đổi, các kỳ trăng đầy dần (thượng tuần) và khuyết dần (hạ tuần), thì anh ta còn là tù nhân của tự nhiên. Để thoát ra, tự do đi trên con đường sáng tạo mới lạ, hết sức con người trong thế giới của mình, anh ta phải tạo ra được Công cụ đo thời gian. Và những chu kỳ do Con người tạo ra này mới đa dạng làm sao. Tuần lễ – hoặc cái gì đó tương tự - có lẽ là công cụ đo thời gian nhân tạo sớm nhất. Từ tiếng Anh week (tuần lễ) hình như bắt nguồn từ một từ của phương ngữ Thượng Đức Cổ nghĩa là “thay đổi”, hoặc “rẽ ngoặt” (giống như từ tiếng Anh vicar và tiếng Đức wechsel). Nhưng tuần lễ không phải là một phát minh của phương Tây và không phải ở nơi nào nó cũng gồm bảy ngày. Trong lịch sử, con người đã tìm ra ít nhất mười lăm cách “bó” các ngày lại với nhau, thành những bó từ năm đến mười ngày. Điều chung cho cả hành tinh không phải là “bó” thời gian nào cố định, mà là nhu cầu và mong muốn được "đóng gói” theo cách này hay cách kia. Nhân loại đã bộc lộ một mong muốn tiềm ẩn, không cưỡng lại được là “chơi đùa" với thời gian, làm cho nó phong phú thêm ngoài những gì tự nhiên đã làm sẵn. Tuần bảy ngày theo kiểu phương Tây là một trong những thiết định tùy tiện nhất của chúng ta, thành hình từ nhu cầu dân gian và thỏa thuận tự phát, chứ không phải xuất phát từ luật lệ hay mệnh lệnh của chính quyền. Điều đó diễn ra như thế nào? Tại sao? Khi nào? Tại sao tuần lại có bảy ngày? Người Hy Lạp cổ đại hình như không có tuần. Người La Mã thì có tuần tám ngày. Nông dân làm ruộng suốt bảy ngày, đến ngày thứ tám - ngày phiên chợ (nundinae) – thì đi chợ trên phố thị. Đó là ngày nghỉ ngơi và vui chơi lễ lạt, học sinh nghỉ học, các bố cáo được phát và những cuộc đàn đúm bạn bè diễn ra. Tại sao và khi nào người La Mã ấn định tám ngày và tại sao sau đó họ lại chuyển sang tuần bảy ngày, đến nay vẫn còn chưa rõ. Gần như ở khắp mọi nơi, số bảy có sức quyến rũ đặc biệt. Người Nhật Bản tìm ra bảy vị phúc thần. Rome được xây trên bảy ngọn đồi. Người xưa chọn ra bảy kỳ quan thế giới. Người theo đạo Kitô thời Trung đại liệt kê bảy tội đáng chết. Sự thay đổi từ tám ngày xuống bảy ngày của người La Mã không được quyết bằng một đạo luật chính thức nào. Sang đầu thế kỷ 3, người La Mã đã sống với tuần lễ bảy ngày rồi. Ắt hẳn phải có những ý tưởng mới phổ biến lảng vảng đâu đó. Một trong những ý tưởng ấy là ngày nghỉ Sabbath, có vẻ như nó lan đến La Mã thông qua người Do Thái. “Ngươi hãy nhớ ngày sabbath, mà coi đó là ngày thánh,” Điều Răn thứ tư viết. Trong sáu ngày, người sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabbath kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của người. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ vào ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabbath và coi đó là ngày thánh.” (Xuất Hành 20:8-11) Mỗi tuần các sinh linh của Thiên Chúa lại tái hiện sự Sáng thế của Người. Người Do Thái biến tuần lễ thành dịp kỷ niệm việc họ được giải thoát khỏi tình cảnh nô lệ. “Hãy nhớ người đã làm nô lệ tại đất Ai Cập, và Đức Thiên Chúa của ngươi đã đưa người ra khỏi đó bằng bàn tay mạnh mẽ quyền uy và cánh tay dang rộng: bởi vậy, Đức Thiên Chúa của người đã truyền cho ngươi cử hành ngày Sabbath.” (Đệ Nhị Luật 5:15) Khi người Do Thái kỷ niệm ngày Sabbath, họ đã kịch hóa tính chất lặp đi lặp lại của thế giới họ sống. Cũng có những nhân tố khác, ít mang tính thần học hơn tham gia vào đây, chẳng hạn như nhu cầu nghỉ ngơi hồi phục của cơ thể và trí óc. Ý tưởng ngày thứ bảy được nghỉ, ngay chính cái tên Sabbath (gốc từ tiếng Babylon Sabattu), có vẻ như tồn tại từ những năm tháng người Do Thái còn bị cầm giữ ở Babylon. Người Babylon tuân thủ một số ngày đánh số nhất định ngày thứ 7, ngày thứ 14, ngày thứ 19, ngày thứ 21 và ngày thứ 28 của tháng, khi đó vua của họ không được thực hiện một số hoạt động đặc biệt. Chúng ta còn tìm thấy dấu vết khác nữa ở cái tên Saturday (thứ Bảy), mà người Do Thái, người La Mã và một số dân tộc khác bắt chước họ sử dụng để chỉ ngày Sabbath của mình. Đối với người La Mã, ngày của Satwnus (Sao Thổ) là ngày của điềm xấu, khi mà mọi công việc đều không gặp may, ngày không nên đi chiến trận hay lên đường đi xa. Không một người cẩn trọng nào lại muốn mạo hiểm gặp những bất trắc mà Sao Thổ có thể đem đến. Theo Tacitus, ngày Sabbath vinh danh Sao Thổ vì “trong bảy ngôi sao chi phối vận mệnh con người thì Sao Thổ ở trên thiên cầu (tầng trời) cao nhất và có quyền lực nhất”. Đến thế kỷ 3, tuần lễ bảy ngày đã trở nên phổ biến trong đời sống cá nhân trên khắp đế quốc La Mã. Mỗi ngày được gắn với một trong bảy hành tinh. Bảy hành tinh ấy, xét theo thiên văn hiện đại, gồm cả Mặt trời và Mặt trăng, song không có Trái đất. Thứ tự mà các hành tinh chủ trị các ngày trong tuần là: Mặt trời, Mặt trăng, Sao Hỏa (Mars), Sao Thủy (Mercyrius), Sao Mộc (Juppiter), Sao Kim (Venus), và Sao Thổ (Satwnus). Thứ tự ấy không phải là thứ tự khoảng cách giả định của các hành tinh trên đến Trái đất, cái thứ tự “thông thường” mà Dante về sau đã mô tả các vùng trên thượng giới và theo đó tên của các hành tinh được kể ra trong trường học cho đến tận thời Copernicus. Thứ tự tên ngày trong tuần quen thuộc của chúng ta bắt nguồn từ cái thứ tự hành tinh mà theo đó người La Mã cho là lần lượt “chi phối” giờ đầu tiên của mỗi ngày. Các nhà chiêm tinh thời đó có sử dụng “thứ tự” các hành tinh theo khoảng cách giả định của chúng đến Trái đất, để tính toán “ảnh hưởng” của mỗi hành tinh lên đời sống trần thế. Họ tin rằng mỗi hành tinh sẽ chi phối một giờ, rồi giờ tiếp theo sẽ nhường chỗ cho ảnh hưởng của hành tinh tiếp theo gần Trái đất hơn, và cứ thế cho đến hết chu kỳ của cả bảy hành tinh. Sau mỗi chu kỳ bảy giờ, ảnh hưởng của các hành tinh sẽ lặp lại từ đầu theo thứ tự cũ. Vậy hành tinh “chi phối” mỗi ngày là hành tinh chủ tọa giờ đầu tiên của ngày hôm đó. Hệ quả của quan niệm như vậy là cách đặt tên các ngày trong tuần theo thứ tự quen thuộc ngày nay. Các ngày trong tuần là minh chứng sống động cho sức mạnh cổ xưa của chiêm tinh học. Chúng ta dễ quên mất rằng các ngày trong tuần thực ra được đặt tên theo các “hành tinh” như chúng từng được biết đến ở La Mã hai ngàn năm trước. Các ngày trong tuần trong những ngôn ngữ châu Âu vẫn còn được gọi theo tên các hành tinh. Sự tồn tại dai dẳng ấy trong một số ngôn ngữ còn bộc lộ rõ ràng hơn trong tiếng Anh. Dưới đây là vài ví dụ, tên hành tinh “chủ trị” trong ngoặc: Khi con người muốn hủy bỏ những thần tượng cổ, họ thay thế tên các hành tinh bằng những chữ số đơn giản. Những người theo giáo phái Quaker gọi các ngày trong tuần là Ngày thứ Nhất, Ngày thứ Hai và cứ thế cho đến Ngày thứ Bảy. Họ tổ chức các cuộc hội họp tôn giáo không phải vào ngày Chủ nhật mà vào Ngày thứ Nhất. Tại Israel hiện nay cũng thế, các ngày trong tuần được đánh số thứ tự. Là một trong những ví dụ bất ngờ nhất về sức mạnh của quan niệm hành tinh là việc Kitô giáo đổi ngày Sabbath từ thứ Bảy, ngày của Sao Thổ, sang Chủ nhật, ngày của Mặt trời. Khi Kitô giáo bắt đầu bắt rễ trong Đế quốc La Mã, các Giáo phụ lo lắng về sự tồn tại của các vị thần ngoại giáo trong tên gọi các hành tinh ngự trị trong tuần lễ Kitô giáo. Giáo hội phương Đông đã thành công ít nhiều trong việc loại bỏ ảnh hưởng ngoại giáo này: tên của các ngày trong tuần cả trong tiếng Hy Lạp lẫn tiếng Nga hiện đại không còn theo tên các hành tinh nữa. Nhưng Kitô giáo phương Tây lại sẵn sàng biến các đức tin và định kiến La Mã thành thứ phục vụ cho mục đích của họ. Cha Justin Tử Đạo (khoảng 100-khoảng 165) đã ranh mãnh giải thích với hoàng đế Antoninus Pius và các con ngài (khoảng 150) lý do tại sao người Kitô giáo đã chọn chính ngày đó để đọc kinh Phúc Âm và làm lễ ban thánh thể. “Đúng vào cái ngày gọi là ngày của Mặt trời ấy mọi người sống ở thành thị lẫn nông thôn tụ họp với nhau… và chúng ta gặp nhau vào ngày của Mặt trời vì đó là ngày đầu tiên Thiên Chúa đã biến cải bóng tối và vật chất sơ khai thành thế giới và Jesus Kitô Đấng Cứu thế của chúng ta trỗi dậy từ Cõi chết. Bởi lẽ vào hôm trước ngày của Sao Thổ ngài đã bị đóng đinh trên thập giá, và vào hôm sau ngày của Sao Thổ, tức là ngày của Mặt trời, ngài đã hiển linh trước các tông đồ và môn đồ để dạy bảo họ.” Ngày của Sao Thổ, xưa nay được xem là ngày không may mắn khi mà người Do Thái thấy cách khôn ngoan nhất là nghỉ không làm việc, đã trở thành cái trục chính của tuần lễ. Nhưng cũng còn những ảnh hưởng khác. Những tín đồ Mithra theo thứ tôn giáo thần bí của Ba Tư thờ cúng thần Mặt trời Mithras, một trong số những kẻ cạnh tranh mạnh nhất với đạo Kitô trong Đế quốc La Mã, đã chọn tuần lễ bảy ngày. Dĩ nhiên là họ sùng bái đặc biệt cái được mọi người gọi là ngày của Mặt trời. Khi đó, người Kitô giáo ấn định ngày của Chúa sao cho tuần nào trôi quá cũng gợi nhớ đến bi kịch của Jesus Kitô. Bằng việc tổ chức lễ ban thánh thế, mọi tín đồ Kitô giáo sẽ ít nhiều trở thành một trong mười ba tông đồ trong bữa tối cuối cùng. Kịch bản cho bi kịch huyền bí này dĩ nhiên là nghi thức phụng vụ thánh lễ. Phép bạn thánh thể, giống như các phép bí tích khác, đã trở thành việc trình diễn lặp đi lặp lại một sự kiện tượng trưng thiết yếu của lịch sử giáo hội. Một sự trùng hợp may mắn làm sao khi ngày của Mặt trời lại đúng là ngày của niềm vui và đổi mới từ trước! “Chúng ta sùng kính ngày của Chúa,” một Giáo phụ khác là Maximus ở Turin đã giảng giải vào thế kỷ 5, “bởi vì vào ngày hôm đó, Đấng Cứu thế, giống như Mặt trời mọc xua tan bóng đêm địa ngục, đã tỏa sáng bằng ánh sáng phục sinh. Do vậy con người trên thế gian đã gọi ngày này là ngày của Mặt trời, vì Đấng Cứu thế, mặt trời của sự công chính chiếu sáng mọi thứ.” Ngày của Mặt trời, giống như David đầu tiên, báo trước ánh sáng chói lọi của Mặt trời tỏa ra từ Đấng Cứu thế. Các Giáo phụ coi trùng hợp này là bằng chứng thêm nữa chứng tỏ thế giới từ lâu đã sẵn sàng chờ đón sự xuất hiện của Đấng Cứu thế. Việc tạo ra tuần lễ là một bước tiến nữa trong quá trình con người làm chủ thế giới và vươn tới khoa học. Tuần lễ là sự chia nhóm các ngày bởi chính con người chứ không phải do các thế lực hữu hình của tự nhiên áp đặt, vì ảnh hưởng của hành tinh là vô hình. Bằng cách tìm kiếm những chuyển động đều đặn của các tinh tú, bằng cách hình dung rằng thế giới có thể đang bị thống trị bởi các thế lực tuần hoàn thường xuyên ở khoảng cách xa, các thế lực chỉ có thể xét đoán thông qua tác động của chúng, nhân loại đang chuẩn bị trang bị cho mình một cách thức tư duy mới, thoát ra khỏi nhà tù của cái-lặp-đi-lặp-lại ngàn đời. Các hành tinh, những thế lực phi trần thế, sẽ dẫn dắt nhân loại bước tới thế giới sáng tỏ của lịch sử. Tuần lễ theo các hành tinh là con đường đi vào chiêm tinh học. Và chiêm tinh học là một bước tiến tới các hình thức tiên đoán mới. Những hình thức tiên đoán ban đầu này có thể gọi cho chúng ta manh mối của việc tại sao chiêm tinh học là một bước tiến tới thế giới khoa học. Các nghi lễ cổ xưa mang theo chúng một thứ “khoa học” phức tạp sử dụng các bộ phận của con vật hiến tế để bói hậu vận của người thực hiện hiến tế. Thuật bói xương chẳng hạn, bói bằng cách xem xét mẩu xương của con vật hiến tế. Đến giữa thế kỷ 19, Ngài Richard Burton đã quan sát thấy ở Sindh, trong thung lũng sông Ấn, một kỹ thuật tinh vi vẫn còn được sử dụng để bói toán dựa vào xương bả vai của con cừu hiến sinh. Những người bói xương chia mảnh xương thành mười hai cung, gọi là “nhà”, mỗi cung giải đáp cho một câu hỏi khác nhau về hậu vận. Nếu trong “nhà” đầu tiên, mảnh xương sáng sạch và nhẵn, thì đó là điềm tốt và người được bói sè là người tốt. Nếu trong “nhà” thứ hai, liên quan đến bầy gia súc, mảnh xương sáng sạch và nhẵn, thì gia súc sẽ phát triển, còn nếu có những sọc đỏ và trắng, thì hãy coi chừng kẻ trộm. Cứ như thế mà suy. Thuật bói gan xem gan của con vật hiến sinh để dự đoán, là một trong những kỹ thuật tiên đoán phổ biến sớm nhất ở người Assyria-Babylon. Có lẽ nó cũng được sử dụng ở Trung Hoa thời đại Đồ đồng. Thế rồi người La Mã và nhiều dân tộc khác tiếp tục thực hành thuật này. Những thầy bói quan tâm đến kích thước lớn, hình dáng thú vị và lượng máu trĩu nặng của gan. Một hình mẫu gan bằng đồng tinh tế còn sót đến ngày nay, được tìm thấy ở Piacenza, Ý, có khắc những dòng chữ về cách thức đoán định dựa theo tình trạng của mỗi phần. Mọi hoạt động hoặc trải nghiệm của con người, từ việc thắt nút dây đến lý giải những giấc mơ, đều được coi như điềm báo, chứng tỏ khao khát tìm hiểu tương lai vô cùng mãnh liệt của con người. Khác hẳn với những kiểu tiên đoán trên, thuật chiêm tinh có sự tiến bộ. Chiêm tinh khác ở chỗ đánh giá ảnh hưởng sức mạnh của một loại lực liên tục, thường xuyên, ở cách xa con người. Ảnh hưởng của các thiên thể đến các biến cố trên Trái đất được chiêm tinh học mô tả như là các lực có tính chu kỳ, lặp đi lặp lại, vô hình, giống như những lực sau này thống trị trí óc khoa học. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người nguyên thủy tôn sùng bầu trời và bị cuốn hút bởi các vì sao. Những nguồn sáng đêm đầu tiên từng gọi cảm hứng cho các thầy tư tế của vương quốc Babylon cổ xưa cũng kích thích trí tưởng tượng dân gian. Nhịp điệu cuộc sống đều đều bất biến trên Trái đất đã khiến những ánh hoa lửa trôi nổi trên trời trở thành tấn kịch đầy xúc cảm. Các vì sao đến rồi đi, mọc rồi lặn, dịch chuyển ngang dọc bầu trời, đã trở thành những cuộc xung đột và phiêu lưu của thần linh. Khi mà hiện tượng mặt trời mọc rồi lặn tác động đến đời sống trên Trái đất nhiều đến vậy, thì hà cớ gì mà chuyển động của các thiên thể khác không tác động như thế? Người Babylon bèn biến cả bầu trời thành sân khấu cho trí tưởng tượng của họ về thần thoại. Giống phần còn lại của tự nhiên, trời cũng là khung cảnh của một tấn kịch sinh động. Giống như lục phủ ngũ tạng của những nạn nhân bị hiến tế, trời được chia thành các khu vực, chứa những nhân vật kỳ lạ. Sao Hôm, sau này được gọi là Sao Kim - thiên thể sáng rực rỡ hàng đầu, chỉ thua Mặt trời và Mặt trăng - đã trở thành con sư tử rực sáng lang thang trên trời từ đông sang tây. Thần EL vĩ đại, ghen tức một tinh tú ngòi ngòi và mọc cao đến thế, đã kết liễu con sư tử hết lần này đến lần khác khi bình minh tới. Sách Cựu Ước đã thể hiện tưởng tượng ấy trong hình ảnh sao Mai bị quật xuống vì thói cao ngạo của mình: “Hỡi tính tú rạng ngời, con của bình minh, chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi sao?… Chính ngươi đã tự nhủ: Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa… Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ là Đấng Tối cao” (Isaiah, 14:12-14). Vụ sát hại ban ngày ấy được sứ giả của thần El là Michael (nghĩa là “Kẻ giống như El”) thực hiện. Trên trời các thần đánh nhau, yêu đương, kéo bè cánh liên minh và bày đặt bao nhiêu âm mưu. Làm sao có thể hình dung rằng những biến cố vũ trụ ấy lại không tác động đến đời sống trên Trái đất! Mỗi người nông dân đều biết rằng mây trên trời, ánh nắng ấm của mặt trời, món quà mưa của thượng giới quyết định số phận của mùa màng, do đó thực sự chi phối đời sống của chính bản thân mình. Dĩ nhiên, những sự kiện tình tê hơn, mờ nhạt hơn trên thượng giới cần đến sự giải thích của các thầy tư tế. Sức mê hoặc của trời cao sinh ra một kho tàng truyện kể dồi dào về bầu trời. Sức mạnh của Mặt trời và mưa gió, sự tương ứng giữa những gì xảy ra trên trời và những gì xảy ra dưới đất lại kích thích việc tìm kiếm những tương ứng khác. Người Babylon là một trong số những dân tộc đầu tiên tạo dựng nên một khuôn khổ thần thoại cho những tương ứng vũ trụ ấy. Những tưởng tượng sống động của họ được người Hy Lạp, người Do Thái, người La Mã và các dân tộc khác vĩnh cửu hóa qua các thế kỷ tiếp theo. Lý thuyết về sự tương ứng trở thành chiêm tinh học, tìm kiếm những liên kết mới giữa không gian và thời gian, giữa chuyển động của các vật thể và sự mới mẻ mở ra nơi trải nghiệm con người. Khoa học phát triển sẽ phải phụ thuộc vào ý chí của con người tin vào cái không thể, vượt qua giới hạn của tri thức phổ thông. Với chiêm tinh học, con người đã thực hiện bước nhảy khoa học vĩ đại đầu tiên tiến vào một cơ chế mô tả phương thức những lực vô hình từ khoảng cách rất xa, từ sâu thẳm trên trời lại có thể định hình những chuyện nhỏ bé thường nhật trong đời. Khi đó, trời là phòng thí nghiệm cho môn khoa học đầu tiên của nhân loại, cũng như về sau này, nội tạng của cơ thể người, địa hạt sâu kín bên trong của ý thức con người, những lục địa mờ tối bên trong nguyên tử, sẽ là nền cảnh cho những môn khoa học mới nhất của con người. Trong cuộc đấu tranh không bao giờ ngừng nghỉ nhằm phá tan vòng kiềm tỏa của sự lặp đi lặp lại, con người đã tìm cách áp dụng tri thức ngày càng nhiều của mình về quy luật của những hiện tượng lặp lại ấy. Đủ loại tiên đoán về xã hội nảy nở ở Babylon. Người ta bói toán về những sự kiện lớn: nạn binh đao, hạn hán, dịch bệnh, mùa vụ, những thứ ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng. Hàng bao thế kỷ, chiêm tinh học kiểu ấy vẫn là một kho kiến thức hơn là một học thuyết. Chính người Hy Lạp mới đưa nó lên thành một khoa học. Chiêm tinh học cá nhân - thứ chiêm tinh “tử vi”, hay xem số tử vi - dự đoán số mệnh của một con người dựa vào vị trí các thiên thể lúc người đó ra đời, đã phát triển chậm hơn. Con người đó được gọi là “người mang số tử vi”, còn toàn bộ dự đoán được gọi là lá số tử vi. Người Hy Lạp cũng bị giằng xé giữa mong muốn được biết thông tin tốt lành và nỗi sợ biết thông tin xấu. Các nhà chiêm tinh y thuật Hy Lạp đã chia toàn bộ bầu trời dựa theo các cung hoàng đạo, rồi gán lực của một ngôi sao cụ thể cho mỗi phần cơ thể. Thế rồi những người Hy Lạp chống chiêm tinh công kích toàn bộ lý thuyết về các lực sao bằng những lý lẽ tồn tại cho mãi đến ngày nay. Họ tranh cãi rằng các tên gọi gán cho những ngôi sao là hoàn toàn ngẫu nhiên. Tại sao hành tinh này được gọi là Sao Hỏa, còn hành tinh kia là Sao Thổ hay Sao Kim? Và tại sao các nhà chiêm tinh chỉ giới hạn lá số tử vi cho con người mà thôi? Lẽ đâu những số mệnh ấy không ứng cho mọi động vật? Các nhà chiêm tinh giải thích thế nào về số phận khác nhau của những người sinh đôi? Những người theo thuyết Epicurus, với triết lý được xây dựng trên niềm tin rằng tự do của mỗi người hình thành nên số phận người đó, đã công kích chiêm tinh học, coi đó là một cách khiến con người ta nghĩ mình chỉ là nô lệ của các sao. Ở La Mã cổ đại, chiêm tinh học có được tầm ảnh hưởng mà các thế kỷ về sau hiếm khi nào bằng. Các nhà chiêm tinh - được gọi là Chaldaeus bởi môn khoa học đó phát xuất từ người Chaldea hay Babylon, hoặc mathematicus[1] Vì những tính toán thiên văn của họ - đã được thừa nhận là một nghề với tiếng tăm thay đổi tùy thời. Dưới thời Cộng hòa La Mã các nhà chiêm tinh có thế lực mạnh và bị ghét đến nỗi năm 139 TCN họ bị đuổi không chỉ khỏi thành Rome mà khỏi toàn đất Ý. Về sau, dưới thời đế chế, khi những tiên đoán nguy hiểm khiến vài nhà chiêm tinh phải hầu tòa về tội phản bội, nghề này nhiều lần bị cấm đoán. Nhưng có khi chính hoàng đế từng đuổi vài nhà chiêm tinh vì đã đoán gở lại sử dụng những nhà chiêm tinh khác để họ hướng dẫn cho cung đình. Một số lĩnh vực bị cấm tiệt. Cuối thời đế chế, dù đã được khoan thứ hay khuyến khích, giới chiêm tinh cũng bị cấm bói về cuộc sống của hoàng đế. Dù nỗ lực, các hoàng đế Kitô giáo cũng không ngăn cản nổi chiêm tinh học. Nhà sử học Ammianus Marcellinus ghi lại vào cuối thế kỷ 4, sau khi hoàng đế Constantine chính thức cải toàn bộ đế quốc La Mã theo đạo Kitô: “Có nhiều người không dám tắm, không dám ăn, không dám xuất hiện trước công chúng, cho đến chừng nào họ cần mẫn tham vấn được vị trí của Sao Thủy và mặt chiếu của Mặt trăng, theo các quy tắc chiêm tinh học. Điều đặc biệt là tính cả tin hão huyền ấy lại thường bộc lộ ở những kẻ nghi hoặc tà đạo, những kẻ đã báng bổ nghi ngờ hoặc phủ nhận sự tồn tại của sức mạnh thiên giới.” Cho tới lúc ấy, sức mạnh của bảy hành tinh đã được xác nhận bằng cách lặng lẽ biến tuần tám ngày thành tuần bảy ngày, với mỗi ngày lệ thuộc vào một trong bảy hành tinh. Khi người La Mã đi xem các cuộc đua ở đấu trường của đế chế, sức mạnh của tinh tú thể hiện ở khắp mọi chỗ. Trên mỗi ngăn trong mười hai ngăn mà từ đó các cỗ xe chiến mã bắt đầu cuộc đua, đều vẽ ký hiệu của một trong mười hai chòm sao hoàng đạo. Mỗi đường chạy trong số bảy đường đua thể hiện quỹ đạo trên trời của mỗi hành tinh trong số bảy hành tinh. 1. Gốc của từ chỉ nhà toán học trong nhiều ngôn ngữ châu Âu hiện nay. 3 Thiên chúa và các Nhà chiêm tinh C HIÊM tinh học đã kết duyên những nhu cầu của con người với nhau để sau đó nhiều thế kỷ chúng ly dị, tách thành khoa học và tôn giáo. Có phải chiêm tinh học ở La Mã cổ đại chỉ đơn giản là thuyết định mệnh mê tín, là sự đắc thắng của cái phi lý, như các sử gia thường nói? Không phủ nhận rằng sự kính sợ các vì sao - “những vị thần hữu hình” ấy - đã khơi dậy sự kính sợ các nhà chiêm tinh. “Người được các đấng thần linh tiết lộ tương lai,” Arellius Fuscus, một nhà hùng biện có tiếng của thời đại Caesar Augustus, “người áp đặt ý muốn của mình lên cả vua chúa lẫn thường dân, người ấy không thể sinh từ cùng cái bụng tầm thường đã sinh ra người trần mắt thịt chúng ta. Người đó phải thuộc hạng siêu nhiên. Biết được thiên cơ, bản thân người ấy cũng là thần thánh… Nào, chúng ta hãy nâng cao trí tuệ bằng phương tiện khoa học tiết lộ cho chúng ta biết tương lai, và trước giờ chết đã định chúng ta hãy nếm trải niềm vui sướng của kẻ được ban phước.” Nhưng tôn giáo thiên thể đã không thể tách khỏi khoa học thiên thể. Những nhà khoa học hàng đầu đều tin chắc rằng các ngôi sao ảnh hưởng đến các sự kiện của con người. Họ chỉ không nhất trí với nhau về việc sức mạnh của các ngôi sao ảnh hưởng theo cách nào. Bộ bách khoa khoa học vĩ đại của thời đại ấy, cuốn Lịch sử tự nhiên của Pliny, đã truyền bá những nguyên lý cơ bản của chiêm tinh học bằng cách chỉ ra ảnh hưởng của các ngôi sao ở khắp mọi nơi. Lời phàn nàn duy nhất của Seneca là các nhà chiêm tinh chưa đủ thâm hậu. “Cái gì chứ? Anh nghĩ biết bao nhiêu ngàn ngôi sao tỏa sáng vô ích sao? Quả thực, còn nguyên nhân gì khác khiến cho những người thành thạo tử vi từ thuở lọt lòng lại mắc sai lầm, ngoài chuyện họ gán số phận chúng ta cho vài ba tinh tú, trong khi tất cả những vì sao trên đầu đều dự phần trong việc kiểm soát số phận chúng ta?… Mà ngay cả những ngôi sao bất động kia, hoặc vì tốc độ của chúng bằng với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ, nên có vẻ như không chuyển động, cũng không phải là không chi phối chúng ta.” Người có ảnh hưởng nhất trong số những nhà khoa học La Mã cổ đại cũng tỏ ra là một bậc có uy tín lâu dài nhất trong chiêm tinh học. Ptolemy (tức Claudius Ptolemaeus ở Alexandria) đã có một khảo luận bề thế mang lại cho môn khoa học này bề dày tri thức và sự tôn kính suốt cả ngàn năm sau. Nhưng danh tiếng của ông bị sứt mẻ vì số phận của hai lý thuyết sai lầm về cơ bản song lại được khuếch trương thái quá. Cả hai lý thuyết đều thịnh hành vào thời của ông, cả hai lý thuyết đều được phát triển và lưu lại hậu thế trong các trước tác của ông. Thuyết địa tâm, hay thuyết Ptolemy về vũ trụ đã trở thành tấm gương điển hình hiện đại về sai lầm thiên văn học. Tương tự như vậy, quan điểm cho rằng đất liền chiếm hầu hết bề mặt Trái đất đã trở thành tấm gương điển hình về sai lầm địa lý. Hai quan niệm sai được phổ biến rộng rãi này đã làm lu mờ những thành tựu khổng lồ của Ptolemy. Thế nhưng kể từ Ptolemy đến nay, chưa có ai từng khảo sát tổng hợp toàn bộ kiến thức khoa học đương thời một cách toàn diện bằng ông. Vậy mà cuộc đời của thiên tài bách khoa này vẫn là một bí ẩn. Khả năng là hậu duệ của những người nhập cư Hy Lạp, Ptolemy (90-168) sống ở Ai Cập dưới sự trị vì của các hoàng đế Hadrian và Marcus Aurelius. Thành phố Alexandria thời ông tiếp tục là trung tâm học thuật lớn kể cả sau lần thư viện nổi tiếng bị Caesar đốt rụi năm 48 TCN. Quan niệm của Ptolemy về vũ trụ ngự trị trong dân gian lẫn văn chương suốt thời Trung đại. Thế giới được mô tả trong Thần khúc của Dante lấy thẳng từ tác phẩm Almagest của Ptolemy. Về nhiều phương diện Ptolemy đã đóng vai nhà tiên tri. Bởi vì ông đã mở rộng việc áp dụng toán học để phục vụ khoa học. Trong khi đúc rút từ những quan sát tốt nhất đã có từ trước, ông nhấn mạnh tính cần thiết phải có sự quan sát lặp đi lặp lại, ngày càng chính xác hơn. Quả thực, Ptolemy là người báo hiệu tinh thần khoa học, người tiên phong không được ca ngợi cho phương pháp thực nghiệm. Chẳng hạn, trong lượng giác, bảng các dây cung của ông đã đạt độ chính xác đến năm chữ số thập phân. Trong hình học cầu, ông đã đề ra một cách giải đẹp đẽ cho các bài toán về đồng hồ mặt trời, vốn có tầm quan trọng đặc biệt vào thời đại chưa có đồng hồ cơ khí. Không có ngành khoa học thực thể nào mà ông không khảo sát và tổ chức lại thành những hình thức tiện lợi mới mẻ. Địa lý, thiên văn, quang học, hòa âm học - ngành nào ông cũng diễn giải chi tiết thành hệ thống. Nổi tiếng nhất trong số này là khảo luận của ông về thiên văn nhan đề Almagest. Cuốn Địa lý của ông, nhằm vẽ bản đồ toàn bộ thế giới đã biết hồi đó, đi tiên phong trong việc liệt kê các địa điểm một cách có hệ thống bằng vĩ độ và kinh độ. Cũng ở đây, ông đề xuất phương pháp cải tiến để chiếu các bề mặt cầu lên các bản đồ mặt phẳng. Với những tư liệu thực tế nghèo nàn mà ông có được, bản đồ “thế giới đã biết” của Ptolemy, tức bản đồ Đế chế La Mã, là một thành tựu tuyệt vời. Ông chứng tồ tài năng khoa học cốt yếu: xây dựng các lý thuyết cho phù hợp với dữ liệu đã có và thử nghiệm các lý thuyết cũ bằng những dữ liệu mời. Người Arập đánh giá cao tầm cỡ công trình của Ptolemy và đưa tên tuổi ông sang phương Tây. Tác phẩm thiên văn học của ông được định mệnh khoác cho cái tên Arập (Almagest, xuất xứ từ chữ al majisti, “biên soạn vĩ đại nhất”), còn Địa lý của ông được dịch sang tiếng Ả Rập đầu thế kỷ 9. Bộ Tetrabiblos (Tứ thư), gồm bốn cuốn sách về chiêm tinh học, mà Ptolemy coi là tác phẩm bổ trợ của Almagest, cũng đi sang phương Tây thông qua bản tiếng Arập. “Tôi chỉ là người trần tục,” Ptolemy viết, “tôi biết rằng mình đã sinh ra vào một ngày nào đó, nhưng khi tôi dõi theo hằng hà sa số những vì sao ken nhau trong tiến trình vòng tròn của chúng, chân tôi dường như không còn chạm đất nữa; tôi đã thăng thiên đến tận chỗ của thần Zeus để hưởng món cao lương mỹ vị của các thần linh.” Ông đã giúp những người khác chạy trốn khỏi các chu kỳ Trái đất để bước vào cõi bí ẩn thượng giời. Tứ thư của Ptolemy trở thành cuốn sách giáo khoa hàng đầu về chiêm tinh học, một trong bốn cuốn quan trọng nhất nếu muốn tìm hiểu về khoa học thời Trung đại. Trong khi Almagest dự đoán các vị trí thay đổi của thiên thể, thì chiêm tinh học của ông lại dự đoán ảnh hưởng của chúng đến các sự kiện trên Trái đất. Có phải các chu kỳ của Mặt trời và Mặt trăng có tác động rõ rệt đến những gì diễn ra trên Trái đất không? Vậy tại sao các thiên thể nhỏ hơn lại không tác động đến các sự kiện dưới này? Nếu một thủy thủ thất học có thể dự báo thời tiết nhờ quan sát bầu trời, các nhà chiêm tinh có trình độ lại không thể sử dụng dữ liệu của trời để dự báo các sự kiện con người hay sao? Ptolemy xem ảnh hưởng của sao trời là thuần túy vật lý, chỉ là một trong nhiều lực. Ông thừa nhận rằng dĩ nhiên chiêm tinh học cũng không ít sai sót hơn bất kỳ khoa học nào khác. Nhưng đó không phải là lý do tại sao quan sát cẩn thận sự tương ứng giữa các hiện tượng dưới đất và trên trời lại không đưa đến vài dự đoán hữu ích, dù không chắc chắn được như toán học. Với tinh thần thực tiễn này, chính Ptolemy đã đặt nền móng cho một trong những môn khoa học thần bí lâu bền nhất. Trong số bốn cuốn của bộ Tứ thư, hai cuốn đầu, về “địa lý chiêm tinh” và dự báo thời tiết, nói về ảnh hưởng của các thiên thể lên các sự kiện vật lý trên Trái đất, còn hai cuốn cuối nói về ảnh hưởng của chúng lên các sự kiện con người. Ptolemy triển khai môn khoa học tử vi[1], dự đoán số phận con người dựa theo vị trí của các sao vào lúc người đó sinh ra. Tuy công trình của Ptolemy đã trở thành sách giáo khoa hàng đầu về chiêm tinh học suốt một ngàn năm, nhưng vì ông bỏ qua “chiêm tinh khởi sự” (“catarchic”) - kỹ thuật giải đáp các câu hỏi về tương lai thông qua vị trí của các thiên thể vào thời điểm hỏi[2] - nên tác phẩm của ông chưa thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu của những thầy chiêm tinh. Cuộc phiêu lưu của Ptolemy vào thế giới thần bí của chiêm tinh học còn lưu lại đời sau lâu hơn cả những tác phẩm bậc thầy của ông trong những địa hạt quen thuộc hơn của khoa học hiện đại. Tác phẩm De Revolutionibus (1543) của Copernicus, mở ra kỷ nguyên mời và xác định lại tâm của hệ Mặt trời, về hình thức và nội dung vẫn còn xác nhận ảnh hưởng thống trị của cuốn Almagest. Phải mãi đến nửa thế kỷ sau, khi cuốn Astronomiae Instauratae Mechanica (Những công cụ phục hưng thiên văn học) (1598) của Tycho Brahe thay thế danh mục sao của Ptolemy bằng một danh mục mời dựa hoàn toàn vào các quan sát độc lập, thì dữ liệu của Ptolemy, cũng như thuyết của ông rốt cuộc mời trở nên lỗi thời. Những suy đoán địa lý của Ptolemy về terra incognita (vùng đất chưa biết), và về các phần khác của thế giới cách xa châu Âu đã bắt đầu lạc hậu khi cuốn Địa lý, được dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin, đến với Tây Âu năm 1406. Ấy thế mà nó vẫn còn phổ biến rất lâu, vì được coi là bản hướng dẫn tốt nhất về “thế giới đã biết” ở phương Tây. Những bản đồ xuất bản vào hai thế kỷ 15 và 16, kể cả bản đồ châu Âu lớn của chính Mercator xuất hiện năm 1554, nói chung vẫn dựa vào Ptolemy, và phép chiếu bản đồ của ông tiếp tục nuôi dưỡng ngành bản đồ học trong suốt thế kỷ 16. Trong khi đó Tứ thư của Ptolemy vẫn là cẩm nang về chiêm tinh học. Nó được tái bản hai lần - một lần ở Anh, một lần ở Đức - trong Thế chiến II, khi mà nó vẫn được cho là có ích. Vào cái thời con người còn cư trú loanh quanh trên đất liền, chiêm tinh học thể hiện sự chuyển biến lớn lao của tình cảm con người. Cả một vũ trụ khác biệt ngăn cách giữa cơn say kiểu cũ vì rượu của thần rượu Dionysus, được Euripides miêu tả trong bi kịch Bacchae (Những tín đồ Dionysus) và trạng thái đê mê kiểu mời vì sao trời, thứ chủ nghĩa thần bí mời gợi hứng từ các tinh tú. Từ đây, như sử gia tôn giáo Franz Cumont nhận xét: “Ánh sáng thuần khiết đã được lý trí sử dụng để thỏa mãn cơn khát chân lý của mình; và ‘cơn say tiết chế làm lý trí thăng hoa đến tận các vì sao, đã thức tỉnh trong nó thứ nhiệt huyết không gì khác ngoài khao khát nồng nàn về tri thức thần thánh. Nguồn cơn cảm giác thần bí đã chuyển từ mặt đất lên trời cao.” Quyền lực phổ biến của các nhà chiêm tinh ngoại giáo đã gây lo lắng cho những nhà tiên tri thuở ban đầu của Kitô giáo. Các Giáo phụ, tự cho mình có quyền năng đoán trước số phận con người ở kiếp sau, đã tỏ ra khó chịu vời quyền năng tiên đoán của những kẻ vỗ ngực nói rằng mình biết hết số mệnh của mọi người trên Trái đất. Nếu lá số tử vi của đám chiêm tinh gia kia đúng như họ khoe, thì còn đâu chỗ cho ý chí tự do, cho tự do chọn lựa cái thiện chứ không phải cái ác, chọn giữa từ bỏ con quỷ Thần tài hoặc thế quyền của đế chế để ngả theo Chúa Jesus Kitô nữa? Cuộc đấu tranh để trở thành một tín đồ Kitô - nghĩa là từ bỏ sự mê tín ngoại giáo để đổi lấy ý chí tự do Kitô giáo - dường như là cuộc đấu tranh chống lại chiêm tinh học. Thánh Augustinus (354-430) kể lại trong cuốn Những lời thú tội do ông viết: “Những kẻ mạo danh mà người ta gọi là các Nhà toán học [Chiêm tinh học] ấy, tôi đã không đắn đo đi nghe bọn họ bói; bởi hình như họ không sử dụng sự hiến tế nào, cũng không cầu viện đến một đấng thần linh nào để bói về tương lai.” Lời nói của bọn họ thật quyến rũ vời ông: “Nguyên nhân tội lỗi của anh được xác định trên trời không thể thoát được; Sao Kim, hay Sao Mộc, hay Sao Hỏa đã làm điều đó: cho nên đúng ra, con người chỉ là thân xác và máu thịt cùng với sự mục nát cao ngạo mà thôi, không nên kết tội họ; trong khi chính Đấng Sáng tạo và Đấng An bài nên trời và các sao mời có lỗi.” Augustinus phải rất khó khăn mời bác bỏ được “những bói toán dối trá và sự lẩm cẩm nghịch đạo của các nhà chiêm tinh”. Hai người quên đã nhắc chàng trai Augustinus rằng “chẳng có tài nghệ nào trong việc tiên đoán hậu vận, những phỏng đoán của lũ người ấy là một thứ xổ số, và rằng nhiều cái họ nói sẽ xảy ra, có vài cái thực sự đã xảy ra, những cái khiến người nói ra cũng bất ngờ, đều chỉ là nhờ ăn may khi nói thật nhiều”. Vào đúng thời điểm thiên mệnh ấy khi Augustinus đang nhen lên mối nghi ngờ, thì Thiên Chúa đã “đem đến cho tôi một người bạn, chẳng phải chăm đi xem bói chiêm tinh cũng chưa hẳn thạo cái trò ấy của họ, nhưng… tò mò muốn xem họ bói toán ra sao, và còn biết đôi chuyện mà anh ta nói từng nghe từ người cha của mình có tác dụng đánh đổ cái trò bói toán kia, mà anh ta không để ý”. Chính người bạn Firminus này đã kể một câu chuyện khiến chàng trai Augustinus rũ bỏ niềm tin ngoại giáo. Cha của Firminus, một người ham thử nghiệm chiêm tinh học, luôn ghi lại vị trí các sao và “tỉ mẩn đến mức ghi lại chính xác ngày giờ sinh của lứa chó con nhà ông”. Cha của Firminus biết rằng một cô hầu nhà mình sẽ ở cữ đúng vào dịp vợ ông cũng ở cữ. “Cả hai người trở dạ cùng một lúc; vậy sẽ có hai lá số tử vi giống nhau đến từng chi tiết, một cho con trai ông, một cho đứa con cô hầu. Ngay khi hai người phụ nữ trở dạ, gia đình ông và người hầu sẽ thông báo cho nhau những gì diễn ra trong nhà họ. Có những gia nhân túc trực, sẵn sàng được cử sang nhà bên kia thông báo ngay khi sự sinh nở diễn ra: họ sinh nở dễ dàng tại nhà. Thế rồi người đưa tin từ hai nhà gặp nhau, theo xác nhận của ông, ở đúng giữa quãng đường nối hai nhà, và họ không thể phát hiện ra sự sai biệt nào trong vị trí các sao, cho đến từng chi tiết. Ấy vậy mà Firminus, ra đời trong cảnh phú quý tại nhà cha mẹ mình, đã có đường đời dát vàng, lớn lên trong sự giàu sang, được nuôi dạy nên danh giá, còn con nhà nô bộc kia vẫn tiếp tục phục vụ chủ mà không hề được ngơi tay khỏi cái ách nô bộc, như chính Firminus, người biết rõ cậu kia, đã kể cho tôi nghe.” Số phận khác nhau của hai người sinh cùng thời điểm đã gây ấn tượng mạnh đối với Augustinus, như là lý lẽ hiển nhiên và thuyết phục nhất chống lại chiêm tinh học. Không chỉ trong cuốn Những lời thú tội có tính tự truyện, mà cả trong tác phẩm lý luận lớn là Thành đô Thiên Chúa, thánh Augustinus cũng bỏ nhiều công sức chống lại các nhà chiêm tinh. Số phận của Đế quốc La Mã, cũng như của mọi vương quốc khác, ông lý luận, được hình thành không phải bởi các sao, mà bởi ý chí của Thiên Chúa. Lập luận đanh thép của ông rút từ Kinh Thánh là ví dụ về Jacob và Esau, “hai đứa sinh đôi sinh ra gần nhau đến nỗi đứa sau bám gót đứa đầu; ấy thế mà cuộc đời, tính cách và hành động của chúng khác nhau một trời một vực, và chính sự khác nhau này khiến chúng thành kẻ thù của nhau.” Ông còn nêu những trường hợp sinh đôi khác nữa. Chiêm tinh học đối với các Giáo phụ Kitô vẫn là đối tượng bị ghét cay ghét đắng. Niềm tin vào một số phận được định sẵn bởi các sao đã thúc đẩy những người La Mã, chẳng hạn như hoàng đế Tiberius, đến chỗ không còn sùng kính ngay cả các thần linh ngoại giáo của họ. Tertullian (khoảng 160-khoảng 230) đã lên tiếng phản đối chiêm tinh học vì “con người, khi đã dám cho rằng số mệnh mình được quyết định bất biến bởi các sao, sẽ nghĩ rằng không cần phải tìm kiếm Thiên Chúa làm gì nữa”. Những nhà thần học khôn ranh thời Trung đại đã tìm được ứng dụng thần thánh cho niềm tin rộng khắp vào sức mạnh của tinh tú. Cả Albertus Magnus (Albert Cả) lẫn Thomas Aquinas đều đã thừa nhận ảnh hưởng chi phối mạnh mẽ của các sao, nhưng họ khăng khăng quả quyết rằng tự do của con người chính là sức mạnh của anh ta chống lại ảnh hưởng đó. Ngay cả nếu như các nhà chiêm tinh học thường đoán đúng, Aquinas giải thích, thì thông thường những biến cố ấy có liên quan đến nhiều người. Trong những trường hợp như vậy thì cảm xúc của nhiều người sẽ áp đảo sự sáng suốt hợp lý của số ít người, và ý chí tự do của cá nhân người Kitô hữu sẽ không được thực hiện. Các nhà thần học tầm cỡ thời Trung đại đã sốt sắng tận dụng niềm tin phổ biến về chiêm tinh học để củng cố những chân lý của đạo Thiên Chúa. Họ thích nhân mạnh điềm sao trời báo trước Đức Mẹ Đồng trinh sinh hạ Chúa Jesus Kitô. Vậy là bản thân Chúa Jesus Kitô không chịu sự chi phối của các sao, mà chính các sao báo hiệu sự xuất hiện của Người. Không thế thì giải thích thế nào sự hiện diện của Ngôi Sao thành Bethlehem? Chả phải ba đạo sĩ, những bậc thông tuệ biết đi theo ngôi sao ấy là những nhà chiêm tinh học thực thụ có học thức đó sao?[3] 1. Đây là khoa tử vi phương Tây, khác với tử vi Trung Hoa thịnh hành ở Việt Nam. 2. Nói cách khác “chiêm tinh khởi sự” đề cập việc chọn thời điểm “khởi sự” (xuất hành, khởi đầu một công việc…) có ảnh hưởng đến thành bại của công việc, qua đó khẳng định con người có thể thay đổi một phẩn định mệnh. 3. Kinh Thánh (Tin mừng theo Thánh Matthew 2:1 -11) ghi rằng ngôi sao mới xuất hiện chỉ đường cho các nhà chiêm tinh học (cũng là tu sĩ) đến nơi ở của Chúa Jesus mới ra đời tại Bethlehem. PHẦN II TỪ GIỜ MẶT TRỜI ĐẾN GIỜ ĐỒNG HỒ Thần linh hãy phạt cho nghiêm Kẻ phân giờ giấc đầu tiên trên đời, Thêm tội nữa: bóng mặt trời, Làm đồng hồ chạy ở nơi nắng này Đem cắt vụn chẳng chùn tay Thành từng đoạn nhỏ cả ngày của tôi. —PLAUTUS (khoảng 200 TCN) 4 Đo lường Thời gian Ban đêm K HI mà nhân loại còn sinh sống bằng trồng trọt và chăn nuôi bầy gia súc thì gần như chưa có nhu cầu đo các đơn vị thời gian tương đối ngắn. Các mùa là quan trọng nhất - để biết khi mưa, khi nắng, khi tuyết rơi, khi lạnh giá. Thế thì cần gì đến giờ và phút? Thời gian ban ngày mới là quan trọng, vì đó là khoảng thời gian duy nhất mà con người có thể làm việc. Khi đó, đo thời gian có ích là đo giờ giấc của mặt trời. Không có thay đổi nào trong trải nghiệm hằng ngày tai hại hơn sự mất đi cảm giác tương phản giữa ngày và đêm, giữa ánh sáng và bóng tối. Thế kỷ của ánh sáng nhân tạo đã dần dần khiến ta quên đi ý nghĩa của đêm. Cuộc sống trong các thành phố hiện đại luôn luôn là thời khắc ánh sáng và bóng tối hòa trộn với nhau. Nhưng trong hầu hết lịch sử nhân loại dài đằng đẵng, đêm đồng nghĩa với bóng tối đầy đe dọa của cái chưa biết. “Đừng bao giờ chào kẻ lạ trong đêm,” bộ kinh thư Talmud của đạo Do Thái (khoảng 200 TCN) khuyên, “Vì đó có thể là ma quỷ”. Chúa Jesus tuyên bố (John 9:4- 5): “Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Ít có đối tượng nào lại thu hút trí tưởng tượng văn chương đến vậy. Giữa lòng cái bóng đêm thăm thẳm chết chóc chính là bối cảnh để Shakespeare và những kịch gia khác đặt tội ác của những nhân vật mà họ sáng tạo vào. Ôi đêm tối xua tan yên ổn; Gọi trong ta địa ngục hãi hùng; Nơi chứng nhận nỗi tối tắm hổ thẹn: Nơi bung ra bao án mạng thảm thương; Tội lỗi ẩn nơi đây trong hỗn độn; Cái ác trốn vào đây, được dung dưỡng chở che. Bước đầu tiên nhằm làm cho đêm tối giống ban ngày hơn đã diễn ra từ lâu trước khi con người quen với ánh sáng nhân tạo. Đó là khi con người nô đùa với thời gian, rồi chia nhỏ nó ra để đo lường. Con người cổ đại đã đo năm và tháng, rồi định cỡ cho tuần, nhưng những đơn vị thời gian ngắn hơn vẫn còn rất mơ hồ và ít có vai trò gì trong trải nghiệm thông thường của con người mãi cho đến cách đây vài thế kỷ. Đơn vị giờ đồng đều và chính xác là một phát minh thời Cận đại, phút và giây chiếu sáng, thì lẽ tự nhiên là những cố gắng đầu tiên chia thời gian sẽ căn cứ vào hành trình của mặt trời đi qua bầu trời. Đồng hồ mặt trời, tức đồng hồ đo bóng râm, là những dụng cụ đo đầu tiên nhằm mục đích ấy. Nghĩa ban đầu của từ tiếng Anh dial (bắt nguồn từ tiếng Latin dies, nghĩa là ngày, tiếng Latin thời Trung đại là dialis), mà từ đó đến nay đã mang thêm nhiều nghĩa khác, chính là đồng hồ mặt trời. Người nguyên thủy đã nhận thấy rằng bóng râm của một cái cọc thẳng đứng (cột đo giờ hay gnomon, gốc từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “biết”) trở nên ngắn hơn khi mặt trời lên cao trên trời, và dài hơn khi mặt trời sắp lặn. Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng một dụng cụ như thế, và chúng ta thấy được một cái có từ thời Thutmose III (khoảng 1500 TCN) còn tồn tại đến ngày nay. Đó là một thanh ngang dài chừng ba chục xentimét, một đầu gắn với cấu trúc hình chữ T, nó sẽ hắt bóng xuống các vạch chia trên thanh ngang. Buổi sáng thanh này được đặt với bộ phận hình chữ T quay về hướng đông; đến trưa dụng cụ quay ngược lại, với hình chữ T hướng về phía tây. Khi ngôn sứ Isaiah hứa chữa lành bệnh cho vua Hezekiah bằng cách quay ngược thời gian, ông đã tuyên bố rằng mình sẽ làm điều đó bằng cách khiến cho bóng Mặt trời lui dần. Qua bao thế kỷ, bóng Mặt trời vẫn là thước đo thời gian phổ biến. Đó cũng là phương pháp đo tiện lợi, vì một đồng hồ mặt trời đơn giản có thể được tạo ra ở bất kỳ đâu bởi bất kỳ ai mà không cần kiến thức hay công cụ gì đặc biệt. Nhưng dòng chữ hân hoan “Tôi chỉ đếm những giờ có ánh nắng” khắc trên các đồng hồ mặt trời hiện đại lại thông báo sự hạn chế rõ ràng trong việc đo đếm thời gian của đồng hồ mặt trời. Đồng hồ mặt trời đo đếm dựa vào bóng râm do Mặt trời tạo ra, mà không có ánh nắng Mặt trời thì không có bóng râm. Như vậy, đồng hồ mặt trời chỉ hữu dụng ở những vùng nào có nhiều ánh nắng Mặt trời, và nó cũng chỉ hoạt động được khi Mặt trời đang tỏa sáng. Ngay cả khi Mặt trời đang chiếu sáng thì chuyển động của bóng râm cũng chậm đến mức không thể đánh dấu chính xác các phút và hoàn toàn vô dụng trong việc chia nhỏ đến giây. Mặt đồng hồ đánh dấu thời gian ban ngày ở bất cứ nơi nào cũng không mấy phù hợp với giờ chuẩn phổ quát, như giờ hiện nay gồm 60 phút của chúng ta. Ở bất cứ nơi nào, trừ đường xích đạo, độ dài của giờ giấc ban ngày thay đổi từ ngày hôm nay sang ngày hôm sau và suốt cả các mùa. Để sử dụng được bóng râm do Mặt trời tạo ra tại bất cứ nơi nào hòng xác định Giờ Trung bình Greenwich (GMT), phải có kiến thức tổng hợp về thiên văn, địa lý, toán học và cơ học. Mãi đến thế kỷ 16, mặt đồng hồ mặt trời mời được chia vạch theo thời gian đích thực đó. Khi môn “khoa học chia vạch trên mặt đồng hồ” phát triển, việc mang đồng hồ mặt trời bỏ túi mới thành mốt. Nhưng lúc đó thì đồng hồ cơ khí để bàn và đeo tay đã xuất hiện, thuận tiện và hữu ích hơn nhiều. Đồng hồ mặt trời thời kỳ đầu còn có những hạn chế khác. Đồng hồ nằm ngang của vua Thutmose III không thể xác định được thời gian lúc sáng sớm hay lúc chiều muộn vì cái bóng của thanh chữ T vươn quá dài, vượt ra ngoài các vạch đo nên không thể ghi dấu trên thang vạch được. Tiến bộ lớn thời cổ đại trong thiết kế đồng hồ mặt trời đã giúp việc chia các giờ ban ngày thành những phần bằng nhau, tuy không giúp gì cho việc xác định giờ chuẩn thống nhất. Đó là đồng hồ mặt trời thiết kế thành cấu trúc bán cầu lõm, tức mặt trong của nửa hình cầu, kim đồng hồ hướng từ phía mép ngoài vào tâm, và mặt đồng hồ ngửa lên phía trên. Đường đi của bóng kim trong bất cứ thời điểm nào đều sẽ là bản sao chính xác đường đi của Mặt trời trên bầu trời hình bán cầu. Đường di chuyển hình vòng cung của mặt trời được đánh dấu trong lòng bán cầu và chia thành 12 phần bằng nhau. Đường đi đó được vẽ cho các thời điểm khác nhau, rồi các vạch chia mười hai “múi” giờ tương ứng được nối với nhau tạo thành những đường cong chỉ những đoạn một phần mười hai thời gian của ban ngày không đều. Người Ai Cập, vốn thạo hình học, đã đạt nhiều tiến bộ trong thiết kế đồng hồ mặt trời. Một mẫu đồng hồ thú vị còn tồn tại đến ngày nay trên Tháp Gió ở Athens. Trên cái tháp tám mặt này, mỗi một hướng trong tám hướng chính được nhân hóa bằng hình ảnh thần gió của chính hướng ấy và mỗi mặt đều mang một đồng hồ mặt trời, do đó người Athens có thể nhìn được thời gian cùng lúc ở ít nhất ba mặt. Đồng hồ mặt trời là vật phổ biến ở Rome đến nỗi kiến trúc sư Vitruvius sống vào thế kỷ thứ nhất TCN đã liệt kê tới 13 loại đồng hồ mặt trời. Nhưng nhiều đồng hồ mặt trời hoành tráng đẹp đẽ mà người La Mã cướp được ở nước ngoài để trang trí cho các biệt thự của họ gần như trở nên vô dụng ở vĩ độ họ sống xét về mặt chỉ giờ giấc. Nếu chúng ta tin theo Plautus (mất năm 184 TCN), thì người La Mã dựa vào đồng hồ mặt trời để ấn định thời gian cho bữa ăn: Thần linh trừng phạt cho nghiêm Kẻ phân giờ giấc đầu tiên trên đời! Thêm tội nữa: bóng mặt trời, Làm đồng hồ chạy ở nơi nắng này, Đem cắt vụn chẳng chùn tay Thành từng đoạn nhỏ cả ngày của tôi. Thuở thơ bé, cái bụng tôi Là đồng hồ tốt, mặt trời thua xa Đến giờ ăn, ắt bảo ta. Mà giờ bụng hỏng, chẳng ra thế nào. Nó không báo, chẳng hiểu sao Vậy là không biết khi nào giờ ăn Mặt trời bảo, mới lăn tăn. Dân tình bụng đói, tìm ăn ngoài đường Lê trên phố, thấy mà thương Bấy giờ mới biết mình thường quên ăn. Ngay cả khi đồng hồ mặt trời đã chia thời gian ban ngày thành những phần bằng nhau, người ta vẫn chưa thể đối chiếu thời gian mùa này với mùa khác. Ngày mùa hè thì dài, do đó giờ mùa hè cũng dài theo. Những chiến binh La Mã dưới thời trị vì của hoàng đế Valentinian I (364-375) đã tập luyện hành quân với tốc độ 32 kilômét trong năm giờ mùa hè. Một “giờ” - một phần mười hai thời gian ban ngày - vào một ngày cụ thể tại một nơi cụ thể sẽ khác với một ngày khác hoặc tại nơi khác. Đồng hồ mặt trời là một thước đo co giãn. Con người đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mặt trời để tính thời gian như thế nào? Chúng ta đã chinh phục ban đêm như thế nào để nó trở thành một phần của thế giới nhận thức? Chỉ khi thoát khỏi vòng cương tỏa của Mặt trời, chúng ta mới học được cách đo thời gian theo một cữ thống nhất khắp mọi nơi. Chỉ khi đó những hướng dẫn hành động, làm việc và chế tạo mới được hiểu chính xác ở mọi nơi, vào bất cứ thời điểm nào. Plato từng nói rằng “thời gian là hình ảnh đang chuyển động của vĩnh cửu”. Do vậy việc đo nhịp bước của nó đã khiến loài người trên khắp hành tinh trăn trở. Bất cứ thứ gì chảy đi, có thể tiêu hao hoặc bị tiêu thụ đều đã được thử sử dụng ở đâu đó để làm công cụ đo thời gian. Tất cả đều là nỗ lực nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Mặt trời, để nắm bắt thời gian một cách chắc chắn hơn, dự báo trước được và đem nó phục vụ con người. Thước đo phổ quát đơn giản, cần thiết hằng ngày, thước đo chính bản thân cuộc sống, phải là thứ gì đó tốt hơn cái bóng đỏng đảnh, trôi nổi, di chuyển chậm chạp và hay bị mờ nhạt kia. Con người phải làm ra được cái gì đó tốt hơn cái công cụ đo thời gian của người Hy Lạp mà “họ gọi là Đồ Săn Cái Bóng”. Nước, vật liệu tuyệt vời chảy được - may mắn cho hành tinh chúng ta là nước phục vụ nhân loại trong rất nhiều cách và tạo cho Trái đất một đặc tính riêng - đã góp phần vào những thành công nho nhỏ đầu tiên của con người trong việc đo đếm giờ giấc ban đêm. Nước có thể nhốt lại trong một cái bát nhỏ nên dễ điều khiển hơn bóng râm do Mặt trời tạo ra. Khi nhân loại bắt đầu sử dụng nước để đo thời gian, thì họ đã tiến một bước nhỏ nữa trong việc biến hành tinh thành ngôi nhà của mình. Con người có thể làm cho nước bị “bắt giữ” chảy nhanh hay chậm, chảy ngày hay đêm. Họ có thể đo dòng chảy bằng những đơn vị đều đặn, không đổi, ở xích đạo cũng hệt như ở vùng đài nguyên[1], vào mùa hè cũng như vào mùa đông. Nhưng hoàn thiện công cụ này mất khá lâu và gian truân. Cho đến khi đồng hồ nước được chế tạo công phu, trở thành một dụng cụ ít nhiều chính xác thì nó bắt đầu bị thay thế bởi thứ khác thuận tiện hơn nhiều, chính xác và lý thú hơn nhiều. Tuy thế, trong phần lớn chiều dài lịch sử, nước giúp ta đo thời gian những khi không có Mặt trời. Trước khi hoàn thiện đồng hồ quả lắc vào khoảng thế kỷ 18, công cụ đo thời gian chính xác nhất có lẽ là nước. Trong bao nhiêu thế kỷ, đồng hồ nước đã chi phối những trải nghiệm hằng ngày - hằng đêm thì đúng hơn - của loài người. Từ khá xa xưa, con người đã khám phá ra rằng mình có thể đo thời gian trôi đi bằng lượng nước nhỏ giọt từ một cái bình đựng. Trong vòng năm trăm năm sau khi đồng hồ mặt trời đầu tiên xuất hiện, người Ai Cập cổ đại đã sử dụng đồng hồ nước. Ở xứ sở nhiều nắng ấy, đồng hồ mặt trời phục vụ họ vào ban ngày, nhưng họ vẫn cần đến đồng hồ nước để đo giờ giấc ban đêm. Thoth, vị thần đêm của người Ai Cập, cũng là thần cai trị sự học, sự viết và sự đo lường, coi sóc cả hai kiểu đồng hồ nước chảy vào và chảy ra. Kiểu chảy ra là bình thạch cao tuyết hoa có vạch đo đánh dấu bên trong và một lỗ nhỏ gần đáy cho nước nhỏ giọt ra. Thời gian được đo thông qua mực nước hạ từ một vạch xuống vạch tiếp theo ở dưới. Kiểu chảy vào sau này, đo thời gian trôi thông qua mực nước dâng lên trong bình, phức tạp hơn vì cần một nguồn cấp nước đều đặn, có điều tiết. Ngay cả những thiết bị đơn giản như vậy cũng vẫn phát sinh các vấn đề. Ở vùng khí hậu lạnh thì độ quánh của nước thay đổi gây khó khăn. Trong bất kỳ thời tiết nào vẫn phải giữ cho đồng hồ chạy với tốc độ không đổi, giữ cho lỗ không bị tắc hoặc toét rộng ra. Đồng hồ chảy ra thì gặp một vấn đề nhỏ khác là tốc độ nước chảy phụ thuộc vào áp suất nước, mà áp suất này lại thay đổi tùy vào lượng nước còn lại trong bình. Do vậy người Ai Cập đã làm vát nghiêng thành bình để mực nước giảm như nhau theo các khoảng thời gian đều nhau. Vấn đề thiết kế một cái đồng hồ nước hữu dụng khá đơn giản nếu mục đích chỉ giống như đồng hồ hẹn giờ ở máy luộc trứng thời nay, là chỉ đo những đơn vị thời gian rất ngắn giống hệt nhau. Nhưng sử dụng đồng hồ nước làm công cụ chia giờ ban ngày hoặc ban đêm thành những phần bằng nhau đặt ra một vấn đề khó khăn là chia độ chính xác. Đêm mùa đông ở Ai Cập dĩ nhiên dài hơn đêm mùa hè. Đồng hồ nước ở Thebes, theo định chuẩn Ai Cập, đòi hỏi đêm mùa hè chỉ dài cỡ mười hai “ngón tay” nước, còn đêm mùa đông lên đến mười bốn “ngón tay”. Những giờ có độ dài khác nhau ấy chỉ là những phần chia nhỏ bằng nhau của toàn bộ giờ ban ngày hoặc ban đêm chứ không phải là giờ của phép đo thời gian cố định. Chúng được gọi là “giờ tạm thời” hay “giờ nhất thời” với nghĩa là một giờ của lúc đó chứ không bằng một giờ của ngày hôm sau. Lẽ ra sẽ đơn giản hơn nhiều nếu chế tạo một chiếc đồng hồ nước để đo một đơn vị thời gian cố định, không thay đổi. Nhưng hàng thế kỷ nữa mời đến lúc thời gian trừu tượng được nắm bắt bởi một cỗ máy đo thứ gì đó không phải là một phần chia nhỏ của ban ngày hay ban đêm. Người Hy Lạp từng hoàn thiện đồng hồ mặt trời để đo thời gian ban ngày nhưng cũng sử dụng đồng hồ nước làm công cụ đo thời gian hằng ngày. Tên gọi rất sinh động mà họ đặt ra, klepsydra, nghĩa là kẻ trộm nước, là dành cho công cụ đo tồn tại trong nhiều thế kỷ này. Họ đã dùng đồng hồ nước để giới hạn thời gian bào chữa ở tòa án Athens. Những đồng hồ tòa án còn tới ngày nay chỉ chạy trong khoảng sáu phút. Demosthenes, trong những phát biểu tố tụng của mình, đã nhắc đến việc hết thời gian cho phép ở đồng hồ nước, và thường yêu cầu cho dừng đồng hồ nước khi ông trích dẫn luật lệ hoặc những lời khai của nhân chứng để khỏi bị hết thời gian nói. Tháp Gió duyên dáng đã phải gắn thêm một bể nước để dự trữ nước cho đồng hồ nước. Ctesibius xứ Alexandria (thế kỷ 2 TCN), nhà vật lý và phát minh tài ba người Hy Lạp, người đã chế tạo ra đàn phong cầm thủy lực và súng khí nén, cũng làm ra một chiếc đồng hồ nước có bộ phận kim nổi để chỉ thời gian trên thang đo theo chiều thẳng đứng ở phía trên. Tuy tinh thông kỹ thuật và cơ khí, người La Mã vẫn dựa vào đồng hồ nước, là thiết bị cơ khí duy nhất của họ để đo thời gian, không kể đồng hồ mặt trời. Từ klepsydra được Latin hóa thành clepsydra - hoặc horologium ex aqua (đồng hồ nước) - họ cải tiến và phổ biến nó thành dụng cụ sử dụng thuận tiện hằng ngày. Họ đã làm những chiếc đồng hồ mặt trời nhỏ xíu có thang đo chỉ xấp xỉ 4 xentimét để có thể bỏ túi được. Đồng thời người La Mã cũng thể hiện tình yêu sự hoành tráng trên Bãi Thần Chiến Tranh (Campus Martius) bằng cột tháp Montecitorio, được dùng làm cột đo giờ cho một chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ, tính giờ giấc bằng cái bóng của nó hắt xuống những đường những vạch bằng đồng trên vỉa hè đá cẩm thạch xung quanh. Người La Mã cho thấy khả năng uyển chuyển tương tự đối với đồng hồ nước của họ. Cũng như các dân tộc thực tiễn và thạo buôn bán khác, họ khá nhạy với giá trị của thời gian. Song họ cũng rất từ từ, thậm chí còn dè dặt, thô sơ khi chia ngày thành những phần nhỏ hơn. Cho đến tận cuối thế kỷ 4 TCN, họ vẫn chỉ chia ngày thành hai phần: trước buổi trưa (gọi là ante meridiem, A.M.) và sau buổi trưa (gọi là post meridiem, P.M.). Một trợ lý cho tổng tài được giao nhiệm vụ theo dõi khi nào Mặt trời lên đến thiên đỉnh thì công bố tại quảng trường Chợ Trung tâm (Forum), vì các luật sư phải có mặt tại các tòa án trước buổi trưa. Sau này người La Mã mới chia thời gian nhỏ hơn. Đầu tiên họ chia mỗi nửa ngày thành hai phần: nửa đầu buổi sáng (mane) và nửa sau buổi sáng (ante meridiem); buổi chiều sớm (de meridie) và buổi chiều muộn (suprema). Rồi họ bắt đầu đánh dấu giờ “tạm thời” dựa theo một chiếc đồng hồ mặt trời mang từ Catana trên đảo Sicily về. Do được làm tại một vĩ độ khác nên nó hầu như không chính xác. Cuối cùng vào năm 164 TCN, quan giám sát Q. Marcius Philippus trở nên nổi tiếng vì đã chế được một chiếc đồng hồ mặt trời dành riêng cho thành Rome. Ngoài đồng hồ mặt trời, một đồng hồ nước cũng được làm ra để đo thời gian vào những ngày sương mù hoặc vào ban đêm. Người La Mã dùng đồng hồ mặt trời để chia vạch và lập thang đo cho đồng hồ nước, biến đồng hồ nước thành công cụ chỉ thời gian phổ biến ở đế chế La Mã. Đồng hồ nước vẫn chỉ ghi nhận giờ “tạm thời”, với việc coi các phép đo ban ngày và ban đêm của tất cả các ngày trong tháng đại khái như nhau, trong khi thật sự thì chúng khác nhau từ ngày này sang ngày khác. Vì không ai ở La Mã có thể biết giờ giấc chính xác, nên khái niệm “đồng thời” là một giá trị không chắc chắn và không phổ biến. Triết gia Seneca thông thái (khoảng 4 TCN-65) đã nhận xét rằng không thể tìm được sự thống nhất giữa các đồng hồ của La Mã, cũng giống như không thể tìm được sự thống nhất giữa các nhà triết học. Giờ trong đời sống hằng ngày của họ - tức là giờ “tạm thời”, bằng một phần mười hai thời gian ban ngày hoặc ban đêm của ngày hôm đó - còn co giãn hơn là chúng ta nghĩ ngày nay. Vào tiết đông chí, cho dù Mặt trời chiếu sáng cả ngày, theo cách thức đo đạc hiện đại bây giờ, thì ánh sáng ban ngày cũng chỉ kéo dài cả thảy 8 giờ 54 phút, so với 15 giờ 6 phút ban đêm. Vào tiết hạ chí, thì độ dài thời gian ban ngày và ban đêm theo thang đo bây giờ sẽ đảo ngược lại đúng theo tỷ lệ đó. Nhưng theo quan niệm của người La Mã thì cả ban ngày lẫn ban đêm đều dài đúng 12 giờ trong suốt cả năm. Ở Rome vào ngày đông chí, giờ đầu tiên ban ngày (hora prima) bắt đầu lúc 7 giờ 33 phút sáng và kết thúc lúc 8 giờ 17 phút sáng, còn giờ thứ 12 (hora duodecima) bắt đầu lúc 3 giờ 42 phút chiều và kết thúc lúc 4 giờ 27 phút chiều, khi đó những giờ ban đêm dài hơn bắt đầu. Quả là hết sức rắc rối cho những người chế tạo đồng hồ! Điều làm chúng ta ngạc nhiên không phải là việc họ không chế ra được một cỗ máy đo đếm thời gian chính xác hơn, mà là trong hoàn cảnh như thế mà họ vẫn có khả năng cung cấp cho chúng ta một dụng cụ ít nhiều đáp ứng được nhu cầu hằng ngày. Với những hệ thống kỳ công chia thang độ, người ta đã làm cho đồng hồ nước chỉ những độ dài biến thiên của giờ từ tháng này sang tháng khác. Chia thang độ cho những lượng biến thiên dài ngắn của ngày này so với ngày khác phức tạp hơn nhiều. Điều đó cũng có nghĩa là đã không có một phương pháp được công nhận nào hòng chia nhỏ các giờ trôi qua của mỗi ngày. Khi nhu cầu hằng ngày đòi hỏi những đơn vị thời gian ngắn hơn, thì một chiếc đồng hồ nước đơn giản sẽ đáp ứng với sự chính xác như cái máy luộc trứng định giờ. Trong phòng xử của tòa án La Mã chẳng hạn, khi luật sư của hai phe đối địch được dành cho khoảng thời gian bằng nhau, thì chiếc đồng hồ nước đơn giản thực hiện nhiệm vụ rất tốt. Để làm việc này, người ta bắt chước người Athens là sử dụng một cái bát có lỗ nhỏ gần đáy. Chiếc đồng hồ cạn nước trong khoảng hai mươi phút. Một luật sư có thể yêu cầu chánh án dành cho ông ta thêm “sáu đồng hồ nước” nữa, tức là khoảng hai giờ hiện nay, để trình bày lý lẽ của mình. Một vị trạng sư bào chữa “giỏi thao thao bất tuyệt” có lần còn xin được “mười sáu đồng hồ nước”, tức là năm giờ! Trong khi người La Mã cũng chia sẻ quan niệm của chúng ta rằng “thì giờ là tiền bạc”, họ còn hay ví thời gian với nước. Ở La Mã cụm từ aquam dare (“ban cho nước”) nghĩa là dành thời gian cho một luật sư, còn aquatn perdere (“mất toi nước”) nghĩa là lãng phí thời gian. Nếu một diễn giả ở Viện Nguyên lão nói quá nhiều lần hoặc quá lâu, những đồng sự của ông ta sẽ la lên là phải lấy nước của ông ta đi. Trong những trường hợp khác người ta có thể kiến nghị xin thêm nước. Luật sư thời đó cũng lắm lời không kém thời nay. Một ông luật sư đặc biệt buồn tẻ đã khiến thi sĩ La Mã Martial (khoảng 40-khoảng 102) tức cảnh viết ra những dòng trào phúng: Bảy đồng hồ nước ông đòi để nói rõ to, Caecilianus, và quan tòa miễn cưỡng cho ông. Nhưng ông nói dài nói dai, đầu ngửa ra để nốc nước ấm từ bình thủy tinh. Sao không một lần ông thử làm thỏa mãn cơn thèm nói và cơn khát của mình, hỡi Caecilianus, bằng cách uống cạn chiếc đồng hồ nước kia! Mỗi bát đầy nước mà nhà thơ khuyên vị luật sư nọ uống cạn sẽ làm quan tòa bởi chán ngán được hai mười phút. Đồng hồ nước đã thách thức trí sáng tạo của người La Mã. Để lỗ thoát nước khỏi bị hư mòn, người ta đã nghĩ ra cách làm lỗ bằng đá quý, giống như sau này thợ đồng hồ cơ khí sử dụng “chân kính”. Kiến trúc sư Vitruvius mô tả rằng một số đồng hồ La Mã có lắp cái phao thông báo giờ bằng cách tung những hòn sỏi hay quả trứng lên không, hoặc phát ra tiếng còi. Đồng hồ nước, cũng giống như cây đàn dương cầm trong nhà tầng lớp trung lưu châu Âu ở thế kỷ 19, trở thành biểu tượng của đẳng cấp. “Chẳng phải trong phòng ăn nhà ông không có một chiếc đồng hồ sao?” Những người thán phục anh chàng mới phất Trimalchio vào thời Nero cai trị hỏi nhau. “Và cả một người thổi kèn trumpet mặc đồng phục không ngừng nhắc ông rằng bao nhiêu phần đời đã bị mất và trôi đi nữa chứ?” Những thế kỷ sau đó, con người ở khắp mọi nơi đều tìm cách sử dụng nước để ghi nhận phần thời gian của cuộc đời đã trôi đi. Người Saxon ở thế kỷ 9 thích dùng một cái bát với vẻ đẹp là kiểu dáng mạnh mẽ, chân quê. Cái bát có một lỗ nhỏ dưới đáy, nổi trong nước và sẽ chìm khi nước vào đầy, sau một khoảng thời gian bằng nhau. Người Trung Hoa, vốn đã có đồng hồ nước đơn giản từ thuở xa xưa, khi ngao du sang phương Tây trở về, đều trầm trồ kể những câu chuyện về các loại đồng hồ nước tinh vi kỳ diệu. Họ đặc biệt mê mẩn một chiếc đồng hồ nước khổng lồ trang hoàng cổng phía đông của Đại Giáo đường Hồi giáo ở Damascus. Cứ đúng mỗi một “giờ” của ngày hay đêm, hai viên bi nặng sáng loáng bằng đồng được nhả ra từ mỏ hai con chim cắt cũng bằng đồng và rơi xuống những cái chén bằng đồng, được đục lỗ sao cho các viên bi quay về vị trí ban đầu. Phía trên những con chim cắt là một hàng cửa mở, mỗi cửa tượng trưng cho một giờ trong ngày, mà trên mỗi cửa lại có một cây đèn chưa thắp sáng. Đúng mỗi giờ trong ngày, khi bi rơi, một tiếng chuông vang lên và cánh cửa tương ứng với giờ đã hết đóng lại. Thế rồi vào ban đêm, các cánh cửa tự động mở ra. Khi bi rơi thông báo mỗi “giờ” của đêm, đèn của giờ đó được thắp lên, tỏa ra ánh sáng đỏ rực, cứ thế đến bình minh thì tất cả các đèn đều đã thắp sáng. Khi ánh sáng ban ngày xuất hiện, các đèn đều tắt và những cánh cửa vào những giờ ban ngày lại lặp lại chu trình cũ. Toàn bộ thời gian này cần có mười một người để bảo đảm cho cỗ máy chạy thông suốt. Không phải nước chảy, mà cát rơi theo thời gian mới là nguồn cảm hứng để các thi sĩ thời Cận đại sáng tác nên những ẩn dụ ưa thích về thời gian trôi. Ở xứ Anh, đồng hồ cát hay được đặt trong quan tài ngụ ý rằng thời gian của đời người đã hết. Bài thánh ca vẫn nhắc: “Cát thời gian đang chìm lắng/ Bình minh trên trời ló ra.” Nhưng đồng hồ cát, đo thời gian bằng cát rơi từ từ, đã xuất hiện muộn mằn trong câu chuyện của chúng ta. Tất nhiên cát khó chảy hơn nước, do đó kém phù hợp hơn cho những thang độ chi li mà những giờ dài ngắn khác nhau của ngày và đêm thuở xa xưa đòi hỏi. Người ta cũng không thể thả nổi kim chỉ thị lên cát. Nhưng cát lại chảy được ở những vùng giá lạnh mà nước đóng băng. Một đồng hồ cát thiết thực và chính xác đòi hỏi tài nghệ của người thợ thủy tinh. Chúng ta nghe nói đến đồng hồ cát ở châu Âu vào thế kỷ 8, khi mà truyền thuyết ghi công cho một nhà tu hành đã chế tạo ra chúng. Khi nghề thủy tinh ngày càng tiến bộ, người ta đã có thể bít kín đồng hồ cát để giữ cho cát trong đó không bị ẩm, làm chậm tốc độ rơi của cát. Các quy trình sấy khô cát cầu kỳ được thực hiện trước khi cho cát vào trong bình thủy tinh. Một khảo luận thời Trung đại hướng dẫn cách thay thế cát bằng một loại bụi mịn, làm từ đá cẩm thạch đen, được đun sôi chín lần trong rượu. Mỗi lần đun sôi, người ta lại hớt bỏ lớp váng bọt và cuối cùng bụi được phơi khô. Đồng hồ cát không mấy thích hợp cho việc chỉ giờ ban ngày. Hoặc là chúng phải có kích thước rất to đâm ra bất tiện - giống như chiếc đồng hồ cát mà Charlemagne đã ra lệnh chế tạo, to đến mức chỉ phải lộn ngược đầu mười hai giờ một lần - hoặc, giả sử nhỏ, chúng sẽ phải lộn ngược đầu khá thường xuyên vào đúng cái lúc mà hạt cát cuối cùng rơi xuống. Một số đồng hồ có mặt số nho nhỏ gắn với cái kim có thể dịch chuyển mỗi lần đồng hồ xoay đầu. Nhưng đồng hồ cát thích hợp hơn đồng hồ nước để đo những khoảng thời gian rất ngắn khi mà người ta chưa biết đến thiết bị đo nào khác. Trên con tàu của mình, Columbus đã ghi nhận thời gian trôi đi bằng một chiếc đồng hồ cát, nửa giờ mỗi khi chảy hết cát lại được xoay ngược đầu để đợi tới đúng bảy giờ cầu kinh hợp chuẩn. Tới thế kỷ 16, đồng hồ cát đã được sử dụng để đo những khoảng thời gian ngắn trong bếp hoặc giúp cha cố (và giáo đoàn của ông) căn thời gian cho bài giảng đạo. Nghe nói một đạo luật ở Anh năm 1483 còn quy định phải đặt đồng hồ lên trên bục giảng kinh cho giáo đoàn nhìn thấy “đồng hồ giảng đạo”. Hạ viện Anh dùng một chiếc đồng hồ cát hai phút để định thời gian chuông reo nhằm thông báo các phe biểu quyết. Thợ xây và thợ thủ công dùng đồng hồ cát để tính giờ làm việc của mình. Giáo viên mang đồng hồ cát đến lớp để căn thời gian cho bài giảng và thời gian làm bài tập của học trò. Một ông thầy ở Oxford vào thời Elizabeth Đệ nhất có lần dọa những học trò lười rằng “nếu các em này không làm bài tập tốt hơn thì ông ấy sẽ mang hẳn một chiếc đồng hồ cát dài hai giờ đến”. Sau thế kỷ 16, đồng hồ cát chỉ còn được sử dụng để đo tốc độ tàu biển. Một sợi dây có các nút thắt cách nhau từng quãng bảy sải[2], một đầu buộc vào tấm gỗ hình quạt nổi ở phía đuôi tàu. Một thủy thủ ném tấm gỗ đó xuống biển phía sau con tàu đang chạy và đếm số nút thắt của dây trải ra trong khi một đồng hồ cát nhỏ căn thời gian nửa phút. Nếu trong khoảng thời gian đó có năm nút chạy dài ra thì con tàu đang chạy với tốc độ năm hải lý mỗi giờ. Trong suốt thế kỷ 19, trên tàu thủy người ta vẫn phải “ném tấm gỗ” mỗi giờ để xác định tốc độ tàu. Vì sự bất tiện là cứ phải trực để lộn đầu đồng hồ kịp thời nên đồng hồ cát không mấy khi được sử dụng để xác định thời gian ban đêm. Thỉnh thoảng, để giải quyết mắc mứu này, người ta đã thử kết hợp một dụng cụ đo thời gian với một dụng cụ thắp sáng. Qua bao thế kỷ, bao nhiêu trí khôn đã được tung ra cho nỗ lực sử dụng lửa vừa để chiếu sáng vừa để đo thời gian ban đêm. Những phát minh ấy tuy độc đáo nhưng không thực tế lắm. Chúng tốn kém, đôi khi còn nguy hiểm, và không bao giờ có thể kết nối thống nhất giữa những giờ ban đêm và những giờ ban ngày. Chừng nào mà “giờ” vẫn còn co giãn, thì đồng hồ lửa, cũng giống như đồng hồ cát, chỉ dùng để đo những khoảng thời gian ngắn cố định chứ không thể sử dụng rộng rãi để đo thời gian cả ngày lẫn đêm được. Nghe đồn một chiếc đồng hồ nến nổi tiếng đã được thiết kế cho Alfred Đại vương (849-899), vua của xứ Tây Saxon, để ngài giữ lời thề đã thốt ra khi phải chạy trốn khỏi xứ sở quê hương. Ngài đã thề rằng nếu lấy lại được vương quốc, ngài sẽ dành hẳn một phần ba thời gian mỗi ngày để phụng sự Chúa Trời. Theo truyền thuyết, khi quay về Anh, ngài đã ra lệnh làm một chiếc đồng hồ nến. Từ 112 gam sáp người ta đã làm ra sáu cây nến dài 12 inch (30 cm), tất cả to đều nhau và khắc vạch 1 inch (2,54 cm). Nến được đốt quay vòng và sáu cây nến sẽ cháy hết trong hai mươi tư giờ. Nến được chắn gió bởi những tấm sừng móng trong suốt bao bằng khung gỗ cho khỏi tắt. Nếu vua Alfred dành ra thời gian đủ cháy hết hai cây nến, ngài có thể yên tâm là đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Các ông vua khác cũng đủ tiền của để dùng nến hoặc dầu đèn đo thời gian: vua Alfonso X xứ Castile (khoảng 1276), vua Charles V nước Pháp (Charles Sáng suốt, 1337-1380), vua Philip I nước Tây Ban Nha (1478- 1506) đã thử dùng đèn đồng hồ. Việc tìm tòi một cây đèn đồng hồ xách tay được đâu dẫn tới việc một thầy thuốc người Milan là Girolamo Cardano (1501- 1576) sáng chế ra một thiết bị kiểu phun tia, sử dụng nguyên lý chân không để hút một dòng dầu không đổi. Cây đèn của Cardano trở thành một dụng cụ chiếu sáng tiện lợi và phổ biến cho đến tận cuối thế kỷ 18. Ngay cả sau khi đồng hồ cơ khí đã được sử dụng rộng rãi, vẫn có những nhà phát minh sáng chế không chịu yên phận tiếp tục thử mọi mưu kế để khuất phục đêm tối và thời gian bằng thiết bị này: người thì dùng lửa đèn dầu để đẩy một cơ cấu đồng hồ, người thì đo mức tiêu hao dầu được hiển thị trên bình đựng trong suốt có chia mức, lại có người đo cái bóng thay đổi của ngọn nến ngắn dần đi hắt xuống một thang chia độ để xác định giờ giấc trôi đi ban đêm. Tại Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, việc sử dụng lửa để đo thời gian đi theo hướng hoàn toàn khác. Tập quán đốt nhang gợi cho họ manh mối chế tạo những thiết bị tài tình và đẹp đẽ. Những hương ấn này tỏa ra mùi thơm dễ chịu khi bột nhang rắc thành đường trong một cái ấn chế tạo công phu liên tục cháy. Thời gian được đánh dấu ở những chỗ trong cái ấn mà lửa cháy lan đến. Một trong những kiểu hương ấn tinh vi nhất là “bách khắc hương ấn” (hương ấn chia trăm khắc[3]), được sáng chế ở Trung Hoa năm 1073, khi nạn hạn hán làm khô cạn nhiều giếng nước nên không thể dùng đồng hồ nước thông thường được. Đến lượt nó, đồng hồ hương Trung Hoa đã kích thích các thế hệ sau tìm ra những cách thức sử dụng đồng hồ lửa thật sinh động và tài tình để đo thời gian tạm thời vốn thay đổi theo mùa. Thiết kế tinh diệu của đồng hồ hương Trung Hoa đã ra đời từ việc cực chẳng đã là phải dựa vào thứ giờ co giãn ấy. Những sáng tạo khéo léo để đo thời gian trôi ban đêm bằng đủ mọi cách dường như không có điểm dừng cho đến khi cách chiếu sáng không tốn kém trở nên phổ biến. Một nhà sáng chế giỏi người Pháp ở cuối thế kỷ 17 là de Villayer đã thử sử dụng cả vị giác. Ông thiết kế ra một chiếc đồng hồ mà vào ban đêm khi ông sờ tay vào kim giờ, nó sẽ hướng tay ông đến một lọ nhỏ chứa gia vị đặt đúng vào chỗ có số chỉ giờ, mỗi giờ ban đêm có một loại gia vị riêng. Như vậy thì dù không nhìn thấy đồng hồ, ông vẫn có thể “nếm giờ” thông qua vị giác. 1. Đài nguyên (tundra) là một vùng rộng lớn có mặt đất luôn đóng băng và cây thân gỗ không thể phát triển, phần lớn nằm ở phía bắc Vòng Cực Bắc (đài nguyên vùng cực) và bên trên đường giới hạn cây gỗ ở các vùng núi cao (đài nguyên núi cao). 2. Một sải (fathom) = 1,82 m. 3. Khắc là đơn vị thời gian. 5 Xuất hiện những Giờ Bằng nhau K HI con người còn để cho thời gian của mình gắn với chu trình luôn thay đổi của ánh sáng ban ngày, họ vẫn lệ thuộc vào Mặt trời. Để làm chủ thời gian, để lồng ghép ban đêm vào toàn bộ một ngày, để chia cuộc đời mình thành những phần gọn ghẽ, dễ sử dụng, con người phải tìm cho ra một cách xác định được những phần nhỏ chính xác, không chỉ là những giờ bằng nhau, mà cả những phút và những giây bằng nhau, thậm chí những phần nhỏ của giây cũng vậy. Anh ta phải chế một cỗ máy. Điều ngạc nhiên là cỗ máy đo thời gian mãi mới ra đời. Đến tận thế kỷ 14, người châu Âu mới chế ra một dụng cụ đo thời gian. Trước đó, như ta thấy, đo thời gian là việc của đồng hồ bóng, đồng hồ nước, đồng hồ cát, đồng hồ nến kết hợp và đồng hồ hương. Trong khi việc đo đếm năm đã có tiến bộ đáng kể từ năm ngàn năm trước, các ngày được nhóm lại thành tuần tiện dụng đã được áp dụng từ lâu, thì việc chia nhỏ ngày lại khác hẳn. Chỉ đến thời Cận đại chúng ta mới bắt đầu sống theo giờ, chứ chưa nói đến phút. Những bước đầu tiên tiến tới việc đo thời gian bằng máy móc, khởi đầu cho đồng hồ hiện đại ở châu Âu, được thực hiện không phải bởi nông dân hay mục đồng, cũng không phải bởi thương nhân hay thợ thủ công, mà bởi những người tu hành lo lắng mong thực hiện không chậm trễ và đều đặn bổn phận với Chúa. Họ cần biết thời gian để ấn định việc cầu kinh. Ở châu Âu, đồng hồ cơ khí đầu tiên được làm ra không phải để chỉ giờ mà để nghe giờ. Những chiếc đồng hồ đích thực đầu tiên là đồng hồ báo thức. Cơ chế hoạt động của đồng hồ đầu tiên ở phương Tây, thứ dẫn chúng ta trên con đường đi tới ngành chế tạo đồng hồ, là bộ máy chạy bằng quả nặng, nó gõ vào một cái chuông sau những khoảng thời gian ấn định. Nhằm mục đích này có hai loại đồng hồ. Chắc có lẽ ra đời sớm hơn là đồng hồ báo thức nhỏ ở tu viện, đó là đồng hồ phòng, gọi theo tiếng Latin là horologium excitatorium, tức đồng hồ đánh thức, dành cho custos horologium, tức người coi sóc đồng hồ. Đồng hồ loại này đánh lên tiếng chuông nhỏ để đánh thức một vị thầy tu và vị này sẽ gọi các thầy tu khác đi cầu nguyện. Ông ta sẽ đi đánh cái chuông to, thường treo cao trên tháp, để mọi người nghe thấy. Cũng vào quãng thời kỳ đó, người ta bắt đầu chế tạo những đồng hồ tháp to hơn nhiều lắp trên tháp và chúng tự động đánh chiếc chuông to treo ở đó. Những đồng hồ tu viện này báo giờ kinh phụng vụ, những giờ trong ngày được quy định trong giáo luật. Số lượng giờ kinh dĩ nhiên có thay đổi, theo sự thay đổi của giáo luật, phong tục tập quán mỗi nơi và theo quy định của mỗi dòng tu. Vào thế kỷ 6, theo thánh Benedict, các giờ kinh quy chuẩn gồm có bảy giờ kinh. Mỗi giờ kinh có bài kinh riêng: lúc những tia ban mai đầu tiên xuất hiện (Kinh Sáng), lúc bình minh (giờ thứ nhất - Hora Prima), vào giữa buổi sáng (giờ thứ ba - Hora Tertia), vào giữa trưa (giờ thứ sáu - Hora Sexta hoặc Meridies), vào giữa buổi chiều (giờ thứ chín - Hora Nonà), vào lúc hoàng hôn (Kinh Chiều, hoặc giờ hoàng hôn - Hora Vesperalis) và lúc màn đêm buông xuống (Kinh Tối - Completorium). Số tiếng chuông mỗi lần đánh cũng thay đổi từ bốn tiếng lúc bình minh xuống còn một tiếng lúc trưa và lại tăng lên đến bốn tiếng lúc màn đêm buông xuống. Giờ chính xác theo chuẩn ngày nay đối với mỗi giờ kinh phụ thuộc vào vĩ độ của địa điểm và theo mùa. Tuy vấn đề có phần phức tạp, nhưng các đồng hồ tu viện được điều chỉnh để thay đổi khoảng thời gian giữa các lần đánh chuông tùy theo mùa. Những cố gắng cải tiến các dụng cụ chỉ báo giờ trước đó để thích hợp với việc phát ra âm thanh đã không bao giờ thành công hoàn toàn. Một nhà sáng chế thông minh người Paris đã lắp một thấu kính vào chiếc đồng hồ mặt trời làm kính châm lửa, để đến đúng giữa trưa nó hội tụ ánh nắng vào lỗ châm ngòi của một khẩu pháo nhỏ, khiến khẩu súng tự động nổ để đón chào mặt trời lên thiên đỉnh. Chiếc đồng hồ pháo duyên dáng ấy, được Công tước xứ Orleans lắp đặt trong vườn của cung điện hoàng gia năm 1786, nghe nói đã nổ phát súng mở đầu cho cuộc Cách mạng Pháp. Những thế kỷ trước đó, đồng hồ nước phức tạp được thiết kế để ghi lại thời gian trôi đi bằng cách tung những hòn sỏi lên hoặc phát ra tiếng còi. Hẳn một số dụng cụ như vậy đã được dùng thử trong các tu viện. Nhưng một loại dụng cụ chỉ báo giờ mới, một cỗ máy cơ khí đáng gọi là đồng hồ đích thực, sẽ phù hợp hơn nhiều với nhu cầu cơ khí mới. Bản thân từ clock (đồng hồ) trong tiếng Anh đã mang dấu ấn của tu viện. Từ tiếng Anh Trung đại clok bắt nguồn từ tiếng Hà Lan Trung đại để chỉ cái chuông và có cùng gốc với glocke trong tiếng Đức, nghĩa là chuông. Đúng ra ban đầu dụng cụ chỉ báo giờ không được coi là clock nếu nó không đổ chuông. Chỉ sau này clock mới dùng để gọi bất cứ dụng cụ nào đo thời gian. Những chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên ra đời khi ánh sáng ban ngày của mặt trời còn chi phối thời gian và hoạt động của con người, khi ánh sáng nhân tạo còn chưa đủ để hòa lẫn đêm với ngày. Những chiếc đồng hồ gõ chuông thời Trung đại vẫn còn im tiếng hoàn toàn vào ban đêm. Sau khi đánh bốn tiếng báo giờ kinh tối, tiếng chuông sau đó chỉ vang lên vào lúc bắt đầu giờ cầu nguyện vào hửng sáng hôm sau. Nhưng về lâu dài do hệ quả vô tình của thiết kế đồng hồ cơ khí, do tính bắt buộc ngầm của chính máy móc, những giờ ban đêm đã hợp nhất với giờ ban ngày thành một ngày có 24 giờ dài bằng nhau. Đồng hồ tu viện, được thiết kế chỉ với mục đích cất lên âm thanh báo thời gian, đã chỉ ra con đường đi đến lối tư duy mới về thời gian. Đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước, đồng hồ cát đều được chế tạo trước hết để chỉ báo thời gian trôi đi bằng sự xê dịch từ từ hữu hình của bóng tối trên mặt đồng hồ, bằng dòng chảy từ từ hữu hình của nước khỏi cái bát, của cát qua bình thủy tinh. Còn đồng hồ cơ khí, bắt nguồn từ tu viện, được chế tạo nhằm dẫn đến một chuyển động cơ học, một cú búa gõ vào chuông. Nhu cầu ghi lại thời gian theo phương cách cơ khí, theo logic của máy móc, đã áp đặt một nhận thức mời. Thay cho việc hoạt động đồng bộ với các chu kỳ lặp đi lặp lại của Mặt trời nhưng thay đổi dài ngắn theo mùa, hoặc với các chu kỳ ngắn hơn của những vật liệu chảy trôi khác, giờ đây thời gian được đo bằng loạt âm thanh ngắt quãng của một cỗ máy. Khi đã làm cho máy móc cất lên âm thanh báo giờ kinh thành công, sáng tạo cơ khí này sẽ trở thành nền tảng ngành chế tạo đồng hồ trong những thế kỷ sắp tới. Lực làm chuyển động cái cần gõ chuông là do các vật nặng rơi xuống sinh ra. Thứ khiến cỗ máy này thực sự mới mẻ là bộ phận ngăn vật nặng rơi tự do, ngắt đường rơi đó thành những quãng đều nhau. Đồng hồ mặt trời cho thấy chuyển động không bị ngắt quãng của bóng mặt trời, còn đồng hồ nước và đồng hồ cát hoạt động nhờ sự rơi tự do của nước và cát. Cái giúp cho cỗ máy mới này chạy lâu hơn và đo được từng đơn vị giờ chính là một bộ phận khá đơn giản, nên gần như không nổi bật trong lịch sử. Nó được gọi là cái ngàm, “con ngựa” hay “cái hồi”, là một cách điều tiết động năng “thoát” vào trong đồng hồ, và chính là cú đột phá mang tính cách mạng cho trải nghiệm của con người. Mang tính đơn giản như mọi phát minh vĩ đại nhất, cái ngàm chỉ là một công cụ ngắt đoạn đều đặn lực rơi của vật nặng. Ngàm được thiết kế sao cho nó luân phiên chặn rồi lại thả lực rơi trong cỗ máy đồng hồ đang chạy. Chính phát minh cơ bản này là cơ sở hoạt động cho mọi loại đồng hồ ngày nay. Giờ thì một quả nặng chỉ cần rời xuống một quãng ngắn cũng giúp đồng hồ chạy được hàng giờ, vì lực kéo xuống đều đặn của quả nặng rời được chuyển thành chuyển động ngắt nhịp của máy đồng hồ. Dạng ngắt nhịp đơn giản thuở ban đầu là cái ngàm trục chữ T. Một thiên tài cơ khí khuyết danh đã nghĩ ra cách kết nối vật nặng rơi bằng bánh xe răng cưa áp vào một trục đứng có thanh ngang (đòn) ở phía trên treo vật nặng. Vật nặng này điều chỉnh chuyển động. Khi dịch vật nặng ra phía ngoài đòn thì nhịp chạy đồng hồ chậm hơn, còn khi dịch vào phía trong thì đồng hồ chạy nhanh hơn. Chuyển động xoay qua lại của đòn (do vật nặng lớn tạo ra) sẽ luân phiên làm xoay trục đứng có hai tấm gạt, gạt vào rồi nhả ra khỏi các bánh răng quay trên bánh xe đồng hồ. Những chuyển động ngắt quãng này sẽ đo phút, và về sau là giây. Dần dà, khi đồng hồ trở nên phổ biến, người ta sẽ không còn nghĩ về thời gian như một dòng chảy liên tục nữa mà giống như những khoảnh khắc tách rời kế tiếp nhau. Ánh sáng mặt trời với những chu kỳ co giãn trôi trơn tru sẽ không còn ngự trị và chi phối thời gian hằng ngày nữa. Thời gian cơ khí hóa không là một dòng chảy. Tiếng tích tắc của cái ngàm đồng hồ trở thành tiếng nói của thời gian. Một cơ cấu máy như thế chả liên quan gì đến Mặt trời hay chuyển động của các hành tinh. Những định luật riêng của nó tạo ra cả loạt những đơn vị đều tăm tắp nối nhau không dứt. Tính chính xác của đồng hồ, tức sự đồng đều của các đơn vị đo, sẽ phụ thuộc vào tính chính xác và đều đặn của cái ngàm. Các giờ kinh, vốn chia thời gian ban ngày thành những đơn vị co giãn thích hợp giữa những lần cầu kinh, đã được đánh dấu trên đồng hồ cho tới tận thế kỷ 14. Cho đến quãng năm 1330 thì giờ đã trở nên khớp với giờ ngày nay, tức là một trong 24 phần bằng nhau của một ngày. “Ngày” theo khái niệm mới bao gồm cả đêm. Nó được đo từ thời khắc giữa trưa một ngày tới giữa trưa ngày hôm sau, hoặc chính xác hơn, theo cách gọi của các nhà thiên văn học hiện đại thì đó là “giờ mặt trời trung bình”. Lần đầu tiên trong lịch sử, “giờ” mang ý nghĩa chính xác, như nhau quanh năm và ở mọi nơi. Ít có cuộc cách mạng khoa học nào trong trải nghiệm của nhân loại lại vĩ đại hơn việc chuyển đổi từ giờ “tạm thời” sang giờ bằng nhau chằn chặn này. Đây chính là tuyên ngôn độc lập của con người đối với Mặt trời, bằng chứng mới về việc con người làm chủ chính mình và làm chủ môi trường xung quanh. Chỉ sau này người ta mới phát hiện ra rằng mình đạt được điều đó với cái giá là đặt mình dưới quyền thống trị của máy móc, với những đòi hỏi độc đoán của nó. Những chiếc đồng hồ đầu tiên không có cả mặt số lẫn kim. Người ta chưa cần đến chúng vì sử dụng đồng hồ chỉ đơn thuần để nghe giờ. Một đám dân chúng mù chữ ắt sẽ gặp rắc rối khi xem mặt số để đọc giờ nhưng không hề lầm lẫn về tiếng chuông, với sự ra đời của giờ “bằng nhau” thay cho giờ “tạm thời” hay “giờ kinh”, tiếng chuông báo giờ quả thực là lý tưởng cho việc đo thời gian bằng một cái máy đơn giản. Giờ mặt trời đã chuyển sang giờ đồng hồ. Đến thế kỷ 14, ở châu Âu những chiếc đồng hồ tháp trong các tháp chuông nhà thờ và tòa thị chính đã gióng lên những âm thanh báo giờ đều đặn, báo hiệu một nhận thức mới về thời gian. Những ngọn tháp nhà thờ, được xây để chào đón Chúa Trời và đánh dấu hoài bão vươn lên cao của loài người, giờ đã trở thành các tháp chuông. Tháp [torre] trở thành gác chuông. Ngay từ năm 1335, gác chuông nhà thờ Đức Mẹ ở Milan đã được nhà viết sử biên niên Galvano della Fiamma thán phục vì có đồng hồ tuyệt vời với nhiều chuông. “Một chiếc búa lớn… gõ vào một cái chuông hai mươi tư lần trong ngày tương ứng với hai mươi tư giờ của một ngày đêm; sao cho giờ đầu tiên trong đêm phát ra một tiếng chuông, giờ thứ hai hai tiếng, giờ thứ ba ba tiếng, đến giờ thứ tư đánh bốn tiếng… để phân biệt giờ này với giờ kia, điều cần thiết nhất cho con người trong mọi tình huống.” Loại đồng hồ có giờ giấc bằng nhau như vậy trở nên phổ biến tại các thành thị châu Âu. Giờ đây phục vụ cho cả cộng đồng, chúng là một loại dịch vụ công, cung cấp một thứ dịch vụ mà từng cá nhân không thể cung cấp cho bản thân mình. Mọi người vô hình trung đã thừa nhận kỷ nguyên mới mỗi khi nói đến thời gian ngày hay đêm, họ nói chín giờ “đồng hồ”, tức giờ của đồng hồ. Khi các nhân vật của Shakespeare nhắc đến thời gian “của đồng hồ”, họ nhớ đến giờ mà họ nghe tiếng chuông đánh lần gần nhất. Imogen, con gái của Cymbeline giải thích rằng một người yêu chung thủy sẽ khóc người yêu của mình hết “giờ đồng hồ này sang giờ đồng hồ khác”. Khi người dân bắt đầu quen với “giờ”, phải vài thế kỷ trôi qua họ mới nói đến “phút”. Trong cả thế kỷ 14, rất hiếm đồng hồ nào có mặt số, vì chức năng của đồng hồ vẫn là gõ chuông báo giờ. Mặt số đồng hồ cũng không có trên các tháp chuông ở Ý, tuy có thể có một cái trên nhà thờ thánh Paul (1344) tại London. Mặt số đồng hồ thời kỳ đầu cũng không giống bây giờ. Một số đồng hồ chỉ ghi giờ từ I đến VI, với kim đồng hồ chạy quanh mặt số bốn lần trong suốt hai mươi tư giờ. Một số đồng hồ khác, như chiếc đồng hồ nổi tiếng của Giovanni de Dondi (1318-1389), có đánh số đủ hai mươi tư giờ Cải tiến đồng hồ đã đánh giờ sao cho nó đánh được một phần tư giờ (gọi là khắc) không phải là việc khó lắm. Đôi khi có thêm một mặt đồng hồ đánh dấu từ 1 đến 4 để chỉ các khắc, về sau chúng được thay bằng các con số 15,30,45 và 60 để chỉ phút. Thế nhưng vẫn chưa có kim phút. Cho đến năm 1500, đồng hồ ở nhà thờ Wells của xứ Anh đã đánh từng khắc, nhưng vẫn chưa có cách nào để đánh dấu phút. Để đo phút, người ta vẫn phải dùng đồng hồ cát. Một kim phút riêng đồng tâm với kim giờ chỉ xuất hiện mãi sau này khi con lắc được ứng dụng thành công trong đồng hồ. Con lắc cũng góp phần giúp đồng hồ chỉ giây. Đến năm 1670, đồng hồ có thêm kim thứ hai mà chuyển động được điều khiển bởi một con lắc dài chừng một mét với chu kỳ đúng một giây. Đồng hồ cơ khí hơn các phát minh trước đó ở chỗ nó đã hợp nhất được giờ ban đêm vào ban ngày. Bởi muốn chỉ đúng giờ lúc rạng đông thì cái máy thời gian này phải chạy liên tục cả đêm. Khi nào một “ngày” bắt đầu? Trả lời câu hỏi này cũng giống như trả lời cho câu hỏi nên có bao nhiêu ngày trong một tuần. “Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất,” chương đầu tiên của sách Sáng thế viết. Như vậy, ngày đầu tiên thực sự là đêm. Có lẽ đây là một cách mô tả khác sự huyền bí của công cuộc Sáng thế, khi để Thiên Chúa thực hiện công việc thần diệu này trong bóng đêm. Người Babylon và người Hindu thuở xưa tính ngày bắt đầu từ lúc mặt trời mọc. Người Athens, giống như người Do Thái, lại bắt đầu “ngày” của họ vào lúc mặt trời lặn, và họ tiếp tục tập quán đó cho đến hết thế kỷ 19. Người Hồi giáo Chính thống thì tuân thủ chặt chẽ kinh Koran, bắt đầu ngày của họ vào lúc mặt trời lặn, khi đó họ chỉnh đồng hồ đúng số 12. Như chúng ta thấy, trong hầu hết tiến trình lịch sử, nhân loại không coi ngày là đơn vị gồm hai mươi tư giờ. Chỉ khi đồng hồ được phát minh và được sử dụng rộng rãi thì khái niệm này mới trở nên phổ biến. Người Saxon thuở xưa chia ngày của họ thành những con “triều”: “triều sáng”, “triều trưa” và “triều tối”, và một số đồng hồ mặt trời thuở sơ khai của họ còn đánh dấu như vậy. Những cách chia ngày phổ biến khác còn đơn giản hơn nhiều so với hệ giờ “tạm thời” chia thành ban ngày và ban đêm. Bảy giờ kinh ghi dấu thời gian cho Columbus và đội thủy thủ của ông. Ngay cả sau khi có đồng hồ cơ khí thì mặt trời vẫn còn để lại dấu ấn trong việc đo giờ giấc. Hệ mười hai giờ đúp của người Mỹ là một vết tích như vậy. Giờ ban ngày được đo và được phân chia trái ngược với giờ ban đêm, và giờ của mỗi phần trong hai phần đó được đánh số riêng biệt. Tình trạng ấy vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi bộ máy đồng hồ đòi hỏi tính giờ liền mạch. Những đồng hồ hai mươi tư giờ đầu tiên tuy đã thay thế giờ kinh hoặc giờ “tạm thời” bởi giờ cơ khí bằng nhau, nhưng vẫn gắn với thời điểm mặt trời lặn một cách kỳ quặc. Thông thường người ta lấy thời điểm mặt trời lặn làm thời điểm kết thúc giờ thứ hai mươi tư. Để biết chúng ta đã tiến đến chỗ dùng ngày, giờ, phút và giây như thế nào thì cần đi sâu vào việc khảo cổ đời sống thường ngày. Từ day (ngày) trong tiếng Anh (không liên quan gì đến từ Latin dies nghĩa là ngày) xuất xứ từ một từ Saxon cổ nghĩa là “thiêu đốt”, cũng có nghĩa là “mùa nóng” hoặc “thời gian ấm áp”. Từ hour (giờ) trong tiếng Anh gốc từ tiếng Latin và Hy Lạp nghĩa là mùa hoặc thời gian trong ngày. Nó là một phần mười hai khoảng thời gian ban ngày hoặc ban đêm, tức là giờ “tạm thời” hoặc theo mùa, vì nó thay đổi theo mùa hoặc theo vĩ độ, mãi cho đến khi nó tiếp nhận nghĩa hiện đại là một phần hai mươi tư ngày phân[1]. Nhưng tại sao lại hai mươi tư? Các nhà sử học cũng không giúp được mấy cho chúng ta. Người Ai Cập đã chia ngày của họ thành hai mươi tư "giờ", tất nhiên là giờ “tạm thời”. Chắc là họ chọn con số này vì họ sử dụng hệ số lục thập phân, dựa trên bội số của 60 đã có từ thời Babylon. Vậy là bí ẩn trên lại được đẩy lên sớm hơn vài thế kỷ nữa, vì chúng ta không có được sự giải thích rõ ràng cho việc tại sao người Babylon lại tạo dựng nền số học như vậy. Nhưng việc họ sử dụng số 60 dường như không liên quan gì đến thiên văn hay chuyển động của các thiên thể. Chúng ta đã thấy cách mà người Ai Cập đã ấn định 360 ngày họp thúc trong năm của họ: 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, sau đó thêm 5 ngày vào cuối mỗi năm. Họ cũng đánh dấu 360 độ trong một đường tròn, có lẽ theo cách tương tự như chu trình năm của Mặt trời. Sáu mươi, bằng một phần sáu của 360 và cũng là cách chia nhỏ tự nhiên trong hệ cơ số 60 của họ, đã trở thành cách chia nhỏ thuận tiện của đường tròn, lại được dùng để chia nhỏ mỗi “độ” hoặc mỗi giờ. Có lẽ người Babylon xứ Chaldea, khi nhận biết năm hành tinh - Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ - đã nhân 12 (số tháng và là bội số của 6) với 5 (số hành tinh) và đi đến con số quan trọng 60. Dấu vết hằng ngày còn sót lại của việc người xưa coi chu trình của Mặt trời tương tự như một vòng tròn khép kín chính là ký hiệu “độ” chúng ta dùng ngày nay. Cái khuyên tròn bé con mà ta vẫn viết ra để chỉ độ ắt hẳn là một chữ tượng hình chỉ Mặt trời. Nếu ký hiệu độ (°) là hình vẽ Mặt trời, thì 360° - trọn một vòng tròn - sẽ có nghĩa là một chu kỳ 360 ngày, hay trọn một năm. Độ là cách chia vòng tròn được các nhà thiên văn Babylon và Ai Cập cổ đại áp dụng đối với vòng hoàng đạo để chỉ thời đoạn hay khoảng cách mà Mặt trời đi được mỗi ngày, cũng giống như “cung” đối với họ chỉ khoảng không gian thiên văn mà Mặt trời đi được trong một tháng. Còn từ minute (phút), xuất xứ từ chữ Latin pars minuta prima (phần nhỏ xíu đầu tiên), ban đầu mô tả một phần sáu đơn vị trong hệ phân số lục thập phân của người Babylon. Rồi đến second (giây), xuất xứ từ part minutae secundae (phần nhỏ xíu thứ hai), là sự chia nhỏ tiếp theo dựa trên cơ số 60. Vì số học Babylon dựa trên đơn vị này, nên đó là phiên bản thập phân của họ và họ thấy dễ xử lý hơn trong các tính toán khoa học của mình so với các “phân số thô thiển” (minutaè) khác. Ptolemy đã sử dụng hệ đơn vị 60 để chia đường tròn, ông cũng sử dụng nó để chia ngày. Phải đến mãi tận sau này, có lẽ vào thế kỷ 13, với sự xuất hiện của đồng hồ cơ khí, thì phút mới trở thành đơn vị chia nhỏ của giờ. Một lần nữa ngôn ngữ là đầu mối dẫn tới nhu cầu và năng lực của máy móc xác định giờ giấc. Từ second ban đầu là lối nói tắt của second minute dùng để chỉ đơn vị ra đời từ phép chia thứ hai cho 60. Từ lâu đã được dùng trong việc chia nhỏ đường tròn, second không dùng để chỉ thời gian cho mãi tới khi nghề làm đồng hồ trở nên tinh xảo ở cuối thế kỷ 16. Đồng hồ vẫn chưa hoàn toàn được giải phóng khỏi mặt trời do sự chi phối của ngày và đêm. Ở Tây Âu, giờ của đồng hồ vẫn tiếp tục được đánh số từ giữa trưa, khi mặt trời ở đúng trung thiên (trung tuyến trời), hoặc từ nửa đêm, là thời điểm giữa hai lúc giữa trưa. Ở hầu hết châu Âu hay châu Mỹ, một ngày mới vẫn bắt đầu từ nửa đêm theo đồng hồ. Việc khảo cổ đời sống hằng ngày dẫn chúng ta đi khắp thế giới. Ba trăm sáu lăm ngày của một năm chứng nhận công lao của các thầy tu Ai Cập, còn tên gọi các tháng trong tiếng Anh - January (tháng Một), February (tháng Hai), March (tháng Ba) - và tên gọi các ngày trong tuần gồm bảy ngày - Saturday (thứ Bảy), Sunday (Chủ nhật), Monday (thú Hai) - lại gắn kết chúng ta với người Do Thái cổ và với những nhà chiêm tinh Hy Lạp La Mã. Khi ghi nhận mỗi giờ trong 24 giờ của một ngày, và ấn định phút sau khi đã có giờ, chúng ta đang sống nhờ “kết quả của một sự cải biến Hy Lạp đối với một tập quán Ai Cập, kết hợp với quy trình số học Babylon”. Phương tiện truyền thanh của đô thị Trung đại là chuông. Vì tiếng nói của con người không thể vang xa tới tai mọi người cần nghe những bố cáo dân sự, nên tiếng chuông sẽ báo giờ, báo động hỏa hoạn để mọi người đến giúp dập lửa, cảnh báo về kẻ địch đang tiến đến, kêu gọi mọi người cầm vũ khí, báo hiệu giờ làm việc và giờ đi ngủ, để tang khi một ông vua qua đời, chia vui khi một hoàng tử ra đời hoặc nhân dịp lễ đăng quang, chào mừng việc bầu một giáo hoàng hoặc kỷ niệm một chiến thắng. “Chúng cứ việc gióng chuông bây giờ đi,” Ngài Robert Walpole nhận xét năm 1739 khi nghe hồi chuông cất lên ở London để tuyên chiến với Tây Ban Nha, “chẳng bao lâu nữa chúng sẽ biết thế nào là hối hận.” Người Mỹ vẫn còn nâng niu gìn giữ một chứng tích của thời đại đánh chuông là chiếc Chuông Tự do từng ban bố nền độc lập của Mỹ tại Philadelphia. Dường như tiếng chuông có sức mạnh và tác dụng tâm lý trị liệu, khi vang lên để ngăn ngừa một trận dịch lớn hay để phòng chống bão. Dân chúng thành phố Lyon nước Pháp năm 1481 đã kiến nghị với hội đồng thành phố rằng họ “hết sức cần một chiếc đồng hồ lớn mà mọi người ở khắp mọi nơi trong thành phố có thể nghe được tiếng gõ của nó. Nếu làm được một chiếc đồng hồ như thế thì chợ búa sẽ đông người buôn bán hơn, người dân thành phố sẽ được an ủi nhiều hơn, sẽ vui vẻ và sung sướng hơn, sẽ sống một cuộc sống ngăn nắp hơn, và thành phố sẽ có được sự trang trí đẹp hơn.” Niềm tự hào của một cộng đồng được quy về niềm tự hào với chuông. Nhà thờ, tu viện và toàn bộ thị trấn được đánh giá theo tầm vang xa và sự cộng hưởng của các hồi chuông trên các tháp chuông. Trên một cái chuông cổ còn có dòng chữ có phần khoa trương: “Tôi khóc người chết, tôi xua tan chớp, tôi thông báo ngày nghỉ, tôi đánh thức kẻ lười biếng, tôi xua gió, tôi làm dịu kẻ tàn bạo.” (Fuñera piango, fulmina frango, Sabbath pango, excito lentos, dissipo ventos, paco cruentos). Paul Revere, người đưa tin của Cách mạng Mỹ, đã trở nên nổi tiếng và giàu có khi làm nghề đúc chuông cho các thị trấn kiêu hãnh vùng New England. Nghệ thuật đúc chuông và thử nghiệm các thiết bị rung chuông đã thúc đẩy nghề làm đồng hồ và khuyến khích việc chế những đồng hồ tinh vi. Nạn mù chữ rộng khắp giúp giải thích lý do vì sao mặt ngoài của đồng hồ công cộng chậm xuất hiện mặt số. Không phải ai cũng đọc được dù chỉ những con số đơn giản trên mặt đồng hồ. Cũng chính những yếu tố làm chậm sự ra đời của các mặt số đồng hồ có chia vạch lại kích thích thử nghiệm, óc sáng tạo và sự vui thú trong chế tạo đồng hồ. Những đồng hồ lớn thời Trung đại đã không cải thiện gì mấy độ chính xác của cơ chế máy, khiến cho sai số trước khi phát minh ra con lắc lên đến mức chậm hoặc nhanh cả một giờ mỗi ngày, về mặt kỹ thuật, khó mà cải tiến cái ngàm ẩn trong bộ máy đồng hồ, bộ phận điều chỉnh sự chính xác của chuyển động. Thế nhưng bổ sung thêm những bánh xe để cải thiện sự hiển thị tự động trước mắt công chúng là việc dễ làm. Ngày nay, ta thấy những chỉ số về lịch hoặc thiên văn trên các đồng hồ cổ có vẻ như là những trang trí thừa thãi trên một cỗ máy chỉ có tác dụng cho chúng ta biết giờ, phút và giây. Nhưng ít nhất suốt hai thế kỷ sau khi những đồng hồ cơ khí rất lớn được chế tạo, sự việc lại hoàn toàn khác. Chiếc đồng hồ tuyệt vời được làm ra vào khoảng năm 1350 cho nhà thờ Strasbourg để phục vụ dân chúng vừa có chức năng lịch vừa hỗ trợ về chiêm tinh. Nó còn là một đồ chơi mang tính giáo huấn và giải trí, biểu diễn tạp kỹ mỗi khi báo giờ. Ngoài nhiệm vụ của một cuốn lịch động và một đĩa trắc tinh có các kim chỉ chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh, ở khoang trên đồng hồ có ba vị đạo sĩ xếp hàng cúi gập người chào bức tượng Mary, Đức Mẹ Đồng trinh trong khi dãy chuông cất lên điệu nhạc. Cuối cuộc trình diễn của các đạo sĩ, một chú gà trống to tướng làm bằng gang, có mào bằng đồng, đứng trên bệ mạ vàng há mỏ và thè lưỡi ra, vừa gáy vừa vỗ cánh. Khi được xây dựng lại vào năm 1574, đồng hồ Strasbourg có một bộ phận lịch thể hiện các ngày lễ lạt di động, một mô hình kiểu Copernicus biểu thị chuyển động quay của các hành tinh, các pha Mặt trăng, thời gian biểu kiến và thời gian sao, tuế sai của điểm phân[2] và các phương trình chuyển đổi các chỉ số Mặt trời và Mặt trăng thành giờ địa phương. Một mặt số đặc biệt chỉ ra các ngày lễ thánh. Mỗi khắc lại được gõ bởi một hình người thể hiện một trong bốn giai đoạn của đời người: thời thơ ấu, thời thiếu niên, thời trưởng thành và tuổi già. Hằng ngày vào lúc giữa trưa, mười hai vị tông đồ đi ngang qua Chúa để nhận ban phước. Các ngày trong tuần được biểu thị bằng những cỗ xe ngựa lấp ló trong mây, mỗi xe chở một vị thần tương ứng. Người dân Strasbourg thường khoe rằng họ đã làm ra một trong bảy kỳ quan của nước Đức. Vào cuối thế kỷ 19, những người thợ đồng hồ Đức nhập cư ở vùng quê bang Pennsylvania (Mỹ) đã chế ra những mẫu “đồng hồ tông đồ” Mỹ hóa: ngoài cuộc diễu hành truyền thống của các đạo sĩ và tông đồ, lại có thêm cuộc “duyệt binh” ái quốc của các tổng thống Hợp chúng quốc Mỹ. Những vở kịch được ưa chuộng nhất thời Trung đại không phải là trên sân khấu, dù là ở hội chợ hay trong sân nhà thờ, mà phát từ trên các tháp đồng hồ. Khi những đồng hồ lớn trên tháp được đặt ở nơi người người nhìn rõ, chúng sẽ biểu diễn hết giờ này sang giờ khác và không sót ngày nào, kể cả Chủ nhật và ngày lễ. Đồng hồ nhà thờ Wells, được xây cất năm 1392 và cải tiến trong các thế kỷ sau đó, đã có màn trình diễn rất lôi cuốn. Các mặt đồng hồ thể hiện giờ, tuổi trăng[3] và các pha của Mặt trăng. Đối diện Mặt trăng là tượng thần Phoebus, tượng trưng cho Mặt trời, đang đứng thẳng. Một mặt số khác có kim phút đồng tâm với kim giờ mang theo hình ảnh Mặt trời quay trọn một vòng trong hai mươi tư giờ. Ở một hốc phía trên, hai đôi kỵ sĩ mặc áo giáp chạy vòng tròn giao chiến với nhau theo hai hướng đối diện. Mỗi khi chuông điểm giờ thì một kỵ sĩ ngã ngựa, để đến khi khuất khỏi tầm nhìn thì anh ta lại lên ngựa. Một hình người mặc đồng phục được gọi là Jack Blandifet cầm búa gõ mỗi giờ nhưng mỗi khắc lại dùng gót chân gõ vào hai cái chuông nhỏ để thông báo. Thợ làm đồng hồ không bỏ lỡ thời cơ đưa vào các tiết mục kịch. Họ ưa bày ra một cỗ máy tự động sinh động đánh chuông báo giờ và khắc thay cho một quả lắc gõ chuông giấu kín bên trong. Nhân vật báo giờ ấn tượng này được cá nhân hóa bằng tên gọi “Jack”, xuất xứ từ chữ Jacquemart là dạng rút gọn của Jacques kết hợp với marteau (cái búa). Từ này về sau trở thành danh từ chung jack với nghĩa là một công cụ tiết kiệm sức lao động. Hai anh chàng Jack bằng đồng như thế, thân hình vạm vỡ, ra đời từ năm 1499, vẫn còn biểu diễn cho chúng ta xem trên quảng trường San Marco ở Venice. Ai cũng tìm thấy điều gì đó cho mình. Như một nhà làm lịch biên niên ở Parma đã nhận xét vào năm 1431, đối với toàn thể dân chúng (“al popolo”) đồng hồ thành phố chỉ thông báo giờ giấc đơn giản, còn đối với số ít người có thể hiểu được (“agli intelligenti”), nó chỉ ra các pha Mặt trăng và vô khối thứ cao siêu về thiên văn. Mặt số đồng hồ, một thứ tiện lợi cho người có học và là dụng cụ cơ khí đầu tiên xác định giờ giấc thông qua thị giác chứ không phải thính giác, nghe nói do Jacopo de Dondi xứ Chioggia ở Ý sáng chế ra năm 1344. Vì công lao đó mà ông được tôn xưng bằng tước hiệu Nhà chế tạo đồng hồ (Del Orologio), và tên gọi ấy đã trở thành họ của ông. “Hỡi vị khách lịch thiệp,” bia mộ của ông ghi đầy kiêu hãnh, “quý vị được chỉ dẫn từ đỉnh tháp cao ở nơi xa kia cách đọc thời gian và giờ giấc, dầu con số đổi thay, hãy biết đó là cho phát minh của tôi…” Con trai ông là Giovanni de Dondi năm 1364 đã hoàn thành một trong những bộ máy đồng hồ phức tạp nhất từ trước đến giờ, kết hợp một mô hình vũ trụ với một dụng cụ chỉ giờ. Tuy chiếc đồng hồ đó không còn nữa, Dondi đã để lại những mô tả chi tiết và hình vẽ hoàn chỉnh để đời sau có thể tái tạo được cái “đồng hồ thiên tượng” (astrarium) nổi tiếng này và ngày nay nó đang được trưng bày trong Viện Smithsonian ở thủ đô Washington. Một cỗ máy bằng đồng thau hình lục giác, cao tới một mét rưỡi, được kích hoạt bởi các quả nặng rơi. Về nhiều mặt nó đi trước thời đại, vì có tính toán những chi tiết tinh tế như quỹ đạo hơi có dạng elip của Mặt trăng. Trên nhiều mặt số, nó ghi lại giờ và phút trung bình, thời điểm mặt trời mọc và lặn, chuyển đổi thời giờ trung bình sang thời giờ sao[4], chỉ giờ “tạm thời”, ngày trong tháng và tháng trong năm, các lễ lạt cố định của giáo hội, độ dài thời gian ban ngày của mỗi ngày, chữ cái chỉ Chủ nhật đầu tiên của năm[5], các chu kỳ Mặt trời và Mặt trăng, chuyển động hằng năm của Mặt trời và Mặt trăng trên hoàng đạo và chuyển động hằng năm của năm hành tinh. Thêm vào đó, Dondi còn cung cấp cách thúc dự báo thiên thực (nhật thực và nguyệt thực), chỉ ra các lễ lạt không cố định của giáo hội và soạn lịch vĩnh cửu cho ngày Lễ Phục sinh. Dân chúng từ khắp nơi kéo đến Padua để xem đồng hồ và gặp gỡ bậc kỳ tài đã bỏ ra mười sáu năm để làm ra nó. Thời buổi đó ranh giới giữa số liệu về bầu trời và nhu cầu đời sống hằng ngày còn mập mờ chứ không rõ rệt như sau này. Đêm thì tối hơn và đáng sợ hơn, còn những công cụ cơ khí hiện đại trừ khử tác hại của đêm tối, của cái nóng và cái lạnh vẫn chưa được nghĩ ra. Đối với những người đang ở trên bờ biển hay trên sông thì thời khắc diễn ra thủy triều có ý nghĩa quan trọng. Mọi người và mọi vật đều chịu tác động của các hành tinh - sức mạnh của tinh tú. Vậy là chiếc đồng hồ Strasbourg năm 1352 còn sử dụng số liệu của thượng giới để trợ giúp về y học cho cộng đồng. Một bức tượng hình người thông thường có các cung hoàng đạo bao quanh với những đường vạch kẻ từ mỗi cung hoàng đạo tới các phần cơ thể mà cung đó chi phối và chỉ nên chữa trị khi cung đó đang có ảnh hưởng mạnh nhất. Đồng hồ cung cấp thông tin về sự luân chuyển tầm ảnh hưởng của các cung hoàng đạo, giúp dân chúng và thầy thuốc chọn lựa thời điểm tốt nhất để điều trị. Những chỉ dẫn chiêm tinh trên chiếc đồng hồ công cộng tại Mantua, Ý, đã gây được ấn tượng cho du khách vào năm 1473 qua việc thể hiện “thời gian phù hợp để lấy máu tĩnh mạch, để phẫu thuật, để may quần áo, để canh tác, để khởi hành các chuyến đi và để thực hiện nhiều thứ khác rất có ích trên đời”. 1. Ngày phân (equinoctial day) là ngày mặt trời mọc đúng hướng đông và lặn đúng hướng tây, do đó thời gian ban ngày đúng bằng thời gian ban đêm. Mỗi năm chỉ có hai ngày như vậy: ngày xuân phân và ngày thu phân. 2. Hiện tượng các điểm phân (xuân phân và thu phân) dịch chuyển hằng năm về phía tây do trục Trái đất tiến động, tạo ra sự chênh lệch giữa năm xuân phân (năm tính theo mốc mặt trời đi qua điểm xuân phân) và năm sao (năm tính theo nền sao). Kết quả là năm xuân phân ngắn hơn năm sao chừng 20 phút 24 giây. 3. Số ngày tính từ ngày không trăng cuối cùng. 4. Thời giờ sao (sidereal time) lấy mốc là nền sao cố định trong khi thời giờ trung bình dựa vào mốc mặt trời trên thiên đỉnh nên khác nhau: một ngày sao ngắn hơn một ngày mặt trời trung bình gần 4 phút. 5. Dominical letter: một trong bảy chữ cái A, B, C, D, E, F và G (lập thành chu kỳ một tuần) gắn với mỗi năm để cho biết Chủ nhật là ngày nào trong bảy ngày đầu tiên của năm. Chữ A gắn với ngày đầu tiên (1 -1), cứ thế cho đến chữ cuối cùng là chữ G với ngày 7 tháng 1. Ví dụ năm 2015 là D, nghĩa là ngày 4-1-2015 là Chủ nhật. Biết điều này để tính ngày Lễ Phục sinh là ngày nào trong tuần. 6 Tiến tới Đồng hồ Mang đi được N ĂM 1583 Galileo Galilei (1564-1642), một thanh niên 19 tuổi dự lễ cầu nguyện tại gian rửa tội của Nhà thờ Lớn thành phố Pisa, theo chuyện kể lại, bị sao nhãng bởi cảnh tượng cây đèn thờ đung đưa. Bất kể cây đèn đung đưa xa đến đâu, dường như thời gian đung đưa từ đầu này sang đầu kia vẫn không đổi. Tất nhiên Galileo không có đồng hồ, nhưng anh kiểm tra các khoảng thời gian bằng mạch đập của mình. Bí ẩn hằng ngày lôi cuốn ấy đã khiến anh từ bỏ việc học ngành y bị cha ép buộc để chuyển sang học toán và vật lý. Trong gian rửa tội, Galileo đã khám phá ra rằng cái mà các nhà vật lý gọi là tính đẳng thời, hay thời gian con lắc lắc qua lại bằng nhau, ngắn hay dài không phụ thuộc vào khoảng rộng của dao động mà phụ thuộc vào độ dài của con lắc. Phát hiện đơn giản này đã thành biểu tượng của một thời đại mới. Ở Đại học tổng hợp Pisa, nơi Galileo theo học, thiên văn học và vật lý học chỉ là những bài giảng dựa trên những gì Aristotle đã viết. Còn cách học của riêng Galileo, xuất phát từ quan sát và đo đạc những gì ông thấy, thể hiện thứ khoa học của tương lai. Khám phá của Galileo, tuy chưa bao giờ được ông khai thác đầy đủ, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc xác định thời gian. Chỉ trong ba thập kỷ sau khi Galileo mất, sai số trung bình của những đồng hồ tốt nhất đã giảm từ mười lăm phút xuống còn mười giây mỗi ngày. Việc thời gian trở nên như nhau trên vô số đồng hồ đặt ở nhiều nơi khác nhau đã biến thời gian thành một đại lượng không phụ thuộc vào không gian. Giờ thì người dân ở Pisa cũng biết được giờ giấc ở Florence hay ở Rome ngay lúc đó. Một khi các đồng hồ đó đã được vặn đồng bộ thì chúng sẽ giữ nguyên tính đồng bộ đó. Đồng hồ không chỉ đơn giản là một dụng cụ tiện lợi dùng để đo thời gian địa phương cho một người thợ thủ công, ấn định giờ giấc cầu nguyện hoặc giờ giấc cho cuộc họp của hội đồng thành phố, mà đã trở thành dụng cụ đo toàn cầu. Giống như việc các giờ bằng nhau đã chuẩn hóa các đơn vị của ngày và đêm, mùa hè và mùa đông tại một đô thị cụ thể, giờ đây đồng hồ có độ chính xác cao đã chuẩn hóa các đơn vị thời gian ở khắp mọi nơi trên hành tinh. Một số tính chất đặc thù của hành tinh chúng ta đã làm cho phép mầu trên thực hiện được. Vì Trái đất quay quanh trục của nó nên mỗi địa điểm trên Trái đất sẽ trải qua một ngày 24 giờ đối với trọn một vòng quay 360 độ. Các kinh tuyến đánh dấu những độ đó. Khi Trái đất quay, nó đem thời điểm giữa trưa lần lượt đến mọi nơi khác nhau. Khi ở Istanbul là giữa trưa thì tại London ở về phía tây của Istanbul mới là 10 giờ sáng. Mỗi giờ Trái đất quay được 15 độ. Do đó ta có thể nói rằng London cách Istanbul về phía tây 30 độ kinh, tức hai giờ. Như vậy ta đã làm cho độ kinh trở thành đơn vị đo cả không gian lẫn thời gian. Nếu bạn có một chiếc đồng hồ chính xác vặn đúng giờ ở London rồi mang nó đến Istanbul và đối chiếu giờ ở đồng hồ của bạn với giờ địa phương của Istanbul, bạn sẽ biết đích xác mình đã đi về phía đông được bao xa, tức là Istanbul cách London bao xa về phía đông. Nếu bạn là một người du lịch đường dài và muốn biết chính xác mình đang ở đâu, bạn sẽ thấy rằng xác định điều đó trên biển khó hơn nhiều so với trên đất liền. Trên đất liền bạn có thể xác định vị trí theo các mốc sông núi, tòa nhà, đường sá và thị trấn. Trên biển có rất ít dấu mốc và chỉ những người quan sát sành sỏi từng qua nơi ấy rồi mới nhận ra hầu hết các mốc đó. Mặt biển bao la trống trải, chỗ nào cũng giống nhau, đã khiến những người đi biển tìm các dấu mốc trên trời, tìm vị trí của Mặt trời và Mặt trăng, các ngôi sao và chòm sao. Họ tìm kiếm mốc trên trời thay cho mốc trên biển. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi thiên văn học đã trở thành bảo bối của người thủy thủ và thời đại Columbus đã mở ra thời đại Copernicus. Nhờ có sự trợ giúp của kính thiên văn mới được phát minh luôn hướng lên trời cùng với tầm nhìn mới của Galileo về Mặt trăng, Sao Mộc và Sao Kim, con người đã khám phá ra các biển, vẽ bản đồ đại dương và xác định các lục địa mới. Khi con người bắt đầu thám hiểm các đại dương, họ thấy rằng cần phải hiểu biết bầu trời hơn bao giờ hết. Người ta đã phải xác định vị trí của mình cả về độ vĩ ở phía bắc hay nam xích đạo lẫn độ kinh ở phía đông hay tây một điểm được thỏa thuận. Nhưng việc xác định độ kinh (quan hệ đông tây) luôn khó hơn nhiều việc xác định độ vĩ (quan hệ bắc-nam), điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Tân thế giới bao nhiêu lâu vẫn không được tìm ra, tại sao Columbus có lòng dũng cảm thực hiện chuyến đi biển khám phá và tại sao “Đông” với “Tây” lại cách biệt nhau lâu đến thế. Để xác định vị trí đông-tây của mình trên hành tinh, người hoa tiêu phải đo được sự chênh lệch thời gian, chẳng hạn, khi Mặt trời đúng lúc giữa trưa tại các địa điểm khác nhau. Xác định độ vĩ đơn giản hơn nhiều, vì độ cao của Mặt trời so vời chân trời là dữ kiện quan trọng. Tại xích đạo vào các ngày xuân phân và thu phân, Mặt trời lúc giữa trưa ở thẳng phía trên đầu, tức là ở độ cao 90 độ. Trong khi đó tại cực bắc, Mặt trời hoàn toàn không xuất hiện trong mùa đông và luôn nhìn thấy được trong mùa hè. Ở các vùng nằm giữa cực bắc và xích đạo, có thể ghi lại độ cao của Mặt trời so với đường chân trời rồi đối chiếu với các bảng độ lệch trong các cuốn lịch thiên văn quốc gia để biết chúng ta cách xích đạo bao xa về phía bắc hoặc nam. Nhằm mục đích này, chỉ cần một dụng cụ quan sát đơn giản đo độ cao của Mặt trời so với chân trời bằng đơn vị độ. Còn cách thức xác định độ vĩ của người Hy Lạp - qua việc đơn thuần ghi nhận mức độ lên cao của các sao vùng Bắc Cực - thì chả cần đến dụng cụ nào cả. Các bảng độ lệch trong các cuốn lịch thiên văn thời Trung đại chính xác đến mức nếu đã xác định đúng độ cao của Mặt trời thì có thể tìm được độ vĩ nơi đó với sai số không tới nửa độ. Để thực hiện các quan sát cần thiết về độ vĩ, các thủy thủ thời Trung đại đã sử dụng một loại thước đo góc đơn giản gọi là thước ngắm chữ thập (cross-staff) hay thước ngắm Jacob (Jacob’s staff). Hai thanh vuông góc với nhau và nối tại một giao điểm có thể đo độ cao (khoảng cách góc) khi người quan sát đặt thanh ngang theo đường chân trời và thanh dọc di động có đầu trên áp vào hình ảnh Mặt trời hoặc sao. Nguyên lý của thước ngắm chữ thập, mà người Hy Lạp cổ đại gọi là dioptra và người Arập gọi là kamal, đã được ứng dụng ở Tây Âu chí ít cũng từ năm 1342. Một người Anh tên là John Davis vào năm 1595 đã chế ra thước đo góc sau lưng (backstaff) đắc dụng hơn, còn gọi là “kính tứ phân của người Anh”, cho phép người quan sát quay lưng về phía Mặt trời để tránh bị chói mắt. Những người đi biển tiến ra ngoài đại dương bao la mời thấy rằng họ hiểu biết về hành tinh còn quá ít. Họ phải giải quyết bài toán về độ kinh. Galileo đã nghe được thỉnh cầu của Quốc hội Các tỉnh Hợp nhất Hà Lan thống nhất về nhu cầu cấp thiết của những người đi biển cần giải bài toán trên. Ngay từ năm 1610, ông đã gợi ý với Quốc hội rằng có thể xác định độ kinh trên biển thông qua quan sát bốn vệ tinh của Sao Mộc mà ông đã phát hiện năm đó. Nhưng việc này đòi hỏi phải quan sát qua kính thiên văn dài đặt trên boong tàu ngoài biển trong một khoảng thời gian đáng kể, điều này hiển nhiên là không thực tế. Sau đó ông nghĩ ra chiếc mũ chụp có gắn kính thiên văn mà người quan sát có thể đội khi ngồi trong một cái ghế đặt trên giá đỡ các đăng, giống như thứ vẫn giữ cho la bàn của tàu luôn nằm ngang. Tuy phương pháp này sau đó rất lâu sẽ khả thi khi thực hiện trên cạn, nó thất bại khi áp dụng trên biển. Cuối cùng, ông khuyến nghị dùng một chiếc đồng hồ đi biển chạy thật chính xác. Sau khi khám phá ra con lắc là một công cụ xác định thời gian tự nhiên mà đơn giản, ông suy ngẫm rằng nếu đo được mạch đập của con người thì có lẽ nó cũng sẽ là thứ đồng hồ đi biển chính xác. Mãi đến 10 năm cuối đời, khi bị buộc phải nghỉ, Galileo mới khai thác khả năng này, nhưng do bị mù nên ông không thể lắp ráp chiếc đồng hồ mình đã thiết kế. Người Hà Lan giờ đây đã có những tiền đồn tít tận viễn đông trên các bờ biển châu Á, càng thấy cần có cách xác định độ kinh tốt hơn, nghĩa là cần có một chiếc đồng hồ đi biển. Chàng thanh niên xuất chúng Christiaan Huygens (1629-1695) bắt tay vào giải quyết vấn đề này. Lúc mới 27 tuổi, Huygens đã chế tạo ra chiếc đồng hồ quả lắc đầu tiên của mình. Ông cứ cố mãi, thử mãi nhưng không bao giờ thành công, vì con lắc không thể đo thời gian chính xác trên một con tàu tròng trành, dập dềnh. Trước khi phát minh ra loại đồng hồ đi biển chính xác, các thủy thủ bắt buộc phải hiểu biết toán học một chút. Cách tìm kinh độ trên biển qua quan sát chính xác Mặt trăng đã được thừa nhận. Việc này đòi hỏi những dụng cụ tinh vi và tính toán chi li. Một sai số nhỏ 5 phút góc trong quan sát Mặt trăng có nghĩa là sai số 2⅟2 độ kinh, tương đương 240 kilômét trên biển, đủ để một con tàu gặp nạn vì va phải những bãi ngầm phản trắc. Những sai lầm tính toán có thể xuất phát từ một dụng cụ quá thô sơ, từ sai số trong các bảng hàng hải hoặc từ chuyển động tròng trành của con tàu. Vậy là bài toán về độ kinh đã trở thành một vấn đề giáo dục lẫn công nghệ. Các cường quốc hàng hải hồ hởi tổ chức các khóa dạy toán cho các thủy thủ. Khi vua Charles II nước Anh lập ra một khóa dạy toán cho bốn mươi học sinh ở trường Christ’s Hospital, một trường từ thiện với đồng phục “cổ xanh” nổi tiếng tại London, các giáo viên mới nhận ra rằng họ khó lòng thỏa mãn cả các thủy thủ lẫn những học sinh học toán. Những người lãnh đạo trường thấy rằng Drake, Hawkins và các thủy thủ khác vẫn thành thạo mà không cần đến toán nên đã băn khoăn rằng liệu các thủy thủ có thật sự cần toán hay không. Đứng về phía ủng hộ toán học, Ngài Isaac Newton lý luận rằng kinh nghiệm đại khái cũ không còn phù hợp. “Những đứa trẻ có năng khiếu toán học, bông hoa của Hospital, có khả năng học hỏi tốt hơn, nếu được đào tạo đến nơi đến chốn và được giao phó cho những thầy giáo giỏi thì có lẽ trong tương lai sẽ là nguồn cung cấp cho đất nước những thủy thủ, nhà chế tạo tàu biển, kiến trúc sư, kỹ sư và những nhà toán học đủ loại, cả trên biển lẫn trên đất liền, tài ba hơn những người mà nước Pháp hiện nay tự hào là đang có.” Samuel Pepys, bộ trưởng hải quân thời bấy giờ, đã lập ra một kỳ thi cho các đại úy hải quân bao gồm cả phần dẫn đường, và theo lời khuyên của Newton đã đưa các giáo viên lên tàu để giảng dạy cho đội thủy thủ về toán. Thế nhưng, những tính toán để tìm ra độ kinh từ vị trí của Mặt trăng vẫn phức tạp khôn xiết. Cần nghĩ ra một phương pháp hay một cỗ máy giúp đội thủy thủ ít học tìm được độ kinh. Năm 1604, vua Tây Ban Nha Philip III đã treo giải thưởng 10.000 ducat cho ai tìm ra giải pháp, rồi sau đó vua Pháp Louis XIV treo giải 100.000 florin. Quốc hội Hà Lan cũng tuyên bố giải thưởng mà Galileo đã hưởng ứng. Ở Anh, thôi thúc cấp thiết giải bài toán về độ kinh xuất phát không phải từ nhu cầu của những thủy thủ trên những đại dương xa xôi mà từ một thảm họa lẽ ra có thể tránh được ở ngoài khơi bờ biển phía tây nam nước Anh. Năm 1707, một hạm đội Anh đã chìm vì đâm phải đá tại quần đảo Scilly, một cụm đảo gồm 140 đảo nhỏ cách bờ không đến 64 kilômét. Thiệt mạng cùng với đội thủy thủ có cả đô đốc Clowdisley Shovell, một mẫu thuyền trưởng anh hùng điển hình. Vào thời đỉnh cao vinh quang của hải quân Anh, việc tổn thất nhiều thủy binh như vậy, lại ở ngay gần nhà và không phải do kẻ địch tấn công, thật là một sự kiện ê chề. Lương tâm công chúng bị tác động mạnh. Hai nhà toán học nổi tiếng công khai tuyên bố rằng tai họa chìm tàu có thể phòng ngừa được nếu như các thủy binh biết chính xác độ kinh. Điều cần thiết lúc ấy là có được một cách thức nào đó để tìm ra độ kinh thật “dễ hiểu và thủy thủ bình thường làm được chứ không phải là những tính toán rắc rối phức tạp về thiên văn”. Được khuấy động bởi sự kiện này, Nghị viện Anh năm 1714 đã thông qua đạo luật “Treo thưởng rộng rãi cho người nào hay những người nào tìm được độ kinh trên biển”. Một BẤn Độ kinh, gồm cả thủy thủ lẫn học giả, sẽ trao khoản tiền lên tới 2.000 bảng hỗ trợ cho các thí nghiệm hứa hẹn và một giải thưởng 20.000 bảng cho ai giải được bài toán. Dĩ nhiên điều đó chẳng khác nào mời gọi những kẻ kỳ cục. Đến tận năm 1736, trong một nhà thương điên mà Hogarth miêu tả trong cuốn Rake’s Progress (Tiến bộ của Rake), chúng ta bắt gặp một bệnh nhân vẫn say sưa cố giải bài toán về độ kinh. Một đề xuất là định vị các tàu đã chìm ở tất cả các vị trí trên khắp thế giới rồi phát tín hiệu từ đó. Một đề xuất khác là công bố một bảng thủy triều toàn thế giới, rồi dùng một khí áp kế xách tay cho thủy thủ xác định vị trí của mình bằng triều lên và triều xuống dự kiến tại địa điểm cụ thể đó. Lại có đề xuất sử dụng hải đăng hướng lên mây để chớp sáng những tín hiệu thời gian cần thiết. Nhiều người tuyên bố họ có phương pháp hay nhưng không dám tiết lộ công khai vì sợ người khác tranh cướp giải thưởng. Để được xét thưởng, một phương pháp phải chứng tỏ thành công trên chuyến hải trình sang Tây Ấn rồi quay về với sai số toàn chuyến dưới ba mươi phút độ cung, hay hai phút thời gian. Rõ ràng là đồng hồ quả lắc dựa vào quả nặng có ngàm làm cữ không thể giành được giải thưởng. Để giữ chính xác nhịp đo trên một con tàu trồi lên ngụp xuống và lắc lư cần có phương cách khác. Đồng hồ không được dựa vào quả nặng hay con lắc. Ai đó nảy ra ý tưởng là nếu cuộn một thanh kim loại mỏng thành một dây cót lò xo, thì nó có thể tạo lực đẩy cơ cấu máy khi bung thẳng ra. Dường như kiến trúc sư Ý Brunelleschi đã làm ra một chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót vào khoảng năm 1410. Trong vòng một thế kỷ, một thợ khóa người Đức đã chế tạo những chiếc đồng hồ nhỏ chạy bằng dây cót. Nhưng dây cót cũng có những vấn đề của nó. Quả nặng hạ xuống luôn tác dụng một lực như nhau dù ở đầu hay ở cuối giai đoạn, trong khi đó một dây cót giãn thẳng càng bung nhiều thì lực tác dụng càng giảm dần. Một giải pháp tài tình cho bài toán này là “bánh côn”, một cuộn lõi hình côn được thiết kế sao cho khi dây cót giãn ra và nhờ đó tháo vòng dây nối, thì hình dạng bánh côn tác động một lực tăng dần lên cơ cấu máy. Giải pháp này mượn từ các kỹ sư quân sự, những người đã phát minh ra trục côn để dễ căng dây trên chiếc nỏ nặng. Trước khi được những người làm đồng hồ gọi là bánh côn, các kỹ sư quân sự dạn dày kinh nghiệm đã mệnh danh nó là “trinh nữ” vì, theo lời họ, nó “kháng cự” ít nhất khi nó chùng và “kháng cự” hăng nhất khi nó căng lên. Ban đầu hình dạng của những chiếc đồng hồ xách tay này cũng kỳ quái như những cảnh trình diễn của đồng hồ công cộng thời kỳ đầu. Thôi thì thiên hình vạn trạng: hình sọ người, hình quả trứng, hình quyển sách kinh, hình thánh giá, hình chó, sư tử hay bồ câu. Một số đồng hồ còn có lịch thiên văn, diễn tả chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng và các ngôi sao. Nhưng loại đồng hồ chạy dây cót thời kỳ đầu không chính xác hơn loại chạy bằng quả nặng (con lắc) mà chúng thay thế. Ban đầu mặt số nằm ngang ở phía trên cùng và chỉ có kim giờ. Cho đến tận đầu thế kỷ 17, bộ máy đồng hồ không được bọc kín hoặc không được bảo vệ chống bụi và hơi ẩm. Sau khi bộ máy đồng hồ được đặt dựng đứng và mặt số hướng ra ngoài thì chúng mới được bọc trong vỏ bằng đồng thau. Nhưng do vẫn sử dụng cái ngàm dạng cần thô sơ nên độ chính xác của đồng hồ trở thành chuyện đàm tiếu. Khi Hồng y Richelieu khoe bộ sưu tập đồng hồ của mình, một vị khách bất cẩn đã đánh rơi hai cái cùng lúc xuống sàn. Vị Hồng y không chút bực bội nhận xét: “Đây là lần đầu tiên có hai cái đồng hồ chạy y như nhau!” Một chiếc đồng hồ xách tay chính xác hơn đòi hỏi một cơ cấu điều chỉnh nhịp chính xác hơn. Cả cái ngàm cũ dạng cần thô sơ lẫn cái ngàm quả lắc của Galileo đều không đạt được mục đích đề ra. Một ông thợ làm mỏ neo tài ba chuyển sang làm thợ chế đồng hồ tên là William Clement đã chế ra một cái ngàm “mỏ neo” mô phỏng đầu mấu của mỏ neo đảo ngược. Ông đã sử dụng con lắc để đẩy qua đẩy lại đầu mấu, mỗi lần lại nhả một răng của bánh xe ngàm có răng. Ông đã làm một chiếc đồng hồ như vậy cho trường King’s College thuộc Đại học Cambridge vào năm 1671. Cái ngàm dạng cần trước kia đòi hỏi con lắc phải di chuyển 40 độ, nhưng cái ngàm mỏ neo chỉ giới hạn chuyển động của con lắc xuống còn một cung nhỏ từ 3 đến 4 độ. Trong phạm vi cung nhỏ này sự đu đưa tự do của con lắc trùng khớp với cung xycloid đẳng thời. Ấy vậy mà cái ngàm mỏ neo của Clement vẫn chưa giải quyết được bài toán của những người đi biển. Một đồng hồ đi biển không được phụ thuộc vào trọng lực cả về lực chạy máy lẫn cơ cấu điều chỉnh nhịp. Nếu đã sử dụng được lực của dây cót để chạy đồng hồ thì sao lại không sử dụng tính đàn hồi của dây cót để điều chỉnh thay cho con lắc? Đó chính là ý tưởng đơn giản của Robert Hooke. Khi Robert Hooke (1635-1703) chưa đầy 10 tuổi, cậu đã nhìn thấy một chiếc đồng hồ tháo rời và sau đó tự làm cho mình một chiếc bằng gỗ. Là sinh viên lớn tuổi hơn các bạn khác tại trường Christ Church thuộc Đại học Cambridge, Hooke gia nhập nhóm tranh luận khoa học gồm cả nhà kinh tế học tiên phong William Petty, kiến trúc sư Christopher Wren và nhà vật lý Robert Boyle. Hooke chế tạo các cỗ máy để kiểm tra các lý thuyết do những người kia đề xuất. Khi Hội Khoa học Hoàng gia được thành lập năm 1662, người ta đã khôn ngoan chọn Hooke, lúc đó mới 27 tuổi, vào vị trí điều phối thí nghiệm, có nhiệm vụ làm thử các thí nghiệm do các thành viên gợi ý. “Sự thật là” - Hooke phát biểu trong tác phẩm Vi thể (1665) âm hưởng chủ đạo của thời đại mới - “khoa học về tự nhiên lâu nay chỉ là công việc của khối óc và trí tưởng tượng. Giờ đây đã đến lúc nó phải trở lại lãnh địa của quan sát rõ ràng và chắc chắn về vật chất và sự vật hiển nhiên.” Năm 1658, khi chỉ mới 23 tuổi, Hooke đã phỏng đoán rằng cơ cấu điều chỉnh cho một đồng hồ hàng hải phải dựa trên việc “sử dụng dây cót thay cho trọng lực để làm cho một vật thể dao động ở bất cứ tư thế nào”. Một dây cót gắn với một bánh xe cân bằng có thể làm cho bánh xe lắc lư tiến lui quanh trọng tâm, qua đó tạo ra chuyển động tuần hoàn cần thiết để làm dừng và khởi động lại bộ máy, bằng cách đó đánh dấu đơn vị thời gian. Suy nghĩ thấu đáo và quan trọng này đã giúp cho đồng hồ hàng hải ra đời. Nếu như bộ máy của Hooke được cấp bằng sáng chế thì ông hẳn đã giàu có. Cả hai nhà khoa học đồng liêu khá giàu là Robert Boyle và William Brouncker, chủ tịch đầu tiên của Hội Hoàng gia, đều muốn hỗ trợ dự án. Nhưng Hooke đã từ chối khi họ không đáp ứng được mọi yêu cầu của ông. Khi một người Hà Lan cạnh tranh với ông, Huygens, làm được một chiếc đồng hồ đeo tay có dây cót cân bằng vào năm 1674, Hooke đã phẫn nộ buộc tội Huygens ăn cắp sáng chế của ông. Để khẳng định quyền của người đến trước, năm sau Hooke đã làm một chiếc đồng hồ đeo tay dâng vua Anh trên đó có khắc dòng chữ khẳng định rằng Hooke đã sáng chế ra mẫu máy quan trọng này ngay từ năm 1658. Hooke trở thành tác giả không thể tranh cãi của định luật Hooke: Ut tensio sic vis - một chiếc lò xo khi bị căng ra sẽ cưỡng lại bằng một lực tỷ lệ thuận với mức độ giãn của nó. Thế nhưng mọi người vẫn tranh cãi về ngôi vị trước tiên cho gần như mọi sáng chế của ông, trong đó có sáng chế về dây cót cân bằng. Cho dù ai là người “phát minh sáng chế đầu tiên” những thứ đó, sự kết hợp của dây cót chính làm động lực và dây cót cân bằng làm cơ cấu điều chỉnh rốt cuộc đã hình thành nên chiếc đồng hồ hàng hải. Các giải thưởng của nhà nước và các luật về bằng sáng chế liên tục phát triển đã bắt đầu công nhận và tưởng thưởng hậu hĩnh những người sáng chế đầu tiên. Một trong những tác dụng hữu ích nhất của các quỹ công trong việc thúc đẩy khoa học và công nghệ là giải thưởng mà Nghị viện Anh đã ban bố năm 1714 cho giải pháp thiết thực để tìm độ kinh trên biển. Người may mắn nhận giải là John Harrison (1693-1776), một người giỏi nghề và kiên trì, con trai của một người thợ mộc xứ Yorkshire. Harrison đã mau chóng hưởng ứng đề nghị của Nghị viện Anh. Sau nhiều nỗ lực làm việc, lại nhận được khoản cho vay không lấy lãi của George Graham, một người thợ chế tạo dụng cụ nổi tiếng ở London, cuối cùng Harrison đã thành công. Năm 1761 mẫu đồng hồ thứ tư của ông dường như đã đáp ứng yêu cầu qua thử nghiệm. Trong chuyến đi chín tuần đến Jamaica, đồng hồ của ông chỉ chậm 5 giây, tức khoảng 1,25 phút độ kinh, hoàn toàn trong phạm vi 30 phút độ kinh mà BẤn Độ kinh cho phép. Lần thử nghiệm thứ hai cũng khẳng định độ chính xác của đồng hồ, đem lại cho ông 10.000 bảng, bằng nửa khoản tiền của giải thưởng. Cho đến khi các đồng hồ hàng hải rẻ hơn được chế tạo, các thuyền trưởng vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp mặt trăng. Nhưng về sau việc cung cấp đồng hồ rẻ trở nên dễ hơn việc đào tạo các thủy thủ thạo toán. Không chỉ có các thủy thủ mới được tiếp cận với cách xác định thời gian mới, vì đồng hồ hàng hải của Harrison quả thực là một đồng hồ đeo tay lớn. Cơ cấu dây cót đã giúp đồng hồ trở thành vật dụng mang theo cả trên cạn lẫn trên biển. Cảm giác mới về thời gian xuất hiện cùng với đồng hồ dễ mang theo người - nhỏ gọn hơn, không phụ thuộc vào trọng lực, được bỏ vào túi hay đeo trên tay - đã lấp nốt mọi lỗ hổng của cuộc sống. PHẦN III ĐỒNG HỒ TRUYỀN GIÁO Ta không cần ngạc nhiên rằng các nhà thông thái Trung Hoa đã không thực hiện những bước đi như thế. Cái đáng ngạc nhiên là những khám phá như vậy đã được thực hiện. —ALBERT EINSTEIN (1953) 7 Vừng ơi mở ra Trung Hoa G IỜ đây, về mặt kỹ thuật, con người ta ở khắp mọi nơi đều có thể xác định được vị trí của mình trên hành tinh và tìm lại được những nơi họ đã khám phá. Nhưng cái có thể về mặt kỹ thuật không phải bao giờ cũng có thể về mặt xã hội. Truyền thống, tập quán, cơ chế, ngôn ngữ và cả ngàn thói quen nho nhỏ - nếp nghĩ và nếp ứng xử - trở thành rào cản. Câu chuyện ấn tượng về chiếc đồng hồ ở phương Tây đã không diễn ra ở phương Đông. Năm 1577, tại trường Đại học dòng Tên ở Rome, khi linh mục 25 tuổi Matteo Ricci (1552-1610) gặp một cha truyền giáo từ một cơ sở xa xôi của dòng Tên bên Ấn Độ trở về, ông đã quyết định gia nhập các phái bộ ở đầu kia của thế giới nhằm “nộp vào kho của giáo hội Công giáo vụ thu hoạch phong phú, kết quả của những hạt giống Phúc Âm đã gieo mầm tại đó”. Người thanh niên Ricci đã chứng tỏ một tinh thần độc lập làm cho ông trở thành một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất. Cha của Ricci đã gửi ông tới Rome lúc 17 tuổi để học luật. Sợ rằng Matteo bị cuốn hút vào nghề linh mục, cha anh đã nhấn mạnh mệnh lệnh rằng ông phải tránh các chủ đề tôn giáo. Bất chấp những cố gắng của cha, Matteo đã vào dòng Tên khi chưa đầy 20 tuổi rồi viết thư cho cha xin được chấp thuận. Khi người cha vội vã đến Rome để rút tên con khỏi khóa tập sự thầy tu dòng Tên, ông đã phát ốm trên đường đi. Việc này khiến ông tin rằng đó là dấu hiệu Chúa sắp đặt để Matteo được theo đuổi thiên hướng của mình. Sau đó Matteo Ricci rờiRome đến Genoa, từ đó đi tàu biển sang Bồ Đào Nha để quá giang trên một chuyến tàu buôn hằng năm đi Ấn Độ. Sau khi tới Goa, vùng đất Bồ Đào Nha lọt thỏm giữa quốc gia khác trên bờ biển tây nam Ấn Độ vào tháng 9 năm 1578, Ricci đã học và dạy thần học trong bốn năm. Thế rồi cha bề trên cử ông tới phái bộ truyền giáo tại Macao. Ông bắt đầu học tiếng Trung Hoa tại đây. Chỉ cách thành phố buôn bán Quảng Châu một cái vịnh, Macao dường như là bàn đạp lý tưởng cho các nhà truyền giáo. Ricci và một linh mục khác là Michele Ruggieri đã sống bảy năm tại Triệu Khánh, một thị trấn ở phía tây Quảng Châu. Họ xây một ngôi nhà của phái bộ. Bất chấp sự nghi kỵ phổ biến và những loạt đá mà những người dân thù địch thỉnh thoảng ném vào, họ được coi là những người học rộng biết nhiều. Trên tường phòng khách của phái bộ, Ricci treo tấm bản đồ thế giới. Bản thân Ricci kể lại: Trong tất cả các dân tộc lớn, người Trung Hoa có nền thương mại kém nhất. Thậm chí có thể nói họ hầu như không tiếp xúc với các nước bên ngoài, do đó không hề biết thế giới nói chung là như thế nào. Quả thực, họ có những tấm bản đồ na ná như thế này, có vẻ như chúng cũng thể hiện cả thế giới, nhưng thế giới ấy chỉ bó hẹp trong mười lăm tỉnh của họ. Phần biển bao quanh họ có vẽ dăm hòn đảo mà họ gán cho những cái tên của các vương quốc mà họ nghe nói đến. Tất cả các hòn đảo gộp lại cũng chưa to bằng cái tỉnh bé nhất của Trung Hoa. Với kiến thức hạn chế như thế, dễ hiểu tại sao họ huênh hoang rằng nước họ là cả thế gian, tại sao họ gọi nước mình là thiên hạ, nghĩa là mọi thứ dưới bầu trời. Khi biết rằng Trung Hoa chỉ là một phần của phương Đông to lớn, họ coi những ý niệm khác hẳn như vậy là cái gì đó hoàn toàn vô lý, thế là họ muốn tìm đọc về điều đó để có được phán xét tốt hơn… Chúng tôi phải nêu ra đây một phát hiện khác giúp lấy được thiện chí của người Trung Hoa. Đối với họ thì trời tròn, còn đất phẳng và vuông. Người Trung Hoa tin chắc rằng quốc gia của mình nằm ở chính giữa. Họ không thích các nhà địa lý phương Tây đẩy đất nước mình ra một góc phương Đông, cũng như không thể hiểu được những lý lẽ chứng tỏ Trái đất hình cầu, bao gồm đất và nước, và về bản chất thì hình cầu đó không có điểm bắt đầu hay điểm kết thúc. Do vậy nhà vẽ bản đồ phải thay đổi bố cục bằng cách bỏ qua kinh tuyến đầu của quần đảo Ấn Sủng[1], cấn rìa hai bên bản đồ sao cho Trung Quốc hiện ra ở chính giữa bản đồ. Bố cục này phù hợp với quan niệm của họ, làm cho họ vô cùng sung sướng và thỏa mãn. Quả thực, vào lúc đó và trong tình huống cụ thể đó, không thể có được một phát hiện nào đắc dụng hơn để lấy lòng những người này, để làm cho họ tin… Vì họ chẳng biết gì về kích thước Trái đất và luôn tự phụ về bản thân, người Trung Hoa cho rằng trong số các nước chỉ có Trung Quốc mới đáng tự hào. So với sự kỳ vĩ của đế quốc họ, hệ thống quản lý công và danh tiếng học thuật của họ, thì tất cả các dân tộc khác không chỉ là man di mọi rợ mà còn là súc vật không lý trí. Đối với họ thì không một xứ sở nào khác đáng mặt xưng đế, không một triều đình hay nền văn hóa nào ngang với họ. Lòng kiêu ngạo càng được bơm lên bởi sự ngu dốt bao nhiêu thì họ càng thấy nhục nhã bấy nhiêu khi sự thật hé lộ. Học thức và sự tế nhị của Ricci vẫn không xua tan được nỗi sợ của người dân thị trấn. Một đêm họ đã ném đá vào nhà phái bộ truyền giáo và tố cáo Ricci âm mưu đưa người Bồ Đào Nha vào để cướp bóc thị trấn, kể tội ông biết về thuật giả kim nhưng từ chối tiết lộ bí mật cho mọi người. Thế rồi họ phá hủy ngôi nhà. Cha Ricci rời lên miền Bắc, hướng đến Bắc Kinh và đại bản doanh của hoàng đế. Theo truyền thống, các hoàng đế Trung Hoa sống tách biệt khỏi tầm nhìn của thần dân. Trong những năm suy đồi cuối nhà Minh, hoàng đế Vạn Lịch, người có sở thích sống ru rú bệnh hoạn, đã tự “giam” mình vào trong Cố Cung, tức Tử Cấm Thành với đám phi tần mỹ nữ, với vô số thái giám bao quanh. Ngay cả những viên quan cao cấp nhất cũng hiếm khi được gặp , vua, mà phải gửi các bản tấu trình qua lũ thái giám. Khi Ricci cùng các tu sĩ dòng Tên đến Bắc Kinh, họ bị bắt giam và tịch thu của cải. Viên quan ngành tư pháp còn cảnh cáo Ricci là sẽ “nghiền vụn, và nếu có thể sẽ tiêu hủy mọi mẫu vật về người bị đóng đinh trên thập giá mà họ mang theo”. Các quan Trung Hoa rất sợ hình tượng người chảy máu bị gắn trên thập giá mà họ nghĩ là một thứ bùa ma thuật nào đó. Suốt sáu tháng trời, các cha dòng Tên không thấy một tia hy vọng nào nên “đã hướng suy tư đến Chúa Trời và chuẩn bị tinh thần kiên quyết và vui vẻ đương đầu với bất cứ khó khăn nào, ngay cả cái chết, vì sự nghiệp mà họ đã dấn thân”. Ròng rã hai chục năm, cha Ricci đã tìm mọi cách để gặp được hoàng đế, vì chỉ có vua mới mở đường cho Trung Hoa đón nhận Phúc Âm, do đó ông bắt đầu lo rằng sứ mệnh của mình sẽ kết thúc trong tù ngục ở Bắc Kinh. Thế mà đùng một cái có lệnh vua truyền cho vào cung, lại phải nhớ mang theo những lễ vật từ châu Âu. Lý giải bất ngờ cho điều này, theo Ricci, là việc “một hôm, nhà vua sực nhớ đến đơn thỉnh cầu đã gửi cho mình bèn nói với cận thần: ‘Này cái đồng hồ đâu rồi nhỉ, cái đồng hồ biết tự gõ chuông ấy; cái đồng hồ mà đám người ngoại bang hứa trong đơn là sẽ mang đến cho ta ấy?'“ Thế là Ricci được thả, quà của ông được đem vào cung, một loạt súng thần công được bắn để thông báo rằng hoàng đế đã nhận được cống vật. Lễ vật trước tiên được đưa sang cho bộ Lễ xem xét và họ cho ý kiến như sau: """