" Những Mối Tình Vĩ Đại Trong Lịch Sử PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Mối Tình Vĩ Đại Trong Lịch Sử PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : NHỮNG MỐI TÌNH VĨ ĐẠI TRONG LỊCH SỬ Tác giả : ANDRÉ CASTELOT Dịch giả : LƯƠNG DINH Nhà xuất bản : CADAO Năm xuất bản : 1973 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : gacondeptrai, Aprilicious, Đình Giao, nonliving, Martian, Amovo, Dũng PC, Lê Gia Thụy, nth_9195, Lucabarazi, thuhang1319, tinhhienpt, Nguyễn Văn Trọng, Chii chan, ElvisRey, Kim Như, Phạm Đức Thảo, TiMon, Mekhoaibi, Vũ Đình Hào, hoa tuyet 3112, tmtuongvy Kiểm tra chính tả : Ngô Thị Thu Hiền, Tô Thị Thủy Nga, Nguyễn Hồng Vân, Lã Thị Phương Thúy, Nguyễn Ngọc Đông Nhi, Trần Ngô Thế Nhân Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 27/12/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả ANDRÉ CASTELOT, Dịch giả LƯƠNG DINH và nhà xuất bản CADAO đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC I. CLÉOPÂTRE II. NHỮNG CHUYỆN TÌNH CỦA GÃ VERT GALANT III. LA DU BARRY : NGƯỜI PHỤ NỮ BIẾT SỐNG NHƯNG KHÔNG HỀ BIẾT CHẾT IV. LADY HAMILTON V. MARIE ANTOINETTE VÀ FERSEN VI. PAGANETTA VII. MARIE WALEWSKA VIII. MỐI TÌNH VĨ ĐẠI CỦA NỮ HOÀNG HORTENSE IX. MỐI TÌNH GIỮA LISZT VÀ BÀ AGOULT ANDRÉ CASTELOT LƯƠNG DINH dịch NHỮNG MỐI TÌNH VĨ ĐẠI TRONG LỊCH SỬ CADAO 1973 CADAO Thư từ giao dịch : HOÀI KHANH Hộp thư 2287 – Saigon I. CLÉOPÂTRE Trời về đêm. Năm 48 trước Tây lịch. Gã đàn ông kia đứng trước Jules César, kẻ đã chiếm dinh thự của anh chàng Prolémée XIV ở Alexandrie mới mấy ngày. Dầu cai trị cả thế giới cổ, Ai Cập cũng chỉ là một tỉnh lỵ la-mã. Tuy vậy tỉnh lỵ này vẫn duy trì những nhà lãnh đạo, những luật lệ và nội các của họ. Gã kia tên là Apollodore, gốc Silia. Gã khoác trên vai một tấm thảm. Gã đặt tấm thảm xuống đất, cắt hai đầu dây, trải thảm ra, sững sờ thấy từ gói hàng hiện ra một nàng con gái tóc rối bời, thân hình nhỏ, trạc độ hai mươi. Nàng mỉm cười tự giới thiệu : « Tôi là Cléopâtre ! » Nàng không cố ý làm trò hề trước mắt César khi đến với vị Hoàng đế trong cách xuất hiện ấy. Suốt ba năm qua, Cléopâtre đã cùng em trai Ptolémée mười ba tuổi cai trị cả Ai Cập. Nàng phải kết hôn với em, theo tục lệ cổ truyền của dòng dõi Pharaons. Dĩ nhiên triều đình ấy được thành lập cách đó hai thế kỷ rưỡi do một vị tướng của Alexandre Đại đế và người Plotémées là gốc dân Macédoniens. Dĩ nhiên theo đúng truyền thống thì không một ai trong dòng ấy chịu học tiếng Ai Cập. Mặc dầu họ vẫn gặp nhiều ích lợi khi vay mượn các tập tục của xứ Ai Cập. Thiên hạ gọi họ là « Con của Mặt Trời » hay « hình ảnh của Chúa Amon » như thời Pharaons và các nhà lãnh đạo kết hôn với chị hoặc một phụ nữ khác trong gia tộc như cô, cháu hay mẹ vợ mẹ chồng. Cléopâtre sống lục đục bên chồng. Ông này chịu ảnh hưởng của ba tên vô loại : Bộ trưởng thái giám Pothin, tướng Achillas và sư phụ Théodote của y. Cuộc sống chăn gối rầy rà đến nỗi triều đình và quân đội phải chia hai phe. Cléopâtre trốn sang Syrie tuyển mộ binh sĩ. Trước hết là sự xuất hiện của Pompée, anh chàng này bị ba hải tặc giết chết khi đặt chân lên đất liền Ai Cập. Sau đó là sự xuất hiện của César, hai nhân vật này đã làm trì hoãn cuộc xung đột giữa hai chị em. Đóng vai trọng tài, Jules César xây mộng kết hợp các nhà lãnh đạo. César mời cô bé Cléopâtre đến Alexandrie nhưng cô ta không biết trở lại dinh thự ngày xưa bằng cách nào, chỉ sợ Ptomélée giết khi đặt chân đến đó. Cảnh giết chóc là thói quen của gia đình họ và đã gây không biết bao điều tang tóc. Không cần nhắc tới những tổ tiên của Cléopâtre đã cắt cổ nhau hàng ngày, ta chỉ cần nghĩ đến Ptomélée XI : sau khi giết chính mẹ mình, Ptomélée giết luôn cả mẹ của vị vua tiên nhiệm đã trao ngôi báu cho anh ta. Ptomélée XII ám sát mẹ vợ của ông sau khi lấy bà, trong lúc Ptomélée XIII, cha của Cléopâtre đã cắt cổ Bérénice, con gái của ông. Những cuộc thảm sát ấy đã gây ra nhiều khó khăn cho các sử gia. Thật vậy, làm thế nào phân định chính xác những liên hệ gia đình nối liền các thủ phạm, cháu, chú, chồng, con rể, anh em hay nối liền cả những kẻ đó với chính nạn nhân ? Nhờ tấm thảm của Apollodore, Cléopâtre đạt được thắng lợi đầu tiên : nàng đã bình yên đến trước mặt César. Mục đích của nàng là chinh phục vị chúa tể nhân loại rồi khai trừ em mình. Jules César thích thú nhìn nàng hoàng hậu bé bỏng. Ta không cần biết đến người đàn bà nổi tiếng nhất thời thượng cổ có đôi mắt xanh và làn da trắng nõn đặc biệt của dân Macédoniens – hay là làn da tỏa mùi long diên hương với đôi mắt đen huyền của người Hi Lạp. Liz Taylor có lý khi chọn vai Cléopâtre của huyền thoại, nàng Cléopâtre có làn da quả mơ và đôi mắt kiểu hoàng hậu Nefertiti. Chúng tôi chỉ biết – và điều này không quá tệ đối với một phụ nữ được ướp xác cách đây hai nghìn năm – là cô gái diễm kiều ấy có cái dáng mà ngày nay ta gọi là vẻ nhìn có thể làm cho kẻ chết sống lại, một thân hình tuyệt đẹp, chiếc mũi quặm có hơi lồi. Chiếc mũi ấy đã làm nàng đau khổ khá nhiều. Nếu cái mũi ấy ngắn hơn một tí, ngược với lời Pascal đã nói, thì chủ nhân cái mũi ấy sẽ gây nhiều cuộc nghiêng nước nghiêng thành. Để chìu lòng người đẹp, có lẽ César muốn làm vua với nhiều nhẫn nại hơn rồi chết sớm hơn vài ngày nhưng bộ mặt thế giới cũng không vì thế mà thay đổi. Ngoài ra, Cléopâtre thứ thiệt có tài tô son điểm phấn. Lúc còn sinh tiền, một cuốn sách nói về sắc đẹp tựa đề là Kosmetica được xuất bản mà thiên hạ cho rằng chính Cléopâtre viết. Rõ ràng đó là một cái bẫy do chính tác giả giăng ra. Nàng đẹp lộng lẫy nên ai ai cũng muốn nghe nàng và thấy nàng, Dion Cassius đã nói thế và nàng có khả năng chinh phục những quả tim sắt đá đối với tình yêu và luôn cả những kẻ mà tuổi tác đã làm cho tâm hồn băng giá. Jules César không còn trơ như đá trước tình yêu mà tuổi tác đã làm cho khô cằn. Dĩ nhiên ông ta được năm mươi ba tuổi và trên gương mặt đẹp đẽ của ông hiện lên rõ ràng nét cứng rắn của cuộc đời binh nghiệp và dấu vết của những trò đùa mà ông chơi hết mình giữa hai trận đánh. Tuy nhiên ông vẫn không mất vẻ hào hoa. Thân hình thon thon và rắn chắc của ông vẫn giữ được tất cả sự dẻo dai cường tráng. Hơn nữa, ông là César ! Khi nhìn ông, thiên hạ quên mất tính độc ác khủng khiếp của ông. Ông há chẳng tàn sát cả triệu đàn ông, đàn bà và trẻ con ở Pháp sao ? Ông há chẳng ra lệnh chặt bàn tay phải của hàng nghìn tù binh ở Uxellodunum sao ? Tự cho mình là dòng Vệ nữ, ông quyến rủ tất cả phụ nữ. Thật lạ lùng vì đến giờ phút này ông vẫn chưa nằm sóng soài ở nơi tối tăm với con dao cắm phập vào bụng do bàn tay của một đức lang quân nào đó nổi cơn ghen. Khi vừa cho Cléopâtre biết rằng nàng hợp nhãn ông, Cléopâtre sẵn sàng hiến thân. Và ta sẽ tưởng tượng được vẻ mặt nhăn nhó của anh chàng Ptolémée ngày hôm sau khi thấy chị mình kề vai bên Jules César mà Ptolémée cứ ngỡ rằng nàng vẫn ở Syrie. Em của Cléopâtre cố đương đầu, César cho Mithridate đi cứu viện và Ptolémée bị đánh bại, hạm đội của anh ta tan rã, các binh sĩ bị tiêu diệt và cuối cùng anh ta phải chết dưới sông Nil khi chạy trốn. Nhờ sắc đẹp và sự khôn khéo, Cléopâtre đã đạt được mục đích, Jules César yêu nàng nên không tha thiết theo đuổi bọn thuộc hạ của Pompée và ông sống cuộc đời chồng vợ với cô bé phù thủy ấy ở Alexandrie. Ai Cập không được sáp nhập vào La Mã nên Cléopâtre một mình cai trị cả vương quốc. Trong khi chờ đợi hạ sinh đứa con trai của kẻ độc tài, Cléopâtra muốn dâng vương quốc của nàng cho César. Hàng nghìn lính viễn chinh La Mã và Ai Cập được chở trong bốn trăm chiến thuyền để hộ tống chiếc Pahabigeh của hoàng cung, thuyền này dài ba trăm thước, tương tự như chiếc tàu France, rộng bốn mươi lăm thước và cao bằng tòa nhà hai mươi tầng. Chiếc thuyền khổng lồ ấy gồm nhiều phòng hội, nhiều thánh đường thờ Vệ nữ và thần Dyonisos, chạy về Memphis. Lần đầu tiên, Cléopâtre thấy Kim Tự Tháp và tượng Sphinx. Đoàn tàu đi về hướng cố đô Thèbes, rời thác nước thứ nhất, thẳng đến Assouan. Phải mất năm tuần mới đến đấy. Có lẽ để chìu lòng Cesar, Cléopâtre ra lệnh tháo một trong những tiêm bi của ngôi đền Louxor để mang sang Alexandrie. Một ngày kia, tiêm bi nọ được mang tặng chính phủ Anh. Tiêm bi này cũng giống như tiêm bi của Pháp ở công viên La Concorde. Thế là người Anh đem dựng nó ở Luân đôn, bên bờ sông Tamise, đặt tên là cây kim của nàng Cléopâtre. Khi trở về, César sung sướng ôm con trai Césarion của mình. Nó tên là Ptolémée tự César, là con của Cléopâtre. Trước khi trở về La Mã, César đánh bại vua Pharnace ở Tiểu Á tại Zéla, cuộc chiến thắng kết thúc quá mau nên César chỉ kịp thông báo cho Quốc Hội La Mã ba chữ : Veni, vidi, Vici, nghĩa là : Tôi đến, tôi thấy, tôi thắng. Từ đó ông đi lên Bắc Phi châu đánh tan những đoàn quân cuối cùng của Pompée là đồng minh của vua Numidie. Nhưng ông quá nhớ bà hoàng hậu cưng nên bảo bà theo ông đến La Mã với đứa con chung Césarion và đứa con riêng của bà là Ptolémée XV. Cléopâtre có đến đúng lúc để chứng kiến chiến thắng của César vào mùa hè 46 không ? Arthur Weigall xác nhận có và điện ảnh đã có lý khi cho quay cảnh Cléopâtre đến đó vui đùa. Lần này thì cái vĩ đại của điện ảnh thật xứng đáng với cái vĩ đại của Lịch sử chỉ tiếc có vài cảnh giảm giá trị kiểu Broadway pha lẫn kiểu Folies Bergères. Cái vĩ đại ấy được phô bày qua bức tượng Sphinx khổng lồ do cả ngàn người kéo cũng như hai chiếc xe khổng lồ trong lịch sử : chiếc này chở mô hình dòng sông Nil và chiếc kia chở bức tượng ngọn hải đăng Pharos theo sau là một bầy cá sấu, một con hươu cao cổ và một con trâu nước. Bốn mươi con voi bao quanh chiến xa của César, theo sau là vua Vercingétorix thiểu não, bị cầm tù từ sáu năm nay và theo đúng luật thì ông sẽ bị giết sau khi cuộc triển lãm những mô hình này chấm dứt. César cho Cléopâtre và đứa con trai sống trong một ngôi nhà miền quê ở hữu ngạn sông Tibre. Thời gian ông ở tại đây lâu hơn thời gian sống với vợ chính thức là Calpurnia. Trước sự ngỡ ngàng của dân La Mã ông muốn chứng minh rằng Cléopâtre không những giống một nữ thần mà còn là đại diện cho thần Isis Aphrodite trên thế gian này. Hơn nữa ông lấy bớt của tổ tiên ngôi đền thờ Vệ nữ Genitrix và đặt vào đó một pho tượng trần truồng của Cléopâtre do nhà điêu khắc nổi tiếng Archasilaus chạm trổ. Cả thành phố La Mã rúng động. Dân La Mã càng rúng động hơn khi biết được Jules Cesar nghe lời Cléopâtre mang chiêm tinh gia của triều đình từ Alexandrie tới để bảo họ soạn lại cuốn lịch dựa theo hệ thống Eudoxe. Hệ thống này phát sinh từ César, người đã gán tên mình và đặt căn bản cho cuốn lịch của chúng ta. Cũng nhờ Cléopâtre mà mỗi năm mới có 365 ngày, bốn năm có 366 ngày và cuốn lịch theo đúng vòng quay của mặt trời. Là Đại-giáo trưởng sai khiến cả tinh tú, ông đề cử Césarion làm vua Ai Cập. Ptolémée biệt tích và không ai thấy y nữa. César cho xây một ngai vua bằng vàng ở Quốc hội. Một bức tượng được dựng lên ở đền Quirinus với những dòng chữ sau đây : « Dâng lên thần bất tử ». Trọn đời độc tài, Cesar tuyên bố rằng ông là luật, ông tha hồ kiêu căng tự đắc như Shakespeare đã nói : « tự đắc đến nỗi bụng trái đất bị phình lên ». Mù quáng vì chức vua mà ông hy vọng một ngày nào sẽ có được, Jules César đi đến ngày 15 tháng 3. Hôm đó mấy con dao của Cassius, Brutus và những kẻ âm mưu khác đang chờ ông. Giết xong người tình của Cléopâtre, họ sẽ lập nền Cộng Hòa. Tối hôm ấy, đứng trong những khu vườn nhà mình, Cléopâtre khóc nức nở đến thiếp đi. Chẳng mấy chốc bà lấy lại bình tĩnh. Ba tuần sau, họ đốt thi hài của Cesar ở Forum, ba tuần sau đêm tang tóc, đám đông vây quanh đống củi đọc lẫm bẫm thơ của Accius : « Tôi đã cứu những kẻ giết tôi ». Ba tuần sau, chàng Antoine trung thành dùng đầu lao nhặt chiếc áo rách tả tơi vì mũi dao của những kẻ giết người, ba tuần sau thuyền của Cléopâtre đi về hướng Alexandrie. Cuộc nội chiến dành ngôi kế vị César sắp xé nát đế quốc La Mã và Cléopâtre tiên đoán rằng tất cả mọi sự hay hầu hết mọi sự một lần nữa sẽ xảy đến ở Ai Cập. Thời gian trôi qua. Và tiếp đó là những mối tình nổi tiếng thời Thượng cổ. Người dân thành phố Tarse, một thành phố ở Syrie hay nói rõ hơn là ở Silice, nằm trên bờ sông Cydnus giờ đây gọi là Tarsous, tưởng họ đang mơ. Một chiếc thuyền kỳ dị với những cánh buồm tím khổng lồ bỏ neo trước thành phố. Ở buồng lái, một đầu voi khổng lồ bằng vàng dùng làm nơi trú ẩn chứa hai thủy thủ có những nữ thần vây quanh. Những cây đàn thụ cầm, ống sáo và trống con đánh theo nhịp mái chèo long lanh trong ánh nước. Vì đó là thuyền tư nhân nên Cléopâtre nằm dài dưới chiếc màng treo viền vàng. Chung quanh nàng là cả một triều thần thủy nữ trang sức như các nữ thần ái tình Hy Lạp, những hải-nữ-thần khả ái và những luyến-ái-thần trẻ trung phô trương vẻ huy hoàng với lông đà điểu. Những bình trầm của Ai Cập tỏa hương ngào ngạt. Ta có thể tìm ra chất hương ấy vào mùa nước ròng trên những bức tường của đền Philae. Trong cảnh sắc ấy, Cléopâtre phải làm xiêu lòng Antoine, người báo thù cho César, một trong tam đầu chế Octave và Lepidus. Antoine đã chia được phần miền Đông là Ai Cập. Ăn mặc hở hang như nữ thần tình ái – con gái cưng của biển cả kiêm nữ thần hy lạp của tình yêu và sắc đẹp – nữ hoàng không thể dấu được mưu đồ của bà. Đã từng được César đào luyện, bà phải chinh phục vị tân chủ tể nếu bà muốn tiếp tục trị vì và truyền ngôi cho con bà. Dĩ nhiên, dầu có những bắp thịt rắn chắc, con gấu ngớ ngẩn Antoine vẫn không phải đối thủ của Cléopâtre hai mươi bảy tuổi. Nàng tha hồ thao túng chàng thanh niên La Mã đó. « Chú bé con khổng lồ ấy », như Renan đã gọi, không những là thần Bacchus giáng trần luôn luôn đứng giữa các hũ rượu và bao giờ cũng ăn uống no say – một tráng niên bốn mươi hai tuổi, một nhà đô vật phi thường, nhờ sức mạnh của hai cánh tay gân guốc mà còn là vị tướng lãnh tài ba được binh sĩ kính mến nhờ lòng vị tha độ lượng và tính bình dân của ông. Đó là điều chính yếu đối với Cléopâtre. Người khổng lồ đạo đức ấy đã làm cho tim phụ nữ hồi hộp và như Plutarque đã nói : « Ông ta đánh mất con tim một cách dễ dàng như mất nhịp đập của tim ». Nữ hoàng Ai Cập có mang lại nhịp điệu điều hòa cho quả tim của ông thần Dionysos mới này không ? Nàng bắt đầu đãi anh chàng tham ăn này một bữa tiệc linh đình cốt ý làm xóa mờ tất cả những chầu rượu và những tiệc tùng mà ông đã từng ăn trước đây. Nàng tổ chức trong phòng khánh tiết, ngay trên thuyền, hết tiệc này sang tiệc khác. Khi đến bàn tiệc, các thực khách đi trên những tấm nệm rắc đầy hoa hồng và khi trở về họ được tặng luôn cả giường trên đó họ đã nằm, chén đĩa bằng vàng họ đã sử dụng, kiệu song loan với ngựa chở đầy vàng đưa họ về tận nhà. Antoine cố sức chống trả nhưng cuối cùng đành thú thật chịu thua. Tuy vậy ông vẫn tốn hao cả tài sản để tiếp đón nữ hoàng. Cléopâtre nhún nhẹ đôi vai tuyệt đẹp của bà : Chàng La Mã không đương đầu nổi ! Bà xác nhận rằng bà có thể chi phí cho một bữa ăn một số tiền tương đương hai mươi triệu phật lăng xưa ! Antoine dám đánh cá, thế là hôm sau, nàng nắm trên tay một chén đựng ít giấm rồi bỏ vào đó một viên ngọc đeo tai. Thế là giọt giấm đáng giá ngàn vàng. Cảnh này không cám dỗ các nhà điện ảnh. Có lẽ họ sợ thiên hạ cho rằng họ có óc tưởng tượng quá đáng, vì chuyện ấy không ai tin được. Thế là điện ảnh biết hãm mình, dầu đó là điện ảnh Hoa Kỳ. Khi bàn đến Cléopâtre, dầu có thích đề cập đến cái vĩ đại đáng ngờ nhất thì ai nấy cũng phải khoanh tay. Những cơn điên của điện ảnh Hồ ly vọng còn quá xa với sự thật. Khi rời Tarse để đến Alexandrie, Cléopâtre đã thành công ngoài sự mong ước. Bà đã phô bày cho Antoine thấy sự giàu có vượt bực của Ai Cập. Khả năng dành cho đế quốc bà chống lại La Mã thật là vô bờ nếu có tam đầu chế giúp sức. Dĩ nhiên nữ hoàng đã trở thành tình nhân của Antoine, nhưng nàng cũng đã thành công trong việc làm cho ông hồi hộp. Ông đã si mê vị nữ thần này, ông yêu quí người phụ nữ có đủ thông minh để đáp ứng đúng mức tình yêu của ông. Thật vậy, Plutarque đã cho chúng ta biết : Khi nhận thức rằng sự đùa cợt của Antoine thô bỉ và vụng về, bà đã đáp ứng đúng mức không gớm guốc và không cưỡng chế. Chẳng bao lâu Antoine theo nữ hoàng đến Alexandrie, ở đây một cảnh huy hoàng mới diễn ra trước mắt ông. Ông chóa mắt đến nỗi biến thành phố ấy thành thành phố Capoue của Antoine. Thay vì lo cai trị miền Đông, Antoine cứ mãi yêu đương Cléopâtre và bỏ phế chính trị, danh vọng và La Mã. Để bênh vực ông, ta phải hiểu rằng ông đã mê man trong lúc tâm trí của Cléopâtre vẫn sáng suốt. Lòng nàng và trí nàng không hề bị lay chuyển. Do đó lưới tình nàng ném xuống Antoine đã phủ chặt lấy ông. Ông ta quăng luôn áo dài La Mã để choàng lên người chiếc áo Hy Lạp. Cuối cùng, dầu cưới nhau ở La Mã, ông vẫn làm theo hôn lễ Hy Lạp và chính năm 40 ấy nàng cho ông hai đứa con sanh đôi : Alexandre Hélios, mặt trời và Cléopâtre Séliné, mặt trăng. Người vợ La Mã của Antoine : Fulvie, cùng anh bà và dân Parthes nổi lên phá rối. Dân Parthes nổi dậy ở Syrie trong khi hai người kia trốn khỏi La Mã sau khi lật đổ Octave. Ý Đại Lợi chìm trong máu lửa. Antoine từ giã Cléopâtre mùa xuân 40 và xuống thuyền ra đi. Cùng năm ấy, qua trung gian một sứ thần, nữ hoàng vui mừng hay tin Fulvie đã chết. Từ đây Antoine sẽ là của riêng nàng. Nhưng bất thần vào tháng mười, một tin khác lại đến. Và tin nầy như sét đánh : Antoine đã làm hòa với Octave ở Brindisi. Dành cho Lepidus vài mảnh đất, hai người chia nhau đế quốc. Để thắt chặt tình hữu nghị, Antoine chấp nhận cưới nàng Octavie duyên dáng và hiền lành là em gái của Octave mà có người cho rằng đẹp hơn cả Cléopâtre. Những cơn điên cuồng, nỗi phẫn nộ và mối ưu phiền của Cléopâtre trong lịch sử đúng hệt với những tình cảm mà Cléopâtre ở điện ảnh đã diễn tả. Nàng xé áo quần của tên phản bội thành từng mảnh và đập phá tất cả những vật dụng quý giá trong tầm tay của nàng. Cơn phẫn nộ của Cléopâtre càng tăng thêm khi hay tin Octavie cũng hạ sinh một đứa con với chồng bà : cô bé Antonia sau này là mẹ của Néron. Ba năm rưỡi trôi qua. Nàng Octavie đức hạnh suốt ngày chỉ lo may vá thêu thùa làm Antoine bực mình. Lúc nào ông cũng tưởng đến Cléopâtre và cuộc sống lạc thú lạ thường mà Cléopâtre đã thành công mang đến cho ông ở triều đình Ptolémée. Cléopâtre vẫn đeo đuổi chiếm lại chồng, nàng đặt cạnh tam đầu chế một chiêm-tinh-gia Ai Cập có bổn phận thuyết phục Antoine rằng ông sẽ gặp phiền muộn và nguyên nhân của sự phiền muộn này là sự hiện diện của Octave. Chiêm tinh gia ấy xác nhận : thần hộ mệnh của Antoine sợ thần hộ mệnh của Octave. Càng cô đơn thì vị thần linh kia càng uy nghi dũng mãnh nhưng lúc đối diện với thần linh của Octave thì vị thần kia lại nhu nhược yếu đuối. Năm 37 khi vượt biển sang Corfou, Antoine quyết định đoạn giao với La Mã, đuổi Octavie và xin Cléopâtre đến với ông ở Syrie. Ta có thể hiểu lầm nữ hoàng nếu nghĩ rằng nàng sẽ từ chối chắp nối tình xưa với Antoine vì nàng đã bị thương tổn và điêu đứng trong cuộc phụ tình do Antoine gây ra. Việc hớ hênh ngày xưa giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Đúng như Arthur Weigall đã nói, nàng không còn đùa giỡn với định mệnh và không đi lại con đường đỏng đảnh và điên rồ như ngày trước. Nàng lợi dụng tình thế để đặt điều kiện hay đúng hơn buộc Antoine phải ký hợp đồng. Nếu muốn hòa, ông phải để Cléopâtre sỏ mũi dắt đi. Trước hết họ ăn mừng lễ cưới lần thứ hai theo tục lệ Ai Cập, sau đó Antoine sẽ nhận chức độc bá vương, một mình cai trị cả miền Đông thay thế vua Ai Cập. Cléopâtre là nữ hoàng duy nhất. Césarion chứ không phải Hélios sẽ trở thành đông cung thái tử chính thức. Sau hết, Antoine khôi phục lại đế quốc Pharaons cho Cléopâtre và con nàng như đã có từ mười bốn thế kỷ trước. Ngược lại, Cléopâtre chấp thuận để chàng La Mã toàn quyền sử dụng tất cả tài sản của Ai Cập và cuộc đời vợ chồng nổi tiếng nhất thời thượng cổ lại tiếp tục. Lần này một đội quân gồm 100.000 người, con số mà La Mã chưa bao giờ có ở phương Đông, bảo vệ họ. Vợ của Antoine buộc hai tam đầu chế kia phải đóng tiền trong suốt thời gian cai trị của Cléopâtre « năm thứ 15 và cũng là năm thứ nhất », năm thứ nhất từ khi Cléopâtre và độc bá vương tái hợp. Kế đến là những giờ đen tối. Antoine tưởng đã đến Ấn Độ, không ngờ gặp phải những thất bại nặng nề. Trong khi rút lui, quân Parthes đã tàn sát binh sĩ của ông, hơn nữa bệnh dịch và lạnh đã làm hao mòn những kẻ sống sót. Khi Cléopâtre mang lương thực, quân phục và vàng bạc đến tiếp viện thì gần hai phần ba quân sĩ của ông đã bị tàn sát. Nàng thấy những anh lính viễn chinh rách rưới và Antoine lơ láo, không giống người anh hùng xưa kia tí nào. Ông đang tìm sự an ủi qua chén rượu. Họ phải nghỉ ngơi nhiều tuần ở Alexandrie mới mong quên cơn ác mộng. Dầu Cléopâtre cố khuyên chàng thận trọng và tỏ ra yêu chàng cho đến chết, Antoine vẫn nuôi chí báo thù. Cuối cùng ông xoa dịu nỗi căm thù bằng giết chóc, hãm hiếp và cướp phá Arménie và tuyên bố rằng Alexandrie là kẻ thù của La Mã. Ở đấy Antoine ca khúc khải hoàn trong khi mọi sự tôn thờ dành cho thần nữ đều được dâng lên nàng trên ngôi báu. Cuộc chiến bại dần dần đi vào quên lãng. Trước sự đe dọa của một cuộc chiến với Octave, Antoine và Cléopâtre vẫn không tỉnh cơn hoan lạc. Họ say sưa tổ chức lễ lạc, mở tiệc tùng và xây những tòa nhà nguy nga tráng lệ. Sự phung phí vượt bực, vượt giới hạn và cảnh sắc huy hoàng vĩ đại cứ tha hồ tiếp diễn. Những phòng ốc trong dinh thự lót đầy bạch ngọc, tường làm bằng ngà, cửa chạm ngọc, bàn ghế bằng vàng có gắn trân châu. Một nhân chứng đã cho chúng ta biết rằng Cléopâtre bị ngột thở vì đeo quá nhiều nữ trang và đôi vú trắng của nàng như ẩn hiện dưới lớp vải mỏng Sidonie do những thợ dệt Trung Hoa đan thật khít nhưng người thợ sông Nil cố kéo dài tấm vải để các múi sợi hở ra. Đảo Ephèse, đối diện với Samos, chứa đủ loại binh lính. Hàng chục vua chư hầu ở đấy sẵn sàng cho Antoine và Cléopâtre sử dụng quân đội của họ. Mười chín đội quân La Mã, những chư hầu từ Đức, Pháp, Maure và Soudan, Nédie hay Arménie, đều qui tụ về đó. Có lẽ Octavie chấp thuận hòa bình nhưng Cléopâtre muốn chiến tranh vì nàng nghĩ đến Octavie. Bà ép chồng xua đuổi Octavie một cách phũ phàng. Cuối cùng, người phụ nữ đau khổ kia phải rời khỏi căn nhà La Mã. Sau đó vì muốn tiến sát bên hông địch, cả triều đình và đạo quân vĩ đại ấy đến đụng độ với Antoine và Cléopâtre ở Athènes. Thế là chiến tranh bùng nổ. Thoạt tiên là thế kẹt : Octave chặn hạm đội của Antoine ở vịnh Ambracie trong khi Antoine vây hãm địch quân ở đất liền. Cléopâtre đến tiếp tay với Antoine tăng cường cuộc phong tỏa với ba trăm chiến thuyền La Mã và Ai Cập rồi mở màn một trận thủy chiến. Nhưng liền sau trận chiến, Cléopâtre quyết định trở về Alexandrie với hạm đội của bà và để chồng trương buồm đi La Mã. Thế là họ thua trận Actium ! Chỉ vài giờ, tất cả đều tan tành trong biển lửa. Từ chiến thuyền của mình, Cléopâtre chứng kiến tận mắt cảnh tàn sát ở quanh thuyền Antoine và tất cả chiến thuyền La Mã đều bốc cháy. Bất thần bà quyết định rời vòng chiến. Gom góp các đám tàn quân lẻ tẻ, bà chạy về Alexandrie bỏ rơi Antoine trong lửa khói. Về sau Plutaque kể rằng tại nơi đây Antoine đã cho thế giới thấy bộ mặt thật của ông. Ông không còn được hướng dẫn bởi tư tưởng hay hành động của một vị tướng lãnh hay của một con người, ông cũng không được chính lý trí của ông soi sáng. Khi vừa thấy thuyền của Cléopâtre quay đi, ông bỏ rơi những binh sĩ còn mải mê chiến đấu và hy sinh mạng sống của mình cho ông để chạy theo người tình mà ông yêu đắm đuối. Chiếc thuyền của ông nhờ có năm dàn chèo nên ông bắt kịp hạm đội Ai Cập. Cléopâtre chán nản không thèm nói chuyện với ông nên nàng vào phòng đóng kín cửa. Kẻ bại trận ngồi ở buồng lái đưa mắt nhìn những vầng khói từ những con thuyền xa xa bốc cháy bay lên. Antoine bị xóa tên trong lịch sử một cách nhục nhã. Nhưng tên tuổi của Cléopâtre vẫn còn. Điều này đã được chứng minh khi nàng ra lệnh mang những chiếc thuyền thoát nạn chạy từ Actium đi xuyên qua sa mạc, từ sông Nil đến vịnh Suez để đưa chúng vào nấp ở biển Hồng Hải. Đoạn nàng cho đóng những thuyền mới. Những cơn bĩ cực cuối cùng dồn dập đến với nàng : Dân Ả Rập Nabathéens đốt hết thuyền của nàng kể cả những chiếc đậu ở Hồng Hải và những thuyền đang được đóng. Sau cùng, các toán quân của Độc Bá Vương sang đầu hàng Octave. Chán tất cả, Antoine sống cô đơn trong một căn nhà bé nhỏ ở ngoài một con đê tên là Timonium. Ông vẫn lặp lại mãi rằng cuộc đời vẫy vùng của ông từ đây là chấm dứt. Để tỉnh cơn ác mộng, ông phải đợi Octave trở về Tiểu Á và đặt chân lên Ai Cập. Cléopâtre nghĩ nàng sẽ chinh phục Octave cũng như đã từng chinh phục Jules César và Antoine nhưng nàng thừa biết rằng thế hệ vàng son của những cuộc chinh phục vĩ đại không còn nữa. Dĩ nhiên Octave thích thú thấy Cléopâtre đã chứng kiến những chiến thắng của ông – đó là việc đương nhiên. Nàng không thể hành động một cách táo bạo vì nàng còn giữ nhiều kỷ niệm của chồng. Giờ đây, mọi sự sẽ xảy ra rất nhanh. Nhanh một cách bi đát. Với đám tàn quân ít ỏi, Antoine cố chống trả nhưng vô hiệu. Octave tiến đến gần thành phố ; Cléopâtre và Antoine không còn thấy cách thoát thân hay chạy trốn nào ngoài cái chết. Antoine được thông báo rằng Cléopâtre chấp nhận chết và nàng đã rút lui một mình trong ngôi mộ cẩm thạch mà nàng đã cho xây bên chiếc áo quan đang chờ nàng. Antoine hét lên : « Cléopâtre, anh không buồn vì xa cách em, anh sẽ theo bên em nhưng có điều làm anh buồn là một vị tướng lẫy lừng như anh mà không can đảm bằng một người đàn bà ». Ông ra lệnh cho cận vệ Eros giết ông. Eros tự vẫn. Giật lấy thanh gươm của kẻ chết, ông la lên : « Anh đã cho chủ anh biết phải làm cách nào mặc dù không có can đảm làm ». Rồi đức lang quân của Cléopâtre đâm lưỡi dao vào ngực. Ông chỉ bị thương và được chở đến mộ Cléopâtre. Tại đó, ông nằm sóng soài dưới cửa sổ của ngôi mộ cao. Biết rằng hoàng hậu còn sống, ông van xin được chết trong tay bà. Chúng ta hãy lắng nghe Plutaque : Nàng thòng dây xuống để buộc Antoine vào, chính tay nàng và hai người tớ gái tên Charmion và Iras – những kẻ duy nhất được nàng đem theo kéo ông lên. Những nhân chứng hiện diện bảo rằng không có cảnh nào thương tâm bằng : Mình đầy máu, Antoine hổn hển leo lên, dơ đôi tay về phía bà rồi rướn người lên với chút tàn lực còn lại. Vài phút sau thì ông tắt thở trong tay bà. Ông sung sướng chết như người La Mã, do chính bàn tay người La Mã giết chứ không chết đê hèn. Vài giờ sau, Octave bắt Cléopâtre làm tù binh. Sau khi hàn huyên với con nuôi của César, hoàng hậu đoán biết kẻ chiến thắng sẽ làm gì với nàng và Ai Cập. Xứ sở nàng sẽ bị đô hộ và nàng sẽ chạy theo xe của kẻ chiến thắng trong lớp bụi mù La Mã. Nàng xin lên mộ Antoine khóc lóc rồi nằm dài và ôm chặt phiến đá một hồi lâu. Khi trở về nàng bảo mang đến một giỏ sung trong đó có chất độc cam-tùng-hương. Khi Octave vào phòng, Cléopâtre đã nằm lăn ra chết, thân hình nàng đeo đầy châu báu, chiếc vương miện dòng Ptolémée bao quanh trán. Dưới chân nàng Iras đã tắt thở. Người tớ gái kia cũng sắp trút hơi cuối cùng. Một viên sĩ quan lên tiếng hỏi : « Charmion, Hoàng hậu đã hành động can đảm không ? » Một phụ nữ trẻ khẽ trả lời như than thở : « Can đảm lắm và xứng đáng là dòng dõi quân vương ». Rồi nàng chết theo nữ chủ. II. NHỮNG CHUYỆN TÌNH CỦA GÃ VERT GALANT Song thân của Vua Henri tương lai yêu thương nhau tha thiết. Theo một sử gia thì Jeanne d’Albret là « một phụ nữ vui tính nên không ai buồn chán ở cạnh bà ». Antoine de Bourbone buồn rầu từ giã vợ và cố gắng giải sầu bằng cách « ăn uống no say » nhưng sử gia còn nói rõ : « Chuyện ăn uống không làm tôi khoái chí bằng được ngủ ấm áp với bà ngày thứ bảy ». Bà Jeanne nhận được tấm thiếp và sung sướng đọc được lời hứa có ký tên « Đứa con gái dễ thương biết vâng lời của bà và cũng là một người vợ đồng thời là tình nhân ». Tôi sung sướng nghĩ rằng Henri IV, kết quả của một cuộc tình duyên vĩ đại và đẹp đẽ, có tính hăng say. Dĩ nhiên lòng hăng say ấy được bộc lộ ngay những ngày còn trẻ. Mối tình đầu tiên hay ít ra là mối tình đầu tiên mà lịch sử còn ghi lại là chuyện yêu đương của ông với một phụ nữ vô danh. Ta chỉ biết mối tình của họ qua một tấm thiếp bắt đầu bằng những chữ sau đây : « Quả tim yêu của tôi » và kết luận bằng « một triệu cái hôn ». Rồi đến nàng Fleurette, với tên này có thể nàng là con của người làm vườn Nérac. Cả hai đều mười bảy tuổi. Khi hay tin tình nhân của mình sắp thành hôn với Marguerite de Valois, Fleurette thất vọng trầm mình tự vẫn ở suối Saint Jean đầu tháng sáu 1572. Thiên hạ cứ tin vào thiên tình sử đau thương ấy cho đến ngày sử gia Pierre de Vaissière khám phá trong những hồ sơ lưu trữ của Nérac chín chữ kết thúc bài thơ tình ái đầu tiên của vua Novarre trẻ tuổi : « Fleurette, người làm vườn cho nhà vua, chết ngày 22-8-1592 ». MARGOT Y phục và nữ trang của nàng không bao giờ dám che cái cổ tuyệt vời và bộ ngực căng phồng, vì sợ thiên hạ không chiêm ngưỡng được một đồ vật đẹp như thế… Qua bức chân dung do lãnh chúa Brantôme phác họa, có lẽ quý vị đã nhận ra người đàn bà nổi tiếng nhất dòng Valois : Marguerite de France, ái nữ của vua Henri II và hoàng hậu Catherine de Médicis. Quả là ấu trĩ nếu ta phủ nhận sức hấp dẫn lạ lùng của nữ hoàng Margot do thiên phú, nhưng mãi đến lúc lên xe hoa, nàng vẫn sống một cuộc đời giản dị… giản dị đối với một nàng khuê các của triều đinh Valois ! Trong khi chờ đợi sống cuộc đời mà thiên hạ đã biết, Maguerite sẵn sàng thành hôn với anh chàng Vert Galant lúc mười chín tuổi, nhằm tháng tám 1572. Dầu ở xa mười thước, anh chồng quê mùa miền Béarnais kia đã cho ta ngửi thấy mùi tỏi nên Margot muốn chọn quận công De Guise. Ngày 18 tháng 8, họ thành hôn Margot với Henriquet. Theo nghi lễ, cô dâu phải ngủ đêm ở dinh chủ giáo. Sáng thứ hai 18 tháng 8, trang phục theo lối cung phi, đội vương miện và quàng khăn lông có chấm lóng lánh ngọc ngà với chiếc áo choàng thật rộng màu xanh có tà sau dài bốn tấc, vài phút nữa, người thiếu nữ kia sẽ là hoàng hậu Novarre và nàng sẽ gặp Henri trước cổng giáo đường Notre-Dame. Chú rể theo đạo tin lành nên không được phép vào nhà thờ. Hai anh em họ làm hôn lễ ở trước sân giáo đường. Khi mà phải trả lời câu hỏi theo nghi lễ, Margot vẫn im lặng vì nàng chỉ nghĩ đến quận công De Guise và chính vua phải hất đầu nàng để ép nàng trả lời ưng thuận. Lẽ ra chàng Vert Galant có thể yêu nàng tuyệt sắc giai nhân đã gây nhiều hứng thú cho các họa sĩ Litien hay Véronèse, nhưng tuần trăng mật đột nhiên bị phá vỡ vì đêm Saint Barthélemy. Như Marguerite kể lại, đêm ấy Henri IV không còn biết ông là chồng nàng. Đến giờ phút này, Henri cứ giao du với những cô gái đi theo đoàn quân hay các thôn nữ miền Nérac. Ông chỉ mãi lo rượu chè be bét. Trong triều đình thối nát đang giãy chết của dòng Valois, ông là một tù nhân. Ông tự an ủi bằng những cuộc hôn nhân nồng nàn và táo bạo trên những cánh tay của đoàn mỹ nữ mà Catherine de Medicis sử dụng vào những mục tiêu chính trị. Hoàng thái hậu đã chỉ định Charlotte de Sauve làm tình nhân cho vua Navarre và luôn cả anh rể vua là Alencon cốt ý ly gián hai người. Hoàng thái hậu không hiểu rõ chàng Vert Galant, ông ta vẫn thản nhiên và không hề ghen tương gì cả. Vả lại, ông cho rằng Charlotte dâm đãng nên mới lấy cả hai người cùng một lúc. Marguerite cũng thế, nàng chẳng hiềm nghi gì. Nàng xem một cuộc hôn phối với Henri như một trò hề liên hiệp. Nàng đã viết trong những tập hồi ký : « Chàng vẫn thường kể tôi nghe về những chuyện ong bướm của chàng như nói với một người em gái, chàng kể thật tự nhiên vì biết rõ tôi không hề ghen tương và chỉ muốn chìu ý chàng ». TRIỀU ĐÌNH NÉRAC Sau những nỗi kinh hoàng của đêm Saint Barthélemy, cuộc sống trong lâu đài Nerac của vua và hoàng hậu trôi qua như mùa xuân êm ái. Ở đấy Henri vui thú điền viên như một dân quê chất phác. Thỉnh thoảng có tổ chức lễ lạc và săn bắn nhưng tình yêu vẫn được ưu tiên. Henri tham lam gạ gẫm cô bé Tignoville, cô Ayelle la Rebours, bà Montagu, bà Allous, Aimé le Grand, một phụ nữ tên Armandine, bà Cachicot, vợ của một anh bán than, một phụ nữ gần như vô danh khác thường được gọi là : « tình nhân của Goliath » rồi đến Catherine de Luc. Bị phụ tình, bà này chịu chết đói chứ không muốn sống để nuôi đứa con mà vua đã tặng nàng làm kỷ niệm, Anne de Cambefort thì áp dụng những phương pháp lẹ hơn, bà nhảy qua cửa sổ khi hay tin người tình vương giã đã quất ngựa truy phong. Hình như những phụ nữ Nérac cảm thấy bị khinh miệt nếu không được vị chủ nhân chiếu cố ít ra là một lần. Để tránh mùi tỏi và mùi hôi chân của chồng, bà nữ chủ cũng tha hồ ong bướm với các quan của tiểu triều đình, không cần óc tưởng tượng phong phú mới gợi lên được cái không khí lố bịch ở lâu đài Nérac. Cuộc chinh phục duy nhất đã làm vua hồi hộp – có lẽ lần đầu – là cô bé Fransoise de Montmorency Fosseux tự là La Fosseusx trẻ đến nỗi ông gọi nàng là « con gái tôi » trong khi ông chỉ mới hai mươi lăm tuổi. Raymond Ritter nói : « Cách chinh phục hay nhất là từ những chuyện ngây thơ đến những chuyện không còn ngây thơ nữa ». Cô bé La Fosseuse có tính tham ăn, nhà vua gạ gẫm nàng bằng những thức ăn ngon và bánh trái ngọt ngào chưa kể đến những lời âu yếm lạ đời. Nàng bị chinh phục, đã thế hoàng hậu còn khuyến khích vì thấy nàng « trong trắng ngây thơ ». Khi cô bé đã quá thành đàn bà và « không còn biết danh dự là gì », Margot thay đổi ý định. Tuy vậy nửa đêm bà vẫn bị vua đánh thức để đỡ đẻ cho nàng La Fosseuse. Marguerite bảo : « Chúa muốn cho nàng một bé gái, vả lại nó đã chết khi chào đời ». Đó là đứa con hoang đầu tiên mà ta biết và nó sẽ đứng đầu một danh sách khá dài. Cơn mưa con hoang của anh chàng Béarnais, thú sưu tầm của ông, cộng thêm tâm tình cởi mở, tài lém miệng, tính dễ dãi và hay pha trò, đã khai sinh một nhân vật huyền thoại làm cho vua Henri hiền lành trở nên vị nguyên thủ đáng mến nhất lịch sử Pháp quốc. CORISANDE Le Fesseuse bị lãng quên lúc chàng Vert Galant gặp nàng Corisande một chiều hè 1583. Không phải ông bà Andouins đã đặt cho con gái một cái tên quá khó nhớ mà chính nàng đã cải danh Diane thành Corisande, một nữ anh hùng của « Amadis des Gaules ». Những liên lạc rực rỡ mới nầy sắp chấm dứt « cuộc hôn nhân vương giả chó má » suốt bảy năm như Raymond Ritter nói. Ông này không ngần ngại dùng danh từ chính xác để tả cuộc đời tình ái của Vert Galand. Maurice Andrieuz lại bảo : « nếu lấy mất đoạn Diane d’Andonins khỏi thiên tình sử của Henri IV thì cuộc sống tình cảm của ông sẽ hiện ra như một chuỗi dây liên lạc tầm thường » Tình yêu của họ được hướng dẫn bởi nhịp đập của tim hơn là những đòi hỏi xác thịt để khỏi bàn về dục vọng của kẻ vương tôn. Nàng Corisande tuyệt đẹp – vì nàng quá đẹp… dựa trên tiêu chuẩn đánh giá vẻ đẹp thời bấy giờ – nàng là sương phụ của Philibert de Gramont, bá tước de Guiche, bị giết ở trận vây thành La Fère. Nhân cách của bà đáng khâm phục, bà thích làm tình nhân của vua, trước hết bà yêu Henri với tất cả tâm hồn và chỉ yêu Henri mà thôi – đó là lý do khá đủ – sau hết bà là góa phụ, hơn nữa bà hiểu rõ ích lợi và sự điều hòa mà bà có thể mang lại cho người anh hùng của đời bà. Thật là sự trùng hợp bi đát, bà đã đóng vai trò ấy cho đến lúc người yêu của bà trở thành vua nước Pháp. Lúc ấy ông sẽ chối bỏ những sự săn sóc không còn ích lợi cho ông nữa và sắc đẹp của bà cũng đã tàn phai. Trên đường đến Balê, Henri viết những lời từ biệt : « Em hãy yêu anh như yêu chính em bởi vì anh yêu em như yêu chính anh vậy ». Corisande sáng suốt trả lời : « Anh không là của em và em cũng chẳng phải của anh ». Chàng đã lấy máu viết chữ hứa kết hôn với bà. Bà đã xé nát bức thư ấy khi Henri tục huyền với Marie de Médicis. Vì thế, Corisande rất xứng đáng với chiếc giường kết bằng những ngọn cờ chiến thắng mà thần chiến thắng Coutras đã trải ra cho nàng để nàng Corisande diễm kiều có thể nằm trên những vòng hoa vinh quang của tình nhân mình… GABRIELLE Người kỵ sĩ khổng lồ Bellegarde không ngớt ca ngợi với Henri vẻ đẹp lộng lẫy của tình nhân mình là Gabrielle – ái nữ của hầu tước Estrées – ông ca tụng quá hay ho nên một ngày tháng 9 năm 1589, vua quyết định đến lâu đài de Coeuvres để xem người đẹp. Qua cái nhìn sơ ngộ, đôi mắt vua không thể rời cô gái đẹp tuyệt trần ấy. Một cô gái diễm kiều có vẻ hiền lành từng được nuôi dưỡng trong « xóm bất lương p… » trong lâu dài Cocuvres. Ngôn ngữ này do chính chủ nhà là hầu tước Estreés sử dụng. Ông vẫn gọi năm gái hai trai của ông là bảy tội trọng. Mẹ của Gabrielle là một mệnh phụ lừng danh mà nhóm La Bourdaissière từng hâm mộ Francois đệ nhất và Clarles Quint cũng đã chiếu cố… Henri đã chóa mắt vì nàng thiếu nữ tóc vàng mập mập có làn da trắng như sữa với đôi mắt xanh có cái nhìn quyến rũ. Ông đã yêu « nàng Vệ nữ miền Picardie có thân hình tròn trịa của người Flamand » qua cái nhìn sơ ngộ. Nhưng có điều ngạc nhiên, Gabrielle không phải là hạng gái mà thiên hạ có thể mua được bằng một đồng vàng mười quan. Tuy nhiên, cô vẫn là gái dễ dãi. Gabrielle đã chống cự hơn một năm rưỡi trước khi buông xuôi vì lời tán tỉnh tới tấp của anh chàng Béarnais. Gabrielle đã ngã vào vòng tay của vua trong thời gian vây hãm Rouen và đúng ngày thành phố này thất thủ. Chẳng bao lâu nàng trở nên « thiên thần tuyệt sắc » của ông, « sự thật » của ông, « tim ông » và « tất cả » của ông. Sau khi đầu hàng vua vẫn còn say mê nàng và ông đã viết : « Em yêu quí của anh, suốt mười ngày vắng em, anh có thể chết được ». Vua yêu nàng lâu lắm. Nàng không xứng đáng với tình yêu tha thiết ấy. Không những nàng không hề yêu Henri IV – chỉ vì tham vọng – nàng còn lừa dối ông mà không hề biết xấu hổ. Nhưng vua vẫn tỏ vẻ hào hoa và chấp thuận chia nàng với Bellegarde. Thiên hạ đồn rằng một ngày kia vua ăn mứt mận trong phòng cô tình nhân, đột nhiên vua ném mận xuống gầm giường. Gabrielle ngạc nhiên hỏi : « Nào, bệ hạ làm gì thế ? » Người phụ nữ trẻ đẹp kia nằm dài trên giường… ông Bellegarde nằm ở dưới để thòi chân ra ngoài. Vua ném thêm một quả mận nữa rồi trả lời : « Này, ái khanh xem, không nên để mọi người được sống, phải không ? » Vua cũng lừa dối nàng, nhưng Gabrielle sẽ mất ơn vua nếu nàng tỏ vẻ giận hờn. Bí quyết của nàng là phải có mặt thường xuyên bên cạnh vua. Một ngày kia nàng thú thật với Đại sứ Venise : « Vua quên ngay những tình nhân khi ông vừa xa họ. Riêng tôi, tôi đã có nhiều kinh nghiệm và hiểm họa đó nên tôi biết rõ cách tránh : cứ ngoan ngoản ở sát bên vua ». Để luôn luôn trung thành với tôn chỉ ấy, nàng không do dự chia xẻ kiếp sống giang hồ của vua để mong chiếm đoạt vương quốc Pháp. Nàng hy vọng một ngày nào « sẽ ra khỏi giường để lên ngựa ». NỮ HOÀNG GABRIELLE Henri cưới nàng ở Liancourt Henri là ông chồng vô hại, nhưng khi nàng vừa cho vua công tước Vendôme mà thiên hạ đồn là con của Bellegarde, Gabrielle xé hôn thú. Thật ra nàng chỉ có một ý định đã đâm rễ trong đầu nàng : cốt sao để Henri cưới nàng Từ lâu vua đã có ý định ly dị với bà Marguerite hiếm muộn, ông hỏi ý kiến Sully : « Ai sẽ thừa hưởng vương quốc sau khi khôi phục lại nếu trẫm không cho nước Pháp những đứa con của chính trẫm ? Trẫm muốn tìm một phụ nữa vừa đẹp vừa ngoan vừa có khả năng sinh đẻ để trẫm quên đi cái kinh nghiệm chăn gối chua xót lần đầu. Vậy chọn ai đây ? Công chúa Tây Ban Nha thì già nua xấu xí, đừng bàn về cô này với trẫm. Cháu của công tước Florence xuất thân từ dòng dõi quá mới mẻ và cùng nguồn gốc với Hoàng Thái Hậu người đã gây ra nhiều điều tàn tệ trong quốc gia. Trẩm cũng từng nghe nói về một số công chúa nước Đức, họ có những tên rất khó nhớ, vả lại trẩm không thích phụ nữ xứ này. Nếu trẩm ngủ với họ thì trẩm cứ tưởng nằm cạnh cái thùng tonneau ». Chàng Béarnais kể ra một số nữ ứng viên có thể chấp nhận được nhưng một nàng thì quá nhỏ, nàng kia quá đen, nàng khác lại theo tân giáo. Sully thừa biết nhà vua đã thích ai rồi nên ông cứ ngồi trơ như tượng đá. - Nào ! Khanh chấm cho trẫm một nàng thử xem ! - Nếu hạ thần nói tên ra thì sao ? - Cứ nói đi. Sully cứ làm bộ ngu si ngớ ngẩn : « Quỉ thần biết rõ kẻ hạ thần nầy nghĩ đến ai rồi ! Ngài đã thú nhận rằng tất cả những điều kiện mà hạ thần đã tâu với ngài có thể tìm thấy nơi nữ chủ của hạ thần ». Sully cố giải thích với nhà vua rằng họ không thể đặt lên ngôi hoàng hậu một phụ nữ mà dân chúng cho là đồ « rác rến ». Các hoàng hậu nước Pháp đều có tiếng tăm tốt ngoại trừ Ysabeau de Bavière… Đành rằng vua đã đeo vào ngón tay Gabrielly viên kim cương thụ chức nhưng không gì ngăn nổi tính ngông cuồng của nhà vua khi họ bảo Marguerite nhường chỗ cho « cái bả trái cây vứt bỏ ấy » trước một hội viên của « xóm bất lương p… », Marguerite đã hét rống lên như chim ưng ! Chính Đức giáo hoàng chấp nhận cuộc hôn nhân kinh khủng đó bằng những ngôn từ đẹp đẽ : « Thật là điều chướng tai gai mắt, dân Pháp không chấp nhận những vết hoen ố của vua họ ». Khi phá vỡ cuộc hôn nhân giữa Margot và Henri, Clément VII sợ nhất là họ không phải qua sự miễn trừ của tòa thánh Như Maurice Andrieux đã nói : « Bóng đen âm u của một thứ ly giáo đang chập chờn trên thành phố La Mã ». Nhưng một đêm nọ, khi ra khỏi phòng cầu nguyện, đức giáo hoàng bỗng nhiên biến sắc : ông vừa trải qua một cơn giác ngộ. Ông tuyên bố : « Chúa đã can thiệp ». Quả thật, ngày 5 tháng 8, Chúa đã cho Gabrielle chết khi nàng hạ sinh một đứa con cũng chết lúc chào đời. Henri đau khổ vô cùng : « Nỗi khổ đau của tôi không gì sánh kịp. Rễ của tim tôi đã chết và rễ sẽ không mọc lại ». Đó là những lời ông viết cho em gái. Nhưng ba tháng sau rễ đó đã mọc lại với nàng Henriette d’Entragues. HENRIETTE Vua để ý bà trong một cuộc khiêu vũ ở Truileries, nhưng vua cảm thấy lòng mình xao xuyến và hồi hộp khi gặp lại bà ở tư thất thân sinh của bà tại lâu đài Marconssis, gần Elampes. Henriette Entragues có « sức hấp dẫn lạ thường » như ngày nay chúng ta thường nói và nhân đây tác giả xin quí vị rộng lòng tha thứ. Đó là một tòa nhà nguy nga như nàng Kiều với đôi mắt trìu mến như trêu ghẹo và lúc nào cũng lóe lên những tia lửa bạo tàn. Hơn nữa Henriette xuất hiện như người phụ nữ độc ác nhất của vương quốc. Bề ngoài nàng có vẻ ngây thơ bao nhiêu thì bề trong người ác phụ ấy càng nguy hiểm bấy nhiêu. Nhờ thân sinh chỉ bảo, mẹ nàng là bà Marie Fouchet nổi tiếng, tình nhân của Charles IX, nàng làm ra vẻ trong trắng ngây thơ, nàng bảo với mọi người rằng nàng chỉ mê đọc Saint Augustin. Henri không bao giờ đọc sách nên rất cảm động. Càng ngày càng say mê Henriette nhưng ông vẫn không ở được một mình bên nàng. Marie Fouchet luôn luôn đi kè bên con gái vì bà đã từng nếm mùi làm tình nhân của vua cho đến khi bà nắm vững được Vert Galant và dứt khoát giá cả : Henriette làm người yêu của vua với một điều kiện vua phải trả một trăm ngàn écus, đổi tất cả quản hạt Verneuil thành hầu trấn và giữ lời hứa cưới Henriette làm vợ chính thức trước sân giáo đường nếu trong vòng sáu tháng kể từ ngày cưới nàng sẽ mang thai và sinh con trai. Henri chấp thuận điều kiện. Nhưng khi Sully đặt lên bàn một trăm ngàn écus với vẻ căm tức, nhà vua phải thốt lên : « Chà, một đêm quá đắt ! » Những bao vàng và tài sản đất đai được tặng cho người đẹp với những vần thơ sau đây : Ta tặng em quyền trượng và vương miện. Ta biếu em tất cả những món nầy với tấm lòng chân thành. Ngoài em ra, ta còn cho ai nữa ? Ta là vì vua hạnh phúc trong thiên quốc của em. Ta ngỡ rằng cai trị gấp hai ba, Nếu ta được những gì ta ao ước. Cuối cùng ông đã đạt được ước mơ và ông hoa mắt vì những gì ông đạt được : « Em dễ thương… em yêu quí… Tim của anh… Tất cả thuộc về anh… » Cái « tất cả thuộc về anh » kia đón nhận mối tình nóng bỏng ấy một cách nồng nàn. Đối với Henriette không gì quí bằng lời thề của người tình quân vương sẽ tôn nàng làm hoàng hậu. Dầu thỏa mãn được ngủ với người đẹp, vua vẫn không có ý chia ngôi báu. Vua thoái thác chuyện ấy nên quyết định thành hôn với Marie de Médicis, ái nữ của đại công tước Toscane với sự giúp đỡ của Đức giáo hoàng. Bà hầu tước, « người phụ nữ cuồng nộ ấy » như Sully đã gọi, dậm chân hò hét la ó vang trời nên vua lợi dụng cơ hội đó để yêu cầu bà trả lại lời hứa của ông : « Thưa cô, Tình yêu, danh dự và những ân huệ mà cô đã nhận được của tôi lẽ ra đã chặn đứng được một tâm hồn lả lơi nhất thế giới, nếu tâm hồn kia không đi đôi với một thứ tính tình xấu như tính tình cô. Tôi không muốn làm mích lòng cô thêm nữa, mặc dầu tôi có thể làm và phải làm. Tôi xin cô trả lại tôi lời hứa mà cô thừa biết. Vì đừng làm tôi khó chịu giữ lại lời hứa ấy bằng một cách khác. Cô hãy trả lại tôi chiếc nhẫn mà ngày nào tôi đã trao cô. Đó là đề tài bức thư này và tôi mong cô trả lời ngay hôm nay. Henri. Sáng thứ sáu 21 tháng 4 năm 1600 tại Fontinebleau ». « NGƯỜI PHỤ NỮ CUỒNG NỘ » Bọn Entragues không gửi trả chiếc nhẫn và lời hứa. Lời hứa ấy có lẽ đã được bán đứng cho vua Tây Ban Nha hoặc đã gửi sang Đức giáo hoàng để phá hỏng cuộc hôn phối Toscane trong trường hợp Henri hạ sinh một thừa kế sau khi Henri cưới Marie ! Henriette cố thì thầm bên gối thuyết phục người tình quân vương cho nàng được giữ mãi lời hứa oái oăm kia. Chàng Vert Galant chịu thua, chấp nhận đề nghị của Henriette và đem bà hầu tước vào cuộc chiến… sự hiện diện của bà không hề cản trở chàng Vert Ganlant viết thư tình cho vị hôn thê : « Nếu bảo rằng một ông chồng si mê vợ mình là điều đáng nói, thì anh thú thật là anh mê em vô bờ, nhưng anh thích tỏ sự yêu đương ấy ở nơi nào chỉ có mình em và anh. Chào em người tình quí mến của anh, anh xin ngừng bút và hôn bàn tay đẹp của em cả ngàn lần ». Chàng Béarnais muốn dẫn người yêu đến tận Lyon để chào đón tân hoàng hậu. Các bạn bè của vua khuyên ông : « Bà hầu tước phải ra đi càng sớm càng tốt, nếu để bà cạnh ngài thì sẽ xảy nhiều điều đáng tiếc và xấu hổ ». Bà khăn gói lên đường nhưng trở lại. Vua giới thiệu với Marie bà hầu tước Verneuil : « Sau mười tuần lễ trung thành, người phụ nữ nầy là tình nhân của anh và hôm nay bà ta muốn trở thành kẻ hầu hạ của em ». Henriette chỉ hơi nghiêng người nên vua kéo đầu bà xuống sát đất để buộc bà hôn gấu áo tân hoàng hậu. Cuộc tình tay ba đã bắt đầu như thế. Hình như Henri quá đầy đủ nhưng chàng còn muốn gây thêm những cuộc tình khác với nhiều mỹ nữ khác. Marie nhăn mặt nhưng chàng Vert Galant phải giải thích một cách trơ trẽn : « Anh yêu em như yêu một người vợ còn những phụ nữ anh chỉ yêu để chơi ». Cuối cùng Henriette hạ sinh một bé trai chỉ ít ngày sau khi Marie cho chào đời hoàng thái tử. Theo đúng lời hứa, gã Vert Galant có phải đuổi tân hoàng hậu để cưới cô tình nhân Henriette không ? Ông do dự rồi quyết định nuôi chung con chính thức với những con hoang. Một nhà nuôi trẻ được dựng lên dưới sự điều khiển của bà Montgas, nữ phó của hoàng thái tử. Francois Duhourcau đã nói một cách chính xác : « Ông quá ỷ lại vào thiên tính của mình nên ông bảo với hoàng thái tử trước mặt bà Moret : Này con, ba có một đứa con với bà này, nó là em con ». Lúc ấy Hoàng thái tử đã ra vẻ vua Louis XIII tương lai lắm chú bé nghiêm trang và trả lời một cách đứng đắn : « Nó không phải em con ». Bà hầu tước Verneuil trả thù bằng cách âm mưu lật đổ hoặc cấu kết với thân phụ cùng người anh khác mẹ là Charles de Valois tiếp tay với vua Tây ban nha và công tước Savoie. Theo kế hoạch của mấy kẻ chủ mưu thì César de Vendôme, con trai của Henriette và Henri phải được tuyên bố thừa hưởng nghiệp lớn. Gã Vert Galant tha thứ… nhưng sẽ đoạn tuyệt vĩnh viễn với nàng sau tiếng sét ái tình ngày 16 tháng giêng 1609. TIẾNG SÉT ÁI TÌNH Gã Béarnais lúc ấy năm mươi lăm tuổi nhưng có vẻ già thêm mười tuổi nữa. Theo lời bà de Rohan : « Tình yêu không thể ở giữa một cái mũi và một cái cằm lẫn lộn với nhau và làm cho gương mặt giống như mặt Polichinelle ». Tình yêu đã đến trong một hoàn cảnh khó khăn ngày 16 tháng giêng năm 1609. Ngày ấy vua ra khỏi ngự điện vì âm thanh của đàn thất huyền văng vẳng khắp điện Le Louvre, Hoàng hậu bảo các cung nữ múa lại bản : « Những nữ thần của Diane » vào ngày thứ ba trước lễ tro. Khi vào phòng hội bên cạnh Bellegarde, vua bất thần đối diện với một lạp-nữ thần. Nàng hươi đoản thương như muốn đâm vào ngực vua. Gã Vert Galant đứng trơ như tượng đá, chóa mắt và muốn té xỉu. Trong suốt cuộc đời tình ái đăng đẳng, không bao giờ ông thấy một thân hình đẹp đẻ và khuôn mặt mỹ miều cân đối như thế. Như trong giấc mộng, ông nghe bên ông giọng kỵ sĩ Bellegarde thì thầm : « Thưa Ngài, Cô Montomorency đẹp tuyệt trần ». Một lần nữa Henri đứng trơ như bị mê hoặc. Ông phải khó khăn lắm mới thoát khỏi cái ảo ảnh ma quái ấy. Từ thân thể nàng Charlotte de Montmorency như tỏa ra một vẻ duyên dáng tinh ma, các nhà viết ký sự lúc bấy giờ không ngớt ca ngợi cái « vẻ đẹp kỳ diệu » và cái nhìn sáng quắc của nàng. Charlotte là ái nữ của nguyên súy Montmorency, trưởng tộc của một gia đình nổi tiếng nhất nước Pháp. Charlotte đã thấy ngay cái đam mê của vua trong khi gã bourbon cứ tưởng yêu nàng bằng một mối tình cao thượng. Cái đam mê ấy không làm nàng khiếp sợ. Ở Chantilly họ sống quá tự do ! Dì nàng, chị nàng, em họ nàng đã từng ngã vào vòng tay của tên cai quản lâu đài. Dầu chưa đầy mười lăm tuổi, người thiếu nữ đẹp nhất vương quốc đã đính hôn với một ông lão bạn thân của vua, Francois de Bassompierre. Henri IV đã chấp thuận cuộc hôn nhân ấy khi vua chưa bị mũi thương của lạp nữ thần đâm trúng. Vua hỏi nàng : « Nàng có muốn thành hôn với Bassompierre không ? Nếu không, tôi phá hủy cuộc hôn nhân ấy ». Charlotte ngoan ngoãn trả lời : « Đó là ý muốn của phụ thân tôi, tôi nghĩ sẽ có hạnh phúc bên cạnh ông ta ». Suốt đêm, gã Béarnais thao thức mãi – ông đau lòng và nổi ghen – Vua như cá cắn câu và cắn quá mạnh. Khi hừng sáng ông vẫn nằm dài rồi cho đòi Bassompierre vào bên giường bảo : « Bassompierre, ta muốn nói chuyện với ông như bạn bè. Không những ta đã si tình mà còn tức giận vì cô Montmorency. Nếu ta cưới nàng mà nàng vẫn yêu ông thì ta sẽ ghét ông, nếu nàng yêu ta, thì ông sẽ ghét ta. Ước gì điều nầy đừng phá vỡ tình bằng hữu của chúng mình bởi vì ta yêu ông vì cả thân tình lẫn quí mến ». Bassompierre thấy lảo đảo… nhưng ông muốn làm quan hơn làm chồng nên ông phải chấp thuận rút lui : « Thưa Ngài, bao giờ kẻ hạ thần cũng muốn chứng tỏ cho Ngài, lòng yêu kính sâu đậm và vô bờ của hạ thần đối với ngài. Thật vậy, kẻ hạ thần yêu ngài tha thiết ». Henri khóc rống lên vì sung sướng rồi ngã vào đôi tay của ông bạn già. Sau đó vua viết thư cho Henriette d’Entragues chào vĩnh biệt : « Không phải vì lười biếng viết thư nên bà vắng tin tôi, nhưng vì một niềm tin mà năm năm qua đã ghi sâu vào đầu óc tôi, tôi tin rằng bà không hề yêu tôi… Trong suốt thời gian ấy, những hành động của bà đều đi ngược lại lời nói và những lá thư của bà, nói đúng hơn là đi ngược lại tình yêu mà bà phải có. Cuối cùng sự bội ơn của bà đã dày vò tôi. Bà cứ tưởng tượng tôi phải đau khổ chịu đựng như thế nào, nếu còn một chút tình người thì bà sẽ cảm thấy hối hận… » Khi biết Bassompierre đã bỏ rơi nàng, Charlotte chỉ biết nhún vai khinh miệt người hôn phu già nua ấy… ông này thất tình nên bệnh mãi. Người yêu mới của nàng không có vẻ gì là một lão già lố bịch. Đó là chàng Vert Galant kia mà ! Một ông vua với chòm lông trắng ! Không một chút do dự, nàng mặc nhiên chấp thuận ngã vào đôi tay của anh chàng Béarnais. Chuyện đột biến phi thường… Vua thú thật với Bassompierre : « Ta quyết định thành hôn Charlotte de Montmorency với cháu ta là hoàng tử Condé và giữ nàng cạnh hoàng hậu. Đó là niềm an ủi và cách dưỡng già sắp đến với ta. Ta sẽ cho cháu ta một trăm ngàn quan mỗi năm để giết thì giờ vì hắn còn trẻ và mê săn bắn hơn mê gái ». Dĩ nhiên, hoàng tử Condé ham săn bắn, nhưng ông vẫn ưa hội họp với các bạn trẻ đồng lứa. Chính Henri đã tin vào sở thích ấy có thể tạo cho cháu ông thành một người chồng gương mẫu. Vua cho hai người đối diện nhau và thích thú thấy cháu ông bẽn lẽn trước mặt lạp-nữ-thần. Nhưng có sự đột biến phi thường ngay đêm tân hôn ngày 17 tháng 5 năm 1609. Condé lúc ấy mới biết yêu đương. Cái duyên mặn mà của vợ đã làm bản năng ông bất thần thay đổi và chàng rể nhất quyết giữ mãi vợ bên mình ! Họ ở lại Chantilly ! Vì thích chồng già hơn chồng trẻ, Charlotte thở dài ảo não rồi gởi cho vua những bức thư tình nồng nàn, gọi nhà vua là « Tinh tú mến yêu » và khuyên vua hãy yêu « kẻ nào nàng tôn thờ ». Cuối cùng vua ra lệnh cặp vợ chồng mới cưới phải đến ngụ tại Fontainebleau với triều đình. Henri sung sướng như sống trên bảy tầng trời. Hãy tiếp tục vui chơi ! Phu nhân đã trở về ! Vua cảm thấy hồi xuân, ông ăn mặc lố lăng như kẻ « si tình », ông chãi râu, diện áo quần thật bảnh bao và đeo « dây chuyền tỏa hương thơm » như một chứng nhân kể lại. (Dầu sao cũng chẳng sang trọng tí nào : Gã Béarnais hôi hám đến phát ói). Ông chơi theo lối công tử bột, như Tallemant đã nói, và vua không ngớt tán tỉnh công chúa. Theo lời yêu cầu của người yêu vương giả, Charlotte chấp nhận ngay cả việc ra đứng ở bao lơn mỗi đêm giữa hai ngọn đèn với mớ tóc xõa bồng bềnh. Nhìn cảnh ấy, gã tân Cédalon suýt xỉu vì sung sướng và cảm động… Cuối cùng Condé nổi giận. Cuộc triển lãm nầy vượt quá giới hạn ! Và ông cả gan đến yêu cầu vua cho vợ chồng ông về ở trong một lâu đài. Henri nổi giận : « Ta cấm mầy. Vợ mầy là kẻ hầu hạ ta, ta có thể bảo nàng cũng như bảo mầy ở lại ». - Đồ độc tài ! - Trong đời ta chỉ có độc tài khi nào ta cho mầy biết mầy là ai. Ta sẽ chỉ cho mầy người cha thật của mầy ở Ba lê nếu mầy muốn ! Có lẽ cha thật của Condé đang đứng trước mặt y bởi vì có người đã xác nhận, dù không trưng bằng chứng, rằng gã Vert Galant xưa kia cũng từng chiếu cố đến Catherine de la Trémoille là mẹ của Henri de Condé. Sully khuyên nhủ ném ông chồng ươn ngạnh ấy vào ngục Bastille nhưng vua từ chối, ông càng yêu nàng Charlotte diễm kiều nhiều hơn nữa và ráng hết sức chiều lòng người đẹp nên một sáng kia hoàng tử Condé và vợ y lui về lâu đài Muret. Vua phải trá hình đến tận đó để nhìn « thiên thần diễm lệ » ở xa xa. Condé quyết định trốn. Sáng 29 tháng 11, 1609 y đặt vợ vào một cổ xe có tám con ngựa kéo rồi đi về phía biên giới Flandres dầu phải băng qua những con đường tắt dưới cơn mưa bão. Vua suýt té xỉu. Ông than thở : « Bassompierre ơi ! Ta chết mất. Thằng đó mang vợ vào rừng. Ta không biết hắn sẽ giết vợ hắn hay đem nàng ra khỏi nước Pháp. Làm gì đây ? » Làm gì đây ? Sully trả lời : « Không làm gì cả ». Vua không hề ra lệnh cho lính truy nã kẻ đào tẩu để mang nàng công chúa tuyệt đẹp kia trở về Ba lê. Mặc dầu nước chảy cuồn cuộn và những con đường ngập lụt biến thành sông, sau nhiều cuộc thử thách, Condé đã đến được Bruxelles nơi đó đại quận công Albert và công chúa Isabelle phải ra nghênh đón hai vợ chồng. Thế là không sao giàn xếp được những rắc rối giữa xứ Pays Bas Tây Ban Nha và Pháp ! Sau vụ nối ngôi Clèves, cả Âu châu đứng trước một cuộc xung đột. Nhà vua đã do dự châm ngòi cuộc chiến, giờ đây có can đảm tuyên bố chiến tranh và đốt cháy Âu châu vì một tân Hélène nữa không ? Henri trả lời : « Có lẽ, nhưng hãy nhớ kỹ rằng thành Troia bị tàn phá vì Hélène không được hoàn trả ». Vua sẵn sàng làm chuyện điên rồ. Chính ông đã thú nhận như thế. Người đàn ông đau khổ kia cứ than mãi : « Công chúa của ta ơi ! Công chúa của ta ơi ! » Chỉ còn một giải pháp : tuyên chiến với Tây Ban Nha, từ lâu vua đã nghĩ đến cuộc chiến tranh nầy nhưng hôm nay cuộc chiến rất cần thiết. Henri IV gom góp được 283.000 binh sĩ – một quân số chưa bao giờ đạt đến ở Âu châu sau vụ Thập-Tự-Quân. Số binh sĩ nầy sẵn sàng chiếm Pays Bas và các vùng Tây Ban Nha rồi vượt qua biên giới sông Rhin để đến tiếp tay với các Đồng minh tin lành của nhà vua. Đại sứ Tây Ban Nha viết thư cho vua của ông : « Tôi kinh sợ cái đam mê tình ái. Tôi không biết phải tâu gì với Chúa Thượng vì tôi thấy vua Henri IV si mê công chúa Condé một cách mù quáng và điên cuồng. Đứng trên bình diện quốc gia thì tôi thấy có nhiều lý lẽ bảo đảm được hòa bình nhưng đứng trên bình diện tình ái thì tôi thấy chiến tranh thế nào cũng xảy đến ». Cả nước Pháp chỉ bàn tán đến cuộc chiến ấy mà các tín đồ công giáo đều bỉu môi. Các tín đồ tôn giáo Đức có lẽ sẽ không vinh quang gì nếu nhờ cậy sự tiếp tay của vua nước Pháp ? Đức giáo hoàng đề cập đến việc khai trừ Henri ! TÊN KHỔNG LỒ CÓ CHÒM RÂU ĐỎ Một gã từ Angoulème đến. Một tên khổng lồ có chòm râu đỏ mặc áo quần màu xanh lá cây đi rong khắp phố phường. Một chiều nọ gã vào quán trọ gần bọn « Tám mươi » lắng nghe từ mấy bàn kế cận những lời bàn tán xôn xao chạy khắp Ba lê. Bất chợt đôi mắt gã sáng lên, một con dao hiện ra, một con dao có kẻ để quên trên bàn. Gã nhìn con dao một cách thích thú. Đấy là « điềm » mà Chúa bất diệt đã đưa ra. Xưa nay gã tự cho là người sưu tầm những bí mật của Thượng đế, vậy « vật kia » có thể cho phép gã hoàn thành cái dự định đã dày vò gã từ bao năm qua ; cái ý định đen tối ấy ám ảnh gã và những lời bàn tán chống lại tên vua « tân giáo » lại càng ám ảnh gã thêm. Không ai nhìn gã. Gã thò tay với lấy con dao rồi lẹ làng chuồn mất. Gã tên Jean Francois Ravaillac. Chính nhờ gã mà chuyện tình cuối cùng của Vert Galant mới chấm dứt. III. LA DU BARRY : NGƯỜI PHỤ NỮ BIẾT SỐNG NHƯNG KHÔNG HỀ BIẾT CHẾT Trang phục ! Một trong những trung tâm xài tiền nữ giới ở Ba Lê dưới thời vua Louis XV, một nhà buôn bao giờ cũng nghe tiếng vải muôn mầu xào xạc, tiếng lụa và dây ruban vải chạm nhau trong tiệm, khách hàng tới lui tấp nập, ở cửa, ghế và xe cộ mãi chờ đón nữ khách hàng. Các nam khách hàng cũng đến mua ren đăng ten hay nơ cột kiếm, mấy anh chàng ưa lãng vãng bên cô Jeanne, một thiếu nữ bán hàng đẹp mê hồn. Tên nàng cũng thật hay : Bécu. Mệnh phụ Du Barry tương lai, sinh tại Vaucouleurs ngày 10 tháng tám 1743. Bécu là con gái của một bà thợ may và một tu sĩ tên J.B. Gomard de Vaubernier dòng Frère Ange… nhưng không bao giờ thấy một thiên thần ít đức hạnh như nàng. Sau khi hấp thụ một nền giáo dục tốt đẹp ở nhà dòng Ba Lê Les Dames de Saint Aure, Jeanne trở thành bạn tâm phúc của một mệnh phụ quí phái muốn đào tạo nàng thành một thiếu nữ hoàn toàn phản ảnh được nếp sống đứng đắn của gia đình bà. Với tài khéo léo của gái Ba Lê, từ giờ phút này nàng biết quan sát và học hỏi thêm những gì song thân nàng chưa từng dạy bảo. Ngược lại, cha mẹ nàng đã quen cho nàng yêu đương tự do và sự tự do ấy đã đi quá giới hạn nên bà góa phụ đã đuổi nàng ra khỏi nhà. Thế là Jeanne về ở với gia đình Labille, đường Neuve-des-petits-champs nơi đó, giữa những dây rubans vải muôn màu, nàng tha hồ gieo rắc tình yêu. Để bênh vực cho tánh lả lơi của nàng, ta phải thú thật rằng chúng ta không thể tưởng tượng ra một cô bé tóc vàng mười tám tuổi nào đẹp hơn Jeanne ngay cả trong những giấc mơ đẹp nhât. Với làn da lóng lánh như xà cừ, đôi mắt màu xanh men, khi thì u buồn khi thì sáng quắc, nằm khuất dưới hai hàng lông mi đen sậm, cô bé Jeanne có vẻ vừa là nàng trinh nữ vừa là người phụ nữ đa dâm. Có lẽ do bốn hột nút ruồi làm cho gương mặt vui hẳn lên và tạo cho khuôn mặt trái soan một vẻ hấp dẫn lạ thường. Còn thân hình uyển chuyển của nàng có những đường nét tuyệt đẹp, nếu có một tí óc tưởng tượng là ta thấy ngay cái thân hình hoàn mỹ ấy mà Jeanne không muốn giữ kín cho riêng nàng và cho tấm kiếng. Thật vậy, cô bé ấy không ích kỷ một chút nào cả. Thiên hạ đồn là rất nhiều người đã ôm tấm thân ấy trong vòng tay. Họ còn kể rằng, chuyện rất có thể xảy ra, nàng đã ở trọ trong một nhà chứa bạc, ở đấy họ không những chỉ đánh bạc thôi đâu. Phải chăng ở đó, phải chăng trong gian hàng Labille ấy mà tên sở khanh Du Barry đã chiếu cố tới nàng, tên gian hùng, tên chó má Jean Du Barry ? Ta không biết rõ. Chỉ biết là một sáng đẹp trời nọ, nàng đọc lá thư của tên khốn kiếp : « Hỡi nàng tuyệt thế giai nhân. Em hãy đến với anh. Trước hết em là thần tượng của lòng anh, em sẽ là chủ khách sạn, ở đó em sẽ được toàn quyền sai khiến đám gia nhân của anh. Từ giờ phút này, họ sẽ là những kẻ hầu hạ em. Rồi em sẽ lên giọng bà hoàng, em sẽ không thiếu áo quần xinh đẹp và ngọc ngà châu báu. Anh sẽ mở hội hoa đăng mỗi tuần một lần ở tư gia. Em sẽ làm mọi người hãnh diện, em sẽ đón nhận những lời ca ngợi và sự tôn thờ của những kẻ đến gần em. Anh sẽ chỉ bảo em cách cư xử để lái con thuyền của em… » Jena Du Barry là một thuyền trưởng giỏi. Lấy tên là cô Lange. Jeanne Bécu mang lại sự hãnh diện cho mọi người trong nhóm… Ai trong Ba lê nầy lại không biết sắc đẹp quyến rũ của nàng ? Từ tiểu đồng đến hầu tước, ai ai cũng nhớ đến cô ta. Tiểu đồng ư, chúng ta đã nói đến họ từ lâu… Hầu tước ư, mấy lão nầy cứ tranh nhau mãi, nhưng Jean Du Barry có những mục tiêu khác : Vua ! Louis XV vừa được năm mươi chín tuổi và từ khi bà Pompadour qui tiên, ông đã già đi. Tên bồi phòng Lebel cố tìm cách thuyết phục vua tin rằng ông vẫn còn trẻ. Do đó một ngày kia, anh cho một góa phụ rất đẹp nằm trên giường vua : bà La Popelinière. Bà nầy đợi suốt cả giờ. Cuối cùng vua vào phòng : « Ủa, bà đấy à. Tôi không ngờ gặp một phụ nữ đẹp đến thế. Bà có duyên quá, tôi sẽ đi cởi đồ trước quần thần, còn bà cứ cởi áo quần một mình đi, tôi sẽ trở lại ngay ». Lễ giao hoan chấm dứt, chiều nào cũng thế, nhà vua rời ngự điện, cầm giá đèn trong tay rồi theo bà La Popelinière hơi ngượng nghịu trong bộ đồ sơ sài chui vào tấm ra bằng lụa. Louis XV chui theo… Rồi yên lặng… Sau đó vua thì thầm : « Bà, bà hãy tha lỗi cho tôi, tôi già rồi, tôi biết chắc bà đáng nhận tất cả những lời khen ngợi, nhưng vua không hơn gì người đàn ông thường tình… Bà hãy mặc quần vào rồi tôi sẽ đưa bà đến cửa kiếng hành lang ». Tên nhân tình khốn kiếp của Jeanne chắc rằng người yêu của gã có nhiều óc tưởng tượng hơn bà La Popelinière… Làm thế nào bá tước Du Barry đạt đúng mục đích mong muốn ? Dĩ nhiên bằng cách mời Lebel ăn ở tư gia ông rồi giới thiệu Jeanne. Khi nghe tên bồi phòng kể lại, nhà vua lên gân. Ông muốn nhìn cho được kỳ quan ấy và ông đã chóa mắt sau cái nhìn sơ ngộ. Nguyên súy Richelieu, bộ máy nịnh đầm cũ kỹ, hơi ngạc nhiên : « Một vì sao mới sắp mọc ở Versailles chăng ? » Barry trả lời : « Hãy đợi nó lặn đã ». Chuyện xảy ra như thế ? Và « vì sao » làm vua thỏa thích như lên tận mây xanh. Tóm lại Lebel gặp nhiều may mắn với Jeanne hơn là với bà La Popelinière. Richelieu hỏi vị vua già : « Thưa Ngài, nhờ đâu mà bà Du Barry có khả năng rung động ngài đến thế ». - Lão tướng thân yêu của tôi ơi, ông không biết được những cái hay của bà ; nàng là người phụ nữ duy nhất nước Pháp đã tìm ra bí mật làm tôi quên bặt là mình đã lục tuần. Đối với người tớ gái ngày xưa, nàng thấy vua hợp sở thích nàng, trước hết vì ông là vua. Hơn nữa, dầu năm mươi chín tuổi, Louis XV còn có nhiều duyên hơn đa số các chàng trai trẻ. Tóm lại, câu chuyện tình tuyệt diệu của Jeanne Bécu, được cơ hội đổi tên là bá tước phu nhân Du Barry, bắt đầu… Quả thật nàng thiếu nữ xinh đẹp kia được giới thiệu với vua dưới tên của tình nhân nàng. Tuy nhiên, khi Label thấy vua si mê « bá tước phu nhân Du Barry » đến độ muốn tuyên bố nàng là tình nhân chính thức và giới thiệu với triều đình, tên bồi phòng quì mọp xuống chân vua thú nhận tất cả sự thật : « Mặc kệ ! Miễn là cho nàng cưới sớm ». Khốn nỗi, Jean du Barry đã có vợ… và do đó mới xảy ra chuyện trào phúng khó tin. Jean du Barry sực nhớ hắn ta có một người anh độc thân tên Guillaume đang sống gần Toulouse trong một lâu đài với mẹ và các chị. Hắn chạy đến Gascogne giải thích đầu đuôi câu chuyện làm cho cả gia đình ngạc nhiên. Jeanne de Bécu phải được đổi thành bá tước phu nhân trước đó một tháng nếu không thì quyền lợi vĩ đại mà trọn gia đình có thể hưởng được nhờ tình trạng đó có thể tan tành theo mây khói ! Thế là Guillaume cưới Jeanne. Nhưng đấy chỉ là cuộc hôn nhân trong mộng, người đương thời cho đó là cuộc hôn nhân lừa gạt. Mặc dầu trước mặt vị linh mục và ông chưởng khế, Guillaume phải là chồng người tình nhân của em mình mà vua đã say mê đắm đuối. Thiên hạ có thể đoán được sự phản đối của bà Lévignac vì Jeanne Bécu là con gái của một bà thợ may và ông tu sĩ. Jeanne Bécu có thân hình tuyệt đẹp cho đến giờ nầy đã từng cho bất cứ kẻ nào mướn bằng tiền như hồ sơ cảnh sát đã ghi rõ. Đó là chưa kể đến dì nàng mà thiên hạ ví như Hélène kiều diễm để kỷ niệm một cuộc đời khá sóng gió. Chuyện ấy đã phai nhiều với thời gian. Nhưng Jeanne du Barry cứ nhắc mãi đến vua và những lời phản đối đều vô hiệu. Sáng hôm sau, Guillaume, vị hôn phu và hai chị của ông lên đường đi Ba lê, họ thèm tiền của và ham mạo hiểm, nhưng dĩ nhiên không có những chuyến đi nào có thể so sánh với chuyến đi của Du Barry để đến những định mệnh mới. Jeanne Du Barry la lên : « Miễn là con bé đừng làm bậy khi vắng mặt ta ». Làm bậy ư ? Con bé ấy không bao giờ làm bậy. Tại Versailles trong phòng Lebel, nàng bá tước phu nhân tương lai chưa dám đương đầu với sự nghịch ngặt của triều đình. Nàng chờ đợi, sung sướng được vua ở cạnh nàng gần như suốt ngày. Bước đầu tiên, hành động đầu tiên là lời nói giọng mũi của ông chưởng khế Garnier Dechesne : « Sẽ không bao giờ có cộng đồng tài sản giữa lãnh chúa nói trên với người vợ tương lai vì vi phạm đến phong tục Ba lê… Cô tiểu thư vợ tương lai ấy được toàn quyền quyết định và chi phí cho ngân khoản thuê nhà hay phòng mà họ sẽ cư trú gồm tất cả chi phí không hạn chế cho người lãnh chúa tương lai cũng như cho con cái sinh ra do cuộc hôn nhân ấy mà bà có bổn phận nuôi dưỡng và dạy dỗ cho sự tài trợ của bà. Làm và duyệt y tại Ba lê, trong căn nhà của vị lãnh chúa Barry nói trên là ông chồng tương lai của y thị ». Ngày 23 tháng bảy xế chiều năm 1768. Văn kiện thứ hai : Giáo đường Saint Laurent, ngày 1 tháng 9 lúc năm giờ sáng. Bên cạnh các nhân chứng không hề quen biết hai vợ chồng ta có thể thấy vị đại diện của gia đình Bécu : Jean Baptiste Gomard de Vaubernier, thân sinh của Jeanne. Lúc 5 giờ 2 hôn lễ chấm dứt và cô dâu được phép coi mình là vợ của « vị lãnh chúa Guillaume cao sang và có thế lực, bá tước Du Barry », và trong cương vị đó, nàng có thể mang khí giới và câu châm ngôn bất hủ của dòng họ Du Barry mà mọi người đều chế nhạo « Tiến lên ! ». Ra khỏi giáo đường, Jean cho phép chú rể hôn vợ : « Anh hãy nhớ đến ân huệ này ; đây là ân huệ cuối cùng mà bà ban cho anh ». Chỉ còn việc giới thiệu bá tước phu nhân Du Barry với triều đình. Chẳng bao lâu cả Versailles rộn lên : « Con bé lắm mồm đó à ! Con đỉ đứng đường ấy mà được các ái nữ của vua tiếp à ! Không được ! » Choiseul đứng đầu cuộc chống đối, ông là đệ nhất bộ trưởng của vua. Ông ray rứt khi vua nói với ông : « Ông làm được nhiều việc cho tôi, tôi rất hài lòng ông, nhưng hãy coi chừng những cận thần quanh ông và những kẻ hay cho ý kiến ; lúc nào tôi cũng ghét cay đắng bọn đó. Ông đã biết bà Du Barry. Bà ta không ghét ông tí nào cả, bà hiểu lòng ông và không hề muốn điều xấu cho ông. Chống đối bà là cả một chuyện khủng khiếp và vô lý. Bà rất đẹp, bà làm tôi hài lòng, thế là đủ lắm rồi ! » Thiên hạ tìm ra mẹ đỡ đầu chẳng chút khó khăn. Bà Béarn sẵn sàng chấp nhận với số tiền 100.000 livres để trả nợ và thắng một vụ kiện. Rồi nàng hầu tước phu nhân tuyệt đẹp ấy có thể may một cái áo gấm xanh thêu kim tuyến với nút ngọc. Nhưng nhiều chuyện xui xảy đến. Vua té ngựa bị trặc tay rồi đau nặng. Richelieu và Jean Du Barry khuyên vua chọn người tri kỷ. Đây là cảnh rơi lệ… và vua nghe theo. Ngày 21 tháng 4-1769, ông tuyên bố giữa đám triều thần : « Thưa quí vị, ngày mai sẽ có lễ ra mắt… Một ngày lễ mà thiên hạ bàn tán từ lâu : đó là lễ ra mắt của bà Du Barry ». Nhờ các giáo sư nghi lễ dạy bà cách chào đặc biệt, Jeanne mặc áo và đeo đầy nữ trang do người yêu hoàng tộc tặng đoạn vào phòng vua. Cô có vẻ duyên tự nhiên, nhiều nét đẹp, đầy đức tự tin đồng thời nàng rất khiêm tốn nên sự say mê của vua cũng được triều thần thông cảm. Nhưng sau đó những cái chào của nàng khi đến gặp Louis XVI và Hoàng hậu đã bị đáp lễ một cách lạt lẽo hơn… Không sao ! Cô bé Bécu, cô gái bán hàng lăng loàn de Labille, đứa tớ gái ở nhà chứa bạc bây giờ gần như là Hoàng hậu Pháp quốc ! Được vậy là nhờ sắc đẹp và vẻ duyên dáng của cô. Vả lại, mọi người đều bị sắc đẹp ấy mê hoặc… Nào, ta cứ theo gót anh sĩ quan trẻ tuổi có diễm phúc đến với nàng. Anh lên cầu thang nhà bà Du Barry trong khi tim đập thật mạnh. Từ tháng 12 năm 1770, vua giữ mãi người yêu trong phòng, trong những căn phòng có trần thấp nhưng thật đẹp mà ngày nay ta không khỏi bồi hồi khi trông thấy ; ta còn tìm thấy kỷ niệm của bà bá tước phu nhân. Quí vị hãy lắng nghe anh sĩ quan trẻ tuổi cúi sát người nói : « Nàng ngồi thẫn thờ hay đúng hơn là nằm dài trên chiếc ghế bành lớn và mặc chiếc áo trắng viền hồng mà tôi vẫn còn trông thấy… Tóc nàng thường không bôi phấn và có một màu vàng đẹp lạ lùng, hơn nữa tóc nàng rậm lắm nên không biết phải làm gì với mớ tóc ấy. Đôi mắt xanh rất to với cái nhìn mơn trớn và thành thật. Mũi nàng rất xinh, miệng thật đẹp và làn da trắng long lanh. Sau hết ai ai cũng bị cái duyên kia quyến rủ và chính tôi cũng bị mê hoặc hoặc khi mải mê đứng ngắm nàng mà quên cả lời cầu nguyện ». Louis XV ngắm nàng không biết chán và thích ngồi xem nàng trang điểm. Dĩ nhiên ông thừa biết quá khứ của nàng… - Thiên hạ bảo là tôi kế vị kịch sĩ Sainte-Foix… - Tâu Ngài đúng thế, Ngài kế vị Pharamond. Voltaire cũng đã bị nàng thu hút và để tri ân ông về sự thu hút ấy, bà Du Barry tặng ông bức chân dung của bà và một tấm phiếu cho hôn hai cái. Nhà văn trả lời : « Trời ơi ! Hai cái hôn cuối cuộc đời. Tờ thông hành mà bà dám gởi cho tôi quá quí báu. Hai cái à ! Một cái cũng đã quá rồi nàng Egérie quí mến ơi ! Chỉ cái hôn đầu cũng đủ làm tôi chết mất ». Chỉ Choiseul là không bị quyến rủ. Nên bà Du Barry thuyết phục người yêu vương giả sa thải ông bộ trưởng. Tính nóng nảy của Choiseul là cớ để vua đuổi ông. Hai năm rưỡi sau ông bộ trưởng trả thù. Louis XV kiệt sức hơn bao giờ cả. Louis XV sắp băng hà. Ông vẫn chưa biết mặc dầu mười bốn y sĩ loay quay mãi quanh giường vua. Họ có trích huyết nhà vua lần thứ ba không ? Vua hét lên : « Trích huyết lần thứ ba, thế là ta bệnh nặng thật sao ? » Thật vậy ở triều đình đã từng có một truyền thống : lần trích huyết thứ ba phải làm phép giải tội ! Và trong hoàn cảnh đó đương nhiên vua phải chấp nhận sa thải bà Du Barry ; chiều nào bà ta cũng ở cạnh giường vua. Kẻ hấp hối van lơn : « Lần trích huyết thứ ba làm tôi gần đất xa trời… Tôi không muốn quí vị trích huyết lần thứ ba cho tôi ». Tất cả triều đình thở hổn hển. Họ bất cần bệnh nhân ! Chỉ tình trạng của bá tước phu nhân là đáng kể. Những ngày sau đó, khi các y sĩ vừa tỏ vẻ lạc quan, viễn ảnh của cuộc giải tội đi xa dần và thiên hạ hối hả leo lên gác thang của bà Du Barry. Nhưng nếu sức khỏe của vua kém đi thì họ sẽ bỏ rơi người bạn lòng của ông. Khi biết mình mắc bệnh đậu mùa, vua than thở : « Ở tuổi ta khó mà bình phục được ; phải lo thu xếp mọi việc cho xong ». Trước giờ ngọ đêm mồng 3 tháng 5, vua cho đòi bà Du Barry đến : « Này bà, giờ đây tôi biết rõ tình trạng của tôi, chúng ta không nên tiếp tục yêu đương lộn xộn nữa. Tôi phải nghĩ đến Chúa và dân tôi, vì vậy bà phải ra đi ». Sáng hôm sau, bá tước phu nhân lên đường đến Rueil… nhưng sáu giờ chiều, vua kêu tên bồi phòng bảo : « Đi kiếm bà Du Barry cho ta ». - Thưa Ngài bà ấy đã đi rồi. - Đi đâu ? - Thưa Ngài đi Rueil. - À ! Đi rồi à ! Rồi hai giọt nước mắt chảy dài xuống má. Hừng sáng ngày 7 tháng 5, vua đòi xưng tội và nhận phép bí tích. Qua cánh cửa mở, cả triều đình quỳ gối có thể nhìn kẻ hấp hối siết chặt cây thánh giá mà ái nữ của ông, bà Louise, đã từ tu viện Carmen gởi đến. Gương mặt đen điu, phồng lên và sưng húp vì đầy chấm đậu mùa úng mủ nên ta không thể nhận ra nhà vua nữa. Đức Hồng Y đã trao bánh thánh cho kẻ hấp hối : ông tiến về phía ngự điện rồi la lớn : « Thưa quí vị, nhà vua bảo tôi thông báo với quí vị rằng ngài xin lỗi Thượng Đế vì đã làm phật lòng Chúa qua những chuyện bê bối mà ngài đã tạo ra cho người dân của ngài ». Thế là ở đằng kia, giữa đôi môi dày cộm, đen điu và méo mó, mười tiếng nói vẳng ra : « Tôi muốn có sức để tự tôi nói lời đó ! » * Ngày 12 tháng 5, một cổ xe tang chở hình hài vua đến Saint Denis. Chiếc hòm ba lớp thòi ra ngoài cửa kiếng trong suốt lộ trình, mấy kẻ tò mò bắt chước tiếng lạp-kỵ-binh của vua reo lên : « Taïaut ! Taïaut ! Taïaut ! ». Cũng giờ đó, một cổ xe khác có cảnh sát vây quanh chở nữ tù nhân của quốc gia, bà Du Barry, đến tu viện Pont-aux-Dames. Dọc đường nàng đã khóc. Bá tước phu nhân bị đày suốt một năm rưỡi. Sau đó nàng tìm về lâu đài Luveciemes mến yêu do nhà vua tặng. Năm đó nàng ba mươi hai tuổi. Nếp sống thời lưu lại trở về và cuộc đời tình ái vẫn tiếp diễn. Nàng yêu và được quận công Brissac yêu lại, sau đó đến lượt quận công Seymour ! Rồi giông tố lại nổi lên. Bà Du Barry bị bắt giữ. Tháng 12 năm 1793, nếu cần cho chi tiết chính xác thì hôm đó là thứ Sáu ngày 6 tháng 12, ngày 6 Frimaire năm thứ II của nền Cộng Hòa là ngày khởi đầu cuộc khủng bố thời đại. Marie-Antoinette, đảng viên Girondins và Bailly đều bị giết. Trên những bến tàu ở đảo La Cité, khách qua đường ngẩn ngơ đi trong giá lạnh. Một ngày cũng như mọi ngày… Thế mà, sau hai ngọn tháp lớn ở Conciergerie, hôm đó thiên hạ lên án một phụ nữ mà tên tuổi đã mang đến sự vui sống : Jeanne Du Barry. Một giọng vang lên trong căn phòng lớn của Tóa án : « Hỡi những người dân đã tuyên thệ, quí vị đã tố giác những mưu đồ của vợ một tên độc tài khét tiếng của dân Pháp. Hôm nay quí vị phải tố giác những âm mưu của người kỹ nữ của vua tiền nhiệm. Quí vị đã thấy trước mắt quí vị con bé lăng loàn nổi tiếng vì lối sống hại thuần phong mỹ tục, việc làm nhơ nhớp và công khai của y thị đã khiến tên độc tài phí phạm biết bao tài sản và xương máu của dân chúng để cung ứng cho những lạc thú đê hèn của hắn ! Quí vị phải quyết định vận mạng của con dâm phụ Messaline nầy, nó từ dân đen mà ra, nó giàu sang nhờ mồ hôi nước mắt của người dân đóng góp vào những chuyện xấu xa bẩn thỉu của y thị. Qua cái chết của tên độc tài, y thị phải bị giáng khỏi chức mà tội ác đã đặt y thị lên đó ». Cuộc bàn thảo chấm dứt, các phán quan trở về phòng xử tội. Vợ của Barry bị kết án tử hình : « Theo lời yêu cầu của tòa án nhân dân, bản án nầy phải được thi hành trong vòng 24 giờ ngay trên công viên cách mạng của thành phố nầy ». Bà chết ra sao ? Một nhân chứng thời ấy sẽ kể lại và ta hãy lắng nghe : « Tôi nghe những tiếng la não nề từ xa vọng lại và chẳng mấy chốc tôi thấy chiếc xe định mệnh từ sân tòa án chạy ra. Một phụ nữ ở trên xe đó. Mặt nàng, dáng điệu của nàng, cử chỉ của nàng nói lên sự thất vọng tột độ. Từ màu đỏ sang màu trắng rợn người, nàng giãy giụa giữa tên đao phủ và hai cận vệ. Họ phải khó nhọc lắm mới giữ được nàng trên chiếc ghế dài, nàng la lên : « Nhân danh Thượng Đế, các bạn ơi ! Nhân danh Thượng Đế, các bạn hãy cứu tôi ; tôi không làm hại ai cả. Cứu tôi với ! » Nỗi khiếp sợ của người phụ nữ khổ đau kia gây ra một ấn tượng mạnh giữa đám đông nên không một ai đến mắng nhiếc nàng còn cảm thấy có can đảm chửi bới một câu nào cả. « Tuy nhiên vẫn có một gã, một gã duy nhất, hắn ăn mặc bảnh bao cất cao giọng nói khi cổ xe đi ngang qua tôi, người phụ nữ khốn khổ kia vẫn không ngớt van xin đám quần chúng : « Cho tôi sống ! Cho tôi sống ! Hãy cho tôi sống rồi tôi biếu Quốc gia tất cả tài sản của tôi ! ». Gã kia la lên : « Mầy chỉ cho Quốc gia những gì của quốc gia, bởi vì tài sản của mầy đã bị tòa án tịch thu hết rồi ». Một lão bán than đứng gần đấy quay lại tát gã một tát. Tôi thấy khoái chí quá ! « Suốt đoạn đường, bà Jeanne đau khổ ấy vẫn không ngớt la vang. Trên đoạn đầu đài, họ phải dùng cường lực kéo nàng ra khỏi ghế. Ta còn nghe tiếng nàng cầu khẩn : Tha cho tôi ! Hãy tha tôi ! Trăm lạy ngài đao phủ ! Còn một giây nữa… ngài đao phủ ơi, còn một tí nữa… còn… » Lưỡi dao đã cắt phăng lời cầu khẩn. Jeanne Du Barry, người biết sống nhưng không hề biết chết. IV. LADY HAMILTON Người phụ nữ đẹp nhất thời bấy giờ. Từ hai bờ biển Manche, các lang băm tha hồ làm loạn. Các người đẹp ngu đần quen biết với Marie Antoinette chạy về hướng thùng nam châm Mesmer hoặc chen nhau ở cửa Cagliostro để xem những thí nghiệm nam châm của ông. Tại Luân Đôn, « bác sĩ » Graham mở cửa đền Esculape lộng lẫy ở Royal Terrace. Hai người phụ tá khổng lồ ăn diện bảnh bao với huy chương đầy ngực dẫn bệnh nhân đến giáo sư của họ ; ông này bảo đảm chữa được bệnh già và làm họ hồi xuân. Ông đặt các bệnh nhân nằm trên « giường Apollon » nơi có những dòng nam châm điện chạy qua như Graham xác nhận. Trên đầu giường là một thiếu nữ như mơ có thân hình xứng với danh thần tượng Hy-lạp, dĩ nhiên với cái mũi miền Attique, miệng nhỏ nhưng dày và nụ cười của cô bé đọc sách giáo lý, đôi mắt xanh biếc làm thiên hạ muốn nhảy vào tắm, khuôn mặt trái xoan cân đối được phủ bằng những lọn tóc dài màu hung hung mềm mại. Chỉ có thánh mới khỏi bị cám dỗ vuốt mái tóc như mơ ấy. Khung cảnh của thiên đường Olympe kia như giúp các bệnh nhân chóng bình phục. Thiên hạ còn đồn rằng thần nữ kia có thể chứng minh cho bệnh nhân rằng họ có tất cả những khả năng… Trong khi chờ đợi ngày trở thành mệnh phụ Hamilton, nàng vẫn mang tên Emma Lyon. Con gái của một thợ rèn và người phụ nữ lao công, nàng bước vào đời bằng cách bán những bao than trên mấy con đường ở Hawarden. Rồi đến năm mười bốn tuổi, nàng sang Luân đôn giúp việc cho một người buôn gia vị, kế đến đứng bán hàng ở một quán rượu trước khi trở thành nữ thần của bác sĩ Graham. Một ngày nọ, Emma gặp gỡ thuyền trưởng Paynes, Đô đốc tương lai. Phải chăng họ biết nhau ngay trên giường Apollon hay một chỗ nằm nào khác ? Ông nầy đã để lại vết tích chứng tỏ đã đi qua cuộc đời nàng : Emma hạ sinh một bé gái. Cô bé sau đó được bà Lyon nuôi dưỡng ; người phụ nữ nầy có lòng bác ái nhân từ nên vội vàng gởi đứa bé sơ sinh đến ông bà mình ở Hawarden. Một buổi sáng năm 1781, Emma gặp phải chuyện đau lòng. Chàng sĩ quan hải quân ấy sống mãi chốn xa khơi và ân nhân của nàng lúc ấy là Henry Fetherstone Haugh đột nhiên bỏ rơi nàng. Thế là nàng nghĩ lại ngài Charles Francis Greville, con của nam tước Books thứ tám và của mệnh phụ Jane Hamilton. Emma xin ngải giúp đỡ. Ông này chấp nhận lau nước mắt cho nàng Emily duyên dáng như ông vẫn thường gọi với một số điều kiện : nàng không được tiếp xúc với các bạn trai của nàng ở Luân đôn và phải sống cuộc đời khắc khổ. Bị nhốt kín trong nhà, nàng chỉ lo phát triển những năng khiếu bẩm sinh mà Greville tìm thấy ở nàng : « Thật xót xa khi thấy một người vợ thông minh như em không được hưởng những thú vui văn chương nghệ thuật và không có phương tiện để trở thành một nữ nhạc sĩ ? » Đã trót mang ơn, Emma chấp nhận tất cả các điều kiện : « Nàng si mê người đàn ông mà nàng cho rằng có lòng tốt lý tưởng trên thế giới ». Còn ông thì chẳng yêu nàng, nhưng ông vẫn thấy khá hãnh diện có được người vợ đẹp nhất Luân đôn. Ông quyết định dạy dỗ nàng. Đã không giàu còn thiếu nợ, ông vẫn mướn rất nhiều giáo sư dạy Emma nào là nhạc, ca, chính tả và văn chương. Để chứng tỏ sự kính mến đối với nàng, ông cho bà Lyon, mẹ của Emma, ở tại nhà ông với tư cách quản gia. Thiên hạ không hiểu vì sao bà Lyon sau đó mang tên là bà Cadogan, hình như bà hãnh diện với tên mới này còn cô Lyon trở thành bà Hart. Ngài Charles Greville dẫn nữ thần của ông đến họa sĩ Romney trứ danh. Chóa mắt vì người phụ nữ mà họa sĩ gọi là nguồn gợi hứng và nữ thần, ông vẽ cho Emma hai mươi bốn bức chân dung tốn mất ba trăm giờ. Lúc ấy ngài William Hamilton, chú của Charles, đại sứ Anh quốc tại Naples, đến Luân đôn ít ngày và thấy cháu gái mình đẹp mê hồn. Năm mươi lăm tuổi già của ông bị kích thích, ông bèn đề nghị dạy cho nàng một khóa về nghệ thuật. Suốt mấy tháng liền, ông đại sứ giảng dạy cho Emma về hội họa, điêu khắc, kiến trúc nhưng không dám hé môi nói rằng ông yêu nàng. Ông chỉ biết thở dài và nhìn nàng một cách say sưa. Khi Emma rời Luân đôn vài ngày để đến Hawarden thăm con gái nàng, ngài Đại sứ ở trong một cảnh đáng thương, ông tâm sự với cháu : « Suốt cuộc đời sưu tầm nghệ thuật, chưa bao giờ chú thấy một thần tượng tuyệt trần đến thế ». Ngài Charles trả lời : « Cháu đồng ý với chú, trong nền mỹ thuật cổ không hề có một thần tượng hoàn toàn như vậy ». Khi thấy chú mình quá si mê, người cháu mới nẩy ra một ý nghĩ. Mối tình với Emma rồi đây sẽ chấm dứt chăng ? Tại sao không đặt tình nhân của mình trong vòng tay của chú ? Ông quan già nua kia sẽ không bao giờ nghĩ đến việc tục huyền. Greville kinh hoàng khi nghĩ rằng sự kiện ấy có thể xảy ra. Nhưng làm sao đạt mục đích mong muốn ? Làm sao cho công tác không mấy đẹp kia được thành toại ! Dĩ nhiên Emma yêu Greville. Nếu cần chứng minh tình yêu ấy, ông chỉ việc đọc lại bức thư mà nàng vừa từ Hawarden gởi đến cho « anh Greville yêu dấu » : « Anh Greville quí mến, em van anh gọi em về bất cứ lúc nào, xa anh em buồn quá. Thật thế, em không còn nguồn vui nào cũng không hạnh phúc gì. Em không muốn nghĩ mãi đến anh như thế này… Anh Greville ơi, khi nghĩ đến lòng tốt vô bờ của anh, tất cả sự bác ái của anh, lòng em thấy tràn ngập sự biết ơn mà ngôn ngữ không sao tả hết ». Khi về Luân đôn Emma càng yêu Greville nhiều hơn, còn Ngài Willam phải trở về nhiệm sở cũ. Ngài thấy thương nhớ Emma hơn lúc nào cả. Vì muốn chú mình sống mãi giấc mơ tuyệt đẹp kia. Charles gởi cho ông hai mươi bốn bức chân dung do G. Romney vẽ để ngài William tha hồ mơ đến nàng trong khi chờ đợi kẻ tuyệt thế giai nhân bằng xương bằng thịt đến với ngài. Vì đó là kế hoạch đã được Greville sắp đặt sẵn : gởi nữ thần sang Naples. Charles gởi thư cho chú báo tin rằng ông muốn kết hôn với ái nữ của quan Middleton. Ngài William há chẳng giúp cho kế hoạch ấy thành tựu bằng cách trả trước một ngân khoản để ông thanh toán các chủ nợ và sẽ mời Emma, người phụ nữ sống dễ dàng, sang Naples để cho cuộc tình duyên kia dễ tan vỡ ? Do đó, ông viết thư cho chú : « Chú có thể dùng mưu kế sau đây : Mời Emma đồng thời bảo nàng là cháu không thể rời Anh quốc và cháu không có cách nào bỏ lỡ công việc của cháu. Chú hãy trình bày sự kiện như thế nào để nàng nghĩ rằng sẽ làm đẹp lòng cháu nếu nàng chấp nhận lời mời của chú ; như thế nàng sẽ thấy chuyến ra đi không đến nỗi đau lòng ». Để kích thích lòng hăng say của Ngài William đồng thời trấn an ngài đại sứ, đứa cháu còn nói rõ : « Giờ đây nàng không còn kiêu kỳ… Đành rằng nàng tự đại, thích được đề cao nhưng nàng sẽ hy sinh tất cả để thành người gương mẫu, nàng chuộng sự ngưỡng mộ của một cá nhân hơn là của cả đám đông đang làm nàng kinh sợ. Nàng hành động không vì quyền lợi nhưng vì lòng tốt và nàng đoán biết ý định qua những ân huệ mà kẻ khác ban cho nàng. Càng ngày nàng càng trở nên thùy mị hơn, duyên dáng hơn, bình tĩnh hơn ; nàng đã đẹp mà lại có từ tâm… » Không một chút thận trọng, quan Hamilton viết cho Emma với lời lẽ cảm động để báo với nàng là căn phòng đẹp nhất của tòa Đại Sứ đang chờ nàng và bà Cadogan. Ở Naples nàng có thể tập hát hay hơn và tha hồ chiêm ngưỡng biết bao công trình nghệ thuật. Emma muốn kẻ khác van xin mình. Với nàng xa Charles là cả một tai ương. Tuy vậy, sau khi chấp thuận để người này đến tìm nàng sáu tháng sau đó,nàng vâng lời và viết thư cho ngài William báo tin rằng nàng chấp thuận xa người yêu một thời gian ngắn vì ngài đã quá tử tế với nàng. Nàng lên đường trong khi Greville thở dài nhẹ nhõm. Đã thế Greville còn lên mặt đạo đức giả cho chú hay rằng cả tâm hồn lẫn trí tuệ ông đã phấn đấu mãnh liệt chống lại sự « ngoan ngoãn » trước khi quyết định một việc như thế. Ông còn viết thêm : « Nhưng sự cần thiết ấy đã làm cháu mở mắt thật to và sự cần thiết ấy đối với cháu bớt não nề nhờ lòng tốt của chú, nhờ tình thương của chú đối với cháu và nhờ tình yêu sâu đậm của chú đối với nàng. Tóm lại, cháu sẽ không bao giờ có can đảm tưởng tượng một cuộc chia ly vĩnh viễn nếu không chắc có nơi nương tựa nào đó đã được dành riêng cho nàng… » * Ở Naples, ngài William phụng sự nàng đầy đủ, ông biếu quà, áo quần, nữ trang đáng giá cho đại sứ phu nhân, nhưng nàng vẫn thấy buồn đến phát khóc. Nàng viết cho Greville : « Em đau khổ quá nhiều vì cuộc chia ly của chúng ta. Không có anh, em khó sống được. Em yêu anh đến nỗi giờ phút nầy em thấy không còn tai ương nào trên trần gian có thể sánh với tai ương nầy… Em thuộc về anh, hỡi anh Greville yêu dấu, em chỉ muốn là của riêng anh và không ai thế chỗ của anh trong tim em được ». Nếu Greville không đến với nàng như đã hứa, nàng sẽ trở về Anh quốc trể nhất là vào dịp Giáng sinh. Lần nầy Greville thấy lo sợ và khuyên Emma nên chìu theo dục vọng của ngài đại sứ. Người phụ nữ kia không còn gì nữa. Trước hết nàng thấy nghẹn ngào. Sau cùng giữa hai cơn khóc nức nở, nàng thét lên như sấm sét rồi trả lời thư ông : « Kìa, nếu anh biết được nỗi khổ đau của em khi đọc những giòng chữ này. Anh khuyên em nên… Không làm gì làm em căm phẫn đến mức nầy. Em điên mất rồi. Anh, anh Greville, ngay cả anh còn khuyên em nên đến với… ngài William như thế sao ! Kìa ! Điều đó bỉ ổi hơn tất cả những chuyện bỉ ổi. Nhưng không, em không muốn nổi giận. Nếu ở gần anh, em sẽ giết anh, rồi sau đó chính tay em… » Cơn nóng giận khiến nàng viết thêm lời ghi chú : « Em chắc chắn rằng anh chẳng có lợi gì để xúc phạm đến em ! Anh không biết được quyền lực của em ở đây. Chỉ có điều là em sẽ không bao giờ làm người yêu của hắn. Nếu anh dồn em vào thế bí, em sẽ cho hắn cưới em ! » Emma thừa biết William sẽ làm bất cứ gì nàng muốn. Gréville đoán chắc người đẹp có thừa khả năng thực hiện ý định ấy. Điên lên, ông viết thư bảo chú đề phòng. Ông còn gửi một điệp viên theo dõi mối tình nếu ngài William cưới người yêu cũ của cháu ngài. Nhưng quan Hamilton lấy lại can đảm khi thấy phái đoàn ngoại giao đón tiếp bà Hart rất niềm nở. Rồi ngài William xin cô hầu bàn ở quán rượu ngày xưa cho ông ta được vinh dự làm chồng nàng. Emma thích chí báo tin ấy cho người « cháu » Greville tương lai của ngài đại sứ. Nàng viết : « Tất cả nguyện vọng của em là mang hạnh phúc đến cho ngài Hamilton ». Nàng viết tiếp, dĩ nhiên là với sự châm biếm : « Em vẫn yêu quí mến anh vì anh đã yêu thương ngài William và đóng vai trò trung gian một cách tài tình. Có vậy em mới quen biết với ngài đại sứ. Ngoài ngài William ra, em không còn yêu ai hơn nữa… Anh sẽ sung sướng vì lời tâm sự nầy, em biết thế ». Càng ngày ngài đại sứ càng yêu nàng say đắm. Ông trưng bày căn phòng của nữ thần thật lộng lẫy đúng ý nàng muốn, nàng nũng nịu : « Anh yêu em bằng yêu mái nhà mới của chúng ta không ? » Tuy nhiên, nàng muốn trở thành vợ của quan Hamilton ở ngay tại Anh quốc. Greville đắc chí : dĩ nhiênh gã sở khanh sẽ bỏ rơi người thiếu nữ mà giờ đây hắn gọi là gái làng chơi. Chuyện không đơn giản như thế ! Emma nổi tiếng khắp nơi và chinh phục luôn cả Horace Walpole có tiếng là nghiêm khắc, ông nầy đã viết thư cho mấy cô bạn gái miền Berry tháng tám 1791 : « Tôi chỉ nghe nói đến dáng điệu của nàng. Nhưng sao nàng hát hay quá giọng nàng cao và trong, nàng có tài khôi hài tuyệt kỹ kiêm nữ nghệ sĩ bi kịch tuyệt vời. Nàng ca bản Nina với nghệ thuật cao cường nhất và suốt bản nhạc, dáng điệu của nàng đi đôi với cung nhịp một cách duyên dáng và diễn tả tâm tình rất tỉ mỉ ». Ít ngày sau, trong ngôi nhà thờ bé nhỏ Marylebone, linh mục Edward Barry phối hợp ngài William Hamilton với Emma Hart. Đôi tân uyên ương lên thuyền sang lục địa, bà Marie Antoinette ra nghênh đón. Họ gần như bị giam lỏng ở Tuileries trước khi đi Naples. Mặc dầu nữ hoàng Marie-Caroline ở Naples, em của Marie Antoinette và vợ của vua Ferdinand có danh hiệu là Nasone, đã bêu xấu nàng trước mặt ông bộ trưởng cưng John Acton, vẫn phải ra nghênh đón bà tân đại sứ. Lần nữa, cái duyên của Emma sắp có tác dụng và chuyện khó tin lại xảy ra : Tân đại sứ phu nhân Hamilton trở thành bạn thân của Marie-Caroline. Một đêm nọ khi đến tòa đại sứ, điện Sessa, ngài Hamilton báo tin cho vợ : « Mai đây em sẽ gặp một gã nhỏ thó không mấy đẹp trai nhưng anh chắc một ngày nào đó cả thế giới sẽ ngạc nhiên vì hắn ». Gã nhỏ thó kia là đô đốc Horatiô Nelson. Hắn gãy mất cánh tay phải ở trận Ténériffe. Khi vừa thấy Emma, hắn cứ ngỡ rằng nàng là người vợ trong cuộc đời hắn. Hắn mải mê ngắm nàng khi bàn việc chính trị với hoàng hậu. Emma làm thông ngôn, nàng thấy đô đốc sao có duyên quá. Cả ba đều ghét cay đắng người Pháp, nhất là chú lùn Bonaparte. Vì chú lùn nầy mà nền Cộng Hòa đã lấy lại Toulon trong tay người Anh và quân Naples. Và giờ đây cũng chính Bonaparte đang chiếm toàn bộ cõi Bắc Ý Đại Lợi. Vì thiện cảm của nữ hoàng đối với nàng, Emma đã thực sự điều khiển chính trị ở Naples những năm sau đó. Đối với đại sứ phu nhân, những gì Nelson muốn là trời muốn. Tháng năm 1798, Nelson để Bonaparte và quân của ông chạy thoát về Ai Cập, nhưng ông đã phá tan hạm đội Pháp ở Aboukir. Cả tỉnh Naples sướng ngây ngất khi hay tin nầy. Cứ mỗi lần Nelson đến thăm nàng, Emma thấy hồi hộp và sung sướng tràn trề. Nàng viết : « Thưa Ngài, thưa Ngài yêu quí, em sẽ bắt đầu cách nào đây ? Em sẽ nói gì với Ngài ? Em không viết được vì từ thứ hai đến giờ em sung sướng đến phát điên. Hỡi Thượng Đế ! Chiến thắng vinh quang làm sao ! Sẽ không bao giờ, không bao giờ có một biến cố vinh quang và hoàn hảo như thế. Khi hay tin chiến thắng lẫy lừng này, em đã té xỉu và bị thương nhưng bây giờ đã bình phục. Em thấy được chết trong hoàn cảnh như thế sẽ vinh hạnh biết chừng nào. Nhưng không, em không muốn chết trước khi em thấy và hôn được kẻ chiến thắng sông Nil ». Khi Đô Đốc đến Naples, sự vui mừng thật là tột độ ; vua đến trước mặt người anh hùng trên một chiếc thuyền có đủ cờ xí tung bay. Theo sau là ngài Hamilton và phu nhân. Mệnh phụ Hamilton không dấu được xúc động khi bước lên boong tàu. Chính Nelson kể lại cảnh này trong một bức thư gửi cho vợ : « Thuyền của những vị bạn thượng khách vừa đến, bà Hamilton hối hả leo lên cầu thang cấp cứu và la lớn : « Ôi ! Lạy Chúa ! Có phải là anh ấy chăng ? » Rồi bà ngã vào người anh như chết giấc. Dầu sao nước mắt cũng giải quyết được nhiều vấn đề… » Và anh chàng thủy thủ thơ ngây thích kể hết chi tiết cho vợ ông, bởi vì ông đã có vợ : bà Nelson. « Anh mong được giới thiệu bà Hamilton với em một ngày nào đó. Quả thật, bà ta là người phụ nữ tuyệt diệu nhất. Bà ta làm rạng danh nữ giới » Lần nầy không còn bàn chính trị hoặc liên hiệp trong hận thù chống lại Bonaparte nữa. Thật vậy, lúc này không ai nói tới những vấn đề ấy. Horatio sung sướng ngây ngất và Emma thì cảm động đến phát khóc, hai người yêu nhau như điên dại. Có lẽ thiên hạ sẽ ngạc nhiên vì từ đây ngài Hamilton ít được bàn tới nữa. Thật vậy lúc nầy không ai nói đến ngài – nếu có thì chỉ để mỉm cười lòng ưu ái của ông chồng già chấp nhận cho vợ mình ngồi bên giường kẻ vĩ nhân đang lâm bệnh cho y uống sữa lừa – vừa ru y ngủ vừa đánh đàn thụ cầm. Khi lành bệnh Horatio viết thư cho Emma một cách vô tư : « Em và ngài Hamilton từ ái đã làm cho anh hư thân và anh chỉ thấy sung sướng bên cạnh hai vợ chồng em. Anh tôn thờ em, không, anh yêu em tha thiết, nếu anh thấy em một mình bên hàng dậu thì anh sẽ cưới em trong giây phút ấy liền… » Nhưng quân Pháp dưới sự điều động của Champoinnet đang tiến về hướng Naples. Phải chạy trốn. Nelson tiếp bà Hamilton và chồng bà trên tàu và chấp nhận lời yêu cầu của Emma mang Marie Caroline và vua Nasone sang Palerme. Nelson phải bỏ rơi một số thủy thủ. Dĩ nhiên cả ba đều đến Anh quốc nhằm ngày lễ các thánh. Tại Luân đôn sự hiện diện của Fanny Nelson gây ra vài điều rắc rối. Bà này dọa ly dị với chồng. Bà bảo : « Tôi xin ông chọn một người, hoặc là nàng hoặc là tôi ». Nelson trả lời : « Em hãy đắn đo lời nói nhé Fanny, anh thật lòng yêu em, nhưng anh không thể quên những bổn phận của anh đối với bà Hamilton, khi nhắc tới bà ta, anh chỉ có thể nói đến tình yêu và lòng mến phục của anh đối với bà ». Thế là đổ vỡ. Horatio giờ đây thuộc về Emma. Để nhớ ơn ông, bà Hamilton báo một tin mừng : bà có thai. Nelson như đắm chìm trong hạnh phúc. Khốn thay khi đứa bé gái chào đời thì họ còn lênh đênh trên biển cả, để tránh mọi sự ngộ nhận có thể xảy ra, họ đặt tên cho đứa bé là Horatia. Ngài William vẫn thản nhiên. Ông giả vờ không biết đến sự hiện diện của cô đỡ trong tư dinh. Đã mù, ông còn làm người điếc khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời. Để nói lên sự vui mừng, người cha của cô bé bày đặt ra chuyện ông Thompson sống trên tàu Đô đốc với bà vợ, người phụ nữ nầy cũng là nhân vật tưởng tượng vừa hạ sinh một bé gái. Do đó Nelson có thể viết : « Tôi tưởng ông bạn Thompson sắp điên lên vì sung sướng. Ông khóc la, van xin, làm trăm chuyện điên cuồng nhưng không dám để lộ một thứ tình cảm nào trong ngàn tình cảm đã kích động ông… Tôi cho rằng ông điên ; ông không ngớt nói chuyện điên cuồng. Tôi thú thật rằng tôi chia sẻ niềm vui với ông ». Khi trở về, Nelson hay tin nàng Emma yêu quí đã có mua cho ông một căn nhà miền quê – Merton – cả ba người đều ở đấy. Họ sống vui vẻ nhờ ngân khoản của người chồng già. Lúc nầy ngài William bắt đầu tỏ vẻ khó chịu : « Tôi không phiền trách nhưng tôi thấy vợ tôi chỉ chú ý đến Nelson và Merton. Tôi biết rõ lòng trong sạch của ông bạn Nelson đối với Emma và tôi. Tôi cũng biết ngài đô đốc sẽ rất đau khổ nếu tình vợ chồng của chúng tôi tan vỡ, tôi quyết định làm tất cả gì có thể làm để tránh tình trạng nguy kịch nầy ». Ngài William không phải quyết định gì cả : ông chết trong vòng tay của Nelson và của bà Hamilton ngày 6 tháng 4 năm 1803 sau khi công nhận đô đốc là người bạn ngay thẳng nhất đời. Một ông chồng bị cắm sừng khó cư xử đẹp như ngài William. Sau đó Nelson viết thư cho quận công Clarence : « Ngài William yêu quí của tôi đã từ trần sáng nay, thế giới nầy không bao giờ mất được con người đức hạnh hoàn toàn như ngài ». Tuy nhiên tờ di chúc do « con người có đức hạnh hoàn toàn kia » để lại đã làm mọi người sững sốt. Chính Greville là kẻ thừa kế. Có lẽ ngài Hamilton nghĩ rằng phải cho cháu ông… Charles có bổn phận đưa cho thím mỗi năm 800 livres. Để an ủi vợ, Nelson tặng bà ngôi nhà Merton nhưng không cho bà một số tiền nào cả. Vả lại, Fanny có chấp thuận ly dị để chàng được sống hạnh phúc bên nàng Emma không ? Cuối năm 1805, Horatio Nelson đến vịnh Trafalgar để phục kích hạm đội hỗn hợp Pháp-Tây Ban Nha. Khi trận thủy chiến bắt đầu, ông xuống văn phòng làm tờ di chúc như sau : « Em Emma rất yêu dấu, người bạn lòng đáng kính của anh, địch quân vừa ra hiệu cho hạm đội hỗn hợp của họ rời hải cảng. Ước gì thần chiến thắng giúp thêm khả năng cho anh. Dù bất cứ biến cố nào, anh muốn tên anh sẽ thân thiết hơn đối với em và Horatia là hai kẻ mà anh yêu hơn chính cuộc đời anh. Đây là lá thư cuối cùng viết cho em trước khi lâm chiến, anh hy vọng được sống thật lâu để tiếp tục viết thư cho em sau trận chiến. Xin Thượng Đế ban phúc lành cho em ! Đây là lời cầu nguyện của Nelson yêu quí của em ! » Đô đốc trở lên boong tàu, ra lệnh cho tàu ông lao đầu vào cắt đôi hạm đội địch để mang lại chiến thắng… Nhưng lúc ấy một viên đạn bay vào bụng ông. Ông ngã xuống. Họ mang ông vào phòng cấp cứu. Horatio biết vết thương khá nguy hiểm… Nhưng ông chỉ nghĩ đến Emma và con gái nhỏ : « Đừng quên bà Hamilton cũng như Horatia : tôi trao họ lại cho tổ quốc. Đúng thế, bà Hamilton… Horatia… » Ông gọi viên phụ tá Hardy đến cạnh giường : « Tôi chết mất Hardy ơi, tôi sắp chết… Xích gần thêm tí nữa, tôi có điều muốn dặn anh… Hãy bảo họ cắt tóc tôi gởi về Hamilton yêu quí của tôi và cho nàng tất cả những gì tôi có ». Lúc hay tin chiến thắng – chiến thắng Trafalgar – họ nghe ông lẩm bẩm : « Cám ơn Chúa, con đã làm tròn bổn phận ». Emma đau khổ vô cùng. Nàng ngất đi nếu không dự được đám tang của Horatio. Trong cuốn sổ tay tìm thấy ở văn phòng, Nelson có ghi vài hàng để bảo đảm đời sống vật chất cho Emma và Horatia. Nhưng ông William Nelson, kẻ thừa kế gia tài của đô đốc, không làm theo ý muốn cuối cùng của vị anh hùng quá cố. Cuộc kiện tụng dây dưa mãi. Giờ đây xã hội không thèm lưu tâm đến người phụ nữ được xem là hầu thiếp của Nelson. Emma có thể sống qua ngày với số tiền 2000 anh kim còn lại, nhưng bà Hamilton đã quen với lối sống xa hoa. Bà Hamilton đã hai lần vào tù vì nợ. Khổ nhất là việc tịch thu căn nhà của nàng vì có liên hệ đến Nelson. Điều bí ẩn của sự chào đời của cô bé gái đến nay vẫn còn bưng bít. Dư luận quần chúng căm hờn người phụ nữ khốn khổ kia. Dĩ nhiên những lá thư kia toàn là bịa đặt. Bà Hamilton chỉ còn cách chối phăng sự liên hệ ấy, một lần nữa quả quyết là con gái của Nelson không phải con bà. Thái độ khó giải thích nầy tạo ra sự bất hòa giữa Horatia và bà « giám hộ » của cô bé. Năm 1881, hòa bình vãn hồi nên Emma được phép xuất ngoại để trốn các chủ nợ. Lúc đầu bà ở với Horatia trong khách sạn sang nhất Calais, nhưng tài sản ngày càng khánh kiệt, nàng về sống trong một nông trại ở Saint-Pierre vùng ngoại ô thành phố. Nàng viết : « Nếu tương lai Horatia được bảo đảm tôi sẽ chết sung sướng. Ước gì hôm nay tôi mang lại ít niềm an ủi cho số kiếp con gái tôi và hoàn thành việc giáo dục nó. Lạy Chúa ! Con sẽ chúc lành cho những ai giúp con thực hiện hoài bão ấy !… Nhưng con vẫn sống kiếp sống thừa với quả tim rướm máu… Xin ngài hãy tưởng tượng những gì con phải cảm thấy, con là kẻ đã từng bố thí với lòng từ ái bao la, chỉ có Chúa mới biết ! Thế mà giờ đây con phải đi xin… » « Phải đi xin… » Như trong những giờ đầu tiên của đời nàng. Rồi một ngày cuối năm 1814, có một phụ nữ sống tại Calais tên là bà Hunter đi mua thịt cho chó, một ông lão tên Kheims đứng trong hàng thịt nói : « Này bà, tôi biết bà hay thương những kẻ đồng hương. Cách đây không xa, có một phụ nữ sẽ sẵn sàng nhận lấy miếng thịt dở nhất mà bà mua cho chó ». - Bà ấy tên gì ? Rồi bà Hunter ngạc nhiên biết được đó là mệnh phụ Hamilton nổi tiếng ngày nào, bà Hamilton từng là Đại sứ phu nhân Anh quốc, người phụ nữ mà Nelson yêu thương tha thiết. Bị các chủ nợ săn đuổi, nàng rời Saint Pierre và đến sống ở Calais trong một căn phòng tồi tàn số 111 đường Rue Française. Số thực phẩm ít ỏi kiếm được đều để dành cho con gái Nelson, cô bé Horatia. Vì muốn giữ thể diện cho con, Emma chỉ mong được làm « giám hộ ». Giờ đói khổ đã đến. Thiếu lửa sưởi ấm, Emma bị nhiễm lạnh, rồi sưng phổi và đau phổi. Ngày 15 tháng giêng 1815 mệnh phụ Hamiilton trút hơi cuối cùng trong khi Horatia kêu gào thảm thiết bên giường người quá cố. Trên đầu giường có bức chân dung của Đô đốc Nelson trong bộ quân phục oai phong… Ngài William Nelson phải mất một tháng để đến tìm Horatia mang về Luân đôn. 1 Một người em họ trong bóng tối, Henry Cadogan xuất hiện lần đầu và cũng là lần cuối trong tiểu sử nàng Hamilton, đã bỏ tiền làm đám tang. Ta biết được sự kiện này nhờ tấm biên lai sau đây : « Chi phí đám tang bà Hamilton do tôi là Henry Cadogan ở Calais, Pháp quốc, đài thọ tháng giêng 1815 : một quan tài bằng gỗ sồi, tiền làm phép ở nhà thờ linh mục, đèn nến, tẫn liệm, chôn cất… Tổng cộng 28 anh kim 10 shilling ». Người phụ nữ đẹp nhất thời bấy giờ được an táng trong một nghĩa trang bé nhỏ tại Calais, nhưng sau đó nghĩa trang nầy bị hủy bỏ để cải dụng. Một cây thánh giá gỗ sơ sài có khắc mấy chữ sau đây : « Emma Hamilton, người bạn của Anh quốc » nhưng về sau thánh giá ấy được thay bằng một tấm bia mà cuốn niên giám Calais 1833 mô tả như một phiến đá bể nát và trên đó có ghi một đoạn bị đứt mất khúc đầu và không ai đọc được. V. MARIE ANTOINETTE VÀ FERSEN Tại Versailles tối 16 tháng 5-1770, hai đứa bé, một cô mười bốn và một chú nhỏ mập phì mười lăm ngủ sau những tấm màn dày. Đó là hoàng thái tử và vợ ông : vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette tương lai vừa được đặt lên giường theo nghi lễ. Louis XV trao cho cháu trai ngài chiếc áo sơ mi còn nữ công tước de Chartres giúp cô bé gái mặc áo quần mặc dầu cô ta thẹn đỏ mặt. Những bức màn đến giờ nầy vẫn khép kín bỗng nhiên mở toang ra theo nghi thức và đôi vợ chồng hiện ra trước bá quan văn võ đang cung kính chào họ. Khi cả triều thần lui ra, Louis Auguste liếc thoáng qua người thiếu nữ tóc vàng có làn da như hoa huệ đang ngủ cạnh mình. Giờ cơm tối, chú bé ăn quá no nên ông nội chú phải cúi xuống nói nhỏ với vẻ lo âu : « Đêm nay đừng ăn nhiều quá ». Chú rể ngơ ngác òa lên cười : « Tại sao thế ? Ăn no ngủ ngon hơn ! » Quả thật khi ông quan cuối cùng vừa rút lui, hoàng-thái tử liền ngáy như sấm. Sáng hôm sau, chú bé ghi một chữ « không » với nét thật bé và có góc trong cuốn sổ tay mà ngày nay ta còn giữ ở sở lưu trữ văn khố. Không gì xảy ra suốt bảy năm, trong bảy năm ấy, cô bé cố chịu đựng và sẽ không tìm ra phương thuốc tạm thời nào ngoài việc giải trí và tha hồ ngụp lặn trong vòng hoan lạc. Nửa đêm 30 tháng giêng 1774, nàng đi dự hội ở Opéra. Không gì làm nàng vui thích bằng những đêm dạ hội ấy. Nàng rất sung sướng thoát khỏi những lễ nghi cung cách và có thể làm kẻ khác lúng túng dưới chiếc mặt nạ ! Trong đám đông nàng nhìn ra một chàng trai lạ được giới thiệu với nàng mấy tuần vừa qua và nàng đã gặp lại chàng tháng trước trong hai đêm dạ hội ngày thứ hai. Đó là trò chơi của hội giả trang ! Nàng tiếng gần và nói chuyện thật lâu nhưng hình như anh kia cũng không nhận ra nàng. Anh ta cao đẹp, khả ái tuy không có vẻ gì là « một tiểu chủ » như người đương thời vẫn thường gọi. Cuối cùng cả hai người đều được thỏa mãn tột độ cho đến khi Marie Antoinette phải cáo lui vì đám đông đoán ra nàng. Chàng trai xa lạ ấy là con của một vị lãnh chúa Thụy Điển nổi tiếng. Anh ta đi vòng quanh Âu Châu để hoàn tất cuộc du học. Anh ta chỉ già hơn hoàng thái tử phu nhân hai tháng và tên là Axel de Fersen. Anh thấy nàng đẹp, còn cô bé thì thấy chàng khả ái nhưng hai quả tim vẫn chưa đánh cùng một nhịp. Họ gặp lại bốn năm sau. Khi anh ta bước vào phòng khách của nữ hoàng, Marie Antoinette nhận ra chàng ngay : « Ồ ! Chỗ quen biết cả mà ! » Anh nhìn nàng với đôi mắt khác. Nàng không còn là cô bé mà là một phụ nữ đứng đối diện với anh. Cuối cùng Louis XVI quyết định đương đầu với tình yêu và hoàng hậu đợi hạ sinh đứa con đầu lòng. Vẻ đẹp của nàng chiếu khắp mọi nơi và Marie Antoinette dĩ nhiên là người phụ nữ đẹp nhất triều đình. Nàng ưa nghe thiên hạ khen nàng đẹp… """