"
Những Màu Khác - Orhan Pamuk PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Màu Khác - Orhan Pamuk PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
ORHAN PAMUK Lâm Vũ Thao dịch
—★—
NHỮNG
MÀU
KHÁC
OTHER COLORS:
ESSAYS AND A STORY
NHÃ NAM & NXB VĂN HỌC ebook©vctvegroup | 07-04-2021
LỜI TỰA
Đây là một cuốn sách làm từ các ý tưởng, hình ảnh và phân mảnh của cuộc đời chưa tìm thấy lối vào một trong các tiểu thuyết của tôi. Tôi đặt chúng cùng nhau ở đây trong một mạch tự sự. Đôi khi tôi ngạc nhiên thấy mình đã không thể đưa vào tác phẩm hư cấu tất cả những ý nghĩ tôi cho là đáng khám phá: những khoảnh khắc kỳ cục của cuộc đời, những cảnh đời thường nho nhỏ mà tôi muốn chia sẻ với người khác, và những lời lẽ phát ra từ tôi với sức mạnh và niềm vui khi có dịp say mê. Một vài phân mảnh mang tính tự truyện; có bài tôi viết rất nhanh; có bài bị gạt qua một bên khi tôi dành sự chú ý cho việc khác. Tôi quay trở lại với chúng rất giống như khi quay trở lại những tấm ảnh cũ, và - mặc dù hiếm khi đọc lại tiểu thuyết của mình - tôi thích thú đọc lại những bài viết này. Cái tôi thích nhất là những khoảnh khắc các bài này vượt lên được khỏi tính nhất thời, khi chúng không chỉ đáp ứng được yêu cầu của tờ tạp chí hay tờ báo đặt hàng, mà còn bày tỏ những mối quan tâm, niềm nhiệt tình của tôi nhiều hơn là tôi dự định tại thời điểm viết. Để mô tả những khoảnh khắc vụt hiện đó, những khoảnh khắc kỳ lạ khi chân lý bằng cách nào đó được rọi sáng, Virginia Woolf từng dùng cụm từ “những khoảnh khắc hiện hữu”.
Trong khoảng thời gian từ 1996 đến 1999 tôi viết những bài viết ngắn hằng tuần cho Oküz (Bò đực), một tạp chí chuyên về chính trị và hài hước; và tôi cũng vẽ minh họa cho những bài ấy. Đây là những bài tản văn ngắn trữ tình được viết một mạch, trong đó tôi rất ưa nói về con gái tôi và bạn
bè của tôi, thăm dò các vật thể và thế giới bằng cặp mắt tươi mới, và nhìn thế giới bằng từ ngữ. Càng ngày, tôi càng bớt xem tác phẩm văn chương là kể về thế giới, mà là “nhìn thế giới bằng từ ngữ”. Từ thời điểm bắt đầu dùng từ ngữ như dùng màu trong hội họa, nhà văn có thể bắt đầu thấy thế giới thật diệu kỳ và lắm vẻ ngạc nhiên đến thế nào, và anh ta đào sâu vào ngôn ngữ để tìm ra giọng điệu riêng của mình. Để làm điều này anh ta cần giấy, bút, và sự lạc quan của một đứa trẻ nhìn thế giới lần đầu tiên.
Tôi tập hợp những bài viết này để tạo thành một cuốn sách hoàn toàn mới lấy yếu tố tự truyện làm trung tâm. Tôi bỏ nhiều bài và cắt ngắn một số bài khác, chỉ lấy trích đoạn từ hàng trăm bài báo và đưa một số tiểu luận đến những vị trí xa lạ trong cuốn sách, những vị trí xem ra phù hợp với kết cấu của câu chuyện đó. Ví dụ, ba bài diễn văn được in thành một tập riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều ngôn ngữ khác dưới nhan đề Cái vali của cha tôi (gồm diễn từ Nobel cùng tên, cũng như bài “Ở Kars và Frankfurt”, bài diễn văn tôi đọc nhân dịp Giải thưởng Hòa bình Đức, và bài “Tác giả ngầm ẩn”, bài diễn văn tôi đọc tại Hội nghị Puterbaugh) xuất hiện ở đây trong các phần tách biệt để phản ánh cùng một câu chuyện tự truyện ấy.
Ấn bản Những màu khác này được dựng nên từ cùng bộ khung của cuốn sách cùng tên xuất bản lần đầu ở Istanbul năm 1999, nhưng cuốn sách trước mang hình thức của một tập hợp, trong khi cuốn sách này được định hình như một chuỗi các phân mảnh mang tính tự truyện, những khoảnh khắc, những ý nghĩ. Nói về Istanbul, hay bàn luận về các cuốn sách, tác giả, bức tranh yêu thích nhất của tôi, với tôi luôn luôn là một cái cớ để nói về cuộc đời. Những mẩu chuyện New York được viết năm 1986, khi tôi viếng thăm thành phố lần đầu tiên, và tôi viết chúng để ghi nhận những ấn tượng đầu tiên của một người nước ngoài, dự định dành cho độc
giả Thổ Nhĩ Kỳ. “Nhìn ra cửa sổ”, câu chuyện ở cuối sách, mang tính chất tự truyện mạnh đến nỗi tên nhân vật rất có thể là Orhan. Nhưng người anh trong câu chuyện, như tất cả các người anh trong các câu chuyện của tôi, xấu xa và bạo tàn, không liên hệ gì với người anh của tôi ngoài đời thực, Şevket Pamuk, sử gia kinh tế xuất sắc. Khi soạn cuốn sách này, tôi bàng hoàng nhận ra tôi có mối quan tâm đặc biệt và khuynh hướng thiên về các thảm họa tự nhiên (động đất) và thảm họa xã hội (chính trị), và do vậy tôi đã gạt ra kha khá bài viết u ám về chính trị. Tôi luôn luôn tin rằng ắt phải có một kẻ cuồng viết tham lam và gần như không thể lay chuyển thường trú trong tôi - một sinh vật không thể bao giờ viết cho đủ, kẻ lúc nào cũng biến cuộc sống thành từ ngữ - và để cho hắn ta vui lòng tôi cần phải tiếp tục viết. Nhưng khi soạn cuốn sách này, tôi khám phá ra rằng kẻ cuồng viết đó sẽ vui hơn nhiều, và bớt đau đớn vì căn bệnh viết lách của hắn, nếu hắn làm việc với một biên tập viên trao cho những bài viết của hắn một trung tâm, một bộ khung, và một ý nghĩa. Tôi mong độc giả nhạy cảm hãy chú ý đến việc biên tập sáng tạo của tôi cũng nhiều như chú ý đến nỗ lực mà tôi đặt vào bản thân việc viết.
Tôi hầu như không đơn độc trong việc là người ngưỡng mộ nhiệt thành nhà văn, nhà triết học Đức Walter Benjamin. Nhưng để chọc tức một người bạn quá mức sùng bái ông (dĩ nhiên cô là một người trong giới học thuật), đôi khi tôi hỏi, “Ông nhà văn này có gì mà quá vĩ đại? Ông ấy chỉ hoàn thành có vài cuốn sách, và nếu ông nổi tiếng, ấy không phải nhờ những tác phẩm ông đã hoàn thành mà là nhờ những tác phẩm ông chưa bao giờ hoàn thành nổi.” Bạn tôi trả lời rằng toàn bộ các tác phẩm của Benjamin, như bản thân cuộc đời, không có ranh giới và do đó có tính chất phân mảnh, và đó là lý do tại sao nhiều nhà phê bình văn chương đã rất cố gắng mang lại
ý nghĩa cho các tác phẩm đó, như họ làm với cuộc đời. Và mỗi lần như thế tôi mỉm cười nói, “Một ngày nào đó tôi sẽ viết một cuốn sách cũng chỉ tạo thành từ các phân mảnh.” Đây là cuốn sách ấy, được đặt trong một cái khung để gọi ra một trung tâm mà tôi cố gắng che giấu: tôi hy vọng độc giả sẽ thích thú với việc tưởng tượng sao cho cái trung tâm ấy thành hiện hữu.
SỐNG VÀ LO LẮNG
chương một
TÁC GIẢ NGẦM ẨN
Tôi viết văn đã được ba mươi năm. Tôi đã nhào đi nhào lại mấy từ này bao lâu nay rồi. Tôi đã nhào chúng lâu đến nỗi, thật ra chúng không còn đúng nữa, vì bây giờ tôi đã bước vào năm ba mươi mốt ở tư cách nhà văn. Tôi vẫn thích nói rằng tôi viết tiểu thuyết đã ba mươi năm - dù nói thế là hơi phóng đại. Đôi khi, tôi viết các thể loại khác: tiểu luận, phê bình, suy nghĩ về Istanbul hoặc chính trị, và các bài diễn văn. Nhưng thiên hướng thực của tôi, cái ràng buộc tôi với cuộc đời, là viết tiểu thuyết. Có nhiều nhà văn xuất sắc viết văn lâu hơn tôi nhiều, họ viết văn hơn nửa thế kỷ mà chẳng mấy để ý đến chuyện đó. Cũng có những nhà văn vĩ đại sự nghiệp trải dài hơn năm mươi năm, đó cũng là những nhà văn tôi cứ đọc đi đọc lại: Tolstoy, Dostoevsky và Thomas Mann. Vậy tại sao tôi lại quá coi trọng cái kỷ niệm ba mươi năm viết văn của tôi đến thế? Tôi làm vậy bởi vì tôi muốn nói về chuyện viết, mà cụ thể nhất là nói về việc viết tiểu thuyết, như một thói quen.
Để vui sống, hằng ngày tôi phải dùng một liều văn chương. Trong chuyện này tôi chẳng khác gì bệnh nhân hằng ngày phải uống một muỗng thuốc. Hồi nhỏ, khi biết rằng bệnh nhân tiểu đường phải được chích thuốc mỗi ngày, như mọi người tôi thấy tội nghiệp cho họ; thậm chí tôi nghĩ về họ như những người chết dở. Sự lệ thuộc vào văn chương ắt hẳn cũng làm tôi chết dở như thế. Đặc biệt khi còn là một nhà văn trẻ, tôi cảm nhận được rằng người khác nhìn tôi như thể bị cắt lìa khỏi thế giới thực và u ám đến
mức trông như “chết dở”. Hay có lẽ thuật ngữ chính xác hơn là “nửa phần ma”. Đôi khi thậm chí tôi còn chứa chấp cái ý nghĩ rằng tôi hoàn toàn đã chết và đang cố gắng thổi hơi sống vào xác mình bằng văn chương. Với tôi, văn chương là một phương thuốc. Cũng như thuốc mà những người khác phải uống bằng muỗng hoặc chích hằng ngày, liều văn chương hằng ngày của tôi - liệu pháp hằng ngày của tôi, nếu bạn cho là vậy - phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.
Trước tiên, thuốc phải tốt. Tính ưu việt của thuốc mách tôi về mức độ thực cũng như tính hiệu nghiệm. Không gì làm tôi vui sướng hơn, không gì ràng buộc tôi vào cuộc đời chắc chắn hơn bằng việc đọc một đoạn văn sâu sắc và cô đọng trong một cuốn tiểu thuyết, bằng việc bước vào thế giới đó và tin rằng nó có thực. Tôi cũng thích nhà văn đã chết hơn, bởi vì khi ấy sẽ chẳng có áng mây ghen tị nào che mờ sự ngưỡng mộ tôi dành cho họ. Càng già, tôi càng tin chắc những cuốn sách hay nhất là do những nhà văn đã chết viết ra. Ngay cả nếu họ chưa chết, cảm nhận sự hiện diện của họ là cảm nhận một bóng ma. Đây là lý do tại sao những lúc gặp các nhà văn lớn ngoài đường, ta đối xử với họ như bóng ma, không tin lắm vào mắt mình khi sững sờ nhìn từ đằng xa. Vài linh hồn can đảm tiếp cận những bóng ma để xin chữ ký. Đôi khi tôi tự nhủ các nhà văn này sẽ sớm chết thôi, và khi họ chết rồi, những cuốn sách vốn là di sản của họ sẽ chiếm giữ một vị trí thậm chí còn thân thương hơn trong tim chúng ta. Tuy vậy, dĩ nhiên không phải lúc nào cũng thế.
Nếu liều văn chương hằng ngày là chính cái tôi đang viết, chuyện sẽ rất khác. Vì với những ai chia sẻ nỗi thống khổ của tôi, phương pháp cứu chữa tốt nhất và nguồn con hạnh phúc lớn nhất là viết được nửa trang ngon lành mỗi ngày. Đã ba mươi năm nay hằng ngày tôi bỏ ra trung bình
khoảng mười tiếng đồng hồ một mình trong phòng, ngồi bên bàn viết. Nếu chỉ tính những tác phẩm đủ chất lượng xuất bản, năng suất trung bình hằng ngày của tôi kém hơn nửa trang nhiều. Hầu hết những cái tôi đã viết không đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của bản thân. Thưa với bạn rằng đây chính là hai nguồn đau khổ to lớn.
Nhưng xin đừng hiểu nhầm tôi: Một nhà văn quá lệ thuộc vào văn chương như tôi không bao giờ quá nông cạn đến nỗi đi tìm niềm vui trong vẻ đẹp của những cuốn sách mà anh ta đã viết, cũng không bao giờ tự chúc mừng mình về số lượng hay thành tích của những cuốn sách đó. Văn chương không cho phép một nhà văn như thế vờ là mình đang cứu rỗi thế giới; đúng hơn, nó cho anh ta cơ hội cứu vãn một ngày. Và mọi ngày đều khó khăn. Ngày đặc biệt khó khăn khi anh không viết chút nào. Khi anh không thể viết được chút nào. Vấn đề là cần phải tìm đủ hy vọng để vượt qua ngày hôm đó, và nếu cuốn sách hoặc trang sách anh đang đọc mà hay, thì hãy tìm kiếm niềm hân hoan trong đó, và cả hạnh phúc nữa, dẫu chỉ trong một ngày.
Để tôi nói rõ tôi cảm thấy gì trong một ngày mà tôi viết không tốt lắm, không thể đắm chìm trong một cuốn sách. Trước hết, thế giới biến đổi trước mắt tôi, nó trở nên ghê sợ, không chịu nổi. Những ai quen biết tôi có thể nhìn thấy điều đó diễn ra, vì chính tôi bắt đầu giống với thế giới tôi thấy quanh tôi. Ví dụ, con gái tôi có thể nhận ra hôm đó tôi viết không được tốt từ vẻ vô vọng rõ rệt trên gương mặt tôi tối ấy. Tôi những muốn che giấu con điều ấy, nhưng không làm được. Trong những khoảnh khắc u ám đó, tôi cảm thấy như chẳng có ranh giới nào giữa sự sống và sự chết. Tôi không muốn nói chuyện với bất kỳ ai - cũng như vậy, ai nhìn thấy tôi trong trạng thái này đều không mảy may có chút mong muốn nào bắt
chuyện. Một phiên bản nhẹ nhàng hơn của trạng thái tuyệt vọng này đến với tôi mỗi buổi chiều, trong khoảng từ một đến ba giờ, nhưng tôi đã học được cách ứng xử với nó bằng cách đọc và viết: Nếu hành động kịp thời, tôi có thể tránh một cuộc thoái bộ toàn diện vào tình trạng chết trong khi đang sống.
Nếu phải trải qua một quãng dài mà không có phương thuốc bút mực, có thể là do đi lại, hóa đơn tiền ga chưa trả, nghĩa vụ quân sự (đã có một lần như thế), công việc chính trị (gần đây hay diễn ra hơn), hoặc bất kỳ một trở ngại nào khác, tôi cảm thấy nỗi đau khổ cát cứ trong tôi như xi măng. Cơ thể tôi cử động khó khăn, các khớp cứng lại, đầu hóa thành đá, ngay mùi mồ hôi có vẻ cũng khác đi. Nỗi đau khổ này có khuynh hướng lớn dần, vì cuộc đời đầy những âm mưu nhằm tách con người ra khỏi văn chương. Tôi có thể đang ngồi trong một buổi họp bàn chính trị đông đúc, hay trò chuyện với bạn cùng lớp trong hành lang trường, hay đang ăn cỗ ngày lễ với họ hàng, vất vả trò chuyện với một người đầy thiện chí nhưng suy nghĩ lại khác hẳn, hoặc đang chú ý xem cái gì đó trên ti vi; tôi có thể đang ở trong một buổi họp bàn công việc quan trọng hoặc đang mua sắm một thứ vặt vãnh, trên đường đi đến phòng công chứng hoặc chụp hình làm visa - thì đột nhiên mí mắt tôi trĩu nặng, và mặc dù khi đó là giữa ban ngày, tôi ngủ gục. Khi xa nhà và do vậy không thể trở về phòng để được ngồi một mình, niềm an ủi duy nhất với tôi là chợp mắt giữa ban ngày.
Vâng, khao khát thực thụ ở đây không phải là văn chương mà là một căn phòng nơi tôi có thể ngồi một mình với những suy nghĩ của mình. Trong một căn phòng như thế tôi có thể sáng tạo ra những giấc mơ đẹp về những chỗ đông đúc tương tự - những buổi tụ họp gia đình, gặp mặt trường lớp cũ, dạ tiệc, và hết thảy những người dự những buổi họp mặt đó. Tôi
thêm thắt các chi tiết tưởng tượng vào những bữa cỗ đông đúc đó và làm cho những người tham dự buồn cười hơn. Dĩ nhiên trong mơ mọi thứ và mọi người đều thú vị, duyên dáng và rất thực. Tôi tạo ra thế giới mới từ những chất liệu của thế giới đã biết. Ở đây chúng ta đi đến tâm điểm vấn đề. Để viết tốt, trước hết tôi phải tránh sao nhãng, để tránh sao nhãng, tôi phải tham gia đời sống. Khi bị oanh tạc bởi tiếng ồn, ngồi trong văn phòng mà chuông điện thoại cứ réo không ngớt, vây quanh bởi bạn bè và những người thân yêu trên bãi biển ngập nắng hay trong đám tang ngày mưa - nói cách khác, ngay vào thời điểm mà tôi bắt đầu cảm nhận linh hồn của cảnh quan mở ra quanh tôi - đó là khi đột nhiên tôi cảm thấy như thể mình không thực sự còn ở đó mà đang nhìn ngắm từ bên lề. Tôi bắt đầu mộng tưởng. Nếu đang bi quan, tôi chỉ nghĩ về việc tôi đang buồn nản thế nào. Kiểu gì đi nữa cũng có một giọng nói bên trong tôi hối thúc tôi quay về căn phòng và ngồi xuống bên bàn.
Tôi không biết hầu hết mọi người trả lời giọng nói đó như thế nào, nhưng cách thức đáp trả của tôi khiến người như tôi trở thành nhà văn. Suy đoán của tôi là nó thường biến chúng tôi thành người viết văn xuôi và tiểu thuyết hơn là viết thơ. Đây là một cái nhìn sâu hơn vào thuộc tính của loại thuốc mà chắc chắn tôi phải dùng hằng ngày. Giờ chúng ta có thể thấy rằng thành phần chủ của bài thuốc này là sự chán nản, đời sống thực và đời sống của trí tưởng tượng.
Niềm vui thú tôi có được từ lời thú nhận này và nỗi lo sợ tôi cảm thấy khi thành thực nói về bản thân, cùng nhau, chúng dẫn tôi đến một quan điểm nghiêm túc và quan trọng mà giờ tôi muốn chia sẻ cùng bạn. Tôi muốn đề xuất một lý thuyết đơn giản bắt đầu từ ý tưởng rằng viết là một niềm an ủi, thậm chí là liệu pháp, ít nhất cho những tiểu thuyết gia như tôi:
Chúng tôi chọn đề tài, rồi định hình tiểu thuyết, để phù hợp với những yêu cầu trong mộng tưởng của chúng tôi. Chúng ta đều biết rằng tiểu thuyết lấy cảm hứng từ những ý tưởng, đam mê, thịnh nộ, và khao khát. Làm hài lòng người yêu, khinh rẻ kẻ thù, ca ngợi những gì ta yêu quý, sung sướng khi phát ngôn một cách đầy thẩm quyền về những điều mà chúng ta chẳng biết gì, hứng thú trong những khoảng thời gian đã mất và được nhớ lại, mơ tưởng về ân ái, đọc về chính trị hoặc tham gia chính trị, ngụp lặn trong những mối lo cụ thể, những thói quen cá nhân - những điều này và bất kỳ khao khát kỳ dị hay thậm chí ngớ ngẩn nào khác chính là cái định hình chúng ta, theo những cách thức vừa rõ ràng vừa bí ẩn. Cũng những khao khát này gây cảm hứng cho những mộng tưởng mà chúng tôi bày tỏ. Có thể chúng tôi chẳng hiểu được chúng từ đâu tới hay những mộng tưởng của chúng tôi báo hiệu điều gì, nếu có, nhưng khi chúng tôi ngồi xuống viết thì chính những mộng tưởng này thổi hơi sống vào chúng tôi, như ngọn gió từ một nơi xa lạ khuấy động cây đàn gió. Thậm chí người ta còn có thể nói chúng tôi đầu hàng trước ngọn gió bí ẩn này như một thuyền trưởng chẳng biết mình đang đi về hướng nào.
Cùng lúc đó, trong một phần tâm trí chúng tôi, chúng tôi có thể xác định vị trí của mình trên bản đồ một cách chính xác, đúng như cách chúng tôi có thể nhớ điểm mà chúng tôi đang đi đến. Thậm chí vào những thời điểm đã đầu hàng vô điều kiện trước ngọn gió, tôi vẫn có thể - ít nhất theo một vài nhà văn khác tôi biết và ngưỡng mộ - duy trì được khả năng định hướng nói chung. Trước khi khởi hành tôi đã lập kế hoạch: chia câu chuyện tôi muốn kể ra thành từng phần, xác định thuyền tôi sẽ ghé hải cảng nào và sẽ chuyên chở cũng như thả bớt những khối hàng hóa nào, ước lượng thời gian hành trình, và định phương hướng. Nhưng nếu ngọn gió, thổi đến từ
những vùng đất lạ làm căng cánh buồm tôi, lại quyết định thay đổi hướng đi của câu chuyện, tôi sẽ không kháng cự. Vì điều mà con thuyền giong buồm căng gió hăng hái kiếm tìm nhất là cảm giác toàn thể và hoàn hảo. Như thể tôi đang tìm kiếm nơi chốn và thời gian đặc biệt trong đó mọi thứ chảy tràn vào mọi thứ khác, mọi thứ đều kết nối với nhau, và mọi thứ đều biết về, như đã từng, mọi thứ khác. Rồi đột nhiên, cơn gió nín lặng và tôi sẽ thấy tôi bất động ở một nơi không có gì xao động. Tuy nhiên, nếu đủ kiên nhẫn tôi vẫn cảm nhận được, vẫn có những điều trong vùng nước lặng tờ và mù sương này khiến cuốn tiểu thuyết tiến về phía trước.
Điều tôi mong đợi nhất là thứ cảm hứng tinh thần tôi mô tả trong tiểu thuyết Tuyết của tôi. Nó không khác mấy loại cảm hứng mà Coleridge mô tả trong bài “Kubla Khan”. Tôi mong đợi cảm hứng đến với tôi (như những bài thơ đối với Coleridge - và đối với Ka, nhân vật trong Tuyết) một cách đầy kịch tính, tốt hơn hết là đã được tạo thành những cảnh và tình huống có thể cài vào một cuốn tiểu thuyết theo lối phù hợp. Nếu tôi kiên nhẫn và chú tâm chờ đợi, mong ước của tôi trở thành sự thật. Viết tiểu thuyết là phải cởi mở trước những khao khát, những ngọn gió và cảm hứng này, cũng như đối với những góc tối của tâm hồn ta và những khoảnh khắc mờ mịt, tĩnh tại của chúng.
Vì tiểu thuyết là gì nếu không phải là một câu chuyện căng buồm nhờ những ngọn gió ấy, một câu chuyện hồi đáp và được dựng trên các cảm hứng thổi tới từ những vùng đất lạ, nắm lấy tất cả mộng tưởng mà ta sáng tạo ra để tiêu khiển, gom chúng lại với nhau tạo thành một tổng thể có ý nghĩa. Trên hết, tiểu thuyết là một con tàu chuyên chở trong nó một thế giới ước mơ mà ta muốn gìn giữ, mãi mãi tồn sinh mãi mãi sẵn sàng. Tiểu thuyết gắn kết với nhau bằng những mẩu nhỏ mộng tưởng giúp ta, từ
khoảnh khắc ta bước vào chúng, quên đi cái thế giới buồn tẻ mà chúng ta mong đào thoát. Chúng ta càng viết, những giấc mơ này càng trở nên phong phú và dường như cái thế giới thứ hai bên trong con tàu đó càng trở nên rộng rãi hơn, chi tiết hơn, hoàn thiện hơn. Chúng ta khám phá thế giới này thông qua việc viết, và càng biết rõ nó, chúng ta càng dễ lưu giữ nó trong đầu. Nếu đang viết dở chừng một tiểu thuyết và đang viết tốt, tôi dễ dàng xâm nhập những giấc mơ của nó. Vì tiểu thuyết là những thế giới mới mà ta di chuyển một cách vui sướng vào bên trong bằng cách đọc và thậm chí toàn diện hơn bằng cách viết: Tiểu thuyết gia tạo hình cho tác phẩm của mình theo cách sao cho có thể mang theo thật dễ dàng những giấc mơ mà anh ta muốn giãi bày. Rất giống cách những tác phẩm này mang hạnh phúc đến cho các độc giả chú tâm, chúng cũng mang đến cho nhà văn một thế giới mới vững vàng và yên lành để anh ta đắm mình đặng tìm kiếm hạnh phúc vào bất cứ giờ nào trong ngày. Nếu cảm thấy có thể tạo ra dù chỉ phần nhỏ của một thế giới nhiệm màu như thế, tôi cảm thấy hài lòng cái khoảnh khắc chạm vào bàn viết, với bút và giấy. Chẳng mấy chốc tôi đã có thể rời bỏ cái thế giới quen thuộc buồn chán thường ngày sau lưng để bước vào cái thế giới rộng lớn hơn kia để tự do lang thang; hầu như tôi chẳng có nhu cầu quay lại đời thực hay là vươn tới kết cục của cuốn tiểu thuyết. Tôi nghĩ cảm giác này liên quan đến cách hồi đáp làm tôi vui sướng nhất khi nghe được, lúc tôi bảo độc giả rằng tôi đang viết một tiểu thuyết mới: “Xin hãy viết thật dài!” Tôi hãnh diện khoe rằng tôi nghe câu này ngàn lần thường xuyên hơn yêu cầu năm này qua năm nọ của nhà xuất bản: “Viết ngắn thôi!”
Làm thế nào mà thói quen dựa vào niềm vui và hứng thú của một cá nhân lại có thể tạo ra tác phẩm thu hút bao nhiêu người khác? Độc giả của
Tên tôi là Đỏ có thể muốn nhắc lại nhận xét của Shekure rằng cố gắng giải thích mọi việc là một hình thức của sự ngốc nghếch. Cảm tình của tôi trong cảnh này không dành cho Orhan, nhân vật bé nhỏ và là người cùng tên với tôi, mà dành cho người mẹ, người nhẹ nhàng trêu chọc cậu con trai. Tuy nhiên, nếu bạn cho phép tôi thực hiện một việc ngốc nghếch khác và hành xử như Orhan, tôi sẽ cố giải thích tại sao những giấc mơ có tác dụng như phương thuốc đối với nhà văn lại có thể có tác dụng tương tự đối với người đọc: Là bởi nếu tôi hoàn toàn nhập thân vào cuốn tiểu thuyết và viết tốt - nếu tôi tự cách ly khỏi chuông điện thoại, khỏi mọi phiền toái, nhu cầu và sự tẻ nhạt của đời sống thường nhật - thì những quy tắc điều khiển thiên đường bồng bềnh của tôi vận hành gợi nhớ những trò tôi chơi khi bé. Cứ như thể là mọi thứ trở nên giản dị hơn, như thể tôi ở trong một thế giới nơi tôi có thể nhìn ngó vào mọi ngôi nhà, xe hơi, tàu thuyền, tòa nhà bởi vì chúng thảy đều làm bằng thủy tinh; chúng bắt đầu tiết lộ cho tôi bí mật của chúng. Công việc của tôi là dự đoán các quy tắc và lắng nghe: hứng thú ngắm nhìn những chuyện diễn ra trong từng nội thất, bước vào trong xe hơi và xe buýt cùng các nhân vật của tôi để thăm thú Istanbul, thăm những nơi đã làm tôi chán, nhìn chúng bằng những cặp mắt mới, và trong khi làm vậy, chuyển hóa chúng; công việc của tôi là vui chơi, là vô tư lự, vì khi mua vui cho bản thân (như ta thường nói với trẻ con) tôi có thể học được điều gì đấy.
Phẩm hạnh lớn nhất của một tiểu thuyết gia giàu trí tưởng tượng là khả năng lãng quên thế giới theo cách của trẻ thơ, là vô tư và vui sướng trong thế giới ấy, nghịch ngợm với những quy tắc của thế giới đã biết - nhưng cùng lúc đó nhìn xuyên qua những chuyến bay vui thú tự do để đến với trách nhiệm sâu sắc của việc sau này làm cho người đọc đắm chìm trong
câu chuyện. Tiểu thuyết gia có thể bỏ ra cả ngày đùa chơi, nhưng cùng lúc anh ta nhận lãnh phần số nghiêm khắc nhất: anh ta phải nghiêm túc hơn người khác. Đấy là bởi vì anh ta có thể trực tiếp nhìn vào trung tâm sự vật theo cách chỉ trẻ con mới có thể nhìn thấy. Tìm thấy sự can đảm để đặt ra những quy tắc cho trò chơi chúng ta từng chơi một cách tự do, anh ta cảm nhận rằng người đọc của anh ta cũng tự cho phép họ bị kéo vào cùng những quy tắc đó, cùng những ngôn ngữ, cùng những câu chữ, và do đó vào câu chuyện. Viết tốt nghĩa là cho phép người đọc nói, “Tôi cũng định nói như vậy, nhưng tôi không cho phép tôi trẻ con như thế.”
Cái thế giới mà tôi khám phá, tạo dựng và phóng đại, và trong quá trình đó đặt ra các quy tắc, đợi những cánh buồm của tôi căng lên với ngọn gió thổi đến từ một vùng đất lạ, và nghiên cứu bản đồ của tôi - nó sinh ra từ sự ngây thơ như trẻ con mà đôi khi đóng chặt với tôi. Điều này xảy ra với mọi nhà văn. Có những lúc tôi bị mắc kẹt, hoặc tôi sẽ phải quay về chỗ trong cuốn tiểu thuyết mà trước đây tôi từng rời bỏ và thấy là không thể tiếp tục. Những đau đớn như vậy là phổ biến, mặc dù có thể tôi ít phải chịu đựng chúng hơn những nhà văn khác - nếu không thể tiếp tục tại nơi đã rời bỏ thì tôi luôn có thể xoay sang một chỗ hổng khác trong cuốn tiểu thuyết. Vì đã nghiên cứu bản đồ của tôi rất cẩn thận, tôi luôn có thể bắt đầu viết một phần khác; tôi không cần phải làm việc theo trình tự đọc. Điều này không quan trọng đến thế. Nhưng mùa thu vừa rồi, khi vật lộn với mấy vấn đề chính trị và sa vào bế tắc tương tự, tôi cảm thấy như mình đã khám phá ra điều gì đó cũng liên quan đến việc viết tiểu thuyết. Tôi sẽ cố gắng giải thích.
Cái vụ mà người ta kiện tôi, và rồi cái tình thế chính trị tiến thoái lưỡng nan mà tôi vướng vào, biến tôi trở thành một con người “chính trị”,
“nghiêm túc” và “có trách nhiệm” hơn rất nhiều lần so với con người mà tôi muốn là: một trạng thái sự vụ rầu rĩ và thậm chí một trạng thái tinh thần còn rầu rĩ hơn - hãy để tôi nói thế và mỉm cười. Đó là nguyên cớ tại sao tôi không thể bước vào sự ngây thơ trẻ con ấy mà nếu không có thì chẳng có tiểu thuyết nào được viết, nhưng điều này dễ hiểu; nó chẳng làm tôi ngạc nhiên. Khi các sự kiện lần lần được giải tỏa, tôi tự nhủ rằng cái tính vô tư đang mau chóng tan biến, tính nghịch ngợm trẻ con và tính hài hước trẻ con của tôi một ngày nào đó sẽ trở lại và khi đó tôi sẽ có khả năng hoàn thành cuốn tiểu thuyết mà tôi viết đã ba năm nay. Tuy nhiên, tôi vẫn thức dậy mỗi sáng, sớm hơn nhiều so với mười triệu cư dân khác của Istanbul, và cố bước vào cuốn tiểu thuyết chưa được viết xong trong sự thanh lặng của nửa đêm. Tôi làm điều này vì tôi quá sức mong đợi trở về thế giới thứ hai yêu dấu của tôi, và sau khi nỗ lực hết sức, tôi sẽ bắt đầu lôi từng mảnh của cuốn tiểu thuyết từ trong đầu và nhìn thấy chúng chơi đùa trước mặt. Nhưng những phân mảnh này không từ cuốn tiểu thuyết tôi đang viết; chúng là những cảnh từ một câu chuyện hoàn toàn khác. Vào những buổi sáng chán nản tẻ nhạt ấy, cái lướt qua trước mắt tôi không phải cuốn tiểu thuyết tôi đã viết ba năm nay mà là một tập hợp lớn dần những cảnh, câu, nhân vật và chi tiết lạ lùng từ một tiểu thuyết nào đó khác. Sau một hồi tôi bắt đầu ghi lại những phân mảnh này trong một cuốn sổ, và tôi ghi lại những ý nghĩ chưa bao giờ tôi nghĩ tới trước đây. Cuốn tiểu thuyết này sẽ là về những bức tranh của một họa sĩ đương đại đã qua đời. Khi dựng ra người họa sĩ này, tôi thấy mình cũng nghĩ rất nhiều về những bức tranh của ông. Một hồi sau, tôi hiểu tại sao tôi đã không thể lấy lại được tinh thần vô tư lự trẻ con trong những ngày tẻ nhạt đó. Tôi không còn có thể quay về sự thơ dại, tôi chỉ có thể quay về tuổi thơ tôi, về những ngày mà
(như tả trong cuốn Istanbul) tôi mơ trở thành họa sĩ và mỗi khi thức dậy là vẽ hết tranh này đến tranh khác.
Sau này, khi người ta từ bỏ vụ kiện, tôi trở lại cuốn Bảo tàng của sự thơ ngây, cuốn tiểu thuyết tôi đã viết ba năm nay. Tuy nhiên, hôm nay tôi đang hoạch định cuốn tiểu thuyết kia, từng cảnh một của cuốn này đến với tôi trong những ngày mà, khi không thể quay về với tính trẻ con thuần khiết, tôi phần nào quay về thông qua những đam mê của thời thơ ấu. Kinh nghiệm này dạy cho tôi điều gì đó đặc biệt về nghệ thuật viết tiểu thuyết đầy bí ẩn.
Tôi có thể giải thích điều này bằng cách sử dụng thuyết “độc giả ngầm ẩn”, một nguyên tắc do nhà lý thuyết và phê bình văn học vĩ đại Wolfgang Iser đề xướng, và chế biến chút ít cho phù hợp mục đích của tôi. Iser sáng tạo ra một lý thuyết xuất chúng về văn học hướng độc giả. Ông nói rằng ý nghĩa của tiểu thuyết không nằm trong văn bản cũng không nằm trong bối cảnh nó được đọc mà nằm đâu đó ở giữa. Ông lập luận rằng nghĩa của một tiểu thuyết chỉ xuất hiện khi nó được đọc, và do vậy, khi nói tới độc giả ngầm ẩn, ông giao cho độc giả một vai trò không thể thiếu.
Khi tôi mơ những cảnh, những câu, những chi tiết của một cuốn sách khác thay vì tiếp tục cuốn tiểu thuyết tôi đang viết dở, lý thuyết ấy đến trong đầu tôi, và hệ quả là điều này được gợi ra: Đối với mỗi cuốn tiểu thuyết chưa được viết nhưng đã được mơ ước và lên kế hoạch (nói cách khác, bao gồm tác phẩm dang dở của chính tôi), phải có một tác giả ngầm ẩn. Nên tôi chỉ có thể hoàn thành cuốn sách đó chỉ khi lại trở thành tác giả ngầm ẩn của nó. Nhưng khi ngập mặt với những sự vụ chính trị hay - như quá thường xuyên diễn ra trong đời sống bình thường - suy nghĩ của tôi bị gián đoạn bởi hóa đơn tiền ga chưa trả, điện thoại đổ chuông, hay những
buổi họp mặt gia đình, tôi không thể trở thành tác giả ngầm ẩn của cuốn sách trong những giấc mơ của tôi. Trong những ngày dài tẻ nhạt dính líu vào chính trị, tôi không thể trở thành tác giả ngầm ẩn của cuốn sách tôi mong muốn viết. Rồi những ngày đó qua đi, và tôi trở lại cuốn tiểu thuyết của tôi - một câu chuyện tình diễn ra từ năm 1975 đến hiện tại, giữa những người giàu của Istanbul, hoặc “xã hội Istanbul” như cách báo chí hay gọi - và về với cái tôi trước kia như tôi đã mong làm, và bất cứ khi nào nghĩ mình gần với việc hoàn thành nó như thế nào, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Nhưng, khi đã trải qua kinh nghiệm này, bây giờ tôi hiểu tại sao ba mươi năm nay tôi cống hiến toàn bộ sức lực của tôi để trở thành tác giả ngầm ẩn của những cuốn sách tôi mong muốn viết. Không quá khó để mơ về một cuốn sách. Tôi mơ như thế rất nhiều lần, cũng hệt như tôi bỏ ra rất nhiều thời gian tưởng tượng tôi là người khác. Cái khó là trở thành tác giả ngầm ẩn của cuốn sách bạn mơ. Có lẽ với tôi thì lại càng như thế vì tôi chỉ toàn muốn viết những tiểu thuyết lớn, dày, đầy tham vọng, và cũng bởi vì tôi viết rất chậm.
Nhưng thôi đừng phàn nàn. Đã xuất bản bảy tiểu thuyết, tôi có thể an toàn mà nói rằng, cho dù phải nỗ lực kha khá, có thể tin được tôi có khả năng trở thành cái vị tác giả viết ra được những cuốn sách tôi mơ. Cũng hệt như tôi viết ra những cuốn sách và bỏ chúng lại sau lưng, tôi cũng bỏ lại sau lưng bóng ma của các nhà văn, những người có thể đã viết những cuốn sách đó. Cả bảy tác giả ngầm ẩn này giống tôi, và, trong hơn ba mươi năm qua họ đã khám phá đời sống và thế giới nhìn từ Istanbul, nhìn từ khung cửa sổ giống như cửa sổ nhà tôi, và, bởi rành rẽ thế giới này từ trong ra ngoài và bị nó thuyết phục, họ có thể mô tả nó bằng toàn bộ sự nghiêm túc và sự quên mình có chủ ý của một đứa trẻ đang chơi.
Hy vọng lớn nhất của tôi là có thể viết tiểu thuyết thêm ba mươi năm nữa và dùng cái cớ này để gói ghém tôi vào những nhân vật mới khác.
chương hai
CHA TÔI
Đêm đó tôi về nhà muộn. Người ta bảo tôi rằng cha tôi đã mất. Cùng với cơn nhói đau đầu tiên hiện về trong tôi một hình ảnh từ thời thơ ấu: cặp chân gầy tong của cha tôi trong chiếc quần soóc. Hai giờ sáng tôi đến nhà ông để nhìn ông lần cuối. Người ta nói, “Ông nằm trong phòng đằng sau.” Tôi vào trong. Vài giờ sau, khi tôi quay trở ra đại lộ Valikonaği, ngay trước bình minh, những con phố của Nişantaşı vắng hoe, lạnh cóng, và cửa sổ các cửa tiệm lờ mờ sáng mà tôi đã dạo ngang năm mươi năm nay trông dường như xa xăm lạ lẫm.
Suốt buổi sáng, không ngủ và như thể còn trong một giấc mơ, tôi nói chuyện trên điện thoại, tiếp khách, ngập đầu trong các thủ tục tang lễ; và sau một hồi tiếp nhận các lời nhắn, yêu cầu, lời cầu nguyện, giải quyết vài tranh cãi nho nhỏ và viết cáo phó, tôi chợt hiểu tại sao trong mọi tang lễ nghi thức trở nên quan trọng hơn người đã khuất.
Buổi tối, chúng tôi đến Nghĩa trang Edimekapi chuẩn bị cho việc chôn cất. Khi anh tôi và người em họ vào trong tòa nhà hành chính nhỏ của nghĩa trang, tôi nhận ra mình ngồi một mình với tài xế trên ghế trước taxi. Lúc đó người tài xế bảo tôi rằng anh ta biết tôi.
“Cha tôi mất,” tôi bảo anh ta. Không suy nghĩ trước, và ngạc nhiên với chính mình, tôi bắt đầu kể anh ta nghe về cha tôi. Tôi kể với anh ta rằng cha tôi là người rất tốt bụng, và quan trọng hơn, tôi yêu ông. Mặt trời bắt
đầu lặn. Nghĩa trang vắng vẻ, im lìm. Những tòa nhà xám đổ bóng xuống nghĩa trang đã mất vẻ ảm đạm thường ngày; chúng phản xạ một thứ ánh sáng kỳ lạ. Trong khi tôi nói, một luồng gió lạnh mà chúng tôi không nghe thấy tiếng làm đong đưa đám cây tiêu huyền và cây bách, và hình ảnh này khắc ghi vào tâm trí tôi, như cặp chân gầy tong của cha tôi.
Khi rõ là còn phải chờ rất lâu, người tài xế, lúc này đã bảo với tôi rằng hai chúng tôi có tên giống nhau, vỗ lưng tôi hai cái, mạnh và đầy chia sẻ, rồi đi. Những gì tôi kể với anh, tôi không kể với ai khác. Nhưng một tuần sau, điều này trong tôi hòa lẫn với ký ức và nỗi buồn của tôi. Nếu tôi không chép lại thành ngôn từ, nó sẽ lớn dần lên và làm tôi bải hoải đau đớn.
Khi nói với người tài xế rằng, “Cha tôi chưa bao giờ cáu giận tôi dầu chỉ một lần, chưa bao giờ la mắng tôi, chưa bao giờ đánh tôi,” tôi đã nói mà không suy nghĩ mấy. Tôi đã quên không đề cập những hành vi tử tế vĩ đại nhất của ông. Khi tôi còn nhỏ, cha tôi luôn xem mọi bức tranh tôi vẽ với vẻ ngưỡng mộ nhiệt thành; khi tôi hỏi ý kiến, ông sẽ nghiên cứu từng câu văn nguệch ngoạc của tôi như thể đó là kiệt tác; ông sẽ cười ha hả với những chuyên đùa nhạt nhẽo và ngốc nghếch nhất của tôi. Nếu không có niềm tự tin ông trao, sẽ khó hơn rất nhiều để tôi trở thành nhà văn, để chọn viết lách làm nghiệp. Sự tin tưởng ông dành cho chúng tôi, và cách ông dễ dàng thuyết phục anh tôi và tôi rằng chúng tôi là những đứa trẻ xuất sắc và độc đáo, nó xuất phát từ sự tự tin vào trí tuệ của chính ông. Theo cách thức ngây thơ trẻ con của ông, ông thành thực tin rằng chúng tôi chắc chắn phải xuất sắc, chững chạc, thông minh như ông, đơn giản chỉ vì chúng tôi là con trai ông.
Ông là người trí tuệ nhạy bén: Ông có thể ngay lập tức đọc thuộc lòng một bài thơ của Cenap Şahabettin, đọc số pi tới số lẻ thứ mười lăm, hoặc đoán đúng một cách xuất sắc cái kết bộ phim chúng tôi đang cùng xem. Ông không khiêm tốn lắm, ông thích kể lại những chuyện cho thấy ông thông minh như thế nào. Ví dụ, ông thích kể cho chúng tôi nghe chuyện khi ông còn đang học cấp hai, hồi đó vẫn còn mặc quần soóc, làm thế nào mà giáo viên toán gọi ông vào một lớp học cùng những đứa lớn nhất trong trường, và cách mà - sau khi cậu bé Gündüz lên bảng giải một bài toán mà bọn trẻ con hơn cậu ba tuổi đều bí còn giáo viên đã phải xuýt xoa “Giỏi lắm” - cậu bé xoay sang đám trẻ kia nói, “Có vậy thôi!” Trước ví dụ ấy, tôi thấy mình lấn cấn giữa sự ganh tị và niềm mong ước được giống ông hơn.
Tôi cũng có thể nói như vậy về vẻ bảnh bao của ông. Ai cũng nói tôi giống ông, trừ mỗi việc ông đẹp trai hơn. Như cái gia tài cha ông (ông nội tôi) để lại mà ông chưa bao giờ làm cho khánh kiệt được bất chấp bao lần thất bại trong kinh doanh, vẻ bảnh bao cũng giúp ông sống một cuộc đời vui vẻ, thoải mái, nên ngay cả trong những ngày tồi tệ nhất ông vẫn lạc quan một cách ngây ngô, bồng bềnh với những dự định tốt đẹp và một niềm tự tôn không lay chuyển, không gì sánh nổi. Với ông, đời không phải để kiếm sống mà là để thụ hưởng. Thế giới không phải là chiến trường, mà là hí trường, là sân chơi, và khi nhiều tuổi hơn ông bắt đầu thấy hơi bực mình những lúc chứng kiến tiền của, trí tuệ và vẻ bảnh bao mà ông hưởng thụ trọn vẹn thời trẻ chẳng khiến danh tiếng hay quyền lực của ông được phóng to tới mức ông có lẽ đã mong muốn. Nhưng, cũng như trong mọi trường họp khác, ông không lãng phí nhiều thời gian lo lắng về điều này. Ông có thể rũ bỏ mọi bực tức với cùng phong cách thoải mái trẻ thơ lúc ông gạt đi bất kỳ ai, hay vấn đề hay của cải nào mang lại cho ông rắc
rối. Nên ngay cả khi đời ông xuống dốc từ sau ba mươi tuổi, thất vọng kế tiếp thất vọng, tôi chưa bao giờ nghe ông phàn nàn. Khi tuổi đã cao, có lần ông ăn tối với một nhà phê bình có tiếng, sau này tôi gặp lại ông ấy, ông ấy thốt lên với chút phật ý, “Cha anh chẳng biết mặc cảm là gì!”
Phong cách lạc quan theo kiểu Peter Pan của ông tránh cho ông khỏi những cơn giận dữ và ám ảnh. Cho dù ông đọc nhiều sách, mơ trở thành nhà thơ, và từng dịch một số bài thơ của Paul Valéry, tôi tin là ông quá thoải mái trong cái vỏ của mình và quá chắc chắn về tương lai, nên sự say đắm thiết yếu cần cho sáng tạo văn chương chưa bao giờ bám rễ vào ông. Thời trẻ ông có một thư viện khá oách, về sau ông vui vẻ cho tôi tiếp quản nó. Tuy nhiên ông không đọc sách như kiểu tôi, ngấu nghiến và quay cuồng vì phấn khích; ông đọc sách chỉ cho vui, hay để giải trí, và nhiều khỉ ông bỏ dở nửa chừng. Trong khi các ông bố khác có thể nói bằng cái giọng nghiêm nghị của các vị tướng hay lãnh tụ tôn giáo, thì cha tôi kể cho tôi nghe chuyện ông cuốc bộ trên đường phố Paris nhìn thấy Sartre hay Camus (thể loại nhà văn mà cha tôi ưa thích), những chuyện đó gây ấn tượng sâu đậm với tôi. Nhiều năm sau này, khi tôi gặp Erdal Ïnönü (một người bạn thuở thiếu thời của cha tôi và là con trai tổng thống thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, sau Atatürk) tại buổi khai trương một phòng tranh, ông mỉm cười kể tôi nghe về một bữa ăn tối tại dinh tổng thống ở Ankara mà cha tôi khi đó mới hai mươi tuổi có tham dự; khi Ismet Pasha chuyển sang đề tài văn chương, cha tôi đặt câu hỏi, “Tại sao chúng ta chẳng có tác giả nổi tiếng thế giới nào?” Mười tám năm sau khi tôi xuất bản tiểu thuyết đầu tiên, cha tôi có phần ngượng ngùng trao cho tôi một cái va li nhỏ. Tôi biết rất rõ tại sao, khi tìm thấy trong đó nhật ký, những bài thơ, ghi chép và những viết lách văn chương của ông, tôi cảm thấy bất an: Đó là hồ sơ - là
bằng chứng - của một đời sống nội tâm. Ta không muốn cha chúng ta là những cá nhân, ta muốn họ chồng khít vào cái hình mẫu lý tưởng của ta về họ.
Tôi thích những khi ông dẫn tôi đi xem phim, và tôi thích thú lắng nghe ông bình luận về những bộ phim chúng tôi xem với những người khác; tôi yêu thích những lời nói đùa của ông về những kẻ ngu ngốc, xấu xa, không có tâm hồn cũng bằng như thích nghe ông nói về một loại trái cây mới, một thành phố ông đã viếng thăm, tin tức mới nhất, hay cuốn sách mới nhất; nhưng trên tất cả tôi thích được ông ôm tôi vào lòng âu yếm. Tôi thích được ông chở đi chơi bằng ô tô, bởi vì, ngồi cùng nhau trong xe, ít nhất trong một lát tôi có cảm giác tôi không đánh mất ông. Khi ông lái xe, chúng tôi không thể nhìn vào mắt nhau nên ông nói chuyện với tôi như với một người bạn, động đến những vấn đề khó khăn tinh tế nhất. Sau một lúc, ông dừng lại để kể chuyện tiếu lâm, dò sóng radio, rồi nói chuyện về bất cứ thứ âm nhạc nào lọt đến tai chúng tôi.
Nhưng tôi thích nhất là được gần gũi ông, sờ nắn ông, ở ngay bên cạnh ông. Khi còn là học sinh trung học, và ngay cả những năm đầu đại học, trong những ngày chán nản nhất, bất chấp bản thân, tôi mong ông đến nhà, ngồi xuống với tôi và mẹ, và nói gì đó để vực tinh thần chúng tôi dậy. Khi còn nhỏ, tôi thích trèo lên lòng ông hay nằm cạnh ông, ngửi mùi của ông, sờ nắn ông. Tôi nhớ khi còn rất nhỏ ông dạy tôi bơi trên đảo Heybeliada: Khi tôi chìm xuống đáy, vùng vẫy kịch liệt, ông sẽ tóm lấy tôi khiến tôi mừng vui, không chỉ vì tôi có thể hít thở lại mà còn vì tôi có thể vòng tay ôm lấy ông, và kêu khi không muốn chìm lại xuống đáy, “Bố ơi, đừng bỏ con!”
Nhưng ông có bỏ rơi chúng tôi. Ông đi xa, đến những quốc gia khác, những nơi chốn khác, những xó xỉnh trên thế giới xa lạ với chúng tôi. Khi ông duỗi người trên sofa đọc sách, có lúc ánh mắt ông sẽ trượt ra khỏi những trang sách và ý nghĩ của ông sẽ vẩn vơ. Đó là khi tôi biết, bên trong người đàn ông mà tôi biết là cha tôi, có một con người khác mà tôi không với tới, và đoán chừng ông đang mơ mộng về một cuộc đời khác, tôi trở nên bất an. “Cha như viên đạn được bắn khỏi nòng không nguyên cớ,” đôi khi ông nói thế. Tự nhiên điều này làm tôi nổi giận. Có khá nhiều điều khác có thể làm tôi nổi giận. Tôi không biết ai đúng. Có lẽ đến lúc đó chính tôi cũng mong muốn đào thoát. Nhưng tôi vẫn thích thú khi ông bật băng Giao hưởng số 1 của Brahms, say sưa chỉ huy một dàn nhạc tưởng tượng bằng cây đũa tưởng tượng. Tôi chỉ bực mình khi, một đời tìm kiếm thú vui và lảng tránh âu lo, ông lại than thở rằng sống buông thả thì chẳng mang lại ý nghĩa gì ngoài bản thân nó và bắt đầu kiếm cớ chỉ trích người khác. Những năm hai mươi tuổi, có khi tôi tự nhủ, “Đừng để mình theo gót ông ấy.” Có những thời điểm khác tôi lại phiền muộn vì mình không thể vui vẻ, thoải mái, vô tư và đẹp trai như ông.
Mãi về sau này, khi gác tất cả những điều ấy lại, khi giận dữ và ghen tuông không còn che mờ cách tôi nhìn về người cha chưa bao giờ la mắng tôi, chưa bao giờ cố áp đặt tôi, tôi từ từ nhìn thấy - và chấp nhận - nhiều điểm tương đồng không tránh khỏi giữa tôi và ông. Nên bây giờ, mỗi khi tôi càu nhàu về một kẻ ngốc nào đó, hay phàn nàn với người hầu bàn, hay cắn môi trên, hay quẳng mấy cuốn sách đọc dở vào góc nhà, hay hôn con gái, hay móc tiền khỏi túi, hay đón chào ai đó bằng một lời nói đùa nhẹ nhàng, tôi nhận thấy mình bắt chước ông. Điều này không bởi vì tay, chân, cổ tay tôi hay nốt ruồi trên lung tôi giống ông. Mà là điều gì đó khiến tôi
hoảng sợ - thậm chí kinh sợ - và nhắc nhở tôi về những ngày thơ ấu khi tôi mong muốn được giống ông nhiều hơn. Cái chết của mỗi con người khởi đầu từ cái chết của cha họ.
chương ba
NHỮNG GHI CHÉP TRONG NGÀY 29 THÁNG TƯ NĂM 1994
Tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur đề nghị hàng trăm tác giả mô tả hoạt động của họ vào ngày 29 tháng Tư ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà tình cờ họ có mặt ngày hôm đó. Tôi thì đang ở Istanbul.
ĐIỆN THOẠI. Tôi rút dây điện thoại, và như luôn xảy ra trong những giờ mà tôi dành cho việc viết - dù hay dù dở - cuốn tiểu thuyết của tôi, tự nhiên có lúc tôi tưởng tượng rằng ai đó đang cố tìm tôi vào chính thời khắc ấy để nói với tôi về một chuyện quan trọng, một vấn đề có hậu quả to lớn, nhưng không thể gặp tôi được. Dù vậy tôi vẫn không nối dây điện thoại. Mãi một lúc sau khi nối lại, tôi có vài cuộc trò chuyện mà tôi sẽ quên ngay lập tức. Một phóng viên nọ gọi từ Đức bảo tôi anh ta sẽ ghé thăm Istanbul và hy vọng được trò chuyện với tôi về sự nổi lên của “phái chính thống cực đoan” ở Thổ Nhĩ Kỳ và sự thành công của đảng Refah đạo Hồi trong các cuộc bầu cử cấp thành phố. Tôi hỏi lại anh ta làm cho đài truyền hình nào, anh ta lúng búng mấy chữ cái.
CHỮ CÁI, LOGO, THƯƠNG HIỆU. Một lần nữa tôi ấn tượng nhất với những chữ cái trên những chiếc quần jean xanh và quảng cáo ngân hàng mà tình cờ tôi thấy trên báo, ti vi và bảng hiệu trên đường. Một người bạn tôi
gặp ngoài phố, một giáo sư đại học, khoắng tay vào túi xách đưa tôi danh sách công ty và thương hiệu mà tôi gặp hằng ngày. Chủ nhân của những nơi này ủng hộ đảng Refah đạo Hồi, người ta bảo cô thế; cô ấy thông báo với tôi rằng khá nhiều người đã quyết định ngừng mua hiệu bánh quy này, hiệu sữa chua kia, và không bao giờ đặt chân vào các cửa hàng và tiệm ăn có tên trong danh sách nữa. Như mọi khi, một cảm giác chán nản tột độ khiến tôi phớt lờ cái gương trong thang máy khu nhà của tôi và thay vào đó nhìn vào tấm bảng ốp: Wertheim. Tôi làm một phép tính đơn giản trên chiếc máy tính điện tử Casio, phép tính ấy tôi sẽ trình bày cuối bài viết này. Trên phố tôi bắt gặp một chiếc Plymouth đời 1960 và một chiếc Chevrolet đời 1956 vẫn còn được dùng làm taxi.
PHỐ VÀ ĐẠI LỘ. Cách đây hai tháng, mặc dù chỉ qua một đêm đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ mất giá một nửa, đẩy chúng tôi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, phố xá và các đại lộ vẫn đông đúc như mọi khi. Lúc nào cũng thế, tôi băn khoăn không biết những người này đi đâu, và điều này đến lượt nó lại nhắc nhở tôi rằng văn chương là một nghề vô ích: tôi thấy đàn bà và trẻ con dán mắt vào cửa sổ các cửa tiệm, từng nhóm học sinh trung học thì thầm và khúc khích cười, những người bán hàng đã bày biện hàng của họ - thuốc lá chợ đen, Nescafé, đồ sứ Tàu, tiểu thuyết diễm tình cũ, và những tạp chí thời trang nước ngoài đã được giở nhiều đến nát nhừ - dọc suốt chiều dài bức tường nhà thờ; tôi nhìn thấy một người đàn ông đẩy xe ba bánh bán dưa leo tươi và những chiếc xe buýt ken đặc người. Đàn ông tụ tập phía trước khu ăn uống trong những cửa hàng thu ngoại tệ, tay cầm sandwich, thuốc lá hoặc túi ni lông đầy tiền, theo dõi đồng đô la tăng giá trên bảng điện tử. Một cậu bé nhân viên tiệm tạp hóa đang dỡ một thùng
nước đóng chai, nhấc những chiếc bình cổ nhỏ lên lưng. Tôi thoáng thấy một người điên mới tới khu này gần đây, để ý thấy rằng anh ta là người duy nhất trên vỉa hè đông đúc không cầm túi ni lông. Trên tay anh là một cái vô lăng gỡ ra từ một cái xe ô tô thật; anh ta xoay nó sang trái rồi sang phải, vừa xoay vừa luồn lách qua đám đông. Giờ ăn trưa, sau khi đã uống nước cam và đang quay về văn phòng nhỏ nơi tôi ngồi viết, tôi gặp một người bạn cũ trong đám đông vừa mới ra khỏi buổi cầu nguyện ngày thứ sáu và chúng tôi cười đùa vui vẻ.
NHỮNG TRÒ ĐÙA, CƯỜI, VÀ HẠNH PHÚC. Người bạn họa sĩ của tôi và tôi cười đùa về những người giàu mà chúng tôi biết đang đối mặt với cảnh lụn bại sau khi các ngân hàng họ gửi tiền sập tiệm. Tại sao chúng tôi cười? Tại vì hóa ra họ không khôn như họ tưởng mà cũng chẳng thông minh gì, đó là lý do chúng tôi cười. Vào đầu giờ tối, một người bạn dịch giả của tôi gọi điện rủ ra phố làm vài ly ngay bên ngoài mấy tiệm mayhane* “để phản đối” viên thị trưởng người của đảng Refah Istanbul, và chúng tôi cũng cười thoải mái. Vì viên thị trưởng mới đã quấy các tiệm mayhane, dẹp bàn ghế họ kê ngoài đường, hàng trăm trí thức lên kế hoạch chiếm các đường phố và tự ngồi uống với nhau chả để làm gì trên các vỉa hè. Đã có hồi những bạn bè có đầu óc chính trị quan niệm uống là không đứng đắn, nhưng bây giờ đột nhiên dường như mọi người quyết định rằng uống nghĩa là tham gia một hành vi chính trị chững chạc. Khi con gái Rüya hai tuổi rưỡi của tôi cười vì tôi cù nó trước giờ đi ngủ, tôi cũng cười. Có lẽ những cái cười này không phải là thể hiện hạnh phúc, có lẽ chúng chỉ là để cảm kích sự yên lặng mà người ta mong mỏi trong một thành phố như Istanbul, vốn không ngớt ồn ã.
TIẾNG ỒN CỦA ISTANBUL. Ngay cả khi ít chú ý đến nó nhất và cảm thấy cô đơn nhất, tôi (cùng chừng mười triệu người khác) vẫn nghe sự ồn ã này suốt ngày: tiếng còi xe, tiếng xe buýt gầm gừ, tiếng động cơ rít, âm thanh của những công trình xây dựng, tiếng trẻ con gào thét, tiếng loa trên những xe bán hàng và nhà nguyện, tiếng còi tàu, tiếng còi hụ của xe cảnh sát và cứu thương, tiếng nhạc cát xét từ mọi nơi, tiếng cửa đóng sầm, tiếng kim loại rít khi va vào đất, tiếng điện thoại, tiếng chuông cửa, xe cộ chửi nhau ở các góc đường, tiếng còi cảnh sát, tiếng xe đưa đón học sinh… Khi đêm đến, lúc bầu trời tối dần, cũng là lúc của khoảng lặng quen thuộc, một cái gì đó gần với sự yên lặng; nhìn ra vườn từ cửa sổ phía sau văn phòng, tôi thấy bầy sẻ rộn ràng ríu rít bay qua lùm cây bách và cây dâu tằm. Từ bàn nơi tôi ngồi, tôi có thể nhìn thấy ánh đèn và màn hình ti vi nhấp nháy trong các căn hộ hàng xóm.
TIVI. Sau bữa tối, dựa vào ánh màu tổng hợp nhấp nháy sáng từ cửa sổ nhà họ tôi có thể đoán được khá nhiều người cứ luôn tay đổi kênh như tôi: một nữ ca sĩ tóc nhuộm vàng hát một bài hát Thổ xưa, một đứa bé ăn sô cô la, một nữ thủ tướng đang nói rằng mọi thứ sẽ ổn, một trận bóng đá trên sân đấu xanh màu ngọc lục, một nhóm nhạc pop của Thổ, các nhà báo tranh luận về vấn đề người Kurd, xe cảnh sát Mỹ, một đứa trẻ đọc kinh Koran, một chiếc trực thăng nổ tung thành lửa trong không trung, một quý ông bước ra sân khấu và ngả nón trong khi khán giả vỗ tay rào rào, rồi lại vị nữ thủ tướng kia, một bà nội trợ đang nói với cái micro phỏng vấn về chuyện gì đó trong lúc phơi quần áo, khán giả vỗ tay tán thưởng một phụ nữ trả lời đúng một câu đố kiến thức tổng quát… Có một lúc tôi nhìn ra cửa sổ và chợt nhận ra rằng - ngoại trừ các du khách trên những con tàu Bosphorus
mà tôi có thể nhìn thấy ánh đèn từ xa - cả Istanbul đang xem những hình ảnh giống nhau.
ĐÊM. Tiếng ồn của thành phố thay đổi, trở thành tiếng thầm thì, một tiếng thở dài ngái ngủ. Tầm muộn, khi tôi bách bộ về lại văn phòng, nghĩ rằng có thể sẽ ráng viết thêm một chút, tôi thấy một bầy bốn con chó chạy rông trên những đường phố vắng tanh. Trong một quán cà phê thấp hơn mặt đường vẫn còn người chơi bài và xem ti vi. Tôi thấy một gia đình, rõ là họ mới đi thăm bà con về - cậu bé ngủ trên vai người cha, người mẹ đang mang thai - họ đi ngang tôi trong im lặng và vội vã - như thể có gì làm cho họ sợ. Nửa đêm, rất lâu sau khi tôi ngồi vào bàn, điện thoại đổ chuông làm tôi hoảng sợ.
SỢ HÃI, LO LẮNG, VÀ NHỮNG GIẤC MƠ. Đó là gã điên gọi tôi hằng đêm, chẳng bao giờ nói từ nào, sự thinh lặng của tôi vọng vào sự thinh lặng của hắn. Tôi ngắt điện thoại làm việc một lúc lâu, nhưng đâu đó trong góc nào đó của trí óc tôi có linh cảm về một điều không lành, một thảm họa lơ lửng: Có lẽ, chẳng mấy chốc, người ta sẽ bắn nhau ngoài phố; có lẽ chúng ta sẽ thấy một cuộc nội chiến; có lẽ mùa hè này tình hình thiếu nước nghiêm trọng người ta dự đoán trên báo sẽ diễn ra; có lẽ trận động đất vĩ đại được dự đoán từ bao nhiêu năm nay sẽ san bằng toàn thành phố. Sau nửa đêm, khi mọi ti vi đều đã tắt và đèn trong các căn hộ cũng không còn sáng, một chiếc xe gom rác xủng xoảng chạy ngang. Lúc nào cũng vậy, có một người đàn ông đi trước chiếc xe tải khoảng tám đến mười nhịp, đổ những thùng rác để bên đường ra, vội vã lục tìm vỏ chai, đồ kim khí và những chồng giấy rồi cho cả vào trong túi. Một lúc sau, có một anh đồng
nát, chiếc xe ngựa của anh lốc cốc dưới sức nặng của báo và một chiếc máy giặt cũ, đi ngang qua con phố vắng vẻ nơi tôi sống bốn mươi năm nay. Tôi ngồi xuống bàn lấy máy tính ra.
TỔNG CỘNG. Tôi làm một phép tính đơn giản, ngày nhân với năm. Nếu con số đúng, cho đến giờ tôi đã sống chính xác 15,300 ngày như thế này. Trước khi đi ngủ, tôi chợt nhận ra tôi sẽ là một người rất may mắn nếu còn một số ngày bằng như thế nữa ở phía trước.
chương bốn
NHỮNG BUỔI CHIỀU XUÂN
Trong khoảng từ 1996 đến 1998 tôi viết những bài viết ngắn hằng tuần cho một tạp chí hài hước chính trị nhỏ có tên Oküz (Bò đực); tôi cũng minh họa những bài tập viết trữ tình này bằng những bức tranh phù hợp với tinh thần của tờ tạp chí.
Tôi không thích những buổi chiều mùa xuân: diện mạo của thành phố, cách mặt trời rọi nắng, những đám đông, cửa sổ các tiệm hàng, cái nóng. Tôi mong tẩu thoát khỏi cái nóng và ánh sáng. Có làn gió mát hiu hiu thổi qua những cánh cửa cao của mấy tòa chung cư bằng đá và bê tông. Bên trong những chung cư này thậm chí còn mát hơn, và dĩ nhiên, tối hơn. Bóng tối và cái lạnh mùa đông đã rút lui vào trong.
Phải chi tôi có thể đi vào một trong những căn hộ đó, phải chi tôi có thể về lại mùa đông. Phải chi trong túi tôi có chìa khóa, phải chi tôi có thể mở một cánh cửa quen, hít vào mùi thân quen của một căn hộ mờ tối và mát mẻ, và hân hoan luồn vào căn phòng phía sau, tránh xa mặt trời và những đám đông ngột ngạt.
Phải chi trong căn phòng ấy có một cái giường, một cái bàn cạnh giường và trên đó có một chồng sách báo, những tạp chí yêu thích nhất của tôi để tôi giở lướt qua, và một cái ti vi. Phải chi tôi có thể duỗi người trên cái giường đó với đầy đủ quần áo và hoan hỉ vì được ở một mình cùng nỗi tuyệt vọng, khổ đau, cuộc đời khốn khổ của tôi. Không có niềm hạnh phúc
nào lớn hơn khi mặt đối mặt với chính sự tồi tàn và khốn khổ của mình. Không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn được khuất mắt.
Ừ, đúng rồi, tôi cũng mong ước có loại con gái thế này: nhẹ nhàng mềm mỏng như người mẹ, khôn ngoan như nữ doanh nhân lão luyện. Bởi cô ta biết rất rõ tôi cần làm gì, tôi cũng tin tưởng cô ta.
Nếu cô ta hỏi, “Cái gì làm phiền anh?”
Nếu tôi trả lời, “Cô biết rồi đấy. Chính là những buổi chiều mùa xuân này.”
“Anh trầm cảm rồi.”
“Còn tệ hơn trầm cảm. Tôi muốn biến đi. Tôi thây kệ thân tôi sống hay chết. Hoặc kể cả tận thế. Thật ra, tận thế mà xảy ra ngay giây phút này thì còn tốt hơn nhiều. Nếu tôi phải sống qua vài năm trong căn phòng mát mẻ này, thì chấp nhận vậy. Tôi có thể hút thuốc. Tôi có thể không làm gì ngoài hút thuốc suốt nhiều năm ròng.”
Nhưng thời gian qua đi, tôi không còn có thể nghe thấy giọng nói ấy trong tôi nữa. Đó là thời khắc tệ hại nhất. Tôi chỉ có một mình, bị bỏ rơi trên những phố đông.
Tôi không biết liệu điều này có xảy ra với người khác không, nhưng đôi khi có vẻ như vào những buổi chiều mùa xuân thế giới trở nên nặng nề hơn. Mọi thứ trở thành bê tông, xám xịt như bê tông, và người ướt sũng mồ hôi, tôi ngạc nhiên về cung cách người khác xoay xở với cuộc sống thường ngày.
Họ đi ra đường, nhòm vào cửa sổ các cửa tiệm, và họ nhòm tôi qua cửa sổ xe buýt, trước khi xe buýt xả khói vào mặt tôi. Khói xe ư? Chúng cũng nóng giãy. Tôi hoảng sợ chạy lung tung.
Tôi rẽ vào một ngõ hẻm. Bên trong mát và tối khiến tôi bình tĩnh lại. Những người trong đây có vẻ ít lo lắng và dễ hiểu hơn. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được rắc rối. Trên đường đi về phía rạp chiếu phim, tôi nhìn vào các cửa tiệm.
Hồi xưa người ta từng dùng thịt chó để làm bánh mì kẹp xúc xích - nói cách khác, để làm xúc xích. Tôi không biết giờ có vậy nữa không. Theo báo chí, người ta bắt quả tang những người sản xuất nước ngọt từ cùng những bể nước dùng để rửa chân.
Họ sống ở đây, họ nhìn thấy nhau, họ yêu nhau, và rồi họ cưới những cô gái nhuộm tóc thành một thứ màu vàng xấu xí.
Trong túi chúng ta, tiền giấy đã biến thành bột nhồi do độ ẩm. Đây là loại phim Mỹ sẽ khiến tôi kinh ngạc ngay bây giờ: Một cậu con trai và một cô gái chạy trốn sang một nước khác. Mặc dù rất mực yêu nhau, họ luôn cãi cọ, nhưng những trận cãi cọ này chỉ khiến họ gần nhau hơn. Hẳn tôi sẽ ngồi ở ngay ghế hàng đầu. Phim sẽ được quay thật rõ đến nỗi tôi có thể nhìn thấy từng lỗ chân lông trên da cô gái; cô, bộ phim và những chiếc ô tô phải có vẻ thực hơn bất cứ thứ gì ở đây. Khi họ bắt đầu giết rất nhiều người, tôi phải có mặt ở đó để chứng kiến.
chương năm
KIỆT SỨC VÀO BUỔI TỐI
Vào các buổi tối tôi kiệt sức khi về đến nhà. Nhìn thẳng ra phía trước, nhìn những con đường và những vỉa hè. Giận dữ về một điều gì đó, tổn thương, thịnh nộ. Mặc dù trí tưởng tượng của tôi vẫn hồi tưởng những hình ảnh đẹp, cả những hình ảnh này cũng trôi qua nhanh trong cuốn phim trong đầu tôi. Thời gian trôi đi. Chẳng có gì. Đêm đã xuống. Suy vong và thất bại. Bữa tối biết ăn gì?
Đèn trên bàn được thắp sáng; bên cạnh là một tô xa lát và bánh mì, tất cả trong cùng một rổ; khăn trải bàn ca rô. Còn gì nữa?… Một cái đĩa và đậu. Tôi tưởng tượng ra đậu, nhưng thế là không đủ. Trên bàn, cây đèn đó vẫn sáng. Có lẽ thử một chút sữa chua? Hay có lẽ thử một chút cuộc đời?
Có gì trên ti vi? Không, tôi không xem ti vi đâu; nó chỉ làm tôi thêm giận thôi. Tôi giận lắm ấy. Tôi cũng thích thịt viên - ơ thế thịt viên đâu? Hết cả cuộc đời ở đây, quanh chiếc bàn này.
Các thiên thần điểm danh tôi.
Hôm nay bạn làm gì, bạn yêu dấu?
Cả đời tôi… tôi làm việc. Buổi tối, tôi về nhà. Trên ti vi… mà tôi chẳng xem ti vi. Tôi trả lời vài cú điện thoại, nổi giận với vài người; rồi tôi làm việc, viết… tôi trở thành người… và cũng - đúng rồi, phần nhiều là bị buộc - thành con vật.
Hôm nay bạn làm gì, bạn yêu dấu?
Bạn không thấy sao? Xa lát trong miệng tôi. Răng tôi lạo xạo trong hàm. Não tôi tan ra vì bất hạnh và chảy xuống cổ họng. Muối đâu rồi, muối đâu rồi, muối ơi? Ta đang ăn mất cuộc đời ta. Và cả một chút sữa chua nữa. Sữa chua nhãn hiệu Cuộc Đời.
Rồi tôi khẽ khàng chìa tay ra, vén màn cửa, và trong bóng tối bên ngoài bắt gặp ánh trăng. Các thế giới khác là những niềm an ủi tốt nhất. Trên mặt trăng người ta xem ti vi. Tôi kết thúc bữa ăn bằng một trái cam - rất ngọt - và tinh thần tôi được nâng lên.
Rồi tôi là chủ nhân của mọi thế giới. Bạn hiểu ý tôi, đúng không? Tôi về nhà vào buổi tối. Tôi về nhà từ những cuộc chiến đó, tốt, xấu, thờ ơ; tôi về nhà vẹn nguyên một mảnh và bước vào trong một căn nhà ấm áp. Có bữa ăn đang chờ đợi tôi, và tôi lấp đầy dạ dày; đèn sáng; tôi ăn trái cây. Thậm chí tôi bắt đầu nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên ổn thỏa.
Rồi tôi bấm nút và xem ti vi. Tới khi đó, bạn thấy đấy, tôi cảm thấy ổn thôi mà.
chương sáu
RA KHỎI GIƯỜNG, TRONG IM LẶNG CỦA ĐÊM
Trên bàn có một con cá nhỏ xấu xí. Miệng nó ngoác, nó cau có, và mắt nó trợn lên vì đau. Đó là một cái gạt tàn nhỏ hình con cá. Bạn vẩy tàn thuốc vào cái miệng to đùng của con cá. Có thể con cá rùng mình bởi vì điếu thuốc đó vùi trong miệng nó quá đột ngột. Giống như là - phù! - tàn thuốc rơi vào miệng con cá, nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra với người hút thuốc, không một lần nào trong đời anh ta. Ai đó đã làm ra cái gạt tàn sứ hình con cá, và con cá tội nghiệp ấy sẽ bị thuốc lá đốt suốt hàng năm trời, miệng nó ngoác đủ to đến nỗi nó không chỉ nuốt tàn thuốc bẩn; miệng nó đủ to để đớp cả đầu lọc thuốc, diêm, và mọi thứ dơ bẩn.
Ngay bây giờ con cá nằm trên bàn, nhưng cách đây một khắc thì chẳng có ai trong phòng. Khi bước vào, tôi thấy cái miệng con cá và tôi có thể thấy rằng cái sinh vật gạt tàn thuốc kia đã đau đớn nằm đó chờ đợi hàng giờ trong im lặng của đêm. Tôi không hút thuốc nên tôi không sờ tới nó, nhưng ngay cả bây giờ, khi tôi đang chân trần lặng lẽ đi lại trong căn hộ tối, tôi biết rằng, chẳng mấy chốc tôi sẽ quên tất cả về con cá tội nghiệp này.
Trên tấm thảm là một chiếc xe ba bánh của trẻ con; bánh và ghế ngồi màu xanh dương, cái giỏ và cái chắn bùn trước màu đỏ. Dĩ nhiên, cái chắn bùn chỉ có tác dụng trang trí: Cái xe ba bánh này được làm để trẻ nhỏ chạy chầm chậm trong nhà hay ban công và những bề mặt không có bùn khác.
Tuy nhiên cái chắn bùn này vẫn mang đến vẻ trọn vẹn và hoàn hảo cho chiếc xe. Như thể là nó che đậy những chỗ chưa hoàn hảo của chiếc xe đạp ba bánh, làm cho nó lớn lên và trưởng thành hơn; bằng cách mang nó đến gần với ý tưởng về một chiếc xe đạp người lớn, cái chắn bùn làm cho nó nghiêm túc hơn. Nhưng khi nhìn cái xe ba bánh kỹ hơn, trong sự yên lặng này không có gì chuyển động, ngay lập tức tôi thấy điều ràng buộc tôi với cái xe ba bánh và tạo ra mối quan hệ giữa tôi với nó là, như mọi xe đạp và xe ba bánh khác, nó có ghi đông. Tôi có thể nhìn nhận cái xe ba bánh như thể nó là một sinh thể, một tạo vật sống là vì nó có cái ghi đông. Ghi đông là cái đầu của cái xe ba bánh, cái trán, cái sừng của nó. Để tìm thấy con người trong cái xe ba bánh, tôi làm những việc như tôi làm với con người: Đầu tiên tôi xem xét gương mặt, hay cái ghi đông. Cái xe ba bánh nhỏ lười biếng này, như mọi cái xe ba bánh không vui khác, cúi đầu; cái ghi đông không nhìn về phía trước mà nhìn nghiêng. Như với mọi sinh vật buồn, hy vọng của nó là có giới hạn. Nhưng có vẻ như ít nhất là nó thoải mái với bản thân bên trong lớp vỏ bằng nhựa, và điều đó giúp nó xua đi đau khổ.
Tôi bước vào nhà bếp tối om trong im lặng. Bên trong tủ lạnh sáng và đông đúc như đại lộ của một thành phố hạnh phúc nơi xa xôi. Tôi lấy một chai bia ra. Ngồi xuống bên bàn ăn, tôi trang trọng uống nó. Ở đó, trong yên lặng của đêm, một cái cối xay tiêu bằng nhựa trong suốt ngắm nhìn tôi.
chương bảy
KHI ĐỒ ĐẠC NÓI CHUYỆN, LÀM SAO BẠN NGỦ?
Có những đêm, khi ra khỏi giường, tôi không hiểu sao lớp vải sơn lót sàn lại như thế này. Từng ô vuông đều có những đường kẻ này trên đó. Sao lại thế? Và không ô vuông nào giống một ô vuông khác.
Rồi sau đó, đường ống máy sưởi cũng vậy. Có vẻ như nó tự cho phép mình ngọ ngoậy, như thể muốn nói, tôi chán. Tôi muốn trở thành máy sưởi một lúc, nhưng không muốn thành đường ống.
Cái đèn trông cũng lạ như vậy. Nếu không thấy bóng đèn, bạn có thể tưởng tượng rằng ánh sáng đang phát ra từ cái thân bằng kẽm của nó và cái chụp đèn bằng vải xa tanh. Bạn biết đấy, như cái cách ánh sáng có thể phát xạ từ gương mặt một con người - đại loại vậy. Tôi biết điều này đôi khi cũng xảy ra với bạn: Cho nên, ví dụ, nếu có một cái bóng đèn cháy trong hộp sọ tôi, đâu đó sâu bên trong, giữa mắt và miệng tôi, ánh sáng đó sẽ chiếu qua các lỗ chân lông của tôi đẹp như thế nào - bạn cũng có khả năng nghĩ được như vậy mà. Ánh sáng đặc biệt tỏa ra từ má và trán chúng ta khi mất điện.
Nhưng chẳng bao giờ bạn thừa nhận đã nghĩ những điều như vậy. Cả tôi cũng không. Tôi không kể với ai.
Rằng những vỏ chai rỗng bỏ trước cửa nhà chẳng thuộc về thế giới mà cũng chẳng thuộc về nhau. Rằng những cánh cửa, trong bất cứ trường họp nào, không bao giờ hoàn toàn đóng hay mở và do đó còn chỗ để hy vọng.
Rằng suốt đêm dài, đến tận sáng, cái hình dáng con sên của lớp phủ ghế bành cứ thì thào, “Chúng tớ loay xoay mà chẳng ai để ý.” Rằng đâu đó cạnh bên, dưới chân tôi khoảng tám xăng ti mét hay trên trần nhà, những côn trùng lạ đang từ từ gặm nhấm xuyên qua sắt và bê tông, như mối.
Rằng những cây kéo trên bàn đột nhiên nổi dậy khởi đầu một cuộc đâm chém mà từ lâu đã được mong đợi và mơ ước, tấn công tất cả những gì trước mặt, nhưng màn kịch đẫm máu này chỉ kéo dài không quá mười lăm phút.
Rằng cái điện thoại đang nói chuyện với một cái điện thoại khác, đó là nguyên do tại sao nó trở nên im lặng.
Tôi không kể những chuyện này với bất kỳ ai. Có một thời tôi ưu phiền, thậm chí sợ sệt, về việc không chia sẻ được những hình ảnh hiện thực phì đại này với ai; không ai nói về những chuyện như vậy, nên có thể tôi là người duy nhất thấy chúng. Ý thức trách nhiệm của người chứng kiến còn hơn là gánh nặng. Nó khiến người ta đặt câu hỏi tại sao bí mật lớn lao này của đời sống chỉ được tiết lộ với người ấy? Tại sao cái gạt tàn kia chỉ kể mình tôi nghe nỗi buồn và thua thiệt của nó? Tại sao tôi là người được cái chốt cửa xưng tội khi nó đau khổ? Tại sao tôi là người duy nhất nghĩ rằng bằng cách mở cửa tủ lạnh tôi sẽ bước vào một thế giới y hệt như thế giới tôi đã biết đến cách đây hai mươi năm? Tại sao chỉ mình tôi lắng nghe những con chim hải âu bên cạnh cái đồng hồ kia và những sinh vật nhỏ bé rúc rích ở chân các bức tường?
Bạn đã bao giờ nhìn viền tấm thảm? Hay những dấu hiệu ẩn trong hoa văn của nó?
Khi thế giới lóng lánh với quá nhiều dấu hiệu và điều kỳ lạ, làm sao ai có thể ngủ? Tôi cố gắng tĩnh tại bằng cách tự nhủ rằng người ta không thể quá lơ là những dấu hiệu này. Một chút nữa thôi, khi ngủ, tôi cũng trở thành một phần của câu chuyện.
chương tám
BỎ THUỐC
Tôi đã bỏ thuốc được 272 ngày. Tôi nghĩ cho đến giờ tôi đã quen với việc đó. Âu lo trong tôi đã người đi, và tôi không còn cảm thấy như một phần thân thể bị cắt lìa. Ồ không, xin đính chính: Tôi không ngừng cảm thấy sự thiếu vắng, tôi không ngừng cảm thấy như tôi đã cách lìa khỏi cái nguyên vẹn tôi, chỉ là bây giờ thì tôi quen với cảm giác như thế này; nói chính xác hơn, tôi chấp nhận thực tại cay đắng.
Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ hút thuốc nữa.
Tôi nói điều này và rồi tôi vẫn mộng tưởng thấy mình hút thuốc. Nếu tôi nói rằng những mộng tưởng này quá bí mật, quá khủng khiếp, đến nỗi thậm chí ta muốn giấu giếm chính mình… bạn hiểu không? Dù thế nào, nó sẽ hiện diện ngay giữa một mộng tưởng như thế, và giữa bất cứ những gì mà tôi đang cố thực hiện ngay giây phút cụ thể đó, khi tôi xem cuốn phim là giấc mộng tôi dần lên đến đỉnh điểm, tôi thấy sung sướng như thể tôi vừa châm điếu thuốc.
Vậy đây là mục đích chính của thuốc lá trong đời tôi: để làm chậm lại trải nghiệm vui sướng hay đau đớn, khao khát và thất bại, buồn bã và hân hoan, hiện tại và tương lai; và, giữa mỗi khung hình, tìm thấy những con đường và lối đi tắt mới. Khi những khả năng này biến mất, người ta cảm thấy như bị lột truồng. Bị tước bỏ vũ khí và vô vọng.
Khi tôi ngồi vào taxi, người tài xế hút thuốc không ngớt, bên trong xe khói thuốc huyền ảo dày đặc. Tôi bắt đầu hít vào.
“Xin lỗi ông nói gì ạ,” anh ta nói. Anh ta mở cửa sổ. “Không,” tôi nói, “cứ đóng cửa. Tôi đã bỏ thuốc rồi.” Tôi có thể trải qua một khoảng thời gian dài không tơ tưởng thuốc lá, nhưng khi tơ tưởng thì ý muốn đó lại đến từ phần sâu thẳm trong tôi.
Khi đó tôi được nhắc nhở về một cái tôi bị lãng quên, một cái tôi bao phủ bởi thuốc men, sự bịa đặt, và những cảnh báo về sức khỏe. Tôi muốn là con người kia đó, là Orhan mà tôi từng là, là con người hút thuốc, là con người chiến đấu chống lại Quỷ giỏi hơn tôi nhiều.
Khi tôi nhớ về cái tôi xưa cũ, vấn đề không phải là liệu tôi có nên đốt một điếu thuốc. Tôi không còn cảm thấy cái khao khát mãnh liệt của những ngày đầu. Tôi chỉ nhớ nhưng cái tôi trước đây, như cách tôi nhớ nhưng một người bạn, một gương mặt thân yêu; tất cả những gì tôi muốn là trở lại với con người tôi từng là. Tôi cảm thấy như thể tôi bị buộc mặc những bộ quần áo mà tôi không chọn, như thể chúng biến tôi thành con người mà tôi không bao giờ muốn là. Nếu tôi hút thuốc, tôi lại cảm nhận được sự dày đặc của đêm, những nỗi hãi hùng của con người mà tôi từng nghĩ tôi đã là.
Khi mong muốn trở về với cái tôi xưa cũ, tôi nhớ trong những ngày đó tôi có những ý niệm mơ hồ về sự bất tử. Xưa kia, thời gian không trôi; những khi hút thuốc, đôi khi tôi cảm nhận niềm vui đó, hay nỗi tuyệt vọng dữ dội đó, đến nỗi tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ không đổi thay. Khi tôi tươi vui hút thuốc, thế giới đứng yên một chỗ.
Rồi tôi bắt đầu sợ chết. Tay hút thuốc kia có thể bất đắc kỳ tử; về điểm này báo chí hoàn toàn thuyết phục. Muốn sống, tôi phải xua đuổi tay hút thuốc và trở thành ai đó khác. Điều này tôi đã làm thành công. Bây giờ cái
tôi mà tôi từ bỏ kia chung sức với Quỷ kêu gọi tôi trở về những ngày khi thời gian không bao giờ chuyển động và không ai chết.
Tiếng gọi của nó không làm tôi hoảng sợ.
Bởi vì, như bạn thấy, viết văn - nếu bạn hạnh phúc với điều đó - dỡ bỏ mọi ưu phiền.
chương chín
HẢI ÂU TRONG MƯA
Về con chim hải âu đậu trên mái nhà đối diện bàn viết của tôi Con chim hải âu đậu trên mái nhà, trong mưa, như thể không có chuyện gì xảy ra. Như thể trời chẳng hề mưa; nó chỉ đậu trên ấy, tĩnh tại như mọi khi. Hoặc giả nó là một triết gia vĩ đại, quá vĩ đại nên chẳng bận tâm. Nó đứng đó. Trên mái nhà. Trong mưa. Như thể nó đứng đó trầm tư, rằng tôi biết, tôi biết, trời đang mưa; nhưng tôi chẳng thể thay đổi được việc đó. Hoặc: Ừ, thì trời mưa, nhưng việc đó có gì quan trọng? Hoặc có thể như thế này: Đến giờ tôi đã quen với mưa rồi; mưa hay không chẳng khác nhau gì mấy.
Tôi không định nói rằng chúng rất can đảm, những chú hải âu này. Tôi ngắm chúng qua ô cửa sổ, tôi ngắm chúng những khi tôi đang cố viết lách, những khi tôi dạo lên dạo xuống trong phòng; ngay cả hải âu cũng lo sợ về những thứ vượt quá cuộc đời riêng của chúng.
Một con có chim con. Hai quả bóng xám nhỏ bằng len sạch tươm, chỉ hơi hứng chí và ngốc nghếch. Chúng mạo hiểm băng qua những mái ngói đã từng màu đỏ giờ trắng xóa vì vôi trong chất thải của chính chúng và mẹ chúng, ngoảnh qua ngoảnh lại, và chúng sẽ dừng lại đâu đó để nghỉ ngơi. Dù vậy, bạn không thể thực sự gọi đó là nghỉ ngơi, chúng chỉ dừng lại. Chúng hiện hữu, không có gì hơn. Hải âu, như hầu hết con người và hầu hết sinh vật khác, tiêu phí thời gian vào việc không làm gì cả, chỉ đứng đó.
Bạn có thể gọi đó là một hình thức của đợi chờ. Đứng trong thế giới này đợi chờ: bữa ăn kế tiếp, cái chết, giấc ngủ. Tôi không biết chúng chết như thế nào.
Những con chim non cũng không biết cách đứng thẳng. Một cơn gió thổi xù lông chúng lên, thổi xù toàn thân chúng. Rồi chúng dừng lại; chúng lại dừng. Phía sau chúng thành phố không thôi chuyển động; phía dưới chúng tàu, xe, cây cối thảy đều run run.
Con chim mẹ đầy âu lo mà tôi đang nói tới, đôi khi nó tìm được thức gì từ đâu đấy mang về cho các chú chim con. Lúc đó có xáo động thực sự: một sự bùng vỡ của hoạt động, sự chuyên chú xen lẫn hoảng sợ. Những bộ phận giống như mì ống của con cá chết - kéo, kéo, hãy thử xem có kéo nó ra được không - được chia chác và đánh chén. Sau bữa ăn, tĩnh lặng. Các chú hải âu đứng trên mái nhà và chẳng làm gì. Cùng nhau chúng tôi chờ đợi. Trên trời là những đám mây chì.
Nhưng vẫn có gì đó thoát khỏi sự chú ý của tôi. Cái gì đó vụt đến với tôi khi tôi dạo bước trước ô cửa sổ: Cuộc sống của hải âu không hề đơn giản. Bao nhiêu là hải âu! Hải âu báo trước cái ác, đậu trên mọi mái nhà, lặng yên suy tưởng về điều gì đó mà tôi chẳng hề hay biết. Những ý nghĩ nguy hiểm, tôi cho là thế.
Làm thế nào mà tôi hiểu được điều này? Có lần, tôi để ý thấy chúng đều chăm chú nhìn vào ánh sáng vàng của buổi bình minh, cái ánh sáng vàng yếu ớt ấy. Đầu tiên một luồng gió thổi đến, và rồi một cơn mưa màu vàng. Trong lúc cơn mưa vàng đó thong thả rơi, cả đám hải âu quay lưng lại với tôi, và khi chúng chao chát với nhau tôi biết rõ chúng đang đợi chờ gì đó. Bên dưới, trong thành phố, người người vội vã tìm chỗ trú trong nhà
và trong xe; bên trên, đám hải âu đợi chờ, đứng thẳng và yên lặng. Lúc đó tôi nghĩ rằng tôi hiểu chúng.
Đôi khi, đám hải âu cùng nhau tung cánh bay chầm chậm vào không trung. Khi chúng bay, tiếng vỗ cánh nghe như tiếng mưa rơi.
chương mười
MỘT CON HẢI ÂU NẰM HẤP HỐI TRÊN BỜ BIỂN
Đây là một con hải âu khác
Một con hải âu nằm hấp hối bên bờ biển. Một mình. Mỏ nó gác trên đám sỏi. Mắt nó buồn bã, yếu ớt. Sóng vỗ vào những mỏm đá cạnh bên. Gió thổi xù đám lông trông như đã chết. Rồi ánh mắt con hải âu bắt đầu dõi theo tôi. Khi đó là sáng sớm; gió lạnh. Trên cao, cuộc sống tiếp diễn; trên trời có những con hải âu khác. Con hải âu đang hấp hối là một con chim non.
Nhìn thấy tôi, con hải âu đột nhiên cố gượng dậy. Đôi chân nó run rẩy vô vọng, ức nó chồm về phía trước, nhưng nó không thể nhấc mỏ khỏi mấy viên sỏi. Trong khi vật vã, một ý nghĩa thành hình trong mắt nó. Ngay khi ấy, nó lại ngã xuống đám sỏi, nằm sóng soài chờ chết. Ý nghĩa trong mắt nó mất đi giữa những đám mây và con sóng. Bây giờ không còn nghi ngờ gì nữa. Con hải âu hấp hối.
Tôi không biết tại sao nó chết. Lông nó bạc thếch và rối tung. Suốt cả mùa này, lúc nào cũng thế, tôi đã nhìn ngắm rất nhiều hải âu non lớn lên, cố gắng học bay. Hôm qua, sau hai lần lướt sóng và gió, một con đã cất cánh lên không với niềm vui dạt dào, với những đường vòng cung can đảm, sắc nét mà hải âu vẽ ngang trời khi lần đầu làm chủ được cách bay. Con chim non này, sau đó tôi để ý, có một bên cánh gãy. Dường như thể không chỉ cánh mà toàn thân nó gãy vỡ.
Thật khó mà chịu được khi phải chết trong sự mát mẻ của một sáng mùa hè khi những con hải âu khác ca hát trên đồi hân hoan và giận dữ. Nhưng như thể là chú hải âu không chết chừng nào còn được cứu vớt khỏi cuộc đời. Có lẽ có những thứ nó cảm thấy, có những thứ nó muốn, nhưng nó được rất ít, hoặc không có gì. Một con chim hải âu có thể nghĩ gì, có thể cảm thấy gì? Quanh mắt nó là một nỗi ưu phiền gợi nhắc đến một ông già sắp chết. Chết nghĩa là nằm dưới một lớp khăn trải giường nào đó, hoặc có vẻ như thế. Cứ mặc nó, cứ mặc nó để rồi tôi có thể đi, dường như nó nói thế.
Ngay cả khi này, tôi vui mừng khi thấy tôi gần gũi hơn với nó hơn là những con hải âu trơ trẽn lượn vòng trên đầu chúng ta. Tôi đi đến bên bờ biển cô đơn này để xuống biển; tôi đang vội, quẩn quanh với những ý nghĩ, và cầm khăn tắm trên tay. Vậy mà bây giờ tôi lại đứng lại nhìn con hải âu này. Im lặng và kính trọng. Trong những hòn sỏi dưới đôi chân trần của tôi là cả một thế giới. Không phải đôi cánh gãy mà là cặp mắt con hải âu làm tôi cảm thấy cái chết của nó.
Ngày xửa ngày xưa, nó từng nhìn thấy bao điều, để ý bao điều; bạn biết điều này. Chỉ qua một mùa nó đã mỏi mệt như một người già, và có lẽ nó hối tiếc vì mệt mỏi đến mức này. Chầm chậm nó gác mọi thứ lại sau lưng. Tôi không chắc lắm, nhưng có thể vì con hải âu này mà những con hải âu khác trên trời quang quác. Có lẽ âm thanh của biển làm cho cái chết dễ dàng hơn.
Sau đó, lâu sau đó, sáu tiếng đồng hồ sau, khi tôi quay lại bãi sỏi, con hải âu đã chết. Nó xòe một bên cánh ra như thể muốn bay, và nằm nghiêng,
một mắt mở to hết mức để nhìn chằm chằm vào mặt trời. Không có con hải âu nào khác bay gần ngọn đồi ấy.
Tôi chạy xuống biển mát lạnh như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
chương mười một
ĐỂ HẠNH PHÚC
Liệu có thô tục không khi hạnh phúc? Tôi thường băn khoăn về điều này. Bây giờ lúc nào tôi cũng nghĩ về chuyện đó. Thậm chí mặc dù tôi thường nói rằng người có khả năng hạnh phúc là xấu xa và ngu xuẩn, đôi khi tôi cũng nghĩ thế này: Không, sống hạnh phúc thì không thô kệch, và cần có đầu óc.
Khi ra biển cùng con gái Rüya bốn tuổi của tôi, tôi trở thành người hạnh phúc nhất trần gian. Người hạnh phúc nhất trần gian muốn gì nhất? Dĩ nhiên anh ta muốn mãi là người hạnh phúc nhất trần gian. Đó là nguyên do anh ta biết rằng lần nào cũng làm những việc giống nhau là rất quan trọng. Và chúng tôi đã làm như thế, bao giờ cũng những việc giống nhau.
1. Đầu tiên tôi bảo với bạn ấy: Hôm nay mình ra bãi biển, vào khoảng giờ đó, giờ đó. Rồi Rüya cố kéo giờ đó lại gần hơn. Nhưng ý niệm của bạn về thời gian hãy còn linh tinh. Cho nên ví dụ như bạn ấy sẽ đột ngột đến bên tôi mà nói, “Chưa tới giờ hả bố?”
“Chưa.”
“Năm phút nữa thì tới giờ chưa bố?”
“Chưa, hai tiếng rưỡi nữa mới tới giờ.”
Năm phút sau, bạn ấy quay lại hỏi bằng tất cả thơ ngây, “Bố ơi, bây giờ mình ra biển phải không?” Hoặc một lúc sau, bằng một giọng nói cốt để đánh lừa tôi, Rüya hỏi, “Vậy bây giờ mình đi nhé?”
2. Có vẻ như cái giờ ấy chẳng bao giờ tới, nhưng rồi nó cũng tới. Rüya bây giờ mặc đồ bơi, ngồi trong cỗ xe Safa trẻ con bốn bánh. Trong đó là khăn tắm, đồ bơi, và một túi cói ngớ ngẩn mà tôi chuyển qua lòng bạn ấy trước khi kéo xe đi theo cách mọi khi.
3. Khi chúng tôi đi trên ngõ hẻm rải đá cuội, Rüya mở miệng kêu Aaaaah. Khi những hòn cuội lao xao dưới xe, âm thanh này biến thành Aaaa-aaaah. Những hòn cuội làm Rüya cất tiếng hát! Nghe âm thanh đó, cả hai chúng tôi đều ha hả cười.
4. Theo lối đi nhỏ và buồn tẻ dẫn ra bãi biển. Khi chúng tôi để chiếc xe đẩy bên cạnh những bậc thang dẫn xuống bãi biển, bao giờ Rüya cũng nói, “Bọn cướp chẳng bao giờ đến đây.”
5. Chúng tôi nhanh chóng bày đồ đạc ra trên những tảng đá, cởi quần áo, và lội xuống biển đến chừng ngang gối. Rồi tôi nói, “Biển lặng đấy, nhưng đừng ra xa nhé. Để bố bơi một vòng, rồi khi quay lại mình sẽ cùng chơi. Okay?”
“Okay.”
6. Tôi bơi một vòng, gác những ý nghĩ lại. Khi dừng lại, tôi ngoảnh nhìn vào bờ để tìm Rüya, bạn ấy trông như một vệt đỏ nhờ bộ đồ bơi, và tôi nghĩ rằng tôi yêu bạn ấy biết bao. Tôi muốn cười vang ở đây ngay dưới nước. Bạn ấy đang lội nước gần bờ.
7. Tôi quay lại. Khi tới bờ chúng tôi chơi: (A) đá nhau; (B) tạt nước; (C) bố phun nước ra từ miệng; (D) giả vờ bơi; (E) ném đá xuống biển; (F) trò chuyện với cái hang biết nói; (G) nào, đừng nhát hít, bây giờ bơi thôi; và tất cả trò chơi và nghi thức ưa thích khác; và khi chơi hết các trò chúng tôi lại quay lại từ đầu.
8. “Môi con tái nhợt, con lạnh rồi.” “Không, đâu mà.” “Con lạnh rồi, mình lên bờ thôi.” Cứ phải nói qua lại một hồi như vậy, và khi tranh cãi xong chúng tôi lên bờ, và trong khi chúng tôi lau người cho Rüya và cởi bộ đồ bơi cho bạn…
9. Thình lình bạn vùng khỏi tay tôi và trần truồng chạy trên bờ biển, vừa chạy vừa cười vang. Tôi cà nhắc vì cố chạy trên sỏi bằng đôi chân trần, và điều đó làm cô bé Rüya trần truồng cười càng to hơn. “Này, nếu mang giày vào, bố sẽ bắt được con,” tôi nói. Tôi chỉ cần làm vậy, thế là bạn gào tướng.
10. Trên đường về, trong khi tôi kéo xe của Rüya, cả hai chúng tôi đều mệt lử nhưng vui. Chúng tôi nghĩ về cuộc đời, về biển sau lưng chúng tôi, và chúng tôi chẳng nói tiếng nào.
chương mười hai
NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ ĐEO TAY CỦA TÔI
Tôi đeo chiếc đồng hồ đầu tiên vào năm 1965 khi mười hai tuổi. Rồi năm 1970 tôi bỏ nó; lúc đó nó đã cũ mèm. Đó chẳng phải đồng hồ hiệu gì ghê gớm lắm, chỉ một cái đồng hồ thường. Năm 1970 tôi mua một chiếc Omega và dùng đến tận năm 1983. Cái tôi đang đeo đây, cái thứ ba của tôi, cũng hiệu Omega. Nó không cũ lắm; vợ tôi mua cho tôi vào cuối năm 1983, một vài tháng sau khi cuốn Ngôi nhà im lặng được xuất bản.
Đồng hồ như một phần thân thể tôi. Khi tôi viết nó nằm trên bàn, tôi run run ngắm nó. Lúc tháo nó ra đặt lên bàn trước khi ngồi xuống viết, tôi thấy mình giống như người cởi áo để chơi đá bóng. Như võ sĩ đấm bốc chuẩn bị cho trận đấu - đặc biệt nếu tôi để đồng hồ lên bàn khi từ ngoài phố về. Với tôi đó là cử chỉ ra dấu cho việc chuẩn bị một trận đánh. Cũng như vậy, khi ra khỏi nhà - nếu sau năm sáu tiếng đồng hồ làm việc và mọi sự đều trôi chảy, nếu tôi viết ngon lành được - tôi sẽ rất háo hức đeo đồng hồ vào lại, háo hức đến nỗi việc ấy khiến tôi hân hoan vì thành tựu, vì công việc hoàn thành. Tôi nhanh nhẹn đứng dậy khỏi bàn; đút chìa khóa và tiền vào túi là tôi bước ngay ra ngoài. Tôi không chờ đến khi đeo đồng hồ xong, tôi sẽ cầm nó trong tay; chỉ khi đã xuống tới vỉa hè, đã bách bộ trên phố, tôi mới đeo đồng hồ vào. Với tôi đây là cả một niềm vui dạt dào. Toàn bộ điều này hòa nhập trong trí óc tôi cùng với việc tôi đã nỗ lực và đã thành công.
Tôi chưa bao giờ bắt gặp mình suy nghĩ, Sao thời gian trôi quá nhanh! Tôi nhìn mặt đồng hồ và dường như là kim giờ và kim phút đã cùng đến nơi chúng phải đến, nhưng tôi không nghĩ về điều này như một ý tưởng hay thậm chí như một phân tử của thời gian. Đây là lý do khiến tôi không bao giờ mua đồng hồ điện tử. Đồng hồ điện tử biểu hiện những phân tử thời gian bằng con số, trong khi mặt chiếc đồng hồ của tôi là một biểu tượng bí ẩn. Tôi ưa ngắm nhìn nó. Gương mặt thời gian; theo một cách nào đó nó dựng nên ẩn dụ siêu hình ấy, hoặc điều gì đó gần như vậy. Cái đồng hồ đẹp nhất của tôi là cái cũ nhất, cái mà tôi quen thuộc nhất. Tôi thấy gắn bó với cái đồng hồ của tôi như một vật thể. Sự đồng cảm siêu hình này, cái cảm quan say mê này, quay trở về những ngày đầu mới đeo đồng hồ của tôi, ở trường cấp hai. Nhưng sau rồi trong trí óc tôi nó trở nên dính kết với tiếng chuông trường, và cứ như thế nó lưu lại suốt bao năm.
Tôi có cách nhìn thời gian rất lạc quan. Nếu một việc phải cần 12 phút để làm, tôi nghĩ tôi có thể làm trong 9 phút. Nếu một việc cần 23 phút, tôi có thể làm trong 17 phút. Nhưng ngay cả khi không làm được như thế, tôi cũng không nản.
Khi đi ngủ tôi tháo đồng hồ ra đặt đâu đó gần tôi. Việc đầu tiên tôi làm khi tỉnh giấc là quờ lấy nó để xem. Cái đồng hồ của tôi như một người bạn rất thân. Thậm chí khi cái dây đeo tả tơi tôi còn không muốn đổi; chúng mang theo mùi da tôi.
Ngày trước tôi thường bắt đầu viết khoảng mười hai giờ và làm việc đến tối. Nhưng thời gian viết thực sự của tôi là từ 11 giờ tối đến 4 giờ sáng. Tôi đi ngủ lúc 4 giờ.
Trước khi con gái tôi chào đời, tôi làm việc xuyên đêm đến sáng. Trong những giờ khắc khi mọi người đều ngủ, cái mặt đồng hồ sẽ ngắm nhìn tôi. Rồi thói quen này thay đổi. Từ năm 1996, tôi bắt đầu có thói quen thức dậy vào 5 giờ và làm việc đến 7 giờ. Lúc ấy tôi sẽ đánh thức vợ và con gái, và sau khi cùng nhau ăn sáng, tôi đưa con gái đến trường.
chương mười ba
TỚ KHÔNG ĐI HỌC ĐÂU
Tớ không đi học đâu. Bởi vì tớ buồn ngủ lắm ấy. Tớ lạnh nữa. Mà ở trường chẳng ai thích tớ cả.
Tớ không đi học đâu. Bởi vì ở trường có hai đứa kia. Chúng to hơn tớ. Chúng khỏe hơn tớ. Khi tớ đi ngang, chúng thò tay ra chắn đường. Tớ sợ. Tớ sợ. Tớ không đi học đâu. Ở trường, thời gian như ngưng lại. Mọi thứ bị bỏ lại bên ngoài. Bên ngoài cổng trường.
Ví dụ như căn phòng của tớ ở nhà. Cả mẹ, bố, đồ chơi của tớ và những con chim trên ban công. Khi ở trường và nghĩ về họ, tớ muốn khóc. Tớ ngó ra ngoài cửa sổ. Trên trời có những áng mây.
Tớ không đi học đâu. Vì tớ chả thích gì ở đó.
Hôm nọ tớ vẽ một cái cây. Cô giáo nói, “Đúng là một cái cây, giỏi lắm.” Tớ vẽ thêm một cây khác. Cây này cũng chẳng có lá.
Rồi một đứa trong đám trẻ kia lại gần giễu tớ.
Tớ chẳng đi học đâu. Buổi tối lúc đi ngủ và nghĩ về chuyện hôm sau đi học, tớ thấy kinh khủng lắm ấy. Tớ bảo, “Con không đi học đâu.” Người ta nói, “Sao con lại nói thế? Ai cũng đi học mà.”
Ai cũng đi? Vậy cứ để cho ai đi. Tớ ở nhà thì đã sao? Hôm qua tớ đi học rồi, đúng không? Nếu ngày mai tớ không đi học thì sao, cả ngày kia nữa?
Phải chi tớ được ở nhà, trên giường của tớ. Hay trong phòng tớ. Phải chi tớ ở đâu cũng được, nhưng đừng phải ở cái trường đó. Tớ không đi học đâu, tớ ốm rồi. Ấy không thấy sao? Ngay lúc ai đó nhắc tới trường là tớ muốn ốm, tớ bị đau bụng. Thậm chí tớ còn không uống được cả sữa kia.
Tớ không uống sữa đâu. Tớ sẽ không ăn gì cả, và tớ cũng không đi học. Tớ chán lắm. Chẳng ai thích tớ cả. Có hai đứa kia. Chúng thò tay ra chắn đường tớ.
Tớ đến chỗ cô giáo. Cô giáo nói, “Sao trò đi theo cô?” Tớ kể ấy nghe chuyện này nhưng ấy phải hứa đừng nổi đóa. Lúc nào tớ cũng bám theo cô giáo, và lúc nào cô giáo cũng nói, “Đừng đi theo cô.”
Tớ sẽ không đi học, không bao giờ nữa. Tại sao á? Tại vì tớ chỉ không muốn đi học, vậy thôi.
Giờ nghỉ tớ cũng chẳng muốn ra ngoài. Chỉ khi mọi người quên tớ đi, thì đó mới là giờ nghỉ. Rồi mọi thứ lộn xộn cả lên, mọi người cắm đầu cắm cổ chạy.
Cô giáo nhìn xéo tớ, và phải nói ngay trông cô ấy chẳng lấy gì làm tốt lắm. Tớ không muốn đi học. Chỉ có mỗi một đứa thích tớ thôi, cậu ấy là đứa duy nhất nhìn tớ dịu dàng. Đừng nói với ai nhé, nhưng tớ cũng chẳng thích cậu ấy.
Tớ chỉ ngồi xuống và ở yên đó. Tớ thấy cô đơn làm sao. Nước mắt tớ lăn trên má. Tớ chẳng thích trường tẹo nào.
Tớ bảo rồi, tớ ứ thích đi học. Rồi trời sáng và người ta mang tớ đến trường. Tớ thậm chí không cười nổi, tớ nhìn thẳng trước mặt, tớ muốn òa khóc. Tớ leo lên đồi, ba lô trên lưng to như ba lô bộ đội, vừa leo đồi tớ vừa
nhìn xuống đôi chân nhỏ xíu của tớ. Mọi thứ mới nặng nề làm sao: ba lô trên lưng, sữa nóng trong bụng. Tớ muốn òa khóc.
Tớ đi vào trường. Cái cổng sắt đen khép lại sau lưng. Tớ bật khóc, “Mẹ ơi, xem này, mẹ bỏ rơi con trong này.”
Rồi tớ vào lớp ngồi phịch xuống. Tớ muốn biến thành đám mây bồng bềnh ngoài kia.
Tẩy, tập vở, và bút: Cho gà xơi tất!
chương mười bốn
RÜYA VÀ CHÚNG TÔI
1. Sáng nào chúng tôi cũng cùng nhau đến trường: mắt nhìn đồng hồ, mắt kia để ý túi xách, cánh cửa, con đường. Trên xe, chúng tôi luôn làm những trò như nhau: (A) vẫy chào mấy con chó trong công viên nhỏ; (B) lắc lư người tới lui khi xe tăng tốc quanh góc đường; (C) vừa nói, “Rẽ phải rồi đi xuống đồi, bác tài!” vừa liếc nhìn nhau thật lâu và cười vang; (D) cười vang khi nói “Rẽ phải rồi đi xuống đồi, bác tài!” bởi vì bác ấy biết chính xác chúng tôi đi đâu, vì chúng tôi luôn bắt taxi từ cùng một trạm taxi; (E) ra khỏi taxi và tay trong tay dạo bước.
2. Sau khi choàng túi xách lên vai Rüya, hôn bạn ấy và dẫn bạn vào trường, tôi ngắm bạn từ phía sau. Tôi ghi nhớ cách Rüya bước đi, và tôi rất thích ngắm nhìn bạn đi vào trường. Tôi biết bạn biết tôi nhìn bạn. Như thể là việc bạn biết tôi ngắm nhìn khiến cả hai chúng tôi cảm thấy an tâm. Thoạt tiên có một thế giới mà bạn ấy bước vào và khám phá mỗi ngày, và rồi có một thế giới mà chúng tôi chia sẻ. Khi tôi ngắm bạn ấy, và khi bạn ấy ngoảnh lại nhìn tôi, chúng tôi khiến cho thế giới của mình vận động. Nhưng rồi bạn ấy vụt chạy và bước vào một cuộc sống mới nơi ánh nhìn của tôi không thể vươn tới.
3. Để tôi khoe một tẹo: Con gái tôi thông minh và bạn ấy biết bạn ấy thích gì. Bạn ấy khẳng định không một chút ngần ngừ rằng tôi kể những câu chuyện hay nhất, và vào các buổi sáng cuối tuần bạn ấy nằm xuống
bên cạnh tôi mà đòi nợ. Vì biết mình là ai, nên bạn ấy cũng biết bạn ấy muốn gì. “Phải có phù thủy nữa đấy nhé, bà ta phải vượt ngục nhưng bà ta không được mù và không được già đi, và cuối cùng bà ta không được bắt đứa bé.” Bạn ấy không muốn tôi bỏ qua những đoạn bạn thích. Bạn ấy bảo cho tôi biết bạn không thích đoạn nào khi tôi còn đang kể chuyện. Đó là lý do tại sao kể chuyện cho bạn ấy nghĩa là vừa viết ra câu chuyện vừa đọc câu chuyện như đứa bé viết câu chuyện đó.
4. Như mọi quan hệ thân mật khác, quan hệ giữa chúng tôi là một cuộc đấu tranh giành quyền lực. Ai sẽ quyết định: (A) xem kênh nào trên ti vi; (B) mấy giờ đi ngủ; (C) chơi trò nào hoặc không chơi trò nào, và làm thế nào quyết định này, và nhiều quyết định, thảo luận, tranh cãi, thủ đoạn, lừa dối ngọt ngào, trận khóc, lời quở trách, cơn dỗi hờn, hòa giải, và hành vi hối lỗi tương tự khác, được giải quyết sau những thương lượng chính trị lê thê. Toàn bộ nỗ lực này khiến chúng tôi mệt mỏi và vui sướng, nhưng rốt cuộc nó tích lũy lại và trở thành lịch sử của mối quan hệ, của tình bạn. Bạn sẽ hiểu được nhau, vì bạn không từ bỏ lẫn nhau. Bạn nghĩ về nhau, và khi cách xa bạn nhớ mùi của nhau. Khi Rüya đi vắng tôi nhớ mùi tóc bạn ấy kinh khủng. Còn khi tôi đi vắng, bạn ấy hít mùi bộ pyjama của tôi.
chương mười lăm
KHI RÜYA BUỒN
Con biết gì không, con gái? Khi con buồn như thế này, ba cũng buồn theo. Ba cảm thấy như thể có thứ bản năng chôn sâu đâu đó trong ba - trong thân thể ba, trong tâm hồn ba - ừ, ở đâu đó: Khi thấy con buồn, ba buồn theo. Như thể có cái máy vi tính nào đó trong ba ra lệnh, KHI THẤY RÜYA BUỒN NGƯƠI PHẢI BUỒN THEO.
Tôi cũng có thể đột nhiên buồn vô cớ. Giữa một ngày bình thường, tôi có thể đang ngó nghiêng cái tủ lạnh, tờ báo, đầu óc tôi hay tóc tai tôi. Tự dưng tôi nghĩ lan man: cuộc đời này… nhưng hãy thôi đi một lát. Tôi nhìn Rüya, mặt bạn ấy tối sầm mờ mịt; bạn ấy nằm còng queo trên đi văng, chỉ nằm đó - điều gì làm bạn ấy không vui đến thế? - ngắm nhìn thế giới qua khóe mắt còn ba bạn ấy đang ngắm bạn ngắm nhìn thế giới.
Con thỏ xanh lam nằm ở một bên tay.
Bạn chống bộ mặt không vui của mình lên tay kia.
Tôi quay lại bếp, lục lợi các ngăn tủ lạnh và đầu óc mình. Có thể là chuyện gì? Tôi băn khoăn. Bạn ấy có bị đau bụng không? Hay có thể bạn ấy chỉ đang khám phá vị muộn phiền? Cứ để bạn ấy như thế, để bạn ấy buồn, để bạn tự vùi mình trong nỗi cô đơn và trong mùi của chính bạn. Mục tiêu đầu tiên của một người thông minh là đạt đến trạng thái không vui khi xung quanh mọi người đều vui. Tôi từng nghĩ thế. Tôi thích khi nghe người ta nói theo giọng của Borges: “Thật ra, bất cứ khi nào có thể tôi
đều cố gắng để không vui như mọi người trẻ tuổi.” Thế cũng tốt, nhưng hãy cẩn thận, bạn ấy chưa là một người trẻ tuổi; bạn ấy là trẻ con. Im lặng.
Tôi mở tủ lạnh, lấy một quả táo đỏ tươi to đùng, cắn phập hết sức mình. Tôi ra khỏi nhà bếp. Bạn ấy vẫn còn nằm khoanh tròn ở đó. Tôi dừng lại suy nghĩ.
Thử tiếp cận. Chẳng hạn nói, Này, mình chơi súc sắc đi, và nói, Cái hộp đâu rồi nhỉ? Đi tìm cái hộp, rồi mở ra và hỏi, Con chọn màu nào? Con chọn màu xanh lá cây. Okay, vậy thì ba lấy màu đỏ. Rồi gieo súc sắc, đếm số chấm, và đảm bảo cho bạn ấy thắng. Nếu bạn ấy bắt đầu muốn thắng, nếu bạn ấy bắt đầu thích thú, mặt bạn ấy sẽ tươi tắn lên và bạn ấy nói,
Con thắng rồi!
Vậy cứ dẫn trước đi. Thắng hết các ván đi.
Đôi khi tôi cũng chán, tôi nói, Để ba thắng, một lần thôi cũng được; phải cho cô bé này biết thế nào là thất bại.
Không có tác dụng. Bạn ấy ném súc sắc đi. Bạn ấy lật úp bàn gieo súc sắc lại. Bạn ấy chui vào một góc dỗi tiếp.
Sao tôi không đề nghị chơi trò Không Chạm Chân Xuống Đất? Bạn có thể đi từ trên bàn sang ghế ăn, từ ghế ăn sang ghế bành, đi văng, cái bàn khác, cạnh của máy sưởi. Bạn có thể chạm sàn nhà, nhưng nếu bạn bị bắt gặp chạm chân xuống sàn, thì bạn trở thành Sàn Nhà. Nhưng đừng cố nhảy xa quá.
Trò hay nhất là Đuổi Bắt. Chạy quanh nhà, quanh bàn, từ phòng này sang phòng nọ, quanh những cái ghế ăn, trong khi ti vi lải nhải về những thiên đường, đảo chính, nổi loạn, cuộc thi hoa hậu mới nhất, và về đồng đô
la, thị trường chứng khoán; và hãy nhìn chúng tôi, nhìn chúng tôi đuổi bắt nhau như thế nào mà chẳng hề chú ý tới bạn và những trò vô nghĩa của bạn. Trong khi chúng tôi đuổi bắt nhau náo loạn, làm nháo nhào rổ rá, làm đổ đèn, móp méo những lâu đài làm từ mấy đống báo, coupon và bìa các tông, bắt đầu đổ mồ hôi, la hét, nhưng không biết chính xác mình la hét gì; thỉnh thoảng chúng tôi cởi bỏ quần áo. Phải chi bạn biết chúng tôi có thể chạy qua những giấy gói sô cô la, sách màu, đồ chơi vỡ, báo cũ, chai nước bỏ, dép và những cái hộp nhanh như thế nào.
Nhưng thậm chí tôi không thể làm điều này.
Tôi ngồi trong một góc xem màu của bụi lặng lẽ lắng dần qua tiếng gầm gào của thành phố. Ti vi mở, nhưng không có âm thanh, không một âm thanh nào. Một chú hải âu đang thong thả dạo bước qua mái nhà; tôi nhận ra nó qua tiếng sột soạt. Cả hai chúng tôi nhìn ra ngoài cửa sổ lặng yên không nói lâu thật lâu, tôi ngồi trong ghế còn Rüya trên đi văng, và cả hai chúng tôi - Rüya buồn bã còn tôi hớn hở - nghĩ rằng nó xinh đẹp đến ngần nào.
chương mười sáu
QUANG CẢNH
Tôi sắp sửa nói về thế giới và những sự vật bên trong thế giới. Tại sao tôi lại bắt đầu ở đây, tôi không thể nói. Đó là một ngày nóng bức, tôi và con gái Rüya năm tuổi đang đi chơi trên đảo Heybeliada, và sau đó chúng tôi đi dạo bằng xe ngựa. Tôi ngồi quay mặt ra sau và con gái tôi ngồi đối diện. Bạn ấy nhìn con đường phía trước. Chúng tôi chạy ngang qua những khu vườn rợp cây cối và hoa, những bức tường thấp lè tè, những ngôi nhà gỗ, những vạt rau. Trong khi cỗ xe xóc nẩy hết bên nọ đến bên kia, tôi ngắm khuôn mặt con gái tôi, tìm kiếm trong vẻ mặt bạn ấy ý nghĩa nào đó của những gì bạn ấy nhìn thấy trong thế giới quanh bạn. Những sự vật: vật thể, cây cối, và những bức tường; poster, thông báo, đường phố, và mèo. Nhựa đường. Cái nóng. Đã bao giờ nóng thế này chưa?
Rồi chúng tôi bắt đầu chạy lên dốc đồi; lũ ngựa ì ạch còn người xà ích vung roi. Cỗ xe chậm lại. Tôi nhìn một ngôi nhà. Trong khi thế giới trôi ngang chúng tôi, dường như tôi và con gái nhìn thấy cũng những sự vật y chang nhau. Chúng tôi lần lượt nhìn thấy: chiếc lá, thùng rác, quả bóng, con ngựa, đứa trẻ. Nhưng cũng thấy: màu xanh của lá, màu đỏ của thùng rác, độ nẩy của quả bóng, biểu hiện của con ngựa, gương mặt đứa bé. Rồi từng sự vật trượt đi mất; dù sao chúng tôi cũng không thực sự nhìn chúng; ánh mắt chúng tôi liên tục di chuyển. Chúng tôi không thực sự nhìn bất kỳ
phần nào của cái thế giới ban chiều nóng nực này. Nó trượt ngang qua chúng tôi, cái thế giới mong manh này dường như bốc hơi trước mắt chúng tôi. Cứ như thể là chúng tôi trôi dạt khỏi chính mình! Chúng tôi thấy sự vật và chúng tôi cũng chả thấy gì. Thế giới được tắm trong sắc màu cái nóng, và chúng tôi cũng thấy điều này trong tâm trí chúng tôi.
Chúng tôi băng qua khu rừng, nhưng ngay cả ở đây cũng chẳng mát mẻ gì. Cứ như là cái nóng phát xạ. Khi đường dốc hơn, lũ ngựa lại chạy chậm lại. Chúng tôi lắng nghe tiếng ve sầu. Lúc này cỗ xe đi rất chậm, và ngay khi con đường dường như khuất mất vào lùm cây, chúng tôi thấy quang cảnh đó.
“Bừ rừ bừ rừ,” người xà ích ra lệnh cho ngựa dừng. “Cho chúng nghỉ,” ông nói.
Chúng tôi nhìn quang cảnh. Chúng tôi đang trên rìa của một vách núi. Dưới kia là đá, biển, và trồi lên khỏi màn hơi nước là những hòn đảo khác. Màu xanh của biển mới đẹp làm sao, với ánh nắng long lanh trên mặt nước: Mọi thứ đều ở đúng chỗ, lấp lánh và tinh khôi. Trước mắt chúng tôi là một thế giới được tạo hình hoàn hảo. Rüya và tôi chiêm ngưỡng trong thinh lặng.
Người xà ích châm thuốc; chúng tôi nghe mùi khói.
Sao quang cảnh này của thế giới đẹp đến nhường này? Có lẽ bởi vì chúng tôi có thể nhìn thấy nó trọn vẹn. Có lẽ bởi vì nếu trượt chân khỏi mép núi chúng tôi sẽ chết. Có lẽ bởi vì không có gì xấu xí khi nhìn từ đằng xa. Có lẽ bởi vì chúng tôi chưa bao giờ nhìn nó từ độ cao như thế này. Vậy chúng tôi đang làm gì ở đây, trong thế giới này?
“Đẹp không con gái?” tôi hỏi Rüya. “Cái gì khiến nó đẹp vậy?”
“Nếu mình trượt chân khỏi vách núi, mình có chết không?” “Có, mình sẽ chết.”
Trong một chốc bạn ấy nhìn vách núi tỏ vẻ sợ hãi. Nhưng rồi bạn ấy chán. Vách núi, biển, những tảng đá: Chúng không bao giờ đổi thay, không bao giờ dịch chuyển. Chán òm. Một con chó xuất hiện. “Chó!” chúng tôi đồng thanh. Nó đang vẫy đuôi và nhúc nhích. Cả hai chúng tôi xoay sang chiêm ngưỡng nó, và cả hai chúng tôi không nhìn quang cảnh thêm lần nào.
chương mười bảy
NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ CHÓ
Đó là một con chó lông xám tro, không có gì khác thường. Nó đang vẫy đuôi. Cặp mắt nó buồn hiu. Nó không ngửi ngửi chúng tôi như những con chó hiếu kỳ khác. Nó giương cặp mắt sầu thảm để cố nhận biết chúng tôi. Khi làm xong, nó sục cái mũi ươn ướt vào trong cỗ xe.
Im lặng. Rüya sợ. Bạn ấy co chân lại nhìn tôi.
“Đừng sợ,” tôi thì thào. Tôi chuyển sang ngồi cùng ghế với Rüya. Con chó cũng thụt lùi. Cùng nhau chúng tôi ngắm nghía nó cẩn thận. Một sinh vật bốn chân. Một con chó thì phải như thế nào? Tôi nhắm mắt. Khi bắt đầu nghĩ về việc chó phải như thế nào, tôi gắng nhớ lại những gì tôi biết về chó.
1. Gần đây một người bạn kỹ sư của tôi kể tôi chuyện anh ta đã bán một con Sivas Kangal cho mấy tay người Mỹ. Anh ta cho tôi xem hình con chó trong cuốn sách quảng cáo; đó là một con chó Kangal mạnh mẽ, đẹp, đứng thẳng, và dòng chú thích bên dưới ghi, “Xin chào, tôi là một chàng Kangal Thổ Nhĩ Kỳ. Chiều cao trung bình của tôi là [từng này xăng ti mét], tôi [từng này tuổi], tôi thông minh, và đây là dòng họ của tôi. Cách đây ít lâu, một người bạn của chúng tôi mất tích, nhưng chúng tôi lần theo mùi tận bốn trăm dặm để tìm ra chủ nhân của mùi ấy. Chúng tôi thông minh và trung thành như vậy đó,” vân vân và vân vân.
2. Chó Thổ trong truyện tranh và chó trong các truyện được dịch ra tiếng Thổ kêu hav! Nhưng chó trong truyện tranh nước ngoài kêu woof! Tôi nhớ được từng ấy về chó. Tôi cố, nhưng chả nghĩ được gì hơn. Tôi đã thấy phải đến hàng vạn con chó trong đời, nhưng chả còn gì khác hiện về trong trí nhớ. Dĩ nhiên, ngoại trừ chuyện chó có răng nhọn và gầm gừ. “Ba ơi, ba làm gì thế? Rüya hỏi. “Ba đừng nhắm mắt như vậy, làm con chán.”
Tôi mở mắt hỏi người xà ích, “Con chó này ở đâu ra vậy?” “Chó nào?” anh ta hỏi, và tôi chỉ cho anh. “Mấy con chó đó đang chạy tới bãi rác phía trước,” người xà ích nói.
Con chó nhìn thẳng về phía trước, như thể nó biết chúng tôi đang nói chuyện về nó.
“Vào mùa đông, chúng bị đói, chúng khổ ải, chúng cắn xé nhau.” Đột nhiên im lặng. Một hồi lâu không ai nói gì.
“Ba ơi, con chán.”
“Bác xà ích, ta đi thôi.”
Khi cỗ xe bắt đầu lăn, Rüya chuyển sang chú ý đến cây cối, biển, con đường và quên cả tôi. Đó là khi tôi nhắm mắt và một lần cuối cố nhớ lại những gì tôi biết về chó.
3. Tôi đã từng có một chú chó yêu. Nếu lâu chúng tôi mới gặp lại nhau, nó sẽ nằm lăn ra đất chổng vó lên trời chờ tôi nựng nó, mừng rỡ đến nỗi tè cả ra. Rồi nó chết vì bị đánh bả.
4. Vẽ chó thì dễ.
5. Chỗ một người bạn tôi ở, có con chó nọ cứ sủa nhặng xị mỗi khi người nghèo đi ngang, nhưng nếu người giàu đi ngang thì nó im thin thít. 6. Tiếng động gây ra khi một con chó kéo lê một cái ghế gãy làm tôi rợn. Hẳn là nó khiến tôi nhớ về một điều gì thê thảm.
7. Chú chó đằng kia không đi theo chúng tôi.
Tôi mở mắt và nghĩ thế này: Thật ra người ta không thể nhớ nhiều cho lắm. Tôi đã nhìn thấy hàng vạn con chó trên thế gian này, và khi thấy chúng, vẻ đẹp của chúng làm tôi choáng váng. Thế giới cũng làm ta sững sờ theo cùng cách. Nó ở đây, kia, ngay bên cạnh ta. Rồi nó phai nhạt dần; mọi thứ trở thành không còn gì cả.
8. Hai năm sau khi tôi viết bài này và đăng ở một tạp chí nọ, tôi bị một bầy chó ở công viên MaÇka tấn công. Chúng cắn tôi. Tôi phải tiêm năm mũi tại Bệnh viện Dại ở Sultanahmet.
chương mười tám
MỘT GHI CHÉP VỀ BÁO OÁN
Hồi nhỏ, một thằng nhóc bằng tuổi tôi tên là Hasan dùng ná bắn một viên đá vào ngay dưới mắt tôi. Nhiều năm sau, khi một Hasan khác hỏi tại sao tất cả nhân vật Hasan trong tiểu thuyết của tôi đều xấu xa, ký ức này trở lại với tôi. Ở trường cấp hai, có một thằng du côn to béo tìm mọi cớ bắt nạt tôi trong giờ chơi. Nhiều năm sau, để làm cho nhân vật kém hấp dẫn, tôi cho hắn đổ mồ hôi giống như thằng béo này; hắn béo đến nỗi chỉ cần đứng đó thôi thì mồ hôi đã túa trên tay và trên trán, đến nỗi hắn trông giống như một bình nước khổng lồ vừa mới được lấy ra khỏi tủ lạnh.
Hồi nhỏ khi mẹ dẫn tôi đi chợ, tôi hay sợ mấy bác hàng thịt, những người làm việc hàng giờ trong những cửa tiệm khắm khú, mặc những chiếc tạp dề đầy máu và mài những con dao dài vĩ đại, mà tôi cũng không hảo lắm mấy miếng thịt họ cắt cho chúng tôi vì quá nhiều mỡ. Trong sách của tôi, các bác hàng thịt xuất hiện như những người xẻ thịt thú lậu và tham gia những hoạt động ám muội, vấy máu. Và những con chó bám theo tôi cả đời được khắc họa như những sinh vật gây báo động và ngờ vực đối với những nhân vật mà tôi thấy gần gũi.
Một cảm quan ngây thơ tương tự về công lý khiến các nhân viên ngân hàng, giáo viên, lính, và các ông anh không bao giờ được phân vai người tốt. Thợ hớt tóc cũng vậy, vì khi bé xíu tôi hay nước mắt ngắn nước mắt dài mỗi khi được đưa đến tiệm hớt tóc, và mãi về sau mối quan hệ của tôi
với họ vẫn tồi tệ. Vì bắt đầu đem lòng yêu ngựa trong những mùa hè thời thơ ấu trên đảo Heybeliada, tôi luôn luôn dành những trang viết tốt đẹp cho ngựa và các cỗ xe ngựa. Các nhân vật ngựa của tôi luôn nhạy cảm, tinh tế, đáng thương, thơ ngây, và thường là nạn nhân của cái ác. Vì thời thơ ấu tôi gặp nhiều người tốt, tử tế luôn mỉm cười với tôi, nên cũng có nhiều người tốt trong sách của tôi, nhưng công lý nhắc nhở ta trước tiên và trên hết về cái xấu. Trong tâm trí của một độc giả như vậy, cũng giống như một người dạo qua một phòng tranh, có một cảm giác mong manh về công lý như thế này: Điều ta trông đợi từ các thi sĩ là, làm gì thì làm, họ nên báo thù cái ác.
Như đã cố biện giải, tôi cố gắng tự tay báo thù cái ác, và hầu như tôi làm điều này theo một cách thức riêng tư nhất, nhưng là theo cách để độc giả không nhận ra và nhìn thấy sự báo thù đó như điều gì đẹp đẽ. Bởi khi sự báo oán đạt đến cao điểm ở cuối các truyện thiếu nhi và truyện tranh phiêu lưu, khi người anh hùng trừng phạt nhân vật phản diện, nói rằng, “Và cú đánh này là cho việc đó việc đó… và cú này là cho…,” với tư cách tiểu thuyết gia tôi sáng tạo ra một cảnh tượng như thế: Từng dòng một, tôi liệt kê từng hành vi đê tiện mà một tên Hasan xấu xa hay một gã hàng thịt nào đó đã làm, cho đến khi gã hàng thịt hay bất cứ ai đó kinh hoàng đánh rơi con dao cầm trên tay và vừa lau dọn cửa hàng vừa khóc lóc: “Làm ơn, người anh em, xin đừng phũ phàng với tôi; tôi còn vợ còn con!”
Oán báo oán. Cách đây hai năm, khi tám, chín con chó vây dồn và tấn công tôi trong công viên MaÇka, dường như là chúng đã đọc sách của tôi và biết tôi đã thực thi báo oán với chúng để trừng phạt chúng về tội đã chạy rông từng đàn, đặc biệt ở Istanbul. Vậy nên điều này là mối hiểm nguy trong sự báo oán: Dấn quá xa, nó có thể làm lụn bại không chỉ cuốn sách của bạn - tác phẩm của bạn - mà còn ngay cả mạng sống của bạn. Bạn có
thể tiến hành báo oán một cách lịch lãm, và với việc không ai là người khôn ngoan hơn, trang viết của bạn ngày càng đẹp, nhưng luôn luôn có những con chó chực chờ để bắt kịp nhà thơ báo thù một mình ở góc đường và cắm răng vào nhà thơ.
chương mười chín
SAU CƠN BÃO
Sau cơn bão, khi ra phố vào sáng sớm, tôi thấy mọi thứ đã đổi thay. Tôi không nói tới những cành cây rơi gãy và đám lá vàng vương vãi trên những con phố lấm bùn. Có điều gì đó sâu sắc hơn và khó nhìn thấy hơn đã thay đổi, như thể trong ánh sáng đầu ngày đàn ốc sên giờ đã ở khắp nơi, mùi ngai ngái của nước ngấm vào đất, mùi không khí mốc meo - tất tật là dấu hiệu của một điều gì đó đã đổi thay mãi mãi.
Tôi đứng cạnh một vũng nước mưa; tôi nhòm xuống. Dưới đáy tôi thấy đất nhão lại thành bùn, như thể chờ đợi một dấu hiệu, một lời mời mọc. Xa hơn một chút, cỏ úa vàng, dương xỉ gãy gập, bụi cỏ mùi xanh, bên cạnh đám cỏ ba lá, trông giống như những giọt nước, và ở dưới chân của vách đá bên tay phải tôi, nơi tôi dạo bước lòng đầy kinh ngạc và dứt khoát, những cánh hải âu chậm rãi lượn vòng trông dường như nguy hiểm và quyết tâm hơn bao giờ hết.
Đương nhiên tất cả những điều này - sự sáng rõ của nhận thức, cái không khí lành lạnh đột ngột bởi làn gió chẳng biết từ đâu, bầu trời được cơn bão lau chùi thật sạch, màu sắc mới mẻ mà hết thảy thiên nhiên đã vận lên mình - chúng có thể lừa dối tôi. Nhưng trong khi dạo bước tôi chợt nhận ra rằng trước cơn bão lũ chim và sâu bọ, cây cối và đám sỏi, cái thùng rác cũ kia và cây cột điện ngả nghiêng này - tất cả đã đánh mất sự quan tâm vào thế giới, đánh mất mục tiêu của mình, quên mất đang ở đây để làm gì.
Sau đó, sau nửa đêm và trước tia nắng đầu tiên của bình minh, cơn bão ập vào để phục hồi ý nghĩa đã mất, những khát khao đã mất. Để cảm nhận được rằng cuộc đời sâu sắc hơn ta nghĩ, và thế giới có ý nghĩa hơn, người ta có cần phải thức dậy giữa đêm khuya vì tiếng cửa sổ va lách cách, vì gió lùa qua chỗ hở của những tấm rèm, và vì tiếng sấm? Như một thủy thủ thức giấc trong cơn bão và theo bản năng chạy ào đến những cánh buồm, mặc dù vẫn còn nửa tỉnh nửa mê tôi phóng ngay ra khỏi giường, lần lượt đóng từng cánh cửa sổ còn để mở, tắt ngọn đèn bàn còn sáng, và khi xong những việc này tôi ngồi trong bếp uống một ly nước trong khi ngọn đèn bếp trên đầu lung lay theo luồng gió hú gầm gào qua những khe hở. Đột nhiên một cơn gió mạnh ập vào, như thể làm rung chuyển cả thế giới và điện vụt mất. Mọi thứ trở nên tối đen, và những ô gạch nhà bếp lạnh lẽo dưới đôi chân trần của tôi.
Từ nơi đang ngồi, tôi có thể nhìn qua cửa sổ, qua đám bạch dương và thông đang ngả nghiêng, và thấy đám bọt trắng trên những cơn sóng càng lúc càng cao. Giữa những trận sấm, dường như một tia sét đã đánh xuống biển đâu đó gần đây. Rồi, giữa những ánh chớp nhấp nhoáng liên tục, những đám mây cuồn cuộn, và chóp những cành cây lắc lư, trời và đất hòa lẫn vào nhau. Khi đứng bên cửa sổ nhìn ra thế giới, một cái ly rỗng trên tay, tôi thấy mãn nguyện.
Nhưng vào buổi sáng, khi lang thang vòng quanh cố cảm nhận những gì đã xảy ra, như điều tra viên rà soát hiện trường một vụ bạo động, một tội ác huyền thoại, một thế giới xô bồ, tôi tự nhủ thế này: Trong những thời khắc bạo lực, thời của bão bùng, chúng ta nhớ rằng chúng ta sống trong cùng thế giới. Tuy nhiên sau đó, khi nhìn những cành cây gãy và những chiếc xe đạp bị ném tung khỏi chỗ để, điều này cũng hiện đến trong trí tôi: Khi bão ập
tới, chúng ta không chỉ hiểu rằng chúng ta cùng sống trong một thế giới, chúng ta bắt đầu cảm thấy như thể hết thảy chúng ta sống chung cùng một cuộc đời.
Một con chim, một chú sẻ nhỏ bé, đã rơi xuống bùn - tôi không biết tại sao - và đang hấp hối. Khi tôi đang hiếu kỳ và lạnh lùng phác vẽ lại nó, mưa bắt đầu trút xuống cuốn tập đang để mở của tôi và những phác thảo khác trong đó.
chương hai mươi
Ở NƠI NÀY KHI XƯA
Có một ngày đắm chìm trong suy tư và đang rất mệt mỏi, tôi đi trên con đường đó. Tôi không tìm kiếm điều gì cụ thể, trong đầu không định đến nơi nào, tôi chỉ muốn đi đến cuối mỗi con đường mà tôi đặt chân vào - như một người nôn nóng muốn trở về nhà. Miên man bước đi, trí óc vẩn vơ, đột nhiên ngẩng đầu lên tôi thấy con đường trải dài trước mặt, và kìa giữa những tán cây tôi thấy một mái nhà; tôi thấy con đường mềm mại uốn cong, thấy những bụi cây ven đường và những chiếc lá mùa thu đầu tiên rơi.
Lòng tôi choáng váng vì những gì trông thấy đến nỗi tôi đứng lại ngay giữa đường. Tôi nhìn những lối dành cho xe đạp trải ra trước mặt, nhìn ngọn cây bách sẫm tối trên lối đi. Những hàng cây bên trái, con đường cong dịu dàng, bầu trời trong veo, cách mọi thứ sắp bày - nơi này mới đẹp làm sao!
Với con đường này tôi cảm thấy gần gũi ấm áp như là tôi đã sống ở đây từ lâu lắm rồi, bất chấp thực tế tôi chỉ mới viếng thăm nó lần đầu. Sao với tôi trông nó đẹp đến thế? Cảnh quan nơi đây giống nơi mà tôi luôn cố tìm đến. Tôi nghĩ về điều này thường xuyên như thế nào, khúc cong mềm mại của con đường trước mắt tôi đó, cái vòm cây kia, niềm vui thú đứng đây và ngắm nhìn cảnh tượng này. Tôi nghĩ về cảnh quan trước mắt thường
"""