"
Những Kẻ Tủi Nhục - Fyodor Dostoyevsky full prc pdf epub azw3 [Kinh Điển]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Kẻ Tủi Nhục - Fyodor Dostoyevsky full prc pdf epub azw3 [Kinh Điển]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách: Những kẻ tủi nhục
Nguyên tác: Униженные и оскорблённые (1861)
Tác giả: Fyodor Dostoevsky
Dịch giả: Anh Ngọc
Nhà xuất bản: NXB Thuận Hóa
Năm xuất bản: 1987
Số trang: 576
PDF: Giangle1989
Đánh máy: chippiy, Harunaayu, senjea, wkjnguyen, xxxhai, amylee, Ha_nhanh, Doctorlangbam, delphinium, picicrazy.
Soát tổng, thay phiên âm, tạo ebook: Mèo lười
Mục lục
Phần thứ nhất Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII Chương XIV Chương XV
PHẦN THỨ HAI Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII Chương IX
Chương X
Chương XI
PHẦN THỨ BA Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII Chương IX
PHẦN THỨ TƯ Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII Chương IX
PHẦN KẾT
THÊM MỘT TÁC PHẨM CỦA DOSTOEVSKY ĐƯỢC DỊCH SANG TIẾNG VIỆT
Dos1, như cách gọi thân mật tên Dostoevsky của bạn đọc Việt Nam, là một nhà văn thực sự vĩ đại của cả nhân loại, hơn thế nữa, không như những nhà văn vĩ đại khác mà tác phẩm chỉ có ý nghĩa lịch sử như những chứng nhân của một nền văn minh đã qua, Dos luôn luôn đồng hành cùng nhân loại, thậm chí càng ngày Dos càng trở nên vĩ đại hơn. Sức sống vượt thời gian đó của Dos tựa hồ như là do sự lựa chọn của số phận; cuộc đời Dos, cũng như cuộc đời của Jesus, đã chịu đựng tất cả những đau khổ điển hình của con người, và trí tuệ, tình cảm của ông lại được trang bị để cảm nhận và biểu hiện cuộc đời ấy đầy đủ và sinh động nhất với sức mạnh chín muồi của một cây bút mà lịch sử đã đặt vào tay ông.
Dos (1821–1881) bắt đầu cuộc đời sáng tác văn học vào quãng giữa thế kỷ XIX (tác phẩm đầu tay của Dos Những người nghèo khổ in năm 1845), lúc mà xã hội Nga đang có những biến chuyển mạnh mẽ – cái cũ đã suy thoái cùng cực, phơi bày tất cả mặt trái xấu xa và những mâu thuẫn không thể giải quyết nổi; cái mới đang manh nha, đang lần hồi định hướng – đó là một giai đoạn phức tạp và đau khổ trong lịch sử phát triển của xã hội Nga. Tuy nhiên “cùng tắc biến”, chính trong tột đỉnh đau thương và phức tạp ấy, những tư tưởng lớn lao sẽ ra đời, những nhân cách vĩ đại sẽ tự khẳng định. Đối với văn học cũng vậy: xã hội càng nhiễu nhương, văn chương – nếu vượt qua được ranh giới của thứ văn chương bồi bút – lại càng phong phú và có ích.
Dos thuộc số những nhà văn mang trong mình một nhà tư tưởng và một con người hành động – ông là nghệ sĩ và cũng là một chiến sĩ. Vì vậy, không chỉ viết văn, ông còn tham gia hoạt động chính trị, và hậu quả của việc này là cái án tử hình mà phải đến tận phút chót trước giờ hành quyết mới được giảm xuống thành khổ sai ở Xibir.
Sau bốn năm lưu đày, Dos tiếp tục bị sung vào quân dịch làm lính trơn, rồi sau đó bị cấm cả tự do cư trú lẫn sáng tác. Trong suốt cuộc đời của mình, Dos luôn luôn bị cuộc sống thúc bách, nợ nần
như chúa chổm, phải viết văn như “một thứ ngựa trạm” để kiếm sống và trả nợ, sức khỏe kém sút, chứng động kinh luôn luôn hành hạ... Đó là hình ảnh xám xịt phủ lên toàn bộ cuộc đời nhà văn mà bạn đọc sẽ bắt gặp đó đây qua những nhân vật trí thức nghèo trong các tác phẩn của Dos, chẳng hạn Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt, và nhất là nhân vật Ivan Petrovich của cuốn sách này.
Chính vì phải sống một cuộc đời làm lũ ở giữa đám “thập loại chúng sinh” như vậy, cộng với một trái tim nhân hậu và một trí tuệ sâu sắc bẩm sinh, Dos đã trở thành lương tâm của những người “hạ đẳng”, nhà văn của những kẻ bị áp bức và sỉ nhục. Qua nhân vật Ivan Petrovich trong cuốn sách này, một nhân vật có rất nhiều nét gần gũi với đời riêng tác giả, ta thấy một nhân cách làm người, một phẩm chất nhà văn rất cao thượng: luôn luôn đồng cảm, yêu thương, xả thân vì những đồng loại bất hạnh đến mức quên mình. Trong cuộc đời tăm tối thuở ấy, nhân cách của ông, nghĩa cử của ông lóe lên như một tia sáng rực rỡ, ấm áp như một ngọn lửa mà đến trăm năm sau bạn đọc còn cảm nhận được giữa những trang sách. Đằng sau tất cả những tư tưởng và triết lý có những điều đúng đắn và sâu sắc, nhưng cũng có cả những sai lầm, thậm chí phản động, cái còn lại và làm nên chân dung đặc thù của Dos chính là tấm lòng ưu ái này của ông. Người ta kể rằng, trong đám tang của ông, những người đi đưa tang đã tự đeo những cái gông cổ, những cái còng tay, những dây xích tượng trưng... để nói lên phẩm chất của người quá cố là nhà văn của những người bị xích xiềng và chà đạp. Tác phẩm mà bạn đọc đang có trong tay là một chứng minh cụ thể cho những phẩm chất ấy của Dos.
Có thể nói, tiểu thuyết Những kẻ tủi nhục2tuy không phải là tác phẩm tiêu biểu về chiều sâu tư tưởng và độ chín của bút pháp của nhà văn, nhưng vẫn phản ánh rất đúng Dos về hai mặt: chủ đề và văn phong.
Nhà văn viết tác phẩm này năm 1861 (sau mười năm đi đày và lưu lạc vừa trở về Petersburg), và cho in lên ngay số đầu tiên của tờ tạp chí Thời Đại (Valkovskyrêmia) do ông và người anh trai chủ trương mà trong đó thực chất ông là linh hồn.
Sau những bước thăng trầm dữ dội, những khủng hoảng nghiêm trọng trong tư tưởng, thế giới quan của Dos chao đảo. Ông hoài nghi con đường cách mạng xã hội của những người cách mạng dân chủ và rơi vào những tư tưởng duy tâm: muốn kêu gọi sự thức tỉnh của lương tâm, dùng cái đẹp để cải tạo thế giới. Ông phát biểu chính kiến này trong loạt tác phẩm tiêu biểu ở giai đoạn cuối đời, như Tội ác và hình phạt, Lũ người quỉ ám, Thằng ngốc, Anh em nhà Karamazov...
Tiểu thuyết Những kẻ tủi nhục nằm vào giữa giai đoạn giao thời này của Dos. Ở đây đã bắt đầu xuất hiện hệ tư tưởng mới của ông trong cách phân tích và giải quyết các tình huống và số phận nhân vật. Tuy nhiên, về cơ bản tác phẩm vẫn tiếp tục đi nốt con đường của những tác phẩm trước đây, mở đầu bằng Những người nghèo khổ. Chính vì lẽ đó, người đọc và giới phê bình Nga vẫn coi Những kẻ tủi nhục như tập tiếp theo trong loạt chủ đề của Những người nghèo khổ, vẫn chịu ảnh hưởng của Belinskij trong những tư tưởng cuối cùng mà Dobroljubov gọi là “khuynh hướng nhân đạo”.
Khung cảnh của câu chuyện là thành phố Petersburg, trung tâm chính trị, kinh tế, hành chánh, văn hóa của nước Nga sa hoàng. Dưới ngòi bút của Dos, Petersburg không còn là những lâu đài tráng lệ, thành phố của những tượng đài và nhà bảo tàng xa hoa, của những ngựa xe như nước, những công hầu bá tước, trai thanh gái lịch, với những dạ hội và những buổi tiếp tân như trong Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy. Thế giới của Dos là những tầng hầm tối tăm ẩm thấp, những căn gác áp mái lạnh lẽo, là sương mù, mưa, tuyết với những con người khốn cùng: ăn đói, mặc rách, ho lao, động kinh, những kẻ ma cô, đĩ điếm, ăn mày... Tóm lại, đấy là một bức tranh đầy mâu thuẫn, phản ánh cái mâu thuẫn âm ỉ nhưng quyết liệt của một chế độ thối nát tập trung trong một thành phố khổng lồ mà nhân vật Ivan Petrovich gọi là “dở điên dở khùng”.
Toàn bộ cốt truyện gồm có hai tuyến: Một phía là gia đình Ikhmenev, một địa chủ nhỏ bị sỉ nhục và phá sản, bị thua kiện, mất đất mất của, con gái lại bỏ nhà theo nhân tình – vốn là con trai của kẻ thù của mình. Một phía khác là gia đình ông già Smith: cô con gái cũng bị quyến rũ và bỏ nhà theo trai, mang theo toàn bộ tiền nong
và lúc mang thai thì bị người tình ruồng bỏ, phải sống cầu bơ cầu bất trong cảnh ốm đau và bị người bố nguyền rủa cho đến tận lúc chết, để lại đứa con gái bé bỏng, côi cút giữa nanh vuốt của bọn người tàn ác bất lương...
Tuy cùng là những người bị chà đạp, sỉ nhục đến cùng cực, nhưng mỗi nhân vật đều có một cách phản ứng riêng, một thế giới nội tâm riêng. Hai ông bà Ikhmenev mang bản chất của những người Nga trung lưu đang bị bần cùng hóa: chân chất, trong sạch, giàu lòng thương nhưng cũng đầy tự ái và sỉ diện. Họ không có cách nào chống trả hữu hiệu đối với những kẻ thù đích thực của mình và quay ra trút lên đầu nhau tất cả sự bất hạnh mà mỗi người không đáng phải chịu, và hành hạ nhau nhiều khi bằng chính lòng tốt của mình. Cô Natasha, con gái của họ, tỏ ra quyết liệt hơn trong mọi cách xử thế. Mặc dù hơi có nét lãng mạn kiểu cũ, tính cách Natasha cơ bản là tính cách hành động và thực tế: cô biết yêu và dám dũng cảm lao vào tình yêu, giành lấy hạnh phúc cá nhân, bất chấp mọi hoàn cảnh éo le, có lúc đi ngược lại cả những tín điều vốn thiêng liêng nhất trong lòng cô. Lúc gặp trắc trở, cô biết chấp nhận sự thật và tỉnh táo vượt qua nó. Cô cũng là người duy nhất biết và dám đánh trả trực diện và quyết liệt kẻ thù bằng những lý lẽ tinh tế và xác đáng.
Hai bố con ông già Smith được tác giả miêu tả sơ lược hơn và có phần được sử dụng để minh họa cho những tư tưởng của tác giả. Ngược lại nhân vật Nenli, em bé gái côi cút, là cả một phát hiện sâu sắc của Dos về tâm lý, vừa đơn giản vừa phức tạp, vừa bí ẩn vừa rõ ràng... của một đứa trẻ bị chà đạp từ thuở ấu thơ, luôn nghi ngờ và thù hận tất cả mọi người, nhưng thực chất vẫn mang trong đáy lòng những tình cảm yêu thương đầm ấm và khát khao hướng tới cái thiện. Nenli cũng là nhân vật trong suốt và minh bạch nhất trong mọi quan hệ. Với bản năng thiên bẩm của đứa trẻ và sự từng trải trước tuổi, em đã phân biệt chính xác cái tốt và cái xấu, cái có thể tha thứ và cái không thể tha thứ. Cho đến phút chót của cuộc đời ngắn ngủi, trái tim kiêu hãnh ấy đã kiên trì một thái độ không khoan nhượng trước cái xấu bản chất – em đã chết đi mà tự mình không tha thứ cho kẻ đã gây nên bất hạnh cho cả gia đình em và
bao nhiêu người khác, dù kẻ ấy là bố đẻ của em đi nữa! Có thể nói hình tượng nghệ thuật này đã phần nào vượt qua ý định luân lý của tác giả, và một ông Dos nghệ sĩ ở đây đã chiến thắng một ông Dos nhà tư tưởng cứng ngắc.
Nhân vật móc nối hai tuyến nhân vật nói trên và là nguyên nhân gây ra tất cả mọi bất hạnh cho mọi người là công tước Valkovsky. Đây là một kẻ quí tộc đã tư sản hóa, sản phẩm của một xã hội hưởng thụ mà đồng tiền là thước đo của mọi nhân cách, cái thời mà “vị công tước chân chính duy nhất là Rôtsin” (một nhà triệu phú, tư bản ngân hàng Pháp). Nói đúng hơn, Valkovsky chỉ còn quí tộc ở cái vỏ ngoài hào hoa, tao nhã. Còn thực chất, lão là một kẻ nô lệ của đồng tiền, một tên gian manh, đàng điếm, hiếu sắc, du côn với một tâm địa cực kỳ tàn ác và nham hiểm. Lão là một tên đê tiện có ý thức, thậm chí còn biết khái quát hóa hành động xấu xa thành lý thuyết.
Tự nhận định về cuốn sách này, Dos có nói rằng trong đó “có độ năm mươi trang rất đáng tự hào” – theo tôi trong số năm mươi trang này chắc hẳn có đoạn bộc bạch của công tước Valkovsky với nhân vật nhà văn Ivan Petrovich. Trong đoạn tự bạch này, lão công tước đã tự lật mặt nạ, bày tỏ tất cả những hành vi xấu xa mà lão đã làm, đồng thời đúc kết thành lý luận và hi vọng một ngày nào đó sẽ đem ra truyền bá! Đó là một thứ chủ nghĩa vị kỷ tư sản dưới dạng cổ điển nhất. Lý thuyết của lão gói gọn trong mấy câu: “Tất cả là để cho tôi, toàn thế giới được tạo ra cho tôi”, “Tôi chỉ coi là có bổn phận chừng nào có lợi cho tôi”. Khẩu hiệu của lão là: “Hãy yêu lấy chính mình!” Cách lập luận của lão không phải là không sâu sắc và có sức thuyết phục. Tuy nhiên chỉ cần với lý trí tỉnh táo bình thường, đã có thể thấy ngay được tất cả mặt trái tồi tệ của ý thức hệ tư sản ngay trong những ngày đầu hình thành của nó. Chủ nghĩa vị kỷ và tham vọng tự do cực đoan đã chà đạp lên mọi nguyên tắc nhân bản trong quan hệ giữa người với người và trở thành một mảnh đất tốt cho tội ác chà đạp đồng loại tự do phát triển. Tính chất trắng trợn và quyết liệt của nó thực sự là hồi chuông báo động cho lương tri của loài người. Trước cái hình ảnh ghê tởm của con quái vật hai chân này, tác giả đã tỏ thái độ qua lời của nhân vật Ivan Petrovich: “Lão gợi
lên cho tôi ấn tượng về một loài bò sát, một con nhện khổng lồ mà tôi ao ước được đập cho chết tươi”.
Như trên đã nói, trong hoàn ảnh giao thời của xã hội Nga giữa thế kỷ XIX, khi mà cái cũ đang sụp đổ, nhưng cái mới cũng chưa định hướng xong, nhất là phải trải qua một cuộc đời đầy thử thách khắc nghiệt, thế giới quan của Dos lúc này đang chao đảo dữ dội và thể hiện ra đầy mâu thuẫn. Một mặt, bằng trái tim tha thiết yêu người, lo lắng cho số phận của những đồng loại đau khổ, ông đã lên tiếng tố cáo thực trạng bất công của xã hội bằng cách vẽ lên một bức tranh chân thực cà sinh động về một cuộc sống tăm tối, bế tắc của nhân dân bị áp bức. Ngỡ như trái tim ông rỉ máu trên từng trang viết và đến trăm năm sau ta còn nghe rõ những tiếng đập quằn quại của nó. Tuy nhiên, một mặt khác, những kết luận mà ông hướng người đọc đi tới lại mang đầy cảm tính sai lầm. Xa rời tư tưởng thực tế của cuộc cách mạng xã hội. Dos đi tìm lối giải thoát cho mọi mâu thuẫn xã hội bằng con đường duy tâm, tôn giáo. Ông kêu gọi sám hối và tha thứ. Kết cục đoàn viên ở cuối truyện này là một dẫn chứng cho những tư tưởng ấy của Dos. Tác giả tạo ra một sự đối chứng giữa hai cách giải quyết mâu thuẫn: ông già Smith khăng khăng không tha thứ cho con gái, thì rốt cuộc người chết, kẻ phát điên, bố con, ông cháu đều rơi vào thảm cảnh; ngược lại ông già Ikhmenev cuối cùng đã tha thứ cho cô con gái Natasha thì toàn gia đoàn tụ, mọi người đều hạnh phúc. Tác giả đã đặt vào miệng của ông già này những lời hùng hồn thực ra chỉ để tuyên dương một chiến thắng giả tạo: “Mặc cho chúng ta bị sỉ nhục, mặc cho chúng ta bị lăng mạ, nhưng chúng ta lại bên nhau, và mặc cho lúc này những kẻ kiêu ngạo và hợm hĩnh, những kẻ đã sỉ nhục và lăng mạ chúng ta đang ca khúc khải hoàn! Mặc cho chúng ném ta vào đá! Đừng sợ” – Một thắng lợi đầy chất A.Q.
Mặc dù có những hạn chế như vậy trong tư tưởng, Những kẻ tủi nhục vẫn là một tác phẩm tích cực và có sức cuốn hút mạnh mẽ. Trước hết, cũng như nhiều tác phẩm khác của Dos, tính chất chân thực của cuốn tiểu thuyết rất cao. Dos bao giờ cũng viết bởi một thúc bách nội tâm mãnh liệt, ông không e ngại biểu hiện chính mình lên mặt giấy, mà ngược lại. Vì vậy, có cái đúng và cái sai, cả cái hay
và cái dở ở ông đều rất chân thực. Đọc ông, ta bắt gặp một cuộc sống ngồn ngộn, chồng chất, hối hả, lúc ồn ào, lúc sâu lắng... ngỡ như vượt qua cả câu chữ, văn chương. Do đó, văn của ông dù nhiều lúc rườm rà, rắc rối, thậm chí cẩu thả, nhưng vẫn cuốn hút người đọc nhờ cái dòng chảy xiết dào dạt của cuộc sống.
Mặt khác, một trong những nét hấp dẫn và làm nên đặc thù của Dos là tài phân tích mổ xẻ tâm lý con người. Có thể nói đây là sở trường đặc biệt và cũng là niềm hứng thú bất tận của Dos. Cũng như ở các tác phẩm khác, Những kẻ tủi nhục có rất nhiều đoạn phân tích tâm lý hết sức sâu sắc, tinh tế, chứng tỏ một khả năng quan sát, suy ngẫm, một vốn sống phong phú, lịch lãm của một tài năng bậc thầy. Hứng thú này làm cho ngòi bút của ông đôi lúc sa đà, thậm chí có chỗ lắp ghép khiên cưỡng. Tuy nhiên, người đọc vẫn rất thú vị vì những nhận xét, mổ xẻ lòng người rất đỗi tinh vi và có sức khái quát cao, giúp cho ta khám phá sâu sắc thế giới nội tâm của chính mình mà nhiều lúc chính ta cũng không hiểu nổi. Từ những bối cảnh, những con người của một thời, tác phẩm của Dos đã vượt qua biên giới của không gian và thời gian để trường tồn cùng nhân loại.
Chính vì những lẽ trên, chúng tôi rất vui mừng được chuyển đến các bạn thêm một tác phẩm nữa của Dos để các bạn có dịp tìm hiểu tiếp một nhà văn vĩ đại mà chúng ta hằng yêu mến, kính trọng và luôn khao khát được thưởng thức.
Hà Nội ngày 20–11–1986
Anh Ngọc
Phần thứ nhất
Chương I
Chiều tối ngày hăm hai tháng ba năm ngoái, tôi đã gặp phải một sự cố tai bay vạ gió lạ lùng quá đỗi. Suốt ngày hôm ấy, tôi lang thang khắp thành phố để tìm thuê một căn phòng. Căn phòng cũ quá ẩm thấp, mà dạo ấy tôi đã bắt đầu chứng ho khổ ho sở. Ngay từ mùa thu tôi đã định chuyển nhà, vậy mà kéo dài mãi đến tận đầu xuân. Suốt ngày tôi không sao tìm được một nơi ưng ý. Trước hết, tôi muốn một căn phòng riêng, nhưng cũng không biệt lập với mọi người, sau nữa, dù chỉ một buồng thôi, nhưng nhất thiết phải rộng và cố nhiên càng rẻ càng tốt. Tôi nhận thấy rằng ở trong một căn phòng chật chội thì ngay cả ý nghĩ cũng chật chội. Mỗi khi tư duy những cuốn truyện mới, tôi vẫn thường thích đi đi lại lại khắp phòng. Thêm nữa, những lúc suy nghĩ về tác phẩm và hình dung chúng được viết ra như thế nào tôi luôn luôn thấy thú vị hơn là thực sự bắt tay vào viết chúng, nhưng quả thật, điều đó chẳng phải là vì lười. Vậy thì vì cái gì?
Ngay từ sáng, tôi đã cảm thấy không được khỏe và đến chiều tối thì lại càng tồi tệ: hình như tôi bắt đầu sốt. Hơn nữa, cả ngày tôi phải cuốc bộ và bây giờ thì mệt lử. Chiều lại, trước khi màn đêm sập xuống, tôi đi dọc đại lộ Vôdơnhexenxki. Tôi rất thích mặt trời tháng ba ở Petersburg, đặc biệt là lúc hoàng hôn, vào những buổi chiều giá lạnh và trong sáng. Cả đường phố chợt bừng lên trong ánh chiều rực rỡ. Những tòa nhà cũng đột ngột bừng sáng. Những mảng màu sắc xám xịt, vàng vọt xanh sẫm phút chốc rũ bỏ tất cả vẻ tăm tối; trong lòng người ngỡ như cũng bừng sáng, ngỡ như một thoáng rùng mình hoặc có ai vừa đó huých vào anh bằng cùi tay. Một cái nhìn mới, những ý nghĩ mới... Thật kỳ diệu thay những gì mà một tia nắng mặt trời có thể mang lại cho tâm hồn con người.
Nhưng tia mặt trời đã tắt; cái lạnh trở nên dữ dội và tê buốt đầu mũi; bóng tối dày đặc; những luồng hơi bốc lên lấp lánh từ các cửa hàng và quầy hàng. Lúc đi ngang cửa hàng bánh kẹo Milerơ, bỗng nhiên tôi đứng phắt lại như trời trồng và chăm chăm nhìn sang bên kia đường phố, hình như linh cảm đã cho tôi hay là ngay lúc này sẽ
có một điều gì bất thường xảy đến với tôi, và vào chính phút ấy tôi nhìn thấy một cụ già với con chó xuất hiện bên phía đối diện. Tôi còn nhớ như in là lúc bấy giờ tim tôi chợt nhói lên một cảm giác buồn bã vô hạn mà chính tôi cũng không lý giải được đấy là loại cảm giác gì.
Tôi không phải là một kẻ mê tín; tôi hầu như không tin vào linh cảm và bói toán; nhưng với tôi và có thể cũng như với nhiều người, trong cuộc sống đôi lúc cũng xảy ra những sự việc khá là khó giải thích. Chẳng hạn như với cụ già này: tại sao trong phút thoạt gặp cụ, tôi liền cảm thấy rằng ngay trong buổi tối này có một điều gì đó không hoàn toàn bình thường sẽ xảy đến với mình? Tuy nhiên, lúc ấy tôi đang ốm, mà những cảm giác của người ốm thì vẫn thường không thật.
Yếu ớt và chậm chạp, cụ già cố lê đôi chân khẳng khiu như que củi và như thể sắp bẻ gập chúng, cụ còng lưng nện khẽ chiếc gậy trên đá lát vỉa hè, tiến lại phía cửa hàng bánh kẹo. Suốt đời, tôi chưa bao giờ gặp một dáng người nào lạ lùng quái gở đến thế. Cho đến trước cuộc gặp gỡ này, khi chúng tôi chạm trán nhau trước cửa hiệu Milerơ, cụ luôn luôn làm tôi sửng sốt vì một ấn tượng bệnh hoạn. Vóc người cao, tấm lưng còng gập, gương mặt già nua đến tám mươi tuổi trông đầy tử khí, chiếc áo khoác cũ kỹ rách toạc cả đường khâu, vành mũ tròn kiểu những năm hai mươi, đã nhàu nát chụp lên cái đầu trọc mà chót tận sau gáy còn một túm tóc vàng hoe, chưa kịp bạc; nhất cử nhất động cụ đều làm một cách vô ý thức như cái máy. Đấy là tất cả những ấn tượng mà vô tình cụ già đã gây cho những ai thoạt gặp. Quả thật là lạ lùng khi nhìn thấy một cụ già sống lỗi thời như thế, đơn độc và chẳng ai ngó ngàng tới, thậm chí trông cụ như một người điên đang chạy trốn những kẻ trông coi. Cả sự gầy guộc lạ thường của cụ cũng khiến tôi sửng sốt: thân hình cụ gần như tiêu tan hết, chỉ còn lại lớp da bọc lấy xương. Cặp mắt mở to, mờ đục đóng khung trong đôi quầng tròn xanh thẫm luôn nhìn thẳng tới trước, không bao giờ nhìn ngang và cũng chẳng khi nào nhìn vào một ai, một cái gì – tôi tin như vậy. Dù cho cụ già có nhìn vào anh thì rồi cụ cũng cứ bước thẳng tới anh như thể trước mắt là cả một khoảng trống vậy. Tôi đã nhận thấy điều đó một đôi lần. Cụ
già xuất hiện ở cửa hiệu Milerơ chưa lâu và không rõ từ đâu tới, chỉ có điều luôn luôn kèm theo một con chó. Không ai trong số khách hàng có ý định bắt chuyện với cụ và chính cụ cũng chẳng buồn trò chuyện với một ai trong số họ.
“Vì cớ gì mà lão lại lang thang đến cửa hàng Milerơ và lão làm gì ở đấy? – đứng ở bên kia đường phố tôi vừa buộc lòng không rời mắt khỏi ông lão vừa nghĩ bụng. Một cơn bực bội – do bệnh tật và mệt mỏi – chợt dấy lên trong lòng tôi. Lão ta nghĩ gì thế nhỉ? – tôi tiếp tục nghĩ thầm, không hiểu trong đầu lão có còn cái gì chăng? Liệu lão có còn nghĩ tới một điều gì? Gương mặt ông lão tối tăm đến nỗi tuyệt không còn toát lên một điều gì hết. Và cũng không hiểu ông lão kiếm được con chó ấy ở đâu. Một con chó gớm guốc không hề rời lão nửa bước, dường như đã gắn với lão làm một khối không thể tách rời và trông cũng giống lão như đúc?”.
Con chó khốn khổ ấy dễ thường cũng phải đến tám mươi tuổi; phải, đến thế thật. Trước hết trông bề ngoài nó già nua đến nỗi chưa từng có con chó nào già đến thế, và sau nữa, không hiểu vì sao ngay từ lần đầu thoạt trông thấy nó, trong đầu tôi đã chợt nẩy ra ý nghĩ rằng con chó nầy không thể là một con chó như mọi con khác, rằng nó là một con chó đặc biệt, chắc hẳn nó là một con chó thiêng có phù phép, một thứ Mephistopheles3trong lốt chó và bởi một lý do riêng huyền bí nào đó đã gắn bó số kiếp với chủ nó. Hễ trông thấy nó, thể nào các bạn cũng phải nghĩ rằng lần được ăn cuối cùng của nó chắc phải cách đây vài chục năm.
Nó gầy như một bộ xương, hoặc là (có đúng hơn chăng?) như ông chủ nó vậy. Lông lá trên mình nó hầu như rụng sạch, ngay cả trên cái đuôi treo đằng sau như một cái que và luôn luôn cụp chặt. Cái đầu với đôi tai dài luôn gục xuống nhăn nhó. Cả đời tôi chưa hề gặp một con chó nào kinh tởm đến như vậy. Khi cả hai đi trên đường phố – ông chủ đi trước, con chó theo sau – mũi nó bám ngay vào đuôi áo khoác của chủ y như bị dính chặt vào đấy. Và dáng đi cũng như vẻ ngoài của cả hai cứ mỗi bước lại như muốn thốt lên: Ta già rồi, các ngài ơi, đã quá già rồi!
Tôi còn nhớ, đã có lần tôi chợt nghĩ là cụ già nàyvà con chó dễ thường sống ra từ trang sách nào đó của Hoffmann4do Gavarni minh họa, và lang thang trong cõi đời này dưới hình dạng những tờ áp phích di động đang tìm đến nhà xuất bản. Tôi băng qua phố và theo chân cụ già vào của hàng bánh kẹo.
Ở trong cửa hàng bánh kẹo, cụ già hành động cũng hết sức kỳ cục và đứng sau quầy hàng, lão Milerơ gần đây đã bắt đầu tỏ ra khó chịu mỗi khi cái ông khách không mời ấy bước vào. Trước hết, người khách kỳ lạ này tuyệt không bao giờ hỏi han một câu. Lần nào cũng vậy ông ta đi thẳng vào góc gần lò sưởi và ngồi xuống một chiếc ghế. Nếu như chỗ ấy của ông bên lò sưởi đã có ai chiếm mất, thì sau một phút đứng ngơ ngáo như mất hồn trước cái người đã giành chỗ của mình, ông lão dường như bối rối và bỏ sang một góc khác cạnh cửa sổ. Ở đấy, ông chọn một cái ghế và chậm rãi ngồi xuống, bỏ mũ đặt ngay bên cạnh mình dưới nền nhà, để chiếc gậy bên cạnh cái mũ, đoạn ngả người vào lưng ghế và cứ ngồi bất động như vậy suốt ba, bốn tiếng đồng hồ liền. Chẳng bao giờ ông ta cầm trong tay, dù một tờ báo, không nói một lời, một tiếng, mà chỉ ngồi vậy thôi, nhìn tới trước bằng đôi mắt mở to nhưng đờ đẫn và vô hồn, đến nỗi có thể quả quyết rằng ông lão chẳng nhìn thấy một ai xung quanh và cũng chẳng nghe thấy gì hết. Còn con chó, loay hoay lẩn quẩn tại chỗ một lúc rồi hậm hực thu mình dưới chân chủ, thọc mõm vào giữa hai chiếc ủng của ông già, thở ra nặng nề và nằm đái trên nền nhà, cũng bất động suốt buổi tối y như chết rồi. Ngỡ như hai cái xác này suốt ngày nằm chết ở đâu đó và cứ thoạt tắt mặt trời lại bỗng nhiên sống lại chỉ để tìm đến cửa hàng bánh kẹo Milerơ và thực hiện một sứ mệnh bí ẩn nào đó không ai hay biết.
Cứ ngồi như vậy chừng ba bốn giờ, cuối cùng, ông già đứng dậy, cầm lấy mũ và bỏ về nhà ở đâu đó. Con chó cũng đứng dậy và lại cúp đuôi cụp cổ, bước đi chậm chạp như cũ để bám theo chủ như một cái máy. Cuối cùng, những khách hàng cũng bắt đầu tìm cách tránh xa ông lão, thậm chí không dám ngồi cạnh ông, dường như sợ ông dây cả cái kinh tởm lên họ. Còn ông già thì chẳng hề hay biết những điều đó.
Khách lui tới của hàng bánh kẹo này phần lớn là người Đức. Họ đến đây từ khắp đại lộ Vôdơnhêxenxki này – tất cả những chủ nhân của các loại xưởng thợ: thợ nguội, thợ làm bánh mì, thợ nhuộm, thợ làm mũ, thợ đóng yên ngựa – tất cả là những con người cổ lỗ như cách nói của tiếng Đức. Mà nói chung thì ở cửa hàng Milerơ vẫn có cái gì đó lỗi thời. Ông chủ hiệu vẫn thường đến ngồi với những người khách quen bên bàn, có lúc lại còn cạn với họ những cốc rượu pha đường. Lũ chó và đám trẻ con của ông chủ cũng thỉnh thoảng ra chơi với khách hàng, và những người khách hàng vẫn vỗ về chúng. Mọi người đều quen biết và kính trọng nhau. Khi những người khách vùi đầu vào những trang báo Đức thì từ sau cánh cửa, trong căn phòng của ông chủ vẳng ra bài ca Augustin5 trên cây đàn dương cầm rè rè do cô gái lớn của ông chủ chơi, một cô gái Đức có mái tóc màu hạt dẻ trông giống hệt một con chuột bạch. Điệu vanxơ đã mở đầu một cách vui vẻ. Cứ vào những ngày đầu tháng tôi đều ghé đến hiệu Milerơ để đọc những tờ tạp chí Nga mà cửa hàng vẫn nhận được.
Bước chân vào cửa hiệu, tôi đã thấy cụ già ngồi bên cửa sổ và con chó, như mọi bận, vẫn năm dài dưới chân ông lão. Tôi lặng lẽ ngồi vào một góc và trầm ngâm tự hỏi: “Mình vào đây làm gì nhỉ, mình tuyệt nhiên chẳng có việc gì để làm ở đây, mình lại đang ốm và việc cần thiết hơn là khẩn trương về nhà, uống nước chè và nằm vào giường? Chẳng lẽ rốt cuộc mình lại có mặt ở đây chỉ để quan sát cái ông già này?”.
Tôi đâm phát cáu: “Mình có việc quái gì đến lão ấy – tôi nghĩ bụng, vừa hồi tưởng lại cái cảm giác lạ lùng và bệnh hoạn khi tôi nhìn thấy ông lão trên đường phố. Mà mình thì cũng dính dáng gì đến cả cái đám dân Đức ngán ngẩm này? Cái thứ tâm thần mộng mị này rồi còn đi đến đâu? Để làm quái gì cái thứ băn khoăn vớ vẩn về những chuyện tầm vơ mà tôi nhận thấy dạo này thường xuất hiện ở mình và luôn quấy rầy không cho tôi sống và nhìn đời một cách trong sáng, điều mà một nhà phê bình sâu sắc trong lúc phân tích cuốn truyện gần đây của tôi đã bực bội nhận xét?”.
Mặc dù nghĩ ngợi và bẳn gắt như vậy nhưng tôi vẫn ngồi lì tại chỗ, trong khi cơn bệnh mỗi lúc một hành hạ tôi hơn, đến nỗi rút cuộc tôi đâm ra hối tiếc là đã rời căn phòng ấm áp lúc này. Tôi cầm lấy tờ báo Phơrăngphuốc, đọc lướt vài dòng và lim dim mơ màng. Những người Đức không quấy rầy tôi. Họ mải miết đọc, hút thuốc và chỉ thoảng hoặc khoảng nửa giờ một lần mới trao đổi với nhau đôi câu thì thầm và rời rạc về một tin tức nào đó trên tờ Phơrăngphuốc hay những câu nói sắc sảo của một người Đức thông thái nổi tiếng có tên là Xaphirơ. Sau mấy câu đầy mùi vị tự hào dân tộc thái quá họ lại cắm đầu vào đọc.
Tôi thiếp đi độ nửa giờ thì chợt tỉnh dậy vì cảm thất rét dữ dội hơn. Cần phải về nhà ngay. Nhưng đúng vào lúc ấy một màn kịch câm diễn ra trong phòng và một lần nữa giữ tôi lại. Như tôi đã nói, ngay sau khi ngồi vào ghế của mình, cụ già liền hướng cặp mắt đăm đăm vào một chỗ và suốt buổi tối không hề quay nhìn đi đâu khác. Chính tôi cũng đã từng chịu đựng cái nhìn ấy, cái ánh mắt hư vô dai dẳng như không hề phân biệt cái gì vào cái gì: một cảm giác cực kỳ khó chịu đến không thể nén nổi và tôi cố giữ vẻ bình thường nhưng vội vã chuyển sang chỗ khác. Lần này, nạn nhân của cụ già lại là một người Đức bé nhỏ, béo tròn và hết sức tề chỉnh, mặc áo cổ cồn dựng đứng với khuôn mặt đỏ lựng, một khách hàng từ Riga tới, mà sau này tôi được biết tên là Ađam Ivanưts Sunxơ, một người bạn thân của ông Milerơ, nhưng tôi không hề biết cụ già này cũng như nhiều khách hàng khác. Đang thích thú đọc tờ “Thợ cạo nông thôn”6 và nhấm nháp cốc rượu pha đường, ông ta chợt ngẩng đầu lên và nhận thấy cái nhìn bất động của cụ già đang hướng vào mình. Điều đó khiến ông bối rối. Ađam Ivanưts là một người hay động lòng và dễ bẳn tính như tất cả giới “thượng lưu” Đức nói chung. Ông ngạc nhiên và tức tối khi bị người khác nhìn chằm chằm một cách thô lỗ. Cố nén giận, ông ta quay tránh nhìn vào ông khách bất nhã, miệng lẩm bẩm cái gì đó và lặng lẽ giương tờ báo lên che kín. Nhưng không nhịn được, độ hai phút sau, ông ta lại bỏ báo ngước lên: vẫn là cái nhìn chăm chăm, vô hồn ấy. Lần này, Ađam Ivanưts lại vẫn im lặng. Nhưng khi tình hình lặp lại đến lần thứ ba thì ông ta liền nổi xung và tự thấy mình phải có nghĩa vụ bảo vệ phẩm giá cao quí
cũng như không để cho giới thượng lưu được xem thường cái thành phố Riga tuyệt vời mà rõ ràng ông tự cho mình là người đại diện. Bằng một cử chỉ nóng nảy, ông ta ném tờ báo lên bàn, đập mạnh cái thanh kẹp báo và bốc máu sĩ diện, mặt mày đỏ lựng vì hơi men và ngạo mạn, đến lượt mình, ông chiếu cặp mắt nhỏ tí bốc lửa vào lão già đáng ghét. Hình như cả hai, người Đức và đối thủ của ông ta, đều muốn trấn áp nhau bằng sức mạnh của ánh mắt và đều chờ xem kẻ nào xấu hổ mà cụp mắt xuống trước. Tiếng đập của que kẹp và điệu bộ nực cười của Ađam Ivanưts khiến mọi người chú ý. Tất cả lập tức dừng mọi công việc và với sự tò mò trang nghiêm, lặng lẽ theo dõi hai đối thủ. Màn kịch trở nên hết sức khôi hài. Tuy nhiên sức mạnh từ cặp mắt khiêu khích của anh chàng Ađam Ivanưts mặt đỏ tía tai hoàn toàn vô ích. Chẳng quan tâm đến gì hết, cụ già vẫn tiếp tục nhìn thẳng vào cái ngài Sunxơ đang nổi đóa và tuyệt nhiên không biết mình là mục tiêu của sự tò mò của mọi người, cứ như là đầu óc ông lão đang ở đâu trên mặt trăng chứ không phải trên mặt đất này. Cuối cùng thì Ađam Ivanưts không còn chịu nổi. Anh ta điên tiết lên:
– Tại sao ông lại nhìn tôi chằm chằm thế? – ông ta thét lên the thé đến nhức óc bằng tiếng Đức, vẻ mặt đầy hăm dọa.
Nhưng địch thủ của ông vẫn cứ một mực lặng im, dương như không hiểu và cũng không nghe thấy câu hỏi. Ađam Ivanưts quyết định dùng tiếng Nga.
– Tôi hỏi ôông, làm sao ôông lại chăm chăm nhìn tôi thế? – ông ta càng thịnh nộ quát to – Tôi là người có danh có giá, còn ôông là đồ vô danh chiểu chốt? – ông ta nói thên và bật dậy khỏi ghế.
Ấy thế mà cụ già vẫn không hề động đậy. Trong đám người Đức đã có tiếng rì rầm bực tức. Đích thân Milerơ đã nghe tiếng ồn ào và bước vào phòng. Khi nghe thủng mọi chuyện, ông ta nghĩ rằng có lẽ lão già điếc, nên liền ghé sát tận tai ông lão.
– Cài Sunxơ yêu cầu ôông đừng nhìn chăm chăm vào cài ấy nữa – ông ta cố sức gào to hết cỡ, vừa chăm chú ngắm người khách kỳ quặc.
Cụ già ngước nhìn Milerơ như cái máy và đột nhiên trên gương mặt trước nay vốn bất động bỗng lộ rõ nét lo âu, hoảng hốt. Cụ hối hả cúi mình, vừa rên rẩm vừa lật đật vơ vội lấy cái mũ và chiếc gậy, đoạn rời khỏi ghế, và, với một nụ cười thảm hại, cái thứ nụ cười tủi nhục của một kẻ nghèo hèn khi bị xua đuổi vì đã trót ngồi nhầm chỗ, cụ già xắm nắm bước ra khỏi phòng. Cái cử chỉ hấp tấp ngoan ngoãn, nhẫn nhục của con người già nua lọm khọm và khốn khổ gợi lên biết bao nhiêu lòng thương hại, biết bao nhiêu thứ tình cảm thỉnh thoảng vẫn khiến trái tim ta như chết lặng đi trong lồng ngực, khiến cho tất cả mọi người, trước hết là Ađam Ivanưts liền thay đổi ngay cách nhìn của mình. Hiển nhiên là ông già này không những không thể chọc tức một ai, mà còn hiểu rằng bất cứ lúc nào người ta cũng có thể đuổi mình đi như xua một kẻ ăn mày.
Milerơ vốn là người tốt bụng và giau lòng trắc ẩn.
– Ồ. Khôông. Khôông – ông ta thân mật vỗ vai cụ già và nói – Ông cứ ngồi! Nhưng7 Ngài8 Sunxơ chỉ hết sức yêu cầu ôông đừng nhìn chằm chằm vào cài ấy. Cài ấy là một người danh giá ở triều đình.
Nhưng cụ già tội nghiệp vẫn không hiểu ra; cụ càng luống cuống hơn, cúi khom mình để nhặt chiếc khăn xanh cũ kỹ, thủng lỗ chỗ vừa tuột từ mũ xuống và lên tiếng gọi con chó đang nằm phục vị trên nền nhà, mõm kẹp vào giữa hai chân và rõ ràng đang ngủ rất say.
– Adorca, Adorca! – cụ già thều thào bằng cái giọng già nua, run rẩy – Adorca!
Adorca vẫn không động đậy.
– Adorca, Adorca! – cụ già lại rầu rĩ gọi và lấy gậy lay con chó nhưng nó vẫn nằm im như cũ.
Chiếc gậy rời khỏi tay ông cụ. Cụ quỳ cả hai gối và lấy tay nâng mõm con Adorca lên. Con Adorca tội nghiệp! Nó đã chết. Nó chết lặng lẽ ngay dưới chân chủ, phần vì già, phần có lẽ cũng cả vì đói. Cụ già nhìn con chó một phút như thể ngạc nhiên, dường như cụ không hiểu rằng con Adorca đã chết, đoạn cụ lặng lẽ cúi xuống
cái kẻ hầu hạ và cũng là người bạn cũ, và ghì sát khuôn mặt xanh xao vào mõm của con chó đã chết.
Một phút im lặng trôi qua. Tất cả chúng tôi đều xúc động... Cuối cùng cụ già tội nghiệp đứng lên. Cụ tái nhợt và run lẩy bẩy như đang lên cơn sốt rét.
– Có thể làm thành con thú nhồi rơm – ông Milerơ giàu lòng trắc ẩn nói, như muốn an ủi cụ già – Có thể làm một con thú nhồi rơm rất chốốt; Phêđor Carlôvits Crigerơ làm thú nhồi rơm rất giỏi; Phêđor Carlôvits Crigerơ là bậc thầy vĩ đại về làm thú nhồi rơm – Milerơ khẳng định, vừa nhặt cây gậy lên đưa cho cụ già.
– Phải, tôi làm thú nhồi rơm rất chuyệt – chính ngài Crigerơ cũng khiêm tốn hưởng ứng và bước tới trước.
Đây là một người Đức dài ngoằng, gầy gò và có vẻ đức hạnh với những món tóc hung và cặp kính nằm trên chiếc mũi quặp.
– Phêđor Carlôvits Crigerơ có chài xuất chúng, làm được tất cả những con thú nhồi chuyệt chác – Milerơ nói thêm, bất đầu hứng thú vì ý kiến của mình.
– Đúng, tôi có biệt tài làm được tất cả những con thú nhồi chuyệt vời – ngài Crigerơ lại quả quyết – và tôi sẽ làm biếu khôông cho ôông một con thú nhồi từ con chó của ôông – ông ta nói thêm trong cơn độ lượng bốc đồng.
– Khôông, tôi sẽ giả côông cho con thú mà ôông nàm! Ađam Ivanưts cũng cuồng nhiệt kêu lên, mặt mũi càng đỏ gay gấp bội, đến lượt mình nổi cơn hào hiệp và hăng hái nhận mình là nguyên nhân của mọi bất hạnh.
Cụ già lắng nghe tất cả nhưng rõ ràng là không hiểu gì hết và vẫn run rẩy toàn thân như trước.
– Gượm đã! Ôông hãy cạn một ly cô nhắc ngoong đã! – Milero nói to khi thấy ông khách kỳ lạ cứ săm sắn đi ra.
Cô nhắc đã được đưa lên. Cụ già đưa tay như cái máy cầm lấy ly cô nhắc, nhưng tay cụ run lẩy bẩy nên trước khi đưa được lên môi, cụ đã đánh đổ mất phân nửa và chưa nhắp lấy một giọt, cụ đã
đặt trả ly xuống khay. Rồi đó, mỉm một nụ cười lạ lùng hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh, cụ khập khiễng và vội vã bước ra khỏi cửa hàng bánh kẹo, bỏ lại con chó Adorca. Mọi người sửng sốt đứng yên; có ai đó kêu lên:
– Thật tội nghiệp! Câu chuyện mới kỳ cục! – mấy người Đức vừa nói, vừa đưa mắt nhìn nhau.
Còn tôi thì lao ra theo cụ già. Cách cửa hàng bánh kẹo mấy bước, rẽ sang phải thì gặp một cái ngõ hẹp và tăm tối nhưng lại mọc lên những ngôi nhà đồ sộ. Có cái gì đó mách bảo tôi rằng cụ già nhất định sẽ quay lại đây. Ngôi nhà thứ hai bên phải kia như nằm giữa một khu rừng. Bờ tường vây quanh ngôi nhà gần như nhô ra đến giữa ngõ; một lối đi lát gỗ dẫn đến bờ tường dành cho người đi lại. Trong một xó tối kẹp giữa bờ tường và ngôi nhà tôi tìm thấy cụ già. Cụ ngồi trên bậc cấp của vỉa hè lát gỗ, chống cùi tay vào đầu gối, hai tay ôm lấy đầu. Tôi ngồi xuống bên cụ.
– Cụ ơi – tôi nói mà hầu như không biết bắt đầu từ đâu – Cụ đừng buồn tiếc gì con Adorca nữa. Đi đi, tôi đưa cụ về nhà. Cụ cứ yên tâm. Tôi đi tìm xe ngựa ngay đây. Nhà cụ ở đâu vậy?
Cụ già không đáp. Tôi không biết xử trí ra sao. Trên đường không một bóng người. Đột ngột cụ già nắm lấy tay tôi.
– Ngạt thở quá! – cụ thều thào rất khẽ bằng một giọng khàn khàn – Ngạt thở quá!
– Nào, về nhà cụ thôi! – tôi kêu lên, nhổm dậy và quyết xốc cụ già lên – Cụ sẽ dùng nước trà và nằm vào giường... Tôi đi tìm xe ngựa ngay bây giờ. Tôi sẽ gọi bác sĩ... Tôi có quen một ông bác sĩ...
Tôi không nhớ là tôi còn nói với cụ già những gì nữa. Cụ già muốn đứng lên, nhưng vừa nhổm lên được một chút đã lại ngã lăn ra đất và lại rên rẩm bằng cái giọng ngạt thở khàn khàn. Tôi cố ghé sát hơn nữa và lắng nghe.
– Ở đảo Vaxiliepxki – cụ già nói khàn khàn – đường thứ sáu... đư... ờ... ng thứ sá... u...
Và cụ im bặt.
– Cụ sống ở đảo Vaxiliepxki ạ? Nhưng cụ lại không đi về phía ấy; tới đây phải rẽ trái chứ không rẽ phải. Bây giờ tôi sẽ đưa cụ về...
Cụ già không động đậy. Tôi cầm lấy tay cụ: bàn tay rơi thõng như tay người chết. Tôi nhìn vào mặt cụ và sờ người cụ. Cụ già đã chết. Tôi cứ ngỡ như mọi việc đang xảy ra trong mơ.
Điều bất ngờ rủi ro này đặt ra cho tôi bao nhiêu việc phiền toái mà trong khi đó chính tôi cũng đang sốt. Người ta đã tìm ra căn phòng của cụ già. Tuy nhiên, cụ không phải sống ở đảo Vaxiliepxki mà chỉ cách nơi cụ qua đời có hai bước, trong ngôi nhà của Clugen, ngay sát mái, tận tầng năm, trong một căn hộ riêng, gồm một phòng ngoài bé tẹo và một phòng rộng nhưng rất thấp có ba cái khe hở tương tự như ba cái cửa sổ. Cụ già sống cực kỳ nghèo khổ. Đồ đạc vẻn vẹn gồm một cái bàn, hai cái ghế và một chiếc đi văng quá cũ kỹ, cứng queo như đá, đệm nhồi thòi ra tứ phía; nó cũng tương tự như ông chủ vậy. Bếp lò rõ ràng là từ lâu đã không nhóm lửa; nến cũng không có. Bây giờ thì tôi quả quyết cho rằng cụ già đã nghĩ ra cách đến cửa hiệu Milerơ duy chỉ để được ngồi dưới ánh sáng và sưởi ấm. Trên bàn có một cái cốc sứ rỗng không và một mẩu vỏ bánh mì khô cứng từ lâu. Tiền bạc không thấy một xu. Thậm chí cũng không có mảnh vải nào để khâm liệm người quá cố. Có ai đó phải đem cho một chiếc sơ mi. Rõ ràng là cụ già không thể sống hoàn toàn đơn độc như vậy, và chắc chắn phải có một người nào đó vẫn đến thăm nom cụ, dù là thỉnh thoảng đi nữa. Trên bàn có tấm căn cước. Người quá cố là người ngoại quốc, nhưng đã nhập quốc tịch Nga, tên là Iêrêmia Smith, làm thợ máy, đã bảy mươi tám tuổi. Trên bàn cũng còn hai cuốn sách: một cuốn địa lý tóm tắt và một cuốn Tân Ước bằng bản dịch tiếng Nga đầy nét bút chì bên lề và những vết đánh dấu bằng móng tay. Tôi thu những cuốc sách này về cho mình. Khi hỏi những người sống trong cùng ngôi nhà thì hầu như chẳng ai biết gì về ông cụ. Người thuê nhà này rất đông, hầu hết là thợ thuyền và những người đàn bà Đức trông coi các căn hộ và người hầu. Người quản lý ngôi nhà vốn là một người quí tộc thì ngoài việc cho biết tiền thuê buồng sáu rúp một tháng, cũng chỉ biết đôi chút về người khách tạm trú đã quá cố, rằng ông ta sống trong căn buồng này đã bốn tháng, nhưng hơn hai tháng gần đây thì
không trả một đồng xu nào nên đành phải đuổi ông ta ra khỏi phòng. Khi hỏi liệu có ai thường đến thăm ông già không thì không ai trả lời được rõ ràng. Ngôi nhà thì lớn: nào có ít người ra vào chỗ cái đám chúng sinh nhốn nháo ấy, làm sao mà nhớ hết. Người quét sân đã phục dịch trong ngôi nhà này năm năm, cố nhiên là có thể cho biết đôi điều, nhưng hai tuần trước ông ta đã về quê nghỉ phép, giao công việc cho đứa cháu, một chàng trai chưa nhận mặt được đến nửa số người trong nhà. Tôi còn chưa kịp biết rõ những thắc mắc ấy kết cục sẽ đi đến đâu, thì cuối cùng người ta cũng đã chôn cất xong cụ già. Vào những ngày ấy, giữa bao nhiêu những lo toan bộn bề khác, tôi cũng đã tìm đến đảo Vaxiliepxki, đường thứ sáu, và phải tới đây tôi mới tự cười mình: tôi còn có thể thấy được những gì ở con đường thứ sáu ấy, ngoài những dãy nhà ở đâu chả thế? Nhưng thế thì, tôi vẫn ngẫm nghĩ, do đâu mà lúc sắp chết cụ già lại nhắc đến đường số sáu và đảo Vaxiliepxki? Phải chăng đó là do mê sảng?
Ngắm căn phòng trống rỗng của cụ Smith, tôi cảm thấy ưng ý. Tôi giành nó cho mình. Cái chính là căn phòng ấy rộng rãi, mặc dù rất thấp, đến nỗi dạo đầu tôi toàn vấp đầu vào trần, nhưng rồi cũng chóng quen. Còn sáu rúp một tháng thì không thể tìm đâu ra chỗ rẻ hơn. Cái dương cơ này đã quyến rũ tôi; chỉ còn lo việc tìm người phục vụ, bởi vì không thể sống nếu hoàn toàn không có ai giúp đỡ. Thời gian đầu, người quét sân đã hứa mỗi ngày một lần đến giúp đỡ tôi vào lúc cần thiết. Mà biết đâu đấy, tôi nghĩ bụng, cũng có thể có ai đó sẽ đến thăm cụ già. Tuy nhiên, cụ già mất đã được năm hôm mà vẫn chẳng thấy một ai tìm đến.
Chương II
Đúng vào độ này năm ngoái, tôi còn cộng tác với các tờ tạp chí viết những bài báo nhỏ và đinh ninh rằng rồi sẽ có lúc mình viết được một cái gì đó lớn và thú vị. Tôi cứ ngồi nghiền ngẫm một cuốn tiểu thuyết lớn, nhưng sự thể lại kết thúc bằng việc tôi phải vào nằm bệnh viện và có lẽ là sắp chết. Mà nếu như tôi sắp chết thì còn viết lách ghi chép làm quái gì.
Tôi thường bất giác hồi tưởng lại cả cái năm nặng nề ấy của đời mình. Và bây giờ tôi lại muốn ghi lại tất cả, và nếu không làm được việc ấy thì có thể tôi chết không nhắm được mắt. Những ấn tượng đã qua ấy vẫn thường khi dày vò tôi đến đau đớn, rầu rĩ. Dưới ngòi bút chúng hiện lên điềm tĩnh hơn và bớt giống với những cơn mê sảng, mộng mị đi. Tôi cảm thấy thế. Có một cái sườn để viết cũng đáng giá lắm: nó sẽ giúp tôi bình tâm, tĩnh trí, nó sẽ đánh thức trong tôi những thói quen viết lách trước nay, nó hướng những hồi ức và những mộng mơ bệnh hoạn của tôi vào công việc... Đúng thế, và tôi đã nghĩ ra khối điều. Chả gì nó cũng có thể làm tài lệu cho thầy thuốc; dù những khung cửa sổ mùa đông tới có thể phủ đầy những trang viết của tôi đi nữa.
Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao mà tôi lại bắt đầu câu chuyện từ khoảng giữa. Nếu đã định viết ra tất cả thì cần phải bắt đầu từ đầu. Nào, chúng ta hãy bắt đầu từ đầu. Có điều, tiểu sử bản thân của tôi chả có gì ghê gớm cả đâu.
Tôi sinh ra không phải ở đây, mà là ở một nơi xa, thuộc tỉnh... Chắc chắn bố mẹ tôi là những người lương thiện nhưng các cụ đã sớm khuất núi để tôi phải mồ côi ngay từ thuở nhỏ và tôi lớn lên trong nhà của Nikolai Sergueych Ikhmenev, một địa chủ nhỏ đã nhận tôi về nuôi vì lòng thương. Gia đình ông chỉ có một cô con gái, tức là Natasha, một cô bé kém tôi ba tuổi. Chúng tôi lớn lên bên nhau như hai anh em. Ôi, tuổi thơ yêu dấu của tôi ơi! Tôi buồn thương nhớ tiếc người biết bao giữa cái tuổi hai nhăm của đời mình, tôi sẽ chết chỉ trong nỗi nhớ nhung về người, với niềm sung sướng và biết ơn. Thuở ấy, trên vòm trời là vầng dương trong sáng biết bao, một mặt trời không phải của Petersburg và trái tim bé nhỏ của
chúng tôi đã đập những nhịp vui tươi, náo động, Thuở ấy, quanh chúng tôi là những cánh đồng và những khu rừng, chứ không phải là những đống gạch đá vô hồn như bây giờ. Thuở Nikolai Sergueych còn làm quản lý, khu vườn và công viên ở Vaxiliepxcôiê mới huyền diệu làm sau. Trong khu vườn ấy, tôi và Natasha đã từng dạo chơi. Còn sau khu vườn là một cánh rừng lớn, ẩm ướt mà cả hai đứa bé chúng tôi đã có lần đi lạc... Cái thuở mới tuyệt vời quí báu như vàng! Cuộc sống ban đầu hiện ra thật bí ẩn và quyến rũ, và chúng tôi đã làm quen với nó biết bao ngọt ngào. Đối với chúng tôi thuở ấy, sau mỗi gốc cây, bụi lá, ngỡ như đều có ai đó bí mật và vô hình đang sống, thế giới thần tiên xen lẫn với đời thật. Đã có lần trong lũng sâu, sương chiều dày đặc, như những mớ tóc bạc trắng uốn lượn vươn trên bụi cây, mép đá bên khe lớn của chúng tôi, tôi và Natasha nắm tay nhau đứng trên bờ khe, tò mò sợ hãi nhìn xuống khoảng sâu và chờ đợi từ đâu đấy trong lớp sương mù dưới đáy khe có ai đó bước với chúng tôi để cho những câu chuyện cổ tích của nhũ mẫu liền hóa thành sự thật mười mươi. Có một lần, mãi sau này tôi mới tình cờ nhắc lại với Natasha chuyện dạo ấy một bận chúng tôi đã kiếm được cuốn “Truyện đọc cho thiếu nhi” và cả hai đã vội vã chạy đến bờ ao trong vườn, ngồi xuống chiếc ghế xanh thân thiết của chúng tôi dưới bóng cây phong già rợp bóng và vùi đầu vào đọc truyện “Anphônxơ và Đalinđa” – một câu chuyện thần thoại. Đến bây giờ tôi cũng không sao nhớ được câu chuyện ấy nếu không có cái cử chỉ nồng nàn đặc biệt, đến nỗi một năm sau, khi ôn lại với Natasha mấy dòng đầu tiên: “Anphônxơ, nhân vật của câu chuyện này sinh trưởng ở Bồ Đào Nha, còn Đôn Ramir, cha chàng” v.v... thì tôi đã suýt òa lên khóc. Cử chỉ ấy của tôi thật quá chừng ngu ngốc, và có lẽ thế mà trước mỗi xúc động của tôi, Natasha đã mỉm cười khó hiểu. Nhưng rồi ngay lập tức em sực tỉnh (tôi nhớ như vậy) và để an ủi tôi, chính em chủ động ôn lại câu chuyện cũ. Em nhắc lại từng câu, từng câu, và chính em cũng xúc động. Cả buổi tối hôm ấy mới thật ấm lòng; chúng tôi đã ôn lại với nhau tất cả: và đến khi tôi được gửi lên tỉnh lỵ để vào trường nội trú học tập thì em đã khóc như mưa như gió! Cuộc chia tay cuối cùng của chúng tôi cũng là cuộc chia tay vĩnh viễn của tôi với Vaxiliepxcôiê. Tôi hoàn thành việc học tập ở trường nội trú và lên Petersburg để vào trường đại học.
Lúc ấy tôi mười bảy còn em mười lăm. Natasha bảo rằng tôi cao ngồng và vụng về, rằng nhìn tôi thì không thể nhịn được cười. Trong phút chia tay, tôi dẫn em ra một góc để nói với em một điều cực kỳ quan trọng, nhưng lưỡi tôi bỗng nhiên cứng đờ, bất lực. Em biết là tôi đang rất hồi hộp. Có lẽ câu chuyện của chúng tôi rất rời rạc. Tôi không biết nói gì, còn em thì chắc là chẳng hiểu tôi định nói gì. Tôi chỉ biết khóc cay đắng và cứ thế ra đi mà chẳng nói được gì. Mãi sau này chúng tôi mới gặp lại nhau ở Petersburg. Đấy là vào hai năm trước đây, ông già Ikhmenev lên đây để lo một vụ kiện, còn tôi thì vừa mới chân ướt chân ráo bước vào làng văn.
Chương III
Nikolai Sergueych Ikhmenev xuất thân từ một gia đình khá giả nhưng từ lâu đã phá sản. Ông được bố mẹ để lại cho một gia sản kha khá với một trăm rưởi nông nô. Khoảng năm hai mươi tuổi, ông được lệnh nhập ngũ vào lính khinh kỵ. Mọi việc đều đâu vào đấy, nhưng đến năm thứ sáu của thời hạn phục vụ thì xảy đến cái buổi tối bất hạnh mà ông đã nướng hết sạch gia sản. Suốt một đêm ông không nhắm mắt. Đến tối hôm sau ông lại tới sòng bạc và đặt cọc con ngựa của mình, tài sản duy nhất mà ông còn trong tay. Ván ấy ông thắng, và tiếp đó là ván thứ hai, ván thứ ba, và sau nửa giờ ông đã gỡ lại được một trong những trang ấp của mình, làng Ikhmenevca với năm mươi nhân khẩu theo thống kê gần đây. Ông bỏ việc ngay ngày hôm sau và xin phục viên. Một trăm người trong làng đã chết bặt vô âm tín. Hai tháng sau ông được viên sĩ quan chỉ huy cho giải ngũ và trở về làng. Sau này, suốt đời ông không bao giờ nhắc tới cuộc thua bạc lần ấy và bất chấp lòng độ lượng vốn nổi tiếng của mình, chắc chắn ông sẽ nổi cáu với bất cứ ai định nhắc lại với ông về việc ấy. Ở làng, ông lao vào công việc làm ăn và năm ba mươi nhăm tuổi, ông cưới Anna Andreyevna Sumilôva, một cô quí tộc nghèo, hoàn toàn không có của hồi môn, nhưng lại được giáo dục trong trường nội trú của con em quí tộc trên tỉnh với một người đàn bà nước ngoài lưu vong tên là Môn Rôvesơ, nơi mà suốt đời Anna Andreyevna lấy làm hãnh diện, mặc dù chẳng bao giờ và chẳng ai biết được ở đó người ta dạy dỗ cái gì. Nikolai Sergueych làm một ông chủ thì tuyệt vời. Mấy vị địa chủ láng giềng vẫn đến ông để học làm ăn. Mấy năm sau bỗng có một vị điền chủ, công tước Piôt’rơ Alecxanđrôvits Valkovsky từ Petersburg về trang ấp bên cạnh cái làng Vaxiliepxcôiê gồm chín trăm nhân khẩu. Sự xuất hiện của ông ta đã gây một ấn tượng khá mạnh mẽ trong khắp vùng. Vị công tước này là một người còn trẻ, tuy không phải là chàng trai mới lớn, nhưng có phẩm hàm khá cao, những mối quan hệ đáng kể, đẹp trai, có của, và cuối cùng là góa vợ, một điềi đặc biệt hấp dẫn đối với các bà, các cô hàng huyện. Người ta kể về cuộc tiếp đón trọng vọng mà viên tỉnh trưởng, một người mà ông coi như người thân, đã tổ chức đón ông ở tỉnh lỵ, về viếc các bà trên tỉnh đã “điên đầu vì vẻ khả ái
của ông”, v.v... và v.v... Tóm lại, đó là một trong những đại diện rực rỡ của cái xã hội thượng lưu Petersburg đôi khi vẫn xuất hiện ở các tỉnh lẻ và mỗi lần xuất hiện đều gây chấn động dữ dội. Nhưng tuy vậy, ông công tước này cũng không phải loại người khả ái, đặc biệt là với những người mà ông ta không cần và cho là thấp kém hơn mình dù chỉ là chút xíu. Với những người láng giềng quanh trang ấp, ông ta chẳng thiết làm quen, nên liền rước ngay cho mình nhiều kẻ thù. Và vì thế mà thiên hạ đã trố mắt kinh ngạc khi đột nhiên ông ta nghĩ ra cái việc đến thăm Nikolai Sergueych. Quả thật Nikolai Sergueych là một trong những người hàng xóm gần gũi nhất của ông ta. Vị công tước đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong nhà Ikhmenev. Ông ta lập tức làm cho cả hai vợ chồng nhà này mê mẩn. Anna Andreyevna là người đặc biệt xúc động vì ông ta. Chẳng bao lâu ông ta đã hoàn toàn thoải mái ở nhà họ, ông ta ghé thăm hàng ngày, mời họ đến chơi nhà mình, pha trò, kể chuyện tiếu lâm, chơi cái đàn dương cầm tồng tộc của họ và hát. Cả nhà Ikhmenev đều phục lăn: Tại sao lại có thể gọi con người quí mến, đáng yêu nhất đời ấy là kiêu căng, ngạo mạn, là vị kỷ khô khan như các ông láng giềng đã đồng thanh kêu ca?
Cần hiểu rằng ông công tước quả thật thấy thích Nikolai Sergueych, một con người giản dị, thẳng thắn, vô tư và cao thượng. Vả lại, mọi sự cũng nhanh chóng rõ ràng. Ông công tước về Vaxiliepxcôiê là để sa thải viên quản lý của mình, một nhà nông học được phong tặng nhờ mái đầu bạc đáng trọng, nhờ cặp kính và cái mũi khoằm, nhưng với tất cả những nét ưu việt ấy, vẫn là một kẻ chuyên quyền không biết xấu hổ và không bị ai kềm chế, và trên hết là một kẻ hành hạ nông dân. Cuối cùng Ivan Carlôvits đã bị vạch trần và buộc tội, lão nổi giận huyên thuyên rất nhiều về sự trung thực của người Đức, nhưng dầu vậy vẫn bị sa thải, thậm chí còn với những lời không mấy đẹp đẽ. Ông công tước cần có một người quản lý và sự lựa chọn của ông đã rơi vào Nikolai Sergueych, ông chủ trại xuất sắc nhất và con người trung thực nhất, người mà chắc hẳn không ai có thể có một nghi ngờ nhỏ. Hình như ông công tước muốn Nikolai Sergueych tự thân đề nghị cho mình được làm quản lý, nhưng điều đó không xảy ra, và vào một buổi sáng tuyệt đẹp vị
công tước đã phải đích thân đưa ra yêu cầu dưới dạng một đề nghị nhún nhường và thân ái nhất.
Thoạt đầu Ikhmenev từ chối; nhưng một khoản thù lao khấm khá đã quyến rũ được Anna Andreyevna, thêm nữa vẻ khả ái tuyệt vời của khách đã xua tan hết những băn khoăn cuối cùng. Ông công tước đạt được mục đích. Phải công nhận ông ta rất hiểu người. Trong thời gian quan biết ngắn ngủi với Ikhmenev bằng tình cảm thân thiết, bạn bè, cần phải chinh phục được chính trái tim ông chứ thiếu điều này thì tiền bạc cũng không mất giá trị. Ông ta cần chính một người quản lý như vậy, một người để ông có thể mãi mãi và tuyệt đối tin cậy, để đúng như ông mong muốn là ông sẽ chẳng bao giờ phải ghé về Vaxiliepxcôiê nữa. Ấn tượng tốt đẹp mà ông gợi trong lòng Ikhmenev mạnh đến nỗi khiến ông này liền hết lòng tin tưởng ở tình bạn của ông công tước. Nikolai Sergueych thuộc số những con người từ tâm, và mơ mộng đến hồn nhiên rất đáng quí ở đất nước Nga của chúng ta. Nhiều kẻ, như người ta nói, nếu có yêu ai (có trời biết do đâu) thì sẽ hiến dâng hết cả tâm hồn mình, với một lòng mến mộ đôi lúc đến mức khôi hài.
Nhiều năm đã trôi qua, trang ấp của công tước trở nên phồn thịnh. Mối quan hệ giữa chủ nhân của Vaxiliepxcôiê với người quản lý tuyệt không có một trục trặc nhỏ nào từ cả hai phía và được bó gọn trong những thư từ công việc khô khan. Ông công tước không hề can thiệp chút nào vào sự điều hành công việc của Nikolai Sergueych, mà chỉ thỉnh thoảng đưa ra một vài lơi khuyên khiến cho Ikhmenev phải kinh ngạc vì sự am tường công việc và đầu óc thực tế của ông. Rõ ràng ông không chỉ không ưa chi phí vô ích mà còn biết vun vén gây dựng. Năm năm sau lần viếng thăm Vaxiliepxcôiê, ông công tước gửi thư ủy nhiệm cho Nikolai Sergueych mua một cái điền trang khác hết sức tuyệt vời cũng ở trong tỉnh gồm bốn trăm nhân khẩu. Nikolai Ikhmenev rất hoan hỉ, ông đón nhận với tất cả tấm lòng những thành công, những tiếng đồn ca ngợi và mọi bước tấn tới của ông công tước như thể của người anh em ruột thịt. Và sự cảm động của ông đã lên đến tột đỉnh vào một dịp mà ông công tước đã chân thành bày tỏ với ông lòng tin tuyệt đối của mình. Chuyện ấy thế này... Song le, đến đây tôi thấy cần phải đề cập đến
một vài chi tiết đặc biệt trong cuộc đời của công tước Valkovsky, đôi nét về một trong những nhân vật chính của câu chuyện này.
Chương IV
Trước đây tôi đã kể rằng ông công tước vốn là người góa vợ. Ông cưới vợ từ lúc mới lớn và đó là cuộc hôn nhân vì tiền. Ông không hề nhận được một xu nào của cha mẹ ông vốn đang sống ở Maxcơva và đã hoàn toàn khánh kiệt. Điền trang Vaxiliepxcôiê cũng đã cầm đi cầm lại. Ông nợ nần như chúa chổm. Chàng công tước hăm hai tuổi lúc ấy đang cần tìm một việc làm ở một văn phòng nào đó nhưng trong túi không còn một xu, và ông bước vào đời như một anh chàng “con dòng cháu dõi mà chân trắng”. Cuộc hôn nhân với cô con gái quá lứa của một nhà buôn kiêm chủ thuế vụ đã cứu thoát ông. Tất nhiên là ông chủ thuế vụ đã đánh lừa ông về món hồi môn, nhưng dầu sao với món tiền riêng của vợ, ông cũng có thể chuộc lại được một cái điền trang thừa tự và trụ lại được. Cô con gái nhà buôn được se duyên với chàng công tước vốn là một người chưa đọc thông viết sõi, xấu gái, và chỉ có mỗi một cái đức quan trọng: tốt bụng và cam phận. Chàng công tước đã tận dụng triệt để những đức tính tốt ấy: chỉ một năm sau ngày cưới, ông ta đã bỏ mặc vợ cho ông bố nhà buôn kiêm chủ thuế vụ ở Maxcơva, người vợ mà trong thời gian ấy đã sinh cho ông một đứa con trai, còn chính ông thì về làm việc ở một tỉnh nọ, nơi mà nhờ sự giúp đỡ của một người thân có tai mắt ở Petersburg, ông đã xoay được một chỗ khá danh giá. Là người thích nổi bật, hám công danh, địa vị, ông cho rằng với người vợ ấy ông không thể sống được cả ở Petersburg lẫn Maxcơva, nên trong lúc chờ đợi một dịp tốt hơn, ông quyết định bắt đần con đường công danh của mình từ một tỉnh lẻ. Người ta nói rằng, ngay trong năm đầu tiên chung sống, ông đã hành hạ vợ đến suýt chết vì cách đối xử thô bạo. Những lời đồn đại này luôn luôn khiến Nikolai Sergueych căm phẫn và ông hăng hái đứng về phía ông công tước và khăng khăng cho rằng ông công tước không thể xử sự thiếu cao thượng. Nhưng rốt cuộc, bảy năm sau, khi bà công tước qua đời thì ông chồng góa liền chuyển ngày về Petersburg. Ở Petersburg ông đã gây được ít nhiều ấn tượng. Trẻ trung, đẹp trai, có của, với nhiều năng lực bẩm sinh xuất sắc, với một đầu óc sắc sảo, một khẩu vị tinh tế và vẻ tươi vui bất tận, ông xuất hiện không phải nhừ một người đi tìm kiếm hạnh phúc và sự che chở mà là một
người khá tự lập. Người ta kể rằng quả thật trông ông có một cái gì đó duyên dáng, hấp dẫn, một cái gì đó mạnh mẽ. Ông được phụ nữ hết sức ưa chuộng và mối quan hệ với một trong những hoa khôi của giới thượng lưu đã mang lại cho ông danh tiếng. Ông vung tiền không tiếc tay, bất chấp cả thói quen bẩm sinh của một người căn cơ đến mức bủn xỉn, dù thua bạc đến đâu ông cũng không cau có, kể ca những ván thua rất lớn. Nhưng ông không phải đến Petersburg để chơi bời: ông phải tiếp bước đến cùng trên con đường của mình để củng cố danh vọng. Ông đã đạt được điều đó. Bá tước Nainxki, một người bà con có thế lực hẳn là chẳng nhòm ngó đến nếu ông chỉ là một kẻ cầu cạnh bình thường, nhưng trước những thành đạt của ông trong xã hội, đã dành cho ông một sự quan tâm đặc biệt, đến mức cho đón cậu con trai lên bảy tuổi của ông về nhà mình giáo dưỡng. Chính đấy là thời gian có cuộc viếng thăm của ông công tước về Vaxiliepxcôiê và việc làm quen với gia đình Ikhnênhep. Cuối cùng, nhờ giúp đỡ của ngài bá tước, ông đã tìm được một chỗ làm xứng đáng ở một tòa đại sứ quan trọng nhất và lên đường ra nước ngoài. Sau đó vẫn còn những tiếng đồn mơ hồ về ông: người ta kháo về một vụ bê bối nào đó xảy đến với ông ở nước ngoài, nhưng không ai giải thích được đó là việc gì. Chỉ hiển nhiên là ông đã kịp mua thêm được một điền trang bốn trăm nhân khẩu mà tôi đã nhắc tới ở trên. Nhiều năm sau ông mới từ ngoại quốc trở về với một cấp bậc cao sang và liền nhận được một chức vụ quan trọng. Ở điền trang Ikhmenevca có tin đồn là ông đã đi bước nữa, cầu hôn với một gia đình thế lực, giàu có và danh giá. “Để xem các ông to bà lớn nào!” – Nikolai Sergueych xoa tay hoan hỉ nói. Dạo ấy tôi sống ở Petersburg trong trường đại học và tôi còn nhớ là Ikhmenev có viết thư bảo tôi thăm dò xem tiếng đồn về cuộc hôn nhân ấy có thật không? Ông còn viết thư cho ông công tước đề nghị ông giúp đỡ cho tôi, nhưng ông công tước không trả lời. Tôi chỉ biết cậu con trai của ông ta, thoạt đầu được giáo dưỡng trong nhà ngài bá tước, sau đó vào trường lyxê và năm mười chín tuổi thì tốt nghiệp một khóa về khoa học. Tôi đã viết cho Ikhmenev về những điều ấy, cũng như về việc ông công tước rất yêu cậu con trai, rất cưng chìu và ngay bây giờ đã lo toan cho tương lai của cậu ta. Tôi biết tất cả những điều ấy là qua đám bạn bè sinh viên vốn quen biết
với cậu tiểu công tước. Thời gian này, vào một buổi sáng tuyệt đẹp, Nikolai Sergueych nhận được của ông công tước một bức thư khiến ông vô cùng sửng sốt...
Như được đã kể, từ trước đến nay, ông công tước chỉ giữ mối liên hệ với Nikolai Sergueych bằng những bức thư trao đổi công việc khô khan, thì lần này ông ta bỗng gửi cho ông một bức thư thân thiết, cởi mở và rất tỉ mỉ về hoàn cảnh gia đình của mình: ông ta phàn nàn về cậu con trai, rằng cậu ta đã khiến ông buồn phiền vì hạnh kiểm xấu, cố nhiên ở lứa tuổi nghịch ngợm của trẻ thì cũng không thể đòi hỏi quá nghiêm khắc (hiển nhiên là ông ta cố bào chữa cho con) nhưng ông đã quyết định phải phạt cậu ta, phải làm cho cậu sợ, tức là gửi cậu ta về nhà quê một thời gian, dưới sự coi sóc của Ikhmenev. Ông viết rằng ông hoàn toàn trông cậy vào “lòng độ lượng cao cả của Nikolai Sergueych và đặc biệt là Anna Andreyevna”, ông cầu mong hai người nhận cậu con đoảng vị của ông vào gia đình họ, dạy cho nó đầu óc khôn ngoan trong cuộc sống tự lập, yêu mến nó, nếu được, và cái chính là sửa cho nó cái tính nông nổi, nhẹ dạ, đồng thời “giáo huấn cho cháu những phép tắc nghiêm khắc và cần kíp, ý nghĩa thiết yếu của cuộc đời”. Tất nhiên ông già Ikhmenev rất cảm động để nhận lấy trách nhiệm. Và thế là cậu công tước trẻ tuổi xuất hiện. Mọi người đón cậu như đứa con ruột thịt. Chẳng mấy chốc Nikolai Sergueych đã hết lòng yêu mến cậu ta, chẳng kém gì Natasha; thậm chí mãi sau này, khi giữa gia đình Ikhmenev và ông công tước đã hoàn toàn tuyệt giao, thỉnh thoảng ông già Ikhmenev vẫn vui vẻ nhắc đến Aliôsa của mình – như cách ông quen gọi tiểu công tước Alexey Pêtrôvita. Quả thật đấy là một chú bé hết sức đáng yêu: đẹp trai, yếu ớt và dễ xúc động như con gái, tính tình vui vẻ hồn nhiên, với một tâm hồn luôn rộng mở và nhạy bén với những cảm giác tinh tế nhất, với một trái tim yêu thương chân thật và giàu lòng biết ơn – Cậu trở thành thần tượng trong gia đình Ikhmenev. Mặc dù đã mười chín tuổi, cậu vẫn hoàn toàn là một đứa trẻ. Thật khó mà tưởng tượng vì sao cha cậu, một người rất yêu con lại có thể gửi cậu ta đi như vậy được? Người ta đồn rằng ở Petersburg cậu ta bé sống phóng dật và hoang tàng, không chịu làm việc khiến ông bố buồn phiền. Nikolai Sergueych
không hỏi han gì Aliôsa, vì công tước Piôt’rơ Alecxanđrôvits, trong bức thư của mình rõ ràng đã tránh không nói đến nguyên nhân thật sự của việc gửi con đi. Tuy nhiên, đã có nhiều lời đồn đại về thói phóng đãng quá quắt của Aliôsa, về việc quan hệ với một bà nào đó, về những lời thách thức đấu súng, và về những cuộc thua bạc quá mức tưởng tượng, đến nỗi phải tiêu lạm sang tiền của người khác. Lại có dư luận rằng ông công tước đã quyết định đẩy con đi xa hoàn toàn không phải vì nó có lỗi mà vì những tính toán vị kỷ, đặc biệt. Nikolai Sergueych phủ nhận tất cả những lời đồn đại ấy một cách phẫn nộ, bởi vì Aliôsa hết lòng yêu bố, người mà cậu ta không được gần gũi trong suốt tuổi thơ và thời niên thiếu, cậu ta nói về bố với tất cả xúc động và yêu mến, rõ ràng cậu ta hoàn toàn chịu ảnh hưởng của bố. Aliôsa thỉnh thoảng cũng kể về một bà bá tước nào đó mà cả cậu ta lẫn bố cậu ta đều tán tỉnh và rốt cuộc cậu đã thắng và vì vậy mà ông bố đã nổi cơn lôi đình với cậu ta. Cậu vẫn kể câu chuyện ấy với một sự khoái chí hồn nhiên rất trẻ con và cười sằng sặc vui vẻ, nhưng ngay lập tức bị Nikolai Sergueych ngăn lại. Aliôsa cũng xác nhận tin đồn rằng ông bố cũng đang muốn lấy vợ.
Cậu ta đã sống gần một năm trong cảnh lưu đày và vào những thời hạn đã định sẵn, cậu ta lại viết cho bố bức thư kính cẩn và thông minh, và cuối cùng, khi đã quen với cuộc sống ở Vaxiliepxcôiê và nhân dịp hè ông công tước đích thân về thăm làng (ông đã báo trước việc này với gia đình Ikhmenev) thì chính anh chàng bị lưu đày đã quyết định xin bố cho phép cậu ta ở lại Vaxiliepxcôiê càng lâu càng tốt vì cậu ta tin răng cuộc sống làng quê là ý nghĩa chân chính của đời cậu ta. Mọi quyết định và ý thích của Aliôsa đều xuất phát từ tính đa cảm quá mức và do thần kinh suy yếu, từ một trái tim nồng nhiệt, sự nông nổi nhiều khi dẫn đến thiếu suy nghĩ, từ nhạy cảm đặc biệt trước ảnh hưởng của mọi thứ bên ngoài và còn từ sự thiếu ý chí tuyệt đối. Song le ông công tước đã lắng nghe lời cầu xin của con với một vẻ nghi ngờ... Nói chung Nikolai Sergueych rất khó hiểu về người “bạn” cũ: công tước Piôt’rơ Alecxanđrôvits đã thay đổi quá nhiều. Bỗng nhiên ông ta tỏ ra hoạnh họe Nikolai Sergueych đủ điều; trong việc tính toán kiểm lại tài sản ông ta đã để lộ một lòng tham lam bẩn thỉu, tính bủn xỉn và một thái độ nghi ngờ khó hiểu. Tất
cả điều này đã dày vò ông già Ikhmenev tốt bụng một cách ghê gớm; cố gắng mãi mà ông vẫn không còn tin được ở chính mình. Mọi việc lần này đều ngược lại với lầu đầu ông công tước về Vaxiliepxcôiê, cách đây mười bốn năm về trước, lần này ông tới thăm làm quen với tất cả láng giềng, tất nhiên là những người quan trọng nhất, còn với chính Nikolai Sergueych thì ông không hề ghé thăm và ông xử sự như với kẻ thuộc hạ. Và bỗng chốc xảy ra một sự kiện khó hiểu: không có một lý do rõ ràng nào, nhưng liền sau đó là sự tuyệt giao quyết liệt giữa ông công tước và Nikolai Sergueych. Người ta nghe thấy những lời giận dữ nảy lửa từ cả hai phía. Ikhmenev phẫn nộ bỏ đi khỏi Vaxiliepxcôiê, nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đấy. Khắp vùng bỗng loang ra một lời đơm đặt bỉ ổi. Người ta quả quyết rằng Nikolai Sergueych, nắm được tính nết của chàng công tước trẻ tuổi, nên nảy ra ý đồ lợi dụng những sự dại dột của cậu ta ta để mưu lợi cho mình, rằng cô con gái của ông, Natasha (lúc bấy giờ đã mười bảy tuổi) có thể đã quyến rũ được cậu chàng hai mươi tuổi, rằng bố mẹ cô ta tìm cách vun đắp cho tình yêu ấy, mặc dù ngoài mặt làm như không nhận thấy gì, rằng con bé Natasha ranh ma và “mất nết” rốt cuộc, bằng những cố gắng của nó đã mê hoặc được chàng trai, khiến anh ta suốt một năm liền chẳng còn ngó ngàng gì đến một cô gái cao quí đoan trang và xuân xanh đang độ vốn chẳng thiếu trong những nhà láng giềng giàu có đáng kính. Có kẻ còn quả quyết rằng, cuối cùng, đôi nhân tình đã hẹn ước làm hôn lễ ở làng Grigôriep, cách Vaxiliepxcôiê năm mươi vecxta, tuy hiển nhiên là giấu giếm bố mẹ Natasha, nhưng họ đều biết rất rõ đến từng chi tiết và chỉ đạo cho con gái bằng những lời mách nước nhơ bẩn. Tóm lại, có chép một cuốn sách cũng không ghi hết tất cả những điều mà những kẻ ngồi lê đôi mách tục tĩu ở nhà quê đã kịp thêu dệt nên để gây ra chuyện này. Nhưng ngạc nhiên nhất là ông công tước lại đi tin hoàn toàn vào những điều đơm đặt ấy và đã về Vaxiliepxcôiê chỉ vì lý do này sau khi nhận được một bức thư nặc danh tố cáo của một kẻ nào đó từ tỉnh gửi lên Petersburg cho ông. Tất nhiên, tất cả những ai đã biết chút ít về Nikolai Sergueych đều không thể tin vào bất cứ lời vu cáo nào buộc tội ông. Ấy thế mà, như thói đời vẫn vậy, mọi người cứ chạy lăng xăng, to nhỏ, rào trước đón sau, mọi người cứ lắc đầu quầy quậy và... những lời lên án vẫn chỉ
một phía, chẳng ai biện minh. Ikhmenev hết sức kiêu hãnh để bảo vệ danh giá cho con gái trước những bọn đặt điều, và ông cấm ngặt không cho Anna Andreyevna được có bất cứ một lời thanh minh nào với những người láng giềng. Ngay cả Natasha, người đến suốt một năm sau vẫn còn bị vu oan giá họa, vẫn hầu như không biết tới một lời đơm đặt và lăng mạ nào: mọi người đã thận trọng giấu kín em về mọi chuyện ấy, và em vẫn cứ vui tươi và trong trắng như một đứa trẻ mười hai tuổi.
Trong thời gian ấy, việc bất hòa vẫn ngày càng tiến triển. Những kẻ thọc gậy bánh xe vẫn chưa thôi. Những kẻ bôi bác và mách lẻo vẫn xuất hiện, và rốt cuộc là ông công tước đã tin rằng công việc quản lý suốt những năm dài của Nikolai Sergueych hoàn toàn chẳng trung thực gì. Một vài dẫn chứng: Bọn họ cho rằng ba năm trước, khi bán một khu rừng, Nikolai đã giấu giếm đút túi mười hai ngàn đồng bạc và đó có thể là tiêu biểu cho những chứng cớ chắc chắn và hiển nhiên nhất trước pháp luật, hơn nữa, trong việc bán cánh rừng này, ông không có một giấy tờ ủy nhiệm hợp pháp nào của ông công tước mà chỉ hành động theo ý riêng của mình, sau đó mới thuyết phục ông công tước về sự cần thiết phải bán và nộp lên một khoản tiền ít hơn rất nhiều với số thực thụ. Tất nhiên toàn bộ chỉ là những lời vu cáo cũng như mọi chuyện khác, có điều ông công tước lại tin tất cả và trước những người làm chứng đã gọi Nikolai Sergueych là thằng ăn cắp. Ikhmenev không chịu nổi và đã đáp lại bằng những lời thóa mạ không kém; một màn kịch khủng khiếp đã diễn ra. Vụ án lập tức bắt đầu. Vì thiếu một số giấy tờ, và cái chính không có người che chở, không có kinh nghiệm xử lý trong những công việc như thế này, nên Nikolai Sergueych liền thua kiện. Điền trang của ông bị đình chỉ sử dụng. Ông già nổi giận, bỏ mặc tất cả, và cuối cùng quyết định chuyển lên Petersburg để tự lo lấy công việc, còn mọi việc ở tỉnh ông giao phó lại cho một người giàu kinh nghiệm. Hình như ông công tước đã mau chóng hiểu ra rằng ông sỉ nhục Ikhmenev là vô ích. Nhưng lời qua tiếng lại của đôi bên đã cạn tàu ráo máng đến mức không còn có thể dàn hòa được nữa và với tất cả sự tức giận, ông công tước đã dùng toàn bộ áp lực để xoay
chuyển công việc sao cho có lợi cho mình, tức là về thực chất, cướp đi của người quản lý cũ của mình mẩu bánh mì cuối cùng.
Chương V
Và thế là gia đình Ikhmenev chuyển lên Petersburg. Tôi sẽ không kể lại ở đây cuộc gặp gỡ của tôi với Natasha sau bấy nhiêu năm xa cách. Suốt bốn năm ấy tôi không bao giờ quên em. Tất nhiên, chính tôi cũng không hiểu hết được tình cảm của mình mỗi lần tôi nhớ đến em, nhưng khi chúng tôi gặp lại nhau, tôi lập tức cảm thấy rằng số phận đã gắn bó tôi với em. Thoạt tiên trong những ngày đầu mới tới, tôi cảm thấy hình như suốt bấy nhiêu năm em rất chậm lớn, hầu như em không thay đổi gì và vẫn chỉ là cô bé con y như thuở chúng tôi chưa chia tay nhau. Nhưng tiếp đó, cứ mỗi ngày tôi lại phát hiện thấy một nét gì mới mẻ ở trong em mà trước nay tôi hoàn toàn chưa quen biết, dường như trước nay vẫn ẩn kín trước mắt tôi như thể em đã cố ý giấu giếm tôi – và phát hiện đó thật thú vị biết bao! Từ ngày chuyển lên Petersburg, suốt thời gian đầu ông già luôn bực bội và cáu bẳn. Công việc của ông diễn biến không ra gì. Ông giận dữ đến mất trí, vùi đầu vào các thứ giấy tờ sự vụ và chẳng ngó ngàng gì đến chúng tôi. Còn Anna Andreyevna thì đi ra đi vào như người chán đời và chịu không thể hình dung được mọi sự từ đầu ra sao. Petersburg làm bà sợ hãi. Bà thở dài sườn sượt, lo sợ, khóc lóc, nhớ tiếc cuộc sống trước đây và cái làng Ikhmenevca, rồi còn Natasha đã đến tuổi mà chưa có ai để mà nghĩ tới nó, và bà thoạt dành cho tôi những sự cởi mở khác thường, vì thiếu thốn những người thân thiết để tâm sự hơn là vì lòng tin cậy chân thành.
Cũng trong thời gian đó, không lâu trước ngày họ tới, tôi vừa viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, chính là cuốn tiểu thuyết đã mở đầu cho sự nghiệp văn chương của tôi, và như một chú lính mới, tôi chẳng biết nhét nó vào đâu. Trong gia đình Ikhmenev tôi không nói gì về chuyện ấy; mọi người đã suýt xích mích với tôi vì cho rằng tôi sống lêu lổng, tức là không chịu đi làm việc và không chạy vạy kiếm lấy một chỗ đứng. Ông già thì quở trách tôi một cách cay đắng và thậm chí giận dữ, tất nhiên vẫn với thân tình ruột thịt mà ông dành cho tôi. Tôi rất ngượng nếu phải nói cho gia đình là tôi đang làm gì. Sự thật thì làm thế nào mà lại dám nói thẳng rằng tôi không muốn ra làm việc mà chỉ muốn ngồi viết tiểu thuyết, vì vậy nên tới lúc này tôi vẫn nói dối mọi người rằng người ta chưa bố trí
công việc cho tôi và tôi đang chạy vạy hết hơi. Đã có lúc ông cụ tin lời tôi. Tôi còn nhớ, có một bận Natasha nghe lỏm được câu chuyện của chúng tôi, đã bí mật dẫn tôi vào một góc, vừa khóc vừa cầu khẩn tôi nên lo đến số phận của mình, cô nằng nặc gạn hỏi tôi: sự thật thì tôi đang làm gì, và khi trước mặt cô tôi không tiết lộ gì thêm thì cô cũng đã tin ở lời thề của tôi, rằng tôi không bao giờ hoang phí đời mình, tôi không phải là một thằng lười và lêu lổng. Thật ra, tuy không thú nhận với cô việc tôi đang làm, nhưng tôi nhớ rằng vì một lời khích lệ của cô về công việc của tôi, mà tôi đã phun ra hết những lời tán dương nhất của các nhà phê bình và đánh giá đã nói về mình mà sau đó tôi nghe được. Và thế là, rốt cuộc, cuốn tiểu thuyết của tôi đã chào đời. Khá lâu trước khi nó xuất hiện, đã có tiếng xôn xao, ồn ào trong giới văn học. Ông B. đã mừng rỡ như một đứa trẻ khi đọc bản thảo của tôi. Không! Nếu có một lúc nào đó tôi cảm thấy hạnh phúc thì đó chính là vào những phút vui sướng đầu tiên của thành công khi tôi còn chưa đọc hoặc trao bản thảo cho một ai; trong những đêm dài tôi sống với những hi vọng và ước mơ say đắm, với tình yêu mãnh liệt công việc lao động sáng tạo, sống với thế giới tưởng tượng của mình, những con người mà tôi đã tạo nên như sống với những con người thân thiết có thật trong cuộc đời, tôi đã yêu mến, đã vui buồn cùng với chúng, thậm chí đã có lúc tôi đã khóc những giọt nước mắt chân thành nhất với lũ nhân vật còn thô kệch của mình. Và tôi cũng không thể nói hết hai ông bà đã vui sướng thế nào trước những thành công của tôi, mặc dù thoạt đầu cả hai đã ngạc nhiên hết sức: việc ấy đối với họ còn quá lạ lẫm! Chẳng hạn Anna Andreyevna không thể nào chỉ tin rằng cái tôi nhà văn mới được mọi người ca ngợi kia lại chính là Vanya, người mà v.v... và v.v... và bà cứ lắc đầu quầy quậy. Còn ông già thì mãi vẫn không nhượng bộ, thậm chí thoạt đầu mới nghe những tin đồn, ông cụ còn hoảng sợ, và bắt đầu đay nghiến về bước đường công danh mà tôi đã bỏ mất, về thói hư tật xấu của tất cả cái đám văn chương nghệ sĩ nói chung. Nhưng những tiếng đồn mới vẫn không dứt, những lời tuyên bố trên các báo chí, và cuối cùng, một vài lời khen ngợi về tôi mà các cụ nghe được từ các nhân vật mà họ tin phục buộc họ phải thay đổi quan niệm về công việc của tôi. Kịp đến khi ông cụ tận mắt nhìn thấy tôi bỗng nhiên xủng xỉnh tiền bạc và biết là có thể kiếm
chác như thế nào bằng lao động văn học thì mọi nghi ngờ cuối cùng của ông liền tan biến. Chuyển rất nhanh từ nghi ngờ sang hoàn toàn tin tưởng và khoái trá, vui mừng như một đứa trẻ trước hạnh phúc của tôi, ông cụ bỗng đắm mình vào những mộng ước say sưa nhất, những hi vọng viển vông nhất về tương lai của tôi. Mỗi ngày ông lại phác họa thêm cho tôi những tiền đồ và dự án mới, và thật là chẳng thiếu một thứ gì trong những dự án ấy! Ông cụ bắt đầu bày tỏ một sự kính trọng đặc biệt chưa từng có đối với tôi. Mặc dù vậy, tôi nhớ rằng thỉnh thoảng giữa những cơn mơ mộng say sưa nhất, đột nhiên sự nghi ngờ lại đè nặng lên ông cụ và lại khiền ông quẫn trí.
“Nhà văn, nhà thơ ư! Kỳ cục làm sao... Bao giờ thì các nhà thơ bước vào xã hội, có cấp bậc phẩm hàm? Với dân chúng thì cả cái đám văn chương nửa mùa đều bấp bênh lắm!”
Tôi nhận thấy rằng những nghi ngờ tương tự và tất cả những nghi vấn băn khăn thường hay đến với ông vào những buổi hoàng hôn (với tôi tất cả những chi tiết và cái thời gian huy hoàng ấy đều trở thành kỷ niệm!) Vào lúc hoàng hôn xuống, ông cụ thường trở nên hết sức dễ xúc động, nhạy cảm và tư lự. Tôi còn nhớ, có lần để an ủi ông cụ, tôi đã kể giai thoại về tướng quân Xumarôcôp, về việc người ta đã gửi tặng Đergiavin chiếc hộp thuốc là với những đồng tiền vàng, việc hoàng hậu đã tới thăm Lômônôxốp, tôi còn kể cả về Puskin và Gôgôl.
– Bác biết, bác biết tất cả, người anh em ạ – ông cụ cãi lại, mặc dù tất cả những chuyện ấy có lẽ ông mới nghe lần đầu tiên. Hừm! Nghe đây, Vanya, dù thì bác cũng rất vui vì mớ tác phẩm của cháu không phải là thơ. Thơ phú là trò nhảm nhí, người anh em ạ, cháu đừng có cãi, hãy tin lời lão già này, Bác chỉ mong mọi sự tốt lành cho cháu, đúng là một trò nhảm nhí hoàn toàn, một trò vớ vẩn để giết thời gian! Chỉ có cái đám học trò trung học mới làm thơ, thơ sẽ dẫn bọn trẻ các cháu đến nhà thương điên. Cứ cho rằng Puskin là vĩ đại đi, nhưng ích gì! Vẫn chỉ là những thứ vần vè không hơn không kém, những thứ phù du huyễn hoặc. Tất nhiên bác chỉ đọc ông ta ít thôi... Còn văn xuôi, ấy là một việc khác! Ở đấy thậm chí người viết có thể giáo huấn – hoặc giả có thể đề cập đến lòng yêu nước và nói chung là về phẩm chất đạo đức... Đúng thế! Còn bác,
người anh em ạ, bác chỉ có điều không biết cách diễn đạt mà thôi, nhưng rồi cháu sẽ hiểu bác, bác chỉ vì yêu thương mà nói. Nào, bây giờ thì hãy đọc đi! – ông cụ dừng lời, với vẻ mặt bao dung che chở, khi rốt cuộc, tôi đã mang cuốn sách đến, và sau khi dùng trà, tất cả chúng tôi ngồi quây quân quanh chiếc bàn tròn – Nào, đọc đi, xem cậu đã bôi bác những gì trong đó nào, người ta làm rùm beng về cậu lắm đấy! Để xem, để xem!
Tôi mở sách ra và chuẩn bị đọc. Tối hôm ấy, cuốn tiểu thuyết của tôi chỉ vừa mới in xong, và cuối cùng tôi đã kiếm được một bản, liền chạy tới gia đình Ikhmenev để đọc tác phẩm của mình.
Tôi rất buồn và giận vì đã không thể đọc nó cho mọi người nghe sớm hơn, từ khi còn là bản thảo và nằm trong tay nhà xuất bản! Natasha còn phát khóc lên vì tức tối, cô giận tôi, trách tôi đã để người khác đọc cuốn tiểu thuyết của tôi trước cô... Nhưng thế là cuối cùng chúng tôi cũng ngồi quanh bàn. Ông cụ cố tạo ra một bộ mặt khác thường nghiêm nghị, và ra vẻ nhận xét phê phán. Ông muốn đánh giá một cách nghiêm khắc, rất nghiêm khắc “tự mình phán xét lấy”. Bà cụ cũng nhìn một cách trang trọng khác thường, chỉ thiếu điều là bà chưa đội thêm cái mũ trùm mới để ngồi nghe đọc. Từ lâu, bà đã nhận thấy rằng tôi vẫn nhìn cô bé Natasha vô giá của bà bằng đôi mắt rực lửa tình yêu, rằng mỗi khi ngồi bên cô tôi dường như nghẹt thở và đôi mắt trở nên sâu thẳm và chính Natasha cũng bắt đầu mhìn tôi như có cái gì trong trẻo hơn trước. Phải, rốt cuộc thì cái thời ấy đã tới, đã tới trong chính những giâu phút thành đạt, những hi vọng say sưa và hạnh phúc trọn vẹn nhất, tất cả đã cùng lúc ập tới. Bà cũng nhận thấy ở ông cụ đã bắt đầu có cái gì đó khen ngợi tôi quá mức, nhìn tôi và cô con gái với ánh mắt là lạ. Đột nhiên bà sợ hãi: tôi rõ ràng chẳng phải là bá tước, công tước, cũng không là hoàng thân quốc thích hoặc chí ít là một chàng cố vấn pháp luật bậc một, trẻ trung, đẹp mã, huân chương đeo đầy ngực! Anna Andreyevna không thích những mơ ước nửa vời.
“Thiên hạ ca ngợi nó – bà nghĩ về tôi – mà do đâu thì chẳng rõ. Nhà văn, nhà thơ... Thật ra nhà văn thì là cái thá gì nhỉ?”
Chương VI
Tôi đã đọc liền một mạch cho mọi người nghe cuốn tiểu thuyết của mình. Chúng tôi bắt đầu ngay từ sau bữa trà và ngồi đến tận hai giờ sáng. Thoạt đầu ông già có vẻ khó chịu, Ông đã chờ đợi một cái gì đó hết sức cao siêu, một cái gì có lẽ chính ông cũng không hiểu nổi, nhưng nhất thiết phải cao siêu, thế mà thay vào đó bỗng nhiên lại chỉ toàn những chuyện thường ngày, những chuyện ai cũng biết mười mươi y hệt như chúng vẫn thường diễn ra xung quanh. Giá như là những con người lớn lao hoặc tài trí, những nhân vật trong sử sách loại như Rôslaplêva hoặc Iuri Milôxlapxki9thì hay, còn đây thì chỉ là một anh công chức bé nhỏ, nhu nhược, thậm chí ngu đần, cúc áo đuôi tôm rơi tả tơi, tất cả những điều ấy được diễn đạt bằng một giọng văn giản dị, chẳng đưa đẩy thắt buộc như cách ta vẫn nói... Thật quái lạ! Bà cụ chăm chăm nhìn Nikolai Sergueych dò hỏi, mặt mũi hơi vênh lên như đang bực tức điều gì: “Thôi đủ rồi, đúng là đồ nhảm nhí mà cũng in ấn với ngồi nghe, mà lại còn trả tiền cho nó nữa chứ” – gương mặt bà như muốn nói vậy. Natasha rất chú ý và lắng nghe một cách khao khát, không rời mắt khỏi tôi và cứ nhìn chăm chăm vào môi tôi, ngỡ như cứ mỗi lần tôi phát ra một âm thì chính cặp môi bé nhỏ của cô cũng động đậy theo. Và cái gì kia? Trước khi tôi đọc hết nửa quyển, tất cả người nghe mắt ai cũng đẫm lệ. Anna Andreyevna khóc thật sự bằng tất cả tâm hồn thương xót cho nhân vật của tôi và hồn nhiên tột bậc khi mong muốn giúp đỡ được gì cho hắn ta trong cơn bất hạnh, điều này tôi hiểu được qua tiếng kêu của bà. Ông già cũng đã vứt bỏ mơ tưởng về những gi cao siêu: “Ngay từ đầu đã thấy rõ rằng còn lâu mới đạt được hoàn mỹ, nhưng câu chuyện nhỏ giản dị nhì nhằng thế thôi mà chinh phục được lòng người – ông nói – bởi vì nó khiến mọi điều xảy ra quanh ta bỗng trở nên dễ hiểu và đáng nhớ, vì nó cho ta hay cái con người thấp hèn, nhu nhược nhất thì cũng là một con người và có thể gọi là người anh em thân thiết của tôi!”. Natasha vừa nghe vừa khóc và lén lút siết chặt lấy tay tôi ở dưới gầm bàn. Buổi đọc kết thúc. Cô đứng dây, má nóng bừng, giọt lệ long lanh trong khóe mắt, đột nhiên cô nắm tay tôi, ghé môi hôn, đoạn bỏ chạy ra khỏi phòng. Ông bố và bà mẹ đưa mắt nhìn nhau.
– Hừm! Con bé xúc động quá đấy mà – ông già thốt lên, ngạc nhiên trước cử chỉ của con gái – Không sao, thậm chí tốt, rất tốt, giây phút cao thược! Nó là một con bé tốt bụng... – ông thoáng nhìn vợ, lẩm bẩm như muốn bào chữa cho Natasha và nhân đấy, có thể cũng là để bào chữa cả cho tôi.
Nhưng Anna Andreyevna, mặc dù lúc nghe đọc đã tỏ ra hồi hộp và xúc động, bây giờ lại nhìn với ánh mắt như thể muốn nói:
“Tất nhiên rồi, Alecxanđrơ Makêđônxki là anh hùng, nhưng bẻ gãy ghế thì ích gì?” v.v...
Natasha trở lại ngay, vui vẻ và sung sướng, đi ngang qua chỗ tôi, cô khẽ véo tôi một cái. Ông già lại tỏ ra muốn xem xét tác phẩm của tôi thật “nghiêm túc”, nhưng vì ông đang vui nên không giữ được bản tính và cứ say sưa:
– Ồ, người anh em Vanya, khá lắm, khá lắm! Rất vui, rất vui, thậm chí quá mức chờ đợi. Chẳng có gì cao siêu vĩ đại cả, điều ấy thì đã hẳn... Bác vẫn còn cuốn “Giải phóng Maxcơva” kia kìa, người ta viết ở ngay Maxcơva đấy – Đúng là ngay từ dòng đầu tiên, người anh em ạ, như người ta nói, con người đã bay lên như con đại bàng... Nhưng cháu biết đấy, Vanya ở cháu thì có một cái gì giản dị hơn, dễ hiểu hơn. Chính vì sự dễ hiểu ấy mà bác thích đấy! Nó có một cái gì đó gần gũi thân thiết hơn, dường như tất cả những cái ấy cũng đã từng xảy đến với mình. Còn những cái cao siêu thì sao? Thật thì chính bác cũng chẳng hiểu. Nếu bác được sửa sang lại câu văn: bác khen thật đấy, có điều chớ quên, những điều cao siêu hơi ít đấy... Nhưng bây giờ thì muộn rồi: sách đã in mất rồi. Có lẽ để đến lúc tái bản chăng? Thế nào? Ngươì anh em, làm một chầu nước trà để chúc lần tái bản thứ hai chăng? Bấy giờ lại có tiền... Hừm!
– Và cậu đã nhận được bao nhiều là tiền, phải không Ivan Petrovich? – Anna Andreyevna nhận xét – cứ nhìn cậu thì chẳng thể nào mà tin được. Ồ bây giờ thì cậu còn biết để tiền làm gì nữa!
– Chau biết chứ, Vanya? – ông già vẫn tiếp tục và càng lúc càng cao hứng – đây tuy không phải là làm quan chức, nhưng vẫn cứ là công danh sự nghiệp. Cả những bậc cao sang cũng phải đọc cháu. Như cháu nói đấy, Gôgôl vẫn nhận được bổng lộc hàng năm
và còn được ra nước ngoài nữa. Thế nào cũng có thể đến lượt cháu chứ? Còn sớm gì nữa? Cháu cần phải viết gì nữa? Thì viết đi, người anh em, viết nhanh lên nào! Đừng có ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Hãy cẩn thận đấy!
Ông già nói những lời ấy với vẻ quả quyết và tấm lòng thương yêu ngỡ như không có gì có thể ngăn nổi và làm giảm sút cơn mơ mộng say sưa của ông.
– Hoặc rồi, chẳng hạn, người ta cũng sẽ gửi tặng cháu một chiếc hộp thuốc lá... Chứ sao nữa? Lòng mến mộ là gì có mẫu sẵn. Người ta cũng muốc khích lệ anh. Mà biết đâu rồi chái cũng có thể vào triều – ông lẩm bẩm nói thêm, vẻ mặt đầy ý nghĩa, vừa nheo nheo con mắt trái – chứ không à? Phải chăng còn sớm để tiến triều?
– Ồ, đã vào triều cơ đấy! Anna Andreyevna có vẻ bực tức nói.
– Chỉ một chút nữa là bác phong cho cháu lên cấp tướng – tôi đáp và cười rất vui.
Ông già cũng phá lên cười. Ông cụ quá phấn khởi.
– Thúa quí ngài, thế quí ngài chưa muốn ăn ạ? – Natasha nãy giờ lo chuẩn bị bữa tối cho chúng tôi, bây giờ nhí nhảnh kêu lên.
Cô cười lanh lảnh, chạy đến ôm chặt lấy bố trong vòng tay nóng bỏng của mình:
– Bố tuyệt quá, tuyệt quá!
Ông già chợt xúc động.
– Ồ, ồ, phải, phải! Bố cũng chỉ nói đại khái thế thôi. Tướng chẳng tướng thì thôi, ta đi ăn cái đã. Ôi con gái bồ dễ xúc động quá! – ông cụ nói thêm, vừa vỗ vỗ cặp má đỏ bừng của Natasha như người ta vẫn hay làm vào những phút như vậy – Còn bác, cháu thấy đấy, Vanya, bác chỉ nói với tất cả tấm lòng. Thôi, dù chẳng phải là tướng tá (con lâu mới đến tướng!) thì cũng là một nhân vật tiếng tăm, người viết cơ đấy!
– Bây giờ người ta gọi là nhà văn, bố ạ!
– Thế không gọi là người viết à? Bố không biết đâu. Nào, thì nhà văn. Bố chỉ muốn nói rằng: dĩ nhiên là chẳng ai phong tể tướng
cho anh viết tiểu thuyết – điều ấy thì chẳng có gì phải bàn – nhưng tuy thế vẫn có thể bước vào xã hội, làm một việc gì như chuyên viên chẳng hạn. Rồi có thể sẽ được gửi sang Ý để bồi bổ sức khỏe hoặc nâng cao học vấn chẳng hạn, rồi sẽ được trợ cấp tiền nong. Tất nhiên, về phía cháu phải coi tất cả những công việc đó là cao quí, mình có được tiền bạc và danh vọng là nhờ sự nghiệp chân chính, chứ không phải chạy chọt nhờ vả...
– Lúc ấy thì cậu cũng đừng vênh váo quá đấy, Ivan Petrovich nhé – Anna Andreyevna cười nói thêm.
– Bố phải mau mau kiếm cho anh ấy một hoa khôi đi, bố ạ, vì quả thật chuyên viên có phải chuyện đùa đâu!
Và cô lại véo tay tôi.
– Thế ra mọi người đều diễu tôi đấy hả! – ông già kêu lên, thích thú nhìn Natasha lúc ấy má đang nóng rực và đôi mắt vui tươi đang ngời lên như hai vì sao – Hình như bố cũng có ngây thơ và quả thật là đi hơi xa mơ ước hão huyền rồi10 bố vẫn thường thế đấy... chỉ có điều, cháu biết đấy, Vanya, bác cứ nhìn cháu và nghĩ: làm sao mà ở trong nhà mình, trông cháu vẫn chỉ loàng xoàng thế thôi...
– Ối trời! Anh ấy còn phải thế nào nữa, hả bố?
– Ồ, không, bố không bảo thế. Mà chỉ có điều, Vanya ạ, gương mặt cháu thế nào ấy... nghĩa là chẳng có tí gì có vẻ nhà thơ cả... Thế đấy, cháu biết chứ, họ đều xanh xao, như người ta thường nói, các nhà thơ ấy mà, tóc tai thì như thế này này, còn trong ánh mắt thì có một cái gì đấy... Cháu biết chứ, như ông Gớt nào đó, hoặc v.v... bác đã đọc thấy điều này trong cuốn “Aphatdonna”11... Thế nào? Vẫn là trò bịa đặt hả? Hừ, cái bọn quỉ quái ranh ma lại nhồi nhét như vậy vào đầu bác rồi! Còn bác, bác chẳng phải là nhà học giả, bác chỉ có thể cảm thấy. Thôi, mặt mũi cũng chẳng là cái gì – cũng chẳng thiệt thòi ghê gớm gì đâu; đối với bác thì cuốn sách của cháu rất hay, bác rất thích... Bác không nói thêm nữa... Chỉ có điều, phải sống trung thực, Vanya ạ. Phải trung thực, đó là điều cơ bản, hãy sống trung thực, đừng hợm hĩnh! Con đường đang mở rộng trước mặt cháu.
Hãy chân thành phấn đấu cho sự nghiệp của mình, đó là điều bác muốn nói, bác muốn nói đến chính điều ấy!
Đấy là những ngày tuyệt đẹp! Tất cả những thơi gian rỗi, tất cả các buổi tối tôi đều có mặt ở đấy. Tôi mang đến cho ông cụ tin tức của thế giới văn học, về các nhà văn mà chẳng hiểu vì sao ông cụ bỗng nhiên hết sức thích thú, thậm chí ông còn bắt đầu đọc cả những bài phê bình của ông B, người mà tôi đã nhiều lần nhắc đến và ông cụ mặc dù hầu như không hiểu gì cả nhưng vẫn hết lời tán tụng và kịch liệt bài bác những kẻ thù địch đã chỉ trích ông này trên tờ “Con ong đực phương Bắc”12. Bà cụ thì luôn để mắt theo dõi tôi và Natasha, nhưng làm sao mà theo dõi nổi chúng tôi! Giữa chúng tôi đã có một tín hiệu, và tôi sẽ nghe thấy ngay lập tức khi chỉ cần Natasha khẽ gật đầu, môi hé mở như mấp máy với tôi: vâng. Tuy nhiên rồi các cụ cũng biết, các cụ đóan chừng và suy ra, Anna Andreyevna cứ lắc đầu hoài. Bà cụ thật lạ lùng và ghê gớm. Bà vẫn không tin tôi.
– Đấy là mọi việc tốt lành cả, Ivan Petrovich ạ – bà nói – nhưng nhỡ chẳng may thất bại hoặc trục trặc gì đó thì sao? Lúc ấy cậu sẽ làm ở đâu?
– Đấy cũng là điều bác định nói với cháu, Vanya ạ – ông già đã đắn đo và quyết định – chính bác đã quan sát và nhận thấy hết, và thú thật là bác còn vui mừng vì cháu và Natasha... Ồ có gì đâu, cháu xem. Vanya, cả hai các con đều còn rất trẻ và bà Anna Andreyevna nói đúng. Hẵng khoan đã. Phải công nhận là cháu có tài, thậm chí tài năng xuất chúng... ồ không, không phải thiên tài như thoạt đầu có người đã đao to búa lớn về cháu, mà là tài năng, thế thôi (hôm nay bác con đọc cả bài phê bình cháu trên tờ “Con ong” mà trong đó họ quá khinh thị cháu; nhưng thôi đó là chuyện báo chí). Phải! Cháu xem đấy: tài năng thì cũng chưa phải là tiền bạc ở hiệu cầm đồ đâu, mà cả hai các con đều nghèo rớt mồng tơi. Vậy cứ đợi một năm rưởi hay một năm cũng được: cháu cứ làm tốt công việc, khẳng định mình chắc chắn trên con đường của cháu – Natasha sẽ là của cháu, nếu không làm được thì tự cháu sẽ định liệu!... Cháu là người chân thật, cháu hãy nghĩ kỹ đi!...
Mọi chuyện dừng lại ở đấy. Và một năm sau thì chuyện gì đã xảy đến.
Vâng, đúng là gần một năm sau! Vào một buổi cuối chiều tháng chín sáng sủa, tôi bước vào chỗ các cụ. Ốm đau và quá xúc động, tôi rơi mình xuống ghế suýt ngất đi, đến mỗi mọi người nhìn tôi hoảng sợ. Nhưng đấy chẳng phải lúc ấy đầu tôi choáng váng và trái tim tôi trĩu nặng ưu phiền sau khi đã mười bận tiến đến trước cánh cửa nhà họ và cả mười lần đều quay lui trước khi kịp bước vào – cũng không phải vì con đường công danh sự nghiệp của tôi đã ra mây khói, và trong tôi chẳng còn lấy một chút vinh quang và một xu dính túi; lại càng không phải vì tôi chưa kịp trở thành một vị “chuyên viên” nào đó và còn khuya mới được gửi sang Ý để bồi bổ sức khỏe; mà chính là vì có thể tôi đã sống đằng đẵng bằng mười năm dồn lại trong một năm và chính Natasha của tôi trong một năm qua cũng sống bằng cả mười năm. Giữa chúng tôi là cả một khoảng cách xa đằng đẵng... Và thế, tôi còn nhớ rõ lúc ấy tôi ngồi lặng im trước hai ông bà, tay lơ đãng vò nát cái vành mũ vốn dĩ cũng đã nhàu như tương, tôi ngồi và chờ đợi cái phút Natasha bước vào mà cũng chẳng rõ để làm gì. Quần áo tôi thảm hại và tồi tàn, gương mặt tôi hốc hác, gầy còm và vàng vọt – tuy nhiên chẳng có vẻ gì giống với một nhà thơ và trong ánh mắt thì tuyệt chẳng có cái gì vĩ đại mà hồi nào ông già Nikolai Sergueych đã có lúc bận tâm. Bà cụ nhìn tôi với ánh mắt thương hại chân thành và quá sốt sắng, trong khi bà tự nhủ: “Thế này mà suýt nữa nó thành chồng chưa cưới của Natasha đây, xin các ngài làm ơn làm phúc!”
– Thế nào, Ivan Petrovich, cậu uống trà chứ? (ấm samôva vẫn đang sôi trên bàn), cậu sống ra sao? Cậu ốm thật rồi đấy – bà hỏi tôi với một giọng rầu rĩ, khi đến lúc này tôi mới lắng nghe bà.
Và bây giờ cũng mới nhìn thấy: bà nói với tôi, nhưng trong mắt lại giấu những lo toan khác, những lo toan cũng đang làm ông già nặng chĩu trong lòng, khiến bây giờ ông ngồi bên chén trà nguội lạnh và suy nghĩ mông lung. Tôi biết rằng lúc này họ rất lo lắng đến vụ kiện với công tước Valkovsky đang diễn tiến chẳng mấy tốt lành, và họ lại gặp phải những chuyện rủi ro mới khiến ông già Nikolai Sergueych phát ốm. Năm tháng trước đây, chàng công tước trẻ tuổi,
người vốn là lý do của tất cả những chuyện kiện tụng này, đã tìm được cớ đến thăm gia đình Ikhmenev. Ông già, vốn yêu cậu Aliôsa thân thiết như con đẻ, hầu như ngày nào cũng nhắc đến cậu, đã vui mừng đón tiếp cậu. Còn Anna Andreyevna thì ngồi nhớ Vaxiliepxcôiê và khóc dấm dứt. Aliôsa giấu bố và dần dà ngày một đến nhà họ thường xuyên hơn. Nikolai Sergueych, con người chân thật, cởi mở, bụng dạ thẳng ngay đã nổi giận gạt phắt tất cả mọi sự tính toán đề phòng. Lòng đầy kiêu hãnh, ông không buồn nghĩ đến việc ông công tước sẽ nói gì khi biết con trai mình lại được tiếp đón ở nhà Ikhmenev, và trong thâm tâm ông khinh bỉ tất cả những nghi ngờ bỉ ổi của ông ta. Nhưng ông già cũng không biết liệu sức ông ta có chịu nổi những lời nhục mạ mới. Chàng công tước trẻ tuổi bắt đầu xuất hiện ở nhà ông ta hầu như hàng ngày. Ở bên cậu ta, ông bà đều rất vui. Cậu ta ở đấy suốt cả buổi tối và đến tận đêm khuya. Tất nhiên, cuối cùng thì ông bố cũng biết hết mọi chuyện. Một câu chuyện đơm đặt xấu xa nhất đã truyền đi. Ông ta thóa mạ Nikolai Sergueych bằng một bức thư khủng khiếp vẫn trên những ý trước đây, và cấm tiệt không cho con đến nhà Ikhmenev nữa. Chuyện này xảy ra khoảng hơn hai tuần trước khi tôi tới thăm họ. Ông già qua đỗi buồn rầu. Thế đấy! Natasha trong trắng, cao thượng của ông lại một lần nữa bị dây vào những chuyện vu khống bẩn thỉu, những trò đê tiện. Tên ông lại bị rêu rao diếc móc bởi chính cái con người đã từng xúc phạm ông trước đây... Và tất cả những trò ấy không biết đến đâu là vừa!
Suốt mấy ngày đầu ông nằm liệt giường vì tuyệt vọng. Tôi biết tất cả việc ấy. Tôi biết rõ đến từng chi tiết, mặc dù vì ốm đau và chán chường, suốt thời gian ba tuần gần đây tôi không hề đến chỗ họ và nằm bẹp ở buồng mình. Và tôi còn biết rằng... Không! Đến lúc ấy tôi mới chỉ linh cảm, tôi biết nhưng tôi chưa tin răng ngoài câu chuyện này, ở họ giờ đây lại còn một việc khác khiến họ lo âu hơn mọi sự trên đời, khiến họ buồn phiền nẫu ruột. Vâng, chính tôi cũng rất đau đớn, tôi sợ tôi đoán đúng, sợ rằng tôi phải tin, và tôi chỉ hết lòng hết sức mong sao xua đuổi được cái phút giây tăm tối. Mà thực ra thì tôi đến chính là vì cô ấy. Tôi hôm ấy, tôi đã đến chỗ họ đúng lúc!
– Phải, Vanya – ông già bỗng hỏi như vừa chợt tỉnh – cháu ốm đấy ư? Sao lâu thế cháu không đến? Bác có lỗi với cháu: từ lâu bác đã muốn đến thăm cháu, thế mà vẫn... – và ông cụ lại chìm vào suy nghĩ.
– Cháu không được khỏe – tôi đáp.
– Hừm, không được khỏe – đến năm phút sau ông già mới nhắc lại – Thế đấy, không được khỏe! Bác đã nói, đã bảo trước rồi mà. Không chịu nghe cơ! Hừm, không đâu, người anh em Vanya ạ: Nàng Thơ vốn dĩ ngàn đời nay vẫn ôn bụng đói ngồi trên gác xép mà, và hẳn còn ngồi thế mãi. Thế đấy!
Đúng là ông già đang nẫu ruột. Nếu không có những vết thương trong tim, hẳn ông đã không nói với tôi về chuyện Nàng Thơ bị đói. Tôi ngắm gương mặt ông: gương mặt vàng vọt, và trong mắt ông có cái gì thẫn thờ ngơ ngác, có cái gì tựa như một câu hỏi mà ông không sao tự giải đáp nổi. Ông cụ cứ điên khùng bẳn gắt từng cơn rất lạ. Bà vợ nhìn ông ái ngại và chỉ biết lắc đầu. Được dịp ông quay đi, bà lén gật đầu ra hiệu cho tôi.
– Natalya Nikolayevna13 có khỏe không? Cô ấy có nhà không ạ? Tôi hỏi Anna Andreyevna lúc bấy giờ đang có vẻ băn khoăn.
– Nó có nhà đấy, cậu ạ, có nhà đấy – bà đáp, cứ như là rất khó trả lời tôi – Cậu sẽ thấy nó ra ngay bây giờ đấy. Đùa với cợt! Ba tuần chưa gặp nhau đấy! Con bé ấy bây giờ thế nào ấây. Cậu không hiểu nổi nó đâu: lúc khỏe, lúc ốm, có trời mà biết!
Đoạn bà len lén nhìn chồng.
– Mà thế nào? Nó chẳng sao hết! – Nikolai Sergueych đáp miễn cưỡng và nhát gừng. Nó khỏe. Nó bước từ tuổi thiếu nữ lên thành niên là thế đấy, có vậy thôi. Ai mà có thể hiểu được ba cái nỗi âu sầu với tính đỏng đảnh của mấy cô ấy?
– Phải, lại còn tính đỏng đảnh nữa! Anna Andreyevna phụ họa bằng giọng tức bực.
Ông già ngồi yên lặng và gõ nhịp ngón tay trên bàn.
“Trời, phải chăng đã có chuyện gì xảy đến với họ?” Tôi lo sợ nghĩ bụng.
– Thế nào? Ở chỗ cháu có chuyện gì không? – ông cụ tiếp lời – Ông B. thế nào, vẫn viết bài phê bình chứ?
– Vâng, vẫn viết ạ – tôi đáp.
– Hầy, Vanya, Vanya! – ông cụ khoát tay, kết luận – Phê bình cũng chỉ đến thế!
Cánh của bật mở và Natasha bước vào.
Chương VII
Cô cầm chiếc mũ trong tay, bước vào và đặt nó lên chiếc đàn pianô, đoạn cô lại gần và chìa tay cho tôi. Môi cô thoáng động đậy, hình như muốn nói gì đó với tôi, tựa một lời chào, nhưng vẫn không nói gì cả.
Đã ba tuần nay chúng tôi không gặp nhau. Tôi nhìn cô ngơ ngác và sợ hãi. Trong ba tuần mà cô đã thay đổi biết bao nhiêu! Trái tim tôi như thắt lại vì đau buồn khi tôi thấy đôi má xanh xao hõm xuống, cặp môi rộp phồng như trong cơn sốt dưới hàng mi dầy thẫm, đôi mắt cô rực lên ngọn lửa nồng nàn và một thoáng gì quả quyết đến si mê.
Nhưng lạy chúa, trông cô mới kiều diễm làm sao! Không bao giờ, trước kia cũng như sau này, tôi nhìn thấy cô như vào cái ngày bi thảm hôm ấy. Phải chăng, phải chăng đấy chính là cô Natasha, cái cô bé mới một năm trước đây ngồi nghe tôi đọc tiểu thuyết mà mắt không rời khỏi tôi, môi động đậy theo nhịp môi tôi, cái cô bé vui nhộn, vô tư, cười đuà ầm ĩ và trêu cợt cả ông bố lẫn cả tôi trong bữa ăn tối hôm nào? Phải chăng đấy chính là cô Natasha mà đã một lần, ở trong căn phòng ấy, với đôi má rực hồng, cúi đầu khẽ đáp lời tôi: vâng.
Có tiếng chuông, chiều thu không trầm đục vang lên. Cô gái rùng mình, bà cụ làm dấu thánh.
– Thôi, chuẩn bị đi lễ chiều đi con, Natasha, chuông báo rồi đấy,– bà bảo– Đi đi, Natasenca đi cầu kinh đi con, cho con được gần ơn phước. Và nhân tiện đi dạo chơi một thể. Con cứ đóng cửa ngồi cửa nhà làm gì. Trông kìa, nói đổ sông đổ bể, con xanh quá đấy.
– Con… có lẽ… hôm nay con không đi đâu, – Natasha nói chậm và khẽ, gần như thì thầm– Con…hơi khó ở,– cô nói them và chợt tái mét như tàu lá.
– Con nên đi thì tốt hơn, Natasha ạ, chính vừa rồi con đã muốn đi và cầm mũ ra đấy thôi. Đi cầu kinh đi. Natasenca, cầu chúa cho
con sức khỏe. – Anna Andreyevna dỗ dành, vừa nhìn trộm con gái như thể sợ cô.
– Phải đấy, con cứ đi đi, rồi đi dạo chơi cả thể, – ông bố tiếp lời, và cũng lo ngại nhìn con gái, – mẹ con nói đúng đấy. Cả Vanya cũng dẫn con đi đấy.
Tôi cảm thấy trên môi Natasha thoáng một nụ cười chua chát. Cô đến bên đàn piano, cầm lấy mũ và đội lên đầu, tay cô run rẩy. Tất cả hành động cô đều vô ý thức, như thể cô chẳng hiểu mình đang làm gì.
– Tạm biệt!14 – Cô nói rất khẽ.
– Kìa, thiên thần của mẹ, tạm bệt là thế nào, con làm như đường xa cạn dặm ấy! Con xan h xao quá, kẻo gió mà thổi bay đi đấy. À, mẹ lại quên mất (mẹ thì lúc nào cũng quên!) – mẹ đã làm xong cho con một tấm bùa rồi đấy, mẹ còn khâu vào đấy một lời cầu nguyện, thiên thần của mẹ ạ, một ni cô ở Kiev dạy cho mẹ năm ngoái, một câu ưng ý lắm, mẹ mới vừa khâu vào. Con đeo vào đi, Natasha. Chắc đức chúa sẽ ban cho con sức khỏe đấy. Bố mẹ chỉ có mình con thôi.
Bà cụ lấy trong hộp đồ ra chiếc thánh giá vàng đeo trong của Natasha, trên mặt vừa được khâu thêm tấm bùa nhỏ.
– Đeo vào lấy phước con! – Bà nói them, đeo cây thánh giá và làm dấu thánh cho con gái. – Đã có dạo đêm nào mẹ cũng cầu kinh, còn con thì đọc theo mẹ. Thế mà bây giờ con chẳng thế nữa, Chúa chẳng cho con được sự bình tâm. Ôi, Natasha, Natasha! Lời cầu nguyện của mẹ chẳng ích gì cho con sao! – Và bà òa lên khóc nức nở.
Natasha lặng lẽ hôn tay mẹ, và bước về phía cửa, nhưng đột ngột cô vội vã quay lại và tiến tới chỗ bố. Lồng ngực cô phập phồng xúc động.
– Bố ơi! Bố cũng cầu chúa cho… con gái của bố đi, – cô hổn hển thốt lên và qùy sụp xuống trước ông cụ.
Tất cả chúng tôi vẫn đứng yên lặng, băn khoăn trước cử chỉ bất ngờ quá trang trọng của cô. Ông già nhìn cô một thoáng hết sức bối rối.
– Natasenca, con bé bỏng của bố, con gái yêu của bố, con làm sao thế? – Cuối cùng, ông kêu lên, nước mắt tuôn ròng ròng. – Vì sao con buồn? Sao con lại khóc suốt ngày đêm? Chính bố đã thấy hết cả, đêm bố không ngủ được, bố thức dậy và lắng nghe từ phòng con!... Kể hết cho bố đi con, Natasha, giãi bày cho ông bố già nua của con đi, và bố mẹ sẽ…
Ông cụ không nói hết câu, đỡ con gái lên và ôm chặt con vào lòng. Cô gái ghì xiết vào ngực bố và đầu vùi chặt vào vai ông.
– Không sao đâu, chẳng có gì cả, đấy là do… con khó ở… – Cô quả quyết, nghẹn ngào vì nhhững giọt nước mắt nén lại bên trong.
– Xin chúa hãy phù hộ cho con như bố đang đùm bọc con đây, con quý, con thương của bố! – Ông bố nói. – Xin chúa hãy ban phước cho con sự bình yên của tâm hồn và giải thoát cho con khỏi mọi buồn đau. Cầu chúa đi con, cho lời nguyện cầu lầm lỗi của bố đến tai người.
– Và cả lời cầu nguyện của mẹ cho con nữa! – Cả mẹ nói thêm trong nước mắt đầm đìa.
– Tạm biệt! – Natasha thì thầm.
Cô còn đứng lại bên cửa, quay nhìn họ một lần nữa như muốn nói một điều gì mà không sao nói được, đoan bước nhanh ra khỏi phòng. Tôi cũng lao ra theo cô, như tiên cảm được một điều gì đó không tốt lành.
Chương VIII
Cô bước lặng im, vội vã, đầu cúi gục và chẳng hề nhìn tôi. Nhưng đến lúc đi qua phố và bước lên bờ sông, cô chợt dừng lại và nắm lấy tay tôi.
– Em khó thở quá! – Cô thì thầm, – tim em đau nhói… khó thở quá!
– Quay lại đi, Natasha! – Tôi kêu lên sợ hãi.
– Vanya, chẳng lẽ anh lại không thấy rằng em đã ra đi hẳn, em đã rời bỏ mọi người và không bao giờ trở lại? – Cô nói và nhìn tôi với nỗi buồn khôn tả.
Tim tôi chợt rụng rời. Tôi đã cảm thấy điều này từ lúc đi tới nhà họ, và có thể, từ khá lâu trước hôm ấy, nhưng linh cảm ấy đã có trong tôi nhưng chưa rõ rệt, ấy vậy mà bây giờ lời cô nói vẫn như tiếng sét bên tai tôi.
Chúng tôi buồn rầu đi dọc bờ sông. Tôi không sao nói được nên lời, tôi cứ đắn đo, suy nghĩ và bối rối quá chừng. Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi cảm thấy điều ấy thật tai hại và không thể làm như vậy được.
– Anh kết tội em đấy à, Vanya? – Cuối cùng cô nói.
– Không, nhưng… nhưng anh không tin, không thể có điều ấy được!... – Tôi đáp, chẳng nhớ mình đang nói gì.
– Không đâu, Vanya, điều ấy có thật đấy! Em đã rời bỏ gia đình mà không biết điều gì sẽ xảy đến với mọi người… Mà em cũng chẳng biết điều gì sẽ xảy đến với em nữa!
– Em đến với cậu ấy, phải không Natasha?
– Phải, – cô đáp.
– Nhưng điều ấy không thể được! – Tôi xúc động kêu lên, – Natasha, em tội nghiệp của anh, em có biết là điều ấy không thể được! Điều ấy là điên rồ. Em sẽ giết chết bố mẹ và giết cả chính mình! Em có biết thế không, Natasha?
– Em biết, nhưng điều em làm vượt quá ý chí của em, – cô nói, lời lẽ đầy tuyệt vọng, y như cô đang đi tới đoạn đầu đài.
– Quay về đi em, quay về đi, lúc này còn chưa muộn. – Tôi cầu khẩn cô, và càng cầu khẩn thiết tha và nhẫn nại bao nhiêu thì lại càng hiểu rằng mọi lời nài nỉ của tôi trong phút này chỉ vô ích và vô nghĩa. – Natasha, em có hiểu là em đang làm gì bố không? Em có nghĩ đến điều ấy không? Vì bố cậu ấy là kẻ thù của bố em, vì ông công tước đã sỉ nhục bố em, đã vu khống ông cụ là ăn cướp và gọi ông là tên ăn cắp. Vì họ vẫn đang rất bất hòa… Thế đấy! Giờ lại thêm sự việc cuối cùng này, mà em có biết không, Natasha… (trời ơi, chính em cũng biết tất cả cơ mà!) em có biết rằng ông công tước đã nghi cho chính bố mẹ em cố ý gán ghép em với Aliôsa khi cậu ta về sống ở nhà em? Em thử nghĩ xem, bố em đã đau khổ như thế nào trước lời vu khống ấy. Trong hai năm ấy, tóc ông cụ đã hoàn toàn bạc trắng – em nhìn mà xem! Nhưng cái chính là: em biết tất cả điều đó, Natasha, trời đất ơi! Đấy là cái anh chưa nói: tội tình gì mà ông bà cụ phải mất em vĩnh viễn! Em là báu vật, là tất cả những gì còn lại với tuổi già của các cụ. Anh cũng không muốn nói tới điều này đâu: tự em phải hiểu lấy, em nên nhớ rằng bố coi em là niềm kiêu hãnh không gì có thể vấy bẩn mà mọi sự đơm đặt, lăng mạ đều chỉ hoài công. Thế mà bây giờ, chính lúc này đây, tất cả những trò đó lại dấy lên, những trò thù địch đốn mạt trước đây lại gia tăng gấp bội, chỉ vì gia đình em đã đón tiếp Aliôsa. Ông công tước tiếp tục chửi bới bố em và ông cụ lại đang điên đầu vì cơn phẫn nộ mới này, thì bỗng chốc tất, tất cả những lời buộc tội ấy bây giờ lại hóa ra đúng sự thật! Tất cả những ai biết việc này giờ đây sẽ bênh vực cho ông công tước và kết tội em và bố em. Điều gì sẽ đến với ông cụ? Chính điều ấy sẽ giết chết ông cụ ngay tức khắc! Xấu hổ, nhục nhã, mà là do ai? Do em, con gái cụ, đứa con yêu quí độc nhất của cụ! Còn mẹ em? Bà cụ cũng không chịu đựng được lâu hơn ông em… Natasha, Natasha! Em đang làm gì vậy? Quay lại đi! Hồi tâm quay lại đi em!
Cô vẫn im lặng và cuối cùng cô ngước nhìn tôi như trách móc, biết bao nhiêu đau buồn nhức nhối, biết bao nhiêu dằn vặt khổ sở trong cái nhìn ấy, khiến tôi hiểu rằng chẳng có những lời nói của tôi
thì con tim bị thương của cô giờ này cũng đang quằn quại đến đâu. Tôi hiểu rằng chính cô đã trải qua những gì để đi đến quyết định này và tôi đã hành hạ, dày vò cô bao nhiêu bằng những lời giáo huấn muộn màng và vô bổ của mình, tôi hiểu tất cả, nhưng ấy thế mà tôi vẫn không sao tự kiềm chế được, để cứ tiếp tục lải nhải:
– Nhưng vừa nãy em vẫn nói với Anna Andreyevna là em có thể sẽ không ra khỏi nhà… để đi lễ chiều. Như thế là em vẫn muốn ở lại, em vẫn chưa hoàn toàn quyết định?
Cô chỉ đáp bằng nụ cười chua chát. Và tôi hỏi như vậy để làm gì nhỉ? Tôi đã hiểu ra mọi sự đã được định đoạt không thể xoay chuyển. Nhưng tôi vẫn như người mơ ngủ.
– Chẳng lẽ em yêu cậu ta đến thế ư? – Tôi thột lên với nỗi đau tê tái, mắt nhìn cô mà không hiểu là mình đang định hỏi cái gì?
– Em biết trả lời anh thế nào đây, Vanya? Anh thấy đấy! Anh ấy ra lệnh cho em tới đây, và em đã ở đây, chờ anh ấy, – cô mỉm cười chua chát đáp.
– Nhưng hãy nghe anh, nghe anh một chút, – tôi lại bắt đầu khẩn khoản, bấu víu lấy chút hy vọng, – mọi việc vẫn còn có thể sửa chữa, vẫn có thể làm cách khác, hoàn toàn khác! Vẫn có thể không cần trốn khỏi nhà. Anh sẽ giúp em cách làm, Natasetsca. Anh sẽ bố trí cho hai người mọi điều kiện, gặp nhau… và… chỉ có điều đừng trốn nhà đi!... Anh sẽ chuyển thư từ cho hai người, có gì mà không chuyển được? Làm thế thì tốt hơn thế này em ạ. Anh có thể làm được việc ấy, anh sẽ chiều lòng cả hai, em xem, anh sẽ chiều… Xin em đừng tự hại mình như thế này, Natasetca… Bởi vì làm như thế này là em hoàn toàn tự giết mình, thật đấy! Hãy nghe anh đi, Natasha: mọi sự sẽ tốt lành, sung sướng và hạnh phúc, em và cậu ấy sẽ yêu nhau bao nhiêu tùy thích… Và đến chừng nào hai bên gia đình thôi bất hòa (vì nhất định họ sẽ thôi bất hòa) – khi đó thì…
– Đủ rồi, Vanya, thôi đi, – cô ngắt lời, xiết chặt tay tôi và mỉm cười qua nước mắt. – Vanya, anh Vanya tốt bụng! Anh là một con người độ lượng, chân thành! Anh chẳng nói một lời nào về chính mình. Chính em đã chủ động rời bỏ anh, mà anh vẫn tha thứ tất cả,
chỉ lo toan cho hạnh phúc của em thôi. Anh lại còn muốn chuyển thư từ cho chúng em…
Cô òa lên khóc.
– Vanya, em cũng biết là anh yêu em, đến bây giờ anh vẫn yêu, nhưng chưa bao giờ anh trách em, dù một lời chua chát! Thế mà em, em… Trời ơi, em có lỗi với anh nhiều quá. Anh có nhớ, anh Vanya, anh có nhớ cái dạo chúng mình còn bên nhau? Ôi, giá như em không biết, không bao giờ gặp anh ấy thì hay biết bao! Em sẽ sống bên anh, Vanya, anh tốt bụng của em, con bồ câu bé bỏng của em!... Không, em không xứng với anh đâu! Anh xem, em chẳng ra sao cả, lúc này mà em còn nhắc lại với anh cái hạnh phúc đã qua của chúng mình, mà chẳng nhắc thì anh cũng đã đủ đau khổ rồi! Thế là ba tuần nay anh chẳng tới: em xin thề với anh là chưa một lần nào em nghĩ rằng anh nguyền rủa và căm thù em. Em biết vì sao anh mất hút: anh không muốn làm phiền chúng em, và hiện diện của như một lời trách móc trước chúng em. Mà chẳng lẽ chính anh lại không khổ sở khi nhìn chúng em? Nhưng em đã chờ anh, Vanya, chờ anh mỏi mắt! Vanya, hãy nghe em, nếu như em yêu Aliôsa như mê muội, như phát điên, thì có thể em còn yêu anh hơn, như yêu một người bạn. Em cũng đã can đảm nghe, cũng đã biết rằng thiếu anh em không thể sống được, em cần có anh, cần có trái tim anh, tấm lòng vàng ngọc của anh… Ôi, Vanya, đã đến cái đoạn cay đắng, khốn khổ rồi!
Nước mắt cô tuôn đầm đìa. Phải, cô đang đau đớn hết sức.
– Ôi, em đã mong được gặp anh biết mấy! – Cô tiếp tục cố nén những giọt nước mắt. – Anh gầy quá, anh ốm yếu xanh xao quá, đúng là anh đang ốm phải không, Vanya? Thế mà em chẳng hỏi han anh một câu! Em chỉ toàn nói về mình; thế nào, công việc của anh với giới báo chí thế nào? Cuốn tiểu thuyết mới của anh ra sao? Vẫn tiến tới đấy chứ?
– Nhắc đến tiểu thuyết với nhắc đến anh mà làm gì bây giờ hở Natasha? Phải, công việc của anh vẫn thế! Chẳng có gì, nhì nhằng, thôi kệ nó, muốn ra sao thì ra! Nhưng thế nào cơ, Natasha: chính cậu ấy yêu cầu em tới với cậu ấy à?
– Không, không chỉ mình anh ấy, cả em nữa. Thật ra, chính anh ấy đã nói, vâng, nhưng cả chính em nữa… Anh xem, em sẽ kể cho anh tất cả đây: Người ta hỏi cho anh ấy một cô, giàu có, và danh giá, dòng dõi rất danh giá. Ông bố cương quyết bắt anh ấy phải cưới cô ta, mà ông bố thì anh biết rồi đấy – một người xảo quyệt kinh khủng, ông ta đã động viên tất cả mọi khả năng: có đến mười năm nữa cũng không tìm đâu ra một cơ hội như thế. Những mối quan hệ, tiền của… Mà cô ta, nghe nói cũng rất đẹp, có học vấn và tử tế, nói chung là hoàn hảo. Aliôsa thích cô ta. Hơn nữa ông bố cũng muốn nhanh chóng cho anh ấy ra sống tự lập, để chính ông ta còn cưới vợ, vì vậy ông ta nhất quyết bằng bất cứ giá nào cũng phải cắt đứt mối quan hệ của chúng em. Ông ta sợ em, sợ ảnh hưởng của em tới Aliôsa…
– Thế ra ông công tước cũng biết mối tình của em với cậu ta? – Tôi ngạc nhiên cắt lời cô. – Tưởng ông ấy chỉ nghi ngờ và chưa lấy gì làm chắc?
– Ông ta biết, biết hết.
– Nhưng ai nói cho ông ta thế?
– Mới đây Aliôsa đã kể hết mọi chuyện với ông ta. Chính anh ấy nói với em rằng đã kể hết với bố.
– Trời đất! Làm ăn gì lạ thế! Tự kể hết mọi chuyện, mà lại chính vào lúc này?
– Đừng buộc tội anh ấy, Vanya, – Natasha cướp lời, – đừng chế diễu anh ấy! Đừng phán xét anh ấy như với những người khác. Hãy công bằng với anh ấy. Bởi anh ấy không phải như em với anh. Anh ấy là một cậu bé, và người ta đã giáo dục anh ấy không bình thường. Thế thì anh ấy làm sao hiểu được phải làm gì? Chỉ cần một ấn tượng khác, một ảnh hưởng mới của người khác là ngay lập tức có sức lôi kéo anh ấy xa ròi ngay cái điều mà chỉ trước đó một phút anh ta còn khăng khăng thề sống thề chết. Anh ấy không hề có cá tính gì hết. Anh ấy vừa hứa hẹn với anh xong, thì ngay hôm ấy đã lại thề thốt với người khác, cũng chân thành và trung thực chẳng kém, rồi lại cũng chính anh ấy sẽ kể hết mọi chuyện với anh. Có thể anh ấy sẽ xử sự không tốt, nhưng buộc tội anh ấy về những hành động
ấy thì có lẽ không nên, và đáng ra chỉ nên thương. Anh ấy cũng rất dám hy sinh và thậm chí chỉ cần gặp một ấn tượng mới khác là anh ta lại quên tất cả. Anh ấy cũng sẽ quên em, nếu như em không luôn ở cạnh anh ấy. Anh ấy là thế đấy!
– Ôi, Natasha, tất cả những điều ấy chưa chắc đã đúng đâu, mà có thể chỉ là lời đồn thổi thôi. Bởi lẽ nào cậu ta mới chỉ là đứa bé mà đã cưới vợ được?
– Tất cả đều do tính toán của ông bố, em đã nói với anh rồi mà.
– Nhưng tại sao em lại biết rằng vợ chưa cưới của cậu ta đẹp và cậu ấy mê cô ta?
– Thì chính anh ấy nói với em mà.
– Kỳ cục! Chính cậu ta nói với em là có thể yêu một người khác, thế thì cậu ta còn đòi hỏi gì ở em?
– Ồ không, Vanya, không đâu! Anh chẳng hiểu gì anh ấy cả, anh còn ít tiếp xúc với anh ấy, cần tìm hiểu anh ấy một chút rồi hãy kết luận. Trên đời này không có trái tim nào chân thành và trong sáng hơn trái tim anh ấy! Thế nào cơ? Nói dối mà lại còn tốt phải không? Chỉ có một tuần em với anh ấy không gặp nhau mà anh ấy đã say mê, đã quên em và yêu người khác, thế mà sau đó, thoạt nhìn thấy em anh ấy đã quỳ xuống chân em! Không! Điều ấy còn tốt ở chỗ em biết rằng em không bị giấu giếm, nếu không thì em đã đến chết vì nghi ngờ. Vâng, Vanya, em đã quyết định rồi: nếu em không ở bên anh ấy luôn luôn, thường xuyên, từng giây từng phút, thì anh ấy sẽ hết yêu em, sẽ quyên và từ bỏ em. Anh ấy là thế đấy, bất cứ người đàn bà nào cũng có thể quyến rũ được anh ấy. Và lúc ấy thì em sẽ làm cái gì? Em sẽ chết… Chết có là cái gì đâu! Em sẽ rất vui nếu được chết ngay bây giờ! Em sống mà thiếu anh ấy thì ra sao? Thế thì còn tồi tệ hơn chính cái chết, tồi tệ hơn tất cả mọi nhục hình! Ôi, Vanya, Vanya! Cũng phải thế nào thì giờ đây em mới phải từ bỏ cả bố mẹ vì anh ấy! Đừng khuyên bảo em làm gì nữa: tất cả đã được an bài! Anh ấy sẽ phải ở bên em từng giờ từng phút, em không thể quay lại được nữa. Em biết rằng em sẽ chết và giết chết tất cả những người khác… Ôi, Vanya! – Cô chợt kêu lên và run rẩy
toàn thân, – sẽ ra sao nếu như kết quả thật anh ấy không yêu em? Sẽ ra sao nếu như bây giờ anh nói hết sự thật về anh ấy (em không bao giờ nói điều ấy), rằng anh ấy chỉ lừa dối em, chỉ làm ra vẻ chân thành và trung thực, còn thật ra thì rất độc ác và hám danh! Em thì đang bảo vệ cho anh ấy trước anh, nhưng biết đâu anh ấy giờ này lại đang ở bên người khác và tự giễu mình… còn em, em, thật hèn mạt, lại từ bỏ tất cả, lang thang trên các phố để tìm anh ấy… Ôi, Vanya!
Tiếng rên rỉ đau đớn bật lên từ trái tim cô khiến tôi cảm thấy buồn tê tái. Tôi hiểu rằng Natasha đã hoàn toàn bất lực. Chỉ có một sự ghen tuông mù quáng, điên dại đến tột cùng mới có thể dẫn cô đến một quyết định điên rồ như thế. Và chính trong tôi cũng đang bừng bừng một cơn ghen tuông như bốc cháy từ đáy lòng. Tôi không thể chịu được nữa: một linh cảm ghê gớm đang xâm chiếm lấy tôi.
– Natasha, tôi nói, – chỉ có một điều anh không thể hiểu nổi: làm thế nào mà em vẫn yêu được cậu ta sau khi em đã nói về cậu ta như vậy? Em không tôn trọng cậu ta, thậm chí không tin ở tình yêu của cậu ta, thế mà em sẽ đi với cậu ta mãi mãi, và vì cậu ta mà vứt bỏ tất cả? Thế là thế nào? Cậu ta sẽ hành hạ em trọn đời và em cũng sẽ như thế với cậu ta. Em yêu cậu ta quá chừng, đúng là quá chừng, Natasha ạ! Anh không hiểu nổi một tình yêu như thế.
– Đúng, em yêu như một con điên, – cô đáp, tái mét vì đau đớn. – Em chưa bao giờ yêu anh như thế đâu, Vanya ạ. Và chính em cũng biết rằng em đã mất trí và không còn biết yêu cho phải lẽ. Em yêu anh ấy một cách không hay ho gì đâu… Hãy nghe em, Vanya, ngay trước đây em cũng đã biết, thậm chí trong những phút hạnh phúc nhất của chúng em, em cũng đã tiên cảm thấy rằng rồi anh ấy sẽ chỉ mang đến cho em toàn đau khổ. Nhưng biết làm thế nào được,nếu như bây giờ đối với em đau khổ vì anh ấy cũng chính là hạnh phúc? Phải chăng em hoàn toàn vui sướng khi đi đến với anh ấy? Phải chăng em không biết trước những gì đang chờ em nơi anh ấy? Chính anh ấy đã thề thốt yêu em, hứa hẹn với em đủ điều, và cũng chính em chẳng tin vào những lời hứa hẹn của anh ấy, chẳng hy vọng gì vào đấy, ngay cả trước đây cũng chẳng hy vọng
gì, mặc dù em biết rằng anh ấy không lừa dối em, thậm chí cũng không thể lừa dối nổi. Chính em đã nói với anh ấy rằng em không muốn ràng buộc gì anh ấy, như thế sẽ tốt hơn chẳng ai thích gì sự ràng buộc, mà em là người đầu tiên. Tuy nhiên, em sung sướng được làm nô lệ cho anh ấy, một kẻ nô lệ tự nguyện, chịu đựng tất cả, tất cả vì anh ấy, chỉ có điều anh ấy phải ở bên em, và em được nhìn thấy anh ấy! Thậm chí cứ để cho anh ấy yêu người khác, chỉ có điều phải có mặt em, để cho em được ở liền bên họ… Hèn hạ quá, phải không Vanya? – Cô đột nhiên hỏi, vừa nhìn tôi bằng ánh mặt nồng nàn, bốc lửa. Trong khoảnh khắc, tôi cứ ngỡ như cô đang cơn mê sảng. – Những mong muốn ấy đúng là hèn hạ chứ? Phải không? Tự em cũng cho là hèn hạ, nhưng nếu anh ấy bỏ em, em sẽ chạy theo anh ấy đến cùng trời cuối đất dù cho có bị anh ấy ruồng rẫy, xua đuổi đi nữa. Thế mà bây giờ anh còn khuyên em quay lại – nếu thế thì sẽ ra sao? Nếu hôm nay em quay lại thì ngày mai em sẽ lại ra đi, anh ấy ra lệnh – và em sẽ ra đi, mặc ai kêu la, diếc móc em như chó, em vẫn cứ chạy theo anh ấy… Đau khổ ư?! Vì anh ấy, em không sợ bất cứ khổ đâu nào! Em sẽ được biết rằng em chịu mọi khổ đau là vì anh ấy… Ôi, anh đừng nói gì đến chuyện ấy nữa, Vanya nhé!
“Còn bố, còn mẹ?”. – Tôi nghĩ bụng. Cô dường như đã quên bẵng họ.
– Thế cậu ta sẽ cưới em chứ, Natasha?
– Anh ấy hứa, hứa đủ điều. Chính vì việc ấy mà anh ấy gọi em tới đây lúc này, để ngày mai sẽ bí mật làm lễ thành hôn ở ngoài thành phố, còn anh ấy thì chẳng biết làm gì nữa. Anh ấy có lẽ cũng chẳng biết người ta tiến hành lễ thành hôn như thế nào. Mà anh ấy sẽ làm chồng như thế nào nhỉ? Buồn cười lắm, tất nhiên. Mà lấy vợ, thế cũng chẳng hạnh phúc gì đâu, rồi anh ấy sẽ trách móc… Em không muốn để anh ấy trách móc em về bất cứ chuyện gì. Em sẽ hiến dâng cho anh ấy tất cả, còn với anh ấy thì em chẳng cần gì. Còn gì nữa, anh ấy sẽ bất hạnh bao nhiêu vì chuyện cưới vợ rồi, tại sao lại còn làm cho anh ấy khổ sở thêm nữa?
– Không đâu, chuyện này có cái gì đó hoang tưởng đấy, Natasha ạ, – tôi nói. – Thế nào, bây giờ em đến thẳng chỗ cậu ta à?
– Không, anh ấy hứa sẽ đến đây đón em, chúng em đã thống nhất…
Và cô đăm đăm nhìn ra xa, tuy nhiên chưa hề thấy bóng một ai.
– Vẫn chưa thấy cậu ta đâu cả! Chỉ có em là đến trước! – Tôi bực tức thốt lên. Natasha dường như hoảng hốt vì câu ấy. Gương mặt cô biến dạng đi một cách bệnh hoạn.
– Cũng có thể anh ấy sẽ không đến, – cô lầm bầm với nụ cười cay đắng. – Hôm kia anh ấy viết cho em rằng nếu em không hứa là sẽ đến thì anh ấy buộc phải thay đổi ý định của mình – nghĩa là đi tổ chức thành hôn với em, và ông bố sẽ dẫn anh ấy đến chỗ cô vợ chưa cưới. Anh ấy viết đơn giản và hồn nhiên thế đấy, dường như là chẳng có gì hết… Thế nào, nếu anh ấy đi đến chỗ cô ta thật thì sao, hở anh Vanya?
Tôi không đáp. Cô bóp chặt lấy tay tôi – và mắt cô long lên.
– Anh ấy đang ở chỗ cô ta, – cô nói nghẹn ngào. – Anh ấy hy vọng rằng em sẽ không tới đây để anh ấy có cớ đến với cô ta, và sau đó sẽ biện bạch rằng anh ấy đúng, rằng anh ấy đã báo trước mà em không đến. Em đã làm anh ấy chán, và anh ấy sẽ bỏ em… Trời! Em đúng là một con điên! Chính trong lần cuối cùng anh ấy đã bảo với em rằng em làm cho anh ấy chán… Em còn chờ đợi cái gì nữa kia chứ!
– Cậu ta kia kìa! – Tôi chợt nhìn thấy cậu ta xuất hiện đằng xa trên bờ sông và kêu lên.
Natasha run rẩy, kêu lên, đăm đăm nhìn về phía Aliôsa đang đi tới và đột nhiên, cô buông tay tôi, lao về phía cậu ta. Cậu ta cũng rảo bước và chỉ một phút sau cô đã nằm gọn trong vòng tay của cậu ta. Ngoài chúng tôi ra, trên đường phố hầu như không còn ai nữa. Họ ôm hôn nhau, cười với nhau, Natasha vừa cười vừa khóc, y như họ vừa gặp lại nhau sau một thời gian xa nhau đằng đẵng. Gương
mặt xanh xao của cô đã nhuộm một màu hồng, cô như phát điên… Aliôsa nhận ra tôi và liền tiến lại phía tôi.
Chương IX
Tôi khát khao nhìn cậu ta, mặc dù trước nay tôi cũng đã thấy cậu ta nhiều lần, tôi nhìn vào cặp mắt cậu ta dường như để tìm ra trong ánh mắt ấy lời giải đáp cho những băn khoăn và có thể giải thích cho tôi hay: nhờ đâu mà cái cậu bé ấy có thể quyến rũ cô ta đến thế, lại có thể khơi dậy trong cô ta một tình yêu điên cuồng – một tình yêu khả dĩ khiến cho cô quên hết mọi nghĩa vụ bức thiết nhất, nhắm mắt từ bỏ tất cả những gì mà trước nay đối với Natasha vẫn là thiêng liêng cao quý nhất? Chàng tiểu công tước nắm lấy cả hai tay tôi, xiết chặt, ánh mắt cậu ta dịu dàng và trong sáng như soi vào tận tim tôi.
Tôi cảm thấy rằng mình có thể sai lầm khi kết luận về cậu ta chỉ bởi cậu ta vốn là kẻ thù của tôi. Vâng, tôi không thích cậu ta, và thú thật, trong số những người quen biết cậu ta chỉ có một mình tôi không bao giờ có thể thích được cậu ta. Ở cậu ta có nhiều cái tôi tuyệt đối không ưa, ngay cả cái vẻ ngoài trang nhã của cậu ta cũng vậy, và có thể chính vì nó quá ư trang nhã. Sau này tôi mới hiểu ra rằng trong việc này tôi đã nhìn nhận một cách định kiến. Vóc người cậu ta cao, cân đối, mảnh mai, khuôn mặt hơi dài, luôn tai tái, tóc màu hạt dẻ, đôi mắt to xanh biếc, dịu dàng và tư lự, lúc lúc lại chợt lóe lên một ánh vui tươi rất đỗi hồn nhiên và thơ dại, cặp môi dầy, nhỏ nhắn, đỏ chót, khuôn bởi một đường viền tuyệt mỹ, hầu như lúc nào cũng in thoáng một đường nét nghiêm trang, đột ngột lại nở một nụ cười bất ngờ và khả ái, thơ ngây và hồn nhiên đến nỗi, dù lúc ấy tâm trạng anh đang thế nào mặc lòng, anh vẫn cảm thấy một nhu cầu bức thiết là phải lập tức mỉm cười hưởng ứng theo cậu ta. Cậu ta ăn mặc không cầu kỳ nhưng luôn luôn trang nhã, sự trang nhã ấy dường như không mất một chút công sức nào mà là đã có sẵn ở cậu ta từ trong máu. Thật ra, cậu ta cũng có một vài cung cách không hay, nhưng thói quen xấu ở dạng cao: sự nhẹ dạ, tính tự mãn, sự táo tợn một cách lịch sự. Nhưng bởi quá trong sáng và hồn nhiên, chính cậu ta lại tự tố cáo và thú nhận ngay tất cả những thói quen ấy và tự giễu chúng. Tôi đồ rằng cái cậu bé này không bao giờ, cả lúc đùa cợt, lại có thể nói dối, và nếu như cậu có nói dối thì cũng không ngờ rằng điều ấy lại là xấu. Thậm chí cả đến chính thói
vị kỷ ở cậu ta cũng có cái gì thú vị, có lẽ bởi vì nó rất cởi mở, không hề giấu giếm. Đúng là ở cậu ta chẳng có gì giấu giếm. Cậu ta yếu đuối, cả tin và nhút nhát, hoàn toàn không có một chút ý chí. Xúc phạm và lừa dối cậu ta cũng có tội và đáng trách như xúc phạm và lừa dối một đứa trẻ. Cậu ta ngây thơ không đúng tuổi tác và hầu như chẳng hiểu gì về cuộc sống thật, thậm chí dù có đến bốn mươi tuổi chắc cậu ta cũng sẽ chẳng hiểu gì. Những con người như vậy dường như vĩnh viễn vẫn là vị thành niên. Tôi nghĩ rằng không một ai có thể không yêu cậu ta, cậu ta khiến anh phải âu yếm như một đứa trẻ. Natasha nói đúng: cậu ta có thể làm cả những việc xấu khi chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ, nhưng khi hiểu biết được hậu quả của nó, tôi nghĩ cậu ta có thể chết vì hối hận. Natasha đã linh cảm rất đúng rằng sẽ có người phụ nữ chi phối hoàn toàn cậu ta, thậm chí cậu sẽ trở thành vật hy sinh của cô ta. Cô đã cảm thấy trước niềm hân hoan của một tình yêu đắm đuối và sự dày vò đến đau đớn con người mà cô yêu, và cũng chính vì tình yêu, có lẽ vì thế mà cô đã vội vã dâng hiến tình yêu cho cậu ta trước. Có điều, trong ánh mắt của cậu ta cũng rực lửa tình yêu và cậu ta nhìn cô thật đắm đuối. Cô quay nhìn tôi đắc thắng. Lúc này cô đã lãng quên tất cả – cả bố mẹ, cả cuộc chia tay và những nghi ngờ… Cô đang hạnh phúc
– Vanya! – Cô kêu lên, – em có lỗi với anh ấy và không xứng với anh ấy! Em đã nghĩ là anh sẽ không tới, Aliôsa ạ. Hãy bỏ qua cho những ý nghĩ nhảm nhí của em, anh Vanya. Em sẽ chuộc lại lỗi ấy – Cô nói thêm và nhìn cậu ta với một tình yêu bất tận. Cậu ta mỉm cười, hôn tay cô và không buông bàn tay ấy ra nữa, cậu ta quay lại nói với tôi:
– Anh hãy tha lỗi cho cả tôi nữa, từ lâu tôi đã muốn ôm anh như một người anh em ruột, cô ấy đã nói với tôi bao nhiêu chuyện về anh! Trước nay tôi với anh chỉ mới thoạt quen biết chút ít và chưa có dịp kết thân với nhau. Từ nay chúng ta sẽ là bạn, và… anh hãy tha thứ cho chúng tôi, – cậu ta khẽ nói thêm gương mặt thoáng hồng và mỉm một nụ cười khả ái đến nỗi tôi không thể không đáp lại lời chào hỏi của cậu ta bằng tất cả chân tình.
– Vâng, vâng anh Aliôsa, – Natasha cướp lời, – anh ấy là của chúng ta, là anh của chúng ta, anh ấy đã tha thứ cho anh và em, thiếu anh ấy chúng mình sẽ không có hạnh phúc. Em đã nói với anh rồi… Ôi, anh Aliôsa, chúng mình là những kẻ tàn nhẫn! Nhưng từ nay chúng mình sẽ sống thành một bộ ba… Vanya! – Cô nói tiếp, cặp môi run rẩy, – thế là bây giờ anh sẽ về nhà, sẽ trở lại chỗ mọi người, anh vốn có một tấm lòng vàng, cho dẫu mọi người không tha thứ cho em, nhưng anh đã tha thứ thì hẳn mọi người cũng dịu lòng đôi chút vì em. Anh hãy thuật lại cho gia đình em tất cả bằng lời của chính anh thốt từ đáy lòng, anh hãy tìm những lời sao cho… Hãy che chở cho em, hãy cứu em với, hãy giải thích cho gia đình em tất cả những nguyên cớ như chính anh đã hiểu. Anh biết không, Vanya, có thể em đã không quyết định làm việc này, nếu hôm nay không có anh ở bên em! Anh là cứu tinh của em, em đã ngay lập tức hy vọng rằng anh sẽ biết cách lý giải với mọi người sao cho chi ít thì cái tin khủng khiếp thoạt đến này cũng sẽ dịu bớt đối với mọi người. Trời ơi, trời ơi!... Anh hãy nói hộ em với gia đình rằng em biết lúc này mọi người chưa thể tha thứ cho em, mà dẫu gia đình có tha thứ thì chúa cũng không tha thứ cho em, nhưng dù mọi người có nguyền rủa em thì em vẫn cầu chúc, khấn nguyện cho mọi người suốt cả cuộc đời mình. Tất cả trái tim em luôn ở bên gia đình! Ôi, cớ sao tất cả chúng ta không thể cùng chung sống hạnh phúc! Cớ sao, cớ sao vậy!... Lạy trời! Em đang làm gì thế này! – Cô bỗng kêu lên như vừa chợt tỉnh lại, run rẩy toàn thân vì hoảng sợ, và đưa tay che lấy mặt. Aliôsa ôm lấy cô và lặng lẽ xiết chặt vào lòng. Mấy phút lặng lẽ trôi qua.
– Anh có thể đòi hỏi một sự hy sinh đến thế kia đấy! – Tôi nói, nhìn cậu ta trách móc.
– Anh hãy tha lỗi cho tôi! – Cậu ta nhắc lại, – tôi cam đoan với anh rằng bây giờ tất cả nhữn bất hạnh này, dù rất lớn, nhưng cũng chỉ chốc lát. Tôi hoàn toàn tin ở điều ấy. Cần phải cứng cỏi để chịu đựng được phút giây này, chính cô ấy cũng nói với tôi như vậy. Anh biết đấy: nguyên nhân của mọi chuyện này là do thói sĩ diện của gia đình, những sự cãi cọ hoàn toàn không cần thiết, thậm chí cả kiện tụng nữa!... Nhưng… (tôi đã nghĩ đến điều này rất lâu, xin cam đoan với anh như vậy) mọi việc ấy cần phải chấm dứt. Hai gia đình chúng
ta sẽ lại gắn bó và lúc ấy mọi người sẽ hoàn toàn hạnh phúc, rồi các cụ sẽ làm lành và chấp nhận chúng tôi. Biết đâu, chính cuộc hôn nhân của chúng tôi lại có thể khởi đầu cho sự dàn hòa của các cụ! Tôi nghĩ rằng thậm chí cũng không thể khác được. Anh nghĩ thế nào?
– Anh nói đến đám cưới. Vậy thì khi nào hai người sẽ thành hôn? – Tôi nhìn Natasha hỏi.
– Ngày mai, ngày kia, chậm nhất là ngày kìa – chắc chắn như vậy. Anh xem, tôi cũng chưa biết rõ, nhưng thật ra thì ở đây cũng chưa chuẩn bị được gì. Tôi còn cho là hôm nay có thể Natasha chưa đến. Hơn nữa, bố tôi khăng khăng muốn dẫn tôi tới chỗ cô vợ chưa cưới hôm nay (người ta đang hỏi cho tôi một cô vợ, chắc Natasha đã kể cho anh biết? Nhưng tôi không thích). Thế đấy, tôi chưa thể tính toán mọi việc thật chắc chắn được. Nhưng dù sao thì nhất định ngày kia chúng tôi sẽ làm lễ thành hôn. Ít nhất thì tôi cũng thấy như thế bởi vì không thể nào khác được. Ngày mai chúng tôi sẽ ra chỗ đường đi Pxcốp. Ở đấy, trong một làng không xa, tôi có một người bạn học trung học, một người rất tốt, có thể, tôi sẽ giới thiệu anh với cậu ta. Trong làng ấy cũng có một vị linh mục, tuy nhiên, tôi cũng không biết chắc là có thật hay không. Cần phải thăm dò trước, nhưng tôi không kịp. Vả lại, tất cả những việc ấy thật ra chỉ là chuyện vặt vãnh. Cái chính là hình thức. Cũng có thể mời một ông linh mục ở làng bên cạnh, anh thấy thế nào? Vì ở đấy cũng có những làng bên cạnh mà! Chỉ tiếc là đến nay tôi chưa kịp viết tới đấy một dòng nào, cần phải báo trước cho họ. Sợ anh bạn tôi lúc này không có nhà… Nhưng đấy là việc thứ yếu! Đã quyết định rồi thì đến đây chúng tôi sẽ lo lấy hết, chứ không ư? Còn bây giờ, từ nay đến mai, hoặc đến ngày kia, cô ấy sẽ sống ở đây với tôi, tôi đã tìm thuê một căn phòng riêng để sau khi trở về chúng tôi sẽ sống. Tôi không về ở với bố nữa, đúng vậy không? Anh sẽ đến với chúng tôi, tôi đã bố trí căn phòng tuyệt vời, các bạn trẻ ở trường trung học sẽ đến với tôi, tôi sẽ tổ chức các buổi tối tiếp tân…
Tôi ngơ ngác và buồn bã nhìn cậu ta. Natasha đưa mắt như cầu khẩn tôi đừng xét nét cậu ta một cách nghiêm khắc mà phải độ lượng hơn. Cô nghe chuyện của cậu ta với nụ cười buồn rầu trên
môi, đồng thời lại ngắm nhìn cậu ta như cách người ta vẫn ngắm một chú bé đáng yêu, và lắng nghe những câu chuyện huyên thuyên chẳng ra ngô ra khoai gì nhưng lại thú vị. Tôi nhìn cô trách móc. Tôi cảm thấy nặng nề không chịu nổi.
– Thế còn ông bố anh? – Tôi hỏi. – Anh có tin chắc là ông ta sẽ tha thứ cho anh không?
– Tất nhiên, ông ấy còn biết làm sao nữa? Nghĩa là, tất nhiên, thoạt đầu ông ấy sẽ quở mắng tôi, tôi tin chắc như vậy. Ông ấy vốn vẫn nghiêm khắc với tôi thế đấy. Có thể ông ấy sẽ kêu ca phàn nàn với ai đó, tóm lại là dùng quyền người cha mà… Tuy nhiên, mọi chuyện ấy chẳng có gì nghiêm trọng. Ông ấy yêu tôi vô cùng, ông ấy giận, nhưng rồi sẽ tha thứ. Lúc ấy mọi chuyện sẽ yên lành, và tất vả đếu sẽ hạnh phúc. Bố cô ấy cũng thế
– Nhưng nếu ông cụ không tha thứ? Anh đã nghĩ đến điều ấy chưa?
– Ông ấy nhất định sẽ tha thứ, chỉ có điều có thể không sớm lắm. Thế thì sao? Tôi sẽ chứng minh cho ông ấy biết rằng tôi cũng có bản lĩnh. Ông ấy vẫn mắng tôi là không có bản lĩnh, là nông nổi, nhẹ dạ. Để rối bây giờ ông ấy xem tôi có nông nổi nhẹ dạ hay không. Bởi vì làm một người có gia đình không phải là trò đùa, lúc ấy tôi sẽ không còn là một đứa trẻ con nữa… tức là tôi muốn nói rằng tôi sẽ như mọi người khác… những người có gia đình. Tôi sẽ sống bằng sức lao động của mình. Natasha bảo rằng như vậy sẽ tốt hơn gấp bội là sống dựa vào người khác như chúng tôi hiện đang sống. Giá như anh biết được cô ấy đã nói với tôi bao điều tốt đẹp! Tôi sẽ không nghĩ ra được những điều ấy – tôi lớn lên và được dạy dỗ không bình thường. Thật ra, chính tôi cũng biết rằng tôi nông nổi, nhự dạ, và hầu như chẳng có năng lực làm được việc gì, nhưng, anh biết không, ngay hôm kia tôi đã nảy ra những ý nghĩ đáng kinh ngạc. Mặc dù bây giờ chưa phải lúc nhưng tôi vẫn kể cho anh, vì cần cho cả Natasha nghe nữa, và anh sẽ cho chúng tôi một lời khuyên. Thế này anh ạ: tôi muốn viết truyện và bán cho các tạp chí như anh vậy. Anh sẽ giúp tôi làm quen với giới báo chí, được chứ? Tôi trông chờ ở anh, và suốt đêm qua tôi đã nghĩ được ra một cuốn
tiểu thuyết, tất nhiên, mới thử thôi, và anh biết không: có thể viết ra một tác phẩm rất thú vị. Chủ đề thì tôi thuổng từ một vờ hài kịch của Xerip… nhưng tôi sẽ kể cho anh sau. Cái chính là người ta sẽ trả tiền cho tôi…vì người ta cũng trả tiền cho anh, phải không?
Tôi không thể nhịn được cười.
– Anh cứ cười, – cậu ta nói và cũng cười theo tôi. – Ồ không, anh hãy nghe tôi, – cậu ta nói thêm với vẻ hồn nhiên kỳ lạ, – anh chưa nhìn tôi đúng thực chất đấy thôi, thật đấy, tôi có rất nhiều khả năng quan sát, rồi anh xem. Tại sao không thử một tí? Biết đâu sẽ cho ra được một cái gì đấy… Song tất nhiên, có lẽ là anh nói đúng, quả là tôi chẳng biết gì về cuộc sống thực, Natasha cũng bảo tôi thế, thậm chí tất cả mọi người đều nói vậy, tôi sẽ là nhà văn thế nào nhỉ? Anh cứ cười, cứ cười đi, nhưng hãy sửa sang hộ tôi, anh làm việc này vì cả cô ấy nữa mà, vì anh cũng yêu cô ấy, tôi cảm thấy thế, tôi rất buồn vì điều ấy, và tôi chẳng biết cô ta yêu tôi vì cái nỗi gì? Còn tôi, có thể tôi sẽ hiến dâng cho cô ấy cả cuộc đời tôi. Đúng là từ trước đến nay tôi không hề sợ một điều gì, nhưng đến bây giờ tôi thấy sợ: chúng mình gợi ra điều ấy làm gì nữa! Trời ơi, với một con người toàn tâm toàn ý hiến dâng cho sự nghiệp của mình, phải chăng sẽ rất trớ trêu nếu anh ta không đủ khả năng và lòng kiên định để thực hiện nghĩa vụ đó? Anh là bạn của chúng tôi, xin anh hãy giúp đỡ chúng tôi. Anh là người bạn duy nhất của còn lại của chúng tôi. Mà tại sao tôi lại coi anh là duy nhất? Xin anh hãy tha lỗi, vì tôi đã coi anh như thế, tôi đã coi anh là một người hết sức cao thượng và tốt hơn tôi rất nhiều. Nhưng tôi sẽ sửa chữa, hãy tin rằng tôi sẽ xứng đáng với cả hai người.
Nói đoạn, cậu ra lại xiết lấy tay tôi, đôi mắt tuyệt đẹp long lanh một tình cảm chân thành và thắm thiết. Cậu ta nói tiếp. – Xin anh đừng nghĩ xấu về chúng tôi. Tuy thế thôi chứ tôi cũng có nhiều triển vọng, còn về vật chất thì chúng tôi hoàn toàn đầy đủ. Giả dụ như tôi không thành công trong công việc viết tiểu thuyết (thú thật tôi cũng vừa nghĩ rằng viết tiểu thuyết là ngu ngốc, và tôi chỉ kể với anh để nghe ý kiến của anh thôi) – nếu không thành công về tiểu thuyết thì cùng lắm tôi có thể đi dạy nhạc. Chắc anh chưa rõ là tôi biết âm nhạc? Tôi sẽ không xấu hổ để sống bằng nghề đó. Tôi có nhiều đồ
trang sức và vật dụng trang điểm quý giá, để chúng làm gì? Tôi sẽ bán đi và anh biết là chúng tôi sẽ sống được bao lâu bằng những thứ đó! Cuối cùng, trong trường hợp vạn bất đắc dĩ, cũng có thể tôi sẽ ra làm việc. Bố tôi sẽ rất vui, ông luôn luôn giục tôi đi làm, nhưng tôi toàn viện cớ không được khỏe để từ chối (Quả thật tôi cũng được nhận xét như thế ở đâu đó) và rồi ông già sẽ thấy rõ việc lấy vợ là có lợi cho tôi, giúp tôi tu tỉnh lại, và tôi sẽ bắt đầu làm việc thực sự – ông sẽ vui mừng và tha thứ cho tôi...
– Thế nhưng, Alexey Petrovich, anh có nghĩ rằng quan hệ giữa bố anh và bố cô ấy hiện nay đang ra sao không? Anh có nghĩ là tối hôm nay ở nhà họ sẽ thế nào không?
Và tôi chỉ cho cậu ta thấy Natasha bây giờ đang tái xanh tái xám bởi những lời nói của tôi. Tôi đã thật thẳng tay và không thương xót.
– Vâng, vâng, anh nói đúng, điều ấy thật khủng khiếp! – Cậu ta đáp, – tôi đã nghĩ đến điều đó và đau khổ tận đáy lòng… Nhưng tôi biết làm gì bây giờ? Anh nói đúng: chỉ mong sao cho bố mẹ cô ấy tha thứ cho chúng tôi! Nếu như anh biết được tôi yêu mến cả hai ông bà cụ như thế nào! Cả hai đối với tôi đều như ruột thịt, vậy mà tôi đã đền đáp họ như thế đấy!... Ôi, cãi với cọ, kiện với tụng! Anh có tin là chúng tôi đã đau khổ vì những chuyện ấy biết chừng nào! Mà vì sao họ lại bất hòa cơ chứ? Sự thật là chúng ta đều yêu mến nhau mà lại đi cãi cọ nhau! Dù sao thì rốt cuộc cũng phải làm lành thôi! Thật đấy, nếu tôi ở địa vị của họ thì tôi đã hành động như vậy… Những lời của anh làm cho tôi hoảng sợ. Natasha, chúng mình đã nhắc tới điều khủng khiếp ấy làm gì? Anh đã nói trước rồi mà… Em cứ nằng nặc… Nhưng Ivan Petrovich ạ, có thể mọi chuyện rồi cũng đâu vào đó, anh nghĩ thế nào? Bởi thế nào rồi cuối cùng các cụ cũng sẽ dàn hòa! Chúng tôi sẽ dàn hòa các cụ. Sự việc nhất định phải thế, các cụ sẽ không phản đối tình yêu của chúng tôi đâu… Dù các cụ có nguyền rủa chúng tôi thì chúng tôi vẫn cứ yêu mến họ, và rồi các cụ sẽ thay đổi. Anh cứ tin là có những lúc ông già tôi thật từ tâm. Ông cụ chỉ cay nghiệt trong việc ấy thôi chứ trong những trường hợp khác ông rất tỉnh táo. Giá như anh biết được hôm nay ông cụ đã nhẹ nhàng âu yếm với tôi như thế nào để thuyết phục tôi!
Thế mà hôm nay tôi lại đi phản lại ông cụ, điều đó làm tôi rất buồn. Mà tất cả cũng chỉ vì những thành kiến đã lâu! Đúng là điên rồ! Nhưng sao kia, giá như ông cụ được ngắm nhìn cô ấy kỹ một chút và thử tiếp xúc với cô ấy dù chỉ nửa giờ thôi? Nhất định ông sẽ lập tức cho phép chúng tôi, – vừa nói những lời ấy Aliôsa vừa nhìn Natasha dịu dàng và đằm thắm.
– Đã hàng ngàn lần tôi thích thú hình dung ra cái cảnh, – cậu ta tiếp tục huyên thuyên, – ông cụ sẽ yêu mến cô ấy biết bao khi biết rằng cô ấy đã khiến mọi người kinh ngạc. Bởi vì tất cả mọi người chưa hề thấy một cô gái nào như thế. Bố tôi cứ đinh ninh rằng cô ấy chỉ là một cô gái giảo quyệt. Trách nhiệm của tôi là phải khôi phục lại danh dự cho cô ấy và tôi sẽ làm điều đó! Ôi, Natasha, mọi người sẽ yêu em, tất cả, không một ai có thể không yêu em, – cậu ta xúc động tiếp lời. – Dù anh không xứng với em, nhưng xin em hãy yêu anh, Natasha, bởi vì anh đã… em biết anh đã rồi đấy! Nào chúng mình có cần gì nhiều cho hạnh phúc của chúng mình đâu! Không, anh tin và tin rằng buổi tối hôm nay phải mang lại cho chúng ta hạnh phúc, bình yên và cả sự hòa hợp! Hãy cầu nguyện cho buổi tối hôm nay đi em! Phải thế không, Natasha? Nhưng em làm sao thế? Trời ơi, làm sao thế em?
Cô tái nhợt như xác chết. Suốt thời gian Aliôsa nói huyên thuyên, cô cứ chăm chăm nhìn cậu ta, nhưng ánh mắt thì mỗi lúc một mờ dần và bất động, gượng mặt mỗi lúc một tái mét. Tôi cảm thấy rằng rốt cuộc cô không còn nghe thấy gì nữa và như người mất hồn. Tiếng kêu của Aliôsa dường như bất chợt đánh thức cô dậy. Cô chợt tỉnh, quay nhìn và đột nhiên lao lại phía tôi. Vội vã đến cuống quít, và hình như muốn giấu Aliôsa, cô rút trong túi ra một bức thư và trao cho tôi. Bức thư cô gửi cho bố mẹ và được viết từ hôm trước. Vừa trao thư cô vừa dán mắt vào tôi như muốn dùng ánh mắt níu chặt lấy tôi. Trong ánh mắt ấy chứa biết bao nhiêu là tuyệt vọng khiến tôi không bao giờ quên được cái nhìn khủng khiếp ấy. Tôi cũng rất sợ hãi, tôi thấy rõ là lúc cô đã cảm thấy hết sự khủng khiếp trong việc làm của mình. Cô gắng gượng để nói với tôi một lời, nhưng chỉ mở miệng thì cô đã đột ngột ngã xuống ngất xỉu. Tôi kịp giữ lấy cô. Aliôsa thì hoảng sợ đến tái xanh xám: cậu ta xoa thái
dương, hôn lên tay lên môi cô. Phải đến vài phút sau cô mới tỉnh lại. Chiếc xe ngựa mà Aliôsa dùng để đi tới đây đang đậu ở gần đấy, cậu ta liền vẫy nó lại. Natasha ngồi vào xe như người mất hồn, tay vẫn ghì chặt lấy tay tôi, và một giọt nước mắt nóng bỏng lăn trên những ngón tay tôi. Chiếc xe ngựa rùng mình. Tôi vẫn đứng rất lâu, nhìn theo cô. Trong giây phút ấy tất cả hạnh phúc của tôi đã chết. Và cuộc đời tôi bị bẻ làm hai nửa. Tôi đau đớn nhận ra điều ấy… Tôi chậm chạp trở lại con đường cũ, trở lại với các cụ. Tôi biết nói gì đây lúc đến trước các cụ? Ý nghĩ tôi chết lặng và chân tôi như khuỵu xuống…
Và đấy là tất cả câu truyện hạnh phúc của đời tôi, tình yêu của tôi đã kết thúc như vậy đấy. Bây giờ tôi xin tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở.
Chương X
Năm ngày sau khi cụ Smith qua đời, tôi dọn tới căn buồng của cụ. Suốt ngày hôm đó tôi cảm thấy buồn bã không chịu nổi. Thời tiết u ám và lạnh lẽo, những bông tuyết ẩm ướt rơi cùng với mưa. Mãi đến chiều tối mặt trời mới ló ra một lúc và một tia nắng lạc lõng lang thang như tò mò liếc nhìn vào căn buồng của tôi. Tôi bắt đầu hối hận vì đã chuyển nhà sang đây. Căn phòng tuy rộng rãi nhưng thấp tè, ám khói ngột ngạt và trống trải chống chếnh nào ấy dù có vài thứ đồ đạc đi nữa. Lúc bấy giờ tôi đã nghĩ rằng rồi mình đến giết nốt chút sức khỏe cuối cùng trong căn phòng này mà thôi. Sự thật quả như vậy.
Suốt buổi sáng tôi cứ loay hoay với đống giấy má, thu xếp và sắp đặt chúng lại cho có trật tự. Vì thiếu cặp nên lúc di chuyển tôi phải nhét tất cả vào một cái vỏ đệm thành một mớ hổ lốn, lẫn lộn linh tinh. Xong đâu đấy tôi mới ngồi viết. Lúc này tôi vẫn đang viết cuốn tiểu thuyết lớn của mình, nhưng công việc lại tắc tỵ: đầu óc toàn những việc đâu đâu.
Tôi quẳng bút và đến bên cửa sổ. Hoàng hôn đã sập xuống, và tôi thì mỗi lúc một cảm thấy trĩu buồn. Những ý nghĩ nặng nề xâm chiếm lòng tôi. Tôi cảm thấy rồi cuối cùng mình cũng sẽ chết ở cái đất Pêteburg này. Mùa xuân đang tới gần, tôi ước sao nó tới lúc mình hồi phục trở lại, thoát khỏi cái vỏ ốc này để ra với ánh mặt trời, thở hít hương thơm đồng nội và núi rừng mà lâu lắm tôi không được nhìn thấy chúng!... Tôi còn nhớ một ý nghĩ đã đến với tôi: thật tuyệt biết bao nếu có một phép màu nào đó có thể giúp tôi quên hết được những gì mà tôi đã trải qua trong mấy năm gần đây, quên đi tất cả, để đầu óc trở lại trong lành và lại bắt đầu một sinh lực mới. Lúc này tôi vẫn còn mơ ước đến điều ấy và hy vọng tới một sự phục sinh. “Dù phải vào nhà thương điên đi nữa, – rốt cuộc tôi đã quả quyết, – nhưng là để đảo lộn hết bộ óc trong đầu, sắp xếp lại theo kiểu khác và lại sẽ chữa khỏi bệnh”. Tôi vẫn khát khao và tin vào sự sống biết chừng nào!... Tuy nhiên, tôi còn nhớ là sau đó tôi lại bật cười. “Thế
sau khi ở nhà thương điên ra thì sẽ làm gì? Phải chăng lại ngồi viết tiểu thuyết…”.
Tôi vẫn cứ ngồi mơ mộng và khổ sở như vậy, trong khi thời gian vẫn trôi đi. Đêm đã tới. Tối hôm nay tôi có hẹn gặp Natasha, cô ta còn viết thư từ hôm trước nhắn tôi đến chỗ cô. Tôi vội bật dậy và chuẩn bị. Dù không có cái hẹn ấy thì tôi cũng chỉ muốn mau mau thoát khỏi căn phòng này dù để đi tới bất cứ nơi đâu, dù mưa gió, dù bùn lầy.
Từ lúc bóng tối ập xuống, căn phòng của tôi như rộng ra, dường như mỗi lúc nó một trở nên mênh mông. Tôi hình dung đêm đêm từ mỗi góc phòng tôi đều nhìn thấy cụ già Smith: ông cụ sẽ ngồi cà nhìn tôi bất động như hôm nào cụ nhìn Ađam Ivanôvits ở trong cửa hàng bánh kẹo, và dưới chân ông cụ vẫn là con chó Adorea. Và chính khoảnh khắc đó một sự cố xảy đến với tôi khiến tôi rất kinh ngạc.
Tuy nhiên, cũng cần phải thú nhận điều này một cách không giấu giếm: có lẽ vì thần kinh rối loạn, vì những ấn tượng thoạt đến trong căn phòng mới này, hay vì những nỗi đau buồn mới vừa rồi, mà dần dà cứ vào những lúc chiều tối, tôi lại rơi vào một trạng thái tâm hồn mà dạo này vẫn thường xảy đến với tôi trong những lúc ốm đau vào ban đêm, cái trạng thái mà tôi gọi là “cơn hoảng hốt huyền bí “. Đó là một căn bệnh nặng nề, đau đớn mà tôi cũng chưa thể xác định được, một trạng thái khó hiểu, không theo một trật tự bình thường, nhưng chắc chắn vào phút ấy nó có tồn tại, như thể chế nhạo hết mọi lý do sáng suốt mà tôi viện ra, và nó xuất hiện trước tôi như một sự thật hiển nhiên, khủng khiếp, kì quái và tàn nhẫn. Căn bệnh ấy giờ đây đang trở lại thường xuyên và ngày càng nặng hơn, bất chấp tất cả mọi sự lý giải của lý trí, đến nỗi rốt cuộc lý trí của tôi vào những phút này vẫn sáng suốt, nhưng đã mất hết khả năng chống lại cảm giác. Nó trở nên bất lực và vô tích sự, nó khiến cho tâm trạng buồn lo sợ hãi của sự chờ đợi càng tăng lên gấp bội.
Tôi còn nhớ, lúc ấy tôi đứng quay lưng lại phía cửa và cầm lấy cái mũ ở trên bàn, thì đột nhiên tôi chợt nghĩ rằng nếu lúc này mà quay lại thì nhất định sẽ bắt gặp cụ Smith: thoạt tiên cụ già sẽ lặng lẽ
mở cửa, dừng lại trên ngưỡng cửa và lặng lẽ đưa mắt nhìn khắp phòng, sau đó, cũng lặng lẽ cụ cúi đầu bước vào, đến trước mặt tôi, nhìn tôi bằng cặp mắt mờ đục, và đột nhiên cười phá vào mặt tôi bằng cái cười dài, không có răng và không ra tiếng, toàn thân đung đưa và đung đưa theo cái nụ cười ấy. Tất cả hình ảnh ma quái này hiện lên trong trí tưởng tượng của tôi hết sức rõ ràng và rành mạch đến nỗi tôi hoàn toàn tin rằng mọi việc đang và đã diễn ra, chỉ có điều tôi không trông thấy vì nó ở sau lung mình và có thể chính lúc ấy cánh cửa đã mở rồi. Tôi vội quay lại nhìn, và thế nào kia? – Quả thật cánh cửa đã mở tung, lặng lẽ, không một tiếng động, đúng như tôi đã hình dung một phút trước đó. Tôi kêu lên. Rất lâu vẫn không có ai xuất hiện, ngỡ như cánh cửa đã tự mở ra, rồi đột nhiên có ai đó lạ mặt hiện lên trên ngưỡng cửa, tôi chỉ có thể nhận ra một đôi mắt đang nhìn tôi chăm chú và dai dẳng. Một luồng lạnh buốt chạy dọc hai vai tôi. Tôi kinh ngạc đến tột độ khi nhìn thấy đó là một đứa trẻ, một cô bé gái, và giá như tôi nhìn thấy cụ Smith thì có lẽ tôi cũng không hoảng sợ bằng sự xuất hiện đột ngột và kì quái của một đứa trẻ không quen ở trong phòng mình và vào cái thời khắc ấy.
Tôi đã kể rằng có một cô bé mở cửa khẽ khàng và chậm chạp đến nỗi dường như sợ không dám bước vào.
Thoạt xuất hiện, cô bé dừng lại trên ngưỡng cửa, nhìn tôi rất lâu, sửng sốt đến đờ cả người: mãi sau, lặng lẽ và chậm rãi cô bé tiến mấy bước và dừng lại trước mặt tôi, không nói không rằng. Tôi quan sát cô bé gần hơn. Đấy là một em bé gái trạc độ mười hai hay mười ba gì đó, vóc người bé nhỏ, gầy guộc, xanh xao như vừa qua một cơn ốm nặng. Đôi mắt to đen của cô bé càng rực lên long lanh. Tay trái của cô bé ghì chặt trên ngực một chiếc khăn tay cũ, rách nát mà cô dùng để che lấy lồng ngực đang run lên vì cái lạnh ban tối. Áo quần trên mình nó đúng là rách bươm, mớ tóc đen rậm rạp không hề chải, rối bù. Chúng tôi đứng như trời trồng đến hai phút, dán mắt vào nhau.
– Ông đâu rồi, – cuối cùng em bé hỏi khẽ bằng cái giọng khàn khàn như người đau ngực hay cổ họng.
Câu hỏi ấy đã xua tan tất cả cơn hoảng loạn ma quái của tôi. Đã có người hỏi thăm cụ Smith, tung tích của cụ già đã tình cờ phát lộ.
– Ông của cháu ư? Thế thì cụ ấy mất rồi! – Tôi bất giác thốt lên, hoàn toàn không chuẩn bị để trả lời em bé, và lập tức ân hận. Cô bé sững lại một phút rồi thốt lên run bắn toàn thân, như thể em sắp lên một cơn động kinh dữ dội. Tôi vội vã ôm giữ lấy em cho em khỏi ngã. Mấy phút sau, em đã đỡ hơn, và tôi thấy rõ em phải vận dụng tất cả sức lực để nén cơn xúc động của mình trước mặt tôi.
– Hãy tha lỗi, tha lỗi cho tôi, cô bé! Hãy tha thứ cho tôi, bé con của tôi! – Tôi nói, – tôi chỉ tình cờ nói thế, không chắc đã phải… bé con tội nghiệp!... Em tìm ai nào? Có phải cụ già đã sống ở đây không?
– Vâng, – cô bé gắng gượng đáp và lo lắng nhìn tôi. – Có phải họ của cụ Smith không?
– Vâ..â..ng.
– Thế thì.. ừ phải, thế thì ông cụ mất rồi… Nhưng thôi đừng buồn, con bồ câu bé bỏng của tôi. Tại sao em lại không đến? Hiện em từ đâu tới? Người ta đã an tang cụ hôm qua. Cụ mất đột ngột… Thế em là cháu cụ à?
Em bé không trả lời những câu hỏi vội và và lộn xộn của tôi. Đoạn em im lặng quay lại và lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Tôi bàng hoàng đến nỗi không giữ em và hỏi han thêm gì nữa. Em dừng lại một lần nữa trên bậc cửa, hơi quay về phía tôi và hỏi:
– Adorea cũng chết rồi à?
– Phải, cả Adorea cũng chết rồi, – tôi trả lời và sửng sốt vì câu hỏi của cô bé có cái gì lạ lùng: rõ ràng là cô bé tin chắc con Adorea nhất định sẽ chết cùng với cụ già.
Nghe đoạn câu trả lời của tôi, cô bé bước ra khỏi phòng không một tiếng động, vừa thận trọng khép lại cánh cửa ở sau lưng.
Đến hàng phút sau tôi mới chạy ra để đuổi theo em bé, và giận mình khủng khiếp vì đã để cho em bé bỏ đi! Em bé đã đi ra lặng lẽ
đến nỗi tôi không nghe thấy tiếng em mở cửa cầu thang. Tôi cứ đinh ninh là em chưa kịp ra hết cầu thang, nên dừng lại ở phòng ngoài để nghe ngóng. Nhưng tất cả hoàn toàn im lặng, không nghe thấy một tiếng bước chân nào. Chỉ có tiếng khép cửa ở đâu đó tận tầng dưới, rồi tất cả lại im lặng.
Tôi vội vã lao xuống tầng dười. Cầu thang từ buồng tôi ở tầng năm dẫn xuống tầng bốn trở đi thì chạy thẳng. Đó là chiếc cầu thang bẩn thỉu, đen ngòm và lúc nào cũng tối tăm vốn thường gặp trong những chung cư với nhiều căn hộ nhỏ. Vào lúc này thì nó hoàn toàn tối mịt. Dò dẫm xuống được tới tầng tư thì tôi dừng lại, và chợt thấy như có cái gì huých vào người mình, hình như có ai đó đang trốn tôi trong gian phòng ngoài này. Tôi đưa tay sờ soạng, đúng là em bé đang đứng đấy, tận trong góc phòng úp mặt và tường và khóc âm thầm, lặng lẽ.
– Kìa em, em sợ gì thế? – Tôi mở đầu. – Tôi đã làm em sợ, tôi có lỗi. Lúc mất, ông em có nhắc đến em, đấy là những lời cuối của cụ… Tôi cũng còn giữ mấy cuốn sách, chắc chắn là của em. Tên em là gì? Em sống ở đâu? Ông em nói rằng ở đường thứ sáu…
Nhưng tôi không nói hết lời. Em bé kêu lên sợ hãi, hình như vì tôi đã biết chỗ em sống, em đưa cánh tay gầy guộc, xương xẩu đẩy tôi ra và lao xuống cầu thang. Tôi cũng chạy theo em, và còn nghe thấy tiếng chân em ở phía dưới. Rồi đột nhiên im bặt… Lúc tôi chạy ra đến đường phố, em đã không còn đấy. Chạy đến tận đại lộ Vôđơnhêxenxki thì tôi đã thấy rằng mọi công phu tìm kiếm xủa mình là vô ích: em bé đã hoàn toàn biến mất. “Chắc là con bé trốn mình ở đâu đó, – tôi nghĩ bụng, ngay khi vừa rời khỏi cầu thang”.
Chương XI
Thoạt bước ra đến vỉa hè ẩm ướt, bẩn thỉu của con lộ, tôi liền chạm trán với một người qua đường, người này rõ ràng mải nghĩ ngợi, đầu cúi gằm, chân vội vã rảo bước. Tôi trố mắt ngạc nhiên khi nhận ra đấy là ông già Ikhmenev. Đối với tôi đây đúng là một buổi tối đầy những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Ba hôm trước tôi biết ông cụ ốm khá nặng, thế mà bỗng nhiên lại gặp ông ngoài đường giữa lúc trời ẩm ướt thế này. Hơn nữa, trước kia hầu như không bao giờ ông ra khỏi nhà vào ban tối, còn từ sau khi Natasha bỏ nhà ra đi, nghĩa là gần nửa năm nay thì ông lại càng nằm bẹp ở nhà. Gặp tôi ông cụ tỏ ra vui mừng thái quá, hình như rốt cuộc thì ông đã tìm được người có thể chia sẻ mọi ý nghĩ nên ông cụ liền nắm lấy tay tôi, ghì chặt, và cũng chẳng buồn hỏi xem tôi đi đâu, cứ thế lôi tôi đi theo mình. Rõ ràng có điều gì đó đang khiến ông xúc động vội vã và bối rối. “Ông cụ đi đâu thế nhỉ?”. – Tôi nghĩ bụng. Hỏi ông cụ thì không nên, ông đang phải lo nghĩ ghê gớm, đôi lúc chỉ một câu hỏi hoặc nhận xét bình thường cũng khiến ông tưởng là một lời xỏ xiên ám chỉ đểu cáng.
Tôi liếc mắt nhìn ông cụ: gương mặt ông ốm yếu, thời gian gần đây ông gầy quá, râu ria hàng tuần không cạo. Mái tóc đã hoàn toàn bạc trắng, bù xù, thò ra dưới vành mũ nhàu nát và xõa dài từng túm trên cổ chiếc áo khoác ngoài sờn rách, cũ kỹ. Dạo trước tôi còn nhận thấy lắm lúc ông như người mất trí, chẳng hạn, có lúc ông quên mất chỉ có một mình mình trong phòng, ông cứ hoa chân múa tay, tự trò chuyện một mình. Nhìn ông thật rầu lòng.
– Thế nào, Vanya? – Ông cụ cất tiếng. – Cháu đi đâu đấy? Còn bác, người anh em ạ, bác đi có việc. Khỏe chứ?
– Bác cũng khỏe chứ? – Tôi đáp. – Bác vừa ốm dậy mà đã ra đường.
Cụ già không trả lời, như không nghe thấy lời tôi.
– Anna Andreyevna có khỏe không ạ?
– Khỏe, khỏe… Tất nhiên bà ấy cũng có hơi mệt. Bà ấy cứ rầu rĩ thế nào ấy… bà vẫn nhắc đến cháu đấy: tại sao cháu không lại
"""