" Những Đứa Trẻ Bị Mắc Kẹt - Kanae Minato full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Tội Phạm] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Đứa Trẻ Bị Mắc Kẹt - Kanae Minato full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Tội Phạm] Ebooks Nhóm Zalo Những đứa trẻ bị mắc kẹt Tác giả: Minato Kanae Dịch giả: Phan Thanh Phát hành: AZ Việt Nam Nhà xuất bản Thế Giới 05/2019 —★— ebook©vctvegroup MỤC LỤC Lời tựa Người thân yêu của tôi Ai là kẻ thù, ai là tri âm? Cô gái đầy tội lỗi Người tốt bụng Đứa trẻ bị mắc kẹt Người mẹ tuyệt vời LỜI TỰA Cuốn sách này gồm 6 phần, là tập hợp 5 câu chuyện về những kẻ gây án khó hiểu. Đây là một cuốn sách về tâm lý tội phạm, về nguồn gốc nhân cách hoặc cư xử của con người mà sâu xa là do phương pháp giáo dục trong gia đình từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành – Nó khẳng định một điều rằng, tuổi thơ của con người rất quan trọng. Trong thời thơ ấu của mỗi người, chỉ cần có một vệt ký ức ám ảnh mà bản thân người đó không tự vượt qua và thoát khỏi thì chính ký ức đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, hành vi và thậm chí cả hành vi phạm tội (nếu có) của con người đó. Trong câu chuyện về từng án mạng là lời tự sự của từng nhân vật, khi thì nạn nhân, khi thì thủ phạm và có lúc lại là người có mối liên hệ mật thiết với nạn nhân. Với lối tự sự này, tâm lý, tính cách nhân vật được khắc hoạ rõ nét. Cú đánh lừa ngoạn mục của tác giả chính là cách đan xen lời tự sự khiến cho bất cứ ai chỉ đọc lướt sẽ không thể nhận ra ai mới là hung thủ thực sự. Bởi tâm tư của từng nhân vật cuốn người đọc hoá thân thành nhân vật đó và tưởng như chính họ có thể gây án bất cứ khi nào. Đó là câu chuyện về gia đình có hai cô con gái mà cách giáo dục hai đứa con trái ngược nhau hoàn toàn là nguyên nhân chính để lại ẩn ức của hung thủ. Dường như người em gái được bố mẹ dạy dỗ thoải mái hơn lúc nào cũng chờ cơ hội mỉa mai người chị bốn mươi tuổi chưa chồng, luôn mộng mơ chìm trong thế giới tiểu thuyết. Người chị dù không thân thiết nhưng cũng không ghét bỏ gì em gái mình. Người chị nhận con mèo trắng làm thú cưng chỉ bởi vì cảm thấy nó đáng thương và nó cần mình, đặc biệt là cô có khoái cảm với việc giết rận cho mèo. Một cô gái mộng mơ, trắc ẩn như vậy, có ai biết đến thẳm sâu thế giới tưởng tượng của cô ấy có một con rận khổng lồ… Ba tác giả biên kịch gặp nhau tại một lễ trao giải tác phẩm xuất sắc của một cuộc thi. Từ đó, họ giữ liên lạc và trao đổi tác phẩm với nhau. Đối thủ là kẻ thù nhưng cũng chính là tri âm. Họ phải luôn cố gắng, phấn đấu để tác phẩm của mình được các nhà sản xuất phim để ý. Trong quá trình đó, họ có một áp lực là phải vượt trội so với những người cùng nhận giải năm xưa. Đố kị, ghen ghét, tự ái, ảo tưởng… là nguồn cơn tâm lý tội phạm của hung thủ trong âm mưu sát hại đối phương. Trong ba người đoạt giải năm xưa, có một người nhất định phải biến mất khỏi thế giới này. Trong ba người đó, ai xem ai là kẻ thù, ai xem ai là tri âm? Ai mới thực sự là hung thủ, phải mãi đến cuối chương, người đọc mới thở phào nhẹ nhõm sau những căng thẳng, đố kị, ảo tưởng cùng với các nhân vật. Lại thêm những án mạng, đó là cuộc sống tuổi thơ đầy cố gắng gồng mình trong cô đơn, hoang mang, nhiều sợ hãi của những đứa trẻ có mẹ đơn thân. Khi đọc qua chương này, các bà mẹ, ông bố định đơn thân nuôi con liệu có suy nghĩ gì? Tất cả mọi đứa trẻ đều xứng đáng được sống trọn vẹn với tình yêu thương đầy đủ của cả bố và mẹ. Người lớn có bao giờ nghĩ rằng, mình đã quá ích kỷ khi chấp nhận đơn thân nuôi con từ lúc con chào đời đến khi con đã hình thành nhân cách trưởng thành? Một án mạng khác lại xảy ra, nạn nhân được biết đến như là một con người hiền lành tốt bụng trong mắt tất cả mọi người. Người thuộc diện tình nghi đang bị cảnh sát hỏi chuyện, lại cũng là một người chưa bao giờ nỡ gây gổ với ai và chỉ biết mỉm cười hoặc im lặng nín nhịn kể cả khi bị đối phương gây khó chịu. Điều ngạc nhiên hơn, đây chính là người vốn từ nhỏ luôn nghe lời mẹ, luôn nói câu xin lỗi trước người khác dù đối phương là kẻ gây lỗi. Chính vì được dạy dỗ theo kiểu ép mình trở thành hình tượng hiền hòa, người tốt bụng trong mắt người khác nên cả nạn nhân và kẻ phạm tội đều có những ẩn ức chỉ đợi ngày bùng nổ. Các bậc phụ huynh cần nhìn nhận lại, dạy con cái trở thành người tốt bụng rất đáng hoan nghênh, nhưng phương pháp như thế nào là đúng, là phù hợp với tính cách từng đứa trẻ? Theo hướng nghiên cứu phân tâm học của Sigmund Freud, mối quan hệ giữa cha và con gái thường thân thiết hơn mẹ và con gái; cũng như mối quan hệ giữa mẹ và con trai thì thân thiết hơn so với cha và con trai. Có thể còn nhiều tranh cãi trong chuyên ngành tâm lý học nhưng thực tế cho chúng ta thấy rõ điều này chưa sai, ít nhất thì trùng hợp xảy ra với đa số. Đó cũng là một nguyên nhân trong những khó khăn khi các bà mẹ đơn thân cố tương tác trong quá trình nuôi dạy con gái mình. Từ trước tới nay, người ta đều nói rằng tất cả mọi ông bố, bà mẹ đều luôn mong điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình nhưng ít khi có người con nào nhận ra điều đó cho đến khi chính họ trở thành những ông bố/bà mẹ và nuôi con nhỏ. Nếu ai còn nghĩ như vậy thì càng cần phải đọc cuốn sách này! Gia đình là tổ ấm, là nơi vỗ về nhưng gia đình nhiều khi cũng là nỗi kinh sợ. Tình mẫu tử, phụ tử vốn thiêng liêng bỗng dưng trở nên thật đáng nguyền rủa bởi quá nhiều nghiệt ngã. Những đứa trẻ dễ dàng bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình chỉ vì mẹ/cha của chúng có mối hận nào đó với người cha/mẹ của chúng. Không ít các bậc làm cha làm mẹ vì những ham muốn thoả mãn cá nhân mà bỏ mặc con cái và thậm chí lạm dụng con đến mức khủng khiếp. Cũng có kiểu phụ huynh dạy con trở thành/thực hiện giấc mơ dang dở của chính họ mà không quan tâm con-người-mà-chính-chúng vốn-là. Những đứa trẻ như vậy, lớn lên sẽ thế nào? Nếu may mắn, đứa trẻ đó sẽ trở thành một con người bình thường như bao người khác với một cuộc sống bình thường. Sẽ thật đáng thương khi đứa trẻ đó dù lớn lên và vui vẻ bên ngoài xã hội nhưng vẫn không thể thoát được đứa-trẻ-bị-mắc-kẹt bên trong trong ký ức đầy tủi hổ, cô độc về gia đình. Càng bất hạnh hơn nếu đứa trẻ đó lớn lên trở thành tội phạm chỉ vì những ấm ức bị kìm nén quá lâu mà vốn để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí và đã tác động trực tiếp đến tâm lý cũng như cách xử lý vấn đề cuộc sống, nhân cách của con người trưởng thành! Để có một công dân tốt cho xã hội, sự giáo dục từ gia đình trong những năm đầu đời của trẻ vô cùng quan trọng. Ký ức tuổi thơ luôn là thứ tồn tại lâu nhất và có ảnh hưởng trực tiếp đến con người trưởng thành về sau. Hầu như người trưởng thành nào cũng luôn có một đứa trẻ bị mắc kẹt từ thẳm sâu tiềm thức. Đó có thể là sự tự ti khó thoát của một cô gái ba mươi tuổi bởi hồi bé luôn bị bố mẹ so sánh với người chị họ từ điểm số học tập đến nhan sắc. Đó có thể là lòng căm thù phụ nữ của một người đàn ông trưởng thành nhất quyết không chịu kết hôn chỉ vì đó là một cậu bé có người mẹ phản bội hai bố con hết lần này đến lần khác. Và còn nhiều hơn thế nữa những sang chấn tâm lý, những bế tắc của người trưởng thành, là lúc đứa-trẻ-bị-mắc-kẹt bên trong đang trỗi dậy và chiếm ngự, điều khiển họ, khiến họ dễ dàng sa ngã vào những hành vi phạm tội. Mọi trẻ em đều xứng đáng được chăm sóc và nuôi dạy trong tình yêu thương đầy đủ của cả cha và mẹ. Đặc biệt, trong quá trình giáo dục trẻ, các bậc phụ huynh thường có xu hướng “lái” cho con trẻ lớn lên như cách mình mong muốn mà không kịp nhận ra đó chỉ là “con người lý tưởng” mà chính họ đang hình dung và mơ ước trở thành chứ chưa hẳn đã phù hợp với con trẻ và không-là-chính đứa-trẻ-đó. Mọi đứa trẻ đều xứng đáng được lớn lên là chính bản thân các con! Với lối khắc hoạ tâm lý nhân vật tài tình của Kanae Minato, độc giả sẽ được cuốn đi theo từng phân cảnh tâm lý, cùng hồi hộp, cùng căng thẳng, cùng tưởng tượng với nhân vật cho đến khi mọi chuyện vỡ oà… Thân mến! Biên tập viên I love books NGƯỜI THÂN YÊU CỦA TÔI Nói về Arisa ấy hả? Tôi hiểu rồi. Arisa là em gái kém tôi 6 tuổi. Nếu hỏi rằng, chúng tôi có phải là chị em tốt hay không thì tôi cũng không biết phải trả lời thế nào. Các cặp anh chị em xấp xỉ tuổi nhau hoặc sẽ rất thân nhau hoặc thường hay cãi nhau. Đằng này, vừa là do khoảng cách hơn kém nhau 6 tuổi khiến chúng tôi không học chung trường, lại vì mẹ tôi chỉ ở nhà nội trợ nên việc để tôi trông em hay chơi cùng với em chỉ khiến mẹ thêm phiền toái. Thế nên, chưa nói đến mối quan hệ của chúng tôi tốt hay xấu, cảm nhận trước hết của tôi là chúng tôi dường như chỉ sống chung nhà chứ hầu như không có ký ức sâu đậm nào về nhau cả. Tuy nhiên, nó đã là đứa khiến tôi luôn cảm thấy ghen tị. Có thể, do sự khác biệt giữa đứa con thứ nhất và đứa thứ hai nên cách mẹ tôi đối xử với tôi và em gái tôi rất khác nhau. Cũng có thể, lý do lớn hơn là mẹ tôi sinh một đứa khi mới hai mấy tuổi, còn đứa còn lại được sinh ra khi mẹ đã ngoài ba mươi. Ngay từ khi tôi bắt đầu nhận thức được mọi việc, mẹ đã luôn dạy dỗ tôi rất nghiêm khắc. Ngược lại, tôi chưa bao giờ thấy mẹ to tiếng với em gái mình. Tuy vậy, tôi cũng không giữ điều bất mãn ấy ở trong lòng. “Hồi con học lớp 1, khi con làm vỡ bát, mẹ liền mắng con: Lớn rồi phải ra dáng học sinh tiểu học chứ? rồi đuổi con ra khỏi nhà. Còn khi Arisa làm điều đó thì mẹ lại chỉ hỏi Con có sao không? và cũng chẳng thèm nhắc nhở em nó gì cả.” – Khi cảm thấy điều gì vô lý, tôi thường hay nói thẳng như vậy. “Mẹ cũng đã 37 tuổi rồi còn gì? Sức khỏe của mẹ cũng yếu hơn trước. Chẳng hiểu sao mẹ cũng không còn sức để mà cáu nữa.” – Mẹ tôi vừa nói vừa thở dài thườn thượt. “Nhưng mà đến bây giờ mẹ vẫn còn mắng con đấy thôi!” “Còn tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc chứ. Nếu con làm vỡ bát thì lần sau chú ý hơn là được. Thế nhưng, chuyện học hành hay bạn bè của con chẳng phải sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con sau này hay sao, Toshiko? Cho nên, dù cảm thấy rất mệt nhưng mẹ vẫn phải cố gắng lấy hết sức mình để mắng con, chỉ vì mẹ muốn tốt cho con mà thôi…” “…Dù xếp thứ hạng cao ở trường công lập cũng không được chủ quan. Học hành là phải luôn phấn đấu đứng đầu. Tuyệt đối không được chơi với những đứa lêu lổng trốn học thêm.” Hồi đó, tôi đã bị thuyết phục trước những lý lẽ của mẹ tôi. Còn Arisa, khi học lên cấp hai, nó có bị mẹ nhắc nhở hay không, tôi cũng không rõ vì lúc đó tôi đã xa nhà vào đại học. Tôi học tại trường đại học nữ sinh T. ở Tokyo và đó cũng chẳng phải là ngôi trường nổi tiếng lắm. Xét về tỷ lệ chọi thì tôi thừa sức thi đỗ trường đó và thực sự mong được vào một trường khác nhưng mẹ tôi chỉ cho tôi đi học trường đại học nữ sinh nên tôi đành phải nhượng bộ với bà. Sau khi tốt nghiệp, tôi đi làm ở SHIROBARADOU, một công ty lớn nhất trong ngành mỹ phẩm. Tôi làm ở đó được một năm rưỡi thì nghỉ việc và cho đến thời điểm hiện tại cũng chẳng còn liên quan gì nữa. Lý do ư? Điều này chẳng liên quan gì đến Arisa cả. Nếu thế thì bỏ qua ấy hả? Vậy thì ngay từ đầu phải bảo cho tôi biết là muốn tôi nói về Arisa ở thời điểm nào hay giai đoạn nào chứ? Arisa mà tôi biết là Arisa khi ở cùng với tôi. Và bây giờ, các anh lại ngắt lời tôi và bảo là không muốn nghe tiếp vì câu chuyện chỉ nói về mỗi tôi? Thế thì tôi biết phải làm sao? Không nghĩ điều đó là bất lịch sự với tôi hay sao? Các anh muốn biết chuyện từ sau khi Arisa trở về nhà này phải không? Vì các anh đến đây để điều tra về vụ việc của Arisa mà. Lẽ ra các anh hỏi ngay từ đầu có phải tốt hơn không! Lúc Arisa từ Tokyo trở về với gia đình tôi là vào hai tuần trước. Trước đó ba ngày, ở thị trấn kế bên, lần đầu tiên xảy ra vụ hành hung bà bầu. Đáng sợ thật đấy! Tôi nghe nói là thai phụ đó bị đánh tới tấp bằng gậy hay gì đó trên đường vào buổi tối. Tuy không giữ được em bé nhưng người mẹ đã được cứu sống nên vẫn còn may mắn hơn Arisa. Thời sự có đưa tin về việc chưa bắt được hung thủ, rằng động cơ cũng không rõ ràng nên có khả năng đây là việc hành hung không chủ đích vào đối tượng trên đường. Biết tin này, Arisa đã rất băn khoăn trước khi về đây sinh con. Nhưng mọi dự định đã lên kế hoạch sẵn từ việc đặt sẵn các dịch vụ ở bệnh viện và bởi cảm giác thoải mái ở nhà mẹ đẻ nên Arisa không huỷ kế hoạch ban đầu. Bố mẹ tôi cũng cho rằng, có thể kẻ hành hung không chủ đích nhắm vào bà bầu mà nạn nhân chỉ tình cờ là sản phụ nên chúng tôi đã không cản Arisa trở về nhà. Chắc là bố mẹ tôi cũng mong ngóng được thấy đứa cháu đầu lòng chào đời. Dù thế nào, chúng tôi cũng đã rất cẩn thận. Arisa nói, sẽ đi xe buýt về đến gần nhà nên tôi đã đi ô tô ra ga Shinkansen để đón con bé vì xe buýt có đi qua thị trấn kế bên. Khi nhìn thấy Arisa đi ra từ cửa soát vé, tôi đã rất sửng sốt. Dù biết rằng, còn một tháng nữa là đến ngày dự sinh của con bé và tôi đã thử hình dung dáng vẻ mang bầu của nó nhưng tôi không nghĩ bụng bầu của nó lại nhô ra phía trước đến như vậy. Không biết ở trong đó nhét được mấy đứa trẻ? Việc hình dung ra cảnh bao nhiêu đứa bé đang làm đủ tư thế kì quặc trong bụng thai phụ khiến tôi cảm thấy sắp buồn nôn đến nơi. Dù rằng, trong bụng em gái tôi chỉ có một đứa trẻ và có vẻ như là con gái. Tôi nghĩ, có lẽ mình có trí tưởng tượng mạnh hơn những người bình thường khác – Nó chỉ là hơi khác một chút về mặt ý nghĩa so với trí tưởng tượng phong phú. Bởi vì tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra những thứ tươi đẹp cả. Ngay cả những thứ không đâu khi đã chui vào sâu trong não của tôi cũng trở thành những hình ảnh tưởng tượng tăm tối đau khổ đến mức tôi muốn nôn ọe hay hét lên và cứ thế lan tỏa trong đầu tôi. Tôi luôn cẩn thận chú ý để những người xung quanh không phát hiện ra điều đó. Nhưng một khi ấn tượng của những hình ảnh tưởng tượng này quá mạnh, tôi bỗng vô thức thể hiện ra mặt hoặc nói ra, bởi vậy mà từ xưa tôi luôn bị mọi người cảm thấy ghê sợ. Tôi cũng muốn thanh minh lắm nhưng nếu giải thích những hình ảnh trong đầu mình thì chắc rằng mọi người chỉ càng xa lánh hơn mà thôi, nên tôi đã chấp nhận việc bị mọi người hiểu lầm và giữ khoảng cách với mình. Nếu bảo rằng không đau khổ là tôi nói dối, nhưng tôi cũng đã quen rồi. “Chị cảm thấy kinh lắm phải không?” Đó là câu đầu tiên của Arisa. Tôi không nói với Arisa về những hình ảnh hiện ra trong đầu mình nhưng có lẽ con bé cũng lờ mờ nhận ra điều đó. Đúng là chị em gái, có những việc chẳng cần nói ra cũng có thể đoán ý. Tôi định phủ nhận nhưng biểu hiện của Arisa hoàn toàn chẳng có gì là khó chịu cả, bởi vậy tôi chẳng chối cũng chẳng xin lỗi mà giả vờ như không nghe thấy rồi đón hành lý của con bé. Có khi, Arisa đã cảm thấy buồn cười khi thấy tôi tỏ ra sợ hãi trước cái bụng to của con bé cũng nên. Không biết có phải xe của tôi có chỗ nào không vừa ý con bé hay không mà lẽ ra nên ngồi ở hàng ghế sau thì Arisa lại ngồi ở ghế trước, cạnh ghế lái. Đúng như tôi nghĩ, dù có kéo thắt dây an toàn thế nào thì cũng không vừa. Là sản phụ thì không vi phạm luật giao thông đúng không? Khi nghe em gái mình hỏi thế, lần đầu tiên tôi mới biết điều đó. Thế nhưng, càng là bà bầu thì càng phải thắt dây an toàn chứ, đúng không? Từ nhà ga về nhà tôi phải băng qua đường cao tốc, trong thời gian khoảng bốn mươi phút nên tôi cảm thấy lo lắng mỗi khi mình đạp phanh thì nhỡ đâu em tôi lại ngã dúi về trước làm cái bụng bị gập vào thì sao, cùng với đó là những hình ảnh kỳ quặc lại hiện lên. Cho tới khi về đến nhà, dù đang là mùa đông mà tôi toát cả mồ hôi, nách và lưng ướt sũng. Đó là hình ảnh như thế nào ư? Không cần ư? Các anh có thể bỏ ngay cái kiểu đột ngột cắt ngang câu chuyện của người khác như thế được không? Cứ cho là phía các anh sẽ quyết định xem điều đó có liên quan đến sự việc hay không nhưng tiêu chuẩn của điều đó là gì? Tự bỏ đi những cái mà các anh cho là không cần thiết mà phán đoán sai rồi bỏ qua những thông tin quan trọng, chẳng phải sẽ khiến việc truy bắt hung thủ trở nên chậm trễ hay sao? Nếu như các anh hỏi cặn kẽ ở vụ thứ nhất thì chẳng phải sẽ tránh được việc Arisa trở thành nạn nhân hay sao? Tôi đang rất bình tĩnh. Tôi kể tiếp chuyện từ sau khi Arisa về là được chứ gì? Đầu tiên, từ chuyện tình hình thường ngày của gia đình tôi. Sau khi nghỉ làm ở công ty mỹ phẩm, tôi làm nhân viên phái cử[1] tại Tokyo một thời gian, nhưng do yêu cầu của bố mẹ nên tôi đã về đây và làm công việc mà bạn của mẹ tôi giới thiệu. Đó là làm lễ tân cho phòng khám Nhãn khoa. Còn Arisa, từ lúc học đại học là con bé cũng không sống ở nhà nữa, sau đó nó đi làm rồi cưới chồng, thế nên suốt mười hai năm trời chỉ có bố mẹ và tôi – ba người sống với nhau. Khi bố tôi và tôi còn ra ngoài đi làm thì cuộc sống của chúng tôi khá nề nếp. Bữa sáng thì cứ 6 rưỡi sáng là cả ba người chúng tôi đều quây quần ăn sáng, đến bữa tối, chúng tôi cũng thường cố gắng ăn tối cùng nhau từ 7 giờ. Ăn tối xong, cả nhà chúng tôi cùng nhau ngồi xem tivi. Mặc dù cũng không có việc gì thật vui nhưng chúng tôi không hề cãi cọ nhau và có những chuỗi ngày thật êm đềm. Arisa làm việc cho một cửa hàng quần áo ở Tokyo. Thường trước hoặc sau các dịp Obon (lễ Vu Lan của Nhật) hay dịp Tết, lần nào con bé cũng về thăm nhà, hoặc ngay cả khi chẳng có dịp gì con bé cũng hay thò mặt về và bảo là tiện đường du lịch nên ghé thăm nhà… Những khi đó, con bé thường dẫn theo bạn trai về. Lần đầu, cả nhà tôi đã ầm ĩ hết cả lên. Nó kể trước là ra mắt bố mẹ nên cả bố mẹ tôi lẫn tôi đều chuẩn bị tinh thần là chắc chắn hai đứa nó yêu để cưới, và thế là ngày hôm đó bố tôi đã mặc vest ra đón. Cuối cùng, chúng tôi chẳng thấy đả động một tí nào đến từ “cưới” mà chúng nó chỉ chơi vui vẻ xong là về Tokyo. Tôi đã nói rất rõ với mẹ tôi là nên gọi điện hỏi xem Arisa định hẹn hò với mục đích gì, nhưng mẹ tôi lại bảo: “Arisa chẳng còn là trẻ con nữa nên chắc là nó cũng tự có suy nghĩ riêng!” Mẹ tôi tỏ ra là bà sẽ chẳng làm gì cả. Đó là lần đầu nên tôi nghĩ, chắc mẹ tôi muốn đợi xem tình hình thế nào và tôi cũng tránh hỏi rõ Arisa. Nửa năm sau, con bé lại dẫn bạn trai về thăm nhà và người lần này khác người lần trước. Cả bố và mẹ tôi đều nghĩ rằng, chắc lần này là sẽ chào hỏi ra mắt chính thức nên đã đặt tiệc của nhà hàng bên cạnh mang sang. Nhưng rồi, ngay cả anh chàng mà gia đình tôi đón chào bằng món cá tráp ăn mừng cũng chẳng đả động gì đến việc chào hỏi ra mắt hay đề cập chuyện cưới xin gì cả. Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc mẹ tôi sẽ hỏi em gái tôi hoặc sẽ cần thuyết giáo cho nó nghe một bài nên tôi đã thử hỏi bà, nhưng mẹ tôi vẫn lắc đầu. “Thời đại giờ khác trước nhỉ. Ngày xưa, giới thiệu bạn trai với bố mẹ cũng đồng nghĩa với việc chuẩn bị cưới xin, nhưng đối với Arisa có vẻ mọi thứ đơn giản như đang giới thiệu bạn bè. Từ hồi cấp hai, nó đã thường hay dẫn bạn về nhà chơi rồi…” “Chắc chắn không có chuyện chỉ là bạn bè thôi đâu. Tại vì…” Tôi đã không thể nói tiếp được với mẹ vì tôi không muốn miệng mình nói ra những lời thô tục. Đó là chuyện… quan hệ trai gái. Hai chị em chúng tôi đều có “phòng riêng” và phòng của chúng tôi đều được giữ riêng cho đến khi cưới. Tuy nói là “phòng riêng” nhưng “bức tường” ngăn cách sự riêng tư giữa phòng tôi với phòng Arisa là một chiếc giá sách cao đến trần nhà. Toàn bộ cả phòng rộng mười hai chiếu Nhật (tương đương 18.5m2). Do vậy, ngủ ở “phòng bên này” có thể nghe thấy âm thanh ở phía “phòng bên kia” rất rõ. Em gái tôi chắc chắn biết điều đó, nhưng lần nào dẫn bạn trai về, con bé vẫn ngang nhiên làm điều đó mà chẳng hề ý tứ hơn. Bởi nó không tự dè chừng nên tôi đồ rằng, cả bố mẹ tôi ngủ trong phòng ở tầng dưới có lẽ cũng nghe thấy những tiếng động đó. Thế mà mẹ tôi vẫn chấp nhận chuyện người con trai đến rồi về mà không chào hỏi xin cưới. Hồi tôi mới chuyển về đây sống, chỉ cần có đàn ông gọi điện thoại đến là mẹ tôi đã chất vấn đối phương đủ thứ trước khi xác nhận với tôi xem giữa chúng tôi có quan hệ gì hay người đó đang làm công việc gì… Tất nhiên, tôi cũng bị mẹ nhắc nhở đủ thứ. Mẹ tôi còn nói: Tuyệt đối sẽ không tha cho tôi nếu tôi bắt chước cái thói làm những chuyện không phải phép trước kết hôn. Đặc biệt là chuyện như có thai trước khi cưới là điều mà mẹ tôi không bao giờ cho phép. Tôi đã nghĩ, nếu tôi lỡ thế thật thì không chỉ là cắt đứt quan hệ mẹ con mà dễ có khi còn bị mẹ giết. Trên các chương trình bản tin ngoài lề về giới nghệ sỹ trên tivi, chỉ cần có tin tức nghệ sỹ nào đó “cưới do trót mang bầu” là mẹ tôi đã hằm hằm nổi cáu: “Thế mà cũng dám công bố trước mọi người cơ đấy!” Ngay lập tức, tôi hiểu rằng, không phải mẹ đang chỉ trích nghệ sỹ đó mà là đang răn đe tôi. Chỉ cần tiêu đề tuần san trong phần quảng cáo của tờ báo có dòng chữ “kết hôn do trót mang bầu” là trong lòng tôi lại thấy lo lắng không yên. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh gương mặt mẹ tôi giống như đang biến hình thành con quỷ Hannya[2] và định ăn tươi nuốt sống tôi, những hình ảnh khủng khiếp hơn còn khiến tôi bị đau đầu. Những hôm như vậy, tôi sẽ chẳng thể làm được việc gì cả ngày và những người ở chỗ làm lại rì rầm nói xấu sau lưng tôi: “Đúng là cái đứa chẳng được tích sự gì!” Thế mà, chính Arisa lại “cưới do trót mang bầu”! Mùa xuân năm nay, con bé lại dẫn bạn trai về nhà. Dù chúng tôi được báo trước một tuần là nó sẽ giới thiệu bạn trai với gia đình, nhưng sau bao nhiêu lần không đếm xuể bị con bé làm cho chưng hửng thì cả bố mẹ tôi lẫn tôi đều cho là giống như mọi khi và chẳng còn hào hứng cũng như chẳng chuẩn bị gì đặc biệt cả. Bố tôi đã về hưu ở tuổi 65 từ hai năm về trước. Cho đến khi hai đứa nó về tới nhà lúc đầu chiều, bố tôi mới đi mặc bộ quần áo thun thay cho bộ đồ ngủ. Bữa tối hôm đó cũng coi trọng về số lượng món hơn là chất lượng trong món thịt nướng. Em gái tôi hoàn toàn không động đũa tí gì, mặt mũi tái mét liên tục chạy vào bồn rửa mặt. Con bé vừa liếc ngang như muốn lườm chiếc bàn nướng: “Giá mà bảo sớm có phải tốt hơn không?” vừa tâm sự trước cả gia đình là nó đang mang bầu. Tôi không nhớ, lúc đó mình đã nuốt nước bọt rồi mới nhìn gương mặt quỷ dữ của mẹ hay nhìn gương mặt bà rồi mới nuốt nước bọt nữa. Trong lúc đáng sợ ấy, tôi đã cố né để không nhìn mặt mẹ tôi. Còn bố tôi thì há hốc mồm như thể cằm ông sắp rơi xuống đến nơi. Bố tôi không phải là kiểu người lật bàn rồi đánh tới tấp vào mặt người đàn ông kia. Ngược lại, tôi nghĩ người làm thế phải là mẹ tôi mới đúng. Thế nhưng… “Hả, ừm, vậy à… Thế thì không cưới là không được rồi!” Mặc dù, lời nói thể hiện mẹ tôi có giật mình nhưng bà hoàn toàn không có vẻ gì là giận dữ. Đã thế, chàng trai kia còn gãi đầu cười hề hề: “Dạ rõ!” trong khi đã chẳng chào hỏi được câu nào tử tế cả. Thế mà, mẹ tôi lại còn thẹn thùng đáp trả: “Có lẽ cũng thường thôi nhưng mong cậu giúp đỡ. À mà đây là câu mà bố phụ huynh nói hay là câu trả lời khi được nhận lời cầu hôn ấy nhỉ?” Rồi mẹ tôi bảo phải chúc mừng mới được, thế là đang bữa ăn mà bà bắt tôi sang cửa hàng rượu gần nhà để mua sâm-panh về. Vì đã uống bia nên tôi phải đi bộ xách chai rượu nặng mang về, thế mà Arisa nó lại còn cằn nhằn: “Chị không mua thêm đồ uống không cồn thì có phải là làm khó em không?” Mẹ tôi nói thêm: “Mua nước ngọt có ga vị nho cũng được!” làm tôi lại phải đi ra cửa hàng rượu một lần nữa. Đi đi về về hai lần khiến đầu tôi đau như búa bổ nên thành ra dù tôi đi mua về nhưng lại chẳng được uống mà cuối cùng phải nằm bẹp trên giường trong phòng của mình. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh con quỷ Hannya đang cười. Tôi cũng chẳng hiểu sao là quỷ Hannya mà lại cười. Càng nghĩ càng không hiểu, tôi lại càng đau đầu hơn cho nên tôi đã nằm yên, hít thở thật sâu và chậm rãi suy nghĩ về tình cảnh vô lý này. Chắc chắn là vụ này giống với vụ cái bát. Khi mẹ tôi dồi dào năng lượng thì mẹ tôi sẽ cáu, nhưng khi yếu hoặc nếu không ảnh hưởng xấu đến tương lai thì mẹ tôi sẽ không cáu. Chuyện “cưới do trót mang bầu” mà mẹ vẫn cảnh báo tôi trước đó khác với chuyện Arisa cưới chồng và đang mang thai đứa con của mình. Mẹ tôi sắp có cháu! Tôi chẳng có bất cứ dự cảm xấu nào cả. Thì ra là vậy, đó là lý do mẹ tôi không cáu. Và mẹ tôi lại còn đang ăn mừng! Khi hiểu ra vấn đề, tôi đã có thể tham gia ngồi cùng cả nhà sau bữa cơm. Tôi đã lại cùng cậu em rể Masamune nâng cốc bia để chúc mừng. Masamune dang rộng hai tay và để cho tôi biết cậu ấy đang làm đầu bếp cho một nhà hàng Ý nổi tiếng với món pizza được nướng bằng lò. “Tay cháu to thật đấy, chẳng hợp với vẻ ngoài thư sinh gì cả. Nhưng trông đẹp lắm! À, chắc là do nhào bột đây mà! Toshiko, con cũng thử sờ thử xem đi?” Bị mẹ thúc, tôi cũng dùng ngón trỏ tay phải vuốt xuống khoảng 3cm vào lòng bàn tay của Masamune. Mặc dù cảm thấy tay cậu ấy còn nhẵn hơn cả vẻ ngoài nhưng buổi tối hôm đó, khi tôi chui vào chăn, ngón trỏ tay phải của tôi lại đau nhức giống như đang bốc hỏa vậy. Tôi thầm nghĩ: không biết sao thế nhỉ? Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh đầu ngón tay bắt đầu thối rữa chuyển sang xanh lét, rồi dần dần lan rộng từ bàn tay ra cánh tay, khu vực phần hai cánh tay như đang đứt ra hàng trăm mảnh nặng trĩu rơi xuống khiến tôi la hét thất thanh. Thế nhưng, có vẻ như không có ai quan tâm và đến xem tình hình của tôi thế nào. Có lẽ việc hét lên vô thức khi ngủ là chuyện bình thường. Tôi tĩnh tâm, nhắm mắt lại thì hình ảnh tay mình bị thối rữa từ ngón tay trỏ lại tái hiện. Mình phải làm rõ nguyên nhân của việc này! Tôi tự nhủ với mình phải bình tĩnh, phải thật bình tĩnh, rồi suy nghĩ xem tại sao ngón tay của tôi lại bị thối rữa. Là do tôi có ác cảm với Masamune hơn tôi nghĩ, hay là do tôi có cảm giác hoàn toàn ngược lại? Tôi nghĩ rằng cả hai đều không phải. Tôi đã không thể tìm được câu trả lời và phải đến lần thứ năm khi cánh tay đứt ra từng mảnh và rơi xuống, tôi đã nghe thấy tiếng cười của con quỷ Hannya. Con quỷ cười nhe răng: “Sờ thử vào đàn ông đi!” Thôi đi, hãy thôi đi, chẳng phải là tại mày hay sao? Chẳng phải là mày đang nguyền rủa tao bằng hành vi tởm lợm sờ vào đàn ông đó sao? Bằng giọng nói nguyền rủa đó, mày muốn xui tao để làm tao thối rữa phải không? ■■■ …Xin lỗi, chuyện này chẳng liên quan gì đến em gái tôi nhỉ! Chính những lúc thế này, các anh không ngắt lời tôi thì tôi khó xử lắm. Hay là trong lời nói của tôi có nội dung có thể là gợi ý cho việc phá án? À mà, các anh hỏi gì ấy nhỉ? Phải rồi, về diễn biến sau khi Arisa trở về nhà… Hiện tại, gia đình tôi không ai đi làm cả. Dù vậy, mỗi sáng mẹ tôi vẫn dậy từ 6 giờ và chuẩn bị bữa ăn. Bố tôi thường ngồi vào bàn ăn sau khi đồng hồ đã điểm hơn 8 giờ, điều đó cũng chẳng liên quan đến việc có vẻ như mẹ tôi không muốn thay đổi nếp sống của mình. Mẹ tôi ăn sáng một mình lúc 6 rưỡi sáng, rồi giặt giũ và dọn dẹp vườn tược đến 8 giờ. Bố tôi có nếp sinh hoạt trái ngược hoàn toàn so với hồi ông còn làm nhân viên ngân hàng. Từ tốn ăn, đọc báo, xem tivi. Ngay sau khi bố tôi về hưu, hầu hết mọi ngày cứ trôi qua như thế. Chẳng biết có phải là do thấy chán quá hay không mà mấy tháng gần đây, ông bắt đầu say mê chơi cây cảnh. Ở nhà tôi, cứ phải nói là ngày nào cũng như nghỉ hè. Bố tôi như thế, tôi chẳng có tư cách gì để mà phàn nàn về ông cả. Vì tôi đã thất nghiệp hơn hai năm nay. Không những thế, tôi lại còn bị huyết áp thấp nên đã nghĩ mình chẳng cần phải cố dậy sớm chỉ để xuống ăn sáng và tôi đã thường ngủ đến đầu giờ trưa. Nhưng từ nửa năm trước, dậy lúc 7 giờ mỗi sáng đã trở thành thói quen của tôi. Buổi sáng sau hôm Arisa về, khi hướng về phía phòng bếp, tôi đã nghe thấy tiếng cười. Tôi không thể nhớ được đã bao lâu rồi gia đình tôi mới náo nhiệt từ sáng như thế này. Khi tôi mở cửa ra thì thấy mẹ tôi, Arisa và cả bố tôi đang cùng ngồi bên bàn ăn. Cơm và canh miso[3] đang bốc khói nghi ngút. Có cá hồi nướng và trứng tráng. Món trứng tráng nóng hổi có mùi thơm ngọt đến thế này sao? Thỉnh thoảng ngồi ăn sáng có lẽ cũng hay! Tôi đã có thể đón chào buổi sáng bằng tâm trạng yên bình như thế. “Chị dậy rồi à? Em ăn trước đây!” Arisa ngồi ở vị trí vốn của con bé từ xưa. Em tôi đặt bát cơm xuống, định đứng lên đẩy ra chiếc ghế vốn bị dẹp vào sát tủ bát đĩa cho tôi ngồi. Ấy thế mà… “Arisa, không cần đâu con. Chị con không ăn sáng đâu mà!” Mẹ tôi ngồi đối diện em gái tôi, bà nói mà chẳng thèm nhìn mặt tôi. Chỉ sau một đêm, cả thế giới đã xoay quanh em gái tôi. Nếu thế thì đừng có gộp tôi vào gia đình này cho xong, đúng là người thừa mà! Nếu là trước đây thì chắc chắn ngay lập tức trong đầu tôi sẽ hiện ra các cảnh tượng đau khổ, thế nhưng giờ thì tôi đã có thể vượt qua mức độ này. Vì tôi đã có đồng minh vững chãi của mình. “Nếu tìm Suka[4] thì nó đang ở ngoài vườn đấy!” – Biết tôi nhòm xuống dưới bàn ăn tìm con mèo của mình, bố tôi nói trong khi vẫn đang xòe to tờ báo đọc. Thực ra tên nó là Scarlett nhưng bố tôi vẫn gọi nó là Suka. “Tại sao chứ?! Ai lại tự ý cho nó ra ngoài thế?” “Lúc bố đi lấy báo, nó tự ra đấy chứ. Thế cũng tốt chứ sao, thấy nó chạy như bay ra, trông có vẻ hớn hở lắm.” “Không được đâu, cái bọn không ra gì hay lảng vảng ngoài đó lắm lại còn…” Tôi cũng không còn đủ kiên nhẫn để đối đáp với bố tôi rồi mới mở cửa ra vào nhà bếp. Scarlett đang ngồi với khuôn mặt như không có gì, nhìn về phía tôi. Không biết có phải nó an tâm khi nhìn thấy mặt tôi hay không mà nó gừ gừ mấy tiếng trong cuống họng, rồi nó vào trong nhà với bước đi ủ rũ và tiến đến chỗ ăn được trải thảm của nó, bên cạnh tủ lạnh. Không biết có phải do đã chạy nhảy ở ngoài hay không mà nó vừa đứng vừa ăn rau ráu với tốc độ nhanh hơn hẳn mọi khi. “À mà, chuyện nhà mình bắt đầu nuôi mèo là mẹ đã kể cho con chưa ấy nhỉ?” – Arisa vừa ngắm Scarlett vừa hỏi mẹ. “Tao lấy đồ ăn cho mày ngay nhé!” – Tôi lấy túi đồ ăn cho mèo từ tủ đồ cạnh tủ lạnh, rồi đổ vào đĩa của Scarlett. Arisa vừa ngắm Scarlett vừa nói với tôi: “Chắc nó đã từng là đồ thừa thãi đáng thương lắm phải không? Nếu thế, gọi nó là Suka thì sao nhir?” Con bé vừa nói vừa cười như trêu chọc. “S-c-a-r-l-e-t-t!” Tôi nói một cách rành rọt từng âm một cho con bé nghe. Tuy nó chỉ là con vật nuôi nhưng ai lại đặt tên nó là Suka? Dù biết là không nên thế nhưng người luôn có thể nói ra những lời giễu cợt chính là con nhóc Arisa. Hơn nữa, dù có bị người khác sửa thì nó cũng chẳng có biểu hiện là mình sai. Chẳng những thế, ngược lại, nó còn chỉ trích người khác. “Thì ra là thế. Đúng là cái tên nghe giống chị hay đặt lắm. Nhưng mà, từ bữa sau, chị có thể đưa nó ra ăn ở chỗ khác được không? Lông động vật thấy bảo không tốt cho em bé lắm đúng không?” “Hả…?” Tại sao tao lại bị mày ra lệnh chứ? Đây là nhà tao, còn mày là đứa đã ra khỏi nhà rồi cơ mà! Tôi định nói trả lại con bé thì bị một câu nói của mẹ tôi chặn lại: “Đúng đấy!… Lông động vật mà bay quanh khu ăn uống là mất vệ sinh lắm đấy. Mẹ không để ý chuyện này trước khi Arisa về, mẹ xin lỗi nhé! Toshiko, một là con làm chỗ ăn cho nó ở ngoài, hai là con cho nó ăn trên phòng con xem sao?” Làm sao mà cho nó ăn ở ngoài được cơ chứ. Mùi thức ăn sẽ dụ bọn mèo hoang kéo đến. Scarlett tính cách rất hiền nên chắc chắn sẽ bị bọn kia tấn công. Lúc đó, tôi chỉ còn cách bế Scarlett và đưa nó lên phòng mình trên tầng hai. Cho Scarlett vào phòng xong, tôi lại xuống dưới bếp để chuyển toàn bộ thức ăn của nó lên. Lúc đầu, tôi cứ đinh ninh ăn uống là phải ở trong phòng bếp nên đương nhiên tôi cũng làm chỗ ăn cho nó ở đó, chứ nếu biết thế này thì ngay từ đầu tôi đã để nó ở trên phòng mình. Nếu như thế thì sẽ không có cảnh đang ngủ cùng tôi, Scarlett dậy sớm rồi tự ý mở cửa phòng đi xuống bếp và tôi cũng không phải vừa ngái ngủ vừa dụi mắt để đuổi theo nó. Dù nghĩ thế nhưng sau khi cho Scarlett ăn xong, kiểu gì tôi cũng phải cho nó ra ngoài vườn chơi nên rốt cuộc cũng như nhau cả. Nếu là vì Scarlett thì dù có phải dậy sớm hay gì đi nữa, tôi cũng chẳng thấy khổ sở gì cả. Do chứng đau đầu kèm theo những hình ảnh kỳ quái trong tưởng tượng mà tôi chỉ có thể làm một công việc lâu nhất trong khoảng một năm. Khoảng ba, bốn năm về trước, tôi dễ dàng tìm được ngay một công việc mới. Bây giờ thì khác, không biết có phải do tình hình kinh tế khó khăn hay không mà tôi đã chẳng thể tìm được công việc nào phù hợp với mình. Bố mẹ tôi cũng chẳng nghiêm khắc thúc giục tôi phải đi làm cho nên tôi vừa giúp việc nhà vừa sống rất thư thả. Tuy nhiên, bố mẹ tôi cho rằng, việc kết nối với thế giới bên ngoài là rất quan trọng nên đã giao cho tôi nhiệm vụ đi mua thức ăn mỗi bữa tối. Hầu như hai ngày một lần, tôi lại ra ngoài, tới siêu thị Sunrise, một siêu thị lớn nằm trên quốc lộ để mua sắm. Trong siêu thị, đèn chiếu sáng trưng, cách trưng bày lộng lẫy đón chào mùa mới cùng với âm nhạc êm dịu. Khi bước vào bên trong, tôi bỗng cảm thấy hứng thú hẳn lên và có thể xua tan tâm hạng khó chịu mà tôi gặp phải ở nhà. Hầu như ở nhà cả ngày nên tôi luôn tuỳ ý bản thân mình mặc thế nào cũng được. Nhưng mỗi lần đi Sunrise là tôi lại dừng mắt trước các màu son mới, tay lại với lấy những bộ trang sức dễ thương, tôi muốn bản thân nhận thức được việc mình là phụ nữ. Kể từ ngày em gái tôi mang bụng bầu về cùng bạn trai, dù đến Sunrise bao nhiêu lần đi nữa thì tâm trạng tôi cũng chẳng vui vẻ lên được. Nhất là hình ảnh ngón trỏ tay phải của tôi bị thối rữa xanh lét liên tiếp hiển hiện và lớn dần trong đầu tôi, ngay cả khi tôi đang ở Sunrise. Và thế là chẳng còn mua sắm gì nữa, tôi cứ thế đặt nguyên giỏ hàng với những món đồ trong đó lên rìa quầy thu ngân rồi lao thẳng vào bồn rửa mặt trong nhà vệ sinh và rửa mãi cho đến khi những hình ảnh đó trở nên mờ đi. Thở dài một cái, tôi vừa ra khỏi nhà vệ sinh thì thấy có một bảng thông báo. Ngoài các tờ quảng cáo những mặt hàng khuyến mại, còn có thêm vài tờ quảng cáo viết tay được dán ở đó. Lẫn trong các tờ quảng cáo tuyển thành viên dàn hợp xướng, thông báo ngày hội thư viện, tin tuyển thành viên tham gia chợ đồ cũ thì có một tờ đăng tin tuyển người nhận nuôi mèo con. Tờ đăng tin có kèm ảnh chụp bốn con mèo con trông vô cùng dễ thương khiến tôi phải đứng lại xem một cách chăm chú. Tôi chưa từng có kinh nghiệm nuôi thú cưng. Từ lâu, tôi vốn đã rất thích động vật. Điều này làm tôi nhớ đến thời điểm trước khi tôi vào cấp Một. Đó là cảm giác được chạm vào bộ lông mềm mại, êm ái khi tôi được người bạn hàng xóm cho sờ vào con mèo con mới mở mắt, lúc con mèo nhà bạn ấy nuôi mới đẻ con. Vẻ ngoài của nó trông như một cục tuyết màu trắng tinh nhưng khi đặt nó lên đầu gối thì thật là ấm áp. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nghĩ về hình ảnh chú mèo con với cơ thể được bao phủ bởi một bộ chăn trắng tinh mềm mại. Lúc ấy, tôi đã rất muốn có con mèo đó. Bạn tôi cũng nói muốn tôi nhận nuôi nó. Trước khi tôi qua nhà bạn chơi, tôi có kể cho mẹ nghe về con mèo con thì mẹ tôi cũng kể một cách rất hoài niệm về con mèo tam thể tên là Mi-chan: “Ngày xưa mẹ cũng nuôi mèo đấy!” Bởi vậy, tôi cứ đinh ninh rằng mẹ sẽ không phản đối nên đã về nhà với tâm trạng vô cùng vui sướng và hỏi mẹ tôi xem mẹ có cho tôi nuôi mèo không. Câu trả lời của mẹ tôi là Không. Và tôi đành phải chấp nhận. “Sắp sinh em bé rồi, ngộ nhỡ bị mèo cào thì khổ lắm!” Trước đó, tôi vẫn ngóng em bé chào đời. Nhưng kể từ hôm đó, mỗi khi nhìn cái bụng phình to của mẹ là tôi lại có cảm giác sao sao đó trong lòng. Tôi đã nhớ lại cả những chuyện đó… Điều duy nhất khiến tôi cảm thấy hạnh phúc là hình ảnh chú mèo năm xưa ùa về nên tôi càng muốn nuôi mèo thử xem sao. Cho tới lúc này thì bố mẹ tôi đều tán thành. Mẹ tôi đưa ra ý kiến: “Đã mất công nuôi thì mua hẳn mèo ngoài cửa hàng ấy!” Tôi liền thử tìm qua các cửa hàng online nhưng chẳng có con nào vừa ý. Trong đầu tôi cứ thường trực hình ảnh lũ mèo con trong tờ đăng tin trên bảng thông báo ở siêu thị. Có bốn loại tất cả: con màu nâu đậm, con màu nâu nhạt, con màu trắng pha nâu và con màu trắng tinh. Các con màu nâu con nào con nấy mặt tròn tai to, mắt hạt dẻ, mũi hồng trông hết sức dễ thương. Thế nhưng, chỉ có con màu trắng có đôi mắt mơ màng, lại có cái mũi nửa màu đen, nhìn từ xa trông cứ tưởng như gỉ mũi của nó. Hơn thế nữa, chỉ có con màu trắng là con cái. Và khi bốn con mèo hiện lên trong dầu tôi, chỉ có con màu trắng là hướng về phía tôi nũng nịu. Nó trèo lên đầu gối, vừa nhìn tôi vừa kêu rất nhẹ nhàng và nằm ngủ trông rất ngon. Cho đến một ngày nọ, việc mang tính quyết định cũng đã xảy ra: Khi tôi xem bảng thông báo ở Sunrise thì ngoài con lông trắng ra, số còn lại đều dán thông báo là đã tìm được chủ mới. Tôi có cảm giác như chỉ có duy nhất con mèo con lông trắng không bị che mặt đang chăm chú nhìn tôi. Không chần chừ thêm, tôi lấy điện thoại ra và bấm theo số máy ghi trên tờ đăng tin. Con mèo con màu trắng nổi bật với vô số khuyết điểm nhưng tôi bị thu hút bởi bộ lông trắng muốt của nó, đôi mắt lơ đãng đượm vẻ buồn buồn, chiếc mũi nửa màu đen trông giống như nốt ruồi đen, một vẻ ngoài trông rất quý phái. Đó chính là Scarlett! Xin lỗi các anh! Lần này không biết từ lúc nào mà tôi lại chuyển sang chuyện mèo mất rồi. Arisa đã đối xử với Scarlett như thế nào ấy à? Nó cũng chỉ bảo là không cho mèo ăn ở bếp thôi chứ sau đó cũng không có chuyện gì đặc biệt cả. Thi thoảng, Scarlett có cuộn tròn ở nơi mà chỉ cần giơ tay ra là với tới thì em gái tôi cũng lờ đi và xem tivi hoặc đọc truyện tranh. Thậm chí có lần, con bé vào phòng tôi, ôm Scarlett lên rồi bế xuống phòng khách. Tôi có nghe nói, khi mang thai thì tâm lý phụ nữ thường không ổn định cho lắm nên có thể những lúc tinh thần đi xuống, chính Scarlett làm cho con bé thấy thoải mái hơn chăng? Đặc biệt là một tuần sau khi Arisa trở về, lại có vụ thai phụ bị đánh ở thị trấn kế bên nữa chứ! Người bị đánh đã bị bất tỉnh đúng không? Nghe nói là không cứu được em bé… Đúng là đến vụ thứ hai xảy ra thì ai cũng tin chắc rằng đây rõ ràng là có kẻ tấn công vào phụ nữ mang thai. Lại thêm giới truyền thông cũng đưa tin theo hướng đó nên em gái tôi không còn dám tản bộ bên ngoài và chỉ ở nhà cả ngày nên chắc là con bé bị stress dữ lắm. Nhưng tại sao chỉ riêng ngày hôm đó, mà còn là vào buổi tối, con bé lại ra ngoài cơ chứ? Ba ngày trước đó, em gái tôi đã đi khám thai ở bệnh viện phụ sản. Tôi đã đưa con bé đi bằng xe ô tô. Tôi đã không theo con bé vào tận trong phòng khám thai nên tôi cũng không biết trực tiếp con bé đã được bác sỹ hướng dẫn những gì. “Bác sỹ bảo em bé vẫn chưa xuống mấy nên cần phải đi bộ thật nhiều…” Ngồi trên xe lúc về, em gái tôi đã nói như vậy. Trước kia, nếu đột nhiên thèm ăn món gì là con bé lại nhờ tôi đi mua nhưng tối hôm đó chắc là con bé muốn tự mình đi bộ. Các vụ tấn công liên tiếp xảy ra đều ở thị trấn bên cạnh nên có thể con bé đã nghĩ rằng, dù là buổi tối thì đi bộ ra Kombini, cách nhà chỉ có chục phút thì cũng chẳng sao. Nhưng dù có thế đi nữa, con bé cũng không nên đi đường tắt! Hôm đó, bố mẹ tôi đi đám giỗ họ hàng nên từ sáng đã ra khỏi nhà. Bố mẹ tôi dự định ở đó một đêm nhưng khi tôi nói có liên lạc của cảnh sát thì ông bà đã về nhà ngay trong tối hôm đó. Có vẻ như, bố mẹ tôi đã kịp chuyến tàu siêu tốc cuối cùng trong ngày nhưng chẳng khác gì so với việc tận hôm sau họ mới về, bởi vì khi em gái tôi được phát hiện thì nó đã tắt thở. Buổi tối hôm đó, tôi không hề biết em gái mình đi ra ngoài. Nếu không, tôi đã có thể hỏi nó đi đâu, nếu là đi mua đồ thì tôi sẽ đi mua thay con bé, còn nếu mục đích của nó là đi bộ thì tôi sẽ đi cùng nó. Giá mà ít nhất nó cũng lên tiếng nói cho tôi biết lấy một lời… Thì đâu đến nỗi xảy ra sự việc đau thương đó! Tôi cảm thấy nghi ngờ không thấy Arisa đâu là khi tôi tắm xong. Thấy ở chỗ thay đồ có khăn tắm đã gấp của con bé đặt ở đó nên tôi đã đi qua phòng uống trà đạo và cả phòng khách nhưng đều không thấy con bé đâu cả. Đúng vậy! Trong phòng Arisa cũng không thấy! Sau khi con bé cưới, tôi đã di chuyển cái giá sách để gộp cả hai không gian thành phòng của tôi. Tất nhiên là được sự đồng ý của em gái tôi. Vì thế, chúng tôi đã chuẩn bị phòng của em gái tôi khi nó về nhà dưỡng thai và sinh em bé ở phòng khách. Cũng có ý kiến cho rằng, nên dọn nửa phòng của tôi về như cũ để Arisa ở tầng hai. Nhưng bụng con bé nhô to như thế sẽ gây khó khăn khi lên xuống cầu thang nên mẹ tôi bảo để nó ở tầng một cho dễ đi lại. Mẹ tôi nói rằng, sau khi sinh một thời gian thì con bé cũng chỉ có ngủ nên để con bé ở tầng một càng tiện trong việc bê đồ ăn vào cho nó. Và tối hôm đó, tôi ở trong phòng của mình, đinh ninh rằng em gái tôi đang ở phòng khách hoặc đang ngồi uống trà trong phòng trà đạo. Cho đến khi muốn biết Arisa đang ở đâu, tôi mới đi tìm. Tôi đã tìm hết từ trong bếp đến nhà vệ sinh và cả dưới gầm bàn vì tôi sợ nhỡ đâu con bé có dấu hiệu sinh và bị ngất. Tôi gọi tên Arisa, Arisa. Tôi chợt nghĩ, cũng có thể là con bé ở ngoài vườn hoặc nhà để xe. Biết đâu Arisa đã để quên thứ gì trong xe ô tô, nghĩ thế nên tôi mới đi ra phía cửa nhà. Đúng lúc ấy, điện thoại vang lên. Đó là điện thoại của cảnh sát thị trấn này, họ hỏi tôi về Arisa. Các anh là cảnh sát hình sự của tỉnh phải không nhỉ? Cảnh sát vẫn chưa tìm thấy điện thoại của em gái tôi đúng không? Nghe nói ví tiền trong túi của em gái tôi cũng không thấy đâu. Nhờ có cuốn sổ theo dõi sức khỏe mẹ và bé nên cảnh sát đã có thể liên hệ ngay với gia đình tôi. Sau này tôi mới biết, trước khi tôi nhấc máy thì số máy của sở cảnh sát đã từng gọi đến một lần, thông tin này có lưu trong nhật ký cuộc gọi. Đó là lúc tôi đang tắm nên đã không biết. Trước lúc đó ấy hả? Tôi nói rồi, tôi đã ở phòng mình trên tầng hai. Tôi đã làm gì à? Tôi đã lấy rận cho con Scarlett. Tôi đã lấy rận. ■■■ Scarlett đến nhà tôi khi nó vừa mới hai tháng tuổi. Tôi không biết có phải là nó nhớ mẹ hay không mà nó thường trèo lên đùi tôi rồi nằm cuộn tròn, vừa áp mặt vào đùi tôi thở đều đều êm dịu vừa cọ mặt vào tay tôi rồi lăn ra ngủ. Tôi rất thích dùng tay luồn vào bộ lông trắng muốt êm mượt của nó để vuốt ve và xoa mạnh vào toàn thân con vật ấm áp ấy. Cảm giác ấm áp nơi đầu ngón tay trong lúc chạm vào Scarlett vô cùng dễ chịu đã giúp tôi xua đi hình ảnh ngón tay bị thối rữa trong đầu. Scarlett là thần hộ mệnh của tôi. Thế nhưng, một hôm, khi tôi đang vuốt ve Scarlett như thường lệ thì chợt cảm thấy có gì đó không ổn nơi ngón trỏ tay phải. Chẳng lẽ bị dính rác hay sao? Hay là nó mới mọc mụn cóc? Khi từ từ bỏ ngón tay ra khỏi nơi đang ấn trên người Scarlett thì tôi thấy có cục gì đó màu nâu đen hình thoi, cỡ khoảng 3mm đang cử động rất nhanh rồi lủi mất vào trong đám lông của nó. Chính là rận. Tôi vẫn nhớ, mình đã từng nhìn thấy rận ở nhà bạn hồi học mẫu giáo. Chị của bạn tôi đặt con mèo nằm ngửa trên đầu gối rồi cứ lấy hai tay vạch bụng mèo ra là lại tóm lấy cục gì đó màu đen, rồi dùng móng tay của hai ngón tay cái dí sát vào nhau để giết rận kêu tanh tách. “Rận sẽ hút máu của mèo và khiến chúng bị ngứa, nếu nặng thì còn có thể làm cho chúng bị bệnh nên phải làm thế này để lấy chúng ra.” Chị của bạn tôi nói như vậy, rồi ngay trước mặt tôi, chị cứ sờ vào bụng mèo là lại tìm thấy rận rồi giết chúng, mới một tẹo mà đã xử được năm con. Điều tôi thấy nể nhất chính là chị ấy hầu như không nhìn ngón tay của mình. Tôi rất ngại khi phải nhìn vào mắt người khác, còn chị ấy, dù đang chăm chú nhìn tôi khi nói chuyện mà vẫn giết rận kêu tanh tách. “Khi đã quen rồi thì em có thể biết được chúng qua cảm nhận đầu ngón tay.” – Lời chị ấy năm xưa chẳng có vẻ gì tỏ ra kiêu ngạo đắc chí nên giờ đây, khi tôi đã nhận biết được rận trên người Scarlett chỉ bằng cảm nhận ở các đầu ngón tay thì những hình ảnh kì quái trong đầu tôi không còn phát triển thêm nữa. Tôi không hề nghĩ ngợi lung tung, hoàn toàn tập trung vào mười đầu ngón tay và thấy thật thoải mái mỗi khi giết được một con rận. Nhất là, tôi đang loại bỏ được loài ký sinh làm cho bụng mèo bị phình to hoặc nhiễm bệnh. Tôi cũng dùng móng tay cái của mình giết từng cái trứng chỉ dài khoảng 1mm rơi ra để ngăn cho chúng không đẻ thêm. Cảm giác những tiếng kêu tanh tách giống như làm rách lớp màng khiến tôi cảm nhận rõ được từng cái trứng bị tiêu diệt thế nào. Việc diệt trứng và giết từng con rận chưa đủ làm tôi thoả mãn. Mỗi con rận bị giết, tôi phải kéo lê cái bụng đã bị làm bẹp để chúng không thoát khỏi ngón tay mình. Mặc dù có bất ngờ trước sức sống mạnh mẽ của chúng nhưng tôi vẫn tóm lấy từng con rận đang di chuyển một cách từ từ và dí bẹp đầu chúng tanh tách để cho chúng chết hẳn. Tôi say sưa với việc bắt rận nên lúc thì đặt Scarlett nằm ngửa, lúc thì lật người nó. Mỗi lần vuốt bộ lông mềm của Scarlett, tôi lại bới tìm rận và con mèo vẫn để yên như thể giao phó tất cả mọi thứ cho tôi. Scarlett làm cho tôi thấy nó đáng yêu làm sao. Tôi tin rằng, Scarlett là con gái tôi! À, không! Phải là cơ thể thứ hai của tôi mới đúng! Thử bình tĩnh suy nghĩ lại về những gì tôi đã nói với cảnh sát hình sự, tôi nhận ra, quả thật tôi có nói rất dài nhưng lại không mấy nhắc đến Arisa. Không phải là tôi có ý muốn né tránh nhưng những thứ mà tôi không muốn nhớ hoặc những gì mà tôi không muốn kể cho người khác nghe thì tôi lại vô thức chuyển qua nói về Scarlett. Giờ có nghĩ cũng muộn rồi nhưng tôi không biết rốt cuộc Arisa về nhà để làm gì. Trên Tokyo không thiếu gì bệnh viện phụ sản và mọi điều kiện tiện nghi, nếu muốn có người chăm sóc thì mẹ tôi sẽ lên đó để chăm sóc Arisa một thời gian cơ mà? Căn nhà này có thể vẫn là của Arisa nhưng căn phòng này thì không. Vậy mà nó vẫn thò mặt vào phòng như đúng rồi, còn tự ý lục tìm trên giá sách trong lúc tôi đang cho Scarlett chơi ngoài vườn nữa chứ! Nếu cứ ru rú ở trong phòng cả ngày thì Scarlett chắc cũng chán và tôi càng chán hơn vì không được bắt rận cho mèo. Vì thế, sau mỗi bữa ăn, tôi thường cho nó ra ngoài vườn chơi khoảng một tiếng. Thế nhưng ở đây không chỉ có mỗi mình Scarlett! Mèo hoang ở quanh khu này rất nhiều, chúng thấy Scarlett đang chơi liền hết con này đến con khác nhảy vào nhe răng kêu gào đe doạ và còn đuổi Scarlett vào góc vườn. Bọn mèo hoang láo xược. Buổi tối, khi tôi đang bắt rận cho Scarlett trong phòng mình ở tầng hai thì Arisa bước vào mà không thèm gõ cửa. “Em đã mượn sách của chị.” – Nói rồi, Arisa để lại ba cuốn trên giá sách. “Dự cảm chóng mặt[5], Ký ức bão tố, Vết sẹo hoa hồng… Em cứ tưởng là truyện trinh thám cơ, thế mà sao nhỉ? Tiểu thuyết lãng mạn à? Em đã đọc và giật hết cả mình. Dù sao, ấn tượng ban đầu của em cũng chỉ dựa vào bìa sách. Hoá ra là những cuốn sách chỉ toàn mấy chuyện nực cười. Nào là cãi nhau, ngủ với nhau, rồi làm lành. Nào là hiểu lầm, ngủ với nhau, rồi cưới. Nào là mất trí nhớ, ngủ với nhau rồi hồi phục trí nhớ, kết thúc có hậu rồi lại ngủ với nhau. Em tự hỏi, có ngu không mà làm thế… Nhưng mà đọc để giải khuây thì cũng được. Tiếp theo đọc gì bây giờ nhỉ? Chị có gợi ý cuốn nào cho em không?” Làm gì có chuyện tôi có thể thản nhiên mà trả lời được cơ chứ. Nếu muốn đọc sách thì tại sao nó không hỏi tôi trước? “Cái bẫy của Lọ Lem chẳng hạn!” – Vừa xoa đầu Scarlett, tôi vừa nói ra một tựa tiểu thuyết đặt trên giá. “Quyển đó chẳng phải là truyện trinh thám hay sao?” – Arisa trả lời trong bộ dạng có vẻ chán nản. Hóa ra, ngay từ đầu nó đã phân biệt được tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết lãng mạn. Chỉ là nó muốn chọc ghẹo tôi để mua vui mà thôi. “Nhưng mà, kể cả là tiểu thuyết lãng mạn đi chăng nữa thì cũng nên đặt tình huống thực tế một chút chị nhỉ. Vì những cuốn em đọc, tất cả nhân vật chính đều là gái còn trinh. Đã thế, lại còn ba mươi lăm tuổi, có công ăn việc làm, làm gì có chuyện như thế chứ! Đã thế, lại còn lần đầu làm chuyện ấy và tưởng rằng đàn ông con trai sẽ e ngại, ai ngờ họ lại rất cảm động… Thực tế làm gì có chuyện đấy cơ chứ! Đấy là em nghĩ thế!” “…Không được, Scarlett! Không được động đậy!” – Dù Scarlett vẫn đang ngoan ngoãn ườn mình trên đầu gối của tôi nhưng tôi nói thế là để tỏ ra mình đang tập trung vào lấy rận cho nó. “Cơ mà chị mua thuốc diệt rận có phải tốt không? Siêu thị bán đầy ra đấy!” “Nó vẫn còn bé nên nguy hiểm lắm. Trên mạng thấy có người nói là có thú cưng chết vì thuốc diệt rận kia kìa.” “Em nghĩ nó cũng chẳng còn là mèo con bé bỏng gì nữa, mà thôi tùy chị.” Em gái tôi lại bắt đầu lựa sách trên giá. Cứ cầm đại vài quyển đi lại còn đọc từng tí tiêu đề mấy cuốn tiểu thuyết lãng mạn. “Em chẳng hiểu nổi tiêu chí của mấy cuốn này. Đây là tiểu thuyết ngôn tình dành cho nữ thì phải khiến người đọc cảm thấy là nhân vật chính giống như tác giả đang tả về mình đúng không? Chẳng hạn như công tử con nhà giàu đẹp trai… Thực tế làm gì gặp được ai như thế! Dù biết vậy nhưng mọi người vẫn nuôi hi vọng. Và thực tế, nếu ông chồng nào mà dám nói câu Anh sẽ làm em nhớ lại tất cả bằng nụ hôn của anh thì sẽ bị cốc vào đầu cho mà xem, đúng không? Đấy là em nghĩ thế, nhưng mà nếu là bạch mã hoàng tử thật thì lại cảm thấy lâng lâng sung sướng. Thế nhưng, gái còn trinh thì làm gì có? Ba mươi lăm tuổi mà còn là gái trinh thì không biết là cô gái đó sống như thế nào từ trước đến giờ? Trái lại, nếu mất trinh thì không được à? Vừa thấy tức lại vừa thấy nực cười, chị có thấy thế không?” Arisa nói như vậy rồi ngồi xuống đối diện tôi. Con bé mở đôi mắt to tròn nhìn về phía tôi nhưng tôi giả vờ tập trung vào việc bắt rận và không rời mắt khỏi ngón tay mình. “Lẽ nào chỉ có mình em hiểu nhầm, và trên đời này vẫn có rất nhiều phụ nữ ngoài ba mươi tuổi nhưng vẫn còn trinh? Nếu không có nhu cầu đọc thì chắc là người ta cũng không viết đâu nhỉ? Ui cha, vậy những người đó chắc vừa đọc vừa tự nhủ một ngày nào đó mình sẽ cùng với chàng hoàng tử bạch mã thành đôi cũng nên. Ghê quá đi… À mà, đừng bảo là chị cũng như thế đấy nhé?” Arisa nhìn tôi bằng ánh mắt giễu cợt. Con ngươi màu nâu trông giống như bụng của con rận, ngón tay của tôi trở nên đau nhức. Chẳng biết có phải do cảm nhận được bầu không khí căng thẳng hay không mà Scarlett liền kêu ngoao một cái. Nhờ đó, tôi có thể nói ra như một tiếng thở dài: “Em có thôi ngay đi không?” “Em xin lỗi! Dù là gì đi nữa, phải không chị? Chẳng phải lâu lắm rồi sao, cũng bốn đến năm năm nay rồi còn gì? Da chị nhăn nheo cả rồi đấy!” Arisa vừa cười vừa nói như vậy, rồi lấy đại hai cuốn tiểu thuyết lãng mạn từ trên giá sách và đi ra khỏi phòng. Một trong hai cuốn đó có nhân vật chính là một phụ nữ bốn mươi tuổi. Được nuôi dưỡng bởi bố mẹ vô cùng nghiêm khắc, cô không biết đến niềm vui của người con gái là gì mà ngày qua ngày chỉ biết đi làm rồi về nhà. Thế nhưng, trong một đêm tối giông bão, cô gặp một chàng trai bị thương ngất ở vệ đường và bị mất trí nhớ, điều này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô. Người đàn ông này chính là hoàng thái tử của một tiểu vương quốc nọ. Anh ta sinh ra trên cõi đời này chính là để gặp cô… Câu chuyện như cổ tích mà tôi đọc và cảm thấy trái tim mình tan chảy chắc hẳn sẽ bị em gái tôi nó cười cho thối mũi. “Gái bốn mươi tuổi vẫn còn trinh, làm gì có chuyện đó, thật là kinh tởm…” Làm gì có chuyện để cho một đứa con gái hẹn hò với một người đàn ông không quá một năm, thay người yêu như thay áo liên tục, ngủ với bất kỳ ai… làm nhục mình cơ chứ? Chính bản thân còn dẫn toàn những thằng chẳng ra gì về, thế mà còn định tỏ vẻ ta đây cái gì chứ? Tôi chẳng có điểm gì thua kém em gái tôi cả. Chẳng qua tôi chỉ già hơn nó sáu tuổi thôi! Gương mặt tôi, phong cách thời trang của tôi chẳng thua nó cái gì hết. Không thể nói là gái xinh nhưng cũng có người nói với tôi là thích kiểu gương mặt của tôi. Cũng có người rủ tôi đi xem phim, rủ đi ăn. Cái thời mười mấy tuổi chưa có điện thoại di động, có điện thoại của con trai gọi đến thì mẹ tôi không bảo tôi nghe mà lại bảo em gái tôi. Khi biết tôi đi với hai cậu bạn cùng lớp tới thư viện của thị trấn, mẹ tôi mắng mỏ tôi cả một buổi tối bằng những lời lẽ chê bai nhân cách của tôi, nào là chẳng ra gì, nào là thật đáng xấu hổ… Ấy thế mà, khi em gái tôi đi hát karaoke riêng với một cậu bạn trai thì mẹ tôi lại còn cho nó tiền tiêu vặt. Mẹ tôi chỉ cho phép tôi vào học đại học nữ sinh nhưng em gái tôi lại được học trường bình thường như là điều đương nhiên. Cả bốn năm trời tôi phải sống trong ký túc xá nữ sinh, còn em gái tôi lại được thuê phòng riêng nhỏ ở ngoài như bao người khác. Mỗi lần về nhà là mẹ tôi suốt ngày đe nẹt tôi: “Mày không hẹn hò với thằng nào có vấn đề đấy chứ?”; “Mày không làm gì bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ đấy chứ?”… Còn em gái tôi, dù có dẫn về những thằng chẳng ra gì đến cỡ nào thì cũng chẳng bị mẹ tôi nói một câu. Sống theo những lời đe dọa của bố mẹ, tôi chẳng thể thật tự nhiên hay thoải mái khi trò chuyện với tất cả những người khác chứ chẳng riêng gì với cánh đàn ông. Khi có người chủ động bắt chuyện nhẹ nhàng với tôi, mẹ tôi lại dốc sức phá tan tành: “Không có thu nhập. Không biết cách cư xử phải phép…” Trong khi đó, họ toàn là những người hết sức tử tế mà những người như chồng Arisa cũng chẳng bì kịp. Không phải chỉ là sự khác biệt giữa đứa sinh trước đứa sinh sau. Chẳng phải chỉ là do tính khí thất thường của mẹ tôi hay sao? Đã thế, ngay cả mẹ tôi cũng chế giễu tôi. Đó là thời điểm ngay sau khi vụ tấn công phụ nữ mang thai lần thứ hai xảy ra. Lúc đó là sau bữa tối, tôi chợt nhớ ra mình quên mua sữa ở Sunrise nên mới ra cửa xỏ giày vào chân, định đi ra Kombini mua. “Đợi em với, em cũng đang thèm purin[6] nên em sẽ đi cùng chị.” Mẹ tôi đuổi theo ngay sau khi em gái tôi ra khỏi phòng bếp: “Không được, vừa mới xảy ra vụ việc ầm ĩ như thế, ở nhà cho mẹ.” Nghe mẹ nói vậy, tôi chưa kịp cởi giày ra thì lại không thể nào lý giải nổi khi nghe mẹ tôi nói tiếp: “Toshiko thì không sao, vì con không mang bầu. Con đi mua giúp Arisa món mà em muốn đi.” Tại sao chứ? Dù tôi không mang bầu nhưng cũng là con gái một thân một mình đi trên đường buổi tối. Chẳng lẽ, mẹ không nói được dù chỉ một câu: “Đi đường cẩn thận con nhé?” “Và mẹ cũng có thể bị nhầm là đang mang thai, đúng không? Vậy thì chỉ có mình con đi thôi nhỉ?” – Tôi đáp lời mẹ như vậy vì mẹ tôi hơi béo nhưng cũng là lời phản kích của tôi. Cuối cùng, tôi đã mua đủ số purin cho cả nhà. Mẹ tôi không thích rưới sốt caramel nên tôi mua cho mẹ loại phủ kem tươi. Cho đến khi về tới nhà, tôi lại nghe thấy cuộc hội thoại này trong phòng ăn: “Mẹ có thấy chị hai hơi khác người không?” “Arisa cũng nghĩ vậy hả con?” “Kiểu cứ nóng nảy kiểu gì ấy. Nhưng chị ấy đối với mèo lại cực kỳ chiều chuộng nó. Cả ngày chỉ bắt rận cho nó, chẳng phải khác người lắm sao?” “Nó cần có vai trò cụ thể. Đầu óc thì thông minh nhưng lại không tập trung nên chẳng làm được việc gì lâu dài.” “Nếu thế thì cưới chồng đi có phải tốt hơn không? Chẳng hạn như là giới thiệu cho ai đó… Không ai đến hỏi ạ?” “Cũng nhiều người hỏi lắm. Nhưng nó có chịu gặp ai đâu, toàn từ chối suốt. Yêu cầu cao lắm.” “Tâm hồn thiếu nữ mơ mộng bốn mươi tuổi ngồi đợi bạch mã hoàng tử xuất hiện mà.” “Trong khi Arisa đã cưới xin đàng hoàng, lại còn sắp sinh con nữa, còn nó thì…” “Có khi nào chị hai đến kỳ mãn kinh rồi không? Gần đây, con hay nghe nói có chứng mãn kinh ở người trẻ tuổi. Uống thuốc bổ hay gì đấy có phải tốt không?” “Không đâu, bệnh còn nặng hơn cơ. Chắc chắn không phải bây giờ mới bắt đầu đâu. Thế nên, nếu con thấy nó có hơi kỳ lạ thì cũng bỏ qua cho nó nhé!” Hai con quỷ Hannya vừa cười với nhau vừa chạy vòng quanh tôi. Càng lúc, tốc độ càng nhanh dần khiến tôi không thể thấy được bóng dáng của chúng. Thứ chất lỏng đặc sệt xanh lét chảy xuống từ trên má. Cứ tưởng con quỷ Hannya đang tan chảy, ai dè thứ đang thối rữa lại chính là phía tôi, cơ thể của tôi đã bị tan chảy và biến mất, chỉ có cái cổ là nổi trên đống bùn màu xanh lá cây. Tôi bịt tai lại và chạy lên phòng. Tôi bị bệnh ư? Vì tôi không kết hôn ư? Vì tôi là gái còn trinh ư…? Đừng mỉa mai tôi chứ! Trong lúc tôi cảm thấy sụp đổ thì Scarlett đã trèo lên đầu gối tôi. Nó ngước nhìn tôi với vẻ mặt lo lắng. Đầu gối thật ấm áp. Cảm nhận hơi ấm của Scarlett, thân người đang tan chảy của tôi dần dần trở về trạng thái ban đầu. Giấu những ngón tay trong bộ lông trắng muốt, tôi vừa nhẹ nhàng vuốt ve, thì bỗng tôi cảm nhận được một thứ lạ. Đó chính là rận. Cái bụng màu nâu đó đang càng lúc càng to. Tôi dùng móng tay ngón cái giết tanh tách. Móng tay tôi bay ra đầy trứng trắng. Rồi tôi diệt từng cái trứng một. Trứng, trứng, sao lại có trứng? Ngay cả những con rận này, chúng cũng giao phối với con đực! Mình còn không bằng con rận sao? Không, không phải thế! Mình không bán rẻ mình, mình sống đúng, mình là một sinh vật thanh cao. Tôi dí chết đầu của con rận. “Côn trùng có hại là tao phải diệt giúp mày!” Scarlett kêu gừ gừ rồi ngủ ngon lành trên đầu gối tôi. Dù tôi đã rất bực mình vì chuyện về những cuốn sách và chuyện hôm đi mua purin nhưng sau đó, giữa tôi và Arisa cũng chẳng có vấn đề gì đặc biệt cả. Trong nhà, tôi là người lái xe giỏi nhất nên sẽ phải nhờ cậy tôi nhiều, như lúc đi khám thai ở bệnh viện chẳng hạn, con bé đã ý thức được rằng không phải lúc nào cũng có thể tỏ thái độ ta đây với tôi. Sau lần bác sỹ bảo phải chăm chỉ đi bộ thì cũng có lần con bé nhõng nhẽo muốn tôi đi dạo cùng nó, nếu đi gần như ra Kombini thì tôi cũng đi cùng con bé. Chỉ đường tắt cho nó đi thông qua khu đất đang được san phẳng để chuẩn bị xây khu dân cư cũng chính là tôi. Đã quyết định tên để đặt cho em bé hay chưa, đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết khi vào viện sinh hay chưa, trời trở lạnh rồi chuẩn bị thêm áo khoác mặc ngoài quần áo ngủ sẽ tốt hơn đấy. Thấy con thú nhồi bông trông yêu ơi là yêu, nhưng khoảng mấy tháng tuổi thì em bé mới biết vui trước món quà như thế. Thử tìm hiểu xem bỉm của hãng nào thì tốt… Có rất nhiều thứ chúng tôi có thể chuyện trò vui vẻ cùng nhau như các chị em gái vẫn thường làm. Tôi đã có thể cảm nhận được sự hiện diện gần gũi của em gái tôi đến mức cuối cùng tôi đã nhận ra rằng: Dù có khoảng cách sáu tuổi, chỉ cần cả hai cùng trưởng thành thì điều đó không còn là vấn đề nữa. Tôi cũng đã nghĩ sẽ yêu thương em bé. Vậy mà… Vì bố mẹ tôi đi đám nhà họ hàng sống ở xa nên tôi và em gái tôi ăn xong sớm bữa tối với món cà ri do tôi nấu, rồi hai chị em tôi ngồi xem tivi ở phòng trà đạo. Trên tivi giới thiệu các loại bánh ngọt mới bán ở Kombini trong mùa đông này, hết loại này đến loại khác làm em gái tôi nói muốn ăn. Tôi đã bảo con bé là, hay để mai chị đi mua nhé, nhưng nó cứ khăng khăng đòi ăn ngay. “Hôm nay, chị nấu cơm tối nên chiều nay chị em mình đã không đi dạo được còn gì?” – Nếu nó đã nói thế thì cả hai sẽ cùng đi mua. Khi đi thông qua khu đất đang được san phẳng không bóng đèn đường, trong bóng tối om, tôi nhìn thấy một cái bóng trắng. “Scarlett!” Scarlett tỏ vẻ mặt lạnh lùng, luồn qua ngách của những nguyên vật liệu đang chồng chất lên nhau. Tôi gọi tên nó, vậy mà nó không thèm nhìn về phía tôi. Thế nhưng, bởi con mèo có cả vòng cổ, tôi chắc chắn đó là Scarlett. “Sao nó lại ra ngoài…” “Em cho nó ra đấy. Vì nó muốn ra ngoài!” “Gì cơ?” “Tại nó cứ cào cào cửa nhà, nếu mà gãy móng thì chẳng phải rất tội nghiệp sao?” Nếu mà đã đến mức đó thì… tôi ngừng trách em gái mình. Ngoao…ngoao… Bỗng vang lên tiếng kêu của một con mèo khác. Có khi nào nó đợi bạn không nhỉ? Thế nhưng, từ khi nào mà nó lại có bạn được nhỉ? “Chắc nó hẹn hò hả chị?” Em gái tôi vừa nói vừa cười tủm tỉm. Làm gì có chuyện đó cơ chứ, rồi tôi hướng về phía tiếng mèo kêu. Khi lật những tấm nilon dày của căn nhà đang xây dở, tôi thấy ánh trăng chiếu rọi bên trong. Một con mèo đực vằn đen đang ấn toàn thân trắng muốt của con Scarlett xuống như đang đè lên nó. “Scarlett!” Tôi với lấy thanh gỗ vuông gần tay mình. “Đợi đã, chị! Chị sao thế?” Em gái tôi thò đầu trên vai tôi để nhòm vào bên trong. “Con Scarlett sẽ bị giết chết mất!” “Chị nói gì thể? Chúng nó giao phối mà!” “Không có lẽ…” “Hơn nữa, Scarlett trông chẳng có vẻ gì tỏ ra khó chịu cả!” “Sao cơ…?” Không có lý nào Scarlett lại làm chuyện đó cả. Tôi cầm lại khúc gỗ vuông. Tay tôi chẳng còn chút lực nào. Scarlett kêu lên “Ngoaoo”. Tiếng kêu giống như đang thở ra cục nóng từ sâu bên trong cơ thể. Đầu ngón tay trỏ của tôi bị thối rữa chuyển sang màu xanh lét, ngón tay tôi đã bắt đầu bị thối rữa dần. Tôi lại nghe thấy tiếng cười của con quỷ Hannya. “A…a… Scarlett bị chậm hơn một bước rồi!” Ngẫm lại lời nguyền rủa của con quỷ Hannya, tôi thấy ở đó không còn bóng dáng của con quỷ Hannya mà thay vào đó là bóng dáng một con rận khổng lồ. Con rận khổng lồ đang càng lúc càng căng phồng… Scarlett, Scarlett, hãy tiếp cho tao sức mạnh! Tôi nhớ lại và hình dung từng chút một bộ lông trắng muốt mềm mại, cơ thể ấm áp. Ngón tay tôi đã trở lại như cũ. Tôi lấy hết sức nâng khúc gỗ lên rồi đập vào bụng của con rận. Cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần… Rồi cuối cùng, tôi đập bẹp đầu nó. Dù ai có hỏi tôi về chuyện buổi tối hôm đó bao nhiêu lần đi chăng nữa thì câu trả lời của tôi cũng giống nhau. …Đó là, tôi đã diệt rận! AI LÀ KẺ THÙ, AI LÀ TRI ÂM? Nghe nói, dân số thế giới khoảng bảy tỷ người. Nói về hạnh phúc của con người, dù có những tiêu chuẩn khác nhau nhưng đều đi đến mẫu số chung nhất định. Đối với riêng tôi, tôi chỉ muốn thế gian này bớt đi một người. Người đó, chỉ có một… Mamyuda Kaoruko. Tôi bắt đầu nhận thức sự tồn tại của cô ấy từ cái tên này. Ba năm về trước, lúc hơn 9 giờ tối ngày mùng 6 tháng 5, tôi nhận được điện thoại của Gou Ken, nhà sản xuất thuộc bộ phận phim truyền hình phát mỗi sáng. …Là chị Sazanami Suzuka phải không ạ? Cảm ơn chị đã đăng ký tham gia Giải thưởng Gương mặt mới trong lĩnh vực viết kịch bản phim truyền hình buổi sáng lần thứ 12. Tên của chị đọc là “Sazanami Suzuka” đúng không ạ? Sét đánh ngang trời đúng là chuyện này! Giả sử, nếu nhận liên lạc bằng chuyển phát thì có lẽ tôi đang phải bấu víu nhân viên bưu điện. Giọng nói của Gou nghe trầm ấm giống giọng diễn viên lồng tiếng phim nước ngoài khiến toàn thân tôi bất động như thể đang được những cánh lông chim xoa xoa tai, tôi trả lời bằng giọng cao vút “Vâng”. Có vẻ như, Gou vừa nói chuyện điện thoại vừa gõ máy tính, tôi vừa nghe thấy tiếng nhắc lại tên vừa nghe thấy tiếng bàn phím. Đồng thời, tôi còn nghe thấy tiếng lẩm bẩm: “Lần này nhiều người có tên lạ ghê!” “Người đó cũng vào được vòng trong à?” – Trong đầu tôi hiện lên cái tên “Mamyuda Kaoruko”. Giải thưởng dành cho các gương mặt mới trong lĩnh vực viết kịch bản phim truyền hình buổi sáng hằng năm sẽ chọn ra 6 người vào vòng cuối, liên lạc qua điện thoại là chỉ tính từ vòng cuối này, kết quả tuyển chọn từ vòng sơ tuyển đến vòng cuối sẽ được đăng trên tạp chí chuyên ngành của giới viết kịch bản, Tạp chí “The Drama”. Có người nào thường xuyên tham gia cuộc thi này không, có người nào một mình mà nộp nhiều tác phẩm hay không hoặc liệu có tiêu đề nào nghe có vẻ hấp dẫn không nhỉ? Trong lúc xác nhận những điều này, tôi đã thấy cái tên đó. Và tôi chỉ đơn giản nghĩ: “Tên gì mà kỳ cục ghê!” Nhưng hơn hết, tôi đã quá mải mê nhìn ngắm tên mình được lọt vào vòng cuối. Lần đầu tiên tôi nộp đơn thi viết kịch bản là khi tôi học đại học năm thứ tư. Như muốn chạy trốn khỏi công cuộc đi tìm việc không suôn sẻ của mình, tôi bất chợt nảy ra ý mua sách giáo khoa về viết kịch bản để xem và học theo. Dù là lần đầu viết kịch bản nhưng tôi đã lọt qua vòng sơ khảo. Tôi bắt đầu nghĩ, tài năng của mình là đây chăng? Người duy nhất tôi tâm sự là mẹ tôi, nhưng chính bà lại làm tôi sửng sốt khi nói: “Mới chỉ được vào có vòng một thôi mà!” Dù vậy, đó là 100 tác phẩm được tuyển chọn từ khoảng hơn 2.000 tác phẩm dự thi. 1 chọi 20, cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ tuyển nhân viên của các công ty có tiếng tầm cỡ tương đối. Tuy tôi đã không lọt vào vòng hai nhưng kể từ đó, tôi dự thi chín năm liền liên tiếp. Mặc dù tôi đã quyết định, trong vòng năm năm, nếu không nhận được giải thưởng thì tôi sẽ về quê nhưng đến năm thứ 5, tác phẩm của tôi lại lọt vào 15 tác phẩm của vòng ba nên tôi lại có động lực cố thêm năm năm nữạ. Khi chỉ còn lại một năm cuối cùng trong mục tiêu, tôi đã lọt vào vòng cuối. Sau đó, Gou hỏi tôi vòng vo phải đến năm lần để xác nhận xem tôi có đạo lại của người khác hay không, rồi cuối cùng mới thông báo ngày giờ buổi xét duyệt và cúp máy. Nào là: “Đây có phải là tác phẩm chịu ảnh hưởng của tác phẩm nổi tiếng nào không?”; “Chị có chịu ảnh hưởng của nhà viết kịch hay tiểu thuyết gia nào không?”; “Có chỗ nào trích dẫn từ các tác phẩm khác không?”… Buổi xét duyệt cuối cùng diễn ra lúc 6 giờ tối ngày 20 tháng 5. Có thể, thời gian thông báo sẽ hơi muộn một chút nhưng chúng tôi chỉ liên hệ với những người đoạt giải. Thế rồi, ngày xét duyệt mong chờ cũng đã đến. Tôi đã canh điện thoại từ lúc 6 giờ tối và tới 10 giờ thì có cuộc gọi đến, tôi liền nhấc máy ngay. Không chỉ là bốn tiếng đồng hồ nhấp nhổm không yên mà từ buổi sáng, tôi đã chẳng thể làm được cái gì khác trong tâm trạng ngóng chờ. Dù tôi đã cài nhạc chuông báo cuộc gọi đến và chuông tin nhắn khác nhau nhưng khi tin nhắn đến, tôi vẫn giật mình và như muốn rụng tim ra khỏi lồng ngực. Khi biết đó chỉ là tin nhắn rác thì tôi lại liên tục tặc lưỡi một cách thô tục: “Chết tiệt!” Sự ngóng đợi khiến tôi nghe thấy ảo giác: “Đến rồi!” để cứ nhấc máy lên là tôi lại thở dài khi thấy màn hình chẳng hiển thị gì. Cuối cùng, tôi tắt hết tất cả âm thanh trong phòng, ngồi bất động trên giường và chờ đợi. Tôi giữ tư thế đó trong suốt buổi tối và có thể là tôi sẽ cứ ngồi đến sáng một cách vô vọng cũng nên. Thế nhưng, điện thoại đã reo lên. “Tác phẩm Tình yêu xa hơn trăng[7] của chị Sazanami đã được chọn là tác phẩm đoạt giải xuất sắc. Xin chúc mừng chị! Thực ra, tôi cũng đã nghĩ là chị Sazanami sẽ được giải… Thông tin chi tiết chúng tôi sẽ gửi tới bằng văn bản theo đường bưu điện. Hẹn gặp lại chị tại buổi lễ trao giải.” Gou không để tôi nói lời cảm ơn mà đã cúp máy. Giống như khi nghe tin mình được lọt vào vòng xét duyệt cuối, tôi vui mừng đến nỗi căng thẳng. Gou nói là tôi được giải xuất sắc. Giải cao nhất là giải đặc biệt xuất sắc. Vậy có nghĩa là tôi chỉ xếp thứ hai thôi sao? Thông thường, sẽ có một người được nhận giải thưởng đặc biệt xuất sắc và hai người nhận giải xuất sắc. Tuy nhiên, không phải cứ đoạt giải, là có thể trở thành nhà biên kịch. Ngay cả những người đã từng đoạt giải thưởng cao nhất từ trước tới nay, số người được ghi chú với tư cách nhà biên kịch trên tivi chưa được một nửa. Tôi chưa từng thấy ai đoạt giải xuất sắc mà trở thành nhà biên kịch cả. Điều đó có nghĩa là, dù có đoạt được giải thưởng nào đi nữa thì đến đây, cánh cửa vẫn chưa mở. Dù thế, vẫn có sự khác biệt mang tính quyết định. Tác phẩm đoạt giải thưởng đặc biệt xuất sắc sẽ được dựng thành phim. Ít nhất thì cũng một lần được ghi tên là nhà biên kịch. Và có thể quen biết nhân viên ở phim trường. Tác phẩm đoạt Giải thưởng Gương mặt mới như thông lệ hằng năm, sẽ được phát lại trong chương trình phim truyện ban ngày vào ngày thường, hoặc sẽ được lên sóng vào khung giờ 2 giờ sáng nên hoàn toàn chẳng thể trông chờ vào tỷ suất người xem – nhưng có thể được khoảng hơn 10 nghìn người theo dõi và cũng sẽ có phản ứng nhất định. Tóm lại là sẽ có nhiều cơ hội cho sau này. Bên cạnh đó nếu chỉ được giải xuất sắc thì vẫn còn sớm để có thể khẳng định chắc nịch là có cơ hội được dựng thành phim hay không. Tỷ lệ số năm không có giải thưởng cao nhất này nhìn chung cứ ba năm lại có một lần. Trong trường hợp đó, trong hai tác phẩm đoạt giải xuất sắc sẽ chọn ra một tác phẩm và tác phẩm đó sẽ được chuyển thể thành phim. Trong đầu tôi cứ có cảm giác vô cùng bức bối khó chịu. Chai sâm-panh nhỏ mà tôi chuẩn bị để ăn mừng một mình vẫn để nguyên trong tủ lạnh và tôi cũng chẳng có hứng cắt pho-mát Camembirt trong hộp gỗ ra. Rốt cuộc, có người nào được nhận giải đặc biệt xuất sắc hay không? Tôi nhớ lại câu nói của Gou: “Tôi đã nghĩ đó sẽ là cô Sazanami cơ.” Tôi chỉ có thể thở dài “A…a…” rồi tự nhủ: “Kể cả thế chứ!” – Kể cả là không có ai trúng giải đặc biệt xuất sắc thì cũng vẫn có thể nhận được chứ. Tôi mở tập “The Drama” đã gấp nếp đến mức chỉ cần để trên bàn là cũng lật trúng. Trong đó chỉ ghi kết quả của những người vào đến vòng thứ ba, nhưng trong số này thì ai và tác phẩm nào đã được chọn nhỉ, tôi liếc nhìn. Trong đó chỉ ghi có đúng ba mục: Tựa đề tác phẩm – họ tên – quê quán. Không được phép sử dụng bút danh. Họ tên hiếm gặp chỉ có một người duy nhất. “Survival game” (Trò chơi sinh tồn) – Mamyuda Kaoruko – Tỉnh Shimane. Tựa đề cũ rích đến mức không thể tin được đây lại là tác phẩm lọt vào vòng cuối. Tiêu đề hấp dẫn có lẽ là tác phẩm này. Tên phim mang tính éo le nhưng sẽ khiến người khác phải tò mò xem nội dung phim như thế nào: “Thu sắp tới, đông sắp qua” – Sosori Mirai – Thành phố Tokyo. Dù tưởng tượng của tôi không trúng thì cũng gần như vậy. Hai ngày sau, có thư chuyển phát nhanh được gửi đến. Tờ giấy ghi kết quả của vòng tuyển chọn bị nhàu nát và tôi đã vuốt nó lại như cũ rồi cất giữ cẩn thận cho đến tận bây giờ. Tôi chỉ muốn đập nát cái tên đó! “Giá mà không có cô ta!” Dù thế, ở giai đoạn này, tôi vẫn không biết cách đọc cái tên này là gì, thậm chí còn không biết ngắt tên ở chỗ nào. Giải đặc biệt xuất sắc: — “Survival game” – Mamyuda Kaoruko (Tỉnh Shimane). Giải xuất sắc: — “Tình xa hơn trăng” – Sazanami Suzuka (TP Tokyo). — “Thu sắp tới, đông sắp qua” – Sosori Mirai (TP Tokyo). Buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức vào tháng sau đó, ngày 20 tháng 6. Tôi đã mua một chiếc váy liền sybilla dành riêng cho buổi lễ này và đến tiệm cắt tóc để làm tóc. Tôi đến trước ba mươi phút so với giờ tiếp tân của hội trường ở khách sạn Roppongi Grand. Khi tôi đang nhìn xung quanh để giết thời gian thì đập vào mắt tôi là một cô gái ngồi trên ghế sofa dành cho hai người trước cái cột lớn. Một cô gái nhỏ nhắn, dáng người mảnh khảnh hơi khom người như đang bị mắc gì đó trên chiếc gối cushion[8] vuông được làm bằng chất liệu nhung đỏ. Cô gái cài một bông hoa hồng nhỏ màu đỏ, to cỡ bằng lòng bàn tay lên bộ áo vest màu hồng trông có vẻ ít tiền khiến người khác có cảm giác muốn nói lời chọc ghẹo như: “Đi dự lễ nhập học cho con à?” Màu đỏ trên nền hồng liệu có phù hợp hay không? Ăn mặc thì trau chuốt đến vậy mà tóc lại chỉ kẹp một chiếc barrette[9] ở phía trên, không biết có phải ngồi xõa tóc lâu ở đâu không mà phần tóc phía dưới bắt đầu bị rối bù xù như tổ chim. Tất chân cùng màu da có thể tạm nhìn nhưng giày đen thì không thể nào chấp nhận được, chẳng hợp với màu bộ vest một chút nào. Tay cầm của chiếc túi xách màu nâu đặt dưới chân có thắt một chiếc khăn màu chàm. Không biết cô ấy làm vậy là để trông diện hơn, hay là để không nhầm với túi của người khác? Dù là cái nào thì cũng không khác gì nhà quê ra tỉnh thời Showa[10]. Tôi trót quan sát như thể đó là thói quen của một nhà biên kịch và không bao giờ cho rằng đó chính là người đoạt giải đặc biệt xuất sắc. Tôi chỉ kết luận là có thể cô gái ấy lần đầu tiên từ quê lên Tokyo dự đám cưới bạn, thế mà… Không phải vậy, là do vô thức trong tôi không muốn người đánh bại mình lại là một kẻ như thế nên tôi đã tự gán ghép một giả định khác. Vì thế, tôi đã không đợi cho đến 5 phút cuối cùng trước khi buổi lễ bắt đầu mà đã đi thẳng vào hội trường trước cô gái đó. Và tôi được Gou, người đàn ông tóc dài, cao lớn, đứng trước bàn lễ tân gọi: “Chị có phải là Mamyuda Kaoruko không?” Họ là “Mamyuda”, tên là “Kaoruko”, đây chính là họ tên của người đoạt giải đặc biệt xuất sắc đây mà. “Xin lỗi, Mamyuda là tôi ạ!” – Trả lời với giọng nói mỏng manh từ phía sau lưng tôi chính là cô gái ở sảnh lúc nãy. Kế tiếp, người đàn ông vừa mập vừa lùn với đôi má đỏ phây phây đến ngay sau đó mà tôi cứ ngỡ là chồng của cô Mamyuda từ quê lên cùng cô ấy lại chính là người đoạt giải xuất sắc còn lại. “Là người đàn ông tên Mirai đó sao?” Điều này làm tôi kinh ngạc đến sửng sốt, vừa lẩm nhẩm trong lòng tự trách mình sao tên và người chẳng giống nhau gì cả, rồi bất ngờ trước cái tên lạ lùng “Không phải Naoshita mà đọc là Sosori à?” Cả ba người toàn những người có tên lạ lùng, đã vậy cả ba đều ba mươi, cùng tuổi với nhau. Mamyuda, tôi và Sosori vừa lần lượt theo thứ tự đứng trên sân khấu vừa nhìn xung quanh hội trường. Lúc này, tôi vẫn dấy lên hi vọng có lẽ vẫn còn cơ hội cho mình. Mặc dù không thể phân biệt được ai là biên tập viên và là nhân viên chính thức của đài truyền hình nhưng người có khả năng hòa nhập nhất vào đoàn thể đẳng cấp kia chắc chắn không phải là hai người bên cạnh tôi. Tôi đặt cược tất cả mọi thứ trong buổi lễ trao giải ngày hôm nay. Đến mức không cần phải lặp lại quyết tâm đó, tôi đã trở thành nhân vật chính của buổi tiệc. Không chỉ vẻ ngoài hay cách hành xử mà ngay cả tác phẩm của tôi cũng hơn đứt Mamyuda. Việc xét duyệt vòng cuối của Giải thưởng Gương mặt mới trong lĩnh vực kịch bản truyền hình mỗi sáng sẽ được nhà biên kịch tiến hành. Dù thế nào, ngay cả khi không có hứng thú với kịch bản hay nghe tên cũng chẳng biết là người nào thì chỉ cần đưa tên tác phẩm ra là những người này có thể làm cho tác phẩm đó nổi tiếng đến mức hầu hết mọi người sẽ phải đập tay: “Là tác phẩm đó ấy à?” Đặc biệt, nhà biên kịch lão thành nhất – Nogami Kouji – là người đã viết “Kỳ nghỉ hè của lũ chúng tôi”, bộ phim truyền hình số 1 trong lòng tôi mà tôi đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần tập cuối cùng và với tôi, ông giống như một vị thần vậy. Quá trình tuyển chọn cụ thể sẽ được đăng trên tạp chí “The Drama” phát hành vào tháng sau nhưng bình luận tại hội trường sẽ do Nogami Kouji phụ trách. - Ban đầu, hai người còn lại đều chọn cô Sazanami vào vị trí giải nhất. Nhưng tôi là người tuyển chọn năm nay và tôi đã chọn cô Mamyuda. Tôi cảm thấy xây xẩm mặt mày đến nơi. Nếu quyết định theo đa số thì tôi đã thắng… Nhà biên kịch mà tôi ngưỡng mộ bỗng chốc đã chuyển xuống thành một ông già tầm thường chết tiệt. “Cô Sazanami rất giỏi văn chương, cũng có năng khiếu viết các đoạn hội thoại. Nhưng cốt truyện trọng tâm bị thiếu cuốn hút, đó là những câu chuyện có thể dễ dàng bắt gặp ở đâu đó, và tương lai có thể sẽ có ai khác viết câu chuyện giống như vậy. Về khả năng ứng biến nhanh nhạy thì hoàn toàn có đủ nhưng tôi cho rằng những gì mà Giải thưởng Gương mặt mới yêu cầu lại không phải là lối viết như vậy. Cô Mamyuda có cách viết rất cẩn thận. Dù câu văn đôi chỗ vẫn còn cứng nhưng đây là vấn đề mà mọi người xung quanh có thể giúp đỡ cô ấy. Quan trọng là, câu chuyện của cô ấy rất hay.” Phần tóm tắt nội dung tác phẩm “Survival game” của Mamyuda có nói rằng: Chuyện kể về một ông chồng bị ung thư giai đoạn cuối, chẳng còn sống bao lâu nữa được người vợ dẫn ra đảo hoang. Trong vòng một ngày, chỉ có hai người trên đảo với cuộc chiến sinh tồn. Không ai khác. “Lấy bối cảnh nhảy từ vách đá cao xuống, lặn dưới biển, nướng nấm dại ăn, người chồng chẳng biết còn sống được bao lâu nữa, nói một cách quá ư là nghiêm túc: “Thế này thì có chết cũng cam lòng!” Người đón nhận cảm nhận được sự nực cười của con người và chắc sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc sống ở trên đời. Thực ra, không đến mức nặng như người chồng trong tác phẩm này, nhưng hôm mới đây, tôi cũng được bác sỹ tuyên bố mình bị bệnh ung thư. Trong lòng tôi cũng muốn được thử trải qua một ngày như thế này cùng với bà xã của mình.” Đó là lời của nhà biên kịch Nogami Kouji về tác phẩm đạt giải cao nhất. Câu chuyện này được đưa ra thì chắc chắn chẳng ai có thể phản đối nổi. Có thể thông cảm cho ông ấy về việc bị bệnh, nhưng là một thành viên ban giám khảo thì ông ấy sai rồi. Lẽ ra, ông ấy nên rút lui khỏi ban giám khảo từ năm ngoái mới phải! Mamyuda lấy khăn tay chất liệu cotton ra lau nước mắt không biết bao nhiêu lần, những phần màu đen khiến gương mặt của cô ấy trông giống như con gấu trúc vậy. Cô ấy giữ nguyên gương mặt đó tiến ra giữa sân khấu bắt tay Nogami Kouji và nhận bằng khen, rồi… tự đào hố chôn mình trong bài phát biểu nhận giải: “Đây là câu chuyện dựa trên chuyện của chồng tôi và tôi. Tôi cảm thấy hết sức vui sướng khi được nhận giải thưởng đầy danh giá này. Tôi chắc rằng chồng tôi trên trời cũng vui cho tôi. Đây là lần đầu tôi viết kịch bản nhưng tôi sẽ học hỏi thật nghiêm túc và cố gắng hơn nữa.” Mặc dù nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt của mọi người, song có lẽ người cảm động nhất chỉ có Mamyuda và Nogami Kouji. Vì cô ấy đã thổ lộ trước mặt tất cả những người làm phim rằng, tác phẩm đoạt giải là câu chuyện có thật chứ không phải là tác phẩm mà cô ấy sáng tác. Con người ta bất cứ ai cũng có thể tự mình viết nên một câu chuyện. Đó là câu chuyện của chính mình. Mamyuda Kaoruko không có tác phẩm thứ hai. Vốn dĩ, ở cô ấy có yếu tố điểm trừ đơn giản hơn nhiều. Mặc dù bữa tiệc được chuẩn bị vô cùng thịnh soạn, nhưng chỉ toàn mang bụng đói đi chào hỏi hết người này đến người kia nên cả ba người nhận giải đều không ăn được bất cứ thứ gì. Do đó, sau buổi tiệc, Gou và nhà sản xuất Ishii thuộc công ty sản xuất truyền hình K đã mời cả ba đi ăn ở quán nhậu gần hội trường. Trong quán nhậu, không khí vô cùng ồn ào bởi các sinh viên đại học và nhân viên văn phòng tan làm về cũng vào đây. Lúc này, có vẻ như vị trí của chúng tôi được hiện rõ, tâm trạng của chúng tôi cũng trở nên hơi ảm đạm, Gou chỉ hỏi chuyện tôi về dự tính công việc tương lai sau này. Có hay đọc tiểu thuyết hay truyện tranh không? Đã viết bản thảo tóm tắt bao giờ chưa? Nếu có tác phẩm nào thấy chuyển thành phim có vẻ hay thì cứ gửi cho tôi bất cứ lúc nào nhé. Tuyệt nhiên không có chuyện Gou coi như không có Mamyuda ở đó. Số lần bắt chuyện với cô ấy thậm chí còn nhiều hơn tôi. Thế nhưng, nội dung lại hoàn toàn khác. Họ tên của cô lạ thật đấy nhỉ. Tên của tôi là Gou Ken nên trước khi cô Mamyuda đọc xong tên của mình thì tôi đã đọc xong tên của tôi rồi. Họ này ở Shimane nhiều lắm à? Ở Shimane nổi tiếng về gì vậy? Đồi cát à? Đó là Tottori ấy hả? Mai cô đi tham quan Tokyo rồi về à? Cất công lên Tokyo vậy mà tôi lại chỉ mời ăn được mỗi món cá shishamo, xin lỗi cô nhé. Nếu được, cô cứ gọi món mà mình thích nhé. Như món rau củ chấm sốt bagna càuda[11] chẳng hạn, là khi về có thể tự hào với mọi người rồi… Trước những câu hỏi giễu cợt hết mức, Mamyuda trả lời với gương mặt nghiêm túc rằng: “Tôi định sẽ đi Asakasa mua bánh ningyoyaki (bánh đậu nướng hình các nhân vật) rồi về”… Tôi thấy quá đỗi đáng thương! Hẳn là đôi mắt ấy đã sáng long lanh khi được mọi người đưa cho mẩu giấy viết tay các loại bánh ngọt nên mua được bán trong sân bay Haneda và hứa hẹn: “Tôi nhất định sẽ mua!” Tôi cảm thấy thật xấu hổ cho bản thân mình vì đã đố kị với một kẻ địch không thấy đâu. Câu chuyện của Gou với Sosori là cậu ta sống ở Tokyo thì hứng thú với thể loại phim truyền hình nào. Sosori quá hào hứng kể về các bộ phim trinh thám của nước ngoài nên dường như đã khiến Gou mất hứng và cũng chẳng hề bảo cậu ấy gửi bản thảo cho mình. Về phần mình, tôi đã gửi danh thiếp cho tất cả mọi người khi chào hỏi tại bữa tiệc, trong khi cả Mamyuda lẫn Sosori đều không chuẩn bị nổi cả một mẩu giấy nhớ ghi chép. Tôi rất có thiện cảm với hai người có vẻ như hoàn toàn đạt được mục tiêu này của mình. Tôi đề nghị: “Chúng ta cần phải trân trọng cuộc gặp gỡ này!” Và thế là cả ba đã trao đổi địa chỉ mail cho nhau. Mặc dù, tác phẩm đoạt giải thưởng dự định sẽ được đăng trên tạp chí “The Drama” số tháng sau nhưng Sosori nói muốn trao đổi ý kiến với nhau ngay khi tâm trạng còn hứng khởi nên chúng tôi cũng hứa ngày hôm sau sẽ gửi bản thảo cho nhau. Gou nhìn chúng tôi rồi bất chợt thì thầm: - A…a… Muốn chụp cảnh gàu nước múc lên cung trăng ghê… Tưởng chừng như đó chỉ là lời độc thoại nhưng tôi hiểu đó chính là thời điểm đã được tính toán khi cuộc hội thoại của chúng tôi trở nên chùng xuống. Trong khi Mamyuda và Sosori bên cạnh đang nhìn Gou với vẻ mặt khó hiểu thì tôi lẳng lặng dùng gấu áo lau khóe mắt. Sau hôm trao giải, bản thảo cùng với những lời an ủi động viên đã được Mamyuda và Sosori nhanh chóng gửi đến hộp thư điện tử của tôi. Tôi chẳng có hứng thú với tác phẩm kém hơn tôi của Sosori. Tôi chỉ in tác phẩm của Mamyuda ra rồi đọc. Và rồi… bất giác tôi bật khóc. Tuy nhiên, khóc không đồng nghĩa với việc tôi cảm động. Những người dễ dàng muốn tạo ra bệnh nan y chẳng phải đang hiểu lầm ở chỗ này hay sao? Hơn nữa, trong trường hợp của Mamyuda, đó là quá coi rẻ mạng sống. Có lẽ, chắc chắn chính bản thân cô ấy cũng nhận ra điều đó nên mới công bố rằng tác phẩm được dựa trên câu chuyện có thật. Tôi lại bị thua bởi một tác phẩm như thế này ư? Thế nhưng, một kẻ thua cuộc trong trận tranh tài như tôi dù có nói gì đi nữa thì những người bình thường theo chủ trương coi trọng địa vị chắc chắn sẽ nghĩ là do tôi đố kị mà thôi. Bởi vậy, tôi đã gửi cho cô ấy lá thư như thế này: “Tôi đã bật khóc. Tôi cho rằng, đây là tác phẩm chất chứa sự kết nối vô cùng sâu đậm giữa hai vợ chồng cô Mamyuda. Tuy nhiên, nếu vợ chồng đã lấy nhau cũng được năm năm rồi thì tôi có cảm giác lời thoại vẫn còn chưa được mượt mà, nếu sửa được chỗ đó thì tôi nghĩ đây sẽ là một kiệt tác. Quả đúng là tác phẩm đoạt giải đặc biệt xuất sắc! Tôi rất mong chờ tác phẩm được chuyển thể thành phim.” Cùng ngày hôm đó, Mamyuda cũng đã gửi cảm nghĩ về tác phẩm “Tình xa hơn trăng” cho tôi: “Tôi có thể đồng cảm với cảm giác đau buồn của nhân vật chính khi trót yêu người yêu của bạn thân mình. Tôi cảm thấy rất hợp lý trước cách dùng hai bàn tay nén trọn trăng trong lòng bàn tay mình. Tôi cũng rất cảm ơn chị về lời khuyên quý báu. Có vẻ như, cần phải sửa khá nhiều nên tôi sẽ sửa lại bản thảo của mình. Cả hai chúng ta mới chỉ đứng ở vạch xuất phát. Hãy cùng nhau cố gắng để trở thành nhà biên kịch chuyên nghiệp nhé!” Tôi chắc rằng, cô ta thừa hiểu chỉ là ăn may mới tập tành viết lách nộp làm kỷ niệm, vậy mà cô ta lại nói như thể mình đã mong muốn được làm nhà biên kịch chuyên nghiệp ngay từ đầu. Thế nhưng, tôi nghĩ mình vẫn có thể có cơ hội phục thù. Ý nghĩa câu độc thoại của Gou có lẽ là biết muộn một ngày và cảm thấy hối hận. Tôi tự hứa thành tiếng với mình: “Tuyệt đối không được thua!” “Viết về bệnh nặng thì đề tài cũng rõ ràng mà nội dung thì như hâm!” Và thế là ít nhất một tuần, tôi cố gắng gửi ba bản thảo tóm tắt cho Gou. Tôi tự tin về lượng sách mà mình đọc. Mặc dù, tôi thích nhất là thể loại ngôn tình nhưng kể từ khi tôi hướng tới mục tiêu trở thành nhà biên kịch chuyên nghiệp thì tôi không giới hạn mình ở các thể loại như tiểu thuyết trinh thám, truyện khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết lịch sử… Chỉ cần thấy tiêu đề, bìa sách hay bất cứ cái gì mà có thể đem lại gợi ý cho tôi là tôi đọc hết. Nhờ việc đọc, tôi có thể dễ dàng lên danh sách những tác giả viết các tác phẩm thú vị với phong cách độc đáo mà nhiều người bình thường không biết mấy. Cảm tưởng của Gou đều là cảm thấy tương đối thú vị. “Tôi đang sửa lại tác phẩm đoạt giải của Mamyuda nên hiện tại hơi bận. Tuy nhiên, tôi muốn gặp cô sớm nhất có thể để hỏi kỹ hơn về một số tác phẩm mà cô đã gửi.” Sau khi nhận được nội dung mail đó thì tôi và Gou gặp gỡ trao đổi buổi đầu tiên vào khoảng một tháng sau lễ nhận giải, đó là vào Ngày của Biển (ngày Chủ Nhật tuần thứ ba trong tháng 7). Gou đã nói với tôi là sẽ thử đưa 5 trong số 15 bản thảo tóm tắt mà tôi đã gửi cho Gou từ trước đến nay vào buổi họp sắp tới. Sau buổi trao đổi ở quán nước, Gou dẫn tôi đến một nhà hàng sang trọng với các loại đồ ăn có mức giá nhiều hơn một số 0 so với các món ăn trong quán nhậu sau buổi trao giải lần trước. Không giỏi uống rượu lắm nhưng Gou vừa cầm ly rượu vang vừa bắt đầu trút những lời than thở về Mamyuda. “Mặc dù, việc phụ trách tác phẩm đoạt giải đã được quyết định từ trước buổi xét duyệt nhưng bị phân công phụ trách một tác phẩm chán ngắt thì đúng là thật đau khổ. Sau khi sửa lại đến mười lần thì mới có thể hoàn thành ở mức tạm chấp nhận được. Nếu mà là “Tình xa hơn trăng” thì tôi hầu như đã chẳng phải sửa gì mà có thể tiến hành quay luôn được rồi.” Không chê bai cũng không hùa theo, tôi chỉ mỉm cười ngồi nghe Gou nói. Chưa có hôm nào tôi lại thấy rượu vang ngon như ngày hôm đó. Mặc dù, tôi đã xác định là sẽ đi tiếp nếu Gou mời mình nhưng không có lời mời mọc bậy bạ nào cả mà Gou chuẩn bị taxi cho tôi rồi vừa cười với đôi má hơi ửng đỏ vừa tiễn tôi. Khi xem các bài viết đăng trên trang Kênh 3, tôi cũng thấy có chuyện chăn gối làm ăn trong giới viết kịch bản. Thậm chí, tôi còn nghĩ, chắc nhiều nữ tác giả viết kịch bản kiếm được công việc nhờ vào cách này. Vì thế, thái độ hết sức đứng đắn của Gou càng khiến tôi cảm thấy thật xấu hổ khi đã hiểu lầm lớn như vậy. Quả đúng là thế giới mà năng lực nói lên tất cả. Vì Gou nhận ra tôi có năng lực thực sự nên mới coi tôi là đối tác làm ăn và đối xử tốt với tôi. Chỉ có những kẻ mà bản thân không có năng lực thực sự nhưng không chịu thừa nhận điều đó mới dùng những câu chuyện bậy bạ, loan tin đồn để hạ thấp những người thành công nhằm thỏa mãn cảm giác ghen ăn tức ở của mình. Tôi không phải là kẻ như thế. Tôi mở máy tính ra để biến những suy nghĩ của mình thành câu chữ: “Lâu lắm rồi không gặp. Hôm nay, tôi vừa có buổi gặp trao đổi với nhà sản xuất Gou. Anh ấy nói, sẽ đưa năm bản thảo tóm tắt mà tôi đã gửi để giới thiệu trong buổi họp sắp tới. Nếu tôi chỉ được có vậy thì có lẽ bản thảo tóm tắt của chị Mamyuda được chọn phải nhiều gấp đôi số đó quá nhỉ… Tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa mới được!” Sau khi gửi đi, lần này, tôi viết lên blog với nội dung được anh G dẫn đi ăn nhà hàng tuyệt đẹp kèm ảnh món ăn. Sau đó, tôi xem các trang viết cảm nhận về các bộ phim truyện truyền hình. Tôi không chỉ chăm chăm tìm theo từ khoá những tác phẩm hấp dẫn. Chắc chắn các nhà biên kịch sẽ được yêu cầu xào nấu theo màu sắc của đài truyền hình dựa trên nguyên tác. Việc được nhà sản xuất phim truyền hình buổi sáng đánh giá cao là bằng chứng chứng tỏ tôi đang nhận thức được màu sắc của đài truyền hình. Trước khi tắt máy tính, tôi kiểm tra lại mail một lần nữa thì thấy thư hồi âm của Mamyuda gửi đến: “Có năm bản thảo tóm tắt cơ à, chị thật là giỏi quá! Tôi còn chẳng biết viết bản thảo tóm tắt như thế nào cơ. Survival game cũng đã được chốt ở bản cuối cùng. Có vẻ như lịch phát sóng sẽ được quyết định vào tuần tới. Tôi đang rất mong đợi tác phẩm của mình được ra mắt. Chị Sazanami cũng sớm ra mắt được thì tốt nhỉ.” Chị Sazanami “cũng” ư? Tôi rất tức giận, chẳng lẽ cô ta muốn gây lộn với tôi, nhưng tôi thừa sức cười khẩy cô ta. Tôi biết thừa Mamyuda chưa gửi được bất cứ bản thảo tóm tắt nào cho Gou cả. “Con nhà quê kia mau từ bỏ đi!” Tháng sau đó, mặc dù đang là kỳ nghỉ hè nhưng “Survival game” vẫn được chiếu lặng lẽ vào thời lượng ban ngày trong ngày thường. Tôi ngồi xem tivi mà cảm thấy hối tiếc vì lẽ ra phim đang chiếu phải là phim chuyển thể từ tác phẩm của tôi. Tôi đã tập trung ở mười phút đầu tiên để chờ đợi xem nó dở thế nào. Nhưng sau đó, điều tồi tệ đã xảy ra đến mức tôi cảm thấy đồng cảm với Mamyuda: Trước hết, đài truyền hình hoàn toàn không đầu tư vào tác phẩm này, cứ nhìn vào dàn diễn viên là thấy ngay. Tuy vai ông chồng do diễn viên nam trẻ tuổi có kỹ thuật diễn xuất, thỉnh thoảng thấy trong chương trình ở khung giờ vàng thứ Năm, thế nhưng nữ diễn viên chính là gương mặt chưa từng xuất hiện bao giờ. Nếu là diễn viên mười mấy tuổi thì còn có thể nghĩ là đoạt giải trong cuộc thi tìm kiếm tài năng của các hãng giải trí lớn và dự định sẽ ăn khách trong trong tương lai, thế nhưng khoảng ba mươi tuổi với gương mặt này thì khả năng đó gần như bằng không. Dù có là tác phẩm đoạt giải gương mặt mới đi chăng nữa thì các diễn viên đóng chính trong nhiều tác phẩm đoạt giải trước đây vẫn có chút nổi tiếng hơn. Nhất là tác phẩm này lại ít nhân vật xuất hiện như thế thì cũng nên đầu tư thêm ít tiền vào mới phải chứ. Thế nhưng, việc tác phẩm không hấp dẫn hoàn toàn không phải lỗi do dàn diễn viên. Trong nguyên tác, nhân vật hai vợ chồng đã lần lượt thực hiện các hành vi nguy hiểm một cách bình thản. Trong phim, mỗi một câu chuyện lại cố thêu dệt thêm các hành động và lời nói không cần thiết để cố nhồi nhét một ý nghĩa cảm động cho câu chuyện đó, cuối cùng khiến người xem chẳng hiểu phim muốn nói gì. “Nấm này chỉ để mình anh ăn thôi. Bởi vì… em còn có ngày mai nữa!” “Anh…” Lời lẽ già nua này là cái gì vậy? Muốn chọc cười khán giả hay sao? Bây giờ, liệu Nogami Kouji có đang hối hận về quyết định của mình? Xét duyệt xong rồi là chẳng còn liên quan gì nữa, có lẽ ngài ấy cũng chẳng thèm xem tác phẩm khi đã được dựng thành phim? Không biết phản ứng của cộng đồng mạng thế nào nhỉ? Nghĩ thế, tôi liền mở Kênh 3. Trên bảng tin phim truyền hình, bộ phim này hoàn toàn bị làm ngơ. Thế nhưng, trong topic Giải thưởng Gương mặt mới trong mảng viết kịch bản truyền hình buổi sáng của mục Sáng tác văn nghệ có xôn xao một chút. 90% là ý kiến chê bai. “Không hiểu đang làm cái gì không biết! Cứ tưởng bệnh nan y thì nội dung thế nào cũng được hay sao, quá coi thường khán giả! “ Cũng có người đã đọc kịch bản trong tạp chí “The Drama” bán cách đây một tuần rồi mới xem phim thì cho ý kiến như thế này: “Làm tác phẩm tệ hẳn đi. Cứ để nguyên tác phẩm dự thi đi quay có phải đỡ hơn không?” Tôi phần nào có cảm giác bình luận này là do Mamyuda viết. Phần khung xương có vấn đề thì dù có đắp lên bao nhiêu lớp da thịt cũng chẳng thể nào đẹp đẽ được. Vậy mà còn định đổ lỗi cho ai đó ngoài bản thân mình? Trong trường hợp này là định đổ lỗi cho Gou à? Hơn hết, điều mà tôi không hiểu là vẫn còn một số ý kiến lẻ tẻ khen là cảm động. Đây chắc hẳn là Mamyuda và người nhà của mình viết lên? Dù sao, tôi cũng đã có thể khẳng định chắc chắn: Sẽ không có cơ hội tiếp theo cho Mamyuda Kaoruko. Đến đây là cô ấy sẽ phải dừng cuộc chơi. Tôi đã gửi một bức mail với những từ ngữ khen tặng như khi người ta tiễn biệt nhau: “Tôi đã xem bộ phim chuyển thể được chiếu! Chúc mừng chị được lên sóng tác phẩm đầu tay. Quả đúng là đã sửa đi sửa lại đến mười lần nên tôi thấy được sự kết nối mạnh mẽ giữa mối quan hệ vợ chồng. Có lẽ, chị sẽ nhận được thật nhiều lời đề nghị hợp tác từ những người trong giới sau khi họ xem tác phẩm này cũng nên. Thật ghen tị quá!” Sau khi gửi thư đi, tôi nhận được mail của Sosori gửi đến: “Đem tác phẩm mà mình đã viết nghiêm túc đi dự thi có vẻ như trở thành chuyện ngu ngốc mất rồi nhỉ. Truyền hình đúng là không được rồi. Hay là tôi đi học viết kịch bản phim điện ảnh nhỉ?” Tôi than lên: “Đó, thấy chưa?” Chẳng có một ai nghĩ tác phẩm của Mamyuda hay cả. Tôi chẳng thèm trả lời Sosori, mà gửi cho Gou ba bản thảo tóm tắt kèm với câu: “Anh vất vả vì Survival game quá rồi!” Hai bản thảo tóm tắt được viết từ nguyên tác là tiểu thuyết, còn một bản thảo tóm tắt là tác phẩm hoàn toàn do tôi viết từ đầu đến cuối. Có một bản thảo tóm tắt mà tôi thấy rất hay nhưng lại không thấy ghi tên tác giả nguyên tác và tên nhà xuất bản gì cả. Tôi vừa hình dung ra nội dung đó vừa viết dần bản thảo tóm tắt mình tự sáng tác. “Mamyuda Kaoruko, thế là chấm hết. Thậm chí, vẫn còn chưa bắt đầu nữa!” Sau đó, cứ khoảng một tháng, Gou lại gặp tôi một lần, cùng ăn trưa với tôi với tư cách là trao đổi công việc. Mặc dù, luôn có một bản thảo của tôi chắc chắn được vào đề cử cuối nhưng lại không được chọn khi bỏ phiếu biểu quyết, Gou nói lại với tôi với vẻ tiếc nuối: “Xét về độ hấp dẫn của nội dung thì tác phẩm của Suzu[12] rất hay. Nhưng xét theo xu hướng của các nhà tài trợ thì họ lại thiên về các cuốn truyện tranh được nhiều người yêu thích hoặc tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng. Từ lúc nào tivi chỉ có thể đuổi theo nội dung của các thể loại khác nhỉ? Anh muốn gắn kết với các nhà biên kịch để đưa những tác phẩm gốc dành riêng cho truyền hình tới phòng khách của mọi nhà.” Tôi nghĩ, nhà biên kịch mà Gou nói đến ở đây chính là tôi. Những bản thảo tóm tắt nguyên tác mà tôi gửi kèm đều hoàn toàn bị làm ngơ nhưng tôi tin vào những lời Gou nói và nghĩ mình cần phải cố gắng thật nhiều. Nếu không, không có chuyện lần nào Gou cũng dẫn tôi đến những nhà hàng đắt tiền như đi ăn sushi hay đi ăn nhà hàng Pháp… “Suzu có viết trong mục nghề nghiệp khi nộp hồ sơ kịch bản là làm nghề tự do, vậy em đang làm công việc gì?” “Em làm lễ tân cho văn phòng nhận chuyển phát hàng. Bên vận chuyển có biểu tượng con gấu giơ tay hình vòng tròn Tsukinowaguma. Em làm bốn buổi trong tuần, nghỉ thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, làm từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối.” Tôi giải thích rõ lịch làm của mình để Gou có thể dễ dàng liên hệ qua điện thoại. Thật ra, tôi không muốn nói là mình đang đi làm thêm. Vì tôi sợ bị hiểu nhầm việc này là việc chính của tôi. Miễn là công việc có thể duy trì mức thu nhập tối thiểu để tôi có thể tiếp tục cuộc sống viết kịch bản thì công việc gì cũng được. “Ái chà, hóa ra em làm việc cũng khủng thật đấy nhỉ. Vậy thì tốt rồi!” “Tại sao thế ạ?” “Lượng sách em làm khủng như thế, em cũng viết rất nhiều kịch bản nữa nên anh hơi lo lắng nghĩ rằng, có khi nào cả ngày em chỉ đầu tư vào việc viết kịch bản hay không…” “Em nghĩ là do việc đọc hay viết đối với em rất nhanh, chắc chắn là như vậy. Nhưng những việc như đi chơi với bạn trai, em dường như chẳng còn thời gian nữa.” “Chà, em có bạn trai rồi à?” “Em nói rồi mà, làm gì có đâu cơ chứ…” Tôi muốn thể hiện ra rằng, vị trí đó vẫn còn đang trống nhưng không để lộ ra. “Anh Gou chắc chỉ vẫy một tay cũng có vô số người yêu theo ấy nhỉ?” “Ấy, Suzu, em thấy anh trông giống thế lắm à? Anh đến cả một cô cũng không có đây này.” Nói thế rồi Gou nhìn tôi chằm chằm, sau đó phì cười. Tôi cũng theo đó vừa cười theo vừa dùng tay chà vào cốc nước cho lạnh rồi chạm lên má để xua bầu má đang nóng và chắc mẩm người ngoài mà nhìn vào dễ tưởng chúng tôi là một cặp tình nhân rất tình tứ. Kể từ lần đầu tiên gặp Gou ở buổi lễ trao giải thưởng… À không, kể từ khi tôi nhận được cuộc gọi thông báo được lọt vào vòng cuối, tối nào tôi cũng nghĩ về Gou. Ngoài lúc xem tivi, mỗi khi đọc sách hay xem phim, tôi lại thường tưởng tượng đến việc Gou hỏi tôi có cảm tưởng như thế nào về những tác phẩm này, không chỉ liên quan đến cốt truyện. Ngay cả khi tôi ăn loại đồ ngọt mới ở Kombini, hay ngay cả khi tôi thấy bầu trời xanh hơn mọi khi, tôi thấy mình luôn mong ước được chia sẻ những cảm xúc đó của mình cùng Gou. Chắc chắn là chúng tôi có những điểm khác giống nhau. Nhưng, tôi không thể bày tỏ suy nghĩ của mình cho Gou được! Dù tôi có định nghiêm túc bày tỏ tình cảm của mình đến đâu thì chắc Gou cũng sẽ nghĩ là tôi có ý mờ ám khi làm thế. Có khi nào, Gou cũng đang đau khổ vì suy nghĩ đó giống như tôi bây giờ? Tôi đổi đề tài cốt để che giấu suy nghĩ của mình. Đó chính là việc tôi muốn chờ thời điểm thích hợp để hỏi: “Mamyuda đã có quyết định cho công việc tiếp theo chưa ạ?” “Chuyện đó, em hỏi nghiêm túc đấy à?” Gou giãn người và giang tay ra phải đến 1,5 lần so với cơ thể bình thường của mình, vừa nhìn vào gương mặt tôi vừa hỏi. Chúng ta đều là người lớn cả rồi nên khó nói thẳng được nhưng em hiểu điều mà anh muốn nói chứ? – Trông Gou như muốn nói với tôi như vậy với ánh mắt của đứa trẻ tinh nghịch. Rồi anh cũng lên tiếng: “Nhìn chung, anh cũng nói với cô ấy là nếu thấy nguyên tác nào hay thì gửi bản thảo tóm tắt cho anh nhưng có vẻ như cô ấy không biết viết bản thảo tóm tắt. Mà anh cũng chẳng nghĩ đến việc phải mất công dạy cô ấy. Anh còn chút trông chờ vào cậu Sosori hơn.” Tôi đã có thể yên tâm về Mamyuda nhưng nhíu mày về chuyện của Sosori. “Dù sao, viết được truyện trinh thám có thể là sở trường của cậu ấy nhưng lần nào cũng toàn là chuyện giết nhau máu chảy thì cũng không được đúng không nào. Cậu ta chẳng hiểu gì về phim truyền hình cả. Lỡ mà mang nhầm đồ cúng tế chiếu cảnh đó vào phòng trà thì chắc chắn là khán giả sẽ gửi vô số thư phàn nàn về cho mà xem. Khác em hoàn toàn, Suzu ạ.” Tay Gou đặt nguyên trên bàn nãy giờ bỗng nắm thật chặt lại giống như muốn nói rằng: “Cố gắng lên em!” Tôi tự hứa mạnh mẽ trong lòng mình với anh: “Hãy chờ đến ngày đó, ngày mà tên em được đề trên tivi với tư cách là tác giả kịch bản, nhà biên kịch!” Và rồi, tôi đã gửi mail để chặn nốt lần cuối với kẻ không còn là đối thủ của tôi nữa rồi: “Mamyuda, việc viết bản thảo tóm tắt của chị có thuận lợi không? Nghe nói, Sosori cũng đang cố gắng đấy. Sau khi đọc tác phẩm đoạt giải (bản gửi dự thi) của Mamyuda, tôi có chút cảm giác rằng Mamyuda muốn có thể diễn tả cái chết nhẹ đi theo ý tốt. Việc diễn tả con quỷ sát nhân đâm người nhẹ nhàng như không, giết người không biến sắc ngay cả khi thấy máu trào ra – nếu là tôi viết thì câu chuyện sẽ chỉ trở nên nặng nề và u ám. Nhưng Mamyuda thì có thể viết rất hấp dẫn. Đó có lẽ là những cảnh bị cấm trên tivi. Vì thế, tôi nghĩ, đó chính là điều ý nghĩa của những gương mặt mới khi viết kịch bản… Đôi lời mạn phép, xin lỗi chị vì những lời khuyên có vẻ ta đây này. Chúng ta hãy cùng cố gắng nhé!” Không có hồi âm từ Mamyuda. “Không biết viết bản thảo tóm tắt ư? Cô có đang đùa với những người viết kịch bản không thế?” Gou liên lạc báo bản thảo tóm tắt của tôi đã được chọn là vào dịp cuối năm bận rộn, thời điểm bảy tháng sau khi tôi nhận được giải thưởng. Nếu không đưa ra được kết quả trong vòng một năm thì người đoạt giải tiếp theo sẽ xuất hiện. Đó là tin mừng ngay khi tôi đang hơi sốt ruột về điều đó. Tim tôi nhảy ra khỏi lồng ngực hơn bất cứ lần nhận điện thoại nào của Gou từ trước tới giờ. “Thông tin chi tiết sẽ nói trực tiếp vào ngày mai!” – Gou cho tôi địa chỉ và thời gian rồi cúp máy. Bản thảo tóm tắt được chọn là tiểu thuyết dành cho giới trẻ “Như bướm như hoa”, là câu chuyện kể về các nữ sinh cấp ba nhỏ bé và yếu ớt của đội thể dục nhịp điệu nhiều lần không thành công trên con đường phấn đấu tham gia đại hội toàn quốc. Tác giả nguyên tác chỉ là một tác giả nhỏ chuyên viết light novel[13], tên là Kobaya Kawahana, nhưng cách khắc họa tâm lý của các cô gái mười mấy tuổi rất khéo nên từng bước đánh giá cao về cô được lan truyền. Mặc dù, tác phẩm thuộc dòng supokon[14] thường thấy, nhưng cuối cùng, ngay lúc các nhân vật chính không thể tham gia đại hội toàn quốc, người đọc sẽ khám phá thấy có điểm mới. Nỗ lực là điều rất tuyệt vời nhưng không phải ai cũng có thể thành công. Điều quan trọng là ý chí mạnh mẽ không được bỏ cuộc. Thông điệp đó chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Nếu nói về khuyết điểm thì đó là lời thoại còn hơi cứng nhắc và kết cấu về trình tự thời gian còn quá đơn điệu. Bản thảo tóm tắt của tôi đã cải thiện được những phần đó và đã được chọn nên không chỉ có sức hấp dẫn của tác phẩm mà chắc chắn phần lớn còn ở tay nghề của tôi. Đây sẽ là bộ phim truyền hình với 10 tập tất cả, trình tự của từng tập đã được tôi viết trong bản thảo tóm tắt, nhưng việc xây dựng chúng thành kịch bản thì bây giờ mới bắt đầu. Tập đầu tiên đã hoàn thành được sẵn đến 80% trong đầu tôi. Không thể ngồi yên được một chỗ, tôi bắt đầu viết kịch bản tập 1 và đi gặp Gou. Có thể hôm nay, tôi sẽ nói suy nghĩ của mình cho anh ấy biết. Gou đến quán nước mọi khi trước tôi, tôi tiến nhanh đến như muốn nhảy cẫng lên thì Gou đã níu lấy hai tay tôi nói: “Chúc mừng em!” làm tôi suýt ngất. Thế nhưng, chưa đầy ba phút sau đó, tôi đã bị rơi xuống đáy địa ngục. “Kịch bản đã được giao cho tiên sinh Nogami Kouji.” Thấy tôi há hốc miệng bởi không biết mình có đang nghe nhầm hay không thì Gou liền chậm rãi giải thích tình hình nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận được. Tóm lại, một nhà biên kịch không tên tuổi thì sẽ không có nhà tài trợ nên sẽ phải để cho một nhà biên kịch tên tuổi đứng tên. Chỉ có thế thôi. “Nếu tác giả nguyên tác nổi tiếng thì có lẽ Suzu sẽ được chọn. Thế nhưng, rất mong em hợp tác trong việc dựng kịch bản phim. Trong 10 tập, một số tập cuối có thể sẽ nhờ Suzu viết. Suzu cũng đã biết tình trạng sức khỏe của tiên sinh Nogami Kouji rồi đấy thôi.” “Nếu là chuyện mà ông ấy bị ung thư nhưng nhờ phát hiện sớm nên ông ấy đã uống thuốc và khỏi hẳn thì em biết.” “Mặc dù, tiên sinh nói sức khỏe đã ổn trở lại nhưng để hoàn thành phim truyền hình nhiều tập thì sự dẻo dai là yếu tố quyết định. Ngay cả người khỏe mạnh cũng có thể đổ bệnh bất cứ lúc nào nên không có gì chắc chắn là tuyệt đối không sao cả được. Hơn nữa, đối với Suzu thì đó cũng là cơ hội, phải không nào? Nếu em có thể thực hiện nhiệm vụ này thành công thì không chỉ tiên sinh Nogami mà cả đài truyền hình cũng sẽ mang ơn em.” Được Gou an ủi, tôi có linh cảm mọi việc sẽ trở nên giống như anh ấy nói. Anh ấy nói đi ăn mừng nên khi anh ấy dẫn tôi đến nhà hàng Tây Ban Nha nổi tiếng thì tôi đã lấy lại được tinh thần. Có vẻ như Gou muốn động viên tinh thần tôi nên dù tôi không hỏi mà anh ấy lại tự kể về Mamyuda. “Cô ấy đột nhiên gửi đến một kịch bản phim dài hai tiếng. Hơn thế nữa, lại là bản gốc do cô ấy tự viết. Đã thế, không biết là cô ấy cay cú điều gì mà ngay cảnh đầu tiên đã toàn xác chết máu me be bét, thật mong thôi ngay đi cho nhờ. Cả Sosori lẫn Mamyuda, có phải cả hai có hơi nguy hiểm không cơ chứ? Cả bản thảo dài sáu trang giấy, anh chẳng đọc tí nào, định vứt luôn vào sọt rác thì đúng lúc anh Ishii bên đài K đang đến trao đổi công việc và tìm giấy nhớ để ghi chép nên anh đã đưa cho anh ấy cả tập bản thảo luôn cho anh ấy ghi.” – Gou cười sảng khoái nói. Tôi hơi nhíu mày tỏ ra người đâu mà phiền ghê ha, nhưng trong lòng tôi cũng cười giống Gou. Mamyuda đúng là người quá ư đơn giản, tôi thầm nghĩ. “Mamyuda, cuối cùng thì bản thảo tóm tắt mà tôi viết đã được chọn. Nói thế nhưng kịch bản là do Nogami Kouji chắp bút viết. Cũng bởi đó là phim truyền hình dài tập nên có thể, tôi sẽ viết một số tập. Và có vẻ như, tôi cũng sẽ được chọn để phụ giúp viết nháp kịch bản. Thời gian phát sóng khoảng sau nửa năm nữa nhưng sẽ nhanh tới thôi, đúng không nào?” “Mamyuda, cô còn sống không thế?” Đầu năm mới, tại hội trường phát biểu sản xuất phim truyền hình tổ chức vào tháng Ba, tôi cũng được tham gia với tư cách là người liên quan đến việc sản xuất. Tựa đề “Như bướm như hoa” với sự gợi ý của Gou được đổi tên thành “Những bông hoa thể dục nhịp điệu nữ sinh” để dùng cho phim truyền hình. Tôi không nghĩ đó là một tựa đề hay nhưng nó giúp mọi người hiểu ngay bộ phim truyền hình này nói về vấn đề gì. Trên sân khấu, các cô bé có gương mặt xinh đẹp đang đứng thành hàng. Vai diễn cố vấn của câu lạc bộ thể dục nhịp điệu là một diễn viên nổi tiếng không thể thiếu trong các bộ phim học đường. Tôi ở trong cùng một căn phòng với những người mà tôi chỉ từng nhìn thấy trên tivi. Cuối cùng thì tôi đã có thể đến được đây rồi sao, tôi vừa hít thật sâu không khí trong phòng vừa nhìn ánh đèn flash hướng thẳng lên sân khấu. Thế nhưng, cùng thời điểm đó, một chuyện không ngờ đã xảy đến: Lịch phát sóng phim truyền hình buổi sáng hằng tuần bị trùng khung giờ với chương trình thể thao trực tiếp nên lịch chiếu phim đã được gộp với kênh chiếu kịch mở rộng thứ Năm hằng tuần của Taiyou Housou. Ngay từ đầu đã xảy ra vụ sát nhân. Đây là mô-típ thường gặp trong các phim truyền hình kịch tính, nhưng không có âm nhạc tạo hiệu ứng phóng đại, cũng không có sự xuất hiện của những hiệu ứng khác như mưa liên tiếp không ngừng… Cô gái đang đi bộ bước nhỏ trong bộ trang phục thể thao ở công viên vào lúc sáng sớm và gặp người đàn ông cùng tuổi trong bộ quần áo giống như thế đang chạy về hướng mình. Đột nhiên, cô gái đâm người đàn ông bằng con dao giấu sẵn khi hai người đi ngang qua nhau, sau đó chạy đi như không có gì xảy ra. Trong cảnh tiếp theo, cô gái đang mỉm cười chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. Sau khi tiễn chồng và cậu con trai đang học cấp ba đi làm và đi học, cô bắt đầu công việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ… Một người phụ nữ ở nhà nội trợ, trông hạnh phúc như một bức tranh vẽ tại sao lại trở thành kẻ sát nhân? Cô gái vừa hát bằng giọng mũi vừa bắt đầu mài dao… Trong lúc quảng cáo, tôi thường pha hồng trà uống hoặc lấy bánh ra ăn nhưng tôi thậm chí đã quên mất điều đó và dính chặt lấy tivi. Nhân vật nữ chính chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ đã giết 6 mạng người, vậy mà đôi lúc có thể cười, đôi lúc lại cảm thấy có phần thú vị và cuối cùng là khiến người xem đồng thời cảm nhận được sự ngu dốt và sức mạnh ghê gớm của con người. Nói chung, nó khiến tôi có một cảm giác kỳ lạ mà từ trước đến nay chưa từng có . Không biết ai là người đã viết kịch bản mang tính thực nghiệm như thế này nhi? Tôi chờ đợi hàng chữ cuối phim hiện lên thì thấy xuất hiện cái tên Mamyuda Kaoruko. Không tin vào mắt mình, tôi dùng máy tính tìm trên mạng thì quả nhiên kịch bản là do Mamyuda Kaoruko đảm nhiệm. Thế nhưng, từ khi nào mà cô ta lại có thể kết nối với các đài truyền hình khác ngoài chương trình tivi buổi sáng nhỉ? Khi kiểm tra lại tên của các nhân viên khác, tôi tìm thấy tên một người mà tôi biết. Đó chính là Ishii, đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất của công ty sản xuất truyền hình K, người đã đi cùng chúng tôi tới quán nhậu sau buổi lễ trao giải thưởng. Có lẽ nào, đây chính là tác phẩm mà Gou đã bỏ qua hay sao? Đã thế, tôi lại còn xem bộ phim này rất chăm chú nữa chứ. Thế nhưng, tôi không thấy cảm động. Thông thường, các tác phẩm xuất hiện trong chương trình kịch mở rộng ngày thứ Năm thường là các tác phẩm có tiết tấu và khẩu vị khác với bình thường nên tôi chỉ cảm thấy lạ mà thôi. Kể cả, nếu bộ phim này được chiếu vào buổi đêm thì chắc chắn tôi sẽ không cảm thấy cuốn hút đối thế. Hơn thế nữa, cảm giác ổn định là hoàn toàn không có. Chương trình kịch mở rộng thứ Năm này, mọi khi có tài xế taxi lâu năm trong nghề dẫn người xem đi vòng thong thả ngắm cảnh phố phường quen thuộc… Nhưng với tập này thì có vẻ như, người tài xế taxi vừa mới lấy bằng – lúc thì phanh gấp khi thì tăng tốc ở những chỗ không ngờ tới nên khiến người trải nghiệm có cảm giác đau tim khi ngồi trên xe đi vòng vòng. Tuyệt đối khó có thể nói là cảm thấy thoải mái cho được. Đúng như tôi dự đoán, trên bảng tin phim truyền hình của trang Kênh 3, trong topic về bộ phim truyền hình hai tiếng, có rất nhiều bình luận phê phán. Có thể giết người một cách quá đơn giản. Ý kiến như vậy là nhiều nhất, sau đó cũng không ít ý kiến cho rằng “Nhưng cũng hay phết!” Nhưng, tại sao Mamyuda không báo cho tôi? Có lẽ cô ta không tự tin? Nếu thế thì mình báo cho cô ta là mình đã xem. “Tôi đã xem chương trình kịch mở rộng thứ Năm! Chúc mừng chị đã được lên sóng lần thứ hai! Đúng là một tác phẩm mang tính thực nghiệm. Tôi cũng phải cố gắng với các phim truyền hình dài tập mới được. Cả hai cùng cố gắng không bị thiếu ngủ nhé!” “Mamyuda, cô nên đi kiểm định thần kinh đi!” Tôi cũng chẳng nhận được hồi âm của Mamyuda cho lá thư này, nhưng những ngày bận rộn liên tiếp khiến tôi chẳng có thời gian mà bận tâm đến những chuyện như thế. Công việc của tôi không chỉ đơn giản là phụ giúp việc viết kịch bản. Vì tôi sẽ viết kịch bản và Nogami chỉ thêm thắt một chút rồi chuyển thành bản chính thức. Đã thế, Nogami toàn bỏ bớt những phần mà tôi cảm thấy thỏa mãn rằng mình đã viết rất tốt. “Tiên sinh Nogami rất vui và nói rằng nội dung lần này rất dễ làm.” Gou nói điều đó một cách thản nhiên như thể muốn vỗ về tôi. Nếu lần nào cũng dễ dàng như thế này thì vị đại tướng kia dù đang bị giảm sút về sức khỏe do tuổi tác nhưng sẽ không giảm phong độ mà tuyên bố ra mới hết tác phẩm này đến tác phẩm khác. Như thể, ông ấy chỉ có mỗi việc đó vậy. Tôi đã đề nghị rằng, nếu đài truyền hình thật sự thấy biết ơn thì ít nhất cũng để tên tôi như người hợp tác viết kịch bản nhưng tôi đã bị từ chối vì chỉ riêng điều đó là không thể được. Dù thế nào, tôi vẫn rất hồi hộp mong chờ buổi lên sóng đầu tiên. Chỉ cần được cầm bánh kẹo biếu mọi người đến nơi quay hình để học hỏi, được nhìn các diễn viên nói lời thoại mà tôi viết ra thành lời là tôi đã cảm kích đến mức má mình muốn nóng rực lên rồi. Trong vòng một năm kể từ lúc nhận giải thưởng mà tôi đã có thể đi được đến đây, tôi thực sự đang tiến bước một cách vững chắc. Ngày 7 tháng 7, tập đầu tiên lên sóng một tiếng đồng hồ và bắt đầu chiếu từ lúc 9 giờ tối. Tôi có cảm giác như mình đang ở trong một giấc mộng êm ái. Không phải là hoàn toàn nhưng tôi hầu như không thể ngồi yên một chỗ. Cũng không phải là tôi đang ngồi xem cùng ai đó, nhưng tôi vẫn lấy gối vuông cushion che mặt mình rồi từ từ hé dần ra để nhìn màn hình rồi cười toe toét “Thôi đi mà, thôi đi mà!” – Tôi tự nói thế, cảm giác như có một tôi khác đang đứng cạnh mà đẩy đẩy vào tay tôi. Sau khi chương trình kết thức, tôi liền lên mạng xem trang Kênh 3. Cảm nhận của mọi người không được ghi nhiều như tôi nghĩ. Tôi cho rằng, chắc là tập 1 nên mọi người cũng chỉ xem tình hình thế nào, rồi xoa dịu lòng mình rằng không có bình luận tồi tệ nào khiến tôi cảm thấy phải bật lại. Thế nhưng, ít người nhận xét cũng đồng nghĩa với việc có rất ít người xem. Bộ phim rất thê thảm với tỷ suất người xem chỉ đạt mức 4,8%. Cũng không phải là phía sau có chương trình lớn khác nên phải tránh. Có lẽ là do quảng cáo không đủ chăng? Tôi định liên lạc với Gou nhưng không biết phải mở lời như thế nào nên tôi đành chờ Gou chủ động. Thế nhưng, tiếp đó, có một vấn đề còn phiền toái hơn cả con số đã xảy ra. Đó là tiểu thuyết nguyên tác bị nghi ngờ là tác phẩm đi đạo từ tác phẩm khác. Xét về nội dung thì có thể lý giải được là chỉ học theo mô-típ lối mòn thường gặp trong thể loại sách dành cho giới trẻ. Nhưng không thể phủ nhận rằng, trong tác phẩm manga bị cho là giống, có một số chỗ có lời thoại giống hệt. May mắn là trong tập 1 của phim không chứa những lời thoại đó nên phía đài truyền hình vẫn giữ nguyên phương án lấy tác phẩm gốc và không thay đổi diễn biến so với tiểu thuyết. Nhưng khán giả không bỏ qua dễ dàng, thậm chí đến mức họ sẽ theo sát tác phẩm một khi tác phẩm đó đã bị dính phốt. Tập 2 của bộ phim, tỷ suất người xem rớt xuống chỉ còn tầm 3% nên phía nhà đài đã quyết định bộ phim sẽ bị rút xuống chỉ còn 6 tập. Mặc dù, tôi đã bị dồn đến mức phải liên tiếp thức trắng đêm để hoàn thành cảnh cuối cùng đầy gượng ép là cảnh tham gia đại hội toàn quốc nhưng cho đến tập cuối, tên của tôi vẫn không được ghi danh trên phim. Đối với một chương trình có tỷ suất người xem thấp mà có tên mình trong đó thì cũng dễ ảnh hưởng đến hoạt động sau này lắm. Vậy cũng tốt! Tôi đã động viên mình… Nhưng cuối cùng, tôi đã không được ghi danh với tư cách là nhà biên kịch trên phim truyền hình dài tập vào dịp Tuần lễ Vàng. Tôi khóc một mình sau ba đêm thức trắng liên tiếp, chỉ có những bức tường trong ngôi nhà mình là biết tôi đang thế nào. Thế nhưng, Gou lại là người mất nhiều thứ hơn cả. Vào một đêm cuối tháng Tám, Gou đột nhiên xuất hiện trước nhà tôi, nói với tôi trong giọng điệu lè nhè say khướt là đến tháng Chín, anh bị chuyển sang phòng kinh doanh và phụ trách các sự kiện như chương trình trưng bày khủng long. Hơn thế nữa, chuyện anh ngoại tình bị vợ phát hiện và bị vợ đòi tiền bồi thường rồi đuổi ra khỏi nhà. Đây là lần đầu tiên tôi biết Gou đã kết hôn. Cũng không phải là Gou đã nói dối tôi. Chỉ là nhìn thấy tay anh không đeo nhẫn nên tôi tự mình cho rằng anh vẫn còn độc thân. Nhưng quan hệ của chúng tôi vẫn chưa tiến triển đến mức bị gọi là ngoại tình. Tôi chưa kịp nói với Gou rằng, tôi vẫn là bạn anh, vẫn có thể tiếp tục trò chuyện với anh được thì đã bị anh đè xuống và không thể nói thêm được gì… Giờ đây, tôi chẳng còn ai để có thể gửi bản thảo tóm tắt được cả. Con đường trở thành nhà biên kịch của tôi thế là đã bị khép lại, nhưng tôi tự an ủi mình một cách lạc quan rằng, có lẽ việc đã xảy ra là thích hợp vì tôi đã có được Gou. Chỉ cần có thế thì những cố gắng của tôi cũng có kết quả. Chỉ là tôi không thể ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Gou. Gou say rượu và đánh đập tài xế taxi rồi bị chuyển công tác về vùng quê nào đó. Tôi biết được điều đó qua những mục bình luận trên mạng. “Nguyền rủa Mamyuda ư?” …Nghĩ rằng, đây là công việc chính của mình nên tôi xin làm sáu buổi một tuần tại văn phòng công ty chuyển phát nhanh. Sau một năm dồn sức cố gắng làm việc, tôi đã được giám đốc trụ sở đó gợi ý tôi thi lên làm nhân viên chính thức. “Liệu có phải cô Sazanami luôn thấy trước được các bước tiếp theo của công việc hay không mà không có hành động nào là thừa hết. Cô có đang chơi môn thể thao nào không thế?” Nghe hỏi thế, tôi liền trả lời: “Chắc bởi sở trường của tôi là viết kịch bản phim truyền hình”. Đến lúc này, điều khiến tôi ngạc nhiên là ông giám đốc trụ sở khoảng 55 tuổi không biết kịch bản là gì. Ngày nào cũng trông chờ để xem các bộ phim truyền hình kinh điển hằng tuần vậy mà không biết! Mãi tới lúc tôi giải thích rằng, đó là cuốn sách viết lời thoại và tiếng động trong phim thì ông liền hiểu ra: “Thì ra là viết thoại à?” Tuy ông ta nói thế nhưng có vẻ cũng không hề để ý đến người viết nên những bộ phim truyền hình mà tuần nào tivi cũng phát sóng và dù có đưa tên ra thì ông ta cũng chỉ lắc đầu. Trong số tên của vài nhà biên kịch nổi tiếng được đưa ra thì ông ta cũng chỉ biết tới một người mà vốn nổi tiếng là đạo diễn phim điện ảnh. Những cái tên như Nogami Kouji có vẻ như là lần đầu ông nghe thấy. Tôi chợt thả lỏng người: “Nhà biên kịch hay gì thì cũng chỉ đến mức đó thôi sao?” rồi làm thủ tục đăng ký thi lên làm nhân viên chính thức lấy lệ. Tôi mua một chiếc thùng to có biểu tượng con gấu dang tay ôm thành hình tròn của công ty rồi cho tất cả những thứ liên quan đến kịch bản như sách giáo khoa dạy viết kịch bản, các kịch bản gốc mà tôi tự viết, các bản photo các bản dự thi mà tôi đã nộp từ trước đến giờ rồi gửi về quê. Tôi buông tay khỏi giấc mơ về những kịch bản đẹp đẽ hào nhoáng. Tôi cũng không cần phải đọc manga hay sách để viết bản thảo tóm tắt nữa. Tôi cũng chỉ cần xem những bộ phim truyền hình hay phim điện ảnh mà đơn giản là tôi muốn xem. Mẹ tôi nói chuyện qua điện thoại với giọng khá vui vẻ: “Nếu từ bỏ làm nhà biên kịch thì về quê với mẹ cũng được!” nhưng tôi từ chối với lý do là đã làm nhân viên chính thức. Tôi biết có điều gì đó mà tôi chưa hoàn toàn từ bỏ mới khiến tôi vẫn ở lại Tokyo nhưng tôi vẫn cố giả vờ không nhận ra. Sau đó vài ngày, tôi tình cờ đi đến rạp chiếu phim và xem bộ phim điện ảnh mới nhất của đạo diễn Yabuuchi Tooru, một đạo diễn tôi vẫn chú ý từ trước. Dù các nhà phê bình liên tiếp đánh giá về ông trong suốt 5 năm rằng, ông có tài năng nhưng không thể phá """