" Những Đế Chế Công Nghệ PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Đế Chế Công Nghệ PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo HỘI MÊ SÁCH Tải eBooks miễn phí tại https://hoimesach.com Nhận eBooks miễn phí qua Zalo: https://zalo.hoimesach.com Group: https://facebook.com/groups/mesachhoi NHỮNG ĐẾ CHẾ CÔNG NGHỆ Điều gì tạo nên vị thế bá chủ của bộ tứ quyền lực trong ngành IT thế giới? CÔNG TY TNHH MTV NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI Trụ sở chính: Số 46, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội Tel: 0084.24.38253841 Chi nhánh: Số 7, Nguyễn Thị Minh Khai. Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Tel: 0084.28.38220102 Email: marketing@thegioipublishers.vn Website: www.thegioipublishers.vn Chịu trách nhiệm xuất bản: GIÁM ĐỐC – TỔNG BIÊN TẬP TS. TRẦN ĐOÀN LÂM Biên tập: Nguyễn Thị Phương Thảo Sửa bản in: Quân Đặng Thiết kế bìa: Duy Khánh Trình bày: Vũ Lê Thư CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA www.alphabooks.vn TẠI HÀ NỘI Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà Dream Center Home, số 11A, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, P. Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân,Hà Nội *Tel: (84-24) 3 722 6234 | 35 | 36 *Fax: (84-24) 3722 6237 *Email: info@alphabooks.vn Phòng kinh doanh: *Tel/Fax: (84-24) 3 773 8857 *Email: sale@alphabooks.vn TẠI TP. HỒ CHÍ MINH Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh: 138C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh *Tel: (84-28) 3 8220 334 | 35 In 3.000 bản, khổ 13 x 20.5 cm tại Công ty Cổ phần In và Thương mại Quốc Duy Địa chỉ: Số 9, ngách 130/1, ngõ 130 phố Đốc Ngữ, P. Vĩnh Phúc, Q. Ba Đình, Hà Nội. Xưởng sản xuất: Trụ cầu N25 , Đường Tân Xuân , P. Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Số ĐKXB: 5280-2019/CXBIPH/04-276/ThG Quyết định xuất bản số: 1255/QĐ-ThG cấp ngày 19 tháng 12 năm 2019 ISBN: 978-604-77-7040-3. In xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2020. Lời giới thiệu Apple, Amazon, Google, Facebook – chắc chắn những cái tên đã quá quen thuộc đối với bất cứ ai bởi quy mô và sức ảnh hưởng khổng lồ của họ. Nếu đánh giá một cách sơ lược, có thể nói họ đang độc chiếm bốn lĩnh vực khác nhau trong thị trường IT thế giới: Apple thì là điện thoại di động cùng hệ sinh thái đi kèm, Amazon với thương mại điện tử EC, Google giữ thế độc tôn trong dịch vụ tìm kiếm, Facebook thì tung hoành với nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên khi đi sâu vào tìm hiểu, bạn sẽ thấy dù sở hữu triết lý kinh doanh khác biệt nhưng giữa họ lại ẩn chứa rất nhiều điểm tương đồng: đều có những sản phẩm cốt lõi đứng đầu thị trường, tư duy đột phá trong đầu tư nghiên cứu và định hướng tương lai, tập trung một lượng vốn đầu tư lớn vào những lĩnh vực dường như chẳng liên quan với lợi thế cốt lõi, một điểm tương đồng khác là cả bốn tập đoàn này đều áp dụng những quy trình nội bộ đột phá, mang lại hiệu quả tối ưu. Trải qua quá trình tìm tòi nghiên cứu dưới cương vị là phóng viên đặc trách mảng IT thế giới cho tạp chí Nikkei Business Publications danh tiếng của Nhật Bản, tác giả Kokubo Shigenobu sở hữu một tầm hiểu biết sâu rộng đối với những thế lực công nghệ và bức tranh toàn cảnh của ngành IT thế giới. Được thể hiện qua ngòi bút sắc sảo và nguồn dữ liệu cụ thể, hai mặt sáng- tối cùng các bí mật ẩn giấu trong quá trình phát triển của Apple, Amazon, Google, Facebook đã được ông phân tích hết sức hấp dẫn và thấu đáo. Cá nhân tôi rất tâm đắc với câu nói của ông: “Liệu những đế chế công nghệ này sẽ nhắm đến những mục tiêu nào trong tương lai? Cần phải hiểu rằng người nắm giữ chìa khóa thành-bại của bức tranh tương lai ấy là chính chúng ta. Chúng ta lựa chọn smartphone, và kết quả là nền kinh tế smartphone ra đời. Người tán thành hay phản đối phương hướng kinh doanh mới của họ chính là chúng ta.” Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là mối liên kết cộng sinh hết sức hợp lý của xã hội thương mại: dù trong bất cứ ngành nghề nào, các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực tột độ để tìm ra những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng được tối đa nhu cầu của người dùng, bởi ở chiều ngược lại, người dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn sản phẩm/dịch vụ mà họ cảm thấy phù hợp, chính người dùng đang nắm trong tay tương lai công nghệ của loài người. Thông qua Những đế chế công nghệ, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về những chiến lược cốt lõi đã giúp cho các ông lớn này trở nên khác biệt với phần còn lại và nắm giữ được vị thế bá chủ hiện tại. Cùng với đó là câu hỏi mở đầy thú vị: liệu trong tương lai Apple, Amazon, Google, Facebook có còn giữ vững danh hiệu bộ tứ quyền lực hay không, hay sẽ có thêm những thế lực mới nổi khác sẽ trỗi dậy và lật đổ họ? Tất cả câu trả lời đó sẽ có trong cuốn sách. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả ALPHABOOKS Hà Nội 23/07/2019 Lời nói đầu Bộ tứ quyền lực trong ngành IT là...? Apple, Google (công ty chủ quản là Alphabet), Microsoft, Amazon Dotcom (sau đây gọi là Amazon) và Facebook là năm doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới theo thứ tự từ cao đến thấp tính đến cuối tháng 5 năm 2017. Đó là những công ty IT (công nghệ thông tin và truyền thông) của Mỹ mà-ai-cũng-biết. 10 năm trước, những doanh nghiệp sở hữu giá trị vốn hóa thị trường hàng đầu thế giới lần lượt là: ExxonMobil (Mỹ), GE (Mỹ), Microsoft (Mỹ), Citigroup (Mỹ), Petro China (Trung Quốc) và AT&T (Mỹ). Điều này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của ngành IT đã thay đổi xu hướng của toàn thế giới. Những gã khổng lồ dầu khí, thiết bị điện tử, tài chính, viễn thông từng là những thế lực hùng mạnh trong quá khứ, nay phải ngậm ngùi lui về phía sau, nhường chỗ cho những ông hoàng IT. Đặc biệt là GE – được sáng lập bởi “ông vua phát minh” Thomas Edison, ExxonMobil – được sáng lập bởi “ông trùm dầu khí” John Davison Rockefeller và AT&T – tiền thân là Công ty Thông tin và Truyền thông do Graham Bell sáng lập. Hơn nữa, trong số các công ty IT hàng đầu, ba công ty có bước phát triển nhảy vọt đáng kinh ngạc trong những năm gần đây là Facebook, Amazon và Google. Sánh ngang cùng ba công ty này, giá trị của Apple tăng trưởng gấp bảy lần so với 10 năm trước, trở thành một tượng đài vững chắc. Tôi đã tiến hành thu thập thông tin về bốn công ty IT của Mỹ trong gần 20 năm, sau đó công bố kết quả với toàn thế giới. Đó là bốn cái tên được chú ý đặc biệt, và trong phạm vi cuốn sách, tôi xin mạn phép gọi bốn công ty có tầm ảnh hưởng vĩ đại này là “bộ tứ quyền lực”, chỉ ra những bước chuyển mình cũng như các số liệu và thông tin liên quan đến họ tính đến thời điểm hiện tại. Từ khóa “đọc vị” bộ tứ quyền lực Apple, Amazon, Google, Facebook là bốn công ty dẫn dắt thế giới sở hữu những loại hình kinh doanh độc đáo. Apple vừa bán chiếc điện thoại thông minh cầm tay mà mọi người sử dụng hằng ngày, giờ đây còn phát triển thành công cả những sản phẩm khác ngoài mảng điện thoại. Amazon hằng ngày theo đuổi việc bán những mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống thường ngày của mọi người một cách đơn giản, nhẹ nhàng. Google tập hợp và sắp xếp các nguồn thông tin trên thế giới để bất cứ ai sử dụng thiết bị điện tử cũng có thể truy cập miễn phí. Facebook thì mang đến không gian kết nối cho lượng người dùng khổng lồ, vượt xa dân số của cả một đất nước. Bốn công ty này sở hữu triết lý kinh doanh khác biệt, nhưng bên trong lại ẩn chứa một số điểm tương đồng. Chẳng hạn, họ đều sở hữu những sản phẩm thương hiệu cốt lõi mà không ai bắt chước được, Apple với iPhone, Amazon với thương mại điện tử, Google với dịch vụ tìm kiếm, Facebook với mạng xã hội. Không dừng lại ở đó, họ còn rót nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào những lĩnh vực mà thoạt nhìn tưởng chừng không liên quan tới lĩnh vực ban đầu của họ. Bốn ông lớn này đều có tư duy liều lĩnh trong vấn đề đầu tư nghiên cứu và tự vạch ra tương lai. Họ sở hữu nguồn vốn kếch sù nhờ kinh doanh sản phẩm thương hiệu cốt lõi, tiến hành thâu tóm doanh nghiệp khác, đồng thời đầu tư vào các công nghệ tiên tiến. Một điểm tương đồng khác là phong cách hội nhập theo chiều dọc bằng cách phát triển và thực hiện nhất quán công việc liên quan trong phạm vi nội bộ. Dĩ nhiên, họ không tránh khỏi những lần lãng phí nguồn vốn đầu tư lớn, ngậm ngùi rút lui, nhưng cũng có khi đạt được thành công trong việc đưa ngành kinh doanh mới của mình phát triển lên tầm cao mới. Những hoạt động kinh doanh này chắc chắn sẽ tạo ra ma sát giữa các mô hình kinh doanh hiện có và cơ sở hạ tầng xã hội. Dù vậy, những ông lớn này vẫn không ngừng thách thức chính mình, để rồi cuối cùng khiến cho cả nhân loại và thời đại đều đi theo đúng phương hướng họ vạch sẵn. Hướng về tương lai Trong cuốn sách này, Chương mở đầu sẽ giải thích lý do tại sao bộ tứ quyền lực trong ngành IT lại mạnh đến như vậy. Tiếp đến, từ Chương 1 đến Chương 4, nó sẽ dần dần hé lộ “xu hướng gần đây” và “chiến lược hướng đến tương lai” của từng công ty. Khi đã hiểu tường tận các thông tin do bốn công ty này công bố, sau đó liên kết chúng với nhau, chắc chắn bạn sẽ nhận ra bộ tứ quyền lực trong ngành IT sẽ làm gì tiếp theo và sẽ thay đổi thế giới như thế nào – cuốn sách này sẽ tổng hợp những yếu tố đó. Chương 5 – cũng là chương cuối cùng, sẽ đưa ra nhận định về việc xã hội mà chúng ta đang sống sẽ ra sao dựa trên bức tranh tương lai mà bốn ông lớn IT phác họa, trong đó tôi có đưa thêm ý kiến cá nhân của mình vào. Bộ tứ quyền lực trong ngành IT có tầm ảnh hưởng to lớn đối với thế giới, và đó sẽ là lợi thế khủng khiếp cho bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. *Tên công ty, tên sản phẩm được nhắc đến trong cuốn sách này là những thương hiệu đã được đăng ký hoặc nhãn hiệu của các công ty. Tôi sẽ viết tắt bằng ® hoặc TM. *Nội dung cuốn sách căn cứ vào thông tin có được tại thời điểm thu thập và biên soạn, thông tin đó có thể đã thay đổi khi nó đến tay độc giả. Ngoài ra, tôi cần nhấn mạnh rằng tác giả và nhà xuất bản hoàn toàn không chịu trách nhiệm về các kết quả xảy ra nếu bạn đọc thực hiện theo nội dung trình bày trong cuốn sách, xin vui lòng hiểu cho chúng tôi. Chương mở đầu BỘ TỨ QUYỀN LỰC THỐNG TRỊ NGÀNH IT THẾ GIỚI BỘ TỨ QUYỀN LỰC TRONG NGÀNH IT VƯỢT TRỘI VỀ CÁI GÌ? Trong nửa đầu chương này, dựa theo số liệu thống kê thực tế, tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu lĩnh vực mà các ông lớn trong ngành IT này đang sở hữu sức mạnh tuyệt đối, không để lộ ra bất cứ khe hở nào cho các công ty khác xâm nhập. Tại sao họ có thể thống trị thế giới? Tôi sẽ làm sáng tỏ những yếu tố nền tảng đã hỗ trợ họ. Có thể là lợi nhuận, lượng khách hàng cố định hoặc lượng người dùng. Mỗi công ty lại sở hữu mũi nhọn khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu tình hình thực tế của mỗi mũi nhọn này. APPLE – MỘT CÔNG TY THU VỀ GẦN NHƯ TOÀN BỘ LỢI NHUẬN CỦA CẢ NGÀNH Số máy bán ra bị Samsung bỏ xa Trong những báo cáo về thị trường điện thoại thông minh được các công ty khảo sát thị trường công bố, người ta thường so sánh và phân tích “Số lượng xuất kho của mỗi nhà sản xuất”. Theo đó, xu hướng trong những năm gần đây là: Samsung ở vị trí đầu bảng, tiếp theo là Apple, sau đó là các thế lực đến từ Trung Quốc. Chẳng hạn, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2017, Samsung chễm chệ ở vị trí đầu tiên với 79,8 triệu máy. Apple chỉ bằng một nửa với tổng số 41 triệu máy bán ra. Tiếp theo là Huawei với 38,5 triệu máy, Oppo với 27,8 triệu máy, Xiaomi với 21,2 triệu máy (theo số liệu khảo sát của IDC, Mỹ). Tuy nhiên trước đó, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2016, ngay sau khi tung ra loạt sản phẩm iPhone 7, Apple vượt mặt Samsung với mức chênh lệch không đáng kể để quay trở về vị trí đứng đầu sau năm năm vắng bóng (Biểu đồ 0-1). Biểu đồ 0-1: Biến động số lượng điện thoại thông minh bán ra của Apple và Samsung (đơn vị: triệu máy) (Nguồn: dữ liệu điều tra IDC của Mỹ) Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, vào năm 2017, Samsung một lần nữa thống trị vị trí huy hoàng, tạo ra cách biệt khá lớn với Apple. Apple và Samsung từng đối đầu hết sức gay cấn trong quá khứ, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng Apple bị Samsung bỏ xa liên tục kéo dài. Đứng đầu bảng xếp hạng từng dòng máy riêng biệt Tuy nhiên, tình hình sẽ khác nếu chúng ta căn cứ vào số máy bán ra theo dòng sản phẩm, chứ không phải theo phạm vi tổng thể các dòng máy của nhà sản xuất. Ví dụ, iPhone 7 khi được tung ra vào mùa thu năm 2016 đã xếp ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng mẫu bán chạy ở quý I năm 2017 (theo khảo sát của Strategy Analytics, Mỹ). Thị phần của iPhone 7 trong thời điểm đó chiếm 6,1%. Tiếp theo là dòng máy đời cao hơn – iPhone 7 Plus với thị phần 4,9%. Sau đó là R9s của Oppo (thị phần 2,5%), Galaxy J3 của Samsung (2016) (1,7%), Galaxy J5 của Samsung (2016) (1,4%). Như vậy, tính trong khoảng thời gian này, trong số năm mẫu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới thì có hai chiếc iPhone. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, nguyên nhân cốt lõi nằm ở phần thiết kế tinh tế, tính năng dễ dùng, ứng dụng đa dạng và các kênh bán hàng quy mô lớn. Xét về dòng máy, độ phủ sóng của iPhone quá nổi bật. Một điểm đáng chú ý nữa là lợi nhuận mà chiếc iPhone mang lại. Lợi nhuận ròng Apple thu về nhờ kinh doanh iPhone chiếm 90% tổng lợi nhuận ròng của toàn bộ ngành điện thoại, chễm chệ ở vị trí đầu tiên. Lợi nhuận ròng trong ba tháng của iPhone là khoảng 8,5 tỷ đô-la, trong khi đó, tổng lợi nhuận ròng của toàn bộ ngành điện thoại thông minh là 9,4 tỷ đô-la (Biểu đồ 0-2). Biểu đồ 0-2: Lợi nhuận ròng của điện thoại thông minh và thị phần lợi nhuận ròng của từng nhà sản xuất (Tháng 11 năm 2016) (Nguồn: Strategy Analytics, Mỹ) Ngoài Apple, cũng có các công ty khác đạt được lợi nhuận cao như Huawei, Vivo hay Oppo. Đây đều là các hãng sản xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng trong ba tháng của ba hãng này chỉ đạt 200 triệu đô-la, tức chỉ vẻn vẹn bằng 2% so với Apple. Thị phần lợi nhuận của các công ty khác cũng khiêm tốn với mức vài phần trăm. Thị phần lợi nhuận vượt ngưỡng 100%? Thực ra, vẫn còn các thống kê khác liên quan đến lợi nhuận đáng kinh ngạc của iPhone, tuy nhiên, số liệu trên là con số đáng tin cậy và được kiểm soát chặt chẽ. Theo Tổ chức dịch vụ tài chính BMO Capital Markets, Mỹ, thị phần lợi nhuận của iPhone đạt mức 103,6%. Thật là kỳ lạ khi thị phần biểu thị số phần trăm lại vượt quá mức 100, phải không? Bởi trong ngành điện thoại thông minh, có vô số hãng sản xuất bị thua lỗ. Theo thống kê của BMO Capital Markets, giả sử Apple tạo ra lợi nhuận 100 đô-la thì tổng lợi nhuận của hãng sản xuất khác sẽ lỗ 10 đô-la. Khi đó, lợi nhuận cả ngành là 90 đô-la. Lợi nhuận của Apple cao hơn con số này, do đó tính toán cho thấy thị phần lợi nhuận của Apple vượt qua con số 100%. Trên thế giới, có vô số hãng sản xuất điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android. Về vấn đề này, Strategy Analytics nhận định: “Vị trí của Android trên thị trường điện thoại thông minh thế giới là bất khả xâm phạm.” Tuy nhiên, vì quá tải nguồn cung, các nhà sản xuất Android thường chỉ thu về lợi nhuận thấp hoặc chịu thua lỗ. Chỉ có rất ít nhà sản xuất đạt được lợi nhuận cao trong thị trường Android. Ngược lại, với Apple: “Chúng tôi nâng tầm giá trị của iPhone lên mức tối đa, khống chế chi phí sản xuất ở mức tối thiểu, phát huy tính năng ưu việt nhất có thể” (theo Strategy Analytics). Lợi nhuận cao ngất ngưởng của iPhone được mệnh danh “Đẳng cấp quái vật” chính là thế mạnh của Apple. AMAZON – THU HÚT KHÁCH HÀNG BẰNG PRIME, Ở MỸ CỨ 4 NGƯỜI THÌ 1 NGƯỜI LÀ HỘI VIÊN Chương trình hội viên thu phí Prime được Amazon truyền thông rộng rãi trên các phương tiện đại chúng như tivi là chiến lược thu hút khách hàng quan trọng của ông lớn này. Nó được khởi động từ tháng 2 năm 2005. Ban đầu, chương trình nhắm đến đối tượng khách hàng nội địa, đề ra mức hội phí 79 đô-la/năm, cung cấp các dịch vụ hấp dẫn như Two- day Shipping – giao hàng sau hai ngày không phát sinh phụ phí hay giao hàng chậm giá rẻ. Sau đó, Amazon triển khai chương trình này ra thị trường thế giới bao gồm cả Nhật Bản, tạo thêm nhiều đặc quyền cho hội viên. Chẳng hạn, Prime Now – giao hàng tận nơi trong vòng một tiếng có trả phí, Prime Video – xem phim truyền hình và chương trình tivi không giới hạn, Prime Music – nghe nhạc không giới hạn, Prime Reading – cho thuê sách điện tử miễn phí, Prime Photo – lưu ảnh miễn phí trên dịch vụ lưu trữ đám mây... Hội viên Prime của Mỹ tăng gấp đôi, lên 85 triệu người trong vòng hai năm Amazon chưa từng công bố số lượng hội viên Prime. Tuy nhiên, theo thống kê của Consumer Intelligence Research Partners (CIRP), số lượng hội viên Prime tại Mỹ tính tới tháng 6 năm 2017 đạt 85 triệu người, tăng 35% so với con số 63 triệu người của năm trước (Biểu đồ 0-3). Dân số của nước Mỹ là khoảng 320 triệu người, tức là trên thực tế, cứ 4 người Mỹ thì có 1 người đăng ký Prime. Mặt khác, tỉ lệ hội viên Prime chiếm 63% (tức là 2/3) tổng số khách hàng của Amazon Mỹ, và có bước tăng trưởng đột phá so với tỉ lệ 47% của năm trước. Biểu đồ 0-3: Biến động số lượng hội viên Prime của Amazon Mỹ (đơn vị: triệu người) và chi tiêu trung bình hằng năm (Nguồn: dữ liệu của Consumer Intelligence Research Partners (CIRP)) Theo CIRP, kể từ tháng 9 năm 2014, số lượng hội viên Prime Mỹ liên tục tăng trưởng, quy mô tăng lên gấp đôi so với năm 2015. Gần đây, tỉ lệ tăng trưởng theo quý có xu hướng giảm xuống, bởi Prime gần như đã len lỏi vào cuộc sống của từng người dân Mỹ, khiến số lượng hội viên ở mức khổng lồ. Dù vậy, mức tăng trưởng hội viên từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2017 vẫn đạt mức 6%, cho thấy ở cả bốn quý, Amazon đều khai thác được 5 triệu hội viên mới. Hội viên Prime mang lại doanh thu khổng lồ cho Amazon Hội viên Prime mang lại nguồn thu khổng lồ cho Amazon. Trung bình một năm, một hội viên Prime đặt qua Amazon tổng giá trị đơn hàng 1.300 đô-la, lớn hơn gần gấp đôi tổng giá trị đơn hàng trung bình 700 đô-la của hội viên thường. Nếu nhân tổng chi hằng năm của mỗi hội viên Mỹ với số hội viên, kết quả nhận được là 110,5 tỷ đô-la. Mặt khác, hiện tại, hội phí năm của Prime Mỹ là 99 đô-la, nếu nhân với số hội viên sẽ ra con số 8,15 tỷ đô-la/năm. Nói tóm lại, phép tính này cho thấy chỉ tính riêng ở nước Mỹ, Amazon đã thu về tổng mức hội phí gần 1.000 tỷ yên. Theo CIRP, điểm khác biệt giữa hoạt động mua bán của hội viên Prime và hội viên thường là “Số lần đặt hàng”. Trong một năm, hội viên Prime đặt hàng Amazon 25 lần, trong khi hội viên thường chỉ đặt 14 lần. Giá trị đơn hàng của mỗi lần chênh lệch không quá lớn, tuy nhiên, sự khác biệt về số lần đặt hàng đã tạo ra cách biệt giá trị mua hàng trong năm. Ở Mỹ, ngoài dịch vụ Two-day Shipping – giao hàng sau hai ngày không phát sinh phụ phí, một dịch vụ phổ biến khác là Same- day Delivery – giao hàng ngay lập tức không phát sinh phụ phí nếu giá trị đơn hàng lớn hơn 35 đô-la. Đây là vũ khí phá bỏ rào cản khi mua hàng qua Amazon. Amazon thực hiện chiến lược tháo dỡ bức rào cản khi cho phép người tiêu dùng đăng ký Prime theo tháng, bắt đầu từ tháng 4 năm 2016. Lệ phí hàng tháng ở Mỹ là 10,99 đô-la, tính ra chắc chắn sẽ cao hơn hội phí theo năm. Tuy nhiên, CIRP phân tích, chế độ hội phí 10 đô-la/tháng giúp nhóm người tiêu dùng không muốn đóng phí cả năm giảm gánh nặng chi phí, từ đó thúc đẩy chiến dịch mở rộng hội viên. Ngoài ra, vào tháng 6 năm 2016, Amazon Mỹ cũng bắt đầu triển khai chiến dịch thu phí dành cho những người thu nhập thấp. Chiến dịch này hướng tới đối tượng hưởng chương trình trợ cấp dinh dưỡng bổ sung liên bang (SNAP), với hội phí Prime theo tháng chỉ ở mức 5,99 đô-la. CIRP nhận định đây cũng là yếu tố gắn kết với thành quả gia tăng hội viên của Amazon. Prime Day – Ngày giảm giá dành cho hội viên Kể từ năm 2015, hằng năm, Amazon đều tổ chức Prime Day – ngày giảm giá quy mô lớn dành cho hội viên Prime. Mặc dù Amazon không công khai số liệu thực tế, nhưng doanh thu bán hàng của Prime Day vẫn tăng theo từng năm (Biểu đồ 0-4). Doanh thu của Amazon trong hai ngày diễn ra Prime Day (ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2017) đạt mức 2,41 tỷ đô-la, tăng 60% so với năm 2016 (theo điều tra bán lẻ trên Internet của Mỹ). Trong đó, doanh thu trong nước Mỹ là khoảng 1,52 tỷ đô-la, ở nước ngoài là khoảng 900 triệu đô-la. Biểu đồ 0-4: Số lượng truy cập (tại Mỹ) vào website của Amazon trong Prime Day – ngày giảm giá số lượng lớn và Cyber Monday (ngày bắt đầu cuộc chiến mua sắm trực tuyến cuối năm ở Mỹ) năm 2015 và 2016 (đơn vị: triệu người) (Nguồn: comScore Mỹ) Đó là Prime Day lần thứ ba, diễn ra vào năm 2017. Lần đầu tiên vào năm 2015, Amazon triển khai ở 9 quốc gia, tiêu biểu là Mỹ và Nhật Bản; lần thứ hai vào năm 2016 tại 10 quốc gia, có thêm Bỉ tham dự. Thời gian giảm giá của Prime Day là 24 tiếng, tuy nhiên, vào năm 2017, nó đã diễn ra trong 30 tiếng. Hiệp hội đơn vị bán lẻ trên mạng đánh giá: mở rộng quy mô giảm giá như vậy cũng là nhân tố quan trọng giúp Amazon gia tăng doanh thu. GOOGLE – ANDROID ĐÃ XUYÊN THỦNG WINDOWS Android, năm 2012 chỉ vẻn vẹn 2,4%, sau đó là bước đại nhảy vọt Tháng 4 năm 2017, StatCounter – công ty phân tích dữ liệu thông tin trang web của Ireland, công bố một báo cáo gây chấn động. Trong số các thiết bị truy cập Internet trên thế giới, tỉ lệ máy cài đặt hệ điều hành (phần mềm cơ bản) Android của Google chiếm 37,93%, lần đầu tiên cao hơn tỉ lệ máy cài đặt hệ điều hành Windows của Microsoft (37,91%) (tháng 3 năm 2017). Đây là điều tra căn cứ trên khối lượng truyền dữ liệu của máy tính (để bàn, xách tay), thiết bị di động (điện thoại thông minh...), máy tính bảng. Thực ra, trước cuộc khảo sát này một tháng, đã có thống kê cho thấy số lượt truy cập của máy Android chiếm 37,4%, đuổi sát nút máy Windows với tỉ lệ 38,6% (Biểu đồ 0-5). Và chỉ một tháng sau, Android đã vượt mặt Windows. Biểu đồ 0-5: Biến động thị phần số máy tính kết nối Internet theo từng dòng máy riêng biệt (Nguồn: StatCounter Ireland) Trước đó, tháng 3 năm 2012, tỉ lệ máy Windows truy cập Internet ở mức rất cao khi chiếm hơn 80%. Tỉ lệ của Android tại thời điểm ấy chỉ vỏn vẹn 2,4%. Tuy nhiên, sau đó, Windows sụt giảm thảm hại. Ngược lại, Android tăng trưởng không ngừng. Giờ đây, chiến trường chủ đạo là thiết bị di động Về vấn đề này, StatCounter chỉ ra rằng: “Chênh lệch giữa hai hệ điều hành này ở thời điểm hiện tại không quá cách biệt, tuy nhiên, điều này vẫn mang tính bước ngoặt trong lịch sử ngành công nghệ.” CEO của StatCounter, Aodhan Cullen, nhận xét: “Đây là sự kiện đặt dấu chấm hết cho ngôi vương thống trị thị trường hệ điều hành thế giới mà Microsoft đã dồn sức bảo vệ từ những năm 1980.” Ông cũng nói thêm: “Đây là bước phát triển vĩ đại với Android – hệ điều hành chỉ chiếm 2,4% thị phần ở thời điểm năm năm trước.” Theo ông, yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của Android là sự phổ biến của điện thoại thông minh và sự sụt giảm doanh số bán dòng sản phẩm máy tính hiện tại, cũng như tầm ảnh hưởng của khu vực châu Á với thị trường thế giới. Nếu xét đến tỉ lệ truy cập Internet trong tháng 3 năm 2017 của riêng máy tính, Windows vẫn chiếm vị thế áp đảo với mức 84%. Tuy nhiên, Cullen quả quyết: “Mặc dù Windows chiến thắng tại thị trường máy tính, nhưng chiến trường đã chuyển sang lĩnh vực khác (điện thoại thông minh) rồi. Trong tương lai, Microsoft khó lòng lấn sân được sang lĩnh vực điện thoại di động.” Bạn có thể khẳng định điều này nếu tìm hiểu báo cáo thống kê của các đơn vị điều tra khác. Nếu nhìn vào thị phần số lượng điện thoại thông minh bán ra theo từng hệ điều hành trên thế giới do Tập đoàn Nghiên cứu và Tư vấn Toàn cầu Gartner (Mỹ) tổng hợp, trong năm 2016, Android chiếm khoảng 85% thị phần, kế tiếp là hệ điều hành iOS (iPhone) của Apple với tỉ lệ khá mong manh 15%. Mặt khác, bóng dáng của Blackberry – ông hoàng một thời của thị trường này đã biến mất. Biểu đồ 0-6: Biến động thị phần số lượng điện thông minh cài đặt các hệ điều hành khác nhau trên thế giới (Nguồn: Gartner Mỹ) Có vẻ Microsoft nhắm đến mục tiêu gia tăng thị phần khi mua lại hãng điện thoại di động Nokia trên bờ vực phá sản. Số lượng điện thoại thông minh cài đặt hệ điều hành Android bán ra trên thế giới từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2016 đạt 352,67 triệu máy, chiếm 81,7% thị phần. Đứng thứ hai là iOS với 77,04 triệu máy (chiếm 17,9%), sau đó là điện thoại thông minh cài đặt hệ điều hành Windows chỉ ở mức 1,09 triệu máy, chiếm 0,3% (Biểu đồ 0-6). 270 triệu chiếc máy tính, 1,5 tỷ chiếc điện thoại thông minh – Chênh lệch 5 lần Giờ đây, Windows vẫn chi phối thị trường máy tính. Tuy nhiên, số máy tính bán ra sụt giảm trong năm năm liên tiếp sau khi đạt đỉnh vào năm 2011 (Biểu đồ 0-7). Biểu đồ 0-7: Biến động số máy tính bán ra hằng năm trên thế giới (đơn vị: triệu máy) (Nguồn: Gartner Mỹ) Lượng máy tính bán ra thua xa lượng điện thoại thông minh được bán. Theo Gartner, số máy tính được bán ra trong năm 2016 là khoảng 270 triệu máy, máy tính bảng là khoảng 170 triệu máy, do đó, tổng số thiết bị máy tính được bán ra là khoảng 440 triệu máy. Ở một góc nhìn khác, số lượng điện thoại di động được bán ra đạt 1,9 tỷ chiếc, gấp hơn 4 lần; trong đó, điện thoại thông minh chiếm khoảng 1,5 tỷ chiếc. Khoảng 80% trong số đó, tức gần 1,2 tỷ máy, cài hệ điều hành Android. FACEBOOK – MẠNG XÃ HỘI LỚN NHẤT THẾ GIỚI VỚI HƠN 2 TỶ NGƯỜI THAM GIA Chưa đầy hai năm tăng 500 triệu người, nhiều hơn 1/4 dân số thế giới Tháng 6 năm 2017, Facebook công bố số người dùng trên toàn thế giới sử dụng dịch vụ của họ sẽ chạm mốc 2 tỷ người vào ngày 27 tháng 6. Theo một báo cáo thành tích kinh doanh được tiết lộ không lâu sau đó, số người dùng Facebook vào thời điểm cuối tháng 6 năm 2017 đạt 2,01 tỷ người. Khái niệm “người dùng” ở đây là số người dùng Facebook (MAU = Số người dùng đang hoạt động) thông qua website hoặc phần mềm điện thoại ít nhất 1 lần/tháng. Con số này vượt mức 500 triệu người vào cuối tháng 9 năm 2010. Chỉ sau một năm, cuối tháng 9 năm 2012, nó đã bứt phá lên 1 tỷ người. Chưa dừng lại ở đó, ba năm sau, vào cuối tháng 9 năm 2015, số người dùng đạt ngưỡng 1,5 tỷ người, và chưa đầy hai năm sau đã chạm đến con số khổng lồ 2 tỷ người (Biểu đồ 0-8). Biểu đồ 0-8: Biến động số người dùng Facebook (MAU) (Nguồn: Facebook, Strategy Analytics) Chưa có quốc gia nào có số dân lên đến 2 tỷ người, có thể khẳng định giờ đây Facebook đang trở thành một cộng đồng lớn mạnh có quy mô vượt trên một quốc gia. Căn cứ vào thống kê do Statista1tổng hợp, số người dùng Facebook chiếm 26,6% dân số thế giới, tức hơn 1/4 dân số thế giới đang sử dụng Facebook (Biểu đồ 0-9). 1. Statista: Cổng thông tin thống kê trực tuyến của Đức, thu thập dữ liệu từ các viện nghiên cứu thị trường, các dữ liệu kinh tế và thống kê chính thức có sẵn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Đây là một trong những cơ sở dữ liệu thống kê thành công nhất thế giới. (BTV) Biểu đồ 0-9: Tỉ lệ số người dùng Facebook (MAU) so với dân số thế giới cao hơn tỉ lệ dân số Trung Quốc so với dân số thế giới (18,4%), đuổi sát nút tỉ lệ số người dùng mạng xã hội trên thế giới so với dân số thế giới (Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Liên minh Viễn thông Quốc tế, eMarketer, Facebook...) Facebook là mạng xã hội do CEO Mark Zuckerberg phát triển khi đang theo học Đại học Harvard. Ban đầu, nó chỉ dừng ở phạm vi cung cấp cho sinh viên và những người liên quan đến trường đại học với lượng người dùng là khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, năm 2006, khi Zuckerberg quyết định mở rộng phạm vi, số người dùng Facebook nhanh chóng tăng lên. Ngay sau khi Facebook niêm yết vào năm 2012 – thời điểm vàng khi người sử dụng điện thoại thông minh tăng mạnh, các nhà chuyên môn lo ngại rằng nếu so với phiên bản trang web trên máy tính, liệu Facebook có thể duy trì tăng trưởng nguồn thu quảng cáo bằng điện thoại thông minh với kích thước màn hình nhỏ hay không. Tuy nhiên, cùng với xu hướng tăng kích cỡ điện thoại thông minh sau này, những nghi ngại ấy đã rơi vào quên lãng. Sự thành công của chính sách mở rộng quy mô người sử dụng điện thoại tại các nước đang phát triển Những trang mạng xã hội xuất phát từ Mỹ như Facebook đều bị cự tuyệt ở Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Facebook thực hiện chính sách gia tăng người dùng tại các nước châu Á đang phát triển khác. Tại các quốc gia này, phần lớn người dân sử dụng thiết bị di động như điện thoại thông minh để truy cập Internet thay vì máy tính. Lúc này, Facebook bắt đầu cung cấp phiên bản gọn nhẹ dành cho điện thoại tại các nước có tốc độ viễn thông chậm như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Brazil, Mexico... Chiến lược này thành công vang dội. Đến tháng 10 năm 2016, số người dùng điện thoại di động truy cập Facebook ở Ấn độ đạt 147 triệu người. Có thể tin rằng lượng người dùng Facebook sẽ còn tiếp tục tăng tại các thị trường đang phát triển như Ấn Độ. Theo thống kê của eMarketer, số người dùng Facebook hằng tháng ở Ấn Độ vào năm 2016 là 152,3 triệu người, ước tính năm 2017 đạt 182,9 triệu người. Dự kiến số người dùng ở Ấn Độ tiếp tục tăng lên khoảng 10% mỗi năm, đến năm 2021 chạm mức 287,6 triệu người. Phát triển đồng thời nhiều mạng xã hội đa dạng khác Ngoài Facebook, Mark Zuckerberg còn cung cấp ba dịch vụ khác được sử dụng rộng rãi thông qua điện thoại di động. Đó là dịch vụ nhắn tin WhatsApp, Messenger và dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram. Số người dùng hằng tháng của ba loại dịch vụ này lần lượt là 1,3 tỷ người; 1,2 tỷ người và 700 triệu người. Trong đó, năm 2014, Facebook mua lại WhatsApp với giá khoảng 20 tỷ đô-la. Năm 2012, khi chính thức niêm yết, Facebook mua lại Instagram với giá ước tính từ 700 triệu đến 1 tỷ đô-la. Biểu đồ 0-10: Số người dùng (MAU) các mạng xã hội khác nhau (Trích nguồn thông tin đồ họa: Statista) Theo Statista, năm trang mạng xã hội sở hữu số người dùng nhiều nhất thế giới lần lượt là Facebook, WhatsApp, Messenger, WeChat của Tencent Holdings Limited (Trung Quốc) và Instagram (Biểu đồ 0-10). Tóm lại, trong số năm dịch vụ nổi tiếng tầm cỡ thế giới, có đến bốn dịch vụ thuộc quyền sở hữu của Facebook. Dịch vụ của Facebook cạnh tranh vô cùng khốc liệt với các phần mềm nhắn tin khác để giành giật người dùng. Chẳng hạn, gần đây, Facebook đã cập nhật tính năng giống Snapchat – phần mềm gửi tin nhắn của Snap (Mỹ), cho mạng xã hội của mình. Phần mềm Snapchat có chức năng Stories tự động hủy ảnh và video sau 24 tiếng đăng tải. Chức năng này nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ các thanh thiếu niên. Trong bối cảnh đó, vào tháng 8 năm 2016, Facebook bắt đầu cập nhật tính năng Instagram Stories có chức năng tương tự cho ứng dụng Instagram. Tháng 2 năm 2017, thêm tính năng WhatsApp Status tương tự cho WhatsApp. Đến tháng 3 năm 2017, cập nhật cho Messenger, đồng thời bắt đầu cung cấp dịch vụ có chức năng và tên gọi tương tự với chính Facebook. Dẫu có nhiều lời phê bình gay gắt cho hành động bắt chước này, nhưng hiệu quả mà nó mang lại là không thể chối cãi, tính năng “bài đăng tự động biến mất sau 24 tiếng” đã thực sự mở rộng quy mô người sử dụng dịch vụ của Facebook. Nhờ đó, Facebook đã triển khai đồng thời các mạng xã hội với những phong cách khác nhau. Áp dụng tính năng nổi tiếng của đối thủ, Facebook đã chi phối thị trường mạng xã hội của thế giới bằng chiến lược thâu tóm mọi thế hệ, mọi tầng lớp người sử dụng. CHÍNH SÁCH CỦA BỘ TỨ QUYỀN LỰC NGÀNH IT – CUỘC CHIẾN TẠI LĨNH VỰC MỚI Ở phần trước, chúng ta đã cùng nhìn lại quá khứ của bốn ông lớn ngành IT, họ sở hữu sức mạnh áp đảo, thâu tóm lĩnh vực đã dày công gây dựng cho đến ngày nay và không chừa bất cứ khe hở cho ai khác. Trong phần còn lại của chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem bộ tứ quyền lực trong ngành IT đã và đang cạnh tranh như thế nào trong lĩnh vực mới nằm ngoài ngành kinh doanh ban đầu của họ. Bức tranh dưới đây mô tả viễn cảnh các công ty này sẽ cạnh tranh ở lĩnh vực nào trong tương lai, và bức tranh quyền lực sẽ biến chuyển như thế nào. CỬA HÀNG ỨNG DỤNG – GOOGLE VỚI APPLE Nhắc đến dịch vụ cung cấp ứng dụng di động mà chúng ta thường dùng, phải kể đến Google Play của Google và App Store của Apple – hai cửa hàng ứng dụng lớn nhất thế giới. Theo App Annie, tổng số tiền mà người tiêu dùng chi trả cho các cửa hàng ứng dụng trên thế giới trong năm 2016 lên đến 61,8 tỷ đô-la. Năm 2017, con số này chạm mức 82,2 tỷ đô-la. App Annie nhận định con số này sẽ không dừng lại ở đó, dự kiến vào năm 2021 sẽ lên đến 139,1 tỷ đô-la. Cửa hàng ứng dụng hứa hẹn sẽ trở thành thị trường khổng lồ trên thế giới. Google Play với 17 tỷ đô-la, App Store với 34 tỷ đô-la Hãy thử so sánh Google Play và App Store. Số lượt tải về ứng dụng năm 2016 của Google Play đạt 63 tỷ lần, App Store đạt 29 tỷ lần, tức là Google Play có số lượt tải về gấp hơn hai lần so với App Store. Ở khía cạnh khác, xét đến số tiền người tiêu dùng chi trả cho cửa hàng ứng dụng, Google Play thu về 17 tỷ đô-la, nhưng App Store lại nhận được 34 tỷ đô-la, lúc này, Apple có doanh thu cao gấp hai lần so với Google Play. Các công ty khảo sát khác cũng công bố kết quả thống kê tương tự, ví dụ như theo báo cáo về thị trường Mỹ do Sensor Tower tổng hợp, trong năm 2016, số phần mềm người dùng thiết bị Android tải về qua Google Play trung bình là 42, còn số lượt tải về trung bình trên một thiết bị của người dùng iPhone chỉ là 33, ít hơn Android. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số tiền người dùng chi trả cho phần mềm, Google Play thu về trung bình 30 đô-la/thiết bị, còn người dùng iPhone sử dụng Apple Store chi ra 40 đô la/thiết bị. Các loại ứng dụng trả phí khác nhau trong cửa hàng ứng dụng Hãy tìm hiểu sâu hơn về sự khác biệt trong hoạt động của người dùng với từng cửa hàng ứng dụng. Danh mục ứng dụng đạt doanh thu nhiều nhất của Google Play và App Store đều giống nhau, đó là “Trò chơi”. Với mỗi thiết bị, doanh thu từ trò chơi mà cả hai ông lớn nhận được đều là 27 đô-la. Tuy nhiên, khoản thu từ trò chơi chiếm 90% tổng số tiền người dùng chi trả cho Google Play, cao hơn nhiều so với App Store ở mức khoảng 70%. Điều đó có nghĩa là người dùng Google Play hầu hết chỉ trả phí cho trò chơi. Ví dụ, mức chi trả cho phần mềm giải trí trên mỗi thiết bị của người dùng Google Play là 0,44 đô- la, còn người dùng App Store trả 2,30 đô-la. Sự chênh lệch này càng rõ nét hơn trong danh mục “Âm nhạc/ Âm thanh”. Sensor Tower phân tích: Một trong những lý do tạo ra sự khác biệt về chủng loại và mức phí phần mềm giữa người sử dụng hai loại thiết bị chính là “Về cơ bản, thiết bị Android có giá thành rẻ hơn iPhone, sở hữu nhiều người tiêu dùng nhạy cảm về vấn đề giá cả. Những người tiêu dùng như vậy không có xu hướng trả tiền để sử dụng phần mềm”. Cũng có sự khác biệt về số lượng doanh nghiệp triệu đô Sensor Tower còn công bố một báo cáo thú vị hơn nữa, đó là con số liên quan đến doanh thu nhận được từ các công ty phát triển phần mềm. Thống kê cho thấy năm 2016, có 66 công ty phát triển phần mềm cho App Store sở hữu doanh thu trên 1 triệu đô- la, gấp 1,7 lần so với Google Play (39 công ty) (Biểu đồ 0-11). Số doanh nghiệp triệu đô của App Store tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Google Play cũng vậy, tuy nhiên Sensor Tower chỉ ra rằng: “Nếu nhìn vào lượng người dùng khổng lồ và số lượt tải về, vẫn còn một chặng đường dài để Google đuổi kịp tiêu chuẩn của Apple trên phương diện tạo ra doanh thu”. Biểu đồ 0-11: Số công ty phát triển phần mềm sở hữu doanh thu trên 1 triệu đô-la/năm của Google Play và AppStore (tính trên phạm vi nước Mỹ) (Nguồn: Sensor Tower) Nguyên nhân nằm ở sự khác biệt trong phong cách kinh doanh giữa Google và Apple. Thứ nhất là sự khác biệt trong phong cách tạo ra doanh thu. Với Google, họ không yêu cầu các công ty phát triển phần mềm tuyệt đối phải sử dụng dịch vụ thanh toán của Google Play để thu phí vật phẩm trong phần mềm trò chơi. Apple thì ngược lại, họ yêu cầu các công ty phát triển phần mềm có nghĩa vụ thu phí sử dụng trò chơi thông qua App Store rồi nhận lại phí hoa hồng. Ngoài ra, trong tương lai gần, Apple sẽ ngừng cung cấp các phần mềm iOS cho các đơn vị ngoài App Store. Một điểm nữa là Google Play bị thị trường Trung Quốc cự tuyệt. Người tiêu dùng Trung Quốc không thuộc đối tượng kinh doanh phần mềm của Google. Có vẻ như để bù đắp những thiếu thốn ấy, Trung Quốc đã tung ra hàng loạt cửa hàng ứng dụng nội địa như Baidu, Alibaba... Chẳng hạn, từ những công ty dịch vụ mạng Internet như Baidu, Alibaba, Tencent cho đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Xiaomi, Huawei, tất cả đều vận hành cửa hàng ứng dụng Android riêng. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn sở hữu hơn 200 cửa hàng ứng dụng như vậy. Theo App Annie, năm quốc gia sở hữu doanh thu bán phần mềm điện thoại lớn nhất năm 2016 lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh; và dự đoán bảng xếp hạng doanh thu năm 2021 cũng giống như vậy. Đặc biệt, họ còn nhận định rằng tổng mức chi ở Trung Quốc sẽ có bước nhảy vọt trong tương lai, có thể chạm ngưỡng gần gấp đôi Mỹ. Có thể nói, việc Google chưa thể thâm nhập vào thị trường phần mềm Trung Quốc vốn đang có những bước phát triển thần tốc sẽ khiến họ phải đối mặt với nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời. NHẬN DIỆN GIỌNG NÓI – AMAZON VỚI GOOGLE Theo ước tính của eMarketer, năm 2017, tại Mỹ, số người dùng thiết bị hỗ trợ âm thanh sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo), bao gồm Amazon Echo của Amazon, là 35,6 triệu người, tăng 128,9% so với năm 2016. Thị phần của Amazon vượt qua ngưỡng 70% eMarketer dự đoán thị phần người dùng Amazon Echo sẽ là 70,6%, đứng đầu thế giới, xếp thứ hai là Google Home của Google với 23,8% (Biểu đồ 0-12). Khoảng 5% còn lại chia cho “các nhà sản xuất khác”. “Các nhà sản xuất khác” ở đây là Lenovo (Trung Quốc), LG Electronics (Hàn Quốc), Mattel (Mỹ), Harman Kardon (trực thuộc tập đoàn sản xuất linh kiện ô tô Harman International Industries đã được Samsung mua lại). eMarketer dự đoán trong một vài năm tới, thị phần người dùng tại Mỹ của Amazon sẽ giảm nhẹ, cùng với đó là sự tăng trưởng thị phần của Google. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Amazon vẫn duy trì vị thế chi phối thị trường thiết bị hỗ trợ âm thanh. Mặc dù Amazon không công bố số lượng bán ra của Amazon Echo, nhưng số liệu ước tính cho thấy vào thời điểm cuối năm 2017, có trên 10 triệu máy được tiêu thụ. Ngoài ra, CIRP cho hay: tính đến nay, Amazon đã thu về 1 tỷ đô-la nhờ Amazon Echo. Biểu đồ 0-12: Thị phần người dùng thiết bị hỗ trợ âm thanh tại Mỹ (Nguồn: eMarketer) Các ứng dụng và dòng sản phẩm âm thanh sẽ dần được mở rộng Tháng 11 năm 2014, Amazon nhanh chóng tung nhiều sản phẩm ra thị trường, rồi gần như độc chiếm và không ngừng mở rộng thị phần. Amazon Echo còn được gọi là “Alexa” – thiết bị thông minh dạng loa cầm tay, tích hợp công nghệ nhận diện dữ liệu cơ sở đám mây thông qua AI. Giống như Siri – phần mềm nhận diện giọng nói AI do Apple trang bị cho iPhone, Alexa có thể thực hiện vô số thao tác bằng nhận diện âm thanh, chẳng hạn như chơi nhạc, cập nhật tin tức thời sự, thông tin thể thao, dự báo thời tiết, hẹn giờ... Ban đầu, Amazon Echo chỉ sử dụng các phần mềm âm thanh (có tên “Skill”) do Amazon cung cấp, nhưng sau này, Amazon đã mở cửa cho các đơn vị phát triển bên ngoài. Tháng 6 năm 2015, Amazon công khai bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) để lập trình phần mềm trợ lý ảo. Chiến dịch này thành công vang dội, chỉ sau một năm, số lượng phần mềm lên tới gần 1.000 loại. Tháng 2 năm 2017, số lượng phần mềm tăng lên con số khổng lồ: 10.000 loại. Cuối tháng 6 năm 2017, con số lên tới 15.000. Những phần mềm nhận diện âm thanh này giúp bật/tắt công tắc đèn chiếu sáng trong phòng, đặt pizza Domino đến tận nhà, đặt bàn trước tại chuỗi cửa hàng Starbucks, gọi taxi Uber... Không dừng lại ở đó, Amazon cũng nỗ lực gia tăng các chủng loại sản phẩm. Chẳng hạn, với loạt sản phẩm Amazon Echo, họ cho ra đời Echo Dot với thiết kế nhỏ gọn và giá cả phải chăng. Sau đó, họ tấn công thị trường với Echo Look – ứng dụng thời trang tích hợp qua máy ảnh, Echo Show – cài đặt chế độ hiển thị giúp gọi điện thoại qua video với thiết bị cùng loại. Đối thủ lần lượt xâm nhập thị trường Trước tình hình này, các đối thủ của Amazon cũng bắt đầu hành động. Đầu tiên, tháng 11 năm 2016, Google tung ra thiết bị loa cầm tay Google Home tích hợp công nghệ nhận diện giọng nói AI Google Assistant. Tháng 6 năm 2017, Apple công bố thiết bị loa thông minh HomePod tích hợp phần mềm Siri, đến tháng 12 năm 2017 thì tung sản phẩm này ra các thị trường Mỹ, Anh và Úc. Tháng 5 năm 2017, Microsoft hợp tác với Harman Kardon, công bố loa cầm tay Invoke trang bị phần mềm trợ lý ảo AI Cortana do Harman sản xuất. Tuy nhiên, những công ty xâm nhập thị trường chậm hơn Amazon khoảng hai năm đã hoàn toàn bị bỏ xa trong cuộc đua này. Theo Voicebot – trang tin tức chuyên cập nhật các thông tin liên quan đến Internet và tính năng nhận diện giọng nói, vào tháng 6 năm 2017, Amazon đã tạo ra cách biệt quá lớn khi sở hữu 15.069 phần mềm nhận diện giọng nói, trong khi đó, Google chỉ dừng lại ở con số 378, Microsoft khiêm tốn hơn với 65 phần mềm (Biểu đồ 0-13). Biểu đồ 0-13: Số ứng dụng (chức năng/dịch vụ) giọng nói trong địch vụ hỗ trợ tính đến tháng 6 năm 2017 (Nguồn: Voicebot) Các nhà nghiên cứu cho rằng trong tương lai, sẽ có ngày càng nhiều công ty mới gia nhập thị trường này. Chẳng hạn, tập đoàn Alibaba – trang thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, hay tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đang nghiên cứu thiết bị loa cầm tay với chức năng tương tự. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông của Mỹ như Wall Street Journal cho hay, hiện tại Samsung đang bán các sản phẩm do công ty con Harman Kardon hợp tác với Microsoft chế tạo, tuy nhiên Samsung cũng bắt đầu phát triển sản phẩm độc lập của riêng mình. Nếu vậy, sự cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt, giúp hoạt động thị trường ngày càng trở nên sôi động hơn. Theo công ty khảo sát và tư vấn thị trường Ovum, Anh, dịch vụ trợ lý điện tử sử dụng AI ở thời điểm hiện tại được trang bị chủ yếu cho điện thoại thông minh và máy tính bảng, số lượng máy sử dụng là 3,5 tỷ chiếc. Tuy nhiên, trong tương lai, dịch vụ trợ lý cá nhân liên kết với các thiết bị khác ngoài thiết bị di động sẽ được người tiêu dùng tiếp nhận rộng rãi, đặc biệt với mục đích phục vụ cho hộ gia đình, mang lại cơ hội mới cho thị trường này. Ovum dự đoán rằng trong tương lai sẽ xuất hiện thêm các sản phẩm độc đáo khác như nhà thông minh, tivi, máy tính đeo tay. Đến năm 2021, số lượng máy sẽ đạt trên 7,5 tỷ chiếc. GIẢI TRÍ – GOOGLE VỚI APPLE VỚI AMAZON VỚI FACEBOOK Ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ, doanh thu Streaming chiếm hơn 50% Thời gian gần đây, cách thức tiêu thụ sản phẩm âm nhạc bắt đầu thay đổi. Những người trước đây mua đĩa CD nay chuyển sang tải nhạc trên mạng. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng bán nhạc qua hình thức tải về cũng giảm mạnh. Thay vào đó, dich vụ chia sẻ Streaming (phương thức vừa tải dữ liệu vừa phát lại liên tục mà không lưu file âm nhạc vào thiết bị) đang tăng trưởng chóng mặt. Theo báo cáo thống kê bản nhạc ghi âm của Mỹ do Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA) tổng hợp, doanh thu sản phẩm âm nhạc năm 2016 của các cơ sở bán lẻ đạt 7,7 tỷ đô-la, tăng 11,4% so với năm trước. Doanh thu Streaming của Mỹ chiếm 51% toàn bộ thị trường âm nhạc nước này, lần đầu tiên vượt quá bán trên tổng số. Trong định nghĩa của RIAA, dịch vụ Streaming có ba hình thái. Gần đây, cả ba hình thái này đều có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. 1. Dịch vụ thanh toán đồng giá (Spotify, Apple Music, TIDAL...) 2. Radio Internet/Radio vệ tinh (Pandora, SiriusXM...) 3. Dịch vụ video theo yêu cầu kèm quảng cáo (YouTube, VEVO...) Loại hình có doanh thu và tốc độ tăng trưởng cao nhất là (1) Dịch vụ thanh toán đồng giá. Tiêu biểu là Spotify (Spotify AB), Apple Music (Apple). Doanh thu năm 2016 đạt 2,5 tỷ đô-la, gấp 2,14 lần (tăng 114%) so với năm trước. Chỉ riêng loại hình dịch vụ này chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu thị trường nhạc ghi âm Mỹ. Mặt khác, doanh thu của (2) Radio Internet/Radio vệ tinh đạt 900 triệu đô-la, tỉ lệ tăng tưởng so với năm ngoái là 10%. Còn lại, doanh thu dịch vụ video theo yêu cầu kèm quảng cáo YouTube thuộc quyền sở hữu của Google (3) đạt 500 triệu đô- la, tỉ lệ tăng trưởng so với năm trước là 26%. YouTube – Kênh truyền thông âm nhạc được sử dụng nhiều nhất thế giới Dịch vụ thanh toán đồng giá như Apple Music đã thúc đẩy thị trường nhạc Streaming, tuy nhiên, nếu không căn cứ vào doanh thu, mà chỉ quan sát thị trường này dựa trên số lượng người dùng, loại hình sở hữu sức mạnh áp đảo là phát video theo yêu cầu kèm quảng cáo. Trong đó, YouTube chiếm vị thế độc tôn, bỏ xa các đối thủ khác. Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế (IFPI) cùng công ty khảo sát và tư vấn thị trường Ipsos của Pháp đã tiến hành điều tra trên 10.000 đối tượng người dùng YouTube của 13 nước trên thế giới. Kết quả cho thấy: 82% trong số này sử dụng YouTube để nghe nhạc. Số người sử dụng YouTube trên thế giới vào thời điểm tiến hành điều tra đạt trên 1 tỷ người. Nói tóm lại, tổng số người truy cập YouTube để nghe nhạc lên đến 820 triệu người. IFPI kết luận: YouTube là dịch vụ Internet được sử dụng để tiêu thụ âm nhạc lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Statista, tới tháng 9 năm 2016, số người dùng Spotify đạt 100 triệu người (40 triệu hội viên thu phí, 60 triệu hội viên miễn phí). Apple Music đạt 17 triệu người (tính riêng hội viên thu phí). Trong báo cáo công bố từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2017, số hội viên thu phí của Spotify là 60 triệu người, Apple Music là 27 triệu người. Mặc dù lượng người dùng ở cả hai ứng dụng này tăng lên, nhưng chúng vẫn còn cách quá xa so với YouTube (Biểu đồ 0-14). Biểu đồ 0-14: Số người dùng các dịch vụ Streaming âm nhạc trên thế giới (số người dùng YouTube là con số ước tính) (đơn vị: triệu người) (Nguồn: IFPI, Ipsos) Các công ty nỗ lực phát triển dịch vụ chiếu phim trên Internet Gần đây, dịch vụ OTT (Over-the-top) cung cấp phim ảnh qua Internet đang trong giai đoạn bành trướng thế lực. Dịch vụ OTT sử dụng phần mềm có trong các thiết bị chiếu phim như Apple TV (Apple), Chromecast (Google), Fire TV (Amazon) giúp người dùng xem phim bằng tivi màn hình lớn trong gia đình. Trong bối cảnh công nghệ ngày càng tiến bộ, gần đây, do chi phí đăng ký truyền hình cáp đắt đỏ, số người chuyển sang OTT ở Mỹ có xu hướng tăng lên. Nhìn vào thị trường này thì hiện tại, dịch vụ đang được ưa chuộng nhất là Netflix, dẫn đầu nước Mỹ với tỉ lệ hộ gia đình sử dụng ở mức 74% (biểu đồ 0-15). YouTube xếp thứ hai với tỉ lệ hộ gia đình sử dụng đạt 54%. Sau đó là Amazon với 33%, Hulu với 23%. Về tỉ lệ thời gian xem của hộ gia đình, Netflix đứng đầu với 40%, tiếp theo là YouTube, Hulu, Amazon (theo thống kê của comScore Mỹ). Biểu đồ 0-15: Tỉ lệ sử dụng dịch vụ chiếu phim thông qua Internet (OTT) (hộ gia đình xem bằng tivi) (Nguồn: comScore Mỹ) Trước tình hình ấy, gần đây, các công ty công nghệ bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực tiềm năng này. Ví dụ, tháng 4 năm 2016, Amazon thu phí hằng tháng cho gói sử dụng duy nhất dịch vụ xem phim/chương trình tivi không giới hạn Prime Video (thuộc dịch vụ Prime) tại Mỹ. Chi phí một tháng là 8,99 đô-la, nếu đăng ký theo từng tháng suốt một năm sẽ đắt hơn 8,88 đô-la so với tổng chi phí đăng ký Prime theo năm, hơn nữa còn không được hưởng đặc quyền giao hàng miễn phí trong vòng hai ngày hay nghe nhạc không giới hạn. Chắc chắn đây là mức phí cao đối với người dùng. Các chuyên gia cho rằng Amazon cung cấp dịch vụ này để dè chừng đối thủ Netflix hay Hulu trên thị trường streaming phim ảnh. Các công ty khác cũng lần lượt đầu tư vào dịch vụ mới, cố gắng thu hút khách hàng. Chẳng hạn, tháng 4 năm 2017, YouTube tung ra dịch vụ truyền hình thu phí hằng tháng YouTube TV ở Mỹ. Tháng 8 năm 2017, Facebook công bố sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình Watch đối đầu với YouTube. Về phía Apple, do đã thất bại với dịch vụ truyền hình iTunes Movies, ông lớn này quyết định sản xuất sản phẩm độc lập, lên kế hoạch đầu tư nguồn kinh phí khoảng 1 tỷ đô-la/năm. DỊCH VỤ ĐÁM MÂY: AMAZON VỚI GOOGLE/MICROSOFT/IBM Nhắc đến Amazon, nhiều người thường liên tưởng đến gã khổng lồ thương mại điện tử, tuy nhiên, ông lớn này còn cung cấp cả dịch vụ đám mây, đó là Amazon Web Services (AWS). Quy mô của họ lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp cạnh tranh khác. Lớn hơn thị phần của Google, Microsoft và IBM cộng lại Biểu đồ 0-16: Thị phần doanh thu dịch vụ đám mây trên thế giới (biểu đồ trên: kỳ tháng 10 – tháng 12 năm 2016, biểu đồ dưới: kỳ tháng 10 – tháng 12 năm 2015) (Nguồn: Synergy Research Group) Theo Synergy Research của Mỹ, doanh thu của AWS giai đoạn tháng 10-tháng 12 năm 2016 chiếm 40%, cách biệt nhiều so với tổng thị phần 23% của Microsoft, Google và IBM cộng lại (Biểu đồ 0-16 phía trên). Nhìn vào số liệu của năm 2015, thị phần của Amazon chiếm 31%, cao hơn Microsoft với 9%, IBM 7%, Google 4% (Biểu đồ 0-16 phía dưới). Theo Synergy Research, doanh thu dịch vụ đám mây của Microsoft, IBM, Google vẫn đang tăng trưởng. Tuy nhiên, cả ba công ty này chỉ chiếm giữ thị phần nhỏ, không đe dọa đến vị thế của Amazon. Trong lĩnh vực đám mây, Amazon hoàn toàn bỏ xa các công ty công nghệ khác, liên tục nắm giữ vị trí hàng đầu thế giới. Vốn phát triển dịch vụ đám mây để phục vụ thương mại điện tử, tuy nhiên, đến năm 2006, Amazon bắt đầu cho các doanh nghiệp khác thuê lại dịch vụ này. Dịch vụ đám mây coi Internet giống như “đám mây”, lưu trữ mạng, phần cứng, phần mềm, dữ liệu, sau đó sử dụng sản phẩm đã được xử lý tính toán trên máy tính. Trước đây, Amazon lắp đặt rất nhiều máy tính kích thước lớn, xử lý vô số thông tin nội bộ. Tuy nhiên, phương pháp này cần nguồn vốn đầu tư khổng lồ ban đầu. Ngược lại, chỉ cần trả tiền sử dụng tài nguyên lưu trữ hay công suất xử lý của máy tính là có thể sử dụng dịch vụ đám mây, hơn nữa còn dễ dàng mở rộng hoặc thu nhỏ hệ thống. Gần đây, các doanh nghiệp quy mô lớn cũng lần lượt áp dụng nó do nhận thấy các ưu điểm tuyệt vời của dịch vụ đám mây. Hơn một nửa lợi nhuận ròng của Amazon dựa vào dịch vụ đám mây Giờ đây, AWS là “con gà đẻ trứng vàng” của Amazon. Điểm khiến tôi thấy hứng thú nhất là lợi nhuận thu về từ AWS chiếm hơn một nửa tổng lợi nhuận ròng của Amazon. Gần đây, lợi nhuận ròng của AWS lên đến 900 triệu đô-la, chiếm tỉ lệ lớn trong lợi nhuận ròng của cả Amazon (Biểu đồ 0- 17). Quan sát kỳ tháng 10-tháng 12 (quý IV) năm 2016, lợi nhuận ròng của AWS đạt 926 triệu đô-la, chiếm 70% tổng lợi nhuận ròng của Amazon. Tóm lại, có thể kết luận rằng, hơn một nửa lợi nhuận ròng của Amazon là nhờ dịch vụ đám mây. Biểu đồ 0-17: Biến động lợi nhuận ròng của Amazon Web Services (AWS) và toàn bộ Amazon (đơn vị: triệu đô-la) (Nguồn: Amazon) Nhìn vào quý I năm 2017, tỉ lệ này gần như đạt 90%. Sang quý II năm 2017, lợi nhuận ròng của AWS cao hơn lợi nhuận ròng của toàn bộ Amazon. Bạn sẽ hiểu lợi nhuận của dịch vụ này rất cao khi nghĩ đến việc doanh thu của AWS bằng khoảng 10% tổng doanh thu của Amazon (đã bao gồm cả thương mại điện tử). AWS không ngừng lớn mạnh. Quý I năm 2017, doanh thu của nó đạt 3,661 tỷ đô-la, tăng 43% chỉ sau một năm. Theo số liệu quyết toán quý II cùng năm, doanh thu của nó đạt 4,1 tỷ đô-la, tiếp tục tăng 42%. Đa dạng hóa nguồn doanh thu từ dịch vụ đám mây Gần đây, Amazon bắt đầu cung cấp dịch vụ mới sử dụng AI có thể nhận diện vật thể trong hình ảnh hay đọc thành tiếng đoạn văn thông qua AWS. Tháng 6 năm 2017, Amazon công bố kế hoạch cho các đơn vị sản xuất bên ngoài thuê hệ thống dịch tự động. Năm 2015, Amazon mua lại công ty mới nổi Safaba Translation Solutions của Mỹ. Nhà đồng sáng lập công ty này hiện quản lý phòng phát triển phần mềm dịch tự động của Amazon. Amazon sử dụng công nghệ, xây dựng hệ thống dịch tự động của chính mình, chuyển ngữ thông tin sản phẩm trên trang thương mại điện tử thành nhiều thứ tiếng. Các phương tiện truyền thông của Mỹ như CNBC cho hay: trong tương lai, Amazon sẽ cung cấp dịch vụ sử dụng AWS ra bên ngoài, để các doanh nghiệp có thể vận hành website hay phần mềm trên nhiều ngôn ngữ khác nhau. Dịch tự động, nhận diện vật thể trên hình ảnh hay đọc thành tiếng đoạn văn đều là những dịch vụ sở hữu giá trị cao. Các dịch vụ mới này sẽ đa dạng hóa nguồn thu của dịch vụ đám mây, chứ không đơn thuần dừng lại ở mức độ cho thuê công suất xử lý máy tính và dữ liệu đám mây giống như AWS của quá khứ. Chương 1 SẢN PHẨM NÀO SẼ TẠO CÚ HÍCH NỐI BƯỚC IPHONE? SẢN PHẨM CHỦ ĐẠO VÀ XU HƯỚNG GẦN ĐÂY IPHONE GIẢM TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG – QUAY TRỞ LẠI TRONG HUY HOÀNG VỚI DÒNG MÁY KỶ NIỆM 10 NĂM Nhắc đến Apple, trước đây là công ty chuyên sản xuất máy tính cá nhân, giờ đây đã hoàn toàn trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh. Doanh thu bán ra của iPhone chiếm gần 70% tổng doanh thu của Apple. iPhone là sản phẩm chủ lực của Apple với số lượng bán ra là trên 200 triệu máy một năm. Doanh thu này vượt xa những công ty khác cùng lĩnh vực. Vào tháng 6 hàng năm, Apple tung ra hệ điều hành iOS phiên bản mới (phần mềm cơ bản được cài đặt cho iPhone hay iPad), như là một minh chứng cho thấy họ không ngừng áp dụng kỹ thuật tân tiến nhất, thể hiện xu hướng phát triển ngày càng hiện đại. Năm 2011, ngay sau khi Steve Jobs – cựu CEO của Apple qua đời, Apple tung ra iPhone 4S, số lượng máy bán ra trong ba tháng sau đó tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu cột mốc tăng trưởng kỷ lục. Tháng 9 năm 2014, Apple tung ra loạt sản phẩm iPhone 6 với kích thước màn hình lớn hơn rất nhiều so với phiên bản trước đó, số máy bán ra trong ba tháng sau đạt 75 triệu chiếc, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là một sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, cũng ngay sau khoảng thời gian này, tình hình kinh doanh iPhone bị chững lại. Hay nói một cách chính xác là dù số máy bán ra có tăng, nhưng rõ ràng đang bị chậm lại và không thể so sánh với trước kia (Biểu đồ 1-1). Số máy bán ra của quý III và quý IV năm 2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong ba tháng cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12, tổng số máy bán ra đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử, nhưng tỉ lệ tăng trưởng chỉ dừng ở mức 5%. Biểu đồ 1-1: Biến động số máy iPhone bán ra theo quý (đơn vị: triệu máy) Quý I năm 2017 đánh dấu kỷ lục với 78,29 triệu máy bán ra – cao nhất trong lịch sử, tuy nhiên chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đến quý tiếp theo lại giảm xuống còn 50,76 triệu máy. Apple là công ty sở hữu giá trị vốn hóa thị trường số một thế giới (tính đến tháng 6 năm 2017). Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của họ phần lớn phụ thuộc vào iPhone. Việc kinh doanh iPhone sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến bản thân Apple, mà còn tác động không nhỏ đến vô số doanh nghiệp khác, đơn cử phải kể đến hệ thống nhà cung ứng (mạng lưới cung cấp linh kiện, vật liệu). Ba nguyên do kìm hãm tốc độ bán ra Có ba nguyên nhân chính khiến iPhone rơi vào tình trạng này. Chúng đúng với toàn bộ thị trường điện thoại thông minh, chứ không riêng iPhone. Nguyên nhân thứ nhất, vì điện thoại thông minh đã quá phổ biến. Số người mua điện thoại thông minh mới lần đầu của thị trường các nước phát triển như Nhật Bản và Mỹ đã giảm xuống, toàn bộ thị trường phải nhờ đến nhu cầu mua đổi từ phiên bản cũ sang mới. Nguyên nhân thứ hai, vì thị trường Trung Quốc – nơi được xem là thị trường tiêu thụ điện thoại thông minh lớn nhất thế giới đã dần bão hòa, số lượng mua mới lần đầu bị chững lại. Nguyên nhân thứ ba, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, vì chu kỳ mua của người tiêu dùng bị kéo dài. Nguyên do chính được cho là điện thoại thông minh gần như không có cải tiến đột phá mặc dù cuộc cách mạng kỹ thuật của điện thoại thông minh ngày càng phát triển. Ví dụ, những linh kiện điện tử như máy ảnh gắn trên điện thoại đã được nâng cấp kỹ thuật vượt bậc so với thời điểm trước, tuy nhiên, những nâng cấp ở dòng máy mới nhất gần như không có sự khác biệt so với dòng máy cũ liền trước. Mối đe dọa từ đoàn quân Trung Quốc Để hạ gục Apple trong tình cảnh như vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc đã gấp rút bành trướng thế lực. Tại Trung Quốc, có rất nhiều hãng sản xuất điện thoại mà hầu như ngoài Trung Quốc thì không ai biết đến, những nhà sản xuất đó đang xâm nhập vào thị trường điện thoại thông minh giá rẻ hơn iPhone. Nhắc đến các nhà sản xuất Trung Quốc, có thể nói rằng những sản phẩm mà họ cung cấp mang đặc trưng là giá thành thấp – chất lượng thấp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều công ty bắt tay vào sản xuất các sản phẩm ở mức “trung bình cao” – phân khúc thị trường với các sản phẩm có tính năng cao và khống chế giá thành, và chúng đang cướp mất thị phần của iPhone. Nhìn vào thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc năm 2016, năm công ty đứng đầu về số lượng điện thoại bán ra của các hãng sản xuất khác nhau lần lượt là Oppo, Huawei, Vivo, Apple và Xiaomi. Trong đó, tổng thị phần của ba nhà sản xuất Trung Quốc xếp thứ hạng đầu chiếm khoảng 50%, tổng thị phần của bốn nhà sản xuất Trung Quốc hàng đầu (tính cả Xiaomi) là khoảng 60%. Mặt khác, năm 2016, lần đầu tiên số lượng máy bán ra của Apple tại Trung Quốc bị sụt giảm so với doanh thu bán ra của năm trước (Biểu đồ 1-2). Vị trí của Apple tại Trung Quốc đã tụt từ hạng 3 xuống hạng 4. Biểu đồ 1-2: Biến động tỉ lệ tăng giảm doanh thu tại Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông, Đài Loan) so với cùng kỳ năm trước Doanh thu quý II năm 2017 của Apple tại Trung Quốc giảm 9,54%. Các nhà phân tích cho rằng: gần đây, thị trường Trung Quốc là điểm yếu của Apple. IDC – đơn vị tổng hợp dữ liệu này chỉ ra: “Người tiêu dùng Trung Quốc đã có những đánh giá nhất định về iPhone 7 – sản phẩm được Apple tung ra vào tháng 9 năm 2016, tuy nhiên, nó vẫn chưa đạt mức kích cầu mạnh mẽ giống như nó đã từng trong quá khứ.” Tạo nên cơn sốt với iPhone X Có thể nói iPhone 8, iPhone 8 Plus ra mắt thị trường năm 2017 và iPhone X (10) – dòng máy kỷ niệm tròn 10 năm sinh nhật iPhone của Apple, là các sản phẩm mang sứ mệnh đập tan tình hình ảm đạm của Apple ở thời điểm hiện tại. Cả ba dòng máy này đều có thiết kế mặt trước và mặt sau thân máy bằng kính, mang lại cảm giác cao cấp. Ngoài ra, Apple còn thêm tính năng sạc điện không dây mới, nâng cấp máy ảnh và bộ vi xử lý. Trong đó, iPhone X là dòng máy có nhiều đổi mới thiết kế so với trước đó. Màn hình hiển thị được thiết kế phủ kín bề mặt, bỏ đi nút màn hình chính. iPhone X là dòng máy đầu tiên của Apple có màn hình hiển thị LED. Trong sự kiện quảng bá của mình, Apple phát biểu: iPhone X với tư cách là “chiếc điện thoại thông minh của tương lai” đã thay thế chức năng nhận diện vân tay Touch ID trước đó sang chức năng nhận diện gương mặt Face ID. Apple tự hào rằng những thao tác mở khóa màn hình hay tắt điện thoại sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Kết cục, liệu chiến lược này có thể kích thích nhu cầu mua hàng mãnh liệt một lần nữa hay không vẫn còn là một ẩn số. Tình hình tăng trưởng thấp của iPhone sẽ tiếp diễn, sau đó họ sẽ dần mất đi chỗ đứng trên thị trường? Hay họ sẽ ngăn chặn thành công tình trạng suy thoái rồi dần khôi phục trở lại? Các dòng máy iPhone của năm 2017 đã được tung ra trong cục diện quan trọng như thế của Apple. GIỮ CHÂN iPAD ĐANG TUỘT DỐC, CHIẾN LƯỢC MỚI LÀ TĂNG TÍNH ỨNG DỤNG “iPad sở hữu hệ điều hành và thiết kế đặc biệt, không phải sản phẩm kích cỡ nhỏ gọn, cũng không phải máy tính đời mới, iPad không thuộc bất cứ chủng loại sản phẩm sẵn có nào. Năm 2010, sự xuất hiện của thiết bị điện tử này đã mở ra thị trường mới mang tên máy tính bảng.” Trên đây là lời mở đầu trong bài viết đặc biệt đăng tải trên trang thông tin ITpro của nhóm tác giả Nikkei BP năm 2010, thời điểm iPad ra mắt thị trường điện tử. Khi đó, iPad xuất hiện với tầm vóc vĩ đại, mang vẻ xa hoa, đắm mình trong muôn lời tán thưởng, giống như cách nói đầy phấn khích mà tôi thể hiện trong cuốn sách này. Cũng có đơn vị dự đoán sản phẩm này sẽ khiến thị trường máy tính xách tay suy thoái, họ kỳ vọng mạnh mẽ vào tiềm năng của iPad. Đúng như kỳ vọng, iPad trở thành sản phẩm được ưa chuộng, số lượng bán ra liên tục tăng lên theo thời gian. Tỉ lệ tăng trưởng của iPad được ví như “Tiêu chuẩn cao ngất mà các thiết bị điện tử phục vụ người tiêu dùng khác không thể với tới”. Tuy nhiên, sự thăng hoa này không kéo dài lâu. Tuột dốc không phanh Lượng máy bán ra trong quý IV năm 2013 lập kỷ lục 26 triệu máy – con số cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, cục diện sau đó đã thay đổi, liên tục suy giảm theo thời gian, đến quý I năm 2017, tỉ lệ tăng trưởng đã liên tục giảm trong suốt 13 quý (Biểu đồ 1-3). Biểu đồ 1-3: Biến động tăng giảm số máy bán ra theo quý của iPad so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm trong 13 quý tính đến quý I năm 2017 Ở thời điểm hiện tại, Apple vẫn là nhà sản xuất sở hữu số lượng máy bán ra nhiều nhất trên thị trường máy tính bảng thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ thị trường cùng sụt giảm thảm hại. Các nhà phân tích nhận định: “Có thể nói, mức độ sụt giảm đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử thiết bị máy tính cầm tay.” Tại sao iPad lại hạ nhiệt đến thế? Các nhà chuyên môn cho rằng: Nguyên nhân là do sự xuất hiện của loại điện thoại thông minh có màn hình kích thước lớn – phablet. Tháng 9 năm 2014, Apple tung ra thị trường iPhone 6 và 6 Plus tăng kích cỡ màn hình lên 4,7 inch và 5,5 inch. Trước đó, các đối thủ của Apple như Samsung cũng nhanh chân tấn công thị trường phablet, và doanh thu của họ tăng trưởng không ngừng. Sự suy giảm doanh thu của iPad cũng bắt đầu từ lúc này. Nói tóm lại, vì phablet phổ biến nên người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc nhiều vào điện thoại thông minh, khiến doanh thu của máy tính bảng, tiêu biểu là iPad, giảm mạnh. Trớ trêu thay, nhân vật chủ chốt gây ra tình trạng này không ai khác chính là Apple. Hy vọng duy nhất là dòng máy có thể tháo rời Tuy nhiên, thị trường máy tính bảng gần đây có biến động, có lẽ đây là hy vọng duy nhất đối với mảng máy tính bảng của Apple. Khi toàn bộ thị trường điêu đứng, một xu hướng mới xuất hiện, đó là riêng dòng máy tính bảng có bàn phím tháo rời chuyên dụng vẫn tiếp tục tăng doanh thu. IDC tách biệt loại máy tính bảng này với dòng máy Slate trước đó, đặt cho nó cái tên detachable (có thể tháo rời), xếp iPad Pro của Apple và Surface Pro của Microsoft vào dòng detachable này. Apple không công khai chi tiết số lượng bán ra nên không có tỉ lệ bán ra chính xác của từng dòng sản phẩm. Tuy nhiên, theo IDC, thị trường máy tính bảng dòng detachable (điển hình là iPad Pro) vẫn đang tăng trưởng, phần lớn trong số đó đều là sản phẩm sở hữu điểm tương đồng với máy tính xách tay. Mục đích chính của dòng Slate trước đó là “Sử dụng thông tin truyền thông” như truy cập website, mạng xã hội, xem ảnh... Mặt khác, dòng detachable trang bị bàn phím rời và bút cảm ứng Stylus, sở hữu “tính ứng dụng cao” có thể phục vụ công việc. Hiện tại, trên thị trường, tỉ lệ sử dụng thông tin truyền thông của dòng Slate giảm sút, còn tính ứng dụng cao của detachable lại ngày càng tăng. Nhận thức được xu hướng này, Apple điều chỉnh và lập chiến lược mới. Dòng iPad Pro kích thước nhỏ gọn được tung ra thị trường vào tháng 6 năm 2017, tăng kích thước màn hình từ 9,7 inch lên 10,5 inch, nâng cao tính ứng dụng, có thể sử dụng trong công việc, là một thiết bị sở hữu tính sáng tạo cao. Tiếp theo, Apple cải thiện hệ điều hành cài đặt cho nó, chuyển đổi cách thức thao tác sang quản lý thư mục, cài đặt phần mềm, màn hình gần như tương đồng với máy tính. Vốn dẫn đầu thị trường máy tính bảng sau khi tung ra những đời máy đầu tiên, giờ đây Apple phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nhu cầu truy cập mạng bằng thiết bị di động – một trong những chức năng chính từ đời máy tính bảng đầu tiên. Giờ đây, Apple bẻ bánh lái con thuyền, chuyển sang chiến lược hướng đến mục tiêu thâu tóm lĩnh vực với tính ứng dụng được đa dạng hóa. Số lượng bán ra quý II năm 2017 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, nhuộm màu tươi sáng cho bức họa u tối kéo dài suốt ba năm rưỡi. Liệu chiến lược này có thành công hay không? Tuy nhiên, số máy chỉ đạt 11,4 triệu chiếc, thấp hơn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao, iPad chỉ chiếm 10% tổng doanh thu của Apple. Kết cục, trong tương lai, liệu iPad có thể tiếp tục tăng trưởng hay không? Giờ đây, liệu có thể chặn lại sự tụt dốc thảm hại của dòng Slate hay không, tất cả phụ thuộc vào sự thành bại của chiến lược mới này. TỪNG GIẢM SÚT ĐẾN 70%, NHẮM ĐẾN MỤC TIÊU HỒI PHỤC BẰNG CÁCH THAY ĐỔI HƯỚNG ĐI Chiến lược sản phẩm chỉ toàn ý tưởng dị thường Apple Watch thuộc nhóm sản phẩm mới được Apple tung ra thị trường lần đầu tiên sau khi CEO Tim Cook nhậm chức. Khi phát triển sản phẩm này, Apple đã tuyển cựu CEO của thương hiệu cao cấp Yves Saint Laurent và bổ nhiệm ông vào chức Phó Giám đốc dự án đặc biệt dưới quyền của CEO Cook. Khi bắt đầu bán ra, họ lại chiêu mộ một quản lý cấp cao từ TAG Heuer – hãng sản xuất đồng hồ xa xỉ của Thụy Sĩ. Đồng thời, họ cũng mời Angela Ahrendts – cựu CEO của hãng thời trang cao cấp Burberry nhậm chức quản lý bộ phận kinh doanh bán lẻ và trực tuyến. Với Apple – một công ty công nghệ, đây là lần đầu tiên họ tuyển dụng nhân sự từ giới thời trang. Tuy nhiên, chiến lược vạch ra theo phương cách này của Apple tựa như được rải bước trên thảm đỏ cao cấp. Về giá thành, ngay cả với dòng sản phẩm bình dân nhất, giá thành cũng vào khoảng 90.000 yên bao gồm cả dây đeo. Dòng sản phẩm sử dụng vàng 18K để chế tạo đồng hồ có mức giá lên tới hơn 1 triệu yên. Tất cả chứng minh rằng đây là chiến lược sản phẩm dị thường trong lịch sử phát triển của Apple. Apple cũng thử nghiệm phương pháp mới khi tung Apple Watch ra thị trường: sau khi khách hàng dùng thử sản phẩm mẫu trưng bày ở cửa hàng, họ sẽ đặt qua kênh trực tuyến. Đêm trước ngày bán ra, khách hàng ngủ tạm bợ trước cửa hàng, sáng hôm sau đập tay hào sảng với nhân viên rồi đi vào bên trong. Trong quá khứ, cảnh tượng giới truyền thông phỏng vấn người nào mua được sản phẩm sớm nhất đã trở thành thông lệ, tuy nhiên dưới sự quản lý của Ahrendts, Apple Watch đời đầu đã áp dụng phương pháp marketing khác hẳn với truyền thống. Chiến dịch tung ra Apple Watch đã sử dụng phương pháp dị thường từ khâu sản xuất cho đến marketing. Tuy nhiên, khó mà tự tin khẳng định rằng chiến lược này đã thành công. Bạn sẽ hiểu khi nhìn vào thành tích bán ra của Apple Watch. Mặc dù Apple không công khai số máy Apple Watch bán ra, nhưng theo thống kê, nửa năm sau khi xuất hiện trên thị trường, khoảng 7 triệu máy được tiêu thụ. Số lượng này cao hơn tổng số máy bán ra trong 1 năm 3 tháng của các nhà sản xuất đồng hồ thông minh khác ở thời điểm đó. Có thể nhận định Apple Watch đã đánh dấu mốc khởi đầu thuận lợi cho Apple. Tuy nhiên, sang năm sau đó, tình hình đã đảo ngược. Lượng máy bán ra sụt giảm thảm hại. Quý II năm 2016 giảm 55% so với cùng kỳ năm trước, quý III năm 2016 giảm 72% so với cùng kỳ năm trước, vậy là Apple Watch liên tục tăng trưởng âm hai con số trong hai quý liên tiếp. Số máy Apple Watch bán được khi mới tung ra thị trường cao hơn iPhone và iPad, tuy nhiên sau đó, tình thế đảo ngược, liên tục giảm mạnh (Biểu đồ 1-4). Các nhà phân tích chỉ ra rằng thời điểm đó, sau ba năm, iPad mới phải nếm trải tình cảnh tăng trưởng âm, nhưng Apple Watch chỉ sau một năm đã sụt giảm thảm hại. Rõ ràng đang tồn tại vấn đề nào đó phía sau tình trạng này. Như đã trình bày ở phần trước, bởi Apple Watch là dự án quy mô lớn lần đầu tiên thử nghiệm nhiều cách thức mới sau khi Cook đảm nhận vị trí CEO. Biểu đồ 1-4: Biến động số máy iPhone, iPad, Apple Watch bán ra theo quý trong 6 quý kể từ khi tung ra thị trường (đơn vị: triệu máy) Thay đổi chiến lược với dòng sản phẩm đời thứ hai, luồng gió thuận chiều thúc đẩy Apple Tuy nhiên, đúng thời điểm này, Apple bắt tay vào chiến lược mới. Apple Watch đời thứ hai được tung ra thị trường cùng iPhone 7 vào tháng 9 năm 2016 đã được thay đổi cấu trúc. Ngoài Apple Watch Series 2 – dòng máy cao cấp mới, Apple cũng nhen nhóm Series 1 cải thiện bộ vi xử lý nền của dòng sản phẩm đời đầu. Họ nâng cao các tính năng, giảm giá thành cho cả hai dòng máy này. Đồng thời, họ dừng sản xuất dòng sản phẩm siêu cao cấp đời đầu có giá trên 1 triệu yên. Điều chỉnh khéo léo và thông minh này thu được những thành công nhất định. Sau khi bán ra dòng sản phẩm đời thứ hai, số máy bán ra vào quý IV năm 2016 có tiến triển tốt, đạt mức 4,6 triệu máy. Quý I năm sau, cho dù toàn thị trường rơi vào thời kỳ suy giảm số lượng bán ra, Apple Watch vẫn duy trì được mức 3,6 triệu máy. Tỉ lệ tăng trưởng so với năm trước của hai thời kỳ kể trên lần lượt là 13% và 64%, đạt thành tích tăng trưởng hai con số. Và ngay thời điểm này, một luồng gió mới thổi vào Apple. Trong số các thiết bị đeo tay (wearable) bao gồm cả đồng hồ thông minh Apple Watch, các thiết bị dạng dây đeo cổ tay (wristband) như đồng hồ theo dõi tập thể dục Fitness Tracker đã thúc đẩy thị trường theo hướng tích cực. Tuy nhiên, từ khoảng cuối năm 2016, các thiết bị wristband này giảm sút rõ rệt. Theo IDC – đơn vị điều tra thị trường thiết bị wearable, lý do của sự suy giảm này là bởi thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi. Người tiêu dùng từng hứng thú với Fitness Tracker có tính năng đơn giản trước đó, nay đã chuyển sang ưa chuộng những thiết bị đa năng và có tính ứng dụng cao. Thị trường wearable bước sang giai đoạn thứ hai Thị trường thiết bị wearable chỉ vừa mới phát triển. Tuy nhiên, IDC chỉ ra rằng: “Sau khi xâm nhập thị trường một cách đơn thuần, thiết bị đeo tay wearable sẽ bước vào giai đoạn nâng cao mức độ nhận biết của người tiêu dùng, tiếp tục cải thiện tính năng phần cứng và phần mềm, để từ đó bước đến giai đoạn chú trọng vào mức độ cung cấp thông tin hữu ích cho người tiêu dùng.” Nói tóm lại, mặc dù chỉ vừa mới xuất hiện trên thị trường nhưng thiết bị đeo tay wearable đã chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo. Một khi thị trường bước sang giai đoạn mới, có thể nói những thiết bị dạng đồng hồ đeo tay này sẽ nắm được lợi thế. Theo dự đoán của IDC, số máy wearable dạng đồng hồ đeo tay bán ra trên thế giới tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ trung bình là 26,5%/năm, đến năm 2021, trong tổng số máy bán ra, dòng máy đồng hồ đeo tay sẽ chiếm khoảng 70%. Đây là luồng gió thúc đẩy Apple tiến những bước xa hơn. Tháng 9 năm 2017, Apple ra mắt sản phẩm Apple Watch Series 3 thuộc đời máy thứ ba. Trong loạt sản phẩm này, có dòng máy trang bị cellular (khe esim – linh kiện có chức năng nhận gửi thông tin của điện thoại di động). Tính đến thời điểm đó, Apple Watch là thiết bị được sử dụng với tiền đề luôn kết nối với iPhone. Tuy nhiên, với dòng sản phẩm trang bị cellular, Apple Watch có thể kết nối Internet hoặc với điện thoại của hãng khác mà không cần iPhone. Các nhà phân tích ước tính rằng, vì chức năng nhận gửi thông tin này được đông đảo người dùng tiếp nhận nên số lượng bán ra sẽ gấp 2-3 lần so với con số tính đến hiện tại. Mặc dù ban đầu Apple Watch gặp thất bại với chiến lược của mình, nhưng có thể thất bại đó lại ẩn chứa khả năng phát triển thành sản phẩm bán chạy nhất nối bước iPhone. ÂM NHẠC CHUYỂN TỪ DOWNLOAD SANG STREAMING Nhà bán lẻ âm nhạc lớn nhất thế giới Không cần phô trương, ai cũng biết Apple là nhà bán lẻ âm nhạc lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Apple không nhắm đến mục đích kinh doanh âm nhạc ngay từ ban đầu. Phần mềm đảm nhiệm vai trò hạt nhân là iTunes, tuy nhiên ban đầu nó chỉ được xếp vào loại phần mềm chơi nhạc giúp “điện tử hóa” CD âm nhạc (trích xuất từ đĩa CD), chơi-quản lý file nhạc, chỉ đơn thuần là sản phẩm được cung cấp miễn phí cho người sử dụng máy tính Macintosh, không hơn không kém. Tuy nhiên sau đó, iTunes đã được cải tiến cùng chiến lược của Apple. Trước hết, khi thiết bị chơi nhạc di động iPod đời đầu “trình làng” vào năm 2001, iTunes đã được cải tiến vai trò, chuyển thành phần mềm đồng bộ hóa file nhạc giữa máy tính Macintosh và Windows. Sau đó, năm 2003, nhân tố mang tính lịch sử thay đổi ngành công nghiệp ghi âm xuất hiện: chức năng iTunes Store (tên gọi khi đó là iTunes Music Store) được thêm vào iTunes. Khách hàng có thể mua bài hát trên nền tảng này, khiến nó trở thành đối thủ đáng gờm tấn công trực diện vào ngành công nghiệp ghi âm chủ yếu kinh doanh đĩa CD khi ấy. iPod dần được ưa chuộng, ngành công nghiệp kinh doanh âm nhạc của Apple cũng được mở rộng từ đó. Apple tiếp tục triển khai dự án mới, một lần nữa hồi sinh trải nghiệm thành công của iPod. Năm 2007, họ dành tặng thế giới thiết bị màn hình cảm ứng tổng hợp ba chức năng gồm máy chơi nhạc di động, điện thoại di động, thiết bị truy cập Internet. Chính sự bùng nổ dữ dội của iPhone là yếu tố lớn nhất giúp Apple trở thành nhà bán lẻ âm nhạc khổng lồ. Chắc hẳn nhiều người đã biết đến cú nhảy vọt sau đó của Apple. Năm 2008, Apple vượt qua Walmart Stores, trở thành “nhà bán lẻ âm nhạc đứng đầu nước Mỹ”. Năm 2010, họ bước lên bậc thang vinh quang “nhà bán lẻ âm nhạc lớn nhất thế giới”. Bằng cách này, Apple vươn tay sang các ngành kinh doanh truyền thông như phim ảnh, chương trình tivi, phần mềm, chứ không dừng lại ở âm nhạc, trở thành gã khổng lồ phương tiện kỹ thuật số cung cấp dịch vụ cho 155 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chiến lược vượt lên trải nghiệm thành công của quá khứ Apple thường thay đổi chiến lược dựa theo thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng công nghệ của từng thời kỳ. Họ sẽ tìm kiếm phương án tối ưu nhất phù hợp với xu thế, nhiều lần thay đổi triết lý kinh doanh. Có thể nói, kết quả là họ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ của hiện tại. Một ví dụ nữa minh chứng cho điều này chính là Apple Music xuất hiện năm 2015. Mục tiêu tiếp theo của Amazon – ông lớn đã gây dựng vị trí vững chắc trên thị trường download nhạc số – là một loại hình dịch vụ có thể đe dọa ngành kinh doanh này: dịch vụ cung cấp nhạc thu phí cho phép nghe không giới hạn (dịch vụ streaming không lưu trữ âm thanh tại thiết bị trung tâm). Apple cũng không ngần ngại bước chân vào ngành dịch vụ mới mẻ này, không ngừng tìm kiếm các ngành kinh doanh có tiềm năng trong tương lai. Mục tiêu của họ đã trở thành hiện thực. Doanh thu dịch vụ streaming nhạc số của Apple tại Mỹ năm 2016 chiếm 51% doanh thu nhạc ghi âm của toàn nước Mỹ. Tỉ lệ doanh thu streaming năm 2011 của họ chỉ ở mức khiêm tốn 9%. Tuy nhiên, đến năm 2013, nó đã vượt qua con số 20%; năm 2015, nó đã tạo ra đột phá với 30%. Cuối cùng, năm 2016, nó đã tăng trưởng ngoạn mục khi chiếm hơn nửa tổng doanh thu nhạc số cả nước Mỹ (Biểu đồ 1-5). Ngành công nghiệp ghi âm Mỹ liên tục sụt giảm vào thời điểm này. Lượng CD bán ra giảm trầm trọng, tình hình download nhạc số – biểu tượng cho Apple Store cũng tương tự. Trong bối cảnh ấy, doanh thu phát streaming thu phí nhất định vẫn tăng gấp hai lần và vực dậy thị trường âm nhạc Mỹ. Biểu đồ 1-5: Tỉ lệ doanh thu của nhạc streaming so với tổng doanh thu nhạc ghi âm của Mỹ (đơn vị tiền tệ: 1 tỷ đô-la) (Nguồn: Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA) Có thể nói, yếu tố cốt lõi tạo nên sự biến đổi rõ rệt này nằm ở Apple. Chính vì Apple – ông lớn sở hữu lượng người dùng iPhone khổng lồ – đã xâm nhập vào thị trường nhạc streaming nên nhiều người dùng mới nghe nhạc bằng cách thức streaming. Giả như Apple đắm chìm trong trải nghiệm thành công của quá khứ, không chịu bước vào thị trường streaming, hoặc do dự, không dám thay đổi chiến lược, chậm chạp với xu thế của thị trường thì có lẽ giờ đây, Apple đang phải than khóc vì lượng download nhạc giảm sút thê thảm, ngậm ngùi ghen tỵ trước thành công của đối thủ Spotify đến từ Anh chăng? (Biểu đồ 1-6). Biểu đồ 1-6: Biến động số hội viên thu phí của Spotify và Apple Music (đơn vị: triệu người) CHIẾN LƯỢC HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI BIÊN CƯƠNG MỚI MANG TÊN ẤN ĐỘ Ở thời điểm hiện tại, khi số lượng bán ra của sản phẩm chủ lực iPhone đang dậm chân tại chỗ, thị trường tiếp theo mà Apple nhắm đến là quốc gia sở hữu dân số đông ngang ngửa Trung Quốc, sở hữu số người sử dụng điện thoại di động đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đó là Ấn Độ. Thị phần iPhone của Ấn Độ chỉ vẻn vẹn 3% Tuy nhiên, iPhone đang trong trận khổ chiến tại thị trường Ấn Độ. Chẳng hạn, nếu nhìn vào số máy bán ra của từng nhà sản xuất điện thoại thông minh tại quốc gia này vào đầu năm 2017, Samsung đứng đầu với 28,1%, sau đó là Xiaomi (14,2%), Vivo (10,5%), Lenovo (9,5%) và Oppo (9,3%). Theo thống kê của đơn vị điều tra, năm 2016, lượng iPhone được bán ra tại Ấn Độ là 2,5 triệu chiếc. Số lượng tiêu thụ và doanh thu năm 2016 của iPhone tại Ấn Độ đạt mức cao nhất trong lịch sử, tuy nhiên, thị phần của Apple trong thị trường Ấn Độ chỉ vẻn vẹn 3%, xếp vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất bán chạy. Trong suốt nhiều năm, các nhà sản xuất Ấn Độ như Micromax, Informatix, Reliance Jio Infocomm đã chi phối thị trường điện thoại di động ở Ấn Độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, các nhà sản xuất Trung Quốc đã bành trướng thế lực, chiếm 5% tổng số thị phần tại quốc gia này. Thúc đẩy số lượng bán ra bằng cách giảm giá thành Để đập tan tình hình này, có hai vấn đề mà Apple cần giải quyết nhằm cải thiện tình hình bán ra của iPhone tại Ấn Độ. Thứ nhất, giá bán của iPhone quá cao. Hiện tại, giá bán trung bình của dòng điện thoại thông minh bán chạy tại Ấn Độ là khoảng 10.000 rupi (khoảng 17.000 yên). Tuy nhiên, ngay cả phiên bản dòng SE giá thấp cũng được bán với giá lên đến 30.000 rupi (khoảng 52.000 yên). Với dòng sản phẩm hàng đầu của iPhone, mẫu có dung lượng thấp thôi cũng đã lên đến 50.000 rupi (khoảng 87.000 yên). Nếu như vậy, người tiêu dùng bình dân của Ấn Độ không thể với tới. Chiến lược lúc này của Apple là sản xuất iPhone ở Ấn Độ. Để khống chế thuế nhập khẩu, Apple hợp tác với Wistron – công ty nhận nhượng quyền sản xuất thiết bị điện tử của Đài Loan, xây dựng nhà máy đặc biệt lắp ráp iPhone tại Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ. Tháng 5 năm 2017, nhà máy này chính thức đi vào hoạt động. Trước tiên, họ bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm SE giá rẻ. Tuy nhiên, chính sách giảm thiểu chi phí chỉ mang lại hiệu quả không đáng kể do gặp phải nhiều trở ngại. Bởi vì không nhà sản xuất nào ở Ấn Độ đủ khả năng sản xuất linh kiện iPhone, Apple phải sử dụng linh kiện nhập khẩu, lắp ráp iPhone tại Ấn Độ, trả tiền thuế liên quan đến linh kiện. Mặt khác, nhà máy iPhone ở Ấn Độ phải tuân theo chính sách “Make in India” (thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo Ấn Độ) do Thủ tướng Narendra Modi chủ trương. Vì thế, Apple nhận được chính sách ưu đãi từ chính phủ Ấn Độ, có thể nói Apple có khả năng thành lập cửa hàng do chính mình quản lý tại quốc gia này. Cửa hàng bán lẻ tại Ấn Độ là ước nguyện của Apple Ở Ấn Độ vẫn chưa có cửa hàng kinh doanh trực tiếp Apple Store mà Apple đã triển khai ở Mỹ hay Nhật Bản. Thay vào đó, Apple liên kết với các nhà bán lẻ quy mô trung bình lớn của Ấn Độ, khai trương cửa hàng nhượng quyền chuyên bán Apple có tên Apple Premium Resellers, thiết kế góc bán hàng Apple Shop trong cửa hàng bán lẻ địa phương. Tuy nhiên, thị phần và mức độ nhận biết iPhone tại Ấn Độ còn thấp. Lúc này, Apple cho rằng: nếu có thể khai trương thêm các cửa hàng kinh doanh trực tiếp ở Ấn Độ giống như tại các nước khác, quảng bá thương hiệu cùng các sản phẩm của Apple, việc thúc đẩy kế hoạch bán lẻ sẽ khởi sắc. Có hai vấn đề nổi cộm lúc này mà Apple phải giải quyết nếu muốn kỳ vọng vào khả năng phát triển tại Ấn Độ. Ở Ấn Độ, cửa hàng kinh doanh trực tiếp giống như Apple được phân vào nhóm “Thương hiệu đơn – Bán lẻ”, nếu tỉ lệ đầu tư vốn nước ngoài trên 51% thì họ phải chi ra khoảng 30% tổng chi phí để mua linh kiện và thiết bị từ các công ty Ấn Độ. Sản phẩm của Apple từ trước tới nay vẫn được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc, nguồn linh kiện cũng được chế tạo tại các nước như Trung Quốc mà không phải Ấn Độ. Bởi vậy, Apple không đáp ứng được điều kiện này. Trước tình cảnh này, năm 2016, chính phủ Ấn Độ đã ban hành quy định mới, nới lỏng luật đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài (đặc biệt bao gồm cả Thương hiệu đơn – Bán lẻ) sẽ được miễn nghĩa vụ mua linh kiện nội địa trong vòng ba năm; nếu cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ chứng nhận sản phẩm này sở hữu công nghệ tiên tiến không thể sản xuất tại nội địa Ấn Độ, thời gian miễn nghĩa vụ mua sẽ được kéo dài thêm năm năm. Apple muốn được áp dụng chính sách nới lỏng, nên họ đã khẩn trương đưa ra nhiều động thái với chính phủ nước này. Nhà máy lắp ráp iPhone tại Ấn Độ cũng là một phần trong chiến dịch xin xét duyệt chính sách nới lỏng. Tháng 5 năm 2016, CEO Cook của Apple đến Ấn Độ, tới thăm và đến chào Thủ tướng Modi. Cũng trong thời gian ấy, Apple công bố kế hoạch xây dựng cơ sở xúc tiến phát triển phần mềm và cơ sở phát triển công nghệ dịch vụ bản đồ tại Ấn Độ. Khi Thủ tướng Modi đến công du nước Mỹ vào tháng 6 năm 2017, CEO Cook nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư vào Apple Ấn Độ đang có những bước tiến hết sức thuận lợi. Apple tính toán, để thoát khỏi cục diện khó khăn tại thị trường Ấn Độ, cần quảng bá về các chính sách của chính phủ nước này. PHÁT TRIỂN NGHIÊN CỨU HIỆN THỰC HÓA Ô TÔ TỰ LÁI Apple nổi tiếng là công ty tôn sùng một cách triệt để chủ nghĩa bí mật, họ tuyệt đối không tiết lộ các thông tin liên quan đến sản phẩm và dịch vụ mới cho đến đúng ngày diễn ra sự kiện công bố, thế nên, các công ty đối thủ không thể nắm bắt được động thái của Apple. Đây cũng là một chiến lược của Apple. Tuy nhiên gần đây, song song với mở rộng quy mô doanh nghiệp, nhiều nguồn tin xoay quanh tình hình phát triển công nghệ của Apple đã bị lộ ra bên ngoài. Một trong những thông tin đó thuộc lĩnh vực “Xe tự lái” mà nhiều công ty công nghệ đang gấp rút nghiên cứu. Thừa nhận dự án Titan Tháng 6 năm 2017, CEO Tim Cook xuất hiện trên chương trình phát thanh truyền hình vệ tinh Mỹ, công bố Apple đang phát triển công nghệ ô tô tự lái. Ông tiết lộ: “Chúng tôi đang tập trung chủ lực vào hệ thống tự điều khiển”, đề cập đến nỗ lực phát triển công nghệ tự lái bằng “Dự án trí tuệ nhân tạo (AI) tột đỉnh”, ngoài ra còn phát biểu: “Có lẽ chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề khó nhất trong dự án AI.” Hơn nữa, Cook còn khẳng định “bước thay đổi ngoạn mục đã đến rất gần”, ông đưa ra ba ví dụ gồm công nghệ xe không người lái, ô tô điện (EV), và dịch vụ cung cấp xe. Ông nhấn mạnh “ba véc-tơ thay đổi này gần như được tiến hành trong một khung thời gian giống nhau.” Ông cũng cho hay: kế hoạch phát triển giống với phong cách của Apple tính đến nay, không tiết lộ thông tin cụ thể, mọi thứ đều bí ẩn đến phút chót. Tuy nhiên, ông tiết lộ Apple chuẩn bị triển khai dự án ô tô mang tên “Titan”, và đây là lần đầu tiên CEO của Apple tiết lộ về dự án của công ty. Phát ngôn này nhanh chóng tràn ngập khắp các mặt báo. Dự án gặp nhiều trắc trở Các báo cáo tính đến hiện tại đều cho rằng Apple triển khai dự án Titan vào năm 2014. Những nhân vật chủ chốt của Apple nhắm đến dự án phát triển thời đó gồm (1) EV trang bị tính năng điều khiển bán tự động và (2) Xe tự điều khiển hoàn toàn không cần bánh lái, bàn đạp ga và phanh. Tuy nhiên, dự án này đối mặt với vô vàn vấn đề, khiến cho kế hoạch phải đứng trước ngã ba đường. Một trong số đó là sự bất đồng ý kiến giữa các lãnh đạo xoay quanh phương hướng dự án kéo dài suốt một năm. Một nhân vật quan trọng trong số ba người phụ trách dự án này, nguyên kỹ sư của Ford Motor – Steve Zadesky, đã quyết định rời khỏi Apple. Tháng 7 năm 2015, Bob Mansfield từng phụ trách phòng kỹ thuật phần cứng tại Apple đã nhậm chức Giám đốc dự án thay thế Zadesky. Sau đó, ông tuyên bố thay đổi chiến lược tới nhân viên, thực hiện luân chuyển chức vụ lên đến vài trăm kỹ sư. Đang phát triển ô tô hay hệ thống vận hành tự động? Hiện tại, trong dự án Titan vốn vướng mắc nhiều vấn đề này, Apple đang nghiên cứu liệu sẽ chọn hướng phát triển ô tô hay hệ thống lái tự động (phần mềm). Theo điều tra của Bloomberg, lãnh đạo của Apple yêu cầu nhóm thực hiện dự án Titan phải hoàn thành vào cuối năm 2017, chỉ thị kiểm tra tính khả thi của phần mềm đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống tự lái. Đồng thời, ban lãnh đạo cũng yêu cầu nhóm thực hiện dự án Titan đưa ra quyết định: sẽ phát triển ô tô tự lái theo kế hoạch ban đầu hay chỉ phát triển phần mềm cần thiết và cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô. Trong bài phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg Television, phóng viên đặt câu hỏi cho CEO Cook: “Liệu Apple chỉ phát triển hệ thống tự lái hay sẽ phát triển xe tự lái của riêng mình?” Tuy nhiên, mọi thắc mắc chỉ được đáp lại bằng một câu trả lời: “Việc chúng tôi sẽ tiến tới đích như thế nào, rồi mọi người sẽ biết thôi mà. Chúng tôi không tiết lộ về dự định đối với sản phẩm của mình.” Một điều khá chắc chắn là có vẻ Apple nghiên cứu lĩnh vực ô tô tự lái để không bị lạc hậu so với đối thủ. Ví dụ, tháng 4 năm 2017, Apple được cấp phép chạy thử nghiệm ô tô ở bang California, Mỹ. Trong tháng đó, Cục Quản lý Xe ô tô bang California đã cập nhật website, đặt cho sự kiện cái tên “Chương trình thử nghiệm ô tô tự lái”, bổ sung Apple vào danh sách các doanh nghiệp được cấp phép chạy thử nghiệm ô tô tự lái tại bang này. Trong lĩnh vực này, Apple chỉ là kẻ đến sau. Ngay cả trong danh sách chương trình chạy thử nghiệm ô tô tự lái, Apple là doanh nghiệp thứ 30 tham gia. Trong đó, ngoài các hãng sản xuất ô tô danh giá thế giới như Volkswagen, Mercedes-Benz, BMW, Ford, GM; còn có các công ty công nghệ như Google, nVIDIA, Baidu. Tiếp theo là những nhà sản xuất tới từ Nhật Bản như Nissan, Honda, Subaru. TỪNG BƯỚC TẤN CÔNG VÀO LĨNH VỰC Y HỌC - SỨC KHỎE Thử thách với “Mục tiêu tối cao” Một lĩnh vực khác mà Apple dồn lực nghiên cứu và phát triển ngoài xe tự lái là công nghệ y học- sức khỏe. Apple sở hữu một tổ chức sinh học chuyên nghiên cứu đầu đo độ đường huyết. Đây là đội ngũ bí mật bao gồm các chuyên gia sinh học, vốn là ý tưởng của cố Chủ tịch Apple – CEO Steve Jobs trong thời gian đương nhiệm. Mục đích là đo lượng đường huyết bằng phương pháp không xâm lấn (không làm tổn thương cơ thể). Đây là công nghệ chiếu ánh sáng xuyên qua da, đo không gián đoạn mức độ glucose trong máu mà không gây đau đớn cho người bệnh. Trong giới khoa học đời sống, có thể coi công nghệ đo đường huyết không gián đoạn và chính xác bằng phương pháp không xâm lấn là “Mục tiêu tối cao – Holy Grail (Chén Thánh)”, nếu thực hiện được, đây sẽ là công trình vĩ đại, mang tính bước ngoặt trong lịch sử nhân loại. Nước Mỹ có gần 30 triệu người mắc bệnh tiểu đường, 5-10% trong đó là tiểu đường loại I (tiểu đường ở trẻ em). Đây là căn bệnh sinh ra đa phần do miễn dịch của cơ thể. Cơ thể không thể tự tạo insullin, không thể chuyển hóa glucose trong máu thành năng lượng. Bởi vậy, người bệnh cần đo lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày và bổ sung insullin. Nếu công nghệ đầu đo lượng đường trong máu bằng phương pháp không xâm lấn được phát triển thành công, nó có thể cứu giúp rất nhiều bệnh nhân tiểu đường. Bởi thế, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục thử nghiệm và không ngừng nỗ lực. Thiết bị theo dõi lượng đường trong máu kết nối với Apple Watch Trong khi đó, Tim Cook đưa ra gợi ý về tình hình nghiên cứu công nghệ này. Tháng 5 năm 2017, truyền thông Mỹ đưa tin ông đã đeo thiết bị đo lượng đường huyết vẫn đang trong quá trình nghiên cứu lên cánh tay của mình, ngày nào cũng dùng nó để đo lượng đường huyết. Theo các nguồn tin, đây là thiết bị thử nghiệm cho máy đo Glucose không gián đoạn, có thể kết nối với Apple Watch. Vậy là chính Cook cũng đeo thiết bị này cùng Apple Watch để đo lượng đường trong máu. Tháng 2 năm 2017, trong khi nhận danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Đại học Glasgow tại Scotland, Anh, Cook đã đề cập đến thiết bị này tại buổi hội thảo khoa học diễn ra khi đó. Ông chia sẻ với sinh viên: “Vài tuần gần đây, tôi luôn đeo thiết bị đo lượng đường huyết không gián đoạn. Tôi biết rõ thức ăn tác động như thế nào đến lượng đường huyết, tôi luôn đảm bảo duy trì lượng đường huyết ở mức ổn định.” Dựa trên lời nói và hành động mang tính gợi ý này của ông, người ta dự đoán sản phẩm mà Apple đang nghiên cứu là dây đeo đồng hồ gắn với Apple Watch có chức năng đo đường huyết. Nếu là phương pháp này, Apple Watch không cần điều chỉnh thân máy quá nhiều, giá thành cũng không tăng quá mức. Sẽ là cả một chặng đường dài với các công đoạn đầy khó khăn để Apple Watch được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép với vai trò là thiết bị y tế, tuy nhiên, mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ có dây đeo đồng hồ. Ba nền tảng điện toán liên quan đến y học-sức khỏe Apple đang dồn tâm sức vào lĩnh vực y học-sức khỏe. Chẳng hạn, năm 2016, Apple đã mua lại công ty mới nổi của Mỹ có tên Gliimpse. Đây là công ty cung cấp công nghệ, dịch vụ quản lý và đồng sở hữu thông tin sức khỏe. Không ai biết cụ thể Apple áp dụng công nghệ của công ty này như thế nào. Tuy nhiên, do Apple sở hữu ba nền tảng điện toán liên quan đến y học-sức khỏe, nên các nhà phân tích dự đoán họ sẽ áp dụng công nghệ và dịch vụ của công ty này vào nền tảng điện toán. Tôi xin giới thiệu về ba nền tảng điện toán phần mềm: Thứ nhất, HealthKit tập hợp và sở hữu số liệu từ thiết bị quản lý cân nặng và phần mềm quản lý sức khỏe. Bằng cách kết hợp HealthKit với phần mềm Health quản lý sức khỏe của iPhone, người dùng có thể kiểm tra thông số của bản thân bằng Apple Watch hoặc iPhone, hoặc là nhận thông báo từ bác sĩ. Thứ hai, ResearchKit để nghiên cứu y học, điều trị. Khi sử dụng nền tảng điện toán này, có thể phát triển phần mềm đo đạc-kiểm tra hoạt động, trạng thái bệnh tật, tình trạng sức khỏe của người dùng iPhone. Về phương diện này, Apple đã hợp tác với các đơn vị y học-trị liệu, thành công trong việc tạo ra phần mềm có tên mPower do Đại học Rochester và Viện Nghiên cứu Sinh học Sage Bionetworks của Mỹ phát triển để nghiên cứu bệnh Parkinson. Thứ ba là CareKit. Nền tảng điện toán này có thể phát triển phần mềm xử lý các dữ liệu về sức khỏe, tình trạng bệnh, trị liệu của cá nhân người dùng. Phần mềm lưu lại lịch trình quản lý sức khỏe, có thể quản lý tình trạng bệnh hay điều trị bằng thuốc. Apple đầu tư nghiên cứu công nghệ và dịch vụ dành cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, ví dụ như chiêu mộ chuyên gia phát triển phần mềm HealthKit dành cho bệnh nhân tiểu đường loại 1. Ngoài ra, năm 2016 Tổ chức Sinh học của Apple chỉ có 30 thành viên, nhưng sau đó Apple tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều nhân lực trong lĩnh vực sinh học, hiện tại, số thành viên đã tăng lên khá nhiều. Đại bản doanh của dự án này nằm ở Palo Alto, bang California, cách trụ sở chính của Apple vài cây số. Ngoài thực hiện thí nghiệm về mức độ khả thi tại cơ quan trị liệu của địa phương gần bờ biển San Francisco, tổ chức sinh học này còn được cho là đã tuyển cả chuyên gia tư vấn để thực hiện các thủ tục pháp lý trong lĩnh vực y học. LĨNH VỰC TĂNG TRƯỞNG TRONG THỜI ĐẠI MỚI, KỲ VỌNG TƯƠNG TÁC THỰC TẾ ẢO Apple sở hữu đến vài lĩnh vực theo đuổi tiềm năng thiết bị thông tin thời đại mới, một trong số đó là kính hiển vi được giới truyền thông thế giới chú ý. Tháng 1 năm 2017, Apple hợp tác công nghệ với Carl Zeiss – nhà sản xuất thiết bị quang học lớn của Đức. Carl Zeiss và Apple được cho là hợp tác để nghiên cứu thiết bị dạng kính hiển vi siêu nhẹ, kết nối với linh kiện điện tử lắp bên trong iPhone hoặc với linh kiện điện tử trang bị trên thân iPhone. Thiết bị này sẽ tiếp xúc không dây với phần mềm iPhone, hiển thị thông tin thế giới thực mà người dùng đang nhìn. CEO Cook đặc biệt hứng thú với AR Người ta gọi công nghệ tổng hợp và hiển thị thông tin kỹ thuật số ở hiện thực trước mắt con người là AR (Augmented Reality – thực tế ảo tăng cường). AR được chú ý đến cùng với VR (Virtual reality – thực tế ảo), tức người dùng đặt bản thân hoàn toàn vào thế giới điện tử, tách khỏi không gian thực tế. Tuy nhiên, Tim Cook cho hay: họ có hứng thú đặc biệt với AR và hiện tại đang đầu tư vào lĩnh vực này. Trả lời phỏng vấn của ABC News tháng 9 năm 2016, Cook nói: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến cả VR và AR. Tuy nhiên, trong tầm nhìn của mình, tôi thấy AR có tiềm năng. Có lẽ là tính khả thi cao hơn đến vài bậc.” Sau đó, như để chứng minh cho phát biểu của ông, tháng 11 năm 2016, Bloomberg đã công bố rằng Apple đang triển khai dự án kính hiển vi dùng cho AR, đồng thời hợp tác với một số nhà sản xuất linh kiện, đặt hàng linh kiện hiển thị của một công ty trong số đó để thực nghiệm. Nhanh chóng thu mua công ty AR/VR Bên cạnh đó, Apple chiêu mộ Doug Bowman – người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu AR và VR. Doug Bowman là Giáo sư khoa máy tính của Đại học Virginia kiêm Giám đốc Trung tâm Human-Computer Interaction của Đại học Virginia. Chuyên ngành của ông là nghiên cứu thiết kế giao diện người dùng (interface) trong không gian ba chiều (3D) và tiềm năng của thế giới giả tưởng, phạm vi nghiên cứu liên quan đến cả AR và VR. Apple sở hữu bộ phận nghiên cứu công nghệ này với quy mô lên tới vài trăm người, người ta nói rằng trong đó có cả nhân lực của vô số công ty được Apple mua lại tính đến thời điểm này. Tại Apple, dưới thời của Steve Jobs vào giữa những năm 2000, họ đã nghiên cứu thiết bị dùng cho VR, nhưng dự án bị gián đoạn khi chưa hoàn thành. Tuy nhiên, từ năm 2014, khi Facebook mua công nghệ Oculus để phát triển tai nghe thực tế ảo Headset trị giá khoảng 2 tỷ đô-la, Apple một lần nữa sôi sục hứng thú với lĩnh vực này. Trong bối cảnh phát triển công nghệ như thế, Apple mua lại công ty PrimeSense của Israel hoạt động trong mảng công nghệ ghi hình 3D chuyển động (Motion Tracking). Sau đó, Apple tiếp tục mua lại các công ty trong lĩnh vực này, động thái cũng khẩn trương hơn. Ví dụ, tháng 5 năm 2015, họ mua lại công ty Metaio của Đức chuyên cung cấp phần mềm cài đặt cho AR. Tháng 11 năm 2015, họ mua lại công ty Faceshift của Thụy Sĩ cung cấp công nghệ phản xạ hình ảnh kỹ thuật số sử dụng kỹ thuật chụp cử động biểu cảm khuôn mặt như trong phim Avatar. Năm 2016, Apple mua lại công ty Emotient cung cấp công nghệ AI đọc hiểu tâm trạng từ biểu cảm trên gương mặt. Dự đoán thị trường AR sẽ vượt qua thị trường VR vào năm 2019 Apple tích hợp ARKit hỗ trợ phát triển phần mềm AR trong hệ điều hành iOS 11 (phần mềm cơ bản) bắt đầu cung cấp từ năm 2017. Nhờ ARKit, nhà phát triển dễ dàng sử dụng AR cài đặt trên thiết bị iOS (như iPhone) có liên kết với các loại linh kiện điện tử cao tính năng. Nhân cơ hội trò chơi Pokemon GO trở thành cơn sốt trên toàn cầu vào năm 2016, AR trở nên thân thuộc với phần lớn người tiêu dùng, ở thời điểm hiện tại, đây là lĩnh vực giải trí có quy mô thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, như CEO Cook đã nói, các nhà nghiên cứu dự đoán, AR sở hữu tiềm năng vượt trội, rồi sẽ mở rộng ra thị trường lớn, chứ không chỉ dừng lại ở thị trường người tiêu dùng. Ví dụ, IDC dự đoán rằng trong tương lai, thị trường AR và VR (phần cứng, phần mềm và các dịch vụ liên quan) sở hữu tỉ lệ tăng trưởng trung bình năm lên đến 198%, đến năm 2020 sẽ đạt quy mô 143,3 tỷ đô-la. Cũng theo họ, tính đến năm 2020, thị trường sở hữu tổng chi nhiều nhất là thị trường được tạo thành từ sản phẩm hay dịch vụ giải trí, ví dụ như trò chơi điện tử dành cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, có thể thấy thị trường công nghiệp sản xuất sẽ phát triển tột bậc. Tương lai sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ AR, VR trong lĩnh vực giao hàng, y tế, xây dựng, giáo dục, du lịch, đặc biệt xuất hiện đa dạng ở ngành công nghệp chế tạo, bán lẻ, ngành dịch vụ. Mặt khác, nếu so sánh giữa AR và VR trong thị trường này, đến năm 2018, kim ngạch chi cho giải trí của VR sẽ vượt qua AR. Tuy nhiên, IDC nhận định rằng sau đó, nhu cầu sử dụng dành cho lĩnh vực y tế, thiết kế sản phẩm, các dịch vụ liên quan đến quản lý sẽ tăng lên, kim ngạch của AR cho lĩnh vực này sẽ vượt qua VR. Chương 2 TẤT THẢY MỌI NỖ LỰC ĐỀU HƯỚNG ĐẾN “BÁN ĐƯỢC SẢN PHẨM” SẢN PHẨM CHỦ ĐẠO VÀ XU HƯỚNG GẦN ĐÂY CHIẾN LƯỢC XUYÊN SUỐT KỂ TỪ KHI SÁNG LẬP LÀ “LÃI SUẤT THẤP” VÀ “CHIẾN LƯỢC ĐỘC ĐÁO” Amazon được thành lập vào năm 1994, bắt đầu cung cấp dịch vụ dưới hình thức bán sách trực tuyến từ năm 1995, lên sàn chứng khoán vào năm 1997. 20 năm sau, Amazon.com đã sở hữu doanh thu cao hơn Walmart Stores – công ty lớn nhất thế giới, trở thành doanh nghiệp bán lẻ có tổng vốn hóa thị trường cao nhất thế giới (Biểu đồ 2-1). Biểu đồ 2-1: Vốn hóa thị trường các doanh nghiệp bán lẻ của Mỹ (Đơn vị: tỷ đô-la, tháng 5 năm 2017) Tính đến nay, Amazon đã phát triển website ở 14 quốc gia, bán lẻ trực tuyến giao hàng trên 180 quốc gia. Nếu phải diễn tả công ty bán lẻ lớn nhất thế giới này bằng một câu nói, có lẽ là “Doanh nghiệp không đặt nặng lợi nhuận kiếm được và không ngừng phát triển đầu tư”. Hơn 20 năm kể từ khi sáng lập, hiện tại vẫn ưu tiên đầu tư Amazon là doanh nghiệp thu về mức doanh thu 44 tỷ đô-la trong ba tháng (quý IV năm 2016). Tuy nhiên, lợi nhuận ròng chỉ đạt 1,255 tỷ đô-la, tỉ lệ lợi nhuận chưa đạt 3%. Nếu xét đến việc Apple thu về lợi nhuận gần 30%, có thể thấy tỉ lệ lợi nhuận của Amazon nằm ở mức quá thấp. Vì ngành nghề kinh doanh của Amazon và Apple khác nhau nên có thể sự khác biệt này là điều hiển nhiên. Tuy thế, thực ra con số này hoàn toàn đồng nhất với triết lý kinh doanh của Jeff Bezos – CEO của Amazon. Sau khi Amazon được sáng lập một thời gian, vị CEO này dứt khoát quán triệt phương châm không theo đuổi lợi nhuận, cần phát triển kinh doanh không ngừng. Đã hơn 20 năm kể từ khi hoạt động, dù giờ đây đã trở thành ông hoàng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, tinh thần đầu tư không ngần ngại vẫn không ngừng rực cháy trong huyết quản của Amazon (Biểu đồ 2-2). Biểu đồ 2-2: Doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế của Amazon: doanh thu liên tục tăng, nhưng lợi nhuận ròng sau thuế chưa bao giờ lãi Gần như toàn bộ lợi nhuận mà Amazon kiếm được đều dùng để ưu tiên đầu tư chiến lược nhằm nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng, ngoài ra Amazon cũng sử dụng phần lớn lợi nhuận để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Chẳng hạn, với chương trình hội viên Prime đóng phí thường niên để được miễn phí vận chuyển, Amazon tăng mức độ hài lòng của khách hàng bằng cách giao hàng ngay tức khắc, và để thực hiện được điều đó, Amazon đề cao chiến lược xây dựng các trung tâm chuyển phát ở khu vực gần địa điểm có nhiều khách hàng nhất, liên tục xây dựng các khu chuyên chở, phân phối và lưu giữ hàng hóa, ví dụ như trung tâm Fulfillment Center. Tại các trung tâm này, Amazon sử dụng công nghệ rô-bốt Kiva đã mua vào năm 2012, đưa rô-bốt tự điều khiển vào hoạt động; thực hiện giao hàng hiệu suất cao và giảm chi phí. Đây là hệ thống vận chuyển tự động xe đẩy hàng hóa đến vị trí có nhân viên. Theo Amazon, hiện tại, có khoảng 45.000 rô-bốt như vậy tại các kho phân phối hàng hóa ở trên 20 quốc gia. Sáng kiến độc-lạ là yếu tố cốt lõi của Amazon Thực ra, Amazon là công ty xuất sắc về cơ cấu dịch vụ bằng những ý tưởng độc đáo ngoài thực tế. Ví dụ, năm 2013, Amazon bắt đầu cung cấp dịch vụ MatchBook, bán sách điện tử cho khách hàng mua sách giấy trên Amazon với chi phí tối đa chỉ 2,99 đô- la trong nội địa Mỹ. Amazon quay ngược thời gian về năm 1995 – thời điểm sách bắt đầu được bán trên Internet, những cuốn sách gợi ý khách hàng mua lúc này bao gồm cả những cuốn đã từng được khách hàng mua trong quá khứ. Cũng trong năm 2013, Amazon tung ra dịch vụ AutoRip giống dịch vụ nói trên, khiến người tiêu dùng kinh ngạc. Đây là phần mềm cung cấp file điện tử miễn phí cho khách hàng mua CD nhạc ở Amazon. Tương tự, Amazon cũng ngược dòng về năm 1998 – thời điểm bắt đầu cho phép download nhạc, cung cấp nhạc phiên bản điện tử dựa trên dữ liệu. Một nhà báo công nghệ nổi tiếng của Mỹ thời đó đã biết đến dịch vụ này, ngay lập tức ông đăng nhập vào dịch vụ âm nhạc đám mây của Amazon và vô cùng kinh ngạc khi thấy một lượng lớn file nhạc trong đĩa CD mà mình từng mua 14 năm trước. Mọi kỷ niệm ùa về trong ký ức. Dịch vụ mới thay đổi khái niệm trả hàng Vẫn còn ví dụ khác liên quan đến ý tưởng độc- lạ của Amazon. Tháng 6 năm 2017, Amazon bắt đầu cung cấp dịch vụ kinh doanh thời trang Prime Wardrobe với đối tượng khách hàng là hội viên Prime Mỹ. Các chuyên gia nhận định dịch vụ này đã thay đổi khái niệm trả hàng. Prime Wardrobe cho phép khách hàng đặt quần áo trên website Amazon, sau khi giao đến nhà, mặc thử, nếu thích thì mua, nếu không thích có thể hoàn trả miễn phí. Thời gian cho phép hoàn trả là trong vòng bảy ngày. Yếu tố khiến người tiêu dùng đặc biệt bị thu hút ở dịch vụ này chính là tại thời điểm hàng được giao đến, người tiêu dùng vẫn chưa hề mua. Nói tóm lại, Prime Wardrobe không phải dịch vụ có thể hoàn trả, mà là dịch vụ có thể mặc thử tại nhà. Amazon không thu tiền trong vòng bảy ngày kể từ khi giao hàng. Nếu khách hàng không thích sản phẩm, chỉ cần gửi trả trong thời hạn quy định. Giống với công đoạn mặc thử ở cửa hàng thời trang, nếu không thích thì bạn có thể không mua. Amazon Nhật Bản cũng có dịch vụ hoàn trả sản phẩm thời trang trong vòng tối đa 30 ngày mà không mất phí gửi hoàn. Dịch vụ này cho phép người tiêu dùng mặc thử tại nhà, tuy nhiên về mặt thủ tục lại hơi rắc rối: sau khi thanh toán sẽ đăng ký hoàn trả riêng, in giấy tờ được yêu cầu bằng máy in tại nhà, gửi cùng hàng hóa, cuối cùng mới nhận tiền hoàn trả. Không thể phủ nhận, cách làm này rườm rà, phức tạp hơn nhiều so với Prime Wardrobe. Với Prime Wardrobe, trên hộp đựng hàng có kèm sẵn băng dính dán thùng hay thư gửi hàng, khách hàng cho sản phẩm hoàn trả vào trong hộp, dán phiếu gửi hàng, tiếp theo nhờ cậy dịch vụ tập trung hàng hóa – thủ tục rất đơn giản. Vì phí vận chuyển do Amazon chi trả nên khách hàng không phải thanh toán bất cứ một đồng nào. Có thể nói, Amazon là công ty thực sự hào phóng. Đây là chiến lược cốt lõi, hoặc cũng có thể nói là khung xương cốt lõi của công ty. Ngay cả trong lĩnh vực thời trang vốn được coi là khó lòng phát triển trên mạng, nhưng bằng sáng kiến độc-lạ của mình, Amazon đã chiến đấu với đối thủ sừng sỏ là các cửa hàng thực tế, tiêu biểu là Walmart Stores. Dịch vụ bán sách điện tử giá rẻ và cung cấp miễn phí nhạc điện tử mà tôi đề cập ở trên cũng là chiến lược nhằm đối đầu với các đối thủ nguy hiểm như Apple hay Google. Đây chỉ đơn thuần là một vài ví dụ về chiến lược của Amazon, tuy nhiên khi nhắc đến ông lớn này, có một từ khóa quan trọng nằm ở đây, đó là: “không theo đuổi lợi nhuận trước mắt”, thay vào đó là tinh thần chấp nhận lợi nhuận thấp, không tiếc vốn đầu tư, tinh thần độc-lạ không ngừng sáng tạo nên những dịch vụ mới, táo bạo phủ lấp mọi thường thức tính đến hiện tại. TRIỂN KHAI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC VỚI SỰ GÓP SỨC CỦA NHÀ THẦU BÊN NGOÀI Đối với sự nghiệp kinh doanh của Amazon, yếu tố không thể thiếu là nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng với các chủng loại sản phẩm phong phú. Để nâng cao mức độ hài lòng hơn nữa, Amazon triển khai hình thức Marketplace (mô hình thương mại điện tử C2C), nhắm đến mục tiêu mở rộng quy mô sản phẩm và dịch vụ. Gần đây, số lượt sử dụng dịch vụ lưu kho và chuyển phát hỗ trợ người bán bởi Amazon có tên Fulfillment by Amazon (FBA) tăng vọt. Số lần chuyển phát hàng hóa sử dụng FBA trên toàn thế giới trong năm 2016 đạt trên 2 tỷ lần, mở rộng quy mô gấp hơn hai lần so với năm trước. Số người bán Marketplace sử dụng FBA tăng khoảng 70% trong một năm. Hơn nữa, số lần chuyển phát hàng hóa ngoài nước Mỹ tăng khoảng 80%. Theo Amazon thì hiện tại, số lượng đơn vị bán lẻ sử dụng FBA đạt trên 2,7 triệu công ty, phủ khắp 130 quốc gia. Những sản phẩm này được bán cho khách hàng của 185 quốc gia trên toàn thế giới. Nguồn thu phí hoa hồng bằng Marketplace Tầm quan trọng của Marketplace với sự nghiệp thương mại điện tử của Amazon ngày càng tăng cao. Cấu trúc tầm quan trọng như sau: Đơn vị bán lẻ bên ngoài đăng ký với Amazon, nhập sản phẩm vào kho của Amazon, sau đó có thể bán cho các hội viên Prime của Amazon. Khi có đơn hàng, Amazon sẽ đóng gói, giao hàng, hỗ trợ khách hàng thay cho đơn vị bán lẻ. Lúc này, khách hàng có thể sử dụng đặc quyền của Prime như giao hàng gấp hay dịch vụ chuyển phát miễn phí, thủ tục trả lại cũng dễ dàng. Biểu đồ 2-3: Tổng chi của hội viên Prime và hội viên thường ở Mỹ của Amazon (Nguồn: Morgan Stanley Research) Ngoài ra, các đơn vị bán lẻ bên ngoài này cũng nhắm đến hội viên Prime – những người có nhu cầu mua hàng nhiều hơn hội viên bình thường, nhờ vậy sản phẩm của họ được bán ra dễ dàng hơn (Biểu đồ 2-3). Mặt khác, Amazon sẽ thu về phí lưu kho, phí nhận chuyển phát hộ, đảm bảo nguồn thu khác với những sản phẩm do Amazon thu mua và kinh doanh. Theo Amazon, chi phí lưu kho sẽ thay đổi tùy theo kích thước hàng hóa và số ngày lưu kho, còn phí chuyển phát hộ sẽ căn cứ theo quy trình giao hàng và trọng lượng giao. Theo truyền thông quốc tế, chi phí hoa hồng mà Amazon nhận về bằng khoảng 10-15% mức giá bán ra của sản phẩm. Đây là tỉ lệ lợi nhuận cao hơn khi Amazon tự mua và bán ra sản phẩm. Amazon có thể giảm chi phí nhiều hơn, tăng số lượng hàng hóa, chắc chắn hoạt động hỗ trợ đơn vị bán lẻ bên ngoài sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho Amazon. Mở rộng phạm vi hoạt động của đơn vị bán lẻ ngoài FBA Amazon tiếp tục nhắm đến mục tiêu thu hút khách hàng bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của đơn vị bán lẻ bên ngoài chứ không bó hẹp ở FBA. Chẳng hạn, Amazon Handmade cung cấp các sản phẩm thủ công triển khai tại Mỹ năm 2015, nhưng hiện đã mở rộng sang cả Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Với dịch vụ này, các nghệ nhân trên toàn thế giới có thể cung cấp hơn 500.000 sản phẩm ở mọi lĩnh vực như trang sức, trang trí nội thất, văn phòng phẩm, trang trí tiệc tùng, hàng gia dụng, vật dụng trong nhà, tranh, in ấn... Amazon Home Services phục vụ cho hộ gia đình với các dịch vụ như lắp đặt thiết bị điện kích thước lớn, lắp ráp đồ gia dụng, dọn dẹp nhà cửa, trùng tu nhà ở, lắp đặt đường ống nước với sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên nghiệp. Vì vậy, đây là hình thức Marketplace gắn kết đơn vị bán với khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thông qua Internet. Theo Amazon, số lần cung cấp dịch vụ cho khách hàng bằng Marketplace của Amazon Home Services năm 2016 tăng hơn ba lần. Tương tự các ví dụ nêu trên, dịch vụ này bắt đầu xuất hiện ở Mỹ năm 2015, hiện tại đã mở rộng ra hơn 50 khu đô thị trên toàn nước Mỹ. Ngoài ra, Amazon đang trên đà mở rộng quy mô đơn vị bán lẻ bằng cách cung cấp một số dịch vụ như giao đồ ăn của nhà hàng, bán sản phẩm của đơn vị mới thành lập hay các nhà phát minh mới xuất hiện trên thị trường. Marketplace nội dung số Năm 2017, Amazon cung cấp tính năng Marketplace giúp các đơn vị bên ngoài kinh doanh nội dung số định kỳ trên trang thương mại điện tử của Amazon. Tên của nó là Subscribe with Amazon. Amazon sở hữu các dịch vụ như Subscribe & Save, giảm giá khi khách hàng mua sản phẩm đặc biệt theo định kỳ (dịch vụ đặc biệt thường xuyên); dịch vụ chiếu phim, nghe nhạc dành cho hội viên Prime; Kindle Unlimited đọc sách điện tử không giới hạn. Tuy nhiên, Amazon tiếp tục mở rộng sản phẩm đăng ký bằng Marketplace mới này. Bằng cách này, những đơn vị bên ngoài có thể kinh doanh các nội dung số như streaming, tin tức, tạp chí, học thuật, phong cách sống dưới hình thức dịch vụ trực tuyến thông qua phần mềm, file điện tử hay website. Một số dịch vụ đơn cử như phòng học giảm cân trực tuyến, hỗ trợ lên thực đơn, chiếu phim ảnh hay chương trình thể thao, lưu trữ đám mây... Với đơn đặt hàng định kỳ của khách trong năm thứ nhất, đơn vị bên ngoài nhận được 70% doanh thu, từ năm thứ hai là 85%. Nói tóm lại, Amazon có thể thu về phí hoa hồng tối đa là 30%. Dù thế, với các đơn vị bên ngoài, họ vẫn sở hữu lợi ích tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ. Có thể kết luận rằng: với các đơn vị bán lẻ, Amazon có sức hấp dẫn tuyệt vời khi sở hữu thông tin thẻ tín dụng mới nhất của khách hàng. Điểm phiền phức của Marketplace là khi thẻ tín dụng của khách hàng gần hết hạn. Khi thẻ đã hết kỳ hạn sử dụng, khách hàng không cập nhật thông tin thanh toán trên website của đơn vị bán lẻ. Vì khách hàng không thể nhớ hết các trang web mình đã đăng ký, hoặc thấy phiền khi phải cập nhập thông tin thẻ ở từng website bán hàng, nên dù không cố ý, họ vẫn bị hủy dịch vụ mua định kỳ. Tuy nhiên với Amazon, khách hàng lại cẩn thận cập nhật các thông tin thanh toán. Điểm mạnh của trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới được thể hiện ở điểm này. TRỢ LÝ NHẬN DIỆN GIỌNG NÓI ECHO VÀ ALEXA TRỞ THÀNH CƠN SỐT Amazon liên tục gặp vận xui khi lấn sân sang các sản phẩm điện tử phần cứng. Tháng 10 năm 2009, sau thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, Amazon công bố thiết bị đọc sách điện tử Kindle phiên bản quốc tế cho hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tháng 4 năm 2010, Apple tấn công thị trường bằng thiết bị tablet iPad đời đầu, đồng thời bắt đầu bán sách điện tử, như một điều không ngờ đến, Amazon hoàn toàn bị nhấn chìm trong sự đen đủi. Năm 2014, Amazon tung ra điện thoại thông minh thương hiệu Amazon có tên Fire Phone, tuy nhiên tình hình doanh thu không khởi sắc. Năm 2015, Amazon ngừng bán toàn bộ sản phẩm tồn kho, hoàn toàn rút lui khỏi mảng điện thoại thông minh. Fire Tablet được tung ra để cạnh tranh với iPad cũng rơi vào tình trạng khốn đốn khi lượng bán ra không khả quan trong thị trường máy tính bảng vốn rất chật hẹp. 15.000 loại hình dịch vụ Amazon – ông lớn trước kia vật lộn khổ sở trong chiến trường thiết bị điện tử hiện đang dẫn dắt thị trường bằng một sản phẩm. Vì tình hình doanh thu liên tục thuận lợi nên các đối thủ như Google, Microsoft, Apple không thể làm ngơ, bắt đầu đuổi theo Amazon trong lĩnh vực này. Đó chính là thiết bị trợ lý nhận diện giọng nói (trợ lý ảo) dạng loa cầm tay mang tên Echo (Hình 2-4). Hình 2-4: Thiết bị trợ lý nhận diện giọng nói dạng loa cầm tay (Echo) và dòng sản phẩm kích thước nhỏ (Echo Dot) Amazon tung ra sản phẩm này vào tháng 4 năm 2014. Trước tiên, họ bán cho một bộ phận hội viên Prime của Mỹ. Năm 2015, họ bắt đầu bán cho hội viên bình thường ở Mỹ. Sau đó, nó nhận được sự quan tâm nhiệt liệt khắp nước Mỹ, ước tính có trên 10 triệu máy bán ra tính đến cuối năm 2016. Đây là thiết bị sử dụng Alexa – dịch vụ trợ lý nền tảng dữ liệu đám mây tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), có thể thực hiện nhiều thao tác bằng âm thanh giống như trợ lý AI Siri mà Apple trang bị cho iPhone, chẳng hạn như phát nhạc, nghe tin tức hay dự báo thời tiết, đọc thành tiếng sách điện tử, mua sắm trên Amazon... Vô số loại hình dịch vụ của các công ty bên ngoài khác được cài đặt trong Alexa. Ví dụ, bạn có thể bật điện trong phòng, xác nhận số dư ngân hàng, gọi pizza đến tận nhà, nhờ gọi xe… Tháng 5 năm 2017, IKEA – tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới của Thụy Điển công bố đèn LED thương hiệu IKEA được tích hợp trợ lý ảo Alexa của Amazon. Nhờ thế, người dùng có thể bật-tắt đèn, điều chỉnh độ sáng, nhiệt độ màu bằng âm thanh. Biểu đồ 2-5: Các loại hình dịch vụ và chức năng trợ lý ảo Alex cung cấp đạt 15.000 loại """