"
Những Dấu Vết Còn Lại - Pavel Vezhinov & Dương Linh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Thiếu Nhi]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Dấu Vết Còn Lại - Pavel Vezhinov & Dương Linh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Thiếu Nhi]
Ebooks
Nhóm Zalo
Những Dấu Vết Còn Lại
Nguyên tác
Следите остават
Tác giả
Pavel Vezhinov
(9.11.1914 – 2.12.1983)
DƯƠNG LINH
dịch
Dịch theo bản Pháp văn của Nhà xuất bản Ngoại văn Sofia (Bulgaria) năm 1964.
NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG
HÀ NỘI – 1985
Chụp sách, Pdf, OCR, Và soát lỗi Dr. No
Soát lỗi và đóng eBook
amylee
Cộng đồng tve-4u.org
Cùng đọc, cùng chia sẻ
CHIẾC CHÌA KHÓA TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG
Những lúc xẩm tối, mặt trời đã lặn từ lâu mà bóng đêm chỉ mới bắt đầu, thật là tuyệt. Chơi bấy giờ thì đã muộn, nhưng lúc đó là lúc chuyện gẫu, kể cho nhau nghe biết bao điều bù khú, thú vị, làm cho thời gian trôi nhanh đến nỗi không ai kịp thấy.
Xẩm tối hôm đó, các cậu bé tụ tập trong sân sau ngôi nhà cao tầng màu vàng. Chúng thích nhất là chỗ có đống sắt vụn bị bỏ đấy sau khi chữa xong hệ thống hơi đốt. Chúng ngồi vắt vẻo trên các ống sắt, rì rầm nói chuyện. Những ngôi nhà cao vây quanh mảnh sân như một ống phễu sâu thẳm. Bầu trời tháng sáu tối dần; màu xanh hoàng hôn lượn lờ trên các mái nhà. Đó đây, những khung cửa sổ lớn sáng lên một thứ ánh sáng nhạt. Cảnh vật yên tĩnh, chỉ vẳng nghe nhè nhẹ tiếng bát đĩa lanh canh, hoặc tiếng nhạc phát ra từ máy thu thanh. Trên những rèm cửa trắng, những bóng người vận động như trên màn ảnh. Thỉnh thoảng vọng lại tiếng người nói, cùng với mùi bếp núc thơm phức. Tất cả tạo nên một không khí hết sức quen thuộc đối với bọn trẻ.
Các cậu bé xấp xỉ tuổi nhau – từ mười hai đến mười ba tuổi – dáng dấp cũng giống nhau. Tuy nhiên, so với cả bọn thì Peso nổi bật lên vừa vì
đôi giày basketball xanh, vừa vì dáng người cao dỏng. Cậu ta thon mảnh nhất mà lại có vẻ khỏe nhất; đôi mắt đen lóng lánh. Nói cho đúng ra, dù không diện đôi giày mà cả bọn đều thèm muốn kia, trông cậu ta vẫn có vẻ vận động viên.
Một cậu nói có vẻ bực tức:
– Xin lỗi cậu! Biết chưa, máy bay phản lực là loại bay nhanh nhất thế giới!
Vesselin công nhận:
– Tất nhiên là nhanh rồi! Nhưng tớ muốn sáng chế loại bay nhanh hơn nữa kia!
Cả bọn mỉm cười thích thú, có phần nào đồng tình. Vesselin là nhà sáng chế nổi tiếng nhất trường. Cậu ta chả đã sáng chế một con quay quay được cả trên đầu hai trục đó sao?
Vesselin vừa nhận xét hiệu quả những lời tuyên bố của mình, vừa trầm ngâm suy nghĩ. Đó là một cậu bé nhỏ người, vai rộng, khuôn mặt bầu dục hiền hậu, đầu tròn, tóc cắt ngắn, đôi mắt xanh trông nhanh nhẹn và thông minh. Cậu nói tiếp:
– Các cậu hãy tưởng tượng, một máy bay bay nhanh ngang ánh sáng! Được không?
Bọn trẻ cười rộ. Chàng Bebo béo, tóc quăn, nói:
– Hơi nói róc tí đấy. Máy bay ấy thì kiếm đâu được sân bay cho nó? – Nó sẽ cất cánh theo đường thẳng đứng!
– Đồng ý, nhưng khi hạ cánh thì thế nào?
Charlie phá lên cười:
– Bằng cách bổ nhào! Chỉ nháy mắt, nó sẽ chui tọt vào tận trung tâm quả đất!
Tiếng cười lay động cả khoảng sân yên tĩnh. Vesselin nhận thấy mình đã đi hơi xa, lúng túng nhíu chiếc mũi tẹt:
– Các cậu chẳng hiểu gì cả! Mọi thứ sẽ được tính toán trước: nó sẽ cất cánh từ từ như một máy bay thường rồi dần dần tăng tốc độ. Khi hạ cánh, nó sẽ giảm tốc độ!
– Thế thì được! – Peso nói.
Vesselin lại tiếp:
– Tớ cũng sáng chế những tia mới. – Cậu ta nhìn chằm chằm vào mặt các bạn. – chiếu những tia đó vào hầm, chạm phải ai thì người đó bốc cháy... như chuột!
Cả bọn lặng im để suy nghĩ về sáng chế mới này. Peso hỏi: – Cậu gọi những tia đó là gì?
– Cosines gamma...
Lũ trẻ nhìn Vesselin kính phục. Thằng quỷ này đặt tên những sáng chế khá đấy! Tuy nhiên, chúng vẫn chưa tin lắm, Bebo thở dài nói:
– Tớ không thích cái sáng chế này. Ai lại đốt cháy mọi người như chuột! Không hay lắm…
Vesselin cũng nhận thấy như thế:
– Ờ, ờ... đùa chơi tí thôi... Tớ còn những tia khác nữa... Chiếu vào nơi nào, chạm phải ai là người đó ngủ liền! Có thể ngủ một lèo hai mươi tiếng không dậy.
Bọn trẻ thở ra, khoan khoái. Vesselin như được cổ vũ thêm, nói tiếp: – Thú chứ? Ngủ rồi, ta có thể chất họ lên cam nhông như chất bị...
Đột nhiên, có một vật gì rơi đánh keng xuống nền gạch ngoài sân. Các cậu bé mở to mắt nhìn quanh. Charlie hỏi: “Cái gì thế nhỉ?”, rồi cả bọn đi tìm nguyên nhân của tiếng động nọ. Vesselin trông thấy “nó” trước tiên: một chiếc chìa khóa cửa. Peso nhặt lên. Ai từ trên cửa sổ đánh rơi chìa khóa xuống chứ gì? Cậu bước mấy bước ra giữa sân, ngước mắt nhìn kỹ các tầng gác. Đây đó có nhiều cửa sổ mở sáng trưng, nhưng tịnh không một bóng người. Peso gọi to:
– Ê, ai đấy?
Các tầng gác vẫn im lìm. Peso nhún vai, gọi to một lần nữa, nhưng vẫn không có ai trả lời.
Kỳ thật! Ai đánh rơi chìa khóa mà cũng chẳng thèm lên tiếng nữa… Vesselin phát biểu:
– Có lẽ không phải của khu nhà mình...
– Thế thì của ai?
– Của một khu nhà bên cạnh...
– Bậy! – Peso lắc đầu, dứt khoát. – Nếu rơi từ khu nhà bên cạnh, thì nó rơi ở sân bên kia chứ sao lại ở đây...
– Có thể người nào ném nó đi...
– Ai lại điên mà ném chìa khóa qua cửa sổ!
Peso nói có lý. Cái sân nhỏ nơi chúng đang ngồi thuộc về ngôi nhà trông ra phố; sân này cách các sân nhà khác bằng những hàng rào cao. Ba ngôi nhà cao tầng đứng thành hình chữ U, hai ngôi nhà hai bên cách khá xa nhau; chiếc chìa khóa không thể từ hai ngôi nhà đó rơi xuống được.
– Thế thì tại sao lại không ai ra nhận? – Vesselin hỏi.
Nó hỏi thế, nhưng không ai trả lời. Bọn trẻ lại mải nói chuyện, quên ngay cái việc vặt đó. Ừ, có khi đó chỉ là một chiếc chìa khóa vô dụng, chủ nó vứt đi chứ sao.
Chẳng mấy chốc, đêm đã xuống thực sự, bầu trời mất hết mọi màu sắc. Đâu đây trên các tầng gác cao, có tiếng đàn dương cầm; ở một phía khác, có tiếng trẻ khóc thét. Các cậu bé sắp sửa chia tay ai về nhà nấy thì một bóng người phục phịch mặc quần áo trắng xuất hiện từ trong bóng tối.
– Thế nào, các cậu chơi đây à? – Người đó hỏi, dáng điềm đạm.
Bọn trẻ ngạc nhiên nhìn người lạ. Ông ta thấp người, hơi béo. Mái tóc thưa cắt ngắn. Đôi môi dày phớt một nụ cười thân mật, nhưng bọn trẻ lại thấy nụ cười đó không thực tí nào.
– Vâng, chúng cháu đang chơi. – Peso thận trọng đáp.
– Lâu chưa? – Người đó lại hỏi, giọng mềm mỏng.
Lần này thì bọn trẻ không ưa câu hỏi đó lắm. Chúng đưa mắt nhìn nhau, rồi Peso đáp dấm dẳn:
– Cũng chưa lâu lắm...
– Được, được! – Người lạ gật gật. – Được gần một giờ chưa?
– Khoảng thế! – Peso miễn cưỡng nói.
– Tốt lắm! Các cậu có bắt được một chiếc chìa khóa đâu đây?
Những đứa trẻ nhìn nhau: ra ông ta định hỏi chuyện đó! Tất cả gần như đồng thanh trả lời:
– Có bắt được ạ! Rơi từ trên gác xuống.
Rõ ràng Peso nhận thấy một niềm khoan khoái lóe lên trên mặt người lạ. Ông ta phấn khởi hẳn lên:
– Tốt quá. Nó đâu rồi?
Peso lục túi quần:
– Đây.
Tìm một vật gì trong túi quần một cậu bé không phải chuyện dễ. Trong lúc Peso mải lục túi bên phải, người lạ lau mồ hôi trán:
– Bác có một đứa bé gái nghịch tinh như các cậu vậy, ờ mà có lẽ chưa bằng... Nó vứt chìa khóa qua cửa sổ. May mà mẹ nó trông thấy, nếu không thì mất toi, vì chả còn chiếc nào nữa. Những chiếc khác, cũng đánh mất hết...
– Bác ở nhà nào? – Peso hỏi.
– Nhà kia... ờ, mà dễ cậu lại đánh mất chiếc chìa khóa rồi sao?
– Mất thế nào được, từ nãy cháu đã đi đâu đâu! – Peso vừa nói vừa luống cuống dốc hết cả túi ra, mới tìm thấy cái chìa khóa lẫn trong một đống những bi, dây nhợ, mẩu phấn và cả chiếc gọt bút chì.
– Đây rồi! Cháu nhớ lắm mà, rõ ràng bỏ vào túi này mà lị!
Peso có cảm giác người nọ giật lấy chiếc chìa khóa bằng một cử chỉ vội vã, khó chịu, trái ngược hẳn với giọng nói hiền hòa và nụ cười xởi lởi. Ông ta quay ngoắt đi không nói thêm một lời nào và rảo bước về phía cửa sau ngôi nhà. Vesselin lẩm bẩm sau lưng:
– Người đâu mà lạ! Không thèm cả cảm ơn.
– Người lớn như thế cả! – Bebo chua chát nói. – Cần đến mình thì họ tử tế, sau đó thì...
– Họ thế cả! – Vesselin cũng gật đầu, đồng tình.
Riêng Peso không nói gì, vẻ giận dỗi và buồn bực.
VỀ NHÀ
Lát sau bọn con trai đã ra ngoài phố. Trời ở đây sáng hơn, đèn điện tỏa ánh sáng chan hòa. Ở chỗ ô-tô đỗ, mọi người đang xếp hàng chờ xe. Có người cố đọc báo, có người lơ đãng nhìn ra xa, sốt ruột trông chờ ngôi sao đỏ của xe ô-tô điện đi tới. Trên vỉa hè đông nghịt những người. Bọn con gái chơi lò cò, vừa nhảy, vừa la ầm ĩ. Các cậu bé liếc nhìn bằng con mắt khinh khỉnh và đi thẳng. Bỗng có tiếng con gái gọi:
– Peska-a... Poska! Peska... Poska*.
Peso bực bội thọc mạnh tay vào túi, không quay lại. Bị bọn con gái trêu sau lưng thì ngượng quá. Giọng con gái lúc nãy tiếp tục hát lên một câu vè châm chọc:
– Peska, Poska, mẹ là gà mái, bố là gà trống, nó là quả trứng! Tên gọi Peso một cách thân mật, hoặc chế giễu.
Thế này thì quá lắm, Peso quay ngoắt lại – và cả bọn cũng làm theo – nhìn chằm chặp vào lũ con gái bây giờ đã ngừng chơi, đang đứng khúc khích cười, giương mắt nhìn Peso.
– Đứa nào kêu như thế? – Peso hầm hầm hỏi.
Im lặng. Bọn con gái thôi không cười nữa.
– Ta hỏi: đứa nào kêu, hả đồ thò lò mũi?
Giọng Peso đầy sát khí, khiến một đứa con gái trả lời ngay: – Nhìn kia kìa! – Và cô bé đưa tay chỉ về phía ngôi nhà.
Peso nhìn lên, thấy Julia đang đứng tựa vào một khung cửa sổ tầng dưới. Cô bé ở trong nhà, cách xa bọn con trai, cảm thấy được an toàn, nên đứng nhìn chúng bằng con mắt đầy thách thức. Cô mặc chiếc váy lụa xanh, tóc dài xõa thành món trên vai. Người khá thon và xinh, nhưng bọn con trai lại nhìn Julia một cách ác cảm. Peso tiến mấy bước về phía cửa sổ, nhìn thẳng cô ta. Mặc dầu đã cố tự kiềm chế, Peso nghiêm giọng hỏi:
– Sao đằng ấy lại hét lên như thế?
– Thích thì hét.
Peso lúng túng vì câu trả lời khiêu khích. Cậu ta tức uất:
– Đồ... đồ... con khỉ!
– Anh là con khỉ thì có!
Peso lùi lại một bước. Đối đáp tay đôi thế này thì chả thèm. Cậu dọa: – Tao mà tóm được ở ngoài này, thì sẽ cho biết tay!
– Thật ư? Còn anh, ba tôi mà tóm được, có biết ba tôi làm gì không? – Làm gì? – Cậu bé hỏi nửa tò mò, nửa khinh mạn.
– Sẽ đét cho anh một trận quắn đít!
– Còn lâu nhé!
– Thì anh cũng còn lâu mới bắt được tôi!
Peso ngạc nhiên nhìn bộ mặt gay gắt của cô gái:
– Ô hay! Đằng ấy muốn gì tớ? Tớ làm gì đằng ấy?
– Làm gì thì biết đấy!
– Ai làm gì?
– Thế một lần ai gọi tôi là “con nhà tư sản”?
Peso suy nghĩ một lát. Quả có một hôm mình gọi nó thế thật. – Gọi thế, vì đúng là như thế. Hiểu chưa?
Đôi mắt xinh đẹp của cô bé trợn to lên vì tức giận, rồi bỗng dưng tràn đầy nước mắt. Cô tức uất người vì lời lên án của bạn lần này lại được nhắc lại một cách nghiêm chỉnh. Cô lùi lại, mếu máo khóc:
– Tôi sẽ mách cô giáo cho biết tay!
Peso không tha:
– Cứ mách! Nhưng này, hãy chờ hết hè đã nhé!
– Ờ, ác vừa vừa chứ!
Peso định nói lại, nhưng có bóng người thấp thoáng trong phòng cô bé nên cậu bỏ đi.
Nói cho đúng ra, Peso cũng thấy trong lòng buồn bực. Cậu ta hối hận khi thấy Julia khóc sướt mướt. Cậu thong thả bước lên cầu thang. Tới gác ba, cậu lơ đãng móc túi, lấy chìa khóa tra vào ổ khóa. Ô hay, sao chìa khóa không vặn được? Cậu quay một lần nữa thật mạnh, vẫn không được.
Lại đến cái nước này nữa! Hay nhầm tầng gác? Không phải – rõ ràng chiếc biển đồng đề tên “Kiril Andreev” đóng trên cửa. Peso rút chìa khóa ra, xem kỹ lại. Thoạt nhìn cũng thấy rõ đây không phải chìa khóa của nhà.
Chìa này rất giống chìa nhà mình, nhưng răng khác, hèn nào không mở được cửa. Nó ở đâu ra nhỉ?
Một ý nghĩ lóe lên khiến Peso nhận ra và đưa tay gãi sau gáy. Không nghi ngờ gì nữa: lúc ở ngoài sân, cậu đã đưa nhầm chìa khóa của mình cho người lạ!
Peso đành bấm chuông để mẹ ra mở cửa. Mẹ Peso người nhỏ nhắn nhưng rất cương nghị. Bà hơi ngạc nhiên, âu yếm nhìn con, vui vẻ nói:
– Con về sớm thế kia à? Chìa khóa đâu, đánh mất rồi ư?
– Không ạ! – Peso trả lời ngay. – Bố đã về chưa, hả mẹ?
– Về lâu rồi!...
Peso vào bếp rửa tay chân. Người lớn kể cũng lạ. Không ai bắt bố phải về đúng giờ, nhưng bao giờ bố cũng về đúng giờ. Bố mẹ đã ăn cơm chiều xong, bây giờ Peso ăn một mình. Có tiếng bấm chuông ngoài cửa, Peso nghe có tiếng đàn ông nói ở phòng ngoài, song không chú ý lắm. Mười lăm phút sau, Peso ra đã thấy bố đang ngồi đọc báo. Không thấy bố nhìn ngó gì đến mình, cậu hiểu ngay là có chuyện.
Bố Peso công tác ở Bộ, năm nay xấp xỉ bốn mươi nhưng tóc đã hoa râm và mặt lúc nào cũng có vẻ hơi mệt mỏi. Peso biết đó là do ngày trước bố đã bị tù bốn năm vì tham gia công tác cách mạng. Peso giống bố ở dáng người cao và ở tính tình kiên quyết.
Một lát, bố mới đặt báo xuống, nhìn Peso bằng con mắt không vui, và nghiêm giọng:
– Con ngồi xuống!
Peso làm theo lời bố. Óc cậu suy nghĩ rất nhanh: mình đã phạm lỗi gì nhỉ? Hết sức nhớ lại, cậu thấy mình không làm điều gì xấu, tuyệt nhiên không. Ờ, hôm trước đi bể bơi đáng lẽ chỉ được bơi một giờ, cậu đã la cà mãi gần hai tiếng, nhưng bố biết chuyện ấy sao được. Còn gì nữa? À, hôm nay ở sân bóng, cậu vướng vào dây thép gai làm rách mất chiếc áo. Nhưng chuyện này không có nghĩa gì, vì bố không bao giờ để ý những việc vặt ấy.
– Ông bố Julia vừa đến gặp bố xong. – Bố Peso nghiêm nghị nói. Peso thở dài nhẹ nhõm. Thì ra chuyện ấy!
– Bác ấy phàn nàn về con đấy! Con gọi Julia là “con nhà tư sản”, có phải không?
– Phải ạ. – Peso vừa đáp vừa ngạc nhiên. – Chả nhẽ điều đó lại không phải sao?
Đôi mắt nghiêm nghị của bố như ánh lên một tia vui. Ông khẽ chau mày:
– Ai cho con cái quyền được gọi người ta là thế này thế khác? Nào, con nói bố nghe, tại sao Julia lại là “tư sản”?
– Tại thế...
– “Thế” là thế nào?
– Bao giờ nó cũng diện áo này áo nọ, thắt nơ này nơ nọ, không giống mọi người. Hơi một tị thì dỗi... Mới nói với nó vài lời nó đã sụt sịt khóc.
– Bố biết vài lời đó là lời gì rồi...
– Nào con có nói gì ác đâu... Lúc nào nó cũng luẩn quẩn bên bọn con, đòi cho chơi cùng... Nó muốn đóng vai y tá. Hôm đó bọn con chơi trò tải
thương. Con bảo nó: “Được, thế thì lên máy bay…”
– Máy bay nào?
– Là cái sọt rác ấy mà! Con bảo: “Lên mau, không có thương binh mất nhiều máu rồi.” Nó không nghe vì sợ bẩn áo. Cái thứ con nhà tư sản, còn tiếc cái áo trong khi chiến sĩ ta hy sinh xương máu, không ai thèm chơi với là phải!
Lần này thì ông bố phá lên cười:
– Con ạ, thì ra con không còn nhỏ lắm như bố tưởng. Chơi là chơi, còn con gái vẫn là con gái chứ! Con gái cũng có trí tưởng tượng mạnh, nhưng nó chín chắn chứ không ngốc nghếch như các con... Sao con lại cứ cố tình gây sự với con bé ấy? Bố biết, con tự hào về con, nhưng Julia cũng tự hào về nó, và đến lúc bằng tuổi con, chắc chắn nó sẽ thông minh hơn con...
– Ai bảo bố thế? – Bị chạm tự ái, Peso chỉ thốt lên như vậy, không nói được gì hơn.
Bố gật gật đầu:
– Đúng, bố bảo thế. Nếu con thông minh, con đã không gây sự với Julia chỉ vì nó không chịu để bẩn áo vì những trò chơi tưởng tượng của con... Nếu con lịch sự, sao con không lấy áo khoác lót cho nó ngồi khỏi bẩn...
– Con không cần lịch sự với con gái! – Peso nguây nguẩy.
– Đấy, đấy, mới bảo con phải lịch sự, con đã giãy nảy lên rồi! Thế mà gọi là thông minh! Lúc bằng tuổi con, bố rất lịch sự và bây giờ bố vẫn như thế!
Peso há hốc mồm, không nói được lời nào. Ngày xưa bố cũng lịch sự với con gái thì thật là lạ! Chỉ có bọn công tử nhà giàu mới như vậy chứ! Đàn ông chân chính không bao giờ thế. Đàn ông chân chính không thèm nói chuyện với bọn con gái vớ vẩn nữa kia!
Bố mỉm cười:
– Con ngạc nhiên lắm à! Đúng thế... Julia bé hơn con, thì con phải chăm sóc nó như chăm sóc... một bông hoa. Ai gây sự với nó, con phải bênh vực nó. Nếu có vì thế mà bị đánh lại đi nữa, bố cũng hoan nghênh! Con là đàn ông, chứ không phải thằng xoàng, đúng không?
– Con không xoàng!
– Ấy thế mà bố thấy con xoàng đấy! Đáng lẽ phải bênh vực Julia, không để ai xúc phạm nó, thì con lại gây sự với nó, vô cớ kết tội nó... Chỉ vì nó ưa sạch sẽ, nó dễ xúc động, mà con gọi nó là tư sản à? Bố nó là nhà bác học Bulgaria rất đáng kính trọng, đã được Giải thưởng Dimitrov, con có biết không?
– Biết...
– Julia là đội viên thiếu niên tiền phong, con biết không?
Peso không trả lời. Bố nhắc lại:
– Biết không?
– Biết…
– Vậy thì tùy con đấy...
Ngừng một lát, bố nói tiếp, giọng không đùa:
– Mai con sang xin lỗi Julia, nghe chưa?
Mặt Peso đỏ chín như quả cà chua. Ôi, gì chứ không thể thế được! Tự hạ mình đến mức phải xin lỗi một đứa con gái! Thà chịu chặt đứt một cánh tay còn hơn là chịu cái nước ấy.
– Con không đâu! – Peso ấm tức nói.
Bố im lặng, ngẫm nghĩ:
– Thôi được, về buồng đi! Bố không bắt ép: dù sao đó cũng là việc của con... Nhưng chừng nào con chưa thay đổi ý kiến, thì từ rày đừng có đến nói gì với bố nữa...
Trước khi nhắm mắt ngủ, Peso bỗng thấy hiện lên hình ảnh một đứa con gái tóc vàng xõa thành món trên vai. “Con phải chăm sóc nó như chăm sóc một bông hoa”. Cậu mỉm cười, và thấy có một cái gì như niềm thương mến tràn ngập trong lòng.
NGƯỜI ÁO TRẮNG
Mãi trưa hôm sau, Peso mới sực nhớ đến chiếc chìa khóa. Cậu lục túi, rút ra một hòn bi, sờ thấy chiếc chìa khóa và bỗng nhiên nhớ lại tất cả. Tội nghiệp! Ông ta chả nói là chỉ còn mỗi một chiếc này? Lẽ ra mình đã phải tìm ông ta, sửa chữa sự nhầm lẫn! Giả sử cả gia đình ông ta đi ra phố, thì lúc về mở cửa làm sao được?
Nhưng không biết tên ông ta, thì làm thế nào tìm ra? Peso chợt nhớ lại con người mặc áo trắng với mọi chi tiết: bụng to, mặt tròn hơi bệu, da nhẵn nhụi không râu nhưng đã hằn nhiều vết nhăn. Cậu chau mày: cứ nhớ lại con người ấy là lại thấy có cảm giác khó chịu. Có phải tại dáng người, tại cái nhìn ve vuốt hay tại điệu bộ xởi lởi của ông ta? Càng nghĩ lại càng có ác cảm. Con người như thế chả đáng mất công đi tìm. Có tìm thấy, trả ông ta chìa khóa, chắc ông ta cũng tiếc một lời cảm ơn. Mặc, rồi ông ta phải đến tìm mình.
Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, Peso lại thấy một đội viên thiếu niên không nên hành động như vậy. Dù thế nào cũng phải tìm ông ta. Không biết tên ông ta, nhưng mình biết khu nhà ông ta ở. Mà Costa – con bác thường trực – thì lại thuộc mặt tất cả mọi người trong khu nhà đó. Vậy tìm ra ông ta không khó. Nghĩ vậy, Peso rảo bước đi ngay về phía ngôi nhà cao, đẹp. Ở
đó cậu có một người bạn rất thân là con bác thường trực. Giờ này, chắc Costa đang ngồi thường trực thay bố.
Nhưng Costa lại không có mặt ở đó, mặc dầu cửa phòng vẫn mở. Mùa đông, nó thường đi “kiểm tra áp lực” của hệ thống hơi đốt. Còn bây giờ nó ở đâu? Peso đi vòng ra sân sau, nhưng cậu đứng sững ngay lại, chực quay về, khi trông thấy tà áo diện của Julia.
Không chỉ có một mình Julia. Costa ngồi xổm trên một đống ngói, đôi chân khẳng khiu gập lên đến tận cằm, đang cầm dao gọt một miếng gỗ. Nét mặt cậu ta cau có, chắc là khó chịu vì sự có mặt của Julia, nhưng Julia thì lại phớt tỉnh. Cô bé đứng lò cò một chân, vừa đung đưa chân kia vừa nhìn chằm chằm vào mặt Costa. Hai đứa không hề để ý thấy Peso đang thập thò ngoài cửa. Julia bỗng hỏi:
– Hôm nay anh đi đâu đấy?
– Chẳng đi đâu, – Costa vẫn không nhìn lên, càu nhàu. – Bận việc cả ngày.
Một lát im lặng.
– Thế mà tôi cứ tưởng anh trèo lên gác xép...
– Gác nào? – Costa hỏi thản nhiên quá, hóa lộ.
– Gác xép trên nhà kia kìa...
– Có thể, – Costa đáp khó chịu, – nhưng ai bảo đằng ấy thế? – Ai bảo à? – Julia do dự. – Chẳng ai bảo. Tôi hỏi thế thôi... – Ai bảo? – Costa hỏi gặng.
Julia ngừng đung đưa chân, nói như thách thức:
– Nói anh biết nhé: Bebo bảo đấy! Các anh cứ tưởng quyết định giữ bí mật, là không có ai bảo cho tôi biết ư…
– Ra thế, ra thế! Từ nay càng không nói gì cho thằng ấy nữa! Julia trở lại làm lành:
– Các anh cho tôi đi với nhé?
– Đi đâu?
– Lên gác xép!
– Không được!
– Tại sao không được?
– Không được, là không được! Có thế thôi. Thứ thất là chúng tao không dính đến con gái. Thứ hai là... cho đi theo, đến lúc đánh bẩn áo, đằng ấy lại khóc nhè…
Julia vẫn nài, như đã thấy hé ra một tia hy vọng:
– Tôi sẽ mặc áo cũ.
– Không được! Với lại chúng tao chúa ghét những đứa không ai mời mà cứ chõ mũi vào việc của người khác!
Julia buồn đến não người. Thật vậy, còn gì thú bằng được lên lục lọi trên những gác xép cũ? Trên ấy tối đến phát sợ – nhưng cũng không sợ lắm, vì có cái thú bù lại... Trên ấy ngổn ngang những quần áo cũ, ghế gãy chân, bàn là mất tay cầm, chai rỗng, lồng chim gãy nát, xoong thủng và trăm thứ khác. Lục lọi nữa, biết đâu chẳng tìm thấy một con búp bê cụt đầu, một hộp thuốc màu, một bình pha-lê rạn, một tập tem cũ, hay lá cây
ép, bỏ quên đó từ bao nhiêu năm nay. Hụt một cuộc lục lọi như thế thật là tiếc!
– Anh Costa! – Julia như sắp khóc đến nơi. – Cho tôi đi với! Cho tôi đi, tôi sẽ cho anh cái này... hay lắm!
Costa ngẩng đầu lên:
– Cái gì?
Nhưng Julia nói mà chưa kịp nghĩ cụ thể:
– Tôi sẽ cho anh... cho anh... cái bản đồ châu Mỹ.
Costa chớp mắt: cái trò này hấp dẫn đây! Có một bản đồ châu Mỹ cũng tốt. Đang xem truyện của Mayne Reid* mà gặp một tên sông, tên sa mạc, tên hồ, tên thác... Nhưng Costa còn do dự:
Nhà văn Anh (1818 – 1883), chuyên viết truyện thiếu nhi – N.X.B. – Không, không được!
– Tôi đưa thêm cái bút máy của tôi để anh chữa!
Thế này thì quá mức rồi. Costa thấy chân tay ngứa ngáy. Lâu nay nó không được chữa cái bút máy nào, bây giờ bỗng có một cái đưa đến tận nơi. Nó sắp nhượng bộ, thì bắt gặp cái nhìn trách móc của Peso, nó đứng phắt dậy:
– Không được! Chào Peso!
Julia quay ngoắt lại như một con búp bê. Mặt cô bé sạm lại, đôi mắt mở to. Peso lẳng lặng nhìn Julia nói:
– Yên trí, không ai ăn thịt đằng ấy đâu!
Cô bé vẫn nhớn nhác nhìn Peso, chỉ chực chạy trốn. Peso tiến lại gần: – Đã bảo là mình không làm gì đằng ấy. Thôi xí xóa…
Im lặng. Peso cắn môi, mặt sầm xuống, ấp úng trong miệng: – Mình còn muốn nói điều này nữa... Mình xin lỗi…
Julia cảm động, cuống quýt nói:
– Ồ, có gì đâu, có gì mà phải xin lỗi...
– Không... Mình muốn nói rằng đằng ấy không phải là tư sản... Đằng ấy là đội viên thiếu niên, như thế có nghĩa là không phải tư sản... Đằng ấy có thể là ngốc, nhưng đấy lại là một chuyện khác.
Julia nghi hoặc nhìn Peso, lại gần và hỏi:
– Anh... bị bố mẹ đánh à?
Peso đỏ mặt. Ra con bé lại hiểu câu chuyện ra như thế.
– Sao lại đánh? Không bao giờ nhé.
Julia thật thà:
– Còn tôi thì thỉnh thoảng vẫn bị đánh...
– Đằng ấy khác. – Peso nói, rồi quay sang Costa. – Cậu đứng dậy, tớ muốn hỏi chuyện này.
– Cho tôi đi lên gác xép với nhé? – Julia lại nài.
Peso trừng mắt:
– Không được! Lại sắp lôi thôi đấy hả?
Hai cậu bé trở về phòng thường trực. Căn phòng hẹp nằm nép giữa cầu thang và thang máy, có một cửa kính nhỏ đầy bụi, nhìn sang phía sân sau. Tuy chật và tối, căn phòng ấy rất thân thiết đối với bọn trẻ. Từ khi ông Tseko – bố Costa – lên làm việc ở công đoàn những người thường trực, thì Costa làm nhiệm vụ thay cha. Và Peso vẫn thường thèm muốn địa vị của bạn, khi thấy Costa làm tròn nhiệm vụ gác cầu thang một cách khéo léo, trong khi bọn trẻ nô đùa vui vẻ ngoài phố. Mặt cậu ta lúc thì rạng rỡ hòa nhã, lúc lại nghiêm trang, cứng nhắc – tùy theo trường hợp khách đến hỏi cậu việc gì hay khách thản nhiên bước lên cầu thang chẳng thèm nhìn ngó gì đến cậu.
Đôi khi, nhất là buổi trưa, hàng giờ liền chẳng có ai lên cầu thang. Ngay những lúc ấy Peso vẫn có cái thú cùng Costa ngắm nhìn vô số tranh ảnh dán chi chít trên tường căn phòng hẹp. Có đủ thứ: đội bóng Udarnik, vận động viên Zatopek tại Thế vận hội, trận đọ găng giữa Pap với người Mỹ da đen Webb, rồi ảnh Đài thiên văn Moskva, núi lửa vùng Kamchatka, hồ Baikal, ảnh trận xe tăng phản công vào Stalingrad, ảnh anh hùng phi công Meresyev, và nhiều, nhiều thứ nữa mà bọn con trai đứa nào cũng thích.
Hai đứa đóng cửa, mặc Julia đứng ngoài. Sau khi nghe chuyện nhầm lẫn chìa khóa, Costa bắt chước bố đưa tay xóa cằm, bộ mặt ra chiều suy nghĩ. Cậu ta lấy làm lạ, hỏi:
– Ông ta trạc bao nhiêu tuổi?
Peso ngẫm nghĩ; nó rất khó đoán tuổi người lớn:
– Khoảng bốn mươi đến năm mươi, có khi hơn...
– Hơi béo, hả?
– Hơi béo... Ông ta mặc bộ quần áo trắng…
– Trong nhà này không có ai như thế! – Costa khẳng định. – Vô lý! Chính ông ta bảo ở nhà này mà lị!
Costa hơi chạm tự ái:
– Ai ở nhà này tớ lại không biết hay sao! À, mà ông ta bảo có một đứa con gái, phải không?
– Ừ...
– Được, trong nhà này có ba đứa con gái... nhưng bố của Pavlina còn trẻ... Bố của Zore thì đi vắng xa, chú ấy cũng trẻ và thường xuyên sang công tác ở Hungary. Còn lại bố Verka. Ông này nhiều tuổi, nhưng lại gầy khẳng gầy khiu...
– Thật không?
– Chắc chắn... Tớ thuộc những người trong nhà này như thuộc lòng bàn tay!
Peso biết Costa không có thói huênh hoang; cậu im lặng, lúng túng. Thật là một chuyện ly kỳ, bí ẩn! Vậy là người áo trắng nói dối. Tại sao nói dối? Chả nhẽ vô cớ nói dối, lại nói dối cả trẻ con!
Trong khi hai bạn mải suy nghĩ, chưa tìm ra manh mối, thì Vesselin bước vào. Cậu ta tò mò nghe kể lại câu chuyện ly kỳ, rồi cũng ngồi im có vẻ suy nghĩ. Chợt mặt cậu ta rạng rỡ, mắt long lanh – y như lúc cậu ta kể chuyện sáng chế phát minh. Vesselin nói:
– Thế này nhé. Dù sao thì chiếc chìa khóa cũng không thể từ trên trời rơi xuống... Lão ta không ở nhà này, thế tất phải ở một trong những nhà
bên – bên phải hoặc bên trái... Nếu không thì chìa khóa từ đâu rơi xuống? – Cái lạ là ở chỗ đó. – Peso nói. – Nhưng nhà bên cạnh ở hơi xa... – Cũng không xa lắm. – Costa nhận xét.
Ba đứa bước ra sân sau. Hai nhà bên cạnh cách xa chỗ chìa khóa rơi khoảng một chục thước. Vesselin gật gù:
– Như thế nghĩa là, muốn nó rơi từ những nhà kia tới đây, phải có người vứt nó...
– Mà vứt mạnh! – Costa nói. – Một đứa bé mà vứt xa đến thế thì hơi khó hiểu.
– Nó đang giận dỗi gì thì vứt được chứ sao! – Peso nói. – Chuyện như thế là thường…
Cả ba trở lại suy nghĩ. Costa phá tan im lặng:
– Các cậu có biết ta nên làm gì không? Đi gặp thường trực các nhà kia, hỏi họ xem có người nào như thế không?
– Hay lắm! Ta đi ngay!
Costa khóa phòng thường trực xong, cả ba đi ra. Vừa tới cổng, chúng đứng sững ngay lại.
Người áo trắng đang đi về phía chúng. Mặt hắn béo húp. Mắt đỏ lừ. Tay hắn xách một cái túi to tướng.
CÓ CHUYỆN ĐÁNG NGỜ
Ba cậu bé sửng sốt đến ngây người ra, không nói nên lời. Trong khi Costa và Vesselin ngạc nhiên ra mắt nhìn nhau, Peso trố mắt quan sát người áo trắng bí ẩn. Hắn liếc nhanh về phía Peso, và Peso hiểu rằng hắn đã nhận ra mình. Có một cái gì lạnh lùng và khó chịu trong đôi mắt xanh lè của hắn. Một lát sau, người lạ đã đi một quãng xa không quay mặt lại.
Costa tỉnh người ra trước tiên, vừa tiếp tục theo dõi đôi vai rộng của người áo trắng, vừa hỏi khẽ:
– Phải lão ta không?
– Phải! – Vesselin đáp.
– Chính lão. – Peso cũng khẽ đáp.
– Thế sao cậu không gặp lão ta đi?
Hai cậu kia cũng không biết giải thích tại sao. Sau những lời thì thào bàn bạc về lão ta, hai đứa cảm thấy ngượng ngập, như mình có lỗi. Vả lại, cuộc chạm trán bất ngờ quá, đến nỗi chúng cứ đứng ngẩn ra, không đi một bước, không cất một lời.
Peso suy nghĩ nói:
– Thật lạ, tại sao lão lại tảng lờ như không nhận ra chúng mình?
– Có lẽ lão không nhìn thấy chúng mình đâu! – Vesselin nói.
– Không, tớ cam đoan là lão đã trông thấy và nhận ra tớ. – Peso nói. – Nhưng lão làm bộ không nhận ra.
Costa chen vào:
– Nhưng nhất định lão phải biết là chúng mình giữ chìa khóa của lão chứ. Thế này thì lạ thật...
– Lạ nhất ở chỗ đây là lần đầu mình trông thấy lão ta trong phố mình...
– Không! – Costa nói. – Tớ đã trông thấy lão rồi. Lão ở nhà bên cạnh... Để tớ sang hỏi bác Lambi.
Lambi là bác thường trực gác ngôi nhà phía bên trái nhà Costa. Ba đứa thấy bác đang dọn dẹp cầu thang, vừa làm việc vừa lẩm bẩm điều gì. Mặt bác đã gầy lại lởm chởm những râu. Trông bác lúc nào cũng cau có, nhưng bọn trẻ không lấy thế làm điều, vì biết bác bị đau dạ dày nặng.
Costa nhẹ nhàng hỏi:
– Bác Lambi ơi, cái ông beo béo mặc quần áo trắng vừa qua đây lúc nãy là ai đấy, hả bác?
– Việc gì đến cháu? – bác Lambi càu nhàu.
– Là cháu hỏi thế...
– Thế thì đi chỗ khác mà hỏi!
Bọn trẻ nhìn nhau, thất vọng. Costa nghĩ một lát, rồi láu lỉnh:
– Có một cái thư đến chỗ cháu, nhưng nhầm địa chỉ... cháu đoán là thư gửi cho ông ta…
Bác Lambi bấy giờ mới nhìn vào ba đứa trẻ:
– Ông ấy là Asen Toromanov, mới đến ở được ít lâu…
Costa ranh mãnh hỏi tiếp:
– Nghe nói ông ấy là nhà báo!
– Nhà báo nào? Ông ấy mở cửa hiệu tạp hóa nhỏ...
– Khéo bác nhầm đấy... Có cửa hiệu, sao ông ấy không ở ngay cửa hiệu?
– Có đúng là cháu hỏi tên cái ông mặc áo trắng vừa đi qua? – Đúng...
– Đã có vợ ông ta trông nom cửa hiệu.
– Thế thì ai trông con?
– Con nào?
– Ông ấy có đứa con gái mà?
–Thôi, cút. – Lần này thì bác Lambi cáu tiết. – Con gái nào? Ông ấy làm gì có con!
Costa ngạc nhiên, nói lại:
– Bác nghe cháu, cháu hỏi thật đấy! Ông ta có một đứa con gái mà!
– Nếu mày thông tỏ hơn tao, thì cút! Hỏi làm gì nữa... – Bác Lambi càng bực, trở lại lau cầu thang.
Ba đứa trẻ nhìn nhau, yên lặng. Khó mà hỏi thêm được gì nữa, nhưng những điều ít ỏi mà bác thường trực đã nói ra cũng là tốt. Như vậy là cả về đứa con gái, người áo trắng cũng đánh lừa chúng. Lão ta không có con. Trừ phi bác Lambi nhầm? Ba đứa trẻ cứ đứng ngẩn ngơ bên bác thường trực kín tiếng, không biết nên làm gì bây giờ.
Peso nảy ra một ý:
– Ta đi soát danh sách! Nhà nào cũng có một danh sách nhân khẩu.
Danh sách đó được niêm yết ở cửa ngôi nhà, ngay trước cái tủ gỗ lớn đựng những đồng hồ đo điện của các phòng. Cho nên có thể nhanh chóng tìm thấy tên Asen Toromanov và biết mọi chi tiết liên quan đến ông ta.
Ông ta ở gác tư, căn phòng số 3. Năm mươi ba tuổi, làm nghề buôn bán, có vợ. Cạnh tên ông ta có tên vợ là Vazkresia Toromanova, bốn mươi ba tuổi, không nghề, làm nội trợ. Không còn tên nào khác nữa ở căn số 3 – không có trẻ con, cũng không người lớn.
Ba cậu bé lẳng lặng ra khỏi ngôi nhà, trở về phòng thường trực của Costa. Tuy không nói gì, chúng đều đang suy nghĩ để tìm manh mối câu chuyện bí ẩn này.
Cuối cùng, Costa nói:
– Tớ đã bảo các cậu mà, thấy chưa?
Hai đứa kia nhìn nó, bực mình. Nào nó đã bảo gì đâu nhỉ? Vesselin trịnh trọng tuyên bố:
– Có một cái gì đáng ngờ trong chuyện này.
– Cái gì? – Peso hỏi.
– Tớ chưa biết, nhưng lão này có một cái gì không được đàng hoàng. Trước hết lão nói dối về chuyện nhà ở, sau lại nói dối về đứa con gái. Rõ ràng là lão không có con gái. Sao lão lại đánh lừa chúng mình? Ắt phải có chuyện gì...
Ba đứa lại im lặng, choáng váng vì một loạt ý nghĩ rắc rối, kỳ quái. Lát sau, Peso nói:
– Hãy còn một điều bí ẩn nữa: ai đã vứt chìa khóa? Đã không có con gái, thì chỉ có thể là lão hoặc vợ lão. Nhưng tớ vẫn chưa hiểu tại sao lão vứt chìa khóa qua cửa sổ để rồi lại xuống đi tìm. Nếu lão cần chìa khóa thì đã
không vứt, nếu không cần thì đã không xuống tìm. Lão có phải trẻ con đâu mà không hiểu việc mình làm!
Kết luận cuối cùng này thật đơn giản, hiển nhiên, khiến cả ba nhìn nhau kinh ngạc trước sự khám phá ấy. Vesselin lại tuyên bố trịnh trọng:
– Thì tớ đã bảo có điều đáng ngờ trong chuyện này mà lại...
Cả ba đều nhất trí có điều đáng ngờ, nhưng là điều gì? Một điều nghiêm trọng, hay chỉ là một sự tình cờ? Làm sao khám phá cho ra?
Costa nghi hoặc:
– Biết đâu lại chỉ là chuyện vớ vẩn?
– Không, không! – Vesselin kiên quyết ngắt lời. – Theo tớ đây là một chuyện ám muội! Tại sao lão phải nói dối về chỗ ở? Chả nhẽ nói dối để chơi à? Chắc chắn lão không muốn chúng mình biết địa chỉ của lão. Hẳn là lão đang lo sợ việc gì.
– Lạ một điều là lúc nãy, sao lão không xin đổi lại chìa khóa? – Costa hỏi. – Thú thực, tớ thấy chuyện này rắc rối quá.
– Thì tớ đã bảo mà! – Vesselin nói, vẻ đắc chí.
Costa ranh mãnh:
– Để xem lát nữa lão làm thế nào mở cửa vào nhà được.
– Vợ lão có thể từ trong nhà mở cửa cho lão. – Peso nói.
Vesselin càng đắc chí:
– Nhưng vợ lão đang ở ngoài cửa hiệu kia mà!
– Ừ nhỉ! – Costa xác nhận. – Đến trưa rồi khắc biết.
Nhưng từ giờ đến trưa còn hai tiếng nữa. Ba đứa liền thẫn thờ ngoài vườn hoa trước mặt khu nhà ở. Thời gian trôi đi sao chậm quá, đến sốt ruột. Chuyện trò gì cũng chả thiết, vì tâm trí chúng đều bị ám ảnh bởi chiếc chìa khóa bí mật. Chốc chốc Costa lại chạy về phòng thường trực rồi trở ra ngay. Được một tiếng đồng hồ, thì bọn trẻ bắt đầu lo. Đã đến giờ ăn cơm và chúng nó sắp phải về, kẻo gia đình chờ đợi. Biết đâu mẹ chúng chẳng ra cửa sổ gọi chúng về. Cả ba nấp sau những bụi cây, không rời mắt khỏi quãng phố. Costa đề nghị:
– Các cậu nghe tớ! Về ăn cơm đi, tớ ở lại gác cho.
Peso và Vesselin kiên quyết không nghe. Mặc dầu thời gian chầm chậm trôi qua, hai đứa vẫn muốn ở lại; được đi thám thính thế này, chúng rất thích. Nhất là Vesselin càng háo hức tợn. Nhiều ý nghĩ kỳ quái đang lộn xộn trong đầu nó. Nó tưởng tượng ra đủ những tên gián điệp, biệt kích, cướp của, giết người, nhưng chưa dám nói ra với các bạn, sợ bạn chưa tin.
Và đây, người áo trắng đã xuất hiện ở đầu phố. Lão không đi một mình. Một mụ người gầy, tóc nhuộm màu râu ngô, ăn mặc khá bảnh, đi bên cạnh lão. Tuy đã nhiều tuổi, mụ vẫn đánh môi son đỏ chót. Giày và chiếc xắc nhỏ cầm tay cũng màu đỏ. Người áo trắng vẫn cầm cái túi to tướng; chiếc túi bây giờ đầy ắp, để thò ra mấy chiếc bánh mì.
Ba đứa trẻ đứng đực tại chỗ. Costa khẽ nói:
– Thế này nhé, tớ sẽ bám sát, cố gắng xem lão vào lối nào và mở cửa bằng cách nào. Các cậu cứ đứng đây!
Peso và Vesselin chưa kịp mở miệng, Costa đã ra khỏi chỗ nấp. Hai đứa trông theo Costa thong thả đi sang bên kia đường, vừa đi vừa làm bộ nhìn lên các tầng gác như muốn tìm ai. Một lát sau, vợ chồng Toromanov
đi vào cổng ngôi nhà và mất hút. Costa rảo bước bám theo. Phố trở lại vắng ngắt.
Năm phút trôi qua, năm phút mà hai cậu bé tưởng như năm thế kỷ.
Cuối cùng Costa từ trong nhà đi ra, bước nhanh về phía Peso và Vesselin. Trông vẻ mặt nó, hai cậu đoán là có việc gì quan trọng vừa xảy ra. Costa chui vào bụi cây, ngồi phệt xuống đất, mặt đỏ gay. Peso sốt ruột hỏi luôn:
– Có chuyện gì không?
– Có chứ! – Costa vừa đáp vừa kéo dài từng chữ một như để kích thích thêm sự tò mò của bạn. – Có chuyện rất lạ! Lão ta dừng lại trước cửa phòng, rút túi ra một cái chìa khóa, rồi mở cửa đàng hoàng!
– Thấy chưa! – Vesselin lại nói. – Tớ đã bảo rằng chiếc chìa khóa rơi không phải là chìa khóa của nhà lão!
– Lão ta có thể có hai chiếc! – Peso nói, nhưng cũng không tin lắm. – Nhưng lão chả bảo là lão không còn chiếc nào khác? – Vesselin nói. – Lão lại đánh lừa chúng mình!
Costa đột nhiên xen vào:
– Tớ nghĩ ra rồi. Một trong hai chìa khóa ở trong tay chúng mình, phải không? Đợi lúc nào họ đi vắng, chiều nay, chúng mình, sẽ ướm xem cái chìa khóa chúng mình giữ có mở được cửa phòng lão không.
– Hay lắm! – Vesselin reo lên, phấn khởi.
– Khá đấy. – Peso nói theo.
Quyết định được việc ấy, bọn trẻ bình tĩnh lại, Peso và Vesselin về nhà ăn cơm, Costa ở lại canh gác. Phải rình để biết chắc lúc vợ chồng Toromanov lại ra đi. Điều đó rất cần để ba bạn trẻ tiến hành kế hoạch hành động.
TIẾNG ĐỘNG SAU CỬA SỔ
Vào khoảng bốn giờ chiều, vợ chồng Toromanov lại lững thững đi ra phố. Lần này lão Toromanov không xách túi. Bộ mặt bè bè của lão có vẻ gan lì, hờ hững với mọi vật xung quanh. Hai vợ chồng vừa rẽ sang phố khác, ba cậu bé đã ra khỏi chỗ nấp và đi về phía ngôi nhà. Đến cổng, Peso dừng lại, ra lệnh:
– Vesselin, cậu đứng ở đây!
Vesselin ngạc nhiên:
– Sao lại đứng đây?
– Vì cần có người cảnh giới, nhỡ có chuyện gì. Vợ chồng lão ấy có thể quay lại.
Thật là hợp lý, nhưng Vesselin vùng vằng:
– Nhưng sao người ở lại lại là tớ? Costa không được à?
– Không cậu ở lại! – Peso hất đầu ra hiệu. – Costa đã biết cửa phòng của lão.
– Cửa phòng nào chả có biển đề?
– Có thể thế, nhưng cậu cứ ở lại để bảo vệ chúng tớ.
– Thế sao cậu không ở lại?
Peso ngạc nhiên nhìn bạn. Ừ, nó chưa nghĩ tới điều đó. Costa từ nãy vẫn nghe hai đứa giằng co, bây giờ mới đưa tay gãi mũi, khó xử. Nó ngập ngừng nói:
– Ở đây, Peso là chỉ huy, phải không nào? Cậu ấy chả chỉ huy liên đội là gì?
– Ừ, nhưng đây có phải là chơi tàu bay đâu. Đây khác...
– Khác cái gì! nhưng thôi, nếu cậu không thích, tớ ở lại vậy.
– Thôi được, không khiến! – Vesselin vừa lẩm bẩm vừa quay đi, mặt nặng trịch.
Peso và Costa vào ngôi nhà, trong lòng hơi không vui vì chuyện rắc rối vừa rồi. Cầu thang yên tĩnh và mát rượi, ánh nắng chói chang mùa hè không vào được tới đây. Lên tới mỗi tầng, hai cậu lại dừng lại, nghi ngại nhìn vào những cánh cửa đóng kín, tưởng chừng như qua những lỗ khóa kia, có muôn nghìn cặp mắt đang dõi theo hành động của mình. Tới tầng tư, nhìn tấm biển đề trước cửa phòng, hai cậu bỗng thấy ngực đập mạnh. Chưa bao giờ chúng lại làm cái việc nguy hiểm và bất hợp pháp này: mở trộm cửa vào nhà người khác. Peso đút tay vào túi: bàn tay nó đẫm mồ hôi và nóng đến nỗi chạm vào chiếc chìa khóa mà tưởng chạm vào miếng nước đá. Nó thì thầm:
– Nhỡ trong nhà có người thì sao?
Costa cũng ngập ngừng, khẽ nói:
– Mình cũng vừa nghĩ thế!
– Có thể là có một ông khách từ trong nhà mở cửa cho Toromanov...
Costa cắn môi, suy nghĩ. Có thể lắm! Nhà Costa thỉnh thoảng cũng có bà lên chơi, bà ở hàng tháng mà chẳng cần ghi vào danh sách nhân khẩu.
– Thế thôi, quay ra chứ? – Costa nói hơi ngượng.
– Không! – giọng Peso kiên quyết. – Không đời nào!
Costa ngạc nhiên thấy bạn quyết định nhanh chóng. Nó không thể hiểu Peso vừa nghĩ tới Vesselin đang chờ ở dưới: Bây giờ mà rút lui thì ăn nói ra sao với nó. Chỉ huy gì mà mới hơi nguy hiểm đã rụt lại!
– Cậu gác cầu thang nhé! – Peso nói xong, mạnh dạn tiến tới cửa phòng.
Lúc đút chìa khóa vào ổ, Peso lại thấy trống ngực đánh thình thình. Nó tưởng tượng cánh cửa sẽ đột ngột mở toang, một người hung tợn xuất hiện và sẽ túm tai nó lôi vào. Tuy nhiên, dù đang xúc động mạnh, nó cũng nhận thấy chiếc chìa khóa đã khó khăn mới chui vào ổ. Bây giờ chỉ còn quay một vòng nữa là xong. Một – hai!
– Không được! – Peso quay mặt đầm đìa mồ hôi về phía Costa, thì thào.
– Thử lần nữa xem sao!
Peso thử lần nữa, nhưng chiếc chìa khóa vẫn không chuyển. Rõ ràng là không đúng chìa.
– Chịu!
– Thôi, rút! – Costa vừa nói vừa nghiêng người qua tay vịn, nhòm xuống dưới cầu thang.
Peso định rút chìa khóa ra, nhưng rút không được. Hoảng quá, nó kéo thật mạnh. Cũng không kết quả. Nó cảm thấy một dòng mồ hôi lạnh toát chạy dọc sống lưng. Nó nói:
– Không được!
– Hiểu rồi. Thôi rút!
– Nhưng không rút được chìa khóa! – Peso giải thích.
Costa lại nhòm xuống dưới cầu thang. Hình như vừa có ai sập cửa thang máy.
– Lại gác thay cho tớ!
Costa tiến về phía cửa, nắm lấy chìa khóa và bằng một cử chỉ nhẹ nhàng, rút ra như không. Lúc xuống cầu thang, cả hai đứa như cất được một gánh nặng lớn. Vesselin đợi chúng ở ngoài phố, mặt thuỗn ra vì sốt ruột. Nó hấp tấp hỏi ngay:
– Thế nào?
– Chìa khóa không vừa! Không phải chìa khóa cửa nhà lão!
Ra tới ngoài phố, cả ba đều mải suy nghĩ riêng, không nói gì. Sau những phút hồi hộp ở trong cầu thang mờ tối và mát lạnh, đường phố đối với chúng vừa sáng lung linh vừa nắng ấm.
– Về nhà tớ! – Costa đề nghị.
Cả ba đi về phòng thường trực của Costa, khóa cửa và cẩn thận lấy thêm tờ báo bịt chiếc cửa sổ con trông ra cầu thang. Thật kín đáo, chúng mới bình tĩnh suy nghĩ về những việc vừa xảy ra.
Vesselin nói:
– Tớ không mê chuyện này chút nào! Nhất định có điều gì ngang tắt!
Phải, bây giờ Peso cũng tin thế hơn ai hết. Đầu óc nó suy nghĩ căng, nhưng chưa tìm ra lời giải. Nó khẽ nói:
– Quan trọng nhất là chiếc chìa khóa!
– Tất nhiên rồi! – Vesselin hưởng ứng. – Dù sao chìa khóa đó cũng phải mở một cái cửa nào chứ. Các cậu đồng ý không?
– Đồng ý. – Costa đáp.
– Đến đây, câu chuyện hóa ly kỳ – Vesselin nói tiếp. – Tại sao lão ta lại có hai chìa khóa của hai nhà khác nhau?... Sao lão lại vứt một chiếc đi? Rồi sao lại đi tìm? Sao lão vẫn chưa biết rằng chúng mình nắm được một chiếc chìa khóa của lão? Sao lão chuyên môn nói dối chúng mình?
Đôi mắt Vesselin sáng lên vì bị kích động:
– Các cậu đã thấy câu chuyện ám muội chưa? Cam đoan một trăm phần trăm là một âm mưu gì đây… Lão này là một tên phát-xít đang tính chuyện nguy hiểm chống lại nhà nước!...
Những lời dự đoán phát ra một cách táo bạo khiến cả ba sởn gai ốc. Câu chuyện lúc đầu có vẻ ngồ ngộ, thích thú, giờ trở nên cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm. Costa nói:
– Nếu thế, phải báo công an ngay!
– Báo công an? – Peso thoáng rùng mình. – Ai lại làm thế?
– Sao lại không? Rất đơn giản: chúng mình đều là đội viên... chúng mình phải làm nhiệm vụ!
Peso đỏ mặt, ngắt lời:
– Khoan đã! Đã có gì đâu. Đã xảy ra chuyện gì đâu!
Costa chưa chịu:
– Thế theo cậu, chúng mình phải làm gì? Khoanh tay ngồi chờ à?
– Đi đâu mà vội! – Peso bực mình gắt. – Thế nhỡ tất cả vụ này chỉ là chuyện vớ vẩn? Bấy giờ để cho mọi người cười vào mũi chúng mình à?
– Không phải là chuyện vớ vẩn! – Costa nói.
– Có thể không phải là chuyện vớ vẩn, nhưng mọi người cứ cho là chuyện vớ vẩn thì sao? Một người có hai chìa khóa hai nhà khác nhau, thì có gì lạ! Người lớn sẽ không coi trọng ý kiến chúng mình đâu.
– Tớ không tin như vậy.
– Thật không? Tớ kể cậu nghe nhé. Năm ngoái, cả nhà mình đi nghỉ mát ở Sozopol. Nhưng chúng mình để lại trong nhà mấy con cá vàng, vậy làm thế nào? Mẹ mình liền đưa chìa khóa cho dì mình, để dì thỉnh thoảng đến thay nước cho cá, và cũng để ngó xem có chuyện gì suy suyển... Vậy là bấy giờ dì mình cũng có hai chìa khóa hai nhà đấy thôi!
Hai đứa kia ngồi im không biết nói gì. Mãi sau Vesselin mới hỏi: – Nhưng ai đã vứt chìa khóa, và tại sao lại vứt?
– Biết đâu! – Peso nhún vai. – Có thể là một đứa con gái... – Vợ chồng lão không có con gái! – Vesselin hấp tấp nói.
– Đồng ý, nhưng có thể là một đứa con gái nào đến chơi nhà lão rồi lại đi...
– Nhưng cậu có nhớ lão bảo là chính con gái lão.
– Lão bảo! Thì đã sao? – Peso nhún vai, vặn lại.
– Không thấy là lão toàn nói dối đó sao?
Vesselin lại im bặt. Ừ, có thể sự việc diễn ra như Peso nói, nhưng có một cái gì trong chuyện này làm nó tin rằng không phải hoàn toàn như thế. Nó thở dài, hỏi:
– Bây giờ, cậu bảo làm thế nào?
Peso suy nghĩ rồi nói:
– Tớ đề nghị chưa báo cáo gì với công an vội. Nghiên cứu kỹ chút nữa rồi sẽ hay. Trước hết, cần xem chìa khóa này mở được cửa nào. Biết được điều đó, sẽ ra khối việc. Cần phải biết đây chỉ là chuyện tình cờ, hay ngược lại, là một chuyện nghiêm trọng...
– Nhưng làm thế nào biết được mới khó! – Costa thở dài.
– Đơn giản thôi. Ta sẽ theo dõi lão. Lúc nào cũng bám sát lão. Cần biết lão đi đâu, gặp những ai, làm việc gì. Ta sẽ theo dấu vết lão như chiến sĩ trinh sát vậy... Nếu theo dõi tốt, thế nào cũng khám phá ra bí mật...
Costa đưa tay gãi gáy:
– Đâu có phải chuyện dễ!
– Chúng mình có làm được việc ấy không?
– Làm được! – Vesselin hớn hở đáp. – Sẽ hoàn thành nhiệm vụ một trăm phần trăm! À, thế mà thú đấy!
Costa lắc đầu đứng dậy:
– Tớ thì chưa chắc! Theo mình, báo công an vẫn hơn. Các chú công an rất thạo những chuyện này, các chú ấy biết làm gì... Còn chúng mình có thể làm hỏng việc, bấy giờ trách nhiệm ai chịu!
– Chúng mình sẽ chịu trách nhiệm. – Peso quả quyết. – Tớ đã bảo khi nào lần được ra một đầu mối chắc chắn, bấy giờ ta sẽ báo công an ngay.
– Thế thì được! – Costa nói, tuy hãy còn hơi do dự.
– Hoan hô! – Tiếng Vesselin reo lên phấn khởi.
Trong khoảnh khắc, ba cậu bé thấy thoải mái hẳn lên. Căn phòng thường trực nhỏ không có vẻ tối tăm nữa, mà trở nên địa điểm xinh đẹp nhất đời. Mắt cậu bé nào cũng long lanh khi nghĩ tới những chuyện ly kỳ và những điều khám phá sắp tới.
Vesselin bỗng nhớ ra:
– Ta tính thế nào với chiếc chìa khóa này bây giờ?
– Theo tớ. – Costa nói. – Tốt nhất là đem trả lão ta. Nếu mình giữ, lão ta có thể nghi ngờ... Đằng nào chúng mình cũng sẽ bám sát lão, tốt hơn hết là đừng để lão ngờ vực gì...
– Đúng, tớ cũng nghĩ thế. – Peso tán thành.
Vesselin reo lên:
– Tôi có ý kiến! Một ý kiến tuyệt diệu!
– Lúc nào thì cậu cũng ý kiến, ý kiến! – Peso có vẻ chế nhạo. Nhưng Vesselin vẫn điềm nhiên:
– Trả lão chìa khóa cũng được. Nhưng biết đâu chả có lúc ta cần đến nó. Vậy tớ đề nghị nhờ thợ khóa đánh cho một hoặc hai chiếc y như thế nữa.
Đến lượt Peso phải công nhận ý kiến đó quả là tuyệt diệu. Ba cậu quyết định thực hiện ngay, vì lão áo trắng có thể ngay buổi chiều đến đòi chìa khóa. Costa nói:
– Tớ biết một bác thợ khóa vẫn thường đánh chìa theo yêu cầu của người trong nhà... Bác ấy làm nhanh lắm, chỉ nửa giờ là xong.
– Vậy ta đi ngay! – Peso nói.
– Còn tiền? Có đứa nào còn tiền không? – Costa bao giờ cũng lo xa mọi việc, hỏi.
Peso và Vesselin chưa kịp trả lời, thì nghe thấy ở bên ngoài, ngay dưới chiếc cửa sổ nhỏ đầy bụi, có tiếng loảng xoảng ầm ĩ, như tiếng những thùng gỗ lăn lông lốc và đổ vỡ. Rồi có tiếng con gái kêu lên. Cả ba lập tức chạy xô qua cửa xép ra sân sau. Chúng đứng sững, trố mắt nhìn cảnh tượng kỳ lạ: ngay dưới chiếc cửa sổ nhỏ, Julia, nằm bẹp giữa một đống thùng gỗ vỡ và những sọt rác lật úp. Chiếc áo đẹp của cô bé vướng vào đinh rách xoạc; hai đầu gối rớm máu. Cô bé không cựa quậy, không khóc, chỉ nhìn trân trân vào lũ trẻ.
Bọn trẻ hiểu ngay: Julia nghe trộm qua miếng kính vỡ cửa sổ! Nó đã kê những thùng gỗ lên trên thùng rác, trèo lên cao để nghe qua cửa kính vỡ. Peso tức giận hỏi:
– Mày làm gì ở đây?
– Không! – Julia trả lời khẽ.
– Không cái gì? Mày nghe trộm!
Julia không nói gì. Peso tiến lên vài bước, giọng hăm dọa: – Mày đã nghe được gì chưa?
Cô bé hoảng hốt chớp chớp mắt:
– Có nghe.
– Nghe hết cả?
Nét mặt cả ba cậu bé đều lộ vẻ ngán ngẩm: thế là lộ hết, bao nhiêu kế hoạch tưởng tượng đều tan ra mây khói!
– Nghe hết. – Julia thú thật.
Peso muốn nhảy bổ vào đánh cho con bé một trận.
Táo gan thật! Dám nghe trộm qua cửa sổ và làm vỡ tan mọi kế hoạch. Nhưng dáng điệu yếu ớt, đôi mắt sợ hãi, và có lẽ cả những câu trả lời thành thật của cô bé đã làm cho Peso dịu lại. “Con phải lịch sự!” nó bỗng nhớ lại lời bố. Không nói gì thêm, nó lại gần và kéo Julia ra khỏi đống thùng vỡ, và nói:
– Thôi đừng sợ, không ai ăn thịt đằng ấy đâu!
Julia lo lắng nhìn đôi đầu gối sây sát, nhưng giọng nói điềm đạm của Peso làm cô bé hoàn hồn hơn.
– Trông đẹp chưa! Cho đáng kiếp! – Costa thích thú chế giễu. – Thôi, mặc nó! – Peso gạt đi và quay về phía cô bé. – Lại đây!
Chúng đẩy Julia vào phòng thường trực, nhưng ba đứa đứng lại ở bên ngoài. Chúng nhìn nhau chán ngán. Peso hỏi:
– Ta tính sao bây giờ? Julia biết hết dự định của chúng mình, thì rồi cả tỉnh đều biết...
– Phải dọa cho nó im mồm! – Vesselin kiên quyết.
– Bắt nó thề không được nói gì.
– Mình cũng nghĩ thế – Costa nói. – Cái con bé thật tệ.
– Lỗi tại chúng mình! – Peso nói. – Chửa chi đã hỏng việc! Lẽ ra ta phải cảnh giác hơn nữa. Bây giờ, thế là hết!
– Không! – Vesselin chen vào. – Phải làm cho nó sợ. Dọa rằng: Nếu mày nói, tao sẽ cắt lưỡi, thế là xong.
– Thôi đi. – Peso thở dài. – Hôm nay dọa nó, mai nó sẽ quên hết và lại nói bô bô!
– Thế thì biết làm thế nào? – Costa lẩm bẩm.
– Thôi, ta bắt nó hứa lời hứa danh dự đội viên vậy!
Ý kiến của Vesselin đáng được suy nghĩ. Vấn đề đặt ra đã khác, vì không đội viên nào được phép làm sai lời thề. Ba cậu bé yên tâm hơn, bước vào phòng thường trực. Julia đứng sát ngay sau cửa, nét mặt bối rối làm cho ba đứa yên trí là cô bé lại tìm cách nghe trộm lần nữa, Costa nói:
– Mày thật tồi! Chỗ nào cũng chõ mũi vào.
– Đằng ấy nghe hết những điều chúng tớ bàn rồi hả? – Peso hỏi. Julia nhún vai, bất bình:
– Bậy! Anh tưởng lúc nào tôi cũng nghe trộm hả?
– Vâng vâng, tôi biết có bao giờ cô thèm làm thế! – Vesselin nói mỉa.
– Không biết xấu hổ! Đội viên mà thế à?
Julia chau mày và ngồi xuống ghế. Peso hỏi:
– Lúc đứng ở cửa sổ, đằng ấy đã nghe những gì rồi?
– Đã nghe…
– Ai chả biết là đã nghe, nhưng nghe những gì?
Julia không đáp. Bỗng dưng cô quay về phía ba người và thầm thì một cách bí mật:
– Tôi muốn nhập bọn với các anh!
– Bọn nào? Chúng tớ có phải bọn cướp đâu!
– Biết, tôi biết, tôi hiểu. Tôi muốn cùng tìm chìa khóa với các anh! – Chìa khóa nào?
– Chìa khóa mở cửa buồng ấy!
– Buồng nào?
– Buồng nhà Toromanov!
– Thế mà bảo là đã hiểu. Chưa biết gì hết, nghe chưa? Nói lung tung. – Costa thốt lên.
– Mày mà tố cáo chúng tao, chúng tao sẽ ninh nhừ. – Vesselin dọa. – Cũng được, nhưng các anh cho tôi nhập bọn với nhé?
– Đã bảo mà, bọn nào? Chúng tao đâu phải bọn cướp. – Vesselin đáp lại. – Chúng tao là đội viên và hành động như những đội viên!
– Tôi cũng là đội viên!
– Đúng rồi, nhưng đằng ấy hay nói lung tung. – Peso nói xen vào, – Chuyện này không thể để trẻ con dính vào, nhất là con gái!
– Thế thì tôi sẽ báo công an! – Julia tuyên bố.
Ba cậu bé không chịu được nữa. Chúng muốn tóm lấy cô bé đánh một trận cho chừa. Nhưng Peso cố trấn tĩnh:
– Đằng ấy sẽ báo gì cho công an?
– Báo những gì các anh không chịu báo.
Vẻ mặt bướng bỉnh, đôi môi mím chặt của cô bé chứng tỏ cô nhất định thực hiện những lời đe dọa.
Tình hình thật khó xử. Ba cậu bé bất lực, đưa mắt nhìn nhau. Cuối cùng, Peso nói:
– Đằng ấy cứ ở đây. Chúng tớ sẽ về ngay.
Chúng kéo nhau ra ngoài cửa bàn bạc mất đến mười lăm phút. Khi chúng quay về, số phận Julia đã được quyết định sau bao nhiêu cân nhắc, dè dặt. Peso nói:
– Được! Chúng tớ nhận đằng ấy vào nhóm. Nhưng trước hết đằng ấy phải thề và hứa lời hứa danh dự đội viên!
Julia vui sướng reo lên:
– Tôi xin hứa! Tôi sẽ bị mù mắt nếu…
Bọn con trai ngắt luôn:
– Không phải thế! Phải thề nghiêm trang, đứng đắn kia!
Một lát sau, Julia đã chính thức gia nhập nhóm của mấy cậu bé.
JULIA ĐƯỢC GIAO CÔNG TÁC
Như bọn trẻ đã dự đoán, chỉ trong nửa tiếng, chiếc chìa khóa dự bị đã làm xong. Bác thợ khóa giao chìa cho ba đứa, cầm tiền đút vào ngăn kéo, không nói một lời.
Ra khỏi nhà bác thợ, ba cậu vội đem hai chìa khóa ra so và vui thích thấy chúng giống hệt nhau, mặc dầu chiếc thứ hai bằng đồng. Từ nay, căn phòng bí mật nào đó mà chỉ chìa khóa của Toromanov mới mở được, đã nằm gọn trong tay chúng, chỉ còn tìm xem nó ở đâu mà thôi.
Ngay tối hôm đó, Peso mang chìa khóa trả lão áo trắng. Peso vào nhà một mình; Costa và Vesselin đợi ngoài phố. Lần thứ hai trong cùng một ngày, Peso lại đứng trước cái cánh cửa màu nâu có biển đồng. Lúc bấm chuông nó vẫn thấy tim đập mạnh. Nó cảm thấy việc làm của chúng chưa đúng lắm. Tuy nhiên, nó phải cố giữ bình tĩnh trước mặt người áo trắng, coi như không có chuyện gì cả.
Peso nghe thấy tiếng chuông vang trong phòng ngoài, rồi rơi vào im lặng. Nó lắng nghe xem có tiếng chân người ở trong phòng hay không. Một, hai phút trôi qua. Không có tiếng mở cửa, cũng chẳng có tiếng chân người. Peso định bấm chuông lần nữa thì cảm thấy như có một con mắt vô hình đang theo dõi nó qua cái lỗ tròn ở cửa. Vài giây sau, cửa mở rất êm,
và mụ Toromanova khoác chiếc áo ngủ bằng nhung đỏ, xuất hiện. Dáng điệu mụ không niềm nở, giọng nói cũng thế:
– Cháu hỏi gì?
– Cháu hỏi ông Toromanov. – Peso lễ phép đáp.
– Hỏi có việc gì? – Mụ có vẻ ngạc nhiên.
Bấy giờ Peso mới để ý tay mụ cầm điếu thuốc lá. Cậu vẫn lễ phép:
– Việc cái chìa khóa ạ, – Peso nhận thấy ngay là mụ bị lúng túng vì câu trả lời bất ngờ. Mắt mụ khép lại, rồi mở thật to:
– Chìa khóa gì?
– Ông Toromanov đánh mất chiếc chìa khóa…
– Bậy! Ông ấy chẳng mất chìa khóa nào cả! – Mụ có vẻ sốt ruột. – Cháu muốn nói là ông ấy cầm nhầm chìa khóa của cháu... – Cháu đợi một lát. – Mụ đã bình tĩnh lại và đi vào trong nhà.
Sau đó, Toromanov đi ra với một nụ cười hiền lành, gần như nhún nhường. Lão nói rất dịu dàng:
– Cháu đấy à? Thế nào, có chuyện gì thế?
– Thưa ông, chắc ông còn nhớ hôm qua cháu đưa ông chiếc chìa khóa rơi...
– Ờ, ờ, nhớ!
– Nhưng cháu nhầm... Cháu đưa cho ông chìa khóa của cháu, còn chìa khóa của ông, cháu lại giữ.
– Thật à? – Toromanov thoáng rùng mình. – Lại có chuyện thế! Thế chìa khóa của bác đâu?
Peso rút chìa khóa trong túi, lễ phép đưa cho lão. Lần này cũng vậy, lão gần như giật lấy trong tay cậu bé.
– Tốt lắm! Cám ơn cháu! – Lão nói bằng một giọng vồn vã gần như thành thực.
– Thế ông trả cái của cháu chứ?
– Tất nhiên, trả ngay!
Mặc dầu người béo nặng, lão ta biến vào trong nhà một cách lanh lẹn lạ thường và sau đó trở ra, tay cầm chìa khóa và một gói nhỏ. Lão đưa cả cho Peso, nói vẻ tử tế:
– Kẹo đây, cho cháu đấy! Những em bé ngoan thì phải được thưởng! Peso ngượng nghịu cầm lấy kẹo, miệng lí nhí một câu cảm ơn.
– Nhưng sao cháu biết chỗ ở của bác? – Toromanov hỏi bằng một giọng cố làm ra tự nhiên.
– Cháu trông thấy ông đi vào nhà này...
– Thế mà hôm qua bác lại vô tình làm cháu có thể hiểu sai... Hôm qua bác sang chơi nhà bạn ở ngôi nhà bên kia, rồi đứa bé gái của ông bạn nghịch vứt chìa khóa của bác... Nhưng sao cháu biết tên bác?
– Cháu hỏi thăm những người ở đây, người ta bảo.
– Tốt, tốt... cháu thông minh lắm.
Câu chuyện đến đó là hết. Toromanov thân mật xoa má Peso, nháy mắt ra hiệu rồi đi vào. Peso bước xuống cầu thang, vẻ suy nghĩ.
Thái độ người áo trắng rất tự nhiên, những lời giải thích rất hợp lý, khiến Peso hết sức phân vân.
Hai đứa bạn chờ ở ngoài phố, đứa nào mắt cũng sáng lên vì tò mò, làm Peso càng rối trí. Đành phải nói với chúng tất cả sự thật. Nó kể không sót một chi tiết và chua chát kết luận:
– Tớ đã bảo là chưa nên báo cáo gì với công an cả, có đúng không? Họ sẽ cười cho thối mũi!
Costa và Vesselin lặng im có vẻ nản. Nhưng Vesselin cố gắng để giữ vững tinh thần các bạn:
– Dù sao, thì một điều đã rõ: chìa khóa ấy không phải là chìa khóa nhà lão!
– Thì đã sao?
– Sao à? Các cậu không cho thế là ám muội à? Lão ta không nói thật, mà lại nói dối đấy! Mỗi lời nói của lão là một lời dối trá, thế mà chưa chi cậu đã tin ngay!
Mắt của Peso và Costa sáng lên. Costa phấn khởi nói luôn:
– Tốt nhất ta lại kiểm tra xem lão có nói dối hay không. Lão nói là hôm đó lão sang chơi với bạn ở trong nhà này, rồi bị con của bạn vứt chìa khóa. Thế này nhé, hôm qua tớ đã nói là trong nhà này chỉ có ba đứa con gái nhỏ: Pavlina, Zore và Verka... Ta sẽ lần lượt hỏi chúng xem Toromanov có đến chơi nhà chúng không và có đứa nào vứt chìa khóa của lão qua cửa sổ không...
Ý kiến đó tỏ ra hợp lý. Nhưng Peso lại do dự:
– Cả ba đứa còn bé quá, hỏi chúng cách nào được? Chúng nó sẽ sợ và chỉ trố mắt nhìn thôi. Không ăn thua!
– Được chứ! – Vesselin nói ngay. – Có thể giao Julia làm việc này. Nó là con gái, nó sẽ có cách.
Hai đứa kia chưa tán thành ngay. Costa lắc đầu:
– Không nên để nó dính vào chuyện này, nó lại gây rắc rối!
– Nó đã nhập nhóm mình, lại đã hứa lời hứa danh dự cơ mà! – Vesselin vẫn giữ ý kiến: – Tại sao không yêu cầu nó giúp?
Peso bỗng như nhớ ra việc gì. Nó hỏi:
– À mà cái Verka là đứa nào? Có phải em út của Bebo không? – Đúng quá. – Costa gật đầu.
– Thế thì sao không hỏi Bebo?
– Không được. Bấy giờ Bebo cũng ở ngoài sân với chúng mình. Hỏi em nó vẫn hơn. Tớ đã bảo, cứ giao cho Julia!
Peso nhượng bộ và tán thành. Quyết định xong, chúng kéo nhau về phía nhà Julia. Chiếc cửa sổ tầng dưới vẫn mở như mọi khi, nhưng không thấy cô bé đâu. Ba đứa chờ một lát không thấy gì, liền khẽ huýt sáo gọi.
Đến tiếng huýt thứ hai, đã thấy cái đầu nho nhỏ tóc quăn thò ra cửa sổ. Trông thấy ba bạn trai, cô bé mừng ra mặt, cúi gập người ra khỏi cửa sổ đến mức có thể suýt ngã, Vesselin thì thào:
– Julia, đằng ấy xuống đây một tí được không?
– Xuống ngay à?
– Ngay!
– Ba tôi đang ở nhà. – Julia có vẻ e ngại, nhìn ba cậu bé.
– Thì đã làm sao. Xuống một tí thôi!
– Nhưng ba tôi mắng thì sao?
Costa nhún đôi vai gầy, dáng bộ coi thường, nói với hai bạn: – Đã bảo đừng dính líu với bọn con gái mà!
Câu đó đủ làm tiêu tan mọi nỗi do dự của Julia. Cô bé lườm Costa, liếc nhanh vào trong nhà rồi khẽ nói:
– Tôi xuống ngay! Chờ nhé!
Mấy phút sau, cô bé đã xuống, tự hào và sung sướng được nhập bọn, nhất là đã được các bạn trai cần gọi đến mình. Mắt cô long lanh trong bóng tối:
– Nào cần gì, nói đi!
Peso nghiêm giọng:
– Nghe đây! Đằng ấy sẽ được giao một công tác quan trọng. Dám nhận không?
– Nhận! – Julia hí hửng.
Cả ba cùng tranh nhau liền một lúc nói cho cô bé biết công tác phải làm.
JULIA LẦN RA MANH MỐI
Sáng sáng, cứ vào khoảng mười giờ, một bà già người Đức – mà lũ trẻ gọi là dì Clara – lại đến ngôi nhà của Costa, tay cầm một chiếc gậy nhỏ. Bà không lên gác, chỉ đứng dưới nhà bấm chuông, thế là trẻ con lốc nhốc kéo xuống nói cười ríu rít. Hằng ngày, với một món tiền thù lao nhỏ, bà lão dẫn các cháu bé ra công viên, vừa trông vừa bày trò chơi cho các cháu. Các cháu vừa trai vừa gái đều thuộc lứa tuổi mẫu giáo, nhưng sáng hôm đó, lần đầu tiên lại có Julia đi lẫn vào bọn trẻ.
Thật vậy, cô đã hứa hoàn thành công tác được giao, mặc dầu bây giờ việc này đối với cô không hấp dẫn lắm như lúc mới nhận nữa.
Các cháu bé vui vẻ đi ra công viên. Dì Clara chỉ huy đội quân tí nhau rất khéo. Trước khi sang đường, các cháu phải dừng lại, đợi bà nhìn trước nhìn sau, giơ gậy và ra lệnh:
– Tiến!
Bấy giờ các cháu mới ríu rít chen nhau qua đường.
Julia đi sau cùng, dáng điệu ngượng ngùng, lo lắng. Miễn là các bạn gái đừng trông thấy nó! Nếu không thì chúng sẽ nghĩ sao: Julia mà lại đi chơi bịt mắt bắt dê với lũ trẻ con à! Cô chỉ có một niềm an ủi: trong đám
trẻ có ba đứa mà cô đang cần gặp: Pavlina, Zore và Verka. Pavlina bé nhất, mắt đen, miệng nói bi bô suốt dọc đường. Lớn nhất là Verka, người gầy, vai nhô, mắt phải đeo kính, Zore có vẻ khổ sở nhất, mặc dầu nó chịu đựng nỗi khổ đó với một nụ cười hồn nhiên. Nó béo quá, đôi má phính căng như quả bóng sắp vỡ. Các bạn chế nó là “thùng tô-nô”, chạy lại véo đùi nó; nhưng Zore chỉ cười nhẫn nhục chịu đựng.
Bọn trẻ đã tới công viên. Ở đây yên tĩnh, vắng vẻ, cây cao tỏa bóng mát khắp nơi. Đây đó một vài anh chị sinh viên tay cầm sách, ngồi trên ghế đá, hoặc một bà mẹ trẻ khẽ ru con ngủ trong xe nôi. Ra tới sân chơi, các cháu tản ra chơi những trò chơi quen thuộc. Đứa đắp cát thành hầm, thành đập, đứa lấy xô con đi múc nước, đứa đứng ngây người ngắm nhìn vòi phun nước lên cao, ánh nắng chiếu vào tạo thành màu sắc cầu vồng rất đẹp. Julia vội dắt ba bé gái nọ ra một chỗ. Trước hết phải bày trò chơi để làm thân với chúng đã. Chơi trò gì? Ba em bé thích chơi trò “kính chào hoàng đế”.
Zore được đóng vai vua trước. Nó đứng oai vệ, mắt chớp chớp. Julia và hai em bé kia đến gần, cúi chào, Zore hỏi:
– Các ngươi ở nhà làm gì?
Cả ba đã bàn nhau trước, lẳng lặng đưa tay làm cử chỉ như đang bóp, nghiền một cái gì. Chúng làm những động tác ấy một cách rất nghiêm túc, tuồng như đang lao động thật sự.
Zore nghĩ một lúc, rồi hớn hở:
– Các ngươi nhào bột làm bánh?
– Không phải, không phải! – những đứa kia đắc thắng reo lên.
Zore lại suy nghĩ, khuôn mặt tròn xoe đỏ ửng lên:
– A biết rồi! Các ngươi đang bóp cổ con mèo!
Julia giật nảy mình:
– Cái gì? Em vừa nói cái gì?
– Các ngươi lấy tay bóp cổ con mèo! – Zore bình thản nhắc lại.
– Thật đáng xấu hổ! – Julia bất bình thật sự. – Kính thưa hoàng đế, làm sao những em bé kháu khỉnh này lại có thể nhẫn tâm bóp cổ... mèo? Em có ý nghĩ ấy thì thật là kỳ lạ!
Verka tò mò hỏi:
– Thế bạn đã bóp cổ mèo lần nào chưa?
– Rồi. – Zore xấu hổ thú thật.
– Còn con mèo?
– Nó cào vào tay em...
– Thật đáng đời! Nhưng thôi, kính thưa hoàng đế, chúng tôi không phải kẻ ác, chúng tôi không bóp cổ mèo! Chúng tôi làm việc khác kia!
Zore yêu cầu:
– Các ngươi làm lại lần nữa ta xem.
Những đứa trẻ làm lại những cử chỉ lúc nãy.
– Ta biết rồi! Các ngươi giặt quần áo!
Tất cả nhảy cẫng lên, reo ầm. Julia nói:
– Em đoán đúng. Bây giờ đến lượt ai làm vua?
– Em! – Pavlina tiến lên, nói.
– Verka làm trước, bạn làm sau!
– Không, em làm trước, Verka làm sau!
Julia mắng:
– Em hư lắm, không nghe lời mọi người!
– Không phải!
– Phải, em không nghe lời! Hôm nọ sao em lại vứt chìa khóa của ông khách? Người ta mách, chị biết hết!
Pavlina ấm ức:
– Em có vứt cái gì đâu? Sao chị lại bịa?
– Pavlina, em không được nói dối. Có khách đến chơi nhà, sao em lại lấy chìa khóa của khách ném qua cửa sổ!
– Không phải!
Julia tiếp tục hỏi, nhưng Pavlina nhất định không chịu nhận. Julia suy nghĩ một lát, rồi dỗ:
– Nghe đây, nếu em nói thật, chị sẽ cho em... kẹo!
Pavlina phát cáu lên:
– Em đã bảo là em không vứt chìa khóa!
– Chị cho em một... con búp bê vậy!
Em bé gái nhìn Julia một cách nghi ngờ:
– Búp bê bằng giẻ rách ấy à?
– Không, búp bê thật...
Pavlina nhíu cái mũi tẹt, thở dài một cái và nói:
– Vâng, chính em vứt chìa khóa của ông khách.
– Của ông khách nào?
– Ông khách... có chìa khóa.
– Ông ấy ăn mặc thế nào?
– Mặc quần áo...
– Quần áo sao?
– Quần áo đẹp! – Pavlina lúng túng. – Thế con búp bê có mắt không? Mắt bằng thủy tinh chứ?
– Bằng thủy tinh... Ông khách mặc quần áo trắng, phải không? – Đúng, quần áo trắng.
– Người béo thế này, phải không?
– Đúng, béo, béo lắm!
– Còn em vứt chìa khóa đi đâu?
– Vào thùng rác!
– Em lại nói dối rồi! Em vứt qua cửa sổ! Chị biết hết cả! Vứt qua cửa sổ xuống sân sau. Phải không?
– Phải. Thế bao giờ chị cho em búp bê?
Verka bất bình kêu lên:
– Bạn ấy nói dối! Bạn nói dối để lấy búp bê đấy!
– Đâu nào?
– Cửa sổ nhà bạn trông ra phố. Làm thế nào lại vứt chìa khóa xuống sân được?
Pavlina chớp chớp mắt:
– Thì em vứt ra phố...
Julia trừng mắt:
– Em nghe đây, nếu em nói thật, chị sẽ cho em búp bê. Chị nhớn rồi, chị không cần chơi nữa. Nếu em vứt chìa khóa thật, em sẽ được búp bê. Nếu không vứt, chị cũng vẫn cho em, nhưng cần nói thật!
Bây giờ Pavlina thật thà nói:
– Em không vứt đâu chị ạ!
– Em cũng không trông thấy chiếc chìa khóa ấy?
– Chả thấy bao giờ…
Julia thở dài:
– Còn Zore, hay là chính em vứt?
Zore trố mắt, nói the thé:
– Ai? Em ấy à?
– Ừ, em! Em hư lắm, nói thật đi!
Zore suy nghĩ rồi hỏi:
– Chị còn con búp bê nào nữa không?
Julia còn một con búp bê nữa thật, nhưng chịu mất cả hai thì tiếc quá. Cô liền dọa:
– Chị bắt em phải thề, nếu không nói thật thì liệu đấy!
Julia nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, rồi hất tay cho nước bọt bắn tung bốn phía.
– Nếu Zore nói dối thì mắt nó sẽ vỡ tung như đám nước bọt này! Ba em bé gái đứng nhìn với cặp mắt sợ hãi.
– Nào nói thật nhé! Em có vứt chìa khóa qua cửa sổ không? – Không! – Zore nói.
– Có một người nào béo béo, mặc áo trắng đến nhà em không? – Không!
Verka từ nãy vẫn im tiếng, bây giờ mới nói:
– Chị Julia! Em đã thấy một ông khách như thế đến nhà em. – Thật ư? Cách đây bao lâu?
– Độ... năm, sáu ngày.
Julia nhìn chằm chằm vào em bé:
– Cách đây hai ngày thôi chứ?
– Không, năm sáu ngày rồi! Ông ấy đến chơi với ba, ở lại một lát rồi đi.
– Thế em có vứt chìa khóa của ông ấy qua cửa sổ không? – Không. Em cũng chẳng ra chơi với ông ấy.
Julia hiểu là em bé gái dịu dàng, ngoan ngoãn này không bao giờ nghịch tinh như thế. Tuy nhiên cô hỏi em rất lâu. Ông khách do Verka tả đúng là người mà Peso và Vesselin đã nói tới. Giờ giấc cũng khớp. Ông ta đến nhà bố Verka vào buổi chiều. Chỉ có ngày là không đúng.
Hỏi xong, Julia lại tiếp tục chơi với các em, nhưng không hào hứng nữa. Cô chỉ mong chóng đến lúc về. Dù sao thì cô cũng hãnh diện đã làm tròn công tác đầu tiên được giao.
Mãi gần trưa, dì Clara mới dẫn các cháu trở về. Lần này thì Julia vượt lên trước lũ trẻ, và đúng như cô dự đoán, tìm ngay thấy nhóm của Peso trong đám bụi cây ngoài công viên. Thấy Julia, cả ba nhổm ngay lên, hau háu chờ đợi. Peso lập tức hỏi:
– Thế nào? Có biết được gì không?
– Biết chứ!
Julia cứ thủng thỉnh, chưa vội báo cáo. Lần đầu tiên cô thích thú thấy mình trở thành trung tâm chú ý của đám con trai đang cần đến sự giúp đỡ của mình, nên càng muốn kéo dài sự thích thú ấy. Cô chậm rãi ngồi xuống bãi cỏ, Vesselin không nén được sốt ruột:
– Thế nào, nói đi chứ!
Julia thong thả kể lại không sót một chi tiết những điều ba em bé cho biết. Nhìn nét mặt căng thẳng của các bạn trai, cô hiểu là các bạn rất chăm chú theo dõi và khâm phục cách làm khéo léo của mình.
– Được đấy! Đằng ấy làm thế là tốt. – Peso nói, giọng ra vẻ thản nhiên, nhưng Julia biết là cả nhóm đều hài lòng. Cô đắc chí:
– Ồ, cứ giao nhiều việc khác nữa, tôi cũng sẽ làm được!
Nhưng bọn con trai có vẻ không ưa những lời huênh hoang đó, làm Julia lúng túng, im bặt. Cô bé cảm thấy họ đã quên phắt mình và hình như không muốn nói gì trước mặt cô nữa. Cô rụt rè hỏi:
– Bây giờ ta phải làm gì?
– Xem đã! – Peso trả lời lảng tránh. – Còn nghĩ chứ!
Vesselin đắc chí nhìn mọi người:
– Tớ đã bảo là lão Toromanov toàn đánh lừa mà... Không có một lời nào của lão là đúng cả…
Peso lẩm bẩm như nói một mình:
– Không biết lão Toromanov đến nhà bố Verka làm gì nhỉ? Biết đâu cả hai đang cùng nhau âm mưu chuyện gì...
– Bậy nào! – Costa ngắt. – Bác Apostolov là đảng viên cộng sản lâu năm nhất của khu phố mình. Bác ấy lại là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc khu phố!
Peso bối rối ra mặt, cúi đầu chống chế:
– Thì mình cũng nói thế thôi... chưa kịp nghĩ…
– Ồ mà sao ta lại không hỏi thẳng Bebo nhỉ? Nó có thể biết nhiều hơn về Toromanov, biết vì lý do gì lão ta lại đến nhà bố nó. – Vesselin nói.
– Ý kiến đó đúng, nhưng có một điều bất tiện. Khó mà hỏi được Bebo nếu không nói rõ vì sao chúng ta lại quan tâm đến Toromanov. Bebo lớn hơn Verka nhiều, không dễ gì lấy búp bê mà nhử, hoặc dùng lời thề để bắt nó phải giữ bí mật.
– Hay là ta đề nghị nó gia nhập nhóm mình? – Costa nói – Như vậy nó sẽ giúp ta, và ta tha hồ hỏi.
– Đồng ý! – Vesselin nói.
– Tôi cũng đồng ý! – Julia nói chen vào.
Peso trừng mắt nhìn Julia như ý bảo: “Ai hỏi ý kiến mình mà cũng nói leo!” rồi trịnh trọng nói:
– Tớ không đồng ý! Việc này phải giữ rất kín, mà nhóm chúng mình đã bốn người rồi. Đông quá, thì kín sẽ hóa hở. Không đùa với những chuyện này được!
Cả bọn có vẻ suy nghĩ.
– Cậu quên chuyện “Đội thanh niên cận vệ” rồi à! Họ cũng đông, nhưng không một ai lộ bí mật.
– Đấy là chuyện khác. Đấy là ở Liên Xô.
Vấn đề Bebo không được giải quyết. Có một điều chúng đồng ý với nhau là phải bám thật riết người áo trắng. Nếu chịu khó theo sát lão, nếu rình lão liên tục, thì thế nào cũng có lúc lão sẽ sơ suất để lại một dấu vết gì đó – dù là nhỏ – để cho chúng lần theo mà lột mặt nạ lão.
JULIA MẤT TÍCH
Hết ngày thứ hai, Peso mới nhận thấy nhóm của cậu ít người quá, khó mà hoàn thành được một nhiệm vụ quan trọng như thế. Bản thân vấn đề cũng trở nên khó khăn, ly kỳ hơn nó tưởng.
Sáng hôm sau, người áo trắng không ra khỏi nhà. Peso và Vesselin đứng gác, vì Costa bận ngồi thường trực thay cha. Thời gian dài như một ngày đói bụng. Chúng có cảm tưởng như đã đứng suốt một ngày dán mắt vào cửa ngôi nhà.
Buổi chiều, đến lượt Costa và Julia. Khoảng bốn giờ chiều thì Toromanov ra khỏi nhà và đi về phía trung tâm thành phố. Costa và Julia theo sát ngay, nhưng cố giữ để khỏi bị lão để ý. Song, có lẽ chúng đã hành động quá hăng hái và lộ liễu thế nào, vì đến đầu phố Alabinska, Toromanov bỗng biến mất trong đám đông. Chúng lùng khắp các quầy hàng, cửa hiệu, vào cả các hiệu cắt tóc, hiệu bánh, cũng chẳng thấy, đành lủi thủi ra về. Buổi tối, lúc hội ý, Peso không nói gì nhưng nhìn chúng bằng con mắt coi thường.
Sáng hôm tiếp sau nữa, Toromanov lại ở lì trong nhà. Khoảng bốn giờ chiều, lão lại ra đi về phía phố Ignatiev, tay xách chiếc túi đi chợ. Lần này Costa và Julia quyết định giữ khoảng cách với lão gần hơn trước. Julia ít bị
nghi ngờ hơn, thì đi ngay đằng sau lão, còn Costa đi cách sau độ năm mươi mét, cố gắng để khỏi mất hút tà áo sặc sỡ của Julia.
Cuộc bám đuổi diễn ra không lâu. Toromanov rẽ vào một cửa hiệu. Julia dừng lại chờ để chỉ cho bạn lối lão vào. Đó là một cửa hiệu bán sách cũ. Costa bước vào luôn. Người áo trắng đang đứng trước một ngăn sách xem kỹ từng quyển. Costa mạnh dạn lại gần và cũng vờ xem sách, để không bỏ sót một cử chỉ hoặc một lời nào của lão.
Nhưng không xảy ra chuyện gì đặc biệt. Toromanov mua một chồng tiểu thuyết cũ, trả tiền, bỏ sách vào túi rồi thủng thỉnh theo đường cũ trở về nhà...
Đến tối, Costa kể lại tất cả cho nhóm. Ai nấy chăm chú nghe và suy nghĩ. Peso hỏi:
– Cậu có để ý lão ta mua những sách gì không?
– Toàn tiểu thuyết...
– Có nhớ được tên vài quyển không?
Costa ngớ người, đưa tay lên gãi đầu:
– Mình không nhìn hết. Có một quyển là truyện trinh thám. Hình như tên là “Xạ thủ xanh”.
Peso nói:
– Thấy lão mua nhiều sách thế mà cậu không nghi ngờ à? Thường người ta chỉ mua một hay hai quyển, đằng này lão mua một lúc bảy, tám quyển, mà hình như toàn truyện hồi trước...
Mọi người còn hỏi Costa nhiều điều nữa: cửa hiệu có đông khách không, Toromanov có chuyện trò gì với những người bán hàng không, lão có vẻ là khách quen không... Đến câu hỏi này thì Costa đáp ngay:
– Lão là khách quen. Chú bán sách rút một quyển ở trong quầy và nói: “Đồng chí Toromanov, tôi đã giữ quyển này dành riêng cho đồng chí”.
Mọi người im lặng. Nghĩ cho cùng, điều ấy cũng chả có gì đặc biệt.
Cuối cùng, đứa nào cũng đi đến một kết luận giống như điều Vesselin đang nghĩ. Nhóm của chúng nhỏ quá, không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ liên tục theo dõi Toromanov. Ai nấy ngạc nhiên khi thấy Peso đỏ mặt, lên tiếng đầu tiên:
– Tớ thấy có lẽ phải mở rộng nhóm. Nếu Toromanov trông thấy chúng mình luôn, lão sẽ ngờ. Mà chỉ cần ngờ một chút là hỏng bét. Vì vậy phải có nhiều người cùng theo dõi lão một lúc...
– Hoan hô, tớ đã bảo mà! – Vesselin thốt lên.
– Thế đồng ý kết nạp Bebo chứ? – Julia nhanh nhảu nói.
Peso lườm cô thật nhanh tỏ vẻ coi thường và khó chịu nhưng không nói gì.
– Thằng ấy sẽ không lộ chuyện đâu! Vả lại ta bắt nó lấy danh dự đội viên ra hứa.
– Được, thì nhận Bebo! – Peso nói… – Nhưng mình thấy thế vẫn còn ít.
Bàn bạc hồi lâu, chúng quyết định bước đầu sẽ “kết nạp” thêm sáu bạn trai nữa. Sáu đứa đều sàn sàn tuổi chúng, đều là bạn thân và tất nhiên,
đều là đội viên tích cực của Đội thiếu niên. Cũng quyết định là cả sáu đều phải tuyên thệ giữ bí mật với bất cứ ai, dù người thân đến đâu, mặc lòng. Ngoài ra, tất cả đều phải qua một cuộc kiểm tra về dũng cảm. Ý kiến này là do Peso đưa ra, và tất cả đều tán thành, tuy chưa đứa nào biết rõ nội dung kiểm tra ra sao. Lại bàn bạc hồi lâu, đưa ra đủ thứ đề nghị. Cuối cùng nhất trí là mỗi người trong nhóm phải vượt qua hai thử thách nguy hiểm. Thứ nhất, phải đi chân đất nhảy qua hàng rào dây thép gai khá cao ngoài vườn hoa, điều này tương đối dễ. Thứ hai, khó khăn hơn: phải đi qua cái cầu bắc trên lạch nhỏ, không phải đi trên cầu, mà đi trên thành cầu. Costa ngập ngừng:
– Nguy hiểm lắm! Nhỡ đứa nào mất thăng bằng ngã xuống lạch, ít nhất cũng gãy cẳng.
– Làm gì nguy hiểm đến thế! – Peso nói. – Nếu mất thăng bằng thì nhảy xuống mặt cầu thôi!
– Thế nhỡ nó mất thăng bằng về phía bên kia?
– Mặc kệ, đứa nào không có gan, thì nhóm mình cũng cóc cần. – Thế anh qua được không? – Julia lo lắng hỏi.
– Được thừa. Ờ, nhưng đằng ấy thì qua sao được nhỉ?
Bọn chúng liền quyết định miễn cho Julia môn kiểm tra nguy hiểm ấy. Nhưng đối với những đứa khác, Peso kiên quyết không nhượng bộ. Vesselin và Costa cuối cùng đành phải đồng ý, mặc dầu chúng vẫn thấy bày trò ấy là hơi quá đáng.
– Phải thử thách xem người của chúng ta ra sao chứ! – Peso nói. – Chúng mình không cần đến những đứa gà rù. Đứa nào can đảm thì qua
được ngay, còn đứa nào nhút nhát thì hết nói khoác.
Costa vẫn chưa thông lắm, nhưng chỉ lẩm bẩm:
– Thôi được.
Tập hợp những ông bạn mới không khó lắm. Lễ tuyên thệ được tổ chức ngay tối hôm đó trong vườn hoa. Đêm rằm, các bồn hoa và lối đi lung linh dưới ánh trăng mờ ảo; bóng cây hắt xuống càng làm cho những đứa trẻ thêm vẻ nghiêm trang, trịnh trọng. Tất cả đều hiểu lần này không phải chuyện trẻ con hoặc trò chơi hè, mà là một cái gì rất quan trọng. Những đứa mới được “kết nạp” chưa biết chúng sẽ phải làm gì. Sau cuộc kiểm tra dũng cảm, chúng mới được phổ biến.
Đêm đó, phần lớn bọn trẻ đều khó ngủ vì sốt ruột và hồi hộp. Vì vậy sáng hôm sau đứa nào cũng đến chỗ hẹn rất sớm. Costa và Julia tiếp tục có mặt ở vị trí trinh sát, còn những đứa khác bắt đầu cuộc kiểm tra. Môn nhảy rào thép gai diễn ra trôi chảy. Rào hơi cao và những gai thép nhọn có làm cho chúng hơi ngại, và một vài đứa ngập ngừng trước khi nhảy. Nhưng rồi đứa nào cũng vượt qua, tuy sau đó đầu gối có run lên vì hú vía.
Xong được môn đầu, cả bọn kéo về phía cầu. Thanh gỗ làm thành cầu khá hẹp nên đứa nào cũng ngập ngừng lo ngại. May thay, lòng lạch bằng sỏi lại có cát bồi và cỏ mọc, nếu có ngã chắc cũng không đến nỗi nào. Tuy nhiên thành cầu khá cao. Lũ trẻ nhòm xuống đáy lạch, nhìn nhau do dự.
– Không can gì đâu mà sợ! – Peso động viên các bạn nhưng lần này giọng cậu cũng không vững vàng lắm.
– Không can gì, nhưng đứa nào lộn cổ xuống thì cũng chìm nghỉm! – Vesselin nhận xét.
Peso lườm nó một cái, vẻ không bằng lòng:
– Đâu nào, nước không sâu! Vả lại thà ngã xuống nước còn hơn là ngã xuống đá... Êm như ru...
Peso đi qua trước để làm gương. Nó giơ ngang hai tay lấy thăng bằng và vượt qua cầu một cách nhẹ nhàng, mắt nhìn thẳng, chân không vấp một lần nào. Cả bọn mỉm cười yên tâm khi thấy cậu ta nhảy xuống đất phía bên kia cầu. Peso nói:
– Tớ sẽ xuống đứng dưới cầu. Đứa nào ngã, tớ đỡ cho.
Thật là một cử chỉ đẹp đẽ và có tác dụng. Vesselin là người thứ hai qua cầu. Nó không qua trôi chảy như Peso. Mới bước vài bước, nó đã lảo đảo, mất thăng bằng và phải nhảy xuống mặt cầu. Nó trèo lan can lần thứ hai và lần này mới qua được.
Người thứ ba là Nasko – Một cậu bé khỏe mạnh, to lớn so với tuổi. Cậu ta qua cầu nhanh nhẹn chẳng kém Peso.
Đến lượt Bebo. Lúc cậu ta bước lên lan can, da mặt trắng như da con gái trông càng nhợt nhạt, và mớ tóc vàng như dựng đứng sau gáy. Vesselin hơi lo, hét:
– Cứ bình tĩnh, đừng sợ!
Bị chạm tự ái, Bebo cau mày mạnh bạo bước trên thanh gỗ. Đến đúng giữa, ở dưới là nước, nó bỗng mất cân bằng tay hoa lên chới với. Bọn trẻ sợ hãi nín thở. Có đứa hô:
– Nhảy xuống!
Nhưng Bebo đã lấy lại được cân bằng, tiếp tục bước chậm, đầu gối hơi run. Lúc tới đích, Vesselin thấy mặt nó đầm đìa mồ hôi.
– Hoan hô! – Vesselin rỉ tai nói. – Tớ biết thế nào cậu cũng đạt mà.
Bây giờ người đến gần lan can là Charlie – một cậu bé nhỏ người nhưng rất nhanh nhẹn, vốn là “cây cù” của cả bọn. Nét mặt linh lợi và thông minh không tỏ chút nào bối rối. Mắt nhìn vẫn vui vẻ như mọi khi. Ai cũng ưa Charlie và đều muốn nó qua cầu thắng lợi. Charlie bước lên lan can, còn cúi gập người xuống chào, rồi ra vẻ không bằng lòng:
– Ồ, tiếc quá! Chả thấy có phóng viên quay phim nào nhỉ!
Charlie lại cúi chào một lần nữa rồi mới nhanh nhẹn bước đi trên thành cầu, vừa đi vừa múa tay như chỉ huy một dàn nhạc. Nhưng số phận run rủi không cho nó đi tới đích.
Một đồng chí công an ở đâu bỗng xuất hiện, hét to:
– Xuống ngay!
Charlie tuân lời và nhảy xuống mặt cầu.
– Các em làm gì thế này?
– Chúng em chơi ạ. – Cả bọn đồng thanh đáp.
– Chơi dại thế? Mẹ các em trông thấy, có mà quắn đít. Thôi, đi về ngay! Ngã vỡ mặt thì chết.
Không còn cách nào khác, bọn trẻ đành giải tán, nhưng chỉ mười lăm phút sau chúng lại lảng vảng đến. Chú công an đã đi, cuộc kiểm tra có thể tiếp tục. Charlie lại trèo lên lan can và đi sang bên kia cầu. Tới nơi, nó hoa tay reo:
– Thắng lợi!
Đến lượt Vaska. Mặc dầu đá bóng giỏi và mê thể thao, Vaska qua cầu không xuất sắc lắm: hai lần bị mất thăng bằng phải nhảy xuống mặt cầu. Monkata, biệt hiệu “Học gạo”, cũng qua được cầu. Chỉ còn lại một đứa người gầy, bé, mắt đeo kính. Cậu ta biết làm thơ và rất chăm học. Việc “kết nạp” cậu này đã gây ra một cuộc tranh cãi; và Vesselin phải tranh luận rất hăng mới thắng được sự phản đối của Peso. Tuy nhiên, tất cả bọn con trai đều mến nó và sẵn sàng bênh vực nó khi nó bị ai bắt nạt ở trường. Nó làm thơ, nhưng biệt hiệu của nó lại không thơ chút nào: bạn bè toàn gọi nó là Củ lạc, sau gọi tắt là Củ.
Lúc Củ ta trèo lên thành cầu, ai nấy đều lo lắng. Bộ điệu nó không có gì là vững, môi thì tái nhợt, mắt chớp liên hồi sau đôi kính đồi mồi. Vesselin động viên:
– Cứ từ từ mà đi, đừng vội. Chẳng có gì đáng sợ.
Kể cả Charlie ngày thường vẫn bông phèng với tất cả, giờ cũng đứng nghiêm, không nói gì. Củ chậm chạp đi trên lan can, như nhích từng phân một, mắt dán chặt xuống chân. Peso đứng ở dưới lạch, nhắc:
– Đừng nhìn xuống dưới, chóng mặt đấy.
Củ tới được giữa cầu không việc gì, nhưng đầu gối đã khuỵu xuống. Đến đúng giữa mặt nước, nó bỗng rơi tõm xuống không kịp kêu một tiếng, y như là nó cố tình ngã vậy.
Cả lũ trẻ rùng mình.
Lát sau, nghe thấy một tiếng khua nước, rồi một tiếng nữa. Peso nhanh trí đã lao xuống nước và tóm ngang người Củ. Nước không sâu, chỉ
ngập quá đầu gối một chút và nó kéo ngay được Củ lên bờ. Lũ trẻ xúm xít lại, thi nhau nói. Củ ngước mắt lên, mỉm cười ngượng nghịu. Nó không việc gì, chỉ bị ướt sũng quần áo. Nhưng sao trông mặt nó khác lạ, như dại hẳn đi. Charlie nói như cất được gánh nặng:
– Được tắm một cái, thú nhé!
Cả bọn phá lên cười. Chẳng phải là việc xảy ra có cái gì đáng cười, song chúng không biết có cách nào khác để biểu lộ sự vui mừng trước cảnh kết thúc may mắn này. Củ cũng cười, đưa tay sờ mũi rồi ngỡ ngàng nói:
– Kính của tớ đâu rồi?
Bây giờ bọn trẻ mới hiểu tại sao mặt Củ trông khác lạ hẳn. Peso liền lội ngay xuống nước tìm.
Một bà cụ già từ nãy đứng trên bờ đã nhìn thấy hết mọi chuyện, giơ cả hai cánh tay gầy lên cao một cách tuyệt vọng, miệng hét những câu gì không nghe rõ. Hẳn là cụ đang viện tất cả quỷ thần ra để rủa mắng bọn trẻ ôn vật! Một ô-tô vận tải đi qua cũng đỗ lại. Anh lái mở cửa xe bước ra và, khi thấy không có chuyện gì nghiêm trọng, làu nhàu mấy câu rồi mới đi.
Sau một hồi lâu mò lặn dưới nước, Peso nhô người lên, giơ cao tay: kính đã tìm thấy và, may mắn làm sao, hai mắt kính vẫn nguyên vẹn. Củ vớ lấy đeo lên mắt, và tức khắc mặt nó trở lại bình thường, quen thuộc với mọi người.
Khi mọi người đã lên bờ hết, Charlie vui vẻ nói:
– Cậu ngã thế mà anh hùng đấy. Tớ chưa thấy ai ngã khéo như cậu.
Trở về đến vườn hoa khu nhà, Peso không thấy Costa và Julia có mặt ở vị trí. Việc ấy cũng bình thường: chắc Toromanov đã ra khỏi nhà, nên hai
đứa lại đi theo. Tất cả những đứa mới gia nhập ngồi xuống dưới gốc cây nghe Peso kể lại câu chuyện. Thoạt đầu nó kể bình thường, nhưng rồi say sưa dần với chính những lời mình nói, nó làm cho câu chuyện ly kỳ, bí ẩn hơn cả thực tế. Đang giữa câu chuyện thì Costa tới, bộ mặt rám nắng có vẻ nhớn nhác. Nó đứng nhìn mọi người một cách e ngại. Peso hiểu lầm thái độ của bạn, nói:
– Có gì, cậu cứ nói... Tất cả đều được kết nạp...
Costa nhìn bạn ấp úng.
– Nguy rồi... Julia mất tích…
Mọi người rùng mình. Peso cau đôi lông mày:
– Mất tích? Cậu nói gì đấy!
– Mất tích thật. – Costa nhắc lại. – Julia đang đi ngay sau Toromanov, còn mình thì cách độ hai, ba chục bước... Đột nhiên, cả Toromanov lẫn Julia biến đâu mất, như thể họ biết độn thổ vậy...
– Mày nói bậy. – Peso cáu tiết. – Không phải là họ biến mất, mà chính mày để bị đánh lạc thì có!
Costa lắc đầu:
– Tớ đã bảo là không phải tớ lạc, mà là họ biến mất. Sự việc diễn ra ở quảng trường Staveykov. Chúng mình đi từ phố Ignatiev tới, không đi bên này đường, mà đi bên phía quảng trường. Vừa tới ngã tư Rakovska thì có một bà to béo đi ngang qua mặt tớ. Tớ tránh bà ấy một tí, ngừng mất độ ba giây. Mà trong ba giây thì một người đi được mấy bước? Năm bước chứ mấy! Hơn nữa ở quảng trường thì các cậu biết đấy, quanh đó làm gì có nhà hay có lối rẽ vào đâu. Cái nhà gần nhất cũng phải cách hai mươi, hoặc
ba mươi bước. Thế mà, đến khi tớ nhìn ra, thì họ đã biến mất, không để lại dấu tích! Cứ như là họ đã chui xuống lỗ nẻ vậy!
– Cậu nói vô lý! – Peso gắt.
– Chắc là họ lẫn vào đám đông thôi. – Vesselin nói.
– Không phải, – Costa lắc đầu, bực bội. – Đúng là thường ngày có đông người đi lại ở quảng trường, nhưng tớ thề rằng lúc bấy giờ lại không có ai! Họ không thể đi vào nhà nào, cũng không lẫn vào đám đông được. Tớ đã cố đi tìm, nhưng không thấy đâu cả.
Mọi người yên lặng một cách lo âu, nhìn nhau lúng túng. Lát sau, Peso bình tĩnh lại, nói:
– Chính cậu cũng nói là vô lý nhé. Chả lẽ họ tan biến, bốc thành hơi à! Cậu bảo không có nhà nào để vào, cũng không có đông người để lẫn đâu được! Thế là thế nào?
– Thế là họ đã bay lên trời như những ông thánh! – Charlie nói.
Câu nói đùa ấy không được ai hưởng ứng. Lúc này không phải lúc đùa. Bọn trẻ nhìn Charlie bằng con mắt không đồng tình. Vesselin hỏi:
– Thế trước khi xảy ra chuyện ấy, Toromanov có vào đâu không? – Có, lão ta vào hiệu sách.
Nhưng việc đó cũng không làm sáng tỏ được cái gì. Mọi người lại im lặng một cách khác thường...
NGƯỜI CHỮA RĂNG BÍ MẬT
Toromanov ra khỏi nhà lúc đúng mười ba giờ ba mươi phút. Lão vẫn mặc bộ quần áo trắng, tay vẫn xách cái túi thường ngày. Hôm nay túi đó đựng một vật gì phồng phồng rất to. Theo như đã phân công, Julia bám sát ngay. Mới đầu cô bé còn đi trên vỉa hè bên kia, nhưng vào tới phố Ignatiev thì vì quá đông xe cộ, nên cô đi sát ngay vào lão. Nhiều lần Toromanov quay đầu lại làm như vô tình. Thực ra đôi mắt rất sắc của lão chăm chú nhìn bao quát cả dãy phố và những người qua lại. Nhưng lão lại không để ý đến cô gái nhỏ bé đang thản nhiên đi trên mép vỉa hè. Lão không bao giờ ngờ rằng đứa trẻ nhỏ ấy lại có liên quan đến lão.
Julia ngạc nhiên thấy Toromanov lại vào hiệu sách. Cô dừng lại trước cửa, đợi Costa đến. Nhưng Costa lại gần, thì thào:
– Đằng ấy vào đi! Mình không vào đâu, sợ lão nhận ra mất.
Julia không kịp nghĩ ngợi, bước vào hiệu sách. So với lần trước, lần này hiệu rất đông khách. Người giở qua những trang sách, người ngắm nghía các trang sách. Toromanov tay xách túi đứng gần người phụ trách quầy hàng, chờ ông này đang dở tiếp khách. Julia cầm xem một quyển sách nhi đồng, và mặc dầu tranh ảnh trong sách rất hấp dẫn, cô không rời mắt khỏi Toromanov.
Người phụ trách bán hàng xong, mỉm cười thân mật với Toromanov, và rút ra một quyển sách:
– Tôi có quyển này dành cho ông.
– Hay không?
– Cũng được. Truyện của Somerset Maugham...
– Thế thì tốt.
Người bán hàng đưa sách. Toromanov cầm lấy và ra quỹ trả tiền. Lúc lấy tiền trả, lão phải đặt cái túi xuống đất.
Julia đứng sau lưng Toromanov, không bỏ lỡ dịp nhòm xem cái túi đựng những gì, thì thấy nó đầy những sách. Chắc là những tiểu thuyết mà lão đã mua hôm trước.
Trả tiền xong, Toromanov đi ra mà không chào lại người bán hàng. Julia cũng ra theo. Lão ta lại đi theo đường về nhà. “Lạ thật! – Julia nghĩ – Lão ta mua nhiều sách nhưng lại không cất ở nhà, mà cứ vác sách đi rong phố thế này. Không hiểu ra sao cả”. Trong khi đi đằng sau, Julia cũng nhận thấy Toromanov quay đầu lại hai, ba lần để nhìn khắp phố.
Hai người ra tới quảng trường Slaveykov, là nơi mà theo Costa, câu chuyện “mất tích” đã xảy ra.
Sự thực, chẳng có chuyện lạ nào cả, mà tất cả chỉ do Costa lơ đãng, kém quan sát mà thôi. Ở quảng trường, Costa vì mải nhìn theo bóng chiếc áo sặc sỡ của Julia nên không để ý đến chiếc tàu điện đang đỗ. Tàu sắp chạy thì Toromanov đột ngột từ vỉa hè nhảy lên toa sau.
Julia hơi bị bất ngờ. Làm gì đây? Tàu điện kéo chuông và bắt đầu chuyển bánh. Cô liền chạy theo, nhảy lên bực cửa tàu. Một ông đứng tuổi vội cầm tay cô kéo bổng lên, và sau đó béo tai cô một cái nói:
– Cháu nhảy thế nguy hiểm quá! Có ngày cụt chân!
Cái cảnh ấy, Costa không nhìn thấy. Nó cứ mải tìm xem chỗ nào có màu áo sặc sỡ của Julia mà quên nhìn đoàn tàu điện màu xanh lá cây đã mang Toromanov và Julia đi mất.
Tĩnh trí một lúc, Julia mới để ý quan sát chung quanh. Toromanov đang lách mọi người để đi về phía đầu toa. Cô định lách theo, thì bác kiểm soát đến. Làm thế nào bây giờ? Cô không có một xu dính túi, lấy gì mua vé? Julia sững người ra, định nấp sau lưng những hành khách khác, tim đập mạnh. Mang tiếng đi lậu vé, thật xấu hổ!
– Các ông bà cho xem vé!
– Tôi chưa có vé! – Julia hoảng hốt nói.
Người kiểm soát định xé vé bán cho Julia, nhưng cô ngăn lại, mặt đỏ bừng:
– Khoan đã, tôi đánh mất tiền.
– Thế thì đến chỗ đỗ tới, mời cô xuống. – Người kiểm soát thản nhiên nói.
Giá có ai sẵn lòng bỏ tiền mua giúp mình cái vé thì hay quá! Nhưng chẳng có ai. Các hành khách đều bận nghĩ việc riêng, không ai để ý đến cô bé. Julia thở dài, tiến gần ra phía bậc lên xuống. Không có cách nào khác. Thế là sắp sửa để Toromanov sổng mất.
"""