"Những Đàn Bà Lừng Danh Trong Lịch Sử PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Đàn Bà Lừng Danh Trong Lịch Sử PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : NHỮNG ĐÀN BÀ LỪNG DANH TRONG LỊCH SỬ Tác giả : NGUYỄN-VỸ Nhà xuất bản : SỐNG MỚI Năm xuất bản : 1969 ------------------------ Nguồn sách : Diễn đàn TVE-4U Đánh máy : mopie, thuy3098, Do Hang, ganbunma, thaonguyen, patimiha, minhf@yahoo Kiểm tra chính tả : Thư Võ Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 17/12/2017 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả NGUYỄN-VỸ và nhà xuất bản SỐNG MỚI đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. Ghi chú của nhóm làm Ebook : các trang thiếu của bản sách gốc (102-106 ; 129-144 ; 257-272) được thay thế bằng ký hiệu (…) và sẽ được bổ sung sau khi tìm được phiên bản đầy đủ. Mong bạn đọc thông cảm cho thiếu sót này. MỤC LỤC BẠN ĐỌC THÂN MẾN 1. – TRƯNG-NỮ-VƯƠNG, NỮ ANH-HÙNG VIỆT-NAM 2. – CLÉOPÂTRE, HOÀNG-HẬU AI-CẬP 3. – SABA, HOÀNG-HẬU ETHIOPIE 4. – THÉODORA, HOÀNG-HẬU HY-LẠP 5. – LUCRÈCE BORGIA, HOÀNG-HẬU LA-MÃ 6. – POPPÉE, HOÀNG-HẬU LA-MÃ 7. – AGRIPPINE, MẸ CỦA NÉRON 8. – MESSALINE, HOÀNG-HẬU LA-MÃ 9. – ĐẮT-KỶ, VỢ VUA TRỤ 10. – DƯƠNG-QUÝ-PHI, VỢ VUA ĐƯỜNG-MINH-HOÀNG 11. – VŨ-TẮC-THIÊN, HOÀNG-HẬU TRUNG-QUỐC 12. – TỪ-HI-THÁI-HẬU, HOÀNG-HẬU TRUNG-QUỐC 13. – CATHERINE II, NỮ-HOÀNG NGA-QUỐC 14. – DÉSIRÉE CLARY, VỊ HÔN-THÊ CỦA NAPOLÉON I 15. – JOSÉPHINE, VỢ CỦA NAPOLÉON I 16. – NỮ BÁ TƯỚC WALEWSKA, VỢ CỦA NAPOLÉON I 17. – MARIE LOUISE, VỢ CỦA NAPOLÉON I 18. – CATHERINE D’ARAGON, VỢ CỦA HENRI VIII 19. – ANNE BOLEYN, VỢ CỦA HENRI VIII 20. – JANE SEYMOUR, VỢ CỦA HENRI VIII 21. – ANNE DE CLÈVE, VỢ CỦA HENRI VIII 22. – CATHERINE HOWARD, VỢ CỦA HENRI VIII 23. – CATHERINE PAAR, VỢ CỦA HENRI VIII 24. – SISSI, NỮ-HOÀNG ÁO-QUỐC 25. – VICTORIA, NỮ-HOÀNG ANH-QUỐC 26. – MATA-HARI, NỮ GIÁN-ĐIỆP QUỐC-TẾ 27. – EVA PÉRON, VỢ TỔNG THỐNG ARGENTINE 28. – SVETLANA, CON GÁI STALINE 29. – ANASTASIA, CÔNG-CHÚA NGA 30. – MARIE CURIE, NỮ BÁC-HỌC PHÁP NGUYỄN-VỸ NHỮNG ĐÀN BÀ LỪNG DANH TRONG LỊCH SỬ Sống-Mới xuất bản Tác phẩm của Nguyễn-Vỹ - TẬP THƠ ĐẦU – PREMIÈRES POÉSIES (Thơ Việt và Pháp) – Tác-giả Xuất Bản – Hànội - ĐỨA CON HOANG (Tiểu-thuyết) – Minh-Phương X.B. - GRANDEURS ET SERVITUDES DE NGUYỄN VĂN NGUYÊN (Tập truyện ngắn Việt-Nam bằng Pháp-văn) – Đông-Tây X. B. - KẺ THÙ LÀ NHẬT BẢN (Luận-đề chính-trị) – Thanh-Niên X. B. - CÁI HỌA NHẬT BẢN – (Luận-đề chính-trị) – Lê-Cường X. B. - ĐỨNG TRƯỚC THẢM-KỊCH PHÁP-VIỆT - DEVANT LE DRAME FRANCO VIÊTNAMIEN (Luận-đề chính-trị bằng Việt và Pháp văn) – Tác-giả X. B. – Đà lạt - HÀO-QUANG ĐỨC PHẬT (Luận-đề tôn-giáo) – Tác-giả X. B. - CHIẾC ÁO CƯỚI MÀU HỒNG (Tiểu-thuyết) – Dân-Ta X. B. – Sàigòn - GIÂY BÍ RỢ (Tiểu-thuyết) – Dân-Ta X. B. - HAI THIÊNG LIÊNG I, II (Tiểu-thuyết) – Dân-Ta X. B. - HOANG-VU (Thơ) – Phổ-Thông X. B. - MỒ HÔI NƯỚC MẮT (Tiểu-thuyết) – Sống Mới X. B. - NHỮNG ĐÀN BÀ LỪNG DANH TRONG LỊCH SỬ (Biên-khảo) – Sống Mới X. B. - TUẦN, CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT I, II (Chứng-tích Thời-đại) – Tác-giả X. B. - VĂN THI SĨ TIỀN-CHIẾN – (Ký-ức Văn-học) – Khai-Trí X.B. ĐANG IN - BUỒN MUỐN KHÓC LÊN (Thơ) – Tác-giả X. B. -THƠ LÊN RUỘT (Thơ Trào-phúng) – Quyển I - MÌNH ƠI (Văn-Hóa Tổng Quát) – Quyển I (Trọn bộ 10 quyển) – Khai Trí X. B. BẠN ĐỌC THÂN MẾN Tôi đã thuật lại, trong quyển sách nầy, đời sống rất hấp dẫn, chứa rất nhiều bài học quý-giá, của ba-mươi người đàn bà lừng danh nhất trong Lịch-sử Đông Tây tự cổ chí kim. Tôi bắt đầu bằng TRƯNG-NỮ-VƯƠNG, vì hai lý-do. Xét về khách-quan lịch-sử và về phương-diện giá-trị tác-phong, Trưng Nữ-Vương không những là một anh-hùng của Dân-tộc Việt-Nam mà còn là một nữ anh-hùng bậc nhứt trên thế-giới. Vả lại, Jeanne d’Arc thua kém Trưng-Vương trên nhiều phương-diện lắm mà được cả thế-giới khâm phục trải qua các thời-đại, là nhờ người Pháp biết truy-tôn bậc Nữ anh hùng của họ. Từ trước đến nay, người Việt-Nam chưa hề viết nhiều về Trưng-Nữ-Vương, chưa ca ngợi xứng đáng Vinh-quang lẫm liệt của Trưng-Nữ-Vương cho thế-giới biết. Cho nên tôi thấy cần phải đưa Bà từ quên lãng bất-công của địa-vị một anh hùng địa-phương Việt-nam lên bậc Thần-tượng tối-cao, chói lọi, xứng đáng của Lịch-sử Loài Người. Tác-phẩm nầy đang được dịch ra Anh Pháp ngữ chính vì mục đích ấy. Tôi cố-ý gát ra ngoài một số các nữ chính-trị-gia, tuy cũng nổi tiếng xưa nay, nhưng phong-độ cá-nhân và ảnh hưởng tinh thần trên đời sống nhân loại không đáng kể, như các Nữ Hoàng, Nữ Thủ-tướng, Nữ Ngoại-giao, Nữ Cách-mạng, v.v... Các nữ Văn-sĩ, Thi-sĩ, Nghệ-sĩ, nổi danh trên thế-giới cổ kim, sẽ được giới-thiệu đầy đủ trong một quyển sách khác được ấn-hành riêng. Nữ Thi-hào Hồ xuân-Hương của Việt Nam sẽ có mặt trong tác-phẩm Thi-tuyển quốc-tế ấy. Kỷ-nguyên Lạc-Long, năm 4848 Sài-gòn, tháng 4-1969 N.V. 1. – TRƯNG-NỮ-VƯƠNG, NỮ ANH-HÙNG VIỆT-NAM GIÒNG MÁU LONG NỮ NGÀY 1 tháng 8, năm Việt lịch 2893, kỷ nguyên Lạc Long (tức là năm 14 sau J. C., thế kỷ 1 Tây lịch), tại đất Mê Linh, tỉnh Sơn Tây, có hai chị em sinh đôi. Người ra chào đời trước được đặt tên là Trưng Trắc, người kế tiếp ra sau, nhỏ hơn, tên là Trưng Nhị. Thân phụ là cựu Lạc-tướng họ Trưng, có làm quan dưới thời Triệu Đà. Thân mẫu là bà Man Thiện, nhũ danh Trần thị Đoan, là một cháu ngoại của giòng giõi Hùng Vương XVIII. Bà góa chồng sớm, nhưng ở vậy nuôi con gái, giáo dục hai con trong tinh thần yêu nước, yêu nhà. Năm Việt-lịch 2913, kỷ-nguyên Lạc Long, Trưng Trắc 20 tuổi, được mẹ gả cho Đặng thi Sách, một thanh niên thế phiệt, cũng là giòng giõi Lạc-tướng, và đang làm Lệnh doãn huyện Chu Diên. Chức Lệnh doãn lúc bấy giờ tức là Quận trưởng ngày nay. Chu Diên là một trong 10 huyện rộng lớn của xứ Giao Chỉ, mà người Tàu đô hộ đặt tên là Giao-Chỉ quận. Đầu thế kỷ thứ 1, Tây lịch, từ năm 111 trước J. C, đến năm 39 sau J. C., tức là suốt thời kỳ 150 năm, từ năm Việt-lịch 2768 đến 2918 kỷ-nguyên Lạc Long, lãnh thổ Việt-Nam mới gồm có hai xứ : Giao-Chỉ-Quận và Cửu-Chân-quận (hiện nay là Bắc Việt và Bắc Trung-Việt đến tỉnh Nghệ An) đã bị lệ thuộc nhà Hán. Đó là lần thứ nhất trong Lịch sử Dân tộc Việt-Nam, giòng giõi Long Nữ, Lạc Long, Hùng Vương, bị người Tàu đô hộ. Cùng năm hôn nhân của Trưng Trắc và Đặng thi Sách (2913 Việt lịch, 34 Tây lịch), Vua Hán Quang vũ cử viên tân thái-thú qua cai trị Giao Chỉ, tên là Tô Định. Tô Định là một tham quan ô lại, bất cố liêm-sỉ, lại chính sách vô cùng tàn ác, gây oán hận trong khắp nhân dân Giao Chỉ. Bấy giờ lại có nạn lụt lớn, khiến dân chúng đã thốt ra câu ca-dao than thở : Trời mưa nước ngập sông Đoài Cỏ lên đè lúa, cá trôi lềnh-bềnh. Nhân dân đã bị đói rét vì nạn lút lại còn bị Tô Định chuyên chế, bốc lột gắt gao, áp bức vô nhân đạo. Mùa màng mất hết, dần không đủ lúa ăn, mà thuế địa tô thì nặng, dân phải đi xâu lực-dịch đêm ngày, bị đánh đập tàn nhẫn. Tiếng kêu-rên oán-thán nổi dậy khắp nơi. Trước cảnh đau khổ quá bi-đát của đồng bào, viên Lệnh Doãn Đặng thi Sách làm tờ khuyến cáo tâm-huyết bằng chữ Hán, gởi lên thái thú Tô Định, như sau : « ...Loát nhĩ Nam-phương, ức vạn sinh linh giai Triều đình xích tử. Thừa lưu, tuyên hóa, tất dĩ ái dân vi tiên. Tử kim vi chánh, trung ngôn gia mưu giả kiến tội, bôn tẩu thừa thuận giả kiến thưởng. Cơ thiếp đắc dĩ lộng chính, biền bế đắc dĩ thiện quyền. Tuy ái dân chi thuyết vô thời vô chi, nhi tổn-hạ chi tâm dũ nhật dũ liệt ! Tuấn dân cao dĩ phong kỳ tài, kiệt dân lục dĩ cung kỳ dục ! Tự thị phú cường, lẫm hữu thái-a chi thế, bất tri khuynh bại, thí như triêu lộ chi nguy. Như bất tế chi dĩ khoan, tắc nguy vong lập chí hỉ ». Dịch nghĩa : (Phương Nam đành là nhỏ, nhưng ức vạn sinh linh đều là con đỏ của Triều đình. Kẻ được thừa mệnh Vua đi tuyên dương đức hóa, tất nhiên phải lấy việc yêu dân là trước cả. Ngày nay Ngài làm hành chánh, lại bắt tội người nói thẳng, kẻ mưu hay, cho bọn tỳ thiếp được lộng xen vào chính-sự, bọn nịnh thần được chuyên giữ quyền-hành. Tuy ngoài mệng luôn bô-bô thương dân, mà trong bụng thì chăm chăm bóc lột. Rán mỡ dân để thêm giàu có, rút sức dân để thỏa thích lòng tham. Cậy rằng giàu mạnh, tưởng như gươm Thái A sắc bén, sao chẳng biết rằng nguy biến có thể đến, như sương sớm rã tan. Nếu không gấp sửa đổi khoan hồng thì sẽ gặp ngay bại diệt...) Tô Định xem xong thư, nổi giận đùng đùng, không những không biết bình tĩnh, sáng suốt, nghe lời trung-chánh, thay đổi sách lược, lại còn quyết sát hại người chí khí can cường. Hắn kéo quân vào huyện Chu Diên, bắt Đặng thi sách đem ra pháp trường xử tử. Bà Man Thiện, mẹ hai bà Trưng, cũng chết trong khi chống cự lại quân Tô Định. DIỆT ĐỊCH TRƯNG TRẮC và Trưng Nhị cùng gia tướng Đô-Dương chạy về Mê Linh, quyết trả nợ Nước, báo thù chồng, đền ơn Mẹ. Năm sau, Việt-lịch 2919, kỷ nguyên Lạc Long, (Tây lịch 40), Trưng Trắc và em triệu tập được 80 000 quân, gồm cả quân nhân phụ nữ. Ngày 6 tháng Giêng, bà vừa được 21 tuổi, cùng với các tướng sĩ Nam Nữ, làm lễ tế cờ thật là cảm động, và truyền lệnh khởi nghĩa, diệt địch Bắc-xâm, phục hồi xã-tắc. Ngày 7, Bà thao diễn binh sĩ trên bãi Trương Sa, bên sông Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên, rồi Bà đích thân chỉ huy tiến quân vào đánh Tô Định tại thành Liên Châu. Trước làn sóng công hãm ào ạt bất ngờ của một vị Nữ tướng lẫm liệt oai phong, Tô Định tuy quân số đông hơn, tàn bạo, nhưng không có tinh thần, kháng cự không nổi. Trưng Trắc đánh đuổi Tô Định, quyết lấy đầu kẻ thù của Dân, của Nước, nhưng Tô Định trốn thoát về quận Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Thừa thế thắng lợi, Trưng Trắc kéo quân đánh khắp quận Giao chỉ, nơi nào có tàn quân Tầu chiếm đóng. Bà lấy được 56 thành trì, và hoàn toàn khôi phục lại độc lập và chủ quyền của Đất-Nước, trong thời gian mấy tháng. Bà lên ngôi trị nước, lấy niên hiệu Trưng Nữ-Vương Nguyên-Niên đổi quốc-hiệu là Triệu-Quốc lấy Mê-Linh làm kinh đô. Trong đám tướng sĩ của Bà, có hai vị Nữ-tướng tài ba nhất : Đông cung tướng quân và Thị Nội tướng quân. Đông-Cung Tướng-quân tên thật là Hoàng-Thiếu-Hoa, quê huyện Gia-Hưng, tỉnh Thanh-Hóa, quận Cửu Chân. Bà đi khắp nơi, tuyên truyền những hành vi tàn ác của quân Tầu, và chính-nghĩa của Bà Trưng. Dân chúng, cả nam lẫn nữ, tình nguyện theo Bà rất đông, thành lập một đạo quân phục quốc, theo về phục vụ Bà Trưng, và thâu được nhiều chiến công. Khi Bà Trưng lên ngôi, ban thưởng cho tất cả binh sĩ, thì bà được phong chức Đông Cung tướng quân. Bà còn trẻ, và chưa có chồng. Thị-Nội Tướng-Quân, tên thật là Phùng-thị-Chinh, vợ ông Đinh Lượng, người tỉnh Sơn Tây, làng Trang Phú Nghĩa. Bà rất đa mưu, đa trí, được Bà Trưng rất tín dụng. Bà có thai nhưng cũng cương quyết xin ra chiến trận, mặc dầu Bà Trưng ngăn cản. Trong lúc hai Bà Trưng cỡi voi xung phong, bà Thị Nội tướng quân cũng cỡi ngựa theo sau, đốc thúc binh sĩ. Tại vậy mà giữa lúc lâm trậm, bà bị động thai, nhưng Bà còn múa gươm chém được vài tên tỳ tướng của Tô Định rồi bị sẩy thai. Bà vẫn cố phá được vòng vây của quân Tầu, và phi ngựa thoát ra được. Sau này, được tin Trưng Nữ Vương tự trầm, Bà Thị Nội tướng quân cũng cầm gươm tự sát luôn. TRIỀU ĐẠI TRƯNG VƯƠNG MỞ MÀN CHO LỊCH SỬ VIỆT-NAM ĐỘC LẬP QUYỂN « Hoàng Việt Giáp-tí niên-biểu, quyển thượng » viết bằng Hán-tự của cụ Ngô Bá Trác, in tại Huế, năm Khải Định thứ 10, chép về Trưng kỷ như sau : Canh Tý (40) Trưng nữ-vương nguyên-niên Tân Sửu (41) Trưng nữ-vương nhị niên Nhâm Dần (42) Trưng nữ-vương tam niên Quý Mão (43) Đệ-tam-thứ Nội-thuộc. Quyển « Synchronisme Chinois » của vị Linh mục Tầu Mathias Tchang S.J viết bằng Pháp văn, và in tại Thượng Hải năm 1905, chép về Trưng Kỷ như sau : 39 (Kỷ Hợi) Reine Trưng Vương, Trưng Trắc, I. 40 (Canh Tý) Reine Trưng Vương, Trưng Trắc, II. 41 (Tân Sửu) Reine Trưng Vương, Trưng Trắc, III. 42 (Nhâm Dần) Soumission aux Hán (Hán thuộc). Quyển « Concordance – Calendrier » của C. Cordier và Lê đức Hoạt, in tại Hà Nội năm 1935, chép : « Phụ Canh Tý (40) Trưng-Vương. Chí Trưng-Trắc cặp kỳ. Quý-Mão (43) muội Trưng-Nhị, et sa soeur Trưng-Nhị ». * TRƯNG-NỮ-VƯƠNG đánh đuổi quân Tàu, khôi phục giang sơn Việt-nam, gầy dựng độc lập và tự chủ cho đất nước Lạc Long, đem thái-bình an-lạc cho nhân dân giòng giõi Long-Nữ-thần. Trưng-nữ-Vương không chịu lệ thuộc nhà Hán, nên không nghĩ đến việc sai sứ qua Tàu để cầu phong như nghi-lễ của một nước chư-hầu. Tra cứu kỹ lại Lịch sử dân tộc Việt Nam, thì thấy rõ rằng từ khi con trai của Long-Nữ Thần Mẫu, là Lạc Long, lên ngôi lập quốc, thành họ Hồng Bàng, khai quốc từ năm 2879 trước Tây lịch, thì Kỷ nguyên Lạc Long truyền nối liên tục đến đời Vua Hùng Vương Mười Tám, rồi bị họ Thục (Thụ An-dương Vương) đến họ Triệu (Triệu Đà) là người Tàu ở Quảng Tây, Quảng Đông, qua chiếm ngôi Vua. Lần thứ nhất, dân ta đã gián tiếp làm nô lệ người Tàu đến 246 năm. Đến Triệu-ai Vương và mẹ là Cù Thị đem nước Nam Việt mà dâng hẳn cho nhà Hán. Nhà Hán trực tiếp đô hộ nước ta trong thời kỳ thứ hai này kéo dài từ năm 2768 đến 2918, Kỷ nguyên Lạc Long (tức từ 111 trước J.C. đến 39 sau J.C.). Năm 2919 Việt-lịch (năm 40 Tây Lịch), lần đầu tiên Trưng-nữ-Vương mới là người Việt nam chính tông, giòng giõi Hùng Vương, đánh đuổi quân Tầu ra khỏi biên thùy, nối lại truyền-thống độc lập và tự-chủ của dân tộc Việt, là nòi giống Rồng Vàng của Long-Nữ Thần Mẫu, mẹ Lạc Long Quân. Rất tiếc Trưng-nữ-Vương khôi phục lại giang sơn mới được 3 năm, thì nhà Hán lại xua quân qua tái chiếm. Quân thù được chỉ huy do Mã Viện (tên thật là Mã văn Uyên), 70 tuổi, làm Phục Ba tướng quân, cùng Phụ-lạc-hầu Lưu Long, Lâu-Thuyền tướng quân, và Đoan Chi. Đạo quân xâm lăng tràn xuống miền Trung-châu, theo sông Thái Bình và sông Thương kéo lên đánh kinh thành Mê Linh, năm 2920 Việt-lịch (41 tây lịch). Trưng Vương cỡi voi ra ngoài thành ứng chiến. Quân Mã Viện thua to, chạy về trên bờ hồ Lãng Bạc. Hồ này người Tàu còn đặt tên là Dâm-đàm hồ, ở phía Tây thành Đại La cũ, đến đời nhà Lê đổi tên là Tây Hồ vì ở phía tây thành Thăng Long. Hiện nay dân chúng Hà-nội vẫn thường gọi là Hồ Tây, hoặc hồ Lãng Bạc theo tên cũ. Năm Quý Mão, 2922 Việt-lịch (43 Tây lịch), Vua Đông Hán cho thêm 500.000 viện binh qua giúp, lén theo miền duyên hải vào phía Nam, kéo ra hợp với quân Mã Viện tại hồ Lãng Bạc. Trận đánh nơi đây vô cùng ác liệt. Dưới sự chỉ huy của Trưng-nữ-Vương, Nam tướng Đô Dương và Nữ-tướng Đông Cung đã phá tan nhiều vòng vây của quân Mã Viện. Nhưng vì quân số của ta ít hơn quân địch, và chính sự tai hại của đoàn quân nam-nữ ô-hợp mà quân ta bị bại trận phải rút lui về Mê Linh. Truyền thuyết thuật lại rằng chính trong trận này quân Tầu đã thua liểng xiểng. Mã Viện thấy trận thế đã xoay chiều bất lợi cho y, bèn lập mưu ra lệnh quân sĩ của y cởi bỏ hết cả áo quần để nhào tới phản công đoàn quân phụ nữ. Lính đàn bà con gái, của Nữ-tướng Đông-Cung mắc cỡ bỏ chạy tán loạn. Đông Cung tướng quân không ngăn nổi làn sóng triệt thoái hỗn loạn của nữ binh, đành phải tâu với Trưng Vương lui về Mê Linh giữ thành. Mã Viện sai Lưu Long đuổi theo, nhưng giữa đường bị quân Trưng Vương phục kích, quân Tầu chết hại rất nhiều, đành phải rút lui đến đóng tại Cẳm Khê (Vĩnh Yên). Trưng Vương đem quân đến công hãm thành này, nhưng bị quân Tầu đông hơn quân ta gấp bội, tràn ra đánh dữ. Trận đánh cực kỳ ác liệt. Quân ta phải thua, bị địch đuổi theo ráo riết và bị tan vỡ gần hết. Trưng Vương và Trưng Nhị đem số tàn quân thưa thớt chạy đến Hát Giang, thuộc làng Hát Môn, chỗ sông Đáy nhập vào Hồng Hà. Để khỏi bị Mã Viện bắt sống, hai chị em Trưng Vương cùng nhảy xuống sông trầm mình, ngày 6 tháng 2 năm 2922, Kỷ nguyên Lạc Long (Quý Mão), năm 43 tây lịch. Tướng Đô Dương còn kháng chiến, chạy vào huyện Cu Phong quận Cửu-Chân (Thanh-Hóa), nhưng sau bị quân Tầu đến đánh, xin ra đầu hàng. ĐỒNG TRỤ CHIẾT MÃ VIỆN thắng trận xong rồi, theo lịnh Hán Quang Vũ, sát nhập đất Giao Chỉ vào lĩnh thổ nhà Hán. Dân tộc Việt Nam lại bị người Tầu đô hộ lần thứ ba. Theo chính sử của quân Tầu thì Mã Viện rút quân về theo đường Mông-Cáy, qua sông Na Lương, và đóng binh ở Đông Hưng, thuộc tỉnh Quảng Đông. Trước khi qua sông, y truyền lịnh lấy một cây súng đồng, dài độ một thước rưỡi, và chạm vào đầu súng 6 chữ : « Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt ». Y sai đào lỗ chôn cây súng đồng đó trên đỉnh núi. Nhưng vài tháng sau, viên thái-thú đi quan sát thì không thấy cây súng đồng đâu nữa. Sau khi hỏi vài người Tàu ở gần đấy, viên thái-thú làm tờ phúc trình gởi về Đông Hưng cho Mã Viện, nói rằng : « Người Giao Chỉ đã lén nhổ trụ đồng bán cho thợ đúc chuông. Thủ phạm chắc là bọn lính dư-đảng của Trưng-Nữ ». Trái lại, sử Việt để tránh tiếng nhổ lén, chép rằng người Giao Chỉ qua lại nơi đó, ai cũng bỏ vào gốc trụ đồng một vài hòn đá, lâu ngày thành núi đá cao, lấp mất trụ đồng. Nhưng ông Turion, Quan Ba Hàng-hải đường trường của Pháp (Capitaine aux longs cours), chỉ huy chiếc tầu Pháp Espadon có nhiệm vụ thường xuyên đi tuần bờ biển vịnh Hạ Long, Bắc Việt, hồi năm 1900, có đến Mông Cáy, có qua Đông Hưng xem đền thờ Mã Viện, và có tra cứu sử Việt và sử Tầu, có phê bình rằng : « Chỗ cắm trụ đồng là nơi núi cao, vắng vẻ, có ai đến đó làm gì mà lượm đá liệng vào cho đến nỗi lấp mất trụ đồng ? Đã vậy, lúc bấy giờ người An-nam đang oán thù Mã Viện dữ lắm, thì ai dại gì lại lượm đá liệng vào để cây trụ đồng càng đứng vững lâu ngày, với ý nghĩa hăm dọa và điếm nhục nước An-Nam ? » (Theo « Hải-long du-ký » của Trần hữu Tư, thông ngôn hữu-thệ, interprète assermenté của Turion). Trong sử Tầu còn chép rằng : Mã Viện, đọc tờ phúc trình của viên thái-thú Giao Chỉ, nổi giận, liền sai thợ cất một ngôi đền trên đỉnh hòn núi con ở biên giới, đối diện với núi Hổ Sơn bên Mông Cáy, để trả thù dân Giao Chỉ. Trong đền y sai thợ tạc một pho tượng lớn, chân mặt đạp lên trên lưng một pho tượng nhỏ chừng bằng đứa con nít, nằm sấp, ngóc đầu lên và le lưỡi ra. Tượng lớn tay cầm đoản đao giơ lên, một tay nắm đầu tóc tượng nhỏ. Trước đền, có tấm hoành phi thêu bốn chữ : « Oai trấn Nam bang ». Bất cứ người Tây hay người Việt-Nam, ai cũng hiểu rằng tượng lớn là Mã Viện, và tượng nhỏ là người Giao-Chỉ. Năm 1900, người Pháp có yêu cầu chính phủ Trung-Hoa bỏ tấm hoàng phi kia, vì họ cho rằng bốn chữ « Oai trấn Nam bang » có nghĩa tượng trưng là người Tầu còn uy quyền trấn giữ nước An-Nam. Nhưng viên thống đốc Quảng-đông chỉ đổi chữ bang thành chữ biên, thành ra « Oai trấn Nam biên », và giảng nghĩa rằng « Người Tầu chỉ trấn giữ biên giới phía Nam của họ mà thôi ». Hiện giờ đền thờ Mã-Viện, hai pho tượng kia, và cả tấm hoành phi « Oai trấn Nam biên » vẫn còn ở Đông-Hưng. NỮ ANH HÙNG ĐỘC NHẤT TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI ĐỨNG về phương diện Lịch sử Việt-Nam, có một nhà viết sử nhận xét quá sai lầm về Triều-đại Trưng-Vương. Đó là Ngô-thời-Sĩ, trong quyển Đại Việt Sử Ký tiền biên, bàn như sau đây : « Xét từ đời Hồng-Lạc về sau, quốc thống mất đã lâu, đến năm Bà Trưng tự lập, Sử cũ vội cho là chính-thống, nhưng xét ra họ Trưng dựng nước, trước sau có ba năm, vọt nổi lên lại mất ngay, như thế chưa có thể gọi là một nước được. Như thế theo lời chép Sử liệt-quốc, phải chua niên-hiệu hai Bà vào bên phải, trên niên-hiệu nhà Hán ». Có lẽ do theo tài liệu trên đây mà trong bản « Tableau Chronologique des Dynasties annamites » của L. Cadière đăng trong quyển V, trang 77-145, Bulletin des E.F.E.O., chỉ chép đời Hồng-Bàng từ năm 2879 đến 258 (trước J.C.), đời Thục từ 257 đến 208, đời Triệu từ 207 đến 111, rồi kế đó chép đến thời Bắc thuộc từ 111 trước J.C. đến 543 sau J.C. tức là gồm cả đời Trưng-Vương trong thời đô hộ của Tầu. Như trên, là hai lối chép Sử hoàn toàn sai lầm. Lịch sử chân chính Việt-Nam phải công nhận Triều-đại Trưng-Nữ-Vương là chính thống. Trong đền thờ Hai Bà-Trưng ở làng Hát-Môn, huyện Phúc-Thọ, tỉnh Sơn-Tây, lập từ thời Mã-Viện rút quân về Tầu đã có bức hoành đề 4 chữ lớn « Lạc Hùng-Chính-Thống ». Vua Tự-Đức có phê trong quyển « Khâm-Định Việt-sử » về chương Trưng-Nữ-Vương, như sau : « Hai bà là bọn quần thoa mà có chí khí anh hùng, làm việc nghĩa-khí khinh động cả đến Hán-triều. Tuy thế cô, thời trái, nhưng cũng đã làm cho hưng-khởi lòng người để làm gương sáng trong sử sách. Kìa những bọn tu-mi nam tử khép áo làm tôi tớ cho người, chẳng cũng mặt dày xấu hổ mà chết được ư !... » Trên phương diện Lịch-sử quốc tế, khắp thế giới không có một nước nào có được một vị anh hùng Nữ-Kiệt như Trưng Nữ-Vương. Người Pháp thường hãnh diện với nữ thánh Jeanne d’Arc (1412-1431) mà họ khéo tuyên truyền, đề cao, sùng bái, để cho cả Thế giới đều biết tên và khâm phục. Nhưng, đọc là lịch sử Jeanne d’Arc và Trưng-Trắc, so sánh sự nghiệp, chiến công, và vị-trí của hai nữ-kiệt này trong bối cảnh lịch sử đương thời của hai nước, thì sự cách biệt thật là xa lắc xa lơ. Jeanne d’Arc không tạo được những nét oai phong, hùng dũng, những chiến công oanh liệt phi thường như Trưng Trắc. Dù chỉ thành công trong 3 năm nhưng bà Trưng cũng đã báo thù được cho chồng, trả được nợ Nước, đền được ơn Mẹ. Hơn hết tất cả, Trưng-Nữ-Vương đã xây dựng một Triều đại chính-thống cho Dân-tộc Việt-Nam ở thế kỷ 1, đã một lần đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, và nhiều lần đánh tan rã quân thù của một đế quốc hùng cường bậc nhất ở Á-đông. Một tấm thân bồ-liễu đơn cô thế cô, với một đoàn quân ô hợp, bà rút gươm ra tử-chiến, đánh tơi bời một quân đội ghê gớm của một Trung-Quốc khổng lồ. Một bậc « nữ nhi » như Trưng-Trắc và Trưng-Nhị là một gương Liệt-nữ chói lọi không riêng gì trong lịch sử Nhân-Dân Việt-Nam, mà chung khắp cả Loài Người. Vì uy-thế hiển hách của Trưng-Nữ-Vương, độc nhất vô nhị trong Lịch sử nhân loại, mà tôi xin ghi thanh danh của bà vào trang đầu quyển sách « Những Người Đàn Bà Lừng Danh Trong Thế Giới ». 2. – CLÉOPÂTRE, HOÀNG-HẬU AI-CẬP THỜI KỲ mà nước ta, nhà Triệu bị nhà Hán sang đánh lấy nước và đổi Nam-việt thành Giao-chỉ quận, thì ở bên trời Âu, một người đàn bà đang làm nghiêng nước nghiêng thành cả một đế quốc, chỉ vì sắc đẹp của nàng. Tên nàng đã lừng lẫy trong lịch sử, hồi 40 năm trước chúa Jésus ra đời : đó là Cléopâtre, Hoàng-hậu trẻ tuổi của xứ Ai-cập, vợ của Hoàng đế La-mã, Julius CÉSAR, rồi khi César chết lại là vợ của Đại tướng La-Mã MARC ANTOINE. Nhà văn-sĩ triết-học Pháp, PASCAL, trong quyển Pensées, đã nói về nàng như sau đây : « Giả sử cái mũi của Cléopâtre ngắn hơn một chút, thì tất cả bề mặt của trái đất đã bị thay đổi hẳn » (Le nez de Cléopâtre, s'il eût été plus court, toute la face de la terre aurait été changée). Pascal muốn nói rằng tình yêu đôi khi có một nguyên do rất nhỏ nhưng có hậu quả rất ghê gớm. Sắc đẹp tuyệt trần của Cléopâtre đã làm cho lung lay Đế quốc La-Mã, suýt nữa làm xáo trộn cả Châu-Phi, Châu-Á, Châu-Âu... và chỉ trong khoảng mươi, mười lăm năm thôi. * CLÉOPÂTRE VI là con gái của Vua AI-CẬP PTOLÉMÉE AULÈTE. Nhà Vua chết, truyền ngôi lại cho em trai của nàng, là Ptolémée XIV. Nàng muốn giành ngôi, bị người em bắt đày đi xa. Nhưng khi nàng nghe tin Danh tướng La-Mã, CESAR, sau khi thắng trận lớn ở Pharsale, đánh bại được kẻ thù Pompée, đổ bộ lên hải-cảng Alexandrie của Ai-Cập định chiếm luôn xứ nầy, thì Cléopâtre lập mưu kế để gặp César. Cléopâtre soạn một giỏ áo mới may cho lính, nàng chui vào trốn dưới đống áo, và sai bốn kẻ hầu hạ trung thành khiêng giỏ vào Tổng-hành-dinh của César. Bốn người hầu thưa với César : « Thưa Ngài, đây là giỏ áo của Công chúa Cléopâtre tặng Ngài ban cho binh sĩ. » César hỏi : « Công chúa Cléopâtre đâu ? » Đại tướng La-Mã vừa hỏi xong, thì bỗng dưng từ dưới lớp áo xếp đầy trong giỏ, chui ra một nàng Công chúa diễm lệ tuyệt trần. César ngạc nhiên đăm đăm ngó nàng. Nàng có sắc đẹp quyến rũ mê hồn, nhoẻn một nụ cười tình làm điên đầu vị Đại tướng lừng danh nhất trong Lịch-sử từ xưa. César lẩm bẩm hỏi như điên như dại : - Cléopâtre ?... Nàng là Cléopâtre ?... Nàng sụp quì ngay bên chân César : - Vâng, Cléopâtre... người tôi tớ của vị Anh hùng La-Mã. Đêm ấy, Cléopâtre ở lại trong dinh César, và hôm sau nàng được lên ngôi Hoàng-Hậu xứ Ai-Cập. Em nàng, Vua Ptolémée, chống lại César liền bị giết chết. Cléopâtre đóng đô ở Alexandrie để được gần người yêu. Vì yêu nàng, César không chiếm đóng Ai-Cập nữa, và còn giúp nàng xây dựng xứ sở. César mê Cléopâtre, ngày đêm cứ quấn quít bên cạnh nàng, không rời xa nửa bước. Ngài ở luôn đó trên ba tháng, thì Hoàng-hậu Cléopâtre thọ thai. César kéo binh về La-Mã, được dân chúng hoan-hô nhiệt liệt và được tôn lên làm Hoàng-đế. César liền cho gọi Cléopâtre qua La-Mã ở với Ngài. Ngài cho đúc một pho tượng của Cléopâtre dựng trong Đền thờ Nữ-thần Vénus. Ở La-Mã được 6 tháng, Cléopâtre trở về Ai-Cập, sanh được một con trai, con của César, mà nàng đặt tên là Césarion. Rồi Hoàng-Đế César chết, Cléopâtre lúc bấy giờ mới 24 tuổi. Cléopâtre vô cùng đau xót, ngày đêm đóng cửa ở trong cung điện, không bước ra ngoài. * NHƯNG nàng lại được tin Đại-Tướng MARC ANTOINE, cũng là một vị anh-hùng quắc thước của đế quốc La-Mã, được phái đi chinh phục các nước miền Đông, và bắt đầu là Ai-Cập. ANTOINE kéo chiến thuyền đỗ ngay cửa biển Alexandrie, sắp lên lấy thành. Nhưng Cléopâtre quyết xoay lại tình thế, và hết sức tham lam, nàng nuôi hoài bão lấy sắc đẹp để quyến rũ Antoine, rồi dùng Antoine để đánh lại đế quốc La-Mã, xâm chiếm cả Châu-Phi và Châu-Á, để thu hết thế-giới về trong tay nàng, để nàng sẽ truyền ngôi báu cho con là Césarion, con trai của nàng và César. Sự thực, chính là Cléopâtre vẫn tưởng nhớ đến César, quyết để cho con trai của nàng và của César ngày sau nối nghiệp lớn của nhà Đại anh-hùng, làm bá chủ hoàn-cầu. Chớ Cléopâtre thật tình không yêu Antoine. Nhưng nàng quyết lấy sắc đẹp để quyến rũ vị Đại-tướng nầy làm tay sai cho nàng. Antoine là một người lực lưỡng, to lớn, tóc quăn xuống đến cổ, như vị thần Apollon, râu xồm xoàm, ngực rộng, vai to, 50 tuổi. Khi được tin chiến thuyền của Antoine kéo vào cửa biển Alexandrie để xâm chiếm Ai-cập, Cléopâtre liền xuống chiếc du-thuyền của nàng, và sai quân hầu mời Đại-tướng Antoine đến Hoàng-hậu thết đại yến tiếp tân. Antoine bước vào du thuyền của Cléopâtre, thì thấy nàng nằm lả-lơi trên một chiếc nệm hoa, điều bộ ẻo lả gần như bức tượng khỏa thân của thần Vệ-nữ. Hoàng-hậu nở một nụ cười... đôi mắt huyền mơ... Antoine bất giác ngã gục xuống cạnh nàng. Thế là trong một phút đê mê ấy, Lịch-sử xứ Ai-Cập lại bắt đầu biến chuyển... Nàng đãi một bữa tiệc phi thường gồm toàn những cao lương mỹ vị mà Antoine chưa hề dùng đến bao giờ : nguyên một con công lớn đứng xòe cánh trên đĩa, ở giữa bàn, đó là con công đã làm thịt rồi, khách chỉ khẽ nhổ lông ra là ăn được ngay. Chung quanh dĩa có mười hai trứng công ; ngỗng nấu với sữa dê và mật ong ; heo luộc nguyên một con, đứng trên bàn, nhưng khi lấy con dao xẻ cái bụng heo thì từ trong ruột heo bay ra hai con hạc trắng còn sống ; cừu cũng nguyên con, nhưng rô-ti một nửa và luộc một nửa, các thứ nấm hương xào với lưỡi chim. Rượu thì toàn là rượu thơm đựng trong các bình bằng vàng và bằng ngọc thạch tiện thành hình Vệ-Nữ. Trong bữa tiệc có đờn ca, múa hát. Tiệc xong, Antoine đã say mèm, cười sằng sặc, hỏi Cléopâtre : - Hoàng-hậu có thể đãi một bữa tiệc khác, mắc tiền hơn và những món ăn lạ hơn nữa không ? Cléopâtre muốn tỏ cho vị Đại-tướng La-Mã biết rằng kho vàng của triều đại Ptolémée, mấy đời làm Vua ở Ai-Cập, là vô tận. Nàng liền sai nữ-tỳ đem lên một ly dấm thật chua đặt trên bàn. Nàng gỡ một chiếc hoa tai to và đỏ rực bằng ngọc lưu ly mà nàng đeo tòn-ten, óng ánh dưới ngọn đèn pha lê. Nàng bỏ chiếc hoa tai ấy vào ly dấm. Viên ngọc bị dấm chua làm mất màu đỏ tươi và dần dần chỉ còn màu trắng nhạt. Nàng nhìn Antoine : - Đấy Ngài thấy không, chiếc hoa tai của em bằng ngọc lưu ly trị giá sáu ngàn con bò... Bây giờ nó đã chết. Em còn một chiếc nữa đây, anh muốn em bỏ nốt vào ly dấm nữa không ? Antoine kinh ngạc, trố mắt nhìn Cléopâtre, chưa biết trả lời cách nào được, thì vị Hoàng-hậu trẻ tuổi và đẹp lộng lẫy đê mê, mỉm cười gỡ chiếc hoa tai kia nữa, bỏ vào ly dấm... Nàng nhoẻn một nụ cười duyên, bảo vị Đại-tướng La-Mã : - Thân em đây cũng như viên ngọc đó vậy. Nếu Ngài muốn em tan vào dấm để vui lòng Ngài, em sẽ tan ngay... Antoine liền ôm lấy nàng, gục đầu vào lòng nàng, say mèm, lẩm bẩm mấy tiếng như kẻ mất hồn mất vía : - Hay là anh... sẽ tan... trong lòng...em ?.. ? Đêm ấy tiệc đã tan, trong chiếc du thuyền còn leo lắt ngọn đèn nhựa, Cléopâtre nằm uể oải trên chiếc nệm hoa, đôi mắt nhìn lên ngôi sao Vệ nữ đang lấp lánh trên mui thuyền. Bên cạnh, Đại-tướng La-Mã, Marc Antoine, nằm ngủ say như chết. Áo chiến bào bằng sắt của chàng đã cởi bỏ dưới đôi chân mũm mĩm của ai kia, cô vợ góa tuyệt đẹp của César... Marc Antoine, viên dũng tướng của La-Mã sau một đêm say sưa bên cạnh Hoàng-hậu Ai-cập, đã hoàn toàn bị nàng chinh phục. Sách Tàu xưa có câu danh ngôn : « Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản ». Đại-tướng Marc Antoine đã ngã vào trong lòng Cléopâtre, thì còn gì là chí khí anh hùng của chàng nữa ? Chàng đã lãnh nhiệm vụ của La-Mã kéo đại binh qua chiếm thành Alexandrie, đánh lấy Ai-Cập, Hy-Lạp, Thổ nhĩ-Kỳ, dè đâu chưa đổ bộ lên hải cảng Alexandrie, chàng đã bị cặp mắt đa tình của Hoàng-Hậu Ai-Cập thu hút hết tinh thần của chàng, làm cho chàng say mê điên đảo. Các bạn hãy xem pho tượng của Antoine hiện còn để trong Bảo-tàng viện của Tòa-thánh Vatican, với nét mặt anh-hùng quắc thước thế kia của một vị Đại-Tướng lừng danh trong Lịch-sử La-Mã, vậy mà chàng đã phải quỳ lụy bên chân một « nhi-nữ » đào tơ liễu yếu. Mặc dầu ở La-Mã Antoine đã đính hôn với Fulvia rồi, Cléopâtre vẫn tuyên bố làm lễ thành hôn ở Ai-Cập với chàng. Lễ thành-hôn của Hoàng-Hậu với Đại-tướng được tổ-chức vô cùng lộng lẫy, suốt mấy ngày đêm đại hội liên hoan khắp cả đô thành. Nơi mấy ngã tư đường phố, từ các vòi phông-ten rượu chảy ra cho dân chúng uống tha hồ. Hàng vạn người được Hoàng-hậu đãi ăn uống say sưa, rồi đờn ca múa hát vang dậy cả non nước của triều đại Ptolémée... Nhưng, thật ra đâu phải vì Cléopâtre khắn khít tình duyên với Marc Antoine ! Nàng chưa mãn tang César Đại-Đế, nàng mới có 24 tuổi, và đứa con trai quý của nàng với César hãy còn bé bỏng. Nàng không sao quên được César, bậc vỹ-nhân thông minh tuyệt vời, anh-hùng muôn thuở, César nghệ-sĩ, thi-sĩ, đa tình và đa cảm mà nàng đã yêu mê đắm đuối, dâng hết cả tuổi trẻ cho chàng, dâng hết cả quê-hương Ai-cập cho chàng César mà nàng đã mất sớm, nàng đau xót biết bao ! Cho nên bây giờ nàng quyết làm sao lấy hết Châu-Á, Châu-Âu, Châu Phi, cả Đế-quốc La-Mã, để làm một Đế quốc vĩ-đại cho đứa con trai độc nhất, 3 tuổi, Césarion, đứa con trai yêu quí của nàng và của César. Marc Antoine chỉ là phương tiện để cho nàng xử-dụng, để thực hiện tham vọng lớn lao kia. Cléopâtre đã thành công được giai đoạn đầu, ngay từ khi Đại-tướng La-Mã kéo đoàn chiến thuyền oai vệ vừa mới cập bến Alexandrie. Marc Antoine đến với nhiệm vụ lấy thành và xâm chiếm Ai-Cập, nhưng bây giờ đây Hoàng-Hậu đã dùng sắc đẹp mà chinh phục được chàng, không những nàng giữ vững được giang-san Ai-Cập, mà còn dùng chàng để chinh phục các xứ Đông phương nữa. Sau lễ thành hôn, tới mùa Xuân, Cléopâtre bảo Marc Antoine kéo đại binh qua đánh Ba-Tư và Ấn-Độ. Nàng cho một đội binh Ai-Cập đi với binh lính La-Mã, và một đoàn lạc đà, một đoàn xe để chở khí giới và lương thực. Marc Antoine, Đại tướng La-Mã, bây giờ đã thành ra Đại-tướng của Cléopâtre, đi chinh-phục những đế-quốc mới ở Á-châu cho nàng. Nàng muốn Antoine đem về cho nàng những kho tàng vàng ngọc châu báu của Ba-Tư và Ấn-Độ. Nhưng tình hình chiến sự không làm thỏa mãn được tham-vọng của nàng. Các dân tộc Cận-đông đã liên kết nhau để chống cự lại Marc Antoine. Chàng đã vượt qua sa-mạc mênh mông của Arabie, nhưng khi đến đóng trại nơi biên giới Ba-Tư thì liền bị đoàn quân kỵ-mã Scythes đến đánh tan hoang. Quân Ba-Tư lại cướp lấy gần hết các đồ hành lý và lương thực của đoàn quân La-Mã Ai-Cập, khiến cho binh lính của Marc Antoine chết đói, chết khát, trở nên điên cuồng, chém giết lẫn nhau. Marc Antoine buồn bã đem tàn quân về Alexandrie và chỉ uống rượu suốt ngày, để quên cái nhục lớn ấy. Nhưng Hoàng-hậu Cléopâtre không hề nản chí. Không chinh-phục được Ba-Tư, Ấn-độ thì nàng quyết đánh lấy La Mã. Nàng tạm bỏ Á-Châu để quay sang Âu-châu. Thật là từ Thượng-cổ chưa có vị Đại-tướng nào, chớ đừng nói đến đàn bà, có tham vọng quá lớn lao và điên cuồng đến thế. Nàng sắp đặt liên kết với các nước nhỏ, Hy-Lạp, Thổ-nhĩ-Kỳ, để đánh La-Mã. Hoàng-đế AUGUSTE được tin ấy liền bày binh bố trận để canh phòng La-Mã. Hoàng-đế Auguste là người thế nào ? Nối-nghiệp cho Đại đế César, OCTAVE (tức là Auguste) cháu của César, lúc mới kế vị, chỉ là một cậu thanh niên ốm-yếu. Mặt mũi thì bị lác ăn, ngứa ngáy cứ gãi hoài, răng thì thúi hết, tóc thì rụng hết, đi cà thọt phía bên trái, người ốm tong ốm teo, trông như một anh chàng cùi. Đã vậy lại bị bệnh đau gan, đau ruột, nước da xanh nhờn, lúc nào ông cũng mặc hai ba chiếc áo bện lông cừu trùm kín cổ, bịt kín tai, mà vẫn cứ hay nhức đầu sổ mũi luôn. Ông lại không ưa trang sức như César, không bao giờ tắm rửa, ngồi trên ngai vàng mà cứ gãi sột sột khắp mình mẩy, không biết mỏi tay. Ấy thế mà, Hoàng-đế Auguste của Đại đế quốc La-Mã lại là một bậc vĩ-nhân tài tình nhất của Lịch-sử. Được tin chiến thuyền Ai-Cập của Cléopâtre và Marc Antoine kéo đến hãm thành La-Mã, Hoàng-đế Auguste đem binh ra đánh một trận làm tan tành hết lực lượng của quân thù. Marc Antoin kéo tàn binh về Alexandrie và cũng chỉ uống rượu say-sưa suốt ngày để quên các cuộc bại trận đau đớn và nhục nhã. Hoàng-Đế Auguste quyết sang Ai-Cập để bắt giết Marc Antoine, viên Đại-tướng phản bội. Được tin, Cléopâtre liền tổ chức lại quân đội, củng cố các thành trì, tăng cường phòng thủ Hải-cảng Alexandrie. Nàng không nhờ cậy nơi sức của Marc Antoine nữa, nhưng nàng vẫn không bỏ chàng. Một hôm, Hoàng-hậu Cléopâtre đang ngồi trên ngai, chủ tọa một buổi đại triều quyết định việc chống giữ thành trì. Chung quanh nàng có đủ bá quan văn võ, ai nấy đều tôn kính nàng và sợ-sệt vì sắc đẹp của nàng diễm lệ và uy-nghi. Những cung nữ quỳ hai bên, cầm quạt quạt cho nàng, và dâng rượu lên nàng. Đại-tướng Marc Antoine từ ngoài vén bức màn gấm treo trước cửa điện, bước vào. Chàng say rượu, đi ngả qua ngả lại, không vững, mặt đỏ gay, nước dãi nhiểu lòng thòng nơi miệng. Chàng vịn vào cột đá cẩm thạch, bước không được nữa. Chàng cất tiếng lè-nhè hỏi : - Hoàng-hậu yêu quí của ta ơi ! Chừng nào Octave qua đây ? Liệu ta có đủ sức đánh nó không ? Trước mặt các quan Triều thần, Cléopâtre vẫn tỏ vẻ hiền lành, nhoẻn một nụ cười duyên dáng đáp : - Đại-tướng cứ về phòng nghỉ, uống rượu, chơi với bạn bè. Việc bảo vệ Alexandrie, nay để mặc ta. Nàng biết không còn dùng được Marc Antoine nữa rồi. Chàng đã hoàn-toàn hư hỏng vì quá mê nàng, nhưng nàng cứ để yên chàng đấy, không nỡ ghét bỏ, và cũng không yêu. Nàng vẫn đeo đuổi tham vọng để cho đứa con trai của nàng và César một đế-quốc to lớn xứng đáng với uy danh của vị Đại-Đế. Nàng có nghĩ đến chuyện lần nầy dùng sắc đẹp lộng lẫy của nàng để chinh phục cả Hoàng-đế Auguste không ? (hay là Auguste muốn lợi dụng nàng chăng ?) Lịch-sử không có nói rõ. Nhưng có điều lạ, là trước khi hành binh, Auguste có phái một viên sứ giả đến liên lạc với nàng. Hoàng-Đế chỉ yêu cầu nàng trao trả Marc Antoine lại cho La-Mã, còn nàng vẫn được giữ ngôi báu Ai-Cập và Triều-đại Ptolémée vẫn tiếp tục làm chúa tể xứ Ai-Cập. Nếu không, Ai-Cập sẽ bị La-Mã xâm chiếm. Muốn tỏ cho Auguste thấy Cléopâtre cũng là một vị Nữ Chúa anh hùng, nàng mỉm cười từ chối : - Không ! Ta quyết giữ Antoine không phải vì tình yêu nhưng vì ta không muốn làm một việc phản bội. Người về tâu với Auguste, nếu quân đội La-Mã sang đây, ta sẽ sẵn-sàng nghinh chiến. Chiều hôm ấy, trong lúc nàng còn đang thảo luận chiến lược phòng thủ với các tướng lãnh Ai-Cập, Marc Antoine lại đi thất-thểu vào phòng Hội-nghị, mồm sặc mùi rượu, hỏi nàng : - Có tin gì lạ không ? Cléopâtre trả lời : - Không... Chẳng có gì cả. Cléopâtre sai người thân tín đem cậu bé Césarion qua dấu bên Ấn-Độ, để một mình nàng rảnh tay chống giữ thành trì Alexandrie, bảo vệ ngôi báu, kho tàng, và bảo vệ dân tộc của nàng. Octave (Hoàng-đế Auguste) kéo binh qua hạ được hải cảng Alexandrie, sau một trận quyết liệt. Quân-đội La-Mã đổ bộ lên thành phố. Nhưng Cléopâtre nhất định không chịu đầu hàng. Nàng đã cho xây một ngôi mộ nguy nga cao lớn như một lâu đài, nàng vào đó với các cung nữ và truyền lịnh khóa chặt then cửa lại. Antoine còn ở lại trong cung điện Hoàng-hậu. Vừa biết tin Alexandrie thất thủ, chàng liền cởi áo sắt, lấy gươm rạch bụng. Chàng còn thò tay vào moi hết ruột gan ra. Chàng có sức mạnh phi-thường, mặc dầu máu chảy ra lai láng, gan ruột còn dính lòng thòng nơi bụng, nhưng chàng vẫn chưa chết. Chàng nằm yên tĩnh trên thềm gạch hoa. Sực có quân lính đến bảo : - Thưa Đại-tướng, Hoàng-hậu cho mời Ngài đến nơi trú ẩn gấp. Antoine ngồi vùng dậy, cười vui-vẻ : - Hoàng-hậu gọi ta ư ? Ha ! Ha ! Thật là phúc đức cho ta vậy ! Ta đã sống vì nàng, giờ đây ta được nàng gọi đến để chết bên chân nàng, ta vui lòng đến ngay ! Nói dứt lời, Antoine chống hai tay trên gạch, cố lấy sức đứng dậy, và nhờ hai tên lính đỡ chàng đi đến Cléopâtre. Một đàn ruồi bu đen nghịt nơi vết thương còn chảy máu ở bụng, chàng lấy tay xua đuổi, nhưng chúng vẫn không bay đi, lại còn đậu cả trên khúc ruột gan đeo lòng thòng chỗ bụng. Dân chúng hai bên hàng phố đổ xô ra coi cảnh tượng ghê rợn ấy, cả quân lính của Hoàng-đế Auguste. Thấy Antoine đến, Cléopâtre bảo với các cung nữ : - Ta không muốn để Antoine bị chết nhục trong tay Octave. Chàng phản bội Đế-quốc La-Mã, nhưng chàng trung thành với ta. Ta không yêu chàng, nhưng ta kính trọng người trung tín. Nói xong, nàng bảo các cung nữ mở cửa mả để Antoine vào. Nhưng vì then cửa đóng chặt quá, các bàn tay yếu ớt của các cung nữ không làm sao mở then được. Nàng bèn truyền lịnh leo lên nóc mồ cao thả một sợi dây sắt xuống để Antoine bám lấy đó mà leo lên, nhưng đến nửa chừng chàng té xuống. Cléopâtre truyền lịnh binh sĩ ở ngoài buộc dây sắt vào thân Đại-tướng, để nàng cùng các cung nữ kéo lên. Dân chúng và binh sĩ bên ngoài đông nghẹt đã chứng kiến cảnh tượng phi-thường ấy. Kéo Antoine vào được trong ngôi mộ rồi, Antoine còn mỉm cười nhìn nàng và nói : - Cảm ơn Hoàng-hậu. Ta được chết vẻ vang trước mặt nàng. Ta được tin Octave muốn hòa hiệp với nàng, nhưng ta khuyên nàng hãy coi chừng hắn. A ! Cléopâtre ! Cléopâtre ! Đáng lẽ nàng được sung sướng... Đáng lẽ nàng phải được làm chúa tể hoàn cầu !... Cléopâtre ! Cléopâtre ! Dứt lời, Antoine tắt thở. Cléopâtre cho khâm liệm chu đáo. Vừa xong, thì một vị quan hầu leo được vào báo tin cho nàng biết Octave đã cho người tìm được Césarion và đã giết chết. Nghe vậy nàng tức giận vô cùng, nhưng vẫn bình tĩnh như thường. Nàng truyền cho cung nữ đem một giỏ trái sung chín, là thứ trái cây mà người Ai-Cập thời bấy giờ rất ưa dùng. Ở dưới đáy giỏ nàng đã dấu, mà không cho ai biết, một con rắn Aspic, loại rắn độc nhất của Phi-Châu, nó cắn là chết liền. Cléopâtre mặc triều phục Hoàng-hậu sặc sỡ muôn màu, đội mũ kim cương và đeo tất cả các châu báu vào đầy mình. Xong, nàng thò tay vào đáy giỏ, mỉm cười bảo : - Ta muốn lựa một trái sung chín... Con rắn Aspic từ dưới đáy giỏ chườn lên đã quấn vào tay nàng, bò lên cánh tay nõn nà của Cléopâtre, và phóng đầu tới cắn ngay vào vú nàng một cái. Không đầy một phút nàng ngã ra chết. Hoàng-Đế Auguste không hay biết tin ấy. Buổi chiều, Ngài sai một vị sứ giả mời Cléopâtre đến tổng-hành-dinh. Sứ giả vào chỉ thấy Hoàng-Hậu Ai-Cập nằm nhắm mắt với một nụ cười trên môi. Sắc đẹp lộng lẫy của nàng vẫn không phai mờ. Octave liền cho chạm một pho tượng của Cléopâtre với con rắn Aspic quấn vào cánh tay, rồi cho chở pho tượng ấy về La-Mã. Có tin đồn trước rằng Cléopâtre đã bị bắt, dân chúng La-Mã nô nức tưởng đâu Octave sẽ giải Hoàng-Hậu Ai cập còn sống làm tù binh để đi diễu qua các phố. Cho nên, khi nghe quân đội của Octave về, dân chúng La-Mã kéo ra đứng chật hai bên đường để xem mặt Cléopâtre. Nhưng khi dân chúng thấy binh sĩ khiêng bức tượng Cléopâtre với nét mặt diễm lệ, oai nghi, và con rắn Aspic quấn trên tay, thì ai nấy đều cảm động, thương tiếc một trang quốc sắc thiên hương đã chết oanh liệt vì Tổ-quốc của Nàng. Pho tượng của Cléopâtre được dân chúng La-Mã chiêm ngưỡng, và Lịch-sử cho rằng, mặc dầu Cléopâtre thất bại, nàng vẫn đã chinh phục được trái tim của mấy triệu người La-Mã. Chỉ nhìn thấy bức tượng của Hoàng-hậu Ai-Cập, thanh niên La-Mã cũng cảm thấy say mê. Họ kéo nhau sang xứ sở của Cléopâtre để được thưởng thức sắc đẹp của Phụ-nữ Ai Cập. Từ đấy, họ chỉ vui say bên xứ người, không còn nghĩ đến đất nước quê hương. Tinh thần dân tộc của người La-Mã trở nên nhu nhược, nên chẳng bao lâu La-Mã bị các nước lân cận đem binh xâm chiếm. La-Mã thất bại chua cay. Tuy Cléopâtre chết đi, thân hình kiều diễm của nàng đã chôn vùi dưới ba tấc đất, song sắc đẹp lộng lẫy của nàng vẫn còn phảng phất trên dương gian, và đã làm cho Đế quốc La Mã phải điêu đứng đến nối phải sụp đổ tan-tành ! 3. – SABA, HOÀNG-HẬU ETHIOPIE MỘT TÊN THỢ BẠC LÊN LÀM VUA HOÀNG-HẬU Saba (Hoàng hậu của xứ Saba), là tên lịch sử của người đàn bà trẻ đẹp, duyên dáng và đa tình của thời Tối-Cổ mà trong Thánh Kinh của Thiên Chúa giáo đã có nói đến và khen ngợi (chương I, Rois đoạn 10, Cựu Ước). Đời nàng thật là thơ mộng. Nhất là cuộc tình duyên say mê và cảm động của nàng, bị luật pháp Triều đình cấm ngặt, đã làm nổi bật lên bẩm chất thiên nhiên của người phụ nữ bất cứ ở xứ nào, ở thời đại nào, và giai cấp nào : bẩm chất của TÌNH YÊU. Nhưng, trước hết, tôi muốn đưa bạn đọc trở về một đoạn Lịch sử của xứ SABA, để rồi các bạn sẽ hiểu rõ hơn về tiểu sử của Hoàng hậu Saba. Saba là một quốc gia Ả Rập tối cổ, ở dọc bờ bể Hồng Hải, thế kỷ thứ VIII trước J. C., nay là một phần đất của xứ Yémen. Lịch sử Ả Rập chép lại rằng xứ này là quê hương của Hoàng hậu Saba, và gọi tên thật của nàng là Balkis, hay là Balqtis. Trái lại, Lịch sử xứ Ethiopie lại minh xác rằng chính xứ Ethiopie (Abyssinie, ở Trung Phi Châu) mới đúng là quê hương của nàng, và tên thật của nàng – nhũ danh, là Makeda. Hiện nay hai nước này vẫn tranh giành vinh dự được là quê hương của Hoàng hậu Saba. Nhưng xét kỹ về các biến chuyển lịch sử thời bấy giờ thì cái thuyết của xứ Ethiopie có phần đích xác hơn. Hay là nói : nàng sinh ở Ethiopie mà làm Hoàng hậu ở Saba, thì đúng hơn cả. Nhưng nàng là ai ? Trở về Kinh Cựu Ước, sau thời đạo sĩ Moise từ biệt Ai-Cập trở về Chanaan, không phải toàn thể dân Hébreux đã theo ông. Một số đông không tin tưởng nơi đạo sĩ, đã ở lại. Đó là những người giàu có, đã gầy dựng sự-nghiệp khá vẻ vang ở kinh đô các Pharaons và không thích di cư về xứ Chúa. Trong đám đông người ở lại, có khá nhiều các cô gái điếm, đủ hạng gái « làng chơi » mà bọn thanh niên, công tử công tôn của Ai-Cập rất ham chuộng. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ở ngay trên đất Ai Cập, người Do Thái và dân Ai-Cập bổn xứ đã có nhiều mối thù cố cựu. Hai bên đã tìm cách tàn sát lẫn nhau. Bỗng dưng có tin đồn khắp thủ đô Ai Cập, rằng một đạo binh của Thái tử Ai-Cập con Vua Ramsès vượt qua Hồng Hải đã bị Chúa Trời của Do Thái làm nổi dậy sóng gió nhận chìm hết xuống đáy biển. Người Ai Cập được tin đó liền nổi giận, hầm hầm kéo đến các xóm của người Do Thái ở và tàn sát để trả thù cho quân đội của họ. Người Do Thái bị giết chết rất nhiều. Còn sống sót độ một trăm người chạy tán loạn trong đêm tối để tìm nơi trốn thoát. Nhưng sáng hôm sau họ bị khám phá, bị bắt hết, và bị « tòa án dân chúng » của Ai Cập kết tội xô xuống Hồng Hải, lúc bấy giờ gọi là Biển Máu – Huyết Hải. Chúa của Do Thái (tức là Chúa Trời, trong Thánh Kinh gọi là l’Eternel) liền nổi trận cuồng phong thổi tất cả dân Ai-Cập vào sa mạc, để cứu bọn Do Thái. Nhờ vậy, đám tàn dân Do Thái này kéo nhau đến định cư một nơi có núi gò cao và phì nhiêu, cây cỏ tươi tốt, ở tận trung tâm Phi Châu còn hoang vu chưa có người khai khẩn. Ba ngàn năm trăm năm sau, đám dân Do Thái phiêu lưu này trở thành một dân tộc giàu mạnh, nhờ các nghề trồng tỉa, chăn nuôi, và nghề làm vàng bạc. Họ thành lập một xứ, đặt thủ đô là Axoum, tức là xứ Ethiopie ngày nay. Một chú thợ bạc giàu nhất tên là ANGUEBO được dân chúng tôn lên làm Vua. CÔNG CHÚA MAKEDE KHÔNG ĐƯỢC LẤY CHỒNG VUA ANGUEBO và vợ là RACHEL đến tuổi già mà không có con trai để nối nghiệp Quốc vương. Ông chỉ có một mụn con gái tên là MAMMÉTÉ, cô con gái độc nhất để truyền ngôi báu, có vương miện 7 viên ngọc thạch, của Vương quốc Axoum. Các ông cố đạo Do Thái có uy tín lớn đối với dân chúng được quyền định đoạt luật pháp trong nước chấp nhận công chúa Mammété được lên ngôi Hoàng hậu sau khi Vua chết. Nhưng nàng phải tuân theo một điều kiện, là suốt đời phải giữ trinh tiết, không được lấy chồng và cũng không được yêu một người đàn ông nào. Hội đồng cố đạo phán rằng : ngồi trên ngai báu của xứ Axoum phải là một công chúa hoàn toàn trong sạch. Mặc dầu Vua Anguebo phản đối và tìm cách vận động cho con gái độc nhất của ông khỏi bị luật pháp dã man kia ràng buộc, Hội đồng cố đạo vẫn cương quyết giữ lập trường và công chúa Mammété bị bắt buộc chấp nhận điều kiện vô nhân đạo. Từ đó công chúa Mamété được đổi tên là MAKÉDA, theo tiếng Ethiopien có nghĩa là Công chúa TRINH TIẾT. Hôm Vua cha băng hà, công chúa Makéda vừa đúng 20 tuổi. Bốn chục ngày sau, nàng được tôn lên ngôi Hoàng hậu Vương Quốc Axotum, và trước hội đồng Cố Đạo và toàn thể dân chúng thủ đô, nàng khẳng khái làm lễ tuyên thệ : « Giữ trọn đời trinh tiết, không yêu người đàn ông. » « SUỐT ĐÊM EM KHÓC VÌ NHỚ THƯƠNG ANH... » NHƯNG Hoàng tử đẹp trai hiện ra trước mắt công chúa ngay lúc nàng thốt ra lời tuyên thệ... Trong đám các Vua chúa và quan khách ngoại giao của các xứ Ả Rập, Do Thái, Hy Lạp, Ai Cập, Ba Tư đến dự lễ đăng quang của Hoàng hậu, có hoàng tử Assadaron, cháu đích tôn của Hoàng đế xứ Babylone. Trong nghi lễ oai nghiêm tráng lệ, ngay giây phút đầu tiên hai tia mắt của nàng và của chàng vô tình chạm vào nhau, tiếng sét đã nổ trong tim chàng và nàng. Và đêm ấy, khi những ngọn đuốc mỡ cá sấu đã tàn, khi tiếng nhạc du dương của đoàn cung nữ đã im lặng, trong khung cảnh lờ mờ thơ mộng của vườn Ngự Uyển ngào ngạt hoa thơm, Hoàng hậu Makéda trẻ đẹp đã ngã gục vào đôi cánh tay say sưa âu yếm của hoàng tử Babylone. Nhưng trong ngây ngất của tình yêu ban đầu và tình yêu tuyệt vọng, nàng vẫn giữ « trong-trắng-như-viên-ngọc- trong-lòng-biển-đại-dương » Hoàng tử Assandaron xin ở lại Axoum, không về xứ. Cuộc giao thiệp lén lút giữa chàng và Hoàng hậu Trinh Tiết mỗi ngày mỗi thân mật thêm, mặc dầu nàng biết rằng những đôi mắt cú vọ của Hội đồng Cố Đạo vẫn không ngớt dòm ngó nàng, theo dõi nàng, trong ánh sáng và trong bóng tối... Nhất là ông Hoàng Âmram, người của Hoàng tộc được đề cử làm cố vấn cho Hoàng hậu còn trẻ tuổi, lúc nào cũng nhìn nàng với đôi mắt xoi bói, lạnh lùng, nghiêm khắc. Nàng có nuôi hai con két đỏ, một trống, một mái, mà nàng tập luyện làm trung gian cho những cuộc gặp gỡ bí mật giữa nàng và chàng. Lúc bấy giờ người Ethiopiens cũng như người Ai Cập chưa có văn tự, cho nên chưa biết viết thư, mặc dầu họ đã văn minh không kém Hy Lạp và Ba Tư. Hoàng hậu dạy hai con két nói « Na Na Fikrit Aron » nghĩa là : « Đến đây, đến đây, tình nhân Aron » Aron tức là chữ đầu và chữ cuối trong tên của Hoàng tử Assadaron. Mỗi lần trông thấy người yêu đi lang thang ngoài thành, Hoàng hậu thả hai con két đỏ ra, chúng bay đậu trên các cành cây và đua nhau kêu : « Na na, fikrit Aron... Na na, fikrit Aron ». Thế là Hoàng tử Assandaron hiểu ý, đêm đến lẻn vào vườn thượng uyển để gặp người yêu. Hoàng hậu Makéda và « Aron » yêu nhau mỗi ngày mỗi thắm thiết say mê. Đã bao nhiêu lần nàng âu yếm và đau khổ gục đầu khóc thút thít trong lòng tình nhân. Chàng ôm xiết nàng trong đôi cánh tay yêu đương khỏe mạnh, mơn trớn nàng, hôn nàng trên mái tóc, trên đôi mắt, làn môi, với hai ngấn lệ âm thầm của tuyệt vọng. Nhưng, mặc dầu có những lúc men yêu làm cháy thịt cháy da, chàng van lơn đòi hỏi, Hoàng hậu Makéda trẻ đẹp, sầu mộng, đa tình, vẫn cố nén giữ được trong trắng, không dám để phạm đến trinh tiết mà nàng đã tuyên thệ bảo toàn trước Chúa và thần dân. Một buổi sáng, hai cung nữ da đen thân tín nhất của Hoàng hậu rón rén bước vào phòng nàng, trong bàn tay mỗi người có một vật gì đỏ tươi giống như con két, nhưng không cử động. Hai cung nữ vừa tiến đến gần nàng vừa khóc. Makéda ngó kỹ thì ra hai con két của nàng đã bị bàn tay bí mật nào cắt cổ chết, hai vết thương còn rỉ máu. Nàng biết đó là một cảnh cáo nghiêm trọng, một điềm dữ cho tính mệnh của nàng và của người yêu. Nàng suy nghĩ suốt đêm, thấy cần phải báo tin gấp cho Hoàng tử Assadaron biết để chàng liệu xa lánh nơi nguy hiểm này. Nàng trao cho cung nữ da đen mang đến chàng một bức vẻ do tự tay nàng vẽ ra. Nàng tin rằng Hoàng tử Assadaron sẽ đoán hiểu ý nghĩa của bức tranh bí hiểm. Hiện nay ở Ethiopie, bức vẽ này hãy còn lưu truyền trong dân chúng với bản dịch nghĩa sau đây : « Aron anh ơi ! Những bàn tay bí mật và tàn ác đã bóp chết hai con két, sứ giả tình yêu của chúng ta. Cho nên em buồn, em khóc... suốt đêm vì nhớ thương anh, mắt em để tuôn rơi hai giòng thảm lệ. Thôi chúng ta hãy gạch một đường đen để tang cho tình yêu từ nay. Từ nay, Makéda, đau khổ và cô đơn, luôn luôn mắt tràn ngập lệ, tiếp tục nhiệm vụ lịch sử như kẻ nô lệ phải kéo cầy trên mảnh đất gồ ghề đầy sỏi đá. Vĩnh biệt anh, Aron ơi ! Anh nên xa lánh chốn này. Giữa anh và em từ nay sẽ có bức màn ngăn cách... Hãy quên em đi ! » * KHÔNG được gần người yêu, vị Hoàng hậu trẻ đẹp, rất lãng mạn và hãy còn trinh tiết nguyên vẹn muốn trả thù lại bọn đàn ông bằng một chính sách « trọng nữ khinh nam » vô cùng táo bạo, lần đầu tiên trong Lịch sử các nước Cận Đông. Nàng đặt ra luật lệ mới, ban cho phái phụ nữ rất nhiều quyền hành, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chính sách nữ quyền của nàng cực đoan đến đỗi dưới chế độ cai trị của nàng, người phụ nữ được quyền bỏ tiền bạc ra mua đàn ông, như người ta mua những kẻ nô lệ để sai khiến vậy. Người con gái nào cũng có thể mua người đàn ông vừa ý mình về để làm chồng, và người vợ làm chủ gia đình. Nàng động viên bọn đàn ông con trai khoẻ mạnh trong nước để thành lập một quân đội trên ba trăm ngàn người do nàng chỉ huy. Nàng truyền lệnh đóng rất nhiều tầu thủy, thiết lập một đội hải quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ, gọi là đoàn « Chiến Thuyền Xanh », đặt dưới quyền điều khiển của Hoàng hậu. Chuẩn bị đầy đủ binh sĩ và khí giới, nàng kéo đội quân ấy đi chinh phục các xứ lân cận. Và nàng đánh đâu thắng đó. Lãnh thổ Ethiopie của nàng được mở rộng ra đến tận biên giới Egypte (Ai-Cập) bao gồm cả các vùng rộng lớn Kenya, Ouganda, và Soudan. Xứ Ethiopie của Hoàng hậu Makéda bao gồm cả Đông Bắc Phi Châu, Nàng kéo quân đội của nàng đến tận bờ biển Hồng Hải, và muốn vượt bể sang đánh cả các xứ Ả Rập, để chinh phục Á Châu. Nói là làm. Nàng quyết thực hiện ý chí ấy trong cơn hăng say binh lửa để quên mối tình tuyệt vọng. Nàng, một cô gái 21 tuổi, Hoàng hậu kiều diễm của một quốc gia mới sáng lập, vì luật pháp triều đình của bọn đạo sĩ già khắt khe cấm nàng không được yêu vị Hoàng tử đẹp trai Assadaron của nàng, nên nàng quyết cho con tim đau khổ hận thù của nàng say sưa trong máu lửa chiến tranh, trong cảnh giết chóc ngàn vạn binh sĩ đàn ông mà nàng kiêu hãnh dẫm lên xác chết dưới đôi bàn chân ngọc ngà, oanh liệt. Nàng hăng hái truyền lịnh đoàn quân viễn chinh xuống thuyền vượt Hồng Hải đổ bộ lên vùng Ả Rập. Sau ba năm chiến đấu khủng khiếp, Hoàng hậu Makéda trẻ đẹp chiếm được xứ Yémen. Một Thiên đường thơm ngát của Arabie huyền linh ảo địa. Lãnh thổ của nàng bây giờ đã trở thành « Nhị Châu Đế Quốc » quê hương ở bên Phi Châu, tân cương thổ ở Á Châu Cận Đông, ở giữa là Hồng Hải. Nàng kéo quân vào đóng tại thủ đô Saba của Yémen, và đặt Saba làm Đông Đô của Tân Đế Quốc, trong lúc Axoum là Tây Đô đất nhà. Lịch sử Arabie còn để lại những bức tả cảnh vô cùng linh động của kinh đô Saba huyền bí, nơi đây Hoàng hậu Makéda được suy tôn là Hoàng hậu Saba. Nàng gọi các kiến trúc sư danh tiếng đến phán rằng : « Ta muốn một thành phố mỹ lệ được xây dựng nơi đây. Ta muốn ở trung tâm thành phố được cất lên ba vòng lâu đài hình bán nguyệt. Ta muốn ở ngay giữa bán nguyệt ấy được dựng lên một lâu đài thứ tư, cao vút lên mây xanh để làm cung điện của ta. Sau cùng, ta muốn rằng trên thượng tầng cung điện của ta, có một sân rộng đổ đất trồng cây, toàn những cây quí có hoa thơm và đẹp, thành vườn Thượng Uyển, để cho các người tứ xứ đi tàu trên bể Hồng Hải từ xa ngước mắt lên đều thấy vườn cây cảnh của ta như treo lơ lửng trên trời xanh. » Các kiến trúc sư cúi đầu vâng lệnh, ngày đêm lo xây cất, và một năm sau tôn ý của Hoàng hậu Saba được thực hiện đúng theo điều mơ ước của Nàng. Nhưng... Hoàng hậu Saba vẫn cứ buồn rầu chán nản, giữa cung điện nguy nga, lâu đài tráng lệ ấy. Nàng bước đi một mình, trong thực tế lộng lẫy của vinh quang, phú quí, đầy mùi thơm ngào ngạt của trăm nghìn cánh hoa, đầy những kho vàng ngọc châu báu mà nàng thò tay vào hốt có thể vứt từng nắm ra cửa sổ cũng không bao giờ hết được. Y phục rực rỡ, chói sáng kim cương, ngọc bích, trân châu, đầy cổ, đầy tay, Hoàng hậu Saba đứng trên góc vườn Thượng Uyển, trên chín từng mây xanh, ngó xuống thành phố lui nhui, lúc nhúc những người qua lại… Bỗng nàng thấy trong xóm nhà lao động rách nát, dưới một bóng cây dừa, một đôi trai gái nghèo nàn âu yếm hôn nhau. Hoàng hậu Saba gục đầu vào chậu hoa quí, thổn thức một mình. Nàng lầm bầm : « Cặp tình nhân kia giàu hơn ta ! ». * HOÀNG hậu Sapa chạy nhanh vào cung điện. Nàng đóng kín cửa, không cho các nô tì vào hầu hạ. Ngả gục xuống chiếc long sàn bằng gỗ hương trầm, châu ngọc, kim cương, nàng ôm chiếc gối thơm ngát nước hoa và khóc nức nở. Nàng cảm thấy cả cung điện rỗng không, chẳng có gì. Làm chủ bao nhiêu đất đai, thành trì, dân chúng, thâu về bao nhiêu kho vàng, kho ngọc, nàng thấy trái tim nàng vẫn trống trải, hoang liêu, vắng lặng như sa mạc Arabie. Tiếng đờn tiếng sáo réo rắt du dương từ phòng Ca Nhạc vang lên, không làm cho tâm hồn nàng rạo rực êm đềm nữa. Nàng truyền lệnh : « Im đi ! » Nàng đứng dậy, bước đi trong hành lang rộng mênh mông. Bóng nàng đơn độc, in lờ mờ trên các bức tường cẩm thạch thơm ngát nước hoa. Nàng gọi một nữ tỳ : « Fadena ! » Một cung nữ rất đẹp độ 19 tuổi, từ một căn phòng thoăn thoắt chạy ra quỳ xuống bên chân Hoàng hậu. Nàng bảo : « Gọi cho ta một viên chiêm tinh nổi tiếng nhất ! » Fadena đứng dậy cung kính nghiêng mình chào rồi biến đi. Một lát sau, chiêm tinh gia đến. Một ông già râu trắng phau, đôi mắt sáng rực. Ông ngồi trên sàn hoa, bên chân Hoàng hậu. Nàng phán : « Nhà ngươi xem tương lai của Trẫm như thế nào ? » Ông lão chiêm tinh tươi cười và lễ phép đáp : « Hoàng hậu đang băn khoăn về một vấn đề tâm sự. Nhưng vấn đề sẽ được giải quyết một ngày gần đây. Thần xem các ngôi sao từ mấy đêm nay thấy triệu chứng Hoàng hậu sắp chinh phục được trái tim một Quốc vương tài ba trí tuệ bậc nhất trên toàn cầu. » Hoàng hậu Saba mỉm cười hỏi : « Quốc vương ở nơi nào thế ? » - Ngài ở hướng Bắc. Hoàng hậu khoác bàn tay mũm mĩm dịu dàng ra lệnh cho chiêm tinh gia rút lui. Nàng đứng dậy, lên vườn Thượng Uyển, ngồi trên bờ một hồ nước soi mình vào ánh nước long lanh. Nàng còn trẻ lắm. Quả thật nàng diễm-lệ và duyên dáng vô cùng. Bỗng Fadena rón rén đến, quì xuống tâu : - Tâu Hoàng-Hậu, có một người đi buôn, tên là Tamrinn, từ Jérusalem mới đến, xin vào yết kiến Hoàng-Hậu. - Có chuyện chi ? - Thưa Hoàng-Hậu, y có đem những trái sung ngon nhất ở Arabie và một hộp ngọc kim cương đến dâng Hoàng-Hậu để tỏ lòng tôn kính. - Cho y vào. Tamrinn ngồi trên sàn hoa, được Hoàng-Hậu ân cần hỏi han : - Trẫm thường nghe danh tiếng lừng lẫy của Quốc Vương Salomon ở Jérusalem. Những tiếng đồn về Ngài có đúng sự thực không ? - Muôn tâu Hoàng-Hậu diễm kiều, oai nghi của xứ Saba, quả thật lời đồn đại về Đại Vương Salomon không quá đáng chút nào. Danh thơm của Ngài không những được thấm nhuần trong óc của bọn thường dân chúng tôi, của toàn xứ Israel mà còn bay khắp miền Palestine, khắp các xứ Arabie. Cho đến cả các nước ở hai bên bờ biển Địa Trung Hải đều nghe danh Salomon, đều nô nức khâm phục Salomon, đều sùng kính Salomon, con trai kế vị của David Vĩ đại, tiếp tục sự nghiệp vô cùng cao cả của David, và xây dựng đền Jérusalem thiêng liêng huyền bí làm nơi trung tâm thờ Chúa của loài người. Công đức của Salomon vô lượng vô biên ! Trí óc của Salomon khôn ngoan sáng suốt vô cùng. Không bị Vua nào sánh kịp ! Toàn thể Israel, toàn dân Do Thái chúng tôi đều nhờ ân huệ của Đại vương Salomon, con trai kế vị của David Vĩ-đại. Hoàng hậu Saba mỉm cười, khẽ bảo : - Cám ơn. Rồi Nàng truyền lệnh cho Tamrinn lui ra. Người lái buôn ở kinh đô của Hoàng hậu Saba 7 ngày. Trước khi y từ biệt Saba để trở về Jérusalem, y được Hoàng hậu triệu vào cung. Nàng gởi rất nhiều quí vật để dâng tặng Đại vương Salomon, trong số đó có một con sư tử nhỏ bằng ngọc thạch. Nàng dặn người lái buôn : - Con sư tử này là một cái hộp đựng hai miếng ngà, trên mặt ngà có khắc nhiều bức vẽ. Nếu quả thật trí óc của Đại vương Salomon khôn ngoan và sáng suốt đúng y như lời nhà ngươi đã tán dương với Ta, thì Ngài sẽ đoán hiểu ý nghĩa của những bức vẽ ấy. Ta mong sẽ được Ngài gửi cho ta xem ý nghĩa ấy như thế nào. Nhưng, trước hết, Ngài phải tìm cho ra phương pháp mở con sư tử này ra mà không đập vỡ nó. Tamrinn tuân lệnh đem con sư-tử bí-mật về Jérusalem. Hoàng hậu Saba kiên nhẫn chờ trả lời. Một thời gian sau, không quá một tháng, Salomon phái đến Hoàng hậu một viên quan coi kho của Vua với một đoàn tùy tùng rất đông đảo. Salomon gửi đến nàng 24 thùng đựng đầy các thứ bửu vật : tơ lụa, các loại thuốc trường xuân, các loại nước hoa và vàng bạc, trân châu, kim cương, bích ngọc, và sau cùng, một món quí nhất, và lạ nhất, là một cái hộp bằng gỗ dương trầm, chạm đúng kiểu mẫu đền Jérusalem. Nhưng đây chỉ là cái nắp hộp. Mở nắp ra, Hoàng hậu Saba ngạc nhiên thấy con sư tử bằng bích ngọc của nàng, được gửi trả về. Đại vương không tìm ra được bí pháp mở con sư tử ư ? Nhưng nàng bấm cái nút nhỏ ở dưới bụng con sư tử thì con sư tử mở ra. Trong bụng con sư tử nơi mà nàng đặt hai miếng ngà, bây giờ nàng thấy một cuộn giấy bằng lá cây papyrus, trên đó có ghi những lời của Vua giảng giải những bức vẽ bí mật của Hoàng hậu sau đây : « Hoàng Hậu Saba đội vương miện có 7 viên ngọc, Rực rỡ như con công, Trong trắng như trân châu còn nguyên trinh trong lòng đại dương, Hoàng hậu của Nhị Châu Đế Quốc có biển phân cách và nối liền ở giữa, Vàng bạc châu báu tràn ngập như một dòng kim ngân, chảy hoài không cạn. Nhưng Hoàng hậu buồn khóc dưới bóng cây trắc bá cô đơn, Đêm, ngày, trái tim của Hoàng hậu bị đè nặng dưới một khối u sầu, Nhưng một đêm, các vị sao trên trời chỉ cho Hoàng hậu biết Jérusalem rực rỡ tưng bừng dưới triều Vua Salomon. Công lý và danh thơm của Ngài bay khắp hoàn cầu, Giờ đây, Hoàng hậu Saba mong được gặp Vua Salomon ở Jéruslem.. » Vị Hoàng hậu trẻ đẹp, lãng mạn và trinh nguyên của Saba hồi hộp sung sướng vì tiếng nói thầm kín của con tim nàng, tượng trưng bằng những nét vẽ bí hiểm như thế, chỉ có một người là Salomon đọc được, hiểu được mà thôi. Không như người yêu đầu tiên trước kia, Hoàng tử Assadaron tuy đẹp và trẻ, nhưng nàng gửi cho chàng những bức vẽ tỏ tình đau đớn mà chàng không biết trả lời. Và chàng ra đi, không hề tỏ chút tình quyến luyến nhớ thương. Salomon dù lớn tuổi hơn nhiều, nhưng trong vũ trụ này còn ai thấu hiểu rõ lòng nàng bằng Đại Vương ? Salomon là người đàn ông độc nhất thông minh và khôn ngoan tuyệt vời, xứng đáng với tình yêu băng trinh mà giờ đây nàng sẵn sàng dâng trọn vẹn cho Người. Thế rồi Hoàng hậu Saba khởi hành qua Jérusalem để gặp mặt Salomon, người kế vị oai nghi của David, người thông minh nhất trên hoàn cầu, người đang hồi hộp vui mừng chờ đón Nàng trong đôi tay âu yếm. Dù chỉ được làm vợ Salomon một đêm thôi, trong cuộc thăm viếng kỳ thú này, cũng đủ là diễm phúc tuyệt vời cho cả một đời Nàng. Kết quả cuộc tình duyên diễm tuyệt ấy, là khi trở về kinh đô Saba, Nàng đã có thai. Đứa con duy nhất của Salomon cho Nàng tên là Ménélik, sẽ kế vị Nàng trên ngôi Hoàng đế xứ Ethiopie. Đó là bậc thủy tổ của triều đại Négus của đế quốc Ethiopie hiện nay đang phát triển văn minh ở trung tâm Phi Châu. Một triều đại vẻ vang, oanh liệt, liên tục hơn 3.000 năm lịch sử, khai nguyên do một mối tình vô cùng cảm động của một nàng… Juliette Đông Phương. 4. – THÉODORA, HOÀNG-HẬU HY-LẠP MỘT GIẤC CHIÊM BAO ĐẾN thành phố Alexandrie, cô gái điếm Théodora vào thành do cửa Nguyệt Môn (Porte de la Lune), tên gọi như thế vì phía trên cửa có chạm hình một cô Hằng Nga Hy Lạp mà sắc đẹp gần lõa lồ làm khoái mắt biết bao du khách từ các phương xa đến. Lần đầu tiên bước gót phiêu lưu đến đô thị xa hoa rực rỡ Ai Cập, Théodora không khỏi hồi hộp rung động. Nở một nụ cười thỏa thích mênh mông, nàng đứng ngắm một đại lộ rộng lớn, lát đá bằng phẳng, sạch sẽ chạy thẳng trước mặt nàng, đến một nơi mịt mùng vô tận. Hai bên đại lộ, đứng sừng sững hai dãy cột tròn bằng đá cẩm thạch kế tiếp nhau xa tít tận đâu đâu. Người ta qua lại rộn rịp. Théodora đủng đỉnh bước tới một công viên rộng lớn, đông nghịt dân chúng, toàn những khách thừa lương nhàn rỗi đi ngao du. Đây là dân chúng Alexandrie, lẫn lộn Thiên chúa giáo, Do Thái, Thần giáo Hy Lạp, La Mã… nổi tiếng là dân phong lưu, giầu sang bậc nhất thời bấy giờ của đế quốc Byzantin, và cũng là dân trác táng nhất. Gái làng chơi ở đây toàn là gái tuyệt đẹp, và đắt tiền hơn ở các đô thị khác. Họ trang điểm toàn là vàng ngọc châu báu, phục sức cầu kỳ lộng lẫy. Chính vì thế mà Théodora, tuy đẹp không kém ai, nhưng áo quần không xa hoa, nữ trang không rực rỡ, tự thấy mình như một cô gái quê lạc loài giữa phồn hoa đô hội. Nàng ở Alexandrie chỉ mấy ngày, không được ai để ý đến, buồn tình nàng bỏ đi đến Antioche, một thành phố của Thổ nhĩ Kỳ cũng nổi tiếng là một đại đô thị có rất nhiều thắng cảnh. Lần này nàng đi thuyền trong biển Địa Trung Hải, suốt một tháng trời bán thân nuôi miệng. Nằm trên thuyền, bềnh bồng trên mặt sóng. Théodora nhớ chuyện nàng Marie – Ai cập (Marie L’Egyptienne), trước nàng đâu chừng 50 năm, ở Alexandrie, cũng sống bằng nghề « ăn sương » như nàng, và cũng như nàng đi thuyền đến Palestine để tiếp tục hành nghề. Nhưng khi đến trước cửa nhà thờ Saint Sépulcre ở Jérusalem, bỗng Marie – Ai Cập thấy hiện ra Đức Mẹ khuyên nàng đi tu. Nàng nghe theo tiếng gọi mầu nhiệm, liền bỏ nghề mãi dâm, vào sa mạc sống cuộc đời khổ hạnh suốt 17 năm… Nàng chết năm 421, được thành Thánh, tức là nữ thánh Marie l’Egyptienne mà hiện giờ Giáo hội Thiên chúa hãy còn thờ (Lễ : 2 tháng 4). Có những phút chán nản Théodora cũng muốn bắt chước Marie – Ai Cập, nhưng nàng chưa thấy hiện hình ảnh nhiệm mầu của Đức mẹ. Trái lại, lúc qua thành phố Damas, nàng bị kẻ trộm lấy mất chút ít tiền bạc và nữ trang nàng đã dành dụm được bấy lâu. Theo sử gia Procope, thì kẻ trộm không ai khác hơn là một khách làng chơi. Sau khi thỏa tình mây mưa, chờ nàng ngủ say, hắn lấy hết nữ trang và tiền bạc của nàng rồi chuồn mất. Sáng ngủ dậy sửa soạn đi Antioche. Nàng mới thấy bị con người dã man, tàn nhẫn, vô nhân đạo, lột hết sạch của nàng không còn để một xu dính túi. Đi bộ đến Antioche, đêm đầu tiên nàng xin ngủ nhờ trên một chiếc chõng mục nát, xiêu vẹo, ngoài xó hè một quán cơm. Chán nản, Théodora cầu nguyện Đức Mẹ Maria, mong được Ngài hiện ra bảo nàng đi tu trong sa mạc, như Marie – Ai Cập. Nhưng lúc ngủ… nàng thấy chiêm bao một tiếng huyền bí khuyên nàng đừng tuyệt vọng và bảo nàng : « Con cứ tiếp tục hành trình trở về Constantinople, nơi đây con sẽ ngủ với Hoàng đế, và con sẽ được lên ngôi Hoàng hậu. Con sẽ được hưởng giầu sang bậc nhất trên đời ». Théodora ngủ dậy, còn nhớ rõ giấc mộng ban đêm. Nàng không tin lắm. Bụng đói, nàng đi lang thang trong thành phố Antioche, vừa nghĩ rằng tiền đâu để trở về Constantinople theo lời tiên tri trong mộng ? Từ Antioche đến thủ đô của đế quốc Byzantin, con đường dài thăm thẳm, còn xa lắc xa lơ… Ngẫu nhiên nàng gặp một người bạn gái cũ, vũ nữ Macédonie, lúc bấy giờ hành nghề tại vũ đài Antioche. Théodora kể lại quãng đời phiêu lưu của nàng cho bạn nghe và không quên thuật lại đầu đuôi giấc chiêm bao đêm qua. Macédonie bảo : - Em biết nghề quỷ thuật nữa chị ơi. Em có cả bùa yêu linh nghiệm lắm. Nếu chị muốn, em cho chị một lọ nước hoa với bùa yêu trong đó. Chị xức nước bùa này trên tóc thì đàn ông sẽ mê tít chị cơ ! Chị nên biết rằng loại bùa ái tình này linh nghiệm lâu bền, có khi suốt đời, chứ không phải chỉ một tháng, một ngày đâu. Em nói thật đấy. Nói xong cô vũ nữ Macédonie, người Hy Lạp, lấy trong túi ra một lọ nước thơm ngát, trao cho Théodora và cười bảo : Em chúc chị gặp nhiều may mắn nhé ! Théodora cảm ơn bạn, và cất kỹ lọ nước hoa để đến Constantinople hãy đem ra dùng. Bây giờ nàng phải ở lại Antioche để « làm tiền » một thời gian để tạm sống qua ngày và để dành tiền đi Constantinople. Nàng tiếp tục nghề bán dâm vài tháng ở Antioche. Được một mớ tiền kha khá, nàng thượng lộ về thủ đô đế quốc Byzantin. Théodora đến Constantinople ngay lúc tại đây vừa xẩy ra một biến cố trầm trọng do sự thay đổi chính sách tôn giáo của triều đình đế quốc. Chung quanh việc Đức Mẹ Maria Đồng trinh sinh ra chúa Jésus, tại thủ đô Constantinople có chia ra hai phe chủ trương hai thuyết chống đối lẫn nhau : - Phe chính thống (orthodoxe) theo đúng Thánh kinh, cho rằng Jésus Christ vừa là Chúa vừa là Người (à la fois Dieu et Homme). Chúa là do Đấng Chúa Cha mà có. Người, là do Đức Mẹ Maria mà có. - Phe tà thuyết (Hérésie monophysite) lại cãi rằng Jésus Christ là Chúa chứ không là Người, là Chúa độc nhất, không phân chia ra thành người được (Dieu un et indivisible). Đức Mẹ Maria có thai Đức Jésus không phải thông lệ của người phàm trần, mà là theo phép mầu nhiệm của Chúa. Hai phe này vẫn chống nhau kịch liệt từ lâu, mà ngay Đức Giáo Hoàng ở La Mã cũng bất lực, không thể nào dàn xếp cho đôi bên ổn thỏa. Hoàng đế Anastase của đế quốc Byzantin lại là người phe Tà thuyết, luôn luôn ủng hộ phe này. Khi Théodora vừa chân ướt chân ráo đến Constantinople thì Hoàng đế Anastase băng hà, và trong Hoàng cung có một cuộc đảo chính. Đa số các quan Triều thần thuộc phe Chính thống bắt giam Hypatios là cháu đích tôn của Hoàng đế, và đã được Hoàng đế phong làm Thái tử để nối ngôi Vua. Hypatios cũng là người của phe Tà thuyết. Phe Chính thống mạnh hơn, bỏ di chúc của Hoàng đế không cho Thái tử Hypatios kế vị và bắt giam hết những người của phe Vua, để tôn lên ngôi một người của phe Chính thống được họ tín nhiệm, là JUSTIN. Ông này là chỉ huy trưởng Ngự lâm quân, một sĩ quan già lụ khụ, trên 70 tuổi, dốt nát, không biết đọc biết viết, nhưng có người cháu tên là JUSTINIEN, có học chút ít, và là một nhân vật có uy tín nhất của phe Chính thống. Chính Justinien đã khôn khéo vận động với các đồng đảng để tôn Justin là chú của y lên ngôi Hoàng đế, và y làm cố vấn chính trị và tôn giáo. Cuộc đảo chính xẩy ra năm 518, lúc bấy giờ Justinien đã 36 tuổi. Justin chỉ làm Vua bù nhìn, Justinien mới là nhân vật đáng kể. Theo các hình tượng còn để lại, và theo mấy câu vắn tắt của Procope tả hình dung của y thì Justinien là một người tầm thước, hơi mập, mặt tròn và núc ních, có để một làn râu mép lưa thưa, Toàn thể gương mặt không sáng sủa mấy, trông ngớ ngẩn là khác, nhưng thủ đoạn một tay. Trước kia, y là một kẻ tiểu tốt vô danh sống vất vưởng ở thôn quê. Còn chú của y, Justin, một tên vô học, bỏ nhà ra thủ đô kiếm việc làm trong Ngự lâm quân, được lên chức Chỉ huy trưởng hồi nào, gia đình cũng không ai hay biết, và cũng lâu lắm ông không có tin tức liên lạc gì với họ hàng cả. Thế rồi đột nhiên ông nhắn người về làng gọi Justinien ra thủ đô để làm thư ký cho ông. Justinien đem cả vợ con theo, Nhờ ở địa vị thư ký của viên Quan Ba Chỉ huy trưởng Ngự lâm quân hầu cạnh Hoàng đế, Justinien giao thiệp với các quan Triều thần thuộc phe Chính thống, hăng hái tuyên truyền cho phe này, và xã giao khôn khéo dần dần gây được cảm tình và uy tín trong phe đảng. Năm 518, khi Hoàng đế Anastase băng hà, Justinien đã nuôi tham vọng làm Vua, bèn cầm đầu phong trào diệt trừ phe Tà huyết, và vận động cho người chú 70 tuổi ở Ngự lâm quân lên kế vị. Y biết rằng chú y gần chết và y sẽ nối ngôi Hoàng đế. Bây giờ, y đã là nhân vật số một của Đế quốc, một vị Đại Trượng phu, một Tể Tướng và là… người yêu chính thức Théodora ! Justinien quen biết Théodora hồi nào ? Trong trường hợp nào ? Không ai biết, Sử sách không nói đến. Ngay nhà viết Sử Procope, theo dõi đời sống lãng mạn của cô gái làng chơi này từ thuở nàng mới có 10 tuổi, cũng không biết rõ. Còn bé, Théodora đã « phải lòng » mấy thằng cắt cỏ ngựa ở Trường đua, và đã hiến thân cho chúng ở dưới ngầm cầu Constantinople. Nhưng Procope không biết cuộc ái ân của nàng với vị Đại thần Justinien xẩy ra hồi nào. Procope chỉ ghi một câu ngắn ngủi trong quyển Hồi ký của ông : « Khi nàng trở về thủ đô, Justinien gặp nàng và yêu nàng say mê ». CÔ GÁI ĐIẾM VÔ DANH BƯỚC LÊN NGÔI HOÀNG HẬU Nhà viết sử Procope không nói rõ trong trường hợp nào vị Trượng phu trẻ tuổi Justinien đã gặp Théodora lúc nàng vừa chân ướt chân ráo đến thủ đô Constantinople. Điều ấy khiến người hậu thế rất ngạc nhiên, vì Procope đã theo dõi những cuộc phiêu lưu của Théodora từ lúc thiếu thời, không sót một chuyện gì trong đời sống của nàng mà ông không thuật lại rõ ràng chi tiết. Các sách viết dưới thời Hoàng đế Justinien, thế kỉ VI, cũng không đá động đến chuyện ấy. Mãi thế kỉ thứ XI, mới có một vài nhà văn Hy Lạp chép rằng : « Théodora thuê một ngôi nhà nhỏ ở kế cận Cung điện nhà Vua, và ở đây Théodora sống một cuộc sống ẩn dật và đạo đức, suốt ngày chỉ đan len bỏ mối cho bạn hàng, làm kế sinh nhai như một cô gái hiền lành nết na, đứng đắn, nhưng tuy còn trẻ mà nhan sắc đã tàn tạ vì lúc dĩ vãng ăn chơi quá độ ». Có người cho rằng ngôi nhà này chính là do Justinien thuê cho Théodora ở, để đêm đêm ông có thể tới lui với nàng mà không sợ ai để ý. Sau khi lên ngôi Hoàng hậu, Théodora đập phá ngôi nhà này để dựng lên một thánh đường thờ Đức Bà Maria để tạ ơn Bà đã « thương nàng và tiếp dẫn nàng đến địa vị Hoàng hậu ». Nhiều người đồng thời ở Hy Lạp trong giới trí thức và trưởng giả không hiểu tại sao Justinien có thể mê đắm nàng Théodora quá như thế. Có người cho rằng Théodora có « bùa yêu ». Phải chăng chính bùa yêu do cô bạn vũ nữ Macédonie đã cho nàng ở Antioche dạo nọ ? Cũng có thể, như nhiều nhà văn khác ở Hy Lạp và Ai Cập đã nói, Théodora là một cô gái làng chơi quá sành sỏi, nàng có những thủ đoạn quá tinh xảo về nghệ thuật luyến ái khiến cho Justinien đê mê đắm đuối vì nàng và không thể xa nàng được. Procope đã viết về tình yêu của Justinien đối với nàng : « Théodora là mối tình mê khoái nhất của Justinien. Nàng đòi hỏi ân huệ gì, hoặc món vàng bạc châu báu nào, ông sung sướng lấy cho nàng đầy đủ như nàng mong ước. » Một thời gian ngắn ngủi, Théodora đã trở nên giàu sang bậc nhất đế trong quốc Byzantin, huy hoàng tráng lệ không ai bì kịp. Nàng chỉ còn thiếu một điều, là thành hôn. Nàng nhỏng nhẻo đòi Justinien chính thức cưới nàng làm vợ. Sợ oai-quyền của ông Trượng phu, triều đình Hoàng đế chấp thuận ngay, nhưng thím của ông, là bà Hoàng hậu già, vợ Vua Justin, quyết liệt phản đối. Người em dâu của Vua, chính là mẹ ruột của ông, cũng không ưng thuận. Hai người đàn bà này đều cho rằng « Justinien bị bùa mê bã-dột của con phù thủy nên mới say mê nàng quá như vậy. Phải tìm cách ngăn cản « con yêu tinh » đó vào Cung điện ». Mặc dầu Justinien bênh vực người yêu đủ điều, ông cũng không thuyết phục được mẹ và thím của ông. Ông đành chờ cho hai bà này chết để cưới Théodora. Vả lại, luật phép triều đình không cho phép một vị Đại thần thành hôn với một gái điếm, mặc dầu gái điếm ấy đã giải nghệ và đã trở về nếp sống lương thiện. Justinien bèn ép buộc ông chú, là Hoàng đế Justin, phải ký một sắc lệnh tôn Théodora lên bậc mệnh phụ. Như thế, Théodora không còn là « gái điếm » nữa. Tiếp theo đó, Hoàng đế lại phải ký một sắc lệnh thứ hai cho phép « những cựu vũ nữ, ca nữ, gái điếm, đã giải nghệ, được phép đưa đơn lên Hoàng đế để xin phục hồi địa vị phụ nữ lương thiện và được kết hôn với bất cứ người đàn ông nào, kể cả các quan đại thần trong triều đình, và vẫn được chức Mệnh phụ, Phu nhân ». Sắc lệnh được ban bố ra thì sau ba ngày, Justinien cử hành long trọng lễ thành hôn chính thức với Théodora. Và ngay hôm đó, Théodora được vào ở trong Cung điện với tư cách là Mệnh phụ, vợ chính thức của vị Đại thần Justinien. Đó là năm 524 (có sách chép là năm 525). Năm 527, Hoàng đế Justin lại ban ra sắc lệnh như sau đây : « Để thỏa mãn nguyện vọng của thần dân. Trẫm quyết định giao phó cho cháu của Trẫm là Justinien trọng trách kế vị Ngai vàng của Đế quốc Byzantin ». Rồi ba ngày sau, ngày chúa nhật lễ Phục sinh, 1 tháng 4 năm 527, Justinien làm lễ phong vương tại nhà thờ Sainte Sophie. Lễ đăng quang của Hoàng hậu Théodora thì được cử hành trọng thể tại Chánh điện của Hoàng đế, trước mặt bá quan văn võ. Xong, tân Hoàng hậu được đưa ra bao lơn để giới thiệu với dân chúng và được dân chúng hoan hô theo nghi lễ đã được sắp đặt trước. Có điều đáng chú ý là dân chúng cũng như triều đình sợ uy quyền đang mạnh của Justinien nên không ai dám hó hé tỏ thái độ gì gọi là bất mãn. Procope bảo : « Trước sự kiện trơ trẽn đó làm nhục cho Đế Quốc, ở Nghị viện không có một vị nào dám tỏ vẻ phản đối hay khinh tởm. Trái lại, toàn thể nghị viên đều phải đến quỳ sụp trước mặt Théodora như trước một đấng Nữ thần ». Bên giới tu sĩ cũng thế, không một vị nào của Giáo Hội Thiên Chúa có một vẻ gì tức giận, hoặc kém hòa nhã. Trái lại tất cả những vị linh mục và Giám mục đều cúi đầu cung kính tôn Théodora làm bậc Despoina. Còn quân đội thì « Không có một vị Tướng tá nào tự cho là nhục nhã phải phụng sự Théodora như quốc mẫu. Họ sẵn sàng vì nàng mà hy sinh tính mạng nếu cần phải ra chiến địa… » Dân chúng thì như một bầy nô lệ chìa tay ra van xin nàng che chở ! » Tóm lại, « tất cả mọi người đều mặc nhiên chấp nhận sự kiện ô nhục kia : tôn một gái điếm lên ngôi Hoàng hậu ». Bốn tháng sau, Hoàng đế Justin băng hà, Tân Hoàng đế Justinien và Hoàng hậu Théodora toàn quyền xử-dụng các lâu đài cung điện của Đế-đô. Nàng bắt đầu phá bỏ hết các cảnh bài trí cũ kỹ của Cựu hoàng, và thay đổi toàn diện nếp sống hằng ngày trong Cung điện. Nàng sửa đổi lại nghi lễ, đề địa vị Hoàng hậu được nâng cao lên tột bực, bắt toàn thể cung nhân và triều đình phải răm rắp tuân theo mệnh lệnh của nàng. Cung điện của nàng ở được trang hoàng cực kỳ lộng lẫy. Các đoàn công nhân giỏi nhất trong nước : thợ nề, thợ mộc, thợ vôi, thợ vẽ được gọi về Hoàng cung, làm việc quanh năm suốt tháng, không ngớt ngày nào, để xây cho nàng bồn tắm vô cùng mỹ lệ và một phòng trang điểm huy hoàng nhất trong lịch sử Byzance. Procope có ghi lại thời khắc biểu của Théodora : « …Mỗi buổi sáng, thật sớm, nàng đến bồn tắm và ở đấy thật lâu, nằm ngâm tấm thân ngà ngọc trong nước âm ấm, trong xanh và thơm phức. Xong, nàng tiếp các quan đến bái yết, dùng bữa trưa, rồi ngủ, rồi dùng bữa tối, rồi ngủ. Nàng ngủ ngày ngủ đêm… Các món ăn của nàng thì khỏi phải nói : Hoàng đế Justinien truyền lệnh cho các quan coi bếp phải dâng lên Hoàng hậu tất cả những đồ ngon vật lạ, quý nhất ở Âu Châu và Á Châu. Có những buổi tối, nàng thức để sắp đặt và tính toán việc cai quản của cải của nàng. Ngoài vô số vàng bạc, châu báu đủ loại, nàng còn có rất nhiều các biệt thự đồ sộ, lộng lẫy, mà nàng cho xây cất ở chung quanh cung điện, và ở khắp nơi trong thành phố, ở cả các đô thị ngoại quốc, ở lục địa Á Châu và Ai cập. Nàng giao việc quản đốc các động sản và bất động sản của nàng cho một viên quan trẻ, đẹp trai, triệt để trung thành với nàng, tên Aérobinde. » Theo Procope kể lại, thì dư luận trong triều cũng như ngoài dân gian đồn rằng Hoàng hậu si mê Aérobinde nhưng về vấn đề tiền bạc của cải nàng rất phân minh và không lấy tiền cho trai như những đàn bà si tình khác. Chứng cớ là có lần Aérobinde tính sổ, làm mất đâu một món tiền khá lớn, liền bị nàng bắt binh lính trói ké hai tay, đánh đập tàn nhẫn, và chính nàng chứng kiến cuộc hình phạt dã man ấy. Sau đó, Aérobinde bị thủ tiêu bí mật, không ai thấy tăm tích hắn đâu cả. Nàng đặt ra một ban mật vụ riêng, dưới quyền điều khiển trực tiếp của nàng. Nhiệm vụ của ban này là đi rảo khắp các phố, nghe ngóng tin tức, dư luận của dân chúng và về tâu lại với nàng tên tuổi những kẻ nói xấu nàng, về bất cứ phương diện gì. Hầu hết những kẻ chống đối nàng đều bị thủ tiêu. Nàng đặt ra những nghi lễ mới trong triều, và bắt buộc các quan đại thần phải đối xử với nàng cũng như với Hoàng đế. Mỗi buổi sáng, đúng 10 giờ, sau khi nàng tắm nước hoa và trang điểm xong, nàng tiếp các quan Đại thần đến vấn an nàng, nơi phòng khách riêng của nàng. Không một vị quan nào được miễn nghi lễ ấy dù ở chức cao tột bực trong triều. Vì đông quá, các quan phải chầu chực nơi phòng kế cận, có khi hàng giờ mới đến phiên mình được cho vào « bái yết Hoàng hậu ». Procope chép : « Mỗi ngày, người ta thấy bọn đại thần chen chúc nhau đến « chầu Hoàng hậu » y như một bầy nô lệ, chờ đợi trong một căn phòng chật chội, thiếu ánh sáng và không khí. Tất cả đều phải chen lấn nhau để có chỗ đứng, và thỉnh thoảng phải nhón gót, ngửng cổ cho cao lên để các hoạn quan trông thấy mặt. Nhiều « cụ lớn » phải lo lót tiền cho các viên hoạn quan để được đưa vào bái yết trước các vị khác. Nhiều vị phải chờ đến hai ba ngày mới được Hoàng hậu tiếp, nhưng ngày nào cũng phải có mặt nơi đây. Khi được hoạn quan cho vào, thì vị Triều thần phải khép nép tiến đến trước mặt nàng đang ngự trên ngai báu, và quỳ sụp xuống, nâng lấy hai bàn chân nõn nà và thơm ngát của nàng mà đưa lên môi hôn một cách rất cung kính. Tuyệt đối cấm thưa bẩm một lời nào, một tiếng nào, nếu không được nàng truyền lệnh cho phép trước ». PHONG TRÀO ĐẤU TRANH « NIKA » Uy quyền của Théodora đã lên đến tột bực. Trong Lịch sử thế giới, chưa có một Triều đình nào mà một mỹ nhân từ một địa vị ty tiện nhất trong xã hội đã bước lên một ngôi tuyệt đỉnh trong thiên hạ, và dựa vào quyền lực ấy để chà đạp bọn đàn ông một cách kiêu căng và hách dịch như thế. Và không có Triều đình nào mà người đàn ông dù quyền cao chức cả cho mấy đi nữa, cũng phải sụp lạy bên chân người đàn bà một cách hèn mạt và khiếp đởm đến như thế. Nhưng thời đại nào cũng có những kẻ liếm gót giày bọn quyền thế, dù kẻ có quyền thế đó xuất thân là một vũ nữ, một con điếm, và có những thằng đàn ông ngu xuẩn, mù quáng, mê muội, tôn một nhan sắc trụy lạc lên bậc « mẫu nghi thiên hạ ». Tuy nhiên, trong đám quan liêu của Triều đình Byzantin và trong dân chúng đã có mầm bất mãn nổi dậy chống tân Hoàng đế Justinien và Hoàng hậu Théodora. Trong Triều hai phe « Áo Xanh » và « Áo Lục » từ xưa vẫn là thù địch lẫn nhau, bây giờ đoàn kết lại để diệt trừ Justinien và Théodora, trong một cuộc « uống máu ăn thề » mở phong trào tranh đấu trung gọi là « Nika ». Nika, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là « ta phải thắng ». Nhân một buổi đại lễ thể thao tại trường đua ngựa Constantinople do Hoàng đế Justinien chủ tọa, tháng 1 năm 532, một nghị sẽ của phe Áo Lục bỗng đứng lên dõng dạc đả kích chánh sách bất công của nhà Vua, và tác phong hỗn xược của Hoàng hậu. Hoàng đế Justinien đứng lên trả lời rất hăng hái, trước muôn nghìn dân chúng đang sôi nổi. Rốt cuộc, Vua đuối lý, đứng dậy bỏ ra về. Dân chúng « xuống đường », và cuộc tranh đấu bắt đầu bằng những cuộc đốt phá, cướp bóc, gây rối loạn khắp thủ đô Constantinople. Viên Đô trưởng đàn áp, bắt mấy tên cầm đầu cuộc phiến loạn, và quyết định đem xử bắn ngay tại Trường Đua. Trong đám đó có cả người của phe Áo Lục và phe Áo Xanh. Hai phe liên minh tuyên bố quyết tâm đoàn kết đánh đổ chế độ Justinien cho đến toàn thắng. Mặt trận « Nika » chống Justinien được thành lập với sự gia nhập của hai phe truyền thống thù địch nhau, tạm thời liên kết nhau. Cuộc khởi loạn lan rộng ra đến các vùng ngoại ô, và sự đe dọa mỗi ngày mỗi bành trướng, mối nguy ngập cho số phận nhà Vua, Justinien bắt đầu lo sợ... « TA QUYẾT KHÔNG TỪ BỎ NGÔI HOÀNG HẬU CỦA TA » Trước tình thế chính trị trầm trọng, Hoàng đế Justinien nhóm họp một phiên Nội-các khẩn cấp để tìm biện pháp thích nghi. Nhưng hầu hết các vị đại thần trong Triều-đình đều nhận thấy rằng tình hình đã tuyệt vọng, và đồng thanh khuyên Hoàng đế âm thầm bỏ Kinh đô, đem hết vàng bạc châu báu trốn ra ngoại quốc. Nhà Vua tán thành giải pháp lưu vong và lập tức truyền lịnh vận chuyển tất cả các kho vàng bạc châu báu trong cung điện xuống mấy chiếc tàu của Vua đậu ngoài khơi biển. Nhà Vua không dám cho Théodora biết quyết định của Triều-đình, và đợi đến phút chót sẽ mời Hoàng-hậu xuống tàu thoát nạn. Nhưng thấy lính tráng khiêng những thùng nặng nề xuống tàu, và các quan cận vệ dọn dẹp đồ đạc quý báu trong Cung điện, bỏ hết vào các thùng lớn để di chuyển xuống bến tầu của Vua, Théodora đoán biết có biến cố trầm trọng. Nàng chạy ngay qua tòa Nội-các, nơi đây Hoàng đế còn đang thầm thì bàn luận với các người thân tín. Bị nàng hỏi đột ngột, Justinien phải trình bầy cho Hoàng hậu rõ tình hình, và kế hoạch đi trốn ra hải ngoại, bỏ kinh đô và ngai vàng cho hai phe « phiến loạn » để mặc cho chúng xâu xé tranh giành nhau. Théodora tức giận, đập tay xuống bàn, la lớn : - Không ! Một ngàn lần không ! Ta không tán thành kế hoạch chủ bại, và rút lui hèn nhát như thế ! Ta không thoái vị, và quyết bảo-vệ ngôi Hoàng-hậu của ta ! Ta không bao giờ chịu rời gót ngọc ra đường phố mà không được bá tánh cúi đầu sụp lạy, hoan hô vạn-tuế. Kế đó, với một giọng oai nghiêm quyết liệt, khiến các quan triều thần run sợ không dám hó hé, Théodora truyền lịnh khiêng các thùng vàng và châu báu trở vô Cung điện không di chuyển đi đâu cả. Nàng quyết ở lại, đương đầu với cuộc nổi dậy của dân chúng để bảo vệ Ngai Vàng. CHIA RẼ LÀ... CHẾT Trong lúc đó, liên tiếp một tuần lễ, ngày đêm ào ạt dân chúng xuống đường đốt phá, cướp của, giết người, gây ra cảnh hỗn loạn khắp cả thủ đô Constantinople và các vùng lân cận. Hai phe « Áo Xanh » và « Áo Lục », cầm đầu cuộc nổi dậy. Lúc đầu họ liên kết nhau, nhưng vẫn ngấm ngầm thù hằn lẫn nhau, bây giờ họ trở lại xô xát lục đục trong nội bộ, gây cảnh chia rẽ vì « xôi thịt », vì « tự ái vụn », vì « anh hùng cá nhân ». Quần chúng ngơ ngác, không có người chỉ huy, không còn tôn trọng kỷ luật nào nữa. Mạnh nhóm nào nhóm nấy tự động gây ra tình trạng vô-chính-phủ, vô luật lệ, chia nhau làm chủ nhiều thành-phố được vài ngày rồi bị lực lượng cận-vệ quân của Justinien thẳng tay đàn áp. Không bỏ mất cơ hội, Théodora lợi dụng ngay mối chia rẽ nội bộ của hai phe Áo Xanh và Áo Lục. Nàng quăng tiền ra mua chuộc bọn Áo Xanh mà nàng có quen với một vài nhân vật quan trọng. Bọn Áo Lục cũng hy vọng được tiền viện trợ của Théodora, lén lút cho người vận động cửa sau, nhưng không được thỏa mãn. Théodora khai thác triệt để mối bất hòa của hai phái, nhưng nàng chỉ mua chuộc phái Áo Xanh và bỏ rơi phái Áo Lục. Nàng biết phe nầy thiếu kinh nghiệm chính trị và không có người lãnh đạo tài giỏi. Đám quần chúng vô tổ chức, vô lý tưởng, vô học thức của họ, dần dần chán nản, không còn tin tưởng vào thế lực của họ nữa. Đợi tình thế lụn bại đã chín mùi, Théodora mới đánh một đòn bất ngờ để tiêu diệt phong trào chống đối. Một hôm, chính nàng tổ chức một bọn Mật-vụ ngay trong đám đồ đệ Áo Lục mà nàng đã cho tiền, để xách-động quần chúng kéo đến biểu tình tại Trường-Đua thủ đô để « đả đảo Justinien và Théodora », « tiếp tục phong trào tranh đấu ». Quần chúng nhẹ dạ, nghe lời bọn này, kéo đến tụ họp trên 30 000 người, chật ních trong khu Trường-Đua có bốn bức tường cao. Trong lúc bọn tay sai giả vờ « biểu tình chống đối », hô hào « đả đảo Théodora ! » và quần chúng hăng hái hét theo, đòi kéo vào đập phá Cung điện, thì hai tốp lính Ngự-lâm-quân, một do tướng Belisaire chỉ-huy ùa vào cổng trước, và một do Mundo (tên Mundo nầy là một người cháu nội của tướng Mông Cổ Attila, phục vụ trong quân đội Byzance) tràn vào cổng sau và đóng ập cửa lại. Hai tốp lính bắt đầu cuộc tàn sát khủng khiếp chưa từng thấy trong Lịch-sử Đế-quốc, giết tận cùng, không còn sống sót một mạng ! Mấy tên « lãnh tụ » hô hào sách động quần chúng biểu tình, cũng nhập bọn với Ngự-lâm-quân để tàn sát đám dân chúng đấu-tranh. Justinien ngồi vững trên ngai Hoàng-đế, nhờ thủ đoạn kiêu căng, tham tàn, vô lương tâm, vô nhân đạo, của nàng cựu vũ-nữ Théodora, Hoàng-hậu của Đế quốc Byzance ! CUỘC ĐỜI TÀN CỦA THÉODORA Sau cuộc đàn áp tiêu diệt phong trào chống đối, Théodora còn ở ngôi Hoàng hậu được 16 năm. Lấy Justinien, nàng không có con. Nhưng bạn đọc còn nhớ trước kia, lúc còn 13, 14 tuổi, nghèo đói, giao du với bọn con trai cắt cỏ ngựa ở Trường Đua, nàng đã có hai đứa con hoang thai với chúng, một trai và một gái. Một hôm, viên hoạn quan tâu với nàng rằng có một cậu con trai, tự xưng là con trai đầu lòng của Hoàng-hậu, từ Ai-Cập đến, muốn xin vào yết-kiến Hoàng hậu. Nàng truyền lệnh cho chàng thanh niên vào. Nhưng từ đó không ai còn thấy cậu ấy đâu cả. Theo dư luận do nhà văn Procope ghi lại, thì Hoàng hậu sợ rằng sự hiện diện của cậu trong Cung điện sẽ gây tiếng không tốt đẹp cho nàng vì gợi lại dĩ vãng một người mẹ quá nhơ nhuốc, nên nàng đã truyền lệnh cho bọn mật-vụ bí-mật thủ tiêu cậu con trai ấy. Trái lại, đứa con gái của nàng thì trước kia đã có chồng và có một trai. Năm 547, cậu bé này đã 17 tuổi, lại được Théodora săn đón cưng yêu lắm. Nàng muốn cưới cho hắn đứa con gái độc nhất của Đại tướng Belisaire, tên là Antonina, 16 tuổi. Cô thiếu nữ yêu kiều nầy biết rõ dĩ vãng của Théodora và lai lịch không mấy vẻ vang của cậu con trai, cháu ngoại của nàng, nên cô cứ tìm cách từ-chối, viện lẽ là cô còn nhỏ tuổi. Sự thật, cô đã quyết định rồi. Hoàng hậu đã 50 tuổi lại bị bịnh ung thư ở nơi vú, chắc chắn sẽ chết trong một vài tháng nữa. Théodora chết, nàng sẽ khỏi bị ép buộc lấy thằng cháu ngoại của Hoàng hậu, mà nàng không ưa thích. Dò biết thâm ý của Antonina, do Mật vụ tình báo, Hoàng hậu cho gọi thiếu nữ vào cung để nàng được gần gụi người cháu ngoại của bà. Bà đã bầy mưu chước cho cậu này tìm cách cưỡng dâm Antonina, để buộc nàng phải chấp nhận cuộc hôn nhân. Cô gái kiều diễm ngây thơ đã vô ý để chàng trai phá trinh... Sau đó nàng phải thành-hôn với hắn, đúng như âm mưu của Hoàng-hậu đã sắp đặt trước. Tháng 5 năm 548, Théodora bị bịnh ung thư nơi vú mỗi lúc mỗi trầm trọng, phá hoại hết cơ thể của nàng. Nàng già sọm, chỉ còn da bọc xương, và chết âm thầm, buồn bã, tại Ravenne, một thành phố nhỏ, hẻo lánh, nơi nàng đến để dưỡng bịnh từ tháng Chín năm trước. Hoàng đế Justinien còn ở ngai vàng cho đến năm 565 mới băng hà. Một đứa cháu đích tôn của ông, là Justin, được Théodora gả cho một đứa cháu gái của bà, lên nối ngôi Vua, lấy vương hiệu là Hoàng đế Justin II. 5.–LUCRÈCEBORGIA,HOÀNG-HẬU LA-MÃ CON CƯNG CỦA MỘT ĐỨC GIÁO HOÀNG BORGIA là gia-đình thế phiệt nhất của nước Ý, ở thế kỷ XV. Uy danh của giòng họ Borgia bắt đầu vang lừng từ khi Alphonse Borgia, vị Hồng-Y Giáo-Chủ ở địa phận Valence được tôn lên làm Giáo-Hoàng năm 1455, lấy tên là Giáo Hoàng Calixte III (1455-1458). Lịch sử của Lucrèce Borgia dính chặt với lịch sử của gia đình nàng sau khi Đức Giáo Hoàng Calixte III có tham vọng áp dụng chánh sách gia-đình trị để thu cả giang sơn Ý-đại-lợi vào trong tay giòng họ Borgia. Đức Giáo-hoàng Calixte III đã thu góp được của Giáo-dân một kho vàng bạc của cải mênh mông. Đến khi cháu đích tôn của Ngài, Rodrigue Borgia, được tôn lên ngôi Giáo-hoàng năm 1492, lấy tên là Alexandre VI (1492-1503) thì cả nước Ý đều phải phục tùng dòng họ Borgia trong thời gian 11 năm. Chế độ tôn-giáo-gia-đình-trị của họ Borgia, Sử-sách gọi là chế độ « vô-luân-lý », trụy lạc và hỗn độn vô cùng. Đức Giáo-Hoàng Alexandre VI có lấy một người đàn bà không có hôn-thú tên là Roza De Cattanei, và sinh được bốn người con, ba trai, một gái. Trưởng-nam là Jean Borgia được Vua xứ Espagne (Y-pha-nho) ban cho làm quận công Gandia. Thứ nam là Cezar Borgia được cha cho làm Hồng-Y Giáo-Chủ. (Năm 1497, Cézar Borgia ám sát người anh cả là Quận công Gandia, Jean Borgia, vì ganh ghét). Người con trai thứ ba là Geoffoy Borgia. Ông này sau lấy một cô con gái riêng của quận công Calabre, và trở thành Hoàng-thân Squillace. Người con thứ tư của Giáo Hoàng Alexandre VI, và được Ngài cưng nhất, là nàng Lucrèce Borgia, sinh năm 1480. Năm 15 tuổi (1493), nàng lấy Jean Sforza, một vị quan liêu ở Pesaro. LY DỊ LẦN THỨ NHẤT Trong Điện La-Mã Santa-Maria in Porticus ở phía bên kia Escalier de Saint Pierre, trong Tòa Thánh Vatican, đang nô đùa vui vẻ hai cô gái diễm-tuyệt. Cô nào cũng có mái tóc ánh vàng được nổi tiếng là hai mái tóc đẹp nhất của La Mã, theo quyển « Nhật ký » của Burchard, thư-ký Tòa Thánh. Năm 1497, cô lớn nhất được 22 tuổi, phương danh Giulia, là tình-nhân của Đức Giáo Hoàng Alexandre Borgia. Cô bé hơn, 17 tuổi, là Lucrèce Borgia, con gái út của Ngài, và vợ của vị Đại-quan Jean Sforza cưới nhau đã bốn năm. Trong Sử chép rằng1ở xã hội La-Mã thế kỷ XV, những chuyện yến tiệc say sưa và cuộc sống trụy lạc trong Tòa Thánh Vatican, không hề bị dư luận bình-phẩm hay công-kích gì cả, vì ở thời đại ấy những chuyện bê bối như thế là thường. Lucrèce Borgia lấy chồng đã 4 năm, nhưng Jean Sforza không phải thật là chồng. Theo lời người ta đồn đãi thì cặp vợ chồng này chưa hề sống chung với nhau đêm nào. Vả lại Đức Giáo Hoàng Alexandre VI là cha vợ, và Jean Borgia là anh cả của vợ, đều khinh ghét y. Lý do là Jean Sforza không tỏ ra trung thành chút nào với đường lối chính trị của gia đình Borgia. Nhất là người anh vợ, Jean Borgia, cứ ép buộc em mình, Lucrèce Borgia, phải ly dị với chồng. Sforza được làm con rể của Đức Giáo Hoàng và đang được hưởng thụ uy quyền lớn lao, nhất định không chịu ly dị vợ. Nhưng một hôm Lucrèce Borgia bảo khẽ cho chàng biết sự thật rằng anh cả của nàng đã được lệnh của Đức Giáo Hoàng, thân phụ, phải thủ tiêu chàng nội trong đêm ấy. Sforza sợ quá, vội vàng phi ngựa trở về quê quán của chàng ở Pesara, trên bờ biển Adriatique. Chàng giục ngựa chạy quá sức để kịp lánh nạn, đến nỗi vừa đến nhà thì ngựa kiệt lực té xuống chết. Sforza trốn đi được hai tháng, thì ngày 6-6-1497 Lucrèce Borgia vào ở trong nhà tu kín của các bà Xơ Dominicaines ở San Sisto, trên đường Appinene. Tám ngày sau, ngày 14-6, Đức Giáo Hoàng Alexandre Borgia tuyên bố hủy hôn-thú của ái-nữ Lucrèce Borgia với Sforza, và nhìn nhận Lucrèce Borgia còn trinh tiết nguyên vẹn. Dân chúng La-Mã không tin được rằng Lucrèce còn trinh, nhất là từ ngày 14-2-1498, người ta khám phá ra xác chết của một người đàn ông trôi trên sông Tibre, Perotto, mà ai cũng biết là tình-nhân của Lucrèce Borgia. Một tháng sau, tháng 3-1498, Lucrèce Borgia sinh một thằng con trai, đặt tên là Jean de Borgia. Con của ai ? Sử-sách quả quyết rằng không phải con của Sforza, người chồng bị ly dị. Có kẻ thì bảo chính là con của Đức Giáo Hoàng Alexandre Borgia, (cha của nàng). Có kẻ thì bảo là con của César Borgia, (anh ruột của nàng). Có kẻ lại bảo là con của tình-nhân Perotto. Sở dĩ có dư luận trong Sử sách hoang mang như thế, là chính vì Đức Giáo-Hoàng Alexandre ban bố hai bản « Bulles », hai Sắc-lệnh khai sinh cho hài-nhi, khác hẳn nhau. Sắc lệnh mở đầu bằng câu sau đây : « Alexandre, évêque, Serviteur des serviteurs de Dieu, à notre fils bien-aimé, noble Jean de Borgia ». (Giáo-Hoàng Alexandre, kẻ Phụng-sự của những kẻ Phụng-sự Chúa, trao đến con trai yêu dấu của ta, Jean de Borgia quí tộc). Nhưng trong bulle đầu, thì nói : « Jean de Borgia, là con trai của César Borgia, và mẹ vô danh ». Trong bulle sau, thì lại nói chính là : « con trai của đức Giáo-Hoàng ». Sự lầm lẫn ấy để lại cho Lịch-sử một nghi-vấn nặng nề, và một bản kết tội cho Lucrèce Borgia là loạn-luân. Nhưng có sách bênh vực cho Lucrèce thì quả quyết : « Jean de Borgia là con trai của Lucrèce với tình nhân của nàng là Perotto ». Dư luận thời bấy giờ cho rằng tại chàng Perotto phàm phu này đã dám lén lút trao đổi ái ân với Lucrèce Borgia, nên y bị thủ tiêu, xác vứt xuống sông Tibre. Dù sao, Đại-sứ Cộng-hòa Venise ở cạnh Tòa thánh Vatican có viết thư về báo cáo với Chính-phủ Cộng-hòa như sau : « Vị Giáo hoàng ấy tự cho phép mình làm những việc dị thường và không thể dung thứ được (Ce Pape se permet des choses extraordinaires et intolérables) ». NGƯỜI CHỒNG THỨ HAI CỦA LUCRÈCE BORGIA Thành thử, Jean de Borgia, con đầu lòng của Lucrèce là đứa con hoang-thai mà không ai biết thực rõ ai là cha ? Sau đó, Đức Giáo-Hoàng Jean VI gả Lucrèce Borgia cho Alphonse d’Aragon, Hoàng-thân Tiểu-quốc Salerne. Ông Hoàng này, mới 17 tuổi cũng lại là con ngoại-tình của Vua Alphonse De Naples, và là em trai của Sancia, bà này là vợ của Geoffroy Borgia, anh thứ ba của Lucrèce. Lễ đính hôn của Alphonse và Lucrèce cử hành ngày 20-6-1498, và có điều kỳ lạ, là chàng rể không có mặt hôm lễ, mà lại có Hồng-Y Giáo chủ Sforza là chú ruột của người chồng trước của Lucrèce, đại diện cho chàng rể ! Sau lễ đính hôn một tháng, chú rể Alphonse d’Aragon mới đến La-mã để biết mặt vị-hôn-thê. Ồ, nàng đẹp quá ! Chàng nhận thấy thế, và chàng hãnh diện sung sướng, ca ngợi vị quốc sắc thiên hương mà bây giờ ngẫu nhiên là người yêu của chàng ! Nàng đẹp và phúc hậu, hiền lành, – chàng nhìn thấy thế, – chứ không phải nhí nhảnh lẳng lơ như Sancia, bà chị dâu có đôi mắt như lửa, ngó ai là làm cháy da, cháy thịt người ta ! Lucrèce Borgia, vị hôn-thê mới 18 tuổi xuân xanh, lần đầu tiên gặp người chồng chưa cưới của nàng, cũng say-mê chàng rồi. Nàng bảo : « Chàng là người con trai đẹp nhất của La-mã ! » Cuộc gặp gỡ đầu tiên quả là một tiếng sét ái tình đánh vào tim đôi trai tài gái sắc. Rồi ngày 21-7-1498, hai người thành-hôn sau một nghi-lễ vô cùng lộng-lẫy. Hôn lễ dĩ nhiên là được cử hành ngay trong Tòa Thánh Vatican, do Đức Giáo hoàng làm chủ lễ. """