"
Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ - Maurice Leblanc full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ - Maurice Leblanc full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu]
Ebooks
Nhóm Zalo
ARSÈNE LUPIN
Siêu Trộm Hào Hoa Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ
Tác giả Maurice Leblanc
Người dịch Đinh Minh Hương Nguyễn Ngọc Vinh
Phát hành Đinh Tị Books
Nhà xuất bản Văn học
Ngày xuất bản 3/2020
ebook©vctvegroup
Arsène Lupin bị bắt
Đ
ó là kết thúc đáng ngạc nhiên cho một chuyến đi với khởi đầu đầy hứa hẹn. Chiếc tàu thủy hơi nước vượt Đại Tây Dương mang tên Provence được trang bị đầy đủ tiện nghi, vận tốc lớn, nằm dưới sự chỉ huy của vị thuyền trưởng rất đỗi nhã nhặn, ân cần. Hành khách trên tàu làm thành một xã hội chọn lọc, vui vẻ. Thời gian trôi qua dễ chịu nhờ sức hấp dẫn của những mối quen biết mới và những trò giải trí ngẫu hứng. Chúng tôi tận hưởng cảm giác thư thái khi được tách khỏi cái thế giới thường nhật để sống, có thể nói là, trên một hòn đảo xa lạ, và vì vậy buộc phải giao lưu với nhau thôi.
Đã khi nào bạn dừng lại nghĩ xem liệu có bao nhiêu sự tự nhiên, mới mẻ trong cách cư xử của những cá nhân riêng biệt này? Những con người buổi tối hôm trước thậm chí chưa hề biết nhau, mà giờ đây, trong vòng vài ngày, đành sống một cuộc sống cực kỳ thân mật, gần gũi, cùng nhau đương đầu với những cơn cuồng nộ của đại dương, với những lần vùi dập khủng khiếp của sóng biển, sự hung hãn của bão tố, và sự buồn tẻ đến khổ sở
những lúc mặt nước phẳng lặng, im lìm. Một cuộc sống như thế trở thành một dạng bi kịch, với những bão tố bên cạnh những hùng vĩ của biển cả, với những đơn điệu bên cạnh những trạng thái muôn vẻ muôn màu, và đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta bắt đầu hành trình ngắn ngủi ấy trong tâm trạng vừa thích thú vừa lo sợ.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, du khách vượt Đại Tây Dương được trải nghiệm thêm cảm giác mới. Hòn đảo nhỏ bé trôi nổi nay đã có sự ràng buộc với cái thế giới nó từng tách biệt hoàn toàn. Một mối liên hệ gắn kết hai chốn này ngay cả khi hòn đảo ấy trôi nổi giữa những vùng biển xa xôi hoang vắng nhất của Đại Tây Dương. Mối liên hệ đó chính là đường điện tín không dây, nhờ nó chúng ta có thể tiếp nhận thông tin theo cái cách kỳ bí nhất. Chúng ta đều biết rất rõ ràng rằng các bức điện không truyền đi qua một sợi dây rỗng nào cả. Không, sự kỳ bí thậm chí còn huyền bí hơn, lãng mạn hơn, và chúng ta phải viện đến những cánh gió để giải thích cho phép màu mới mẻ này. Suốt ngày đầu tiên của cuộc hành trình, chúng tôi cứ có cảm giác cái giọng nói xa xôi ấy theo sau, hộ tống, thậm chí là dẫn đường mình. Giọng nói ấy đôi lúc lại thầm thì vào tai một người trong chúng tôi vài lời nhắn nhủ từ cái thế giới đang dần dần lùi về phía sau. Hai người bạn trao đổi với tôi. Mười, hai mươi người khác gửi những lời chia tay hoặc vui vẻ hoặc buồn rầu tới những hành khách khác.
Vào ngày thứ hai, trong khi đương đầu với một cơn bão dữ dội, chúng tôi nhận được theo đường điện tín không dây, từ bờ biển nước Pháp cách đây năm trăm dặm, thông tin sau:
“Arsène Lupin đang ở trên tàu của quý vị, cabin hạng nhất, tóc vàng, cẳng tay phải bị thương, đi một mình dưới cái tên là R…”
Đúng lúc ấy, một tia sét kinh khủng rạch ngang bầu trời dông bão. Sóng điện tín gián đoạn. Phần còn lại của bức điện chẳng bao giờ tới với chúng tôi nữa. Chúng tôi chỉ biết được duy nhất chữ cái đầu của cái tên mà Arsène Lupin đang dùng để che giấu thân phận.
Nếu đây là tin tức về một nhân vật khác, tôi chắc chắn rằng nhân viên điện tín và các sĩ quan trên tàu sẽ thận trọng kín mồm kín miệng. Nhưng đây lại là một trong những tin tức dù biện pháp giữ bí mật có chặt chẽ đến đâu cũng không tránh khỏi bị lộ lọt. Ngay ngày hôm ấy, thông tin kia nhanh chóng trở thành câu chuyện được bàn tán xôn xao khắp tàu, hết thảy mọi hành khách đều biết Arsène Lupin danh tiếng lẫy lừng đang trà trộn lẫn trong bọn họ.
Arsène Lupin đang ở giữa chúng ta! Tên trộm táo bạo mà những thành tích chói lọi trong vòng vài tháng vừa qua đã làm hao tổn giấy mực của tất cả các tờ báo! Cái con người bí ẩn đã làm cho Ganimard, vị thám tử khôn ngoan sắc sảo nhất của chúng ta, vướng vào một cuộc đối đầu không khoan nhượng trong khung cảnh thú vị, đẹp đẽ như tranh. Arsène Lupin, quý ông lập dị chỉ chuyên gây án tại các lâu đài nguy nga và các phòng khách sang trọng, kẻ một đêm đã đột nhập vào dinh thự của Nam tước Schormann, rồi ra đi tay không, tuy nhiên có để lại tấm danh thiếp viết nguệch ngoạc mấy chữ: “Arsène Lupin, tên trộm hào hoa, sẽ trở lại khi nội thất trong nhà ngài là đồ xịn.” Arsène Lupin, con người với hàng ngàn vỏ bọc: lúc là lái xe riêng, lúc là thám tử, kẻ đánh cá ngựa thuê, nhà vật lý Nga, võ sĩ đấu bò Tây Ban Nha, nhân viên chào hàng, một thanh niên cường tráng, hay một ông già hom hem.
Vậy hãy thử tưởng tượng tới tình huống đáng kinh ngạc này: Arsène Lupin đang lang thang thơ thẩn trong phạm vi một chiếc tàu thủy hơi nước
vượt Đại Tây Dương, trong cái góc hết sức nhỏ bé ấy của thế giới, trong cái phòng ăn ấy, trong cái phòng hút thuốc ấy, trong cái phòng nghe nhạc ấy! Arsène Lupin có lẽ là bất cứ quý ông nào… là người ngồi cùng bàn tôi… thậm chí là người ngủ cùng buồng tôi không chừng.
“Và tình thế này sẽ kéo dài năm ngày!” Tiểu thư Nelly Underdown thốt lên. “Thật không thể chịu đựng được! Tôi hy vọng người ta sẽ tóm cổ hắn.”
Rồi nàng nói thêm với tôi: “Thưa ông, ông d’Andrésy, ông có quan hệ thân tình với thuyền trưởng, ông hẳn phải biết chút gì chứ?”
Tôi sẽ sung sướng nếu biết được thông tin gì đó mà tiểu thư Nelly quan tâm. Nàng là một trong những trang tuyệt sắc giai nhân chắc chắn vẫn luôn luôn thu hút sự chú ý ở bất cứ đám đông nào. Sự giàu có kết hợp với sắc đẹp tạo thành sức hấp dẫn khó cưỡng, và tiểu thư Nelly thì sở hữu cả hai ưu điểm này.
Được giáo dục ở Paris bởi bà mẹ người Pháp, tiểu thư Nelly đang trên đường sang thăm ông bố là nhà triệu phú Underdown ở Chicago. Nàng cùng đi với một người bạn, phu nhân Jerland.
Ban đầu, tôi đã định tán tỉnh nàng, nhưng trong không khí thân mật tăng lên nhanh chóng giữa những người bạn đồng hành, chẳng mấy chốc tôi bị cung cách duyên dáng của nàng gây ấn tượng mạnh mẽ, và cảm xúc tôi dành cho nàng trở nên quá sâu sắc, quá trân trọng tới mức việc tán tỉnh vớ vẩn là không thể được nữa. Nàng còn chấp nhận sự quan tâm của tôi với thiện ý nhất định. Nàng hạ cố cười vui vẻ trước mỗi lời nhận xét dí dỏm của tôi và tỏ ra thích thú các câu chuyện tôi kể. Nhưng tôi cảm giác rằng mình đang có một đối thủ, một gã trai trẻ trầm lặng, tinh tế. Đôi lúc tôi chột dạ thấy nàng ưa sự hài hước kín đáo của gã hơn sự phù phiếm đậm chất
Paris của tôi. Gã cũng trong đám người ngưỡng mộ vây xung quanh tiểu thư Nelly khi nàng hỏi tôi câu bên trên. Tất cả chúng tôi đang ngồi thoải mái trên những chiếc ghế dựa đặt ngoài boong. Cơn bão đêm hôm trước đã tan, bầu trời đã trong xanh lại. Thời tiết lúc bấy giờ quả là dễ chịu.
“Tôi không có thông tin chính xác nào, thưa cô.” Tôi trả lời. “Nhưng chúng ta, chính chúng ta đây, chẳng thể tự điều tra về bí ẩn này giống thám tử Ganimard, kẻ thù riêng của Arsène Lupin, hay sao?”
“Ôi! Ôi! Ông đi xa quá, thưa ông.”
“Không hề, thưa cô. Đầu tiên, tôi xin hỏi nhé, cô có thấy chuyện này là chuyện phức tạp không?”
“Rất phức tạp.”
“Phải chăng cô quên mất chìa khóa để giải quyết vấn đề mà chúng ta đang nắm giữ?”
“Chìa khóa nào vậy?”
“Thứ nhất, Lupin tự nhận mình là Ngài R.”
“Thông tin này khá mơ hồ.” Tiểu thư Nelly đáp.
“Thứ hai, hắn đi một mình.”
“Thông tin đó có ích gì chăng?” Tiểu thư Nelly hỏi.
“Thứ ba, hắn tóc vàng.”
“Thì sao?”
“Thì chúng ta chỉ cần rà soát danh sách hành khách và bước tiếp theo là loại trừ dần.”
Tôi đã có bản danh sách ấy trong túi áo. Tôi lấy nó ra và nhìn lướt qua một lượt. Rồi tôi nêu nhận xét: “Chỉ có mười ba quý ông trên tàu chúng ta tên bắt đầu bằng chữ cái R.”
“Chỉ có mười ba thôi sao?”
“Đúng vậy, ở cabin hạng nhất. Và chín trong số mười ba người đó đi cùng phụ nữ, trẻ em hoặc đầy tớ. Như thế, chỉ còn lại bốn người đi một mình. Thứ nhất là Hầu tước Raverdan…”
“Thư ký của ngài Đại sứ Mỹ.” Tiểu thư Nelly ngắt lời tôi. “Tôi biết ông ấy.”
“Thiếu tá Rawson.” Tôi tiếp tục.
“Ông ấy là chú tôi.” Ai đó xác nhận.
“Ông Rivolta.”
“Tôi đây!” Một người Ý kêu lên, bộ râu quai nón màu đen che kín mặt. Tiểu thư Nelly phá ra cười. “Quý ông kia khó có thể gọi là tóc vàng.”
“Được, vậy thì…” Tôi nói. “Chúng ta bắt buộc phải đi đến kết luận rằng kẻ tội phạm chính là người cuối cùng trong danh sách.”
“Tên người ấy là gì?”
“Ông Rozaine. Có ai biết ông ta không?”
Không ai trả lời. Nhưng tiểu thư Nelly quay sang nói với gã trai trẻ trầm lặng, kẻ làm tôi khó chịu vì đã quá quan tâm đến nàng: “Ồ, ông Rozaine, tại sao ông không trả lời?”
Mọi ánh mắt lúc bấy giờ đều đổ về phía gã. Gã tóc vàng. Tôi phải thú
thực rằng tôi có cảm giác sững sờ vì kinh ngạc, và sự im lặng hoàn toàn sau câu hỏi của tiểu thư Nelly cho thấy những người khác cũng nhìn nhận tình huống ấy với cảm giác hốt hoảng đột ngột. Tuy nhiên, ý nghĩ đó thật buồn cười, gã trai đang bị ngờ vực kia trông bộ dạng hoàn toàn vô tội.
“Tại sao tôi không trả lời ư?” Gã nói. “Vì nghĩ đến tên tôi, việc tôi đi một mình, rồi màu tóc tôi nữa, tôi cũng đã đi đến kết luận y như các vị, và giờ đây tôi cho là tôi nên bị bắt giữ.”
Khi nói những lời đó, gã có một vẻ kỳ dị. Cặp môi mỏng mím chặt hơn bình thường và mặt nhợt nhạt như xác chết, còn cặp mắt thì vằn những tia máu. Đương nhiên, gã đang đùa, dù sao thì vẻ bề ngoài và thái độ của gã cũng vẫn gây cho chúng tôi ấn tượng lạ lùng.
“Nhưng ông không có vết thương?” Tiểu thư Nelly ngây thơ hỏi. “Đúng vậy.” Gã đáp. “Tôi thiếu mất vết thương.”
Rồi gã tháo măng sét, xắn tay áo và giơ cánh tay ra cho chúng tôi xem. Nhưng hành động đó chẳng đánh lừa tôi được. Gã đã cho chúng tôi xem cánh tay trái, và tôi đang định nhắc nhở gã thì một việc khác xảy ra khiến chúng tôi chuyển hướng quan tâm chú ý. Phu nhân Jerland, bạn của tiểu thư Nelly, chạy về phía chúng tôi, kêu lên vô cùng hốt hoảng: “Trang sức của tôi, ngọc trai của tôi! Có kẻ lấy cắp hết rồi!”
Không, các món trang sức không bị lấy cắp hết, chúng tôi nhanh chóng xác định được như thế. Tên trộm chỉ lấy đi một phần, điều đó rất kỳ lạ. Trong số những món trang sức hình mặt trời tỏa sáng gắn kim cương, những mặt dây chuyền nạm ngọc, lắc tay và vòng đeo cổ, tên trộm không lấy mất những viên đá quý to nhất mà lấy mất những viên đẹp đẽ nhất, giá trị nhất. Những món trang sức chỉ còn lại bộ khung nằm lỏng chỏng trên
bàn. Tôi nhìn chúng, bị cạy hết đá quý, giống những bông hoa mà các cánh đẹp rực rỡ đã bị vặt một cách không thương xót. Vụ trộm ắt phải xảy ra trong lúc phu nhân Jerland uống trà, giữa ban ngày ban mặt, trong cabin mở ra hành lang thường xuyên có người qua kẻ lại nhộn nhịp. Hơn nữa, tên trộm bắt buộc phải phá cửa cabin, tìm kiếm hộp trang sức được giấu dưới đáy một cái hộp đựng mũ, mở hộp trang sức, chọn lựa những viên đá và cạy chúng ra khỏi khung.
Đương nhiên, tất cả hành khách trên tàu ngay lập tức đi đến cùng một kết luận: Vụ trộm chính là tác phẩm của Arsène Lupin. Bên bàn ăn tối hôm đó, chỗ ngồi ở cả bên phải lẫn bên trái Rozaine đều bị bỏ trống. Và suốt buổi tối, trên tàu râm ran tin đồn gã đã bị thuyền trưởng bắt giữ. Thông tin này khiến chúng tôi cảm thấy an toàn và như trút được một gánh nặng. Chúng tôi lại thoải mái hít thở. Buổi tối, chúng tôi tiếp tục vui chơi, nhảy múa. Đặc biệt, tiểu thư Nelly bộc lộ tâm trạng vui vẻ chẳng chút ưu tư, khiến tôi tin rằng nếu sự quan tâm của Rozaine có gây được thiện cảm cho nàng lúc ban đầu, thì giờ nàng cũng quên hết rồi. Sự duyên dáng và khiếu hài hước của nàng đã hoàn toàn chinh phục tôi. Nửa đêm, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, tôi thổ lộ tấm chân tình của mình với sự sôi nổi xem ra không làm nàng phật lòng.
Nhưng, ngày hôm sau, trước sự ngỡ ngàng của tất cả chúng tôi, Rozaine được tự do. Chúng tôi nghe nói chưa có đủ bằng chứng chống lại anh ta. Anh ta trình ra các giấy tờ hoàn toàn hợp pháp chứng minh anh ta là con trai một thương nhân giàu có ở Bordeaux. Hơn nữa, cả hai cánh tay anh ta không có bất cứ dấu vết thương tích nào.
“Giấy tờ ư! Giấy khai sinh ư!” Những kẻ thù của Rozaine thốt lên. “Đương nhiên rồi, Arsène Lupin sẽ cung cấp cho quý vị bất kỳ loại giấy
tờ nào mà quý vị muốn. Còn về vết thương, hắn chưa bao giờ có vết thương nào cả hoặc hắn đã xóa nó đi rồi.”
Sau đây, xuất hiện bằng chứng cho thấy, trong quãng thời gian xảy ra vụ trộm, Rozaine đang dạo chơi trên boong. Những kẻ thù của Arsène Lupin đáp lại rằng một kẻ như Arsène Lupin có thể gây án mà thực tế không cần phải hiện diện. Và rồi, bên cạnh tất cả các chi tiết khác, vẫn còn một điểm mà thậm chí những người có tư tưởng hoài nghi nhất cũng không thể trả lời nổi: Ai, ngoại trừ Rozaine, đang đi một mình, tóc vàng, và tên bắt đầu bằng chữ cái R? Bức điện đó ám chỉ ai, nếu chẳng phải là Rozaine?
Vài phút trước bữa sáng, khi Rozaine trơ trẽn bước về phía nhóm chúng tôi, tiểu thư Nelly và phu nhân Jerland đứng dậy, bỏ ra chỗ khác.
Một tiếng đồng hồ sau, một thông báo viết tay được từng thủy thủ, từng nhân viên phục vụ và từng hành khách ở mọi hạng vé lần lượt chuyền tay nhau. Nội dung thông báo là ông Louis Rozaine treo giải thưởng mười ngàn franc cho ai phát hiện ra Arsène Lupin hoặc bất cứ kẻ nào đang giữ số trang sức bị đánh cắp.
“Và nếu không có ai hỗ trợ, thì chính tôi sẽ tự lột mặt nạ tên khốn kiếp đó.” Rozaine tuyên bố.
Rozaine chống lại Arsène Lupin, hoặc nói cách khác, theo suy nghĩ hiện thời của mọi người, thì là bản thân Arsène Lupin chống lại Arsène Lupin. Cuộc đấu trí hứa hẹn rất thú vị.
Hai ngày tiếp theo, chẳng có gì tiến triển cả. Chúng tôi thấy Rozaine ngày cũng như đêm lang thang khắp tàu tìm kiếm, hỏi han, điều tra. Ngài thuyền trưởng cũng thể hiện những hoạt động đáng biểu dương. Ngài cho tìm kiếm từ mũi tàu đến đuôi tàu, lục soát kĩ lưỡng từng buồng ngủ với lập
luận hợp lý rằng số trang sức có thể được cất giấu bất kỳ đâu, trừ buồng ngủ của chính tên trộm.
“Tôi tin họ sẽ sớm phát hiện ra cái gì đó thôi.” Tiểu thư Nelly bảo tối. “Hắn có thể là phù thủy, nhưng hắn không thể biến kim cương và ngọc trai thành vô hình được.”
“Chắc chắn rồi.” Tôi đáp. “Nhưng thuyền trưởng nên kiểm tra cả lớp lót mũ hay lớp lót áo gi lê và tất cả những gì chúng ta đang mang theo nữa.”
Giơ ra chiếc máy ảnh Kodak đã được dùng để chụp cho nàng rất nhiều kiểu ảnh, tôi thêm: “Hắn có thể giấu toàn bộ số trang sức của phu nhân Jerland bên trong một chiếc máy ảnh không lớn hơn chiếc máy ảnh này. Hắn có thể vờ vĩnh chụp ảnh và chẳng ai mảy may nghi ngờ trò ngụy trang đó.”
“Nhưng tôi nghe nói là mọi tên trộm đều để lại dấu vết sau mỗi vụ án.”
“Điều này nhìn chung chính xác đối với hầu hết các trường hợp.” Tôi đáp. “Nhưng có một ngoại lệ: Arsène Lupin.”
“Tại sao?”
“Tại vì hắn không chỉ tập trung suy nghĩ vào việc ăn trộm, mà còn cân nhắc tránh mọi chi tiết liên quan có thể tạo ra manh mối nhận diện hắn.”
“Vài ngày trước, ông tự tin hơn.”
“Đúng vậy, nhưng từ khi tôi chứng kiến hắn ra tay hành động thì tôi không dám tự tin lắm nữa.”
“Và bây giờ thì ông nghĩ gì về việc này?” Tiểu thư Nelly hỏi.
“Chà, theo tôi, chúng ta đang lãng phí thời gian đấy.”
Và, quả đúng như vậy, cuộc điều tra chẳng đi đến kết quả gì. Mà trong lúc đó, chiếc đồng hồ quả quýt của ngài thuyền trưởng lại bị đánh cắp. Ngài vô cùng tức giận. Ngài tăng cường các nỗ lực, theo dõi Rozaine sát sao hơn trước. Nhưng, ngày hôm sau, chiếc đồng hồ được tìm thấy trong hộp đựng cổ cồn của thuyền phó.
Sự việc này khiến mọi người rất đỗi ngỡ ngàng, và nó thể hiện khía cạnh hài hước của Arsène Lupin, trong hắn vẫn có cái chất tài tử, dù là kẻ trộm. Hắn kết hợp làm việc với giải trí. Hắn khiến chúng tôi hình dung đến một tác gia suýt chết vì cười khi đi xem kịch do chính mình viết. Đương nhiên, hắn là một nghệ sĩ trong lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt của hắn. Hễ cứ nhìn Rozaine, ủ rũ, dè dặt, và nghĩ tới vai diễn kép anh ta đang đóng, tôi lại ít nhiều cảm thấy ngưỡng mộ.
Buổi tối tiếp theo, viên sĩ quan trực trên boong nghe được tiếng rên rỉ phát ra từ cái góc tối nhất của con tàu. Anh ta tiến đến, thấy một người đàn ông đang nằm sõng soài, đầu bị bọc bằng chiếc khăn dày màu xám, hai tay bị trói bằng sợi thừng to. Đó chính là Rozaine. Anh ta đã bị tấn công, vật xuống sàn và bị cướp. Trên áo khoác của anh ta gài một tấm danh thiếp viết như sau: “Arsène Lupin rất lấy làm hân hạnh nhận giải thưởng mười ngàn franc do ông Rozaine trao tặng.” Thực tế, chiếc ví bị cướp chứa hai mươi ngàn franc.
Đương nhiên, một số người buộc tội anh chàng khốn khổ đã dàn dựng việc bị tấn công. Nhưng ngoài chuyện anh ta không thể tự trói mình như thế, chữ viết trên tấm danh thiếp cũng được xác minh rằng hoàn toàn không giống chữ viết của Rozaine, mà, ngược lại, giống chữ viết của
Arsène Lupin, theo như ảnh đăng trên tờ báo cũ được tìm thấy trên tàu.
Vậy xem ra Rozaine không phải là Arsène Lupin, mà là Rozaine, con trai một thương nhân ở Bordeaux. Sự việc vừa rồi càng khẳng định sự có mặt của Arsène Lupin, và khẳng định một cách rất đáng báo động.
Hành khách khiếp sợ tới mức không ai dám lưu lại một mình trong buồng riêng hay lang thang một mình ở những khu vực vắng vẻ trên tàu. Chúng tôi co cụm vào với nhau để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, những người quen biết thân tình nhất cũng trở nên xa cách vì đôi bên đều mang cảm giác ngờ vực. Bây giờ thì Arsène Lupin có thể là bất kỳ ai. Trí tưởng tượng đang trong trạng thái bị kích động của chúng tôi gán cho hắn cái sức mạnh phi thường và không giới hạn. Chúng tôi đồ rằng hắn có thể trá hình một cách ít ngờ nhất, lần lượt là ngài Thiếu tá Rawson vô cùng đáng kính, hoặc là ngài Hầu tước Raverdan quyền quý, hoặc thậm chí là – vì chúng tôi chẳng còn dừng lại những người có tên bắt đầu bằng chữ cái R nữa – hoặc thậm chí là một kẻ nào đó tất cả chúng tôi đều biết, có vợ con và đầy tớ đi cùng.
Những bức điện đầu tiên từ Mỹ không cung cấp thêm tin tức gì, ít nhất là ngài thuyền trưởng không truyền đạt lại gì cho chúng tôi. Sự im lặng này khiến chúng tôi không yên tâm được.
Ngày cuối cùng trên tàu dài như vô tận. Chúng tôi sống trong cảm giác lo sợ khôn nguôi về một tai họa sắp sửa xảy ra. Lần này, sẽ chẳng còn là một vụ mất trộm đơn thuần hay một vụ tấn công vô hại nữa, mà sẽ là một tội ác, một án mạng. Không ai nghĩ Arsène Lupin sẽ dừng lại ở hai vụ việc cỏn con vừa rồi. Hoàn toàn kiểm soát được con tàu, trong khi những người có thẩm quyền thì bất lực, hắn có thể tự tung tự tác làm bất cứ điều gì hắn
muốn, chúng tôi đành phó mặc tài sản và cả mạng sống của mình cho hắn định đoạt.
Tuy nhiên, đó là những giờ phút sung sướng đối với tôi, vì chính trong những giờ phút ấy tôi có được niềm tin tưởng của tiểu thư Nelly. Bị kích động trước những sự kiện gây sửng sốt mới xảy ra và bản tính vốn cực kỳ hay hồi hộp, lo lắng, nàng chủ động đến bên tôi, tìm kiếm nơi chở che an toàn mà tôi rất sẵn lòng dành cho nàng. Thâm tâm tôi cầu Chúa phù hộ Arsène Lupin được an lành. Chẳng phải hắn đã là cầu nối giúp tôi và tiểu thư Nelly xích lại gần nhau hay sao? Nhờ hắn, giờ đây tôi có thể đắm chìm trong những giấc mơ tình yêu và hạnh phúc ngọt ngào nhất – những giấc mơ mà tôi cảm thấy cũng không trái ý tiểu thư Nelly. Ánh mắt tươi cười của nàng cho phép tôi mơ, giọng nói dịu dàng của nàng cuốn tôi vào với những hy vọng.
Khi tàu cập bờ biển nước Mỹ, cuộc tìm kiếm gắt gao tên trộm xem ra bị bỏ dở, chúng tôi hồi hộp chờ đợi thời khắc trọng đại khi bí ẩn ám ảnh mấy ngày qua được giải đáp. Kẻ nào là Arsène Lupin? Arsène Lupin lừng danh đang che giấu thân phận mình dưới cái tên nào, dưới vỏ bọc nào? Và, cuối cùng, thời khắc trọng đại đó cũng đến. Nếu tôi có thọ hàng trăm tuổi, tôi cũng không bao giờ quên được dù chỉ một chi tiết nhỏ nhặt nhất.
“Tiểu thư Nelly, trông cô mới nhợt nhạt làm sao.” Tôi nói với người bạn đồng hành khi nàng dựa người vào cánh tay tôi, gần như sắp ngất đi.
“Cả ông nữa!” Tiểu thư Nelly đáp lại. “Ô! Ông trông quá khác rồi đấy.”
“Cô cứ nghĩ xem! Đây là một thời khắc hết sức hồi hộp ly kỳ, và tôi sung sướng được cùng cô trải qua thời khắc này, tiểu thư Nelly. Tôi hy vọng sau này thỉnh thoảng cô sẽ nhớ lại..
Nhưng nàng chẳng còn nghe tôi nói nữa. Nàng đang căng thẳng, hồi hộp. Cầu tàu đã bắc xong, nhưng trước khi chúng tôi kịp đặt chân xuống, những nhân viên hải quan mặc đồng phục bước lên tàu. Tiểu thư Nelly thì thầm vào tai tôi: “Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu nghe nói Arsène Lupin đã trốn thoát khỏi tàu trong lúc tàu vẫn đang lênh đênh trên biển.”
“Có lẽ hắn thà chết còn hơn phải chịu nhục, và quyết định đâm đầu xuống Đại Tây Dương chứ không để bị bắt.”
“Ôi, ông đừng cười.” Tiểu thư Nelly nói.
Bỗng dưng tôi giật mình, và để đáp lại điều nàng đang nghi ngờ, tôi nói: “Cô có nhìn thấy ông già nhỏ thó đứng ở cuối cầu tàu kia không?”
“Ông già cầm ô và mặc áo khoác màu xanh olive ấy à?”
“Đó là Ganimard.”
“Ganimard ư?”
“Đúng, viên thám tử lừng danh vốn vẫn thề là sẽ tóm cổ Arsène Lupin. À! Bây giờ thì tôi có thể hiểu tại sao chúng ta không nhận được bất kỳ tin tức gì từ phía này của Đại Tây Dương. Ganimard đang ở đây! Và ông ta luôn luôn giữ bí mật việc mình làm.”
“Vậy ông cho là ông ta sẽ bắt được Arsène Lupin?”
“Ai biết đâu được? Mỗi khi Arsène Lupin dính líu vào vụ việc gì thì luôn luôn có chuyện bất ngờ xảy ra.”
“Ô!” Tiểu thư Nelly thốt lên với vẻ tò mò độc địa đặc trưng của phụ nữ. “Tôi muốn chứng kiến cảnh hắn bị bắt giữ.”
“Cô sẽ phải kiên nhẫn đấy. Chắc chắn Arsène Lupin đã nhìn thấy kẻ
thù và hắn sẽ không vội vã rời tàu đâu.”
Lúc bấy giờ hành khách đang rời tàu lên bờ. Đứng dựa người vào chiếc ô, dáng vẻ thờ ơ, Ganimard trông như chẳng quan tâm đến đám đông đang hối hả rời tàu. Hầu tước Raverdan, Thiếu tá Rawson, anh chàng người Ý Rivolta, và nhiều người khác đã rời tàu trước khi Rozaine xuất hiện. Rozaine đáng thương!
“Có lẽ rốt cuộc thì chính hắn đấy.” Tiểu thư Nelly nói với tôi. “Ông nghĩ thế nào?”
“Tôi nghĩ nếu chụp được bức ảnh có cả Ganimard và Rozaine sẽ rất thú vị. Cô cầm lấy máy ảnh này. Tôi đã lên phim rồi đấy.”
Tôi đưa máy ảnh cho tiểu thư Nelly, nhưng nàng không kịp chụp. Rozaine đã đang đi qua viên thám tử rồi. Một nhân viên hải quan người Mỹ, đứng đằng sau Ganimard, vươn người về phía trước, thâm thì gì đó
vào tai ông ta. Viên thám tử người Pháp nhún vai và Rozaine đi qua. Nếu vậy, lạy Chúa, kẻ nào mới thực sự là Arsène Lupin?
“Đúng thế.” Tiểu thư Nelly nói to. “Là ai được nhỉ?
Lúc bấy giờ trên tàu còn cùng lắm hai mươi người. Tiểu thư Nelly nhìn chăm chú từng người một, sợ rằng Arsène Lupin không có trong số đó.
“Chúng ta không thể chờ đợi lâu hơn nữa.” Tôi nói với nàng.
Nàng bắt đầu tiến tới cầu tàu. Tôi theo sau nàng. Nhưng chúng tôi đi chưa được mươi bước chân đã bị Ganimard chặn đường.
“Ồ, có vấn đề gì vậy?” Tôi thốt lên.
“Hẵng hượm, thưa ông. Ông vội vã gì chứ?”
“Tôi đang hộ tống tiểu thư đây.”
“Hẵng hượm.” Ganimard nhắc lại, giọng đầy quyền uy. Rồi, nhìn chằm chằm vào mắt tôi, ông ta hỏi: “Chẳng phải là Arsène Lupin hay sao?”
Tôi cười to, đáp: “Không, tôi chỉ là Bernard d’Andrésy.”
“Bernard d’Andrésy đã chết ở Macedoine ba năm trước.”
“Nếu Bernard d’Andrésy đã chết, tôi không thể nào lại có mặt tại đây được. Nhưng ông lầm rồi. Đây là giấy tờ tùy thân của tôi.”
“Đây là giấy tờ tùy thân của Bernard d’Andrésy, và tôi có thể nói chính xác bằng cách nào mà anh lại có được giấy tờ tùy thân của anh ta.”
“Ông là đồ ngốc!” Tôi kêu lên. “Arsène Lupin lên tàu dưới cái tên bắt đầu bằng chữ cái R.”
“Phải, lại một mánh khóe nữa của anh thôi, một dấu vết giả đánh lừa cái đám ở Havre. Anh diễn trò hay lắm, anh bạn, nhưng lần này thì may mắn chẳng mỉm cười với anh đâu.”
Tôi thoáng lưỡng lự. Rồi Ganimard đột ngột thụi mạnh vào cánh tay phải tôi, khiến tôi bật một tiếng kêu đau đớn. Ông ta đã đánh vào vết thương chưa lành, được nhắc tới trong bức điện.
Tôi đành đầu hàng. Chẳng còn lựa chọn nào khác. Tôi quay về phía tiểu thư Nelly, nàng đã nghe thấy tất cả. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau, rồi nàng liếc xuống chiếc máy ảnh Kodak mà tôi vừa đưa cho nàng, và làm một cử chỉ để tôi biết là nàng đã hiểu toàn bộ câu chuyện. Phải, ở đó, trong lòng chiếc túi máy ảnh nhỏ bằng da màu đen tôi trao vào tay nàng phòng khi bị Ganimard bắt giữ, tôi đã cất giấu hai mươi ngàn franc của Rozaine và số ngọc trai, kim cương lấy của phu nhân Jerland.
Ôi! Tôi thề là, vào thời khắc nguy cấp đó, giữa lúc tôi đang trong vòng vây của Ganimard và hai nhân viên phụ tá cho ông ta, tôi hoàn toàn chẳng bận tâm về bất cứ điều gì, dù là việc tôi bị bắt giữ, hay là việc mọi người tức tối khi phát hiện ra sự thật, tất cả mọi điều tôi đều không mảy may nghĩ tới, mọi điều, trừ một điều duy nhất: Tiểu thư Nelly sẽ làm gì với những món quý giá mà tôi đã tin tưởng trao cho nàng?
Không có những tang chứng, vật chứng đầy tính thuyết phục đó, tôi chẳng có gì phải sợ. Nhưng liệu tiểu thư Nelly có quyết định giao nộp chúng? Liệu nàng có phản bội tôi? Liệu nàng sẽ vào vai một kẻ thù không khoan nhượng hay sẽ vào vai một phụ nữ mà sự khinh bỉ trở nên mềm yếu trước sự độ lượng và thương cảm bản năng?
Tiểu thư Nelly đi qua tôi. Tôi không nói gì, chỉ cúi chào rất thấp. Hòa vào với những hành khách khác, nàng cầm trong tay chiếc máy ảnh Kodak, tiến về phía cầu tàu. Tôi bất chợt có ý nghĩ nàng không dám vạch trần bộ mặt của tôi ngay giữa chốn đông người, nhưng có lẽ nàng sẽ thực hiện điều này khi ở một nơi kín đáo hơn. Tuy nhiên, mới bước được vài bước xuống cầu tàu, giả vờ như loạng choạng, luống cuống, nàng thả cho chiếc máy ảnh rơi xuống nước. Rồi xuôi theo cầu tàu, nàng nhanh chóng khuất dạng trong đám đông. Nàng đi qua cuộc đời tôi vĩnh viễn.
Tôi đứng lặng người mất một lúc. Rồi, trước sự sửng sốt tột độ của Ganimard, tôi lẩm bẩm: “Thật tiếc vì mình chẳng phải một người lương thiện!”.
Đó là câu chuyện về việc bị bắt giữ do chính Arsène Lupin kể cho tôi nghe. Rất nhiều sự kiện khác, mà ngày nào đó tôi sẽ ghi chép lại, đã tạo nên những ràng buộc giữa chúng tôi. Tôi có thể nói tới tình bạn không? Có thể tôi mạo muội tin rằng Arsène Lupin đã trân trọng dành cho tôi tình bạn, và cũng chính thông qua tình bạn mà thi thoảng anh ta ghé thăm tôi, đem đến cho cái thư viện yên tĩnh của tôi tinh thần trẻ trung, sôi nổi, sự lan tỏa của nhiệt huyết, và sự vui vẻ của một gã trai mà số phận và cuộc đời không có gì khác ngoài thiện ý và những nụ cười.
Chân dung anh ta ư? Làm sao tôi mô tả được? Tôi đã gặp anh ta hai mươi lần, và mỗi lần anh ta là một người khác nhau. Ngay bản thân anh ta từng nói với tôi: “Tôi chẳng còn biết tôi là ai nữa. Tôi không nhận ra chính
mình trong gương.” Chắc chắn rồi, anh ta là một diễn viên vĩ đại, sở hữu khả năng hóa trang tài tình. Chẳng cần tốn chút công sức nào, anh ta có thể bắt chước giọng nói, cử chỉ, điệu bộ của bất kỳ ai.
“Tại sao?” Anh ta hỏi. “Tại sao tôi lại phải giữ mãi một dáng hình, một tính cách? Tại sao không cố gắng tránh những nguy cơ do một nhân cách không đổi mang lại? Hành động của tôi sẽ định hình nên con người tôi.”
Rồi anh ta nói thêm, với chút tự hào: “Sẽ hay hơn nhiều nếu không ai có thể khẳng định một cách tuyệt đối chắc chắn rằng: Chính là Arsène Lupin đấy! Điều cốt yếu là công chúng có thể nhắc tới những việc tôi làm mà quả quyết không sợ nhầm lẫn rằng: Chính là Arsène Lupin làm đấy!”
Arsène Lupin trong tù
T
hật chẳng có ai đáng được gọi là du khách nếu không biết tới hai bờ sông Seine, hoặc đi qua đây mà lại không chú ý gì đến tòa lâu đài cổ kính bé nhỏ của dòng họ Malaquis, tòa lâu đài nằm trên một đảo đá ngay chính giữa dòng sông. Một cây cầu cong cong nối nó với bờ. Bao quanh là làn nước êm đềm của con sông lớn, yên ả dập dờn chảy qua các gốc sậy, và đám chim chìa vôi chao liệng bên trên những mỏm đá ẩm ướt.
Lịch sử tòa lâu đài Malaquis cũng bão tố y như cái tên của nó và cũng khắc nghiệt y như đường nét bề ngoài của nó. Nó đã trải qua hàng loạt trận chiến, hàng loạt cuộc vây ráp, tấn công, cướp bóc và tàn sát đẫm máu. Nghe thuật lại những tội ác từng xảy ra ở đây thì ngay cả kẻ gan dạ nhất cũng phải rùng mình. Có rất nhiều truyền thuyết bí hiểm về tòa lâu đài này, chúng nhắc tới một đường hầm nổi tiếng từng dẫn đến tu viện Jumièges và trang viên của Agnès Sorel, nhân tình của vua Charles VII.
Tại tòa lâu đài từng là nơi cư trú của cả những bậc anh hùng lẫn những tên ăn cướp đó, ngày nay Nam tước Nathan Cahorn đang sinh sống. Trước
đây ngài được mệnh danh là Nam tước Satan trên thị trường chứng khoán Paris, nơi ngài phát tài một cách chóng vánh khác thường. Các chủ nhân của Malaquis, hoàn toàn khánh kiệt, buộc phải bán tòa lâu đài cổ với giá hết sức rẻ mạt, cùng với bộ sưu tập tuyệt vời các món đồ gỗ, các bức tranh, các tác phẩm điêu khắc gỗ và các món đồ sứ. Ngài Nam tước sống một mình, được ba người đầy tớ già phục vụ. Chưa ai từng đặt chân vào tòa lâu đài. Chưa ai từng có cơ hội chiêm ngưỡng ba bức tranh của Rubens, hai bức tranh của Watteau, hay tác phẩm điêu khắc của Jean Goujon, tất cả đều thuộc quyền sở hữu của ngài Nam tước. Ngoài ra, còn nhiều món đồ nghệ thuật quý giá khác mà ngài đã vung tiền mua ở các cuộc đấu giá công khai.
Nam tước Satan thường xuyên sống trong lo sợ, không phải lo sợ cho sự an nguy của bản thân ngài, mà là lo sợ cho những món đồ nghệ thuật quý giá ngài đã tích lũy được với tất cả đam mê, tâm huyết, với khiếu thẩm mỹ và tài đánh giá, thẩm định đến cả những tay buôn lọc lõi nhất cũng không thể chỉ ra bất kỳ nhầm lẫn nào bao giờ. Ngài yêu quý chúng – những món mỹ nghệ của ngài. Yêu một cách mãnh liệt, như kẻ bủn xỉn yêu tiền. Yêu một cách hờn ghen, như yêu nhân tình. Hằng ngày, khi hoàng hôn buông xuống, các cánh cổng sắt ở mỗi đầu cầu và ở lối vào tòa lâu đài lại được đóng chặt, cài then cẩn thận. Chỉ cần hơi động đến cánh cổng thôi, chuông điện sẽ ngay lập tức réo khắp lâu đài.
Một thứ Năm trong tháng Chín, anh chàng đưa thư xuất hiện trước cánh cổng ở đầu cầu, và, như thường lệ, ngài Nam tước đích thân ra mở he hé cánh cổng nặng nề. Ngài quan sát anh ta kĩ lưỡng tựa hồ anh ta xa lạ lắm, mặc dù khuôn mặt trung thực và cặp mắt lấp lánh sáng của anh chàng bưu tá đã quen thuộc với ngài Nam tước từ nhiều năm nay rồi. Anh ta cười lớn, nói: “Chỉ là tôi thôi, thưa ngài Nam tước. Không phải kẻ nào khác mặc
áo, đội mũ của tôi đâu.”
“Ai mà biết trước được điều gì.” Ngài Nam tước lầm bầm.
Anh chàng bưu tá đưa cho ngài vài tờ báo, rồi nói: “Còn đây, thưa ngài Nam tước, có cái này mới.”
“Có cái mới à?”
“Vâng, một bức thư. Một bức thư bảo đảm.”
Sống ẩn dật, xa lánh xã hội, chẳng bạn bè hay quan hệ bang giao gì, ngài Nam tước chưa bao giờ nhận được thư từ, vì thế bức thư kia ngay lập tức khiến ngài này sinh cảm giác nghi ngờ, không tin tưởng. Nó giống như
điềm xấu. Kẻ bí hiểm nào lại cả gan làm phiền đến cuộc sống ẩn dật yên bình của ngài?
“Ngài phải ký nhận, thưa ngài Nam tước.”
Ngài ký, rồi nhận bức thư, chờ cho anh chàng đưa thư khuất dạng sau khúc quanh của con đường, và hồi hộp đi tới đi lui mất mấy phút, ngài mới đứng dựa vào lan can cầu, mở phong bì ra. Bên trong phong bì có một tờ giấy với tiêu đề như sau: Nhà tù Santé, Paris. Ngài nhìn phần chữ ký: Arsène Lupin. Rồi ngài đọc thư:
Thưa Nam trước,
Ở phòng trưng bày trong lâu đài của ngài, có một bức tranh của
Philippe de Champaigne, một tuyệt tác hoàn hảo khiến tôi say mê đến độ không lời nào tả xiết. Các bức tranh của Rubens và bức
tranh nhỏ nhất của Watteau mà ngài đang sở hữu cũng rất hợp gu tôi. Trong phòng khách bên tay phải, tôi chú ý tới chiếc giá nhạc
thời Louis XIII, những tấm thảm thêu xứ Beauvais, chiếc bàn tròn
thời Đế chế có ký chữ Jacob, và chiếc rương thời Phục Hưng. Còn trong phòng khách bên tay trái, chiếc tủ ngăn kéo chứa đầy đồ
trang sức gắn đá quý và các bức tiểu họa.
Hiện tại, tôi tạm bằng lòng với những thứ có thể vận chuyển thuận tiện, dễ dàng. Do đó, tôi đề nghị ngài trong vòng tám ngày hãy gói ghém chúng cẩn thận và gửi chúng đến nhà ga Batignolles cho tôi, nhớ trả trước cước phí. Bằng không, đêm Hai mươi bảy tháng
Chín, tôi sẽ buộc lòng phải đích thân đem đi, nhưng trong trường hợp đó tôi sẽ không chỉ bằng lòng với những thứ tôi vừa nêu bên trên.
Xin thứ lỗi cho bất kỳ sự bất tiện nào mà tôi gây ra cho ngài, và hãy tin tưởng rằng tôi luôn luôn là kẻ tôi tớ hèn mọn của ngài.
ARSÈNE LUPIN
Tái bút: Xin đừng gửi bức tranh lớn nhất của Watteau. Mặc dù ngài đã trả tận ba mươi ngàn franc cho nó, nó chỉ là một bức tranh chép, bản gốc đã bị đốt theo lệnh của Barras, kẻ lãnh đạo điều hành chế độ Đốc chính, trong một đêm ăn chơi trác táng. Hãy tham khảo hồi ký của Garat.
Tôi không quan tâm đến sợi xích đeo đồng hồ của Louis XV, vì tôi ngờ nó chẳng phải đồ thật.
Bức thư khiến tâm trạng ngài Nam tước rối loạn hoàn toàn. Nếu chữ ký kia là của bất kỳ kẻ nào khác, ngài chắc chắn cũng đã thấy lo lắng lắm – đằng này nó lại là của chính Arsène Lupin!
Là người thường xuyên đọc báo, ngài theo dõi sát sao những vụ phạm tội xảy ra trong thời gian gần đây, và vì thế ngài cũng nắm rất rõ những
thành tích chói lọi của tên trộm bí hiểm này. Tất nhiên, ngài biết Lupin đã bị kẻ thù truyền kiếp là Ganimard tóm cổ ở Mỹ, và hiện tại đang ngồi sau song sắt nhà tù Santé. Nhưng ngài cũng biết Arsène Lupin có khả năng thực hiện những chuyện rất đỗi lạ lùng. Hơn nữa, việc hắn biết tường tận chính xác về tòa lâu đài, vị trí các bức tranh và các món đồ nội thất, khiến vấn đề hết sức đáng báo động. Làm sao hắn biết về những thứ chưa ai từng trông thấy bao giờ?
Trầm ngâm ngước nhìn đường nét khắc khổ của tòa lâu đài, rồi dần dần đưa mắt xuống cái nền đá dốc dựng đứng cùng làn nước sâu bao xung quanh, ngài Nam tước nhún vai. Chắc chắn là không có mối đe dọa nào cả.
Không ai trên đời này lại đột nhập vào được chốn tôn nghiêm cất giữ những tài sản vô giá của ngài.
Không ai, có lẽ vậy, trừ Arsène Lupin! Với hắn, mọi loại cổng, tường bao hay cầu kéo đều không tồn tại. Những chướng ngại vật ghê gớm nhất, những biện pháp phòng ngừa kĩ lưỡng nhất có ích gì, một khi Arsène Lupin đã quyết định đến viếng thăm?
Buổi tối hôm đó, ngài Nam tước viết thư cho viên Phó Chưởng lý ở Rouen. Ngài gửi kèm cả bức thư đe dọa kia và khẩn khoản xin được giúp đỡ, bảo vệ.
Ngài ngay lập tức được hồi đáp, với nội dung là Arsène Lupin đang thụ án ở nhà tù Santé, dưới sự canh gác, giám sát nghiêm ngặt, không có cơ hội để viết một bức thư như vậy và bức thư ấy chắc chắn đã bị mạo danh. Tuy nhiên, nhằm phòng xa, viên Phó Chưởng lý vẫn đưa bức thư cho một chuyên gia thẩm định chữ viết và vị chuyên gia này tuyên bố, dù có sự tương đồng nhất định, chữ viết trong bức thư không phải chữ viết của kẻ
đang ngồi tù.
Những cụm từ dù có sự tương đồng nhất định khiến ngài Nam tước phải lưu tâm. Đọc cụm từ đó, ngài cảm thấy một nỗi hồ nghi mà đối với ngài xem ra hoàn toàn đủ để phải viện đến bàn tay can thiệp của pháp luật. Ngài càng lúc càng thêm lo sợ. Ngài đọc đi đọc lại bức thư Lupin gửi. “Tôi sẽ buộc lòng phải đích thân đem đi.” Và rồi còn có cả ngày giờ định trước nữa: đêm Hai mươi bảy tháng Chín.
Tin tưởng giãi bày với kẻ hầu người hạ trong nhà là cách xử sự hoàn toàn trái ngược với tính tình ngài. Nhưng lúc này đây, lần đầu tiên sau nhiều năm, ở ngài xuất hiện cái nhu cầu tìm kiếm sự sẻ chia, khuyên bảo từ người khác. Bị cơ quan pháp luật của chính khu vực mình sinh sống bỏ rơi, và cảm thấy không thể tự bảo vệ mình bằng phương tiện, nhân lực sẵn có, ngài đã sửa soạn đi Paris để thuê thám tử.
Hai ngày trôi qua. Sang ngày thứ ba, ngài Nam tước tràn đầy hy vọng và vui vẻ trở lại khi đọc được tin tức sau đây trên tờ Caudebec thức giấc, tờ báo của thị trấn lân cận:
Hiện tại, chúng ta đang hân hạnh đón tiếp ngài Ganimard, vị thám tử kỳ cựu nổi danh toàn thế giới vì đã mưu trí tóm cổ được Arsène Lupin. Ngài đến đây để nghỉ dưỡng và tham gia các hoạt động giải trí. Là một tay câu cá cự phách, ngài dọa sẽ câu sạch bách cá ở con sông trong thành phố chúng ta.
Ganimard! Ôi, sự giúp đỡ mà ngài Nam tước Cahorn mong mỏi đây rồi! Còn ai có thể phá vỡ những mưu đồ của Arsène Lupin tài tình hơn
Ganimard, viên thám tử vừa khôn ngoan vừa kiên trì? Thật đúng người đúng việc quá!
Ngài Nam tước không chần chừ thêm giây phút nào nữa. Thị trấn Caudebec chỉ cách tòa lâu đài sáu cây số, quãng đường thật ngắn ngủi đối với một quý ông đang phải gấp rút vì sự an nguy của mình.
Sau vài nỗ lực xác định nơi viên thám tử đang lưu trú mà không thu được kết quả gì, ngài Nam tước tới tòa soạn tờ Caudebec thức giấc tọa lạc ngay trên bến cảng. Tại đây, ngài gặp được tác giả bài báo. Anh này vừa tiến đến bên cửa sổ vừa kêu lên: “Ganimard ư? Sao ngài phải nhọc công thế? Ngài chắc chắn sẽ bắt gặp ông ta loanh quanh đâu đấy ngay ngoài bến cảng cùng với chiếc cần câu trong tay thôi. Tôi đã bắt gặp ông ta ngoài ấy và tình cờ đọc được tên ông ta khắc trên thân chiếc cần câu. À, ông ta kia kìa, ngồi dưới mấy tán cây kia kìa.”
“Người đàn ông thấp bé đang đội mũ rơm kia hả?”
“Chính xác. Ông ta là người cộc cằn, kiệm lời lắm.”
Năm phút sau, ngài Nam tước đã đến bên Ganimard lừng danh, tự giới thiệu bản thân mình, gợi cho ông ta trò chuyện, nhưng không thành. Thế là, ngài đành để cập mục đích thực sự của việc tiếp cận viên thám tử và trình bày ngắn gọn vụ việc. Viên thám tử lắng nghe, vẫn không hề nhúc nhích, hoàn toàn tập trung vào chiếc cần câu. Khi ngài Nam tước thuật xong câu chuyện rồi thì ngư ông kia mới quay lại, điệu bộ hết sức thương hại, nói: “Thưa ngài, những quân trộm đạo thường chẳng cảnh báo trước cho người ta biết việc bọn chúng chuẩn bị viếng thăm nhà người ta đâu. Đặc biệt là Arsène Lupin, hắn sẽ chẳng bao giờ hành động ngớ ngẩn như vậy.”
“Nhưng…”
“Thưa ngài, ngài hãy tin tôi, chỉ cần tôi có chút xíu hoài nghi gì về việc này thôi, cảm giác thích thú khi một lần nữa tóm cổ được Arsène Lupin chắc chắn sẽ khiến tôi rất sẵn sàng phục vụ ngài. Tuy nhiên, không may thay, gã trai trẻ đó lại đang bị nhốt trong tù rồi.”
“Có thể hắn đã trốn thoát.”
“Chưa kẻ nào từng trốn thoát khỏi nhà tù Santé được.”
“Nhưng, hắn…”
“Hắn cũng vậy thôi.”
“Nhưng mà…”
“Thôi được, nếu hắn đã trốn thoát, càng hay. Tôi sẽ lại bắt hắn. Từ giờ tới lúc đó, mời ngài cứ trở về nhà mà ngủ ngon. Tạm thời thế đủ rồi nhé! Ngài đang làm lũ cá sợ bơi hết đi kia kìa.”
Cuộc trao đổi kết thúc. Ngài Nam tước trở về lâu đài, cảm thấy yên tâm đôi chút qua thái độ bàng quan, lãnh đạm của Ganimard. Ngài kiểm tra tất cả các then cửa, theo dõi đám người hầu, và trong suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ tiếp theo, ngài hầu như đã tự thuyết phục được mình rằng những nỗi sợ hãi vừa qua quả là vô căn cứ. Chắc chắn rồi, như lời Ganimard nói đấy, kẻ trộm đời nào lại đi cảnh báo trước cho nạn nhân việc bọn chúng chuẩn bị đến.
Cái ngày định mệnh đã cận kề. Hôm nay đã là Hai mươi sáu tháng Chín mà vẫn chưa có động tĩnh gì cả. Nhưng lúc ba giờ, chuông cửa reo. Một thằng bé mang tới một bức điện:
Không nhận được hàng ở nhà ga Batignolles. Hãy chuẩn bị sẵn
sàng cho đêm mai. Arsène.
Bức điện đẩy ngài Nam tước vào tình trạng bị kích động đến mức ngài thậm chí nghĩ hay tốt nhất là làm theo yêu cầu của Lupin.
Tuy nhiên, ngài lại vội vã đi Caudebec. Ganimard vẫn đang ngồi trên chiếc ghế xếp câu cá ở chỗ cũ. Chẳng nói chẳng rằng, ngài đưa cho viên thám tử bức điện.
“Chà, cái này thì có ý nghĩa quái gì?” Viên thám tử nói.
“Có ý nghĩa quái gì ư? Nhưng là ngày mai đấy.”
“Ngày mai làm sao?”
“Vụ cướp! Cướp hết tất cả các bộ sưu tập của tôi!”
Ganimard đặt cần câu xuống, quay sang ngài Nam tước, kêu lên bằng giọng mất hết kiên nhẫn: “À! Ngài nghĩ tôi sẽ tốn công tốn sức vì một chuyện ngớ ngẩn như thế hả?”
“Ông đòi bao nhiêu tiền để đêm mai tới lưu lại tại lâu đài của tôi?” “Không một xu. Còn bây giờ thì hãy đi đi cho tôi yên.”
“Ông hãy ra giá. Tôi rất giàu, tôi có thể trả ông bất kỳ giá nào.”
Lời đề nghị khiến Ganimard bối rối, tuy nhiên ông ta vẫn điềm tĩnh đáp lại: “Tôi đang trong kỳ nghỉ. Tôi không có quyền đảm nhận một việc như thế.”
“Sẽ chẳng ai biết việc này. Tôi xin cam đoan giữ bí mật.” “Ồ. Sẽ chẳng xảy ra chuyện gì đâu.”
“Thôi nào! Ba ngàn franc nhé? Chừng đó đã đủ chưa?”
Vị thám tử trầm ngâm ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói: “Thôi được. Nhưng tôi cảnh báo trước với ngài rằng ngài đang ném tiền qua cửa sổ đấy.”
“Tôi không quan tâm.”
“Trong trường hợp đó. Nhưng, suy cho cùng, chúng ta biết gì về tên Lupin quỷ quyệt này! Hắn có thể nắm trong tay vô số các băng đảng đấy. Ngài có chắc chắn về đám đầy tớ nhà ngài không?”
“Tôi tin tưởng rằng…”
“Tốt nhất đừng trông cậy gì vào họ. Tôi sẽ đánh điện gọi hai người của tôi đến hỗ trợ. Còn bây giờ thì ngài hãy đi đi! Tốt nhất đừng để cho ai bắt gặp chúng ta đang bàn bạc với nhau. Tối mai, khoảng chín giờ nhé!”
Ngày hôm sau – ngày mà Arsène Lupin ấn định – Nam tước Cahorn sửa soạn sẵn sàng tất cả các món giáp trụ, đánh bóng vũ khí, và đi đi lại lại phía trước tòa lâu đài như một gã lính canh. Ngài chẳng trông thấy gì, cũng chẳng nghe thấy gì. Tám giờ rưỡi tối, ngài cho phép những người hầu đi nghỉ. Phòng của họ được bố trí ở một cánh khuất nẻo, cách xa khu vực chính của tòa lâu đài. Không lâu sau, ngài Nam tước nghe thấy tiếng bước chân tiến đến. Đó là Ganimard và hai phụ tá của ông ta – thật tuyệt vời, hai anh chàng dũng mãnh với những bàn tay hộ pháp và cổ thì lực lưỡng như
cổ bò mộng. Hỏi vài câu về vị trí các lối ra vào và các phòng khác nhau xong, Ganimard thận trọng khóa và chặn tất cả các cửa ra vào cũng như cửa sổ mà qua đó người ngoài có thể đột nhập vào các căn phòng bị đe dọa. Ông ta xem xét kĩ lưỡng những bức tường, kéo những tấm thảm thêu lên, và cuối cùng, bố trí hai phụ tá của mình canh gác tại phòng trưng bày trung tâm, nằm giữa hai phòng khách.
“Nghiêm túc vào! Chúng ta không đến đây để ngủ. Chỉ cần có chút động tĩnh gì, hãy mở các cửa sổ ra và gọi tôi. Chú ý cả về phía sông nữa. Vách đá dựng đứng cao mười mét cũng chẳng ăn nhằm gì đối với những tên quỷ quái đó đâu.”
Ganimard khóa nhốt hai nhân viên phụ tá trong phòng trưng bày, mang theo chìa khóa và bảo ngài Nam tước: “Còn bây giờ, hãy vào vị trí của chúng ta.”
Viên thám tử chọn vị trí cho mình là một ô nhỏ nằm trong bức tường dày bao bên ngoài, giữa hai lớp cổng. Cái ô này ngày trước từng là chốt gác lâu đài. Có một lỗ quan sát ra cầu và một lỗ quan sát vào sân. Trong góc, có lối thoát xuống một đường hầm.
“Ngài Nam tước, tôi nhớ ngài bảo tôi rằng đường hầm này là đường hầm duy nhất dẫn vào lâu đài và đã bị chặn lại từ đời nào đời nào rồi đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Vậy thì, chúng ta tuyệt đối an toàn, trừ khi còn một lối khác mà chỉ Arsène Lupin mới biết.”
Viên thám tử xếp ba chiếc ghế dựa lại với nhau, ngả lưng lên đó, châm
tẩu thuốc lá và thở dài. “Ngài Nam tước ạ, tôi thực sự cảm thấy xấu hổ khi nhận tiền của ngài để làm cái việc ngồi mát ăn bát vàng như thế này. Tôi sẽ kể chuyện cho anh bạn Lupin nghe. Hắn sẽ cực kỳ khoái chí đấy.”
Ngài Nam tước không cười nổi. Ngài đang căng thẳng chú ý lắng nghe, nhưng chẳng nghe thấy gì ngoài chính tiếng tim ngài đập thình thịch. Thi thoảng, ngài cúi xuống nhìn đường hầm, dõi ánh mắt sợ hãi vào khoảng tối sâu hun hút phía dưới. Ngài nghe chuông đồng hồ báo mười một giờ, mười hai giờ, rồi một giờ.
Đột nhiên, ngài túm lấy cánh tay Ganimard. Viên thám tử bật dậy, tỉnh giấc.
“Ông có nghe thấy không?” Ngài Nam tước thì thào hỏi. “Có.”
“Tiếng gì vậy?”
“Tôi đồ là tiếng tôi ngáy.”
“Không, không phải, ông lắng nghe đi.”
“À! Đúng, tiếng còi xe hơi.”
“Vậy thì?”
“Ồ! Chưa chắc đã có chuyện Lupin sẽ sử dụng xe hơi thay cho búa tấn để phá tòa lâu đài của ngài đâu. Nào, ngài Nam tước, trở về vị trí canh gác của ngài đi. Tôi lại ngủ đây. Chúc ngài ngon giấc.”
Đó là âm thanh báo động duy nhất. Ganimard tiếp tục giấc ngủ bị gián đoạn, còn ngài Nam tước thì không nghe thấy tiếng gì khác ngoài tiếng ngáy đều đều của viên thám tử. Khi mặt trời vừa ló dạng, họ cùng rời khỏi
vị trí canh gác. Tòa lâu đài vẫn chìm trong không gian hoàn toàn tĩnh mịch, bình minh thanh bình đang dâng lên trên mặt sông hiền hòa. Họ theo cầu thang đi lên. Ngài Nam tước Cahorn vui mừng hớn hở. Ganimard vẫn điềm tĩnh y như thường lệ. Họ không nghe thấy tiếng động gì, cũng không trông thấy gì đáng ngờ.
“Tôi đã nói gì với ngài, thưa ngài Nam tước? Thực sự, tôi lẽ ra không nên nhận khoản tiền đó của ngài. Tôi thấy xấu hổ quá.” Viên thám tử mở khóa cửa, bước vào phòng trưng bày. Đầu gục xuống, tay buông thõng, hai phụ tá của viên thám tử đang say sưa ngủ trên hai chiếc ghế dựa.
“Chết tiệt!” Ganimard gào lên.
Cùng lúc đó, ngài Nam tước la lớn: “Những bức tranh của tôi! Cái bàn của tôi!”
Ngài lắp bắp, ngạt thở, hai cánh tay vươn về phía những khoảng trống, những bức tường trần trụi, chẳng còn gì ngoài những chiếc đinh và những sợi dây treo vô dụng. Bức tranh của Wateau, biến mất rồi! Bức tranh của Rubens, đã bị đem đi rồi! Những tấm thảm thêu đã bị tháo hết! Những món trang sức trong các tủ ngăn kéo đã bị khoắng sạch!
“Cả bộ chân nến thời Louis XVI của tôi! Cả bộ đèn chùm thời Nhiếp chính!… Cả bức tượng Đức Mẹ đồng trinh thế kỷ XII nữa!”
Ngài chạy từ chỗ nọ sang chỗ kia trong nỗi tuyệt vọng điên cuồng nhất. Ngài hồi tưởng lại giá tiền từng món vào thời điểm ngài mua chúng, rồi tính toán giá trị hiện thời, suy ra tổng thiệt hại. Từ ngữ của ngài rối rắm, lộn xộn, câu cú dở dang. Ngài tức tối giậm chân thình thịch. Ngài rên rỉ vì đau khổ, tiếc nuối. Ngài hành động như thể một kẻ đã phá sản, đã tàn đời, lối thoát duy nhất chỉ có thể là tự tử.
Nếu có điều gì có thể khiến ngài Nam tước được an ủi, thì đó chính là vẻ sững sờ, kinh ngạc của Ganimard. Viên thám tử nổi tiếng đứng bất động. Ông ta trông như đã hóa đá. Ông ta xem xét căn phòng với cung cách thất thần. Cửa sổ ư?… Vẫn còn đang chốt. Khóa cửa chính ư?… Không suy suyển gì. Trần không bị đục, sàn không bị khoét. Mọi thứ đều hoàn toàn trật tự. Vụ trộm được tiến hành một cách quy củ, theo một kế hoạch hết sức logic và không nương tay.
“Arsène Lupin… Arsène Lupin.” Viên thám tử lầm rầm trong miệng.
Đột nhiên, như thể bị cơn giận dữ thôi thúc, ông ta lao về phía hai anh chàng phụ tá, túm lấy họ mà lắc điên cuồng. Nhưng họ vẫn không tỉnh dậy.
“Đồ quỷ quyệt!” Viên thám tử gào lên. “Có lẽ nào?”
Ông ta cúi xuống, lần lượt kiểm tra kĩ lưỡng từng người một. Họ đang say ngủ, nhưng phản xạ của họ rất bất thường. “Họ đã bị chuốc thuốc mê.” Ông ta nói với ngài Nam tước.
“Kẻ nào làm việc đó?”
“Đương nhiên là hắn, hoặc tay chân của hắn. Chỉ có hắn mới hành động được như vậy.”
“Trong trường hợp ấy, tôi chịu thua thôi… Chẳng thể làm gì được.” “Chẳng thể làm gì được.” Ganimard đồng tình.
“Thật kinh khủng. Thật độc ác.”
“Ngài hãy đâm đơn kiện.”
“Như thế có ích gì không?”
“Ồ, cũng đáng để thử đấy. Pháp luật vốn vẫn có cách.”
“Pháp luật ư! Hừ! Vô tích sự hết. Ông chính là người đại diện cho pháp luật, và ngay lúc này đây, khi ông lẽ ra đang phải tìm kiếm manh mối, cố gắng phát hiện được dấu vết gì đó, thì ông thậm chí chẳng buồn nhúc nhích.”
“Phát hiện được dấu vết gì đó của Arsène Lupin ư! Tại sao phải làm thế, thưa ngài Nam tước thân mến? dddssâbArsène Lupin không bao giờ để lại bất cứ dấu vết gì. Hắn luôn luôn trù tính cẩn thận, loại trừ mọi may rủi. Đôi khi, tôi nghĩ chính hắn đã tự nộp mình cho tôi, và đơn giản là đã tự nguyện để tôi bắt hắn ở Mỹ.”
“Vậy tôi phải từ bỏ các bức tranh của tôi ư! Hắn đã đem đi những kiệt tác xuất sắc nhất trong bộ sưu tập của tôi. Tôi sẵn sàng trả cả gia tài để lấy lại chúng. Nếu chẳng còn cách nào khác, hãy để hắn ra giá đi.”
Ganimard nhìn ngài Nam tước chằm chằm, và nói: “Này, như vậy hợp lý đấy. Ngài có chắc chắn làm theo đến cùng không?”
“Có, có. Nhưng sao?”
“Tôi có một ý tưởng.”
“Là gì vậy?”
“Chúng ta sẽ bàn bạc sau, nếu cuộc điều tra chính thức không thành công. Nhưng ngài không được hé bất cứ lời nào về tôi, nếu ngài còn mong muốn tôi hỗ trợ.”
Ông ta nói thêm, giữa hai hàm răng nghiến chặt: “Thực sự, tôi chẳng có gì để tự hào trong chuyện này đâu.”
Hai anh chàng phụ tá đang dần tỉnh lại, với bộ dạng lơ ngơ của những người vừa thoát khỏi tác dụng của thuốc mê. Hai anh chàng mở mắt, sửng
sốt nhìn xung quanh. Ganimard truy vấn họ, họ thì chẳng nhớ được gì. “Nhưng các anh hẳn phải nhìn thấy kẻ nào đó chứ?”
“Không ạ.”
“Các anh không nhớ được gì sao?”
“Không ạ, không ạ.”
“Các anh có uống cái gì không?”
Họ nghĩ ngợi một lát, rồi một trong hai người trả lời: “Có, tôi có uống chút nước.”
“Từ cái bình đựng nước kia?”
“Vâng ạ.”
“Tôi cũng uống. Anh chàng kia thêm vào.
Ganimard ngửi và nếm nước trong bình. Không có mùi hay vị gì đặc biệt.
“Nào.” Viên thám tử nói. “Chúng ta đang lãng phí thời gian ở đây rồi. Không ai có thể giải một bài toán về Arsène Lupin trong vòng năm phút. Nhưng, mẹ kiếp! Tôi thề là tôi sẽ tóm hắn một lần nữa.”
Ngay ngày hôm đó, ngài Nam tước Cahorn đã chính thức buộc tội Arsène Lupin, đang bị giam giữ ở nhà tù Santé, là thủ phạm gây ra vụ trộm.
Sau đấy, ngài Nam tước thấy hối hận vì đã đâm đơn kiện Lupin khi chứng kiến cảnh tòa lâu đài của mình nhan nhản nào cảnh sát, nào ủy viên công tố, thẩm phán, phóng viên, nhiếp ảnh gia, và một đám đông những kẻ ăn không ngồi rồi, hiếu kỳ dò la thông tin.
Vụ việc nhanh chóng trở thành đề tài được bàn tán xôn xao khắp nơi, và cái tên Arsène Lupin kích thích trí tưởng tượng của công chúng, đến mức mọi tờ báo đều tràn ngập những câu chuyện ly kỳ nhất về anh ta mà độc giả thì sẵn lòng tin tưởng, chẳng mảy may nghi ngờ gì.
Nhưng bức thư của Arsène Lupin trâng trào cảnh báo với ngài Nam tước Cahorn về vụ trộm, đăng trên tờ Tiếng vang nước Pháp (không ai biết bằng cách nào mà tờ báo này lại có được bức thư), khiến dư luận hết sức quan tâm. Người ta đưa ra các giả thiết hoang đường nhất. Một số gợi lại sự tồn tại của những đường hầm nổi tiếng thuở trước, và đó chính là hướng điều tra của đội ngũ nhân viên thực thi pháp luật. Họ lục soát không sót một ngóc ngách nào trong lâu đài, từ nóc xuống đến tầng trệt, nghi vấn từng tảng đá, lật giở từng tấm ván ốp chân tường, xem xét các ống khói, các khung cửa sổ và xà nhà. Họ đốt đuốc kiểm tra những căn hầm rộng mênh mông, nơi những đức ông dòng họ Malaquis vốn vẫn cất giấu súng đạn và thực phẩm. Họ gõ để nghe ngóng đến tận tâm móng nhà xây bằng đá. Nhưng đều vô ích hết. Họ không phát hiện được bất kỳ dấu vết nào của một đường hầm. Không tồn tại một lối đi bí mật nào cả.
Nhưng, đang háo hức trước câu chuyện, công chúng tuyên bố rằng những bức tranh và những món đồ nội thất quý giá không thể nào lại biến mất như những bóng ma được. Tất cả đều có thật, đều mắt thấy tay sờ được, đều được đem ra đem vào không qua cửa chính cũng phải qua cửa sổ, và những kẻ vận chuyển chúng cũng vậy. Những kẻ đó là ai? Bọn họ đột
nhập vào tòa lâu đài bằng cách nào? Rồi rời đi bằng cách nào?
Cảnh sát thị trấn Rouen, đoan chắc rằng mình sẽ bất lực, khẩn khoản đề nghị lực lượng thám tử của Paris hỗ trợ. Dudouis, Trưởng ban Thám tử, cử những nhân viên xuất sắc nhất của biệt đội thép tới. Bản thân ông ta cũng dành đến bốn mươi tám tiếng đồng hồ trong lâu đài, nhưng không phát hiện ra manh mối gì. Sau cùng, ông ta điều động đến Ganimard, người vốn vẫn luôn luôn có cách giải quyết vấn đề khi tất cả đều đã bế tắc.
Ganimard im lặng lắng nghe chỉ thị của cấp trên, rồi lắc đầu nói: “Theo tôi, lục soát toàn bộ tòa lâu đài là việc vô ích. Lời giải cho bài toán này nằm ở một chỗ khác.”
“Chỗ nào?”
“Chỗ Arsène Lupin.”
“Chỗ Arsène Lupin! Để đồng tình với giả thiết ấy, chúng ta phải thừa nhận hắn đã can dự vào vụ trộm”.
“Tôi xin thừa nhận. Thực tế, tôi nghĩ điều đó hoàn toàn chắc chắn.”
“Thôi nào, Ganimard, điều đó hết sức vô lý. Arsène Lupin đang ở trong tù.”
“Tôi công nhận là Arsène Lupin đang ở trong tù, bị canh gác nghiêm ngặt. Nhưng để tôi thay đổi quan điểm của mình thì hắn không những đang ở trong tù mà còn phải bị cùm chân, còng tay và cả bịt miệng nữa.”
“Tại sao anh cứ cứng đầu vậy, Ganimard?”
“Vì Arsène Lupin là kẻ duy nhất ở nước Pháp này có đủ khả năng xây dựng và thực hiện một kế hoạch đình đám cỡ ấy.”
“Chỉ là lời nói suông thôi, Ganimard.”
“Nhưng đúng với thực tế. Xem kìa! Họ đang làm gì vậy? Tìm kiếm những lối đi ngầm ư, hay những phiến đá xoay qua xoay lại được, và những thứ ngớ ngẩn tương tự? Nhưng Lupin không bao giờ thèm chọn những cách cũ rích đó đâu. Hắn là kẻ đào tường khoét ngách hiện đại, luôn cập nhật, luôn thức thời…”
“Thế anh định làm gì tiếp theo?”
“Tôi muốn sếp cho phép tôi gặp hắn một tiếng đồng hồ.” “Tại xà lim giam hắn?”
“Vâng. Trong chuyến trở về từ Mỹ, chúng tôi đã trở nên rất thân thiện với nhau, và tôi dám cam đoan rằng nếu hắn có thể cung cấp cho tôi thông tin gì mà không khiến bản thân hắn bị tổn hại, thì hắn sẽ chẳng ngần ngại giúp tôi tránh khỏi các rắc rối vô ích.”
Chỉ vừa qua trưa là Ganimard đã bước vào xà lim giam Arsène Lupin. Arsène Lupin đang nằm trên giường liền ngóc đầu dậy, bật một tiếng kêu bộc lộ rõ sự hân hoan, vui mừng.
“Ồ! Thật quá đỗi bất ngờ. Ganimard thân mến của tôi có mặt tại đây!” “Đích thân Ganimard nhé!”
“Trong thời gian tự nguyện lui về ẩn dật, tôi mong mỏi nhiều điều, nhưng điều tôi mong mỏi nhất là được đón tiếp ông ở đây đấy.”
“Anh thực tử tế quá!
“Không dám. Ông biết là tôi vốn vẫn hết sức tôn trọng ông.” “Tôi rất lấy làm tự hào về điều đó.”
“Tôi luôn luôn khẳng định rằng: Ganimard là vị thám tử cự phách nhất của chúng ta. Ông ấy gần bằng… ông thấy đấy, tôi mới bộc trực làm sao!… Ông ấy tài tình gần bằng Sherlock Holmes. Nhưng tôi rất lấy làm tiếc vì chỉ có mỗi chiếc ghế đẩu cứng quèo này mời ông an tọa. Và chẳng có đồ giải khát! Thậm chí chẳng có nổi một cốc bia! Tất nhiên, ông sẽ thứ lỗi cho tôi thôi, vì tôi chỉ ở đây tạm thời.”
Ganimard mỉm cười và ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Rồi người tù tiếp tục: “Trời ơi, tôi mới vui mừng làm sao khi được trông thấy mặt một con người lương thiện. Tôi quá chán đám điều tra viên quái quỷ mỗi ngày vào đây đến cả chục lượt lục soát khắp túi áo túi quần tôi, rồi khắp cái buồng giam này, để yên tâm rằng tôi không sửa soạn trốn. Chính phủ rất quan tâm đến trường hợp của tôi.”
“Đúng là như vậy đấy.”
“Tại sao? Tôi sẽ hoàn toàn mãn nguyện nếu họ để cho tôi sống theo cái cách lặng lẽ của riêng mình.”
“Bằng tiền của người khác.”
“Đúng vậy. Như thế thật đơn giản. Nhưng thôi, tôi đùa đấy, còn ông chắc chắn đang vội. Vậy hãy đi thẳng vào vấn đề nào, Ganimard. Vì đâu tôi hân hạnh được có buổi viếng thăm này?”
“Vì vụ nhà Cahorn.” Ganimard thẳng thắn nói.
“À! Hẵng hượm. Ông biết là tôi đã làm bao nhiêu vụ! Trước hết, hãy để tôi mường tượng lại vụ này… À! Phải, bây giờ thì tôi nhớ ra rồi. Vụ nhà Cahorn, lâu đài Malaquis, trên sông Seine… Hai bức tranh của Rubens, một của Watteau, và vài thứ lặt vặt khác.”
“Lặt vặt ư?”
“Ôi trời, tất cả những thứ đó đáng mấy đâu. Nhưng chỉ cần biết ông quan tâm đến vụ này là đủ. Tôi có thể giúp gì ông đây, Ganimard?”
“Liệu tôi có phải giải thích các bước mà nhà chức trách đã thực hiện không?”
“Thôi khỏi. Tôi đọc báo rồi, và tôi xin nói toẹt ra là các ông hầu như chưa đi đến đâu cả.”
“Và đó chính là lý do tại sao tôi tới thăm anh.”
“Tôi sẵn sàng phục vụ ông.”
“Đầu tiên, vụ nhà Cahorn do anh làm?”
“Từ A đến Z.”
“Cả lá thư cảnh báo? Cả bức điện?”
“Tất cả đều do tôi thực hiện. Tôi hẳn vẫn giữ biên lai đâu đây thôi.”
Arsène Lupin mở ngăn kéo chiếc bàn gỗ sơn trắng giản dị. Chiếc bàn cùng với chiếc giường và chiếc ghế đẩu là toàn bộ nội thất trong buồng giam này. Anh ta lấy từ ngăn kéo ra hai mẩu giấy, đưa cho Ganimard.
Viên thám tử thốt lên ngạc nhiên. “Tôi cứ nghĩ là anh bị canh gác
nghiêm ngặt và lục soát kĩ lưỡng lắm cơ, thế mà tôi thấy anh vẫn đọc báo và lấy được biên lai bưu điện.”
“Chà! Cái đám này ngu ngốc lắm! Bọn họ tháo cả lớp lót áo vest của tôi, khám cả đế giày của tôi, gõ khắp bốn bức tường buồng giam này, nhưng bọn họ không bao giờ hình dung ra rằng Arsène Lupin lại dại dột chọn những chỗ cất giấu đơn giản đến thế?”
Ganimard cười to, nói: “Anh mới khôi hài làm sao! Thực sự, anh khiến tôi bối rối. Nhưng thôi, thuật lại vụ nhà Cahorn cho tôi nghe đi.”
“Ồ! Ồ! Không phải vội vã như vậy chứ! Ông luôn luôn đoạt hết tất cả các bí mật của tôi, vạch trần tất cả các mánh khóe của tôi. Đó là việc rất nghiêm trọng.”
“Có phải tôi đã nhầm khi tin anh sẽ chiều lòng tôi?”
“Không, Ganimard, và vì ông đã khăng khăng muốn nghe thì…”
Arsène Lupin đi xung quanh buồng giam hai, ba vòng, rồi dừng lại trước mặt Ganimard, hỏi: “Ông nghĩ thế nào về lá thư tôi gửi ngài Nam tước?”
“Tôi nghĩ anh đã giải khuây bằng cách thu hút sự chú ý của công chúng.”
“Ồ! Thu hút sự chú ý của công chúng! Nào,Ganimard, tôi cứ nghĩ ông hiểu về tôi hơn cơ. Liệu tôi, Arsène Lupin, có khi nào lại lãng phí thời gian vào những trò trẻ con như thế không? Liệu tôi có tốn công đi viết lá thư đó nếu như tôi có thể cướp của ngài Nam tước mà chẳng cần viết lách gì cả? Tôi muốn ông hiểu rằng lá thư đó là một phần thiết yếu, là động cơ vận hành toàn bộ bộ máy. Bây giờ thì chúng ta hãy cùng thảo luận về kế hoạch
cướp tòa lâu đài Malaquis. Ông sẵn sàng rồi chứ?”
“Sẵn sàng rồi, hãy tiếp tục đi!”.
“Nào, giả sử có một tòa lâu đài được phòng thủ kĩ lưỡng như tòa lâu đài của Nam tước Cahorn. Tôi sẽ từ bỏ mọi kế hoạch, từ bỏ những món đồ quý giá mà tôi hằng thèm muốn chăng, chỉ vì khó có thể đột nhập vào tòa lâu đài chứa những món đồ đó?”
“Hiển nhiên là không.”
“Tôi nên cầm đầu một toán cướp táo tợn tấn công tòa lâu đài như trong chuyện ngày xửa ngày xưa chăng?”
“Làm vậy thật ngớ ngẩn.”
“Liệu tôi có thể lén lút hay dùng thủ đoạn gì để lọt vào tòa lâu đài?” “Không thể nào.”
“Vậy tôi chỉ còn một cách duy nhất. Tôi phải làm sao cho chính ông chủ tòa lâu đài mời tôi vào.”
“Đó chắc chắn là một cách sáng tạo.”
“Và mới dễ dàng làm sao! Giả sử một ngày, ông chủ tòa lâu đài nhận được lá thư cảnh báo rằng tên trộm khét tiếng tên là Arsène Lupin đang âm mưu cướp của ông ta. Ông ta sẽ làm gì?”
“Gửi thư tới viên Phó Chưởng lý.”
“Và viên Phó Chưởng lý sẽ cười nhạo ông ta, vì Arsène Lupin kia thực tế đang ở trong tù. Rồi, trong tình trạng băn khoăn, lo sợ, kẻ khờ khạo đó sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ ở người đầu tiên ông ta cho là đáng tin cậy, phải không?”
“Rất có thể.”
“Và nếu ông ta vô tình đọc được trên một tờ báo địa phương rằng một vị thám tử lừng danh đang đi nghỉ ở thị trấn bên cạnh…”
“Ông ta sẽ tìm đến chỗ vị thám tử đó.”
“Tất nhiên. Nhưng, mặt khác, hãy cho rằng, tiên lượng được tình hình, Arsène Lupin kia đã đề nghị một người bạn tới Caudebec, làm quen với tay biên tập tờ Caudebec thức giấc, tờ báo mà ngài Nam tước đặt mua dài hạn, và làm cho tay biên tập tưởng đó là vị thám tử lừng danh… Rồi, chuyện gì sẽ xảy ra?”
“Tay biên tập kia sẽ cho đăng trên tờ Caudebec thức giấc thông tin về sự hiện diện của vị thám tử lừng danh ở Caudebec.”
“Chính xác, và một trong hai khả năng sau sẽ xảy ra: Hoặc con cá – ý tôi là Nam tước Cahorn – sẽ không cắn câu, và sẽ chẳng có gì xảy ra tiếp theo cả, hoặc, khả năng cao hơn, ông ta sẽ lao đến đớp vội đớp vàng miếng mồi. Thế rồi, hãy xem Nam tước Cahorn của tôi van xin một người bạn của tôi giúp đỡ để chống lại tôi.”
“Thật là sáng tạo!”
“Tất nhiên, viên thám tử giả mạo lúc đầu không nhận lời. Chưa hết, Arsène Lupin lại bồi thêm một bức điện. Ngài Nam tước đã quá hoảng sợ tức tốc tìm đến người bạn của tôi lần nữa, đề nghị trả khoản tiền lớn để được giúp đỡ. Người bạn của tôi chấp nhận, và gọi hai chiến hữu trong băng chúng tôi tới. Đêm hôm ấy, khi Cahorn được vị thám tử trông chừng cẩn thận, chính hai người này đã chuyển các món đồ ra qua cửa sổ, đưa bằng dây thừng xuống một chiếc tàu nhỏ nhưng chắc chắn thuê riêng cho
vụ này. Quá đơn giản, phải không?”
“Tuyệt vời! Tuyệt vời!” Ganimard thốt lên. “Sự táo bạo trong kế hoạch và sự khéo léo trong từng chi tiết thật không chê vào đâu được. Nhưng vị thám tử nào mà danh tiếng đã đóng vai trò là viên nam châm hút ngài Nam tước mắc bẫy vậy?”
“Trên đời này chỉ có một cái tên có khả năng đó – chỉ có duy nhất một.”
“Và đó là?”
“Kẻ thù không đội trời chung của Arsène Lupin – Ganimard lừng lẫy nhất.”
“Tôi ư?”
“Chính ông, Ganimard. Và thực sự chuyện này rất buồn cười. Nếu ông đến đó, và nếu ngài Nam tước quyết định cung cấp lời khai, thì ông sẽ rơi vào tình thế phải làm nhiệm vụ bắt giữ chính mình, y như ông đã bắt giữ tôi ở Mỹ ấy. Ây da! Cú phục thù này thực sự buồn cười quá: Tôi đã khiến Ganimard phải bắt giữ Ganimard.”
Arsène Lupin cười phá lên ha hả. Viên thám tử cắn môi hết sức tức tối. Đối với ông ta, trò đùa này hoàn toàn chẳng có gì là hài hước. Sự xuất hiện của gã gác ngục cho Ganimard cơ hội để trấn tĩnh lại. Gã mang bữa trưa, do một nhà hàng gần đó chuẩn bị cho Arsène Lupin. Sau khi đặt khay thức ăn lên bàn, gã gác ngục rút lui. Lupin bẻ bánh mì, ăn mấy miếng nhỏ, rồi tiếp tục: “Nhưng, yên tâm đi, Ganimard thân mến của tôi, ông sẽ không đến lâu đài Malaquis. Tôi có thể cho ông biết một điều khiến ông kinh ngạc đấy: Vụ nhà Cahorn sắp sửa được dàn xếp xong xuôi rồi.”
“Xin lỗi, tôi vừa gặp Trưởng ban Thám tử mà.”
“Thế thì sao? Ngài Dudouis liệu có thể biết về việc tôi làm hơn tôi được không? Ông sẽ thấy là Ganimard – à, tôi xin lỗi – ý tôi là Ganimard giả mạo vẫn đang có sự phối hợp rất tốt với ngài Nam tước. Ngài Nam tước đã ủy quyền cho anh ta thực hiện những thương lượng cực kỳ tế nhị với tôi. Và, hiện tại, sau khi cân nhắc một khoản tiền thích đáng, các bức tranh cũng như các tài sản quý giá khác của ngài Nam tước chắc đã được trao trả rồi. Đổi lại, ngài sẽ rút đơn kiện. Như thế sẽ chẳng còn vụ trộm nào nữa, và luật pháp sẽ phải bỏ qua vụ việc này thôi.”
Ganimard nhìn người tù vẻ hoang mang. “Làm thế nào mà anh biết tất cả vậy?”
“Tôi vừa nhận được điện xong.”
“Anh vừa nhận được một bức điện à?”
“Chính lúc này đây, ông bạn thân mến. Vì lịch sự, tôi không muốn đọc nó ngay trước mặt ông. Nhưng nếu ông cho phép thì…”
“Anh đang đùa, Lupin.”
“Ông bạn thân mến, nếu ông không phiền đập quả trứng kia ra, tự ông sẽ thấy là tôi không hề đùa.”
Ganimard làm theo như một cái máy, dùng lưỡi dao đập vỡ vỏ trứng. Ông ta thốt lên tiếng kêu ngạc nhiên. Bên trong vỏ trứng chẳng có gì ngoài một tờ giấy nhỏ màu xanh lơ. Theo yêu cầu của Arsène, ông ta mở tờ giấy ra. Đó đúng là một bức điện, hay nói chính xác hơn là một phần của một bức điện, phần đóng dấu bưu điện đã bị xé mất. Nội dung như sau:
Hợp đồng đã kết thúc. Đã nhận một trăm ngàn bóng. Mọi việc đều ổn thỏa.
“Một trăm ngàn bóng à?” Ganimard hỏi.
“Phải, một trăm ngàn franc. Quá ít, cơ mà, ông biết đây, đang hồi khó khăn… Và tôi có một số hóa đơn to tiền phải thanh toán. Giá ông hiểu được hoàn cảnh tài chính của tôi… Cuộc sống ở thành phố rất đắt đỏ.”
Ganimard đứng dậy. Vẻ hài hước gượng gạo biến mất trên khuôn mặt. Ông ta nghĩ ngợi một lát, thoáng soát lại toàn bộ vụ việc nhằm phát hiện một sơ hở. Rồi, với giọng điệu và cung cách bộc lộ rõ sự ngưỡng mộ dành cho người tù, ông ta nói: “May thay, không có cả tá những kẻ như anh bắt chúng tôi đương đầu, chứ có thì chúng tôi đến phải giải tán công việc điều tra này mất.”
Arsène Lupin ra vẻ khiêm nhường, đáp: “Chà! Người ta phải có trò gì tiêu khiển để giết thời gian chứ, nhất là khi người ta đang ở trong tù.”
“Hả?” Ganimard thốt lên. “Phiên tòa sắp sửa xử anh, việc biện hộ cho anh, việc khám xét – như thế chưa đủ làm anh bận tâm ư?”
“Chưa, vì tôi đã quyết định sẽ không có mặt tại tòa.”
“Ồ! Ồ!”
Arsène Lupin quả quyết nhắc lại: “Tôi sẽ không ra hầu tòa.” “Thật sao?”
“Ồ! Ông bạn thân mến của tôi, ông cho rằng tôi định chết dần chết mòn trong tù? Ông đang xúc phạm tôi đấy. Arsène Lupin ngồi tù bao lâu là do anh ta muốn, còn không thì sẽ không thêm một giây phút nào.”
“Nếu anh tránh được phải vào tù thì có lẽ là thận trọng và khôn ngoan hơn.” Viên thám tử mỉa mai nói.
“Ồ! Ông giễu cợt ư? Ông nên nhớ ông đã có cái vinh dự được bắt tôi. Thế thì, ông bạn quý hóa của tôi ơi, ông nên biết rằng, không một ai, kể cả ông, có thể động đến tôi nếu đúng vào thời điểm mang tính quyết định đó, lại chẳng có một việc quan trọng hơn nhiều khiến tôi tập trung chú ý.”
“Anh làm tôi sửng sốt đấy.”
“Một người con gái lúc ấy đang nhìn tôi, Ganimard, và tôi yêu nàng. Ông có thực sự hiểu điều đó có ý nghĩa như thế nào không: trong tầm mắt của người con gái mà mình yêu? Trên đời này, tôi chẳng buồn bận tâm đến điều gì khác ngoài điều đó. Và đó là lý do tại sao tôi ở đây.”
“Cho phép tôi nói điều này: Anh ở đây lâu rồi đấy.”
“Đầu tiên, tôi muốn lãng quên đi. Xin đừng cười, đó quả là một cuộc phiêu lưu hạnh phúc và đến bây giờ vẫn là một ký ức dịu dàng trong tôi. Hơn nữa, tôi bị suy nhược thần kinh. Cuộc sống ngày nay thật quá náo động, người ta đôi lúc cũng cần liệu pháp nghỉ ngơi, và tôi thấy cái chốn này là phương thuốc thần diệu đối với hệ thần kinh đang mệt mỏi.”
“Arsène Lupin, suy cho cùng, anh chẳng phải một thằng tồi.”
“Cảm ơn ông.” Lupin nói. “Ganimard, hôm nay là thứ Sáu. Thứ Tư tuần sau, vào lúc bốn giờ chiều, tôi sẽ cùng hút xì gà với ông ở nhà ông trên đường Pergolèse.”
“Arsène Lupin, tôi sẽ chờ anh.”
Họ bắt tay như những người bạn cũ luôn luôn trân trọng giá trị đích thực của nhau, rồi viên thám tử bước ra cửa.
“Ganimard!”
“Gì vậy?” Ganimard ngoái lại, hỏi. “Ông để quên đồng hồ này.” “Đồng hồ của tôi?”
“Đúng vậy, nó đi lạc vào túi tôi.”
Lupin trả lại đồng hồ và xin lỗi.
“Xin thứ lỗi cho tôi… một thói quen xấu. Việc bọn họ đã lấy đồng hồ của tôi không phải là lý do để tôi lại lấy đồng hồ của ông. Hơn nữa, tôi có cái đồng hồ bấm giờ ở đây rồi, như thế cũng đủ để tôi hài lòng.”
Lupin lấy từ trong ngăn kéo ra một chiếc đồng hồ vàng gắn sợi xích lớn nặng trịch.
“Anh móc được từ túi ai vậy?” Ganimard hỏi.
Arsène Lupin liếc nhanh những chữ cái đầu khắc trên chiếc đồng hồ.
“J. B… Là tên khốn nào nhỉ?… À! Phải, tôi nhớ ra rồi. Jules Bouvier, viên thẩm phán chỉ đạo điều tra tôi. Một con người lịch thiệp!…”
Arsène Lupin trốn thoát
A
rsène Lupin vừa ăn xong và lấy từ túi áo ra điếu xì gà hảo hạng viền vàng. Anh ta đang ngắm nghía điếu xì gà kĩ lưỡng một cách khác thường thì cửa buồng giam bật mở. Anh ta chỉ kịp ném điếu xì gà vào ngăn kéo và rời khỏi chỗ chiếc bàn. Gã gác ngục bước vào. Đã đến giờ tập thể dục.
“Tôi đang chờ anh đây, anh bạn thân mến.” Lupin kêu lên với vẻ hài hước quen thuộc.
Cả hai cùng rời khỏi buồng giam. Ngay khi họ vừa đi khuất sau chỗ quẹo ngoài hành lang, hai người đàn ông bước vào và bắt đầu khám xét kĩ lưỡng. Một người là thanh tra viên Dieuzy, người kia là thanh tra viên Folenfant. Họ muốn xác minh mối ngờ vực rằng Arsène Lupin vẫn đang liên lạc với đồng bọn bên ngoài nhà tù. Buổi tối hôm trước, tờ Tạp chí Grand đã đăng những dòng thư gửi phóng viên tòa án của họ như sau:
Thưa ông, trong một bài báo gần đây, ông đã đề cập tới tôi bằng
những lời lẽ hết sức không phù hợp. Trước phiên tòa xử tôi vài
ngày, tôi sẽ yêu cầu ông phải giải thích. Arsène Lupin.
Chữ viết tay trong thư chắc chắn là của Arsène Lupin. Từ đó có thể suy ra rằng anh ta vẫn gửi được thư đi, và, không còn nghi ngờ gì nữa, vẫn nhận được thư đến. Chắc chắn anh ta đang chuẩn bị cho cuộc đào tẩu mà chính anh ta đã ngạo mạn công bố.
Tình hình đã trở nên không chấp nhận được. Phối hợp cùng thẩm phán điều tra, Trưởng ban Thám tử Dudouis đã đến nhà tù hướng dẫn cho viên cai ngục các biện pháp phòng ngừa cần thiết, nhằm canh gác cẩn mật Lupin. Đồng thời, ông ta cử hai nhân viên đến khám xét buồng giam. Họ cạy từng viên đá, lục soát giường ngủ, làm tất cả những việc mà trong trường hợp như thế này người ta vốn vẫn làm, nhưng không phát hiện được gì. Họ sắp sửa dừng khám xét thì gã gác ngục vội vã bước vào, nói: “Ngăn kéo… Hãy kiểm tra ngăn kéo bàn. Lúc này, khi tôi bước vào, hắn đang đóng nó lại.”
Họ mở ngăn kéo, và Dieuzy reo lên: “A! Lần này thì chúng ta tóm cổ được hắn rồi.”
Folenfant ngăn anh ta lại. “Hẵng khoan. Sếp sẽ muốn kiểm kê các món đây.”
“Đây là một điếu xì gà hảo hạng.”
“Để nguyên nó đó, và báo cáo sếp đi!”
Hai phút sau, Dudouis có mặt, trực tiếp khám xét ngăn kéo. Đầu tiên, ông ta tìm thấy một xấp các bài báo cắt ra từ tờ Thông tấn Argus, tất cả đều liên quan tới Arsène Lupin, rồi một hộp đựng thuốc lá, một cái tẩu, vài
tờ pelure, hai cuốn sách. Ông ta đọc đầu đề hai cuốn sách. Một cuốn là Sùng bái anh hùng, bản tiếng Anh, của Carlyle, còn cuốn kia là Sổ tay Épictète⦾, in kiểu chữ elzésiro⦾ uyển chuyển, đóng bìa theo phong cách hiện đại, xuất bản bằng tiếng Đức tại Leyde năm 1634. Kiểm tra hai cuốn sách, ông ta thấy trang nào cũng có gạch chân đánh dấu và ghi chú. Đó là mật mã trao đổi thông tin, hay đó đơn giản là sự thể hiện tính siêng năng của người đọc? Rồi ông ta kiểm tra hộp đựng thuốc lá và cái tẩu. Cuối cùng, ông ta cầm điếu xì gà hảo hạng viền vàng lên xem.
“Ghê chưa!” Dudouis thốt lên. “Anh bạn của chúng ta xài xì gà sang đấy. Đây là hiệu Henri Clay.”
Bằng một động tác máy móc của người thường xuyên hút thuốc, Dudouis giơ điếu xì gà lên ngang tai, vặn mạnh để bẻ gãy nó. Ông ta ngay lập tức thốt ra tiếng kêu ngạc nhiên. Lực của những ngón tay ông ta khiến điếu xì gà oằn lại. Ông ta xem xét điếu xì gà kĩ lưỡng hơn, nhanh chóng phát hiện có cái gì đó trắng trắng nằm giữa những lá thuốc. Nhẹ nhàng, khéo léo, ông ta dùng nhíp kéo ra một tờ giấy được cuộn rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn que tăm chút ít. Đó là một bức thư. Ông ta mở bức thư ra, chữ viết của phụ nữ, nội dung như sau:
Chiếc rổ đó đã thay thế những chiếc rổ khác. Tám trên tổng số
mười đã sẵn sàng. Đẩy chân phía ngoài thì đĩa sẽ rơi xuống. Từ
mười hai đến mười sáu hằng ngày, M-L sẽ đợi. Nhưng đợi ở đâu đây? Trả lời ngay nhé! Yên tâm nhé, bạn anh đang dõi theo anh.
Dudouis nghĩ ngợi một lát, rồi nói: “Khá rõ ràng… chiếc rổ… tám ngăn… Từ mười hai đến mười sáu nghĩa là từ mười hai giờ trưa đến bốn
giờ chiều.”
“Nhưng M-L sẽ chờ là sao?”
“M-L ắt ám chỉ chiếc xe hơi. M-L, mã lực, là cách người ta nói đến công suất động cơ. Một chiếc hai mươi tư M-L là một chiếc xe hơi với động cơ hai mươi tự mã lực.”
Rồi Dudouis đứng lên, hỏi: “Tù nhân đã ăn sáng xong chưa?” “Rồi ạ.”
“Và tình trạng của điếu xì gà chứng tỏ rằng hắn chưa kịp đọc lời nhắn, do đó chắc hắn vừa mới nhận được thôi.”
“Bằng cách nào ạ?”
“Trong thức ăn mang vào cho hắn. Có lẽ là giấu trong bánh mì hoặc khoai tây.”
“Không thể nào. Thức ăn được phép mang vào cho hắn chẳng qua nhằm mục đích bẫy hắn, nhưng chúng ta cũng chưa bao giờ tìm thấy cái gì.”
“Tối nay chúng ta sẽ chờ câu trả lời của Lupin. Giữ chân hắn ở ngoài kia thêm lúc nữa. Tôi sẽ đem bức thư này đến chỗ thẩm phán điều tra, và, nếu ông ấy nhất trí, chúng ta sẽ ngay lập tức chụp lại bức thư. Trong vòng một tiếng đồng hồ, các anh có thể nhét lại bức thư vào một điếu xì gà tương tự điếu xì gà này, bỏ lại vào ngăn kéo kia. Không được để tù nhân có mảy may nghi ngờ gì.”
Đến tối, Dudouis tò mò quay lại nhà tù, có thanh tra viên Dieuzy tháp tùng. Trong góc, ba chiếc đĩa trống trơn xếp trên trốc bếp lò.
“Hắn ăn xong rồi à?”
“Vâng ạ.” Gã gác ngục trả lời.
“Dieuzy, hãy cắt vụn chỗ mì ống ra, và rạch chiếc bánh mì tròn ra nữa… Không có gì ư?”
“Không có gì, thưa sếp.”
Dudouis xem xét mấy chiếc đĩa, cái dĩa, cái thìa, và con dao – một con dao bình thường, lưỡi tù. Ông ta vặn cán dao hết sang bên trái lại sang bên phải. Cán dao oằn xuống, rồi tuột hẳn ra. Cán dao rỗng, bên trong giấu một tờ giấy.
“Ha!” Dudouis nói. “Thế này chả có vẻ gì là thông minh lắm đối với một kẻ như Arsène Lupin nhỉ. Nhưng chúng ta không được để mất chút thời gian nào. Dieuzy, cậu hãy ngay lập tức đi khám xét cái nhà hàng kia đi.”
Rồi Dudouis đọc lời nhắn:
Tôi tin tưởng anh, M-L hằng ngày cứ bám theo ở xa xa. Tôi sẽ bắt đầu hành động. Tạm biệt, bạn thân mến.
“Cuối cùng thì…” Dudouis reo lên, xoa xoa hai bàn tay với vẻ hân hoan. “Tôi nghĩ chúng ta đã nắm được vụ này trong lòng bàn tay rồi. Nếu chúng ta trù tính cẩn thận một chút, cuộc tẩu thoát sẽ thành công cho tới lúc đồng đảng của hắn bị chụp gọn.”
“Nhưng nếu Arsène Lupin vẫn vuột khỏi tay ngài thì sao?” Gã gác ngục hỏi.
“Chúng ta có đủ người để đảm bảo việc đó sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, nếu hắn thể hiện rằng hắn quá ranh mãnh thì, chà, còn nhiều hiểm họa hơn đang đợi hắn! Về băng đảng của hắn, một khi kẻ cầm đầu không chịu khai báo, những kẻ khác phải mở miệng thôi.”
Và, thực tế, Arsène Lupin hầu như chẳng có gì mà khai báo. Trong vòng vài tháng liền, thẩm phán điều tra Jules Bouvier nỗ lực một cách vô ích. Cuộc điều tra đã biến thành những cuộc tranh luận nhạt nhẽo giữa thẩm phán điều tra và luật sư bào chữa Maître Danval, một trong những người
đứng đầu giới luật sư. Thi thoảng, giữ phép lịch sự, Arsène Lupin cũng nói gì đó. Một hôm, anh ta nói: “Vâng, thưa ngài thẩm phán, tôi hoàn toàn đồng ý với ngài: Vụ cướp tại Ngân hàng Crédit Lyonnais, vụ trộm đường Babylone, vụ làm tiền giả, các vụ đột nhập vào lâu đài Armesnil, lâu đài Gouret, Imblevain, Groselliers, Malaquis, tất cả đều là sản phẩm của tôi, thưa ngài, đều do tôi thực hiện hết.”
“Vậy anh hãy giải thích cho tôi…”
“Chả để làm gì. Tôi thú nhận tất cả một thể, tất cả và thậm chí gấp mười lần số vụ mà ngài đã được biết.”
Quá mệt mỏi vì những buổi thẩm vấn không đem đến kết quả, viên thẩm phán tạm ngừng công việc, nhưng lại tiếp tục sau khi được đưa cho xem hai lời nhắn kia. Và đều đặn hằng ngày vào buổi trưa, xe tù chở
Arsène Lupin cùng một số tù nhân khác tới Sở Cảnh sát. Bọn họ sẽ quay lại buồng giam khoảng ba hay bốn giờ chiều.
Tuy nhiên, một buổi chiều, chuyến trở về này không giống bình thường. Những tù nhân khác vẫn chưa được thẩm vấn xong thì người ta đã quyết định đưa Arsène Lupin quay lại buồng giam trước, vì thế anh ta bỗng dưng thấy chỉ có mình mình trong xe.
Xe tù, gọi một cách thông tục là paniers à salade – tức rổ xà lách – được chia đôi theo chiều dọc với lối đi giữa, mỗi bên lối đi có năm ngăn chồng lên nhau. Mỗi ngăn thấp tới mức chỉ vừa tư thế ngồi, và, vì thế, năm tù nhân coi như người này ngồi trên đầu người kia, nhưng có các tấm ván ngăn cách. Một vệ binh thành phố đứng gác một đầu lối đi.
Arsène Lupin được đẩy vào ngồi ở ngăn thứ ba bên tay phải, và chiếc xe nặng nề xuất phát. Anh ta thận trọng tính toán quãng đường để xem khi nào thì xe rời khỏi cầu tàu Horloge, khi nào thì xe đi qua cung điện Công Lý. Rồi, khi xe đi đến giữa cầu Saint-Michel, anh ta dùng chân phía ngoài, tức là chân phải, đẩy mạnh cánh cửa sắt tròn. Lập tức có tiếng kêu đánh cách, cánh cửa sắt tròn bật ra. Anh ta xác định được rằng ngăn anh ta đang ngồi ở vị trí giữa hai bánh xe hơi.
Anh ta chờ đợi, trong trạng thái cảnh giác cao độ. Chiếc xe từ từ di chuyển dọc theo đại lộ Saint-Michel. Nó dừng lại ở góc giao với đại lộ Saint-Germain. Một con ngựa kéo to tướng quỵ ngã giữa đường. Giao thông bị gián đoạn, một đám xe ngựa bốn bánh và xe ngựa chở khách hai tầng tắc nghẽn ở đó. Arsène Lupin nhìn ra. Một chiếc xe tù nữa đỗ gần chiếc xe nhốt anh ta. Anh ta đẩy cho cánh cửa mở rộng hơn, đặt bàn chân vào nan hoa bánh xe, nhảy xuống đất. Một người đánh xe ngựa nhìn thấy
anh ta, liền phá ra cười và gào lên, rồi cố gắng gào to hơn thông báo có tù trốn, nhưng tiếng gào ấy mất hút trong tiếng xe cộ bắt đầu ầm ầm tiếp tục di chuyển. Mà Arsène Lupin cũng đã ở tận đằng xa rồi.
Anh ta chạy vài bước, nhưng khi lên đến vỉa hè, anh ta quay người nhìn xung quanh. Trông có vẻ như anh ta đang đánh hơi giống một người chưa biết nên đi theo hướng nào. Rồi, sau khi quyết định, anh ta đút hai tay vào túi quần với vẻ lơ đãng của một kẻ đang nhàn tản bách bộ. Anh ta đi lên đầu đại lộ. Đó là một ngày mùa thu nắng vàng rực rỡ và ấm áp, các quán cà phê đông nghịt. Anh ta ngồi ngoài hiên một quán, gọi một cốc bia đen và một bao thuốc lá. Anh ta chậm rãi uống cạn cốc bia, hút hết điếu thuốc và châm điếu thứ hai. Rồi anh ta yêu cầu bồi bàn gọi chủ quán ra cho anh ta gặp. Khi chủ quán xuất hiện, anh ta to giọng nói với ông ta, đủ để tất cả mọi người trong quán đều nghe thấy: “Thưa ông, tôi rất lấy làm tiếc phải nói điều này, rằng hôm nay tôi quên mất ví. Nhưng có thể, nhờ uy tín của tên tôi, ông sẽ vui lòng cho tôi khất nợ vài ngày. Tôi là Arsène Lupin.”
Chủ quán nhìn anh ta, nghĩ anh ta đang đùa. Nhưng anh ta nhắc lại: “Lupin, bị giam giữ ở nhà tù Santé, nhưng bây giờ đã trốn thoát. Tôi mạo muội nghĩ cái tên tôi gây được ở ông niềm tin tưởng trọn vẹn.”
Anh ta bước đi giữa tiếng cười ha hả của các vị khách khác, còn chủ quán thì đứng sững sờ vì kinh ngạc.
Lupin đi bộ dọc theo phố Soufflot, rồi rẽ vào phố Saint Jacques. Anh ta cứ đi chậm rãi, vừa đi vừa hút thuốc và ngắm nghía các ô kính cửa hàng, cửa hiệu. Đến đại lộ Cảng Hoàng gia, anh ta xác định phương hướng, nhận ra mình đang đứng ở đâu, rồi bước về phía phố Santé. Trước mặt anh ta lúc bấy giờ là những bức tường nhà tù tăm tối. Anh ta kéo mũ ra đằng
trước cho cân đối với khuôn mặt, rồi tiến đến gần gã gác cổng, hỏi: “Đây là nhà tù Santé phải không?”
“Đúng vậy.”
“Tôi muốn quay lại buồng giam của mình. Xe tù bỏ quên tôi trên đường, và tôi không lợi dụng hoàn cảnh để…”
“Thôi nào, anh bạn trẻ, đi đi… nhanh lên!” Gã gác cổng gầm gừ.
“Xin lỗi, nhưng tôi phải đi qua cái cổng này. Và nếu anh ngăn cản Arsène Lupin quay lại nhà tù thì anh sẽ phải trả giá đắt đấy, anh bạn.”
“Arsène Lupin ư? Anh đang nói cái gì vậy?”
“Rất tiếc tôi không có danh thiếp ở đây.” Arsène Lupin nói trong khi lục lọi khắp các túi quần, túi áo.
Gã gác cổng sửng sốt nhìn anh ta từ đầu đến chân. Rồi, chẳng nói chẳng rằng, gã bấm chuông. Cánh cổng sắt hé mở, và Arsène Lupin bước vào. Gần như ngay tức khắc, anh ta chạm trán tay cai ngục đang khua tay múa chân, giả vờ như trong cơn cuồng nộ. Arsène Lupin mỉm cười, nói:
“Thôi nào, thưa ngài, đừng chơi trò đó với tôi. Sao? Họ đã đề phòng bằng cách cho tôi đi một mình một xe, sửa soạn sẵn một sự cản trở hay ho nho nhỏ, và tưởng tượng rằng tôi sẽ cao chạy xa bay, về hội ngộ với các anh em chiến hữu. Chà, thế cái đám khoảng hai mươi nhân viên Ban Thám tử kẻ đi bộ, kẻ đi xe ngựa hộ tống chúng tôi thì sao? Không, tôi không hài lòng với cách bố trí đó. Tôi đáng lẽ chẳng được sống sót thoát thân đâu. Thưa ngài, ngài hãy nói cho tôi biết bọn họ có hy vọng điều ấy không?”
Arsène Lupin nhún vai, nói thêm: “Thưa ngài, tôi xin ngài khỏi phải lo lắng về tôi. Một khi tôi muốn trốn, tôi sẽ không yêu cầu bất cứ sự hỗ trợ
nào.”
Hai ngày sau, tờ Tiếng vang nước Pháp, tờ báo xem ra đã trở thành người đưa tin chính thức cho các chiến tích của Arsène Lupin và có lời đồn đại rằng anh ta thuộc số các cổ đông chủ chốt tại đây, đăng một bài hết sức chi tiết, đầy đủ về vụ tẩu thoát hụt. Từng từ ngữ chính xác trong những bức thư trao đổi giữa tù nhân và người bạn bí ẩn bên ngoài, cách thức họ trao đổi thông tin, tội đồng lõa của cảnh sát, cuộc dạo chơi trên đại lộ Saint Michel, sự việc ở quán cà phê Soufflot, tất thảy đều được tiết lộ. Người ta được biết cuộc khám xét cái nhà hàng khả nghi và đám bồi bàn do thanh tra viên Dieuzy tiến hành chẳng đem đến kết quả gì cả. Công chúng còn được biết một điều phi thường, thể hiện nguồn lực vô hạn mà Lupin sở hữu: Chiếc xe tù, chiếc xe đã chở anh ta, được các chiến hữu của anh ta chuẩn bị riêng cho sự kiện hôm đó, thế chỗ một trong số sau chiếc xe vốn vẫn phục vụ nhà tù.
Ai nấy đều chắc chắn rằng Arsène Lupin sẽ thực hiện vụ tẩu thoát tiếp theo. Đích thân anh ta tuyên bố bằng lời lẽ hoàn toàn rõ ràng, rành mạch khi trả lời thẩm phán Bouvier một ngày sau vụ tẩu thoát hụt. Viên thẩm phán tỏ ý giễu cợt đối với vụ việc, khiến Arsène Lupin cảm thấy khó chịu, và, nhìn chằm chằm vào viên thẩm phán, anh ta nói một cách dứt khoát: “Thưa ngài, ngài hãy nghe đây! Tôi xin cam đoan rằng vụ thử bỏ chạy vừa
rồi chỉ đơn giản là bước mở màn cho toàn bộ kế hoạch tẩu thoát của tôi thôi.”
“Tôi không hiểu anh đang nói gì.” Viên thẩm phán đáp lại. “Ngài không nhất thiết phải hiểu.”
Và khi viên thẩm phán, xem xét lại những gì được đăng dài dằng dặc trên tờ Tiếng vang nước Pháp, muốn tiếp tục việc điều tra, thì Arsène Lupin thốt lên, ra vẻ mệt mỏi: “Ôi trời, ôi trời, có ích gì chứ! Tất cả những câu hỏi thẩm vấn này nào có quan trọng gì!”
“Sao? Không quan trọng gì ư?” Viên thẩm phán hét lên.
“Không, vì tôi sẽ không ra hầu tòa.”
“Anh sẽ không ra hầu tòa?”
“Đúng vậy, tôi đã quyết định dứt khoát rồi, và không gì làm tôi thay đổi ý định được.”
Sự quả quyết như vậy, cộng với những sơ hở, hớ hênh khó có thể giải thích của Arsène Lupin mỗi ngày, khiến những nhân viên thực thi pháp luật vừa hoang mang vừa bực bội. Có những bí mật chỉ Arsène Lupin mới biết, có những bí mật chỉ anh ta mới có thể tiết lộ. Nhưng anh ta tiết lộ những điều đó để làm gì? Và bằng cách nào?
Arsène Lupin bị đưa đến một buồng giam khác. Viên thẩm phán kết thúc quá trình điều tra sơ bộ. Trong vòng hai tháng, ông ta không tiến hành thêm bất kỳ thủ tục gì, và trong khoảng thời gian đó, hầu như lúc nào người ta cũng thấy Arsène Lupin chỉ nằm dài trên giường, quay mặt vào tường. Việc bị đổi buồng giam có vẻ khiến anh ta ngã lòng. Anh ta từ chối gặp luật sư bào chữa. Anh ta chỉ trao đổi một vài lời khi cần thiết với
những gã gác ngục.
Nửa tháng trước phiên tòa, Lupin hoạt bát trở lại. Anh ta muốn được hít thở khí trời. Vì thế, mỗi buổi sáng sớm, anh ta được phép ra sân tập thể dục, có hai người canh gác.
Công chúng chưa lúc nào nguôi tò mò, ngày ngày họ háo hức mong đợi được nghe tin tức về việc Lupin tẩu thoát, và sự thực thì họ đã dành cho anh ta rất nhiều đồng cảm bởi tính tình hăng hái, vui vẻ, hành tung phong phú, đa dạng, khả năng sáng tạo hơn người và cuộc đời bí hiểm của anh ta. Arsène Lupin phải trốn thoát. Đó là định mệnh tất yếu đối với anh ta. Công chúng mong mỏi đợi chờ, và ngạc nhiên vì việc đó bị trì hoãn lâu thể. Sáng nào ngài Cảnh sát trưởng cũng hỏi thư ký của mình: “Này, hắn đã tẩu thoát chưa?”
“Chưa ạ, thưa ngài Cảnh sát trưởng.”
“Có lẽ là ngày mai.”
Và, hôm trước ngày diễn ra phiên tòa, một quý ông ghé văn phòng tờ Tạp chí Grand, yêu cầu được gặp phóng viên tòa án, ném tấm danh thiếp của mình vào mặt anh ta, rồi nhanh chóng quay lưng bước đi. Trên tấm danh thiệp có viết mấy chữ như sau: “Arsène Lupin luôn luôn giữ lời hứa.”
Phiên tòa xét xử Arsène Lupin diễn ra trong bối cảnh như vậy. Dân chúng tụ tập tại tòa đông nghìn nghịt. Ai ai cũng muốn trông thấy mặt Arsène Lupin lừng danh. Họ hân hoan phỏng đoán trước rằng người tù sẽ thực hiện những trò chơi khăm táo bạo trước quan tòa. Các luật sư và các thẩm phán, các phóng viên và các quý ông trải đời, những nữ diễn viên xinh đẹp và đám phụ nữ thượng lưu, tất cả ngồi chen vai thích cánh với nhau trên các băng ghế dài dành cho công chúng.
Đó là một ngày tối tăm ảm đạm, với trận mưa như trút mãi không ngừng. Cả phòng xử án có duy nhất một ngọn đèn leo lét chiếu sáng, vì thế khán giả chỉ nhìn được loáng thoáng người tù khi anh ta bị lính gác áp giải vào. Nhưng những bước chân nặng nề, lệt xệt, cái cách anh ta ngồi phịch xuống ghế, vẻ ngoài ngớ ngẩn, thụ động, hoàn toàn chẳng gây ấn tượng gì cả. Vài lần luật sư bào chữa cho anh ta – một trong những trợ lý của ngài Danval – trao đổi gì đó, nhưng anh ta chỉ lắc đầu, chẳng nói chẳng rằng.
Thư ký tòa đọc bản cáo trạng, rồi quan tòa hỏi: “Tù nhân trước vành móng ngựa, hãy đứng dậy. Hãy nói tên, tuổi và nghề nghiệp của anh là gì?”
Chưa được trả lời, quan tòa nhắc lại: “Tên anh là gì? Tôi hỏi tên anh là gì?”
Một giọng lè nhè, chậm chạp lẩm bẩm: “Baudru, Désiré.”
Tiếng xì xào ngạc nhiên râm ran khắp phòng xử án. Nhưng quan tòa vẫn tiếp tục: “Baudru, Désiré? À! Một biệt hiệu mới! Anh đã khoác cho mình hàng tá các cái tên khác nhau và cái tên này chắc chắn cũng hoang đường chẳng khác gì các cái tên khác, chúng tôi sẽ trung thành gọi anh là
Arsène Lupin, cái tên mà nhiều người biết đến hơn cả.”
Quan tòa mở phần ghi chép của mình, và tiếp tục: “Mặc dù đã có các
cuộc điều tra tìm kiếm kĩ lưỡng nhất, quá khứ của anh vẫn chưa được sáng tỏ. Trường hợp của anh là độc nhất vô nhị trong biên niên sử tội phạm. Chúng tôi không biết anh là ai, anh từ đầu tới, anh ra đời và lớn lên thế nào – tất cả những thông tin này đối với chúng tôi đều là ẩn số. Ba năm trước, anh xuất hiện trong xã hội chúng tôi dưới cái tên Arsène Lupin, cho chúng tôi thấy một sự kết hợp lạ lùng giữa trí thông minh và sự hư hỏng, giữa hào phóng và phóng đãng. Những gì chúng tôi biết về cuộc đời anh trước đó đều mơ hồ, thiếu chắc chắn. Có thể anh chàng mang tên Rostat, tám năm trước từng làm việc cho nhà ảo thuật Dickson, chẳng phải ai khác chính là Arsène Lupin. Có thể anh chàng sinh viên người Nga, sáu năm trước làm việc ở phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Altier thuộc Bệnh viện Saint-Louis, người thường xuyên khiến vị Tiến sĩ phải ngỡ ngàng vì tính sáng tạo mỗi khi đưa ra các giả thuyết về vi khuẩn học hay mỗi khi tiến hành các thí nghiệm táo bạo đối với các bệnh về da, chẳng phải ai khác chính là Arsène Lupin. Cũng có thể Arsène Lupin chính là vị giáo sư đã giới thiệu môn Nhu thuật của Nhật Bản với người dân Paris. Chúng tôi có cơ sở để tin rằng Arsène Lupin là tay đua xe đạp đã chiến thắng trong giải Grand Prix de l’Exposition, nhận mười ngàn franc tiền thưởng, và chưa bao giờ xuất đầu lộ diện lần nữa. Ngoài ra, Arsène Lupin có thể là người đã cứu mạng sống của rất nhiều người qua cửa sổ mái Hội chợ Từ thiện, đồng thời lợi dụng hoàn cảnh đó móc túi họ.”
Quan tòa dừng lại một chút, rồi tiếp tục: “Có vẻ anh đã tận dụng những khoảng thời gian như thế để chuẩn bị kĩ lưỡng cho cuộc chiến chống lại cả cái xã hội này, một quá trình tập sự có phương pháp nhằm khai thác thế mạnh của mình, phát triển tối đa năng lực và kỹ năng. Anh có thừa nhận tính chính xác của những thông tin nêu trên không?”
Trong suốt bài diễn thuyết của quan tòa, gã tù nhân cứ đứng chuyển hết chân trái lại sang chân phải, hai vai rũ xuống, còn hai cánh tay thì buông thõng bất động. Những người nhìn được gã rõ ràng nhất có thể thấy gã quá đỗi gầy gò, má hóp xọp, xương gò má nhô cao, da mặt nâu xỉn lấm tấm nốt mẩn đỏ, bộ râu quai nón lởm chởm, xù xì. Cuộc sống tù tội khiến gã già đi, tiều tụy. Chẳng còn đâu khuôn mặt trẻ trung và dáng dấp hào hoa thanh lịch suốt ngày được miêu tả trên các báo.
Trông gã như thể không nghe thấy câu hỏi của quan tòa. Ngài nhắc lại câu hỏi lần thứ hai. Gã liền ngước mắt lên, có vẻ ngẫm nghĩ, rồi, hết sức nỗ lực, gã lí nhí: “Baudru, Désiré.”
Quan tòa mỉm cười, nói: “Tôi không hiểu lý thuyết phòng thủ của anh, Arsène Lupin ạ. Nếu anh đang tìm cách trốn tội bằng bộ dạng ốm yếu, ngờ nghệch, thì anh cứ việc. Nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục phiên tòa, tôi không quan tâm tới các trò hề của anh.”
Rồi quan tòa lê thê thuật lại các vụ trộm cắp, lừa đảo, giả mạo của Lupin. Đôi khi ngài đặt câu hỏi cho gã tù, nhưng gã chỉ ậm ừ trong cổ hoặc hoàn toàn im lặng. Phần thẩm vấn nhân chứng bắt đầu. Một số chứng cớ nghe vụn vặt, một số nghe ra quan trọng hơn, nhưng nhìn chung tất cả đều mâu thuẫn và thiếu tính nhất quán. Không khí ảm đạm, mệt mỏi bao trùm lên phiên tòa, cho tới lúc thám tử Ganimard được gọi với vai trò nhân chứng thì sự hứng thú, háo hức mới được khơi gợi lại.
Ngay từ đầu, các hành động của viên thám tử kỳ cựu trông đã có vẻ kỳ quặc, lạ lùng. Ông ta căng thẳng, bồn chồn. Ông ta nhìn gã tù vài lần với thái độ rõ ràng là ngờ vực và lo âu. Rồi, hai bàn tay đặt lên thanh chắn trước mặt, ông ta thuật lại những sự kiện ông ta từng tham gia, bao gồm cả
chuyến săn đuổi gã từ khắp châu Âu và lần ông ta tới Mỹ. Khán giả hau háu lắng nghe ông ta, vì qua báo chí, việc ông ta tóm cổ được Arsène Lupin đã nức tiếng trong dân chúng. Gần kết thúc phần khai báo của mình, sau khi kể về cuộc nói chuyện giữa ông ta và Arsène Lupin, ông ta dừng lại hai lần, vừa ngượng ngùng vừa lưỡng lự. Rõ ràng ông ta đang có ý nghĩ gì đó mà sợ phải nói ra. Quan tòa thông cảm hỏi: “Nếu ông thấy mệt, ông có thể tạm nghỉ.”
“Không, không, nhưng…”
Ganimard ngừng lời, nhìn chằm chằm vào gã tù, nói: “Tôi xin phép được nhìn tù nhân gần hơn. Tôi phải làm sáng tỏ chút bí ẩn về hắn.”
Ganimard tiến đến chỗ gã tù, chăm chú nhìn gã trong vòng vài phút, rồi quay lại bục nhân chứng, ông ta nói với giọng gần như uy nghiêm: “Tôi tuyên thề rằng tù nhân đang đứng trước mặt tôi kia không phải là Arsène Lupin.”
Sau lời khẳng định đó, phòng xử án im phăng phắc. Quan tòa bối rối mất một lúc, thốt lên: “Ô! Ý ông là gì? Điều đó thật vô lý!”
Viên thám tử tiếp tục: “Thoạt nhìn, cũng có nét hao hao giống đấy, nhưng nếu quý vị quan sát kĩ lưỡng cái mũi, cái miệng, bộ tóc, màu da, quý vị sẽ thấy đây không phải là Arsène Lupin. Và đặc biệt đôi mắt! Arsène Lupin có bao giờ có cặp mắt lờ đờ của kẻ nghiện rượu thế đâu!”
“Nào nào, nhân chứng! Ý ông là gì? Ông định phịa ra là chúng ta đang xét xử nhầm người ư?”
“Theo tôi thì đúng vậy. Arsène Lupin bằng cách nào đó đã xoay xở để kẻ khốn khổ này thế chỗ hắn, hoặc kẻ này chính là tòng phạm của hắn.”
Đoạn kết đầy kịch tính khiến khán giả đang theo dõi phiên tòa cười ồ và tỏ ra hết sức phấn chấn. Quan tòa tuyên bố hoãn việc xét xử, cho triệu tập thẩm phán điều tra Bouvier, cai ngục và đám lính canh trong nhà tù đến.
Khi phiên xét xử lại được tiếp tục, Bouvier và cai ngục ngắm nghía kĩ lưỡng bị cáo và khẳng định rằng gã chỉ hao hao giống Arsène Lupin thôi.
“Vậy thì…” Quan tòa thốt lên. “Người này là ai? Anh ta ở đâu ra? Anh ta vào tù để làm gì?”
Hai trong số những lính canh nhà tù được gọi lên, và cả hai đều khẳng định tù nhân chính là Arsène Lupin. Quan tòa một lần nữa lấy lại được nhịp thở.
Nhưng rồi một trong hai gã lính canh nói: “Vâng, vâng, tôi nghĩ đó là hắn.”
“Cái gì?” Quan tòa sốt ruột kêu lên. “Anh nghĩ đó là hắn! Anh nói vậy là có ý gì?”
“Dạ thưa, tôi hầu như chưa tiếp xúc với hắn. Tôi được phân công canh gác hắn ban đêm, nhưng trong vòng hai tháng liền, hắn rất ít khi nhúc nhích, cứ nằm nguyên trên giường quay mặt vào tường.”
“Thế thời gian trước hai tháng đó thì sao?”
“Trước đó hắn ở buồng giam thuộc khu khác, không phải ở buồng giam số 24.”
Đến đây, tay cai ngục nói xen vào: “Chúng tôi chuyển hắn sang buồng giam khác sau vụ hắn trốn thử.”
“Nhưng thưa ông, ông đã gặp hắn trong hai tháng qua chứ?”
“Tôi không có dịp gặp hắn. Hắn luôn luôn giữ im lặng và kỷ luật.” “Và tù nhân này không phải Arsène Lupin?”
“Không ạ.”
“Thế hắn là ai?” Quan tòa hỏi.
“Tôi không biết.”
“Vậy chúng ta đang có ở đây một kẻ thế chỗ cho Arsène Lupin, từ hai tháng trước. Anh giải thích ra sao về việc này?”
“Tôi không giải thích được ạ.”
Hoàn toàn tuyệt vọng, quan tòa quay sang bị cáo, nói với giọng dỗ dành: “Tù nhân kia, anh có thể cho ta biết bằng cách nào và từ khi nào mà anh lại bị giam trong nhà tù Santé không?”
Cung cách dỗ dành của quan tòa nhằm mục đích làm tiêu tan nỗi nghi ngờ và đánh thức sự suy nghĩ ở bị cáo. Gã cố gắng trả lời. Cuối cùng, nhờ những câu hỏi khéo léo, nhẹ nhàng, quan tòa cũng chắp nhặt được những câu trả lời ngắt quãng, làm thành câu chuyện đầu đuôi như sau: Hai tháng trước, gã bị đưa về Sở Cảnh sát, bị khám xét, rồi được tha. Khi gã đang rời khỏi đó, hoàn toàn tự do, thì lại bị hai lính canh bắt, tống lên một chiếc xe tù. Kể từ lúc ấy, gã bị nhốt trong buồng giam số 24. Gã cảm thấy hài lòng, được ăn uống thoải mái và ngủ ngon – vì thế, gã chẳng than phiền gì.
Tất cả xem chừng đều có khả năng đúng, và giữa sự vui vẻ, phấn khích của đám khán giả, quan tòa tuyên bố hoãn việc xét xử cho đến khi câu chuyện kia được điều tra, xác minh.
Rà soát sổ ghi chép của nhà tù, những thông tin sau ngay lập tức được làm rõ: Tám tuần trước, một gã đàn ông tên là Baudru Désiré đã ngủ lại tại Sở Cảnh sát. Ngày tiếp theo, gã được thả và rời khỏi sở lúc hai giờ chiều. Sau khi bị thẩm vấn lần cuối cùng, Arsène Lupin rời khỏi sở trên một chiếc xe tù, cũng vào lúc hai giờ chiều ngày hôm đó.
Liệu có phải đám lính canh đã nhầm lẫn? Phải chăng bọn họ đã bị đánh lừa vì bề ngoài hao hao giống nhau, rồi bất cẩn tổng gã Baudru Désiré lên xe thay cho Arsène Lupin?
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Phải chăng vụ thế chỗ này có sự bố trí, sắp đặt từ trước? Nếu vậy thì Baudru ắt hẳn là kẻ đồng lõa và ắt hẳn đã tự tạo cớ để bị bắt, nhằm mục đích thế chỗ cho Lupin. Nhưng nếu vậy thì nhờ phép màu nào mà cái kế hoạch dựa trên những cơ hội với xác suất rất nhỏ ấy lại có thể thành công?
Sau đó, Baudru Désiré được chuyển sang bộ phận nhân trắc. Người ta chưa bao giờ gặp đối tượng nào giống gã. Tuy nhiên, người ta vẫn dễ dàng truy ra quá khứ của gã. Gã từng có mặt tại Courbevoie, Asnières và Levallois. Gã sống nhờ của bố thí và ngủ trong lều của những người nhặt đồ đồng nát gần Ternes. Một năm trước, gã biến mất khỏi khu vực này.
Phải chăng Baudru Désiré đã bị Arsène Lupin dụ dỗ? Chẳng có bằng chứng nào chứng minh điều đó. Và thậm chí giả như điều đó đúng đi chăng nữa, nó cũng không giải thích được cuộc tẩu thoát. Cuộc tẩu thoát vẫn cứ là
một bí ẩn. Người ta nghĩ ra tới hai mươi giả thuyết, nhưng không giả thuyết nào thỏa đáng cả. Về cuộc tẩu thoát nói riêng, người ta chẳng còn hồ nghi gì, quả là một cuộc tẩu thoát khó hiểu, gây chấn động. Công chúng cũng như những nhân viên thực thi pháp luật có thể nhận ra rằng nó đã được lên kế hoạch hết sức cẩn thận, kĩ lưỡng, từng tình huống kết hợp với nhau tài tình, và cái kết hoàn toàn chứng minh cho dự báo rất tự tin của Arsène Lupin: “Tôi sẽ không có mặt tại tòa.”
Sau một tháng kiên trì điều tra, sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Không thể cứ nhốt mãi gã Baudru Désiré khốn khổ trong tù, nhưng mang gã ra xử thì lại là lố bịch. Gã chẳng bị buộc tội gì hết. Do đó, gã được thả.
Nhưng Trưởng ban Thám tử quyết tâm theo dõi gã. Ý tưởng này thực tế là của Ganimard. Theo ông ta, chẳng có chuyện đồng lõa hay ngẫu nhiên tình cờ ở đây. Baudru chỉ là phương tiện mà Arsène Lupin đã sử dụng với kỹ xảo điêu luyện hơn người. Baudru, khi được tự do, sẽ dẫn họ đến chỗ Arsène Lupin, hoặc, ít nhất, đến chỗ những kẻ đồng lõa với anh ta. Hai thanh tra viên, Folenfant và Dieuzy, nhận nhiệm vụ hỗ trợ Ganimard.
Một buổi sáng tháng Giêng sương mù mờ ảo, cánh cổng nhà tù mở ra, Baudru Désiré bước về phía trước – với tư cách một người tự do. Ban đầu, trông gã có vẻ khá lúng túng, bước đi như thể chưa xác định được mình sẽ đi đâu. Gã đi dọc theo phố Santé và phố Saint Jacques. Gã dừng trước một
cửa hàng quần áo cũ, cởi áo khoác và áo gi lê ra, bán chiếc áo gi lê lấy mấy xu, rồi lại mặc áo khoác vào, tiếp tục đi. Gã băng qua sông Seine. Khi đến phố Châtelet, một cỗ xe ngựa chở khách hai tầng chạy qua. Gã định lên xe, nhưng đã hết mất chỗ. Người soát vé khuyên gã lấy số trước, thế là gã đi vào nhà chờ.
Ganimard gọi hai anh chàng trợ lý, và không rời mắt khỏi nhà chờ, ông ta nói với họ: “Bắt một cỗ xe ngựa… mà không, hai cỗ đi. Như thế thuận tiện hơn. Tôi sẽ ngồi cùng xe với một trong hai anh, và chúng ta sẽ bám theo hắn.”
Hai anh chàng trợ lý tuân lệnh. Nhưng Baudru không thấy xuất hiện. Ganimard bước vào nhà chờ. Nhà chờ trống trơn. “Mình quả là ngốc!” Ông ta lầm bầm. “Mình quên mất là còn một lối đi khác.”
Có một hành lang kéo dài từ nhà chờ ra phố Saint-Martin. Ganimard vội vã chạy xuyên hành lang ra phố, vừa kịp trông thấy Baudru ngồi trên tầng hai cỗ xe ngựa chở khách tuyến Batignolles-Jardin des Plantes khi cỗ xe đang chuẩn bị rẽ vào phố Rivoli. Ông ta đuổi theo và nhảy được lên xe. Nhưng ông ta đã mất hai anh chàng trợ lý. Ông ta phải tiếp tục cuộc rượt đuổi một mình. Trong cơn giận dữ, ông ta định sẽ tóm cổ gã đàn ông, không khách sáo gì nữa. Chẳng phải bộ dạng giả ngây giả ngô, ngớ ngớ ngẩn ngẩn kia đã là cái bẫy tinh vi, xảo quyệt tách ông ta ra khỏi hai anh chàng trợ lý hay sao?
Ganimard nhìn Baudru. Gã đang say sưa ngủ trên một băng ghế, đầu lắc la lắc lư từ bên này sang bên kia, mồm há dở chừng, cái mặt mụn mậy toát lên một vẻ ngu ngốc không thể tưởng. Không, một đối thủ như thể làm sao đủ tầm lừa gạt Ganimard được. Chỉ là hên xui thôi – không hơn không
kém.
Đến phố Galeries-Lafayette, gã đàn ông xuống xe, bắt tàu điện tuyến La Muette, đi theo đại lộ Haussmann và đường Victor Hugo. Baudru xuống ga La Muette, và gã bước vào phố Bois de Boulogne với vẻ thờ ơ.
Gã cứ lang thang hết ngõ này sang hẻm khác, đôi lúc quay lại lối vừa đi. Gã đang tìm kiếm gì vậy? Gã có mục đích rõ ràng nào không? Sau một tiếng đồng hồ, trông gã có vẻ như sắp ngất vì mệt mỏi, rồi, nhìn thấy chiếc ghế dài, gã ngồi xuống. Chỗ đó, không xa Auteuil, là bờ một cái ao ẩn dưới những tán cây, tịnh không bóng người. Nửa tiếng đồng hồ nữa trôi qua, Ganimard đã quá sốt ruột, quyết định sẽ nói chuyện với gã. Ông ta lại gần, ngồi xuống bên cạnh Baudru, châm điếu thuốc lá, dùng đầu cây can vẽ nguệch ngoạc lên trên cát, nói: “Hôm nay thời tiết dễ chịu thật.”
Không một lời đáp. Nhưng rồi bỗng dưng gã đàn ông phá ra cười, điệu cười sung sướng, vui vẻ, tự nhiên, không tài nào nén lại được. Ganimard dựng tóc gáy vì sợ hãi và ngạc nhiên. Chính là điệu cười đó, điệu cười quỷ quái mà ông ta đã quá quen thuộc!
Ông ta đột ngột tóm cổ áo gã đàn ông và nhìn gã bằng cái nhìn sắc sảo, thấu suốt. Ông ta bỗng dưng thấy trước mặt mình không phải là Baudru nữa. Chắc chắn, ông ta đang nhìn thấy Baudru, nhưng, đồng thời, ông ta cũng nhìn thấy một con người khác, con người thật của gã, Lupin. Ông ta phát hiện ra cái sức sống mãnh liệt trong đôi mắt ấy. Ông ta cảm nhận được trong hình hài teo tóp ấy từng thớ thịt săn chắc bên dưới lớp da bèo nhèo, khuôn miệng thực sự đằng sau những nét nhăn nhó xấu xí. Kia là cặp mắt, là khuôn miệng một kẻ khác, đặc biệt là vẻ tinh anh, lanh lợi, giễu cợt, thật trong sáng, thật trẻ trung!
“Arsène Lupin, Arsène Lupin.” Ganimard lắp bắp.
Rồi, trong cơn giận đột ngột bốc lên ngùn ngụt, ông ta tóm lấy cổ họng Lupin, cố gắng ghì anh ta xuống. Mặc dù đã năm mươi tuổi, ông ta vẫn có sức khỏe phi thường, còn kẻ thù của ông ta trông có vẻ như đang trong tình trạng ốm yếu. Nhưng ông ta cũng chẳng ghì được mấy nỗi. Arsène Lupin chỉ thực hiện một động tác rất nhẹ nhàng, và ông ta đã đột ngột tấn công anh ta thế nào thì lại đột ngột buông anh ta ra thế ấy. Cánh tay phải của ông ta mất hết cảm giác, thõng xuống vô dụng.
Lupin nói: “Nếu ông tham gia lớp Nhu thuật mở ở khu vực cầu tàu Orfèvres, ông sẽ biết đòn này trong tiếng Nhật gọi là udi-shi-ghi. Một giây nữa thôi, tôi có thể bẻ gãy tay ông và ông hoàn toàn đáng bị vậy. Tôi ngạc nhiên khi ông, một người bạn cũ mà tôi tôn trọng, người tôi từng tự nguyện bộc lộ tung tích của mình, lại lợi dụng sự tin tưởng nơi tôi để tấn công tôi. Thật không xứng đáng… Ồ! Sao thế?”
Ganimard im lặng. Ông ta tự thấy rằng mình phải chịu trách nhiệm đối với vụ tẩu thoát – chẳng phải ông ta, Ganimard, bằng lời làm chứng gây chấn động, đã đẩy phiên tòa vào sai lầm nghiêm trọng sao? Vụ tẩu thoát đó đối với ông ta tựa như đám mây đen ngòm bao phủ sự nghiệp. Một giọt nước mắt lăn trên má, rơi xuống bộ ria mép lốm đốm bạc của ông ta.
“Ôi! Trời ơi, Ganimard, đừng đau lòng thế. Nếu lúc đó ông không nói thì tôi cũng sẽ sắp xếp cho một người khác nói thôi. Tôi không thể để Baudru Désiré tội nghiệp bị kết án được.”
“Vậy là…” Ganimard lẩm bẩm. “Anh đã ở đó? Và bây giờ thì anh ở đây?”
“Chính là tôi, lúc nào cũng là tôi, chỉ là tôi thôi.”
“Có thể thế sao?”
“Ôi, không phải phép phù thủy gì đâu. Chẳng qua, như quan tòa đã nhận xét tại tòa, sự học hỏi, luyện tập suốt hàng chục năm giúp người ta có khả năng đương đầu với mọi trở ngại trong cuộc sống.”
“Nhưng còn nét mặt của anh? Ánh mắt của anh?”
“Ông có thể hiểu nếu tôi đã bỏ ra mười tám tháng làm việc với Tiến sĩ Altier ở Bệnh viện Saint-Louis thì lý do chẳng phải là vì tình yêu dành cho công việc. Tôi nghĩ ông ta, người một ngày nào đó sẽ hân hạnh tự nhận mình là Arsène Lupin, ắt đã được miễn trừ trước những quy luật thông thường về ngoại hình và nhân dạng. Ngoại hình ư? Hoàn toàn có thể thay đổi được nếu muốn. Ví dụ, chỉ cần tiêm một mũi paraffine dưới da, da ở vị trí mong muốn sẽ phồng lên. Acid pyrogallic biến nước da trở thành màu nâu như nước da dân Ấn Độ. Nước ép cây hoàng liên tô điểm cho bộ mặt những mụn nhọt lở loét nhất. Một loại hóa chất khác tác động đến quá trình mọc râu và tóc. Một loại khác nữa thì làm giọng nói thay đổi. Ngoài hai tháng ăn kiêng trong buồng giam số 24, tôi đã phải tập đi tập lại cả nghìn lần mới giữ cố định được một nét mặt nhăn nhó khó chịu, giữ được đầu cứ ngoẹo một kiểu ấy, và để lưng với vai quen tư thế gù gù. Rồi năm giọt atropine đủ khiến ánh mắt tôi lờ đờ, hoang dại. Thế là xong mánh lới.”
“Tôi không hiểu bằng cách nào mà anh lừa được đám lính canh.”
“Sự thay đổi là có quá trình. Nó diễn ra từ từ tới mức không khiến bọn họ chú ý.”
“Nhưng còn Baudru Désiré?”
“Baudru có tồn tại. Đó là một gã nghèo khổ vô hại tôi quen năm ngoái,
và thực tế gã hao hao giống tôi. Tính toán đến việc tôi có thể bị bắt, tôi đã nắm quyền điều khiển Baudru, nghiên cứu những điểm khác nhau về ngoại hình giữa tôi và gã để sẽ sửa lại ngoại hình của tôi cho giống y như gã. Bạn bè tôi tạo tình huống khiến gã phải qua đêm ở Sở Cảnh sát, rồi rời khỏi đó ngày hôm sau đúng thời điểm tôi cũng rời khỏi đó – một sự trùng hợp ngẫu nhiên có thể dàn xếp dễ dàng. Tất nhiên, việc tạm giam kia cần được ghi chép sổ sách đàng hoàng nhằm tạo chứng cớ xác thực về một con người, nếu không cảnh sát có lẽ đã đi truy lùng và phát hiện ra nhân thân tôi rồi. Nhưng, cung cấp cho cảnh sát gã Baudru xuất sắc này thì cũng không thể tránh khỏi, ngài hiểu chứ, không thể tránh khỏi việc cảnh sát sẽ chộp gã, và, mặc dù việc đánh tráo tôi trong tù là việc khó khăn không tưởng, người ta sẽ muốn nghĩ tới một vụ đánh tráo hơn là thừa nhận sự ngu ngốc của mình.”
“Đúng, đúng, đương nhiên.” Ganimard đồng tình.
“Và rồi…” Arsène Lupin thốt lên. “Tôi đã nắm trong tay lá bài chủ: Một đám đông công chúng nóng lòng chờ đợi thấy tôi trốn thoát. Đó là sai lầm chết người mà ông, ông và những kẻ khác, mắc phải, trong ván bài đầy
hồi hộp giữa tôi và những nhân viên thực thi pháp luật khi tiền thưởng chính là sự tự do của tôi. Ông cho rằng tôi đang thu hút sự chú ý của công chúng, rằng tôi đang say sưa với chiến thắng. Tôi, Arsène Lupin, mà mắc phải khuyết điểm như thế sao? Ôi, không! Và ngay ở vụ Cahorn, ông cũng đã nói: Nếu Arsène Lupin đứng trên nóc nhà la lên rằng hắn sẽ tẩu thoát, thì hắn ắt phải sẵn sàng một mục đích gì rồi. Nhưng, trời ơi, ông phải hiểu để tẩu thoát được, trước tiên tôi phải làm cho công chúng có suy nghĩ rằng vụ tẩu thoát đó sẽ diễn ra, suy nghĩ ấy cứ lớn dần, lớn dần thành một niềm tin, một sự chắc chắn tuyệt đối, một thực tế lấp lánh như ánh nắng mặt trời
vậy. Và tôi quả là đã khiến mọi người hình thành cái suy nghĩ rằng Arsène Lupin sẽ tẩu thoát, Arsène Lupin sẽ không đời nào hầu tòa. Để khi ông đứng lên làm chứng khẳng định Kẻ đó chẳng phải Arsène Lupin thì tất cả mọi người đều sẵn sàng tin ông. Nếu có một người ngờ vực, nếu có một người nêu câu hỏi đơn giản sau: Giả sử đây là Arsène Lupin thì sao? – kể từ thời khắc ấy, tôi coi như thua. Nếu có người nào săm soi cái mặt tôi kĩ lưỡng hơn, không bị ám ảnh bởi ý nghĩ gã đó chẳng phải Arsène Lupin đâu, như ông và mọi người tham gia phiên tòa đã nghĩ, mà nghĩ gã đó có lẽ là Arsène Lupin đấy, thì dù tôi thận trọng chuẩn bị đến đâu, mọi người cũng vẫn nhận ra tôi thôi. Nhưng tôi không lo sợ. Vì, xét một cách logic và theo tâm lý học, chẳng ai muốn nghĩ gã đó là Arsène Lupin.”
Anh ta nắm chặt bàn tay Ganimard. “Nào, Ganimard, hãy thú thật đi, rằng vào ngày thứ Tư sau cuộc chuyện trò giữa chúng ta trong nhà tù Santé, ông đã đợi tôi xuất hiện tại nhà ông lúc bốn giờ chiều, không sai hẹn tẹo nào cả.”
“Thế chiếc xe tù thì sao?” Ganimard hỏi, lảng tránh câu trả lời.
“Trò tháu cáy ấy mà! Vài chiến hữu của tôi tìm được chiếc xe cũ kĩ bị bỏ không dùng nữa và muốn đưa nó vào kế hoạch. Nhưng tôi cho rằng sẽ không khả thi nếu không có sự trùng hợp khác thường của một loạt các tình huống. Tuy nhiên, tôi thấy việc thử tẩu thoát là hữu ích và công chúng càng biết tới rộng rãi càng tốt. Một vụ tẩu thoát được lên kế hoạch táo bạo, mặc dù chưa hoàn thành, khiến vụ tẩu thoát tiếp theo có tính xác thực, đơn giản vì người ta đã sẵn ý nghĩ là nó sẽ được thực hiện.”
“Vậy điếu xì gà…”
“Chính tôi làm rỗng ruột, cả con dao nữa.”
“Còn những bức thư?”
“Tự tay tôi viết.”
“Thế người liên lạc bí ẩn?”
“Không hề có ai.”
Ganimard nghĩ ngợi một chút, rồi nói: “Tại sao khi xử lý trường hợp Baudru, bộ phận nhân trắc không nhận ra rằng các kích thước của gã trùng với các kích thước của Arsène Lupin?”
“Vì chẳng có cơ sở dữ liệu nào về các kích thước của tôi cả.” “Thật vậy!”
“Ít nhất, chúng cũng là các dữ liệu giả. Tôi vốn hết sức quan tâm đến vấn đề đó. Đầu tiên, hệ thống nhận dạng Bertillon ghi chép những dấu hiệu có thể quan sát bằng mắt – và ông biết đấy, những dấu hiệu này không phải là không làm giả được – sau đó đến số đo vòng đầu, kích thước các ngón tay, tai, vân vân. Tất nhiên, những kích thước này nói một cách tương đối thì không làm giả được.”
“Chính xác.”
“Nhưng, chịu tốn tiền thì vẫn xoay xở được. Trước khi chúng ta rời khỏi nước Mỹ, một nhân viên của cơ quan nhân trắc đã nhận một khoản hậu hĩnh để đưa các kích thước giả của tôi vào cơ sở dữ liệu. Do đó, các kích thước của Baudru không trùng với các kích thước của Arsène Lupin.”
Im lặng một thoáng, Ganimard hỏi: “Bây giờ anh định làm gì?”
“Bây giờ thì… Tôi định nghỉ ngơi, thưởng thức những món đồ ăn và đồ uống tuyệt vời nhất, dần dần phục hồi tình trạng sức khỏe vốn có. Nói
chung chẳng thành vấn đề nếu đôi khi mình biến hóa thành Baudru hay bất kỳ người nào đó khác và thay đổi tính cách như thay áo quần hằng ngày, nhưng việc thay đổi này sẽ sớm đem đến nỗi mệt mỏi. Tôi cho rằng cảm giác của tôi không khác gì cảm giác của một người bị mất đi cái bóng của mình vậy, và tôi rất lấy làm sung sướng được trở lại là Arsène Lupin.”
Anh ta cứ bước tới bước lui trong mấy phút liền, rồi dừng trước mặt Ganimard, hỏi: “Tôi đồ rằng ông không muốn nói gì nữa?”
“Có chứ. Tôi muốn biết liệu anh có định tiết lộ những sự thực liên quan tới cuộc tẩu thoát của anh không? Sai lầm tôi đã mắc phải…”
“Ồ! Sẽ không ai biết kẻ được tha ra là Arsène Lupin. Việc bao phủ xung quanh mình bằng những điều huyền bí phục vụ lợi ích cho bản thân tôi đây mà. Vì thế, tôi sẽ giữ cho cuộc tẩu thoát có cái vẻ gần như phi thường. Ông không phải lo lắng, ông bạn quý mến của tôi. Tôi sẽ không hé một lời. Bây giờ thì, tạm biệt. Tối tôi đi ăn cơm khách, và tôi chỉ còn đủ thời gian để thay trang phục thôi.”
“Tôi tưởng anh muốn nghỉ ngơi.”
“À! Có những nghĩa vụ đối với xã hội mà người ta không thể trốn tránh. Ngày mai, tôi sẽ nghỉ ngơi.”
“Tối nay anh ăn ở đâu?”
“Với ngài Đại sứ Anh quốc!”
Lữ khách bí ẩn
B
uổi tối hôm trước, tôi đã gửi xe hơi của mình tới Rouen bằng đường bộ. Bản thân tôi sẽ đi Rouen bằng tàu hỏa, để đến thăm vài người bạn sống dọc hai bờ sông Seine.
ở Paris, mấy phút trước khi tàu khởi hành, bảy người đàn ông bước vào toa tôi, năm người trong số họ đang hút thuốc. Mặc dù hành trình cũng ngắn thôi, nghĩ đến việc phải ngồi cùng toa với những người như vậy, tôi thấy thật không dễ chịu chút nào, nhất là khi toa tàu này lại là toa tàu kiểu cũ, không có hành lang. Tôi cầm áo bành tô, báo và bảng giờ tàu lên, đi tìm chỗ lánh nạn trong toa bên cạnh.
Trong toa, đã có một thiếu phụ. Vừa nhìn thấy tôi, nàng bày tỏ cử chỉ khó chịu và tôi kịp nhận ra. Nàng vươn về phía người đàn ông đang đứng ở bậc lên xuống, chắc chắn đó là chồng nàng. Người đàn ông quan sát tôi kĩ lưỡng, và xem ra bề ngoài của tôi không khiến anh ta khó chịu, vì anh ta vừa mỉm cười vừa nói với vợ, vẻ như đang trấn an một đứa trẻ sợ hãi. Nàng cũng mỉm cười, và dành cho tôi cái nhìn thân thiện, như thể bấy giờ
nàng hiểu rằng tôi thuộc số những anh chàng ga lăng, lịch sự, mà phụ nữ có thể yên lặng ngồi cùng hai tiếng đồng hồ, trong một cái hộp chật chội chưa đầy một mét vuông, chẳng có gì phải sợ hãi cả.
Chồng nàng nói với nàng: “Em yêu, anh có một cuộc hẹn quan trọng, không thể trì hoãn lâu hơn được. Tạm biệt em.”
Anh ta hôn vợ nồng nàn, và bước đi. Người vợ gửi theo mấy nụ hôn gió, vẫy vẫy khăn mùi soa. Còi tàu vang lên, đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh.
Đúng lúc ấy, bất chấp sự ngăn cản của những nhân viên gác tàu, một người đàn ông lao vào khoang chúng tôi. Bạn đồng hành với tôi đang đứng sắp xếp lại hành lý hét lên hoảng hốt và ngồi phịch xuống ghế. Tôi không phải một thằng hèn – hoàn toàn không – nhưng tôi phải thú nhận rằng hành động lao vào ở phút cuối cùng như vậy gây nên cảm giác bối rối. Nó có vẻ đáng ngờ, không bình thường.
Tuy nhiên, hình thức bên ngoài của anh chàng mới xuất hiện khiến chúng tôi thay đổi hẳn ấn tượng tiêu cực ban đầu. Anh ta ăn mặc đứng đắn, lịch thiệp, đeo chiếc cà vạt trang nhã, găng tay phù hợp, nét mặt tinh tế, thông minh. Nhưng, tôi đã nhìn thấy khuôn mặt này ở chỗ quái nào nhỉ? Vì chắc chắn tôi từng nhìn thấy nó. Có điều ký ức đó quá mơ hồ, đến mức tôi cảm thấy cố gắng nhớ lại ngay lúc ấy cũng vô ích.
Rồi, chuyển sự chú ý sang thiếu phụ kia, tôi kinh ngạc thấy nàng nhợt nhạt, lo lắng. Nàng nhìn người ngồi bên cạnh, nét mặt thể hiện sự cảnh giác cao độ. Tôi nhận ra hai bàn tay run rẩy của nàng đang từ từ trượt về phía chiếc túi du lịch nhỏ nằm trên ghế, cách nàng khoảng nửa mét. Nàng nắm chặt chiếc túi, lo lắng kéo nó về phía mình. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau, và tôi đọc được trong ánh mắt nàng biết bao sợ hãi, tới mức tôi không kiềm
lòng được phải hỏi nàng: “Thưa bà, bà khó ở ạ? Tôi mở cửa sổ ra nhé?”
Nàng chỉ đáp lại bằng điệu bộ, cho thấy nàng sợ hãi người bạn đồng hành của chúng tôi. Tôi mỉm cười, giống chồng nàng lúc nãy, nhún vai, giải thích dưới dạng kịch câm, rằng nàng việc gì mà sợ, rằng đã có tôi đây, hơn nữa, anh chàng kia xem ra hết sức vô hại. Đúng lúc này, anh ta quay sang nhìn chúng tôi, dò xét chúng tôi từ đầu đến chân, rồi ngồi yên vị ở góc của mình, không buồn để ý tới chúng tôi nữa.
Sau quãng im lặng ngắn ngủi, thiếu phụ, như thể đã huy động tất cả sức lực thực hiện một hành động liều lĩnh, lào thà lào thào hỏi tôi: “Ông biết ai đang ở trên tàu cùng chúng ta không?”
“Ai?”
“Hắn. Hắn… Tôi đảm bảo với ông…”
“Hắn là ai?”
“Arsène Lupin!”
Nàng không hề rời mắt khỏi người bạn đồng hành, và nàng thốt lên những âm tiết của cái tên đáng sợ kia với anh ta thì đúng hơn là với tôi. Anh ta kéo mũ trùm xuống mặt. Anh ta làm thế để che giấu nỗi bối rối, hay đơn giản để chuẩn bị ngủ?
Tôi bảo nàng: “Hôm qua, Arsène Lupin đã bị kết án hai mươi năm lao động khổ sai vì tội lăng mạ tòa. Do đó, không chắc hắn lại khinh suất tới mức hôm nay dám chường mặt ra trước bàn dân thiên hạ. Hơn nữa, báo chí vừa đưa tin về việc hắn xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Santé.”
“Nhưng hắn đang có mặt trên chính đoàn tàu này, ngay lúc này.” Thiếu
"""