" Những Con Quái Vật Đội Lốt Người Trong Thị Trấn PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Con Quái Vật Đội Lốt Người Trong Thị Trấn PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo NHỮNG CON QUÁI VẬT ĐỘI LỐT NGƯỜI TRONG THỊ TRẤN MITZI SZERETO: TÁC GIẢ là một tác giả kiêm biên tập viên tuyển tập. Sách của cô bao gồm nhiều thể loại khác nhau, từ tội ác có thật, tiểu thuyết tội phạm, văn học gothic và kinh dị, cho đến châm biếm, khoa học viễn tưởng, giả tưởng, tiểu thuyết khiêu dâm, tiểu thuyết hư cấu và phi hư cấu nói chung. Tiểu thuyết, tuyển tập và truyện ngắn của cô đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Một số đầu sách nổi tiếng của cô bao gồm: The Best New True Crime Stories: Serial Killers, Florida Gothic, Pride and Prejudice: Hidden Lusts… LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO “NHỮNG CON QUÁI VẬT ĐỘI LỐT NGƯỜI TRONG THỊ TRẤN” “Những con quái vật đội lốt người trong thị trấn! Bộ sưu tập tuyệt vời về những tội ác kinh hoàng ở thị trấn nhỏ kéo dài suốt một thập kỉ và trải khắp bốn lục địa sẽ khiến bạn phải tìm kiếm sự thoải mái và an toàn ở thành phố lớn.” Peter Houlahan, tác giả của Norco ’80 “Với kinh nghiệm viết về những kẻ sát nhân nổi tiếng, cũng như những vụ án xảy ra ở nhiều thị trấn nhỏ, tôi có thể nói với bạn rằng một số vụ án mạng gây sốc nhất thường xảy ra ở những thị trấn nhỏ, những cộng đồng nhỏ và những nơi hẻo lánh đến nỗi hầu hết thế giới sẽ không bao giờ biết đến. Tuy nhiên, với độc giả của Những con quái vật đội lốt người trong thị trấn lại là một câu chuyện khác, bởi họ được mở rộng tầm mắt thông qua một chuyến du ngoạn vào thế giới của kẻ sát nhân, khi hàng xóm và bạn bè của những người sống trong thị trấn bé nhỏ này thực hiện hành vi giết người. Không cần bàn cãi gì nữa, bạn sẽ không quên được cuốn sách này đâu!” Kevin M. Sullivan, tác giả của Through an Unlocked Door: In Walls Murder “Tuyển tập thực sự phi thường này của Mitzi Szereto đã tập hợp một nhóm gồm những tác giả sáng giá nhất và xuất sắc nhất hiện nay. Thật tuyệt vời!” Dan Zupansky, tác giả kiêm người dẫn chương trình True Murder “Liệu bạn còn nhớ câu châm ngôn ‘Con quỷ ở trong chi tiết1’? Đúng vậy, chính những thị trấn nhỏ mới là những tình tiết quan trọng, bởi chúng diễn ra theo kiểu rùng rợn, li kì và đôi khi ghê tởm. Tuyển tập những câu chuyện về tội ác có thật của Mitzi Szereto đầy ma mị và tỉ mỉ - những câu chuyện hay và văn phong tuyệt vời. Sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ nhìn những người hàng xóm của mình bằng cặp mắt hoàn toàn mới… hoặc có lẽ là không bao giờ muốn nhìn họ nữa!” 1. Ý muốn nói chi tiết là điều rất quan trọng. Bob Batchelor, nhà sử học văn hóa kiêm tác giả của The Bourbon King: The Life and Crime of George Remus, Prohibition’s Evil Genius “Mitzi Szereto đã biên soạn một tuyển tập khác về tội ác có thật rất lôi cuốn. Điều làm nên sự khác biệt giữa tuyển tập này và những nghiên cứu bình thường về tội ác kinh hoàng là các tác giả trong tuyển tập thực sự viết về những tội ác tàn bạo xảy ra ở những cộng đồng nông thôn. Mitzi Szereto tìm kiếm những câu chuyện đi sâu hơn vào từng tội ác, để cho thấy cộng đồng đó đã sản sinh ra những tên tội phạm như thế nào và cách cộng đồng đó phản ứng lại sự việc. Trong thể loại tội ác có thật, tuyển tập này thực sự kích thích tư duy người đọc.” Gary Jenkins, tác giả viết về băng đảng tội phạm kiêm người dẫn chương trình podcast nổi tiếng Gangland Wire về băng đảng tội phạm. LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO “NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ TỘI ÁC CÓ THẬT HAY NHẤT: NHỮNG KẺ SÁT NHÂN HÀNG LOẠT” “Trong tuyển tập mới này, biên tập viên Mitzi Szereto đã tập hợp một số bài viết về tội ác có thật hay nhất một thời, tập trung vào một phần (rắc rối, hấp dẫn, đầy sức thuyết phục) của thế giới tội phạm: những sát nhân hàng loạt.” CrimeReads “Bộ sưu tập mới nhất về những câu chuyện liên quan đến thể loại tội ác có thật do Mitzi Szereto biên soạn không chỉ thỏa mãn những tác giả và độc giả yêu thích thể loại tội phạm trong chúng ta - những người có niềm đam mê cháy bỏng với tất cả các khía cạnh xấu xí của tội ác. Từ những vùng ngoại ô gần như không có tội ác, cực kì yên bình của Nhật Bản, cho đến những con phố tồi tàn của Nam Mỹ - nơi cuộc sống con người bị coi thường; từ nhà thờ giáo hội Anh ở thị trấn Gloucester yên bình nhưng mãi mãi bị ô uế, đến một khu bảo tồn của thổ dân da đỏ ở Minneapolis; từ những vịnh hẹp ở Na Uy đến vùng đồng quê ở miền Trung tây của Hoa Kỳ. Cuốn sách này đưa độc giả đi chu du khắp thế giới, giúp họ nghiên cứu lịch sử và tâm lí học của một số kẻ giết người hàng loạt khủng khiếp nhất trên thế giới.” Robin Bowles, bà hoàng thể loại tội ác có thật của Úc. “Những ai đặc biệt ghiền thể loại tội phạm sẽ đọc ngấu nghiến cuốn sách này. Chân dung của những kẻ tâm thần ấy sẽ mê hoặc và khiến tất cả những ai từng đọc nó đều phải khiếp sợ.” Aphrodite Jones, tác giả viết sách thuộc thể loại tội ác có thật bán chạy nhất. “Đây là cuốn sách hay nhất về thể loại kẻ sát nhân hàng loạt mà tôi từng đọc cho đến nay. Mỗi tác giả đều có cái nhìn sâu sắc mà độc đáo, có khi bởi vì họ đã chạm mặt với những kẻ sát nhân mà họ mô tả và thông qua sự nhạy cảm của mình, họ có thể hiểu rõ bộ óc khôn lường của chúng. Cuốn sách mang đến cảm giác ớn lạnh, vô cùng cảm động (đối với những nạn nhân đáng thương), nhưng trên hết, tôi khuyên bạn rất nên đọc nó.” Peter Guttridge, nhà phê bình kiêm tác giả tiểu thuyết hư cấu về tội phạm. “Bộ sưu tập đầy lôi cuốn về các câu chuyện liên quan đến những kẻ sát nhân hàng loạt này không chỉ thuật lại hay những phần truyện, mà còn tô điểm cho bức tranh vụ án giết người thêm rõ nét và khiến người đọc phải sửng sốt. Nó như một cơn nghiện và hệt những con quỷ đội lốt người ám ảnh cuộc sống của các kẻ sát nhân và cả nạn nhân.” Deborah Blum, tác giả của The Poisoner’s Handbook: Munder and the Birth of Forensic Medicine in JazzAge New York “Một tuyển tập hấp dẫn và nhiều khía cạnh trong một kỉ nguyên mới của văn phong thuộc thể loại tội ác có thật. Tuyển tập hấp dẫn này vượt ra ngoài trật tự quy định để đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng về cách những xung động đen tối nhất của con người đe dọa và ‘nuốt chửng’ chúng ta - với tâm thế là một nền văn hóa.” Piper Weiss, tác giả của You All Grow Up and Leave Me. “Từng mẩu truyện trong Những câu chuyện về tội ác có thật hay nhất: Những kẻ sát nhân hàng loạt mang đến cho độc giả cái nhìn đa chiều về sức ép mà người bình thường khó lòng hiểu được. Bạn vẫn cảm thấy thể loại tội ác thật sự chưa đủ đô? Vậy thì bộ sưu tập kích thích tư duy và cực kì dễ đọc này sẽ giúp bạn ‘gãi đúng chỗ ngứa’.” Alma Katsu, tác giả của The Hunger. LỜI NÓI ĐẦU. Nhắc đến những thị trấn nhỏ, chúng ta thường hình dung ra những ngôi làng yên bình, gần gũi, không bị ảnh hưởng bởi sự nguy hiểm của thành phố lớn. Chúng ta nhớ đến hình ảnh bưu thiếp với những quảng trường đẹp như tranh vẽ, những cửa hiệu dọc con phố chính, những hàng bánh nướng, những buổi tụ họp ở nhà thờ. Tất cả khung cảnh đó gói gọn trong ba chữ an - thiện - lành, tưởng chừng như không một hiểm nguy nào từ phố thị có thể đe dọa tới nơi này. Cuộc sống ở những thị trấn nhỏ cứ thế trôi qua chầm chậm, mọi người gặp gỡ và tán gẫu với nhau. Có ý thức cộng đồng mạnh mẽ - một cảm giác tin cậy. Những thị trấn nhỏ tượng trưng cho bao giá trị xưa cũ, những tháng ngày quá khứ tươi đẹp khi hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau mà không phân biệt giàu nghèo, và ở đây không có ai phải lo lắng nếu quên khóa cửa nhà. Khác với những thành phố lớn - nơi mà con người không ai biết ai, thì ở thị trấn nhỏ, tất cả mọi người đều quen mặt nhau. Họ biết nhau rõ như chân tơ kẽ tóc: từ lí lịch, những chuyện buồn, vui hay những vụ bê bối. Theo lời của Immanuel Kant (1724-1804) - một triết gia người Đức, “Điều thú vị khi ta sống trong một thị trấn nhỏ là việc trong nhà chưa tỏ nhưng ngoài ngõ đã tường.” Thật vậy, rất khó giữ bí mật khi mọi người đều hiểu về công việc của bạn. Tuy nhiên, nếu có, thì những bí mật ấy khá là đen tối. Bởi vì đôi khi hình ảnh trên bưu thiếp bị xỉn màu là do dấu vân tay bẩn. Những thị trấn nhỏ trông có vẻ an toàn, nhưng điều đó có phải là sự thật? Theo Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ, một vài thị trấn có mật độ dân cư thấp hơn nhưng tỉ lệ tội phạm bạo lực lại cao hơn so với các thành phố lớn như Detroit, Michigan. Trên thực tế, tội phạm bạo lực ngày một gia tăng ở vài cộng đồng nông thôn nhỏ của Hoa Kỳ, thậm chí còn cao hơn con số trung bình của quốc gia. Thống kê của Canada cũng báo cáo kết quả tương tự. Và có vẻ như những thông kê này không chỉ dành riêng cho khu vực Bắc Mỹ; các thị trấn nhỏ cho dù ở đâu cũng như nhau cả. Vậy, hình ảnh về thị trấn nhỏ lí tưởng và đẹp đẽ chỉ là một huyền thoại thôi sao? Sự thật đáng buồn là đúng vậy. Nơi nào có con người, nơi đó có tội ác, và không có ngoại lệ cho bất cứ vùng đất nào. Những hành vi tồi tệ tiếp diễn qua nhiều thế hệ như thảm sát, bạo lực liên quan đến ma túy, tấn công tình dục, công lý tự xưng, phạm tội ở tuổi vị thành niên, tội ác liên quan đến tài sản, cướp bóc hoặc giết người xảy ra ở khắp các thị trấn trên thế giới. Cuốn sách Những con quái vật đội lốt người trong thị trấn gồm các tình tiết hoàn toàn mới về tội ác có thật từ khắp nơi trên thế giới và xảy ra ở các khoảng thời gian khác nhau. Trong tuyển tập này, nhóm nhà văn quốc tế đã vén bức màn bí mật để phơi bày sự thật trần trụi đằng sau những thị trấn nhỏ hoàn hảo này. Nó không chỉ giúp độc giả nhìn thấy những tội ác và những cá nhân phạm tội, mà còn cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với cộng đồng. Ngay cả khi thời gian trôi qua thì dư âm của những hệ lụy đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Mời độc giả đắm mình vào tập hai của bộ truyện tội ác có thật này. Tôi tin chắc rằng độc giả sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm với những thông điệp mới mẻ đằng sau mỗi tiêu đề, cũng như khám phá những vụ án về tội ác thực sự mà độc giả chưa từng nghe đến. Tôi đã làm việc cùng các cộng sự để hoàn thiện cuốn sách này. Nó xứng đáng có được sự thành công vang dội sau tập một Những câu chuyện về tội ác có thật hay nhất: Những kẻ sát nhân hàng loạt. Tôi rất mong được tiếp tục biên soạn tuyển tập này và gửi đến độc giả nội dung gốc hay nhất về thể loại tội ác có thật! THỊ TRẤN SNOWTOWN. Anthony Ferguson Tôi vẫn nhớ như in cảm giác sợ sệt và sượng sùng đó. Lác đác vài người dân địa phương nhìn chằm chằm vào chúng tôi một cách nghi ngại khi họ trông thấy chúng tôi hạ kính chắn gió, chạy xe dọc theo con phố chính, lướt qua một ngân hàng bỏ hoang. Chính tại nơi này, người ta đã tìm thấy những cái xác đang phân hủy trong những thùng chứa đầy acid. Tháng Mười hai năm 1999. Điều còn đọng lại trong tâm trí. Cái nóng ran người. Giống như mùa hè thân thuộc của nước Úc. Một cái nóng khô khốc, dữ dằn, dai dẳng, cháy da cháy thịt. Tôi đi từ thủ đô Canberra của Úc, vòng ngược qua sa mạc thêm 3.718km để về quê nhà của mình, thành phố Perth ở Tây Úc. Để chuyến đi thêm phần vui thú, tôi quyết định không ngồi máy bay mà lái xe hơi qua đồng bằng Nullarbor - một vùng đất rộng mênh mông, bằng phẳng, trống trải, cằn cỗi - phân chia những thành phố lớn thành hai phía đông và tây. Scott - anh bạn thân sống ở Perth của tôi - ngồi máy bay đến chỗ tôi và cả hai cùng nhau du ngoạn. Suốt chuyến đi thoải mái kéo dài chín ngày, chúng tôi nghỉ chân khi trời tối và đổ đầy bình xăng cho chuyến đi hôm sau. Cuộc hành trình vẫn tiếp tục như thế cho đến khi chiếc xe đang chạy băng băng trên đường thì bỗng một trong bốn chiếc lốp bị thủng. Thế là tôi đành phải chui xuống gầm xe và thay chiếc lốp khác ngay bên lề xa lộ sa mạc, còn Scott trông chừng để đảm bảo chân tôi không bị đoàn xe vận tải nào đó cán qua. Chúng tôi đi vòng vòng đây đó để ngắm cảnh. Một trong những nơi chúng tôi đi qua đã diễn ra một sự kiện không thể nào quên được cho đến tận bây giờ. Bang Nam Úc có tiếng là thủ phủ của những tên sát nhân hàng loạt. Sự xui xẻo bám riết nơi đây vì có rất nhiều vụ án giết người hàng loạt trong nhiều thập kỉ. Nhưng có lẽ, không vụ án nào kì dị hơn những vụ ở thị trấn bé nhỏ Snowtown ở phía bắc (nơi có mật độ dân số là 467, tính theo kết quả điều tra dân số quốc gia gần nhất - năm 2016). Để đến thị trấn, ta phải đi từ thủ đô Adelaide cổ kính - được mệnh danh là “thành phố của những nhà thờ” - lên phía bắc 152km tới quốc lộ A1. Vụ án được phá và trở thành đề tài bàn tán nổi cộm trong nước và trên toàn thế giới xảy ra vào tháng 5 năm 1999. Người ta tìm thấy thi thể của 8 nạn nhân trong 6 thùng nhựa tại một ngân hàng bỏ hoang trên con phố Chính của thị trấn Snowtown im lìm. Vụ án khép lại với tổng cộng 12 thi thể và bốn kẻ thủ ác - một vụ án giết người hàng loạt với quy mô chưa từng thấy trong lịch sử nước Úc. Vụ án đầu tiên xảy ra vào năm 1992 và sau đó xuất hiện khắp Snowtown. Các vụ án chủ yếu do John Bunting, Robert Wagner và James Vlassakis thực hiện. Còn tên đồng phạm thứ tư - Mark Haydon - được cho là hỗ trợ phi tang thi thể. Mặc dù hung thủ cố tình sử dụng danh tính của nạn nhân để thực hiện các giao dịch thanh toán an sinh xã hội (tiền trợ cấp thất nghiệp) và tài khoản ngân hàng, nhưng cảnh sát và điều tra viên vẫn không tìm ra lí do thật sự đằng sau hành vi giết người này. Các nạn nhân đều là bạn bè hoặc người quen của những tên hung thủ này. John Bunting cầm đầu nhóm bốn tên sát nhân. Hắn từng là công nhân lò mổ và tuyên bố vô cùng căm thù những kẻ ấu dâm và đồng tính. Giống như những người thiếu hiểu biết khác, hắn cho rằng hai loại người trên là một. Hắn lên án những nạn nhân chết dưới tay mình vì hai tội lỗi đó. Cũng như nhiều tên sát nhân hàng loạt khác, Bunting có một tuổi thơ bất hạnh - bị bỏ rơi và lạm dụng. Trường hợp của Bunting là hắn bị lạm dụng tình dục từ nhỏ. Thế nên, điều này hiển nhiên là nỗi mặc cảm khiến căn bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội của hắn phát triển. Hắn tìm kiếm và lợi dụng điểm yếu của nạn nhân cũng như căm ghét những người hắn cho là lệch lạc. Dữ liệu điều tra cho thấy kẻ sát nhân có hành vi rối loạn nhân cách chống đối xã hội càng trầm trọng và sự thích thú khi tra tấn nạn nhân càng tăng thì thời gian “xả hơi” giữa mỗi vụ án càng ngắn. Robert Wagner, một người hàng xóm của Bunting, cũng là một nạn nhân có tuổi thơ từng bị lạm dụng. Y và Bunting kết thân trước khi vụ án xảy ra. Mark Haydon cũng là hàng xóm và sau đó gã cũng bị lôi vào vụ này. Còn James Valssakis là con trai của một trong số những người tình của Bunting. Ẩn sau vụ án mạng kéo dài và phức tạp này là một câu chuyện nhuốm màu bi kịch của sự túng quẫn, bị bỏ mặc, dân trí thấp, nghiện ngập và tuyệt vọng. Để hiểu rõ mớ hỗn độn này diễn ra như thế nào, hãy bắt đầu sự việc theo trình tự thời gian. John Bunting lớn lên trong sự bất hạnh. Hắn sinh năm 1966 tại bang Queenland. Khi mới lên 8 tuổi, hắn bị anh trai của một người bạn đánh đập và tấn công tình dục. Theo lẽ tất nhiên, sự việc này để lại di chứng ám ảnh tình thần với hắn, bởi nó đã không được an thiệp và bị ém nhẹm. Ở cái tuổi đôi mươi, khi làm việc tại một lò mổ, hắn tìm thấy niềm vui sướng trong việc tàn sát động vật. Đầu những năm 90, Bungting kết hôn với Veronica nhưng hắn bị cô vợ hắt hủi và cả hai không có con. Hắn thuê một căn nhà ở vùng ngoại ô Salisbury North, cách phía bắc Adelaide 35km, kết bạn với Barry Lane và Robert Wagner. Hắn nhanh chóng trở nên thân thiết với Lane và Robert, tiêm nhiễm sự độc đoán vào đầu họ. Sự căm ghét của Bunting với những kẻ ấu dâm và đồng tính khiến Lane và Robert bị ấn tượng, dù cho Lane thật sự là một người đồng tính. Thất nghiệp và nghèo đói đã kết nối ba kẻ bị xã hội ruồng rẫy. Wagner có quá trình trưởng thành bất ổn bởi y phải chịu đựng sự hành hạ của người cha dượng tàn bạo. Lane hay giả trang thành phụ nữ và tự xưng mình là “Vanessa” Lane chải chuốt cho Wagner thành một đứa trẻ 13 tuổi và cả hai bắt đầu mối quan hệ. Ban đầu, Bunting không tính sổ Lane vì Lane và Wagner đang quen nhau. Còn Wagner đã hoàn toàn bị Bunting làm cho mê muội. Lúc không tụ tập ở căn nhà thuê xiêu vẹo của Bunting để nghe hắn chửi rủa sa sả về người đồng tính và ấu dâm, Lane và Wagner kết bạn với chàng trai trẻ Clinton Tresize mới chuyển đến. Clinton vốn là người hướng ngoại và thích khoa trương. Khi hai tên này kể cho Bunting về Clinton, Bunting bày tỏ muốn gặp mặt anh chàng. Bunting tin chắc Tresize là người đồng tính và do đó Tresize cũng là một tên ấu dâm. Vào ngày 31 tháng 8 năm 1992, hắn đã mời Clinton đến nhà uống trà. Lúc này, trong người Bunting sục sôi ngọn lửa của sự thù hận. Thế nên, khi anh chàng Clinton điềm nhiên ngồi xuống sofa thì hắn đã lén lấy xẻng đập vào đầu anh ta từ phía sau. Sau đó, Bunting gọi Lane và Wagner tới. Cả ba khiêng xác Clinton lên xe hơi, rồi lái đến một trang trại hẻo lánh và chôn xác anh ta trong một phần mộ đào nông. Mặc dù chị gái của Clinton đã cố gắng trình báo việc em trai mình mất tích, nhưng đa số các cơ quan điều tra đều không nhận vì họ cho rằng anh ta muốn tới một nơi khác để bắt đầu lại cuộc sống mới. Tận ba năm sau, mẹ của Clinton mới trình đơn yêu cầu điều tra vụ mất tích của con trai mình. Phần xương cốt còn lại của Clinton Tresize được tìm thấy vào ngày 16 tháng 8 năm 1994 và 5 năm sau, người ta mới xác định phần xương cốt đó chính là Clinton Tresize. Nhiều tháng sau vụ án mạng đầu tiên, Bunting đã lôi kéo thêm tên hàng xóm khờ khạo Mark Haydon vào nhóm. Khoảng thời gian này, Bunting cặp kè với một phụ nữ đã li dị chồng tên là Elizabeth Harvey. Cô với hai cậu con riêng, Troy Youde và James Vlassakis, chuyển đến sống cùng Bunting. Cả hai đứa trẻ bị chính cha mình lạm dụng tình dục và cậu anh Troy lại làm điều tương tự với cậu em James. Bunting nhanh chóng thực hiện ý định của mình. Hắn sẽ lợi dụng tâm hồn mong manh và dễ tổn thương của James. Ray Davies (26 tuổi) là một người khuyết tật hưởng lương hưu trí, sống trong một căn nhà lưu động cách chỗ Bunting không xa. Vào tháng 12 năm 1995, anh bị bà chủ nhà vu khống là kẻ lạm dụng tình dục một đứa trẻ địa phương. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, tin này đến tai Bunting và trở thành một sự biện minh hợp lí khiến hắn rơi vào trạng thái tâm thần rối loạn và cảm thấy cực kì căm phẫn. Bunting và Wagner kéo Davies vào trong xe hơi, chở tới lùm cây và đánh đập anh ta dữ dội. Sau đó, chúng chở anh ta về nhà Bunting và cùng Elizabeth Harvey tra tấn, rồi lấy dây cáp nối ô tô siết cổ anh ta đến chết. Bunting dần cảm thấy thoải mái với hành vi giết chóc và bắt đầu thích thú với việc sỉ vả, tra tấn nạn nhân. Hắn còn sắp xếp cho tay sai làm việc thay mình và bản thân Bunting cảm thấy thích thú khi nắm trong tay sự sống và cái chết của người khác. Hắn còn giục Elizabeth đâm thêm vài nhát vào thi thể sau khi nạn nhân đã chết. Thi thể của Davies được chôn trong một khu đất nông ở sân sau nhà Bunting. Không một cơ quan truyền thông nào đưa tin về vụ mất tích của Davies. Sau đó, Bunting gặp Suzanne Allen và khiến cô mê muội. Cô giao du với nhóm giết người này và nhanh chóng trở thành tình nhân của Bunting. Dần dà, Bunting quá mệt mỏi với nhu cầu tình dục của Allen. Vào tháng Mười một năm 196, Allen biến mất. Nhiều năm sau, người ta tìm thấy các phần thi thể của Allen trong một phần mộ chôn ngay sát bề mặt đất ở sân sau căn nhà của Bunting ở thành phố Salisbury North. Tuy nhiên, nguyên nhân cái chết của cô vẫn không được công bố. Bunting khai rằng khi hắn cùng Wagner nhìn thấy Suzanne, cô ấy đã chết bởi một cơn đau tim đột ngột. Hai tên này chặt xác và tẩu tán thi thể của nạn nhân để có thể tiếp tục nhận các khoản thanh toán an sinh xã hội của cô ấy. Vào năm 1996, Bunting cùng Elizabeth và hai cậu con trai tuổi thiếu niên chuyển đến thị trấn nông thôn Murray Bridge sinh sống, cách chỗ ở cũ 100km. Hắn vẫn giữ liên lạc với Robert Wagner. Trong giai đoạn này, Bunting ngày càng chìm sâu vào nỗi ám ảnh, câu kéo những người quen của hắn và hạ sát họ, bởi hắn tự cho rằng họ là những kẻ ấu dâm. Trên tường nhà bếp, Bunting dán một sơ đồ gồm những cái tên và tưởng tượng họ là những kẻ gây ra tội ác. Hắn cũng rất hào hứng khi biết mình sẽ dễ dàng lấy được một khoản phúc lợi an sinh xã hội từ họ. Vào tháng Chín năm 1997, Wagner thông báo với Bunting rằng chàng thanh niên Michael Gardiner mà ý mới kết bạn ở Salisbury North là người đồng tính. Chàng trai trẻ này cũng từng bị bỏ bê và lạm dụng. Anh ta chỉ vừa bắt đầu một cuộc sống mới sau khi công khai bản thân là người đồng tính. Tuy nhiên, một sự cố vô tình nhưng xui xẻo xảy ra (gồm sự việc Gardiner chơi trò đuổi bắt với một trong những đứa con của người phụ nữ đang ngoại tình với Wagner) khiến Gardiner bị cáo buộc nhầm là lạm dụng. Và hiển nhiên, đó là cái cớ hoàn hảo để Bunting rat ay giết người. Bunting và Wagner bắt cóc Gardiner và đưa anh ta đến một nhà kho trong sân sau nhà Bunting thuê. Hai tên này lạm dụng, tra tấn và siết cổ anh ta đến chết. Sau đó, bọn chúng chặt hai tay của anh ta và ném xác vào cái thùng chứa đầy acid trong nhà kho. Bunting chuyển mục tiêu tiếp theo sang Barry Lane. Hắn tha cho Lane vì mối quan hệ trước đây giữa Lane và Wagner. Còn bây giờ, Lane đang quen với một chàng trai trẻ 18 tuổi tên là Thomas Trevilyan. Họ vẫn liên lạc với Wagner. Sau khi Bunting biết được Lane đã kể cho một người quen việc mình có tham gia trong vụ án đầu tiên giết Clinton Tresize, hắn quyết định trừ khử Lane. Vào tháng 10 năm 1997, Trevilyan, sau khi bị cuốn vào hệ tư tưởng của Bunting, đã cùng hắn và Wagner dồn Lane vào một góc nhà để hành hạ và lạm dụng Lane trong nhiều giờ liền. Bunting ép Lane gọi điện và mắng mỏ mẹ ruột của mình, đồng thời nói rằng anh ta sẽ chuyển đến bang Queensland và đừng bao giờ liên lạc với anh ta nữa. Bunting ngày càng trở nên biến thái. Hắn dùng kìm bóp nát ngón chân của Lane trước khi kêu Wagner siết cổ Lane, còn hắn và Trevilyan giữ chặt không cho Lane giãy giụa. Chúng chặt xác Lane và bỏ xác vào thùng chứa acid trong nhà kho của Bunting. Mười ngày sau, một phụ nữ, chính là người Lane đã kể chuyện giết Clinton Tresize, thông báo với cảnh sát rằng Lane đã mất tích. Tuy nhiên, đoạn ghi âm tin nhắn của Lane gửi cho mẹ anh ta đã đánh lạc hướng họ. Họ chỉ đơn giản cho rằng Lane đã chuyển đi nơi khác. Sau khi giết Lane, Trevilyan chuyển đến sống cùng Wagner và bạn gái y. Chàng trai trẻ lo lắng cho sự an toàn của mình nên đã tâm sự với một người anh họ về việc tham gia vào một vụ giết người. Bunting và Wagner cũng sợ chàng trai tinh thần không ổn định này sẽ tiết lộ mọi chuyện, vì thế, vào tháng Mười hai năm 1997, cả hai bắt cóc Trevilyan, đưa anh đến vùng Adelaide Hills hẻo lánh và dàn dựng hiện trường Trevilyan treo cổ lên cây tự vẫn. Nạn nhân tiếp theo là Gavin Porter, bạn của James Valssakis. Đầu năm 1998, James vẫn sống cùng Bunting, mẹ và anh trai Troy nhưng cậu bắt đầu nghiện ma túy. Porter, cũng là một con nghiện, chuyển đến ở cùng James. Sau đó, Bunting có một động thái chết người là liệt những người nghiện ma túy vào “danh sách tử thần.” Sau khi kết bạn với Porter, có được giấy tờ ngân hàng và an sinh xã hội của anh, vào tháng Tư năm 1998, Bunting và Wagner tra tấn rồi siết cổ Porter. Xác của anh được bỏ vào một cái thùng ở nhà kho sau nhà Bunting ở thị trấn Murray Bridge, cùng với những thi thể khác. Lúc này, Bunting cho Vlassakis xem những thi thể trong thùng. Điều này khiến cậu ta sang chấn tâm lí và buộc phải tham gia vào “công cuộc” truy lùng để giải thoát thế giới khỏi loại người mà hắn khinh bỉ. Nạn nhân lí tưởng tiếp theo đưa James vào con đường “nghệ thuật giết người” là người anh trai cùng mẹ khác cha, Troy Youde. Bunting xúi giục James rằng cậu phải trả thù Troy vì Troy lạm dụng tình dục cậu. Vào tháng Tám năm 1998, Bunting, Wagner và Vlassakis trang bị tay quay và những vũ khí tạm bợ khác. Cả ba hành hung Troy ngay trên giường của anh, sau đó kéo Troy vào nhà tắm và dùng máy ghi âm thu lại quá trình anh bị tra tấn và chết đi. Thi thể của Troy cũng bị bỏ vào một cái thùng trong nhà kho. Mặc dù cảm thấy những việc này rất kinh tởm, nhưng James vẫn dùng tài khoản của người anh đã chết để lất tiền mua ma túy. Bunting biết rằng hắn kiểm soát được tâm lý của James. Bunting vẫn giữ mối quan hệ bạn bè bình thường với Mark Haydon nhưng hắn cực kì ghét Elizabeth - vợ gã. Có lẽ vì thế mà nạn nhân kế tiếp của hắn là Fred Brooks - đứa cháu trai 18 tuổi của Elizabeth, đồng thời là bạn của James. Sau khi Troy Youde chết gần một tháng, vào tháng Chín năm 1998, Fred Brooks được mời đến nhà Bunting. Cậu bị Bunting, Wagner và Vlassakis lột trần truồng và tra tấn. Bọn chúng gí điếu thuốc đang cháy và đốt hộp quẹt lên người Brooks. Bunting đem ra một món “đồ chơi mới” mà hắn tìm thấy - máy biến áp vô cấp từng dùng để điều chỉnh điện áp. Sau khi gắn kẹp lên cơ quan sinh dục của Brooks, Bunting lấy một viên pháo hoa cà hoa cải gắn vào đầu dương vật của Brooks, Bunting lấy một viên pháo hoa cà hoa cải gắn vào đầu dương vật của Brooks và châm ngòi. Bunting phấn khích đến nỗi đốt thêm một viên nữa. Tiếp theo, bọn chúng dùng ống chích bơm nước vào tinh hoàn của Brooks. Và ngay lúc đó, anh ra đi thanh thản. Xác của Brooks được đưa đến nhà Mark Haydon ở khu phía bắc Adelaide và các thùng chứa xác khác cũng được chuyển đến. Nhóm sát nhân sau đó thực hiện các giao dịch an sinh xã hội của Brooks. Vào lúc này, lực lượng cảnh sát nhận thấy số lượt báo người mất tích ngày càng tăng và nhiều hoạt động giao dịch an sinh xã hội có dấu hiệu đáng ngờ. Vì vậy, họ từng bước bắt đầu vào cuộc điều tra. Quá trình giết người đẩy nhanh và xảy ra ngẫu nhiên hơn. Đồng thời, mức độ lệch lạc bệnh hoạn của Bunting không thể kiểm soát được nữa. Nạn nhân tiếp theo là Garry O’Dwyer (29 tuổi) - một người khuyết tật hưởng lương hưu trí bất hạnh - gặp Bunting trên một con phố vào tháng Mười một năm 1998. Biết O’Dwyer là người tàn tật sau khi trông thấy anh đi khập khiễng do tai nạn xe hơi, Bunting cho rằng O’Dwyer là một đối tượng “dễ xử” nên hắn kết bạn với anh. Hắn kiên quyết muốn anh mời hắn, Wagner và Vlassakis tới nhà. Đến nơi, bọn chúng tấn công và tra tấn O’Dwyer, sau đó ép anh đưa giấy tờ ngân hàng và an sinh xã hội. Ngoài ra, trong quá trình tra tấn, bọn chúng còn bắt anh nói ra những điều mà bọn chúng yêu cầu để đánh lạc hướng người nhà. Sau đó, Wagner siết cổ O’Dwyer đến chết, chặt xác và vứt vào một cái thùng. Tiếp theo, Bunting cho rằng đã đến lúc “giải quyết” Elizabeth - vợ của Mark Haydon. Hắn làm vậy đơn giản vì hắn không ưa cô ta. Vào ngày 21 tháng Mười một năm 1998, Bunting, Wagner và Vlassakis lợi dụng lúc Mark Haydon vắng nhà để giết Elizabeth, chặt xác cô rồi bỏ vào thùng acid. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, anh trai Elizabeth báo cho cơ quan cảnh sát rằng em gái mình đã mất tích. Anh chẳng những không tin lời nhắn mâu thuẫn mà Mark Haydon biện minh cho sự vắng mặt của Elizabeth mà còn cực kì nghi ngờ thái độ dửng dung của gã. Anh cũng không tin em gái mình sẽ bỏ rơi hai đứa con trai nhỏ. Cảnh sát trở nên cảnh giác khi họ nhận ra mối quan hệ giữa Elizabeth và nhóm người Bunting, Wagner và Vlassakis. Cuối năm 1998, Bunting tiếp tục chuyển nhà đến thị trấn Snowtown, một vùng nông thôn ở phía bắc Adelaide. Những tên sát nhân lo sợ cảnh sát sẽ tra hỏi Haydon về sự mất tích của vợ gã nên chúng đã dùng hai chiếc xe để chuyển những cái thùng tới thị trấn Snowtown. Tại nơi này, Bunting và Mark Haydon dùng tên giả để thuê một tòa nhà ngân hàng bỏ hoang. Sự xuất hiện của hai chiếc xe lạ và các hoạt động xung quanh tòa nhà đã khiến người dân địa phương và cảnh sát chú ý. Trong thời gian chuyển tiếp, Bunting thuyết phục Vlassakis “nhử” David Johnson - anh trai cùng cha khác mẹ của cậu - đến kho tiền của ngân hàng Snowtown với lí do mua ma túy. Vào ngày mùng 9 tháng Năm năm 1999, David trở thành nạn nhân duy nhất bị sát hại ở thị trấn Snowtown. Cùng thời điểm, cảnh sát đã xác lập các mối liên hệ giữa vài người mất tích và Bunting, Wagner, Vlassakis và Haydon. Sauk hi nhận được tin mật báo, cảnh sát đã ập vào kho tiền của ngân hàng và tìm thấy bên trong những chiếc thùng bốc mùi hôi thối nồng nặc là thi thể của 8 nạn nhân được ướp trong dung dịch acid. Xui xẻo thay, Bunting đã mắc sai lầm nghiêm trọng bởi sự thiếu hiểu biết của mình. Dung dịch acid hydrochloric (HCL) trong các thùng vô tình giúp “bảo quản” những cái xác. Nếu Bunting sử dụng dung dịch acid sulfuric (H2SO4) thì có lẽ hắn đã đạt được mong muốn phi tang thi thể. Cả bốn kẻ thủ ác nhanh chóng bị bắt. Ban đầu, Bunting bị buộc tội dính líu tới vụ giết Johnson. Vlassakis lo sợ cho an nguy của mình nên đã thỏa hiệp và khai nhận. Người ta đào những thi thể được chôn ở sân sau của những ngôi nhà mà Bunting đã từng thuê trước đây lên. Cuối cùng, họ xác minh có cả thảy 12 nạn nhân. Đây là vụ án giết người hàng loạt với tổng số thi thể nhiều nhất trong lịch sử nước Úc từ trước cho đến nay. Tuy nhiên, cho tiết trong những vụ giết người này không khiến tôi hứng thú mấy, trừ ảnh hưởng lâu dài của chúng: vết nhơ của sự kiện tồi tệ này đối với thị trấn nông thôn bé nhỏ Snowtown. Trước mắt, sự kiện này dẫn đến sự bùng nổ kinh tế ngắn hạn bởi những người tò mò như tôi tìm đến để nhìn tòa nhà ngân hàng ở một nơi chả có gì thú vị và hẻo lánh như thế này. Một hình thức di lịch mới xuất hiện: “du lịch đen”. Vài doanh nghiệp địa phương bắt đầu sản xuất và buôn bán đồ lưu niệm, áo thun và nam châm tủ lạnh có lời nói xúi quẩy, hình ảnh và câu khẩu hiệu chơi chữ về việc sử dụng những chiếc thùng đó. Chết chóc và án mạng có sứ quyến rũ khó tả đối với con người. Chuyến tham quan về tội ác được tổ chức ở mỗi thành phố trên toàn nước Úc và được ưa chuộng không kém những chuyến tham quan về ma quỷ. Những sự kiện ác nghiệt nhắc lại quá khứ đen tối của đất nước chúng ta và hầu hết các quốc gia khác đều có. Tuy nhiên, ngoài những vị khách vãng lai có hứng thú khác thường kia thì mùi vị chết chóc vẫn làm ô uế thị trấn một cách dai dẳng, cùng kí ức tồi tệ về những thứ cảnh sát tìm được trong kho tiền của ngân hàng bỏ hoang. Vào năm 2011, người dân địa phương đề xuất đổi tên thị trấn Snowtown thành Rosetown để không còn chút dính dáng gì đến vết nhơ từ vụ án tai tiếng “Xác chết trong những chiếc thùng”. Vào ngày 19 tháng Năm năm 2011, bộ phim Snowtown dựa trên những vụ án mạng kể trên được trình chiếu khắp nước Úc. Nó tập trung vào tự truyện bán hư cấu, miêu tả quá trình lớn lên đầy bất hạnh của John Bunting khiến hắn trở thành kẻ giết người hàng loạt. Vào năm 2012, Broughton Star - tờ báo duy nhất trong vùng - đóng cửa, như thể thị trấn tự cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. Chẳng còn gì hay để xem nữa đâu các bạn, đi tới chỗ khác thôi. Vậy, câu hỏi khiến tôi quan tâm là khoảng 20 năm sau sự kiện tai tiếng đó, hiện tại tâm trạng của những người dân ở thị trấn Snowtown như thế nào. Để tìm ra câu trả lời, tôi đã liên hệ từ một nơi rất xa tới Hội đồng khu vực Wakerfield (bang Nam Úc) để nhận được phản hồi từ họ. Tôi nhanh chóng nhận được câu trả lời từ một nhân viên tốt bụng như sau: “Cảm ơn thư điện tử mà anh đã gửi. Sự kiện này là một chuyện kinh khủng đối với cộng đồng chúng tôi. Người dân thị trấn Snowtown không hề thích bàn tán hay hâm nóng lại câu chuyện cũ này. Những vụ án mạng đó không làm tổn hại thân thể một người dân nào nên họ chỉ muốn sự việc đó đi vào dĩ vãng.” Thế nên, tôi quyết định tự mình tìm hiểu. Một đối tượng cũng đã hỏi một câu tương tự và nhận được câu trả lời, đó là đài truyền hình quốc gia, mạng ABC (Tổng công ty Phát thanh Truyền hình Úc). Cơ quan này cử phát thanh viên đến để đánh giá tâm trạng của người dân thị trấn bằng cách trò chuyện với họ. Kết quả là có một bài viết được (Daniel Keane và Patrick Martin) đăng trực tuyến vào năm 2019 với tựa đề “Life after Death: Dark Tourism and the Future of Snowtown2”. 2. Tạm dịch: Sự sống sau cái chết: Du lịch đen và tương lai của thị trấn Snowtown. Thuật ngữ “du lịch đen” là một hiện tượng mới được phân loại gần đây. Mặc dù hiện tượng này đã xuất hiện một khoảng thời gian nhưng nó vẫn chưa chính thức được công nhận. Du khách tìm đến hình thức di lịch này với mong muốn tới thăm những nơi xảy ra sự kiện khủng khiếp hoặc xấu xa. Những nơi như vậy toát ra đôi chút u tối và hấp dẫn khách du lịch ở một mức độ nhất định. Một vài ví dụ nổi bật hơn cả là trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), nhà máy điện Chernobyl (Ukraine), vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima (Nhật Bản), Tòa tháo đôi - sự kiện ngày 11 tháng Chín đầy ám ảnh ở New York. Không cần phải giải thích gì thêm về những địa điểm này, bởi những sự kiện đã xảy ra mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của mọi người. Trong bối cảnh cụ thể ở Úc, vụ thảm sát tại thị trấn Port Authur, bang Tasmania là một hiện trường giết người rải rác kinh hoàng. Chỉ riêng vụ này đã khiến cho quyền sở hữu súng bị cấm ở Úc. Ngoài ra, còn có vụ án giết người hàng loạt do “Kẻ sát nhân ba lô” Ivan Milat thực hiện ở Belanglo State Forest, bang New South Wales. Và bây giờ là vụ án ở thị trấn Snowtown. Điều đáng nói ở đây là thái độ của người dân xứ chuột túi đối với quyền sở hữu súng trái ngược với “văn hóa súng đạn” đã ăn sâu vào xã hội xứ cờ hoa. Không có một tổ chức vận động hành lang nào ở Úc tương tự như Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) ở Hoa Kỳ. Trên thực tế, sau cuộc thảm sát ở Port Authur, bang Tasmania vàn năm 1996, chính quyền Úc phải hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội của dư luận đối với quyền sở hữu súng. Và làn sóng này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ trên khắp cả nước, với sự đồng thuận của mọi chính quyền tiểu bang và vùng lãnh thổ. Hiện tại, quyền sở hữu súng bị nghiêm cấm chặt chẽ đối với những nông dân dùng súng đạn để kiểm soát sâu bọ và chim gây hại ở các khu vực hẻo lánh. Kể từ sau khi xảy ra vụ thảm ọ g y ạ ự y ụ sát Port Authur và ngay cả khi tôi viết những dòng chữ này, không hề có một vụ xả súng nòa ở Úc. Cho dù vài người dân địa phương mong muốn phá hủy tòa nhà ngân hàng bỏ hoang cũ kỹ ở thị trấn Snowtown, nhưng cho đến nay nó vẫn tồn tạo trên đường Fourth. Trong suốt năm 2019, thị trấn Snowtowm có rất nhiều cuộc tranh luận công khai rằng liệu có nên thực sự thử thu lợi từ “vết nhơ” này hay không. Trong khi nhiều người dân muốn chôn vùi quá khứ và mặc kệ nó, những người khác lại có quan điểm trái ngược. Họ cho rằng dù muốn hay không thì cái tên Snowtown sẽ luôn gắn liền với vụ án “Xác chết trong những cái thùng”, và họ nên dựa vào đó để kiểm lợi. Thế nên, người dân đã biến tòa nhà ngân hàng bỏ hoang thành viện bảo tàng rùng rợn và là nơi lưu trữ các dụng cụ giống với hung khí trong vụ án. Hiển nhiên, họ bày bán, kinh doanh tất cả các mặt hàng lưu niệm liên quan đến vụ án. Nhiều người lí luận, “Sao lại không chứ?” Khu Whitechapel - một nơi bị bỏ quên ở East End, Lodon - mãi mãi bị vấy bẩn bởi những kí ức về tên sát nhân Jack đồ tể (Jack the Ripper). Người dân ở đây đã kiếm được rất nhiều tiền trong hàng thập kỉ nhờ vào sự thật kinh hoàng này. Hầu như mỗi đêm, hàng chục chuyến tham quan Ripper “cày nát” con phố cổ East End, người người đi lại chật như nêm. Họ đi theo từng bước chân của những người phụ nữ xấu số đã kết thúc sinh mạng dưới lưỡi dao của kẻ đồ tể. Tôi đã tham gia chuyến tham quan này và cực kì thích nó. Người ta vẫn giữ quan điểm trái ngược rằng những sự kiện xảy ra tại thị trấn Snowtown vẫn còn là những kí ức bi thảm đối với nhiều người (mặc dù trong đó có nhiều người không thực sống ở thị trấn). Ngoài ra, việc đào lại quá khứ bằng hình thức du lịch đen có thể làm suy nhược tinh thần của gia đình, bạn bè và những người thân yêu của nạn nhân. Đây cũng là một quan điểm công bằng và cần được cân nhắc. Điểm khác biệt rõ ràng giữa thị trấn Snowtown và khu Whitechapel là không ai “buôn bán” thần thoại về kẻ đồ tể mãi cho đến khoảng một thế kỉ sau sự kiện xảy ra vào năm 2018. Chẳng còn một ai liên quan đến vụ án vẫn sống để đau khổ cả. Trong một báo cáo khác phát sóng trên truyền hình vào tháng Năm năm 2019, đài ABC đã nói chuyện với một số cư dân mới và cư dân cũ để đánh giá ý kiến của họ về ảnh hường của vụ án mạng đối với thị trấn. Một cá nhân lên tiếng rằng những nhà sản xuất bộ phim dựa trên sự kiện thậm chí đã không tham khảo ý kiến của cộng đồng địa phương trước khi sản xuất bộ phim. Điều này chỉ càng bêu xấu thị trấn và gây tổn thương cho những người dân ở đây. Thị trấn Snowtown đã phải hứng chịu gấp đôi bất hạnh khi nơi này mang dấu ấn của hiện trường vụ án giết người hàng loạt kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Úc dù thực sự có một vụ án mạng diễn ra ở đây, tám cái xác khác được chuyển đến và sau đó bị phát hiện. Bunting chuyển đến một thị trấn hẻo lánh cùng với những cái thùng, vừa lúc bị cảnh sát “thu lưới”. Những cái thùng đó có thể bị phát hiện ở rất nhiều địa điểm khác nhau, nhưng sự thật là vụ án này được phá ở thị trấn Snowtown sẽ ám ảnh người dân nơi đây mãi mãi. Thị trấn Snowtown được thành lập vào năm 1878 với mục đích chính là cung cấp nông sản - ngũ cốc, len và gia súc. Thị trấn nằm trên đỉnh của một mỏ muối gần hồ Bumbunga. Giống như nhiều vùng quên nông thôn khác, thị trấn cũng chịu ảnh hưởng từ cơn suy thoái kinh tế. Đến năm 2020, thị trấn Snowtown phải đương đầu với sự suy giảm kinh tế dai dẳng và kết quả là dân số giảm dần do lớp trẻ phải “tha phương cầu thực”. Hiện nay, thị trấn đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi người dân phải quyết định liệu họ có nên mạo hiểm trục lợi từ quá khứ đen tối của thị trấn để có thể tìm được một tương lai tươi sáng hơn hay không. Vấn đề bắt nguồn từ khoảng cách thời gian gần của những tội ác mới đây. Chỉ trong vòng 20 năm nữa, có lẽ với thị trấn Snowtown thì còn quá sớm, nhưng Jack đồ tể, trại tập trung Auschwitz, vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và cả nhà máy điện Chernobyl sẽ chìm vào quá khứ. Mỗi ngày, rất nhiều khách du lịch đen làm xáo trộn cuộc sống của những người dân địa phương còn lại. Những vị khách này đi dạo trên con phố chính của thị trấn, lướt qua tòa nhà ngân hàng và chụp hình tự sướng, y hệt như những gì tôi đã làm 20 năm về trước. Vấn đề đặt ra với bản thân người dân không phải là ngăn du khách đến đây tham quan mà là liệu họ có thể thu được tiền khi du khách đến đây hay không. THẢM KỊCH Ở POSORJA: KHI “CÔNG LÝ CỦA NHÂN DÂN” HÓA SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG. Tom Larsen Trong sự xung đột giữa phương thức đấu tranh đòi công lý có từ hàng thế kỉ và tốc độ kích động của đại chúng trên mạng xã hội lan nhanh đến đáng kinh ngạc, một nhóm người đã dùng lối hành hình kiểu lynch3 với ba người dân vô tội bằng cách thiêu và đánh đập họ cho tới chết. Tội ác này khiến một thị trấn yên tĩnh và một thành phố thanh bình quay cuồng với những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống trong thế kỉ XXI. 3. Là lối hành hình của bọn phân biệt chủng tộc Mỹ đối với người da đen. Vào ngày 16 tháng Mười năm 2018, một thảm kịch tàn nhẫn đã xảy đến với hai người đàn ông và một người phụ nữ trong làng chai Posorja (Ecuado) yên ắng. Ba nạn nhân cũng là ba tên đã cướp đồ của hai người phụ nữ địa phương. Mọi chuyện kết thúc chỉ trong vài giờ, sau khi một đám đông gồm 2.000 người dân phẫn nộ xông vào đồn cảnh sát, lôi ba nạn nhân ra và xử tử chúng ngay trên đường. Mạng xã hội phán cho ba người này án tử bằng cách khiến mọi người ngộ nhận chúng là những kẻ ấu dâm đã đánh thuốc và lạm dụng một đứa trẻ địa phương. Nó kích hoạt “công tắc công lý nhân dân” truyền thống, khiến đám đông áp đảo lực lượng cảnh sát vũ trang, gieo rắc cái chết và sự hủy diệt trước khi quân đội kiểm soát được họ. Câu chuyện phức tạp đến ớn lạnh này bắt đầu từ vài tháng trước. Ngày định mệnh ấy xảy ra khi hai người phụ nữ đưa con đi học ở trường học địa phương. Bên ngoài khuôn viên trường học, một người phụ nữ tiếp cận và thuyết phục họ mua một chiếc nhẫn với giá rẻ. Cả hai người mẹ đều từ chối và rồi họ bị đánh thuốc mê scopolamine4- một loại bột không mùi, không vị và được bào chế từ hoa của cây borrachero. Scopolamine khiến nạn nhân tạm thời “trở thành thây ma” và hoàn toàn phó mặc số phận cho kẻ thủ ác. Vì vậy, loại thuốc mê này là công cụ gây án phổ biến của bọn tội phạm khắp Colombia, Ecuador và Peru. Không có gì lạ khi nạn nhân tỉnh lại sau vài giờ mê man và phát hiện họ bị cưỡng hiếp, tiền trong tài khoản ngân hàng không cánh mà bay, hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng, họ bị mất một hoặc vài cơ quan nội tạng. Tội phạm có thể bỏ thuốc vào đồ ăn hoặc thức uống, còn trong trường hợp này, chúng “phả” thuốc vào mặt nạn nhân. 4. Là một loại thuốc mê có mức độ dược hóa cao, có thể xóa trí nhở và làm con người mất ý thức tạm thời. Hai gã đàn ông xuất hiện và ép hai người phụ nữ đó lên xe taxi. Nạn nhân bị đưa đến một công viên ở địa phương, nơi họ bị cướp 200 USD (đơn vị tiền tệ chính thức ở Ecuador là USD) cùng hai chiếc điện thoại di động. Tuy nhiên, một trong hai nạn nhân chỉ bị ảnh hưởng nhẹ từ thuốc và chạy thoát được. Cô gọi điện báo cảnh sát và họ bắt được ba tên tội phạm khi chúng rời thị trấn. Nhân dạng của từng tên: Tonny Mauricio Pareja Valladares (44 tuổi), Jackeline Cecibel Mero Figueroa (35 tuổi) và Ronald Gustavo Bravo Rosado (25 tuổi). Cả ba được đưa đến Đơn vị Cảnh sát Cộng đồng ở địa phương (UPC). Chúng được cho tạm trú đến khi chuyển đến đơn vị tư pháp Playas - nơi xử lý những tội phạm có tính chất tương tự. Nhưng chỉ trong vòng vài giờ, chúng đã chết. Ngôi làng Posorja nằm cách Guayaquil - thành phố lớn nhất ở Ecuador - về phía nam 120km. Nơi này có con sông Guayas rộng lớn, trôi lững lờ, đổ ra vịnh Guayaquil. Dân số ở Posorja chỉ khoảng 11.000 người, nhưng vào buổi chiều hôm đó, một tội ác đã đánh thức cảnh đánh cá đang ngủ yên - một tội ác khủng khiếp sánh ngang với bất kì chuyện gì có thể xảy ra ở bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giời. Những tài khoản mạng xã hội kích động một đám đông người dân địa phương rằng từng có những đứa trẻ bị đánh thuốc (hoặc theo một số tin đồn, chúng đã bị giết) và họ xông vào tòa nhà UPC. Đám đông kéo hai gã đàn ông và một phụ nữ ra khỏi đồn, dùng thanh sắt và đá lấy từ chỗ nứt của vỉa hè đề đánh ba người cho đến chết. Hậu quả của cuộc hỗn chiến là năm viên cảnh sát và hai người lính bị thương; một xe taxi, một xe cảnh sát và năm xe máy bị thiêu rụi; còn đồn cảnh sát tan hoang đến nỗi không thể sử dụng được nữa. Hơn nữa, sự việc này thoạt đầu có vẻ kỳ lạ, bởi đã là thế kỷ XXI mà vẫn tồn tại đám đông dùng lối hành hình kiểu lynch với tội phạm để đòi lại công lý. Mặc dù cả ba nạn nhân đều có tiền án, nhưng chúng không hề phạm phải một tội ác tày trời đến nỗi bị xử tử vào một buổi chiều ấm áp và nhiều mây như vậy. Người phát ngôn của sở cảnh sát cho biết, “Vụ cướp vẫn còn nhiều nghi vấn và cuối cùng, nó lại trở thành thảm kịch. Các nghi phạm đang bị tạm giữ tại đồn cảnh sát để chờ chuyển đến Guayaguil thì một đám đông tụ tập bên ngoài và hét lớn ‘Giết chúng, thiêu chúng’.” Càng về chiều, nhóm người càng đông. Cuối cùng, họ đập vỡ cửa ra vào và cửa sổ của đồn cảnh sát rồi kéo các nghi phạm ra ngoài. Theo lời nhân chứng, nhóm đàn ông và phụ nữ đeo mặt nạ và mặc áo sơmi đã lột quần áo, đánh và thiêu chết các nghi phạm. Trong khi đó, những kẻ cướp phá đã khoét lỗ trên mái nhà và tường của đồn cảnh sát để tìm đường vào. Cảnh phục và những trang thiết bị, đài radio, đạn được và kể cả máy điều hòa nhiệt độ biến mất ngay trước mũi của đám người quá khích. Những người lính ở căn cứ quân đội gần đó được điều động tới để hỗ trợ cảnh sát, nhưng họ lại đến sau khi các nghi phạm đã bị giết vài phút. Sao chuyện này lại xảy ra như vậy? Đầu tiên, có một khái niệm phổ biến ở xã hội Ecuador là công lý của người dân bản địa (justicia indígena). Năm 1998, khái niệm trên được công nhận và hợp pháp hóa trong hiến pháp Ecuador, nhưng thông lệ này đã có từ hàng thế kỷ. Khi người Tây Ban Nha xâm chiếm Ecuador vào thế kỷ XVI, họ không đối xử với người dân bản địa như con người, mà gần giống như súc vật. Người dân Ecuador bị bắt đi nô dịch và phải phục vụ cho lợi ích của những kẻ xâm lược (conquistadores). Việc người dân chống trả cũng có thể hiểu được, nhưng bất hạnh thay, vũ khí của người Tây Ban Nha tối tân hơn so với vũ khí thô sơ của người bản địa. Những người may mắn thoát khỏi cuộc tàn sát cũng nhanh chóng bị khuất phục và bắt làm nô lệ. Một nhóm người - chủ yếu ở những vùng xa xôi của dãy núi Andes hoặc rừng rậm Amazon - cực kì hung hãn và cứng cỏi nên họ không chịu khuất phục. Phần lớn người Tây Ban Nha phớt lờ họ và tiếp tục công cuộc chiếm phần còn lại của Ecuador làm thuộc địa bằng phương thức cực kỳ tàn bạo nhưng hiệu quả. Sau cuộc bầu cử của vị tổng thống theo chủ nghĩa dân túy Rafael Correa, những thay đổi mới nhất của hiến pháp Ecuador được thông qua vào năm 2008. Những thay đổi đó tiếp tục củng cố tư tưởng về quyền tự trị và quyền của người dân bản địa. Thành viên của nhóm người dân bản địa rõ ràng được phép trừng phạt những kẻ phạm tội bằng công lý của người bản địa, nhưng trong giới hạn cho phép. Giết người, cưỡng hiếp, bắt cóc và cướp có vũ khí sẽ bị chính quyến địa phương truy tố. Đối với những tội ít nghiêm trọng hơn, hình phạt thường là “ném đá hội đồng”. Có lẽ, tội phạm sẽ bị đánh bằng cây tầm ma hoặc nhánh cây, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, tội phạm sẽ bị trục xuất khỏi cộng đồng. Ở Ecuador, chỉ 7-10% dân số thực sự là thành viên của một trong 28 nhóm người dân bản địa. Thế nên, thật đáng ngờ khi nói có ai trong số 2.000 người bạo loạn vào buổi chiều hôm đó là người bản địa. Ngay cả khi họ thật sự là người bản địa thì rõ ràng họ cũng đã phạm luật. Hơn nữa, nếu bạn có dịp trò chuyện với người dân địa phương ngày nay, hơn một năm sau, bạn hầu như chẳng nghe thấy gì về cách xử phạt tội phạm theo hình thức tàn ác này. Một người dân tên Julio Parrales cho biết, “Posorja là một thị trấn thanh bình”. Nhưng anh ấy cũng nói thêm, “Người dân phản ứng thô bạo bởi vì họ chán nản khi xã hội có công lý cũng như không. Đó chính là lí do vì sao người dân muốn tự tay giải quyết những vấn đề này.” Những bài báo và nghiên cứu đã lên tiếng về vấn đề gây tranh cãi này, nhưng trong một phát biểu ngắn gọn của mình, Senor Parrales đã xác định rõ ràng cốt lõi của vấn đề. Người Ecuador không mấy tin tưởng vào cảnh sát hoặc hệ thống tư pháp. Hằng ngày, họ nhìn thấy và chịu đựng sự thờ ơ, thiếu nănglực cùng cảnh tham nhũng của chính quyền. Như đã được đề cập ở trên, cựu Tổng thống Correa hiện đang sinh sống ở Bỉ. Chính quyền đã ban hành lệnh bắt giữ ông về tội tham nhũng nếu ông quay trở lại Ecuador. Còn vị Phó Tổng thống Jorge Glas, hiện đang bị giam giữ trong tù vì tội nhận hối lộ hàng triệu USD Mỹ để giúp Odebrecht - một tập đoàn khổng lồ ở Brazil - giành được những hợp đồng xây dựng béo bở. Tham nhũng được xem như một sự thật bất hạnh trong cuộc sống ở Ecuador và tất nhiên, cách một cá nhân nhìn nhận vấn đề có mối liên quan chặt chẽ với tình hình kinh tế - xã hội của người đó. Có thể phần nào khẳng định những thành viên trong đám người dùng lối hành hình kiểu lynch với những tên tội phạm đó nằm ở dưới đáy xã hội. Trong suốt mười năm qua, sự mất lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp đã dần khiến cho khái niệm “Công lý của người dân bản địa” biến thành “Công lý truyền thống” hoặc “Công lý của nhân dân”. Và những giới hạn được đề cập ở trên cũng theo đó mà không còn hiệu lực nữa. Tội phạm xe máy rất phổ biến ở Ecuador.Khi gây án, một hoặc hai tên thực hiện hành vi ăn cướp ngang nhiên trên đường, đôi khi chúng đe dọa nạn nhân bằng súng và tẩu thoát bằng xe đạp có gắn động cơ nhỏ. Trong nhiều vụ án, người dân nhanh chóng hành động và tóm được nghi phạm. Họ đánh chúng và đốt phương tiện gây án trước khi chúng có thể rời khỏi khu dân cư. Khi cảnh sát đến nơi, họ chỉ tìm thấy một chiếc xe máy cháy đen và có lẽ vẫn còn đang bốc khói, cùng với một vài tên trộm lơ ngơ, máu me lem luốc. Những người dân trong khu vực nhanh chóng rút về nhà và trả lại không gian được một “bức tường im ắng” bao phủ. Điều này khiến cảnh sát gặp khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, trong việc lập hồ sơ vụ án (giả sử họ muốn làm vậy). Người dân không quan tâm nhiều đến vậy, bởi trong tâm trí của họ,hung thủ đã bị trừng phạt thích đáng. Chắc bạn đang nghĩ, “Chuyện này hay thật đấy, nhưng làm thế nào mà tội ác tưởng chừng như vô hại như trộm 200 USD và hai chiếc điện thoại di động, kể cả đánh thuốc mê nạn nhân, lại dẫn đến vụ ba nghi phạm bị sát hại tàn nhẫn trước sự chứng kiến của tất cả cảnh sát địa phương?” Câu trả lời nằm ở sự xung đột giữa những quan niệm về công lý có từ hàng thế kỷ và tốc độ lan truyền nhanh đến chóng mặt của công nghệ hiện đại. Mạng xã hội nhanh chóng lan truyền tin đồn về một trong những đứa trẻ bị bắt cóc đã chết vì ăn phải chất scopolamine. Mặc dù hai đứa trẻ đều không thực sự bị đánh thuốc hay bị tổn hại theo bất kỳ hình thức nào, nhưng tin đồn đã làm dấy lên lửa giận trong lòng người dân bản địa. Hơn nữa, họ vốn đã không còn tin vào cảnh sát và cơ quan tư pháp địa phương. Người phụ nữ gọi điện báo cho cảnh sát đầu tiên (tên thật đã được giấu đi để bảo vệ sự an toàn của cô ấy) sau đó đã thay đổi tình tiết của câu chuyện trong biên bản báo cáo giữa đêm với cảnh sát. “Tôi đến trường với con gái, bạn tôi và con gái của cô ấy. Có hai người tiếp cận chúng tôi. Chúng cố gắng thuyết phục chúng tôi mua một chiếc nhẫn giả. Sau đó, chúng đánh thuốc chúng tôi, chúng tôi như bị bùa. Chúng tôi đi đến một nơi, tôi không biết làm thế nào mà chúng tôi đến đó được. Chúng đưa tôi vào một chiếc xe, nhưng tôi đã thoát ra ngoài và chúng rời đi. Chúng trộm điện thoại di động của tôi và của bạn tôi cùng một chút tiền. Lúc đó, chúng tôi rất sợ hãi nên đã có hiểu lầm gì đó. Tôi không biết, nhưng bọn trẻ không lên xe. Người ở trên xe là tôi.” Cảnh sát nhanh chóng hành động để tóm gọn các nghi phạm trong vụ hành quyết tội phạm không qua xét xử. Họ đã nghiên cứu những đoạn băng video về cuộc xung đột và cử các điều tra viên mặc thường phục cùng những đơn vị cảnh sát đặc biệt tới vùng lân cận (barrios) của Posorja, El Morro và Playas. Vào sáng ngày 18 tháng Mười, chưa đầy 48 tiếng sau khi vụ việc xảy ra, tướng Tannya Varela cho biết 8 nghi phạm đã bị giam giữ và được chuyển đến Guayaquil để thực hiện một “cuộc điều trần” (tương tự như phiên luận tội hoặc phiên xử sơ bộ ở hệ thống tư pháp Hoa Kỳ). Chiều hôm đó, Thẩm phán José Ortega đồng ý với yêu cầu của công tố viên và tất cả 8 nghi phạm bị giam giữ phòng ngừa (để không cho phạm tội nữa) với tội danh giết người. Theo Điều 140 của Bộ luật Hình sự Cơ bản của Ecuador (COIP), người bị buộc tội giết người phải chịu mức án 22 đến 26 năm tù. Văn phòng công tố cũng mở cuộc điều tra đối với ba cá nhân khác về tôi xúi giục, trộm cắp, đốt phá và hủy hoại tài sản công cộng. Cuối cùng, hai người phụ nữ là nạn nhân của vụ trộm sáng hôm đó và cũng là người đầu tiên báo cảnh sát đã được ghi danh vào Chương trình Bảo vệ Nạn nhân và Nhân chứng của Bộ trưởng Tư pháp sau khi nhân được lời dọa giết từ người thân của những người đã khuất. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Maria Paula Romo phát biểu trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình rằng, “Những chuyện đã xảy ra không thể nào chấp nhận được. Không thể biện minh một vụ dùng lối hành hình kiểu lynch với tội phạm kết thúc bằng cái chết của ba người. Vụ đó sẽ phải bị truy cứu và về điểm này, có 8 người bị giam giữ.” Bà Romo tiếp tục cảnh cáo người dân nên tránh lan truyền thông tin sai sự thật. Bà nói, “Chúng ta lo lắng cho tình trạng của con trẻ và sự an toàn của chúng, nhưng chúng ta phải hành động có trách nhiệm.” Cảnh sát địa phương biện hộ cho hành động của họ hoặc cho sự lơ là của họ trong cuộc bạo động. Một sĩ quan cho hay, “Chúng tôi không có thiết bị chống bạo động và gần như không có đủ lực lượng sĩ quan để chống lại 2.000 người dân đang bị kích động. Chúng tôi hoàn toàn bị lấn át. Tôi rất lo cho mạng sống của mình và đồng nghiệp.” Gia đình của những nạn nhân không hài lòng với lời nói hay hành động của sở cảnh sát. Một người thân của người đã khuất lên tiếng, “Đám cảnh sát có đủ thời gian để yêu cầu quân tiếp viện, nhưng họ đã không làm như vậy. Có một đoạn video mà người ta nghe thấy họ nói rằng, ‘Đám người này sẽ thiêu bọn chúng’. Vậy tại sao họ không gọi quân tiếp viện sớm hơn?” Một trong ba nạn nhân trong vụ hành quyết tội phạm không qua xét xử là người phụ nữ tên Jackline Figueroa. Cô bị sát hại, bỏ lại 5 đứa con. Những người thân của cô cho biết cả ba người bị bắt vào giữa trưa nhưng gia đình không nhận được thông báo và chỉ biết mọi chuyện thông qua mạng xã hội. Cho dù người ta có giữ khư khư quan điểm về vấn đề công lý tự xưng ở bất cứ đâu, nhưng rõ ràng những gì đã xảy ra ở Posorja vào một buổi chiều ấm áp và nhiều mây của tháng Mười năm 2018 là một thảm kịch. Vậy thì, làm thế nào mà mọi chuyện lại hóa sai lầm nghiêm trọng như vậy? Câu chuyện bắt đầu trước đó hai tháng. Vào ngày 16 tháng Tám, cô bé Kerly Loor (13 tuổi) mất tích. Theo tuần báo tin tức Vistazo, Gloria Bones - mẹ cô bé - đã đến đồn cảnh sát địa phương. Một sĩ quan đăng ảnh của cô bé lên trang Facebook của sở cảnh sát để yêu cầu mọi người cung cấp thông tin. Chỉ trong vòng vài tiếng, bức ảnh đã có hàng nghìn lượt chia sẻ. Sau khi đăng thông báo trên, một người phụ nữ báo là đã nhìn thấy đứa trẻ trong công ty của một thanh niên ở Barrio Cristo Vive. Người phụ nữ nói rằng thanh niên đó là người mới đến khu này và người dân địa phương nghĩ anh ta là một nhân vật đáng ngờ. Senora Bones trình tên của thanh niên đó lên UPC ở địa phương. Họ nói với cô rằng anh ta có tiền án hiếp dâm trẻ vị thành niên. Phía cảnh sát hứa sẽ “xem xét kỹ”, còn người mẹ quẫn trí quay về nhà chờ đợi. Khoảng hai giờ sáng, người mẹ nhận được một cuộc điện thoại từ cô con gái. Cô bé nói, “Mẹ ơi, con bị j lạc. Con không biết con đang ở đâu nữa.” Kết nối bị ngắt và người mẹ phát điên lên. Cô lại đến đồn cảnh sát nhưng họ chỉ nói rằng họ không có thiết bị phù hợp để truy ra cuộc gọi đó. Họ bảo cô đến văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp ở Guayaquil. Sau hai lần dành cả ngày đi ngược đi xuôi tìm con mà không có kết quả, Senora Bones đã rất sốc và đau khổ khi nghĩ đến việc phải đến đó thêm một lần nữa. Người mẹ khóc mà không kìm được nước mắt, đến nỗi một trong những sĩ quan đã tự mình gọi điện cho một người đồng nghiệp ở Guayaquil. Người đồng nghiệp truy ra cuộc gọi đó ở một trạm xe bus thuộc thị trấn Chone (tỉnh Manabi), cách phía bắc 330km. Người ta tìm thấy cô bé trong trạm xe bus, bị mất phương hướng và hình như bị đánh thuốc mê. Kì diệu thay, cô bé có thể thoát khỏi người bắt mình và gọi điện cho mẹ. Tuy nhiên, không thấy bóng dáng kẻ bắt cóc đâu. Vài tuần sau, trong khi Kerly vẫn đang vật lộn để vượt qua những ám ảnh của vụ bắt cóc đó, người ta thấy thanh niên kia xuất hiện tại một vùng lân cận ở Posorja. Người mẹ lập tức đến đồn cảnh sát nhưng họ nói rằng nếu cô bé không còn bị người thanh niên đó bắt giữ thì họ cũng không thể làm gì được. Kerly bị suy nhược thần kinh và được gửi đến sống với người thân ở một thị trấn khác, trong khi mẹ cô bé nức nở vì thống khổ và tuyệt vọng. Thanh niên khả nghi đó bắt đầu nhận được lời dọa giết và không lâu sau, anh ta rời thị trấn. Một thời gian ngắn sau, một bé gái ở vùng địa phương lân cận khác bị đánh thuốc mê và bị bắt cóc. Người ta tìm thấy cô bé ở trong trạm xe bus tại Loja, cách phía đông nam 500km. Không rõ thủ phạm này và kẻ bắt cóc Kerly có phải cùng là một người hay không, bởi cảnh sát không mở cuộc điều tra chính thức nào. Lý lẽ của họ là gì? Họ không bắt được thủ phạm “đang thực hiện hành vi phạm tội”. Một thành viên của hội đồng quản trị địa phương cho biết, “Không hề có tòa án hay văn phòng Bộ trưởng Tư pháp ở Posorja. Một người dân phải mất cả ngày để có thể đến Guayaquil. Ở đây, mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook, là cách duy nhất để thông báo một vụ bắt cóc trẻ em hoặc những tội ác nghiêm trọng khác. Đừng biến mạng xã hội thành thứ xấu xa chỉ bằng cách nói nó lan truyền tin giả.” Bất hạnh thay, đó chính xác là những gì đã xảy ra. Trong hai tháng mạng xã hội xôn xao với những hình ảnh giả mạo của nghi phạm trong vụ án của Kerly Loor. Và dường như có thể tìm thấy hình ảnh của tất cả những đứa trẻ được truyền đi khắp thị trấn, nếu chúng đi học về muộn vài phút. Vào buổi sáng tháng Mười định mệnh đó, một người dân đang trong trạng thái cảnh giác cao độ đã phản ứng nhanh chóng với tin tức về vụ đánh thuốc mê và trộm cướp. Không biết bằng cách nào mà mạng xã hội dấy lên tin đồn về một đứa trẻ có liên quan trong vụ này. Có lẽ vì vụ việc xảy ra trước trường học, hoặc cũng có lẽ vì người ta biết hai người phụ nữ thường đưa con đến trường vào thời điểm đó. Nhưng một khi tin đồn bắt đầu bùng lên thì không tài nào khống chế nổi. Tin đồn lan nhanh khắp những khu chợ, cửa hàng (tiendas) và quán cà phê ở địa phương như một loại virus lan nhanh và lây nhiễm từ người sang người. Mọi người đột ngột dừng bước giữa lề đường bởi bọ đang chăm chú nhìn vào điện thoại để cập nhật thông tin mới nhất. Tin tức về ba nghi phạm bị bắt giữ khiến người dân nhẹ nhõm, nhưng ngay sau đó họ cảm thấy tuyệt vọng. Những sự việc đã xảy ra không chỉ trong hai tháng vừa qua, mà cả quãng đời của người dân khiến họ không thể tin cậy lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp được nữa. Chính tay họ sẽ giải quyết những vấn đề này. Câu chuyện kết thúc không có hậu. Tại sao lại thành ra như vậy? Vào ngày 14 tháng Mười năm 2019, vài ngày trước khi tròn một năm sau khi vụ việc xảy ra, Thẩm phán Odalis Ledesma tuyên án 11 người có liên quan đến vụ việc. 7 người trong số đó lãnh án 34 năm tù vì tội giết người, trong khi 4 người còn lại là đồng phạm nên bị kết án 17 năm tù. Dường như không một ai cảm thấy hung thủ thực sự phải trả giá cho tội ác của mình. Bà Maria (không phải tên thật của bà ấy) - mẹ của Ronald Bravo - giám hộ 4 đứa con gái (15 tuổi, 11 tuổi, 5 tuổi và 2 tuổi) của anh và Jackline Figueroa. Mặc dù Maria sống ở Guayaquil, nhưng bà quyết định cho 4 đứa trẻ tiếp tục sống tại nhà riêng của chúng ở Posorja. Bà hi vọng môi trường quen thuộc xung quanh có thể giúp chúng bớt tổn thương. Dì của Maria đã chuyển đến sống cùng bọn trẻ, còn bà đến thăm chúng vào cuối tuần. Tất nhiên, bọn trẻ vẫn không tránh khỏi những thương tổn và mất mát. Maria nói, “Bọn trẻ nhìn thấy cha mẹ chúng bị nhóm người đó tra tấn trong những video trên mạng xã hội. Bọn trẻ biết ba mẹ chúng ra đi như thế nào.” Chính quyền đã cử một nhân viên xã hội thường xuyên đến nhà thăm nom 4 cô gái để theo dõi sự phát triển của chúng. Maria cố gắng hết sức vì lợi ích của 4 đứa cháu, nhưng đôi khi điều đó thật khó khăn. Bà rất nhớ những cuộc trò chuyện thường xuyên với con trai. Trong điện thoại, bà cũng giữ 37 tin thư thoại cuối cùng của con trai. Bà nghẹn ngào trong nước mắt, “Tôi cố gắng kìm nén không nghe chúng, nhưng vào ngày sinh nhật của thằng bé, tôi lại không kìm lòng được.” Những hình phạt nghiêm khắc của thẩm phán đưa ra vẫn không làm bà Maria thoải mái. Bà cho rằng kẻ sát hại Ronald vẫn còn tự do. Bà nói, “Trong video, bạn có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt của kẻ đã giáng cho con tôi một đòn chí tử. Tôi sẽ mãi không bao giờ quên khuôn mặt hắn.” Một bức ảnh chụp con trai và con dâu của bà được đóng khung,treo trong phòng khách nhà bà, với dòng chú thích, “Chúng con sẽ yêu thương bọn trẻ và chúng sẽ mãi trong tim chúng con.” Mauricio Pareja để lại đứa con trai 18 tuổi tên Israel (tên thật đã được giấu đi để bảo vệ sự an toàn của anh ấy). Israel bị bại não và phải ngồi xe lăn. Anh được mẹ - tức là vợ cũ của Mauricio - chăm sóc. Có vẻ như dù Mauricio có vướng vào bất kì vấn đề pháp lý nào đi nữa thì anh vẫn là một người cha tốt. Mayra (không phải tên thật) nói, “Mauricio lo tất cả thuốc men cho thằng bé. Anh ấy đến thăm và đưa thằng bé đi dạo mỗi ngày. Hai cha con rất thích bóng đá và xem những trận bóng cùng nhau. Israel cổ vũ cho đội áo vàng, còn Mauricio cổ vũ cho đội áo xanh dương”. Barcelona (áo vàng) và Emelec (áo xanh dương) là hai đối thủ lâu năm ở vùng Guayaquil địa phương. Mayra có một đứa con gái riêng 10 tuổi. Cô làm công việc lắp ráp đồ thủ công bằng bìa cứng tại nhà. Ngoài thu nhập ít ỏi của mình, cô còn nhận được khoản hỗ trợ 240 USD/tháng của chính phủ cho người khuyết tật, nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ. Một hộp thuốc giãn cơ cho Israel có giá gần 200USD và dùng hết trong hơn hai tuần một chút. Cả Maria và Mayra cho biết khoảng thời gian nhập học của bọn trẻ là lúc khó khăn nhất. Maria phải đưa 4 đứa cháu đi học ở một trường công. Chất lượng giáo dục ở những trường công tại Ecuador cực kì tệ. Ngay cả những người dân nghèo khổ nhất cũng sẽ chắt chiu và dành dụm tiền để con cái họ có thể học ở một trường tư. Mayra phải nhận tiền từ thiện để có thể mua đồng phục và đồ dùng học tập cho cô con gái. Theo luật sư Roberto Malagón, thẩm phán đã ra lệnh cho mỗi người trong số những người bị kết án phải bồi thường 15.000USD, nhưng quyết định này vẫn chưa bao giờ chính thức có hiệu lực. Vì vậy, Maria và Mayra phải chờ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ María Paula Romo bảo vệ cho những hành động của cảnh sát trong sự kiện xảy ra vào ngày 16 tháng Mười năm 2018. Trong buổi phỏng vấn vài tuần sau đó, bà phát biểu, “Chúng tôi đã thực hiện tất cả những thủ tục hợp lệ. Sự kiện đó là một tình huống không thể lường trước được.” Khi được hỏi tại sao Bộ Nội vụ không công khai số liệu thông kê tội phạm đối với từng thị trấn nhỏ để có thể sử dụng hiệu quả những nguồn lực, bà Romo nói rằng bà đang làm việc để thay đổi hệ thống, nhưng sau đó, bà nhanh chóng có tuyên bố khó hiểu và mang tính tư lợi, “Công việc song phương cần đặc biệt lưu ý về mặt trách nhiệm. Khi những số liệu này được sử dụng với mục đích gây xôn xao dư luận, sẽ có xung đột như sự kiện ở Posorja tái diễn. Chúng tôi quan tâm đến việc công bố số liệu một cách thích hợp. Kể từ khi tôi làm việc tại Bộ Nội vụ, chúng tôi cam kết sẽ hợp nhất dữ liệu để đánh giá mức độ của những cuộc xung đột trong khu vực, ví dụ như số lượng cuộc gọi mà ECU 911 nhận được.” Phần lớn những lời của bà Romo bị cộng đồng phớt lờ. Hơn một năm sau, rất khó để tìm được vật chứng về những gì đã xảy ra vào cái ngày tồi tệ đó ở Posorja. Trước đồn cảnh sát, một người phụ nữ ngồi trong xe hơi bán giày, thu hút một hàng dài những người mua sắm trước dịp Giáng Sinh. Một người đàn ông sửa xe máy bên lề đường trước một cửa hàng bán đồ phụ tùng. Một con chó đen bé nhỏ nằm mơ màng trong bóng râm của hộp dụng cụ điện, tránh cái nóng giữa trưa. Đội tàu đánh cá cập bến và những người bán hàng bán tôm tươi, sò ốc và các đù vàng; trong khi những con chim cốc biển tập trung trên cao và sà xuống để gắp lấy “miếng mồi lạc bầy”. Nhưng ký ức về ngày đó không bao giờ hiện hữu nữa. Jefferson Paéz - một lính tuần tra trẻ tuổi - nhớ lại cách mà anh ta và những sĩ quan đồng nghiệp lúc đầu chỉ đơn giản là khóa cửa đồn cảnh sát khi đám đông bắt đầu tụ tập. Anh ta và đồng nghiệp cứ nghĩ đó chỉ là một cuộc biểu tình phản đối khác (chuyện này xảy ra thường xuyên ở khắp Ecuador). Anh nói, “Đám đông đó ném xăng vào cửa ra vào và châm lửa. Khi tấm kính vỡ tan, họ xông vào và đưa tù nhân đi. Những tù nhân không ở trong phòng giam. Họ thậm chí không bị còng tay bởi đang chờ để được chuyển tới Guayaquil.” Vì cấp bậc thấp nên Jefferson không được mang theo súng ngắn bên mình. Khi sự việc xảy ra, anh ngồi co rúm sau bàn làm việc và nhìn người bạn thân nhất (cũng là một lính tuần tra) bị một người dân dùng thanh sắt đánh vào sau đầu. Những gì xảy ra vào buổi chiều hôm đó là một thảm kịch và có người hi vọng rằng mọi người sẽ rút ra được những bài học từ sự kiện đó. Thật không may, họ đã lầm. Phong tục “Công lý của người dân bản địa” hoặc “Công lý của nhân dân” hoặc bất cức tên gọi nào, tồn tại trên khắp Châu Mỹ Latinh. Cả Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đều không truy cứu những hành động hành quyết tội phạm không qua xét xử này. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2015 của Viện Thống kê Quốc gia (INE) chỉ ra rằng những vụ việc tương tự ở Guatemela và Bolivia (hai quốc gia có dân số bản địa chiếm đông nhất) đã tăng gần gấp 10 lần từ năm 2004. Mexico và Peru cũng có mức tăng rõ rệt. Nghiên cứu tiếp tục cho thấy Colombia và Ecuador - hai quốc gia từng đứng đầu hoặc gần đầu danh sách - hiện nay đã có những cải thiện đáng kể, nhờ vào “lực lượng cảnh sát phản ứng kịp thời và những hình phạt nghiêm khắc.” Thế nhưng, người dân Ecuador vẫn không tin vài các nghiên cứu học thuật và thống kê dữ liệu, cũng như hệ thống tư pháp. Tiếng ồn của động cơ xe ôm 125 phân khối vang lên. Edison Segreda đã kể một câu chuyện tương tự xảy ra mới đây trong một thị trấn nhỏ trên bán đảo. Anh kể rằng một thanh niên cố trộm một chiếc xe bán tải và bị bắt. Sau đó, thanh niên này bị đưa đến một con đường đất bên ngoài thị trấn và bị sát hại dã man. Chi tiết cụ thể về tội ác này vẫn chưa được xác minh, trên thực tế có thể là nó không xảy ra. Tuy nhiên, Edisong tin rằng vụ việc đó không được xác minh và điều đó cũng chẳng có gì sai. Anh nói, “Đám cảnh sát lười biếng, ngu ngốc và tham nhũng. Cho đến khi điều đó thay đổi…” Anh ta nhún vai, duỗi hai bàn tay, ngửa chúng ra trước mặt. Tại buổi lễ tưởng niệm ba nạn nhân, mục sư Fausto Gonzaléz đứng trên bục giảng kinh, đọc lớn bản báo cáo số vụ án chưa được giải quyết trong khu vực, bao gồm cả những vụ bắt cóc trẻ em. Gonzaléz nói, “Ở đất nước này, người dân không tin tưởng chính quyền sẽ thực thi công lý, mà chính những người dân đau khổ sẽ làm điều đó.” CẬU BÉ SÁT NHÂN . CL Raven Năm 1921, trong khi hầu hết các cậu bé ở độ tuổi 15 nếu không đến trường, đi làm phụ giúp gia đình thì cũng đi chơi với bạn bè, riêng Harold Jones lại dần trở nên “nổi tiếng” vì đã sát hại hai cô gái nhỏ. Harold sinh vào tháng Một năm 1906 ở Abertillery - một thị trấn khai thác mỏ nghèo nàn ở xứ Wales - cách phía bắc thủ đô Cardiff 22km. Hắn là con trai cả trong gia đình có 4 người con. Năm 1843, ngành công nghiệp chủ yếu xuất hiện ở thị trấn và mỏ than sâu đầu tiên của khu vực ở trang trại Tir Nicholas, khu vực Cwmtillery. Abertillery phát triển nhanh chóng, từ một thị trấn nông nghiệp thành một trung tâm của vùng khai thác than miền năm xứ Wales. Theo cuộc điều tra năm 1901, dân số ở đây gần 22.000 người và lên đến gần 40.000 người vào những năm 1930. Cũng như những người đàn ông khác trong khu vực, ông Philip - cha của Harold - là một thợ mỏ và mẹ hắn làm công việc nội trợ. Ở trường, Harold rất được mến mộ. Hắn rất giỏi thể thao và mong muốn trở thành một tay đấu quyền anh chuyên nghiệp. Hắn dành phần lớn thời gian rảnh để đọc sách hoặc chơi đàn organ tại những buổi lễ nhà thờ. Hồ sơ của hắn không hề giống với những trường hợp thường thấy trong tuổi thơ của những kẻ lớn lên sẽ giết người. Hắn không tra tấn động vật, không đốt lửa và không đái dầm. Hắn cũng không bị cha mẹ lạm dụng hay bị bạn bè bắt nạt. Hắn như bao cậu bé bình thường khác, có bạn bè, công việc và bạn gái. Năm 14 tuổi, hắn thôi học và làm việc tại cửa hàng Mortimer - một cửa hàng buôn bán dầu và hạt - gần nơi hắn sống. Hắn đi làm để hỗ trợ tài chính cho gia đình. Điều này rất phổ biến ở những thị trấn khai thác mỏ nhỏ bé tại xứ Wales - một nơi có cuộc sống khó khăn và tiền bạc khan hiếm. Harold là một người rất đúng giờ, làm việc chăm chỉ, có thể tự mình quản lý cửa hàng và được khách hàng yêu mến. Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng hắn là một nhân viên hoàn hảo. Nhưng hắn có một mặt tối. Vào ngày 5 tháng Hai năm 1921, Frederrick (Fred) George Burnell sai cô con gái Freda Burnell (8 tuổi) đến cửa hàng Mortimer để mua túi hạt vụn và hạt gia vị gia cầm. Nhà Burnell ở số 9 phố Earl, cách cửa hàng Mortimer ở số 90 phố Cwm (bây giờ là phố Somerset) chưa đến 350km. Cô bé rời đi lúc 9 giờ 05 phút sáng và lẽ ra nên về nhà sớm. Khi đã qua một tiếng mà cô bé vẫn chưa về nhà, cha mẹ cô bé rất lo lắng nên đã đi tìm. Họ đến cửa hàng Mortimer đầu tiên vì đó là nơi cuối cùng mà người ta nhìn thấy cô bé. Harold Jones nói với họ là cô bé đến cửa hàng lúc 9 giờ 05 phút sáng. Hắn bán một túi hạt gia vị gia cầm cho cô bé, nhưng cửa hàng không còn túi hạt vụn, chỉ có hạt vụn lẻ. Vì vậy, Freda đã đi về để hỏi cha cô bé xem hạt vụn lẻ thì có đủ không. Không ai nhìn thấy cô bé nữa. Fred Burnell đến gặp người rao mõ. Người này báo tin cô bé mất tích cho cảnh sát lúc 1 giờ chiều. Đồn cảnh sát cách cửa hàng gần 40m. Đến 3 giờ chiều, cảnh sát mở một cuộc tìm kiếm người mất tích. Harold thuật lại những lời mà hắn nói cho cha mẹ Freda với cảnh sát. Vào buổi tối, cảnh sát đến rạp chiếu phim và yêu cầu họ chiếu mô tả hình dáng của Freda. Nội dung phần mô tả như sau, “Ở lần cuối cùng được người ta nhìn thấy, cô bé đội một chiếc mũ bằng xéc màu đỏ và vành mũ bằng vải nhung màu xanh dương, mặc một chiếc áo khoác màu nâu, váy lộn màu xanh dương có sọc trắng, áo nịt len màu nâu, quần áo may liền nhau kiểu mới [quần áo lót thời Victoria gồm áo lót dây dính liền với quần lót dài], chân mang tất đen và ủng đen cài cúc. Tóc của cô bé được cột bằng mảnh vải sờn. Cô bé đeo một chiếc túi nhỏ màu chocolate bằng da của Hoa Kỳ, rộng hơn 30cm và bên trong túi khá sâu. Cô bé có làn da hồng hào, đôi mắt xanh dương và mái tóc màu nâu sáng. Cô bé trông nhỏ người hơn so với tuổi và nặng khoảng 22kg.” Những người tình nguyện nhận đèn từ thợ mỏ than để hỗ trợ tìm kiếm cô bé. Một vài nhân chứng đến và nói rằng họ nhìn thấy Freda vào buổi sáng hôm cô bé mất tích. Bà Mary Ann Wiltshire sống ở số 141 phố Somerset nói rằng khi bà đang sửa đồ đồng trên bậc cửa thì thấy một cô gái nhỏ mặc quần áo giống như những mô tả về Freda, đi ngang qua nhà bà. Cô bé mỉm cười và đi tiếp. Anh Charles Edward Betts (24 tuổi) là thợ làm bánh ở số 20 phố Duke. Từ 9 giờ 05 phút đến 9 giờ 10 phút sáng, anh dắt ngựa và xe đẩy từ chuồng ngựa của khách sạn Cwn trên đường Alexandra tới đường Cwn Cottage. Đang đi trên đường Cwn Cottage, anh gặp Freda trên lề đường đối diện với sảnh Drill, hướng về phố Somerset. Anh biết Freda và chào bằng biệt danh mà anh đặt cho cô bé, “Chào Jenny Maud.” Cô Doris Hathaway, người giúp việc của cửa hàng Mortimer, nói với cảnh sát lúc 9 giờ 15 phút sáng, cô la to xuống tầng dưới với Harold rằng có một vị khách đến cửa hàng, là cô bé Freda. Sau khi Freda rời cửa hàng thì cô cũng không còn thấy bóng dáng của cô bé nữa. Thi thể của Freda được tìm thấy vào ngày hôm sau. Chủ nhật, ngày 6 tháng Hai, Edward Thomas, người trông coi chuồng ngựa ở mỏ than, rời nhà ở số 7 phố Duke lúc 7 giờ 20 phút sáng. Anh đi bộ qua con đường nhỏ giữa phố Duke và đường Pantypwdyn thì thấy thi thể của Freda trong một bao tải để ở ngõ hẻm phía sau số 19 phố Duke, cách cửa hàng Mortimer chưa tới 300m. Rõ ràng hung thủ không hề muốn giấu xác. Edward gõ cửa nhà số 17 và nhờ Samuel Harding canh xác trong lúc Edward đến đồn cảnh xác. Harding đi theo Edward đến đồn cảnh sát. Đó là con đường đất rộng, tách biệt với phố Duke bởi bức tường đá khô thấp. Hàng rào bằng dây tạo thành vách ngăn với phía bên kia, phía sau hàng rào là cánh đồng dốc dẫn đến đường Pantrypwdyn. Cảnh sát trưởng Henry Lewis, Trung sĩ Arnold, Trung sĩ Jones cùng hai Hạ sĩ Cox và Tucker đến hiện trường trong vài phút. Họ đưa xác Freda về nhà, cách hiện trường 100m. Đội ngũ khám nghiệm tử thi gồm Tiến sĩ Thomas Edward Lloyd ở thị trấn Abergavenny, Tiến sĩ Simon Simons ở Abertillery và Tiến sĩ Thomas Baillies Smith - Giám đốc y tế của thị trấn Abertillery. Cô bé chết không phải do tai nạn. Cổ của cô bé bị siết bằng dây thừng và đầu bị chấn thương nặng. Hai cổ chân bị cột lại, khuỷu tay bị trói sau lưng và cô bé bị bịt miệng. Freda bị “xâm hại tình dục”, có nghĩa là kẻ giết cô bé cũng là kẻ cưỡng hiếp cô. Dù kẻ giết Freda là ai thì hắn cũng muốn cô bé đau khổ để thỏa mãn thú vui của hắn. Họ dự đoán thời gian tử vong của cô bé là từ 9 giờ 30 phút sáng đến 1 giờ chiều, cùng ngày cô bé mất tích. Họ tìm thấy vỏ hạt bắp trên người cô bé và trong bảo tải. Cảnh sát khám xét khu vực, bao gồm nhà kho gần đó của cửa hàng Mortimer. Bên trong nhà kho, họ tìm thấy một chuồng gà với vỏ hạt bắp vương vãi khắp mặt đất, khăn tay của Freda và bao tải cất chiếc rìu dùng để đánh gục cô bé. Cùng với thi thể của Freda, mọi bằng chứng đã quá rõ ràng. Chiếc khăn tay sau đó được xác minh thuộc về cô bé Doris Ivy - em gái của Freda. Freda mượn nó vào buổi sáng cùng ngày cô bé mất tích. Nhà kho chắc chắn là hiện trường án mạng. Thị trấn chìm trong cú sốc. Một đứa trẻ bị giết hại dã man là chuyện chưa từng xảy ra ở thị trấn Abertillery. Người duy nhất có chìa khóa nhà kho là chủ cửa hàng - Herbert và Rhoda, cùng với Harold. Nhân chứng nói rằng họ không thấy Harold trong khoảng thời gian từ 9 giờ 15 phút đến 9 giờ 40 phút sáng. Hai người bạn của Harold là Levi Meyrick và Francis Mortimer (con trai của Herbert và Rhoda) nói rằng lúc 10 giờ 20 phút sáng ngày 5 tháng Hai, Jones nói với họ rằng hắn cần khóa cửa nhà kho và rủ họ đi cùng. Tuy nhiên, khi cả ba đến gần nhà kho, Harold khăng khăng đến đó một mình. Họ đi qua con đường nhỏ và phát hiện một bao tải nằm trên mặt đất. Họ nói Harold đã kiểm tra và đá vào bao tải đó. Chẳng phải lúc đó xác của Freda ở trong bao tải sao? Nếu vậy, chuyện này xem ra trơ trẽn và đáng lo ngại đến không ngờ. Harold là người cuối cùng nhìn thấy Freda và hắn có chìa khóa nhà kho nên hắn bị bắt và giam giữ ở đồn cảnh sát Abertillery cho đến khi tiến hành cuộc điều tra. Vào ngày tổ chức tang lễ cho Freda, Chuẩn tướng Thomas Cloud - chỉ huy quốc gia của Đội quân Cứu tế - đến viếng trong chốc lát bên ngoài nhà Freda. Quan tài của cô bé nằm trên chiếc kiệu khiêng trên phố, ở trên quan tài là một vòng hoa tang của cha mẹ cô bé. Ông Cloud nói, “ Quỷ Satan đã hủy hoại người đàn ông gây ra việc này và biến hắn thành một con ác quỷ tồi tệ hơn cả Ác quỷ Gadarene.” (Ác quỷ Gadarene là một linh hồn ô uế chiếm hữu thân xác của một người đàn ông đến từ vùng Gadarenes; khi Chúa Jesu đến gần và hỏi tên hắn, hắn trả lời, “Tên ta là Legion. Bởi vì chúng ta rất đông.” Chúa trừ tà con quỷ đó và ếm vào một bầy heo 2.000 con.) Gần 100.000 người đến xem xếp hàng dài trên các con phố. Đoàn người trong đám rước dài đến 2km và mất 30 phút để đến nghĩa trang Brynithel. Những cửa hàng đóng cửa để mặc niệm. Hội đồng Quận Đô thị Abertillery quyết định tổ chức quyên góp cộng đồng chi trả cho đám tang của Freda. Bia mộ chí của cô bé ghi: Freda, con gái của F & M Burnell, mất vào ngày 6 tháng Hai năm 1921, hưởng dương 8,5 tuổi. Cô bé ra đi để về với Chúa Jesu.Cô bé đang đợi những người thân yêu đoàn tụ cùng mình thêm lần nữa. Trong lúc đám tang của Freda diễn ra, Harold không làm gì cả, sau đó hắn đi chơi billiards ở Sảnh Billiards Preece. Trong suốt cuộc điều tra diễn ra vào thứ Năm ngày 24 tháng Hai, Fred Burnell nói rằng Harold Jones đến nhà thăm ông từ 6 giờ đến 6 giờ 30 phút tối hôm Freda mất tích, để hỏi xem mọi người tìm được cô bé hay chưa. Sau đó, hắn quay lại vào buổi tối và hỏi lại lần nữa. Harold từng sống ở nhà số 5, cách nhà Burnell hai căn và biết Freda, nên Fred cho là Harold có ý quan tâm. Bởi Harold là người giết con gái Fred, nên động cơ của hắn chắc hẳn là khiến Fred đau lòng hơn. Hắn biết cô bé không thể nào còn sống. Vài nhân chứng trong cuộc điều tra đưa ra bằng chứng rằng họ nghe thấy tiếng hét của trẻ con vào ngày Freda qua đời. Ngày mùng 4 hoặc mùng tháng Hai, lúc 9 giờ 30 phút sáng, Fanny Manuel đang ở trong bếp. Cô sống ở căn nhà số 106 phố Princess, cách nhà kho của cửa hàng Mortimer - nơi Freda bị giết hại - hai căn. Cô không thể nhớ thời điểm cô nghe thấy tiếng hét là ngày nào. Nhân viên điều tra nói, “Câu hỏi tiếp theo nghe có vẻ buồn cười, nhưng tôi có lý do để hỏi vậy. Phải chăng tiếng hét mà cô nghe được giống với tiếng của một con gà?” (Những con gà sống trong nhà kho.) Fanny trả lời, “Không thưa ngài, tôi thường nghe tiếng hét của trẻ con và tiếng hét này y như thế, nhưng nó nghe như bị nghẹt.” Edith Evans, sống ở nhà số 10 phố Duke, nói rằng vào Chủ nhật, ngày 5 tháng Hai, lúc 9 giờ 30 phút sáng, cô đang ở sau vườn. Khu vườn này dẫn ra con đường nhỏ giữa phố Duke và phố Princess. Cô nói cô nghe thấy tiếng hét của trẻ con. Cô nghe kỹ thêm vài phút nữa nhưng không có âm thanh nào nữa. Anh thợ mỏ Henry Arthur Duggan (23 tuổi), sống ở số 107 phố Princess, nói rằng vào ngày 5 tháng Hai, lúc 9 giờ 25 phút sáng, anh ấy ở sân sau nhà bắt gà để đưa nó vào bãi rào kín. Anh nghe thấy một tiếng hét ngắn và lớn, rồi đột nhiên tiếng hét tắt hẳn đi như bị nghẹt. Anh nghĩ tiếng hét phát ra từ nhà kho Mortimer ở phía cuối sân nhà anh. Anh áp tai lên cửa sổ bịt kín nhưng không nghe thấy gì nữa. Bằng chứng pháp y cho thấy Freda vẫn còn sống 4 tiếng sau khi bị hành hung. Chắc rằng Duggan đã trải qua một cụ suy nhược thần kinh ngay sau đó. Bà Hannah Evans (72 tuổi) bán nhà và nhà kho cho gia đình Mortimer nhưng vẫn sống trong ngôi nhà đó. Bà nói Harold ở trong nhà kho mỗi sáng từ 9 giờ đến 9 giờ 30 phút để cho gà ăn. Cháu gái Lilian, đến phụ giúp bà vào những ngày thứ Bảy, nói rằng cô thấy Harold Jones rời nhà kho vào thứ Bảy, ngày 5 tháng Hai, lúc 10 giờ 40 phút sáng, trễ hơn một tiếng so với thường lệ. Francis Mortimer thường giúp Harold giao hàng. Họ luôn đưa xe đẩy vào nhà kho, chất đầy thức ăn cho súc vật, sau đó tiếp tục đi giao hàng. Vào ngày Freda bị sát hại, Francis nói rằng Harold đã mở cửa, nhưng chỉ mở he hé, bởi phía trước có một bao tải. Harold tự mình vào nhà kho, lấy khoai tây, chất lên xe đẩy và nói Francis đi trước mà không cần chờ hắn. Điều này rất lạ, bởi họ luôn đi chung. Herbert và Rhoda Mortimer tin là Harold vô tội nên đã nói rằng hắn ở trong cửa hàng và làm ồn, nhưng Harold nói rằng hắn ngồi yên. Rhoda cho biết một vài bằng chứng mà con trai họ đưa ra không đúng sự thật. Chuyện này có vẻ kỳ lạ bởi bà ấy bao che cho Harold nhưng lại nói với cảnh sát rằng con trai mình nói dối. Giấy chứng tử của Freda viết: 1. Nguyên nhân gây ra cái chết của cô bé là do (a) bị cưỡng hiếp hoặc bị cố ý cưỡng hiếp và tổn thương ở âm hộ cùng với màng trinh, (b) bị tổn thương ở cổ và một phần bị bóp cổ, (c) bị thương ở trán, (d) bị sốc thần kinh và sợ hãi. 2. Và cũng nói thêm với các vị bồi thẩm đoàn rằng thủ phạm mà chúng tôi vẫn chưa biết là ai, đã cố ý thực hiện và cố ý sát hại cô bé Freda Elsie Maud Burnell được nhắc đến trước đó. Walter Walters - hiệu trưởng trường Church - nói rằng, “Những giáo viên phụ trách cậu bé [Harold] và bản thân tôi không có gì để phàn nàn về cậu bé cả. Chúng tôi cho rằng cậu bé là một người mẫu mực, lễ phép và có tư cách đạo đức tốt.” Cuộc điều tra bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng Ba. Harold đưa ra bằng chứng, nhưng hắn có vẻ bối rối và có những lời giải thích mâu thuẫn nhau. Nhân viên điều tra trở nên khó chịu và yêu cầu hắn nói sự thật. Harold nói, “Tôi biết mọi chứng cứ đều hướng vào tôi, nhưng tôi không bao giờ làm chuyện đó.” Mặc dù thiếu vật chứng, nhưng cảnh sát hài lòng khi họ đã bắt được kẻ giết người và Harold bị giam giữ đến khi hắn lên tòa vào ngày mùng 5 tháng Tư. Hắn chính thức bị buộc tội giết người, không được bảo lãnh và đưa về nhà tù Usk để điều tra thêm cho đến khi mở phiên xét xử. Vào ngày 2 tháng Sáu năm 1921, phiên xét xử bắt đầu ở Monmouthshire Assizes. Harold Jones không nhận tội. Hắn bình thản và điềm tĩnh khi trình bày trước tòa, ngay cả khi bị thẩm vấn - trái ngược hẳn với thái độ của hắn trong cuộc điều tra. Henry Mortimer nói rằng ông nghe nói Harold và Frencis làm việc trong cửa hàng, sau đó cả hai rời đi giao một bao tải khoai tây cho một khách hàng lúc 10 giờ sáng, rồi quay lại làm cho xong ca. Ông Philip - cha của Harold - nói rằng con trai ông đi làm từ lúc ông xong việc cho đến buổi sáng hôm sau. Câu chuyện này khác hẳn so với những gì mà Levi Meyrick và Francis Mortimer - bạn của Harold - đã nói. Mẹ của Harold đồng tình với lời khai của Philip về bằng chứng ngoại phạm của Harold. Bà nói rằng con trai của họ luôn đối xử lễ độ với các cô gái trẻ. Thậm chí, Harold có một em gái tên là Flossie. Chẳng có vấn đề gì trong cách giáo dưỡng của gia đình hoặc tính cách của Harold ám chỉ hắn có thể là một kẻ giết trẻ con. Sau năm tiếng, bồi thẩm đoàn phán hắn vô tội. Harold sum họp với gia đình trong nước mắt. Sau đó, họ ăn mừng một bữa tại một nhà hàng. Harold ngang nhiên đứng trên bàn và chỉ vào đám đông, “Tôi cảm ơn tất cả mọi người. tôi không hề oán giận người dân thị trấn Abertillery vì những khó khăn mà tôi đã trải qua.” Một kẻ được tuyên trắng án về tội giết người lại hành xử kỳ lạ như vậy. Hắn quay về thị trấn Abertillery bằng một loại xe kéo bằng ngựa, không có mui, được trang trí bằng cờ nhiều màu và hoa diên vĩ. Hắn được chào đón như một người hùng. Người dân của thị trấn Abertillery không tài nào tin được một cậu bé dễ mến ở thị trấn nhỏ này lại nhẫn tâm giết một cô gái. Chuyện này chắc chắn phải do người bên ngoài gây ra, mặc dù không có bóng dáng của một người lạ nào và cảnh sát cũng không tìm được người nào khác. Harold được tặng một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng để ăn mừng hắn được tha bổng. Người hàng xóm George Little nói với Harold, “Tốt lắm chàng trai. Chúng tôi biết không phải cậu làm mà.” Sau đó, George đã hối hận về chuyện này khi Florence - con gái ông - bị sát hại vào 17 ngày sau. Vào ngày mùng 8 tháng Bảy, Harold nhìn thấy em gái của mình - Flossie - đang chơi nhảy lò cò với cô bạn hàng xóm tên Florence Little (11 tuổi). Hắn đưa Flossie tiền để mua một chai nước ngọt có ga ở cửa hàng và dụ Florence vào nhà, nói rằng muốn nhờ cô làm giúp hắn một việc vặt. Nhưng hắn siết cổ Florence, lôi cô bé vào nhà bếp, dùng tấm ván gỗ đánh vào đầu cô bé, sau đó túm tóc Florence và giữ đầu cô bé trên bồn rửa, rồi rạch cổ họng Florence bằng con dao bỏ túi của Philip. Hắn lấy một chiếc áo sơmi quân phục màu xám, quấn đầu và cổ của cô bé trước khi giấu thi thể thiếu vải lên gác mái. Hắn dọn dẹp vết máu trên bồn rửa,tường, sàn nhà và cửa sập gác mái trước khi tự tắm rửa sạch sẽ. Harold rõ ràng là một kẻ giết người vô tổ chức và biết chờ thời. Hắn không hề vạch ra kể hoạch giết người tỉ mỉ nhưng lại hành động nhanh chóng và tàn bạo khi nhu cầu hoặc cơ hội xuất hiện, chẳng hạn như ở một mình cùng một cô gái nhỏ chính là lúc “tâm ma” của hắn trỗi dậy. Lúc 11 giờ 15 phút tối, cảnh sát bắt đầu gõ cửa từng nhà để tìm Florence. Hàng trăm tình nguyện viên, bao gồm Harold và ông Philip - cha hắn - vào rừng và lên núi tìm cô bé. Còn cách nào tốt hơn để xoa dịu nghi ngờ của mọi người bằng việc đi tìm nạn nhân bị chính mình sát hại? Khi cảnh sát hỏi Harold có nhìn thấy Florence không, hắn trả lười rằng cô bé đứng ở trước cửa nhà hắn rồi chạy đi. Hắn đã nói dối với mẹ hắn y như vậy. Ngày hôm sau, lúc 8 giờ sáng, Philip Jones cho phép cảnh sát khám xét nhà. Ông đã nghi ngờ con trai mình, đặc biệt là sau khi ông tạo bằng chứng ngoại phạm giả cho Harold trong án mạng của Freda. Trong khi cảnh sát lục soát nhà của gia đình Jones, Harold lén trốn và đi gặp một người bạn. Cảnh sát phát hiện ra vết máu trên cửa sập gác mái và mở nó ra. Họ phát hiện thi thể của Florence nằm ngang trên xà nhà. Xác cô bé gần như cạn máu. Họ tiếp tục lục soát nhà và tìm thấy một con dao dính máu, một cái chảo chiên trứng chứa nước và máu bên dưới bồn rửa, một tấm ván gỗ dính máu được giấu bên dưới nồi đun và một cái bàn cũng dính máu gần cửa sập gác mái. Mặc dù Harold cố gắng hết sức để xóa sạch tội chứng, nhưng hắn xử lý quá tệ. Lý do có lẽ vì hắn thiếu kinh nghiệm, hoặc hắn quá vội vàng, hoặc hắn bất cẩn. Hành vi giấu xác Florence trên gác mái cho thấy hắn quá non nớt và hấp tấp. Liệu hắn có dự tính di dời thi thể Florence khi giấu xác cô bé ở gác mái? Liệu hắn có hi vọng gia đình không chú ý tới việc hắn giấu xác? Sau khi cảnh xác tìm thấy thi thể Florence, ông Philip đến phố Mitre và bắt gặp Harold đang nói chuyện với người khác. Ông gọi, “Lại đây Sonny. Họ tìm thấy cái xác trên gác nhà mình rồi.” Harold trả lời, “Thưa cha, con không làm.” Philip đáp, “Họ sẽ đổ cho con hoặc cha, hãy đến và đối mặt với chuyện này đi.” Thật kì lạ vì có bẻ ông Philip khá điềm tĩnh về việc một đứa trẻ bị sát hại được tìm thấy trên gác mái nhà mình. Philip Jones đưa Harold về nhà và cảnh sát đã đến bắt giữ hắn. Khi nghe tin hắn bị bắt, một đám đông 500 người tập hợp trước đồn cảnh sát, yêu cầu thả Harold. Họ vẫn không chấp nhận được việc một cậu bé địa phương tốt tính lại làm những việc ghê tởm như thế và họ cáo buộc nhân viên cảnh sát đã gài cậu bé. Cảnh sát trưởng Lewis nói với đám đông, “Tôi đã tìm thấy xác của một đứa trẻ bị sát hại dã man trên gác mái nhà của Harold Jones và tôi bắt giữ Harold Jones. Tôi nghĩ đó là tất cả những gì mà tôi có thể nói với mọi người và việc mà mọi người có thể giúp chúng tôi là giải tán, ai về nhà nấy.” Có tin đồn rằng sau khi Harold được tuyên trắng án về tội sát hại Freda, William Thorne - người được cấp phép kinh doanh khách sạn Lamb - mời Harold đến ăn tối. William bác bỏ tin đồn này. Vài ngày sau khi Harold được tuyên trắng án, Nanny (10 tuổi) - con gái của William - đang đứng bên ngoài khách sạn với hai người bạn là Florence Little và Margaret Simons thì Harold đến bắt chuyện với họ. Cô bé nói rằng Florence băng qua con phố, chỉ vào Harold và nói, “Tôi biết anh giết Freda.” Margaret biết rõ về Freda và Florence, cô bé nói rằng Florence liên tục chế nhạo Harold đã thoát tội sát hại Freda. Phải chăng hắn giết Florence để bịt miệng cô bé? Những người dân còn lại của thị trấn tin hắn vô tội, nhưng Florence thì không. Cuộc điều tra về cái chết của Florence Little bắt đầu từ ngày 11 tháng Bảy. Nguyên nhân cái chết là do vết thương ở cổ bị mất máu quá nhiều. Bà Elsie - mẹ của Florence - khai rằng khi bà gõ cửa nhà gia đình Jones, phải hai phút sau Harold mới mở cửa, hắn lấy lý do đang tắm. Bà cũng hỏi hắn có thấy con gái Flornece của bà không và Harold cười trước khi trả lời, “Florrie có tới đây nhưng cô bé đã đi qua con đường phía sau.” Chắc hẳn bà Elsie đã đến gõ cửa không lâu sau khi hắn giết Florence và rửa sạch đôi tay dính máu, nhưng hắn vẫn đủ bình tĩnh để không khiến bà Elsie nghi ngờ. Cuộc điều tra bị hoãn lại đến ngày 23 tháng Bảy. Sau 30 phút, bồi thẩm đoàn phán hắn phạm tội cố ý sát hại Florence Little. Harold lập tức phản đối và kháng cáo cho sự vô tội của mình. Một lần nữa, hắn bị giam giữ ở nhà tù Usk để chờ phiên xét xử. Tại phiên xét xử, Harold đã nhận tội, mặc dù sau đó thẩm phán nói với hắn, “Khoan nhận tội trong lúc này.” Ngài St. John Gore Micklethwait - luật sư bào chữa cho Harold - đã can thiệp và yêu cầu thẩm phán chấp nhận lời tự biện hộ này. Theo Luật Trẻ em, bằng cách chấp nhận lời nhận tội của Harold, thẩm phán có thể tuyên án giam giữ Harold trong một nhà tù ở Anh. Tuy nhiên, nếu hắn không nhận tội và phiên xử kéo dài qua ngày 11 tháng Một - khi Harold vừa tròn 16 tuổi, nếu bị kết tội giết người, hắn sẽ bị treo cổ. Mặc dù Harold luôn tuyên bố mình vô tội, nhưng hắn phải nhận tội để cứu lấy mạng sống của chính mình. Ông Philip mang một số quần áo của Harold đưa cho cảnh sát. Trong túi quần của hắn có 7 chiếc khăn tay không phải của hắn. Chiếc khăn tay của Freda đã bị bỏ lại ở hiện trường nơi cô bé bị sát hại. Harold dùng khăn của mình tạo thành một sợi dây dài để kéo xác Florence lên gác mái. Cảnh sát hiển nhiên có trong tay nhật kí của Harold, mặc dù trong phiên xét xử, không ai nhắc đến nó. Nhật kí ghi lại rất nhiều tên của những cô gái - chị em Caroline, Maud và Minnie Lowman. Lucy May Malsom - một cô gái 14 tuổi có bằng chứng chống lại Harold trong suốt phiên xét xử vụ án sát hại Florence. Có thể đoán được đây là “danh sách những cô gái nằm trong tầm ngắm” của Harold. Cảnh sát rõ ràng đã hủy cuốn nhật kí. Có vẻ đáng ngờ khi họ lại hủy đi bằng chứng quan trọng mà không trình lên phiên xét xử. Phải chăng những chiếc khăn tay là những chiến lợi phẩm mà Harold lấy từ các bé gái? Có vẻ như người ta quan tâm đến danh tiếng của Harold hơn là vụ sát hại bé gái kinh hoàng. Vào ngày 17 tháng Chín, Harold viết bản thú tội sát hại Florence. “Tôi - Harold Jones - thú nhận rằng vào ngày 8 tháng Bảy, tôi đã cố ý và có chủ tâm sát hại Florence Irene Little, khiến cô bé chết dù chưa sẵn sàng gặp Chúa. Lí do tôi làm vậy vì khao khát muốn giết người.” Phiên xét xử bắt đầu ở Monmouthshire Assizes vào ngày mùng 1 tháng Mười một năm 1921, với sự tham gia của Thẩm phán Bray. Bên công tố cho rằng Harold phạm tội giết người, vì hắn thích thú với cảm giác được chú ý từ phiên tòa trước và được tuyên bố trắng án, cũng như hắn đã cố gắng che giấu bằng chứng trong nhà mình. Điều đó cho thấy hắn biết điều hắn đã làm là sai trái. Phiên xét xử chỉ kéo dài 1 tiếng. Jones bị giam giữ trong một nhà tù ở Anh. Hắn chỉ 15 tuổi - độ tuổi quá trẻ để bị tuyên án tử hình. (Án tử hình bị bãi bỏ ở Anh vào năm 1969, và thời điểm người cuối cùng bị treo cổ là năm 1964). Sau phiên xét xử, một bản thú tội khác được viết trước phiên xét xử, nêu rõ: “Tôi - Harold Jones - vào ngày mùng 5 tháng Hai năm 1921, đã cố ý và có chủ tâm sát hại Freda Burnell ở nhà kho Mortimer. Lí do tôi làm vậy là vì khao khát muốn giết người.” Theo tờ Sunday Chronicle, sau khi Harold bị kết án, ông Philip - cha hắn - nói, “Con trai tôi là một nhà vô địch và tôi cũng thế. Trước khi thằng bé 21 tuổi, nó sẽ được trả về với tôi. Chỉ cần thay tên đổi họ và tìm một nơi ở mới, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi.” Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời, Philip Jones tin rằng con trai mình vô tội hoặc ông chẳng quan tâm con mình có tội. Trong suốt thời gian thực hiện những vụ giết người, Harold đã quan hệ tình dục với Lena (13 tuổi) - cô con gái của nhà Mortimer. Không rõ nhà Mortimer có biết chuyện này không, nhưng chắc chắn nếu họ biết, họ sẽ không giúp Harold tạo bằng chứng ngoại phạm cho vụ sát hại Freda. Trong tù, Harold thú nhận hắn không cần quan hệ tình dục hoặc thực hiện hành vi tấn công tình dục để thỏa mãn tình dục, bởi những hành vi tàn độc và giết chóc cũng đủ thỏa mãn hắn rồi. Người dân thị trấn Abertillery đã sai lầm. Chính một kẻ trong số họ mới là tên sát nhân. Harold Jones bị kết án tù chung thân nhưng được thả sau 20 năm giam giữ, mặc cho lời khuyên của một bác sĩ tâm thần rằng hắn vẫn là một kẻ nguy hiểm. Ngày mùng 6 tháng Mười hai năm 1941, hắn được tha có điều kiện ở nhà tù Wandsworth (London). Hắn gia nhập đội tàu buôn. Sau khi chiến tranh kết thúc, hắn chuyển tới Newport – một thị trấn công nghiệp ở South Wales - cách Abertillery 29km. Hắn hiển nhiên đến thăm cha mẹ, ở nhà họ vài ngày và chơi đàn dương cầm. Vài trang web đưa tin hắn đến viếng mộ những nạn nhân, nhưng chuyện này chưa được xác minh. Người dân địa phương giữ con cái trong nhà cho đến khi hắn rời thị trấn. Vào năm 1948, hắn đổi tên thành Harry Stevens và chuyển tới khu Fulham ở London. Hắn kết hôn, có một cô con gái và sống một cuộc đời có vẻ bình thường như một công nhân sản xuất kim loại tấm, mà không một ai, kể cả vợ hắn, biết hắn đã từng sát hại hai cô bé lúc hắn còn thiếu niên. Ngày mùng 2 tháng Một năm 1971, Harold Jones qua đời ở tuổi 65 vì căn bệnh ung thư xương. Hắn từng làm người gác đêm dưới cái tên Harry Jones, nhưng trước khi chết, hắn nói với vợ mình rằng tên của hắn trên giấy chứng tử phải là Harold Jones. Phải chăng hắn muốn mang tiếng xấu? Hắn được chôn ở nghĩa trang Hammersmith tại London. Không lâu sau khi cô bé Florence Little bị sát hại, Herbert Mortimer bán cửa hàng và chuyển đi nơi khác cùng gia đình. Mặc dù hoàn toàn ủng hộ Harold, nhưng người dân địa phương lại tẩy chay Mortimer vì giúp Harold làm giả bằng chứng ngoại phạm. Mortimer phải đền tội, bởi điều này đã “tiếp tay” cho hắn giết người. Cả hai cô bé bị Harold sát hại được chôn cất ở nghĩa trang Brynithel, dù cho phần mộ của họ đã hư hỏng. Hai người mẹ của Freda và Florence rất khổ tâm trước tình trạng của những ngôi mộ. Vào năm 2018, tác giả địa phương Neil Milkins đã quyên góp 4.000 bảng Anh để trùng tu phần mộ của hai cô bé. Cũng vào năm 2018, trong một bộ phim tài liệu truyền hình của hãng BBC - Dark Son: The Hunt for a Serial Killer5, Giáo sư David Wilson - cựu quản giáo kiêm chuyên gia hàng đầu ở Anh về những tên sát nhân hàng loạt - đã đã ra trường hợp mà Harold Jones cũng phải chịu trách nhiệm - “Những vụ giết người khỏa thân ở Hammersmith” vào những năm 1960. Có sự sai lệch về số nạn nhân bị sát hại. Hầu hết mọi người đều đồng tình rằng chắc chắn có 6 người phụ nữ bị sát hại trong hai năm 1964 và 1965, nhưng những người khác cho rằng 2 vụ án mạng xảy ra vào năm 1959 và năm 1963 do cùng một hung thủ thực hiện. Vụ án năm 1963 chắc chắn có vài điểm tương đồng với những vụ án mạng sau đó. Thi thể của những người phụ nữ được tìm thấy ở sông Thames bị siết cổ và không mặc quần áo. Điều này ợ y g ị g ặ q y khiến cánh báo chí đặt cho tên sát nhân cái tên “Jack lột đồ” (Jack the Stripper). Tên này là tên sát nhân hàng loạt “điên cuồng” mà hiếm người biết đến. 5. Tạm dịch: Đứa con trai tội lỗi: Cuộc săn lùng kẻ sát nhân hàng loạt Trong cùng thời điểm và cùng con phố ở khu Harold sống, một người đàn ông bị tình nghi phạm tội giết người. Những cô gái “ăn sương” đều bị bóp cổ tới chết và bị bẻ răng; còn xác của họ thì bị vứt ở bãi rác hoặc ở sông Thames trong tình trạng khỏa thân. Cùng với Ngài Bernard Knight - cựu chuyên gia Nghiên cứu về bệnh học của Bộ Nội vụ, Trưởng Thanh tra điều tra đã về hưu Jackie Malton và những tình nguyện viên - Giáo sư Wilson tổ chức một cuộc điều tra về những vụ giết người của “Jack lột đồ.” Họ đã lập trụ sở ở một nhà thờ nhỏ tại thị trấn Abertillery. Người dân địa phương kết bạn với họ và kể cho họ nghe hồi ức về Harold Jones và những vụ án mạng. Giáo sư Wilson tin rằng, một khi được thả ra khỏi tù, Harold sẽ tiếp tục giết người. Những vụ án mà hắn thú nhận thực hiện đều giống nhau. Có những bằng chứng gián tiếp khiến người ta tin Harold Jones là kẻ sát nhân: hắn sống cách ba trong số những nạn nhân vài con phố và hắn là một công nhân sản xuất kim loại tấm, vì thế, hắn đã dùng một loại sơn công nghiệp được tìm thấy trên thi thể của bốn nạn nhân cuối cùng. Giáo sư Wilson và nhóm người của ông tìm được con gái của Harold. Cô ấy không biết cha mình thật sự là ai và mô tả Harold là “người đàn ông khiêm tốn của gia đình.” Tính cách trầm lặng và khiêm tốn đã tạo cho hắn cơ hội sát hại hai cô gái và khiến cả thị trấn tin hắn vô tội. Trong loạt chương trình truyền hình Fred Dineage Murder Casebook6, nhà báo kiêm phát thanh viên Dineage, đồng thời là người viết thuê My Story và Our Story về anh em sinh đôi nhà Kray (Anh em sinh đôi Ronnie Và Reggie Kray là những tay xã hội đen khét tiếng nhất ở London vào những năm 1950 và 1960), đã thực hiện một tập phim trong tuyển tập Murder That Shocked a Nation7với tựa đề “Harold Jones: Kẻ giết trẻ em xứ Wales.” Cũng giống Neil Mlikins đã viết vào năm 2011 trong cuốn sách Who Was Jack the Strippers?: The Hammersmith Nudes Murders8, trong tập phim đó, ông cho rằng Harold phải chịu trách nhiệm cho những vụ án mạng ở London. Trong khi Milkins đang nghiên cứu những vụ án mạng ở xứ Wales để viết cuốn sách Every Mother’s Nightmare: Abertillery in Mourning9, ông phát hiện ra rằng Harold Jones đã chuyển tới đại lộ Hestercombe ở khu Fulham vào cuối những năm 1940 và ở đó mãi đến năm 1962 thì hắn biến mất lần nữa. Những người phụ nữ “ăn sương” bị sát hại trong ba năm, cùng thời điểm không ai biết chỗ ở của hắn. 6. Tạm dịch: Fred Dineage: Hồ sơ án mạng 7. Tạm dịch: Những vụ án giết người gây chân động một quốc gia 8.Tạm dịch: Ai là “Jack lột đồ”?: Những vụ giết người khỏa thân ở Hammersmith 9.Tạm dịch: Ác mộng của mỗi người mẹ: Nỗi tang thương ở thị trấn Abertillery Mặc dù cảnh sát đã tra hỏi 7.000 nghi phạm, nhưng họ chưa bao giờ tra hỏi Harold Jones. Liệu họ có biết một kẻ giết người đã bị kết án sống gần đây? Bức ảnh nhận dạng theo sự mô tả của các nhân chứng mà cảnh sát đưa ra có nét tương đồng nổi bật với Harold. Những cô gái “ăn sương” không bị cưỡng hiếp nhưng họ phải chịu bạo hành dữ dội. Vụ án mạng cuối cùng xảy ra khi Harold 58 tuổi, vậy thì lúc đó có phải hắn đã quá già rồi không? Những kẻ giết trẻ em thường không chuyển sang giết người lớn, nhưng có lẽ hắn giết hai cô bé ở thị trấn Abertillery bởi vì lúc đó hắn còn quá nhỏ để chế ngự một người phụ nữ trưởng thành. Liệu hắn đã mắc bệnh ung thư vào thời điểm xảy ra vụ giết người ở London chưa? Nếu vậy, liệu việc chẩn đoán mắc bệnh ung thư có phải là nguyên nhân? Liệu có phải hắn cảm thấy hắn không còn gì để mất? Nếu hắn thực sự mắc bệnh ung thư, hắn sẽ một lần nữa thoát khỏi “sợi dây thòng lọng?, nhưng lần này là cái chết. Tất cả những cô gái “ăn sương” bị sát hại đều có vóc người thấp bé, có lẽ vì vậy mà hắn dễ dàng khống chế họ hơn. Tuy nhiên, cả Freda và Florence Little đều bị thương ở phần đầu, và Florence bị rạch cổ họng. Thật không may, mặc dù vụ án này là một trong những vụ săn lùng thủ phạm lớn nhất trong lịch sử của Scotland Yard, nhưng vẫn chưa giải quyết xong và nhiều bằng chứng đã bị phá hủy hoặc mất đi. Cái tên Harold Jones sẽ mãi mãi khiến người dân thị trấn Abertillery nhớ đến với những kí ức kinh hoàng. Hai cô bé bị sát hại dã man bởi niềm đam mê bệnh hoạn. Với vẻ ngoài đáng tin và dễ nhìn, hắn đã đánh lừa cả thị trấn, khiến họ tin rằng hắn vô tội. Họ không hề hay biết có một con quái vật ở bên cạnh họ cho đến khi mọi chuyện kết thúc trong muộn màng. LẤY MẠNG NGƯỜI CHỈ VỚI MỘT NHÚM THẠCH TÍN GIÁ HAI MƯƠI XU. Edward Butts Tyrell Tilford (35 tuổi) - tài xế xe tải chở rác - sống ở thị trấn Woodstock, bang Ontario – ngã bệnh vào ngày 21 tháng Ba năm 1935. Anh mắc bệnh tim mãn tính từ lâu, nhưng đột nhiên cơn bạo bệnh này bộc phát không sao giải thích được. Vào ngày mùng 1 tháng Tư, anh qua đời. Tiến sĩ Hugh Lindsay viết trong giấy chứng tử rằng nguyên nhân cái chết là viêm cơ tim (chứng sưng viêm cơ tim), trở nặng do bệnh cúm và bệnh vàng da viêm gan (nay được gọi là viêm gan A). Bác sĩ cho rằng không cần khám nghiệm tử thi. Tyrell được chôn cất ở nghĩa trang Hillview ở Woodstock. Bên cạnh phần mộ của anh là cha mẹ già đau khổ - ông James và bà Mary, anh chị - William, Frank, Tom, Edward, Annie, Florence và Agnes, cùng người vợ Elizabeth. Ngoài ra, người hàng xóm William Percy Balke cũng có mặt. Người ta tình cờ nghe được hắn gọi Elizabeth bằng cái tên rất thân mật. Mộ Tyrell vẫn chưa “xanh cỏ” thì tin đồn Elizabeth đã đầu độc chồng mình bắt đầu truyền khắp Woodstock. Những lời đồn hiểm độc truyền từ miệng người này sang tai người kia rằng bà Tilford (Elizabeth) đã không còn tình cảm với người chồng kém mình 15 tuổi vì Tyrell đã hết khao khát. Có nhiều câu chuyện về mối quan hệ giữa Elizabeth cùng những người đàn ông khác và những lời thì thầm về tiền bảo hiểm nhân thọ của Tyrell. Elizabeth được cho là đã tự tin nói với những người phụ nữ khác rằng ả có thể giết Tyrell. Hơn nữa, Tyrell có lẽ đã nói với gia đình mình rằng vợ anh đầu độc anh. Câu chuyện trở nên hiểm ác hơn khi có lời nói bóng gió ám chỉ Elizabeth từng hạ hạ sát hai người chồng trước. Ba tuần sau đám tang của Tyrell, những tin đồn đến tai Luật sư đại diện chính phủ R.N.Ball. Chỉ có những chi tiết vu vơ chứng minh cho tin đồn này và ông Ball có lẽ đã gạt bỏ chúng. Thế nhưng, ông cảm thấy mình có trách nhiệm xem xét vấn đề và liên hệ với Chi nhánh Điều tra Tội phạm của Cảnh sát bang Ontario (OPP) ở thành phố Toronto. Thanh tra E.D.L.Hammond - một trong những điều tra viên giỏi nhất ở OPP - được điều đến Woodstock. Chỉ một vài người được chọn trong thị trấn nhận ra sự xuất hiện của vị thanh tra này. Nhiệm vụ của Hammond được giữ bí mật với mọi người dân, đặc biệt là góa phụ của Tyrell. Elizabeth Tilford sinh năm 1885 ở KayeStockton-onTees và có tên khai sinh là Elizabeth Anne. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ả là với người chồng Fred Yaxley ở tuổi 15. Sáu tháng sau, Yaxley bỏ ả để lấy người khác. Sau đó, Elizabeth kết hôn với anh họ của mình, William Walker, mặc dù cuộc li hôn với người chồng đầu tiên vẫn chưa được luật pháp công nhận. Một khoảng thời gian sau cuộc hôn nhân thứ hai, Fred Yaxley chết. Trong suốt Thế chiến thứ nhất, Elizabeth được đào tạo thành một nữ y tá trưởng. William và Elizabeth di cư đến Canada vào năm 1928 và sinh sống ở Woodstock - một cộng đồng dân cư gồm khoảng 11.000 người và nằm cách phía tây nam Toronto gần 130km. Mặc dù Woodstock có nền công nghiệp đang phát triển, nhưng nó vẫn còn là một thị trấn nông nghiệp, với vị trí ở giữa trang trại có đất đai sụt lở và vùng chăn bò sữa. Lúc Elizabeth và William đến nơi này, ả đã sinh 9 đứa con, nhưng chỉ 4 đứa còn sống. Gia đình của đôi vợ chồng và những đứa con tràn đầy hi vọng về cuộc sống tốt ở một đất nước mới. Thế nhưng, vào năm 1929, William đột nhiên bị mù lòa và không thể làm việc. Cùng năm đó, anh qua đời. Các bác sĩ cho rằng nguyên nhân là do anh có một khối u não. Elizabeth luôn là một tín đồ Cơ đốc sùng đạo. Khi còn ở Anh, ả thường tham gia vào các hoạt động tôn giáo. Trong nhiều năm, ả đảm đương các vị trí như quản lý của một trường Chúa Nhật và đội trưởng của Nữ Thiếu sinh Hướng đạo. Ở thị trấn Wookstock, ả là thành viên dàn hợp xướng của nhà thờ. Cũng chính nhờ dàn hợp xướng này, ả đã gặp người đồng đội Tyrell Tilford và sau này trở thành chồng mình. Lúc đó, anh 29 tuổi, còn ả đã 44 tuổi và là một người phụ nữ trung niên đẫy đà. Vào năm 1930, Tyrell và Elizabeth nên duyên vợ chồng, mặc cho cha mẹ của Tyrell, ông James phản đối cuộc hôn nhân này và không tham dự lễ cưới. Cặp đôi cùng Isabella và John Walker - hai đứa con nhỏ nhất của Elizabeth - chuyển đến một ngôi nhà trong trang trại nhỏ ở ngoại ô thị trấn Woodstock. Cuộc hôn nhân kết thúc với cái chết đột ngột của Tyrell 5 năm sau đó. Vào tối ngày 25 tháng Tư năm 1935, những hành động kì lạ ở nghĩa trang Hillview khiến người dân trong khu vực lân cận hoảng hốt. Họ nhìn thấy những ánh đèn lồng di chuyển giữa những hàng bia mộ và thi thoảng nghe được âm thanh lanh lảnh của xẻng xúc đất. Bí ẩn mãi chưa sáng tỏ cho đến ngày 11 tháng Năm, báo chí đăng tin rằng dưới sự chỉ đạo của Thanh tra Hammond, một nhóm cảnh sát đã khai quật thi thể của Tyrell Tilford và lấy mẫu dịch dạ dày. Nhân viên phòng thí nghiệm ở Toronto phân tích và phát hiện trong đó có một ít thạch tín. Thi thể người quá cố được đưa về mộ phần nhưng lại không được yên nghỉ quá lâu. Câu chuyện trở nên phức tạp bởi trong mẫu phân tích có chất ướp xác. Họ cần làm thêm xét nghiệm nên đã khai quật thi thể thêm một lâng nữa vào giữa tháng Năm. Trong khi đó, trên tờ Woodstock Sentinel Review xuất hiện một tuyên bố khiến thị trấn lao xao. Ông James Tilford chỉa sẻ, “Thằng bé đã đến gặp tôi vào sáng thứ Sáu trước ngày nó mất và nói: ‘Cha, con về rồi đây, con sắp chết rồi. Cả cơ thể con nhiễm thạch tín.’Nó kêu tôi nhìn lưỡi của nó. Nguyên cái lưỡi rách tươm và nổi gân lên hết.” Giáo sư Jocelyn Rogers - nhà phân tích của bang - thực hiện lần xét nghiệm thứ hai để kiểm tra thi thể Tyrell kỹ lưỡng hơn. Ông phát hiện trong lông, tóc, dạ dày, gan, tim, thận và phổi có liều lượng thạch tín nhiều hơn bình thường dùng để giết một người. Nhiêu đây bằng chứng đủ để triệu tập nhân viên mở một cuộc điều tra. Cuộc điều tra bắt đầu vào ngày 6 tháng Sáu và kéo dài hai ngày, với sự có mặt của Tiến sĩ M.M.Crawford - Điều tra viên trưởng của bang. Họ tra hỏi nhân chứng và báo chí liên tiếp trích dẫn những câu nói giật gân. Ông James và bà Mary Tilford đều chứng thực rằng con trai họ có đến nhà và tuyên bố, “Chúng giết con bằng thạch tín. Con sẽ không thể khỏe được nữa. Con bị nhiễm thạch tín nặng lắm.” Hai ông bà Tilford thề rằng Tyrell tố cáo Elizabeth đầu độc mình. Ả từng “giải quyết” hai người chồng trước bằng cách này và anh là người thứ ba. Hai ông bà còn nói rằng khi ả đến nhà, Tyrell đứng trước mặt ả và nói: “Lizzie, cô biết rõ cô đầu độc tôi bằng thạch tín, cô biết tôi sẽ không bao giờ khỏe hơn được và nếu cô muốn cô có thể ở cùng người đàn ông khác.” Hutcheson Keith - một dược sĩ địa phương - chứng thực rằng vào ngày 20 tháng Ba, Elizabeth Tilford gọi điện đến hiệu thuốc và đặt mua thạch tín để diệt chuột. Anh nhận ra ả qua chất giọng Anh bản xứ. Bất kì ai cũng có thể mua thạch tín, nhưng anh có hồ sơ ghi chép những người mua nó. Victor King - nhân viên giao hàng đến nhà Tyrell - nói rằng đứa con gái Isabella (16 tuổi) của Elizabeth nhận gói hàng. Cô bé trả 20 xu và ký nhận vào “cuốn sổ ghi chép những người mua thuốc độc”. Frank Tilford chứng thực rằng nhà của Tyrell chẳng bao giờ có chuột. Edward Tilford nói rằng, trước mặt Elizabeth, Tyrell đã đưa cho anh một cái lọ, yêu cầu anh đem nó đi phân tích và nói, “Em bị đầu độc rồi.” Edward nói với em trai rằng lời nói đo thật khủng khiếp và hỏi Tyrell có bằng chứng không. Tyrell nói trong nhà có những viên thuộc mà Elizabeth đưa cho anh uống. Elizabeth sau đó đã đưa Edward đi lấy gói thuốc trên bàn trang điểm trong phòng ngủ và nói với anh rằng chỗ thuốc này do bác sĩ của Tyrell kê đơn. Khi Elizabeth được yêu cầu cung cấp bằng chứng, ả chỉ nói, “Tôi không có bất cứ lời nào để nói về cái chết của chồng minh. Tôi chỉ có thể nói anh ấy chết tự nhiên thôi.” Việc Elizabeth từ chối trả lời câu hỏi hoặc không thừa nhận lời buộc tội của gia đình người chồng quá cố chỉ càng khiến mọi nghi vấn đổ dồn vào ả hơn. Sau đó, sự xuất hiện của một đại diện từ Công ty bảo hiểm nhân thọ Metropolitan khiến tình hình của ả trở nên tồi tệ hơn. Anh ta nói với ban hội thẩm của điều tra viên rằng ngay sau cái chết của Tyrell, Elizabeth đã đòi tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của chồng mình. Nhưng ả phải thất vọng rồi vì Tyrell đã làm thanh lý hợp đồng, nên ả chỉ có thể đòi được một khoản tiền 309 dollas Canada. Quan điểm tiền có thể là động cơ giết người hoàn toàn phù hợp với tin đồn lan truyền trước khi Tyrell chết. Elizabeth phàn nàn rằng chính phủ đã ngưng gói trợ cấp cho góa phụ mà cô ta được nhận từ cái chết của người chồng thứ hai - William Walker. Ban hội thẩm của điều tra viên đưa ra quyết định rằng Tyrell chết là do bị đầu độc nhưng họ chưa biết ai là thủ phạm. Elizabeth vẫn chưa chính thức bị buộc tội, nhưng Thanh tra Hammond đã không đề cập đến tên ả khi nói với báo chí rằng ông mong sẽ sớm bắt được hung thủ. Trong khi đó, OPP đã khai quật thi thể Walter để phân tích xem thi thể có bị đầu độc bằng thạch tín hay không. Vào ngày 10 tháng Sáu, Thiếu tướng V.O.S. William – Trưởng Chi nhánh OPP – ban hành lệnh bắt giữ Elizabeth Tilford với tội danh giết người. Lệnh bắt giữ được Thanh tra Hammond và Cảnh sát Clack thực hiện lúc 9 giờ 15 phút tối tại Tilford. Trong nhà có Elizabeth cùng các con Isabella, John (10 tuổi), hai đưa con lớn William (22 tuổi) và Norman (26 tuổi). Isabella giàn giụa nước mắt và muốn đi cùng mẹ, nhưng Elizabeth nói cô bé chỉ khiến bản thân lâm vào tình cảnh khó khăn hơn. Ả nói, “Mẹ không có tội và không việc gì phải lo lắng. Mẹ sẽ về trong vài ngày khi mọi chuyện kết thúc.” Ả hướng dẫn con mình đóng cử sau khi đi và nói chúng đừng để bị ai chụp hình. Một đám đông tụ tập khi Elizabeth bước ra khỏi nhà với hai sĩ quan cảnh sát hộ tống hai bên. Đầu ả trùm khăn choàng và ả không nói gì khi bị áp giải vào xe cảnh sát. Một đám người hoang mang nhìn người góa phụ tai tiếng đã qua ba đời chồng. Họ đang chờ ở Tòa án quận Oxford và nhà tù khi Hammond và Rogers xuất hiện cùng tù nhân. Sáng ngày hôm sau, sau sự xuất hiện ngắn ngủi của ả để nghe thẩm phán đọc bản cáo trạng chính thức, Elizabeth được phép nói chuyện với báo chí. Ả nói với một phóng viên ở tờ Sentinel-Review rằng, “Tôi chẳng sợ gì cả. Tôi sẽ bước ra khỏi nơi này với tư cách là một người phụ nữ tự do…Họ có thể nói rất nhiều về một người. Bây giờ họ sẽ chứng minh điều đó…Họ có thể giam tôi ở đây 12 tháng nhưng tôi sẽ sớm trở ra và có tự do.” Một phiên điều trần sơ bộ được tổ chức vào ngày 24 tháng Sáu. Người đại diện của Elizabeth là Frank Regan - Luật sư được bổ nhiệm làm việc cho chính phủ (KC) ở Toronto - một trong những luật sư hình sự nổi tiếng nhất ở Ontario. Người hỗ trợ anh ta là Charles W.Bell - một luật sư hàng đầu khác và cũng là một KC ở Hamilton. Khi bắt đầu phiên điều trần, Elizabeth chắc chắn phải hầu tòa ở Fall Assizws (phiên tòa xét xử tội phạm được tổ chức định kì tại một khu tư pháp), vì vậy Regan và Bell bắt đầu trình bày cơ sở cho lời bào chữa. Lời khai của Isabella dẫn đến một diễn biến thú vị. Cô bé nói rằng chính cô, chứ không phải mẹ mình, đã ra ngoài vào lúc đó, đã gọi điện đến hiệu thuốc và đặt mua thạch tín. Chất giọng Anh bản xứ mà Keith nghe được là giọng của cô. Hơn nữa, Isabella nói rằng cha dượng đã kêu cô gọi điện và dặn cô không được kể với mẹ mình. Isabella nói khi Victor King đến giao hàng, cha dượng đã đưa cô hai hào để trả tiền. Sau đó, cha dượng đem thạch tín đi vào kho để diệt chuột. Cảnh sát trưởng A.T.Moore của lực lượng cảnh sát thị trấn Woodstock phủ nhận lời khai của Isabella. Ông nói rằng khi ông tra hỏi Isabella, cô khai cô không biết ai đặt mua thạch tín. Tuy nhiên, Moore lại không viết lại lời khai của Isabella lúc tra hỏi cô bé, mà ông phải nhớ lại rồi trích dẫn trên tòa. Điều này để lộ khả năng ông không lặp lại chính xác từng câu từng chữ của cô bé. Regan cho rằng chuyện này cũng không có gì lạ, khi một cô bé tuổi thiếu niên sợ sệt và bối rối, nên lời khai có thể không nhất quán trong một tình huống đau thương như vậy. Regan và Bell đưa ra giả thuyết Tyrell Tilford không phải bị sát hại mà là muốn tự tử. Anh tự đầu độc mình, rồi đổ tội cho người vợ mà anh cho là không chung thủy. Họ cho rằng có thể Elizabeth không hề biết trong nhà có thạch tín. Nhiệm vụ của họ là thuyết phục bồi thẩm đoàn. Phiên xét xử bắt đầu vào ngày 24 thánh Chín và kéo dài 9 ngày, với sự có mặt của Ngài Thẩm phán A.C.Kingstone. Công tố viên đại diện cho Chính phủ là Luật sư đặc biệt Cecil L.Snyder. Ông có ý phác họa bị cáo là một người phụ nữ máu lạnh, toan tính, giết người vì tiền. Elizabeth đã bị tòa án dư luận kết tội. Khi những tờ báo đưa tin không có chút thạch tín hay thuốc độc nào khác trong cơ thể William Walker, nhưng hầu hết người dân ở thị trấn Woodstock vẫn cho rằng Elizabeth đã sát hại anh ta. Thành viên nhà Tilford là những nhân chứng chính của Chính phủ. Họ nói Elizabeth có quan hệ với Bill Blake - một người đàn ông giàu có sở hữu hai trang trại. Annie, chị gái của Tyrell khai rằng hai ngày trước khi qua đời, người em trai quá cố đã than vãn với cô chuyện Blake và Elizabeth đã “cãi nhau một trận long trời lở đất” trong chính căn nhà của anh. Người nhà Tilford nói Elizabeth muốn ly thân với Tyrell và ả yêu cầu được hoàn trả số tiền 1.900 dollas Canada mà ả chi cho ngôi nhà. Họ khai rằng ả vẫn cảm thấy chưa đủ khi ả là người duy nhất thụ hưởng di chúc của Tyrell. Họ còn nói ả đã dọa đưa James Tilford ra tòa và “lấy đi từng đồng mà ông ấy có.” William Tilford cho biết anh đã đến nhà Tyrell khi nghe tin em trai mình ngã bệnh trên giường. Cả anh và Elizabeth đều ngồi kế bên giường khi Tyrell nói, “Vô ích thôi Bill. Vợ em đã đầu độc em.” William kể rằng Elizabeth đã đứng dậy và nói với giọng điệu kích động, “Bill, anh có tưởng tượng nổi không? Chồng em cáo buộc vợ mình đầu độc minh đấy!” Sau đó, William trình bày thêm rằng Elizabeth nói nếu Tyrell bị đầu độc thì đó là do anh ta thu gom những cái thùng phuy hóa chất cũ từ một nhà máy địa phương. Annie Tilford khai nhận hai ngày trước khi Tyrell qua đời, em trai cô có đến nhà nhưng bệnh nặng đến nỗi không thể đứng được. Mọi người phải giúp anh nằm lên trường kỷ. Giữa từng đợt vật lộn trong cơn ói mửa, anh cáo buộc vợ đầu độc mình bằng thạch tín. Anh ôm lấy mẹ và muốn một cái hôn vĩnh biệt của mẹ, bởi anh biết mình sắp chết. Sau đó, Annie kể rằng Elizabeth đến nhà, dang tay ôm lấy Tyrell và nói, Anh yêu, anh không nên bỏ em mà đi.” Theo lời Annie, Tyrell đẩy Elizabethra và nói, “Lizzie, cô giết tôi. Cô đã giết ba người, nhưng cô sẽ không giết thêm ai nữa…Khi tôi chết đi, cô có thể ở cùng một người đàn ông khác, đó là Bill Blake.” Elizabeth căm phẫn đáp trả, “Chà, tôi thích điều đó!” Ả đi thẳng đến chỗ điện thoại, gọi cho nhà thuốc và nói với người nhà Tilford, “Bây giờ, mấy người làm chứng nhé.” Ả nói vào điện thoại, hỏi nhà thuốc có bao giờ gửi thạch tín đến nhà ả không. Người nhà Tilford không thể nghe thấy phản hồi từ người ở đầu dây bên kia. Annie cho hay Tyrell nói sau khi anh chết, gia đình hãy đem dạ dày của anh đi phân tích. Cô nói rằng cô đã đề nghị đưa em trai đi bệnh viện, nhưng Elizabeth giậm chân và tuyên bố, “Anh ta sẽ không đi bệnh viện gì cả! Nếu anh ta sắp chết, anh ta sẽ chết tại nhà.” Sau đó, Annie nói Elizabeth bôi cho Tyrell “một ít dầu” và bảo với người nhà Tilford rằng tất cả mọi người có thể đi ngủ. Ả sẽ ngồi trông chồng suốt đêm. Buổi sáng, khi cả nhà thức dậy, Elizabeth và Tyrell đã đi mất. Florence Tilford chứng thực chuyện Elizabeth gọi điện đến nhà vào buổi sáng hôm đó để nói với mọi người rằng ả đã đưa Tyrell về nhà. Buổi sáng hôm tiếp theo, Elizabeth lại gọi điện với thái độ đau khổ tột cùng và nói Tyrell cố siết cổ ả. Sau ngày hôm đó, Elizabeth tiếp tục gọi điện tới nhà Tilford và thông báo Tyrell đã chết. Người nhà Tilford muốn khám nghiệm tử thi nhưng Elizabeth từ chối ký vào tài liệu cần thiết. Hơn nữa, ả còn đe dọa sẽ kiện họ 3.000 dollas nếu họ cố khám nghiệm tử thi mà không có sự đồng ý của ả. Bà Catherine Argent - hàng xóm của Tyrell và Elizabeth - chứng thực rằng sau khi Tyrell chết, bà đã nhận được một bức thư ngắn bí ẩn, cảnh cáo bà không được “làm lớn chuyện này.” Theo hướng dẫn trong bức thư nặc danh này, bà đã đốt nó. Agnes - chị gái của Tyrell - khiến tòa án giật mình khi cô xác nhận trong suốt thời gian canh xác người chồng đã khuất, Elizabeth nói cô ả đã đưa thi thể chồng mình ra khỏi quan tài và kiểm tra. Agnes trích nguyên văn câu nói của Elizabeth, “Tôi đã lấy thi thể anh ấy ra khỏi quan tài. Họ sẽ không lấy thi thể người khác để lừa tôi. Tôi cũng lấy thi thể của người chồng khác ra khỏi quan tài và kiểm tra cái xác của anh ấy nữa…Tôi lật người anh ấy lại. Tôi thấy anh ấy mặc quần lót rồi.” Lời khai sau đó của các thành viên nhà Tilford cho thấy Elizabeth nghi ngờ họ đang cố mổ bụng người chồng đã chết của mình khi anh nằm trong quan tài, ả cho là họ đã lấy mẫu dịch dạ dày của cái xác để đem phân tích. Trong suốt phần lớn thời gian nhân chứng Chính phủ trình bằng chứng, Elizabeth tỏ ra bình tĩnh, mặc dù ả liên tục siết chặt rồi thả lỏng hai tay. Sau đó, trong khi Annie mô tả lần cuối cùng cô nhìn thấy em trai mình còn sống, giọng cô nghẹn ngào vì đè nén những tiếng nức nở, thì Elizabeth đột nhiên bật khóc. Ả dường như mém ngất xỉu. Những người hầu tòa đến đỡ ả và thẩm phán yêu cầu nghỉ giải lao cho đến khi ả lấy lại bình tĩnh. Regan và Bell không gọi bất cứ nhân chứng nào để bào chữa. Họ cũng không có ý định để Elizabeth trình bày trước tòa. Thay vào đó, họ buộc những nhân chứng bên công tố thực hiện đối chất gắt gao. Regan ám chỉ rằng có điều gì đó bất thường trong toàn bộ chuỗi sự kiện xung quanh cái chết của Tyrell do những nhân chứng Chính phủ mô tả. Ông hỏi Annie tại sao cô không gọi báo cảnh sát ngay khi nghe em trai mình nói anh bị đầu độc. Annie trả lời, “Tôi không tưởng tượng được…Tôi không muốn tin em trai mình bị đầu độc.” Mary Tilford chứng thực thông tin Tyrell nói với bà, “Con biết con bị nhiễm thạch tín rồi. Lizzie đầu độc con. Cô ta đã giết hai người chồng và con là người thứ ba, nhưng con chắc rằng cô ta sẽ không giết thêm ai nữa đâu.” Regan hỏi bà Mary rằng bà nghĩ ý của con trai bà là gì khi nói thế. Bà trả lời bà tin ý của con mình là sau khi thằng bé chết, Lizzie sẽ bị “tống vào tù” và không thể đầu độc ai khác nữa. Regan nói, “Khá kì lạ là anh ta có thể tiên đoán được thời gian mình chết, và người ta sẽ tìm thấy thạch tín trong dạ dày anh ta và vợ anh ta sẽ bị tống giam.” Bell khinh khỉnh bác bỏ câu chuyện của Catherine Argent về bức thư ngắn bí ẩn mà bà đã đốt. Bà vốn “nổi tiếng” là người ngồi lê đôi mách và thích xen vào chuyện của người khác. Bell suy luận rằng bà đã dựng chuyện ác ý để đưa tên tuổi của mình lên báo chí. Cảnh sát không tìm thấy chút thạch tín nào trong nhà của Tyrell và Elizabeth. Gói chứa chất độc đã biến mất - có lẽ là bị đốt trong lò bếp. Regan dành ba tiếng tra hỏi Victor King về việc giao hàng và về những cuộc trò chuyện giữa anh ta và Elizabeth, khi anh ta đến nhà trong lúc Tyrell bị bệnh và sau khi Tyrell chết. King dường như không thể nói ra chính xác Isabella trả tiền để nhận và ký tên để lấy thạch tín ở dạng viên nén, viên con nhộng hay bột. Trong suốt cuộc điều tra và khi Snyder tra hỏi, King đã dẫn lời của Elizabeth và câu nói đó cho thấy ả không biết anh giao thạch tín đến nhà. Cả Frank, Tom và Edward Tilford đều thể hiện rằng họ rất nghi ngờ mối quan hệ giữa Elizabeth và Bill Blake. Edward nói Blake đã ở lại nhà cả đêm, trong khi Tyrell nằm bệnh trên giường và liên tục “nhìn trộm Blake qua tấm rèm.” Edward cũng cho biết người em trai quá cố tâm sự với anh chuyện nghe lén Blake nói với ai đó rằng mình đã “ngấm đủ lượng thạch tín đủ để giết chết 20 người.” Tuy nhiên, dưới sự đối chất của Regan, Frank Tilford thú nhận anh và Tom đã “dựng lên” một kế hoạch để tìm xem liệu trong nhà có thạch tín hay không. Họ nói với Elizabeth rằng đã nhìn thấy một con chuột lớn ở ngoài nhà và mong cô đưa cho họ ít thuốc độc để giết nó. Nhưng Elizabeth chỉ đáp nhà không có chuột. Frank nói rằng sau đó anh hỏi thẳng Elizabeth liệu có bất kì chất độc nào trong nhà mà Tyrell có thể “có được” không. Anh trích nguyên văn câu trả lời của Elizabeth, “Không, Frank, không bao giờ có chất độc nào trong nhà cả.” Nhưng Frank đã phủ nhận việc lời khai này có lợi cho động cơ của Elizabeth. Anh cho biết đêm trước ngày đám tang diễn ra, Elizabeth có nói chuyện với anh và đưa anh hai viên thuộc con nhộng. Elizabeth bảo ả muốn anh đem chúng đến Toronto để phân tích. Frank đáp lại là anh không ngu ngốc đến mức cho rằng một người sẽ đưa thuốc độc cho người khác để đem nó đi cho ai đó phân tích. Sau 33 nhân chứng trình bằng chứng và được đối chất, vào ngày 2 thánh Mười, Regan và Bell trình bày trước bồi thẩm đoàn một tình huống Tyrell Tilford có được thạch tín thông qua cô con gái riêng không nằm trong diện tình nghi và anh cố tình đầu độc bản thân. Họ viện dẫn Elizabeth Tilford từng là một y tá ở Anh và cô biết đặc tính của thạch tín: nó tồn đọng trong cơ thể nạn nhân và dễ dàng bị phát hiện bằng phương pháp phân tích y khoa. Họ nói: “Ngay cả khi muốn đầu độc chồng minh, cô ấy cũng không dại gì mà dùng thạch tín.” Bell gán cái mác “ảo diệu” cho những gì nhà Tilford tường thuật về lời Tyrell đã nói. Anh hỏi thẩm phán: “Liệu Ngày có thể tưởng tượng ra một người đàn ông vẫn còn chút tỉnh táo lặng lẽ nằm trong một ngôi nhà có người đầu độc anh ta, mà lại không yêu cầu bác sĩ hay hai anh trai của mình đưa mình đi khỏi đó? Đáp án là gì chứ?…Chỉ có một đáp án duy nhất, đó là anh ta tự đầu độc mình.” Một số bác sĩ trình bằng chứng cho Chính phủ. Dưới sự đối chất, vài người trong số đó không chắc liệu thực sự lượng thạch tín trong thi thể Tyrell có đủ để khirns anh tử vong hay không. Bell nói rằng điều đó có thể. Mặc dù Tyrell đã ăn phải thạch tín, nhưng trên thực tế, Tiến sĩ Lindsay đã ghi trên giấy chứng tử là anh chết vì lên cơn đau tim. “Bài diễn văn đầy tâm huyết” của Bell trước bồi thẩm đoàn kéo dài 3 tiếng. Anh ta chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai của nhà Tilford và nói rằng họ làm vậy là do ảnh hưởng từ lời cáo buộc của Tyrell – người đàn ông đang hấp hối và tràn đầy thù hận trong lòng. Anh ta khinh miệt những kẻ buôn chuyện đã lan truyền tin đồn vô căn cứ rằng bị cáo đã từng sát hại những người chồng trước. Bell nói với bồi thẩm đoàn rằng đừng “hao tâm tổn sức” tin vào những câu chuyện như vậy. Sau đó, Bell giải thích lí do vì sao Elizabeth không ngồi vào ghế nhân chứng. Anh nói, “Tôi không dám thử kéo người phụ nữ đó vào những lời buộc tội cay nghiệt của đám người trên. Bởi vì có ai nỡ để một người vô tội như vậy chịu đựng chuyện này.” Elizabeth liên tục khóc nức nở khi bên công tố và bên bào chữa đọc bản tóm tắt, khi Thẩm phán Kingstone chuyển giao chỉ thị cho bồi thẩm đoàn. Lúc bồi thẩm đoàn vào phòng nghị án để thảo luận, Elizabeth ngã quỵ. Thẩm phán ra lệnh đưa ả vào phòng giam cho đến khi được gọi. Sáu tiếng sau, Kingstone để ý thấy bồi thẩm đoàn đã có quyết định. Một sự im lặng bao trùm cả phòng xử án, khi Elizabeth được đưa trở lại, với sự giúp đỡ của đứa con trai Norman. Thư kí toàn án yêu cầu chủ tịch bồi thẩm đoàn đọc quyết định. Ông trả lời, “Có tội!” Không có đề nghị khoan hồng. Elizabeth khẽ kêu than. Sau khi Kingstone cảm ơn bồi thẩm đoàn đã thực hiện một nhiệm vụ khó khăn và nói với họ rằng thẩm phán đồng ý với quyết định của họ, ông nói với tù nhân: “Bị cáo đã có một phiên xét xử công bằng. Một luật sư có năng lực đã bào chữa cho bị cáo và làm tất cả mọi thứ có thể vì lợi ích của bị cáo. Và bồi thẩm đoàn đã đưa ra quyết định như bị cáo nghe thấy. Tôi nghĩ vào lúc này, mình không cần phải nói thêm lời nào khiến bị cáo thêm lo lắng.” Kingstone sau đó tuyên Elizabeth Tilford án treo cổ ở Nhà tù quận Oxford vào ngày 17 thánh Mười hai. Khi Elizabeth nghe thấy bản án tử hình, ả hét lên, “Thưa quý tòa, điều này không đúng. Giá như tôi có cơ hội trình bằng chứng trước tòa. Oan ức! Oan ức quá! Xin Chúa thương xót cho linh hồn của những người nhà Tilford.” Elizabeth trở nên cuồng loạn khi được đưa ra khỏi phòng xử án. Ngày hôm sau, Regan và Bell nói với báo chí rằng họ dự định sẽ kháng án tử hình. Trong 78 năm kể từ khi Liên bang Canada thành lập, chỉ có 7 người phụ nữ bị kết tội giết người phải chịu hành quyết ở Canada. Regan và Bell nói rằng họ sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn Elizabeth trở thành người thứ 8. Bell thông báo “cuộc đấu tranh cho mạng sống của bà (Elizabeth) Tilford chỉ mới bắt đầu.” Regan đã gửi thông báo đến Tòa phúc thẩm Ontario. Anh ta cho rằng thẩm phán phiên tòa và phụ trách bồi thẩm đoàn đã không đề cập đến sự thật rằng Elizabeth Tilford không phải là người nhận gói hàng thạch tín ở nhà. Anh ta cũng đã quên nói với bồi thẩm đoàn phải cân nhắc khả năng Tyrell Tilford tự đầu độc mình. Những sai sót của bồi thẩm đoàn sẽ là căn cứ để xử lại vụ án. Trong khi đơn kháng cáo đang được xem xét, việc một người phụ nữ bị kết án treo cổ thu hút sự chú ý của công chúng không chỉ ở Canada mà còn ở Hoa Kỳ. Tờ Globe ở Toronto đã phỏng vấn và lấy ý kiến những người đi trên đường về việc phụ nữ bị kết tội giết người có nên bị tử hình hay không. Một số đồng ý với câu trả lời của người đàn ông này, “Tại sao, tất nhiên là cô ta nên bị treo cổ…Chúng ta treo cổ một người đàn ông vì tội giết một người phụ nữ. Tại sao chúng ta lại không treo cổ một người phụ nữ vì tội giết một người đàn ông?” Tuy nhiên, phần lớn những người được hỏi đều đồng tình với ý kiến của Mục sư Giáo hội Anh. Ông cho rằng án tử hình rất dã man, bất kể giới tính của người bị kết án là gì, và cần phải bãi bỏ. Với hi vọng công chúng sẽ đứng về phía mình, Isabella, Norman và William Walker đã gửi đơn thỉnh cầu khoan hồng cho mẹ. Dorothy William - một phóng viên của tờ Detroit - đã viết một bài báo. Trong đó, cô xác nhận cô được phép vào Nhà tù quận Oxford, lấy cớ là người của văn phòng Frank Regan. Cô cho biết cô đã đích thân nói chuyện với bà (Elizabeth) Tilford tai tiếng. Regan và Quyền Thủ tướng Ontario Harry Nixon yêu cầu điều tra về chuyện này. Các quan chức nhà tù phủ nhận chuyện William đã từng tới đó. Ông W.M.MacArthur - Thị trưởng thị trấn Woodstock - nhận được một bức thư từ bang California gửi đến “Thống đốc Woodstock.” Tác giả bức thư đã gửi kèm một mẩu báo đăng tin tức về vụ án Tilford từ tờ báo địa phương. Cô cầu xin chuyển ngày hành quyết từ 17 tháng Mười hai sang 16 hoặc 18 tháng Mười hai, vì sinh nhật của cô là ngày 17. Cô ấy nói rằng cô ấy sẽ không bao giờ có thể vui vẻ ăn mừng sinh nhật thêm nữa, khi biết một người phụ nữ đã bị treo cổ vào ngày đó. Quá trình kháng cáo kéo dài hàng tuần. Elizabeth giết thời gian trong tù bằng cách đan len. Cuối tháng Mười một, ả đem bán vớ, khăn quàng cổ và áo len tại một hội chợ từ thiện do một nhà thờ ở thị trấn Woodstock tổ chức. Những người ham thích chuyện lạ đã nhanh chóng mua được những món đồ được làm bởi bàn tay của kẻ bị tuyên án giết chồng. Hai ngày sau phiên chợ, năm thẩm phán trong Phiên tòa phúc thẩm đã nhất trí bác bỏ những luận điệu trái với kết luận của thẩm phán sơ thẩm và họ giữ nguyên bản án tử hình. Regan không có khả năng kháng cáo lên tòa án cáo hơn và Elizabeth bình tĩnh nhận tin này. Giờ đây, hi vọng duy nhất của ả là cầu xin sự khoan hồng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang, để giảm án tử hình xuống tù chung thân. Vào ngày 12 tháng Mười hai, lời cầu khẩn sự khoan hồng, kèm theo đơn thỉnh cầu của con cái Elizabeth chỉ với vài trăm chữ kí, được đưa ra trước nội các của Thủ tướng Mckenzie King. Lời cầu khẩn bị bác bỏ. Khi Regan báo tin cho Elizabeth, ả nói mối bận tâm duy nhất là bỏ lại Isabella và John mà không có mẹ. Vào ngày 15 tháng Mười hai, người hành hình Sam Edwards đến thị trấn Woodstock. Trong một bài phỏng vấn với báo chí, ông đã nói về vụ hành quyết hơn 900 người khắp Vương quốc Anh, có lúc ông treo cổ 40 người đàn ông trong một buổi sáng. Ông không nói nơi diễn ra vụ hành quyết hàng loạt. Tuy nhiên, ông cho rằng treo cổ là hình thức hành quyết nhân đạo nhất, tốt hơn so với ghế điện và “phòng hơi ngạt” ở Hoa Kỳ. Đêm trước ngày hành quyết, Frank Regan đưa ra tuyên bố cuối cùng của Elizabeth. Trong đó, ả kiên quyết nói mình vô tội, nhưng ả cũng nói mình sẽ “buông bỏ để ra đi”. Ngay trước 1 giờ sáng ngày 17 tháng Mười hai, Elizabeth được đưa từ phòng giam tới đoạn đầu đài dựng trong sân nhà tù. Những nhân chứng duy nhất là các quan chức nhà tù và một mục sư. Một bài xã luận của tờ Globe ở Toronto chỉ trích gay gắt việc phóng viên báo chí không được phép vào trong khu vực hành quyết. Một đám đông nhỏ đã tụ tập trên đường phố ở ngoài nhà tù, nhưng nhanh chóng bị cảnh sát giải tán. Lúc bước lên giá treo cổ, Elizabeth được cho là “rất mạnh mẽ”. Người hành quyết Edwards treo cổ ả lúc 12:59 sáng. Sau đó, ông ấy nói “thần chết đưa tù nhân đi trong tích tắc.” Một cai ngục đã thỉnh cầu, xin mang xác Elizabeth đi thay cho các con của ả. Hầu hết những kẻ sát nhân bị tử hình đều được chôn cất trong ngôi mộ không có đánh dấu, bia mộ hoặc bảng tên trong sân nhà tù. Nhưng chưa đầy hai giờ sau khi hành quyết, Elizabeth Tilford được chôn cất tại một nghĩa trang địa phương, bên cạnh mộ của William Walker. Một cảnh tượng kì quái và buồn thảm diễn ra trong bóng tối, với đèn pha ô tô chiêu đổ bóng của bia mộ trên nền tuyết mới rơi. Mục sư phải đọc lời cầu nguyện cho người chết bằng ánh sáng của đèn pin. Chỉ 13 người có mặt, bao gồm các con của Elizabeth, 4 phóng viên, 1 người làm dịch vụ tang lễ và người đào mộ. Họ là những nhân vật cuối cùng trong một câu chuyện giết người, bắt đầu bằng một gói hàng thạch tín giá 20 xu. “TÔI GIẾT NGƯỜI VÌ CHÚA” Mitzi Azereto Alger, bang Washington, là một khu phố nông thôn thanh bình, cách phía bắc Seattle 120km và dễ dàng đến biên giới Canada chỉ với 45 phút lái xe. Thị trấn nhỏ bé này là một trong những cộng đồng lâu đời nhất ở hạt Skagit, với dân số hiện tại vào khỏang 400 người. Vài người trong số họ mới tới đây do thị trường nhà đất nóng hổi ở khu vực xung quanh. Trung tâm chính của thị trấn là quán rượu địa phương Alger Bar & Grill, nằm ở vị trí chiến lược tại ngã ba, kế bên là nhà thờ Cộng đồng Alger - nơi “Chào đón tất cả mọi người” và hội trường Cộng đồng Alger. Khu vực này chỉ có một số ít doanh nghiệp nhỏ rải rác, cùng với vài trang trại nhỏ, ngoài ra không còn gì khác. Thị trấn Alger không có bưu điện, cũng không có trường học. Mặc dù có xe hơi chạy qua lại, đang trên đường đến nơi khác của hạt này, nhưng nơi đây chỉ có dân địa phương. Thị trấn Alger là một trong những thị trấn mà bạn sẽ “bỏ lỡ trong chớp mắt”. Nếu không có biển báo lối ra trên xa lộ liên bang và sự kiện ngày mùng 2 tháng Chín năm 2008, hầu như sẽ không ai biết đến nơi này. Tôi đang trên đường đến một cộng đồng dân cư hẻo lánh và có nhiều cây cối rậm rạp kế bên đường Cain Alger Lake, chỉ cần chạy thêm một chút từ ngã ba thị trấn. Vùng đất yên bình với những con đường nhỏ đầy đá sỏi, tất cả đều được đánh dấu “riêng tư” và phân nhánh theo nhiều hướng khác nhau như một cái cây trĩu nặng những cành to. Trên đường đi, tôi chỉ thấy các ngôi nhà thấp thoáng xa xa trong những cánh rừng hoặc ẩn mình trong bóng râm của cây cối. Bất chấp ánh nắng chói chang giữa trưa, hầu hết các ngôi nhà vẫn chìm trong bóng tối. Những ngôi nhà này mang đến cho gia chủ cảm giác riêng tư và không gian hít thở tự do, bởi họ không cần gặp mặt nhau mỗi khi nhìn qua ô cửa sổ hoặc bước ra ngoài từ cửa trước. Khi chạy xe khám phá khu dân cư này, tôi thấy có người dắt chó đi dạo hoặc tận hưởng một buổi trưa ngày Chủ nhật tản bộ với con cái. Tôi thấy mình không thuộc về nơi này. Tôi cũng biết lí do tôi đến đây có lẽ không được người dân chào đón. Tuy nhiên, khi tôi chạy ngang họ, tất cả mọi người đến vẫy tay với tôi, và tôi vẫy tay đáp lại. Tôi chợt nhớ đến vùng nông thôn miền nam Hoa Kỳ. Bất kể có quen họ hay không, bạn vẫn sẽ vẫy tay chào những người đang đi bộ hoặc đang lái xe ngang qua. Người dân nơi này tôn trọng sự riêng tư của người khác, nhưng vẫn không mất đi sự thân thiện. Trong cộng đồng Tây Bắc Thái Bình Dương bé nhỏ này, mọi thứ trông có vẻ bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, nơi đây lại là khởi nguồn của một nỗi kinh hoàng. Tôi không tưởng tượng được có điều gì khác biệt với buổi trưa tháng Chín năm 2008 tai tiếng đó. Một người đàn ông địa phương quyết định giết những người hàng xóm của mình và bất kỳ ai mà gã bắt gặp. Vào thời điểm gã kết thúc tội ác, 6 người chết và nhiều người khác bị thương trong một trận xả súng điên cuồng phủ khắp 29km. Quân đội tiểu bang, phó cảnh sát trưởng và cảnh sát tiến hành một cuộc đuổi bắt, với tốc độ hơn 145km/h trên xa lộ đông đúc nhất của tiểu bang. Isaac Lee Zamora (28 tuổi) là người thuộc lực lượng hành pháp ở địa phương. Nhiều hàng xóm xung quanh cũng biết đến gã. Vào năm 2008, dân số ở thị trấn Alger từng ít hơn so với hiện tại. Rất khó để người khác không để ý tới bạn, đặc biệt nếu bạn là một chàng trai trẻ có tiền án về ma tuy và trộm cắp, cũng như có tiền sử về vấn đề tâm thần. Zamora thỉnh thoảng làm công việc như một thợ sơn nhà và đã vật lộn với căn bệnh tâm thần trong hơn một thập kỉ. Nghe nói gã phát bệnh lúc khoảng 14 tuổi, khi một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi nhà của gia đình gã. Những người thân nhất của gã nói rằng gã có tiền sử về ma túy và trầm cảm. Zamora cũng được cho là nghiện thuốc giảm đau sau một chân thương liên quan đến công việc. Nhiều năm qua, gã sinh sống trong khu rừng gần khu nông thôn nơi cha mẹ gã ở. Mọi chuyện diễn ra trong cuộc sống của Isaac Zamora thực sự không ổn. Những người quen mô tả gã là một người trầm lặng và khép kín, không giống kiểu người thích gây rối, mặc dù hàng xóm nhận thấy có những lúc Zamora hành xử có phần “quái đản” và tần suất xảy ra ngày càng nhiều hơn. Gia đình gã đã chứng kiến gã thay đổi, đến mức cuối cùng gã trở nên rất khó gần. Zamora từ một chàng trai sáng sủa, thân thiện và tốt bụng trở thành một thanh niên thích gây rối và ngủ trong rừng. Gã nói chuyện và cười một mình, thường xuyên trở nên hung hăng và nổi cơn tam bành. Tuy nhiên, sự kiện xảy ra vào một buổi trưa thứ Ba ngày mùng 2 tháng Chín năm 2008 khiến tất cả mọi người trở tay không kịp. Gã có vẻ đã tức điên lên. DÒNG THỜI GIAN CỦA CÁC SỰ KIỆN Isaac Zamora đột nhập vào dinh thư của Chester Rose - một người hàng xóm lâu năm, trong khi ông này cũng đang ở nhà. Sau khi không tìm thấy gì thú vị, gã bỏ đi. Rose lập tức gọi cho mẹ của Zamora, sau đó gọi cho cảnh sát. Zamora đột nhập vào nhà của một người hàng xóm khác, ăn trộm vài lọ thuốc kê đơn theo toa cùng một con dao lớn. Zamora đột nhập vào một ngôi nhà khác, ăn trộm một cây súng trường Winchester, một cây súng ngắn và đạn dược. Zamora quay trở về nhà của Chester Rose. Gã bắn chết ông bằng nhiều phát đạn. Anne Jackson - Phó cảnh sát trưởng hạt Skagit - đến nhà của Rose sau khi nhận được tin tức. Zamora dùng súng trường bắn cô. Cô chết bởi nhiều vết thương do đạn bắn. Zamora tiếp tục đến ngôi nhà mà David Radcliffe và Greg Gillum đang thi công. Zamora bắn chết hai người đàn ông này. Sau đó, gã dùng cưa máy cắt xẻo mặt mũi và thân hình của họ. Zamora lái chiếc xe bán tảu ăn trộm được của Radcliffe tới nhà của Fred và Julie Binschus. Fred nghe tiếng xe đâm vào cửa garage nên đi ra ngoài để kiểm tra. Ngay lúc đó, Zamora bắn vào hông của Fred, sau đó dùng xe bán tải đuổi theo anh và bắn vào lưng anh. Fred chạy thoát vào rừng, rồi gục ngã. Julie Binschus đi làm về và chạm mặt Zamora. Anh chồng bị thương của cô vẫn nằm trong rừng và nghe thấy tiếng hét của cô, sau đó là những tiếng súng mà Zamora xả vào Binschus khi cô ngồi vào xe để lái đi nơi khác. Fred đến được nhà của một người hàng xóm và gọi 911. Zamora lái chiếc xe bán tải khắp khu vực và tình cờ gặp Richard Treston đang tấp xe vào lề đường sát nhà anh ta. Gã đâm vào xe của Treston để nó dừng lại và nói hôm nay là “ngày chết” của anh ta. Zamora cố bắn Treston nhưng khẩu súng trường dở chứng, nên gã đâm hai nhát vào ngực Treston và lái xe bỏ chạy. Zamora rời khu vực, ra khỏi thị trấn và tiến về phía tây để tới xa lộ liên bang số 5. Ngay trước khi tiến vào đường cao tốc, gã tấp xe vào trạm xăng Shell. Đúng lúc tay lái xe mô tô Ben Mercado cũng vừa tấp xe vào đó và bị Zamora bắn vào cánh tay. Zamora chạy xe vào đường cao tốc, đi về phía nam. Lúc này, cảnh sát đang đuổi bắt gã. Tay lái ô tô Charles Duncan và Jane Duncan - vợ anh đang chạy xe trên đường cao tốc để đi về phía nam. Zamora bắn họ qua cửa sổ bên ghế lái và làm vỡ cửa kính. Hai người nhà Duncan không có ai bị bắn trúng. Tay lái ô tô LeRov Lange cũng đi về phía nam trên xa lộ liên bang. Zamora tiến lại gần Lange và bắn vào đầu anh. Xe của Lange mất kiểm soát, lao lên dải phân cách, còn anh thì ra đi ngay tức khắc. Cảnh sát bang Troy Giddings tham gia vào cuộc đuổi bắt, truy đuổi Zamora về phía nam. Zamora bắn vào cánh tay của Giddings, buộc anh phải p p dừng cuộc truy đuổi. Zamora rời xa lộ liên bang, rẽ vào lối đi dẫn tới trung tâm thành phố Mount Vernon. Sau cơn cuồng sát kéo dài gần hai tiếng rưỡi, gã lái thẳng tới Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Skagit để tự thú. Zamora bị bắt giữ trong khi đang mặc chiếc áo thun màu nâu sẫm và quần kaki rách. Trong một cuộc tra hỏi của cảnh sát, Zamora khai rằng Chúa bảo gã “giết cái ác”. Sau đó, gã lẩm bẩm, “Chúa, tại sao con làm vậy chứ?” Gã bị tống vào nhà tù quận, với số tiền bảo lãnh trị giá 5 triệu USD. NẠN NHÂN CỦA VỤ ÁN Anne Jackson (40 tuổi) - Phó cảnh sát trưởng hạt Skagit - là người gốc miền nam California. Cô là một người thành đạt, thích cưỡi ngựa và yêu thương động vật. Cô quản lí một chuồng ngựa trước khi gia nhập nhóm của cảnh sát trưởng. Cô bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhân viên kiểm soát động vật vào năm 2002 và trở thành phó cảnh sát trưởng vào năm 2005. Anh trai của Jackson đã phải vật lộn với bệnh tâm thần. Cô nói với gia đình Zamora rằng họ có thể gọi cô bất cứ lúc nào nếu họ cần giúp đỡ. Cô ấy quan tâm đến Isaac Zamora và gã cũng tin tưởng cô. Theo Dennise - mẹ của Zamora, gã yêu cầu bà liên hệ với Phó cảnh sát trưởng Jackson bất cứ khi nào gã gặp khó khăn. Khoảng hai giờ chiều ngày mùng 2 tháng Chín, Jackson là người trả lời cuộc gọi 911 báo cáo Zamora xâm nhập gia cư bất hợp pháp của Dennise Zamora. Cô đến điều tra cùng người đồng nghiệp kiêm Phó cảnh sát trưởng Terry Eskew. (Chỉ một ngày trước khi sự kiện trên xảy ra, Jackson đã trả lời một cuộc gọi tương tự, báo Zamora xâm nhập gia cư bất hợp pháp trong cùng khu vực.) Khi đến nhà Zamora, cô tách khỏi anh bạn đồng nghiệp và đến dinh thự của Rose. Một giờ trôi qua mà không liên lạc được với cô, một vị phó cảnh sát trưởng được cử đến để kiểm tra. Trong khi đó, rất nhiều cuộc gọi đến nhân viên điều phối của tổng đài 911, báo rằng có nhiều tiếng súng trong khu vực. Nhiều vỏ đạn và viên đạn được tìm thấy tại hiện trường, khiến điều tra viên kết luận rằng Jackson đã bắn trả trước khi cô bị giết. Gần 5.000 người đến tham dự buổi lễ tưởng niệm dành cho cô (được tổ chức ở sân bóng đá trường trung học phổ thông Burlington), trong đó có các thượng nghị sĩ tiểu bang, gia đình các nạn nhân, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa ở khu vực xung quanh và một trung đoàn của Cảnh sát Hoàng gia Canada. Chester “Chet” Rose (58 tuổi) là một nhà thầu xây dựng kiêm chủ sở hữu Công ty Xây dựng Silver Creek. Vì sinh sống ở thị trấn Alger từ rất lâu nên ông đã xây cho minh một ngôi nhà. Sau khi li dị và có hai cô con gái lớn, ông trở thành khách quen nổi tiếng trong những buổi khiêu vũ về đêm của thị trấn. Ông là hàng xóm của Zamora và đã biết gã hơn 20 năm. David Radcliffe (58 tuổi) đến từ Bellingham, bang Washington. Ông là cư dân lâu năm của thành phố Mount Vernon. Ông có bằng xã hội học ở Đại học Washington, nhưng lại chọn đi theo lĩnh vực xây dựng. Ông sở hữu một công ty xây dựng và đã xây nhiều ngôi nhà ở thung lũng Skagit. Ông cũng là một người mê chơi golf, đã kết hôn và có hai con. Greg Gillum (38 tuổi) sinh ra và lớn lên ở California. Anh mới chuyển đến thành phố Mount Vernon, còn gia đình anh hầu hết đã chuyển tới đây từ trước. Trong phần lớn cuộc đời mình, anh làm công việc xây dựng. Anh bị giết khi đang làm việc cùng ông chủ David Radclipffe. Anh sinh ra trong gia đình có bảy người con và có một anh em sinh đôi. Anh có hai con. Julie Ann Binschus (48 tuổi) là một thu ngân của tiệm tạp hóa Sedro-Woolley Food Pavilion trong hơn 30 năm và là một cư dân lâu năm trong khu vực. Bà dành thời gian rảnh rỗi để làm đồ thủ công mỹ nghệ cho hội địa phương, câu cá và săn bắn. Bà đã kết hôn với Fred Binschus được 26 năm. Cặp đôi có hai cô con gái lớn và vài người cháu ngoại. Fred (56 tuổi) sống sót sau vụ xả súng. Fred và Julie là hàng xóm của Zamora. LeRoy B.Lange (64 tuổi) sống dựa vào một nông trại nhỏ ở Methow bang Washington. Ông từng là nhân viên của hãng Boeing. Ông đã có nhiều năm làm việc với cương vị là thủy thủ trên boong tàu và thuyền trưởng của phà Whatcom Chief phục vụ đảo Lummi. Vợ chồng ông đã kết hôn được 40 năm và có một cậu con trai. Lange đến thăm con trai ở Bellingham, sau đó đang trên đường đến gặp mẹ ông ở thành phố Mount Vernon thì bị giết. Richard Treston (61 tuổi) là một viên chức quản chế đã nghỉ hưu từ hạt Nassan, New York. Cả đời ông làm việc trong ngành hành pháp. Ông và Zamora biết nhau và có mối quan hệ tốt.Thậm chí, thỉnh thoảng ông còn chở Zamora về nhà. Treston dù bị thương nhưng vẫn sống sót. Vào ngày Ben Mercado bị Zamora bắn bị thương ở tay tại nhà ga Alger Shell, anh đang lái xe mô tô. Dù bị thương nhưng anh may mắn sống sót. Mặc dù Charles và Jane Duncan không bị thương trong vụ xả súng, nhưng sau đó, Charles phát hiện một mảnh thủy tinh nhỏ của cửa kính ô tô bị vỡ ghim trên mặt mình. Troy Giddings (42 tuổi) là lính thuộc bang Washington, đến từ thung lũng Skagit. Trong lúc truy đuổi Zamora, anh bị bắn, gây thương tích ở cánh tay. Anh tự lái xe đến một bệnh viện trong khu vực để điều trị, rồi sau đó xuất viện. Mặc dù không ai có thể ngờ rằng sự việc nghiêm trọng này sẽ xảy ra, nhưng những dấu hiệu bất thường của Isaac Zamora đã rõ mười mươi. Vào tháng Tư năm 2008, chỉ vài tháng trước vụ xả súng ở thị trấn Alger, Zamora đã bị giam giữ tại nhà tù của hạt Skagit, sau đó bị chuyển đến trung tâm cải huấn hạt Okanogan ở đông bắc Washington. Tại đây, gã đã chấp hành bản án 6 tháng tù vì tội tàng trữ ma túy. Sauk hi được trả tự do vào ngày mùng 2 tháng Tám, mọi hành vi của gã sẽ do Sở cải tạo của bang Washington (DOC) giám sát. Mặc dù Zamora được coi là một tội phạm nguy hiểm cao, nhưng gã được xếp vào loại bất bạo động. Tuy nhiên, các tiền án cho thấy Zamora không chỉ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, mà còn có khả năng trở thành một nhân vật gây nguy hiểm. Mẹ gã thậm chí đã viết thư cho công tố viên hạt Skagit, với yêu cầu giam giữ và điều trị con trai bà. Mặc dù các nhà tư vấn sức khỏe tâm thần đã gặp Zamora và kê nhiều loại thuốc khác nhau, nhưng họ không tiếp tục theo dõi tình trạng của gã sau khi gã chuyển đến hạt Okanogan. Có vẻ như hồ sơ điều trị của gã thậm chí không được chuyển đến đó. Ba ngày sau khi gã được thả từ hạt Okanogan, mẹ của gã đã gọi 911 để báo cáo hành vi đe dọa của gã với bà và anh trai gã. Zamora bị bắt và được thả tự do vào hôm sau, khi gã cam kết không phạm pháp. Nhưng một tháng sau, cảnh sát lại nhận được cuộc gọi, lần này, người gọi là một anh hàng xóm. Zamora đến nhà và chạm mặt vợ anh. Cùng hôm đó, Zamora cuối cùng cũng đã trải qua một cuộc kiểm tra đánh giá sức khỏe tâm thần, giúp xác định gã có đủ tiêu chuẩn nhận những dịch vụ của Bộ Dịch vụ Xã hội và Y tế (DSHS) của tiểu bang hay không. Ngày hôm sau, Isaac Zamora thực hiện vụ xả súng. Cuộc hỗn loạn và tàn sát vào ngày mùng 2 tháng Chín đã đánh động ngành hành pháp, dẫn đến một cuộc điều tra cực kì phức tạp, với sự tham gia của nhiều cơ quan. Shawn Stich (đã nghỉ hưu) là trung sĩ điều tra phụ trách Đơn vị Tội phạm nguy hiểm của Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Snohomish, kiêm thành viên Đội phản ứng của tổ hợp cơ quan hạt Snohomish (SMART). SMART bao gồm khoảng 30 điều tra viên cấp cao từ nhiều cơ quan trên khắp hạt Snohomish. Đội này chịu trách nhiệm điều tra các vụ xả súng có liên quan đến sĩ quan bị thương tích nghiêm trọng và/hoặc tử vong. Ngoài ra, đội này còn hỗ trợ các cơ quan nhỏ hơn cần những nguồn lực điều tra có kinh nghiệm đối với những vụ giết người, hoặc những vụ án liên quan đến con người ở mức độ nghiêm trọng và phức tạp. Trung sĩ Stich nhớ lại, “Chúng tôi phát hiện có những điều tra viên đến từ hạt Skagit, thành phố Mount Vernon, đội tuần tra của tiểu bang và rất nhiều cơ quan liên bang ở sở chỉ huy, hoặc tại hiện trường vụ án để chuẩn bị thực hiện lệnh khám xét và/hoặc bắt đầu xử lí hiện trường. Với sự giúp đỡ của chỉ huy, chúng tôi đề nghị những nguồn lực của hạt Skagit dừng những gì họ đang làm và điều người canh giữ để bảo vệ toàn bộ hiện trường vụ án. Sau đó, SMART sẽ tiếp nhận cuộc điều tra và bắt đầu ban hành lệnh khám xét đến tất cả những hiện trường vụ án cần làm việc đó. Một số hiện trường phải được xử lí tức thì, như hiện trường xả súng trên xa lộ liên bang số 5, vì giao thông đã bị chặn lại. Chúng tôi đã chỉ định các điều tra viên của SMART đến giám sát việc xử lí hiện trường và hướng dẫn lưu thông xe cộ.” Robert Johns (đã nghỉ hưu) là trung úy của Đơn vị điều tra tổng hợp của Sở cảnh sát Everett, kiêm vị trí số ba trong đội hình chỉ huy của SMART. Ông đang ở nhà sau một ngày làm việc thì nhận được cuộc gọi từ Trung sĩ Stich, yêu cầu ông đến Sở cảnh sát thành phố Mount Vernon (MVPD) để tập hợp. Nhiệm vụ của Johns là đến hiện trường và đánh giá những gì có thể và không thể làm vào buổi tối hôm đó. Ông ấy kể với tôi, “Khi chúng tôi đến nơi, tôi nhớ mình đã nghĩ rằng sẽ không ai có thể xử lí bất kì hiện trường nào trong đêm đó được. Tôi không nói đùa đâu. Trong màn đêm đó, có đưa bàn tay ra trước mặt thì tôi cũng chẳng thấy gì. Cho dù chúng tôi có một nghìn chiếc xe cứu thương ở đó cùng đèn pha và tất cả mọi thứ, thì chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị đầy đỉ để xử lí hiện trường.” Trung úy Johns tiếp tục nói, “Tôi đoán những gì lướt qua trong đầu tôi là tình hình cực kì nghiêm trọng. Chúng tôi phải làm những điều cần thiết, chứ không phải là làm mọi thứ rối tinh rối mù. Tinh thần trách nhiệm trong mỗi người chúng tôi sôi sục đến đáng kinh ngạc. Một hạt khác yêu cầu chúng tôi đến, xử lí hiện trường và giúp đỡ điều tra một trong những vụ giết người hàng loạt nghiêm trọng nhất trong lịch sử của tiểu bang. Ít nhất tất cả những vụ đó xa xưa rồi hoặc xảy ra không lâu. Chúng tôi biết rằng chuyện này có thể rất gian nan vì hạt Skagit sẽ phải tiêu hao một lượng ngân sách khổng lồ. Và một lần nữa, chúng tôi muốn làm mọi thứ tốt nhất để không còn khó khăn nào cản trở và Zamora sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhận tội.” Johns cho biết, “Thách thức mà chúng tôi phải đối mặt là đảm bảo không bỏ sót thứ gì, bất kì cái gì có ích được định vị và/hoặc được thu thập. Chúng được niêm phong hợp lệ và quá trình bảo quản được bảo mật. Thường thì một sự cố xảy ra trong một hiện trường đã đủ để gây khó khăn, mà giờ có đến sáu hiện trường. Rất nhiều hiện trường vụ án ở ngoài trời, nên thời tiết, động vật… cũng góp phần làm ảnh hưởng tới việc đảm bảo sự chính xác, dù chỉ một chút tác động nhất định. Thông tin liên lạc có lúc cũng bị quá tải. Các hoạt động vô tuyến và/hoặc điện thoại ở khu vực này không phải lúc nào cũng thuận lợi.” Trung sĩ Stich chia sẻ thêm, “Tôi rất buồn khi nghe tin người đồng nghiệp - phó cảnh sát trưởng đã ra đi. Khi biết thêm thông tin về phạm vi hiện trường vụ án và số người chết được xác nhận, tôi kiên quyết cho rằng chúng tôi cần đảm bảo xử lí sự việc này thật cẩn thận. Chúng tôi biết rõ năng lực của điều tra viên SMART và người mà chúng tôi giao nhiệm vụ. Tôi cho rằng điều này là lợi thế thế lớn nhất mà chúng tôi có được so với những nguồn lực điều tra khác ở hạt Skagit. Lí do là điều tra viên SMART đã làm việc cùng nhau rất lâu và họ cảm thấy thoải mái khi biết rõ mọi người trông đợi ở họ điều gì.” Trung úy Johns cho hay, “Có hơn một trăm người từ tất cả các cơ quan đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau. Các cán bộ chỉ huy ở lại MVPD và tôi được giao việc liên lạc với tất cả những đội đang xử lí hiện trường vụ án. Điều đó có nghĩa là mọi người phải có những thiết bị cụ thể, thức ăn, một nơi giữ và ghi chép chứng cứ thu thập được vào hồ sơ, các cơ quan khác nhau có kỹ năng hoặc quyền truy cập thông tin riêng biệt. Ví dụ: Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) có năng lực tra số serial trên súng ống… Một số hiện trường khá gần nhau và những hiện trường khác cách xa nhau hàng km. Phương tiện cũng là một thách thức. Hầu hết các phương tiện đều thuộc MVPD, nhưng có lần một chiếc máy bay trực thăng đưa tin đáp gần xuống hiện trường quá thấp, đến nỗi gió từ cánh quạt đã làm xáo trộn hiện trường. Và mọi người đã gọi tôi để điều chiếc trực thăng ra khỏi đó!” Trung sĩ Stich cho biết, “Trước đây, tôi từng xử lý nhiều hiện trường vụ án, nhưng đây là vụ lớn nhất, trải dài mấy km. Với tôi, quyết định khó khăn nhất là chúng tôi không thể di dời thi thể ra khỏi hiện trường cho đến khi """