"Những Anh Hùng Của Lịch Sử - Will Durant & Hoàng Đức Long (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Anh Hùng Của Lịch Sử - Will Durant & Hoàng Đức Long (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] Ebooks Nhóm Zalo NHỮNG ANH HÙNG CỦA LỊCH SỬ ———★——— Tác giả WILL DURANT Người dịch HOÀNG ĐỨC LONG Đơn vị phát hành NHÃ NAM Nhà xuất bản THẾ GIỚI ebook©vctvegroup 05-05-2022 Dành cho tất cả những người tìm mọi cách để nhìn cuộc đời họ từ góc nhìn toàn thể; những người tránh định kiến và giáo điều, và những người khao khát có trí huệ để thấu hiểu và cảm thông để tha thứ. Dành cho cha mẹ tôi, William T. Little và Corinne Little, những người đã gieo vào trong tôi tình yêu với văn chương, nghệ thuật, khoa học và triết học; theo đó gieo những hạt giống của sự trân trọng dành cho cuộc đời, công trình và thông điệp của Will Durant. Và dành cho Alexandra, Chistopher cùng Sebastian; mong chúng sẽ hiểu tầm vóc và sự phong phú của di sản mà những thế hệ trước đã dành rất nhiều tâm sức để truyền lại cho chúng. - John Little LỜI GIỚI THIỆU Trước khi qua đời bốn năm, Will Durant, tác giả đã được trao giải Pulitzer, bắt tay vào công trình mà sau đó thực sự đã là công trình cuối cùng của ông. Dự án ấy bắt nguồn từ một khao khát mà ông chia sẻ với vợ và con gái, khao khát ra mắt một phiên bản rút gọn của loạt sách vốn đã nhận được sự tán dương nhiệt liệt từ công chúng Câu chuyện của các nền văn minh (Story of Civilization). Trong công trình ấy, một công trình mà ông đã mất 50 năm để hoàn thành, Durant (với sự giúp đỡ của vợ ông, Ariel) đã đưa ra một cái nhìn tổng quan, tích hợp hơn 110 thế kỷ trong 11 cuốn sách. Durant có nhận thức sâu sắc về bối cảnh biến đổi liên tục đang dần lộ rõ trong thế giới của truyền thông đại chúng. Các bản ghi âm, truyền hình và phim điện ảnh đều là những đối thủ thực sự trong cuộc cạnh tranh để giành được sự chú ý của công chúng hiện đại. Trong khi đó, trái ngược với tình hình này, vào năm 1935, khi cuốn đầu tiên của loạt sách Câu chuyện của các nền văn minh được xuất bản, những đối thủ cạnh tranh duy nhất của văn chương chỉ là phim điện ảnh và sự ra đời tương đối mới của phát thanh. Vào năm 1977, con gái của Durant, Ethel, với hy vọng mở rộng nhóm người theo dõi các tư tưởng của cha và mẹ cô, đã liên lạc với Paramount Studios để đề cập việc sản xuất ra một loạt chương trình truyền hình nhỏ, tức một miniseries, dựa trên Câu chuyện của các nền văn minh, và nhận được những tin tức có tính khích lệ từ studio này. Ngay cả bộ mặt ngành xuất bản khi đó cũng đang thay đổi; những người một thời thích những cuốn sách dày cộp giờ đây muốn có được thông tin và sự giải trí trong một hình thức súc tích hơn. Công chúng cảm thấy họ có ít thời gian hơn để dành cho các cuốn sách dày, xem việc đọc chúng như những nhiệm vụ đáng sợ hơn là những giờ phút sung sướng thư thái. Với những nhóm công chúng mới, những người đang tìm kiếm các hình thức giải trí và giáo dục có hiệu quả cao và nhanh chóng hơn, Will Durant khi ấy quyết định xây dựng một loạt các “cuộc nói chuyện ngắn”, tức những bài giảng được ghi âm tập trung vào các nhân vật và sự kiện mấu chốt trong lịch sử loài người. Durant thích ý tưởng này, và Ethel đã sắp xếp để thu âm những bài giảng ấy, nhưng trong một bức thư gửi con gái vào ngày 7 tháng 3 năm 1977, ông đã biểu lộ sự lo lắng nhất định - ở độ tuổi ngót nghét 92 - về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bố đang điềm tĩnh nhìn vào chương trình mà bố đã vạch ra cho hai cuộc cảm tử* về trí tuệ, [và] bố cảm thấy việc soạn và đọc lại một chương trình tham vọng như thế vượt quá khả năng sức khỏe của mình, ngay cả khi có sự giúp đỡ của Ariel,… bố cảm thấy Thần Chết cuối cùng đã tìm thấy bố và mẹ con, bởi ông ta đã để lại danh thiếp của mình dưới dạng những ký ức đang mờ dần, trong sự run rẩy khi bước đi và trong cảm giác cứng đờ lạ lẫm ở đôi chân. Những dấu hiệu báo trước cái chết này không làm bố buồn; bố sẽ xấu hổ nếu sống những ngày mà bản thân không còn có ích. Nhưng bất kể thế nào, bố không nên để con hay Paramount đầu tư năng lượng và tiền bạc vào khả năng duy trì của bố. Dẫu vậy, Durant đã lập một danh sách dự kiến gồm những nhân vật lịch sử mà ông cho rằng sẽ gây hứng thú và có ích đối với một nhóm công chúng hiện đại. Danh sách của ông kéo dài từ Khổng Tử và Lý Bạch tới Abraham Lincoln và Walt Whitman. Ý tưởng của ông thực sự có tầm quan trọng vượt ra ngoài việc trình hiện đơn thuần, nó sẽ cho phép những người bình thường biết về những thành tựu và cuộc đời của những người đàn ông và phụ nữ vĩ đại của lịch sử, qua lời kể của chính Will Durant và Ariel Durant. Thông qua phép mầu của băng cassette, người ta có thể được nghe hai trong số những nhà sử học giành được những giải thưởng lẫy lừng nhất nước Mỹ diễn giải chi tiết về tầm vóc vĩ đại của những nhà thơ, nghệ sĩ, chính trị gia và triết gia xuất hiện rất nhiều trong bối cảnh lịch sử nhân loại. Xét từ quan điểm của Durant (cũng là quan điểm của Tử tước Bolingbroke), trong đó “lịch sử là triết học được dạy bằng các ví dụ”*, những cuốn băng này trên thực tế sẽ chứng minh rằng chúng là những tiết học riêng với hai vợ chồng nhà Durant, những tiết học mà người ta có thể tham dự hết lần này đến lần khác, qua đó cho họ một phương thức giáo dục liên tục. Khi Durant chuẩn bị cho nhiệm vụ này, cánh buồm của ông nhận được một luồng gió đầy sáng tạo và ông nhận ra bản thân đang bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo và làm việc hiệu quả nhất trong đời. Cho đến tháng 8 của năm tiếp theo, ông đã viết được 19 bản script cho nhiệm vụ mạo hiểm này và, cùng với Ariel, đã thu được một lượng đáng kể những script đó vào băng ghi âm. Ở thời điểm này, một suy nghĩ xuất hiện trong đầu ông, đó là: chỉ với một chút tinh chỉnh, các bản script của những bài giảng ghi âm này có thể được phát triển thành một cuốn sách rất thân thiện với độc giả. Ông viết cho con gái vào ngày 25 tháng 8 năm 1978: Hãy lưu phần đính kèm ở đây là “Bài nói chuyện số 18”. Bố cũng đã hoàn thành việc đánh máy, “Bài nói chuyện số 50” nhưng chưa kiểm lại. Cải cách Công giáo: 1517-1563, sẽ dài 17 trang. Bởi bố chủ định viết những bài luận này cho một cuốn sách, NHỮNG ANH HÙNG CỦA LỊCH SỬ, thay vì cho chương trình truyền hình, bố đã cho phép bản thân giãi bày nhiều hơn so với những lần trào dâng cảm xúc trước đây. Cả thảy [sẽ] là khoảng 23 trang. Tâm trí Durant khi ấy đã không còn chút nghi hoặc nào; đây sẽ là lần cuối cùng ông nỗ lực truyền tải tư tưởng* của mình, tức tư tưởng xem sử học như triết học: Đối với tôi sử học là một phần của triết học. Triết học là một nỗ lực đạt được một góc nhìn rộng, một góc nhìn lớn về cuộc sống và hiện thực - một góc nhìn sau đó sẽ quyết định thái độ của bạn đối với bất cứ phần nào của hiện thực hoặc cuộc sống; ví dụ, liệu nó có khiến bạn thấu hiểu và bao dung hơn không? Ngày nay bạn có thể đạt được một góc nhìn lớn theo ít nhất hai cách, một là thông qua khoa học, bằng cách nghiên cứu nhiều môn khoa học khác nhau, ảnh hưởng tới mỗi khóa cạnh của hiện thực bên ngoài, nhưng bạn cũng có thể đạt được một góc nhìn lớn bằng cách nghiên cứu lịch sử, đó là bộ môn nghiên cứu các sự kiện trong dòng thời gian - thay vì các sự vật trong không gian. Tôi đã từ bỏ cách thứ nhất, bởi tôi cảm thấy nó quá thuộc về thế giới bên ngoài và chứa quá nhiều chất toán học; nó không thực đối với yếu tố thiết yếu mà tôi tìm thấy ở chính mình và trong những thứ khác. Tôi đã nói rằng tôi sẽ nghiên cứu lịch sử để khám phá xem con người là gì - Tôi không thể tìm ra điều đó qua khoa học. Vậy nên lịch sử mà tôi sẽ nghiên cứu ấy là nỗ lực để đạt được một góc nhìn triết học bằng cách nghiên cứu các sự kiện trong dòng thời gian. Vì thế, nếu bạn cho phép tôi được nói ra, tôi tin rằng tôi là một nhà triết học viết sử. Hướng tới mục đích trên, một số phần trong cuốn sách này vốn nằm trong sách Câu chuyện về các nền văn minh, nhưng đã được Durant rút gọn, và ông đã đẽo gọt ra những nội dung hoàn toàn mới cho các phần khác. Cuốn sách hoàn chỉnh đóng vai trò một bài giảng nhập môn tuyệt vời cho bộ môn sử học, tuy nhiên nó cũng sẽ (và nên) đóng vai trò kích thích sự hứng thú của độc giả để họ theo đuổi những “hình tượng anh hùng” mà họ cảm thấy thuyết phục nhất trong cả loạt sách Câu chuyện về các nền văn minh. Durant đã từng dự kiến rằng ông sẽ hoàn thiện 23 chương cho cuốn sách này, nhưng định mệnh có những kế hoạch khác cho ông. Ông chỉ hoàn thiện được 21 chương, trước khi vợ ông, Ariel gặp một cơn tai biến mạch máu não. Vào cuối năm 1981, chính Durant cũng phải nhập viện do các vấn đề về tim. Ariel, có lẽ do quá lo sợ rằng đây sẽ là chuyến đi mà không có ngày trở về của chồng bà, đã không ăn uống. Bà mất vào ngày 25 tháng 10 năm 1981, ở tuổi 83. Cả gia đình đã quyết định cùng nhau nỗ lực giữ cho tin tức về sự ra đi của bà không tới tai vị triết gia của chúng ta. Tất cả các báo cáo đều cho thấy ông đã vượt qua cuộc phẫu thuật trong tình trạng tốt và đang trên đà phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, cháu gái của Durant, Monica Mihell, tin rằng Durant đã nghe thấy tin tức về sự ra đi của người vợ yêu dấu từ một bản tin truyền hình hoặc báo chí, những thứ – bất chấp nỗ lực của cả gia đình - vẫn tìm được cách để tới tai ông. Dẫu sự thật là thế nào, trái tim của Will Durant đã ngừng đập vào ngày 7 tháng 11 năm 1981. Khi ấy ông 96 tuổi. Với việc hai vợ chồng Durant qua đời, các trang viết cá nhân của họ đã bị phân tán; một số tới tay những người thân, số khác vào tay những nhà sưu tầm và các viện lưu trữ. Trong số các trang viết ấy là bản thảo của cuốn sách này, thứ đã tồn tại được qua ba lần đổi chủ và một trận lũ lớn, cho đến khi tôi tình cờ tìm thấy nó vào mùa đông năm 2001, tức 21 năm sau khi Will Durant hoàn thành nó. Việc tìm thấy bản thảo của một cây viết đã được trao giải Pulitzer như Will Durant chắc chắn là một sự kiện văn chương thực sự, không chỉ đối với những người yêu lời văn của ông mà còn với những sinh viên sử học và triết học trên toàn thế giới. Bởi, tầm vóc của Durant vượt xa hình ảnh một cây viết với những giải thưởng lẫy lừng (ông cũng nhận được Huân chương Tự do, phần thưởng cao quý nhất mà chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có thể trao cho một công dân); ông là một triết gia đấu tranh vì sự minh bạch hơn là vì danh tiếng. Với chất nhân văn sâu sắc, ông là người đã viết những lời cực kỳ thuyết phục và khiến người ta vô cùng hứng thú, nhưng cũng nhìn con người như một chủng loài, khi được truyền đủ cảm hứng, có thể vươn tới sự vĩ đại ở những đẳng cấp ngang với cả thần thánh. Trong sự đồng cảm với Nietzsche rằng “tất cả triết học giờ đây đã bị tước ra khỏi sử học”, Durant giữ một niềm tin rằng nghiên cứu quá khứ là sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thấu hiểu những vấn đề của hiện tại - bởi quá khứ là nơi bạn sẽ tìm thấy bản chất thực sự của nhân loại. Thái độ này và thứ triết học này theo quan điểm của ông toát ra từ những trang viết của cuốn sách Những anh hùng của lịch sử. Cuốn sách hé lộ nhiều bài học mà Durant tin rằng sử học phải dạy người ta - từ tôn giáo và chính trị tới các vấn đề xã hội, chẳng hạn như đấu tranh giai cấp và thậm chí cả cuộc tranh cãi có tính thời sự hơn, về tính khả dĩ của việc để người đồng tính làm việc trong quân đội (ví dụ, bạn sẽ bị thôi thúc đi tìm các bằng chứng trong lịch sử chứng minh rằng người đồng tính không phải là những chiến binh mạnh mẽ, có tinh thần chiến đấu cao, nhưng quá khứ cho thấy những chiến binh đồng tính mạnh mẽ, như Durant đã hé lộ ở Chương 8, một đội quân của người Thebes do Epaminondas chỉ huy và 300 “người yêu Hy Lạp”, gắn kết với nhau bởi mối liên kết đồng tính, đã đánh tan tác quân Sparta - đội quân hung hãn nhất Hy Lạp cổ đại - ở Leuctra vào năm 371 TCN, và qua đó chấm dứt sự thống trị của người Sparta ở Hy Lạp.) Những anh hùng của lịch sử cũng tiết lộ về một Will Durant bộc trực một cách không thiên vị và có tính cá nhân hơn. Có lẽ đó là do tuổi tác của ông hoặc một cảm thức mạnh mẽ hơn về sự tự do, đến với người ta sau khi đã dành hơn 60 năm để mài giũa kỹ năng của mình, bất kể lý do là gì, đây là một Will Durant hoàn toàn tươi mới, nói chuyện một cách cởi mở, nhẹ nhàng, và cuốn hút về những vấn đề như dục tính, chính trị, và tôn giáo - luôn là những chủ đề mà hầu hết các sử gia sẽ né tránh hoặc khoác cho chúng những cái áo danh pháp quá ư hàn lâm. Thêm vào đó, việc Durant sử dụng cách dẫn chuyện ở ngôi thứ nhất cho một cảm giác rằng cá nhân ông đang làm chứng cho những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc đối với ông. Mô-típ trong hầu như tất cả các tác phẩm của Will Durant là việc các nền văn minh đã phát triển những tư tưởng nhất định để nhân loại trở nên tốt hơn, và rằng phán xét cuối cùng về hiệu quả của những tư tưởng này vốn đã được đưa ra bởi tòa án lịch sử - nếu chúng ta có thể dành thời gian lắng nghe. Thay vì dành nhiều giờ cho vấn đề trừu tượng có tính lý thuyết về một vấn đề triết học - ví dụ, của cải tập trung trong tay của số ít có nên được tái phân phối cho quần chúng chiếm số đông hay không - di sản của nhân loại chúng ta đã có những ví dụ cụ thể về việc những nguyên tắc như vậy có tạo ra kết quả như mong muốn hay không, hoặc có khiến những thảm họa không được lường trước đến mau hơn hay không. Cuốn sách cuối cùng này của Will Durant không chỉ là một bộ sưu tập các ngày tháng, con người, và sự kiện - cũng không đơn thuần là bản tóm lược những điểm quan trọng nhất trong kiệt tác câu chuyện về các nền văn minh của ông. Nó là những bài học về di sản của chúng ta, truyền cho đời sau vì sự khai trí và lợi ích của các thế hệ tương lai. Nó là một lỗ khóa mà qua đó chúng ta có thể lén nhìn vào, nói theo cách của Durant: … một thành phố trên thiên giới, một “Đất nước của Tâm trí” đặc biệt, ở đó cả nghìn vị thánh, chính trị gia, nhà phát minh, nhà khoa học, nhà thơ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, người yêu đương, và triết gia vẫn sống và phát biểu, giảng dạy và chạm khắc và ca hát. Những anh hùng của lịch sử là di ngôn, cũng là bằng chứng cuối cùng của Will Durant cho ơn phúc mà “Đất nước của Tâm trí” ấy ban cho con người, thứ ông yêu quý và đã dành phần lớn cuộc đời mình để tiết lộ cho chúng ta. Thông qua sự cuốn hút đầy ma lực trong những ngôn từ của ông, biên giới của đất nước ấy được mở ra và linh hồn của chúng ta được mời gọi bước vào để tham quan một lát, cùng những người sẵn sàng bước đi cùng và kể cho chúng ta những câu chuyện về cuộc sống, tình yêu, chiến tranh, thi ca, và tư tưởng, và họ đề nghị được phép nhấc ta lên một tầm nhìn vĩ đại và cao quý hơn, tầm nhìn của sự bao dung, trí huệ, và của một tình yêu mãnh liệt hơn trong một cuộc đời sâu sắc hơn. John Little Chương 1 THẾ NÀO LÀ VĂN MINH Lịch sử loài người chỉ là một mảnh nhỏ của sinh học. Con người chỉ là một trong hàng triệu chủng loài và, giống tất cả các loài còn lại, là đối tượng chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh, vật lộn để tồn tại và cuộc cạnh tranh của chủng loài phù hợp nhất để sinh tồn. Tất cả các nguyên lý tâm lý học, triết học, trị quốc, và các hình mẫu xã hội hoàn mỹ đều phải dung hòa với các nguyên tắc sinh học này. Nguồn gốc của con người có thể được truy hồi về khoảng 1 triệu năm TCN. Nguồn gốc của nông nghiệp có thể được truy hồi về khoảng 25.000 năm TCN, không hơn. Thời gian con người sống cuộc đời săn bắt dài gấp 40 lần thời gian họ sống cuộc đời định cư như những người cày bừa. Trong khoảng 975.000 năm ấy, căn tính tự nhiên của con người được hình thành và giờ đây vẫn hằng ngày thách thức sự văn minh. Trong giai đoạn săn bắt ấy, con người cố gắng sở hữu và vơ vét một cách háo hức và tham lam, bởi vì anh ta phải như vậy. Nguồn cung cấp thức ăn của anh ta không ổn định, và khi anh ta bắt được con mồi, anh ta có thể sẽ, thậm chí gần như chắc chắn, ăn con mồi đến khi đầy căng dạ dày, bởi xác con mồi sẽ sớm thối rữa; trong nhiều trường hợp anh ta ăn sống - kiểu mà chúng ta vẫn gọi là “tái lòng đào”, khi con người trở về với bản năng thời kỳ săn bắt trong những nhà hàng đậm chất nam tính. Hơn nữa, trong một nghìn lần của một nghìn năm ấy, con người phải hung hăng, luôn sẵn sàng chiến đấu - vì thức ăn, vì bạn tình, hoặc vì mạng sống. Nếu có thể, anh ta sẽ có nhiều hơn một bạn tình, bởi việc săn bắt và chiến đấu nguy hiểm đến mức có thể khiến người ta mất mạng và tạo ra sự chênh lệch về giới tính - nữ giới đông hơn nam giới, vì thế giống đực [vẫn có nhiều bạn tình] hoặc, về bản chất tự nhiên, là [có nhiều bạn tình]. Anh ta khi gần như chẳng có lý do nào để tránh thai, bởi những đứa trẻ sẽ trở thành nguồn lực quý giá trong căn lều của anh ta và sau đó là những nguồn lực quý giá trong nhóm đi săn. Bởi những lý do này và các lý do khác, sự tham lam sở hữu và vơ vét, sự hung hăng hiếu chiến và sự trưởng thành về dục tính là những ưu điểm, những “phẩm hạnh”, trong thời kỳ săn bắt - chúng là những phẩm chất phù hợp với mục tiêu sinh tồn. Chúng giờ đây vẫn là đặc tính cơ bản của giống đực. Thậm chí trong thời kỳ văn minh, chức năng chính của giống đực là ra ngoài và săn tìm thức ăn cho gia đình, hoặc thứ gì đó mà anh ta có thể dùng để đổi lấy thức ăn. Bất kể anh ta có xuất sắc đến thế nào, về cơ bản anh ta vẫn chỉ như chi lưu khi so với phụ nữ, người giữ vai trò sinh đẻ và như con sông cái của chủng loài. Rất có thể chính phụ nữ là những người đã tạo ra nông nghiệp, tức những nắm đất đầu tiên của văn minh. Cô ấy đã để ý tới sự nảy mầm của hạt giống rơi xuống từ quả hoặc thân cây; một cách kiên nhẫn và thử nghiệm, cô ấy gieo trồng các hạt giống gần hang hoặc căn lều, trong khi người đàn ông ra ngoài săn tìm các con vật làm thức ăn. Khi thí nghiệm của cô ấy thành công, bạn tình của cô kết luận rằng nếu anh ta và những người đàn ông khác có thể liên kết với nhau để cùng phòng thủ trước sự tấn công từ bên ngoài, anh ta sẽ có thể tham gia việc trồng và gặt hái cùng người phụ nữ, thay vì đặt cược mạng sống và nguồn cung cấp thức ăn vào sự may rủi không có gì chắc chắn của những cuộc đuổi bắt, hoặc của việc chăn thả theo lối du mục. Qua thế kỷ này rồi thế kỷ khác, anh ta dần buộc bản thân chấp nhận một mái ấm và một cuộc đời định cư. Phụ nữ đã thuần dưỡng cừu, chó, lừa, và lợn; giờ đây cô ấy đã thuần dưỡng được đàn ông. Đàn ông là động vật cuối cùng được phụ nữ thuần dưỡng, và chỉ được văn minh hóa một phần và một cách miễn cưỡng. Một cách chậm rãi, anh ta học từ cô những phẩm chất xã hội: tình yêu trong gia đình, lòng tốt (một thứ khá giống với tình thân gia đình), sự điềm tĩnh, sự hợp tác, hoạt động cộng đồng. Thứ gọi là “phẩm hạnh” giờ đây được tái định nghĩa thành bất cứ phẩm chất nào phù hợp với sự sinh tồn của cả nhóm. Tôi tin rằng đó là khởi đầu của văn minh - tức sự khởi đầu của việc sống như những công dân văn minh. Nhưng đó cũng là điểm khởi đầu của xung đột sâu sắc và không ngừng nghỉ giữa tự nhiên và văn minh - giữa những bản năng cá nhân chủ nghĩa đã bám rễ quá sâu trong giai đoạn săn bắt dài đằng đẵng của lịch sử loài người, và những bản năng xã hội gần đây mới được kiến thiết một cách yếu ớt bởi cuộc sống định cư. Mỗi khu định cư phải được bảo vệ bởi hành động có tính đoàn kết; sự hợp tác giữa các cá nhân trở thành một công cụ cạnh tranh giữa các nhóm - các làng, các bộ lạc, các giai cấp, các tôn giáo, các chủng tộc, các đất nước hoặc thành bang. Đa số các quốc gia vẫn ở trong trạng thái tự nhiên - vẫn trong thời kỳ săn bắt. Các cuộc viễn chinh tương ứng với các cuộc săn tìm thức ăn, hoặc nhiên liệu, hoặc nguyên liệu sống hoặc thô; một cuộc chiến thành công là một trong những cách để một quốc gia tiêu hóa. Đất nước - tức chính chúng ta và những động cơ của chúng ta được nhân lên nhiều lần để tổ chức và phòng vệ - thể hiện những bản năng cũ của chúng ta, tức những bản năng sở hữu, vơ vét và hiếu chiến, bởi vì, giống người đàn ông nguyên thủy, đất nước ấy cảm thấy không được an toàn; sự tham lam của nó là một cách để bảo vệ chính nó khỏi sự đói kém và túng thiếu trong tương lai. Chỉ khi nó cảm thấy an ổn về bên ngoài, nó mới có thể quan tâm tới những nhu cầu bên trong, và thăng hoa, với tư cách một nhà nước phúc lợi nửa chừng, để đạt đến những động cơ xã hội được kiến thiết bởi sự văn minh. Các cá nhân trở nên văn minh khi họ được an ổn nhờ tư cách thành viên trong một nhóm cộng đồng có năng lực bảo vệ hiệu quả; các quốc gia sẽ trở nên văn minh khi chúng được an ổn nhờ tư cách thành viên trung thành trong một nhóm liên minh có năng lực bảo vệ hiệu quả. Làm thế nào mà sự văn minh phát triển được, bất chấp bản năng săn bắt cố hữu của giống đực? Nó không nhắm tới việc ngăn cản bản năng ấy; nó nhận ra rằng không hệ thống kinh tế nào có thể duy trì chính nó về lâu dài mà không thu hút bản năng sở hữu và không khơi gợi những năng lực siêu việt bằng cách hứa hẹn những phần thưởng vượt qua cái thông thường. Nó biết rằng không cá nhân hoặc quốc gia nào có thể tồn tại về lâu dài mà không có sự sẵn sàng chiến đấu để bảo tồn bản thân. Nó nhìn thấy rằng không xã hội hay chủng tộc hay tôn giáo nào có thể tiếp tục tồn tại nếu nó không sinh sôi. Nhưng nó nhận ra rằng nếu tính tham lam sở hữu và vơ vét không được kiểm soát, nó sẽ dẫn đến những vụ trộm cắp hàng bán lẻ, những vụ cướp hàng buôn, sự tha hóa về chính trị hay tham nhũng, và dẫn đến sự tập trung của cải tới mức mời gọi những cuộc cách mạng. Nếu sự hiếu chiến không được kiểm soát, nó sẽ dẫn đến những cuộc ẩu đả ở mọi nơi, tới việc khu dân cư nào cũng bị thống trị bởi tên đầu gấu “nặng ký” nhất khu đó, tới sự chia chác địa bàn giữa những băng đảng đối đầu nhau ở mọi thành phố. Nếu tình dục không được kiểm soát, nó sẽ dẫn đến việc mọi cô gái hoàn toàn nằm dưới quyền định đoạt của mọi gã phong tình, mọi người vợ hoàn toàn nằm dưới quyền định đoạt của ham muốn của người chồng trước những bùa mê quyến rũ của sự trẻ trung và muốn điều mới lạ, và nó sẽ khiến không chỉ mọi công viên, mà cả mọi con phố trở nên không an toàn đối với phụ nữ. Những bản năng có sức ảnh hưởng mãnh liệt ấy phải được kiểm soát, nếu không trật tự xã hội và cuộc sống cộng đồng sẽ trở thành bất khả, và nam giới sẽ vẫn là những sinh vật man rợ. Những bản năng của thời kỳ săn bắt đã được kiểm soát phần nào bởi pháp luật và lực lượng trị an, phần nào bởi một sự đồng thuận bấp bênh của số đông, được gọi là luân lý. Những động cơ tham lam vơ vét đã được kiểm soát bởi việc xếp những hành vi trộm cướp vào nhóm những hành động phi pháp, và việc kịch liệt chỉ trích lòng tham cùng sự tập trung của cải quá mức gây phá vỡ sự ổn định. Tinh thần hiếu chiến được kiềm chế bởi việc gây ra những tổn hại có tính trừng phạt lên con người hoặc tài sản. Những động cơ dục tính - với sức ảnh hưởng chỉ kém mãnh liệt hơn con đói một chút - được kiểm soát ở trạng thái trật tự mà người ta có thể quản lý, bằng cách cấm việc khêu gợi một cách Công khai và bằng cách cố gắng điều hướng những động cơ ấy ngay từ giai đoạn đầu, biến chúng thành những cuộc hôn nhân có trách nhiệm. Làm thế nào mà ngày nay bộ quy chuẩn luân lý phức tạp ấy - quá bất tương thích với bản tính tự nhiên của chúng ta, quá phiền nhiễu với những nguyên tắc “Bạn không được” của nó - khắc sâu và duy trì chính nó thông qua năm thiết chế đặc biệt, tất cả đều đã ọp ẹp và hư nát: gia đình, Giáo hội, nhà trường, luật pháp, và ý kiến dư luận mà những yếu tố này góp phần tạo ra? Gia đình, trong xã hội nông nghiệp, dạy người ta về những tác dụng và cảm giác thoải mái của việc gắn kết và tương trợ, người mẹ dẫn dắt và dạy con gái việc chăm sóc tổ ấm; người cha dẫn dắt và dạy con trai việc chăm sóc đất đai; và sự dẫn dắt kép này tạo một nền tảng về kinh tế mạnh mẽ cho thẩm quyền của cha mẹ. Tôn giáo xây dựng cơ sở cho những lời răn luân lý bằng cách quy nguồn gốc của chúng về với Chúa Trời, đấng toàn trí, có quyền và khả năng ban thưởng và trừng phạt. Cha mẹ và thầy cô truyền lại những quy chuẩn đã được thần thánh phê chuẩn thông qua những lời giáo huấn và ví dụ; và thẩm quyền của họ được củng cố, tới tận thế kỷ của chúng ta, bởi mối liên hệ này với tôn giáo. Luật pháp ủng hộ phần lớn những quy chuẩn này bằng việc sử dụng áp lực và lực lượng một cách có tổ chức và qua cả sự sợ hãi trước những thứ này. Dư luận kiểm soát tình trạng vô luân bằng những tính từ (gán nhãn) và thông qua những cách đầy tính chỉ trích khắc nghiệt, và khuyến khích những hành vi tốt bằng sự tuyên dương, cổ xúy, và quyền lực. Dưới tán ô bảo vệ trật tự xã hội này, cuộc sống cộng đồng mở rộng, văn chương phát triển rực rỡ, triết học phiêu lưu khám phá, nghệ thuật và khoa học phát triển, và các sử gia ghi lại được những thành tựu đầy sức truyền cảm hứng của quốc gia và chủng tộc. Một cách chậm rãi, nam giới và nữ giới hình thành được sự tiết chế, sự thân thiện và phép ứng xử lịch sự, lương tri luân lý và cảm thức thẩm mỹ, tức những nét văn minh quý giá và vô hình trong di sản của chúng ta. Văn minh là một trạng thái ổn định về trật tự xã hội tạo điều kiện cho sự kiến tạo về văn hóa. Bây giờ, nếu những thế lực vốn sinh ra vì trật tự và văn minh lại thất bại trong việc gìn giữ trật tự và văn minh thì sao? Gia đình đã suy yếu bởi sự biến mất của hình thức lao động liên hiệp, một hình thức giữ cho gia đình ấy gắn bó với nhau nhờ cùng làm việc trên nông trại; bởi chủ nghĩa cá nhân đã phân tán công việc và những đứa bé trai, và bởi sự xói mòn thẩm quyền của cha mẹ thông qua sự tự do về tâm trí, khao khát về xã hội hoàn mỹ, và tính nổi loạn tự nhiên của những người trẻ tuổi. Tôn giáo đã suy yếu bởi sự gia tăng về của cải vật chất và sự phát triển của các thành phố; do những bước phát triển kỳ thú của khoa học và phương pháp ghi chép sử; bởi sự chuyển biến từ những cánh đồng đề cao cuộc sống sáng tạo sang những nhà máy thuyết giảng về vật lý, hóa học, và vinh quang của máy móc, và bởi sự thay thế những hy vọng siêu phàm thoát tục bằng những nhà nước hoàn hảo. Hệ thống giáo dục của chúng ta bị cản trở bởi đấu tranh giai cấp và chiến tranh sắc tộc, bởi những nhóm thiểu số vũ trang đưa ra những “yêu sách không-thể-nhượng-bộ”, bởi những cuộc nổi loạn của những người chịu quá nhiều gánh nặng thuế khóa và bởi sự sụp đổ của những cây cầu nối giữa người trẻ và người già, giữa thí nghiệm và kinh nghiệm. Luật pháp mất đi thế mạnh của nó do sự gia tăng về số lượng và sự thiên vị của chính nó, bởi việc dễ dàng mua chuộc những người lập pháp, bởi những phát triển trong những phương cách để thoát tội và che giấu, và bởi khó khăn của việc hành pháp trên một dân số đang sinh sôi ngoài tầm kiểm soát. Dư luận mất đi sức mạnh của nó do sự chia cắt, sợ hãi, lãnh đạm và sự tôn thờ vật chất ở mọi nơi. Như vậy, những bản năng cũ trở về với trạng thái không bị kìm hãm và không bị thuần hóa, và nổi loạn dưới dạng tội phạm, cờ bạc, sự tha hóa và tham nhũng, việc kiếm tiền một cách vô lương tâm, và sự hỗn loạn về tình dục mà trong đó tình yêu là tình dục - tự do và miễn phí cho giống đực và nguy hiểm cho giống loài. Đối thoại tham vấn nhường đường cho sự đối đầu; luật pháp bị bẻ cong, vỡ vụn trước thế lực thiểu số; hôn nhân trở thành một vụ đầu tư ngắn hạn trong những hoàn cảnh bất ổn nay đã nhiều và đa dạng hơn trước; việc sinh con đẻ cái đối mặt với những rủi ro bất hạnh và không phù hợp với chuẩn mực xã hội; và khả năng sinh sản mạnh của những nòi giống kém cỏi khiến cho chủng loài chúng ta sinh sôi ở tầng đáy, trong khi khả năng sinh sản yếu của những nòi giống thông minh khiến cho chủng loài héo tàn ở tầng chóp. Nhưng chính sự thái quá của chủ nghĩa đa thần hiện tại có thể sẽ là sự bảo đảm cho một hy vọng nào đó, rằng nó sẽ không tồn tại được lâu; bởi thường thì sự thái quá sẽ sinh ra cái đối nghịch với nó. Một trong những hậu quả thường thấy nhất trong lịch sử là việc: theo sau một giai đoạn của sự tự do đa thần là một thời kỳ của sự kiềm chế khổ hạnh và kỷ cương về luân lý. Vì thế, sau thời kỳ sự tha hóa về đạo đức của Rome cổ đại dưới thời Nero và Commodus và những hoàng đế sau đó là sự trỗi dậy của Cơ Đốc giáo, và sự tiếp nhận và bảo trợ chính thức mà hoàng đế Constantine dành cho tôn giáo này, như một nguồn dự trữ và nền tảng cho trật tự và khuôn phép. Bạo lực và tình trạng không bị cấm đoán về tình dục kiểu “condottiere” - tướng lĩnh đánh thuê - của Phục hưng kiểu Ý dưới thời thống trị của gia tộc Borgia dẫn đến sự thanh lọc của Giáo hội và sự phục hồi của luân lý. Sự chìm đắm trong đê mê bất cần của nước Anh thời Elizabeth đã mở đường cho sự thống trị của tư tưởng Thanh giáo dưới thời Cromwell, thứ dẫn đến tư tưởng đa thần của nước Anh dưới thời Charles II. Sự sụp đổ của chính quyền, hôn nhân, và gia đình trong 10 năm của cách mạng Pháp đã kết thúc bằng sự phục hồi của luật pháp, kỷ cương, và thẩm quyền của cha mẹ dưới thời Napoleon I, theo sau tư tưởng đa thần lãng mạn của Byron và Shelley, và những hành vi phóng đãng của hoàng tử xứ Wales, người đã trở thành George IV, là sự đúng mực trong cách cư xử trên toàn nước Anh thời Victoria. Nếu để những tiền lệ này dẫn dắt, ta có thể đoán rằng các cháu chắt của chúng ta sẽ là những người khổ hạnh. Nhưng lịch sử có những viễn tượng khác, dễ chịu hơn sự xoay chuyển liên tục giữa những thứ thái quá và cái đối nghịch với nó. Tôi sẽ không đồng tình với kết luận của Voltaire và Gibbon, một kết luận khiến người ta phải suy sụp tinh thần, rằng lịch sử là “bản ghi chép những tội ác và hành động điên rồ của nhân loại”. Tất nhiên phần nào nó là vậy, và chứa hàng trăm triệu bi kịch - nhưng nó cũng là sự sáng suốt và đúng mực còn sót lại của gia đình điển hình, sự lao động và tình yêu của đàn ông và phụ nữ khi gánh vác dòng chảy của cuộc sống vượt qua hàng nghìn trở ngại. Nó là trí huệ và lòng can đảm của những chính khách như Winston Churchill và Franklin Roosevelt, trong đó người thứ hai ra đi khi đã kiệt sức nhưng mãn nguyện; nó là nỗ lực kiên định đến tuyệt đối của các nhà khoa học và triết học để thấu hiểu vũ trụ bao quanh họ; nó là lòng kiên nhẫn và kỹ nghệ của các nghệ sĩ và thi sĩ, thứ đã đem lại một hình thái biểu hiện vĩnh cửu cho cái đẹp vốn chỉ tồn tại trong thoáng chốc, hoặc đem sự rõ ràng có tính khai sáng đến với những điều quan trọng nhưng lại tinh vi và khó nhận biết; nó là tầm nhìn của các nhà tiên tri và các vị thánh, thách thức chúng ta đạt đến sự cao quý. Trên dòng sông đầy hỗn loạn và đã bị vấy bẩn này, ẩn tàng giữa những đau khổ và ngu xuẩn là một “Thành phố của Chúa Trời” thật sự, trong đó những linh hồn sáng tạo của quá khứ, nhờ có những phép mầu của ký ức và truyền thống, vẫn sống và làm việc, đẽo khắc và xây dựng và ca hát. Plato ở đó, chơi đùa với triết học cùng Socrates; Shakespeare ở đó, mỗi ngày lại đem đến những kho báu mới; Keats vẫn đang lắng nghe tiếng chim sơn ca của ông, và Shelley cưỡi trên gió Tây; Nietzsche ở đó, say sưa phát biểu và hé mở những tri thức; Jesus Christ ở đó, mời gọi chúng ta tới và chia sẻ những miếng bánh mì của Ngài. Những người này và cả nghìn người khác, và những món quà họ ban tặng, là di sản Phi thường của chủng loài chúng ta, sợi tơ vàng trong chiếc lưới lịch sử, Chúng ta không cần nhắm mắt quay lưng trước những xấu xa đang thách thức mình - chúng ta nên lao động với tinh thần kiên định tuyệt đối để tiêu trừ những xấu xa ấy - nhưng chúng ta có thể lấy sức mạnh từ những thành tựu của quá khứ, hào quang chói lọi của những di sản của chúng ta. Hãy để chúng ta, những vị vua u sầu của Shakespeare, ngồi xuống và kể những câu chuyện can đảm của những người phụ nữ cao quý và những người đàn ông vĩ đại. Chương 2 KHỔNG TỬ VÀ VỊ THẦN TIÊN BỊ ĐÀY XUÔNG HẠ GIỚI Hẳn bạn đã biết rằng nền văn minh Trung Hoa lâu đời không kém bất cứ nền văn minh nào khác mà chúng ta đã biết, và lịch sử của nó đầy những chính trị gia, hiền nhân, thi sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học, và các vị thánh, những người mà di sản của họ ngày nay vẫn góp phần làm phong phú vốn hiểu biết và khiến phần nhân văn trong chúng ta ngày càng sâu sắc hơn. “Những dân tộc này”, Diderot đã viết về người Trung Quốc vào khoảng năm 1750, “siêu việt hơn tất cả những dân tộc châu Á khác về sự cổ xưa, nghệ thuật, tri thức, trí huệ, chính sách, và cả gu triết học của họ; không, trong sự suy xét của những tác giả nhất định, họ có thể tranh chấp ngôi vị đứng đầu, ở những lĩnh vực trên, với những dân tộc khai minh nhất châu Âu”. Thật mở mang làm sao khi khám phá ra rằng Khổng Tử, khoảng 500 năm TCN, đã viết về “những hiền nhân thuở xa xưa”; người Trung Quốc, hiển nhiên, có những triết gia sống trước thời của Khổng Tử cả nghìn năm, trước cả Phật Thích Ca, Isaiah, Democritus, và Socrates. Người Trung Quốc cổ đại, giống những tổ tiên của người phương Tây, đã sáng tạo ra những truyền thuyết để giải thích các nguồn gốc. Một trong số đó nói với chúng ta rằng Bàn Cổ, qua 18.000 năm lao động, đã dùng búa mở mang vũ trụ thành hình vào khoảng năm 2.229.000 TCN. Khi ngài làm việc, “hơi thở của ngài trở thành gió và mây,giọng nói của ngài trở thành sấm, mạch máu của ngài trở thành sông, thịt của ngài trở thành mặt đất, tóc của ngài trở thành cỏ và cây, mồ hôi của ngài trở thành mưa; và những con côn trùng bám vào cơ thể ngài trở thành loài người”. Ban đầu, chúng ta được cho biết: “Loài người giống các con thú, che thân bằng những bộ da, ăn thịt sống, và biết mẹ nhưng không biết cha mình là ai” - hoặc, trong dị bản đương đại của chúng ta, họ mặc áo lông chồn, thích món steak tái lòng đào, và cho phép giống đực làm tình tự do. Sự tự do hoang dã này (truyền thuyết tiếp tục) được chấm dứt bởi một loạt những “thiên đế”, mỗi người cai trị 18.000 năm, và giúp biến những sâu bọ của Bàn Cổ thành những công dân biết tuân lời. Hoàng đế Phục Hi, vào khoảng năm 2852 TCN, dạy cho dân của ông về hôn nhân, âm nhạc, chữ viết, hội họa, đánh cá bằng lưới, thuần dưỡng động vật và chăn nuôi, và thuyết phục loài dâu tằm nhả tơ. Người kế vị ông, hoàng đế Thần Nông, đem đến nông nghiệp, phát minh ra cái cày, và phát triển khoa học y học dựa trên giá trị chữa bệnh của cỏ cây. Hoàng đế Hoàng Đế* khám phá ra nam châm, xây dựng một đài thiên văn, chỉnh sửa lịch, và phân phối lại đất đai - đây là lần đầu tiên việc nhà nước tái phân phối của cải (được tập trung một cách liên tục) được đề cập đến. Như vậy, truyền thuyết, như Carlyle đã nói, nhìn lịch sử như một cuộc tiếp nối liên tục của các anh hùng, và quy nguyên nhân của những thành tựu đầy khó nhọc của nhiều thế hệ về chỉ một số ít cá nhân nổi bật. Thời kỳ trị vì của các hoàng đế này bị kết thúc bởi sự bạo ngược của Trụ Tân*, người đã phát minh ra đũa và cho phép người của mình hoành hành trong dâm loạn và bạo lực, chúng ta được nghe lại rằng đàn ông và phụ nữ đã trần truồng nhảy múa vui đùa trong vườn của hoàng hậu. Vào khoảng năm 1123 TCN, một cuộc nổi dậy lật đổ Trụ Tân, và Trung Quốc, tức “Đất nước ở giữa”, như cách người Trung Quốc khi ấy gọi quốc gia của họ, rơi vào sự hỗn loạn của nhiều lãnh thổ dạng bán chư hầu, những nước mà khi ấy tình trạng bán độc lập của chúng, như ở nước Đức thế kỷ 18, có vẻ đã góp phần vào sự phát triển của thơ ca và triết học, khoa học và nghệ thuật. Khổng Tử đã tập hợp được 305 bài thơ của thời kỳ phong kiến này vào thành Kinh Thi, tức Cuốn sách của các bài thơ. Trong số đó, bài thơ mang tinh thần đương đại nhất là bài ca ai oán muôn thuở của những binh sĩ bị chia cắt khỏi quê nhà và dâng hiến tất cả cho cái chết không hiểu vì mục đích gì: Bản dịch tiếng Anh của Will Durant: How free are the wild geese on their wings, And the rest they find on the bushy Yu trees! But we, ceaseless toilers in the king’s services, Cannot even plant our millet and rice. What will our parents have to rely on? O thou distant and azure Heaven! When shall all this end? What leaves have not turned purple? What man is not torn form his wife? Mercy be on us soldier! - Are we not also men. Tự do làm sao những con ngỗng đang bay lượn, Và đang đậu trên những cây Yu rậm rạp kia! Còn chúng tôi đây, những đầy tớ không nghỉ của nhà vua, Còn chẳng được trồng kê, trồng lúa. Cha mẹ chúng tôi rồi sẽ nương tựa vào đâu? Hỡi trời xanh vời vợi: Bao giờ mới kết thúc đây? Có lá nào chưa chuyển tím? Có nam nhân nào chưa phải chia lìa vợ yêu? Mong ông trời khoan dung với thân lính chúng tôi! – Chẳng lẽ chúng tôi không phải con người?* Một người lính đã trở về, như chúng ta thấy được từ bài thơ tươi vui nhất trong những bài tụng ca này, được dịch qua ngôn từ tuyệt vời của Helen Waddell: The morning-glory limbs above my head, Pale flowers of white and purple, blue and read. I am disquieted. Down in the withered grasses something stirred. I thought it was his football that I heard; Then a grasshopper stirred. I climbed the hill as the new moon showed; I saw him coming on the southern road. My heart lays down its heavy load. Nhánh bìm bìm phía trên đầu tôi, Những đóa hoa nhạt màu trắng, tím, xanh lam và đỏ. Lòng tôi chộn rộn không yên. Phía dưới đám cỏ đã úa tàn, có thứ gì đó xôn xao; Tôi ngỡ rằng mình nghe thấy tiếng bước chân của chàng; Rồi một chú châu chấu nhảy tung tăng. Tôi leo lên ngọn đồi khi trăng non mọc; Tôi nhìn thấy chàng trên con đường phía Nam. Tim tôi trút bỏ gánh nặng ưu phiền. Xuất hiện vào thời phong kiến ấy là những triết gia nổi tiếng đầu tiên người Trung Quốc. Sinh ra vào khoảng năm 604 TCN, Lão Tử - tức “Bậc thầy già” - khước từ nền văn minh của những đô thị đang phát triển của Trung Quốc, trong một cuốn sách mang tên Đạo Đức Kinh - nghĩa là Con đường và Lẽ phải. Nó gần như là một bản tóm tắt cho tư tưởng của Jean Jacques Rousseau và Thomas Jefferson, nhưng ra đời vào 2.300 năm trước họ. Chính Đạo, theo Lão Tử, là tránh những công việc và mưu mẹo của trí thức, và sống một cuộc đời mộc mạc tĩnh lặng trong sự hòa hợp với thiên nhiên và những tư tưởng lẫn tập quán cổ xưa. Khi không bị cấm cản bởi chính quyền, những động lực ngẫu hứng tự nhiên của con người - những khao khát có được thức ăn và tình yêu - sẽ làm cho bánh xe cuộc đời chuyển động ở mức vừa đủ, trong một vòng quay đơn giản và hoàn chỉnh. Khi ấy sẽ có ít phát minh, bởi những thứ này chỉ đơn thuần thêm sức mạnh cho kẻ mạnh và của cải cho kẻ giàu. Không nên có sách hay ngành nghề lớn, chỉ cần có các nghề ở quy mô làng - và không cần ngoại thương. Lão Tử phân định rạch ròi giữa tự nhiên và văn minh, như Rousseau sau đó sẽ làm trong một phòng trưng bày những suy nghĩ lặp lại lời Lão Tử, mà ông gọi là tư tưởng hiện đại. Tự nhiên là hoạt động có tính tự nhiên, dòng chảy âm thầm của các sự kiện truyền thống, sự chảy trôi và trật tự oai nghiệm của các mùa và bầu trời; đó chính là Đạo (hay con đường) biểu hiện và hiện thân trong từng dòng suối, hòn đá và vì sao, đó chính là quy luật của vạn vật, vô tư và khách quan, không thiên vị, nhưng duy lý, mà quy luật hành xử của con người phải tuân theo (như Spinoza đã nói), nếu chúng ta muốn sống trong trí huệ và hòa bình. Quy luật của vạn vật này chính là Đạo, hay con đường, của vũ trụ, cũng giống như quy luật hành xử là Đạo, hay con đường, của cuộc sống. Trong tư tưởng của Lão Tử, cả hai Đạo chỉ là một; và đời người, về cơ bản gồm những nhịp của sinh, mệnh, và tử, là một phần của nhịp thế giới. Vạn vật trong tự nhiên âm thầm vận hành. Chúng sinh ra và chẳng sở hữu gì. Chúng hoàn thành chức năng của mình mà không đòi hỏi gì. Vạn vật đều làm việc của chúng, và rồi ta thấy chúng thoái lui. Khi chúng đã đạt thời kỳ rực rỡ nhất của mình, chúng trở về với nguồn cội. Trở về với nguồn cội nghĩa là nghỉ ngơi hoặc hoàn thành sứ mệnh. Sự hồi nguyên này là một quy luật vĩnh hằng. Hiểu được quy luật ấy chính là trí huệ. Sự tĩnh lặng, một kiểu vô vi có tính triết học, một sự từ chối can thiệp vào những dòng chảy tự nhiên của vạn vật, là dấu hiệu của người sáng suốt ở mọi lĩnh vực. Nếu hoàn cảnh đang hỗn loạn, điều đúng đắn cần làm là không cải tạo nó, mà đảm bảo rằng đời người thực hiện các nhiệm vụ của nó theo đúng trật tự. Nếu gặp phải sự phản kháng, hành động sáng suốt hơn cả là không tranh cãi, gây gổ, hay gây chiến, mà âm thầm rút lui, và nếu có chiến thắng thì cũng là qua việc nhún nhường và kiên nhẫn; sự thụ động thường giành được chiến thắng nhiều hơn hành động. Ở đây, Lão Tử nói với giọng điệu gần như giống hệt Chúa Jesus Christ: Nếu ngươi không tranh cãi, không ai trên thế giới có thể tranh cãi với người… Hãy dùng sự nhân từ để đáp trả thương tổn… Với những người tốt, tôi đối tốt, và với những người không tốt, tôi cũng đối tốt; vì thế tất cả sẽ tốt. Với những người chân thật, tôi chân thật, và với những người không chân thật, tôi cũng chân thật, và vì thế tất cả sẽ chân thật… Thứ mềm mỏng nhất thế giới… chiến thắng thứ cứng rắn nhất. Tất cả những hệ tư tưởng này kết tinh trong quan niệm của Lão Tử về bậc hiền nhân. Điểm đặc thù của tư tưởng Trung Hoa là: nó không nói về các vị thánh mà về các hiền nhân, không nói về lòng tốt mà nói về trí huệ nhiều hơn; đối với người Trung Quốc, sự lý tưởng không nằm ở tín đồ ngoan đạo mà ở tâm trí trưởng thành và tĩnh lặng. Người sáng suốt thậm chí không nói về Đạo và trí huệ, bởi trí huệ không thể được truyền tải bằng lời nói, mà chỉ có thể bằng các gương mẫu trong lịch sử và trải nghiệm. Nếu người sáng suốt biết nhiều hơn những người khác, anh ta sẽ cố gắng che giấu điều đó, anh ta sẽ kiềm chế sự thông tuệ của mình, và khiến bản thân chấp nhận sự u minh trong tâm trí người khác. Anh ta đồng ý với những người có đầu óc đơn sơ thay vì với những người thông thái, và không khó chịu tước sự bất đồng của người non kinh nghiệm”. Anh ta không hề coi trọng sự giàu có hoặc quyền lực, mà tiết chế những khao khát của mình xuống mức gần như tối thiểu trong tinh thần của đạo Phật. Chúng ta có thể tưởng tượng tư tưởng triết học của sự thoái lui ở ẩn này khiến Khổng Tử trẻ tuổi và đầy tham vọng cảm thấy khó chịu đến thế nào, và ở cái tuổi 35 còn chưa chín chắn, ông đã tìm đến Lão Tử để tham vấn về một số chi tiết trong lịch sử. Bậc Thầy Già, như người ta kể lại, đáp lại với sự súc tích đầy tính khắc nghiệt và bí ẩn: Chuyện về những người mà cậu đang hỏi đã là quá khứ phủ đầu rêu, và xương của họ đã thành cát bụi… Hãy từ bỏ lòng kiêu hãnh và bao nhiêu tham vọng, sự giả bộ và những mục tiêu ngông cuồng của mình đi. Con người cậu hoàn toàn không thu được gì từ tất cả những thứ ấy đâu. Các sử gia Trung Quốc kể lại rằng Khổng Tử đã nhận ra trí huệ trong những lời này, và không hề cảm thấy bị xúc phạm khi nghe chúng. Ông bước tiếp với một quyết tâm mới để hoàn thành nhiệm vụ của riêng mình và trở thành triết gia có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử. KHỔNG TỬ Khổng Phu Tử - “Bậc thầy họ Khổng”, như các học trò gọi ông - sinh ra vào khoảng năm 551 TCN, ở chư hầu phong kiến mang tên Lỗ, hay còn gọi là nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông. Cha ông mất khi ông mới 3 tuổi. Khổng Tử làm việc sau giờ học để phụ giúp mẹ. Ông lấy vợ ở tuổi 19, bỏ vợ ở tuổi 23, và có vẻ không kết hôn lần nào nữa. Ở tuổi 20, ông bắt đầu nghề giáo, dùng nhà mình làm lớp học, và học trò có thể trả bao nhiêu thì ông thu học phí bấy nhiêu. Giống Socrates, ông dạy bằng cách truyền miệng hơn là sách; chúng ta biết về tư tưởng của ông chủ yếu qua những bản thuật lại không đáng tin cậy lắm của các học trò. Ông không công kích bất cứ nhà tư tưởng nào và không lãng phí chút thời gian nào cho việc phản bác. Ông cực kỳ khao khát danh tiếng và địa vị, nhưng ông liên tiếp từ chối những lần phong chức từ những nhà cai trị mà ông cho là vô luân hoặc không công minh. Cơ hội của ông đến khi, vào khoảng năm 501 TCN, ông được phong chức Trung Đô Tể. Theo một truyền thuyết mang tinh thần ái quốc, sự trung thực, như một bệnh dịch thật sự, đã lan tràn khắp thành; các vật dụng có giá trị bị đánh rơi trên phố đều được để nguyên hiện trạng hoặc trả về với chủ. Người ta kể rằng, quyết định phong chức tiếp theo mà ông được nhận, chức Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng Thư), được phong bởi Lỗ Định Công, đã chứng minh sự đúng đắn của nó khi chấm dứt tất cả những hành vi vô trật tự. “Gian dối và trụy lạc”, theo các ghi chép của người Trung Quốc, “đã xấu hổ và chui đầu lẩn trốn. Trung và tín trở thành tính cách của đàn ông, đoan chính và ngoan ngoãn trở thành tính cách của đàn bà. Khổng Tử trở thành thần tượng của nhân dân”. Điều này tốt đến mức không thể là thật, và ở bất cứ trường hợp nào, nó cũng tốt đến mức không thể kéo dài. Đám trộm cướp cùng nhau bàn bạc, và giăng bẫy dưới chân Khổng Tử. Các nhà sử học nói rằng các nước láng giềng ghen tị với nước Lỗ, và sợ sức mạnh đang lên của nó. Một viên quan xảo quyệt đã đề xuất một âm mưu được hoạch định kỹ lưỡng để Lỗ Định Công không quan tâm đến lời Khổng Tử nữa; vua Tề dâng tặng Lỗ Định công Bộ Nữ Nhạc gồm các “cô gái múa hát xinh đẹp”, và 120 con tuấn mã. Lỗ Định Công khi ấy sa đà mê đắm, không còn dành tâm trí cho thứ gì khác, mặc kệ những phản đối của Khổng Tử (người cho rằng nguyên tắc đầu tiên của triều đình là phải làm gương), và bê bối bỏ mặc triều thần cùng chính sự. Khổng Tử từ quan, và bắt đầu 13 năm lang bạt cùng các học trò. Ông buồn bã nhận xét rằng ông chưa bao giờ thấy ai yêu quý phẩm hạnh nhiều như ông ta (Lỗ Định Công) yêu sắc đẹp”. Triết lý cơ bản của ông là gì? Đó là việc phục hồi đạo đức, luân lý và trật tự xã hội bằng cách truyền bá giáo dục. Hai đoạn trong một cuốn sách Đại Học được học trò của ông viết để tóm tắt hệ tư tưởng của ông: Thời cổ đại, phàm những thánh nhân muốn phát huy tính thiện của con người đến khắp thiên hạ, trước hết phải an định cho tốt nước mình, bang mình. Muốn an định tốt nước mình, bang mình, trước hết cần chỉnh đốn tốt gia tộc của mình. Muốn chỉnh đốn tốt gia tộc mình, trước hết phải tu dưỡng chính mình. Muốn tu dưỡng chính mình, trước hết phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng. Muốn cho tâm tư của mình ngay thẳng, trước hết phải có ý nghĩ thành thực. Muốn có ý nghĩ thành thực, trước hết phải cố hết sức để mở mang tri thức tột bậc. Việc mở mang tri thức ấy nằm ở việc điều nghiên cạn vật. Khi đã điều nghiên cạn vật, tri thức mới hoàn chỉnh. Tri thức hoàn chỉnh, ý nghĩ mới thành thực, ý nghĩ thành thực, tâm tư mới ngay thẳng. Tâm tư ngay thẳng, bản thân mới được tu dưỡng. Bản thân được tu dưỡng, mới chỉnh đốn tốt gia tộc của mình. Chỉnh đốn tốt gia tộc mình, mới lãnh đạo tốt nước mình. Lãnh đạo tốt nước mình, thiên hạ mới được thái bình và an lạc. Đó là một lời khuyên để hoàn thiện bản thân, và quên mất rằng con người là một loài linh trưởng mặc quần áo; nhưng, giống Cơ Đốc giáo, nó cho người ta một mục tiêu để hướng tới, một cái thang để trèo lên. Nó là một trong những văn tự quý giá như vàng về triết lý: cải tạo bắt đầu từ gia đình, gia tộc. Khi Khổng Tử 69 tuổi, Lỗ Ai Công đã nối ngôi vua nước Lỗ, và gửi 3 sứ thần tới gặp triết gia này, dâng quà tặng và một thư mời ông trở về với đất nước nơi ông sinh ra. Trong 5 năm còn lại của cuộc đời, Khổng Tử sống ở đó giản dị và thanh cao. Khi Tề Quốc Công hỏi về sức khỏe của ông, ông bảo học trò trung thành Tử Lộ trả lời rằng: Thần đơn thuần là người háo hức theo đuổi tri thức mà quên ăn; là người hân hoan (vì đạt được tri thức) mà quên cả đau buồn; và là người không thấy rằng tuổi già đang đến. Ông qua đời ở tuổi 72. Học trò chôn cất ông với nghi lễ tương xứng với lòng kính yêu họ dành cho ông, một số người dựng lều cạnh mộ ông và sống ở đó suốt 3 năm. Khi tất cả những người khác đã đi, Tử Cống, người kính yêu ông thậm chí hơn tất cả những học trò khác, ở lại đó thêm 3 năm nữa, than khóc một mình bên mộ của Bậc Thầy. VỊ THẦN TIÊN BỊ ĐÀY XUỐNG HẠ GIỚI Giờ hãy khoác đôi cánh và bay vượt qua 12 thế kỷ từ năm 478 TCN tới năm 705. Một ngày nọ, khi đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp trị vì, hoàng đế Đường Minh Hoàng đón tiếp các sứ thần từ Cao Ly, những người chuyển cho ông những thông điệp quan trọng được viết bằng một phương ngữ mà không một đại thần nào có thể hiểu nổi. “Cái gì!” ngài thốt lên, “giữa bao nhiêu đại thần, bao nhiêu học giả lẫn chiến tướng, chẳng lẽ không tìm được nổi một người học đủ rộng để giúp ta tránh được nỗi xấu hổ bị trêu tức này? Nếu trong 3 ngày, chư khanh không ai giải nghĩa được bức thư này, tất cả sẽ bị cách chức”. Suốt một ngày, các đại thần bàn tán và lo lắng cho chức tước lẫn cái đầu của họ. Hạ Tri Chương tới gần ngai vàng và tâu: Thần mạo muội tấu với Bệ hạ rằng có một thi sĩ kỳ tài, họ Lý, ở nhà thần, một người tinh thông nhiều môn; xin tấu Bệ hạ lệnh cho hắn đọc bức thư này, bởi không gì là hắn không biết. Lý Bạch đến và thảo một bức thư rất hay, và hoàng đế phê lên bức thư đó không hề do dự, gần như hoàn toàn tin vào những gì Hạ Tri Chương đã thì thầm vào tai mình rằng Lý Bạch là một vị thần tiên bị đày xuống hạ giới vì đã bày trò nghịch ngợm tinh quái. Câu chuyện ấy rất có thể là một trong những sản phẩm mà chính Lý Bạch thêu dệt nên. Vào đêm ông ra đời, mẹ ông - khi ấy là người của gia tộc họ Lý - đã mơ thấy Thái Bạch Kim Tinh, mà phương Tây gọi là sao Venus. Vì thế đứa bé được đặt tên là Lý Thái Bạch. Lên 10 tuổi, ông đã thông thuộc tất cả những cuốn sách của Khổng Tử và đã viết ra những áng thơ bất hủ. Ông lớn lên mạnh khỏe và cường tráng, học kiếm thuật, và tuyên bố với mọi người rằng: “Tuy chỉ cao bảy thước, tôi đủ khỏe để địch lại vạn người”. Rồi ông ngao du thư thái khắp nơi, tận hưởng ái tình với nhiều cô gái. Ông viết: Rượu bồ đào đựng trong chén vàng Một thiếu nữ xứ Ngô cưỡi ngựa tới Tuổi nàng mới trăng tròn, Lông màu nàng tô màu xanh đen Hài của nàng bằng gấm màu hồng Giọng nàng líu lo nghe không rõ, Nhưng tiếng hát của nàng làm cho ta mê hồn. Nàng ngồi bàn khảm xà cừ Uống chung chén rượu với ta. Ôi, những buốt ve sau bức màn thêu bông huệ. Làm sao quên được em?* Ông kết hôn, nhưng kiếm được quá ít tiền đến mức vợ bỏ ông và dắt theo các con. Hoàng đế ưu ái ông và ban cho ông rất nhiều món quà vì đã ngâm thơ ca ngợi Dương Quý Phi. Nhưng Dương Quý Phi nghĩ rằng nhà thơ châm biếm bà, và vì thế thuyết phục hoàng đế đổi ý, tặng Lý Bạch một món tiền và để ông ra đi. Chúng ta có thể tưởng tượng ông lang thang từ thị thành này đến thị thành khác, như Thôi Tông Chi đã mô tả ông: Vai mang một tay nải đầy sách, ông đi hàng nghìn cây số như một đạo sĩ. Giấu trong tay áo là một đoản đao, và trong túi ông là một tập thơ. Trong những cuộc viễn du ấy, tình bạn cố tri của ông với thiên nhiên cho ông sự khuây khỏa và một niềm vui có phần nổi loạn: Hỏi sao ta ở chốn núi xanh? Ta cười chẳng đáp; lòng an lành, Giữa trời đất khác, nào của ai. Rừng đào nở hoa, nước chảy dài. Hay: Ánh trăng rọi trước giường, Ngỡ thấy đất phủ sương. Ngẩng đầu ngắm trăng sáng, Cúi đầu nhớ cố hương*. Giờ đây, khi tóc đã bạc, tâm tư ông ngập tràn niềm mong mỏi những cảnh tượng thời trẻ. Không biết bao nhiêu lần, giữa cuộc sống giả tạo ở kinh đô, ông đã thèm khát sự giản dị tự nhiên của cuộc sống với vợ con và quê nhà! Ở đất Ngô, lá dâu đã xanh lại rồi. Và tằm đã ba lần chui vào kén. Ta không biết ai gieo lúa. Ở quê tôi, tại miền đông Luh? Tôi không thể về kịp thời để làm công việc mùa xuân. Đi trên sông như vậy, tôi không làm được gì cả. Dưới ngọn gió Nồm, lòng tôi nhớ quê. Mà vơ vẩn nghĩ tới nhà. Tôi thấy ở tường đông một cây đào. Cành lá sum suê đong đưa trong sương mù xanh xanh, Cây đó tôi đã trồng ba năm trước khi đi. Bây giờ chắc đã lớn, cao bằng nóc nhà. Mà tôi vẫn chưa về. Bình Dương, con gái xinh đẹp của cha, cho thấy con Đứng dưới gốc đào, bẻ một cành đầy hoa Con hái hoa mà nhớ cha. Nước mắt chảy ròng ròng. Còn Po-chin, con trai cưng của cha, chắc con đã đứng tới bai chị con. Con cùng với chị con tựa dưới gốc đào. Mà không có cha về để vỗ nhẹ lên lưng con. Nghĩ tới nông nỗi ấy, cha như người mất hồn, Và không ngày nào lòng không chua xót. Cha vừa mới xé một mảnh lụa trắng để viết bức thư này, Mà âu yếm gởi cho các con theo con đường dài đi ngược dòng sông* Những năm cuối cùng của ông đầy cay đắng, vì ông không bao giờ chịu khom lưng để kiếm tiền, và giữa những loạn lạc của chiến tranh và nổi dậy, ông không gặp được một vị vua nào giúp ông tránh được cơn đói dai dẳng. Ông đã vui lòng nhận lời mời về dưới trướng của Lý Lân, tức Vĩnh Vương, nhưng Vĩnh Vương khởi quân chống lại người kế vị Đường Minh Hoàng, và khi cuộc nổi loạn của Vĩnh Vương bị đàn áp, Lý Bạch bị bắt giam, khép vào tội chết do tội phản nghịch. Quách Tử Nghi, vị tướng đã có công dẹp cuộc nổi loạn ấy, cầu xin được chuộc lấy mạng của Lý Bạch, đổi lại Tử Nghi phải từ bỏ hết quân hàm và chức tước. Hoàng đế hạ hình phạt xuống lưu đày. Ít lâu sau, triều đình tuyên bố đại ân xá, thi sĩ của chúng ta lảo đảo trở về quê. Ba năm sau, ông mắc bệnh và qua đời, và truyền thuyết không vừa lòng với một cái chết phàm tục như vậy dành cho một tâm hồn cao quý hiếm có, nên kể lại rằng ông chết đuối dưới sông khi thử nhảy xuống, trong cơn say túy lúy, để ôm bóng trăng dưới nước. Tựu trung, ba mươi tập gồm những lời thơ tinh tế và thanh nhã mà ông để lại khiến ông mãi mãi được biết đến như thi hào vĩ đại nhất Trung Hoa. Một nhà phê bình người Trung Quốc phải thốt lên: “Ông là đỉnh Thái Sơn ngất trời, cao hơn hẳn hàng nghìn ngọn núi khác; ông là vầng thái dương mà khi xuất hiện khiến hàng triệu tinh tú phải lu mờ. Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi không còn nữa, những lời thơ của Lý Bạch vẫn ngâm nga. Thuyền của tôi làm bằng gỗ thơm và bánh lái bằng gỗ lan. Nhạc công ngồi ở đầu và cuối thuyền, với những ống tiêu, ống địch nạm ngọc, nạm vàng. Còn thú gì bằng có bình rượu bên cạnh, và cùng với ca nhi lênh đênh trên ngọn sóng! Tôi thấy sướng hơn các vị tiên cưỡi hạc vàng bay bổng trên không, Và tự do như con kình, con ngạc chạy theo những con hải âu. Và cảm hứng lên, tôi vung bút, làm rung chuyển ngũ nhạc (năm ngọn núi). Thế là xong bài thơ. Tôi cười, niềm vui mênh mông như biển. Chỉ thơ mới bất hủ! Sở từ của Khuất Bình cùng với nhật nguyệt rực rỡ muôn thuở, Trong khi cung điện nhà Chu không còn chút di tích trên các ngọn đồi. Vẫn còn rất nhiều điều để kể, nhưng chiếc đồng hồ quỷ quái đã điểm, vì thế tôi kết thúc bằng đoạn cuối mà tôi đã viết về Trung Quốc, vào khoảng năm 1932: Không một chiến thắng nào về quân sự, hoặc sự bạo ngược về tài chính từ ngoại quốc, có thể áp bức một đất nước giàu tài nguyên và sức sống đến vậy trong thời gian dài. Những kẻ xâm lăng sẽ cạn kiệt ngân sách hoặc cạn kiệt sự kiên nhẫn trước khi Trung Quốc cạn kiệt sức sống: trong vòng một thế kỷ, Trung Quốc hẳn đã hấp thu hết những kẻ chinh phạt (khi đó là Nhật Bản), và hẳn đã học được tất cả những kỹ thuật của đất nước một thời mang danh công nghiệp hiện đại; đường sá và thông tin liên lạc sẽ cho đất nước này sự thống nhất, kinh tế và sự tiết kiệm sẽ cho đất nước này ngân sách, và một chính phủ mạnh mẽ sẽ cho đất nước này trật tự và hòa bình. Mọi sự hỗn loạn đều là sự chuyển tiếp. Cuối cùng, sự hỗn loạn luôn chữa trị và cân bằng chính nó bằng sự chuyên chế độc tài, những trở ngại cũ đại khái sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, và sự phát triển mới sẽ được tự do. Cách mạng, giống cái chết và mất, là việc loại bỏ những rác rưởi, là cuộc phẫu thuật cắt bỏ những thứ thừa thãi; nó đến khi nhiều thứ sẵn sàng để ra đi. Trung Quốc đã chết nhiều lần trước đây, và nhiều lần đất nước này được tái sinh. Chương 3 ẤN ĐỘ - TỪ PHẬT THÍCH CA ĐẾN INDIRA GANDHI ÁO NGHĨA THƯ Văn minh - thứ mà chúng ta đã định nghĩa là trạng thái ổn định về trật tự xã hội tạo điều kiện cho sự kiến tạo về văn hóa - đã tồn tại ở Ấn Độ ngay từ những niên đại cổ xưa nhất mà các nhà khảo cổ học từng quan tâm tìm hiểu. Ở Mohenjodaro, trên sông Indus, Ngài John Marshall và các cộng sự vào năm 1924 đã khai quật được bốn hoặc năm thành phố vốn bị chôn vùi, với hàng trăm cửa hàng và nhà gạch được xây kiên cố, nằm dọc các con phố rộng và những hẻm hẹp, và ở một số trường hợp cao đến vài tầng. Ở đó, họ tìm thấy xe kéo, vật dụng gia đình, đồ trong nhà vệ sinh, đồ gốm vẽ màu tráng men, những đồng tiền và những con dấu được chạm khắc, vòng cổ và hoa tai; người ta nói với chúng ta rằng tất cả những thứ này có niên đại xa xưa không kém gì các kim tự tháp Ai Cập cổ nhất. Vào khoảng năm 1600 TCN, một tộc người rắn rỏi và gan dạ mang tên Aryan đã tới Ấn Độ từ phương Bắc, định cư ở đó với tư cách những kẻ chinh phục, trở thành một tầng lớp thượng lưu, thiết lập hoặc xác nhận một hệ thống phân chia giai cấp, phát triển tiếng Phạn (Sanskrit) về cơ bản giống các ngôn ngữ châu Âu, và tạo ra một nền văn chương và một số mảnh nhỏ của nó đã được truyền đến đời chúng ta trong bốn cuốn kinh Vệ Đà, hay còn gọi là các cuốn Sách Tri thức. Chúng phần nhiều bao gồm những lời cầu nguyện, thánh ca, và những nghi lễ tôn giáo; phần ít bao gồm các áo nghĩa thư - các upanishad, tức những cuộc đàm luận tôn giáo - triết học giữa thầy và trò. Suốt hàng thế kỷ, chúng được lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu; thế rồi, tới gần năm 300 TCN, chúng được chép thành văn bản, và giờ đây là những dạng cổ xưa nhất của triết học Ấn Độ mà đến nay vẫn tồn tại. Tôi rất thích chúng, và mong bạn cùng chia sẻ với tôi một chút về chúng. Upa nghĩa là “gần”, và shad nghĩa là “ngồi”; các từ này gợi đến việc một hoặc nhiều học trò ngồi trước một guru, tức bậc thầy. Hệ tư tưởng này - ngày nay vẫn được truyền dạy bởi các guru - đưa ra ba giai đoạn để thấu hiểu và cứu vớt linh hồn con người. Giai đoạn đầu tiên là sự soi xét nội tâm (nội quan) một cách kiên nhẫn và bền bỉ. Bỏ mặc cảm giác, khao khát, ký ức, lý luận, suy nghĩ, đặt tất cả những hoạt động tri thức sang một bên, bởi những thứ này chủ yếu đã được điều chỉnh cho phù hợp với việc xử trí những thứ bên ngoài, đặt tất cả các hành động hoặc suy nghĩ về hành động sang một bên; soi xét nội tâm một cách bền bỉ cho đến khi bạn không thấy bất cứ thứ gì ở bất cứ hình dạng nào hoặc chất nào hoặc bản ngã nào, cho đến khi bạn cảm thấy chính tâm trí đằng sau những hoạt động của nó, và cảm thấy ý thức của ý thức. Đây là thực tại cơ bản nhất, gần gũi nhất trong tất cả các thực tại, mà tất cả các hiện tượng - mọi cảm nhận và vì thế mọi sự vật - phụ thuộc vào. Các guru gọi thực tại cơ bản này là Atman - một từ có vẻ mang nghĩa “hơi thở, giống các từ “spirit” (linh hồn) và “inspire” (truyền cảm hứng) trong tiếng Anh. Thứ hai, trong vạn vật, cũng như trong chúng ta, tồn tại một hơi thở của lực lượng bên trong, tối quan trọng và phi vật chất này, mà nếu không có nó vật chất sẽ không có linh hồn, không cử động, chết, và sẽ không có thứ gì sống hay phát triển. Tổng hòa của tất cả những sinh lực này là Brahma - phần cốt yếu phi vật chất, phi giới tính, phi cá tính, vô hình, và xuất hiện ở vạn vật - thứ không chỉ tất cả các sinh mệnh và suy nghĩ mà tất cả cá thể và lực lượng đều phụ thuộc vào. Đây là vị thần duy nhất, tất cả những vị thần của Hindu giáo đều là những khía cạnh không đầy đủ và những cách biểu hiện mang chất thơ của vị thần này, giúp tâm trí người phàm cảm nhận tính thiết yếu đa dạng của thực tại xuất hiện ở vạn vật. Thứ ba, Atman và Braham là một: linh hồn hoặc lực lượng phí cá nhân bên trong chúng ta, hoặc bên trong một cái cây hoặc hòn đá, chính là Linh hồn phi nhân của Thế giới. Hãy lắng nghe vị guru được kính yêu nhất trong các guru upanishad, Yajnavalkya, giải thích điều này cho học trò Shwetaketu của ông: “Hãy lấy một quả sung ở chỗ kia và đem đến đây cho ta.” “Thưa thầy, nó đây ạ.” “Chia nhỏ nó ra.” “Thưa thầy, nó đã được chia nhỏ.” “Con nhìn thấy gì trong đó?” “Con nhìn thấy những hạt nhỏ mịn, thưa thầy.” “Hãy chia nhỏ một trong những hạt ấy.” “Nó đã được chia nhỏ, thưa thầy.” “Con nhìn thấy gì trong đó?” “Không gì cả, thưa thầy.” “Chính thế, con của ta, chính phần cốt yếu tinh vi nhất ấy mà con không nhìn thấy - chính từ phần cốt yếu tinh vi nhất ấy cái cây vĩ đại này sinh ra. Hãy tin ta… chính phần cốt yếu tinh vi nhất ấy - là linh hồn của cả thế giới này. Đó là Thực Tại. Đó là Atman. Tat tvam asi - đó là con, Shwetaketu.” “Thưa thầy, thầy thật sự đã khiến con hiểu được còn nhiều hơn thế.” “Vậy đi, con yêu.” Các áo nghĩa thư upanishad dạy người ta nhiều hơn thế nhiều; Yoga là một cách để thanh tẩy bản thân, và luân hồi là hình phạt cho sự ích kỷ. Nhưng về vấn đề này, hãy nghe lời Phật Thích Ca,“Ánh sáng của Thế giới”* trong văn hóa châu Á. PHẬT THÍCH CA Câu chuyện của ngài đậm tính truyền thuyết và huyền ảo đến mức chúng ta không thể chắc chắn liệu ngài có từng tồn tại. Một trong những truyền thuyết ấy nói rằng ngài sinh ra từ một người mẹ đồng trinh. Người ta kể lại rằng chính ngài đã tách mở một bên sườn của Hoàng Hậu Maya, chui vào tử cung của bà, nằm trong đó 10 tháng, sau đó ra đời, “không hề bị vấy bẩn”, mà “giống một người đàn ông đang hạ bước trên những bậc thang”, và “tỏa hào quang như một viên ngọc quý”. Bất kể thế nào, ông cũng thực sự có một người cha, vua Kapilavastu, gần dãy Himalaya. Siddharta Gautama, người ta gọi cậu bé ấy với cái tên này, được trao cho mọi tiện nghi, được che chở không phải tiếp xúc với đau khổ của thế giới, được chọn một người vợ từ 500 trinh nữ xinh đẹp, trở thành một người cha hạnh phúc, và sống trong sung túc, yên bình. Theo một giai thoại Phật giáo, một ngày ngài đi từ cung điện ra phố và nhìn thấy một ông già. Một ngày khác ngài đi và nhìn thấy một người ốm; và vào ngày thứ ba ngài nhìn thấy một người chết. “Điều này”, ngài giải thích, “đối với ta dường như có gì đó không hợp lý. Khi ta ngẫm nghĩ lại, tất cả những hoan hỉ của tuổi trẻ đều biến mất… Vì thế, hỡi chư tăng,… khi phải tuân theo quy luật của sự sinh, ta đi tìm bản chất của sự sinh; khi phải tuân theo quy luật của sự lão, ta đi tìm bản chất của sự lão, của bệnh tật, của khổ đau, của sự suy đồi. Rồi ta nghĩ: “Sẽ thế nào nếu như ta, khi phải tuân theo quy luật của sự sinh, đi tìm bản chất của sinh,… và, khi đã nhìn thấy nỗi cùng khổ trong bản chất của “sinh, đi tìm cái chưa ra đời, cái yên bình tối thượng của chốn Niết Bàn?” Giống một người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của việc “cải đạo”, ngài quyết tâm rời bỏ cha, vợ, cùng đứa con trai mới sinh, và trở thành một người khổ hạnh đi tìm chân lý căn bản và tối quan trọng của thế giới. Suốt 6 năm, ngài sống bằng cách ăn hạt cây và cỏ. “Khi ấy ta nghĩ rằng, sẽ thế nào nếu ta ăn ít, chỉ vừa bằng những gì lòng bàn tay ta có thể nắm lấy - nhựa sống từ đậu quả, đậu tằm, đậu gà, và đậu hạt… Cơ thể ta trở nên cực kỳ gầy gò. Dấu ta để lại ở chỗ ta ngồi chỉ nhỏ bằng vết chân lạc đà, bởi ta ăn quá ít… Khi ta nghĩ ta sẽ giải thoát được cho chính mình, ta cảm thấy muốn ăn ít đi”. Nhưng một ngày nọ, Gautama nhận ra rằng hành xác không phải là con đường để giác ngô. Ngài không cảm thấy bất cứ sự giác ngộ mới mẻ nào đến với mình qua những hình thức khổ hạnh này; ngược lại, niềm tự cao rằng mình đã chịu được việc đày đọa bản thân đã đầu độc sự thanh thoát, ấy là nếu có bất cứ sự thanh thoát nào sinh ra từ việc khổ hạnh. Ngài từ bỏ tư tưởng khổ hạnh, và tiếp đó ngồi dưới một bóng cây (tức cây Bồ Đề mà người ta vẫn cho các du khách thấy), và quyết tâm không rời khỏi chỗ đó cho đến khi giác ngộ. Ngài tự hỏi, điều gì là nguồn gốc của khổ đau, ốm yếu, tuổi già, cái chết của con người? Rồi ngài nhìn thấy cảnh sự ra đời và chết đi diễn ra nối tiếp nhau liên miên không hồi kết, và mỗi sự ra đời hay cái chết đều nhuốm màu u ám của khổ đau. Sự ra đời, ngài kết luận, là cái gốc của mọi khổ não. Tại sao sự sinh không bị dừng lại? Bởi vì luật nhân quả karma bắt người ta phải đầu thai, để trong những lần đầu thai mới ấy linh hồn có thể chuộc lỗi cho những xấu xa nó làm ở kiếp trước. Tuy nhiên, nếu một người có thể sống một cuộc đời công bằng hoàn hảo, một mực nhẫn nại và nhân từ với tất cả, nếu anh ta có thể gắn tâm tưởng của mình với những cái vĩnh hằng, không bó buộc tâm tưởng vào những thứ phù vân, đến rồi lại đi - thì anh ta có thể thoát được cảnh phải tái sinh, và suối nguồn khổ não của anh ta sẽ khô cạn. Nếu một người có thể bình ổn tất cả những dục vọng cho bản thân, và chỉ nỗ lực làm những điều thiện với vạn vật, thì có lẽ sẽ vượt qua được cái bản ngã cá nhân, cái ảo tưởng cơ bản nhất của nhân loại ấy, và linh hồn cuối cùng sẽ hòa làm một với cái vô hạn vô thức. Một tâm hồn, khi đã tự thanh tẩy khỏi mọi dục vọng cá nhân, sẽ yên bình làm sao! - và có tâm hồn nào chưa tự thanh tẩy như thế mà lại có được bình yên? Hạnh phúc là cái không thể đạt đến ở kiếp này như đám đa thần nghĩ, cũng không có ở kiếp sau như nhiều người tin; chỉ có bình yên là khả dĩ, chỉ có sự bình thản của tâm hồn đã chấm dứt mọi dục vọng, tức là cõi Niết Bàn. Và như thế, sau 7 năm thiền định, Gautama ra đi thuyết giảng về Niết Bàn cho nhân loại. Ngài sớm thu nhận các đệ tử, những người theo bước ngài khi ngài đi từ thị trấn này sang thị trấn khác, giảng đạo ở những nơi đó khi ngài đi qua. Người ta tin ngài, bởi ngài dường như không hề nghĩ về chính mình, và đáp lại sự xấu xa bằng thiện tâm một cách kiên nhẫn. “Hãy để một người vượt qua giận dữ bằng sự nhân từ”, ngài khuyên mọi người, “vượt qua cái xấu và cái ác bằng cái thiện… Không bao giờ có thể dùng hận thù mà chấm dứt được hận thù; chỉ có thể chấm dứt hận thù bằng tình yêu thương”. Ngài không nghĩ về ngày mai, mà bằng lòng với việc được tín dân ở nơi ngài đi qua bố thí cho đồ ăn; có một lần ngài khiến đệ tử bất bình vì dùng bữa trong nhà của một cô gái làng chơi chuyên phục vụ khách hạng sang. Người ta gọi ngài là Buddha - Phật, nghĩa là Người Giác Ngộ - nhưng ngài không bao giờ tuyên bố rằng ngài đang truyền đạt lời nói của thánh thần. Ngài thuyết giảng thông qua những câu ngụ ngôn về luân lý, hoặc một đoạn gồm năm câu súc tích mà đầy trí tuệ, chẳng hạn như “Ngũ Giới”: Không giết bất cứ sinh vật nào; Không lấy thứ không thuộc về mình; Không nói dối; Không uống rượu; Không tà dâm. Những lời khuyên rõ ràng ngăn cấm mọi hành động dục tính hoặc dục vọng. Truyền thuyết dân gian kể về một cuộc nói chuyện của Phật với đệ tử thân tín nhất của ngài, A Nan Đà: “Bạch tôn sư, chúng ta phải hành xử ra sao với phụ nữ?” “Tránh đừng nhìn họ, A Nan Đà.” “Nhưng nếu ta phải nhìn họ, thì ta phải làm sao?” “Đừng nói với họ, A Nan Đà.” “Nhưng nếu họ phải nói với ta, bạch tôn sư, thì ta phải làm sao?” “Phải luôn tỉnh thức, A Nan Đà.” Quan niệm của Đức Phật về tôn giáo thực sự thuần chất đạo đức; ngài quan tâm đến tất cả những thứ gì liên quan đến cách cư xử, không hề quan tâm đến nghi lễ, thờ phụng, hoặc thần học. Thêm vào đó, tương tự những kiến thức mới nhất trong tâm lý học, ngài phản đối quan niệm rằng tâm trí là thứ gì đó đằng sau - và thực hiện ở những hoạt động tâm trí; tâm trí là một thuật ngữ trừu tượng dùng để chỉ toàn thể những hoạt động đó. Đức Phật dạy rằng linh hồn là cái còn lưu lại, với tư cách lực sống của một cơ thể và một nhân cách, và chính linh hồn này là thứ có thể tái sinh vào một kiếp khác trên cõi trần để chuộc lại những tội lỗi đã phạm phải ở kiếp này. Tội lỗi là sự ích kỷ, việc kiếm lợi hoặc kiếm niềm vui cho cá nhân; và chừng nào linh hồn vẫn chưa được giải thoát khỏi tất cả sự ích kỷ, nó vẫn sẽ phải tái sinh hết lần này đến lần khác. Niết Bàn không phải là thiên đường sau cái chết; nó là trạng thái viên mãn tĩnh lặng khi đã vượt qua sự ích kỷ. Đức Phật nói rằng cuối cùng chúng ta sẽ cảm nhận được sự ngu muội của tư tưởng cá nhân về phương diện luân lý và tâm lý. Bản ngã luôn lo lắng dao động của chúng ta không phải là những bản thể và sức mạnh thực sự độc lập, chúng chỉ là những gợn sóng trên dòng suối của sự sống, những nút nhỏ bé thắt và gỡ trong một lưới đan của định mệnh trước gió. Khi chúng ta thấy bản ngã của mình như một phần của cái toàn thể, khi chúng ta cải tạo chính mình và dục vọng của mình, thì những thất vọng và thất bại, khổ đau và cái chết tưởng như không thể tránh khỏi của chúng ta sẽ không còn khiến chúng ta đau buồn một cách chua xót như trước, chúng tan biến vào cái vô cùng của cái vô biên vô tận. Khi chúng ta đã biết yêu thương không phải bản ngã cá biệt của mình mà tất cả những thứ thuộc về con người, thì cuối cùng chúng ta sẽ tìm thấy Niết Bàn - sự yên bình vô vị kỷ. HAI MƯƠI LĂM THẾ KỶ Linh hồn của Ấn Độ là cái nóng. Có vẻ là vậy khi, vào tháng 2 năm 1930, nhà Durant hạ cánh xuống Bombay và cảm thấy cái nóng hầm hập ở nhiệt đột 33°C*. Có lẽ nào đây là lý do tại sao quá nhiều tín đồ Hindu giáo cầu nguyện rằng đừng bao giờ để họ phải tái sinh? Nhưng rồi chúng tôi đi theo hướng Đông để tới New Delhi và hướng Nam để tới Madras, và phát hiện ra nhiều tín đồ Hindu giáo đẹp đẽ, háo hức, năng động và sáng tạo, bất chấp cái nóng. Và ở phương Bắc, người dân được giữ cho tỉnh táo bởi những cơn gió mát thổi từ trên dãy Himalaya xuống. Người Anh đã duy trì quyền làm chủ Ấn Độ trong một thời gian dài bởi rất ít người trong số họ ở lại Ấn Độ được trên 5 năm liên tiếp, cứ 5 năm một lần, họ trở về Anh để chạy trốn khỏi Mặt Trời. Đạo Phật, sau thời kỳ phát triển rực rỡ của nó dưới triều đại của Vua Ashoka vào thế kỷ thứ 3 TCN, nhanh chóng suy thoái ở Ấn Độ. Nó thành công nhất ở Ceylon, nơi có khí hậu nóng nực, với cái giá phải trả là sự cải biến đầy tính bạo liệt. Tôi bị sốc khi phát hiện ra, trên bức tường của một ngôi chùa ở Kandy, một bức tranh lớn vẽ hình nhà sáng lập khoan dung của Đạo Phật phân phát những hình phạt tàn bạo dưới địa ngục. Khi tôi phản đối việc “man rợ hóa” hình ảnh Đức Phật, con người theo chủ nghĩa lý tưởng và từng thuyết giảng rằng “Không sát sinh”, một nhà sư giải thích rằng nếu tôn giáo không thuyết giảng cả về bạo lực lẫn phẩm hạnh và hạnh phúc thì nó sẽ không thể kiểm soát được chủ nghĩa cá nhân hỗn loạn vô pháp của nhân loại. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, và Đông Nam Á, một Phật giáo được tái kiến thiết về mặt thần học đang phát triển mạnh mẽ, và Đức Phật, một người vốn không phải thần thánh, đã trở thành một vị thần. Trong khi đó, khi bị làm suy yếu bởi cái nóng, bởi những chia cắt về tôn giáo, quân sự và chính trị, Ấn Độ đã bị xâm lược bởi Alexander, rồi đến người Hung, rồi người Ả Rập, rồi người Turk, rồi người Timor, rồi người Bồ Đào Nha, rồi người Pháp, và rồi người Anh. Vào năm 1686, Công Ty Đông Ấn tuyên bố ý định “thiết lập một lãnh thổ tự trị rộng lớn, vững chắc, đúng chất Anh, vĩnh viễn ở Ấn Độ”. Phần lớn những người xâm lược mang một lợi ích nào đó đến với tiểu lục địa liên tục bị quấy nhiễu này, chẳng hạn như nghệ thuật Hồi giáo và hệ thống hành chính kiểu Anh; nhưng mỗi người cũng lấy đi một phần trong đống “của cải Nam và Đông Nam Á” huyền thoại, để lại một dân tộc nghèo đói. Bất chấp sự chuyển quyền của người Hung, người Ả Rập, người Turk, người Cơ Đốc giáo, và Mặt Trời, những người Hindu nhẫn nại đã gom được đủ nhiệt huyết và năng lượng để xây dựng những kiến trúc khổng lồ, vô số tác phẩm chạm khắc, triết học tinh tế, và một nền văn chương phong phú về cả văn xuôi lẫn thơ, có ai trong chúng ta lại từng bỏ lỡ viên ngọc quý nhỏ bé ấy, trong bài thơ của Rabindranath Tagore, một trinh nữ thông thái đã đặt nghi vấn về những lời khen của người yêu? Hãy cùng làm dịu cơn nóng với bài thơ ấy: Nói cho em nghe đi, anh, tất cả điều đó có đúng không, có thật đúng không? Khi mắt em sáng ngời lên thì những đám mây đen dông tố ùn ùn trong lòng anh. Môi em dịu dàng như đóa hoa đầu tiên của một ái tình chớm nở, thật vậy không anh? Ký ức mấy tháng năm trước kia chưa mờ trong lòng em ư? Mặt đất, dưới gót chân em, vang lên như một thụ cầm, thật vậy không anh? Có thật vậy không, bóng đêm khi thấy em, thì sương rớt xuống như lệ, còn ánh sáng ban mai tưng bừng bao phủ thân em? Có thật là lòng anh đã tìm em từ hồi khai thiên lập địa, trong khắp vũ trụ? Rồi tới khi gặp em, nghe giọng nói, ngắm cặp mắt, làn môi, mớ tóc xõa của em, lòng anh đã dịu xuống? Và còn điều này nữa, có thật là cái bí mật của Vô biên ở trong vầng trán nhỏ của em không? Tất cả những cái đó có thật không anh, nói cho em nghe đi. Đúng là người Anh ca ngợi thơ ca, nhưng chỉ có Thế chiến Hai mới khiến Ấn Độ được tự do về chính trị. À MOHANDAS GANDHI VÀ INDIRA GANDHI Mohandas Gandhi, người đã ở nước Anh trong 3 năm quan trọng định hình con người ông, đã học cách yêu tính cách Anh và cách tránh mặt tối tăm của nền công nghiệp Anh. Ông chịu sự ảnh hưởng từ William Morris, Peter Kronotkin, John Ruskin, Leo Tolstoy, và những người theo chủ nghĩa xã hội ở hội Fabian. Ông rung động sâu sắc trước những lời răn dạy đạo đức của Chúa Jesus và bổ sung nó vào tín niệm nhiệt thành mà ông dành cho lời giáo huấn quan trọng của Đức Phật - không làm tổn hại bất cứ sinh vật nào. Trở về Ấn Độ, ông khẩn khoản cầu xin mọi người hãy ưu tiên đồng ruộng hơn nhà máy. Nếu có cần đến hàng Công nghiệp, hãy để các gia đình phục hồi những guồng xe sợi và biết hài lòng với vải vóc được sản xuất tại nhà cùng những vật dụng mà người thợ rèn của làng có thể rèn ra. Thà là cái nghèo đói hiển hiện trong ngôi nhà nông thôn còn hơn những cung điện và những tòa nhà nhiều căn hộ trong thành phố công nghiệp, thà là sự thân thiện của người dân làng còn hơn sự ngờ vực ngầm hoặc ác ý từ những sinh vật hai chân vô danh đang hối hả đi xuyên qua đám đông ở đô thị. Viễn cảnh thu hút Mohandas Gandhi là hình ảnh một dân tộc hài lòng với sự đơn giản của những lối sống cổ xưa. Giống đa số các viễn cảnh khác, viễn cảnh này không thực tế. Sắt sẽ đến với người thợ rèn của làng từ chốn nào, nếu không phải thông qua ngành công nghiệp của những công nhân ngập nửa người trong đất cát dưới những hầm tối của thế giới này? Vũ khí, sự tổ chức, và tinh thần võ thuật, những thứ người ta cần đến để bảo vệ làng trước những cuộc tấn công, sẽ đến từ đâu? Những linh hồn nhân từ và những khu dân cư yên bình nhất sẽ hoàn toàn nằm dưới quyền định đoạt của những kẻ tàn nhẫn và hùng mạnh. Darwin một lần nữa sẽ lại thách thức Chúa Jesus. Sau khi Mohandas Gandhi bị ám sát (năm 1948), phong trào chống công nghiệp hóa của ông nhanh chóng bị bào mòn bởi lòng tham lam chiếm hữu và tinh thần cạnh tranh tự nhiên của con người. Các nhà máy trong những thị trấn thu hút thanh niên trong làng, và chính nông nghiệp trở thành một ngành công nghiệp, kết hôn với hóa học và những máy móc tốn kém. Dẫu vậy, dân số vẫn tăng nhanh hơn nguồn cung cấp lương thực; các phong tục và phép cấm kỵ cổ xưa đánh bại những đạo lý và quan điểm hiện đại; và dân tộc này đã từ bỏ tương lai thịnh vượng bằng việc gia tăng dân số quá nhanh. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học và sử học, cùng sự tiếp xúc của Ấn Độ với chủ nghĩa hoài nghi và thái độ dễ dãi của châu Âu và Mỹ, đã bào mòn những tín ngưỡng và quy chuẩn luân lý của đất nước này, và nước Ấn Độ mới khi ấy có đời sống kinh tế, chính trị, và xã hội rất hỗn loạn, với lao động chất lượng kém, hệ thống hành chính thối nát, và sự mục ruỗng về xã hội. Đột nhiên một người phụ nữ, rất có uy tín về chính trị, tuyên bố tạm ngừng chế độ dân chủ, và tiếm lấy quyền chuyên chế kiểm soát chính phủ, kinh tế, và báo chí Ấn Độ. Indira Gandhi không hề thừa hưởng cái tên hay hệ tư tưởng từ Mohandas Gandhi, tên của bà bắt nguồn từ tên của người chồng quá cố, Feroz Gandhi, người không hề có liên hệ gì với “Mahatma”. Hơn nữa, triết lý của bà về nhà nước gần như hoàn toàn đối lập với triết lý của cha bà, Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập, người đã giành được nhân tâm bằng sự hiền hòa và giành quyền lực bằng sự thỏa hiệp. Ngồi cạnh bà vào năm 1960, khi bà chủ trì một bữa tiệc buổi trưa thết đãi những người sao chép bản địa, ban đầu tôi bị ấn tượng bởi sắc đẹp của bà - những nét Ý, đôi mắt sáng ngời - và rồi bị lay động nhẹ nhàng trước sức ảnh hưởng của bà với tư cách một nhân cách và một khối óc. Sau này tôi không ngạc nhiên lắm khi vào năm 1966 bà trở thành Thủ tướng; việc bà ngồi vào vị trí của cha bà, người đã mất 2 năm trước đó, có vẻ là điều gần như hoàn toàn tự nhiên. Chúng ta không cần phải giả bộ phán xét bà trong khi chúng ta thực sự không có quyền đó - chúng ta ở quá xa và thông tin chúng ta có được còn quá nhiều thiếu sót. Có thể chính nền kinh tế, chính trị, và xã hội Ấn Độ đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, yếu kém, tệ nạn hối lộ, và cần đến bàn tay cứng rắn của một vị trí quyền lực có tính tập trung và quyết đoán. Ở La Mã cộng hòa cổ đại, luật pháp cho phép - trong cơn khủng hoảng - việc bổ nhiệm một nhà cai trị độc tài trong một năm, nhưng nếu năm đó đã kết thúc và nhà cai trị độc tài vẫn tiếp tục làm việc như vậy, bất cứ ai cũng có thể phế truất anh ta, theo cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Chương 4 TỪ KIM TỰ THÁP ĐẾN IKHNATON PHARAOH Có phải nền văn minh Ai Cập cổ đại là nền văn minh cổ nhất và dài nhất lịch sử? Elie Faure, nhà lịch sử nghệ thuật thế giới, đã nghĩ như vậy: ông viết rằng “có thể Ai Cập, thông qua sự đoàn kết, thống nhất và sự đa dạng có kỷ luật của các sản phẩm nghệ thuật, thông qua nỗ lực trong thời gian cực dài và đầy sức mạnh quyết tâm, đã cho nhân loại chứng kiến nền văn minh vĩ đại nhất từng xuất hiện trên Trái Đất”. (Cá nhân tôi sẽ xếp nền văn minh La Mã cổ đại ở vị trí cao hơn văn minh Ai Cập.) Về mặt thời gian, nhìn chung niên đại cổ xưa nhất - mặc dù vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn - được gán cho lịch sử Ai Cập là năm 4241 TCN; nếu vậy, thiên văn học và toán học của Ai Cập đã vươn tới bậc phát triển đáng kể vào thời điểm đó. Tuy nhiên, rất có thể người ta đã đạt được một bậc phát triển tương tự ở Lưỡng Hà; và các nhà khảo cổ học có xu hướng quy “nền văn minh đầu tiên trong lịch sử mà loài người đã biết đến” cho vùng đất “nằm giữa các con sông” Euphrates và Tigris. Nếu chúng ta tính rằng nền văn minh Ai Cập đã tồn tại từ năm 4241 TCN cho đến thời điểm người Hy Lạp chinh phục Ai Cập (năm 332 TCN), chúng ta sẽ trải nền văn minh Ai Cập lên một khoảng thời gian hơn 3.809 năm. Tôi không biết một nền văn minh nào khác, kể cả văn minh Trung Hoa, duy trì qua được nhiều thế kỷ đến vậy. Ai Cập, như Herodotus nói vào năm 430 TCN, là to doron tou Nilou, tức “món quà của sông Nile”. Con sông nổi tiếng nhất trong các con sông đã cung cấp nước cho những vùng định cư phát triển hai bên bờ; nó cho người dân một tuyến đường thủy phục vụ mục đích thông tin liên lạc và thương mại; và hằng năm nó tưới tiêu cho những thửa đất của nông dân bằng một con nước tràn mà người ta có thể trông cậy vào. Người Hy Lạp gọi những vùng định cư đó là các nome - nghĩa là các cộng đồng chấp nhận luật lệ - và mỗi người cai trị một vùng đó trở thành một nomarch. Khi một người đàn ông mạnh mẽ nào đó thống nhất một vài nome dưới quyền cai trị của anh ta, các nomarch phục tùng một monarch, tức một quốc vương, và lịch sử chính trị của Ai Cập bắt đầu. Vào khoảng năm 3100 TCN, một vị vua như vậy,Vua Menes á thần, ban hành cho các cộng đồng mà ông ta cai trị một bộ luật mà người ta cho là thần Thoth đã trao cho ông. Ông xây dựng thủ đô của mình trên bờ Tây sông Nile, ở một nơi mà ngày nay chúng ta biết đến với cái tên Memphis, một cái tên Hy Lạp; và ở đó ông thiết lập Triều đại thứ Nhất của các pharaoh. Khoảng 400 năm sau đó, pharaoh Zozer (khoảng năm 2680 TCN) bổ nhiệm Imhotep làm tể tướng - cái tên vĩ đại đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, nổi tiếng với tư cách thầy thuốc và kiến trúc sư. Các thế hệ sau tôn thờ ông như một vị thần của tri thức, ông tổ của khoa học và nghệ thuật. Dân gian cho rằng ông là tác giả của Công trình cổ xưa nhất mà giờ đây vẫn còn tồn tại ở Ai Cập, kim tự tháp Sakkara - một cấu trúc bằng đá gồm nhiều bậc thềm, gần những đống đổ nát còn sót lại của Memphis, Đây là cha đẻ của các kim tự tháp cổ xưa vẫn tồn tại đến ngày nay. Kim tự tháp nổi tiếng nhất trong số này được xây dựng trong Triều đại thứ Tư (khoảng năm 2013 đến năm 2494 TCN). Herodotus đã tôn vinh hai trong số những pharaoh của kim tự tháp ấy, là Cheops và Chephren, giờ đây đã được xác định tên lại, một cách chính xác hơn, là Khufu và Khafre. Đến thời đại của họ, các thương nhân người Ai Cập đã xây dựng được các đội thương thuyền, và đã phát triển giao thương với một vài bến cảng ở Đông Địa Trung Hải; họ đã khai thác gỗ và các tài nguyên khác ở Lebanon, và mở các khu mỏ ở Sinai, họ đã mở ra các mỏ đá cực lớn ở sa mạc Nubian và ở Aswan. Các pharaoh trở nên giàu có, và phung phí của cải của họ vào những cung điện và lăng mộ. Herodotus kể về cách Khufu (khoảng năm 2590 TCN) dựng lên kim tự tháp cổ xưa nhất trong số nhiều kim tự tháp tô điểm cho vùng sa mạc gần Giza, một khu ngoại ô của Cairo. Dựa trên tất cả những gì chúng ta biết, đây là kiến trúc đơn lẻ lớn nhất trong những công trình từng được dựng lên bởi con người. Nó bao phủ một vùng rộng khoảng 52.600 m2, và cao tới 136 m; và không gian bên trong của nó đủ lớn để cùng lúc chứa Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Rome, Tu viện Westminster và Nhà thờ chính tòa Thánh Paul ở London, và tất cả các nhà thờ chính tòa ở Florence và Milan. Nó không đẹp, ngoại trừ vẻ đẹp ở sự chính xác của kỹ thuật cắt đá và ở sự đối xứng và chính xác của các kích thước hình học. Nó gây ấn tượng cho chúng ta chủ yếu bằng kích thước và lịch sử của nó. Là một sản phẩm của kỹ thuật, nó là một phép mầu trong thời đại đó: 2.300.000 khối đá - mỗi khối nặng trung bình 2,5 tấn - được kéo nhiều dặm đường qua sa mạc phía Đông và rồi vượt qua sông Nile; các khối đá granite, chủ yếu từ Aswan, được kéo đi khoảng 893 km từ phía Nam. Hiển nhiên những khối đá này đã được nâng lên những nấc cao hơn và cao hơn nữa để tạo thành kim tự tháp ấy bằng cách kéo chúng, trên các con lăn hoặc ván trượt, theo một đường dốc được nâng cao dần, được xây từ gạch và đất. Theo Herodotus, con đường nâng cao dần này khiến người ta mất 2 năm để xây, và bản thân kim tự tháp đòi hỏi sự lao động của 100.000 người trong suốt 20 năm. Sử gia kiêm du khách người Hy Lạp này đã để lại một bản khắc văn* mà ông tuyên bố rằng ông đã tìm thấy ở một kim tự tháp, ghi lại số lượng củ cải, tỏi, và hành mà những nhân công đó tiêu thụ ở riêng công trình ấy. Tại sao các pharaoh và những người khác xây dựng kim tự tháp? Người Ai Cập tin rằng bản thân mỗi pharaoh có một bản thể tương ứng khác thuộc về thế giới tâm linh mà ông ta gọi là ka, và ông ta hy vọng ca của mình sẽ tồn tại vĩnh viễn nếu xác thịt của ông được bảo tồn trước con đói, bạo lực, và sự mục rữa. Vì thế, xác của ông phải được ướp và bảo quản với sự tỉ mỉ bậc thầyệnội tạng sẽ được lấy ra khỏi cơ thể bằng một kỹ thuật kiểu như phẫu thuật lấy thai; bộ não sẽ được hút ra ngoài qua mũi; phần bên trong cơ thể sẽ được làm sạch bằng rượu, nước thơm và các gia vị có hương thơm; sau đó cơ thể sẽ được khâu lại, ngâm trong các hóa chất khử trùng, xoa chất dán dính lên, và bọc chặt bằng các băng vải đã được bôi sáp; cuối cùng nó được đặt vào trong một quan tài. Lăng mộ lý tưởng phải được làm bằng đá, với lượng đá đủ để tạo ra một khối đặc chắc, không gì có thể thâm nhập, ngoại trừ một lối vào bí mật dẫn đến phòng bên trong chúa đầy lương thực, vũ khí, và một phòng tắm rửa, và những bức tượng được chạm khắc hoặc tô màu, và nhờ một công thức ma thuật mà chỉ các thầy tế mới biết, sẽ vĩnh viễn hầu hạ cơ thể, linh hồn, và ka. Gần kim tự tháp của Pharaoh Khafre (khoảng năm 2550 TCN) là con quái thú nổi tiếng được lịch sử biết đến với cái tên tiếng Hy Lạp của nó: Sphinx (nhân sư). Hiển nhiên, theo lệnh của nhà cai trị ấy, một đội quân những thợ máy và thợ điêu khắc đã đẽo ra một bức tượng khổng lồ từ đá, với phần mình của sư tử và phần đầu được người ta cho là của chính Khafre. Khuôn mặt ấy u ám với một cái cau mày, cứ như thể để dọa những tên trộm tránh xa lăng mộ hoàng gia. Có một điều gì đó mang tính nguyên thủy một cách man rợ ở các kim tự tháp - sự tuân thủ một cách bạo liệt những kích thước, nỗi thèm khát sự vĩnh hằng trong hão huyền. Có thể ký ức và trí tưởng tượng của người chiêm ngưỡng, tức những thứ ngày càng được khuếch đại theo dòng lịch sử, đã khiến những công trình chứng tích này trở nên vĩ đại. Có lẽ các bức ảnh đã nâng tầm vóc của chúng lên quá cao, nghệ thuật nhiếp ảnh có thể thâu tóm được mọi thứ, ngoại trừ bụi bẩn, và nâng tầm cho những vật thể nhân tạo bằng những khung cảnh tuyệt đẹp của đất và trời. Cảnh hoàng hôn ở Giza thực ra còn tuyệt vời hơn các kim tự tháp. CON NGƯỜI Đối với các pharaoh, cuộc sống ở Ai Cập cổ đại đầy sự thoải mái; Từ những bức ảnh và những bức phù điêu, và từ những cuộn giấy, chúng ta nhìn thấy và thu được thông tin về sự giàu có, xa hoa, và quyền lực của họ. Giới tăng lữ đã hợp tác - họ tuyên bố rằng các pharaoh là các vị thần, khắc sâu vào tâm trí dân chúng thái độ phục tùng sự cai trị của hoàng gia, và đổi lại họ được chia cho một phần hấp dẫn từ những gì hoàng gia thu được. Một nghìn thợ sao chép đã được huấn luyện kỹ càng đóng vai trò bộ máy quan liêu biên chép cho các pharaoh và giới tăng lữ, và cho các quý tộc phong kiến, những người cai trị các tỉnh với tư cách người được vua phong ấp. Với sự hỗ trợ như vậy, nhà nước phong kiến Ai Cập tổ chức được một hệ thống liên lạc vận hành đều đặn, thu thuế, tích lũy tài sản, xây dựng một hệ thống tín dụng tài chính, phân phối ngân sách cho nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, và xét theo một vài khía cạnh đã đạt được một nền kinh tế có quy hoạch, được điều tiết bởi nhà nước. Nhân công của công nghiệp là các lao động tự do lẫn các nô lệ nằm dưới quyền phán định của các thống Đốc địa phương. Các cuộc chiến đem đến hàng nghìn tù binh, phần lớn bị bán làm nô lệ; sức lao động của họ tạo điều kiện cho việc khai thác các hầm mỏ và những thành tựu về kỹ thuật. Các cuộc đấu tranh giai cấp nổ ra mạnh mẽ; các cuộc đình công khi ấy thường xuyên diễn ra. Một bản viết tay đã cho thấy lời cầu khẩn của một số nhân công với người giám sát của họ: “Chúng tôi đã bị cơn đói và cơn khát đẩy đến đây, chúng tôi không có quần áo, không có dầu, không có thức ăn. Hãy gửi thư tới chúa tể của chúng ta, Pharaoh, và tới thống Đốc, người ở phía trên chúng ta, để họ có thể sẽ cho chúng ta thứ gì đó để duy trì sự sống”. Tuy nhiên, chúng ta không nghe thấy bất cứ thông tin nào về cách mạng giai cấp - trừ phi chúng ta xem chuyến ra đi lịch sử của người Do Thái là một cuộc cách mạng giai cấp. Kỹ nghệ công nghiệp ở Ai Cập cổ đại tiến bộ và đa dạng không kém gì nghệ thuật ở châu Âu trước thời Phục hưng. Các thợ thủ công Ai Cập làm ra các vũ khí và dụng cụ bằng đồng thiếc, bao gồm các mũi khoan xuyên được những tảng đá diorite rắn chắc nhất và những lưỡi cưa cắt được qua các phiến đá khổng lồ của những chiếc quách. Họ là những bậc thầy về đẽo khắc gỗ: họ tạo ra những thương thuyền dài tới 30 m, và những chiếc quan tài đẹp đến mức chúng gần như mời gọi người ta chết để được vào nằm trong đó. Kỹ thuật của người Ai Cập đã đạt trình độ mà đến trước năm 1800 không đâu có thể đạt được; kỹ thuật của họ tạo ra những kênh đào từ sông Nile tới Biển Đỏ, và chuyển các tháp obelisk nặng hàng nghìn tấn qua những quãng đường cực dài. Quy tắc luân lý ở Ai Cập không phản đối hôn phối cận huyết. Chúng ta đã nghe về nhiều trường hợp trong đó một người đàn ông cưới chị em gái của mình. Nhiều pharaoh làm điều này, hiển nhiên là để giữ dòng máu hoàng gia được thuần khiết, hoặc để giữ cho của cải của gia tộc được toàn vẹn - bởi tài sản được truyền lại theo dòng mẹ. Các pharaoh và một số quý tộc có hậu cung, nhưng đối với thường dân việc có một hậu cung là điều xa hoa tới mức bất khả. Thời đó các cô gái mại dâm đã xuất hiện đầy rẫy, nhưng nhiều bức tranh tôn vinh tình yêu hôn nhân. Phụ nữ được hưởng một vị thế cao hơn trước luật pháp, và nhiều tự do hơn về luân lý và xã hội, so với ở bất cứ nhà nước châu Âu nào trước thời đại của chúng ta, có lẽ chỉ trừ Đế chế La Mã. Người Hy Lạp, những người giam hãm phụ nữ trong các khuôn khổ hạn hẹp, cực kỳ bất ngờ khi biết rằng phụ nữ Ai Cập xử lý các công việc xã hội và kinh doanh của họ một cách công khai, không bị ai dò xét và cũng không gặp bất kỳ cản trở hay nguy hại nào. Họ sử dụng tất cả các công cụ làm đẹp có thể, thậm chí sơn móng tay và kẻ mắt; một số che ngực, cánh tay và mắt cá chân bằng đồ trang sức. Họ nói về tình dục với sự thẳng thắn không kém gì những phụ nữ tự do nhất ngày nay. Họ có thể chủ động trong việc hẹn hò, và người đàn ông chỉ có thể ly dị khi chứng minh được việc vợ ngoại tình, hoặc phải chi một khoản bồi thường cực lớn. Một số trong số họ, giống Nefertiti, đã đạt đến sự bất tử qua sắc đẹp. Một số cai trị đế quốc một cách hách dịch nhưng tốt, giống Hatshepsut (khoảng năm 1503 đến năm 1482 TCN) hoặc một cách liều lĩnh như Cleopatra. Tư cách người mẹ được kính trọng như tước vị quý tộc của người phụ nữ. Nghệ thuật Ai Cập phát triển không kém gì nghệ thuật Hy Lạp và La Mã, nhưng nó đi trước đến cả nghìn năm, và đã tiên phong trong hàng trăm đầu mục. Tôi không cần phải mô tả - bởi nhiều người trong các bạn hẳn đã nhìn thấy chúng hoặc các bức ảnh của những thứ sau đây - đền, cung điện, những hàng cột, và lăng mộ mọc lên dọc theo hai bờ sông Nile trong 30 thế kỷ giữa thời kỳ của các kim tự tháp và thời kỳ của Cleopatra. Ở Karnak và Luxor, một khu rừng thực sự của những cây cột đã được dựng lên bởi hoàng gia Ai Cập. Các cây cột ấy có vẻ quá nhiều đối với chúng ta, nhưng rõ ràng sự san sát đến chương mắt của chúng được tạo ra có chủ định, để phá vỡ sức ảnh hưởng độc đoán của Mặt Trời. Ở đây, từ rất lâu trước khi người Hy Lạp phát triển thịnh vượng, các cổng vòm và hầm mộ, các cây cột và đỉnh cột, các thanh rầm đỉnh cột và trán tường tam giác*, là những mẫu mực và thách thức cho kiến trúc ở văn minh Địa Trung Hải. Tôi sẽ không đặt nghệ thuật điêu khắc Ai Cập với nghệ thuật điêu khắc Cổ Điển, nhưng tôi không biết một tác phẩm điêu khắc nào của Hy Lạp cổ đại đẹp hơn bức tượng bán thân bằng diorite của Khafre ở Bảo tàng Cairo. Giờ đây nó đã 4.200 tuổi, và dường như miễn nhiễm với tác động của thời gian. Nó có thể đã được điêu khắc theo lối lý tưởng hóa, nhưng rất có thể, về những đường nét chủ chốt, nó vẫn thể hiện hình ảnh vị pharaoh thứ hai của Triều đại thứ Tư. Nổi tiếng hơn cả bức tượng này là bức tượng bằng đá Ông giáo ngồi, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Louvre. Trong tư thế ngồi xổm, gần như hoàn toàn khỏa thân, ông giắt một cây bút trên vành tai như một vật dự phòng cho cây bút mà ông đang cầm trên tay. Ông giữ một bản ghi chép về những Công việc đã làm và những hàng hóa đã được trả tiền, về giá cả và chi phí, về lợi nhuận và thua lỗ, về những khoản thuế đã đến hạn và đã được trả. Ông lập các bản khế ước và di chúc, và viết bản báo cáo thuế của mình với tư cách người chủ lao động. Cuộc đời của ông đơn điệu, nhưng ông giải khuây bằng việc viết những bài luận về những nhọc nhằn trong sự sinh tồn của người lao động chân tay và phẩm giá cao quý của những người mà thức ăn của họ là trang giấy và máu của họ là mực viết. Ấn bên dưới mọi thứ và đứng trên mọi thứ ở Ai Cập là tôn giáo. Chúng ta tìm thấy nó ở mọi giai đoạn và hình thái, từ tín ngưỡng thờ vật tổ cho đến thần học, chúng ta nhìn thấy ảnh hưởng của nó trong văn chương, hệ thống nhà nước, nghệ thuật - trong mọi thứ, ngoại trừ luân lý. Và các vị thần của tôn giáo ấy nhiều gần bằng những vị thần ở Ấn Độ. Các thầy tế kể rằng, bầu trời đã xuất hiện từ thuở sơ khởi; và cho đến vĩnh hằng, bầu trời và sông Nile vẫn là những vị thần chủ đạo. Tất cả các thiên thể đều là những dạng biểu hiện bên ngoài của các linh hồn vĩ đại, mà ý nguyện của họ quy định những chuyển động phức tạp và đa dạng của các thiên thể đó. Mặt Trời là thần Ra hoặc Re hoặc Amon, tác vị thần tạo ra thế giới bằng cách chiếu sáng lên nó; còn thần Horus là một con chim ưng khổng lồ ngày qua ngày bay qua thiên đường, như thể đang giám sát lãnh địa của nó. Sông Nile là thần Osiris vĩ đại; và - có lẽ vì sông Nile đem màu mỡ và sinh sôi đến cho vùng đất quanh nó - Osiris cũng được tôn thờ như vị thần của năng lực tình dục và sinh sản của đàn ông. Isis, em gái và cũng là vợ của Osiris, là nữ thần của tình mẹ; và nhận được những màu mỡ và sự sinh sôi từ con sông đại diện cho Osiris, vùng đất châu thổ sông Nile cũng là một trong những hình thái của bà. Cây cỏ và động vật cũng được tôn thờ như những vị thần; cây cọ được tôn thờ do bóng mát của nó, dê và bò được tôn thờ do năng lực sinh sản của chúng, rắn được tôn thờ như biểu tượng của trí huệ và sự sống, ít nhất thì nó biết làm sao để kiếm ăn. Pharaoh cũng được tôn thờ như thần, con trai của Amon-Re; ông ta là một vị thần dùng mặt đất như nơi trú chân tạm thời. Chính qua dòng dõi được cho là thần thánh này, ông ta có thể cai trị trong thời gian dài như thế và chỉ sử dụng ít sức mạnh bạo lực đến thế. Vì vậy, các thầy tế Ai Cập là những công cụ cần thiết của ngai vàng và đội ngũ cảnh sát chìm cho trật tự xã hội này. Thông qua lòng mộ đạo của dân chúng và sự rộng lượng về chính trị của nhà vua, họ dần trở nên giàu có và hùng mạnh hơn giới quý tộc phong kiến, hoặc thậm chí hơn cả chính hoàng gia. Họ giáo dục lớp trẻ, tích lũy và truyền đạt kiến thức, và khép bản thân vào kỷ luật bằng sự khắc khổ và nhiệt huyết. Herodotus mô tả họ, gần như cùng với sự ngưỡng mộ kèm chút kinh sợ. Họ là những người cực kỳ chú tâm đến việc tôn thờ các vị thần, đến nỗi không ai chú tâm vào chuyện đó bằng họ, và theo dõi chăm chú những nghi lễ đi kèm với việc tôn thờ ấy… Họ mặc đồ vải lanh, liên tục được giặt sạch sẽ. Họ cắt bao quy đầu ởì sự sạch sẽ, cho rằng tốt hơn nên vệ sinh bộ phận ấy. Cứ mỗi ba ngày, họ lại cạo nhãn toàn bộ cơ thể, để cơ thể họ không có chấy rận hay bất cứ thứ dơ bẩn nào khác… Họ tắm rửa trong nước lạnh hai lần một ngày và hai lần một đêm. (Histories 2.37) Nhược điểm của họ là sự tôn sùng nhiệt thành dành cho quyền lực, và sự sẵn lòng khuyến nghị, hoặc bán, những thần chú, nghi thức, hoặc bùa phép cho những người trung thành với tín ngưỡng, như những công cụ để đạt được sự an vui nơi trần thế hoặc hạnh phúc vĩnh hằng. Theo nhà Ai Cập học người Mỹ vĩ đại của chúng ta, Giáo sư James Breasted: Những nguy hiểm của cuộc sống ở thế giới bên kia giờ đây được nhân lên gấp bội, và đối với mỗi tình cảnh hiểm nghèo, thầy tư tế lại có thể cung cấp cho người đã khuất một lá bùa hữu hiệu, thứ chắc chắn sẽ cứu chữa được cho anh ta. Bên cạnh nhiều lá bùa cho phép người chết tới được thế giới bên kia, tồn tại những lá bùa ngăn việc anh ta bị mất miệng, mất đầu, mất tim; các lá bùa khác cho phép anh ta nhớ tên mình, thở, ăn, uống, tránh ăn chất thải của chính mình, ngăn nước uống của anh ta chuyển thành lửa, biến bóng đêm thanh ánh sáng, ngăn tất cả các con rắn và những quái vật hung ác khác tới gần anh ta, và nhiều công dụng khác… Vì vậy, sự phát triển về luân lý ở thuở sơ khai nhất, mà chúng ta có thể truy hồi ở phương Đông cổ đại đã đột nhiên bị gián đoạn, hoặc ít nhất là bị cản trở, bởi những công cụ đáng ghê tởm của một tầng lớp tư tế suy đồi, háo hức thu lợi. Đó phần nào là hiện trạng của tôn giáo và tín ngưỡng ở Ai Cập khi một nhà thơ, một tình nhân, và kẻ dị giáo* bước lên ngai vàng và tuyên bố với giới tăng lữ và người dân, những người khi đó đã bị sốc, rằng chỉ tồn tại duy nhất một vị thần. À NHÀ THƠ Amenhotep IV gần như không phải sinh ra để làm vua: ông quan tâm đến nghệ thuật hơn chiến tranh, viết bài thơ nổi tiếng nhất trong văn chương Ai Cập, và yêu vợ mình, Nefertiti, không biết mệt mỏi. Ông cho phép các họa sĩ vẽ ông cưỡi xe ngựa chiến với hoàng hậu, cùng bà vui đùa với những đứa con. Vào những dịp kỷ niệm, Nefertiti ngồi bên cạnh ông và nắm tay ông, trong khi những cô con gái của họ nô đùa dưới chân ngai vàng. Bà sinh cho ông 7 người con gái, nhưng không được một cậu con trai nào; ông vẫn yêu bà và không lấy thêm vợ. Ông nói rằng bà là “nữ chủ nhân hạnh phúc của ta, người mà mỗi khi nghe thấy giọng của bà, nhà vua lại cảm thấy hân hoan”; và khi tuyên thệ, ông dùng những từ “Bởi hạnh phúc của tim ta nằm ở Nữ Hoàng và những đứa con của bà”. Sau Nữ Hoàng, ông yêu Mặt Trời. Người Ai Cập từ lâu trước đó đã tôn thờ Mặt Trời như cha của mọi sự sống trên mặt đất; nhưng họ cũng tôn thờ Amon và cả trăm vị thần khác, từngôi sao Hôm cho đến củ hành và con khỉ đầu chó. Ông cảm thấy ghê tởm khi nhìn thấy đai tư tế của thần Amon hiến tế một con cừu đực cho vị thần này; ông khinh miệt việc mua bán những lá bùa ma thuật của đám tăng lữ và việc họ sử dụng những lời giả làm sấm truyền của thần Amon để hỗ trợ cho những mưu tính của mình. Ông ghê tởm sự giàu có vô đạo đức của đám tư tế và sự kiểm soát ngày càng lớn của một hệ thống phân cấp vụ lợi lên đời sống của đất nước. Với sự táo bạo của một nhà thơ, ông vứt bỏ thái độ thỏa hiệp và tuyên bố rằng những thần thánh và nghi lễ này là sự sùng bái thô tục và rằng chỉ có một vị thần, Aton - Mặt Trời. Ông vứt bỏ cái tên mà ông được thừa kế, Amenhotep, cái tên chúa từ “Amon”, và tự xưng là khnaton, nghĩa là “Aton hài lòng”. Tự ý lấy một số bài thơ thể hiện tư tưởng độc thần được sáng tác ở triều vua trước, ông viết những bài thơ nồng nhiệt, ca ngợi thần Aton, thần Mặt Trời; bài thơ dài nhất trong số này giờ đây vẫn được lưu truyền và là di sản đáng chú ý nhất của nền thi ca Ai Cập cổ đại: Bình minh của người tuyệt đẹp nơi chân trời. Ôi Aton đang sống, khởi nguyên của mọi cuộc đời. Khi người mọc ở chân trời phía Đông, Người khiến mọi mảnh đất ngập tràn vẻ đẹp của người. Người đẹp, vĩ đại, sáng rực rỡ, ở trên cao phía trên mọi mảnh đất, Những tia sáng của người, chúng ôm trọn mặt đất, thậm chí ôm cả những thứ người đã tạo ra. Chúng là Re, và ngài mang chúng đi trong sự kiềm tỏa; Ngài trói buộc chúng bằng tình yêu của ngài. Dù ngài ở rất xa, những tia nắng của ngài vẫn nằm trên mặt đất; Dù ngài ở rất cao, những dấu chân của ngài chính là ban ngày. Khi ngài lặn ở chân trời phía Tây, Mặt đất tối tăm như những người chết; Họ ngủ trong căn phòng của mình, Đầu họ được bọc kín, Mũi họ ngừng thở, Và họ không nhìn thấy những người khác, Tất cả những gì thuộc về họ bị cướp đi Những thứ bên dưới đầu họ, Và họ không biết điều đó. Mọi con sư tử bước ra từ hang ổ của nó, Tất cả những con rắn, chúng cắn… Thế giới nằm trong im lặng, Ngài, người khiến chúng nghỉ ngơi ở chân trời của ngài. Mặt đất sáng ngời khi ngài mọc ở chân trời. Khi ngài tỏa sáng với tư cách thần Aton vào ban ngày. Ngài đuổi bóng đêm đi. Khi ngài gửi đi những tia nắng của mình, Hai Vùng Đất ngày ngày ăn mừng, Tỉnh thức và đứng trên đôi chân của họ Khi ngài đã nâng họ đứng lên. Khi đã rửa ráy chân tay, họ mặc quần áo, Cánh tay họ giơ lên trong sự ngưỡng mộ dành cho bình minh của ngài. Trên cả thế giới, người ta làm công việc của mình. Tất cả gia súc nghỉ ngơi trên cánh đồng chăn thả, Cây cỏ sinh sôi nảy nở, Chim chóc nhảy nhót trong những đầm lầy, Đôi cánh giương cao trong sự ngưỡng mộ dành cho ngài. Tất cả những con cừu nhảy múa dưới chân ngài, Tất cả những loài có cánh bay, Chúng sống khi ngài đã tỏa nắng lên chúng. Những con thuyền dong buồm ngược dòng và xuôi dòng. Mọi nẻo đường rộng mở bởi ngài đã ló rạng. Cá trên sông nhảy lên trước mặt ngài. Những tia nắng của ngài ở giữa biển xanh vĩ đại. Ngài tạo ra mầm sống ở phụ nữ, Ngài tạo ra hạt giống ở đàn ông, Mang sức sống tới đứa con trai trong bụng người mẹ, Dỗ dành nó để nó không khóc, Chăm nom nó ngay cả khi trong bụng mẹ, Ngài mang hơi thở đến để truyền sức sống cho mọi sinh vật mà ngài đã tạo ra! Khi ngài bước ra từ cơ thể… vào ngày đứa bé ra đời, Ngài mở miệng nó khi nói, Ngài cung cấp cho nó những thứ thiết yếu… Những tia nắng của ngài nuôi dưỡng mọi khu vườn; Khi ngài mọc, chúng sống, Chúng sinh trưởng nhờ có ngài. Ngài tạo ra các mùa Để tạo ra tất cả những tạo vật của ngài; Mùa đông để mang đến cho họ sự mát mẻ, Và hơi nóng để họ có thể cảm nhận ngài. Ngài đã nâng bầu trời xa xôi kia lên cao, Để có thể chiêm ngưỡng tất cả những gì ngài đã làm ra. Chỉ một mình ngài, chiếu sáng trong thần thể của Aton sống. Ló rạng lúc bình minh, sáng rực rỡ, đi xa và trở lại. Ngài tạo ra hàng triệu dạng thể Chỉ qua chính một mình ngài; Thành phố, thị trấn, và bộ tộc, Đường lớn và sông. Tất cả những đôi mắt đều đặt ngài ở trước, Bởi ngài là Aton của ban ngày trên mặt đất… Ngài ở trong tim tôi, Không ai khác biết ngài Ngoại trừ con trai ngài Ikhnaton. Ngài đã khiến cậu ta sáng suốt Trong những sắp đặt và trong sự vĩ đại của ngài. Thế giới nằm trong bàn tay ngài, Mặc dù ngài đã tạo ra chúng Khi ngài mọc, chúng sống, Khi ngài lặn, chúng chết; Bởi ngài chính là sự trường tồn của sự sống. Con người sống thông qua ngài, Trong khi đôi mắt họ ngưỡng mộ vẻ đẹp của ngài Cho đến khi ngài lặn. Người ta bỏ tất cả các công việc Khi ngài lặn ở đằng Tây… Ngài đã sáng lập ra thế giới, Và nuôi dưỡng chúng cho con trai ngài… Ikhnaton, người có cuộc sống dài lâu; Và cho chính thất hoàng gia, người mà vua yêu thương, Phu nhân của Hai Vùng Đất, Nefer-nefru-aton, Nefertiti, Sống và phát triển rực rỡ mãi mãi. Đây không chỉ là một trong những bài thơ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, đây là biểu hiện nổi bật của tư tưởng độc thần vào thời điểm 640 năm trước thời Isaiah. Vị thần của Ikhnaton không thuộc về một tộc người như Jehovah; Aton nuôi dưỡng và cai trị tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây là một ý niệm về thần thánh, mang tinh thần của thuyết sức sống*, xem thần thánh như một thế lực sáng tạo có sức sống, truyền sinh khí cho vạn vật, sức nóng của thế lực ấy là hơi ấm của sự sống và nhiệt huyết của tình yêu, nó nuôi dưỡng và đem sự sinh sôi đến với mọi loài thực vật, truyền năng lượng cho mọi con vật, và “sáng tạo đứa bé trai trong bụng người phụ nữ”. Nó là vị thần dành cho tất cả các quốc gia, cho tất cả các hình thái sinh trưởng. Ikhnaton đã làm vấy bẩn điều này khi để sự vị kỷ che mờ tầm nhìn của mình: “Không ai khác biết ngài, ngoại trừ con trai của ngài Ikhnaton… Ngài đã sáng lập ra thế giới, và nuôi dưỡng chúng cho con trai ngài Ikhnaton”. Tự tin với tín ngưỡng mới của mình, ông đã ra lệnh cạo sạch hoặc tẩy tên của tất cả các vị thần, ngoại trừ Aton, ra khỏi mọi nơi công cộng ở Ai Cập. Ông loại bỏ từ “Amòn”, tức một vị thần giờ đây đã chết, ra khỏi tên của cha ông; ông tuyên bố rằng tất cả các tín ngưỡng đều bất hợp pháp, ngoại trừ tín ngưỡng của ông. Cả hệ thống chính thức khi ấy đã nổi giận và bắt đầu âm mưu, người dân, xem tư tưởng độc thần của Ikhnaton như một sự giết hại hàng loạt các vị thần, xì xào bàn tán và nổi loạn. Thậm chí trong cung điện của ông, triều thần căm ghét ông, bởi sự khinh bỉ của ông với chiến tranh đã khiến quân đội suy yếu, và các tướng lĩnh đã sốt ruột chờ đợi cái chết của ông. Các thành bang chư hầu từ chối việc cống nạp theo thông lệ, lần lượt từng thành bang phế truất thống Đốc người Ai Cập của họ và trở thành thành bang tự do; nước Ai Cập bỗng chốc tan vỡ thành nhiều phần. Ikhnaton gần như bị bỏ rơi, chỉ còn lại vợ và các con. Khi qua đời, ông mới vừa tròn 30 tuổi, và khi hấp hối ông than khóc về sự thất bại của mình với tư cách một nhà cai trị, và về sự không xứng đáng của chủng tộc mình. Hai năm sau cái chết của ông, Tutankhamon, con rể ông và cũng là người được các thầy tế ủng hộ nhất, bước lên ngai vàng. Ông bỏ cái tên Tutenkhaton, cái tên mà cha vợ đã đặt cho ông, làm hòa với các thế lực của tầng lớp tu sĩ, và tuyên bố sự khôi phục của các vị thần cổ đại trước một dân tộc đang hân hoan trở lại. Các từ “Aton” và “khnaton” bị xóa khỏi tất cả các công trình kiến trúc quan trọng, các thầy tế cấm bất cứ ai nhắc đến tên của vị vua dị giáo kia, và dân tộc này nhắc đến ông bằng cụm từ “Đại Tội Đồ”. Những cái tên mà khnaton đã xóa đi được khắc lại vào các công trình kiến trúc lớn, và những tiệc tùng, hội hè mà ông đã bãi bỏ được khôi phục. Mọi thứ trở lại như trước. Ai Cập Có một thời kỳ vĩ đại khác, dưới thời vua Rameses II, người đã thể hiện khí phách của mình bằng việc tái chinh phục các thuộc địa của Ai Cập, xây dựng những ngôi đền khổng lồ, sinh ra 100 người con trai và 50 người con gái với nhiều người vợ của mình, và để lại một bức tượng của chính mình, như một dấu tích đáng tự hào về quyền uy của ông ta. Nó vốn cao 17 m; giờ đây nó dài 17m, bởi qua nhiều thế kỷ, phần trán tường bằng đất để cố định bức tượng đã mòn đi và vì thế nó đổ xuống. Shelley đã mô tả bức tượng ấy trong một bài thơ thể sonnet vừa đẹp đẽ vừa kinh khủng, được đặt tên theo một trong nhiều cái tên của Rameses, “Ozymandias Tôi gặp một du khách từ một vùng đất xưa. Người nói rằng: “hai chân bằng đá khổng lồ và không thân trên Đứng trong sa mạc,… Gần bên chúng, trên cát, Nửa chìm nửa nổi, một khuôn mặt vụn vỡ nằm đó, cau mày, Và đôi môi nhăn nheo, và mệnh lệnh lạnh lùng khinh nhạo, Nói lên rằng người tạc tượng thấu hiểu những nhiệt huyết ấy Những thứ dẫn sót lại, in dấu lên những thứ không có sinh khí này, Bàn tay chế giễu họ, và trái tim nuôi dưỡng; Và trên bệ đá, xuất hiện những lời này: Tên ta là Ozymandias, vua của các vị vua: Chiêm ngưỡng những gì ta làm được, kẻ Hùng mạnh kia ơi, và nỗi tuyệt vọng!” Không còn gì cạnh đó. Xung quanh sự suy tàn Của đống đổ nát khổng lồ ấy, bát ngát và trần trụi Bãi cát cô đơn và bằng phẳng trải ra xa tít tắp. Chương 5 TRIẾT LÝ VÀ THƠ CA TRONG KINH CỰU ƯỚC SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT QUỐC GIA Mục đích của những chương này không phải là nhồi nhét lịch sử của một nền văn minh vào một ít trang sách, mà nghiên cứu và đưa ra những điển hình về những kiệt tác về tư tưởng và những biểu hiện mà nó để lại. Vì thế, ở đây chúng ta sẽ xem xét chỉ chừng đó lịch sử Do Thái cổ đại, đủ để giúp chúng ta hiểu được triết lý và thơ ca của người Do Thái từ khi họ xuất hiện ở Palestine vào khoảng năm 1800 TCN, cho đến khi họ phân tán khỏi Đất Thánh của mình vào năm 135. Vùng Cận Đông, hoặc Trung Đông, trong thời tiền Cơ Đốc giáo, thực sự là một cái vạc gồm nhiều dân tộc, tính khí nóng nảy và rất kiêu hãnh, không ngơi nghỉ trong những chuyến lang thang, không thể kiên nhẫn ở những nơi họ định cư. Họ dừng lại đủ lâu để tạo ra những nền văn minh rộng lớn - của người Sumer, người Babylon, người Assyria; cứ thế người Babylon đã phát triển khoa học và y học, và vua Hammurabi đã cho họ, vào khoảng năm 1940 TCN, một bộ luật đặc biệt duy lý. Một người lang thang nổi tiếng, Abraham, được khắc họa trong Kinh Thánh là người đã rời thị trấn Ur ở Chaldea (miền Nam Iran ngày nay) và lên đường, vào khoảng năm 1800 TCN, tìm những miền đất mới cho gia đình và bây gia súc đang ngày càng lớn của ông. Trong một giấc mơ, ông đã nhìn và nghe thấy Đấng Yahweh, người cho ông và con cháu ông vùng đất Canaan, với điều kiện họ chỉ được thờ phụng Yahweh và phải cắt bao quy đầu của con trai họ như một dấu hiệu cho giao ước với đấng thần linh của họ. Ở đây, như trong trường hợp của Moses và Mười Điều răn, chúng ta có thể nhận thấy sự áp dụng đức tin tôn giáo để tăng cường sự đoàn kết, sức khỏe, luân lý, và lòng can đảm của một dân tộc đang trong Cam hiểm nghèo. Thế là, vào khoảng 600 năm trước Moses, Abraham dẫn đoàn người của ông đi theo hướng Tây Nam vào Canaan và chiếm lấy nơi mà từ đó họ cho là vùng đất Chúa Trời đã ban cho họ. Chúng ta được nghe kể rằng con trai cả của Abraham, Jacob, đã đấu vật với một người lạ, người hóa ra lại là một thiên thần hoặc một vị thần; và Jacob đã chiến đấu mạnh mẽ đến nỗi Chúa Trời đã cho anh ta cái tên mới Israel - “người đàn ông đã đấu với Thần” (Sáng Thế Ký, chương 32, câu 24-30); cái tên này đã trở thành tên của bộ tộc và của vùng đất. Người con trai mà Jacob yêu quý nhất, Joseph, đã bị chôn sống vào một cái hố sâu bởi những người anh em ghen tị với cậu, được giải cứu, bị bán làm nô lệ ở Ai Cập, giải thoát chính mình bằng cách giải nghĩa một cách thông minh những giấc mơ, trở thành người được pharaoh yêu quý nhất, và đã khuyên ông ta tích trữ hạt vào những năm được mùa để nuôi người dân của ông ta vào những năm hạn hán. Những người anh em của cậu du hành xuống, từ vùng đất Israel đang chật vật vì đói kém, để cầu xin lương thực từ Ai Cập; Joseph cho họ ăn và mời Jacob và bộ tộc của ông tới và sống ở Ai Cập. Họ đã tới, và định cư ở Goshen, vào khoảng năm 1650 TCN (Sáng Thế Kỷ, chương 46). Con cháu của họ phát triển thịnh vượng và sinh sôi ở Ai Cập suốt khoảng 400 năm. Thế rồi, vì những lý do không ai biết, người Ai Cập trở mặt với họ và áp đặt lên họ những công việc nặng nhọc và những bộ luật chất chứa sự thù ghét. Như vậy, nếu chúng ta tin theo câu chuyện trong Kinh Thánh, một pharaoh, có thể là Rameses II (tức Ozymandias trong thơ của Shelley), đã ra lệnh cho các bà đỡ giết mọi bé trai có mẹ là người Do Thái (Xuất Hành Ký, chương 1, câu 16). Một số đứa trẻ thoát chết và được giấu đi. Có thể một trong những đứa bé này là Moses. Bất kể thể nào, chúng ta vẫn có thể chấp nhận ông ta như một nhân vật có thật trong lịch sử và chấp nhận câu chuyện về những năm khó nhọc của người Do Thái ở Sinai, ít nhất là ở những chi tiết quan trọng nhất của câu chuyện này. Tôi có thể sẵn sàng tin rằng nhiều người trong số những người lang thang ấy, trong cơn đau khổ, đã mất niềm tin vào vị thần của cha ông họ và hiến tế cho những thần tượng kỳ lạ với hy vọng có được sự giúp đỡ siêu nhiên. Tôi có thể tin rằng thủ lĩnh của họ, bằng sức mạnh của nhân cách và đức tin, đã kêu gọi họ quay về với trật tự và khuôn phép với Mười Điều răn ấy, những lời mà chúng ta, những người lang thang trên sa mạc luân lý của mình, khao khát được nghe và tuân theo một lần nữa. Và tôi có thể tin rằng những khách bộ hành mỏi mệt ấy, chai sạn do những khổ đau và chiến trận, đã chiến đấu một cách cuồng dã, thậm chí tàn bạo, trong những giai đoạn cuối cùng của hành trình, để chiếm lại Canaan, nơi mà con đói và cơn khát đã đẩy cha ông họ đi vào 400 năm trước đó. Trong suốt gần hai thế kỷ, những người chiến thắng sống ở Canaan như một liên minh lỏng lẻo giữa các bộ tộc, bị chia cắt bởi những xung đột lúc bùng lên lúc lại lặng xuống giữa chính họ, và hết lần này tới lần khác bị quấy nhiễu bởi người Philistine, Moabite, Ammonite, và Edomite trong cả thời bình lẫn thời chiến. Trong một thời gian ngắn, luật lệ và trật tự được duy trì bởi các quan tòa và thầy tế. Khi dân số tăng lên về số lượng và mở rộng vùng sinh sống, xuất hiện nhu cầu về một cơ quan thẩm quyền tập trung, với quyền hành gần như tuyệt đối. Samuel, một quan tòa đứng đầu khi ấy, đã tranh cãi chống lại sự cai trị có tính hoàng gia như vậy. Ông cảnh báo với họ rằng một vị vua, sẽ lấy đi những đứa con trai của các người và giao cho chúng… nhiệm vụ gieo hạt trên mảnh đất của ông ta và thu hoạch cho ông ta, và chế tạo những Công cụ chiến tranh cho ông ta… Và ông ta sẽ lấy ruộng vườn, ruộng nho, và những khu trồng ô-liu của các người, những thứ tốt nhất, và trao chúng cho những kẻ phục vụ ông ta; ông ta sẽ lấy một phần mười lượng ngũ cốc cà ruộng nho của các người, … và những người đàn ông to khỏe nhất trong các người, và những con lừa của các người, rồi bắt chúng làm việc cho ông ta, và các người sẽ là đầy tớ của ông ta. Và ngày ấy các người sẽ kêu la bởi vị của các người đã chọn; và ngày ấy Chúa Trời sẽ không nghe thấy tiếng các người đâu. Mọi người bác bỏ lời khuyên của Samuel, nói rằng: Không, chúng ta sẽ có một vị vua cai trị chúng ta, chúng ta sẽ giống tất cả các quốc gia khác, và vị vua của chúng ta có thể phán xét chúng ta, và đi ra trước chúng ta, và chiến đấu trong những trận chiến của chúng ta. Saul tập hợp tất cả mọi người, và họ chọn ông ta làm vị vua đầu tiên của người Do Thái, và tất cả họ hô to “Chúa phù hộ nhà vua” (1 Samuel, chương 8, câu 11-20). Saul thất bại trong vai một vị vua và chết trong chiến tranh vô nghĩa với người Philistine. David đẹp đẽ và biết nói những lời dễ chịu, đội trưởng đội cận vệ hoàng gia, đã chiếm lấy ngai vàng, vào khoảng năm 1000 TCN; chinh phạt và thống nhất tất cả các vùng của Israel, và cưới những phụ nữ từ những vùng này để củng cố quyền thống trị của mình; đặt kinh đô ở Jerusalem, cai trị trong 36 năm, và để lại một ký ức đẹp đẽ về sự thịnh vượng đến nỗi người Do Thái, trong những giây phút bất hạnh ở những thời kỳ sau, khao khát một “Messiah” - một hậu duệ “được xác dầu thánh” của David, người sẽ phục hồi sự huy hoàng và hạnh phúc như thời David cai trị. Đây là một trong những anh hùng đầu tiên và đa chiều nhất lịch sử: một chiến binh bách chiến bách thắng, một người vịnh những lời trong thánh kinh và chơi đàn hạc, một người dành tình yêu hiền từ cho Jonathan, con trai của Saul, và Absalom, con trai của chính ông (2 Samuel, chương 11); cướp Bathsheba từ tay Uriah, tức chồng của bà, và điều Uriah ra trận để rồi chết trên tiền tuyến: đây là một người đàn ông gây nhiều kinh ngạc nhưng thực sự rất “người”, với nhiều yếu tố phong phú và đa dạng, mang trong mình nhiều vết tích của sự man rợ, và tất cả những hứa hẹn của văn minh. Con trai và cũng là người kế vị ông được gọi là Solomon - cái tên bắt nguồn từ shalom, nghĩa là “hòa bình” - và giành được cái tên ấy bằng việc gìn giữ hòa bình và thịnh vượng trong suốt 37 năm cai trị. Bằng cách duy trì mối quan hệ hữu hảo với Vua Hiram của Tyre, ông khiến các thương nhân người Phoenicia điều các đoàn đi buôn của họ xuyên qua Palestine và phát triển mối quan hệ trao đổi hàng hóa giữa nông sản của Israel và vật dụng được chế tác ở Sidon và Tyre, một mối quan hệ mang đến nhiều lợi ích. Ông xây dựng một hạm đội gồm các thương thuyền để thực hiện hoạt động thương mại ở Địa Trung Hải và Biển Đỏ, và khai thác vàng cùng các loại đá quý của “Ophir” - khi đó mới được phát hiện ở Ả Rập Xê Út. Ông nuông chiều bản thân với một hậu cung gồm “700 vợ và 30 thiếp”; ở đây, chúng ta có thể chia số vơ và thiếp này cho con số 10, và xem kết quả thu được như một mối quan hệ hữu hảo với các thành bảng khác; bên cạnh đó, vị vua vĩ đại có thể đã có một nhiệt huyết mang tư tưởng ưu sinh, tức nhiệt huyết truyền những phẩm chất siêu việt của mình cho số lượng con trai tối đa. Ông tô điểm cho Jerusalem bằng các ngôi đền vĩ đại, mà vẻ đẹp của chúng đã trở thành niềm tự hào vĩnh cửu của người Do Thái, thành đỉnh cao trong tín ngưỡng của họ, và - như phong tục thời đó - trung tâm của hoạt động thương mại. Trước khi ông qua đời, các thương nhân đã vượt xa các thầy tế về mặt số lượng, thống trị chính quyền, và đã tập trung của cải của đất nước dưới quyền kiểm soát của họ. Một giai cấp vô sản bất mãn đã được tạo ra, những người mà sự lao động của họ không đi đôi với việc làm ổn định hay phần thưởng thỏa mãn, và những khắc khổ mà họ phải chịu đựng đã chuyển tín ngưỡng Yahweh hiếu chiến thành lời sấm truyền gần như mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa của các Nhà Tiên tri. CÁC ĐẤNG TIÊN TRI Họ chỉ ngẫu nhiên là những thầy bói - ở việc họ đã báo trước một cách chính xác việc Jerusalem bị thâu tóm bởi một thế lực ngoại bang, nhưng họ là những người lên án hiện tại nhiều hơn là nói trước tương lai. Một số người trong số họ tới Jerusalem từ vùng nông thôn; họ bị sốc bởi sự khai thác công nghiệp và những tranh chấp thương mại mà họ nhìn thấy ở kinh đô, và bởi sự phát triển chệch hướng của tôn giáo, từ chỗ vốn là lời kêu gọi công lý trở thành một nghi lễ của các đồ hiến tế bị hỏa thiêu và những bài ca của kẻ ngoan đạo. Amos mô tả chính mình không phải như một nhà tiên tri mà chỉ như một người chăn cừu bình thường ở một ngôi làng, người (vào khoảng năm 760 TCN) đã rời bỏ bầy cừu của mình để nếm thử cuộc sống ở kinh đô. Ông thất vọng trước sự phức tạp phi tự nhiên của cuộc sống mà ông nhìn thấy ở đó, sự chênh lệch giàu nghèo, sự cay đắng khắc nghiệt của việc cạnh tranh, sự nhẫn tâm của việc khai thác. Vì thế ông “đứng ở cổng”, và mắng nhiến người giàu cùng những thứ xa hoa của họ: Vì thế, bởi các người đang giày xéo lên người nghèo, và các người lấy đi của anh ta hàng đồng bột mì, các người đã xây những ngôi nhà bằng đá đẽo, nhưng các người sẽ không được ở trong những ngôi nhà ấy; các người đã trồng những vườn nho đẹp đẽ, nhưng các người sẽ không được uống rượu từ những vườn nho ấy… Tai ương và thống khổ sẽ đến với những kẻ đang an nhàn ở Zion,… những kẻ nằm trên những chiếc giường bằng ngà voi… oà ăn thịt những con cừu từ bầy cừu…; những kẻ ngâm nga theo âm thanh của đàn vion, oà sáng chế ra… những nhạc cụ, giống Daoid; những kẻ uống rượu vang bằng bát, và xức dầu thơm lên chính mình bằng những loại mỡ tốt nhất. (Chúa Trời nói) Ta khinh thường ngày lễ của các người;… mặc dù các người dâng cho ta những vật hiến tế đã được thiệu và đồ hiến tế thịt tươi, ta vẫn sẽ không tiếp nhận chúng… Hãy đem những tiếng ồn từ những bài hát của các người ra xa khỏi ta, bởi ta sẽ không nghe giai điệu từ tiếng đàn cion của các người. Nhưng hãy để sự phán xét [công lý1 giáng xuống như biển thác, và đạo đức chính trực giáng xuống như một dòng sông hùng Uĩ (Amos, chương 5, câu 6). Một nhà tiên tri vĩ đại hơn, người mà các học giả gọi là Isaiah thứ Nhất, đã tiếp tục những lời sấm truyền về xã hội này bằng những lời được xếp vào hàng những câu văn cao quý nhất trong văn chương thế giới: Chúa Trời sẽ phán xét cùng những đấng tổ tiên của dân tộc được ngài lựa chọn và những ông hoàng của dân tộc ấy; bởi các người đã tiêu thụ sạch những vườn nho, và những thứ các người cướp được từ người nghèo đang nằm trong nhà các người. Các người có ý gì khi sung sướng hơn hẳn những người dân của ta, và đối xử tàn tệ với người nghèo?… Tai ương và thống khổ sẽ đến với những kẻ đã có nhà còn chiếm thêm nhà, đã có ruộng còn lấy thêm ruộng!… Tai ương và thống khổ sẽ đến với những kẻ tuyên những sắc lệnh bất chính để người nghèo túng không có được sự phán xét [công lý1, Toà để tước đi lẽ phải từ những người nghèo trong những con dân của ta, và thống khổ cũng sẽ đến với những kẻ xem những phụ nữ góa như con mồi, và những kẻ cướp đoạt những kẻ xem những phụ nữ từ những đứa trẻ không cha. Và các người sẽ làm gì vào ngày Chúa Trời tới phán xét, giữa những tiêu điều mà sầu muộn đến từ nơi rất xa? Các người sẽ bỏ chạy để tìm kiếm sự giúp đỡ từ ai đâu, và các người sẽ bỏ lại vinh quang của mình ở chốn nào?… Hãy tẩy rửa chính mình, hãy làm cho bản thân thanh sạch;… đi tìm sự phán xét [công lý], hãy giải cứu những người bị áp bức, phán xét [đem công lý đến với] những người mồ côi cha, hãy bênh vực những người góa chồng. (Isaiah, chương 3, câu 14- 15, chương 5, câu 8, chương 10, câu 1f, câu 11f.) Isaiah gay gắt, nhưng ông không tuyệt vọng; ông kết thúc bằng việc xây dựng cho người Do Thái một niềm tin vào một Đấng Cứu Rỗi trong tương lai, người sẽ mang tới một kỷ nguyên của tình ái hữu giữa tất cả mọi người và hòa bình: Hãy chờ xem, một trinh nữ sẽ mang thai và sinh ra một bé trai, và sẽ gọi nó là Immanuel… Một đứa trẻ sẽ được sinh ra cho chúng ta, và quyền thống lĩnh sẽ được đặt lên vai cậu bé ấy, và tên của cậu bé ấy sẽ là… Hoàng Tử của Hòa bình… Người ấy sẽ phân xử cho người nghèo bằng sự công chính, và khiển trách một cách công bằng vì những người hiền lành trên trần thế; và người sẽ làm rung chuyển thế giới này bằng lời nói, và với hơi thở từ đôi môi, ngài sẽ diệt trừ những xấu xa… Sói sẽ chung sống với cừu, và báo sẽ nằm cạnh đứa trẻ, và bê con và sư tử con… sẽ ở cùng nhau; và một đứa trẻ nhỏ bé sẽ lãnh đạo chúng… Và chúng sẽ đánh cho những mũi kiếm thành lưỡi cày, và những mũi giáo thành những lưỡi câu; nước nọ sẽ không cầm gươm chống lại nước kia, và họ cũng sẽ không biết đến chiến tranh nữa. (Isaiah, chương 7, câu 14; chương 9, câu 6; chương 11, câu 1-6; chương 2, câu 4.) Những tai họa mà các nhà tiên tri cảnh báo đã tới, mặc dù hơi muộn. Vào năm 609 TCN, một đội quân Ai Cập đã đánh bại người Do Thái trong một trận chiến đẫm máu gần thành cổ Megiddo, hiển nhiên tông đồ John đã lấy cái tên “Armageddon” từ đây, để chỉ cuộc đại xung đột trong tương lai sẽ quyết định vận mệnh thế giới (Khải Huyền, chương 16, câu 16). Vào năm 597 TCN, vua Nebuchadnezzar I của Babylon đã thâu tóm được Jerusalem và bắt giam 10.000 người Do Thái. Trái với lời khuyên của nhà tiên tri (grim) Jeremiah, VuaZedekiah đã lãnh đạo người Do Thái nổi dậy chống lại Babylon, Nebuchadnezzar đã trở lại vào năm 586, tàn phá Jerusalem, phá hủy đền Solomon, và bắt giữ gần như toàn bộ dân chúng Jerusalem. Thế rồi Jeremiah khóc than về sự ứng nghiệm của những lời tiên tri mà ông đã đưa ra và tình cảnh tiêu điều của Jerusalem: """