" Như Một Cuốn Tiểu Thuyết - Daniel Pennac full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Như Một Cuốn Tiểu Thuyết - Daniel Pennac full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo NHƯ MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT Daniel Pennac Making Ebook Project BOOKAHOLIC CLUB Tên sách: NHƯ MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT Tác giả: Daniel Pennac Nguyên tác: Comme un roman Dịch giả: Phạm Minh Hằng Nhà xuất bản: Phụ Nữ Năm xuất bản: 2006 Số trang: 207 Khổ sách: 12 x 19 cm Giá bìa: 21.000 đồng Đánh máy: Minh Huy, Quán Linh Kiểm tra: Hồng Sơn Chế bản ebook: Thảo Đoàn Ngày thực hiện: 27/6/2011 Making Ebook Project #143 - www.BookaholicClub.com Bạn đang đọc ebook NHƯ MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT của tác giả Daniel Pennac do Bookaholic Club chế bản theo Dự án chế bản Ebook (Making Ebook Project). Mong rằng ebook này sẽ mang đến cho bạn một tác phẩm Văn học hay, giàu giá trị biểu cảm và nhân văn, với chất lượng cao. Chúng tôi luôn cố gắng mang đến những chế bản ebook tốt nhất, nếu trong quá trình chế bản có lỗi sai sót nào mong bạn góp ý và cho chúng tôi biết những ebook mà đang mong muốn. Making Ebook Project của Bookaholic Club là một hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích mang đến những chế bản ebook hay, có giá trị với chất lượng tốt nhất mà chúng tôi có thể với Cộng đồng đọc - người Việt. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng xin hãy đọc tác phẩm này bằng sách trước hết vì lợi ích cho Nhà xuất bản, bản quyền tác giả và góp phần phát triển xây dựng nền Văn hóa đọc. Hãy chỉ đọc chế bản này trong điều kiện bạn không thể tìm đến ấn phẩm sách. MỤC LỤC GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ GIỚI THIỆU TÁC PHẨM I SỰ RA ĐỜI CỦA NHÀ GIẢ KIM 1. 2. 3. 4. 5. 6. 7. 8. 9. 10. 11. 12. 13. 14. 15. 16. 17. 18. 19. 20. 21. 22. 23. 24. II PHẢI ĐỌC (Giáo lý) 25. 26. 27. 28. 29. 30. 31. 32. 33. 34. 35. 36. 37. 38. 39. 40. 41. III CHO ĐỌC 42. 43. 44. 45. 46. 47. 48. 49. 50. 51. 52. 53. 54. 55. 56. 57. IV ĐỌC VÀO LÚC NÀO? (hay những quyền không thể phủ nhận của độc giả) 1. Quyền không đọc sách 2. Quyền được bỏ qua 3. Quyền không kết thúc một cuốn sách 4. Quyền được đọc lại 5. Quyền được đọc bất kỳ thứ gì 6. Quyền Bovary 7. Quyền được đọc ở mọi nơi 8. Quyền được nhặt nhạnh 9. Quyền được đọc to 10. Quyền được im lặng GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ Daniel Pennac tên thật là Daniel Pennacchioni, sinh năm 1944 tại Casablanca (Ma Rốc). Thuở nhỏ, ông đã theo chân bố mẹ đi khắp nơi trên thế giới: châu Âu, châu Á, châu Phi... Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Nice (Pháp), ông chỉ dạy học và thời gian còn lại ông dành cho công việc viết văn. Nhờ những trải nghiệm sống phong phú có được qua những chuyến phiêu lưu thuở nhỏ đã góp phần không nhỏ tạo nên sự đa dạng về thể loại trong sáng tác của nhà nhà văn: tiểu luận, tiểu thuyết trinh thám, sách cho thiếu nhi, truyện tranh, tự truyện... Daniel Pennac đặc biệt ghi dấu ấn trong nền văn học Pháp với những câu chuyện viết cho thiếu nhi. Giọng văn hài hước mà không kém phần sâu lắng, tình bạn giữa con người và loài vật, những khám phá vô cùng thú vị về thế giới “bốn chân” đã đem lại cho từng trang viết của ông sức hấp dẫn khó cưỡng đối với độc giả mọi lứa tuổi. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách được các em thiếu nhi yêu thích như: “Comme un roman” (Như một cuốn tiểu thuyết), “Au bonheur des orges”, “La Petite Marcande de prose”… “L'œil du loup” (Mắt sói) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Daniel Pennac, được Bộ Giáo dục Pháp chỉ định là tác phẩm tham khảo chính thức trong nhà trường, được đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường phổ thông của Pháp và được coi là một tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Pháp. Ngoài ra, “Cabot-Caboche” (Cún bụi đời) là một trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi thành công nhất của Daniel Pennac. Cuốn sách là minh chứng hùng hồn cho những gì được gọi là tinh tế trong cảm nhận và giản dị trong văn phong của tác giả. Năm 2007, Giải Renaudot, một trong những giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp đã được trao cho Daniel Pennac với tác phẩm Chagrin d'Ecole. Một vài tác phẩm: - Cabot-Caboche (1982) - L'œil du loup (1984) - Au bonheur des ogres (1985) - La Fée Carabine (1987) - La Petite Marchande de prose (1989) - Comme un roman (1992) - Merci (2004) - Chagrin d'école (2007) GIỚI THIỆU TÁC PHẨM Như một cuốn tiểu thuyết hẳn nhiên không phải là tiểu thuyết, mà lại được viết như tiểu thuyết, được đọc như tiểu thuyết... Đó là những quan sát, ghi chép về những thắc mắc, nghi ngờ, truy vấn, bàn bạc, tranh cãi, thậm chí giận hờn, trách móc giữa ba nhóm nhân vật (đôi khi có tên, thường thì không có tên): người lớn (cha mẹ, thầy giáo, người thân), trẻ em (con cái, học trò) và sách (danh từ chung, số nhiều, đại diện cho văn chương)! Nhiều tình tiết ly kỳ, đầy kịch tính, phô bày những nghịch lý hiển nhiên mà đôi khi giáo dục học phải thốt nên lời bất lực: phải đọc - trẻ mở trang sách ra và... ngủ! Cấm đọc - trẻ trốn vào chăn và... nuốt gọn quyển sách! Khi chưa biết đọc, đứa trẻ là độc giả trung thành mỗi đêm với những chuyện kể từ trang sách. Đến khi đọc thông viết thạo, chàng trai cô gái ấy đếm từng trang sách như một cực hình! Ai đã biến sách thành bức tường đá và dìm niềm vui đọc sách vào vực xoáy thẳm sâu? Cha mẹ, thầy cô, khoa sư phạm, hay truyền hình và đủ thứ món giải trí khác thời nay? Đầy những phát hiện thú vị, hấp dẫn, nhiều ẩn dụ, so sánh bất ngờ, độc đáo, cuốn “tiểu thuyết bốn chương, 67 hồi” này là một giáo trình tâm lý học dẫn dắt chúng ta cùng đi khám phá và tìm ra bí quyết nuôi dưỡng niềm say mê, sự hứng thú với văn chương trong suốt cuộc đời. DUYÊN TRƯỜNG Cuốn sách này xuất bản trong khuôn khổ Chương trình hợp tác xuất bản, được sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa và Hợp tác Đại sự quán Pháp tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cet ouvrage, publicé dans le cadre du Programme de participation à la publication, bénéficie du soutien du Centre Culurel et de Coopération de l’Ambassade de France en République Socialiste du Vietnam. Tặng Franklin Rist, Độc giả trung thành của tiểu thuyết Cũng là độc giả mơ mộng. Tưởng nhớ cha tôi, Với hồi ức về Frank Vlieghe Xin đừng dùng những trang sách này như một công cụ tra tấn sư phạm. D.P. I SỰ RA ĐỜI CỦA NHÀ GIẢ KIM 1. Động từ đọc không thể chấp nhận thể sai khiến. Một số động từ khác như “yêu” “mơ ước”… cũng vậy. Tất nhiên, thử dùng thì cũng được. “Yêu em đi!” “Mơ ước đi!” “Ðọc đi!” “Ðọc đi! đọc đi mà, chúa ơi, đọc đi nào!”. - Vào phòng và đọc đi! Kết quả thế nào? Chẳng thế nào cả. Cậu bé ngủ gục trên trang sách. Đột nhiên, khung cửa sổ trước mặt như mở ra một vùng trời mơ ước, nơi cậu bé thỏa sức bay bổng. Để trốn khỏi những trang sách. Nó ngủ nhưng mà rất tỉnh: quyển sách vẫn mở rộng trước mặt. Chỉ cần nhẹ mở cánh cửa phòng là đã thấy cậu bé ngoan ngoãn ngồi đọc sách. Ngay cả nếu như ta rón chân thật nhẹ nhàng thì nó cũng nhanh chóng tỉnh giấc. - Thế nào, có hay không? Cậu bé sẽ chẳng nói không, chẳng dại gì mà phạm một tội lớn. Sách là cái gì đó thiêng liêng, làm sao mà có thể không thích đọc sách cho được? Không, thằng nhóc sẽ nói rằng những đoạn miêu tả dài quá. Quá yên tâm, chúng ta trở lại trước màn hình tivi. Có thể ý kiến của cậu bé còn tạo ra một cuộc tranh luận thú vị giữa người lớn chúng ta… - Nó thấy các đoạn miêu tả quá dài. Tất nhiên rồi, chúng ta đang ở thế kỷ của truyền thông, của hình ảnh trong khi các nhà tiểu thuyết của thế kỷ 19 lại phải dùng ngòi bút để miêu tả mọi thứ… - Nhưng không phải vì thế mà cho phép nó bỏ qua một nửa số trang! … Thôi, đừng tranh luận làm gì cho mệt óc, thằng bé lại lăn ra ngủ rồi. 2. Không thể tưởng tượng được sự căm ghét đọc sách nếu như chúng ta thuộc một thế hệ, một giai đoạn, một tầng lớp, một gia đình có khuynh hướng chung là ngăn cản việc đọc sách. - Thôi đi, đừng có đọc nữa, hỏng mắt bây giờ đấy! - Ra ngoài chơi đi, trời đẹp thế kia cơ mà. - Tắt đèn đi! Muộn quá rồi đấy! Tất nhiên rồi, ban ngày thì thời tiết luôn quá đẹp để đọc sách, còn buổi tối thì lại quá tối tăm. Xin ghi nhận là đọc hay không đọc, động từ đã được chia ở thể bị động. Ngay cả ở quá khứ cũng vậy. Đến nỗi đọc được coi như một hành động phản kháng. Ngoài sự khám phá một câu chuyện còn có sự cấm đoán của gia đình. Sức hấp dẫn nhân đôi! Quên sao được những giờ khuya khuắt, nín thở đọc sách trong chăn với ánh đèn mờ mờ tỏ tỏ! Vào thời khắc đó, Anne Karénine lao mới nhanh làm sao về phía Vronski! Họ yêu nhau, mới đẹp làm sao, họ yêu nhau chống lại sự cấm đoán đọc sách của gia đình vì thế lại càng tuyệt hơn nữa! Họ yêu nhau quên cả mẹ cha, quên cả những bài tập toán hay bài luận văn phải nộp, họ say đắm bên nhau bỏ mặc căn phòng bừa bãi, bẩn thỉu phải dọn đẹp, quên ăn bữa chính, quên cả món tráng miệng, họ quấn quít bên nhau mặc những trận bóng nảy lửa hay những buổi dạo chơi hái nấm trong rừng… họ đã chọn nhau và yêu nhau hơn tất thảy… Chúa ôi, thật đẹp sao mối tình này! Và cuốn tiểu thuyết, vừa mới bắt đầu đã đến trang cuối mất rồi. 3. Nói đúng ra, chúng ta đâu có nghĩ đến việc bắt bọn trẻ đọc ngay lập tức như một thứ bài tập. Trước hết, chúng ta nghĩ đến niềm vui được đọc sách của chúng. Những năm đầu đời của một đứa trẻ khiến chúng ta hoàn toàn bị thu phục. Sự choáng váng trước sinh linh mới mẻ tạo cho chúng ta một khả năng thần kỳ. Vì nó, chúng ta trở thành nhà kể chuyện đầy thuyết phục. Ngay khi đứa trẻ làm quen với ngôn ngữ, chúng ta kể cho nó nghe những câu chuyện. Chúng ta, những kẻ chưa bao giờ được cảm nhận niềm vui thích của một đứa trẻ khi được nghe kể chuyện, và niềm vui này làm chúng ta thật phấn khích. Vì nó, chúng ta sẵn sàng thêu dệt thêm thật nhiều nhân vật, thật nhiều chương, hồi và thêm thắt những chi tiết thật hấp dẫn… Như ông già Tolkien với những đứa trẻ, chúng ta vẽ nên cả một thế giới. Khi ngày sắp qua đi và đêm sắp tới, chúng ta khoác lên mình trang phục của những nhà tiểu thuyết tài năng. Nếu không có tài kể chuyện, nếu chỉ biết lặp lại những câu chuyện đã được nghe, thậm chí là kể sai, ấp úng, nhầm lẫn tên nhân vật, lắp đầu chuyện này vào đuôi chuyện kia hay nhân vật của câu chuyện này lại có mặt ở một câu chuyện khác, không sao… Và ngay cả không hề kể chuyện, mà chỉ đọc to những câu chuyện cổ tích, chúng ta cũng vẫn là nhà tiểu thuyết tài năng của riêng đứa trẻ và nhờ có ta, hằng đêm, nó chìm vào những giấc mơ đẹp trước khi chìm vào giấc ngủ. Hơn thế nữa, chúng ta chính là sự hiện diện của Sách. Hẳn bạn còn nhớ quan hệ thầm lặng không gì sánh được này chứ. Chúng ta thích làm nó sợ để được an ủi nó! Và biết bao lần nó đòi được nghe đi nghe lại câu chuyện kinh hãi kia! Dù rằng không còn bao nhiêu ngây ngô mà vẫn run sợ. Một thính giả thực thụ. Cái quan hệ mật thiết vào thời đó khi ta, người kể chuyện và thằng bé, thính giả, mới thắm thiết làm sao! Và những trang sách, ôi biết bao đồng cảm! 4. Tóm lại, khi đứa trẻ chưa biết đọc, chúng ta là người kể mọi thứ. Chúng ta dẫn nó tới thế giới không cùng của tưởng tượng, của những cuộc phiêu lưu kỳ thú, đến mọi nơi trên thế giới, quên đi thời gian và không gian để chìm vào thế giới ồn ào mà cô độc đến tuyệt vời của một độc giả… Những câu chuyện kể có biết bao người anh, người chị, cha mẹ, các thiên thần hộ mệnh, những người bạn chia sẻ buồn vui và cũng chính những nhân vật đó lại trú ẩn trong nỗi run sợ của đứa trẻ mỗi khi gặp nạn. Và đứa trẻ, độc giả lại trở thành thiên thần hộ mệnh của chính nhân vật. Không có đứa trẻ thì thế giới kia đâu có tồn tại. Còn không có thế giới cổ tích thì đứa trẻ sẽ thật cô độc trong thế giới của riêng mình. Thế là bọn trẻ khám phá ra giá trị trái ngược của sách: vừa tách ta ra khỏi thế giới, vừa mang đến cho thế giới một ý nghĩa mới mẻ. Từ những chuyến du lịch đó, đứa trẻ câm lặng trở về. Một ngày mới lại bắt đầu với bao việc phải làm. Thực ra, chúng ta cũng không có ý định tìm hiểu xem đứa trẻ được gì từ việc đọc sách. Còn nó cứ lẳng lặng nuôi dưỡng sự bí ẩn. Đó chính là thế giới của nó. Tình thân thiết với nàng bạch tuyết hay với một trong bảy chú lùn là bí mật của nó. Sự câm lặng buổi sớm mai chính là niềm hân hoan thầm kín của một độc giả! Đúng vậy, chúng ta là người kể với nó mọi thứ trong cuốn sách. Khiến nó trở thành một độc giả luôn thèm thuồng. Đến nỗi đứa trẻ vội vã học đọc. 5. Chúng ta là những nhà sư phạm tuyệt vời làm sao khi không phải lo lắng gì đến vấn đề sư phạm! 6. Và bây giờ là chàng trai trẻ đóng đinh trong phòng, trước mặt là cuốn sách mà nó không đọc. Thèm muốn được ở một nơi xa xôi là tấm màn vô hình giữa nó và những trang sách. Cửa sổ rộng mở trước mặt và cửa phòng đóng chặt sau lưng. Trang 48. Nó không dám đếm những giờ đã trôi qua để đến được cái trang thứ 48 này. Cuốn sách có đúng 446 trang. Thì cứ cho là 500 đi. 500 trang! Nhiều đối thoại thì còn nói, đằng này toàn những trang kín đặc chữ giữa hai cái lề nhỏ xíu, hết đoạn này đến đoạn kia, thỉnh thoảng lắm mới có một cái gạch ngang giữa hoang đảo thể hiện một nhân vật nói với một nhân vật khác. Nhưng nhân vật kia lại không thèm trả lời. Và lại cả chục trang kế tiếp! Đen đặc những mực! Thiếu không khí quá! Ngạt thở kinh khủng! Chó chết! Nó chửi thề. Xin lỗi, nhưng nó chửi thề thật. Chó chết cái quyển sách dở hơi! Trang 48… Mà nó còn nhớ nội dụng 47 trang trước đó không! Nó không dám đặt ra cái câu hỏi mà thế nào người ta cũng sẽ hỏi nó. Ðêm đông ập xuống. Từ đâu đó trong nhà vọng lên tiếng nhạc hiệu chương trình thời sự. Còn 30 phút nữa là tới giờ cơm tối. Một quyển sách, sao mà cô đọng. Không thể nào bắt đầu nổi. Thậm chí, hình như là khó mà đốt một quyển sách được. Ngay cả lửa cũng không thể chen ngang vào giữa những trang sách. Thiếu oxy. Ðấy là những suy nghĩ bên lề cứ miên man mãi không dứt ra được. Sao mà dày, mà cô đọng, mà cứng ngắc… đó chính là quyển sách. Trang 48 hay 148 thì có gì khác nhau? Cảnh vật vẫn vậy. Nó như thấy lại cảnh thầy giáo nói ra tên sách. Nó nghe thấy cả lớp đồng thanh: - Bao nhiêu trang hả thầy? - Ba hay bốn trăm gì đó… (Đồ dối trá…). - Bao giờ phải đọc xong ạ? Thầy chưa kịp dứt câu trả lời thì cả lớp lại nhao nhao phản đối: - Mười lăm ngày? Bốn trăm trang (năm trăm trang) đọc trong vòng mười lăm ngày! Làm sao mà đọc nhanh vậy được thầy ơi! Nhưng thầy giáo không thỏa hiệp. Sách hay một thứ vũ khí, một khối không cùng. Sự hiện thực hóa nỗi buồn chán. Ðó chính là sách. “Sách”. Bọn trẻ chẳng bao giờ gọi bằng một cái tên gì khác trong các bài luận: quyển sách, một quyển sách, nhiều quyển sách, vài quyển sách. “Trong cuốn sách Suy tưởng, Pascal nói rằng…”. Dù cho thầy giáo có chữa bằng mực đỏ bên lề: gọi như vậy chưa chính xác, phải gọi là cuốn tiểu thuyết, cuốn truyện đầu tay, tuyển tập truyện ngắn, tuyển tập thơ, thay vì “cuốn sách”, dùng để chỉ mọi loại sách, đồng thời không thể hiện được loại sách gì cho thật chính xác. Rằng danh bạ điện thoại cũng là một cuốn sách, như một quyển từ điển, một quyển hướng dẫn du lịch, một bộ sưu tập tem hay sổ sách kế toán… Ðâu có thay đổi được gì, trong bài luận tiếp theo, chúng lại tiếp tục múa bút: “Trong cuốn sách Bà Bovary, Flaubert nói rằng…”. Trong tình trạng đơn lẻ hiện tại, một quyển sách cũng chỉ là một quyển sách mà thôi. Và với nó, mỗi quyển sách đều nặng như một quyển bách khoa toàn thư, cái loại bách khoa đóng bìa dày cộp mà trước đây người ta vẫn đặt dưới mông bọn trẻ cho chúng cao hơn mỗi khi ngồi. Và sức nặng của mỗi cuốn sách đè nghiến lên nó. Mở những trang đầu tiên, nó còn cảm thấy nhẹ nhõm vì quyết tâm. Được vài trang, nó bắt đầu cảm nhận cái sức nặng quen thuộc, sức nặng của cuốn sách, của nỗi buồn chán, gánh nặng quá sức của những cố gắng không mang lại kết quả. Mi mắt nặng dần báo hiệu chìm tàu trong tích tắc. Bãi đá ngầm trang 48 mở ra một dòng nước xóa nhòa những quyết tâm. Cuốn sách kéo nó theo. Và cả hai cùng chìm nghỉm. 7. Trong khi đó ở dưới nhà mọi người quây quần xung quanh chiếc tivi và luận chứng về sự vô ích của truyền hình được ủng hộ nhiệt liệt: - Sự ngu ngốc, tầm thường, bạo lực của các chương trình truyền hình… Thật không thể tưởng tượng nổi! Bật tivi lên là thấy. - Các bộ phim hoạt hình Nhật Bản… Ai xem chưa nhỉ? - Ðâu chỉ chương trình… trước hết là truyền hình… quá dễ dàng… người xem thì thụ động… - Đúng thế, bật tivi lên và ngồi xuống… - Rồi chuyển kênh… - Phân tán kinh khủng… - Dù sao thì nhiều kênh cũng giúp người xem tránh phải xem quá nhiều quảng cáo. - Đừng tưởng. Bây giờ nhà đài cũng khôn lắm, họ xây dựng những chương trình mang tính đồng bộ cao. Vừa xem quảng cáo ở kênh này lại gặp quảng cáo ở kênh khác. - Nhiều khi là cùng một quảng cáo cơ nhé! Và rồi yên lặng: khám phá bất chợt về một điểm được tất cả đồng lòng nhờ vào ánh sáng chói lòa của sự sáng suốt người lớn. Thế là một ai đó khe khẽ hát lên: - Ðọc sách, tất nhiên, đọc sách hoàn toàn khác, đọc sách là một hành động! - Hoàn toàn đúng, đọc sách là một hành động, “hành động đọc sách”, đúng như vậy… - Trong khi truyền hình, ngay cả điện ảnh cũng vậy, thử nghĩ mà xem… mọi chi tiết đều được nêu ra trong phim, chẳng còn gì phải chinh phục, mọi thứ đều được xào xáo đến nát nhừ, hình ảnh, âm thanh, phục trang, âm nhạc… tất cả đều được huy động để người xem kiểu gì cũng phải hiểu được ý đồ của tác giả… - Cái cửa ken két có nghĩa là một cảnh đáng sợ sắp diễn ra… - Còn nếu đọc sách, ta phải tưởng tượng mọi chuyện… Ðọc sách là một hành động sáng tạo không ngừng. Và lại im lặng. (Lần này là giữa các nhà “sáng tạo không ngừng”). Rồi thì: - Điều đáng sợ nhất là khi phải so sánh thời gian một đứa trẻ ngồi trước tivi và thời gian nó dành cho việc học văn học ở trường. Tôi từng đọc những số liệu về việc này. - Chắc là phải khủng khiếp lắm! - Tỉ lệ khoảng một trên sáu hay bảy. Đó là chưa kể giờ đi xem phim ở rạp. Một đứa trẻ (tôi không nói đến con cái chúng ta) thường ngồi ít nhất là hai giờ trước tivi và từ tám đến mười giờ trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Như vậy, tổng cộng là khoảng ba mươi sáu giờ một tuần so với năm giờ văn học. - Hiển nhiên là trường học không lại được rồi, Và im lặng lại ngự trị một lần nữa. Im lặng của những vực xoáy thẳm sâu. 8. Người ta có thể nói rất nhiều, rất nhiều nữa để đo cái khoảng cách giữa đứa trẻ và quyển sách. Nhưng người ta cũng nói đến thế mà thôi. Rằng truyền hình không phải là lý do duy nhất. Rằng giữa thế hệ con cái chúng ta và tuổi trẻ ham đọc sách của cha mẹ là rất, rất nhiều thế kỷ. Xa cách đến nỗi, nếu như về mặt tâm lý chúng ta cảm thấy gần gũi với con cái hơn là cha mẹ chúng ta với bản thân chúng ta trước đây thì về mặt học vấn, chúng ta lại cảm thấy gần với cha mẹ hơn bao giờ hết. (Ðến đây là tranh luận, bàn cãi, xem xét hai trạng từ “về mặt tâm lý” và “về mặt học vấn”. Với sự củng cố của một trạng từ:) - Tình cảm mà nói thì gần hơn, nếu anh muốn. - Vậy ư? - Tôi không nói vậy, mà nói xét về mặt tình cảm. - Nói cách khác, chúng ta gần với con cái về mặt tình cảm, còn thật tình mà nói chúng ta gần cha mẹ mình hơn, đúng không? - Đây là một “thực trạng của xã hội”. Sự chồng chéo của “nhiều thực trạng xã hội” dẫn đến kết luận là con cái chúng ta là các chàng trai và cô gái của thời đại, như chúng ta đã từng… khi còn là con nhỏ của cha mẹ chúng ta. - …? - Tất nhiên rồi! Khi còn trẻ chúng ta đâu có là khách hàng của xã hội. Cả về mặt thương mại lẫn văn hóa, thời đó là xã hội của người lớn. Quần áo giống nhau, ăn uống cùng nhau, văn hóa chung, em trai mặc đồ của anh, chúng ta ăn cùng một số món nhất định, cùng một giờ, cùng bàn, cùng nhau đi dạo ngày chủ nhật, truyền hình làm vui vầy cả nhà với một kênh duy nhất (và lại, kênh duy nhất này còn hay gấp nhiều lần các kênh bây giờ…), còn về việc đọc sách, lo lắng duy nhất của cha mẹ chúng ta ngày đó là cất một số sách không phù hợp với lứa tuổi lên rõ cao. - Còn thế hệ trước nữa, thế hệ ông bà chúng ta, con gái còn không được đọc sách cơ. - Ðúng thế! Đặc biệt là tiểu thuyết: “để mà suốt ngày mơ mơ, mộng mộng à”, làm sao mà lấy chồng được đây. - Trong khi bây giờ… thanh thiếu niên đã là khách hàng của xã hội, chúng mua quần áo, mua đồ ăn, mua phim ảnh; xã hội của những quán ăn nhanh, những bộ phim miền Tây và quần áo hàng hiệu. Trong khi chúng ta tổ chức những buổi tối vui vẻ cùng nhau thì bọn trẻ bây giờ đi đến vũ trường, chúng ta đọc sách còn chúng xem phim ảnh… Chúng ta cũng say mê những giai điệu Beatles, chúng khóa mình vào thế giới tự kỷ của walkman… Rồi những khu phố lớn đầy thanh thiếu niên, những khu đô thị khổng lồ đầy bọn trẻ lang thang. Và Beaubourg. Beaubourg tàn bạo… Beaubourg, ảo ảnh lúc nhúc, Beaubourg lang thang ma túy bạo lực Beaubourg, cái miệng há hốc của tàu điện ngầm… cái Lỗ des halles! - Và từ đó tuôn ra một bè lũ mù chữ dưới chân tòa thư viện công cộng lớn nhất nước Pháp! Rồi lại yên lặng… sự yên lặng tối đa: sự yên lặng của “thiên thần ngược đời”. - Con cái các anh chị có hay tới Beaubourg không? - Ít lắm. May mà chúng tôi ở quận 15. Yên lặng… Yên lặng… - Tóm lại, chúng không đọc nữa. - Không. - Nhiều thứ giải trí quá. - Đúng rồi. 9. Nếu không phải vì truyền hình hay các kiểu tiêu thụ trong xã hội đương thời, thì sẽ là sự xâm nhập của các loại hình điện tử; nếu không phải lỗi của các thứ trò chơi đáng buồn ngủ, thì sẽ là lỗi của trường học: giảng dạy lệch lạc về việc đọc sách, sự lỗi thời của nội dung chương trình, sự thiếu năng lực của giáo viên, rồi trường lớp cũ kỹ, hư nát, rồi thiếu thư viện. Còn gì nữa nào? Đúng rồi! Ngân sách của Bộ Văn hóa… thật khốn khổ! Cái phần cực nhỏ dành cho “Sách” trong cả cái khoản tiền bé tí xíu kia. Trong những điều kiện như vậy thì làm sao mà mong muốn con trai tôi, con gái anh, con cái chúng ta, thế hệ trẻ đọc sách cho được? - Và lại, người Pháp ngày càng ít đọc sách… - Quá đúng! 10. Và cứ thế, cứ thế tiếp tục, hết thắng lợi này đến thắng lợi khác của ngôn từ trước sự mù mịt của sự vật, những khoảng trống lặng yên ngày một dài và một sâu nói lên nhiều hơn ngôn từ. Cảnh giác và nắm được thông tin, chúng ta hoàn toàn không bị thời cuộc đánh lừa. Cả thế giới này nằm gọn trong những gì ta đang nói nhưng tất cả lại được chiếu sáng bởi những khoảng lặng. Chúng ta sáng suốt. Hơn thế, chúng ta có sự say mê của sáng suốt. Vậy cái cảm giác buồn vời vợi sau mỗi đoạn đối thoại kia ở đâu ra vậy? Sự yên lặng lúc nửa đêm, trong ngôi nhà kín chăng? Hay vì đống bát đĩa bẩn phải rửa? Thậm chí… Chỉ cách đó vài trăm mét tại ngã tư, nơi đèn đỏ - những người bạn cũng chìm vào yên lặng, cái yên lặng của người say đang dần tỉnh, trở về từ những đêm tiệc trong mỗi chiếc xe hơi kín mít. Sự yên lặng như vị chát đọng lại sau cơn say, sự bâng lâng sau một liều thuốc tê, sự chậm chạp trở lại của nhận thức, trở lại với bản thân, và cảm giác đau mênh mang vì không thể nhận ra được bản thân trong những gì mình vừa nói. Chúng ta nói mà không nghĩ như vậy. Mọi thứ đều đúng, chắc chắn, mọi luận chứng đều chính xác và nhìn từ khía cạnh này thì chúng ta hoàn toàn có lý nhưng chúng ta lại không nghĩ thế. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, lại một đêm tiệc dành cho thuốc mê đánh vào sự sáng suốt. Vì vậy… cảm giác như đang đi về nhà, thực ra, ta đang trở về với ta. Những gì chúng ta nói trước khi ngồi quanh bàn hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta tự nói với bản thân. Nói về việc cần phải đọc sách khi đang rất gần thằng bé, nó ngồi trong phòng và không đọc sách. Chúng ta dành nhiều thời gian tìm đủ mọi lý do có thể khiến nó không thích đọc sách, nhưng chúng ta tìm cách vượt qua bức tường sách ngăn cách hai thế hệ. Chúng ta nói về sách nhưng thực chất chúng ta chỉ nghĩ đến thằng bé. Thằng bé cũng không cải thiện được tình hình khi đi xuống phòng ăn vào phút cuối và ngồi vào bàn không một lời xin lỗi và không có chút ý định tham gia vào câu chuyện, cuối cùng nó nói khi rời bàn ăn mà không dùng món tráng miệng: - Con xin phép, con còn phải đọc sách! 11. Sự gần gũi không còn… Mỗi khi không ngủ được ta nghĩ lại cái thời mà mỗi tối, bên giường thằng bé vào một giờ nhất định với những động tác bất di bất dịch gần giống với việc cầu nguyện. Cảnh hòa hình lập lại bất chợt sau một ngày dài hỗn chiến, những lần gặp gỡ sắp đặt, những thời khắc tĩnh lặng trước khi câu chuyện bắt đầu, rồi giọng đọc cất lên, và nghi thức của mỗi chương sách… Câu chuyện kể mỗi tối hoàn thành nhiệm vụ đẹp đẽ nhất của lời cầu nguyện, nhiệm vụ trong sáng nhất, thánh thiện nhất, mà chỉ con người mới chia sẻ được: sự thứ tha cho mọi tội lỗi. Chẳng một lời sám hối, không một cố gắng bất tử, chỉ là một thời khắc gặp gỡ với câu chuyện và thiên đường duy nhất: sự gần gũi. Thậm chí không ngờ tới mà chúng ta khám phá ra một trong những chức năng chủ đạo câu chuyện, và, hơn thế, của nghệ thuật nói chung, đó là tạo ra quãng nghỉ cho cuộc chiến của con người. Ở đây, tình yêu mang áo mới. Mà hoàn toàn không mất tiền. 12. Không mất tiền. Đúng như vậy. Món quà. Một thời khắc quý giá hơn mọi thời khắc. Hơn tất cả. Câu chuyện đêm khuya làm nhẹ bớt gánh nặng ban ngày. Ta tháo neo. Rồi gió, thật nhẹ nhàng, và gió, chính là giọng kể của chúng ta. Đến với chuyến du lịch này, chúng ta không đòi hỏi gì ở nó, không một xu, không một sự đổi chác. Thậm chí không một phần thưởng. (A! phần thưởng… phải thể hiện sao cho xứng đáng được nhận phần thưởng!). Ở đây, mọi thứ đều miễn phí. Miễn phí là tấm vé duy nhất của nghệ thuật. 13. Vậy có chuyện gì diễn ra giữa sự gần gũi ngày nào và thằng bé bây giờ, chống đỡ lại bức tường sách trong khi chúng ta tìm cách hiểu nó (cũng có nghĩa là tìm cách tự làm yên lòng) bằng cách kết án thời đại và truyền hình mà có lẽ chính chúng ta quên tắt? Lỗi của truyền hình? Thế kỷ hai mươi quá “hình ảnh”? Thế kỷ mười chín quá miêu tả? và tại sao không thế kỷ mười tám quá lý trí, thế kỷ mười bảy quá cổ điển, mười sáu quá phục hưng, Pouchkine quá Nga và Sophocle quá đát? Như thể quan hệ giữa con người và sách cần đến hàng thế kỷ để có khoảng cách. Một vài năm là đủ. Một vài tuần. Thời gian của một sự hiểu lầm. Vào cái thời điểm mà ta ngồi bên giường và kể cho thằng bé nghe cái màu đỏ rực rỡ của chiếc áo Cô bé quàng khăn đỏ, rồi tất cả những thứ có trong giỏ của bé, không quên miêu tả sự sâu thẳm của khu rừng, những cái tai đột nhiên đầy lông của bà già, những cái chốt cửa hay then cài, tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất. Ngày đó thằng bé chẳng bao giờ thấy là quá dài. Từ ngày đó, đâu có hàng thế kỷ trôi qua. Nhưng những giây phút đó được gọi là cuộc đời, mà người ta dành cho nó sự vĩnh cửu: “phải đọc sách”. 14. Nơi đây như bất kỳ nơi nào, cuộc sống tiếp diễn với sự hao mòn hứng thú. Một năm trời với những câu chuyện bên giường ngủ. Hai năm. Có lẽ là ba năm. Một nghìn chín mươi lăm câu chuyện, nếu mỗi tối một chuyện. 1095, một con số đáng kể! Mà đâu phải chỉ có mười lăm phút kể chuyện còn câu chuyện trước đó. Tối nay kể chuyện gì đây? Nói gì đây? Chúng ta đều từng trải qua sự dằn vặt của niềm cảm hứng. Lúc đầu, thằng bé còn giúp ta. Sự say mê khiến nó không đòi hỏi một ngày một câu chuyện mà chỉ cần một câu chuyện duy nhất. - Mẹ kể nữa đi! Cậu bé ngón cái đi mẹ! Con yêu ơi, đâu chỉ có Cậu bé ngón cái, còn có… Cậu bé ngón cái, chỉ thế thôi. Ai nói rằng một ngày kia chính chúng ta luyến tiếc cái thời gian hạnh phúc, khi mà khu rừng cổ tích của thằng bé có duy nhất một nhân vật Cậu bé ngón cái? Và cái ngày ta tự nguyền rủa bản thân đã dạy cho bé sự đa dạng, và dạy bé lựa chọn. - Không mẹ ơi, chuyện này mẹ kể rồi mà! Không trở thành một nỗi ám ảnh nhưng sự lựa chọn của thằng bé càng ngày càng khiến ta đau đầu. Giải pháp ngắn gọn: thứ bảy phải đến một hàng sách thiếu nhi. Và rồi sáng thứ bảy, ta lại lui tới thứ bảy tuần sau. Sự chờ đợi của thằng bé trở nên thiêng liêng và trở thành mối quan tâm thường trực của ta. Mối quan tâm nhỏ thôi, nhưng cộng với muôn vàn quan tâm đời thường. Dù nhỏ hay lớn, nên quan tâm đến những gì mang lại niềm vui cho bọn trẻ. Nhưng chúng ta đã không làm được điều đó. Chúng ta chưa quên những giây phút khẩu chiến. - Sao lại là anh mà không phải em? Tối nay đến lượt em kể chuyện cho con chứ! - Anh biết là em hoàn toàn không có óc tưởng tượng mà… Ngay khi có thể, chúng ta bàn giao nhiệm vụ này cho anh, chị họ, cô trông trẻ, bà dì qua chơi… những người còn chưa được dùng tới và giọng kể còn thuyết phục thằng nhỏ, nhưng rồi những giọng kể kia thường lùi bước trước một công chúng quá khắt khe: - Bà đâu có nói như vậy! Chúng ta còn sử dụng chuyện này một cách đáng xấu hổ, lấy sự gắn bó của thằng bé với những câu chuyện làm hàng trao đổi. - Con mà tiếp tục như vậy thì sẽ không được nghe chuyện tối nay đâu nhé! Hình phạt này rất ít khi trở thành hiện thực. Mắng thằng bé một trận hay không cho ăn đồ tráng miệng thì không sao. Nhưng cho nó đi ngủ mà không kể cho nó nghe một câu chuyện là kết thúc ngày dài mỏi mệt bằng một đêm đen sâu thẳm. Cũng có nghĩa là chia tay với nó mà không muốn gặp lại vào sáng mai. Hình phạt quá khắc nghiệt với nó và với ta. Lời dọa nạt trên chỉ đơn giản là nỗi chán chường khi ta muốn sử dụng cái mười lăm phút ngắn ngủi kia vào một công việc khác cấp bách hơn, hoặc muốn nghỉ ngơi hay chỉ đơn giản là… muốn được đọc một cái gì đó cho bản thân. Người kể chuyện trong mỗi chúng ta đã mệt mỏi và sẵn sàng trao ngọn đuốc cho người kế nhiệm. 15. Và trường học xuất hiện. Nắm giữ tương lai lũ trẻ trong tay. Ðọc, viết, làm tính… Lúc đầu, thằng bé thực sự hứng thú. Những cái que, những cái móc, hình tròn và những cây cầu nối lại thành chữ mới đẹp làm sao! Rồi các chữ đứng cạnh nhau thành các âm, rồi các âm cạnh nhau thành các từ, nó đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và mỗi từ mới quen thuộc làm sao, thật kỳ diệu! Ví dụ như từ Mẹ (maman), ba cây cầu, một hình tròn, một cái móc, rồi lại ba cây cầu, một hình tròn thứ hai, một cái móc nữa và hai cây cầu cuối cùng, kết quả: Maman. Làm sao đo hết được sự kỳ diệu này đây? Thử tưởng tượng xem nào. Nó dậy thật sớm. Ra khỏi nhà cùng mẹ dưới làn mưa bụi mùa thu (đúng thế, mưa bụi mùa thu, và cái ánh sáng còn mờ nhạt chẳng làm không khí vui tươi thêm chút nào), nó đi đến trường với chút hơi ấm của chăn đệm còn sót lại, một chút vị sôcôla trên lưỡi, nắm thật chặt bàn tay mẹ và đi nhanh, đi nhanh, nó đi hai bước để kịp một bước chân mẹ, cái cặp đung đưa sau lưng và cổng trường hiện ra, cái hôn tạm biệt vội vàng, sân trường láng xi măng, những cây dẻ đen xì… cả lũ trẻ dồn vào sân trường, rồi nhanh chóng vào lớp học, mỗi đứa sau một cái bàn nhỏ xíu, im lặng và bất động, mọi cử động của toàn bộ cơ thể đều tập trung cao độ để đưa ngòi bút trên từng dòng kẻ! Cái lưỡi thè ra, những ngón tay rét cóng, nắm tay thật chặt… những cây cầu nhỏ, cái que, cái móc, những hình tròn và lại những cây cầu nhỏ… mẹ thì đang ở thật xa, còn nó đang chìm vào sự cô độc kỳ quặc được đặt tên sự cố gắng, bao quanh là những sự cô độc khác cũng với những cái lưỡi thè ra… và dần dần hiện ra những chữ cái đầu tiên… những dòng “a”… những dòng “m”… những dòng “t”… (chữ “t” với cái que nằm ngang thật không dễ chút nào nhưng vẫn còn là bánh ngọt so với “f” hay cái mớ bòng bong “k”…), nhưng rồi nó cũng từng bước vượt qua mỗi khó khăn… và rồi sự gắn kết những chữ cái này với chữ cái kia cũng làm các âm hiện ra… những dòng “ma”… những dòng “pa”… và rồi các âm gắn kết với nhau… Rồi một sáng đẹp trời, hay một buổi chiều nào đó, những cái tai còn u u vì mớ âm thanh hỗn độn, ồn ào nơi sân trường, thằng bé chứng kiến kết quả chậm rãi của một từ trên tờ giấy trắng: maman. Tất nhiên là nó nhìn thấy từ này rất nhiều lần trên bảng, nhưng lần này chính những ngón tay của nó đã viết ra… Ðầu tiên, với giọng đọc có đôi chút ngập ngừng, nó phát âm hai từ rời nhau “Ma-man”. Và rồi: - Maman. Tiếng reo mừng đoạn kết của chuyến du lịch trí tuệ khổng lồ, khác nào lần đầu tiên con người đặt chân lên mặt trăng, thật xúc động biết bao! Những cây cầu nhỏ, những cái móc, hình tròn… và mẹ! Những chữ cái hiện ra trước mắt thằng bé nhưng lại nảy nở từ tấm lòng! Không phải một tập hợp âm, không phải một từ, không phải một định nghĩa, không phải một bà mẹ, mà là mẹ của nó, sự chuyển đổi kỳ diệu, diễn cảm hơn bất kỳ tấm hình nào, dù chỉ là những cây cầu nhỏ, rất nhỏ… nhưng đột nhiên và mãi mãi không còn là những cây cầu nhỏ để trở thành khuôn mặt, giọng nói, mùi thơm, bàn tay, tấm lòng, thật nhiều chi tiết, tất cả, thật hoàn hảo, trọn vẹn, mà lại khác biết bao cái nó đang nhìn thấy trước mắt, trên những dòng kẻ cứng nhắc của trang giấy trắng, giữa bốn bức tường lớp học… Viên đá tạo vàng. Không hơn không kém. Nó vừa tìm ra viên đá tạo vàng. 16. Thay đổi lớn lao này sẽ mãi mãi để lại dấu vết không thể phai mờ. Sau một chuyến du lịch như vậy ta không còn là ta trước đây. Đối với tất cả các loại sách, dù cho ức chế, thú vui đọc sách không thể đổi thay; và hoàn toàn tự nhiên - như niềm đam mê của nhà luyện đan - niềm say mê đọc sách không sợ bất kỳ hình ảnh nào, ngay cả truyền hình, dù có bao vây quanh ta như bão tuyết. Vậy mà thú vui đọc sách cũng mất đi (đúng thế đấy, như chúng ta vẫn nói con tôi, con anh, thế hệ trẻ ngày nay không thích đọc sách), nhưng cũng chẳng biến đi đâu xa. Thậm chí rất gần. Và rất dễ tìm lại được. Nhưng phải tìm ra con đường. Và để xác định được đường đi phải liệt kê được một vài sự thực chẳng chút liên quan tới ảnh hưởng của thế giới hiện đại lên thế hệ trẻ ngày nay. Một vài sự thực liên quan tới chúng ta… Chúng ta, những người từng khẳng định “ham mê đọc sách”, và từng có thể hiện sự chia sẻ cảm xúc này. 17. Vậy là trong tâm trạng lâng lâng, nó từ trường trở về rất tự hào với bản thân, thậm chí rất hạnh phúc. Nó trưng ra những vết mực như những họa tiết trang trí trên người. Lớp lớp vết mực màu tạo ra thứ đồ trang sức đầy kiêu hãnh của thằng bé. Hạnh phúc này là món quà, phần thưởng cho những khó khăn của những ngày đầu đến lớp: những ngày dài vô tận, cô giáo thì thật khó tính, căng tin thì ầm ĩ, rồi tim nó cứ đập thình thịch nữa chứ… Về đến nhà, nó mở cặp sách và khoe bố mẹ các kỳ tích, nó viết đi viết lại những từ thiêng liêng (và nếu như không phải “mẹ”, thì là “bố”, hay “kẹo”, hoặc “mèo”, hay tên riêng của nó…). Mỗi khi đi dạo trong thành phố, nó trở thành tín đồ không mệt mỏi của những tấm biển quảng cáo… RENAULT, SAMARITAINE, VOLVIC, CAMARGUE, từ ngữ rơi xuống như mưa, nó phát âm liên tục không mệt mỏi. Chẳng có biển hiệu quảng cáo bột giặt nào thoát khỏi niềm đam mê đánh vần: - “Giặt trắng hơn”, là thế nào nhỉ? Thằng bé đến cái tuổi đặt ra những câu hỏi quan trọng rồi mà. 18. Phải chăng chúng ta trở nên mù quáng vì niềm hứng thú mới mẻ của thằng bé? Phải chăng chúng ta đã nghĩ rằng chỉ cần nó yêu thích từ ngữ là sẽ yêu thích đọc sách? Và rằng học đọc là hoàn toàn tự nhiên như học đi hay học nói? Dù sao đi nữa, chúng ta cũng chọn cái thời điểm đó để dừng việc đọc sách cho thằng bé mỗi tối. Nó học đọc ở trường, rồi nó say mê, thật là bước ngoặt kỳ diệu, một sự độc lập hoàn toàn mới, một bước tiến thật khác, đó là những gì chúng ta tự nhủ một cách lẫn lộn, đến nỗi chúng ta không còn coi sự kiện này như một bước tiến “tự nhiên”, trong tiến trình phát triển sinh học của trẻ. Nó “lớn” rồi, có thể tự đọc sách, tự mày mò trên con đường của các ký tự… Vậy là chúng ta có thêm mười lăm phút rảnh rỗi mỗi tối. Niềm tự hào mới mẻ của thằng bé hoàn toàn thu phục chúng ta. Nó lên giường mỗi tối với quyển sách mở rộng trên đầu gối, với vẻ tập trung cao độ: nó đọc. Quá yên tâm với cảnh này mỗi tối, chúng ta rời khỏi phòng thằng bé mà không hiểu - hoặc không muốn thú nhận với bản thân rằng một đứa trẻ đầu tiên là học, đây không phải một hành động, mà là cử chỉ của hành động, và nếu như sự phô trương có thể giúp nó học, thì trước hết là để nó cảm thấy yên tâm và cũng là để tự chiều lòng bản thân chúng ta. 19. Nhưng cũng không vì vậy mà chúng ta trở thành những bậc cha mẹ không xứng đáng. Chúng ta đâu có bỏ mặc nó ở trường. Ngược lại, chúng ta luôn dõi theo từng bước tiến của nó. Cô giáo luôn coi chúng ta như những bậc phụ huynh có quan tâm, luôn có mặt ở các buổi họp, “sẵn sàng đối thoại”. Chúng ta còn giúp thằng bé làm bài tập. Và ngay khi có những dấu hiệu mệt mỏi đầu tiên với bài tập đọc, chúng ta thật dũng cảm khuyến khích nó đọc thật to mỗi ngày một trang và giúp nó hiểu được ý nghĩa. Không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khó nhọc đánh vần. Khó nhọc đến nỗi khi từ phát ra thì chẳng còn chút ý nghĩa nào. Rồi nghĩa của mỗi câu lại thay đổi theo mỗi từ. Quay trở lại. Đọc lại. Không mệt mỏi. - Con vừa đọc cái gì thế? Có nghĩa gì vậy? Và tất cả rơi vào cái thời điểm tồi tệ nhất trong ngày. Lúc thì nó quay trở về nhà, lúc thì ta vừa rời khỏi cơ quan. Lúc thì nó mệt mỏi đến vô cùng. Lúc thì bản thân ta không còn thở ra hơi. - Con chẳng chịu cố gắng chút nào! Bực bội, gào thét, chán chường, cửa đập thình thình, rồi ương bướng: - Nào, bắt đầu lại, lại từ đầu! Và nó bắt đầu lại dòng đầu tiên, mỗi từ lại biến dạng vì run rẩy. - Ðừng có đóng kịch nữa! Nhưng nỗi niềm này biết thổ lộ cùng ai. Một nỗi niềm thực sự, không thể kiềm chế, nói lên sự đớn đau, vì không thể kiểm soát, không thể thỏa mãn và củng cố thêm nỗi lo sợ hơn là sự mất kiên nhẫn. Vì chúng ta đã từng lo sợ. Nỗi sợ hãi mỗi khi phải so sánh đứa trẻ với những đứa cùng lứa tuổi. Và khi ta chuyện trò cùng các phụ huynh có con gái, học rất tốt ở trường và đọc sách như điên. Nó có điếc không nhỉ? Hay nó mắc chúng loạn đọc? Rồi nó có “không muốn học” chăng? Và sẽ ngày càng chậm đến không theo kịp các bạn cùng trang lứa? Thế là ta đưa nó đi khám các loại bác sĩ: thính lực đồ hoàn toàn bình thường. Phát âm cũng không có gì đáng lo ngại. Bác sĩ tâm lý không chút lo lắng… Vậy vì sao? Lười biếng chăng? Chỉ vì lười biếng ư? Không, nó có nhịp điệu của riêng nó, và chẳng giống với bất kỳ đứa trẻ nào và cũng không phải nhịp điệu của thằng bé mãi mãi, nó học đọc lúc nhanh, lúc chậm, lúc tiến nhiều bước và cũng có lúc thụt lùi, cũng như những giai đoạn ăn như hổ vồ và giấc ngủ trưa tiêu hóa dài bất tận, nỗi khát khao tiến bộ và sự sợ hãi khi làm ai đó thất vọng… Chỉ có điều, chúng ta, “những nhà sư phạm”, lại đóng vai những kẻ cho vay nặng lãi luôn muốn nhanh chóng làm giàu. Có hiểu biết và đòi đổi hiểu biết lấy lãi. Phải có lãi. Và phải thật nhanh! Và chính thế, chúng ta tự nghi ngờ khi không được thỏa mãn. 20. Nếu đúng như chúng ta vẫn nói, con trai tôi, con gái tôi, thế hệ trẻ bây giờ không thích đọc - động từ hoàn toàn chính xác, đúng là vết thương của tình yêu không nên kết tội truyền hình, thế giới hiện đại, hay trường học. Hoặc là kết tội tất cả nếu muốn, nhưng sau khi đã tự đặt câu hỏi: chúng ta đã làm gì với độc giả lý tưởng khi chúng ta đóng vai người kể chuyện và quyển sách? Tầm quan trọng của sự phản bội này! Thằng bé, câu chuyện và chúng ta tạo thành một Bộ ba mỗi tối; và bây giờ nó chỉ còn có một mình trước một cuốn sách đáng ghét. Trước đây giọng đọc nhẹ nhàng của ta giải thoát thằng bé khỏi sự nặng nề của câu chữ; giờ đây cảnh lúc nhúc khó hiểu của mớ từ ngữ làm nó ngạt thở ngay cả trong giấc mơ. Chúng ta hướng dẫn nó bắt đầu chuyến du lịch theo chiều thẳng đứng; nó ngộp thở bởi sự gắng sức. Chúng ta biến nó thành một con người có thể xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc; giờ đây nó một mình trong phòng, trong lớp học, trong cuốn sách, trong một dòng và trong một từ. Các nhân vật trốn đi đâu hết rồi, những người anh trai, chị gái, những ông vua, bà hoàng, những anh hùng bị biết bao con quỷ hung dữ truy đuổi nhưng đồng thời cũng giải thoát thằng bé khỏi vai trò anh hùng cứu độ? Có điểm gì chung giữa các nhân vật với những vết mực nhòe nhoẹt mà người lớn gọi là chữ kia? Vì sao các ông vua, bà chúa lại bị nghiến nát thành những ký tự in thế nhỉ? Và quyển sách bỗng trở thành cái đồ vật này? Sự đổi thay kỳ quặc! Trái ngược với kỳ diệu. Các anh hùng và thằng bé cũng ngạt thở dưới sức nặng câm lặng của quyển sách! Sự miệt mài của cha mẹ, của thầy cô nhằm giải phóng nó ra khỏi ngục tù sách vở không phải là một biến chuyển nhỏ. - Thế nào, chuyện gì xảy ra với hoàng tử? Mẹ chờ đây! Khi con mình đọc sách, các bậc cha mẹ không bao giờ tự tìm hiểu xem thằng bé đã hiểu hay chưa. Rằng Người đẹp ngủ trong rừng vì bị kim châm và Nàng Bạch tuyết vì cắn phải một quả táo có thuốc độc. (Những lần đầu tiên, quả thực thằng bé chưa hiểu, hoặc chưa hiểu rõ ràng. Vì trong một câu chuyện cổ tích, có biết bao điều huyền diệu, bao từ ngữ kỳ bí và thật nhiều xúc cảm! Thằng bé đọc và đọc cho tới đoạn mà nó yêu thích nhất, đoạn mà nó có thể tự kể lại khi cần thiết; rồi tới những đoạn khác, tăm tối hơn, bí ẩn hơn, nhưng dần dần, nó cũng hiểu, hiểu hết, và hiểu rất rõ rằng nếu Người đẹp ngủ, thì là vì nàng bị kim châm, còn nàng Bạch tuyết là vì quả táo…) - Mẹ nhắc lại câu hỏi: chuyện gì xảy ra với hoàng tử khi chàng bị vua cha đuổi khỏi lâu đài? Cứ thế, các bậc phụ huynh lặp đi lặp lại. Chúa ơi, làm sao có thể nghĩ được thằng bé không hiểu nổi nội dụng của vẻn vẹn mười lăm dòng chữ kia! Cũng đâu có nhiều, mười lăm dòng! Chúng ta, từng là người kể chuyện cho thằng bé, giờ trở thành kẻ kể tội. - Vậy chút nữa đừng có xem tivi nữa nhé! Thế đấy… Vâng… Truyền hình trở thành một thứ phần thưởng… và, hệ quả của việc đọc sách trở thành một thứ khổ sai… chính là tại chúng ta mà ra như vậy… 21. “Ðọc sách là một tai họa của tuổi thơ và gần như là công việc duy nhất người lớn đề nghị chúng. (…) Một đứa trẻ chẳng quá mất thời gian để hoàn hảo công cụ người ta dùng đầy đọa nó; vậy hãy dùng công cụ này phục vụ cho niềm vui, sở thích. Được như vậy thì ngay cả khi người lớn không yêu cầu, trẻ nhỏ cũng sẽ tự thả mình. Chúng ta tìm mọi cách có được những phương pháp mới nhất, tiên tiến nhất để học đọc, rồi chúng ta mua những cái bàn đọc đẹp đẽ nhất, những bản đồ xinh xắn, chúng ta biến phòng bọn trẻ thành một nhà in (…) Xin rủ lòng thương! Phương pháp chắc chắn nhất mà chúng ta lại hay quên nhất, đó là niềm vui được học. Hãy mang lại cho bọn trẻ niềm vui, sự say mê, và hãy quên đi những thứ công cụ hiện đại, đẹp đẽ kia (…); lúc đó mọi phương pháp đều sẽ có kết quả. Khi có niềm say mê; công cụ mạnh mẽ nhất, chắc chắn đứa trẻ sẽ đến đích. (…) Tôi chỉ thêm vào có một từ có tầm quan trọng tối cao; những gì thường ngày chúng ta đạt được một cách chắc chắn và nhanh chóng là những thứ mà ta không quá sốt ruột muốn đạt được”. Ðược rồi, được rồi, không nên đưa Rousseau vào đây, người đã bỏ mặc đàn con với những vấn đề của gia đình! (Ðiệp khúc thật ngu ngốc). Tuy nhiên… khi ông nói rằng ham muốn của người lớn “biết đọc” chẳng phải mới mẻ gì… kể cả những phương pháp sư phạm phối hợp chống lại niềm say mê học tập. Và rồi (cái khuôn mặt nhăn nhở của thiên thần ngược đời!) một người bố tồi lại có những phương pháp tuyệt vời trong khi những phương pháp của một nhà sư phạm lại tồi tệ và đáng ghét. Vậy đấy. Nếu không kể Rousseau ra ở đây. Valéry (Paul) thì thế nào khi ông nói chuyện với các nữ sinh về huân chương Bắc đẩu bội tinh bằng một bài nói khô khan nhất đối với nền giáo dục, nhưng lại đi thẳng vào nội dung chính của những gì ta có thể nói về niềm say mê đọc sách: “Thưa các cô, đâu phải chúng ta bắt đầu say mê văn chương từ mớ từ vựng, câu chữ máy móc. Hãy nhớ lại các chữ cái đã đi vào cuộc sống chúng ta như thế nào. Tuổi ấu thơ, cái tuổi cha mẹ mới dùng những câu hát làm đứa bé mới chào đời mỉm cười và đi vào giấc ngủ, cái tuổi những câu chuyện bắt đầu. Đứa trẻ uống những câu chuyện như uống sữa. Nó đòi hỏi được nghe tiếp, nghe mãi, nghe đi nghe lại những đoạn thật hay; nó là lớp công chúng vừa đáng thương vừa tuyệt diệu. Chúa mới biết bao nhiêu thời gian ta đành cho việc làm thỏa mãn cơn khát, những phù thủy, những quỷ ác, những tên tên cướp và những nàng tiên cho những đứa trẻ kêu gào: đọc tiếp! Đọc tiếp vào tai ông bố kiệt sức”. 22. “Công chúng đáng thương và tuyệt diệu”. Ban đầu, thằng bé là một độc giả trung thành và sẽ còn say mê nếu chúng ta biết nuôi dưỡng thay vì thể hiện, khuyến khích đam mê học hỏi thay vì bắt nó thuộc lòng, cùng đồng hành với cố gắng của thằng bé thay vì chờ đợi mỗi bước ngoặt, hy sinh những buổi tối thay vì muốn đốt cháy giai đoạn, khuấy động hiện tại thay vì đưa tương lai u ám ra dọa nạt, biến niềm đam mê thành khổ nhục, duy trì đam mê tới ngày nó biến thành nghĩa vụ, xây dựng nên một thứ nghĩa vụ từ việc học tập văn hóa hoàn toàn tự nguyện. 23. Trong khi niềm say mê đó lại thật gần. Thật dễ thấy, chỉ cần đừng để thời gian trôi đi. Chỉ cần chờ đêm xuống, mở cánh cửa phòng thằng bé, ngồi bên giường và cùng đọc sách. Ðọc sách. Ðọc to. Hoàn toàn tự nguyện. Những câu chuyện nó yêu thích. Những gì diễn ra đáng được viết thành chuyện. Lúc đầu, nó không tin vào tai mình. Mèo bị bỏng sợ nước sôi! Chăn kéo lên tận cằm, nó cảnh giác và chờ đợi cái bẫy được giăng ra: - Thế nào, mẹ vừa nói gì? Con đã hiểu chưa? Lần này, chúng ta không đặt câu hỏi đó. Mà cũng chẳng đặt bất kỳ câu hỏi nào. Chúng ta hài lòng với việc đọc. Tự nguyện. Nó cảm thấy ngày càng thoải mái. (Chúng ta cũng vậy). Nó dần thả mình vào trạng thái mơ màng trước đây. Và nó lại gặp lại chúng ta của ngày nào. Và giọng đọc thuở trước. Rất có thể, quá bất ngờ, thằng bé chìm vào giấc ngủ… thật nhẹ nhõm. Tối hôm sau, cũng như vậy. Và cũng một câu chuyện. Có thể, rất có thể nó đòi chúng ta đọc lại câu chuyện của hôm trước, để chứng tỏ rằng nó hoàn toàn không ngủ mê, và nó lại hỏi chúng ta những câu hỏi của hôm trước, chỉ để tìm lại niềm vui khi chúng ta lại trả lời như tối hôm qua. Sự lặp lại làm yên lòng. Bằng chứng của sự gần gũi. Thậm chí là hơi thở. Nó thì cần thấy lại hơi thở đó biết bao: - Nữa đi mẹ ơi! “Đọc nữa, đọc nữa…” muốn nói: “chúng ta yêu thương nhau thật lòng để cùng đọc mãi, đọc mãi một câu chuyện duy nhất!”. Ðọc lại, không có nghĩa là nhắc lại, mà là bằng chứng mới mẻ của một tình yêu bất tử. Vậy là chúng ta tiếp tục đọc. Ngày dài trôi qua. Và chúng ta gặp lại nhau, cùng nhau đến một thế giới khác. Và thằng bé gặp lại sự bí ẩn của Bộ ba: nó, câu chuyện và chúng ta (trong một trật tự bất kỳ vì hạnh phúc tới từ chính sự bất kỳ trong Bộ ba gắn bó này!) Cho tới ngày nó thể hiện niềm say mê tột đỉnh của người đọc, đề nghị ta kể một câu chuyện khác. Bao nhiêu tối như vậy chúng ta tìm cách khai thông cánh cửa của trí tưởng tượng? Một vài tối, không nhiều. Thêm một vài tối nữa, có thể. Nhưng kết quả rất xứng với công sức bỏ ra. Thằng bé lại sẵn sàng mở lòng mình với những câu chuyện. Tuy nhiên, trường học vẫn tiếp tục. Nếu thằng bé không tiến bộ thật sự và tiếp tục ấp úng với mỗi bài tập đọc, chúng ta cũng không cần phải nổi điên, thời gian luôn chờ đợi vì chúng ta quyết định điều đó. Sư tiến bộ, sự “tiến bộ” được mong chờ, thể hiện ở một lĩnh vực khác, vào một thời điểm khác. Một tối nọ, chúng ta đọc lướt một dòng và thằng bé kêu lên: - Mẹ đọc thiếu rồi! - Sao cơ? - Mẹ đọc thiếu, thiếu một đoạn rồi! - Đâu có, mẹ đọc đủ mà… - Mẹ đưa sách cho con! Rồi thằng bé ôm cuốn sách trên đôi tay bé nhỏ, và, với ngón tay đầy kiêu hãnh, nó chỉ vào cái dòng mà chúng ta vừa quên lãng. Rồi nó đọc thật to. Đó chính là dấu hiệu đầu tiên. Và những tín hiệu khác nữa. Nó càng ngày càng ngắt lời chúng ta nhiều hơn: - Mẹ ơi, viết thế nào? - Cái gì con? - Thời tiền sử ý. - T H O I… - Mẹ cho con xem! Nhưng cũng đừng tưởng bở, sự tò mò đột biến này xuất phát từ nhà luyện đan là thằng bé với mỗi câu chữ, tất nhiên rồi, nhưng trước hết là vì nó muốn chúng ta ở bên nó lâu hơn mỗi tối. (Lâu hơn, lâu hơn…) Một tối kia, nó tuyên bố: - Con sẽ đọc với mẹ! Rồi nó dõi theo những dòng mà ta đọc. Một tối khác: - Hôm nay con đọc trước! Và hùng hồn đọc đoạn đầu tiên. Nặng nhọc, nó đọc thật nặng nhọc, đúng vậy, và chẳng mấy chốc mà hết cả hơi… Tuy nhiên, bình lặng tìm thấy, nó đọc mà không lo sợ. Rồi nó đọc ngày một tốt hơn, ngày một tự nguyện hơn. - Tối nay, con đọc! Lại cái đoạn đó, tất nhiên rồi - giá trị của sự lặp lại - rồi một đoạn khác, đoạn được yêu thích, rồi cả câu chuyện. Những câu chuyện nó gần như đã thuộc lòng, nó kể ra nhiều hơn là nó đọc, nhưng nó vẫn đọc vì niềm vui được gặp lại nhân vật, sự kiện… Và đâu còn xa với cái thời khắc chúng ta sẽ thật ngạc nhiên khi thấy nó với Những nẻo đường cổ tích trên đầu gối, cùng vẽ với Delphine và Marinette những con vật của trang trại. Vài tháng trước, nó ngạc nhiên đến sững sờ khi đọc “Mẹ”; giờ đây, là cả một câu chuyện với biết bao từ ngữ. Nó trở thành vị anh hùng của những câu chuyện, anh hùng mà mỗi tác giả mời đến để giải phóng cho các nhân vật - và rồi đến lượt các nhân vật bắt nó làm tù binh ngày này qua ngày khác. Thế là thắng lợi rồi. Và, nếu các bậc cha mẹ còn muốn mang lại một niềm vui kỳ diệu cho lũ nhỏ, xin hãy chìm vào giấc ngủ mỗi khi thằng bé đọc chuyện cho các vị nghe. 24. “Đừng bao giờ bắt một thằng bé khi nó đang đọc say sưa một quyển truyện hấp dẫn tắt đèn đi ngủ.” Kafka đã từng nói như vậy, thằng nhỏ Franz có ông bố thích nó học đếm hết ngày dài lại đêm thâu. II PHẢI ĐỌC (Giáo lý) 25. Nhưng còn thằng lớn trong phòng. Nó cũng vậy, nó cũng cần hàn gắn với “những quyển sách”! Nhà vắng lặng, cha mẹ lên giường từ bao giờ, tivi tắt, thằng bé còn lại một mình… với trang 48 mở rộng trước mặt. Và cái “bản tóm tắt” phải nộp vào ngày mai… Ngày mai… Nó nhẩm tính: 448 – 48 = 398 Ba trăm chín mươi tám trang phải đọc trong một đêm! Rồi nó lại cắm cúi một cách thật dũng cảm. Trang này nối tiếp trang kia. Từ ngữ nhảy nhót theo tiếng nhạc của chiếc Walkman. Không chút vui thú. Từ nào cũng lê đôi chân nặng như chì trước mắt nó. Rồi chữ này rơi sau chữ kia, như những con ngựa kiệt sức. Ngay cả bản nhạc sống động nhất cũng không thể cứu vãn tình hình. (Thậm chí với một tay trống cự phách như Kendall!). Nó cứ tiếp tục dẫm đạp lên từng chữ bỏ mặc cái đống chữ rơi ngày một nhiều sau lưng. Từ ngữ bỏ lại ý nghĩa cho chữ cái. Cuộc tàn sát hoàn toàn không làm nó rung động. Nó cứ đọc như khi trên đường cứ phải tiến lên. Bài tập khiến nó phải tiến lên. Trang 62, trang 63. Nó đọc. Nó đọc cái gì? Câu chuyện về Emma Bovary. Câu chuyện về một cô gái đọc rất nhiều: “Cô ta đọc Paul và Virginie rồi mơ mộng tới căn nhà nhỏ bằng tre, chàng da đen Domingo, con chó Fidèle, đặc biệt là tình bạn êm ái với một vài người em trai thường vào rừng mang về cho cô những thứ quả tươi chín mọng ngon lành hái từ những ngọn cây cao vút, cao hơn cả tháp chuông nhà thờ kia, những thằng em chạy chân trần trên cát, mang đến cho cô những tổ chim còn ấm nóng”. Tốt nhất là điện thoại cho Thierry, hoặc Stéphanie, để chúng cho mượn bản tóm tắt vào sáng mai, mình sẽ chép lại trước khi vào giờ học, ai biết đấy là đâu, bọn chúng cũng từng chép của mình rồi mà. “Khi cô vừa tròn mười ba tuổi, đích thân cha cô mang cô tới thành phố và gửi cô vào tu viện. Cả hai trọ tại khu Saint-Gervais, nơi người ta phục vụ món súp trong những chiếc đĩa vẽ câu chuyện của tiểu thư La Vallière. Những nét vẽ thần thoại bị ngắt quãng chỗ này, chỗ kia bởi vết xước, ngợi ca tôn giáo, sự tinh tế của trái tim và sự phù hoa của cung đình”. Cái câu: “súp được phục vụ trong những chiếc đĩa vẽ…” khiến nó nở một nụ cười mệt mỏi: “họ ăn những cái đĩa không ư? người ta dọn cho họ câu chuyện của cái cô tiểu thư La Vallière thay vì một món ăn ngon ư?”. Nó thấy mình thật khôn ngoan. Nó thấy mình đọc xuyên cả từ ngữ. Hoàn toàn sai lầm, có đến cả nghìn người trước nó nghĩ như vậy. Sự bất hạnh của họ đều từ đó mà ra: trong khi Emma coi cái đĩa đựng đồ ăn như một cuốn sách, thì ngược lại nó nhìn cuốn sách như cái đĩa đựng thức ăn. 26. Trong khi đó, ở trường (như các câu truyện tranh Bỉ vào cái thời đó vẫn thường nói), các bậc phụ huynh: - Các con biết không, con trai… con gái… sách vở… Thầy giáo tiếng Pháp hiểu rõ: đứa học trò này “không thích đọc sách”. - Thật ngạc nhiên vì khi còn nhỏ, nó đọc thật nhiều… nó ngấu nghiến, thậm chí như vậy, đúng không em, nó ngấu nghiến sách? Em yêu hoàn toàn tán thành: nó ngấu nghiến. - Có lẽ vì thời đó chúng ta cấm nó xem tivi! (Lại một ví dụ điển hình: cấm xem tivi hoàn toàn. Giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ ý kiến của bọn nhỏ, thật là sư phạm!). - Ðúng thế, hoàn toàn không xem tivi trong năm học, đó là nguyên tắc mà chúng tôi không bao giờ nhân nhượng! Không truyền hình, nhưng thay vào đó là piano từ năm đến sáu, guitara từ sáu đến bảy, học múa ngày thứ tư, judo rồi tennis, đấu kiếm ngày thứ bảy, trượt tuyết ngay khi những bông tuyết đầu mùa xuất hiện, bơi thuyền từ những tia nắng đầu tiên, học gốm sứ vào những ngày mưa, rồi du lịch sang Anh quốc, thể dục nhịp điệu… Lấy đâu ra mười lăm phút để đứa trẻ nhìn lại bản thân. Ðừng có mà mơ! Không có phẫn nộ! Sự buồn chán não nề… Sự buồn chán lê thê… Và mọi sáng tạo đều có thể… - Chúng tôi làm tất cả để nó không buồn chán. (Tội nghiệp thằng bé…). - Chúng tôi, nói thế nào nhỉ? Chúng tôi luôn quan tâm để thằng bé có một nền giáo dục hoàn hảo… - Ðặc biệt là thiết thực, em yêu, anh nghĩ là một nền giáo dục thiết thực. - Nếu không chắc là tồi tệ hơn nhiều. - May mắn thay, kết quả môn toán của nó không đến nỗi… - Tất nhiên là tiếng Pháp… Ôi cái sự cố gắng đáng thương, đáng buồn, sự quan tâm thống thiết mà sự kiêu hãnh buộc ta phải làm thế, sự kiêu hãnh của gia đình tư sản, chìa khóa của sự thất vọng đang treo lủng lẳng trước mặt chúng ta, tôi gặp giáo viên tiếng Pháp - người đang ngồi nghe và đang không ngừng vâng - vâng, người rất muốn tự thuyết phục bản thân, trong suốt cuộc đời làm giáo viên, một ảo ảnh nhỏ nhoi… nhưng không: - Thầy có nghĩ rằng học yếu môn tiếng Pháp có thể khiến thằng bé phải ở lại lớp không? 27. Và chúng ta cứ như thế mà tồn tại: thằng bé bì bõm giữa những bài tóm tắt phải nộp, chúng ta thì lo lắng nó sẽ phải ở lại lớp, thầy giáo tiếng Pháp với cái môn học bị nhạo báng… Và sách vở cứ thế mà sống! 28. Một thầy giáo rất nhanh chóng trở thành một thầy giáo già. Ðâu phải vì đây là một nghề làm người ta già đi nhanh hơn các nghề khác, không… chẳng qua vì phải nghe biết bao bậc cha mẹ nói về biết bao đứa trẻ - và nói về bản thân họ - nghe biết bao câu chuyện cuộc đời, bao nhiêu vụ ly hôn, bao nhiêu câu chuyện gia đình: những bệnh tật của trẻ nhỏ, của bọn thanh niên mà các bậc phụ huynh không còn kiểm soát nổi, những cô con gái nhỏ tới ngày khôn lớn các bậc phụ huynh không còn được yêu thương, bao nhiêu thất bại đến rơi lệ, và những thành công được tung hê, biết bao ý kiến, cái nhìn về mọi vấn đề, về việc cần phải đọc sách, đặc biệt là phải đọc sách, phụ huynh nào cũng nói vậy. Như một thứ giáo lý. Những người cả đời chẳng đọc đến một cuốn sách và thấy thật đáng xấu hổ, những người không có thời gian để đọc và sống trong luyến tiếc, rồi người không bao giờ đọc tiểu thuyết mà chỉ đọc những cuốn sách hữu ích, những cuốn truyện ngắn, sách kỹ thuật, sách tiểu sử, sách lịch sử, rồi có những người đọc mọi thứ, bất kể, những người “ngấu nghiến” sách với những đôi mắt ngời sáng, rồi thì những người chỉ đọc văn học cổ điển, “vì không có lời phê bình nào chính xác hơn sự lắng đọng của thời gian”, những người thường xuyên “đọc lại”, rồi những người đọc quyển mới nhất của, quyển mới nhất ở, vì tất nhiên rồi, luôn luôn phải cập nhật những gì mới nhất. Nhưng tất cả, tất cả đến vì một lý do duy nhất, phải đọc sách. Như một thứ giáo lý. Ngay cả với những người, nếu như họ không đọc sách ngày hôm nay, khẳng định với bạn là vì đã đọc rất rất nhiều hôm qua, bây giờ phải tập trung vào học hành, và thành công trong cuộc sống, nhờ có những người như vậy, chắc chắn rồi (những người “chẳng nợ ai cái gì bao giờ”), nhưng họ sẵn sàng thừa nhận là sách vở, ngay cả nếu như anh ta không còn đọc nhiều ngày hôm nay, rất có ích… “không thể thiếu được, đúng thế, không thể-thiếu” - Thằng bé phải hiểu điều đó chứ nhỉ! Như một thứ giáo lý. 29. Tuy nhiên, “thằng bé” rất hiểu điều đó. Nó không bao giờ phủ nhận cái thứ giáo lý kia. Hoặc ít ra là trong các bài luận của nó: Chủ đề: Bạn nghĩ gì về mệnh lệnh của Gustave Flaubert với bạn mình Louise Collet: “Ðọc để mà sống!”. Thằng bé đồng ý với Flaubert, thằng bé và bạn bè của nó, nam cũng như nữ, tất cả đều hoàn toàn nhất trí: “Flaubert có lý!”. Sự đồng thuận của ba mươi năm bài luận: phải đọc, phải đọc để sống, và thậm chí - sự cần thiết tuyệt đối phải đọc sách - điều khiến chúng ta khác với loài vật, với sự mông muội, với sự ngu dốt, sự bè phái điên rồ, sự độc tài hoan hỉ, sự tôn thờ vật chất, phải đọc! Phải đọc! - Để học. - Để thành công trong học tập. - Để có kiến thức. - Để biết nguồn gốc của chúng ta. - Ðể biết chúng ta là ai. - Để hiểu hơn những người quanh ta. - Để biết nơi ta sẽ đến. - Để ghi nhớ quá khứ. - Để soi sáng hiện tại. - Ðể học hỏi người đi trước. - Để không dẫm chân lên lỗi lầm của người đi trước. - Ðể tiết kiệm thời gian. - Để chạy trốn. - Để tìm ra ý nghĩa cuộc sống. - Để hiểu được nền tảng nền văn minh nhân loại. - Để mãi mãi muốn hiểu biết. - Để thư giãn. - Ðể học hỏi. - Để giao tiếp. - Ðể có đầu óc đánh giá. Và thầy giáo nhận xét bên lề: “đúng, đúng, tốt, rất tốt! khá tốt, chính xác, rất hay, hoàn toàn chính xác”, và phải tự kiềm chế bản thân để không gào lên: “vẫn thế! tiếp tục như thế!”, người thầy giáo sáng nay đã nhìn thấy trong hành lang, “thằng bé” chép lại bài viết của Stéphanie trong chớp mắt, người thầy hiểu rất rõ rằng phần lớn những trích dẫn ở những bài luận ngoan ngoãn kia đều được lôi ra từ một cuốn từ điển thích hợp, người thầy mà ngay từ cái nhìn đầu tiên hiểu rằng những ví dụ được lựa chọn (“các bạn hãy nêu ra những ví dụ từ kinh nghiệm bản thân”) đều do một vài học sinh hay đọc sách trong lớp lựa chọn, người thầy vẫn còn thấy vang vang bên tai những lời phản đối của lũ học trò khi ông đề nghị chúng đọc cuốn tiểu thuyết cho lần học sau: - Sao? Bốn trăm trang, trong mười lăm ngày! Nhưng làm sao mà đọc nhanh thế được thầy ơi! - Còn bài kiểm tra toán! - Và bài luận kinh tế phải nộp vào tuần sau nữa chứ! Và nếu như thầy hiểu rất rõ vai trò của truyền hình đối với Mathieu, với Leila, Brigitte, Camel hay Cédric, ông vẫn tiếp tục những dòng phê đỏ chói khi Cedric, Camel, Brigitte, Leila hoặc Mathieu khẳng định rằng truyền hình là kẻ thù Số Một của sách - và ngay cả phim ảnh - vì cả hai đều tạo ra sự thụ động ghê gớm nhất, trong khi đọc sách lại là một hành động đầy trách nhiệm. (Rất tốt). Chấm đến đây, thầy giáo đặt bút xuống, ngước mắt nhìn bầu trời và mơ mộng như một cô học trò, ông tự hỏi - tất nhiên là chỉ cho một mình ông - nếu như một số bộ phim không để lại những kỷ niệm về những cuốn sách. Bao nhiêu lần ông đã “đọc đi đọc lại” Ðêm của người thợ săn, Amarcord, Manhattan, Phòng có tầm nhìn, Lễ hội của Babette, Fanny và Alexandre? Những bộ phim với hình ảnh mang nặng sự bí ẩn của câu chữ. Tất nhiên, không thể coi suy nghĩ của ông là của một chuyên gia - ông đâu có biết gì về cấu trúc của nghệ thuật thứ bảy và không nghe thấy từ vựng của những kẻ say mê phim ảnh, - đây chỉ là những phát ngôn từ cái nhìn của ông, nhưng đôi mắt nói với ông rằng có những hình ảnh không bao giờ cạn nghĩa và mỗi lần nhìn lại, xem lại, cảm xúc lại dâng trào, ngay cả những hình ảnh trên truyền hình cũng vậy: khuôn mặt của cha già Bachelard, trong Ðọc cho tất cả,… mái tóc của Jankélévitch trong Apostrophes… bàn thắng của Papin trong trận gặp quân Milan của Berlusconi… Nhưng thời gian cứ trôi đi. Thầy giáo lại tiếp tục chấm bài. (Ai sẽ không ngừng nói về sự cô độc của người giáo viên mỗi khi chấm bài?). Một vài bài luận nữa là chữ nghĩa bắt đầu nhảy nhót. Những lý lẽ lặp đi lặp lại. Sự bực dọc ngày một nặng nề. Khác nào một bài kinh nhật tụng lũ học trò nộp cho ông: Phải đọc, phải đọc! Cái chuỗi lải nhải của ngôn từ giáo dục: Phải đọc… trong khi mỗi câu đều thể hiện rằng chúng chẳng bao giờ đọc sách! 30. - Nhưng tại sao lại tự hành hạ mình như vậy anh yêu? Học trò của anh viết đúng những gì anh muốn cơ mà! - Anh muốn gì? - Anh muốn chúng viết là phải đọc sách! Như một giáo lý! Chắc chắn là anh không chờ đợi một tập bài viết để ném vào lửa chứ? - Cái mà anh chờ đợi là bọn chúng bỏ cái tai nghe ra và đọc sách thật sự! - Không đúng… Điều mà anh chờ đợi là chúng nộp cho anh những bản tóm tắt từ những cuốn tiểu thuyết anh bắt chúng đọc, chúng bình đúng đắn những bài thơ mà anh chọn, ngày thi tốt nghiệp chúng phân tích thật hay nhũng bài văn trong danh sách, chúng bình luận hợp lý, hoặc tóm tắt một cách thông minh những đề bài giám thị nêu ra… Những giám thị, hay thầy giáo, hay các bậc phụ huynh, chẳng một ai thực lòng mong chờ bọn trẻ đọc sách. Tất nhiên là họ cũng không mong chờ điều ngược lại. Tất cả đều chờ đợi bọn trẻ học tập tốt, thế thôi! Còn thì người lớn cũng có quá nhiều thứ phải làm rồi. Vả lại, Flaubert cũng có rất nhiều mối quan tâm khác! Nếu như ông ta bắt Louise phải đọc sách, chẳng qua vì ông ta muốn được yên ổn, muốn được tập trung viết Bà Bovary, và để cô ta không tranh thủ mà lại sinh thêm một đứa con sau lưng ông. Sự thật là thế đấy, mà anh cũng biết thế rồi mà. “Ðọc để sống”, dưới ngòi bút của Flaubert khi ông viết cho Louise muốn nói: “Đọc đi để cho tôi còn sống với”, anh đã giải thích với lũ học trò như thế chưa? Chưa à? Tại sao? Cô mỉm cười. Và đặt tay lên tay anh: - Phải chấp nhận thôi anh yêu: sự tôn thờ sách thuộc vào thời kỳ truyền miệng. Và anh chính là linh mục đó. 31. “Tôi chẳng tìm thấy chút hứng thú nào từ các chương trình giảng dạy của trường học. Ngay cả khi các môn học hay ho và thú vị hơn thực tế; sự thông thái rởm đáng buồn của các giáo viên vùng Baviere làm tôi cảm thấy những môn học thú vị nhất trở nên đáng chán nhất”… “Những gì tôi có được về văn học, đều từ bản thân cuộc sống”… “Giọng các nhà thơ trong trí nhớ của tôi hòa trộn với giọng đọc của những người đầu tiên giúp tôi làm quen với thơ ca: một vài bài thơ bất hủ của trường phái lãng mạn Ðức, mỗi lần đọc lên, tôi không thể không thấy văng vẳng đâu đây giọng đọc đầy xúc cảm và rõ nét của Mielen. Suốt thời thơ ấu cho tới khi tự đọc được thơ ca, cô luôn đọc thơ cho chúng tôi nghe”. (…) “Tuy nhiên, chúng tôi còn chăm chú hơn mỗi khi Magicien cất giọng trầm ấm… Ông rất thích các tác phẩm Nga. Ông đọc Những người Cô dắc của Tolstoi và những bài ngụ ngôn thật trẻ thơ, những tác phẩm thật giản dị ông sáng tác vào cuối đời mình… Chúng tôi cũng từng nghe những câu chuyện của Gogol và thậm chí một tác phẩm của Dostoieuski - vở kịch có tên Một câu chuyện ngớ ngẩn”. (…) “Chắc chắn những giờ buổi tối trong phòng làm việc của cha khiến trí tưởng tượng của chúng tôi phát triển không ngừng và làm chúng tôi luôn muốn tìm hiểu thế giới này. Khi đã được nếm cái vẻ kiều diễm mê hoặc của những nền văn học lớn và sự yên ổn mà nó mang lại, chúng ta luôn muốn được biết thêm nữa nhiều câu chuyện ngớ ngẩn hơn nữa, và những bài ngụ ngôn đầy triết lý, những câu chuyện đầy ý nghĩa, những cuộc phiêu lưu kỳ lạ. Và chính như vậy mà chúng ta bắt đầu tự đọc[1]…” Klaus Mann, con trai của Thomas, nhà Ảo thuật và Mielen, người có giọng đọc đầy xúc cảm và rõ nét đã nói. 32. Sự đồng thuận đáng chán… Những quan sát của Rousseau về học đọc, những quan sát của Klaus Mann về việc giảng dạy văn học trong nhà trường, sự mỉa mai của cô vợ trẻ thầy giáo tới sự than vãn của lũ học trò ngày hôm nay, vai trò của nhà trường ở mọi nơi và mọi lúc đều là giảng dạy kỹ thuật, phân tích và cắt đứt con đường dẫn tới sách vở bằng việc bài trừ húng thú đọc sách. Dường như đã từ bao giờ và ở mọi nơi, say mê, hứng thú không có trong chương trình của trường học và kiến thức chỉ có thể là thành quả của sự chịu đựng dễ hiểu. Điều này cũng có lý thôi. Luận cứ không có gì là khó kiếm. Trường học không thể là trường học say mê, hứng thú, thường nó đòi hỏi sự cho không hoàn toàn. Trường học là nơi sản xuất những kiến thức cần thiết đòi hỏi cố gắng. Những môn học được giảng dạy là công cụ của nhận thức. Các giáo viên là người hướng dẫn, và không thể đòi hỏi họ ca ngợi sự không tổn phí của việc học hỏi tri thức, trong khi tất cả, đúng là tất cả cuộc sống học đường - chương trình, điểm số, thi cử, xếp loại, học kỳ, định hướng, phân ban - đều khẳng định mục tiêu cạnh tranh của trường học, với lý do là thị trường lao động ngày một khắt khe. Nếu như một học sinh, ở vào một thời điểm nào đó, gặp một giáo viên dạy toán say mê nghề nghiệp đến nỗi dạy bộ môn này như dạy một thứ nghệ thuật, làm cho học sinh say mê vì chính sự say mê của thầy, rồi cố gắng của thầy khiến học sinh hứng thú với bộ môn, đó hoàn toàn là sự tình cờ, may rủi, hoàn toàn chẳng có liên quan gì tới chất lượng của trường học. Chỉ có những thực thể sống có thể làm cho các thực thể khác yêu cuộc sống này, ngay cả dưới dạng một phương trình bậc hai, nhưng sức sống thì chẳng bao giờ được đưa vào chương trình của trường học. Nhiệm vụ là ở đây. Cuộc sống lại ở nơi khác. Đọc, chúng ta học ở trường. Còn say mê đọc sách… 33. Phải đọc, phải đọc… Thế nếu như thay bằng việc bắt học sinh phải đọc, thầy giáo chia sẻ với các em hạnh phúc cá nhân của thầy, niềm say mê đọc sách của thầy? Hạnh phúc được đọc sách? Cái gì thế này, hạnh phúc được đọc sách? Quả là những câu hỏi làm mỗi chúng ta đều phải nhìn lại bản thân! Trước hết, hãy thú nhận sự thật trái ngược với giáo lý: phần lớn những thứ mà chúng ta đã đọc, chúng ta đều đọc trong trạng thái phản đối chứ không đồng tình. Chúng ta đọc như lẩn trốn, như chối bỏ, như đối đầu. Nếu những điều đó khiến chúng ta có dáng vẻ của những kẻ đào ngũ, nếu sự thật không thể chạm tới chúng ta sau cái vẻ “quyến rũ” của sách vở, chúng ta là những kẻ đào ngũ đang xây dựng và đang được sinh ra. Mỗi lần đọc sách là một hành động kháng cự. Kháng cự cái gì? Kháng cự lại tính ngẫu nhiên. Tất cả: - Xã hội. - Chuyên môn. - Tâm lý. - Tình cảm. - Khí hậu. - Gia đình. - Nô lệ. - Tập quần. - Bệnh học. - Túng tiền. - Thuyết không tưởng. - Văn hóa. - Hoặc yêu bản thân. Ðọc sách đến nơi đến chốn cứu giúp mọi thứ, kể cả bản thân chúng ta. Và trên tất cả, chúng ta đọc chống lại cái chết. Ðó là Kafka đọc để chống lại những ý đồ buôn bán của cha, Flannery O’Connor đọc Dostoievski chống lại sự mỉa mai của cha mẹ (“Kẻ ngu dốt? Đúng là chỉ có nó mới mua một quyển sách với cái tên như vậy!”), rồi Thibaudet đọc Montaigne trong chiến hào Verdun, rồi Henri Mondor hoàn toàn chìm ngập trong Mallarmé ở thời kỳ nước Pháp bị chiếm đóng và chợ đen, rồi nhà báo Kauffmann đọc đi đọc lại Chiến tranh và Hòa bình trong các nhà tù Beyrouth, và người bệnh từng được mổ mà hoàn toàn không một chút thuốc tê kia, Valéry kể với chúng ta rằng anh ta “tìm thấy sự yên ả, nói đúng hơn một chút sức lực, một chút kiên nhẫn để sau mỗi nhát kéo đau đến dội óc, anh lại đọc một bài thơ yêu thích”. Và không thể thiếu lời thú nhận của Montesquieuvới một định hướng sư phạm hoàn toàn khác đã tốn biết bao giấy mực cho những bài luận: “Đọc đối với tôi là giải pháp tối cao chống lại sự chán ngấy, mà mỗi khi thấy chán chỉ cần đọc sách một tiếng là tan biến hết”. Nhưng thường thì sách là nơi trú ngụ; mỗi khi mưa rơi, sự yên lặng chói ngời của những trang sách chống lại sự ồn ào đơn điệu của tàu điện ngầm, quyển tiểu thuyết nhét trong ngăn tủ, thầy giáo đọc sách khi lũ học trò mài bút, và đứa trẻ ở cuối lớp đọc vụng, và nộp bài toàn trắng… 34. Làm sao để giảng dạy văn học khi đọc sách lại cần đến thế sự yên lặng và sự trở về! Ðọc là một hoạt động truyền thông? Lại một trò đùa! Những gì chúng ta đọc, chúng ta đâu có nói ra. Niềm vui sau khi đọc một cuốn sách, chúng ta thường giữ kín cho bản thân. Có thể vì chúng ta chẳng nghĩ là nên nói gì hoặc, trước khi có thể nói gì đó, chúng ta cần có thời gian để nghiền ngẫm và tiêu hóa. Sự yên lặng chính là cam kết cho sự sâu kín. Cuốn sách đã đọc xong nhưng chúng ta vẫn không ngừng nghĩ về nó. Chỉ cần nghĩ về nó là ta có thể trú ẩn trong đó. Nó ngăn cách chúng ta với cái Thế giới Bên ngoài. Nó dành cho chúng ta một đài quan sát thật cao, cao hơn mọi thứ. Chúng ta đã đọc và chúng ta yên lặng. Chúng ta yên lặng vì chúng ta đã đọc. Thật tuyệt khi một đội phục kích đón lõng và hỏi “Thế nào??? Hay không? Hiểu không? Làm báo cáo đi!”. Ðôi khi chúng ta im lặng vì khiêm nhường. Không phải sự khiêm nhường tự phụ của những nhà phân tích chuyên nghiệp, mà là lương tâm sâu kín, đơn độc, gần như là đớn đau, vì quyển sách này, tác giả kia, vừa, như người ta vẫn nói, “thay đổi cuộc sống của tôi”! Hoặc, đột nhiên, một sự chói lòa khác khiến ta nghẹn lời: làm sao mà một quyển sách làm thay đổi cuộc sống của tôi lại chẳng có ảnh hưởng gì đến trật tự thế giới? Thế kỷ của chúng ta ra sao sau khi Dostoievski viết Những kẻ bị ma ám? Polpot và những tên khác tới từ đâu khi chúng ta tưởng tượng các nhân vật của Piotr Verkhovensky?… Và, trong khi điều rùng rợn đã diễn ra, có ai nghe thấy Walter Benjamin? Làm sao mà khi mọi điều đã đâu vào đấy, toàn thể nhân loại còn chưa đọc Loài người của Robert Antelme, chỉ để giải phóng Christ của Carlo Levi, vĩnh viễn bị bắt ở Eboli? Biết bao cuốn sách làm đảo lộn ý thức của chúng ta và để mặc thế giới ngày càng tồi tệ, thế cũng đủ để chúng ta yên lặng. Vậy thì yên lặng… Tất nhiên là trừ những kẻ khoa trương văn hóa. A! Những bài diễn văn ở những nơi mà mọi người chẳng có gì để nói với nhau, sách vở được đưa ra làm đề tài bàn luận. Tiểu thuyết được coi như một chiến lược truyền thông! Kêu gào trong yên lặng, được sử dụng thật quá dễ dàng để cái thằng đần độn kia tán tỉnh con mụ làm bộ làm tịch nọ: “Thế nào, bà chưa đọc Chuyến du lịch đến tận cùng của đêm ư?”. Người ta chẳng cần đến thế để giết nhau. 35. Tuy nhiên, nếu như đọc sách không phải là một hành động truyền thông tức thì, cuối cùng, nó cũng là một điều để chia sẻ. Nhưng là một sự chia sẻ rất có lựa chọn. Nếu phân biệt những cuốn sách lớn phải đọc ở trường, hoặc vì những bài phân tích hay những trang quảng cáo, thì ngược lại những cuốn sách hay nhất từng đọc phần nhiều là nhờ vào một người bạn, người tình, người bạn học, thậm chí là người thân trong gia đình - nếu chúng ta sống trong một gia đình không nhét sách vở vào mục giáo dục. Và tất nhiên nếu có chia sẻ về những gì đã đọc thì cũng là chia sẻ với một người thân thiết. Có thể, chính vì tình cảm cũng như niềm đam mê đọc sách đều tới từ sự yêu thích. Yêu thích, cuối cùng cũng là mang lại những gì chúng ta thích cho những người chúng ta yêu quý… Chúng ta sống với sách và với những người bạn. Khi một người thân đưa cho ta một cuốn sách, trước tiên chúng ta tìm kiếm người đó trong khi đọc, tìm kiếm sở thích, những lý do khiến anh ta muốn mình đọc quyển sách này, những dấu hiệu của tình thân ái. Rồi cuốn sách ngày càng cuốn hút và chúng ta quên đi cái người đã đưa nó cho ta; đó chính là sức mạnh của một tác phẩm, đúng thế, nó xóa nhòa tính ngẫu nhiên! Tuy nhiên, thời gian trôi đi, mỗi khi nhớ lại một cuốn sách, ta lại thấy hiện lên hình ảnh con người thân yêu kia; như vậy, một vài cuốn sách trở thành hình ảnh người thân. Và, chính xác hơn nữa, không phải lúc nào cũng là hình ảnh người thân, đôi lúc (nhưng thật hiếm) lại là hình ảnh của một sự chỉ trích hay một giáo viên nào đó. Và thế là hình ảnh của Pierre Dumayet, cái nhìn, giọng nói, sự im lặng, trong Truyện cho mọi người, tôi đọc lúc nhỏ, nói lên sự tôn trọng của ông với người đọc mà nhờ có ông tôi trưởng thành ngày hôm nay. Rồi hình ảnh của người giáo viên, mà sự say mê đối với sách khiến ông có được đủ kiên nhẫn, thậm chí làm chúng tôi lầm tưởng về tình yêu. Có cần ông phải yêu thích chúng tôi - hoặc đánh giá cao chúng tôi - những lũ học trò, để cho chúng tôi đọc những gì đối với ông thật quý giá! """