"
Nho Giáo - Trần Trọng Kim full prc pdf epub azw3 [Biên khảo]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nho Giáo - Trần Trọng Kim full prc pdf epub azw3 [Biên khảo]
Ebooks
Nhóm Zalo
TRẦN TRỌNG KIM
NHO GIÁO
QUYỂN THƯỢNG + QUYỂN HẠ
CHẾ BẢN LẠI TỪ ẤN BẢN CỦA BỘ GIÁO DỤC – TRUNG TÂM HỌC LIỆU 1971 (In lần thứ nhất)
Thực hiện ebook: 1953snake
Lệ Thần TRẦN TRỌNG KIM
MỤC LỤC
TỰA QUYỂN 1
TỰA QUYỂN 2
LỜI PHÁT ĐOAN
THIÊN I. THƯỢNG CỔ THỜI ĐẠI
THIÊN II. XUÂN THU THỜI ĐẠI: KHỔNG TỬ
THIÊN III. HỌC THUYẾT CỦA KHỔNG TỬ
I. HÌNH NHI THƯỢNG HỌC
1. QUAN NIỆM VỀ TRỜI VÀ NGƯỜI
2. ĐẠO CỦA KHỔNG TỬ
THIÊN IV. HỌC THUYẾT CỦA KHỔNG TỬ (tiếp theo)
II. HÌNH NHI HẠ HỌC
1. QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN
2. SỰ HỌC VẤN VÀ CÁCH THAO THỦ CỬA NGƯỜI QUÂN TỬ
3. SỰ GIÁO HÓA CỦA KHỔNG GIÁO
4. CHÍNH TRỊ
THIÊN V. NHỮNG SÁCH CỦA KHỔNG TỬ
THIÊN VI. MÔN ĐỆ KHỔNG TỬ
THIÊN VII. CHIẾN QUỐC THỜI ĐẠI: CÁC HỌC PHÁI CỦA NHO GIÁO
THIÊN VIII. MẠNH TỬ
I. TÂM HỌC TRIẾT LÝ
II. CHÍNH TRỊ TRIẾT LÝ
III. TÀI NGHỆ CỦA MẠNH TỬ
THIÊN IX. TUÂN TỬ
I. QUAN NIỆM VỀ TRỜI VÀ NGƯỜI
II. TÂM LÝ HỌC
III. CHÍNH DANH HỌC
IV. GIÁO DỤC TRIẾT LÝ
V. CHÍNH TRỊ TRIẾT LÝ
THIÊN X. CUỐI ĐỜI CHIẾN QUỐC VÀ ĐỜI NHÀ TẦN: THỜI KỲ TRUNG SUY CỦA NHO GIÁO THIÊN XI. HÁN, ĐƯỜNG THỜI ĐẠI: NHO GIÁO ĐỜI LƯỠNG HÁN
I. TÌNH TRẠNG NHO GIÁO ĐỜI HÁN
II. HUẤN HỖ HỌC
III. NHỮNG SÁCH CỦA HÁN NHO
THIÊN XII. DANH NHO ĐỜI LƯỠNG HÁN
ĐỔNG TRỌNG THƯ
DƯƠNG HÙNG
VƯƠNG SUNG
THIÊN XIII. NHO GIÁO ĐỜI TAM QUỐC VÀ LỤC TRIỀU
THIÊN XIV. NHO GIÁO ĐỜI TÙY VÀ ĐỜI ĐƯỜNG
I. TÌNH TRẠNG NHO GIÁO ĐỜI TÙY VÀ ĐỜI ĐƯỜNG
II. DANH NHO ĐỜI TÙY VÀ ĐỜI ĐƯỜNG
VƯƠNG THÔNG
HÀN DŨ
THIÊN XV. LƯỠNG TỐNG THỜI ĐẠI: NHO GIÁO ĐỜI TỐNG
THIÊN XVI. LÝ HỌC
I. TƯỢNG SỐ HỌC
THIỆU UNG
II. ĐẠO HỌC
LIÊM PHÁI: CHU ĐÔN DI
QUAN PHÁI: TRƯƠNG TÁI
LẠC PHÁI
1. TRÌNH HẠO
2. TRÌNH DI
MÂN PHÁI: CHU HI
III. TÂM HỌC
LỤC CỬU UYÊN
THIÊN XVII. NHO GIÁO ĐỜI NGUYÊN THIÊN XVIII. NHO GIÁO ĐỜI MINH
THỜI KỲ THỨ NHẤT
THỜI KỲ THỨ HAI
HÀ ĐÔNG PHÁI
SÙNG NHÂN PHÁI
BẠCH SA PHÁI
DIÊU GIANG PHÁI
THỜI KỲ THỨ BA
ĐÔNG LÂM PHÁI
THỦ THIỆN PHÁI
CÁI VẠ ĐẢNG PHÁI
ẢNH HƯỞNG TÂY HỌC
THIÊN XIX. NHO GIÁO ĐỜI THANH
I. TÌNH TRẠNG NHO GIÁO ĐỜI THANH II. CÁC HỌC PHÁI Ở ĐỜI NHÀ THANH HÁN HỌC PHÁI
KINH HỌC PHÁI
TỐNG HỌC PHÁI
TÂN HỌC PHÁI
THIÊN XX. NHO GIÁO Ở VIỆT NAM
TỐNG KẾT
PHỤ LỤC
I
II
III
o0o
TỰA QUYỂN 1
Một cái nhà cổ rất đẹp, lâu ngày không ai sửa sang, để đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống. Những người xưa nay vẫn ở cái nhà ấy, ngơ ngác không biết làm thế nào. Dẫu có muốn dựng lại, cũng không dựng được, vì người không có mà của cũng không. Vả thời thế đã xoay vần, cuộc đời biến đổi, người trong nước đang háo hức về sự bỏ cũ theo mới, không ai nghĩ gì đến cái nhà cổ ấy nữa. Song cái nhà cổ ấy tự nó là một bảo vật vô giá, không lẽ để đổ nát đi, mà không tìm cách giữ lấy di tích. Không gì nữa, thì ta cũng vẽ lấy cái bản đồ để người đời sau biết rằng cái nhà ấy khi xưa đẹp đẽ là thế, mà sau đổ nát là thế. Ấy cái tình cảnh văn hóa của Nho giáo hiện thời bây giờ cũng như cái nhà cổ ấy vậy.
Việc làm quyển sách nói về Nho giáo tức là việc vẽ lấy cái bản đồ của Nho giáo. Đáng lẽ là việc của những người đã sinh trưởng trong cái không khí Nho giáo, đã tiêm nhiễm cái tinh thần Nho giáo. Nhưng khốn thay, người đời lãnh đạm, ai nấy thấy cái học cũ đã đổ thì thôi, không ai lưu ý đến nữa. Vậy nên chúng tôi vì chút lòng hoài cổ, không quản sự khó khăn, không sợ việc to lớn, đem cái sức nhỏ mọn mà tự nhận lấy việc làm sách này, đêm ngày tìm kiếm, nghĩ ngợi, cố tả cho rõ cái chân tướng của Nho giáo, để họa may có bổ ích cho sự học của người mình được chút nào chăng. Dẫu tả không được đúng cái chân tướng ấy cho lắm, nhưng cũng là một việc làm để giữ lấy di tích về sau. Chúng tôi nghĩ như thế, cho nên phải gắng sức tạm nhận lấy cái gánh nặng, chủ đích là để cho những kẻ hậu học sau này, ai muốn biết cái tinh thần của xã hội ta khi xưa bởi đâu mà sinh ra, và cái tinh thần ấy về sau tại làm sao mà hư hỏng đi. Tưởng đó là một điều rất mật thiết đến việc học ngày nay. Vì rằng việc tiến hóa của một dân tộc không phải là chỉ cần lấy học cho biết cái biết của người mà thôi, lại cần phải biết rõ những cái của mình đã có, để đem dung hòa cái mới với cái cũ mà gây thành ra cái tinh thần mới, có thể thích hợp với hoàn cảnh của mình, thích hợp với trình độ và tâm tính của mình. Đó là sự mong mỏi của chúng tôi, tấm lòng thành thực cứ đinh ninh như thế vậy.
Đã nói rằng quyển sách này tựa cái bản đồ vẽ cái nền Nho giáo cũ, thì dẫu hay dở thế nào mặc lòng, cốt nhất là phải vẽ cho đúng. Vậy nếu trong sách này chúng tôi thường trích lục những lời nguyên văn của thánh hiền đã ghi chép trong các Kinh, Truyện cùng những điều của tiên nho lưu truyền ở trong các sách vở, đem phiên dịch ra quốc âm cho rõ ràng, để làm minh chứng cho cái học thuyết của Nho giáo. Còn những lời nghị luận, thì chúng tôi vẫn cố giữ thái độ khách quan mà nói, chứ không theo ý riêng mà làm mờ tối mất sự thực. Giản hoặc có điều gì không được chính đáng, ấy cũng là xuất ư ý ngoại, xin độc giả thể tình mà dung thứ cho.
Trước khi đem xuất bản quyển sách này, chúng tôi xin có lời cảm tạ hai ông bạn là ông Phó bảng Bùi Kỷ và ông Cử Trần Lê Nhân đã giúp đỡ chúng tôi trong khi khảo cứu, thường gặp những chỗ khó hiểu, cùng nhau bàn bạc được rõ hết mọi ý nghĩa.
Làm quyển sách này, bản ý của chúng tôi là mong bày tỏ được cái đạo của thánh hiền ra, dẫu mất bao nhiêu công phu cũng không ngại, miễn là được thỏa tấm lòng lạc đạo thì thôi, trước sau chỉ một niềm cúc cung tận tụy về việc học. Ước ao rằng cái công phu này không đến nỗi bỏ uổng vậy.
TRẦN TRỌNG KIM
TỰA QUYỂN 2
Nho giáo quyển thứ hai này nói tóm hết các học thuyết của chư nho kể từ đời Tây Hán đến hiện thời bây giờ. Trong khoảng hơn hai nghìn năm ấy các học giả đều lấy tứ Thư và ngũ Kinh làm cốt tử cho sự học vấn. Song mỗi thời đại có một cái học thuật đặc biệt và mỗi học giả theo một cái tông chỉ riêng. Vì vậy cho nên cái học của Nho giáo tuy nói là giản dị mà kỳ thực rất phồn tạp. Nếu không thu thập hết các học thuyết lại, rồi đem phân tích ra mà xét cho rõ các mối đồng, dị, thì sự học của Nho giáo thật là khó hiểu đến nơi đến chốn được. Bởi cái chủ kiến ấy cho nên ta chia Nho giáo ra từng thời đại, như: Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, rồi trong mỗi thời đại lại xét xem sự Nho học thịnh suy thế nào, và chọn lấy mấy người danh nho rất chính đáng để làm đại biểu cho các học thuyết.
Từ đời Lưỡng Hán đến đời Lục Triều, các nho giả chú trọng ở huấn hỗ học, là cái học chỉ cốt tìm cho rõ nghĩa từng chữ, từng câu trong các Kinh, Truyện, tức là cái học chương cú, ít có cái tư tưởng siêu việt. Tựu trung có những người như Đổng Trọng Thư, Dương Hùng và Vương Sung, không chịu ở trong cái phạm vi huấn hỗ, đem cái sở đắc của mình mà đề xướng lên, nhưng cái ảnh hưởng không biến được cái tư trào của tục học. Cho nên bước sang đời Tùy, đời Đường, sự học không thay đổi là mấy, mà các học giả cũng không phát huy ra được cái học thuyết nào khác, chỉ chăm chăm theo những lời chú thích của Hán nho, tức là cái học chú sớ vậy. Bởi thế, thời bấy giờ về đường văn chương thì rất thịnh, mà về đường tư tưởng thì rất kém, Tuy có những danh nho như Vương Thông và Hàn Dũ, song cũng không nâng cao được cái trình độ của Nho giáo.
Vật cùng tắc biến, cái học huấn hỗ và chú sớ của Nho giáo truyền đến đời Tống, bị cái ảnh hưởng Lão học và Phật học mới biến ra cái học nghĩa lý. Thủa ấy nhờ có những danh nho như Chu Liêm Khê, Thiệu Khang Tiết, Trương Hoành Cừ và hai anh em họ Trình, cho nên phái lý học mới thành lập và cái học của Nho giáo mới cao lên. Sau lại có bọn Chu Hối Am và Lục Tượng Sơn, mỗi người đứng về một phương diện, chia phái lý học ra làm hai, là phái đạo học và phái tâm học. Phái đạo học thì vụ lấy tìm cái lý ở các sự vật, cho nên cái tông chỉ là phải cùng lý; phái tâm học thì vụ lấy tìm cái lý ở trong tâm, cho nên cái tông chỉ là phải duy tinh, duy nhất ở bản tâm.
Cái học bàn về tâm và tính đã do Mạnh Tử phát huy ra từ đời Chiến Quốc, nhưng mãi đến Lục Tượng Sơn đời Tống mới lập thành ra một học thuyết, rồi đến đời nhà Minh có Vương Dương Minh mới thật thịnh hành. Song về sau vì học giả trong phái ấy có nhiều người thiên về Thiền học bên Phật giáo làm sai mất cái tông chỉ của Nho giáo, cho nên qua sang đời Thanh, chư nho có nhiều người lại quay về theo lối Hán học.
Trong đời Thanh, Nho giáo chia ra phái Hán học, phái Tống học, rồi đến đời Thanh mạt, vì có ảnh hưởng Tây học lại thành ra phái Tân học.
Đại để, Nho giáo biến thiên hoặc theo Kinh học, hoặc theo lý học, tùy mỗi thời đại có một cái đặc sắc và có cái tư tưởng cao thấp, thâm thiển khác nhau, nhưng bao giờ cũng có cái kết quả rất hay về đường giáo hóa, là gây thành cái nhân cách rất tôn quý. Đó là chỗ độc giả sách Nho giáo nên chú ý mà thể nhận cho rõ.
Sách này làm theo cái mục đích đã định, là muốn vẽ cho đúng cái chân tướng của Nho giáo trải qua các thời đại. Cái mục đích ấy có đạt tới được hay không, chưa dám nói quyết, nhưng dù thế nào mặc lòng, ta đem tấm lòng thành thực mà thuật lại cái đạo của thánh hiền, để học giả có thể nhân đó mà kê cứu, mà phê bình, cho khỏi sai lầm, Miễn là cái công phu này có bổ ích cho sự học của nước nhà được một đôi chút, ấy là cái sở nguyện của ta vậy.
TRẦN TRỌNG KIM
LỜI PHÁT ĐOAN
Thường những công cuộc của người ta đã thiết lập ra là bao giờ cũng phải có cái tinh thần và cái hình thức. Tinh thần là phần linh hoạt ở trong, mà hình thức là phần hiển hiện ra ngoài. Hai phần ấy phải điều hòa với nhau, phải nương tựa vào nhau thì mới hoàn toàn được. Thí dụ: Lễ thì phải có kính là tinh thần, mà nghi tắc là hình thức; nhạc là phải có hòa là tinh thần, mà chuông trống là hình thức. Nếu có lễ mà không có nghi tắc thì biết thế nào là lễ; có nhạc mà không có chuông trống thì lấy gì làm nhạc. Hoặc là dùng lễ có đủ nghi tắc mà không có kính, dùng nhạc có đủ chuông trống mà không có hòa, thì lễ và nhạc chỉ là hư văn mà thôi, không có nghĩa lý gì cả, Một học thuyết, một tông giáo cũng vậy, nếu trong hai phần ấy mà người ta chỉ chuyên trọng về một phần nào, thì phần kìa tất phải hư hỏng mà dẫu việc hay đến đâu rồi cũng hóa ra dở.
Nước Việt Nam ta xưa kia tôn sùng Nho giáo, cho là chính đạo độc tôn. Luân lý, phong tục, chính trị, bất cứ việc gì cũng lấy Nho giáo làm cốt. Nhưng vì những người theo Nho học xưa nay thường hay trọng cái hình thức bề ngoài thái quá, để đến nỗi cái tinh thần sai lầm đi mất nhiều. Cách học tập của người mình lại chỉ vụ lấy từ chương, chuyên về khoa cử để làm cái thang lợi danh. Vậy nên học thuyết của Khổng, Mạnh càng ngày càng hư hỏng, thành ra chỉ có danh mà không có thực.
Những người học thức trong nước mà trí lực hẹp hòi, tinh thần kém cỏi thì nhân chúng tiến hóa làm sao được? Vả số nhiều người mình lại cứ quen một mặt thuận thụ, theo cái khuôn nhất định của tiền nhân để lại. Việc phải, trái, hay, dở thế nào, cũng chỉ ở trong cái khuôn đó, chứ không chệch ra ngoài được, sự phê bình, phán đoán càng ngày càng hẹp lại, không biết còn có tư tưởng gì khác nữa mà so sánh cái hơn, cái kém, thành ra như giống sên, giống ốc, cứ yên phận nằm trong cái vỏ cứng không thay đổi được gì cả. Phàm những sự vật, bất cứ sự vật gì, hễ không thay đổi là hư hỏng. Đến khi thời thế biến đổi, bỗng chốc có cái tư tưởng mới, cái thế lực khác tràn vào, mà nhất là cái thế lực ấy lại mạnh hơn và hoạt động hơn, thì làm thế nào mà đứng được? Người trong nước lúc ấy như đang ngủ mê, thức giấc dậy, ngơ ngác không biết xoay xở ra thế nào. Lúc đầu còn tìm cách kháng cự lại, sau thấy càng cựa cạy bao nhiêu lại càng bị đè bẹp xuống bấy nhiêu, thế bất đắc dĩ mới đành chịu bẹp. Dần dần tỉnh ra, thấy người ta phú cường lẫm liệt, mà mình thì cứ suy nhược mãi đi, rồi lại thấy thiên hạ ai biết bỏ cũ theo mới thì cũng được cường thịnh, bấy giờ mới khởi xướng lên việc bắt chước người ta mà thay đổi mọi đường. Trừ những người có quyền lợi riêng, không muốn thay đổi, cố bíu lấy cái vỏ cũ để cho toàn danh phận, hoặc những người nghèo khổ ngu dại ở chỗ thôn dã, mờ mờ, mịt mịt, chẳng biết việc đời là việc chi chi, còn ai đã hơi có kiến thức một đôi chút, là đánh trống khua mõ, rủ nhau làm những việc cải cách trong nước. Ai cũng yên trí rằng cái văn hóa cũ của mình không ra gì, cho nên xã hội mình mới suy đồi, thì chi bằng đem bỏ cả đi mà theo cách duy tân. Từ đó mới gây thành phong trào bỏ cũ theo mới. Cái phong trào ấy mỗi ngày một mạnh, đến nỗi mới độ vài ba mươi năm nay, mà cái tinh thần văn hóa cũ của ta đã mai một đi mất nhiều lắm rồi. Thậm chí những nhà dòng dõi thi lễ, trước còn không chịu theo tân học, nay lại tự mình bài bác các cái học cũ kịch liệt hơn những người thường.
Có một điều nên lấy làm lạ, là tại sao một cái học thuyết mà mình đã sùng thượng hơn hai nghìn năm nay, và đã duy trì xã hội mình từ thượng cổ đến bây giờ, mà bỗng chốc đổ nát chóng như thế. Thiết tưởng ta có thể tìm cái duyên do bởi từ đâu mà ra, và xét xem cuộc biến đổi ngày nay hay dở thế nào. Duyên do sở dĩ tại làm sao mà người mình bỏ cái học cũ chóng như thế, là bởi nhiều lẽ, ta có thể phân giải được như sau này: Nguyên từ xưa trong nước chỉ trọng nghề văn học, lấy khoa cử mà cất nhắc người lên làm quan làm tư. Khoa cử lại chỉ lấy Nho giáo làm cốt, chứ không có cái học gì khác nữa. Trong nước thì công nghệ không có, thương mại không ra gì, trừ cái nghề đi học để thi đỗ làm quan ra, thì chỉ có nghề canh nông là cái thực nghiệp của dân. Dân làm ruộng ở nhà quê, thường lại là người hèn hạ, phải chịu sưu thuế và việc vua việc quan, đầu tắt mặt tối, không có quyền lợi gì. Vậy nên ai là người có thiên tư hơi khá một tí, muốn chiếm được chút địa vị tôn quý trong xã hội thì chỉ có nghề đi học. Mà sự học của ta ngày trước tuy nói chuyên trị các Kinh, Truyện của thánh hiền, nhưng kỳ thực chỉ mài miệt làm câu văn cho hay, nhớ chữ sách cho nhiều, và biết cho đủ lề lối để đi thi được đỗ. Khi đã đỗ rồi là người hiển đạt, có danh vọng trong làng, trong nước. Vậy nên ai cũng đua nhau về việc học. Đến nay thời cục đã biến đổi, khoa cử bỏ đi rồi, sự học cũ không phải là cái cầu ở con đường sĩ hoạn nữa, thì Kinh, Truyện xếp lại một chỗ, mà đạo thánh hiền cũng chẳng ai nhắc đến nữa. Đạo Nho kết quả đến đó cơ hồ sắp hết vậy. Song đó mới là cái thế lực bề ngoài, còn về phần thâm thúy ở trong, thì một dân chuyên làm nghề canh nông như dân ta, là chỉ vụ lấy sự hòa bình, cốt thế nào cho ở trong nhà cha hiền, con thảo, anh nhường, em kính, ra ngoài đối với mọi người thì cầu lấy lễ nghĩa để sự giao thiệp được êm ái hòa nhã là đủ. Việc cư xử làm ăn chỉ chú ở cách giản dị, không muốn có điều gì khó khăn, miễn là được an nhàn thì thôi. Ấy là thái độ rất thích hợp với tính cách hiếu tĩnh, không hiếu động của phần nhiều người mình. Việc chính trị cũng vậy, vua quan không ai muốn những sự phiền phức, sợ làm nhiễu dân. Phàm cử chỉ, hành động, cái gì cũng muốn thong thả, ung dung cho ra cái cảnh tượng thái bình, bởi thế cho nên sự cần dùng rất ít, mà sự tiến
hóa cũng không có gì, chỉ cần theo cái luân lý của Nho giáo, để giữ lấy cái nền hiếu nghĩa trung tín, cốt cho xã hội được yên trị thì thôi. Nay cái phong trào tân học mạnh lên, người ta ai cũng đua nhau tranh khôn, tranh khéo để chiếm giữ lấy quyền lợi, chứ không chuộng những điều đạo đức, nhân nghĩa cho lắm. Người mình trông thấy thế, tưởng rằng giữ cái thái độ cũ không được, phải theo thời mà biến đổi, cho cái văn hóa cũ là dở, muốn trừ bỏ đi, để theo cái văn hóa mới cho kịp người ta. Cái văn hóa cũ của ta nhân thế mà mai một chóng lên mấy phần.
Trong khi những thân sĩ trong nước háo hức muốn bỏ cũ theo mới như thế, bọn thiếu niên tân học, phần thì thấy những bậc phụ huynh chê bai cái học cũ của mình, phần thì không biết rõ cái tinh thần cái học ấy hay dở thế nào, chỉ thấy lắm điều câu thúc khó chịu, lại càng đem lòng khinh bỉ văn hóa cũ hơn nữa, cho là hủ bại, không thích hợp với cảnh ngộ đương thời. Lại gia dĩ bọn ấy khí huyết đang hăng, đang thích những sự tự do bình đẳng, v.v. và lại được theo lối tân học, sự tri thức rộng hơn gấp mấy phần những người cựu học, cho nên không ai ngờ có cái hay, cái tốt của sự học cũ ngày trước mà đoái hoài đến nữa. Bọn thiếu niên ấy ai đi học đã thành đạt rồi, đều chiếm được cái địa vị, dẫu thế nào mặc lòng, cũng đủ làm cho nhân chúng quý trọng. Bởi vậy cho nên người trong nước ai có con em cũng cố cho theo đòi chút tân học, để hòng đường lập nên danh phận, Đã hay rằng cách sinh nhai ở đời không thế không được, nhưng đó cũng là một cái căn do làm cho chóng mất cái văn hóa cũ vậy.
Lại còn một lẽ nữa làm cho người ta ai cũng muốn bỏ chóng hết cái lưu tệ của văn hóa cũ, là theo học thuyết của Nho giáo thì phân ra tôn ti trật tự rất nghiêm. Ai đã được giữ cái địa vị tôn quý ở trên, thì có quyền được bắt người ti hạ ở dưới phải kính trọng mà phục tùng mình. Song phải cần một điều là người trên phải có tài đức xứng đáng, ai cũng kính phục, thì cái trật tự ấy dẫu tôn nghiêm thế nào, người ta cũng không ai ca thán. Nếu tài đức người trên mà không đủ làm cho người ta kính phục nữa, thì càng giữ trật tự ấy bao nhiêu; người ta lại càng cho là trái lẽ và khó chịu bấy nhiêu. Nhất là ở vào thời đại này, mới cũ chưa rõ hẳn ra thế nào, nhiều người ngờ rằng cái trật tự cũ làm ngăn trở cho sự tiến hóa, cho nên muốn bỏ đi, để theo cái mới, họa may có được phần hay hơn chăng. Bởi thế cái lòng muốn thay đổi lại càng mạnh lắm vậy.
Đại để những căn do làm cho văn hóa cũ của ta chóng mai một đi như ta đã trông thấy ngày nay, là cứ như thiển kiến thì bởi có bấy nhiêu lẽ mà thôi.
Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ, không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi, chưa suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi, thành thử cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn, để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thấy khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả. Đó là điều ta nên biết để tìm cách mà chữa lại được chút nào chăng.
Ngày nay ta sở dĩ ngơ ngác, không biết đi về đường nào cho phải, không biết bấu víu vào đâu để làm cốt về đường lý tưởng là vì ta bỏ mất cái lòng tín ngưỡng. Xưa kia ta sùng bái đạo Nho, tin rằng cái tông chỉ đạo ấy hay hơn cả, dẫu đem ra thực hành không được hoàn toàn, nhưng vẫn cho là học chưa đến, chứ không ai cho là đạo không hay. Đến nay vì thời thế biến đổi, cái văn hóa của Âu Tây tràn sang, cách cư xử, sự hành động đều bị cái thế lực mới đổi khác cả đi, người ta thì cường thịnh và khôn ngoan đủ điều, mà mình thì suy nhược và thua kém mọi đường. Nhất là về đường vật chất, mình so sánh với người, hơn kém khác nhau xa lắm. Người mình trông thấy thế, không xét xem sự kém hèn của mình bởi đâu mà ra, vội vàng bỏ những điều xưa nay mình vẫn tín ngưỡng mà bắt chước cái mới của người ta,
Tính bắt chước vốn là tính tự nhiên của loài người, dẫu ở nước nào cũng thế cả. Nhưng giá ta có sẵn cái tinh thần tốt rồi, chỉ bắt chước lấy những điều có bổ ích thêm cho tinh thần ấy thì thật là hay lắm. Chỉ hiềm vì mình để cái tinh thần của mình hư hỏng đi, mà lại mong bắt chước sự hành động của người ta, thì sự bắt chước ấy lại làm cho mình dở hơn nữa. Vì đã gọi là bắt chước là chỉ bắt chước được cái hình thức bề ngoài mà thôi, còn cái tinh thần ở trong, phi lâu ngày nhiễm lấy được mà hóa đi, thì khó lòng mà bắt chước được. Thành thử bao nhiêu những sự bắt chước của mình chỉ làm loạn cả tính tình, tư tưởng và phong tục của mình. Có lắm người vọng tưởng rằng mình cố bắt chước được người ngoài, là mình làm điều có ích cho sự tiến hóa của nòi giống mình. Không ngờ rằng sự bắt chước vội vàng quá, không suy nghĩ cho chín, lại thành cái độc gây ra các thứ bệnh cho xã hội của mình. Đó là một điều lầm lỗi của số nhiều những người tân học thời nay. Mà sự lầm lỗi ấy chỉ mỗi ngày là một thêm ra chứ không bớt đi được.
Mỗi một dân tộc có một cái tinh thần riêng, cũng như mỗi cây có cỗi ra ăn sâu xa xuống dưới đất. Hễ cây nào cỗi rễ tốt, hút được nhiều khí chất thì cành lá rườm rà, cây nào cỗi rễ xấu, hút không đủ khí chất để nuôi các phần thân thể thì tất là cành lá còi cọc đi. Tinh thần của một dân tộc cũng vậy, gây thành từ đời nào không thể biết được, lưu truyền mãi mãi mới thành ra kết quả ngày nay. Dân tộc nào cường thịnh là vì
đã biết giữ cái tinh thần của mình được tươi tốt luôn; dân tộc nào suy nhược là vì đã để cái tinh thần hư hỏng đi, không biết tìm cách mà nuôi nó lên. Nay ta muốn biết tại sao mà phương Tây phú cường, phương Đông suy nhược, thì tưởng ta phải biết rõ cái tinh thần Nho giáo và cái tinh thần Tây học khác nhau thế nào.
Văn hóa của Nho giáo chủ ở sự theo thiên lý mà lưu hành, cốt giữ cái tình cảm cho hậu, trọng những điều đạo đức nhân nghĩa, ưa cái tính chất phác và những việc giản dị. Bởi thế cho nên cái tính chất người mình hay trì thủ, thích sự yên lặng, chỉ vụ lấy được hòa bình mà sinh hoạt ở đời. Cái văn hóa ấy rất thích hợp với cái tính tình của những dân tộc chuyên nghề canh nông như dân tộc ta. Văn hóa phương Tây chủ ở sự theo nhân dục mà hành động, cốt lấy sự mở mang nhân trí làm trọng, dùng lý trí mà suy xét mọi điều, để tìm cách ngăn ngừa những cái thế lực tự nhiên, lập thành một cuộc sinh hoạt rất hùng cường, Bởi vậy các môn khoa học rất thịnh hành, nhân dân chuộng những điều trí xảo, số nhiều người tài giỏi khôn ngoan, mà ai cũng muốn sự hoạt động mạnh mẽ. Cái văn hóa ấy thích hợp với tính tình của những dân tộc chuyên về việc công nghệ và việc thương mại. Văn hóa của Nho giáo thì có thể làm cho đời người tuy không được rực rỡ chói lọi cho lắm, nhưng thường làm cho người ta có cái sinh thú rất hay. Văn hóa phương Tây thì làm thành cuộc đời rất mỹ lệ, tài trí đều mở mang, cái gì cũng theo quy củ xếp đặt thành ra cơ thể chắc chắn vững vàng. Nhưng cũng vì thế mà sự cần dùng càng ngày càng thêm ra, sự cạnh tranh rất kịck liệt, sự sinh hoạt có lắm điều phiền phức, nhân sinh hình như lúc nào cũng chật vật vất vả, không mấy khi trong bụng được nhàn hạ thư thái.
Hai cái văn hóa ấy thật là tương phản với nhau, và bên nào cũng có sở trường và sở đoản cả. Nhưng cái gốc thịnh suy là bởi cái lối theo khác nhau. Người mình xưa kia chỉ biết trì thủ một mặt đạo đức mà không nghĩ đến sự tiến thủ về đường trí tuệ và khoa học, thành thử lâu ngày cái tinh thần hư hỏng, đến nỗi cái sở đoản không bỏ đi được mà cái sở trường cũng mất mòn đi. Người ta thì cứ gắng sức tiến thủ về đường trí tuệ, tuy vẫn có cái sở đoản, nhưng cái sở trường càng ngày càng tăng lên, Bởi đó mà thành ra cuộc ưu thắng của người và cuộc liệt bại của mình vậy. Giả sử nay ta biết hồi tỉnh lại, cốgây lấy cái sở trường của mình, và lại học thêm lấy cái sở trường của người, thì chắc có thể dần dần gây nên cái tinh thần tốt đẹp mạnh mẽ, đủ làm cho ta cũng cường thịnh được. Là vì một đường ta không bỏ mất cái căn bản đã tạo tác ra tâm tính của ta, một đường ta lại học được thêm cái hay của người, để theo thời mà biến đổi cho thích hợp với cái lẽ đương nhiên, như vậy thì dẫu thế nào, cái kết quả về sau càng có phần hay được.
***
Nay ta muốn biết rõ cái sở trường và cái sở đoản của Nho giáo, thì chi bằng ta thử xét kỹ xem cái nguyên ủy từ đầu khởi phát ra làm sao, về sau biến đổi ra thế nào, và cách ta thi hành cái đạo ấy sai lầm từ đâu. Như thế ta có thể hiểu rõ được cái phần tinh túy của Nho giáo và biết được tại làm sao mà thành ra hư hỏng. Đó là cái chủ đích của bộ sách này.
Ngày nay ta bàn đến Nho giáo thì cũng chỉ xét những điều thiết thực về đường luân lý và chính trị, chứ không mấy khi bàn đến phần đạo lý tối cao của Nho giáo. Thành thử ta chỉ hiểu được cái phần thiển cận mà thôi, còn cái phần thâm viễn thì vẫn mập mờ không rõ. Vậy nên trước khi bàn đến Nho giáo theo như chính văn trong các Kinh, Truyện, ta hãy nói lược qua tông chỉ đạo ấy sở chủ về những điều gì.
Nho giáo là một học thuyết có thống hệ và có phương pháp. Cái thống hệ của Nho giáo là theo cái chủ nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể và cái phương pháp của Nho giáo thường dùng là phương pháp chứng luận, lấy thiên lý lưu hành làm căn bản. Nhưng phải biết rằng học thuật của ta thường hay chú trọng ở lối dùng trực giác. Sự tư tưởng trong học thuyết cũng như phương pháp trong mỹ thuật, phải dùng trực giác mà xem cả toàn thể, thì mới thấy cái tinh thần. Nếu dùng lý trí mà suy xét từng bộ phận một, thì thường không thấy rõ gì cả. Thí dụ xem những bức hội họa của Tàu, nếu lấy trực giác mà xem, thì thấy có nhiều vẻ thần diệu lắm, nhưng lấy cái lý trí mà suy xét, thì không ra thế nào cả. Vì rằng cái vẽ của Tàu chủ lấy cái đẹp cái khéo của tinh thần, chứ khống cốt ở cái chân hình bề ngoài. Có khi đối với cái hình thức thì không được đúng lắm, nhưng đối với cái tinh thần cả toàn thể, thì thật là tinh xảo vô cùng; về đường học vấn cũng vậy, phần thì người Tàu thường hay theo trực giác mà tư tưởng, rồi rút các ý tứ vào mấy câu tổng yếu rất vắn tắt để làm cốt, thành ra khi đọc những câu ấy phải lấy ý mà hiểu ra ngoài văn từ mới rõ được hết các lẽ; phần thì lối chữ độc âm, tượng hình, tượng ý của Tàu khó khiến cách lập ngôn theo đúng được những sự vận động của tư tưởng và bộc bạch được hết các ý tứ. Cũng bởi thế, cho nên mới nói rằng: Bất dĩ từ hại ý 不以辭害意, nghĩa là xem sách phải lấy ý mà lĩnh hội cho rõ cái tư tưởng của người làm sách, chứ không nệ ở văn từ mà bỏ sót ý. Lối Tây học thì không thế, nhất nhất là phải theo lý trí mà suy luận, lần theo sự lý nọ sang sự lý kia, liên tiếp dắt díu nhau. Cách lập ngôn lại sáng tỏ, là nhờ lối văn từ rất tinh tế, dễ khiến, lời với ý lúc nào cũng theo sát nhau được, bao nhiêu sự vận động của tư tưởng cũng có thể tả rõ ra được phân minh hết cả. Bời thế cho nên những người đã quen lối Tây học, xem sách Hán tự, cho những học thuyết của Tàu không có phương pháp. Đó là bởi không hiểu rõ cái lối học của người Tàu, chủ ở sự phải suy nghĩ ra mà hiểu, phải lấy ý mà hội, chứ không chủ ở sự theo lý trí mà suy luận và phu diễn hết cả ra ở văn từ. Kỳ thực thì tư tưởng của người Tàu vẫn có phương pháp, nhưng phương pháp ấy chỉ cốt ở trong tinh thần
cả toàn thể, chứ không ở hình thức từng bộ phận có thể phân tích ra được như lối văn từ của Tây. Vậy muốn tìm cái phương pháp của Nho giáo, thì phải dùng trực giác mà xem, phải lấy ý mà hội, thì thấy rõ mối liên lạc trong các đoạn tư tưởng, tuy về phần hình thức thì lỏng lẻo, rời rạc, nhưng về phần tinh thần thì suốt từ đầu đến cuối chỉ là một mà thôi.
Nho giáo cho vũ trụ sở dĩ có là vì có cái lý độc nhất tuyệt đối. Lấy nghĩa cùng tột hết cả, thì gọi lý ấy là Thái Cực; lấy nghĩa bao quát khắp cả thể gian, thì gọi là Thiên; lấy nghĩa làm chủ tể và vạn vật thì gọi là Đế, hay là Thiên đế. Song lý ấy siêu việt vô cùng, không sao biết rõ được cái tĩnh thể là thể nào, cho nên Nho giáo công nhận có lý ấy, rồi chỉ xét cái động thể của lý ấy đã phát hiện ra để làm tông chỉ. Tông chỉ ấy chủ ở đạo nhân, có sẵn cái trực giác để hiểu lẽ biến hóa của trời đất, khiến cho lúc nào cũng theo được lẽ ấy mà vẫn đắc kỳ trung. Ấy, đại khái tông chỉ của Nho giáo là thế. Nay nhân tiện ta xét qua cái triết học đã phát hiện ra ở bên Tây, xem hai bên giống nhau và khác nhau thế nào.
Vào cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V trước Tây lịch kỷ nguyên, trong khi ở nước Tàu có Khổng Tử phát huy ra cái học thuyết của Nho giáo thì ở bên Âu Tây có những nhà hiền triết người xứ Hy Lạp như bọn ông Héraclite thuộc phái Ioniens cũng đề xướng lên cái học thuyết lấy sự biến hóa trong vũ trụ làm chủ nghĩa, cho vạn vật chỉ có động, chứ không có tĩnh, và cho ngoài sự biến hóa của vạn vật ra thì không có gì là thực cả.
Thuở ấy lại cá những người như bọn Parménide và Zénon D'Elée thuộc phái Eléates xướng lên cái học thuyết phản đối với học thuyết của phái Ioniens, cho vạn vật đều là ảo ảnh cả, chỉ có cái lý độc nhất là thực có mà thôi. Hai phái ấy công kích nhau rất kịch liệt.
Cùng đồng thời với hai phái ấy, lại có Pythagore, tị tổ phái Pythagoricien, lấy số học mà lập ra cái học thuyết theo chủ nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể (panthéisme) cho vạn số cùng đồng một thể với cái lý độc nhất.
Sau những học phái ấy, vào cuối thế kỷ thứ V trước Tây lịch kỷ nguyên, có Socrate khởi xướng ra đạo nhân sinh triết học, lấy nhân sự làm trọng, còn việc ngoài nhân sự là việc của Trời, người ta chỉ nên chú ý về sự tìm lẽ chí thiện trong đạo luân lý để làm chuẩn đích cho sự hành vi ở đời. Ông lấy sự mình tự biết cái bản tính của mình (connais toi toi-même) làm cơ bản sự học luân lý.
Vậy đem những tông chỉ của các học phái ấy ở Tây phương mà so với tông chỉ của Nho giáo, xem ra Nho giáo có tổng hợp được cả những lý tưởng vừa nói trên kia. So với phái Ioniens thì Nho giáo theo sự kinh nghiệm mà nhận cái lẽ biến hóa của vạn vật làm chân lý, nhưng trên cái chân lý ấy lại nhận có cái chân lý tuyệt đối là lý Thái Cực làm chủ tể cả vũ trụ. So với phái Eléates thì Nho giáo tuy nhận có lý Thái Cực, nhưng cho lý ấy siêu việt quá, nhân trí không thể biết rõ được cái tĩnh thể của lý ấy ra thế nào, vậy nên chỉ xét cái động thể của lý ấy cho vạn vật do sự biến hóa của thiên lý mà sinh ra, và vạn vật tuy không phải là cái thực có tuyệt đối thường định, nhưng cũng là cái thực có tỉ lệ vô thường.
Nho giáo dùng Dịch học, lấy cái vạch đứt và cái vạch liền mà biểu thị sự biến hóa của thiên lý, và lấy số cơ, ngẫu mà tính ra vận mệnh xoay vần của thế gian, tức là tương hợp với số học của phái Pythagoriciens. Nhưng có một điều hơi khác là Nho giáo cho vạn vật do Trời sinh ra, song vật nào cùng có tính cách tự do để hành động, mà theo cho hợp thiên lý, mà sau khi chết rồi, hình như cái tinh thần vẫn còn giữ cái tính cách đặc biệt mà lưu hành, mà biến hóa, chứ không hỗn hợp hẳn vào đại toàn thể, như cái lý tưởng của học phái “thiên địa vạn vật nhất thể” ở bên Tây.
Nguyên cái học của Nho giáo vẫn có hai phần: Phần hình nhi thượng học và phần hình nhi hạ học. Phần hình nhi thượng học thường là phần tâm truyền1nói về những lẽ huyền bí của tạo hóa, thì để riêng cho số ít người có tư cách đặc biệt tự lĩnh hội lấy được cái đạo lý sâu xa. Phần hình nhi hạ học tức là phần công truyền nói về cái nhân sinh triết học, thì đem dạy chung cả cho mọi người. Khổng Tử có nói rằng ngài không giấu giếm ai điều gì, nhưng phải hiểu rằng có điều ngài đem ra giảng dạy hằng ngày, có điều ngài chỉ nói một vài lần rồi thôi, không nói nữa. Xem như thầy Tử Cống nói: “Phu Tử chi ngôn tính dữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã, 夫子之言性與 天道,不可得而聞也”, thì rõ là cái đạo của ngài có một phần chỉ để riêng cho những người tâm đắc mà thôi. Môn đệ ngài có người nói trong sách Luận Ngữ rằng: “Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh, dữ nhân 子罕言利,與命與仁” hoặc là: “Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần 子不語: 怪,力,亂,神, ” v.v. Là vì những điều ấy thuộc về cái học tâm truyền, cho nên ngài ít nói đến. Cũng bởi thế những sách nói về thiên đạo như Kinh Dịch và sách nói về nhân đạo như Kinh Xuân Thu đều là sách dạy cái học tâm truyền cho nên lời văn rất vắn tắt, ý nghĩa rất khó hiểu, chỉ có những người đã được truyền thì mới hiểu rõ mà thôi. Cái học tâm truyền ấy đến hết đời Mạnh Tử thì không ai học được nữa. Vì thế hậu nho xem những sách ấy không hiểu hết các ý nghĩa, rồi mỗi người bàn ra một cách, thành thử cái học càng ngày càng sai lạc đi mãi,
Vậy cái học tâm truyền của Nho giáo ngó hầu tương tự như cái học của Pythagore, mà cái học công truyền của Nho giáo là cái học nhân sinh triết học, chú trọng về nhân sự, lấy sự chính tâm tu thân làm gốc, thật là tương hợp với cái học của Socrate, cốt lấy luân lý làm trọng.
Dẫu ngày nay ta không thể biết được cho thật tường tận các cái lý tưởng về phần tâm truyền của Nho giáo đời trước, nhưng theo những điều ta còn sở cứ được ở trong các Kinh, Truyện thì ta cũng có thể biết là Nho giáo có một phần uyên bác lắm, và lại có thống hệ rất rõ rằng: Lấy lý Thái Cực làm căn bản độc nhất, rồi xét cái động thể của lý ấy, biết rõ sự biến hóa của vạn vật, suốt đến cái lẽ vạn vật đều bẩm thụ một phần thiên lý, và tìm thấy cái mối chí thiện trong thiên lý để làm mục đích cho đạo luân lý của loài người.
Tóm lại mà nói thì học thuyết của Nho giáo có ba điều cốt yếu. Về đường tín ngưỡng, thì có cái quan niệm thiên nhân tương dữ; về đường thực tế, thì lấy sự thực nghiệm làm trọng; về đường trí thức, thì lấy sự trực giác làm cái khiếu biết đối với các sự vật.
Về cái quan niệm thiên nhân tương dữ của Nho giáo, thì ai xét không kỹ tưởng là cũng giống như cái học thuyết thiên địa vạn vật nhất thể (panthéisme) của những nhà triết học bên Âu châu về thế kỷ thứ XVII và XVIII vừa rồi, như Spinoza người nước Hòa lan, Fichte và Hegel người nước Đức. Cái học thuyết ấy cho Trời với vạn vật cùng đồng một thể, và cái bản thể của Trời hiển hiện ra trong sự biến hóa của vạn vật. Cái học ấy có lý thuyết rất cao, nhưng chưa đúng hẳn cái lý thuyết của Nho giáo đời trước. Nho giáo dẫu theo cái lý thuyết thiên địa vạn vật nhất thể, nhưng chỉ nói vạn vật chịu một phần thiên lý của Trời phú cho mà thôi, chứ Trời vẫn là một thể độc lập, Tuy có nói thiên lý lưu hành khắp cả vũ trụ, là một cách nói cái ý cho Trời ở đâu cũng có, mà lúc nào cũng có sự biến hóa và sự hành động, nhưng không bao giờ nói Trời ở trong vạn vật, mà cũng không bao giờ nói vạn vật chung quy lại hợp thành một thể với Trời. Trời với vạn vật tuy đồng lý, đồng khí, nhưng vẫn riêng, tựa như con một cha mẹ sinh ra, đồng khí đồng huyết, thế mà vẫn khác nhau. Nho giáo chỉ nói rằng: Trời sinh ra người có phú tính cho, tức là phú cho một phần thiên lý. Phần thiên lý ấy là cái tâm, là cái tinh thần của người ta. Nhờ cái tinh thần ấy người ta mới biết cái cỗi gốc của người là do ở Trời, và người với Trời có thể tương cảm tương ứng với nhau. Nhưng người ta bao giờ cũng có tư cách đặc biệt để tự cường tự kiện mà hiểu biết, mà hành động cho đến chí thành, chí thiện. Những người tu dưỡng đến bậc chí thành, tức là những người giữ được cái bản tính của mình thuần túy như của Trời phú cho, thì có thể giúp được việc hóa dục của Trời. Sự sống, chết chỉ là việc biến hóa tự nhiên của trời đất. Chết là hư hỏng cái hình hài mà thôi, còn cái tinh thần vẫn không mất, và vẫn giữ được cái tính cách riêng của mình mà lưu hành, mà tiến hóa. Những người đã tu đến bậc nhân, bậc thánh, thì sau khi chết rồi lên ở trên Trời, như trong Kinh Thi nói rằng: “Tam hậu tại thiên 三后在天” hay là “Văn Vương trắc giáng tại Đế tả hữu 文 王 陟 降, 在 帝 左 右”. Chính là cái nghĩa cho tinh thần người ta không bao giờ mất vậy.
Nho giáo tuy không nói rõ, song xét kỹ ra thì hình như cho là hễ người ta mà ai cố gắng tu dưỡng thì cái tinh thần lên đến Trời, mà không thì cứ chìm đắm ở chỗ vật chất, không thoát ly ra được. Thiết tưởng đó là cái vi chỉ của Nho giáo nói ở chương XX, XXI và XXII trong sách Trung Dung là sách nói về cái triết học rất cao của Nho giáo.
Về cái quan niệm trọng thực nghiệm thì Nho giáo vốn có cái tông chỉ chú trọng về đường thực tế. Có người cho cái học trọng thực nghiệm ấy chính là cái học của Auguste Comte, người nước Pháp, xướng lập ra trong thế kỷ thứ XIX vừa rồi, cho sự tìm nguyên nhân của tạo hóa là không sao thấy được, chi bằng cứ xét sự thực và các công lệ tự nhiên để làm cái học của người ta. Auguste Comte theo cái lý tưởng ấy mà lập ra một môn triết học lấy sự thực nghiệm làm chủ nghĩa, lấy sự biến hóa của nhân loại làm tông chỉ và lấy sự thờ những bậc thượng trí làm tông giáo. Do triết học ấy mà ông lập thành một đạo luân lý rất cao, chủ ở lòng thí xã và lòng bác ái. Đem học thuyết ấy mà so với đạo luân lý của Nho giáo thì có nhiều điều giống nhau thật, song tinh thần thì có khác, là vì Nho giáo tuy trọng sự thực nghiệm, nhưng vẫn lấy thiên lý làm cơ bản, vẫn nhận có Trời làm chủ tể, và vẫn lấy sự giữ bản tính cho đến bậc chí thành làm cốt yếu. Vậy về đường tinh thần, Nho giáo vẫn có phần cao hơn và có thể khiến người ta cố gắng được hơn cái thực nghiệm của Auguste Comte.
Nho giáo sở dĩ biết rõ đạo Trời cùng cái lẽ chí thiện trong đạo luân lý, mà biết một cách rất rõ ràng chắc chắn, là vì chú trọng ở cái khiếu biết tự nhiên của Trời phú cho. Cái khiếu biết ấy gọi là lương tri, theo lối nói ngày nay, gọi là trực giác, tức là sự biết rất nhanh, rất rõ, suốt đến cái tinh thần cả một toàn thể. Lấy cái khiếu biết ấy mà xem xét mọi sự vật, nghĩa là lấy con mắt tinh thần mà trông suốt đến cái tinh thần của các sự vật, thi không bao giờ sai được. Cách dùng trực giác như thế cần phải có công phu lắm, vì phải bỏ hết cái tư tâm, tư dục đi, rồi đem tinh thần minh mẫn của mình chú vào tinh thần của sự vật mình xét, thì mới thấy rõ được cái chân hình chân tướng của sự vật ấy.
Cái học dùng trực giác của Nho giáo có phần tương hợp với cái học của Henri Bergson là một nhà triết học trứ danh ở nước Pháp, đã phát huy ra ở bên Âu châu ngày nay, chủ lấy trực giác mà xét các chân lý. Tuy rằng lối Tây học thì bao giờ cũng tinh vi và đúng phương pháp khoa học hơn, nhưng đó là phần hình thức bề ngoài, chứ lấy phần tinh thần mà so sánh cái học của Nho giáo với cái học của Henri Bergson, thì thấy có nhiều điều không xa nhau là mấy. Ta càng xem kỹ cái học của Henri Bergson ta lại càng thấy rõ cái phần cao minh của Nho giáo.
Nhưng đây chỉ nói lược qua đại ý của các học phái bên Tây để độc giả biết cái tinh thần Tây học cùng với tinh thần Nho giáo tương đồng, tương dị là thế nào, mà phê bình và phán đoán cho khỏi sai lầm. Chủ ý là để làm cho rõ học thuyết của Nho giáo, chứ không phải là để kê cứu cho tường tận các học phái bên Tây. Song cứ bình tĩnh mà xét, giả sử đem bóc lột các vỏ văn từ của Tây và Đông khác nhau đi, rút lấy cái tinh thần của Nho giáo và các học thuyết ở Tây phương đã nói trên kia, thì thấy cái tư tưởng của nhân loại dẫu Đông, Tây mặc lòng, có lắm khi cũng rung động theo một dịp tương tự như nhau, và thường hay gặp nhau ở trên một con đường vậy. Chỉ khác nhau ở sự thực tiễn, mỗi phương có một phong thổ, có một tập quán, cho nên sự hành động không được tương hợp. Những sự khác nhau ấy há chẳng phải là thiên lý lưu hành biến hóa, tùy thời mà điều hòa cho vạn sự các đắc kỳ sở hay sao? Khác là khác hình thức ở bề ngoài, chứ tinh thần chủ động ở trong thường cũng là một mà thôi. Vậy bất kỳ Đông học hay Tây học, nếu ta biết lấy cái tinh thần mà suy xét mọi sự vật, ắt là ta biết rõ cái tông chỉ của các thánh hiền đều chủ ở sự làm cho cao phẩm giá của nhân loại. Các nhà tân học nước ta ngày nay tưởng không nên vội vàng cho cái học cũ là dở, chỉ nên suy xét cho kỹ, xem cái hay cái dở do tự đâu để tìm cách bồi bổ thêm vào thì chắc sự học vấn tương lai của người mình ắt có thể tiến ích vậy.
***
Nho giáo từ đời Xuân Thu trở đi, nhờ có Khổng Tử đem phát huy ra làm thành một học thuyết có tông chỉ rõ ràng, có thống hệ phân minh, cho nên về sau nói Khổng giáo tức là nói Nho giáo. Khổng Tử ngắm cảnh tượng của tạo hóa mà xét việc cổ kim, đạt được lẽ biến hóa của trời đất. Ngài muốn người ta theo cái đạo ấy mà hành động, khiến cho nhân sự và thiên lý cùng thích hợp với nhau theo đạo thái hòa trong vũ trụ. Ngài tin rằng người ta sinh ra đã bẩm thụ cái lý khí của trời đất, tất là cùng với trời đất có thể tương cảm, tương ứng với nhau được. Sự tương cảm, tương ứng ấy lúc nào cũng có, nhưng khi ta để lòng tư dục mạnh lên, rồi chỉ dùng lý trí mà tính toán những điều hơn thiệt riêng của mình thì cái tinh thần rối loạn đi, cái trực giác thành ra ám muội, dẫu có cảm có ứng, ta cũng không biết được. Nhưng nếu ta biết nén tư dục xuống, giữ cho lúc nào cũng có thái độ điều hòa, cái bình hành hoàn toàn, thì cái trực giác thành ra mẫn nhuệ, trông cái gì thấy ngay được đến phần rất sâu xa, u uẩn.
Giữ được thái độ điều hòa và cái bình hành hoàn toàn, tức là giữ được cái trung. Cứ ở trong cái trung ấy mà hoạt động mà lưu hành theo thiên lý, rồi cứ đôn đốc tình cảm cho thật hậu, thì tất là đến bậc nhân. Người nào tu dưỡng đến bậc nhân, thì tinh thần rất hoạt động, xem xét điều gì cũng biết rõ thực hư, và sự hành vi bao giờ cũng hợp với đạo thái hòa của trời đất. Đã nhân mà lại thành là bậc thánh. Thành là chân thực, đúng như cái lý tự nhiên của trời đất Người chí thành tức là người đã khiến mình trở nên thuần túy như nguyên tính của Trời phú cho, thì tự khắc biết được hết cái tính của muôn vật, và có thể giúp sự hóa dục của trời đất mà sánh ngang với trời đất Bởì thế cho nên mới gọi là thánh. Tông chỉ đạo Khổng rút lại chỉ có thế mà thôi. Còn những điều hiếu nghĩa, lễ trí, trung tín đều bởi đó mà ra cả.
Cứ như ý kiến của Khổng Tử, thì vạn vật ở trong vũ trụ cứ biến hóa theo lẽ điều hòa và lẽ tương đối mà lưu hành mãi mãi, không lúc nào nghỉ. Thiên đạo đã không nhất định, thì ở đời có việc gì là việc nhất định được. Vậy ta cứ nên tùy thời mà hành động, miễn là lúc nào cũng giữ lấy thái độ điều hòa, cái bình hành hoàn toàn thì sự hành vi của ta bao giờ cũng được trung chính. Làm việc gì cũng giữ cho trung bình, vừa phải, không thái quá, không bất cập, ấy là theo cái đạo trung dung rất phải rất hay. Khổng Tử đem tông chỉ ấy mà lập thành một cái đạo nhân sinh triết học tức là cái đạo luân lý rất êm ái, rất hòa nhã, đủ làm cho người ta có cái vẻ thư thái vui thú, không có những điều lo sợ buồn bã.
Có người nói rằng Nho giáo đã theo thiên lý mà lưu hành để cầu lấy sinh thú ở đời, thì sao không để cho người ta được phóng khoáng tự do như Lão giáo, mà lại đem nhân, nghĩa, lễ, nhạc để hạn chế sự hành vi của người ta làm thành ra có lắm điều câu thúc khó chịu. Xin trả lời rằng Nho giáo sở dĩ khác Lão giáo chỉ bởi có thế mà thôi. Lão giáo thì cầu lấy sự phóng khoáng tự do, không muốn bận đến mình, cho mọi việc đã có Đạo là cái chí cao chí cường làm chủ trương rồi. Nho giáo thì cho nhân, nghĩa, lễ, nhạc là cái dụng của thiên lý, mình có làm được những điều ấy thì mới theo được thiên lý mà lưu hành. Vậy cái sinh thú của mình là cầu lấy được thung dung tự đắc ở trong những điều ấy. Còn những sự câu thúc vụn vặt, thì không phải là tông chỉ của Nho giáo, đó chẳng qua là về sau những người nho học hiểu lầm cái tông chỉ ấy cho nên mới bó buộc mình vào những lễ nghi chật hẹp, làm cho sai lạc mất cái tinh thần thuần túy của Nho giáo. Kỳ thực là những điều nhân, nghĩa, lễ, nhạc có cái ý nghĩa rất sâu xa, rất rộng rãi, ai đã theo được con đường ấy mà đi là không có điều gì là câu thúc khó chịu cả. Xét ra cho kỹ, Nho giáo trọng những điều nhân, nghĩa, lễ, nhạc, chính là một việc rất quan hệ về đường tâm lý học. Đã hay rằng việc sinh hóa do ở thiên lý, nhưng người ta ai cũng có tư dục. Nếu không có cái gì giữ cái tư dục cho có chừng mực, và khiến người ta biết theo đường thẳng mà đi, thì rồi dần dần tư dục mạnh lên, đem ta đi vào những đường quanh co, lâu thành ra không biết đường nào là phải mà đi nữa. Bởi thế thánh nhân mới định rõ thế nào là nhân, thế nào là nghĩa. Nhân là để cho được yên và vui, nghĩa là để cho biết điều trung chính mà làm. Lại định ra lễ để gây thành những tình cảm tốt, để tài chế sự hành vi của người ta và để phân ra trật tự cho phân minh, không có điều gì hồ đồ rối loạn: chế ra nhạc để khiển trên dưới điều hòa mà cùng nhau hành động cho
thích hợp với cái đạo thái hòa của trời đất. Nhân, nghĩa, lễ, nhạc tự hồ những con đường đã làm sẵn, đi ngang đi dọc thế nào đã có nêu, có mốc chỉ rõ cả rồi, ta cứ yên lòng mà đi, không phải nghi ngờ lo sợ điều gì nữa. Ấy là một cách làm cho ta ung dung ở trong quy củ, tức là được yên và vui. Đã được yên và vui, rồi cứ theo lẽ tự nhiên của tạo hóa mà đổi thời dục vật, như thế chẳng phải là gây thành một cái sinh thú ở đời hay sao?
Ta nên biết rằng cái học của Khổng Tử chủ ở đạo nhân. Nhân là cái thể yên lặng, rất dễ cảm, dễ ứng, mà bao giờ cũng có tình cảm rất hậu, đối với sự vật gì cũng có lòng cảm xúc, và hành động lúc nào cũng trúng tiết và hợp thiên lý. Người có nhân thì có trực giác rất mẫn nhuệ, cái gì thoáng qua cũng trông thấy rõ ràng, hiểu biết ngay được mọi ý nghĩa tinh vi và suốt đến cái công lý chung cả toàn thể, không phải từ từ lần theo từng mối một, mới thấu tới cái chân lý. Người không có nhân thì trực giác mờ tối, trông cái gì cũng không thấy rõ ngay được, cho nên mới phải dùng lý trí mà suy tính những điều tư lợi.
Lý trí là cái năng lực để suy luận mà biết mọi việc. Song lý trí chỉ hiểu biết được tính chất và hình thể ở bề ngoài của các sự vật mà thôi. Bởi thế cho nên lý trí chỉ cho ta biết được những cái mà ta có thể định được nghĩa, tức là chỉ cho ta biết được cái vỏ ở ngoài, chứ không cho biết được cái tinh thần linh hoạt ở trong các sự vật. Cái tinh thần ấy có khi tự nhiên ta biết được, mà không có thể nói rõ ra được. Thường những điều ta nói ra được, hoặc vẽ ra được, lại không phải là cái tinh thần nữa. Vậy nếu ta bỏ trực giác là cái biết của tâm, mà chỉ chuyên dùng lý trí, thì thường hay làm cho ta sai lầm.
Đây ta phải hiểu rõ cái học của Khổng Tử thường lấy nhân, trí, dũng làm ba cái đạt đức của người quân tử. Vậy cái trí tự nhiên hợp với thiên lý rất quý. Song người đời hay có ý xuyên tạc, dùng trí mà làm những việc đa sự, trái với lẽ thường, cho nên mới thành ra dở. Mạnh Tử là người tự xưa đến nay hiểu đạo Nho hơn cả, nói rằng: “Cái đáng ghét trong cái trí là vì cái ý xuyên tạc, chứ như cái trí trị thủy của vua Vũ, thì không có điều gì là đáng ghét. Vua Vũ trị thủy làm điều vô sự, nghĩa là cứ thuận cái tính của nước mà cho nước chảy. Cái trí ấy thật là lớn vậy” (Mạnh Tử, Ly lâu hạ).
Cái trí xuyên tạc ấy là cái trí thuật, tương phản với cái trí tự nhiên. Hễ lúc nào ta bỏ mất cái trí tự nhiên đi mà dùng trí xuyên tạc, thì cái trí xuyên tạc ấy cứ tùy tùng cái tư dục mà khiến người ta thiên về đường tư lợi, thành ra làm mất cái lẽ điều hòa, cái bình hành tự nhiên.
Vậy nên Khổng Tử chủ dạy người ta cầu lấy đạo nhân, để theo trực giác mà hành vi, nghĩa là cầu lấy trí tự nhiên hơn là cầu lấy cái trí thuật để suy tính những điều hơn thiệt. Cái trí thuật thường hay mượn cái lý trí để làm tối mất chân lý. Lý trí của người ta dẫu minh mẫn thế nào, cũng có giới hạn, không hiểu biết được nhanh và sâu xa như trực giác. Có lắm điều cứ để tự nhiên theo trực giác thì biết rõ ngay được, mà dùng lý trí đề suy xét, thì nghĩ ngợi mãi không ra manh mối. Là vì những sự biết mẫn tiệp và sâu xa là thường do trực giác, chứ không phải là do lý trí. Song khi đã biết điều gì rồỉ, tất phải dùng lý trí mà kiểm soát lại, để biết cho rõ những điều đã do trực giác mà biết. Bởi vậy không nên quá tin ở lý trí, sợ nó làm mất cái trung, tức là không thích hợp với cái lý tự nhiên của trời đất. Người ta mà chuyên trọng lý trí thái quá, thì có thể khôn ngoan, tinh xảo lắm thật, nhung càng khôn ngoan, tinh xảo bao nhiêu thì lại càng làm cho đời người thành ra một cuộc chiến đấu rất thê thảm bấy nhiêu, không lợi gì cho cái sinh thú ở đời.
Thiết tưởng đó là cái đặc sắc của Khổng giáo. Không phải là xưa nay người Tàu không biết có cái học thuyết nào khác nữa, xem như về cuối đời Xuân Thu, cùng gần đồng thời với Khổng Tử, đã có Mặc Tử xưởng lập lên một học thuyết, tưởng đời nay chắc hẳn có nhiều người sùng bái. Nhưng Khổng giáo thì chủ lấy trực giác mà theo thiên lý, Mặc giáo thì chủ lấy lý trí mà khiến nhân dục. Khổng giáo thì cứ để tùy cảm mà ứng, cốt cầu lấy sự ung dung thư thái, Mặc giáo thì bất cứ việc gì cũng tìm cái lẽ để làm gì, hay làm thế nào, trí não cứ phải suy hơn tính thiệt, lúc nào cũng phải lo nghĩ, được cái này muốn cái nọ, bụng người ta thật là chật vật vất vả. Khổng giáo muốn tiến hóa theo lẽ tự nhiên, cầu lấy trật tự phân minh, trên dưới hòa thuận, Mặc giáo cầu lấy sự tiến thủ, lo hạn chế thế lực tự nhiên, thật là thích hợp với tư tưởng và cuộc sinh hoạt ngày nay vậy. Hai học thuyết ấy đã xung đột nhau, để chiếm lấy thế lực ở xã hội nước Tàu trong hàng mấy trăm năm. Nhưng vì Khổng giáo có phần cao minh hơn và lại thích hợp với tính tình người Tàu, cho nên mới chiếm được địa vị độc tôn, mà Mặc giáo thì phải tiêu ma đi mất.
Xét ra cho kỹ, thì đạo nhân của Khổng Tử có cái sở trường là đem nhân đạo điều hòa với thiên đạo, làm cho đời người có cái vẻ ung dung thư thái. Nhưng trong cái sở trường ấy có những sở đoản, thiết tưởng ta cần phải biết. Một là đạo nhân không phổ thông được cho đại đa số của nhân chúng, chỉ có một phần ít người có tư cách đặc biệt mới tu được đến bậc nhân mà thôi, con người thường vẫn cứ bị vật dục quyến rũ, hay khuynh hướng về đường công lợi, Tuy thánh nhân có dự bị lễ nghĩa để tái chế cái tư dục của người ta, cho khỏi chếch lệch thái quá, song cái thế lực của lễ nghĩa cũng không lan ra được đến hạng người hạ lưu không có học thức. Thành thử phần nhiều người trong xã hội vẫn đắm đuối ở trong vật dục, mà đạo thánh hiền tuy hay thật, nhưng không thi hành được khắp thiên hạ. Hai là một cái học thuyết chú trọng trực giác như Nho giáo, thì chỉ thi thố ra được ở thời đại nhân dân còn có tính chất phác, sự làm ăn còn giản dị, chứ khi nhân trí đã biến thiên, khoa học đã thịnh hành, cuộc sinh hoạt thành ra phiền phức như thời nay, thì cái học thuyết ấy vị tất đã có mấy người chịu theo, mà có theo nữa, cũng chưa chắc đã theo được đúng. Vì là
trực giác tuy có mẫn tiệp, các nhà học vấn thời nay vẫn cần đến luôn, song nó chỉ là lợi khí của một hạng người thượng trí dùng được mà thôi, còn số người thường thì dùng trực giác không được chắc chắn. Dùng trực giác, thì chỉ cậy ở tia sáng của tinh thần mà thôi, nhưng khi mà tâm người ta không chính, ý không thành, thì biết đâu tia sáng ấy lại không bị thế lực của tập quán hay thế lực khác làm cho nó không chiếu đúng vào chân lý được. Vậy nên phải dùng lý trí mà kiểm soát những điều mình đã biết, để biết chắc sự biết của mình là xác thực. Bởi thế cho nên ngày nay người ta tuy vẫn công nhận trực giác là cách để hiểu biết rất quý, rất tốt, nhưng vẫn cần phải dùng lý trí để thí nghiệm hoặc để phân tích những lẽ mình đã biết, cho rõ ràng chắc chắn. Song phải cần có một điều là đừng để cho lý trí làm nô lệ tư dục, thì sự dùng lý trí là một việc rất hay. Tưởng ý ấy không trái tông chỉ của Nho giáo, vì Nho giáo cốt phải tùy thời mà biến đổi để cho hợp đạo trung. Vậy thì nay ta phải dùng cả trực giác và lý trí. Trực giác là để biết, mà lý trí là để kiểm soát. Đó là phương pháp của khoa học ngày nay phải như thế. Không có phương pháp ấy không phải là khoa học.
Nay ta ở vào thời đại khoa học đang tiến bộ, ta không thể trở lại theo lối sinh hoạt thời cổ được. Song cái tinh thần của Nho giáo vốn có phần rất mỹ mãn, vả đã có rễ ăn sâu xa vào tủy não của người mình. Nếu ta không hiểu tinh thần ấy cho đến nơi đến chốn, chưa gì đã vội đem cất bỏ đi, thì vị tất đã lợi cho tương lai của xã hội mình. Vậy nên mong rằng ta giữ được cái nền đạo đức cũ mà tham chước với sự sinh hoạt đương thời, để cho tâm với trí cùng tiến hóa, cùng điều hòa được với nhau, thì có lẽ cái đạo của thánh hiền cũng có thể sáng rõ ra được, và nhân loại không đến nỗi lờ mờ như người đi đêm vậy. Nho giáo trọng sự chính tâm, tu thân, nhưng vẫn lấy điều trí tri, cách vật làm cốt yếu. Vậy đem Nho giáo mà dung-hợp với khoa học ngày nay, tưởng cũng không phải là trái với tông chỉ của Khổng, Mạnh, phải tùy thời mà biến đổi. Miễn là lúc nào cũng giữ lấy nhân nghĩa làm gốc, thì càng thay đổi bao nhiêu lại càng thích hợp với cái chủ nghĩa của Nho giáo bấy nhiêu.
Nho giáo truyền đến đời Tây Hán, vì nhờ có quân chủ bảo hộ mới thịnh hành dần dần lên. Song lúc Hán sơ, Lão giáo và Mặc giáo còn đang có thế lực, Nho giáo chưa chiếm được độc quyền ở trong xã hội Tàu. Đến cuối thế kỷ thứ hai trước Tây lịch kỷ nguyên, vua Vũ Đế nhà Hán nghe lời thỉnh cầu của Đổng Trọng Thư, mới bắt các học giả phải chuyên trị lục nghệ và bãi truất bách gia. Từ đó về sau Nho giáo thành ra quốc giáo và những người nho học mới chiếm được địa vị tôn trọng ở triều đường. Kế đến đời Đông Hán vào quãng thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch kỷ nguyên, Nho giáo mới thật là cực thịnh. Vì thuở ấy không những là những người nho học được trọng dụng ở triều đình mà thôi, còn có các danh nho mở trường dạy học, môn đệ có khi đông đến hàng mấy ngàn người, đem Nho giáo truyền bá ra khắp chỗ dân gian. Ấy là thời đại Nho giáo thịnh đến cực điểm.
Song cũng vì Nho giáo chiếm được cái quyền độc tôn, mà thành ra có nhiều điều hư hỏng. Vì theo lẽ tự nhiên của trời đất, thì trong thế gian không có cái gì là cái không biến. Có biến thì mới sống, không biến là chết Đó là cái lẽ huyền bí của tạo hóa, dẫu có muốn thế khác, cũng không sao được. Học thuyết, tông giáo, chinh trị nào cũng vậy, hễ không theo công lệ ấy, đều là hư hỏng cả. Phàm khi đã nhận một cái hình thức làm nhất định, ai cũng cho là hoàn toàn, không dám phê bình đến, không dám sửa đổi gì nữa, lâu ngày thành ra cái vỏ cứng, rồi cứ khô dần đi, không có cái khí sinh hoạt làm cho ngày ngày càng mới thêm, càng tươi tốt thêm, thì tất là cái tinh thần mất mòn đi, sau chỉ còn có cái xác không mà thôi. Ấy là chính lúc Nho giáo cực thịnh, tức là lúc bắt đầu suy vậy.
Về sau các học giả lại thiên về mặt khoa cử, tuy nói là chủ lấy Nho giáo làm cốt, song chỉ chuyên trị về đường từ chương thi phú, gây thành cái học hư văn. Mãi đến thế kỷ thứ XI và XII sau Tây lịch kỷ nguyên, bọn Tống nho vì có cái ảnh hưởng Lão học và Phật học, mới đem tinh thần Nho giáo mà phát huy ra. Nhưng tập tục đã lâu đời, cái lưu lệ vẫn không bỏ đi được, và bọn Tống nho lại thường hay câu nệ về những tiểu tiết, thành thử cái tông chỉ của Nho giáo cứ sai lầm mãi. Tuy vậy, bọn Tống nho cũng đã vãn hồi được ít nhiều cái tinh thần của Nho giáo cũ, nhưng sau thời đại trung hưng ấy, Nho giáo qua sang đời Minh, đời Thanh, lại kết thành một thứ vỏ khô, cứng cỏi hơn trước. Bởi thế cái tinh thần lại càng suy nhược lắm nữa.
Đến nay thời cục biến đổi, thế lực tân học mạnh lên, lòng người thiên về đường trí xảo, tình cảm càng ngày càng đơn bạc, văn hóa vật chất cực thịnh. Nho giáo tự hồ cái nhà cũ đã hẩm nát hết cả, động đến là đổ bẹp xuống. Đó là lỗi của bọn Nho học không biết theo đúng tông chỉ của Khổng Tử, phải tùy thời mà biến đổi cho hợp lẽ tự nhiên, cho nên mới thành ra kết quả tồi tụy như ngày nay. Giả sử ta biết nhận cái lỗi ấy, rồi tìm cách mà sửa đổi lại cho hợp thời, thì biết đâu sau này Nho giáo dung hòa với khoa học, lại không thành ra cái học có giá trị lắm hay sao?
Dẫu thế nào mặc lòng, có một điều là ai đã hiểu tường tận tông chỉ Nho giáo, thì cũng phải công nhận là một đạo rất cao minh của nhân loại đã phát huy ra từ xa đến nay. Tuy rằng người ta đem thi hành ra không được hoàn toàn, có nhiều người hiểu lầm, song ai đã tâm đắc cái tinh thần, thì cũng có cái nhân cách tôn quý đặc biệt, khác hẳn người thường.
Đó là việc sau này ta sẽ xét rõ theo từng thời đại. Nay hãy nói qua tông chỉ của Nho giáo để độc giả biết cái
đại cương. Vì có biết tông chỉ của Nho giáo sở chủ về lẽ gì, thì sau xem các mục, các tiết, mới biết rõ được các manh mối.
THIÊN I. THƯỢNG CỔ THỜI ĐẠI
Nguyên lúc đầu người Tàu ở phía tây bắc tràn xuống miền Hoàng Hà đánh đuổi người Miêu tộc ở bản xứ đi rồi mỗi họ chiếm giữ lấy một chỗ để làm khu vực của mình. Họ nào cũng có người tộc trưởng làm đầu, cai quản cả người trong họ ở khu vực ấy, gọi là hậu 后, tức là ông vua một xứ nhỏ. Những xứ nhỏ ấy có đến hàng nghìn, hàng vạn, cho nên mới gọi là vạn bang 萬邦. Các ông hậu ấy lại chọn lấy một ông hậu khác có tài, có đức, lập lên làm đế tất cả các nước gọi là nguyên hậu 元后, về sau xưng là thiên tử 天子. Các hậu gọi là chư hầu 諸侯, ai ở nước nào trị nước ấy, nhưng phải phục tòng mệnh lệnh nguyên hậu và hàng năm phải triều cống.
Hậu trị một nước, hay đế trị cả thiên hạ đều theo cái chế độ gia tộc. Nhà thì có cha làm chủ, coi cả các con. Trong các con có đứa lớn đứa nhỏ: Lớn là anh, nhỏ là em. Anh có quyền sai bảo em, em phải phục tòng anh. Nước thì có vua làm chủ, có quan để coi mọi việc, giúp vua mà trị dân. Ở trong nước cùng như ở trong nhà, bao giờ cũng phải giữ tôn ti, trật tự rất nghiêm, nhưng cha phải bảo thủ quyền lợi của các con, vua phải bảo thủ quyền lợi của dân. Con thì yêu kính cha, dân thì tôn kính vua. Đại để việc chính trì của dân tộc Tàu về đời thượng cổ giản dị và rõ rệt như thế.
Tin Trời và quỉ thần. Song việc chính trị chỉ giữ được trật tự bề ngoài mà thôi, còn như sự sống, chết bất thường, việc cát, hung, họa phúc, lắm khi không biết tự đâu xảy đến, sự làm ăn lại khó khăn, khi lo sợ, lúc ốm đau, thường không phải là tại việc chính trị mà sinh ra, tất là người ta đổ cho tại cái thế lực gì ở ngoài cuộc nhân sinh chủ trương những điều ấy. Bởi thế mới có sự tin quỉ, tin thần, và sự cúng tế cầu nguyện, v.v. Phàm ở trong trời đất, cái gì có hình, hoặc là vận động được như mặt trời, mặt trăng, sao, núi, sông, sấm, chớp, gió, mưa, v.v. là người ta cho có thần cả; và cho những thần ấy đều can thiệp đến sự sinh hoạt của người. Đó là cái lòng tín ngưỡng của dân tộc nào lúc đầu cũng thế.
Đã có người, lại có quỉ, có thần, thì tất là có một cái thế lực nào nữa rất to hơn, chủ trương cả toàn thể trong vũ trụ. Cứ lý tự nhiên mà suy ra: Nhà có cha, nước có vua, thiên hạ có đế, thì vũ trụ phải có một đấng nào làm chủ. Nhưng vũ trụ mênh mông mà chỗ nào cũng thấy tầng trời xanh xanh bao bọc khắp cả mọi nơi, người ta mới nghĩ ra ông Trời. Chắc lúc đầu người Tàu cũng cho ông Trời như là một ông nguyên hậu ở dưới trần gian này, vậy nên mới gọi ông Trời là Đế, hay là Thượng Đế 上帝. Thượng Đế ở trên trời cai quản cả bách thần và vạn vật ở trong vũ trụ, và lại là một đấng chí nhân hay thương dân. Kinh Thi nói rằng: “Hoàng hỹ thượng đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc 皇矣上帝, 臨下有赫, 監觀四方, 求民之莫: Đức Thượng Đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khốn khổ của dân mà cứu giúp”. Vậy nên người bao giờ cũng phải kính và sợ Trời. Kính Trời và sợ Trời là cơ bản đạo đức của người Tàu.
Tư tưởng về vũ trụ. Nhưng đó vẫn là quan niệm thuộc về phần hình thức, chưa phải là lý tưởng của những bậc hiền triết. Dần dần về sau những người trí thức nghĩ ngợi sâu xa, mới hiểu rằng không lẽ ông Trời lại nhỏ hẹp như người ta và cũng có hình dáng như ta được, tất là một cái lý chí linh, chí diệu, làm chủ tể cả muôn vật. Muôn vật sở dĩ sinh ra hay là hóa đi đều do ở cái lý ấy chủ trương. Vậy nên mới nói rằng: Trời là bản nguyên của muôn vật.
Vũ trụ lúc đầu là một cuộc hôn mông mờ mịt, không phân biệt ra gì cả. Trong cuộc hôn mông ấy có cái lý quang minh, linh diệu vô cùng, tức là Thái Cực. Song Thái Cực là đơn nhất, tuyệt đối, ẩn khuất không rõ ra, cho nên không sinh hóa được. Muốn sinh hóa thì phải có đôi, có tương đối, có điều hòa. Vậy nên Thái Cực biến hóa thành ra âm và dương. Âm, dương theo lẽ điều hòa mà sinh ra ngũ hành là thủy, hỏa, kim, mộc, thổ, để biểu thì những cái khí chất đã thành hình.
Ta nên hiểu rằng: cổ nhân dùng hai chữ âm dương là để biểu thị hai cái tương đối như động, tĩnh, sáng, tối, cứng, mềm, v.v. Và dùng những chữ thủy, hỏa, kim, mộc, thổ là để biểu thị những cái vật chất có thể tương sinh, tương khắc với nhau. Đại ý là để khiến người ta hiểu rằng trong trời đất phải có cái đạo điều hòa mới sinh hóa được. Hậu thế nhiều người ngộ nhận cái ý nghĩa ấy cho âm dương và ngũ hành là cái khí nhất định, cho nên mới thành ra nhiều sự sai lầm.
Lúc âm dương đã phân định thì cái khí khinh thanh lên làm trời, cái khí trọng trọc xuống làm đất, ở giữa khoảng trời đất, âm dương điều hòa với nhau mà sinh ra muôn vật, vật nào bẩm thụ được nhiều thanh khí thì làm thần, làm thánh, vật nào bẩm thụ được ít thì làm người thường hay là các loài khác. Thiên nhân tương dữ. Tự đời thượng cổ, người Tàu đã có tư tưởng cho người ta sinh ra ai cũng bẩm thụ cái tính của Trời. Cái tính ấy tức là một phần thiên lý. Vậy Trời với người quan hệ nhau rất mật thiết lắm. Bởi thế mới lấy pháp tắc tự nhiên của Trời làm mô phạm của người và cho thiên luân là nhân luân, thiên đạo là nhân đạo. Kinh Thi nói rằng: “Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức 天生蒸民,有物有則。民之秉彝,好是懿 德: Trời sinh ra dân, có hình phép, dân giữ tính thường, muốn có đức tốt”. Trời sinh ra người, cho người có lòng muốn đức tốt, thì người phải lấy Trời làm gốc, phải kính Trời, sợ Trời, và phải theo cái bản tính của Trời đã phú cho mà ăn ở cho hợp với đạo Trời.
Cái tư tưởng đặc biệt của người Tàu là cho thiên đạo và nhân sự quan hệ với nhau. Trời là cái công lý tự nhiên lưu hành khắp cả mọi nơi. Vậy kính Trời và sợ Trời là phải giữ mình lúc nào cũng kính cẩn, lúc ngồi im lặng một mình cũng như lúc làm công kia việc nọ, bao giờ cũng phải theo thiên lý mà hành động: Làm việc gì hợp với lẽ trời là phải, là hay, nghịch với lẽ trời là trái, là dở. Trời với người liên lạc với nhau mật thiết như thế, thì tất có thể tương cảm tương ứng được. Vậy nên người Tàu hay dùng bốc phệ, nghĩa là hay bói mai rùa và bói cỏ thi. Thiên Hồng Phạm trong Kinh Thư nói rằng: “Nhữ tắc hữu đại nghi, mưu cập nãi tâm, mưu cập khanh sĩ, mưu cập thứ nhân, mưu cập bốc phệ 汝則有大疑,謀及乃心,謀及卿士,謀及 庶人,謀及卜筮: Ngươi (vua) có điều ngờ lớn, thì tự trong bụng suy nghĩ cho kỹ, rồi bàn với khanh sĩ, hỏi những thứ nhân, hỏi bốc phệ”. Trước hết mình phải xét kỹ, rồi mới bàn với người, nếu còn hồ nghi nữa thì sau cùng mới dùng bốc phệ. Dùng bốc phệ là hỏi quỉ thần để biết sự cát, hung. Quỉ thần là âm dương bất trắc, mà nhân sự thì cũng không ra ngoài được cái lẽ điều hòa của âm dương và ngũ hành, cho nên ta có thể lấy âm dương và ngũ hành mà đoán được việc lành, việc dữ. Bởi thế, khi có việc quan, việc nước, hay việc tế tự là các vua chúa đều phải bói rồi mới dám quyết. Thành thử bốc phệ bao giờ cũng có địa vị rất hệ trọng trong hành vi của người ta. Vua chúa đời xưa đều phải đặt quan thái bốc để giữ việc bói toán.
Tông giáo. Trời là lý nhưng là cái lý linh diệu vô cùng, làm chủ tể cả muôn vật và ở chỗ nào cũng có, cho nên người ta phải kính Trời và sợ Trời. Vì có lòng kính sợ ấy mới đặt ra lễ nghi rất tôn nghiêm để tế Trời và tế quỉ thần. Nhưng Trời là chí tôn, thì chỉ có thiên tử là người đã chịu mệnh Trời mà trị muôn dân, mới được quyền thay muôn dân để tế Trời và quỉ thần, còn chư hầu thì ai ở phương nào tế thần phương ấy, các quan và kẻ sĩ thì tế tổ tiên trong nhà. Sự tế tự ấy nói rõ ràng ở trong sách Lễ Ký, thiên Khúc lễ hạ: “thiên tử tế thiên địa, tế tứ phương, tế sơn xuyên, tế ngũ tự; chư hầu phương tự, tế ngũ tự; đại phu tế ngũ tự; sĩ tế kỳ tiên 天子祭天地,祭四方,祭山川,祭五祀; 諸侯方祀,祭五祀; 大夫祭五祀; 士祭其先: thiên tử tế trời đất, tế bốn phương, tế núi sông, tế ngũ tự; chư hầu tế phương mình ở, tế ngũ tự; quan đại phu tế ngũ tự; kẻ sĩ tế tổ tiên, Ngũ tự là tế thần cửa, ngõ, giếng, bếp và ở giữa nhà.
Xem thế thì biết rằng người đời xưa lấy việc tế tự làm quan trọng lắm, mà trong sự tế tự của người Tàu có cái đặc sắc là việc thờ cúng tổ tiên. Sách Lễ Ký nói rằng: “Vạn vật bản hồ thiên, nhân bản hồ tổ 萬物本乎 天, 人本乎祖: Muôn vật gốc ở Trời, người gốc ở tổ”. Ngoài việc thờ Trời ra thì việc thờ tổ tiên là trọng hơn cả. Trời thì chỉ có thiên tử mới được tế mà thôi, còn tổ tiên thì từ vua quan cho chí nhân dân, ai cũng phải thờ. Sự thờ cũng ấy do sự tin rằng lúc người ta chết rồi thể phách tan nát đi, nhưng tinh anh hãy còn, thành ra quỉ. Quỉ cùng thiêng liêng như thần, có thể can thiệp đến việc người và phù hộ cho con cháu. Nhất là những người lúc sinh thời có tài, có đức, đã làm vua làm chúa, thì lúc chết lên ở trên trời. Kinh Thi nói rằng: “Tam hậu tại thiên 三后在天: ba vua ở trên trời”. Ba vua là nói Vương Quý, Văn Vương và Vũ Vương, tức là ba ông tổ nhà Chu. Lại có chỗ nói rằng: “Văn Vương trắc giáng, tại đế tả hữu 文 王 陟 降, 在 帝 左 右: Vua Văn Vương lên xuống ở bên tả bên hữu Thượng Đế”.
Những vua chúa chết rồi lên ở trên trời, cho nên trong khi tế tự, nhà vua đem tổ tiên vào cúng tế với Trời. Sách Lễ Ký chép rằng: “Giao tự hậu tắc dĩ phối thiên, tông tự Văn Vương ư minh đường dĩ phối Thượng Đế 郊祀后稷以配天,宗祀文王於明堂以配上帝: Tế giao thì tế hậu tắc để phối hưởng với Trời, tế tông miếu thì tế Văn Vương ở nhà minh đường để phối hưởng với Thượng Đế”. Vì lẽ rằng người ta đã bẩm thụ lý khí của Trời, thì khi chết rồi, ai giữ được lý khí ấy tinh thuần thì lại được lên trời mà giữ quyền làm chủ tể muôn vật. Bởi thế người Tàu tin rằng những bậc thánh quân, hiền tướng, khi chết rồi lên trời cũng có thế lực gần ngang như Trời.
Việc thờ Trời, thờ quỉ thần và tổ tiên, tuy là phân biệt, nhưng kỳ thực cũng là theo một lý cả; và chính là một cái tông giáo đặc biệt của những dân tộc theo văn minh Tàu ở Á Đông. Tông giáo ấy ở trong nhà thì có người tộc trưởng làm chủ việc tế tự tổ tiên, ở trong nước thì có vua làm chủ việc tế tự Trời và quỉ thần, cứ lưu truyền mãi từ đời thượng cổ đến nay, vẫn không biến đổi đi chút nào.
Trọng việc thực tế. Người Tàu khởi đầu ở phía bắc sông Hoàng Hà, khí hậu lạnh lẽo, sự làm ăn khó nhọc, cho nên những tư tưởng đều chú cả về cuộc thực tế. Việc gì cũng lấy nhân sự làm cốt. Đã trọng thực tế thì tất phải trọng sự kinh nghiệm. Phàm điều gì tổ tiên đã thi hành ra mà đã có hiệu quả thì con cháu cứ đời đời noi theo, bởi thế cho nên thành ra cái tính thủ cựu. Bao nhiêu những lệ luật của đế vương đời trước đã đặt ra là đều lấy làm khuôn phép cho đời sau.
Cứ theo sử Tàu thì lúc đầu có mấy ông vua rất có công mở mang cho dân tộc Tàu, trước hết là vua Phục Hi 伏羲 (4480 - 4365 trước Tây lịch kỷ nguyên) vạch ra tám quẻ để thông cái đức của thần minh và để bày rõ cái tình của muôn vật, đặt ra thư khế để thay cái tục lấy dây thắt nút và định ra lệ giá thú. Vua Thần Nông 神農 (3220 - 3080) dạy dân trồng ngũ cốc. Vua Hoàng Đế 皇帝 (2697 - 2597) chế ra áo mũ, sai quan đặt văn tự, định can chi, làm lịch, dùng toán số. Vua Nghiêu 堯 (2357 - 2257) sai họ Hi, họ Hòa xem sự chuyển vần của mặt trời, mặt trăng và tinh thần để dạy dân biết lúc nghỉ, lúc làm, mùa cấy, mùa gặt. Thời bấy giờ có ông Thuấn 舜 giúp vua Nghiêu đi tuần thú bốn phương, tiếp kiến những hậu các nước, sửa đổi ngày tháng và bốn mùa cho đúng, định âm nhạc, phép đo, phép lường, phép cân cho nhất luật đâu đâu cũng
dùng như nhau cả. Vua Nghiêu mất, vua Thuấn (2256 - 2208) lên ngôi, đặt ra quan chế và dùng những người tài giỏi như bọn ông Vũ, ông Tiết, ông Cao Dao, ông Ích, ông Khí, v.v. để coi mọi việc. Vua Vũ 禹 (2205 - 2197) thay vua Thuấn đặt ra cửu trù, để định rõ các mối luân thường và chính trị. Lại có những vua có đạo đức làm những điều nhân chính như vua Thang 湯 (1783 - 1754), vua Văn Vương 文 王 (1186 - 1135) và vua Vũ Vương 武王 (1134-1116).
Đời sau lấy những phép tắc và chế độ của những bậc ấy làm chuẩn tắc cho sự học vấn, luân lý và chính trị, tức là mối đầu cái học của Nho giáo.
Chúc và Sử. Nguyên vì có quan niệm cho việc gì cũng phải theo thiên đạo và tôn sùng tổ tiên, nên chỉ các vua chúa đời xưa đặt ra quan chúc 祝 và quan sử 史. Quan chúc coi thiên sự, quan sử coi nhân sự. Quan chúc có hai chức vụ: một là coi việc cầu nguyện cho nhân dân được phúc lành, hoặc khi vua đi đánh giặc, thì phải coi việc tế lễ, để cầu được thắng trận. Hai là coi việc lịch, tức là xem tượng trời mà đem ứng dụng ra nhân sự, như là định bốn mùa và tháng ngày cho đúng, để dân biết thời tiết mà làm ăn, xem sao trên trời và việc bốc phệ để đoán việc cát, hung. Mãi đến cuối đời nhà Chu, quan chúc vẫn giữ chức vụ cố vấn của nhà vua. Hễ trong nước có việc gì quan trọng là vua phải hỏi quan chúc rồi mới quyết định được. Các quan chúc thường cũng dùng pháp thuật như bọn vu hích. Khi vua đi điếu phúng chỗ nào thì có quan chúc đi trước. Sách Chu Lễ nói rằng: “Vương điếu tắc dữ chúc tiền 王弔則與祝前: Vua đi điếu thì có quan chúc đi trước”.
Quan sử coi việc nhân sự, ghi chép những công việc của các đế vương đời trước, cốt để lưu truyền những điều của tổ tông đã đặt ra. Đời nhà Chu có quan đại sử, tiểu sử, tả sử, hữu sử, nội sử, ngoại sử. Những sách như Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, đều do sử quan làm ra. Về sau Lão Tử làm quan Trụ hạ sử, Khổng Tử thì đi đến kinh đô nhà Chu để xem sử ký. Hai ông tị tổ Đạo giáo và Nho giáo đều phải khảo cứu sử học mà lập ra học thuyết của mình. Xem thế thì rõ sử là nguồn gốc các mối học thuật của nước Tàu vậy.
Chúc và sử là hai cái chức vụ hệ trọng, phi người đã kinh nghiệm lắm, không làm được, cho nên ai đã giữ hai chức vụ ấy đều được cha truyền con nối để coi những việc ấy. Chúc quan thì lấy việc trời mà suy ra việc người, sử quan thì xét việc đời xưa mà làm việc đời nay. Về sau những học thuật như lịch tượng (thiên văn), lịch số (âm dương), chiêm nghiệm (phương sĩ) thì phát ra bởi chúc quan. Đạo gia và Nho gia thì phát ra bởi sử quan. Các mối học thuyết của Tàu đều căn bản ở chúc quan và sử quan cả.
Đại để những tư tưởng và công việc của các đế vương, như bát quái của vua Phục Hi, cửu trù của vua Hạ Vũ là lấy làm gốc lý học: điển hình chế độ của vua Nghiêu, vua Thuấn cùng những điển, mô, huân, cáo của các thánh quân hiền tướng đều lấy làm nền luân lý và chính trị. Những người học giả đời trước phải biết rõ những điều ấy thì mới ra ứng dụng ở trong xã hội được.
Vu hích 巫覡. Người đời thượng cổ vẫn nhân cái đạo của các đế vương ngày trước làm chính đạo, nhưng thường là con nhà quý phái, hoặc là số ít người có thiên tư đặc biệt mới học được mà thôi, còn nhân chúng thì phải làm ăn khó nhọc, phục dịch việc vua việc quan, lắm điều khổ sở. Khi trong nước có ông vua nhân từ, tiết kiệm, thì dân được yên cư lạc nghiệp, nếu phải ông vua hoang chơi xa xỉ, hoặc hay sinh sự chiến tranh, thì dân gian bị nhiều điều hà khắc. Phàm người đời đã bị cực khổ mà lại học hành không có, việc hay, dở không biết thế nào, tất là phải chìm đắm vào những điều mê hoặc và tin những việc quái lạ. Vu 巫 là người con gái, hích 覡 là người con trai làm nghề đồng bóng, tức là bọn đồng cốt thầy cúng thầy pháp, v.v. Lấy điều cát, hung, họa, phúc, dùng những phương thuốc huyền hoặc mà đánh lừa những người ngu dại, đem chuyện thần thánh ma quỉ mà dọa nạt người thường để làm nghề kiếm ăn. Ở nước Tàu về đời thượng cổ, bọn vu hích có thế lực rất mạnh, thậm chí nhà nào cũng thờ quỉ, thờ thần. Cổ thư nói rằng: “Dân thần tạp nhụ, gia vi vu sử 民神雜輮,家爲巫使: Dân với thần lẫn lộn, nhà nào nhà ấy cũng có vu sử”. Nhà vua thấy thế mới sai quan định rõ việc thần và việc người để ngăn cấm bọn vu hích làm mê hoặc lòng người. Thiên Lữ Hình trong Kinh Thi nói rằng: “Mệnh Trọng, Lê, tuyệt địa thiên thông, võng hữu giáng cách 命仲黎絕地天通,罔有降格: Vua sai họ Trọng, họ Lê định điển lễ rõ ràng, để phân biệt việc người với việc thần, không cho người ta nói bậy là thế nào thần cũng giáng, hay dùng cách không chính đáng mà cũng cảm cách được đến thần”. Đế vương đời trước cho dân mê tín những sự yêu quái, là vì không hiểu rõ cái chính lý của trời đất, không phân biệt điều thiện, điều ác, cứ hay tìm mối họa, phúc ở chỗ mơ màng mờ mịt. Vậy nên mới định rõ việc thờ cúng để chính lòng người và làm cho rõ đạo thường.
Tuy vậy lòng người vẫn bị những vật dục làm mờ tối đi, thành ra thế lực của bọn vu hích càng ngày càng mạnh. Về sau vua phải đặt: “Tư vu chưởng quần vu chi chính lệnh司巫掌羣巫之正令: Quan tư vu cai quản và sai khiến bọn vu nhân” (Chu Lễ: Tư vu). Xem thế thì biết rằng đạo của thánh hiền tuy là công chính, nhưng vẫn không có thế lực bằng cái thuật của bọn vu hích. Vì đạo của thánh hiền chỉ riêng cho những người đi học, mà thuật của bọn vu hích thì lan khắp ra cả bàn dân thiên hạ.
Nho. Đời xưa người đi học đạo của thánh hiền gọi là nho 儒 tức là người đã học biết suốt được lẽ trời đất và người, để dạy bảo người ta ăn ở cho phải đạo luân thường. Nho là bởi chữ nhân đứng bên chữ nhu mà thành ra. Nhân là người, nhu là cần dùng, tức là một hạng người bao giờ cũng cần dùng đến để giúp cho
nhân quần xã hội biết đường mà ăn ở và hành động cho hợp lẽ trời. Chữ nhu lại có nghĩa là chờ đợi, tức là người học giỏi, đợi người ta cần đến, sẽ đem tài trí của mình ra mà giúp việc đời. Phàm những người học nho thuật thường là những người chuyên về mặt thực tế hơn mặt lý tưởng. Bởi vậy từ xưa đến nay, những người nho học đều là người chực ra cáng đáng việc đời, để làm ích quốc lợi dân, chứ không phải là người yếm thế, chỉ vụ lấy sự vui thú trong vòng tư tưởng. Có biết rõ cái ý nghĩa ấy thì về sau mới hiểu tại làm sao Khổng Tử cứ phải đi chu du thiên hạ để cầu ra xuất chính. Ngài là người theo đạo Nho, bao nhiêu cái tư tưởng và sự học tập của Ngài là chủ về nhân sự, cốt đem thực hành ra ở xã hội, làm ích lợi cho nhân quần. Cái mục đích ấy chính là cái mục đích của những người nho học từ đời thượng cổ cho đến ngày nay. Cũng bởi lẽ ấy cho nên thầy Tử Lộ nói rằng: Bất sĩ vô nghĩa... Quân tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa dã 不仕無義... 君子之仕也,行其義也: Không ra làm quan là vô nghĩa... Người quân tử ra làm quan là làm việc nghĩa vậy (Luận Ngữ: Vi tử, XVIII).
Trước đời Xuân Thu thì những nhà nho học gọi là sĩ thuộc quyền quan Tư đồ. Những người sĩ do quan tư đồ chọn lấy cho đi du học văn chương và lục nghệ là: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, để dùng làm quan coi việc nước. Bởi vậy sách Hán thư nghệ văn chí nói rằng: Nho giáo do ở quan tư đồ mà ra. Từ cuối đời Xuân Thu trở đi, Khổng Tử đem phát huy cái học thuyết của Nho gia và định rõ những điều như là:
1. Nói về cuộc biến hóa của vũ trụ, quan hệ đến vận mệnh của nhân loại.
2. Nói về các mối luân thường đạo lý ở trong xã hội.
3. Nói về các lễ nghi trong việc tế tự trời đất, quỉ thần.
Những điều ấy thành ra cái thế lực rất to, có ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của cả nhân chúng trong xã hội. Bởi vì những điều ấy chính là điều cốt yếu của một tông giáo, cho nên từ Khổng Tử trở đi, mới gọi cái học của Nho gia là Nho giáo, và mới tôn Khổng Tử là tị tổ của Nho giáo. Đại khái chính trị, phong tục, học thuật tư tưởng của người Tàu về đời thượng cổ nói tóm lại là thế. Người Tàu sớm biết nghề canh nông, cho nên mới lấy việc làm lịch làm quan trọng. Phần thì để cho dân biết thời tiết mà làm ăn, phần thì để sai khiến dân làm công kia việc nọ cho phải thời, khỏi ngăn trở sự cày cấy. Bởi vậy người đời cổ hay xem xét thiên sự. Song người Tàu vốn có tính chuộng sự thực tế, xem việc Trời là chủ đích để làm việc người. Vì thế cho nên bao nhiêu những học thuyết và tư tưởng đều chủ vào đạo đức luân lý cả. Chỉ hiềm một nỗi là đạo ấy không phổ thông, thành ra dân gian vẫn đắm đuối ở những điều huyền hoặc của bọn vu hích. Đến đời Xuân Thu, nhà Chu đã suy nhược, thiên hạ rối loạn, cái trật tự cũ đổ nát cả. Bấy giờ các học thuyết hưng khởi lên, thành ra mới có một thời đại rất thịnh về đường học thuật và tư tưởng vậy.
THIÊN II. XUÂN THU THỜI ĐẠI: KHỔNG TỬ
(722 - 480 trước Tây lịch)
Tình thế nước Tàu về đời Xuân Thu. Từ khi nhà Chu lên giữ ngôi thiên tử, chế độ vẫn theo lối phong kiến, chia thiên hạ ra làm hơn 70 nước, để phong cho những người công thần và các con cháu làm chư hầu. Những nước chư hầu ấy đều được quyền tự chủ, nhưng hằng năm phải triều cống thiên tử nhà Chu, và khi có sự chinh phạt ở đâu, thì phải theo mệnh lệnh thiên tử đem quân đi tòng chinh. Nước Tàu thuở ấy ở quanh quẩn trong vùng sông Hoàng Hà, vào độ chừng năm, sáu tỉnh ở phía bắc nước Tàu ngày nay. Các nước chư hầu lớn thì bằng hai, ba tỉnh của ta bây giờ, nhỏ thì bằng một vài huyện gì đó. Khi nhà Chu còn thịnh thì trật tự vẫn được phân minh, nhưng từ khi nhà Chu đã suy nhược, phải dời đô về phía đông ở đất Lạc Ấp, mệnh lệnh của thiên tử không ai theo, các nước chư hầu phân ra có đến 160 nước. Sự chiến tranh càng ngày càng kịch liệt, cương thường đổ nát, nhân dân đồ thán. chư hầu ai mạnh thì làm bá cả thiên hạ, như nước Tề, nước Tấn, nước Tống, nước Sở, nước Ngô, nước Việt, v.v. rồi nước nọ kiêm tính nước kia, thiên tử cùng không có đủ uy quyền mà ngăn cấm được. Thời đại ấy sử Tàu gọi là Xuân Thu thời đại.
Trong thời Xuân Thu loạn lạc như thế, đạo đế vương đời trước mờ tối, người đời say đắm về đường công lợi, không ai thiết gì đến nhân nghĩa nữa. Nhưng cũng vì thế cục biến loạn, dân tình khổ sở, người trong nước mới lo nghĩ tìm cách sửa đổi để cứu vớt thiên hạ, vậy nên các học thuyết mới hưng thịnh lên. Thuở ấy có Khổng Tử đem phát minh cái đạo của thánh hiền ra, lập thành một học thuyết có thống hệ, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí mà dạy người, lấy cương thường mà hạn chế nhân dục để giữ trật tự ở trong xã hội cho vững bền.
Tiểu sử của Khổng Tử 孔子. Khổng Tử người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nay thuộc phủ Duyên Châu, tỉnh Sơn Đông bên Tàu. Ngài dòng dõi người nước Tống (Hà Nam). Ông tổ ba đời dời sang ở nước Lỗ (Sơn Đông). Thân phụ Ngài là Thúc Lương Ngột làm quan võ, lấy người vợ trước sinh được chín người con gái. Người vợ lẽ sinh được một người con trai tên là Mạnh Bì, nhưng lại có tật què chân. Đến lúc gần già ông thân phụ mới lấy bà Nhan thị sinh ra Ngài. Ngài sinh vào mùa đông tháng mười năm Canh Tuất là năm thứ 21 đời vua Linh Vương nhà Chu, tức là năm 551 trước Tây lịch kỷ nguyên. Bà Nhan thị có lên cầu tự trên núi Ni Khâu, cho nên khi sinh ra ngài mới nhân điềm ấy mà đặt tên Ngài là Khâu, tên tự là Trọng Ni. Có sách chép rằng trán ngài cao và gồ lên, cho nên mới đặt tên là Khâu 丘, Khâu nghĩa là cái gò. Ngài sinh trưởng theo lẽ tự nhiên như mọi người, nhưng vì Ngài là một bậc giáo tổ, hậu thế mới đặt ra những chuyện huyền bí, nói rằng trước khi sinh ra Ngài, bà Nhan thị thấy con kỳ lân nhả tờ ngọc thư có chữ đề rằng: “Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương 水精之子, 繼衰周爲素王: con của thủy tinh, nối nhà Chu đã suy mà làm vua không ngôi”. Bà Nhan thị thấy vậy, lấy dây lụa buộc vào sừng con kỳ lân. Được mấy ngày thì con kỳ lân đi mất. Đến khi sinh ra Ngài có hai con rồng xuống quấn chung quanh nhà và có năm ông lão là năm vị sao trên trời xuống đứng giữa sân. Ở trong phòng bà Nhan thị nghe trên trời có âm nhạc và có tiếng nói rằng: “Thiên cảm sinh thánh tử 天感生聖子: Trời cảm lòng cầu nguyện cho sinh ra con thánh”. Những chuyện ấy tuy là chuyện người đời sau bịa đặt ra, nhưng cũng là cái bằng chứng rõ là người đời ưa sự quái lạ, nhất là những người đã làm nên công nghiệp lớn, hoặc là đã sáng lập ra tông giáo nào, đều có chuyện lạ để làm cho cái phẩm giá khác người thường.
Cứ theo truyện chép trong chính sử thì khi Khổng Tử lên ba tuổi ông thân phụ mất. Thuở Ngài còn nhỏ, học hành thế nào, sử không chép rõ, chỉ nói rằng khi Ngài chơi với trẻ hay bày đồ cúng tế. Điều ấy cốt tỏ cái bản tính của Ngài trọng những điều lễ nghĩa.
Năm Ngài 19 tuổi thì thành gia thất, rồi ra nhận chức ủy lại 慰吏, coi sự gạt thóc ở kho, sau lại làm tư chức lại 司職吏 coi việc nuôi bò, dê để dùng về việc cúng tế. Thuở ấy tuy Ngài còn trẻ tuổi, nhưng đã nổi tiếng là người giỏi, cho nên quan nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ cho hai con là Hà Kị và Nam Cung Quát theo ngài học lễ.
Ngài vốn là người học theo Nho thuật cho nên Ngài rất chú ý về lễ nghi và những phép tắc của các đế vương đời trước. Thuở Ngài 28, 29 tuổi, Ngài muốn đi đến học ở Lạc Ấp là chỗ kinh sư nhà Chu, nhưng vì đường xa, tiền lộ phí mất nhiều, không đi được. Sau học trò Ngài là Nam Cung Quát đem việc ấy bẩm với Lỗ hầu, là vua nước Lỗ; Lỗ hầu cho một cỗ xe hai con ngựa và những người hầu hạ đưa Ngài đi.
Ở Lạc Ấp có nhà minh đường của Chu Công lập ra để chứa những luật lệ và những bảo vật cùng các hình tượng của các thánh hiền đời trước. Ngài đến đó khảo cứu mọi việc, và đi xem những chế độ ở nơi miếu đường cùng những nơi tế giao, tế xã. Phàm ở đâu có việc gì quan hệ đến sự tế lễ là Ngài cũng đi xem xét rất tường tận. Ngài lại đi đến hỏi lễ Lão Tử 老子, hỏi nhạc Trành Hoằng. Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên chép rằng: “Khổng Tử đến hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử đáp rằng: ‘Người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Ta nghe: Người buôn bán giỏi, khéo chứa của, coi như người không có gì, người quân tử có đức tốt, coi diện mạo như người ngu dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng ham muốn, cùng cái sắc dục và dâm chí đi; những cái ấy đều vô ích cho ông.' Khổng Tử về bảo các đệ tử rằng:
‘Chim thì ta biết nó bay được, cá thì ta biết nó lội được, giống thú thì ta biết nó chạy được. Chạy, bay, lội, ta có thể chăng lưới mà bắt được, đến như con rồng thì ta không biết nó cưỡi gió, cưỡi mây bay lên trời lúc nào. Hôm nay ta thấy Lão Tử như con rồng vậy: Ngô kim nhật kiến Lão Tử, kỳ do long gia” 吾今日見老 子, 其猶龍家’”.
Khổng Tử ở Lạc Ấp được ít lâu rồi trở về nước Lỗ. Từ đó sự học của Ngài rộng hơn trước, và học trò theo học Ngài càng ngày càng nhiều. Nhưng vua nước Lỗ vẫn không dùng Ngài. Được mấy năm trong nước có loạn, Ngài phải bỏ sang nước Tề. Vua nước Tề là Tề hầu đón Ngài đến hỏi việc chính trị. Ngài nói chuyện gì cũng vừa ý Tề hầu. Tề hầu đã toan lấy đất Ni Khê mà phong cho Ngài, nhưng quan đại phu nước Tề là Yến Anh không thuận, can ngăn Tề hầu không cho. Ngài thấy thế lại bỏ nước Tề trở về nước Lỗ. Bấy giờ Ngài đã 35, 36 tuổi, Ngài về nước nhà dạy học trò và suy xét cho tường tận cái đạo của thánh hiền đời trước.
Sự hành chính của Khổng Tử. Năm thứ 19 đời vua Kinh vương nhà Chu, bấy giờ Khổng Tử đã 51 tuổi, vua nước Lỗ mới dùng Ngài làm quan trung đô tể, tức như là quan kinh thành phủ doãn ngày nay. Cách một năm thì cải chức làm quan đại tư khấu, tự hồ bây giờ là quan hình bộ thượng thư. Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định rõ việc tống táng người chết. Lớn nhỏ phân biệt trai gái, không lẫn lộn, người đi ngoài đường thấy của rơi không nhặt, kẻ gian phi không có, hình pháp đặt ra không hề dùng đến.
Ngài làm đại tư khấu được bốn năm, vua nước Lỗ cất Ngài lên nhiếp tướng sự, nghĩa là cho Ngài quyền nhiếp việc chính trị trong nước. Sử chép rằng: “Ngài cầm quyền được bảy ngày thì giết quan đại phu Thiếu Chính Mão là một người xảo quyệt gian hiểm thời bấy giờ, được ba tháng thì việc chính trị rất hoàn toàn: trật tự phân minh, con trai thì chuộng trung tín, con gái thì chuộng trinh thuận. Trong nước thành ra có cái cảnh tượng rất thịnh trị. Nước Tề bên cạnh không muốn nước Lỗ thịnh lên, bèn dùng kế phản gián, cho 80 người con gái đẹp, múa hát giỏi, và 30 con ngựa tốt, đem sang bày ở cửa nam thành nước Lỗ, để dâng cho Lỗ hầu. Thuở ấy các nước chư hầu, có nhiều nước có vua và lại có quan đại phu là một bậc quyền thần trong nước. Quan Đại phu nước Lỗ lúc ấy là Quý Tôn Tư, hai ba lần ra xem những người và vật của nước Tề đem sang, có ý muốn nhận lấy, vào bẩm với Lỗ hầu, đem Lỗ hầu ra xem. Lỗ hầu say mê, bỏ việc ba ngày không ra thính chính”.
Đó là theo nguyên văn trong sử mà chép ra. Còn sự thực hư thế nào tưởng không bàn làm gì; vì Khổng Tử sở dĩ là thánh không phải chỉ ở những việc ấy mà thôi, nhưng cốt ở cái đức độ của Ngài khiến cho ai đã học được cái đạo của Ngài thì cũng thành ra hạng người có phẩm giá tôn quý. Vậy hậu thế dẫu có thêm bớt điều gì về sự nghiệp của Ngài đã làm trong khi Ngài hành chính ở nước Lỗ, cái đức của Ngài vẫn không giảm đi hay thêm lên chút nào.
Khổng Tử đi chu du thiên hạ. Khổng Tử thấy vua vì sự vui chơi bỏ trễ việc nước như thế, chắc là việc gì cũng hỏng, cho nên Ngài mới nhân lúc nhà vua làm lễ tế Giao, không chia thịt cho các quan, Ngài liền từ chức bỏ sang ở nước Vệ. Việc này có người không biết, hỏi rằng: Ngài là bậc thánh nhân sao lại vì việc nhỏ mọn như thế mà bỏ việc nước? Phải biết rằng: Ngài xuất chính là mong đem thi hành cái đạo của mình. Đạo ấy chủ ở sự lễ nghĩa, mà ông vua đã không thiết gì đến lễ nghĩa nữa, thì chẳng đi còn ở làm gì. Vậy sự Ngài bỏ đi là vì Ngài biết vua không muốn dùng mình, chứ không phải vì miếng thịt, vả ngài theo cái chủ nghĩa tôn quân, dẫu thế nào cũng phải giữ cho trọn cái đức của vua, cho nên Ngài mới nhân một điều lỗi nhỏ mà bỏ đi, để không lộ cái điều dở của vua. Cái ý kiến ấy chính là của Mạnh Tử nói trong thiên Cáo tử, thật là tỏ rõ được cái tính kính cẩn của Khổng Tử, không làm cẩu thả điều gì vậy.
Ngài ở nước Vệ được 10 tháng, vua nước Vệ không dùng, Ngài định đi sang nước Trần, nhưng khi đi đến đất Khuông, người nước ấy nhận lầm Ngài là Dương Hổ, là một người tàn bạo, ai cũng ghét, cho nên mới đem quân ra vây đánh. Lúc Ngài bị vây, học trò Ngài là thầy Tử Lộ muốn ra chống cự, nhưng Ngài không cho, bảo thầy Tử Lộ lấy đàn gảy và hát để Ngài họa theo. Người nước Khuông nghe tiếng đàn hát, biết là lầm, liền rút quân về. Ngài thấy có sự ngăn trở như thế, lại trở về nước Vệ. Bấy giờ vua nước Vệ có người vợ tên là Nam tử, nhan sắc rực rỡ nhưng dâm đãng vô cùng. Nàng ấy muốn tiếp Ngài. Trước Ngài đã từ chối, nhưng sau bất đắc dĩ Ngài phải vào yết kiến, vì theo tục bấy giờ, hễ ai đến nhận chức gì ở nước nào thì phải vào ra mắt vợ ông vua nước ấy. Thầy Tử Lộ thấy Ngài vào yết kiến nàng Nam tử, lấy làm không bằng lòng. Ngài nói rằng: “Dư sở phủ giả, thiên yếm chi! Thiên yếm chi! 予所否者,天 厭之!天厭之!: Nếu ta có làm điều gì không phải thì Trời bỏ ta! Trời bỏ ta! (Luận Ngữ: Ung dã VI). Vua nước Vệ lại chiều nàng Nam tử, mời Ngài đi xe theo sau ra chơi ngoài thành thị, có người cười rằng: “Kìa! Đạo đức chạy theo cái đẹp!” Ngài cũng than rằng: “Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã 吾未見好德如好色者也: Ta chưa thấy ai yêu cái đức tốt như yêu cái sắc đẹp vậy” (Luận Ngữ: Tử hãn IX).
Ngài ở nước Vệ phải những điều không vừa ý như thế, cho nên được ít lâu Ngài sang ở nước Tống, bị quan Tư mã nước Tống là Hoàn Khôi muốn giết Ngài. Ngài lại bỏ sang Trần. Ở nước Trần được ba năm, vua nước Trần vẫn trọng đãi Ngài, nhưng nước ấy cứ bị giặc giã luôn, Ngài lại trở về nước Vệ.
Ngài đi hết nước này qua nước nọ, chỉ muốn đem cái đạo của mình ra giúp đời, mà mãi không thành công được. Ngài đi đi về về nước Vệ đã ba lần rồi mà vua nước Vệ vẫn không dùng. Ngài thì một tuổi một già, có lúc Ngài đã toan sang giúp người bạn thần là Phật Bật. Thầy Tử Lộ hỏi Ngài rằng: “Ngày trước đệ tử được nghe Phu Tử dạy: Người quân tử không có nhập đảng với người nào đã làm điều bất thiện, nay người Phật Bật lấy đất Trung mâu làm sự phản nghịch mà Phu Tử lại định sang giúp là nghĩa làm sao?” Ngài trả lời rằng: “Ta có nói điều đó thật, nhưng ta cũng nói: Vật gì đã cứng thì dẫu có mài cũng không mòn được, vật gì đã trong sạch thì dẫu có dấn vào chỗ đen, chỗ bẩn, cũng không đen không bẩn được. Ta đây há lại là quả dưa chỉ để treo mà không ăn được hay sao?” Ý Ngài nói rằng: Ngài là người ngay chính, tuy có theo giúp người Phật Bật để khiến nó bỏ tà theo chính, thì cái lòng ngay chính của Ngài vẫn không việc gì. Vả người ta có tài có trí thì phải đem ra ứng dụng ở đời, chứ có phải là vật vô dụng đâu mà để cho hẩm nát. Ngài nói thế, nhưng rồi Ngài cùng không đi. Sau Ngài lại định sang với quan đại phu nước Tấn là Triệu Ưởng, nhưng khi Ngài đi đến sông Hoàng Hà nghe tin Triệu Ưởng đã giết hai người hiền là Đậu Minh Độc và Thuấn Hoa, Ngài lại trở về nước Vệ.
Ngài ở nước Vệ lần này được non ba năm, một hôm vua nước Vệ mời Ngài vào bàn việc binh. Lúc đang ngồi nói chuyện, vua thấy đàn chim nhạn bay trên trời, ngửng mắt lên trông, không để tâm nghe Ngài nói. Ngài thấy vua không có ý dùng Ngài, Ngài lại bỏ sang nước Trần. Ngay năm ấy quan đại phu nước Lỗ là Quý Tôn Tư mất, dặn con là Quý Tôn Phì đón Ngài về làm tướng giúp nước, Quý Tôn Phì không nghe lời dặn ấy, lại cho đón người học trò Ngài là thầy Nhiễm Cầu.
Ngài ở nước Trần được ít lâu, lại sang nước Thái, đi qua đến nước Diệp, vua nước Sở cho người đi đón Ngài, và định lấy 700 dặm đất mà phong cho Ngài, nhưng lại bị quan lệnh doãn là Tử Tây can ngăn đi, Ngài lại trở về nước Vệ.
Trước Ngài tưởng rằng vua nước này không dùng thì có lẽ gặp vua nước khác dùng được, vậy nên Ngài đi hết nước nọ qua nước kia. Trong mấy ông vua đã đón rước Ngài, ông thì thấy công việc nhiều quá, sợ làm không nổi, nói thoái thác là tuổi đã già rồi, thi hành cái đạo của Ngài không kịp nữa. Ông thì bị quan đại phu sợ Ngài làm mất quyền lợi, cố tìm cách ngăn trở. Vả thời bấy giờ vua các nước chư hầu còn muốn lấn quyền của thiên tử, quan đại phu còn muốn lấn quyền của vua chư hầu, mà cái chủ nghĩa của Khổng Tử thì lại cố tôn phù nhà Chu để giảm bớt cái quyền của các nước chư hầu, giữ quyền vua chư hầu mà bớt quyền các quan đại phu. Ngài nói rằng: “Thiên hạ hữu đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất; thiên hạ vô đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự chư hầu xuất 天下有道,則禮樂征伐自天子出;天下無 道,則禮樂征伐 自諸侯出: Thiên hạ có đạo thì việc lễ nhạc chinh phạt do ở thiên tử mà ra; thiên hạ vô đạo thì việc lễ nhạc chinh phạt do ở chư hầu mà ra”. Hay là: “Thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại đại phu 天下有道,則政不 在大夫: Thiên hạ có đạo, việc chính trị không ở quan đại phu” (Luận Ngữ: Quý thị XVI). Cái chủ nghĩa của Ngài như thế, tất là phản đối với cái quyền lợi của các vua chư hầu và các quan đại phu, cho nên Ngài đi đến đâu, các nước vì danh nghĩa mà trọng đãi, nhưng kỳ thực không ai muốn dùng Ngài, mà có ông nào muốn dùng Ngài nữa thì cũng bị quan đại phu ngăn trở đi, không cho dùng. Vì vậy cho nên Ngài đi chu du khắp thiên hạ mà không tìm được chỗ nào để thi hành cái đạo của mình. Cái chủ nghĩa của Ngài là cái chủ nghĩa của những người nho học cốt ở sự hành đạo. Ai có tài có trí thì phải ra ứng dụng ở đời để làm những điều ích lợi cho nhân chúng, chứ không phải là chỉ cầu lấy sự an nhàn ở chỗ ẩn dật và sự vui thú trong vòng tư tưởng. Vậy nên cái chí của Ngài là muốn ra làm quan để thực hành cái đạo của mình. Vả cái tình trạng nước Tàu lúc bấy giờ rất là rối loạn, lòng người ngao ngán, Có người thấy thế sự điên đảo quá nỗi, tưởng không sao vãn hồi lại được, bèn đề xướng lên cái chủ nghĩa yếm thế, bỏ việc đời phó mặc trời xanh, lấy sự an nhàn làm vui thú. Có người thì theo cái chủ nghĩa phá hoại, không thiết gì đến cương thường đạo lý nữa. Trong khi những nhà tư tưởng xướng lập lên những chủ nghĩa tiêu cực như thế, Khổng Tử muốn đem cái chủ nghĩa tích cực cứu thế mà biến đổi thời đại vô đạo ra thời đại hữu đạo. Ngài biết rằng những điều biến cải trong trời đất không có điều gì là tự nhiên bất thình lình mà thành ra. Dẫu những mối biến loạn ở trong xã hội cũng không phải một buổi sớm, một buổi tối mà thành ra được. Thường cái căn do ở tự đâu đâu mới kết cục thành ra hiện trạng. Ngài nói rằng: “Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ. Do biện chi bất tảo biện dã 臣弑其君,子弑其父,非一朝一夕 之故,其所由来者渐矣. 由辨之不早辨也: Tôi giết vua, con giết cha, không phải một buổi sớm, một buổi tối; cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy. Bởi vì những kẻ lo liệu phòng bị những việc ấy, không biết lo liệu phòng bị sớm” (Dịch: Văn ngôn truyện). Nếu những người có trách nhiệm đến vận mệnh của xã hội biết lo xa, biết tìm cách ngay chính mà sửa đổi lòng người lại, thì cuộc loạn có thể trở nên cuộc trị được. Vậy nên nhất sinh Ngài chuyên tâm chú ý về việc giáo hóa và việc canh cải chính trị. Ngài cho người ta đã sinh ra ở đời, ai cũng có cái nghĩa vụ đối với đời. Người nào bỏ việc đời không nghĩ đến là làm điều trái với đạo người, cho nên Ngài càng thấy cuộc đời rối loạn bao nhiêu, Ngài lại càng muốn ra sức sửa đổi bấy nhiêu.
Thuở ấy có người biết thời cơ không thể làm gì được, mà thấy Ngài cứ cố tìm cách sửa đổi, cho nên mới
chê rằng: “Tri kỳ bất khả vi, nhi vi chi 知其不可爲而爲之: Biết không thể làm được mà cứ làm” (Luận Ngữ: Hiến vấn XIV). Đó là vì người ta không hiểu cái bụng của Ngài cho việc thiên hạ không có lúc nào là không có thể làm được việc ích lợi, vậy nên Ngài cứ chăm chắm lo làm việc cứu thế. Lại có người nói rằng: “Thao thao giả, thiên hạ giai thị dã, nhi thùy dĩ dịch chi? 滔滔者,天下皆是也,而誰以易之?: Ùa ùa như nước chảy một chiều, thiên hạ đều thế cả, ai mà theo mình để sửa đổi được loạn ra trị?”. Ngài nói rằng: “Thiên hạ hữu đạo Khâu bất dữ dịch dã 天下有道,丘不與易也: Thiên hạ có đạo thì Khâu này còn dự đến việc thay đổi làm gì” (Luận Ngữ: Vi tử, XVIII).
Muốn làm việc thay đổi trong thiên hạ thì tất phải có quyền thế mới làm được, chứ dùng lời nói thì vị tất đã thành công. Lời nói dẫu hay đến đâu cũng không bằng việc làm, Ngài hiểu như thế cho nên Ngài không chịu giữ cái địa vị cao thượng làm ông thầy dạy học mà cố tìm cách ra hành chính. Ngài muốn gặp ông vua nào biết Ngài, giao quyền bính cho Ngài để sửa đổi phong tục và chính trị, làm cái gương cho các nước khác bắt chước. Cái chủ ý của Ngài là muốn hành đạo, chứ không phải cầu lấy danh lợi. Ngài tin rằng nếu cái đạo của Ngài mà thi hành ra được thì tất thế nào cũng hay, cho nên Ngài quả quyết mà nói rằng: “Cẩu hữu dụng ngã giả, cơ nguyệt nhi dĩ khả dã, tam niên hữu thành 茍有用我者,朞月而已可也,三年有成: Nếu ai dùng ta, thì trong một năm đã khá, ba năm ắt thành” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Ngài tin như thế, nhưng không ai dùng được Ngài, thành thử đạo của Ngài vẫn không thi hành ra được.
Lần sau cùng Ngài trở về nước Vệ ở năm sáu năm không đi đâu nữa. Quý Tôn Phì bên nước Lỗ cho người sang đón Ngài về. Ngài bỏ nước Lỗ đi tất cả là 14 năm, lúc Ngài trở về thì đã 68 tuổi. Bấy giờ, Ngài đã già rồi, không cầu ra làm quan nữa. Ngài ở nhà dạy học trò, san định lại các sách vở đời trước và làm sách Xuân Thu để bày tỏ cái đạo của Ngài về đường chính trị.
Hình dáng và đức độ của Khổng Tử. Sách Khuyết lý tả rõ cái hình dáng của Khổng Tử: Người cao lớn, có tướng ngũ lộ là: mắt lồi, lỗ mũi rộng, lộ hầu, tai bạt, hở răng. Mặt to và có những vạch như quả dưa chín. Bàn tay hổ, ngực rùa, râu rậm, mồm rộng, miệng nói tươi, đi nhanh.
Tính Ngài ôn hòa, nghiêm trang và kính cẩn. Sách Luận Ngữ chép rằng: “Tử ôn nhi lệ, uy nhi bất mãnh, cung nhi an 子溫而厲,威而不猛,恭而安: Phu Tử hòa mà nghiêm, uy mà không dữ, kính cẩn mà an vui tự nhiên” (Thuật nhi, VII). Lúc nào Ngài cũng ung dung và bao giờ cũng có cái vẻ tự nhiên vui vẻ. “Tử chi yến cư, thân thân như dã, yêu yêu như dã 子之燕居,申申如也,夭夭如也: Phu Tử lúc ở dưng thì hình dáng khoan thai, mặt mày tươi tỉnh” (Thuật nhi, VII). Thiên Hương đảng trong sách Luận Ngữ tả rõ cử chỉ của Ngài trong những khi ăn uống nằm ngồi, không bao giờ là không cần lấy sự ngay chính kín đáo; lúc vào chỗ miếu đường đối với vua với quan, lui tới rất kính cẩn, điều gì cũng giữ cho hợp lễ phép, không dám sai một phân một ly, để bày tỏ cái đạo của người quân tử là phải cẩn thận từng tí một. Lúc động, lúc tĩnh, lúc nào cùng có thể làm gương cho người ta bắt chước.
Khổng Tử nhất sinh rất cẩn thận và nhất là khi có việc tế tự phải tinh khiết thành kính để giao cảm với thần minh, khi có việc chinh chiến quan hệ đến vận mệnh của dân của nước, và khi có bệnh tật quan hệ đến tính mệnh của người, thì Ngài hết lòng gìn giữ: “Tử chi sở thận: trai, chiến, tật 子之所慎: 齊,戰,疾: Những điều mà Phu Tử giữ cẩn thận là việc trai giới, việc chinh chiến, việc bệnh tật” (Thuật nhi, VII).
Ngài là một người rât nhân hậu, hễ thấy ai đau đớn buồn rầu thì Ngài cũng động lòng thương xót. “Tử thực ư hữu tang giả chi trắc, vị thường bão dã. Tử ư thị nhật, khốc tắc bất ca 子食於有喪者之側,未嘗飽 也。子於是日哭,則不歌: Phu Tử ngồi ăn bên cạnh người có tang thì ăn không no. Ngày nào đã đi điếu phúng về thì suốt cả ngày không đàn hát” (Thuật nhi, VII). Một hôm thầy Tử Lộ hỏi Ngài rằng: “Đệ tử muốn biết cái chí của Phu Tử thế nào?” Ngài nói rằng: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi 老者安之,朋友信之,少者懷之: Lấy sự yên vui mà đối với kẻ già cả, lấy sự tin mà đối với bạn bè, lấy sự yêu mến mà đối với đứa trẻ thơ” (Luận Ngữ: Công dã Tràng, V).
Tính Ngài thích đàn hát. “Tử tại Tề, văn thiều tam nguyệt bất tri nhục vị, viết: bất đồ vi nhạc chi chí ư tư dã 子在齊聞韶,三月不知肉味,曰: 不圖為樂之至於斯也: Phu Tử lúc ở nước Tề, học nhạc thiều ba tháng, ăn không biết mùi thịt. Ngài nói rằng: Chẳng ngờ học nhạc vui đến được như thế” (Thuật nhi, VII). “Tử dữ nhân ca nhi thiện, tất sử phản chi, nhi hậu họa chi 子與人歌而善,必使反之,而後和之: Phu Tử đàn hát với ai, người ta hát câu nào hay, thì bắt hát lại để Ngài họa theo” (Thuật nhi, VII). Ngài học cái gì cũng ham mê như thế, mà lúc nào cũng ôn hòa vui vẻ, và đã làm việc gì, thì cố hết sức làm cho được hoàn toàn.
Ngài rất hiếu học và hay suy xét những việc đời xưa. Ngài nói rằng: “Ngã phi sinh nhi tri chi giả dã, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã 我非生而知之者也,好古,敏以求之者也: Ta không phải là người sinh ra đã biết, chỉ là người thích đạo của thánh hiền đời trước, cố sức mà cầu lấy được” (Thuật nhi, VII). Ngài hay nghĩ ngợi, ham học, và hết sức dạy bảo người ta. Ngài nói rằng: “Mặc nhi thức chi2, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện, hà hữu ư ngã tai 默而識之,學而不厭,誨人不倦,何有於我 哉?: Thầm lặng nghĩ ngợi mà biết mọi lẽ, học mà không chán, dạy người mà không mỏi, ba điều ấy ta có điều gì là hơn người đâu” (Thuật nhi, VII). Bất cứ điều gì Ngài cũng để chí học cho hiểu, hoặc để biết điều hay mà theo, hoặc để
biết điều dở mà sửa mình.
Bởi vậy thầy Tử Cống nói rằng: “Phu Tử yên bất học, nhi diệc hà thường sư chi hữu 夫子焉不學,而亦 何常師之有?: Không có điều gì là Phu Tử không học, nhưng không nhất định học một thầy nào” (Luận Ngữ: Tử Trương, XIX). Lúc đi ngoài đường với người ta cũng có thể học được. Ngài nói rằng: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi 三人行,必有我師 焉。擇其善者而從之;其不善者而改之: Ba người đi với nhau, tất có một người là thầy ta, chọn người hay mà bắt chước, người dở mà sửa mình” (Thuật nhi, VII). Bình sinh lúc nào Ngài cũng lo việc sửa mình cho ngay chính. Ngài nói rằng: “Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã 德之不修,學之不講,聞義不能徙,不善不 能改,是吾憂也: Đức của mình không sửa cho tốt, học của mình không giảng cho rõ, nghe điều nghĩa mà không theo được, nghe điều dở mà không đổi được, đó là cái lo của ta vậy” (Thuật nhi, VII). Ngài học điều gì cũng cẩn thận, không có khinh suất, chưa biết đã cho là biết. Ngài nói rằng: “Cái hữu bất tri nhi tác chi giả, ngã vô thị dã. Đa văn, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, đa kiến nhi chi3chi, tri chi thứ dã 蓋有不知而作之者,我無是也。多 聞,擇其善者而從之,多見而識之,知之次也: Có người chẳng biết rõ nghĩa lý gì đã làm, chứ ta thì không thế. Nghe nhiều, rồi chọn điều hay mà theo, thấy nhiều mà nhớ lấy, để xét cho rõ cái hay cái dở, thì cùng đã cho là biết vậy” (Thuật nhi, VII).
Ngài là một người chí thánh chí nhân, mà Ngài vẫn khiêm tốn, không dám nhận mình là thánh, là nhân. Ngài nói rằng: “Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm, ức vi chi bất yếm, hối nhân bất quyện, tắc khả vị vân nhĩ dĩ hỹ 若聖與仁,則吾豈敢?抑為之不厭,誨人不 倦,則可謂云爾已矣!: Nếu bảo ta là thánh là nhân thì ta sao dám đương, nhưng ta làm việc thánh, việc nhân không chán, dạy người không mỏi, có thể bảo ta được thế mà thôi” (Thuật nhi, VII).
Đối với các môn đệ, Ngài rất dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ thì không bao giờ Ngài từ chối. Ngài nói rằng: “Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên 自行束脩以上,吾未嘗無誨焉: Từ người đem lễ bó nem trở lên, ta chưa từng không dạy ai vậy” (Thuật nhi, VII).
Sự giáo hối của Ngài có cái chủ ý làm cho sáng cái đức sáng của người ta, chứ không những chỉ đem cái biết của mình mà trao cho người ta. Ngài dùng cách làm cho người ta tự mình hiểu được mọi lẽ phải, trái. Ngài nói rằng: “Ngô hữu tri hồ tai? Vô tri dã. Hữu bỉ phu vấn ư ngã, không không như dã, ngã khấu kỳ lưỡng đoan nhi kiệt yên 吾有知乎哉?無知也。有鄙夫問於我,空空 如也,我叩其兩端而竭焉: Ta có biết gì không? Không biết gì cả. Có đứa quê kệch hỏi đến ta, ta không không như không biết gì, đem đầu đuôi trước sau mà nói, làm cho người ấy biết hết mọi lẽ. (Luận Ngữ: Tử hãn IX).
Đó thật là một cái phương pháp giáo hối rất hay để mở rộng cái biết của người ta vậy. Đối với học trò, không bao giờ Ngài làm việc gì mà không cho mọi người biết. Ngài bảo các học trò rằng: “Nhị tam tử dĩ ngã vi ẩn hồ? Ngô vô ẩn hồ nhĩ! Ngô vô hành nhi bất dữ nhị tam tử giả, thị Khâu dã 二三子 以我為隱乎?吾無隱乎爾!吾無行而不與二三子者。是丘也: Các anh tưởng ta có giấu gì các anh chăng? Ta không giấu các anh điều gì cả; ta không làm điều gì mà không cho các anh biết. Ta thực thế vậy” (Thuật nhi, VII). Ngài ôn hòa và thành thực như thế, cho nên học trò Ngài rất đông, mà ai cũng yêu mến và kính trọng Ngài như cha sinh ra vậy.
Khổng Tử mất. Ngài về ở nước Lỗ đến mùa xuân năm Canh Thân là năm thứ 39 đời vua Kinh Vương nhà Chu, người nước Lỗ đi săn, bắt được con kỳ lân, què chân trước bên tả, ai cũng cho là điềm không lành, đem thả ra ngoài đồng. Ngài đi xem, trông thấy, nói rằng: “Kỳ lân ra làm gì thế?” Nói rồi bưng mặt mà khóc. Khi Ngài trở về, Ngài nói rằng: “Ngô đạo cùng hỹ 吾道窮矣: đạo ta cùng vậy”. Sách Xuân Thu của Ngài làm, chép đến chuyện ấy là hết.
Khi sắp sinh ra Ngài, thì có kỳ lân ra nhả ngọc thư, đến khi Ngài sắp mất, lại có kỳ lân ra mà què một chân. Vậy con kỳ lân ấy là vật gì? Đối với Ngài là thế nào? Đó là chuyện chép trong sách như thế, ta cứ theo mà chép ra vậy. Sau khi có chuyện ấy được hơn hai năm, đến tháng tư năm Nhâm Tuất là năm thứ 41 đời vua Kinh Vương, tức là năm 478 trước Tây lịch kỷ nguyên, một hôm Ngài dậy sớm đi tiêu dao trước cửa, tay kéo lê cái gậy mà hát rằng: “Thái Sơn kỳ đồi hồ? Lương mộc kỳ hoại hồ? Triết nhân kỳ nuy hồ? 泰山其頹 颓乎?梁木其坏乎?哲人其萎乎? Núi Thái Sơn có lẽ đổ chăng? Cây lương mộc có lẽ nát chăng? Người triết nhân có lẽ nguy chăng?” (Lễ Ký: Đàn cung thượng). Hát xong Ngài vào ngồi giữa cửa. Thầy Tử Cống đến, nghe Ngài hát như thế, vội vàng vào hỏi thăm. Ngài nói chuyện đêm nằm chiêm bao, biết có lẽ sắp chết. Đoạn rồi Ngài mắc bệnh được bảy ngày thì mất.
Ngài mất rồi, học trò thương khóc thảm thiết, ai cũng để tâm tang ba năm. Tâm tang là để tang trong bụng, chứ không có mặc đồ tang phục. Lại có đến hơn một trăm người làm nhà ở gần mộ Ngài đến hết tang. Thầy Tử Cống ở đó đến hết sáu năm mới thôi.
Mộ Ngài nay ở Khổng Lâm, cách huyện Khúc Phụ (thuộc tỉnh Sơn Đông) hai dặm, cây cối sầm uất lắm. ***
Khổng Tử là một người rất thông minh, rất nhân hậu, hết lòng lo việc cứu đời. Ngài đem cái đạo của thánh hiền đời trước mới phát huy ra, lập thành cái học thuyết, lưu truyền về sau để làm kỷ cương cho các dân tộc ở Á Đông, mãi đến đời nay đã hơn hai nghìn năm, kể có hàng năm trăm triệu người sùng bái làm thánh sư. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của Ngài là đời đời người ta lấy làm khuôn làm phép mà theo. Một đôi khi, vì thời cuộc biến đổi, thiên hạ náo loạn, lòng người chán nản, đạo của Ngài cũng có lúc mờ tối đi, nhưng rồi lại sáng rõ hơn trước, mà cái đức vọng của ngài càng ngày càng tôn trọng thêm lên. Thiết tưởng nếu Ngài không phải là bậc chí thánh, chí nhân, thì sao được như thế! Ngài nói điều gì cũng ôn hòa và hàm súc, làm việc gì cũng ngay chính và vừa phải, tiến thoái phân minh, động, tĩnh hợp thời. Vậy nên về sau Mạnh Tử nói rằng: “Khả dĩ sĩ tắc sĩ, khả dĩ chỉ tắc chỉ, khả dĩ cửu tắc cửu, khả dĩ tốc tắc tốc, Khổng Tử dã” 可以仕 則仕, 可以止則止, 可以久則久, 可以速則速, 孔子也: Nên làm quan thì làm quan, nên thôi thì thôi, nên lấy làm lâu thì lâu, nên lấy làm chóng thì chóng, là đức Khổng Tử vậy” (Mạnh Tử: Công Tôn Sửu thượng). Có người không hiểu cái đạo của Ngài, thường hay buông lời hủy báng Ngài. Thầy Tử Cống nói rằng: “Vô dĩ vi dã, Trọng Ni bất khả hủy dã. Tha nhân chi hiền giả, khâu lăng dã, do khả du dã; Trọng Ni, nhật nguyệt dã, vô đắc nhi du yên. Nhân tuy dục tự tuyệt, kỳ hà thương ư nhật nguyệt hồ? Đa kiến kỳ bất tri lượng dã 無以爲也,仲尼不可毀也。他人之賢者,丘陵也,猶可踰也;仲尼,日月也,無得而踰 焉。人雖欲自絕,其何傷於日月乎?多見其不知量也: Hủy báng sao được. Đức Trọng Ni không ai hủy báng được. Người khác có tài giỏi thì cũng như cái gò, cái đống, còn có thể trèo qua được. Đức Trọng Ni như mặt trời, mặt trăng, không sao mà trèo qua được. Dẫu có người muốn lấy lời hủy báng mà tự tuyệt với mặt trời, mật trăng, thì hại gì đến mặt trời, mặt trăng đâu? Càng đủ rõ là người không biết lượng vậy” (Luận Ngữ, Tử Trương XIX). Cứ như thầy Tử Cống thì: “Phu Tử chi bất khả cập dã, do thiên chi bất khả giai nhi thăng dã. Phu Tử chi đắc bang gia giả, sở vị ‘lập chi tư lập, đạo chi tư hành, tuy chi tư lai, động chi tư hòa, kỳ sinh dã vinh, kỳ tử dã ai.’ Như chi hà kỳ khả cập dã? 夫子之不可及也,猶天之不可階而 升也。 夫子之得邦家者,所謂 “立之斯立,道之斯行,綏之斯來,動之斯和,其生也榮,其死也 哀。” 如之何其可及也?: Phu Tử không ai sánh kịp được, như trời kia không ai bắc thang mà lên được. Nếu Phu Tử được có nước mà trị, thì có thể bảo là gây dựng cho dân thì dân nên, dạy dân thì dân theo, yêu dân thì dân mến, khiến dân làm thì dân được hòa, sống được vẻ vang, chết người ta thương tiếc. Ai là người sánh kịp được” (Tử Trương, XIX).
Cái đức vọng của Khổng Tử to như thế, nhưng đến ngày nay cái văn hóa vật chất quật khởi lên, những dân tộc ở Á Đông này đều nô nức bỏ cũ theo mới, có người cho đạo của Ngài làm ngăn trở cho sự cải cách, muốn trừ bỏ đi. Đó chẳng qua là vì sự náo nhiệt trong cuộc hành động một thời, người đời còn đang say đắm về đường công lợi, chưa có thì giờ mà suy xét cho kỹ, cho nên mới lấy cái lầm lỗi của bọn hủ nho mà bài bác cái đạo của Ngài. Nhưng thiết tưởng xã hội nào đã yên trị, thì dẫu chẳng theo đạo của Ngài tất cũng phải theo một đạo khác tương tự như thế để giữ lấy cương thường trật tự trong đám nhân quần.
Đạo của Ngài là đạo chí công, chí chính, khiến người ta phải theo thời mà biến đổi, tức là đạo phải tiến hóa luôn. Nhưng vì người đời thường hay hiểu lầm, dần dần thiên về mặt hư văn. Đến nay khoa học thịnh hành lên, việc công nghệ mở mang ra, người ta bỏ được cái lối hư văn đi, nhưng lại thiên về đường vật chất. Xét ra cho kỹ, sự tiến hóa thái quá về đường vật chất vị tất đã hay cho sự sinh hoạt của loài người. Xưa kia ta quá tin về đường hư văn, cho nên thành ra suy nhược, sau này ta lại quá tin về đường vật chất, có lẽ lại dở hơn. Phàm cái gì thái quá cũng là dở cả, chỉ nên giữ thế nào cho tinh thần và vật chất hai bên cùng điều hòa với nhau được, thì mới là hoàn toàn. Nếu giữ được cái đạo điều hòa như thế, tức là theo được cái đạo trung dung của Khổng Tử. Vậy muốn biết rõ cái đạo của Ngài sở chủ về những điều gì, ta có thể chia rõ ra từng mối mà xét cho tường tận như sau này.
THIÊN III. HỌC THUYẾT CỦA KHỔNG TỬ
I. HÌNH NHI THƯỢNG HỌC
Khổng Tử khảo cứu những chế độ và phong tục thời cổ, ngẫm nghĩ những tư tưởng của các bậc thánh hiền đời trước và suy xét cái lẽ biến hóa của trời đất, rồi đem những điều của Ngài đã tâm đắc, lập thành một cái học thuyết có tông chỉ rất cao, quán triệt cả căn nguyên của vạn vật và các lẽ sinh hóa ở trong vũ trụ, cả tâm tính và sự hành động của người ta. Cái học thuyết ấy thành ra một môn nhân sinh triết học rất cao, rất rộng, có thể thi hành ra đời nào và ở xứ nào cũng được. Ngài đem học thuyết ấy truyền thụ cho học trò. Học trò Ngài ai học được điều gì, hay ghi nhớ được những lời Ngài đã giảng dụ, đem làm ra các sách để truyền cho hậu thế.
Nay ta xem kỹ các Kinh, Truyện, có thể biết rõ các manh mối cái học thuyết ấy là thế nào và có thể chia ra làm hai phần: một phần là hình nhi thượng học tức là cái học thuộc về những lẽ vô hình, rất uyên áo cao viễn; một phần là hình nhi hạ học tức là cái học thuộc về những điều quan hệ đến nhân sinh nhật dụng của người đời.
Phần hình nhi thượng học của Khổng Tử có nhiều điều nói rõ ở trong Kinh Dịch, là sách để làm căn bản cho sự lý học của Nho giáo và trong sách Trung Dung là sách triết học bàn về thiên đạo và nhân đạo rất sâu xa.
Nay ta chia phần ấy ra những mục sau này:
1. Quan niệm về Trời và người: Thái Cực và sự biến hóa của thiên lý - Người và sự tri giác - Trung - Sinh - Nhân -Thiên mệnh - Quỉ thần - Kính và thành - Sinh tử.
2. Đạo của Khổng Tử - Cái vui trong sự sinh hoạt.
1. QUAN NIỆM VỀ TRỜI VÀ NGƯỜI
Thái Cực và sự biến hóa của thiên lý. Phàm đã là triết học cao xa, thì tất phải có cái quan niệm về các nguyên lý và các nguyên nhân của sự sinh hóa trong vũ trụ. Khổng Tử là một bậc thượng trí, Ngài nghĩ ngợi mà suy xét mọi việc rồi phát minh ra cái học thuyết, chủ lấy sự theo thiên lý làm căn bản. Ngài cho là trời đất và vạn vật đều có cái lý ấy cả, tất là cùng đồng một thể, cho nên Ngài mới lấy cái chủ nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể 天地萬物一體 làm thống hệ cho học thuyết của mình. Cái lý nhất thể ấy lưu hành khắp trong vũ trụ, theo cái lẽ tương đối, tương điều hòa mà sinh sinh hóa hóa. Vậy cái lý ấy là cái nguyên nhân của sự sinh hóa trong vũ trụ.
Thoạt đầu tiên vũ trụ ra thế nào? Cứ như những ý tưởng của người xưa, thì lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối mờ mịt hỗn độn, tức là đời hỗn mang. Trong cuộc hỗn mang ấy có cái lý vô hình, rất linh diệu, rất cường kiện, gọi là thái cực. Song thái cực huyền bí vô cùng, không thể biết được bản thể của lý ấy là thế nào, Ta tuy không thể biết được rõ cái chân tính và cái chân tướng của lý ấy, song ta có thể xem sự biến hóa của vạn vật mà biết được cái động thể của lý ấy. Cái động thể của lý ấy phát hiện ra bởi hai cái thể khác nhau là động và tĩnh. Động là dương, tĩnh là âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra âm, âm lên đến cực độ lại biến ra dương, hai thể ấy cứ theo liền nhau, rồi tương đối, tương điều hòa với nhau để biến hóa mà sinh ra trời đất và vạn vật.
Vậy khởi điểm của tạo hóa là do hai cái tương đối âm và dương, mà đạo trời đất cũng khởi đầu bởi sự biến hóa của hai tương đối ấy. Trước hai cái tương đối ấy, thì dẫu có gì cũng như không, vì không sao mà biết được. Khi hai cái tương đối ấy đã phát hiện ra, thì cái gì cũng hiển nhiên, không thể nói là không có được. Đó là cái lý tưởng cốt yếu ở trong Kinh Dịch, cho nên mới nói rằng: “Dịch hữu Thái Cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái 易有太極是生兩儀,两儀生四象,四象生八卦: Đạo Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra bốn tượng, bốn tượng sinh ra tám quẻ” (Dịch: Hệ từ thượng).
Khổng Tử tin có lý Thái Cực độc nhất, tuyệt đối, nhưng vì lý ấy cao diệu quá, không thể biết được, cho nên học thuyết của Ngài để cái bản thể của lý Thái Cực ra ngoài phạm vi tri thức của người ta mà chủ lấy cái động thể của lý ấy làm tông chỉ. Vậy xét cái động thể của lý Thái Cực để biết sự biến hóa của trời đất và vạn vật, tức là cái tông chỉ Dịch học.
Dịch là gì? Dịch là biến đổi. Trong trời đất không có cái gì là không biến đổi luôn. Đó là quan niệm rất trọng yếu của Khổng giáo. Một hôm Phu Tử đứng trên bờ sông, ngắm dòng nước chảy mà than rằng: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ 逝者如斯夫!不舍晝夜: Đêm ngày cứ chảy luôn luôn như thế mãi!” (Luận Ngữ: Tử hãn, IX). Ý Phu Tử nói cái đạo của trời đất cứ lưu hành như nước chảy, không lúc nào nghỉ: cái vừa mới có, đã thành ra cái quá khứ rồi, liên tiếp nhau mãi mãi, chứ không có cái gì đã thành ra mà lại không biến đổi đi. Cái ý nghĩa ấy chính là cái ý nghĩa chữ dịch vậy.
Phàm đã nói biến đổi, thì cái đơn nhất, cái tuyệt đối không biến đổi được, tất phải có hai cái tương đối, tương điều hòa, thì mới sinh sinh hóa hóa được. Hai cái tương đối ấy là hai cái khác nhau, như sự động, sự tĩnh, cái cứng, cái mềm, tức là âm với dương. Hai cái ấy đun đẩy nhau, điều hòa với nhau mà biến hóa ra thiên hình vạn trạng, cho nên mới nói rằng: “Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa 剛柔相推而生變化: cứng mềm đun đẩy nhau mà sinh ra biến hóa” (Dịch: Hệ từ thượng).
Theo cái lý tưởng ấy thì cái đạo trời đất khởi đầu rất giản dị. Do cái giản dị mà thành ra những cái phồn tạp. Tức như là trong Kinh Dịch chỉ cốt có hai cái vạch: cái vạch liền và cái vạch đứt là hai cái phù hiệu dương và âm. Lấy hai vạch ấy thay đổi nhau thành ra tám quẻ, tám quẻ lại thành ra 64 quẻ, v.v. Càng biến, lại càng thêm phồn tạp ra mãi, khác nào như âm, dương sinh ra vạn vật, vạn vật lại sinh sinh hóa hóa ra vô cùng vô tận. Song vạn vật dẫu nhiều thế nào mặc lòng, cái căn nguyên cũng chỉ có âm và dương mà thôi. Hễ hiểu được lẽ âm và dương ấy, tất là hiểu được cả vạn vật; biết được lẽ giản dị ấy, thì biết được cái lý của thiên hạ: “Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỹ 易簡而天下之理得矣 (Dịch: Hệ từ thượng).
Âm, dương thuộc về phần hình nhi thượng, tức là không phải vật có hình, chẳng qua là cái phù hiệu hai cái tương đối mà thôi. Đạo trời đất phải có tương đối thì mới biến hóa vô cùng, không bao giờ nghỉ, cho nên vạn vật trong vũ trụ chỉ có biến chứ không có định. Vậy học thuyết của Khổng Tử cốt ở đạo Dịch, mà đạo Dịch là đạo biến hóa của trời đất: “Dịch chi vi thư dã, bất khả viễn; vi đạo dã lũ thiên; biến động bất cư, chu lưu lục hư; thượng hạ vô thường, cương, nhu tương dịch; bất khả vi điển yếu, duy biến sở thích 易之
爲書也,不可遠; 爲道也屢遷; 變動不居, 周流六虚; 上下旡常, 剛柔相易; 不可爲典要, 唯變所適: Dịch là sách không xa sự thực, mà đạo Dịch là biến đổi luôn luôn, không ở nhất định chỗ nào, lưu chuyển khắp cả sáu cõi, trên dưới không có thường, cương, nhu thay đổi nhau, không nên lấy làm điển yếu, chỉ thích hợp sự biến đổi mà thôi” (Dịch: Hệ từ hạ).
Biến hóa là cái tượng của sự tiến thoái: “Biến hóa giả, tiến thoái chi tượng dã 變化者, 進退之象也” (Dịch: Hệ từ thượng). Phàm sự vật phải có biến thì mới tiến, không biến tức là định, mà định là thoái. Đạo trời là không có định, vì cứ biết cái qua, thì có cái lại, qua qua lại lại không cùng. Đó là sự hành động của thần. Vậy nên Khổng Tử nói rằng: “Tri biến hóa chi đạo giả, kỳ tri thần chi sở vi hồ 知變化之道者, 其知 神之所為乎: Ai biết đạo biến hóa thì có lẽ biết sự làm của thần” (Dịch: Hệ từ thượng).
Sự biến hóa của Trời như sự mở, sự đóng, mà đạo Trời là cứ qua lại mãi: “Nhất hạp, nhất tịch vị chi biến, vãng lai bất cùng vị chi đạo 一闔一闢謂之變,往來不窮謂之通: Một mở một đóng gọi là biến, qua lại không cùng gọi là đạo” (Dịch: Hệ từ thượng). Đạo trời chỉ có thế mà thôi, ngoài sự biến hóa vãng lai ra thì không sao biết được nữa. Cho nên mới nói rằng: “Quá thử dĩ vãng, vị chi hoặc tri dã; cùng thần tri hóa, đức chi thịnh dã 過此以往, 未之或知也, 窮神知化, 德之盛也: Qua ngoài điều ấy thì chưa dễ ai biết được; hiểu đến cùng cái thần, biết rõ lẽ biến hóa là cái đức thịnh vậy” (Hệ từ hạ). Xét cho đến cái thần, hiểu rõ lẽ biến hóa của trời đất, ấy là việc của thánh nhân dạy người ta.
Người và sự tri giác. Cái lẽ sinh hóa của trời đất và vạn vật là thế. Song người ta có cái địa vị rất lớn trong vạn vật, cho nên ta phải biết người là thế nào và tại làm sao người lại có cái địa vị ấy. Cứ theo cái học của Nho giáo thì: “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí dã 人者,其天地之德,陰陽之交,鬼神之會,五行之秀氣也: Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm, dương, sự tụ hội của quỉ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành” (Lễ Ký, Lễ vận, IX). Trời đất sinh ra người lại phú cho cái tính rất quý, tức là người chịu cái đức của trời đất. Người lại bẩm thụ được hoàn toàn cả cái tinh thần linh diệu và cái khí chất tinh tú, cho nên mới nói là linh hơn cả vạn vật. Nhờ có cái tinh thần và cái khí chất ấy người ta mới có cái sáng suốt để hiểu hết các sự vật.
Cái sáng suốt ấy là cái tính rất quý của người ta. Nhờ có nó người ta mới hiểu được điều phải điều trái, việc hay việc dở, nhờ có nó người ta mới có cái giá trị rất cao và cùng với trời đất mà chiếm được cái địa vị tôn quý trong vũ trụ. Bởi vậy hậu nho gọi người và trời, đất là tam tài 三才. Nếu không có cái sáng suốt ấy thì ta cũng giống như các vật khác, cứ sinh sinh, hóa hóa mà vẫn cứ mờ mờ, mịt mịt không biết có nghĩa lý gì nữa cả.
Cái sáng suốt tự nhiên có sẵn trong người ta là minh đức 明德 hay là lương tri 良知, có thể gọi là trực giác tức là cái khiếu tri giác rất mẫn tiệp, xem xét cái gì có thể đạt ngay đến cái tinh thần và cái chân lý của các sự vật. Cái khiếu tri giác ấy do ở trong tâm của người ta. Chữ tâm của Nho giáo phải hiểu nghĩa rộng là cái thần minh làm chủ tể cả sự tư tưởng cùng sự hành vi của người ta. Hễ ta giữ được cái tâm hư tĩnh, không để cho vật dục che tối mất cái sáng suốt tự nhiên, thì khi có vật gì cảm đến là ứng ngay được, và biết rõ ngay các lẽ. Tâm người ta mà tĩnh bao nhiêu, thì cái trực giác lại càng mẫn nhuệ bấy nhiêu. Bởi thế mới nói rằng: “Vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố 無思也,無爲也, 寂然不動,感而邃通天下之故: Không nghĩ, không làm, im lặng không động, đến lúc cảm thì suốt được mọi cớ trong thiên hạ” (Dịch: Hệ từ thượng). Sự cảm ứng tự nhiên thì bao giờ cũng công chính phổ cập vạn sự trong thiên hạ không thiên tư gì cả. Nếu người ta không hiểu lẽ ấy, mà cứ dùng tư tâm, tư ý để cầu lấy sự cảm ứng riêng của mình, thì không sao suốt được đến cái lẽ trong thiên hạ. Bởi vậy Kinh Dịch nói
rằng: “Sung sung vãng lai, bằng tòng nhĩ tư 憧憧往來, 朋從爾思: Vơ vẩn đi lại, lẩn quẩn với cái ý nghĩ riêng của mình” (Dịch Hạ Kinh, Hàm). Khi mình vơ vẩn với cái ý nghĩ riêng về cái gì thì chỉ cảm được cái ấy và chỉ có cái ấy ứng lại mà thôi, chứ không cảm ứng được với những cái khác nữa. Thành thử sự cảm ứng không khuếch nhiên thái công, không khắp cả vạn sự trong thế gian. Phàm khi đã lấy tư tâm tư ý chú về việc lợi hại, hơn thiệt riêng, thì cái trực giác mờ tối đi, khiến mình không trông thấy rõ cái thiên lý lưu hành ở trong thiên hạ nữa.
Thiên lý tuy biến hóa chia ra trăm đường nghìn lối, nhưng rút lại cũng chỉ thuộc về một mối mà thôi. Hễ người ta biết rõ như thế, thì còn phải lo nghĩ gì nữa. Cho nên Khổng Tử nói rằng: “Thiên hạ hà tư hà lự? Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự? 天下何思何慮?天下同歸而殊 途,一致而百慮.天下何思慮?: Thiên hạ có lo gì nghĩ? Thiên hạ tuy có nhiều đường khác nhau, nhưng cũng về một chỗ, trăm điều lo nghĩ mà vẫn quay về một mối. Thiên hạ có lo gì nghĩ gì?” (Dịch: Hệ từ hạ), Ý Khổng Tử không phải là nói người ta không nên lo nghĩ, nhưng chỉ cốt dạy người ta không nên vơ vẩn, chỉ lo nghĩ về một góc, một việc, để làm cho sự cảm ứng thành ra riêng tây, hẹp hòi, không khuếch nhiên thông cả được mọi việc. Trời sinh ra người và lại phú cho cái tính sáng suốt thì đạo người là phải cố gắng theo đạo Trời mà tiến hóa cho đến chí thiện, chí mỹ. Trong sự cố gắng như thế tất là phải lo nghĩ luôn, nhưng cái lo nghĩ theo lẽ tự nhiên rất công, rất chính, chứ không “sung sung vãng lai” để làm hẹp mất sự cảm ứng của người ta.
Cái học của Khổng Tử là cốt khiến người ta gắng hết sức, đem cái sáng suốt tự nhiên mà hiểu rõ cái nghĩa tinh vi, vào cho đến cái thần diệu của các sự vật, thì sự biết mới thực là xác thực và việc làm mới thật là hay. Bởi vậy Kinh Dịch nói rằng: “Tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng dã 精義入神以致用也: Hiểu rõ nghĩa tinh vi, vào đến chỗ thần diệu, để sự thi dụng cho được đến cùng vậy” (Hệ từ hạ). Xem như thế, dùng trực giác là việc rất khó, phải khiến cái tinh thần của mình vào đến cái tinh thần của sự vật, phải do ở trong mà ra ngoài, phải dụng lực rất nhíều và phải cố gắng hết sức thì mới có công hiệu.
Khi sự biết của người ta vào được sâu xa như thế, thì ta hiểu rằng ở trong thế gian tuy có trăm giường nghìn mối, nhưng thiên lý chỉ có một mà thôi, cho nên dẫu vạn vật phồn tạp thế nào mặc lòng, manh mối vẫn phân minh, không rối loạn chút nào. Bởi vậy Kinh Dịch nói rằng: “Ngôn thiên hạ chi chí trách nhi bất khả ố dã; ngôn thiên hạ chi chí động nhi bất khả loạn dã 言天下之至賾而不可惡也; 言天下之至動而不 可亂也: Nói cái cuộc rất phồn tạp của thiên hạ mà không ghét, nói cái cuộc chí động của thiên, hạ mà không loạn” (Hệ từ thượng).
Trung. Đạo trời đất là cứ biến hóa luôn luôn, mà trong sự biến hóa nào cũng có điều hòa, có bình hành, tức là có cái trung vậy. Trung bao giờ cũng hàm cái ý hòa, vì có hòa mới trung được, mà đã trung là tất có hòa. Trung là cái thể rất hoàn toàn của sự bình hành. Trời đất và vạn vật có cái trung mới đứng được và có cái hòa mới hóa dục được. Cho nên nói rằng: “Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên 中也者,天下之大本也;和也者,天下之 達道也。致中和,天地位焉, 萬物育焉: Trung là cái gốc lớn của thiên hạ, hòa là cái đạt đạo của thiên hạ. Cùng cực cả trung và hòa, thì trời đất định vị, vạn vật hóa dục” (Trung Dung). Trung đã là cái gốc của trời đất, thì người ta sinh ra tất là ai cũng bẩm thụ cái trung để làm tính thường. Thiên Thang cáo trong Kinh Thư nói rằng: “Duy hoàng thượng đế, giáng trung vu hạ dân, nhược hữu hằng tính 惟 皇 上 帝,降 衷 于 下 民,若 有 恆 性: Hoàng thượng đế giáng cái trung xuống cho hạ dân, dân có cái trung ấy như có tính thường”.
Trung có thể 體và có dụng 用. Thể là một cái thái độ ngay chính, lúc nào cũng không nghiêng không lệch, mà lại có cái sáng suốt biết rõ sự thực. Dụng là thi hành ra thì làm việc gì cũng không thái quá, không bất cập.
Theo được đạo trung thực là rất khó, học giả phải giữ cái tâm của mình cho tinh thuần và chuyên nhất thì mới có thể theo đúng được. Bởi vậy cái học của thánh nhân đời cổ thụ thụ cho nhau, chỉ cốt ở mấy điều là: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi; duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết trung 人心惟危,道心惟微; 惟 精,惟一,允執厥中: Cái tâm của người thì nguy, cái tâm của đạo thì vi; phải giữ cái tâm của mình cho tinh thuần và chuyên nhất, thì mới giữ được cái trung” (Thư: Đại Vũ mô). Nhân tâm nghĩa là cái phần sáng suốt riêng của người ta, tuy là một phần thiên lý, tức là một phần đạo tâm nhưng thường hay bị vật dục làm bế tắc, hơi sai một ly là chếch lệch ngay, cho nên mới nói là nguy. Đạo tâm nghĩa là phần sáng suốt trong vũ trụ, thuần nhiên là thiên lý, song nó vô thanh, vô khứu, ta giữ được hay không là ở ta mà thôi, chứ không thể làm cho tỏ rõ ra được, cho nên mới nói là vi. Ta biết cái tâm của ta là nguy, hễ sai một hào một ly là mất cái trung rồi, cho nên ta phải lo sợ, phải cố hết sức mà giữ cho nó không chếch lệch. Ta lại biết cái đạo tâm là vi cho nên ta phải duy tinh, duy nhất, để biết cho rõ cái đạo tâm, thì rồi mới giữ được cái trung.
Giữ đạo trung khó như thế, vậy nên kẻ học giả phải cố gắng hết sức, lúc nào cũng giữ cái tâm mình cho công chính, đừng để cái tư dục làm bế tắc thì mới biết cái thuần túy của thiên lý. Biết cái thiên lý thuần túy
ấy rồi tin mà theo, thì mới chấp được trung. Khi đã theo cái thiên lý thuần túy, tất là lấy đạo tâm làm chủ, bắt nhân tâm phải phục tòng mệnh lệnh, thì nguy hóa ra yên, vi hóa ra hiển, tự khắc làm điều gì cũng đắc kỳ trung, không thái quá, không bất cập.
Trung là cái yếu điểm của Khổng giáo. Hễ người ta giữ được cái trung thì sự hành vi động tác của mình mới điều hòa và mới trúng tiết. Nhưng phải biết rằng cái trung của Nho giáo không bao giờ có cái định vị tuyệt đối, cứ phải tùy cái địa vị, cái cảnh ngộ mà tìm cái trung. Xem như quẻ Kiền trong Kinh Dịch có sáu hào dương cả, mỗi hào ở vào địa vị nào thì lại có một cái trung riêng, như hào sơ cửu là hào ở dưới cùng, thì nói rằng: “Tiềm long vật dụng 潛龍勿用”, rồng còn đang chìm dưới nước, thì không nên làm việc gì”. Vậy ở hào này thì lấy chữ vật dụng làm trung. Hào trên là hào cửu nhị thì nói: “Kiến long tại điền, lợi kiến đại nhân 見龍在田利見大人”, rồng đã hiện lên trên mặt đất, thì nên ra mà thi hành mọi việc”. Vậy ở hào này thì lấy chữ kiến làm trung. Lên trên nữa, đến hào cửu tam, cửu tứ, cửu ngũ, thượng cửu, mỗi hào tùy cái địa vị ở trong quẻ mà có một cái trung riêng, Vậy theo cái trung là theo thiên lý mà lưu hành, mà biến hóa cho được điều hòa. Bởi thế Khổng Tử nói rằng “quân tử thời trung 君子時中”, nghĩa là người quân tử xử kỷ tiếp vật lúc nào cũng phải tùy thời mà giữ cho vừa phải và chính đáng.
Sinh. Đạo trời đất theo cái trung mà biến hóa luôn, làm cho mỗi ngày một mới hơn, một tốt hơn, đó là cái thịnh đức của trời đất: “Nhật tân chi vị thịnh đức 日新之謂盛德” (Dịch: Hệ từ thượng). Sự biến hóa ấy do một âm, một dương sinh sinh hóa hóa ra mãi, theo đạo ấy mà đi là thiện, thành được đạo ấy là tính. Chỉ có kẻ nhân giả trông thấy cái đạo ấy, cho nên gọi là trí, còn trăm họ thì tuy ngày ngày vẫn theo đạo ấy mà vẫn mờ mịt không biết, vì vậy cho nên cái đạo của người quân tử ít có vậy: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã, nhân giả kiến chi vị chi nhân, trí giả kiến chi vị chi trí, bách tính nhật dụng nhi bất tri, cố quân tử chi đạo tiển hỹ 一陰一陽之謂道,繼之者善也,成之者性也,仁者見 之謂之仁,知者見之謂之知,百姓日用而不知,故君子之道鮮矣” (Dịch: Hệ từ thượng).
Một âm một dương biến hóa mà sinh ra vạn vật, mà Dịch là để biểu thị cái đạo ấy, cho nên mới nói rằng: “Sinh sinh chi vị Dịch 生生之謂易: Sinh sinh ra mãi gọi là Dịch” (Dịch: Hệ từ thượng). Sự sinh hóa của trời đất khởi đầu do âm, dương, cơ, ngẫu. Phàm cái gì lẻ một là không sinh được. Phải có cái chẵn đôi để tương đối, tương điều hòa với nhau thì mới có sự sinh sinh. Vạn vật sinh sinh đều do ở cái gốc tương đối ấy. Cơ là lẻ, ngẫu là chẵn. Một cái cơ lại phải tìm một cái cơ khác để thành ra ngẫu thì mới sinh được. Trong số ba có một ngẫu và một cơ, vậy [một] cơ là thừa. Cái cơ ấy đi gặp cái cơ khác thành ra ngẫu, lại điều hòa mà sinh sinh. Thánh nhân muốn bày tỏ cái ý ấy ra, cho nên mới nói ở hào lục tam quẻ Tốn rằng: “Tam nhân hành, tắc tổn nhất nhân, nhất nhân hành, tắc đắc kỳ hữu 三人行則损一人,一人作則得其友: ba người đi, thì bỏ một người, một người đi thì gặp được bạn”. Sự sinh hóa của trời đất chỉ có một cái lẽ cơ ngẫu ấy mà thôi. Văn đời cổ thường ít có những trừu tượng danh từ cho nên hay dùng những cụ thể danh từ để nói những điều cao siêu. Như câu này nói số người đi, để tỏ cái lẽ cơ ngẫu tương phân tương hợp tự nhiên trong sự sinh hóa. Cái lý thuyết ấy chắc là do sự thực nghiệm mà suy ra, nên chi Khổng Tử thích nghĩa hào lục tam ấy, nói rõ trong thiên Hệ từ hạ rằng: “Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh 天地絪緼,萬物化醇,男女搆精,萬物化生: Khí trời đất nghi ngút, trên dưới giao hợp, vạn vật bởi cái khí tinh thuần ấy mà hóa ra, rồi giống đực giống cái giao cấu với nhau mà sinh mãi”. Nghĩa chữ thuần là nói giống nào đã sinh ra là cứ tự nhiên theo giống ấy mà sinh mãi mãi. Vậy vạn vật sở dĩ có là nhờ có sự sinh của trời đất. Cho nên nói rằng: “Thiên địa chí đại đức viết sinh 天地至大德 曰生: Đức lớn của trời đất là sự sinh” (Hệ từ hạ).
Xem đó thì biết là cái đạo của Khổng Tử cốt lấy sự sinh làm trọng hơn cả. Ngài cho sự sinh của vạn vật là theo lẽ tự nhiên. Ta có thể ngắm cảnh tạo hóa trong vũ trụ, chỗ nào cũng thấy đầy những sinh ý và xuân khí thì biết cái đức của Trời lớn rộng là dường nào! Khổng Tử lấy bốn cái đức của Trời nguyên, hanh, lợi, trinh ở quẻ Kiền mà nói rõ sự sinh thành của vạn vật. Ngài nói rằng: “Nguyên giả thiện chi trưởng dã, hanh giả gia chi hội dã, lợi giả nghĩa chi hóa dã, trinh giả sự chi cán dã 元者善之長也,亨者嘉之會 也,利者義之和也,貞者事之幹也: Nguyên là đầu các điều thiện, hanh là hội hợp các cái tốt đẹp, lợi là sự hòa hợp với điều nghĩa, trinh là cái gốc của mọi sự (Dịch: Văn ngôn truyện). Cái đức nguyên là cái khởi đầu sự sinh vạn vật, cái đức hanh là sự thông đạt của sự sinh vạn vật, cái đức lợi là sự thỏa thích của sự sinh vạn vật, cái đức trinh là sự thành tựu của sự sinh vạn vật. Vậy đạo trời đất là chủ ở sự sinh vạn vật, mà sự sinh ấy là đầu cả các điều thiện.
Đó là cái quan niệm rất trọng yếu của Khổng giáo. Mà Khổng giáo sở dĩ không giống các tông giáo khác cùng chỉ có cái quan niệm ấy mà thôi. Thường thì tông giáo nào cũng cho sự sống là một cảnh khổ, cho nên cứ phải tìm cách giải thoát, như Phật giáo thì cầu lấy sự “bất sinh”, Lão giáo thì cầu lấy sự “vô vi tịch mịch” không thích gì đến sự đời. Duy chỉ có Khổng giáo là lấy lẽ sinh hoạt ở đời làm vui thú, hợp với lẽ trời đất. Khổng giáo cho sự sinh hoạt tự nó là cái mục đích của tạo hóa, không cần phải hỏi rằng: Sinh ra để làm gì, hay là chết thì đi đâu. Lẽ trời đất chỉ có âm dương biến hóa mà thôi, tinh khí tụ lại là sinh, tan ra là tử, cứ tự nhiên lưu hành như thế mãi, vạn vật đều theo cả cái lệ ấy, không lẽ nào người ta lại ra ngoài cái
lệ ấy được.
Người là một phần, trong vạn vật, cho nên phải theo lẽ trời mà biến hóa, nhưng chỉ có phần vật chất là phải biến hóa mà thôi, còn phần tinh thần là của Trời phú cho, thì bao giờ cũng có cái tư cách độc lập và cái năng lực tự do để cố gắng mà tiến lên cho đến chí thiện, chí mỹ. Nếu ta biết dụng công phu mà sáng tạo ra những sự vật có tinh thần mạnh mẽ, có khí lực linh hoạt, tức là ta theo đạo trời đất mà sinh sinh. Thí dụ: Nhà triết học phát huy ra cái tư tưởng cao xa, nhà văn chương làm ra quyển sách kiệt tác, nhà mỹ thuật chế ra pho tượng rất đẹp, hay là nhà khoa học tìm ra cái cơ khí rất diệu, đều là hợp với cái đức sinh của trời đất cả.
Vậy hợp với cái đức sinh là thiện, trái với đức sinh là ác. Cái quan niệm về sự thiện sự ác của Khổng giáo gốc ở sự sinh.
Sự sinh là phần rất linh hoạt trong Khổng giáo. Bởi có phần ấy cho nên những điều nhân, nghĩa, lễ, trí mới có tinh thần, vì những điều ấy chủ ở sự gây thành cái sinh thú của nhân loại. Nếu người ta sống ở đời mà chỉ tùy tùng cái vật dục, để nó sai khiến, rồi chỉ cầu lấy tư tâm tư trí mà bày việc ra để làm nhiễu loạn nhân tâm, thì thật là làm hại cái sinh cơ của tạo hóa. Vậy nên cái tông chỉ của Khổng giáo là theo thiên lý mà bồi bổ cho sự sinh của trời đất. Sự bồi bổ đó gốc ở đạo nhân là cái cơ sở giáo hóa của Khổng giáo.
Nhân. Theo cái lý thuyết đã nói ở trên, cho cái đức lớn của trời đất là sự sinh, thì đạo người là phải theo đạo trời đất mà bồi dưỡng sự sinh. Đạo trời có bốn đức là: Nguyên, hanh, lợi, trinh, đạo người bởi đó mà có bốn đức là: Nhân, nghĩa, lễ, trí. Nguyên tức là nhân, đứng đầu các điều thiện; hanh tức là lễ, hội hợp các cái đẹp, lợi tức là nghĩa, định rõ các phận cho điều hòa; trinh tức là trí, giữ vững cái chính để làm gốc mọi sự. Bởi vậy, Khổng Tử nói rằng: “Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân, gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hòa nghĩa, trinh cố túc dĩ cán sự 君子體仁足以長人,嘉會足以合禮,利物足以和義,貞固足以 幹事: Quân tử lấy nhân làm thể là đủ làm trưởng thành cho người, hợp các cái tốt đẹp là đủ làm cho hợp lễ, lợi cho vạn vật là đủ làm hòa cái nghĩa, biết cái trinh chính mà cố giữ là đủ làm gốc cho mọi sự” (Dịch: Văn ngôn truyện). Vậy nhân là đầu các điều thiện, chủ bồi dưỡng sự sinh của trời đất.
Chữ nhân 仁có chữ nhân 亻và chữ nhị 二hợp lại là một chữ hội ý, nghĩa là nói cái thể và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một. Bởi vậy hiểu rõ nghĩa chữ nhân, tức hiểu rõ cái tông chỉ nhất thể của Khổng giáo.
Thê nào là nhân? Các đệ tử hỏi Khổng Tử, thì Ngài tùy học lực, tư cách của từng người mà trả lời với mỗi người một khác. Nhan Tử hỏi nhân. Ngài nói rằng: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân 克己復禮為仁: Sửa mình trở lại theo lễ là nhân” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Theo lễ là theo thiên lý, bỏ hết tư dục. Phàn Trì hỏi nhân. Ngài nói rằng: “Ái nhân 爱人: Yêu người”. Trọng Cung hỏi nhân. Ngài nói rằng: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân 出門如見大賓,使民如承大祭。己所不欲,勿
施於人: Ra cửa phải như tiếp khách lớn, trị dân phải như làm lễ tế lớn, điều gì mình không muốn ai làm cho mình, thì không nên làm cho ai” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Tử Trương hỏi nhân. Ngài nói: “Năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hỹ. Viết cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung tắc bất vũ, khoan tắc đắc chúng, tín tắc nhân nhiệm yến, mẫn tắc hữu công, huệ tắc túc dĩ sử nhân - 能行五者於天下,為仁 矣。曰: 恭,寬,信,敏,惠。恭則不侮,寬則得眾, 信則人任焉,敏則有功,惠則足以使人: Có thể làm được năm điều ở trong thiên hạ là nhân vậy. Là cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung thì không khinh nhờn, khoan thì được lòng người, tín thì người ta tin cậy được, mẫn thì có công, huệ thì đủ khiến được người” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVII). Cứ theo ý nghĩa mấy câu ấy, thì nhân là nói sự hành động của người ta phải hợp thiên lý chí công và bỏ hết cái tư tâm, tư ý, khiến cho đối với người cũng như đối với mình, lúc nào cũng kính cẩn và thân ái như một vậy.
Song đó mới là cái dụng của nhân mà thôi. Nhân còn có cái nghĩa khác rộng hơn nữa, như Khổng Tử nói: “Trí giả nhạo thủy4, nhân giả nhạo sơn;5trí giả động, nhân giả tĩnh 知者樂水,仁者樂山;知者動,仁者 靜: Người trí giả thích nước, người nhân giả thích núi, trí giả động, nhân giả tĩnh” (Luận Ngữ: Ưng dã, VI). Hay là: “Hồi dã, kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân, kỳ dư nhật nguyệt chí yên nhi dĩ hỹ 回也,其心三 月不違
仁,其餘,則日月至焉而已矣: Nhan Hồi bụng giữ được ba tháng không trái đạo nhân, còn người khác thì chỉ được một ngày một tháng là cùng” (Luận Ngữ: Ung dã, VI). Hay là: “Nhân viễn hồ tai, ngã dục nhân, tư nhân chi hỹ! 仁遠乎哉?我欲仁,斯仁至矣!: Nhân có xa đâu, ta muốn nhân thì nhân đến vậy” (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII). Vậy thì nhân lại là một cái thể yên lặng như núi, bao nhiêu đức tính khác đều bởi đó mà sinh ra, khác nào như các thứ cây cối đều mọc lên cả trên núi. Trong cái thể yên lặng ấy có cái tính sáng suốt, cái sức mạnh mẽ, có điều gì cũng biết rõ ràng ngay, mà làm việc gì cũng điều hòa và trúng tiết. Như thế thì nhân với trung cũng đồng một nghĩa; nhưng nhân thì có nhiều tình cảm rất hậu, đối với vạn vật không bao giờ là không có hậu tình. Vậy nên chữ nhân vẫn hàm cả nghĩa chữ ái. Vì có nhân mới có ái, có ái mới có lòng thương người, yêu vật, muốn cho vạn vật bao giờ cũng có cái khoái lạc mà sống ở đời. Bởi có lòng nhân cho nên người ta mới hợp quần với nhau, mới có lòng bác ái, mới coi nhau như anh em, xem cả đoàn thể như một người, cả vũ trụ như nhất thể. Đã như một người thì hễ có chỗ nào đau là cả
người thấy khó chịu. Cũng bởi nghĩa ấy mà sách thuốc của ta gọi bệnh tê là ma mộc bất nhân 麻木不仁, vì người có bệnh tê thì trong thân thể đau đâu cũng không biết. Người bất nhân ở trong xã hội cũng như người có bệnh tê vậy, ai đau khổ thế nào, vật gì bị tai nạn làm sao, cũng dửng dưng không hề cảm động chút nào.
Vậy đã nhân thì yêu người, yêu vật, muốn cho vạn vật các đắc kỳ sở. Lòng yêu lòng muốn ấy đều xuất ư tự nhiên, không có miễn cưỡng chút nào, cho nên mới gọi là an.
Nhân với an quan hệ với nhau rất là mật thiết. An là cái đức tính rất tốt của người có nhân, lúc nào cũng tự nhiên nhi nhiên, mà làm việc gì cũng thung dung trúng đạo. Người có nhân, tự mình có cái trực giác sáng láng, ở trong bụng thì an lặng mà ứng ra ngoài thì việc gì cũng thích hợp với thiên lý chí công chí thiện, cho nên bao giờ cũng an. Người bất nhân thì hay vị tư tâm, tư trí, thành ra làm mờ tối mất cái trực giác, rồi cứ miễn cưỡng tìm cách làm những điều tàn ác, trái với thiên lý, cho nên không lúc nào an được. Vậy có an mới là nhân, mà đã nhân là an 安.
Nói tóm lại, nhân gồm cả thể và dụng. Thể thì tịch nhiên im lặng và vẫn sẵn có cái năng lực sinh tức ra các cái đức tính tốt, tức như cái hột trong quả, bởi có hột mà mọc ra mầm, ra cành, ra lá. Cũng vì vậy mà ta gọi cái phần ấy ở trong hột là nhân. Dụng thì dễ cảm dễ ứng, lúc nào cũng suốt đến cả vạn vật, bởi vậy làm việc gì cũng trúng tiết và rất thích hợp với thiên lý.
Kẻ nhân giả suốt cả người đầy những tình cảm chân thực, cho nên đã nhân thì bao giờ cũng hiếu đễ và trung thứ; kẻ bất nhân thì đầy những trí thuật, rất khôn khéo, rất linh lợi, mà tình cảm đơn bạc và không chân thực, cho nên thành ra gian ác tàn nhẫn. Bởi thế Khổng Tử nói rằng: “Cương, nghị, mộc, nột, cận nhân 剛毅木訥,近仁: Cương trực, nghiêm nghị, chất phác, trì độn là gần nhân” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII), “Xảo ngôn lịnh sắc tiền hỹ nhân 巧言令色, 鮮矣仁: Nói khéo và sửa nét mặt cùng hình dáng bề ngoài là ít có nhân vậy” (Luận Ngữ: Học nhi, I). Xét rõ ý nghĩa những câu ấy, thì hiểu thế nào là nhân, thế nào là bất nhân. Nhân thì thật thà, chất phác và có cái sinh thú áng nhiên; mà bất nhân, thất trung, thì khôn ngoan quỉ quyệt, hay làm hại cái sinh cơ.
Nhân là cái gốc lớn của sự sinh hóa trong trời đất.
Thế gian nhờ đó mà đứng, vạn vật nhờ đó mà sinh, quốc gia nhờ đó mà còn, lễ nghĩa nhờ đó mà phát hiện ra. Cho nên Khổng giáo lấy nhân làm cái tông chỉ duy nhất trong tông giáo, chính trị và học thuật của thiên hạ. Đối với từng người một thì nhân là cái hành xích để biết việc phải, trái, điều hay, dở. Sự ngôn luận, sự hành vi của người ta mà hợp với đạo nhân là hay là phải, trái với đạo nhân là dở là xấu.
Đạo nhân to lớn như vậy, sâu xa như vậy, cho nên cái học của Khổng Tử chủ cả ở chữ nhân. Vì thế cho nên mới nói: “Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị - 君子無終食之 間違仁,造次必於是,顛沛必於是: Người quân tử trong khoảng bữa ăn cũng không trái nhân, vội vàng cùng phải theo nhân, hoạn nạn cũng phải theo nhân” (Luận Ngữ: Lý nhân, VI). Vậy bao nhiêu việc hành vi
đạo đức là căn bản ở nhân cả.
Đạo nhân có thể vừa thấp cho ai cũng với đến được, mà cao thì cao vô cùng. Đến bậc hiền như thầy Nhan Hồi cũng chỉ giữ được ba tháng không trái đạo nhân mà thôi: mà chính Khổng Tử cũng nói rằng: “Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm 若聖與仁,則吾豈敢: Nếu bậc thánh và bậc nhân thì ta sao dám” (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII). Xem thế nào thì biết đạo nhân thật là rộng, người không có chí học đạo nhân, không theo được. Học đạo nhân thì phải lập chí theo cho đến cùng, dẫu chết cũng không bỏ. Khổng Tử nói rằng: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân 志士仁人,無求生以害仁,有殺 身以成仁: Người chí sĩ bậc nhân nhân, không ai cầu sống mà hại đạo nhân, chỉ có kẻ giết mình mà làm cho thành đạo nhân” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Tăng Tử nói rằng: “Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhiệm trọng nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỷ nhiệm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ? 士不可 以不弘毅,任重而道遠。仁以為己 任,不亦重乎? 死而後已,不亦遠乎?: Người đi học không nên không hoằng đại kiên nhẫn, việc thì nặng mà đường thì xa: Lấy đạo nhân làm việc phải làm của mình thì có phải là việc nặng không? Theo làm đạo nhân cho đến chết mới thôi, thì có phải là xa không?” (Luận Ngữ: Thái Bá, VIII). Nhân là điều trọng yếu như thế, cho nên Khổng giáo dạy người ta chỉ cốt ở đạo nhân mà thôi. Nhân là cái đích tu dưỡng của Nho học. Ai đã tu đến bậc nhân thì làm việc gì cũng trúng tiết, có điều hòa và có bình hành, thích hợp với thiên lý lưu hành tự nhiên vậy.
Thiên Mệnh. Nho giáo đã tin có Trời làm chủ tể cả vũ trụ thì tất là nhận có cái ý chí rất mạnh để khiến sự biến hóa ở trong thế gian cho hợp lẽ điều hòa. Cái ý chí ấy gọi là thiên mệnh 天命hay là đế mệnh 帝命, cổ nhân dùng chữ thiên 天 để chỉ cái ý to lớn cao xa, bao bọc, che chở, và dùng chữ đế 帝 để chỉ cái ý làm chủ tể cả muôn vật. Nói thiên mệnh hay đế mệnh tức là nói cái ý chí của Trời.
Nhưng ta phải biết rằng quan niệm của Khổng Tử về Trời hay Thượng Đế không giống như quan niệm của phần nhiều người thường tưởng tượng. Trời hay Thượng Đế là một đấng có hình dáng, có tình cảm, có tư dục như người ta. Trời hay Đế chỉ là cái lý vô hình, rất linh diệu, rất cương kiện, mà khi đã định sự biến động ra thế nào thì dẫu làm sao cùng không cưỡng lại được.
Khổng Tử tin có Trời như thế, và có thiên mệnh cho nên Ngài nói rằng: “Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã 不知命無以爲君子也: Không biết mệnh Trời thì không lấy gì làm quân tử” (Luận Ngữ: Nghiêu viết, XX). Những công việc người ta ở đời thành hay bại, thế cục thịnh hay suy đều do thiên mệnh cả. Cái đạo của Ngài mà thi hành ra được cũng là mệnh Trời, mà không thi hành ra được cũng là mệnh Trời: “Đạo chi tương hành dã dư, mệnh dã; đạo chi tương phế dã dư, mệnh dã 道之將行也與,命也;道之將廢也與,命 也”. (Luận Ngữ: Hiến vấn, XVI). Người quân tử cứ an mà làm điều lành, điều phải, dẫu thế nào cũng đã có cái mệnh của Trời, không oán Trời và giận người, cho nên Ngài nói rằng: “Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh 上不怨天,下不尤人,居易以俟命: Trên không oán Trời, dưới không trách người, cứ bình dị mà đợi mệnh” (Trung Dung).
Tri mệnh tức là biết vui theo mệnh Trời mà sinh hoạt, mà hành vi cho phải đạo, chứ không lập ý riêng, mà cưỡng làm những điều tư tâm của mình. Nhưng tri mệnh là việc rất khó, đến Khổng Tử mà còn phải đến năm mươi tuổi mới biết mệnh Trời: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh 五十而知天命” (Luận Ngữ: Vi chính, II), huống chi người thường cho là dễ làm sao được. Người ta lúc còn trẻ tuổi, khí huyết đang hăng, tưởng việc gì cũng làm được, về sau dần dần có kinh nghiệm nhiều và lịch duyệt lắm, mới biết là những công việc thành hay bại thường không phải tự mình định lấy được.
Người ta ở đời lưu hành trong cái đạo biến hóa của trời đất, khác nào như đàn cá lặn lội ở giữa dòng nước chảy, tuy lúc nào cũng có cái năng lực vẫy vùng chạy nhảy, nhưng vẫn cứ phải trôi theo dòng nước. Dòng nước chảy càng to, càng mạnh bao nhiêu thì sự trôi đi lại càng khó cưỡng bấy nhiêu. Sự trôi đi như thế, tức là thiên mệnh vậy. Song ta phải hiểu rằng trong khi ta theo thiên lý mà lưu hành, thì bao gíờ ta cũng có cái năng lực tự do để tự cường tự kiện, khiến cho cái tâm tình của ta được sáng suốt, mẫn nhuệ để lúc nào ta hành động cũng không mất cái trung. Vậy trong sự theo thiên mệnh ấy, có cái sức cố gắng rất cường kiện để hoạt động luôn, chứ không phải như những người tầm thường nhu nhược, cứ đành chịu ép một bề mà đợi số mệnh. Bởi thế cho nên Kinh Dịch nói rằng: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức 天行健, 君子以自強不息: Việc hành động của Trời rất mạnh, người quân tử phải theo mà tự cường không nghỉ” (Dịch: Tượng, thượng truyện). Nếu người ta hiểu không rõ cái ý nghĩa ấy, rồi cứ vì cái lẽ theo thiên mệnh mà thành ra biếng trễ, thì tự ông Trời cũng tuyệt diệt đi, không tài bồi cho cái yếu đuối hèn hạ bao giờ. Sách Trung Dung nói rằng: Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi 故天之生物,必因其材而篤焉; 故栽者培之,傾者 覆之: Trời sinh ra muôn vật, nhân cái tài lực của từng vật mà đôn đốc thêm vào, cho nên vật nào có thể vun đắp được thì vun đắp vào cho tốt lên, vật nào nghiêng lệch thì làm cho đổ nát đi”. Theo thiên mệnh thì phải có cái khí cường kiện mới theo nổi, không thì thành ra thất bại ngay. Người đời nay dùng bốn chữ “ưu thắng liệt bại 優勝劣敗” chính là cái nghĩa ấy vậy.
Xem như thế thì cái đạo Khổng Tử vẫn là một cái đạo có khí lực mạnh mẽ, khiến người ta phải cố gắng mà tự cường luôn, chứ không có điều gì là hèn yếu biếng trễ cả.
Quỉ thần. Khổng Tử đã tin có Trời, có thiên mệnh, tất là tin có quỉ thần. Quỉ thần là cái khí thiêng liêng ở trong trời đất, tuy mắt ta không trông thấy, tai ta không nghe thấy, nhưng vẫn thể được cả muôn vật, không sót vật nào: đâu đâu cũng hình như ở trên đầu ta, ở bên tả bên hữu ta: “Dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu 洋洋乎如在其上,如在其左右” (Trung Dung). Bởi vậy ta phải: “Tế thần như thần tại 祭神如神在: Tế thần như là có thần ở đó” (Luận Ngữ: Bát dật, III). Tế quỉ thần là lấy sự tận thành để tỏ cái lòng tôn kính, chứ không phải tế để cầu lấy cái phúc riêng cho mình như những người thường vẫn tin tưởng đâu. Quỉ thần là thông minh chính trực, có lẽ nào lại thiên vị ai bao giờ. Người ta ở đời cứ theo cái lẽ công chính mà làm, đừng làm việc gì tàn bạo gian ác. Việc bổn phận của mình thế nào, thì mình cứ cố gắng mà làm cho trọn vẹn, rồi sẽ có quỉ thần chứng giám cho, hà tất phải nay cầu nguyện, mai cầu nguyện mà làm gì? Thường những việc của chính nhân quân tử đã làm là việc cầu nguyện đó rồi, vì rằng có cầu nguyện gì hơn được cứ theo cái lẽ công nhiên của trời đất mà làm việc nhân việc nghĩa? Khổng Tử đã bày tỏ ý kiến ấy ra một cách rõ ràng, như khi Ngài đau nặng, học trò Ngài là thầy Tử Lộ xin cầư nguyện thượng hạ thần kỳ để Ngài chóng khỏi, Ngài nói rằng: “Khâu chi đảo cửu hỹ 丘之禱久矣: Ta cầu nguyện đã lâu rồi” (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII). Ý Ngài nói rằng chung thân Ngài chỉ có theo lẽ trời mà làm việc nhân, nghĩa, lễ, trí, như thế là lúc nào Ngài cũng đã cầu nguyện rồi. Nếu ai là người bất nhân bất nghĩa, làm những điều trái đạo, phải tội với Trời thì dẫu có cầu nguyện, quanh năm cùng không có ích gì: “Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã 獲罪於天,無所禱也: Phải tội với Trời còn cầu nguyện vào đâu được” (Luận Ngữ: Bát dật, III).
Việc quỉ thần là việc cao xa, u ẩn, ta không có thể biết cho rõ được, ta chỉ nên lấy lòng thành kính mà đối với quỉ thần là đủ. Làm người ở đời, ta cứ biết chăm lo làm việc nghĩa của người, chứ biết thê nào được việc quỉ thần mà nói những điều huyễn hoặc để gây thành những mối mê tín, hại cho việc nhân nghĩa. Vậy nên Khổng Tử nói rằng: “Vụ dân chi nghĩa, kính quỉ thần nhi viễn chi 務民之義,敬鬼神而遠之,可謂
知矣: Vụ lấy làm việc nghĩa của người, còn quỉ thần thì kính mà xa ra” (Luận Ngữ: Ung dã, VI). Kính và thành. Khổng Tử tin có Trời và có quỉ thần, chứ không phải như ý kiến những người hiểu không rõ học thuyết của Ngài nói phỏng chừng rằng đạo của Ngài là đạo vô thần. Đó là điều sai lầm rất quan hệ về đường khảo cứu. Nhưng phải biết rằng Khổng Tử cho Trời là cái lý linh diệu chí công, chí chính, mà quỉ thần là cái linh khí của trời đất, rất thông minh chính trực, tất là Trời và quỉ thần không có thiên tư điều gì vậy. Người và vạn vật sinh ra trong thế gian cùng bẩm thụ một lý một khí của Trời cả, duy chỉ có thanh, trọc khác nhau mà thôi. Đã đồng lý, đồng khí thì tất có chỗ cảm ứng được. Vậy nên đối với Trời và quỉ thần, người ta phải lấy lòng kính cẩn và thành thực mà thờ phụng. Thiên Thái giáp hạ trong Kinh Thư nói rằng: “Duy thiên vô thân, khắc kính duy thân… quỉ thần vô thường hưởng, hưởng vu khắc thành 惟天無 親,克敬惟親…鬼神無常饗,饗于克誠: Trời không thân với ai, chỉ thân với người hay kính... quỉ thần không thường chứng giám cho ai, chỉ chứng giám cho kẻ hay thành”. Vậy chỉ có kính và thành mới cảm động đến Trời và quỉ thần được.
Người ta sở dĩ biết có nhân, nghĩa, lễ, trí là nhờ cái tính của Trời phú cho, vậy nên ta phải thờ Trời. Nhưng thờ Trời thì chỉ có cách lấy cái ý chân thực và cái lòng kính cẩn mà giữ lúc động, lúc tĩnh, lúc chuyện trò hay lúc ngồi im lặng, không lúc nào được khinh nhờn. Ấy là cách phụng sự rất chính, rất phải. Bởi thế cho nên Khổng giáo lấy chữ kính 敬làm quan trọng lắm. Những lễ nghi của thánh nhân đời trước đặt ra mà có ý nghĩa, là cũng vì có chữ kính. Nếu không có kính thì chỉ là cái hư văn rất phiền toái mà thôi.
Khổng Tử nói rằng: “Quân tử úy thiên mệnh 君子畏天命: Người quân tử sợ mệnh Trời” (Luận Ngữ: Quý thị, XVI). Ta có sợ Trời, có giữ lòng kính cẩn thì mới giữ được bụng ngay chính, để làm những điều nhân, nghĩa, hiếu, đễ. Nếu trong lòng mà không chân thực và lại khinh nhờn, thì còn có kị đạn gì nữa. Bởi thế Khổng Tử nói rằng: “Tu kỷ dĩ kính 脩己以敬: Lấy kính mà sửa mình” (Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV). Người ta ở đời có phải ngẫu nhiên mà sinh ra, rồi ngẫu nhiên lại hóa đi mất đâu. Nếu như vậy, thì suốt cả vũ trụ cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì chưng có Trời, và Trời lại làm chủ tể cả muôn vật, nên ta phải thờ Trời và theo đạo Trời mà ăn ở để làm cho sáng cái minh đức của Trời đã phú dữ cho ta. Người nào đã thành thực mà giữ lòng kính cẩn, thì không bao giờ làm điều bất nhân phi nghĩa, tất là có thể sửa mình đến chí thiện được.
Đã có Trời lại có quỉ thần để chứng giám cho vạn vật. Vậy đã thờ Trời tất phải thờ quỉ thần. Nhưng thờ quỉ thần chỉ cốt có lòng thành, thì quỉ thần mới chứng giám cho, vì có thành mới cảm đến quỉ thần được. Nếu không, thì dẫu có bày đặt ra đủ các thứ lễ nghi đồ vật, nhưng cũng như không mà thôi. Quỉ thần đã chứng giám cái lòng thành cho mình, thì mình cứ an lòng mà làm điều lành điều phải. Không nên đem tư tâm mà dùng sự lễ bái để cầu tài, cầu lợi. Đó là điều mê hoặc không phải là đạo công chính của quỉ thần.
Kính 敬 thành 誠 là cái gốc luân lý của Nho giáo. Có kính thì mới giữ được cái bản tính của mình cho thuần nhất, và có thành thì người với Trời và quỉ thần mới tương cảm với nhau được. Thiết tưởng kẻ học giả có hiểu rõ nghĩa hai chữ kính và thành, thì mới biết được nghĩa lý những điều nhân, nghĩa, lễ, trí và mới hiểu được cái tinh thần của Nho giáo vậy.
Sự sinh tử. Về sự sinh tử thì Khổng Tử cũng tin tưởng như mọi người đương thời bấy giờ. Ngài nói rằng: “Nhân sinh hữu khí, hữu hồn, hữu phách. Khí hồn phách hội vị chi sinh 人生有氣,有魂,有魄. 氣,魂, 魄㑹謂之生: Người sinh ra có khí, có hồn, có phách. Khí, hồn, phách hội lại gọi là sinh” (Khổng Tử gia ngữ: Ai Công vấn chính, XVII)6. Người ta ở đời có mệnh, có tính, có sống, có chết: “Phân ư đạo vị chi mệnh; hình ư nhất vị chi tính; hóa ư âm dương tượng hình nhi phát vị chi sinh; hóa cùng số tận vị chi tử. Cố mệnh giả, tính chi thỉ dã, tử giả, sinh chi chung dã, hữu thỉ tắc tất hữu chung hỹ 分於道謂之命,形於
一謂之性,化於陰陽,象形而發謂之生,化窮數盡謂之死.故命者,性之始也,死者,生之終也, 有始則必有終矣: Chia một phần ở trong đạo tự nhiên của trời đất ra gọi là mệnh; rõ hình ra ở cái lý nhất quán ai cũng như ai, gọi là tính; biến hóa ở âm dương mà thành ra có tượng, có hình gọi là sinh; hóa đến cùng, số hết, gọi là tử. Cho nên mệnh là cái bắt đầu của tính, tử là cái cuối cùng của sinh, có cái bắt đầu thì ắt là có cái cuối cùng vậy” (Khổng Tử gia ngữ: Bản mệnh giải, XXVI).
Chết rồi thì hài cốt chôn xuống đất dần dần tan nát đi, còn cái khí tinh anh thì lên trên khoảng không gian sáng rõ rực rỡ: “Tử tất quy thổ, cốt nhục tệ ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh 死必歸土,骨肉斃於下,陰為野土,其氣發揚於上,爲昭明 (Lễ Ký: Tế nghĩa, XXIV). Vậy chết không phải là hết. Chỉ hết cái hình hài mà thôi còn cái khí tinh anh tức là tinh thần thì lại về chỗ sáng rõ ở trong vũ trụ.
Cái phần chiêu minh ấy ở trong người ta gọi là tâm 心. Tâm là cái thần minh ở trong vạn vật, là cái tia sáng của Trời phú cho ta để hiểu biết các sự vật. Vũ trụ sở dĩ có là bởi có cái tia sáng ấy, chứ không thì dẫu có cũng như không mà thôi. Vạn vật nhờ có cái tia sáng ấy mà biết là có, và biết là có Trời. Người ta có cái phẩm giá tôn quý là cũng nhờ có cái tâm, cho nên hễ bỏ cái tâm đi thì vũ trụ chỉ là một khối vật chất vô tri vô giác, không có giá trị gì cả. Có cái tâm thì trời đất rõ ràng, vạn vật linh hoạt. Bởi thế người quân tử bao
giờ cũng phải giữ cái tâm cho minh mẫn. Đến khi người ta mệnh chung, cái tia sáng trở về Trời, mà cái vật chất thì hẩm nát đi. Bởi cái lý tưởng ấy cho nên cổ nhân nói rằng: “Sinh ký dã, tử quy dã 生寄也,死歸也: Sống là gởi vậy, thác là về vậy”. Chết là cái tinh thần về Trời.
Cổ nhân tin như thế, cho nên mới nói “Tam hậu tại thiên 三后在天”: ba vua ở trên trời. Hay là: “Văn Vương trắc giáng, tại đế tả hữu 文 王 陟 降, 在 帝 左 右”. Những lời ấy làm bằng chứng rõ ràng là người ta chết cái tinh thần không mất. Nhưng cái tinh thần ấy có cảm giác được như người sống nữa hay không? Một hôm thầy Tử Cống hỏi Khổng Tử rằng: “Người chết rồi có biết gì nữa không?” Ngài trả lời rằng: “Nếu ta nói người chết rồi mà còn biết thì sợ những con cháu hiếu thảo liều chết để theo ông cha; nếu ta nói người chết rồi mà không biết gì, thì sợ con cháu bất hiếu, cha mẹ chết bỏ không chôn. Ngươi muốn biết người chết rồi có biết hay không biết, chuyện đó không phải là chuyện cần kíp ngay bây giờ, rồi sau sẽ biết” (Khổng Tử gia ngữ: Trí tư, VIII). Dẫu tinh thần biết hay không biết mặc lòng, đối với người chết bao giờ ta vẫn có cái tình cảm, khiến ta không có thể cho như là không biết gì nữa, mà cũng không có thể cho là vẫn biết như lúc còn sống được. Khổng Tử nói rằng: “Chi tử nhi trí tử chi, bất nhân, nhi bất khả vi dã; chi tử nhi trí sinh chi, bất trí, nhi bất khả vi dã 之死而致死之,不仁而不可為也;之死而致生之,不知 而不可為也: Cho người chết là mất hẳn, không biết gì nữa là bất nhân, không nên theo; cho người chết là còn biết như lúc hãy còn sống là bất trí, không nên theo” (Lễ Ký: Đàn cung thượng). Tưy việc sống, chết thế nào thì ta không rõ được, nhưng đối với người chết, bao giờ ta cũng có tình cảm thương tiếc, Vậy thì ta cứ thờ người chết, cúng tế tổ tiên để tỏ lòng tôn kính yêu mến. Song ta không nên thờ bậy cúng bậy; nếu không phải là bậc mình đáng thờ, đáng cúng, không phải cha mẹ tổ tiên mình mà mình thờ cúng thì gọi là siểm: “Phi kỳ quỉ nhi tế chi, siểm giả 非其鬼而祭之,諂也” (Luận Ngữ: Vi chính, II).
Nói rút lại, đạo Trời là chí thiện chí mỹ, đạo người là phải cố gắng để làm được những điều chí thiện chí mỹ. Ai muốn đạt tới cái mục đích ấy thì trước hết phải theo đạo thành. “Thành giả thiên chi đạo dã, thành chi giả nhân chi đạo dã 誠者天之道也,誠之者,人之道也: Thành thực là đạo Trời, giữ cho được thành thực là đạo người” (Trung Dung). Thành là cái tính bản nhiên của thiên lý, cái tính ấy chân thực không sai lầm điều gì, và lại có thể sinh sinh, hóa hóa, gây nuôi muôn vật. Người ta ai đã cố gắng mà tiến lên đến bậc chí thánh thì có thể giúp được việc hóa dục của trời đất và có đức ngang với trời đất. Tức là một cách nói: Trời sinh ra người, người lại cố gắng theo cho được hoàn toàn như Trời vậy.
Kẻ học giả hiểu rõ lẽ ấy, rồi cứ vui theo mệnh Trời mà cố sức tu dưỡng cho đến bậc nhân, thì đạo làm người thành ra có cái ý nghĩa rất cao xa, mà cái cảnh ở đời lại rất có thú vị. Bởi thế cho nên thánh nhân dạy người ta: “Lạc thiên tri mệnh, cố bất ưu; an thổ đôn hồ nhân, cố năng ái 樂知天命, 故不憂; 安土敦乎仁, 故能愛: Vui theo đạo Trời và biết mệnh Trời cho nên không lo; tùy chỗ ở mà an và đôn đốc làm điều nhân cho nên có lòng ái” (Dịch: Hệ từ thượng).
2. ĐẠO CỦA KHỔNG TỬ
Đạo là cái lý tự nhiên của trời đất, là con đường rộng ai cũng phải theo mà đi, tức là cái công lệ trung chính để làm quy tắc cho sự hành động của người đời. Khổng Tử theo lẽ điều hòa của trời đất và đem những tư tưởng và sự hành vi của các đế vương đời trước mà lập thành đạo để dạy thiên hạ. Ai theo được đạo ấy mà ăn ở là hay, là người quân tử; không theo được đạo ấy là dở, là kẻ tiểu nhân, cho nên mới gọi là: “Quân tử chi đạo 君子之道: đạo của người quân tử”. Đạo ấy gồm hết tất cả cái phải, cái hay, tổng hợp các đức tính tốt để gây thành cái nhân cách hoàn toàn của người ta.
Sách Trung Dung chép rằng: “Trọng Ni tổ thuật Nghiêu, Thuấn, hiến chương Văn, Võ, thượng luật thiền thời, hạ tập thủy tổ 仲尼祖述堯舜,憲章文武;上律天時,下襲水土: Đức Trọng Ni tổ thuật đạo vua Nghiêu, vua Thuấn, bắt chước phép vua Văn, vua Vũ, trên theo thời trời mà quyền biến, dưới tùy thủy thổ mà an vui”. Đạo ấy ví như trời đất, không có cái gì là không che chở, chuyển vần như bốn mùa, sáng rõ như mặt trời, mặt trăng, ở trong đạo ấy thì “Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo tịnh hành nhi bất tương bội, tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hóa 萬物並育而不相害,道並行而不相悖,小德川流,大德敦化: Muôn vật đều hóa dục mà không hại lẫn nhau, các đạo đều thi hành mà không trái nhau. Đức nhỏ thì phân minh như nước sông chảy, đức lớn thì đôn hậu mà sinh hóa vô cùng” (Trung Dung). Đạo của Ngài khoan hoằng quảng đại như thế và lại theo cái tông chỉ chí công chí chính, chủ ở sự làm điều lành điều phải, bao giờ cũng dễ dàng ung dung, không cố chấp điều gì. Dẫu đối với đạo khác, Ngài cũng cho là “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” 天下同歸而殊塗,一致而百慮, cho nên ngài không bài bác công kích đạo nào cả. Ngài nói rằng: “Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ 攻乎異端,斯害也已: Công kích đạo khác là chỉ hại mà thôi”7(Luận Ngữ: Vi chính, II). Vì rằng đạo của Ngài là chỉ theo lẽ thường, cứ việc phải thì làm, việc trái thì bỏ, cốt dạy người ta giữ cái lương tâm cho sáng suốt, đừng để tư tâm, tư dục làm ám muội đi mất, thì tự khắc là người ta biết phân biệt điều hay, điều dở. Điều hay là phải theo, điều dở là phải
bỏ, không lấy cái trí hẹp hòi mà câu chấp một mặt nào hay một thuyết nào. Bất cứ điều gì, hễ nó hợp thời, thuận lý là được, như thế thật là một đạo chiết trung, khiến cho lúc nào cũng giữ được cái lẽ điều hòa tự nhiên mà lập thành cái nhân sinh triết lý rất uyên bác.
Đạo của Khổng Tử tuy nhận có quỷ, thần và có phân biệt sự sống, chết, nhưng không lấy việc quỷ, thần mà đặt ra những điều mê tín, không lấy sự sống, chết mà huyễn hoặc lòng người. Ngài chỉ cốt lấy nhân, nghĩa, lễ, trí hiếu đễ trung tín làm đạo thường. Ngài cho những điều ấy là do cái minh đức của thiên lý mà phát hiện ra, vậy nên phải theo thiên lý mà làm cho sáng cái minh đức ấy, để khiến người ta càng ngày càng hay hơn, đến chí thiện mới thôi. Đó là nghĩa câu ở đầu sách Đại Học: “Đại Học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện 大學之道在明明德,在親民,在止於至善. Ba cái cương lĩnh: minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện, là cái quan kiện của sự học trong Khổng giáo.
Đạo của Khổng Tử lấy hai chữ chí thiện làm cực điểm. Chí thiện tức là nhân. Từ đầu chí cuối chỉ có một mối, chủ lấy theo thiên lý làm gốc, dùng hiếu, đễ, lễ, nhạc, mà khiến người ta tiến lên đến bậc nhân. Trước sau chỉ theo một cái lý nhất thể ấy mà thôi, cho nên ngài nói rằng: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi 吾道一以貫 之: Đạo của ta suốt từ đầu chí cuối chỉ có một mà thôi” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Câu ấy nói tóm hết cái đạo của Ngài, mà làm cho cái thống hệ nhất thể rất sáng rõ. Đạo nhất quán ấy, gọi là trung thứ hay là nhân nghĩa cũng là do đạo nhân mà ra cả. Có nhân là hiểu rõ và theo đúng cái thiên lý thuần nhiên quán thông từ sự tư tưởng đến sự hành vi, không có cái gì là không hợp với đạo nhất thể.
Trời phú tính cho người ta, tất là đã cho ta có cái đức sáng để hiểu: hiếu, đễ, từ, v.v. Ta cố làm cho sáng cái đức sáng của ta để đối với người, với vật, cho đến chí thiện mới thôi. Chí thiện là cái cực điểm của đạo nhất thể. Học giả phải theo cái bản tính thuần nhất của Trời phú cho mà sửa đạo và lập giáo. Vậy nên sách Trung Dung nói rằng: “Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã; khả ly phi đạo dã 天命之謂性,率性之謂道,修道之謂教。道也者,不可須臾離也;可 離,非道也: Trời phú cho gọi là tính, theo tính gọi là đạo, sửa đạo gọi là giáo. Đã là đạo thì không giây phút nào xa lìa ra được, nếu xa lìa ra được thì không phải là đạo”.
Cái đạo chỉ là theo thiên lý, mà thiên lý với cái bản tính của người ta vốn là một, vậy thì đạo là cốt để sửa cái tính của người cho hợp thiên lý, cho nên Khổng Tử nói rằng: “Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo 道不遠人;人之為道而遠人,不可以為 道: Đạo không xa cái bản tính của người ta, nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của người ta thì không phải là đạo” (Trung Dung). Vì đạo ấy mật thiết với bản tính của người ta như thế, cho nên tuy có phần rất uyên áo, dẫu người tài trí cũng không biết hết được, nhưng bao giờ người thường vẫn có thể theo được. Bởi vậy Tử Tư nói rằng: “Quân tử chi đạo phí nhi ẩn. Phu phụ chi ngu, khả dĩ dữ tri yên, cập kỳ chí dã, tuy thánh nhân diệc hữu sở bất tri yên. Phu phụ chi bất tiếu, khả dĩ năng hành yên, cập kỳ chí dã, tuy thánh nhân diệc hữu sở bất năng yên 君子 之道費而隱。夫婦之愚,可以與知焉,及其至也,雖聖人亦有所不知焉。夫婦之不肖,可以能行
焉,及其至也,雖聖人亦有所不能焉: Đạo của quân tử rộng rãi dễ hiểu mà có phần tinh vi ẩn khuất, không thể biết hết được. Đứa thất phu, thất phụ cũng có thể biết được, nhưng biết cho đến cùng cực, thì tuy thánh nhân cũng có điều không biết được; đứa thất phu thất phụ không có tài năng gì, cũng có thể làm được, nhưng làm cho đến cùng cực, thì tuy thánh nhân cũng có điều không làm được”. Tử Tư lại nói tóm lại rằng: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ8, cập kỳ chí dã, sát hồ thiên địa 君子之道,造端乎夫 婦,及其至也,察乎天地: Đạo người quân tử lập mối đầu ở những điều nhỏ mọn tầm thường của những kẻ thất phu, thất phụ biết được làm được, mà lên đến cùng cực, thì xét rõ việc trời đất” (Trung Dung). Đạo ấy rất là giản dị mà thật cao xa rộng rãi, bao quát cả vũ trụ, ngoài không có gì lớn hơn được, trong không có cái gì nhỏ hơn được.
Khổng Tử rất thành thực tin đạo ấy là chí thiện, chí mỹ. Ngài cho là trong đạo ấy có cái vui cái thú vô cùng, hễ ai đã được nghe một lần rồi thì dẫu có chết cũng không cho là uổng một đời. Vậy nên Ngài nói rằng: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ 朝聞道,夕死可矣: Buổi sáng được nghe mà hiểu được đạo, buổi tối chết cũng thỏa” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Đạo ấy rất hay, nhưng ai theo thì phải thành thực lắm mới được. Nếu không thành thực thì dẫu đạo ấy hay thế nào cũng là vô ích. Khổng Tử nói rằng: “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân 人能弘道,非道弘人: Người có thể mở rộng đạo, đạo không thể mở rộng người” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Người thì có cái biết mà đạo thể thì vô vi; nhờ có cái biết nên người mới làm cho đạo rộng lớn ra, chứ đạo tự nó không làm cho người rộng lớn ra được. Bởi chưng đạo lập thành cái cùng cực của người, mà người là cái khí cụ của đạo, cho nên đạo và người không lìa bỏ nhau được. Người phải dụng lực đem cái đạo thể ở trong mình mình làm cho sáng rõ ra. Nếu người mà không dụng lực, cứ muốn để cái đạo tự nhiên làm cho người ta lên đến chỗ cao minh, quảng đại, thì không có bao giờ. Điều ấy ta nên nhớ mà cố gắng hết sức trong sự học tập vậy.
Khổng Tử theo cái lý tưởng cho thiên lý lưu hành bất tức, cho nên cái học của Ngài không nhận cái gì là nhất định và không cố chấp điều gì cả. Sách Luận Ngữ chép rằng: “Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã 子絕四:毋意,毋必,毋固,毋我: Khổng Tử tuyệt không có bốn điều là: không có ý riêng tư, không
đoán phỏng chắc trước, không cố chấp, không vị mình” (Tử hãn IX). Sách Luận Ngữ lại chép rằng: “Khi bàn bạc đến cái đức tính của những người hiền đời trước, như bọn ông Bá Di, Thúc Tề, Liễu Hạ Huệ, v.v. người thì cương quá, người thì nhu quá, cho nên ngài nói rằng: “Ngã tắc dị ư thị, vô khả vô bất khả 我則異 於是,無可無不可: Ta thì khác thế, không có cái gì nhất định là nên, không có cái gì nhất định là không nên” (Vi tử, XVIII). Nghĩa là Ngài thì có thể cương cũng được, nhu cũng được, có lúc kinh, có lúc quyền, lúc nào làm việc gì cũng thời trung và hợp lý, chứ không chấp nhất. Người chấp nhất là hại đạo, vì đã chấp nhất thì chỉ biết được một điều mà bỏ mất trăm điều. Những lời chép trên kia làm bằng chứng rõ ràng cho cái ý nghĩa không cố chấp, và mấy chữ “vô khả vô bất khả” thật đã biểu thị rõ cái học điều hòa và chiết trung của Khổng Tử9.
Thiên lý thì lưu hành bất tức, mà nhân sự thì mỗi thời một khác, nếu nhận một điều gì làm lý nhất định, rồi cứ khư khư giữ điều ấy để làm chuẩn đích cho sự hành vi của mình, thì thành ra cố chấp và có cái thái độ thiên về cực đoan, rất trái với cái tông chỉ phải tùy thời chấp trung. Đó là tư tưởng đặc biệt của Khổng giáo. Đem tư tưởng ấy mà so sánh với học thuyết khác, thì thấy học thuyết nào cũng có điều cố chấp. Thí dụ như họ Mặc theo chủ nghĩa kiêm ái, họ Dương theo chủ nghĩa vị ngã, rồi mỗi bên cố chấp lấy chủ nghĩa của mình làm lý nhất định để theo cho đến cùng, tất là thành ra cực đoan, lệch hẳn về một bên, không có bình hành, không có điều hòa, trái với lẽ tự nhiên của sự thực, Khổng giáo thì không thế, cứ tùy cái tình thân sơ mà đối với người, với vật, cho hợp lẽ tự nhiên, vậy nên mới nói: “Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật 親親而仁民,仁民而愛物: Thân yêu những kẻ thân thiết với mình, mà nhân từ với mọi người, nhân từ với mọi người mà yêu mến các loài vật” (Mạnh Tử: Tận tâm thượng). Cái tình cảm của mình đối với kẻ thân thích hậu, thì mình cứ hậu, đối với người ngoài hơn kém một tí, thì cứ kém một tí, đối với các loài sinh vật lại kém đi một bậc nữa, thì cứ kém đi một bậc nữa. Lúc nào cũng tùy cảm mà ứng, tùy trực giác mẫn nhuệ của mình mà hành động, chứ không nhận gì làm định lý cả. Vì rằng khi đã nhận một điều gì làm định lý, thi tất là cố chấp theo cái định lý ấy cho đến cùng, thành ra không thích hợp với thiên lý cứ lưu hành mà biến hóa mãi mãi.
Cái vui trong sự sinh hoạt. Đạo của Khổng Tử là đạo nhân, cốt cầu lấy cái vui trong sự sinh hoạt ở đời. Cái vui ấy do ở sự điều hòa với lẽ tự nhiên của tạo hóa, bao giờ trong bụng cũng được thư thái, không để ngoại vật hệ lụy đến mình. Xem như Ngài tuy phải chu du thiên hạ để lo thi hành đạo của mình mà không lúc nào trong bụng không vui về cái sinh thú. Sách Luận Ngữ chép: “Một hôm Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu, Công Tây Hoa ngồi hầu, Khổng Tử nói: “Ta tuy có hơn tuổi các ngươi, nhưng các ngươi đừng vì ta mà nệ, chí mình thế nào, cứ thẳng mà nói. Khi các người bình cư thường nói: Chẳng ai biết đến ta mà dùng ta. Nếu như có người biết mà dùng, thì các người định làm sao?”
Từ Lộ đứng phắt lên thưa ngay: “Một nước nghìn cỗ xe, ở chẹt vào với nước lớn, mà lại thêm có sự binh đao cùng sự đói kém, giá cho Do này được trị nước ấy, thì chỉ độ ba năm, có thể khiến cho dân nước ấy có lòng dũng cảm, và biết phương hướng làm việc nghĩa”.
Phu Tử mỉm cười, rồi hỏi: “Cầu thì làm sao?”
-Một nước vuông độ sáu bảy mươi dặm, hay năm sáu mươi dặm, giá cho Cầu này trị nước ấy, thì chỉ độ ba năm khiến cho dân được no đủ. Còn đến việc lễ nhạc, xin để đợi bậc quân tử.
-Xích thì làm sao?
-Tôi không dám nói hay, nhưng cũng muốn học. Giá đến việc nhà tông miếu, như lễ hội đồng, mặc áo huyền đoan, đội mũ chương phủ, thì Xích này xin làm một chức tiểu tướng.10
-Còn Điểm thì làm sao?
Tăng Điểm lúc ấy đang gảy cái đàn sắt, tiếng đàn thong thả và hòa nhã, bỏ đàn xuống, đứng dậy mà thưa: - Chí tôi khác hẳn ba anh kia.
-Có ngại gì, chẳng qua người nào cũng nói chí người ấy cả.
-Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người trạc độ hai mươi tuổi, sáu bảy đứa trẻ con, rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ vu, rồi hát mà về.
-Phu Tử thở dài mà than rằng: “Ta cũng thích như Điểm vậy” (Luận Ngữ: Tiên tiến XI). Tử Lộ nói hăng hái quá độ, cho nên Ngài mỉm cười có ý chê. Cầu và Xích tuy lời nói có khiêm tốn, nhưng người nào cũng khư khư về công việc. Duy chỉ có Điểm là có cái chí thích hợp với cái sinh thú ở đời và cái ý “đối thời dục vật” cho nên Khổng Tử mới khen là đồng chí với mình.
Đạo của Khổng Tử là dạy người ta cầu lấy cái vui ở đời, khiến cho lúc nào trong bụng người ta cũng thản nhiên vui vẻ, không có lo sợ sầu buồn gì cả. Cái gì người ta vui cười thì mình vui cười như người ta, xong đó rồi thôi, không bận bịu lo sợ điều gì nữa. Người quân tử cứ tùy cảm nhi ứng, tùy ngộ nhi an: Nghĩa là gặp cái gì cảm đến thì ứng thuận ngay, gặp cảnh ngộ nào cũng vui thú được, “Vô nhập nhi bất tự đắc yên 無入而不自得焉: Không vào cái cảnh ngộ nào mà tự mình không có cái thú”. Không lo được lo mất, bao giờ cũng có cái sinh thú áng nhiên, thật là một cách ở đời rất vui thú, rất sung sướng vậy.
Một hôm thầy Tử Lộ hỏi Phu Tử rằng: “Người quân tử có buồn không?” Phu Tử nói rằng: “Vô dã. Quân tử
chi tu hành dã, kỳ vị đắc chi dã, tắc lạc kỳ ý; ký đắc chi, hựu lạc kỳ trị. Hữu chung thân chi lạc, vô nhất nhật chi ưu. Tiểu nhân tắc bất nhiên, kỳ vị đắc dã, hoạn phất đắc chi; ký đắc chi, hựu khủng thất chi, thị dĩ hữu chung thân chi ưu, vô nhất nhật chi lạc dã 無也。君子之修行也,其未得之也,則樂其意;既得
之,又樂其治。有終身之樂,無一日之憂。小人則不然,其未得也,患弗得之;既得之,又恐失 之,是以有終身之憂,無一日之樂也: Không buồn gì. Cách sửa việc làm của người quân tử, lúc chưa được đạt cái chí thì vui ở cái ý muốn của mình; lúc đã đạt được rồi, thì vui ở chỗ được. Cả đời lúc nào cũng vui, không có một ngày nào buồn. Kẻ tiểu nhân thì không thế, khi chưa được thì lo không được. Khi đã được rồi lại sợ mất cái đã được. Bởi thế chỉ lo suốt đời, không có một ngày nào vui” (Khổng Tử gia ngữ: Tai ách, XX).
Khổng Tử thường khen thầy Nhan Hồi rằng: “Hiền tai Hồi dã! Nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng. Nhân bất kham kỳ ưu, Hồi dã, bất cải kỳ lạc. Hiền tai Hồi dã! 賢哉回也!一簞食,一瓢飲,在陋巷。人 不堪其憂,回也不改其樂。賢哉回也: Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngỏ hẹp; giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!” (Luận Ngữ: Ung dã, VI). Cái vui thầy Nhan Hồi là cái vui Khổng Tử. Ngài muốn dạy người ta cách ăn ở cho lúc nào cũng có khoái lạc, làm việc gì cũng theo cái cao hứng, cái trực giác mẫn nhuệ của mình mà làm, làm cho đến kỳ cùng, xong rồi được thế nào lấy thế làm vui thú.
Cần lấy cái vui là cái vui trong bụng, lúc nào cũng an nhàn thư thái, mà vẫn siêng năng cần mẫn. Khổng Tử tự tả mình rằng: “Kỳ vi nhân dã, phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí vân nhĩ 其為人也,發憤忘食,樂以忘 憂,不知老之將至云爾!: Ta làm người, hễ có việc gì nghĩ chưa ra, thì nghĩ đến quên ăn, nghĩ ra được, thì vui quên mất cả cái lo, không biết cái già đã sắp đến vậy” (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII). Xem thế thì biết cái đạo của Khổng Tử cương nghị là dường nào, và có cái sinh thú mạnh mẽ, cái tính thần linh hoạt biết là bao nhiêu!
Đại khái cái tinh thần của Khổng giáo là ở cả trong phần hình nhi thượng ấy. Do cái tinh thần ấy mà thành ra cái học hình nhi hạ như ta sẽ xét sau này. Nhưng vì phần hình nhi thượng ấy là phần tâm truyền, phi người đã đắc đạo, không hiểu được, về sau phần ấy thất truyền, các học giả không mấy người lĩnh hội được hết ý nghĩa, cho nên chỉ khuynh hướng về những điều thiển cận, chuyên trị về đường luân lý thường hành, dần dần làm thành ra cái học hẹp hòi, bó buộc ở những điều vụn vặt, sai hẳn cái tông chỉ hoằng đại cao viễn của Khổng giáo. Nay những học giả muốn hiểu rõ Khổng giáo, thì trước hết phải ngẫm nghĩ và suy xét cho tường tận phần hình nhi thượng học này, vì đó là phần tối trọng yếu của Khổng giáo, rồi sau xem các điều mục khác ở phần hình nhi hạ học, là phần thực hành, mới rõ các manh mối và mới không có sự hiểu lầm vậy.
THIÊN IV. HỌC THUYẾT CỦA KHỔNG TỬ (tiếp theo)
II. HÌNH NHI HẠ HỌC
Phần hình nhi thượng là phần tinh thần của Khổng giáo, phát hiện ra ở phần hình nhi hạ, tức là phần thiết thực ở đời. Thường những việc hành động của những người chân chính nho học, đều có sồ đắc ít nhiều về cái học hình nhi thượng, cho nên tuy phần có cao thấp khác nhau, nhưng vẫn quan hệ với nhau mật thiết lắm. Vậy nay ta trích lục những lời giảng dạy của Khổng Tử mà các môn đệ Ngài đã ghi chép ở trong các Kinh, Truyện đem chia ra thành tiết mục như sau này để cho dễ khảo cứu:
1. Quân tử và tiểu nhân.
2. Sự học vấn và cách thao thủ của người quân tử: Sự học vấn - Tu thân - Xử kỷ tiếp vật - Quan nhân - Bằng hữu - Bác ái.
3. Sự giáo hóa của Khổng Giáo, cách lập giáo của Khổng Tử:
A) Hiếu đễ.
B) Lễ nhạc.
4. Chính trị: Quan niệm về chính trị - Chính danh định phận - Tôn quân quyền - Thiên ý và dân tâm - Quân dân tương thân - Cái thịnh đức của người quân tử - Hành chính tương tham - Cư kính hành giản - Thứ, phú, giáo - Kính cẩn và thận trọng.
1. QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN
Đã nói rằng đạo Khổng Tử là đạo người quân tử cốt dạy người ta cho thành người có đức hạnh hoàn toàn và có nhân phẩm tôn quý, cho nên bao nhiêu những sự dạy dỗ học tập của Khổng giáo đều chú cả vào sự gây thành người quân tử. Khổng giáo chia người ở trong xã hội ra làm hai hạng là quân tử 君子 và tiểu nhân 小人. Quân tử là quý, là hay; tiểu nhân là tiện, là dở. Vậy trước khi bàn đến các mục khác, thiết tưởng nên nói rõ tư cách của người quân tử và kẻ tiểu nhân khác nhau như thế nào, thì sau xem mới hiểu rõ mọi ý nghĩa.
Người ta sinh hoạt ở đời bao giờ cũng tựa người hành khách, lúc nào cũng thấy có hai con đường giao nhau ở trước mặt. Có người biết chọn con đường thẳng mà đi thì được ung dung mà chóng đến nơi, có người thì đi con đường cong queo, thành ra vất vả mà không bao giờ đến nơi được. Con đường thẳng là con đường đạo đức nhân nghĩa; con đường cong queo là con đường gian ác quỉ quyệt. Trong hai con đường đó, ta phải chọn lấy một con đường mà đi. Đi con đường thẳng là người quân tử, có nhân cách hoàn toàn; đi con đường cong là người tiểu nhân hèn hạ.
Lúc đầu chữ quân tử là nói người có địa vị tôn quý, mà chữ tiểu nhân là nói người thường nhân, không có địa vị gì trong xã hội. Nghĩa ấy rất rõ ở những câu này: Khổng Tử nói rằng: “Quân tử học đạo tắc ái nhân, tiểu nhân học đạo tắc dị sử dã 君子學道則 愛人,小人學道則易使也: Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ khiến” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVII). “Quân tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo 君子義以為上。君子有勇而無義為 亂,小人 有勇而無義為盜: Quân tử chuộng nghĩa. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn, tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì làm đứa ăn trộm” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVII).
Về sau dùng rộng nghĩa ra, gọi quân tử là người có đức hạnh tôn quý, và gọi tiểu nhân là người có chí khí hèn hạ. Vậy người quân tử theo nghĩa rộng, thì dẫu bần cùng khổ sở cũng là quân tử, mà người tiểu nhân tuy có quyền tước sang trọng, cũng vẫn là tiểu nhân. Người đi học cũng vậy, có người nho quân tử, có người nho tiểu nhân. Khổng Tử bảo thầy Tử Hạ rằng: “Nhữ vi quân tử nho, vô vi tiểu nhân nho 女為君子 儒,無為小人儒: Ngươi làm nho quân tử, không làm nho tiểu nhân” (Luận Ngữ: Ung Dã, VI). Nho quân tử là người học đạo thánh hiền, để sửa mình cho thành người có phẩm giá tôn quý, dẫu bần cùng cũng không làm điều trái đạo. Nho tiểu nhân là người mượn tiếng học đạo thánh hiền để cầu danh, cầu lợi, miệng nói những điều đạo mà bụng nghĩ làm những việc bất nhân bất nghĩa.
Khổng Tử phân biệt cái thái độ thế nào là quân tử, thế nào là tiểu nhân. Ngài nói rằng: “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt 君子上達,小人下達: Quân tử đạt về cái lý cao minh, tiểu nhân đạt về cái lý đê hạ” (Luận Ngữ: Hiến Vấn, XIV). Quân tử bao giờ cũng theo thiên lý, cho nên tâm tính thanh minh, nghĩa lý sáng rõ, biết điều gì là càng ngày càng tinh thâm, làm việc gì là càng ngày càng thuần thục, bởi vậy mới tiến lên chỗ cao minh. Tiểu nhân bao giờ cũng theo nhân dục, cho nên cái chí khí mờ tối, cứ bị vật dục sai khiến, biết cái gì càng ngày càng sai lầm, làm điều gì càng ngày càng càn rỡ, bởi vậy mới trụy lạc về đường đê hạ.
“Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi 君子喻於義,小人喻於利: Quân tử hiểu rõ chưng nghĩa, tiểu
nhân hiểu rõ chưng lợi” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Nghĩa, là cái chính đáng của thiên lý; lợi, là cái ham mê của nhân dục. Người quân tử hiểu sâu việc nghĩa, cho nên mới dốc lòng muốn làm việc nghĩa; kẻ tiểu nhân hiểu sâu việc lợi, cho nên mới dốc lòng lo làm việc lợi. Làm việc nghĩa mà có lợi là chính đáng, làm việc lợi mà quên việc nghĩa là trái lẽ.
“Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung 君子中庸,小人反中庸: Quân tử thì trung dung, tiểu nhân thì trái trung dung” (Trung Dung). Quân tử hiểu suốt đến cái lẽ rất cao xa, rồi chọn cái vừa phải mà theo, cho nên mới trung dung, Tiểu nhân chỉ biết cái tư lợi mà không biết cái lý cao xa, cho nên chỉ làm những việc tầm thường mà thôi, thành ra bao giờ cũng trái với trung dung.
“Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân 君子求諸己,小人求諸人: Quân tử cầu ở mình, tiểu nhân cầu ở người” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Cầu ở mình mà chỉ cầu cái thực có của mình, cầu ở người là chỉ cầu cái hư danh đối với người. Cầu ở mình thì cái đức càng ngày càng tiến lên, cầu ở người thì cái lòng muốn càng ngày càng buông xổng ra.
“Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái 君子泰而不驕,小人驕而不泰: Quân tử thư thái mà không kiêu căng, tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Cái bụng của quân tử chỉ theo cái lý tự nhiên, cho nên lúc nào cũng yên nhân tự đắc, không có cái gì là căng kỷ ngạo vật. Cái bụng kẻ tiểu nhân chỉ thích cái muốn của mình, cho nên khi đắc chí thì tỏ ra mặt khoe khoang kiêu ngạo, không có thái độ thung dung như người quân tử.
“Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa 君子和而不同,小人同而不和: Quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa với ai” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Quân tử chỉ chuộng nghĩa, để bụng vào việc công, cho nên đối với người chỉ theo cái lý công nhiên mà phân biệt những điều phải, trái hay dở để hòa với mọi người, chứ không a dua với ai cả. Tiểu nhân chỉ chuộng lợi, để bụng vào việc tư, cho nên đối với người chỉ a dua theo bọn này đảng kia để chống với người, thành ra chỉ đồng mà không hòa vậy.
“Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu 君子周而不比,小人比而不周: Quân tử chung khắp cả mọi người mà không tây vị, tiểu nhân tây vị mà không chung” (Luận Ngữ: Vi chính, II). Cái bụng người quân tử bao giờ cũng công nhiên, cho nên xem thiên hạ như một nhà, xem mọi người như một mình, ai đáng yêu thì yêu, không đợi có theo mình mới yêu, đáng làm ơn cho ai thì làm, không đợi có cầu đến mình mới làm, làm gì cũng lấy lòng quảng đại công chính mà không hề có điều thiên tư. Cái bụng kẻ tiểu nhân thì chỉ biết tư lợi, hễ thấy ai có thần thế thì phan phụ vào, hoặc thấy ở đâu có lợi lộc thì xu hướng về, hoặc bè nọ đảng kia để giao kết làm điều gian ác, bỏ mất cái công nghĩa.
“Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích 君子坦蕩蕩,小人長戚戚: Quân tử bao giờ trong bụng cũng phẳng lồng lộng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng lo ngay ngáy” (Luận Ngữ: Thuật Nhi, VII). Quân tử theo thiên lý cho nên lúc nào cũng thư thái, tiểu nhân bị vật dục sai khiến, lúc nào cũng phải lo nghĩ để cầu danh cầu lợi, cho nên suốt đời chỉ những lo buồn.
“Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỹ 君子固窮,小人窮斯濫矣: Quân tử cố giữ lúc khốn cùng, tiểu nhân phải lúc khốn cùng thì làm bậy” (Luận Ngữ, Vệ Linh Công, XV). Quân tử phải lúc khốn cùng thì cứ lấy nghĩa mệnh mà tự yên; tiểu nhân phải lúc khốn cùng thì không nghĩ đến lễ nghĩa đạo lý nữa, điều bậy bạ thế nào cũng làm được.
“Quân tử bất khả tiểu tri, nhi khả đại thụ dã; tiểu nhân bất khả đại thụ, nhi khả tiểu tri dã 君子不可小 知,而可大受也。小人不可大 受,而可小知也: Quân tử không thể biết được cái nhỏ mà có thể chịu được cái lớn; tiểu nhân không có thể chịu được cái lớn, mà có thể biết được cái nhỏ vậy” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Quân tử đối với việc nhỏ mọn vị tất đã làm được, nhưng cái tài đức có thể đương được việc to lớn; tiểu nhân tuy có cái khí tượng hẹp hòi, nhưng đối với việc nhỏ có cái sở trường khả thủ được.
“Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu nhân phản thị 君子成人之美,不成人 之惡;小 人反是: Quân tử gây thành cái hay cho người ta, không gây thành cái ác cho người ta, tiểu nhân không thế” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Lòng người quân tử vốn hậu mà cái sở hiếu chỉ ở sự thiện, cho nên thấy ai làm điều hay thì khuyến miễn người ta cố gắng làm hay hơn nữa, hoặc thấy ai làm điều ác thì can ngăn, không để cho người ta làm thành điều ác được. Lòng kẻ tiểu nhân vốn bạc, mà cái sở hiếu chỉ ở điều ác, cho nên thấy ai làm điều ác, thì xui khiến để cho thành ra ác, hoặc thấy ai làm điều thiện thì lại ghen ghét, kiếm cách ngăn trở để cho không thành được điều thiện, bởi thế mới trái với người quân tử.
“Quân tử dị sự nhi nan duyệt dã, duyệt chi bất dĩ đạo, bất duyệt dã, cập kỳ sử nhân dã, khí chi. Tiểu nhân nan sự, nhi dị duyệt dã, duyệt chi tuy bất dĩ đạo, duyệt dã, cập kỳ sử nhân dã, cầu bị yên 君子易事而難悅 也,悅之不以道,不悅也。及其使人也,器之。小人難事而易悅也,悅之雖不以道,悅也。及其使 人也,求備焉: Quân tử dễ thờ mà khó làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng thì không đẹp lòng, kịp đến dùng người thì tùy tài mà dùng; tiểu nhân khó thờ mà dễ làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng, cũng đẹp lòng, kịp đến dùng người thì cầu toàn trách bị” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Cái tâm của quân tử công và thứ. Công thì chuộng những điều trung chính, dẫu ai có đem những điều trái đạo
lý mà làm cho đẹp lòng cũng không ưa, vậy nên khó làm cho đẹp lòng được. Còn cách dùng người thì lấy lòng thứ mà đãi, tùy cái tài khí của từng người mà dùng, chứ không bỏ ai cả, vậy nên dễ thờ. Cái tâm của tiểu nhân tư và khắc. Tư thì chuộng những điều không chính, cho nên dù không theo đạo lý mà cũng làm cho đẹp lòng được. Còn cách dùng người thì lấy lòng khắc mà đãi, dùng ai thì muốn người ấy thật toàn bị mới nghe, cho nên khó thờ.
“Quân tử nhi bất nhân dã, hữu hỹ phù? Vị hữu tiểu nhân nhi nhân giả dã 君子而不仁者有矣夫? 未有小 人而仁者也!: Quân tử mà bất nhân, có vậy chăng? Chưa có tiểu nhân [nào] mà là người có nhân vậy” (Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV). Bậc nhân giả là thuần theo thiên lý, chứ không có một hào ly gì là tư dục. Người quân tử phải để chí ở đạo nhân, đáng lẽ là không lúc nào bất nhân được, song trong khoảng giây phút, có lúc tâm bất tại thì cái thiên lý gián đoạn đi mà làm điều bất nhân, điều ấy có khi có chăng. Còn kẻ tiểu nhân thì đã mất bản tâm và bỏ hết thiên lý rồi, dẫu một đôi khi cái thiên lý có phát hiện ra nữa thì cũng không thắng được cái tư dục, cho nên kẻ tiểu nhân không bao giờ có nhân.
Khổng Tử chia nhân loại ra làm hai hạng người như thế. quân tử chủ ở sự theo thiên lý để làm những điều công chính, tiểu nhân chủ ở sự theo tư dục để làm những điều tà khúc. Một đường thì làm cho tôn phẩm giá của mình lên, một đường thì làm cho hạ phẩm giá của mình xuống. Ai muốn theo đường nào, cũng tùy ở cái chí của mình cả.
Người quân tử bao giờ cũng ôn nhã, tĩnh trọng, không hề làm điều gì là không hợp lẽ phải. Khổng Tử nói: “Quân tử bất ưu, bất cụ 君子不憂, 不懼: Quân tử không lo, không sợ (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Người quân tử làm việc gì cũng theo đạo lý, tự xét trong bụng không có hối hận thì còn lo và sơ gì nữa. “Quân tử ưu đạo bất ưu bần 君子謀道不謀食: Quân tử lo đạo, không lo nghèo” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, VI). Người quân tử lấy sự học đạo làm gốc, cho nên chỉ lo không đạt tới đạo, chứ không lo có lợi lộc hay không có lợi lộc.
“Quân tử bất khí 君子不器: Quân tử tùy nghi làm việc gì cũng được, chứ không chỉ có một tài một nghệ mà thôi” (Luận Ngữ: Vi chính, II). Khi là cái đồ dùng về một việc gì, chứ không dùng làm cái việc khác được. Người quân tử không như thế, dùng làm được cả mọi việc.
“Quân tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng 君子矜而不爭,羣而不黨: Quân tử nghiêm trang mà không tranh với ai, hợp quần với mọi người mà không bè đảng” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Quân tử tự mình nghiêm nghị theo cái lý công nhiên mà đối với người, chứ không thiên tư, cho nên không tranh giành với ai; xử với người thì thân ái cả mọi người, không vị tình riêng mà a tùng theo đảng, theo bọn, để cầu lợi riêng.
“Quân tử vô sở tranh, tất dã xạ hồ! Ấp nhượng nhi thăng, hạ nhi ẩm, kỳ tranh dã quân tử 君子無所爭,必 也射乎!揖讓而升,下而飲,其爭也君子: Quân tử không tranh gì cả, mà có tranh đi nữa, thì ắt là như việc bắn thi chăng! Vái nhượng rồi mới lên thềm, xuống thềm mời nhau uống rượu, sự tranh ấy là sự tranh quân tử” (Luận Ngữ: Bát dật, III). Người quân tử có vì đạo lý mà tranh luận điều gì, thì cũng theo cái nghĩa lễ nhượng cung kính để không mất đạo trung. Tranh luận mà vẫn ung dung khiêm tốn như lệ tập bắn đời xưa, nghĩa là tranh nhau, nhưng vẫn giữ cách tranh nhau của người quân tử, chứ không như cách tranh nhau của kẻ tiểu nhân, lấy tư tình khách khí mà đối với người.
“Quân tử dục nột ư ngôn, nhi mẫn ư hành 君子欲訥於言,而敏於行: Quân tử muốn nói thì chậm mà làm thì nhanh” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Nói thì dễ, mà hay hỏng ở chỗ nói quá sự thực; làm thì khó, mà hay hỏng ở chỗ làm không cố hết sức, bởi vậy người quân tử muốn nói chậm mà làm nhanh. “Quân tử trinh nhi bất lượng 君子貞而不諒: Quân tử cố giữ điều ngay chính mà không cố chấp nhũng điều tiểu tín” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Quân tử giữ bền cái chí theo lẽ công chính, không bao giờ thay đổi, cho nên gọi là trinh, và không khăng khăng một mực cố chấp một điều tiểu tín, cho nên gọi là bất lượng.
“Quân tử thượng giao bất siểm, hạ giao bất độc 君子上交不諂, 下交不毒: Quân tử giao với người trên thì không nịnh, giao với người dưới thì không nhàm” (Dịch: Hệ từ hạ). Giao với người trên thì kính, nhưng kính quá thành ra siểm; giao với người dưới thì hòa, nhưng hòa quá thành ra nhàm. Người quân tử không siểm và không nhàm.
“Quân tử kiến cơ nhi tác 見幾而作俟: Quân tử xem cơ màu mà động tác” (Dịch: Hệ từ hạ). Cơ là phần tinh vi nảy ra lúc sắp động, người quân tử phải xem xét suy nghĩ cho cẩn thận, để lúc làm việc gì thì biết rõ cái cơ có làm được hay không. Có cái cơ làm được mà không làm là dại, chưa có cái cơ làm được mà làm cũng là dại, không phải là người quân tử.
“Quân tử kính dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại 君子敬以直內 , 義以方外: Quân tử chủ ở sự kính để giữ cái bụng cho thẳng, giữ điều nghĩa để khiến các việc ở ngoài cho có khuôn phép” (Dịch: Văn ngôn truyện). Kính là chủ ở sự hàm dưỡng ở trong bụng cho ngay chính, nghĩa là chủ ở sự thi thố ra ngoài cho hợp đạo lý.
“Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mịch dã, nghĩa chi dữ tỉ 君子之於天下也,無適也,無莫
也,義之與比: Quân tử đối với việc thiên hạ, không chuyên chủ một việc nào, không cố chấp không làm một việc nào, cứ theo cái công chính mà làm mọi việc” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Thích 適 là có việc không nên làm mà cứ chuyên chủ làm cho được; mịch 莫là có việc nên làm mà cứ theo cái tư ý cố chấp không làm. Thích với mịch đều trái với nghĩa. Người quân tử thì không thế, đối với việc trong thiên hạ cứ theo cái nghĩa mà làm, chứ không khăng khăng một mực giữ cái tư ý định trước. Vậy nên việc của người quân tử làm bao giờ cũng công chính,
“Quân tử nghĩa dĩ vi chất, lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi, quân tử tai! 君子義以為質,禮 以行之,孫以出之,信以 成之,君子哉!: Quân tử lấy nghĩa làm cốt, lấy lễ mà làm, lấy khiêm tốn mà thi thố ra, lấy lòng tin mà thành tựu, thật là quân tử vậy thay!” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Nghĩa là cái gốc của muôn sự, cho nên bao giờ cũng phải lấy nghĩa làm cốt. Làm điều nghĩa thì cần có tiết văn, thi thố điều nghĩa ra thì cần có tôn nhượng, thành được điều nghĩa là ở sự thành thực. Đó mới thật là việc người quân tử.
“Quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo, hành nhi thế vi thiên hạ pháp, ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc, viễn chi tắc hữu vọng, cận chi tắc bất yếm 君子動而世為天下道,行而世為天下法,言而 世為天下則;遠之則 有望,近之則不厭: Quân tử cử động có thể đời đời làm đạo cho thiên hạ, hành vi có thể đời đời làm khuôn phép cho thiên hạ, nói năng có thể đời đời làm chuẩn tắc cho thiên hạ, người ở xa có trông mong, người ở gần không bao giờ chán” (Trung Dung).
“Quân tử chi đạo, đạm nhi bất yếm, giản nhi văn, ôn nhi lý 君子之道, 淡而不厭, 簡而文,溫而理: Đạo của quân tử nhạt mà không chán, giản dị mà có văn vẻ, ôn hòa mà hợp lý” (Trung Dung). Đạo của quân tử mới đầu tưởng là đạm bạc, nhưng lâu càng hiểu ra càng lấy làm hay, cho nên không chán; đạo ấy giản dị mà biện biệt rõ các nghĩa lý, cho nên mới có văn; ôn nhuận mà chính trực cho nên mới hợp lý.
Đạo quân tử cao thâm thanh nhã như vậy, ai muốn theo thì phải lập chí mà học tập. Khổng Tử nói rằng: “Quân tử bất trọng, tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín, vô hữu bất như kỷ giả, quá tắc vật đạn cải 君 子不重則不威,學則不固。主忠信,無友不如己者,過則勿憚改: Quân tử không hậu trọng thì không uy nghiêm, học không kiên cố. Chủ ở sự trung tín, không bạn với người không làm điều nhân như mình, có điều lỗi thì chớ sợ tìm cách mà sửa đổi” (Luận Ngữ: Học nhi, I). Quân tử phải gây nuôi lấy phần thâm hậu ở trong cho trịnh trọng, thì rồi cái dáng điệu ở ngoài mới có vẻ uy nghiêm và sự học của mình mới được kiên cố. Nếu ở trong mà khinh phú thì ở ngoài không có uy nghiêm mà sự học của mình không có gì là chắc chắn. Giữ được như thế rồi, cứ lấy trung tín làm chủ, tìm bạn hay hơn mình mà học tập, hễ thấy mình có điều gì sai lầm là phải sửa đổi ngay. Ấy là cách học tập và tu dưỡng rất hay vậy.
Người quân tử hành đạo cốt ở thân mình, làm việc gì sai lầm là mình phải tự trách mình, tựa như người đi tập bắn, bắn không trúng bia là tại mình ngắm không ngay. Vậy nên Khổng Tử nói: “Xạ hữu tự hồ quân tử, thất chư chính hộc, phản cầu chư kỳ thân 射有似乎君子,失諸正鵠,反求諸其身: Người tập bắn cũng tựa như người quân tử, bắn không trúng bia thì tự xét lại mình” (Trung Dung).
Người quân tử thấy điều thiện là phải cố làm cho được, thấy điều ác thì phải sợ hãi, như lời cổ nhân đã nói: “Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang 見善如不及,見不善如探湯: Thấy điều thiện phải cố làm như là theo không kịp, thấy điều bất thiện thì phải sợ hãi như thò tay vào nước sôi” (Luận Ngữ: Quý thị, XVI).
Học làm quân tử thì phải thành thực, không bao giờ tự mình dối mình mà làm hại cái biết của mình. Khổng Tử nói, “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã 知之為知之,不知為不知,是知也: Cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì chịu là không biết, ấy là biết vậy” (Luận Ngữ: Vi chính, II). Sự lý trong thiên hạ vô cùng, ta không thể biết hết được. Vậy cái gì quả thật ta biết thì ta nhận là biết; cái gì ta không biết thì ta không nhận là biết. Như thế tuy có điều ta không biết, nhưng cái bản tâm của ta vẫn không tự khi, mà cái bản thể chân thực của sự biết cũng không bị mờ tối, ấy là sự biết đó rồi. Lấy cái tâm thành thực ấy mà đối với sự học vấn để biện biệt sự phải, trái, để suy nghĩ điều hay dở, thì sự biết của ta mới có thể tiến được.
Muốn là quân tử thì phải giữ đủ cả phần chất phác ở trong và phần văn hoa ở ngoài, đừng để chếch lệch về phần nào. Khổng Tử nói: “Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử; văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử 質勝文則野,文勝質則史。文質彬彬,然後君子: Chất hơn văn thì quê mùa, văn hơn chất thì kém lòng thành thực, văn chất đều đều nhau, nhiên hậu mới thật là quân tử” (Luận Ngữ: Ưng dã, VI). Chất phác mà quá hơn văn vẻ là thô lỗ, văn vẻ mà quá hơn chất phác là hào nháng bề ngoài, trong không có gì là thực, bởi vậy phải có văn và có chất đều nhau, đừng để bên nọ hơn bên kia, thì mới thật là quân tử vậy.
Người quân tử thật là hoàn toàn thì rất khó. Thầy Tủ Lộ hỏi Khổng Tử thế nào là người hoàn toàn, Ngài nói rằng: “Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh, cửu yêu bất vong bình sinh chi ngôn, diệc khả dĩ vi thành nhân hỹ! 見利思義,見危授命,久要不忘平生之言,亦可以為成人矣!: Thấy lợi nghĩ đến nghĩa, thấy sự nguy cấp thì trao mệnh mình mà chống lại, lời giao ước đã lâu năm mà không quên, người ấy cũng khá cho là người hoàn toàn vậy” (Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV). Thầy Nhan Uyên hỏi cái đức hạnh của người
hoàn toàn là thế nào, Khổng Tử nói rằng: “Thành nhân chi hạnh, đạt hồ tình tính chi lý, thông hồ vật loại chi biến, tri u minh chi cố, đổ du khí chi nguyên, nhược thử khả tắc vị thành nhân. Kỷ tri thiên đạo, hành thân dĩ nhân nghĩa, sức thân dĩ lễ nhạc. Phù nhân, nghĩa, lễ, nhạc, thành nhân chi hạnh dã, cùng thần tri hóa, đức chi thịnh dã 成人之行, 達乎情性之理,通乎物類之變,知幽明之故,睹游氣之源,若此而
可謂成人。既知天道,行躬以仁義,飭身以禮樂。夫仁義禮樂成人之行也,窮神知化, 德之盛也: Đức hạnh của bậc thành nhân là: đạt cái lý của tình tính, suốt cái biến của vật loại, biết cái cớ u minh, rõ cái nguồn du khí (như là sống, chết hồn phách), như thế gọi là bậc thành nhân. Đã biết đạo Trời, lại đem mình làm những điều nhân nghĩa, trang sức mình bằng lễ nhạc. Nhân, nghĩa, lễ, nhạc là cái hạnh của bậc thành nhân, cùng thần tri hóa, cái đức đến thế thật là thịnh vậy” (Khổng Tử tập ngữ: Sở phạt Trần XVIII)11.
Cái phẩm giá của bậc người quân tử hoàn toàn cao như thế, sự học vấn rộng như thế, không thể lấy cái tư cách của hạng người tầm thường chỉ bo bo những việc thiển cận trước mắt mà ví được. Vậy nên người đi học, muốn theo đạo của người quân tử cần phải cố gắng lắm.
2. SỰ HỌC VẤN VÀ CÁCH THAO THỦ CỬA NGƯỜI QUÂN TỬ
Sự học vấn. Cái chủ đích của Khổng giáo là để dạy người ta cho thành người nhân nghĩa trung chính, tức là người quân tử. Song có dạy mà không có học, thì dầu sự dạy hay thế nào mặc lòng, cũng không sao thành công được. Vậy nên Khổng giáo lấy sự học làm một điều rất trọng yếu.
Sự học của cổ nhân không phải như sự học của số nhiều người thường ngày nay vẫn hiểu, cổ nhân nói học là cốt học đạo của thánh hiền để hiểu nghĩa lý, biết phải, trái mà sửa mình cho thành người có đức hạnh, chứ không chỉ vụ lấy biết nghề kiếm ăn. Sách Lễ Ký nói rằng “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học, bất tri đạo 玉不琢,不成器;人不學,不知道: Ngọc không giũa không thành đồ, người không học không thành đạo” (Học ký, XVIII). Bởi vậy cho nên thầy Tử Lộ mới nói: “Quân tử học dĩ tri kỳ đạo 君子學以知 其道: Người quân tử học để hiểu rõ cái đạo” (Luận Ngữ: Tử Trương, XIV). Người ta học cố hiểu tới đạo, thì mới biết cách thao thủ, để có cái phẩm giá đạo đức hơn người thường.
Sự học của quân tử sở chủ ở điều gì? Khổng Tử dạy người ta phải giữ cái tâm cho trung chính và việc làm cho thành thực, để sự biết và việc làm hợp làm một, trong ngoài không có hai. Ngài nói: “Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín, sở dĩ tiến đức dã, tu từ, lập kỳ thành, sở dĩ cư nghiệp dã. Tri chí chí tri, khả dữ cơ dã; tri chung chung chi, khả dữ tồn nghĩa dã 君子進德修業,忠信,所以進德也,修辭立其誠,所以居業 也。知至至之,可與幾也。知終終之,可與存義也: Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín là để tiến đức; tu tỉnh ngôn từ, lập cái thành thực của mình, là để giữ vững cái nghiệp vậy. Biết chỗ đến mà đến chỗ ấy, là có thể gần cái đức; biết chỗ cuối cùng mà suốt đời giữ vững là có thể giữ cho còn cái nghĩa vậy” (Dịch: Văn ngôn truyện). Lời ấy thật là quan trọng, chữ nho thường cho là sự trí tri, thành mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu; muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kỳ thái quá; muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa; muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh; muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn; muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVII). Nhân, trí, tín, trực, dũng, cương, đều là đức tốt, nhưng chỉ muốn có những đức ấy mà không muốn học để hiểu cho rõ cái lý thế nào mới thật là hay là phải, thì muốn nhân lại bị lòng ái che mờ làm cho thành ra ngu; muốn trí lại bị cái trí làm cho muốn cái cùng cao cực viễn, thành ra đãng; muốn tín lại bị cái tín làm cho hẹp hòi cố chấp, thành ra hại nghĩa; muốn trực lại bị cái trực làm cho chướng thành ra nóng nảy ngang ngạnh; muốn dũng lại bị cái dũng làm cho phóng tứ, thành ra loạn; muốn cương lại bị cái cương làm cho gàn dở thành ra ngông cuồng. Như thế là muốn có đức tốt, mà vì không học cho nên thành ra dở. Vậy nên cần phải có học mới biết thế nào là thật nhân, thật trí, thật tín, thật trực, thật dũng, thật cương.
Khổng Tử là người rất chuyên cần về việc học. Ngài nói: “Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm nhĩ tư, vô ích, bất như học dã 吾嘗終日不食,終夜不寢,以思;無益,不如學也: ta thường suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để suy nghĩ, vô ích, không biết bằng học” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Song phải biết ráng học phải có suy nghĩ thì mới hay, không thì thành ra mờ tối, không biết được các lẽ. Vậy nên ngài nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi 學而不思則罔,思而不學則殆: Học mà không nghĩ thì mờ tối chẳng hiểu gì, nghĩ mà không học thì khó nhọc, mất công không” (Luận Ngữ: Vi chính, II).
Sự học cũng như việc trồng lúa, có cây lúa mọc lên, mà không tốt, có cây tối mà không có hạt. Người đi học cũng vậy, có người đi học mà không giỏi, có người học giỏi mà cái hạnh không ra gì. Vậy nên người đi học cần cố gắng để sửa mình cho thành người có tài năng và có đức hạnh. Sự cố gắng ấy là một điều trọng yếu trong sự học. Sách Trung Dung nói rằng: “Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi. Hữu phất học, học chi phất năng, phất thố dã. Hữu phất vấn, vấn chi phất tri phất thố dã.
Hữu phất tư, tư chi phất đắc, phất thố dã. Hữu phất biện, biện chi phất minh, phất thố dã. Hữu phất hành, hành chi phất đốc, phất thố dã. Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi; nhân thập năng chi, kỷ thiên chi. Quả năng thử đạo hỹ, tuy ngu tất minh, tuy nhu tất cường 博學之,審問之,慎思之,明辨之,篤行之。有
弗學,學之弗能,弗措也。有弗問,問之弗知弗措也。有弗思,思之弗得弗措也。有弗辨,辨之弗 明弗措也。有弗行,行之弗篤弗措也。人一能之,己百之;人十能之,己千之。果能此道矣,雖愚 必明,雖柔必強: Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân biện cho sáng rõ, làm cho hết sức. Có điều không học, nhưng đã học điều gì mà không hay, không thôi. Có điều không hỏi, nhưng đã hỏi điều gì mà không biết, không thôi. Có điều không nghĩ, nhưng đã nghĩ điều gì mà không được, không thôi. Có điều không phân biện, nhưng đã phân biện điều gì mà không minh bạch, không thôi. Có điều không làm, nhưng đã làm điều gì mà không hết sức, không thôi. Người ta dụng công một, ta dụng công một mà không được, thì phải cố gắng gấp trăm; người ta dụng công mười, ta dụng công mười mà không được, thì phải cố gắng gấp nghìn, để đến kỳ được mới thôi. Nếu quả theo được đạo ấy, thì tuy ngu rồi cũng thành ra sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khỏe mạnh”. Mạnh mẽ thay lời dạy bảo của thánh nhân! Ai lập chí học được như thế, thì sự học tiến ích biết là bao nhiêu! Đã đi học là phải lập chí thì mới thành, Cái chí đã lập thì bao giờ cũng phải cho kiên, không thấy khó mà sợ, không thấy lâu mà nản. Khổng Tử nói: “Tam quân khả đoạt súy dã, thất phu bất khả đoạt chí dã 三軍可奪帥也,匹夫不可奪志也: Có thể bắt được người tướng trong đám ba quân, mà không có thể cướp được cái chí của một đứa thất phu” (Luận Ngữ: Tử hãn, IX). Cái chí người ta có bền như thế thì mới học được đạo và tu được thân vậy.
Người đi học phải biết rằng: “Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như nhạo chi giả 知之者, 不如好之者;好之者,不如樂之者: Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học” (Luận Ngữ: Ưng giả, VI). Có vui say về việc học thì sự học mới chóng tiến ích. Muốn cho sự học có vui thú, thì phải luyện tập luôn. Khổng Tử nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ? 學而時習之,不亦悅 乎?有朋自遠方來,不亦樂 乎?人不知而不慍,不亦君子乎?: Học mà cứ buổi buổi tập luôn thì trong bụng lại không thỏa thích hay sao? Có bạn ở phương xa nghe tiếng đến học làm điều lành với mình, thì lại không vui hay sao? Mình học giỏi mà người ta không biết, cũng không lấy làm tức giận, thế không phải là quân tử hay sao?” (Luận Ngữ: Học nhi, 7). Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an, làm công việc thì mau mắn, nói điều gì thì cẩn thận, tìm người có đạo mà theo học để chất chính sự ngôn ngữ và sự hành vi của mình. Được như thế mới có thể gọi là người hiếu học: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ở ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ 君子食無求飽,居無求安,敏於 事而慎於言,就有道而正焉,可謂好學也已” (Luận Ngữ: Thuật nhi, 7). Ta đi học là học cho ta, để gây nên cái phẩm giá của ta, chứ có phải là học để khoe với người đâu. Vậy ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình: “Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn kỳ bất tri năng dã 不患人之不己知,患其不知人也” (Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV). Học mà không chủ cầu danh, cầu lợi, thì mới thật là cái học của người quân tử.
Người quân tử phải học để gây thành cái đức tốt của mình, vậy nên phải chuyên tâm trí ý về sự thực tiễn những điều lành điều hay, chứ không phải là học thơn thớt ở bề ngoài, nghe vào tai rồi nói ra miệng mà thôi. Cái học thơn thốt ở bề ngoài ấy rất hại cho cái đức. Khổng Tử nói rằng: “Đạo thính đồ thuyết, đức chi khí dã 道聽途說, 德之棄也: Nghe ngoài đường, nói ngoài đường là bỏ cái đức vậy” (Luận Ngữ, Dương Hóa, VII). Nghĩa là nghe điều thiện thì phải ghi nhớ lấy để nuôi cái đức của mình, rồi mới hay được, chứ chỉ nghe cho biết để nói ra miệng mà không chịu cố gắng thực hành điều thiện, thì càng học lắm càng dở nhiều. Người đã học đến biết thực tiễn những điều thiện là bao giờ cũng phải thành thực, không giả dối ô mị như bọn ngụy nho.
Người quân, tử phải theo đạo lý mà có cái định kiến của mình, không ô mị theo thói đời như bọn hương nguyện 鄉原. Hương nguyện là hạng người tầm thường không có kiến thức, chỉ a dua theo người ta. Hạng người ấy thật đáng ghét. Cho nên Khổng Tử nói: “Hương nguyện, đức chi tặc dã 鄉原,德之賊也: hương nguyện là hại đức vậy” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVII). Hương là hương thôn, nguyện là ngay lành. Hương nguyện là người hành động cứ một chiều theo thế tục, không trái ý ai bao giờ, cư xử thì gìn giữ cẩn thận để có điều đáng chê mà không ai lấy gì chê được, có điều đáng bẻ mà không ai lấy gì bẻ được, cho nên người ở hương thôn cho là có đức tốt. Kỳ thực người hương nguyện không phải là trung tín mà giống như trung tín, không phải là liêm khiết mà giống như liêm khiết, lấy cái giống như làm lẫn cái chính thực, tức như ngày nay ta gọi là người giả đạo đức. Những người ấy mượn tiếng đạo đức mà làm hại đạo đức, cho nên Khổng Tử rất ghét mà gọi là đức chi tặc.
Muốn học cho đúng cái đạo người quân tử thì phải theo như lời Khổng Tử đã dạy: “Đốc tín, hiếu học, thủ tử, thiện đạo. Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã; bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã 篤信好學,守死善道。危邦不入,亂邦
不居。天下有道則見,無道則隱。邦有道,貧且賤焉,恥也;邦無道,富且貴焉,恥也: Dốc lòng tin, ham sự học, giữ cho vững dẫu chết không thay đổi, làm cho cái đạo hay hơn lên12. Không vào nước đã nguy, không ở nước có loạn13đời có đạo thì ra làm mọi việc, đời không có đạo thì ẩn mà sửa mình14. Nước có đạo mà mình nghèo và hèn là xấu hổ; nước không có đạo mà mình giàu và sang là xấu hổ15”. Người quân tử có học, có thủ: cái chí học vấn có vững bền, cái nghĩa lui tới có phân minh, thì mới thành cái toàn đức vậy.
Tu thân. Người quân tử cần phải có học, mà sự học của mọi người là cốt ở sự sửa mình, cho nên sách Đại Học nói rằng: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản 自天子以至於庶人,壹是皆 以脩身為本: Tự vua cho đến người dân, ai cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc”. Muốn sửa mình cho thành người có đức hạnh hoàn toàn, thì trước phải giữ cái tâm của mình cho chính, cái ý của mình cho thành, rồi mới cách vật trí tri được, nghĩa là hiểu rõ các sự vật và biết đến cùng cực cái biết.
Giữ cái tâm của mình cho chính, là đừng để cho sự tức giận, sự sợ hãi, sự vui say, sự ưu hoạn nó làm cho cái tâm của mình chếch lệch, mà không hiểu rõ cái nghĩa lý ngay thẳng. Khi đã bị những sự ấy làm loạn cái tâm của mình thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết mùi, bởi thế cho nên bao giờ ta cũng phải giữ cái tâm cho chính.
Giữ cái ý của mình cho thành, tức là mình không dối mình, đối với việc gì cũng cứ thành thực như ghét mùi thối, yêu sắc đẹp, nghĩa là ý mình thế nào thì cứ thực mà bày tỏ ra như thế, chứ không có dối trá chút nào, được như thế mới là khoái túc. Bởi thế cho nên người quân tử phải giữ cẩn thận cái tư tưởng của mình trong khi ngồi một mình đối với mình: “Sở vị thành kỳ ý giả, vô tự khi dã. Như ố ác xú, như hiếu hảo sắc, thử chi vị tự khiêm. Cố quân tử tất thận kỳ độc dã 所謂誠其意者,毋自欺也。如惡惡臭,如好好色,
此之謂自謙。故君子必慎其獨也” (Đại Học).
Tâm đã chính, ý đã thành, thì tự nhiên cái lương tri lương năng của mình, tức là cái minh đức của mình thành ra mẫn nhuệ, xem xét điều gì cùng hiểu rõ đến chỗ sâu xa, mà làm điều gì hay là đối phó với cảnh huống nào cũng đắc kỳ trung, cũng có điều hòa, có bình hành, rất hợp với đạo lý. Trong việc tu thân, Khổng giáo lấy sự thành ý 誠意làm trọng yếu hơn cả. Vậy nên Tăng Tử nói: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn, cố quân tử tất thành kỳ ý 富潤屋,德潤身,心廣,體 胖。故君子必誠其意: Giàu thì hiển hiện ra ở nhà, có đức tốt thì hiển hiện ra ở người, trong bụng quảng đãng thì thân thể có vẻ ung dung thư thái. Bởi thế cho nên người quân tử phải giữ cái ý của mình cho thành thực” (Đại Học). Cái ý ở trong mà thành thực thi cái đức hiển hiện ra ngoài thân thể. Việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đều bởi đó mà ra cả,
Xử kỷ tiếp vật. Người quân tử đã sửa được mình cho ngay chính, theo như cái tông chỉ của Khổng giáo, thì tất ở đời bao giờ cũng phải lấy lòng thành thực trung hậu, không làm điều gì trái lẽ thường. Dẫu đối với người thù oán cũng không bỏ lẽ công bằng. Có người hỏi Khổng Tử rằng: “Dĩ đức báo oán hà như? Lấy đức mà báo oán thì sao?” Ngài trả lời rằng: “Hà dĩ báo đức? Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức: Lấy gì mà báo đức? Lấy thẳng mà báo oán, lấy đức mà báo đức”. 或曰:以德報怨,何如? 子曰:何以報德?以 直報怨,以德報德。(Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV). Lời ấy thật là trung chính, thật là quân tử lắm vậy.
Người ở đời không nên dùng lời nói khéo mà làm hại đạo đức, không nên nóng nảy làm bậy, không nên bo bo tính lấy lợi riêng của mình. Khổng Tử nói: “Xảo ngôn loạn đức, tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu 巧言亂 德。小不忍,則亂大謀: Nói khéo làm loạn cái đức, điều nhỏ mọn mà không nhịn thì hỏng việc lớn” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). “Phóng ư lợi nhi hành, đa oán 放於利而行,多怨: Nương tựa vào điều lợi mà làm là hay sinh ra điều oán” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Mình đối với mình thì phải khổ khắc mà đối với người thì nên dung thứ: “Cung tự hậu nhi bạc trách ư nhân, tắc viễn oán hỹ 躬自厚,而薄責於人, 則遠怨矣: Mình tự trách mình nhiều mà trách người ít, thì xa được điều oán giận” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Người quân tử phải lấy lòng thành thực trung hậu mà đối với người, song phải biết rõ sự thực sự giả, đừng để cho ai lừa đảo được mình. Khổng Tử nói: “Bất nghịnh trá, bất ức, bất tín, ức diệc tiên giác giả, thị hiền hồ 不逆詐,不億不信,抑亦先覺者,是賢乎: Không đoán trước là người ta dối mình, không đoán phỏng là người ta không tin mình, thế mà lâm đến có điều lừa đảo, thì biết trước ngay, thế là người giỏi vậy” (Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV).
Người ta muốn có cái phẩm giá cao thượng thì không nên vì phú quý, vì danh lợi mà làm điều phi nghĩa. Khổng Tử nói: “Phú dữ quý thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử giả; bần dữ tiện thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khứ dã 富與貴,是人之所欲也,不以其道得之,不 處也。貧與 賤,是人之所惡也,不以其道得之,不去也: Phú quý thì ai cũng muốn, nhưng không lấy đạo mà được, thì không nhận; bần tiện thì ai cũng ghét, nhưng không lấy đạo mà làm cho khỏi, thì không bỏ (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Hễ phải nghĩa thì làm gì cũng không nề hà, mà không phải nghĩa thì dẫu được gì cũng không thiết. Khổng Tử nói: “Phú nhi khả cầu dã, tuy chấp tiên chi sĩ, ngô diệc vi chi, như bất khả cầu, tòng ngô sở hiếu 富而可求也,雖執鞭之士,吾亦為之;如不可求,從吾所好: Giàu mà nên cầu được, thì dù làm
người cầm roi đi hầu, ta cũng làm. Nếu không nên cầu, thì cứ theo cái thích của ta (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII).
Đã là người quân tử thì không bao giờ thấy điều lợi mà bỏ việc nghĩa; nếu làm việc phi nghĩa mà được phú quý, thì đành chịu bần tiện còn hơn. Cho nên Khổng Tử nói: “Phạn sơ thực, ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc tại kỳ trung hỹ. Bất nghĩa nhi phú thả quý, Ư ngã như phù vân 飯疏食,飲水,曲肱而枕之,樂 亦在其中 矣。不義而富且貴,於我如浮雲: Ăn gạo xấu, uống nước lã, gấp cánh tay mà gối đầu, tuy thế cũng có cái vui ở trong đó. Làm điều bất nghĩa mà giàu sang, thì ta coi như đám mây nổi (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII). Người quân tử đứng vào địa vị nào cũng có thể vui được. Sách Trung Dung nói rằng: “Quân tử tố kỳ vị nhi hành, bất nguyện hồ kỳ ngoại. Tố phú quý hành hồ phú quý, tố bần tiện hành hồ bần tiện; tố di địch hành hồ di địch; tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn. Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên 君子素其位而 行,不願乎其外。素富貴,行乎富貴;素貧賤,行乎貧賤;素夷狄,行乎夷狄;素患難,行乎患難。君 子無入而不自得焉: Quân tử tùy cái địa vị mà hành động không muốn điều gì ở ngoài cái cảnh ngộ của mình. Phú quý thì hành động theo cảnh ngộ phú quý, bần tiện thì hành động theo cảnh ngộ bần tiện, ở với mọi rợ thì hành động theo cảnh ngộ mọi rợ, lâm hoạn nạn thì hành động theo cảnh ngộ hoạn nạn. Người quân tử không ở vào cảnh ngộ nào mà tự mình không có cái thú vậy”.
Quan nhân. Người quân tử ở với người, trước hết phải biết người. Khổng Tử nói: “Thỉ ngô ư nhân dã, thính kỳ ngôn nhi tín kỳ hành; kim ngô ư nhân dã, thính kỳ ngôn nhi quan kỳ hành 始吾於人也,聽其言 而信其行;今吾於人也,聽其言而觀其行: Trước ta đối với người, nghe lời nói thì tin việc làm, nay ta đối với người, nghe lời nói phải xem việc làm” (Luận Ngữ: Công dã Tràng, V). Vì nói thì dễ, làm thì khó, mà ở đời thường lại có những người miệng nói giỏi thì nhiều, bụng ở thật thà trung hậu thì ít, vậy nên muốn biết người hay người dở, phải xem xét công việc người ta làm, chứ đừng vội tin lời người ta nói. Khổng Tử nói: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân an sưu tai! 視其所以,觀其所由,察其所安,人焉 瘦 哉!: Trông người ta làm việc gì, xem người ta nói theo cái gì mà làm việc ấy, xét cái vui của người ta về việc ấy thế nào, như thế thì người ta còn giấu sao được nữa! (Luận Ngữ: Vi chính, II). Xét người hay, dở, không nên theo lời khen chê của nhân chúng. Khổng Tử nói: “Chúng ố chi, tất sát yên, chúng hiếu chi, tất sát yên 眾惡之,必察焉;眾好之,必察焉: Người ta ghét ai ta cũng phải xét, người ta yêu ai ta cũng phải xét” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Vì rằng có khi người hay mà bị thiên hạ ghét, người dở mà được thiên hạ yêu. Vậy nên ta phải xem xét kỹ càng, thì mới phân biệt được người hay, kẻ dở, để đối phó với người ta cho khỏi sai lầm. Thường muốn biết rõ người hay, người dở mà chỉ theo dư luận của nhân chúng cũng không lấy gì làm chắc chắn lắm, cho nên Khổng Tử dạy người ta phải xem cái dư luận của người thiện, người ác là thế nào, mới biết rõ được. Thầy Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Hương nhân giai hiếu chi, hà như? Tử viết: Vị khả dã. Hương nhân giai ố chi, hà như? Tử viết: Vị khả dã. Bất như hương nhân chi thiện giả hiếu chi, kỳ bất thiện giả ố chi 子貢問曰:鄉人皆好之,何如? 子曰:未可也。鄉人皆惡之,何如? 子曰:未可也。不如鄉人之善者好之,其不善者惡 之: Người mà cả làng ưa hết thảy, là người thế nào? Khổng Tử nói: Chưa phải là người hiền. Người mà cả làng ghét hết thảy là người thế nào? Khổng Tử nói: Chưa phải là người hiền. Không bằng người mà kẻ thiện trong làng ưa, kẻ bất thiện trong làng ghét (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Thầy Tử Cống lấy số đồng làm một mà xét, Khổng Tử chia ra từng loại mà xét. Dư luận bao giờ cũng nên có, nhưng cái dư luận đồng làm một thì không thật, vì tựu trung có người thiện, kẻ ác. Nếu người thiện ưa mà kẻ ác không ghét là không thật, hoặc kẻ ác ghét mà người thiện không ưa cũng không thật. Chi bằng theo từng loại mà xét, người thiện ưa mà kẻ ác ghét thì mới thật. Người thiện ưa là bởi người kia cùng theo thiên lý mà làm điều lành như mình; kẻ bất thiện ghét là bởi người kia làm những điều trái với tư lợi của mình. Xét như thế thì mới biết rõ người hay, người dở vậy.
Đối với người ở trong xã hội, ta phải biện biệt thế nào là nên, thế nào là không nên. Việc nên mà cho là không nên, hay không nên mà cho là nên, đều là dở cả. Khổng Tử nói: “Khả dữ ngôn nhi bất dữ chi ngôn, thất nhân; bất khả dữ ngôn, nhi dữ chi ngôn, thất ngôn 可與言,而不與之言,失人;不可與言,而 與之 言,失言。知者不失人,亦不失言: Người nào mình khả nói chuyện với người ta mà không nói, là mất người; người nào mình không khả nói chuyện với người ta mà nói, là mất lời” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Xem như thế thì sự biết người chẳng phải là quan hệ lắm hay sao? Song người quân tử không có câu chấp, không thiên tư, bất cứ đối với ai, cũng lấy lẽ phải làm chừng: “Quân tử bất dĩ ngôn cử nhân, bất dĩ nhân phế ngôn 君子不以言舉人,不以人廢言: Quân tử không lấy lời nói mà cất người lên, không vì người mà bỏ lời nói” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Nghĩa là đừng nghe một lời nói hay đã cho là người giỏi, cũng đừng vì người dở mà người ta nói điều gì hay cũng không nghe.
Người đi học là chỉ cốt để chí vào việc theo đạo cho thành người hoàn toàn. Nếu vậy, mà ai lại còn cho sự ăn mặc không được tốt đẹp làm xấu hổ, thì ắt là người chưa đủ bàn đạo lý vậy: “Sĩ chí ư đạo, nhi sỉ ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã 士志於道,而恥惡衣,惡食者,未足與議也” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Người như thế là người còn lo trang sức bề ngoài, tức là còn hiếu hư danh, chưa thật bụng theo đạo lý. Vậy người ấy chưa phải là người để chí ở sự học đạo của thánh hiền.
Bằng hữu. Có biết người hay, người dở, thì mới giao kết với nhau để làm điều lành, điều phải. Tăng Tử nói rằng: “Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân 君子以文會友;以友輔仁: Quân tử lấy văn học mà họp bạn, lấy bạn mà giúp mình làm điều nhân” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Bạn với người nhân từ, trung chính, thì học được nết hay, bạn với người gian tà, quỉ quyệt, thì nhiễm lấy điều dở. Bởi thế cho nên ta phải chọn bạn mà chơi. Bạn hữu chơi với nhau, phải lấy điều phải, trái hay dở mà khuyên bảo nhau, nhưng việc gì cũng phải giữ cho phải nghĩa thì thôi. Đừng sàm sỡ quá mà thành ra sơ. Khổng Tử nói: “Trung cáo nhi thiện đạo chi, bất khả tắc chỉ, vô tự nhục yên 忠告而善道之,不可則止,毋自辱焉: Lấy điều ngay thẳng mà bảo, khéo tìm cách mà khuyên răn, không nghe thì thôi, đừng để tự lấy cái nhục cho mình” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Người nào mình đã lấy lẽ phải khuyên răn không được, thì nói lắm cũng vô ích, mà lại làm cho người ta khinh nhờn mình. Cũng vì thế cho nên thầy Tử Du mới nói: “Sự quân sác, tư nhục hỹ; bằng hữu sác, tư sơ hỹ 事君數,斯辱矣。朋友數,斯疏矣: Thờ vua can ngăn không nghe, mà can ngăn mãi, ấy là có nhục; bạn hữu đã khuyên bảo không nghe, mà khuyên bảo mãi, ấy là sơ nhau” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV).
Người ta ở trong xã hội, giao thiệp với nhau, bao giờ cũng phải lấy sự tin làm quan trọng, Vậy nên sách Đại Học nói rằng: “Dữ quốc nhân giao, chỉ ư tín 與國人交,止於信: Giao kết với người trong nước cốt ở sự tín”. Không có sự tín thì sự giao thiệp của người ta không nương tựa vào đâu được. Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai! 人而無信,不知 其可也!大車無輗,小車無軏,其何以行之哉!: Người mà không có tín thì không biết ra thế nào. Xe lớn không có đòn ngang thẳng, xe nhỏ không có đòn ngang cong, thì làm thế nào cho xe chạy đi được” (Luận Ngữ: Vi chính, II). Bởi thế cho nên chữ tín là một đạo trong năm đạo thường rất quan trọng lắm.
Những phải biết rằng đạo của Khổng Tử là bao giờ cũng cầu lấy cái trung, chủ ở sự theo đạo lý, chứ không câu nệ điều gì cả. Có người cứ nhất nhất nói thì phải tin, làm thì phải quả quyết, bao giờ cũng khăng khăng một mực như thế, không nghĩ gì đến phải, trái, người ấy tuy cũng có phần khả thủ, nhưng vẫn là tiểu nhân. Vậy nên Khổng Tử nói: “Ngôn tất tín, hành tất quả, khanh khanh nhiên, tiểu nhân tai 言必信,行必果, 硜硜然,小人哉!: Nói ắt phải tin, làm ắt phải quả, nhỏ hẹp như thế, khí cục tiểu nhân vậy thay!” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII)16.
Bác ái. Người ta sinh ra ở đời, ai cũng bẩm thụ cái lý khí của trời đất, cũng chịu cái mệnh trời như nhau cả, tất là cũng như anh em một nhà vậy. Nếu ai ai cũng biết lấy điều lễ nghĩa mà cư xử với nhau, thì lòng thân ái há lại chẳng dồi dào lắm sao. Thầy Tử Hạ nói rằng: “Ta nghe Phu Tử thường nói: “Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ, tứ hải chi nội giai huynh đệ dã 君子敬而無失,與人恭而有禮,四海之 內,皆兄弟也 : Quân tử kính mà giữ được mãi không mất, tiếp người thì cung kính, có lễ phép, như vậy người trong bốn bể đều là anh em cả” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Đạo của Khổng Tử là đạo nhân, chủ lấy sự yêu người làm trọng, Thiên Hiếu sinh sách Khổng Tử gia ngữ chép: “Một hôm vua Cung vương nước Sở đánh rơi mất cái cung, các quan tâu xin sai người đi tìm. Vua nói rằng: Vua nước Sở mất cung, người nước Sở nhặt được, mất đi đâu mà phải đi tìm. Có người đem chuyện ấy nói với Khổng Tử, Ngài nói rằng: “Tiếc thay cái ý còn hẹp! Sao không nói: Người rơi mất cung, người bắt được, hà tất phải nói là người nước Sở”. Ý Ngài nói người ta ở đâu cũng là người, việc gì phải lấy giới hạn một nước mà phân biệt nhau ra. Lòng nhân ái của quân tử phải lan ra khắp cả thiên hạ, chứ không phải riêng ra cho một xứ nào, một nước nào cả. Trước sau Khổng Tử chỉ lấy cái đạo nhất quán là đạo nhân mà dạy người, cho nên Tăng Tử mới nói: “Phu Tử chi đạo trung thứ nhi dĩ hỹ 夫子之道,忠恕而已矣: Đạo của Phu Tử chỉ trung thứ mà thôi” (Luận Ngữ: Lý nhân). Một hôm thầy Tử Cống hỏi: “Có một lời nào khả dĩ thi hành được chung thân không? Khổng Tử trả lời: “Kỳ thứ hồ, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân 其恕乎!己所不欲,勿施於人: Chữ thứ chăng! Điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Lại một hôm Ngài bảo thầy Tử Cống: “Phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỳ dục đạt nhi đạt nhân 夫 仁 者,己欲立而立人,己欲達而達人: Phàm kẻ nhân giả là mình muốn lập thì lập cho người, mình muốn đạt, thì đạt cho người” (Luận Ngữ: Ưng dã, VI). Mấy lời ấy thật đã biểu thị rõ cái đạo nhân ái của thánh nhân, tưởng xưa kia chưa hầu dễ đã có ai diễn giải ra được rõ ràng như thế.
Đạo của người quân tử đối với mình thì thận trọng kính cẩn, đối với người thì nhân hậu từ ái, mà bao giờ cũng ung dung hoằng đại, không có điều gì là hẹp hòi bó buộc. Người nào đã theo đạo ấy thì không những giữ được phẩm giá tôn quý của mình, mà lại có thể làm lợi cho cả thiên hạ.
Đạo ấy cốt ở sự giáo hóa, khiến người ta phải “Tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân 修身以道,修道以仁: Lấy đạo mà sửa mình, lấy nhân mà sửa đạo” (Trung Dung). Nhân là cái gốc của đạo người quân tử mà sự giáo hóa là cái cách để đào tạo ra người quân tử vậy.
3. SỰ GIÁO HÓA CỦA KHỔNG GIÁO
Cách lập giáo của Khổng Tử. Sách Khổng Tử gia ngữ thiên Đệ tử hạnh XII, chép: “Khổng Tử chi thi giáo dã, tiên chi dĩ Thi, Thư, nhi đạo chi dĩ hiếu đễ, thuyết chi dĩ nhân nghĩa, quan chi dĩ lễ nhạc, nhiên hậu thành chi dĩ văn đức 孔子之施教也,先之以詩書,而導之以孝悌,說之以仁義,觀之以禮樂,然後 成之以文德: Cách dạy người của Khổng Tử, trước hết dùng Thi, Thư mà dạy, rồi lấy hiếu đễ mà đạo dẫn người ta, lấy nhân nghĩa mà giảng dụ, lấy lễ nhạc mà khiến người ta xem xét, sau cùng mới lấy văn lấy đức mà làm cho nên người”. Cái lối giáo hóa của Khổng Tử là trước hết lấy Thi, Thư mà gây nuôi tính tình và mở mang sự trí thức của người ta, rồi lấy hiếu đễ, lễ, nhạc mà sửa tâm tính cho ngay chính, và lấy văn chương đạo đức mà trang sức cho thành vẻ tôn quý. Mục đích là đem người ta đến bậc nhân. Vì cái mục đích ấy cho nên Ngài rất chú trọng ở sự học Thi, học Lễ và học Nhạc. Ngài nói: “Bất học Thi vô dĩ ngôn...; bất học Lễ vô dĩ lập... 不學詩,無以言;不學禮,無以立: Không học Thi không lấy gì mà nói...; không học Lễ không biết gì mà đứng”. (Luận Ngữ: Quý thị, XVI). Nghĩa là không học Thi, thì sự lý không đạt, tâm khí không hòa bình, nói nghe sao được; không học Lễ, thì cái phẩm tiết không rõ, đức tính không kiên, đứng vững sao được. Học Thi, học Lễ và học Nhạc là cốt để sửa tâm tính của người ta, cho nên Ngài nói: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc 興於詩,立於禮,成於樂: Hưng khởi cái ý chí là ở Thi, sửa sang phẩm cách cho đứng đắn là ở Lễ, điều hòa tính tình cho hoàn toàn là ở Nhạc” (Luận Ngữ: Thái bá, VII).
Phương pháp của Khổng Tử là trước hết dạy những điều người ta có thể hiểu được, rồi dần dần dạy đến những điều cao xa. Ngài theo phương pháp ấy mà dạy học trò, cho nên thầy Nhan Hồi nói rằng: “Phu Tử tuần tuần nhiên, thiện dụ nhân: bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ 夫子循循然,善誘人;博我以文,約我以禮: Phu Tử cứ tuần tự khéo dạy dỗ người; lấy văn học mà làm rộng kiến thức của ta, lấy lễ nghĩa mà ước thúc hành vi của ta” (Luận Ngữ: Tử hãn, IX). Thường những kẻ có học thức rộng mà không có lễ nhượng để ước thúc lấy mình, thì hay sinh ra kiêu căng, làm mất cái thái độ ôn hòa trang nhã của người quân tử, Bởi thế cho nên Khổng Tử lấy cái học bác văn ước lễ mà dạy người.
Ngài dạy điều gì cũng để cho học trò phải cố sức suy nghĩ tìm tòi lấy, khi nào xem chừng đã gần hiểu được, nhưng còn chưa suốt được mọi lẽ, hoặc chưa giải diễn ra được cho rõ ràng, thì Ngài mới chỉ bảo cho. Ngài nói: “Bất viết như chi hà, như chi hà giả, ngô mạt như chi hà dã dĩ hỹ 不曰如之何,如之何者,吾 末如之何也已矣: Người nào không nói rằng: Làm thế nào, làm thế nào, thì ta cũng chẳng làm thế nào được” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Ai mà tự mình không cố sức suy xét cho kỹ các lẽ thì dẫu có dạy cũng không có ích gì. Khổng Tử cho sự học là sự mình phải gắng sức luôn luôn. Không gắng sức là không có sự học. Vậy nên Ngài dạy người ta thường chỉ gợi lên một mối rồi để người ta tự mình phải suy nghĩ ra mà hiểu lấy. Ngài nói: “Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngưng phản, tắc bất phục dã 不憤不啟,不悱不發。舉一隅不以三隅反,則不復也: Không tức giận vì muốn biết, thì không truyền mở cho, không tức giận vì nói không rõ ra được, thì không bày vẽ cho. Vật có bốn góc, bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc kia, thì không dạy nữa” (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII). Cũng vì vậy mà thầy Tử Cống theo học mãi mới được nghe Ngài nói đến tính và đạo Trời; khi được nghe Ngài dạy những điều ấy, lấy làm thích mà than rằng: “Phu Tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã; phu tử chi ngôn tính dữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã 夫子之文章,可得而聞也;夫子之言性與天道,不可得而聞也: Văn chương của Phu Tử, ta có thể được nghe luôn, đến như những điều Ngài nói về tính và đạo Trời, thì ít khi được nghe vậy” (Luận Ngữ: Công dã Tràng, V). Văn chương là cái đức hiển hiện ra ở ngoài, cho nên Phu Tử thường lấy để dạy mọi người, còn tính và đạo Trời là phần vi diệu, phi đối với người học lực đã thâm viễn, thì Ngài không hay nói đến, cho nên không mấy người được nghe vậy.
Khổng Tử cho là có hạng người tư chất đủ học mà hiểu được những lẽ cao xa, có hạng người tư chất dẫu có học cũng không hiểu được. Ngài nói rằng: “Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã; trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã 中人以上,可以語上也;中人以下,不可以 語上也: Đối với những người có tư chất tự bậc trung trở lên, thì mới có thể nói những điều cao xa; đối với những người có tư chất tự bậc trung trở xuống, thì không có thể nói những điều cao xa” (Luận Ngữ: Ung dã, VI).
Vậy nên trong cái học của Khổng Tử có hai phần: Một phần công truyền và một phần tâm truyền; phần công truyền nói về luân thường đạo lý để dạy cho mọi người; phần tâm truyền nói về những sự cao xa khó hiểu để riêng cho những người có tư chất đặc biệt, tự mình phải học mà lĩnh hội lấy, chứ không phải giảng rõ ra nhiều lời. Ngài bảo thầy Tử Cống rằng: “Dư dục vô ngôn 予欲無言: Ta muốn không nói”. Thầy Tử Cống thưa: “Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên? 子如不言,則小子何述焉?: Nếu Phu Tử không nói thì đệ tử biết noi theo vào đâu?” Ngài nói rằng: “Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai! 天何言哉!四時行焉,百物生焉,天何言哉!: Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh nở. Trời có nói gì đâu!” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVII). Cái đạo của thiên hạ có điều nói nhiều mà lại mờ tối đi. Song thiên lý tự lưu hành mà sinh hóa, người biết suy xét thì há lại phải đợi nói mới biết hay sao? Người nào đã không thể biết được, thì càng nói lắm, lại càng làm cho người ta không hiểu lắm. Vậy nên Ngài muốn không nói mà dạy được, nghĩa là Ngài muốn khiến kẻ học giả tự suy xét lấy mà hiểu, hơn là đợi người ta giảng dạy mà không hiểu.
Bởi lẽ ấy cho nên những điều có ý nghĩa khó khăn là Ngài không hay làm đến. Sách Luận Ngữ chép “Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh dữ nhân 子罕言利與命與仁: Phu Tử ít nói đến lợi cùng mệnh và nhân” (Luận Ngữ: Tử hãn, IX). Ngài ít nói đến lợi, là vì lợi có thể làm hại cho nghĩa, sợ người ta hiểu không hết lẽ, rồi hoặc là đắm đuối vào cái ti cận quá, hoặc là lại siêu việt ra xa quá; Ngài ít nói mệnh và nhân, là vì cái nghĩa chữ mệnh rất tính vi, cái đạo nhân rất to lớn, sợ người ta hoặc là thiên về mặt cao xa quá, hoặc là theo không kịp, thành ra thất kỳ trung.
Cách Khổng Tử lập giáo là Ngài cho nhân loại số nhiều chỉ hiểu được những điều thiển cận giản dị mà thôi. Còn những điều uyên áo cao xa, dẫu có đem ra giảng dạy người ta cũng không hiểu hết cả mọi ý nghĩa, thành ra lại làm loạn cả tinh thần mà không được việc gì. Vì thế cho nên đối với người thường là Ngài không nói những điều người ta không thể hiểu được, hay là những điều có thể làm cho người ta hiểu lầm được. Bởi vậy mới nói: “Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần 子不語: 怪,力,亂,神: Phu Tử không nói việc quái lạ, việc dùng mãnh lực, việc bội loạn, việc quỉ thần” (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII). Có người hỏi đến việc thờ quỉ thần, thì Ngài nói: “Vị năng sự nhân, an năng sự quỉ? 未能事人,焉能事鬼?: Chưa thờ được người, thờ thế nào được quỉ thần”. Hỏi chết là thế nào, thì Ngài nói: “Vị tri sinh, an tri tử? 未知 生,焉知死?: Chưa biết được việc sống, biết thế nào được việc chết?” (Luận Ngữ: Tiên tiến, XI). Ý hai câu này không phải là Ngài nói người ta không thờ được quỉ thần và không biết được việc sống, chết, nhưng vì việc quỉ thần và việc sống, chết là việc u ẩn rất khó hiểu, nếu không cẩn thận mà đem những việc ấy ra nói với người thường thì người ta hay hiểu lầm mà tin bậy. Vậy nên phàm những điều huyền bí, mà có thể làm cho người ta sinh ra hồ tư loạn tưởng không có ích gì cho sự sinh hoạt ở đời, là Ngài không hay nói đến. Ngài nói: “Sách ẩn, hành quái, hậu thế hữu thuật yên, ngô phất vi chi hỹ 素隱,行怪,後世有述 焉,吾弗為之矣: Tìm những điều huyền bí tối tăm, làm những việc quái lạ, để đời sau có người bắt chước, thì ta không làm”17(Trung Dung).
Về việc giáo hóa, thì Khổng Tử cho là người ta ở đời, ai cũng có cái tính của trời đất phú cho. Cái tính ấy thì ai cũng như ai, nhưng rồi vì sự tập quán mà thành ra mỗi người một khác, duy chỉ có bậc thượng trí với đứa hạ ngu thì mới không biến đổi mà thôi: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã, duy thượng trí dữ hạ ngu bất di: 性相近也,習相遠也。唯上知與下愚不移” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVII). Bậc thượng trí là đã bẩm thụ cái khí rất thanh của trời đất, thì ngay từ lúc đầu đã hoàn toàn rồi, không phải thay đổi gì nữa. Đứa hạ ngu đã bẩm thụ cái khí rất trọc, thì dẫu có dạy bảo thế nào cũng không trở nên hay được. Còn những bậc trung nhân thì tùy giáo dục, tập quán mà thành ra người hay, người dở. Khổng Tử nói rằng: “Thiếu thành nhược thiên tính, tập quán như tự nhiên 少成若天性,習貫如自然: Tập thành từ lúc nhỏ, cũng như thiên tính, tập quen cũng như tự nhiên” (Đại Đái Lễ). Người ta đã học tập điều gì lâu ngày thành quen, thì chẳng khác gì cái tính tự nhiên bẩm thụ của trời đất. Vậy nên Ngài lấy sự giáo hóa làm quan trọng cho người ta ở trong xã hội.
Trong nhân loại tuy có bậc thượng trí và người hạ ngu nhưng bao giờ cũng là số ít, số rất ít; còn phần nhiều là hạng trung nhân có thể dạy bảo được cả, cho nên Khổng Tử nói rằng: “Hữu giáo vô loại 有教無類: Có dạy mà không phân chủng loại” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Người là bất cứ hạng người nào, nòi giống nào, cũng có thể dạy bảo cho thành người hay được. Vậy nên Khổng giáo rất chú ý về việc giáo hóa.
Mục đích sự giáo hóa của Khổng giáo là dạy người cho đến bậc nhân. Người có nhân thì tất là phải trung. Nhân với trung là hai cơ bản của Khổng giáo như đã nói ở thiên Hình nhi thượng học. Muốn đạt được mục đích ấy, thì trước hết phải gây nên những tình cảm rất hậu, và giữ cho sự hành vi lúc nào cũng có chừng mực vừa phải. Vậy nên Khổng giáo lấy hiếu đễ và lễ nhạc làm cái nền giáo hóa. Bỏ những điều ấy đi, thì bỏ hết cả sự giáo hóa của Khổng giáo.
A) Hiếu đễ
Đã nói rằng Khổng giáo chủ lấy sự dạy người ta cho tới đạo nhân 仁, tức là khiến cho người ta bao giờ cũng có đầy những tình cảm rất hậu và thành thực. Cứ lẽ thường, thì cha mẹ và anh em chị em là người thân thiết của ta, tất là ta phải kính yêu, rồi đối với người ngoài mới có lòng từ ái, trung thứ được. Nếu ở với cha mẹ mà không hiếu thảo, ở với anh em không kính thuận, tức là tình cảm của ta rất bạc, làm thế nào mà thành được người nhân?
Cái gốc đạo nhân là ái 愛 và kính 敬. Lấy ái và kính làm cái nền hiếu đễ, thì sự giáo hoá có công hiệu rất hay. Khổng Tử nói: “Lập ái tự thân thỉ, giáo dân mục dã. Lập kính tự trưởng thỉ, giáo dân thuận dã. Giáo dĩ từ mục, nhi dân quý hữu thân; giáo dĩ kính trưởng, nhi dân quý dụng mệnh. Hiếu dĩ sự thân, thuận dĩ thính mệnh, thố chư thiên hạ vô sở bất hành 立愛自親始,教民睦也。立教自長始, 教民順也。教以慈 睦,而民貴有親;教以敬長,而民貴用命。孝以事親,順以聽命,錯諸天下,無所不行: Dựng lòng ái khởi đầu từ cha mẹ, là dạy dân hoà mục vậy. Dựng lòng kính khởi đầu từ người huynh trưởng, là dạy
dân kính thuận vậy. Lấy từ mục mà dạy dân, thì dân biết quý có cha mẹ, lấy kính người huynh trưởng mà dạy dân, thì dân biết quý sự theo mệnh lệnh người trên. Hiếu là để thờ cha mẹ, thuận là để vâng mệnh người trên, đem những điều ấy mà thi thố ra thiên hạ, thì không có điều gì là không làm được” (Lễ Ký: Tế nghĩa, XXIV). Vậy nên trong sự giáo hoá, Khổng giáo lấy hiếu đễ làm nết trọng.
Người có hiếu trước hết phải nuôi cha mẹ. Nuôi thì phải kính, chứ không kính thì không phải là hiếu. Một hôm Tử Du hỏi hiếu. Khổng Tử nói: “Kim chi hiếu dã, thị vị năng dưỡng, chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ 今之孝者,是謂能養,至於犬馬,皆能有養;不敬,何以別乎?: Hiếu ngày nay là bảo có thể nuôi được cha mẹ; đến như giống chó giống ngựa đều có người nuôi, nuôi mà không kính thì lấy gì mà phân biệt?” (Luận Ngữ: Vi chính II). Vậy nuôi cha mẹ thì cốt ở sự thành kính, dẫu phải ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho cha mẹ được hết cái vui, ấy gọi là hiếu: “Xuyết thúc ẩm thủy, tận kỳ hoan, tư chi vị hiếu 啜菽飲水,盡其歡,斯之謂孝” (Lễ Ký: Đàn cung hạ).
Khi cha mẹ còn, không bao giờ làm điều gì để cho cha mẹ lo buồn. Bởi vậy không nên đi đâu xa, có đi xa thì phải nói cho cha mẹ biết chỗ đi để cha mẹ khỏi lo và nhỡ có việc gì, có thể tìm gọi được: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương 父母在,不遠遊;遊必有方” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Trong sự hiếu có hai điều rất nên chú ý là vô vi và vô cải. Vô vi là xử cảnh thường, thì thờ cha mẹ không trái lễ; vô cải là xử cảnh biến, thì không đổi ngay cái đạo của cha mẹ. Hai điều ấy hàm cái ý phục tùng, song phục tùng theo đạo phải, chứ không phục tùng một cách thuận thụ, không biết phân biệt phải, trái gì cả.
Sách Luận Ngữ chép: Mạnh Ý Tử hỏi hiếu. Khổng Tử đáp lại rằng: “Vô vi 無違”, rồi sau Phàn Trì không hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy, mới hỏi lại. Ngài giải rõ nghĩa là: “Sinh sự chi dĩ lễ, tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ 生,事之以禮;死,葬之以禮,祭之以禮: Sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế” (Luận Ngữ: Vi chính, II), Vậy sự vô vi đó là sự thờ cha mẹ cho đúng lễ. Lễ là hợp nghĩa lý, là vừa phải, chứ không thái quá hay bất cập, miễn là “xứng gia chi hữu vô 稱家之有無: vừa sức nhà giàu nhà nghèo mà làm cho phải lẽ thường” (Lễ Ký: Đàn cung thượng). Có chỗ Khổng Tử lại nói rằng: “Lễ dữ kỳ xa dã, ninh kiệm; tang dữ kỳ dị dã, ninh thích 禮與其奢也,寧儉;喪,與其易也,寧戚: Lễ với xa xỉ, thì thà rằng kiệm ước còn hơn; tang với nghi văn quá, thì thà rằng thương buồn còn hơn” (Luận Ngữ: Bát dật, III). Nghĩa là nếu theo lễ mà không được trung dung, thì thà bất cập còn hơn thái quá. Ngài nói như thế, nhưng chủ ý là vẫn bảo phải theo lễ. Theo lễ là theo cái lý phải.
Lấy lễ mà thờ cha mẹ không phải là cha mẹ làm điều gì trái đạo cũng theo. Khổng Tử nói: “Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán 事父母幾諫,見志不 從,又敬不違,勞而不怨: Thờ cha mẹ thì khi cha mẹ có làm điều gì lầm lỗi, con phải tìm cách êm đềm địu dàng mà can ngăn, thấy cha mẹ không nghe, thì lại kính mà không trái lễ, dẫu có phải điều đau đớn khó nhọc cũng không oán giận” (Luận Ngữ: Lý nhân, IV). Nghĩa là khi cha mẹ có làm điều gì trái đạo, thì con phải dùng cách ôn hòa mà can ngăn. Nếu cha mẹ không nghe, thì lại tỏ lòng cung kính và hiếu thảo, rồi dần dần lựa cách nói cho cha mẹ biết lẽ phải mà sửa đổi lại. Dầu có khi cha mẹ giận mà đánh đập hay bắt phải chịu khổ sở, cũng không oán. Việc giữ cái danh tiết của cha mẹ được trong sạch là cái bổn phận người con hiểu đạo hiếu vậy.
Một hôm Ai Công nước Lỗ hỏi Khổng Tử rằng: “Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?” Hỏi ba lần mà Khổng Tử không thưa. Khi Ngài ra ngoài, đem chuyện ấy nói với thầy Tử Cống và hỏi ý thầy ấy thế nào. Thầy Tử Cống thưa: “Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa?” Khổng Tử nói: “Ngươi không biết gì. Đời xưa đấng minh quân làm vua nước vạn thặng có tránh thần bảy người, thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng có tránh thần năm người, thì xã tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh thần ba người, thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy” (Khổng Tử gia ngữ: Tam thứ, IX). Xem thế, thì làm điều hiếu, không phải cha làm thế nào cũng phải theo. Có khi cha làm điều gì trái lẽ, thì phải hết sức can ngăn, để cho cha không bị những điều lầm lỗi. Nhưng chỉ cốt phải theo lễ mà can ngăn. Hiếu có hợp lễ mới thật là hiếu.
Phàm người có hiếu là khéo nối được cái chí của cha mẹ, khéo noi được việc làm của cha mẹ: “Phù hiếu giả, thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả dã 夫孝者,善繼 人之志,善述人之事也” (Trung Dung). Câu này cốt ở chữ thiện, nghĩa là khéo biết phân biệt cái chí của cha mẹ, và công việc của cha mẹ đã làm, để xem cái gì hay thì theo, cái gì dở thì bỏ, chứ không phải gặp thế nào cũng nhắm mắt mà theo.
Khổng Tử có dạy phải vô cải, như Ngài nói: “Phụ tại, quan kỳ chí; phụ một, quan kỳ hành. Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỹ 父在,觀其志。父沒,觀其行。三年無改於父之道,可謂孝矣: Cha còn thì phải xem cái chí của cha, cha mất rồi phải xem việc làm của cha, ba năm không đổi cái đạo của cha, khả gọi là hiếu vậy” (Luận Ngữ: Học nhi, I). Lúc cha còn thì xem cái chí của cha, để có điều gì phải thì theo và có điều gì trái thì can. Việc cha đã làm mà có nên thay đổi, thì đợi hết ba năm tang chế rồi hãy thay đổi, trước là để tỏ lòng bất nhẫn của người hiếu tử, sau là khi làm việc thay đổi như vậy, cần phải kính
cẩn thận trọng. Nghĩa hai chữ vô cải là thế, và có theo cái nghĩa ấy thì mới thích hợp với lẽ trung. Khổng Tử dạy hiếu, nhưng bao giờ cũng dạy phải giữ đạo trung dung. Một hôm Diệp công bảo Khổng Tử rằng: “Ngô đảng hữu trực cung giả, kỳ phụ nhương dương, nhi tử chứng chi 吾黨有直躬者,其父攘羊而 子證 之: Xóm chúng tôi có người cứ lấy cái thẳng mà khiến mình; cha đi ăn trộm dê, mà con đi làm chứng”. Ngài nói rằng: “Ngô đảng chi trực giả dị ư thị, phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn, trực tại kỳ trung hỹ 吾黨 之直者異於是,父為子隱,子為父 隱,直在其中矣: Người thẳng xóm chúng tôi thì khác thế: cha che chở cho con, con che chở cho cha, cái trực ở trong đó vậy” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Lời ấy thật là ôn hòa, trung dung, rất thích hợp với đạo làm người.
Khổng giáo vốn không phải thuần là một tông giáo, vì không có định ra sự thờ cúng một vị thần nào. Song lấy sự thờ cha mẹ và tổ tiên làm rất tôn trọng. Khổng Tử cho sự thờ cha mẹ rất hiếu là: “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã 敬其所尊,愛其所親; 事死如事生,事 亡如事存,孝之至也: Kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc chết rồi cũng như lúc còn sống, lúc mất rồi cũng như lúc hãy còn, ấy là hiếu đến rất mực vậy” (Trung Dung). Theo cái ý chỉ ấy thì sự thờ cha mẹ có cái thái độ tựa như một tông giáo. Huống chi lại nói cách con thờ cha mẹ phải: “Thính ư vô thanh, thị ư vô hình 聽於無聲,視於無形: Nghe thấy ở chỗ không có tiếng, trông thấy ở chỗ không có hình” (Lễ Ký, Khúc Lễ thương, I). Nghĩa là phải chuyên tâm trí ý mà thờ cha mẹ, lúc nào cũng tưởng tượng như trông thấy cha mẹ ngồi trước mặt, và nghe thấy lời cha mẹ dạy bảo vậy. Xem như thế, thì hiếu là cái đạo có tính chất của một tông giáo thật. Song ta nên biết rằng sự thờ cha mẹ không phải là cái lẽ cuối cùng của sự hiếu. Cái lẽ cuối cùng của sự hiếu là lấy hiếu gây thành đạo nhân, vì người có hiếu tức là có nhân. Nhân với hiếu thường dắt díu nhau; cho nên những người có địa vị trọng yếu ở trong xã hội, phải chú ý về đạo hiếu lắm. Ngài nói: “Quân tử đốc ư thân, tắc dân hưng ư nhân; cố cựu bất di, tắc dân bất thâu 君子篤於親,則民興於仁。故舊不遺,則民不偷: Người quân tử hậu với cha mẹ, thì dân hưng khởi làm điều nhân; không bỏ sót những người cố cựu, thì dân không có bạc tục” (Luận Ngữ: Thái Bá, VIII). Người quân tử đây là nói những kẻ có quyền bính, làm tiêu biểu cho nhân chúng. Những người ấy mà bất hiếu, bất mục, tình cảm đơn bạc thì khiến dân có nhân, có nghĩa, có tình cảm hậu sao được? Vậy nên Tăng Tử nói rằng: “Thận chung, truy viễn, dân đức quy hậu hỹ 慎終,追遠, 民德歸厚矣: Cẩn thận lúc cha mẹ chết, nhớ đến tổ tiên xa, thì cái đức của dân trở nên hậu” (Luận Ngữ: Học nhi, I).
Chữ hiếu trong Khổng giáo quan trọng như thế, cho nên người đi học phải xét cho kỹ, chớ nên vội vàng phán đoán nông nổi mà sai lầm. Cũng vì nhiều người không hiểu cái thâm ý chữ hiếu là cái mối đầu sự tác dụng của đạo nhân, cho nên cứ câu nệ về cái hình thức bề ngoài, bày ra những cách phiền toái, làm mất cả cái tinh thần giản dị, thành thực. Đó là cái lỗi tại những người đời sau, chứ cứ theo cái đạo của Khổng Tử, thì có điều gì là điều không hay? Đạo của Ngài là đạo trung dung, phải tùy thời, tùy cảnh ngộ mà biến đổi, chủ lấy sự thích hợp với đạo nhân làm cốt. Việc hiếu cũng như mọi việc khác, vụ lấy lòng thành thực và cung kính, còn những điều vụn vặt không hợp thời, hợp cảnh, thì bỏ đi, có ngại gì? Có biết theo thời mà biến đổi, để giữ lấy được cái trung, thì mới thật là người nho học.
Nhưng học cho biết cái lẽ phải, trái, biết lẽ điều hòa trong sự hành vi của người ta, thì phải biết lễ nhạc, vì lễ nhạc là phần luân lý thực hành của Nho giáo, cốt để bồi dưỡng cái tâm của người ta cho khỏi nghiêng lệch. Lễ nhạc cũng như hiếu đễ, quan hệ với nhau mật thiết lắm, cho nên lễ nhạc là một phần rất trọng yếu trong sự giáo hóa của Nho giáo.
B) Lễ nhạc
Khổng Tử từ thuở còn thanh niên ở nước Lỗ đã nổi tiếng là người học giỏi về lễ. Khi Ngài vào kinh đô nhà Chu, đi hỏi lễ ở Lão Tử, hỏi nhạc ở Trành Hoằng. Về sau Ngài ra xuất chính, hay là dạy học, lúc nào cũng chú ý về lễ nhạc. Xem như thế, thì lễ nhạc là phần rất trọng yếu trong sự giáo hóa của Khổng giáo. Sau khi Ngài mất rồi, các môn đệ Ngài ghi nhớ lấy những lời Ngài giảng dụ về lễ nhạc, rồi chép vào sách Lễ Ký. Hậu nho đời Hán lại phụ hội thêm vào, bàn rõ các ý nghĩa hai chữ lễ nhạc.
Lễ nhạc quan hệ đến luân lý, phong tục và chính trị rất mật thiết lắm, cho nên các nho giả tìm cái căn nguyên ở trong đạo tự nhiên của trời đất, cho lễ là cái trật tự của trời đất, nhạc là cái điều hòa của trời đất: “Nhạc giả thiên địa chi hòa dã, lễ giả thiên địa chi tự dã 樂者天地之和也, 禮者,天地之序也: (Lễ Ký: Nhạc Ký, XIX). Lễ phân ra trật tự khác nhau, để cho vạn vật có thứ vị phân minh; nhạc hợp đồng lại làm một, để người ta biết vạn vật tuy khác nhau, nhưng cùng đồng một thể, cùng theo một lẽ điều hòa mà sinh hóa. Bởi vậy mới nói rằng: “Thiên cao địa hạ, vạn vật tán thù, nhi lễ chế hành hỹ. Lưu nhi bất tức, hợp đồng nhi hóa nhi nhạc hưng yên 天高地下,萬物散殊,而禮制行矣。流而不息,合同而化,而樂興 焉: Trời cao đất thấp, muôn vật khác nhau, cho nên thánh nhân mới nhân đó mà định ra lễ chế để phân tôn ti trật tự. Trời đất và vạn vật lưu hành không nghỉ, rồi hội hợp khí tính cho điều hòa, để hợp đức mà sinh
dục, thế mới thành ra có nhạc vậy” (Lễ Ký: Nhạc Ký, XIX).
Cái căn nguyên lễ nhạc cao xa như thế, cho nên mới có giá trị tôn quý, mà thánh hiền đời trước đều lấy làm cơ bản để dạy người và trị thiên hạ, khiến người ta cư xử, hành động cho hợp nhân đạo. Bởi vậy mới nói rằng: “Tiên vương chi chế lễ nhạc dã, phi dĩ cực khẩu phúc nhĩ mục chi dục dã, tương dĩ giáo dân bình hiếu, ố, nhi phản nhân đạo chi chính dã 先王之製禮樂也, 非以极口腹耳目之欲也, 将以教民平好恶,
而反人道之正也: Tiên vương chế ra lễ nhạc không phải là để làm cho cùng cực cái dục của miệng bụng tai mắt, nhưng để khiến dân giữ lòng hiếu, ố cho vừa phải, mà sửa lại cái đạo làm người cho chính vậy” (Lễ Ký: Nhạc Ký, XIX). Vậy nay bàn đến lễ và nhạc, thì ta nên định rõ cái nghĩa hai chữ ấy của cổ nhân hiểu ra thế nào.
Lễ 禮. Chữ lễ trước tiên chỉ dùng để nói cách thờ thần cho được phúc, tức là chỉ có nghĩa cúng tế, thuộc về đường tông giáo mà thôi. Sau dùng rộng ra, nói gồm cả những quy củ mà phong tục và tập quán của nhân quần xã hội đã thừa nhận, như: quan 冠, hôn 昏, triều 朝, sính 聘, tang 喪, tế 祭, tân chủ 賓主, hương ẩm tửu 鄉飲酒, quân lữ 軍旅. Sau cùng chữ lễ lại có cái nghĩa thật rộng nói gồm cả cái quyền bính của vua và cái tiết chế sự hành vi của nhân chúng. Cái nghĩa ấy bao quát cả những việc thích hợp với cái lẽ công chính của đạo lý và lẽ thích nghi của sự lý. “Lễ dã giả, nghĩa chi thực dã. Hiệp chư nghĩa nhi hiệp, tắc lễ tuy tiên vương vị chi hữu, khả dĩ nghĩa khởi dã 禮也者,義之實也。 協諸義而協,則禮雖先王未之有,可以 義起也: Lễ là cái thực của nghĩa. Hợp với các điều nghĩa mà hợp, thì lễ tuy tiên vương chưa đặt ra, nhưng cùng có thể lấy nghĩa mà khởi sáng ra được” (Lễ Ký: Lễ vận, IX). Vậy lễ với lý và nghĩa là một, có thể lấy làm quy củ cho sự hành vi, có thể tùy thời mà thay đổi cho hay hơn, tốt hơn, không phải cố chấp lấy cổ lễ cựu tục làm hạn. Chữ lễ hiểu nghĩa rộng như thế mới đúng với cái tông chỉ của Khổng giáo. Tông chỉ ấy cốt nhất là hàm dưỡng những tình cảm cho thật hậu, để gây thành cái tập quán đạo đức cho đến bậc nhân.
Theo cái nghĩa rộng, chữ lễ đã định rõ trên kia, thì tác dụng của lễ có thể chia ra làm bốn chủ đích như sau này:
1. Chủ đích thứ nhất là để hàm dưỡng tính tình. Nguyên Khổng giáo vốn là cái học trọng tình cảm, cho nhân sự đều bởi tình cảm mà sinh ra. Vậy nên thánh nhân rất chú ý về việc gây nên nhiều tình cảm rất tốt, rất hậu, tức là gây thành cái gốc đạo nhân, Cái nghĩa tối cổ chữ lễ thuộc về việc tế tự vẫn quan hệ đến đạo đức. Vì việc tế tự có thể gây thành cái trạng thái có nhiều tình cảm rất hậu. Tế là lấy bụng thành thực cung kính mà đối với tổ tiên, quỉ thần: “Phù tế giả, phi vật tự ngoại chí giả dã, tự trung xuất, sinh ư tâm dã 夫祭 者,非物自外至者也,自中出,生於心也: Tế là không phải cái vật ở ngoài đến, tự trong bụng ra, ở tâm sinh ra vậy” (Lễ Ký: Tế thống, XXV). Trong khi tế tự cha ông tổ tiên, lúc nào người ta cũng tưởng nghĩ đến luôn. Trước ba ngày tế đã trai giới để bụng chăm chăm vào việc tế; đến ngày tế thì thật hình như đã trông thấy cha ông tổ tiên, thành ra có cái cả tình lai láng biết là bao nhiêu! Sách Lễ Ký, thiên Tế nghĩa nói rằng: “Trai chi nhật, tư kỳ cư xử, tư kỳ tiếu ngữ, tư kỳ chí ý, tư kỳ sở lạc, tư kỳ sở thị. Trai tam nhật nãi kiến kỳ sở vi trai giả. Tế chi nhật, nhập thất, ái nhiên tất hữu kiến hồ kỳ vị; chu hoàn xuất hộ, túc nhiên tất hữu văn hồ kỳ dung thanh; xuất hộ nhi thính, khái nhiên tất hữu văn hồ kỳ thán tức chi thanh 齋之日,思其居處, 思其笑語,思其志意,思其所樂,思其所嗜。齋三日,乃見其所為齋者。祭之日入室,僾然必有见 乎其位;周还出户,肃然必有聞乎其容聲;出户而聽,忾然必有聞乎其叹息之聲: Ngày trai giới thì nghĩ đến cách cư xử, nghĩ đến cách cười nói, nghĩ đến ý chí, nghĩ đến cái vui, nghĩ đến cái muốn của cha ông tổ tiên. Trai giới được ba ngày thì mới thấy rõ được thế nào là trai giới. Ngày tế, bước vào đến nhà thì mình phảng phất hình như trông thấy ở ngai thờ; lúc thong thả đi ra ngoài cửa thì mình kính cẩn hình như nghe thấy tiếng, trông thấy dáng điệu; lúc ra ngoài cửa rồi, thì mình băn khoăn hình như nghe tiếng than thở”.
Cách ăn mặc trong lúc tang chế, ở chỗ triều đường, hay khi đi trận mạc, phải theo lễ, cũng là có ý để gây nên những tình cảm cho xứng đạo nhân. Một hôm Ai Công nước Lỗ hỏi Khổng Tử: “Thân ủy chương phủ hữu ích ư nhân hồ?” 紳委章甫有益於仁乎?: Giải mũ và áo chương phủ có ích cho đạo nhân không?” Khổng Tử nghiêm sắc mặt mà thưa: “Quân hồ nhiên yên! Thôi ma thư trượng giả, chí bất tồn hồ lạc, phi nhĩ phất văn, phục sử nhiên dã; phủ phất cổn miện giả, dung bất tập mạn, phi tính căng trang, phục sử nhiên dã; giới trụ chấp qua giả, vô thoái nọa chi khí, phi thể thuần mãnh, phục sử nhiên dã 君胡然焉!衰 麻苴杖者,志不存乎樂,非耳弗聞,服使然也;黼紱袞冕者,容不褻慢,非性矜莊,服使然也;介冑
執戈者,無退惴之氣,非體純猛,服使然也: Sao vua lại nghĩ thế! Người mặc áo sô gai chống gậy, chí không để đến sự vui, không phải là tại không nghe thấy, vì y phục khiến như thế; người mặc cái phủ cái phất, áo cổn mũ miện, dáng điệu không nhàn, không phải nguyên tính vốn trang nghiêm, vì y phục khiến như thế; người đội mũ trụ, mặc áo giáp, cầm cây giáo, không có cái khí nhút nhát, không phải là thân thể vốn mạnh bạo, vì y phục khiến như thế” (Khổng Tử gia ngữ: Hiếu sinh, X).
Khổng giáo dùng lễ là cốt tạo thành ra một thứ không khí lễ nghĩa, khiến người ta có cái đạo đức tập quán để làm điều lành, điều phải, mà vẫn tự nhiên không biết. Sách Lễ Ký, thiên Đàn cung hạ chép chuyện người Chu Phong thưa với Lỗ Ai Công rằng: “Khư mộ chi gian, vị thi ai ư dân nhi dân ai; xã tắc tông miếu chi trung, vị thi kính ư dân nhi dân kính 墟墓之間,未施哀於民而
民哀;社稷宗廟之中未施敬於民而民敬: Ở chỗ mồ mả, chưa dạy dân phải thương mà dân tự nhiên có lòng thương; ở chỗ xã tắc tông miếu, chưa dạy dân phải kính mà dân tự nhiên có lòng kính”. Ở chỗ mồ mả thì có cái không khí bi ai, ở chỗ tông miếu thì có cái không khí tôn kính, ai đã hô hấp cái không khí ấy thì rồi tự hóa theo mà không biết. Khổng giáo dùng lễ tức là để gây thành ra cái không khí đạo đức vậy.
2. Cái chủ đích thứ hai là để giữ những tình cảm cho thích hợp đạo trung. Gây thành ra những tình cảm rất tốt, rất hậu, là một điều rất trọng yếu của Khổng giáo. Nhưng cứ để cho tình cảm được tự do hành động thì thường sinh ra lắm điều chếch lệch, phi thái quá thì bất cập. Vậy nên phải lấy lễ mà khiến sự hành vi của người ta cho có chừng mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trưng. Khổng Tử nói: “Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỉ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo 恭而無禮則勞,慎而無禮則葸,勇 而無禮則亂,直而無禮則絞: Cung kính mà không có lễ thì phiền, cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mà không có lễ thì loạn, trực mà không có lễ thành ra vội vã” (Luận Ngữ: Thái Bá, XIII). Vì vậy cho nên ngài bảo thầy Nhan Uyên là một người đã hiểu đạo nhân hơn cả mọi người, rằng: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động 非禮勿視,非禮勿聽,非禮勿言,非禮勿動: Không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ nói, không phải lễ thì chớ làm” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Lễ là cốt để giữ chừng mực cho sự hành vi của người ta, cho nên mới nói rằng: “Đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành; giáo huấn chính tục, phi lễ bất bị; phản tranh biện tụng, phi lễ bất quyết; quân thần thượng hạ, phụ tử, huynh đệ, phi lễ bất định; hoạn học, sự sư, phi lễ bất thân; ban triều, trị quân, lị quan, hành pháp, phi lễ uy nghiêm bất hành; đảo từ, tế tự, cung cấp quỉ thần, phi lễ bất thành bất trang. Thị dĩ quân tử cung kính tôn tiết, thoái nhượng dĩ minh lễ 道德仁義,非禮不成;教訓正 俗,非禮不備;分爭辨訟,非禮不決;君臣上下,父子兄弟,非禮不定;宦學事師,非禮不親;班朝治
軍,蒞官行法,非禮威嚴不行;禱祠祭祀,供給鬼神,非禮不誠不莊. 是以君子恭敬撙節,退讓以明 禮: Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo, sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh, không có lễ, không uy nghiêm; cầu khấn tế tự, cung cấp quỉ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng, để làm sáng rõ lễ” (Lễ Ký: Khúc lễ thượng).
Khổng giáo thỉ chung làm việc gì cũng cần lấy đạo trung; nếu không có lễ để làm tiêu chuẩn cho sự hành vi thì biết thế nào là trung được. Vậy nên Khổng Tử nói rằng: “Lễ hồ, lễ hồ, sở dĩ chế trung dã 禮乎, 禮乎, 所以製中也: Lễ vậy ôi, lễ vậy ôi, để chữa cho vừa đạo trung vậy” (Lễ Ký: Ai Công vấn, XXVIII). Cái chủ đích thứ hai này quan hệ với cái chủ đích thứ nhất mật thiết lắm, vì là các tông chỉ Khổng giáo không những là khiến người ta phải có tình cảm rất tốt, rất hậu mà thôi, nhưng lại khiến những tình cảm ấy phải điều hòa cho hợp đạo trung. Đó là quan niệm, tối trọng yếu trong Khổng giáo, bởi vì người ta có giữ được tâm tính cho công chính và làm việc gì cũng đắc kỳ trung thì mới là nhân được. 3. Cái chủ đích thứ ba là định lẽ phải, trái, tình thân sơ và trật tự, trên dưới cho phân minh, ở trong xã hội có vua tôi, cha con, vợ chồng, có người thân kẻ sơ, có việc phải việc trái, cho nên phải có lễ để phân biệt cho rõ mọi lẽ, khiến người ta biết đường ăn ở cho phải đạo: “Phù lễ giả, sở dĩ định thân sơ, quyết hiềm nghi, biệt đồng, dị, minh thị phi dã 夫禮者所以定親疏,決嫌疑,別同異,明是非也: Lễ là để định thân sơ, quyết sự hiểm nghi, phân biệt chỗ giống nhau khác nhau, rõ lẽ phải, trái” (Lễ Ký: Khúc lễ thượng, 7). Lễ là cốt để phân ra trật tự, khiến cho vạn vật không có điều gì hồ đồ hỗn độn. “Phù lễ giả sở dĩ chương nghi biệt vi, dĩ vi dân phường giả dã. Cố quý tiện hữu đẳng, ỵ phục hữu biệt, triều đình hữu vị, tắc dân hữu sở nhượng 夫禮者,所以章疑別微,以為民坊者也。故貴賤有等,衣服有別,朝廷有位,則民有所讓: Lễ là dùng để làm cho rõ điều ngờ, biện bạch những điều vi ẩn, để làm sự phòng giữ cho dân. Cho nên người sang người hèn có bậc, y phục có phân biệt, có chỗ triều đình có ngôi thứ, thì dân mới có đức nhượng” (Lễ Ký: Phương ký, XXX). Nếu không có lễ thì làm thế nào mà biết cách thờ trời đất quỉ thần cho phải, lấy gì mà phân biệt nghĩa vua tôi trên dưới cho hợp đạo lý? “Dân chi sở do sinh, lễ vi đại. Phi lễ vô dĩ tiết sự thiên địa chi thần dã; phi lễ vô dĩ biện quân thần thượng hạ trưởng ấu chi vị dã; phi lễ vô dĩ biệt nam nữ phụ tử huynh đệ chi thân, hôn nhân sơ các chi giao dã 民之所由生,禮為大。非禮無以節事天 地之神也,非禮無以辨君臣上下長幼之位也,非禮無以別男女父子兄弟之親、昏姻疏數之交也: Trong những cái của dân cậy mà sinh hoạt thì lễ là to hơn cả. Không có lễ thì không có thể thờ thần của trời đất cho có thứ bậc; không có lễ thì không biện biệt ngôi vua tôi, trên dưới, lớn bé; không có lễ thì không có thể phân biệt cái lòng thân của trai gái, cha con, anh em, sự giao tiếp về việc hôn nhân, về người thân hay người sơ” (Lễ Ký: Ai Công vấn, XXVII). Lễ dùng về phương diện phân tôn ti trật tự, tức là phép tắc để tổ chức luân lý ở trong gia đình, xã hội và quốc gia vậy.
4. Chủ đích thứ tư là để tiết chế cái thường tình của người ta. Sách Lễ Ký, thiên Nhạc Ký nói rằng: “Nhân sinh nhi tĩnh, thiên chi tính dã. Cảm ư vật nhi động, tính chi dục dã. Vật chí tri tri, nhiên hậu hiếu, ố hình yên. Hiếu, ố vô tiết ư nội, tri dụ ư ngoại, bất năng phản cung, thiên lý diệt hỹ 人生而靜,天之性也。感
於物而動,性之欲也。物至知知,然後好惡形焉。好惡無節於內,知誘於外,不能反躬,天理滅 矣: Người ta sinh ra vốn tĩnh, đó là tính trời. Cảm với vật ở ngoài mà động, là cái muốn của tính. Vật đến thì cái biết của mình biết, nhiên hậu cái hiếu, cái ố, mới hình ra. Cái hiếu, cái ố mà không có tiết chế ở trong, cái biết của mình bị ngoại vật dẫn dụ, cứ thế mà không nghĩ lại, thì thiên lý tiêu diệt vậy”. Cứ theo Khổng giáo thì người ta bẩm thụ cái tính của Trời, cái tính ấy cảm xúc với ngoại vật mà động; tính động thành ra tình. Tình thì ai cũng có nhưng nếu không có cái gì để tiết chế, thì rồi bị ngoại vật làm cho đến mất cái thiên tính đi. Bởi vậy Khổng Tử nói: “Phù lễ, tiên vương dĩ thừa thiên chi đạo, dĩ trị nhân chi tình 夫禮,先王以承天之道,以治人之情: Lễ là tiên vương vâng theo cái đạo của Trời để trị cái tình của người” (Lễ Ký: Lễ vận, IX).
Khổng giáo vốn lấy tình cảm làm trọng, nhưng vẫn biết cái tình cảm của người thường mà không có hạn chế thì thành hư hỏng. Khổng Tử nói: “Trung nhân chi tình hữu dư tắc xỉ, bất túc tắc kiệm, vô cấm tắc dâm, vô độ tắc thất, túng dục tắc bại, Cố ẩm thực hữu lượng, y phục hữu tiết, cung thất hữu độ, súc tụ hữu số, xa khí hữu hạn, dĩ phòng loạn chi nguyên dã 中人之情有餘則侈,不足則儉,無禁則淫,無度則 逸,從欲則敗.故飲食有量,衣服有節,宮室有度,畜積有數,車器有限,所以防亂之原也: Cái thường tình của hạng người trung nhân, hễ có thừa thì xa xỉ, không đủ thì sẻn, không ngăn cấm thì dâm đãng, không theo tiết độ thì sai lầm, buông thả lòng dục thì hư hỏng. Cho nên ẩm thực phải có hạn lượng, y phục phải có tiết chế, cửa nhà phải có pháp độ, súc tụ phải có số thường, xe cộ và đồ dùng phải có ngữ có hạn, là để giữ phòng cái nguồn loạn vậy” (Khổng Tử tập ngữ: Tề hầu vấn, XIII). Vì vậy mới theo thường tình của người ta mà đặt ra văn vẻ để giữ cho người ta khỏi làm bậy: “Lễ giả, nhân nhân chi tình nhi vi chi tiết văn, dĩ vi dân phường giả dã 禮者,因人之情而為之節文,以為民坊者也: Lễ là nhân cái thường tình của người ta mà đặt ra tiết độ; văn vẻ, để làm cái ngăn giữ cho dân” (Lễ Ký: Phường ký, XXX). Nhưng cái tình của người ta thường ẩn khuất ở trong bụng không sao biết được, chỉ có dùng lẽ thì mới ngăn giữ được mà thôi: “Ẩm thực, nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên; tử vong, bần khổ, nhân chi đại ố tồn yên. Cố dục ố giả, tâm chi đại đoan dã, nhân tàng kỳ tâm, bất khả trắc đạc dã; mỹ ác giai tại kỳ tâm, bất kiến kỳ sắc dã. Dục nhất dĩ cùng chi, xả lễ hà dĩ tai 飲食男女,人之大欲存焉;死亡貧苦,人之大惡存焉。故 欲、惡者,心之大端也,人藏其心,不可測度也;美惡皆在其心,不見其色也.欲一以窮之,舍禮何 以哉: Cái đại dục của người ta là ở việc ăn uống trai gái, bao giờ cũng có; cái đại ố của người ta là ở sự chết mất, nghèo khổ, bao giờ cũng có. Cho nên dục, ố, là cái mối lớn của tâm vậy, người ta giấu kín cái tâm không thể dò xét được; cái hay cái dở đều ở cả trong tâm, không hiển hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho cùng mà bỏ lễ thì lấy gì mà biết được” (Lễ Ký: Lễ vận, IX). Đế vương đời trước sở dĩ trị được thiên hạ, là vì hiểu rõ cái tình của người ta, cho nên mới đặt ra lễ và nghĩa để phân biệt cái lợi cái hại, để trị thất tình là hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, sửa thập nghĩa là phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thinh, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung, giảng điều tin, sửa sự hòa thuận, chuộng sự từ nhượng, bỏ sự tranh cướp. (Lễ Ký: Lễ vận, IX).
Sự giáo hóa của lễ tinh vi lắm và có hiệu quả rất sâu xa: “Lễ chi giáo hóa dã vi, kỳ chỉ tà dã ư vị hình, sử nhân nhật tỉ thiện, viễn tội, nhi bất tự tri dã 禮之教化也微,其止邪也於未形,使人日徙善遠罪而不自 知也: Sự giáo hóa của lễ rất cơ mầu, ngăn cấm điều bậy ngay lúc chưa hình ra, khiến người ta ngày ngày đến gần điều thiện, tránh xa điều tội, mà tự mình không biết” (Lễ Ký: Kinh giải, XXVI). Vì thế cho nên thánh nhân rất chuộng lễ: “Phù lễ cấm loạn chi sở do sinh, do phương chi thủy chi tự lai dã 夫禮禁亂之所 由生,猶坊止水之所自來也: Lễ là cấm sự loạn sinh ra, như đường đê giữ cho nước không đến vậy” (Lễ Ký: Kinh giải, XXVI). Người giàu sang biết lễ thì không dâm tà, không kiêu căng; người bần tiện biết lễ thì không nản chí, không làm bậy. Người làm vua làm chúa có biết lễ thì mới biết trị nước yên dân. Nói rút lại: “Lễ chi ư chính quốc dã, do hành chi ư khinh trọng dã, thằng mặc chi ư khúc trực dã, quy củ chi ư phương viên dã 禮之於正國也,猶衡之於輕重也,繩墨之於曲直也,規矩之於方圜也: Lễ đối với việc sửa nước cũng như cái cân đối với việc nặng nhẹ, cái dây đối với vật thẳng vật cong, cái quy cái củ đối với vật tròn vật vuông vậy” (Lễ Ký: Kinh giải, XXVT).
Xét kỹ bốn cái chủ đích đã nói trên kia, thì biết rõ tác đụng của lễ thật là quảng đại, thật là tinh vi, đủ chứng là tâm lý học của Khổng giáo sâu xa vô cùng. Hồ Thích Chi nói trong sách Trung Quốc triết học sử rằng: “Trong cái nghĩa rộng chữ lễ có hàm cái tính chất pháp luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái quy củ tích cực, mà pháp luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu cực. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp luật thì cấm không cho làm những việc gì, hễ làm thì phải tội. Người làm điều trái lễ thì chỉ bị người quân tử chỉ nghị chê cười, chứ người làm trái pháp luật thì có hình pháp xét xử”. Lời ấy nói riêng về cái chủ đích thứ tư thì rất phải lắm.
Dùng lễ có lợi hơn là có thể ngăn cấm được việc chưa xảy ra, mà dùng pháp luật thì chỉ để trị cái việc đã có rồi, bởi vậy thánh nhân chỉ trọng lễ, chứ không trọng hình: “Phàm nhân chi tri, năng kiến dĩ nhiên, bất kiến tương nhiên. Lễ giả, cấm ư tương nhiên chi tiền; nhi pháp giả, cấm ư dĩ nhiên chi hậu…Lễ vân, lễ vân, quý tuyệt ác ư vị manh, nhi khởi kính ư vi diểu, sử dân nhật thiên thiện viễn tội nhi bất tự tri dã 凡人
之知,能見已然,不見將然。禮者,禁于將然之前;而法者,禁于已然之後…。禮云,禮云,貴絕惡 於未萌,而起教於微眇,使民日遷善遠罪而不自知也: Phàm cái biết của người ta chỉ biết cái đã có rồi, không biết được cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có, pháp luật là để cấm sai cái đã có rồi... Lễ vậy, lễ vậy, lễ quý là dứt được điều ác từ lúc chưa nảy mầm ra, dấy lòng kính ở chỗ người ta không trông thấy, để
cho dân ngày ngày đến gần điều thiện, xa điều tội, mà tự mình không biết” (Đại Đái Lễ Ký: Lễ tế). Nhạc 樂. Cả kinh Nhạc của Khổng Tử đã định ra nay chỉ còn có một ít trong thiên Nhạc Ký, chép ở trong bộ Lễ Ký. Tuy vậy, nhưng xem kỹ thiên ấy, thì cũng có thể hiểu được nghĩa chữ nhạc theo như ý của cổ nhân. “Nhạc giả âm chi sở do sinh dã 樂者喑之所由生也: Nhạc là do âm mà sinh ra”. Âm khởi phát ra tự ở lòng người. Lòng người cảm ở ngoại vật mà động, cho nên mới hình ra ở cái thanh. Những thanh tương ứng với nhau rồi bíến ra thành thương, tức là thành cung bậc trong đục cao thấp, gọi là âm. Âm chia ra làm năm bậc là: cung, thương, giốc, chủy, vũ”18. Đem các âm so vào những nhạc khí để đánh ra tiếng. Những tiếng: kim thạch ti trúc, những đồ múa; can 干 (khiên), thích 戚 (búa), vũ 羽 (lông chim sả), mao 旄 (lông đuôi bò), và những thi phú ca vịnh, gồm tất cả gọi là nhạc. Vậy nghĩa chữ nhạc là nói chung cả chuông – trống, đàn - địch múa hát và văn thơ.
Nhạc với lòng người cảm hoá lẫn nhau: một là bởi lòng người cảm xúc ngoại cảnh mà thành ra tiếng nhạc; hai là tiếng nhạc cảm lòng người rồi khiến lòng người theo tiếng nhạc mà biến đi. Như khi ngoại cảnh đau đớn thì lòng người thương xót, trong lòng đã thương xót thì thanh âm nghe tiêu sái; khi ngoại cảnh tốt lành, tất là trong lòng vui vẻ thì thanh âm nghe thong thả, êm đềm; khi ngoại cảnh thoả thích, trong lòng hớn hở thì thanh âm nghe hể hả; khi ngoại cảnh có điều không lành, trong lòng tức giận thì thanh âm nghe thô thiển dữ tợn; khi ngoại cảnh trông thấy tôn nghiêm thì thanh âm nghe chính trực, nghiêm trang; khi ngoại cảnh làm cho sinh ra lòng yêu mến thì thanh âm nghe dịu dàng hoà nhã.
Tâm tính người ta vốn sẵn của Trời phú cho, nhưng tình dục thì do sự cảm xúc với ngoại vật mà thành ra. “Phù dân hữu huyết khí tâm trí chi tính, nhi vô ai lạc hỉ nộ chi thường, ứng cảm khởi vật nhi động, nhiên hậu tâm thuật hình yên 夫民有血氣心智之性、而无哀乐喜怒之常。应感起物而动,然后心术形焉: Phàm người là ai cũng có cái tính bởi huyết khí tâm trí sinh ra, mà cái tình ai, lạc, hỉ, nộ thì không thường. Sự ứng cảm khởi ở ngoại vật mà động, rồi cái tâm thuật mới hình rõ ra” (Nhạc Ký, XIX). Thánh nhân cho nhạc thanh thiện, ác đều do ở cả lòng người. Lòng người cảm điều thiện thì do thiện thanh ứng; cảm điều ác thì ác thanh ứng. Sự thiện, ác của nhạc là bởi lòng người mà sinh ra, rồi lại cảm lòng người mà khiến cho thành ra thiện hay ác. Thí dụ như nhạc thanh thiện cảm người thì lòng người hòa đi mà làm điều thiện; nhạc thanh ác cảm ngừời thì lòng người theo mà làm điều ác. Thành thử nhạc do ở lòng người thiện hay ác mà sinh ra, rồi lại cảm lòng người mà khiến người làm điều thiện hay điều ác. Nhạc có cái thế lực quan trọng như thế, cho nên đế vương đời trước chú ý về việc dùng nhạc để hóa lòng người, khiến cho được chí thiện chí mỹ.
Các tác dụng của nhạc cốt hòa thanh âm cho tao nhã, để di dưỡng tính tình. Cho nên Khổng Tử nói: “Trí nhạc dĩ trị tâm, tắc dị trực từ lương chi tâm du du nhiên sinh hỹ 智樂以治心、則易直慈良之心油油然生 矣: Xét cho cùng các lẽ về nhạc để trị lòng người, thì cái lòng giản dị, chính trực, từ ái, thành tín, tự nhiên phơi phới mà sinh ra” (Lễ Ký: Tế nghĩa, XXIV). Thánh nhân biết nhạc có cái thế lực rất mạnh về đường đạo đức, cho nên mới chế nhạc để dạy người. “Nhạc dã giả, thánh nhân chi sở lạc dã, nhi khả dĩ thiện dân tâm, kỳ cảm nhân thâm, kỳ di phong dịch tục, cố tiên vương trứ kỳ giáo yên 樂也者,聖人之所樂者也,而可 以善人心其感人深,其移風易俗。故先王著其教焉: Nhạc là cái vui của thánh nhân, mà khả khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và di phong dịch tục được, cho nên tiên vương mới
đặt ra dạy nhạc” (Nhạc Ký, XIX).
Nhạc cũng như lễ, rất có ảnh hưởng về đường chính trị. “Thanh âm chi đạo, dữ chính thông hỹ 聲音之 道,與正通矣: Đạo thanh âm thông với chính trị vậy” (Nhạc Ký XIX). Hễ chính trị hay thì nghe tiếng nhạc hay, chính trị dở thì nghe tiếng nhạc dở. Thí dụ: Âm nhạc đời trị thì nghe yên tĩnh, vui vẻ, âm nhạc đời loạn thì nghe oán giận tức tối, âm nhạc lúc mất nước thì nghe bi ai sầu thảm, v.v. Bởi thế cho nên nói rằng:
“Thẩm nhạc dĩ tri chính 審樂以知正: Xét cho kỹ âm nhạc để biết chính trị hay dở” (Nhạc Ký, XIX). Dùng nhạc cũng như dùng lễ, phải vụ lấy giữ đạo trung. Nhạc để khiến người ta đồng vui, đồng thương. Nhưng vui hay thương vẫn phải lấy điều hòa làm chủ. Khổng Tử nói: “Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương 樂而不淫,哀而不傷: Vui mà không dâm, thương mà không hại” (Luận Ngữ: Bát dật, III). Ý ngài nói: Nhạc là để điều hòa tính tình, dẫu vui thế nào cũng không mất cái chính, mà buồn thế nào cũng không mất cái hòa, cốt cho thích hợp đạo trung mới được.
Đại để lễ và nhạc có cái chủ đích chung là sửa đổi tâm tính cho ngay chính, bồi dưỡng tình cảm cho thật hậu, Song lễ và nhạc mỗi bên lại có cái chủ đích riêng là lễ cốt ở sự cung kính, để giữ trật tự cho phân minh, nhạc cốt ở sự điều hòa, để khiến tâm tính cho tao nhã. Hai bên dung hòa với nhau thì mới hoàn toàn được. Nếu có lễ mà không có nhạc thì nhân quần ở với nhau thành ra phân biệt thái quá, nhân tình bất thông; có nhạc mà không có lễ thì thành ra lưu đãng khinh nhờn. Vậy nên có lễ phải có nhạc, để cái nọ chế
cái kia cho thành điều hòa. “Nhạc giả vi đồng, lễ giả vi dị. Đồng tắc tương thân, dị tắc tương kính. Nhạc thắng tắc lưu, lễ thắng tắc ly. Hợp tình sức mạo giả, lễ nhạc chi sự dã 樂者爲同,禮者爲異。同則相 親,異則相敬。樂勝則流,禮勝則離。合情. 飾貌者,禮樂之事也: Nhạc là làm cho hợp đồng, lễ làm cho phân biệt. Hợp đồng thì tương thân nhau, phân biệt thì tương kính nhau. Dùng nhạc quá thì thành ra lưu đãng, dùng lễ quá thì phân ly cách biệt mất cái tình thân ái. Thích hợp tính tình, trang sức dung mạo là việc của lễ nhạc vậy” (Nhạc Ký XIX).
Lễ và nhạc có cái ý nghĩa rất là sâu xa, cái thế lực rất mạnh về đường đạo đức, vì một đường thì khiến tâm tình ở trong, một đường thì khiến sự hành vi ở ngoài, cốt cho trong hòa ngoài thuận. “Nhạc dã giả, động ư nội giả dã, lễ dã giả, động ư ngoại giả dã. Nhạc cực hòa, lễ cực thuận 樂也者,動於内也,禮也者,動 於外也。樂極和,禮極順: Nhạc là động ở trong, lễ là động ở ngoài. Cái cùng cực của nhạc là hòa, cái cùng cực của lễ là thuận” (Nhạc Ký, XIX). Hòa là điều hòa tính tình, mà thuận là thuận hợp nghĩa lý. Nếu trong lòng mà tính tình điều hòa và ở ngoài mà sự hành vi thuận hợp nghĩa lý, thì cái tà tâm vọng niệm còn vào thế nào được lòng người ta nữa. Vậy nên thánh nhân dạy người cốt lấy lễ nhạc làm trọng.
Cứ theo tông chỉ của Nho giáo thì lễ và nhạc có cái địa vị rất trọng yếu về đường chính trị, vì đế vương đời trước cho việc chính trị và việc giáo hóa cùng theo một chủ nghĩa. “Lễ dĩ đạo kỳ chí, nhạc dĩ hòa kỳ thanh, chính dĩ nhất kỳ hành, hình dĩ phòng kỳ gian. Lễ nhạc hình chính, kỳ cực nhất dã, sở dĩ đồng dân tâm nhi xuất trị đạo dã 禮以道其志,樂以和其聲,政以一其行,刑以防其姦。禮樂刑政,其極一也;所以同 民心而出治道也: Lễ để khiến cái chí, nhạc để hòa cái thanh, chính trị để tề nhất việc làm, hình phạt để ngăn cấm sự gian tà. Lễ nhạc hình chính tuy khác nhau, nhưng rút lại đến chỗ cực cùng là một, là khiến lòng dân đồng cả về việc thiện, để cho ra đạo trị vậy”. (Nhạc Ký, XIX). Không có lễ nhạc để sửa lòng người cho ngay chính, hòa thuận, thì việc chính trị thành ra hà khắc, bạo ngược, không phải là vương đạo. “Lễ tiết dân tâm, nhạc hòa dân thanh, chính dĩ hành chi, hình dĩ phòng chi. Lễ, nhạc, hình, chính, tứ đạt nhi bất bội, tắc vương đạo bị hỹ 禮節民心,樂和民聲,政以行之,刑以防之。禮樂刑政,四達而不悖, 則王道備矣: Lễ để tiết chế lòng dân, nhạc để hòa thanh âm của dân, chính trị để định việc làm, hình pháp để ngăn cấm điều bậy. Lễ, nhạc, hình, chính, bốn việc ấy đạt cả, không trái điều nào, thì vương đạo đủ vậy” (Nhạc Ký, XIX). Khổng Tử tin sự dùng lễ nhạc có công hiệu rất lớn, cho nên mới nói: “Quân tử minh ư lễ nhạc, cử nhi thố chi nhi dĩ 君子明於禮樂,舉而錯之而已: Người quân tử mà biết rõ lễ nhạc, thì chỉ đem thi thố ra là đủ mà thôi” (Lễ Ký: Khổng Tử yến cư, XXVIII).
Lễ nhạc quan hệ đến việc giáo hóa và việc chính trị mật thiết như thế, cho nên xưa nay những người nho học rất sùng thượng lễ nhạc. Song vì người đời sau câu nệ cái hình thức bề ngoài, dần dần bỏ mất cái thâm ý mà chỉ giữ lấy cái phiền văn. Đến nay lễ thì thành phiền toái, mà nhạc thì không tiến hóa được. Lễ là cốt lấy sự kính làm gốc, nhạc cốt lấy sự hòa làm gốc. Nếu lễ mà không kính, nhạc mà không hòa, dẫu bề ngoài có giữ được đủ các lề lối, thì cũng không có ích lợi gì cho sự tiến hóa của người ta. Khổng Tử than rằng: “Lễ vân, lễ vân, ngọc bạch vân hồ tai! Nhạc văn, nhạc vân, chung cổ vân hồ tai! 禮云,禮云,玉帛云乎
哉!樂云,樂云,鐘鼓云乎哉!: Lễ vậy, lễ vậy, ngọc lụa vậy hay sao! Nhạc vậy, nhạc vậy, chuông trống vậy hay sao!” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVII). Nghĩa là: Ngọc lụa là đồ lễ, nhưng có lễ mà không có kính, thì lễ ra gì; chuông trống là đồ nhạc, nhưng có nhạc mà không có hòa, thì nhạc ra gì. Lời ấy thật là chứng rõ cái tông chỉ của Ngài dùng lễ nhạc trọng về tinh thần là bao nhiêu! Nhưng dẫu lễ nhạc hay thế nào mặc lòng, người mà không có nhân, thì cũng không có hiệu quả gì. Có nhân, tức là có tình cảm rất hậu, có trực giác rất mẫn nhuệ, rồi lấy lễ nhạc mà khiến thì công dụng của lễ nhạc rất hay. Nếu không có nhân mà dùng lễ nhạc, thì chỉ là một cái hư văn mà thôi. Bởi vậy Khổng Tử nói: “Nhân nhi bất nhẫn như lễ hà? Nhân nhi bất nhân như nhạc hà? 人而不仁如禮何? 人而不仁如樂何?: Người mà không có nhân thì dùng lễ sao được? Người mà không có nhân, thì dùng nhạc sao được?” (Luận Ngữ: Bát dật, III).
Vậy lễ nhạc cũng như hiếu đễ, cốt ở đạo nhân. Người có nhân là người quân tử hoàn toàn, có phẩm giá tôn quý, làm việc gì cũng thích hợp với lẽ trời và có thể để làm tiêu chuẩn cho người ta theo.
4. CHÍNH TRỊ
Quan niệm về chính trị. Đạo của Khổng Tử cốt lấy đạo nhân làm gốc: Lấy hiếu đễ, lễ nhạc làm cơ bản cho sự giáo hóa, để gây thành đạo nhân; lấy chính trị làm cái công dụng của đạo nhân mà thi thố ra ở đời. Ngài nói rằng: “Nhân đạo mẫn chính, địa đạo mẫn thụ. Phù chính giả dã, bồ lư dã. Cố vi chính tại nhân; thủ nhân dĩ thân, tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân 人道敏政,地道敏樹。夫政也者,蒲盧也。故為政在
人;取人以身,修身以道,修道以仁: Cái nhanh thành hiệu của đạo người là việc chính trị, cái nhanh thành hiệu của đạo đất là sự mọc cây cối. Ấy việc chính trị cũng như cây lau, cây sậy vậy. Cho nên làm việc chính trị cốt ở dùng người hiền; sửa mình, mà dùng người hiền, lấy đạo mà sửa mình, lấy nhân mà sửa đạo” (Trung Dung). Nghĩa là việc chính trị cốt ở đạo nhân; lấy nhân mà sửa đạo, lấy đạo mà sửa mình. Có
sửa được mình cho ngay chính, thì những kẻ hiền tài mới theo mà giúp mình, có người hiền tài giúp mình thì việc chính trị rất chóng có công hiệu, khác nào như đốt đất thì cây cỏ mọc lên chóng vậy. Đạo nhân vốn là cái gốc của việc chính trị, cho nên thánh hiền cần lấy sửa mình cho đến bậc nhân để đem cái đạo của mình mà thi hành ra khắp thiên hạ. Xem thế thì biết cái đạo của Khổng giáo là để hành động, chứ không phải để im lặng ngồi yên mà ngắm cảnh đời. Việc hành động của người ta không gì bằng việc chính trị, vì chính trị quan hệ đến sự hay dở của nhân quần, sự trị loạn của thiên hạ. Cho nên Ngài nói: “Nhân đạo chính vi đại 人道正爲大: đạo người thì chính trị là lớn” (Lễ Ký: Ai Công vấn, XXVII). Ngài có tư tưởng như thế, nên chi Ngài muốn rằng những người có tài, có đức, phải đem cái hay, cái giỏi của mình ra trị nước yên dân.
Đây ta phải biết rằng quan niệm của Nho giáo về đường chính trị cho sự trị loạn trong xã hội do ở người hành chính, chớ không phải ở chính thể. Người hành chính mà có tài, có đức, thì nước được trị; người hành chính không có tài, không có đức, thì nước phải loạn. Dẫu chính thể hay đến đâu mà người hành chính không ra gì, thì cũng hóa ra dở. Khổng Tử nói rằng: “Văn, Võ chi chính, bố tại phương sách, kỳ nhân tồn, tắc kỳ chính cử, kỳ nhân vong, tắc kỳ chính tức 文,武之政,布在方策。其人存,則其政舉;其人亡, 則其政息: Việc chính trị của vua Văn, vua Vũ bày ra ở trong sách. Nếu những người như vua Văn, vua Vũ còn, thì cái chính trị ấy thì, hành ra, nếu những người ấy mất, thì cái chính trị ấy hư hỏng” (Trung Dung). Vậy việc chính trị hay dở cốt ở người hành chính. Bởi thế cho nên Nho giáo muốn rằng lúc nào người cầm quyền hành chính cũng phải kính cẩn, lo sửa mình cho ngay chính, để dùng người hiền mà làm việc nước, việc dân”19.
Việc chính trị là việc khó, người có trách nhiệm trị nước trị dân cần phải lấy sự kinh nghiệm làm trọng, phải xem xét cái đạo của thánh hiền đời trước là thế nào, rồi mới có thể theo mà sửa đổi mọi việc được. Vì rằng thánh hiền là bậc rất thông minh, hiểu rõ thiên lý, đạt được nhân sự, biết lấy điều nhân, nghĩa, lễ, trí mà trị dân trị nước. Những công việc của các bậc ấy tích lũy đã lâu đời và đã kinh nghiệm nhiều lần, rất có ích lợi cho nhân chúng. Nếu ta suy xét cho kỹ, rồi cứ tuần tự theo trình độ tiến hóa của xã hội mà thay đổi cho hợp thời và thuận lý, thì chắc có thể làm cho thiên hạ đỡ được nhiều điều khổ não. Bởi vậy Khổng Tử rất chú ý về việc khảo cứu những chính trị của thánh hiền đời cổ, và suốt đời Ngài muốn đem cái đạo của Ngài mà thi hành ra để định rõ danh và phận, khiến cho việc chính trị có giường mối hợp với đạo lý. Nhưng sau Ngài thấy các vua chúa không ai dùng, Ngài mới về làm bộ sách Xuân Thu để bày tỏ ý kiến của Ngài về đường chính trị, chủ ở mấy điều là: chính danh tự, định danh phận, tôn quân quyền. Những điều ấy thuộc về cái học tâm truyền cho nên Ngài không nói rõ, chỉ mượn lối làm sử mà hình dung ra, về sau những môn đệ Ngài, ai đã lĩnh hội được cái vi ý của Ngài, mới đem truyền bá ra ở đời.
Chính danh định phận. Khổng Tử cho việc chính trị hay hay dở do ở người cầm quyền. Người cầm quyền biết theo đường ngay chính để sửa đạo nhân thì việc gì cũng thành ra ngay chính cả. Ngài bảo Quý Khang tử rằng: “Chính giả chính dã, tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính 政者正也,子帥以正,孰敢不 正: Chính trị là làm mọi việc cho ngay thẳng, ông lấy ngay thẳng mà khiến người, thì ai dám không ngay thẳng?” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Hễ người trên đã ngay chính thì người dưới ắt là phải theo mà bắt chước. Vậy nên mới nói: “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành, kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng 其身正, 不令而行;其身不正,雖令不從: Mình ngay chính thì không sai khiến người ta cũng làm, mình không ngay chính thì tuy có sai khiến cũng không ai theo” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII).
Người trên phải giữ mình cho ngay chính và làm việc gì cũng phải giữ cái danh cho chính đính. Một hôm thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Giá như vua nước Vệ cậy thầy sửa việc chính trị, thì thầy làm việc gì trước?” Khổng Tử trả lời: “Tất dã chính danh hồ 必也正名乎: Ắt là phải sửa cái danh cho mình”. - “Có đâu thế, thầy nói vu khoát quá, sửa danh cho chính để làm gì?” - “Người quê lắm thay! Người quân tử điều gì mà chưa biết rõ thì đừng nói vội. Danh không chính thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành (Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành 名不正,則言不順;言不順,則事 不成). Cho nên quân tử danh chính ắt là khá nói được, nói được ắt là khá làm được. Bởi vậy quân tử giữ lời nói không có cẩu thả bao giờ” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Những lời ấy giải rõ nghĩa cái tông chỉ chính đáng của Khổng Tử về đường chính trị, ta nên chú ý mà xét cho kỹ.
Cái tông chỉ ấy Khổng Tử đã phu diễn ra ở sách Xuân Thu. Ngài sở dĩ dụng tâm làm bộ sách ấy là cốt để bày tỏ cái nghĩa chính danh, định phận, khiến cho sự ngôn luận có tiêu chuẩn rõ ràng. Nói điều gì không mập mờ, rối loạn, và làm cho kẻ gian, người ngay bày rõ ra, ai cũng biết mà phê bình phán đoán cho khỏi sai lầm,
Danh tự đã chính, thì việc gì có nghĩa lý việc ấy, những điều tà thuyết không làm mờ tối được chân lý. Danh phận đã định rõ, thì người nào có địa vị chính đáng người ấy, trên ra trên, dưới ra dưới, trật tự phân minh. Vua có phận vua, tôi có phận tôi: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung 君使臣以禮,臣事君 以忠: Vua lấy lễ mà khiến tôi, tôi lấy trung mà thờ vua” (Luận Ngữ: Bát dật, III). Một nước thịnh trị là trong nước “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử 君君,臣臣,父 父,子子: Vua ra vua, tôi ra tôi, cha
ra cha, con ra con” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Giữ trật tự cho minh, và danh phận cho chính tức là giữ cái căn bản của chính trị vậy.
Tôn quân quyền. Phàm người ta đã quần tụ với nhau thành xã hội thì tất phải có quyền tối cao để giữ kỷ cương cho cả đoàn thể. Cái quyền ấy gọi là quân quyền 君權, tức là quyền chủ tể cả một nước. Theo tư tưởng của Nho giáo thì quân quyền phải để một người giữ cho rõ cái mối thống nhất. Người giữ quân quyền gọi là đế hay là vương, ta thường gọi là vua. Vua phải lo việc trị nước, tức là lo sự sinh hoạt, sự dạy dỗ và sự mở mang cho dân.
Vua thì phải có quan. Quan là những người có tài có đức ở trong dân lựa chọn ra để giúp vua làm mọi việc ích lợi chung cả nước. Một nước trị hay loạn là do ở vua và quan giỏi hay dở. Bởi thế, về đường chính trị, Nho giáo lấy cái nghĩa quân thần làm trọng.
Ở trong nhà thì con phải hiếu với cha mẹ, ở trong nước thì thần dân phải trung với quân. Hai chữ trung quân không nên theo như người ta thường vẫn hiểu là chỉ trung với người làm đế, làm vương mà thôi, nhưng có thể theo nghĩa rộng là trung với cái quân quyền trong nước. Theo nghĩa rộng ấy thì bất cứ ở vào thời đại nào, hai chữ trung quân vẫn có nghĩa chính đáng. Có lòng trung ấy thì dân mới yên và nước mới trị, miễn là quân quyền không trái với lòng dân là được.
Cái quân quyền là cái bảo vật, cái thần khí, quan hệ đến vận mệnh của một xã hội, một dân tộc, nếu không phải là bởi cái mệnh Trời trao cho, tất là bởi cái thế lực của bọn đạo tặc cướp lấy. Vậy muốn cho chính cái danh hiệu của người giữ quân quyền, Khổng giáo mới cho là quân quyền do ở mệnh Trời mà ra. Mệnh Trời không phải là đã cho ai là nhất định cho mãi. Ai làm điều lành thì được, ai làm điều ác thì mất. Cho nên sách Đại Học dẫn câu ở thiên Khang cáo trong Kinh Thư rằng: “Duy mệnh bất vu thường, đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tắc thất chi hỹ 惟命不于常,道善則得之,不善則失之矣: Mệnh Trời không nhất định, thiện thì được, bất thiện thì mất”. Thiên Thái trọng chi mệnh trong Kinh Thư nói rằng: “Hoàng thiên vô thần, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài. Vi thiện bất đồng, đồng quy vu trị; vi ác bất đồng, đồng quy vu loạn, nhĩ kỳ giới tai 皇天無親,惟德是辅;民心無常,惟惠之懷。爲善不 同,同歸於治;為惡不同,同歸於亂,爾其戒哉: Ông Trời không thân riêng ai, chỉ có đức là Trời giúp; lòng dân không có thường, chỉ có ơn là mến. Làm điều lành cũng không giống nhau, nhưng kết quả là trị; làm điều ác cũng không giống nhau, nhưng kết quả là loạn, người phải lấy làm răn vậy thay!” Vậy người làm đế làm vương tuy rằng có uy quyền rất to, thế lực rất mạnh, nhưng vẫn không được lạm dụng uy quyền ấy và thế lực ấy mà làm điều tàn bạo.
Thiện ý dân tâm. Cái chính thể của các tông giáo khác đã cho vua thay Trời trị dân, thì vua muốn điều gì là Trời muốn điều ấy, không ai được cưỡng lại. Cái chính thể của Khổng giáo có quan niệm đặc biệt là cho Trời với người cùng đồng một thể, toàn dân muốn thế nào là Trời muốn thế ấy. Ông vua chỉ là một phần trong toàn thể, vì có tài có đức mà được cái địa vị tôn quý để giữ cho toàn thể được điều hòa yên ổn. Hễ ông vua làm điều gì trái lòng dân, tức là trái mệnh Trời. Thành thử ông vua tuy đối với Trời được thay quyền Trời, nhưng đối với dân lại phải chịu hết cả các trách nhiệm. Mà dân thì tuy phải chịu quyền ông vua cai trị, nhưng vẫn có quyền bắt vua phải theo điều lành mà làm. Vì rằng: “Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi 天矜于民,民之所慾,天必從之: Trời thương dân, dân muốn điều gì, Trời cũng theo” (Thư: Thái thệ thượng). Vậy muốn biết lòng trời thì cứ xem lòng dân: “Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính 天視自我民視,天聽自我民聽: Trời trông thấy, tự ở dân ta trông thấy, trời nghe thấy, tự ở dân ta nghe thấy” (Thư: Thái thệ trung). Trời với dân là một, thì trên dưới giao thông với nhau: “Thiên thông minh tự ngã dân thông minh, thiên minh úy tự ngã dân minh úy, đạt vu thượng hạ, kính tai hữu thổ! 天通明自我民通明,天明喂自我民明喂,達于上下,敬哉有土: Cái sáng suốt của Trời ở cái sáng suốt của dân, sự làm cho rõ điều lành sợ điều ác của Trời ở sự làm cho rõ điều lành sợ điều ác của dân, trên Trời dưới dân thông đạt với nhau. Vậy nên người làm vua, làm chúa, phải kính vậy thay!” (Thư: Cao Dao mô).
Quân dân tương thân. Cứ theo lý tưởng ấy thì người làm vua phải theo lòng dân mà khiến sự chính trị của mình: “Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi. Thử chi vị dân chi phụ mẫu 民之所好好之,民 之所惡惡之,此之謂民之父母: Phải thích cái thích của dân, phải ghét cái ghét của dân. Thế mới gọi là cha mẹ dân” (Đại Học). Lòng tự nhiên của dân là muốn điều lành, ghét điều ác, theo cái lòng ấy mà trị dân thì tất là dân yêu mến như cha mẹ. Nếu ông vua nào trị dân mà yêu cái của dân ghét và ghét cái của dân yêu, là làm những điều trái lòng dân, tức là trái mệnh trời, thì người khác được quyền “điếu dân phạt tội 弔 民罰罪”, Nghĩa là cứu dân mà đánh người có tội, như vua Thang đánh vua Kiệt, vua Vũ Vương đánh vua Trụ vậy.
Xem như thế thì chính thể của Khổng giáo tuy là chính thể quân chủ, nhưng cái quyền ông vua đối với dân không khác gì cái quyền người cha đối với các con. Người làm vua trong nước phải có nhân có đức, lo cho dân được an cư lạc nghiệp, được cường thịnh vẻ vang như cha lo cho con vậy. Ông vua tuy làm chủ tể cả nước, nhưng không được chuyên chế, việc gì cũng phải theo lẽ công bình mà làm. Người trong nước
không cứ sang, hèn, hễ ai có tài có trí là được cất nhắc lên giúp vua mà trị dân. Vua với quan đều lấy sự lợi dân làm chủ đích. Thành thử trong nước có vua, có quan, mà vẫn lấy dân làm trọng hơn cả. Nếu người đời mà thực hành được lý tưởng ấy thì thật là lập thành một chính thể rất hay, rất công bình, và lại hợp cái nghĩa duy dân rất chính đáng.
Vua với dân có quan hệ rất mật thiết với nhau, vua không thể không có dân, mà dân không thể không có vua được. Hai bên phải nương tựa vào nhau như tâm thần với thân thể. Khổng Tử nói: “Dân dĩ quân vi tâm, quân dĩ dân vi thể; tâm trang tắc thể thư, tâm túc tắc dung kính. Tâm hiếu chi, thân tất an chi; quân hiếu chi, dân tất dục chi. Tâm dĩ thể toàn, diệc dĩ thể thương; quân dĩ dân tồn, diệc dĩ dân vong 民以君爲 心,君以民爲體 ,心莊則體舒,心肅則容敬。心好之,身必安之;君好之,民必欲之。心以體全, 亦以體傷。君以民存,亦以民亡: Dân lấy vua làm tâm, vua lấy dân làm thân thể; tâm trang chính thì
thân thể thư thái, tâm nghiêm túc thì dung mạo cung kính. Tâm thích cái gì, thân thể ắt là yên vui cái ấy; vua thích cái gì, dân ắt là muốn cái ấy. Tâm nhờ thân thể mà toàn, và cũng vì thân thể mà nguy; vua nhờ dân mà còn, và cũng vì dân mà mà mất” (Lễ Ký: Truy y, XXXIII). Vậy nên làm vua phải lo làm lợi cho dân thì ngôi mình mới vững mà nước mới yên, vì dân không sợ gì bằng sợ cái hà chính của ông vua bất nhân. Một hôm Khổng Tử đi gần núi Thái Sơn, trông thấy một người đàn bà ngồi khóc ở bên mồ, nghe tiếng khóc thương xót mà ra bộ sợ hãi lắm. Ngài sai thầy Tử Lộ hỏi xem tại làm sao. Người ấy nói rằng: “Ngày trước bố chồng tôi bị cọp ăn, chồng tôi cũng bị cọp ăn, nay con tôi lại bị cọp ăn nữa, cho nên tôi thương khóc mà sợ lắm”. Ngài bảo: “Sao không đi chỗ khác mà ở?” Người đàn bà ấy trả lời: “Ở đây không có hà chính”. Ngài ngảnh lại bảo học trò: “Các con nhớ lấy, cái hà chính gớm ghê hơn cọp vậy: Hà chính mãnh ư hổ giã 苛正猛於虎也” (Lễ Ký: Đàn cung hạ, II). Hễ người làm vua làm chúa mà không hiểu rõ lẽ ấy, cứ dùng những chính sách hà khắc làm cho lòng người ly tán thì sự nguy vong đến kề sau lưng. Bởi thế cho nên cái đạo trị nước được vững bền là cốt ở sự trên dưới thân yêu nhau. Khổng Tử nói: “Thượng chi thân hạ dã, như thủ túc chi ư phúc tâm; hạ chi thân thượng dã, như ấu tử chi ư từ mẫu hỹ. Thượng hạ tương thân như thử, cố lệnh tắc tòng, thi tắc hành. Dân hoài kỳ đức, cận giả duyệt phục, viễn giả lai phụ, chính chi trí dã 上之親下也,如手足之於腹心.下之親上也,如幼子之於慈母矣.上下相親如此,故令則 從,施則行,民懷其德,近者悅服,遠者來附,政之致也: Trên thân dưới như chân tay đối với lòng ruột, dưới thân trên như con nhỏ đối với mẹ từ. Trên, dưới thân nhau như thế, cho nên trên có lệnh thì dưới theo, trên thi thố điều gì, thì dưới phụng hành. Dân mến đức của người trên, kẻ gần thì vui lòng mà phục tùng, kẻ xa thì đến quy phụ, thế là chính trị hay rất mực vậy” (Khổng Tử gia ngữ: Vương ngôn giải, III).
Cái thịnh đức của người quân tử. Người cầm quyền chính trị phải biết rằng cái số người thật tài giỏi, có đủ đức hạnh, đáng cầm quyền mà sai khiến người ta, bao giờ cũng là số ít. Còn số nhiều là người tầm thường, trí tuệ không được minh mẫn, đạo đức bạc nhược, tự mình không thể hiểu hết được các lẽ cao xa. Vậy nên bao giờ số nhiều ấy cũng phải theo số ít, để người ta đưa đường chỉ nẻo cho mà đi, khỏi phải sai lầm. Bởi lẽ ấy cho nên Khổng Tử mới nói: “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi 民可使由之,不可使知
之: Có thể khiến dân theo cái lý đương nhiên mà làm, không có thể khiến dân biết được tại làm sao mà cái lý ấy phải như thế” (Luận Ngữ: Thái Bá, XIII).
Phàm những người làm vua làm quan mà biết làm những điều nhân nghĩa, đạo đức thì tự nhiên thiên hạ người ta theo về mình và trông vào mình mà bắt chước. Khổng Tử nói rằng: “Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi 為政以德,譬如北辰,居其所而眾星共之: Làm việc chính dùng lấy đức, ví như sao bắc thần đứng một chỗ, mà các sao chầu về cả” (Luận Ngữ: Vi chính, II). Khổng Tử cho cái đức của người trên có thể hóa được người ta, cho nên Ngài nói: “Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển 君子之德風;小人之德草;草上之風必偃: Cái đức của bậc quân tử như gió, cái đức của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi trên cỏ thì cỏ phải lướt xuống mà theo” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Chữ quân tử đây là nói những người có quyền tước ở trên, mà tiểu nhân là người dân ở dưới. Người trên làm thế nào thì người dưới bắt chước như thế, cho nên người trên phải giữ sự hiếu, ố của mình cho cẩn thận, để người ta trông mà noi theo. Khổng Tử nói: “Thượng hiếu nhân, tắc hạ chi vi nhân, tranh tiên nhân. Cố trưởng dân giả, chương chí, trinh giáo, tôn nhân, dĩ tử ái bách tính, dân trí hành kỷ, dĩ duyệt kỳ thượng hỹ 上好仁、則下之爲仁爭先人。故長民者章志、貞教、尊仁,以子愛百姓;民 致行己以說其上矣: Người trên thích điều nhân, thì người dưới tranh nhau làm trước điều nhân. Cho nên người cai quản dân phải làm cho sáng rõ sự hiếu, ố của mình cho dân biết, lập cái đạo cho chính đính để dạy dân tôn quý điều nhân, để yêu dân như con. Như thế thì dân hết lòng hết sức làm điều lành điều phải cho đẹp lòng người trên vậy” (Lễ Ký: Truy y, XXXIII).
Hình chính tương tham. Khổng Tử muốn lấy đạo đức mà hóa người hơn là dùng hình pháp mà trị người. Ngài nói: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách 道之以政,齊之以刑,民免而無恥;道之以德,齊之以禮,有恥且格: Dùng chính trị mà khiến, dùng hình pháp mà tề nhất thì dân khỏi tội, nhưng không có lòng hổ thẹn; dùng đức mà khiến, dùng lễ mà tề nhất, thì dân có lòng hổ thẹn, mà lại cố làm điều hay” (Luận Ngữ: Vi chính, II). Lời ấy nói rõ được cái ý
chỉ của Ngài về đường chính trị. Ngài nói rằng: “Thính tụng, ngô do nhân dã, tất dã sử vô tụng hồ 聽訟, 吾猶人也;必也使無訟乎: Xử kiện thì ta cũng như người, cốt sao cho khỏi kiện tụng mới là hay” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Hễ bao giờ dùng đức mà không hóa được, thì mới dùng đến hình. Nhưng dùng hình là bất đắc dĩ để trừng trị những kẻ không thể hóa được, chứ cái mục đích là cốt không dùng đến hình. Vậy nên Ngài nói: “Thánh nhân chi trị, hóa dã, tất hình chính tương tham yên. Thái thượng dĩ đức giáo dân, nhi dĩ lễ tề chi. Kỳ thứ, dĩ chính sự đạo dân, dĩ hình cấm chi, hình bất hình dã. Hóa chi phất biến, đạo chi phất tòng, thương nghĩa nhi bại tục, ư thị hồ dụng hình hỹ 聖人之治化也必刑政相參焉。太上以德教 民,而以禮齊之。其次以政導民,以刑禁之,刑不刑也。化之弗變,導之弗從,傷義敗俗,於是乎 用刑矣: Thánh nhân trị dân và hóa dân là phải dùng cả chính lẫn hình. Bậc thái thượng lấy đức dạy dân, mà lấy lễ tề dân. Bậc thứ nhì lấy chính sự mà khiến dân, và lấy hình mà ngăn cấm: hình đặt ra nhưng không dùng đến. Chỉ có lúc hóa dân mà dân không theo, để đến hại nghĩa nát tục, thì bấy giờ mới phải dùng hình vậy” (Khổng Tử gia ngữ: Ngũ hình giải, XXX).
Cư kính hành giản. Người quân tử làm việc chính trị không những là cần phải có đức để hóa dân mà thôi, nhưng lúc nào cũng kính cẩn, làm việc gì cũng vụ lấy việc giản dị. Thầy Trọng Cung nói rằng: “Cư kính nhi hành giản, dĩ lâm kỳ dân, bất diệc khả hồ? 居敬而行簡,以臨其民,不亦可乎?: Giữ mình cho kính cẩn, làm việc thì giản dị, cứ thế mà trị dân, chẳng nên lắm sao?” (Luận Ngữ: Ung dã, VI). Trị dân mà lấy việc giản dị để khiến dân thì không phiền dân, không nhiễu dân, dân được an cư lạc nghiệp, vui lòng mà theo người trên sai khiến. Người trên lại phải chăm chỉ, chịu khó nhọc, việc gì cũng cứ theo lẽ thẳng mà làm. Khổng Tử thường lấy lẽ ấy mà dạy bảo người ta. Thầy Tử Trương hỏi việc chính, Ngài nói: “Cư chi vô quyện, hành chi dĩ trung 居之無倦,行之以忠: Để mình vào chỗ không mỏi, làm việc thì theo đạo thẳng” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Thầy Tử Lộ hỏi việc chính, Ngài nói: “Tiên chi, lao chi 先之,勞之: Bắt dân làm việc gì, thì mình làm trước, bắt dân phải khó nhọc việc gì, thì mình chịu khó nhọc trước”. Thầy Tử Lộ lại hỏi thêm, Ngài nói: “Vô quyện 無倦: cứ thế mà làm không mỏi” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Vì rằng mình là người trên đã làm thì không khiến dân cũng theo mà làm, mình chịu khó nhọc trước thì dân có phải khó nhọc cũng không oán. Mình cứ bền chí làm điều ngay, điều phải, thì tất thế nào dân cũng phải phục.
Thứ, phú, giáo. Việc chính trị có ba điều hệ trọng là: Làm cho dân nhiều, làm cho dân giàu, và dạy cho dân biết lễ nghĩa. Khi Khổng Tử đi đến nước Vệ, thấy dân đông đúc, Ngài thốt rằng: “Thứ hỹ tai! 庶矣 哉!Dân đông lắm thay!” Học trò là thầy Nhiễm Hữu hỏi: “Ký thứ hỹ, hựu hà gia yên? 既庶矣,又何加 焉?Viết: phú chi 曰:富之 Viết: Lý phú hỹ, hựu há gia yên? 曰:既富矣,又何加焉?Viết: giáo chi
曰:教之: Đã đông vậy, lại nên thêm gì nữa? Làm cho dân giàu. Đã giàu rồi lại thêm gì nữa? Phải dạy dân” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Trị dân mà không dạy dân, thì dân biết thế nào được cương thường, đạo lý, để giữ trật tự ở trong xã hội. Nhưng trước khi dạy dân, phải cần làm cho đân giàu, vì có đủ ăn đủ mặc thì mới học được lễ nghĩa vậy.
Việc trị dân trị nước là phải lo cho dân đủ ăn, nước đủ binh, làm cho người trong nước ai cũng tin cậy mình. Có thế thì mới có đủ thế lực mà giữ cho nước được yên trị vững bền. Thầy Tử Cống hỏi việc chính nên thế nào? Khổng Tử dạy: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hỹ 足食,足兵,民信之矣: Đủ ăn, đủ binh, dân tin mình vậy. Nhược bằng trong ba điều ấy, bất đắc dĩ phải bỏ một điều, thì nên bỏ điều nào trước? Bỏ việc binh. Còn hai điều mà bất đắc dĩ phải bỏ đi một điều nữa, thì nên bỏ điều nào trước? Bỏ ăn, vì bỏ ăn thì chết, nhưng xưa nay người ta vẫn chết, chứ dân mà không tin, thì không sao đứng vững được” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Trong việc chính trị cần phải lấy sự dân tin làm quan trọng hơn cả. Dân đã tin thì thành ra cái thế lực rất mạnh, làm việc gì cũng được. Song người cầm quyền chính trị phải biết lấy việc nhân nghĩa mà trị dân, thì dân mới tín phục. Thầy Tử Trương hỏi Khổng Tử: “Làm thế nào thì khá theo được việc chính?” Ngài nói: “Tôn năm điều thiện, bỏ bốn điều ác, thì khả theo được việc chính. Thầy Tử Trương hỏi: “Năm điều thiện là những điều nào?” Khổng Tử trả lời: “Quân tử huệ nhi bất phí, lao nhi bất oán, dục nhi bất tham, thái nhi bất kiêu, uy nhi bất mãnh 君子惠而不費,勞而不怨,欲而不貪,泰而 不驕,威而不猛: Quân tử có ơn sâu mà không phí, khiến dân phải khó nhọc mà dân không oán, muốn mà không phải là tham, thư thái mà không kiêu căng, có uy nghi mà không dữ tợn”. Thầy Tử Trương lại hỏi: “Làm thế nào cho có ơn huệ mà không phí?” Khổng Tử nói: “Nhân cái lợi của dân mà làm lợi, thì chẳng phải là có ơn mà không phí hay sao? Viêc nên khó nhọc mới bắt dân khó nhọc, thì ai còn oán giận nữa. Muốn nhân mà được nhân, thì sao lại là tham. Người quân tử không vì người nhiều hay ít, không vì việc lớn hay nhỏ, không dám biếng trễ, thế chẳng phải thư thái mà không kiêu căng hay sao? Người quân tử sửa áo mũ chỉnh tề, sự trông ngó tôn nghiêm, ai trông cũng kính sợ, thế chẳng phải là uy nghi mà không hung tợn hay sao?” Thầy Tử Trương hỏi: “Thế nào gọi là bốn điều ác?” “Không dạy dân để dân phạm tội mà giết, gọi là ngược; không răn bảo trước mà muốn thành việc ngay, ấy gọi là hung bạo; hiệu lệnh để trễ lâu, đến kỳ thì thúc giục, ấy là thù hại dân; ban thưởng cái gì mà thu vào phát ra bủn xỉn, gọi là kẻ hữu tư” (Luận Ngữ: Nghiêu viết, XX).
Kính cẩn và thận trọng. Người quân tử không nên khinh suất. Việc gì đã có hữu tư xét trước kỹ càng, rồi sau hãy quyết định, thì không hay sai lầm. Bao giờ cũng phải có độ lượng, không nên chấp trách những điều lỗi nhỏ và phải biết cất nhắc những người tài giỏi lên mà dùng. Khổng Tử nói: Tiên hữu tư, xá tiểu quá, cử hiền tài 先有司,赦小過,舉賢才: Việc để hữu tư xét trước, xá lỗi nhỏ, cất nhắc người giỏi” (Luận Ngữ: Nghiêu viết XIII).
Phàm việc chính trị là việc hệ trọng, người quân tử không nên vội và tham. Vội và tham là hay hỏng việc. Bởi vậy Khổng Tử nói rằng: “Vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi: dục tốc tắc bất đạt, kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành 無欲速,無見小利;欲速則不達,見小利則大事不成: Đừng muốn mau thành công, đừng tham lợi nhỏ: muốn mau thành công thì không đạt, tham lợi nhỏ thì việc lớn không thành” (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Người quân tử làm việc chính trị phải có tài có đức xứng đáng mới làm được. Nếu mình tự lượng tài đức của mình không đủ, thì chớ có tham. Khổng Tử nói: “Đức bạc nhi vị tôn, trí tiểu nhi mưu đại, lực tiểu nhi nhiệm trọng, tiển bất cập hỹ 德泊而位尊,知小而谋大,力小而任重,鲜不及矣: Đức mỏng mà ngôi cao, trí nhỏ mà lo làm việc lớn, sức nhỏ mà gánh việc nặng thì ít khi thành công vậy” (Dịch: Hệ từ hạ).
Người trị nước, trị dân, phải biết lo xa: Nay tuy được yên, nhưng bụng thường không quên việc khuynh nguy; nay nước tuy còn, nhưng bụng thường không quên sự bại vong; nay việc chính trị tuy có trật tự, nhưng bụng thường không quên lúc họa loạn. Nghĩa là lúc nào cũng sợ hãi về việc nguy vong có thể xảy ra được. Cho nên Khổng Tử nói rằng: “Nguy giả an kỳ vị giả dã, vong giả bảo kỳ tồn giả dã, loạn giả hữu kỳ trị giả dã. Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy, tồn nhi bất vong vong, trị nhi bất vong loạn, thị dĩ thân an nhi quốc gia khả bảo dã 危者安其位者也,亡者,保其存者也; 亂者,有其治者也。是故君子安而不 忘危,存而不忘亡,治而不忘亂,是以身安而國家可保也: Nguy là vì cứ yên vui ở ngôi mình, mất là vì chắc ở sự còn, loạn vì cậy có trị. Vậy nên bậc quân tử lúc yên không quên lúc nguy, lúc còn không quên lúc mất, lúc trị không quên lúc loạn, thế mới yên thân mà giữ được nhà được nước vậy” (Dịch: Hệ từ hạ).
Nói rút lại việc chính trị của Khổng giáo cốt ở chữ ái và chữ kính. Khổng Tử nói: “Ái dữ kính, kỳ chính chi bản dư 愛與敬其正之本與: Ái với kính là gốc sự chính trị vậy vay” (Lễ Ký: Ai Công vấn, XXVII). Phải lấy lòng nhân ái mà đối với dân, và phải lấy bụng kính cẩn mà giữ mình. Có nhân ái thì mới thương yêu dân và muốn mở mang cho dân; có kính cẩn thì làm việc mới cẩn thận, không khinh suất, không làm bậy. Khổng Tử vẫn có cái tư tưởng về đường chính trị rất thích hợp với chủ nghĩa hòa bình. Ngài nói: “Hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân20, bất hoạn bần nhi hoạn bất an. Cái quân vô bần, hòa vô quả, an vô khuynh 有國有家者,不患寡而患不均,不患貧而患不安。蓋均無貧,和無寡,安無 傾: Người làm vua làm chúa không lo ít người mà lo không đều, không lo nghèo mà lo không an. Hễ đã đều là không có sự nghèo, đã hòa thuận là không có ít người, đã an là không có sự khuynh nguy” (Luận Ngữ: Quý thị, XVI). Lấy nhân ái mà trị dân, lo cho dân không có sự giàu nghèo chêch lệch, giữ cho dân được hòa bình an lạc, đó mới thật là chính sách của vương đạo. Nếu xưa nay các vua chúa quan tư, ai cũng thực bụng theo tông chỉ ấy mà trị nước trị dân, thì tưởng nhân dân trong thiên hạ đỡ được bao nhiêu những việc chính trị hà khắc, làm cho người ta khỏi phải lầm than nhiều nỗi vậy.
***
Đạo của Khổng Tử gồm cả phần hình nhi thượng và phần hình nhi hạ như đã nói ở trên, là cái đạo chủ ở sự theo thiên lý mà hành động. Thiên lý lưu hành bất tức, nghĩa là biến hóa hết thái độ nọ, đến thái độ kìa, để tìm lấy cái điều hòa, cái bình hành. Sự lưu hành của thiên lý phảng phất giống như nước chảy. Chỉ khác có một điều là nước chảy thì khi hai mặt nước đã phẳng bằng nhau rồi, không chảy nữa. Đằng này thì lúc nào cũng lưu hành không nghỉ, do điều hòa đến không điều hòa, rồi lại do không điều hòa đến điều hòa, tức là do cái tương thành mà hóa ra cái tương phản, rồi lại do cái tương phản mà hóa ra cái tương thành, cứ thế mà biến hóa ra mãi mãi. Điều hòa và không điều hòa là hai lý tưởng hay hai thế lực tương đối nhau, không lúc nào rời nhau ra được, mà ở đâu cũng có. Âm và dương là biểu thị hai thế lực ấy, cho nên mới nói rằng không đâu là không có âm và dương. Chỗ nào cũng có một âm, một dương đun đẩy nhau, để tương đối và tương quan với nhau. Nhất thiết các sự vật đều thành lập ở trong khoảng điều hòa của hai cái tương đối tương thành ấy cả. Bởi chưng theo lẽ biến hóa như thế, cho nên đạo của Khổng Tử vốn là cái đạo cần phải tiến hóa luôn, về đường đạo đức, Ngài muốn người ta ai cũng như vua Thang đời xưa, lấy mấy chữ sau này làm biểu hiện: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân 茍日新,日日新,又日新: Một ngày một mới, ngày ngày càng mới thêm, càng ngày càng mới thêm nữa” (Đại Học). Ngài muốn sự tiến hóa, nhưng tiến hóa một cách từ từ, cho đến chí thiện chí mỹ.
Về đường chính trị thiết thực cũng vậy, Khổng Tử muốn lựa chọn lấy những cái hay cái đẹp của cổ kim mà thông dụng cho được hoàn toàn. Thầy Nhan Tử hỏi về đạo trị nước, Ngài nói: “Hành Hạ chi thời, thừa Ân chi lộ, phục Chu chi miện, nhạc tắc thiều vũ, phóng Trịnh thanh, viễn nịnh nhân. Trịnh thanh dâm, nịnh nhân đãi 行夏之時,乘殷之輅,服周之冕,樂則韶舞。放鄭聲,遠佞人。鄭聲淫,佞人殆: Theo thời nhà Hạ, đi xe lộ nhà Ân, đội mũ miện nhà Chu, nhạc âm dùng nhạc thiều, bỏ tiếng nhạc nước Trịnh, xa người nịnh. Tiếng nhạc nước Trịnh thì dâm, người nịnh thì nguy” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV). Nhà
Hạ lấy tháng Dần làm tháng đầu năm, nhà Ân lấy tháng Sửu, nhà Chu lấy tháng Tí. Nhưng vì theo cái lẽ cho nhân sinh ư Dần, cho nên lấy tháng Dần làm thuận lý hơn. Lộ là cái xe lớn làm bằng gỗ của nhà Ân, làm rất kiên cố. Đến đời nhà Chu thì lấy vàng ngọc trang sức thêm vào, thành ra xa xỉ quá, cho nên Ngài muốn dùng xe lộ nhà Ân hơn. Mũ miện là mũ đội lúc đi tế, đã có từ đời Hoàng Đế, nhưng chưa được khéo và đẹp bằng lối của nhà Chu chế ra, cho nên Ngài muốn dùng mũ miện của nhà Chu. Nhạc thiều của vua Thuấn chế ra, rất hay rất đẹp. Tiếng nhạc của nước Trịnh thì nghe dâm, làm loạn lòng người. Kẻ nịnh làm hại đạo. Bởi vậy Ngài muốn bỏ tiếng nhạc nước Trịnh và người nịnh. Ý Ngài bảo phải theo những điều hợp đạo trung, chứ không phải là cứ cố chấp thủ cựu.
Đạo của Khổng Tử không phải là đạo thủ cựu, bởi vì phải biến luôn, vì không biến thì thành ra cùng, mà cùng là hại. Cái học của Ngài chủ ở sự theo cái đạo biến thông của trời đất. Ngài nói: “Dịch: cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu 易:窮則變,變則通,通則久: Đạo Dịch là: cùng thì biến, biến thì thông, thông thì lâu” (Dịch: Hệ từ hạ). Nghĩa là cứ theo đạo Dịch, tức là theo đạo Trời, hễ việc gì đến chỗ cùng thì phải biến, mà không biến thì thành ra cùng, cho nên phải biến để cho thông, có thông mới được lâu. Ví như nước lên nhiều, thì phải cho chảy, nếu không chảy được thì phải ứ, mà đã ứ là vỡ. Vậy nên phải cho chảy, mà có chảy mới thông. Bởi lẽ ấy thánh nhân dạy người ta phải biết theo thời mà biến đổi luôn để cho không đến nỗi cùng. Song phải biến đổi từ từ theo lẽ tự nhiên, làm cho người ta biến mà không biết, hóa mà không hay, thì sự biến hóa mới thật là thần diệu, và mới được êm ái vững bền. Vậy muốn tiến hóa cho phải đạo là phải biết theo thời: đến thời nào phải theo thời ấy mà biến đổi cho hợp thời. Bởi thế cho nên Khổng Tử mới nói: “Tùy thời chi nghĩa đại hỹ tai! 隨時之義大矣哉!: cái nghĩa theo thời lớn vậy thay!” (Dịch: Thoán thượng truyện).
Đạo của Khổng Tử là đạo tùy thời, theo thiên lý mà lưu hành, tất phải biến đổi luôn để cho càng ngày càng mới. Vậy sao lại có cái quan niệm hiếu cổ, nghĩa là lúc nào cũng phải suy xét cái chế độ của cổ nhân để mà noi theo? Như thế há chẳng phải là một điều mâu thuẫn trong học thuyết của Khổng Tử hay sao? Vấn đề ấy không những là không có điều gì là mâu thuẫn, mà lại là một điều quan hệ đến tâm lý học rất tinh thâm. Xưa nay ta sở dĩ lầm lỗi là bởi ta hiểu không rõ hết cái ý nghĩa ấy.
Phàm sự sinh hoạt của loài người là thường vẫn phải bị cái thế lực vô hình của ông cha đời trước. Cái thế lực ấy tức là cái tinh thần rất linh hoạt của các dân tộc. Thường những cuộc thịnh suy là bởi đó mà ra cả. Nhờ có cái thế lực ấy cho nên các xã hội mới vững bền và mới có cái thống hệ trong các sinh hoạt và trong sự chính trị. Khổng Tử hiểu rõ những lẽ ấy cho nên Ngài mới lấy cái quan niệm hiếu cổ làm cái dây liên lạc để giữ cho chắc chắn cái nền của xã hội, tức như là một thứ keo, thứ hồ, để gắn cho chặt các phần tử trong một đoàn thể. Hiếu cổ nhưng vẫn phải giữ đạo trung, nghĩa là phải giữ vững cái nền tốt đã có sẵn, rồi cứ theo thời, theo trình độ của nhân quần mà tiến lên cho hợp thời. Cách tiến hóa như thế, thì bao giờ cũng điều hòa, cũng có trật tự, rất chắc chắn, vững vàng không đến nỗi có những cuộc đại biến làm loạn được nhân tâm.
Song phải biết rằng nếu hiếu cổ mà không biết tùy thời, thì lâu ngày thành ra hủ bại, hoặc tùy thời mà không hiếu cổ thì thành ra rối loạn, vì không thể sở cứ vào cơ bản nào cả. Khổng giáo tối kị sự chếch lệch ấy, làm mất cái bình hành và cái điều hòa là những cái cốt tử, bất kỳ làm việc gì cũng cần phải có. Hãy xem như xã hội ta ngày xưa. Vì hiểu lầm, mà thiên về đường thủ cựu thái quá, hơi một tí gì cũng lấy cổ nhân ra làm tiêu chuẩn, chứ không biết tìm cách mà biến đổi cho vừa phải, cho nên mới thành ra bại vong. Ngày nay thì lại trái hẳn, ai cũng muốn biến đổi, phàm cái gì của ông cha đã xây đắp lên, thì đem hủy hoại hết, không phân biệt phải, trái gì cả. Như thế càng hủy hoại cái nền cũ đi bao nhiêu, thì sự biến đổi lại càng làm loạn nhân tâm bấy nhiêu, chứ vị tất đã thành được cái thật hay thật đẹp. Đó là sự chếch lệch không có điều hòa, không có bình hành, trái với cái đạo tùy thời mà vẫn trung dung của Khổng giáo.
Trung dung là theo thiên lý mà giữ lẽ điều hòa, khiến cho không có điều gì chếch lệch. Trung là chính giữa, không lệch về bên nào, dung là bình thường, không thái quá hay bất cập. Trung dung là cái thể trung bình ở vào thái độ nào cũng giữ được cái điều hòa, cái bình hành. Cao đến đâu cũng có trung dung, mà thấp thế nào cũng có trung dung, không ở vào cảnh ngộ nào là không có trung dung. Song muốn theo cho đúng lẽ trung dung, thì phải biết suốt được cả cái hơn, cái kém, cái cao, cái thấp, rồi mới phân biệt cái trung bình điều hòa ở giữa mà theo. Đạo trung dung tức là cái trật tự điều hòa của trời đất. Đạo ấy có kinh, có quyền, chứ không phải là lúc nào cũng cố chấp một mực. Khi đáng theo kinh, thì dẫu chết cũng không bỏ kinh, mà khi đáng theo quyền, thì biết bỏ kinh theo quyền, cốt cho hợp thời, thuận lý thì thôi. Theo đạo ấy là theo cái tinh thần đạo lý, bao giờ cũng phải lấy thiên lý làm chừng, chứ không cố chấp điều gì. Người chấp nhất là người trí lự hẹp hòi, không biết quyền biến cho hợp đạo lý. Mạnh Tử nói rằng: “Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo dã, cử nhất nhi phế bách dã 所惡執一者,為其賊道也,舉一而 廢百也: Cái đáng ghét trong sự chấp nhất, là vì nó làm hại đạo, làm được một việc bỏ trăm việc” (Mạnh Tử, Tận tâm thượng). Chỉ có người quân tử mới theo được đạo trung dung, kẻ tiểu nhân không theo được đạo trung dung. Vì rằng người quân tử tư tưởng hoặc hành vi lúc nào cũng thời trung, nghĩa là làm việc gì
cũng thích hợp thiên lý và phải thời; kẻ tiểu nhân không trung dung được, vì tiểu nhân chỉ biết có tư tâm, tư dục mà thôi, không hiểu cái thiên lý chí công chí chính, cho nên dẫu có theo trung dung cũng là trung dung tiểu nhân, nghĩa là theo tư dục mà làm điều trái đạo, Vậy nên Khổng Tử nói: “Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung. Quân tử chi trung dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi trung dung dã, tiểu nhân, nhi vô kị đạn dã21 君子中庸,小人反中庸。君子之中庸也,君子而時中;小人之反中庸 也,小人而無忌憚也: Quân tử thì trung dung, tiểu nhân thì trái trung dung. Trung dung của quân tử là quân tử mà thời trung; trung dung của tiểu nhân là tiểu nhân mà không kiêng sợ gì, Vậy Ngài cho là có cái trung dung của quân tử và có cái trung dung của tiểu nhân. Trung dung của quân tử mới thật là trung dung, mà trung dung của tiểu nhân không phải là trung dung. Trung dung của quân tử thì hợp với đạo lý, mà trung dung của tiểu nhân thì tầm thường đê hạ. Học giả có nhận rõ ý nghĩa ấy, thì mới hiểu được hai chữ trung dung của Khổng giáo. Bởi thế cho nên Khổng Tử nói: “Trung dung kỳ chi hỹ hồ, dân tiển năng cửu hỹ 中庸其之矣乎,民鮮能久矣: Đạo trung dung rất khó lắm vậy ôi, đã lâu nay ít người theo được vậy!”
Trung dung là đạo rất khó theo, vì người tài giỏi thì thường hay quá mất cái vừa phải, mà người ngu hèn thì lại bất cập, cho nên Khổng Tử mới nói: “Đạo chi bất hành dã, ngã tri chi hỹ: trí giả quá chi, ngu giả bất cập dã. Đạo chi bất minh dã, ngã tri chi hỹ; hiền giả quá chi, bất tiếu giả bất cập dã. Nhân mạc bất ẩm thực dã, tiển năng tri vị dã 道之不行也,我知之矣;知者過之,愚者 不及也。道之不明也,我知之矣; 賢者過之,不肖者不及也。人莫不飲食也,鮮能知味也: Đạo mà không thi hành ra được, ta đã biết tại sao rồi: Người trí giả thì quá đi, kẻ ngu giả thì bất cập; đạo mà không sáng rõ ra được, ta đã biết tại sao rồi: người giỏi thì quá đi, người không giỏi thì bất cập. Người ai chẳng ăn uống, nhưng ăn uống mà biết mùi, thì ít lắm vậy”. Đạo trung dung khó như thế, cho nên người nào không hiểu hết ý nghĩa, cho là tầm thường, không có phần cao minh. Nhưng xét kỹ ra, đạo ấy là đạo của người quân tử, mà người quân tử như ta đã bàn ở mục trên, là bậc người hoàn toàn, có đức độ rất rộng. Phải thật là quân tử mới trung dung được, chứ không thì chỉ là mượn tiếng trung dung mà thôi. Cái trung dung giả của tiểu nhân thì lại càng đáng ghét lắm”.
Khổng giáo vốn chú trọng ở đạo trung dung, nhưng nếu không trung dung được, thì cũng không ưa sự tầm thường. Bởi vậy Khổng Tử nói: “Bất đắc trung hàng nhi dữ chi, tất dã cuồng quyến hồ! Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi dã 不得中行而與之,必也狂狷乎!狂者進取, 狷者有所不為也: Không được người theo đúng đạo trung mà dạy, thì ắt dạy kẻ cuồng kẻ quyến chăng! Kẻ cuồng thì tiến lên theo cái cao xa, kẻ quyến thì có điều không thèm làm (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII). Ý Ngài nói: Đạo của Ngài là đạo trung dung, nếu được người theo đúng đạo ấy mà truyền cho là hơn cả, nhược bằng không có hạng người ấy thì truyền cho hạng cuồng, quyến. Vì rằng cuồng là kẻ có chí rất cao mà việc làm thì không kịp; quyến là kẻ trí chưa đủ mà phần giữ đạo có thừa. Những kẻ ấy còn có tài đức khích lệ để tiến đến đạo trung, hơn là những người tầm thường không thể làm cho hiểu đạo và theo đạo được.
Nói rút lại, đạo của Khổng Tử là đạo trung dung của người quân tử, tuy không huyền diệu, siêu việt như đạo Lão, đạo Phật, nhưng cũng cao minh lắm, mà lại rất thích hợp với chân lý, thật là cái đạo xử thế rất hay, rất phải, ai cũng có thể theo được và có thể thi hành ra đời nào cũng được. Đạo ấy tóm lại rất rõ trong mấy lời sau này: “Tôn đức tính nhi đạo học vấn, trí quảng đại nhi tận tinh vi, cực cao minh nhi đạo trung dung, ôn cố nhi tri tân, đôn hậu dĩ sùng lễ 尊德性而道問學,致廣大而盡精微,極高明而道中庸,溫 故而知新,敦厚以崇禮: Tôn đức tính, chuộng học vấn, rất quảng đại mà không sót cái tinh vi, cực cao minh và noi theo trung dung, ôn lại những điều cũ và biết thêm điều mới, đôn đốc cái hậu tình mà sùng thượng lễ nghi” (Trung Dung).
Theo được đạo ấy, thì người ta thành ra có cái nhân cách hoàn toàn, tiến có thể làm được ích quốc lợi dân, thoái có thể khiến cho sự sinh hoạt của mình được ung dung vui thú, Đem đạo ấy mà thực hành ở đời, thì có thể làm cho sự cư xử của người ta rất có nề nếp, có trật tự, mà vẫn điều hòa êm ái, người trên không kiêu căng xa xỉ, người dưới không xảo nịnh, giả dối. Song vì người đời ham mê những điều lợi lộc, đắm đuối vào tư dục, rồi thường chỉ mượn tiếng đạo đức của thánh hiền mà làm cái bình phong che trước mặt, còn đằng sau thì thấy đầy những việc gian ác, dâm tà. Bởi thế cho nên cái phần tinh túy của thánh hiền mất mòn đi, để đến nỗi người ta thì tiến lên mãi, mà mình thì đứng dừng lại, lâu ngày thành ra chỉ giữ được cái vỏ hẩm nát, còn cái tinh thần linh hoạt thì đi đâu mất cả. Như thế há chẳng phải là cái tội rất lớn của những học giả xưa nay hay sao?
Tuy thế mặc lòng, Khổng giáo vẫn có công rất lớn với xã hội ta, là đã gây thành một cái văn hóa rất có giá trị. Nhất là về đường tinh thần, học thuyết của Khổng Tử làm cho người mình có tính tình đặc biệt, ưa sự hòa bình và trọng hiếu, nghĩa, trung, tín. Văn hóa ấy tuy về đường vật chất không được rực rỡ lắm, nhưng có thể làm cho cuộc sinh hoạt của người ta có cái thú vị khác thường. Dẫu đến ngày nay là thời đại người ta đang say mê về cuộc tranh hơn tranh kém, đang xô đẩy nhau ở chỗ danh lợi, nhiều người còn mong mỏi sự bỏ cũ, theo mới, thế mà ai là người biết nghĩ, ngắm thấy lòng người đơn bạc, cảnh đời khổ não, ngẫm nghĩ lại tiếc cái đạo của Khổng Tử không thi hành khắp được mọi nơi. Cái tiếc ấy vị tất đã có hiệu quả gì,
vì phong trào đã biến đổi, người đời đang đắm đuối ở chỗ vật chất, khó lòng mà hồi tỉnh lại được; nhưng có người tiếc như thế, cũng đủ tỏ ra là cái đạo của thánh hiền có phần rất hay rất đẹp vậy.
THIÊN V. NHỮNG SÁCH CỦA KHỔNG TỬ
Khổng Tử lúc trở về nước Lỗ, không cầu ra hành chính nữa, ở nhà dạy học và san định các sách vở của cổ nhân để lại. Ngài nói: “Ngô tự Vệ phản Lỗ, nhiên hậu Nhạc chính, Nhã, Tụng các đắc kỳ sở 吾自衛反魯, 然後樂正,雅頌各得其所: Ta từ nước Vệ trở về nước Lỗ, vậy sau kinh Nhạc mới chính và thiên Nhã, thiên Tụng trong Kinh Thi mới xếp đặt đâu ra đấy” (Luận Ngữ: Tử hãn, IX). Chủ ý Ngài là muốn phát huy cái đạo của thánh hiền đời trước ra và đem mà dạy người, chứ không phải là tạo tác ra cái đạo mới. Ngài nói rằng: “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ, thiết tỉ ư ngã Lão Bành 述而不作,信而好古,竊比於我老 彭: Thuật lại cái đạo của thánh hiền mà tự mình không tạo tác ra cái gì, tin mà thích đạo đời xưa, ta trộm ví
như ông Lão Bành” (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII). Lão Bành là quan đại phu giỏi đời nhà Thương, hay thuật lại những việc đời xưa, mà không làm ra cái gì mới lạ.
Cái đạo của thánh hiền đời xưa ghi chép ở cả trong những sách: Dịch, Thư, Thi, Lễ, Nhạc. Ngài xem kỹ những sách ấy, rồi giải thích những chỗ khó hiểu, để phát minh cái nghĩa sâu xa ra, hoặc xếp đặt lại cho rõ ràng. Ngài lại làm ra bộ sách Xuân Thu để bày tỏ những quan niệm của Ngài về đường chính trị. Sách của Ngài soạn ra tất cả có sáu bộ, đời sau gọi là lục Kinh 六經.
Sau khi Khổng Tử mất rồi, những sách ấy cũng đã mất mát đi ít nhiều, rồi đến đời nhà Tần, lại có việc đốt sách; thành thử các sách của Ngài phần thì lâu ngày mất đi, phần thì bị đốt hại, không còn được bao nhiêu. Đến đời nhà Hán, đạo Nho hưng thịnh lên, vua sai tìm nhặt các sách, thì không tìm được quyển nào còn nguyên nữa. Nhất là kinh Nhạc thì mất gần hết, chỉ còn lại có một thiên, sau đem vào bộ Lễ Ký, đặt là thiên Nhạc Ký. Kinh Lễ cũng thiếu nhiều, bọn Hán nho mới đem phụ họa thêm vào, để làm ra bộ Lễ Ký. Hiện nay những sách ấy tuy có sai lạc đi nhiều, nhưng hậu nho đã góp nhặt và phụ họa vào thành ra năm Kinh là: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, và Kinh Xuân Thu.
Kinh Dịch. Dịch là sách tướng số để bói toán xem cát, hung và lại là sách lý học, giải thích lẽ biến hóa của trời đất và sự hành động của muôn vật, tức là bộ sách rất trọng yếu của Nho giáo. Nguyên người Tàu về đời thượng cổ tin rằng ở trong trời đất có lẽ âm, lẽ dương, lúc ẩn lúc hiện, không biết thế nào mà so lường được. Lẽ âm, lẽ dương bất trắc ấy là quỉ thần, thường can thiệp đến việc lành việc dữ của người ta, cho nên khi có công việc gì là phải bói để xem ý quỉ thần. Cách bói thì dùng mai rùa gọi là bốc 卜 hay là dùng cỏ thi gọi là phệ 筮.
Vua Phục Hi (4477 - 4363 trước Tây lịch kỷ nguyên) nhân có Hà đồ mới vạch thành ra quẻ. Lấy cái vạch liền ̶̶mà biểu thị lẽ dương, và cái vạch đứt ̶̶mà biểu thị lẽ âm.
Dương là cơ, âm là ngẫu. Mỗi cái vạch liền hay cái vạch đứt gọi là một hào; xếp ba hào, hoặc vạch liền cả, hoặc vạch đứt cả, hoặc vạch liền xếp lẫn với vạch đứt, đặt thành ra bát quái 八卦 là: Kiền 乾 ☰ (trời), Đoái 兌 ☱ (đầm), Ly 離 ☲ (lửa), Chấn 震 ☳ (sấm), Tốn 巽 ☴ (gió), Khảm 坎 ☵ (nước), Cấn 艮 ☶ (núi), Khôn 坤 ☷ đất). Tám quẻ ấy xếp theo thứ tự như thế, gọi là tiên thiên bát quái 先天八卦. Lấy mỗi quẻ trong tám quẻ ấy mà lần lượt đặt chồng lên nhau, thành ra 64 quẻ. Mỗi quẻ có 6 hào, như Kiền , Khôn , Truân , v.v.
Ba vạch dưới là quẻ nội, ba vạch trên là quẻ ngoại.
Đến đời vua Hạ Vũ (2205 - 2167 trước Tây lịch kỷ nguyên) nhân có Lạc thư mà đặt ra cửu trù 九疇, để làm biểu lý với bát quái của vua Phục Hi. Những quẻ của vua Phục Hi là để vẽ các tượng âm dương ra; những trù của vua Vũ, là để tính cái số ngũ hành là thủy 水, hỏa 火, mộc 木, kim 金, thổ 土. Những quẻ Dịch đời trước để lại, chỉ vẽ ra thành quẻ mà không có văn tự. Chắc là thuở ấy những người học Dịch chỉ học truyền miệng mà thôi, vì cái học ấy chính là cái học tâm truyền. Mãi đến đời vua Văn Vương nhà Chu, khi Ngài phải giam ở ngục Dữu Lý (1144 -1142). ngài mới diễn lại những quẻ Dịch mà đặt ra hậu thiên bát quái 後天八卦 xếp theo thứ tự như sau này: Kiền 乾 ☰ (cha), Khảm 坎 ☵ (trung nam). Cấn 艮 ☶ (thiếu nam). Chấn 震 ☳(trưởng nam), Tốn 巽 ☴ (trưởng nữ), Ly離 ☲ (trung nữ), Khôn ☷ 坤 (mẹ), Đoái 兌 ☱ (thiếu nữ).
Ngài lại theo hình từng quẻ mà cắt nghĩa cái toàn ý cả quẻ ra, gọi là Thoán từ 彖辭để định nghĩa cát, hung trong một quẻ. Đến đời con Ngài là Chu Công Đán lại cắt nghĩa từng hào trong quẻ, gọi là Hào từ 爻辭 để định nghĩa cát, hung trong một hào. Song sự học Dịch là sự học tâm truyền, chỉ để người nọ truyền cho người kia mà thôi, cho nên những lời của Văn Vương và Chu Công dùng để cắt nghĩa rất là vắn tắt và có lắm câu ý nghĩa xa xôi lơ lửng, thật khó hiểu. Ấy là Kinh Dịch trước đời Khổng Tử chỉ có thế mà thôi.
Đại để, những quẻ Dịch là nhân sự biến đổi của âm dương mà đặt ra, để xem sự cát, hung, tất là chủ về sự bói toán. Trong 64 quẻ Dịch đều nói cái lẽ cát, hung, tiêu, trưởng và cái đạo tiến, thoái, tồn, vong. Thánh nhân đời trước hình như có ý đem những lẽ ấy mà xét sự thịnh, suy, hay, dở ở đời, để khuyên răn người ta. Xem như quẻ Thái, quẻ Bĩ, quẻ Kiển, quẻ Giải, đều ngụ ý ấy cả. Trong quẻ nào cũng chỉ có âm, dương
biến hóa thay đổi. Dương là biểu hiệu chỉ Trời, chỉ quân tử, chỉ cái mạnh, cái sáng, sự hay, đời thịnh; âm là biểu hiệu chỉ đất, chỉ tiểu nhân, chỉ cái yếu, cái tối, sự dở, đời suy. Âm, dương tức là hai cái tương đối nhau để sinh hóa trong vũ trụ. Cho nên xem Dịch thì phải hiểu rằng không bao giờ có cái gì là đơn nhất tuyệt đối: đạo âm không phải là bao giờ cũng tiểu nhân, hễ có hại cho đạo dương, thì mới là tiểu nhân, chứ giúp được cho đạo dương, thì lại là quân tử; cũng như điều lợi không phải là bao giờ cũng bất thiện, hễ có hại cho điều nghĩa, thì mới là bất thiện.
Vậy nói Dịch là nói sự biến đổi để theo đạo. Đạo ấy là nhân nghĩa trung chính: theo đạo ấy là theo lẽ phải, lẽ hay mà sửa mình, chứ không phải theo đạo ấy để làm những điều trái lẽ công chính. Cho nên mới nói: “Dịch vi quân tử mưu, bất vi tiểu nhân mưu 易爲君子謀,不爲小人謀: Đạo Dịch chỉ mưu cho người quân tử, chứ không mưu cho kẻ tiểu nhân”.
Đến đời Khổng Tử, Ngài mới theo những Thoán từ của Văn Vương và Hào từ của Chu Công, và lấy nhân sự thiết thực mà cắt nghĩa thêm ra cho rõ, tức là Thoán truyện 彖傳 và Tượng truyện 象傳. Giải cái tượng cả quẻ, gọi là đại tượng 大象, giải cái tượng một hào, gọi là tiểu tượng 小象. Ngài sợ rằng cắt nghĩa như thế chưa đủ. Ngài lại làm thêm những thiên: Hệ từ truyện 繫辭傳, Văn ngôn truyện 文言傳, Thuyết quái truyện 說卦傳 , Tự quái truyện 序卦傳, Tạp quái truyện 雜卦傳, gồm tất cả là mươi thiên, gọi là Thập dực 十翼, hay là Truyện 傳. Ngài lại lấy nghĩa lý mà phân Kinh Dịch ra làm thượng, hạ hai thiên, gọi là Thượng Kinh 上經 và Hạ Kinh 下經. Thượng Kinh thì để quẻ Kiền, quẻ Khôn lên đầu, vì rằng Kiền và Khôn là bản thỉ của âm và dương, tông tổ của vạn vật (Kiền, Khôn giả âm, dương chi bản thỉ, vạn vật chi tổ tông 乾坤者陰陽之本始,萬物之祖宗). Hạ Kinh thì để quẻ Hàm, quẻ Hằng lên đầu, vì rằng Hàm và Hằng là mối đầu của nam nữ, đạo của vợ chồng (Hàm, Hằng giả nam nữ chi thỉ, phu phụ chi đạo 咸恒者 男女之始,夫婦之道), nhân đạo do ở đó mà hưng thịnh lên.
Từ đó, Kinh Dịch có 2 thiên Kinh và 10 thiên Truyện, cả thảy là 12 thiên.
Trong những thiên Truyện, Khổng Tử giải thích rõ ràng các ý nghĩa sâu xa ở Kinh Dịch và phát huy những tư tưởng uyên áo về tạo hóa và những quan niệm đặc biệt về vũ trụ và vạn vật. Ngài lập thành cái nền lý học của Nho giáo, về sau các nho giả đời Tống đều sở cứ vào Kinh Dịch mà thiết lập ra các học thuyết rất có giá trị. Khổng Tử nói: “Phù Dịch khai vật, thành vụ, mạo thiên hạ chi đạo, như tư nhi dĩ. Thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi 夫易開物成務,冒天 下之道,如斯而已。是故,聖人以通天下之志,以定天下之業,以斷天下之疑: Dịch là để mở ra muôn vật, thành được mọi việc, trùm lên trên cái đạo của thiên hạ, có thế mà thôi. Cho nên thánh nhân dùng đạo Dịch để thông được cái chí của thiên hạ, định được công nghiệp của thiên hạ, đoán được cái ngờ của thiên hạ”.
Xét trong sách Chu Lễ thì đời nhà Chu có quan thái bốc coi tam Dịch: Liên Sơn Dịch 連山易là Dịch của nhà Hạ, lấy quẻ Cấn làm đầu; Quy Tàng Dịch 歸藏易 là Dịch của nhà Thương lấy quẻ Khôn làm đầu, và Chu Dịch 周易 là Dịch của nhà Chu, lấy quẻ Càn làm đầu. Về sau Liên Sơn Dịch và Quy Tàng Dịch mất đi, chỉ còn lại có Chu Dịch, tức là Kinh Dịch truyền đến ngày nay. Vậy lúc đầu sách Dịch tuy có phần bí truyền nói về đạo lý, nhưng vẫn chủ việc bốc phệ, rồi đến Khổng Tử mới giảng rõ thêm phần đạo lý hơn trước. Nghĩa là từ đời trước đến đời Khổng Tử, thì tuy có dựa vào phần đạo lý mà giáo hóa, nhưng vẫn chuyên về phần bốc phệ hơn; từ đời Khổng Tử về sau, thì dẫu có phần bốc phệ, nhưng lại thiên trọng về mặt đạo lý hơn. Song, đại để bao giờ Kinh Dịch cũng bao hàm cả hai phần ấy, chỉ khác có một điều là về đời thượng cổ, người ta hãy còn chất phác, trí lự chưa được mở mang, cho nên thánh nhân chỉ lấy việc bốc phệ mà dạy người, để biết điều lành thì làm, điều dữ thì tránh, về sau dần dần nhân trí mở mang ra, thánh nhân tuy vẫn lấy bốc phệ để khiến người ta quyết định về việc nên làm hay không, nhưng lại bởi đó mà đem nghĩa lý sâu xa giảng dạy cho người ta hiểu để làm điều thiện. Trước sau tuy hình thức có khác nhau, nhưng tinh thần vẫn là một. Có một điều ta nên biết, là bao giờ trong Kinh Dịch vẫn không bỏ bốc phệ, vì rằng người đời xưa vốn có lòng tín ngưỡng về lẽ Trời và người ta cảm ứng với nhau. Cái lẽ ấy là nguyên ủy của Nho giáo, cho nên những ý nghĩa tinh vi như chữ nhân, chữ trung, chữ thành, và thuyết tính thiện đều căn nguyên ở lẽ ấy mà ra cả. Học giả về sau hoặc có người nệ về thuật số, chỉ chú ý về việc bói toán, như tính Thái ất, xem số Hà lạc, v.v. bỏ không xét đến cái phép hoằng thông giản dị của đạo Dịch, hoặc có người vì khinh việc bốc phệ mà chỉ chuyên trị về mặt nghĩa lý, chìm đắm vào cõi hư vô tịch mịch, trái với đạo nhân nghĩa trung chính, đều là không hiểu cái ý của thánh nhân cốt tùy thời mà lập giáo. Tùy thời mà thuận, tùy thời mà chống lại, chữ thời phải có đủ hai nghĩa ấy. Bởi thế cho nên mới nói: “Dịch đạo chỉ thị thời 易道只是時: Đạo Dịch chỉ có chữ thời mà thôi”. Có hiểu được chữ thời thì mới hiểu được đạo Dịch.
Khổng Tử học Dịch mất nhiều công phu lắm. Khi Ngài đã già, Ngài xem Kinh Dịch đến ba lần đứt lề, mới làm ra các thiên Truyện (Khổng Tử vãn nhi học Dịch, độc chi vi biên tam tuyệt, nhi vi chi Truyện 孔子晚而 學易,讀之韋編三絶,而為之傳). Thế mà Ngài còn nói: “Gia ngã sổ niên, tốt22dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỹ 加我數年,卒以學易,可以無大過矣: Giá cho ta thêm được mấy năm nữa để ta học Dịch
cho trọn vẹn, thì khả dĩ không có điều lầm lớn vậy” (Luận Ngữ: Học nhi, VII). Một bộ sách mà thánh nhân đã phải dụng tâm đến như thế và cho là khó hiểu như thế, tất là có bao nhiêu tư tưởng kỳ diệu, ta nên biết và đừng lấy làm khinh thường.
Kinh Thư. Kinh Thư là bộ sách chép những điển, mô, huấn, cáo, thệ, mệnh của vua tôi dạy bảo khuyên răn nhau, từ đời vua Nghiêu, vua Thuấn cho đến đời Đông Chu. Sách ấy là một bộ sử rất có giá trị, khiến cho hậu thế có thể biết được tư tưởng của cổ nhân về đạo lý, chế độ và phép tắc từ đời nọ qua đời kia, hiểu được sự tiến hóa của dân tộc Tàu cứ từ từ mỗi đời một khác.
Nhưng vì Kinh Thư bị nhà Tần đốt mất, đến đời nhà Hán mới có quan bác sĩ đời nhà Tần là Phục sinh (có người nói là con gái ông ấy) nhớ thuộc lòng đọc được hai mươi chín thiên. Sau ở nước Lỗ lại tìm được ở trong vách nhà Khổng Tử một tập hai mươi nhăm thiên, viết bằng chữ cổ. Những thiên của Phục sinh đọc ra, gọi là kim văn, những thiên tìm được gọi là cổ văn. Về sau quan bác sì là Khổng An Quốc, đời Đông Hán, xếp cả kim văn lẫn cổ văn làm thành ra Kinh Thư truyền đến ngày nay.
Kinh Thư chia ra làm: Ngu Thư, Hạ Thư, Thương Thư, Chu Thư, cả thảy từ thiên Nghiêu điển đến thiên Tần hệ là 59 thiên.
Xem Kinh Thư thì biết cái tính chất phác và lối văn chương của người đời cổ. Những sự hành vi và những tư tưởng chép trong sách ấy đều lấy hai chữ chấp trung làm cốt.
Kinh Thi. Kinh Thi là bộ sách chép những bài ca, bài dao, từ đời thượng cổ đến đời vua Bình vương nhà Chu. Ca là bài hát có điệu có vần, dùng vào lúc tế tự, hay vào khi có việc hỉ, việc hiếu. Dao là lời hát truyền khẩu của dân gian ở thôn dã. Xem Kinh Thi thì biết những tính tình, phong tục và chính trị các đời và các nước chư hầu ở nước Tàu. Như là Mân phong thì nói cái tục cần kiệm của người nước Mân, Vệ phong thì nói cái tục dâm mỹ của người nước Vệ, Tần phong thì nói cái sự hối quá của người nước Tần, v.v. Hoặc như Đại nhã, Tiểu nhã thì nói việc chính trị thịnh suy đời nhà Chu.
Học Kinh Thi có thể di dưỡng tính tình và mở rộng tri thức của người ta, cho nên Khổng Tử nói: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quán, khả dĩ quần, khả dĩ oán. Nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ư điểu, thú, thảo, mộc chi danh 詩,可以興,可以觀, 可以羣,可以怨。邇之事父,遠之事君;多識於 鳥,獸,草, 木之名: Đọc Kinh Thi thì khả dĩ cảm phát chí ý, khả dĩ xem xét điều hay điều dở, khả dĩ hòa hợp mà không lưu đãng, khả dĩ bày tỏ cái sầu oán mà không giận. Gần trong nhà thì biết cách thờ cha, xa ra ngoài thì biết cách thờ vua, biết nhiều những tên các giống chim muông, cây cỏ” (Luận Ngữ: Dương Hóa, XVIII). Kinh Thi có nhiều ý tứ, nhưng khi xem sách ấy phải giữ cái tâm của mình cho chính, thì sự học mới có lợi. Khổng Tử nói: Thi tam bách nhất ngôn dĩ tế chi, viết tư vô tà 詩三百一言以蔽之,曰思無邪: Ba trăm bài trong Kinh Thi, lấy một lời mà nói trùm cả là: không nghĩ bậy (Luận Ngữ: Vi chính, II).
Kinh Lễ. Kinh Lễ là bộ sách chép những lễ nghi để hàm dưỡng những tình cảm tốt để giữ trật tự cho phân minh và để tiết chế các tình dục. Phàm những tình cảm của người ta mà không có cái gì để bồi dưỡng luôn, thì dần dần nó biến đổi hay có thể hóa dở được. Dùng lễ là có ý để gây nuôi lấy những tình cảm tốt. Người ta ở trong xã hội có những việc quan hệ đến phong tục, đến tông giáo, nếu không có những phép tắc rõ ràng, thì việc tế tự, việc hiếu, việc hỉ, cách ăn uống ở làng, ở nước thành ra hồ đồ hỗn độn, việc thù tiếp, cách đối đãi, thành ra khó xử. Dùng lễ để phân biệt tôn ti, thân sơ, và để giải quyết những sự hiềm nghi. Người ở đời ai cũng có lòng tư dục, nếu không có quy củ để phòng giữ trước, thì thường nó hay khiến người ta làm những điều bất nhân phi nghĩa. Dùng lễ là để tài chế sự hành vi cho hợp lẽ phải.
Lễ quan trọng như thế, cho nên Nho giáo rất chuộng lễ, cho là “Phàm nhân chi sở dĩ vi nhân giả, lễ nghĩa dã 凡人之所以爲人者,禮義也: Phàm người mà thật có cái phẩm giá con người là có lễ nghĩa vậy”. Học lễ thì cần phải hiểu chữ: “Vô bất kính 無不敬: không có điều gì là không kính”. Đối với mình cũng như đối với người, bao giờ cũng phải lấy sự kính làm chủ. Không có kính thì bao nhiêu lễ thành ra hư văn vô ích.
Kinh Lễ hiện nay có 25 quyển, chia ra làm 49 thiên, phần nhiều là văn của Hán nho phụ họa vào, chứ chính văn đời Xuân Thu thì không còn được mấy.
Trong Kinh Lễ có thiên Lễ vận, Hán nho cho là Tử Du hoặc là môn đệ của Tử Du làm ra, ở đầu thiên ấy nói cái nghĩa đại đồng và tiểu khang như sau này:
“Ngày xưa đức Trọng Ni được dự lễ tế chạp. Tế xong Ngài ra đứng chơi ở trên cửa đền, ngậm ngùi mà thở dài. Ngài thở dài là thở dài về việc vua nước Lỗ cúng tế không đủ lễ. Ngôn Yển (Tử Du) đứng bên cạnh hỏi: Phu Tử thở dài về việc gì? Khổng Tử nói: Thực hành cái đại đạo, cùng những kẻ anh tuấn đời Tam đại, thì Khâu này không kịp, nhưng vẫn có chí làm những việc như thế.
“Thực hành cái đại đạo thì thiên hạ là chung cả, kén chọn kẻ hiền kẻ năng, giảng điều tín, sửa điều hòa thuận. Cho nên người ta không riêng thân cha mẹ mình, không riêng yêu con mình, khiến kẻ già có chỗ nuôi nấng trọn đời, kẻ trẻ mạnh có chỗ dùng, đứa trẻ tuổi có chỗ trưởng thành, thương kẻ góa chồng, đứa con không có cha mẹ và người già không có con cái, người tàn tật có chỗ nuôi, con trai có chức phận, con gái có chồng, con tử tế, của cải không bỏ phí ở đất, mà bất tất phải tàng tích ở mình, sức lực phải ở thân
mình ra, mà bất tất phải lấy làm riêng của mình. Ấy cho nên cơ mưu phải bế tắc, kẻ trộm cắp, người làm loạn, làm giặc, không nổi lên, vậy bên ngoài cửa không đóng. Ấy thế là đời đại đồng 大同. “Nay đại đạo đã bỏ, lấy thiên hạ làm của riêng nhà mình, ai nấy đều riêng thân cha mẹ mình, đều riêng yêu con mình, của cải và sức lực làm riêng của mình, vua quan thì lấy việc cha truyền con nôi làm lễ, lấy thành quách hào trì làm kiên cố, lấy lễ nghĩa làm kỷ cương, chính cái nghĩa vua tôi, hậu cái tình cha con, thuận cái tình anh em, hòa cái đạo vợ chồng, đặt chế độ, lập điền lý, tôn trọng kẻ trí dũng, lập công khởi sự riêng cho mình. Cho nên sự dùng mưu chước mới sinh ra mà việc chiến tranh bởi đó khởi lên vậy. Vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Vũ, Thành Vương, Chu Công bởi đó mà được chọn là bậc hơn cả. Sáu bậc quân tử ấy chưa từng không cẩn thận ở lễ. Lễ là để làm cho rõ cái nghĩa, thành điều tín, rõ người có lỗi, lấy nhân làm phép, giảng điều tốn nhượng, bảo dân theo phép thường. Nhưng có ai không theo những điều ấy, thì dẫu có thế vị, chúng nhân cho là họa ác, bắt tội mà truất bỏ đi. Ấy thế là đời tiểu khang 小康”. Hậu nho cho đoạn nói về đời tiểu khang có nhiều chỗ chép sai, văn lý không thông và muốn sửa lại, đem câu “cho nên sự dùng mưu chước mới sinh ra, mà việc chiến tranh bởi đó khởi lên vậy” lên trên câu “vua quan thì lấy việc cha truyền con nối làm lễ” về dưới câu “của cải và sức lực làm riêng của mình”. Lại so với sách Khổng Tử gia ngữ, thì có nhiều chỗ khác hẳn. Đại để theo lời các nhà bàn về sách Khổng Tử gia ngữ, thì đoạn ấy như thế này: “… của cải và sức lực làm riêng của mình, cho nên sự dùng mưu chước mới sinh ra mà việc chiến tranh bởi đó khởi lên vậy. Vua quan thì lấy việc cha truyền con nối làm lễ, lấy thành quách hào trì làm kiên cố. Vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Vũ, Thành Vương, Chu Công bởi đó mà được chọn là bậc hơn cả. Sáu bậc quân tử ấy chưa từng không cẩn thận ở lễ vậy. Lễ hưng khởi lên là ngang với trời đất. Nếu ai không theo lễ mà ở ngôi, thì người ta cho là họa ác”. Sửa lại như thế thì đúng với văn trong sách Khổng Tử gia ngữ, văn lý thông hơn và ý nghĩa sáng rõ lắm, nhưng lại không có hai chữ tiểu khang đối với hai chữ đại đồng ở đoạn trên.
Vả chăng Khổng Tử dẫu có nói những điều ấy, thì cũng chỉ cốt nói sự phải dùng lễ mà thôi, chứ không có ý phân ra đại đồng và tiểu khang để trọng Ngũ đế mà khinh Tam vương. Điều ấy rất rõ ở đoạn đầu. Ngài cho lễ là phải tùy thời mà biến đổi, mỗi đời phải dùng một khác, để cho hợp với lẽ biến hóa của trời đất. Chư nho hiểu rõ nghĩa ấy, cho nên mới nói rằng đoạn ấy là của những người đời sau nhiễm cái học của Lão Trang cho là cái đạo mất mới nói nhân nghĩa, v.v. rồi bịa đặt ra, hoặc sửa đổi lại như thế, chứ không phải là lời của Khổng Tử.
Cận kim, bọn nho giả là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu công nhận đại đồng là cái học vi ngôn và tiểu khang là cái học đại nghĩa của Khổng Tử. Song xét ra thì có lẽ bọn Khang, Lương bị ảnh hưởng của tân trào, mới đem những ý ấy mà nói cái chính thể cộng hòa và quân chủ. Kỳ thực không đúng tông chỉ của Khổng học. Tông chỉ ấy cho là mỗi thời nhân trí biến thiên đi một khác, thì việc trị cũng phải tùy thời mà thay đổi, miễn là giữ được lễ nghĩa làm gốc để cho hợp đạo trưng. Vậy thì cái thuyết đại đồng và tiểu khang của Khang, Lương tưởng không đúng với tinh thần Khổng giáo. Bởi thế cho nên khi xét cái chính trị của Khổng Tử, sách này không nói đến thuyết ấy.
Kinh Xuân Thu. Kinh Xuân Thu là bộ sách của Khổng Tử làm ra. Ngài theo lối văn làm sử mà chép truyện nước Lỗ, kể từ Lỗ Ân công đến Lỗ Ai Công. Trong sách ấy chép cả việc nhà Chu và việc các nước chư hầu.
Xem hình thể bề ngoài thì là một bộ sở biên niên, lời lẽ vắn tắt, lắm chỗ hình như không có ý nghĩa gì cả, nhưng xét rõ đến tinh thần, thì thật là bộ sách triết lý về việc chính trị. Mạnh Tử là người đã hiểu rõ nghĩa Kinh Xuân Thu, nói: “Thi vong nhiên hậu Xuân Thu tác. Kỳ sự tắc Tề Hoàn, Tấn Văn, kỳ văn tắc sử. Khổng Tử viết: Kỳ nghĩa tắc Khâu thiết thủ chi hỹ 詩亡然後春秋作。其事則齊桓、晉文,其文則史。
孔子曰:其義則丘竊取之矣: Kinh Thi hết, nhiên hậu Kinh Xuân Thu mới làm ra. Việc ở trong sách Xuân Thu là việc Hoàn công nước Tề, Văn công nước Tấn, văn trong sách ấy là văn sử. Nghĩa thì Khổng Tử nói rằng: Khâu này trộm lấy đó vậy (Mạnh Tử: Ly Lâu hạ)”. Nghĩa là Ngài lấy truyện ở trong các sách nước Tấn, nước Sở, nước Lỗ mà biểu thị cái ý nghĩa của Ngài muốn bầy tỏ ra. Thời Xuân Thu bấy giờ xã hội Tàu loạn lạc, vua các nước chư hầu làm nhiều điều bạo ngược và ai cũng muốn lấn quyền của thiên tử nhà Chu. Ngài không muốn để sự phê bình phán đoán của Ngài động chạm đến những người quyền thế đương thời, vả lại cái học sâu xa của Ngài thường là cái học tâm truyền, cho nên Ngài mượn lối văn làm sử, nói việc đã qua, để ngụ cái vi ý của Ngài.
Sách Trang tử cũng nói ở thiên Thiên hạ rằng: “Xuân Thu dĩ đạo danh phận 春秋以道名分: Sách Xuân Thu là để nói danh và phận”. Vậy cứ theo những ý kiến của những nhà đại hiền triết đời Chiến Quốc, thì sách Xuân Thu thật là sách để tâm truyền cái đại nghĩa danh và phận về đường luân lý và chính trị, chứ không phải là sách chép sử như người thường vẫn hiểu lầm.
Sách Xuân Thu có ba chủ nghĩa là: Chính danh tự, định danh phận, ngụ bao biếm. Chủ ý của Khổng Tử là tôn vua nhà Chu. Dầu đời bấy giờ các nước chư hầu có nhiều người không biết đến vua nhà Chu nữa, nhưng Ngài chép ngay đầu sách là: “Xuân vương chính nguyệt 春王正月: Mùa xuân tháng giêng vua nhà
Chu23” để tỏ cái ý vẫn nhận nhà Chu làm chủ cả thiên hạ. Lệ nước Tàu lấy lịch số làm quan trọng, cho là biểu hiệu sự chịu mệnh trời của nhà làm vua, cho nên về sau cứ hàng năm nhà vua ban lịch ra, để tỏ cái quyền chính thống thuộc về mình.
Xem Kinh Xuân Thu thì phải biết ý nghĩa và vị trí từng chữ. Mỗi chữ là để định rõ người tà, người chính, như thiên tử chết thì chép chữ băng 崩, vua chư hầu chết thì chép chữ hoăng 薨, ông vua đã cướp ngôi, làm sự tiếm thiết mà chết, thì chép chữ tồ 殂, người làm quan ngay chính chết, thì chép chữ tốt, người làm quan gian nịnh chết, thì chép chữ tử 死.
Người nào có danh phận chính đáng thì chép rõ chức phẩm và tên tự; người nào mà danh phận không chính đáng, thì dầu có chức phẩm gì, cũng chỉ chép có một tên tục mà thôi.
Sự khen chê của Ngài cốt ở những chữ Ngài dùng. Có khi chỉ vì có một chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được tiếng thơm thiên cổ. Bởi thế người đời sau bàn Kinh Xuân Thu nói rằng: “Nhất tự chi bao, vinh ư hoa cổn, nhất tự chi biếm, nhục ư phủ việt 一字之褒,榮於華袞;一字之貶,嚴 於斧鉞: một chữ khen thì vinh hơn cái áo cổn hoa của vua ban cho, một chữ chê thì nhục hơn phải tội rìu búa.
Vì Khổng Tử thấy đời suy, đạo mờ, các tà thuyết dấy lên, nhưng sự hung bạo rất nhiều, con giết cha, tôi giết vua, cho nên Ngài lấy làm lo sợ mà làm ra bộ Xuân Thu, để định cái chính thể, chủ ở sự chính danh, định phận cho hợp đạo lý và cho rõ sự thưởng phạt.
Sách Xuân Thu là sách định chế độ của quân chủ, Khổng Tử biết rằng trong một nước không thể không có quyền quân chủ, song Ngài lại sợ rằng những người giữ quyền quân chủ thường hay lạm dụng thế lực của mình mà làm những điều tàn bạo. Vậy nên Ngài mới đem cái nghĩa lấy cái nguyên của dương khí mà thống trị việc Trời, lấy Trời mà thống trị các vua chúa, và bày tỏ ra một cách đặc biệt ở sách Xuân Thu để hạn chế cái quyền của nhân quân. Nhưng vì những người làm vua làm chúa đã dễ mấy người hiểu được rõ cái lẽ thâm viễn siêu việt ấy, cho nên Ngài mới lấy những điều tai dị như nhật thực, nguyệt thực, hay là sao chổi và sự động đất, v.v. Là những điều hiển nhiên ai cũng có thể trông thấy được, để cảnh giới những bậc nhân quân. Ngài muốn những bậc ấy phải lấy những điềm lạ ấy làm kính sợ, mà tự mình tu tỉnh lại và làm những điều nhân nghĩa. Đó là cái vi ý trong sách Xuân Thu. Khổng Tử còn sợ người ta không hiểu rõ cái ý ấy, cho nên Ngài nói: “Trí ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ! Tội ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ! 知我者,其惟 春秋乎!罪我者,其惟春秋 乎!: Người biết ta là cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội ta là cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu (Mạnh Tử: Đằng Văn công, hạ). Biết Ngài là biết cái bụng của Ngài sợ những tà thuyết, những bạo hành càng ngày càng nhiều ra, cho nên ngài bày tỏ cái phương pháp chính trị để đổi loạn ra trị và để trừng trị kẻ tàn bạo, gian ác. Trách tội Ngài là vì không hiểu cái ý của Ngài mà cho là Ngài tiếm làm việc của thiên tử, hoặc là ngờ Ngài dùng những điều tai dị để làm mê hoặc người đời. Học giả nên chú ý mà hiểu cái thâm ý và cái khổ tâm của Ngài trong sách Xuân Thu. Về sau Hán Nho thường không hiểu rõ cái phần uyên thâm ấy, chú trọng ở cái thuyết âm dương, ngũ hành, gây thành mối mê tín, thật là sai cái nghĩa trong sách Xuân Thu vậy.
Người thường không biết, lấy con mắt xem sử mà xem, thì không hiểu bộ sách ấy ích lợi về điều gì. Song người nào biết, lấy cái tinh thần mà lĩnh hội cái thâm ý trong sách ấy, thì thấy có nhiều ý nghĩa rất sâu xa. Bởi thế cho nên các nhà danh nho xưa nay vẫn kình chống bộ sách ấy. Về sau chính thể quân chủ của các nước ở Á Đông này đều có hấp thụ ít nhiều tinh thần ở trong bộ sách ấy. Những nhà làm sử cũng hay theo lối biên niên trong kinh Xuân Thu mà chép sử, nghĩa là cứ theo từng năm mà chép các việc.
THIÊN VI. MÔN ĐỆ KHỔNG TỬ
Khổng Tử lấy những lời huấn cáo, những tư tưởng và các chế độ của thánh hiền đời trước làm tông chỉ, rồi đến đem những ý kiến và những điều sở đắc của Ngài mà dạy bảo các môn đệ. Lối Ngài dạy học là lối truyền miệng. Hễ ai học điều gì không hiểu hay là nghĩ việc gì không ra thì đem hỏi Ngài. Ngài sẽ tùy tư chất từng người mà lựa lời ôn hòa chỉ bảo cho. Ai nghe Ngài giảng dụ điều gì thì ghi nhớ lấy để ngẫm nghĩ mà sửa mình, hoặc để ứng dụng ở đời. Lối Ngài dạy như thế cho nên có lắm điều như nhân, hiếu, chính, v.v. Ngài nói với mỗi người một khác. Tuy thế, cái chủ đích sự dạy dỗ của Ngài bao giờ cũng lấy đạo nhân mà khiến người ta sửa đổi tâm tính cho thành người quân tử hoàn toàn.
Môn đệ Ngài thì nhiều, song thường nhật thì có độ năm bảy người hoặc vài ba mươi người theo Ngài học Thi, học Lễ, học Nhạc, hay là học những nghĩa lý trong sự sinh hoạt ở đời. Số học trò kể tất cả trước sau được hơn ba nghìn người, nhưng mà những người có tiếng đạo đức và tài giỏi, tinh thông lục nghệ thì chỉ có bảy mươi hai người, hậu thế gọi là “thất thập nhị hiền”. Trong 72 người ấy có người nổi tiếng về đường đức hạnh, như thầy Nhan Uyên, thầy Mẫn tử Khiên, thầy Nhiễm Bá Ngưu, thầy Trọng Cung; có người nổi tiếng về đường ngôn ngữ, như thầy Tể Ngã, thầy Tử Cống; có người nổi tiếng về đường chính sự, như thầy Nhiễm Hữu, thầy Quý Lộ; có người nổi tiếng về đường văn học, như thầy Tử Du, thầy Tử Hạ (Luận Ngữ: Tiên tiến, XI).
Đại khái, những người có đạo đức và có tài năng mà các sách thường nói đến là những người này. Nhan Hồi 顏回淵, tên tự là Uyên, cần mẫn, thức khuya dậy sớm, học Thi, chuộng Lễ, làm việc gì không lầm lỗi hai lần, nói điều gì không cẩu thả. Khổng Tử khen là người có nhân. Nhưng ông chỉ sống được có 31 tuổi thì mất. Khổng Tử lấy làm thương tiếc lắm.
Mẫn Tổn 閔損, tên tự là Khiên 骞. Khổng Tử khen là người có hiếu.
Nhiễm Canh 冉耕, tên tự là Bá Ngưu 伯牛.
Nhiễm Ung 冉雍, tên tự là Trọng Cung 仲弓, nhà nghèo mà vẫn ung dung, không hệ lụy điều gì, sai khiến người ở không như nô lệ, không giận lâu ai, không oán sâu điều gì. Không nhắc lại lỗi cũ của người ta. Khổng Tử khen là người có khí tượng ông vua.
Tăng Sâm 曾參, tên tự là Dư 舆, học thức thì đầy mà không tràn, chắc chắn mà không rỗng, biết quá rồi mà vẫn cho như là chưa kịp, làm được những điều thánh hiền cho là khó. Dáng mặt bao giờ cũng cung kính, đức bao giờ cũng đôn hậu, nói với ai điều gì cũng tin, tính người rất thật thà. Hữu Nhược 有若, tên tự là Hữu 有, nhớ nhiều và thích đạo cổ.
Tể Dư 宰予, tên tự là Ngã 我, có khẩu tài, làm quan đại phu nước Tề, phải tội bị giết cả ba họ. Khổng Tử lấy làm thẹn vì là học trò Ngài.
Đoan Mộc Tứ 端木賜, tên tự là Cống 貢, có tài biện thuyết, nhà giàu, thích sự buôn bán, làm quan ở nước Lỗ, nước Vệ, sau mất ở nước Tề,
Nhiễm Cầu 冉求, tên tự là Hữu 有, cùng họ với Trọng Cung, tính hay khiêm tốn, hiếu học và biết rộng, làm việc giản dị mà siêng năng.
Trọng Do 仲由, tên tự là Lộ 路, lại có tên là Quý Lộ 季路, có dũng lực tài nghệ, giỏi việc trị binh, tính quả cảm và cương trực, nhưng không đạt sự biến thông. Làm quan đại phu nước Vệ, bị tội phải giết. Ngôn Yển 言鰋, tên tự là Du 游, chỉ chuyên học Lễ, làm việc cẩn thận, không hay hư hỏng, làm quan tể ở Võ thành.
Bốc Thương 卜商, tên tự là Hạ 夏, học Thi, hay bàn luận những điều tinh vi. Giao với người trên, tiếp người dưới rất là phân biệt, minh bạch, tính đốc tín, cẩn thủ, nhưng quy mô hẹp hòi. Chuyên Tôn Sư 顓孫師, tên tự là Trương 張, người đẹp, tài cao, ý rộng, hay làm việc khó khăn mà [không] cẩu thả, có công tốt không khoe, ở ngôi sang mà không mừng, không khinh người hèn, không ngạo với người khổ. Tính ung dung không hay câu nệ, cho nên không tương đắc với những người đồng môn hay thủ lễ.
Thương Cồ 商賈, tên tự là Mộc 木, chuyên học Dịch, được truyền cái học ấy của Khổng Tử. Tất Điêu Khai 漆雕開, tên tự là Nhược 若, học Thư, không thích ra làm quan.
Nguyên Hiến 原憲, tên tự là Tư 思, thanh tĩnh thủ tiết, nhà nghèo mà vẫn vui về đạo. Khi Khổng Tử mất rồi, ông đi ẩn ở nước Vệ.
Trong những người ấy có người tài cao đức hậu nhưng vẫn không ai được hoàn toàn như Khổng Tử. Xem câu chuyện sau này thì biết rõ đức độ của Ngài hơn người là thế nào.
Một hôm Tử Hạ hỏi Khổng Tử: “Nhan Hồi là người thế nào?” Khổng Tử nói: “Cái tin của Hồi hơn ta”. “Tử Cống là người thế nào?” “Cái nhanh của Tứ hơn ta”. “Tử lộ là người thế nào?” “Cái dũng của Do hơn ta”. “Tử Trương là người thế nào?” “Cái nét trang nghiêm của Sư hơn ta”. Tử Hạ đứng dậy mà hỏi rằng: Thế thì sao bốn gã ấy lại phải đến học thầy?” Khổng Tử nói: “Ở đây ta bảo: Ôi! Hồi biết tin mà không biết nghĩ lại. Tứ biết nhanh mà không biết có lúc đáng chậm. Do có dũng mà không biết có lúc nên nhát. Sư có
nét trang nghiêm mà không biết ung dung để hòa đồng với mọi người. Gồm tất cả những cái nết hay của bốn gã ấy có, mà đổi lấy cái của ta không bằng bốn gã, ta không thuận. Vì thế bốn gã phải thờ ta làm thầy, mà không có hai lòng vậy” (Khổng Tử gia ngữ: Lục bản, XV).
Khổng Tử bao giờ cũng có thái độ “vô khả vô bất khả” rất hòa nhã và vẫn tôn nghiêm, rất khoan hoằng mà vẫn cương nghị. Ngài làm việc gì cũng ung dung và trúng tiết, nghị luận điều gì cũng công chính và đắc kỳ trung, cho nên không ai theo kịp. Đức độ của Ngài như thế, nên chi ai đã biết Ngài là cũng phải kính phục. Đạo của Ngài thì có phần giản dị bình thường, mà vẫn có phần rất quảng đại cao viễn, không mấy người lĩnh hội hết được. Dẫu môn đệ Ngài có ai muốn nối cái đạo của Ngài, cũng chỉ hiểu được một phần mà thôi.
Bởi thế cho nên sau khi Ngài mất rồi, đạo của Ngài chia ra làm mấy phái, mỗi phái theo một ý nghĩa khác nhau.
THIÊN VII. CHIẾN QUỐC THỜI ĐẠI: CÁC HỌC PHÁI CỦA NHO GIÁO (479-220 trước Tây lịch)
Đời Xuân Thu, tuy các nước chư hầu cường thịnh lên, tranh nhau làm bá chủ nước Tàu, nhưng nước nào có thế lực vẫn tôn phù nhà Chu và vẫn mượn tiếng thiên tử mà sai khiến các nước khác. Đến đời Chiến Quốc thì nước Tàu chia ra làm bảy nước là: Nước Tần 秦, nước Sở 楚, nước Tề 齊, nước Yên 燕, nước Hàn 韓, nước Triệu 趙, nước Ngụy 魏. Vua những nước ấy đều xưng vương cả và không ai biết đến nhà Chu nữa. Sự chiến tranh trong thời ấy lại càng kịch liệt hơn trước và sự loạn ly cũng đến cực điểm vậy. Song cũng bởi thời cục như thế, cho nên các nhà tư tưởng mới đem phát huy ra các học thuyết để cứu đời, vì thế thuở ấy Nho giáo, Lão giáo và Mặc giáo đều chen vai mà thịnh hành lên ở nước Tàu.
Nho giáo thì từ khi Khổng Tử mất rồi, hết ba năm tang chế, các môn đệ mỗi người đi một nơi. Người thì đi làm quan, người thì về dạy học, đem cái đạo của Ngài truyền bá ra thiên hạ.
Nay ta không biết đích xác ngay từ lúc đầu Khổng giáo chia ra làm mấy phái, vì các sách đời ấy không nói rõ. Mãi đến cuối thế kỷ thứ ba trước Tây lịch kỷ nguyên, tức là hơn hai trăm năm sau Khổng Tử, Hàn Phi mới chép ở trong thiên Học hiến sách Hàn Phi Tử rằng: “Tự Khổng Tử chi tử dã, hữu Tử Trương chi nho, hữu Tử Tư chi nho, hữu Nhan thị chi nho, hữu Mạnh thị chi nho, hữu Tất Điêu thị chi nho, hữu Trọng Lương thị chi nho, hữu Tôn thị chi nho, hữu Nhạc chính thị chi nho 自孔子之死也,有子張之儒,有子 思之儒,有顏氏之儒,有孟氏之儒,有漆雕氏之儒,有仲良氏之儒,有孫氏之儒,有樂正氏之儒:
Từ Khổng Tử mất rồi, có bọn nho học của Tử Trương, có bọn nho học của Tử Tư, có bọn nho học của họ Nhan, có bọn nho học của họ Mạnh, có bọn nho học của họ Tất Điêu, có bọn nho học của họ Trọng Lương, có bọn nho học của họ Tôn, có bọn nho học của họ Nhạc Chính”.
Trong tám phái ấy thì phái Tử Tư (học trò Tăng Tử). phái họ Mạnh (Mạnh Tử, thuộc phái Tử Tư). phái họ Nhạc chính (Nhạc Chính Khắc, học trò Mạnh Tử) đều thuộc về phái Tăng Tử. Phái Tử Chương và phái Tất Điêu Khai thì không biết rõ truyền cho những ai. Phái họ Tôn, tức là phái của Tuân Khanh, không biết thuộc về phái nào. Còn phái họ Nhan và phái họ Trọng Lương thì không biết là ai.
Dâu thế nào mặc lòng, sau khi Khổng Tử mất rồi. Nho giáo chia ra phái Tăng Tử, phái Tử Hạ, phái Tử Trương, phái Tử Du, phái Trọng Cung, phái Hữu Tử, phái Thương Cổ, phái Tất Điêu Khai, kê ra như biểu sau này:
Khổng Tử
Tăng Tử,
Tử Tư,
Mạnh Tử
Nhạc Chính Khắc Công Tôn Sửu
Vạn Chương
Tử Hạ
Công Dương Cao Cốc Lương Xích
Tử Trương
Tử Du
Trọng Cung
Tuân Tử
Hàn Phi Lý Tư
Hữu tử
Thương Cổ
Tất Điêu Khai
Trong bấy nhiêu phái thì có phái Tử Trương, phái Tử Hạ và phái Tăng Tử là có thế lực hơn cả. Phái Tử Hạ học về đường văn chương, phái Tăng Tử học về đường đạo đức.
Phái Tử Trương. Trong các môn đệ của Khổng Tử có Tử Trương là người có thái độ ung dung hoằng đại. Ông nói rằng: “Sĩ kiến nguy trí mệnh, kiến tắc tư nghĩa, tế tư kính, tang tư ai, kỳ khả dĩ hỹ 士見危致命, 見得思義,祭思敬,喪思哀,其可已矣: Kẻ sĩ thấy nguy bỏ mình, thấy tài lợi nghĩ đến điều nghĩa, tế nghĩ đến sự kính, tang nghĩ đến sự thương xót, thế là khá rồi” (Luận Ngữ: Tử Trương XIX). Ý ông muốn điều gì cũng cốt giữ cái tinh thần, chứ không cần phải câu chấp những điều vụn vặt, miễn là lúc nào bụng mình cũng thực, đức mình cũng rộng, thì việc mình làm mới hay được. Vậy nên ông nói: “Chấp đức bất hoằng, tín đạo bất đốc, yên năng vi hữu? Yên năng vi vô? 執德不弘,信道不篤,焉能為有?焉能為 亡?: Giữ đức không rộng, tin đạo không dày, sao hay là có, sao hay là không?” (Luận Ngữ: Tử Trương XIX). Cái học của ông rộng rãi, bao dung cả người hay người dở, cho nên hậu nho cho là cao quá, không vừa tầm cho người thường theo được. Một hôm có người học trò Tử Hạ đến hỏi ông về việc giao kết với người. Ông hỏi lại: “Vậy thì Tử Hạ nói thế nào?” Người học trò trả lời: “Tử Hạ bảo: ‘Khả giả dữ chi, kỳ bất khả giả cự chi’ 可者與之,其不可者拒之: Giao kết với người khá, cự tuyệt với người không khá”.
Ông nói: “Dị hồ ngô sở văn: ‘Quân tử tôn hiền nhi dung chúng, gia thiện nhi căng bất năng’. Ngã chi đại hiền dư, ư nhân hà sở bất dung? Ngã chi bất hiền dư, nhân tương cự ngã, như chi hà kỳ cự nhân dã? 異乎 吾所聞: ‘君子尊賢而容眾,嘉善而矜不能’. 我之大賢與,於人何所不容?我之不賢與,人將拒我, 如之何其拒人也?: Khác với cái nghe của ta. Người quân tử tôn người hiền mà dung mọi người, khen người giỏi mà thương người không có tài. Nếu ta thật là hiền, thì ai mà chẳng dung được? Nếu ta không hiền thì người ta cự tuyệt ta, ta còn cự tuyệt được ai nữa?” (Luận Ngữ: Tử Trương, XIX). Ông có cái khí tượng khoáng đãng như thế, cho nên thường không hợp với những người như bọn Tăng Tử, Tử Hạ, Tử Du.
Tăng Tử nói: “Đường đường hồ Trương dã, nan dữ tịnh vi nhân hỹ 堂堂乎張也,難與並為仁矣: Trương là người có tư cách đường đường, nhưng khó giúp người làm điều nhân vậy” (Luận Ngữ: Tử Trương, XIX). Tử Du nói: “Ngô hữu Trương dã, vi nan năng dã, nhiên nhi vị nhân 吾友張也,為難能也,然而未仁: Ta bạn với Trương là vì Trương giỏi không ai bằng, nhưng chưa phải là bậc nhân” (Luận Ngữ: Tử Trương, XIX).
Hai ông chê Tử Trương chưa thật là bậc nhân, vì cái học của Tử Trương có phần phóng khoáng thái quá, nhưng hai ông lại tỉ mỉ và câu nệ những điều tiểu tiết. Như một khi đi điếu người chết, Tăng Tử “tập cừu nhi điếu” (mặc áo phủ ngoài áo thường đi điếu) mà Tử Du thì “tích cừu nhi điếu” (mặc áo thường đi điếu). Tăng Tử thấy vậy chỉ Tử Du mà bảo người ta rằng: “Gã kia tập lễ sao lại mặc áo thường mà đi điếu?”. Đến khi làm lễ khâm liệm xong rồi, Tử Du chạy ra mặc áo phủ ngoài và thắt dây mà vào, Tăng Tử mới nói: “Ta lầm rồi, gã kia theo đúng lễ” (Lễ Ký: Đàn cung thượng).
Xem thế thì biết cái học của bọn Tăng Tử hay câu nệ những điều vụn vặt, khác với cái học khoáng đãng tự nhiên của Tử Trương. Nhưng vì sau đời Chiến Quốc cái học của Tử Trương không truyền nữa, cho nên không biết rõ tông chỉ hay, dở thế nào.
Phái Tử Hạ. Sau khi các môn đệ của Khổng Tử ở nước Lỗ giải tán đi các nơi, Tử Hạ về dạy học ở phía Tây hà, tức là ở vùng tỉnh Hà Nam bây giờ. Vua nước Ngụy là Văn hầu (423- 387) tôn ông làm thầy và đặt quan bác sĩ để học các Kinh. Nho giáo thành ra quốc giáo khởi đầu từ đó.
Học trò của Tử Hạ là bọn Công Dương Cao, Cốc Lương Xích chuyên trị Kinh Xuân Thu. Phái Tử Hạ chú trọng về văn chương và lễ nghi, và lại có quân chủ báo hộ, có quan bác sĩ coi giữ các kinh. Cho nên về sau càng ngày càng phát đạt lên. Hết đời Chiến Quốc, qua đời Tần, đời Hán. đời Đường, Nho giáo tuy có châm chước với các phái khác, nhưng thường là do phái này mà thịnh hành ở đời vậy. Phái Tăng Tử. Khổng Tử mất rồi, Tăng Tử nối chân mở trường dạy học ở nước Lỗ. Ông học rộng và thành thực, chắc chắn hơn cả, cho nên người đời sau cho học phái của ông là chính truyền. Cái học của ông chú trọng về đường đạo đức, nhưng tông chỉ đã hơi khác đạo của Khổng Tử. Khổng Tử chủ lấy nhân làm cốt, dùng hiếu đễ, lễ nhạc để gây thành đạo nhân; mà bọn Tăng Tử thì lấy hiếu làm gốc cho các đức tính khác. Những người đồng ý với ông như Hữu tử nói rằng: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dư 孝弟也者,其為仁之本與: Hiếu đễ làm cái gốc cho đạo nhân” (Luận Ngữ: Học nhi, I). Xem thế thì biết đạo của Khổng Tử ngay từ lúc đầu đã biến thiên đi rồi. Tăng Tử rất chú ý về sự giảng đạo hiếu, ông nói: “Hiếu hữu tam: Đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng 孝有三:大孝尊親,其次弗 辱,其下能養: Hiếu có ba bậc: bậc đại hiếu là làm tôn trọng cha mẹ, bậc thứ là không làm nhục đến cha mẹ, bậc dưới cùng là có thể nuôi được cha mẹ” (Lễ Ký: Tế nghĩa). Làm tôn trọng cha mẹ là phải “tiên ý, thừa chí, dụ phụ mẫu ư đạo 先意乘志,誘父母於道: Hiểu trước được cái ý của cha mẹ, vâng theo cái chí của cha mẹ, để đem cha mẹ đi theo đạo phải” (Tế nghĩa); hay là “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu 立身行道,揚名於后世,以顯父母: Gây dựng thân mình đem thi hành cái đạo ra, rõ tiếng về đời sau, để cho vinh hiển cha mẹ” (Hiếu kinh). Không làm nhục đến cha mẹ là phải giữ danh giá của mình cho trọn vẹn. Ông nói: “Thân dã giả, phụ mẫu chi di thể dã. Hành phụ mẫu chi di thể, cảm bất kính hồ? Cư xử bất trang, phi hiếu dã; sự quân bất trung, phi hiếu dã; lị quan bất kính, phi hiếu dã, bằng hữu bất tín, phi hiếu dã; chiến trận vô dũng, phi hiếu dã. Ngũ giả bất toại, tai cập ư thân, cảm bất kính hồ? 身也者,父母之遺體也,行父母之遺體,敢不敬乎?居處不莊,非孝也;事君不忠,非孝 也;蒞官不敬,非孝也;朋友不信,非孝也;戰陳無勇,非孝也。五者不遂,災及於親,敢不敬乎?: Thân là di thể của cha mẹ. Đem cái di thể của cha mẹ mà làm công nọ, việc kia, dám nào không kính hay sao? Cư xử không nghiêm, không phải là hiếu; thờ vua không trung, không phải là hiếu, làm quan không kính, không phải là hiếu; bầu bạn không tin, không phải là hiếu; đi trận mạc không mạnh bạo, không phải là hiếu. Năm điều ấy không thành, thiệt hại đến cha mẹ, dám nào không kính hay sao?” (Tế nghĩa). Kính cái di thể của cha mẹ là phải giữ thân mình cho trong sạch và không hư hỏng như lời ông đã dạy học trò: “Phụ mẫu toàn nhi sinh chi, tử toàn nhi quy chi, khả vị hiếu hỹ. Bất khuy kỳ thể, bất nhục kỳ thân, khả vị toàn hỹ 父母全而生之,子全而歸之,可謂孝矣。不虧其體,不辱其身,可謂全矣: Cha mẹ sinh con ra trọn vẹn, con trọn vẹn mà đem về, khá gọi là hiếu. Không hư hỏng thân thể, không nhục thân danh, khá gọi là trọn vẹn vậy” (Tế nghĩa). Lấy hai lẽ tôn thân và phất nhục mà hiểu nghĩa chữ hiếu thì cũng có phần cao minh, vì có ý khuyến khích người ta cố gắng học tập cho hay hơn tốt hơn để xứng cái công đức cha
mẹ. Nhưng hậu thế lại nệ về chữ “toàn nhi sinh, toàn nhi quy” mà hiểu ra cách giữ cái tóc, cái móng chân, móng tay, nghĩa là chỉ hiểu cách thô thiển về đường giữ thân thể, thành ra nhút nhát, nhu nhược không ra thể cách con người trượng phu nữa. Về phần cao minh mà còn hiểu lầm như thế, huống chí người đời lại chú ý về việc nuôi mà thôi, và lại câu nệ thái qua về những điều vụn vặt, thành ra mất cả ý nghĩa cao xa.
Đạo hiếu vốn là cái nền luân lý rất tốt nhưng vì người đời quá thiên về đường thiển cận làm thành ra có nhiều điều lầm lạc, ấy cũng là một điều đáng tiếc cho Nho giáo. Tuy cái học của phái Tăng Tử không được đúng như tông chỉ của Khổng Tử cho lắm, nhưng phái ấy có công rất lớn với Nho giáo là đã giữ được những lời giảng dụ của Khổng Tử, chép ra ở sách Luận Ngữ và lại làm ra sách Đại Học và sách Trung Dung để bầy tỏ chủ đích sự học và những lẽ uyên áo của Khổng giáo. Hậu thế nhờ có mấy quyển sách ấy mà biết rõ cái đạo của thánh nhân. Cái công ấy khá đáng cho phái ấy là chính truyền vậy.
Luận Ngữ 論語. Phái Tăng Tử cùng với các môn đệ góp nhặt những lời giảng dụ của Khổng Tử xếp thành sách Luận Ngữ để truyền về sau. Sách này hình như môn đệ Khổng Tử ai nhớ được điều gì thì chép ra, rồi góp lại mà thành, cho nên không có thứ tự gì cả. Có chỗ là bọn đồng môn với Tăng Tử chép ra, có chỗ lại là bọn học trò của Tăng Tử và Hữu tử chép thêm vào. Cũng vì thế cho nên các đệ tử của Khổng Tử đều để chữ tử 子 lên trên tên tự, như Tử Lộ, Tử Trương, Tử Du, Tử Hạ, Tử Cống, v.v. duy chỉ có Tăng Tử và Hữu tử thì để chữ tử xuống dưới tên họ, là để tỏ cách tôn kính.
Trong sách ấy, cùng một chữ nhân, chữ hiếu, chữ chính mà mỗi nơi nói một khác, là vì cách lập giáo của Khổng Tử cứ tùy tư cách, hoặc tùy sở đắc, sở thất của từng người mà dạy bảo, cho nên nghĩa không đồng. Tuy hình thức thì không có trật tự phân minh, nhưng văn từ thì thật rõ, thật đúng, ý tứ rất sáng rất gọn, mà câu nào cũng hàm súc ung dung, đích đáng là lời của thánh nhân. Nay ta nhờ có sách ấy mới biết rõ học thuyết của Khổng Tử và mới hiểu cái vi ý của Ngài về các sự lý. Thật là quyển sách rất quý của Nho giáo. Song học giả phải lập chí học mà suy nghĩ cho kỹ thì mới biết là hay, và sự học đạo của Thánh hiền mới có ích lợi. Trình Y Xuyên đời Tống nói: “Có người đọc xong sách Luận Ngữ rồi sau không thấy gì cả, có người đọc xong rồi sau thích một vài câu, có người đọc xong rồi sau lấy làm thích lắm, có người đọc xong rồi thích đến nỗi múa tay múa chân lên mà không biết”. Ông lại nói: “Ai đọc xong sách Luận Ngữ mà vẫn còn những tính nết như trước khi chưa đọc, thì người ấy chưa hiểu đọc sách vậy”.
Đại Học 大學. Sách này với sách Trung Dung khi xưa vốn là hai thiên chép ở trong sách Lễ Ký. Đến đời Tống, các nho gia mới đem in riêng ra để cùng với sách Luận Ngữ và sách Mạnh Tử làm bốn sách gọi là Tứ thư.
Cứ theo ý kiến của các nhà nho học xưa nay, thì thiên Đại Học là của Tăng Tử giải diễn mấy lời của Khổng Tử truyền lại. Khổng Tử nói: “Đại Học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc. Vật hữu bản, mạt, sự hữu chung thỉ, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ.
Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc; dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia giả tiên tu kỳ thân; dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm; dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý; dục thành kỳ ý giả, tiên tri kỳ tri; trí tri tại cách vật.
Vật cách nhi hậu tri chí, tri chí nhi hậu ý thành, ý thành nhi hậu tâm chính, tâm chính nhi hậu thân tu, thân tu nhi hậu gia tề; gia tề nhi hậu quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình.
Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Kỳ bản loạn nhi mạt trị giả, phủ hỹ; kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu dã.
大學之道;在明明德,在親民,在止於至善。知止而后有定,定而后能靜,靜而后能安,安而后能 慮,慮而后能得。物有本末,事有終始,知所先後,則近道矣。
古之欲明明德於天下者,先治其國;欲治其國者, 先齊其家;欲齊其家者,先脩其身;欲脩其身者, 先正其心;欲正其心者,先誠其意;欲誠其意者, 先致其知;致知在格物。
物格而后知至,知至而后意誠,意誠而后心正,心正而后身脩,身脩而 后家齊,家齊而后國治, 國治而后天下平。
自天子以至於庶人,壹是皆以脩身為本。其本亂而末治者,否矣;其所厚者薄,而其所薄者厚,未之 有也。
Cái đạo của bậc đại học là ở sự làm cho sáng cái đức sáng, ở sự thân yêu người, ở sự đến chí thiện mới thôi. Có biết đến cùng thì sau mới có định, định thì sau mới có thể tĩnh, tĩnh thì sau mới có thể yên, yên thì sau mới có thể tư lự tinh tường, tư lự tinh tường thì sau mới có thể được cái hay, cái phải. Vật có gốc, ngọn, sự có cuối, có đầu, biết rõ trước, sau thì gần đạo vậy.
Đời xưa người muốn làm sáng cái đức sáng ở thiên hạ, thì trước phải trị nước mình; người muốn trị nước mình, thì trước phải tề nhà mình, người muốn tề nhà mình, thì trước phải sửa thân mình; người muốn sửa thân mình, thì trước phải chính cái tâm của mình; người muốn chính cái tâm của mình, thì trước phải làm cho tinh thành cái ý của mình; người muốn làm cho tinh thành cái ý của mình, thì trước phải biết đến chỗ cùng cực. Biết đến chỗ cùng cực là ở sự suốt tới chỗ uyên thâm của sự vật.
Suốt tới chỗ uyên thâm của sự vật, thì sau mới biết đến chỗ cùng cực; biết đến chỗ cùng cực, thì sau cái ý mới tinh thành; cái ý đã tinh thành, thì sau cái tâm mới chính; cái tâm đã chính, thì sau cái thân mới tu, cái thân đã tu, thì sau nhà mới tề; nhà đã tề, thì sau nước mới trị; nước đã trị thì sau thiên hạ mới bình. Từ đấng thiên tử cho đến kẻ thứ nhân, ai cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc. Cái gốc loạn mà cái ngọn trị thì chưa có vậy; cái gốc mình đáng hậu mà bạc, cái ngọn mình đáng bạc mà hậu, là chưa có bao giờ”. Tăng Tử đem những lời trong Kinh Thư và Kinh Thi mà diễn thêm cho rõ cái ý của Khổng Tử vừa nói ở trên để dạy học trò. Sau khi ông mất rồi, học trò mới chép ra thành mươi chương nữa. Trong mười chương ấy thì bốn chương đầu nói tóm ba cái cương lĩnh là minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện, còn sáu chương sau nói kỹ tám điều mục là cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chương thứ năm thích rõ nghĩa sự cách vật và trí tri, song chương ấy về sau mất mát, người ta đem cái ý của Trình tử đời nhà Tống mà bổ thêm vào. Chương thứ sáu nói sự giữ cái ý của mình cho thành. Nói rút lại, chủ đích sự học của người ta là đem cái đức sáng của Trời phú cho mà sửa mình cho hoàn toàn, rồi mới trị được người. Muốn sửa mình thì phải chính tâm, thành ý và trí tri. Đã trí tri là cách vật. Khi đã trí tri và cách vật, thì ý thành, tâm chính, tức là sửa được thân. Thân đã sửa được thì có thể tề gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Vậy trước sau phải lấy sự sửa mình làm gốc. Sửa mình để trị nước và bình thiên hạ. Thành thử cái học của Nho giáo rất quan hệ đến việc tiên hóa của quốc gia và xã hội. Đại để sách Đại Học cốt có bấy nhiêu mà thôi. Cách lập ngôn thì theo lối cổ, thường hay nói lắp đi lắp lại, nhưng rất có thống hệ, văn lý tiếp tục, ý nghĩa tinh mật, thật là một sách thời cổ rất có giá trị. Trung Dung 中庸. Tăng Tử mất, truyền cái học lại cho học trò là Khổng Cấp, tự là Tư, cháu đích tôn Khổng Tử. Tử Tư nối nghiệp dạy học trò, đem cái phần uyên áo của Khổng giáo mà nói rõ ở thiên Trung Dung.
Sách Hán thư chép rằng sách của Tử Tư có 23 thiên nhưng sau chỉ có thiên Trung Dung truyền ở đời. Thiên này trước chép ở trong sách Lễ Ký cũng như thiên Đại Học, mãi đến đời nhà Tống mới in riêng ra thành sách.
Sách Trung Dung nói cái chủ nghĩa chấp trung của thánh hiền đời xưa và thuật lại cái ý chỉ của Khổng Tử. Trước hết nói cái bản nguyên của đạo là tự Trời mà ra, không thể thay đổi đi được và cái thực thể của đạo ấy có đủ cả ở mình, không thể xa lìa ra được. Thứ nói cái cốt yếu tồn, dưỡng, tỉnh, sát. Sau nói cái cùng cực của thánh, thần, công, hóa. Ai muốn học những điều ấy, thì tìm lấy trong mình mình mà tự hiểu lấy, để bỏ những điều thiên tư của những sự ngoại dụ, mà sung khoáng cái thiện bản nhiên của Trời phú cho.
Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử đã giảng về đạo trung dung. Ngài nói “Trung hòa là cái tính tình tự nhiên của Trời đất, mà trung dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không lệch về bên nào, dung là thường, nghĩa là dùng đạo trung làm đạo thường. Đạo trung dung thì ai cũng có thể theo được, thế mà không mấy người chịu theo. Khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn mà biết rõ mùi vậy. Chỉ có thánh nhân mới theo được mà thôi, vì theo cái đạo ấy cốt phải có ba cái đạt đức là trí, nhân và dũng. Trí là để biết rõ các sự lý, nhân là để hiểu điều lành mà làm, dũng là để có cái khí cường kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng. Ba cái đạt đức ấy là ba cái cửa vào đạo, cho nên nói rằng: “Hiếu học cận hồ trí, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng 好學近乎知,力行近乎仁,知恥近乎勇: Thích học là đã gần có trí, cố sức mà làm là đã gần có nhân, biết thẹn là đã gần có dũng”. Có ba điều ấy mới sửa được mình, tri được người, trị được thiên hạ và quốc gia.
Đạo ấy là đạo của người quân tử, dùng ra thì rất rộng, mà cái bản thể thì rất tinh vi. Đem thi thố ra thì ai cũng có thể biết được, làm được, mà biết cho đến cùng, làm cho đến hết, thì dẫu bậc thánh nhân cũng không biết và làm hết được. Đạo ấy bao quát cả cái lớn vô cùng và cái nhỏ vô cùng. “Ngữ đại, thiên hạ mạc năng tái yên; ngữ tiểu, thiên hạ mạc năng phá yên 語大,天下莫能 載焉;語小,天下莫能破焉: Nói cái lớn, thì cả thiên hạ không thể chở được; nói cái nhỏ, thì cả thiên hạ không thể phân phá ra được”.
Tử Tư lại dẫn lời của Khổng Tử về chữ thành: “Thành là đạo Trời, học cho đến bậc thành là đạo người. Cái tính của Trời phú cho người là tự nó thành và minh, mà cách dạy người là làm cho cái minh cái thành. Đã thành là minh, đã minh là thành”. Ông theo ý kiến ấy mà giải rõ nghĩa đạo Trời cho nên mới nói: “Thành giả, tự thành dã, nhi đạo tự đạo dã 誠者,自成也;而道,自道也: Thành là tự thành tựu lấy mình, mà đạo là tự đạo đạt lấy mình”. Thành là cái thể của Trời, đạo là cái dụng của Trời. Vạn vật nhờ có cái thành mới sinh hóa ra được “Thành giả, vật chi chung thỉ, bất thành, vô vật 誠者,物之終始;不誠,無物: Thành là trước sau của muôn vật, không có thành thì không có sự vật gì cả”. Vậy nên người quân tử lấy đạo thành ra làm quý. Thành là không những tự thành tựu lấy mình mà thôi, lại thành tựu cho vạn vật nữa. Thành được mình là nhân, thành được vật là trí, Vậy thành là cái đức của tính và là cái đạo hợp cả trong lẫn ngoài.
Cái đức của chí thành là cứ biến động và hóa dục mãi, không nghỉ, tức là bao hàm cả ý du cửu 悠久 và du viễn 悠遠. Đã du cửu thì không có lúc nào là không có, và đã du viễn thì không có chỗ nào là không khắp. Bởi vậy cho nên mới nói: “Không đâu là không có Trời”.
Trời đã ở khắp mọi nơi, thì không đâu là hư, là giả, nghĩa là đâu đâu cũng có sinh hóa, có sự vật, chứ không chỗ nào trống không và không chân thực; mà đã lúc nào cũng có, thì không gián đoạn, nghĩa là sự sinh hóa không bao giờ đứt khúc. Du cửu thuộc về phần trong, du viễn thuộc về phần ngoài. Phần trong mà có mãi thì phần ngoài chứng nghiệm ra rất rộng, rất xa. Du viễn thì vô cùng, du cửu thì vô cương, cho nên cái tích lực quảng bác mà thâm hậu; đã quảng bác, thâm hậu thì cái phát lực cao đại mà quang mình. Vậy đạo Trời là du cửu, du viễn, bác hậu, cao minh. Bác hậu để chở vật, cao minh để che vật, du cửu để thành vật: “Bác hậu sở dĩ tái vật dã, cao minh sở dĩ phú vật dã, du cửu sở dĩ thành vật giả 博厚所以載物也,高 明所以覆物也,悠久所以成物也”. Bởi thế cho nên “Bất hiện nhi chương, bất động nhi biến, vô vi nhi thành 不見而章,不動而變,無為而成: Không hiện ra mà rõ, không động mà biến, không làm gì mà thành”.
Đạo Trời như thế, đạo người phải thế nào? Đạo người là phải cố gắng hết sức để cho đến bậc chí thành. Phải học cho rộng, xét hỏi cho kỹ, nghĩ ngợi cho sâu, biện biệt điều phải, trái cho rõ và dốc lòng làm điều thiện cho đến cùng. Hễ ai làm được như thế thì rồi ngu thành ra sáng, yếu thành ra mạnh, tức là dần dần lên đến bậc chí thành, ở trong thiên hạ duy chỉ có bậc chí thành tức là bậc thánh thì mới biết rõ cái tính của Trời; biết rõ cái tính của Trời, thì biết được rõ cái tính của người; biết rõ cái tính của người thì biết được rõ cái tính của vạn vật; biết rõ cái tính của vạn vật, thì khả dĩ giúp được sự hóa dục của Trời đất và có công ngang với Trời đất vậy. Còn bậc thứ là bậc hiền giả, thì phải học tập mất nhiều công phu, mới đến được bậc chí thành.
Tử Tư tin cái đạo chí thành linh diệu như thần, cho nên ông nói: “Đạo chí thành có thể biết trước được mọi việc. Nước nhà sắp hưng thịnh, tất có điềm lành, nước nhà sắp mất, tất có điềm dữ, những điềm ấy hiện ra ở cỏ thi, mai rùa, hoặc động ở chân tay. Khi có họa phúc sắp đến, thì điều lành cũng biết trước, điều dữ cũng biết trước”. Đạo của bậc thánh nhân cao diệu như thế, cho nên ông mới tán thán rằng: “Đại tai thánh nhân chi đạo! Dương dương hồ, phát dục vạn vật, tuấn cực ư thiên! 大哉聖人之道!洋洋乎,發育萬 物,峻極于天: Đạo của thánh nhân lớn vậy thay! Rộng rãi mênh mông, sinh nuôi muôn vật, cao sánh với trời!” Người quân tử học đạo ấy, xét từ cái nhỏ đến cái lớn, suy từ cái mảy đến cái rõ, ở ngôi trên không kiêu, làm người dưới không trái, nước trị thì lời nói có thể hưng khởi được điều hay, nước loạn thì ngồi im có thể dung được thân. Động có thể đời đời làm đạo cho thiên hạ, hành vi có thể đời đời làm khuôn phép cho thiên hạ, nói năng có thể đời đời làm mực thước cho thiên hạ, người ở xa trông mong, người ở gần không bao giờ chán.
Trong bốn chương sau cùng: XXX, XXXI, XXXII, XXXIII, Tử Tư nói cái đạo của Khổng Tử cao xa sâu dày như trời đất, sáng rõ như mặt trời, mặt trăng. Ông kết luận rằng: “Duy chỉ có bậc chí thành mới thông minh tuệ trí, đủ soi xét được cả thiên hạ, khoan dụ, ôn nhu, đủ bao dung thiên hạ; phát cường, cương nghị đủ quyết đoán việc trong thiên hạ; Trai trang, trung chính, đủ làm cho thiên hạ kính trọng, văn lý mật sát, đủ biện biệt mọi việc trong thiên hạ. Bao giờ cũng rộng rãi sâu xa và cứ tùy thời mà phát hiện ra. Duy chỉ có bậc chí thành mới kinh luân được mối lớn của thiên hạ, lập được gốc lớn của thiên hạ, biết được sự hóa dục của thiên hạ mà không phải nương dựa vào gì cả. Cái nhân của bậc ấy rất thuần túy, cái lượng của bậc ấy rất sâu rộng, cái trí của bậc ấy to lớn như Trời. Những người ấy nếu vốn không phải là bậc thông minh, thành trí đạt được cái đức của Trời, thì còn có ai là người biết được nữa”.
Ông dẫn những lời trong Kinh Thi để chứng rõ cái đức của người quân tử cốt ở cái tinh thần vô hình. Cái tinh thần ấy có thế lực rất mạnh, khiến mình không động mà người ta kính, không nói mà người ta tin, không thưởng mà dân nức lòng làm điều lành, không giận mà dân sợ hơn búa rìu. Ông lại dẫn lời của Khổng Tử để chứng rõ cái đạo của Ngài chú trọng ở phần tinh thần. Ngài nói rằng: “Thanh sắc chi ư dĩ hóa dân, mạt dã. Thi viết: Đức do như mao. Mao do hữu luân, thượng thiên chi tái, vô thanh, vô khứu, chí hỹ 聲色 之於以化民,末也。詩曰: 德輶如毛。毛猶有倫,上天之載,無 聲無臭,至矣: Dùng tiếng nói to, cái sắc mặt nghiêm mà hóa dân, là thuật kém hơn cả. Kinh Thi nói: Cái đức của người trên nhẹ như cái lông mao. Cái lông mao còn có ví với vật khác có sức nặng, chứ việc sinh hóa tài bồi của Trời là không có tiếng, không có hơi”. Đạo ấy mới thật là rất mực vậy.
Sách Trung Dung nói cái đạo của thánh nhân căn bản ở Trời, rồi giải diễn ra hết mọi lẽ, khiến người ta phải giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động và khi im lặng một mình. Suy cái lý ấy ra cho đến sự nhân nghĩa, để khiến cho cả thiên hạ được bình trị và lại tán dương cái công hiệu linh diệu của đạo ấy cho đến chỗ tinh thần vô thanh, vô sắc, mới thôi. Thật là một quyển sách triết lý rất cao, tưởng các sách đời cổ truyền lại chưa có sách nào bàn đến cái lý học siêu việt như vậy.
Giá hậu thế cứ theo cái ý nghĩa trong sách Trung Dung mà bồi bổ và khoáng trương cái phần thuần lý triết học ra, thì có lẽ Nho giáo thành ra một môn triết học uyên áo vô cùng. Nhưng vì cái tính cách người Tàu quá thiên về đường thực tế, các học giả thường chỉ chuyên trị những việc chính trị và những sự thực hành luân lý, cho nên cái học của Nho giáo càng ngày càng thấp xuống. Ấy cũng là một điều đáng tiếc cho sự học ở phương Đông ta vậy.
THIÊN VIII. MẠNH TỬ
Phái đạo đức của Tăng Tử ở nước Lỗ, truyền đến cuối thế kỷ thứ IV, trước Tây lịch kỷ nguyên, thì có một nhà đại hiền triết đem Nho giáo làm cho sáng rõ hơn trước. Nhà đại hiền triết ấy là Mạnh Kha 孟柯, tự là Dư 餘, người đất Châu 鄹, nay là huyện Châu, thuộc tỉnh Sơn Đông.
Cứ theo sách Mạnh Tử phả, thì ông sinh vào ngày mồng 2 tháng tư năm thứ tư đời vua Chu Liệt Vương (372 trước Tây lịch) và mất vào ngày 15 tháng mười một, năm thứ hai mươi sáu, đời vua Chu Noãn Vương (289 trước Tây lịch). Thuở ông lên ba tuổi, thì cha mất, nhờ có mẹ hiền dạy dỗ sau theo học về phái Tử Tư, hiểu được rõ cái đạo của Khổng Tử. Ông lại có tài hùng biện, thường đi du lịch nước Tề, nước Lương, nước Tống, nước Đằng, muốn đem cái đạo của thánh nhân ra cứu đời, nhưng vì thuở ấy vua các nước chỉ lo việc chiến tranh, không ai để ý đến việc nhân nghĩa. Sau đã gần già, ông thấy cái đạo không thi hành được, ông về ở nhà cùng với môn đệ là bọn Nhạc Chính Khắc 樂正克, Công Tôn Sửu 公孫丑 và Vạn Chương 萬章 ghi chép những điều ông đã đối đáp với vua các nước chư hầu, hoặc là với bọn môn đệ của ông, cùng những lời ông phê bình những sự chếch lệch của các học thuyết khác mà làm thành bảy thiên sách Mạnh Tử.
Nay xem sách ấy ta có thể thấy rõ cái đạo của ông, và thiết tưởng nên chia ra làm ba mục như sau này: I. Tâm học triết lý
II. Chính trị triết lý
III. Tài nghệ của Mạnh Tử
I. TÂM HỌC TRIẾT LÝ
Tính thiện. Cái học uyên nguyên của Mạnh Tử là ở tâm học, trước sau chú trọng ở chữ tâm và chữ tính. Ông lý hội được lời Khổng Tử nói ở thiên Hệ từ trong Kinh Dịch rằng: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi dã tính dã 一陰一陽之謂道,繼之者善也,成之者性也” và ở sách Luận Ngữ rằng: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã 性相近也,習相遠也” và ở sách Trung Dung rằng: “Thiên mệnh chi vị tính 天命之謂性” mà biết rằng tuy Ngài không nói tính thiện hay tính ác, nhưng đã gọi tính là cái của Trời phú cho, thì tính tất là phải thiện. Đây ta phải hiểu rõ chữ tính của Khổng giáo khác nghĩa chữ tính của người ta thường dùng. Người ta thường nói tính là nói gồm tất cả các nết tốt, nết xấu tự nhiên ở trong tâm thần của một vật nào, tức là nói cả cái toàn thể sinh hoạt của vật ấy. Khổng giáo không hiểu như thế nào, cho tính là cái phần thiên lý của Trời phú cho, có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tức là cái minh đức nói ở đầu sách Đại Học. Mạnh Tử theo cái ý chỉ ấy mà lập ra thuyết tính thiện.
Thuở ấy có người nói: “Hữu tính thiện, hữu tính bất thiện 有性善,有性不善: Có tính thiện, có tính bất thiện”. Có người lại nói: “Tính khả dĩ vi thiện, khả dĩ vi bất thiện 性可以為善,可以為不善: Tính có thể làm thiện, có thể làm bất thiện”. Cáo tử thì nói: “Tính vô thiện, vô bất thiện 性無善,無不善也: Tính không thiện, không bất thiện”, nghĩa là tính không thiện không ác gì cả. Cáo tử lại nói: “Sinh chi vị tính 生 之謂性: Sinh hoạt ở đời là tính”, và lại ví: “Tính do kỷ liễu dã, nghĩa do bôi quyền dã, Dĩ nhân tính vi nhân nghĩa, do dĩ kỷ liễu vi bôi quyền 性,猶杞柳也;義,猶桮棬也. 以人性為仁義,猶以杞柳為桮棬: Tính như cây kỷ, cây liễu, nghĩa như cái chén, cái thìa, lấy tính người làm việc nhân, việc nghĩa, cùng như lấy cây kỷ, cây liễu làm cái chén, cái thìa”. Cái cây mọc lên, lớn lên, theo lẽ tự nhiên, rồi ta chặt cây gỗ làm các thứ đồ dùng; dùng làm cái gì thì nó ra cái ấy, cũng như là tính thì cứ theo lẽ tự nhiên mà sinh trưởng, rồi bắt theo nhân nghĩa thì là nhân nghĩa, bắt theo bạc ác thì là bạc ác. Cáo tử lại ví tính như nước: “Tính do thoan thủy dã, quyết chư đông phương, tắc đông lưu, quyết chư tây phương, tắc tây lưu 性,猶湍水 也,決諸東方則東流,決諸西方則西流: Tính như nước chảy, khiến chảy về phương đông, thì chảy về phương đông, khiến chảy về phương tây, thì chảy về phương tây”. Vậy tính không phân thiện hay bất thiện gì cả (Cáo tử, thượng).
Mạnh Tử phản đối những ý kiến ấy và nói: “Nếu sinh hoạt ở đời là tính, thì tính con chó cũng như tính con trâu, tính con trâu cũng như tính người hay sao? Nếu ví tính như cây kỷ, cây liễu, nhân nghĩa như cái chén, cái thìa, thì có chặt đẽo cây kỷ, cây liễu mới làm được cái chén, cái thìa, cũng như phải chặt đẽo người ta mới làm được việc nhân, việc nghĩa. Như thế chẳng hại cho nhân nghĩa lắm ru? Nếu ví tính như nước, thì tuy nước không phân đông, tây, nhưng có phân cao, thấp không? Tính người ta làm lành như nước chảy xuống chỗ thấp vậy: Người không ai là không thiện, nước không lúc nào là không chảy xuống chỗ thấp (Nhân tính chi thiện dã, do thủy chi tựu hạ dã. Nhân vô hữu bất thiện, thủy vô hữu bất há 人性之善也,猶 水之就下也。人無有不善,水無有不下). Giá có vẩy lên thì nước có thể té lên quá trán, ngăn lại thì có thể ở trên núi được. Đó là bị cái thế ép, chứ không phải là cái tính của nước. Tính người cũng vậy, có thể khiến làm điều bất thiện được”.
Ông giải rõ cái nghĩa tại sao mà nói là tính thiện: “Nải nhược kỳ tình24, tắc khả dĩ vi thiện hỹ, nãi sở vị thiện dã. Nhược phù vi bất thiện, phi tài chi tội dã 乃若其情,則可以為善矣,乃所謂善也。若夫為不善, 非才之罪也: Cứ theo cái bản năng của người ta, thì ai cũng có thể làm lành, cho nên mới nói là thiện. Nếu có làm điều bất thiện là không phải cái tội ở cái bản năng của người ta”. “Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, ai cũng có lòng tu ố, ai cũng có lòng cung kính, ai cũng có lòng thị phi. Lòng trắc ẩn là nhân, lòng tu ố là nghĩa, lòng cung kính là lễ, lòng thị phi là trí. Nhân nghĩa, lễ, trí, không phải là ở ngoài mà đúc lên đâu, ta vốn có sẵn cả, chỉ vì không nghĩ đến mà thôi. Cho nên nói rằng: ‘Tìm thì thấy, bỏ thì mất’. Có người hay hơn hoặc dở hơn gấp hai, gấp năm, gấp không kể được, đều là vì không biết dùng hết cái bản năng của mình vậy. Năm được mùa, thì con em làm điều hay, năm mất mùa thì con em làm điều bậy. Đó không phải Trời phú cho cái bản năng khác nhau như thế, chỉ tại ta để cái tâm của ta hãm đắm vào vật dục, cho nên mới hóa ra thế. Xem như gieo hạt lúa xuống đất rồi bón xới vào, hạt lúa cũng ở một chỗ, cùng gieo một lúc, mọc lên ngùn ngụt, đến ngày hạ chí, đông chí, đều chín cả. Nếu có hạt tốt, hạt xấu là tại màu đất, mưa móc và công việc người ta làm không đều. Phàm vật đồng loại, thì giống như nhau cả, sao đến người thì lại ngờ là không giống. Bậc thánh nhân với ta cũng là đồng một loại như nhau. Bởi vậy Long tử nói: ‘Không trông thấy chân người ta mà làm giày, thì biết là không làm cái sọt. Giày mà giống nhau, là vì chân người ta ai cũng thế cả’.
“Miệng đối với vị ngon đều giống nhau, người sành ăn như Dịch Nha là người biết trước cái thích của miệng ta. Nếu khiến cái miệng của Dịch Nha đối với vị ngon mà lại không giống như mọi người, tựa như giống chó, giống ngựa, không đồng loại với ta, thì sao đối với vị ngon thiên hạ lại theo cái sành ăn của Dịch Nha? Đối với vị ngon mà thiên hạ theo Dịch Nha là vì cái miệng thiên hạ thích vị ngon ai cũng như ai. Cái tai nghe cũng vậy. Như tiếng âm nhạc thì ai cũng theo người giỏi đàn như Sư Khoáng. Vì rằng cái tai người ta ai cũng như ai. Cái mắt trông cũng vậy. Đẹp như Tử Đô thì thiên hạ ai cũng chẳng biết là đẹp. Người mà không biết Tử Đô là đẹp là người không có mắt. Bởi vậy cho nên nói: ‘Miệng đối với vị ngon thì đều thích như nhau, tai đối với tiếng đàn hay thì đều nghe như nhau, mắt đối với sắc đẹp thì đều trông thấy như nhau’. Thế mà có một tâm lại không giống nhau là có sao? Những cái mà tâm của người đều thích như nhau là những cái gì? Là cái lý, cái nghĩa. Thánh nhân là bậc đã tìm được trước ta những cái mà tâm của ta đều thích. Cho nên lý và nghĩa làm cho thích cái tâm của ta, cũng như thịt giống thú ăn cỏ, ăn cám, làm cho thích miệng ta vậy.
“Xưa kia những cây ở trên núi Ngưu Sơn thường rườm rà rất đẹp. Vì núi ấy ở vào cõi một nước lớn, rìu búa chặt mãi đi, thế thì những cây ấy có đẹp được nữa không? Những cây ấy đã bị chặt đi rồi, ngày đêm nghỉ ngơi, mưa móc tưới vào, lại đâm chồi ra. Song trâu dê lại đến phá hại, cho nên núi ấy mới trụi đi như ngày nay. Người ta thấy núi ấy trụi cả cây, bảo là núi ấy không mọc cây được. Há có phải là cái tính của núi như thế hay sao?
“Người ta dẫu thế nào mà lại không còn cái bụng nhân nghĩa. Người nào để bỏ mất cái lương tâm thì cũng như lấy rìu búa mà chặt cây vậy. Cứ ngày ngày chặt phá đi thì cây còn đẹp thế nào được nữa. Cái lương tâm của người ta ví như mầm cây, ngày đêm nghỉ ngơi và lại có cái khí yên lặng buổi sáng thì lòng hiếu, ố của mình cũng hơi gần như của mọi người. Song những việc làm trong ban ngày lại làm hư hỏng đi, rồi cứ hỏng đi, hỏng lại mãi, thì cái khí ban đêm không đủ mà giữ cho còn lại được. Đến khi cái khí ban đêm không giữ còn lại được nữa, thì người với cầm thú có xa gì. Người ta thấy giống như cầm thú thì cho là không có cái bản năng gì. Há có phải là bản tính của người ta như thế hay sao?
“Cho nên, nếu được cái nuôi, thì không có vật gì là không lớn lên; nếu mất cái nuôi, thì không có vật gì là không mất đi. Khổng Tử nói: ‘Thao tắc tồn, xả tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hương 操則存,舍 則亡。出入無時,莫知其鄉: Giữ lấy thì còn, bỏ đi thì mất, ra vào không có thời, không biết ở nhất định chỗ nào’. Đó là ngài nói cái lương tâm của người ta vậy” (Cáo tử, thượng).
Nói rút lại là Mạnh Tử cho cái tính của Trời phú cho người ta là thiện. Nếu có thành ra bất thiện là vì người ta không biết giữ lấy cái bản tâm, chứ cái nguồn gốc của tính là không thể không thiện được. Ông nói: “Nhân giai hữu bất nhẫn chi tâm 人皆有不忍之心: Người ta ai cũng có lòng thương người... Giá bất thình lình người ta trông thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng, thì ai cũng có lòng bồn chồn thương xót. Bồn chồn thương xót không phải là vì trong bụng có ý muốn cầu thân với cha mẹ đứa trẻ ấy, không phải là vì muốn cho người làng xóm, bạn bè khen, không phải là sợ người ta chê cười. Xem như thế, thì ai không có lòng trắc ẩn không phải là người; ai không có lòng tu ố không phải là người; ai không có lòng từ nhượng không phải là người; ai không có lòng thị phi không phải là người. Lòng trắc ẩn là cái mối của nhân, lòng tu ố là cái mối của nghĩa, lòng từ nhượng là cái mối của lễ, lòng thị phi là cái mối của trí. Người ta có bốn mối ấy như có tứ thể vậy. Có bốn mối ấy mà tự bảo không sửa mình được là tự mình hại mình vậy. Đã có bốn mối ấy ở trong mình mình, mà biết mở rộng ra cho thông, thì như lửa mới bắt đầu cháy, như suối mới bắt đầu chảy” (Công Tôn Sửu, thượng).
Đã nói ở trên rằng Mạnh Tử nói tính thiện là nói cái bản ngnyên tinh thần, tức là cái thiên lý của Trời phú
cho, chứ không phải là nói cái tính gồm cả tình dục của người ta.
Những nhà tâm lý học nay xét cái tính của khí chất, cho nên mới nói cái tính của người ta có sẵn cả thiện đoan và ác đoan. Thiện đoan là lòng vị tha bác ái, lòng yêu sự hay, sự đẹp và sự thực; ác đoan là lòng vị kỷ, lòng thị dục, v.v. Theo cái học ngày nay thì người thiện hay ác là tùy cái giáo dục, cái tập quán và cái hoàn cảnh làm cho thiện đoan phát triển ra, hay là ác đoan bành trướng lên.
Cùng một chữ tính, song chữ tính của ta dùng có nghĩa khác. Nếu xét không kỹ thì ta không hiểu rõ cái thuyết của Mạnh Tử.
Mạnh Tử sở dĩ nói tính thiện là vì tin có cái thiên lý chí thiện, mà tính người ta là một phần thiên lý ấy, tất là phải thiện. Sự giáo dục phải lấy cái thiện căn ấy làm căn bản, rồi giữ cho nó không mờ tối đi và trau dồi cho nó phát triển ra mà thành người lành, người tốt. Nếu nói rằng người có tính ác, hay là không thiện không ác, thì không hợp với cái thuyết thiên lý chí thiện, và về đường giáo dục tất phải dùng cái sức mạnh ở ngoài mà ép người ta làm điều lành, bỏ điều ác, như thế lại thành ra một lối giáo dục khổ khắc, không tự nhiên nữa. Thiết tưởng đó là toàn thể học thuyết của Mạnh Tử căn cứ ở tính thiện của Trời phú cho người ta.
Tâm. Mạnh Tử cho tính là bản nguyên của Trời phú cho tức là thiên lý chí linh, chí diệu. Bởi cái lý tưởng ấy mà ông lập ra cái tâm học triết lý rất cao. Ông cho là người có tính ấy, tất là có tâm ấy. Tâm với tính là một vậy. Tâm là phần chủ tể trong người ta. Hễ hiểu rõ cái tâm, thì ta biết rõ cái tính, biết rõ cái tính, thì biết rõ trời đất và vạn vật, tức là cách vật tri tri đó vậy. Ông nói rằng: “Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính tắc tri thiên hỹ. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã. Yểu, thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mệnh dã 盡其心者,知其性也。知其性,則知天矣。存其心,養其性,所以事天也。夭壽不 貳,修身以俟之,所以立命也: Biết hết cái tâm của mình là biết cái tính của mình vậy. Biết cái tính của mình là biết trời vậy. Giữ cho còn cái tâm của mình, nuôi cái tâm của mình, là để thờ Trời vậy. Yểu thọ không thay đổi, sửa mình mà đợi là để lập mệnh vậy” (Tận tâm, thượng).
Tâm là cái thần minh có đủ mọi lý để ứng với vạn sự, tính là cái lý hoàn toàn của tâm, Trời là nguồn gốc của lý ấy. Người ta có tâm ấy mà hiểu hết được cái toàn thể của nó, đừng để cái tư ý che lấp mất, thì ta biết rõ cái tính; biết rõ cái tính là biết rõ Trời vậy. Biết rõ tính là biết nhân và lễ là cái đức “nguyên” và đức “hanh” của Trời, nghĩa với trí là cái đức “lợi” và đức “trinh” của Trời. Biết rõ bốn đức ấy là đạt được cái diệu dụng của Trời.
Tâm là cái thần minh của Trời, Trời cho ta cái tâm ấy để làm tâm, thì tâm của ta với Trời là một thể. Đó thực là cái đạo nhất quán của Khổng Tử.
Biết cái tâm của ta là Trời, giữ cái tâm cho ngay chính, nuôi cái tính cho hoàn toàn sáng suốt, nhất động nhất tĩnh đều thuận cái thiên lý tự nhiên. Ấy là sự chân thực thờ Trời vậy.
Ta đã biết tính, biết Trời, thì ta chỉ chuyên nhất ở sự nuôi tính và sự sửa mình cho toàn cái của Trời đã phú cho ta, rồi cứ an vui mà đợi mệnh Trời, chứ không lấy sự thọ, yểu mà hại cái bản nguyên chí thiện. Ấy là cách lập mệnh.
Lập mệnh là lập theo cái chính mệnh, chứ không phải làm càn, làm bậy mà gọi là lập mệnh. Mạnh Tử nói: “Ở trong thiên hạ không có việc gì là không có mệnh Trời, ta thuận mà theo cái chính. Người biết theo mệnh là người không đứng dưới cái tường sắp đổ, nhưng cố sức làm cho hết đạo mà chết, thế là chính mệnh. Người làm điều gian ác để đến nỗi gông cùm mà chết không phải là chính mệnh”. Học để giữ lấy cái tâm, nuôi lấy cái tính, biết rõ lẽ trời mà theo cái chính mệnh của mình, ấy là cái tinh thần của Nho giáo.
Bởi cái học duy tâm ấy, cho nên Mạnh Tử rất chú trọng sự tồn tâm, tồn tính, dưỡng khí và trì chí. Tồn tâm. Người ta sở chủ có cái tâm. Vạn sự hay dở đều ở cái tâm cả. Vậy nên sự học của quân tử cần phải tồn tâm: Nghĩa là giữ cho còn cái bản tâm hư linh của mình. “Quân tử sở dĩ dị ư nhân giả, dĩ kỳ tồn tâm dã. Quân tử dĩ nhân tồn tâm, dĩ lễ tồn tâm 君子所以異於人者,以其存心也。君子以仁存心,以禮 存心: Quân tử sở dĩ khác người ta là chỉ có sự giữ cho còn cái tâm mà thôi. Quân tử lấy nhân mà giữ cho còn cái tâm, lấy lễ mà giữ cho còn cái tâm” (Ly Lâu, hạ). Giữ lấy cái tâm rồi nuôi nó lên cho càng ngày càng sáng suốt. Muốn nuôi cái tâm thì không gì bằng quả dục: “Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả, quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn yên giả, quả hỹ 養心 莫善於寡欲。其為人也寡欲,雖有不存焉者,寡矣。其為人也多欲,雖有存焉者,寡矣: Nuôi cái tâm thì không gì hay hơn quả dục. Làm người mà quả dục thì tuy có người không giữ được cái tâm, nhưng ít lắm. Làm người mà đa dục, thì tuy có người giữ được cái tâm, nhưng cũng ít lắm” (Tận tâm, hạ). Cái tâm của Mạnh Tử nói đây là cái lương tâm của người ta. Có lương tâm thì mới biết điều nhân, điều nghĩa, lẽ phải, lẽ trái. Có lương tâm là có lương năng và lương tri, tức là cái giỏi, cái biết rất tự nhiên, rất mẫn tiệp. “Nhân chi sở bất học nhi năng giả, kỳ lương năng dã. Sở bất lự nhi tri giả, kỳ lương tri dã 人之 所不學而能者,其良能也。所不慮而知者,其良知也: Người không học mà giỏi là lương năng; không suy nghĩ mà biết là lương tri”. Hãy xem như đứa trẻ con ẵm trên tay, không đứa nào là không biết yêu cha mẹ nó. Đến lúc lớn lên, không đứa nào là không biết kính anh nó. Thân yêu cha mẹ là nhân, kính trọng kẻ
"""