"
Nhật ký Bí mật của Chúa - Raymond Khoury PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhật ký Bí mật của Chúa - Raymond Khoury PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
VH-ebook Project Giới thiệu
Đề tựa
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19
Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31
Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43
Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55
Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67
Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79
Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương kết Lời cảm ơn Chú thích
VH-ebook Project (VH-eP) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chế bản ebook NHẬT KÝ BÍ MẬT CỦA CHÚA, nguyên tác THE LAST TEMPLAR, của tác giả RAYMOND KHOURY
------oOo------
Đây là một trong những dự án chế bản ebook mà VH-Project (VH-P) muốn gửi đến tất cả những bạn yêu thích sách, đặc biệt là những người không có điều kiện đọc những ấn phẩm sách thông thuờng. Tuy nhiên trong khả năng có thể, hãy mua và thưởng thức sách như một sự tôn trọng
với các nhà xuất bản.
Ebook được thực hiện bởi thành viên VH-P, với mong muốn mang đến những tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật, nhân văn và giải trí cho tất cả những người yêu sách.
VH-ebook project là nhóm chế bản ebook của VH-P, hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận, mục đích muốn chia sẻ niềm đam mê sách với tất cả những người cùng sở thích. Với Tính mở rộng và tương tác cao, hoạt động trên nguyên tắc: Khi bạn là thành viên của VH-eP bạn sẽ làm chủ cho dự án sách riêng của mình với sự góp sức chế bản của tất cả các thành viên trong nhóm. Chỉ cần bạn có nguồn sách hãy tham gia với chúng tôi.
Ebook này sẽ được VH-P đăng tải trên các diễn đàn văn học mạng. Bất kỳ hình thức sao lưu, sử dụng làm bài viết, tư liệu hay đăng trên các diễn đàn, yêu cầu giữ nguyên nội dung cũng như ghi rõ nguồn cung cấp và nhóm chế bản ebook như một sự tôn trọng đối với những người thực hiện.
VH-Project rất mong các bạn tham gia và đóng góp ý kiến để chúng tôi có hoàn thiện hơn trong các dự án tiếp theo. VH Project luôn luôn chào đón bạn gia nhập thành viên, để cùng nhau mang đến những chế bản ebook hay cho mọi người. VH-Project
------oOo------
DỰ ÁN EBOOK 10: NHẬT KÝ BÍ MẬT CỦA CHÚA
Ebook được thực hiện bởi các thành viên VH-Project:
Chụp ảnh: hai an
Đánh máy: May&nui, Iris, ndviet, Polo pala, Biurua, hai an, thuy_trang89, minh_trang2905, phượng xồ, Smilehd, Nerissa, Trang Phan, Kaim184, apple socola, Thuy Le Linh, Duyen Vo, Wannabe, Nguyen Ngoc Van Khanh, Linh Nguyen, Aivy007.
Với sự tham gia của các TV TVE: nguyen_ly, shinigami82, Bim_hulis, quekhanh14.
Soát lỗi văn bản: May&nui
Chế bản ebook: hai an
Ngày hoàn thành: 25/01/2010
Nguồn: VH-ebook Project -
fb.com/vhproject
Ebook: Đào Tiểu Vũ's eBook -
http://www.dtv-ebook.com
------oOo------
Thông tin sách:
Tiểu thuyết: NHẬT KÝ BÍ MẬT CỦA CHÚA
Nguyên tác: THE LAST TEMPLAR Tác giả: RAYMOND KHOURY Dịch giả: LÊ TRỌNG NGHĨA Nhà xuất bản: Nhã Nam & NXB Văn hóa Sài Gòn
Số trang: 504
Hình thức bìa: Bìa mềm
Kích thước: 16x24 cm
Ngày xuất bản: 2008
Trọng lượng: 770 gram
Giá bìa: 90.000 VNĐ
------oOo------
Sơ lược nội dung:
Năm 1291, Acre. Khi đô thành này bốc cháy trong cuộc tấn công dữ dội của quân Thổ Nhĩ Kỳ, con thuyền Falcon Temple đã nhổ neo, mang theo một toán hiệp sĩ và một chiếc hòm nhỏ được Đại Thủ lĩnh của dòn Đền Thánh tin cẩn giao cho họ. Kể từ đó, con thuyền biến mất không để lại một dấu vết…
Hiện tại, New York. Tại Bảo tàng Thành phố, bốn kỵ sĩ ăn mặc như những Hiệp sĩ Đền Thánh xông vào giữa buổi
khai mạc triển lãm các bảo vật của Vatican và, trong một cuộc tấn công đẫm máu, chúng cướp đi chiếc máy giải mã bí ẩn thời Trung cổ…
Với đặc vụ FBI Sean Reilly và nữ khảo cổ gia Tess Chaykin, đây chỉ là màn
khởi đầu của trò chơi mèo vờn chuột nguy hiểm chết người khi họ tham gia vào cuộc đua vượt qua ba châu lục, cố gắng đi trước kẻ giết người máu lạnh một bước để truy tìm ra bí ẩn đã bị chôn vùi hàng chục thế kỷ…
Những đánh giá về cuốn sách:
- “Nếu bạn thích Mật mã Da Vinci, bạn sẽ say mê Nhật kí bí mật của chúa. Nếu bạn ghét Mật mã Da Vinci, bạn sẽ vẫn say mê Nhật Kí bí mật của Chúa” - Lire Magazine
- “Câu chuyện cổ kính, bí ẩn, được kết hợp nhuần nhị với tri thúc khoa học mới nhất trong cuốn tiểu thuyết trinh thám mang đậm phong cách điện ảnh này. Nhịp điệu gấp gáp, đối thoại sắc bén, nhân vật sống động chân thực”
– Glasgow Evening Times
- “… Ly cocktail tuyệt hảo, hoà trộn giữa chất trinh thám, sự lãng mạn cùng những nghiên cứu tôn giáo lịch sử…” – Politiken
- “Khó tránh khỏi bị so sánh với Dan Brown, nhưng, thực sự, Khoury là nhà văn “cao tay” hơn nhiều. Trên hết, cuốn sách là cả một chuyến du lượn trên chiếc Rollercoaster căng thẳng, kích động và phấn khích”
– The Lrish Mail on Sunday
- “Các fan hâm mộ Mật mã Da Vinci của Dan Brown đang lùng kiếm một tiểu thuyết trinh thám lịch sử tuyệt vời nữa sẽ
không cần phải tìm đâu xa hơn, đã có tuyệt phẩm mới xuất bản của Raymond Khoury… Cuốn tiểu thuyết ly kỳ có nhịp
điệu nhanh đến chóng mặt, mỗi trang đều như sẵn sàng một bước ngoặt khiến người đọc phải nín thở sững sờ”
– Allen Barnes & Noble Editor’s Review
- “Kế tiếp Mật mã Da Vinci sẽ là gì đây? Để thoả mãn bạn với những tác phẩm trinh thám lịch sử cho tới khi cuốn tiểu thuyết kế tiếp của Dan Brown ra đời, hãy đọc Nhật kí bí mật của Chúa của Raymond Khoury!”
– Glamour Magazine.
Đôi nét về tác giả Raymond Khoury: Raymond Khoury là người gốc Li băng, theo gia đình chuyển sang sinh sống tại New York, Hoa Kỳ, từ năm 1975. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông trở về Li băng sinh sống. Ông từng theo
học ngành kiến trúc tại Đại học Hoa Kỳ ở Beirut (Li băng). Tháng Hai năm 1984, chiến sự xảy ra ở Li băng, ông lại quay trở về Mỹ. Sau một thời gian làm kiến trúc sư ở Mỹ, ông sang Pháp và giành được học bổng MBA của Học viện Quản trị Kinh doanh châu Âu. Sau khi tốt nghiệp ông sang Luân Đôn và làm trong ngành ngân hàng.
Raymond Khoury bắt đầu chính thức đến với nghiệp viết lách từ năm 1996, khi ông bắt tay viết kịch bản phim chuyển thể từ tiểu thuyết The Maid of
Buttermere của Melvyn Bragg. Khoury cũng viết kịch bản cho show truyền hình Spooks của BBC.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay Nhật ký bí mật của Chúa (The Last Templar) được
hình thành dựa trên kịch bản cùng tên Nhật ký bí mật của Chúa. Tiểu thuyết này được phát hành đầu tiên ở Anh năm 2005, rồi nhanh chóng trở thành New York Times bestseller suốt 11 tuần liên tiếp và bestseller trên thị trường thế giới. Hiện nó đã được dịch sang 38 thứ tiếng và xuất bản tại hơn 40 quốc gia.
Giới thiệu
…Vance thở dài. “Tôi biết, đổ tất cả những cuộc xung đột trong lịch sử của chúng ta cho chính trị và lòng tham của con người là điều rất dễ dàng,” hắn nói, “và lẽ dĩ nhiên chúng cũng có vai trò trong đó thật… nhưng sâu xa mà nói, tôn giáo luôn luôn là thứ nhiên liệu giữ cho lò lửa không khoan dung và thù hận bùng cháy. Và điều này kìm hãm không cho chúng ta vươn đến những điều tốt đẹp hơn, nhưng chủ yếu là, ngăn không cho chúng ta chấp nhận và đối mặt với sự thật về bản thân con người chúng ta, ngăn không cho chúng ta nắm lấy mọi điều mà khoa học đã và vẫn tiếp tục dạy cho chúng ta, ngăn không cho chúng ta dấn
thân tự chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân. Hàng ngàn năm trước, con người thời bộ lạc sơ khai luôn sợ hãi, họ cần đến tôn giáo để cố hiểu được những bí ẩn của cuộc sống và cái chết, để chấp nhận và đối mặt với sự thất thường của bệnh tật, thời tiết, những vụ mùa bấp bênh và thiên tai. Chúng ta không cần cái đó nữa. Chúng ta có thể đặt một chiếc xe điều khiển từ xa lên sao Hỏa. Chúng ta có thể tạo ra sự sống trong ống nghiệm. Và chúng ta còn làm được nhiều điều kỳ diệu hơn thế nữa. Đã đến lúc chúng ta thoát ra khỏi những thứ mê tín dị đoan cổ hủ và đối diện với con người thực sự của chúng, và chấp nhận rằng chúng ta đã trở thành cái mà con người của thời cách đây vài trăm năm
từng xem là Thượng đế. Chúng ta cần nắm lấy những gì có thể và không nên trông cậy vào cái sức mạnh bí ẩn nào đó từ trên trời rơi xuống để xếp đặt mọi chuyện đâu vào đó cho chúng ta.”
“Cái quan điểm mà anh nhắc tới quả là hết sức thiển cận, phải vậy không?” Reilly giận dữ vặc lại, “Còn tất cả những điều tốt đẹp mà tôn giáo làm được thì sao? Những quy tắc đạo đức, các khuôn khổ luân thường đạo lý mà tôn giáo xây dựng lên thì sao? Nguồn an ủi mà tôn giáo mang lại, đó là chưa nói đến những công việc từ thiện như phân phát thức ăn cho người nghèo và chăm lo cho người kém may mắn. Lòng tin vào Chúa là tất cả những gì mà rất nhiều người ngoài kia có, và hàng triệu người dựa vào tôn giáo
để có được sức mạnh, giúp họ vượt qua những ngày tháng khó khăn. Nhưng anh không nhìn thấy bất kỳ điều gì trong những điều tốt đẹp đó, đúng vậy không nào? Anh chỉ bị ám ảnh bởi một sự kiện bi kịch, cái sự kiện đã hủy hoại cuộc sống của chính anh, cái sự kiện đã bóp méo quan điểm của anh về thế giới và tất cả những g tốt đẹp trong đó.”
Vẻ mặt của Vance trở nên xa vắng và ma quái. “Tất cả những gì tôi nhìn thấy là nỗi đau đớn và sự chịu đựng không cần thiết mà nó gây ra, không phải chỉ với cá nhân tôi, mà với hàng triệu con người trong bao thế kỷ qua.” Sau một lúc, ánh mắt đăm đăm của Vance lại dừng lại ở Reilly, và giọng hắn đanh lại. “Đạo Cơ đốc đã phục vụ một mục tiêu vĩ đạo khi
bắt đầu hình thành. Nó đã cho con người niềm hy vọng, đã mang lại hệ thống hỗ trợ xã hội, đã giúp hạ bệ sự bạo ngược chuyên chế. Nó cũng đáp ứng những nhu cầu của cộng đồng. Nhưng ngày nay cái tôn giáo đó phục vụ cho những nhu cầu nào, ngoài việc ngăn cản nghiên cứu y học và biện minh cho các cuộc chiến tranh? Chúng ta cười nhạo khi nhìn vào những thứ Thượng đế ngớ ngẩn mà người Inca hoặc người Ai Cập thờ phụng. Liệu chúng ta có khá hơn chút nào không? Một ngàn năm nữa, người ta sẽ nghĩ gì khi nhìn lại chúng ta? Phải chăng chúng ta cũng sẽ là đối tượng của sự nhạo báng ấy? Chúng ta vẫn đang nhảy múa theo giai điệu được tạo ra bởi những người nghĩ rằng sấm chớp là dấu hiệu giận dữ
của Thượng đế. Và điều đó,” giọng Vance sôi lên, “tất cả mọi thứ đó cần phải thay đổi”.
***
Hãy nhìn vào sự lo âu xung quanh anh, nỗi giận dữ, lòng tham, sự mục nát tiêm nhiễm cả thế giới, từ trên xuống dưới. Hãy nhìn vào cái khoảng trống luân lý, sự khao khát tâm linh, sự thiếu vắng những chuẩn mực. Càng ngày thế giới càng trở nên yếm thế, thụ động và đáng thất vọng hơn. Con người trở nên thờ ơ, thiếu lòng trắc ẩn, và ích kỷ hơn bao giờ hết. Chúng ta cướp bóc và giết chóc lẫn nhau ở một quy mô chưa từng có. Những vụ nhũng lạm tập thể lên đến hàng tỷ đôla. Những cuộc chiến được phát động chẳng cần lý do nào, hàng triệu sinh
mạng bị tàn sát trong những cuộc diệt chủng. Khoa học có thể cho phép chúng ta thoát khỏi các loại bệnh tật như bệnh đậu mùa, nhưng khoa học cũng buộc chúng ta trả giá nhiều hơn bằng cách hủy hoại hành tinh của chúng ta và biến chúng ta thành những sinh vật nóng nảy, cô đơn và hung bạo. Những người may mắn trong chúng ta có thể sống thọ hơn, nhưng phải chăng cuộc sống của chúng ta được thỏa mãn hay an bình hơn? Phải chăng thế giới thực sự văn minh hơn so với hai ngàn năm trước?
***
Tess nhìn chăm vào mắt Reilly. Cả hai đều cảm thấy sôi sục trong lòng, nhưng họ vẫn cố tỏ ra bình thản. “Vâng. Và em cũng biết là em vẫn muốn con gái mình
được lớn lên trong một thế giới mà mọi người không bị lừa gạt bởi bất kỳ trò dối trá nào trong lịch sử, cái thế giới mà người ta tự do tin tưởng vào bất kỳ điều gì họ chọn để tin, căn cứ vào sự thật chứ không phải vào…”
Đó là những dòng đối thoại được trích dẫn từ cuốn sáchà cũng là chủ đề của cuốn sách, một chủ đề bao giờ cũng rất thời sự và nóng bỏng. Lồng vào chủ đề này là một câu chuyện tình có hậu và một câu chuyện hình sự với sự có mặt của FBI, CIA, Tòa Thánh Vatican… và của một vị giáo sư đại học đã trở thành Hiệp sĩ Thế kỷ hai mốt.
Huyền thoaị này về Chúa Kitô
đãphuṇ g sựchúng ta rất đắc lưc̣ . - Giáo Hoàng Leo X, thế kỷmười sáu
Chương 1
Thoạt tiên, chẳng ai để ý đến bốn tên kỵ sĩ khi bọn họ vừa ra khỏi bóng tối của Công viên Trung tâm.
Ngược lại, mọi con mắt đều đổ dồn vào bốn khối nhà phía Nam công viên, ở đó bên dưới dãy đèn flash và đèn rọi máy quay, một hàng xe limo[5] đều đặn thả xuống lề đường bên ngoài Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan những nhân vật danh tiếng trong trang phục cực kỳ lịch lãm, cùng những người ít tiếng tăm hơn.
Đây là một trong những sự kiện trọng đại mà không một thành phố nào có thể tổ chức xuất sắc như New York, đặc biệt là khi nơi đăng cai ngẫu nhiên lại là Viện
Bảo tàng Metropolitan. Được chiếu sáng rực rỡ và phía trên là những luồng đèn pha quét xoay vòng trên nền trời tháng Tư đen kịt, tòa nhà vươn cao giữa trung tâm thành phố như một cây đèn hiệu khó lòng cưỡng lại, mời gọi quan khách bằng những cây cột mộc mạc chân phương theo phong cách tân cổ điển ở ngay mặt tiền, trên những cột đá đó là một biểu ngữ với hàng chữ:
BẢO VẬT CỦA VATICAN
Đã có những tin đồn về việc trì hoãn hoặc hủy bỏ hoàn toàn sự kiện này. Một lần nữa, các báo cáo tình báo mới đây lại thúc giục chính phủ nâng mức báo động khủng bố quốc gia lên màu cam. Trên khắp cả nước, giới chức trách tiểu bang và địa phương đã gia tăng các biện
pháan ninh, và dù thành phố New York đã được đặt ở mức báo động màu cam kể từ sau vụ 11/9, các biện pháp phòng ngừa bổ sung vẫn được tiến hành. Binh sĩ thuộc Đội Vệ binh Quốc gia được bố trí tại các ga tàu điện ngầm và các cây cầu, đồng thời, lực lượng cảnh sát làm việc mười hai giờ mỗi ca. Cuộc triển lãm, do chủ đề nhạy cảm của nó, được đánh giá là đặc biệt mạo hiểm. Dù vậy, những người có lòng quyết tâm cao đã thắng thế và ban giám đốc viện bảo tàng bỏ phiếu kiên trì thực hiện các kế hoạch của viện. Cuộc triển lãm sẽ tiến hành, thêm một minh chứng về tinh thần bất khuất của thành phố.
Một phụ nữ trẻ với mái tóc đẹp tuyệt vời và hàm răng sứ sáng bóng đứng quay
lưng lại viện bảo tàng, đang thu hình lần thứ ba đoạn giới thiệu cuộc triển lãm. Các lần trước cô phóng viên có vẻ chưa thành thạo và căng thẳng quá mức, nhưng lần này cô ta đã có vẻ tự tin hơn khi nhìn vào ống kính máy quay.
“Tôi không nhớ lần cuối cùng Viện Bảo tàng Metropolitan tổ chức một buổi chiêu đãi có nhiều nhân vật thuộc hàng ngôi sao như thế này là bao giờ, nhưng chắc chắn là từ sau cuộc triển lãm về người Maya, cách nay đã mấy năm, chưa có sự kiện nào như vậy.” Trong lúc cô nàng đang thao thao, một quý ông mập mạp tuổi trung niên bước ra khỏi chiếc limo cùng một quý bà cao gầy trong bộ trang phục dạ hội màu xanh bó chặt cứng và xem ra quá trẻ so với bà ta, sự lệch
pha giữa người và áo phải tới một thế hệ. “Và xin trân trọng giới thiệu Thị trưởng cùng quý phu nhân xinh đẹp của ngài,” cô phóng viên liến thoắng, “chính là gia đình hoàng gia kỳ cựu của chúng ta, và dĩ nhiên, trong những trang phục mốt nhất.”
Tiếp tục với vẻ tự tin, ánh mắt tỏ vẻ nghiêm trọng hơn, cô ta tiếp, “nhiều món đồ chế tác trưng bày ở đây tối nay có lẽ công chúng còn chưa được nhìn thấy bao
giờ, ở bất kỳ nơi đâu. Chúng được cất kỹ trong kho hầm của Vatican đã hàng trăm năm và…”
Ngay lúc đó, trong đám đông bỗng nổi lên những tiếng huýt sáo và hoan hô làm cô phóng viên lãng đi. Giọng chùng xuống, cô ta đưa mắt khỏi máy quay, hướng về phía tiếng lao xao đang dần
lớn lên.
Đó là lúc cô phóng viên nhìn thấy các kỵ sĩ.
Những con ngựa đúng là loại siêu hạng; tuyền một màu xám hoặc nâu, bờm dựng, đuôi dài đen mượt. Nhưng điều gây kích thích đám đông nhất chính là các kỵ sĩ.
Bốn người đàn ông cưỡi ngựa dàn hàng ngang đều mặc giáp phục thời Trung cổ giống nhau. Họ cùng đội mũ giáp trùmđầu, áo giáp sắt, tấm giáp buộc chân có đai nẹp, áo chẽn bằng da màu đen và bít tất độn vải bong. Trông như thể họ vừa từ quá khứ hiện ra, qua một khung cửa du hành xuyên thời gian. Như để tăng thêm phần kịch tính, thắt lưng mỗi người lủng lẳng một thanh kiếm dài tra trong vỏ. Nổi
bậtả là bốn áo choàng dài trắng, phủ bên ngoài giáp phục, trên mỗi áo đều có đính một thánh giá loe đầu màu đỏ máu.
Những chú ngựa thong thả sải nước kiệu.
Đám đông trở nên cuồng nhiệt sôi nổi hơn khi các hiệp sĩ nhìn thẳng phía trước chậm rãi tiến lên, như không màng đến sự huyên náo xung quanh.
“Vâng, chúng ta đang có gì ở đây thế này? Có vẻ như Metropolitan và Vatican nỗ lực làm tất cả mọi thứ cho đêm nay, và họ thật hết sảy phải không,” cô nàng phóng viên tỏ ra hào hứng, bắt đầu trở lại với công việc bình thường trước đó, “Lắng nghe đám đông kìa!”
Những con ngựa đã sải bước tới lề đường ngoài viện bảo tàng, và chúng làm
cái gì đó có vẻ khá lạ lùng.
Chúng không dừng lại ở đó.
Trái lại, chúng chậm rãi xoay mình cho đến khi đối diện với viện bảo tàng. Không lỡ một bước, các kỵ sĩ nhẹ nhàng cho lũ ngựa bước lên lề đường. Tiếp tục khoan thai tiến về phía trước, bốn chàng hiệp sĩ hướng lũ ngựa về phía mái hiên lát đá.
Sát cánh bên nhau, họ nghiêm trang thúc ngựa bước lên từng bậc cấp, nhằm đúng phía cổng viện bảo tàng.
Chương 2
“Mẹ, con phải đi thật mà.” Kim nài nỉ. Tess Chaykin cau mày nhìn con gái vẻ khó chịu. Ba người bọn họ - Tess, bà Eileen mẹ cô và Kim – chỉ vừa mới bước vào viện bảo tàng, và Tess hy vọng sẽ xem một vòng phòng triển lãm này trước khi những bài diễn văn, những cuộc trao đổi chuyện trò và phần còn lại của thủ tục nghi thức không thể tránh khỏi diễn ra. Nhưng dự tính đó giờ dường như phải hoãn lại. Kim đang xử sự như bất cứ một bé gái chín tuổi nào trong những dịp như thế này, đó là việc cứ nín cho đến lúc không thích hợp nhất lại khăng khăng đòi đi vệ sinh.
“Kim, ngoan nào, con.” Đại sảnh đông
nghịt người. Len lỏi qua bao nhiêu con người để dẫn con gái đến nhà vệ sinh nữa vào lúc này quả là một việc Tess chẳng thấy hứng thú chút nào.
Mẹ của Tess chen vào; không cần che giấu sự thích thú nho nhỏ bà tìm thấy trong việc này. “Để mẹ dẫn nó đi. Con cứ tiếp tục đi xem đi.” Với nụ cười đầy cảm thông, bà Eileen nói thêm, “Tuy rằng mẹ cũng thích xem c lại khoản lợi tức của mình.” Tess cau mặt với mẹ, rồi nàng nhìn con gái và mỉm cười, lắc đầu. Khuôn mặt bé xíu và đôi mắt xanh biếc long lanh của con bé luôn làm người ta phải chiều lòng nó trong bất kỳ tình huống nào.
“Mẹ sẽ gặp con trong sảnh chính,” nàng nghiêm mặt chỉ tay vào Kim. “Bám
sát bà ngoại đấy. Mẹ chẳng muốn lạc mất con trong cái rạp xiếc này đâu.” Kim rên rỉ và đảo mắt nhìn quanh. Tess nhình theo hai bà cháu lẫn vào đám đông rồi quay người bước thẳng vào phía trong.
Đại sảnh phòng giải lao đồ sộ của viện bảo tàng đã chật cứng các quý ông tóc hoa râm và các qúy bà đẹp mê hồn. Cà vạt đen và dạ phục là nghi thức bắt buộc, nên khi nhìn quanh Tess cảm thấy khá ngượng ngùng. Nàng e mình quá nổi
bật vì vẻ thanh lịch khiêm tốn và có cảm giác bực bội khó chịu khi thấy mình cũng là một phần của đám người đông đúc xung quanh, cái đám đông mà chắc chắn nàng chẳng buồn quan tâm.
Điều Tess không nhận ra là việc người
ta chú ý đến nàng chẳng liên quan gì đến chuyện trông nàng cũng thanh lịch trong bộ váy đen may vừa vặn lơ lửng phía trên đầu gối vài phân, cũng chẳng liên quan gì đến vẻ căng thẳng khó ở của nàng khi tham dự những sự kiện vừa có vẻ trọng đại nhưng cũng khá vô vị như thế này. Người ta chỉ chú ý đến nàng. Có vậy thôi. Thiên hạ luôn như vậy. Làm sao có thể trách móc người ta được. Mớ tóc xoăn quyến rũ ôm lấy đôi mắt xanh ấm áp, toát lên vẻ thông minh thường kích thích người ta chú ý. Dáng người khỏe mạnh ở tuổi ba mươi sáu cùng những bước chân thoải mái linh hoạt cũng khẳng định điều đó, hơn nữa thái độ dường như hoàn toàn không để ý đến vẻ duyên dáng của mình càng làm thiên hạ
chú ý đến Tess. Chỉ có điều là Tess luôn yêu nhầm những gã chẳng ra gì. Thậm chí Tess đã kết hôn với kẻ cuối cùng trong cái đám mạt hạng đó, một sai lầm mà nàng vừa mới sửa chữa gần đây.
Tess tiến vào phòng chính, tiếng trò chuyện rì rầm dội lại từ các bức tường xung quanh thành một âm thanh rì rào buồn tẻ, không làm sao phân định được tiếng gì với tiếng gì. Có vẻ như âm học không phải là yếu tố giành được nhiều sự quan tâm trong việc thiết kế của viện bảo tàng, Tess nghe có tiếng nhạc thính phòng và lần theo tiếng nhạc nàng thấy một ban tứ tấu đàn dây toàn nữ đang tụm trong một góc phòng, ban nhạc chơi rất nhiệt tình nhưng hầu như không ai nghe được gì từ nhạc cụ của họ. Im lặng gật đầu
chào những khuôn mặt tươi cười trong đám đông, Tess tìm cách đi ngang qua chỗ người ta thường đặt hoa tươi tưởng niệm Lila Wallace[6] và chỗ hốc tường nơi bức tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng bằng đất nung men lam tuyệt vời của Andrea della Robbia[7] đang hiền hậu đứng nhìn xuống đám nhân gian ồn ào đông đúc bên dưới. Đêm nay, dù sao Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng cũng có bầu bạn, vì đây chỉ là một trong nhiều tranh tượng mô tả Jesus và Đức Mồng trinh giờ đây được dùng trang điểm cho viện bảo tàng.
Hầu hết các vật phẩm trưng bày đều đặt trong tủ kính, và chỉ cần nhìn thoáng qua cũng biết chúng vô cùng giá trị. Ngay cả với người thiếu niềm tin tôn
giáo như Tess, chúng cũng để lại ấn tượng sâu sắc, thậm chí gây xúc động, và khi đi lướt qua chiếc tủ kính khổng lồ để vào phòng triển lãm, Tess cảm thấy lòng háo hức với dự cảm đang dâng trào.
Có những bệ thờ bằng cẩm thạch trắng của xứ Burgundy, chạm khắc các hoạt cảnh sống động về cuộc đời Thánh Martin. Có hàng chục cây thánh giá, phần lớn bằng vàng ròng và khảm nhiều loại đá quý; một trong số đó là cây thánh giá có từ thế kỷ mười hai làm bằng nanh hải mã, chạm khắc hình của hơn một trăm nhân vật. Có những bức tượng nhỏ bằng cẩm thạch rất tinh xảo và những chiếc hộp gỗ chạm khắc đựng Thánh tích; tuy những chiếc hộp đều trống rỗng, không có gì bên trong, nhưng chúng vẫn là
những ví dụ tuyệt vời về nghệ thuật chế tác tinh xảo của các nghệ nhân thời Trung cổ. Một kệ để sách giảng ở nhà thờ có hình con chim ưng bằng đồng lộng lẫy đứng uy nghi bên cạnh một chân nến Phục sinh của Tây Ban Nha đầy họa tiết, cao trên 1,8m đã được trưng dụng từ các căn hộ của Giáo hoàng.
Khi xem qua nhiều vật phẩm trưng bày khác nhau, Tess không sao ngăn được cảm giác thất vọng trỗi dậy trong lòng. Những vật phẩm trước mắt nàng có một chất lượng mà trong suốt những năm lăn lộn làm việc tại các hiện trường khảo cổ trước đó nàng không bao giờ dám mơ đến. Thực ra, những năm tháng làm việc trước kia rất tốt, những năm đầy thử thách và cũng rất bổ ích xét ở mức độ
nào đấy. Chúng đã cho Tess cơ hội chu du khắp thế giới, thâm nhập vào những nền văn hóa đa dạng và hấp dẫn. Một số cổ vật quý giá do Tess khai quật đã được trưng bày tại nhiều viện bảo tàng rải rác trên khắp thế giới, nhưng nói thẳng ra không có món đồ nào đủ giá trị để làm vẻ vang cho Phòng triển lãm của Viện Bảo tàng Sackler về Nghệ thuật Ai Cập hay Phòng triển lãm của Viện Bảo tàng Rockefeller về Nghệ thuật Nguyên thủy. Có lẽ… có lẽ nếu mình gắn bó với công việc thêm ít lâu nữa. Tess gạt bỏ ý nghĩ đó. Giờ đây, nàng biết rằng cuộc sống đó đã trôi qua, ít ra là trong tương lai trước mắt. Tess buộc phải bằng lòng với việc tận hưởng những thoáng nhìn tuyệt vời vào quá khứ dưới quan điểm xa cách và
thụ động của một người quan sát với lòng biết ơn.
Và nó quả là một thoáng nhìn tuyệt vời. Việc đứng ra tổ chức cuộc triển lãm này đúng là một sự kiện quan trọng của Viện Bảo tàng Metropolitan, vì gần như chưa có một vật phẩm nào do Rome gửi đến từng được trưng bày trước đó.
Không phải tất cả đều là châu báu sáng ngời hay vàng bạc lóng lánh.
Trong tủ kính trước mắt Tess hiện giờ là một vật có vẻ tầm thường. Đó là một thiết bị máy móc gì đó bằng cỡ chiếc máy đánh chữ cũ, giống một cái hộp, làm bằng đồng. Mặt trên có nhiều nút cùng với nhiều con số lồng vào nhau và các cần điều khiển nhô ra từ các cạnh bên. Cái máy trông có vẻ lạc lõng giữa tất cả
những món đồ lộng lẫy xung quanh. Tess vén tóc qua một bên, nghiêng người tới trước để nhìn gần hơn. Khi nàng đang với lấy bảng danh mục của mình, phía trên cái bóng mờ mờ của Tess phản chiếu trong tủ gương bỗng xuất hiện bóng một người tiến tới phía sau nàng. “Nếu cô vẫn đang tìm Chén Thánh[8] hẳn tôi sẽ làm cô thất vọng mất. Cái chén không có ở đây.” Giọng nói khàn khàn vang lên bên cạnh Tess. Mặc dù đã nhiều năm không còn nghe giọng nói đó nhưng Tess vẫn nhận ra, ngay cả trước khi quay lại.
“Clive.” Tess quay lại và nhìn thấy người đồng nghiệp cũ. “Lâu nay anh thế nào? Trông anh tuyệt vời lắm.” Thật ra không đúng như Tess nói, dù mới bước
vào tuổi năm mươi nhưng Clive Edmondson trông già sọm.
“Cảm ơn cô. Cô khỏe chứ?
“Em vẫn bình thường,” Tess gật đầu. “Công việc cướp bóc mồ mả của anh dạo này thế nào rồi?”
Edmondson chìa hai mu bàn tay ra với Tess. “Chỉ riêng tiền sửa móng tay cũng đang giết tôi rồi đây này. Ngoài cái đó ra thì vẫn vậy thôi. Thật đấy.” Anh ta cười tủm tỉm. Nghe nói cô cộng tác với Manoukian.”
“Vâng.”
“Thế nào?”
“Ồ, tuyệt vời!” Tess nói với Clive như vậy. Nhưng sự thực không phải vậy. Tham gia vào Viện Nghiên cứu Manoukian danh tiếng là một cơ hội lớn
đối với Tess, nhưng theo như công việc thực tế diễn ra ở đó, mọi thứ chẳng có gì là tuyệt vời như nàng nói. Mà những chuyện như vậy thì chỉ nên giữ cho riêng mình mà thôi, nhất là trong cái thế giới khảo cổ học đầy những chuyện thị phi đâm bị thóc chọc bị gạo sau lưng nhau không thể ngờ được này. Tìm một cách diễn đạt chung chung, Tess tiếp tục, “Anh cũng biết đó, em thực sự rất nhớ những ngày tháng cùng làm việc với mọi người bên đó.”
Nụ cười nhạt của Edmondson cho Tess biết anh ta chẳng tin chút nào lời nàng nói. “Cô chả nhớ gì nhiều đâu. Bọn tôi nào có được giật tít trên báo.”
“Không phải vậy. Chỉ là…” Tess quay lại liếc nhìn vô số những vật trưng bày
xung quanh họ. “Bất kỳ món nào ở đây đều tuyệt vời cả. Bắt kỳ món nào.” Tess nhìn anh ta, bất chợt cảm thấy chán nản.
“Tại sao chúng ta chẳng bao giờ phát hiện được gì đáng giá như thế này nhỉ?” “Này, tôi vẫn đang hy vọng đấy chứ. Chỉ có cô là người đã đổi con lạc đà để lấy cái bàn giấy.” Anh ta châm biếm. “Đó là chưa kể ruồi muỗi, cát bụi, cái nóng, thức ăn, nếu cô gọi đó là…” “Ôi lạy Chúa, thức ăn,” Tess cười. “Cứ nghĩ đến chuyện đó là em không chắc mình còn nhớ nhung gì nổi nữa!” “Cô biết đấy, cô có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào mà.”
Tess nhăn mặt. Đó là điều nàng cũng thường nghĩ đến. “Em không nghĩ thế. Dù sao em cũng không quay trở lại ngay
đâu.”
Edmondson nhe răng cười, một nụ cười có phần gượng gạo. “Cô cũng biết là chúng tôi luôn có một cái xẻng có tên cô trên đó,” anh ta nói, giọng không còn chút hy vọng nào. Giữa họ bỗng có một thoáng im lặng kỳ lạ. “Nghe này,” anh ta
nói thêm, “người ta vừa mở một quầy bar trong Phòng Ai Cập, nhìn từ bên ngoài có vẻ như họ có một tay biết pha cocktail chiến lắm. Tôi gọi cho cô một ly nhé.”
“Thế cũng được. Lát nữa em sẽ gặp lại anh,” Tess nói. “Em đang đợi mẹ và con gái em.”
“Hai bà cháu cũng có ở đây à?” “Vâng.”
Edmondson giơ cả hai bàn tay lên. “Ui chà. Cả ba thế hệ nhà Chaykin – thú vị
thật.”
“Anh được cảnh báo rồi đấy nhé.” “Nhớ rồi.” Edmondson gật đầu khi đi lẫn vào đám đông. “Lát nữa tôi sẽ gặp lại cô. Đừng có biến mất đấy.”
Bên ngoài, không khí xung quanh khu quảng trường đang sôi nổi. Anh chàng quay phim chen lấn để cố lấy cho được góc quay thật tốt trong khi tiếng vỗ tay và tiếng reo hò từ đám đông phấn khích át mất lời bình luận của cô nàng phóng viên. Quang cảnh càng ầm ĩ hơn khi đám đông nhận ra anh chàng hộ pháp mặc bộ đồng phục bảo vệ màu nâu đã rời chỗ đứng hối hả chạy về phía đám kỵ sĩ đang tiến tới.
Chỉ nhìn liếc qua, anh chàng quay phim có thể nhận thấy có chuyện gì đó
diễn ra không theo đúng kế hoạch. Bước đi hấp tấp, cả quyết của người bảo vệ và ngôn ngữ cơ thể của anh ta rõ ràng cho thấy có điều gì đó không nằm trong kịch bản.
Khi chạy đến chỗ những con ngựa, tay bảo vệ giơ hai tay lên ra hiệu dừng lại, ngăn tốp người đang tiến lên. Các kỵ sĩ ghìm cương khiến những con ngựa giậm chân khịt mũi, rõ ràng là chúng khó chịu khi phải đứng yên trên các bậc
Dường như đang có một cuộc đôi co. Anh chàng quay phim nhận thấy đó là cuộc tranh cãi từ một phía vì không thấy các kỵ sĩ có bất kỳ phản ứng rõ ràng nào trước sự la lối của người bảo vệ.
Và rồi, sau cùng một kỵ sĩ đã làm gì đó.
Chậm rãi, làm cho khoảnh khắc đó bộc lộ hết kịch tính của nó, tay hiệp sĩ ở gần người bảo vệ nhất, trông như một con gấu, rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, giơ cao lên khiến một loạt ánh đèn flash khác lóe lên cùng với nhiều tiếng vỗ tay hoan hô nữa.
Tay hiệp sĩ vẫn giơ cao thanh kiếm, bằng cả hai tay, mắt nhìn trừng trừng về phía trước. Không lộ chút nao núng.
Mặc dù gắn chặt một mắt vào ống kính máy quay, anh chàng quay phim vẫn quan sát xung quanh bằng con mắt còn lại, và đột nhiên anh ta cảm nhận có điều gì khác nữa đang xảy ra. Anh ta vội vàng phóng lớn khuôn mặt người bảo vệ. Nét mặt người bảo vệ lúc đó trông thế nào nhỉ? Bối rối? Sửng sốt?
Và anh ta chợt hiểu đó là gì.
Kinh hoàng.
Lúc này, đám đông đã trở nên điên loạn, vỗ tay và hoan hô cuồng nhiệt. Theo bản năng nghề nghiệp, anh chàng quay phim phóng lớn góc quay để thu hình tay kỵ sĩ.
Ngay lúc đó, tay hiệp sĩ bất thần xả thanh kiếm xuống, chớp nhoáng quét một đường cong. Lưỡi kiếm loáng lên ghê rợn trong ánh đèn nhân tạo đang lóe lên vào ngay dưới tai người bảo vệ; lực và tốc độ nhát chém rất ác liệt, lưỡi kiếm đi ngọt qua thịt, sụn và xương của nạn nhân.
Từ phía đám đông khán giả, một tiếng thở hổn hển rất lớn của cả đám đông vang lên rồi vỡ thành những tiếng thét kinh hoàng, vang động cả bầu trời đêm.
To hơn cả là tiếng thét của cô nàng phóng viên đang bám chặt vào cánh tay anh chàng quay phim làm hình ảnh trong máy bị rung mạnh, anh phải huých cô ta ra để tiếp tục quay.
Đầu người bảo vệ văng ra phía trước, lăn lông lốc một cách ghê rợn xuống những bậc cấp viện bảo tàng, để lại phía sau một vệt máu dài, đỏ thẫm. Và sau khoảng thời gian tưởng như dài vô tận, cái thân thể mất đầu của người bảo vệ đổ sập qua một bên, phun ra một dòng máu nhỏ.
Đám thiếu niên la hét, ngã nháo nhào tìm cách chạy thoát thân khỏi cảnh tượng đó, trong khi những người khác ở xa phía sau không biết chính xác chuyện gì nhưng biết là có điều gì đó khủng khiếp vừa xảy
ra, nên đổ xô nhau lấn về phía trước. Chỉ trong chốc lát, đã có một đống những thi thể chồng chất lên nhau trông rất ghê rợn, những tiếng gào thét la khóc vì đau đớn v rền vang bầu trời đêm.
Ba con ngựa gõ móng lách cách trên các bậc cấp. Lúc đó, một trong các tên hiệp sĩ gào lên, “Xung phong, xung phong, xung phong!”
Tên đao phủ vừa rồi thúc ngựa tiến lên, xông thẳng vào các lối đi rộng mở của viện bảo tàng. Các tên kia cũng lao lên, bám sát theo sau.
Chương 3
Trong Đại sảnh, Tess nghe thấy những tiếng la thét bên ngoài, nàng nhanh chóng nhận ra có chuyện gì đó tệ hại, rất tệ hại. Tess quay lại vừa kịp nhìn thấy con ngựa đầu tiên lao băng qua cửa, làm vỡ tan lớp kính, khung cửa gỗ đổ ập vào trong, cả Đại sảnh bỗng rơi vào cảnh hỗn loạn. Cái đám đông tụ họp nền nã, thanh lịch, tao nhã ấy biến thành một bầy sinh vật cấp thấp càu nhàu, gầm gừ với nhau khi họ chen lấn la hét tìm cách thoát ra khỏi đường đi của những con ngựa đang đột kích vào.
Ba trong bốn kỵ sĩ điên cuồng thúc ngựa xông qua đám người, vung kiếm đập phá các tủ kính trưng bày, giẫm lên
kính vỡ và đồ gỗ bể nát, đập vỡ và phá hủy các đồ vật triển lãm.
Tess bị ném qua một bên khi hàng chục khách tham quan cố gắng một cách tuyệt vọng thoát thân qua cửa và chạy tuôn ra đường. Nàng đảo mắt nhìn khắp đại sảnh. Kim ơi, Mẹ ơi – Hai bà cháu đang ở đâu? Tess nhìn quanh nhưng không thấy họ đâu cả. Phía bên phải, cách nàng một đoạn xa, những con ngựa chạy vòng vòng và quay tới quay lui tiếp tục phá hủy những đồ vật trưng bày dọc đường chúng đi. Khách tham quan bị ném bay vào những cái tủ và dồn sát tường, tiếng rên rỉ kêu thét đau đớn của đám khách vang dội khắp gian phòng rộng lớn. Tess thoáng thấy Clive Edmonson trong số đó khi một con ngựa thình lình lồng ngược
ra phía sau, đá mạnh, làm anh ta ngã nhào qua một bên.
Những con ngựa kêu khịt khịt, mũi phình ra, mồm sùi bọt quanh hàm thiếc. Các tay kỵ sĩ xuống ngựa, chộp lấy những thứ đồ lấp lánh trong các tủ kính vỡ, tống vào những chiếc túi móc dính với yên ngựa.
Tại các cửa, đám đông tìm cách chen lấn thoát ra, làm cảnh sát không thể tiến vào được, đành bất lực trước đám đông đang cơn hoảng loạn.
Một trong những con ngựa lồng lên, huých vào bức tượng Đức Mẹ Đồng trinh, bức tượng đổ nhào và vỡ tan trên nền nhà. Móng ngựa giẫm lên bức tượng, làm vỡ tan nát hai bàn tay chắp lại cầu nguyện của Đức Mẹ. Bị đám khách tham
quan chạy trốn giật tung khỏi khung, tấm thảm treo tường tuyệt bị cả người và ngựa giẫm đạp lên. Chỉ trong chốc lát, hàng ngàn mũi thêu tỉ mỉ tinh tế bị xé toạc ra. Một cái tủ bị hất nhào, chiếc mũ tế màu trắng dát vàng rơi ra khỏi lớp kính vỡ, bị đá lăn lóc giữa đám đông hỗn loạn điên cuồng. Chiếc áo thụng cùng bộ với chiếc mũ tế bay phất phơ như một tấm thảm thần, rồi cũng bị giẫm đạp lên.
Vội vàng tránh khỏi đường đi của những con ngựa, Tess nhìn xuống hành lang, cách đó một quãng, nàng thấy tên kỵ sĩ thứ tư, ở cuối hành lang, cách xa chỗ tên kỵ sĩ kia, vẫn còn thêm nhiều người nữa tiếp tục tản vào các phần khác của viện bảo tàng. Tess tiếp tục tìm kiếm mẹ và con gái. Hai bà cháu đang ở chỗ quái
nào nhỉ? Không biết họ có hề hấn gì không? Nàng cố nhận diện họ trong đám đông hỗn loạn, nhưng vẫn không thấy dấu vết gì của cả hai.
Nghe thấy tiếng thét ra lệnh, Tess quay người nhìn lại, rốt cuộc cảnh sát cũng đã vượt qua được đám người tháo chạy. Rút súng bắn chỉ thiên và quát đám đông hỗn loạn, họ đang tiến về phía một trong ba
kỵ sĩ, tên này liền rút từ dưới chiếc áo choàng ra một khẩu súng nhỏ. Theo bản năng, Tess nhào ngay xuống sàn nhà, hai tay ôm đầu, nhưng vẫn nhìn thấy y tuôn ra một loạt đạn; lia họng súng từ bên này sang bên kia, tên kỵ sĩ liên tục nhả đạn khắp phòng. Một tá người ngã xuống, bao gồm tất cả số cảnh sát, mảnh kính và tủ vỡ quanh họ giờ tung tóe máu.
Vẫn nằm cuộn mình trên sàn nhà, Tess cảm thấy tim như vọt ra khỏi lồng ngực. Nàng cố nằm im, dù trong lòng như đang có tiếng gào thét thúc giục nàng bỏ chạy. Lúc này, Tess thấy hai tên kỵ sĩ kia cũng vung vẩy những khẩu súng tự động giống như tên đồng bọn sát nhân vừa rồi. Tiếng những viên đạn đập vào tường dội lại càng làm tăng thêm sự huyên náo và hoảng loạn. Một con ngựa bỗng nhảy giật lùi, hai tay tên kỵ sĩ siết lại, khẩu súng trên tay y nhả loạt đạn lên một bức tường và trần nhà, bắn tung những mảng thạch cao trang trí làm rơi xuống đầu khách tham quan đang nằm ôm đầu gào thét trên nền nhà.
Từ phía sau cái tủ nơi nàng nấp, Tess mạo hiểm liếc quanh, đánh giá nhanh các
lối thoát. Nhìn thấy cửa vào một phòng trưng bày khác ở cách ba hàng tủ phía bên phải, Tess nhón chân chạy vụt tới đó.
Vừa tới được hàng tủ thứ hai, Tess thấy tay kỵ sĩ thứ tư đang tiến thẳng về phía nàng. Thụp người xuống, nhìn thấy y đang vung vẩy mũi súng giữa những hàng tủ chưa bị hư hại, dường như không dính dáng và cũng không quan tâm đến tình trạng hỗn loạn mà ba tên đồng bọn của hắn đang gây ra.
Tess hầu như nghe được tiếng thở khụt khịt của con ngựa khi tay kỵ sĩ bất thần ghìm cương đứng lại, cách nàng khoảng mét rưỡi. Tess nằm mọp xuống, ôm ghì lấy cái tủ trưng bày để giữ lại mạng sống, cố kiềm chế để trái tim bớt đập thình thịch trong lồng ngực. Tess nhướn
mắt lên, nàng thấy tay hiệp sĩ, phản chiếu trong các tủ trưng bày quanh nàng, oai vệ trong chiếc áo giáp thời Trung cổ kết bằng khoen sắt và chiếc áo choàng trắng, đang nhìn chằm chằm – đặc biệt vào một chiếc tủ kính.
Đó là chiếc tủ kính mà Tess đang xem lúc Clive Edmondson đến bên cạnh nàng.
Tess im thin thít, kinh hoàng theo dõi tay hiệp sĩ rút gươm vung lên và bổ xuống như sấm sét, chém vỡ tan cái tủ, mảnh kính vỡ văng tung tóe xuống nền nhà xung quanh nàng. Tay hiệp sĩ tra gươm vào vỏ, xuống ngựa, nhấc cái hộp kỳ lạ kia lên, chiếc máy kỳ dị với nhiều nút, hộp số và cần điều khiển, y cầm cái máy trong tay một lát.
Tess hầu như không thở nổi, vậy mà ngược với bản năng sinh tồn theo lẽ tự nhiên mà nàng tin rằng mình có, nàng khao khát muốn nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra. Không sao cưỡng được, Tess nhoài người ra khỏi phía sau cái tủ trưng bày, hé mắt nhìn qua cạnh tủ.
Tay kỵ sĩ, thái độ gần như kính cẩn, nhìn chằm chằm vào cỗ máy một lúc trước khi làu bàu thốt ra mấy tiếng, như thể tự nói với mình.
“Veritas vos libera…”[9]
Tess nhìn sững, cái hành động có vẻ như là nghi thức vô cùng riêng tư này làm nàng thấy nghi hoặc, lúc đó, một tiếng súng khác bỗng vang lên cắt ngang cơn mơ màng của Tess và của cả tay hiệp sĩ.
Y quay vòng ngựa và trong một thoáng, ánh mắt y, dù bị khuất sau cái mũ giáp trùm đầu, bắt gặp ánh mắt của Tess. Tim nàng như ngừng đập khi nằm sấp ở đó, toàn thân tê liệt trong vô vọng. Và rồi, con ngựa tiến về phía Tess, thẳng đến chỗ nàng…
…và ngay khi con ngựa lướt qua sát sạt một bên, Tess nghe tay này gào lên với ba kỵ sĩ kia, “Đi thôi!”
Tess nhổm lên, thấy tay kỵ sĩ to con, kẻ đã khai hỏa đầu tiên, đang dồn một nhóm nhỏ vào góc phòng bên cạnh cầu thang chính. Nàng nhận ra Đức Tổng Giám mục giáo phận New York và ngài Thị trưởng cùng bà vợ ông ta. Tay hiệp sĩ chỉ huy gật đầu và tay kỵ sĩ bự con thúc ngựa chạy vào giữa đám khách đang sợ hãi
đến thất thần, túm lấy bà vợ ông Thị trưởng, nhấc người phụ nữ cố vẫy vùng lên lưng ngựa. Y ghí mũi súng vào mang tai bà ta còn bà Thị trưởng cứng đờ không nhúc nhích; miệng há ra như đang hét một tiếng hét không thành lời.
Bất lực, giận dữ và sợ hãi, Tess chỉ biết trông theo bốn tay kỵ sĩ di chuyển ra phía cửa. Tay dẫn đầu, tên duy nhất không có súng, nàng nhận thấy cũng là tay duy nhất không có một cái túi căng phồng móc vào yên ngựa. Và khi chúng ra khỏi các phòng trưng bày viện bảo tàng, Tess đứng lên chạy ào qua những đống đổ nát để tìm mẹ và cô con gái bé nhỏ
Bốn tay hiệp sĩ lao ra khỏi cửa viện bảo tàng và rơi vào vùng ánh sáng chói
mắt của những ngọn đèn pha truyền hình. Dù vẫn có tiếng sụt sùi của những người sợ hãi và tiếng rên rỉ của những người bị thương, khung cảnh đột nhiên yên tĩnh
hơn, rồi từ giữa đám đông bỗng vang lên những tiếng la lớn, giọng đàn ông, phần lớn là của cảnh sát, những tiếng la ngẫu nhiên giống nhau, vang lên đây đó: “… đừng bắn!” “… con tin!” “…đừng bắn!”
Trong lúc đó, bốn tay kỵ sĩ đi xuống các bậc cấp rồi sải ngựa lên đại lộ, tay hiệp sĩ đang giữ con tin đi sau để bảo vệ. Động tác của chúng nhanh nhẹn nhưng không có vẻ gấp gáp, coi thường tiếng còi xe cảnh sát đang đến gần rền rĩ trong đêm, rồi chỉ trong chốc lát, chúng biến vào bóng tối đồng lõa của Công viên Trung tâm.
Chương 4
Tại rìa các bậc tam cấp viện bảo tàng, Sean Reilly cẩn thận đứng phía ngoài dải băng vàng đen giới hạn hiện trường tội ác. Reilly vọc tay vào mái tóc nâu lúc nhìn xuống đường vẽ phác thảo đánh dấu vị trí cái thi thể không đầu của người bảo vệ. Hướng tầm mắt xuống thấp hơn, Reilly dõi theo vệt máu chạy dài tới chỗ có một dấu máu lớn bằng kích thước trái bóng bầu dục đánh dấu vị trí cái đầu.
Nick Aparo bước tới và nhìn quanh qua vai người cộng sự. Với khuôn mặt tròn, đầu hói và lớn hơn cái tuổi ba mươi bảy của Sean Reilly cả mười năm, Nick Aparo có chiều cao trung bình, dáng vóc trung bình và nhan sắc trung bình. Ngay
cả khi đang nói chuyện với ông, người ta cũng có thể quên mất ông trông như thế nào, đó là một đặc điểm rất hữu ích đối với một nhân viên điều tra và cũng là đặc điểm mà Aparo khai thác rất thành công trong những năm Reilly quen biết ông. Cũng như Reilly, Aparo khoác chiếc áo gió rộng màu xanh đậm bên ngoài bộ comlê đen, với những chữ FBI màu trắng in trên lưng áo. Lúc này, miệng ông ta nhăn lại, vẻ tởm lợm.
“Tôi không nghĩ nhân viên điều tra và thám tử sẽ quá khó khăn trong việc nhận dạng gã này,” ông ta nhận xét.
Reilly gật đầu. Anh không thể rời mắt khỏi vị trí đánh dấu nơi chiếc đầu người bảo vệ đã nằm. Vũng máu chảy ra từ cái đầu giờ đã sậm lại. Reilly không hiểu vì
sao lại là chặt đầu, không phải bị bắn hay đâm chết thì có vẻ đỡ khủng khiếp hơn bị chặt đầu sao? Anh bất chợt nhớ ra hình phạt hành quyết bằng cách chặt đầu là thủ tục tiêu chuẩn được ápở một số nơi trên thế giới. Nhiều nơi trên thế giới đã sản sinh ra những kẻ khủng bố với mục tiêu là làm đất nước này bị kìm hãm trong tình trạng căng thẳng ở mức báo động, những tên khủng bố mà việc lần theo tung tích chúng đã làm Reilly ngày đêm hao tâm tổn sức.
Reilly quay sang Aparo. “Bà vợ ông Thị trưởng thế nào rồi?” Anh đã biết tin bà ta bị vất lại một cách chẳng mấy lịch sự giữa công viên cùng với lũ ngựa.
“Bà ta chỉ sốc chút ít thôi,” Aparo đáp. “Cái tôi của bà ta xem ra còn bầm
dập nặng hơn cái mông bà ta nữa đấy.” “Cái hay là sắp đến kỳ bầu cử. Thật xấu hổ khi phải để cái cú bầm dập ngon lành như thế bị lãng phí.” Reilly nhìn quanh, tâm trí vẫn lùng nhùng chấn động bởi sự việc xảy ra trước đó, ngay tại nơi anh đang đứng. “Vẫn không có gì tại các chốt chặn sao?”
Các chốt chặn đã được dựng lên trong bán kính mười khối nhà, tại các cây cầu, các đường xe điện ngầm ra vào Manhattan.
“Chả có gì. Những tên quái đó biết rất rõ chúng đang làm gì. Chúng đâu có quẩn quanh để đợi một chiếc taxi.”
Reilly gật đầu. Bọn chuyên nghiệp. Tổ chức ngon lành.
Tuyệt.
Cứ làm như vào thời buổi này những tay amatơ không thể gây ra những thiệt hại như thế không bằng. Tất cả những gì chúng cần chỉ là vài bài học bay, hoặc một chiếc xe tải chở đầy phân bón, cùng với ý định điên loạn muốn tự sát – những thứ chẳng hề thiếu trong cái thời buổi này.
Reilly lặng lẽ xem xét quang cảnh bị tàn phá. Trong lúc đang quan sát, anh cảm thấy một sự thất vọng cùng cực và cơn giận dữ trào dâng trong lòng. Những hành động giết người điên cuồng bừa bãi, và cái xu hướng đáng phẫn nộ chuyên tấn công những người không có chút cảnh giác, chưa bao giờ khiến anh thôi sửng sốt. Tuy vậy, tại hiện trường tội ác này có điều gì đó kỳ quặc – thậm chí
làm người ta bối rối. Relly nhận ra mình đang cảm thấy một sự khác biệt rất kỳ lạ trong vụ án này. Sau những vụ án tàn nhẫn và có thể là thảm khốc mà anh và các đồng sự đã cố gắng tiên liệu trong nhiều năm gần đây thì tất cả chuyện này có phần quá lạ lùng khó chấp nhận nổi. Reilly cảm thấy như bị mắc kẹt bên ngoài một cái lều lớn, bị cái yếu tố tầm phào quái gở nào đó làm lạc hướng khỏi sự kiện chính. Vậy mà thật phiền phức và bực mình làm sao, Reilly lại cảm thấy phần nào biết ơn điều đó.
Là một Đặc vụ Chuyên trách lãnh đạo đơn vị Chống Khủng bố Nội địa, từ lúc nhận được cuộc gọi, Reilly đã ngỡ rằng cuộc đột kích này cuối cùng sẽ rơi vào phần trách nhiệm điều tra của ình. Không
phải Reilly cảm thấy phiền phức với loại công việc lạ lùng khó tin đòi hỏi sự kết hợp làm việc của hàng chục nhân viên đặc vụ và cảnh sát, cũng như những chuyên gia phân tích, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhà tâm lý học, nhân viên chụp ảnh và vô số những người khác. Đó là công việc mà Reilly luôn muốn làm.
Reilly luôn cảm thấy mình có thể tạo ra sự khác biệt.
Mà không, nói đúng hơn là làm cho điều đó được biết tới. Và anh sẽ làm vậy.
Cảm giác đó đã hình thành trong những năm tháng theo học ở trường luật Notre Dame[10], Reilly cảm thấy có nhiều điều sai lầm trong thế giới này – chẳng hạn như cái chết của cha anh, khi anh mới lên
mười, là một bằng chứng đau đớn về thực tế đó – và Reilly muốn góp phần làm cho cái thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn, ít ra là cho những người khác, nếu không phải là cho chính bản thân mình. Cảm giác đó trở nên không thể dứt bỏ được vào cái ngày mà, khi làm bài tập ở trường liên quan đến một trường hợp về tội ác chủng tộc, Reilly đã tham gia một cuộc họp tại Terre Haute của nhóm người chủ trương người da trắng là chủng tộc thượng đẳng. Sự kiện đó tác động sâu sắc đến bản thân Reilly. Anh cảm thấy mình đã chứng kiến sự xấu xa, và cảm thấy nhu cầu thúc bách phải am hiểu vấn đề nhiều hơn nữa nếu muốn giúp chiến đấu chống lại nó.
Kế hoạch đầu tiên của Reilly không
được như anh mong muốn. Trong cơn bốc đồng đầy lý tưởng của tuổi trẻ, Reilly đã quyết định trở thành phi công Hải quân. Cái ý tưởng góp phần loại bỏ thế giới tội ác, từ buồng lái chiếc Tomcat bạc, nghe có vẻ rất hoàn hảo. May mắn thay, Reilly đúng là mẫu người mà Hải quân muốn tuyển mộ. Không may là họ lại có một suy nghĩ khác trong đầu. Họ đã có thừa những anh chàng muốn trở thành phi công siêu đẳng, và người họ cần là các luật sư. Các nhà tuyển mộ tận lực đưa Reilly gia nhập Tổng cục Quân Pháp và anh đã đùa cợt với ý tưởng này một thời gian, rồi sau cùng quyết định rời bỏ lĩnh vực này để trở lại tập trung thi vào ngạch luật sư tòa án bang Indiana.
Một cuộc gặp gỡ tình cờ tại hiệu sách đã làm Reilly chuyển hướng một lần nữa, lần này thì vĩnh viễn. Trong hiệu sách cũ đó, Reilly gặp một nhân viên FBI về hưu; ông ta vô cùng tự hào kể với anh về Cục Điều tra Liên bang và khuyến khích anh nộp đơn gia nhập FBI. Mẹ Reilly không thấy hào hứng chút nào khi nghĩ anh phải bỏ ra bảy năm ở trường luật để rốt cuộc trở thành cái mà bà gọi là “một anh cớm quanh vinh”, nhưng Reilly biết mình đã chọn đúng.
Reilly chỉ trải qua chưa tới một năm làm c của lính mới tại văn phòng Chicago, ghi chép công tác các đội tuần tra đường phố về nạn cướp giật, buôn bán ma túy, thì ngày hai mươi sáu tháng Hai năm 1993 mọi chuyện đã thay đổi.
"""