"Nhân Từ Với Quỷ Dữ - Bàn Về Công Lý Và Sự Cứu Chuộc - Bryan Stevenson full prc pdf epub azw3 [Lịch Sử] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhân Từ Với Quỷ Dữ - Bàn Về Công Lý Và Sự Cứu Chuộc - Bryan Stevenson full prc pdf epub azw3 [Lịch Sử] Ebooks Nhóm Zalo ebook©vctvegroup 20/06/2019 Giới thiệu MIỀN THANH CAO L úc ấy, tôi chưa sẵn sàng gặp một người bị kết án. Năm 1983, tôi mới hai mươi ba tuổi, đang là sinh viên trường Luật Harvard thực tập tại bang Georgia, nhiệt huyết, non nớt, và đầy âu lo. Tôi chưa bao giờ đặt chân vào một nhà tù canh gác cẩn mật, và đương nhiên là chưa bao giờ tới trại tử tù. Biết mình sẽ phải một mình đi gặp tù nhân mà không có luật sư nào đi cùng, tôi cố giấu cảm giác sợ hãi. Trại tử tù bang Georgia nằm trong một nhà tù ở ngoại ô Jackson, một thị trấn hẻo lánh thuộc vùng nông thôn của bang này. Tôi lái xe một mình từ Atlanta đi về phía Nam theo đường I-75. Càng tới gần, tim tôi càng đập mạnh. Tôi không biết gì về án tử hình và thậm chí còn chưa học môn Tố tụng hình sự. Tôi chưa có chút kiến thức sơ đẳng nào về quy trình kháng cáo phức tạp vốn là đặc trưng ở các vụ án tử hình mà về sau tôi sẽ thuộc như lòng bàn tay. Khi ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh này, tôi không hề nghĩ mình sẽ phải gặp những tù nhân thực sự. Thú thực, tôi thậm chí còn không chắc liệu mình có muốn trở thành luật sư hay không. Khi con đường quê dẫn tới trại giam mỗi lúc một ngắn lại, tôi càng tin chắc người tử tù sẽ thất vọng khi gặp tôi. Tôi học đại học ngành Triết và mãi đến năm cuối mới tỉnh ra rằng sau khi tốt nghiệp, sẽ chẳng có ai trả lương để tôi ngồi đó mà triết lý. Cuộc tìm kiếm điên cuồng một định hướng nghề nghiệp đã đưa tôi đến với trường luật, chẳng qua vì các chương trình sau đại học khác đều yêu cầu thí sinh phải biết chút ít về lĩnh vực mà họ sắp học trong khi các trường luật dường như không yêu cầu sinh viên tương lai phải biết bất kỳ điều gì. Ở Harvard có cái hay là tôi có thể học luật song song với chương trình thạc sĩ về chính sách công ở trường Quản lý Nhà nước Kennedy. Tôi không chắc mình muốn làm gì với đời mình, nhưng tôi biết mình thích một công việc liên quan đến cuộc sống của người nghèo, đến lịch sử phân biệt chủng tộc của nước Mỹ và cuộc đấu tranh vì công lý và bình đẳng. Tôi muốn làm gì đó với những điều bản thân đã chứng kiến và trăn trở trong cuộc đời, nhưng không thể gói ghém chúng lại thành một con đường sự nghiệp rõ ràng. Không lâu sau khi nhập học tại Harvard, tôi bắt đầu băn khoăn không biết mình có quyết định sai lầm không. Tốt nghiệp một trường đại học nhỏ ở Pennsylvania, tôi cảm thấy thật may mắn khi được nhận vào Harvard, nhưng tới cuối năm nhất, tôi vỡ mộng. Lúc đó, trường Luật Harvard là nơi khá kinh dị, nhất là đối với những cô cậu hai mươi mốt tuổi. Nhiều giáo sư giảng dạy theo phương pháp khích biện Socrates, họ đặt các câu hỏi trực tiếp, lặp đi lặp lại và đầy tính thách đố, dẫn đến một tác dụng phụ là làm bẽ mặt những sinh viên chưa chuẩn bị bài kỹ. Các khóa học mang tính hàn lâm và dường như không đề cập đến các vấn đề chủng tộc và nghèo đói, vốn là động lực thôi thúc tôi theo học ngành luật. Nhiều sinh viên trong lớp đã có bằng sau đại học hoặc đã làm trợ lý pháp lý cho các công ty luật danh tiếng. Tôi không có những ưu thế đó. Tôi cảm thấy mình non hơn và ít bay nhảy hơn nhiều so với các bạn cùng lớp. Khi các công ty luật xuất hiện ở trường và tổ chức phỏng vấn tuyển dụng chỉ một tháng sau khi chương trình học bắt đầu, bạn bè tôi khoác lên mình những bộ comple đắt tiền và tham gia ứng tuyển để có cơ hội chu du New York, Los Angeles, San Francisco hay Washington D.C. Tôi hoàn toàn mờ mịt không biết chúng tôi đang lao vào trang bị cho mình tất cả những thứ này để làm gì. Trước khi vào trường luật, tôi thậm chí còn chưa bao giờ gặp một luật sư. Vào kỳ nghỉ hè sau năm thứ nhất, tôi tham gia một dự án công lý cho thanh thiếu niên ở Philadelphia và học khóa Giải tích nâng cao vào buổi tối để chuẩn bị cho năm học sau ở trường Kennedy. Sau khi nhập học chương trình Chính sách công vào tháng Chín, tôi vẫn cảm thấy lạc lõng. Chương trình giảng dạy nặng tính định lượng, tập trung vào việc tính toán làm sao để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu chi phí mà không quan tâm nhiều tới hệ quả của những lợi ích và chi phí đó. Mặc dù kích thích tư duy, song lý thuyết ra quyết định, kinh tế lượng và các khóa học tương tự vẫn làm tôi chơi vơi. Thế rồi bất chợt mọi việc trở nên tỏ tường. Tôi phát hiện ra một khóa học chuyên sâu kéo dài một tháng khá hiếm hoi về kiện tụng liên quan đến chủng tộc và đói nghèo do cô Betsy Bartholet, một giáo sư luật từng làm luật sư cho Quỹ Bảo vệ Pháp lý NAACP đứng lớp. Không như phần lớn các khóa khác, khóa học này đưa sinh viên ra khỏi khu học xá, buộc họ phải thực tập một tháng tại một tổ chức hoạt động vì công bằng xã hội. Tôi háo hức đăng ký, và tháng Mười hai năm 1983, tôi bay tới Atlanta, Georgia, tại đây tôi sẽ có vài tuần làm việc tại Ủy ban Bảo vệ Tù nhân miền Nam (Southern Prisoners Deíense Committee - SPDC). Vì không đủ tiền bay thẳng tới Atlanta, tôi phải quá cảnh ở Charlotte, North Carolina, và đó là nơi tôi gặp Steve Bright, giám đốc SPDC, khi anh trở lại Atlanta sau kỳ nghỉ lễ. Steve ngoài 30 tuổi, là một người đam mê và kiên định - dường như đối lập hoàn toàn với tâm lý mâu thuẫn trong tôi. Anh lớn lên tại một trang trại ở Kentucky và lập nghiệp ở Washington D.C. sau khi tốt nghiệp trường luật. Anh là một luật sư tập sự xuất sắc tại Cục Bảo vệ Công chúng - Đặc khu Columbia và vừa trúng tuyển vào vị trí giám đốc SPDC với sứ mệnh giúp đỡ những tử tù ở Georgia. Ở anh không hề có sự bất nhất giữa hành động và niềm tin như tôi từng thấy ở rất nhiều giáo sư luật. Khi chúng tôi gặp nhau, anh chào đón tôi bằng một cái ôm ấm áp và chúng tôi nói chuyện không dứt tới tận khi máy bay hạ cánh xuống Atlanta. “Bryan này,” Steve nói lúc chúng tôi ngồi trên máy bay, “án tử hình nghĩa là ‘người nào không có vốn thì sẽ phải chịu vạ’*. Chúng tôi không thể giúp đỡ các tử tù nếu không có sự hỗ trợ từ những người như cậu.” Tôi ngạc nhiên khi chưa gì anh đã tin rằng tôi có thể làm được điều gì đó. Anh diễn giải các vấn đề của hình phạt tử hình một cách đơn giản nhưng đầy thuyết phục. Tôi nuốt từng lời, hoàn toàn bị lòng tận tụy và sức hút của Steve cuốn lấy. “Tôi chỉ mong là cậu sẽ không trông đợi thứ gì hào nhoáng khi làm việc tại đây,” anh nói. “Ồ không,” tôi quả quyết. “Tôi rất hân hạnh vì có cơ hội được làm việc cho tổ chức của anh.” “Thực ra ‘cơ hội’ không phải là từ đầu tiên mọi người nghĩ tới khi làm việc với chúng tôi đâu. Chúng tôi sống khá đơn giản, khối lượng công việc cũng căng đấy.” “Không sao đâu.” “Ừm, thực ra người ta thậm chí còn nghĩ chúng tôi sống dưới cả mức đơn giản. Kiểu như nghèo ấy - mà có khi còn chẳng được coi là sống nữa, luôn phải vật lộn để tồn tại, sống nhờ lòng hảo tâm của mọi người, cóp nhặt từng đồng một, chẳng biết tương lai sẽ ra sao.” Tôi để lộ một thoáng ngờ vực. Steve cười lớn. “Tôi đùa đấy... đại loại thế.” Rồi anh chuyển qua nói về chủ đề khác, nhưng rõ ràng trái tim và tâm trí của anh đứng về phía những người bị kết án và những người đang phải chịu sự đối xử bất công trong nhà tù. Thật vững lòng khi được gặp một người mà công việc của họ đem lại cho cuộc đời nhiều sinh khí đến thế. Khi tôi tới Atlanta mùa đông năm ấy, chỉ có một vài luật sư làm việc tại SPDC. Phần lớn họ từng là luật sư bào chữa hình sự tại Washington, nay chuyển tới Georgia để giải quyết một cuộc khủng hoảng ngày một trầm trọng: các tử tù không kiếm được luật sư. Họ ngoài ba mươi tuổi, cả nam và nữ, da đen và da trắng; tất cả đều thân thiết với nhau bởi họ có chung sứ mệnh, chung niềm hy vọng, và chung cả sức ép từ những thách thức mà họ đang phải đối mặt. Sau nhiều năm bị cấm cản và trì hoãn, các vụ xử tử lại diễn ra ở miền Nam, và hầu hết các tử tù đều không có luật sư bào chữa hay có quyền tham vấn pháp lý. Mối lo ngại rằng những người này sẽ sớm bị xử tử trong khi vụ án của họ không được các luật sư có kinh nghiệm xem xét ngày càng gia tăng. Mỗi ngày chúng tôi đều nhận được các cuộc gọi hoảng loạn từ những người không được hỗ trợ pháp lý trong khi giờ phút thi hành án của họ mỗi lúc một cận kề. Tôi chưa bao giờ nghe thấy những giọng nói khẩn khoản tuyệt vọng đến thế. Khi tôi bắt đầu kỳ thực tập, ai cũng đối với tôi cực tốt, và tôi lập tức cảm thấy thoải mái như ở nhà. Văn phòng SPDC nằm trong tòa nhà Healey mười sáu tầng kiến trúc kiểu Gothic Revival xây từ đầu thế kỷ 20, giờ đã xuống cấp và ít người thuê, nằm ở trung tâm Atlanta. Tôi ngồi tại một dãy bàn chật chội cùng với hai luật sư, làm chân thư ký, trả lời điện thoại và giúp mọi người tìm hiểu các vấn đề pháp lý. Tôi vừa mới làm quen với công việc văn phòng chưa được bao lâu thì Steve bảo tôi tới trại tử tù để gặp một tù nhân không có ai thăm nuôi. Anh giải thích với tôi rằng người tù này đã chờ chết hơn hai năm nay, và không có luật sư nào nhận trường hợp của anh ta. Nhiệm vụ của tôi là truyền cho anh ta một thông điệp đơn giản: Năm sau anh vẫn chưa bị xử tử đâu. Tôi lái xe qua những cánh rừng và nông trại ở miền quê Georgia, nhẩm đi nhẩm lại những điều tôi cần nói khi gặp người tù. Tôi tập đi tập lại lời giới thiệu. “Chào anh, tôi là Bryan. Tôi là sinh viên làm việc tại...” À không. “Tôi là một sinh viên luật làm việc tại...” Không. ‘Tên tôi là Bryan Stevenson. Tôi là thực tập sinh pháp lý tại Ủy ban Bảo vệ Tù nhân miền Nam, và tôi được giao nhiệm vụ thông báo với anh rằng anh sẽ chưa bị tử hình ngay đâu.” “Anh không thể bị tử hình sớm.” “Anh không có nguy cơ bị tử hình sớm.” Không, vẫn chưa ổn. Tôi cứ luyện nói tới khi dừng xe trước hàng rào dây thép gai và cái tháp canh màu trắng ớn lạnh của Trung tâm Chẩn đoán và Phân loại Georgia. Ở văn phòng, chúng tôi thường gọi nó đơn giản là “Jackson”, vì vậy khi trông thấy tên thật của trại trên tấm biển, tôi cảm thấy nó thật chướng tai - nghe như y học, trị liệu. Tôi đỗ xe, tìm đường tới cổng trại và bước vào khu nhà chính với những dãy hành lang tối và tiền sảnh có cổng chắn, và các thanh kim loại chặn mọi lối đi. Nội thất của khu nhà đánh bay nỗi ngờ vực đây là chốn khắc nghiệt. Tôi đi xuống một đường hầm để tới khu thăm viếng pháp lý, mỗi bước chân trên sàn gạch nhẵn bóng đều vang đến gai người. Khi tôi giới thiệu với nhân viên phụ trách phòng thăm viếng rằng tôi là trợ lý luật sư, tới gặp một tử tù, ông ta đã nhìn tôi bằng ánh mắt hồ nghi. Tôi mặc bộ comple duy nhất mình có, và cả hai chúng tôi đều nhìn ra thời hoàng kim của bộ cánh đó đã qua. Ánh mắt của viên quản giáo dường như dán chặt vào tấm bằng lái của tôi trước khi ông ta nghiêng đầu về phía tôi và nói: “Anh không phải người ở đây.” Đấy là một lời khẳng định hơn là một câu hỏi. “Đúng thế, thưa ông. Tôi hiện đang làm việc ở Atlanta.” Sau khi gọi điện cho văn phòng giám đốc trại để xác nhận có phải chuyến thăm của tôi đã được hẹn trước, cuối cùng ông ta cũng đồng ý cho tôi vào, rồi cáu kỉnh dẫn tôi tới căn phòng nhỏ nơi tôi sẽ gặp người tù. “Đừng lạc ở đây nhé, tôi không cam đoan sẽ đi tìm anh đâu,” ông ta cảnh báo. Phòng thăm nuôi chỉ rộng chừng hai mét vuông với vài chiếc ghế nhỏ được bắt vít xuống sàn. Mọi thứ trong phòng đều bằng kim loại và được vít kiên cố. Phía trước những chiếc ghế, một tấm lưới thép chạy từ một gờ nhỏ lên tận trần nhà cao ba mét rưỡi. Căn phòng không khác gì một cái chuồng rỗng cho tới khi tôi bước vào. Đối với các cuộc thăm nuôi của gia đình, tù nhân và người tới thăm bị ngăn cách bởi tấm lưới thép; họ nói chuyện với nhau qua những mắt lưới. Trong khi đó, các chuyến thăm pháp lý lại là “thăm có tiếp xúc” - hai chúng tôi ngồi cùng một phía của căn phòng để bảo đảm sự riêng tư. Căn phòng rất nhỏ, và tôi cảm thấy nó như bị thu hẹp lại sau mỗi giây trôi qua. Tôi bắt đầu lo lắng trở lại vì mình chưa chuẩn bị kỹ càng. Theo lịch, tôi sẽ có một giờ gặp gỡ thân chủ, nhưng với những gì tôi biết, tôi không chắc làm cách nào để nói cho hết mười lăm phút. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế, chờ đợi. Sau mười lăm phút hồi hộp, cuối cùng tôi cũng nghe thấy tiếng dây xích kim loại kêu loảng xoảng từ bên kia cánh cửa. Người tù bước vào phòng, trông anh còn hồi hộp hơn cả tôi. Anh ta liếc nhìn tôi, khuôn mặt rúm ró khổ sở, rồi vội vàng né ánh mắt của tôi. Anh ta cứ đứng ngập ngừng gần cánh cửa như thể không thực sự muốn bước vào. Anh là một người gốc Phi trẻ tuổi, ăn mặc chỉnh tề, tóc ngắn, râu cạo sạch sẽ, khổ người tầm thước, mặc bộ quần áo tù màu trắng tinh tươm. Tôi thấy anh thật quen thuộc, từa tựa như bất kỳ ai đã lớn lên cùng tôi: những người bạn thời đi học, những người tôi cùng chơi thể thao, chơi nhạc, những người tôi đã nói chuyện bâng quơ trên phố. Viên giám thị chậm rãi tháo chiếc còng số tám và cái cùm ở mắt cá chân anh, rồi gườm gườm nói tôi có một giờ để gặp thân chủ. Như cảm nhận được sự lo lắng ở cả tôi và người tù, ông ta khoái trá cười khẩy trước khi quay gót rời khỏi phòng. Cánh cửa kim loại đánh rầm sau lưng ông ta. Người tù vẫn đứng đó, còn tôi không biết phải làm gì. Vì vậy, tôi tiến lại và chìa tay ra. Anh ta ngập ngừng bắt tay tôi. Chúng tôi cùng ngồi xuống và anh cất tiếng trước. “Tôi là Henry,” anh nói. “Tôi rất xin lỗi” là những từ đầu tiên tôi thốt ra. Mặc dù đã tập tành trước đó, tôi vẫn cứ xin lỗi liên mồm. “Tôi thật sự xin lỗi, tôi rất xin lỗi, à, thì, tôi không biết, à, tôi chỉ là một sinh viên luật, tôi không phải luật sư thật sự đâu... Tôi rất xin lỗi vì tôi không có nhiều thông tin cho anh, tôi không biết gì mấy.” Người tù nhìn tôi lo lắng. “Trường hợp của tôi thế nào? Có ổn không?” “Các luật sư ở SPDC bảo tôi đến đây để thông báo là họ chưa có luật sư... Ý tôi là chúng tôi chưa kiếm được luật sư cho anh, nhưng anh không có nguy cơ bị xử tử vào năm sau đâu... Chúng tôi đang cố gắng tìm cho anh một luật sư, một luật sư thật sự, và tôi mong là vài tháng nữa thôi sẽ có luật sư tới gặp anh. Tôi chỉ là một sinh viên luật. Tôi rất vui được giúp anh. Ý tôi là, nếu tôi có thể làm được điều gì.” Anh ta vội vàng nắm lấy tay tôi. “Tôi sẽ không bị tử hình vào năm sau thật sao?” “Chưa đâu. Họ bảo ít nhất một năm nữa anh mới bị định ngày xử tử.” Mấy từ này nói ra thật không dễ đối với tôi. Nhưng Henry nắm tay tôi chặt hơn. “Cảm ơn anh. Thật sự cảm ơn anh! Thật là một tin mừng.” Đôi vai anh xuôi xuống, rồi anh nhìn tôi với ánh mắt nhẹ nhõm hẳn. “Anh là người đầu tiên tôi gặp trong hơn hai năm qua kể từ khi vào trại mà không phải là tử tù hay quản giáo. Tôi rất mừng vì anh đến đây, rất mừng vì tin này.” Anh thở phào và có vẻ giãn ra. “Tôi vẫn nói chuyện với vợ qua điện thoại, nhưng tôi không muốn cô ấy đến thăm hoặc mang con theo vì tôi sợ khi họ đến, tôi sẽ phải thông báo cho họ ngày xử tử của mình. Tôi không muốn họ đến đây trong tình cảnh như vậy. Bây giờ tôi có thể nhắn họ tới thăm được rồi. Cảm ơn anh!” Tôi không ngờ anh ta lại vui mừng đến thế. Tôi cũng thở phào, và chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Hóa ra anh bằng tuổi tôi. Chúng tôi hỏi han về cuộc sống của nhau và nói chuyện mê mải suốt một giờ. Anh kể về gia đình mình và về phiên tòa. Anh hỏi tôi về trường luật và về gia đình tôi. Chúng tôi nói về âm nhạc, chúng tôi nói về trại giam, chúng tôi nói về những điều quan trọng và không quan trọng trong cuộc đời. Tôi hoàn toàn bị cuốn vào cuộc nói chuyện. Thỉnh thoảng chúng tôi cười phá lên, nhưng cũng có những lúc anh xúc động và buồn bã. Chúng tôi cứ thế nói chuyện, mãi đến khi nghe tiếng cửa đánh rầm tôi mới nhận ra mình đã ngồi quá thời gian cho phép. Tôi nhìn đồng hồ. Tôi đã ở đó ba tiếng đồng hồ. Viên giám thị giận dữ bước vào. Ông ta càu nhàu, “Lẽ ra cậu phải xong từ lâu rồi. Đến giờ cậu phải đi rồi.” Ông ta bắt đầu còng tay Henry, ông ta bẻ quặt tay anh ra sau lưng, rồi còng lại. Rồi ông ta thô bạo xích cổ chân anh. Viên giám thị cáu kỉnh xiết chặt chiếc còng. Tôi thấy Henry nhăn nhó vì đau. Tôi nói, “Tôi thấy cái còng đang bị xiết chặt quá. Ông có thể nới lỏng ra được không?” “Nghe đây: Cậu phải đi ngay. Đừng lên mặt dạy khôn tôi.” Henry mỉm cười và nói, “Không sao đâu, Bryan. Đừng lo. Cứ quay lại gặp tôi nhé, được không?” Tôi thấy anh nhăn nhó sau mỗi tiếng động của dây xích thít chặt vào eo. Lúc đó chắc trông vẻ mặt tôi kinh sợ lắm. Henry vẫn trấn an, “Đừng lo, Bryan, đừng lo. Hôm nào quay lại đây nhé?” Khi giám thị đẩy anh ra cửa, Henry ngoái lại nhìn tôi. Tôi bắt đầu lẩm bẩm, “Tôi thật sự xin lỗi. Tôi thật sự xin...” “Đừng lo mà, Bryan,” anh ngắt lời. “Cứ quay lại đây với tôi.” Tôi nhìn anh và cố gắng nói điều gì đó cho phải, điều gì đó an ủi, điều gì đó thể hiện lòng cảm kích vì anh đã kiên nhẫn với tôi. Nhưng tôi chẳng biết nói gì. Henry nhìn tôi mỉm cười. Viên giám thị thô bạo đẩy anh đi. Tôi không thích cách ông ta đối xử với Henry, nhưng Henry vẫn tươi cười cho tới khi, ngay trước lúc viên giám thị đẩy được anh ra khỏi căn phòng, anh bấm ngón chân xuống sàn để cưỡng lại. Trông anh thật bình thản. Rồi anh làm một việc mà tôi hoàn toàn không ngờ tới. Tôi thấy anh nhắm mắt, đầu ngửa ra sau. Tôi bối rối không hiểu anh định làm gì, nhưng rồi anh mở miệng và cất tiếng hát. Anh có giọng nam trung tuyệt hay, khỏe và trong, làm cả tôi và viên giám thị đều ngỡ ngàng. Viên giám thị thôi không đẩy anh nữa. Tôi vẫn bước tiếp, bước lên cao Mỗi ngày một cao hơn Vừa bước lên vừa cầu nguyện Chúa ơi, hãy gieo chân con xuống Miền Thanh Cao. Đó là một làn điệu cổ xưa người ta vẫn thường hát trong nhà thờ ở quê tôi. Nhiều năm rồi tôi không được nghe nó. Henry hát chầm chậm với niềm tôn kính chân thành. Phải mất một lúc viên giám thị mới sực tỉnh và tiếp tục đẩy anh ra cửa. Chân bị xích và tay bị còng quặt ra phía sau, Henry suýt ngã khi bị đẩy đi. Anh phải nhích từng bước để giữ thăng bằng, nhưng vẫn tiếp tục hát. Tôi có thể nghe thấy tiếng hát ấy theo bước chân anh đi xa dần. Chúa hãy nâng chân con, và để con đứng đó Với đức tin vào miền cao nguyên thiên đường Một miền cao mà con đã tìm thấy Chúa ơi, hãy gieo chân con xuống Miền Thanh Cao. Tôi ngồi xuống, ngỡ ngàng. Giọng hát của Henry tràn trề khát vọng. Bài hát của anh như một món quà quý giá đối với tôi. Tôi đã tới nhà tù này trong tâm trạng phấp phỏng và e ngại anh có thể sẽ không chịu nổi sự kém cỏi của tôi. Tôi không kỳ vọng anh nhiệt tình hay hào phóng. Tôi không có quyền kỳ vọng bất cứ thứ gì từ một tử tù. Nhưng cuối cùng anh lại khiến tôi sững sờ vì bản tính con người cao quý nơi anh. Trong khoảnh khắc đó, Henry đã làm thay đổi hiểu biết của tôi về tiềm năng, sự cứu chuộc và hy vọng chứa chan nơi con người. Tôi kết thúc kỳ thực tập của mình với quyết tâm sẽ giúp đỡ những tử tù mà tôi gặp trong tháng đó. Cuộc tiếp xúc với những con người bị kết án và tống giam ấy đã khiến cho câu hỏi của tôi về nhân tính trong mỗi người, bao gồm cả bản thân tôi, trở nên khẩn thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Tôi trở về trường luật với niềm khát khao tìm hiểu những bộ luật, những học thuyết về án tử hình và các hình thức trừng phạt khắc nghiệt khác. Tôi dồn dập theo học các khóa về luật hiến pháp, tố tụng, quy trình kháng cáo, tòa án liên bang và các công cụ pháp lý bổ trợ để kháng án. Tôi nghiên cứu thêm để có thể hiểu sâu hơn lý thuyết hiến pháp định hình thủ tục tố tụng hình sự như thế nào. Tôi vùi mình vào các vấn đề pháp lý và xã hội học về chủng tộc, đói nghèo và quyền lực. Trước đây tôi cảm thấy trường luật mơ hồ và xa rời hiện thực, nhưng sau khi gặp gỡ những người tù khốn khổ kia, nó lại trở nên hết sức hợp lý và vô cùng quan trọng đối với tôi. Kể cả việc học tập của tôi ở trường Kennedy cũng mang một ý nghĩa mới. Việc phát triển các kỹ năng lượng hóa và diễn giải tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đẳng mà tôi chứng kiến đã trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Quãng thời gian ngắn ngủi làm việc với các tử tù năm đó đã cho tôi thấy rằng hệ thống luật pháp của chúng ta trong cách đối xử với người dân còn rất nhiều thiếu sót. Và chúng ta có thể đã phán xử bất công một số người. Cứ mỗi lần suy ngẫm về trải nghiệm đó là thêm một lần tôi nhận ra rằng suốt cả đời mình tôi đã trăn trở với câu hỏi, con người ta đã bị phán xử bất công như thế nào và tại sao lại như vậy? Tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo và chia rẽ chủng tộc ở bờ đông bán đảo Delmarva, bang Delaware, nơi lịch sử phân biệt chủng tộc của nước Mỹ vẫn còn đeo bám dai dẳng. Cộng đồng dân cư miền duyên hải kéo dài từ Virginia và miền đông Maryland tới phía nam Delaware không chút ngại ngần xưng là người miền Nam. Nhiều người ở khu vực này kiên quyết duy trì sự phân rẽ xã hội dựa trên chủng tộc bằng cách liên tục sử dụng các biểu tượng và chỉ dấu của nó, nguyên nhân một phần là bởi sự giáp ranh tại đây với miền Bắc. Những lá cờ của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ vẫn tung bay ngạo nghễ, thể hiện quan điểm chính trị, xã hội và văn hóa của khu vực một cách táo bạo và đầy thách thức. Người Mỹ gốc Phi sống trong những khu ổ chuột phân rẽ chủng tộc, bị cô lập bởi đường ray tàu hỏa ở những thị trấn nhỏ, hoặc trong những “khu da màu” trên khắp cả nước. Tôi lớn lên trong một khu định cư ở nông thôn, nơi nhiều người phải sống trong những lán nhỏ, và có những gia đình không có công trình phụ khép kín nên phải dùng nhà xí ngoài trời. Tụi trẻ con chúng tôi thì chơi chung sân với gà và lợn. Những người da đen sống quanh tôi mạnh mẽ và đầy quyết tâm nhưng lại bị loại trừ và gạt ra bên lề. Hàng ngày, chiếc xe của nhà máy gia cầm ghé qua đón người lớn tới chỗ làm, nơi họ có nhiệm vụ vặt lông và làm thịt hàng nghìn con gà. Cha tôi thoát ly từ thời niên thiếu vì nơi này không có trường trung học cho trẻ da đen. Sau đó, ông trở lại cùng với mẹ tôi và tìm được việc làm trong một nhà máy thực phẩm; những ngày cuối tuần, ông phụ việc tại mấy nhà nghỉ mát ven biển. Mẹ tôi làm công việc hành chính ở một căn cứ không quân. Dường như tất cả chúng tôi, ai cũng phải khoác lên mình một chiếc áo đánh dấu chủng tộc, thứ ngăn cản, hạn định và giam hãm chúng tôi. Họ hàng tôi làm việc cần mẫn quanh năm nhưng chẳng bao giờ khấm khá. Ông tôi bị giết khi tôi còn là một cậu thiếu niên, nhưng điều đó dường như chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới bên ngoài gia đình nhỏ của chúng tôi. Bà tôi là con gái của những người nô lệ ở hạt Caroline, bang Virginia. Bà sinh vào những năm 1880, còn các cụ sinh vào những năm 1840. Cụ ông luôn kể với bà về tuổi thơ nô lệ của cụ và chuyện cụ đã bí mật học đọc, học viết như thế nào. Cụ giấu kín mọi điều cụ biết cho đến khi được giải phóng. Di sản của chế độ nô lệ đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời bà tôi và cách bà nuôi dạy chín người con của mình. Nó ảnh hưởng đến cả cách bà nói chuyện với tôi, cách bà luôn luôn bảo tôi phải sống “thật gần”. Mỗi lần tôi tới thăm bà, bà sẽ ôm tôi chặt đến nỗi tôi không thở nổi. Một lúc sau, bà sẽ hỏi, “Bryan, cháu vẫn cảm thấy bà đang ôm cháu đấy chứ?” Nếu tôi nói có, bà sẽ buông tôi ra; nếu tôi nói không, bà sẽ ‘xử lý’ tôi tiếp. Tôi lúc nào cũng nói không vì tôi thích được ôm trọn trong vòng tay mạnh mẽ chết khiếp của bà. Bà không bao giờ mệt mỏi khi kéo tôi về phía bà. “Cháu sẽ không hiểu được những điều quan trọng nếu cháu đứng từ xa đâu Bryan. Cháu phải tiến lại gần,” lúc nào bà cũng dặn tôi như vậy. Chính cái khoảng cách mà tôi nếm trải trong năm đầu ở trường luật đã khiến tôi cảm thấy mất phương hướng. Và việc tiếp xúc gần hơn với những người bị kết án, những người bị xét xử bất công đã mang lại cho tôi một cảm giác thân thuộc, giống như là được trở về ngôi nhà xưa vậy. Cuốn sách này là cái nhìn cận cảnh về tình trạng giam giữ hàng loạt và những hình phạt khắc nghiệt ở Mỹ. Nó cho thấy ở đất nước này chúng ta kết tội một người dễ dàng như thế nào, và chỉ ra sự bất công khi ta để cho nỗi sợ hãi, sự giận dữ và khoảng cách định hình cách ta đối xử với những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta. Nó cũng nói về một thời kỳ kịch tính trong lịch sử hiện đại với những vết khắc vĩnh viễn lên cuộc sống của hàng triệu người Mỹ thuộc mọi chủng tộc, lứa tuổi và giới tính khác nhau, cũng như lên tâm thức Mỹ nói chung. Khi tôi tới trại tử tù lần đầu tiên vào tháng Mười hai năm 1983, nước Mỹ đang ở trong thời kỳ sơ khai của một cuộc chuyển biến quyết liệt, và nó đã khiến chúng ta trở thành một quốc gia khắc nghiệt và tàn nhẫn chưa từng có, dẫn tới cuộc bỏ tù hàng loạt vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Hiện nay, chúng ta có tỷ lệ tù nhân cao nhất thế giới. Số lượng tù nhân đã tăng từ 300.000 người vào đầu những năm 1970 lên tới 2,3 triệu người ở thời điểm hiện tại. Có gần 6 triệu người nữa đang thụ án treo hoặc được tạm tha. Cứ mười lăm người sinh ra tại Mỹ vào năm 2001 sẽ có một người phải ngồi tù[1]; cứ ba bé trai da đen sinh ra vào thế kỷ này thì sẽ có một phải sống trong cảnh tù tội[2]. Chúng ta đã bắn, treo cổ, gây ngạt khí, cho điện giật và tiêm thuốc độc hàng trăm người như một hình thức trừng phạt hợp pháp. Hàng nghìn người nữa đang nằm chờ chết trong các nhà tù. Một số bang còn không giới hạn độ tuổi tối thiểu[3] khi truy tố trẻ em như người trưởng thành. Chúng ta đã tống 1/4 triệu trẻ em vào các nhà tù dành cho người trưởng thành với thời hạn tù kéo dài, một số em thậm chí còn chưa đầy mười hai tuổi. Trong nhiều năm qua, chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới kết án tù chung thân không ân xá đối với trẻ em; gần 3.000 em nhỏ bị kết án đã phải chết trong tù. Hàng trăm nghìn tội nhân phạm những tội phi bạo lực đã buộc phải sống đời tù tội hàng chục năm. Chúng ta đã tạo ra các bộ luật quy định rằng ghi séc khống hay ăn cắp vặt là những tội danh có thể dẫn đến án tù chung thân. Chúng ta đã tuyên chiến với những người lạm dụng chất gây nghiện. Có hơn nửa triệu người[4] đang bị giam trong các nhà tù của bang hoặc liên bang vì phạm tội liên quan đến ma túy, so với mức chỉ 41.000 người vào năm 1980. Chúng ta đã xóa bỏ chính sách khoan hồng ở nhiều bang. Chúng ta đã sáng tạo ra các khẩu hiệu như “Phạm tội ba lần, đời đi tong”* để tuyên truyền về sự cứng rắn của mình. Chúng ta đã từ bỏ việc cải tạo, giáo dục và hỗ trợ tù nhân bởi nếu ta giúp đỡ họ thì lại tử tế quá, nhiệt tình quá. Chúng ta đã thể chế hóa các chính sách quy giản con người về những hành vi tồi tệ nhất của họ và dán cho họ những cái nhãn vĩnh viễn như “tội phạm”, “kẻ giết người”, “kẻ hiếp dâm”, “kẻ trộm”, “buôn bán ma túy”, “quấy rối tình dục”, “trọng phạm” - những danh tính mà họ không thể nào thay đổi bất kể hành động phạm tội của họ xảy ra trong bối cảnh nào, bất kể về sau có thể họ đã cố gắng sống tốt hơn ra sao. Những hậu quả gián tiếp của tình trạng giam giữ hàng loạt cũng rất nghiêm trọng. Chúng ta tước đi của phụ nữ[5], và lẽ tất yếu, con cái họ, chế độ nhận tem phiếu thực phẩm và nhà ở xã hội nếu họ có tiền án về ma túy. Chúng ta tạo ra một hệ thống phân chia giai cấp kiểu mới khi đẩy hàng nghìn người vào cảnh vô gia cư, ngăn cản họ chung sống với gia đình và cộng đồng, và khiến cho họ hầu như không thể kiếm được việc làm. Một số bang còn tước đoạt vĩnh viễn[6] quyền bầu cử của những người bị kết án hình sự. Hệ quả là tại một số bang miền Nam[7], tỷ lệ mất quyền bầu cử ở nam giới người Mỹ gốc Phi đã lên mức cao chưa từng thấy kể từ trước khi Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965 được thực thi. Chúng ta cũng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Rất nhiều người vô tội đã được minh oan[8] sau khi bị kết án tử hình, khi ngày tử của họ gần kề. Hàng trăm người nữa đã được thả ra[9] sau khi được giải oan khỏi những tội phi tử hình nhờ xét nghiệm ADN. Suy đoán có tội, nghèo đói, định kiến chủng tộc[10] cùng một tổ hợp các vận động chính trị, xã hội và cấu trúc đã tạo ra một hệ thống có đặc trưng nổi bật là các sai sót, trong đó hàng nghìn người vô tội phải sống trong cảnh tù đày. Cuối cùng, chúng ta đã chi rất nhiều tiền. Ngân sách chi cho nhà tù[11] của chính quyền bang và liên bang đã tăng từ 6,9 tỷ đô-la năm 1980 lên tới gần 80 tỷ đô-la ở thời điểm hiện tại. Những công ty tư nhân chuyên xây dựng nhà tù và cung cấp dịch vụ trong tù đã chi hàng triệu đô-la để thuyết phục các chính quyền bang và địa phương tạo ra các tội danh mới, áp những bản án khắc nghiệt hơn và giam giữ nhiều người hơn để họ có thể bỏ túi thêm nhiều lợi nhuận. Lợi nhuận tư nhân đã làm méo mó những nỗ lực cải thiện hệ thống an ninh công cộng, cắt giảm chi phí giam giữ hàng loạt, và quan trọng hơn cả là nỗ lực thúc đẩy chương trình cải tạo tù nhân. Chính quyền các bang đã buộc phải chuyển hướng chi ngân sách từ dịch vụ công, giáo dục, y tế và phúc lợi sang cho nhà tù, và hậu quả là họ hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Việc tư nhân hóa các dịch vụ y tế, thương mại và các dịch vụ khác trong tù đã khiến giam giữ hàng loạt trở thành con gà đẻ trứng vàng cho một thiểu số nhưng lại là ác mộng đối với đa số những người còn lại. Sau khi tốt nghiệp trường luật, tôi trở lại vùng Thâm Nam* để đại diện cho người nghèo, người bị giam giữ và người bị kết án. Suốt ba mươi năm qua, tôi đã sát cánh bên những tử tù chịu oan sai như Walter McMillian. Trong cuốn sách này, bạn sẽ được biết tới vụ của Walter, một vụ việc đã dạy cho tôi về sự thờ ơ đáng sợ của hệ thống này trước những phán quyết sai lệch hoặc không đáng tin cậy, về cảm giác thoải mái của chúng ta đối với định kiến, và sự nhân nhượng của chúng ta đối với những quy trình tố tụng và bản án bất công. Những chuyện mà Walter phải kinh qua cho tôi thấy khi chúng ta sử dụng quyền lực để buộc tội và kết án một cách vô trách nhiệm, thì hệ thống của chúng ta đối xử tàn nhẫn và làm tổn thương con người - không chỉ người bị buộc tội mà còn cả gia đình, cộng đồng của họ, và thậm chí cả nạn nhân của vụ án - như thế nào. Tuy nhiên, không dừng lại đó, trường hợp của Walter còn dạy cho tôi một điều khác nữa: vẫn có ánh sáng trong màn đêm này. Câu chuyện của Walter là một trong nhiều câu chuyện tôi sẽ kể ở những chương sau. Tôi đã đại diện cho những em nhỏ bị ngược đãi và hắt hủi, những đứa trẻ bị truy tố như người trưởng thành, chịu sự ngược đãi và đối xử thậm tệ khi bị giam giữ trong các trại giam người trưởng thành. Tôi đã đại diện cho phụ nữ, số phụ nữ ngồi tù đã tăng 640% trong vòng ba mươi năm trở lại đây. Và tôi đã chứng kiến nỗi ám ảnh về ma túy cùng sự thù nghịch với người nghèo đã khiến chúng ta vội vã buộc tội và truy tố những phụ nữ nghèo đúng lúc thai kỳ của họ gặp vấn đề như thế nào. Tôi đã đại diện cho những người mang bệnh tâm thần, mà vì chứng bệnh đang mang, họ đã bị đẩy vào cảnh tù tội hàng chục năm trời. Tôi đã ở bên những nạn nhân của tội ác dã man và gia đình họ, và chứng kiến ngay cả các quản giáo cũng bị làm cho tha hóa, trở nên bạo lực và giận dữ, bớt công chính và thiếu lòng xót thương ra sao. Tôi cũng đại diện cho những người đã gây ra những tội ác khủng khiếp, nhưng đang nỗ lực hoàn lương và mong được cứu chuộc. Tôi đã phát hiện ra sâu thẳm trong trái tim của nhiều người bị kết tội và giam giữ là những vết tích tản mát của hy vọng và nhân tính - những hạt giống phục hồi có thể nảy nở nếu được nuôi dưỡng dù chỉ bằng những can thiệp đơn giản. Sự gần gũi đã dạy tôi một số sự thật cơ bản và mộc mạc, trong đó phải kể đến bài học quan trọng sau: hành động tồi tệ nhất mà ta từng thực hiện không làm nên bản chất con người của ta. Công việc tôi làm với những người nghèo và người bị giam giữ đã thuyết phục tôi rằng trái ngược với nghèo đói không phải là giàu có, mà trái ngược với nghèo đói chính là công lý. Cuối cùng, tôi cũng tin rằng thước đo trung thực nhất cho cam kết của chúng ta đối với công lý, pháp quyền, công bằng, bình đẳng và bản sắc xã hội không nằm ở cách ta đối xử với những người giàu có, quyền cao chức trọng, nắm giữ đặc quyền, và được trọng vọng. Thước đo chuẩn xác nhất cho nhân phẩm của chúng ta nằm ở cách ta đối xử với người nghèo, người bị ghét bỏ, bị buộc tội, bị giam giữ và bị kết án. Tất cả chúng ta đều có liên can nếu chúng ta để mặc cho người khác bị đối xử bất công. Thiếu đi lòng từ ái, sự tử tế của cả một cộng đồng, một tiểu bang hay một quốc gia có thể bị hoen ố. Nỗi sợ hãi và giận dữ có thể khiến chúng ta thù hận, tàn nhẫn, phi nghĩa và bất công cho tới khi tất cả chúng ta đều phải chịu đựng hệ lụy của sự nhẫn tâm, và chúng ta buộc tội mình nhiều như chúng ta tàn tệ với người khác. Càng hiểu rõ về giam giữ hàng loạt và những hình thức trừng phạt khắc nghiệt, tôi càng tin rằng chúng ta ai cũng cần lòng thương xót, ai cũng cần công lý, và có lẽ tất cả chúng ta đều cần chút ân điển. Chương một NHỮNG DIỄN VIÊN ‘CHIM NHẠI’ N hân viên lễ tân tạm thời là một phụ nữ gốc Phi thanh lịch trong bộ veste công sở tối màu sang trọng - trông khác hẳn với phần đông nhân viên của Ủy ban Bảo vệ Tù nhân miền Nam ở Atlanta, nơi tôi trở lại làm việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp. Ngày đầu tiên cô đến làm, tôi lảng vảng gần cô trong bộ quần jean giày thể thao quen thuộc và đề nghị sẵn lòng trả lời bất kỳ câu hỏi nào để giúp cô thích nghi. Cô nhìn tôi lạnh lùng và xua tôi đi sau khi nhắc nhở tôi rằng cô thực ra là một thư ký pháp lý chuyên nghiệp. Sáng hôm sau, khi tôi đến văn phòng trong bộ quần jean giày thể thao khác, cô tỏ vẻ kinh ngạc cứ như tôi là một gã hành khất từ đâu đi lạc tới. Cô ngập ngừng, rồi gọi tôi lại để bật mí rằng một tuần nữa cô sẽ nghỉ ở đây để đi làm cho một “văn phòng luật thật sự”. Tôi chúc cô may mắn. Một giờ sau, cô gọi điện báo tôi hay có “Robert E. Lee” đang chờ máy. Tôi mỉm cười, mừng thầm vì mình đã đánh giá sai cô; rõ ràng cô có khiếu hài hước đấy chứ. “Buồn cười thật đấy.” “Tôi không đùa đâu. Ông ta nói thế mà,” cô trả lời, giọng chán chường. “Máy lẻ số 2 nhé.” Tôi nhấc máy. “Xin chào, tôi là Bryan Stevenson. Tôi có thể giúp gì ông?” “Chào Bryan, tôi là Robert E. Lee Key. Anh nghĩ cái quái gì mà lại muốn đại diện cho một người như Walter McMillian? Anh có biết hắn ta là một trong những tay buôn ma túy khét tiếng ở Nam Alabama không? Tôi đã nhận được thông báo rằng anh sẽ tham gia buổi hầu tòa, nhưng anh sẽ không muốn dính gì đến vụ này đâu.” “Ông nói sao?” “Tôi là thẩm phán Key. Anh sẽ không muốn dính gì đến vụ McMillian này đâu. Không ai, kể cả tôi, thật sự hiểu vụ này khốn nạn như thế nào, nhưng tôi biết nó rất tởm. Mấy tay này có khi chính là Dixie Mafia* đấy.” Giọng điệu dạy dỗ và cách dùng từ gây hoang mang của một thẩm phán tôi chưa từng gặp mặt khiến tôi bối rối. “Dixie Mafia sao?” Tôi đã gặp Walter McMillian hai tuần trước, sau một ngày ở trại tử tù để khởi sự xử lý năm hồ sơ. Tôi chưa xem biên bản phiên tòa, nhưng tôi nhớ thẩm phán mang họ Key. Chưa ai nói với tôi về cái tên Robert E. Lee. Tôi cố gắng mường tượng ra hình ảnh của một Dixie Mafia phù hợp với Walter McMillian. “Dixie Mafia sao?” “Chứ còn gì nữa. Này, con trai, ta không định bổ nhiệm một luật sư ngoài bang, lại không phải là thành viên của Đoàn Luật sư Alabama đảm nhiệm một trong những vụ tử hình này đâu, con nên rút lui đi.” “Tôi là thành viên Đoàn Luật sư Alabama.” Tôi sống ở Atlanta, Georgia, nhưng đã được kết nạp vào Đoàn Luật sư Alabama một năm trước sau khi xử lý một số vụ liên quan đến điều kiện giam giữ ở Alabama. “Hừm, tôi hiện đang làm thẩm phán ở hạt Mobile. Tôi không còn làm việc ở Monroeville nữa. Nếu chúng tôi phải xếp lịch xử kháng nghị của anh, anh sẽ phải đi từ Atlanta tới tận Mobile đấy. Tôi cũng không định giúp gì anh đâu.” “Tôi hiểu, thưa ngài. Tôi có thể tới Mobile nếu cần.” “Và này, tôi cũng sẽ không bổ nhiệm anh làm luật sư chỉ định của tòa vì tôi không nghĩ McMillian là kẻ bần hàn gì. Tôi nghe được thông tin hắn chôn tiền trên khắp hạt Monroe ấy.” “Ngài thẩm phán, tôi không định xin tòa bổ nhiệm. Tôi đã nói với McMillian là chúng tôi sẽ...” Tiếng tút tút của điện thoại ngắt lời khẳng định đầu tiên của tôi trong cuộc gọi này. Tôi mất mấy phút tưởng điện thoại có vấn đề, rồi mới nhận ra tôi vừa bị vị thẩm phán chủ động dập máy. Tuổi tôi đang ở cuối đầu hai, và tôi đang chuẩn bị bước vào năm thứ tư làm việc ở SPDC thì tôi gặp Walter McMillian. Hồ sơ của anh là một trong cả núi hồ sơ mà tôi đang điên cuồng xử lý sau khi nhận ra cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở Alabama. Bang này có gần 100 tử tù và có số người bị kết án tăng nhanh nhất cả nước, nhưng lại không có lấy một hệ thống bào chữa công. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều tử tù không có người đại diện pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào. Một người bạn của tôi tên là Eva Ansley đang thực hiện một dự án liên quan đến nhà tù, dự án đảm nhiệm việc theo dõi các vụ án và sắp xếp luật sư cho những người bị kết án ở Alabama. Năm 1988, chúng tôi tìm thấy một cơ hội xin tài trợ liên bang để thành lập một trung tâm pháp lý đại diện cho tử tù. Kế hoạch của chúng tôi là sử dụng tiền tài trợ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mới. Chúng tôi hy vọng sẽ mở được trung tâm ở Tuscaloosa và bắt đầu xử lý các sự vụ vào năm tiếp theo. Tôi đã xử lý nhiều trường hợp tử hình ở một số bang miền Nam, vài lần còn giành được lệnh đình chỉ thi hành án chỉ vài phút trước khi cuộc xử tử được định ngày. Nhưng tôi không nghĩ mình đã sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm điều hành một văn phòng luật phi lợi nhuận. Tôi dự định sẽ giúp tổ chức hoạt động trong những ngày đầu, tìm một giám đốc, rồi trở lại Atlanta. Vài tuần trước khi nhận được cuộc gọi của Robert E. Lee Key, tôi đã đến thăm trại tử tù và gặp năm người bị kết án hiện đang rất tuyệt vọng: Willie Tabb, Vernon Madison, Jesse Morrison, Harry Nicks, và Walter McMillian. Đó là một ngày mệt mỏi và rối bời, các vụ án và thân chủ cứ ám ảnh tâm trí tôi suốt chặng đường dài về Atlanta. Nhưng tôi đặc biệt nhớ Walter. Anh hơn tôi ít nhất mười lăm tuổi, sinh tại một ngôi làng nhỏ và không được học hành nhiều. Điều khiến tôi nhớ về Walter là sự quả quyết của anh về bản án oan mà anh đang phải chịu. “Bryan, tôi biết điều này có thể chẳng là gì với cậu, nhưng tôi cần phải cho cậu biết rằng tôi vô tội, tôi không làm những việc mà họ kết tội tôi,” anh nói với tôi ở phòng thăm viếng. Giọng anh đều đều nhưng nghẹn lại vì xúc động. Tôi gật đầu. Tôi đã học được cách chấp nhận tất cả những điều thân chủ kể với mình là sự thật cho đến khi có bằng chứng xác thực chứng tỏ một điều khác. “Chắc chắn rồi, tôi hiểu chứ. Khi tôi xem xét hồ sơ vụ này, tôi sẽ hiểu hơn về những chứng cứ họ có, và lúc đó chúng ta có thể bàn tiếp.” “Nhưng này, tôi biết tôi không phải là tử tù đầu tiên nói với cậu rằng mình vô tội, nhưng tôi thật sự rất mong cậu tin tôi. Cuộc đời tôi đã bị hủy hoại! Sự dối trá mà họ đặt lên tôi thật quá sức chịu đựng, và nếu tôi không được ai tin, không được giúp đỡ...” Môi anh bắt đầu run lên, và anh nắm chặt tay lại để khỏi bật khóc. Tôi ngồi im lặng trong khi anh cố lấy lại bình tĩnh. “Tôi xin lỗi, tôi biết cậu sẽ làm mọi điều có thể để giúp tôi,” anh nói, giọng dịu lại. Hành động bản năng của tôi là an ủi anh bởi nỗi đau của anh có vẻ rất thật. Nhưng tôi không thể làm gì nhiều. Sau vài giờ đồng hồ nói chuyện với quá nhiều người, tôi chỉ còn đủ năng lượng để trấn an anh rằng tôi sẽ xem lại hồ sơ thật cẩn thận. Tôi có một vài biên bản phiên tòa* chất ở văn phòng Atlanta, sẵn sàng chờ chuyển về Tuscaloosa khi văn phòng mới kia mở cửa. Với những lời bình luận đặc biệt của thẩm phán Robert E. Lee Key văng vẳng trong đầu, tôi lật giở chồng tài liệu cho tới khi tìm thấy biên bản phiên tòa xử Walter McMillian. Chỉ có bốn tập biên bản xét xử, điều này có nghĩa là phiên tòa diễn ra rất nhanh. Cảnh báo gay gắt của vị thẩm phán khiến lời kêu oan khẩn khoản của McMillian thôi thúc tôi, khiến tôi không thể trì hoãn thêm nữa. Tôi bắt đầu đọc. Mặc dù sống cả đời ở hạt Monroe nhưng Walter McMillian chưa bao giờ nghe nói đến Harper Lee hay cuốn tiểu thuyết Giết con chim nhại*. Monroeville, bang Alabama tung hô người con gái của quê hương, Harper Lee, sau khi cuốn sách đoạt giải thưởng của bà trở thành cuốn sách bán chạy nhất toàn nước Mỹ những năm 1960. Bà trở về hạt Monroe, nhưng sống khép mình và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Cuộc sống kín đáo của Lee không thể ngăn cản hạt Monroe ra sức quảng bá cho cuốn sách, hay sử dụng danh tiếng của cuốn sách để quảng bá cho chính mình. Rồi bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này được sản xuất, đưa Gregory Peck tới Monroe để diễn cảnh phiên tòa tai tiếng, và diễn xuất của ông giành giải Oscar. Các nhà lãnh đạo địa phương sau đó đã biến tòa án cũ thành một bảo tàng “Chim nhại”. Nhóm “Những diễn viên Chim nhại của Monroeville” cũng được thành lập ở đây để trình diễn phiên bản sân khấu của câu chuyện. Vở kịch được ưa chuộng đến nỗi họ phải tổ chức các tour diễn khắp trong và ngoài nước để phục vụ khán giả khắp nơi. Tình cảm dành cho câu chuyện của Lee vẫn cứ phát triển ổn định trong khi những sự thật nghiệt ngã hơn mà cuốn sách miêu tả lại không được dân tình để mắt tới. Câu chuyện về một người da đen vô tội được một luật sư da trắng can đảm bào chữa vào những năm 1930 đã làm rung động trái tim của hàng triệu độc giả, dù nó miêu tả trần trụi những cáo buộc sai lạc về một vụ hãm hiếp liên quan đến một phụ nữ da trắng. Những nhân vật đáng yêu của Lee, Atticus Finch và cô con gái lanh lợi của ông, Scout, đã thu hút độc giả, đồng thời bày ra trước mắt họ thực trạng chủng tộc và công lý ở miền Nam. Một thế hệ luật sư tương lai đã lớn lên với hy vọng trở thành Atticus dũng cảm để một ngày nào đó sẽ bảo vệ một nghi phạm da đen không có khả năng tự vệ trước đám đông da trắng giận dữ đang lăm le tìm cách hành hình* anh ta. Ngày nay, hàng chục tổ chức pháp lý trao giải thưởng mang tên vị luật sư hư cấu để ca ngợi tinh thần bào chữa được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết của Lee. Chi tiết thường bị bỏ qua là Atticus không thể bào chữa trắng án cho người đàn ông da đen bị oan trong truyện. Tom Robinson, bị cáo da đen chịu hàm oan, vẫn bị kết án. Về sau, anh chết khi liều mình vượt ngục trong tuyệt vọng. Anh bị truy đuổi và bị bắn mười bảy phát đạn vào lưng. Một cái chết thảm thương nhưng hợp pháp. Walter McMillian, giống như Tom Robinson, cũng lớn lên tại một khu định cư nghèo của người da đen nằm ở ngoại ô Monroeville, nơi cậu bắt đầu làm việc đồng áng cùng gia đình trước cả khi đủ tuổi đến trường. Con cái của những người lĩnh canh miền nam Alabama được cho học “cày cấy, trồng trọt và thu hoạch” ngay khi chúng đến tuổi thể hiện sự hữu ích của mình trên đồng ruộng. Các cơ hội học tập cho trẻ em da đen vào những năm 1950 rất hạn chế, nhưng mẹ của Walter đã cho cậu học tại một ngôi trường tồi tàn “dành cho trẻ da màu” hai năm. Khi Walter được tám, chín tuổi, cậu trở nên đắc dụng cho công việc thu hoạch bông hơn nhiều so với những lợi ích mơ hồ của con đường học hành. Năm mười một tuổi, Walter có thể điều khiển chiếc cày khéo léo không thua gì các anh chị mình. Thời thế thay đổi - tốt lên và xấu đi. Hạt Monroe vốn được các chủ đồn điền gầy dựng vào thế kỷ 19 để sản xuất bông. Nằm ở vùng đồng bằng duyên hải tây nam Alabama, vùng đất màu mỡ, trù phú này đã thu hút những di dân da trắng từ Bắc và Nam Carolina. Những người này đã tích lũy được những đồn điền trù phú và một lực lượng nô lệ đông đảo. Hàng thập kỷ sau Nội chiến, một lượng lớn người Mỹ gốc Phi, những người lĩnh canh và tá điền, đã làm việc cật lực trên những cánh đồng thuộc “Vành Đai Đen,” lệ thuộc vào những địa chủ da trắng để tồn tại. Trong cuộc Đại Di cư những năm 1940, hàng nghìn người Mỹ gốc Phi đã rời bỏ khu vực này tới miền Trung Tây và bờ Tây để kiếm việc làm. Những người ở lại tiếp tục bán mặt cho đất, nhưng cuộc di cư của những người Mỹ gốc Phi kết hợp với các yếu tố khác đã khiến nông nghiệp truyền thống, nền móng kinh tế của khu vực, lung lay. Tới những năm 1950, canh tác bông quy mô nhỏ không còn sinh lời như trước, dù có nguồn lao động giá rẻ là những người lĩnh canh và tá điền da đen. Bang Alabama đồng ý hỗ trợ các địa chủ da trắng trong vùng chuyển đổi sang trồng rừng và khai thác lâm sản bằng những gói ưu đãi thuế đặc biệt cho các nhà máy giấy và bột giấy. Mười ba trong số mười sáu nhà máy giấy và bột giấy của bang[1] đã được mở ra trong giai đoạn này. Dọc theo Vành Đai Đen, ngày càng nhiều thửa đất được chuyển sang trồng thông để phục vụ các nhà máy giấy và các mục đích công nghiệp. Phần lớn người Mỹ gốc Phi bị loại ra khỏi ngành công nghiệp mới này, và họ phải đương đầu với những thách thức kinh tế mới dù họ đã giành được những quyền dân sự cơ bản. Thời đại dã man của chế độ lĩnh canh và luật Jim Crow đang đi đến hồi kết, nhưng hệ quả của nó là nạn thất nghiệp dai dẳng và tình trạng nghèo đói mỗi lúc một thêm cùng kiệt. Các hạt trong vùng vẫn nằm trong số những hạt nghèo nhất cả nước. Walter đủ thông minh để nhìn thấy xu hướng này. Anh khởi sự kinh doanh bột gỗ theo đà phát triển của ngành công nghiệp gỗ những năm 1970. Anh khôn khéo và mạnh dạn vay tiền mua cho mình một chiếc cưa điện, máy kéo và xe tải chở gỗ. Tới những năm 1980, anh đã gây dựng được một mối làm ăn ổn định, dù không nhiều lợi nhuận nhưng cũng đem lại cho anh một cuộc sống tự chủ đáng hài lòng. Nếu anh làm tại nhà máy bột giấy hoặc những công việc chân tay khác như hầu hết những người da đen nghèo ở Nam Alabama, anh sẽ phải làm thuê cho chủ da trắng và chịu sức ép phân biệt chủng tộc nặng nề ở Alabama trong các thập niên 1970, 1980. Walter không thể né tránh thực tại phân biệt chủng tộc, nhưng nhờ tự mình làm chủ trong một lĩnh vực kinh tế đang tăng trưởng, anh có được sự tự do mà nhiều người Mỹ gốc Phi không có được. Sự độc lập của Walter khiến mọi người phần nào nể trọng và ngưỡng mộ, nhưng nó cũng nhen nhóm sự khinh thị và ngờ vực, đặc biệt từ bên ngoài cộng đồng người da đen ở Monroeville. Đối với một số người da trắng trong vùng, tự do mà Walter đang hưởng nằm ngoài tầm với của một người Mỹ gốc Phi ít học, làm ăn chính đáng. Thế nhưng, bất chấp những nghi kỵ ấy, Walter vẫn hòa nhã, khiêm cung, hào phóng và tốt bụng, điều này khiến anh được bạn làm ăn quý mến, bất kể họ là người da trắng hay da đen. Walter không phải là một người hoàn hảo. Từ lâu anh đã được mệnh danh là gã phong tình. Mặc dù anh đã kết hôn và có ba người con với Minnie, song ai cũng biết Walter còn có quan hệ tình ái với những phụ nữ khác. “Nghề rừng” là công việc có tiếng là khó khăn, nguy hiểm. Khi cuộc sống không có nhiều niềm an ủi, sự quan tâm của phụ nữ là điều Walter khó lòng cưỡng lại. Vẻ ngoài thô ráp - râu tóc rậm rạp, xồm xoàm - cùng với tính cách hào phóng, quyến rũ của Walter đã thu hút sự chú ý của một vài chị em. Từ nhỏ Walter đã thấu hiểu rằng việc đàn ông da đen gần gũi phụ nữ da trắng là điều cấm kỵ, nhưng tới những năm 1980, anh tự cho phép mình mường tượng ra một sự thay đổi. Có lẽ nếu không thành công tới mức có thể sống tốt nhờ tự chủ kinh doanh, anh đã giữ được hàng rào chủng tộc kiên cố đó trong tâm trí. Ban đầu, Walter không nghĩ nhiều về mấy lời đong đưa của Karen Kelly, một phụ nữ da trắng anh gặp ở quán Waffle House, nơi anh thường ghé ăn sáng. Cô khá hấp dẫn, nhưng anh không thật sự để ý. Khi trò tán tỉnh của Karen trở nên lộ liễu hơn, Walter ngần ngại nhưng rồi tự nhủ rằng sẽ chẳng ai biết chuyện này. Sau vài tuần, mối quan hệ của Walter với Karen trở nên phiền toái, ở tuổi hai mươi lăm, Karen kém Walter tới mười tám tuổi, và cô đã có chồng. Khi tin đồn lan nhanh rằng họ là “bạn bè”, cô tỏ ra sung sướng và kiêu hãnh về sự thân thiết của mình với Walter. Khi chồng cô phát hiện ra, mọi thứ nhanh chóng trở nên rắc rối. Karen và Joe, chồng cô, vốn đã không hòa hợp từ trước và đang chuẩn bị ly hôn, nhưng mối tình động trời của cô với một gã da đen đã chọc giận Joe và cả gia đình anh ta. Joe chuẩn bị các thủ tục pháp lý để giành quyền nuôi con và chủ định công khai bôi nhọ vợ mình bằng cách tiết lộ vụ dan díu của cô với gã da đen. Về phần mình, Walter luôn tránh dây dưa với tòa án và pháp luật. Nhiều năm trước, anh dính vào một vụ gây gổ ở quán bar, và hậu quả là anh nhận một bản án tiểu hình và một đêm trong trại giam. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất anh gặp rắc rối. Kể từ đó, anh không dính dáng gì đến hệ thống tư pháp hình sự nữa. Khi nhận được trát đòi hầu tòa từ chồng của Karen Kelly đòi anh làm chứng tại phiên tòa nơi vợ chồng Kelly sẽ đấu tranh giành quyền nuôi con, Walter biết vụ này sẽ gây cho anh những rắc rối nghiêm trọng. Không thể hỏi ý kiến vợ mình, Minnie, vốn là người tỉnh táo hơn trước những khủng hoảng kiểu này, anh tới tòa án trong tâm trạng thấp thỏm. Luật sư của chồng Kelly yêu cầu Walter bước lên bục nhân chứng, và anh quyết định thừa nhận mình là “bạn” của Karen. Luật sư của Karen phản đối những câu hỏi thô lỗ mà luật sư của chồng cô đặt ra cho Walter về bản chất của tình bạn này, tránh cho anh khỏi phải kể chi tiết. Nhưng khi Walter rời phòng xử, sự giận dữ và thù hận nhằm vào anh hiển hiện rõ ràng. Walter muốn lãng quên sự việc, nhưng những lời đồn thổi lan đi rất nhanh và làm danh tiếng của anh biến đổi. Không còn là anh thợ gỗ chăm chỉ, được người da trắng biết đến thuần túy nhờ tài đốn cây điệu nghệ nữa, Walter giờ đây đã trở thành cái gai trong mắt họ. Nỗi sợ hãi về tình dục và hôn nhân liên chủng tộc đã bắt rễ sâu trên đất Mỹ. Cuộc hội lưu của chủng tộc và tình dục là một lực lượng mạnh mẽ phá hoại công cuộc Tái thiết thời hậu Nội chiến, duy trì luật Jim Crow suốt một thế kỷ, và nuôi dưỡng nền chính trị phân biệt chủng tộc trong suốt thế kỷ 20. Sau chế độ nô lệ, hệ thống phân rẽ và phân biệt chủng tộc chủ yếu được thiết lập để ngăn chặn những mối quan hệ thân mật như của Walter và Karen - những mối quan hệ mà trên thực tế đã bị pháp luật cấm đoán bởi những đạo luật “chống lai chủng” (từ lai chủng, nguyên văn: miscegenation, bắt đầu được sử dụng vào những năm 1860, khi những người ủng hộ chế độ nô lệ đặt ra thuật ngữ này để reo rắc nỗi sợ hãi đối với tình dục và hôn nhân liên chủng tộc cùng sự pha tạp chủng tộc sẽ xảy ra nếu chế độ nô lệ bị xóa bỏ). Trong vòng hơn một thế kỷ, các nhà chấp pháp ở nhiều cộng đồng miền Nam đã nhận lãnh sứ mệnh điều tra và trừng phạt những gã da đen có quan hệ tình ái với phụ nữ da trắng. Mặc dù chính quyền liên bang đã cam kết bảo đảm quyền bình đẳng cho những cựu nô lệ được giải phóng trong thời kỳ Tái thiết ngắn ngủi, song chủ nghĩa thượng tôn da trắng và phân rẽ chủng tộc lại tái xuất không lâu sau khi quân đội liên bang rời Alabama trong những năm 1870. Quyền bỏ phiếu của người Mỹ gốc Phi bị tước bỏ, và hàng loạt các đạo luật nghiêm khắc được thực thi để củng cố thứ bậc chủng tộc. Các đạo luật “Thuần nhất chủng tộc” là một phần của kế hoạch phục dựng hệ thống phân rẽ chủng tộc của chế độ nô lệ và tái lập địa vị hèn kém của người Mỹ gốc Phi. Khi hình sự hóa tình dục và hôn nhân liên chủng tộc, các bang miền Nam cũng sử dụng những đạo luật này để hợp thức hóa chủ trương triệt sản cưỡng bức đối với phụ nữ nghèo và thuộc các cộng đồng thiểu số. Ngăn cấm tình dục giữa phụ nữ da trắng và đàn ông da đen trở thành nỗi ám ảnh nặng nề trên khắp miền Nam. Những năm 1880, một vài năm trước khi hành hình trở thành hình phạt chuẩn đối với các cuộc tình liên chủng tộc, và một thế kỷ trước khi Walter và Karen bắt đầu chuyện tình của họ, Tony Pace, một người đàn ông người Mỹ gốc Phi, và Mary Cox, một phụ nữ da trắng, đã yêu nhau ở Alabama. Họ bị bắt giữ và kết tội, cả hai đều bị tuyên án hai năm tù giam vì vi phạm đạo luật thuần nhất chủng tộc của bang Alabama. Luật sư John Tompkins, một trong số ít các chuyên gia da trắng coi các đạo luật thuần nhất chủng tộc là vi hiến, đã đồng ý đại diện cho Tony và Mary để kháng án. Tòa án Tối cao bang Alabama xem xét lại vụ việc vào năm 1882. Với một lập luận được viện dẫn thường xuyên trong nhiều thập kỷ sau, Tòa án Tối cao Alabama tuyên y án, sử dụng thứ ngôn ngữ đầy thù nghịch đối với quan hệ tình cảm liên chủng tộc. Khuynh hướng phạm tội[2] [ngoại tình hay thông dâm] sẽ càng xấu xa hơn khi xảy ra giữa những người thuộc hai chủng tộc khác nhau... Hậu quả của nó có thể là sự pha trộn hai chủng tộc, sản sinh ra một dân số lai tạp và một nền văn minh suy đồi. Việc ngăn chặn tệ nạn này được điều chỉnh bởi một chính sách đúng đắn, hướng đến lợi ích cao nhất của xã hội và chính phủ. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã xem xét lại quyết định của tòa án Alabama. Sử dụng thứ ngôn ngữ “tách biệt nhưng bình đẳng”* báo trước phần nào quyết định tai tiếng của Tối cao Pháp viện trong vụ Plessy v. Ferguson* hai mươi năm sau đó, Tối cao Pháp viện nhất trí ủng hộ bang Alabama cấm tình dục và hôn nhân liên chủng tộc, và tuyên y án đối với Tony Pace và Mary Cox. Nối tiếp quyết định của Tối cao Pháp viện, nhiều bang khác cũng thông qua các đạo luật thuần nhất chủng tộc, quy định hành vi kết hôn hoặc quan hệ tình dục với người da trắng của người Mỹ gốc Phi, thậm chí cả người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Á, là phạm pháp. Ngoài miền Nam, lệnh cấm này cũng được áp dụng khá phổ biến ở miền Tây và Trung Tây. Năm 1921, bang Idaho ra lệnh cấm hôn nhân và tình dục liên chủng tộc[3] giữa người da trắng và người da đen, mặc dù 99,8% dân số bang lúc đó không phải là người da đen. Mãi tới năm 1967[4], Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ mới tuyên bố các đạo luật chống lai chủng là vi hiến trong phán quyết Loving V. Virginia, nhưng sự cấm cản hôn nhân liên chủng tộc vẫn tồn tại dai dẳng sau quyết định mang tính bước ngoặt đó. Năm 1986 khi Walter gặp Karen Kelly, hiến pháp bang Alabama vẫn cấm hành vi này. Điều 102 của hiến pháp bang ghi như sau: Cơ quan lập pháp sẽ không bao giờ thông qua bất cứ một đạo luật nào[5] cho phép hoặc hợp pháp hóa hôn nhân giữa bất cứ một người da trắng nào với một người da đen hoặc con cháu của một người da đen. Không ai trông đợi một người có cuộc sống tương đối độc lập và thành công như Walter phải tuân thủ mọi phép tắc. Thỉnh thoảng say rượu, ẩu đả, hay ngoại tình - những hành động bồng bột đó không nghiêm trọng đến nỗi có thể hủy hoại thanh danh hay vị thế của một người đàn ông da đen trung thực, chăm chỉ, và đáng tin cậy. Nhưng đối với nhiều người da trắng, một người đàn ông da đen yêu đương liên chủng tộc, đặc biệt với một phụ nữ da trắng đã có chồng, là một hành vi không thể dung thứ. Ở miền Nam, những tội trạng như giết người hoặc hành hung có thể khiến bạn ngồi tù, nhưng tình dục liên chủng tộc lại là một loại hiểm họa đặc biệt mà hình phạt dành cho nó vô cùng khắc nghiệt. Hàng trăm đàn ông da đen đã bị hành hình bởi những kẻ cực đoan chỉ vì những cáo buộc vô căn cứ rằng họ có dấu hiệu thân mật với phụ nữ da trắng. Walter không biết gì về lịch sử luật pháp, nhưng giống như tất cả những người da đen ở Alabama, anh luôn khắc cốt ghi tâm mối họa từ tình cảm liên chủng tộc. Chỉ riêng ở hạt Moroe, có khoảng chục người da đen đã bị hành hình không thông qua xét xử[6] kể từ khi hạt này chính thức thành lập. Hàng chục vụ hành hình tương tự đã xảy ra ở những hạt lân cận, và con số này mới chỉ thể hiện một phần nhỏ tác động của chúng. Đó hẳn là những hành động khủng bố, gieo rắc nỗi sợ hãi rằng bất cứ tiếp xúc nào với người da trắng, bất cứ va vấp xã hội nào với người khác chủng tộc, bất cứ sự xúc phạm vô ý nào, bất cứ ánh nhìn hay lời bình luận dại dột nào cũng đưa đến nguy cơ phải chịu hình phạt ghê rợn chết người. Từ khi còn nhỏ, Walter đã nghe cha mẹ và người thân nói về hành hình. Hồi anh mười hai tuổi, người ta tìm thấy xác của Russell Charley, một người đàn ông da đen ở hạt Monroe, bị treo trên cây ở Vredenburgh, Alabama. Họ tin rằng Charley đã bị giết chết vì tội yêu đương liên chủng tộc. Walter nhớ như in nỗi khiếp sợ lan khắp cộng đồng người da đen ở hạt Monroe khi thấy cái xác bất động, lỗ chỗ vết đạn của Charley lủng lẳng trên cây. Và lúc này Walter cảm thấy tất cả mọi người ở hạt Monroe đang nói về quan hệ của anh với Karen Kelly. Chưa có điều gì từng làm anh lo lắng đến thế. Vài tuần sau đó, một vụ việc khủng khiếp hơn làm rúng động toàn Monroeville. Sáng muộn ngày 1 tháng Mười một năm 1986, Ronda Morrison, cô con gái xinh đẹp của một gia đình gia giáo trong vùng, được phát hiện nằm chết trên sàn hiệu giặt là Jackson, nơi cô sinh viên mười tám tuổi đang làm việc. Cô bị bắn ba phát đạn vào lưng. Án mạng hiếm khi xảy ra ở Monroeville. Một vụ giết người cướp của tại một cửa hiệu nổi tiếng ở trung tâm thị trấn như thế này là chưa từng có tiền lệ. Vụ giết hại Ronda không giống với bất cứ điều gì mà người dân nơi đây từng chứng kiến. Cô là con một, được nhiều người biết tới và không có bất kỳ một vết nhơ nào. Cô là mẫu người mà cả cộng đồng da trắng ở đây yêu mến, coi như con gái cưng. Ban đầu cảnh sát tin rằng không ai trong cộng đồng, dù da trắng hay da đen, có thể ra tay tàn bạo như vậy. Vào ngày thi thể Ronda Morrison được phát hiện, người ta trông thấy hai người đàn ông gốc Latin đi tìm việc làm ở Monroeville, và họ đã trở thành những nghi phạm đầu tiên. Cảnh sát truy bắt họ đến tận bang Florida, nhưng rồi kết luận rằng họ không phải là kẻ gây án. Người chủ cũ của cửa hiệu, một người đàn ông da trắng đứng tuổi tên là Miles Jackson, bắt đầu bị tình nghi, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ông ta là thủ phạm. Người chủ hiện tại, Rick Blair, bị thẩm vấn nhưng cũng được coi là ngoại phạm. Chỉ trong vòng vài tuần, cảnh sát đã cạn kiệt manh mối. Người dân Monroe bắt đầu bàn tán về sự kém cỏi của cảnh sát. Vài tháng sau, khi vẫn không có vụ bắt giữ nào, người ta càng bàn tán nhiều hơn; những lời chỉ trích công khai đối với cảnh sát, cảnh sát trưởng và công tố viên được đăng trên báo chí và phát đi trên các kênh phát thanh địa phương. Tom Tate được bầu làm cảnh sát trưởng của hạt sau khi vụ án mạng xảy ra, và người dân bắt đầu đặt câu hỏi liệu ông ta có đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Sở điều tra bang Alabama (ABI) được huy động để điều tra vụ án mạng, nhưng kết quả không khả quan hơn so với các nỗ lực trước đó của cảnh sát địa phương. Người dân Monroeville trở nên hoang mang. Các công ty trong vùng treo giải thưởng hàng nghìn đô-la cho những thông tin về thủ phạm. Doanh thu từ súng, vốn dĩ luôn dồi dào, cũng tăng vọt. Trong khi đó, Walter phải vật lộn với những vấn đề của riêng mình. Anh đã cố gắng hàng tuần liền để chấm dứt quan hệ với Karen Kelly. Các thủ tục giành quyền nuôi con và scandal tình ái động trời đã tàn phá cô. Cô làm quen với ma túy và gần như sụp đổ hoàn toàn. Cô bắt đầu qua lại với Ralph Myers, một người đàn ông da trắng có gương mặt biến dạng xấu xí và một đống thành tích bất hảo như một biểu trưng cho sự sa ngã của cô. Việc Karen qua lại với Ralph là bất bình thường, nhưng cô đang tuột dốc thảm hại đến nỗi gia đình và bạn bè không thể hiểu nổi những việc cô làm nữa. Quan hệ với Ralph đã nhấn chìm Karen, cô không dừng lại ở scandal và ma túy mà còn dấn bước tới những hành vi phạm tội nghiêm trọng. Họ cùng nhau dính dáng đến các cuộc buôn bán ma túy và vụ sát hại Vickie Lynn Pittman, một phụ nữ trẻ sống ở hạt Escambia lân cận. Cảnh sát sớm điều tra thành công vụ sát hại Pittman, nhanh chóng kết luận rằng Ralph Myers có liên can. Khi thẩm vấn Ralph, cảnh sát phát hiện thấy tâm lý của y cũng phức tạp như những vết sẹo chằng chịt trên người y. Ralph đa cảm, yếu ớt và khao khát sự chú ý - công cụ phòng thân hiệu quả duy nhất của y là kỹ năng lôi kéo và đánh lạc hướng người khác. Ralph tin rằng tất cả những điều y nói đều hoành tráng, gây sốc và giàu tình tiết. Hồi nhỏ khi sống trong trại trẻ cơ nhỡ, y đã bị bỏng nặng trong một vụ hỏa hoạn. Những vết bỏng để lại nhiều sẹo, làm biến dạng phần mặt và cổ đến nỗi y đã phải trải qua rất nhiều lần phẫu thuật để phục hồi những chức năng cơ bản. Y đã quen với việc bị người lạ nhìn chằm chằm vào đám sẹo với ánh mắt thương hại. Bị ruồng bỏ và sống thảm hại bên lề xã hội, song y cố gắng bù đắp cho điều đó bằng cách tỏ vẻ biết hết nội tình của mọi câu chuyện bí ẩn trên đời. Ban đầu Myers phủ nhận mọi liên can trực tiếp tới vụ sát hại Pittman, sau đó y lại thừa nhận mình vô tình có liên đới, nhưng rồi y nhanh chóng chuyển sang buộc tội những nhân vật đặc biệt khác trong vùng. Lúc đầu y buộc tội một người da đen có quá khứ bất hảo tên là Isaac Dailey, nhưng cảnh sát nhanh chóng phát hiện ra rằng Dailey bị giam trong trại vào đêm xảy ra án mạng. Sau đó Myers thú nhận mình đã bịa chuyện vì sát thủ thực sự không ai khác chính là cảnh sát trưởng một hạt gần đó. Không ngờ các nhân viên ABI lại xem xét nghiêm túc cáo buộc nghe có vẻ điên rồ này. Họ tiếp tục thẩm vấn Myers, nhưng Myers càng nói, câu chuyện của y càng có vẻ khó tin. Các viên chức bắt đầu nghi vấn Myers chính là sát thủ duy nhất và y chỉ đang cố gắng lôi kéo người khác vào câu chuyện nhằm che giấu tội lỗi của mình. Mặc dù vụ giết hại Vickie Pittman là tin tức nóng hổi, nhưng nó vẫn không thể so sánh với cái chết bí ẩn chưa có lời giải của Ronda Morrison. Vickie sinh ra trong một gia đình da trắng nghèo có vài người đi tù, và cô không có được vị thế như Ronda Morrison. Vụ sát hại Morrison vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận suốt hàng tháng trời. Ralph Myers không biết chữ, nhưng y biết vụ án Morrison mới là vụ khiến các nhà điều tra bận tâm. Khi lời cáo buộc nhằm vào cảnh sát trưởng tỏ ra không đi đến đâu, y lại thay đổi cốt truyện một lần nữa và khai với điều tra viên rằng y đã tham gia vào vụ giết Vickie Pittman cùng với Karen Kelly và gã tình nhân da đen Walter McMillian của cô. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Y cũng tố với cảnh sát rằng McMillian cũng là thủ phạm gây ra cái chết của Ronda Morrison. Cáo buộc này thu hút sự chú ý mạnh mẽ của các nhà chấp pháp. Các vị này nhanh chóng nhận ra sự thật hiển nhiên rằng Walter McMillian chưa bao giờ gặp Ralph Myers, huống hồ cùng y gây ra hai vụ giết người. Để kiểm tra liệu có đúng hai người đã thông đồng với nhau không, một nhân viên ABI yêu cầu Myers đến gặp Walter McMillian tại một cửa hiệu trong khi các đặc vụ giám sát tương tác giữa họ. Tính đến thời điểm đó, đã vài tháng trôi qua kể từ khi Ronda Morrison bị giết hại. Khi bước vào hiệu, Myers không thể xác định được ai là Walter McMillian trong số vài người đàn ông da đen có mặt ở đó (y phải nhờ chủ tiệm chỉ giúp ai là McMillian). Sau đó y đưa cho McMillian một mẩu giấy nhắn được cho là do Karen Kelly viết. Theo các nhân chứng, Walter có vẻ bối rối, vừa vì Myers, người mà anh chưa bao giờ gặp, vừa vì mẩu giấy nhắn. Walter vứt mẩu giấy đi và quay lại tiếp tục công việc đang làm. Anh không chú ý gì mấy đến cuộc gặp gỡ kỳ quặc này. Các nhân viên giám sát của ABI không tìm được bằng chứng gì về mối quan hệ của Myers và McMillian; ngược lại có nhiều bằng chứng cho thấy họ chưa bao giờ gặp nhau. Tuy nhiên, họ vẫn kiên trì với giả thuyết McMillian là thủ phạm. Thời gian cứ trôi - bảy tháng đã qua, tới lúc này - cộng đồng vẫn sợ hãi và phẫn nộ. Những lời chỉ trích ngày càng gay gắt hơn. Người dân khẩn thiết mong muốn thủ phạm phải bị bắt giữ. Cảnh sát trưởng Tom Tate của hạt Monroe không có nhiều kinh nghiệm chấp pháp. Ông ta tự miêu tả mình là người địa phương chính cống và rất hãnh diện vì chưa bao giờ đi đâu xa quá khỏi Monroeville. Bấy giờ, bốn tháng đã trôi qua kể từ khi nhậm chức cảnh sát trưởng, Tom Tate đang phải đối mặt với một vụ giết người nan giải và áp lực mạnh mẽ từ công chúng. Khi Myers kể với cảnh sát về quan hệ giữa McMillian và Karen Kelly, có thể Tate đã biết rõ mối tình liên chủng tộc tai tiếng này sau khi phiên tòa giành quyền nuôi con của vợ chồng Kelly thu hút nhiều lời bàn tán. Nhưng không có bằng chứng nào chống lại McMillian - ngoại trừ việc anh là một người Mỹ gốc Phi có dính đến một vụ ngoại tình liên chủng tộc. Điều này có nghĩa anh là một kẻ liều lĩnh và nguy hiểm, cho dù anh không có tiền án tiền sự và có danh tiếng tốt. Có lẽ bằng chứng như vậy là đủ. Chương hai ĐỨNG LÊN Đ ã tới lúc tôi cần đi tìm một căn hộ riêng cho mình sau khi ngủ nhờ trên chiếc đi văng trong phòng khách của Steve Bright suốt một năm rưỡi hành nghề luật sư ở Atlanta. Khi tôi mới tới Atlanta làm việc, đội ngũ ở đây đang phải vật lộn xử lý hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Tôi ngay lập tức bị ném vào các vụ kiện tụng với thời hạn sát sạt và không có thời gian để tìm chỗ ở - và mức lương 14.000 đô-la một năm cũng chẳng chừa cho tôi bao nhiêu để thuê nhà - vì vậy Steve tốt bụng cho tôi ở nhờ. Sống trong căn hộ nhỏ của Steve ở khu công viên Grant Park, tôi có thể liên tục hỏi anh về những thách thức và vấn đề phức tạp mà các hồ sơ và thân chủ của chúng tôi đặt ra. Hàng ngày chúng tôi mổ xẻ những vấn đề lớn nhỏ từ sáng tới tận đêm khuya. Việc đó làm tôi rất hứng thú. Nhưng khi một người bạn học cùng trường luật, Charles Bliss, chuyển tới Atlanta để làm việc cho Hội Trợ giúp Pháp lý Atlanta, chúng tôi tính rằng nếu gộp khoản lương khiêm tốn của cả hai thằng lại, chúng tôi sẽ có đủ tiền thuê một căn hộ giá rẻ. Charlie và tôi học cùng khóa ở trường Luật Harvard và đã sống cùng ký túc xá hồi năm đầu đại học. Là một cậu da trắng quê ở North Carolina, cậu dường như có chung với tôi nỗi hoang mang về những trải nghiệm ở trường luật. Chúng tôi thường trốn đến phòng gym của trường để chơi bóng rổ và cố gắng giải nghĩa cuộc đời. Charlie và tôi tìm thấy một chỗ ở gần công viên Inman của Atlanta. Một năm sau, tiền thuê nhà tăng khiến chúng tôi phải chuyển tới khu Virginia Highlands của thành phố. Chúng tôi ở đây được một năm thì tiền thuê nhà lại tăng, buộc chúng tôi chuyển tới khu Midtown Atlanta. Căn hộ hai phòng ngủ ở Midtown của tôi và Charlie là căn hộ đẹp nhất trong khu phố đẹp nhất mà chúng tôi từng kiếm được. Tuy nhiên, vì ngập đầu với khối lượng vụ án ở Alabama, tôi không ở đây nhiều. Kế hoạch triển khai một dự án pháp lý mới đại diện cho các tử tù ở Alabama của tôi đã bắt đầu thành hình. Hy vọng của tôi là thực hiện tốt dự án ở Alabama và cuối cùng quay lại sống ở Atlanta. Danh sách dài các hồ sơ tử hình mới ở Alabama buộc tôi phải làm việc điên cuồng, lái xe đi đi về về giữa hai nơi, đồng thời phải cố gắng giải quyết một vài vụ liên quan đến điều kiện giam giữ mà tôi đã khởi kiện tại các bang khác nhau ở miền Nam. Điều kiện giam giữ tù nhân ở khắp nơi ngày một xuống cấp. Vào thập niên 1970, những cuộc bạo loạn ở nhà tù Attica đã thu hút sự chú ý của cả nước đến tình trạng ngược đãi khủng khiếp trong các nhà tù. Sự việc tù nhân giành quyền kiểm soát Attica đã phơi bày những biện pháp tàn nhẫn thường được áp dụng trong các nhà tù, và biệt giam là một ví dụ. Khi bị biệt giam, tù nhân sẽ bị cô lập trong một không gian chật chội hàng tuần hoặc hàng tháng liền. Ở một số trại, tù nhân bị biệt giam trong “hộp mồ hôi,” tức một hốc nhỏ bằng cỡ chiếc quan tài hoặc một cái bốt, đặt ở nơi mà tù nhân phải chịu cái nóng suốt nhiều ngày, nhiều tuần trời. Có trại, tù nhân sẽ bị tra tấn bằng roi điện khi vi phạm nội quy. Có trại, tù nhân lại bị xích vào “cọc ngựa” với hai cánh tay bị trói chặt trên đầu, và họ phải đứng hàng giờ trong tư thế đau đớn đó. Đây là một trong nhiều hình phạt nguy hiểm và tàn bạo đối với tù nhân mà mãi tới năm 2002 mới bị coi là vi hiến. Điều kiện sống và ăn uống tồi tệ là chuyện rất đỗi phổ biến. Cái chết của bốn mươi hai người trong những ngày cuối của cuộc nổi dậy ở nhà tù Attica đã phô bày hiểm họa của tình trạng ngược đãi và những điều kiện vô nhân đạo trong nhà tù. Nhờ sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của công chúng, một số phán quyết đã được Tối cao Pháp viện đưa ra nhằm cung cấp cho tù nhân sự bảo vệ cơ bản theo quy trình tố tụng công bằng. Cảnh giác trước nguy cơ xảy ra bạo lực, một vài bang đã tiến hành cải tổ, loại bỏ những biện pháp tàn bạo nhất. Tuy nhiên, một thập kỷ sau, dân số nhà tù bùng nổ, khiến điều kiện giam giữ xuống cấp trở thành một hệ quả không thể tránh khỏi. Chúng tôi nhận được rất nhiều thư khiếu nại của tù nhân về điều kiện khủng khiếp trong tù. Các tù nhân cho biết họ bị các giám thị đánh đập, bị làm nhục và chịu các hình thức trừng phạt hạ thấp nhân phẩm khác. Số hồ sơ có liên quan tới các tù nhân tử vong trong buồng giam được gửi tới văn phòng chúng tôi tăng lên đến con số báo động. Tôi đã giải quyết một số vụ như vậy, trong đó có một vụ ở Gadsden, Alabama. Các quản giáo ở đây tuyên bố một người đàn ông da đen ba mươi chín tuổi chết vì nguyên nhân tự nhiên sau khi anh này bị bắt giữ vì vi phạm luật giao thông. Gia đình anh khẳng định, anh bị cảnh sát và quản giáo đánh đập, đồng thời từ chối cung cấp bình hít và thuốc hen suyễn mặc cho anh van xin. Tôi đã dành rất nhiều thời gian ở bên gia đình đang chìm đắm trong đau thương của Lourida Ruffin, và được nghe họ kể anh là một người cha giàu tình cảm ra sao, tốt bụng như thế nào, nhưng người đời đã có những thành kiến sai lệch đến đâu về anh. Cao gần hai mét và nặng hơn 110 kg, anh trông lừng lững dễ sợ, nhưng vợ và mẹ anh quả quyết anh là người nhẹ nhàng, hiền lành. Một đêm nọ, cảnh sát Gadsden dừng xe của Ruffin lại vì cho rằng xe của anh đã chuyển hướng đột ngột. Cảnh sát phát hiện ra giấy phép lái xe của anh đã hết hạn từ mấy tuần trước, vì thế anh bị tạm giữ. Khi tới trại giam thành phố trong tình trạng bầm dập, máu me, Ruffin kể với các tù nhân khác rằng anh đã bị đánh đập dã man và đang rất cần bình hít và thuốc hen. Khi tôi bắt tay điều tra vụ việc, các tù nhân trong trại kể cho tôi hay họ trông thấy các cảnh sát đánh Ruffin trước khi nhốt anh vào buồng biệt giam. Sau đó vài giờ, họ thấy nhân viên y tế cáng xác anh ra. Mặc dù đã có những cuộc cải cách trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, song tình trạng tù nhân chết trong trại tạm giam và nhà tù vẫn rất nghiêm trọng. Tự tử, bạo lực giữa các tù nhân[1], điều kiện chăm sóc y tế nghèo nàn, sự ngược đãi của nhân viên nhà tù và bạo lực của giám ngục đã tước đi sinh mạng của hàng trăm tù nhân mỗi năm. Tôi sớm nhận được các khiếu nại khác từ người dân Gadsden. Cha mẹ của một thiếu niên da đen bị cảnh sát bắn chết kể với tôi câu chuyện của họ. Con trai họ bị dừng xe lại vì lỗi vượt đèn đỏ. Cậu bé mới lái xe và rất hoảng sợ khi thấy cảnh sát tiếp cận. Gia đình cho biết cậu đã cúi xuống sàn xe, với lấy chiếc túi đựng dụng cụ tập thể hình để tìm tấm bằng lái mà cậu mới được cấp. Cảnh sát tưởng cậu đang tìm vũ khí, và cậu thiếu niên bị bắn chết ngay khi đang ngồi trên xe. Về sau, không món vũ khí nào được tìm thấy. Viên cảnh sát cho rằng cậu thiếu niên có những dấu hiệu đe dọa, cậu lái xe quá nhanh và có thái độ hung hăng. Trong câu chuyện cha mẹ cậu kể với tôi, con trai họ là đứa trẻ hay lo lắng và yếu bóng vía, nhưng lại ngoan ngoãn và không bao giờ làm hại ai. Cậu rất mộ đạo và là một học sinh ngoan - tiếng tốt đó đã giúp gia đình thuyết phục được các nhà hoạt động dân quyền thúc đẩy cuộc điều tra về cái chết của cậu. Đơn khẩn cầu của họ được gửi đến văn phòng chúng tôi, và tôi đã điều tra về vụ việc này cùng các vụ liên quan đến điều kiện giam giữ. Vừa tìm hiểu luật hình sự và dân sự bang Alabama, vừa giải quyết các bản án tử hình ở một số tiểu bang khác khiến tôi vô cùng bận rộn. Đồng thời, các khiếu nại về điều kiện giam giữ cũng buộc tôi thường xuyên phải lái xe đường dài nhiều giờ liền. Chiếc xe Honda Civic đời 1975 sương gió của tôi phải vật lộn ra trò để sinh tồn. Chiếc radio trên xe đã trục trặc từ năm ngoái. Nó chỉ hoạt động khi tôi lao phải ổ trâu hoặc phanh gấp, làm xe rung mạnh và kết nối trở lại. Sau ba giờ đồng hồ lái xe từ Gadsden về vào buổi sớm rồi chạy thẳng tới văn phòng, ngày hôm đó, tôi lại từ chỗ làm về nhà lúc gần nửa đêm. Tôi lên xe, và mừng rỡ khi chiếc radio tự nhiên bật lên ngay khi tôi khởi động. Chỉ sau hơn ba năm làm nghề luật, tôi đã trở thành kiểu người mà chỉ một việc nho nhỏ như vậy cũng làm chỉ số hạnh phúc của tôi tăng vọt. Đêm hôm đó, không chỉ có chiếc radio hoạt động trở lại, mà nhà đài còn đang phát một chương trình hồi tưởng về thành tựu âm nhạc của nhóm Sly and the Family Stone. Nhạc Sly đã đi cùng tôi suốt thuở thiếu thời. Tôi hân hoan lướt qua các con phố Atlanta trong tiếng nhạc của “Dance to the Music” (Nhảy theo điệu nhạc), “Everybody Is a Star” (Mỗi người đều là một ngôi sao) và “Family Affair” (Chuyện gia đình). Căn hộ của chúng tôi ở Midtown Atlanta nằm trên một con phố đông đúc dân cư. Có những đêm tôi phải đi xa tới nửa phố hoặc thậm chí phải xuống tít tận cuối phố mới tìm được chỗ đậu xe. Nhưng đêm nay tôi gặp may. Tôi có thể đậu chiếc Civic lọc xọc của mình cách nhà chỉ vài bước chân. Vừa khi ấy, Sly bắt đầu hát bài “Hot Fun in the Summertime” (Hè vui nồng cháy). Đêm đã khuya và tôi cần đi ngủ, nhưng giây phút này êm đềm quá đỗi, tôi không nỡ bỏ qua, nên tôi ngồi lại trong xe nghe nhạc. Mỗi lần một khúc nhạc kết thúc là tôi lại tự nhủ mình nên vào nhà, nhưng rồi một bài hát quyến rũ khác cất lên, níu chân tôi lại. Tôi đang hát theo bài “Stand!” (Đứng lên!), khúc “Sly ca” bay bổng với đoạn kết mang âm hưởng phúc âm tuyệt hay thì thấy ánh đèn loang loáng của xe cảnh sát tiến lại gần. Tôi đậu xe chỉ cách nhà một đoạn, vì vậy tôi nghĩ rằng xe cảnh sát chỉ đi ngang qua vì một sự vụ cấp bách nào đó. Khi họ dừng lại cách tôi chừng sáu mét, tôi mới tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Đoạn phố chỗ nhà chúng tôi chỉ có một chiều. Xe tôi đang đậu đúng chiều, còn xe cảnh sát tiến lại từ chiều bên kia. Tôi nhận thấy đó không phải một chiếc xe cảnh sát thông thường, mà là một trong những chiếc xe đặc biệt của đơn vị chiến thuật SWAT Atlanta. Các sĩ quan có một chiếc đèn rọi gắn trên xe; chỉ đến lúc họ chĩa nó vào tôi, tôi mới hiểu họ ở đây là vì mình nhưng không thể tưởng tượng nổi lý do. Tôi đã đậu xe trên phố khoảng mười lăm phút để nghe Sly. Radio chỉ có một loa hoạt động được, âm thanh không phải tốt lắm. Tôi biết tiếng nhạc không thể nghe thấy được từ bên ngoài. Các sĩ quan ngồi đó, họ cho đèn chiếu thẳng vào tôi khoảng một phút. Tôi tắt radio trước khi bài “Stand!” kết thúc. Trên xe là các tập hồ sơ vụ Lourida Ruffin và vụ cậu bé bị bắn chết ở Gadsden. Cuối cùng, hai sĩ quan bước ra khỏi xe. Tôi lập tức nhận thấy họ không mặc bộ đồng phục thông thường của cảnh sát Atlanta, mà phục trang kiểu quân đội, bốt đen, quần và áo khoác đen dữ dằn. Tôi quyết định ra khỏi xe để về nhà. Mặc dù đang bị họ nhìn chằm chằm, tôi vẫn hy vọng rằng họ ở đây để làm việc gì đó không liên quan đến mình. Hoặc giả như họ tưởng tôi đang gặp chuyện gì không hay, tôi sẽ bảo họ rằng mọi việc đều ổn cả. Tôi không mảy may nghĩ rằng ra khỏi xe là sai lầm hoặc nguy hiểm. Ngay khi tôi mở cửa xe và bước ra ngoài, một sĩ quan tiến lại gần và chĩa vũ khí vào tôi. Lúc đó chắc trông tôi hoảng hốt lắm. Theo bản năng, ý nghĩ đầu tiên của tôi là bỏ chạy. Tôi nhanh chóng quyết định rằng đó không phải là hành động khôn ngoan. Rồi một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi rằng có thể họ không phải là cảnh sát thật. “Cứ nhúc nhích đi rồi tao sẽ cho bay đầu mày luôn!” Viên sĩ quan hét lớn, nhưng tôi không thể hiểu nổi anh ta muốn nói gì. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh; đây là lần đầu tiên trong đời có người chĩa súng vào tôi. “Giơ tay lên!” Viên cảnh sát này là một người da trắng, cao tầm như tôi. Trong bóng tối, tôi chỉ có thể nhìn rõ bộ đồng phục đen và vũ khí của anh ta. Tôi giơ tay lên và nhận thấy anh ta có vẻ căng thẳng. Tôi không nhớ mình đã quyết định cất lời như thế nào, tôi chỉ nhớ mấy từ đã tuôn ra từ miệng tôi: “Được rồi. Được rồi.” Giọng tôi chắc run lắm vì lúc ấy tôi đang rất hoảng. Tôi cứ nói đi nói lại mấy từ đó. “Được rồi, được rồi.” Cuối cùng tôi nói, “Tôi sống ở đây, đây là căn hộ của tôi.” Tôi nhìn viên sĩ quan đứng cách tôi chỉ tầm bốn mét và đang chĩa súng vào đầu tôi. Hình như tôi thấy tay anh ta run rẩy. Tôi tiếp tục nói bằng giọng bình tĩnh nhất có thể: “Được rồi, được rồi.” Viên sĩ quan thứ hai thận trọng nhích từng bước về phía tôi. Anh ta chưa rút vũ khí. Anh ta bước lên vỉa hè, đi vòng ra đằng sau xe rồi đứng sau lưng tôi trong khi người còn lại tiếp tục chĩa súng về phía tôi. Anh ta túm chặt cánh tay tôi và đẩy ghì tôi vào đuôi xe. Viên sĩ quan kia hạ súng. “Anh đang làm gì ở đây?” viên sĩ quan thứ hai hỏi. Người này trông có vẻ nhiều tuổi hơn người đã rút súng. Giọng anh ta có vẻ giận dữ. “Tôi sống ở đây. Tôi mới chuyển về đây vài tháng trước. Bạn cùng phòng của tôi đang ở trong nhà. Các anh có thể hỏi cậu ta.” Tôi ghét cái giọng sợ hãi run rẩy của mình. “Anh đang làm gì ngoài đường?” “Tôi chỉ đang nghe radio thôi.” Anh ta đặt tay tôi lên xe và đẩy ghì tôi vào đuôi xe. Ánh đèn chói gắt của chiếc xe SWAT vẫn rọi thẳng vào tôi. Tôi thấy dân tình bắt đầu bật đèn và ló ra khỏi cửa. Nhà hàng xóm thức dậy, một ông một bà da trắng trung tuổi bước ra ngoài, nhìn tôi chằm chằm lúc tôi bị ghì vào xe. Viên sĩ quan đòi xem giấy phép lái xe nhưng không cho tôi nhúc nhích tay chân để lấy nó. Tôi bảo giấy phép lái xe ở trong túi quần sau, và anh ta móc chiếc ví khỏi quần tôi. Viên sĩ quan kia chui vào trong xe của tôi, lục lọi giấy tờ. Tôi biết anh ta không có lý do chính đáng để vào xe tôi và hành vi lục soát của anh ta là trái luật. Tôi đang định cất lời thì thấy anh ta mở ngăn đựng đồ linh tinh. Khám xét đồ đạc trong một chiếc xe đang đậu là hoàn toàn bất hợp pháp. Tôi nhận thấy anh ta không để ý gì đến luật, nên có nói cũng bằng thừa. Xe tôi không có gì hay ho. Không ma túy, không rượu, thuốc lá cũng không. Tôi để một túi to có kẹo M&M và kẹo cao su Bazooka trong ngăn đựng đồ linh tinh để chống đói mỗi khi không kịp ăn uống tử tế. Trong túi chỉ còn vài viên M&M, nhưng viên sĩ quan kiểm tra rất cẩn thận. Anh ta thò mũi vào túi kẹo ngửi ngửi trước khi vứt trả về chỗ cũ. Thế là xong, tôi sẽ không thể ăn mấy viên M&M đó nữa rồi. Tôi sống ở địa chỉ mới này chưa bao lâu để lấy bằng lái xe mới, vì thế địa chỉ trên bằng lái của tôi không khớp với chỗ ở hiện tại. Không có quy định nào về việc cập nhật thông tin trên bằng lái, nhưng điều đó vẫn khiến viên sĩ quan giữ tôi lại thêm mười phút nữa trong khi anh ta quay lại xe cảnh sát để tìm hiểu thêm về tôi. Láng giềng của tôi mỗi lúc một bạo dạn hơn. Mặc dù đã muộn, nhưng mọi người vẫn ra khỏi nhà để xem. Tôi nghe thấy họ nói về tất cả những vụ trộm cắp trong khu phố. Có một bà già da trắng rất mạnh mồm, lớn tiếng yêu cầu cảnh sát thẩm vấn tôi về những món đồ bị mất trộm của bà. “Hỏi hắn về cái radio và máy hút bụi của tôi đi!” Một bà khác hỏi về con mèo đã mất tích ba ngày. Tôi tiếp tục chờ đèn nhà mình bật sáng, chờ Charlie bước ra và giúp tôi. Cậu đang hẹn hò với một cô gái làm cùng ở trung tâm Hỗ trợ Pháp lý và nhiều khi ngủ lại nhà cô ấy. Có vẻ như đêm đó cậu ta không có ở nhà. Cuối cùng, viên sĩ quan quay lại và nói với đồng nghiệp: “Họ không có thông tin gì về gã này.” Anh ta tỏ ra thất vọng. Tôi trấn tĩnh lại và nhấc tay mình khỏi xe. “Loạn quá. Tôi sống ở đây. Các anh không nên làm như thế này. Tại sao các anh làm thế?” Viên sĩ quan lớn tuổi cau mày nhìn tôi. “Có người gọi điện thông báo về một nghi phạm trộm cắp. Khu này có nhiều vụ trộm lắm.” Anh ta nhe răng cười. “Chúng tôi sẽ để anh đi. Sướng nhé,” anh ta nói. Rồi họ cất bước, chui vào chiếc SWAT và lái đi. Những người láng giềng nhìn tôi lần cuối trước khi quay vào nhà. Tôi không biết mình nên lao nhanh về để chứng minh cho họ thấy tôi là người ở đây, hay chờ cho họ về hết để không ai biết “nghi phạm” sống ở đâu. Cuối cùng, tôi quyết định đứng lại chờ. Tôi thu dọn các loại giấy tờ mà cảnh sát đã lục tung tóe khắp trong xe và trên vỉa hè. Tôi bực bội ném túi M&M vào thùng rác bên lề đường, rồi đi về căn hộ của mình. Tôi thở phào, Charlie đang ở nhà. Tôi đánh thức cậu ta để kể chuyện. “Bọn họ còn chả thèm xin lỗi lấy một lời,” tôi nói. Charlie chia sẻ cảm giác phẫn nộ của tôi nhưng rồi cậu ngủ lại ngay. Tôi thì không thể ngủ được. Sáng hôm sau, tôi kể cho Steve nghe vụ việc. Anh rất tức giận và giục tội nộp đơn khiếu nại lên Sở Cảnh sát Atlanta. Một số người ở văn phòng nói tôi nên giải thích trong đơn rằng mình là một luật sư dân quyền đang giải quyết các vụ việc cảnh sát sai phạm. Tôi cảm thấy không ai cần đến những chức danh kiểu như vậy thì mới có thể khiếu nại về hành vi của cảnh sát. Tôi bắt đầu soạn đơn khiếu nại, quyết định sẽ không tiết lộ mình là luật sư. Khi tôi hồi tưởng toàn bộ sự việc, điều làm tôi bận tâm nhất là thời điểm viên sĩ quan rút súng còn tôi thì có ý định bỏ chạy. Tôi là một luật sư hai mươi tám tuổi, có kinh nghiệm xử lý các trường hợp liên quan đến hành vi sai trái của cảnh sát. Tôi có đủ lý lẽ để có thể bình tĩnh nói chuyện với viên cảnh sát khi anh ta dọa bắn tôi. Khi tôi tự hỏi, mình sẽ làm gì khi mình mười sáu, mười chín hoặc thậm chí hai mươi tư tuổi, tôi sợ hãi nhận ra rằng khi ấy tôi có thể sẽ bỏ chạy. Càng suy nghĩ về điều đó, tôi càng lo cho những cậu bé và đàn ông da đen sống ở khu này. Họ có biết rằng không nên chạy không? Họ có biết nên bình tĩnh và nói “Được rồi” không? Tôi viết ra hết những mối lo ngại của mình. Tôi tìm thấy báo cáo của Cục Thống kê Tư pháp[2] cho biết đàn ông da đen có nguy cơ bị cảnh sát giết cao gấp tám lần so với đàn ông da trắng. Đến cuối thế kỷ 20[3], dự báo tỷ lệ cảnh sát nổ súng sẽ giảm, nhờ đó nguy cơ đàn ông da màu bị nhà chấp pháp giết sẽ “chỉ” còn cao gấp bốn lần so với đàn ông da trắng. Nhưng vấn đề sẽ trầm trọng hơn[4] khi một số bang thông qua luật “Tự vệ”* khuyến khích công dân có vũ trang được sử dụng vũ lực gây chết người. Tôi mải miết viết đơn khiếu nại gửi Sở Cảnh sát Atlanta mà không để ý rằng mình đã gõ gần chín trang liệt kê tất cả những điều tôi nghĩ là sai trái. Tôi dành hai trang miêu tả chi tiết hành vi lục soát xe hoàn toàn bất hợp pháp mà không có lý do chính đáng của cảnh sát. Tôi thậm chí còn trích dẫn khoảng sáu vụ việc khác. Tôi đọc lại tờ đơn một lượt và nhận ra rằng tôi đã viết tất cả những gì cần thiết, trừ việc tiết lộ “Tôi là luật sư”. Tôi gửi đơn tới Sở Cảnh sát và cố quên vụ việc đó đi, nhưng không thể. Tôi nghĩ mãi về những chuyện đã xảy ra. Tôi bắt đầu cảm thấy hổ thẹn vì bản thân đã không kiểm soát tình hình tốt hơn trong vụ va chạm đó. Tôi đã không nói với cảnh sát rằng tôi là luật sư hay cho họ biết những điều họ đang làm là vi phạm pháp luật. Đáng lẽ tôi nên nói với họ nhiều hơn? Mặc dù tôi đã làm nhiều việc để hỗ trợ tử tù, song tôi băn khoăn không biết mình đã sẵn sàng đến mức nào để xử lý những vụ việc thực sự gai góc. Tôi thậm chí còn đang lưỡng lự về việc tới Alabama mở văn phòng luật. Tôi không thể thôi suy nghĩ về những rủi ro mà thanh thiếu niên phải đối mặt khi họ bị cảnh sát chặn đường. Khiếu nại của tôi được Sở Cảnh sát Atlanta xem xét. Cứ sau vài tuần, tôi lại nhận được thư giải thích rằng các sĩ quan đã không làm gì sai, và rằng công việc của cảnh sát là rất vất vả. Tôi tiếp tục gửi khiếu nại lên các cấp cao hơn, nhưng không thành công. Cuối cùng, tôi yêu cầu được gặp cảnh sát trưởng và hai sĩ quan cảnh sát đã chặn đường tôi. Đề nghị đó bị từ chối, nhưng phó cảnh sát trưởng đồng ý gặp tôi. Tôi yêu cầu một lời xin lỗi và đề nghị Sở Cảnh sát có kế hoạch đào tạo làm sao để tránh tình trạng các sĩ quan lặp lại những sự cố tương tự. Phó cảnh sát trưởng lịch sự gật đầu trong khi tôi trình bày vụ việc. Khi tôi nói xong, ông ta xin lỗi, nhưng tôi ngờ rằng ông ta chỉ muốn tôi lượn đi cho nhanh. Ông ta hứa sẽ yêu cầu các sĩ quan phải “học thêm về quan hệ với cộng đồng”. Tôi không thấy thuyết phục lắm trước lời hứa ấy. Khối lượng hồ sơ tôi nhận ngày càng chồng chất. Các luật sư bào chữa cho Trại tạm giam thành phố Gadsden cuối cùng cũng thừa nhận rằng các quyền của Ruffin đã bị vi phạm và rằng nhà tù đã phạm luật khi từ chối cung cấp thuốc hen. Chúng tôi đã giành được một khoản bồi thường kha khá cho gia đình Ruffin, như vậy ít nhất họ cũng được nhận chút hỗ trợ tài chính. Tôi chuyển các hồ sơ về sai phạm của cảnh sát cho các luật sư khác vì tôi đang nhận xử lý quá nhiều hồ sơ án tử hình. Tôi không có thời gian để theo đuổi cuộc chiến với Sở Cảnh sát Atlanta trong khi các thân chủ của tôi đang phải đối mặt với cái chết. Tuy vậy, tôi không thể ngừng suy nghĩ về tình huống nguy hiểm và bất công đó, khi tôi không làm gì sai trái. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi có ma túy trong xe? Có lẽ tôi sẽ bị bắt giữ và sau đó sẽ phải thuyết phục luật sư tin mình khi giải thích rằng cảnh sát đã khám xét xe tôi một cách bất hợp pháp. Liệu tôi có tìm được một luật sư tôn trọng những điều mình nói không? Liệu thẩm phán có tin rằng tôi đã không làm gì sai? Liệu họ có tin một người giống như tôi nhưng không phải là luật sư? Một người giống như tôi nhưng lại thất nghiệp và có tiền án tiền sự? Tôi quyết định nói chuyện với các nhóm thanh niên, nhà thờ và các tổ chức cộng đồng về những thách thức đặt ra khi suy đoán có tội được gán cho người nghèo và người da màu. Tôi đã phát biểu tại cuộc gặp mặt ở các địa phương, cố gắng giúp mọi người ý thức hơn về việc phải yêu cầu các nhà thực thi luật pháp thực hiện trách nhiệm giải trình. Tôi lập luận rằng cảnh sát có thể tăng cường an ninh công cộng mà không ngược đãi người dân. Ngay cả khi tới Alabama, tôi cũng dành thời gian nói chuyện tại các sự kiện cộng đồng bất cứ khi nào được đề nghị. Một lần khi tới Alabama để thu thập tài liệu cho một vụ chịu án tử hình, tôi được mời tới nói chuyện tại một nhà thờ nhỏ cho người Mỹ gốc Phi ở một hạt nông thôn nghèo, chỉ khoảng hơn hai chục người có mặt. Một trong những người đứng đầu cộng đồng giới thiệu tôi, và tôi bước lên phía trước giáo đường và bắt đầu nói về án tử hình, về tình trạng tỷ lệ giam giữ đang gia tăng, sự lạm quyền trong nhà tù, sự phân biệt đối xử từ phía lực lượng chấp pháp và nhu cầu cải cách. Đến một lúc, tôi quyết định kể về vụ chạm trán của tôi với cảnh sát ở Atlanta, và tôi nhận ra mình đang xúc động. Giọng tôi trở nên run run, và phải kiềm chế mình, tôi mới kết thúc được bài phát biểu. Trong suốt buổi nói chuyện, tôi để ý đến một ông già da đen ngồi xe lăn xuất hiện ngay trước khi chương trình bắt đầu. Ông khoảng ngoài bảy mươi tuổi, mặc một bộ comple nâu cũ. Mái tóc xám của ông được cắt ngắn lởm chởm. Ông nhìn tôi chằm chằm suốt bài nói chuyện nhưng không biểu lộ cảm xúc hay phản ứng gì. Cái nhìn chằm chằm của ông làm tôi rợn rợn. Một cậu bé khoảng mười hai tuổi, có lẽ là cháu hoặc cháu họ, đã đẩy xe lăn đưa ông đến đây. Tôi thấy ông già thỉnh thoảng lại bảo cậu bé lấy giúp thứ nọ thứ kia. Ông chỉ im lặng gật đầu ra hiệu, nhưng dường như cậu bé đoán được ông cần khi thì cái quạt, lúc quyển sách thánh ca. Khi tôi phát biểu xong, mọi người hát một bài thánh ca để kết thúc chương trình. Ông già không hát mà chỉ nhắm mắt ngồi dựa vào lưng ghế. Sau chương trình, mọi người đi tới chỗ tôi; đa số đều thân thiện và bày tỏ sự cảm kích vì tôi đã dành thời gian nói chuyện với họ. Một vài cậu bé da đen bước tới bắt tay tôi. Tôi rất vui vì mọi người có vẻ coi trọng những thông tin mà tôi chia sẻ. Ông già ngồi xe lăn đợi ở cuối giáo đường. Ông vẫn nhìn tôi đăm đăm. Khi tất cả mọi người ra về, ông ra hiệu cho cậu cháu, và cậu bé nhanh nhẹn đẩy xe đưa ông tiến về phía tôi. Nét mặt ông lúc đó vẫn không thay đổi. Ông dừng lại trước mặt tôi, nhoài người về trước và gằn giọng, “Cậu có biết cậu đang làm gì không?” Trông ông rất nghiêm trọng, và không một nụ cười. Câu hỏi của ông làm tôi chột dạ. Tôi không đoán được thực sự ông đang hỏi gì hoặc có phải ông đang căm hận gì không. Tôi không biết phải nói gì. Ông chỉ tay vào tôi và hỏi một lần nữa. “Cậu có biết cậu đang làm gì không?” Tôi cố mỉm cười để làm dịu không khí nhưng quả thực tôi vô cùng bối rối. “Cháu nghĩ là có...” Ông ngắt lời tôi và nói lớn, “Tôi sẽ nói cho cậu biết cậu đang làm gì. Cậu đang đánh trống vì công lý đấy!” Nét mặt ông đầy vẻ nhiệt thành. Ông nhấn mạnh một lần nữa, “Cậu phải đánh trống vì công lý.” Ông ngả người trở lại xe, và tôi không cười nữa. Có điều gì đó trong lời ông nói làm tôi khựng lại. Tôi khẽ trả lời, “Vâng, thưa ông.” Ông lại đưa người về trước và gằn giọng, “Cậu phải tiếp tục đánh trống vì công lý đấy nhé.” Ông giơ tay làm điệu bộ, và một lúc lâu sau lại nói, “Đánh trống vì công lý.” Ông ngả người ra sau, và chợt có vẻ mệt mỏi, ông thở dốc. Ông nhìn tôi đầy cảm thông và vẫy tay gọi tôi lại gần. Tôi tiến lại, ông kéo lấy cánh tay tôi và nhoài người về phía trước. Ông nói rất khẽ, gần như một lời thì thầm, nhưng với sự dữ dội mà tôi không thể nào quên được. “Cậu có thấy vết sẹo trên đỉnh đầu tôi không?” Ông cúi đầu cho tôi nhìn. “Vết sẹo này là ở hạt Greene, Alabama, khi tôi đang cố gắng ghi danh để được bỏ phiếu bầu cử năm 1964. Cậu có thấy vết sẹo ở bên này đầu tôi không?” Ông quay đầu sang trái, và tôi thấy một vết sẹo dài mười phân ở ngay trên tai phải. “Vết sẹo này là ở Mississippi khi tôi đi đòi quyền dân sự.” Giọng ông sôi nổi hơn. Ông nắm chặt cánh tay tôi và cúi đầu thấp hơn nữa. “Cậu thấy vết này không?” Đó là một vòng tròn sẫm màu ở gần gáy. “Vết bầm này là ở Birmingham sau cuộc Thập tự chinh của Thiếu nhi.”* Ông ngả người trở lại và nhìn tôi chằm chằm. “Mọi người nghĩ rằng đó chỉ là những vết sẹo, vết cắt, vết bầm tím.” Tôi chợt nhận thấy đôi mắt của ông đã nhòe nước. Ông đưa tay ôm lấy đầu mình. “Đó không phải là những vết sẹo, vết cắt, vết bầm. Đó là những tấm huân chương danh dự của tôi.” Ông nhìn tôi đăm đăm một lúc lâu, quệt nước mắt, rồi gật đầu ra hiệu với cậu bé. Cậu đẩy xe đưa ông về. Tôi đứng đó, cổ họng nghèn nghẹn, nhìn theo ông. Một lúc sau tôi nhận ra đã tới lúc tôi phải mở văn phòng luật ở Alabama. Chương ba PHIÊN TÒA VÀ NỖI ĐAU S au hàng tháng trời mệt mỏi, thất bại và ngày càng bị công chúng coi thường, cảnh sát trưởng Thomas Tate, điều tra viên chính của ABI Simon Benson, và điều tra viên của ủy viên công tố Larry Ikner quyết định bắt giữ Walter McMillian dựa trên cáo buộc của Ralph Myers. Họ chưa điều tra kỹ về McMillian, vì vậy họ quyết định kiếm cớ bắt giữ anh trong khi chờ xây dựng cáo trạng. Khi Myers tuyên bố mình rất sợ McMillian, một cán bộ gợi ý liệu có phải McMillian đã tấn công tình dục y. Ý tưởng đó khiêu khích và kích động đến nỗi Myers lập tức nhận ra tác dụng của nó và buồn bã thừa nhận đó là sự thật. Luật pháp bang Alabama khi đó nghiêm cấm hoạt động tình dục phi sinh sản, vì vậy các quan chức lên kế hoạch bắt giữ McMillian về tội kê gian.* Ngày 7 tháng Sáu năm 1987, cảnh sát trưởng Tate dẫn đầu một đội quân gồm hơn chục cảnh sát tới con đường ngoại ô mà họ biết rằng Walter sẽ đi qua trên đường về nhà. Cảnh sát chặn xe tải của Walter, chĩa súng, buộc anh rời xe và bao vây anh. Tate tuyên bố anh đã bị bắt. Khi Walter hoảng hốt hỏi cảnh sát trưởng anh đã làm gì sai, ông ta nói anh bị buộc tội kê gian. Bối rối trước thuật ngữ xa lạ, Walter bảo anh không hiểu kê gian nghĩa là gì. Khi cảnh sát trưởng giải thích lời buộc tội bằng ngôn ngữ thông tục, Walter không thể tin vào tai mình, anh không nhịn nổi cười. Thái độ này khiêu khích Tate, làm ông ta phun ra một tràng những lời đe dọa và lăng mạ chủng tộc. Nhiều năm sau, Walter vẫn kể lại rằng tất cả những gì anh nghe thấy trong suốt cuộc bắt giữ là từ thằng mọi đen, lặp đi lặp lại. “Thằng mọi này”, “thằng mọi kia”, kế đến là những lời lăng mạ và đe dọa hành hình. “Bọn tao sẽ không để lũ mọi đen chúng mày[1] chạy loăng quăng với mấy con da trắng nữa. Tao sẽ trừ khử và treo cổ mày giống như thằng mọi ở Mobile,” Tate nói với Walter. Viên cảnh sát trưởng nói đến vụ hành hình một thanh niên gốc Phi tên là Michael Donald ở hạt Mobile, cách đó khoảng sáu mươi dặm về phía Nam. Một buổi tối, Donald đi bộ từ cửa hàng về nhà; trước đó nhiều giờ, phiên tòa xử một người đàn ông da đen tội bắn một cảnh sát da trắng vừa được tuyên bố đình chỉ. Nhiều người da trắng bị sốc và cho rằng quyết định đình chỉ này là do những người gốc Phi trong bồi thẩm đoàn gây ra. Sau khi đốt một cây thập tự trên bãi cỏ tòa án, một nhóm đàn ông da trắng dữ tợn là thành viên của hội Ku Klux Klan lùng sục tìm kiếm ai đó để trừng phạt cho hả. Bọn họ thấy Donald khi anh đang đi trên đường và bỗng chốc anh trở thành con mồi. Sau khi đánh đập anh dã man, bọn họ treo anh lên một cái cây gần đó, nơi thi thể bất động của anh được tìm thấy sau vài giờ. Cảnh sát địa phương bỏ qua bằng chứng hiển nhiên rằng cái chết của Donald là một tội ác vì thù ghét, họ đưa ra giả thuyết Donald chắc chắn có dính dáng đến buôn bán ma túy. Mẹ anh thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này. Phẫn nộ trước sự thờ ơ của các nhà chấp pháp địa phương trước vụ việc, cộng đồng người da đen và các nhà vận động dân quyền đã thuyết phục Bộ Tư pháp Hoa Kỳ can thiệp. Hai năm sau, ba người da trắng bị bắt giữ và chi tiết của vụ hành hình cuối cùng cũng được công bố. Đã hơn ba năm trôi qua kể từ sau vụ bắt giữ đó, nhưng khi bị Tate và các viên chức khác dọa hành hình, Walter vẫn hoảng sợ. Anh cũng bối rối không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ nói anh bị bắt vì tội cưỡng hiếp một người đàn ông khác, nhưng lại thẩm vấn anh về vụ sát hại Ronda Morrison. Walter kịch liệt bác bỏ cả hai cáo buộc. Khi các viên chức ngộ ra rằng họ không thể trông đợi thu được gì ở Walter để xây dựng cáo trạng chống lại anh, họ tống giam anh và tiếp tục điều tra. Khi nghe những bằng chứng chống lại Walter McMillian do các điều tra viên cung cấp lần đầu, công tố viên của hạt Monroe, Ted Pearson, hẳn phải rất thất vọng. Câu chuyện do Ralph Myers sáng tác khá vô lý; tài tô vẽ của y đã khiến cho những cáo buộc dù đơn giản nhất cũng trở nên rối rắm một cách không cần thiết. Myers đã khai về vụ sát hại Ronda Morrison như sau: Vào ngày xảy ra án mạng, Myers đang mua xăng thì Walter McMillian trông thấy y ở trạm xăng. Walter chĩa súng ép y lên xe tải của Myers và lái đi Monroeville. Trước đó Myers còn không thực sự quen biết Walter. Yên vị trên xe, Walter bảo Myers rằng anh ta cần Myers lái xe vì tay anh ta bị đau. Myers từ chối nhưng không còn lựa chọn nào khác. Walter yêu cầu Myers lái xe tới hiệu giặt là Jackson ở trung tâm Monroeville, rồi bảo y ngồi chờ trong xe còn McMillian đi vào một mình. Đợi lâu quá, Myers lái xe dọc phố tới một cửa hàng tạp hóa để mua thuốc lá. Mười phút sau, y trở lại. Sau khi chờ một lúc lâu, cuối cùng Myers thấy McMillian bước ra khỏi cửa hiệu và quay trở lại xe. Trong xe, McMillian thừa nhận anh ta đã giết người thu ngân. Sau đó, Myers lái xe đưa McMillian quay lại trạm xăng để anh ta lấy xe của mình. Trước khi Myers đi, Walter dọa giết nếu Myers kể với bất kỳ ai về những chuyện y đã làm và chứng kiến. Tóm lại, một người đàn ông gốc Phi lên kế hoạch cướp của giết người giữa ban ngày ở trung tâm Monroeville, dừng xe ở một trạm xăng và chọn ngẫu nhiên một người đàn ông da trắng làm đồng phạm với mình, viện lý do đau tay để bắt anh này giúp lái xe đến rồi rời khỏi nơi gây án, mặc dù anh ta có thể tự lái xe đến trạm xăng nơi anh ta gặp Myers và tự lái xe về sau khi thả Myers ở trạm xăng. Các nhà chấp pháp biết câu chuyện của Myers rất khó xác minh, vì vậy họ bắt giữ Walter vì tội kê gian. Điều này gây sốc cho cộng đồng và bôi nhọ hình ảnh của McMillian, đồng thời là cái cớ để cảnh sát mang chiếc xe tải của Walter về trại giam cho Bill Hooks xem. Bill Hooks là một thanh niên da đen nổi tiếng là một tay chỉ điểm trong tù. Hắn đã bị giam trong trại tạm giam của hạt vì tội trộm cắp được vài ngày khi McMillian bị bắt. Cảnh sát hứa sẽ phóng thích và cho Hooks tiền nếu hắn có thể kết nối vụ sát hại Morrison với chiếc xe tải của McMillian. Hooks hăm hở khai với các điều tra viên rằng hắn đã lái xe qua hiệu Jackson Clearners gần thời điểm xảy ra án mạng và trông thấy một chiếc xe tải chuồn khỏi cửa hiệu với hai người đàn ông ngồi trong. Trong trại, Hooks tích cực khẳng định chiếc xe tải của Walter chính là chiếc xe mà hắn đã nhìn thấy ở cửa hiệu giặt là gần sáu tháng trước. Nhân chứng thứ hai này đã cho các nhà chấp pháp thứ mà họ cần để cáo buộc Walter McMillian tội giết người với mức án tử hình trong vụ án Ronda Morrrison. Khi bản cáo trạng được công bố, cộng đồng mừng vui như trút được gánh nặng vì có kẻ đã bị khép tội. Cảnh sát trưởng Tate, công tố viên, và các nhà chấp pháp khác vốn là đối tượng bị chỉ trích, giờ lại được tung hô. Cuộc sống yên bình ở Monroeville bị phá vỡ vì sự nhởn nhơ của “thủ phạm” lúc chưa bị bắt, giờ có thể ổn định trở lại. Những người biết Walter thấy khó mà tin được chuyện anh phải chịu trách nhiệm cho một vụ thảm án như vậy. Anh không có tiền án phạm tội hay gây gổ gì, và với phần lớn những người quen biết anh, chuyện một người làm ăn chăm chỉ như Walter trộm cướp nghe thật phi lý. Những người dân da đen nói với cảnh sát trưởng Tate rằng ông ta đã bắt nhầm người. Tate vẫn chưa điều tra chút gì về con người McMillian, về cuộc đời, thân thế, thậm chí cả về hành tung của anh hôm xảy ra án mạng. Ông ta biết về cuộc tình của anh với Karen Kelly và nghe thấy dân tình nghi ngờ, đồn đại rằng phải buôn bán ma túy thì Walter mới có thể sống độc lập như vậy. Vì nóng lòng muốn bắt giữ thủ phạm, chừng đó bằng chứng là đủ để Tate chấp nhận cáo buộc của Myers. Nhưng hóa ra vào ngày xảy ra án mạng, một buổi chiên cá* đã được tổ chức tại nhà Walter. Các thành viên trong gia đình anh tụ tập cả ngày ở ngoài, phía trước ngôi nhà, bán đồ ăn cho người qua đường. Evelyn Smith, chị gái của Walter, là mục sư ở nhà thờ địa phương. Chị và gia đình thỉnh thoảng lại tổ chức gây quỹ cho nhà thờ bằng cách bán đồ ăn bên đường. Vì nhà Walter ở gần đường cái hơn, nên họ thường bán hàng ở sân trước nhà anh. Buổi sáng hôm Ronda Morrison bị giết, có ít nhất hơn chục giáo dân cũng có mặt ở đó cùng Walter và gia đình anh. Hôm ấy Walter không đi đốn cây. Anh quyết định thay hộp số xe tải và gọi người bạn thợ máy tên là Jimmy Hunter tới giúp. Tới 9 giờ 30 phút sáng, hai người tháo xong hộp số. 11 giờ trưa, họ hàng đến đông đủ, và mọi người bắt đầu chiên cá cùng các món khác để bán. Một lúc sau, một vài thành viên nhà thờ mới tới. “Sơ ạ, chúng tôi định đến sớm hơn, nhưng đường sá ở Monroeville tắc cứng. Khắp nơi là xe cảnh sát với xe cứu hỏa, hình như có chuyện không hay xảy ra ở chỗ hiệu giặt là,” Evelyn Smith nhớ rằng một người đã kể lại như thế. Theo báo cáo của cảnh sát, vụ sát hại Morrison xảy ra vào khoảng 10 giờ 15 phút sáng, cách nhà McMillian khoảng mười một dặm, đúng thời điểm đó, có hơn một chục thành viên nhà thờ đang ở nhà Walter bán đồ ăn trong khi Walter và Jimmy sửa xe. Đầu giờ chiều hôm đó, Ernest Welch, một người đàn ông da trắng, mà những người dân da đen quanh vùng gọi là “lão đồ gỗ” vì ông này làm việc cho một cửa hàng đồ gỗ địa phương, tới thu tiền một món đồ mà mẹ Walter mua chịu. Welch kể với mọi người ở nhà Walter rằng sáng đó cháu gái ông ta đã bị giết tại hiệu giặt là Jackson. Họ đã nói chuyện với Welch một lúc về cái tin gây sốc đó. Tính cả các thành viên nhà thờ, gia đình Walter và những người dừng lại để mua bánh mì kẹp tại sân nhà anh, có tới hàng chục người có thể xác nhận rằng Walter không thể gây ra vụ giết người. Trong số đó có một viên cảnh sát, anh này đã ghé mua bánh mì và ghi lại trong nhật ký công vụ rằng anh ta đã mua đồ ăn ở nhà McMillian, nơi có mặt Walter và một nhóm người của nhà thờ. Biết rõ Walter ở đâu vào thời điểm xảy ra vụ giết Morrison, các thành viên trong gia đình, thành viên nhà thờ, các mục sư da đen và nhiều người khác đã khẩn nài cảnh sát trưởng Tate thả McMillian. Nhưng Tate bất chấp. Lâu lắm mới bắt được một người, vì vậy cảnh sát không thể thừa nhận thất bại một lần nữa. Sau khi bàn bạc, công tố viên bang, cảnh sát trưởng, và điều tra viên của ABI nhất trí kiên định với cáo buộc dành cho McMillian. Chứng cứ ngoại phạm của Walter không phải là vấn đề duy nhất đối với những người thực thi pháp luật. Ralph Myers bắt đầu băn khoăn về cáo buộc của y đối với McMillian. Y cũng có nguy cơ bị buộc tội trong vụ sát hại Morrison. Y đã được hứa hẹn sẽ không bị kết án tử hình và sẽ được đối xử ưu ái để đổi lấy lời khai, nhưng y bắt đầu ngộ ra rằng việc thừa nhận có liên can tới một vụ giết người nghiêm trọng mà thực ra y không hề nhúng tay vào không phải là một hành động thông minh lắm. Vài ngày trước khi cáo buộc giết người chống lại McMillian được công bố, Myers đòi gặp các điều tra viên và nói với họ rằng lời buộc tội của y đối với McMillian là sai sự thật. Tới lúc này, Tate và các điều tra viên không còn quan tâm tới việc Myers rút lại lời khai nữa. Thay vào đó, họ quyết định gây sức ép để Myers sáng tác thêm các chi tiết buộc tội. Khi Myers phản ứng rằng y không còn chi tiết buộc tội nào nữa vì câu chuyện của anh ta là bịa đặt, các điều tra viên không tin. Không rõ ai đã quyết định tống cả Myers và McMillian vào trại tử tù trước khi xét xử để tạo thêm áp lực, nhưng chiêu thức gần như chưa từng có tiền lệ này tỏ ra hiệu nghiệm. Bỏ tù những nghi phạm như Walter và Myers để trừng phạt là bất hợp pháp. Người bị tạm giữ trước khi xét xử thường được giam trong các trại tạm giam địa phương; ở đấy, họ được hưởng nhiều đặc quyền và tự do hơn so với những tù nhân đã bị kết án. Giam một người chưa qua xét xử vào nhà tù dành riêng cho những người mắc trọng tội đã bị kết án, hay giam một người chưa bị kết án vào trại tử tù là việc hầu như chưa từng có. Ngay cả các tử tù khác cũng bị sốc. Trại tử tù là nơi giam giữ hà khắc nhất được phép hoạt động. Tù nhân bị giam riêng rẽ trong những xà lim nhỏ hẹp hai mươi ba tiếng một ngày. Họ không có nhiều cơ hội vận động thể chất hay được người thân tới thăm nom, khoảng cách giữa buồng giam và ghế điện gần đến rợn người. Cảnh sát trưởng Tate đã lái xe một quãng ngắn để áp tải Walter tới Trại Cải huấn Holman ở Atmore, Alabama. Trước chuyến đi, viên cảnh sát trưởng lại một lần nữa dọa dẫm Walter bằng những lời lẽ sỉ nhục chủng tộc và những kế hoạch ghê sợ. Dù Tate có quen biết người của nhà tù từ ngày còn làm quản chế, song không rõ bằng cách nào Tate đã thuyết phục được giám đốc trại Holman cho giam hai nghi phạm tại đây. Ngày 1 tháng Tám năm 1987, Myers và McMillian bị chuyển từ trại tạm giam của hạt tới trại tử tù, khi chỉ còn chưa đầy một tháng là sẽ đến ngày Wayne Ritter bị xử tử. Khi Walter McMillian tới trại tử tù Alabama - mười năm sau khi hình phạt tử hình hiện đại được khôi phục, có cả một cộng đồng những người bị kết án đang chờ đợi anh. Kể từ khi hình phạt tử hình được khôi phục năm 1975, đa số trong khoảng một trăm tử tù bị kết án ở Alabama là người da đen, dù vậy Walter không khỏi ngạc nhiên khi biết gần bốn mươi phần trăm trong số đó là người da trắng. Tất cả đều nghèo, và họ đều hỏi tại sao anh lại ở đây. Các tù nhân chịu án ở trại tử tù Alabama bị giam trong những khối nhà bê tông không có cửa sổ, nóng bức và khó chịu kinh hoàng. Mỗi người ở trong một xà lim rộng chưa đầy bốn mét vuông có cửa kim loại, bồn cầu và một cái giường bằng thép. Tháng Tám thường có những đợt nóng kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nhiệt độ luôn ở mức trên 38 độ C. Tù nhân thường bẫy chuột, nhện độc và rắn trong tù để giải khuây và tự vệ. Bị cô lập và ở chốn xa xôi, hầu hết các tù nhân ít khi được thăm nuôi và được hưởng rất ít quyền lợi. Sự tồn tại ở Holman tập trung quanh chiếc ghế điện. Chiếc ghế lớn bằng gỗ được lắp ở đây từ những năm 1930, các tù nhân đã phủ sơn vàng trước khi gắn đai da và các điện cực cho nó. Họ gọi nó là “Mama Vàng”. Các cuộc xử tử ở Holman đã được khôi phục vài năm trước khi Walter đến. John Evans và Arthur Jones mới bị cho điện giật chết trong phòng thi hành án của Holman trước đó không lâu. Russ Canan, một luật sư của Ủy ban Bảo vệ Tù nhân miền Nam Atlanta, đã tình nguyện đại diện cho Evans. Evans từng tham gia một bộ phim mà sau này trở thành học liệu ngoại khóa đặc biệt dành cho trẻ em, trong đó anh chia sẻ câu chuyện đời mình với các học sinh và khuyên các em tránh những sai lầm mà anh đã phạm phải. Sau khi tòa án từ chối đình chỉ thi hành án Evans sau một loạt đơn kháng cáo, Canan đã tới nhà tù chứng kiến vụ tử hình theo đề nghị của Evans. Nó khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng của Canan. Về sau, anh đã viết một bản khai miêu tả chi tiết toàn bộ quá trình ghê rợn đó. 8 giờ 30 phút tối, luồng điện đầu tiên mạnh 1900 vôn chạy qua cơ thể Evans. Nó kéo dài 30 giây. Những tia lửa và lưỡi lửa bắn ra từ điện cực gắn ở chân trái Evans. Thân người Evans giật mạnh giữa những dây đai buộc anh vào chiếc ghế điện, tay anh nắm chặt. Điện cực hình như bật tung khỏi chiếc đai. Một luồng khói xám và tia lửa phun ra từ dưới chiếc mũ trùm mặt Evans. Cái mùi ghê rợn của thịt và quần áo cháy bắt đầu lan sang buồng nhân chứng. Hai bác sĩ khám nghiệm Evans và tuyên bố anh chưa chết. Điện cực trên chân trái được thít chặt lại. Lúc 8 giờ 30 phút tối [tác giả viết nhầm], Evans trải qua luồng điện thứ hai. Mùi thịt cháy buồn nôn kinh khủng. Khói tiếp tục bốc ra từ chân và đầu anh. Các bác sĩ khám nghiệm Evans một lần nữa. Họ thông báo tim anh vẫn đập, và anh vẫn sống. Tôi đề nghị giám đốc nhà tù, lúc đó đang nói chuyện điện thoại với Thống đốc George Wallace, mở lượng khoan hồng với lý do Evans đang phải chịu sự trừng phạt dã man và bất thường. Đề nghị của tôi bị từ chối. 8 giờ 40 phút tối, luồng điện thứ ba[2] kéo dài 30 giây chạy qua cơ thể Evans. 8 giờ 44 phút, các bác sĩ tuyên bố anh đã chết. Vụ tử hình John Evans kéo dài 14 phút. Trước khi tới Holman, Walter McMillian không hay biết chút gì về những chuyện như thế này. Nhưng vì một cuộc tử hình nữa sắp diễn ra, nên khi Walter đến, các tù nhân chỉ nói chuyện về chiếc ghế điện. Trong ba tuần đầu tiên ở trại tử tù Alabama, cuộc xử tử đáng sợ của John Evans gần như là tất cả những gì anh nghe được. Cơn sóng gió không tưởng của những tuần qua đã làm Walter suy sụp. Sau khi sống cả cuộc đời tự do và không bị kìm hãm bởi bất cứ ai hay bất cứ điều gì, anh bỗng chốc bị giam hãm và đe dọa theo cách anh không bao giờ tưởng tượng nổi. Sự hung bạo của những người bắt giữ anh, những lời sỉ nhục sặc mùi kỳ thị chủng tộc và hăm dọa từ các sĩ quan cảnh sát không quen biết làm Walter bị sốc. Anh cảm thấy ở những người đã bắt giữ và xét xử anh, thậm chí cả những tù nhân khác trong trại tạm giam, một sự khinh rẻ mà anh chưa từng trải qua. Anh từng được quý mến và có quan hệ tốt với hầu hết mọi người. Anh thực tâm tin rằng những lời cáo buộc chống lại anh là một sự hiểu lầm tai hại, và rằng khi các nhà chức trách nói chuyện với gia đình anh để xác nhận bằng chứng ngoại phạm của anh, chỉ một hai ngày là anh sẽ được trả tự do. Khi ngày kéo dài mãi thành tuần, Walter bắt đầu chìm vào tuyệt vọng. Gia đình động viên anh rằng anh sẽ sớm được thả, nhưng mọi sự vẫn im lìm như không. Cơ thể anh phản ứng với cú sốc đó. Là người nghiện thuốc lá, Walter cố hút thuốc để giữ bình tĩnh, nhưng ở Holman, anh cảm thấy buồn nôn mỗi khi hút thuốc và phải bỏ ngay lập tức. Suốt nhiều ngày liền, anh không thể nuốt trôi thứ gì. Anh bị mất phương hướng và không thể giữ bình tĩnh. Mỗi sớm thức dậy, anh chỉ cảm thấy bình thường trong vài phút rồi lại chìm sâu vào nỗi khiếp sợ khi nhớ ra mình đang ở đâu. Nhân viên nhà tù đã cạo hết râu tóc của anh. Nhìn vào gương, anh không nhận ra nổi mình. Trại tạm giam của hạt, nơi giam giữ Walter trước khi anh bị thuyên chuyển, rất khủng khiếp. Nhưng xà lim chật chội, nóng bức của trại tử tù Holman còn tồi tệ hơn nhiều. Anh đã quen làm việc ngoài trời với cây cối và mùi thông tươi thoảng trong gió mát. Lúc này anh chỉ biết dán mắt vào những bức tường ảm đạm của trại tử tù. Nỗi sợ hãi và tuyệt vọng khác với tất cả những gì từng trải qua bắt đầu bắt rễ trong con người Walter. Các bạn tù liên tục an ủi, nhưng anh không biết phải tin ai. Thẩm phán đã chỉ định luật sư đại diện cho anh, đó là một người da trắng mà Walter không tin tưởng. Gia đình anh đã quyên tiền để thuê những luật sư hình sự da đen duy nhất trong vùng, J. L. Chestnut và Bruce Boynton đến từ Selma. Chestnut rất nhiệt huyết và đã làm nhiều việc trong cộng đồng da đen để củng cố quyền dân sự của các thành viên cộng đồng. Mẹ của Boynton, Amelia Boynton Robinson, là một nhà hoạt động huyền thoại; bản thân Boynton cũng rất có uy tín trong lĩnh vực bảo vệ quyền dân sự. Dù hợp sức với nhau nhưng Chestnut và Boynton không thể thuyết phục quan chức địa phương thả Walter và không ngăn được việc anh bị chuyển tới Holman. Ngược lại, việc gia đình Walter thuê luật sư bên ngoài thậm chí còn chọc tức các viên chức hạt Monroe. Trên đường đi Holman, Tate tỏ ra bực bội vì nhà McMillian đã thuê luật sư bên ngoài; ông ta chế giễu Walter vì anh tưởng rằng luật sư riêng có thể làm thay đổi tình hình. Mặc dù số tiền để thuê Chestnut và Boynton mà gia đình Walter có được từ việc nhờ quyên góp qua nhà thờ và cầm cố chút tài sản ít ỏi, các nhà chấp pháp địa phương lại coi đó là bằng chứng về quỹ đen và sự hai mặt của Walter - họ khẳng định Walter không phải là một người da đen hiền lành như anh vẫn tỏ ra. Walter cố gắng làm quen với trại Holman, nhưng mọi thứ chỉ xấu đi. Vụ xử tử sắp diễn ra làm các tử tù hoang mang và giận dữ. Các bạn tù khuyên anh nên hành động và khiếu kiện ở cấp liên bang, bởi việc anh bị giam ở trại tử tù là bất hợp pháp. Khi Walter, vốn chỉ biết chữ lõm bõm, không thể viết các loại đơn thư, giấy tờ, kiến nghị theo lời khuyên của các tù nhân khác, họ cho rằng chính anh đã khiến mình lâm vào tình cảnh này. “Đấu tranh cho chính mình đi chứ. Đừng tin luật sư. Bọn chúng không thể chưa kết án mà giam anh ở đây được.” Walter thường xuyên nghe thấy những lời này, nhưng anh không biết làm thế nào để tự gửi kháng nghị. “Có những ngày tôi không thở nổi,” về sau Walter nhớ lại. “Đời tôi chưa từng trải qua bất cứ chuyện gì như thế. Xung quanh tôi toàn là những kẻ giết người, nhưng đôi khi họ lại là những người duy nhất cố gắng giúp đỡ tôi. Tôi cầu nguyện, tôi đọc Kinh Thánh, và tôi không hề nói dối chút nào nếu tôi nói với cậu rằng ngày nào tôi cũng sống trong sợ hãi.” Tình trạng của Ralph Myers cũng không khá hơn. Y cũng bị buộc tội giết người trong cái chết của Ronda Morrison, và việc từ chối tiếp tục hợp tác với nhà chức trách cũng đẩy y vào trại tử tù. Y bị giam ở một tầng khác để không thể liên lạc với McMillian. Bất kỳ lợi thế nào mà Myers tưởng rằng mình có thể giành được bằng cách tỏ ra biết chút gì đó về vụ sát hại Morrison giờ đã tiêu tan. Y suy sụp và chìm trong khủng hoảng tâm lý. Từ khi bị bỏng nặng hồi còn nhỏ, y đã luôn sợ lửa, hơi nóng và những nơi chật hẹp. Khi các tù nhân ngày càng bàn tán về các chi tiết trong vụ xử tử Evans và về vụ xử tử sắp tới của Wayne Ritter, Myers trở nên quẫn trí. Vào đêm Ritter bị xử tử, Myers rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, y khóc nức nở trong buồng giam, ở trại tử tù Alabama có một truyền thống, đó là khi một vụ xử tử diễn ra, các tù nhân sẽ dùng cốc đập vào cửa buồng giam để phản đối. Lúc nửa đêm, khi tất cả các tù nhân khác đang rầm rầm đập cửa xà lim, Myers nằm co rúm trong góc buồng, thở dốc, cố giấu mình khỏi những âm thanh cuồng nộ đó. Khi mùi hôi của thịt cháy mà nhiều người trong trại ngửi thấy lan vào buồng giam của Myers, y hoảng loạn. Sáng hôm sau, y gọi cho Tate và nói sẽ khai bất cứ điều gì ông ta muốn nếu ông ta có thể giúp y thoát khỏi trại tử tù. Lúc đầu Tate biện minh cho việc giam cả Myers và McMillian ở trại tử tù là vì lý do an toàn. Nhưng sau ngày xử tử Ritter, Tate lập tức tới đón Myers và đưa y quay lại trại giam của hạt. Dường như Tate không bàn bạc với ai về quyết định đưa Myers ra khỏi trại tử tù. Thông thường, Sở Cải huấn Alabama không thể đưa người ra vào trại tử tù mà không có lệnh tòa hay hồ sơ pháp lý - và tất nhiên không một giám đốc trại giam nào có thể tự ý làm như vậy. Nhưng không có gì là bình thường trong quá trình truy tố Walter McMillian. Sau khi thoát khỏi trại tử tù và trở về hạt Monroe, Myers khẳng định lại cáo buộc ban đầu của y chống lại McMillian. Với việc Myers chấp thuận làm nhân chứng chính và Bill Hooks sẵn sàng khai rằng hắn trông thấy chiếc xe tải của Walter ở hiện trường vụ án, công tố viên tin rằng ông ta có thể truy tố McMillian. Vụ việc dự kiến được xét xử vào tháng Hai năm 1988. Ted Pearson đã làm công tố viên gần hai mươi năm. Ông và gia đình đã sống ở Nam Alabama nhiều thế hệ. Ông hiểu biết về tập quán, giá trị và truyền thống địa phương và đã tận dụng chúng một cách hiệu quả trong phòng xử. Đã nhiều tuổi và có kế hoạch nghỉ hưu sớm, nhưng Pearson khó chịu khi thấy văn phòng của mình bị chỉ trích do chậm trễ giải quyết vụ sát hại Morrison. Pearson quyết tâm rời nhiệm sở với một chiến công, và có lẽ ông coi việc truy tố Walter McMillian là một trong những vụ quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình. Năm 1987, toàn bộ bốn mươi[3] công tố viên được bầu ở Alabama đều là người da trắng, mặc dù bang này có tới 16 hạt mà người da đen chiếm đa số. Khi người Mỹ gốc Phi bắt đầu thực hành quyền bầu cử của mình vào những năm 1970, một số công tố viên và thẩm phán lo ngại sâu sắc về nguy cơ thành phần chủng tộc ở một số hạt có thể cản trở việc họ tái đắc cử. Vì thế, các nhà lập pháp tiểu bang đã liên kết các hạt lại với nhau để bằng mọi cách bảo đảm người da trắng chiếm đa số trong phạm vi các tòa khu vực, bất kể khu vực này bao gồm một hạt có đa số dân là người da đen. Hiện tại, Pearson phải để ý tới tâm tư của người dân da đen hơn so với lúc mới bắt đầu sự nghiệp - dù vậy, sự quan tâm đó không tạo ra thay đổi gì đáng kể trong suốt nhiệm kỳ của ông ta. Giống như Tate, Pearson đã nghe nhiều cư dân da đen nói rằng họ tin Walter McMillian vô tội. Nhưng Pearson tự tin rằng ông ta có thể kết tội McMillian, bất chấp những lời khai hoang đường của Ralph Myers và Bill Hooks cùng những nghi ngờ mạnh mẽ trong cộng đồng da đen. Điều khiến ông ta lo lắng hơn cả có lẽ là một điều khác. Đó là một phán quyết trước đó không lâu của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, mà kết quả của nó đã đe dọa đến một “đặc sản” lâu đời của các phiên tòa hình sự nổi tiếng ở miền Nam: bồi thẩm đoàn hoàn toàn là người da trắng. Khi một vụ án đại hình nghiêm trọng được đưa ra xét xử ở một hạt như Monroe, nơi người da đen chiếm 40% dân số, các công tố viên thường loại tất cả những người gốc Phi ra khỏi nghĩa vụ bồi thẩm. Trên thực tế, hai mươi năm sau cuộc cách mạng dân quyền, bồi thẩm đoàn là một thiết chế hầu như vẫn giữ nguyên trạng bất chấp những yêu cầu pháp lý về hội nhập và đa dạng chủng tộc. Ngay từ những năm 1880, Tối cao Pháp viện đã phán quyết trong vụ Strauder v. West Virginia rằng, hành vi loại trừ người da đen khỏi nghĩa vụ bồi thẩm là vi hiến, song suốt nhiều thập kỷ sau đó, thành viên các bồi thẩm đoàn vẫn chỉ toàn người da trắng. Năm 1945, Tối cao Pháp viện thừa nhận một đạo luật của bang Texas[4], cho phép giới hạn số lượng bồi thẩm viên da đen là duy nhất một người cho mỗi vụ việc, ở các bang miền Thâm Nam, danh sách bồi thẩm viên được lấy từ danh sách cử tri vốn đã loại trừ người Mỹ gốc Phi. Sau khi Đạo luật Quyền bầu cử được thông qua, các lục sự tòa án và thẩm phán vẫn bảo đảm người da trắng chiếm phần lớn danh sách bồi thẩm viên nhờ những chiêu trò lách luật. Các ủy ban bồi thẩm địa phương lợi dụng quy định của pháp luật rằng[5] bồi thẩm viên phải là người “có trí tuệ và ngay thẳng” để loại trừ người gốc Phi và phụ nữ. Sang những năm 1970, Tối cao Pháp viện đã đưa ra phán quyết[6] tuyên bố tình trạng thiếu tính đại diện của những người thuộc chủng tộc thiểu số và phụ nữ trong danh sách bồi thẩm viên là vi hiến. Tại một số nơi, phán quyết này ít nhất cũng giúp người dân da đen được triệu tập tới tòa án làm ứng viên bồi thẩm đoàn. Mặc dù vậy, Pháp viện liên tục khẳng định, Hiến pháp không yêu cầu người thuộc chủng tộc thiểu số và phụ nữ nhất định phải được thực hiện nghĩa vụ bồi thẩm - nó chỉ cấm loại trừ bồi thẩm viên trên cơ sở giới tính và chủng tộc mà thôi. Đối với nhiều người Mỹ gốc Phi, quyền bãi miễn bồi thẩm* được sử dụng hoàn toàn tùy ý để lựa chọn bồi thẩm đoàn mười hai người là một rào cản nghiêm trọng đối với nguyện vọng làm bồi thẩm viên của họ. Từ giữa thập niên 1960, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã phán quyết[7], việc sử dụng quyền bãi miễn bồi thẩm với thái độ phân biệt chủng tộc là vi hiến. Thế nhưng, các thẩm phán đã đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho những bằng chứng có thể dùng để chứng minh một hành vi là kỳ thị chủng tộc. Điều này khiến không một ai có thể thách thức quyền bãi miễn bồi thẩm suốt hai mươi năm sau đó. Hành động bãi miễn toàn bộ[8] hoặc gần như toàn bộ bồi thẩm viên gốc Phi tiềm năng vẫn tiếp diễn sau phán quyết của Tối cao Pháp viện. Do đó, kể cả ở những hạt mà người da đen chiếm tới 40, 50% dân số, những bị cáo như Walter McMillian thường xuyên phải đối mặt với bồi thẩm đoàn toàn là người da trắng, đặc biệt trong những trường hợp có liên quan đến án phạt tử hình. Về sau, vào năm 1986, trong vụ án Batson v. Kentucky, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết cho phép bên bị có thể trực tiếp phản đối quyết định bãi miễn bồi thẩm mang thái độ phân biệt chủng tộc ở các công tố viên. Phán quyết này đem lại hy vọng cho các bị cáo da đen, đồng thời buộc các công tố viên phải tìm ra những cách thức sáng tạo hơn để loại trừ bồi thẩm viên da đen. Walter đã biết được câu chuyện lịch sử này sau nhiều tháng ngồi tù. Tất cả các bạn tù đều muốn tư vấn cho anh, mỗi người đều có một câu chuyện để kể. Sự phi lý của việc giam giữ một nghi phạm chưa qua xét xử trong trại tử tù dường như đã thôi thúc các tù nhân khác ngày ngày thủ thỉ với Walter. Walter cố lịch sự lắng nghe, nhưng anh đã quyết định để dành vấn đề pháp lý cho các luật sư. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là anh không quan tâm lắm tới những điều mình nghe được từ các bạn tù, đặc biệt về vấn đề chủng tộc và kiểu bồi thẩm đoàn mà anh sẽ phải đối mặt. Gần như tất cả các tử tù trong trại đều bị xét xử trước bồi thẩm đoàn toàn người da trắng hoặc gần như thế. Tử tù Jesse Morrison kể với Walter rằng công tố viên trong vụ của anh ta ở hạt Barbour đã sử dụng 21 trong số 22 quyền bãi miễn bồi thẩm để loại trừ toàn """