"
Nhà Máy Chế Tạo Siêu Nhiên PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhà Máy Chế Tạo Siêu Nhiên PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
MINISTRY OF CULTURE CZECH REPUBLIC
“This publication has been supported by the Ministry of Culture of the Czech Republic”
Dịch từ nguyên bản tiếng Séc: Továrna na absolutno của Karel Čapek.
Tranh minh họa của họa sĩ Josef Čapek.
Bản quyền tiếng Việt © Công ty Cổ phần Sách Tao Đàn.
NHÀ MÁY CHẾ TẠO SIÊU NHIÊN – KAREL ČAPEK
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
Chịu trách nhiệm xuất bản
Giám đốc – Tổng biên tập
NGUYỄN QUANG THIỀU
Biên tập:
Tạ Viết Đãng
Tổ chức bản thảo:
Phương Nguyên
Bìa:
NguyễnThanhThanh
Trình bày:
Văn Lưu
Sửa bản in:
Tao Đàn
In 2.000 cuốn, khổ 14x20,5cm, tại Công ty CP In sách Việt Nam, số 22B Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Số ĐKXB: 1620- 2019/CXBIPH/75-47/HNV. Số QĐXB: 769/QĐ-NXBHNV của Nxb Hội nhà văn. Số ISBN: 978-604-9838-46-0. In xong và nộp lưu chiểu năm 2019.
LỜI MỞ ĐẦU
Lời mở đầu mà tôi viết dưới đây lẽ ra phải được viết trước khi xuất bản cuốn sách lần đầu, nhưng tôi đã không làm việc này, phần vì quá lười mà tôi không nhớ ra, phần thì do tin vào số mệnh, vì tôi nghĩ rằng Lời mở đầu cũng không thay đổi được gì. Sau khi cuốn sách được xuất bản tôi đã đọc được nhiều lời chê trách xứng đáng: rằng nó không sánh được với cuốn La Recherche de l’Absolu (Tìm kiếm Siêu Nhiên) của Balzac, rằng nó kết thúc ở chuyện ăn món xúc xích không đàng hoàng và nhất là nó không phải là tiểu thuyết thực thụ. Tôi bị nện một cú trúng đầu và bị nện bằng đinh. Tôi thú nhận rằng đây không phải là tiểu thuyết. Giờ đây trong lời xin lỗi này của mình, tôi muốn giải thích hoàn cảnh tại sao cuốn sách này đã không trở thành tiểu thuyết.
Vào lúc 4 giờ chiều của một ngày xuân, tôi đã viết xong cuốn R.U.R., sau đó tôi thanh thản cất bút rồi đi dạo đến Nebozízek. Lúc đầu tôi đã nhàn rỗi tới mức dễ chịu khi thoát khỏi công việc nặng nề, thế rồi một cảm giác trống trải dấy lên, rồi tôi thấy
nhàm chán tới mức không thể chịu nổi. Tôi tự nhủ rằng mình đã có một ngày tồi tệ, tôi muốn về nhà viết một bài tiểu luận cho báo. Một quyết tâm như vậy thường được người ta triển khai, ngay cả khi người ta không có ý tưởng sẽ viết về cái gì; người ta đi đi lại lại trong phòng, huýt sáo một bài hát mà người ta không nhớ ra, hay đi bắt ruồi, sau đó người ta nhớ ra một cái gì đó để bắt đầu viết. Và thế là tôi nhớ đến một ý tưởng đã cũ, cắt các tờ giấy ra bốn mảnh và bắt đầu viết một bài tiểu luận.
Khi viết đến tờ thứ ba, tôi phát hiện ra rằng cái này quá nhiều cho một tiểu luận, nó có thể đủ cho sáu bài tiểu luận, thế là việc này bị ách lại trong nửa câu đầu của tờ thứ ba.
Sau hai tháng ở quê, các trận mưa và sự cô đơn đã ập vào tôi. Không còn cách nào khác, tôi lấy giấy và bắt đầu viết sáu bài tiểu luận. Mưa triền miên và sở thích đối với đề tài khiến tôi đã viết liền mười hai chương rồi chia nội dung cho sáu chương tiếp theo nữa. Ngay sau đó tôi đã gửi mười hai chương cho các tờ báo để họ in dần từng chương vào tờ báo Thứ Hai và tôi thề là sẽ viết nốt phần kết.
Nhưng cuộc sống là cái không thể lường trước được, mười một chương đã xuất bản mà tôi thì chưa viết thêm được dòng nào. Tôi đã quên rằng sách đang được xuất bản và quan trọng nhất là tôi đã quên mất là phải tiếp tục như thế nào nữa. Nhà in thì thúc giục tôi gửi phần kết, còn tôi ở đây giống như cô bé trong câu chuyện cổ tích mà tôi đã ném một chương mới xuống lối đi của cô để cô ấy cho tôi được yên thân một vài ngày. Trong khi chạy trốn cuộc truy đuổi của Nhà in, tôi đã phun ra hết chương này rồi chương kia vì tôi muốn cắt đuôi cô bé, còn cô ấy cứ bám chặt lấy tôi từng bước. Tôi chạy ngoằn ngoèo như con thỏ bị đuổi, đâm bổ vào mọi hướng để có thời gian và bằng cách nào đó để sửa chữa những gì tôi đã sai sót trong cuộc săn đuổi này. Các bạn hãy tự đánh giá, tôi đã không giữ được nhịp đủ lâu, đã kéo dài mười tám chương trước khi tôi kéo cờ trắng ở cuối chặng. Nhưng cuốn sách này không có được cốt truyện liên tục ư? Không, đây không phải là một câu chuyện liên tục và thú vị, y như tác giả bị nữ thần Erinye đuổi bắt, để phải cô đơn chạy trốn lên núi, chạy vào ngay cả Ban biên tập yên tĩnh, chạy ra đảo St. Kilde, chạy về Hradec Králové, chạy đến đảo san hô trên Thái Bình Dương, rồi lại chạy về xóm Bảy Nhà và cuối cùng là cái bàn
ăn ở quán bia U Damohorskích, để ở đó ngồi khoanh tay và ném cho những kẻ đuổi bắt mình những lý lẽ cuối cùng rồi đầu hàng? Các bạn hãy nín thở theo dõi xem ai đến phút cuối vẫn tin rằng mình sẽ chạy đến đích và bám đuổi theo một ý tưởng nào đó, trong khi bị bám đuổi ráo riết. Nếu anh ta hết hơi ở chương thứ ba mươi, cái đức tin lạ lùng ấy đã không bỏ rơi anh ta và trên con đường quanh co mà anh ta vừa chạy qua đã có một ý nghĩa thống nhất. Đây là câu chuyện đích thực của cuốn tiểu thuyết không thực sự là một cuốn tiểu thuyết, là một chuỗi tiểu luận mà tên của nó bây giờ tôi mới bổ sung thêm.
Tháng Mười năm 1926
Karel Čapek
I. TÍT QUẢNG CÁO
Vào ngày đầu năm của năm 1943, cũng như mọi ngày khác, ông G. H. Bondy, Chủ tịch Liên xí nghiệp MEAS ngồi đọc báo; ông bỏ qua không thương tiếc các tin tức từ chiến trường, bỏ qua vụ khủng hoảng nội các và xuôi buồm trên dòng sông quảng cáo (Từ lâu, tờ báo Lidové Noviny đã mở rộng các trang báo của mình lên gấp năm lần, các trang này to như cánh buồm của tàu viễn dương), ông ta vào mục Các nhà kinh tế quốc gia. Hành trình của ông ta trong mục này kéo dài một lúc, sau đó ông thu buồm lại và lim dim mơ màng.
“Khủng hoảng than đá,” ông ta tự nhủ, “các mỏ than đã cạn kiệt, lòng chảo Ostrava đã dừng khai thác mấy năm rồi. Trời ạ, đúng là thảm họa. Chúng ta sẽ phải chở than từ miền Thượng Silezia về; nào, hãy tính xem việc này sẽ làm cho các sản phẩm của chúng ta đắt lên bao nhiêu và sau đó hãy nói chuyện thi đua với tôi nhé! Tất cả chúng ta đây; và nếu nước Đức họ tăng thuế, chúng ta sẽ treo niêu. Việc kinh doanh suy thoái. Ối, trời ạ, hoàn
cảnh khó khăn làm sao!Hoàn cảnh thật nghiệt ngã, thật tệ hại và éo le. Chao ôi, cuộc khủng hoảng chết tiệt!”
Ông G. H. Bondy, Chủ tịch HĐQT bỗng dừng lại. Có điều gì đó làm cho ông ta bị kích động không thôi. Ông theo dõi cái này mãi đến lúc tìm ra nó trên trang chót của tờ báo mà ông ta đã bỏ sang một bên. Đó là từ LEZ. Đúng ra đấy chỉ là nửa từ, vì tờ báo bị gấp lại ngay trước chữ L. Cái này rõ ràng là cái nửa vời cố tình lọt vào một cách không bình thường. “Ừ, Trời ạ, chắc cái này sẽ là ŽELEZ,” ông Bondy suy luận không chắc chắn, “hoặc là NELEZ. Hay là NÁLEZ. Và cổ phiếu Nitơ cũng đã tụt xuống. Sự đình trệ ghê gớm. Hoàn cảnh thật khó khăn đến lố bịch. Nhưng vô nghĩa, ai lại có thể đăng quảng cáo việc tìm ra đồ của ai đó đánh rơi nhỉ? Đúng ra phải đăng quảng cáo tìm của bị đánh mất chứ. Đó phải là từ ZTRÁTA, đúng thế!”.[1]
Ông G. H. Bondy hơi chán nản, mở tờ báo ra để bỏ qua cái từ khó chịu ấy. Lúc này thì nó đã biến mất trên ma trận của các ô quảng cáo. Ông tìm từ cột này đến cột khác, nhưng nó cố tình giấu mặt một cách khó chịu. Giờ thì ông Bondy bắt đầu từ bên dưới và cuối cùng thì từ phía bên phải. Cái từ NÁLEZ khó chịu ấy ở đâu đây thôi mà.
G. H. Bondy không chịu thua. Ông gấp báo lại và kìa, cái từ LEZ đáng ghét ấy lại tự nhảy ra ở mép tờ báo; thế là ông tóm nó bằng ngón tay, mở nhanh tờ báo ra và tìm thấy nó. Ông khẽ chửi thề. Đó hoàn toàn là một tít quảng cáo khiêm tốn, rất bình thường:
Chúng tôi bán ngay một PHÁT MINH
Rất giá trị và phù hợp cho bất kỳ nhà máy nào, vì lý do cá nhân.
Đề nghị trao đổi với kỹ sư R. Marek,
Địa chỉ Břevnov 1651.
“Cái này có đáng không?” Ông G. H. Bondy nghĩ. “Một trò sáng chế nào đây; một trò lừa đảo hay trò chơi điên khùng; và mình đã mất năm phút với nó rồi! Ngay cả mình cũng hâm hâm rồi. Hoàn cảnh thì khó khăn. Và chẳng hứa hẹn gì cả!”
Giờ thì ngài Chủ tịch Bondy ngả mình xuống ghế đu để cảm nhận toàn bộ cái cay đắng của hoàn cảnh khó khăn. Quả vậy, MEAS có mười nhà máy và ba mươi bốn nghìn công nhân. MEAS
đứng đầu trong mảng sắt thép. MEAS không có đối thủ trong mảng lò hơi. Máng dẫn điện MEAS là thương hiệu toàn cầu. Nhưng sau hai mươi năm sản xuất, trời ạ, ở nơi nào đấy người ta có thể xây dựng cái gì đấy to lớn hơn chăng...
Ông G. H. Bondy bất thình lình ngồi dậy. “Kỹ sư Marek, kỹ sư Marek! Xem nào, có phải cái cậu Marek tóc đỏ không nhỉ, này, tên cậu ấy là gì nhỉ, Rudolf, Ruda Marek, cậu bạn Ruda từ thời học kỹ thuật? Đúng không, trên tít quảng cáo có đề: kỹ sư R. Marek. Ruda - Cuội ơi, có phải cậu không đấy? Cậu bạn đáng thương ơi, cậu đã đến nông nỗi này sao! Bán ‘một phát minh rất giá trị’, hà hà, vì ‘lý do cá nhân’; chúng mình đã biết cả đống các lý do cá nhân; cậu hết tiền rồi, đúng không? Cậu muốn chấm mút một chút béo bở công nghiệp cho một phát minh màu mỡ; ừ, cậu bao giờ cũng ám ảnh bởi ý nghĩ biến đổi thế giới. Ồ, cậu ạ, các ý tưởng to lớn của chúng ta đâu rồi nhỉ? Tuổi trẻ ngông cuồng và huyền bí của chúng ta đâu nhỉ?”
Chủ tịch Bondy lại nằm xuống. “Có đúng đây là Marek không nhỉ,” ông ta nhắc lại. “Nhưng Marek là một khối óc khoa học. Tuy hơi lắm lời, nhưng cậu ấy có cái gì đó vĩ đại. Cậu ta có những ý tưởng. Thêm vào đấy cậu ta là người cực kỳ không thực
tế. Đúng ra là một tên hoàn toàn điên.” Ông Bondy nói. “Thật lạ là cậu ấy không trở thành một giáo sư. Hơn hai mươi năm rồi mình không gặp cậu ta, có trời biết cậu ta đã làm những gì, cứ như hoàn toàn biến mất. Mà đúng là biến mất; cậu ấy ở tận Břevnov nhỉ, tội nghiệp. Cậu ấy sống bằng các phát minh ư! Một cái kết thật khủng khiếp!”
Ông Bondy thử tưởng tượng ra hoàn cảnh nghèo khó của nhà phát minh suy vi. Ông ta nghĩ ra một cái đầu bù xù với khuôn mặt râu ria; các bức tường xung quanh ảm đạm và dán giấy như trong phim. Chẳng có bàn ghế gì; trong góc phòng là một cái đệm, trên bàn là một cái mẫu thiết bị làm từ những cuộn dây điện, những đinh ốc và các que diêm đã cháy hết, cửa sổ lờ mờ hướng ra sân. Bước vào cái phòng chán ngán ấy là một vị khách đến thăm mặc áo lông thú. “Tôi đến xem phát minh của ông.” Nhà phát minh đã mù dở không nhận ra bạn cũ của mình, khiêm nhường cúi cái đầu lởm chởm, tìm chỗ ngồi cho khách, và bây giờ thì... Ôi, trời ạ, bằng đôi tay tội nghiệp khô cứng và run run của mình ông ta thử vận hành cái phát minh đáng thương, một chiếc động cơ vĩnh cửu gì đó và bối rối nói líu ríu rằng nó phải hoạt động như thế nào, nó đã có thể chạy như thế nào, nếu -
nếu nó có thể - nếu ai đó có thể mua. Người khách trong lớp áo lông thú mở to mắt nhìn khắp cái phòng nhỏ dưới mái nhà và bỗng nhiên rút ra từ trong túi chiếc ví da rồi đặt lên bàn một nghìn, một nghìn thứ hai (“Đủ rồi!” ngài Bondy tự giật mình.) và thêm một nghìn thứ ba. (“Một nghìn có thể là đủ - hãy tạm thế đã,” một ý nghĩ trong đầu ngài Bondy.) “Cái này là để ông làm tiếp, ông Marek ạ; không không, ông không bị ràng buộc gì. Gì cơ, tôi là ai ư? Không quan trọng mà. Ông cứ nghĩ tôi là bạn ông đi.”
Chủ tịch Bondy rất yên tâm và cảm kích với hình ảnh ấy. “Mình sẽ cử thư ký đến gặp Marek ngay,” ông ta nghĩ, “ngay ngày mai. Nhưng hôm nay mình sẽ làm gì nhỉ? Hôm nay là ngày lễ, mình không vào nhà máy; mình thực sự rỗi rãi - Ôi, trời ạ, hoàn cảnh thật khó khăn! Cả ngày chẳng có việc gì! Giá mà hôm nay mình...”
G. H. Bondy lưỡng lự. Cái này có thể là hơi phiêu lưu, đến nhìn sự khốn khó của một gã kỳ cục ở Břevnov. “Thực ra, chúng mình đã là những người bạn như vậy! Và những ký ức có quyền lực của chúng. Mình sẽ đi!” Ông Bondy quả quyết. Rồi ông ta đi.
Sau đó ông ta hơi chán nản khi xe lăn bánh khắp Břevnov để tìm ngôi nhà nhỏ tội nghiệp nhất số 1651. Họ phải hỏi cảnh sát. “Marek, Marek,” người thanh tra cảnh sát phải tìm trong trí nhớ của mình, “có lẽ là ông kỹ sư Rudolf Marek, công ty Marek và cộng sự, nhà máy chế tạo bóng đèn, phố Mixova số 1651.”
Nhà máy chế tạo bóng đèn! - Chủ tịch Bondy thất vọng, vâng, ông cay đắng. Ruda Marek không phải ở dưới tầng áp mái! Ông ta là chủ nhà máy và bán một phát minh nào đó “vì lý do cá nhân”! Bạn già ạ, cái này có mùi của sự phá sản, hay giá mình không phải là Bondy. “Anh có biết ông Marek làm ăn ra sao không?” Ông ta hỏi thêm người thanh tra cảnh sát khi ông đã ngồi vào trong xe.
“Ồ, rất tốt!” Người thanh tra trả lời. “Này, ông ấy có một nhà máy rất đẹp nhé. Công ty rất nổi tiếng,” ông ta nói thêm với sự kính trọng. “Ông ấy giàu có,” ông ta giải thích thêm, “và rất có học thức. Ông ấy luôn luôn làm các thí nghiệm.”
“Phố Mixova!” Ông Bondy ra lệnh cho lái xe.
“Phố thứ ba bên phải!” Thanh tra gọi với theo.
Bây giờ thì ngài Bondy bấm chuông ở khu nhà ở của nhà máy nhỏ nhưng đàng hoàng. “Chỗ này sạch sẽ, trong sân có mấy luống hoa, trên tường có giàn nho dại leo. Hừm.” ông Bondy nói, “trong cái cậu Marek chết tiệt ấy đã sẵn có chủ nghĩa nhân đạo và cải cách từ xưa.” Và từ trong cầu thang ông Marek, Ruda Marek bước ra; ông ta rất gầy và nghiêm nghị, một chút quý phái; ông Bondy cảm thấy là lạ trong tim rằng Ruda không trẻ như trước kia, cũng không râu ria như các nhà sáng chế, mà ông ta khác hẳn những gì mà ông Bondy đã nghĩ, thật khó mà nhận ra; nhưng trước khi ông ta hoàn toàn cảm nhận ra sự thất vọng thì kỹ sư Marek đã bắt tay ông và nói nhỏ:
“A, cậu đã đến, Bondy! Tớ đã đợi cậu!”
II. CÁI KARBURÁTOR[2]
“Tớ đã đợi cậu!” Ông Marek nhắc lại sau khi đã mời khách ngồi vào ghế bành bọc da.
Bằng bất cứ giá nào, Bondy cũng không thể chấp nhận về cái ảo tưởng của mình về nhà sáng chế. “Cậu thấy đấy,” ông ta miễn cưỡng vui lên, “thật ngẫu nhiên! Sáng nay mình tự nhiên nhớ ra là chúng ta đã không gặp nhau hai mươi năm nay! Hai mươi năm, cậu thử nghĩ xem, Ruda ạ!”
“Hừm,” Marek nói. “Thế cậu muốn mua phát minh của mình à?”
“Mua ư?” G. H. Bondy lưỡng lự. “Tớ chẳng biết nữa. Tớ chưa từng nghĩ đến điều ấy. Tớ muốn gặp cậu và...”
“Xin cậu đấy, đừng có bày trò!” Marek ngắt lời ông ta. “Tớ biết trước là cậu sẽ đến. Và chắc là vì cái này. Rõ ràng là một phát minh dành riêng cho cậu. Từ cái này có thể làm ra đủ thứ,” ông khoát tay, đằng hắng rồi bắt đầu một cách dè dặt: “Phát minh mà tớ sẽ cho cậu xem đây có ý nghĩa cách mạng kỹ thuật nhiều hơn
cả việc Watt sáng chế ra động cơ hơi nước. Tớ có thể chỉ ra nguyên lý của nó một cách ngắn gọn, về mặt lý thuyết, ở đây là việc sử dụng năng lượng nguyên tử một cách hoàn hảo.”
Bondy giấu cái ngáp của mình. “Mà này, cậu làm gì suốt hai mươi năm qua?”
Ông Marek nhìn lên một cách ngạc nhiên. “Khoa học hiện đại khẳng định rằng vật chất, đúng hơn là các nguyên tử được kết hợp bởi một số đơn vị năng lượng khổng lồ; nguyên tử là một tập hợp các điện tử, là những phần tử điện tích nhỏ nhất...”
“Cái này thực thú vị,” Chủ tịch Bondy ngắt lời. “Cậu biết đấy, tớ luôn kém môn vật lý. Nhưng trông cậu không được khỏe, Marek ạ! Mà cậu làm thế nào, hừm để có được nhà máy này thế?”
“Tớ ư? Hoàn toàn ngẫu nhiên. Tớ phát minh ra dây tóc bóng đèn kiểu mới... Cái này chẳng có gì, cái này tớ ngẫu nhiên tìm ra thôi. Cậu biết chứ, hai mươi năm nay tớ nghiên cứu sự cháy của vật chất. Cậu thử nói xem, Bondy ạ, cái vấn đề lớn nhất của kỹ thuật đương đại là gì nào?”
“Là thương mại,” Chủ tịch nói. “Mà cậu đã có vợ rồi chứ?”
“Tớ góa vợ,” Marek trả lời và nhảy dựng lên vì bị kích động. “Không thương mại gì hết, cậu hiểu chứ? Vấn đề là sự cháy! Phải sử dụng hoàn hảo nhiệt lượng trong vật chất! Cậu nghĩ xem, nhiệt lượng từ than đá chỉ đủ cho chúng ta sưởi một phần trăm nghìn cái mà chúng ta cần để sưởi! Cậu hiểu không?”
“Ừ. Than rất đắt,” ngài Bondy nhắc một cách thông thái. Marek ngồi xuống và gắt lên: “Cậu không đến vì cái Karburátor của tớ ư, Bondy ạ, cậu có thể về đi thôi.”
“Cậu cứ nói tiếp đi.” ngài Chủ tịch dịu dàng nài nỉ.
Marek úp mặt vào hai bàn tay. “Hai mươi năm nay tớ làm việc với cái này,” ông ta nói một cách khó nhọc, “và bây giờ tớ sẽ bán nó cho người đầu tiên đến đây! Giấc mơ vĩ đại của tớ! Phát minh lớn nhất từ trước đến nay! Thật đấy, Bondy ạ: đây là thứ tuyệt vời.”
“Tất nhiên, trong hoàn cảnh nghèo nàn của xứ mình.” Bondy phụ họa thêm.
“Không đâu, cực kỳ tuyệt vời. Nghĩ mà xem, cậu có thể sử dụng năng lượng hạt nhân hoàn toàn không bỏ sót chút nào!”
“À,” ngài Chủ tịch nói. “Chúng ta sẽ sưởi bằng nguyên tử. Ừ, sao lại không chứ? Chỗ này của cậu đẹp đấy, Ruda ạ; nhỏ nhưng đẹp. Cậu có bao nhiêu công nhân?”
Marek dường như không nghe. “Cậu biết không,” ông ta nói đầy suy tư, “nói cách nào cũng được... ‘sử dụng năng lượng
nguyên tử’ hay là ‘đốt cháy vật chất’. Hay là ‘phá tan vật chất’. Cậu có thể gọi theo cách nào mà cậu thích.”
“Tớ thích nói là đốt cháy vật chất,” ngài Bondy nói; “nghe nó thân mật.”
“Nhưng chính xác hơn là ‘phá tan vật chất’; cậu biết chứ, phá tan nguyên tử thành các điện tử, và kéo các điện tử vào làm việc, cậu hiểu không?”
“Hiểu hết,” ngài Chủ tịch đồng ý. “Chỉ kéo chúng thôi!”
“Cậu cứ nghĩ thế này, giả sử hai con ngựa kéo hai đầu dây về hai phía ngược nhau hết sức mình. Cậu biết cái này là gì không?”
“Rõ ràng là thể thao,” ngài Bondy cắt nghĩa.
“Không, nhưng im nào. Hai con ngựa kéo, nhưng không di chuyển. Và nếu cậu cắt đứt sợi dây...”
“...hai con ngựa sẽ ngã,” G. H. Bondy reo lên vui sướng.
“Không, nhưng chúng nó sẽ chạy đi; chúng nó trở thành năng lượng được giải phóng. Và bây giờ hãy chú ý: cái bị cột chặt ấy là vật chất. Cậu cắt cái dây đang buộc chặt các điện tử và chúng sẽ...”
“...sẽ chạy!”
“Đúng, nhưng chúng ta có thể tóm lấy chúng và cột chặt lại, cậu hiểu không? Hay là cậu hãy nghĩ thế này: Chúng ta sưởi, thí dụ bằng cục than. Từ nó chúng ta nhận được một chút nhiệt lượng, nhưng ngoài ra còn tro, khí than và bồ hóng. Vật chất không mất đi, cậu hiểu chưa?”
“Rồi. Cậu có muốn hút một điếu thuốc không?”
“Không. Nhưng cái vật chất còn lại hãy còn chứa rất nhiều năng lượng nguyên tử chưa sử dụng. Nếu chúng ta sử dụng hết năng lượng nguyên tử tức là chúng ta sử dụng hết các nguyên tử. Nói ngắn gọn là vật chất có thể biến mất.”
“À. Giờ thì tớ hiểu.”
“Cậu xem này, nó giống như chúng ta xay lúa mì không kỹ, giống như chúng ta chỉ xay cái vỏ mỏng bên ngoài còn tất cả phần còn lại thì đem vứt đi, giống như chúng ta đổ tro đi. Khi chúng ta xay hoàn hảo thì hạt mì không còn gì hay là gần như không còn gì, đúng không? Và giống như vậy, khi chúng ta đốt hoàn hảo thì không còn lại gì từ vật chất, hay là gần như không còn gì. Xay hoàn toàn. Sử dụng hết. Chỉ còn lại cái không có gì
ban đầu. Cậu biết chứ, vật chất cần rất nhiều năng lượng để có thể tồn tại; cậu lấy đi sự tồn tại của nó, cậu ép nó không tồn tại và nhờ đó cậu giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ. Thế đấy, Bondy ạ.”
“À. Cái này không tệ.”
“Thí dụ nhé, Pflüger tính là một cân than có hai mươi ba nghìn tỷ calo. Tớ nghĩ rằng cái ông Pflüger ấy phóng đại.”
“Chắc chắn rồi.”
“Tớ tính theo lý thuyết thì đến bảy nghìn tỷ. Nhưng ngay cả cái này có nghĩa là khi ta đốt hoàn hảo một kilogram than có thể cung cấp năng lượng đủ cho một nhà máy lớn vài trăm giờ!”
“Khiếp!” Ông Bondy hét và nhảy dựng lên.
“Số giờ chính xác thì tớ chưa có. Tớ đốt một nửa kilogram than đã sáu tuần nay với tải ba mươi kilogrammét, và người ạ, nó chạy liên tục... liên tục... liên tục...” Kỹ sư Marek nói thầm, mặt tái xanh.
Chủ tịch Bondy lưỡng lự, lấy tay xoa cái cằm nhẵn thín và tròn trặn như mông em bé. “Marek ạ, cậu nghe này,” ông ta
lưỡng lự bắt đầu, “chắc cậu... làm việc... quá sức một chút rồi...”
Marek phẩy tay. “Ấy, không đâu... Nếu mà cậu hiểu một chút về môn vật lý, tớ sẽ giải thích cho cậu về cái Carburetor[3] của tớ, mà trong đó ta đốt cháy vật chất. Cậu biết chứ, đây là cả một chương của môn vật lý cao cấp. Nhưng cậu sẽ thấy nó ở bên dưới, dưới tầng hầm ấy. Tớ cho nửa kilogram than vào cái máy, sau đó đóng máy lại, niêm phong với dấu công chứng ngay trước mặt các nhân chứng để không ai có thể cho thêm than vào. Cậu đi mà xem nó đi, cậu đi đi, đi ngay đi! Cậu cũng sẽ chẳng hiểu gì về nó đâu, nhưng cậu xuống tầng hầm đi! Người ạ, đi nào!”
“Thế cậu không xuống à?” Bondy lạ lùng hỏi.
“Không, cậu hãy xuống một mình. Và này, nghe nhé, Bondy ạ, đừng ở đấy quá lâu.”
“Sao thế?” Bondy hỏi với một chút ngờ vực.
“Chỉ vậy thôi. Cậu hãy nghĩ là, thí dụ ở đây không tốt cho sức khỏe. Và cậu nhớ bật đèn lên, công tắc điện ở ngay bên cửa ấy. Tiếng ồn trong tầng hầm không phải do máy của tớ, cái máy đó chạy hoàn toàn êm; chạy liên tục và không có mùi hôi đâu. Tiếng
ồn ở đấy là từ cái quạt gió. Thôi, cậu đi đi, tớ đợi cậu. Sau đó cậu sẽ kể lại cho tớ.”
* * *
Chủ tịch Bondy đi xuống tầng hầm, ông thấy hơi vui lên vì đã thoát khỏi cái gã điên kia một lúc (không nghi ngờ gì nữa, đây là một kẻ điên), và một chút phiền muộn bởi ý nghĩ làm thế nào để phủi tay càng nhanh càng tốt. Và xem kìa, tầng hầm được đóng kín, cửa rất dày gần giống như các két sắt trong ngân hàng. Tốt thôi, ông ta bật đèn. Công tắc đèn ngay bên cạnh cửa. Ở giữa phòng mái vòm trong tầng hầm xây bằng bê tông giống như phòng chính sạch sẽ trong nhà thờ, là một cái xi lanh bằng đồng khổng lồ đặt trên bộ đỡ làm bằng bê tông. Tất cả các bên đều đóng kín, chỉ có phía trên là tấm lưới được niêm phong và đóng dấu. Bên trong cái máy thì tối om và yên lặng. Từ trong xi lanh, chỉ thấy cái piston trơn tru chuyển động liên tục và quay một cái bánh đà rất nặng. Đấy là tất cả. Chỉ có cái quạt gió đặt tại cửa sổ tầng hầm là luôn luôn phát ra tiếng động.
Có lẽ đây là do gió từ quạt gió hay là cái gì đó - ngài Bondy cảm thấy trên trán mình có thứ là lạ thổi qua và một cảm giác
nào đấy làm cho tóc ông ta dựng lên; bây giờ thì ông như được nâng vào một không gian vô tận; và bây giờ thì ông ta như đang bay và cảm thấy không trọng lượng. G. H. Bondy quỳ xuống trong cảm xúc hạnh phúc tuyệt vời, ông ta muốn hét lên và hát, ông ta cảm thấy có tiếng rì rào của vô vàn đôi cánh đang bay. Rồi bỗng nhiên có ai đó bỗng nắm chặt tay ông và lôi ra khỏi tầng hầm. Đấy là kỹ sư Marek, đầu đội mũ chụp hay mũ bay giống như thợ lặn và kéo Bondy lên trên theo lối cầu thang. Tới sảnh, ông ta cởi cái mũ chụp ra và lau những giọt mồ hôi to như những viên ngọc trên trán.
“Đến lúc rồi,” ông ta thở hắt ra vì kích động mạnh.
III. PHIẾM THẦN LUẬN
Chủ tịch Bondy có cảm giác là mình đang mơ. Marek nhẹ nhàng như người mẹ đặt ông ta xuống ghế và vội vàng lấy rượu cognac. “Nào, cậu uống đi,” ông ta lắp bắp, tay run run đưa cho ông Bondy cốc rượu. “Này, cậu cũng bị khó chịu à?”
“Ngược lại thì có.” Bondy nói thiếu tự tin. “Tớ thấy thật tuyệt vời, cậu ạ! Tớ cảm thấy như đang bay hay đại loại thế.”
“Đúng, đúng” Marek nói vội, “ý tớ là vậy đó. Cứ như người ta bay hay được nâng bổng lên, đúng không?”
“Hoàn toàn là cảm giác an lạc,” ông Bondy nói. “Tớ nghĩ, cái này gọi là sự thăng hoa. Cứ như ở đó có một cái gì... một cái gì ấy...”
“...cái gì thánh thần?” Marek lưỡng lự hỏi.
“Có thể. Hoàn toàn rõ ràng cậu ạ. Từ bé đến giờ tớ chưa vào nhà thờ, Ruda ạ, nhưng trong tầng hầm tớ cảm thấy như trong nhà thờ. Này, tớ đã làm gì ở dưới ấy?”
“Quỳ,” Marek kêu lên chua chát và đi đi lại lại trong phòng.
Chủ tịch Bondy bẽn lẽn xoa chỗ hói trên đầu: “Lạ thật. Tớ quỳ thật à? Và cậu này, cái gì... cái gì thực sự... trong tầng hầm... nó tác động lên con người thế?”
“Cái Karburátor,” Marek ậm ừ cắn môi. Mặt ông ta càng trầm xuống và xám ngoét đi.
“Ấy, chết tiệt!” Bondy lạ lùng. “Sao vậy?”
Kỹ sư Marek chỉ nhún vai và đi đi lại lại trong phòng, đầu cúi gập xuống.
G. H. Bondy theo dõi ông ta bằng đôi mắt ngạc nhiên của trẻ con. Marek là gã điên, ông tự nhủ; nhưng rõ ràng cái gì đó tác động lên con người trong tầng hầm? An lạc đến đau đớn, an toàn thực tuyệt vời, sự kinh ngạc, sự an lạc tràn ngập hay gì đó... Ngài Bondy đứng dậy và rót thêm một ly cognac. “Này, Marek ạ,” ông ta nói,“tớ nghĩ ra rồi.”
“Gì cơ?” Marek buột miệng và đứng dậy.
“Trong cái tầng hầm ấy. Cái tình trạng tinh thần ấy. Cái này là do bị nhiễm độc, phải không?”
“Hẳn là nhiễm độc rồi,” Marek cười giận dữ.
“Tớ nghĩ ngay đến điều đó.” Bondy tuyên bố và bỗng nhiên yên tâm. “Cái máy của cậu nó tạo ra cái gì đó như ôzôn, đúng không? Hay đúng hơn là khí độc gì đó. Và khi người ta hít vào, chỉ cần một chút thôi, sẽ bị ngộ độc hay kích thích, đúng không? Rõ rồi, người ạ, cái này không khác gì khí độc; khí này xuất hiện khi đốt than trong cái... cái Karburátor của cậu. Một loại khí đất đèn, hay khí ôxít nitơ, hay phosgene[4], hay cái gì đó tương tự. Cho nên cậu có cái quạt máy ở đấy. Đó cũng là lý do mà cậu đeo mặt nạ khi xuống tầng hầm, đúng không? Cậu có những thứ khí chết tiệt ở đấy.”
“Nếu chỉ có các thứ khí,” Marek gầm lên và giơ nắm đấm. “Cậu biết không, Bondy, cho nên tớ phải bán cái Karburátor! Đơn giản là tớ không chịu được nó, không chịu được,” ông ta hét lên gần như khóc. “Tớ không lường được là cái Karburátor sẽ gây ra điều này! Cái... trò quỷ... như thế này! Cậu thử xem, nó gây ra điều này cho tớ ngay từ đầu! Ai lại gần nó đều cảm thấy. Cậu không biết đâu, Bondy ạ. Cái ông quản gia nhà tớ đã ăn đủ.”
“Tội nghiệp,” ngài Chủ tịch ngạc nhiên đầy thông cảm. “Ông ấy chết vì thế rồi à?”
“Không đâu, nhưng mà ông ta khai ngộ rồi,” Marek hét lên vô vọng. “Tớ nói với cậu cái này nhé, Bondy ạ: Cái Karburátor phát minh của tớ có một lỗi khổng lồ. Mặc dù vậy cậu vẫn mua hay là nhận nó như quà của tớ; Bondy ạ, ngay cả khi mà quỷ sứ chui ra từ nó. Cậu chẳng quan tâm gì, trừ việc cậu kiếm được tiền tỷ từ nó. Chắc chắn là thế, người ạ. Cái này thật là khủng, nhưng tớ không muốn dính dáng đến nó nữa. Cậu không có lương tâm nhạy cảm như tớ, cậu nghe tớ chứ, Bondy? Nó sẽ đem lại tiền tỷ, cả hàng nghìn tỷ; nhưng cậu sẽ phải nhớ đến cái nguy hiểm khủng khiếp. Cậu quyết định đi!”
“Để tớ yên nào,” Bondy tự vệ. “Nếu nó sinh ra các khí độc thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ cấm nó, thế là xong. Cậu biết cái hoàn cảnh nghèo nàn ở xứ mình rồi còn gì. Nếu ở bên Mỹ thì...”
“Không có khí độc nào hết,” Marek thốt lên. “Còn tệ hại gấp nghìn lần. Cậu chú ý cái này nhé, Bondy, đến cái mà tớ sẽ nói với cậu; thứ này nó cao hơn sự hiểu biết của con người, nhưng không có một chút dối trá nào đâu. Thế này này, cái Karburátor
đốt cháy vật chất thực sự, đốt hết, cháy không để lại lấy một chút bụi; đúng hơn là nó đập vỡ, biến thành bụi, phân hủy thành các điện tử, nó tiêu thụ, nó nghiền nát, tớ chẳng biết phải gọi thế nào cho đúng, tóm lại là nó tiêu thụ vật chất. Cậu không tưởng tượng ra lượng năng lượng khổng lồ trong các nguyên tử đâu. Chỉ cần nửa tạ than là cậu có thể chạy tàu thủy vòng quanh thế giới, chiếu sáng toàn bộ Praha, vận hành cả nhà máy Rustonka[5] hay bất cứ cái gì cậu muốn; chỉ cần hòn than to bằng hạt hồ đào là cậu có thể sưởi và nấu ăn cho cả gia đình. Mà cuối cùng thì cũng chẳng cần than; chúng mình đốt một viên cuội hay một nắm đất nhặt trước nhà. Mỗi miếng vật chất nhỏ chứa nhiều năng lượng hơn cả một cái nồi hơi khổng lồ; chỉ cần làm sao vắt được nó ra! Chỉ cần biết cách đốt nó một cách hoàn hảo! Bondy ạ, tớ biết cách; cái Karburátor của tớ biết; cậu công nhận không, tớ đã dành cho nó hai mươi năm lao động đấy.”
“Cậu thấy đấy, Ruda ạ,” ngài Chủ tịch bắt đầu chậm rãi, “cái này cực lạ lùng: nhưng tớ tin cậu. Thật đấy, tớ tin cậu. Cậu biết chứ, khi đứng trước cái Karburátor của cậu, tớ cảm thấy ở đó có cái gì thật to lớn khủng khiếp, cái gì đó có thể nghiền nát người ta. Tớ không biết phải làm gì nữa: tớ tin cậu. Ở dưới đó, trong
tầng hầm ấy, cậu có cái gì đó bí mật. Một cái gì đó mà nó có thể làm lộn tùng phèo cả thế giới.”
“Ấy, Bondy ạ,” Marek nói khẽ đầy lo âu, “trong này có một vấn đề. Đợi một chút nào, tớ sẽ nói hết cho cậu. Cậu đọc Spinoza bao giờ chưa?”
“Chưa.”
“Tớ cũng chưa; cậu biết không, bây giờ thì tớ bắt đầu đọc những thứ ấy. Tớ không hiểu cái này, đối với dân kỹ thuật chúng tớ, cái này cực khó, nhưng ở đây có cái gì đó. Có lẽ cậu tin vào Thượng đế chứ?”
“Tớ á? Ừ,” G. H. Bondy nghĩ ngợi, “Thật tình mà nói, tớ không biết nữa. Thượng đế có thể ở trên một ngôi sao nào đó khác. Ở xứ mình thì không. Không đâu! Trong thời đại của chúng ta cái này không phù hợp đâu. Cậu xem, Ngài có thể làm gì ở đây chứ?”
“Tớ chẳng tin,” Marek cứng cỏi. “Tớ không muốn tin. Tớ đã từng là kẻ vô thần. Tớ từng chỉ tin vào vật chất và sự tiến bộ, không tin cái gì khác. Tớ là người của khoa học; và khoa học không thể thừa nhậnThượng đế.”
“Về mặt thương mại,” ông Bondy tuyên bố, “thứ này vô cảm. Nếu muốn, cứ kệ nó thế. Chúng ta không phủ định nhau mà.”
“Nhưng về mặt khoa học, Bondy ạ,” người kỹ sư kêu lên nghiêm khắc, “cái này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hoặc là Ngài, hoặc là khoa học. Tớ không khẳng định là chẳng có Thượng đế, tớ chỉ chứng nhận là không thể, hoặc ít ra là không cho phép hiện diện. Nhưng tớ không tin rằng khoa học từng bước đẩy lùi hoặc ít ra là hạn chế sự hiện diện của Ngài, và tớ tin rằng cái này là sứ mệnh to lớn nhất của khoa học.”
“Có thể” ngài Chủ tịch dịu dàng nói. “Tiếp đi.”
“Và bây giờ cậu hãy thử tưởng tượng, Bondy, rằng - Hay là khoan đã, tớ nói với cậu như thế này: Cậu biết Phiếm thần luận là gì không? Nó là một đức tin, rằng trong tất cả mọi thứ đang tồn tại đều có sự hiện diện một Thượng đế hoặc một Siêu Nhiên, cậu gọi thế nào thì tùy. Trong con người hay hòn đá, trong cỏ hay trong nước, ở mọi nơi. Và cậu biết Spinoza dạy thế nào không? Rằng trọng lượng chỉ là một biểu hiện hay một mặt của chất linh thiêng còn mặt thứ hai là linh hồn. Và cậu biết Fechner dạy cái gì không?”
“Tớ không biết,” Chủ tịch Bondy thú nhận.
“Fechner dạy rằng, tất cả mọi thứ, tất cả mọi thứ đều có linh hồn, rằng Thượng đế đã gắn linh hồn vào tất cả vật chất trên thế gian. Và cậu biết Leibniz chứ? Leibniz dạy rằng vật chất được cấu thành từ những điểm tâm linh, từ những đơn tử, những cái này là bản chất củaThượng đế. Cậu nói gì về cái này?”
“Tớ không biết,” G. H. Bondy nói, “cái này tớ không hiểu.”
“Tớ cũng không; cái này nó phức tạp khủng khiếp. Nhưng cậu thử tưởng tượng, cứ giả thiết rằng trong mỗi vật chất có một
Thượng đế và Ngài bị nhốt trong đó. Và khi cậu phá vỡ cái vật chất ấy, Ngài sẽ bay ra từ trong cái hộp mà Ngài bị nhốt. Bỗng nhiên Ngài được giải phóng. Ngài được phát triển từ vật chất cứ như khí đốt phát triển từ than. Cậu đốt một nguyên tử và cậu có đầy tầng hầm một Siêu Nhiên. Thật tuyệt vời, nó lan tỏa nhanh làm sao.”
“Khoan đã.” Bondy nói. “Cậu nói lại một lần nữa đi, nhưng chầm chậm thôi.”
“Cậu thử nghĩ này,” Marek ôn lại, “thí dụ trong mỗi vật chất có một Siêu Nhiên trong tình trạng bị trói như thế nào đó, cứ tạm nói là bị trói, một năng lượng thụ động; hay đơn giản hơn là Thượng đế lúc nào cũng có mặt, có mặt trong mỗi vật chất và trong mỗi phần nhỏ của vật chất. Bây giờ hãy thử tưởng tượng là cậu hoàn toàn phá hủy miếng vật chất ấy, cứ coi như là không còn gì; nhưng vì rằng trong mỗi vật chất thực sự là Vật Chất cộng với Siêu Nhiên, cậu chỉ phá hủy vật chất thôi và phần còn lại không thể phá hủy: Siêu Nhiên tinh khiết, được giải phóng và hoạt động. Phần còn lại là không thể phân hủy về mặt hóa học, phần dư phi vật chất, cái không thể hiển thị bằng các vạch quang phổ, không phải trọng lượng nguyên tử, không ái lực hóa học,
không tuân theo Định luật Marriot, không từ cái gì, không là gì, không chút gì từ vật chất. Chỉ còn lại Thượng đế tinh khiết. Không có gì thuộc về hóa học mà có thể tạo ra năng lượng khổng lồ. Vì rằng nó là phi vật chất, không liên quan đến các định luật vật chất. Từ đấy ta thấy rằng cái này thể hiện ngược lại với tự nhiên, thực sự là kỳ diệu. Tất cả những cái này xuất hiện với điều kiện là có Thượng đế trong vật chất. Cậu có thể nghĩ, giả sử rằng có Ngài ở đấy không?”
“Tớ có thể,” Bondy nói. “Thế nào nữa?”
“Được.” Marek nói và đứng dậy, “thế đấy, nó thực sự là vậy.”
IV. TẦNG HẦM THẦN THÁNH
Ngài Chủ tịch Bondy hút xì gà và nghĩ ngợi. “Mà này, làm thế nào cậu nhận biết được?”
“Tự tớ thấy thôi,” kỹ sư Marek đi đi lại lại trong phòng nói. “Cái Karburátor tuyệt vời của tớ phân hủy vật chất một cách hoàn thiện, nó sản xuất ra sản phẩm phụ: một Siêu Nhiên tinh khiết không bị giam cầm. Thượng đế trong tình trạng hóa học tinh khiết. Tớ có thể nói, ở đầu này nó tuôn ra năng lượng cơ học và ở đầu kia là bản chất thần thánh. Nó gần giống như cậu phân tách nước thành hydro và ôxy, nhưng ở mức độ khổng lồ hơn.”
“Hừm,” ngài Bondy đằng hắng. “Tiếp đi!”
“Tớ nghĩ,” Marek tiếp tục một cách thận trọng, “là một số nhân vật đặc biệt có khả năng phân tách trong người mình vật chất và chất thiêng liêng; cậu biết không, cứ như được trang bị hay là nghiền ra Siêu Nhiên từ vật chất của mình. Này nhé, Chúa Jesus, các vị thần thánh, các tu sĩ Hồi giáo, các đồng cốt và các nhà tiên tri có khả năng dùng sức mạnh tâm linh. Cái máy
Karburátor của tớ sử dụng lực của máy móc. Nó là một kiểu Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên.
“Sự thật,” G. H. Bondy nói. “Cậu hãy nói về những sự kiện có thật.”
“Đây là những sự thực của tớ. Tớ xây dựng cái Perfect Karburátor lúc đầu chỉ dựa trên lý thuyết. Sau đó tớ làm cái máy mẫu nhưng nó không chạy. Phải đến chiếc thứ tư mới chạy thực sự. Nó chỉ nhỏ bằng ngần này nhưng chạy rất tốt. À khi tớ làm việc với nó, với cái máy nhỏ ấy, tớ đã cảm thấy những hiệu ứng tinh thần đặc biệt. Những sự phấn khích và mê hoặc kỳ lạ như vậy. Nhưng tớ chỉ nghĩ rằng đây là do mình vui sướng từ cái phát minh hoặc do làm việc quá sức. Lần ấy tớ bắt đầu biết tiên tri và tạo ra những phép màu.”
“Gì cơ?” Chủ tịch Bondy reo lên.
“Tiên đoán và tạo ra những phép màu,” Marek buồn bã nhắc lại. “Tớ đã có những lúc tỉnh thức tuyệt diệu. Thí dụ tớ đã biết rõ ràng, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Ngay cả chuyến viếng thăm của cậu, tớ đã tiên đoán. Có một lần, cái máy tiện giật đứt móng tay của tớ. Tớ nhìn vào cái ngón tay bị thương và trong
một phút móng tay đã tự mọc lên. Rõ ràng là tớ mong muốn thế nhưng nó thật đặc biệt và... khủng khiếp. Hoặc là cậu thử tưởng tượng xem, tớ đã đi bách bộ trên không. Cậu biết chứ, cái này gọi là tự bay. Chưa bao giờ tớ tin những thứ vô nghĩa ấy. Cậu nghĩ xem, tớ đã phát khiếp lên như thế nào.”
“Điều này tớ tin,” Bondy nghiêm nghị nói. “Điều này thật khó xử.”
“Cực kỳ khó xử. Tớ nghĩ rằng đó là do thần kinh, tự kỷ ám thị hay cái gì đó. Khi ấy tớ chế tạo cái máy Karburátor lớn trong hầm và khởi động nó. Như tớ đã nói với cậu, nó đã chạy sáu tuần cả ngày lẫn đêm. Ở đó tớ mới biết được toàn bộ phạm vi của công việc. Sau một ngày, tầng hầm đã tích Siêu Nhiên đầy đến mức muốn vỡ ra và nó bắt đầu tràn vào cả căn nhà. Cậu biết chứ, Siêu Nhiên tinh khiết xuyên thấu tất cả vật chất, nhưng đi qua chất rắn thì chậm hơn. Trong không khí nó lan nhanh như ánh sáng. Khi tớ bước vào đấy cậu ạ, tớ bị cái gì đó như lên cơn động kinh. Tớ hét lên rất to. Không biết tớ lấy sức ở đâu để thoát ra. Ở trên này tớ nghĩ đi nghĩ lại về việc ấy; ý nghĩ đầu tiên là về chất khí mới, dễ gây say và hưng phấn, cái mà được tạo ra từ sự cháy hoàn hảo. Vì vậy tớ đặt từ phía ngoài cái quạt gió. Hai trong số thợ lắp
ráp lập tức được khai ngộ và gặp ảo giác; người thợ thứ ba vốn nghiện rượu nên anh ta có một chút miễn dịch. Khi còn tin đấy chỉ là chất khí, tớ đã làm thử một loạt thí nghiệm; thú vị là trong Siêu Nhiên, ánh sáng nào cũng sáng hơn. Nếu giữ được nó trong bóng thủy tinh, tớ sẽ đưa nó vào bóng đèn điện; nhưng nó chạy ra ngoài bất cứ cái bình nào dù rằng đã được bịt thật kín. Sau đó tớ lại nghĩ rằng nó là một loại tia X; nhưng nó không để lại bất cứ dấu vết gì của điện và trên các tấm phim nhạy sáng. Ngày thứ ba, người ta phải mang ông quản gia và vợ ông ta, những người sống trong tầng hầm, vào nhà điều dưỡng.”
“Vì sao thế?” Ngài Bondy hỏi.
“Ông ta đã khai ngộ. Ông ta bị hưng phấn. Ông ta bắt đầu nói về tôn giáo và tạo những phép màu. Vợ ông ta bắt đầu biết tiên đoán. Cái ông quản gia nhà tớ là một người thực tốt, quyết đoán, suy nghĩ thoáng và rất nhất quán. Cậu xem này, ông ấy bỗng nhiên chữa lành bệnh cho mọi người bằng cách đặt tay lên. Điều đó có nghĩa là ông ta bị tố cáo ngay lập tức, ông bác sĩ huyện, bạn của tớ, đã tức giận khủng khiếp, tớ phải đưa ông quản gia vào trung tâm điều dưỡng để khỏi gây ra bất bình. Nghe nói ông ta đã khá hơn, đã khỏe lại và khả năng kỳ diệu đã biến mất, tớ sẽ gửi
ông ấy về quê để hồi phục sức khỏe. Bản thân tớ cũng bắt đầu tạo ra những phép màu và mắt nhìn xa hơn. Ngoài ra tớ còn nhìn thấy những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp trong đầm lầy với các loại động vật kỳ lạ; hẳn là do tớ dùng than từ miền Thượng Silezia cho cái Karburátor, loại than nhiều tuổi nhất. Có thể trong đó cóThầnThan Đá.”
Chủ tịch Bondy rùng mình: “Marek ạ, thật khủng khiếp!”
“Đúng.” Marek than vãn. “Dần dần tớ bắt đầu hiểu ra rằng đây không phải là khí mà là Siêu Nhiên. Tớ bị ám ảnh với bao nhiêu là điều khủng khiếp. Tớ đọc được ý nghĩ của mọi người, tớ phát ra ánh sáng, tớ phải vượt qua một cách tuyệt vọng để không phải cầu nguyện và bắt đầu giảng về niềm tin vàoThượng đế.
Tớ định chôn cái máy Karburátor trong cát, nhưng lúc ấy tớ bỗng bay lên. Không thể dừng cái máy lại được. Tớ không ngủ ở nhà nữa. Ngay cả tại nhà máy, trong đám công nhân cũng có những vụ khai ngộ. Tớ không biết phải làm gì, Bondy ạ. Tớ đã thử tất cả mọi khả năng cách ly để Siêu Nhiên không thoát ra khỏi tầng hầm. Nào là tro, nào là cát, tường kim loại, chẳng có gì chặn lại được. Tớ thử lót tầng hầm bằng sách của các giáo sư
Krejčí, Spencer, Haeckle và biết bao nhiêu những nhà thực nghiệm; cậu thấy đấy, Siêu Nhiên đi qua cả những thứ ấy! Tất cả báo chí, kinh sách, Thánh Vojtěch, các bài ca yêu nước, các bài giảng Đại học, các sách của Q. M. Vyskočil, các tạp chí chính trị, các bản ghi chép của nghị viện cũng không ngăn được Siêu Nhiên đi qua. Tớ hoàn toàn tuyệt vọng. Không thể đóng kín và hút sạch nó được. Một hiểm họa đã được thả ra.”
“Ừ thì đã sao,” ngài Bondy nói, “nó thực sự là hiểm họa ư? Ngay cả khi tất cả những điều này là sự thật thì nó thực sự là hiểm họa ư?”
“Bondy ạ, cái máy Karburátor của tớ là một thứ tuyệt vời. Nó đảo lộn cả thế giới về mặt kỹ thuật cũng như xã hội; nó giảm chi phí sản xuất rất nhiều; nó xóa đói giảm nghèo; nó bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi bị đóng băng. Nhưng mặt khác nó lại tung Thượng đế vào thế giới như một sản phẩm phụ. Tớ thề đấy, Bondy ạ, xin cậu đừng coi nhẹ việc này, chúng ta không có thói quen tính đến Thượng đế thực thụ; chúng ta không biết sự hiện diện của Ngài có thể gây nên những gì - thí dụ về văn hóa, về đạo đức v.v... Cậu ạ, ở đây là số phận nền văn minh nhân loại!”
“Khoan đã.” Chủ tịch Bondy trầm tư. “Có thể nó là một lời nguyền nào đấy. Cậu đã gọi cho cha cố chưa?”
“Cha cố nào cơ?”
“Cha nào cũng được. Cậu biết đấy, không phụ thuộc vào tín ngưỡng. Các cha sẽ có cách nào đó để cấm được cái này.”
“Lại mê tín rồi,” Marek gầm lên. “Quên các cha cố đi, kẻo các vị ấy lại đẻ ra mộ thánh trong tầng hầm nhà tớ đấy! Đấy là quan điểm của tớ!”
“Được thôi,” Bondy tuyên bố. “Tớ sẽ gọi cho các vị ấy. Người ta không thể biết hết được. Ừ, mà có hại gì đâu. Mà cuối cùng thì tớ chẳng có gì chống lại Thượng đế. Cốt là Ngài không can thiệp lúc tớ làm việc. Cậu đã thử thương lượng theo hướng tích cực với Ngài chưa?”
“Chưa,” kỹ sư Marek phản đối.
“Thật sai lầm,” G. H. Bondy nói giọng khô khốc. “Có thể thỏa thuận một hợp đồng nào đó với Ngài. Có thể là một hợp đồng chính xác với từ ngữ như sau: ‘Chúng tôi cam đoan sẽ chế tạo Ngài một cách kín đáo, không gián đoạn trong phạm vi hai bên sẽ thỏa thuận; phía Ngài cam đoan rằng sẽ từ bỏ các nghi lễ thiêng liêng trong cự ly ngần này và ngần này mét tính từ nơi chế tạo.’ Cậu nghĩ sao? Ngài sẽ đồng ý chứ?”
“Tớ chịu,” Marek chán nản trả lời. “Có thể là Ngài đã tìm ra thú vui trong việc Ngài tiếp tục tồn tại độc lập với vật chất. Có thể với mối quan tâm riêng của bản thân, Ngài sẽ nói chuyện với cậu. Nhưng xin đừng đề nghị tớ điều này.”
“Được thôi,” Chủ tịch đồng ý, “tớ sẽ gửi công chứng viên của tớ đến. Anh này rất năng động và khéo léo. Và điều thứ ba là...
hừm, tớ có thể xin biếu Ngài một nhà thờ. Rõ ràng là cái tầng hầm nhà máy và khu vực lân cận có phần... hừm, có phần thiếu đàng hoàng. Chúng tớ có thể tìm hiểu thẩm mỹ của Ngài. Cậu đã thử bao giờ chưa?”
“Chưa; tốt nhất là tớ sẽ tháo nước ngập tầng hầm.”
“Khoan nào, Marek ơi. Có lẽ tớ sẽ mua cái phát minh của cậu. Tất nhiên là cậu hiểu, đúng không. Tớ sẽ cử các kỹ thuật viên của tớ đến. Việc này phải kiểm tra. Có thể ở đây có một chút khí độc. Và ngay cả khi có Thượng đế đích thực lúc cái Karburátor thực sự hoạt động.”
Marek đứng dậy. “Cậu dám xây dựng cái Karburátor trong nhà máy MEAS?”
“Tớ dám chứ.” Chủ tịch Bondy nói và đứng đậy, “chế tạo Karburátor với số lượng lớn. Karburátor cho tàu hỏa và tàu thủy, Karburátor cho việc sưởi ấm nhà từ trung tâm, cho các gia đình, cho các cơ quan, văn phòng, các nhà máy và trường học. Sau mười năm, trên thế giới không ai không sưởi bằng Karburátor. Tớ sẽ cho cậu ba phần trăm từ khoản lãi chưa trừ thuế. Năm đầu có thể là vài triệu. Tạm thời cậu có thể chuyển chỗ ở để tớ cử
người đến đây. Sáng mai tớ sẽ dẫn vị Giám mục phụ cận đến đây. Ruda ạ, cậu hãy tránh mặt ông ấy. Tránh đi, tớ không muốn thấy cậu ở đây. Cậu quá thẳng tính; tớ không muốn làm mếch lòng Siêu Nhiên ngay từ đầu.”
“Bondy ạ,” Marek thì thầm đầy sợ hãi, “tớ cảnh báo cậu lần cuối: cậu sẽ dẫnThượng đế xuống trần gian đấy!”
“Sau đó,” G. H. Bondy nói, “Ngài sẽ có món nợ với tớ. Hy vọng rằng Ngài sẽ không xử tệ với tớ.”
V. GIÁM MỤC PHỤ CẬN
Khoảng hai tuần sau Tết Dương lịch, kỹ sư Marek ngồi trong phòng làm việc của Chủ tịch Bondy.
“Các cậu làm đến đâu rồi?” Bondy ngẩng đầu lên từ đống giấy tờ và hỏi.
“Tớ xong rồi,” kỹ sư Marek nói. “Tớ đã chuyển cho các kỹ sư của cậu các bản vẽ chi tiết của Karburátor. Cái cậu đầu hói ấy, tên cậu ấy là gì nhỉ?”
“Krolmus.”
“Ừ, kỹ sư Krolmus, cậu ấy đơn giản hóa động cơ nguyên tử của tớ rất tuyệt; cậu biết chứ, chuyển hóa năng lượng điện tử thành công sử dụng được, cậu ạ, cái tay ấy, cái cậu Krolmus ấy mà. Ngoài ra có gì mới không?”
Chủ tịch G. H. Bondy ghi chép và im lặng. “Chúng ta xây dựng,” ông ta nói sau một lát. “Bảy nghìn thợ xây. Nhà máy chế tạo Karburátor.”
“Ở đâu?”
“Ở Vysočany. Và chúng tớ đã tăng vốn cổ phiếu lên. Tăng lên một tỷ rưỡi. Báo chí viết về một phát minh mới nào đấy. Cậu xem này,” ông ta nói thêm và ủn vào lòng Marek nửa tạ báo Czech và báo nước ngoài rồi chìm nghỉm vào một đống giấy tờ khác.
“Tớ vắng mặt mười bốn ngày nay, e hèm,” Marek uể oải đáp lại.
“Gì cơ?”
“Đã mười bốn hôm rồi tớ không đến cái nhà máy nhỏ của tớ ở Břevnov. Tớ... tớ không dám đến. Ở đấy có gì mới không?”
“Hừm.”
“Và cái Karburátor của tớ thế nào rồi?” Marek hỏi giọng đầy lo âu.
“Nó vẫn chạy suốt.”
“Và nó làm gì? Cái việc thứ hai ấy?”
Chủ tịch Bondy thở hắt ra và đặt bút xuống: “Cậu có biết là chúng tớ đã phải chặn phố Mixova lại rồi chứ?”
“Sao vậy?”
“Người ta đến đấy để cầu nguyện. Cả đống người. Cảnh sát muốn giải tán họ, bảy người chết. Họ cứ mặc cho bị đánh đập y như bầy cừu.”
“Đúng như dự đoán, đúng như dự đoán,” Marek ậm ừ một cách tuyệt vọng.
“Chúng tớ đã ngăn đường phố bằng dây thép gai.” Bondy tiếp tục nói. “Người ở các ngôi nhà xung quanh đã phải chuyển đi, cậu biết không, toàn những hiện tượng tôn giáo rất nghiêm trọng. Bây giờ thì hội đồng của Bộ Y tế và Bộ Xã hội đang có mặt ở đấy.”
“Tớ nghĩ,” Marek thở phào nhẹ nhõm, “rằng các nhà chức trách sẽ chặn cái Karburátor của tớ lại.”
“Không, không đâu,” G. H. Bondy nói. “Giới tăng lữ chính trị thì điên cuồng chống lại Karburátor cho nên các đảng cấp tiến lại cố tình bảo vệ nó. Thực ra chẳng ai biết đây là cái gì. Cậu ạ, biết ngay là cậu không đọc báo mà. Vụ này hóa thành vụ tranh cãi vô bổ chống lại chủ nghĩa tôn giáo chính trị. Và Nhà thờ thì ngẫu nhiên có phần đúng. Cái lão Giám mục phụ cận chết tiệt đã báo cáo cho Đức Hồng y Tổng Giám mục.”
“Giám mục phụ cận nào cơ?”
“Cái lão Giám mục Linda nào đấy, bình thường ra thì lão là người biết điều. Cậu biết chứ, tớ chở lão đến như một chuyên gia để lão xem Siêu Nhiên kỳ diệu. Lão điều tra suốt ba ngày, lão ở trong tầng hầm suốt và...”
“...và lão đã khai ngộ?” Marek thốt lên.
“Không đâu nhé! Có thể lão đã tập luyện về Thượng đế, hoặc lão là một gã vô thần cứng cựa hơn cậu, tớ chẳng biết nữa; nhưng sau ba ngày lão đến gặp tớ và nói rằng theo quan điểm của đạo Cơ Đốc thì không thể nói gì về Thượng đế ở đây cả, Giáo hội sẽ hoàn toàn phản bác và coi thuyết Phiếm thần là dị giáo; nói cách khác là đây không phải là Thượng đế chính đáng và hợp lệ, được uy quyền của Giáo hội chấp thuận, và với tư cách của một linh mục, lão coi đây là trò lừa đảo, ảo tưởng và dị giáo. Cái lão sùng đạo ấy nói rất có lý.”
“Thế lão ấy không cảm thấy bất cứ hiện tượng siêu nhiên nào à?”
“Lão đã trải qua tất cả: khai ngộ, phép lạ, cực lạc, tất cả mọi thứ. Lão ấy không phủ nhận rằng mọi thứ ấy đang xảy ra ở đấy.”
“Xin cậu đấy, thế lão ta giải thích việc này thế nào?”
“Chẳng thế nào cả. Lão nói rằng Giáo hội không giải thích mà chỉ ra lệnh hoặc cấm. Tóm lại là lão đã bác bỏ việc gây tai tiếng cho Giáo hội với một Thượng đế mới và không có kinh nghiệm. Ít ra tớ hiểu lão ta như vậy. Cậu biết chứ, tớ đã mua cái nhà thờ ấy, trên Bílá Hora ấy?”
“Tại sao vậy?”
“Nó gần Břevnov nhất. Giá ba trăm nghìn cậu ạ. Tớ đã mời vị Siêu Nhiên trong tầng hầm ấy bằng văn bản và lời để Ngài chuyển chỗ ở sang bên đó. Đấy là nhà thờ kiến trúc Baroque đẹp đẽ; ngoài ra tớ cho phép mọi sự chỉnh sửa cần thiết. Và rất lạ nhé, chỉ cách nhà thờ vài bước, trong ngôi nhà số 457 hôm kia đã xảy ra một vụ lên cơn cực đỉnh, một thợ lắp ráp, nhưng trong nhà thờ thì không có gì, bất cứ cái gì, bất cứ phép lạ nào nhé! Có một trường hợp ở tận Vokovice, hai trường hợp ở ngay Košíře, tại trạm vô tuyến Petřiny nổ ra một đại dịch tôn giáo, tất cả các nhân viên điện báo vô tuyến đang trực ở đấy vô cớ gửi đi khắp thế giới một bức điện tín cực đỉnh, một bản phúc âm mới với nội dung là Thượng đế đã xuống trần để chuộc tội cho thế giới và
những gì gì nữa. Cậu thấy không, thật nhục nhã! Các báo chí tiến bộ thì xoáy vào Bộ Bưu chính, tới mức tơi bời hoa lá. Họ kêu gào rằng ‘chủ nghĩa tôn giáo đã thò vuốt ra ngoài’ và những việc ngu xuẩn tương tự. Đến giờ vẫn chưa có ai linh cảm được là cái này liên quan đến cái Karburátor, Marek ạ,” Bondy thầm thì nói thêm: “Tớ bảo cậu cái này nhưng bí mật nhé: tuần trước nó đã lên đến tận Bộ Quốc phòng bên mình đấy.”
“Lên đâu cơ?” Marek hét lên.
“Im nào. Bộ trưởng Quốc phòng nhé. Ông ấy bỗng được khai ngộ ở biệt thự của mình tại Dejvice. Sáng hôm sau ông ta triệu tập lực lượng toàn Praha và phát biểu về hòa bình vĩnh viễn, đồng thời ông ta kêu gọi các chiến sĩ hãy tử vì đạo. Ngay sau đó ông ta cảm ơn. Báo chí thì viết là ông ta bỗng nhiên bị ốm. Thế đấy cậu ạ.”
“Đã đến Dejvice rồi cơ à,” người kỹ sư rên rỉ. “Nhưng khiếp quá, Bondy ạ, nó lan truyền thế đấy!”
“Thật đáng kinh ngạc,” Chủ tịch Bondy nói. “Ở đây có một người chuyển cái piano từ phố Mixova đã bị nhiễm đến khu
Pankrác, thế mà trong vòng hai mươi bốn tiếng cả ngôi nhà ở đấy đã bị nhiễm...”
Ngài Chủ tịch nói chưa dứt lời thì người giúp việc đã bước vào và báo cáo việc Giám mục Linda đến thăm. Marek vội vã chia tay nhưng Bondy kéo ông ta ngồi xuống và nói: “Cậu cứ ngồi đây nhé, nhưng đừng có nói gì; ông này rất hấp dẫn, cái ông Giám mục ấy.”
Lúc ấy Giám mục phụ cận Linda bước vào. Đó là một người đàn ông nhỏ bé, vui vẻ, đeo kính gọng vàng và có cái miệng của nhà truyền đạo ngậm lại gọn ghẽ như trôn trẻ con. Bondy giới thiệu với ông ta rằng Marek là người chủ của cái tầng hầm bất hạnh tại Břevnov. Giám mục nhiệt tình bắt tay ông ta còn Marek thì lí nhí rằng ông rất hân hạnh, nhưng nét mặt của ông ta thì thể hiện rõ ràng: lão thầy tu ơi, hãy cút đi cho rảnh. Giám mục thì bặm môi và nhanh nhẹn quay sang Bondy.
“Thưa ngài Chủ tịch,” ông ta mở máy mạnh mẽ sau một lát, “tôi đến thăm ông vì một việc rất nhạy cảm, cực kỳ nhạy cảm,” ông ta nhắc lại một cách sành sỏi. “Chúng tôi đã họp Hội đồng về cái việc, e hèm, về việc của các ông. Đức cha Tổng giám mục có ý
định xử lý sự cố khó chịu theo cách kín đáo nhất có thể. Ông hiểu chứ, cái việc không hay ho liên quan đến phép màu ấy. Xin lỗi, tôi không muốn động chạm đến cảm xúc của ông... ông chủ nhà ạ...”
“Xin ông cứ nói,” Marek gật đầu bướng bỉnh.
“Xin được tóm tắt về toàn bộ cái vụ bê bối này. Đức cha kính mến có ý kiến rằng về mặt lý trí và đức tin thì không có gì xúc phạm hơn là cái việc trực tiếp vi phạm các định luật Tự nhiên một cách vô thần.”
“Xin lỗi ông,” Marek thốt lên khó chịu, “các định luật Tự nhiên thì ông cứ để mặc cho chúng tôi. Chúng tôi cũng không có kế hoạch bắt bẻ mônThần học của các ông.”
“Ông sai rồi, ông ạ.” Giám mục kêu lên mạnh mẽ. “Ông sai rồi. Khoa học mà không có thần học chỉ là một đống nghi hoặc. Tệ hơn là cái Siêu Nhiên của ông lại đang đi ngược lại luật pháp của Giáo hội. Nó phản lại giáo lý về bí tích thánh thể. Nó không chấp nhận truyền thống của Giáo hội. Nó vị phạm nặng nề giáo lý Ba Ngôi. Nó bỏ qua truyền thừa các tông đồ. Nó không từ bỏ tà
giáo theo ý Giáo hội và v.v... Tóm lại, nó hoạt động theo cách mà chúng ta phải từ chối một cách nghiêm ngặt.”
“Vâng, vâng,” Chủ tịch Bondy chen vào với giọng hòa giải. “Cho đến giờ nó ứng xử rất... đàng hoàng mà.”
Giám mục giơ ngón tay lên cảnh báo: “Cho đến giờ, nhưng chúng ta không biết rồi sau đây nó sẽ ứng xử ra sao. Ông xem này, ông Chủ tịch,” bỗng nhiên ông ta nói với giọng thân mật. “Ông không muốn gây tai tiếng. Chúng tôi cũng vậy. Có thể các ông muốn xử lý việc này một cách kín đáo, như một người đàn ông thực thụ. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi muốn xử sự như những người đại diện và những tôi tớ của Thượng đế. Chúng tôi không được phép chấp nhận sự xuất hiện của một Thượng đế mới hoặc thậm chí là tôn giáo mới.”
“Ơn trời,” ngài Bondy nhẹ nhõm. “Tôi biết là chúng ta sẽ thỏa thuận được.”
“Tuyệt,” Giám mục reo lên đôi mắt rạng ngời hạnh phúc dưới kính. “Phải thỏa thuận được! Hội đồng khả kính (của Giáo hội) đã quyết định rằng vì quyền lợi của Giáo hội, Hội đồng có thể cho phép bảo trợ cái, e hèm, e hèm, cái Siêu Nhiên của các
ông. Hội đồng sẽ cố gắng khiến nó phù hợp với đức tin Cơ Đốc và có thể công nhận nhà số 1651 phố Břevnov là địa điểm linh thiêng và hành hương...”
“Ô hô,” Marek thốt lên và nhảy dựng lên.
“Tôi xin phép,” Giám mục lên giọng của người chỉ huy. “Địa điểm linh thiêng và hành hương nhưng với các điều kiện. Điều kiện đầu tiên là ở địa điểm với số nhà nói trên sẽ giảm đến mức tối thiểu việc chế tạo Siêu Nhiên; tiếp theo là chỉ chế tạo các Siêu Nhiên yếu, ít gây ảnh hưởng và nồng độ thấp, như những Siêu Nhiên gây ảnh hưởng yếu và thưa hơn, giống như ở Lourdes. Nếu không, chúng tôi không thể bảo lãnh.”
“Được.” Bondy đồng ý. “Tiếp theo thế nào?”
“Tiếp theo là,” Giám mục nói tiếp, “là chỉ dùng than được khai thác ở Tiểu Svatoňovice. Để các ông biết, đó là địa điểm linh thiêng, có thể nhờ vào than ở đấy; chúng ta mới xây được phòng thờ của giáo pháiThánh Mẫu Maria ở nhà số 1651 Břevnov.”
“Không sao,” Bondy chấp thuận. “Còn vấn đề gì nữa không?”
“Điều thứ ba là các ông phải cam kết là hiện tại và tương lai sẽ không chế tạo Siêu Nhiên ở bất cứ nơi nào khác nữa.”
“Thế nào cơ,” Chủ tịch Bondy kêu lên, “Karburátor của chúng tôi ư...”
“...và sẽ không bao giờ vận hành chúng, trừ cái duy nhất, cái ở Břevnov, cái sẽ là tài sản của Giáo hội thánh thần và được Giáo hội thánh thần vận hành.”
“Vô lý,” G. H. Bondy cự lại. “Các Karburátor sẽ được chế tạo. Trong vòng ba tuần sẽ lắp ráp mười cái. Trong vòng nửa năm đầu sẽ chế tạo một nghìn hai trăm cái. Trong vòng một năm sẽ có mười nghìn cái. Chúng tôi đã lên kế hoạch dài hơi như vậy rồi.”
“Còn tôi xin nói với các vị,” Giám mục ngọt ngào nói khẽ, “trong vòng một năm sẽ chẳng có cái Karburátor nào hoạt động đâu.”
“Tại sao vậy?”
“Vì nhân loại có tín ngưỡng cũng như nhân loại vô tín ngưỡng đều không cần đến Thượng đế thực và năng động. Không thể, các vị ạ. Điều này là không thể.”
“Còn tôi xin nói với ông,” Marek nồng nhiệt vào cuộc, “rằng vẫn sẽ có Karburátor. Bây giờ chính tôi đang làm ra chúng, chính tôi đang muốn có chúng. Còn việc các vị, thưa Giám mục kính mến, các vị không muốn có chúng thì tôi mặc kệ các vị, tôi mặc kệ các sự mê tín, tôi mặc kệ La Mã! Và tôi là người đầu tiên hô lên: ‘Karburátor hoàn hảo muôn năm!’ ” Kỹ sư Marek hít đầy lồng ngực và hô vang một cách nhiệt thành.
“Để xem,” Giám mục Linda thở dài. “Các ông sẽ chứng kiến là Hội đồng đáng kính đã đúng. Trong vòng một năm các ông sẽ tự mình dừng việc chế tạo Siêu Nhiên. Nhưng những thiệt hại, những thiệt hại mà nó gây ra! Các ông ạ, sao các ông không nghĩ, trời ạ, về việc Giáo hội đưa Thượng đế vào thế gian? Giáo hội chỉ ràng buộc và điều tiết Ngài. Còn các ông, các vị vô thần, các vị giải phóng Ngài như một trận lụt. Chiếc thuyền của Thánh Peter sẽ sống sót ngay cả trong trận hồng thủy mới này và giống như con tàu của Noah, nó sẽ vượt qua trận lụt Siêu Nhiên, nhưng xã hội văn minh của các vị,” Giám mục mạnh mẽ kêu lên, “sẽ no đòn!”.
VI. MEAS
“Thưa các quý vị!” Chủ tịch G. H. Bondy nói trong cuộc họp Hội đồng Quản trị của Liên xí nghiệp MEAS (Metallum A. Sp.) được tiến hành vào ngày 20 tháng Hai, “tôi xin được thông báo cho quý vị rằng tòa nhà của Nhà máy tổng hợp tại Vysočany đã được đưa vào hoạt động. Trong những ngày sắp tới sẽ chế tạo hàng loạt Karburátor, khởi đầu mỗi ngày mười tám chiếc. Tháng Tư chúng tôi tính sẽ chế tạo sáu mươi lăm chiếc. Cuối tháng Bảy sẽ là hai trăm chiếc mỗi ngày. Chúng ta đã xây dựng mười lăm kilomét đường sắt của riêng mình cho việc vận chuyển than. Mười hai lò phản ứng đang được lắp ráp. Chúng ta đã triển khai xây dựng khu chung cư cho công nhân.”
“Mười hai lò phản ứng ư?” Thạc sĩ Hubka - lãnh đạo nhóm đối lập hỏi một cách qua quít.
“Vâng, tạm thời là mười hai,” Chủ tịch Bondy xác nhận. “Cái này lạ thật,” Thạc sĩ Hubka nói.
“Tôi xin hỏi, thưa quý vị,” ông Bondy nói, “có gì lạ với mười hai lò phản ứng? Đối với một nhà máy tổng hợp lớn như vậy...”
“Rõ rồi,” ý kiến ủng hộ vang lên.
Thạc sĩ Hubka cười mỉa mai. “Mười lăm kilômét đường sắt để làm gì?”
“Để chúng ta chở than và nguyên liệu. Chúng ta tính đến việc tiêu thụ tám toa than mỗi ngày khi đạt đủ công suất hoạt động. Tôi không hiểu tại sao Thạc sĩ Hubka lại phản đối việc nhập than.”
“Tôi phản đối cái này,” Thạc sĩ Hubka kêu lên và đứng bật dậy, “toàn bộ vụ này đều cực kỳ đáng ngờ. Vâng, thưa các vị, cực kỳ đáng ngờ. Ngài Chủ tịch Bondy ép chúng ta xây nhà máy chế tạo Karburátor. Karburátor như ông ấy đảm bảo thì nó là động cơ duy nhất cho tương lai. Karburátor như ông ấy chứng thực bằng lời nói thì có thể tạo ra công suất hàng nghìn mã lực từ mỗi xô than. Thế mà bây giờ ông ấy nói về mười hai lò phản ứng và về các toa than cho các lò phản ứng của chúng ta. Các vị ạ, xin các vị nói cho tôi rõ tại sao một xô than không đủ cho các lò của chúng ta. Tại sao chúng ta xây lò phản ứng khi chúng ta có động cơ
nguyên tử? Các vị ạ, có phải cái Karburátor là trò lừa thô thiển không? Tôi không hiểu tại sao ngài Chủ tịch không xây cho chúng ta nhà máy mới để chế tạo động cơ Karburátor. Tôi không hiểu và chẳng ai hiểu cả. Tại sao ngài Chủ tịch không có đủ niềm tin vào những cái Karburátor của ông để đưa nó vào nhà máy của chúng ta? Các vị ạ, đây là một vụ quảng cáo tệ hại cho những cái Karburátor của chúng ta khi mà chính nhà sản xuất không muốn dùng và không thể dùng nó! Thưa quý vị, các vị hãy hỏi ngài Chủ tịch Bondy lý do đó là gì. Bản thân tôi có quan điểm của mình rõ rồi. Xin kết thúc, thưa quý vị.”
Sau đóThạc sĩ Hubka bệ vệ ngồi xuống và xì mũi thắng lợi.
Các thành viên Hội đồng Quản trị im lặng căng thẳng. Cáo buộc của Thạc sĩ Hubka thật rõ ràng. Chủ tịch Bondy không ngước mắt lên từ tập giấy của mình, không có một biểu hiện gì trên mặt ông ta.
“À mà,” ông Rosenthal đã cao tuổi lên tiếng, giọng hòa giải, “ông Chủ tịch sẽ giải thích cho chúng ta. Ừ, cái này sẽ được giải thích, quý vị ạ. Tôi nghĩ rằng, ừ mà, theo hướng tích cực nhất. Thạc sĩ Hubka có, ừ mà rõ rồi, đối với những cái ông ấy vừa nói.”
Cuối cùng thì Chủ tịch Bondy ngước mắt lên: “Thưa quý vị,” ông ta nói nhỏ nhẹ, “tôi đã chuyển cho quý vị các phân tích của các kỹ sư của chúng ta về cái Karburátor. Việc này thực sự đúng như đã nói. Karburátor không phải là trò lừa. Chúng ta đã thiết kế mười chiếc để thử nghiệm. Tất cả đều chạy rất tuyệt. Tôi có các chứng nhận ở đây. Karburátor số 1 đang chạy máy bơm xả nước ở Sázava, nó chạy không hề có lỗi đã mười bốn ngày. Số 2 đang chạy máy xúc bùn trên thượng nguồn sông Vltava, nó hoạt động rất tuyệt. Số 3 đang chạy thử tại phòng thí nghiệm kỹ thuật Brno. Số 4 bị hỏng trong lúc vận chuyển. Số 5 đang chiếu sáng cho Hradec Kralové. Đây là loại mười kilô. Còn loại năm kilô, số 6 chạy máy xay ở Slaný. Số 7 được lắp cho lò sưởi trung tâm của khối các tòa nhà tại Nové Město. Chủ của khối các tòa nhà là ông chủ nhà máy Machát. Xin mời ông, nào ông Machát!”
Một ông đã lớn tuổi có cái tên vừa được nhắc tới liền tỉnh ngủ. “Thưa?”
“Tôi xin hỏi ông, cái gì đang chạy cho lò sưởi trung tâm mới của ông?”
“Gì cơ? Lò sưởi nào cơ?”
“Ở khối các tòa nhà mới của ông,” Chủ tịch Bondy dịu dàng nói.
“Trong khối nào?”
“Trong các tòa nhà mới của ông ấy.”
“Trong các tòa nhà mới của tôi ư? Tôi chẳng có cái nhà nào.”
“Nào nào nào,” ông Rosenthal lên tiếng. “Năm ngoái ông chẳng xây nhà là gì.”
“Tôi á?” Ông Machát ngạc nhiên. “Ông nói đúng, tôi đã xây, nhưng tôi, ông biết đấy, những ngôi nhà ấy bây giờ tôi đã đem cho rồi. Ông biết chứ, tôi đã đem cho hết rồi.”
Chủ tịch Bondy cẩn trọng nhìn ông ta: “Cho ai cơ, ông Machát ơi?”
Machát hơi đỏ mặt: “Ừ, cho người nghèo, ông biết không. Tôi đã cho người nghèo đến ở đấy. Tôi đã ngộ ra một thứ và... nói tóm lại là, đem cho người nghèo, ông hiểu chứ?”
Ông Bondy dán mắt vào ông Machát và hỏi như là thẩm phán điều tra:“Tại sao vậy ông Machát ơi?”
“Tôi... tôi phải làm thế,” ông Machát lẫn lộn. “Nó nhập vào tôi. Chúng ta phải làm người thánh thiện, ông biết chứ?”
Chủ tịch Bondy căng thẳng gõ vào bàn: “Còn gia đình ông?”
Machát bắt đầu cười tươi: “Ồ, tất cả nhà tôi đồng tình. Những người nghèo họ hiền thế. Trong số đó có những người bị ốm... con gái tôi phục vụ họ, ông biết chứ. Tất cả chúng tôi đã thay đổi rất nhiều!”
G. H. Bondy nhắm nghiền mắt lại. Con gái ông Machát, cô Elen, cô Elen tóc vàng, Elen có mười bảy triệu đồng, mà bây giờ đi phục vụ người nghèo! Elen, người đã có thể, đã có thể, phần nào đã muốn trở thành phu nhân Bondy! Bondy cắn môi, cái này thật quá đà!
“Ông Machát ơi,” ông ta nói với giọng rắn rỏi, “tôi chỉ muốn biết cái Karburátor mới nó sưởi thế nào?”
“Ồ, tuyệt vời! Trong tất cả các ngôi nhà đều ấm áp! Nó cứ như được sưởi bằng tình yêu vô tận ấy! Ông biết chứ,” ông Machát nhiệt thành, tay ông lau mắt. “Ai bước vào đấy cũng trở thành con người khác đi. Ở đấy như Thiên đường nhé. Chúng tôi cứ như ở trên Thiên đường, tất cả chúng tôi. Ôi, hãy đến với chúng tôi!”
“Các vị thấy đấy, thưa quý vị,” Chủ tịch Bondy cố gắng kiềm chế, “các Karburátor hoạt động như chúng tôi đã hứa với quý vị. Vâng, xin các vị bỏ qua các câu hỏi tiếp theo.”
“Chúng tôi chỉ muốn biết,” Thạc sĩ Hubka kêu lên với giọng thách thức, “tại sao ông không lắp động cơ Karburátor cho nhà máy mới? Tại sao chúng ta phải sưởi bằng than đắt đỏ trong khi chúng ta đem năng lượng nguyên tử cho người khác? Ông Chủ tịch có muốn chia sẻ lý do với chúng tôi không?”
“Không muốn,” Bondy tuyên bố. “Chúng ta sẽ sưởi bằng than. Với các lý do mà tôi được biết, việc sử dụng động cơ Karburátor không phù hợp với chúng ta. Đủ rồi, thưa quý vị! Tôi coi việc này là câu hỏi về niềm tin đối với tôi.”
“Giá mà các vị biết,” ông Machát lên tiếng, “cái cảm giác thánh thiện nó tuyệt vời thế nào đối với con người! Các vị ạ, tôi xin chân thành khuyên nhủ: hãy đem hiến tặng tất cả những gì quý vị có, các vị hãy từ bỏ lòng tham và hãy vinh danh Thượng đế duy nhất!”
“Nào nào,” ông Rosenthal đỡ lời ông ta. “Ông Machát ạ, ông thật đáng mến và tốt bụng, ừ, thật tốt bụng. Nhưng anh biết đấy,
anh Bondy ạ, tôi tin anh. Anh biết không, anh hãy gửi cho tôi một cái Karburátor cho lò sưởi trung tâm! Các ông ạ, tôi sẽ thử, nói gì thì nói! Nào, thế nhé, anh Bondy ơi!”
“Chúng ta là anh em trước Thượng đế,” ông Machát tiếp tục. “Các vị ạ, các vị hãy tặng nhà máy cho người nghèo! Tôi đề xuất là chúng ta hãy đổi nhà máy MEAS thành Cộng đồng tôn giáo của Những trái tim khiêm nhường. Chúng ta sẽ là hạt giống và từ đó sẽ mọc lên cái cây của Thượng đế, các vị biết chứ? Vương quốc củaThượng đế trên trái đất.”
“Tôi xin phát biểu,” Thạc sĩ Hubka quát lên.
“Nào, anh Bondy,” ông già Rosenthal giọng thương lượng. “Anh thấy đấy, tôi ủng hộ anh. Nào, anh cho tôi mượn một cái Karburátor như thế nhé! Anh Bondy ơi!”
“Vì Thượng đế đã giáng trần,” ông Machát hào hứng. “Các vị hãy nghe lời Ngài nhắn nhủ: Hãy trở nên thánh thiện và giản đơn! Hãy mở trái tim của mình tới vô tận! Hãy tuyệt đối trong tình yêu của mình. Các vị biết chứ, thưa quý vị...”
“Tôi đề nghị được phát biểu,” Thạc sĩ Hubka khản cả giọng.
“Trật tự,” Chủ tịch Bondy quát lên, mặt ông tái xanh và đôi mắt mệt mỏi. Ông đứng dậy với thân hình khổng lồ nặng cả tạ. “Thưa quý vị, nếu quý vị chán Nhà máy chế tạo Karburátor, tôi sẽ mua hết nó. Tôi sẽ trả cho các vị chi phí cho đến nay chính xác từng xu. Tôi sẽ từ chức, thưa quý vị. Tôi xin phép.”
Thạc sĩ Hubka lắp bắp: “Nhưng thưa quý vị, tôi phản đối! Chúng tôi phản đối! Chúng tôi không bán nhà máy chế tạo Karburátor! Thưa quý vị, cả một dòng sản phẩm tuyệt trần! Tôi đề nghị, chúng ta không để cho ai dắt mũi để chúng ta đánh mất những nguồn thu nhập như vậy! Tôi xin phép, thưa quý vị...”
Chủ tịch Bondy rung chuông: “Thưa quý vị,” ông buồn bã nói, “chúng ta hãy tạm dừng ở đây nhé. Tôi thấy ông bạn Machát hơi bị, e hèm, hơi bị ốm rồi. Về Karburátor, thưa quý vị, tôi đảm bảo cổ tức một trăm năm mươi phần trăm. Tôi đề nghị kết thúc thảo luận ở đây.”
Thạc sĩ Hubka lại xin phát biểu: “Thưa quý vị, tôi đề nghị mỗi thành viên Hội đồng quản trị được nhận một chiếc Karburátor, tôi nói thế này, để thử nghiệm!”
Chủ tịch Bondy nhìn tất cả các thành viên. Mặt ông ta ửng đỏ, ông muốn nói gì đó, nhưng nhún vai và nói qua kẽ răng: “Tốt.”
VII. THẲNG TIẾN!
“Giá của chúng ta ở London thế nào rồi?”
“Giá cổ phiếu MEAS hôm qua là 1470. Hôm trước nữa là 720.” “Tốt.”
“Kỹ sư Marek được chỉ định là thành viên danh dự của bảy mươi Hiệp hội Khoa học. Nhất định ông ấy sẽ nhận giải Nobel.”
“Tốt.”
“Triển khai đơn đặt hàng từ Đức. Trên năm nghìn Karburátor.”
“Ồ!”
“Từ Nhật chín trăm chiếc.”
“Nhìn kìa!”
“Ở Czechia sự quan tâm không đáng kể. Chỉ có ba đề nghị chào hàng.”
“Hừm, cái này có thể biết trước. Anh biết đấy, hoàn cảnh nghèo nàn!”
“Chính phủ Nga đặt mua ngay hai trăm chiếc.”
“Tốt. Tổng thể?”
“Mười ba nghìn chiếc.”
“Tốt. Dự án xây dựng của chúng ta đến đâu rồi?”
“Phòng xe ô tô chạy bằng động cơ nguyên tử đã xong mái. Ban máy bay chạy bằng động cơ nguyên tử sẽ bắt đầu triển khai trong vòng một tuần. Chúng ta đang đổ móng cho bên chế tạo đầu máy xe lửa chạy bằng động cơ nguyên tử. Một bên nhà cho phòng động cơ tàu thủy chạy bằng động cơ đã hoạt động.”
“Khoan nào. Hãy đưa ra các thuật ngữ ô tô nguyên tử, động cơ nguyên tử, đầu máy xe lửa nguyên tử, anh hiểu chứ? Krolmus đã làm được gì với những khẩu đại bác nguyên tử?”
“Anh ấy đang thiết kế một mẫu ở Plzen. Xe đạp nguyên tử của chúng ta đã chạy ở trường đua xe Brussels mười ba nghìn kilomét, tốc độ chạy là hai trăm bảy mươi kilomét trên giờ.
Trong hai ngày nay, xe mô tô nguyên tử nửa kilo của chúng ta có bảy mươi nghìn đơn đặt hàng.”
“Anh vừa nói trước đây một lát rằng tổng số là mười ba nghìn.”
“Mười ba nghìn lò phản ứng nguyên tử cố định. Tám nghìn cái cho hệ thống sưởi trung tâm. Khoảng mười nghìn ô tô nguyên tử. Sáu trăm hai mươi máy bay nguyên tử. Máy bay A7 của chúng ta bay từ Praha đến Melbourne bên Úc không cần hạ cánh trung chuyển. Tất cả mọi người trên khoang đều mạnh khỏe. Đây là bức điện tín.”
Chủ tịch Bondy đứng thẳng dậy: “Ồ, anh bạn thân mến ạ, mọi việc tiến triển tuyệt vời.”
“Ở phòng máy móc nông nghiệp, năm nghìn đơn đặt hàng. Ở phòng động cơ nhỏ hai mươi hai nghìn đơn đặt hàng. Một trăm năm mươi máy bơm nguyên tử. Ba máy dập nguyên tử. Mười hai lò nguyên tử nhiệt độ cao. Bảy mươi lăm trạm vô tuyến điện tín nguyên tử. Một trăm mười đầu máy xe lửa nguyên tử chủ yếu là xuất sang Nga. Chúng ta đã lập Tổng đại diện tại bốn mươi tám thủ đô. Tập đoàn Mỹ Steel-Trust, AEG Berlin, Fiat của
Ý, Mannesmann, Creusot và Tập đoàn các nhà máy thép của Thụy Điển đề nghị sáp nhập. Tập đoàn Krupp mua cổ phiếu của chúng ta với bất cứ giá nào.”
“Mình sẽ phát hành cổ phiếu mới?”
“Đã ba mươi lăm lần phát hành. Các báo tiên đoán siêu cổ tức hai trăm phần trăm. Các báo chẳng viết gì khác ngoài việc của bên mình. Các tờ Chính sách xã hội, Thể thao, Kỹ thuật, Khoa học, tất cả đều chỉ viết về Karburátor. Phóng viên Đức gửi cho chúng tôi bảy tấn những bài cắt ra từ báo chí, phóng viên Pháp gửi bốn tạ, phóng viên Anh gửi cả một toa xe. Báo chí khoa học, báo chí chuyên ngành về động cơ nguyên tử mà năm nay sắp xuất bản ước lượng khoảng sáu mươi tấn. Chiến tranh Anh - Nhật đã dừng lại vì không được xã hội quan tâm. Chỉ riêng bên Anh có chín trăm nghìn thợ mỏ than thất nghiệp. Ở lòng chảo bên Bỉ xảy ra bạo loạn, khoảng bốn nghìn người chết. Hơn một nửa số mỏ trên thế giới ngừng hoạt động. Dầu mỏ ở bên Pensylvánia đã đốt cháy các kho dự trữ đầy ứ của họ. Vụ cháy vẫn đang tiếp tục.”
“Vụ cháy vẫn đang tiếp tục,” Chủ tịch Bondy mơ màng nhắc lại. “Vụ cháy vẫn đang tiếp tục. Trời ạ, chúng ta đã thắng!”
“Chủ tịch công ty Khai thác Mỏ đã tự sát bằng súng. Thị trường chứng khoán đang điên khùng một cách giản đơn. Ở Berlin sáng nay giá của chúng ta là 8.000. Hội đồng Chính phủ đang họp liên tục, họ muốn ban bố Tình trạng Giới nghiêm. Thưa ông Chủ tịch, cái này không phải là phát minh, cái này là đảo chính!”
Chủ tịch Bondy và Tổng giám đốc MEAS lặng lẽ nhìn nhau. Không ai trong hai người là nhà thơ, nhưng trong giây phút ấy tâm hồn của họ cùng ngân nga.
Tổng giám đốc kéo ghế gần lại và nói nhỏ: “Ông Chủ tịch ạ, Rosenthal bị điên rồi.”
“Rosenthal ư?” G. H. Bondy thốt lên.
Tổng giám đốc buồn rười rượi xác nhận thêm: “Ông ấy đã trở thành người Do Thái chính thống. Ông ấy học Kinh Talmud và Kinh Kabbalah. Ông ấy tài trợ mười triệu cho Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Ngày hôm kia, ông ấy cãi nhau căng thẳng với
"""