"Nhà Ảo Thuật Đen Và Vụ Án Mạng Tại Thị Trấn Không Tên PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhà Ảo Thuật Đen Và Vụ Án Mạng Tại Thị Trấn Không Tên PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo ebook©vctvegroup tiết mục mở màn Trong tiếng sáo trúc du dương, một chùm sáng rọi xuống sân khấu tối đèn. Cả khán đài ồ lên kinh ngạc khi trông thấy bóng dáng người đàn ông đứng dưới chùm sáng ấy. Giả như đang ở nước Nhật thì phản ứng của họ có lẽ đã khác. Nhưng đây không phải Nhật Bản. Đây là thành phố Las Vegas của Hoa Kỳ. Người đàn ông khoác bộ đồ trắng muốt với dải băng tasuki màu đỏ buộc qua hai bên nách và vai. Mái tóc túm gọn sau gáy dài chấm lưng. Người đàn ông bất chợt vung cánh tay sang ngang, trong một thoáng cổ tay anh ta biến mất bên ngoài chùm sáng. Sau đó, người đàn ông thu cánh tay về, khán giả nín thở khi nhác thấy thứ anh ta đang cầm trong tay. Đó là một thanh gươm, một thanh kiếm Nhật, dễ chừng phải dài hơn một mét. Mỗi khi người đàn ông khua thanh gươm qua trái rồi lại qua phải, lưỡi gươm được mài sắc lại phản chiếu thứ ánh sáng kỳ dị. Nhanh như chớp, mũi gươm chĩa thẳng xuống dưới. Ngay lập tức, ánh sáng bất ngờ tỏa khắp sân khấu. Cùng lúc đó, nét mặt của khán giả, đặc biệt là các khán giả nam bỗng bừng sáng. Đứng trên sân khấu là ba cô gái tóc vàng. Họ khoác những bộ váy lộng lẫy, để lộ nhiều phần da thịt. Tiếp đó, người đàn ông lại đột ngột chĩa mũi gươm lên trên. Thế rồi, từ sau cánh gà xuất hiện ba người trong trang phục đen tuyền từ đầu đến chân. Ngay cả những người ngoại quốc cũng hiểu rõ mồn một tạo hình này. Đó chính là các ninja. Họ đeo mặt nạ che kín cả đầu lẫn mặt. Cả ba người đều đang ôm thứ gì đó rất to cuộn tròn dưới nách. Đó là những tấm thảm màu nâu nhạt được bện từ cỏ. Không biết trong số khán giả ngồi đây liệu mấy người biết thứ đó có tên gọi là chiếu cỏ. Các ninja tiến gần đến chỗ ba mỹ nữ, chậm rãi trải những tấm chiếu cỏ ra và chuẩn bị dùng chúng để quấn quanh người ba cô. Mặc cho các cô gái hoảng hốt chống trả, đám ninja vẫn mạnh tay quấn chặt tấm chiếu vào người các cô. Trong lúc đó, người đàn ông vận bộ đồ trắng tay cầm thanh kiếm Nhật đi đi lại lại xung quanh. Tiếng sáo trúc càng lúc càng dữ dội. Chỉ lát sau, thân hình mảnh dẻ của ba cô gái bị những tấm chiếu siết quanh người đã hoàn toàn mất dạng. Mặc dầu vậy, họ vẫn đứng đó, ngọ nguậy, vùng vẫy. Đám ninja bèn lấy dây ra trói quanh người họ, bắt đầu từ phần chiếu phía trên. Cuối cùng, ba cô gái cũng trở nên bất động, đứng trên sân khấu lúc này là ba cây cột kết bằng chiếu cỏ. Người đàn ông vận bộ đồ trắng liền dừng bước. Anh ta giơ cao thanh kiếm đang cầm trên tay phải, nhìn chăm chăm ba cây cột, đoạn chĩa ánh mắt sắc lẹm của mình về phía cây cột gần nhất. Anh ta chậm rãi tiến đến, cầm thanh kiếm bằng cả hai tay, giơ lên quá đầu. Sau khi hít một hơi, anh ta liền vung kiếm xuống đầy khí thế. Nhát chém tạo ra một thứ âm thanh đùng đục, cắt cây cột theo một đường vát chéo, khiến nó đổ vật xuống đất. Không một khán giả nào ho he. Không cả tiếng la hét. Cũng chẳng biết tự lúc nào tiếng sáo đã ngừng bặt. Người đàn ông tiến đến gần cây cột thứ hai, lần này anh ta vung kiếm ngay tắp lự. Cây cột này cũng bị chém một đường rất ngọt, lăn bịch xuống sàn. Song người đàn ông không buồn dõi theo cảnh tượng đó mà đã tiến ngay đến cây cột thứ ba. Giữa không gian yên ắng như tờ, anh ta lia thanh kiếm theo một đường vắt ngang. Tiếng kiếm chém xoẹt vào không khí cùng tiếng cây cột đứt lìa hòa với nhau, vang khắp khán phòng. Nửa trên của cây cột vừa bị cắt rời rung lên trước khi ngả sang một bên và cuối cùng rơi xuống đất. Nửa dưới vẫn bất động. Người đàn ông liếc nhìn về phía khán giả, đoạn tiến đến chính giữa sân khấu, quay lưng lại. Tiếp đó, ba ninja đứng xếp thành hàng, mặt đối mặt với anh ta. Người đàn ông giơ thanh kiếm Nhật lên cao. Giữa lúc khán giả đang chăm chú dõi nhìn, anh ta chợt vung mạnh thanh kiếm theo một đường chéo. Mặt nạ của các ninja nhẹ nhàng rơi xuống. Khán phòng rộ lên xôn xao. Đằng sau những tấm mặt nạ đó không hiểu sao lại là khuôn mặt của ba cô gái khi nãy. Tiếng xôn xao chuyển thành tiếng reo hò. Trong phút chốc tiếng reo hò ấy đã trở nên rầm rộ hơn, làm chấn động cả nhà hát kịch. Khi ba cô gái trong tạo hình ninja vén mớ tóc vàng dày, nở nụ cười rạng rỡ bước lên phía trước, khán giả lần lượt đứng dậy. Họ vỗ tay, reo hò, huýt sáo và còn giậm chân nữa. Người đàn ông mặc bộ đồ trắng chậm rãi quay mặt về phía khán giả. Thế rồi anh ta dang rộng hai cánh tay trước khi nở một nụ cười đầy táo bạo và cúi đầu. Tasuki là một dải băng dùng để cố định ống tay áo của các loại trang phục truyền thống cho đỡ vướng. 1 Vừa nhác thấy bức ảnh được trình chiếu trên màn hình, Mayo đã xấu hổ đến nỗi đỏ bừng mặt. Bức ảnh chụp cô cùng một người bạn thời còn học trường cấp ba nữ sinh. Hai đứa đang đứng trước một cửa hàng tiện lợi trên đường đi học về. “Hay là… chúng ta bỏ bức ảnh này đi nhỉ?” Mayo lẩm bẩm. “Ơ, sao lại thế?” ngồi bên cạnh, Nakajou Kenta ngạc nhiên hỏi. “Anh thấy đẹp mà.” “Đây là hồi em mập nhất đấy. Đã thế còn hở hết cả chân ra thế kia. Anh không thấy bức này xấu mù à?” Cả hai nữ sinh trong ảnh đều mặc váy ngắn cũn cỡn. “Anh chẳng thấy mập gì cả. Nhưng đúng là váy hơi ngắn thật.” “Bọn em gấp phần eo váy thành hai, ba lần rồi còn lên gấu nữa. Nhưng đến trường bị thầy cô giáo nhắc nhở nên bọn em đã sửa về như cũ… Cô có làm thế bao giờ không?” Mayo hỏi người phụ nữ ngồi đối diện phía bên kia bàn. Lúc này cô ta đang đeo khẩu trang nhưng Mayo đã trông thấy mặt cô ta mấy lần. Mayo đoán cô ta khoảng trên dưới ba mươi tuổi, chắc hẳn là bằng vai phải lứa với cô. Cô ta đang mặc đồng phục của khách sạn. “Có, bọn tôi cũng hay làm thế lắm,” ánh mắt người phụ nữ thoáng nét cười. “Thấy nhớ thời đó thật.” “Công nhận đấy. Thời của anh Kenta không có những chuyện như thế sao?” Kenta năm nay ba mươi bảy tuổi, hơn Mayo những bảy tuổi. “Thế nào nhỉ? Anh cũng không nhớ lắm. Dù gì anh cũng học trường nam sinh mà.” “Chẳng lẽ trên đường đi học, bọn anh không ngắm nữ sinh trường khác à?” Nghe Mayo hỏi, Kenta cười thiểu não. “Cũng chỉ ở mức độ ngắm thôi chứ bọn anh không nhìn chằm chằm người ta đâu. Thôi, mình cứ chọn ảnh này đi có sao đâu. Anh thấy đẹp mà.” “Tôi cũng thấy vậy,” người phụ nữ là nhân viên khách sạn nói. “Vậy à? Thế thì chúng ta cứ cho vào nhé.” “Còn bình luận về bức ảnh thì sao ạ?” “Bình luận ấy à?…” Mayo ngẫm nghĩ một lát, đoạn nói: “Thời cấp ba, liều mạng vì độ dài của những chiếc váy.” “Ha ha ha,” ngồi bên cạnh, Kenta liền vỗ tay. “Ngầu hết sảy.” “Nghe hay đấy ạ,” nữ nhân viên khách sạn nheo mắt cười, đoạn bắt đầu gõ chữ trên bàn phím. Mayo và Kenta đang có mặt ở trung tâm tiệc cưới của một khách sạn trong nội thành. Hai tháng nữa họ sẽ làm đám cưới. Hôm nay, họ có cuộc hẹn để bàn về những hình ảnh sẽ trình chiếu trong buổi hôn lễ. Cả hai đã mang những bức ảnh của mình đến và lúc này đang ngồi lọc. Thời buổi này ai cũng có thể dễ dàng tự tạo ra những video trình chiếu hình ảnh, song Mayo và Kenta thực lòng vẫn muốn đó phải là một đoạn video chất lượng cao. Họ lo sợ sẽ xảy ra những sự cố kiểu như đến đúng ngày hôm đấy thì video không chạy được hoặc không phát ra tiếng, vì thế họ quyết định giao phó việc này cho những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Tiệc cưới của họ sẽ được tổ chức ngoài trời. Thời gian bắt đầu là sau khi mặt trời lặn, bởi vậy sẽ không có chuyện khó xem được hình ảnh trên màn hình, song chắc hẳn vẫn có nhiều vấn đề mà những kẻ nghiệp dư đành bó tay, chẳng hạn như chất lượng hình ảnh hay cách phối màu phức tạp. Lúc sau, khi Mayo và Kenta vẫn đang ngồi chọn ảnh thì cửa một căn phòng nọ chợt mở ra, một cặp đôi bước ra khỏi đó. Mayo tình cờ nhìn về phía người phụ nữ và không khỏi ngạc nhiên. Mặc dù đã được che giấu song rõ ràng bụng dưới của cô ta đang nhô ra. Một nữ nhân viên khách sạn tiễn cặp vợ chồng nọ ra khỏi trung tâm tiệc cưới. Sau lưng họ toát ra vầng hào quang hạnh phúc. “Sao thế?” Kenta hỏi. “À… em chỉ đang nghĩ người phụ nữ lúc nãy bụng đã lùm lùm rồi.” “Hả, thật thế à? Anh lại không để ý.” Mayo nhìn sang người phụ nữ đối diện: “Gần đây có nhiều người như vậy không cô?” Người phụ nữ khẽ gật đầu. “Vâng. Mỗi năm cũng có vài cặp.” “Thời buổi bây giờ ít ai còn xấu hổ về chuyện ăn cơm trước kẻng cô nhỉ?” “Thế nào nhỉ? Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Quả thực mọi người ít nhiều vẫn bận lòng về chuyện đó. Vì thế mà lúc cô dâu chọn váy cưới, chúng tôi cũng hay gợi ý những bộ váy có thể giúp dễ dàng ăn gian được hình thể.” “Quả nhiên là như vậy.” “Sao em lại quan tâm đến mấy chuyện như vậy?” Kenta nhíu mày ra chiều khó hiểu. “Em nghĩ chuyện đó cũng không có gì là xấu,” Mayo nhìn chằm chằm vị hôn phu của mình. “Chuyện bác sĩ bảo cưới ấy. Cưới xong càng không phải sốt ruột chuyện có sinh con được hay không. Anh không nghĩ thế ư?” “Nói thế nào nhỉ?” Kenta nghiêng đầu. “Anh chưa từng nghĩ như vậy.” “Hừm.” “Như thế cũng có sao đâu nào. Chuyện không sinh được con ấy. Nếu sự đã vậy thì hai vợ chồng cứ việc tận hưởng cuộc sống hôn nhân chỉ có hai người là được mà, đúng không cô?” Kenta tìm kiếm sự đồng tình từ nữ nhân viên khách sạn. “Vâng, trên thế giới này có rất nhiều cặp vợ chồng khác nhau. Quan điểm sống cũng muôn hình vạn trạng,” người phụ nữ làm công việc lên kế hoạch tổ chức đám cưới trả lời một câu vô thưởng vô phạt. “Cũng có thể… Xin lỗi, tôi lại nói huyên thuyên mất rồi. Chúng ta tiếp tục nào,” Mayo sửa lại tư thế, ngồi thẳng lên. Lúc ra khỏi trung tâm tiệc cưới sau khi chọn ảnh xong, Kenta liền hỏi: “Chuyện khi nãy là sao?” “Chuyện nào cơ?” “Chuyện ăn cơm trước kẻng ấy.” “À… cũng không có gì đặc biệt. Em chỉ hơi thắc mắc vậy thôi.” “Dạo này em hay nhắc đến chuyện con cái nhỉ? Kiểu như muốn sinh em bé ngay hay muốn sinh mấy đứa gì đó.” “Em nhắc nhiều như vậy sao?” “Có đấy. Chắc bản thân em không nhận ra đâu.” “Nhưng em nói mấy chuyện đó thì có gì lạ nào? Chúng mình sắp cưới rồi, nói về mấy chuyện như thế mới là bình thường đấy chứ?” “Cũng có thể, nhưng không hiểu sao anh có cảm giác em đang để tâm chuyện đó.” “Bởi vậy em mới nói,” Mayo dừng chân, quay người về phía Kenta. “Em để tâm chuyện đó thì có gì sai? Đương nhiên em phải nghĩ đến chuyện chúng mình sẽ có con chứ? Bản thân em còn đang đi làm, không nghĩ đến chuyện đó mới là vô trách nhiệm đấy.” Kenta chau mày, xòe cả hai lòng bàn tay về phía Mayo. “Anh hiểu mà. Em đừng chuyện bé xé ra to như thế chứ.” “Tại anh nói chuyện kỳ quặc đấy thôi.” Đúng lúc đó, Mayo nghe thấy chuông báo tin nhắn phát ra từ trong túi. Cô nói: “Em xin phép một chút,” rồi lấy điện thoại ra. Nhìn màn hình, Mayo nhận ra đó là tin nhắn từ một người bạn cũ ở dưới quê. Cô đoán ngay ra đó là tin nhắn về việc gì. Chỉ cần đọc đoạn mở đầu cũng đủ biết nội dung đúng như cô đang nghĩ. Mayo buông tiếng thở dài, đoạn nghiêng đầu. “Làm thế nào bây giờ…” “Sao đấy?” “Bạn em rủ về dự buổi họp lớp cấp hai. Lần này các bạn tổ chức vào Chủ nhật, hình như còn mỗi em là chưa trả lời có tham dự hay không.” “Xem ra em cũng không mặn mà cho lắm nhỉ? Em không muốn gặp lại các bạn học cũ sao?” “Không phải em không muốn gặp, nhưng chắc gặp nhau sẽ mệt lắm. Kiểu gì các bạn ấy chẳng mời bố em đến dự buổi họp lớp.” “Vậy à? Mời người thầy đáng kính một thời đến dự buổi họp lớp âu cũng là lẽ thường tình mà.” “Vâng,” Mayo đáp. “Lần trước em cũng kể với anh rồi mà. Chuyện hồi cấp hai em sống như một cái bóng ấy.” “Em có nhắc đến chuyện phải giữ ý giữ kẽ để không trở nên nổi bật. Nhưng đấy là chuyện xưa rồi mà.” “Em nghĩ giờ vẫn thế thôi. Lần trước em có đi dự họp lớp cấp ba, vừa gặp các bạn em đã như quay trở lại thời ấy. Từ các mối quan hệ cho đến cung cách nói chuyện của họ đều hệt như xưa. Bọn bạn cùng thời cấp hai toàn những đứa nhẵn mặt nhau ở cái vùng quê bé như mắt muỗi nên có khi còn hơn cả thế ấy chứ. Kiểu gì chúng nó cũng sẽ lại gọi em là cái máy nghe trộm của thầy Kamio cho mà xem.” “Hóa ra các bạn từng gọi em như vậy à?” Kenta nhướn mày tỏ vẻ ngạc nhiên. “Bọn họ không nói thẳng mặt mà toàn xì xào sau lưng thôi. Hình như các bạn bảo nhau là Nếu làm việc gì xấu trước mặt con bé đó thì nó sẽ mách lẻo với thầy Kamio đấy nên chúng mày phải cẩn thận. Chúng coi em cứ như là gián điệp ấy.” “Thế thì tệ thật. Nhưng chắc em cũng có bạn thân chứ?” “Thì cũng có vài đứa. Cô bạn vừa nhắn tin cho em cũng là một trong số đấy. Cơ mà hiện giờ em không giao du với các bạn ấy mấy.” “Nhưng nếu em không đến chắc bố buồn lắm.” “Em nghĩ bố chẳng bận tâm đến em đâu. Năm nào hai bố con cũng gặp nhau vài lần mà. Em chỉ sợ nếu em không đến, bố lại bị hỏi này hỏi nọ thì phiền lắm. Mà thôi, kệ đi. Em sẽ thử suy nghĩ thêm xem sao.” “Khoan đã. Nếu buổi họp lớp được tổ chức vào tuần sau, không chừng em có muốn cũng không đi được ấy chứ.” Mayo cũng hiểu Kenta đang muốn nói đến điều gì. “Ý anh là dịch Corona phải không?” “Đúng rồi,” Kenta gật đầu. “Thị trưởng đã phát biểu là dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan trên diện rộng. Vì thế, trong thời gian gần, rất có thể chúng ta sẽ phải thực hiện biện pháp gì đó.” “STAY IN TOKYO. Liệu họ có yêu cầu người dân không được rời khỏi Tokyo trong một thời gian không nhỉ?” “Dễ thế lắm. Dù sao thì họ cũng đã nhận được một bài học rồi mà.” Hai người đang nhắc tới COVID-19, một căn bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ virus Corona chủng mới, được xác nhận vào năm 2019. Cũng như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản đang liên tục ở vào tình trạng khó có thể nói là đã hoàn toàn khống chế được dịch bệnh. Một số loại thuốc điều trị đã được xác nhận là có hiệu quả, số ca mắc cũng đã giảm bớt, bởi vậy hiện tại dịch bệnh không quá ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Song số người nhiễm bệnh vẫn chưa phải là con số không và thi thoảng lại tăng lên đột biến. Nếu xác định rõ nguồn lây còn đỡ, chứ trường hợp không xác định được thì rất phức tạp. Rất nhiều biện pháp được đưa ra vì lo ngại dịch bùng phát. Các biện pháp này được chia thành nhiều mức độ, phạm vi hạn chế hoạt động cũng rất đa dạng, từ những biện pháp cơ bản như “tránh không gian kín, tránh tập trung đông người, tránh tiếp xúc gần, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết” cho đến yêu cầu đóng cửa trường học, yêu cầu tạm ngừng kinh doanh đối với một số ngành nghề nhất định. Một khi chính quyền kêu gọi người dân “hạn chế di chuyển từ Tokyo ra các tỉnh thành khác” thì nếu không có lý do gì đặc biệt, người dân cần tuân theo. Mặc dù đó không phải yêu cầu bắt buộc, song chắc chắn ai mà không thực hiện thì sẽ bị mọi người xung quanh nhìn bằng con mắt phán xét. Không khéo còn bị chỉ mặt gọi tên rồi trở thành đối tượng để cộng đồng mạng ném đá. “Như thế hóa lại tốt,” Mayo nói trong tiếng thở dài. “Nếu không thể ra khỏi Tokyo thì em cũng không cần phải lăn tăn làm gì nữa. Em có vắng mặt trong buổi họp lớp cũng chẳng ai nghĩ ngợi gì.” “Trái lại, nếu dịch Corona bùng phát ở Tokyo, có khi mọi người ở quê lại trách rằng đang lúc rối ren như thế mà còn vác mặt về ấy chứ.” Kenta cười nhăn nhở. Gần đây khi chỉ có hai người với nhau, dù đang ở bên ngoài họ cũng thường không đeo khẩu trang. Tuy nhiên Mayo vẫn thủ sẵn vài cái trong túi. “Thôi, cứ vậy đi.” Trước khi cất điện thoại vào túi, Mayo kiểm tra giờ. Nhận ra lúc này đã hơn bốn giờ chiều, cô thốt lên “Thôi chết,” đoạn giơ màn hình về phía Kenta. “Đã muộn thế này rồi.” “Ôi, chết dở. Chúng mình đi mau thôi.” Hai người nhanh chân ra sảnh đợi thang máy. Họ định tiếp theo sẽ đi xem phim. Rạp chiếu phim vẫn mở cửa bình thường. Trước đây người ta còn để cách một ghế, nhưng giờ thì có thể ngồi sát nhau được rồi. Mayo đang sống một mình trong tòa chung cư cách ga tàu điện ngầm Morishita một phút đi bộ. Đó là căn hộ chỉ gồm một phòng ngủ rộng chừng tám chiếu, bếp, phòng tắm và nhà vệ sinh, vậy mà giá thuê những hơn 100.000 yên một tháng. Cô muốn sống ở một nơi rộng rãi hơn và xem chừng việc kết hôn với Kenta sẽ biến ước mơ đó thành hiện thực. Tương đương khoảng 20 triệu đồng, thời điểm năm 2020. 1 chiếu tiêu chuẩn có kích thước 910mm×1820mm, khoảng hơn 1.65 m². Lúc Mayo trở về nhà và ngồi lên giường, chiếc đồng hồ để ở đầu giường cô đang chỉ 10 giờ 40 phút tối. Sau khi xem phim cùng Kenta, hai người đã ăn tối trong một quán nhậu ở Nihonbashi trước khi tạm biệt nhau. Thường thì vào thứ Bảy họ hay ở cùng nhau tại nhà của một trong hai người, nhưng đáng tiếc hôm nay lại là Chủ nhật. Mayo hiện đang làm việc tại phòng cải tạo chung cư của một công ty bất động sản ở Ichigaya. Vốn dĩ cô vào học khoa Thiết kế của trường đại học là vì có hứng thú với lĩnh vực trang trí nội thất, nhưng giữa chừng cô lại chuyển hướng quan tâm sang lĩnh vực phối hợp thiết kế cho tổng thể căn nhà và quyết định nhắm đến mục tiêu trở thành kiến trúc sư. Nakajou Kenta là đồng nghiệp đàn anh của Mayo ở công ty. Anh phụ trách mảng nhà đất nên trước đây hai người không có mối liên hệ nào. Tuy nhiên, hai năm trước, nhờ cơ duyên làm cùng tầng nên hai người có nhiều cơ hội giáp mặt. Họ bắt đầu hẹn hò cách đây một năm rưỡi. Kenta là người chủ động mời Mayo đi ăn, song cô không lấy làm bất ngờ. Sau vài lần trò chuyện, bản thân cô cũng cảm nhận được Kenta có cảm tình với mình. Về phần mình, Mayo cũng không hẳn là không thích Kenta và chắc anh cũng nhận ra điều đó. Nửa năm trước, Kenta ngỏ lời cầu hôn Mayo. Thời điểm đó, cơn khủng hoảng Corona vừa tạm lắng xuống, Mayo cũng có linh cảm là Kenta chuẩn bị cầu hôn mình rồi đây, thành thử cô không quá ngạc nhiên. Nhưng đúng là cô cũng thấy nhẹ cả người. Ba mươi tuổi đầu rồi, cô không rảnh rỗi để yêu đương chơi bời. Dĩ nhiên Mayo đã đồng ý. Xem ra Kenta cũng đoán trước là không đời nào cô lại từ chối, song anh vẫn yên tâm ra mặt. Mayo đã gọi điện cho bố, ông Eiichi, để thông báo. Có điều cô không nói mình chuẩn bị kết hôn mà chỉ bóng gió là muốn bố gặp một người. Nhưng xem ra chỉ cần nói thế là ông Eiichi đã hiểu ngay rồi. Ông còn nói: “Chúc mừng con, tốt quá rồi. Chắc các con cũng bận nên để bố lên Tokyo cho.” Mayo có thể cảm nhận được vẻ đượm buồn thấm đẫm trong giọng nói ấy. Kể từ khi mẹ cô qua đời vì căn bệnh xuất huyết dưới màng nhện cách đây sáu năm, ông Eiichi sống có một thân một mình. Không lâu sau đó, Mayo đã có dịp giới thiệu Kenta với bố tại một nhà hàng truyền thống ở Ginza. Kenta tỏ ra căng thẳng là điều hiển nhiên, song không hiểu sao ngay cả điệu cười của ông Eiichi cũng rất gượng gạo. Dù vậy, Mayo vẫn thấy yên tâm vì xem ra ấn tượng của hai người về nhau cũng không tệ. Sau đấy ông Eiichi đã nhận xét về Kenta rằng: “Bố thấy nét mặt cậu ấy rất tươi tắn khi kể về công việc của mình, vì thế bố nghĩ con kết hôn với cậu ấy chắc sẽ ổn.” Khi Mayo hỏi điều đó có nghĩa là gì, ông Eiichi đã trả lời như thế này: “Một khi đảm nhận công việc tu sửa nhà cửa thì con phải hiểu về gia đình đó, phải suy nghĩ xem họ sống như thế nào để được thoải mái. Có vẻ như cậu Kenta đã tìm thấy lẽ sống trong công việc ấy. Một người biết quan tâm đến gia đình của người khác chắc sẽ không bỏ bê gia đình của chính mình đâu.” Mayo trộm nghĩ kiểu tư duy đó thật đúng với con người bố. Vốn là một giáo viên dạy ngữ văn, ông Eiichi có thói quen đánh giá bản tính của đối phương thông qua cách người đó nói năng hay lựa chọn đề tài. Đã lâu rồi Mayo mới ngẫm nghĩ lại câu nói khi ấy của bố. Hai tháng nữa cô sẽ kết hôn, nhưng trong tâm trí cô, nỗi lo lắng còn nhiều hơn cả niềm mong đợi. Chính cô cũng không biết liệu có thể coi đó đơn giản chỉ là những bất an tiền hôn nhân hay không. Mayo với tay lấy điện thoại, trong lúc đang lướt xem tin trên một vài trang mạng xã hội thì cô thấy có người gọi đến. Trên màn hình hiển thị tên Honma Momoko. Mayo nhấc máy, nói: “Chào cậu, lâu rồi không nói chuyện nhỉ?” “Lâu gì mà lâu. Sao cậu không trả lời tin nhắn của tớ?” Momoko hỏi, vẫn bằng cái giọng the thé chẳng thay đổi gì so với thời cấp hai. “Xin lỗi, tại tớ đang hơi băn khoăn.” Là vụ họp lớp. Momoko chính là người nhắn tin mời Mayo. “Sao thế? Công việc của cậu bận lắm à?” “Ừ, đấy cũng là một lý do.” “Tức là còn có lý do khác ư? Này, đừng bảo với tớ là cậu thấy khó xử vì phải tham dự cùng thầy Kamio đấy nhé.” “Không hẳn là khó xử, tớ chỉ không muốn mọi người phải giữ ý với mình.” “Bọn tớ chẳng giữ ý gì đâu,” Momoko phủ nhận ngay lập tức. “Bọn mình cũng đầu ba cả rồi. Để ý mấy chuyện đó mà làm gì? Cậu đến đi mà. Không có Mayo tớ buồn lắm. Vả lại, về quê đúng là thích lắm đấy.” “Nói mới nhớ, cậu về nhà bố mẹ đẻ rồi à? Cảm giác thế nào?” Momoko đã viết như vậy trong tin nhắn lần trước. Vốn dĩ gia đình Momoko sống ở Yokohama nhưng vì anh chồng đi công tác dài ngày ở Kansai nên cô ấy đành dẫn cậu con trai hai tuổi về ngoại từ tháng trước. Còn căn hộ chung cư ở Yokohama, nghe đâu họ đã cho một người quen thuê lại. “Thoải mái lắm. Tớ có thể nhờ vả ông bà chăm nom thằng nhóc nên cũng có thời gian cho riêng mình. Mayo mà về đây thì lúc nào tớ cũng bố trí gặp được.” “Đúng là tin tốt thật.” “Chứ còn gì? Thế nên cậu về đây đi mà. Cậu đồng ý dự buổi họp lớp nhé.” “Khoan đã. Tớ còn chuyện công việc nữa nên cậu cho tớ suy nghĩ thêm nhé. Nhất định tớ sẽ trả lời cậu trong vòng hai, ba ngày tới.” “Tớ hiểu rồi.” “Cơ mà không biết tụi mình có tổ chức họp lớp được không nhỉ? Thiên hạ lại đang nhặng cả lên vì Corona mà.” “À,” Momoko thấp giọng, không giống với cô ấy chút nào. “Bọn tớ có tính đến chuyện đó. Lớp mình đã xí chỗ ở một nhà hàng có không gian mở rồi. Đến lúc đó, chúng ta có thể giãn cách ghế ngồi ở nhà hàng ấy là ổn mà.” “Ra vậy.” Có vẻ mọi người đều đã quen ứng phó với cơn khủng hoảng, Corona nay đã trở thành chuyện thường tình. “Nhưng như tớ, khéo còn chẳng thể ra khỏi Tokyo cũng nên.” “Ý cậu là vụ hạn chế di chuyển ra khỏi ranh giới tỉnh đúng không?” “Ừ, tớ không muốn bị ném đá vì về quê vào thời điểm nhạy cảm đâu.” “Hừ,” Mayo nghe thấy tiếng cười khẩy của Momoko. “Thế thì, trước khi mấy ông tỉnh trưởng lại đưa ra những phát ngôn kỳ quặc, sao cậu không về quách đây luôn cho rồi? Sugishita Xuất Chúng cũng làm thế rồi đấy.” “Xuất Chúng? Thằng Sugishita đó á?” “Phải, Sugishita Kaito ấy. Cậu ta dẫn vợ con về quê từ tuần trước. Cậu ta bảo tình hình Corona cũng đáng ngại, chưa kể còn sắp họp lớp nên cậu ta đã quyết định mau chóng khăn gói khỏi Tokyo. Cậu ta còn bảo ‘Công ty tớ đang triển khai hình thức làm việc từ xa nên không cần giám đốc ở lại Tokyo.’ Cái tính huênh hoang của thằng đó vẫn chẳng thay đổi gì, vẫn hệt như xưa ấy.” “Nói thế chứng tỏ cậu đã gặp cậu ta vài lần rồi nhỉ?” “Tớ mới gặp cậu ta một lần trong buổi họp bàn về vụ họp lớp thôi. Trong khi chẳng ai thèm mời cậu ta. Chắc cậu ta muốn khoe khoang ấy mà.” Nếu chuyện Momoko kể là thật thì đúng là Sugishita vẫn như xưa. Thành tích học tập xuất sắc, môn thể thao nào cũng cừ khôi, chưa kể bố mẹ còn giàu có, toàn bộ đồ dùng của cậu ta đều là hàng hiệu – đó chính là hình dung của lũ bạn cùng khóa về Sugishita Kaito. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, Sugishita thi vào trường cấp ba dân lập trực thuộc một trường đại học ở Tokyo. Cách đây vài năm, Mayo nghe phong thanh cậu ta đã thành lập một công ty IT và rất thành công. “Ngoài ra còn một người nữa, người hùng của thị trấn chúng ta cũng đã trở về rồi đấy.” Nghe Momoko nói, Mayo khẽ nghiêng đầu, điện thoại vẫn áp trên tai. “Người hùng? Cậu đang nói tới ai thế?” “Cậu không biết à? Là Kugimiya, tác giả của Mê cung ảo ấy.” “Ồ!” Mayo há hốc mồm. “Thế hả?” “Này Mayo, cậu mà quên mất người đàn ông thành đạt bậc nhất, không chỉ trong số các bạn cùng khóa mà còn của toàn trường chúng ta là không được đâu đấy.” “Tớ không quên, nhưng Kugimiya thì siêu sao quá nên đầu tớ không nảy số ngay được.” “Tớ hiểu, tớ cũng thế mà. Nhưng bọn tớ đang bàn tán rất xôm về chuyện Kugimiya sẽ tham dự buổi họp lớp đấy.” “Kugimiya mà đến thì hẳn mọi người sẽ thế rồi.” “Mọi người vụ lợi thật đấy. Hồi cấp hai ai cũng coi thường cậu ấy, gọi cậu ấy là ‘con nghiện truyện tranh’, rồi thì ‘Kugi ẻo lả’. Mà, chính tớ cũng chẳng chó chê mèo lắm lông được.” Trong đầu Mayo hiện lên hình ảnh Momoko đang lè lưỡi. “À, phải rồi. Tớ quên mất một chuyện quan trọng. Mọi người đang định giữa buổi họp lớp sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ cho Tsukumi đấy.” “Tsukumi… Ôi, thật thế à?” Mayo thấy lòng mình xao động, song cô cố không để lộ ra giọng nói. “Với lại, bọn tớ đang bảo nhau là ai có thứ gì gợi nhớ đến Tsukumi thì nhất định phải mang đến buổi họp lớp. Mayo, cậu cũng thân với Tsukumi nhỉ? Cậu có gì không? Một bức ảnh chẳng hạn.” “Hả, cậu đột ngột hỏi vậy thì sao tớ nghĩ ra được.” “Thế cậu tìm giúp tớ được không?” “Cũng được, nhưng các cậu đừng trông đợi quá nhé.” “Đừng nói thế chứ, cậu nhớ phải tìm được thứ gì đấy nhé. Bọn tớ đang sốt xình xịch vì ít tư liệu quá đây này.” “Tớ biết rồi. Tớ sẽ thử tìm xem sao.” “Nhờ cậu nhé. Vậy tớ sẽ chờ điện thoại của cậu.” “Ừ, tớ sẽ gọi.” “Xin lỗi cậu vì gọi điện muộn thế này.” “Không sao đâu.” Sau khi cúp máy, Mayo nhận ra lòng mình đang ngập tràn bao nhiêu kỷ niệm. Có lẽ là bởi đã lâu rồi cô mới trò chuyện với Momoko, chưa kể còn được nghe nhắc đến rất nhiều cái tên gây thương nhớ. Tsukumi ư?… Nhớ đến người bạn có thân hình vạm vỡ nom chẳng giống học sinh cấp hai, cùng khuôn mặt tuy đầy vẻ can trường nhưng vẫn còn búng ra sữa của một thiếu niên vẫn chưa tiến đến cánh cửa dẫn vào thế giới của người lớn, trong lòng Mayo dậy lên cảm giác hoài niệm thoáng chút ngọt ngào và cơn đau nhói như chạm vào vết thương cũ. “Là con gái của thầy Kamio thì sao nào? Cậu vẫn là cậu thôi. Đừng bận tâm đến những lời nói tào lao ấy. Như thế chẳng phải ngốc lắm sao?” Những câu nói mạnh mẽ của Tsukumi đã khích lệ Mayo. Chưa kể đó còn là những lời cậu ấy nói ra trong lúc đang nằm trên giường bệnh. Mặc dù cơ thể đã gầy xọp đi, sắc mặt cũng không còn tươi tắn nữa nhưng sự cứng cỏi ẩn trong ánh mắt lấp lánh, tràn trề sức sống đó thì vẫn chẳng hề đổi khác so với lúc Tsukumi còn khỏe mạnh. Đã mười sáu năm trôi qua kể từ ngày Tsukumi ra đi. Mayo thầm nghĩ nếu như cậu ấy vẫn còn sống và đến dự buổi họp lớp, có lẽ cô đã đồng ý tham gia với tất cả niềm háo hức. Sau khi tắm rửa và chăm sóc da dẻ một lượt trước giờ đi ngủ, Mayo liền chui vào giường. Trước khi tắt đèn, cô kiểm tra điện thoại và thấy tin nhắn “Chúc em ngủ ngon” của Kenta. Cô nhắn lại “Chúc anh ngủ ngon”, đoạn với tay tắt công tắc điện. 2 Haraguchi Kouhei cúi người xuống, bấu các đầu ngón tay vào cửa sắt cuốn. Cảm giác khi chạm vào kim loại thật lạnh, luồng không khí lọt qua khe hở bên dưới cũng lạnh. Âu cũng là lẽ đương nhiên vì bây giờ mới là đầu Tháng Ba. Haraguchi chùng cả hai chân xuống tấn, lấy hơi nhấc bổng cửa cuốn lên. Cánh cửa phát ra những tiếng cành cạch chói tai và cuộn lên đầy mạnh mẽ, nhưng kiểu gì giữa chừng nó cũng sẽ kẹt lại ở một điểm. Có lẽ là do trục giữa bị vênh. Dù sao thì nó cũng được dùng suốt hơn ba mươi năm rồi. Haraguchi gõ liên tiếp vào phía dưới, cố đẩy cánh cửa lên. Trước đây, cậu từng muốn mau chóng chuyển sang dùng cửa cuốn điện, nhưng rồi cậu đã ném cái suy nghĩ ấy vào dĩ vãng xa xôi. Có ba cửa cuốn tất cả, nhưng tạm thời Haraguchi chỉ mở cánh cửa ở giữa, cậu bước ra ngoài, nhìn ngó xung quanh. Trên con đường hai làn xe, thảng hoặc mới có đôi ba chiếc ô tô con chạy ngang qua. Đứng thêm một lúc, sau cùng Haraguchi cũng trông thấy một chiếc xe tải nhỏ xuất hiện, nhưng rõ ràng lưu lượng giao thông đã giảm hơn so với tuần trước. Trên vỉa hè hầu như cũng không có bóng người. Haraguchi chỉ thấy ở phía xa kia mấy đứa trẻ con đang đi bộ. Xem ra chúng đang trên đường tới trường. Cùng thời điểm này năm ngoái, các trường học ở Nhật Bản đều được nghỉ. Năm nay không biết chúng có được nghỉ xuân sớm hay không. Haraguchi nhớ lại mấy người bạn có con nhỏ của cậu đã bức xúc về chuyện các chính trị gia chẳng biết mô tê gì về hoàn cảnh thực tế của những gia đình mà cả bố mẹ cùng đi làm. Haraguchi nhìn đồng hồ đeo tay. Đã hơn 8 giờ sáng. Đối với một khu phố mua sắm chỉ cách nhà ga có vài phút đi bộ thì quả là thiếu nhộn nhịp. Đã thế hôm nay còn là thứ Hai. Xem ra những ngày như thế này sẽ còn tiếp diễn một thời gian nữa. Haraguchi nghe thấy tiếng động ở ngay bên cạnh. Nhìn sang, cậu thấy ông chủ cửa hiệu gốm sứ nhà bên đang mở cửa kính, bước ra ngoài, trên tay xách túi rác. “Cháu chào chú.” Haraguchi cất tiếng. “À, Kou đấy hả. Chào cháu,” chủ cửa hiệu gốm sứ cúi mái đầu cắt tóc ngắn. Ông ta lớn hơn Haraguchi cả chục tuổi có lẻ, phụ giúp cửa hàng từ hồi cậu còn học cấp một. “Tình hình hôm nay thế nào hả chú? Có khách nào đặt hẹn đến tham quan trải nghiệm đồ gốm sứ không ạ?” Haraguchi hỏi. Chủ cửa hiệu gốm sứ tỏ vẻ không vui, đoạn lắc đầu. “Làm gì có khách nào đặt hẹn. Thậm chí hai hôm thứ Bảy, Chủ nhật vừa rồi cũng chỉ có ba khách cả thảy. Chú nghĩ tuần này chắc còn ế ẩm hơn ấy chứ.” “Vậy à? Nhưng cháu thấy mới chỉ có ổ dịch ở Tokyo chứ chưa lây nhiễm trong tỉnh mình đâu ạ.” “Không, không. Chú nghĩ ít nữa thế nào ở đây cũng có vài ca nhiễm. Chỉ lệch vài giờ với Tokyo thôi. Trước giờ vẫn thế mà. Rồi chính quyền lại kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động du lịch, giải trí như mọi bận thôi. Lại bắt đầu chuỗi ngày cấm túc trong nhà. Đến lúc đấy, thiên hạ cũng chẳng đoái hoài đến gốm sứ gốm sủng nữa đâu.” “Nếu thế thì cửa hàng cháu cũng gay go rồi đây.” “Bên cháu chắc không sao đâu. Nói là hạn chế ra ngoài, nhưng có ai hạn chế uống rượu đâu. Trái lại, có khi đơn đặt hàng cá nhân còn tăng ấy chứ?” “Không được thế đâu chú. Vì những người uống rượu ở nhà sẽ mua cả thùng trên mạng, loại rẻ tiền ấy ạ. Cửa hàng cháu chủ yếu cung cấp rượu quê nên đúng là chỉ bán được cho mấy quán ăn hoặc quán nhậu trong vùng thôi.” “À, mấy cửa hàng ăn uống có khi cũng lại điêu đứng đấy nhỉ? Rồi còn các nhà trọ chắc cũng khó khăn đây. Hôm qua chú có nghe chuyện ở lữ quán Marumiya, thấy bảo chưa gì đã có mấy khách hủy đặt phòng rồi.” “Ôi, quả nhiên là như vậy ạ.” “Lần này không biết sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc là hai tuần tới, mà không, khéo có khi cả tháng tới đều thành công cốc mất. Gay go thật đấy,” chủ cửa hiệu gốm sứ nói, đoạn xách túi rác, quay lưng bước đi. Haraguchi buông một tiếng thở dài. Hotel Marumiya là lữ quán lớn nhất vùng này. Nhìn vào lượng khách hủy đặt phòng cũng có thể đoán được đại khái tình hình giảm sút doanh thu. Không phải doanh thu của quán, mà là doanh thu của cả khu vực này. Haraguchi đi vòng ra bãi đậu xe bên cạnh cửa hàng. Chiếc xe tải cũ kỹ của cậu đang đậu ở đó. Dòng chữ Hiệu buôn Haraguchi viết ở hông xe đã bạc màu nhiều, song lúc này cậu chẳng có tâm trí đâu mà viết lại chữ mới. Sau khi đánh xe ra trước cửa tiệm, Haraguchi bắt đầu chất rượu lên xe để chuyển đến các cửa hàng. Địa điểm mà cậu chuẩn bị đến, ngoài các nhà trọ ra còn có các quán nhậu và quán ăn nữa. Mọi khi phải có đến hơn mười chỗ tất cả, nhưng hôm nay chỉ có vỏn vẹn ba chỗ. Đã thế, số lượng đặt mua của mỗi nơi đều ít, đến nỗi thùng xe cũng buồn thiu. Lúc đi quanh các cửa hàng để giao rượu, Haraguchi còn sốc hơn nữa. Ở đâu người ta cũng báo với cậu rằng từ ngày mai họ không có dự định đặt hàng nữa. “Đành chịu chứ biết làm sao. Chẳng hy vọng sẽ có khách đến. Nếu chỉ bán cho dân bản địa thì nhập rượu vào chỉ tổ thừa mứa ra đấy thôi,” ông chủ một quán nhậu, người không bao lâu nữa sẽ bước sang tuổi hoa giáp chi niên, áy náy nói. “Mà nói thẳng ra thì đây còn là chuyện tiếp tục mở cửa được đến bao giờ ấy. Tôi còn đang nói với bà nhà tôi là năm nay chắc sắp không trụ nổi nữa rồi, chỉ còn nước đóng cửa thôi.” Nghĩa là 60 tuổi. Haraguchi không biết làm gì ngoài im lặng, gật đầu. Thời gian này, đi đâu cậu cũng chỉ nghe thấy cùng một chủ đề. Tuyệt nhiên không còn nghe được những chuyện như kinh tế khá khẩm. Mọi thứ đã thay đổi vào mùa đông năm 2020. Không riêng gì vùng này. Cả nước Nhật, mà không, cả thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Dĩ nhiên là do ảnh hưởng của chủng virus Corona mới. Nghe đâu ở các khu phố mua sắm sầm uất tại những vùng đô thị, một số lượng đáng kể cửa hàng ăn uống đã sập tiệm. Từ các cửa hiệu nổi tiếng được mệnh danh là lâu đời cho đến các câu lạc bộ cao cấp đã hoạt động liên tục suốt mười mấy năm trời ở Ginza đều lần lượt đóng cửa. Thế nhưng, chuyện tương tự cũng xảy ra ở những địa phương mà số ca mắc không lấy gì làm nhiều. Đặc biệt ở những vùng sống dựa vào khách du lịch thì thiệt hại càng lớn. Vốn dĩ dân số ở đây đã chẳng nhiều nhặn gì. Với đa phần các cửa hàng ăn uống đang kinh doanh ở vùng này, quá nửa doanh thu trông chờ vào khách vãng lai từ các vùng khác tới. Song thảm họa Corona đã khiến việc đi lại giữa các tỉnh thành bị đứt đoạn, doanh thu của tất cả các cửa hàng đều giảm sút trầm trọng. Ngay cả sau khi chính phủ tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, tình hình vẫn chẳng thay đổi là bao. Người ta đã cho ra đời rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây nên và cũng đang tiến hành phát triển các loại vaccine hữu hiệu. Song, phải chăng dân chúng đều có chung một ấn tượng, rằng liệu có phải nhịp sống sôi động ngày nào sẽ không bao giờ quay trở lại nữa? Chí ít là ở thị trấn này, Haraguchi cảm thấy như vậy. Cũng có lúc cuộc sống thường nhật đã tiếp diễn như trước đây trong một khoảng thời gian ngắn. Chẳng hạn như tháng trước, một lượng khách du lịch đáng kể đã ghé thăm thị trấn này. Vào cuối tuần, các khách sạn, nhà trọ đều kín phòng. Gần như ngày nào Haraguchi cũng đi quanh các cửa hàng ăn uống để bổ sung rượu. Cửa hàng nào cũng náo nhiệt, từ nhân viên cho đến chủ quán, và nhất là khách hàng, ai nấy đều vui vẻ. Có điều, mọi người cũng đều chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc những ngày tháng như vậy sẽ không kéo dài lâu. Họ cũng đã quen ứng phó với mọi sự thay đổi. Giả dụ, chỉ cần Thị trưởng Tokyo tuyên bố “Xác nhận bùng phát dịch ở Tokyo,” thì ngay ngày hôm sau, xe tuyên truyền lưu động của tòa thị chính sẽ chạy lòng vòng khắp thị trấn. Vừa đi họ sẽ vừa phát loa phóng thanh để kêu gọi: “Người dân vui lòng hạn chế đi lại tới Tokyo và các vùng lân cận khi không cần thiết.” Đến lúc đó, tất cả sẽ chuẩn bị sẵn sàng: “Chà, lại bắt đầu rồi đây.” Không chỉ số lượng người từ thị trấn này di chuyển đến Tokyo và các vùng lân cận giảm mà cả chiều người lại cũng vậy, tức là số lượng người từ Tokyo và các vùng lân cận đến thị trấn này cũng sẽ giảm. Đương nhiên, doanh thu của các cửa hàng cũng sa sút. Tình trạng tương tự đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong suốt mấy tháng qua. Cách đây một tuần, chính quyền đã lại phát đi thông báo tương tự ở Tokyo. Họ diễn đạt theo kiểu “Có dấu hiệu bùng phát dịch”, nếu đem ví với dự báo thời tiết thì nó ở mức “Kêu gọi chú ý”. Song ở thời điểm hiện tại, ai cũng hiểu nhiều khả năng nó sẽ được nâng lên mức “Cảnh báo” ngay thôi. Trong số những sinh viên lên Tokyo học đại học, nhiều người đã trở về quê trước khi bước vào kỳ nghỉ xuân. Bởi nếu cứ bám trụ mãi ở Tokyo, chưa biết chừng họ có muốn cũng chẳng về được nữa. Không riêng gì sinh viên. Đây đó còn có cả những người mặc dù làm việc ở Tokyo nhưng lại dắt díu cả gia đình về quê. Một năm nay, các công ty đã đẩy mạnh chuyển hướng sang hình thức làm việc từ xa. Không cần đến công ty nữa, hẳn nhiên người ta sẽ cho rằng tốt hơn hết là trở về sống ở quê hương, nơi ít có nguy cơ lây nhiễm bệnh và các quy định cũng tương đối dễ thở hơn. Giao rượu xong, Haraguchi cho xe chạy về hướng khu dân cư trước khi quay trở lại cửa tiệm. Đi chệch ra khỏi trục đường chính một chút, đường sá chỗ nào cũng chật hẹp. Trong lúc dừng chờ đèn đỏ, Haraguchi chú ý đến một tấm biển quảng cáo bị vứt ở lề đường. Trên đó có vẽ tranh minh họa và bên cạnh dòng chữ “Ngôi nhà mê cung ảo – Dự kiến mở cửa tháng 5 năm 2021” có một lỗ thủng to tướng. Haraguchi hình dung cảnh ai đó đá văng khiến nó bị thủng như vậy. Càng hy vọng bao nhiêu thì nỗi thất vọng khi bị phản bội càng ê chề bấy nhiêu. Haraguchi dừng xe trước cửa một ngôi nhà. Đối với cậu đây là một nơi rất đỗi quen thuộc. Cậu đã lui tới đây từ khi còn nhỏ nên chưa từng để ý, song khi nhìn ngắm lại một lần nữa cậu mới cảm thấy ngôi nhà đã xuống cấp khá nhiều rồi. Trước khi xuống khỏi xe tải, Haraguchi rút điện thoại di động ra, chọn tên Kamio từ danh bạ và bấm máy gọi thử. Cậu nghe chuông điện thoại đổ hai, ba tiếng song không thấy ai bắt máy. Haraguchi tắt điện thoại, nghiêng đầu khó hiểu. Vừa cất điện thoại vào túi cậu vừa mở cửa xe, bước ra ngoài. Trước cổng có treo tấm biển đề tên Kamio. Haraguchi nhấn nút điện thoại nội bộ gắn bên dưới. Song không thấy ai trả lời. Cậu bấm thêm lần nữa. Nhưng kết quả vẫn vậy. Lạ thật, Haraguchi nghĩ. Chẳng lẽ thầy ra ngoài rồi? Tuy có chút ngập ngừng song Haraguchi vẫn mở cổng, bước vào trong. Gần đến cửa nhà, mặc dù đoán có thể cửa đang khóa nhưng cậu vẫn thử xoay núm cửa. Thế rồi… Cánh cửa mở ra dễ dàng. Nó không khóa. Xem ra không phải chủ nhân của ngôi nhà đang đi vắng. “Em chào thầy,” Haraguchi lớn giọng chào. Song chỉ có tiếng cậu vọng lại nghe trống rỗng trên hành lang mờ tối, không một lời hồi đáp. “Thầy Kamio, thầy có nhà không ạ?” Sau khi xác nhận đúng là không có ai trả lời, Haraguchi lúng túng không biết phải làm sao. Liệu có phải đã xảy ra chuyện gì không nhỉ? Cậu nghĩ không chừng thầy Kamio đang bị bất tỉnh, song cậu không quyết định được là có nên vào hẳn nhà hay không. Cánh cửa trước mắt cậu đang đóng im ỉm. Cậu biết có một căn phòng rộng rãi đằng sau cánh cửa ấy. À phải rồi, Haraguchi sực nhớ ra. Ngôi nhà này có vườn sau. Cậu quay ra ngoài từ cửa chính, bước trên con hẻm men theo tường nhà. Cậu nhớ ngày xưa mình đã từng dự tiệc nướng ở vườn sau này. Bữa tiệc tập trung mấy đứa bạn đồng niên cùng sống gần đó. Hồi ấy, cậu và các bạn đã tốt nghiệp cấp hai được hơn 5 năm. Thấy cậu mang rượu ở cửa hàng đến để góp vui, mọi người liền rục rịch gom tiền trả “vì thấy áy náy.” Lúc cậu định từ chối, chính thầy Kamio đã nói: “Không sao, em cứ nhận lấy đi. Nhà em là cửa hàng bán rượu mà. Cho dù có là bạn bè thân thiết đến mấy em cũng không được biếu không người ta cái cần câu cơm của mình đâu.” Nghe thầy nói, Haraguchi trộm nghĩ có lẽ đúng vậy thật, vì thế cậu đành nhận tiền của mọi người. Dù đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ ngày Haraguchi rời ghế nhà trường, con người mang tên Kamio Eiichi đó vẫn là vị ân sư soi đường chỉ lối cho cậu. Ra khỏi con hẻm là tới vườn sau. Cả cây hồng nhỏ nằm ở góc vườn lẫn những chậu cây cảnh được xếp thành hàng cạnh đó đều vẫn nguyên vẹn như xưa. Song, rõ ràng có một cái gì đất rất lạ. Có một hàng rào ngăn cách với nhà sau, trước hàng rào ấy, những thùng carton bẹp đang xếp chồng lên nhau. Nom như chúng đang giấu giếm thứ gì bên dưới. Đây không thể là tác phẩm của một giáo viên nghiêm túc và ngăn nắp như thầy Kamio Eiichi được. Haraguchi rón rén lại gần. Trong lòng cậu lẫn lộn hai dòng suy nghĩ, một bên cho rằng phải chăng cậu nên coi như chưa thấy gì và quay trở về, bên kia lại nghĩ cậu buộc phải nhìn thấy thứ đang được che giấu. Ý nghĩ thứ hai đó giống cảm giác về một sứ mệnh hơn là lòng hiếu kỳ. Haraguchi đặt tay lên chiếc thùng carton ở trên cùng. Câu vừa mới lôi chiếc thùng ấy lên thì tất cả các thùng phía dưới lần lượt trượt xuống như thể một chồng hàng vừa đổ sụp, để lộ ra thứ đang nằm ẩn giấu bên dưới. 3 Chiều thứ Hai. Đúng lúc Mayo vừa ra khỏi công ty để đến xem một showroom liên quan đến nhà bếp thì điện thoại đổ chuông. Trên màn hình hiển thị số điện thoại lạ. Tuy vậy, mã vùng lại rất quen thuộc. Đó chính là mã vùng quê cô. Mayo vừa nhấc máy thì nghe thấy giọng một người đàn ông hỏi: “Đây có phải số điện thoại của cô Kamio Mayo không ạ?” “Vâng…” Đầu dây bên kia liền xưng tên. Anh ta là cảnh sát thuộc sở cảnh sát địa phương nơi cô sinh ra. “Ông Kamio Eiichi là bố của cô phải không?” “Đúng vậy, có chuyện gì với bố tôi?…” “Chuyện này thực sự rất khó nói. Sáng hôm nay, bố cô được phát hiện tại nhà riêng trong tình trạng bất tỉnh. Chúng tôi xác nhận ông ấy đã tử vong.” Đầu óc Mayo bỗng trở nên trống rỗng, cô không còn nghe được giọng nói của đối phương nữa. Từ ga Tokyo, Mayo đi tàu shinkansen khoảng một tiếng rồi từ đó nối chuyến sang tàu tốc hành tư nhân, ngồi lắc lư trên tàu thêm gần một tiếng nữa, cuối cùng cũng tới được nhà ga gần nhà nhất. Ra khỏi nhà ga, Mayo nhìn quanh. Bãi đậu xe rộng mênh mông bát ngát, lại còn có vô khối không gian cho xe bus và taxi chờ đón khách, tất cả là vì du lịch được coi là một trong những ngành công nghiệp chính của vùng này. Các nhà ăn hay quầy bán hàng lưu niệm cũng nằm san sát. Song, chỉ ngắm nhìn từ bên ngoài thôi cũng đủ hình dung ra rằng vào thời điểm này khó mà nói được là họ đang làm ăn phát đạt. Tuy là đất du lịch nhưng vùng này không có nhiều địa điểm tham quan cho lắm. Một ngôi đền có bề dày lịch sử mà tên của nó được đặt làm địa danh là điểm hút khách nhất vùng này, ngoài ra thì đây chỉ là vùng đất có suối nước nóng rất đỗi bình thường. Mặc dù vậy, sắp tới là mùa hoa mơ và hoa anh đào nở rộ, thường thì thị trấn sẽ tấp nập khách du lịch lớn tuổi, song năm nay thì quả thực không biết thế nào. Chắc chắn dân bản địa đang thấp thỏm lắm. Mayo nghe nói năm ngoái quê cô cũng điêu đứng như bao vùng du lịch khác trên khắp nước Nhật, mà không, phải nói là trên khắp thế giới. Do ảnh hưởng của virus Corona chủng mới, toàn bộ ngành du lịch đã bị ngưng trệ từ mùa xuân cho đến đầu mùa hè. Từ mùa thu năm ngoái, cuối cùng nơi đây dần dà cũng được đón khách du lịch trở lại, mặc dù vậy lượng khách du lịch vẫn chẳng bằng được một phần ba lượng khách của mùa cao điểm các năm trước. Mayo trông thấy một chiếc taxi đang đỗ, bên trong xe, người tài xế tóc bạc trắng đang ngủ gật. Thấy cô gõ vào cửa kính, bác tài bèn mở cửa ghế sau với vẻ mặt mơ mơ màng màng. “Cháu xin lỗi, chú mở cả cốp cho cháu với.” Mayo đang kéo theo một chiếc vali to. Vì không biết đến khi nào mới có thể quay trở lại Tokyo nên quần áo đồ đạc, cứ nghĩ ra cái gì là cô nhét cái đó vào. Sau khi lên xe, Mayo nói cho bác tài địa điểm mình muốn đến. Nghe đến sở cảnh sát, bác ta tỏ vẻ ngạc nhiên. “Cô từ đâu tới?” xe vừa chạy được một đoạn bác tài đã hỏi, xem chừng không thể nén nổi sự tò mò. “Tokyo ạ,” Mayo cố tình trả lời cộc lốc. “À, ra là cô về quê hả?” “Vâng.” “Ra vậy. Hình như dịch Corona lại bắt đầu bùng phát rồi nhỉ?” Bác tài tỏ vẻ đã hiểu, song chắc hẳn bác ta vẫn đang thắc mắc không biết Mayo đến sở cảnh sát để làm gì. Cô trộm nghĩ nếu bị hỏi đến thì thật phiền hà, song bác ta không tọc mạch gì thêm nữa. Mayo lấy máy tính bảng ra khỏi chiếc túi đeo chéo, mở ứng dụng văn bản. Dòng đầu tiên ghi ngày tháng hôm nay và thời gian cô nhận được điện thoại từ cảnh sát. Lúc nghe cảnh sát báo tin tìm thấy thi thể ông Eiichi, đầu óc Mayo hỗn loạn đến mức gần như mọi dòng suy nghĩ đều đứt đoạn, nhưng rồi ý muốn hỏi xem chuyện gì đã xảy ra giúp cô tỉnh táo trở lại, dù khổ sở. Cô vội vàng lấy sổ và bút ra khỏi túi, ghi chép lại nội dung câu chuyện. Vì quá bàng hoàng nên cô không hiểu rõ lắm những gì đầu dây bên kia nói, giữa chừng cô cứ phải hỏi đi hỏi lại mấy lần song viên cảnh sát vẫn kiên nhẫn giải thích. Nội dung được ghi trong ứng dụng văn bản là Mayo chép lại từ những gì cô đã viết trong sổ tay. Lúc ngồi trên tàu, thử đọc lại những ghi chép đó cô mới thấy chữ mình ngoáy quá, thế này có khi chính cô cũng không đọc nổi, vì thế cô đã gõ lại sang ứng dụng văn bản. Trên ứng dụng văn bản có những gạch đầu dòng như sau: Khoảng 10 giờ sáng ngày 8 tháng 3, nhận tin báo phát hiện thi thể Địa điểm: Nhà riêng của Kamio Eiichi Người báo tin: Khách đến nhà ông Kamio (Nam giới, học trò của ông Kamio, không rõ tên tuổi) Thời gian xác nhận tử vong: 10 giờ 25 phút Danh tính thi thể: Kamio Eiichi Thời gian tử vong: Chưa xác định Nguyên nhân tử vong: Chưa xác định (nhiều khả năng là án mạng) Người thân thích: Phỏng đoán qua lịch sử cuộc gọi trên điện thoại cố định Tóm lại là như vậy. Sáng nay, một người đàn ông ghé thăm nhà bố cô đã phát hiện thi thể của ông và báo cảnh sát. Cảnh sát tức tốc lao tới, xác nhận ông Eiichi đã tử vong, song chưa xác định được thời gian và nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, qua xem xét vẻ bề ngoài cũng như tình trạng thi thể, họ thấy rõ khả năng đây là một vụ án mạng và đang tiến hành điều tra. Vì nạn nhân sống một mình nên cảnh sát quyết định liên lạc với người thân của ông. Trong nhà có điện thoại bàn, và trên đó có đăng ký số điện thoại của Mayo… Nghe nói người đến thăm nhà là học trò của ông Eiichi. Hiện ông đã thôi nghề giáo, bởi vậy phải gọi là học trò cũ mới đúng. Chuyện không rõ tên tuổi chắc chỉ đơn giản là vì viên cảnh sát gọi điện cho Mayo chưa nắm được thông tin, chứ nếu đến sở cảnh sát hỏi thì thế nào cũng ra ngay thôi. Mayo nghĩ không biết chừng đó lại là một người bạn học cùng khóa với cô. Eiichi là một thầy giáo được nhiều học trò ái mộ song cũng không đến mức học trò năng đến chơi nhà. Cô đoán ai đó đã ghé qua vì chuyện liên quan đến buổi họp lớp dự kiến được tổ chức vào Chủ nhật. Mayo cất máy tính bảng vào túi, đưa mắt nhìn ra bên ngoài cửa sổ lúc này đã chập choạng tối. Xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi thoai thoải, nhà dân nằm san sát hai bên con đường thẳng tắp, hẹp đến nỗi không có cả dải phân cách ở giữa. Sở dĩ Mayo thấy nhiều bãi đậu xe như vậy là bởi dân vùng này không thể sống thiếu ô tô. Chuyện một hộ gia đình sở hữu đến mấy chiếc xe hơi cũng không phải là hiếm. Mayo biết rất rõ nơi này, vậy mà cô lại cảm thấy lạc lõng như thể vừa đặt chân đến một đất nước xa lạ. Có lẽ vì đang ở vào tình cảnh bất thường nên cô mới không thể tận hưởng cảm giác thương nhớ bồi hồi, dẫu rằng đây là nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Ngay cả trong tưởng tượng Mayo cũng không dám nghĩ mình sẽ trở về theo cái cách như thế này. Viên cảnh sát gọi điện cho Mayo nói rằng họ đã xác định được danh tính thi thể, song nếu được họ vẫn muốn cô xác nhận lại, bởi vậy Mayo đã trả lời là sẽ về quê ngay. Nói vậy nhưng cô còn phải chuẩn bị và cũng cần thông báo tình hình cho nơi làm việc nữa. Cô đã xin phép trước với viên cảnh sát là có thể đến tối mới về được. Sau đó, Mayo tức tốc quay trở về công ty, thông báo tình hình cho cấp trên. Ngay cả ông sếp thường ngày vẫn vô duyên vô cớ cười khinh khỉnh lúc ấy cũng phải nhăn mặt. Trước mắt, hôm nay Mayo sẽ về sớm và xin nghỉ phép từ ngày mai cho đến hết thứ Sáu, tùy thuộc tình hình mà có thể cô sẽ không quay lại công ty trong một thời gian. Cô liên lạc với khách hàng cũng như các bộ phận liên quan, cố gắng lùi lịch hết sức có thể, còn những kế hoạch không thể trì hoãn cô đành tìm người thay thế. Những công việc có thể làm từ xa mà không cần đến công ty, cô đều đem hết về nhà. Trong vali của cô có nhét cả máy tính xách tay và các tài liệu liên quan đến công việc. Trước khi lên tàu shinkansen, Mayo gọi điện thông báo cho Kenta bấy giờ đã rời công ty. Anh á khẩu khi nghe cô nói bố mình đã mất và rất có thể đã bị người ta sát hại. “Em cũng không biết cụ thể thế nào. Giờ em sẽ đến sở cảnh sát để hỏi chuyện. Khi nào bình tâm trở lại, em sẽ liên lạc với anh sau.” “Anh hiểu rồi,” vị hôn phu của Mayo nói bằng giọng như thể phải cố hết sức mới rặn ra được. “Nếu anh có thể giúp được gì thì em cứ nói nhé. Nếu em muốn, anh cũng sẽ xin nghỉ.” “Cảm ơn anh. Đến lúc đó em sẽ bàn với anh,” Mayo nói rồi cúp máy. Vừa nhớ lại cuộc trò chuyện với Kenta, Mayo vừa tự hỏi liệu cô sẽ muốn mượn bờ vai anh vào lúc nào nhỉ? Hai người vẫn chưa kết hôn. Mà đâu chỉ có thế, nếu như gia đình cô vướng vào một vụ án mạng thì giờ cũng không còn là thời điểm thích hợp để nhắc đến chuyện cưới xin. Vì mải chuẩn bị nên Mayo không còn đầu óc để thong thả suy nghĩ về tình thế hiện tại. Song khi ngắm nhìn cảnh vật quê hương như thế này, cảm giác chân thực về một biến cố ngoài sức tưởng tượng vừa ập đến mới từ từ bủa vây lấy tâm trí cô. Vì đường ít ngã tư nên bác tài cũng không phải dừng chờ đèn đỏ. Chẳng mấy chốc Mayo đã tới trước sở cảnh sát. Cô kéo vali đi về phía cổng chính. Sở cảnh sát là một tòa nhà ba tầng cũ kỹ, nom chẳng có vẻ uy nghiêm cho lắm, nếu như không có mấy chiếc xe cảnh sát xếp thành hàng trong bãi đậu rộng thênh thang, dễ chừng Mayo đã tưởng nhầm đây là một trung tâm cộng đồng gì đó rồi. Ngẫm ra, đây là lần đầu tiên cô đặt chân đến sở cảnh sát này. Trông thấy viên cảnh sát trẻ tuổi mặc đồng phục đứng ở cửa, Mayo bèn trình bày việc của mình. Cô những tưởng anh ta không hiểu mình đang nói đến chuyện gì, song không ngờ viên cảnh sát lại gật đầu. “Tôi có nghe nói rồi. Mời cô đi lối này.” Thật lạ là anh ta còn đích thân dẫn Mayo đi. Cảnh sát ở Tokyo chắc không làm chuyện này. Đúng là vùng quê có khác. Viên cảnh sát trẻ tuổi đi tới quầy tiếp nhận thông tin, sau khi trao đổi gì đó, anh ta liền quay trở lại chỗ Mayo. “Họ nhắn cô chờ ở đây. Người phụ trách sẽ ra ngay bây giờ.” “Tôi hiểu rồi.” Mayo vừa ngồi xuống chiếc ghế sofa nhỏ cũ kỹ ở phòng chờ thì một người đàn ông trung niên sải bước tới. Anh ta không cao lắm nhưng thân hình to ngang, gợi cảm giác đầy quyền uy. “Xem nào, cô là…” “Con gái của ông Eiichi,” Mayo đứng dậy. Lồng ngực người đàn ông phập phồng như thể đang điều chỉnh lại nhịp thở, đoạn anh ta gật đầu. “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới cô. Tôi rất hiểu tâm trạng của cô lúc này.” “Xin lỗi… Thi thể bố tôi đang ở đâu vậy?” “Vâng, để tôi dẫn cô đi. Mời cô đi lối này.” Thấy người đàn ông cất bước, Mayo liền theo sau. Vừa đi anh ta vừa tự giới thiệu về mình. Anh ta tên là Kakitani, tổ trưởng Tổ hình sự. Xem ra đây không phải viên thanh tra đã gọi điện cho Mayo. Phòng chứa thi thể nằm ở tầng hầm. Có một chiếc giường đặt chính giữa căn phòng lạnh lẽo nom hệt như cái kho chứa đồ, ông Eiichi đang nằm trên đó. Mặt phủ khăn trắng. Bên cạnh là chiếc kính gọng tròn. Nó chính là món đồ thương hiệu của ông từ thời còn đứng trên bục giảng. “Xin lỗi… Có phải mặt bố tôi bị gì không?” Mayo trộm nghĩ nếu như trên mặt bố cô có những vết thương tàn khốc thì cô sẽ phải chuẩn bị tâm lý trước khi gỡ bỏ tấm khăn trắng ra. “Mặt ấy ạ? À không, không có gì đặc biệt đâu. Chính tôi đã phủ khăn cho ông ấy, nhưng không có lý do sâu xa gì cả. Tôi chỉ nghĩ làm vậy sẽ tốt hơn thôi. Kính của bố cô đã bị rơi xuống đất.” “Vậy à?…” Mayo chậm rãi lại gần, rón rén vén tấm khăn che mặt. Đúng như Kakitani nói, cô không thấy có gì bất thường trên khuôn mặt bị che khuất bên dưới tấm khăn trắng. Có điều, nhìn khuôn mặt của một người đã đến tuổi xế chiều nhắm mắt như thể đang ngủ say, trong khoảnh khắc Mayo ngỡ như đó là người khác. Cô tự hỏi mặt bố mình trông như thế này sao, rồi ngay lập tức nhận ra đó là vì khuôn mặt ấy đang vô cảm. Thường ngày ông Eiichi vốn là người có vẻ mặt rất phong phú. So với hồi ấy, khuôn mặt ông Eiichi mà Mayo đang nhìn thấy lúc này lại bình thản như mặt nạ kịch Noh, chẳng hề biểu lộ bất kỳ cảm xúc gì. “Sao rồi?” Kakitani hỏi với từ đằng sau. “Đúng là bố tôi, không có nhầm lẫn gì cả,” ngay giây phút thốt ra câu trả lời ấy, trong lòng Mayo bỗng trào dâng một cảm xúc nghẹn ngào. Khi thừa nhận thi thể đang nằm đó là bố mình, cái hiện thực nghiệt ngã rằng mình đã mất đi gia đình quý giá bỗng dưng ập đến với cô. Ngay lúc Mayo nhận ra mặt mình sắp đỏ ửng lên, nước mắt cô bắt đầu tuôn rơi. Cô định lấy khăn mùi soa từ trong túi ra nhưng không kịp. Những giọt nước mắt rơi lã chã xuống sàn. Mayo khẽ chạm vào má bố. Cái cảm giác lạnh lẽo và cứng đờ ấy càng khắc sâu thêm nỗi tuyệt vọng trong lòng cô. Mayo nhắm mắt, nhớ lại xem lần cuối cùng mình gặp bố là khi nào. Hai bố con đã nói chuyện gì. Thế nhưng, dù có cố gắng lội ngược dòng ký ức đến đâu cũng chỉ có thể tìm thấy những kỷ niệm đã xưa cũ lắm rồi. Sau nhiều lần hít thở thật sâu, cuối cùng Mayo lấy khăn mùi soa ra khỏi túi, chấm lên khóe mắt. Cô ngoái lại nhìn Kakitani, hỏi điều cô đang muốn biết nhất: “Chuyện gì đã xảy ra với bố tôi vậy?” “Tôi sẽ giải thích cho cô. Về phần mình chúng tôi cũng có nhiều điều muốn hỏi. Giờ cô có thể dành chút thời gian cho chúng tôi không?” “Không thành vấn đề. Đó là lý do tôi đến đây mà.” “Vậy chúng ta ra chỗ khác nhé.” Kakitani mở cửa phòng. Anh ta dẫn Mayo tới một phòng họp nhỏ. “Xin cô chờ một lát,” nói rồi Kakitani ra khỏi phòng. Mấy phút sau, anh ta mở cửa bước vào, theo sau còn có mấy người đàn ông khác nữa. Trong số đó có cả người mặc đồng phục, trông có vẻ quyền cao chức trọng. Ai nấy đều tỏ vẻ nghiêm nghị. Kakitani ngồi xuống đối diện Mayo, cầm tập hồ sơ cỡ A4 trên tay. “Vậy tôi xin phép được trình bày cụ thể đầu đuôi câu chuyện. Nhưng trước đó, cô có thể cho chúng tôi biết cô đã làm gì từ sáng hôm kia cho đến sáng nay không?” “Sao cơ…” Mayo bối rối. Cô không thể hiểu ngay được ý nghĩa của câu hỏi đó. “Anh hỏi ai cơ? Tôi à?” “Đúng vậy.” “Nhưng anh hỏi thế để làm gì?” “Tôi xin lỗi.” Kakitai chống hai tay xuống bàn, cúi đầu. “Tôi sẽ giải thích với cô sau, nhưng về phía cảnh sát, chúng tôi nhận định đây là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng. Dự đoán sẽ phải điều tra trên diện rộng. Chúng tôi cần xác nhận với tất cả những người có liên quan để xem họ có khả năng dính líu đến vụ án hay không. Không có ngoại lệ nào cả. Chính vì thế, mặc dù hiểu cô vẫn chưa thể bình ổn được tâm trạng trước sự ra đi của ông Eiichi nhưng chúng tôi vẫn mạn phép đặt câu hỏi khiếm nhã này. Mong cô hiểu cho.” Mayo đưa mắt nhìn những người khác. Tất cả đều đang cúi đầu trầm ngâm. Một lần nữa, cô cảm nhận được rằng đây không phải chuyện nhỏ. Bản thân họ cũng đang rất căng thẳng. “Tôi hiểu rồi.” Mayo trả lời Kakitani. “Hôm kia tôi ở nhà cả ngày, dọn dẹp rồi giặt giũ. Sáng hôm qua, tôi và chồng chưa cưới chạy loanh quanh chỗ này chỗ kia để chuẩn bị, rồi thì họp bàn cho đám cưới. Có cả địa chỉ liên lạc và người phụ trách nên các anh cứ việc xác nhận với họ. Sau đó chúng tôi đi xem phim. Xem phim xong chúng tôi đi ăn. Chồng chưa cưới của tôi tên là Nakajou Kenta. Khoảng 10 giờ 30 phút tôi về đến nhà, sáng nay tôi vẫn đi làm như mọi ngày. Tôi xin hết.” “Cảm ơn cô. Cô nói ngày hôm kia cô ở nhà cả ngày, vậy cô ở một mình à?” “Vâng, một mình tôi.” “Cô không ra ngoài chút nào sao? Đi ăn chẳng hạn?” “Tôi không ra khỏi nhà. Nhưng buổi tối tôi có gọi một quán ăn gần nhà mang đồ tới.” “Tên quán ăn là gì, lúc đó khoảng mấy giờ?” “Đó là một quán ăn chuyên phục vụ các món Tây có tên là Namputei. Tôi nhớ không nhầm thì lúc đó vào khoảng 7 giờ tối.” “Cô có hay ăn ở đó không?” “Trước đây tôi hay tới đó ăn. Từ khi có dịch Corona, quán đó bắt đầu có dịch vụ giao đồ ăn tận nhà cho khu vực lân cận nên thi thoảng tôi có đặt.” “Thế nghĩa là cô cũng quen mặt nhân viên giao hàng phải không?” “Đúng vậy.” “Tôi hiểu rồi. Xem nào, cô đọc lại tên quán cho tôi với.” “Namputei.” Mayo còn chỉ cả cách viết chữ Hán cho viên cảnh sát. “Được rồi.” Kakitani nhìn xuống tập hồ sơ đang cầm trong tay. “Vậy bây giờ tôi sẽ giải thích khái quát về vụ án. Cô có biết người đàn ông tên là Haraguchi, học trò của ông Kamio Eiichi không?” Mayo không mất nhiều thời gian để chuyển cái tên đó thành chữ Hán trong đầu mình. Nếu không nhầm thì đó là con trai một cửa tiệm bán rượu. Ký ức về cái dáng vẻ khôi hài của cậu bạn thời cấp hai ùa về trong tâm trí. “Trong số các bạn học của tôi có một người tên là Haraguchi Kousuke… À, Kouhei thì phải.” “Là Kouhei. Anh Haraguchi ấy chính là người đã ghé qua nhà ông Kamio Eiichi vào sáng nay. Theo lời khai của anh Haraguchi thì hôm qua anh ấy có gọi điện cho ông Eiichi vào cả ban ngày và buổi tối vì chuyện liên quan đến buổi họp lớp sắp được tổ chức nhưng không thấy ông Eiichi bắt máy, sáng sớm nay gọi lại vẫn không có ai nghe, anh ấy thấy hơi lo lắng nên đã tìm đến nhà.” Kakitani kể tiếp như sau. Haraguchi bấm chuông điện thoại nội bộ nhưng không thấy ai trả lời. Mặc dù nghĩ bụng không biết có phải ông Eiichi đi vắng không, nhưng khi cậu định mở cửa thì nhận ra cửa không khóa. Cậu đã gọi với vào trong nhưng không thấy ai đáp. Vì nấn ná không muốn vào hẳn nhà khi chưa được phép nên Haraguchi đã đi vòng ra vườn sau để kiểm tra tình hình trong nhà. Thế rồi cậu trông thấy ở góc vườn có mấy chiếc thùng carton được gấp lại đang xếp chồng lên nhau như để giấu giếm thứ gì đó. Cậu ngã ngửa khi bỏ những thùng carton đó ra. Bởi thứ được giấu bên dưới là một con người. Đã thế còn có vẻ giống một xác chết, Haraguchi liền báo cảnh sát ngay tại chỗ, không còn đầu óc đâu để xác nhận xem đó có phải là ông Kamio Eiichi hay không. “Những chuyện xảy ra sau đó chắc cô đã nghe nói rồi nhưng tôi cũng sẽ giải thích một cách ngắn gọn. Cảnh sát tức tốc lao tới và xác nhận người đàn ông đang nằm đó đã tử vong, đồng thời dựa trên lời khai của anh Haraguchi cũng như bằng lái xe tìm thấy trên thi thể, chúng tôi phán đoán người đó có thể là ông Kamio Eiichi. Khi vào trong nhà tìm kiếm thông tin liên lạc của người thân, chúng tôi đã thấy điện thoại bàn có đăng ký số điện thoại với tên của cô Mayo và theo lời khai của anh Haraguchi thì cô chính là con gái của ông Eiichi.” Kakitani ngẩng đầu lên khỏi tập hồ sơ, hỏi: “Đến đây cô có câu hỏi gì không?” “Bố tôi…” nói đến đây giọng Mayo bỗng dưng khản đặc. Cô hắng giọng, nói lại. “Bố tôi đã bị sát hại sao?” Kakitani liếc nhìn những người có vẻ là cấp trên của anh ta, sau đó mới đưa mắt trở lại Mayo. “Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng là như vậy.” “Bố tôi… đã bị sát hại như thế nào vậy? Khi nãy… lúc nhìn thi thể của ông, tôi không rõ lắm.” “Chuyện đó,” Kakitani nói, đoạn lại liếc nhìn các cấp trên của mình rồi mới lắc đầu. “Chúng tôi chưa thể nói được gì. Sau đây chúng tôi sẽ chuyển thi thể của ông Eiichi cho bên khám nghiệm pháp y. Cho đến lúc đó, chúng tôi không thể phát ngôn tùy tiện được.” “Bố tôi không bị đâm chém bằng dao hay thứ vũ khí gì đó đúng không?” “Xin lỗi, tôi chưa thể trả lời được.” “Hay là ông ấy bị đánh?” Kakitani im lặng. Mayo không biết anh ta đang phủ nhận, hay đang từ chối trả lời. “Còn hung thủ thì sao? Vừa nãy các anh còn hỏi cả chứng cứ ngoại phạm của tôi, chứng tỏ các anh vẫn chưa bắt được hung thủ đúng không?” “Vâng,” Kakitani đáp. “Chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu điều tra.” “Còn manh mối? Các anh đã có manh mối gì về hung thủ chưa?” “Này cô!” Đúng lúc Kakitani đang định nói gì đó thì có tiếng người chen ngang. Người đàn ông mặc đồng phục, nom có vẻ là người quyền lực nhất trong số này nhìn Mayo. “Những chuyện đó cô cứ để chúng tôi lo. Bằng mọi giá chúng tôi sẽ bắt được hung thủ.” “Nhưng các anh…” Mayo định nói tiếp là “… cho tôi biết một chút cũng được chứ sao?” song cô cố nén lại. Tiết lộ thông tin chi tiết cho gia đình nạn nhân cũng chẳng ích gì cho việc điều tra. Có lẽ cảnh sát đang nghĩ như vậy, và xem ra đó cũng là sự thật. “Chúng tôi hỏi cô được chứ?” Kakitani ngỏ ý. “Xin mời,” Mayo đáp. “Câu hỏi của tôi nghe có phần cũ rích, nhưng cô có nghĩ ra chuyện gì không? Đại loại như bố cô có bất hòa với ai đó, hay có dính líu đến rắc rối gì đó không?” “Tôi chẳng nghĩ ra chuyện gì cả,” Mayo phủ nhận ngay lập tức. “Cô có thể nghĩ kỹ hơn được không?” Mayo chậm rãi lắc đầu. “Sau khi ra khỏi nhà, trên đường tới đây tôi đã nghĩ mãi. Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ bố mình lại bị sát hại, nhưng tôi cũng cho rằng kể cả bố tôi không phạm phải sai lầm gì đi nữa thì vẫn có thể bị người ta thù ghét, kiểu như làm ơn mắc oán hay bị ghen ăn tức ở gì đó, vì thế tôi đã suy nghĩ đủ mọi nhẽ. Nhưng quả thực tôi không thể nghĩ ra chuyện gì. Theo tôi chuyện này chỉ có thể là kiểu giết người bừa bãi, giết người vô cớ gì đó thôi.” Mayo nén cảm xúc, khi đã nói xong cô quay sang nhìn Kakitani. Viên cảnh sát chớp chớp mắt, khẽ gật gù. “Tôi đã rõ. Vậy tôi xin đổi câu hỏi. Trong nhà ông Kamio Eiichi, tức nhà bố mẹ cô, có thứ gì đắt tiền hoặc quý hiếm không? Hay có thể nói là thứ gì đó có nguy cơ bị mất trộm cũng được.” Mayo tròn xoe mắt. “Đây có thể là tội ác của một tên trộm ư?” “Chúng tôi cũng đang nghĩ tới khả năng đó. Cô thấy thế nào?” Xem ra đã có dấu vết của kẻ nào đó đột nhập vào nhà. Vừa nãy Kakitani nói rằng anh ta đã tìm kiếm trong nhà và biết được thông tin liên lạc của Mayo từ điện thoại bàn. Nếu cửa nhà đang khóa, chắc hẳn họ đã không tự tiện đi vào. Hình dung cảnh tượng căn nhà bị kẻ nào đó lục tung lên càng khiến tâm trạng Mayo thêm phần u ám. “Tôi không nghĩ ra thứ gì cả. Ít nhất tôi chưa từng nhìn thấy những thứ như vậy trong nhà.” “Vậy à? Nhưng liệu cô có thể kiểm tra giúp chúng tôi xem nhà cô có bị mất trộm thứ gì không?” “Không vấn đề gì, nhưng đi ngay bây giờ à?” “Hôm nay muộn rồi, để sáng mai có được không?” “Được. Tôi cứ tới thẳng nhà là được đúng không?” “À không, chúng tôi sẽ đến đón cô. Cô đã quyết định chỗ trọ đêm nay chưa?” “Rồi, tôi sẽ trọ ở Hotel Marumiya.” Viên cảnh sát gọi cho Mayo lúc ban ngày đã ngỏ ý muốn cô hợp tác giữ nguyên hiện trường trong một thời gian, bởi vậy cô đã gấp rút đặt phòng trọ. Quê cô tuy còn thiếu thốn nhưng dẫu sao cũng là đất du lịch nên cô không gặp khó khăn gì với việc này. “Hotel Marumiya phải không ạ? Tôi hiểu rồi.” Kakitani ghi chép lại, đoạn ngẩng mặt lên nói: “Nhân tiện cho tôi hỏi, cô có biết gì về kế hoạch của ông Kamio Eiichi cuối tuần trước không? Chẳng hạn, cô có nghe được những thông tin đại loại như ông ấy dự định đi đâu, gặp ai không?” “Tôi không nghe được thông tin gì đặc biệt. Vì dạo gần đây bố con tôi không hay liên lạc với nhau cho lắm.” “Vậy à?…” Kakitani lại liếc mắt thăm dò cấp trên của mình. Phải chăng câu hỏi vừa rồi của anh ta hàm chứa một ý nghĩa quan trọng gì đó? Sau đó Kakitani hỏi Mayo lần cuối cùng cô gặp bố là khi nào, hai người đã nói chuyện gì với nhau. Đó cũng là những điều Mayo nghĩ đến khi đứng trước thi thể ông Eiichi khi nãy, song lúc này cô cũng không nhớ được gì rõ ràng, đành trả lời rằng lần trước cô về quê là lần cuối cùng hai bố con gặp nhau nhưng cô không nhớ đã nói chuyện gì với bố. Cuối cùng, cảnh sát yêu cầu Mayo làm rất nhiều thủ tục. Đại loại như chấp thuận để họ điều tra điện thoại di động của ông Eiichi hay lấy giấy đăng ký cư trú và sổ hộ tịch. Mặc dầu cảm thấy không thoải mái khi phải phơi bày đời tư của bố song Mayo vẫn gạt đi cảm xúc cá nhân, tự nhủ để phục vụ công tác điều tra thì chẳng còn cách nào khác. Mayo rời sở cảnh sát lúc hơn 7 giờ tối. Kakitani tiễn cô ra tận cửa. Anh ta còn ngỏ ý gọi taxi giúp nên cô quyết định đón nhận sự nhiệt tình ấy. Sau khi gọi điện lên tổng đài taxi, Kakitani vừa cất điện thoại vào túi trong vừa cúi đầu áy náy. “Cô mệt lắm phải không? Thật xin lỗi cô, tự nhiên lại bị cả đám người vây quanh. Tại vùng này hiếm khi xảy ra án mạng nên những người đứng đầu sở chúng tôi cũng đang cảm thấy gánh nặng đặt trên vai.” Xem ra người đàn ông quyền uy ban nãy là sở trưởng sở cảnh sát. “Không sao đâu,” Mayo đáp gọn lỏn. “Tôi hiểu cảm giác của cô, chắc hẳn bây giờ cô đang đau buồn lắm. Một người đàn ông được mọi người tôn kính đến như thế mà lại bị sát hại, tôi chỉ có thể nói đây đúng là một bi kịch phi lý. Chính tôi cũng cảm thấy căm thù tên hung thủ đó từ tận xương tủy.” “Đến như thế ư?” Mayo quay sang nhìn Kakitani. “Anh biết bố tôi sao?” “Vâng,” anh ta đáp. “Tôi cũng là dân vùng này. Hồi học cấp hai, tôi được thầy Kamio dạy môn ngữ văn.” “À… hóa ra là vậy.” “Nhất định tôi sẽ bắt được hung thủ. Tôi xin hứa.” “Cảm ơn anh. Trăm sự nhờ các anh,” vừa nói lời cảm ơn, Mayo vừa gặm nhấm cảm giác được cứu rỗi dù ít ỏi. Cuối cùng taxi cũng tới. Vào giây phút rời khỏi sở cảnh sát, Mayo chợt nhớ ra lần trò chuyện cuối cùng giữa hai bố con. Đó là lúc cô gọi điện thông báo cho ông Eiichi về lịch trình hôm diễn ra đám cưới. Ngay trước khi cúp máy, bố cô đã nói: “Cuối cùng Mayo cũng sắp thành cô dâu rồi. Con phải hạnh phúc đấy nhé.” 4 Nghe tiếng chuông báo thức, Mayo mở mắt. Cô với tay lấy chiếc điện thoại để cạnh giường, tắt chuông báo thức. Bấy giờ đang là 7 giờ sáng. Những tia nắng gay gắt lọt qua khe rèm. Cuối cùng trời cũng sáng rồi. Đêm qua Mayo đã thức giấc mấy lần. Nhìn ra cửa sổ thấy trời vẫn tối đen như mực, cô định ngủ tiếp nhưng không tài nào ngủ sâu giấc được. Lúc này cũng thế, cô mở mắt không phải vì tiếng chuông báo thức. Đầu óc cô đã tỉnh táo từ lâu rồi, chỉ là cô không có sức ngồi dậy nên cứ cuộn tròn trong chăn. Mayo lấy hết quyết tâm lật tung chăn ra, ngồi bật dậy. Đã lâu lắm rồi cô mới nằm ngủ trên chiếu tatami, nhưng đó không phải lý do khiến cô ngủ không ngon giấc. Khuôn mặt ông Eiichi, khuôn mặt của người bố đã lìa trần mà cô nhìn thấy trong phòng chứa thi thể đã in sâu vào tâm trí cô. Đồng thời, trong đầu cô lần lượt sống lại hình ảnh ông Eiichi khi còn mạnh khỏe cũng như những khoảnh khắc cả gia đình vui vẻ bên nhau, mỗi lần như thế nỗi đau đớn lại ập đến, bủa vây lấy cô. Thậm chí, Mayo còn rơi vào trạng thái căm ghét bản thân, cô nghĩ mình đúng là đứa con gái vô tâm khi tin tưởng mù quáng rằng bố sẽ mãi khỏe mạnh như thế. Mayo đi vệ sinh rồi ra bồn rửa mặt. Mặt mũi cô thật nặng nề, chắc là do thiếu ngủ. Khuôn mặt Mayo trong gương tuy chưa đến mức có quầng thâm dưới mắt nhưng rõ ràng đang rất thiếu sinh khí. Cô dùng hai tay vỗ bôm bốp vào má, cốt để lên dây cót cho cả da dẻ lẫn tinh thần mình. Chỗ cô trọ lần này có phục vụ bữa sáng. Mặc dù chẳng thiết ăn uống gì, song Mayo vẫn quyết định tới nhà ăn. Có lẽ hôm nay sẽ là một ngày rất dài. Nếu không bỏ bụng thứ gì chắc cơ thể cô không chống đỡ nổi mất. Đúng lúc Mayo cầm điện thoại lên thì thấy có tin nhắn. Là của Kenta. “Chào em. Em ngủ được chút nào không? Chắc anh cũng nên đến đó với em thì hơn nhỉ?” Tối qua Mayo đã gọi điện cho Kenta để kể về nội dung cuộc trao đổi ở sở cảnh sát. Khi biết nhiều khả năng đây là một vụ án mạng, anh một lần nữa tỏ ra rất ngạc nhiên. Chắc hẳn Kenta cũng lo lắng không biết chuyện đám cưới sẽ thế nào song anh không nói ra. Có lẽ anh nghĩ giờ không phải lúc để làm vậy. Mayo suy nghĩ một lát, đoạn nhắn lại: “Em ngủ không say giấc nhưng vẫn khỏe lắm. Trước mắt hôm nay em sẽ về nhà. Em đi một mình được nên anh đừng lo.” Một mặt cô muốn có Kenta bên cạnh, nhưng mặt khác cô lại có cảm giác mình không được phép ỷ lại vào anh. Kenta cũng có những việc riêng cần làm. Dù sao hai người vẫn chưa phải là vợ chồng. Lúc đến nhà ăn, ngoài Mayo ra không có vị khách nào khác. Ngẫm ra thì từ tối qua đến giờ cô chưa nhìn thấy bóng người nào ở lữ quán này. Một phần vì đang là ngày thường, nhưng cũng có thể là do ảnh hưởng của dịch Corona. “Chào cô,” một người phụ nữ trung niên mặc tạp dề đon đả chào Mayo. Tối hôm qua lúc nhận phòng cô đã biết người phụ nữ này chính là bà chủ. Xem chừng Mayo có thể ngồi bất cứ chỗ nào, bởi vậy cô quyết định ngồi xuống chiếc bàn dành cho bốn người ở gần cửa sổ. Bà chủ bưng thức ăn tới. Một bữa sáng truyền thống với món cá nướng là chủ đạo. Nhìn món củ cải xay nhuyễn đi kèm, Mayo bỗng hơi thèm ăn. “Cháu mời cô,” Mayo chắp hai tay vào nhau lẩm bẩm, đoạn cầm đôi đũa dùng một lần lên. Vừa húp một ngụm canh miso thơm lừng, Mayo đã cảm thấy tất cả các tế bào trong cơ thể như bừng tỉnh. Món cá nướng cũng rất ngon miệng, cô trộm nghĩ nếu như đây chỉ đơn giản là chuyến du lịch một mình thì hạnh phúc biết mấy. Mayo để mắt đến tấm poster dán trên tường khi đã dùng được khoảng một nửa bữa sáng. Đó là bức tranh minh họa vẽ một cậu thanh niên trẻ tuổi với vẻ mặt quả cảm đang trèo lên một vách đá cheo leo, dựng đứng. Mayo cũng biết rõ nhân vật ấy. Đó là nhân vật chính trong một tác phẩm truyện tranh nổi tiếng. Trên tấm poster có đề dòng chữ “Quyết tâm xây dựng Ngôi nhà mê cung ảo! Dự kiến mở cửa tháng 5 năm sau.” Mayo chợt nhớ đúng là có chuyện đấy thật. Hình như cô đã đọc được qua tin tức trên mạng. Trong lúc Mayo đang suy nghĩ mơ màng thì có tiếng người bắt chuyện: “Cô đến đây công tác à?” Bà chủ lữ quán đang lại gần, cầm ấm trà rót thêm vào chén của Mayo. “À vâng, đại loại vậy,” Mayo trả lời lấp lửng. Cô có cảm giác nếu nói nhà mình ở đây thì sẽ bị hỏi này hỏi nọ. “Vậy à, vất vả ghê. Đang lúc thế này…” Điệu bộ bà chủ như muốn nói chọn lúc nào không chọn lại chọn đúng lúc đang có dấu hiệu bùng phát dịch như thế này. Bà chủ chỉ tay vào tấm poster: “Cô có biết cái này không?” “Cháu có. Mê cung những bộ não ảo đúng không ạ?” Hay thường được gọi là Mê cung ảo. Giới trẻ bây giờ cứ thấy cái tên nào hơi dài một chút là lại muốn rút ngắn lại. “Chắc tôi nên gỡ tấm poster này xuống thôi. Kế hoạch đó đã bị phá sản rồi mà. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ thấy tiếc,” bà chủ nói. “Dự kiến mở cửa vào tháng 5 năm sau cô nhỉ?” Bà chủ lữ quán nở một nụ cười thiểu não, thiếu sức sống. “Tôi dán tấm poster đó từ năm ngoái vào dịp đầu năm mới, nên thực chất là tháng 5 năm nay đấy. Lúc đó có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ dịch Corona lại khiến mọi chuyện thành ra thế này.” “Cháu nhớ không nhầm thì đó là kế hoạch tái hiện lại căn nhà trong Mê cung những bộ não ảo phải không ạ?” “Phải, phải,” bà chủ gật đầu. “Thực ra tác giả của bộ phim hoạt hình này vốn xuất thân từ vùng này đấy.” “À, vậy ạ?” Dĩ nhiên Mayo biết điều đó, song cô vờ như mới nghe lần đầu. “Trong bộ phim đó, thị trấn mà nhân vật chính sinh sống được lấy hình mẫu từ vùng đất này. Vì thế người ta đã đề xuất ý tưởng tái hiện nguyên xi căn nhà của nhân vật đó. Ở đây có viết này: Ngôi nhà mê cung ảo.” “Đó là ngôi nhà nơi Số Không Azuma chìm vào giấc ngủ phải không ạ?” Mayo nói ra tên nhân vật chính. “Đúng rồi,” bà chủ nheo mắt cười thỏa mãn. “Cô cũng thích Mê cung những bộ não ảo à?” “Trước đây thi thoảng cháu có đọc.” Nghe câu trả lời của Mayo, bà chủ tròn xoe mắt tỏ ý hơi ngạc nhiên. “Đọc, ý cô là đọc truyện tranh á? Con gái mà đọc truyện tranh thì hơi hiếm nhỉ?” “Bởi vậy cháu mới nói là chỉ thi thoảng lắm mới đọc.” “Vậy à? Hồi ra truyện tranh, tôi chẳng hay biết gì. Nhưng mấy thằng nhà tôi thì mải mê xem bộ phim hoạt hình đó, tôi bèn hỏi sao các con xem say sưa thế, chúng trả lời là vì nó rất hay, lại còn mô phỏng thị trấn mình nữa. Thế là thi thoảng tôi cũng xem. Thấy những địa điểm quen thuộc được tái hiện nguyên vẹn trên phim, tôi vui lắm. Nói thế nhưng mỗi tập chỉ có một đoạn ngắn là quay cảnh thị trấn này thôi.” “Tại vì bối cảnh chính của nó là ở trong mê cung mà.” “Cái mê cung đấy đúng là hoành tráng thật. Tôi cực kỳ thán phục tác giả vì có thể nghĩ ra một thứ như thế. Không biết rốt cuộc đầu óc của những người viết truyện tranh cấu tạo như thế nào nhỉ,” bà chủ vừa than thở vừa đưa mắt nhìn lên tấm poster một lần nữa, đoạn bất ngờ buông tiếng thở dài. “Nếu không có dịch Corona thì chắc giờ này ở đây phải náo nhiệt lắm.” “Kế hoạch xây Ngôi nhà mê cung ảo bị dừng từ khi nào vậy cô?” “Họ ra quyết định chính thức vào khoảng tháng 6 năm ngoái. Nhưng trước đó cũng có tin đồn là nó sẽ bị đình chỉ rồi. Ai mà biết một năm nữa dịch Corona sẽ chuyển biến ra sao, vả lại cho dù có khống chế được ít nhiều thì cũng chẳng ai dự đoán được lượng khách đến đây như thế nào. Ví thử các fan hâm mộ phim hoạt hình kéo tới nghìn nghịt thì lúc đó người ta lại quay ra sợ lây bệnh. Mọi cánh cửa đều đóng cô ạ.” Câu chuyện bà chủ nói chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Thế vận hội Tokyo bị hoãn, Disneyland đóng cửa trong một thời gian dài. Có thể nói những hoạt động kiểu như mở cửa một phòng kỷ niệm phim hoạt hình vào năm sau chỉ là một câu chuyện hão huyền, phi thực. “Đáng tiếc thật, chắc là có nhiều người mong chờ nó lắm,” Mayo nói. Đó không phải một câu nói xã giao mà thực tâm cô nghĩ vậy. Bà chủ gật đầu, sau đó liền nhăn mặt. “Nếu chỉ tiếc thôi còn đỡ, đằng này có rất nhiều người phải chịu tổn thất nặng nề cơ.” “Vậy cơ ạ?” “Vậy đấy. Vốn dĩ kế hoạch đó không phải do một công ty ở đẩu ở đâu khởi xướng mà nó được đề ra nhằm vực dậy thị trấn. Tôi dám chắc dân vùng này đã rót tương đối tiền của vào đấy. Nghe đâu trong số ấy còn có những người bán cả đất đai tổ tiên để lại cốt để xoay tiền. Công trình đã đi được khoảng bảy mươi phần trăm rồi, nhưng số tiền họ bỏ ra cho đến lúc ấy nào có được hoàn lại đâu.” “Ra nông nỗi đó cơ ạ…” Chuyện xảy ra ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình vậy mà Mayo lại mù tịt. Chắc hẳn ông Eiichi cũng biết những chuyện này, song có lẽ ông cho rằng có kể cho cô con gái đang làm việc tận Tokyo cũng chẳng để làm gì. Bà chủ lữ quán nhìn lên đồng hồ treo tường rồi cuống cuồng xua tay. “Xin lỗi quý khách, bắt cô phải ngồi tiếp chuyện tầm phào với tôi rồi.” “Không đâu ạ.” “Mời cô thong thả dùng bữa. Nếu muốn thêm trà, cô cứ gọi tôi bất cứ lúc nào nhé,” bà chủ nói, đoạn cất bước uyển chuyển rời đi. Mayo lại ngắm nhìn tấm poster, cô chăm chú nhìn dòng chữ Tác phẩm của Kugimiya Katsuki. Hình ảnh dáng người nhỏ thó, gầy tong teo, lúc nào cũng cắm mặt xuống đất mà đi vẫn còn lưu lại trong một góc ký ức của Mayo. Cô học chung lớp với Kugimiya từ năm lớp 8. Một thiếu niên không lấy gì làm nổi trội như thế lại có thể cho ra đời một tác phẩm gây sốt, tạo tiếng vang khắp nước Nhật, bởi vậy tương lai của con người đúng là không thể biết trước. Nghĩ đến đây, Mayo chợt nhớ ra. Tsukumi Naoya, cậu bạn đã qua đời vì bệnh tật và Kugimiya Katsuki vốn thân với nhau, lúc nào cũng như hình với bóng. Mayo còn nhớ cho đến trước khi ngã bệnh, Tsukumi vốn là một thủ lĩnh, vì thế Kugimiya thường bị nói xấu sau lưng là “kẻ bám đít Tsukumi”. Theo lời Monoko thì trong buổi họp lớp tới đây, mọi người cùng sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ cho Tsukumi Naoya. Có lẽ vì thế mà Kugimiya dù chắc chắn rất bận rộn nhưng vẫn tham dự. Ăn sáng xong, Mayo trở về phòng. Trong lúc cô đang trang điểm thì có tiếng chuông điện thoại. Là Kakitani. Anh ta hỏi xem khoảng một tiếng nữa tới đón có được không. Mayo trả lời được. Sau đó, cô lấy điện thoại trong phòng gọi cho lễ tân, làm thủ tục gia hạn thời gian trọ. Xem ra hôm nay cô chưa thể quay về Tokyo được. Mayo vừa chuẩn bị xong xuôi đâu đấy thì Kakitani lại gọi. Anh ta đã đến trước cửa lữ quán. Mayo vội vàng đi ra, thấy một chiếc sedan đỗ trên đường, hai người đàn ông đứng bên cạnh. Một người là Kakitani, người còn lại là một thanh niên trẻ. Cả hai đều mặc com-lê. Mayo không khỏi ngạc nhiên bởi cô chắc mẩm họ sẽ đi xe cảnh sát tới, song ngẫm ra thì làm vậy sẽ gây chú ý quá mất. Mayo ngồi cạnh Kakitani ở ghế sau. Thanh niên trẻ kia có vẻ là nhân viên phụ trách lái xe. “Cô đã bình tâm lại chút nào chưa?” Xe vừa xuất phát được một lúc thì Kakitani hỏi. “Vâng thì, cũng tàm tạm.” “Chúng tôi rất hiểu tâm trạng đau khổ của cô, nhưng để sớm bắt được hung thủ chúng tôi cũng mong cô sẽ hợp tác trong quá trình điều tra.” “Tôi hiểu. Tôi mới là người phải nhờ cậy các anh mới đúng.” “Thật không dám. Vậy tôi xin phép vào chủ đề chính luôn, không biết sau đấy cô đã nhớ ra chuyện gì liên quan đến vụ án lần này chưa? Chuyện nhỏ nhặt thôi cũng được.” “Chuyện đó, đêm qua tôi cũng đã thử suy nghĩ rất nhiều nhưng…” “Cô không đoán ra được gì à?” “Xin lỗi anh.” “Cô không cần phải xin lỗi. Những trường hợp như vậy chiếm phần nhiều mà.” “Vâng,” Mayo vừa gật đầu vừa suy nghĩ về ý nghĩa thực sự trong câu nói của Kakitani. Những trường hợp như vậy nghĩa là sao nhỉ? Nghĩa là có nhiều trường hợp nạn nhân bị sát hại một cách vô lý mà không cần lý do gì đặc biệt? Hay thực chất là có tồn tại động cơ giết người nhưng nhiều khi người thân trong nhà không nhận ra? Không hiểu sao Mayo có cảm giác phải chăng Kakitani nói ra câu đó với ý nghĩa thứ hai. Chắc hẳn anh ta cho rằng một đứa con gái rời nhà lên Tokyo sinh sống sao có thể nằm lòng hết mọi thứ về người bố ở quê nhà. Tiếc là Mayo không thể phủ nhận điều đó. Cô lên Tokyo học đại học rồi cứ thế đi làm và bắt đầu cuộc sống thủ đô mà chẳng buồn về quê lấy một lần. Có về thì cùng lắm cũng chỉ một, hai lần và hầu như lần nào cũng ngủ lại độc một đêm. Dạo gần đây bố cô có thú vui gì? Ngay cả một câu hỏi như thế Mayo cũng không thể trả lời cho trọn vẹn. Nhưng, có lẽ mọi chuyện đã như vậy từ trước khi Mayo rời khỏi nhà rồi. Cô không nhớ gì về việc mình đã từng quan tâm đến những chuyện của bố. Mà không, phải nói là cô không có ý định quan tâm mới đúng. Mayo tuyệt đối không ghét bỏ gì bố. Cô rất yêu quý bố và còn kính trọng ông nữa. Có điều, đúng là hai bố con đã cố gắng để không can thiệp quá sâu vào đời tư của nhau. Nhà Kamio có truyền thống làm nghề giáo ở trong vùng từ đời này qua đời khác. Nghe nói ông cố của Mayo dạy môn Khoa học xã hội, còn ông nội cô dạy tiếng Anh. Theo lời kể của bố cô thì ông chưa từng nghĩ đến nghề nào khác ngoài nghề giáo, lúc chọn trường đại học, ông cũng chỉ phân vân xem nên chọn văn học Anh Mỹ hay văn học Nhật Bản, hoặc là lấn sân sang con đường văn học Trung Quốc. Ông quan niệm văn học cổ điển dù của quốc gia nào đi chăng nữa cũng đều là kho tàng chân lý của con người, chắc chắn sẽ trở thành kim chỉ nam để người ta dạy dỗ con trẻ về đạo làm người. Rốt cuộc Eiichi đã chọn văn học Nhật, nhưng lý do chỉ đơn giản “vì cả người dạy và người học đều là người Nhật”. Lúc Mayo đến tuổi nhận biết thì ông Eiichi đã trở thành một nhân vật nức tiếng trong vùng. Một phần cũng vì nhiều nhà có quan hệ giao du với gia đình Mayo từ thời ông cố hay ông nội cô, nhưng trên hết ông Eiichi nổi tiếng nhờ tấm lòng dạy dỗ đầy nhiệt huyết đối với đám học trò. Mayo cũng từng mấy lần nghe người ta bình phẩm rằng, ngay cả với những đứa trẻ có vấn đề, và không, chính vì chúng có vấn đề mà ông luôn sẵn lòng trao đổi với gia đình chúng. Thậm chí có lần ông còn đứng về phía học sinh, chống đối cả nhà trường. Từ hồi tiểu học, Mayo đã được gọi là “con gái thầy Kamio”. Khi đó cô không cảm thấy khó chịu. Bởi mỗi lần họ gọi Mayo như vậy thì thế nào cũng kèm theo những lời ca tụng dành cho bố cô. Làm gì có ai khó chịu khi bố mình được khen ngợi cơ chứ. Thế nhưng khi Mayo lên cấp hai, vào học trường của bố thì mọi chuyện lại khác. Vì ít học sinh nên chỉ có hai lớp. Trong giờ học, việc thấy bố đứng trên bục giảng khiến Mayo không thoải mái, lúc nào cô cũng cúi gằm mặt xuống. Cô cũng ngộ ra thầy giáo Kamio Eiichi không chỉ là một giáo viên hiền lành và biết điều. Lẽ đương nhiên, thầy cũng rất nghiêm khắc với những học sinh thiếu nghiêm túc. Ngay cả chuyện thầy mang trong mình tính bảo thủ, không bỏ qua một lỗi vi phạm nhỏ nhặt nào cũng là một điều mà trước đó Mayo không hề hay biết. Một hôm trên đường đi học về, Mayo bắt gặp các bạn cùng lớp đang chơi ở cửa hàng điện tử. Một đứa trong số đó phát hiện ra Mayo, liền thì thầm gì đấy với lũ bạn. Lúc đó Mayo đã có dự cảm chẳng lành, y như rằng mấy hôm sau nó đã trở thành hiện thực. Đám bạn đó bị gọi lên phòng giáo viên nhắc nhở. Nghe đâu là do một người dân bảo với nhà trường, song bọn chúng không tin. Chúng đoán già đoán non và lan truyền tin đồn rằng chính Mayo đã mách lẻo với thầy Eiichi. Từ hôm đó trở đi, một số bạn cùng lớp Mayo bắt đầu có thái độ xa lánh cô. Dĩ nhiên không phải lúc nào Mayo cũng toàn gặp chuyện xui xẻo. Trong đám học trò của ông Eiichi cũng có không ít người ngưỡng mộ thầy giáo. Họ cư xử với Mayo một cách thoải mái, giống như khi cư xử với những bạn cùng lớp khác. Song nếu bảo những năm tháng cấp hai của Mayo không hề ngộp thở thì sẽ là nói dối. Nghĩ đến địa vị của bố, dĩ nhiên Mayo không được phép phá vỡ các quy tắc trường học, cô cũng phải tuyệt đối tránh làm những việc khiến cho các giáo viên khác nhắc nhở. Cô cần đạt thành tích trên một mức nhất định, chưa kể dù có bất mãn gì với trường học cũng không được ho he nói ra. Và trên hết là cô phải chú ý để không trở nên nổi bật. Một học sinh ưu tú, kiệm lời và giản dị. Đó chính là vai diễn mà Mayo phải diễn suốt thời cấp hai. Dĩ nhiên cô cũng giữ khoảng cách với bố. Ngay cả khi ở nhà. Có lẽ ông Eiichi cũng đã cảm nhận được và hiểu cho những cảm xúc đó của con gái. Mayo nhận thấy ngay cả lúc ở nhà, ông Eiichi cũng không cố ý quay trở về quan hệ cha và con gái. Ông tuyệt đối không nói nửa lời thuyết giáo và cố gắng cư xử với cô con gái học cấp hai như một người lớn. Mối quan hệ đó vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi Mayo lên cấp ba. Có lẽ ông Eiichi cảm thấy ngại ngần khi đột nhiên phải thể hiện bộ mặt của một người cha. Về phần mình, Mayo cũng cảm thấy không thoải mái trước việc đến tuổi này rồi còn nhõng nhẽo với bố. Mối quan hệ giữa hai cha con suốt ba năm Mayo học cấp ba là như vậy. Để rồi hai bố con cứ tiếp tục mối quan hệ đó cho đến tận ngày hôm nay mà vẫn chưa thể xích lại gần nhau dù chỉ một bước. Chính vì thế, Mayo mù tịt về bố. Dù ông Eiichi bị sát hại, cô cũng chẳng có thông tin gì để cung cấp cho cảnh sát. 5 Xe dừng tại một địa điểm đã quá đỗi quen thuộc với Mayo. Trên đường có vài ba xe cảnh sát và xe wagon đang đỗ, hai viên cảnh sát mặc đồng phục đứng trước cửa nhà Kamio. Bước ra khỏi xe, Mayo nhìn đăm đăm ngôi nhà của mình và hít thở thật sâu. Ngôi nhà kiểu truyền thống có hàng rào bao quanh vốn dĩ là do ông nội Mayo xây nên. Cứ cách vài năm gia đình cô lại tu sửa tường ngoài rồi mái nhà, bởi vậy ngôi nhà cũng có chút kiểu cách phương Tây hòa cùng nét Nhật. Đã lâu rồi Mayo mới lại ngắm nhìn ngôi nhà như thế này, nhưng với tư cách là một kiến trúc sư, cô thấy đây là một ngôi nhà có phong vị lạ lùng. Cửa những chiếc xe cảnh sát và xe wagon đang đỗ mở ra. Vài người đàn ông mặc com-lê nối nhau bước xuống. Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang. Đáng lý ra đây sẽ là một cảnh tượng kỳ quặc, song từ thời bùng phát đại dịch Corona thì chuyện này đã trở nên hết sức quen thuộc. Một người đàn ông bước đến chỗ Mayo. Ông ta không đeo khẩu trang, đôi mắt híp tịt như mắt cáo. Đôi mắt đó nhìn chằm chằm Mayo soi mói, đồng thời hỏi Kakitani: “Đây là con gái của nạn nhân?” “Vâng. Đây là cô Kamio Mayo,” Kakitani đáp, đoạn nhìn sang Mayo. “Các anh đây đến từ Trụ sở cảnh sát tỉnh để hỗ trợ chúng tôi.” “À… vâng.” Được giới thiệu theo cách này, Mayo cũng chẳng biết nên chào hỏi sao cho phải. “Cô đã sống ở ngôi nhà này đến khi nào?” người đàn ông có đôi mắt híp chưa buồn xưng tên đã vội hỏi Mayo bằng giọng mất cảm tình. Mayo âm thầm đặt cho ông ta biệt danh Cáo Già. “Cho đến khoảng mười hai năm trước.” Đó là năm Mayo tốt nghiệp cấp ba, song cô nghĩ không cần thiết để lộ tuổi tác của mình ở đây. “Sau đó cô về quê với tần suất như thế nào? Chỉ về dịp Obon và dịp Tết hay gì?” “Đại để là như vậy.” Cáo Già nhăn mặt một cách lộ liễu. “Nói thế chắc cô cũng chẳng biết gì nhiều chuyện nhà cửa đâu nhỉ? Như chuyện tài sản chẳng hạn.” Đó là một câu hỏi thô lỗ, song Mayo cố kiềm chế để không thể hiện sự khó chịu ra mặt. “Tôi hoàn toàn không hay biết gì cả. Hôm qua tôi cũng đã nói rồi,” Mayo liếc nhìn Kakitani. Cáo Già vừa ậm ờ vừa lấy đầu ngón tay gãi gãi chỗ ấn đường, đoạn buông tiếng thở dài. “Mà thôi, trước mắt cứ để cô kiểm tra đã nhỉ? Không chừng cô sẽ phát hiện ra thứ gì đó,” Cáo Già nói rồi nhìn xuống tay Mayo, sau đó ngoái lại nhìn mấy người đàn ông có vẻ là cấp dưới của ông ta. “Này, ai đó cho cô này mượn găng tay đi.” “À, tôi có mang đây ạ,” Kakitani lấy đôi găng tay trắng ra khỏi túi áo vest. Mayo nhận lấy, đeo vào cả hai tay. Chỉ một hành động đó thôi đã đủ khiến lòng cô dấy lên cảm giác chân thực về việc mình chuẩn bị bước chân vào hiện trường gây án. “Vậy để tôi dẫn đường,” Kakitani bước qua cánh cổng trước tiên. Vào nhà mình mà lại được “dẫn đường” ư? Mayo nối gót Kakitani, trong lòng vẫn thấy gờn gợn. Cáo Già và đồng bọn cũng theo sau. Kakitani mở cửa, nói với Mayo: “Xin mời.” Vừa bước vào thềm để giày dép, Mayo đã ngửi thấy mùi long não thoang thoảng. Mùi của thuốc chống côn trùng nhằm bảo vệ sách. Mọi khi thứ mùi này vẫn luôn đem lại cảm giác hoài niệm cho Mayo nhưng riêng hôm nay nỗi đau buồn đã chiến thắng. Kakitani băng qua hành lang đen bóng để mở cửa. Đó vốn là phòng khách nhưng dạo gần đây ông Eiichi đã trưng dụng làm thư phòng. Đứng ở cửa liếc vào, Mayo không khỏi sững sờ. Bởi sàn nhà vương vãi đủ thứ hầm bà lằng đến nỗi không còn chỗ mà đứng. Tài liệu, túi giấy, kính, đồng hồ, dụng cụ ghi chép, thuốc, đĩa CD, DVD, băng cassette, băng video… Hoàn toàn không có một chút trật tự nào. “Thật kinh khủng,” Mayo bất giác lẩm bẩm. “Tôi nghĩ chắc không cần phải hỏi…” Kakitani đứng bên cạnh nói. “Nhưng tình trạng này không giống bình thường phải không? Ý tôi là, thường ngày căn phòng này không bừa bộn như thế đâu nhỉ?” “Đương nhiên rồi. Không đời nào có chuyện như vậy. Trái lại, bố tôi là người ưa sạch sẽ, luôn để tâm đến việc giữ cho mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp. Ông còn quy định rõ thứ gì cất ở đâu, hiếm khi có chuyện ông lấy thứ gì đó ra mà không cất lại về chỗ cũ.” “Hẳn là thế rồi. Hình ảnh thầy Kamio trong trí nhớ của tôi cũng giống như vậy.” Mayo thận trọng bước vào. Phòng khách rộng chừng hai mươi chiếu, bàn, ghế sofa, rồi bàn đọc sách được bố trí với khoảng cách vừa phải. Song điều làm nên đặc trưng của căn phòng này chính là giá sách được gắn vào tường. Nghe kể lúc ông nội Mayo xây ngôi nhà này đã cho đóng giá sách ấy, nó cao đến tận trần nhà. Tầng trên cùng chủ yếu là sách Anh-Mỹ do ông nội sưu tầm được. Từ tầng dưới trở xuống phần lớn là các bộ sưu tập sách của ông Eiichi, trong đó văn học Nhật chiếm chủ đạo. Ở trong góc, những tài liệu liên quan đến trường học được ông Eiichi sắp xếp theo từng niên khóa, chỉn chu như chính con người ông. Kệ sách từ tầng giữa cho đến tầng dưới đều có cửa, nhưng phần lớn trong số đó đang mở. Nhìn vào trong, Mayo thấy có vài ngăn rỗng không. Cáo Già đút hai tay vào túi, tiến đến gần giá sách. “Liệu chúng ta có nên nghĩ rằng hầu hết những thứ đang vương vãi dưới sàn vốn dĩ đều được cất ở trong này không nhỉ? Cô nghĩ sao?” Cáo Già ngoái lại nhìn Mayo. “Tôi nghĩ vậy. Mặc dù tôi cũng không rõ lắm.” Ở các ngăn có cửa, ông Eiichi chủ yếu cất những vật dụng không phải sách. Trong số đó có một lượng lớn đĩa nhạc và đĩa phim. Ngoài văn học, ông Eiichi còn có sở thích nghe nhạc và xem phim nữa. “Cô xem có bị mất thứ gì không? Đại loại như thứ gì đó đặc biệt quý giá hoặc thứ gì mà nạn nhân cực kỳ trân trọng chẳng hạn,” Cáo Già hỏi. Mayo hết nhìn giá sách lại nhìn đống đồ vương vãi dưới sàn, lắc đầu. “Thú thực là tôi không biết. Bởi tôi cũng không nắm rõ ngăn nào chứa cái gì. Với lại hôm qua tôi cũng nói rồi, tôi chưa từng nghe trong nhà có thứ gì đặc biệt giá trị cả.” “Nói thì nói thế nhưng làm gì có chuyện không có nổi thứ gì quý giá. Hồi còn sống ở đây, chẳng lẽ cô chưa từng thấy bố mình cất thứ gì như vậy à? Kiểu như một chỗ cất giữ thay cho két sắt ấy.” “Thay cho két sắt ư? Nếu vậy thì…” Mayo lại gần bàn đọc sách. Ngăn kéo ở đó cũng bị lôi ra, đồ vật bên trong đều bị hất đổ xuống sàn. Trong đống đó, Mayo tìm thấy hai cuốn sổ ngân hàng. “À, quả nhiên… Những thứ đồ quan trọng bố tôi đều cất trong ngăn kéo này.” “Đừng có sờ vào đấy,” đúng lúc Mayo toan nhặt cuốn sổ lên thì nghe thấy giọng nói chói tai của Cáo Già, cô liền giật mình rụt tay lại. “Xin thứ lỗi.” Cáo Già lạnh lùng nói. “Cảm phiền cô không tùy tiện đụng tay vào những đồ đạc ở hiện trường. Mấy cuốn sổ ngân hàng đó, chúng tôi cũng đang kiểm tra rồi. Ngoài ra nhà cô còn thứ gì đáng giá nữa không? Như đá quý chẳng hạn.” “Đá quý…” “Nghe nói mẹ cô mất rồi nhỉ? Liệu nhà cô có những thứ như đồ trang sức hay nhẫn nhủng gì không?” “Có, nhưng tôi đang giữ chúng.” “Cô ư?” “Lúc mẹ qua đời, bố đã đưa cho tôi. Bố tôi bảo ông có giữ cũng chẳng để làm gì, vả lại những thứ đó mẹ cũng định để lại cho tôi. Với cả…” Mayo nói tiếp. “Tuy chúng là những đồ vật đong đầy kỷ niệm nhưng cũng không có giá trị ghê gớm gì đâu. Chí ít thì tôi cho rằng chẳng ai thèm muốn chúng đến mức phải đột nhập vào nhà để ăn trộm cả.” “Ra vậy,” Cáo Già gật đầu tỏ ý đã hiểu, song nhìn ông ta có vẻ như ngay từ đầu đã không mong chờ một câu trả lời ra tấm ra món. “Nếu buộc phải tìm ra thứ quý giá…” Mayo nhìn lên giá sách. “Thì chắc là sách rồi.” “Sách?” “Cả ông nội và bố tôi đều là những người nghiên cứu về văn học, vì vậy họ sưu tầm rất nhiều sách từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Không chừng trong số đó có cả những cuốn sách quý.” “À,” Cáo Già nhìn ngắm giá sách với vẻ mặt không mấy hứng thú. “Nhưng theo tôi quan sát thì không có dấu hiệu gì cho thấy đống sách này đã bị lục tung lên cả. Có vẻ như hung thủ cũng không quan tâm đến sách vở cho lắm.” “Hình như vậy…” “Có chuyện gì thế, anh là ai?” Mayo vừa rời mắt khỏi giá sách thì nghe thấy tiếng người nói ngoài cửa. “Hiện cảnh sát đang điều tra. Vui lòng không tùy tiện vào đây.” “Các người mới là những kẻ tùy tiện. Rốt cuộc ai cho phép các người vào đây?” Có tiếng người đáp trả. Mayo như chết lặng đi. Bởi cô biết chủ nhân của giọng nói ấy. Nhưng, chẳng có lẽ… Cáo Già chau mày, nhìn ra phía hành lang. “Sao đấy?” “À, chuyện là, có một người đàn ông tự nhận là chủ nhân của ngôi nhà này…” Viên cảnh sát cấp dưới đáp lại. “Chủ nhân?” “Vướng chân quá. Đã bảo tránh ra cho tôi qua rồi mà. Tại sao lại tập trung đông người như thế này? Tất cả các người đều có kháng thể virus Corona rồi hả?” Người đó vừa mắng té tát vừa rẽ đám cảnh sát để xuất hiện trước mặt Mayo. Người đàn ông đó chẳng thay đổi gì, vẫn dáng người cao gầy, mái tóc xoăn tự nhiên dài ngang vai, râu ria lởm chởm. Ông ta mặc một chiếc áo khoác quân đội, nom có vẻ đã khá cũ. “Anh là?” Cáo Già hỏi. “Tôi nghĩ trước khi hỏi tên người khác thì chủ động xưng tên mình mới phải phép, nhưng thôi. Từ nãy tới giờ tôi đã nhắc đi nhắc lại với đám người ngu ngốc kia rồi, tôi là chủ nhân của ngôi nhà này. Nếu anh nghĩ tôi nói dối thì cứ việc đi hỏi cơ quan công quyền hay hỏi đâu thì hỏi,” từ xưa người đàn ông này đã có cái kiểu nói nhanh mà vẫn trôi chảy. Mayo không biết đó là khả năng thiên phú hay là thành quả có được nhờ luyện tập. “A,” người thốt lên chính là Kakitani bấy giờ đang đứng bên cạnh Mayo. “Không lẽ anh là…” Cáo Già quay sang nhìn Kakitani vẻ ngờ vực. “Sáng nay tôi đã cho cấp dưới điều tra sổ hộ tịch của ngôi nhà này. Và đúng là ngoài tên của nạn nhân ra còn có tên của một người khác nữa,” Kakitani mở cuốn sổ tay vừa lấy khỏi túi áo trong. “Xem nào, anh có phải Kamio Takeshi, em trai của Kamio Eiichi không?” Người đàn ông mặc áo khoác quân đội, Kamio Takeshi, chú ruột của Mayo cong môi lên nhìn về phía Kakitani với vẻ không bằng lòng. “Nếu đã điều tra đến mức đấy rồi, sao cậu không nói với lũ đần độn ngoài cửa? Nhờ cậu mà tôi phải tốn nước bọt với bọn họ đấy.” “Không, nhưng mà, chúng tôi không ngờ anh lại về đúng hôm nay…” “Về nhà mình lúc nào là quyền của tôi cơ mà. Với lại các người không có quyền tự tiện vào nhà chúng tôi. Mời các người ra ngay cho,” Takeshi chỉ tay ra cửa. Cáo Già vừa lừ mắt nhìn kẻ xâm nhập bất thình lình, vừa dùng tay trái rút điện thoại ra khỏi túi áo vest. Đoạn ông ta mau lẹ dùng tay phải thao tác trước khi áp lên tai. “Tôi đây. Tôi muốn cậu tìm hiểu một việc. Có sổ hộ tịch của nhà Kamio ở đây không?… Phải rồi. Tôi nghe nói ngoài nạn nhân ra còn một người khác nữa, chuyện đó có thật không?… Tên anh ta là gì?… Hừm, viết như thế nào?… Thế à, tôi biết rồi,” sau khi tắt máy, Cáo Già bèn cất điện thoại vào túi trong. “Có vẻ như anh đã xác nhận được rồi nhỉ?” Takeshi nói. “Anh có giấy tờ tùy thân không? Giấy phép lái xe chẳng hạn.” “Anh vẫn nghi ngờ sao?” “Tôi hỏi cho chắc thôi.” “Xin lỗi,” Mayo lên tiếng. “Không nhầm lẫn gì đâu. Người này là…” Mayo định nói tiếp “… chú của tôi.” Song Takeshi lại giơ tay phải về phía cô như để ngăn lại. Sau đó, Takeshi lấy ví ra khỏi túi của chiếc quần túi hộp, đoạn rút giấy phép lái xe ra. “Anh cứ việc nhìn cho kỹ.” Takeshi nói rồi chìa ra trước mặt Cáo Già. Chuyện xảy ra đúng lúc Cáo Già vươn tay ra để nhận lấy giấy phép lái xe. Nhanh như chớp, Takeshi thò tay vào bên trong áo khoác của đối phương, rút ra thứ gì đó từ ngực áo ông ta. Đó là một cuốn sổ tay cảnh sát màu đen. “Ô hay, cái anh này, anh làm trò gì thế?” Đôi mắt híp tịt của Cáo Già hơi mở to. “Đằng này đã xuất trình giấy tờ tùy thân của mình rồi, đằng ấy mà không xuất trình thì còn gì là công bằng nữa,” Takeshi mở cuốn sổ. “Hừm, thanh tra cảnh sát Kogure à. Tiếc thật đấy, Mayo. Giá kể đây mà là chánh thanh tra Maigret thì chúng ta đã được nhờ rồi,” Takeshi giơ giấy tờ tùy thân của Cáo Già về phía Mayo. Nhân vật thanh tra cảnh sát người Pháp trong loạt tác phẩm của nhà văn Georges Simenon. Bên dưới ảnh chân dung của Cáo Già là dòng chữ Kogure Daisuke. “Trả đây,” Kogure gào lên. “Không cần anh nói tôi cũng trả. Nhưng mà anh đã xác nhận được thân phận của tôi chưa?” Kogure liếc nhìn giấy phép lái xe đang cầm trên tay, sau đó chìa trước mặt Takeshi với bộ mặt ngao ngán. Takeshi liền nở một nụ cười đầy ẩn ý, đoạn lại gần Kogure, trả cuốn sổ vào túi trong bên ngực trái ông ta, sau đó nhận lại giấy phép lái xe của mình. “Giờ tôi hỏi lại lần nữa, các người vào nhà người khác để làm gì vậy?” Takeshi vừa cất lại chiếc ví đã nhét giấy phép lái xe vào túi quần, vừa nói. Kogure đang định nói gì đó song lại thôi, ông ta quay sang phía Mayo: “Cô tự giải thích cho chú mình đi.” Sau khi điều chỉnh lại nhịp thở, Mayo bèn nói với Takeshi: “Bố cháu mất rồi.” Song, Takeshi không biểu lộ cảm xúc gì. Người ngoài nhìn vào không thể biết được người đàn ông này vì quá sửng sốt nên chưa hiểu ra hay chỉ đơn giản là không dao động. “Có người tìm thấy xác bố cháu ở vườn sau và cảnh sát nói nhiều khả năng bố cháu bị sát hại…” Néu mặt Takeshi vẫn không hề thay đổi, ông chú ấy bắt đầu sải bước lại gần khung cửa kính hướng ra vườn sau, chăm chú nhìn ra bên ngoài. “Anh ấy bị sát hại như thế nào? Bị đâm bằng dao hay gì?” Takeshi hỏi, lưng vẫn quay về phía mọi người. “Xin lỗi nhưng chúng tôi không thể trả lời được,” Kogure trả lời. “Trái lại, chúng tôi mới là người đặt câu hỏi. Những điều tôi muốn hỏi anh chất nhiều như núi. Ví dụ như hành tung của anh từ thứ Bảy tuần trước cho đến hôm qua…” “Anh không phải lo, tôi sẽ trả lời các câu hỏi của anh nên hãy đợi một chút. Tôi không biết trong con mắt của anh trông tôi như thế nào, nhưng lúc này tôi đang gặm nhấm nỗi đau mất đi người anh ruột đây.” Nghe Takeshi nói vậy, xem ra ngay cả Kogure cũng không nói lại được gì. Ông ta nhăn mặt, gãi đầu ra chiều lúng túng. Cả Kakitani nom cũng có vẻ khó xử. Một lúc sau, Takeshi xoay người lại, quay trở về chỗ Mayo đang đứng. Người đàn ông ấy dừng bước trước mặt Kogure, nói: “Nào, giờ thì anh cứ việc hỏi bất cứ điều gì. Anh vừa nói là muốn biết hành tung của tôi từ hôm thứ Bảy đến hôm qua nhỉ? Hôm thứ Bảy tôi ở quán suốt từ sáng, không bước chân ra ngoài. Hôm sau thì…” “Stop,” Kogure ngăn lại. “Quán là sao?” “Là quán bar do tôi quản lý. Địa điểm ở Ebisu, tên quán là Trap Hand,” vừa nói Takeshi vừa thò tay vào ngực áo vest của Kogure một lần nữa, lần này chú ấy lấy ra chiếc điện thoại nằm ở túi phải, ngược bên với khi nãy. “Anh cứ thử tìm kiếm là sẽ biết ngay quán của tôi là như thế nào. Nhưng chớ tin vào những lời nhận xét. Toàn những lời tào lao của mấy kẻ nghèo rớt mồng tơi, mù tịt về hương vị của các loại rượu ấy mà.” “Đừng có tùy tiện động vào túi của người khác.” Kogure giật lại chiếc điện thoại từ tay Takeshi. “Tôi chỉ giúp anh đỡ mất công lấy ra thôi. Sao nào, anh không tìm à? Để tôi đọc lại tên quán nhé. Trap Hand.” “Tôi sẽ xem kỹ sau,” Kogure cất điện thoại vào túi trong. “Anh nói là không bước chân ra ngoài, anh có chứng minh được không?” “Chuyện đó nói thế nào nhỉ? Quán tôi mở cửa vào ban đêm, cho đến lúc đấy tôi chẳng gặp gỡ ai cả. Không phải lúc nào sau khi mở cửa cũng có khách, nên khó mà chứng minh được.” “Nhân viên thì sao?” “Tôi theo chủ nghĩa không thuê mướn người. Giá kể có một tên quái đản nào đó chịu làm không công cho tôi thì lại là chuyện khác.” “Hừm,” Kogure khịt mũi tỏ ý coi thường. Có lẽ ông ta đã nhận ra đó chỉ là một quán bar nhỏ bé ở vùng ngoại ô bẩn thỉu. “Bình thường anh vẫn ngủ lại quán bar đó à?” “Đúng vậy. Bên trong quán có một căn phòng để ở.” “Chủ nhật thì sao?” “Tôi thức dậy lúc quá trưa rồi xem phim trong phòng đến tận tối. Sau đấy thì cũng giống hôm thứ Bảy.” Lông mày Kogure chuyển động, tỏ ý ngạc nhiên. “Chủ nhật cũng làm việc sao?” “Về cơ bản quán bar của tôi không có ngày nghỉ. Vì nếu tôi mở cửa, biết đâu lại có những vị khách hiếu kỳ đến cúng tiền cho quán thì sao.” “Hôm qua cũng vậy ư?” “Không, hôm qua quán tôi nghỉ.” “Này,” Kogure dẩu môi. “Anh vừa mới nói là không có ngày nghỉ kia mà?” “Tôi đã nói rõ là về cơ bản rồi còn gì. Tôi có chút việc vặt nên đã đóng cửa tạm thời. Còn việc vặt đó là gì thì tôi xin phép giữ bí mật. Vì nó liên quan đến đời sống riêng tư của tôi.” Kogure liền khoanh tay, trừng mắt nhìn Takeshi. “Nếu tổng hợp những gì anh vừa nói, thì kết luận lại là như thế này: Anh không có chứng cứ ngoại phạm.” “Đành vậy chứ biết làm sao. Vì đó là sự thật mà,” Takeshi nói thản nhiên như không. “Tôi muốn hỏi thêm một chuyện quan trọng. Lý do hôm nay anh về đây là gì? Chúng tôi vẫn chưa thông báo về vụ việc. Anh về đây để làm gì?” “Lại một câu hỏi kỳ quặc nữa. Tôi đã nói nhiều lần rồi, đây là nhà tôi. Về nhà mình thì đâu cần lý do gì đặc biệt. Hay là nếu không có lý do thì anh không về nhà luôn?” “Vậy để tôi hỏi, lần trước anh về đây là khi nào?” “Khi nào nhỉ? Tôi không nhớ.” “Tần suất anh về như thế nào? Tháng về một lần? Hay độ nửa năm về một lần? Anh chớ nên nói dối thì hơn. Bởi chúng tôi sẽ điều tra ngọn ngành.” “Không cần anh nhắc, tôi cũng chẳng định nói dối làm gì. Khoảng hai năm rồi tôi mới về. Chẳng hiểu sao tự dưng tôi muốn về thôi.” “Chẳng hiểu sao? Anh bảo chúng tôi phải hiểu điều đó ư?” “Anh có hiểu hay không cũng chẳng mắc mớ tới tôi. Chẳng hiểu sao lại thế đấy. Nếu như anh muốn đòi bằng được một lý do thì cứ coi như là tôi có điềm báo đi.” “Điềm báo?” “Tôi có linh cảm ở nhà đã xảy ra chuyện chẳng lành. Và khi tôi về đến nơi thì thấy xe cảnh sát đỗ trước cửa. Tôi nghĩ trực giác của mình đã đúng.” Đôi mắt híp của Kogure hiện lên vẻ nghi ngờ. Rõ ràng ông ta không tin lời Takeshi nói. “Mà thôi. Tạm thời hôm nay cứ cho là như thế đi. Tuy nhiên, nếu anh đổi ý và muốn đính chính lại thì cứ nói bất cứ lúc nào. Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe.” Takeshi hừ mũi. “Cái ngày đó vĩnh viễn không bao giờ tới đâu.” “Nói sao nhỉ? Tôi cho rằng sẽ có ngày anh thay đổi sắc mặt và phải cuống cuồng phân bua với chúng tôi đấy.” “Thế hay là cá đi? Nếu ngày đó không đến thì anh mất tôi 100.000 yên. Tôi muốn cược một triệu yên cơ, nhưng số tiền đó chắc hơi nặng gánh với một công chức địa phương.” “Tôi cũng muốn chấp nhận cá cược nhưng đáng tiếc là cảnh sát chúng tôi bị cấm không được chơi mấy trò đen đỏ. Anh may mắn đấy. Nào, giờ đến câu hỏi tiếp theo. Như anh đã thấy, căn phòng này đã bị lục tung. Chúng tôi đang nhờ con gái của nạn nhân kiểm tra xem có thứ gì bị mất trộm không. Một khi anh là chủ nhân ngôi nhà này, chúng tôi cũng cần lắng nghe ý kiến của anh nữa.” Takeshi nhìn một lượt căn phòng, đoạn dang hai tay. “Tiếc là tôi không biết. Đây là phòng của anh tôi nên tôi đã quyết định không đặt chân vào. Vả lại vừa nãy tôi cũng nói rồi đấy, lần cuối cùng tôi về ngôi nhà này là hơn hai năm trước. Cho dù có bị mất thứ gì thì tôi cũng không xác định được là nó đã bị lấy trộm trong vụ việc lần này hay là anh tôi tự vứt bỏ.” “Nếu vậy thì không cứ phải là phòng này. Trong nhà có đồ vật gì quý giá không? Những thứ có thể gọi là báu vật ấy.” “Báu vật? Kiểu như chum vại hay tranh treo tường do tổ tiên để lại ấy hả?” “Nhà anh có những thứ như vậy không?” “Tôi không rõ, nhưng chắc là không. Cả bố và anh trai tôi đều không có mấy sở thích đó. Điểm chung giữa hai người là đều thích sách,” Takeshi chỉ tay lên giá sách. Kogure liếc nhìn giá sách rồi lại lia ánh mắt trở về chỗ Takeshi. “Còn anh thì sao?” “Trông tôi giống người có sở thích sưu tầm đồ cổ à?” “Tôi đang hỏi anh có cất giữ thứ gì đắt giá trong nhà không? Nơi đăng ký thường trú của anh là ở đây, vậy chắc anh cũng có phòng riêng của mình chứ?” “Phòng hướng Nam trên tầng hai. Không lẽ các anh đã tự tiện khám xét phòng của tôi?” “À không, chuyện đó…” Kakitani bối rối bước lên phía trước một bước. “Hôm qua, để chắc chắn chúng tôi đã kiểm tra tất cả các phòng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ xác nhận xem cửa có khóa không và tình trạng bên trong như thế nào, chứ chúng tôi không đụng chạm vào đồ đạc một cách không cần thiết. Sau khi nhìn qua chúng tôi thấy tất cả các phòng ở tầng hai đều không có gì bất thường.” “Tóm lại các người đã tự ý vào phòng của tôi.” “Thi thể chủ nhà tử vong một cách khác thường được tìm thấy ở vườn sau, còn căn phòng này rõ ràng đã bị kẻ đột nhập phá phách. Rất có thể hung thủ đang lẩn trốn trong nhà, vì thế chúng tôi làm vậy để điều tra bước đầu cũng không có vấn đề gì cả,” Kogure thẳng thừng nói bằng giọng sắc lạnh. “Tuy rằng nhìn qua không thấy có gì bất thường, nhưng nếu không để chính chủ xem giúp thì chưa thể kết luận được. Bây giờ anh kiểm tra giúp chúng tôi được không?” “Không thành vấn đề. Nhưng chừng nào tôi chưa thấy có gì bất thường thì các anh không được phép vào. Chỉ được nhìn từ hành lang thôi.” “À, được thôi,” Kogure nhìn về phía Mayo. “Trên tầng hai còn có những phòng nào nữa?” “Có phòng của tôi. Tôi đã ở đó cho đến khi tốt nghiệp cấp ba, đến bây giờ mỗi khi về quê tôi vẫn ngủ phòng đấy. Ngoài ra còn có phòng của bố tôi, vốn là phòng ngủ của bố mẹ tôi.” “Ra vậy, cô có thể kiểm tra những phòng đó giúp chúng tôi không?” “Tôi hiểu rồi.” “Vậy phiền cô dẫn chúng tôi đi luôn cho.” “À… vâng. Vậy, mời các anh.” Rõ ràng so với khi nãy, cách ăn nói của Kogure đối với Mayo đã lịch sự hơn. Đối lập hẳn với kiểu nói năng bỗ bã giữa ông ta và Takeshi. Trước sự xuất hiện đột ngột của một nhân vật có vẻ khó chơi, hẳn Kogure cho rằng việc lôi kéo con gái nạn nhân về phe mình mới là thượng sách. Thấy Mayo đi lên tầng hai, Kogure bèn nối gót. Kakitani theo sau và cuối cùng là Takeshi. Đầu tiên họ xem phòng của ông Eiichi. Nghe nói hồi mới xây ngôi nhà này, đó vốn là phòng của ông bà nội Mayo. Khi Mayo đến tuổi nhận biết thì ông nội qua đời, còn bà nội chuyển sang dùng phòng khách dưới tầng một. Căn phòng này được ông Eiichi và bà Kazumi, mẹ Mayo dùng làm phòng ngủ. Vì là phòng kiểu truyền thống nên họ phải trải nệm ra nằm, nhưng giờ thì có một chiếc giường đặt cạnh cửa sổ. Ngoài ra chỉ có thêm độc một chiếc tủ, làm nên một căn phòng ảm đạm. Xem ra vì đã có thư phòng rộng rãi ở tầng một nên đối với ông Eiichi căn phòng này chỉ là chỗ ngả lưng. Đúng như Kakitani nói, căn phòng không có gì bất thường nên Mayo cũng báo lại với Kogure như vậy. Tiếp theo là phòng của Mayo. Đó là một căn phòng kiểu Tây rộng sáu chiếu, dưới sàn có trải thảm. Một chiếc giường đơn, bàn học, một giá sách nhỏ chẳng đáng gì nếu đem so với giá sách ở tầng một là tất cả những gì có trong căn phòng này. Nhìn thấy bảng ghim trên đó có dán mấy bức ảnh của các nam thần tượng, Mayo xấu hổ đến nỗi muốn độn thổ. Sao cô không bỏ chúng đi mà lại để đó đến tận hôm nay cơ chứ? Trong tủ vẫn treo những bộ quần áo thân thuộc. Một lần nữa Mayo lại tự nhủ mình phải sớm vứt chúng đi thôi. Cô cũng kiểm tra ngăn kéo bàn và nói với nhóm Kogure: “Tôi không thấy có gì lạ hết.” “Nào, chuẩn bị đến lượt anh tiếp theo đấy,” Kogure nói với Takeshi. Takeshi lẳng lặng đi trên hành lang. Phòng của chú ấy nằm cuối hành lang. Song, trong ký ức của Mayo không hề tồn tại cảnh chung sống cùng một mái nhà với người chú này. Bởi Takeshi đã khăn gói ra khỏi nhà từ trước khi anh trai kết hôn. Suốt một thời gian Mayo cứ ngỡ căn phòng này chỉ đơn giản là phòng chứa đồ. Sự thật là cho đến mãi mấy năm trước, đó vẫn là nơi cất giữ những vật dụng không cần thiết. Nó chỉ được dọn dẹp sau khi bà Kazumi, mẹ Mayo qua đời. Đến trước phòng mình, Takeshi chậm rãi mở cửa. Bên trong hơi âm u. Lý do là vì đang buông rèm chắn sáng. Takeshi đưa tay dò dẫm, bật công tắc trên tường, đoạn bước vào phòng. Kogure đứng ở cửa, nghển cổ lên để thăm dò bên trong. Đứng đằng sau, Mayo cũng nhòm vào. Bên trong còn ảm đạm hơn cả phòng của ông Eiichi. Ngoài một chiếc bàn tròn và một chiếc ghế ra, chỉ còn độc một cái tủ nhỏ. Mặc dù vậy, lúc trông thấy bức tranh treo trên tường, Mayo không khỏi rùng mình. Bức tranh vẽ khuôn mặt một người phụ nữ đang nhắm mắt trái. Mắt bên phải với mống mắt đen tuyền đang mở ra, nhìn thẳng về phía trước. Cảm tưởng người phụ nữ đó đang nhìn chòng chọc mình, Mayo bèn lảng mắt đi chỗ khác. Takeshi lại gần cửa sổ, kéo rèm, sau đó tháo chốt cửa sổ. “Này, anh đang làm cái gì thế? Đừng có tùy tiện sờ vào đó,” Kogure hét lên. “Đây là phòng của tôi. Tôi muốn lưu thông không khí thì có gì sai?” Takeshi nói rồi mở toang cửa sổ ra. “Tùy thuộc tình hình, rất có thể chúng tôi sẽ phải điều tra kỹ lưỡng căn phòng này. Ngộ nhỡ những chỗ đó dính dấu vân tay gây hiểu nhầm thì…” Ngay cả Mayo cũng biết lý do Kogure bỏ lửng câu nói. Đó là bởi Takeshi đang đeo đôi găng tay màu trắng. “Từ lúc nào anh ta đã…” Người đứng đằng sau lẩm bẩm chính là Kakitani. Đúng lúc đó, Mayo nghe thấy âm thanh của một loại thiết bị nào đó phát ra từ áo khoác của Takeshi. Có vẻ như là tiếng điện thoại, song chú ấy chẳng buồn để tâm mà cứ mặc kệ cho nó kêu. “Anh đã hài lòng chưa, thanh tra Kogure? Xem ra căn phòng này không có gì bất thường cả.” “Trong tủ thì sao?” Kogure nói. “Anh không cần mở ra kiểm tra à?” “Không cần. Tôi chẳng bị mất trộm thứ gì hết.” “Sao anh chưa nhìn mà đã khẳng định được như vậy?” “Lý do thì anh cứ hỏi cậu ta là biết,” Takeshi chỉ tay về phía Kakitani. Kogure liền ngoái lại đằng sau với vẻ ngờ vực. “À… vâng. Đúng vậy. Tôi nghĩ đồ đạc bên trong tủ vẫn nguyên vẹn,” Kakitani luống cuống đáp. “Bởi vì tủ có khóa ạ.” “Khóa?” “Là cái này,” Takeshi giơ móc khóa lên. Một chiếc chìa khóa nhỏ đang treo lủng lẳng. “Không có thứ này thì không thể mở được. Ổ khóa không có dấu hiệu gì là đã bị phá nên bên trong chắc chắn vẫn bình yên vô sự,” Takeshi nói đoạn cúi người xuống, kéo mạnh tay nắm tủ, song nó không hề nhúc nhích. Kogure bèn cong môi, xoa cằm với vẻ hậm hực, xem ra đúng là ông ta không thể nói gì được nữa. “Nào, có vẻ như anh đã hài lòng rồi, chúng ta ra khỏi chỗ này thôi. Tôi cũng thông gió xong rồi.” Takeshi đóng cửa sổ, chốt lại khóa, đồng thời thả tấm rèm màu lông chuột xuống. 6 “Chúng tôi muốn bảo toàn hiện trường hết mức có thể, bởi vậy trong khoảng thời gian này, người không phận sự vui lòng miễn vào.” Sau khi nhắc nhở như vậy, Kogure để Mayo đi, bấy giờ đã là quá trưa. Cũng giống như lúc đến, Kakitani quyết định đưa Mayo về lữ quán, thấy vậy Takeshi liền hỏi: “Cháu đang trọ ở đâu?” Nghe Mayo nói ra tên Hotel Marumiya, chú ấy suy nghĩ một lát rồi gật gù. “Chỗ đó không hay ho cho lắm, nhưng thôi cũng đành. Được, vậy thì chú sẽ trọ ở đấy luôn. Cho chú đi cùng xe đi.” “Dạ…, cháu thì không vấn đề gì nhưng mà…” Mayo nhìn sang Kakitani. “Không sao. Thế thì tôi sẽ lên ghế trước,” Kakitani nói rồi mở cửa ghế phụ. Thấy Mayo mở cửa sau để lên xe, Takeshi cũng lên theo. “May quá. Tổ trưởng Kakitani đúng là người hiểu chuyện,” Takeshi vừa thắt dây an toàn vừa nói. “Không dám ạ.” “Cho tôi xin danh thiếp của cậu với. Có gì tôi còn gọi.” “À, vâng.” Takeshi nhận lấy danh thiếp của Kakitani, nhìn chăm chú. “Tôi hỏi cho chắc, không biết tiền thuê trọ của chúng tôi các anh có trích từ kinh phí điều tra không nhỉ?” Ngớ người trước câu hỏi ấy, Mayo bất giác quay sang nhìn ông chú. Song Takeshi không có vẻ gì là đang nhắc đến một chuyện hết sức vớ vẩn. “Hả? À không, chuyện đó thì…” Kakitani lấp lửng. “Sao? Để hợp tác điều tra, chúng tôi đã phải để lại ngôi nhà cho cảnh sát. Các cậu bồi thường cho chúng tôi cũng là lẽ đương nhiên mà?” “Tôi sẽ thử trao đổi với phòng Hành chính tổng hợp xem sao…” “Trăm sự nhờ cậu, tổ trưởng Kakitani. Tùy thuộc vào câu trả lời đó mà đồ ăn của chúng tôi tối nay cũng sẽ khác đấy.” Takeshi nói thản nhiên như không. Xem ra nếu cảnh sát chịu chi thì con người này sẽ định ăn sơn hào hải vị đây. Nhưng mà… Mayo nghiêng đầu khó hiểu. Takeshi đã gọi tên Kakitani trước cả khi nhận danh thiếp của anh ta. Đã thế, xem chừng ông chú này còn biết cả chức vụ của anh ta là tổ trưởng nữa. Chú ấy biết được từ lúc nào nhỉ? Mayo không nhớ ra có thời điểm nào Kakitani đã tự giới thiệu về mình. Chẳng mấy chốc xe đã dừng lại trước cửa Hotel Marumiya. Mayo và Takeshi xuống xe sau khi nghe Kakitani chào: “Sắp tới mong gia đình tiếp tục hợp tác.” Bước vào từ cửa chính, Mayo trông thấy bóng dáng bà chủ lữ quán đang đứng ở quầy. Bà đon đả chào: “Cô đã về đấy à.” Có lẽ trong mơ bà ta cũng không tưởng tượng nổi Mayo vừa mới có mặt trong buổi khám nghiệm hiện trường của một vụ án mạng. Sau khi nhận chìa khóa phòng, Mayo ướm thử: “Từ tối nay chú cháu """