"
Người Việt - Chủ Nhân Của Kinh Dịch Và Chữ Vuông PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Việt - Chủ Nhân Của Kinh Dịch Và Chữ Vuông PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
MỤC LỤC
NGƯỜI VIỆT − CHỦ NHÂN ĐÍCH THỰC CỦA KINH DỊCH VÀ CHỮ VUÔNG (thay Lời giới thiệu)
Lời nói đầu
Phần một Một số khái niệm căn bản và vấn đề về Dịch học
Phần hai Giải mã Dịch lí và chữ Vuông của người Việt trên trống Đồng Ngọc Lũ
Phần ba Giải mã Dịch lí và chữ Vuông của người Việt trên tranh dân gian Đông Hồ
Phần bốn Giải mã Dịch lí và chữ Vuông của người Việt trong truyện ngụ ngôn
Phần năm Tự tình
Bàn lại Tên 12 địa chi và 10 thiên can
Nguồn gốc Dịch lí trong bài đồng dao “CHI CHI CHÀNH CHÀNH”
Kính dâng Thầy và Cha Mẹ
NGƯỜI VIỆT − CHỦ NHÂN ĐÍCH THỰC CỦA KINH DỊCH VÀ CHỮ VUÔNG
(thay Lời giới thiệu)
Cách đây gần chục năm tôi tình cờ được một người bạn gửi qua email tặng cho bản đồ địa mạch với hình con rồng từ đỉnh Everest cao hơn 8.800m đến đáy vịnh Mindanao sâu 11.000m mà đầu và đuôi rồng chênh nhau 20 km. Nhìn vào đây, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy rằng chính thân rồng này là cột xương sống vô cùng vững chắc giữ cho Trái đất của chúng ta không bị thay đổi và biến dạng. Rằng 500 km trong số 7.000 km của thân rồng nằm trên đất Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Tôi cũng thấy rất rõ hình chữ S của đất nước chúng ta chính là hình ảnh của âm dương trong âm dương ngũ hành rất quý giá và cần thiết. Rằng thế cân bằng, quyền biến của người Việt từ xưa đến nay giúp chúng ta không bị đồng hóa mà vẫn giữ mãi được bản sắc dân tộc.
Tôi bắt đầu đi lọ mọ tìm hiểu về Phong thủy, Dịch lí hay Thái ất Cửu cung mà các cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp… đánh giá rất cao. Càng đọc, càng nghiên cứu mới càng thấy rất hay, nhiều thứ kỳ bí và rất cần khám phá dài lâu. Ma trận được dần hé mở.
Như một thiền sinh và một nhà nghiên cứu, tôi dần dần ráng tìm tòi về cội nguồn đầu tiên của dân tộc Việt Nam liên quan đến Bách Việt. Tôi cũng nhiều lần tự đưa ra các giả thuyết về nguồn gốc của Kinh Dịch, Hà đồ, Lạc thư. Trong thâm tâm, rất mong muốn tìm lại cuốn Kinh Dịch gốc đã bị mất.
Tôi cũng xem lại trong sử sách để tìm về với nhân vật nổi tiếng mà không người Việt nào không biết − Cao Biền. Ông được phái
sang đất Việt tìm các huyệt quý để yểm, hòng tiêu diệt hiền tài của nước Nam. Ông ta đã tìm ra 632 huyệt chính, huyệt phát vương và 1.517 huyệt bàng, huyệt phát quan và đã cố yểm nhưng không yểm được. Cũng theo sử sách, đến đời nhà Minh, Hoàng Phúc lại được sai sang nước Việt để tiếp tục yểm bùa nhằm biến nước Nam thành quận huyện của họ, nhưng không thành.
Rồi tôi nghiên cứu lại các tài liệu của các vị thầy, các học giả đi trước và thấy rất rõ rằng đứng về mặt phong thủy thì đất nước Việt Nam là cái hình thế rất rất đặc biệt đối với phương Bắc. Càng ngẫm càng thấy rất đặc biệt và rất quan trọng. Quan trọng không chỉ với riêng Việt Nam mà cả khu vực và quốc tế.
Rồi tôi ngồi nhớ lại các vị thầy, các vị thiền sư nổi tiếng và tiền bối của nước ta như Thiền sư Định Không (730-808) cùng các học trò là Đình Hương, Thông Thiện. Rồi Thiền sư La Quý An, thiền sư Vạn Hạnh để nhớ mãi về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn và triều đại Lý Trần hưng thịnh mãi sau này.
Cách đây vài năm, tôi gặp thầy Viên Như trong khuôn khổ Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Cung văn hóa Việt Xô tại Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi trao đổi với nhau những tâm huyết về đất nước và dân tộc, về thiền và tu tập, về Kinh Dịch và nhiều thứ khác nữa. Để rồi hai thầy trò giữ liên lạc với nhau dài lâu, thường xuyên và mãi đến bây giờ.
Trong một chuyến nghỉ mát của cả Công ty Sách Thái Hà tại Đà Lạt và Nha Trang, tôi và bạn đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Quân – Giám đốc Trung tâm Xuất bản Thái Hà Books đã gặp thầy Viên Như và cùng xem bản thảo cuốn sách Người Việt - chủ nhân của Kinh Dịch và chữ Vuông. Tôi giật mình. Đúng những gì tôi đang nghiên cứu, tìm tòi bao năm nay. Chúng tôi quyết định xuất bản cuốn sách này ngay lập tức.
Tôi đọc đi đọc lại bản thảo này và thấy rằng thầy trò chúng tôi đang đi cùng một hướng, đang làm cùng một việc. Tôi cũng thấy ra một tương lai huy hoàng chung trên một tầm nhìn vĩ đại. Rằng đất
nước Việt Nam của chúng ta vô cùng tuyệt vời và đã được chọn, thử thách mấy ngàn năm nay. Rằng chúng ta đã và đang tìm được về với cội nguồn, với hồn thiêng sông núi. Rằng sau khi bị đô hộ 1.117 năm, Việt Nam ta nay đã biết tự hào về chính mình và thức dậy như con rồng bắt đầu cất cánh bay lên. Ôi Thăng Long!
Dân tộc Việt Nam đã được thử thách trọn vẹn suốt mấy ngàn năm nay. Chúng ta sở hữu tài sản quý giá là Tình Thương và Trí Tuệ trên tinh thần bất khuất ngàn đời mà ta quên mất. Chúng ta là con rồng cháu tiên mà đâu có hay. Chúng ta sở hữu cả những tài sản vô giá của nhân loại mà mải ngủ quên trong si mê và phiền não. Ôi Thăng Long thật đây rồi!
Tôi thấy rằng đã bắt đầu cho một sự chuyển dịch lớn lao của dân tộc Việt và rằng cần một bộ máy với những con người trong bộ máy hòa cùng nhịp đập để Việt Nam cất cánh. Ôi Thăng Long!
Tôi ngồi thiền và thấy rất rõ tiếng trống đồng của các vua Hùng đang thúc giục, thấy rõ chim lạc, chim hồng đang bay cao bay thấp đâu đó quanh mỗi chúng ta. Rằng Kinh Dương Vương đang đánh thức chúng ta. Rằng kinh lạc đang có sẵn trong mỗi con người Việt. Chúng ta chỉ cần có tỉnh thức, chỉ cần thở và cười trong bình an và chánh niệm thì con rồng trong ta sẽ thức tỉnh. Chúng ta đánh thức rồng thức dậy để bay cao bay xa, vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Thân mong bạn đọc kỹ cuốn sách này và cùng tôi thấy một kỷ nguyên mới đang được vận hành. Tôi đang nói thầm và muốn bạn hô to lên cùng tôi “TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM” và “VIỆT NAM THĂNG LONG”.
Thủ đô Hà Nội, sáng ngày 8 tháng 8 năm 2014
TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch Hội đồng Quản trị
kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà
Lời nói đầu
Dịch học là một triết học xa xưa của người Á Đông. Mặc dù ra đời cách đây hơn 5000 năm nhưng sức hấp dẫn của nó càng ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ tại những nơi nó đã từng phát triển như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bổn, Cao Li mà ngày nay nó còn hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu phương Tây. Có thể nói Dịch học như là Bản thể luận đầu tiên của nhân loại; đồng thời cũng là Hiện tượng luận hay nói theo Phật giáo là Pháp tướng luận. Chính vì điều này mà nó không những cung cấp cho người ta hiểu biết về bản chất của nhân sinh và vũ trụ mà còn cho phép con người có những dự đoán dựa trên những kết quả có tính siêu nhân quả. Vì ảnh hưởng của nó lớn lao như thế nên vấn đề nguồn gốc của nó càng làm cho những người nghiên cứu quan tâm hơn.
Tất nhiên vấn đề này đã được đề cập từ xa xưa, cách đây hàng ngàn năm nhưng ngày nay khi nhìn lại, người ta nhận ra rằng câu hỏi “Ai là tác giả của Dịch học?” vẫn chưa được xác định một cách khoa học. Tại Trung Hoa, các học giả chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, dù nói đến Dịch học hầu như ai cũng nghĩ nơi đây là quê hương của triết lí này.
Trong quá trình đi tìm nguồn gốc của Dịch học, vài thập niên qua, ở Việt Nam có một số nhà nghiên cứu cho rằng Dịch học có nguồn gốc từ người Lạc Việt. Nhiều người đã đưa ra những chứng lí để chứng minh cho lập trường của mình, có thể nói rằng những lập luận ấy khá thuyết phục. Tuy nhiên vì là suy diễn nên chưa được chấp nhận rộng rãi, điều này cũng dễ hiểu, vì hàng ngàn năm qua Nam và Bắc cùng chia sẻ một không gian lịch sử, trong đó có sự phát triển của Dịch học mà sách vở viết về Dịch học chủ yếu viết bằng chữ Hán.
Cùng trong hướng đó, tôi đề nghị ở đây, không chỉ là suy diễn mà là những bằng chứng cho thấy rằng chính người Lạc Việt đã sáng tạo nên hệ thống Dịch lí và chữ Vuông, vì hoàn cảnh lịch sử, câu chuyện
ấy đã được kể lại hoặc là mơ hồ hoặc là dưới tên của dân tộc khác. Tuy nhiên Tổ tiên người Việt đã khéo léo cất giấu cái văn hóa huyền vĩ của mình dưới những cách thức khác nhau của ngôn ngữ dân tộc mình. Đây là một nỗ lực vô cùng lớn lao và đầy trí tuệ. Bởi vì những gì mà ta nhận được từ những trống Đồng, tranh dân gian hay truyện ngụ ngôn là những thông tin có tính hệ thống, xuyên suốt, phù hợp với những gì đã lưu lại trong sách vở từ hàng ngàn năm qua về Dịch học. Từ những phát hiện như vậy, tôi xin giới thiệu với bạn đọc những gì mà Tổ tiên người Việt đã làm, đã cất giấu để lưu lại cho hậu thế thông điệp rằng “Người Việt chính là tác giả của Dịch học và chữ Vuông”. Đây là những phát hiện mà tôi cho rằng quá mới nên nhất định có nhiều giới hạn, mong nhận được sự góp í của các thức giả.
Mời các bạn cùng tìm hiểu.
Đà Lạt, ngày 30 tháng 3 năm 2014
Viên Như
Phần một
Một số khái niệm căn bản và vấn đề về Dịch học
Trước khi giải mã Dịch lí trong trống Đồng, tranh dân gian Đông Hồ và truyện ngụ ngôn, ta hãy tìm hiểu một số khái niệm và vấn đề căn bản trong Dịch học.
I. Kinh Dịch là gì?
Kinh Dịch là một bộ sách ghi lại một hệ thống Dịch lí và những luận giải quan niệm của người xưa về sự hình thành và vận hành của con người và vũ trụ thông qua sự tương tác đối kháng, biến đổi có quy tắc của các thành phần mà người xưa đã tổng hợp, đúc kết và kí hiệu hóa, từ đó đưa ra những dự đoán có tính siêu hình. Ban đầu chỉ dùng để bói toán, về sau nó được hệ thống hóa thành một hệ thống triết học.
II. Các kí hiệu căn bản trong hệ thống Dịch lí
III. Dịch lí
Gồm 3 phần: 1- Bất Dịch; 2 - Giản Dịch; 3 - Biến Dịch
1. Bất Dịch
Bất Dịch là bản thể của vũ trụ, nơi chứa nhóm mọi hạt giống của mọi hiện hữu, nó chưa từng sinh ra và mất đi, không lớn cũng không nhỏ, chẳng trong cũng chẳng ngoài, cho dù có bao nhiêu sinh sinh diệt diệt
chăng nữa thì nó vẫn thế, nó vượt lên trên mọi khái niệm đối đãi. Người ta có thể gọi nó bằng nhiều tên khác nhau như đối với Lão Giáo thì gọi là Vô Vi, đạo Phật thì là Chân Như hay thông thường nhất gọi là Đạo. Vì nó không bao giờ thay đổi nên gọi là Bất Dịch hay
có thể gọi là Thể Dịch.
2. Giản Dịch
Là tổng hợp những thành phần căn bản của vũ trụ mà người xưa cho rằng từ đó tất cả mọi hiện hữu được hình thành, đây là Tướng của Dịch lí – Tướng Dịch. Do đây là những khái niệm về những thành phần căn bản của vũ trụ nên nó tĩnh tại, đơn giản và dễ nhận biết.
3. Biến Dịch
Biến Dịch là sự thay đổi do tác động qua lại giữa các thành phần căn bản của vũ trụ, cả nhiên giới và nhân giới, tạo nên thế giới hiện tượng, chính từ biến dịch này đã tạo ra bộ mặt của cuộc đời với muôn vàn màu sắc, nó không bao giờ dừng lại mà luôn trong hướng chuyển động. Quan sát sự biến dịch người ta biết rằng nó thay đổi do sự đối kháng, tương tác nhưng có quy luật nên họ tìm cách can thiệp, thích ứng tùy theo những tình huống khác nhau để thực hiện mong ước của mình. Ta có thể gọi Biến Dịch là dụng của dịch hay Dụng Dịch.
IV. Hà đồ – Tiên Thiên Bát Quái; Lạc thư – Hậu thiên Bát Quái
1. Hà đồ - Tiên Thiên Bát Quái
Hà đồ là một sơ đồ thể hiện quan điểm của người xưa về bản thể của vũ trụ theo thuyết âm dương. Ban đầu nó được thể hiện bằng một sơ đồ hình vuông với các chấm tròn xoáy như đã nói trong truyền thuyết về tác Dịch của Phục Hy, về sau được thay bằng các con số được sắp
xếp từng cặp chẵn lẻ - Âm Dương theo 4 phương Bắc, Nam, Đông, Tây, nhằm biểu tượng cho các hiện tượng đối đãi của vũ trụ với các tính chất đã được cụ thể hóa. Từ Hà đồ người xưa xây dựng nên Tiên Thiên Bát Quái. Bất Dịch là Thể của vũ trụ, còn Tiên Thiên Bát Quái chính là Tướng của nó. Tiên Thiên Bát Quái chỉ là một kho chứa đựng các nguyên liệu dùng để xây dựng nên thế giới của Dịch lí, tất cả các chất liệu được chỉ ra bởi các tên gọi khác nhau cho những thành phần khác nhau trong thế giới đối đãi của tạo hóa. Do đó nó có mặt một cách đơn giản, dễ nhận biết.
Các chất liệu đó như sau:
Thiên nhất sinh Thủy, Ðịa lục thành chi.
Ðịa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi.
Thiên tam sinh Mộc, Ðịa bát thành chi.
Ðịa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi.
Thiên ngũ sinh Thổ, Ðịa thập thành chi.
Nghĩa là:
Trời 1 sinh Thủy, thành Ðất 6.
Ðất 2 sinh Hỏa, thành Trời 7.
Trời 3 sinh Mộc, thành Ðất 8.
Ðất 4 sinh Kim, thành Trời 9.
Trời 5 sinh Thổ, thành Ðất 10.
Như vậy Ngũ Hành đã được định cùng với 5 cặp số Sinh Thành ra chúng, có vị trí theo đúng các hướng của các cặp số:
1-6: Hành Thủy, phương Bắc.
2-7: Hành Hỏa, phương Nam.
3-8: Hành Mộc, phương Ðông.
4-9: Hành Kim, phương Tây.
5-10: Hành Thổ, ở Trung Tâm.
Ngũ Hành, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ khi tương tác lẫn nhau theo cơ chế hai chiều đối xứng là Âm và Dương, tức cơ chế Tương Sinh và Tương Khắc. Theo đó cứ hai Hành đứng kề nhau thì sinh cho nhau, luân chuyển mãi không ngừng, các Hành cách nhau thì khắc chế nhau, và cứ thế mà luân lưu mãi.
Tính chất của Hà đồ - Tiên Thiên Bát Quái là tĩnh, chức năng của nó cung cấp cho con người những nguyên liệu căn bản xây dựng nên
thế giới của Dịch lí, bản thân nó không phải là nguyên lí vận hành. Căn cứ vào Hà đồ người ta làm ra TIÊN THIÊN BÁT QUÁI.
Tiên Thiên Bát Quái chính là diện mạo ban sơ của Dịch lí, tuy đơn giản nhưng là nền tảng cho mọi phát triển của Dịch lí sau này. Đồng thời khi làm ra Dịch học, người xưa đã làm với tất cả tấm lòng vọng hướng về nơi mà họ xuất phát – Phương Nam, vì vậy mà họ đã đặt phương Nam lên trên. Đây không phải là sự tình cờ, mà là việc làm có í thức tập thể và có tính cộng đồng. Chính vì nó là tượng trưng cho cội nguồn cho nên người Lạc Việt xem nó như là một thế giới tâm linh, nơi họ vọng hướng về Tổ tiên. Điều này được thể hiện qua hai yếu tố.
Về tinh thần
Cách đọc các quái theo ngược chiều kim đồng hồ. Có nghĩa rằng đây là hành trình trở về với uyên nguyên, cội nguồn.
Về vật chất
Họ đã dùng sơ đồ này để vọng hướng về phương Nam, nơi mà họ xuất phát, trải qua nhiều vùng đất, nhiều thế hệ hy sinh để xây dựng cho mình một cộng đồng cùng phát huy một nền văn hóa riêng biệt.
2. Lạc thư - Hậu Thiên Bát Quái
Lạc thư là một sơ đồ các lí số chẵn lẻ - Âm Dương lấy căn bản từ Hà đồ nhưng theo một lí luận tinh tế, rốt ráo hơn và triệt để hơn, ví như cực âm thì đối với cực dương 2 - 9, cực dương đối với cực âm 1 - 8, cứ như thế cho đến các cặp số nhỏ hơn. Tất cả các cặp số được thể hiện trên hai trục dọc ngang theo phương thức Nam tả Nữ hữu. (Dương trái, Âm phải). Từ sơ đồ này người ta cho nhị nghi hoàn toàn tách ra làm thành ma phương với độ số tổng của mọi phương là 15. Điều này phản ảnh thế giới của hiện tượng, âm là âm và dương là dương.
Người ta cho rằng Lạc thư này do Văn Vương làm ra, như vậy là nó ra đời sau Hà đồ đến gần 2000 năm! Vậy thời gian từ Phục Hy (2800 TCN) đến Văn Vương (1046) người ta vận hành Dịch bằng đồ hay thư nào? Tất nhiên sẽ có ai đó cho rằng bằng Tiên Thiên Bát Quái chứ bằng gì nữa! Đây là một dấu hỏi, vì Tiên Thiên Bát Quái chỉ là một đồ chỉ cái Tướng của các thành phần đối đãi căn bản của vũ trụ, tính chất của nó hoàn toàn tĩnh, chiều chuyển động của nó là ngược kim đồng hồ, có nghĩa là quay về với quá khứ, như thế thì làm sao có chuyện biến dịch từ hiện tại vào trong quá khứ được, do đó Tiên Thiên Bát Quái không có chức năng vận hành. Tuy nhiên chính sự có
mặt của Tiên Thiên Bát Quái với những tính chất của nó đã nói lên rằng phải có một đồ khác đối lập với nó, có nghĩa là phải có một đồ có tính chất động để vận hành Dịch lí. Lại nữa ở Tiên Thiên Bát Quái đã có Tam tài, Ngũ hành thì đâu có lẽ người ta chưa nghĩ ra Thiên can, Địa chi, những gì ghi lại trên trống Đồng cho thấy các yếu tố ấy đã xuất hiện rồi, vậy Thiên can, Địa chi được vận hành ở đồ nào? Hơn nữa cuộc sống là một hiện thực, nó từng ngày từng giờ tác động lên đời sống con người mà bản chất của cuộc sống luôn động và không phải là đối tượng của Tiên Thiên Bát Quái, vì tính chất của nó là tĩnh, vậy người ta sẽ vận hành Dịch lí như thế nào nếu không có một đồ nào đó để giải quyết vấn đề. Đặt vấn đề như thế có nghĩa là ta có thể hiểu rằng cùng lúc có Tiên Thiên Bát Quái thì Hậu Thiên Bát Quái cũng song hành có mặt. Bởi vì Hậu Thiên Bát Quái là biểu tượng cho thế giới động hay nói khác nó là cái Dụng của Bất Dịch hay Đạo. Từ cái Dụng này mà sinh ra thiên hình vạn trạng, thế giới của biến dịch, cái mà ta gọi là cuộc Đời. Như vậy Tướng và Dụng từ nguyên sơ cả hai đã cùng có mặt hay nói khác hơn Giản Dịch hay Tướng Dịch và Biến Dịch hay Dụng Dịch là hai mặt của Bất Dịch hay Thể Dịch. Vậy lẽ nào phải mất đến hàng ngàn năm người ta mới hiểu ra điều đó để rồi mới làm ra cái Hậu Thiên Bát Quái. Như thế là tư tưởng Hậu Thiên Bát Quái đã có ngay từ thuở ban đầu chứ đâu đến thời Văn Vương. Do đó tôi cho rằng chuyện Văn Vương làm ra Hậu Thiên Bát Quái chỉ là truyền thuyết mà thôi, nó không phù hợp quy luật và tiến trình phát triển của Dịch học.
Tiên Thiên Bát Quái là biểu tượng cho Trời Đất, còn Hậu Thiên Bát Quái là biểu tượng cho Con Người. Qua Hậu Thiên Bát Quái ta thấy rằng từ ngàn xưa người ta đã nhận thức được vai trò chủ đạo của Con Người trong việc tạo dựng nên thế giới tâm sinh lí thông qua í thức của mỗi con người hay mỗi cộng đồng. Việc sắp xếp các quái trong Hậu Thiên Bát Quái cũng như cách vận hành các quái theo chiều thuận kim đồng hồ đã nói lên điều đó. Càn Khôn không còn đóng vai trò quyết định, các yếu tố tự nhiên được xếp sang một bên thay vào đó là những bố trí mang tính í thức chủ quan của con người. Vì nhận thức rằng các biến dịch luôn tuân theo những quy luật nhất định nên con người, bằng hiểu biết của mình về Dịch lí, tìm cách can thiệp sao cho các biến dịch ấy có kết quả theo những gì mà con người mong muốn.
Căn cứ vào tính chất và chức năng của Lạc thư người ta làm ra HẬU THIÊN BÁT QUÁI.
V. Tại sao quái Khảm lại được đặt ở vị trí số 1
Như ta thấy, Hậu Thiên Bát Quái hoàn toàn khác với Tiên Thiên Bát Quái, không những về tính chất và chức năng mà trật tự các quái cũng hoàn toàn thay đổi. Việc thay đổi này làm cho những người nghiên cứu tốn rất nhiều giấy mực để làm rõ vấn đề, thậm chí có người cho là cần phải thay đổi một hai vị trí của các quái. Tất nhiên việc sáng tạo là quyền của mỗi người và xem đó như là sáng tạo của riêng mình, còn việc thay đổi nội dung đối tượng nghiên cứu là không phù hợp với nguyên tắc nghiên cứu, vì những gì mà người xưa đã làm ra, nhất là một hệ thống triết lí uyên áo như Dịch học, chắc chắn đã được bàn thảo hết sức kĩ lưỡng, nhất định nó không phải là tác phẩm của một cá nhân, đồng thời nó lại tồn tại hàng mấy ngàn năm qua, được soi rọi qua biết bao bộ óc tinh thông Dịch lí. Tất cả điều ấy nói lên rằng sự tồn tại của Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái bấy lâu nay có cái lí của nó.
Trở lại vấn đề tại sao người xưa lại bố trí quái KHẢM tại số 1? Như chúng ta biết, người Lạc Việt là cư dân lúa nước, cuộc hành trình của họ là cuộc hành trình trên mặt nước, các hình thuyền trên trống Đồng cho thấy điều đó, cũng chính vì vậy mà cuộc sống của họ bị ảnh hưởng bởi nước, từ việc lập quốc cho tới việc xây dựng nên triết lí Dịch, trong truyền thuyết lập quốc yếu tố nước đóng vai trò chủ đạo như: Kinh Dương Vương, Kinh = bộ thủy = Nước, Sông Dương Tử, Lạc Long Quân = Lạc, Rồng = Nước, Thủy phủ, Long Nữ, ranh giới từ Hồ Động Đình - Nam Hải, rồi đến khi làm ra Dịch học cũng từ nước, trước hết là Cóc, Nòng Nọc, Hà đồ, Lạc thư. Chính vì vậy mà người Việt gọi quốc gia là NƯỚC, như nước Việt, nước Thái. Có thể vì điều này mà khi xây dựng Hậu Thiên Bát Quái người Việt cũng dựa trên nước chăng. Nhìn vào sơ đồ ta thấy bốn bề là NƯỚC = KHẢM. Theo tôi có thể đây chính là lí do mà người xưa đặt quái KHẢM ở vị trí số 1.
VI. Tìm hiểu cách hình thành các chữ liên quan đến Dịch lí của người Việt: Quẻ - Quái 卦 – Diệc - Dịch 易 – Ễnh Ương - Âm dương 陰 陽 - Bộ cóc - Phụ ⾩ =1 Trong quan điểm cho rằng chữ viết của người xưa được sáng tạo ra dựa trên triết lí mà họ xây dựng, cụ thể là thuyết âm dương, nên nền tảng của các con chữ ấy phải dựa trên những khái niệm và nguyên lí của Dịch học, vì Dịch học xuất phát trên cơ sở cuộc sống của con người thì chữ viết cũng là những gì phản ảnh từ chính cuộc sống của họ. Chắc chắn rằng chữ Vuông đã được tạo ra song song với sự phát triển của Dịch học. Đây là những chữ được hình thành từ thuở sơ khai, nó được cấu thành trên nguyên tắc biểu ý, do đó cơ cấu nội tại của nó nhất định phải có í nghĩa liên quan mật thiết với Dịch lí.
1. Quẻ - quái 卦
Chữ Quái này là một chữ biểu í gồm có ba chữ gộp lại: Chữ Thổ ⼟, chữ Thổ ⼟, chữ Bốc⼘. Vì sao chữ Quái lại hình thành bởi ba chữ ấy?
Như ta biết, ban đầu Dịch vốn là một phương thức bói toán của người xưa, không phải chỉ có bói Dịch thôi, họ còn có các phương
thức bói khác nữa, về sau khi phát triển thành một hệ thống triết học rồi thì sử dụng Dịch để đại diện cho tất cả các phương thức bói toán. Cụ thể chữ Quái phản ảnh ba phương thức bói toán của người xưa như sau:
1.1. Bói giò gà
Trong quá trình sinh hoạt, người ta bắt đầu đặt dấu hỏi liệu các con vật có ngôn ngữ truyền thông cho nhau không? Đặc biệt con gà, vì người Việt cổ thờ mặt trời, mà mỗi khi gà gáy là báo hiệu mặt trời sắp trở lại sau một đêm dài, có thể từ đó người ta nghĩ rằng gà có quan hệ mật thiết với mặt trời nên bắt đầu quan sát, họ thấy khi con Gà kiếm ăn thường bới đất – Thổ ⼟ − để lại các đường gạch, thường là ba gạch , vì nó chỉ bới bằng ba ngón chân, người ta nghĩ rằng những gạch này là ngôn ngữ của nó và chứa trong chân gọi là Quẻ vì con gà là con Qué. Vì vậy sau khi con gà chết người ta tin rằng trong chân nó có chứa đựng thông tin của thần thánh, từ đó có tục bói giò gà.
1.2. Bói Diệc hay Dịch
Diệc là loài chim như vạc, cò, thường kiếm ăn trên đồng, khi di chuyển qua lại tạo dấu chân trên đất Thổ ⼟, cũng như gà thường là ba gạch. Người xưa nghĩ rằng con diệc cũng có Quẻ. Sử dụng các quẻ này phối hợp với quẻ gà người ta đưa ra bói Dịch. Ngoài ra con diệc là loài có thể bay lượn trên không và làm tổ trên cây bằng các que nên người xưa cho rằng quẻ của nó là dị thường. Hình ảnh Diệc ngậm quẻ khá nhiều trên trống Đồng.
1.2. Bói xương Hươu
Hươu là loài hiền lành, thường sống ở các vùng đồng bằng nhiều cỏ và là đối tượng bị người xưa săn bắn nhiều nhất (theo khảo cổ các xương động tìm thấy tại các nơi người xưa sinh sống, trên 60% là xương hươu (http://www.lichsuvietnam.vn/home.php? option=com_content&task=view&id=1375&Itemid=5). Trong lúc rình săn, người ta thấy rằng hươu thường cọ sừng vào gốc cây để lại những gạch ngang, từ đó người ta nghĩ rằng con hươu cũng có Quẻ, sau khi thịt hươu, họ nướng xương hươu rồi lấy một cái que nhọn tách ra, căn cứ trên vết nứt của xương mà đoán, gọi là Bói xương hươu - Bốc⼘, hình ảnh một vật nhọn đâm vào khúc xương người Việt gọi là Bói.
Cả ba chữ ấy được ghép vào theo trật tự: Trên (Thiên)- Giữa (người) - Dưới (địa) trong phạm vi Thái cực (vòng tròn) gọi là Quẻ = Quái.
Tiến trình biểu í chữ QUÁI
Chính hành vi cọ sừng vào gốc cây này mà người xưa đã vẽ thành một con chữ, đó là chữ Gốc ⾓ nghĩa là sừng. Ngày nay đọc là Giác ⾓ nhưng âm gốc xưa vẫn còn trong tự điển. Cũng chính từ đây mà người ta đã khắc các con chữ đầu tiên lên xương hươu. Hành động khắc chữ lên xương này người xưa cũng đã thể hiện bằng một con chữ, theo tôi đó là chữ CỌ 觚 như trong cọ xát, âm Hán Việt là Cô 觚 nghĩa là cái thẻ tre có viết chữ. Tuy nhiên khi chiết tự chữ CỘ, ta thấy nó được hình thành bởi hai chữ Giác ⾓ = Xương và Trảo ⽖ = Móng nhọn. Rõ ràng đây là hành động dùng vật nhọn khắc hình ảnh con chữ sơ khai lên xương hươu, cái mà bây giờ ta gọi là Giáp cốt văn, tiền thân của chữ Vuông, vì vậy chữ Cộ còn có một nghĩa khác là Vuông. Có lẽ về sau người ta sợ lưu vết tích xưa nên đổi thành thẻ tre chứ bản thân nó chẳng có tiêu chí gì để nó có thể thành thẻ tre cả.
Trong nội tại chữ Quái lại có một kết hợp khác nữa đó là hai chữ Thổ chồng lên nhau 圭, hay ta có thể hiểu hai Quẻ chồng lên nhau đó là chữ Khuê 圭, nghĩa của nó là dụng cụ đo lường 64 hạt lúa hay cái cân, cân được 10 hạt lúa. 64 là số của 8 quẻ đơn kết hợp với nhau làm thành: 8 x 8 = 64, số 10 là số Trinh của Dịch lí, hạt lúa chính là xác định sản phẩm của cư dân lúa nước. Điều này khẳng định Dịch học và chữ Vuông là sản phẩm của cư dân lúa nước hay nói khác hơn là của người Lạc Việt.
Tiến trình biểu í chữ KHUÊ
Theo tôi, chữ Khuê là một chữ được phái sinh từ chữ Quẻ, phân tích ngữ âm của nó ta thấy điều đó. (Khuê = Kh – uê = K – uê = Q - uê = Quẻ). Chính vì vậy mà trong chữ Nôm dùng chữ này với âm Quê – Que.
2. DIỆC - DỊCH. Tại sao không gọi CÀ hay GÀ HỌC - HƯƠU HỌC mà là DIỆC HỌC hay Dịch học? Ta thấy rằng ngay trong chữ Quái đã phản ảnh 3 tầng lớp Trên – Giữa – Dưới – hay ta còn gọi là Trời – Người – Đất (Thiên, địa, nhân). Quẻ gà thì biểu tượng đất vì là loài sống dưới đất – Quẻ hươu thì nằm trên gốc cây, có nghĩa là trung gian hay giữa. Diệc hay Dịch là loài vừa sống trên trời vừa sống trên cây vừa sống dưới đất nên nó hội đủ điều kiện để đại diện cho cả 3 tiêu chí trên. Hay ta có thể nói Diệc – Dịch chứa đựng cả Trời – Đất hay Càn – Khôn. Chính vì vậy mà người xưa chọn Diệc – Dịch đại diện cho hệ thống bói toán siêu hình hay triết học của họ.
Tiến trình biểu í chữ DIỆC - DỊCH
3. Ễnh Ương - âm dương 陰 陽
Ngày nay ta thấy trên trống Đồng thường có tượng Cóc. Cóc tượng trưng cho Thái cực (xem phần giải mã chữ viết). Thái cực sinh Lưỡng nghi = Âm Dương = Cóc sinh Nòng Nọc = Ễnh Ương. Cách thành lập hai từ Ễnh Ương - Âm Dương cũng tương tự như cách hình thành chữ Quẻ – Quái, Diệc – Dịch. Ban đầu là hữu hình sau là trừu tượng - vô hình. Cụ thể như sau:
Nòng Nọc: là từ tượng hình, chỉ con một đầu to = Nòng, một đầu nhỏ = Nọc = Hữu hình.
Chão Chàng: Không phải cóc, không phải ếch = Trung gian. Ễ
Ễnh Ương: Từ này là từ tượng thanh = trừu tượng = Vô hình. Về sau hai từ Ễnh Ương thành Âm Dương.
Tiến trình xây dựng khái niệm ỄNH ƯƠNG
Vì âm dương có nguồn gốc từ hai chữ Ễnh Ương nên âm dương còn có nghĩa là tiếng kêu của loài ếch, nghĩa này cho đến thời Tự Đức, ông vẫn còn dùng trong bài thơ sau:
Bài thơ Soi ếch
霖⾬淋漓李俚瑭
Lâm vũ lâm li lí lí đường
Vườn mận đêm mưa nước nhợt nhầy
冥冥秉燭炤陰陽
Minh minh bỉnh chúc chiếu âm dương
Thắp đèn soi khắp chỗ kêu đây
Vô Hình Chão chàng trung gian
馳驅上下攻盈串
Trì khu thượng hạ công doanh quán
Bắt trên bắt dưới xâu từng chuỗi
去⾸離⽪得幾綱
Khử thủ li bì đắc kĩ cương
Chặt thủ lột da mấy trã đầy.
(Giai thoại văn chương Việt Nam,
Thái Bạch, tr.101- 103, Nxb. Sống Mới – Sài Gòn)
Phân tích ngữ âm của các từ Nòng Nọc – Chão Chàng - Ễnh Ương, ta thấy rõ người xưa đã có í chỉ sự phân hóa tách bạch của hai nghi Âm Dương. Ban đầu là N+òng N+ọc, Ch=ão Ch+àng, hai phụ âm đầu giống nhau, có nghĩa là có chung cội nguồn – Thái cực, nhưng đến Ễnh Ương thì mất phụ âm đầu, điều này chỉ ra rằng đến đây hai nghi Âm Dương tách ra riêng biệt. Do đó khi ký âm lại bằng chữ tượng hình người xưa cũng đã thực hiện đúng với tinh thần này. Âm Dương 陰 陽 cả hai chữ đều mang bộ Phụ ⻏tương đương với phụ âm đầu N – Ch, nhưng khi phát âm thì đã ẩn mất phụ âm đầu, có nghĩa là chữ thì có kí hiệu của phụ âm đầu nhưng phát âm thì không, nhằm chỉ sự phân hóa; đồng thời hai chữ Âm Dương hay Ễnh Ương cũng được thành lập như các cách bói toán mà như đã thể hiện trong chữ Quái – Từ hữu hình đến vô hình. Tuy nhiên trong quá trình phát triển thành quả văn hóa Diệc - Dịch và chữ Vuông, người Việt đã thay nó bằng một con chữ khác có tự dạng tương tự. Lí do có thể là vì từ Ễnh Ương không bảo đảm cho cả hai nghĩa vừa hữu hình vừa vô hình, vì trong chữ - Ễnh Ương thì mất phụ âm đầu, hoàn toàn vô hình, còn - Âm Dương thì một mất, một còn để chỉ sự tương phản, đối kháng, qua đây ta thấy người xưa đã suy nghĩa rất kĩ, không phải chỉ là vấn đề triết lí trong tư tưởng mà còn trong con chữ nữa. Cụ thể như sau:
Hai chữ Âm Dương đang sử dụng hiện nay: 陰 陽
陰 - Âm = Không có phụ âm đầu = Vô hình = Tối.
陽 - Dương = Có phụ âm đầu = Hữu hình = Sáng.
Theo tôi hai chữ Ễnh Ương ban đầu của người Lạc Việt là như thế này.
Đọc chiết tự theo âm Hán Việt.
Ễnh: = ⻏Phụ + 奚 Hề.
Ương: = ⻏Phụ + 易 Dịch.
Đọc chiết tự theo âm thuần Việt.
Ễnh: = ⻏Cóc + 奚 Cà, gà = Ễnh.
Ương: = ⻏Cóc + 易 Diệc = Ương.
奚 Âm Hán Việt là Hề. Nghĩa: Lời ngờ hỏi, như: Sao thế!
Hiện nay trong tiếng Việt chúng ta vẫn còn sử dụng từ Cà với nét nghĩa: Lời ngờ hỏi, sao thế! Như “Sao vậy cà!”
Cà là âm cổ của Gà, ta có thể xác định điều này khi ta biết chữ Kê 鷄 có nghĩa là con gà. Khi người Hán buộc ta phải học theo âm mới là Kê (có lẽ bắt đầu từ thời Sĩ Nhiếp – Nam Giao học tổ !?), người Việt đã sợ mất âm xưa nên mới ghép hai âm Việt và Hán lại thành Cà Kê. Nếu chiết tự ra ta thấy chữ Kê 鷄 có hai chữ: Hề 奚 và Điểu ⿃ = Chim. Vai trò chữ Điểu là nhằm hệ thống hóa chữ viết, vậy còn chữ Hề 奚 với nghĩa là sao thế thì đóng vai trò gì để chỉ định nghĩa của nó là con Gà. Rõ ràng đây chính là chữ Cà = gà 奚 của người Việt cổ. Tương tự như vậy nếu ta xét chữ Kê 雞 cũng có nghĩa là Gà. Chữ Chuy ⾫ trong chữ Kê 雞 này có nghĩa là chim đuôi ngắn. Sao con gà mà là thuộc loại chim đuôi ngắn?
Chữ GÀ - HỀ và DIỆC - DỊCH qua hình ảnh các loại chữ:
Như thế là tôi cho rằng hai chữ Âm Dương vốn xưa kia là hai chữ Ễnh Ương, chữ này sử dụng ở giai đoạn đầu của Dịch, sau này khi người Việt bắt đầu làm ra Lạc thư và Hậu Thiên Bát Quái, phát triển Dịch học đến giai đoạn biến Dịch, người ta mới đổi Ễnh Ương thành Âm Dương. Chính vì vậy mà tự dạng chữ Âm 侌 hầu như giống chữ Cà 奚, và chữ Dương 昜 giống chữ Dịch 易.
4 –BỘ CÓC hay PHỤ ⾩: Núi đất, đống đất, to lớn, nhiều nhõi, thịnh vượng, béo. (Tự điển Thiều Chữu). Hình ảnh Cóc trong chữ Giáp cốt.
Chữ Cóc hay Phụ có í nghĩa như thế nào trong liên quan đến Dịch và đóng vai trò gì?
Bộ Phụ ⾩. Theo tôi ban đầu người Lạc Việt làm ra gọi là bộ Cóc ⾩, vì Cóc là tượng trưng cho Thái cực. Ta có thể xác minh được điều này khi ta khảo sát các chữ Ễnh Ương 陰 陽 âm dương. Bốn chữ này đều thuộc bộ Phụ = Cóc, vì nó là các chữ liên quan trực tiếp đến Dịch lí mà Cóc là cội nguồn của Dịch lí. Đồng thời với vai trò quan trọng như vậy, nó còn liên quan đến cả việc xây dựng nên hình ảnh trống Đồng, vì trống Đồng cũng là một sản phẩm thể hiện triết lí âm dương. Vấn đề này tôi sẽ trình bày ở phần hai. Cũng chính vì Cóc là Thái cực nên những chữ chủ chốt liên quan đến kiến thức đều có sự hiện diện của nó như Giác = Cóc 覺, Sư hay Sãi 師, Bối hay Bòi ⾙, Học 嶨, Trữ hay Chữ 貯, việc này người Việt xưa đã thể hiện trong một bài thơ trên bức tranh dân gian Đông Hồ “Lão Oa giảng đọc”. Vấn đề này tôi sẽ trình bày ở phần ba.
Sở dĩ bộ Cóc ⾩ phải có chữ Thập ⼗ bên dưới là vì Thập là 10, là số Trinh, con số tuyệt đối của vũ trụ, càn khôn hay là Thái cực. Đây là í nghĩa của biểu tượng Cóc mà ta thường thấy trên trống Đồng. Thiên hạ chi động, trinh phù nhất (Dịch Hệ từ hạ truyện).
Tiến trình biểu í chữ Cóc = Phụ
Hình ảnh mà người Việt xưa lấy đó vẽ thành chữ Cóc = Nhái = Dái được thể hiện rất nhiều trên mặt trống Đồng, như minh họa bên dưới. Vì sao từ chữ Cóc lại thành chữ Phụ. Theo tôi lí do của nó như
thế này. Cóc là Thái cực, Thái cực sinh mọi loài = Cha = Phụ. Phụ là trùng âm với chữ phụ có nghĩa là cha, bố.
Như đã nói trên, hình ảnh Cóc bao quanh mặt trời là tượng trưng cho Thái cực, từ hình ảnh này người xưa đã vẽ nên chữ Cóc như trên.
Ngọc Lũ: Ta thấy trên là Cóc, dưới là 10 gạch.
Cổ Loa: Ta thấy trên là Cóc, dưới là 10 gạch.
Tuy nhiên khái niệm Thái cực cũng có thể là 64, vì 64 cũng là số cuối cùng của Dịch lí, điều này được thể hiện trên trống Hoàng Hạ.
Hoàng Hạ: Ta thấy trên là Cóc, dưới là 15 gạch dài + 1 gạch dài trên cùng = 16, chung quanh mỗi bên là 24 gạch ngắn. 24.2 = 48+16 = 64.
Cũng chính từ quy ước các con chữ luôn chứa đựng Thái cực – Âm Dương, người Lạc Việt xưa đã làm nên chữ hai chữ Ễnh Ương - Âm Dương với những khái niệm chặt chẽ liên quan đến Dịch lí. Cụ thể là hai Nghi bao giờ cũng nằm trong Thái cực.
VII. Sự phát triển của Dịch học
Kể từ khi ra đời đến nay, trải qua mấy ngàn năm, Dịch học đã phát triển và ứng dụng trên hầu hết các mặt của đời sống, từ chính trị, văn hóa, kinh tế, có hàng ngàn trước tác luận bàn về nó, không những phát triển tại Trung Hoa mà còn lan rộng sang các nước Nhật Bản, Cao Li; đồng thời khi không gian trái đất nhỏ lại trước sự phát triển của khoa học kĩ thuật, Dịch học lại đến với thế giới của phương Tây. Cho đến nay đã có bốn cuộc hội thảo quốc tế về Dịch học được tổ chức tại Trung Hoa. Rõ ràng Dịch, với tư cách là một thành quả tinh thần của một nền văn minh xa xưa của con người Á Đông đến nay vẫn còn chứa trong nó vô vàn hấp dẫn trong khi các nền văn minh khác đồng thời trên thế giới hầu như đã đi vào quên lãng. Riêng tại Việt Nam, Dịch học phát triển một cách tự nhiên vào đời sống xã hội, vì đã từ lâu không gian nơi mà Dịch học ra đời cũng chính là nơi mà người Việt đã từng sinh sống, hay nói khác hơn chính người Lạc Việt đã sáng tạo ra hệ thống Dịch học ấy, vì vậy tất cả những gì liên quan đến Dịch lí lúc đầu đều mang dấu ấn của một nền văn minh lúa nước. Điều này đã được chứng minh qua những gì mà tôi đã trình bày trên, qua những con chữ, khái niệm về Dịch lí được phản ảnh một cách trung thực từ những hình ảnh thực tế của một dân tộc đồng bằng. Tuy nhiên vì lòng tự tôn dân tộc, sự cao ngạo của kẻ thống trị, người ta đã cố xóa bỏ dấu ấn của của người Việt trong quá trình phát triển Dịch lí, nhằm thay đổi tư duy người đời sau rằng những gì họ tuyên truyền là chính thống. Tuy nhiên cho dù không nhắc đến tên Việt trong nguồn gốc Dịch học chăng nữa thì với những gì được ghi lại trong nội tại của Dịch học thì khó mà phủ nhận nguồn gốc lúa nước
của nó, cũng chính vì vậy mà ngày nay có nhiều nghi vấn về nguồn gốc của Dịch học.
VIII. Nguồn gốc Dịch học theo Trung Hoa
Phàm cái gì có mặt trong đời thì đều có nguồn gốc của nó, Dịch học cũng vậy. Tuy nhiên vì bắt nguồn từ xa xưa nên nguồn gốc của nó cũng chỉ được gọi là truyền thuyết, nghĩa là không chắc thật. Tương truyền vào thời thượng cổ, Phục Hy (khoảng 2852-2738 TCN) thấy con long mã trôi trên sông, trên lưng có 9 đốm xoáy, từ đó ông suy nghĩ về lẽ tự nhiên vẽ ra một vạch liền tượng trưng cho khí Dương và một vạch đứt tượng trưng cho khí Âm, hai tượng này gọi là Nhị nghi, trên mỗi Nghi ông thêm một gạch liền, một gạch đứt làm thành bốn cái hai gạch gọi là Tứ tượng, tiếp đến trên mỗi Tượng ông thêm một gạch liền, một gạch đứt xếp chồng lên nhau thành tám cái ba vạch gọi là Bát Quái. Sau khi đặt tên cho các quẻ đơn – Bát Quái - đem xếp trên một vòng tròn với bốn phương chính tương thích với các độ số từ 1 tới 9 và bốn phương phụ, cái mà về sau này gọi là Tiên Thiên Bát Quái. Về sau vào thời vua Vũ nhà Hạ, bát quái phát triển thành 64 quẻ, rồi đến Văn Vương dựa trên lý thuyết này nhưng thay đổi phương sở của các quái làm thành Hậu Thiên Bát Quái; đồng thời viết Thoán từ cho mỗi quẻ. Tiếp đến sau khi Chu Vũ Vương tiêu diệt nhà Thương, em ông là Chu Công Đán viết Hào từ. Đến thời Xuân thu (khoảng 722- 481 TCN), Khổng Tử viết Thập Dực để giải thích về Dịch lí. Từ đó Dịch học được phát triển không ngừng.
IX. Hoài nghi về nguồn gốc Dịch học
Như đã trình bày ở trên, nguồn gốc Dịch học bắt đầu từ một truyền thuyết, mà truyền thuyết thì dĩ nhiên có nhiều cái cần phải thẩm định. Như chuyện con long mã, bản thân con long mã là một con vật thần thoại mang tính biểu tượng nên không có thật, mà đã không có thật thì làm sao Phục Hy thấy được, đã vậy ngựa không chạy trên bộ mà lại trôi trên sông lại càng làm cho người đời sau khó tin vào câu chuyện ấy. Không tin nhưng không bỏ, vì cần có nó để đóng vai trò
như là sự bắt đầu. Tuy nhiên càng về sau người ta càng thấy khó mà tìm thấy rõ ràng về nguồn gốc ai hay dân tộc nào đã khai sinh ra Dịch học, ngay ở Trung Quốc từ lâu người ta đã nghi ngờ vai trò sáng tạo Dịch học của Phục Hy. Chính vì vậy mà Tư Mã Thiên, khi viết sử ký, đã không xếp ông lên đầu thay vào đó là Hoàng Đế; đồng thời cố í gán việc sáng tạo Dịch cho Văn Vương – Nhà Chu. (Sử Kí Tư Mã Thiên – tr. 44 – NXB Văn học – 1988). Tuy nhiên việc làm này cũng không ngăn nổi những người nghiên cứu tiếp tục hoài nghi, đến như Khổng Tử khi viết Thập Dực để diễn giải Kinh Dịch, dù kính trọng Văn Vương rất mực mà vẫn không đề cập đến vai trò của của Văn Vương trong việc sáng tạo ra Dịch học, vì vậy vấn đề này ở Trung Hoa cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi. Mặc dầu thế, người Trung Hoa cũng không cho rằng họ không có bản quyền trong vấn đề nguồn gốc Dịch học, có nghĩa là họ vẫn tin rằng chính họ chứ không dân tộc nào khác làm nên điều kì vĩ đó, vấn đề là chưa tìm ra mà thôi, chính vì vậy chưa có ai trong số họ có í nghĩ tìm nguồn gốc Dịch học từ một dân tộc khác. Đây chính là khoảng trống nuốt chửng hay lấp lửng đối với những lí giải nguồn gốc Dịch học từ nơi khác với tư tưởng cho rằng thành quả ấy, nếu có, là do chính họ đã mang Dịch học đến dạy các nơi ấy hay đó chỉ là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa nước mạnh và nước yếu mà thôi. Tư tưởng này đã trở thành cố hữu, không phải chỉ những nhà nghiên cứu Trung Hoa mà ngay cả nhiều người hiểu biết Dịch lí ở Việt Nam, sở dĩ họ tin như vậy là dựa vào không gian và thời gian mà nơi ấy Trung Hoa cai trị và phát triển Dịch học.
X. Tìm nguồn gốc Dịch học Lạc Việt
1. Vấn đề thuyết Âm Dương
Âm dương là hai khái niệm được người Việt xưa nhận thức rất sớm, có lẽ không chỉ có người Lạc Việt, mà cả một cộng đồng Bách Việt lúc bấy giờ chia sẻ hiểu biết này. Nghiên cứu trống Đồng trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta thấy rằng dân tộc Karen ở Myanmar cũng có trống Đồng. Tuy không có hoa văn, hình ảnh nhưng ở trung tâm
trống là một mặt trời 10 – 12 cánh với hình ảnh cóc ngự trị trên ấy và 16 vòng từ trong ra ngoài. Ở Indonesia cũng có trống Đồng, trên ấy cũng có tượng cóc, mặt trời 12 cánh, chim diệc, ta có thể nói rằng đây là một kiến thức phổ biến của cộng đồng cư dân Đông Nam Á thuở ấy. Không phải chỉ nhận thức về hai khái niệm Âm Dương thôi, mà họ còn hiểu biết sâu hơn về nguồn gốc của nó, cụ thể là vũ trụ – thái cực – mặt trời, người ta cũng đã tiêu biểu hóa khái niệm này bằng hình ảnh CÓC, Cóc sinh Nòng Nọc = Thái cực sinh Âm Dương. Như vậy triết lí Âm Dương là một tư tưởng đã có từ lâu trong cộng đồng người Đông Nam Á, nó không phải là sản phẩm độc quyền của một dân tộc nào trong khu vực, ngay cả Dịch lí cũng đã manh nha phát triển, hình chim diệc trên trống Đồng Indonesia nói lên điều đó. Vấn đề là dân tộc nào trong số đó đã phát triển Dịch lí tới đỉnh cao, thành hệ thống, có tính ứng dụng vào cuộc sống con người, dân tộc đó có thể xem họ là chủ nhân của Dịch học. Đồng thời qua đây cho thấy người Việt đã có thể đi từ miền Nam lên phía Bắc như những nghiên cứu gần đây cho biết.
2. Vấn đề nguồn gốc Dịch học
Như thế là vấn đề nguồn gốc Dịch học tại Trung Hoa chỉ dừng lại ở truyền thuyết với những nhân vật mơ hồ không thật. Nhân vật thì mơ hồ nhưng Dịch học là có thật, nên vấn đề đi tìm nguồn gốc của nó cũng vẫn tồn tại. Tại Việt Nam, vài thập niên lại đây, một số nhà nghiên cứu cũng đã nêu ra vấn đề nguồn gốc Việt của Dịch học và nỗ lực đưa ra những lí giải của riêng mình, tất nhiên họ chẳng hơi sức đâu mà tìm kiếm ở tận phương Bắc, với kiến thức của mình về Dịch học và lịch sử, người ta thừa biết rằng khó có chuyện một khúc nhạc sáo tao nhã lại được sáng tác bởi một người suốt ngày rong ruổi trên lưng ngựa với cung tên trong tay, khúc nhạc ấy chỉ có thể sáng tạo nên bởi một con người ngồi trên lưng trâu, với những phút giây chậm rãi ngước nhìn bầu trời để rồi suy ngẫm những đổi thay của con người và vạn vật, vì vậy với những gì ghi lại trong Kinh Dịch như tên các quẻ đơn hay tên các địa chi đã chỉ dấu cho thấy tính nông nghiệp trong Dịch học. Đặc biệt Hà đồ đặt phương Nam lên trên và
ngay cả đỉnh đồng nhà Thương cũng có tên là Hỏa Phong đỉnh, có nghĩa phương Nam là linh hồn của biểu tượng ấy. Điều này chỉ ra rằng phương Nam hay người phương Nam đóng một vai trò chủ chốt trong việc sáng tạo ra Dịch học, có lẽ cũng chính vì điều này mà người Việt đã viết tuyên ngôn độc lập của mình bắt đầu bằng “Nam quốc…” chăng?
Lại nữa cho dù Phục Hy và long mã chỉ là nhân vật thần thoại chăng nữa, thì câu chuyện ấy cũng phải lấy chất liệu từ cuộc sống và do con người quan sát chính họ và thế giới khách quan mà xây dựng nên, cụ thể câu chuyện xảy ra tại Hoàng Hà, các hiểu biết về Dịch bắt đầu từ nước – Hà đồ, Lạc thư. Theo truyền thuyết thì xưa kia người Việt đã từng sinh sống tại đây hay nói khác hơn xưa kia từ Hoàng Hà
trải dài đến tận Hồ Tôn là lãnh thổ của cộng đồng người Bách Việt, chuyện dân tộc Việt là một dân tộc có nền văn minh lúa nước thì đã được minh chứng qua lịch sử, vì vậy mà người Lạc Việt mới cho rằng mình là con Rồng cháu Tiên, cũng chính vì điều này mà ngày nay nhiều người nghiên cứu Dịch học cho rằng nhất định người Việt đóng một vai trò quan trọng trong việc sáng tạo ra Dịch học. Từ những suy nghĩ đó, gần đây có một số nhà nghiên cứu nguồn gốc Dịch học đã đưa ra nhiều lí lẽ để chứng minh cho í tưởng ấy. Tất nhiên những nghiên cứu ấy có giá trị nhất định, mặc dầu chưa đạt được sự ủng hộ của số đông nhưng cũng đã làm lay động không ít những người nghiên cứu. Tuy nhiên hầu hết có tính thuần lí và những chứng lí ấy cũng suy diễn dựa trên những câu chuyện được truyền lại từ ngàn xưa, mà như đã biết không gian phát triển Dịch học của người Việt và Trung Hoa có nhiều sự tương đồng, lại thêm họ đã từng chiếm đóng nước ta hàng ngàn năm, khiến cho các truyền thuyết ấy tuy có lí nhưng vẫn chưa được công nhận rộng rãi, do phương Bắc có ưu thế hơn khi dựa vào không gian lịch sử của một nước lớn. Đây cũng chính là lí do vì sao có nhiều người nghiên cứu Dịch học ở Việt Nam nhưng rất ít người lên tiếng ủng hộ í tưởng “Người Việt là chủ nhân của Dịch học”.
Tất nhiên các nhà nghiên cứu Dịch học ở Việt Nam nhận thức đầy đủ những giới hạn trên, với niềm tin mà họ đã có được từ những
chứng lí có được từ quá khứ, họ chuyển sang đi tìm bằng chứng để củng cố cho chứng lí mà họ đưa ra, cụ thể là họ xem xét đến Trống Đồng. Có thể nói rằng cho đến nay tại Việt Nam, trống Đồng là vật thể xưa nhất có mang thông điệp về đời sống của dân tộc Việt hàng ngàn năm trước, nhất là các hình ảnh hoa văn trên ấy hầu như vẫn còn nguyên vẹn sau hàng ngàn năm nằm dưới mặt đất. Đặc biệt người ta tin rằng trống Đồng là vật thể có từ xa xưa, cái thời mà người ta tin rằng Dịch học chưa bị thế lực khác chiếm hữu rồi thay đổi.
XI. Trống Đồng
Trống Đồng là một nhạc cụ, khí cụ dùng trong khi tổ chức lễ hội, nghi lễ tôn giáo, kêu gọi thần dân hay thị uy khi lâm trận, nó còn là vật để thể hiện quyền uy, địa vị của người sở hữu nó. Trống Đồng được xem như là cuốn sử bằng các hình ảnh, hoa văn, hình dáng và kĩ thuật. Tất cả nói lên nó chính là thành quả hoàn hảo về mặt vật chất cũng như tinh thần của cư dân Đông Nam Á vào thời đại đồ đồng.
1. Trống Đồng Đông Nam Á
Trống Đồng là một trong những vật khảo cổ quan trọng của Đông Nam Á. Người ta tìm thấy nhiều loại trống Đồng qua nhiều thời đại, được phân bố trải dài từ Nhật Bản – Myanmar – Thái Lan – Campuchia – Indonesia – Malaysia – Việt Nam – Trung Hoa. Tuy nhiên số lượng tìm thấy nhiều nhất là ở hai vùng Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.
2. Trống Đồng Lạc Việt
Hậu Hán thư (後漢書), quyển 14 ghi: “Dân Giao Chỉ có linh vật là trống Đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận...”. Sách này còn chép rằng Mã Viện, tướng nhà Hán, sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vào khoảng năm 40-43, đã tận thu trống Đồng của các thủ lĩnh địa phương, một phần đem tặng, phần nấu chảy để đúc ngựa và cột đồng Mã Viện.
Ở Việt Nam, các cuốn Việt Điện U Linh Tập và Lĩnh Nam Chích Quái thế kỷ 14 ghi lại nhiều truyền thuyết về trống Đồng. Các cuốn sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng nói đến trống Đồng. (Nguồn http://vi.wikipedia.org).
Sau khi đàn áp khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện đã tịch thu tất cả trống Đồng để phá hủy rồi nấu chảy để đúc ngựa và cột đồng, điều này nói lên rằng số lượng trống Đồng thời ấy là rất nhiều và phân bố trên nhiều vùng, vì nếu không có số lượng nhiều và trải rộng trên nhiều vùng thì làm sao ngày nay còn sót lại một số lượng không nhỏ như thế. Chắc chắn sau cuộc khởi binh thất bại ấy, tiếng trống Đồng không còn được tấu lên mừng ngày lúa mới nữa, người Việt buộc phải quên đi một sinh hoạt tâm linh của mình, họ chấp nhận từ nay thôi không còn đâm trống nữa, thay vì giao nạp cho Mã Viện, họ giao lại cho đất mẹ với hy vọng rằng đất mẹ sẽ che chở, bảo trì cho đến ngày con cháu nước Việt tìm thấy và nhận ra những gì được cha ông họ ghi lại trên trống Đồng. Có thể sau khi chôn trống Đồng rồi người Việt cũng đã thay đổi cách thức lễ hội, lễ hội Đâm Trâu của người miền núi có thể là một phản ảnh về điều này. Như vậy, ta thấy người Việt đã chôn khá nhiều trống dưới lòng đất nên giờ đây các nhà khảo cổ mới tìm thấy nhiều như vậy. Sau khi tìm thấy nhiều trống Đồng, các nhà khảo cổ đã phân loại, chủ yếu theo quan điểm của nhà khảo cổ người Áo Franz Heger - Ông chia trống Đồng thành 4 loại mang tên ông và được giới khoa học chấp nhận. Trống Đồng Đông Sơn của Việt Nam được xếp vào loại I, trong đó có trống Ngọc Lũ.
Sở dĩ trống Đồng được xem là quan trọng trong vấn đề tìm hiểu về cuộc sống của người xưa vì ngoài hình dáng và kĩ thuật, nó còn mang trên mình những hoa văn, hình ảnh, đây được xem như là ngôn ngữ của con người thời đó. Thông qua tất cả những thứ ấy người ta hy vọng có thể tìm ra một số giải đáp cho việc nghiên cứu đời sống từ chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng chính trên quan điểm này mà người ta cho rằng trên trống Đồng có dấu vết của Dịch lí, vì Dịch lí là thành tựu lớn nhất của văn minh tinh thần con người lúc bấy giờ. Trong hướng nghiên cứu này người ta bắt đầu tìm kiếm những ngôn ngữ của Dịch lí trên trống Đồng dựa trên những hoa văn, họa tiết, hình ảnh, kết hợp với kiến thức đã được ghi lại về Dịch lí cũng như các truyền thuyết nhằm khả dĩ làm sáng tỏ nguồn gốc Dịch học xuất phát từ người Việt. Tuy nhiên cho đến nay mọi việc vẫn còn trong bàn cãi, nếu không nói là mọi việc chỉ dừng lại tại đó nếu không có một đột phá nào trong vấn đề trưng ra bằng chứng một cách cụ thể, có tính thuyết phục cao. Có nghĩa là những gì ta đưa ra phải phù hợp với những gì đã được ghi lại trong lịch sử, có tính hệ thống và nhất là nó được ghi lại bởi người Việt, trên sản phẩm của người Việt, chừng ấy mới mong rằng có những bước đi mới trong việc nghiên cứu nguồn gốc Dịch học, cụ thể là xác định ai là chủ nhân đích thực của nó.
Cùng trong suy nghĩ rằng Dịch học có thể do người Lạc Việt sáng tạo ra và làm thành hệ thống, vì khi nhìn lại quá khứ của đất nước, ta thấy Dịch học hầu như được áp dụng trên mọi lĩnh vực, nhất là các tranh dân gian, từ đó tôi tự hỏi lẽ nào người Việt chịu ảnh hưởng Dịch học của phương Bắc đến mức sâu đậm đến như vậy, nhất định phải vì một lí do nào đó mà người Việt đã phát huy tinh thần của Dịch học một cách khăng khít và đậm đà, có kế thừa một cách chủ động đến như vậy. Có một câu trả lời gần với những gì xảy ra đó là có thể chính họ, người Lạc Việt là tác giả của Dịch học cũng nên. Từ suy nghĩ đó, tôi cũng thử tìm hiểu xem chuyện nguồn gốc Dịch học như thế nào. Thật ra ban đầu tôi cũng chưa biết bắt đầu từ đâu, vì có thể nói những người trước đây đã đưa ra nhiều chứng lí với những kiến thức uyên bác về Dịch học rồi nên khó mà tìm thấy gì khác hơn nhưng trong một lần thử tìm hiểu về chữ Vuông cổ, thông qua bức tranh dân gian Đông Hồ “Lão Oa giảng đọc” thường gọi là “Thầy đồ
Cóc”, từ đó dẫn tôi sang lãnh vực này. Sau khi nghiên cứu, đặc biệt khi đã phát hiện Hà đồ trên trống Đồng, tôi nhận thấy rằng chữ Vuông và Dịch học là hai sản phẩm có cùng nguồn gốc và chỉ do một dân tộc làm ra mà thôi, hay ta có thể nói rằng: Ai là tác giả của thuyết âm dương người ấy là chủ nhân của chữ Vuông và ai là chủ nhân của Hà đồ người ấy là tác giả của Dịch học.
XII. Tìm hiểu nguồn gốc các từ: rồng - đồng - trống - cồng Trước khi tìm hiểu về văn bản bằng ngôn ngữ hình ảnh trên trống Đồng Ngọc Lũ, ta hãy tìm hiểu về một số từ ngữ liên quan đến vấn đề này. Người Việt thường nói rằng họ là hậu duệ của “Rồng”. Theo truyền thuyết con Rồng cháu Tiên thì Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau không ở với nhau được”. Vậy giống Rồng là giống gì? Từ đâu mà có giống này? Tất nhiên đây không phải là con Rồng trong thần thoại rồi. Căn cứ vào câu chuyện thì ta biết rằng Lạc Long Quân là người Đồng bằng còn Âu Cơ là người miền Núi. Chữ Rồng có thể được hình thành theo cách sau: Lạc Long Quân là dân lúa nước, mảnh đất nhỏ trồng lúa gọi là Ruộng, miền trung gọi là Rọn, còn tất cả những mảnh đất trồng lúa gộp lại thì gọi là Đồng. Hàng năm những cơn mưa đến, nước từ trên trời trút xuống, trên nguồn đổ về dâng lên bao phủ cả bốn bề, thậm chí người ta chẳng thấy mưa đâu, vì mưa nơi khác, nhưng bỗng dưng họ chứng kiến những con nước cứ từ từ dâng lên, bò lên những cánh đồng, vượt qua những bờ đê, leo lên cả mái nhà, nó di chuyển khắp nơi, mà đã di chuyển được, bò đi được thì nhất định thuộc loài gì đó, con gì đó, nhưng không biết là con gì, chỉ thấy nó trườn qua Ruộng, qua Đồng nên người xưa mỗi lần thấy nước lên thì thông tin cho nhau là có con Ruộng Đồng tới, lâu ngày thành con Rồng theo quy luật giản lược tự nhiên của ngôn ngữ khi đã nói nhiều, nói nhanh lướt thành Ruộng + Đồng = Rồng. (Rồng đuộng) Chính vì vậy trong tâm thức người Việt, con rồng hết sức to lớn, luôn luôn gắn liền với nước, nên khi nước trên trời trút xuống thì họ nghĩ là trên ấy cũng có con rồng, ngoài ra trước khi mưa thường có sấm chớp vì vậy người ta mới nghĩ rằng con rồng phun ra lửa. Ngày ấy không có gì mạnh mẽ
hơn sức mạnh của nước hay của rồng. Ngày nay khi nước lên ta vẫn gọi là nước Ròng. Từ một con nước không có hình hài cụ thể nhưng do nhu cầu hiện thực, đã là con vật thì phải có hình tướng, nên về sau con rồng đã được mang một thân hình cụ thể với những chi tiết khác nhau, tùy theo sức tưởng tượng của mỗi dân tộc qua các thời đại, chỉ cái bản chất duy nhất của nó là không thay đổi mà thôi. Đó là sức mạnh.
Cũng như chữ Rồng, trước khi tạo ra trống Đồng, chắc chưa có từ Trống, từ này chỉ xuất hiện sau khi trống Đồng đã được sử dụng có thể theo dòng chảy sau đây: Như ta biết người Lạc Việt xưa là cộng đồng cư dân lúa nước, tất cả các vuông đất trồng lúa được gọi là Đồng, từ này có thể được thành lập bởi cách đọc lướt từ Đất + Trồng = Đồng 同. Vì vậy khi làm ra khí cụ mà ta gọi là trống Đồng người ta đặt tên là Cái Đồng, khi đánh Cái Đồng nó phát ra một âm thanh mạnh mẽ như con Rồng, gọi là Rống từ xa, khi nghe thấy người ta bảo nhau rằng Đồng Rống, lướt thành Đrống = Trống từ đó người ta gọi khí cụ ấy là Trống Đồng. Tất nhiên người Việt xưa đã có triết lý Nòng Nọc – âm dương rồi nên đã có Cái Đồng = Dương, thì phải có cái để biểu tượng cho Âm nên họ làm tiếp cái khác để biểu trưng cho tượng này, cái đó gọi là Cồng. Từ Cồng được hình thành do đọc lướt từ Cái + Đồng = Cồng 共. Về sau gọi một tập thể người gồm nam nữ là Cồng 共 Đồng 同 rồi thành Cộng Đồng theo nguyên tắc âm dương như biểu í của con chữ. Có nghĩa rằng nếu hình thức con chữ là Âm thì nghĩa của nó là Dương và ngược lại, như chữ Cồng, hình thức là sinh thực nam - Dương thì nghĩa của nó là nữ, còn chữ Đồng 同 hình thức của nó là cái chứa đựng hạt giống nam nữ (Nòng Nọc) Âm, nên nghĩa của nó là Dương. Ngày nay, ta vẫn thường nói “cộng đồng người Việt” nhưng tìm nghĩa của từ ghép “cộng đồng” trong tự điển thì khó mà đáp ứng tiêu chí “người” trong cụm từ này. Một điểm cần lưu í là hiện nay khi ta nói tới trống Đồng, nói chung ai cũng hiểu là
trống làm bằng kim loại đồng, tuy nhiên ở đây, trong trường hợp nước Việt là từ Trống Đồng không có nghĩa là trống làm bằng đồng, mà cái trống ấy thuộc về người “làm Đồng làm Ruộng” hay nói khác hơn là cái trống ấy thuộc về cư dân lúa nước – Đồng bằng. Vì đâu chỉ trống mới làm bằng đồng mà cồng, chiêng, thạp, vũ khí cũng lúc ấy đều làm bằng đồng cả. Có thể chính từ Đồng này mà về sau gọi chất liệu ấy là đồng.
Phần hai
Giải mã Dịch lí và chữ Vuông của người Việt trên trống Đồng Ngọc Lũ
I. Giá trị trống Đồng Ngọc Lũ
Trống Đồng Ngọc Lũ là thành quả cao nhất về tinh thần cũng như vật chất của cư dân Lạc Việt lúc bấy giờ, những gì được nói lên trên trống đã thể hiện điều đó, rõ ràng tư tưởng, nghệ thuật và kĩ thuật đúc đồng
lúc bấy giờ đã đạt đến trình độ uyên áo và tinh xảo. Tất nhiên để có được một thành quả như vậy đòi hỏi phải qua một quá trình lâu dài, không những chỉ là vấn đề kĩ thuật mà còn đòi hỏi người Việt phải làm việc tích cực cả cộng đồng để thống nhất tư tưởng, từ đó mới chọn ra được những ngôn ngữ nào thích hợp, thông qua hình ảnh, hoa văn để viết thành một cuốn sử bằng tranh trên trống Đồng. Chắc chắn tất cả những gì được đưa vào trống Đồng đều có tiếng nói riêng của nó, chính vì vậy từ trước tới giờ đã có rất nhiều người nghiên cứu nhằm giải thích cái thông điệp mà Tổ tiên người Việt gởi gắm trong đó. Cho đến nay dường như chưa có một lí giải nào có tính hệ thống đầy đủ hay nói khác hơn người ta chưa xâu chuỗi được các thông tin thông qua hình ảnh trên trống Đồng thành một câu chuyện hợp lí, thuyết phục, từ đó cung cấp cho công chúng một cái nhìn tương đối về cuộc sống của ông cha ta lúc bấy giờ. Đây là một vấn đề lớn và chắc chắn các nhà nghiên cứu tâm huyết với cội nguồn dân tộc đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức nhưng kết quả vẫn chưa làm thỏa mãn được nhu cầu của dân tộc. Điều ấy là chuyện bình thường, vì những gì ghi lại trên trống Đồng cách chúng ta cả mấy ngàn năm, chừng ấy thời gian thì mọi thông tin đã sai lạc, biến thái, chúng ta chỉ có thể lần theo dấu vết của các thông tin từ các truyền thuyết và lịch sử mà tìm về cội nguồn mà thôi, lịch sử thì biến động không ngừng nên đôi khi những gì ghi chép lại là bảng chỉ đường sai lạc, dẫn ta đến những kết quả không như mong đợi.
Nói đến Dịch học, thường người ta nghĩ ngay đến Trung Hoa, điều ấy không có gì lạ, bởi vì Trung Hoa là nơi đã phát triển và truyền bá Dịch học, thuyết âm dương ngũ hành trong nước cũng như truyền bá sang những nước khác như Nhật Bản, Cao Ly cả hàng ngàn năm qua. Ở Việt Nam, ảnh hưởng của Dịch học và thuyết âm dương ngũ hành cũng hết sức mạnh mẽ; đồng thời do hoàn cảnh lịch sử hầu hết các tác phẩm viết về Dịch lí cũng bằng chữ Nho. Với bề dày lịch sử phát triển và truyền bá Dịch học như vậy, nên phần đa những người nghiên cứu mặc nhiên xem Trung Hoa như là quê hương của Dịch học. Tuy nhiên trong vài thập niên qua, tại Việt Nam, có nhiều người lên tiếng cho rằng Dịch học là sản phẩm của người Lạc Việt. Bằng nhiều lý lẽ, người ta đã chứng minh rằng điều ấy là sự thật, đặc biệt người ta cho rằng trống Đồng chứa đựng Dịch lí càng khiến cho câu chuyện nguồn gốc Dịch học càng sôi nổi hơn. Mặc dù có nhiều bài viết công phu với những trích dẫn hoa văn, số vòng, người ta cho rằng có quẻ này, quẻ nọ, nhưng vẫn chưa vẽ ra cụ thể có hệ thống, tuy có lay động một số người nhưng chưa có chuyển biến mạnh mẽ, thuyết phục được, ngay cả những người nghiên cứu lâu năm trong nước chứ nói chi đến nước ngoài. Vì sao vậy? Bởi vì nếu nói lý thôi thì so với một bề dày mấy ngàn năm của Trung Hoa, chỉ nói về lượng, vài cuốn sách thuần lý thôi thì quá nhỏ bé so với số lượng trước tác của phương Bắc, nên khó gây ra được sự quan tâm đối với cộng đồng nghiên cứu Dịch học.
Quá trình nghiên cứu về nguồn gốc chữ Nôm - chữ Việt cổ - đã dẫn tôi về với trống Đồng, với quá nhiều điều kinh ngạc, cụ thể tôi đã nhận ra rằng ngay trên mặt trống Đồng Ngọc Lũ đã chứa đựng đầy đủ
thông tin về Dịch lí và chữ Vuông, đặc biệt là Hà đồ, nguồn gốc của Dịch học. Như thế là ta có thể xác quyết rằng Dịch học có nguồn gốc từ người Việt; đồng thời qua đó cho thấy rằng trống Đồng nói chung và trống Đồng Ngọc Lũ nói riêng có một giá trị vô cùng lớn lao, xứng đáng được gọi là bửu bối.
II. Ngôn ngữ Dịch lí qua trống Đồng
1. Ngôn ngữ Dịch lí qua hình thể trống Đồng Theo tôi chúng được phân bố như nhau:
A - Mặt trống: Mặt trống tròn là biểu tượng của vũ trụ hay gọi là Thái cực.
B - Thân trống: Thân trống Đồng cũng thể hiện biểu tượng Thái cực. Được phản ảnh thông qua chữ Cóc có nghĩa là Hiểu biết. Như hình ảnh minh họa. (Xem phần giải mã chữ Viết).
Thân trống có 3 phần:
- Phần tang trống tương ứng với Nòng = Âm. Được thể hiện bằng chữ Cửu ⾅- Cối = Sinh thực nữ.
- Phần các quai hình dây tương ứng với đường phân chia giữa âm và dương hay gọi là trung gian. Được thể hiện bằng bộ Mịch ⼍ = Che, trùm bằng khăn.
- Phần chân trống tương ứng với Nọc = Dương. Được thể hiện bằng chữ Bối ⾙- Bòi = Sinh thực nam.
2. Ngôn ngữ Dịch lí qua số vòng và hoa văn
Từ trong ra ngoài có tất cả 16 vành hoa văn đồng tâm bao bọc nhau.
Tại trung tâm trống là một mặt trời với 14 cánh, chung quanh có các tượng Cóc và 10 gạch xoay vào tâm. Chúng biểu tượng cho:
- Mặt trời = Thái cực. 14 cánh là tổng các phạm trù Dịch lí (2 Nghi + 4 tượng + 8 quái). Cóc biểu tượng của thái cực, 10 gạch biểu tượng cho số Thành, số trinh, số tuyệt đối. Hình ảnh này được thể hiện qua bộ Cóc = ⾩ (Bộ phụ).
- Vòng 1 – 5 – 11 với những kí hiệu chấm nhỏ là biểu tượng cho 3 tài: Thiên – Địa – Nhân. 1 = trên – 5 giữa – 11 số tiếp giáp với 10, dưới cùng.
- Vòng 2, 3, 4, 7, 9 với những kí hiệu vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến biểu tượng cho 5 hành, hoa văn vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến nhỏ biểu tượng cho Kim – Mộc – Thủy – Hỏa, riêng hoa văn có tiếp tuyến lớn chỉ hành Thổ, vì Thổ là hành trung gian nên không những tại trung ương mà còn có ở mỗi phương. Hoa văn vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến nhỏ còn có ở vòng 13, 15 nhưng không tính, vì đã vượt ra ngoài càn khôn. (Theo sơ đồ Dịch lí của người Việt cổ trên trống Đồng).
- Vòng 6 – 8: 6 + 8 = 14 đây là tổng các phạm trù Dịch lí, yếu tố tạo nên mọi biến dịch, vì vậy tại hai vòng này ta thấy sinh hoạt của con người và động vật. Con số 14 này được lập lại nhiều lần trên hình ảnh mặt trống.
- Vòng 10: Số 10 là số Trinh, số tuyệt đối, tất cả mọi biến dịch của con người và vũ trụ đều không ngoài phạm vi này. Chính vì vậy biểu tượng vòng 10 là Diệc = Dịch. Đây là số biểu tượng cho 10 thiên can.
- Vòng 12: Vòng này với hoa văn răng cưa, biểu tượng cho thời gian = 12 địa chi.
- Vòng 16: là con số trùng bát. 8 x 8 = 64 với hoa văn răng cưa, biểu tượng cho sự sinh sôi, biến dịch của bao la vạn hữu trong hành trình vô tận của thời gian.
3. Ngôn ngữ Dịch lí qua hình ảnh
Hình ảnh sinh hoạt của con người và động vật được xảy ra tại vòng 6 – 8 – 10. Cụ thể như sau:
Vòng 6: (2 cối giã gạo) 2 nghi + (2 âu cầu mùa + 2 nhà sàn) 4 tượng + (8 trống Đồng) 8 quái = 14. Hai âu cầu mùa, mỗi bên có 7 cái cồng. 7 + 7 = 14. Hai âu cầu mùa này chỉ đóng vai trò như một phân chia phương hướng, cụ thể là thành 8 hướng. Toàn bộ hình ảnh của vòng 6 diễn tả một đêm hội mùa, có múa, hát, tấu cồng, đâm trống. Mỗi cụm hình ảnh tương ứng với mỗi phương chứa đựng nhiều thông tin khác nhau của Hà đồ - Xem phần Hà đồ trên mặt trống Đồng ở phần sau.
- Vòng 8: 6 con gà = 2 nghi + 4 tượng. 8
con gà = 8 quái. 20 con hươu = Tổng các
hiệu số của các độ số bốn phương theo Hà
đồ. Cụ thể như sau: 6 - 1 = 5. 7 - 2 = 5. 8 - 3
= 5. 9 - 4 = 5 = 20.
- Vòng 10: 36 con Diệc, 18 bay, 18 đậu =
9 cung âm + 9 cung dương = 18. 18 động +
18 tịnh = 36. Đây là vòng biểu tượng cho sự
tuyệt đối của mọi sự biến dịch của nhân
sinh vũ trụ hay càn khôn mà đại diện cho
càn khôn chính là Diệc hay Dịch như đã chứng minh ở phần trên. Đồng thời số 10 là thiên can nên trên hình mỗi con Diệc đang bay thể hiện quẻ Càn và Thuần Càn.
- Ngoài ra trong các vòng này người Việt xưa chỉ sử dụng 3 hình ảnh động vật: Gà – Hươu – Diệc chính là phản ảnh phạm trù quái trong Dịch lí như đã trình bày về cách cấu thành chữ Quái ở phần trên.
- Đặc biệt các chiến binh nhảy múa, 10 người, đều có chữ Sơn ⼭. Khảo sát kĩ, tôi thấy đây là một chữ sơn đắp nổi làm khuôn, chứ không phải gọt trực tiếp vào khuôn đất cho nên tất cả chữ sơn trên cổ các chiến binh đều giống nhau, không phải chỉ ở trống này mà ở trống khác cũng có chữ sơn. Như thế có nghĩa rằng đây đích thật là
chữ Sơn chứ không phải là một sự tình cờ; đồng thời chữ sơn có một vị trí hết sức quan trọng đối với người Việt cổ, bằng chứng là nó được dùng để thay vị trí của Cóc như trong chữ Học 嶨 với câu: “Đem gan Cóc Tía đối sơn hà” hay trong bộ Cóc ⾩ 峊 (Hán nay là PHỤ). Với phát hiện chữ Sơn này cho thấy chữ Vuông đã được người Việt làm ra trước khi đúc trống Đồng Ngọc Lũ rất lâu, có lẽ từ ngày bắt đầu có hệ thống Dịch lí. Rõ ràng từ thuở xa xưa người lính đã phải gánh Sơn Hà trên vai của mình. 10 chữ Sơn này gánh vác hai đầu Bắc Nam của Hà đồ, có thể từ đây mà có từ Sơn Hà để chỉ đất nước. Như vậy từ ngàn xưa người ta đã thể hiện nhận thức vai trò nặng nề và trọng yếu của người lính như thế nào rồi. Chữ Sơn ⼭ trên vai 10 chiến binh:
4. Ngôn ngữ qua hình thuyền có thể là
5. Hà đồ và các số 3 tài, 5 hành, 10 thiên can, 12 địa chi, quẻ li, quẻ khảm qua tổng thể mặt trống
Căn cứ vào Hà đồ lưu hành từ hàng ngàn năm qua, ta chia mặt trống Đồng như sơ đồ của Hà đồ, ta có các con số tương ứng.
Trước hết ta thấy ngay từ đầu, người Việt đã đánh dấu sản phẩm của mình bằng kí hiệu Nòng Nọc để xác định đây là sản phẩm của dân Lạc Việt. Chính kí hiệu này xuất hiện ngay trong những chữ đầu tiên của người Việt như chữ Đồng 同 Quất 國 Phước 福 Phú 富.
Do cần phải chuyển tải một lượng thông tin lớn trên một bề mặt giới hạn của trống nên trên một hình ảnh của mỗi phương người Việt xưa đã gởi lại cho ta những thông tin khác nhau, theo tiêu chí mà họ đã xây dựng. Trong một hình ảnh nhưng đọc theo từng tiêu chí sẽ cho một thông tin khác nhau.
HƯỚNG BẮC: Số Hà đồ 1 - 6.
HƯỚNG NAM: Số Hà đồ 2 - 7.
HƯỚNG ĐÔNG: Số Hà đồ 3 - 8. Quẻ Li.
HƯỚNG TÂY: Số Hà đồ 4 - 9. Quẻ Khảm.
Ắ
HƯỚNG BẮC
HƯỚNG NAM
HƯỚNG ĐÔNG
HƯỚNG TÂY
Giải thích:
Trống Đồng là một văn bản được thể hiện bằng hình ảnh, do đó những con số cũng bằng hình ảnh. Vì vậy người xưa đã tính toán một cách hợp lí sao cho người đời sau dễ dàng phát hiện, ví như các đối tượng được tính luôn luôn đồng nhất trong một phạm trù như:
5-1 - Các số 1-2-3-4. Đối tượng là tham dự lễ hội số lượng tay người đưa lên trong một vị trí thống nhất như: Các số 1-2 biểu hiện trong tay người đi cuối, 3-4 từ tay người trong nhà sàn, như hình minh họa.
5-2 - Các số 6-7-8-9. Đối tượng là số lượng người tham dự lễ hội theo phương hướng của Hà đồ.
Trong hình ảnh minh họa trên, các số 6 phương Bắc - 7 phương Nam thì đã rõ, còn phương Đông và phương Tây ta thấy xuất hiện Qué (con gà) đang truyền thông cùng người đứng quay lưng lại với những người đang tham gia lễ hội. Đây là dấu hiệu cho thấy tại các cung này xuất hiện quẻ. Vậy quẻ đó là quẻ gì?
Ta thấy ở đầu đoàn người nhảy múa tại phương Tây có lá phướn với biểu tượng mặt trời rủ xuống = Đêm = Âm = Hào âm. Số lượng người của cung này là 9 = lẻ = Dương, suy ra qué = Hào âm. Đây là quẻ Khảm thuộc phương Tây theo Hà đồ.
Không những thế, thông qua hình ảnh nhà sàn trong hướng này, người xưa cũng đã thể hiện rõ quẻ Khảm = Hướng Tây, đó là: Nhà sàn là nhà Âm, vì trên nhà sàn có 2 con chim = Chẵn, hai đầu có kí hiệu hai vòng tròn có chấm ở giữa = âm, trong nhà có 3 người = Lẻ = Dương. Như vậy ngôi nhà này là nhà Âm, người ở trong nhà là Dương, suy ra Dương trong Âm = Khảm trung mãn.
Cùng một nguyên tắc như thế, tại hướng Đông, ở đầu đoàn người nhảy múa ta có lá phướn đã cuốn lên, biểu tượng mặt trời đã lên = Ngày = Dương = Hào dương. Số lượng người của hướng Đông là 8 = Chẵn = Âm, suy ra qué = Hào dương. Đây là Quẻ Li thuộc phương Đông theo Hà đồ.
Không những thế, thông qua hình ảnh nhà sàn trong hướng này, người xưa cũng đã thể hiện rõ Quẻ Li = Hướng Đông. Đó là: Nhà sàn là nhà Dương, vì trên nhà sàn có 1 con chim = Lẻ, hai đầu có kí hiệu hai vòng tròn trống = Dương, trong nhà có 2 người = Chẵn = Âm. Như vậy ngôi nhà này là nhà Dương, người ở trong nhà là Âm. Suy ra Âm trong Dương = Ly trung hư.
Từ những dẫn chứng cụ thể trên ta thấy:
A - Không thể tính qué vào số người tham gia được, vì nó thuộc phạm trù khác. Nếu tính qué vào thì mất tính thống nhất trong phương pháp nghiên cứu, đó là đối với các số 6-7-8-9 chỉ tính người như đã tính ở phương Bắc, Nam. Hai phương này không có qué.
B - Qua biểu tượng của hai lá phướn chỉ đêm ngày trên cho ta biết lễ hội diễn ra suốt đêm.
5 - 3 - Thiên can – Địa chi. Đối tượng là các ngón tay. Ta thấy ở hướng Nam có 7 người nhưng chỉ có năm người đưa ra 10 ngón tay, ở hướng Bắc sáu người đưa ra 12 ngón tay.
5 - 4 - Ngũ hành – Tam tài. Đối tượng là các thanh khiên. Ta thấy ở hướng Nam có 5 người cầm thanh khiên, ở hướng Bắc có 3 người cầm thanh khiên.
Như thế ta thấy tất cả các con số được người Việt xưa thể hiện bằng hình ảnh trên mặt trống Đồng Ngọc Lũ hoàn toàn tương hợp với Hà đồ đã và đang lưu hành hàng ngàn năm qua. Không những chỉ có Hà đồ mà người Việt xưa đã ghi lại cả quẻ Dịch ngay trên trống Đồng. Đó là hai quẻ Khảm = Hướng Tây và Li = Hướng Đông. Nội tại của hai quẻ này chứa đựng 3 hào dương = Càn và 3 hào âm = Khôn hay còn gọi là Khảm Ly hóa Càn Khôn như chuyện một bà hai ông Táo cỡi cá chép về trời vậy. Đây là bằng chứng cho thấy rằng Hà đồ - Dịch lí – 12 Địa chi – 10 thiên can – 5 hành – 3 Tài có nguồn gốc từ người Lạc Việt.
III. Một số hình ảnh Hà đồ trên các trống, thạp khác Ở đây tôi đưa thêm một số hình ảnh trống Đồng khác, cũng với cách thức đúc trống trong tinh thần của Hà đồ nhưng cách thể hiện lại khác. Qua đó ta thấy, vào thời ấy đã có nhiều quan điểm khác nhau trong cách thể hiện; đồng thời điều ấy chứng tỏ rằng thuyết Âm dương – Hà đồ - Dịch lí đã hình thành hết sức phổ biến ở Lạc Việt rồi. Tôi tin rằng rồi đây khi ta đã có hướng đi, những người có kiến
thức sâu về Dịch lí chắc chắn sẽ khám phá nhiều hơn nữa về những gì mà người Việt cổ đã gởi gắm trên hình ảnh trống Đồng.
Trên bề mặt trống Đồng này, ở vòng người đang lễ hội, cũng thể hiện rõ Hà đồ như trống Ngọc Lũ (đối tượng chọn để tìm hiểu trong nghiên cứu này), mặc dù đơn giản hơn, nhưng cũng đủ để thấy rằng người Việt cổ đã trân trọng cái giá trị lớn lao của Dịch lí đến chừng nào; đồng thời với những gì thể hiện trên trống này, ta có thể nói rằng nó do chính những người làm nên kiệt tác Ngọc Lũ làm ra, hoặc do những hậu duệ của nhóm người ấy thực hiện. Vì trên các chiến binh cũng có chữ Sơn ⼭. Trên trống này người xưa chỉ đưa thông tin Hà đồ là chính, còn các tính toán khác về các con số của Dịch lí thì đơn giản hơn như: Mặt trời 12 cánh – 3 vòng hoa văn – 8 chim diệc bay – 8 chim diệc đậu.
Mặt trống Ngọc Lũ này có thể là phiên bản được làm trước cái Ngọc Lũ mà tôi đã lấy làm phiên bản chính để tìm hiểu. Bởi vì xét về các mặt hầu như tương hợp với nhau như: Số vòng 16 với tất cả ngôn ngữ mà tôi đã giải thích cho Ngọc Lũ 1 nói trên. Mặc dầu ở vòng 8 tuy có thay đổi về cách bố trí, chủ yếu cho mĩ thuật, nhưng vẫn giữ được con số 20. Hình gồm 2 loại = Hươu Gà, mỗi loại 5 nhóm = 2 x 5 = 10. Mỗi nhóm 4 con 4 x 5 = 20. 5 nhóm gà 4 x 5 = 20. Riêng tại vòng 6, người xưa đã bố trí lễ hội theo một í nghĩa nào đó mà hiện nay tôi chưa thể có giải thích gì.
Đây là mặt trống Đồng Hoàng Hạ, có thể nói đây chính là phản ảnh có sự bất đồng trong việc truyền thông Dịch lí trên mặt trống Đồng. Hình ảnh của trống này cho thấy rằng ngày ấy đã có nhiều nhóm, có kĩ thuật, mĩ thuật muốn thể hiện í tưởng của riêng mình về Dịch lí trên trống Đồng, tuy nhiên rõ ràng giờ đây xem xét ta thấy tính hợp lí không bằng Ngọc Lũ. Trên trống Đồng Hoàng Hạ này, người xưa lại muốn thể hiện Dịch lí theo một trật tự khác. Đó là họ tính theo trật tự từ Trời trước, người sau rồi mới tới muông thú. Cụ thể tính từ Thái cực ra, vòng có người đầu tiên gồm: 2 nghi dương. 5 người 10 tay = Có thể là Thiên can, còn lại là hình ảnh của guồng máy tạo hóa, hay sự vận hành của mặt trời trong vòng quay âm dương. Đến vòng người kế tiếp ta thấy 12 người (không tính qué) có thể là Địa chi. Cùng 2 nghi âm. 4 người đâm trống, kết hợp một nữa còn lại thành bát quái? Vấn đề này cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Trong phần này, tôi chủ yếu nghiên cứu về Hà đồ hay nói khác hơn là Tiên Thiên bát quái, vì hiện chưa tìm thấy dấu tích của Hậu Thiên bát quái một cách cụ thể ngoài Địa 12 chi và 10 Thiên can, hy vọng rằng với thời gian cùng với nhiều người có trình độ và tâm huyết, vấn đề này sẽ thành hiện thực. Còn nhiều trống nữa cũng thể hiện Dịch lí, nếu không nói là hầu như trống Đồng làm ra là để ghi lại Dịch lí, vì đây chính là quan điểm của người Việt cổ về nhân sinh quan và vũ trụ quan, hay nói khác hơn đó chính là văn hóa cốt lõi của dân tộc Lạc Việt. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cho dù có các con số của Dịch lí trên trên trống nào chăng nữa, nếu chúng không được sắp xếp trong một trình tự nhất định, phù hợp với Dịch học hiện đang lưu
hành thì cũng khó mà tuyên bố mạnh mẽ về nguồn gốc được. Chỉ duy nhất là tất cả những con số ấy phải được xuất hiện trên Hà đồ được ghi lại trên trống Đồng thì chừng ấy câu “Ngẫu nhiên hay suy diễn” sẽ không còn tác dụng khi đem ra bàn cãi về nguồn gốc Dịch Việt.
IV. Kết
Như thế là tôi đã trình bày về những gì mà tôi cho rằng người Việt cổ đã ghi lại trên trống Đồng, đó là Hà đồ, Dịch lí và chữ Vuông. Theo khảo cổ học thì trống Đồng Ngọc Lũ tối thiểu cũng được đúc vào thời đại đồ đồng muộn. Tuy nhiên căn cứ theo cách xếp loại của Heger, các trống càng về sau thì quai trống càng cao, như trên hình, mà Đỉnh nhà Thương đã đưa quai lên đến trên cùng, có nghĩa là tính thực dụng đã được xem như là cứu cánh, thế mà có niên đại từ năm ? - 1700 TCN, vậy thì trống Ngọc Lũ phải có ít nhất là trước năm 1700 TCN (Ở đây suy đoán thế, trong khi chờ có giải pháp C14). Ta biết rằng Dịch học đã được khai sinh trước đây hơn 5000 năm rồi, nên chi khi đúc trống Đồng với thông tin Dịch lí trên đó là một sáng kiến tối ưu và vô cùng quan trọng và vì tính chất quan trọng của nó nên chắc chắn là đã bị kẻ khác ngầm truy tìm, sự kiện Mã Viện sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng xong bèn thu hết trống Đồng để đúc thành trụ với câu “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” là một minh chứng cho thấy lúc bấy giờ quan quân ở phương Bắc đã nắm được thông tin về những gì mà người Việt ghi lại trên trống Đồng. Nói như thế để thấy rằng lí thuyết Dịch học đã hoàn thiện trước đó cả hàng ngàn năm rồi; đồng thời vấn đề nguồn gốc của nó luôn là vấn đề mà cả Nam lẫn Bắc đều quan tâm. Nam thì tìm mọi cách để duy trì và tuyên truyền cho dân tộc mình về nguồn gốc văn hóa của dân tộc, Bắc thì tìm mọi cách để làm sao cho chẳng còn dấu vết gì minh chứng Dịch học là của người Việt xưa. Chắc chắn ban đầu đã có những đối kháng nhất định nhưng cuối cùng thì người Việt phải chấp nhận thực tế. Tuy nhiên trong im lặng người Việt vẫn tìm mọi cách để ghi lại thành quả văn hóa của mình, không những ghi lại Hà đồ, Dịch lí mà còn cả chữ Vuông trên trống Đồng, đây là một bằng chứng vô cùng quan trọng, ngoài việc nó chứng minh cho thấy rằng người Việt chính
là chủ nhân của chữ Vuông; nó còn cho thấy chuyện Sĩ Nhiếp sang nước ta khai nguồn Hán học là chuyện đổi trắng thay đen. Vì Sĩ Nhiếp sang nước từ năm 137 – 226 trong khi đó chữ Vuông đã được người Việt khắc trên trống Đồng hàng ngàn năm trước đó rồi thì làm sao xứng với tên gọi Nam Giao học Tổ. Đó là chưa kể Mâu Bác (165 - ?) đã viết Lí Hoặc luận ở đất Giao Chỉ để xiển dương Phật giáo, lại thêm Khương Tăng Hội (?-280) đã đi tu và học Phật pháp ở đất Giao Châu, sau đó sang Đông Ngô truyền đạo. Lẽ nào chỉ với một con người trong thời gian ngắn thế mà dạy cho cả bao con người ở đất phương Nam biết chữ! Ngay trong thời cận đại, cụ thể là 1946 trên 90% dân ta mù chữ, so sánh như thế để biết rằng việc học lịch sử ở nước ta cần phải có cái nhìn nhiều chiều, thậm chí đôi khi hoàn toàn ngược lại.
Với tất cả những gì đã trình bày trên; mặc dù theo tôi vẫn còn nhiều điều chưa thỏa mãn, như thế là tôi đã trình bày tất cả những thông tin về Dịch lí và chữ Vuông trên trống Đồng Ngọc Lũ một cách rõ ràng, có hệ thống, đặc biệt là những thông số ấy hoàn toàn tương ứng với Hà đồ cũng như con chữ đã lưu hành hàng ngàn năm qua, tôi tin rằng với chừng ấy thông tin ta có thể khẳng định Dịch học và chữ Vuông là do người Lạc Việt làm ra, qua những gì thể hiện trên trống Đồng, ta thấy rằng Tổ tiên nước Việt quả hết sức trí tuệ, trống Ngọc Lũ là thành quả của một sự phối hợp các bộ óc tinh tế, bác học, nếu không làm sao mà có thể có được một tính toán hợp lí, với những
thông tin được nén lại ở mức tối đa như vậy. Chỉ với những con người thông minh xuất chúng như thế mới có thể làm nên một hệ thống Dịch lí vô cùng uyên áo, ảnh hưởng của Dịch học cho đến ngày nay chứng minh cho điều đó; đồng thời ta có thể hình dung ra được hoài bão của người xưa và mục đích của họ. Hoài bão của họ là dân tộc Việt phải được công nhận là chủ nhân của Dịch học. Mục đích của họ là thông qua những gì chứa đựng trên trống Đồng hy vọng các thế hệ mai sau có thể nhận biết được nguồn gốc của một nền văn minh tinh thần hết sức kì vĩ của dân tộc mình. Qua đây chúng ta biết rằng Tổ tiên người Việt chắc chắn đã nhận ra rằng nếu chỉ để lại những truyền thuyết thôi thì khó mà biện giải cho được nguồn gốc Dịch học, chỉ có bằng chứng mới có thể có cái cụ thể để chứng minh cho nguồn gốc văn hóa của Lạc Việt, vì ngay lúc bấy giờ họ đã bị bức bách phải quên đi cái văn hóa của chính dân tộc mình. Nhận thức rõ về điều ấy, trong hoàn cảnh vô cùng bi đát, họ đã làm nên trống Đồng với những thông điệp rõ ràng, giấu trong những hình ảnh, hoa văn, họa tiết, hình dáng để tránh tai mắt của đối phương, chắc chắn không phải chỉ có một trống Đồng Ngọc Lũ mà có thể hàng trăm, hàng ngàn cái đã được làm ra với hy vọng sẽ có một trong những trống Đồng, mang đầy đủ thông tin về Dịch lí, vẫn tồn tại cho đến ngày mà hậu thế nước Việt có thể nhận biết ra nguồn gốc văn hóa của mình trên ấy. Điều kì diệu ấy đã xảy ra, thông điệp ấy, sau hàng ngàn năm, giờ đã đến với con cháu của Tổ tiên người Lạc Việt. Giờ đây chúng ta mới hiểu được tại sao một dân tộc bé nhỏ lại không bị đồng hóa sau cả mấy ngàn năm. Ta thường nghe nói rằng: Văn hóa còn, dân tộc còn, văn hóa mất thì dù ở ngay trên quê hương của mình thì cũng xem như kẻ ngoại lai. Chính trong hướng đi này mà cha ông ta đã dày công xây dựng nên một nền văn hóa rực rỡ và kì vĩ, cho dù kẻ mạnh đã dùng mọi thủ đoạn để tước đoạt thành tựu ấy nhưng trong muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, cha ông ta vẫn bằng mọi cách bảo vệ, duy trì và phát triển, đặc biệt đã gởi lại cho dân tộc ta một tuyên ngôn bằng ngôn ngữ hình ảnh. Thông điệp ấy sau cả hàng ngàn năm giờ đã lên tiếng, vấn đề là hậu thế của nước Việt, con dân của vua Hùng, nhận thức trách nhiệm của mình đối với văn hóa của dân tộc ở mức độ nào mà thôi.
10 chiến binh với chữ Sơn trên vai gánh lấy Bắc Nam Hà đồ = Sơn Hà cho chúng ta mới hiểu rằng Sơn Hà không phải là sông núi như bấy lâu nay ta hiểu và đã được ghi vào tự điển. Hình ảnh nói trên cho ta hiểu rằng Sơn Hà có nghĩa là Sơn là núi và Hà là Hà đồ, hay nói khác Sơn Hà có nghĩa là đất nước và văn hóa. Hai hình chiến binh từ hai trống Đồng khác nhau chứng tỏ rằng đây là chữ Sơn, chứ không phải là một hình ảnh tình cờ trông giống chữ Sơn, không phải 2 chữ mà đến 15 chữ, trên hai trống Đồng. Như thế ta khẳng định rằng chữ Sơn ấy chính là của người Lạc Việt, hay nói khác chữ Vuông là thành quả của người Lạc Việt.
Phần ba
Giải mã Dịch lí và chữ Vuông của người Việt trên tranh dân gian Đông Hồ
Như đã nói ở những phần trước, ai là tác giả của thuyết âm dương người ấy là chủ nhân của chữ Vuông, ai là chủ nhân của Hà đồ người ấy là tác giả của Dịch lí. Hà đồ thì tôi đã chứng minh ở phần một, còn vấn đề chữ viết, ta sẽ tìm hiểu ở phần này.
Qua những gì đã trình bày, rõ ràng dân tộc Lạc Việt đã sáng tạo ra Dịch học, như thế thì lẽ nào dân tộc ấy lại chưa bao giờ có chữ viết. Đặt vấn đề như thế có nghĩa là ta nghĩ rằng nhất định người Lạc Việt phải có chữ viết song hành với sự phát triển tư tưởng Âm Dương, từ đó đưa Dịch học lên đến tầm cao để trở thành một hệ thống triết lí, qua đó xây dựng một nền văn hóa kì vĩ, rực rỡ mấy ngàn năm qua. Với những gì mà tôi đã chứng minh ở phần một cho thấy rằng việc thành lập những con chữ liên quan đến Dịch lí đều dựa trên thuyết Âm Dương – Nòng Nọc như các chữ: Ễnh Ương -Âm Dương. Quẻ - Quái. Diệc - Dịch - Cóc - Phụ. Đặc biệt 10 chiến binh với 10 chữ Sơn ⼭ trên vai. Tuy nhiên chừng ấy vẫn chưa làm ta yên lòng rằng cha ông ta đã là người làm ra chữ Vuông nếu không có thêm những chứng cứ vững chắc. Trong phần này, ta sẽ tìm hiểu xem liệu cha ông ta có để lại dấu vết gì cho thấy rằng nguồn gốc chữ Vuông ấy chính là của Lạc Việt không?
Trước hết ta hãy tìm hiểu một vài khái niệm và tầm quan trọng của chữ viết.
I. Chữ viết
Chữ viết là một hệ thống ngôn ngữ bằng kí hiệu, được một nhóm người, một cộng đồng hay một quốc gia sử dụng.
II. Chức năng của chữ viết
Chữ viết là một công cụ ngôn ngữ hữu hiệu nhất trong việc truyền đạt, chuyển tải thông tin, nhất là từ quá khứ đến tương lai. Sự ra đời của chữ viết đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự tiến bộ về mặt tri thức của con người, chính chữ viết làm nền tảng cho mọi sự tiến bộ của nhân loại, vì vậy chữ viết đóng vai trò quyết định thành bại của một cộng đồng hay một quốc gia.
III. Vài nét về sự hình thành chữ viết trên thế giới và ở Trung Hoa
Do nhu cầu muốn lưu lại thông tin, từ rất xa xưa con người đã bắt đầu vẽ những hình người, đồ vật, chim thú lên hang đá, đây là hình thức ban đầu manh nha cho việc hình thành chữ viết sau này. Tuy nhiên với quan điểm chữ viết là một hệ thống kí hiệu, có quy luật và được sự chấp nhận sử dụng của một cộng đồng thì mãi về sau, vào khoảng 5000 năm TCN, nhân loại mới bắt đầu xuất hiện chữ viết. Phát triển chữ viết diễn ra trên nhiều vùng của thế giới, từ Ai cập, Ấn Độ, Trung Hoa, Hy Lạp. Riêng tại Trung Hoa, đời nhà Thương (1766 - 1122 TCN) đã có chữ viết tương đối hoàn thiện, vì vậy thời này là thời kì có sử đầu tiên của Trung Hoa, về sau người ta khảo cổ tại Ân Khư, kinh đô của nhà Thương, tìm thấy nhiều xương động vật có khắc chữ gọi là Giáp cốt văn, tất nhiên có được những thành tựu ấy nhất định phải mất hàng ngàn năm phát triển chữ viết trước đó, những gì các nhà khảo cổ tìm thấy ở “Di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang” - Thị trấn Mã Đầu - huyện Bình Quả - Quảng Tây - Trung Quốc là một minh chứng. Tại đây người ta đã phát hiện mấy chục tấm đá khắc đầy văn tự cổ được cho là của người Lạc Việt, các chuyên gia suy đoán, thời kì xuất hiện của chữ khắc trên phiến đá của người Lạc Việt cổ này cùng thời với thời gian của “xẻng đá lớn” (4000-6000 năm trước). http://www.luoyue.net
IV. Chữ viết ở Việt Nam qua các thời kì
Theo những gì mà ta được biết thì từ trước tới giờ thì nước Việt ta chưa từng có chữ viết, trong thời phong kiến, nước ta chủ yếu dùng chữ Hán, rồi sau đó khoảng vào thế kỉ 10, ta dùng chính chữ Hán, với các phương pháp lục thư như chữ Hán làm ra chữ Nôm. Tuy nhiên chữ Hán vẫn thống trị cho đến đầu thế 19, mặc dầu ở giai đoạn đầu thế kỉ 17, đã có một số giáo sĩ phương Tây kí âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh nhưng tất cả mới chỉ phôi thai.
Có thể nói trong mấy thế kỉ qua, người Việt vừa sử dụng chữ Hán, chữ Nôm lại vừa phát triển chữ theo mẫu tự La Tinh, hay ta có thể nói vừa sử dụng chữ biểu í vừa phát triển chữ biểu âm. Đến năm 1920, toàn quyền Đông Dương ra lịnh cấm dùng chữ Hán và chữ Nôm trong văn bản hành chánh, chữ biểu âm La Tinh mới bắt đầu dần chiếm ưu thế, sau cùng trở thành chữ Quốc ngữ như hiện nay.
V. Vì sao một dân tộc có 4000 văn hiến mà không có chữ viết?
Dân tộc Lạc Việt tự hào với truyền thống 4000 - 5000 văn hiến, mà như đã chứng minh trong phần một, rõ ràng người Lạc Việt đã tạo ra Hà đồ, Dịch lí, như thế có nghĩa là nền văn hiến ấy có thật và dĩ nhiên điều này khẳng định rằng người Lạc Việt phải có chữ viết song hành với việc làm ra Hà đồ, Dịch lí, để rồi làm nên một nền văn hiến rực rỡ như thế. Vậy tại sao lịch sử lại không phản ánh điều này? Việc này không khó hiểu nếu ta đọc vào lịch sử. Dân tộc ta tuy có một nền văn hóa rực rỡ như thế, nhưng không có nghĩa là một dân tộc mạnh theo nghĩa quân sự, nước ta bị xâm lăng nhiều lần, thậm chí có khi kéo dài hàng ngàn năm. Tất nhiên kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ có văn hóa nhưng khi đã trở thành kẻ thống trị thì nhất định phải cần đến văn hóa, mà văn hóa thì không thể hình thành trong một sớm một chiều được, vậy thì còn cách nào khác là sử dụng ngay thành quả văn hóa của chính những cư dân nơi họ chiếm đóng. Đồng thời quyền lực làm cho người ta khôn ngoan hơn, có nhiều phương tiện để che giấu những tham vọng của mình, một mặt ra sức tuyên truyền cho văn hóa mà họ lấy được là của họ, mặt khác bằng mọi cách, kể cả các phương
thức tàn bạo nhất, ngăn chặn nước yếu không được tuyên truyền giáo dục về văn hóa của dân tộc mình. Câu chuyện Sĩ Nhiếp cấm không cho người Giao Chỉ học một loại chữ gì đó là một minh chứng. Rõ ràng qua câu chuyện này cho thấy trước thời Sĩ Nhiếp dân tộc ta đã có chữ viết và đang được giảng dạy. Vậy chữ ấy là chữ gì? Tôi nghĩ rằng chữ ấy chính là chữ Vuông, cùng loại với chữ Hán. Cùng một con chữ nhưng đọc với âm khác đi, cái này về sau gọi là âm Hán Việt. Cũng chính vì lí do này mà ngày nay ta vẫn còn rơi rụng nhiều từ mang cả hai âm Việt Hán hay Hán Việt như: Sư sãi, sợ hãi, tùy theo, xe cộ, rào giậu (dậu), cà kê, địa đất, v.v... Mặc dầu thế, với những chính sách tuyên truyền rằng “Lạc Việt không có chữ viết” một cách lâu dài, người ta cũng đã thành công nhất định, cuối cùng người Việt cũng tự mình thừa nhận nước mình chưa từng có chữ viết trước khi học chữ Hán.
VI. Nghi án về chữ Việt cổ
Tuy lịch sử không có một tài liệu nào nói về việc nước ta có chữ viết một cách chính thức, nhưng trong nhân gian và tài liệu của Trung Hoa hé lộ cho ta đôi điều. Sách Tân Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh, thế kỷ 15 gọi lối ký tự Việt cổ là chữ Khoa đẩu, do có hình những con Nòng Nọc. Sách Thông chí do Trịnh Tiều đời Tống soạn, chép: “Đời Đào Đường, Nam di có Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa (quy lịch)”.
Như vậy là có một loại chữ gọi là khoa đẩu, loại chữ này là một loại chữ viết cổ xưa từ trước đời Tần, cho đến đời Hán, sách vở vẫn còn đề cập đến con chữ này, không những có con chữ mà còn có cả “khoa đẩu văn, khoa đẩu thư, khoa đẩu triện” nhưng từ đời Đường trở đi thì dần phai nhạt, không ai quan tâm đến nữa, về sau chỉ nhắc đến như một chữ của thần tiên.
Như thế ta có thể nói rằng chuyện nước Việt đã từng có chữ viết là chuyện có thể, chữ ấy gọi là chữ Khoa Đẩu hay nói theo người Việt
chữ ấy là chữ Nòng Nọc. Từ “khoa đẩu” chỉ là cách phỏng dịch hai từ “Nòng Nọc” mà thôi. Khoa = To như “khoa trương”, Đẩu = Nhỏ, như “ghế đẩu” có nghĩa là con vật có hình đầu to đầu nhỏ, ấy chính là con Nòng Nọc. Về mặt ngôn ngữ thì con “khoa đẩu” chính là con “Nòng
Nọc” nhưng về mặt triết học thì hai từ “Nòng Nọc” còn cung cấp cho ta một khái niệm rộng rãi hơn về Dịch lí. Như đã nói, trên chữ khoa đẩu đã phát triển thành “khoa đẩu văn, khoa đẩu thư, khoa đẩu triện”, như thế có nghĩa là loại chữ này đã phát triển có hệ thống và đã như vậy thì tất nhiên phải có cộng đồng sử dụng nó. Vậy cộng đồng đó là ai? Dân tộc nào? Câu trả lời là: Cộng đồng ấy, dân tộc ấy chính là người Việt và rồi đến cộng đồng, dân tộc Hoa Hạ. Vì chữ khoa đẩu đã trở thành hệ thống có nghĩa là đã sử dụng rộng rãi và có sự kế thừa hay nói khác hơn chữ khoa đẩu chính là chữ mà chính họ đang sử dụng. Đây cũng chính là lí do cho việc “từ đời Đường trở đi thì dần phai nhạt, không ai quan tâm đến nữa, về sau chỉ nhắc đến như một chữ của thần tiên”. Vì nếu không xóa đi cái khái niệm khoa đẩu thì rồi ra người Việt lại nhận ra nguồn gốc con chữ của mình. Đồng thời qua đó họ tự xác định rằng chữ khoa đẩu này thuộc một dân tộc khác. Dân tộc đó gọi con chữ ấy là chữ Nòng Nọc, hay dân tộc ấy chính là Việt tộc.
VII. Chữ Nòng Nọc là loại chữ gì?
Từ khi dấy lên việc nước ta đã từng có chữ viết từ xa xưa, chữ ấy gọi là chữ Nòng Nọc thì các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu về loại chữ này. Trước khi tìm hiểu về chữ Nòng Nọc, người ta cần xác định xem “Tại sao dùng hình ảnh con Nòng Nọc để đặt tên cho loại chữ này?”
Khái niệm thứ nhất và phổ biến là con chữ ấy phải có hình dáng như con Nòng Nọc, như bơi loăng quăng, thành bầy, dính liền với nhau. Từ quan niệm này, người ta nghĩ rằng chữ biểu âm “Hỏa tự” của người Thái chính là chữ cổ của người Việt, hay nói khác hơn chữ hỏa tự chính là chữ Nòng Nọc. Tuy nhiên đề nghị này không xác đáng, trước hết là loại chữ ấy của người Thái, đã được hệ thống và đưa vào sách, thứ đến, việc mấy ngàn năm trước người Việt làm ra chữ biểu âm là không phù hợp với thực tế lúc bấy giờ. Cái giới hạn
của quan điểm cho rằng chữ Nòng Nọc là loại chữ giống hình con Nòng Nọc là họ căn cứ trên hình thể, mà hình thể thì không có tính đa dạng, trong khi đó chữ Nòng Nọc thì mỗi chữ mỗi vẽ nên tiêu chí ấy làm sao đáp ứng được.
(Hình ảnh này được khắc trên đá ở Cảm Tang, đây là bằng chứng cho thấy rằng chữ Nòng Nọc có thật chứ không phải chữ thần tiên; đồng thời đây cũng là hình ảnh con Diệc hay Dịch cội nguồn của Dịch lí).
Khái niệm thứ hai là dựa trên khái niệm mà hình ảnh con Nòng Nọc biểu tượng, cụ thể là khái niệm về Âm Dương. Trước hết là hình thức của nó – hữu hình – vuông tròn. Thứ đến là khái niệm mà nó gợi ra – Vô hình – âm dương. Đây chính là khái niệm căn bản hình thành nên chữ Vuông. Có thể có ai đó cố gắng để tìm kiếm một con chữ nào khác ngoài chữ Vuông để chứng minh có sự khác biệt giữa ta và phương Bắc, đồng thời làm nên tính độc lập chăng! Điều này là không thể, vì Nòng Nọc là biểu tượng cho âm dương, âm dương là căn bản của Dịch lí, như vậy ta có thể khẳng định rằng: Dịch lí hay
thuyết Âm Dương chính là cội nguồn của chữ Nòng Nọc. Vậy Chữ Nòng Nọc chính là Chữ Vuông.
Tiến trình biểu í chữ Nòng Nọc
VIII. Tìm nguồn gốc chữ Nòng Nọc ở nước Việt Như vậy chữ Nòng Nọc hay chữ Vuông có nguồn gốc từ Dịch lí mà Dịch lí là sản phẩm của người Việt cổ, vậy tại nước Việt chữ Nòng Nọc ấy phát triển và tồn tại như thế nào?
Như ta biết, nước ta xưa kia là một đất nước rộng lớn, tuy nhiên trải qua hàng mấy ngàn năm, lãnh thổ ấy càng ngày càng bị thu hẹp, mất dần vào những thế lực mạnh hơn, không những thế mà cả một nền văn hóa rực rỡ trong đó có chữ Vuông, dựa trên triết lí âm dương cũng cùng chung số phận, tất nhiên đất đai vẫn còn đó, văn hóa chữ viết vẫn còn đó nhưng có điều nó đã thay tên đổi chủ. Đương nhiên là kẻ thống trị không ai muốn là kẻ vô văn hóa cả, nhưng ngặt nỗi cái văn hóa mà họ đang ra sức tán dương lại có nguồn gốc từ dân tộc khác, điều này luôn khiến cho kẻ thống trị cảm thấy âu lo, âu lo một ngày nào đó cái nguồn gốc văn hóa lại tố cáo cái quá khứ không lấy gì tốt đẹp của họ. Từ những suy nghĩ như vậy, bằng mọi cách họ ngăn cấm không cho người Việt truyền bá văn hóa ấy dưới tên gọi của mình. Đứng trước nguy cơ sẽ mất đi nền văn hóa của mình, cha ông ta đã nỗ lực không ngừng, nhằm tìm cách truyền đạt lại những gì mà dân tộc ta đã thành tựu trong hàng ngàn năm. Trong vô vàn khó khăn như vậy họ phải chọn các cách truyền thông khác nhau để thực hiện di huấn của mình như: Xây dựng nên những câu chuyện ngụ ngôn, truyền thuyết để truyền khẩu từ đời này sang đời khác hoặc khái quát
hóa văn hóa của dân tộc mình bằng ngôn ngữ hình ảnh, thông qua sự sắp xếp hợp lí trên một vật thể có tính vững bền như trống Đồng, hay sử dụng ngôn ngữ của tranh dân gian để gởi gắm thông điệp văn hóa của dân tộc mình.
Về văn hóa Dịch lí trên trống Đồng thì tôi đã trình bày ở phần trước, ở phần này xin giải mã một thông điệp khác của Tổ tiên nước Việt về nguồn gốc chữ Nòng Nọc dựa trên Dịch lí thông qua ngôn ngữ hình ảnh cùng một bài thơ trên tranh dân gian Đông Hồ.
1. Vài nét về tranh dân gian Việt Nam
Tranh dân gian có một lịch sử hình thành rất lâu đời và từng phát triển mạnh mẽ trong một thời gian dài. Tranh thường có hai loại, tranh Thờ và tranh Tết. Ngày nay với sự phát triển của xã hội, nó có phần giảm sút nhưng một số làng nghề vẫn còn duy trì. Tranh dân gian được phát triển trên nhiều vùng ở Việt Nam như Hàng Trống - Hà Nội, làng Sình - Huế, một trong những nơi nổi tiếng và có truyền thống lâu đời đó làng Đông Hồ. Do xuất phát từ đây nên dòng tranh này được gọi là tranh dân gian Đông Hồ.
2. Mục đích của tranh dân gian
Do nhu cầu thực tế của đời sống, tranh dân gian xuất hiện từ xa xưa nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh trong vấn đề cụ thể hóa các vị thần thánh bằng hình ảnh; đồng thời các nghệ nhân sáng tác tranh cũng
sáng tạo, nhân hóa những hình ảnh của các loài vật gần gũi với đời sống con người nông nghiệp như cóc nhái, cá tôm để kể những câu chuyện mang tính trào phúng nhằm đem đến cho con người những phút giây vui vẻ sau những ngày lao động vất vả. Tất cả không ngoài mục đích đem đến cho con người sức sống mới, hy vọng mới trong
một năm mới. Tất nhiên mục đích của tranh không chỉ có thế, bên cạnh việc bày tỏ tấm lòng của mình đối với Tổ tiên, người ta còn thông qua những hình ảnh trào phúng, gởi vào đó những thông điệp, những thứ mà họ, vì nhiều lí do, không thể truyền đạt trực tiếp bằng
sách vở được, nên dùng tranh dân gian như là một cuốn sách chứa đựng những thông điệp để gởi lại cho mai sau. Đây là một tính toán hết sức khôn ngoan, vì mỗi năm mỗi làm mới, không sợ mối mọt, hỏa hoạn hay lũ lụt tiêu hủy đi. Có thể nói không một bức tranh nào không chứa đựng một nội dung sâu xa nào đó, bức tranh dân gian Đông Hồ “Lão Oa giảng đọc” hay “Thầy Đồ Cóc” một là một minh chứng. Theo tôi, bức tranh này chứa đựng một nội dung vô cùng quan trọng, đằng sau những hình ảnh và câu thơ chính là thông điệp của Tổ tiên Việt Nam về nguồn gốc Dịch lí và chữ viết của dân tộc mình. Thầy là Cóc thì dạy chữ Nòng Nọc là tất yếu rồi, đây là chỉ dấu cho thấy Tổ tiên Lạc Việt lưu lại thông tin về nguồn gốc chữ Nòng Nọc trong bức tranh này.
IX. Giải mã thông điệp về Dịch lí và chữ Nòng Nọc trong bức tranh “Lão Oa giảng đọc”
1. Về tên bức tranh
Theo tôi, bức tranh này không phải là bức nguyên bản mà người Việt xưa đã vẽ nên. Lí do tôi cho là như vậy vì căn cứ vào chữ “Oa 蜗” trong tên bức tranh “ 讀 講 蜗 ⽼ Lão Oa giảng đọc”. Về chữ “Oa” này ta biết người Việt xưa đã làm nên hai chữ Oa có phân biệt Âm Dương. Chữ “Oa 蜗” này là chữ Oa Âm. Mà bức tranh là “Lão Oa” thì phải là chữ “Oa 蛙” dương. Có thể do thất lạc hay muốn làm thêm các âm bản khác, người thợ nhờ ai đó viết chữ để khắc, người ấy tưởng rằng “oa” nào cũng được nên viết chữ “Oa 蜗” âm vào, từ ấy chữ này được lưu truyền với bức tranh. Đây là một lỗi hết sức đáng tiếc, vì chữ “Oa
蛙” dương chuyên chở một thông điệp rõ ràng của Dịch lí liên quan đến Cóc - Thái cực, nếu bỏ đi thì làm ảnh hưởng đến bức thông điệp mà người xưa đã gởi gắm qua tranh. Đồng thời qua đây ta thấy đến giai đoạn này việc thông tin về cội nguồn Dịch lí và chữ Vuông bằng phương thức truyền khẩu trong nhân gian xem như đã dần mờ nhạt.
A. Tại sao lại phải là Oa 蛙 dương?
Trong phần một tôi đã phân tích chữ Quái trong ấy có chứa hai chữ Khuê 圭 và Bốc⼘. Chữ Khuê 圭 = chứa hai chữ Thổ ⼟, mỗi chữ thổ thay thế một quẻ, có nghĩa rằng hai chữ thổ chính là hai quẻ Càn
– Khôn, đồng nghĩa với Thái cực. Như vậy chữ Khuê chính là phản ảnh của Càn – Khôn – Thái cực. Chính vì vậy mà chữ Khuê có nghĩa là dụng cụ đo lường 64 hạt lúa. Con số 64 là toàn bộ biến dịch của càn khôn, vũ trụ. Hạt lúa là chỉ dấu cho thấy sản phẩm Dịch lí ấy là của người lúa nước - Lạc Việt. Thực chất âm Khuê là phái âm của âm Quẻ = Kh-uê = K-uê = Q-uê = Q-uẻ nên mới có nghĩa như thế.
B. Chữ Oa 蛙 có liên quan gì đến điều đang bàn?
Ta thấy chữ Oa 蛙 có hai chữ: Trùng ⾍ và chữ Khuê 圭. Chức năng chữ trùng ⾍ là hệ thống hóa chữ viết, còn chức năng của chữ Khuê 圭 là chỉ nội dung con chữ, ở đây là chữ Oa 蛙 = Nghĩa là con Cóc, như vậy con Cóc có đủ tính chất của 64 quẻ, hay Càn Khôn, Thái cực; đồng thời nó đại diện cho cư dân lúa nước. Như đã chứng minh ở phần trước, Cóc chính là Thái cực, chính vì vậy mà ta thấy trên mặt trống Đồng thường có con cóc. Vì ông Oa 蛙 = Cóc = chính là Thái cực, nên chi muốn vá được Trời thì chỉ có bà Oa 媧, qua đây ta thấy truyền thuyết Nữ Oa đội đá vá trời có thể là của người Việt.
Có thể do vì lấy Cóc làm biểu tượng cho thái cực nên các âm của các quẻ ban đầu đều chịu ảnh hưởng ngữ âm của từ này: Q-uẻ – Q uái – C-àn – kh-ảm – C-ấn – Ch-ấn – Kh-ôn.
Như thế ta thấy vai trò đích thực của Oa 蛙 = Cóc là Thái cực, cha mẹ của muôn loài, thầy của vũ trụ. Có như thế người xưa mới gọi là “Thầy đồ Cóc”.
"""