"
Người Vệ Tinh - Hans Olav Lahlum PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Vệ Tinh - Hans Olav Lahlum PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
VCTVEGROUP Chụp
V/C
Soát lỗi
Caruri
12-06-2020
Kính tặng Agatha Christie -
Nữ hoàng trinh thám cổ điển
Một số nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này lấy cảm hứng từ người thực. Tuy nhiên, các sự kiện xảy ra trong Thế chiến II và trong năm 1969 không dựa trên thực tế lịch sử. Magdalon Schelderup cũng như tất cả mười vị khách trong bữa tối cuối cùng của ông đều là nhân vật hư cấu, không lấy từ nguyên mẫu người thực nào, dù còn sống hay đã chết.
NGÀYTHỨ NHẤT
6
Lờicảnh báo dữ dội không ngờ
I
- Xin chào. Tôi là Magdalon Schelderup, chắc hẳn anh nghe tên tôi rất quen. Tôi muốn hẹn gặp anh vào thứ Hai, lý do là một trong những người gần gũi và thân thiết nhất của tôi âm mưu sát hại tôi vào tuần tới!
Lúc ấy là 1 giờ 15 phút, thứ Bảy ngày 10 tháng Năm 1969. Địa điểm là phòng làm việc của tôi tại đồn cảnh sát chính ở Oslo. Những lời đó dường như vẫn lơ lửng trong không khí một lúc lâu sau khi tôi nghe thấy.
Tôi đợi xem sau câu đùa đặc biệt khiếm nhã này có tiếng cười to hay tiếng đặt mạnh máy xuống không. Nhưng đường dây vẫn không ngắt. Và khi giọng nói đó tiếp tục, rõ ràng là chất giọng khàn và khỏe đặc trưng của Magdalon Schelderup đúng như trước đây tôi đã nghe thấy nhiều lần trên radio hoặc tivi. Ngay lập tức, tôi hình dung ra vị doanh nhân huyền thoại và triệu phú này như trong phần lớn các bức ảnh chụp ông ta trên báo: áo bành tô mùa đông dài màu đen, mặt đầy nếp nhăn với ánh nhìn chằm chằm giữ kẽ dưới chiếc mũ da màu nâu.
- Ngoài ra, anh cũng nên dành chốc lát để yên trí tôi đúng là Magdalon Schelderup, đang rất sáng suốt và hoàn toàn tỉnh táo. Vài người quen đã giới thiệu anh cho tôi, và cá nhân tôi rất ấn tượng với chiến công của anh trong cuộc điều tra vụ giết người gây chấn động hồi năm ngoái. Vì thế, tôi nảy ra ý định chọn anh là người giải quyết vụ này. Câu hỏi của tôi vô cùng đơn giản: Anh có thể dành thời gian gặp tôi vào thứ Hai, liên quan tới âm mưu sát hại tôi hay không?
Nghe vậy tôi càng trở nên hoang mang bởi lẽ tôi đang ngồi bên bàn và
tưởng rằng phiên trực ngày thứ Bảy hôm nay sẽ không có gì bất thường. Nhưng tôi bắt đầu nhận biết một thực tế là Magdalon Schelderup đã gọi cho tôi, và ông ta rất lo lắng.
Tôi đáp rằng lẽ tất nhiên, tôi coi việc này là ưu tiên hàng đầu và gợi ý chúng tôi nên gặp nhau ngay hôm đó hơn là đợi đến sáng ngày thứ Hai. Chẳng có gì bất ngờ khi Magdalon Schelderup cũng đã cân nhắc đến khả năng này.
- Thật ra, cách đây một giờ tôi đã định lái xe vào thành phố để đích thân gặp anh. Nhưng thật không may là tôi phát hiện ra ba lốp xe của tôi đã bị rạch nát vào đêm qua. Dĩ nhiên là tôi có thể sử dụng xe của vợ tôi hoặc bất cứ chiếc xe nào của công ty, hay chắc chắn là tôi có thể trả tiền cho một cuốc taxi, nhưng chính sự việc này khiến tôi nghi ngờ kẻ mà tôi vừa nhắc đến với anh hôm nay chính là thủ phạm.
Đáp lại, tôi hỏi liệu Magdalon Schelderup có nghi ngờ vài người trong những cộng sự thân thiết nhất của mình muốn hãm hại ông ta không. Tôi nghe thấy một tiếng cười ngắn, khô khan ở đầu dây bên kia.
- Nhất định rồi. Thực ra, nhóm người thân cận nhất với tôi đều là những người có thể bị ngờ muốn lấy mạng tôi. Qua thời gian, thật khó để mà vừa thành công vừa được mọi người yêu mến. Vì thế trong tình huống khó xử này, tôi thường chọn sự thành công. Nhưng điều đáng nói ở đây là tôi có lý do chính đáng để tin rằng một trong những người gần gũi nhất và thân thiết nhất của tôi không chỉ muốn giết tôi, mà còn lên kế hoạch chi tiết để thực hiện việc này vào tuần sau.
Tôi sửng sốt thấy sự việc mỗi lúc một trở nên vô lý hơn nhưng cũng thú vị hơn. Tôi chỉ có thể nói ít ra, chúng ta nên gặp nhau càng sớm càng tốt vào sáng thứ Hai. Magdalon Schelderup đồng ý ngay lập tức và đề nghị tôi đến nhà riêng của ông ở Gulleråsen vào khoảng 9 giờ sáng. Ông muốn tìm hiểu kỹ thêm một chút và đánh giá tình hình trong dịp cuối tuần, và chắc
chắn rằng đến sáng thứ Hai, ông sẽ có đủ bằng chứng để có thể khẳng định với tôi về những nghi ngờ của mình.
Vẫn còn ngỡ ngàng, tôi chúc Magdalon Schelderup có kỳ nghỉ cuối tuần thoải mái và đề nghị ông áp dụng mọi biện pháp đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra. Ông quả quyết với tôi rằng không hề có rủi ro nào hại đến mạng sống của ông trước chiều thứ Ba. Tuy nhiên, ông sẽ ở trong nhà cho đến khi tôi tới vào sáng thứ Hai, và sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo đảm an toàn cho mình.
Giọng nói của Magdalon Schelderup qua điện thoại giống hệt trên radio: giọng của một ông già đầy uy quyền, bình tĩnh, có sức thuyết phục và quả quyết. Tôi đặt máy, không nói gì thêm và ghi vội cuộc hẹn sáng thứ Hai lên đầu danh sách những việc cần làm trong tuần tới.
II
Bốn mươi lăm phút còn lại trong phiên trực ngày thứ Bảy của tôi không có sự cố gì nữa. Tuy vậy tôi không thể ngừng nghĩ về cuộc điện đàm bất ngờ kia. Tôi băn khoăn đến mức trước khi rời trụ sở, tôi đã gọi cho sếp báo cáo việc này. Tôi thấy nhẹ người vì sếp ủng hộ cách xử lý của tôi.
Về đến nhà ở Hegdehaugen, tôi lục lọi chồng báo, tìm bài gần nhất viết về Magdalon Schelderup mới đăng ba ngày trước. Một lần nữa, ảnh ông ta chiếm hết trang đầu tờ Afterposten buổi chiều, với dòng tít “Ông vua của Gulleråsen”. Bài báo kết thúc bằng lời nhận xét: nếu người đàn ông giàu nhất Gulleråsen chưa phải là một trong mười người giàu nhất Na Uy, thì chẳng mấy chốc sẽ là như thế. Giá trị bất động sản và tài sản của ông ước tính lên đến hơn 100 triệu krone. Nhiều tháng trước sinh nhật lần thứ bảy mươi, ông trùm bất động sản và thị trường chứng khoán này đã ở đỉnh cao sự nghiệp. Các chuyên gia tài chính ngày càng hăng hái bình chọn ông là một trong hai mươi người có ảnh hưởng nhất trong nước, mặc dù đã nhiều năm trôi qua kể từ lúc Schelderup không còn là một chính khách bảo thủ
nữa.
Nhiều năm qua, báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực cho Magdalon Schelderup. Ban đầu, họ viết về những cống hiến của ông khi tham gia Kháng chiến và sau này là của một chính khách ngay sau chiến tranh. Một loạt bài báo có xu hướng đầu cơ và ít tích cực hơn đề cập tới mối quan hệ mờ ám giữa chính quyền chiếm đóng Đức với việc kinh doanh của gia đình Schelderup trong thời chiến và lý do vì sao vài năm sau, ông quyết định rời bỏ sự nghiệp chính trị đầy hứa hẹn. Các bài sau đó viết về sự giàu có, phát đạt và sự nhạy bén trong kinh doanh của Magdalon Schelderup, thường xuyên xen kẽ với những bài báo chỉ trích khác, nội dung chủ yếu xoay quanh các phương pháp kinh doanh của ông, về hai cuộc hôn nhân đầu tan vỡ cùng những dàn xếp về tài chính với vợ cũ. Những ồn ào về cuộc sống riêng tư của Schelderup hình như đã lắng xuống, rồi lại bùng lên vào đầu những năm 1950 khi ông cưới người vợ thứ ba - một phụ nữ kém ông hai mươi lăm tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây ngày càng có nhiều bài báo nghi vấn phương thức duy trì hoạt động kinh doanh của Schelderup. Các đồng sự cũ và các đối thủ gần như lần lượt công kích Schelderup và ông ta thường phải ra hầu tòa. Song họ chẳng mấy thành công và Magdalon Schelderup cóc cần để ý đến những điều báo chí nhắc tới. Nhờ có nhiều luật sư tài giỏi và vô cùng sắc sảo trợ giúp, ông chưa bao giờ bị kết án ở bất cứ tòa án nào.
Hôm nay, ông trùm gan góc và dường như bất khả xâm phạm này đã gọi cho tôi, thông báo rằng có người thân cận định sát hại mình vào tuần tới. Ngày 10 tháng Năm 1969 đó đã trở thành một trong những ngày thứ Bảy hiếm hoi khi trong lúc đi nằm, tôi thực tâm mong chóng đến sáng thứ Hai để bắt đầu một tuần làm việc mới. Trong khi chờ đợi, tôi không hề biết sự việc sẽ phát triển rất nhanh và đầy kịch tính.
NGÀYTHỨ HAI
6
Mười ngườisống và một ngườichết
I
Sáng hôm sau, ngày 11 tháng Năm 1969, bắt đầu như tất cả các Chủ nhật bình thường khác trong đời tôi. Tôi ngủ nướng, bù cho sự thiếu ngủ dồn góp suốt tuần qua, không dậy ăn sáng cho đến gần giờ ăn trưa. Đầu giờ chiều, tôi lướt qua chồng báo bị bỏ mặc từ tuần trước. Tôi còn đọc được bốn chương đầu cuốn sách trong tuần của mình - Khoảnh khắc tự do - của nhà tư tưởng cấp tiến Jens Bjørneboe.
5 giờ 25 phút, chuông điện thoại reo đúng lúc tôi vừa tắm xong. Tôi không định trả lời ngay. Tuy nhiên, người gọi dai dẳng khác thường, và chuông cứ réo mãi cho đến lúc tôi nhấc máy. Ngay lập tức, tôi hiểu có chuyện nghiêm trọng.
Tất nhiên là cuộc gọi cho “thanh tra thám tử Kolbjørn Kristiansen” và như tôi đoán, từ đồn cảnh sát chính trên phố Møller. Tôi kinh hoàng biết nó liên quan tới Magdalon Schelderup. Vài phút trước, họ nhận được điện thoại báo ông ta đã chết lúc bắt đầu bữa tối tại nhà riêng, trước sự có mặt của mười nhân chứng.
Căn cứ vào những điều cảnh sát ở hiện trường báo cáo, có vẻ đây là một vụ giết người đã dự tính trước. Nhưng ai trong số các nhân chứng có mặt đã làm việc đó thì “nói không phóng đại là chưa rõ”. Cảnh sát trực tại đồn biết Schelderup đã liên hệ với tôi ngày hôm trước. Vì không thanh tra nào khác có mặt, anh ta bèn gọi cho tôi, hỏi tôi có muốn đảm nhiệm việc kiểm tra sơ bộ hiện trường và thẩm vấn các nhân chứng không.
Không cần hỏi đến hai lần, vài phút sau, tôi đã lái xe hết tốc lực tới
Gulleråsen.
II
Khi tôi tới nơi là 5 giờ 50 phút, bên ngoài tòa biệt thự Gulleråsen ba tầng vừa là nhà ở vừa là trụ sở doanh nghiệp của nạn nhân không hề có dấu vết của tấn thảm kịch. Magdalon Schelderup sống rất vương giả và thiết lập một hệ thống an ninh nghiêm ngặt. Tòa nhà tọa lạc trên đỉnh một quả đồi nhỏ, giữa khu vườn có hàng rào bao quanh, cách nhà hàng xóm gần nhất khoảng hai trăm mét. Bất cứ ai muốn đến gần tòa nhà đều phải băng qua một khoảng không gian thoáng rộng. Họ cũng phải vượt qua hàng rào cao ghép bằng các cọc gỗ nhọn hoắt bao quanh phần còn lại của toàn khu vực, chỉ có một khoảng trống duy nhất dành cho cánh cổng nặng nề dẫn tới đường lái xe vào nhà.
Tôi sửng sốt thấy toàn bộ cơ ngơi này như bước ra từ một cuốn tiểu thuyết của Agatha Christie. Đến cuối ngày, tôi được biết hàng xóm láng giềng đều gọi nó là “Lâu đài Schelderup”.
Ngoài một xe cảnh sát, có tám ô tô khác đỗ trước cổng. Một trong số đó là chiếc BMW đen, đồ sộ và bóng lộn của Magdalon Schelderup. Lúc đi qua, tôi nhận thấy ông ta đã nói thật: ba lốp xe bị rạch thành nhiều mảnh bởi một vật sắc nhọn.
Các xe khác nhỏ hơn nhưng vẫn mới và đều thuộc loại sang trọng. Tất cả, trừ một chiếc Peugeot nhỏ màu xanh lơ cũ mòn, như thể đã chạy từ đầu những năm 1950. Tôi ghi nhanh một giả thuyết tạm thời là tất cả các thực khách của nạn nhân đều thuộc tầng lớp thượng lưu, mặc dù tình hình tài chính của họ rất khác nhau.
Sự có mặt của tôi không được chào đón nồng nhiệt. Lúc tôi đang đi tới cửa trước, một tràng những tiếng sủa hoang dã và nguy hiểm bất thình lình nổ ra từ đằng sau, và theo bản năng tôi quay ngoắt lại, sẵn sàng nghênh chiến với đàn chó. May thay, tôi không phải làm việc đó: ba con béc giê
Đức to lớn, hung hăng xông tới tôi nhưng đã bị xích chặt. Lũ chó không chỉ làm tăng thêm cảm giác khó chịu và tôi tin rằng Magdalon Schelderup chắc hẳn cảm thấy an toàn trong nhà mình. Mối đe dọa từ trong nhóm người thân cận nhất như ông ta tin chắc đã đến sớm hai ngày so với dự đoán.
Ở cửa trước, tôi chào hai cảnh sát là những người đầu tiên tới hiện trường và đang làm nhiệm vụ canh gác. Cả hai rõ ràng nhẹ người khi thấy tôi, và cam đoan rằng dù có người chết, mọi người trong ngôi nhà đều bình tĩnh đến lạ lùng.
Tôi nhanh chóng hiểu ra ý họ khi đi qua hành lang và hai đợt cầu thang tiếp theo rồi bước lên tấm thảm đỏ trong phòng ăn rộng mênh mông của Magdalon Schelderup. Trước hết, nó gây cho tôi ấn tượng như vừa bước vào một phòng triển lãm tượng sáp. Đồ đạc và nội thất theo phong cách đầu thế kỷ XX. Các bức tường trống trơn, không có tranh ảnh hay bất cứ đồ trang trí nào khác, chỉ làm tăng thêm sự lạnh lẽo đến phi thực của nơi này. Ngoại trừ một thứ - bức chân dung Magdalon Schelderup vẽ rất sống động, to cỡ người thật choán hết một trong các tường ngăn thấp - càng làm tất cả thêm nổi bật.
Lúc này, chủ nhân của tòa lâu đài đã được khiêng lên một chiếc sofa cạnh tường, ngay bên trong cửa. Ông ta mặc bộ com lê đen giản dị và theo tôi thấy, trên người ông không có vết thương nào. Mắt ông nhắm nghiền, môi hơi tái. Tôi sờ vào động mạch chính ở cổ và cổ tay ông ta, rồi nhanh chóng khẳng định không hề có dấu hiệu của sự sống.
Ở giữa phòng có một cái bàn lớn bằng gỗ gụ, xung quanh xếp mười một cái ghế. Thịt cừu nướng kèm rau bày trên các đĩa sứ tinh tế, một chai vang chắc chắn thuộc loại hảo hạng đã rót vào các ly có chân cao. Tuy vậy, chưa thực khách nào động đến đồ ăn thức uống. Có cả champagne, nhưng chưa một ai dùng.
Chiếc ngai của Magdalon Schelderup ở một đầu bàn hiển nhiên lúc này
trống rỗng. Mười thực khách ăn vận bảnh bao để dự tiệc, đã lẳng lặng trở về chỗ của mình quanh bàn. Tất cả đều quay nhìn tôi, nhưng không ai cất lời. Tôi liếc qua họ: sáu phụ nữ và bốn nam giới. Tôi nhận thấy tuy một vài người tỏ vẻ lo lắng hoặc ngạc nhiên, song hoàn toàn không mảy may lộ vẻ thương tiếc. Không một giọt nước mắt nào trên gò má của các vị khách nữ quanh bàn.
Ước tính tuổi tác của các vị khách, tám người trong khoảng từ độ tuổi 30 đến 70. Tất thảy đều nghiêm trang và thận trọng. Có hai người nổi bật, mỗi người theo một kiểu riêng và ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Hai người họ trẻ nhất trong nhóm.
Một thanh niên mảnh dẻ, tóc vàng hoe chừng gần ba mươi tuổi, ngồi ở giữa hàng bên phải, cho đến lúc này là người tỏ ra lo lắng nhất. Một giờ đã trôi qua từ lúc có người chết, nhưng cậu ta vẫn ngọ nguậy không ngừng trên ghế, mặt vùi vào hai bàn tay run rẩy. Cậu ta cũng không khóc, nhưng lấm tấm mồ hôi trên trán và thái dương. Tôi thấy chàng trai này có vẻ quen quen, nhưng chỉ đến khi cậu ta nhận thấy tôi đang nhìn và bỏ tay khỏi mặt, tôi bỗng nhận ra đó là ngôi sao điền kinh nổi tiếng Leonard Schelderup.
Tôi không nhớ đã đọc ở đâu và vào lúc nào trên các trang thể thao rằng Leonard Schelderup chính là con trai của Magdalon Schelderup, rồi sau đó quên bẵng đi. Một năm trước đây, đứng trên khán đài ở sân vận động Bislett xem các cuộc đua giành chức vô địch điền kinh Na Uy, tôi đã nhìn thấy Leonard Schelderup bay trên đường chạy, thẳng tiến tới huy chương vàng ở cự ly trung bình, mái tóc dài chấm vai của cậu tung bay trong gió. Tôi rất ấn tượng, phần vì vẻ bình tĩnh của cậu lúc để các đối thủ vượt qua, và chỉ tăng tốc rất ngoạn mục khi chuông báo vòng đua cuối cùng. Nhưng một phần vì tôi thán phục sự bình tĩnh gần như lạnh lùng của cậu lúc băng qua vạch đích và khán giả bùng lên vỗ tay tán thưởng. Lúc đó, tôi đã nhận xét với người đàn ông đứng cạnh là chắc hẳn chẳng gì có thể làm Leonard
Schelderup mất bình tĩnh, vì thế lúc này tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc khi thấy cậu đang ngước nhìn tôi với vẻ năn nỉ, gần như sắp quỵ ngã vì suy sụp thần kinh.
Tình hình không đỡ phiền muộn khi Leonard Schelderup phá vỡ sự im lặng, xòe tay ra và nói:
- Tôi không thể hiểu vì sao cha tôi chọn tôi nếm thức ăn của ông. Không phải tôi là người khởi sự. Tôi không thấy mùi lạc. Tôi cũng không hề biết ai giết ông ấy!
Cơn bột phát của Leonard Schelderup thật sự đã làm không khí nhẹ bớt phần nào. Không ai nói gì thêm lúc cậu ngừng lời, nhưng mọi người quanh bàn đều thở dài và có tiếng dịch chuyển.
Gần như tình cờ, tôi bắt gặp nụ cười đầu tiên trong phòng. Nó thoáng qua và cố nén xuống, đúng lúc Leonard Schelderup im bặt. Nụ cười biến mất vài giây sau đó và tôi không bao giờ biết liệu cô ta có nhận thấy việc tôi đã phát hiện ra nụ cười đó không. Khi cậu Schelderup ngừng nói, gần như theo bản năng, mắt tôi đổi hướng, quan sát phản ứng của vị khách trẻ nhất ngồi cách cậu ta hai ghế về bên trái.
Thoạt nhìn, tôi cứ ngỡ là Patricia - cố vấn hình sự của tôi, không hiểu vì sao cô cùng cái xe lăn của mình lại lọt được vào nhà Magdalon Schelderup và nhập bọn với họ bên bàn ăn. Ngay sau đó, tôi giật mình tự hỏi thật ra toàn bộ chuyện này có phải là một cơn ác mộng vô lý không. Nhưng tôi không mê ngủ. Mười thực khách bằng xương bằng thịt vẫn ngồi bên bàn tiệc. Magdalon Schelderup vẫn ở nguyên chỗ, nằm chết trên sofa cạnh cửa. Còn cô gái ngồi bên phải chiếc ngai trống rỗng của ông ta ở đầu bàn tất nhiên không phải là Patricia, tuy người phụ nữ ngồi đó cũng có mái tóc đen và những động tác thong thả, cùng cung cách tự tin và bình tĩnh y hệt.
Người phụ nữ trẻ này, theo như tôi thấy, khỏe mạnh và lành lặn, cao hơn Patricia nửa cái đầu và chắc chắn trẻ hơn theo như tôi nhớ khi gặp cô ấy
hồi mùa xuân trước. Tôi chưa bao giờ gặp cô gái này trước khi bước vào nhà Magdalon Schelderup. Nhưng từ đâu đó, tôi nghe đồn con út của ông ta là con gái, xinh đẹp lạ thường và để lại ấn tượng đáng ngại cho những người cô ta gặp.
Ánh mắt chăm chú của cô gái không bớt vẻ táo bạo lúc bắt gặp cái nhìn của tôi. Một nụ cười thoáng nhẹ nữa lướt qua môi cô.
Trong vài giây, tôi nhìn vào đôi mắt của Maria Irene Schelderup mười tám tuổi, và nhận ra việc duy nhất cần làm cho xong. Trước hết, tôi phải thu thập các thông tin càng nhiều càng tốt về Schelderup và cái chết của ông ta từ cô con gái và các thực khách khác. Sau đó, tôi phải về nhà ngay và quay số điện thoại ở trang cuối cuốn danh bạ của mình. Cuộc gọi sẽ nối máy đến điện thoại bàn của Patricia Louise I.E. Borchmann. Cô là con gái của giáo sư Borchmann và sống tại số nhà 104-108 phố Erling Skjalgsson. Trong một thoáng hài hước, tôi đã ghi số của cô ngay sau các số khẩn cấp gọi cứu hỏa và cấp cứu.
III
Tôi nhanh chóng xác minh các tình tiết tạm thời trong cái chết của Magdalon Schelderup. Mười lời khai của các nhân chứng rất khớp nhau. Magdalon Schelderup đã thông báo với tất cả những người có mặt bằng văn bản rằng mùa xuân năm nay, cứ Chủ nhật thứ hai mỗi tháng, ông sẽ mời những người thân thiết nhất đến nhà ông ăn tối. Theo giám đốc điều hành của ông, người cũng có mặt, thư mời gửi qua bưu điện theo đúng thể thức, đề ngày 2 tháng Giêng 1969. Bàn ăn sẽ được dọn sẵn các món vào đúng 4 giờ rưỡi chiều, nếu bất kỳ người nào không có mặt đúng giờ sẽ bị coi là “rất đáng tiếc” bất kể vì lý do gì.
Khách mời gồm Sandra, vợ của Magdalon Schelderup và Maria Irene, con gái của ông, cả hai hiện sống với ông tại Lâu đài Schelderup. Những người khác trong gia đình, cùng mang họ với ông là bà em gái Magdalena,
người vợ cũ Ingrid, các con trai đã trưởng thành của ông là Fredrik và Leonard. Cô thư ký Synnøve Jensen của Magdalon Schelderup và giám đốc điều hành lâu năm Hans Herlofsen cũng được mời. Hai người cuối cùng trong danh sách là cặp vợ chồng già Else và Petter Johannes Wendelboe, là những người Magdalon Schelderup quen biết từ hồi chiến tranh.
Cho đến bây giờ, cứ Chủ nhật có tiệc, các vị khách đều răm rắp đến đúng giờ theo lời mời. Đã bốn bữa tối đầu tiên trôi qua và không có sự kiện gì đáng nhớ. Song bữa tối nay bắt đầu khá bất thường. Lúc 4 giờ rưỡi khi mọi người đã yên vị, bà Sandra Schelderup đặt các món ăn lên bàn như thường lệ. Mọi người vừa được dọn món nhưng chưa ai động đũa thì chuông báo cháy reo. Tất cả rời khỏi phòng và tụ tập bên cửa ra vào ở tầng trệt trong vài phút.
Tuy nhiên, sự việc ngay lập tức được xác minh, té ra không phải chuông báo cháy mà là âm thanh nổi đã ghi âm sẵn trong máy phát. Magdalon Schelderup giận dữ nhìn quanh bàn, nhưng tất cả các thực khách đều dứt khoát phủ nhận không hay biết gì về trò đùa ác ý này. Ông chủ có vẻ khó chịu và lo lắng khác thường vì việc xảy ra, ông ngồi một lát, trầm ngâm suy nghĩ và không chúc các vị khách ngon miệng. Rồi bất chợt, ông gầm lên ra lệnh cho cậu con trai thứ Leonard phải nếm thử đồ ăn trên đĩa của ông.
- Ba nghi ngờ thức ăn trên đĩa của ba bị bỏ độc. Ba chắc không ai bất đồng với giả thuyết rằng nếu con mất mạng sẽ đỡ tổn thất hơn là ba! - Magdalon Schelderup đã nói như thế. Không một ai phản đối.
Leonard căng thẳng trông thấy và cố nói không lý gì lại ngờ thức ăn bị bỏ độc. Cha cậu đáp lại cộc lốc rằng nếu vậy, không lý gì lại sợ nếm thử. Sau vài phút, sự im lặng càng thêm ngột ngạt lúc Leonard rõ ràng khiếp sợ ăn một lát thịt, nửa củ khoai tây và một miếng cà rốt trên đĩa của cha mình. Năm phút sau, trông Leonard vẫn ổn và nói cậu không hề cảm thấy có triệu
chứng gì hết, rốt cuộc cha cậu mời mọi người bắt đầu dùng bữa, lúc đó là 4 giờ 56 phút.
Không vị khách nào gặp phản ứng với thức ăn. Nhưng Magdalon Schelderup bị phản ứng cấp tính: cổ và miệng ông đột ngột sưng phồng. Không thể nói được, ông khua bàn tay, chỉ xuống bàn, nhằm vào hai người con trai. Bà vợ đỡ ông lên sofa, bà nói mạch ông đập dồn và không đều. Magdalon Schelderup bị chuột rút dữ dội và vài phút sau ông qua đời. Trong khoảnh khắc cuối cùng của đời mình, Magdalon Schelderup nắm chặt ngực trái. Các vị khách cho rằng tình trạng tim ngừng đập chính là nguyên nhân tử vong, tuy nghẹn thở cũng có thể là một khả năng.
Nguyên do trở nên sáng tỏ khi vợ của người quá cố nhận ra bột lạc rất mịn trên miếng thịt ở đĩa của chồng. Kinh hoàng, Leonard vùi mặt vào hai bàn tay. Cậu hoang mang đến nỗi không thể khẳng định liệu cậu có thoáng thấy mùi vị hoặc dấu vết của lạc trên miếng thịt cậu đã ăn hay không.
Những người gần gũi với Magdalon Schelderup đều biết rõ ông ta dị ứng với lạc đến mức có thể bị tử vong. Lạc dù là bất cứ loại nào, dưới dạng nào đều bị cấm tuyệt đối ở mọi nơi trong cơ ngơi của ông và suốt nhiều năm nay, Magdalon Schelderup thi hành nghiêm ngặt lệnh cấm đó.
Ngay lập tức tôi nhận thấy mọi người có mặt đều biết rõ chứng dị ứng lạc cũng như lệnh cấm của ông ta. Nhưng tất cả đều có cơ hội rắc bột lạc lên đĩa của Magdalon Schelderup trong lúc lộn xộn sau khi có chuông báo cháy. Họ là những người duy nhất có thể làm việc đó. Trong các bữa tối Chủ nhật, Magdalon Schelderup cho toàn bộ người làm nghỉ. Ồng chủ và các thực khách là những người duy nhất ở trong tòa nhà.
Việc nấu nướng do người vợ hiện tại và vợ cũ của ông đảm nhiệm, tất nhiên cả hai đều là thực khách. Họ gườm gườm nhìn nhau, nhưng đều đồng thanh khai rằng không hề có lạc dù ở bất cứ loại nào, ở bất cứ chỗ nào gần bếp khi họ chế biến món ăn. Trên thực tế, không hề có dấu vết bột
lạc ở các đĩa khác trên bàn, ngoài đĩa của Magdalon Schelderup. Bởi vậy, khả năng cao nhất là thứ bột lạc chết người kia đã được thêm vào thức ăn sau khi đặt lên bàn. Điều đó có nghĩa là một trong các thực khách không chỉ mang bột lạc tới, mà còn rất muốn giết chết ông chủ nhà.
Trong ba giờ tiếp theo, tôi trưng dụng một phòng ngủ dành cho khách ở tầng trệt làm phòng thẩm vấn tạm thời và lấy lời khai của tất cả mười nhân chứng. Lúc 9 giờ, một bác sĩ pháp y đưa xác đi, và tôi nghĩ không mong thu thập được nhiều hơn từ mười người còn lại.
Tôi hiểu kẻ sát hại Magdalon Schelderup từng ngồi bên bàn ăn của ông ta là điều hiển nhiên, nhưng vẫn chưa biết là ngồi ở ghế nào. May thay, khi đó tôi chưa nhận thức được rằng, mặc dù được Patricia giúp đỡ, cuộc điều tra tiếp theo để tìm đúng người sẽ kéo dài suốt bảy ngày vô cùng gay cấn. Tôi cũng không dự đoán được rằng trong tuần lễ sắp tới, ai trong mười thực khách tại bàn tiệc tối cuối cùng của Magdalon Schelderup sẽ theo ông ta về chầu trời.
IV
Tôi quyết định bắt đầu thẩm vấn người có tuổi tác tương đương với Magdalon Schelderup đã quá cố, đó là bà em gái sáu mươi bảy tuổi của ông ta.
Magdalena Schelderup xin phép hút thuốc trong khi thẩm vấn. Bà ta có vẻ cực kỳ bình tĩnh, bất chấp những sự kiện đau buồn tối hôm đó. Thân hình bà ta gầy gò và xương xẩu, nhưng cái bắt tay của bà mạnh mẽ đến không ngờ. Tôi nhận thấy bà ta đeo một chiếc nhẫn bằng thiếc, trông có vẻ lạc lõng trên người phụ nữ lớn tuổi rất giàu sang này. Nhưng thứ tôi không thấy trên bàn tay bà hình như còn có ý nghĩa hơn - bà ta không đeo nhẫn cưới.
Giải thích về việc vẫn mang họ thời con gái, Magdalena Schelderup kể với tôi không hề ngập ngừng rằng bà chưa bao giờ kết hôn, và nói luôn
rằng bà cũng chưa bao giờ có con. Gia đình bà vốn ít người và hiện giờ bà là người sống sót cuối cùng trong tòa nhà thời thơ ấu. Bà lớn lên cùng một anh trai và một em trai. Em trai bà không khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, và cuối cùng đã chết bệnh từ mùa xuân năm 1946. Từ khi họ còn bé, Magdalon đã có uy quyền vượt trội so với các em. Trong hai năm đầu đời, cậu bé đã khiến cha mẹ mê mẩn đến mức họ quyết định đặt tên cho con gái là Magdalena, cái tên gần giống con trai của họ hết mức có thể.
Cha họ cũng là một doanh nhân thành đạt và các con lớn lên trong hoàn cảnh dư dả về vật chất. Sau khi chiến tranh kết thúc và sau cái chết của người em trai, Magdalon tiếp quản điều hành công việc làm ăn của gia đình và nhanh chóng mở rộng kinh doanh. Magdalena đỗ vào đại học và theo một khóa hai năm ở trường thương mại, nhưng cô nhận được một khoản thừa kế hậu hĩnh vì cha mẹ qua đời, cho phép cô lao vào nhiều thú vui mà không cần phải làm việc để kiếm sống. Thu nhập hằng năm từ lợi nhuận trong các công ty của cha mẹ thừa đủ cho Magdalena trang trải mọi chi tiêu.
Magdalena Schelderup tư lự hút thuốc lá khi tôi hỏi bà có quan hệ thân thiết với anh trai không. Rồi bà chậm rãi lắc đầu. Họ vẫn giữ liên hệ, có nhiều bạn bè và người quen chung, nhưng đã hai mươi lăm năm nay, họ không bàn bạc bất cứ việc gì quan trọng. Magdalena có cảm tưởng rằng hiếm khi anh trai bà hỏi ý kiến người khác về những vấn đề quan trọng, phần lớn ông tuân theo niềm tin và những ý thích đột xuất của chính mình. Ông chưa bao giờ hỏi ý kiến em gái về việc kinh doanh hay những vấn đề riêng tư. Nhưng bà khẳng định bà hiểu ông hơn bất cứ ai, vì đã quan sát ông suốt cuộc đời mình.
- Nếu anh muốn hiểu anh trai của tôi về mặt con người hoặc doanh nhân, anh phải biết rằng ngay từ hồi còn bé, anh ấy lúc nào cũng là một con bạc. - Magdalena Schelderup bất chợt nói thêm.
Tôi đề nghị bà nói rõ hơn về điều đó và bà đáp ngay lập tức:
- Từ khi còn trẻ, Magdalon đã đùa giỡn với đồng tiền và con người, với công việc kinh doanh và cuộc sống riêng tư; thực ra, toàn bộ sự tồn tại của anh trai tôi biến thành một canh bạc lớn. Ông ấy thường đặt cược rất to. Nếu anh bảo có khi ông ấy chơi gian, tôi sẽ không phủ nhận. Magdalon chiều theo thị hiếu tầm thường của quần chúng để được công nhận. Nhưng hơn hết thảy, ông chơi chỉ để thắng, nhằm giành được những thứ ông thèm muốn. Đó là tiền bạc, nhà cửa hoặc đàn bà. - Bà nói thêm với nụ cười cay đắng.
Magdalena Schelderup im bặt, chìm vào suy tư trong chốc lát rồi châm điếu thuốc khác. Sau đó, bà bắt đầu nói, từ tốn hơn:
- Anh có thể nghe từ những người quen biết ông ấy, cả những người trong và ngoài công ty, rằng anh tôi chỉ biết đến tiền, không nghĩ đến mọi người. Những người nói thế hoặc không biết hoặc không hiểu ông ấy. Tài năng lớn nhất của Magdalon chính là ông ấy có khả năng hiểu mọi loại người, khả năng ấy được mài giũa hết sức tinh tế. Ông có khả năng phán đoán điểm mạnh và yếu của người khác vô cùng sắc bén và thường tiên đoán rất chính xác họ sẽ phản ứng ra sao trong các tình huống khác nhau. Nhưng ông chỉ sử dụng kỹ năng này vì lợi ích của riêng mình. Tôi có thể hiểu rằng nhiều khi, người ta nghĩ ông lạnh lùng và vô cảm với người khác, kể cả với gia đình riêng. Nhưng thật ra có sự khác biệt giữa việc không quan tâm và không hiểu khi nào thì ai đó cần được quan tâm, ngay cả khi người ta thực sự quan tâm tới người khác.
Tôi gật đầu nghĩ ngợi và hỏi về quan hệ gia đình nói chung của ông ta. Em gái ông ngập ngừng rồi trả lời vợ và các con của Magdalon ắt phải hiểu việc này hơn bà. Từ vị trí của mình bên bàn ăn, bà đánh giá cuộc hôn nhân thứ ba của anh trai mình không chỉ dài nhất, mà còn “ít bất hạnh nhất”. Cả hai lần chuyển tiếp từ cuộc hôn nhân thứ nhất sang thứ hai, và thứ hai sang thứ ba đều là những giai đoạn khó khăn. Dĩ nhiên anh trai bà mong đợi ở
hai đứa con trai nhiều hơn, dẫu bà cảm thấy những kỳ vọng của ông khó mà thành hiện thực. Hình như ông đánh giá cô con gái cao nhất, nhưng cũng có thể vì cô gái trẻ nhất và vẫn còn sống ở nhà.
Em gái ông khẳng định biết rất ít về gia tài của Magdalon Schelderup. Thu nhập hằng năm của bà từ lợi nhuận trong các công ty của cha mẹ bảo đảm cho bà sống sung túc hết đời, bây giờ ai thừa hưởng tập đoàn không phải là việc quan trọng. Nó thực sự chẳng có ý nghĩa gì nhiều với bà. Tiền của bà trong ngân hàng nhiều đến mức bà có thể tiêu pha cả đời không hết, và bà chẳng có ai mà để lại.
Magdalena không nói nhiều, nhưng tôi hiểu ý bà. Về phần mình, bà ta không có động cơ nào về tài chính để sát hại anh trai.
Nghe chừng đủ hợp lý. Magdalena có vẻ rất bình tĩnh khi nói tôi có thể gạch tên bà khỏi danh sách nghi phạm. Tuy nhiên, tôi thích thú nhận ra bà sống cách nhà anh trai một quãng ngắn, ngày thứ Sáu và thứ Bảy bà ở nhà một mình. Bà là em gái của người đã mất và biết ông ta lâu hơn bất cứ người nào trong nhóm thực khách. Trên thực tế, bà ta hoàn toàn có cơ hội rạch nát lốp xe của anh trai và cũng có thể lén rắc bột lạc vào thức ăn của ông.
V
Thẩm vấn em gái người chết xong, người tiếp theo tôi muốn gặp là Sandra Schelderup, vợ góa của ông ta. Bà là người đầu tiên khẳng định đã sẵn sàng để thẩm vấn. Vẫn không một giọt nước mắt trên má bà.
Sandra Schelderup là một phụ nữ tương đối mảnh khảnh, tóc đen, lưng thẳng và vẻ mặt kiên quyết, gây ấn tượng về một người cá tính và có ý chí mạnh mẽ. Bà khai mình bốn lăm tuổi và kể gãy gọn vắn tắt về xuất thân của mình: bà lớn lên tại một khu đất nhỏ ở vùng quê gần Trondheim, bà học viết tốc ký và gặp chồng khi làm thư ký cho ông, gần hai mươi năm trước. Mặc dù tuổi tác chênh lệch, cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc và cái
chết của ông là một cú sốc thực sự cho bà.
Bà khẳng định không hề biết chồng mình gọi điện cho cảnh sát vào hôm trước, cũng không biết các lốp xe bị rạch thủng. Tuy vậy, bà nhận thấy gần đây chồng bà rõ ràng có chuyện lo nghĩ. Ông cảnh giác hơn và ban đêm cẩn thận kiểm tra xem cửa nẻo đã khóa kỹ chưa. Vài tuần trước, ông đã lấy một khẩu súng ngắn cũ trong bộ sưu tập vũ khí của mình và đút vào túi áo khoác mỗi khi ra khỏi nhà. Ban ngày ông thường để nó trên bàn làm việc và bà nhận thấy ông để trên bàn cạnh giường vào buổi sáng và ban đêm.
Nhưng ông không kể với bà vì sao ông lo lắng. Ông là người thuộc trường phái cổ, không giãi bày những phiền muộn với vợ con. Bà phỏng đoán việc kè kè khẩu súng có thể là dấu hiệu chồng bà đang già đi và lo lắng, song sau vụ giết người, tất nhiên bà nhìn nhận hành động của ông khác hẳn. Trước kia ông chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến bất cứ loại súc vật nào, nhưng mùa thu năm ngoái bỗng nhiên ông mua ba con chó giữ nhà.
Còn về tài sản, Sandra Schelderup biết ít hơn trên báo chí viết: có thể vài trăm triệu krone tiền mặt, cổ phần và bất động sản. Bà có thể tìm ra tên của công ty luật đã giúp chồng bà giải quyết các vấn đề luật pháp, nhưng bà khẳng định không biết gì về nội dung trong chúc thư. Trải qua ba cuộc hôn nhân, theo thông lệ Magdalon vẫn giữ các di sản của mình tách rời nhau. Nhân dịp này dịp khác, khi bàn bạc về tình hình tài chính của bà, ông đã hứa với người vợ cuối cùng là bà sẽ được chăm sóc chu đáo đến hết đời, và được thừa hưởng ít nhất hai triệu krone.
Công việc làm ăn chi phối cuộc sống của Magdalon Schelderup hơn mọi thứ khác, ngay từ đầu cuộc hôn nhân ông đã giao hẹn bà không được tự ý quan tâm đến chuyện đó. Bà nói mình luôn tuân theo quy định này, và nói thêm con gái bà có lẽ còn biết ít hơn bà, còn người cần phải hỏi là giám đốc điều hành.
Khi Magdalon Schelderup ở nhà, ông thường dành phần lớn thời gian ở
một trong hai phòng: hoặc trong phòng vừa làm việc vừa là thư viện của ông ở tầng thứ nhất, hoặc trong phòng ngủ riêng kế bên. Vợ ông giải thích ông ngủ vào những giờ bất thường trong suốt cuộc hôn nhân của họ, vì thế bà thích có phòng ngủ riêng hơn, ở tầng trên. Ông có thể thoải mái ra vào tùy ý, và ông đã làm thế trong suốt những năm bà biết ông, bà nói với nụ cười thoáng qua.
Cho đến lúc này, mọi thứ nghe chừng khá bình thường. Lời miêu tả của vợ ông củng cố thêm hình ảnh Magdalon Schelderup là một người đàn ông ngang ngạnh, nhưng trong vài tháng qua đã lo lắng về mối đe dọa có thể xảy ra cho mạng sống của mình. Tuy vậy, giọng bà trở nên gay gắt hơn khi cuối cùng, tôi hỏi bà có nghĩ người nào trong các thực khách có thể giết chồng mình.
- Đó là điều hiển nhiên! - Bà đáp lại gọn lỏn.
Rồi bà nói thêm bằng giọng nhanh và xúc động hơn.
- Tôi bảo đảm với anh không phải là tôi hoặc con gái tôi. Nhưng những người còn lại, ngay bây giờ tôi không loại trừ bất cứ ai.
Tôi hỏi ít ra, bà có loại trừ hai người con trai riêng của chồng không, bà đáp lại ngay lập tức:
- Đặc biệt là không với hai người này!
Lúc nói câu này, một bóng đen lướt qua mặt bà, càng khiến tôi ngờ rằng quan hệ giữa những người gần gũi nhất với người đã chết chẳng mấy tốt đẹp. Tôi quyết định chấm dứt cuộc nói chuyện với người phụ nữ vừa mất chồng ở đây. Lúc này, tôi rất tò mò muốn biết các con ông ta nghĩ gì về bà ta và về cái chết của cha mình.
VI
Thoạt nhìn, Fredrik Schelderup đã làm tôi sửng sốt vì anh ta giống cha quá ít, cả về tinh thần lẫn thể chất. Anh ta ba mươi tám tuổi, cao hơn tầm trung bình, tóc đen, diện mạo dễ coi cũng như thái độ thân thiện. Lớp mỡ
thừa quanh eo và đôi má quá đỏ gợi mối nghi ngờ Schelderup Con thích những cuộc tụ bạ vui vẻ hơn là các bữa tiệc gia đình.
Cuộc trò chuyện tiếp theo không hề làm giảm ấn tượng đầu tiên của tôi, Fredrik Schelderup nói chuyện bằng giọng điệu hồ hởi và khinh suất. Không cần khích lệ, anh ta cởi mở kể mình giống người mẹ đã khuất nhiều hơn và luôn cảm thấy rất khác cha. Trong vài năm gần đây, quan hệ của Fredrik với cha “đúng mực và hình thức”, nếu nói khác đi là “khá rời rạc và đặc biệt không chân thành”. Fredrik Schelderup giải thích rằng do anh ta cố giữ khoảng cách hết mức có thể với cha cũng như với công việc quản lý kinh doanh của gia đình. Chính vì thế anh ta có vẻ thản nhiên trước cái chết của cha mình. Thật ra mà nói, thì đúng là như thế.
Cái chết của Magdalon hoàn toàn bất ngờ với Fredrik Schelderup, cũng như anh ta không hề nghĩ ai là người có thể rắc bột lạc lên đĩa của ông. Anh ta lớn lên với lệnh cấm ngặt mọi thứ dính dáng đến lạc; có lần, khi Fredrik mười hai tuổi, cậu bị phạt tiền tiêu vặt trong một tháng vì đã ăn một củ lạc trong khi lái xe. Từ đó cho đến ngày hôm nay, Fredrik tôn trọng quỵ định.
Fredrik Schelderup tới bữa tiệc tối bằng chiếc Mercedes mới cáu cạnh, và cả tuần trước anh ta ở trong hoặc ở gần nhà mình tại ngoại ô Bygdøy giàu có. Fredrik sống một mình, nhưng có một “bạn gái” mới, cả tuần ngày nào cũng đến với anh ta. “Cũng như vài đêm,” anh ta nói thêm với cái nháy mắt vui vẻ.
Fredrik Schelderup khiến tôi ngỡ ngàng vì khác xa người cha đến thế. Khi tôi hỏi cho đến nay, anh ta đã làm gì trong đời, Fredrik đùa, hóm hỉnh: “Làm ít nhất có thể, trong khi đợi hưởng thừa kế của cha tôi.” Fredrik Schelderup kể tiếp: thi đỗ vào trường thương mại và học chút ít, nhưng anh ta hưởng thụ cuộc sống sinh viên trong những ngày nghỉ cuối tuần nhiều hơn ngày trong tuần. Fredrik bỏ học trước khi tốt nghiệp, chẳng hề có bằng cấp, chứng chỉ gì và chưa bao giờ có khả năng quyết định mình muốn làm
gì. May thay, anh ta chẳng túng thiếu gì. Trong lúc đợi khoản tiền thừa kế chắc chắn có thật từ cha, Fredrik Schelderup sống ung dung nhờ khoản thừa kế vừa phải từ mẹ, thỉnh thoảng anh ta kiếm thêm nhờ thu nhập từ những việc làm ngắn hạn. Fredrik Schelderup nhận xét một cách đùa bỡn rằng từ khi còn niên thiếu, anh ta đã thích lái xe - những chiếc ô tô tốc độ cao và những người đàn bà xinh đẹp. Toét miệng cười, Fredrik Schelderup nói thêm khi một người phụ nữ đẹp hỏi anh ta thuộc cung gì, thông thường anh ta trả lời là “cung đô la” và rồi sẽ bắt đầu chứng minh điều đó. Chi phí mọi thứ hằng ngày của anh ta nói chung khá khiêm tốn, “dĩ nhiên là ngày thường”. Fredrik Schelderup vẫn đang đợi thực hiện mong ước được nhìn thấy “thế giới rộng lớn và các quán rượu của nó” nhiều hơn, cho đến khi nhận được khoản tiền thừa kế.
Khi bị hỏi anh ta mong được thừa kế bao nhiêu, Fredrik Schelderup gần như nghiêm trang trong giây lát. Anh ta nói hy vọng được một phần ba tổng số tài sản của cha mình, và theo báo chí ước tính là trên 100 triệu krone. Song Fredrik vẫn không dám cho là có thể đòi hỏi hơn 200 ngàn krone theo luật định, vì đã được xác nhận là một trong những người thừa kế. Fredrik Schelderup đã mong ngóng nhận được tài sản thừa kế của mình nhiều năm nay, nhưng dù trong tình trạng eo hẹp về tài chính, anh ta không hỏi xin tiền cha - vì biết rằng có hỏi cũng chẳng được gì ngoài lời mỉa mai đáp lại.
Trong nhiều năm qua, Magdalon Schelderup nhiều lần bộc lộ tâm trạng thất vọng của ông vì sự thiếu năng lực và thiếu nhạy bén trong kinh doanh của người con trai cả. Người con chẳng còn cảm thấy bị tổn thương vì điều đó và để đáp lại, trong vài dịp anh ta đã chỉ trích cha mình vì cách hành xử với hai người vợ trước và con trai của họ. Những cuộc trò chuyện của hai cha con thường dừng lại ở đó.
Fredrik Schelderup lại trở nên nghiêm túc khi tôi hỏi về người mẹ đã mất của anh ta. Bà trẻ hơn Magdalon bốn tuổi, là người có nhan sắc lộng
lẫy và được nhiều người theo đuổi, song năm hai mươi ba tuổi đã nhận lời cầu hôn của Magdalon Schelderup. Trong những năm cuối đời, hơn một lần bà kể với con trai rằng Magdalon Schelderup kết hôn với bà vì đó là cách duy nhất ông có thể đưa bà lên giường. Ông bị ám ảnh phải có được bà ngay từ lần đầu tiên họ gặp nhau. Bà kể với sự cay đắng ngày càng tăng, rằng bà đã thắng Magdalon Schelderup nhưng để làm được việc ấy, bà đã tự đánh mất mình.
Fredrik Schelderup là người con duy nhất của cuộc hôn nhân vô cùng bất hạnh này và kết thúc bằng vụ ly hôn đau lòng ngay trước chiến tranh. Mẹ Fredrik là tín đồ Công giáo và rất thích thú được tôn là “Hoàng hậu của Gulleråsen” tại Lâu đài Schelderup. Bà kịch liệt chống đối việc ly dị, nhưng chồng bà đã tìm thấy người phụ nữ khác và rốt cuộc, ông đã quẳng người vợ đầu tiên ra khỏi nhà “hầu như bằng vũ lực”. Sau cuộc ly hôn, Fredrik còn ở lại với cha thêm vài năm, “vì nhiều lý do thoải mái” nhưng sau này chợt thấy dọn vào một căn hộ riêng khi xong trung học là “thoải mái hơn”. Về mặt tài chính, người mẹ không khổ sở nhưng bà không bao giờ hồi phục sau vụ ly hôn. Rượu và thuốc lá đã mài mòn sức khỏe của bà, hủy hoại bà thường xuyên và mới bốn mươi chín tuổi, bà chết vì xơ gan.
Trả lời câu hỏi về quan hệ với các thành viên khác trong gia đình, Fredrik Schelderup tuyên bố thích người vợ thứ hai của cha hơn người thứ ba một chút, nhưng không liên hệ nhiều với người nào. Với những người còn lại trong gia đình, nói chung Fredrik có nhiều tình cảm ấm áp nhất với cậu em trai khác mẹ kém anh ta mười một tuổi. Họ gần gũi hơn khi cậu em bước vào tuổi dậy thì và cũng thành con trai của cặp cha mẹ đã ly dị. Nhưng mối liên hệ của họ thất thường. Tính cách của họ rất khác nhau và khi Leonard đến tuổi trưởng thành, cậu ấy “đủ nhạy cảm để nhận ra tôi không phải là mẫu người tốt”. Với cô em gái khác mẹ kém Fredrik hai mươi tuổi, quan hệ của họ thường xa cách. Tuy vậy Fredrik nói cô có vẻ là
một cô gái kiên quyết và dám nghĩ dám làm đến mức khác thường ở độ tuổi của mình.
Khi nói câu này, một thoáng nghiêm trang trở lại lần nữa với Fredrik Schelderup thay thế cho vẻ hài hước. Khi Fredrik đã ra khỏi phòng, tôi ngồi ngẫm nghĩ, tự hỏi lúc tôi nhìn vào mắt anh ta, liệu có thấy dấu vết tôn trọng hoặc sợ hãi không.
VII
Leonard Schelderup thấp hơn tôi nửa cái đầu, là một thanh niên hai mươi bảy tuổi mạnh mẽ, nhai kẹo cao su liên tục. Cậu gần như lướt vào phòng bằng bước chân nhẹ nhàng nhất hạng và thân hình mềm mại của một vận động viên chạy đua đường dài. Leonard đã cố lấy lại bình tĩnh lúc bước vào để thẩm vấn, hai giờ sau vụ sát hại, nhưng rõ ràng vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc vì sự kiện bi thảm trong phòng ăn. Cậu tự thừa nhận điều này và bắt đầu bằng câu xin lỗi vì thái độ bối rối của mình. Sau đó, Leonard nói thêm rằng các sự kiện ngày hôm đó thật bất thường và cậu đặc biệt cảm thấy chông chênh.
Tôi nói rất thông cảm với hoàn cảnh của cậu, rồi nhận xét thêm rằng cậu và người cha quá cố hình như rất khác nhau. Leonard Schelderup nhai kẹo cao su liên tục trong vài giây trước khi câu trả lời dường như lộn xộn tuôn trào khỏi miệng cậu.
- Có và không. Thật dễ hiểu sự việc là thế. Tôi dễ bị tác động vì những gì người ta nghĩ và nói về tôi, và cũng quan tâm đến cảm giác của người khác. Những thứ ấy chẳng phải là đặc điểm của cha tôi. Gặp gỡ mọi người khiến tôi căng thẳng và tôi chưa bao giờ thích kinh doanh. Nhưng chúng tôi giống nhau về một số mặt. Tôi có ý chí và tinh thần ganh đua của ông, nhưng tôi sử dụng chúng trên đường chạy và trong học tập. Song đó không phải là lĩnh vực cha tôi mong muốn. Nhưng vài năm gần đây hình như ông hiểu và tôn trọng tôi hơn một chút. Đáng tiếc là quan hệ của cha con tôi
chưa bao giờ tốt đẹp. Tôi hy vọng rằng nó không hẳn là xấu trong năm cuối đời ông.
Cậu nhanh chóng nói thêm:
- Năm tôi lên tám, một hôm cha vào phòng tôi và nói mẹ tôi đã dọn ra ngoài, nhưng tôi sẽ ở lại đây mà không có mẹ. Quan hệ giữa cha con tôi chẳng bao giờ vượt qua khoảnh khắc ấy. Nhưng rốt cuộc tôi chấp nhận con người của cha tôi và hiện giờ, tôi chẳng có bất cứ lý do gì để mong ông chết. Với tôi, việc ông bị sát hại dường như không thật và vì sao ông chọn tôi nếm thức ăn của ông vẫn vô cùng khó hiểu.
Tôi chú ý ngay đến cách Leonard bày tỏ lời cam đoan “hiện giờ, tôi chẳng có bất cứ lý do gì để mong ông chết” - và tôi hỏi bằng giọng gay gắt hơn rằng liệu câu này có ngụ ý là trước đó, cậu đã từng mong cha cậu chết không.
Leonard Schelderup nhai kẹo cao su hăng hái hơn trước khi trả lời. - Hồi tôi còn thiếu niên, có thể tôi đã nói những lời gây ấn tượng như thế. Tôi nghĩ ông đối xử với mẹ tôi rất tệ, cả trước và sau khi ly hôn, còn tôi có làm được bất cứ việc gì ông cũng chẳng hề quan tâm, dù chỉ là chút xíu. Tranh luận với cha tôi giống như đập đầu vào tường vậy. Ông chẳng bao giờ mất tự chủ, ông chỉ nhìn xuống và nhìn thấu tôi, với cung cách hết sức trịch thượng. Ngay cả khi tôi đã lớn và cao hơn ông một cái đầu. Các cuộc xung đột đều kết thúc bằng việc rốt cuộc, tôi xin lỗi ông. Còn ông vẫn chỉ nhìn tôi một cách hống hách. Qua nhiều năm, tôi âm thầm căm ghét ông và khi còn thiếu niên, đã vài lần tôi bùng nổ dữ dội. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn giết ông và hơn nữa, tôi chưa bao giờ làm bất cứ việc gì để thực hiện điều đó.
Cậu quằn quại trên ghế và nói thêm bằng giọng khe khẽ.
- Tuy bây giờ chỉ có Chúa mới biết ai tin điều đó.
Tôi thông cảm với cậu. Leonard Schelderup thực sự trong tình trạng
không được che chở, đối mặt với những người khác quanh bàn, phần vì cậu là người bị chọn nếm đồ ăn, phần vì sau khi nuốt bột lạc cha cậu đã mơ hồ chỉ về phía cậu. Ngoài ra, Leonard không có chứng cứ ngoại phạm về cái đêm các lốp xe bị rạch nát. Theo lời khai, cậu đã ở Oslo và các khu vực lân cận trong vài ngày trước bữa tối tai họa đó, đi lại như thường lệ giữa nhà cậu ở Skøyen tới đường đua trên sân vận động Bislett và tới phòng chuyên dùng của cậu ở trường đại học.
Cũng giống như người anh lớn, Leonard có vẻ biết ít thông tin về khoản thừa kế, nhưng cũng tỏ ra không mấy quan tâm. Cậu hy vọng được một phần ba di sản, nhưng cũng chuẩn bị sẵn sàng ra đi với khoản tối thiểu là 200 ngàn krone theo luật định. Người anh muốn bàn với cậu vấn đề này vài lần, nhưng Leonard cố suy nghĩ càng ít càng tốt về tiền nong. Cậu nói dù tổng số là hai trăm ngàn, một triệu hoặc ba mươi triệu cũng chỉ là sự thay đổi tương đối ít với cuộc sống của mình. Leonard đang say sưa với luận văn tiến sĩ ở khoa Hóa trường đại học và hài lòng vì ngày càng thành công hơn trên đường đua. Bất kỳ ý niệm nào về việc bước chân vào kinh doanh cũng xa lạ với cậu. Nếu được thừa kế năm triệu, Leonard sẽ gửi hai triệu vào ngân hàng và đưa số còn lại biếu mẹ, vì cậu luôn cảm thấy lẽ ra mẹ cậu phải được nhận khoản trợ cấp ly hôn hào phóng hơn. Song về mặt tài chính, cả hai mẹ con vẫn đủ chi tiêu. Leonard chưa có dự định gì về gia đình riêng. Không cần hỏi, cậu nói thêm rằng những trải nghiệm thời thơ ấu không làm cho việc đó có triển vọng hấp dẫn.
Về phần các vị khách không là người nhà, Leonard Schelderup cho biết cậu không thực sự quan hệ với bất kỳ ai, ngoài những lời xã giao. Cậu nhận xét rằng đằng sau cái mặt nạ nghiêm nghị, ông Wendelboe có thể là người ấm áp hơn cha mình nhiều.
Leonard Schelderup xác nhận cậu liên hệ với người anh không thường xuyên. Mặc dù tuổi tác chênh lệch, họ khá hòa thuận và hầu như chưa từng
có mâu thuẫn nào nghiêm trọng. Tuy vậy khi thời gian trôi qua, những khác biệt ngày càng rõ rệt và họ ít có điểm chung ngoài gia đình. Có lần, cha họ nhận xét rằng ông thất vọng vì cậu Leonard trẻ trung thiếu hào hứng với công việc kinh doanh, nhưng ít ra ông cũng có một người con trai say mê thứ khác hơn cái trò ăn chơi tiệc tùng.
Leonard Schelderup kể từ thời thơ ấu, cậu đã ăn ý với “cô Magdalena” dù họ hiếm khi gặp nhau. Cậu không che giấu ác cảm với người vợ thứ ba của cha, người đã sử dụng tuổi trẻ và sắc đẹp để chiếm đoạt vị trí của mẹ cậu. Tuy nhiên, hiện nay quan hệ của họ đúng nghi thức và tương đối thoải mái, ít ra là bề ngoài. Sandra Schelderup là một phụ nữ thông minh và lanh lợi, mỗi khi họ gặp nhau bà thường lịch sự hỏi thăm cậu cả về thể thao lẫn công việc. Leonard Schelderup nhăn mặt lúc nói thêm rằng vài năm gần đây, bà mẹ kế tỏ ra thực sự quan tâm đến thành công trong cuộc sống của cậu hơn người cha ruột.
- Chắc là tôi nên kể với anh một tình tiết xảy ra năm ngoái, - Leonard Schelderup bất chợt nói. Cậu nói tiếp, nhưng lúc này giọng cậu hơi run. - Một hôm, tôi tình cờ gặp cha tôi ở trung tâm Oslo, trên phố Karl Johan. Ông đang đứng nói chuyện với một đối tác làm ăn. Cha tôi bắt tay tôi gần như kính trọng và giới thiệu: “Đây là giám đốc Svendsen, ông ấy kể với ba là đã thấy con chạy đua ở Bislett và muốn chúc mừng con giành danh hiệu vô địch Na Uy. Ba cũng muốn chúc mừng con. Con đã thực sự trở thành một vận động viên điền kinh cừ khôi!” Tôi bắt tay cả hai người. Sau đó tôi đi và ngồi một mình trong góc hiệu cà phê, vừa cầm tách cà phê vừa khóc. Tôi đã hai mươi sáu tuổi và lần đầu tiên tôi nghe thấy cha tôi nói một lời động viên về sở trường thể thao của tôi. Và đó cũng là lần cuối cùng.
Leonard rất ít liên hệ với cô em gái khác mẹ. Cũng giống như người anh, Leonard coi cô gái là một người thông minh và kiên quyết khác thường. Mặc dù cô không tham gia môn thể thao nào, Leonard vẫn tin em
gái mình cũng là người đầy tính cạnh tranh.
- Chúng tôi chỉ gặp nhau trong những dịp họp mặt gia đình và em gái tôi giống như một con mèo trong nhóm người trưởng thành. Nó đi lại lặng lẽ, nhưng có đôi mắt tinh và đôi tai thính của một dã thú. Tôi ngờ rằng móng vuốt và răng của nó rất sắc, chỉ chưa từng thử xem, - cậu kết luận.
Sự tò mò của tôi về con gái của Magdalon Schelderup không sao giảm bớt vì nhận xét này. Nó khiến tôi chấm dứt cuộc thẩm vấn Leonard Schelderup tương đối nhanh. Cậu có vẻ nhẹ nhõm và hỏi liệu cậu có được phép tiếp tục công việc nghiên cứu và huấn luyện như thường lệ không. Leonard bắt tay tôi gần như nhiệt tình khi tôi cho phép, và hứa sẽ sẵn sàng trả lời những câu hỏi khác nếu có.
Cậu con thứ của Magdalon Schelderup có vẻ ít tự tin trong ngôi nhà thời thơ ấu so với người thanh niên tôi nhớ trong cuộc thi giành danh hiệu vô địch điền kinh Na Uy tại Bislett hồi năm ngoái. Tôi phải thừa nhận rằng tôi vẫn mến cậu và hy vọng cậu không phải là kẻ giết người. Nhưng căn cứ vào hoàn cảnh, tôi không thể loại trừ khả năng đó.
VIII
Chỉ vài bước chân đưa Maria Irene Schelderup vào phòng, tôi hiểu ngay vì sao người anh trai lại ví cô như một con mèo. Cô gái mười tám tuổi đi như lướt trên tấm thảm, tự tin và hầu như lặng lẽ trên đôi bàn chân nhẹ nhàng, nhanh nhẹn. Cái bắt tay của cô mạnh mẽ lạ lùng, không hề run như tôi cảm thấy trong bàn tay anh trai cô. Khi đã yên vị thoải mái trên ghế, cô ngả người tới trước gần như háo hức, nhưng đợi cho đến khi nghe thấy câu hỏi của tôi.
Trong phần đầu cuộc trò chuyện, Maria Irene Schelderup rất kiệm lời và trả lời rõ ràng, súc tích. Vâng, cái chết của cha cô thật bất ngờ. Không, cô không có lý do gì nghi ngờ bất kỳ người nào có mặt hơn những người khác.
Sau đó cô nói chậm lại và bình tĩnh nói thêm rằng cái chết đầy kịch tính của cha cô, nói đúng ra không phải là một điều bất ngờ, bởi vì cuộc đời ông luôn gây ấn tượng mạnh như thế.
- Một mặt, - cô bổ sung, - cha tôi ngã xuống hôm nay, vào thời kỳ đẹp nhất trong đời, là đúng lúc.
Tôi nhìn Maria Irene dò hỏi và cô nói tiếp, vẫn bình tĩnh không kém: - Cha tôi là một người sáu mươi chín tuổi rất năng động, nhưng xét cho cùng, ông sinh ra từ đầu thế kỷ. Thời gian đã bắt đầu phát huy tác hại của nó. Trong vài năm gần đây, cha tôi trở nên thận trọng hơn. Có thể nhận ra điều ấy trong cách ông lái xe. Trước kia, ông luôn chạy xe vượt quá tốc độ cho phép, nhưng hiện nay ông lái dưới mức đó. Thập kỷ vừa qua được coi là đỉnh cao sự nghiệp của ông, nhưng tôi không biết trong mười năm tới, ông có thể dẫn dắt tập đoàn đạt những thành tích mới không. Cá tính và ý chí của ông rất mạnh mẽ, nhưng ông không hiểu rõ công nghệ mới cũng như những nhu cầu và kỳ vọng của các thế hệ trẻ hơn đang thay đổi. Ông thích tiếp tục đe dọa người khác phải làm điều ông muốn. Ngày nay, tỏ ra tử tế và chu đáo rõ ràng là một chiến lược hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi chằm chằm nhìn, vừa bị lôi cuốn vừa khiếp sợ cô Maria Irene Schelderup trẻ măng và hỏi cô nghĩ gì về tương lai của công ty. Câu trả lời của cô nhanh đến không ngờ.
- Tất cả tùy thuộc vào thứ chúng tôi đang nín thở chờ đợi, nói cách khác là di chúc của cha tôi. Chúng tôi tham dự các bữa tối này phần lớn vì ông là Magdalon Schelderup, nhưng cũng còn vì chúng tôi đợi ông tiết lộ một số điều khoản trong chúc thư của ông. Nhưng chuyện đó chưa bao giờ xảy ra. Hoặc vì ông vẫn còn ngờ vực, hoặc ông chỉ muốn giữ chúng tôi trong tình trạng hồi hộp, phấp phỏng lo âu.
Cô gái do dự trong giây lát, rồi tiếp tục với sự hăng hái của tuổi trẻ. - Về phần tài sản thừa kế, có lẽ cha tôi đã chết quá sớm vài năm. Người
duy nhất trong các con có khả năng tiếp quản - nói cách khác là tôi - vẫn còn quá trẻ để có thể đứng đầu một tập đoàn hợp nhất tầm cỡ như thế, cả trên thực tế lẫn về mặt pháp lý. Có thể chia doanh nghiệp, nhưng như thế sẽ không có lợi vào thời điểm này. Tập đoàn đang bị công kích, hình như đang trong quá trình tiến hành vài giao dịch khiến tình hình năm tới không được minh bạch. Cha tôi cũng muốn giữ bí mật với những người gần gụi nhất. Đây là một phần trong chiến lược của ông để kiềm chế và giữ mọi người quanh ông sẵn sàng hành động. Vì thế không một ai trong chúng tôi biết di chúc viết gì. Tôi biết mẹ tôi đã ép ông để lại cho tôi một công ty càng vững chắc càng tốt, nhưng tôi không biết bà có thành công hay không. Thuyết phục cha tôi làm bất cứ việc gì đó không phải dễ, kể cả với mẹ tôi. Tôi đoán anh sẽ sớm được nghe nội dung di chúc và tôi rất cảm kích nếu anh có thể gọi điện cho tôi càng sớm càng tốt khi bí mật ấy được sáng tỏ.
Câu sau cùng được nói kèm nụ cười mỉm khá ngọt ngào. Tôi nhớ lơ mơ là mình gật đầu đáp lại, và nụ cười của cô càng nở rộng càng ngọt ngào hơn. Maria Irene Schelderup xứng đáng là con gái của cha cô: một con bạc cần quan sát. Cảm giác này không thể dẹp bớt khi cô tiếp tục.
- Vậy thì, tình hình là thế này: tôi có thể có động cơ giết người, nhưng trong vụ này nó tùy thuộc vào nội dung chúc thư mà tôi chẳng hay biết tí gì. Nhưng tôi không giết cha tôi, dù chúc thư ra sao. Tôi hiểu rằng ông không còn lại nhiều năm nữa, và đằng nào tôi cũng muốn học hành vài năm trước khi tiếp quản việc kinh doanh. Thế nên thời gian có lợi cho tôi.
Tôi cảm thấy hơi hoang mang và cố lấy lại quyền điều khiển cuộc thẩm vấn bằng cách hỏi về quan hệ của Maria Irene và của cha cô với hai người anh trai khác mẹ.
- Tôi chịu ảnh hưởng của họ rất ít, dù tích cực hay tiêu cực. Tất nhiên là Leonard gần gũi với tôi hơn Fredrik, cả về tuổi tác lẫn tính cách. Nhưng khoảng cách giữa chúng tôi vẫn quá lớn để tôi có bất kỳ cảm nhận nào về
tình anh em. Thực ra, việc chúng tôi có hai bà mẹ không thể nhìn mặt nhau đương nhiên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Tôi lớn lên là con duy nhất của mẹ tôi, nhưng luôn đau đớn nhận thấy rằng cha tôi có hai người con trai lớn hơn.
Tôi cố cưỡng lại sự cám dỗ hỏi Maria Irene có tình cảm với bất cứ ai ngoài bản thân ra, và ngụ ý cô nên tiếp tục kể về những người anh của cô. Dường như đây cũng là chủ đề cô đã suy nghĩ nhiều.
- Về quan hệ của các anh tôi với cha chúng tôi, tôi nghĩ ông không hy vọng nhiều vào Fredrik. Một người cha chú ý đến từng chi tiết và một người con trai chẳng quan tâm đến thứ gì thật không tương hợp. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu cha tôi luôn không tuân theo luật pháp, nhưng với ông, điều quá ư quan trọng là ông chưa bao giờ bị kết tội và không một người nào có cơ hội làm việc này. Còn Fredrik có thể dán kín một bức tường bằng tiền phạt vượt quá tốc độ và đỗ xe trái phép. Có lần cha tôi đã bình luận rằng ông từng hy vọng có một người con trai hiểu luật của địa phương đủ để tránh né chúng, nhưng thay vào đó, ông lại có một người con thậm chí còn chẳng biết rằng luật pháp đang tồn tại. Tôi chắc đây là nỗi thất vọng lớn của ông, và chỉ riêng điều đó khiến tôi nghĩ Fredrik sẽ chẳng nhận được gì nhiều trong di chúc. Nhưng cha tôi là người khó đoán trước, kể cả với tôi, ông có những ý nghĩ cổ lỗ đến lạ lùng và phi lý về con trai cả và thanh danh của gia đình cùng bao thứ đại loại thế. Có thể tôi nhầm, nhưng tôi vẫn đoán Fredrik sẽ nhận được ít nhất.
Maria Irene nói tiếp với vẻ thành khẩn hơn.
- Tôi thấy Leonard là một đối thủ nguy hiểm hơn nhiều. Anh ấy chưa bao giờ sử dụng tài năng của mình theo cách mà cha tôi mong muốn. Nhưng Leonard vừa có tài vừa có nghị lực, và trong những năm gần đây, hình như cha tôi cảm thấy gần gũi anh ấy hơn. Rốt cuộc, thành công của Leonard trên đường đua đã trở thành lợi thế của anh ấy. Cha tôi chẳng
quan tâm đến bất cứ ai trong môn điền kinh, nhưng ông tán thành bất cứ thành công nào được nêu trên báo chí và được những người ông gặp bàn tán. Vì thế tôi cược rằng có lẽ Fredrik chỉ nhận được 200 ngàn krone theo đúng luật định, phần còn lại sẽ chia cho Leonard và tôi theo cách này cách khác.
Lúc này, tôi chằm chặp nhìn Maria Irene như bị thôi miên, choáng váng. Thật dễ hiểu ý Leonard khi cậu nói cô là con người đầy tính cạnh tranh. - Vậy cô định nói Leonard có động cơ tài chính rất mạnh để bây giờ muốn giết cha, trước khi thời gian đùa giỡn với lợi thế của các vị? Nụ cười của Maria Irene thoáng nhanh và nở rộng không ngờ. Nó khiến tôi liên tưởng tới một con sư tử cái nhìn thấy con linh dương. - Là anh nói đấy nhé, nếu một kết quả ly kỳ cho các sự kiện, và là một kết cục mà tôi sẽ không bỏ qua. Nhưng khó mà biết được. Chưa biết chính xác ra sao, nhưng Leonard khá khó lường theo một cách riêng. Anh ấy là một trong những người mạnh mẽ nhất mà tôi biết, hoặc nếu anh thích rõ hơn, là một trong những người yếu kém mạnh nhất. Leonard là người mạnh nhất ở những nơi anh ấy cảm thấy an toàn và được biết đến, như trên đường đua hoặc trong thư viện. Tuy nhiên, anh ấy trở nên rất kém cỏi khi bị ép vào những nơi anh ấy cảm thấy không an toàn, và tôi cho rằng anh ấy là người rất lẻ loi. Thế nên nếu tôi là anh, tôi sẽ để ngỏ mọi lựa chọn.
Tôi chợt nhớ đến câu bà Magdalena Schelderup nói về người anh trai rất am hiểu người khác nhưng chỉ hành động vì lợi ích bản thân. Hình như con gái ông cũng giống cha về khía cạnh này. Lúc này cô đang giòn chuyện, và tiếp tục sau một lúc tạm dừng ngắn ngủi.
- Thế đấy, nhờ sự kém cỏi của anh trai tôi, nên những năm qua tôi trở thành con cưng của cha tôi, mặc dù thực lòng ông thích con trai hơn con gái. Tôi nhớ có vài lần lúc tôi còn nhỏ, khi ông được hỏi về vị thế của phụ
nữ trong thời đại chúng ta, ông đã dẫn lời nguyên thủ tướng Đan Mạch từng phát biểu rằng về phần mình, ông ta vẫn thích nhất những người phụ nữ ở tư thế nằm ngửa. Nhưng trải nghiệm với tôi và các anh khác mẹ của tôi dường như đã làm ông thay đổi suy nghĩ đó. Năm ngoái, vài lần cha tôi nói với tôi rằng bất chấp đôi tay gầy gò, tôi là đứa con có khả năng nhất và mạnh mẽ nhất trong các con của ông.
- Còn mẹ cô thì sao?
Maria Irene lại mỉm cười.
- Tôi có cái gì đó của cả hai người. Mẹ tôi là một trong những người mạnh mẽ nhất và sáng suốt nhất mà tôi biết, nhưng dù sao đi nữa, bà hay phản ứng theo cảm xúc. Vì thế nêu tôi là anh, tôi cũng sẽ để ngỏ mọi lựa chọn.
Không giống người anh trai, trong tình trạng bị thẩm vấn Maria Irene tỏ ra thoải mái lạ lùng. Tôi nhận thấy phong thái của cô rất quen, và tôi không chọi nổi. Cô nhìn xoáy vào mắt tôi và sôi nổi nói tiếp:
- Anh phải hiểu cha tôi là người bảo thủ về nhiều mặt, nhưng ông cũng là một nhân vật rất phức tạp. Ông không thể chịu nổi một nhóm người trong xã hội, cái nhóm mà Fredrik ngày càng trở thành biểu tượng, những người được ban cho mọi cơ hội trên đời nhưng chẳng nắm bắt được gì. Cha tôi không phải là người hào phóng. Ông chỉ quyên góp những khoản tiền nhỏ cho tổ chức từ thiện khi nó cải thiện danh tiếng cho ông. Nhưng chắc chắn ông khâm phục, tôi có thể liều nói là yêu quý những người có ý chí mạnh mẽ, làm việc cần mẫn để trưởng thành, bất chấp khởi đầu khó khăn hơn trong đời. Tôi nghĩ nó là thế, cũng như sự thèm khát đơn thuần về thể xác đã thúc đẩy ông bắt đầu ngoại tình với mẹ tôi.
Maria Irene Schelderup hít một hơi dài. Rồi cô quyết định nói tiếp. - Tôi cho rằng đấy cũng chính là nguyên nhân khiến gần hai mươi năm sau, ông phản bội bà vì người khác, một phụ nữ còn trẻ hơn nữa. Lịch sử
lặp lại theo cách chắc là vô cùng khó chịu cho mẹ tôi.
Tôi đăm đăm nhìn Maria Irene, và nhận thấy cô thích thế. - Cha cô có người tình mới trong những năm sau này ư?
Rõ ràng cô thích thú tình trạng đó và tự cho phép mình mỉm cười trước khi tiếp tục.
- Ồ, thế anh còn chưa nghe về… tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều biết chuyện đó, nhưng chưa bao giờ nói tới thôi. Mẹ tôi chắc phải biết, tuy chúng tôi chưa lần nào thảo luận về nó. Tôi không chắc các anh trai và cô tôi có biết không, vì họ không sống tại đây. Nhưng tôi nghĩ họ cũng biết. Hơn nữa, lịch sử những mối quan hệ của cha tôi với các cô nàng thư ký rất nổi tiếng, đó là khi năm ngoái ông tuyên bố cô ta sẽ có một phòng riêng tại đây, ở tầng trệt.
Rốt cuộc, tôi đã có một chân dung.
- Anh có tin rằng dù chênh lệch tới bốn chục tuổi, cha tôi và cô thư ký Synnøve Jensen đã có quan hệ tình dục không? Đó là điều anh biết hay chỉ nghĩ thôi?
Cô nở nụ cười tự tin rực sáng trước khi tiếp tục.
- Tôi biết chuyện đó. Phòng ngủ của tôi ở ngay bên trên phòng cô ấy. Tường thì mỏng, cha tôi lại là người khỏe khoắn về thể chất và chủ động, mặc dù đã nhiều tuổi. Cô thư ký của ông thì đến là to mồm trên giường, trong khi anh cứ ngỡ cô ta nhu mì.
Chúng tôi ngồi im trong vài giây. Tôi xét nét gương mặt cô Maria Irene Schelderup trẻ măng xem có dấu hiệu cảm xúc nào không. Tôi đợi một vẻ tức giận vì cha cô đã phản bội mẹ cô rất hiển nhiên. Nhưng tôi không phát hiện ra điều gì, không hề có gì trên mặt cô, trong giọng nói hoặc qua ngôn ngữ cơ thể.
- Vậy là, tình hình với cô thư ký hiện giờ chưa biết ra sao. Nếu trong di chúc của cha tôi, cô ta được để lại một khoản lớn, vì có thể khi đó ông đã
hứa với cô ta, cô ta cũng có thể có động cơ.
Tôi phải đồng ý với cô nhưng vội nói thêm:
- Chẳng mấy chốc cô sẽ kết luận rằng tất cả đều có động cơ, trừ cô ra còn ai nữa không?
Maria Irene lại nở nụ cười như dã thú lần nữa.
- Là anh nói đấy nhé. Tôi cho rằng tôi đang nói thẳng thừng là tất cả mọi người quanh bàn đều có một động cơ. Có nhiều chuyện mắc mớ cũ giữa cha tôi và cô em gái Magdalena, với vợ chồng Wendelboe và với cả ông Herlofsen. Những việc đã làm hồi chiến tranh không bao giờ được nhắc tới, vì thế tôi chẳng biết tí gì. Anh sẽ phải hỏi họ thôi. Tùy thuộc vào nội dung di chúc, tôi cũng có thể có động cơ, trong trường hợp tôi vẫn ngỡ mình không tận dụng cơ hội.
Tôi ghi câu này và nói tôi không còn câu hỏi nào cho cô. Maria Irene đứng dậy ngay lập tức. Trái ngược với các anh trai, bàn tay cô vẫn khô và vững vàng lúc cô ra khỏi phòng cũng như lúc bước vào. Mỉm cười tinh quái, cô nói đây là một cuộc trò chuyện hết sức thú vị và nếu tôi còn câu hỏi nào khác, cứ liên hệ với cô bất cứ lúc nào cũng được chào đón.
Maria Irene nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói câu này, cái nhìn chạm vào tôi như thể cô nhìn thấu qua bộ đồng phục và tôi.
Tôi vội vã khép cửa lại sau cô và gọi thư ký Synnøve Jensen là nhân chứng tiếp theo.
IX
Synnøve Jensen trẻ hơn tôi phỏng đoán lúc đầu. Cô nói với tôi cô hai mươi chín tuổi, và lúc này nhìn cô gần hơn trong ánh sáng rõ hơn, có vẻ đúng là như thế. Làn da cô trẻ trung, tuy cặp mắt nghiêm nghị. Thân hình cô mảnh dẻ, không thiếu duyên dáng nhưng các động tác của cô thiếu tự tin. Cô rón rén đứng cạnh cửa và không tới gần bàn, cho đến khi tôi phải yêu cầu tới hai lần.
Tôi bắt đầu bằng vài câu hỏi thăm dò thông thường về Magdalon Schelderup là một ông chủ ra sao. Cô trả lời một cách sốt sắng và có trách nhiệm rằng nhiều khi ông có thể rất khắt khe, nhưng ông cũng là người truyền cảm và tử tế miễn là làm việc đạt yêu cầu. Cô coi công việc là một cơ hội lớn và làm việc tận tụy. Sau khi đợi một thời gian xem xét công việc tiến triển ra sao, ông tuyên bố hài lòng về cách cô làm việc, ông tăng lương và tặng cô quà sinh nhật cũng như trong những ngày lễ. Cái chết của ông hoàn toàn bất ngờ và cô không nghĩ ai có thể giết ông. Ý nghĩ ấy chưa bao giờ đến trong đầu cô và cái chết của ông là một tổn thất lớn cho cô. Cô không muốn nói điều gì xấu về gia đình ông hoặc những người làm khác trong ngày ông mất.
Synnøve Jensen kể cô lớn lên trên trang trại ở Sørum và cô vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ cha mẹ để lại. Cô không có bằng lái xe cũng không có ô tô, hằng ngày cô đi, về bằng xe buýt. Chính Magdalon Schelderup đã gợi ý rằng trong một giai đoạn công việc rất bận rộn, cô nên có phòng ngủ riêng tại đây. Cô nhận lời nhưng kỳ nghỉ cuối tuần cô luôn ở nhà và nói chung trong tuần cũng thế. Synnøve Jensen là người độc thân, không có anh chị em và trên thực tế sau khi cha mẹ cô qua đời vài năm trước, cô không có họ hàng gần gũi nào. Học xong trung học và một khóa thư ký, cô mất vài năm làm nhiều công việc văn phòng ngắn hạn. Cô rất hài lòng tìm được một vị trí làm việc không chỉ có thu nhập đều đặn và bảo đảm, mà còn có một ông chủ cô quý mến và một công việc ưa thích.
Cô vẫn giữ được rất tốt hình ảnh là một thư ký tận tụy. Nhưng nó nhanh chóng sụp đổ ngay khi tôi nhận xét rằng quan hệ của cô với người quá cố có lẽ gần gũi hơn cô miêu tả nhiều. Cô ngồi, úp mặt vào hai bàn tay một lát. Rồi bất chợt, mọi thứ tuôn ra ào ào như nước lũ.
- Tôi không trù tính chuyện đó! Người ta nói gì cũng chẳng sao, nhưng tôi không lập kế hoạch gì hết lúc tôi làm việc cho ông ấy. Tôi rất cần công
việc và tôi sửng sốt cũng như quá vui mừng khi ông ấy thuê tôi. Ý nghĩ của mọi người trong nhà này rằng ông quan tâm tới tôi hơn là một thư ký thật lố bịch. Tôi không thông minh, cũng không xinh đẹp. Và cũng chưa bao giờ thử quyến rũ ông ấy.
Tôi cố gật một cái, vừa làm cô nguôi vừa động viên. Mọi thứ dường như đủ hợp lý, theo những gì tôi biết về Magdalon Schelderup. - Nhưng dù sao ông ấy cũng là người lôi cuốn và cô không từ chối ông ta?
Cô khẽ lắc đầu và cô thở một hơi rất dài.
- Không, tôi thừa nhận chuyện đó. Chẳng dễ gì cho bất cứ ai từ chối Magdalon Schelderup thứ ông ta muốn, nhất là một người làm công cho ông ấy, phụ thuộc vào thu nhập. Thật lòng mà nói, tôi không chắc đã ngăn ông ấy. Magdalon có thể khắc nghiệt, nhưng ông cũng là một người đàn ông đầy sức mê hoặc và rất duyên dáng. Ông ấy là người đầu tiên thực sự quan tâm tôi là người như thế nào và cho rằng tôi xứng đáng được tốt hơn.
- Và ông ấy có tiền cho cô một cuộc sống tốt hơn.
Cô gật đầu.
- Chắc chắn rồi, và điều đó có thể đóng một vai trò nhất định. Tôi chưa bao giờ có nhiều. Cha tôi chỉ biết đến rượu và mẹ tôi trút mọi nỗi giận dữ lên đầu tôi. Tôi không phải là người ăn cháo đá bát. Vì thế tôi không cưỡng lại khi một ngày kia, ông ấy ôm eo tôi.
Cũng dễ thông cảm cho cô Synnøve Jensen mộc mạc và câu chuyện của cô, giữa đám người giàu có quanh bàn ăn. Tuy vậy, cảm giác của tôi thật lẫn lộn. Cô ta rõ ràng không phải là vô tội, và cũng có những động cơ tiềm năng cho vụ giết người. Lời của Maria Irene vẫn réo trong tai tôi. Synnøve Jensen to mồm trên giường đến không ngờ, kể cả khi vợ và con gái của người tình đang ở cùng nhà, còn về các mặt khác vẫn được coi là nhu mì.
- Bây giờ ông ta đã mất, công việc của cô có lẽ lâm nguy? Tất nhiên rồi,
nếu vợ ông ấy biết chuyện này?
Cô ta lại gật đầu.
- Đó là việc tôi chắc bà ấy sẽ làm. Bà ta không ngu gì và ông ấy không buồn che giấu điều đó. Tôi cho rằng ngày mai tôi sẽ mất việc. Nhưng lúc này, chuyện đó không phải là vướng mắc lớn nhất của tôi.
Tôi nhìn cô, bối rối. Cô không nói gì và lát sau lại giấu mặt vào bàn tay trước khi tiếp tục.
- Anh thấy đấy, tôi không còn chỉ nghĩ đến bản thân được nữa. Tôi chợt hiểu ra ý cô. Cảnh ngộ trở nên rõ ràng khi cô vỗ nhẹ vào bụng mình.
- Magdalon có ba người con, nhưng để lại đứa thứ tư. Đứa con thêm ấy sẽ ra đời ngay trước Giáng sinh, - cô nói, rất khẽ.
Mọi sự sống và âm thanh trong phòng dường như ngừng lại trong vài giây. Synnøve Jensen rơi vài giọt nước mắt rồi lau khô cùng lời xin lỗi thì thầm.
Trong khi đó, tôi nghĩ đến những hậu quả của cái tin giật gân này. Phải nửa phút sau, tôi mới hỏi ông ta có biết không. Cô gật đầu đáp lại. - Tôi không biết phải làm gì khi phát hiện ra, và nghĩ sẽ không nói ra lâu hết mức có thể. Nhưng Magdalon tự đoán ra, đó là hôm Chủ nhật, đúng một tuần trước. Ông ấy hiểu rõ tôi và nhận xét mọi việc rất tinh. Tôi không thể nói dối khi ông hỏi có phải tôi mang bầu không. Tôi sợ làm ông nổi giận. Nhưng không sao hết. Ban đầu ông chỉ nói “Chà!”. Ông thường nói thế mỗi khi nhận biết hoặc hiểu ra một thứ khiến ông hài lòng. Rồi ông hỏi liệu tôi có chắc chắn ông là cha đứa trẻ không. Tôi kể thật cho ông nghe và không hề ngờ vực gì hết. Vài tháng vừa qua, tôi đã làm việc cho ông cả ngày lẫn đêm theo đúng nghĩa đen. Ông là người duy nhất chia sẻ giường chiếu với tôi, không chỉ trong năm qua mà cả trong những năm trước đó. Điều này khiến ông rất hạnh phúc và tâm trạng ông cực kỳ vui sướng. Ông
cười lớn, ôm ghì tôi và nói tôi không cần lo lắng, ông chắc chắn rằng cả tôi lẫn đứa bé sẽ có đủ mọi thứ cần thiết.
Cô dừng lại, ngập ngừng cho đến lúc tôi giục cô nói tiếp.
- Nhưng sau đó…
Cô nhún vai, bối rối.
- Nhưng sau đó ông không nói gì thêm! Tôi tin lời ông đã nói, và không muốn giục giã. Cũng lạ là cả tuần ông không nhắc đến chuyện đó. Còn bây giờ ông đã chết và tôi không hề biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi và con của chúng tôi!
Trông Synnøve Jensen rất đau thương trong vài giây, lệ dâng đầy mắt nhưng rồi cô nói tiếp.
- Dù anh có tin hay không, song tôi đã cảnh báo ông ấy có thể có con. Nhưng ông nói không có nguy cơ đó, ông không thể có con với bất cứ người phụ nữ nào nữa. Hình như ông phát cáu khi nói câu đó, nên tôi không hỏi nữa. Tôi sợ có thể làm ông tức giận. Nhưng dường như ông ấy rất vui, mặc dù phạm sai lầm và gánh chịu những chi phí không mong muốn nói chung là thứ ông không thích. Thế nên tôi quyết tin rằng ông yêu tôi và muốn có đứa con của chúng tôi. Ý nghĩ này sẽ an ủi tôi đêm nay.
Tôi vội hỏi xen vào liệu họ có từng bàn đến khả năng ông ly hôn vợ không. Synnøve Jensen kiên quyết lắc đầu, và cam đoan với tôi rằng chưa bao giờ bàn đến việc đó. Cô thừa nhận nếu ông muốn ly hôn vợ để cưới cô, cô sẽ không phản đối. Nhưng ông chưa bao giờ nhắc đến chuyện này, còn cô cũng chưa bao giờ mong vấn đề đó được nêu ra. Cô đã chuẩn bị làm mẹ đơn thân, không có thu nhập và đã cảm thấy hạnh phúc hơn khi ông hứa chăm sóc cô và đứa con. Giờ ông đã mất, ai biết được sẽ xảy ra chuyện gì, cô kết luận cùng tiếng thở dài sâu xa và tiếng nức nở não lòng. Đứa con là của ông, nhưng có thể khó chứng minh điều đó. Trong khi chờ đợi, cô phải ra đi không việc làm, không thu nhập với đứa bé không cha trong bụng và
không có gì hơn ngoài năm trăm krone trong ngân hàng.
Khi tôi hỏi cô có biết gì về di chúc của người quá cố không, cô kiên quyết trả lời không. Cô thổn thức nói thêm từ khi ông ấy biết về đứa trẻ chưa ra đời chỉ mới vài ngày, ông chưa có thời gian để thay đổi điều gì. Ông chưa bao giờ hé môi với cô về việc chia tài sản cho ba người con ra sao.
Synnøve Jensen khẳng định cô không có quan hệ xấu với các con của ông chủ, đồng thời là người tình của cô. Cô biết Maria Irene từ khi cô ta mười bốn tuổi và mến Maria theo trực giác. Dường như họ hiểu những nỗi khó khăn của nhau. Nhưng ngay từ đầu, cô thư ký đã nghĩ bà Sandra Schelderup là người rất khắt khe, mê quyền lực, hay ghen tuông và tóm lại là một người hết sức đáng ghét. Chẳng có gì khó hiểu vì sao hai người con trai lại có mối quan hệ khó khăn đến thế với mẹ kế.
Em gái của Magdalon Schelderup luôn đúng mực với cô thư ký, tuy hơi xa cách và ra vẻ bề trên. Quan hệ giữa Magdalon với em gái có phần khó hiểu. Magdalena hay ở trong nhà nhưng chẳng bao giờ trò chuyện nhiều với anh trai trước mặt Synnøve Jensen.
Nhân viên công ty không nhiều. Magdalon Schelderup không lãng phí khoản tiền lương không cần thiết. Giám đốc Hans Herlofsen điều hành văn phòng ở trung tâm thành phố và là người duy nhất có phòng làm việc tại Lâu đài Schelderup. Ông có cái nhìn tổng quan, sâu sắc nhất về việc kinh doanh của công ty và là một doanh nhân cực giỏi, hình như được Magdalon Schelderup hết sức tin cậy nhưng vẫn không đối xử đặc biệt. Dường như Schelderup coi như thế là điều hiển nhiên, và viên giám đốc chấp nhận mọi sự mỉa mai châm biếm của ông chủ mà chưa lần nào dọa từ chức.
Theo cô thư ký, quan hệ của Magdalon Schelderup với Petter Johannes Wendelboe có vẻ bình đẳng hơn. Wendelboe đã có công ty riêng và đã bán hết cổ phần của mình trong công ty Schelderup từ lâu. Nhưng Schelderup
vẫn thường xuyên liên hệ với vợ chồng Wendelboe. Cũng như với em gái, có vẻ trong mối quan hệ này họ không cần nhiều lời. Cô thư ký ngạc nhiên vì sự hiện diện thường xuyên của vợ chồng Wendelboe, nhất là vì Schelderup rất ít liên hệ với người ngoài gia đình thân cận trừ khi có lý do vô cùng xác đáng. Cô dễ dàng chấp nhận vì họ quen biết nhau từ hồi chiến tranh và chắc chắn là thân thiết. Dù gì thì cũng không phải việc của cô.
Theo Synnøve Jensen hiểu, Hans Herlofsen cũng biết những người kia từ hồi chiến tranh, mặc dù chắc hẳn ông ta trẻ hơn Magdalon Schelderup và Petter Johannes Wendelboe khoảng mười lăm tuổi. Và ông Herlofsen hiền hậu cũng nói rất rõ, bằng cách thân thiện, rằng ông không muốn nói về thời chiến và những năm sau đó. Magdalon Schelderup không bao giờ nhắc đến chiến tranh, nhưng vì ông mải tập trung vào hiện tại và tương lai đến mức không muốn nhắc lại quá khứ.
Cô thư ký có vẻ nhẹ người và đứng dậy ngay khi tôi nói hôm nay đã xong. Khi ra tới cửa, cô xin phép bắt chuyến xe buýt đầu tiên về nhà. Cô đã mệt và nếu ở lại đây, phó mặc cho bà Sandra Schelderup định đoạt chẳng phải điều gì thích thú. Tôi đồng ý ngay và lấy số điện thoại để có thể liên lạc với cô. Cũng dễ thông cảm là Synnøve Jensen đã mệt, và cô chẳng muốn lưu lại đây với vợ của Magdalon Schelderup. Tôi yêu cầu cô ở lại trong khu vực Oslo. Cô nhìn tôi, ánh mắt buồn bã và hỏi lại liệu cô còn nơi nào khác trên trái đất này để đi không.
Vì lý do nào đó, tôi đứng bên cửa sổ và quan sát Synnøve Jensen cho tới khi cô ra khỏi cổng an toàn. Nó không lâu lắm. Cô rời khỏi tòa nhà ngay lập tức và bước nhanh, đầu cúi xuống. Tôi nhận ra cho đến lúc này, cô là người duy nhất bị thẩm vấn thực sự nhớ Magdalon Schelderup.
X
Giám đốc Hans Herlofsen là người hơi thừa cân so với tuổi năm lăm của ông, tóc hoa râm, vận bộ com lê xám giản dị. Vào lúc khác, tôi có thể hình
dung ông là một người chú vui tính và tốt bụng. Nhưng lúc này, rõ ràng ông ta bị các sự kiện trong ngày ảnh hưởng và có vẻ căng thẳng ngay từ đầu cuộc trò chuyện.
Ông trấn tĩnh lại khi câu hỏi đầu tiên của tôi về công ty của Magdalon Schelderup. Herlofsen nhanh chóng chứng tỏ có trí nhớ xuất sắc lạ thường về các con số. Ông ta có thể thuật lại trơn tru doanh thu và thị phần từ những năm 1940, 1950 và 1960 không hề ngập ngừng. Kết luận của ông là đế chế thương mại Schelderup ngày càng lớn mạnh. Theo tính toán của Herlofsen, ước tính gần đây tài sản của Schelderup trị giá 100 triệu krone, trên thực tế là quá thấp hơn là quá cao. Ông cho rằng phải vào khoảng từ 125 đến 130 triệu krone, dựa vào số liệu trong những sổ sách khác nhau về các loại phí, thuế, có khả năng giá trị của tập đoàn giảm nếu công ty và danh mục đầu tư bất động sản bị tách ra.
Hans Herlofsen kể về bản thân mình bằng cung cách ngắn gọn và thực tế rằng ông góa vợ và sống một mình ở tầng thứ nhất ngôi nhà thời thơ ấu tại Lysaker. Con trai duy nhất của ông đã trưởng thành, hiện sống với vợ và hai con ở tầng trệt. Ngoài con trai và gia đình riêng của con, Hans Herlofsen luôn làm việc tận tụy, gắn bó với công việc chiếm phần lớn hơn trong sinh hoạt xã hội của ông. Magdalon Schelderup là bạn của cha Herlofsen, nên họ biết nhau từ khi ông còn trẻ. Herlofsen được công ty thuê từ mùa thu năm 1944 và trở thành giám đốc từ năm 1946.
Khi bị hỏi ông nghĩ ai là người có thể giết Magdalon Schelderup, Hans Herlofsen trả lời điều duy nhất ông có thể nói chắc chắn 100% là ông không làm việc đó. Còn về những người khác, ông sẽ không mạo hiểm đưa ra phỏng đoán nào. Với nụ cười hơi tự coi thường mình, ông nói thêm rằng về mười một người khác quanh bàn ăn, trừ ông và người đã chết ra, chỉ có 11,1% cơ hội làm việc đó.
Trong giây lát, tôi thấy không lý gì chất thêm gánh nặng cho ông ta khi
nói chính tôi cũng đang nghĩ đến giả thuyết 10% cơ hội. Tôi không làm gì hơn và cũng không dám gạch tên Hans Herlofsen khỏi danh sách nghi phạm, cho đến khi tôi biết nội dung của di chúc.
Khi Hans Herlofsen đứng lên để rời đi, tôi thấy nên hỏi ông có làm việc với Magdalon Schelderup khi họ trong tổ chức Kháng chiến không. Câu trả lời của ông là một ngạc nhiên nữa.
- Tất nhiên là có. Nhưng đúng hơn, tôi là trợ lý cho các thành viên kỳ cựu của tổ chức Kháng chiến và không ở đó khi chuyện ấy xảy ra. Nếu anh nghĩ chuyện xảy ra có gì đó liên quan đến sự kiện kỳ lạ ngày 8 tháng Năm 1945, anh nên hỏi vợ chồng Wendelboe hoặc Magdalena Schelderup.
Tôi gật đầu ra hiệu đã hiểu. Rồi tôi ghi phải hỏi vợ chồng Wendelboe về sự kiện kỳ lạ xảy ra vào Ngày Giải phóng năm 1945.
XI
Cuộc trò chuyện của tôi với vợ cũ của người quá cố ngắn gọn và không có gì ngạc nhiên lắm. Bà có thân hình mảnh dẻ và cần cổ gầy đến đáng ngại. Ngoài ra, tóc bà đen nhánh và giọng nói đầy khí thế. Bà có vẻ trẻ hơn nhiều so với tuổi sáu mươi, về cả cơ thể lẫn trí tuệ.
Rõ ràng Ingrid Schelderup cũng bàng hoàng vì cái chết của chồng cũ, nhưng trọng tâm nổi bật của bà là tình trạng của cậu con trai Leonard Schelderup. Bà nhắc đi nhắc lại, cam đoan với tôi rằng bà có thể bảo đảm Leonard không làm gì đối với cái chết của cha và tỏ ra rất lo lắng vì cậu tiếp nhận chuyện này rất kém, tạo cho cậu cảm giác về bổn phận và trách nhiệm. Quan hệ của cậu với cha không phải là tuyệt hảo, nhưng đã khá hơn trước kia. Leonard Schelderup là chàng trai tử tế nhất trên đời, là người không bao giờ muốn làm người khác tổn thương. Thật không thể hiểu nổi vì sao người cha lại chọn cậu nếm thử đồ ăn của ông, rồi sau đó lại chỉ vào cậu. Lời giải thích duy nhất bà có thể nghĩ ra là Magdalon Schelderup không còn là người đàn ông trước kia dù điều đó có thể lạ lùng với tất thảy
những ai biết ông.
Cuộc trò chuyện nhấn mạnh vào chủ đề này trong vài phút mà không đi đến đâu. Đột nhiên, bà ngồi thẳng lên trên ghế và cao giọng: - Anh phải tha lỗi cho tôi nếu tôi cứ nhắc đi nhắc lại và nói quá nhiều về con trai mình. Mọi thứ quá dễ hiểu khi tôi là một phụ nữ đã ly hôn và chỉ có một đứa con duy nhất. Mặc dù chúng tôi ly hôn đã nhiều năm nay, song cái chết của Magdalon hôm nay vẫn là một cú sốc lớn với tôi. Ngay lập tức tôi cảm thấy bà đang trải lòng và an ủi bà rằng tôi vô cùng thông cảm với hoàn cảnh của bà. Rồi tôi tỏ ra ngạc nhiên vì bà vẫn thường xuyên tới thăm nhà của chồng cũ tuy đã ly hôn nhiều năm nay. Bà nhún vai buồn bã.
- Không may chuyện xảy ra như thế và tôi là thế. Tôi vẫn là vợ của Magdalon Schelderup dù ông ấy đã ném tôi ra khỏi nhà từ hơn hai chục năm trước, và bây giờ ông đã chết. Tôi chưa bao giờ vượt qua nổi vụ ly hôn. Gần đây cuộc sống của tôi rất cô đơn, chỉ có đứa con trai của người đàn ông đã xua đuổi tôi.
Tôi bắt đầu hiểu đầu đuôi sự việc và nắm ngay lấy cơ hội nhỏ nhoi: - Bà chưa bao giờ khắc phục nổi vụ ly hôn và không bao giờ ngừng hy vọng có ngày ông ấy đề nghị bà trở lại?
Ingrid Schelderup gật đầu, ngắn gọn và nghiêm trang.
- Phải, thật là tệ, nhưng đúng thế. Bao nhiêu mùa đông và mùa hè đã qua, năm này qua năm khác và chẳng có gì xảy ra. Song tôi chưa bao giờ từ bỏ hy vọng. Tôi vẫn sống ở Gulleråsen, cách đây ít phút. Một phần để tôi có thể nhìn thấy con trai mình thường xuyên hết mức có thể, nhưng phần lớn là để tôi có thể tới đây ngay nếu được gọi. Suốt mười năm trời, mỗi khi chuông điện thoại reo, tôi lại hy vọng là Magdalon. Mỗi lần được mời tới đây, tôi nhuộm tóc, trang điểm rồi ăn vận chải chuốt và đến đúng giờ. Mỗi khi Magdalon nhờ tôi làm gì đó, tôi nói vâng và cười tươi hết mức có
thể. Thật lạ, tôi cứ tưởng mình làm những gì ông muốn và tới mỗi khi ông mời, cái ngày ông đề nghị tôi ở lại sẽ tới. Tôi cứ hy vọng mãi, năm đến rồi năm lại đi, sẽ có ngày ông ấy quẳng cô ta ra ngoài để đưa tôi trở lại như ông đã đuổi tôi ngày 12 tháng Tư 1949, để cô ta dọn vào. Nhưng cả Chúa Trời lẫn cuộc đời đều không công bằng.
Bất cứ cuộc thảo luận nào về Chúa Trời có công bằng hay không đều ở ngoài khả năng của tôi, nên tôi nói chắc bà phải cảm thấy kỳ cục khi cùng Sandra Schelderup chuẩn bị đồ ăn.
- Tôi phải thừa nhận rằng cô ta là người nấu ăn rất khéo. Nhưng đúng vậy, đây là một tình huống khá kỳ cục và khó chịu. Song nó là ý tưởng của Magdalon và không người nào trong chúng tôi dám hỏi lý do. Thế nên chúng tôi chỉ cùng nhau làm đồ ăn ngon nhất có thể và trò chuyện ít nhất trong khi làm. Tôi có thể bảo đảm rằng không hề có bột lạc hoặc bất cứ loại chất độc nào khác trong đồ ăn khi mang khỏi nhà bếp. Lúc nào chúng tôi cũng để mắt đến nhau.
Tôi không nghi ngờ chuyện đó. Nhưng tôi nhận xét rằng bản thân bà cũng chiếm chỗ của một phụ nữ lớn tuổi hơn tại đây Lâu đài Schelderup. Bà ta thở dài nặng nề.
- Chuyện đó khác hẳn chứ. Magdalon và tôi hạnh phúc cho đến khi cô ta xuất hiện ở đây như con rắn trên thiên đường. Còn người vợ đầu của ông ấy bất hạnh tại đây tuy có thể bà ta không nhận ra điều đó, và lẽ ra họ không nên lấy nhau. Tất nhiên hồi ấy chuyện đó chẳng dễ chịu gì và bây giờ vẫn thế. Số bà ấy còn thê thảm hơn cả tôi. Không một phụ nữ nào có con với Magdalon Schelderup mà không bị chuyện đó làm hỏng phần đời còn lại. Hình như không người nào bị đuổi khỏi Lâu đài Schelderup mà không muốn quay lại. Thật lạ lùng, Magdalon có uy lực chế ngự chúng tôi. Ông ta đúng là một thầy phù thủy chính hiệu.
Ingrid Schelderup chợt vui hẳn lên khi tôi hỏi bà có biết Magdalon
Schelderup có người tình mới không.
- Cái cô thư ký dốt nát ấy ư? - Bà nói, vẻ mặt bà gần như buồn cười. Tôi nhìn bà, dò hỏi. Bà hơi đỏ mặt và hắng giọng trước khi nói. - Chính Magdalena hỏi tôi liệu con bé thư ký ngu dốt ấy bây giờ đã dọn
vào nhà chưa, và tôi hiểu ngay ý cô ấy. Chắc là cô thư ký đó có trình độ trên trung bình ở nhà cô ta, nhưng trong nhà chúng tôi lại dưới mức trung bình rất xa. Thế nên tôi nghĩ có lẽ ông ấy muốn cái gì đó khác ở cô ta, và tôi là người duy nhất quá đỗi vui mừng thừa nhận rằng tôi hy vọng sẽ là như thế. Chắc đây là ngã rẽ của số phận và chỉ công bằng khi Sandra cũng bị quẳng ra đống rác, vì cô nàng thư ký có lợi thế là trẻ trung hơn và hấp dẫn hơn. Có lần, Magdalon đùa tôi rằng ông ấy tin là bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng bị đọa đày khi tuổi trung bình của các bạn tình quá năm mươi. Cuộc hôn nhân mới của ông ấy chắc đã vượt qua ranh giới đó vì một người dự trữ thích hợp.
Khóe môi bà giật giật lúc nói câu này, nhưng nụ cười chua cay không đến trong mắt bà.
Ingrid Schelderup cũng khẳng định không biết gì về nội dung chúc thư của người quá cố. Sau khi ly hôn, về mặt tài chính bà nhận được ít hơn mong đợi, nhưng cũng đủ sống không phải lo toan khi bà có tài sản thừa kế từ cha mẹ ruột thêm vào.
Trong suốt những năm Ingrid Schelderup sống ở đây, Magdalena thường xuyên đến thăm. Bà có cảm tưởng rằng quan hệ giữa hai anh em ruột hình thức hơn là thành tâm. Những người khác thân thiết với Magdalon trong thời gian bà sống ở đây là ba thực khách ngồi bên bàn hôm nay: giám đốc Herlofsen và vợ chồng Wendelboe. Chắc sau khi bà ra đi, hàng xóm láng giềng bắt đầu nói: “Thứ duy nhất thay đổi trong Lâu đài Schelderup là tên người vợ và số lượng con cái.” Bà nghĩ trong những năm ngay sau chiến tranh, quan hệ của Magdalon với Herlofsen thân thiết gần
như bạn bè, nhưng sau này Magdalon đối xử với ông ta mỉa mai và khinh miệt.
Ingrid Schelderup đột ngột dừng lại và trầm ngâm nghĩ ngợi sau khi nói về chồng cũ và giám đốc của ông ta. Rốt cuộc, nhận ra bà cứ ngồi thế này mãi, trán nhăn lại, tôi quyết định hỏi một câu. Tôi đề nghị bà cho biết bà đang băn khoăn chuyện gì, liệu có nên kể cho tôi nghe không.
Bà ta mỉm cười nhẹ người tuy hơi gượng gạo.
- Tôi phải nói anh thực sự rất tinh ý và nhanh nhạy, thanh tra ạ. Đúng, trong những năm sau chiến tranh, có một lần tôi gặp giám đốc Hans Herlofsen trong một tình huống hết sức lạ lùng, khiến tôi vẫn không thể tin là đã xảy ra… Tôi đi ngang qua văn phòng chồng tôi thấy cửa mở, nhưng không có ai ra ngoài. Lúc đó, tôi vấp phải thứ gì đó trên sàn. Hóa ra là Hans Herlofsen. Ông ta đứng dậy ngay lập tức và rối rít xin lỗi, nhưng không giải thích gì. Trông Hans Herlofsen tái mét và hoảng sợ, tôi có thể nói là gần như kinh hãi, đến nỗi tôi chỉ nhận ra ông ta nhờ bộ com lê. Tôi cảm thấy toàn thân Hans Herlofsen run lẩy bẩy lúc tôi đặt tay lên vai ông ta. Tôi vẫn không nói gì và chưa bao giờ nhắc tới sự kiện này với chồng tôi hoặc Herlofsen. Tất cả dường như rất không thật, song tôi vẫn tin chắc nó đã xảy ra thực sự.
Sự quan tâm của tôi bị kích thích và tôi hỏi ngay chuyện đó xảy ra khi nào. Bà ta nhún vai xin lỗi, nhưng nghĩ chắc là vào mùa xuân năm 1949, ngay trước khi bà bị ép phải ra khỏi nhà.
Tôi chưa biết chắc phải nghĩ gì, nhưng chú ý ghi lại tình tiết này. Ingrid Schelderup có vẻ rất bối rối vì hồi ức và nhắc lại vài lần là không hoàn toàn chắc chắn vào những gì nhớ được. Sau đó bà trấn tĩnh lại lúc chúng tôi nói về sự có mặt của những người khác.
Quan hệ của Magdalon Schelderup với vợ chồng Wendelboe bình đẳng hơn, và bà cho rằng nếu có một người ông ta tôn trọng hơn những người
khác thì đó là Petter Johannes Wendelboe. Nhưng bà vẫn không biết vì sao vợ chồng Wendelboe là khách thường xuyên tới nhà, vì họ hiếm khi nói nhiều hoặc làm cho người khác nhận ra sự hiện diện của họ. Tại những cuộc gặp mặt của Magdalon Schelderup, hầu như không có không khí xã giao thoải mái. Các thành viên trẻ hơn trong gia đình không được khuyến khích cười đùa, với Magdalon Schelderup ở một đầu bàn và Petter Johannes Wendelboe ở đầu bàn kia. Bà chưa bao giờ hỏi về bất cứ chi tiết nào trong chiến tranh, nhưng luôn cho rằng cả hai người đã chứng kiến và thực hiện nhiều việc khó khăn. Không ai trong bọn đỡ nghiêm khắc hoặc độc đoán hơn họ lúc về già. Nhưng trong khi Wendelboe dường như hoàn toàn không thay đổi, bà có cảm tưởng rằng trong những năm gần đây, tâm trạng của Magdalon ngày càng trở nên u ám hơn.
- Có hai Magdalon: một người lúc nào cũng nghiêm khắc và làm việc, còn một là người đàn ông quyến rũ nhất đời. Không may là trong nhiều năm nay tôi không trông thấy người sau lần nào, - Ingrid Schelderup nói thêm, giọng khẽ khàng. Tuy vậy, bà không hề có ý niệm là chồng cũ của bà đang gặp nguy hiểm.
Khi tôi hỏi bà nghĩ ai có thể giết Magdalon Schelderup, bà trở nên nghiêm trang và tư lự.
- Nếu sự việc đúng như anh nói về cô thư ký, thì người vợ hiện tại của ông ấy có động cơ rõ ràng, vừa vì ghen tuông vừa vì tiền bạc. Nhưng tất nhiên đó là điều tôi mong chứ không phải là tôi biết. Tôi có thể thề với anh về bản thân tôi và con trai tôi. Còn với những người khác, tôi nghi ngờ tất cả và không một ai trong bọn họ.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng đây sẽ là một cuộc điều tra dài và khó khăn. Nhưng lúc này, tôi không hỏi Ingrid Schelderup thêm câu nào. Bà ta cũng xin phép rời đi, sau khi cho tôi số điện thoại và hứa sẽ ở lại thành phố. XII
Ban đầu, tôi định gọi vợ chồng Wendelboe vào riêng từng người. Tuy nhiên, lúc ông ta vào có vẻ rất kiên quyết, bà vợ theo sau, tôi không dám phản đối.
Petter Johannes Wendelboe nói ông sáu mươi bảy tuổi, mặc dù tóc bạc trắng song ông vẫn là người rắn rỏi, lưng thẳng, cử động dẻo dai và nhanh nhẹn. Else Wendelboe sáu mươi ba tuổi, mảnh dẻ, xinh xắn, tóc vàng hoe tự nhiên. Tôi nghĩ hồi trẻ chắc bà ta đẹp lắm. Tôi ghi lại tên thời con gái của bà là Wiig.
Họ nói gần như đồng thanh rằng họ kết hôn từ năm 1932, có ba con đã trưởng thành và năm đứa cháu, họ sống trong một tòa nhà lớn ở Ski. Petter Johannes Wendelboe là một sĩ quan lành nghề nhưng đã thay đổi nghề nghiệp, trở thành doanh nhân ngay từ đầu. Ông nắm giữ nhiều cổ đông khác nhau và nhiều vị trí trong hội đồng, nhưng hiện giờ đã nghỉ hưu và để lại công việc kinh doanh cho người con trai cả.
Nhắc tới quan hệ của họ với gia đình Schelderup, ông kể chính chiến tranh đã đưa Magdalon Schelderup và Petter Johannes Wendelboe đến với nhau. Họ vẫn gặp nhau thường xuyên trong nhiều năm từ thời chiến, nhưng không nhất thiết để có thể gọi là bạn thân. Trên thực tế, trong những năm gần đây, bất kỳ mối quan hệ nào cũng hoàn toàn có tính chất xã hội và thông thường. Wendelboe nắm giữ nhiều cổ phần trong công ty của Schelderup một thời gian, nhưng đã đổi thành tiền mặt mà không gây nên xung đột gì khi công ty củng cố vững chắc vào giữa những năm 1950, tiếp sau là mở rộng rất khả quan.
Mấy ngày vừa qua, ông bà Wendelboe ở Bergen thăm cháu gái, ngày hôm qua họ bay về và lái xe tới đây ăn tối. Họ ngập ngừng khi trả lời câu hỏi Schelderup có hay đến thăm họ không, rồi sau đó trả lời là những năm gần đây, họ hiếm khi tổ chức gặp mặt những người khác ngoài những người gần gũi nhất trong gia đình tại nhà. Nhưng mỗi khi có tiệc, đương
nhiên là họ mời vợ chồng Schelderup, và họ thường tới dự. Vì thế, họ cảm thấy đến thăm một bạn cũ từ thời chiến mỗi khi ông ta mời là việc rất tự nhiên.
Tôi cố làm dịu bầu không khí một chút và hỏi họ có nhớ cái chết của em trai Magdalon Schelderup từ những năm 1930 và 1940 không. Cả hai giật mình. Ông Wendelboe đáp chắc chắn là họ nhớ cậu ta, nhưng chuyện này khiến họ không mấy dễ chịu. Lần đầu tiên họ gặp Magdalon Schelderup, ông ta đã tâm sự là rất xấu hổ vì có em trai buôn bán với quân Đức để kiếm tiền. Nhờ thành tích của Magdalon Schelderup trong phong trào Kháng chiến, chuyện này không bị nhắc đến. Tuy vậy đã vài lần Magdalon thổ lộ nỗi buồn vì lỗi lầm của em trai và khi được thừa hưởng tài sản của em, ông đã đem tất cả mấy trăm ngàn krone đó quyên góp cho một tổ chức từ thiện, để cứu giúp các gia đình mất người thân vì chiến tranh.
Nhiều tin đồn rộ lên trong vài năm, và khi Magdalon Schelderup bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Đảng Bảo thủ, một số người đã phản đối và dùng chuyện này chống lại ông ta. Song họ không thành công. Năm 1949, Magdalon Schelderup vẫn được bầu vào Storting như ông mong muốn và bốn năm sau ông rút lui, mặc dù có thể tái đắc cử.
- Nhưng Magdalon Schelderup đã dính dáng đến một sự kiện bất ngờ trong Ngày Giải phóng, - tôi thăm dò. Ông bà Wendelboe nhìn nhau thật nhanh rồi mới gật đầu. Song giọng Petter Johannes Wendelboe vẫn điềm tĩnh lúc nói tiếp.
- Nghe chừng nó hứa hẹn tốt cho cuộc điều tra vì anh đã cố đào bới câu chuyện, tuy nó hầu như không liên quan gì đến vụ giết người hôm nay. Đó là một việc bất ngờ, kỳ lạ và bi thảm, nhưng về sau này hình như nó không làm Magdalon bận tâm nữa. Lời giải thích của ông ấy đủ hợp lý, kẻ có tội là một người rối loạn tâm thần đang trong tình trạng mất trí. Vì thế chẳng có mấy nghi ngờ về hậu quả. Nhưng những việc như thế này thường là một
gánh nặng. Tuy sau đó, tôi chưa bao giờ nghe thấy Magdalon nhắc đến chuyện này, tôi vẫn cho rằng nó giày vò ông ta.
Tôi nhìn Wendelboe dò hỏi, nhưng ông ta không nói gì cho đến khi tôi hỏi các chi tiết cụ thể hơn.
- Trong phong trào Kháng chiến, nhóm của chúng tôi nhỏ nhưng có tiểu sử đầy ấn tượng và quan trọng. Chúng tôi chưa bao giờ có hơn sáu hoặc bảy thành viên, bây giờ Magdalon mất rồi, chỉ còn vợ tôi, tôi và Herlofsen là những người duy nhất còn lại. Nhóm thành lập vào đầu mùa đông 1940 - 1941 và tiếp tục hoạt động không bị bắt cho đến Ngày Giải phóng Na Uy. Magdalon gia nhập nhóm vào mùa hè năm 1941. Ông ấy tự liên hệ với tôi. Năm đó rất gian khổ. Chúng tôi vừa mất một người vào mùa xuân và người nữa vào đầu thu. Cả hai đều được tìm thấy bị bắn chết tại nhà riêng. Kẻ sát nhân không bị phát hiện, cả trong và sau chiến tranh. Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn gọi hắn là Ông hoàng Bóng tối. Sở dĩ gọi tên hắn như thế vì hắn chỉ bắn người trong những đêm tối trời, và không ai trông thấy hắn giữa thanh thiên bạch nhật.
Tôi bị lôi cuốn một phần vì câu chuyện, phần vì gương mặt vô cảm và giọng nói dè dặt của Wendelboe lúc kể.
- Trong những năm chiến tranh còn lại, Magdalon, tôi và các thành viên khác trong nhóm ngủ ở nhiều phòng khác nhau không cửa sổ, cửa ra vào khóa chặt. Theo tôi biết, ông ta làm việc này trong nhiều năm, mặc dù không phải là người dễ sợ hãi. Sau năm 1941, Ông hoàng Bóng tối không bao giờ xuất hiện và chúng tôi chưa bao giờ tìm ra hắn là người Đức hay là một tên Na Uy đào ngũ. Trong chiến tranh, chúng tôi tin hắn là người Đức, nhưng sau này chúng tôi cho rằng hắn là người Na Uy thì có lý hơn. Thủ đoạn phạm tội của hắn không phải của người Đức. Nói chung, bọn Đức thường mặc đồng phục, dắt chó đột nhập lúc sáng sớm. Chúng tôi hy vọng Ông hoàng Bóng tối có thể là một trong các thành viên thuộc Nasjonal
Samling mà sau này chúng tôi đã thủ tiêu. Chúng tôi ngờ một người trong đó, nhưng vẫn chưa biết chắc liệu có đúng là một người đàn ông không. Trước khi lìa đời, tôi rất tha thiết muốn biết Ông hoàng Bóng tối là ai.
Tôi ghi lại tất cả chuyện này nhanh hết mức có thể. May mắn là Wendelboe nói tương đối chậm rãi. Nó trở thành cuộc trao đổi hai chiều với những câu hỏi ngắn của tôi và những câu trả lời dài của ông ta. Tôi chỉ hơi để ý đến bà vợ ngồi ở rìa sofa, thỉnh thoảng lại gật đầu.
- Vậy nhóm Kháng chiến này đã thực hiện nhiều vụ trừ khử? Wendelboe gật đầu xác nhận và nom càng nghiêm trang hơn lúc nói tiếp. - Hồi đó đất nước chúng ta đang trong thời chiến, anh bạn trẻ ạ, và
không ai lường trước được hậu quả. Chúng tôi đã làm việc phải làm, bất cứ khi nào có thể. Cho dù phải trả bằng mạng sống của kẻ thù, chúng tôi vẫn thanh thản và ngủ ngon trong những năm tiếp theo. Nhưng chúng ta đang nói về toàn thể năm người trong suốt bốn năm, về các vụ việc chắc chắn là tội lỗi và xấu xa của những người này. Tôi sẽ mang năm cái tên ấy cùng tôi xuống mồ. Tôi cũng mang theo mình ý thức rằng tất cả bọn họ đều bị cắn rứt lương tâm dù trực tiếp hay gián tiếp, đều xứng đáng bị chính phủ Na Uy xử bắn nếu chúng tôi không giết họ trong chiến tranh.
Petter Johannes Wendelboe ngả người tới trước, mặt ông sát gần mặt tôi đến đáng ngại. Chẳng khó khăn gì để thấy vì sao sự hiện diện của ông ta thường mang đến một không khí không mấy dễ chịu trong các bữa tiệc tối tại tòa nhà, hoặc hiểu rằng ông ta là người Magdalon Schelderup tôn trọng. Tôi không còn muốn hỏi Wendelboe có thực năm người này bị hành quyết sau chiến tranh không. Tôi có cảm giác rằng ông ta không hoàn toàn hài lòng với những phiên tòa xử kẻ phản quốc.
- Những cái tên hoàn toàn không liên quan ở đây. Nếu tôi hiểu đúng, thì cả ông và Magdalon Schelderup đều tham gia vào các chiến dịch thanh trừng trong những năm cuối chiến tranh?
Ông ta gật đầu.
- Đúng, và cả hai chúng tôi đều phải mang gánh nặng ấy. Vợ tôi không tham gia bất cứ vụ thanh trừng nào, nhưng tất cả nam giới trong nhóm đều phải tham gia một vụ hoặc nhiều hơn. Kể cả cậu thanh niên Hans Herlofsen cũng liên quan đến một vụ thanh trừng chỉ vài tháng trước Ngày Giải phóng.
Tôi ghi nhanh hơn. Rõ ràng Hans Herlofsen có một quá khứ bi thảm hơn thái độ vui vẻ giả tạo hiện nay của ông ta.
- Vụ này có liên quan gì đến tình hình Ngày Giải phóng không? Wendelboe lắc đầu một cách dứt khoát.
- Hoàn toàn không. Vụ đó tách rời hoàn toàn, và còn thê thảm hơn mọi thứ chúng tôi đã trải qua hồi chiến tranh nhiều.
Căn phòng lặng ngắt trong giây lát. Rồi sau đó là một tiếng nức nở lớn, tôi nhận thấy ắt phải là bà Wendelboe. Chồng bà nhìn bà vài cái thật lâu rồi nói tiếp khi bà đã nín.
- Trong những năm 1944 và 1945, nhóm chúng tôi có ba người lãnh đạo: Magdalon Schelderup, Ole Kristian Wiig và tôi. Ole Kristian Wiig là người trẻ nhất, nhưng cũng là người say mê lý tưởng nhất và giỏi nhất. Trong chiến tranh, chúng tôi thường trò chuyện và nhất trí rằng sau này cuộc đời sẽ chẳng còn gì thú vị nếu chỉ mình cậu ta sống sót. Tôi càng tin sâu sắc hơn vào việc hồi tưởng quá khứ. Không như Magdalon và tôi, Ole Kristian có lý lịch tham gia Liên đoàn thanh niên Đảng Lao động và đúng là lớp thanh niên mới được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong những năm ngay sau chiến tranh.
Lúc này tôi nhận thấy bà Wendelboe lại bắt đầu khóc. Bà khóc thầm nhưng mỗi lúc một mãnh liệt hơn. Những giọt nước mắt chảy ròng ròng không ngừng. Bị quấy rầy, chính chồng bà một lần nữa phải kể với tôi lý do.
- Ole Kristian Wiig là em trai của vợ tôi. Vì thế chúng tôi biết nhau quá rõ từ trước chiến tranh.
Tôi chuyển cái nhìn chăm chú sang bà Wendelboe, bà vẫn ngồi im lìm như tượng trên sofa. Chuyển động duy nhất trên mặt bà là những giọt lệ tiếp tục lăn không ngừng xuống má.
Tôi lẩm bẩm chia buồn và hỏi họ còn anh chị em ruột nào không, ngay lập tức tôi lấy làm tiếc đã hỏi câu đó. Mắt bà Wendelboe cháy rực lên. Sự bình tĩnh giữa đau buồn, tiếc thương của bà gây ấn tượng sâu sắc. Bà vẫn ngồi, bình tĩnh cam chịu trong giây lát, nhưng khi cất lời, giọng nói của bà mạnh mẽ.
- Không. Chúng tôi chỉ có hai chị em. Em tôi tốt bụng và thông minh đến mức tôi không có gì vui sướng hơn được nấp bóng nó. Ole Kristian chưa có gia đình riêng, thay vào đó nó là người cậu tốt nhất đời với các con tôi. Trong suốt năm năm chiến tranh, tôi sống không nghĩ gì cho bản thân, nhưng không ngừng lo sợ có chuyện xảy ra cho chồng tôi, các con tôi và em trai tôi.
Lại một lúc im lặng nữa. Chồng bà và tôi kiên nhẫn đợi cho đến khi bà sẵn sàng nói tiếp.
- Tôi còn nhớ cảm giác nhẹ nhõm đến không tin nổi vào ngày 8 tháng Năm 1945, dường như nó mới chỉ là ngày hôm qua. Ole Kristian sống gần chúng tôi ở Ski và có chìa khóa nhà tôi. Chính nó là người chạy qua bãi cỏ, quá đỗi vui mừng, đánh thức chúng tôi bằng tin quân Đức đã đầu hàng và mọi nỗi khốn khổ của chúng tôi đã chấm dứt. Tôi nhớ đã tự nhủ rằng mặt trời chưa bao giờ rực sáng đến thế trên đất Na Uy như trong buổi sáng hôm đó. Vài giờ sau Ole Kristian rời bỏ chúng tôi, lúc đó ánh sáng đột ngột biến mất khỏi đời tôi, và không bao giờ trở lại. Tôi cảm thấy dường như từ đó trở đi, tôi sống trong ánh chạng vạng, ngay cả trong ngày hè rạng rỡ nhất.
Một lần nữa, bà Wendelboe lại rơi vào im lặng và ngồi bất động trên
sofa. Thật nhẹ người khi cuối cùng, chồng bà giải cứu cho bà. - Đó là một trải nghiệm quá ư đau buồn và xúc động cho tất cả chúng tôi. Nó xảy ra vào chiều hôm đó. Chúng tôi đang chuẩn bị bữa ăn mừng. Ole Kristian đi thu xếp vài thứ nhưng đã hứa sẽ trở lại lúc 3 giờ. Dĩ nhiên hôm đó là một ngày khác thường, nhưng chúng tôi bắt đầu hơi lo khi đến 3 giờ rưỡi vẫn không thấy tăm hơi cậu ấy đâu. 4 giờ 15, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy chiếc ô tô lớn màu đen của Magdalon Schelderup xuất hiện dưới đường, trong tầm nhìn. Chúng tôi đoán Ole Kristian đi cùng ông ta. Nhưng niềm vui của chúng tôi quá ngắn ngủi. Chúng tôi thấy ngay chỉ có mình Magdalon trong xe và ông ấy lao tới chỗ chúng tôi với tốc độ nguy hiểm. Ngay cả trước khi Magdalon dừng xe, vợ tôi đã nắm tay tôi và nói có chuyện chẳng lành. Chúng tôi có thể thấy có chuyện khủng khiếp xảy ra qua vẻ mặt của Magdalon. Ông ấy không phải là người dễ xúc động, nhưng trong ngày hôm ấy, sự rối loạn đến mủi lòng của Magdalon hiển hiện thật rõ ràng. Magdalon tiến đến chỗ chúng tôi, ôm lấy chúng tôi và nói đã xảy ra một sự cố bất ngờ, kinh khủng và Ole Kristian đã chết. Lúc này, gần hai mươi lăm năm sau, một lần nữa thời gian ngừng lại với bà Wendelboe. Ngay cả khi nước mắt đã ngừng rơi, bà vẫn ngồi như hóa đá. Chồng bà nhẹ nhàng nắm lấy cánh tay bà trước khi nói tiếp. - Magdalon kể sự cố liên quan đến một tay súng, và các tình huống xảy ra hết sức không may. Magdalon và Ole Kristian cùng một thành viên trẻ hơn trong nhóm lái xe đến nhà một tên Đức Quốc xã đã chết, để lấy tài sản và giấy tờ của hắn. Cảnh sát tới đồng thời và lúc đó không hề có kẻ thù. Tuy vậy, Ole Kristian vẫn bị chết vì một phát súng chí tử trong nhà, do người trẻ hơn trong nhóm chúng tôi bắn. Magdalon cảm thấy vô cùng có lỗi và xin lỗi rối rít vì đã đưa cậu thanh niên kia đi cùng. Nhưng tôi mới là người nhận cậu ta vào nhóm, nên cả hai chúng tôi đều phải chịu trách nhiệm. Cậu ta có vẻ chân thành và đầy thiện ý, nhưng lẽ ra chúng tôi phải
nhận ra cậu ta thiếu kỹ năng và thần kinh bất ổn trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến. Thật lạ khi thấy nhiều sự việc khác nhau biết bao đã xảy ra, tôi mới nhận thức được điều đó.
Lúc này đến lượt ông Wendelboe ngồi im lặng và vợ ông vươn tay vuốt ve ông. Nhưng khi kể tiếp câu chuyện, giọng ông dứt khoát và ngắn gọn. - Tình huống đủ rõ ràng. Khi cảnh sát vào, cậu ta đang đứng, tay cầm khẩu súng. Magdalon cũng ở trong phòng và đã chứng kiến cậu ta nổ súng, còn lời khai của cậu ta kỳ dị đến mức không ai có thể tin nổi. Trước tòa, cậu ta bị tuyên là mất trí và tất nhiên phải trải nốt phần đời còn lại trong một bệnh viện tâm thần. Thế nên chúng tôi phải chấp nhận đây là hành động của một người điên, mặc dù sự việc có kỳ lạ đến đâu. Nhưng dù vụ việc là gì đi nữa, nó vẫn là một tổn thất lớn lao với chúng tôi và khó mà chung sống với nó.
Tôi gật đầu thông cảm và để sổ tay xuống. Tôi sẽ hỏi chi tiết hơn về những trải nghiệm chiến tranh của Magdalon Schelderup, nhưng trước hết, tôi muốn tự kiểm tra báo cáo của cảnh sát về cái chết của Ole Kristian Wiig.
Cuối cùng, như một thủ tục, tôi hỏi ông bà Wendelboe có lý do gì để nghi ngờ bất cứ người nào có mặt là kẻ sát nhân không. Cả hai lưỡng lự rồi nói rằng Magdalon Schelderup là người rất mạnh mẽ và phức tạp, có thể mâu thuẫn với nhiều người xung quanh, nhưng những tình huống thực tế đã đẩy cậu con trai thứ vào vị trí rất khó xử.
- Tuy vậy, nếu chúng tôi chỉ ra một trong những người quanh bàn là nghi phạm, thì đó là Magdalena, em gái của ông ta, - ông Wendelboe chợt nói thêm bằng giọng trang nghiêm. Sự kinh ngạc của tôi tan ngay khi vợ ông ta lập tức gật đầu đồng tình.
Ông giải thích ngay:
- Chúng tôi hiểu rằng chuyện này nghe có vẻ lạ lùng và những ngày này
bà ta tỏ ra đáng tin cậy, nhưng anh nên hỏi bà ta về cuộc hứa hôn đã tan vỡ của mình. Sau đó hãy hỏi bà ta đã làm gì trong thời chiến tranh, trong khi người anh trai liều cả mạng sống của mình cho phong trào Kháng chiến. Chúng tôi thường tự hỏi vì sao ông ấy vẫn mời bà ta đến những bữa tiệc của mình trong suốt từng ấy năm, nhất là lại mời cả Hans Herlofsen và chúng tôi.
Vợ ông lại gật đầu, nhất trí một cách trung thành với chồng cho đến lúc chết. Sau đó được tôi thầm ưng thuận, họ cùng nhau rời khỏi phòng. Tôi vẫn ngồi đọc lại những ghi chép và suy nghĩ đến những thứ đã nghe và đã thấy. Dưới ánh sáng của thông tin mới mẻ này, tôi rất muốn trò chuyện với Hans Herlofsen và Magdalena Schelderup lần nữa, nhưng cả hai đã rời Lâu đài Schelderup. Bởi vậy, tôi kết thúc bằng việc gọi người vợ hiện tại của Magdalon vào để thẩm vấn cuộc cuối cùng trong ngày. XIII
Cuộc nói chuyện lần thứ hai với Sandra Schelderup cũng khởi đầu yên ổn. Bà ta hỏi về nội dung chúc thư ngay khi mới bước qua cửa. Tôi đáp việc này vẫn chưa được xác nhận, nhưng cam đoan với bà tôi sẽ liên hệ với công ty luật sớm hết mức có thể, và là vợ của người quá cố, tất nhiên bà ta sẽ được thông báo. Bà ta cảm ơn tôi và nói tên của công ty luật là Rønning, Rønning & Rønning.
Sau một lát do dự, Sandra Schelderup nói thêm không hề ngượng ngập rằng bà ta đã gọi cho luật sư của họ ở đó. Song ông ta trả lời rằng vì cuộc điều tra vụ sát hại đang tiến hành nên ông ta không thể tiết lộ bất cứ thông tin gì trong nội dung di chúc qua điện thoại.
Tôi trả lời rất xã giao rằng trước kia tôi đã có dịp liên hệ với công ty luật và sẽ cố gắng hết sức để phát hiện ra sớm nhất có thể về nội dung chúc thư.
Đáp lại câu hỏi của tôi về quan hệ của Magdalon Schelderup với con gái,
Sandra Schelderup thận trọng trả lời rằng “tốt hơn mong đợi”. Magdalon Schelderup muốn có con trai và không hề che giấu ý muốn đó. Trong thời gian bà mang thai, đã vài lần ông bình luận rằng chẳng lẽ nào ông không gặp may với người con trai thứ ba. “Lần sau sẽ may mắn hơn!” là phản ứng đầu tiên của ông lúc ông tới bệnh viện và bà nói ông có một cô con gái xinh đẹp.
- Nhưng chẳng bao giờ có lần sau. Nó khiến ông buồn bực, còn tôi lo sợ cho vị trí của mình vì không thể sinh cho ông một đứa con trai như ông mong muốn. Nhưng rốt cuộc, quan hệ của ông với Maria Irene tốt đến ngạc nhiên. Hiển nhiên là ông thích con trai, nhưng chưa bao giờ ông làm mếch lòng con gái. Trong những năm gần đây, đã vài lần ông nhận xét rằng trong tất cả các con, Maria Irene là người giống ông nhất. Thậm chí trong vài trường hợp ông ấy còn nói thêm rằng chuyện đó là hiển nhiên vì trong các người vợ, tôi là người tương hợp nhất với ông ấy. Càng ngày ông càng thường xuyên bày tỏ rằng hai mẹ con tôi là những người thân cận nhất với ông. Tôi chỉ hy vọng ông ấy nhận biết điều này đủ để thể hiện trong di chúc.
Tôi hít một hơi thật sâu rồi hỏi bà có biết chồng mình có cô nhân tình trẻ suốt vài năm qua không.
Phản ứng của bà thoải mái không ngờ. Một bóng đen lướt qua mặt bà, nhưng bà đủ kiềm chế vẻ mặt và động tác.
- Tôi giả vờ không biết, cả với ông ấy và với con gái tôi. Nhưng lẽ tất nhiên tôi nhận ra. Ông ấy cũng chẳng che giấu chuyện này. Ai phải ngây thơ lắm lắm mới không hiểu, khi cô ta hầu như dọn vào nhà này theo gợi ý của ông ta. Trước hết, thật kinh khủng và trong sáu tháng đầu tiên, tôi cứ lo sẽ bị tống ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Nhưng thời gian trôi qua, tôi dần hiểu rằng đây không phải là tình yêu lớn lao, mới mẻ gì, mà đúng hơn là sở thích nhất thời về thể xác của một người đàn ông đang già đi nhưng vẫn
còn cường tráng. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ ông có dự định ly hôn lần thứ ba. Hơn nữa, nếu ông ấy kết hôn lần thứ tư với một cô gái vô học chỉ đáng tuổi cháu gái, sẽ làm cho cuộc sống của ông ấy rất khó khăn. Khi ông ấy bỏ người vợ trước để lấy tôi đã đủ tệ lắm rồi, và qua nhiều năm, ông ấy càng thận trọng hơn. Lẽ tất nhiên tôi không thích cô ấy hoặc sự hiện diện của cô ấy chút nào, nhưng dần dà tôi thấy cô ấy là mối đe dọa ít nguy hiểm nhất. Bây giờ chuyện đó đã chấm dứt. Đến sáng ngày mai, cô ta sẽ mất việc.
Tôi không thể không nói với bà ta sự thật rằng Synnøve Jensen đang mang thai.
Phản ứng lần này đầy kịch tính. Sandra Schelderup nhảy khỏi ghế, đấm hai nắm tay xuống bàn và gào lên:
- Không thể nào! Đó không thể là con ông ấy!
Khi tôi hỏi bà có bằng chứng y tế là Magdalon Schelderup không thể có con được nữa không, bà ta lắc đầu ngượng nghịu rồi mặt bỗng đỏ gay. Tôi nhận ra dường như mình bị ô uế vì không khí tàn nhẫn triền miên trong Lâu đài Schelderup. Tôi nhận thấy đây là một đòn nặng cho Sandra Schelderup, cả về phương diện là một người đàn bà lẫn là một người vợ, nhưng không hề thấy cảm thông thực sự với bà ta.
- Ra thế, - bà ta nói và thở dài nặng nề rồi ngồi xuống ghế. - Một đứa trẻ chưa ra đời có quyền thừa kế tài sản như những đứa con khác phải không? - Bà ta nói thêm, rất nhanh.
Tôi xác nhận điều này, nhưng nói rằng có thể khó chứng minh trong các trường hợp khác.
- Nhưng rõ ràng chuyện đó sẽ là thật ở đây, trừ khi ông ấy để lại xác nhận bằng văn bản ông ấy là cha?
Tôi gật đầu.
- Vậy thì di chúc của Magdalon Schelderup càng quan trọng hơn bao giờ
hết, cả cho cuộc điều tra của anh và cho cuộc đời tôi.
Tôi đồng ý với bà và nhắc lại rằng tôi hy vọng chúng tôi sẽ được thông báo nội dung chúc thư trong vòng hôm sau hoặc đại loại thế. Như một thỏa thuận ngầm, cả hai chúng tôi đứng dậy cùng một lúc.
Sandra Schelderup đứng ở ngưỡng cửa, bình luận rằng chắc chắn tôi đã nghe nhiều điều không hay về bà ta qua những người khác. Bà ta đề nghị tôi nhớ rằng một câu chuyện luôn có hai mặt và bà cũng phải vật lộn rất nhiều. Bà là một cô gái quê, đã phải làm việc từ những giai đoạn đầu nghèo khó khi còn trẻ. Kết hôn với Magdalon mười tám năm chẳng dễ dàng gì, được công nhận là vợ ba của ông ta còn khó khăn hơn nhiều.
Tôi thấy chuyện này hoàn toàn đáng tin, nhưng dù sao vẫn để cánh cửa đóng chặt lại sau bà, trước khi tôi sẵn sàng rời đi.
XIV
Cuối cùng, lúc đi xa khỏi Lâu đài Schelderup cùng những con chó cáu kỉnh, tôi cảm thấy không khí trong sạch hơn và thuần khiết hơn. Nhưng tất cả những chuyện này vẫn còn rất khó hiểu. Tiếp theo tôi phân vân không biết nên gọi cho Patricia hay cho hãng luật Rønning, Rønning & Rønning.
Khi về đến nhà khoảng 9 giờ, theo bản năng tôi gọi cho Patricia trước. Cô trả lời ngay sau hồi chuông thứ hai. Tôi nhẹ cả người, giọng cô y hệt một năm trước đây. Hình như cô linh hoạt hơn khi biết là tôi, và tôi gọi vì một vụ giết người mới. Trong nửa giờ tiếp theo, Patricia lắng nghe không nói một lời trong lúc tôi kể cho cô cảm tưởng ban đầu của mình về vụ việc.
- Vậy cô kết luận ra sao? - Tôi hỏi, háo hức.
- Rằng tôi vẫn chưa biết ai đã giết Magdalon Schelderup. Có quá nhiều lựa chọn và giả thuyết để chứng minh đâu là sự thật. Nhưng tôi sẽ vui lòng giúp anh tìm ra. Năm ngoái chúng ta đã giải quyết rất tốt với bảy kẻ sát nhân tiềm năng trong cùng một tòa nhà, vì thế năm nay chúng ta sẽ phải xem xét có thể mở rộng đối tượng, kể cả mười kẻ có thể là sát nhân trong
tòa nhà đó.
Tôi rất mừng nghe thấy tiếng Patricia lạc quan và nhiệt tình như thế, và cô vội nói tiếp.
- Có vài thứ kỳ lạ và có ý nghĩa mà tôi muốn thảo luận với anh vào ngày mai. Nhưng anh phải chắc chắn với những suy xét cụ thể, hiện nay cái gì là kỳ lạ nhất và có ý nghĩa nhất. Anh giải thích vì sao mà Magdalon Schelderup lại chắc chắn đến thế về việc có kẻ định lấy mạng ông ta trước ngày thứ Ba? Xét cho cùng, chiều thứ Ba rất đặc biệt…
Tôi đáp tôi đã có một số phán đoán, nhưng chưa tìm ra lời giải thích nào xác đáng. Cái sau thường chính xác hơn cái trước.
Giọng Patricia nghe càng có vẻ vui hơn; tôi gần như nhìn thấy cô cười vào đường dây điện thoại.
- Có vài lời giải thích hợp lý. Chuyện gì xảy ra với dự đoán khác thường vào lúc cuối các buổi sáng thứ Ba, có thể coi là có ý nghĩa đáng kể ở đây? Gợi ý: hằng ngày, trừ Chủ nhật và các ngày lễ…
Tôi vắt óc nghĩ ngợi, nhưng sau một lúc ngừng để suy nghĩ, tôi đành nói mình không thể giải được điều bí ẩn này, dù có gợi ý của cô. Có thể nghe thấy niềm vui chiến thắng của Patricia, ngay cả trên điện thoại.
- Câu trả lời chính xác là: chuyến thư đầu tiên của bưu điện phát vào ngày thứ Hai và sáng thứ Ba. Chúng ta thử hình dung Magdalon Schelderup giữ kín tuyên bố quan trọng về di chúc hoặc tương lai của doanh nghiệp, ví dụ thế, bởi vậy không cần lo cho tính mạng của ông ta cho đến khi ông ấy để những người liên quan biết. Nếu ông ấy gửi thư này qua bưu điện cho những người liên quan vào ngày thứ Hai, ông ấy không cần lường trước bị tấn công cho đến chiều thứ Ba là sớm nhất. Chuyện này nghe chừng không thể tin nổi, nhất là nếu ta hình dung đây là di chúc mà ông ta dự định sẽ công bố với các thực khách ở bữa tối Chủ nhật, nhưng ông ta đợi chuyến
thư bưu điện ngày thứ Hai, đề phòng cuộc gặp với anh. Câu hỏi đầu tiên là khi đó ông ta viết gì. Câu tiếp theo: ông ta sẽ gửi cho ai. Câu thứ ba: liệu ông ta có viết thư không và câu thứ tư: ông ta để nó ở đâu. Anh vẫn nghe đấy chứ?
Tôi càu nhàu “có”, nhưng chỉ thế thôi.
- Tuyệt. Ngày mai anh sẽ kiểm tra có những thư nào chưa gửi trong văn phòng hoặc phòng ngủ của ông ấy, và nếu cần thì hỏi vợ, thư ký và giám đốc của ông ấy. Tìm xem Hans Herlofsen và Magdalena Schelderup nói thêm gì để bào chữa cho mình. Mang theo mọi tài liệu thời chiến mà anh quan tâm, về Ông hoàng Bóng tối và những tình huống quanh cái chết của Ole Kristian Wiig vào Ngày Giải phóng năm 1945. Có lẽ một bữa tối không mấy lãng mạn nhưng có thể rất thú vị ở nhà tôi vào 5 giờ rưỡi ngày mai, liệu có cám dỗ được anh không?
Tôi đáp trừ khi trong ngày có những bất ngờ không mong muốn, việc đó khiến tôi thực sự thích thú. Patricia lịch sự cảm ơn tôi và nói thêm, có phần bất lịch sự hơn rằng tôi nên gọi ngay cho Rønning, Rønning & Rønning, nhằm giải quyết bí mật trong di chúc của Magdalon Schelderup dễ dàng hơn.
Tôi nắm ngay lấy lời gợi ý và đặt ống nghe xuống. Tôi cần vài phút để trấn tĩnh lại trước khi tìm số điện thoại của Rønning, Rønning & Rønning trong danh bạ. Vừa thích thú vừa lo lắng, tôi nhận ra một thực tế là tôi vẫn tụt hậu so với lập luận gấp gáp của Patricia, song cuộc điều tra của tôi đã tăng tốc trước khi tôi có cuộc gặp đầu tiên với cô.
XV
Sau vài cố gắng sớm thất bại, tôi gọi được cho Edward Rønning Con ở nhà vào khoảng 10 giờ. Anh ta thông báo rằng người quá cố đã yêu cầu đọc di chúc tại Lâu đài Schelderup, và cung cấp danh sách những người ông ta muốn có mặt. Tuy vậy, không có chỉ dẫn đặc biệt khi nào đọc di chúc như
trong vụ Harald Olesen. Vì thế tôi gợi ý đọc vào chiều hôm sau, và là người đứng đầu cuộc điều tra án mạng, tôi cần được thông báo những điểm quan trọng nhất trong di chúc. Rønning Con chỉ ra rằng cần một phiên tòa chỉ đạo hợp thức, nhưng cũng nói thêm “cá nhân anh ta không phản đối cung cấp giải pháp bảo đảm cho di chúc được đọc phù hợp với những mong muốn của người đã khuất”. Tuy nhiên, vấn đề thực tế nhất thời là di chúc để ở văn phòng của anh ta, mà hiện nay đang đóng cửa nghỉ cuối tuần.
Thỏa hiệp giữa thực tế và nguyên tắc là Rønning Con sẽ có mặt tại văn phòng lúc 8 giờ rưỡi sáng thứ Hai và sẽ gọi điện ngay cho tôi biết nội dung di chúc. Sau đó, anh ta sẽ chỉ thị cho văn phòng gọi điện hoặc đánh điện cho những người có tên trong danh sách, yêu cầu họ có mặt để nghe đọc di chúc vào lúc 3 giờ chiều tại nhà người đã khuất. Tôi cam đoan với anh ta là việc này sẽ dễ sắp xếp, vì tất cả những người gần gũi nhất và thân cận nhất với người quá cố đã được chỉ thị phải ở trong thành phố và không chắc có kế hoạch gì cho ngày hôm sau. Tôi cảm thấy cả hai bên đều thoải mái hơn khi kết thúc cuộc nói chuyện và tôi thấy chẳng có lý do gì bày thêm thế cờ đã có cho cuộc điều tra. Chúng tôi lịch sự cảm ơn nhau vì sẵn lòng giúp đỡ, và còn đặt điện thoại xuống cùng một lúc.
Đến lúc đó, một ý nghĩ chợt đến trong đầu - tôi phải gọi một cú điện thoại rất quan trọng: cho sĩ quan chỉ huy. Tôi chợt nghĩ vụ này có thể vuột khỏi tay tôi trước khi nó bắt đầu. Chẳng có tình huống nào tôi có thể đợi cho đến ngày hôm sau vì e ngại một trong các đồng nghiệp của mình có thể nghe về vụ này và chộp lấy nó. Thế nên tôi tìm số điện thoại nhà sĩ quan chỉ huy và quay số ngay lập tức.
May mắn là tôi gọi được sếp trước khi ông đi nằm và cũng may là ông đang trong tâm trạng vui vẻ. Ông kiên nhẫn lắng nghe tôi báo cáo từ đầu vụ việc đặc biệt này suốt mười phút, và thêm hai phút nữa để nghe tôi nhắc với ông tôi là người đứng đầu cuộc điều tra án mạng được chú ý nhất trong
năm ngoái. Tôi hài lòng thấy ông ngắt lời tôi rằng ông mong muốn tôi cũng sẽ chỉ đạo cuộc điều tra án mạng này, chắc chắn cho đến khi có thông báo thêm. Ông nói thêm có thể có nhiều thay đổi nếu quá nhiều ngày trôi qua mà không phá được vụ án, và ông muốn chiều nào cũng nhận được một báo cáo vắn tắt về các sự kiện trong ngày. Ông vui vẻ trích lời của cựu Thủ tướng Halvdan Koht: “Đó là ý kiến của tôi, và tôi phải tôn trọng nó!” Trước đây tôi đã nghe ông nói câu này vài lần, nên cười vui vẻ và không phản đối các kết luận của ông.
Tôi lên giường lúc 11 giờ, vì biết ngày thứ Hai chắc chắn là một ngày dài và vất vả. Nhưng tôi nằm đó không sao chợp mắt được đến tận nửa đêm, loay hoay mãi không thể tìm ra lời giải cho bí mật của Magdalon Schelderup. Tôi chỉ vừa mới phân biệt được một trong những vị khách có khả năng là kẻ giết người hơn những người khác.
NGÀYTHỨ BA
6
Chiếc hộp đựng mộtthứlạ kỳ
I
Edward Rønning Con là một thanh niên chính xác lạ thường. Đúng 8 giờ 30 phút thứ Hai ngày 12 tháng Năm 1969, anh ta gọi điện cho tôi từ văn phòng và đọc cho tôi nghe di chúc của Magdalon Schelderup từ đầu đến chữ ký. Chỉ mất vài phút, dù anh ta đọc chậm đến bực mình. Di chúc đề ngày 6 tháng Năm cùng năm, gồm bốn đoạn ngắn. Sau những cuộc thẩm vấn hôm trước, nội dung đặc biệt thú vị khiến tôi sửng sốt, mặc dù tôi phải thừa nhận rằng ý nghĩa của nó vẫn còn khó hiểu.
Đoạn đầu tiên trong di chúc viết rằng giám đốc Hans Herlofsen, nhờ quá trình phục vụ lâu dài và trung thành, được xóa “một khoản nhỏ” vẫn còn tồn tại trong “khoản nợ cá nhân từ năm 1949”. Tiếp theo là một câu ngắn viết rằng “giấy nợ kèm theo tài liệu viết tay” đã được hủy.
Đoạn thứ hai của di chúc chỉ nơi Magdalon Schelderup để lại cho vợ là Sandra Schelderup hai triệu krone.
Đoạn thứ ba gồm hai câu, Magdalon Schelderup xác nhận mình là cha của đứa con trong bụng Synnøve Jensen và để lại cho cô số tiền 200 ngàn krone làm “chi phí sinh hoạt và chi tiêu cần thiết trong thời gian còn lại của thai kỳ”.
Đoạn thứ tư dài nhất và rắc rối nhất, nói rõ phần tiền và tài sản còn lại của Magdalon Schelderup sẽ chia đều cho các con của ông vào ngày mùng 6 tháng Năm 1970. Cả ba người con lớn của ông, mỗi người sẽ nhận ngay lập tức khoản tiền không nhiều hơn phần tối thiểu hợp pháp của mình là 200 ngàn krone.
Tôi cảm ơn luật sư đã giúp đỡ và quả quyết sẽ có mặt tại đó nghe đọc di chúc, và yêu cầu giữ kín nội dung cho đến khi công bố trước toàn thể gia đình và bạn bè của người đã khuất.
Vừa đặt máy xuống tôi nhận ra quên chưa hỏi trước kia có bản di chúc nào khác không, và nếu có thì viết những gì. Khi tôi cố gọi lại cho viên luật sư hai lần, cả hai máy đều bận, nên tôi quyết định để việc đó lại sau khi đọc di chúc. Trong thời gian chờ đợi, tôi có quá nhiều việc phải làm rồi.
II
Báo cáo sơ bộ của nhà bệnh lý học đúng như mong đợi. Magdalon Schelderup tử vong vì suy tim, do dị ứng cực mạnh với lạc. Ở độ tuổi của mình, ông là người sung sức, nhưng không có cơ hội sống sót qua căn bệnh như thế. Nói cách khác, trái tim và cơ thể của ông là của một người sáu mươi chín tuổi, đã làm việc vất vả cả đời, và bị dị ứng lạc vô cùng nghiêm trọng.
Các bài tường thuật trên báo không nêu lên bất cứ vấn đề gì, nhưng cũng không giúp giải quyết điều bí ẩn. Hội nghị Đảng Lao động thống trị các tiêu đề. Friheten, tờ báo cộng sản có một bài trên trang nhất với tiêu đề “Nhà tư bản quyền lực bị giết” và bóng gió đến một âm mưu trong “nhóm tư bản tham nhũng của Na Uy”. Các báo khác thận trọng hơn khi đợi xem diễn biến tiếp theo sau vụ người chết, và thay bằng cả đống giấy mực viết về sự giàu có và miêu tả sơ lược tiểu sử trước đó của người quá cố. Aftenposten là tờ báo duy nhất công bố danh sách các thực khách có mặt trong bữa tối đó và kết bài bằng câu “Chúng tôi rất hài lòng xác nhận rằng thanh tra cảnh sát Kolbjørn ‘K2’ Kristiansen nổi tiếng được chỉ định phá vụ án này và hồi hộp đợi xem anh ấy có thể leo lên tầm cao của thành công trước đây trong vụ án cực kỳ bí ẩn này không.” Tôi rất hài lòng khi đọc thông tin này nhưng cũng mỗi lúc một lo lắng hơn, vì hiểu mình có thể ngã đau biết chừng nào.
Sau đó, tôi nhanh chóng gạt báo chí sang một bên để theo đuổi những ưu tiên của Patricia, chuyển từ di chúc của Magdalon Schelderup sang câu hỏi ông ta nghĩ đến loại thư nào sẽ gửi vào ngày thứ Hai cho một hoặc vài người trong số các thực khách tại bữa tối Chủ nhật của ông.
Không tìm thấy các bức thư chưa gửi trong văn phòng hoặc phòng ngủ của người đã chết. Cả hai phòng đều ngăn nắp đến mức khó mà hình dung bất cứ thứ gì quan trọng hoặc phổ biến có thể giấu ở đó. Văn phòng của Magdalon Schelderup có một giá sách và một dãy sách thương mại, nhưng không hề lưu trữ bất cứ thư từ nào.
Qua điện thoại, bà Sandra Schelderup đã nói xẵng với tôi rằng bà không biết gì về những bức thư chưa gửi trong những ngày gần đây, bà cũng không hay hỏi han về bất cứ chi tiết quan trọng hay thứ yếu trong kinh doanh. Có lần, chồng bà đã nói đùa rằng bà không cần để cái đầu xinh xắn của bà lo lắng về việc kinh doanh của ông, chỉ nên quan tâm về xu hướng tình dục của ông mà thôi. Nói cách khác, tôi sẽ phải hỏi viên giám đốc về những tài liệu quan trọng liên quan đến kinh doanh, và hỏi thư ký của người quá cố về những việc tầm thường hơn.
Hôm nay bà Schelderup có phần cay đắng và căng thẳng, nhưng tôi có thể hiểu được. Bà vui hơn khi tôi nhắc đến bản di chúc và nói bà mong đợi một kết luận nhanh chóng. Bà lưỡng lự giây lát, rồi đồng ý di chúc sẽ được đọc tại Lâu đài Schelderup vào 3 giờ chiều hôm đó.
Giám đốc Hans Herlofsen đang ở văn phòng công ty tại trung tâm thành phố và trả lời ngay hồi chuông thứ hai. Ông ta chẳng quan tâm gì đến những bức thư chưa gửi, chỉ xác nhận rằng mọi tài liệu kinh doanh đều được gửi tới văn phòng ông rất mau lẹ. Tuy vậy, trong vài tuần lễ gần đây không có tài liệu nào quan trọng, và chuyến thư sắp tới không liên quan đến kinh doanh không thuộc phạm vi của ông. Tóm lại, cơ hội ông giúp được tôi là 0%, và ông khuyên tôi nên liên hệ với thư ký của Magdalon
Schelderup.
Tôi hứa làm việc này, nhưng nói thêm tôi cần hỏi ông vài chuyện riêng tư. Một lúc im lặng ở đầu dây bên kia. Lúc đó, tôi đề nghị sẽ đến gặp ông ta tại văn phòng trong thành phố. Ông vội đáp ngay rằng ông sẽ đến đồn cảnh sát gặp tôi, để tránh làm đám nhân viên văn phòng xáo động. Ông hỏi liệu có thể tới vào giờ ăn trưa không, để không bị gián đoạn công việc trong ngày một cách không cần thiết. Tôi đồng ý ngay lập tức và vị giám đốc hứa sẽ tới đồn vào buổi trưa. Rồi ông đặt ống nghe xuống, hấp tấp khác thường.
Chuông điện thoại ở Sørum reo một lúc lâu. Tuy vậy, đến hồi chuông thứ bảy thì Synnøve Jensen cũng nhấc máy, hết cả hơi khiến ngay lập tức tôi hình dung cô chạy từ buồng tắm xuống cầu thang để nhận điện. Lúc đã lấy lại hơi thở, cô nói không biết gì về thư từ mà Magdalon Schelderup định gửi vào ngày thứ Hai. Tuần trước, cô đã viết hai bức thư và cả hai đều là thư chúc mừng đúng chuẩn mực và cô đã gửi đi trong ngày. Nếu ông có thư nào tự viết, thông thường ông để lại trên bàn hoặc trong ngăn kéo.
Ngay lập tức, tôi lọc ra công thức “thông thường ông để lại” và hơi cao giọng hỏi liệu ông có để ở nơi nào khác nếu không muốn để trên bàn hoặc trong ngăn kéo. Giọng cô hình như chậm dần lúc trả lời. Có cảm giác tôi đã đánh trúng một thứ mạnh hơn.
- Khi đó, chúng được khóa trong một cái hộp kim loại mà ông ấy cất ở đây.
Cô gần như thì thào những từ cuối cùng, trước khi thu hết can đảm và tiếp tục bằng giọng to hơn, nhanh hơn.
- Nhưng cho đến bây giờ tôi không mở hộp và cũng không biết bên trong đựng gì, hoặc có thể là cái gì. Ông ấy dặn cái hộp lúc nào cũng phải khóa và không bao giờ được mở, trừ khi ông ấy ở đây, - cô nói thêm, sợ sệt.
Chắc là cô cũng nghĩ như tôi. Mặt khác, lý do đó sắp đổ sụp. Cô nói tiếp sau vài giây im lặng căng thẳng, giọng cô càng tuyệt vọng. - Chúa ơi, tôi mới ngu làm sao. Lẽ ra tôi nên nói đến cái hộp với anh từ hôm qua. Cái chết là một cú sốc. Tôi thực sự không nghĩ ra mình có thể có gì quan trọng trong nhà, mà anh cũng không hỏi…
Tôi hỏi ngay lập tức Magdalon Schelderup đến đó lần cuối là khi nào và ai có chìa khóa hộp. Cô đáp, đầm đìa nước mắt, rằng ông ta đến đó vào hôm thứ Sáu. Theo cô biết chỉ có hai chìa khóa. Một cái ở vòng đeo chìa khóa của ông, cái kia trong tay cô.
Cô đề nghị mở hộp ngay, nếu tôi cần. Thay vào đó, tôi yêu cầu cô ở nhà và không động đến cái hộp cho đến khi tôi tới đó.
III
Mất gần bốn lăm phút tôi mới tới bên ngoài trang trại ở Sørum. Sự trái ngược với Lâu đài Schelderup ở Gulleråsen chắc chắn không phải vì nó rộng lớn hơn. Mảnh đất không lớn hơn dải đất trồng khoai tây trước nhà. Ngôi nhà nhỏ và đang sụt lún. Nom như nó được dựng lên bởi những người vụng về và một người thợ mộc run tay.
Synnøve Jensen vẫn bình thường và thân thiện như trước. Vừa thoáng thấy tôi qua cửa sổ, biết đúng là tôi, cô mở ngay cửa ra vào và tặng tôi nụ cười can đảm. Cô đã pha cà phê và đặt ít bánh ngọt lên bàn trong phòng khách nhỏ. Tầng trệt gồm một căn bếp nhỏ, gần bằng phòng khách. Một cầu thang trông giống thang gấp mười bậc dẫn lên tầng trên, tôi có thể thấy ba cánh cửa, tất cả đều đóng.
Chủ nhân căn nhà huơ tay xung quanh, dường như xin lỗi. - Nhà tôi chẳng có gì đáng khoe. Nhưng đó là tất cả thời thơ ấu của tôi và là của người cha nghèo khổ để lại cho tôi. Tôi nghe mọi người quen biết ông lâu kể lại, trước kia ông là một thợ mộc lành nghề. Nhưng rồi rượu chè làm hỏng ông. Rõ ràng ông đã lấy nguyên vật liệu của một tòa nhà bị
cháy rụi để dựng ngôi nhà này.
Tôi gật đầu thông cảm. Thật khó mà không thương cảm với ngôi nhà nhỏ xập xệ và cô chủ đang mang thai. Nhưng lúc này mọi sự chú ý của tôi đều tập trung vào cái hộp kim loại trên bàn bếp, nhốt kỹ bao điều bí mật.
- Tôi thề chưa đụng vào nó từ lúc anh gọi điện. Nhưng dù sao thì tuần trước tôi đã mở nó nên dấu tay của tôi sẽ còn ở đó, - cô hấp tấp nói thêm. Tôi nhấc cái hộp lên bàn phòng ăn và yêu cầu Synnøve Jensen không nhìn lúc tôi mở. Cô nghiêm trang gật đầu và đưa ngay chìa khóa cho tôi. Bàn tay cô run run lúc tôi chạm vào. Cô kiên quyết ngoảnh đi, mắt nhìn đăm đăm xuống sàn trong lúc tôi mở khóa hộp.
Tôi không biết mình có thật lòng mong tìm thấy một bức thư trong chiếc hộp hay không, nhất là loại thư tôi muốn tìm. Nhưng chắc chắn tôi không lường trước thứ mình sẽ tìm thấy.
Một chồng thư xếp gần đầy hộp.
Có mười bức cả thảy. Tất cả đều niêm phong và đề địa chỉ viết tay. Bức thư trên cùng tôi nhìn thấy ngay lúc mở hộp và sửng sốt thấy đề “Cô Synnøve Jensen”. Bức thứ hai đề “Ông Fredrik Schelderup”. Bức thứ ba để “Ông Leonard Schelderup”; còn bức thứ tư đề “Cô Maria Irene Schelderup”. Tất cả các thư khác tiếp theo thành một chuỗi. Các thư trong hộp đều đề gửi cho mười thực khách có mặt tại bữa tiệc cuối cùng của Magdalon Schelderup.
Sức cám dỗ mở ngay một trong những bức thư đó thật khó cưỡng. Tất cả trông đều giống nhau, nên tôi bắt đầu bằng bức thư trên cùng. Nó chứa các bản sao của hai tài liệu. Một là bản di chúc mà luật sư Edward Rønning đã đọc cho tôi nghe. Bản sao kia là một bức thư rất ngắn gọn như sau:
Gulleråsen, 12 tháng Năm 1969
Xin thông báo với cô, kèm theo đây là một bản sao di chúc của tôi đã công chứng. Đây là quyết định cuối cùng của tôi về nội dung.
Chân thành,
Magdalon Schelderup
Mấy dòng chữ ắt phải nhảy múa trước mắt tôi vài phút. Patricia đã đúng. Magdalon Schelderup đã định gửi một bức thư quan trọng vào ngày thứ Hai, có thể trước hoặc sau khi gặp tôi. Ông ta đã viết tay các bức thư và chuẩn bị mười bản sao giống hệt nhau để gửi đi. Nhưng tôi không thể hiểu hết ý định và mục đích của chúng là gì.
Khi tôi biết được nội dung của bản di chúc, dường như tôi nhìn nhận nó nghiêm túc hơn, có ba người được lợi nhất là hai con trai và tình nhân của Magdalon Schelderup. Căn cứ vào những điều tôi biết, ông ta sợ một người trong bọn có thể cố giết mình ngay khi nhận được thư. Nếu vậy, rất có khả năng ai đó đã chặn ông ta từ trước. Nhất là khi người đó biết nội dung bản di chúc đã ở đây từ ba ngày, trong cái hộp kim loại mà người tình của ông ta có chìa khóa. Cô ta đã thề với tôi là chưa dùng đến nó.
Synnøve Jensen hiển nhiên là một phụ nữ có ý chí mạnh mẽ. Vài phút sau, lúc tôi đóng cái hộp, cô vẫn ngồi ngoảnh mặt đi, mắt nhìn xuống. Cuối cùng, cặp mắt khiếp đảm của cô gặp cái nhìn của tôi qua bàn và các tách cà phê chưa đụng tới. Tôi cảm thấy thương cô nếu cô thực sự không phải là kẻ sát nhân máu lạnh, nhưng tôi ngờ cô chính là kẻ đó. Vì thế tôi không được thương xót, hy vọng là có thể phá được vụ này ngay lập tức và ngay tại chỗ.
- Trong hộp có vài bức thư, bức trên cùng đề gửi cô.
Một ánh long lanh thoáng trong mắt Synnøve Jensen, nhưng cô không ngoảnh đi.
- Tôi thực sự không biết chúng ở đây. Ông ấy yêu cầu tôi không bao giờ được mở hộp nếu không có ông ấy ở đây, và tôi đã làm như ông bảo, - cô nói. Giọng cô nghẹn ngào và không rõ, nhưng đủ to để nghe thấy. Cô nhắc lại lời biện hộ ngắn gọn thêm hai lần nữa, như thể đó là lời tuyên thệ.
Tôi không chắc nó là thật hay không. Nhưng tôi hiểu mình không thể bắt cô thay đổi lời giải thích. Vì thế tôi đề nghị cô kể lại chuyện Magdalon đến đây vào tuần trước.
Lúc đầu cô lắp bắp và sụt sịt, nhưng dần dần cô bắt đầu nói mạch lạc hơn. Sau khi hết giờ làm, ông đề nghị đưa cô về nhà. Trước kia ông đã làm việc này, và hầu như lần nào ông cũng vào trong nhà. Họ tạt vào một hiệu cà phê ở Sørum để ăn tối. Lúc về đến nhà, cô pha cà phê cho ông, nhưng họ lên phòng ngủ, không đợi pha xong. Sau đó, ông xuống dưới vừa mang cà phê lên cho cô vừa mỉm cười. Cô không trông thấy ông để gì vào trong hộp, nhưng ông có chìa khóa riêng và có thể ông cất những bức thư kia vào trước hoặc sau khi ông mang cà phê cho cô. Cô quá mệt và không dậy nổi cho đến lúc ông ra về.
Nghe có vẻ không mấy thuyết phục. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng không thể loại trừ khả năng này. Vì vậy tôi nhanh chóng quyết định mang cái hộp kim loại - chứ không phải Synnøve Jensen - theo mình. Tôi lệnh cho cô phải ở nhà cho đến khi tới Lâu đài Schelderup nghe đọc di chúc vào cuối chiều hôm đó.
Synnøve Jensen ngước nhìn tôi, rõ ràng là hoảng hốt, nhưng ngay lập tức tươi tỉnh lên khi tôi nói sẽ có mặt ở đấy nên cô sẽ an toàn. Trên đường về thành phố, tôi cảm thấy khá chắc Synnøve Jensen sẽ giữ lời và tới buổi đọc di chúc. Bất cứ ý định bỏ trốn nào cũng là lời thú tội rành rành, và cũng khó hình dung cô chạy trốn bằng cách nào. Tuy vậy, tôi cảm thấy khó mà tin chắc vào khả năng có thể cô là kẻ sát nhân. IV
Về tới đồn, việc đầu tiên là tôi kiểm tra những phong bì khác đựng cùng các tài liệu như nhau. Sau đó tôi gửi cả cái hộp kim loại cùng các bức thư đi lấy dấu vân tay kèm chỉ thị là việc khẩn và phải làm xong trước 3 giờ chiều.
Trong các hồ sơ thống kê cũng như báo cáo của cảnh sát không có gì quan trọng liên quan đến những con bạc quyền lực ngoài Magdalena Schelderup năm 1945 bị kết án nộp một ngàn krone tiền phạt và phải ngồi tù hai tháng. Một báo cáo ngắn về lý do: “là thành viên của Nasjonal Sampling (NS) và dính líu với các lực lượng chiếm đóng về tài chính”. Magdalon Schelderup có lý lịch sạch sẽ. Về những vị khách còn lại tại bữa tiệc cuối cùng của Magdalon Schelderup, chỉ có một hồ sơ mỏng về người con trai cả, Fredrik. Anh ta phải nộp phạt hai lần trong những năm 1960 vì lái xe trong khi say rượu và bị thu bằng lái. Lần thứ hai anh ta phải nộp một khoản phạt nặng vì cư xử “rất thiếu tôn trọng” cảnh sát. Anh ta chịu một khoản tiền phạt cố định và từ đó như những gì tôi thấy trong hồ sơ, trở thành người sống có nề nếp hơn hẳn. Tôi ghi nhận có lẽ Fredrik Schelderup có khí chất hơn là tôi đã thấy.
Vì tò mò, tôi kiểm tra luôn hồ sơ về cái chết của người em trai và cha mẹ đã mất của Magdalon Schelderup. Em trai ông ta bị kết án hai lần vì tội gian lận bất thành trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh, và vào thời gian cậu ta chết năm 1946, bị điều tra vì hợp tác nhiều mặt với kẻ thù. Cha mẹ ông ta bị tố giác ăn trộm một số nữ trang năm 1915 và một năm sau bị công ty bảo hiểm kiện vì gian lận tiền bảo hiểm bất thành. Vụ việc liên quan đến món nữ trang quý nhất của mẹ Magdalon Schelderup, theo hồ sơ là một “viên kim cương đỏ đẹp lộng lẫy trên sợi dây chuyền vàng” bị mất trong một vụ trộm, còn tên trộm bị bắt giữ đã chối tội. Tuy vậy, vòng cổ đó không tìm thấy trong nhà Schelderup hoặc ở bất cứ nơi nào khác, và cuối cùng vụ này chìm xuồng.
Tóm lại, tôi không tìm thấy gì liên quan đến cuộc điều tra hiện tại, nhưng ghi lại tiểu sử một gia đình ba chìm bảy nổi.
Về hai thành viên phong trào Kháng chiến bị giết trong chiến tranh, tôi gọi điện cho Petter Johannes Wendelboe trước. Song tôi cảm thấy lần này
không cần thúc ép ông ta vì những cái tên, và rốt cuộc tôi đọc kỹ hồ sơ lưu trữ về các án mạng chưa tìm ra từ năm 1941. Những cuộc giao tranh có vũ trang từ những năm 1940 là việc của quá khứ, cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng chiếm đóng chỉ thực sự trở nên gay gắt trong năm cuối của cuộc chiến.
Tôi nhanh chóng tìm ra hai vụ được nói đến, nhưng không thấy họ có liên quan gì. Những cái tên là Hans Petter Nilsen và Bjørn Varden, tuổi 38 và 28, sống tại Bekkestua ở Bærum, và Grønnegate ở Oslo. Cả hai được tìm thấy bị bắn chết trong phòng ngủ của họ vào buổi sáng, Nilsen vào ngày 12 tháng Năm còn Varden vào mùng 5 tháng Chín. Nilsen sống một mình và được một đồng nghiệp phát hiện ra khi anh ta không đến làm việc. Varden đã kết hôn và vợ anh ta ngủ trong phòng khác với đứa con nhỏ. Trong cả hai vụ đều không tìm thấy dấu vết bạo lực của kẻ sát nhân, được cho là hắn có chìa khóa hoặc vào, ra qua cửa sổ mở. Sự việc là cả hai nạn nhân bị bắn bởi cùng một thứ vũ khí - một khẩu súng lục Walther cỡ nòng 9x19 ly do Đức sản xuất, càng củng cố giả thuyết kẻ giết họ là một người. Vụ án khép lại vào mùa xuân năm 1943 vì thiếu bằng chứng và cũng không có gì cho thấy có thể làm sáng tỏ vụ việc. Một đơn kiện của vợ Bjørn Varden đệ trình năm 1949 không nhận được phản hồi, là tài liệu duy nhất từ sau chiến tranh. Từ “đã chết” bằng mực đỏ viết chéo trên cả hai hồ sơ.
Hồ sơ liên quan đến cái chết của Ole Kristian Wiig vào Ngày Giải phóng năm 1945 có phần dày hơn. Một giấy chứng tử xác nhận Wiig chết vì hai viên đạn bắn vào đầu. Có cả lời khai của hai cảnh sát tại hiện trường gây án, cả hai đều nói họ đang đứng bên ngoài ngôi nhà thì bất chợt nghe thấy tiếng súng ở tầng thứ nhất.
Họ trông thấy Magdalon Schelderup ở cửa sổ, ra hiệu cho họ chạy lên. Họ lao lên cầu thang và tìm thấy Wiig chết trên sàn, trong phòng làm việc của tên Đức Quốc xã. Cách đó vài bước, một thành viên trẻ của phong trào
Kháng chiến đứng chết sững, khẩu súng trong tay. Lúc họ bước vào phòng, Magdalon Schelderup đã tước súng khỏi tay cậu ta rồi tuyên bố mình đã chứng kiến vụ giết người. Arild Bratberg rõ ràng quá hoảng loạn, đã cho lời khai ngay lập tức và ngay tại chỗ, rồi bị bắt giữ tại hiện trường.
Bản khai viết tay của Magdalon Schelderup là một bản giải trình chính xác về hiện trường gây án. Bratberg hình như bị trầm cảm, suốt ngày lo âu và bất chợt bắn Wiig không hề báo trước. Schelderup bổ sung một câu khá buồn ở cuối rằng Bratberg rõ ràng bị rối loạn tâm thần, lẽ ra Schelderup và những người khác trong nhóm nên nhận ra sớm hơn. Khẩu súng của Bratberg có dấu vân tay của cậu ta và của Schelderup là điều hoàn toàn bình thường vì Schelderup đã tước súng từ tay Bratberg.
Bản khai viết tay của Bratberg dài cả một chương. Tôi không biết nên cười hay khóc khi đọc nó. Theo Arild Bratberg, lúc cậu ta bước vào phòng thấy Wiig và Schelderup đang cãi nhau, Wiig giận dữ khua một tờ giấy vào mặt Schelderup. Schelderup đột nhiên lao tới Bratberg, vồ lấy súng của cậu ta và bắn Wiig. Rồi Schelderup mở cửa sổ vẫy ai đó. Sau đó, Schelderup vừa huýt sáo vừa bình tĩnh đi vòng quanh bàn, ve vẩy khẩu súng trong tay và hát bài được nhiều người yêu thích Mỗi ngày qua càng tốt đẹp hơn. Khi Bratberg hốt hoảng nói Wiig đã bị bắn trúng, Schelderup đáp lại: “Phải, nhưng chẳng có gì lạ; hơn nữa ngoài kia đang diễn ra chiến tranh kìa!” Anh ta bình luận như thể một người ngã xuống vào lúc đầu giờ chiều chẳng có gì khác thường, và nói thêm với một nụ cười: “Hơn nữa, đây chỉ là súng đồ chơi thôi. Cậu thử mà xem!” Schelderup đưa súng cho Bratberg và chỉ chộp lấy nó khi hai cảnh sát bước vào phòng. Trả lời câu hỏi then chốt là tờ giấy mà cậu khẳng định đã trông thấy ấy đâu, Bratberg khai Schelderup đã nuốt nó trước khi cảnh sát vào.
Tôi đã từng đọc nhiều lời khai lạ lùng, nhưng đây là bản lộn xộn và kinh khủng nhất. Chuyên gia tâm thần được tòa án chỉ định đã tuyên bố Arild
Bratberg thần kinh không ổn định và cậu bị tuyên án giam giữ không thời hạn. Theo tài liệu đính kèm sau này, Bratberg bị giam cầm tại một khu kín trong nhà tù đến năm 1954, sau đó được chuyển tới bệnh viện tâm thần ở Gaustad. Cậu được phóng thích để quản chế năm 1960, nhưng lại bị cách ly vì bệnh tái phát vào những năm 1962, 1964, 1965 và 1967. Chân dung một người thần kinh ốm yếu phạm phải một tội ác bi thảm và vô nghĩa đủ rõ ràng. Chẳng có gì khó hiểu vì sao vụ này lại có ảnh hưởng tàn phá đến chị gái của Ole Kristian Wiig và gia đình bà đến thế. Nhưng tôi thấy khó tìm ra mối liên quan đến cái chết của Magdalon Schelderup.
V
Hans Herlofsen rất đúng giờ và tới vào buổi trưa như đã hẹn. Ông ta ăn vận chỉnh tề và căng thẳng trông thấy, ông gật đầu cảm kích lúc tôi đóng cửa văn phòng lại sau lưng ông.
Tôi mở đầu bằng câu hỏi thông thường về việc ông tới Lâu đài Schelderup vào chiều hôm đó như thế nào. Herlofsen đáp như thường lệ, ông lái xe riêng đến một mình nhưng hơi do dự khi tôi hỏi là xe nào. Ông gật đầu miễn cưỡng khi tôi hỏi có phải chiếc Peugeot màu xanh lơ là của ông không. Tôi cảm thấy đã thân thiện hơn. Lợi dụng cơ hội, tôi thử bắt nọn:
- Trong mấy năm đầu sau chiến tranh, quan hệ của ông với Schelderup tốt đẹp lắm phải không? Nhưng sau đó đã xảy ra chuyện và tôi nghĩ ông nên giải thích chi tiết hơn…
Tôi sẵn sàng đợi một phản ứng gay gắt, nhưng điều đó không xảy ra. Tuy nhiên, rõ ràng tôi đã đánh trúng đích. Hans Herlofsen bắt đầu run và gần như ngồi lún sâu vào trong ghế. Ông ta ngả người ra sau một lát, trước khi bắt đầu nói bằng giọng run run:
- Tôi mong anh hiểu cho, phải khó khăn lắm tôi mới nói ra chuyện này. Tôi sẽ nói thật, nhưng cầu xin anh đừng để mọi người biết đến, trừ khi
chứng tỏ có dính dáng đến vụ giết người. Tôi có thể bảo đảm 100% với anh rằng nó không liên quan gì, - ông ta vội vàng nói thêm.
Tôi sốt ruột xua tay giục ông ta tiếp tục, nhưng cũng gật đầu thông cảm. - Số phận thật trớ trêu vì suốt đời tôi chăm sóc hình ảnh cho người khác, lại không thể chăm sóc cho chính mình. Có một năm trong cuộc đời mà tôi không thể lý giải rõ ràng. Năm đó, bắt đầu từ ngày 12 tháng Hai 1948 tôi về nhà ở Lysaker, thấy vợ nằm chết trên sofa cùng đứa con trai lên hai trong tay. Và nó kết thúc vào ngày 14 tháng Hai 1949, khi tôi gặp Magdalon Schelderup vô cùng tức giận trong văn phòng và buộc tội tôi đã biển thủ của công ty 107.123 krone. Tôi nhớ rất ít về giai đoạn xen giữa. Tôi nhớ mình đã gửi con trai cho chị của vợ, rồi bắt đầu uống rượu một mình và đánh bạc vào các ngày nghỉ cuối tuần và hầu hết các buổi tối. Tôi không có cách giải thích nào khác, ngoài việc cho rằng đó là vì quá đỗi đau buồn, có lẽ được kết hợp với phản ứng chậm trễ trước những sự việc khủng khiếp của chiến tranh. Dù gì đi nữa, tôi vẫn không thể giải thích làm thế nào tôi lại đánh mất một khoản tiền lớn đến thế, dẫu tôi có cá độ nhiều con ngựa và đánh bạc bất cứ khi nào có dịp. Trên thực tế, tôi có thể làm bất kỳ việc không tưởng nào nhưng lừa đảo Magdalon Schelderup thì thật không thể nào lý giải nổi.
Tôi gật đầu nhất trí. Từ những điều nghe được về Magdalon Schelderup, ông ta đâu phải người để người khác dám lường gạt. - Nhưng có lẽ ông nhớ chuyện xảy ra vào ngày 14 tháng Hai 1949? Hans Herlofsen gật đầu và nuốt khan.
- Phải, và thật không may là nhớ rất rõ. Magdalon giận bầm gan tím ruột theo cách bình tĩnh đặc biệt của ông ấy, mỗi khi ông ấy bị mất tiền hay cảm thấy bị người khác lừa đảo. Ông ấy nói sẽ gọi điện cho cảnh sát, trừ khi tôi có thể đặt tiền lên bàn cùng tiền lãi trong ngày làm việc. Tôi thú nhận là tôi đã uống rượu hoặc chơi bạc hết rồi. Sau đó tôi quỳ gối trước
bàn của ông ấy, khóc nức nở và van xin ông ấy thương tình đứa trẻ mất mẹ mà tha thứ cho tôi. Tôi hứa sẽ trả ông ấy từng krone cùng tiền lãi tính theo thời gian. Tôi giải thích rằng tài sản của tôi chỉ bằng một phần mười tổng số và tôi sẽ không thể kiếm tiền nếu tôi bị quy tội lừa đảo. Magdalon không nói có hoặc không, chỉ bảo hãy cút khỏi tầm nhìn của ông ấy. Ông ấy nói thêm rằng tôi có thể bò ra cũng không sao. Thế là tôi làm theo. Tôi bò bằng hai tay và đầu gối ra khỏi văn phòng Magdalon và không đứng dậy, cho đến lúc suýt vướng vào chân vợ ông ấy.
Rõ ràng nhắc đến hồi ức này thật vô cùng khó chịu và đau khổ. Hans Herlofsen lau mồ hôi trên trán và ngừng trong giây lát trước khi nói tiếp.
- Tôi chẳng thể làm bất cứ việc gì trên đời, nên tôi trở lại văn phòng của mình và làm việc cật lực, hết mức có thể. Tôi đợi cảnh sát gõ cửa suốt cả ngày. Cuối cùng, vào cuối buổi chiều, chính Magdalon bước vào, không gõ cửa. Ông để hai tài liệu viết tay lên bàn, trước mặt tôi. Một là bản thú nhận tội lừa đảo. Cái kia là giao kèo, tôi xác nhận nợ ông ta 95.000 krone, trong đó 87.123 krone là “nợ chưa trả” và 7.877 krone là “lãi chưa trả”. Tổng số tiền phải hoàn trả với lãi suất 10%, mỗi năm nộp 10.000 krone. Ngôi nhà và toàn bộ tài sản của tôi dùng làm vật thế chấp phòng khi xảy ra sự cố trong khi trả nợ. Tôi được cho nửa phút để ký hoặc ông ấy sẽ gọi cảnh sát. Tôi ký, và ông ấy cầm cả hai tài liệu rời khỏi văn phòng. Từ đó tôi không bao giờ thấy chúng lần nữa, nhưng tôi ý thức được sự tồn tại của chúng từng ngày trong đời. Năm này tiếp năm khác trôi qua, chúng tôi chưa từng nhắc đến sự việc ấy một cách trực tiếp. Tôi trở thành nô lệ của ông ta, tôi phải tiếp tục làm việc với bất cứ mức lương nào do ông ấy quyết định, ông ấy có thể không bao giờ trả lời tôi, nhổ đờm vào mặt tôi cũng không sao. Đời tôi là một cuộc lao động khổ sai vô tận, là cuộc vật lộn không bao giờ kết thúc để trả nợ vào ngày 31 tháng Mười hai mỗi năm. Năm 1964, tôi đã
phải đem cầm cố món nữ trang cuối cùng của vợ tôi để trả nợ. Đầu tôi quay cuồng. Tình huống đủ dễ hiểu, nhưng chưa đủ chiều sâu. Trong số mười thực khách của Magdalon Schelderup, có nhiều số phận bi thảm với động cơ để giết người.
- Nhưng tôi đã cố dành dụm từng xu cho mỗi lần trả nợ. Từ ngày 14 tháng Hai 1949, tôi không động đến một giọt rượu hoặc mon men đến nơi cá độ. Tôi cố che giấu toàn bộ sự việc với mọi người, kể cả con trai tôi. Nó cho là tôi quá ư tằn tiện với chi tiêu hằng ngày và tôi có nhiều tiền gửi nhà băng. Tôi kể với hàng xóm là tôi phải cẩn trọng với tiền nong và hài lòng với chiếc ô tô mình có. Nhưng thực ra, tôi chỉ có thể mua một chiếc xe đạp mới.
- Ra vậy, 95.000 krone cộng với 10% lãi suất mỗi năm, hằng năm phải trả 10.000 krone từ năm 1949, còn lại…
Herlofsen ủ rũ gật đầu.
- Tôi e rằng vẫn còn tồn đọng 66.361 krone. Theo pháp luật, tội của tôi hiện giờ là thời gian ngồi tù, vì thế không dám liều báo cảnh sát. Nhưng tôi vẫn mắc nợ gia đình Schelderup. Nếu vụ việc tham ô của tôi bị vỡ lở, tôi không còn cơ hội kiếm được việc làm khác. Tôi đã để dành gần đủ khoản thanh toán năm nay và có 8.212 krone trong nhà băng. Nhưng ngoài số đó ra, tôi chẳng còn gì nữa, cho nên nếu họ nghe phong thanh về khoản nợ của tôi và đòi tôi phải trả ngay, tôi sẽ mất nhà và toàn bộ tài sản, gia đình con trai tôi và tôi sẽ một lần nữa phải ra đường. Bộ com lê của tôi là thứ đánh lừa: tôi cũng có thể buộc phải bán nó. Tuy vậy, điều tệ hại nhất vẫn là nỗi nhục nhã và đau đớn gây ra cho con trai tôi.
Hans Herlofsen nhìn tôi, vẻ đau buồn hiện rõ trên mặt và nói thêm: - Tôi đoán chuyện đó sẽ xảy ra bây giờ.
Tôi thử an ủi viên giám đốc khốn khổ nhưng không dễ gì. Ông ta nói không biết bản thú tội và giấy ghi nợ hiện ở đâu, hoặc ai có thể biết về
"""