" Người Tù Thế Kỷ - Nelson Mandela PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Tù Thế Kỷ - Nelson Mandela PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo THÔNG TIN EBOOK Tên sách Người tù thế kỷ Tác giả Nelson Mandela —★— MỤC LỤC Người tù thế kỷ Lời nói đầu Tôi không phải là ông thánh Từ mục đồng trở thành nhà lãnh đạo Những năm tháng gian khổ Những tháng năm lưu đày Tự do Lời nói đầu Báo giới nhiều nước trên thế giới gọi ông là “Người tù thế kỷ”. Tên ông là NELSON MANDELA. Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi, chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi của Nam Phi (ANC). Ông là vị tổng thống người da đen đầu tiên của nhà nước ở cực nam châu Phi. NELSON MANDELA bị chính quyền phân biệt chủng tộc tệ hại nhất trong lịch sử nước này nói riêng, ở châu Phi và thế giới nói chung, bắt khi đang lãnh đạo đội quân vũ trang của ANC chống lại kẻ thù của các dân tộc trên vùng đất đau thương từng phải sống hơn 300 năm dưới chế độ Apartheid tàn bạo. Ông bị kết án tù chung thân và bị đày ra đảo Robben Island trên biển Đại Tây Dương suốt hơn hai thập niên. Từ trong nhà tù, NELSON MANDELA viết hồi ký về đời hoạt động của mình, về những cuộc chiến đấu của các chiến sĩ ANC và của các tầng lớp nhân dân bị áp bức Nam Phi mà ông là vị chỉ huy tối cao. Những trang gọi là hồi ký này trong thực tế là những bài học kinh nghiệm xương máu mà NELSON MANDELA và các đồng chí của ông mong muốn chuyển tận tay các chiến sĩ kiên cường trên tất cả các mặt trận chống lại kẻ thù. Những trang viết tâm huyết ấy đã vượt biển từ đảo Robben Island đến với đồng chí và chiến sĩ của ông trên đất liền, đến các Ban lãnh đạo ANC từ cơ sở đến trung ương, trong và ngoài nước, các đơn vị vũ trang luôn chắc tay súng trong trận chiến đấu không cân sức... và đã trở thành vũ khí sắc bén của ANC trong suốt hơn hai thập niên. Những dòng cuối cùng của tập hồi ký này được ông viết sau khi ANC giành thắng lợi với đa số tuyệt đối trong cuộc tuyển cử dân chủ theo chế độ phổ thông đầu phiếu đầu tiên trong lịch sử nước Nam Phi. Cuộc bầu cử này đã đưa NELSON MANDELA lên vị trí nguyên thủ của nhà nước Nam Phi mới. Hồi ký của NELSON MANDELA chia thành II phần, tuần tự từ buổi thiếu thời đến tuổi trưởng thành rồi đi theo “con đường tất yếu” của người chiến sĩ chiến đấu cho tự do và phẩm giá của con người. NELSON MANDELA gọi hơn 60 năm chiến đấu của ông là “con đường trường chinh dẫn đến tự do” và câu kết luận cuối cùng của tập hồi ký này khẳng định rằng “con đường dài ấy chưa kết thúc”. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của NELSON MANDELA (18.7.1918 - 18.7.1998), chúng tôi biên dịch cuốn hồi ký này và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, cuốn hồi ký được chia thành bốn phần lớn nhưng vẫn giữ được tính liên tục của các sự kiện, đồng thời bảo đảm tính trung thực và khách quan, chỉ lược bỏ bớt một số chi tiết cụ thể. Cuốn hồi ký của NELSON MANDELA đã được xuất bản ở nhiều nước và được bạn đọc hưởng ứng nồng nhiệt. Theo bình luận của nhiều tờ báo lớn ở phương Tây thì “Hồi ký của Nelson Mandela không chỉ nói về cuộc đời của một trong những nhân vật chính trị xuất sắc nhất của nửa sau thế kỷ 20 mà còn là một tác phẩm văn học đượm chất trữ tình... Nhiều người trên thế giới coi Nelson Mandela là một trong ít người nổi tiếng nhất thế giới còn sống. Hồi ký và những trang viết của ông thể hiện khá sắc nét điều bình thường đến giản dị và chính điều đó đã nâng ông thành “con người vĩ đại bình dân” với những kiến thức uyên bác của một nhà hàn lâm, là cơ sở đảm bảo cho sự hòa giải dân tộc, tránh được cuộc nội chiến đẫm máu cho các màu da, sắc tộc trên mảnh đất đầu đau thương nhưng hết sức kiên cường này. Hồi ký của Nelson Mandela là một bài thơ, một trường ca mà người đọc không thể dừng lại giữa chừng. Không một trang nào là người đọc hờ hững”. TS. Trần Nhu KTôi không phải là ông thánh ỷ niệm ngày sinh trong nhà tù trên đảo Robben Island là việc hết sức khó khăn. Thay cho bánh ngọt, quà tặng người tù chúng tôi gom suất ăn lại ăn chung. “Đứa con sinh nhật” được nhận thêm một lát bánh mì và một tách cà phê. Ngày sinh lần thứ 50 của tôi - ngày 18.6.1968 - trôi qua trong yên lặng, không xảy ra việc gì lớn. Nhưng năm 1975, khi tôi 57 tuồi, hai bạn chiến đấu cùng ngồi tù là Walter Sisulu và Ahmed Kathrada đến với bản kế hoạch làm thế nào để kỷ niệm ngày sinh lần thứ 60 của tôi trở thành một sự kiện có ý nghĩa. Hai anh đề nghị tôi viết hồi ký về những năm tháng đấu tranh của ANC và của tôi. Thời điểm lý tưởng cho việc xuất bản hồi ký này sẽ vào dịp sinh nhật lần thứ 60 của tôi. Anh Walter nói rằng một câu chuyện như vậy khi được kể lại trung thực và minh bạch sẽ nhắc nhở mọi người vì sao chúng tôi đã và đang chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cao cả ấy. Anh nói thêm rằng hồi ký của tôi về giai đoạn trước khi tôi bị tống ngục năm 1964 và những năm trong lao tù sẽ là nguồn động viên to lớn cho các chiến sĩ trẻ đang ngày càng gia nhập đông hơn, trực tiếp cầm súng trong cuộc chiến đấu vẻ vang này. Tôi nhận thấy đề tài rất hấp dẫn và nhanh chóng bắt tay vào công việc. Tôi viết phần lớn vào ban đêm. Trong một hai tuần đầu, sau bữa ăn tối, tôi chợp mắt một lúc và vào lúc 22 giờ tôi dậy và viết cho đến sáng sớm hôm sau và cứ thế ngày nào cũng như ngày nào, thực hiện nhiệm vụ của mình theo giờ quy định. Cuối cùng tôi báo cho cai ngục rằng mình không được khỏe và không thể tiếp tục công việc khổ sai ở mỏ đá. Điều này dường như không làm cho họ quan tâm và từ ngày đó tôi có thể ngủ suốt ngày. Để hoàn thiện bản thảo chúng tôi lập một dây chuyền. Hằng ngày tôi nộp những trang viết cho Kathy. Anh ấy đọc qua một lần, sau đó chuyển cho Walter đọc. Những ý kiến bổ sung của hai anh được ghi ra lề. Một bạn tù khác nhận toàn bộ bản thảo sau khi đã được bổ sung và viết lại bằng loại chữ cực nhỏ ngay trong đêm. Bạn tù này viết chữ nhỏ đến nổi 10 trang bảo thảo của tôi chỉ đủ một trang của anh. Người chịu trách nhiệm chuyển bản thảo ra khỏi nhà tù là anh Mac Maharaj, cũng là tù nhân như chúng tôi. Bọn gác ngục dường như nghi ngờ hoạt động của chúng tôi. Một lần chúng hỏi Mac: “Mandela đang làm việc gì thế? Vì sao ông ta thức suốt đêm vậy?”. Mac chỉ lắc vai và nói thêm rằng tôi là một sinh viên cần mẫn. Hồi ấy người tù được phép học hàm thụ đại học. Trong những đêm ấy, khi ngồi một mình trong sự im lặng tuyệt đối, hình ảnh những cuộc chiến đấu sôi động thời thanh xuân bùng lên dữ dội trong trái tim tôi. Đáng nhớ nhất là khi tôi tới Johannesburg, đến trụ sở African Natoional Congress, Đại hội Dân tộc Phi, tổ chức giải phóng của chúng tôi, sau đó là cảnh hoãn đi hoãn lại phiên tòa xử “tội phản quốc nghiêm trọng”, rồi hình ảnh tôi bị đày ra đảo Robben Island... cảm động và pha chút sợ hãi, tôi lần lượt đưa lên những trang giấy một cách trung thực tất cả những gì đã xảy ra. Mac giấu những trang viết cực nhỏ vào những cuốn nhật ký bìa cứng. Năm 1976, khi anh được trả tự do, anh đã mang được toàn bộ bản thảo ra ngoài một cách an toàn. Như đã thỏa thuận ngầm, Mac sẽ thông báo cho chúng tôi một khi bản thảo trao tận tay những người tin cậy. Chúng tôi chỉ hủy 500 trang bản thảo khi biết được tài liệu đã được trao vào những bàn tay tin cậy. Cho đến khi nhận được thông tin ấy chúng tôi vẫn phải bảo quản 500 trang viết kia bằng mọi cách. Khả năng duy nhất an toàn là cho vào ba ống nhựa và chôn xuống đất cạnh tường rào trong khu nhà tù. Vài tuần sau, sau khi tù nhân ngủ dậy, tôi bỗng nghe thấy tiếng động trong sân nhà tù mà tôi nhận ngay là tiếng cuốc xẻng đang đào. Khi chúng tôi được phép rời xà lim xuống nơi rửa mặt, tôi đi về phía hành lang trước và từ đó có thể nhìn rõ góc sân người ta đang đào bới. Một nhóm bạn tù được giao công việc đào móng xây một bức tường mới, ngay nơi chúng tôi chôn giấu bản thảo. Buổi chiều khi từ mỏ đá trở về tôi nhận ra ngay lập tức móng tường đào trúng vào vị trí giấu bản thảo. Tinh mơ sáng hôm sau tôi bị gọi lên văn phòng của phó cai tù. Bên cạnh ông ta là một viên chức từ Pretoria. Chẳng chào hỏi gì, viên phó cai ngục lớn tiếng: “Mandela, chúng tôi đã tìm thấy bản thảo của ông”. Ngay sau đó cả Walter, Kathy bị quy tội là lạm dụng việc học hàm thụ để viết tài liệu kích động gửi ra ngoài chống chính quyền. Ngay lập tức chúng tôi bị tước quyền học hàm thụ vô thời hạn. Bản thảo được chuyển ra ngoài đã theo hành trình qua London, sau đó trở về Lusake, nơi đóng trụ sở của ANC vốn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Nam Phi. Thế nhưng chừng nào tôi còn ngồi tù thì tài liệu không được công bố rộng rãi. Những gì tôi viết hồi đó là xương sống của tập hồi ký được xuất bản sau này. *** Cha tôi đặt cho tôi cái tên Rolihlahla, có nghĩa là “kéo cành cây”. Nhưng ngôn ngữ thông dụng dân dã có nghĩa là “kẻ gây rối”. Tôi sinh ngày 18.7.1918 tại Mvezo, một làng ở quận Umtata, thủ phủ bang Transkei. Đó là quê hương xứ sở của bộ tộc Thembu - bộ tộc của tôi - và là một nhánh của dân tộc Xhose. Cha tôi, Gadle Henry Mphakanyiswa, là tù trưởng do sắc phong của vua Thembu, đứng đầu vùng Mvezo. Nhưng vào thời Nam Phi trở thành thuộc địa của Anh việc tấn phong phải được chính quyền thuộc địa phê chuẩn. Được chấp thuận là tộc trưởng, cha tôi được hưởng một khoản lương trích từ nguồn thu thuế trong vùng. Cha tôi không biết đọc mà cũng chẳng biết viết, nhưng ông là một nhà hùng biện. Với thần dân ông như người thầy, người bạn. Ông là cố vấn của người cái quản dân tộc này. Tôi được thay thế cha vào vị trí đó khi trưởng thành. Tôi được nghe kể lại là cha tôi có 4 vợ. Bốn bà có “tước” riêng: Bà lớn, cánh tay phải, cánh tay trái và Iqadi. Mỗi bà đều có trang trại chăn nuôi riêng, nhà riêng và nông trại sản xuất riêng. Trang trại của các bà cách nhau 4 dặm. Cha tôi di chuyển trên trục “tứ giác” này. Ông có 13 con, 9 gái, 4 trai. Tôi là con trai út của ông. Khi tôi mới lọt lòng, cha tôi bị chính quyền do người da trắng đứng đầu gây rắc rối chỉ vì một con bò. Sự rắc rối này làm ông mất chức tù trưởng. Cùng với việc mất chức đồng thời ông mất hết tài sản. Sau đó mẹ tôi ẵm tôi đến một làng nhỏ có tên là Qunu. Ở đó dân sống trong những túp lều như tổ ong, vách đất, cửa tò vò. Nền nhà là đất tơi của các tổ mối, kiến, được trát nhẵn. Bắp, các loại đậu, bí ngô là nguồn lương thực chính của bộ tộc. Chẳng phải bộ tộc tôi thích những thứ đó mà là vì không kiếm đâu ra thực phẩm và lương thực quý hơn, giàu dinh dưỡng hơn. Vì họ không có tiền. Qunu là “làng của đàn bà và trẻ con”. Toàn bộ đàn ông đi làm thuê xa xứ - phần lớn ở các mỏ kéo dài phía nam sườn thành phố Johannesburg. Mỗi năm họ chỉ về quê hai lần trong mùa làm đất. Gieo cấy, trồng tỉa và thu hoạch mùa màng là việc của đàn bà. Khi tôi lên 5 thì trở thành mục đồng chăn cừu và bò. Tôi học được mối quan hệ giữa người của bộ tộc Xhosa với gia súc. Chúng không chỉ là nguồn thực phẩm quý báu cho con người mà còn lá mối quan hệ linh thiêng, là nguồn hạnh phúc cho con người. Ở đó tôi cũng học được cách dùng “súng cao su” bắn chim, cách lấy mật ong rừng, hái cây và đào củ rừng, vắt sữa bò, học bơi và học câu cá thành thạo. Cuộc đời tôi đều tuân theo khuôn phép của lệ làng, phép vua và bao nhiêu cấm kị. Đó là sự đảm bảo cho sự tồn tại của mình mà không ai hỏi vì sao. Đàn ông theo con đường của người cha, đàn bà theo con đường của mẹ. Tôi quan sát tất cả tập tục đó và tuân thủ như nghĩa vụ của mình. Ở Qunu chỉ có vài ba gia đình da trắng. Hiển nhiên chính quyền địa phương do người da trắng nắm giữ. Kế đến là chủ cửa hàng. Thỉnh thoảng xuất hiện những người da trắng lạ. Họ là khách du lịch hoặc cảnh sát từ quận, bang xuống. Họ xuất hiện trước mắt tôi như những vị chúa. Hồi đó tôi nghĩ họ vừa đáng kính vừa đáng sợ. Cha tôi quen thân với những người đứng đầu bộ tộc Amamfengu, những người Nam Phi đầu tiên theo đạo Thiên chúa. Ông đã gửi tôi đến nhà thờ Thiên chúa để được ban phước và rửa tội, sau đó được đến trường học. Còn ông thì giữ cự ly với đạo của Đức chúa trời. Lòng tin của ông đã dành trọn cho Hồn thiêng của bộ tộc Xhosa. Không một thành viên nào của gia đình tôi được đi học. Khi được bảy tuổi rưỡi và vào ngày đến trường, cha tôi nắm tay dắt đi và Người nói đến trường phải ăn bận tươm tất. Cho đến lúc ấy cũng như mọi đứa trẻ Qunu, tôi chỉ có cái khố vải thô trên người. Cha tôi lấy cái quần cũ của ông cắt ống ngắn lại và lệnh cho tôi mặc vào người. Chiều dài vừa phải nhưng quá rộng đối với cơ thể nhỏ bé của đứa trẻ 7 tuổi. Ông dùng một sợi dây và thắt bụng tôi chặt lại. Trông tôi lúc ấy hẳn là nực cười lắm. Thế nhưng không có một bộ quần áo, lễ phục nào trong đời mình làm cho tôi tự hào như cái quần cha tôi tặng ngày khai trường hồi ấy! Ngày học đầu tiên, cô giáo da trắng Mdingane tuyên bố từ lúc ấy mỗi học trò da đen đều có một tên Anh riêng ở trường. Người da trắng không thích và không muốn gọi người da đen bằng tên thổ ngữ của họ, vì như vậy không văn minh! Cô giáo cho tôi cái tên mà tôi giữ cho đến hôm nay: Nelson Mandela. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu tên đó có nghĩa gì và vì sao cô giáo cho tôi tên đó. ẳ Một năm sau cha tôi qua đời. Ông chết do bệnh phổi. Nhưng chẳng ai biết nguyên nhân chính xác của cái chết ấy. Nhưng điều ai cũng biết chắc chắn là trong suốt cuộc đời mình, chưa khi nào cha tôi đến khám bệnh ở bất cứ bác sĩ nào. Mẹ tôi là vợ trẻ nhất của cha tôi. Tên bà là Nodayimani, là người chăm sóc cha tôi trong những ngày cuối cùng của ông. Trong đêm khuya ông ra lệnh “Đưa thuốc rê cho tôi!”. Mẹ tôi cho rằng không thể đưa thuốc rê cho người bệnh trong cơn đau nặng. Nhưng với tất cả sức lực còn lại, ông đòi phải có thuốc. Và ông đã hút suốt một giờ liền. Sau khi hạ tẩu là ông tắt thở. Tôi không còn nhớ cái tang ấy có gây đau đớn lớn cho mình không. Điều tôi không thể nào quên là cảm giác của sự chia ly quá kinh hoàng. Đã đành mẹ tôi là người nuôi dưỡng tôi lớn lên, nhưng người cha là hình ảnh của tôi, là bóng dáng của tôi. Sự qua đời của ông đã làm thay đổi đời tôi. Sau lễ tang ít lâu mẹ tôi nói chúng tôi phải rời Qunu. Tôi không hỏi bà vì sao, và đi đâu bây giờ. Chúng tôi ra đi bằng đôi chân trần trong im lặng, lên động xuống đèo, qua nhiều làng xóm. Chiều tà, chúng tôi đến một thung lũng bên dòng suối. Trước mắt chúng tôi là một làng đẹp. Ngay giữa làng, từ trên cao, là một ngôi biệt thự xinh đẹp và từ độ cao ấy người chủ có thể phóng tầm nhìn bao quát cả làng. Biệt thự mới đẹp làm sao. Tôi chưa hề thấy một cái nhà nào đẹp hơn thế. Tất cả tắm trong màu trắng và chói lòa trước ánh nắng mặt trời. Đó là biệt thự của tù trưởng Jongintaba Dalyndiebo, người đang được giao quyền lãnh đạo dân tộc Thembu. Ông người nhỏ nhắn, ăn mặc chỉnh tề, đẹp, nhanh nhẹn và tự tin. Nhìn ông, ta thấy toát ra sức mạnh quyền lực. Cái tên thật phù hợp với vị trí của ông. Jongintaba có nghĩa là “Một con người ngắm núi”. Sau khi cha tôi qua đời, Jongintaba đề nghị được nuôi dưỡng tôi. Ông coi tôi như con và tôi được hưởng mọi thứ như con đẻ ông được hưởng. Mẹ tôi không có sự lựa chọn nào khác trước lời yêu cầu quá hậu này. Cho dù phải xa tôi nhưng bà vẫn rất vui trước hoàn cảnh mới tốt đẹp của tôi. Tôi nhanh chóng cảm thấy hạnh phúc trong thế giới mới này. Tôi được đi học, học tiếng Anh, học tiếng Ahosa của bộ tộc tôi, lịch sử, địa lý. Ở đó sáng chủ nhật nào tôi cũng đến nhà thờ với các con ông chủ. Quan điểm về sự lãnh đạo sau này là do ảnh hưởng quan trọng từ những quan sát trong thời gian tôi sống với vị tộc trưởng này. Tôi thường xuyên dự các buổi họp mặt của các thành viên dưới quyền ông, tôi học cách triệu tập của ông. Ai cũng có quyền phát biểu nếu muốn. Ai cũng được nghe một cách chăm chú, bất kể người đó là tộc trưởng hay người dân, chiến binh hay thầy thuốc, chủ cửa hàng hay chủ nông trại, công nhân hay nông dân. Không ai ngắt lời họ và cuộc khai hội như vậy kéo dài 4 giờ liền. Lúc đầu tôi hết sức ngạc nhiên trước những sự căng thẳng thể hiện qua giọng nói và tôi cũng ngạc nhiên hết sức khi mọi người đều nói thẳng, công khai ý kiến của mình, kể cả việc phê phán tộc trưởng. Bất chấp lời phê phán với giọng nhiều khi gay gắt, vị tộc trưởng đã kiên nhẫn và bình thản nghe không sót một lời mà không bào chữa, và cũng không hề tỏ ra bực dọc trên khuôn mặt và cử chỉ. Những cuộc khai hội như thế kéo dài cho tới khi người ta tìm được một mẫu số chung. Những cuộc khai hội chỉ có thể tạo được sự nhất trí hoặc không, không có sự áp đặt hay thỏa hiệp để đạt được thống nhất. Người kiên nhẫn khác thường trong khi chờ đợi tìm được giải pháp tốt nhất. Một quyết định đưa ra do tập thể và được tất cả chấp hành. Không có sự áp đặt của một đa số lên tất cả. Thiểu số không thể bị đa số áp chế. Chỉ khi cuối cuộc họp, khi mặt trời xuống núi, tộc trưởng phát biểu một lần nữa và tổng kết ý kiến các diễn giả đã phát biểu. Tôi nhớ mãi khi lần đầu tiên nghe “nhà lãnh đạo” bộ tộc nói: “Một người lãnh đạo giống như một mục đồng. Anh ta bao giờ cũng đứng đàng sau đàn cừu để cho con đầu đàn tiến lên và những con khác tiến theo mà không hề nhận ra là có người lái ở phía sau”. Lên 16 tuổi tù trưởng quyết định đã đến lúc tôi trở thành người đàn ông thực thụ. Theo truyền thống của bộ tộc Xhosa thì phương tiện duy nhất là cắt da quy đầu. Một người đàn ông không làm việc đó thì không đủ tư cách tiếp nhận những gì tinh hoa của người cha truyền cho, không được lấy vợ và không thể đứng đầu một bộ tộc. Đây là ngày trọng đại trong đời một người đàn ông và vì vậy được tổ chức long trọng. Sau nghi thức này là thời gian im lặng của các chàng trai, là thời gian chuẩn bị cho những thử thách mới trong tương lai với tư cách là một người đàn ông đích thực. Nghi thức truyền thống của việc cắt quy đầu kỳ này do tù trưởng đứng chủ sự, bởi lẽ lần này có con trai ông trong số những chàng trai này. Chúng tôi cũng nhân dịp này được nhập hội. Ngay từ đầu năm mới chúng tôi - gồm 26 người - đã dựng hai lều cỏ trong thung lũng bên bờ sông Mbashe, vốn là địa điểm truyền thống tiến hành các công việc này cho các vị vua Thembu. Nghi thức long trọng được tổ chức vào buổi trưa. Chủ sự ra lệnh cho chúng tôi xếp hàng dọc cách bờ sông một cự ly nhất định. Tất cả chúng tôi nằm trong tầm quan sát chăm chú của cha mẹ, người thân, tù trưởng và nhiều nhân vật quan trọng khác của bộ tộc cũng như của các vị cố vấn. Chúng tôi chỉ khoác tấm chăn trên cơ thể. Tôi cảm thấy hồi hộp, thiếu tự tin vì lẽ không biết sẽ phản ứng thế nào khi phút nghiêm trang nhất diễn ra. Chúng tôi không được phép giãy dụa, cũng không được la hét. Tôi liếc sang phải và nhìn thấy một người đàn ông từ trong lều bước ra quỳ trước chàng trai thứ nhất. Người đàn ông cao tuổi này là “Ingeibi” nổi tiếng - chuyên gia hạng nhất cắt quy đầu. Ông chỉ cần “một nhát” sắc, nhanh gọn và chỉ trong chớp mắt biến chúng tôi từ những chàng trai trở thành những người đàn ông đích thực! Tôi giật mình khi nghe chàng trai đầu tiên kêu lớn: “Tôi là một người đàn ông”. Người lớn đã dạy chúng tôi cách xử sự trong giờ phút nghiêm trang ấy. Một lúc sau tôi nghe câu ấy từ miệng con trai tộc trưởng cố làm ra vẻ rắn rỏi nhưng vẫn không giấu được sự kinh hãi. Trước khi định thần, người đàn ông già đã quỳ trước mặt tôi. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông. Ông đổi sắc mặt, trở nên nhợt nhạt, mặc dù hôm đó trời lạnh mà trên trán ông đẫm mồ hôi. Hai tay ông nhanh thoăn thoắt và chỉ trong nháy mắt mọi việc đã xong. Tôi cảm thấy như lửa cháy trong huyết quản. Sự đau đớn tức thời đã buộc tôi phải dùng cằm tỳ lên ngực để không phát ra tiếng. Nhìn xuống đất tôi thấy một vòng da tròn như một cái nhẫn. Nhưng tôi phải thú thật là mình cảm thấy xấu hổ vì nhận ra rằng nhiều chàng trai dũng cảm hơn tôi nhiều. Họ nói câu “Tôi là một người đàn ông” to, sắc và gãy gọn, vang hơn tôi nhiều. Còn tôi thì đã cố gắng rất nhiều để kìm được cơn đau mà không hét lên thành tiếng. Ông già nhờ các chàng trai nhặt cái vòng ấy lên và ông đã khâu nó vào tấm chăn khoác lên mình chúng tôi rất cẩn thận. Sau đó ông dùng lá thuộc rịt vào vết cắt vừa chống nhiễm trùng vừa là thuốc chữa vết thương chóng lành. Loại cây thuốc này cầm máu và ngăn chặn chất bẩn xâm nhập vết thương. Trong đêm vắng có tiếng gọi chúng tôi thức dậy và người nọ nối tiếp người kia. Chúng tôi được phép rời lều cỏ nhưng phải đi tìm một tổ kiến trong đêm tối mịt mùng. Chúng tôi phải chôn các vòng ấy vào đụn kiến. Theo truyền truyết thì người ta phải kịp thời giấu kín cái vòng da này bằng cách chôn xuống đất tại ụ kiến trước khi bị nhà ảo thuật cướp mất để dùng vào những việc không lương thiện. Tôi có cảm nghĩ làm việc này chúng tôi cũng đồng thời chôn tuổi thiếu niên của mình. Tôi nhanh chóng tìm được một đụn kiến và chôn cái vòng da ấy. Trong hai tháng liền chúng tôi sống trong hai căn lều cỏ ấy và chờ cho vết thương lành hẳn. Khi trở lại với cộng đồng chúng tôi phải quấn tròn trong tấm chăn kín toàn thân, bởi vì trong thời gian này không một cô gái nào được nhìn cơ thể chúng tôi. Đó là giai đoạn của sự tĩnh lặng và tự vấn lòng mình, một loại hình như là cách chuẩn bị cho những thử thách mới trong cuộc đời của một người đàn ông đích thực. Khi chúng tôi xuất hiện trở lại trong cộng đồng, bộ tộc tổ chức một ngày lễ mới chính thức kết nạp chúng tôi vào giới đàn ông trưởng thành. Cha mẹ, các tộc trưởng quanh vùng đều có mặt. Người ta đăng đàn, ca hát, trao quà lưu niệm. Diễn giả chính trong buổi lễ trọng thể này là tù trưởng Meligqili. Ông rất nghiêm trang: “Những đứa con của chúng ta ngồi đó, những chàng trai trẻ trung, mạnh khỏe, những bông hoa của bộ tộc Xhosa, niềm tự hào của cả dân tộc. Nhưng mọi lời hoa mỹ này đều rỗng tuếch mà chẳng ai có thể thực hiện được. Bởi vì những người Xhosa và người da đen ở Nam Phi này là một dân tộc bị khuất phục. Chúng ta trở thành nô lệ ngay trong nước mình. Chúng ta không có sức mạnh, không có quyền lực, không được quyết định vận mệnh và số phận của chính mình. Phần còn lại của cuộc đời bị chôn vùi trong hầm mỏ của người da trắng để bọn chúng sống cuộc đời phè phỡn chưa từng có ở nước ta. Chúng ta không có gì hết. Chúng ta không có độc lập, tự do...” Tôi bỗng nhận ra những lời tâm huyết của ông như một sự xúc phạm sâu sắc đối với tôi, một người bình thường không đủ khả năng làm một việc gì có ý nghĩa ngoài việc tâng bốc những giá trị do người da trắng đưa vào đất nước này. Vào thời gian này tôi không nhìn nhận người da trắng là kẻ áp bức mà là người mang lại phúc lợi cho người da đen. Tôi nghĩ vị tù trưởng đã thật vô ơn. Khác với những chàng trai cùng trang lứa mới trưởng thành tôi biết chắc chắn mình sẽ không chui xuống hầm lò. Vị tù trưởng thường nói với tôi: “Cậu không có quyền quyết định đời mình hy sinh cho sự giàu có của người da trắng mà không hề biết tên mình viết như thế nào”. Là “người kế vị” tôi cần phải được học. Tôi được gửi đến một trường nội trú ở một nhà thờ thụ giáo. Trước khi lên đường, tù trưởng tặng tôi đôi ủng, hình ảnh khẳng định tôi đã là một người đàn ông. Lần đầu tiên trong đời tôi được học ở những người thầy thông tuệ, có bằng cấp hàn lâm. Trường Clarkebury được thành lập năm 1823 tại khu dân cư cổ nhất bang Transkei. Vào thời đó Clarkebury là trường cao cấp nhất dành cho người Phi ở Thembu. Tù trưởng của tôi từng theo học tại đây và con trai ông là Justice cũng theo chân cha mình đến đó. Đó là dạng trường tổng hợp. Vừa dạy văn hóa vừa đào tạo nghề thực hành như mộc, thợ cắt may và thợ gò hàn. Trên đường đến Clarkebury tù trưởng dạy tôi nhiều điều, đặc biệt là cách hành xử và tương lai của tôi. Ông khuyên tôi phải giữ kỷ luật và biết kiềm chế. Tôi hứa với ông sẽ hành xử như lời ông dạy bảo. Ông đã đưa tôi đến gặp ngài Hiệu trưởng C. Harris. Theo tù trưởng thì C. Harris là một nhân cách khác thường, một người Thembu da trắng, nghĩa là tuy là người Âu da trắng nhưng mang trong lồng ngực trái tim của người Thembu và yêu mến người Thembu, hiểu họ. Tóm lại tôi phải học ở ông Harris nhiều điều, bởi vì ông ta là người đào tạo “kẻ đầu đàn” cho bộ tộc bản địa. Tôi đã từng biết nhiều người da trắng hồi còn ở quê nhà: lái buôn, viên chức chính quyền và cảnh sát. Đó là những người có quyền thế. Tù trưởng của chúng tôi từng đón tiếp họ rất lịch sự nhưng không khúm núm và coi họ như những người ngang hàng với ông. Thỉnh thoảng tôi còn nghe tù trưởng chê bai họ điểm này, điểm kia, tuy việc đó rất hiếm hoi. Hiển nhiên là tù trưởng không bao giờ nói với tôi nên hành xử thế nào khi có sự hiện diện của những người da trắng loại này. Vì lẽ đó tôi chỉ quan sát và làm theo ông. Nhưng khi nói về C. Harris, lần đầu tiên tù trưởng nói với tôi rằng mình phải ứng xử thế nào trước con người này. Theo ông thì tôi phải kính trọng và nghe theo lời ông ta như đối với chính tù trưởng vậy. Clarkebury là thị trấn lớn. Trường bao gồm hai khối nhà xây theo phong cách thuộc địa. Trường có giảng đường rộng rãi, xưởng thợ khá khang trang. Trong khuôn viên nhà trường có nhiều nhà riêng hẳn là của giám trường và giáo viên, viên chức hành chính quản trị. Thư viện nhà trường khá khang trang. Các phòng học rộng và thoáng. Đây là địa điểm của người phương Tây chứ không phải của người châu Phi. Lần đầu tiên trong đời tôi được sống trong không gian ấy. Tôi có cảm giác như được sống trong một thế giới hoàn toàn mới và những đạo luật của thế giới đó còn là bí ẩn đối với tôi. Ông C. Harris bắt tay tôi. Đó là cái bắt tay đầu tiên trong đời tôi với người da trắng. Ông ta chân tình, hữu nghị và tỏ ra quý trọng vị tù trưởng của chúng tôi. Tù trưởng nói với ông Harris rằng tôi cần được giáo dục theo những lời khuyên răn của vua, và tù trưởng hy vọng ông Harris quan tâm đặc biệt đến tôi. Ông Harris gật đầu nhận lời và nói thêm rằng sinh viên học ở Clarkebury sau giờ học đều phải lao động thực tế. Và ông Harris xếp công việc lao động tay chân cho tôi ngay trong vườn nhà ông. Cuộc bàn giao kết thúc, tù trưởng cho tôi một bảng Anh là tiền tiêu vặt. Đó là số tiền lớn nhất mà tôi sở hữu trong đời mình cho đến lúc ấy. Tôi chia tay tù trưởng với lời hứa không bao giờ làm ông thất vọng về mình. Tôi những tưởng là người của vua Thembu được đối xử khác với những người thuộc các bộ tộc khác. Không. Tất cả đều như nhau. Không ai cần biết và quan tâm đến việc tôi thuộc hàng hậu duệ của dòng họ vua Ngubengcuka. Nhiều học sinh da đen đến Clarkebury là con nhà giàu có. Tôi như bị quên lãng trong thế giới ấy. Đó là bài học quan trọng đầu đời của tôi. Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng con đường của tôi chỉ có thể rộng thênh thang khi mình dựa vào năng lực của chính mình chứ không phải do nguồn gốc xuất thân. Hầu hết sinh viên đồng học không chỉ hơn tôi trên sân bãi thể thao và cả trong học tập. Tóm lại tôi phải cố gắng cật lực mới không bị họ bỏ quá xa. Lần đến lớp đầu tiên tôi đi ủng, cũng là đôi ủng lần đầu tiên trong đời. Tôi cảm thấy mình oai vệ như một chú ngựa đua. Tôi suýt bị ngã do sàn lót bằng gỗ bóng khá trơn. Khi bước vào lớp tôi bổng nhận ra có hai nữ sinh nhìn tôi chăm chú, nhưng trong ánh nắt đầy vẻ khôi hài. Cô xinh hơn hướng sang phía bạn và nói rất to: “Thằng cha nhà quê kia không quen đi ủng”. Cô bạn cười ngặt nghẽo. Căm tức làm tôi như mờ mắt. Tôi xấu hổ vô cùng. Cô gái xinh đẹp ấy tên là Mathona. Tôi thề rằng không bao giờ nói nửa lời với cô ta. Nhưng thời gian trôi đi và tôi nhận ra rằng cô khá tốt và dần dần trở thành bạn thân nhất của tôi, người tôi tin cậy và về sau đã trao đổi những bí mật của đời mình. Nàng là hình mẫu của những người bạn, những đồng nghiệp nữ tôi tìm thấy về sau này, những người mà tôi có thể trao ẳ đổi thẳng thắn nhiều chuyện, thú thật với họ những điểm yếu và sự sợ hãi của mình mà tôi chưa bao giờ trao đổi với người bạn đồng giới. Tôi nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống ở Clarkebury, tham dự các cuộc thi đấu thể thao. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi vượt qua tiêu chuẩn trung bình. Tôi chơi thể thao vì tình yêu với nó chứ không phải để nổi tiếng, vì lẽ chưa khi nào tôi đứng trên bục chiến thắng cả. Ở Clarkebury, lần đầu tiên tôi được học với những người thầy có học vị hàn lâm. Một lần tôi thú nhận với Mathona sự sợ hãi rằng không vượt qua kỳ thi tiếng Anh cuối năm, cũng như môn lịch sử. Mathona an ủi tôi đừng sợ, bởi vì cô giáo môn này là người da đen có học vị, yêu mến người đồng loại, và vì thế sẽ không nỡ đánh trượt chúng tôi. Một thầy giáo da đen khác có học vị hàn lâm được chúng tôi kính trọng đặc biệt không chỉ vì kiến thức của ông mà là sự khẳng khái, không bao giờ khom lưng trước viên Hiệu trưởng C. Harris, người Âu da trắng. Harris là viên Hiệu trưởng nghiêm khắc, lãnh đạo nhà trường với “bàn tay sắt”, tuy vậy ông là người nhã nhặn. Trường học này giống một trại lính hơn. Mọi vi phạm dù nhỏ đều bị trừng phạt. Ông đến phòng học hoặc xưởng thực tập nào thầy giáo da trắng cũng như da đen - và sinh viên phải đứng nghiêm thẳng người, chào ông. Bọn sinh viên chúng tôi sợ ông hơn là kính trọng. Nhưng trong vườn nhà, Harris là người khác hẳn. Tôi đã có cơ hội tiếp cận một gia đình người da trắng sinh hoạt, sống quy củ và giàu văn hóa. Harris không bao giờ mang “bộ mặt nghiêm trang, sát khí và khắc khổ” từ trường học về nhà. Phải ghi nhận rằng ông đã rất nghiêm túc trong việc đào tạo sinh viên da đen. Ông trở thành tấm gương của nhiều sinh viên da đen và cho cá nhân tôi. Tôi quý trọng ông. Trái với sự nghiêm nghị của chồng, bà Harris tìm mọi cơ hội trò chuyện với tôi. Tôi không biết chúng tôi đã nói những chuyện gì, nhưng cho đến hôm nay tôi vẫn cảm nhận vị ngọt của những tách trà đặc biệt bà Harris mời tôi trong suốt thời gian tôi lao động trong vườn nhà bà. Khi đã nhập cuộc, tôi tiến bộ nhanh. Thậm chí tôi đã có thể vượt lớp trong một số môn. Thông thường đã có bằng Junior Certificate phải mất 3 năm. Tôi chỉ mất có 2 năm. Tôi trở thành hiện tượng ở Clarkebury là Xhosa. Healdown là thị trấn trong thung lũng Fort Beaufort và đẹp hơn Clarkebury nhiều. Tại đây 1.000 sinh viên nam nữ người Phi da đen trau dồi kiến thức của mình. Đây là trường học của nhà thờ, dạy khoa học và cũng dạy nghề như ở Clarkebury. Sinh viên châu Phi từ khắp các bang trong toàn Nam Phi học tập tại trường này. Học năm thứ hai ở Fort Beaufort thì tôi bắt đầu luyện tập thể thao: chạy đường trường. Tôi cao to nhưng người mảnh, rất phù hợp với môn này. Đó là môn thể thao đòi hỏi kỷ luật cao, tự chủ trong cảnh cô đơn, nó giúp tôi giải tỏa căng thẳng do học tập quá khẩn trương. Tôi cũng bắt đầu luyện tập môn đấm bốc. Lúc đầu tôi chỉ đến võ đài vì không có tiền học phí. Về sau khi kiếm được tiền, tôi luyện tập đều đặn hơn. Và tôi đã tập đấm bốc một cách nghiêm túc như một nghĩa vụ không thể thoái thác. Cũng trong năm học thứ hai, tôi được nhà trường giao nhiệm vụ trợ lý lao động. Tôi đã tận dụng “chức vụ” này tiếp cận mọi giới sinh viên trong khu ký túc xá. Sau đó tôi lại được làm trợ lý bảo vệ. Những công việc này giúp ích cho tôi sau này trong ANC và trong lực lượng vũ trang của Đại hội Dân tộc Phi. Năm cuối cùng của tôi ở Healdown được gặp gỡ nhà thơ của dân tộc Xhosa, ông Krune Mqhayi. Ông là ngôi sao chổi của người da đen Nam Phi. Ông là nhà thơ, là ca sĩ. Những bài thơ và bài hát của ông có ý nghĩa rất lớn đối với người da đen Nam Phi trong cuộc đấu tranh cực kỳ gian khổ, và anh hùng của mình suốt gần 100 năm chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khát máu nhất thế giới, của mọi thời đại. Nhà trường cho học sinh - sinh viên nghỉ như ngày lễ lớn. Đối với sinh viên da đen thì đó là ngày lễ thực sự. Họ chuẩn bị tấp nập cho cuộc đón tiếp long trọng. Cờ hoa, biểu ngữ trang hoàng trong toàn khu vực nhà trường. Buổi đón tiếp Mqhayi thật long trọng. Tất cả sinh viên da đen và thầy giáo, cô giáo da trắng ăn mặc đẹp, tập trung tại hội trường lớn đón tiếp ông. Chúng tôi quan tâm đặc biệt đến cái cửa phía sau sân khấu dựng trong hội trường lớn. Chưa có bất cứ ai trong trường cũng như khách từ bên ngoài vào thăm trường bước từ trong phòng qua cánh cửa này ngoài ông giám đốc. Vậy mà vào đúng lúc hàng ngàn con mắt đen đang chăm chú nhìn vào cánh cửa ấy thì bỗng nó mở tung. Và người xuất hiện trong khung cửa là một người da đen cao to choàng trên người tấm vải da báo, trên đầu cũng trùm tấm khăn da báo, hai tay cầm hai mũi lao. Ông giám đốc nhà trường tháp tùng người đàn ông da đen, nhưng không ánh mắt nào hướng về phía ông. Không thể nào tả xiết tác động các hình ảnh hào hùng tuyệt vời kia. Vũ trụ như đổ sụp trên đầu chúng tôi. Ngay cả sau khi Mqhayi ngồi bên cạnh ông Hiệu trưởng trên hàng ghế chủ tịch đoàn, không khí vẫn vô cùng náo nhiệt. Dường như cử tọa không thể kiềm chế nổi chính mình trước hình ảnh hào hùng mới diễn ra kia. Phút xúc động không thể nào kìm được chính là lúc người anh em da đen của chúng tôi nói những lời vang vọng đến hôm nay rõ mồn một bên tai tôi: “Hôm nay tôi nói với các bạn về sự xung đột giữa một bên bền vững và tốt đẹp từ mảnh đất này và một bên là ngoại bang tồi tệ. Chúng ta không thể để cho những kẻ ngoại bang chiếm đất nước chúng ta, coi thường nền văn hóa của chúng ta. Tôi báo trước cho tất cả các bạn, các lực lượng của xã hội châu Phi một ngày nào đó sẽ chiến thắng những kẻ xâm lược. Chúng ta đã quỳ gối quá lâu trước những thần tượng rởm phương Tây quá rồi. Nhưng chúng ta tất yếu phải vùng lên và ném đi tất cả những xiềng xích ngoại bang áp đặt quá lâu lên đầu lên cổ các dân tộc chúng ta!. Tôi không tin vào tai mình nữa. Ông đã thẳng thừng tố cáo và bóc trần chế dộ thực dân da trắng với sự hiện diện của ông Hiệu trưởng và hàng chục nhà giáo người da trắng. Mqhayi bắt đầu ngâm thơ, bài thơ nổi tiếng của ông. Trong thơ ông phân phối những vì sao sáng cho các dân tộc trên hành tinh. Tôi chưa từng nghe bài thơ này trước đó. Mqyaui hướng đến các dân tộc châu Âu: “Ta trao cho các ngươi giải Ngân hà, nơi hội tụ vô vàn tinh tú sáng chói, bởi vì các người là những người tuyệt diệu, đầy tham vọng và ghen tị, có quá nhiều thứ đến mức dư thừa nhưng lại đi tranh giành khắp nơi, “Sau khi tặng những người Pháp, người Anh, người Đức cả giải Ngân hà, ông hướng sang các dân tộc châu Á; châu Mỹ la tinh. Và cuối cùng là châu Phi. Trao tặng các bộ tộc châu lục đen những ngôi sao hy vọng. Mqhayi bỗng quỳ xuống, giọng thổn thức: “Bây giờ, đến các bạn, hỡi những người anh em Xhosa. Ta trao cho các bạn ngôi sao sáng nhất, quan trọng nhất. Đó là ngôi sao mai, bởi vì các bạn là một dân tộc tự hào, đầy sức mạnh. Đó là ngôi sao đến năm tháng - năm tháng của lòng kiên trung, bất khuất!”. Tất cả chúng tôi bỗng đồng loạt đứng dậy, hò reo, hoan hô như muốn làm vỡ hội trường. Tôi cảm nhận máu trong người như sôi lên, dòng máu của người Phi, hơn thế, của người Xhose. Những lời tâm huyết đầy chủ đích của Mqyayi vừa gây xúc động vừa làm tôi bối rối. Từ vấn đề dân tộc rất nhạy cảm, ông đã đến với một chủng tộc: Xhosa. Thời gian học tập ở Healdown chấm hết, trong đầu tôi chất chứa nhiều ý tưởng mới và thỉnh thoảng có những ý tưởng mâu thuẫn với nhau. Nhưng rồi cuộc thuyết trình của Mqhayi đã giải tỏa suy nghĩ của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra rằng những người Phi thuộc nhiều bộ tộc đều có những điểm chung và khi người ta góp những điểm chung ấy lại thì sẽ thành sức mạnh đủ để khuất phục những kẻ cai trị tàn bạo. Tôi rời Healdown trước hết trong hình hài một người của bộ tộc Xhosa, và thứ nữa mới là hình hài của người Phi. Trường Đại học Fort Hare ở thành phố Alice, cách Healdown hai mươi dặm về phía đông cho đến năm 1960 là trường Đại học duy nhất dành cho sinh viên người da đen. Đối với thanh niên Nam Phi, trường Fort Hare như ngọn hải đăng hàn lâm, ví như Đại học Oxford và Cambrigde ở Anh và Harvard ở Mỹ. Tù trưởng đặt nhiều kỳ vọng là tôi sẽ trở thành sinh viên trường này. Trước ngày đến trường, ông mua cho tôi bộ com-lê màu xám hai hàng cúc. Năm đó tôi 21 tuổi và không thể tưởng có ai học trong trường này giản dị hơn mình. Tôi có cảm giác lúc này mình mới thật sự chuẩn bị cho những thành công tương lai. Tôi cũng thật sự vui mừng mang lại nguồn vui cho tù trưởng rằng, từ nay một thành viên của gia đình ông là sinh viên trường đại học. Justice vẫn ở lại Healdown để thi lại một số môn. Anh ta thích chơi hơn học, là một học sinh vô lo. Fort Hare do người Scốtlen dựng lên năm 1916, trên vùng cao nguyên của những rặng núi đá có dòng sông lượn quanh. Nơi này từng là pháo đài lý tưởng của người Anh trong cuộc chiến tranh thực dân chống người Xhosa. Thực dân Anh đã dùng pháo đài này khuất phục lãnh tụ cuối cùng của các chiến binh Xhosa Sandile vào năm 1880. Fort Hare chỉ có 150 sinh viên. Tôi biết một số trong bọn họ từ Clarkebury và Healdown đến. Tù trưởng khuyên tôi học luật, bởi vì trong tâm tưởng của ông, việc làm của tôi sau khi tốt nghiệp đại học sẽ là cố vấn của vua. Như mọi trường khác ở Nam Phi, ở Fort Hare chúng tôi được giáo dục vâng lời. Tuân thủ pháp luật, kính chúa, biết ơn chính phủ và nhà thờ đã tạo điều kiện cho mình học hành thành người. Dạng trường tư này dù sao cũng không bảo hoàng như nhiều trường khác luôn phải tuân thủ các chính sách phân biệt chủng tộc, bởi lẽ chính quyền lập ra các trường ấy không phải để đào tạo những trí thức chống lại hệ thống chính trị và những nguyên lý phân biệt chủng tộc tệ hại ở nhà nước Nam Phi này. Fort Hare đã trở thành nơi “cư ngụ” và vườn ươm nhiều trí thức da đen Nam Phi. Nhiều người trong số họ trở thành những nhà hoạt động xã hội xuất sắc, nhiều người khác trở thành học giả, giáo sư dạy ngay tại trường đại học này. Trường đại học Fort Hare gắn với tên tuổi giáo sư D.D.T Jabavu. Ông là giáo sư ngay từ năm 1916, khi nhà trường khai trương. Jabavu từng tốt nghiệp đại học ở Anh với bằng xuất sắc. Trở về quê hương ông dạy ngôn ngữ Xhosa, tiếng Latinh, lịch sử và khảo cổ. Ông là “Bộ từ điển bách khoa” về ngôn ngữ các bộ tộc ở Nam Phi. Chính giáo sư Jabavu đã kể những chi tiết về cuộc đời của cha tôi mà trước đó tôi chưa từng biết. Ông là người bảo vệ nồng nhiệt quyền lợi của người Phi da đen. Năm 1936, ông sáng lập All-African Convention chống lại đạo luật của nghị viện Nam Phi xóa bỏ quyền phổ thông đầu phiếu của các tộc người không phải da trắng. Một kỷ niệm về Jabavu đọng mãi trong ký ức tôi. Một lần tôi đáp tàu hỏa từ Fort Hare về quê, dĩ nhiên là vào “toa dành cho người da đen”. Nhân viên kiểm soát vé đến. Tôi không có vé. Biết tôi lên tàu ở Alice, người này hỏi: - Anh học ở trường Jabavu phải không? Tôi gật đầu và anh tỏ ra thỏa mãn. Anh trao cho tôi một chiếc vé và nói một mình: Jabavu là con người tinh tế. Năm thứ nhất tôi học tiếng Anh, chính trị, Luật pháp Nam Phi, La Mã và Hà Lan. Chúng tôi phải học kỹ các đạo luật trừng phạt người Phi da đen. Hồi ấy tôi từng ao ước sau khi tốt nghiệp được làm thông ngôn hoặc viên chức trong Bộ mang tên là "Bộ về các vấn đề dân cư gốc" (Native Affairs Department). Ngày ấy nghề viên chức là phần thưởng cao nhất mà một người Phi da đen có thể ao ước. Vào năm học thứ hai, khi ở Fort Hare mở lớp đào tạo phiên dịch do nhà dịch thuật xuất sắc tại các phiên tòa phụ trách - ông Tyamzashe - tôi là một trong những người ghi danh đầu tiên. Sự học của tôi ở Fort Hare diễn ra bên trong và bên ngoài giảng đường. Tôi tham gia tích cực hoạt động thể thao, lấy sự chăm chỉ, kiên trì và quyết tâm bù vào sự thiếu hụt năng khiếu. Tôi thích môn chạy vì ở môn này sự tập luyện chăm chỉ, sự kiên trì quan trọng hơn năng khiếu. Tôi cũng gia nhập đoàn kịch và sắm vai kẻ ám sát Lincoln trong một vở diễn. Đó chỉ là một vai phụ nhưng đã giúp cho tôi hiểu ra một điều mới rằng, những người có quyền lực bao trùm lên mọi thứ thường phải đối diện với những rủi ro đến từ nhiều phía. Tôi trở thành thành viên của Hội sinh viên Student's Christian Association và thường phải đến làng bên cạnh dự và đọc kinh. Một trong những bạn thân trong Hội sinh viên, trên sân chơi thể thao... là Oliver Tambo. Ngay từ khi mới quen nhau, tôi đã nhận ra rằng anh là con người rất sắc sảo. Anh là một diễn giả nhiệt huyết, ít khi chịu nhường ai về tính nguyên tắc. Chúng tôi không ở chung ký túc xá, không rõ công việc của nhau, nhưng tôi vẫn có thể nhận thấy anh đang gánh vác một nhiệm vụ quan trọng (Oliver Tambo về sau là Chủ tịch ANC- ND). Ngoài vật lý ra tôi còn học một môn "chuyển động chính xác". Đó là môn khiêu vũ tập thể. Một câu lạc bộ mang tên Dancer Hall ở khu cạnh trường là nơi hội nhảy múa của sinh viên chúng tôi, mặc dù nhà trường nghiêm cấm sinh viên lui tới nơi đó. Một hôm chúng tôi phải hóa trang để đến Dancer Hall do có một công việc quan trọng. Đêm đó tôi phát hiện một mỹ nhân trên sàn nhảy. Tôi đến trước mặt nàng, cúi đầu lịch sự mời nàng khiêu vũ. Chỉ ít phút sau đó nàng đã nằm gọn trong vòng tay tôi. Nàng tên là Bokwe, là phu nhân của Tiến sĩ Bokwe Roseberry, một thủ lĩnh nổi tiếng Nam Phi hồi đó. Tôi toát mồ hôi hột, nhanh chóng lủi khỏi sàn nhảy. Người đẹp chia tay tôi rất lịch sự sau khi tôi đỏ mặt xin lỗi nàng. Kể từ sau sự kiện ấy, tôi học hành chăm chỉ hẳn lên và ngày càng gắng sức hơn. Đối với thế giới hiện đại thì Fort Hare không có gì đặc biệt, nhưng đối với một thanh niên nông thôn như tôi thì đó là cả một bầu trời rộng mở. Ở đó lần đầu tiên tôi mặc bộ quần áo ngủ, lần đầu tiên dùng bàn chải đánh răng, toilet có nước xả, tắm vòi hoa sen nước nóng... Tất cả đều mới mẻ, văn minh. Nhưng có lẽ sự hiện đại này lại làm tôi nhớ lại cuộc sống đơn giản, sơ lược thuở thiếu thời. Tôi không phải là người duy nhất trong đám sinh viên ở Fort Hare có suy nghĩ này. Một nhóm sinh viên có chung ý nghĩ như tôi đã tổ chức những cuộc hành hương, đốt lửa trại tại các vùng nông thôn quanh vùng. Ở đó chúng tôi nói chuyện về lịch sử, ăn ngô nướng. Tất cả đều có chung nhu cầu ôn lại tuổi thơ, nhớ về quê hương với tất cả mặt trái của cuộc sống. Những sinh hoạt này chưa mang màu sắc chính trị nhưng nó tạo chất keo gắn bó những người cùng có chung cảnh ngộ, có chung suy nghĩ. Fort Hare như tách khỏi thế giới bên ngoài. Tuy vậy chúng tôi theo dõi một cách chăm chú diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hồi ấy Nam Phi cũng đã tuyên bố tuyên chiến với phát xít Đức của Hitler. Năm học thứ hai của tôi ở Fort Hare ghi nhớ cuộc gặp gỡ với Paul Mahabane. Anh ấy nổi tiếng không chỉ ở trường đại học và với rất nhiều người, bởi lẽ anh là con tù trưởng Zachheus Mahabane, từng hai lần giữ nhiệm vụ quan trọng tổng thư ký Đại hội Phi(ANC). Sự liên hệ của anh với ANC tôi không biết nhiều, song đó lại chính là điều nhiều người quanh anh kính phục. Anh được gọi là “tên nổi loạn trí thức”. Một lần chúng tôi hành hương về Umtata, thủ phủ xứ Transkei quê hương tôi. Sự kiện bất thường đã diễn ra trước cửa nhà Bưu điện. Viên thị trưởng người da trắng, khoản 60 tuổi, ra lệnh cho Paul mua cho ông tem thư. Ngày ấy việc một người da trắng bất kỳ nào đó sai bảo một người da đen là chuyện thường. Paul chỉ trả lời gọn lỏn: “Không”. Ngài thị trưởng cảm thấy bị xúc phạm. Ông ta lớn tiếng: “Mày có biết ta là ai không?”. Paul đáp ngay tức khắc: “Ta đâu cần biết ngươi là ai!”. Rồi anh nói giọng còn gay gắt hơn: “Nhưng ta đã biết ngươi là cái gì !”. Viên thị trưởng nóng lòng muốn biết anh ta ngụ ý gì. Paul nói ngay khi viên thị trưởng trừng mắt nhìn anh: “Ngươi là một con kí sinh!”. Viên trị trưởng gào lên tức giận: “Mày sẽ phải trả giá đắt cho sự hỗn láo này!”. Tôi nghĩ rằng thái độ của Paul là thái quá. Tôi thật sự phục anh, nhưng đồng thời cũng rất lo cho anh. Viên thị trưởng biết tôi và nếu như tôi có thể thay vào vai của Paul thì tôi đã đi mua tem cho ông ta và như vậy mọi việc ổn cả. Tôi ngỡ ngàng một lúc và thật sự kính phục người bạn trẻ Paul. Ở địa vị mình, tôi chưa sẵn sàng phản ứng như anh. Dần dần tôi hiểu ra rằng những hành động nhục mạ người da đen trong những chuyện nhỏ nhặt nhất diễn ra ở mọi hang cùng ngõ hẻm là không thể chấp nhận được nữa. Trở lại nhà trường sau kỳ nghỉ hè cuối cùng, tôi cảm thấy khỏe hơn, mạnh mẽ hơn trước rất nhiều. Tôi tập trung vào việc học, đặc biệt là những chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi cuối khóa vào tháng mười. Tôi tính là sau năm học này tôi sẽ có bằng B.A - bằng Bachelor of Arts - một học vị hàn lâm mà tôi cho là tấm thông hành vào đời không chỉ để có một địa vị trong xã hội mà còn đảm bảo cho mình nguồn thu nhập khá và ổn định. Đã có lúc tôi hãnh diện rằng giờ đây dường như cả thế giới đang ở dưới chân mình!. Với văn bằng B.A tôi có đủ điều kiện bù đắp cho mẹ về những mất mát lớn lao sau khi cha tôi qua đời. Đó là đời sống đầy đủ và danh dự, uy tín. Tôi sẽ xây cho mẹ ngôi nhà vườn với đầy đủ tiện nghi ở Qunu. Tôi sẽ thường xuyên gửi tiền cho mẹ cũng như cho anh chị em. Một giấc mơ đẹp đang ở phía trước!. Trong năm học cuối cùng này, tôi ứng cử vào Ban chấp hành Hội sinh viên SRC (Student Representative Council). Hồi ấy tôi đâu biết những sự kiện liên quan đến SRC đã đưa đến cho bản thân tôi vô số khó khăn, trở ngại và đã thay đổi cơ bản cuộc đời tôi sau này. Cuộc bầu cữ diễn ra vào cuối học kỳ 2 và trùng với thời điểm thi tốt nghiệp của sinh viên năm cuối. Theo điều lệ, Đại hội toàn thể sinh viên sẽ bầu 6 thành viên vào Ban chấp hành. Ít lâu trước ngày bầu cử, một cuộc hội nghị khoáng đại của sinh viên thảo luận nhưng vấn đề bức xúc của sinh viên, đồng thời đưa ra những kiến nghị đòi nhà trường thay đổi nhiều quy định hà khắc, bất hợp lý đối với sinh viên. Cuộc hội nghị khoáng đại đi đến sự nhất trí: phải thay đổi những quy định ngặt nghèo đối với sinh viên, phải cải thiện đời sống cho sinh viên trong ký túc xá, trao thêm quyền hạn thực sự cho SRC chứ không phải họ chỉ là con rối, là công cụ của nhà trường. Đa số tuyệt đối ủng hộ những yêu sách ấy và ra nghị quyết tẩy chay cuộc bầu cử chừng nào những yêu sách kia chưa được đáp ứng. Tôi nhất trí với những yêu sách này. Nhưng ngay sau cuộc hội nghị khoáng đại này, bầu cử vẫn diễn ra. Mặc dù đa số sinh viên phản đối không tham dự Đại hội, nhưng 25 sinh viên còn lại vẫn tiến hành bầu cử. Tôi được bầu vào Ban chấp hành trong cuộc bầu cử này, mặc dù tôi không dự như đa số sinh viên khác. Cuối cùng thì Ban chấp hành gồm 6 người cũng họp để thảo luận. Ban chấp hành nhất trí quyết nghị không nhận nhiệm vụ, bởi vì cả 6 người được bầu đều tẩy chay cuộc bầu cử này. Chúng tôi dù được bầu nhưng không phải do đa số sinh viên. Chúng tôi đã soạn thảo một giác thư gửi ông giám đốc, tiến sĩ Kerr. Tiến sĩ Kerr phản ứng rất ranh ma, một mặt ghi nhận hành động từ nhiệm của chúng tôi, đồng thời tuyên bố cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức ngay vào ngày hôm sau, sau bữa ăn chiều trong nhà ăn ký túc xá. Với cách làm này, tiến sĩ Kerr tính toán là mọi người sẽ phải dự và như vậy không ai có thể nói Ban chấp hành SRC không do đa số sinh viên bầu ra. Quả thật cuộc bầu cử ngày hôm sau do ông tiến sĩ Kerr bố trí đã diễn ra thật. Nhưng điều dị thường cũng đã xẩy ra: chỉ có 25 sinh viên từng họp đại hội hôm trước là bỏ phiếu và cũng chỉ 6 người đã được bầu hôm trước lại trúng cử. Như vậy là chúng tôi vẫn ở điểm xuất phát. Cuộc họp Ban Chấp hành lần này đã diễn ra ngoài suy nghĩ của tôi. Năm ủy viên khẳng định rằng tuy họ chỉ được 25 người bỏ phiếu, nhưng tất cả sinh viên đều có mặt, vì thế không thể nói mình được bầu chỉ do một thiểu số. Nghĩa là bọn họ chấp nhận là những ủy viên Ban Chấp hành hợp lệ. Tôi phản đối và không công nhận có sự khác nhau giữa hai lần bỏ phiếu. Tất cả sinh viên hiện diện thật, nhưng họ im lặng, không bỏ phiếu, không phát biểu và như vậy người được bầu không đủ “tư cách pháp nhân” lãnh đạo họ. Ban Chấp hành không nhận được sự tín nhiệm của số đông. Yêu sách của chúng tôi được số đông ủng hộ, do đó phải giữ vững lập trường ban đầu, không thể để cho những tiểu xảo làm lung lay, thậm chí làm hủy hoại. Lập luận của tôi đã không thuyết phục được 5 người kia. Cuối cùng chỉ mình tôi không nhận nhiệm vụ. Đây là lần thứ hai tôi từ nhiệm. Sáng hôm sau tôi bị gọi lên phòng hiệu trưởng. Ông tiến sĩ Kerr, hiệu trưởng, đã nói với tôi bằng tất cả sự nghiêm trang cần thiết về những sự kiện xảy ra trong hai ngày qua. Ông yêu cầu tôi cân nhắc lại những quyết định của mình. Tôi nói thẳng với ông rằng tôi không thay đổi ý kiến. Ông nói rằng tôi cần phải ngủ qua một đêm để suy nghĩ cho thật chín chắn và sáng hôm sau báo cho ông về quyết định cuối cùng của mình. Ông ra cảnh báo rằng sẽ không bao giờ tha thứ cho những sinh viên hành động vô trách nhiệm. Nếu tôi vẫn ngoan cố từ chối thì tôi sẽ phải lập tức rời Fort Hare. Buổi nói chuyện làm căng đầu óc tôi và tôi đã trải qua một đêm trằn trọc, không thể chợp mắt một phút nào. Chưa bao giờ tôi phải đứng trước một quyết định khó khăn như vậy. Tôi đã nói thẳng thắn suy nghĩ của mình với một người bạn tin cậy. Sau câu chuyện ngắn nhưng quan trọng này, cả anh và tôi đều thống nhất: không thể đầu hàng tiến sĩ Kerr. Về sau tôi nghĩ lại mới nhận ra rằng mình kính trọng và nể sợ người bạn này hơn nhiều so với tiến sĩ Kerr. Cho dù tôi tin về phương diện đạo lý, lẽ phải ở về phía tôi, song tôi vẫn không chắc liệu quyết định ấy có phải là cách lựa chọn đúng đắn nhất hay không. Liệu quyết định ấy có tiêu ma sự nghiệp học vấn của tôi, làm mất tấm bằng B.A mà tôi hằng mong chờ và bỏ ra bao nhiêu sức lực phấn đấu? nhưng mặt khác tôi lại không thể vì quyền lợi cá nhân mà hy sinh cả một tập thể sinh viên tin cậy mình. Nhưng mặt khác tôi lại không muốn rời Fort Hare. Sáng hôm sau, khi bước chân vào văn phòng tiến sĩ Kerr tôi vẫn ở trong tâm trạng giằng xé dữ dội. Cho đến khi ông lên tiếng hỏi về quyết định cuối cùng của mình, tôi như mới bừng tỉnh. Tôi tuyên bố với ông tiến sĩ đáng kính rằng với tất cả ý thức của mình, tôi cảm thấy mình không thể hoạt động với tư cách là ủy viên Ban chấp hành của SRC. Quyết định của tôi dường như làm cho tiến sĩ Kerr bối rối trong tích tắc trước khi ông to giọng: - Tốt. Đó là quyết định cuối cùng của anh. Tuy nhiên tôi cũng đã suy nghĩ lại và đưa ra ý kiến sau đây cho anh: Năm sau anh có thể trở lại Fort Hare với điều kiện anh phải gia nhập SRC. Anh có cả một mùa hè để suy nghĩ, anh Mandela ạ! Tôi ngạc nhiên không kém tiến sĩ Kerr trước phản ứng của ông như chính ông trước phản ứng của tôi. Việc phải rời Fort Hare làm tôi “lạnh xương sống”. Nếu tôi nhượng bộ thì mọi việc sẽ không tồi tệ. Tôi hiểu được trong quyết định của tiến sĩ Kerr hàm ý tạo cho tôi cơ hội. Nhưng tôi nhanh chóng khẳng định trong trái tim và khối óc của mình: tôi kinh tởm sự ban ơn, bởi vì sự ban ơn ấy lại xuất phát từ quyền lực có thể quyết định số phận của tôi cũng như của hàng triệu người Phi da đen khác. Tôi có quyền và đã sử dụng quyền đó trong việc từ bỏ vai trò trong Hội sinh viên SRC. Cuối năm đó tôi rời Fort Hare trong một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, nhưng không hề luyến tiếc. Mỗi lần trở về Mqhkezweni thường là dịp xả hơi trong niềm vui với người thân quê nhà, lần này khác hẳn. Tôi báo cáo cho tù trường kết quả tốt đẹp kỳ thi học kỳ và những sự kiện mới nhất vừa diễn ra. Ông tức giận và nói rằng không thể hiểu nổi “những hành vi” của tôi. Ông cho hành động ấy là điên rồ. Không cần nghe tôi kể hết đầu đuôi ngọn ngành, ông vừa nói như ra lệnh rằng tôi phải trở lại Fort Hare và tuân theo chỉ dẫn của “ngài tiến sĩ hiệu trưởng đáng kính”. Giọng ông sắc, nhọn như mệnh lệnh của vị tư lệnh chiến trường. Không có chuyện giãi bày hay giải thích trong chuyện này. Tôi quyết định nuốt sự ấm ức vào bụng và tìm cách tránh xa những sự kiện xảy ra ở Fort Hare. Vào dịp ấy Justice, con trai tù trưởng cũng về quê. Chúng tôi vui mừng khôn xiết khi gặp nhau. Dù xa nhau đã lâu song giữa Justice và tôi đã hình thành một tình bạn, tình anh em thực sự. Justice thôi học trước đây một năm và đến sinh sống ở Johannesburg. Tôi chỉ mất vài ngày để hòa nhập vào cuộc sống của gia đình, của vùng quê tôi. Tôi chăm lo công việc của tù trưởng, chăm sóc đàn bò, cừu, dê của ông. Và tôi đã lân la gặp các tù trưởng khác trong vùng. Tôi không quan tâm nhiều đến những gì hơn sau khi đã quyết định dứt khoát trước mặt ông tiến sĩ Kerr. Vài tuần sau khi chúng tôi trở lại quê hương, tù trưởng gọi hai chúng tôi lại. Ông nói nghiêm trang: - Các con, ta sợ mình không còn sống được bao lâu nữa trên cõi đời này. Và trước khi ta trở thành người thiên cổ, ta có nghĩa vụ lo cho hai con trai mình có gia thất tươm tất. Các cô đều đã được lựa chọn và lễ ăn hỉ đã được tiến hành trước khi tù trưởng “tâm sự” với chúng tôi, những “đứa con yêu quý” của ông. Cả hai chúng tôi đều ngỡ ngàng, choáng váng và mất phương hướng. Tôi nói với mình rằng bất cứ vì lẽ gì tôi cũng không thể để bị ép buộc trong cuộc hôn nhân này, bởi vì như vậy là không trong sạch và kém thông minh. Vì sao vậy? vì cô gái mà tù trưởng chọn cho tôi từng là người yêu lâu nay của Justice, con trai ruột của tù trưởng. Mặt khác tôi đã cảm nhận ra rằng mình đã lớn, đã trưởng thành, không còn nấp bóng tù trưởng lâu hơn nữa một khi tôi từ chối sự sắp đặt của ông. Justice cũng có cảm giác và suy nghĩ như tôi. Chúng tôi bàn với nhau và thấy không còn cách lựa chọn nào hơn là bỏ nhà ra đi. Nơi duy nhất chúng tôi có thể đến lúc này là Johannesburg. Vào thời gian này, hiểu biết chính trị của tôi không tiến triển như kiến thức về mặt xã hội. Trong khi tôi chưa có phương cách hoặc suy nghĩ làm cách nào để đấu tranh với hệ thống cai trị hà khắc của bọn thực dân da trắng, thì trong tôi lại đã hình thành kế hoạch chống lại những tập tục lạc hậu và cổ hủ của dân tộc mình. Tù trưởng là một trong những “thủ phạm” của những hủ tục lạc hậu ấy. Ở các trường chuyên nghiệp và trường Đại học Fort Hare tôi từng học nhiều năm với nhiều phụ nữ và cũng đã có không ít “áp phe tình ái” với các cô nương. Tôi là một thanh niên điển trai, sẽ không để cho bất cứ ai, kể cả tù trưởng, có quyền áp đặt bằng cách chọn vợ cho mình. Tôi đã được nữ hoàng tiếp kiến. Nhân dịp tốt này, tôi đã khôn khéo trình với bà quan điểm về hôn nhân của mình. Hẳn là tôi không thể nói rằng mình từ chối việc tù trưởng chọn vợ cho tôi. Tôi nói rằng nếu đến tuổi xây dựng gia đình thì tôi mong ước được se duyên với một nàng thuộc họ của nữ hoàng. Khi nói đến chuyện này là tôi đã cố ý nói đến một người đàn bà khá xinh thuộc họ nữ hoàng. Chỉ có điều là tôi không biết suy nghĩ của nàng về tôi ra sao. Tôi nói cứng cỏi rằng, sẽ cưới nàng sau khi tốt nghiệp đại học. Thật ra chuyện này chỉ “nghiêm túc một nửa”. Tôi chỉ mong thoát ra khỏi sự áp đặt của tù trưởng, vì thế đã không từ bỏ tiểu xảo. Nữ hoàng dường như đồng tình với ý tưởng của tôi. Nhưng tù trưởng thì nhất quyết không thay đổi quyết định của ông. Nghĩ lại tôi thấy rằng mình đã không tân dụng mọi khả năng vốn có. Tuy nhiên hồi ấy tôi còn quá trẻ để có thể suy nghĩ đến nơi đến chốn. Vì thế “chuồn” là phương sách tối ưu vậy. Hai chúng tôi giữ bí mật tuyệt đối kế hoạch chuồn của mình. Chúng tôi chờ một cơ hội thích hợp trong khi vẫn dùng kế hoãn binh. Tù trưởng là người nhạy bén. Ông biết rằng Justice có thể bị tôi lung lạc, vì thế ông đã tìm cách tách cậu ta khỏi tôi. Một khi phải đi đâu xa bao giờ ông cũng chọn một trong hai chúng tôi đi tháp tùng. Thường thì ông chọn Justice. Rồi cơ hội cũng đã đến. Chúng tôi biết kế hoạch của ông rất cụ thể. Đó là một cuộc họp các tù trưởng kéo dài suốt một tuần lễ. Không tù trưởng nào được phép đem theo người thứ hai. Buổi sáng hôm đó, ngay sau khi tù trưởng ra đi thì chúng tôi cũng theo chân ông. Đường của chúng tôi hướng về Johannesburg. Tôi không có nhiều quần áo. Tất cả đồ dùng chỉ đủ nhét vào một túi xách. Khi chuẩn bị xong và chúng tôi lẻn khỏi vườn thì bỗng tù trưởng quay về nhà. Ông hỏi nhanh: “Hai thằng kia đâu rồi?”. Không ai biết để có câu trả lời chính xác. Ông nói rằng quên ống muối nên quay trở lại lấy. Nhưng tôi hiểu rằng tù trưởng đã ý thức được những gì chúng tôi hoạch định trong suốt thời gian qua. Vì muối thì ông có thể mua dễ dàng ở bất cứ nơi nào. Chúng tôi hầu như không có tiền. Hai đứa chúng tôi đã quyết định bán hai con bò cho một lái buôn. Lái buôn thì nghĩ rằng việc bán bò là theo lệnh của tù trưởng. Ông lái bò trả tiền cho chúng tôi khá hậu. Chúng tôi đủ tiền thuê taxi chạy về hướng ga tàu hỏa. Từ đó chúng tôi đáp tàu đi Johannesburg. Mọi chuyện tưởng là trót lọt như kế hoạch vạch ra. Có ngờ đâu tù trưởng đã đến ga xe lửa và nói với trưởng ga rằng ông không được bán vé cho hai con trai của tù trưởng vì chúng tôi bỏ nhà ra đi. Chúng tôi xuống xe ô tô, chạy nhanh đến quầy bán vé và bị từ chối. Lệnh của một tù trưởng nhà ga không thể không chấp hành. Chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy về chiếc xe taxi, yêu cầu lái xe chở chúng tôi đến ga tiếp theo, cách ga này 70km. Lái xe chạy cật lực và chúng tôi đã đến ga trước khi tàu hỏa đến. Chúng tôi nhanh chóng lên tàu. Nhưng chúng tôi chỉ có thể chạy đến ga Queenstown. Đối với một người Phi da đen trong những năm 40 ấy khó khăn khôn cùng khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác ngay trên quê hương của mình. Mọi người Phi da đen từ 16 tuổi phải mang trong người “thẻ thuế thân” và phải trình cho bất cứ viên chức da trắng nào khi chúng yêu cầu. Từ chối việc trình thẻ có nghĩa là vào tù. Không có thẻ có nghĩa là tội phạm. Chỉ cần nhìn thẻ là người ta biết anh sống ở đâu, thuộc quyền của tù trưởng nào và nhất là biết hằng năm anh có đóng thuế thân hay không. Chỉ người da đen mới phải đóng thứ thuế lạ đời này. Chúng tôi không gặp khó khăn về chứng minh thư. Nhưng cả hai đều thiếu một thứ giấy quan trọng: một người Phi da đen muốn di chuyển từ vùng này sang vùng khác nhất thiết phải có “giấy thông hành” của tòa thị chính. Ngoài ra còn phải có giấy xác nhận của ông chủ - trong trường hợp của chúng tôi là giấy xác nhận của tù trưởng. Ngay cả khi đã sở hữu đủ các giấy tờ này vẫn có thể bị bất kỳ viên cảnh sát nào hạch sách thiếu chữ ký của người nọ, mộc đóng sai chỗ... Nghĩa là người ta có quyền hành hạ người da đen bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu người da trắng muốn. Không có giấy tờ tùy thân thì ngang với tai họa. Chúng tôi quyết định xuống ga Queenstown rồi sau đó tính tiếp. May mắn cho chúng tôi là đã gặp người em của tù trưởng, chú của Justice, cũng là một tù trưởng. Justice đã dựng lên câu chuyện như thật rằng cha cậu cử hai người đến Johannesburg, nhưng trong hành trang thiếu các giấy tờ cần thiết do “để quên đâu đó”. Người chú tin Justice. Ông đưa chúng tôi đến tòa thị chính để bổ sung những giấy tờ còn thiếu. Với sự bảo lãnh của tù trưởng, chúng tôi chắc hẳn không gặp khó khăn nào trong chuyện này. Khi mọi giấy tờ cần thiết đã được làm xong thì viên thị chính nói rằng ông ta phải thông báo cho thị trưởng Umtata - cấp trên của ông - Thật tai hại cho chúng tôi, bởi vì khi viên thị trưởng Queenstown điện thoại cho Umtata về chuyện của hai chúng tôi thì thị trưởng Umtata cho biết viên tù trưởng đang có mặt trong văn phòng của ông ta đang đề nghị ông truy tìm hai chàng trai trẻ này. Thị trưởng chuyển giây nói cho tù trưởng và ông đã yêu cầu Queenstown giữ hai chúng tôi lại chờ ông ta đến bắt đưa về. Viên thị trưởng Queenstown nổi giận, gọi chúng tôi là những kẻ lừa đảo, phạm pháp và ông ta sẽ bỏ tù chúng tôi. Còn người chú của Justice thì chửi chúng tôi, từ mặt chúng tôi từ đó, dù trước đây ông rất mến chúng tôi. Chúng tôi bị giam chờ tù trưởng đến tóm cổ. Tôi bỗng thấy ngứa ngáy và phải làm một cái gì đó. Tôi bỗng nhớ đến những bài học, những bài kiểm tra về pháp luật mình từng viết và “làm thầy cãi” hồi ở trường đại học. Nay là lúc ứng dụng mớ lý thuyết ấy vào thực tiễn cuộc sống đang rất nan giải này. Tôi đến trước viên thị trưởng, nói lớn: “Có chuyện thật là chúng tôi đã nói dối ông. Chúng tôi công nhận khuyết điểm này. Nhưng chúng tôi không hề có hành vi phạm pháp không vi phạm điều luật nào trong các bộ luật hiện hành. Vì lẽ đó chúng tôi không thể bị tống giam do yêu cầu của bất cứ tù trưởng nào, dù người đó là cha chúng tôi”. Lập luận của tôi vững vàng, và có sức thuyết phục xem ra “lọt tai” nhà cầm quyền Queenstown. Ông đã quyết định không bắt giam chúng tôi nhưng nhấn mạnh từng chữ: hãy xéo khỏi văn phòng của ông và đừng bao giờ xuất hiện trở lại trong bối cảnh tương tự. Chúng tôi được tự do. Justice đưa tôi đến nhà một người quen. Chúng tôi quyết định “chơi trò rủi may” ngay ở Johannesberg. Chúng tôi đến đó và tìm cách hoàn chỉnh các loại giấy tờ tùy thân. Đó là bước khởi đầu của những chuyến đi đầy gian khổ hy sinh của tôi, sau này với muôn vàn thử thách khốc liệt mà ngày ấy tôi chưa thể tưởng tượng, ngoài một cuộc phiêu lưu nho nhỏ của tuổi trẻ. STừ mục đồng trở thành nhà lãnh đạo áng hôm sau chúng tôi lên đường hướng tới Johannesberg. Khoảng 10 giờ đêm, tôi nhìn thấy từ xa bầu trời sáng lấp lánh, một ma trận từ hàng ngàn vạn đốm sáng tỏa ra bốn phương tám hướng. Điện đối với tôi là thứ xa xỉ. Và ở đây, trước mắt chúng tôi là cảnh quan khổng lồ được tạo từ điện, một thành phố của ánh sáng điện. Cuối cùng thì thành phố Johannesberg cũng đã hiện ra trước mắt tôi. Hồi hộp quá chừng. Phải chăng đây là thành phố tôi từng mơ ước từ buổi ấu thơ và tôi được nghe kể ngàn vạn lần? Đối với tôi, thành phố được mô tả như là một thành phố của những giấc mơ, nơi mà một nông dân nghèo có thể trở thành một triệu phú, một thành phố của những hiểm nguy và của những cơ hội to lớn. Tôi bỗng nhớ đến những câu chuyện cô giáo dạy cắt may kể ngày nào: những tòa nhà chọc trời đến nổi mắt người không nhìn được mái của chúng, về hàng ngàn, vạn con người chen chúc nhau trên đường phố, nói đủ mọi ngôn ngữ mà người ta chưa từng nghe bao giờ, về những chiếc xe hơi chạy nối đuôi nhau như không bao giờ dứt, về những người đàn bà đẹp hơn tiên, và về những tên Găng-stơ nhiều như cát trên bãi biển. Đó là thành phố của vàng, nơi sắp tới đây là “nhà của tôi”. Tại vùng ngoại ô giao thông đã rất tấp nập, hơn hẳn những nơi tôi từng biết, từng sống. Chưa bao giờ tôi được nhìn nhiều xe hơi đến như thế. Tôi nhìn thấy hàng loạt biển quảng cáo thuốc lá, kẹo sô-cô-la và đủ loại bia treo la liệt hai bên những con đường thẳng tắp, nhẵn bóng. Cuối cùng chúng tôi đến một khu phố có nhiều vi-la sang trọng và ngôi nhỏ nhất cũng đã lớn hơn biệt thự lớn nhất của một tù trưởng tại các vùng quê của đất nước. Nhà nào cũng có vườn rộng, nhà nào cũng có cửa sắt chắc chắn. Chúng tôi được đưa vào một phòng rộng. Chúng tôi sẽ ngủ qua đêm tại đó. Justice và tôi nhanh chóng ngủ say ngay trên sàn nhà mà cứ ngỡ như đang mơ màng trên những tấm đệm lò xo. Tôi đã kết thúc một cuộc hành trình dài. Sự thật thì đó chỉ là chuyến hành trình đầu tiên, sự bắt đầu của một loạt chuyến hành trình khó khăn, gian khổ đẩy thử thách suốt gần cả cuộc đời mình. Khu mỏ vàng Crown nằm trên vùng đất bằng phẳng của dãy núi bao ngoài thành phố. Từ đó ta có thể phóng tầm nhìn bao quát xuống thành phố Johannesberg. Thành phố Johannesberg phát triển rất nhanh sau khi người ta phát hiện mỏ vàng ở Witwater, khi ngoại vi thành phố, vào năm 1941 - tức là vào thời điểm chúng tôi đến Johannesberg, nơi người ta gọi là “Thành phố Vàng”. Mỏ vàng lớn nhất Nam Phi nằm ở đó. Chẳng có gì huyền diệu ở một mỏ vàng. Đó là một vùng bị đào bới nham nhở, rác tấp thành núi mọi nơi mọi chốn, không một cây xanh tỏa bóng mát. Bốn phía là hàng rào bao bọc, trông chẳng khác gì bãi chiến trường. Tiếng ồn thật khủng khiếp. Đủ các loại máy đào, bới, xúc, vận tải, khoan, tiếng nổ của cốt mìn và những tiếng hét ra lệnh của loại cai mỏ hoà thành bản hợp tấu bát nháo đinh tai nhức óc. Nhìn vào bất cứ hướng nào tôi cũng chỉ nhìn thấy người da đen lam lũ, rách rưới, mình phủ đầy bụi đất, mệt mỏi, đôi mắt trắng dã, lưng còng. Họ sống trong những khu lều trại lụp xụp trên khu đất của mỏ, trông không khác gì trại lính... Khai thác vàng là một công việc nặng nhọc. Hàm lượng vàng trong quặng không cao, lại nằm sâu dưới lòng đất. Chủ mỏ chỉ có thể tìm kiếm lợi nhuận cao qua việc bóc lột thậm tệ sức lao động của công nhân da đen. Hàng chục vạn người từ khắp các vùng trong nước đến đây mong kiếm được chút ít tiền nuôi thân và phụ giúp gia đình. Họ không được bảo hiểm tai nạn, không có bất cứ một quyền lợi nào ngoài quyền bán sức lao động của mình với giá rẻ mạt. Cái gọi là Mining House, một tổ chức nằm trong tay người da trắng, tha hồ làm giàu trên đầu, trên cổ, trên lưng người Phi da đen. Ở đây lần đầu tiên tôi chứng kiến chủ nghĩa thực dân da trắng Nam Phi trong hành động, và tôi biết rằng ở đây mình được dạy khác hơn những gì được học từ trước đến lúc ấy. Do quan hệ của chúng tôi với tù trưởng, cho nên Justice và tôi được đối xử có phần ưu ái hơn. Tiếng nói của tù trưởng có trọng lượng ở Crown. Chủ mỏ thường tuyển lao động thông qua các tù trưởng. Vì vậy các tù trưởng có uy tín với thần dân của mình. Họ thông báo cho tù trưởng đầy đủ những gì thần dân của tù trưởng làm việc ở mỏ. Justice và tôi đến gặp đốc công Piliso, một người lăn lộn và trải qua mọi công việc nặng nhọc của thợ mỏ. Piliso nhận ra Justice, bởi vì mấy tháng trước đấy bố Justice đã có thư gửi đến mỏ cho Piliso, yêu cầu anh sắp xếp cho con trai mình là Justice một việc làm “tươm tất một chút”. Nhưng Piliso không hề biết tôi. Justice giải thích với anh ta rằng tôi làm em trai của anh ấy. Tù trưởng chưa bao giờ nhắc đến người con trai thứ hai này. Piliso nhìn tôi vẻ thăm dò, soi mói như muốn nuốt vào bụng. Justice bảo đảm là trong vài ngày nữa tù trưởng sẽ gửi thư giới thiệu đến. Piliso tin Justice, nhưng vốn là người da trắng, anh ta nói rằng chỉ có thể giao công việc dưới mỏ cho Neslon một khi có “thư giới thiệu và xác nhận của tù trưởng”. Trong khi chờ đợi tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ, tuần tra ban đêm. Thợ mỏ Thembu đều biết Justice là con tù trưởng và họ cũng coi anh như một tù trưởng. Để lấy lòng “ông chủ nhỏ tương lai”, khi gặp mặt những người thợ mỏ chân thật đã mừng vui thực sự. Họ - không có ngoại lệ - đã tặng Justice tiền. Số tiền gộp lại đủ cho hai chúng tôi xài cả tháng mà khỏi phải làm lụng gì. Justice cho tôi ít nhiều. Đó là vốn liếng riêng đầu tiên trong đời tôi. Tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc bảo vệ, tuần tra đêm. Hai chúng tôi tạm yên thân với công việc ở đây. Chẳng hiểu do ma quỷ nào sai khiến chúng tôi đã kể hoàn cảnh của mình cho một người bạn mới nghe từ đầu đến cuối, không sót chi tiết nào. Mặc dù anh bạn đã “long trọng” hứa giữ bí mật cho chúng tôi, nhưng ngay sau đó anh ta đã “tâu” đầy đủ mọi chi tiết với Piliso. Ngay sáng hôm sau, Piliso đã gọi chúng tôi đến văn phòng của ông ta. Piliso hỏi Jusitce: “Thư giới thiệu của tù trưởng đâu?”. Ngay sau đó Piliso thông báo cho tù trưởng. Vài ngày sau Piliso đưa cho Justice bức điện của cha anh gửi tới: LẬP TỨC ĐƯA HAI ĐỨA VỀ NHÀ! Về quê ư? Không bao giờ. Chúng tôi quyết định đến cầu cứu tiến sĩ Suma, một bạn cũ của tù trưởng và từng là tổng thư ký Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Ông cũng quê ở Transkei, là bác sĩ danh tiếng, rất được kính trọng ở Johannesburg. Tiến sĩ Suma liên hệ với chủ mỏ, chủ mỏ đồng ý và ông này viết thư cho chúng tôi mang đến... Piliso để ông đốc công lo liệu công việc chu tất! Chúng tôi nhìn nhau cười ra... nước mắt! Chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm khi Piliso thẳng thừng bác bỏ mọi sự liên quan giữa ông ta với hai chúng tôi mà ông ta gọi là “những tên bịp bợm”. Chúng tôi phải rời “khu tập thể mỏ” và đi tìm nơi sống mới, công việc mới chứ nhất thiết không quay trở lại con đường chúng tôi đã trải qua với bao nhọc nhằn. Một người bạn giúp tôi mang túi xách ra khu tập thể. Chẳng hiểu vì lý do gì mà bọn nhân viên bảo vệ khám túi chúng tôi kỹ đến thế. Cuối cùng chúng phát hiện trong túi của tôi có khẩu súng ngắn, đã rất cũ. Người bạn bị bắt đến đồn cảnh sát về tội “tàng trữ vũ khí trái phép”. Tôi không thể để anh ta chịu vạ lây, bởi vì khẩu súng ấy là của tôi, là “tài sản thừa kế” cha tôi để lại khi người qua đời. Tôi quyết định đến đồn cảnh sát, gặp đồn trưởng, nói rõ tất cả sự thật. Tôi nói với ông ta rằng khẩu súng ấy là của thừa kế, là vũ khí phòng thân khi gặp bất trắc mà bằng chứng là nó được gói kỹ và cất ở ngăn túi cuối cùng chứ không phải để trong người. Tôi lý giải với viên sĩ quan chỉ huy: “Thưa ông chỉ huy! Đó là khẩu súng của tôi. Tôi là người thừa kế khẩu súng ấy ở Transkei khi cha tôi qua đời trao lại. Tôi mang theo đến đây vì sợ bị Găng-stơ tấn công”. Tôi nói thêm rằng là sinh viên ở Fort Hare, tôi chỉ “quá cảnh” qua Johannesburg. Viên sĩ quan nghe chăm chú và dường như ông ta nhận ra những gì tôi trình bày không phải là bịa đặt. Ông ta hứa sẽ thả người bạn ra, tuy vậy tôi vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do sở hữu vũ khí trái phép. Ông nói không giam tôi, nhưng vào ngày thứ hai tôi phải ra hầu tòa. Tôi đã đến tóa án đúng giờ quy định. Ở đó tòa đã buộc tôi nộp một khoản tiền phạt nhỏ do “vi phạm quy định của luật pháp”. Trong những ngày lang thang ở Johannesburg, tôi đã tìm đến nhà một người họ hàng. Tôi nói với anh rằng mình muốn trở thành một luật sư. Người anh em khen ngợi ý chí và quyết tâm của tôi và hứa sẽ giúp tôi với tất cả khả năng có thể của anh. Vài ngày sau anh dẫn tôi đến gặp một nhân vật mà anh nói là “thuộc những người ưu tú nhất của Johannesburg”, một người buôn xe hơi người Phi. Tên anh là Walter Sisulu. Tên tuổi Sisilu hồi ấy qua thật đã rất nổi tiếng ở Johannesburg do sự thành đạt trên thương trường và nhất là vì ông là người đứng đầu Đại hội Dân tộc Phi (ANC) ở thành phố đô hội này. Sisulu nghe tôi nói một cách rất chăm chú. Tôi nói với ông rằng để thực hiện được ước vọng ấy tôi phải ghi danh theo học tại Trường Đại học Tổng hợp Nam Phi. Tôi cảm nhận sự tin cậy đối với con người nồi tiếng đang chăm chú nghe mình. Tôi kể cho ông nghe hoàn cảnh buộc tôi phải rời Fort Hare và vì sao mình lựa chọn Johannesburg. Johannesburg hồi đó là sự phối hợp giữa một thành phố biên giới và một đô thị thương mại. Người mua kẻ bán đủ loại hàng hóa khắp nơi từ vỉa hè đến góc phố. Trên các tòa nhà cao tầng quần áo phơi lộn xộn trên ban công. Ngành công nghiệp chiến tranh hoạt động hối hả. Năm 1939, Nam Phi tuyên chiến với nước Đức Hitler với tư cách là một quốc gia trong khối Liên hiệp Anh. Đất nước phải động viên người và của cho cuộc chiến tranh này. Vì lẽ đó nhu cầu lao động ở Johannesburg tăng lên khủng khiếp. Johannesburg trở thành khối nam châm cực lớn thu hút lao động từ các vùng nông thôn. Từ năm 1941 - năm tôi đến Johannesburg - đến năm 1946 dân số thành phố này tăng gấp đôi. Những Ghettos của người da đen mọc lên như nấm sau cơn mưa. Nhà ổ chuột, nhà “hộp diêm” mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm. Sisilu nói rằng ông quen biết một luật sư da trắng gốc Do Thái tên là Lazar Sidelsky. Ông là một người tiến bộ và có thể sẽ tuyển tôi làm nhân viên tập sự ở văn phòng luật sư - điều kiện cần có cho việc học luật sau này ở trường Đại học Tổng hợp, tôi cần kiên nhẫn. Trong giọng nói của Sisulu có cái gì đó đáng tin cậy. Tôi từng nghĩ là những người thành đạt trên thương trường, những người thông thạo tiếng Anh hẳn cũng phải là những người có học vị hàn lâm. Sisulu là một trong những người đó chăng? Tôi quả thật không ngờ chính ông - Walter Sisulu - chưa từng học qua bậc trung học. Thêm một bài học đường đời nữa cho tôi. Ở Fort Hare người ta dạy tôi với tấm bằng B.A sẽ đưa tôi lên một vị trí của người lãnh đạo. Nhưng ở Johannesburg tôi nhận thấy rằng nhiều, rất nhiều nhà lãnh đạo chưa hề tốt nghiệp một trường đại học nào. Và mặc dù tôi đã tốt nghiệp khóa tiếng Anh bắt buộc để học và thi bằng B.A thế nhưng trên thực tế tôi đã chưa thể nói tiếng Anh một cách lưu loát và giàu từ ngữ như nhiều nhân vật tôi đã gặp ở Johannesburg. Những người này chưa từng tốt nghiệp một khóa tiếng Anh bậc trung cao nào. Theo giới thiêu của Walter Sisulu, tôi đến trình diện luật sư Lazar Sidelsky. Văn phòng của ông mang tên Witkin-Sidelsky và Eidelman - văn phòng lớn nhất của giới thầy cãi ở Johannesburg. Họ là “thân chủ” của cả người da trắng lẫn người da đen. Lazar Sidelsky đã đồng ý tiếp nhận tôi và một nhân viên da đen khác nữa. Tên anh là Gaur Radebe hơn tôi độ mười tuổi. Anh là một người da đen khá nổi tiếng ở thành phố này. Ở nước Nam Phi ai muốn trở thành Luật sư thì phải học khoa luật tại trường đại học, đồng thời phải trải qua những giai đoạn thực tập có kiểm tra của trường. Nhưng để có thể được nhận làm “trợ lý” tại một văn phòng luật sư lớn như văn phòng của ông Lazar Sidelsky, tôi phải thi lấy bằng B.A mà lẽ ra nếu không có sự cố về cuộc bầu cử Ban chấp hành đoàn Thanh niên sinh viên ở Fort Hare thì tôi đã hoàn thành học phần quan trọng này rồi. Tôi đành phải chọn giải pháp khác theo chỉ dẫn của Lazar Sidelsky là theo học hàm thụ Trường Đại học Tổng hợp Nam Phi. Văn phòng Witkin-Sidelsky-Eidelman dù là của người da trắng song được nhìn nhận là tiến bộ hơn mọi văn phòng khác ở Johannesburg. Văn phòng này đặc biệt quan tâm bảo vệ quyền lợi của người Do Thái. Việc luật sư Lazar Sidelsky tuyển tôi làm việc chuyên môn tại văn phòng ông là thiện chí đáng nói. Ít ai nghĩ rằng tôi được tuyển chọn làm việc ở đó. Tôi quý trọng Sidelsky trước hết vì ông là người khuyến khích người Phi da đen chúng tôi học hành. Ông khoảng 35 tuổi, thường quyên tiền ủng hộ các trường học của người da đen, thường xuyên đến thăm học sinh Phi học ở các trường đó. Tôi đặc biệt biết ơn ông khi ông nói rằng tôi phải học đến nơi đến chốn không chỉ vì tương lai của mình mà còn là cho những người Phi da đen khác. Ông nói với tôi rằng một người có học không dễ gì bị kẻ khác áp chế. Sự khuyến khích và động viên của ông đã giúp tôi sức mạnh vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại. Trong ngày đầu tiên đến nhận việc tại Văn phòng luật sư, tôi đã làm quen với một trong những nữ thư ký khá xinh và rất có thiện cảm. Tên cô là Lieberman. Chính cô đã đón tôi vào buổi sáng hôm đó. Cô nói: “Nelson này, ở văn phòng chúng tôi không có tủ màu”. Tiếp đó cô giải thích khi người bưng trà cho các viên chức trong văn phòng: “Chúng tôi đã sắm cho anh và Gaur hai ly uống trà mới. Các nữ thư ký chỉ hầu trà các sếp. Còn anh và Gaur phải tự đi lấy trà của mình như bọn thư ký chúng tôi vậy. Tôi sẽ gọi anh khi trà đã pha xong”. Tôi cảm ơn lời chỉ dẫn của cô, nhưng đồng thời tôi đã hiểu ra rằng hai ly trà mới mà Lieberman nhấn mạnh là lời chứng minh thêm cho hai từ “tủ màu” mà cô cho biết là không hiện diện trong văn phòng. Người da trắng có thể chia phần trà tiêu chuẩn cho các nhân viên da đen nhưng không “chia các tách trà”. Khi tôi báo cho Gaur chuyện này, anh nói ngay: “Nelson này, cậu đừng quan tâm gì hết về giờ uống trà cũng như những tách trà. Hãy làm theo cách của tớ!”. Cô Lieberman đến phòng chúng tôi vào lúc 11 giờ, báo tin trà đã pha xong. Gaur nhanh chóng đi trước các nữ thư ký và vài nhân viên khác. Anh gạt hai tách trà mới sắm sang một bên, chọn một tách cũ, cho nhiều đường vào và uống liền một hơi đầy vẻ thỏa mãn. Các nữ thư ký nhìn anh chằm chằm, rất đỗi ngạc nhiên. Gaur nhìn tôi nháy mắt như thể muốn bảo: “Nào Nelson, đến lượt cậu đấy!”. Trong khoảnh khắc, tôi như mất phương hướng. Tôi không muốn làm phật lòng các nữ thư ký và cũng không muốn khiêu khích người bạn đồng nghiệp cùng màu da. Và tôi quyết định hành động theo cách riêng của mình mà tôi cho là hợp lý nhất. Tôi nói mình không khát và vì vậy tôi không uống trà. Hồi ấy tôi 23 tuổi, đang tìm sự khẳng định mình là một người đàn ông đích thực, một công dân Johannesburg và viên chức của Văn phòng Witkin-Sidelsman-Eidelsman danh tiếng. Cách chọn “con đường thứ ba” là hợp tình hợp lý nhất lúc này. Về sau, trong những ngày tiếp theo tôi tự vào bếp của văn phòng và pha trà rồi nhấm nháp một mình ở đó. Công việc của tôi ở Văn phòng thời gian này là kết hợp giữa chức năng của nhân viên văn phòng và người liên lạc đưa công văn, thư tín. Tôi tự tìm giấy tờ, văn bản, sắp xếp theo vần, địa chỉ đường phố, và không ít lần tôi tự mang hồ sơ đến tận nhà khách hàng. Về sau chính tay tôi đã ký vào một số bản hợp đồng với các khách hàng người Phi da đen. Không phải nữ thư ký nào cũng lịch duyệt như cô Lieberman đâu. Một lần, vào lúc tôi đang đọc cho một nữ thư ký da trắng ghi nội dung bản dự thảo hợp đồng cho một khách hàng mới, thì một khách hàng da trắng bước vào Văn phòng. Người nữ thư ký da trắng bỗng bối rối khác thường. Và thật bất ngờ chỉ trong nháy mắt cô ta đã chứng tỏ rằng mình không phải loại nhân viên xoàng xĩnh, chỉ biết chép những gì người da đen nghĩ và đọc ra. Cô bỏ bút, ngồi thẳng lên một cách ung dung, tự tin, tay với túi xách mở ra, rút ví lấy tiền và thản nhiên ra lệnh sắc nhọn: - Này Nelson, hãy đến hiệu tạp hóa mua cho tôi chai Shampoo. Nghe chưa ?! Tôi cầm tiền, đi ra phố và mua cho cô chai Shampoo như cô “ra lệnh”. Luật sư Sidelsky thường trao đổi và thông báo cho tôi hiểu những đạo luật hiện hành ở Nam Phi. Nhưng đồng thời ông cảnh cáo tôi chớ dấn thân vào con đường hoạt động chính trị. Theo ông thì chính trị mang lại cho con người những gì nghiêm trọng nhất. Ông đã phác họa một hình ảnh đáng sợ khi tôi lao vào con đường ấy. Ông khuyên nên tránh xa “xã hội của những con người” mà Sidelsky gọi là những thủ lĩnh làm loạn và những kẻ gây rối. Điển hình của loại người này là Walter Sisulu và Guar Radebe. Lazar Sidelsky đánh giá cao năng lực của những người này, nhưng đồng thời ông phê phán lập trường chính trị của họ gay gắt. Trong thực tế Gaur là “kẻ gây rối” đúng với nghĩa của từ này. Trong lòng người châu Phi, anh là người có ảnh hưởng rất lớn mà ông Sidelsky không biết nhưng ý thức khác rõ. Anh là người có chân trong ban lãnh đạo một tổ chức quần chúng tại một quận phía tây thành phố. Tổ chức này thật ra chẳng có mấy quyền hành nhưng lại rất có uy tín trong dân chúng. Như tôi mới được biết Gaur là một nhân vật có vai trò lãnh đạo không chỉ trong Đảng Cộng sản Nam Phi mà cả trong Đại hội Dân tộc Phi. Anh là một người độc lập, tự chủ, không bao giờ tỏ ra khúm núm trước các ông chủ, trái lại anh từng phê phán những kẻ cầm quyền da trắng khá gay gắt trước mặt những người da trắng bất kể họ là khách đến văn phòng hay người làm việc trong văn phòng, kể cả các ông chủ. Gaur nói: “Người da trắng đã cướp đoạt đất nước tôi và cai trị chúng tôi như những người nô lệ...”. Một hôm, sau khi đi công cán về Văn phòng, tôi bỗng nghe Gaur đang nói thẳng với Luật sư Sidelsky: “Ông nghe đây: Ông ngồi đó như một Huân tước trong khi tù trưởng của tôi làm chức phận người đưa thư cho ông. Tình hình sẽ có lúc đảo ngược và chắc chắn việc ấy sẽ xảy ra. Lúc đó chúng tôi sẽ ném tất cả các người xuống biển!”. Nói xong Gaur bỏ ra ngoài, còn Sidelsky thì lắc đầu vẻ chán ngán. Gaur là ví dụ của một người đàn ông không có bằng B.A song lại là người học tập không ngừng, học nhiều hơn bất cứ chàng trai nào ở đại học Fort Hare có bằng cấp hẳn hoi. Anh không chỉ khiêm tốn mà còn rất tự tin. Về phần mình, dù tôi không từ bỏ việc đoạt cho bằng được bằng B.A và tiếp đó là học Luật ở trường đại học thì tôi cũng đã học được ở Gaur rằng, một văn phòng hàn lâm không hẳn là chứng chỉ cho một vai trò lãnh đạo, và rằng sẽ chẳng có chút ý nghĩa nào nếu người ta thoát lý thực tế, không tắm mình vào cuộc sống để thử thách vàng thau. Tôi không phải là “viên chức tập sự” duy nhất tại Văn phòng Witkin Sidelsky-Eidelman. Một chàng trai cỡ tuổi tôi tên là Nar cũng được vào Văn phòng. Anh là người khiêm tốn, rất cởi mở và suy tư. Anh là người duy nhất “mù màu” và là người bạn da trắng đầu tiên của đời tôi. Một hôm Nar bước vào văn phòng mang theo một gói bọc giấy báo. Anh biết tôi đang đói. Nar gọi tôi đến bên bàn và anh mở gói giấy báo ra. Đó là chiếc bánh mì kẹp thịt. Nar bảo tôi cầm một đầu, còn anh cầm đầu kia. Và hai chúng tôi cùng kéo. Chiếc bánh mì đứt ra làm hai phần và ngẫu nhiên là hai phần gần bằng nhau. Nar nói trong ánh mắt đầy niềm vui: “Nelson, những gì chúng ta vừa làm là biểu tượng triết lý của những người cộng sản đấy: không ai dành lấy tất cả về mình, người ta phải chia sẻ cho nhau những gì ta sở hữu!”. Nar nói với tôi không cần phải giấu giếm rằng anh là đảng viên cộng sản. Nhân dịp này Nar đã giải thích cho tôi những nét cơ bản, những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản. Cách nói, thái độ và sự cởi mở thân tình của Nar làm tôi liên tưởng đến Gaur. Chắc chắn Gaur là một trong những chiến sĩ công sản. Chỉ có điều là anh ấy chưa bao giờ tuyên truyền lý tưởng cộng sản với tôi. Tôi đã theo Nar đến dự nhiều cuộc sinh hoạt câu lạc bộ của thanh niên trí thức. Tôi không phải là thành viên của những câu lạc bộ này mà mới chỉ là người quan sát. Có điều tôi chưa từng thấy là tại những căn phòng ấm cúng ấy không chỉ còn da đen mà còn hiện diện nhiều người da trắng, trong số đó có những trí thức danh tiếng: bác sĩ, giáo sư, nhà văn... Tất cả họ đều “mù màu” (ý nói không hề có chuyện phân biệt chủng tộc, màu da như bọn cầm quyền Arpartheid - ND) và đối cử, tranh luận, chuyện trò, ca hát với nhau như những người anh em trong một gia đình. Làm việc ở Văn phòng luật sư tại thành phố Johannesburg nhưng tôi phải sống ở Alexandra, một thị trấn ngoại ô Johannesburg, cách trung tâm 10km. Alexandra không có điện, giá thuê nhà rẻ. Hơn nữa tôi có người quen ở đó, cho nên chi phí thuê nhà rẻ hơn. Người da trắng từng khẳng định: người Phi da đen là “dân nhà quê” chỉ sống được trên đồng ruộng. Nhưng sự thật không phải như vậy. Alexandra thật sự là thành phố của người da đen từ khắp nơi trong nước theo tiếng gọi của đất nước trong thời gian Nam Phi tuyên chiến với nước Đức của phát xít Hitler. Thành phố không có điện, trẻ con nhếch nhác do đói nghèo, nhưng thành phố nhỏ và xinh xắn này hoạt động nhịp sống đô thị không khác gì những thành phố của người da trắng. Tôi lĩnh lương 2 bảng Anh mỗi tháng. Dù đã chi tiêu tằn tiện quá mức rồi mỗi tháng tôi vẫn còn nợ tiền nhà năm mười pence. Tôi còn nhớ mình không có quần áo tươm tất khi đến văn phòng làm việc. Ông Lazar Sidelsky đã biếu tôi bộ com-lê cũ. Tôi cao bằng ông nên bộ com-lê vừa vặn. Tôi đã mặc bộ quần áo ấy suốt 5 năm trời. Khi không còn có thể mặc được nữa thì đếm miếng vá chi chít, chúng chiếm diện tích quá nửa tổng diện tích bộ quần áo. Một lần ngồi trên xe bus, bên cạnh một hành khách ăn mặc tươm tất - cũng là người Phi da đen, bởi vì ở Nam Phi hồi đó người da đen không được chạy xe bus chung với người da trắng - tôi cảm thấy quần áo mình chạm vào quần áo của người bên cạnh. Ông này đã phản ứng làm tim tôi nhói đau: ông ta xích xa tôi như thể tránh sự hôi hám từ bộ quần áo của tôi khỏi bám vào quần áo ông khi hai cái chạm sát vào nhau!. Sự nghèo khổ chẳng có gì để kể. Tuy nhiên cái nghèo lại có lúc là mảnh đất màu mỡ cho những tình bạn chân thành. Người giàu có nhiều bạn. Người nghèo có ít bạn thôi. Nếu sự giàu có có sức hút của nam châm đối với vụn sắt, sự nghèo đẩy nó ra xa. Nhưng tình bạn trong sự nghèo khổ nhiều khi tuyệt vời hơn những gì ta tưởng. Một hôm tôi quyết định cuốc bộ từ Alexandra đến Johannesburg, vừa để luyện tập cơ thể, nhưng chính là để tiết kiệm tiền xe bus. Từ xe tôi phát hiện một phụ nữ trẻ quen biết hồi còn đi học ở Fort Hare. Nàng tên là Phyllis Maseko. Nàng đang đi ngược chiều với tôi trên cùng một hè đường. Tôi làm như không biết những gì sắp xảy ra, đã qua đường sang hè bên kia. Tôi phải làm như vậy vì trên người tôi lúc ấy là bộ quần áo mà số mảnh vá nhiều hơn sao trên trời! Tôi từng mong nàng không nhận ta tôi. Vừa sang bên kia hè đường tôi đã nghe tiếng gọi của nàng: “Nelson, anh Nelson!”. Tôi dừng lại và làm như thể lần đầu tiên nhận ra tiếng người quen. Nàng sang chỗ tôi đang đứng và vui mừng thật sự khi gặp lại người quen. Trong phút giây ấy, tôi cũng hiểu rằng nàng không bỏ qua hình dáng bên ngoài của tôi. Nàng nói: “Anh Nelson, đây là địa chỉ của tôi. Hãy đến thăm tôi nhé, tôi chờ đấy!”. Trong thâm tâm, tôi quyết định không bao giờ chịu để bị “hạ nhục” một lần nữa trước mắt người đẹp. Nhưng tôi đã không thể giữ được “lời tự hứa” và đã đến nhà nàng vào đúng lúc tôi đang đói, cần hơn lúc nào một bữa ăn hồi sức. Nàng đã cho tôi ăn uống chu tất và dường như không chút để ý đến cảnh trớ trêu của tôi lúc ấy: đói khát, ăn mặc rách rưới. Từ ngày hôm đó tôi thường đến thăm nàng. Ông chủ nhà trọ cũng là một người đáng kính. Ông bà có 5 cô con gái. Dù không giàu sang gì nhưng ông bà chủ thỉnh thoảng mời cơm tôi. Tôi phải nói thật là những bữa cơm mời ấy mới thật sự là những bữa tiệc của tôi, vì có thịt, có súp, có cơm nóng canh sốt. Đó là những thứ xa lạ với tôi trong suốt thời gian làm việc ở Johannesburg và sống ở Alexandra. Ông bà chủ mến tôi, có ý muốn tôi kết bạn với cô con gái đầu lòng, cũng trạc tuổi tôi. Tôi cũng mến nàng, cũng tìm cách tiếp cận và chuyện trò với nàng. Nhưng tôi đâu biết tán tỉnh. Hơn nữa, cô nàng vẫn cặp kè với một anh chàng lành lặn hơn tôi nhiều. Nhiều năm sau, một người đàn bà ôm con đến Văn phòng luật sư của tôi. Thân chủ ấy chính là cô con gái chủ nhà trọ của tôi trước kia. Nàng đã có con, nhưng thằng cha sở khanh đã bỏ rơi nàng. Tôi làm được gì cho nàng bây giờ? Kiện hắn ư? Ai đi kiện loại đầu trộm đuôi cướp, lừa đảo và cưỡng đoạt đàn bà con gái nhẹ dạ?!. Một sự kiện làm thay đổi tư duy của tôi là lần tiếp kiến nữ hoàng Thembu. Tôi nghe nữ hoàng nói nhiều thứ tiếng khác nhau của các bộ tộc người Phi mà mình chẳng hiểu mấy. Dường như nhận ra bộ mặt ngơ ngác của tôi lúc ấy, nữ hoàng gọi tôi lại gần và nói bằng tiếng Anh: “Anh sẽ là một luật sư, một thủ lĩnh lọai nào mà lại không thể hiểu tiếng nói của các dân tộc mình?”. Tôi không tìm nổi câu trả lời. Câu hỏi vừa làm tôi rối trí vừa làm tôi xấu hổ. Phải chăng tôi đã bị chế độ cai trị của người da trắng làm biến dạng tới mức không còn hiểu ngôn ngữ của ngay chính đồng bào ruột thịt của mình? Không hiểu ngôn ngữ thì làm sao có thể tiếp cận con người được chứ? Làm sao có thể chuyện trò với họ và nghe họ giãi bày tâm sự, và như thế làm sao hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của người dân, làm sao hiểu được lịch sử của các dân tộc anh em, làm sao hiểu được văn hóa của họ không phải chỉ để hưởng thụ những thụ những tinh hoa mà còn để thẩm định chất nhân văn cao cả của nghệ thuật của các dân tộc trên vùng đất đau thương nhưng từng có một quá khứ hào hùng này? Trên tất cả, tôi nhận ra chân lý này: Chúng tôi không phải là những dân tộc khác nhau nói những ngôn ngữ khác nhau mà là một dân tộc nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tôi đã cùng đi với Gaur và Nar dự nhiều cuộc gặp mặt có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các bộ tộc Nam Phi và với đời tôi. Tôi dần dần hiểu ra rằng Gaur, Sisulu, Nar và những người yêu nước khác đã chỉ cho tôi con đường gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả dân tộc chứ không chỉ cho một bộ tộc, một nhóm nào trong xã hội. Năm 1943, khi trở lại hẳn Johannesburg, tôi đã ghi danh học tiếp tại trường Đại học Universitaet of the Witwatersrand - gọi tắt là "Wits" để thi lấy bằng LL.B. (Bachelor of Laws). Đó là văn bằng cấp đầu của bằng Luật học. Tại "Wits", tôi may mắn gặp mặt và cộng tác với những người được xem là tinh hoa của nhiều dân tộc: người Phi, người Do Thái, người Âu, người Ấn... Họ là những trí thức uyên bác là những người yêu Nam Phi nồng nàn, những người chống mọi hình thức phân biệt màu da, sắc tộc. Số đông trong những tinh hoa này của Nam Phi là đảng viên cộng sản. Chính "Wits" đã mở cho tôi một thế giới mới, hoàn toàn mới, một thế giới đầy tư tưởng nhân văn và lòng tin qua hàng loạt luận điểm mới mẻ. Tôi được sống trong tập thể trí thức nước tôi, cả da trắng, da đen, người Ấn cùng tuổi với tôi mà số đông hình thành đội tiên phong của các phong trào chính trị quan trọng nhất của đất nước lúc bấy giờ và những thập niên tiếp theo. Lần đầu tiên tôi gặp những người đồng trang lứa gắn bó với nhau trong một sự nghiệp cao cả: Cuộc đấu tranh cho tự do, sẵn sàng hy sinh cho những người cần lao đau khổ bị đọa đày trong xã hội bất bình đẳng, không phân biệt tôn giáo, nam nữ, giàu nghèo. Một sự nghiệp cao cả biết bao. Tôi không thể nói chính xác mình giác ngộ chính trị vào thời điểm nào. Những người Phi ở nước Nam Phi trong những năm bốn mươi coi như giác ngộ chính trị ngay từ khi mới chào đời, bất chấp người ta khẳng định hay phủ nhận. Một đứa trẻ người Phi chỉ sinh ra trong một bệnh viện, một nhà hộ sinh dành cho người Phi, chỉ được bước lên chiếc xe bus dành riêng cho người Phi, chỉ được ở trong vùng qui định riêng cho người Phi và chỉ có thể đến trường - nếu nơi nào đó có trường - dành riêng cho trẻ em người Phi. Đứa trẻ ấy may mắn lớn lên, trưởng thành chỉ có thể tìm được một công việc dành cho người Phi, chỉ được thuê một nơi che mưa nắng dành cho người Phi và lúc nào cũng có thể bị chặn lại giữa đường và buộc phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Và nếu người Phi ấy quên mang theo thẻ căn cước thì lập tức bị ném vào nhà giam. Những sự nhục mạ chất chồng, hàng ngàn vạn sự bất công khôn tả thức dậy trong tôi lòng căm phẫn đòi phải chiến đấu chống lại hệ thống chính trị tàn bạo đã bỏ tù cả dân tộc tôi. Không thể nói ngày cụ thể của tháng năm nào tôi bắt đầu hiến thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc tôi, đồng bào tôi. Đối với tôi việc dấn thân vào cuộc đấu tranh ấy rất đơn giản, bởi vì tôi không thể làm khác được. Trong năm 1941 - năm đầu tiên tôi đến Johannesburg, thuê nhà ở Alexandra, một khu ổ chuột của người Phi da đen vùng ngoại ô thành phố Johannesburg - tôi đã biết được mức độ của sự khốn cùng hơn hai mươi năm tuổi trẻ ở Qunu. Cuộc sống ở Alexandra rất sôi động và cực kỳ nguy hiểm. Đường phố bẩn thỉu, không trải nhựa cũng không lát đá, đông đặc trẻ em nghèo đòi rách rưới gần như trần truồng. Không khí nồng nặc mùi khói than. Những vũng nước bẩn thỉu, đen ngòm đầy bọ trên đường phố, trên vỉa hè. Cái gọi là khu chung cư quá tải người ở. Ban đêm súng ngắn và dao búa thống trị. Dù trong tình cảnh khốn khổ ấy, Alexandra vẫn cứ là một loại thiên đường đối với người da đen chúng tôi. Đây là vùng lãnh thổ duy nhất ở nước Nam Phi mà người Phi có quyền sở hữu đất đai và tự mình canh tác, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ mà không nhất thiết cứ phải làm nô lệ cho người da trắng. Alexandra vì thế được gọi là "miền đất Thánh". Như tôi đã viết, nhằm kích thích dân chúng ở lại nông thôn hoặc đổ xô đến các mỏ vàng làm cu li, chính quyền luôn luôn khẳng định rằng người Phi sinh ra là để kéo cày trên đồng ruộng hoặc đào quặng dưới hầm sâu, không phù hợp với lối sống đô thị. Bất chấp các vấn đề lớn nhỏ và mọi thiếu thốn, Alexandra đã khẳng định những nhận định có chủ đích của nhà cầm quyền da trắng chỉ là bịp bợm. Từ Alexandra đến Johannesburg tôi phải đi xe bus. Đó là loại "xe bus tự tạo"và "chỉ chở dân bản xứ", tức là người Phi da đen. Khi rỗng túi thì tôi phải cuốc bộ mất khoảng 2 giờ. Những năm làm việc và học tập ở Johannesburg đã thay đổi đời tôi. Như đã nói, nhiều nhân vật tác động làm ảnh hưởng đến những chuyển biến về con đường đi của tôi. Người đóng vai trò quan trọng nhất trong thời gian này đối với tôi là Walter Sisulu. Anh là người mạnh mẽ, chín chắn, rất thực tế và đặc biệt là rất quả cảm. Trong mọi trường hợp hiểm nghèo bao giờ anh cũng giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt. Anh khẳng định ANC là chiếc động cơ làm thay đổi tình hình Nam Phi, là nơi tập trung những hy vọng và cố gằng không mệt mỏi của người Phi da đen. Nhiều khi người ta đánh giá một tổ chức thông qua những thành viên của tổ chức đó. Bản thân tôi nghĩ rằng sẽ là một niềm tự hào lớn lao cho mình được là thành viên của một tổ chức chính trị có những thành viên như Sisulu. Ngày ấy không có điều kiện nhiều để có thể lựa chọn. ANC là tổ chức duy nhất mở rộng cửa chào đón mọi người Phi - da trắng, da đen hay da màu - gia nhập vào hàng ngũ của mình. Tồ chức này được coi như là một chiếc dù cực lớn che chở cho mọi người Phi. Những thay đổi đã không diễn ra trong thập niên bốn mươi. Hiến chương Đại Tây Dương ký kết giữa Rosevelt và Churchill năm 1941 khẳng định lòng tin vào danh dự của mỗi con người cũng như tuyên truyền một loạt nguyên lý dân chủ. Song ở phương Tây, nhiều người gọi Hiến chương này chỉ là những lời nói rỗng tuếch chứ không phải người phải Phi chúng tôi khẳng định điều đó. Thông qua Hiến chương Đại Tây Dương và cuộc chiến đấu của phe Đồng minh chống thế lực bạo tàn phát xít, ANC đã soạn hiến chương riêng cho mình, gọi là African Claims, đòi quyền công dân bình đẳng hoàn toàn cho tất cả mọi người Phi, quyền sở hữu đất đai, tài sản và đòi hủy bỏ đạo luật phân biệt màu da, sắc tộc trên toàn lãnh thổ Nam Phi. Chúng tôi từng hy vọng chính phủ và mỗi người dân Nam Phi nhận thức được rằng những nguyên lý mà người ta phấn đấu ở châu Âu cũng chính là những gì chúng tôi phấn đấu ở Nam Phi. Căn hộ của Walter Sisulu ở Orlando - một khu phố ở Johannesburg - trở thành thánh địa của các cán bộ lãnh đạo và thành viên ANC. Ở đó tôi đã có cơ hội tiếp cận Anto Lembede. Ông là một trong số ít ỏi luật sư người Phi trung thành bảo vệ “Chủ nghĩa Phi châu”. Đối với ông, lục địa Phi là của người da đen. Và đã đến lúc chín muồi để người Phi khẳng định chân lý ấy và giành lại nó một cách hợp pháp. Lembede trở thánh Chủ tịch đầu tiên của Đoàn Thanh niên ANC ra đời năm 1944. Tôi có mặt trong Ban Chấp hành được Đại hội bầu ra. Oliver Tambo mà tôi từng quen thân trong thời gian học tập và nghiên cứu ở trường đại học, được bầu là Bí thư và Sisulu là ủy viên Ban chấp hành phụ trách tài chính. Chúng tôi chủ trương động viên đông đảo quần chúng ủng hộ những mục tiêu của Đoàn. Lembede bất bình về sự tự ti của người Phi và lấy làm khó chịu khi nói rằng vì tự ti quá đáng mà người Phi tôn sùng cả con người lẫn những tư tưởng của người da trắng như là vị thánh. Theo ông thì sự tị ti ấy là trở ngại lớn nhất cho sự giải phóng. Ông nhấn mạnh rằng người Phi nếu có đủ điều kiện cũng có khả năng phát triển như người da trắng. Lembede đã dẫn ra một loạt người Phi da đen nổi tiếng ngay Johannesburg nói riêng và khắp các vùng khác ở Nam Phi nói chung. Ông khẳng định màu da của mình thật đẹp, đẹp như đất đen của mẹ châu Phi. Ông cho rằng trước hết người Phi phải nhận thức và cải thiện hình ảnh của mình trước khi bước vào con đường vận động quần chúng thắng lợi. Ông khẳng định trong số đông người Phi đang diễn ra quá trình thay đổi nhận thức, rằng trước hết họ là người Phi chứ không phải là người của một bộ tộc Xhosa, Ndebeles, hay Tswanas. Bản thân Lembede là người Zulu. Bố ông từng là người mù chữ. Nhưng người nông dân Lebede ấy tự vươn lên với nghị lực phi thường, trang bị học vấn trong những điều kiện ngặt nghèo và cuối cùng ông trở thành người cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc Phi. Về sau ông đã viết trong tờ Inkundla ya Bantu như sau: “Lịch sử thời hiện đại là lịch sử của chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc được thử thách trong cuộc đấu tranh của các dân tộc trong ngọn lửa của các chiến hào. Nó đã chứng minh là phương tiện quan trọng chống lại sự thống trị của ngoại bang và của chủ nghĩa đế quốc. Vì lẽ đó, các thế lực đế quốc tế hùng mạnh triệt để khai thác và chia rẽ dân tộc các nước chúng xâm chiếm, thực hiện triệt để chính sách chia để trị, biến một bộ phận người bản địa trở thành tay sai đàn áp số đông là nô lệ của chúng với tất cả mọi phương tiện và thủ đoạn có thể có. Bọn tay sai nội địa trở thành công cụ của chủ nghĩa đế quốc. Chúng được chủ nghĩa đế quốc khen ngợi, tuyên dương với những mỹ từ “có văn hóa”, “tự do”, “tiến bộ” và “cởi mở, khoan dung”... Quan điểm của Lembede gây nên sự chống đối trong tôi. Tôi từng là người cho rằng những người da trắng ở Nam Phi văn minh, có văn hóa, có tư tưởng tự do, tiến bộ. Tôi từng bước vào con đường trở thành những người Phi ưu tú gắng sức và kỳ vọng tạo ra nước Anh ngay ở Nam Phi. Không chỉ các tù trưởng mà cả luật sư Sidelsky cũng mong tôi trở thành một người như thế. Tiếc thay đó chỉ là ảo tưởng. Tôi chia sẻ quan điểm này của Lebede. Nhiều người trẻ tuổi - kể cả đảng viên cộng sản - thời ấy có chung tư duy tương tự. Năm 1943 chúng tôi đến thăm bác sĩ Xuma, vị chủ tịch đấu tiên của ANC. Ông là bác sĩ giải phẫu giỏi. Cống hiến của bác sĩ Xuma cho ANC thật lớn, là người đã cứu ANC ra khỏi tan rã khi Tiến sĩ Sene đứng đầu tổ chức này. Khi nhận chức chủ tịch ANC thì ngân qũy của nó chỉ còn 17Bảng. Bác sĩ Xuma đã xây dựng cho đảng một ngân quỹ lên đến 4.000 Bảng. Ông có quan hệ với nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ, nhiều trí thức và nhân sĩ trong xã hội. Bác sĩ Xuma biểu hiện sự tự tin cao. Nhưng ông cũng tỏ ra là người hơi thái quá, không phù hợp lắm với vai trò chủ tịch, người lãnh đạo một phong trào quần chúng rộng lớn. Bác sĩ Xuma không chung quan điểm với chúng tôi về việc thành lập một tổ chức của những người trẻ tuổi - tức là Đoàn Thanh niên. Tuy vậy những trí thức trẻ chúng tôi hồi ấy thấy rằng một tổ chức như vậy đã trở nên cấp bách, làm hạt nhân đầy sức sống cho ANC đang trong giai đoạn củng cố. Đại hội đã thông qua cương lĩnh hành động. Tập thể Ban Chấp hành Đoàn gồm những người ưu tú, những người từng bị đuổi khỏi trường đại học Fort Hare do những hoạt động cho đất nước và nhân dân Nam Phi, những người lăn lộn trong hầm mỏ với công nhân, trong các khu Ghettos với người lao động lam lũ. Về cơ bản, cương lĩnh của Đoàn Thanh niên không khác với điều lệ của cương lĩnh của ANC từ ngày ra đời năm 1912. Nội dung chủ đạo mà cương lĩnh nhấn mạnh là chủ nghĩa dân tộc Phi và tạo lập một dân tộc duy nhất gồm nhiều chủng tộc, xóa bỏ sự cai trị của người da trắng thực dân và tiến tới thiết lập một hình thức chính phủ thật sự dân chủ. Cương lĩnh tuyên bố: “Chúng ta tin chắc rằng sự nghiệp giải phóng dân tộc của người Phi phải do chính người Phi giành lấy. Đoàn là bộ não và là động lực của tinh thần dân tộc Phi... “Chủ nghĩa châu Phi” của Lembede không được mọi người chia sẻ, bởi vì nó mang tính chất chủng tộc làm một số thành viên của Đoàn không yên lòng. Một số thành viên cho rằng một chủ nghĩa dân tộc có khả năng tiếp nhận những người da trắng sẽ có sức thuyết phục và tin cậy hơn. Tôi không thuộc những người này. Một số khác, trong đó có tôi cho rằng, nếu một khi những người da đen phấn đấu cho một hình thức đa sắc tộc thì rồi học sẽ lại ngưỡng mộ văn hóa của người da trắng và trước sau sẽ trở thành vật hy sinh của sự tự ti. Tôi chống việc gia nhập Đoàn của những người da trắng và của cả những người cộng sản. Tại nhà Sisulu ở Orlando, tôi làm quen với Evelyn Mase. Evelyn cũng quê vùng Transke, có họ hàng với Sisulu. Cha nàng là thợ mỏ mất lúc nàng 12 tuổi. Sau đó mẹ nàng cũng qua đời. Sau khi học xong trường phồ thông cơ sở. Evelyn được gia đình Sisulu đưa đến Johannesburg để tiếp tục học phổ thông trung học. Sau lần gặp gỡ đầu tiên tôi đã rủ Evelyn đi chơi. Tình yêu của chúng tôi nảy nở và phát triển rất nhanh. Chỉ vài tháng sau tôi đã ngỏ lời cầu hôn nàng. Evelyn thuận lời. Chúng tôi không tổ chức lễ cưới ở nhà thờ, cũng không tổ chức đám cưới linh đình theo truyền thống của người Phi chỉ đơn giản là vì chúng tôi không có tiền. Chúng tôi làm giấy đăng ký kết hôn với sự chứng kiến của các bạn bè của hai đứa, thay cho người làm chứng. Lúc đầu chúng tôi sống chung trong căn hộ của anh chị nàng. Ít lâu sau chúng tôi tạo được một nơi ở khiêm tốn ở Orlando. “Căn nhà của chúng tôi” không khác gì với nơi che mưa nắng của hàng vạn người nghèo Nam Phi hồi đó. Nhưng đó lại là “nhà của tôi” lần đầu tiên trong đời. Chúng tôi tự hào về nhau và về “vương quốc riêng” của mình. Trong ba năm đầu tiên thành lập gia đình, con trai đầu lòng của chúng tôi ra đời. Chúng tôi đặt tên cho con là Madiba Thembekile. Như vậy là tôi đã có người thừa tự, cho dù hồi ấy tôi chẳng có gì để cho con thừa kế cả! Năm 1946 diễn ra nhiều sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trong hoạt động chính trị của tôi, và theo hướng chiến đấu. Cuộc đình công của 70.000 thợ mỏ có ý nghĩa đến lập trường chính trị của tôi. Theo sáng kiến của Gaur Radebe và nhiều cán bộ công đoàn của ANC, trong số đó có chủ tịch công đoàn mỏ, J.B. Marks. Vào khoảng những năm ấy có khoảng 400.000 công nhân người Phi đào quặng trong các hầm lò sâu dưới lòng đất làm giàu cho giai cấp tư sản da trắng được chính quyền hậu thuẫn. Người ta chỉ trả cho công nhân mỏ 2 bảng một ngày công. Cuộc tổng đình công đưa yêu sách tăng lương lên 10 bảng một ngày. Đó là một trong ít cuộc tồng bãi công lớn nhất trong lịch sử của giai cấp cần lao Nam Phi, làm cho nhiều mỏ vàng tê liệt suốt một tuần lễ. Cuộc tổng bãi công nhận được được sự ủng hộ và cổ vũ của hàng triệu người dân Nam Phi. Chính quyền đàn áp thẳng tay và đẫm máu cuộc nổi dậy mang tính lịch sử này. Toàn bộ ban lãnh đạo tổng đình công gồm 52 người bị bắt và tống ngục. Cảnh sát đàn áp đẫm máu những cuộc tuần hành của công nhân. 12 công nhân đi ở hàng đầu của các cuộc tuần hành bị bắn chết trên đường phố. Tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục khả năng tổ chức tuyệt vời của Công đoàn trong hoạt động đấu tranh giai cấp quyết liệt chống lại chế độ bóc lột cực kỳ tàn bạo ở khắp các vùng trên quê hương khổ đau của tôi. Công đoàn đã chứng minh khả năng tổ chức tuyệt vời của mình, không chỉ trong cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù mà cả trong hoạt động tự kiềm chế và đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình, tránh được những hành động cực đoan và quá khích. Cuối cùng thì nhà nước của những tên thực dân da trắng đã thắng. Bộ máy đàn áp của chúng “hoạt động hết công suất và không từ một hành động đẫm máu nào”. Nhưng giai cấp công nhân Nam Phi cũng đã khẳng định được sức mạnh của mình trong cuộc đấu tranh trực diện này. Sau cuộc tổng bãi công này, tôi trở thành chiến hữu thân thiết của J.B. Marks. Cũng trong năm 1946, chính phủ Nam Phi ban bố đạo luật mang tên Asiatic Land Tenure Act mà nội dung nhất quán là tước bỏ quyền tự do đi lại của người Phi gốc Ấn Độ vốn chiếm một tỷ lệ cao trong các cộng đồng dân cư ở nước Nam Phi. Đạo luật này quy định những vùng đất người Phi gốc Ấn được ở và kinh doanh buôn bán. Đồng thời đạo luật cắt xén tàn bạo quyền thừa kế đất đai của họ. Đây là đạo luật xúc phạm nghiêm trọng cộng đồng người Ấn Độ, không khác gì đạo luật có tên là Group Areas Act trước đây từng là công cụ tước đoạt quyền tự do của tất cả những người Phi da đen. Cộng đồng người Ấn Độ phẫn nộ trước đạo luật kỳ quái này và đã tiến hành những cuộc đấu tranh suốt hai năm ròng theo cách của họ. Ban lãnh đạo Natal Indian Congress của cộng đồng người Ấn trở thành nhà tổ chức và động viên mọi tầng lớp công dân tiến hành cuộc đấu tranh kiên cường chống lại chính sách phản động của chính phủ Smuts. Bất chấp 2.000 chiến sĩ người Ấn bị ném vào nhà tù, kể cả hai nhà lãnh đạo của Natal Indian Congress, nhưng nhà cầm quyền không thể dập tắt được sự phẫn nộ và hành động phản kháng của hàng triệu công dân gốc Ấn được người Phi da đen đồng tình ủng hộ và trợ lực. Cuộc đấu tranh kiên cường của cộng đồng người Ấn đã làm cho chúng tôi - Đoàn Thanh niên - nhận ra rằng sức mạnh của quần chúng là vô cùng mạnh mẽ. ANC dù có điểm bất đồng với Natal Indian Congress, song đã nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ cuộc đấu tranh dũng cảm và rộng lớn này. ANC và người Phi học được ở những công dân gốc Ấn cách tổ chức, sự quyết tâm và sức mạnh của quần chúng khi triệu người đồng lòng nhất trí. Nhà cầm quyền cho ra đời những đạo luật phản động khác, nhưng những thứ đó không dập tắt được cuộc đấu tranh của hàng triệu người bị tước hết những quyền con người cơ bản nhất. ANC chưa tổ chức được một phong trào phản kháng mạnh mẽ và sâu rộng như những cư dân Ấn Độ đã làm. Cuộc đấu tranh của họ đã trở thành mẫu mực cho người Phi mà Đoàn Thanh niên của chúng tôi ý thức được rất rõ. Nó đã thực sự tác động đến kế hoạch hành động của ANC. Nó cho chúng tôi một cái nhìn rộng và bao quát hơn rằng cuộc đấu tranh cho tự do của một cộng đồng, một dân tộc không thể chỉ chờ vào những kiến nghị được thông qua trong cuộc hội nghị này, hay trong một phiên họp của ban lãnh đạo một hội nghị quần chúng nào đó. Điều có tính quyết định phải là một tổ chức khoa học, chính xác, có sức thuyết phục quần chúng sẵn sàng đứng lên bất chấp hy sinh, kể cả hy sinh tính mạng. Cuộc đấu tranh của sư dân Ấn Độ là sự vận dụng phong trào đấu tranh của quần chúng mà Mahatma Ghandi tiến hành năm 1913 chống thực dân Anh một cách hoàn hảo, tuyệt vời. Sự kiện có ý nghĩa trọng đại này diễn ra ngay trước mắt tôi. Năm 1947 tôi hoàn thành chương trình thực tập ba năm bắt buộc và như vậy thời gian lưu lại trong Văn phòng Sidelsky-Witkin và Eidelman cũng kết thúc. Tôi quyết định dành hết thời gian cho việc nghiên cứu ở trường đại học, quyết tâm lấy bằng luật sư và sau đó mở văn phòng riêng của mình. Khoản “thâm hụt” 8 bảng từ tiền công ở văn phòng luật sư mỗi tháng chắc chắn là đòn choáng váng đối với tôi, bởi lẽ giờ đây tôi không còn độc thân nữa mà đã có vợ, có con. Tôi làm đơn vay 250 bảng để có tiền ăn học. Người ta chỉ duyệt cho tôi vay 150 bảng. Ba tháng sau tôi lại phải làm đơn vay tiền, bởi vì vợ tôi phải nghỉ việc do bận nuôi con nhỏ. Như vậy tiền lương y tá 17 bảng mổi tháng cũng không còn nữa. Người ta đã chấp thuận đơn của tôi, tôi cảm ơn về điều đó, nhưng lần vay tiền lần này thật bất hạnh. Lần sinh con gái của vợ tôi không có gì nguy hiểm, nhưng cháu bé quá ốm yếu. Vợ tôi đã phải thức suốt ngày đêm trong nhiều tháng trời để chăm sóc con. Với tình mẫu tử bao la và kiến thức nghành y khá tốt, vợ tôi đã nuôi cháu bé suốt nhiều tháng trời liên tục ngày đêm. Nhưng cháu cũng đã bỏ chúng tôi ra đi. Evelyn suy sụp từ đó. Dường như trái tim nàng tan nát, không còn hồi phục được nữa. Tôi cố sức an ủi nàng, song không có hiệu quả. Trong hoạt động chính trị, cho dù người ta lập kế hoạch này kế hoạch nọ, nhưng nói cho cùng thì chính những sự kiện lại làm đảo lộn mọi thứ. Vào một ngày tháng 7 năm 1947, khi tôi đang bàn bạc công việc của Đoàn Thanh niên với Lembede thì anh kêu đau bụng dữ dội. Chúng tôi nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện cấp cứu. Tối hôm đó anh đột ngột qua đời ở tuổi 33 đầy sức sống. Walter Sisulu như bị ngất xỉu không còn tỉnh lại được nữa! Cái chết của Lembede là tổn thất to lớn cho phong trào, bởi vì anh chính là người đề xuất nhiều ý tưởng và kế hoạch hành động sáng tạo, có hiệu quả nhất. Lembede có sức thuyết phục rất mạnh và vì vậy người gia nhập phong trào ngày càng đông, càng mạnh. Đội ngũ của chúng tôi tăng lên không ngừng, cả lượng lẫn chất. Người thay Lembede là Peter Mda. Anh là một con người thật hoàn thiện. Những gì anh trình bày đều gọn gàng, minh bạch và dễ hiểu. Kinh nghiệm đường đời của anh đã nhanh chóng đưa anh trở thành một chính khách giỏi. Anh người mảnh khảnh, một dạng người mẫu không thừa một gam. Mda hầu như không nói thừa một lời nào. Anh tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp, có phương pháp lập luận biện chứng và những suy nghĩ của anh, tư duy của anh nhanh nhạy cảm hơn cả của Lembede. Mda là hình mẫu tuyệt vời của một lãnh tụ thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của Mda, tổ chức Đoàn phát triển mạnh mẽ trong thanh niên trí thức và sinh viên ở Fort Hare. Giáo viên cũng tham gia phong trào Đoàn. Sức thu hút của Mda ở chỗ chủ nghĩa dân tộc của anh không cực đoan như các thủ lĩnh chính trị của người Phi da đen hồi đó. Vì lẽ đó, anh tập hợp được nhiều lực lượng thuộc các màu da, sắc tộc vào mặt trận thống nhất chung. Anh căm thù sự áp bức bóc lột của người da trắng nhưng không thù hằn với những người da trắng. Trong cách đánh giá những người cộng sản, quan điểm của anh cũng không cực đoan như Lembebde và cả chúng tôi nữa. Bản thân tôi thời đó từng là một trong những người chống lại cả những người da trắng cánh tả. Mặc dù tôi có quan hệ mật thiết vớinhiều đảng viên cộng sản người da trắng, song tôi vẫn không chấp nhận ảnh hưởng của họ trong ANC. Đã có lúc tôi khước từ hợp tác cùng hành động với những người cộng sản. Tôi đã từng cùng nhiều chiến hữu khác đòi cách ly với những người cộng sản trong ANC. Đa số thành viên lãnh đạo ANC đã bác bỏ yêu sách này. Năm 1947, tôi được bầu vào Thường vụ và trực tiếp làm Bí thư tỉnh đoàn Transvaal. Đó là chức danh công khai đầu tiên của tôi ở ANC và là cột mốc đầu tiên của cuộc hành trình vạn dặm của tôi trong đời hoạt động chính trị cho đảng Dân tộc Phi của Nam Phi và cho quê hương tôi. Kể từ ngày đó, những hy sinh của tôi không còn chỉ giới hạn ở những việc như dự các cuộc họp thay vì chăm sóc gia đình vợ con, bỏ cả những thú vui gia đình, dự các cuộc khai hội chính trị. Tuy nhiên cho đến ngày hôm đó tôi chưa từng tham gia trực diện vào một chiến dịch đấu tranh nào, và vì vậy chưa hề có khái niệm về những mối hiểm nguy sẽ đến với một chiến sĩ trực diện tham gia các cuộc chiến đấu cho tự do. Từ hôm nay, sự nghiệp của ANC, của nhân dân Phi da đen của tôi là sự nghiệp của trái tim, của tâm hồn tôi. Người trực tiếp lãnh đạo tôi là Ramohanoe. Anh là một người nhạy cảm và tinh tế. Cho dù anh cũng không phải là người tán thành những người cộng sản, tuy vậy Ramohanoe lại hợp tác tốt với các chiến sĩ cộng sản. Anh tin rằng ANC là một tổ chức mang tính dân tộc và vì thế mọi lực lượng ủng hộ sự nghiệp dân tộc của người Phi phải được hoan nghênh và hợp tác chân thành. ANC dưới sự lãnh đạo của những lực lượng có tầm nhìn rộng, có tầm nhìn xa dần dần đã tạo được nền tảng cho sự hợp tác giữa những người Phi, người da đen, người gốc Ấn,và chỉ có như vậy mới có sức mạnh thực hiện những mục tiêu của mỗi cộng đồng và nhất là mới tạo được sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh chung. Sự phối hợp hành động đã mang lại sắc thái mới cho cuộc đấu tranh và trên thực tế đã thu được những thành công bước đầu đáng khích lệ. Một chiến dịch đấu tranh đòi quyền bầu cử cho người da đen được khởi xướng trong cuộc đất tranh chung có sự phối hợp của các tổ chức của các cộng đồng sắc tộc. Đây là một bài học quý cho lãnh đạo của ANC cũng như của các tổ chức quần chúng khác ở Nam Phi hồi đó. Người Phi da đen không được đi bầu, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người Phi thờ ơ với kết quả của các cuộc bầu cử nghị viện ở quê hương mình. Trong cuộc tuyển cử của người da trắng năm 1948, hai đảng tư sản đối lập tranh giành nhau. Đó là đảng United Party dưới sự lãnh đạo của tướng Smuths - hồi ấy đang ở đỉnh cao uy tín quốc tế - và đảng National Party đang phục hồi mạnh mẽ. Trong khi Smuths đưa Nam Phi vào khối đồng minh chống phát xít Hitler trong đại chiến thế giới lần thứ hai thì National Party khước từ sự ủng hộ của Anh, và công khai tuyên bố thiện cảm với nước Đức phát xít. Chiến dịch tranh cử của National Party dưới chiêu bài “chống nguy cơ đen” với những khẩu hiệu: “Bọn nhọ hãy đến nơi làm việc” và “Bọn Kilis cút khỏi nước này!”, Kilis và từ nhục mạ bọn chúng nói về người Phi gốc Ấn Độ. Đảng National Party do tiến sĩ Daniel Malan đứng đầu. Ông ta là “nhà thông thái” của nhà thờ cải cách Hà Lan, đồng thời là chủ một tờ báo. Đây là một đảng chính trị mang nặng hận thù: hận thù người Anh từng xếp họ vào loại dân thiểu số hàng chục năm ròng, hận thù người Phi vì theo họ thì người Phi da đen đe dọa sự sống còn, phồn vinh và “sự trong trắng” của người Buren. Người Phi chúng tôi không chấp nhận sự cúi đầu tuân thủ trước tướng Smuths của đảng United Party, lại càng không bao giờ chịu như vậy trước đảng National Party của Malan. Cương lĩnh của mình Malan chính là Apertheid. Đó là cái tên mới cho một hệ tư tưởng cũ. Apertheid có nghĩa như là “sự phân rẽ, sự phân biệt một cách lạnh lùng”, là sự tập hợp tất cả những thứ gọi là luật lệ áp đặt hàng trăm năm lên người da đen, biến họ thành những người hoàn toàn lệ thuộc vào người da trắng. Đó là một hệ thống cai trị chỉ dựa vào đàn áp nhằm bảo vệ cho người da trắng đè đầu cưỡi cổ vĩnh viễn đất nước Nam Phi này. “Người da trắng bao giờ cũng là nhưng ông chủ, bà chủ, cậu chủ, cô chủ”. Đối với đảng của Malan thì người Buren là một dân tộc do đấng tối cao tuyển chọn và người da đen là bọn mọi hạ đẳng. Thắng lợi của Malan trong cuộc tuyển cử có ý nghĩa là sự bắt đầu của sự kết thúc nền thống trị của người Anh ở Nam Phi. Đó là cuộc đối đầu, là trận chiến cuối cùng giữa thực dân Anh với thực dân Beren. Và người Anh đã bại trận. Lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, chỉ duy nhất đảng của người Beren một mình đứng ra lập chính phủ. Malan lập tức bắt tay vào việc thực hiện cương lĩnh đốn mạt của y. Đạo luật cấm các cuộc hôn nhân giữa những người khác màu da - mà thực chất là giữa người da trắng và người da đen - được ban hành ngay tức khắc. Quan hệ tình dục giữa người da trắng và người da đen bị lập tức cấm nghiêm ngặt. Đồng thời chúng đưa ra những “tiêu chí” kỳ quặc để phân hạng các tộc người da đen, thực chất là phục vụ cho chính sách chia để trị của chủ nghĩa thực dân cũ. Chính sách và những biện pháp tàn bạo, trắng trợn của National Party đã buộc ANC chọn con đường mới cho cuộc đấu tranh của mình trong năm 1949 và những năm sau đó. Tại Hội nghị của ANC ở Bloemfontein đã thông qua cương lĩnh hành động mới, kêu gọi toàn dân tẩy chay nhà cầm quyền, bãi công, mít tinh tuần hành phản kháng, chống các đạo luật phản động và nhiều hình thức khác lôi kéo quần chúng đông đảo nhập cuộc. Đây là sự thay đổi mang tính cấp tiến cơ bản: với chính sách hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, ANC đã không thể giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chính sách đàn áp tàn bạo của thực dân da trắng thống trị. Giờ đây mọi thành viên ANC sẵn sàng bất chấp mọi đạo luật và khi cần sẵn sàng chấp nhận tù đày. Thắng lợi của National Party của Malan thực sự gây cú sốc lớn không chỉ cho ANC mà cả ngay cho đảng United Party của tưởng Smuths. Bản thân tôi coi sự kiện kinh hoàng này như một cú giáng ngàn cân vào đầu. Nhưng Oliver Tambo trái lại trở nên bình thản hơn lúc nào. Ông nói và những lý giải của ông là có lý: “Tôi hài lòng với kết quả này, bởi vì từ nay chúng ta có thể nhận diện kẻ thù chính xác hơn và biết mình đang ở đâu!”. Ngay trong năm này, Đoàn Thanh niên công bố đường lối chính trị của mình trong bản cương lĩnh do Mda soạn thảo mà nội dung cốt lõi là kêu gọi toàn bộ thanh niên yêu nước Nam Phi đứng lên đấu tranh chống lại sự cai trị ngày càng hà khắc, tàn bạo hơn của người da trắng. Tôi có cảm tình với cánh cách mạng cực đoan của chủ nghĩa dân tộc châu Phi. Tôi từng căm thù người da trắng nhưng không căm ghét chủ nghĩa chủng tộc. Tôi từng nghĩ nếu như mình không thể tiêu diệt được người da trắng, tống chúng xuống biển thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc nếu như bọn chúng dương buồm ra khơi và bị cuồng phong làm cho tan xương nát thịt ngoài khơi. Đoàn Thanh niên trong thời gian ấy tỏ ra chưa hữu nghị với người Ấn Độ với lập luận là người Ấn Độ cũng bị áp bức như người da đen, song dù sao họ cũng cần có một quê hương là nước Ấn Độ để tưởng nhớ và kỳ vọng. Còn người Phi da đen thì không có quê hương. Tuy vậy, tôi chấp nhận sự hợp tác giữa người Phi da đen với người Phi gốc Ấn Độ với hợp điều kiện họ chấp nhận đường lối của chúng tôi. Vậy mà hồi đó tôi vẫn ngờ vực là lợi ích cuả hai bên không tương đồng, và vì vậy liệu những người Ấn có coi cuộc đấu tranh chung là sự nghiệp trái tim của mình hay không. Malan tiến hành một loạt hoạt động bất thường nhưng rất logic với chính sách phản động cực đoan của hắn: thả tên tội phạm chiến tranh Leibbrandt, tên phát xít từng tổ chức cuộc bạo động quân sự ủng hộ nước Đức phát xít của Hitler. Malan tuyên bố sẽ công bố đạo luật cấm công đoàn hoạt động và xóa bỏ nốt quyền bầu cử vốn rất hạn chế của người Phi da đen cũng như của Ấn Độ, đồng thời xóa bỏ đại diện của các dân tộc này ở nghị viện. Malan cũng công bố đạo luật phân ranh giới khu dân cư của người da đen theo từng bộ tộc. Với đạo luật này, chính sách cướp đất của người da trắng được bảo vệ vô giới hạn. Muốn cướp vùng đất nào, Malan chỉ cần tuyên bố vùng đất ấy không phải để cho người da đen!. Trước tình hình cực kỳ nghiêm trọng ấy, ANC quyết định tổ chức phong trào phản kháng không bạo động trong toàn quốc: tẩy chay, đình công, không tuân mệnh lệnh, không hợp tác. Chính sách mới cấp tiến của ANC cũng đã tạo ra tình hình mới trong ban lãnh đạo: những cán bộ cao tuổi dần dần nhường chỗ cho những nhân vật mới năng nỗ, hăng hái, quyết tâm, cách mạng hơn và cũng cực đoan hơn. Trong chiến dịch đấu tranh rộng khắp cả nước này, những người cộng sản Nam Phi đã thể hiện vai trò quan trọng của họ. Nhờ sự kiên trì và chính sách linh hoạt của đảng Cộng sản, đã hình thành ở Nam Phi trong thời gian đấu tranh sôi sục này một “Công ước” (Convention) giữa ANC, Đảng Cộng sản và Đại hội Dân tộc Ấn (Indian Congress). Lời kêu gọi của “ban lãnh đạo hợp nhất” này là tổng đình công trong toàn quốc một ngày, đòi hủy bỏ đạo luật về chứng minh thư và tất cả các đạo luật phân biệt chủng tộc. Hồi ấy tôi không tin những người cộng sản. Tôi cho rằng đảng Cộng sản sẽ tận dụng cơ hội này để nâng uy tín của họ với sự trợ lực của ANC. Tôi từng cho rằng chỉ một mình ANC cũng đủ sức phát động chiến dịch phản kháng. Ý kiến này của tôi được bàn trong Thường vụ ANC và Đoàn Thanh niên. Nhưng ở cả hai cơ quan ấy ý kiến của tôi đều bị đa số bác bỏ. Trong số những người không đồng tình với tôi có cả Walter Sisulu. Ngày hành động thống nhất trong toàn quốc cuối cùng được ba tổ chức quyết định: 26/6/1950. Chính quyền đàn áp đẫm máu cuộc phản ứng quyết liệt được tổ chức lần đầu tiên trong tất cả các thành phố và nhiều vùng quê Nam Phi. Nó báo hiệu một giai đoạn mới cao hơn của cuộc đấu tranh quyết liệt chống chế độ Apartheid cực kỳ phản động ở Nam Phi. Ngày 22/6 sau đó trở thành “Ngày tưởng niệm” của các chiến sĩ đấu tranh cho tự do. Trong phong trào giải phóng dân tộc, ngày đó được tôn vinh là “Ngày tự do”. Như đã viết, tôi từng không chung quan điểm với những người cộng sản, thậm chí còn chống họ trong những vấn đề này vấn đề khác - một trong những lý do dẫn tôi đến quan điểm ấy là phần lớn cán bộ lãnh đạo đảng Cộng sản là người da trắng. Nhưng với những gì điễn ra trong những năm Malan lên cầm quyền với chính sách đàn áp đẫm máu cực kỳ tàn bạo và phản động, quan điểm của tôi đã dần dần thay đổi. Tổng bí thư đảng Cộng sản, ủy viên thường vụ ANC, Moses Kotane, đến gặp tôi vào một đêm muộn và thảo luận công việc với tôi suốt đêm. Ông là một chiến sĩ có kiến thức và tư duy trong sáng. Ông tự học trong cuộc sống đấu tranh của những người bị áp bức bóc lột, bất kể họ là người da đen, da màu hay người Ấn Độ. Ông nói: “Nelson thân mến, vì sao anh chống chúng tôi chứ? Chúng ta đều cùng chiến đấu chống một kẻ thù chung. Chúng tôi đâu muốn chiếm vị trí lãnh đạo trong ANC. Hoạt động của chúng tôi trong tinh thần của chủ nghĩa dân tộc Phi như ANC và các lực lượng cách mạng khác kia mà!”. Cuối cùng tôi thống nhất với những lập luận đầy sức thuyết phục của ông. Từ ngày đó, mối quan hệ của tôi với các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản như Moses Kotane, Ismail Meer và Ruth First và nhất là trước những hy sinh quên mình của các đảng viên cộng sản, tôi đã không còn lý do nào bào chữa cho những thái độ, quan điểm của mình chống lại họ nữa. Trong Ban chấp hành ANC có mặt những đảng viên cộng sản đáng kính trọng, đó là J.B. Marks - chủ tịch công đoàn thợ mỏ, Edwin Mofutsanyana, Dan Tloome, David Bopape... và nhiều người khác, đã chiến đấu dũng cảm không ngại gian khổ, không hề hy sinh. Cống hiến của họ cho cuộc đấu tranh vì tự do cho đa số cần lao ở Nam Phi quả thật không có gì để phải ngờ vực, phê phán. Những con người như vậy không thể bị ngờ vực lâu hơn nữa. Chỉ có điều này làm tôi bối rối: kiến thức về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác của tôi quá ít. Vì thế trong các buổi thảo luận, tranh luận với các đảng viên cộng sản bao giờ tôi cũng ở thế yếu, đặc biệt trong lĩnh vực triết học mác-xít. Tôi phải tự khắc phục mặt yếu này. Tôi đã tìm đủ các bộ toàn tập của Marx và Engels, Stalin, Hồ Chí Minh, Fidel Castro... và vùi đầu nhiều ngày đêm tìm hiểu triết học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Tư bản luận của Marx và trước tác của các lãnh tụ cộng sản đã giúp tôi không chỉ trong giai đoạn của một cuộc chiến đấu khốc liệt chống chủ nghĩa Apartheid tàn bạo. Hơn ai hết, những người Mác-xít - tức là những người cộng sản - chẳng phải là những chiến sĩ tiên phong ủng hộ hết mình các phong trào giải phóng dân tộc đó sao? Về sau có người đã hỏi tôi làm cách nào để dung hòa giữa đức tin tôn giáo với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đối với tôi ở đây không tồn tại một mâu thuẫn nào cả. Trước hết và trên tất cả, tôi đấu tranh cho các dân tộc da đen nước tôi và như vậy tôi là một người dân tộc, đấu tranh cho mọi người Phi khắc phục sự thống trị của một thiểu số và giành quyền quyết định những vấn đề của chính mình. Đồng thời châu Phi, trong đó có Nam Phi, là một bộ phận của thế giới rộng lớn hơn. Những vấn đề của chúng tôi - cho dù cấp bách hơn, đặc biệt hơn - cũng không hoàn toàn cá biệt không nơi nào có. Vì lẽ đó, những gì mang tính lịch sử và quốc tế đều có giá trị đối với mọi vùng đất, mọi dân tộc trên thế giới. Tôi đã sẵn sàng dâng hiến tất cả sức lực, tinh thần và mọi phương tiện cho cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ sự áp đặt bất công, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc Sô-vanh đẫm máu trên quê hương mình. Tôi không nhất thiết phải là đảng viên cộng sản mới có thể chung lưng đấu cật với nhau trong cuộc chiến đấu này. Theo quan điểm của tôi thì những người theo chủ nghĩa dân tộc châu Phi và những người cộng sản có nhiều điểm tương đồng hơn là những dị biệt. Những kẻ khiêu khích nói rằng đảng Cộng sản Nam Phi lợi dụng ANC cho các mục tiêu của họ. Nhưng có ai đặt câu hỏi rằng chúng tôi, ANC, lợi dụng họ hay không?. Nếu có ai đó trong chúng tôi có chút hy vọng hay ảo tưởng vào National Party trước khi những người này lập chính phủ, thì họ đã nhanh chóng vỡ mộng. Việc đầu tiên chính quyền Apartheid tiến hành là ban bố đạo luật cấm đảng Cộng sản hoạt động sau ngày 22/6/1950 ấy. Có tới 6 đạo luật tội ác được ban bố ngay sau khi chính phủ Malan lên nắm quyền đã phơi bày bộ mặt cực kỳ phản động của cái đảng mang tên “dân tộc” này. Năm 1952, chính quyền Malan long trọng tổ chức kỷ niệm 300 năm ngày thực dân da trắng xâm lược và chiếm đóng Nam Phi (1652-1952). Tên thực dân Jan Van Riebeeks - người Buren thuộc Hà Lan - đồ bộ vào Nam Phi. Trong suốt 300 năm ấy, hết bọn thực dân da trắng Buren đến bọn thực dân da trắng Anh đã biến Nam Phi thành thiên đường của chúng và thành địa ngục của người Phi da đen. Chúng thẳng tay cướp bóc, đàn áp, giết chóc, bót lột người Phi còn hơn cả những người nô lệ thời tiền sử. Với chính sách của Malan, bọn thực dân da trắng đã tạo lập một chế độ phân biệt chủng tộc tàn bạo và khát máu chưa từng có trong lịch sử loài người. Ngày 6 tháng 4 hằng năm trở thành “ngày lễ lớn” của người da trắng. Nhưng đối với người Phi da đen thì ngày đó là “ngày uất hận”, ngày mở đầu cho hành động biến cả một dân tộc gồm nhiều chủng tộc vốn là những người chủ vùng lãnh thồ giàu đẹp này thành những kẻ nô lệ còn hơn là nô lệ thông thường. Ngày phản kháng 22/6 ấy đã dẫn tôi và nhiều chiến hữu vào nhà tù. Tòa án tuyên phạt “những kẻ chủ mưu” 9 tháng lao động khồ sai, sau đó đồi thành hai năm tù cấm cố. Sau sự kiện 22/6, chúng tôi đã tiến hành rút kinh nghiệm nghiêm khắc. Chúng tôi đã mắc nhiều sai lầm ấu trĩ, tuy nhiên hành động phản kháng có quy mô toàn quốc này đã mở ra một chương mới cho cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc da đen. 6 đạo luật mà nhân dân đòi hủy bỏ vẫn nguyên vẹn. Song trước khi bắt tay vào việc tổ chức ngày hành động phản kháng, không ai có ảo tưởng nhà cầm quyền sẽ nhượng bộ bằng cách rút lại đạo luật này, đạo luật kia. Chúng tôi chọn phương pháp đấu tranh ấy là để thức tỉnh và động viên nhân dân vào cuộc đấu tranh chung, bởi vì những đạo luật phản động của chính phủ Malan không trừ một ngoại lệ nào cho bất cứ người da đen nào. Ngày phản kháng đã diễn ra không có bạo động. Đó là thắng lợi lớn, và là bài học quý cho ANC khi hiểu rằng nhân dân lao động có kỷ luật, nghe theo những chỉ dẫn của ban tổ chức. Bài học này rất quý cho những năm tháng chiến đấu gian khổ tiếp theo. Tôi có cảm giác hài lòng và đánh giá hành động phản kháng thu được kết quả tốt. Chẳng phải đây là lần đầu tiên tôi tham gia trực diện vào cuộc đấu tranh với tư cách là một chiến sĩ, một người lãnh đạo và đủ sức để thu được những thắng lợi đó sao? Cuộc nổi dậy đã giải phóng cho tôi khỏi những ngờ vực và cảm giác tự ti, giải phóng cho tôi khỏi cảm giác rằng không thể làm lung lay quyền lực và sự bất khả xâm phạm của người da trắng cùng bộ máy tàn bạo của chúng. Từ đây người da trắng bắt đầu hiểu những cú đấm của chúng tôi và bây giờ tôi có thể ngửng cao đầu như một người đàn ông chân chính để cho những ai nhìn mình thốt lên rằng con người ấy là con người trọng danh dự, con người không bao giờ khuất phục trước cường quyền. Tôi đã bước vào những năm tháng của một chiến sĩ chiến đấu cho tự do của dân tộc tôi, cho những “kẻ hạ đẳng” trong xã hội văn minh của thế kỷ 20. Hội nghị thường niên của ANC cuối năm 1952 đã bầu vị Chủ tịch mới đầy sức sống và nghị lực: Tù trưởng Albert Luthuli. Thời gian này, việc thay đổi ban lãnh đạo cũng đã hoàn thành. Những thành viên lãnh đạo Ban Chấp hành Đoàn được bầu vào cơ quan lãnh đạo ANC và họ đã góp phần quan trọng đưa tổ chức tiến trên con đường mới cấp tiến hơn, cách mạng hơn. Có mặt từ những ngày đấu tranh gian khổ của ANC, Luthuli thuộc lớp tù trưởng chống đối kịch liệt chính sách phản động của các chính phủ phản động da trắng. Hồi ấy tôi đã không thể dự hội nghị quan trọng này. Trước khi hội nghị khai mạc ít ngày, trong phạm vi cả nước, có 52 cán bộ lãnh đạo ANC, trong đó có tôi, bị quản chế. Trong thời gian 6 tháng, chúng tôi không được tham dự vào bất cứ một cuộc khai hội nào, cuộc gặp mặt nào ở nơi công cộng. Tôi chỉ được di chuyển trong phạm vi Johannesburg. Trên thực tế, nhà cầm quyền cầm chúng tôi không được gặp từ hai người trở lên. Cuộc đời tôi hồi ấy chảy theo hai hướng: công việc của cuộc đấu tranh giải phóng của Đại hội Dân tộc Phi và nghề kiếm sống với tư cách là luật sư. Sau khi thi đỗ tốt nghiệp, lúc đầu tôi làm việc tại một số văn phòng luật sư da trắng có tư tưởng tự do, tiến bộ. Năm 1952 tôi mở văn phòng luật sư của riêng mình. Ít lâu sau Oliver Tambo trở thành đồng nghiệp của tôi. Bảng hiệu của chúng tôi ghi “Mandela và Tambo” gắn trước văn phòng nằm trên đường Chancellor tại nội thành Johannesburg. Khách hàng đến văn phòng của chúng tôi rất đông. Đây là văn phòng duy nhất của các luật sư da đen, mặc dù Johannesburg có nhiều luật sư người Phi. Người Phi đến văn phòng luật sư da đen nhờ bảo vệ quyền lợi cho họ trong ngờ vực. Chính quyền thực dân da trắng đổ lên đầu họ đủ thứ tội: tội đi qua một cái cửa chỉ dành riêng cho người da trắng ngay trong những tòa nhà văn phòng của các cơ quan chính quyền; tội lên xe bus chỉ dành riêng cho người da trắng trong thành phố; tội lấy nước ở máy nước, nguồn nước chỉ dành riêng cho người da trắng; tội đến một bãi biển chỉ dành riêng cho người da trắng phơi nắng và tắm biển; tội không mang theo giấy căn cước hộ thân khi ra khỏi nhà, đi trên đường phố; tội không có công ăn việc làm khi cảnh sát phát hiện khám giấy “sổ căn cước lao động”; tội sống ở những nơi không được phép cư ngụ và tội không có nơi che mưa nắng! Ngày này sang ngày khác, chúng tôi chứng kiến ngàn vạn sự nhục mạ của bọn cầm quyền da trắng đối với người da đen. Tôi từng cùng thân chủ của mình đến văn phòng xử án cãi cho họ. Đối diện với những nguyên cáo tôi thường sử dụng chiến thuật đối chất trực tiếp trước bàn dân thiên hạ dự khán các phiên xử. Tôi còn nhớ một lần bảo vệ cho một thanh nữ da đen làm tạp vụ trong một gia đình da trắng. Cô bị tố cáo là ăn cắp đồ lót của cô chủ. Những thứ ấy hiện đang đặt trên bàn tang chứng ngay tại phiên tòa. Sau khi “quý cô” trình bày xong với quý bà, với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo, tôi sử dụng biện pháp đối chất. Tôi từ từ tiến đến bàn để vật làm chứng, dùng đầu nhọn của chiếc bút chì, khều một trong vài món đồ lót cũ kỹ để trên bàn, giơ lên cao. Đó là chiếc quần lót. Tôi đến trước mặt “quý cô”, nhìn thẳng vào mắt, hỏi: “Thưa cô, có phải cái này là của cô?” “Quý cô” mặt đỏ như gấc, nói nhanh trong hơi thở gấp: “Không!”. Mặt “quý cô” đỏ bừng và rất ngượng khi phải đối diện với sự thật quá tầm thường, quá nhỏ nhen này. Tòa đã buộc phải tuyên bố bị cáo vô tội!. Cùng với nhiều cán bộ lãnh đạo khác, tôi cho rằng chính quyền sẽ thẳng tay đàn áp ANC mà khả năng xấu nhất nhưng rõ ràng là có cơ sở để nhận định như vậy, rằng người ta sẽ cấm ANC hoạt động bằng một đạo luật như đạo luật đặt đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật như chúng đã làm. Tôi được tín nhiệm giao nhiệm vụ thảo bản kế hoạch hành động, đưa ANC vào hoạt động bí mật khi cần thiết. Tôi đã gặp gỡ nhiều ủy viên Ban thường vụ ANC cùng nhau thảo ra những phương án và những biện pháp bảo vệ tổ chức một khi rút vào bí mật mà vẫn đảm bảo được sự hoạt động thông suốt từ cấp cơ sở đến các tỉnh thành lên trung ương. Bản kế hoạch đã được ANC thông qua với đa số tuyệt đối. Bản kế hoạch mang tên “Kế hoạch M”. Ba khóa huấn luyện về hoạt động bí mật đã được tổ chức cho tất cả cán bộ lãnh đạo ANC, từ chi đội đến trung ương để quán triệt kế hoạch hành động này. Oliver Tambo có sức làm việc phi thường. Anh không bao giờ sợ tốn thời gian với khách hàng đồng bào của mình. Tình cảm của anh dành cho họ, sự kiên nhẫn của anh không chỉ nói lên trách nhiệm nghề nghiệp của một luật sư có nghĩa vụ bênh vực lẽ phải. Anh đau nỗi đau của những người bị cướp đoạt hết mọi thứ, kể cả phẩm giá con người, ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Đồng bào da đen Phi nhanh chóng nhận ra “những vị luật sư da đen” có ý nghĩa thế nào đối với họ. Văn phòng của chúng tôi là nơi không bao giờ từ chối họ, lại càng không bao giờ lừa bịp họ. Họ đến đó và tự hào được những người cùng màu da “kiến thức uyên bác” bảo vệ bất kể họ thuộc loại sang hay hèn. Khi chứng kiến cảnh này, tôi bỗng nhớ lại nguyên nhân dẫn tôi đến trường đại học và khoa luật ngay từ khi tôi mới mười chín đôi mươi. Bây giờ thì tôi có thể thở phào nhẹ nhõm để nói rằng sự lựa chọn của mình thật đúng đắn biết bao. Chúng tôi có nhiều khách hành đồng nghiã với việc phải xuất hiện thường xuyên tại các phiên xử của tòa án các cấp. Ở tòa án cấp chúng tôi được tiếp đón một cách lịch sự, ở nơi khác quan tòa và cử tọa coi khinh. Trong con mắt của người da trắng thực dân người da đen chỉ là “bọn nhọ”. Chúng tôi đã thành công trong rất nhiều vụ kiện của thân chủ. Tuy nhiên chúng tôi ý thức được một cách rõ ràng dù có xuất sắc đến đâu thì chúng tôi cũng không bao giờ được trở thành “quan tòa của nhà nước”. Người Phi dưới con mắt của nhà cầm quyền dù làm bất cứ việc gì, dù là luật sư thì bao giờ cũng “kém cỏi” hơn người da trắng!. Không ít lần “nguyên cáo” da trắng trả lời chúng tôi trong các cuộc đối chất trước tòa. Đối với họ phải trả lời câu hỏi chất vấn của một “đứa da đen” - dù đó là một luật sư - là điều không thể chấp nhận. Không ít “chánh tòa” đồng lõa với những thái độ ấy của người da trắng. Họ không ngần ngại tìm mọi cơ hội gây khó dễ cho chúng tôi. Một lần “quý tòa” yêu cầu tôi xuất trình bằng luật sư. Thật ra chuyện đó không có gì lạ. Tôi trả lời chánh tòa: “Tôi là Nelson Mandela, luật sư, tôi có mặt tại phiên tòa xử với tư cách là người bào chữa cho thân chủ của tôi”. “Chánh tòa” hỏi: “Tôi không biết ông, và vì thế bằng luật sư của ông đâu?” Bằng ư? Đó là mảnh giấy in đẹp, có viền hoa văn và thường cất trong tủ hoặc treo trên tường nhà hoặc văn phòng chứ ai mang theo trong người! May mà tôi mang theo văn bằng và xuất trình cho ngài chánh tòa. Ấy vậy mà ông ta vẫn không khai mạc phiên xử. Tệ hơn nữa là khi ông ta yêu cầu nhân viên trật tự đưa tôi ra khỏi phòng xử án. Đó là hành động vi phạm luật pháp. Tôi kiện chánh tòa lên tòa án tối cao. Ông chánh án đã phải làm cái việc bất đắc dĩ là khiển trách vị chánh tòa kia, và giao cho tòa án khác mở phiên tòa mà tôi là luật sư bào chữa. Là luật sư da đen hiển nhiên người ta không nhất thiết được công nhận ngoài phòng xử án. Một hôm tôi thấy một phụ nữ da trắng đã cao tuồi bị mắc kẹt trong chiếc xe hơi của bà giữa hai chiếc xe ngay trong khu đỗ xe trước văn phòng chúng tôi.Tôi đã đến tận nơi, dùng hết sức đẩy chiếc xe của bà ra khỏi “gọng kìm" của hai chiếc xe kia. Người đàn bà da trắng nhìn tôi, nói bằng tiếng Anh khá lịch sự: "Xin cảm ơn, John!". John là chữ nói đầu lưỡi của người Anh chỉ một người Phi mà họ không biết tên. Bà ta muốn “trả công” tôi đồng 5 xu, nhưng tôi đã lịch sự từ chối không nhận. Bà ta chìa đồng xu trước mặt tôi một lần nữa và tôi cũng từ chối lần thứ hai. Bỗng bà ta nói như hét lên: “Phải chăng từ chối đồng năm xu tức là ông đòi 1 bảng. Không có đâu nhé, 1 bảng là không thể, nghe chưa!”. Nói xong và ta ném đồng xu về hướng tôi và lên xe chạy thẳng. Trong những năm hành nghề thầy cãi, những lần đến các thị trấn xa xôi bào chữa cho thân chủ của mình đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng không quên, thật cảm động. Lần tôi đến thành phố Calorina cách Johannesburg 150km là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Khi tôi xuống xe trước tòa án, đồng bào da đen của tôi đã sung sướng, vui mừng biết bao. Họ đón tiếp tôi như một ân nhân, một anh hùng. Trong đời của họ chưa bao giờ nhìn thấy một luật sư da đen đến pháp trường bào chữa và bảo vệ một “bị cáo” da đen. Chánh tòa và các ủy viên công tố cũng tỏ ra thân thiện với tôi. Họ chào mừng tôi theo nghi thức dành cho một luật sư. Chánh tòa và các ủy viên công tố còn dời giờ khai mạc phiên tòa để hỏi thăm tôi. Họ muốn biết vì sao và làm cách nào mà tôi chọn và hành nghề khó khăn này thành công. Phòng xử án đầy cử tọa tò mò. Họ đến đông hơn bất cứ phiên tòa nào trước đó và trên khuôm mặt ai cũng lộ rõ niềm vui. Tôi bào chữa cho một thầy lang chữa bệnh trong một làng gần đó. Ông bị kiện là dùng phép thuật tà ma để chữa trị. Ngoài lý do “xem ông luật sư da đen” người ta kéo đến dự phiên xử rất đông còn để xem thử luật lệ của nhà nước da trắng có hiệu lực đối với “con ma” hay không. Ông lang vốn có ảnh hưởng rất lớn trong vùng. Rất nhiều người kính trọng nhưng đồng thời cũng rất sợ ông. Trong khi tòa đang tranh luận, ông lang bỗng hắt hơi rất to. Cử tọa la ó, tìm cách chạy khỏi phòng xử án trong hỗn loạn, bởi vì họ cho rằng ông lang - thân chủ của tôi - đang dùng thứ ngôn ngữ mà quỷ để trao đổi với luật sư. Phiên tòa kết thúc mà phần thắng thuộc về thân chủ của tôi. Thế nhưng nhiều người dự khán phiên xử không cho rằng kết quả ấy là do lý lẽ xác đáng của luật sư bào chữa, mà là do sự huyền ảo của những vị thuốc ông lang sử dụng trong khi chữa bệnh, nay được ông đưa vào văn phòng xử án!. Năm 1954, chính phủ Nam Phi lại ra lệnh quản chế tôi một lần nữa “do những hoạt động chống chính phủ”. Chưa hết. Hội luật gia bị giật giây và gây sức ép yêu cầu tòa án tối cao “rút phép hành nghề” của tôi, khai trừ tôi khỏi tổ chức. Tội danh mà họ đưa ra là hoạt động chính trị, “vi phạm pháp luật” từng bị đưa ra tòa trong vụ án “bất tuân thủ luật pháp” và “thái độ coi thường danh dự nghề nghiệp”. Sự kiện này diễn ra vào thời kỳ văn phòng “Mandela-Tambo” đang gặt hái thành công giòn giã, hiện diện ở khắp các phiên tòa, bảo vệ thân chủ thành công liên tiếp. Điều ngạc nhiên thú vị làm tôi rất cảm động là không chỉ các luật sư da đen nổi tiếng tuyên bố sẽ “ra hầu tòa” để bào chữa cho tôi, mà nhiều luật sư danh tiếng người Buren - đồng bào của những kẻ cầm quyền với những đạo luật phản động đẫm máu vô nhân đạo ở Nam Phi lúc bấy giờ - đã liên tiếp gửi thư khẳng định với tôi rằng họ sẽ ra tòa bảo vệ tôi. Thực tế sinh động này đã báo cho tâm thức tôi điều này: Ngay trong lòng nhà nước Apartheid tệ hại nhất thế giới là Nam Phi, tình đoàn kết nghề nghiệp vẫn có đủ sức mạnh vượt qua hàng rào cản của màu da. Hơn thế, đất nước này dù chìm trong máu lửa của nạn khủng bố nhân danh luật pháp, vẫn có những luật sư từ chối làm công cụ cho một chính quyền vô đạo đức và vô đạo lý. Chủ tịch Hội Luật gia Johannesburg, Walter Pollack, được trao nhiệm vụ người bảo vệ chính của tôi trước tòa. Bạn bè và Hội khuyến nghị nên chọn thêm một luật sư thứ hai, một người không liên quan và dính dáng gì đến cuộc đấu tranh của ANC. Làm như vậy có thể tạo tác động tích cực cho án quyết của tòa án tối cao. Sau khi tham vấn ý kiến của đồng nghiệp, tôi quyết định mời luật sư William Aaronsohn, người đứng đầu một văn phòng luật sư lâu năm nhất ở Johannesburg là người bảo vệ thứ hai. Hai ông bảo vệ quyền lợi của tôi mà không yêu cầu một khoản chi phí nào. ẳ Lập luận của chúng tôi thống nhất khẳng định bản kiến nghị của Hôi đồng Luật gia Johannesburg chống lại tinh thần công lý, và tôi hoàn toàn có quyền đấu tranh cho lòng tin chính trị của mình. Đó là quyền mà mọi công dân trong nhà nước pháp quyền được hưởng. Chánh tòa Ramsboottom chủ tọa phiên xử này quả thật đã trở thành mẫu mực của một quan tòa khi ông từ chối làm cái loa cho những người dân tộc chủ nghĩa, bằng cách dương cao ngọn cờ công lý. Án quyết ông đưa ra trong phiên xử này hoàn toàn trùng hợp với lập trường của chúng tôi, rằng tôi hoàn toàn có quyền đấu tranh cho lòng tin chính trị của mình, cho dù cuộc đấu tranh ấy chống lại chính quyền đương thời. Ông đã bác bỏ đơn của Hội luật gia Johannesburg và buộc họ phải chịu toàn bộ chi phí của phiên tòa. Tuy nhiên chính quyền vẫn giữ nguyên lệnh quản chế tôi. Trong các năm 1954-1955, nhà cầm quyền thi hành Luật đuồi người da đen ra khỏi những vùng “được giao cho người da trắng”. Quận Sophiatown ở Johannesburg nằm trong khu vực đuổi dân cướp đất đầu tiên của chính quyền Malan. Cũng năm đó, Bộ trưởng Giáo dục, tiến sĩ Handrik Verwoerd - một kẻ từng đứng về phe nước Đức Hitler trong đại chiến thế giới lần thứ hai - đã dọn đường cho một đạo luật giáo dục phản động mới khi ông ta tuyên bố: “Sự nghiệp giáo dục phải đào tạo ra những con người và dạy dỗ họ phù hợp với các điều kiện sống của họ”. Vậy là đã rõ. Ngài bộ trưởng cho chính sách phản động của chính quyền Apartheid khi ông ta “lý giải” rõ ràng hơn rằng người Phi da đen không có cơ hội và sẽ không bao giờ có, vậy thì đào tạo họ để nhằm mục đích gì! Ngài bộ trưởng còn nói cụ thể hơn rằng người Phi không bao giờ có điều kiện gia nhập cộng đồng người Âu, ngoài sức lao động của họ. Tóm lại người Phi chỉ có thể trở thành những công cụ sống va người ta chỉ cần đào tạo họ bằng lao động thực tế và bao giờ họ cũng là tầng lớp dưới người da trắng. Đạo luật của Verwoerd không chỉ cướp quyền được giáo dục, đào tạo của người da đen mà nó còn xóa bỏ mọi tiến bộ của nền văn hóa Phi và qua đó tiêu diệt cuộc đấu tranh cho tự do của nhân dân Nam Phi. Cuộc chiến đấu chống đạo luật phản động giáo dục - đào tạo bùng nổ khắp các vùng lãnh thổ của đẩt nước. Người phi đã phải tìm nhưng con đường khác nhau nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho con em được học hành. Tương lai của nước Nam Phi dân chủ và tự do không thể đặt vào tay những người mù chữ. ANC và các tổ chức của người Phi gốc Ấn, và của những người cộng sản đã thành công trong hoạt động tổ chức phong trào phản kháng trong toàn quốc, tẩy chay triệt để đạo luật ngu dân, và tổ chức cho con em mình được tiếp tục học hành, cho dù những điều kiện cực kỳ khó khăn. Trong năm này, Ban chấp hành ANC đã đặt vấn đề cải tổ các hoạt động của cuộc đấu tranh giải phóng. Đã đến lúc phải đặt vấn đề mở Đại hội quốc dân với sự tham dự của tất cả mọi tầng lớp nhân dân Nam Phi, không phân biệt màu da, chủng tộc nhằm soạn thảo Bản Hiến chương tự do cho một Nhà nước Nam Phi dân chủ trong tương lai. Một hội đồng của Đại hội quốc dân được thành lập do chủ tịch ANC, Luthuli đứng đầu. Đại hội quốc dân có nhiệm vụ vạch ra một loạt nguyên lý cho việc ra đời một Nhà nước Nam Phi mới. Những đề nghị cho sự hợp tác này phải được các tầng lớp nhân dân đề xuất. Các cấp lãnh đạo ANC tại tất cả các địa phương trong nước được giao trách nhiệm tiếp nhận mọi ý kiến của cá nhân và tổ chức của mọi miền đất nước. Hiến chương phải là một văn kiện được tác thành từ những ý kiến của nhân dân. Đại hội quốc dân đại diện cho một của hai trào lưu đang diễn ra trong ANC. Chắc chắn việc sẽ xẩy ra là nhà cầm quyền phân biệt chủng tộc ra đạo luật cấm ANC hoạt động. Trước tình hình đó, nhiều cán bộ lãnh đạo ANC lập luận rằng tổ chức phải chuẩn bị chu đáo để kịp thời rút vào hoạt động bí mật, tức là hoạt động bất hợp pháp. Nhưng đồng thời chúng tôi không muốn từ bỏ những hoạt động chính trị công khai từng nâng uy tín của ANC trong quần chúng đông đảo. Đại hội quốc dân cần phải thể hiện sức mạnh của mình. Chúng tôi kỳ vọng Đại hội quốc dân sẽ trở thành sự kiện có ý nghĩa trong lịch sử của cuộc đấu tranh cho tự do ở Nam Phi là một khối đoàn kết thống nhất của những người bị áp bức bóc lột, đàn áp với tất cả các lực lượng tiến bộ ở Nam Phi, nhắm tạo ra bước ngoặt quyết định đưa đất nước đến một sự đổi thay cơ bản. Chúng tôi kỳ vọng một ngày nào đó nhớ đến mở Đại hội quốc dân như nhớ đến ngày ra đời của Đại hội Dân tộc Phi năm 1912 ấy!. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu cao cả này, ANC đã chủ trương thu hút càng nhiều tổ chức và cá nhân ủng hộ chính sách này càng tốt. ANC đã mời 200 tổ chức của người da đen, da màu, da trắng, người Phi gốc Ấn trong toàn quốc cử đại biểu đến dự hội nghị trù bị tháng 3 năm 1954 tại Tongaat. Ủy ban hành động quốc gia ra đời tại cuộc Hội nghị trù bị Tongaat gồm 8 thành viên của bốn cột trụ chính. Chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động là Luthuli, chủ tịch ANC. Ban thư ký gồm đại diện của bốn tổ chức chính được coi là trụ cột của Đại hội quốc dân sau này. Ủy ban phối hợp hành động đã gửi lời kêu gọi đến các tổ chức, và cá nhân góp ý kiến bằng cách gửi những đề nghị về bản Hiến chương cho Ủy ban. Sự hương ứng của quần chúng vô cùng rầm rộ. Điều đáng xấu hồ là những ý kiến của người dân bình thường không chỉ nhiều hơn mà nội dung phong phú hơn nhiều so với ý kiến của các nhà lãnh đạo. Người dân đã thật sự coi mình là người chủ của quê hương, người quyết định tương lai của chính mình. Trên cơ sở của những đề nghị này, Ủy ban phối hợp hành động soạn thảo Hiến chướng và sau đó chuyển cho Thường vụ ANC thẩm định. Hiến chương sẽ được đưa ra Đại hội quốc dân thảo luận và sẽ được thông qua từng điểm, từng điều khoản. Đại hội quốc dân họp trong hai ngày đầy nắng gió, bầu trời trong xanh: 25 và 26/6/1955. Bất chấp sự ngăn cản, đe dọa của cảnh sát dã chiến, cảnh sát vũ trang chống bạo động nhan nhản trên mọi góc phố. 3.000 đại biểu đã đồng thanh nhất trí thông qua văn kiện lịch sử này. Người da đen chiếm đại đa số trong 3.000 đại biểu dự Đại hội. Nhưng cũng đã có 300 nhưng Phi gốc Ấn, 200 người da màu khác và 100 người da trắng đến Đại hội với tất cả tinh thần trách nhiệm với đất nước. Như đã đánh hơi được nguy cơ cho chế độ Apartheid, chính quyền Malan đã bật đèn xanh cho những đơn vị cảnh sát dã chiến phá hàng rào danh dự, xông vào hội trường dùng súng uy hiếp các thành viên Đoàn chủ tịch và các diễn giả. Chúng công khai tuyên bố đây là “hội kín” âm mưu làm loạn, lật đổ chính phủ hợp hiến nhằm thành lập nhà nước cộng sản, và vì vậy phải bị trừng trị trước tòa án. Cuộc khủng bố trắng trợn và công khai này báo trước những cuộc khủng bố tàn bạo trong thời gian tới trong phạm vi cả nước. Cho dù Đại hội Quốc dân bị giải tán bằng vũ lực một cách tàn bạo và thô bỉ, bản Hiến chương được nhất trí thông qua trở thành “người dẫn đường” cho cuộc đấu tranh vì tự do của nhân dân Nam Phi. Như những văn kiện mang tính lịch sử khác, như Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc, Tuyên ngôn nhân quyền Pháp và Tuyên ngôn Đảng cộng sản, Hiến chương tự do của Đại hội Quốc dân Nam Phi là sự pha trộn các mục tiêu chính trị và ngôn ngữ văn học. Hiến chương đòi xóa bỏ mọi hình thức phân biệt ẳ ẳ chủng tộc, khẳng định các quyền bình đẳng cho mọi công dân. Hiến chương thiết tha kêu gọi và chào đón tất cả những ai đấu tranh cho tự do hãy tham gia vào việc thành thành lập một nước Nam Phi dân chủ, không phân biệt màu da, sắc tộc. Một số thành viên ANC trong Đại hội Quốc dân từng chống những người cộng sản và người da trắng phản ứng với bản Hiến chương. Họ cho rằng bản Hiến chương này nhằm khai sinh một nước Nam Phi khác không giống với hình hài một nhà nước Nam phi mà ANC chủ trương và đã đấu tranh gian khổ nhiều chục năm nay cho nó. Họ nói rằng những người cộng sản và người của Đại hội của những người dân chủ chiếm vai trò quan trọng trong Đại hội, và hệ tư tưởng của họ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng của Hiến chương. Tháng 7 năm 1956, tôi đã viết trên tờ Liberation, chứng minh rằng Hiến chương ủng hộ quyền tư hữu tư liệu sản xuất, cho phép phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, và đó là lần đầu tiên người Phi da đen có quyền đó. Hiến chương đảm bảo cho người Phi một khi giành được tự do, có đủ mọi điều kiện mở cửa hàng kinh doanh bằng chính tên của mình, có thể trở thành chủ hãng và những nhà tư bản giàu có. Văn kiện không hề đề cập đến việc xóa bỏ giai cấp và sở hữu tài sản, cũng không ủng hộ việc xóa chiếm đoạt tài sản công hữu cũng như các phương tiện sản xuất. Còn như việc quốc hữu hóa hầm mỏ, nhà băng và các nghành công nghiệp độc quyền trong tay những kẻ lũng đoạn chính là một biện pháp cần tiến hành để nền kinh tế không tập trung trong tay người da trắng, và chỉ do họ điều hành mà thôi. Trên thực tế, Hiến chương là một văn kiện cách mạng, bởi vì tất cả những yêu sách này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu không có những thay đổi cực đoan cơ cấu kinh tế và chính trị ở Nam Phi. Đó không phải là chủ nghĩa xã hội, cũng không phải là chủ nghĩa tư bản mà là một hình mẫu tổng hợp đúc kết từ những yêu sách của nhân dân đòi chấm dứt tất cả mọi hình thức áp bức của con người đối với con người. Ở Nam Phi chỉ có đập tan chủ nghĩa Apartheid, biểu tượng nhục nhã của mọi bất công, bất bình đẳng xã hội, thì mới có thể tạo được sự biến đổi mang tính cách mạng. Đầu tháng 9 năm 1955, sáu tháng bị quản chế của tôi hết hạn. Tôi đã quyết định thực hiện “chuyến du lịch nghỉ ngơi” về quê hương đất mẹ của tôi thuở ấu thơ. Nói là “chuyến du lịch nghỉ ngơi” song sự thật là chuyến công tác đặc biệt nhằm mục đích củng cố tổ chức các cơ quan ANC địa phương, bàn bạc với các địa phương những biện pháp chống cướp đất trắng trợn của chính quyền Apartheid theo một đạo luật cực kỳ phản động mới, tạo điều kiện cho 4 triệu người da trắng cướp 87% đất đai ở Nam Phi, trong khi 10 triệu người Phi chỉ còn lại 13% đất đai các vùng khô cằn. Khi rời quê hương cách đấy 19 năm, tôi chỉ là chàng võ sĩ “hạng lông”. Nay ở tuổi 38, tôi đã là võ sĩ “hạng bán nặng” ở cả khía cạnh cơ thể lẫn trách nhiệm chính trị trên vai. “Một mình một ngựa” (tức là tự lái xe hơi, vốn là nghề của tôi đã từng học cho bằng được để làm người đưa thư cho các lãnh tụ ANC trong cả nước trong những năm trước đây) tôi trở lại quê nhà với hành trang quan trọng. Đêm trước cuộc hành trình, bạn bè đồng nghiệp và các đồng chí trong ANC quây quần trong ngôi nhà khiêm tốn của gia đình tôi. Khi mọi người tạm biệt ra về thì đã nửa đêm. Con gái Makaziwe, hai tuổi, tỉnh giấc, bò lại bên tôi. Cháu hỏi rất khẽ: “Ba cho con đi cùng được không?”. Tôi đã không có nhiều thì giờ cho gia đình, vì vậy câu hỏi của đứa con gái thơ ngây như mũi kim nhói trong tim mình. Tôi bỗng cảm thấy chuyến đi chờ đợi bao lâu kém hẳn niềm vui. Tôi ôm cháu vào lòng, hôn lên đôi má thơm mùi sữa và ẵm cháu đến chiếc giường con xinh xắn. Khi cháu đi vào giấc ngủ đều đều, tôi tiếp tục các công việc chuẩn bị cho chuyến đi. Tôi ra đi trong đêm còn tối mịt. Một mặt, tôi không muốn giáp mặt với những tên cảnh sát trên các trạm dọc đường mặt khác tôi thích được một mình ngắm bầu trời đẹp tuyệt vời trong phút bình minh trên những cánh đồng bát ngát của quê mẹ tôi. Xe chạy bon bon trên đường thiên lý, qua những cánh rừng, đồi trọc, những địa hình ngày trước người Buren và người bộ tộc Zulu đã đánh cho thực dân Anh những trận chí tử. Tôi bỗng phát hiện ra rằng nơi này, nơi khác sẽ là địa điểm trú quân lý tưởng của đoàn quân giải phóng Nam Phi trong tương lai rất gần. Tôi dừng xe tại các thành phố, thị trấn, làm việc với cán bộ ANC tại các địa phương. Đêm đầu tiên đến thành phố York Road, sau khi gặp gỡ chiến hữu bàn bạc những đối sách, nhiệm vụ cụ thể của tổ chức, tôi đến quán trọ nghỉ đêm. Tôi dậy sớm, ra quán uống cà phê cho tỉnh táo để tiếp tục cuộc hành trình. Hai tù trưởng địa phương xuất hiện ngoài kế hoạch. Họ cần ý kiến chỉ đạo của ban lãnh đạo ANC về đạo luật đất đai của Malan mới ban hành. Khi chúng tôi đang trò chuyện với nhau thì chủ quán - một phụ nữ - bước vào, nói trong hơi thở pha chút lo lắng, sợ hãi: - Có một người muốn gặp ngài Mandela. Người đó đã đứng trước mặt tôi. Một người da trắng. Ông ta hất hàm hướng vể tôi: - Ông là Nelson Mandela? Ông ta giới thiệu tên và chức vụ. Đó là một sĩ quan thuộc “đơn vị an ninh” - một tên điệp ngầm mặc áo quần thường phục. - Ai muốn biết tên tôi vậy? Tôi đáp ngay tức khắc. - Tôi muốn được kiểm tra giấy công vụ của ông. Tôi nói tiếp với giọng cương quyết, không hề mất bình tĩnh trước ông ta. Ông ta buộc phải rút thẻ công vụ và chìa ra trước mắt cho tôi xem. Tôi ung dung nói tiếp: “Phải, tôi là Nelson Mandela đây!”. Ông ta nói với tôi rằng chỉ huy của ông muốn diện kiến tôi. Tôi nói rằng nếu ông chỉ huy muốn gặp tôi thì ông ta cứ đến đây, tôi sẵn sàng tiếp ông ta. Viên cảnh sát ra lệnh cho tôi đi theo hắn đến gặp chỉ huy ở trụ sở cảnh sát. Tôi hỏi y phải chăng tôi bị bắt. Hắn nói rằng không phải thế. - Vậy thì trong trường hợp này, - tôi nhấn mạnh - tôi sẽ không đi đâu hết! Sự từ chối dứt khoát của tôi làm y tỏ ra bối rối, nhưng y cũng nhanh chóng nhận ra rằng tôi không hề vi phạm pháp luật. Y đổi chiến thuật bằng cách đặt ra hàng loạt câu hỏi: tôi rời Johannesburg từ lúc nào; tôi đến thăm những nơi nào; tôi gặp những ai, ở đâu, về việc gì; liệu tôi có giấy phép lưu lại vùng Transkei hay không và sẽ lưu lại đó bao lâu... Tôi chỉ nói ngắn gọn với y rằng Transkei là quê cha đất tổ của tôi, và vì thế tôi không cần xin phép ai về thăm quê và tôi muốn lưu lại bao nhiêu lâu ở đó là quyền của tôi. Tên khiêu khích bực tức ra mặt nhưng không còn cách nào khác là lủi ra ngoài. Cả hai tù trưởng từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước thái độ của tôi khi đối diện với tên cảnh sát da trắng. Họ phê phán “sự thô thiển quá đáng” của tôi. Tôi phải nói cho họ hiểu rằng tôi chỉ đối xử với ngươì da trắng kia như chính y đã đối xử với tôi mà thôi. Hai tù trưởng xem ra vẫn không tin những gì tôi nói và tôi nghĩ rằng họ coi tôi là “kẻ ấm đầu”. Đó là những nhân vật tôi có nhiệm vụ gặp gỡ, thuyết phục họ phản đối luật cướp đất của người Phi, trong đó có hàng trăm thần dân của họ. Vậy là hình như tôi đã không phải con người tạo ra cho họ ấn tượng tốt. Từ vụ này tôi ý thức được rất rõ rằng mình đã trở thành một con người hoàn toàn khác khi trở về quê hương so với tôi 19 năm trước khi rời quê hương ra đi. Từ buổi sáng hôm đó, cảnh sát dường như không bao giờ rời hành trình của tôi trong suốt thời gian tôi ở Transkei. Chúng còn dọa những ai yếu bóng vía rằng hãy tránh xa Mandela nếu không muốn rơi vào tai họa. Từ Transkei, tôi nhanh chóng hướng về Qunu, ngôi làng nghèo nơi tôi ra đời và lớn lên những năm tuổi thơ. Nơi đó hiện mẹ tôi đang sống một mình. Khi tôi về đến nhà thì mẹ tôi đã đi ngủ. Tôi đánh thức Người dậy. Hai mẹ con ôm nhau trong nước mắt, và là nước mắt của niềm vui gặp lại sau gần 20 năm xa cách. Tôi ở lại với mẹ nhiều ngày. Mẹ đã già lắm rồi, nhưng khi tôi ngỏ ý kiến đón Người đến Johannesburg với con cháu thì Người nói rằng Người không thể bỏ quê hương, những người thân yêu nhất đã nằm xuống sâu dưới lòng đất mà không có người hương khói. Tạm biệt mẹ, lòng tôi đầy âu lo. Lo cho mẹ, lo cho phong trào còn quá mỏng, cán bộ còn quá non và nhất là lập trường của các tù trưởng quá khác biệt nhau đối với đạo luật cướp đất của chính quyền da trắng. Họ khó có thể là chỗ dựa nói gì đến việc bảo vệ những nông dân chân lấm tay bùn. Tôi cũng đã về thăm người mẹ thứ hai của mình, NoEngland - vợ của tù trưởng cha nuôi của tôi. Hai người đã coi tôi như con trai của họ và đóng góp phần quan trọng cho sự trưởng thành của tôi. Bà vẫn như xưa, vẫn chân tình và coi tôi như đứa con ruột của mình. Tôi được biết Justice, con trai của bà, người được kế tục tước vị tù trưởng của cha, đã bị chính quyền da trắng bãi chức như cha tôi trước kia. Justice đã đứng về phía những người nghèo khổ, vì vậy dù bị bãi chức người dân vẫn coi anh là tù trưởng của họ. Chuyến về thăm quê hương của tôi đã tạo điều kiện cho tôi hình dung được khoảng cách về không gian mình đã trải qua và chắc chắn còn có ích cho công việc trong tương lai. Tôi đã tận mắt so sánh đồng bào mình đã sống ra sao và gần hai mươi năm sau đang sống thế nào, trong khi bản thân tôi đã được nhìn thấy, được sống, và hoạt động trong “nhiều thế giới khác nhau” với những ý tưởng luôn mới mẻ. Một lần nữa, tôi hiểu ra rằng những gì mình quyết định cách đây gần 20 năm là đúng đắn. Nếu tôi vẫn ở lại quê nhà thì giờ đây tôi không khác gì những đồng bào của mình, tôi không thể sở hữu những gì mình đang có, không có tầm nhìn chính trị và thời cuộc mà chỉ là như người bại liệt. ANC còn quá nhiều việc phải làm để thức tỉnh hàng triệu người ở các vùng quê xa xôi phải tiếp tục sống trong tăm tối, tủi nhục. Giữa buổi sáng, tôi lên đường về hướng Kasptadt. Tôi chưa từng chạy xe trên con đường nối Port Elisabeth và Kapstadt. Phong cảnh hai bên đường thật ngoạn mục. Trời khá nóng, nhưng màu xanh ngút ngàn hai bên đường làm dịu mọi cảm giác nặng trĩu. Lần đầu tiên tôi như được sống trong cảnh quan đẹp hơn trong chuyện cổ tích ngay trên quê hương mình. Một đất nước tuyệt vời như trên thiên đường này lại chỉ là sở hữu của người da trắng và không bao giờ với tới với người da đen là vì sao? Chẳng phải tất cả những gì trên mảnh đất này là của người Phi đó sao? Thế mà chỉ việc được sống trong vùng cảnh quan này thôi đối với tôi cũng là chuyện xa vời, không tưởng như việc mình trở thành nghị sĩ trong Nghị viện nước Nam Phi phân biệt chủng tộc tệ hại này. Tôi tới Kapstadt vào lúc 23 giờ, lưu lại đây hai tuần. Tôi đến thăm tòa soạn tờ New Age, “hậu duệ” của tờ báo cùng tên của ANC bị chính quyền đình bản ít lâu trước đó. Tồng biên tập tờ báo cánh tả này là một phụ nữ có cảm tình với ANC. Đó là buổi sáng ngày 27/9. Khi mới bước vào cửa, tôi đã nghe thấy tiếng la hét đầy phẫn nộ của Fred Carneson, giám đốc kỹ thuật và sau đó là tiếng va đập của dụng cụ, bàn ghế và cuối cùng là giọng trịch thượng rủa những tên cảnh sát và đủ loại cá chìm cá nổi của bộ máy kìm kẹp. Chúng khám tòa soạn. Tôi nhẹ nhàng lùi lại và nghĩ rằng những gì mình dự báo đang trở thành sự thật: bộ máy nổi, chìm của bọn an ninh đã được lệnh ra tay. Đó là sự mở đầu của một chiến dịch khủng bố tàn bạo và đẫm máu nhất trong lịch sử Nam Phi dưới quyền cai trị của những tên phân biệt chủng tộc tệ hại nhất. Chúng được lệnh tịch thu mọi tài liệu, giấy tờ và mọi phương tiện mà chúng gọi là “bằng chứng về những âm mưu bạo loạn và lật đổ là phản quốc”. Chúng đổ tội cho bất cứ ai chúng muốn bắt là vi phạm luật cấm đảng Cộng sản được ban hành ngay sau khi Malan lên cầm quyền. Trong cả nước đã có 500 nhà, văn phòng của trí thức, những người có tư tưởng dân chủ, tiến bộ bị khám xét. Văn phòng của chúng tôi, phòng khám bệnh của nhiều bác sĩ da đen có chân trong ANC, và ngay cả nơi hành lễ của linh mục Huddleston cũng phải chịu chung số phận. Chiến dịch khủng bố trùm bóng đen của nó lên chuyến công cán của tôi đến Kapstadt. Nó mở đầu một bước còn tàn bạo hơn cuả chiến dịch toàn diện chống phá và tiêu diệt mọi lực lượng chống đối hoặc chỉ không đồng tình với chính sách của chính phủ Malan. Sẽ diễn ra những cuộc bắt bớ, quản chế, quản thúc lớn và tôi chắc chắn không thoát khỏi. Cách đây vài ngày, khi mới đến Kapstadt, một hình ảnh bất bình thường diễn ra ngay trên đường phố đọng mãi trong ký ức tôi. Tôi thấy một phụ nữ da trắng còn trẻ đang chăm chú nhặt những cái xương cá trên đường trong một ngõ hẻm. Chị ta hẳn là người nghèo, ăn mặc xộc xệch. Và chị không có nơi dung thân. Tôi biết có những người da trắng nghèo, nghèo như người da đen. Có điều là người ta ít gặp họ trên đường phố. Cảnh người da đen rách rưới ăn xin là việc thường nhật, nơi nào cũng có. Nhưng một phụ nữ da trắng trẻ tuổi đi ăn xin quả thật đã làm tôi ngỡ ngàng. Thường thì tôi ít cho người ăn xin da đen, nhưng lúc này có cái gì đó thôi thúc tôi nhất thiết phải cho người đàn bà bất hạnh kia chút tiền. Chế độ Apartheid đẩy người da đen vào thảm cảnh bĩ cực là “chuyện đương nhiên, chẳng có gì phải nói”. Nhưng trước cảnh tượng một phụ nữ da trắng lam lũ, đói khát phải làm cái việc ăn xin không còn biết nên bình luận thế nào nữa. Trắng mà nghèo cũng là một bi kịch chua chát vậy thay! Ngay sau khi trở lại Johannesburg, tôi đã tường trình đầy đủ những gì nắm được trong chuyến công cán đến vùng Transkei. Những gì tôi báo cáo không có nhiều lạc quan. Transkei không có tổ chức ANC mạnh. Lực lượng của cảnh sát có thể làm cho hoạt động của tổ chức ở đây tê liệt không mấy khó khăn. Tôi đề xuất nên “tương kế tựu kế” trong việc đối phó với đạo luật phản động của chính quyền chiếm đất của người da đen. Đề nghị của tôi không được hưởng ứng. Chính phủ Nam Phi của Malan không chỉ chiếm đất của người Phi da đen. Với một hệ thống chính sách phân chia nhiều vùng nông thôn thành các đơn vị hành chính nhỏ, một mặt, chế độ Apartheid vừa cướp đất vừa chia rẽ các vùng theo chính sách muôn thuở” chia để trị”; mặt khác, chúng dành cho những tù trưởng, những người Phi đại diện quyền lợi cho chính quyền da trắng những ưu đãi để có thể trở thành tầng lớp trung lưu sẵn sàng hợp tác với chính quyền chống lại nhân dân. Tình hình này sẽ còn gây nhiều khó khăn chồng chất cho tổ chức ANC tại các vùng nông thôn rộng lớn khắp cả nước. Với chính sách thành lập mô hình cho “sự phát triển riêng của từng vùng”, nhà nước Nam Phi đang thực hiện chế độ “Grand Apartheid” - nghĩa là “Apartheid lớn”. Trên đường từ Kapstadt trở về Johannesburg, xe tôi chạy bon bon khá nhanh. Tôi về đến nhà mình trước bữa ăn tối. Các con tôi đã vui mừng gọi to tên tôi như chúng đã phải xa tôi nhiều năm. Chúng biết bố sẽ có quà cho từng đứa. Tôi chia quà cho các con và không ngừng trả lời đủ các câu hỏi của chúng. Đương nhiên không thể gọi đó là “chuyến nghỉ phép dưỡng sức”. Tuy nhiên, hiệu quả và tác động thì thật phù hợp: tôi cảm thấy mình như trẻ ra đang trong tư thế sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới chắc chắn là gay go, gian khổ và ác liệt hơn những gì tôi đã trải qua trong gần 20 năm qua. NNhững năm tháng gian khổ hưng tôi đã tính toán chính mình thay đổi cơ bản tình cảnh bị giam lỏng của mình. Khi bị quản chế, lần đầu tiên tôi đã lập kế hoạch theo quy luật hoạt động của những kẻ theo dõi mình. Giờ đây thì tôi không quan tâm đến quy luật hoạt động của bọn này nữa. Tôi không nghĩ đến việc để cho kẻ thù quyết định những việc tôi phải làm cho sự nghiệp mà tôi đã và đang theo đuổi. Để cho kẻ thù quyết định những hoạt động của mình có khác gì tự mình nhận lấy sự thất bại và tôi quyết định không để cho mình trở thành người gác ngục của chính mình. Ngày 5 tháng chạp năm 1956, từ sáng tinh mơ tôi đã nghe tiéng đập cửa ầm ầm. Một tên sĩ quan an ninh và hai tên cảnh sát đứng án trước cửa. Chúng đọc lệnh khám nhà tôi. Khám xong chúng công bố lệnh của “nhà cầm quyền” bắt tôi. Trong ngày hôm đó, cùng bị bắt với tôi còn có 155 người khác nữa. Gần như toàn bộ ban chấp hành ANC bị sa lưới. Vào lúc bọn chúng khám nhà, thu hết mọi giấy tờ trong nhà tôi thì các con tôi thức dậy. Tôi nghiêm khắc nhìn các cháu với ngụ ý bảo các cháu hãy bình tĩnh. Các con tôi nhìn bố với ánh mắt đầy thông cảm và khích lệ pha sự an ủi. Ánh mắt của các cháu cũng nói rất rõ ràng chúng cần được bảo vệ. Bọn cảnh sát lục lọi không sót một xó xỉnh nào. Sau gần một giờ lục lọi, tên sĩ quan mới mở mồm vẻ hống hách: “Mandela, chúng tôi có lệnh bắt ông. Ông phải đi theo chúng tôi!”. Khi tôi đưa mắt lướt qua lệnh bắt chỉ thấy vẻn vẹn một chữ: HORVENROGRAAD - có nghĩa là phản quốc. Thật chẳng hay ho chút nào khi chúng bắt tôi trước mắt các con mình. Trẻ con làm sao hiểu được những sự kiện dẫn đến hành động này. Chúng chỉ biết rằng cha chúng bị bắt mà không có một sự lý giải nào. Viên sĩ quan ngồi sau tay lái. Tôi ngồi bên cạnh y, tay không bị còng số 8. Y còn có nhiệm vụ khám văn phòng của chúng tôi và bây giờ chở tôi đến đó. Để vào trung tâm Johannesburg, xe phải chạy trên một con đường vắng, qua một khu đất trống không có nhà ở. Tôi hỏi y: - Điều gì sẽ xẩy ra khi tôi khóa cổ ông lại, ông sĩ quan. Viên sĩ quan chẳng biểu lộ ngạc nhiên nhỏ nào: - Ông sẽ chơi với lửa đó, Mandela ạ! Nếu ông tiếp tục nói kiểu đó thì tôi sẽ khóa tay ông lại đấy! - Và nếu tôi từ chối không để cho ông làm việc đó? Cuộc đối thoại lạ lùng này kéo dài vài phút và khi xe vào đến khu dân cư, viên cảnh sát nói: “Ông Mandela, tôi đã đối xử tốt với ông và tôi chờ đợi ở ông sự đối xử tương tự. Tôi không khoái trò khôi hài ấy đâu!”. Tôi lại được đưa đến Marshall Square, (nơi tôi từng bị tống giam vào năm 1952) sau khi chúng khám xét văn phòng của chúng tôi. Khi đến đó tôi đã thấy nhiều đồng chí của mình. Vậy là họ bị bắt còn sớm hơn tôi. Trong những giờ tiếp theo, những đồng ngũ khác, những chiến hữu thuộc các tổ chức phối hợp lần lượt bị bắt và bị đưa đến nơi này. Chính quyền đã chuẩn bị kỹ càng chu đáo, tỷ mỷ cho chiến dịch khủng bố trắng trợn này. Tờ The Star của người nào đó ném vào nơi giam chúng tôi đã nói lên tất cả. Đầu đề lớn về “cuộc truy lùng toàn diện” những “kẻ phản quốc” đã nói lên đầy đủ những gì người ta chuẩn bị từ lâu nay và ra tay đồng loạt trong ngày hôm nay. Tội danh phản quốc và âm mưu lật đổ chính phủ hợp hiến sẽ dẫn đến những bản án “nghiêm khắc nhất”. Các cán bộ lãnh đạo ANC và nhiều thành viên của các tổ chức liên minh trong Đại hội quốc dân ở khắp các địa phương trong nước cũng bị vây ráp và bắt trong ngày. Họ được máy bay đưa về Johannesburg để “cùng nhau ra hầu tòa”. Có 144 cán bộ bị bắt ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch khủng bố trắng. Ngày hôm sau, tất cả chúng tôi bị đưa ra tòa. Một tuần lễ sau, Sisulu và 11 cán bộ khác cũng bị bắt, đưa tổng số lên 156 người. Trong số người này có 105 người Phi, 22 người Phi gốc Ấn, 23 người da trắng và 7 người da màu khác. Hầu như toàn bộ Ban Thường vụ ANC bị sa lưới. Người ta đưa tất cả chúng tôi đến một “lâu đài cổ” theo kiến trúc Buren nằm trên ngọn đồi giữa trung tâm thành phố. Chúng lột trần truồng tất cả, không có ngoại lệ: Người tu hành, giáo sư, bác sĩ, luật sư, nhà kinh doanh - tất cả đều là đàn ông đứng tuổi mà lẽ ra là những nhân vật đáng kính, phải được kính trọng. Cho dù rất căm phẫn hành động trắng trợn của nhà cầm quyền, tôi đã không kìm nổi nụ cười từ sâu thẳm trong lòng khi nhìn những người xung quanh mình trong cảnh tượng lạ lùng kia. Lần đầu tiên câu ngạn ngữ “trang phục làm nên con người” nói với tôi sự thật trần trụi. Nếu quả thật một cơ thể đẹp với một vẻ bề ngoài gây ấn tượng là điều kiện cơ bản để trở thành một thủ lĩnh, một nhà lãnh đạo, thì rất ít trong chúng tôi đang có mặt tại đầy có “đủ tiêu chuẩn” ấy. Cuối cùng xuất hiện một bác sĩ da trắng. Ông ta hỏi có ai trong chúng tôi bị ốm đau gì không. Không một tiếng trả lời. Chúng tôi mặc lại quần áo của mình và tất cả được lùa vào những căn phòng rộng, nền xi măng, không có bất cứ bàn ghế, giường hoặc thứ đồ gỗ nào. Những căn phòng mới được quét vôi, sơn, mùi hóa chất còn nồng nặc. Mỗi người chúng tôi nhận ba cái chăn mỏng và một manh chiếu. Tôi nhớ một câu đã thành chuẩn mực: người ta đánh giá một quốc gia, một dân tộc trước hết phải là sau khi trải qua những gì diễn ra trong nhà tù. Ở đó người ta đối xử như thế nào với những công dân hạng cao cấp của mình. Không, chính quyền phân biệt chủng tộc Nam Phi không đối xử với một trí thức của đất nước này như những con người mà đã coi họ như những con vật. Hai tuần trong tù, bất chấp những gì khốn nạn nhà cầm quyền gây ra, tất cả chúng tôi đều phấn khởi vui vẻ khi biết được là các tầng lớp nhân dân khắp mọi miền của đất nước đã rầm rộ biểu tình kịch liệt phản đối chiến dịch khủng bố trắng của Malan. Người biểu tình tuần hành trên đường phố mang theo biểu ngữ “Chúng tôi đứng bên cạnh những nhà lãnh đạo của mình”. Chúng tôi đọc báo và biết rằng cả thế giới lên án cuộc bắt bớ bừa bãi này. Những phòng giam trở thành nơi sinh hoạt xã hội sôi động của các chiến sĩ đấu tranh cho tự do. Nhiều người từng bị quản thúc và quản chế gắt gao, không được ra khỏi phố, khỏi nhà một giờ, một ngày, không được gặp bất cứ ai thì nay bỗng cùng nhau tay nắm tay, lưng kề lưng trong một “câu lạc bộ” có thể chuyện trò, tâm sự với nhau thâu đêm suốt sáng. Nhiều cán bộ trẻ chỉ nghe tên của các nhà lãnh đạo cao cấp thì nay được nắm tay họ, được nghe họ nói, hát, nhảy múa. Chúng tôi đã tận dụng cơ hội “mười năm có một” này để trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, rút ra những bài học từ hoạt động của mình và đối sách của kẻ thù trong thời gian qua và hoạch định những chủ trương, chính sách và biện pháp đấu tranh trong tương lai. Mỗi ngày chúng tôi tổ chức “báo cáo chuyên đề” riêng. Hai cán bộ Đoàn Thanh niên phụ trách chuyên đề luyện tập cơ bắp - cả phần lý thuyết và hướng dẫn thực hành. Giáo sư Mathews báo cáo về lịch sử hình thành, phát triển và cuộc chiến đấu của ANC và đời sống, vị trí, số phận của người da đen ở Mỹ (giáo sư mới có đợt thỉnh giảng tại các trường đại học Mỹ). Tiến sĩ Singht trình bày về lịch sử của Đại hội Dân tộc Ấn và sự tương đồng giữa các dân tộc không phải là da trắng trong nhà nước Nam Phi trong cuộc đấu tranh chung cho tự do, dân chủ, và quyền bình đẳng của các sắc tộc. Arthur Lerele, một nhà văn hóa có tên tuổi của ANC, nói về âm nhạc châu Phi. Ông đã minh họa bằng những bài hát châu Phi với giọng tenor làm xao xuyến lòng người. Kết thúc các buổi sinh hoạt chuyên đề bao giờ cũng là những bài hát đồng ca, những bài hát đấu tranh rực lửa. Và múa tập thể bao giờ cũng là phân sôi nổi nhất của các cuộc “sinh hoạt văn hóa công khai” trong nhà tù. Các điệu múa của tất cả các bộ tộc người Phi, những điệu múa cung đình của người Ấn, những điệu múa hiện đại của người da trắng - tất cả được trình diễn say sưa còn hơn cả những vũ công đích thực. Trong những giờ phút ấy, tất cả hòa quyện vào nhau như những người anh em trong một gia đình, không còn màu da, sắc tộc, không còn phân biệt giữa người cao tuổi với thanh niên, không còn sự ngăn cách giữa cán bộ lãnh đạo cấp cao với cấp dưới. Tất cả đều là những người yêu đất nước Nam Phi, sẵn sàng hiến dâng tất cả cho Nam Phi tươi đẹp của mọi dân tộc, mọi con người, những con người khát khao tự do, bình đẳng và bác ái. Hai tuần sau, xe cảnh sát bịt kín chở chúng tôi ra hầu tòa. Người ta bắt đầu thẩm vấn. Trên đường từ nhà giam đến pháp đình, nhân dân đã chào đón chúng tôi hai bên đường như những anh hùng chiến thắng trở về. Tình cảm ấy đã làm tăng sức mạnh cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi biết rằng những gì mình đã, đang và còn xả thân cho nó là đúng đắn, là thiêng liêng, là sự nghiệp của trái tim và khối óc. Chính quyền Malan kết tội tất cả 156 người là phản quốc, là âm mưu lật đồ chính phủ hợp hiến và thiết lập chế độ cộng sản. Tất cả những gì trong “bản luận tội” nhà cầm quyền tính từ ngày 1/10/1952 đến ngày 13/12/1956. Đó là chiến dịch bất tuân hiến pháp, là chiến dịch chống đuổi dân ở Sophiatown và Đại hội Quốc dân. Luật pháp về tội phản quốc của Nam Phi không dựa trên nền tảng của luật pháp nước Anh mà theo chuẩn mực của La Mã và Hà Lan, và định nghĩa về tội phản quốc là những gì dính dáng đến những mưu đồ phản nghịch nhằm phá hoại nền độc lập hoặc sự an toàn của chính phủ. Tội danh ấy không tránh khỏi án quyết tử hình. Phiên thẩm vấn đầu tiên đã phải bãi bỏ, bởi vì quần chúng dự khán quá đông, cộng thêm hàng ngàn người kêu rất to từ ngoài đường, ngoài sân vọng vào, tất cả đều phản đối nhà cầm quyền, trong khi đó trong phòng thẩm vấn không có micro. Mọi câu hỏi đều chìm trong sự huyên náo không thể tưởng tượng được. Ngày hôm sau, người đến càng đông hơn. Hơn 500 cảnh sát vũ trang lăm lăm súng trong tay, sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào. Khi bước vào phòng lớn, chúng tôi thấy nhà cầm quyền dựng hàng rào kẽm gai phân chia các khu trong phòng xử, phân chia các nhóm người tù chúng tôi với luật sư, thẩm phán... Nó giống như một sở thú và những người tù chúng tôi như những con thú bị nhốt riêng theo từng loại. Trong không khí hỗn loạn như vỡ chợ ấy, một người tù trong chúng tôi đã viết và cài lên hàng rào kẽm gai dòng chữ: Nguy hiểm, xin đừng cho ăn! Một đội ngũ luật sư bào chữa hùng mạnh sẵn sàng bảo vệ chúng tôi. Họ là những luật sư da trắng, da màu, da đen người Phi gốc Ấn đã thành danh và tên tuổi lừng lẫy ở Johannesburg và Nam Phi. Phát ngôn của đoàn luật sư bào chữa là Vernon Berragé, một người da trắng. Ông và các đồng nghiệp chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng dị thường như vậy trong phòng xử án. Không thể hạ nhục các đối thủ chính trị bằng hành động vô văn hóa, coi người bị bắt như những con vật hạ đẳng như vậy! Họ tuyên bố nếu nhà cầm quyền không dỡ bỏ những “chuồng kẽm gai” thì tất cả các luật sư bào chữa sẽ tẩy chay phiên tòa. Trong sự hỗn loạn ấy, những người tù chính trị chúng tôi không quan tâm gì đến “bản cáo trạng” 18.000 chữ đang được đọc oang oang. Chúng tôi chơi bài và đánh ca rô, hát và ngâm thơ coi như những gì đang diễn ra chẳng liên quan gì đến mình hết. Trước đòi hỏi cương quyết của các luật sư bào chữa, người ta đã phải dỡ bỏ các chuồng kẽm gai. Trong bản “luận tội”, viên ủy viên công tố tuyên bố hùng hồn - và vì vậy là cho chúng tôi chú ý - rằng ông ta “có đủ nhân chứng vật chứng” khẳng định âm mưu phản loạn, lật đổ chính phủ hợp hiến của “những tội phạm cực kỳ nguy hiểm”. Chúng tôi háo hức và tò mò muốn được biết những “nhân chứng, vật chứng” ấy. Người ta đã và đang hối hả tạo ra đủ chứng cớ để kết án chúng tôi bằng bản án nặng nhất. Ngày thứ tư, sau những thủ tục thẩm vấn như ba ngày hôm trước, chúng tôi được tạm tha sau khi ký quỹ bảo lãnh. Thang tiền ký quỹ bảo lãnh cũng phản ánh rõ ràng chế độ phân biệt chủng tộc trong mọi chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống và sinh hoạt xã hội. Người da trắng phải nộp 250 bảng, người Phi gốc Ấn nộp 100 bảng và người Phi da đen 25 bảng. Tóm lại, việc phản bội tổ quốc cũng không mù màu. Rất nhiều người có cuộc sống khá giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội không phân biệt người da trắng, người Ấn hay người Phi đã tuyên bố góp đủ số tiền để ký qũy bảo lãnh cho tất cả những người bị bắt. Nghĩa cử ấy của đông đảo công dân về sau là cơ sở của việc hình thành quỹ bảo vệ những người liên quan đến vụ án phản bội (Treason Trial Defenese Fund). Linh mục Reeves, Alan Paton và Alex Hepple là những người đề xuất sáng kiến thành lập quỹ này. Quỹ đã được điều hành hết sức chu đáo và đầy sáng tạo. Dù được tạm thời trả lại tự do, song mỗi tuần chúng tôi phải trình diện ở đồn cảnh sát và không được phép tham dự vào bất cứ cuộc hội họp nào. Phiên tòa sẽ được xử công khai ở tòa đại hình vào tháng Giêng năm 1957. Sáng hôm sau tôi đến văn phòng với niềm vui và phấn chấn. Vì cả hai chúng tôi đều bị tống giam cho nên công việc ở văn phòng tấp thành đống. Vào một buổi sáng khi tôi đang soạn các loại giấy tờ, sắp xếp xong công việc theo thứ tự để giải quyết thì có một người bạn tên là Jabavu đến gõ cửa. Anh là một thông ngôn chuyên nghiệp. Trước khi bị bắt, tôi đã chủ trương chủ động hạ trọng lượng cơ thể của mình, bởi vì tôi đã tự tính thế nào cũng bị tống ngục. Mà đã sống trong ngục thì phải luyện tập ăn ít nhất mà cơ thể vẫn khỏe mạnh, đầu óc vẫn sáng suốt. Những lần bị tống giam trước tôi đã luyện tập thành công. Lần này tôi chủ động ngay từ trước và giảm cân rõ rệt mà sức khỏe không bị suy giảm. Nhưng Jabavu lại nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực, pha cả sự thất vọng. Anh nói: “Madiba, vì sao anh phải gầy như thế chứ?”. Số là ở châu Phi, sự đẫy đà cơ thể gắn liền với giàu có và no đủ. Jabavu nói như tức giận: “Thì ra anh sợ nhà tù. Đó là tất cả. Anh đã làm nhục người Xhosa chúng ta!”. Ngay trước ngày khai mạc phiên tòa đại hình, cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi cũng tan vỡ. Từ ít lâu nay, Evelyn trở thành tín đồ ngoan đạo của dòng “Jahova”, không chấp nhận hoạt động chính trị của tôi. Nàng nói rằng làm chính trị không chỉ mất hết đức tin vào Chúa. Tôi không biết liệu có phải không hài lòng với cuộc sống thiếu thốn và sự vắng nhà thường xuyên của tôi là nguyên nhân gây ra sự rạn nứt gia đình hay không. Nàng yêu cầu tôi thay vì hoạt động chính trị hãy nên “hết lòng hy sinh vì Chúa”. Tôi không thể chấp nhận yêu sách của nàng. Cuộc chiến đấu cho sự nghiệp của ANC và cho nhân dân châu Phi da đen là không có sức mạnh nào làm lung lay tôi được. Điều này có lẽ làm Evelyn không yên lòng. Bao giờ nàng cũng coi hoạt động chính trị như là một “trò phiêu lưu” của tuổi trẻ. Tôi từng kiên nhẫn lý giải cho nàng hoạt động chính trị đối với tôi là sự nghiệp của cả cuộc đời. Nàng không chấp nhận. Sự khác biệt quá lớn giữa hai tư tưởng không còn có thể dung hòa được nữa. Một lần tôi nói mình đang phục vụ dân tộc thì nàng ngắt lời tôi và nói rằng phụng sự Chúa còn quan trọng hơn ngàn vạn lần. Từ hôm đó, tôi ý thức rất rõ rằng cuộc sống của chúng tôi đã rõ theo hai ngã khác nhau. Tôi phải khẳng định rằng cả nàng và tôi đều yêu quý con, làm hết sức mình nuôi nấng và dạy dỗ các con. Nàng muốn các con sau này lớn lên đều là những con chiên ngoan đạo. Còn tôi chỉ mong muốn các con của chúng tôi phải trở thành các chiến sĩ đấu tranh cho tự do của dân tộc ở đất nước chìm trong lửa và máu này. Thembi hiểu lòng tôi. Cháu đã gia nhập đoàn Thiếu nhi ANC và như vậy là cháu đã chọn con đường đấu tranh. Makgatho còn nhỏ, vì vậy tôi chỉ mới có thể giải thích cho cháu qua những ngày sự kiện diễn ra hằng ngày trước mắt cháu: vì sao người da đen luôn luôn bị người da trắng săn đuổi ngay trên quê cha đất tổ của mình! Trên vách nhà chúng tôi treo ảnh Roosevelt, Churchill, Stalin, Ghanhi và bức áp-phích cuộc tấn công Cung điện mùa Đông ở St. Petérburg năm 1917. Tôi nói cho cháu biết những nhân vật kia là ai và chỗ đứng của họ ở đâu. Cháu đã biết rút ra kết luận rằng những người da trắng cầm quyền ở Nam Phi đã đứng sai vị trí rồi! Công việc của tổ chức đã không ít, cộng thêm công việc ở văn phòng và việc kiếm sống chiếm mất quá nhiều quỹ thời gian của tôi. Tôi có quá ít thì giờ cho gia đình. Evelyn đã không thông cảm với tôi, nhất là việc tôi phải vắng mặt ở nhà vào ban đêm. Nàng cho rằng tôi đã có những người đàn bà khác. Tôi tìm mọi cách nói cho nàng thông cảm. Nhưng nàng đã không cần quan tâm đến những giải thích của tôi. Năm 1955 nàng ra “tối hậu thư” cho tôi: hoặc là nàng hoặc là ANC! Trong những ngày tôi bị bắt, nàng chỉ đến thăm tôi một lần. Và trong khi tôi đang cùng các đồng chí của mình chiếu đấu sinh tử với kẻ thù trong nhà giam thì nàng đã lẳng lặng bỏ nhà ra đi, mang theo cả những đứa con của chúng tôi. Khi tôi trở về nhà, cảm nhận đầu tiên là không khí lạnh lẽo, không có hơi người trong căn nhà của mình. Sự vắng lặng làm rợn lòng người. Evelyn tháo cả những tấm rèm cửa mang theo. Chi tiết này dù rất nhỏ nhưng tôi cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng. Trong giờ phút khủng khiếp ấy, tôi vẫn đủ tỉnh táo để khẳng định rằng dù giữa chúng tôi có những khác biệt về lòng tin, nhưng phải ghi nhận nàng là một người mẹ tốt. Tôi luôn quý trọng và ngưỡng mộ nàng trong những chi tiết đời thường dù nhỏ nhưng rất quan trọng. Chỉ tiếc rằng tất cả những thứ đó đã không cứu vãn được tình yêu và cuộc sống gia đình của chúng tôi. Nỗi đau rất lớn đối với tôi không phải là sự chia tay của vợ chồng mà là đối với các con trẻ. Chúng mới là những người mất mát nhiều nhất trước cảnh “sẻ nghé tan đàn” này. Cháu Makgatho đã quen ngủ trên giường bố. Cháu từng là đứa con trai trầm tĩnh, là “người hòa giải hòa bình” trong nhà. Không ít lần cháu làm “trung gian hòa giải” những bất đồng giữa cha mẹ cháu. Makaziwe là con gái còn quá bé bỏng. Cháu được mẹ mang theo và được gửi nhà trẻ chu đáo. Một hôm tôi không có việc nhiều ở văn phòng, và cũng không phải họp hành gì, tôi đã đến nhà trẻ của cháu mà không báo trước. Tình cảnh thật thương tâm và éo le. Cháu như sững người khi nhìn thấy tôi. Cháu không biết nên chạy đến ôm chầm lấy bố hay bỏ chạy khỏi người bố đang đứng trước mặt mình. Cháu không biết nên cười hay không nữa! Trong trái tim bé nhỏ của cháu đang diễn ra cuộc tranh chấp mà cháu không thể hiểu nổi, và vì vậy không biết nên xử lý thế nào. Đau đớn quá! Nhưng Thembi mới phải chịu nỗi đau lớn nhất, bởi vì cháu đã lên 10 tuổi và đã hiểu được ít nhiều bi kịch của cha mẹ. Cháu tự động bỏ học và trở thành ít nói hẳn. Cháu từng có năng khiếu tiếng Anh và rất thích kịch của Shakespeare. Thầy giáo chủ nhiệm trao đổi với tôi đôi lần. Tôi đã tìm cách gần cháu, nhưng xem ra mọi chuyện không mang lại kết quả gì đáng kể. Hễ có chút thời gian rảnh rỗi là tôi đưa cháu cùng đến câu lạc bộ quyền Anh. Ở đó cháu có được những phút vui thật sự cùng các bạn đồng trang lứa. Song không phải lúc nào tôi cũng có thì giờ rỗi và sau này, khi phải rút vào hoạt động bí mật hoàn toàn, Walter Sisulu đã nhận cháu về nuôi trong gia đình, coi như con ruột của anh. Con trai Sisulu cùng trang lứa với Thembi và hai đứa đã thực sự trở thành anh em trong một nhà. Sisulu kể cho tôi nghe rằng có một lần cả hai cùng đến dự một cuộc liên hoan và khi trở về cháu không nói trong nhiều giờ liền. Sau khi chúng tôi chia tay nhau, Thembi thường mặc bộ quần áo của tôi, mặc dù quần áo của tôi quá dài và quá rộng đối với khổ người của cháu. Dường như cháu làm như vậy là muốn luôn luôn được gần cha, người cha đã vì sự nghiệp của cả dân tộc mà phải xa, xa mãi ở nơi chân trời góc biển. Ngày 9 tháng 1 năm 1957, chúng tôi ra tòa. Lần này các luật sư bào chữa bắt đầu lên tiếng bác bỏ những nội dung vu khống trong “bản cáo trạng” dày cộm, được dàn dựng rất công phu. Sau khi đọc bản cáo trạng của Viện công tố, luật sư Vernon Berragé nói: “Đoàn luật sư bào chữa nhấn mạnh và khẳng định sự bác bỏ của mình về lời buộc tội những yêu sách ghi trong Hiến chương tự do là phản quốc hoặc vi phạm luật hình sự. Đoàn luật sư, trái lại, chứng minh rằng những tư tưởng và lòng tin được nhấn mạnh trong Hiến chương là nhằm chống lại chính sách hiện nay của chính phủ, nhưng được đại bộ phận loài người thuộc các chủng tộc chia sẻ, kể cả đại bộ phận công dân nước Nam Phi này”. Trong cuộc gặp gỡ đoàn luật sư của mình, chúng tôi quyết định không chỉ chứng minh chúng tôi không hề có tội phản quốc mà chính đây là một vụ án chính trị nhằm mưu toan chống lại những hoạt động hợp đạo lý của chúng tôi. Cùng với bản cáo trạng, người ta đã đưa ra “những tài liệu làm vật chứng”, nhiều vô kể, bao gồm những giấy tờ ghi chép, tài liệu in ấn, sách, báo, những bài báo được cắt ra từ nhiều tờ báo khác nhau xuất bản trong nước... Cảnh sát đã “có trong tay” 12.000 vật chứng loại này. Ngoài bản Tuyên ngôn về nhân quyền còn có cả cuốn sách xuất bản ở Liên xô dạy nấu ăn. Thậm chí người ta trưng hai tấm biển thu được tại Đại hội quốc dân “Súp có thịt” và “Súp không có thịt” vốn là biển ghi chú cho khách dự Đại hội quốc dân không nhận nhầm thức ăn theo khẩu vị của mình! Trong những ngày thẩm vấn, người ta cho chúng tôi biết nhà nước có những nhân chứng sống khẳng định “hành vi phản quốc” của chúng tôi. Một loại “nhân chứng sống” ấy là những “thám tử” da trắng và da đen trà trộn vào tổ chức của chúng tôi và đã ghi tốc ký những buổi thảo luận mật của chúng tôi. Trưởng đoàn luật sư bào chữa Berragé đã tận dụng những thủ pháp nghiệp vụ rất tinh tế để vạch trần những sự dối trá của nhà cầm quyền thông qua những “nhân chứng sống” này. Để buộc tội chúng tôi âm mưu lật đổ chính phủ hiện hành để thiết lập một kiểu nhà nước cộng sản theo gương Liên xô, nhà cầm quyền đã mời giáo sư Andrei Murray, trưởng khoa khoa học chính trị trường đại học Kapstadt, làm người thẩm định những vật chứng liên quan đến đảng Cộng sản trước tòa. Chẳng cần biết thực hư ra sao, ông “ủy viên công tố đặc biệt” này khẳng định tất cả những giấy tờ, văn bản, bút lục... cảnh sát thu được trong nhà, trong văn phòng chúng tôi đều là tài liệu tuyên truyền cộng sản! Thoạt đầu giáo sư Murray luận tội khá bình tĩnh, đầy tự tin. Ông ta khẳng định những gì mình nói là “chắc như đinh đóng cột”. Nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như ngài giáo sư khẳng định, lại càng không phải là những gì ngài muốn nhắc lại nhiều năm sau phiên tòa lịch sử ấy. Luật sư Berragé yêu cầu được “đối chứng” với ngài giáo sư Murray. Thoạt đầu luật sư đọc một đoạn trong số những tài liệu mà cảnh sát đã tịch thu trong các cuộc khám nhà và yêu cầu giáo sư Murray “thẩm định” là tài liệu cộng sản hay không phải cộng sản. Đoạn trích dẫn đầu tiên của luật sư Berrangé nói về sự cần thiết phải cùng nhau hợp tác trong lao động của công nhân. Murray không cần suy nghĩ, nói ngay: “Đó là tài liệu cộng sản”. Luật sư Berrangé đã nói to trước cử tọa rằng câu trên trích trong một bài phát biểu của đương kim thủ tướng Nam Phi, ngài Malan! Luật sư Berrangé đọc tiếp hai đoạn nữa và “nhờ” giáo sư Murray thẩm định. Murray khẳng định đó là tài liệu cộng sản. Nhưng sự thật lại không phải như vậy. Đó là hai đoạn trích trong diễn văn của hai tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và Moodrow Wilson. Nhưng cao điểm thú vị nhất là khi luật sư Berrangé đọc một đoạn khác chưa xong nhưng Murray đã đứng chồm dậy và khẳng định: đó là tài liệu cộng sản một trăm phần trăm. Đến lúc này thì luật sư Berrangé không còn chịu đựng thêm nữa. Ông nói rất to trong phòng xử án rằng đoạn văn ông vừa đọc và ngài giáo sư Murray khẳng định là tài liệu tuyên truyền cộng sản chính là trích trong một bài nghị luận của chính giáo sư Murray viết và đăng trên báo chí giữa thập niên 30! Sau vở hài kịch này là vở bi hài kịch khác. Người được đưa ra làm “nhân chứng sống” có tên là Solomon Ngubase. Lời khai của anh ta đủ chứng cớ kết tội phản quốc của ANC. Anh ta khoảng 35 tuồi, giọng từ tốn. Vào đề anh ta giới thiệu đã tốt nghiệp bằng B.A. ở trường đại học Fort Hare và ra hành nghề luật sư. Solomon khai rằng anh ta là Bí thư ANC tại thành phố Port Elizabeth và là thành viên Ban thường vụ ANC. Anh ta khẳng định có mặt trong cuộc hội nghị quan trọng của Thường vụ ANC quyết định vấn đề hệ trọng: lật đổ chính phủ hiện hành, cử Walter Sisulu và David Popape sang Liên Xô xin viện trợ vũ khí cho cuộc lật đổ nhà nước Nam Phi bằng bạo lực. Anh ta cũng có mặt trong cuộc họp bí mật quyết định kế hoạch gây rối ở Port Elizaboth năm 1952 và cuối cùng anh ta khẳng định mình là người làm chứng cho cuộc họp mà ANC ra nghị quyết giết sạch những người da trắng ở Transkei. Lời khai “quá mạch lạc” của Ngubase làm hội trường nhốn nháo như ong vỡ tổ. Không chỉ cử tọa trong phòng xử án mà cả người vây quanh ngoài tòa nhà đều nghe rất rõ những gì anh ta “khai rất rõ ràng, mạch lạc và thành khẩn”. Chẳng phải đã quá đủ nhân chứng và vật chứng để kết tội phản quốc rồi sao?! Nhưng khi bị luật sư Berrangé “đối chất” thì Solomon lộ nguyên hình là tên điên khùng và bịp bợm. Berrangé nói rất to như phong cách của ông """