" Người Ti-Vi - Murakami Haruki PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Ti-Vi - Murakami Haruki PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo NGƯỜI TI-VI Murakami Haruki Making Ebook Project BOOKAHOLIC CLUB Tên tác phẩm: NGƯỜI TI-VI Nguyên tác: TVピープルの逆襲, 1989 (Tivi people, 1990) Tác giả: Murakami Haruki Dịch giả: Vũ Thịnh Nhà xuất bản: Đà Nẵng Năm xuất bản: 2007 Số trang: 299 Khổ sách: 13 x 21 cm Giá bìa: 42.000 đồng Đánh máy: Lê Vân, Quỳnh Châu, Dạ Uyên, Anh Thy Kiểm tra: Quỳnh Trang Chế bản ebook: Thảo Đoàn Ngày thực hiện: 16/9/2011 Making Ebook Project #181 - www.BookaholicClub.com Bạn đang đọc ebook NGƯỜI TI-VI của tác giả M urakami Huraki do Bookaholic Club chế bản theo Dự án chế bản Ebook (Making Ebook Project). Mong rằng ebook này sẽ mang đến cho bạn một tác phẩm Văn học hay, giàu giá trị biểu cảm và nhân văn, với chất lượng cao. Chúng tôi luôn cố gắng mang đến những chế bản ebook tốt nhất, nếu trong quá trình chế bản có lỗi sai sót nào mong bạn góp ý và cho chúng tôi biết những ebook mà đang mong muốn. Making Ebook Project của Bookaholic Club là một hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích mang đến những chế bản ebook hay, có giá trị với chất lượng tốt nhất mà chúng tôi có thể với Cộng đồng đọc - người Việt. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng xin hãy đọc tác phẩm này bằng sách trước hết vì lợi ích cho Nhà xuất bản, bản quyền tác giả và góp phần phát triển xây dựng nền Văn hóa đọc. Hãy chỉ đọc chế bản này trong điều kiện bạn không thể tìm đến ấn phẩm sách. Mục lục Murakami Haruki Tác gia Văn học Hiện đại Nhật Bản Lời ngỏ Người Ti-Vi Máy bay Truyền thuyết dân gian của thời đại chúng tôi Kano Creta Xác ướp Giấc ngủ Quần cộc kiểu Đức Người đàn ông đi xe taxi Cho nữ hoàng đã mất Buồn nôn 1979 Trú mưa Sân bóng chày Dao săn Murakami Haruki Tác gia Văn học Hiện đại Nhật Bản Từ điển Bách khoa Columbia, ấn bản năm 2001, ghi rằng Murakami Haruki “Được công nhận một cách phổ biến là một trong những tiểu thuyết gia thế kỷ XX quan trọng nhất của Nhật Bản”. Đề cập đến thời đại lắm bão tố hiện nay ở Nhật, Matsuda Tetsuo của Báo Yomiuri Shimbun, tờ nhật báo có số in lớn nhất Nhật Bản, viết: “Trong bất cứ trận bão lớn nào cũng có những nhà văn giương cao ngọn đèn soi cho quần chúng. Murakami Haruki đang và sẽ lãnh vai trò đó”. Báo The Guardian ở nước Anh viết: “Không có nhiều tác giả cùng thời với ông mà tác phẩm lôi cuốn được giới độc giả trẻ trực tiếp đến như thế, không chỉ trong nước ông mà còn trên khắp thế giới”. Murakami Haruki sinh năm 1949 ở Cố đô Kyoto, nhưng lớn lên ở Kobe. Cha ông có thời là nhà sư, dạy văn học Nhật Bản ở cấp trung học, và mẹ ông cũng là giáo viên văn. Ngay từ thuở nhỏ, Murakami Haruki đã có khuynh hướng phản kháng đối với văn hóa truyền thống. Thay vì chia sẻ với cha mẹ sự quan tâm về văn học Nhật, ông lại tìm đọc mê mải tác phẩm của những tác giả châu Âu thế kỷ XIX: Balzac, Flaubert, Chekhov, Dostoevsky, Dickens. Sau đó, ông học tiếng Anh, và đọc nguyên tác tiếng Anh những tiểu thuyết trinh thám, khoa học viễn tưởng, Truman Capote, Kurt Vonnegut, Richard Brautigan… Ông ham mê nhạc Âu Mỹ: Elvis, Beatles, Beach Boys, nhạc Jazz… Thế giới mới đó quyến rũ ông đến nỗi không bao lâu sau khi kết hôn với bạn đồng học Takahashi Yôko, năm 1971, ông ngưng việc học ở Đại học Waseba, cùng vợ mở một quán rượu nhạc jazz ở Tokyo. Ở quán jazz đó, có tên đặt theo con mèo của ông nuôi là Peter Cat, ông làm cả hầu bàn, rửa chén dĩa, thay đĩa nhạc, bố trí nhạc công, khi rảnh thì đọc rất nhiều sách và học tiếp khóa trình đại học. Cha mẹ ông rất thất vọng về việc ông lấy vợ sớm và quay lưng lại với đời sống tư chức vẫn được xem là an toàn, ổn định. Quán jazz tồn tại được 7 năm, hai vợ chồng ông cũng đã tốt nghiệp đại học trong khoảng thời gian đó. Ông chỉ bắt đầu viết văn từ 1978. Khi đang xem một trận bóng chày baseball, ý nghĩ viết văn chợt đến với ông, như một tiếng gọi siêu hình, ông cho đó là sự kiện hạnh phúc nhất của đời ông. Tác phẩm đầu tay của ông, “Lắng nghe gió hát” (Kaze no uta wo kike, hear the wind sing) xuất bản năm 1979, kể lại thời sinh viên tranh đấu phản kháng mà ông đã tham gia với một ít hoài nghi. Tác phẩm đầu tay này được giải thưởng “Tác giả Mới - Gunzô” ngay năm đó. Tiếp tục thành công với hai tác phẩm sau đó và một số truyện ngắn, ông bán quán jazz, và trở thành một tác gia chuyên nghiệp. Ông cũng bắt đầu việc dịch sách tiếng Anh, và thường cộng tác với một giáo sư về văn học Mỹ ở Đại học Tokyo. Cùng với tiếng tăm đang lên của ông trong lãnh vực sáng tác, những tác phẩm dịch thuật của ông từ Raymond Canver, Truman Capote, F. Scott Fỉeald… cũng được đông đảo độc giả yêu thích. Phong cách Murakami Haruki định hình từ tác phẩm thứ ba là “Cuộc phiêu lưu của con Cừu” (Hitsuji wo meguru bôken, a wild Sheep chase) xuất bản năm 1982, được trao giải “Tác giả Mới - Noma” trong năm, pha trộn những chi tiết trinh thám đen với những ảo giác và bí mật siêu hình. Nhân vật của ông có những giá trị quan điểm khác lạ với truyền thống xã hội Nhật; ham mê âm nhạc mới, phim ảnh mới Âu Mỹ. Những đặc điểm đó hấp dẫn tâm tình giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Lúc này, số in mỗi tác phẩm của ông đã đạt mức 100 ngàn bản. Dị ứng với lối sống đua đòi vật chất trong một nền kinh tế hãnh tiến, và do chưa có con, vợ chồng ông rời Nhật sang sống ở Ý năm 1986. Ở Rome, ông viết “Rừng Nauy” (Noruuei no Mori, Nowegian Wood), tác phẩm đã đưa ông lên địa vị “siêu sao” trong văn học Nhật Bản. Những ký ức hoài niệm trong tuổi mới lớn chen lẫn với ý thức về sự biến động đổi thay của đời sống, ý thức về sự không thể tránh được của những mất mát, là đề tài của tác phẩm, đặt trong bối cảnh thời sinh viên tranh đấu phản kháng cùng lúc với bình minh của phong trào tự do tình dục những năm cuối thập niên 60 và đầu 70. Không những độc giả cùng lứa tuổi chia sẻ được với ông những hoài niệm, mà cả giới trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, cũng đồng cảm với ông về những trầm tư về tình yêu và đau khổ của thời mới lớn, cũng tâm trạng bơ vơ trong cuộc sống. “Rừng Na Uy” trở thành một cơn sốt, hiện diện trong cuộc sống từ quảng cáo, bánh kẹo cho đến vật dụng trong nhà; các nhà sản xuất xin làm phim; Murakami Haruki được mời làm quảng cáo truyền hình; nhạc phẩm dựa trên cuốn sách được leo lên hạng bán chạy nhất; người hâm mộ hành hương về hộp đêm ở Shinjuku được nhắc đến trong sách… Ngay trong năm đầu tiên, “Rừng Na Uy” đã bán được 2 triệu bộ. Sống ở châu Âu, Murakami Haruki vẫn băn khoăn về mục đích về đời sống của ông, một người Nhật, một tác giả Nhật. Hai vợ chồng lại quay về Nhật năm 1990, cao điểm của thời kinh tế bọt, mọi người giàu lên và không ngừng nói về tiền. Năm sau, ông lại khoác áo ra đi, lần này sang Mỹ làm giáo sư thỉnh giảng của Đại học Princeton hai năm, rồi hai nắm tiếp theo làm tác gia thường trú (Writer-In-Residence) ở Đại học Tufts, Massachusetts. Hai tác phẩm nổi tiếng khác của ông được xuất bản trong thời gian này. Tháng Giêng năm 1995, xảy ra thảm kịch động đất ở Kobe, trên sáu ngàn người chết, ba ngàn người trở thành không nhà không cửa, trong đó có cha mẹ của ông. Hai tháng sau, lại xảy ra vụ tín đồ Chân lý Giáo thả hơi độc sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo làm mười hai người chết và trên ai ngàn người bị thương. Ông cho rằng hai thảm kịch này đánh dấu sự chuyển biến từ căn bản của xã hội Nhật. Ý thức an định do an toàn xã hội từ lâu nay vẫn là một biểu hiện tính ưu việt của truyền thống văn hóa Nhật Bản, được tăng cảm nhờ tình trạng không ngừng phát triển của kinh tế bọt, bỗng nhiên bị thách thức gay gắt đến độ sụp đổ theo những tòa nhà Kobe trong cơn động đất. Không lâu sau đó, kinh tế bọt Nhật Bản cũng vỡ tan. Hai con sốc liên tiếp này đã đưa ông trở về Nhật và là bối cảnh chính các tác phẩm gần đây của ông. Tuyển tập truyện ngắn “Sau cơn động đất” (Jishin no Atode, After The Quake) có những nhân vậy chính, do ảnh hưởng gián tiếp xa côi của trận động đất Kobe, đã cảm nhận sâu sắc sự trống rỗng của chính mình, mất niềm tin vào sự an định của đời sống gia đình, bơ vơ đi tìm những chỗ nương tựa siêu hình. Tập “Mạch ngầm” (Andaguraundo, Underground) thoát ra khỏi thể loại tiểu thuyết, ghi những cuộc phỏng vấn trực tiếp các tín đồ Chân lý Giáo Aum cũng những nạn nhân, những chi tiết thực tế của thảm kịch hơi độc, cho thấy tâm trạng phản kháng đối với những giá trị quan điểm tôn thờ vật chất của xã hội hiện đại, cố gắng tìm kiếm ý nghĩ cuộc đời từ những giả thuyết siêu hình, có khi những nhân vật chính của Murakami Haruki cũng chia sẻ tâm trạng đó. Những nhân vật chính của Murakami Haruki không những chỉ hấp dẫn giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc văn hóa truyền thống Nhật Bản, mà còn cộng hưởng với tâm tình giới trẻ Âu Mỹ vì những nét quen thuộc trong lối sống, lối suy nghĩ, thị hiếu mới; và chia sẻ với giới trẻ các nước chậm tiến bộ hơn Âu Mỹ lòng ngưỡng mộ hay ước vọng về lối sống Âu Mỹ. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và có nhiều người hâm mộ ở Mỹ, Anh, Nga, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Áo, Canada, Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… Tiếng tăm của ông ở nước ngoài cộng với địa vị “siêu sao” trong nước Nhật, đã làm tăng thêm khoảng cách đối với dòng văn học truyền thống Nhật Bản vốn vẫn nghi ngờ ý đồ có vẻ tác loạn của ông. Giải Nobel Văn học 1994 Oe Kenzaburo công kích Murakami Haruki là đã “Thấy bại trong việc lôi cuốn giới độc giả trí thức bằng những kiểu mẫu cho tương lai Nhật Bản” và chê ông là “hôi mùi bơ” (batakusai) vì hay dẫn dụ những chi tiết văn hóa Âu Mỹ. Điều đó dễ hiểu. Chính Murakami Haruki từ lâu vẫn tự nhận là “người dưng” (outsider) đối với xã hội Nhật Bản nói chung, vốn cứng ngắt vì những trật tự quá gò bó. Murakami Haruki không thích sự săn đón của giới truyền thông, ông ít khi chịu phỏng vấn. Giống như giới trẻ hiện đại, thành phần độc giả chủ yếu của ông, Murakami Haruki thoải mái với quần bò, áo thun, giày thể thao, ham thích các hoạt động thể thao, tham gia nhiệt tình các kỳ chạy việt dã mỗi năm trong suốt 20 năm qua: Athens, New York (4 lần), Boston (7 lần),… Koyama Tetsurô của hãng thông tấn Kyodo News (năm 2004) nhận xét: “Hiện nay, Murakami Haruki là tác giả văn học thuần túy (pure literature) duy nhát cứ mỗi lần tác phẩm mới phát hành là đạt ngôi vị sách bán chạy nhất (Nhật Bản). Tác phẩm mới nhất của ông là “Kafka bên bờ Biển - Umibe no Kafuka” ngay trong tháng đầu tiên (tháng 9, 2002) đã bán được 600 ngàn cuốn”. Tạp chí The New York Times số ra ngày 11/12/2005 trong mục bình chọn 10 tác phẩm văn học xuất sắc nhất thế giới trong năm 2005 đã nêu tên cuốn “Kafka On The Shore - Umibe bo Kafuka - Kafka bên bờ Biển” của Murakami Haruki đầu tiên, tán thưởng rằng đây là công trình của một tác gia đường đường tự tín. Tác phẩm này cũng đã giúp Murakami Haruki đoạt Giải thưởng Văn học Franz Kafka của Tiệp Khắc năm 2006. Ông là tác gia thứ 6 được giải, trong số đó có nhà văn Mỹ Philip Roth. Ngày 25 tháng 9, 2006, Giải thưởng quốc tế đắt giá nhất về truyện ngắn Frank O’Connor năm 2006 đã được trao cho Murakami Haruki. Hội đồng thẩm định đánh giá cao “Tài năng hiện đại trong việc sáng tạo những độc thoại triền miên về nỗi sợ hãi”, “Những tình tiết đào sâu xuống nhiều tầng ý nghĩa”. Murakami Haruki hiện nay đang sống ở Boston, Mỹ, làm việc với trường đại học Harvard, và diễn giảng tại các cơ sở văn hóa giáo dục trong vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời nhất nước Mỹ. Lời ngỏ Hiện nay, Murakami Haruki là tác gia Nhật Bản nổi tiếng vào bậc nhất cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng trên thế giới. Ở những nước đồng văn với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, hầu như toàn bộ tác phẩm Haruki đã được dịch, xuất bản. Các tác phẩm mới vừa ra mắt độc giả Nhật Bản thì vài tháng sau đã có ngay bản dịch tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc. Ở Nga và Mỹ cũng có nhiều độc giả nhiệt liệt hâm mộ tác phẩm Haruki. Những nhà phê bình và độc giả yêu thích còn nói đến chuyện Haruki sẽ có thể đoạt giải Nobel văn học. Murakami Haruki là tác giả Nhật Bản có khuynh hướng phản kháng đối với truyền thống. Tác phẩm Haruki đặc sắc trong cả thể loại truyện dài lẫn truyện ngắn. Nhiều truyện ngắn của ông đã trở thành hạt giống được khai phát thành truyện dài thành công, và nhiều truyện dài của ông đã chia nhánh phát triển thành những truyện ngắn đặc sắc. Chính ông cho biết không đặc biệt chú trọng hay ưa chuộng thể loại nào hơn. Trong lời tựa của một tập truyện ngắn, Murakami Haruki viết: “Ðối với tôi, viết tiểu thuyết là thử thách, mà viết truyện ngắn là niềm vui. Nếu ví việc viết tiểu thuyết như trồng một khu rừng, thì viết truyện ngắn giống như trồng một mảnh vườn nhà. Hai công trình ấy bổ túc cho nhau, tạo ra cảnh trí mà tôi yêu thích”... “Từ lúc khởi đầu nghiệp văn năm 1979 đến nay, tôi vẫn viết tiểu thuyết và truyện ngắn đan xen nhau. Khi vừa hoàn tất một tiểu thuyết, tôi lại thấy muốn viết truyện ngắn, và khi xong một tập truyện ngắn, tôi lại muốn tập trung vào một truyện dài”... “Ba truyện ngắn đầu tiên của tôi, đã được viết trong khoảng 1980-1981, là Thuyền hàng đi Trung Quốc, Chuyện bà cô nghèo khó, và Bi kịch mỏ than New York. Lúc bấy giờ, tôi hiểu biết rất ít về việc viết truyện ngắn, nên đã rất cực nhọc, nhưng đó là những kinh nghiệm rất đáng ghi nhớ. Và độc giả có vẻ ưa thích truyện ngắn của tôi”. “Về cơ bản, tôi là một tiểu thuyết gia, nhưng rất nhiều người cho biết là họ thích truyện ngắn của tôi hơn là truyện dài. Ðiều đó không làm bận lòng tôi, và tôi cũng không cố thuyết phục họ suy nghĩ ngược lại. Thật tình tôi rất vui mừng nghe họ nói vậy. Bởi các truyện ngắn của tôi đã như những cái bóng nhạt, những dấu chân mờ tôi để lại trên đường. Tôi nhớ rõ nơi chốn nào tôi đã để lại mỗi một bóng, mỗi một dấu chân ấy, và lúc bấy giờ tôi đã có cảm giác như thế nào. Các truyện ngắn giống như những cột mốc hướng dẫn vào tâm tình tôi, và nhà văn là tôi, rất vui thích đã nhờ đó mà chia sẻ được những tâm tình thân mật ấy với độc giả”. “Có lúc, những chi tiết tôi viết trong các truyện ngắn đã xuất bản xong, vẫn tiếp tục nảy nở trong trí tôi, phát triển thành tiểu thuyết... Cả trong ý nghĩa đó, các truyện ngắn và tiểu thuyết của tôi nối kết với nhau trong tôi, một cách hữu cơ và tự nhiên”. Truyện ngắn của Haruki được độc giả khắp nơi trên thế giới yêu chuộng. Ðiều này được thực chứng qua sự kiện Giải thưởng quốc tế đắt giá nhất về truyện ngắn (đã dịch ra tiếng Anh) Frank O'Connor năm 2006, là ba mươi lăm ngàn đồng Euro, đã được trao cho Murakami Haruki ngày 25 tháng 9, 2006. Hội đồng thẩm định gồm năm tác gia của các nước Anh, Mỹ, Ðức, Ái Nhĩ Lan; chủ tịch hội đồng Tom McCarthy, nhận xét: “Thật là một bậc thầy về văn xuôi”, đánh giá cao “cảm nhận xuất chúng về hiện thực huyền ảo”, “bút pháp điêu luyện”, “tài năng hiện đại trong việc sáng tạo những độc thoại triền miên về nỗi sợ hãi”, “những tình tiết đào sâu xuống nhiều tầng ý nghĩa”, “Murakami viết thật đường hoàng, không ngần ngại đối đầu với những tình huống khó khăn, nan giải giữa những con người thường xuyên hiểu lầm về nhau”. “Ðọc xong tác phẩm của Haruki, những hình tượng và tình huống ông sáng tạo ra, vẫn còn lưu lại lâu dài khó quên”. Tiếp cận văn chương Haruki từ các truyện ngắn là cách hay nhất, bởi tương quan khắng khít giữa hai thể loại, như đã nói ở trên, hơn nữa, sự phong phú trong đề tài và văn phong Haruki có thể lĩnh hội được nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện từ tuyển tập những truyện ngắn súc tích và đa dạng, hơn là truyện dài. Với tập truyện ngắn này, tác giả Murakami Haruki đồng ý cho chúng tôi nhập chung hai tuyển tập gốc, nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự trình bày của các truyện ngắn trong hai tuyển tập đã xuất bản tại Nhật Bản. 7 truyện đầu được dịch từ nguyên tác trong Tập truyện ngắn “Chugoku yuki no Slow Boat” (Slow Boat to China - Thuyền hàng đi Trung Quốc) xuất bản năm 1983. 7 truyện tiếp theo từ Tập truyện ngắn “Lexington no Yurei” (Lexington Ghosts - Bóng ma ở Lexington) xuất bản năm 1993. Tuyển tập này tiếp theo bộ ba Tập truyện ngắn Murakami Haruki: “Ðom đóm”, “Ngày đẹp trời để xem Kangaroo” và “Sau cơn động đất”, do Nhà xuất bản Ðà Nẵng thực hiện và phát hành tháng 5-2006, cùng với Tập truyện ngắn “Bóng ma ở Lexington” xuất bản tháng 6-2007, cả 5 tập này đã thu tập tổng cộng trên sáu mươi truyện ngắn tiêu biểu cho thấy rõ tính đa dạng về đề tài và bút pháp của tác giả. Hy vọng rằng những truyện ngắn được tuyển dịch này nêu lên được những đặc điểm trong sáng tạo của nhà văn Haruki, nhất là sự khác biệt giữa phong cách Murakami Haruki và những màu sắc truyền thống Nhật Bản. Chúng tôi mong nhận được ý kiến, phê bình của quí độc giả, để có thể sửa đổi những chỗ sai sót, và thực hiện hoàn chỉnh hơn trong những lần xuất bản tới. Xin chân thành cảm ơn quí độc giả. Người dịch Phạm Vũ Thịnh Sydney 2-2007 t4phamvu@hotmail.com “Đối với tôi, viết tiểu thuyết là thử thách, mà viết truyện ngắn là niềm vui. Nếu ví việc viết tiểu thuyết như trồng một khu rừng, thì viết truyện ngắn giống như trồng một mảnh vườn nhà. Hai công trình ấy bổ túc cho nhau, tạo ra cảnh trí mà tôi yêu thích”… Người Ti-Vi 1 Người Ti-Vi đến phòng tôi lần đầu vào chạng vạng tối chủ nhật. Đang là mùa xuân. Tôi nghĩ là mùa xuân. Thế nào đi nữa, cũng là mùa không nóng quá, mà cũng không lạnh quá. Nhưng thật tình, thời tiết không quan trọng trong chuyện này. Thời điểm chạng vạng tối chủ nhật mới là điều quan trọng. Tôi vốn không ưa thời khắc chạng vạng tối chủ nhật. Nói đúng hơn là không ưa tất cả những thứ phụ tùng của thời khắc ấy, nghĩa là không ưa cái trạng huống chạng vạng tối chủ nhật một tí nào. Cứ gần đến chạng vạng tối chủ nhật là y như rằng đầu óc tôi bắt đầu nhức nhối từng cơn. Tùy hôm mà nặng nhẹ khác nhau, nhưng hôm nào cũng rờn rợn nhức. Cả hai bên thái dương, sâu trong đầu khoảng 1 cm hay 1 cm rưỡi, như có cục thịt trắng đang giật lên giật xuống, kỳ quặc. Cứ như là có sợi chỉ vô hình cột vào giữa cục thịt ấy, đầu kia của sợi chỉ đang có ai đấy từ đằng xa nhè nhẹ kéo căng ra mà giật nhịp. Cảm giác không hẳn là đau đớn. Mặc dù có đau đớn cũng phải lẽ, vậy mà kỳ dị thay, lại chẳng thấy đau đớn. Tôi cảm thấy như phần thân thể bị gây mê đang có mũi kim dài đâm ngọt vào bên trong. Và nghe tiếng nữa. Nói đúng hơn là khối tịch mịch dày cộp đang nghiến vào khoảng không tăm tối mà phát ra một chuỗi u u trong tai tôi. Đó là triệu chứng khởi đầu. Rồi rờn rợn nhức. Đồng thời, tầm nhìn dần dần méo lệch đi. Như những đợt triều chồng phủ lên nhau, dự cảm lôi kéo ký ức, ký ức lôi kéo dự cảm. Có phiến trăng trắng mỏng như lưỡi dao cạo nổi bật lên như vừa được buông thõng xuống từ khung trời; nghi vấn đâm rễ luồn chui mải miết trong lòng đất tăm tối. Người người qua lại trên hành lang cố tình dậm chân rầm rập như dằn mặt tôi. Nhắm đúng vào thời khắc chạng vạng tối chủ nhật như thế, Người Ti-Vi đã xuất hiện ở phòng tôi. Cứ như là suy tư u uất, như cơn mưa bí mật thình lình đổ xuống, bọn Người Ti-Vi ấy đã lẻn chui từ khoảng tranh tối tranh sáng của thời khắc mà mò đến đây. 2 Trước tiên, xin giải thích về hình dáng của Người Ti-Vi. So với tôi hay bạn, kích thước của Người Ti-Vi nhỏ hơn đôi chút. Không nhỏ hơn rõ rệt lắm đâu, chỉ nhỏ hơn đôi chút thôi. Áng chừng, vâng, khoảng 20 hay 30 phần trăm. Mà tất cả các phần trên thân thể họ đều nhỏ theo đúng tỉ lệ ấy. Cho nên nói là họ nhỏ thì không đúng, phải nói là toàn thân họ rút gọn lại theo cùng một tỉ lệ, mới biểu hiện chính xác được về mặt từ ngữ. Nói cách khác, nếu bạn có bắt gặp Người Ti-Vi đâu đó, có lẽ lúc đầu bạn cũng không để ý là họ nhỏ đâu. Mà dù bạn không để ý đến điều ấy đi nữa, chắc chắn rằng họ cũng tạo cho bạn một ấn tượng kỳ dị. Có thể nói là họ làm bạn “khó ở.” Làm cho bạn nghĩ thầm: có gì là lạ. Hẳn là bạn lúng túng chăm chú nhìn họ một lần nữa. Thoạt nhìn thì chẳng thấy có gì không tự nhiên cả, như chính vì thế mà ngờ ngợ rằng có gì đấy không được tự nhiên. Bởi lẽ, Người Ti-Vi nhỏ nhưng hoàn toàn khác người lùn. Bạn và tôi nhìn người lùn thấy “nhỏ”, nhận thức từ cảm giác ấy phần lớn bắt nguồn từ sự thiếu cân đối trong thân thể họ. Đúng là họ nhỏ thật đấy, nhưng không phải tất cả các phần trên thân thể họ đều nhỏ theo cùng một tỉ lệ so với người bình thường đâu. Bộ phận này nhỏ theo một tỉ lệ khác với bộ phận kia. Có khi tay chân họ nhỏ thật, nhưng đầu họ lại ít nhỏ hơn, chẳng hạn. Còn Người Ti-Vi nhỏ hoàn toàn theo một kiểu khác. Trường hợp Người Ti Vi thì cứ như là bản sao rút nhỏ của người bình thường vậy, tất cả các phần bên trong thân thể họ đều đã rút nhỏ thật quy tắc, thật máy móc theo cùng một tỉ lệ. Nếu chiều cao rút nhỏ theo cỡ 0.7 thì chiều ngang cũng rút nhỏ 0.7, mà bàn chân, đầu, tai… cho đến cả chiều dài ngón tay cũng rút nhỏ đúng theo kích cỡ 0.7 ấy. Cứ như là mô hình chất dẻo chế tạo tinh vi theo kích thước út nhỏ của người thật. Cũng có thể nói Người Ti-Vi trông như mô hình nhìn theo phép vẽ phối cảnh. Họ đứng ngay trước mắt mà trông như đang đứng cách một khoảng xa. Cứ như là tranh ảo tượng thị giác ấy, mặt phẳng méo lệch, dợn sóng. Chỗ thấy thật gần thì tay mình không với tới được; chỗ trong như ngoài tầm tay với thì mình lại chạm tay vào được. Đấy là Người Ti-Vi Đấy là Người Ti-Vi Đấy là Người Ti-Vi Đấy là Người Ti-Vi 3 Bọn họ tất cả ba người. Họ chẳng gõ cửa mà cũng chẳng bấm chuông. Chẳng chào hỏi gì ráo. Chỉ im lìm lẻn vào phòng. Chẳng nghe tiếng chân. Một người mở cửa phòng, hai người còn lại khuân một cái ti-vi. Ti-vi không lớn lắm. Loại ti-vi màu của hãng Sony ở đâu cũng thấy ấy. Tôi nghĩ có lẽ cửa phòng đã khoá lại, nhưng không chắc lắm. Cũng có thể tôi đã quên khoá cửa phòng. Lúc bấy giờ, chuyện có khoá cửa phòng hay không đã chẳng làm tôi bận tâm, nên tôi không thể xác tín được là mình đã khoá cửa phòng hay đã quên mất. Tôi chỉ nghĩ là đã khoá lại rồi, mà thôi. Lúc họ bước vào phòng, tôi đang nằm thừ người trên ghế dài ở phòng khách, lơ đãng ngắm trần nhà. Trong phòng chỉ có mình tôi. Chiều hôm ấy vợ tôi đã hẹn gặp đám bạn gái của cô ấy. Một đám các cô bạn thân cùng lớp thời trung học cấp ba, tụ họp hàn huyên, rồi đến quán ăn nào đấy ăn tối chung. “Anh kiếm gì đấy ăn tối hộ em nhé.” Vợ bảo thế trước khi đi. “Tủ lạnh còn rau trái, thức ăn đông lạnh đủ thứ đấy. Ăn tối thì anh tự lo được chứ gì? Và trước khi trời tối, nhớ lấy đồ giặt vào hộ em nhé.” Tôi đáp: “Được rồi.” Có gì đâu. Sá gì một bữa ăn tối. Sá gì chuyện đồ giặt. Toàn là chuyện nhỏ mà. Làm một loáng là xong ngay. Tút-xuỵt. “Anh nói gì thế?” Vợ hỏi. “Có nói gì đâu.” Tôi đáp. Thế là suốt buổi chiều, tôi nằm chường trên ghế dài, một mình lơ tơ mơ. Chẳng có việc gì phải làm cả. Đọc sách một tí – cuốn tiểu thuyết mới của Garcia Marquez. Nghe nhạc một tí. Bia cũng uống một tí. Nhưng chẳng chú tâm làm việc gì cả. Nghĩ hay là vào nằm trên giường mà ngủ. Nhưng cũng không chú tâm vào việc ngủ được. Nên cứ thế mà nằm chường trên ghế dài, lơ đãng nhìn lên trần nhà. Tôi thì chiều chủ nhật nào cũng có những việc hoá ra lặt vặt kiểu ấy. Động đến việc gì cũng thành ra nửa chừng nửa đỗi. Chẳng chuyên chú được vào việc gì cả. Lúc sáng đã tưởng là mọi việc sẽ hoàn tất song suốt đấy chứ. Hôm nay sẽ đọc cuốn sách này, sẽ nghe đĩa nhạc này, sẽ hồi đáp lá thư này. Ngay hôm nay, sẽ dọn dẹp xong ngăn kéo này, đi mua sắm các thứ cần thiết, và lau chùi chiếc xe đã bỏ bê lâu ngày. Thế nhưng, đồng hồ đã chỉ quá 2 giờ trưa, rồi 3 giờ, dần dần đã gần đến chạng vạng, mà các dự định ấy dần thành vô nghĩa. Kết cuộc, lại như thường lệ, chỉ nằm dài suốt buổi. Nằm dài nghe tiếng đồng hồ điểm nhịp. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Như những giọt mưa rơi đều đặn, bào mòn dần sự vật chung quanh mình. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Chiều chủ nhật nào cũng thế, tất cả mọi thứ đều hao mòn dần, từng chút từng chút đều đều rút nhỏ dần dần. Như chính là Người Ti-Vi vậy. 4 Bọn Người Ti-Vi ngay từ đầu đã chẳng đếm xỉa gì đến tôi. Cả ba đều có vẻ coi như tôi không có mặt trong phòng. Họ mở cửa, khuân ti-vi vào phòng. Hai người đặt ti-vi lên tủ chưng. Người thứ ba cắm dây nối vào ổ điện. Trên tủ chưng có đồng hồ để bàn và một đống tạp chí. Đồng hồ ấy là quà cưới các bạn tôi tặng, rất lớn và nặng. Lớn và nặng nề như chính thời gian vậy. Tiếng kêu cũng lớn, Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc, vang vang cả phòng. Người Ti-Vi lôi đồng hồ ấy xuống, đặt trên sàn. Tôi nghĩ thầm: vợ tôi sẽ nổi giận cho mà xem. Cô ấy thậm ghét chuyện người khác tự tiện di chuyển đồ đạc trong phòng. Vật nào không đặt vào đúng chỗ là cô nổi tam bành lên ngay. Lại nữa, đồng hồ ấy mà để trên sàn, đêm tối chân tôi thế nào cũng đụng phải. Đêm nào khoảng 2 giờ tôi cũng thức dậy đi tiểu, đầu óc còn mơ màng, không vấp phải vật này cũng đụng phải vật kia thôi. Thế rồi Người Ti-Vi lại dẹp luôn đống tạp chí, vất cả lên mặt bàn thấp trong phòng. Tất cả tạp chí ấy là của vợ tôi. Tôi thì hầu như hoàn toàn chẳng đọc tạp chí, chỉ đọc sách thôi. Cá nhân thôi thì nghĩ rằng các thứ báo bổ gọi là tạp chí ấy, cứ đốt sạch cả đi là tốt nhất. Loại tạp chí như Elle, Marie Claire, Báo Ảnh Gia Đình ấy. Các loại tạp chí chồng chất thật thứ tự trên tủ chưng. Vợ tôi cũng không thích ai đụng đến đống tạp chí của mình. Thứ tự sắp xếp của các tạp chí ấy mà sai lệch đi là có chuyện rầy rà ngay. Cho nên tôi không bén mảng tới gần các thứ tạp chí ấy. Ngay cả chuyện giở xem vài trang cũng chưa hề. Thế mà bọn Người Ti-Vi lại chẳng nề hà gì, cứ thẳng tay dẹp hết đống tạp chí của vợ tôi. Họ chẳng có vẻ gì là dịu nhẹ với chúng cả, chỉ đơn giản là muốn dẹp chúng khỏi tủ chưng, có ném chúng vào chỗ nào khác cũng chẳng sao. Thứ tự trên dưới của các tạp chí vì thế mà đảo lộn cả. Marie Claire mà lại chồng lên Croissant. Báo Ảnh Gia Đình mà lại chui xuống dưới An An. Thế là hỏng rồi. Chẳng những thế, bọn họ lại làm rơi rớt lung tung trên sàn phòng các tấm bài đánh dấu trang mà vợ tôi đã gài cẩn thận vào các tạp chí ấy. Những trang các tấm bài ấy đánh dấu đều là những chỗ có thông tin quan trọng đối với vợ tôi. Tôi chẳng biết thông tin gì và quan trọng như thế nào. Có thể là những điều liên hệ cần thiết cho công việc vợ tôi đang làm, hay có khi cho sinh hoạt cá nhân cô ấy. Nhưng gì gì đi nữa thì đối với vợ tôi cũng là những thông tin quan trọng. Tôi nghĩ thế nào cô ấy cũng sẽ cằn nhằn ghê lắm đây. “Lâu lắm mới được gặp bạn bè, hàn huyên vui thích thế, mà về đến nhà là thấy đồ đạc tung toé cả lên thế này đây…”, đại khái thế. Các câu cằn nhằn của vợ thì tôi vẫn nhớ như in. Chán thật. Tôi lắc đầu. 5 Kết cuộc, trên tủ chưng không còn gì nữa cả. Bọn Người Ti-Vi đặt ti-vi lên đấy. Dây nối được cắm vào ổ điện, nút điện được bật lên. Tiếng tạp âm tích tích vang lên, màn hình trắng dần. Tôi chờ một hồi, nhưng chẳng thấy hiện lên hình gì cả. Bọn họ lấy hộp bấm, đổi kênh tuần tự. Nhưng kênh nào cũng chẳng có hình. Tôi nghĩ chắc là vì không nối dây ăngten vào. Đâu đấy trong phòng này ắt là có ổ nối ăngten. Tôi nhớ hình như lúc dọn vào chung cư này, người quản lý đã giải thích về chuyện nối ăngten rồi. Chỉ có vị trí ổ nối ăngten ở đâu thì tôi không nhớ. Trong nhà không dùng đến ti-vi nên tôi quên phứt chuyện ấy đi. Thế nhưng, bọn Người Ti-Vi có vẻ chẳng hề quan tâm gì đến chuyện bắt sóng ti-vi. Họ chẳng tỏ vẻ gì là đang tìm ổ nối ăngten cả. Màn hình trắng toát, hoàn toàn chẳng có hình gì, vậy mà họ cũng chẳng tỏ vẻ bận tâm tí nào. Có vẻ bấm nút thấy có điện chạy vào là họ đã đạt mục đích rồi. Ti-vi thì mới. Tuy không có hộp đựng, nhưng chỉ nhìn thoáng qua cũng biết là ti-vi mới. Cẩm nang sử dụng và giấy bảo hành còn nắm trong bao nhựa gắn băng keo bên hông ti-vi. Cáp điện thì còn bóng loáng như thân cá tươi mới câu lên. Ba Người Ti-Vi đi tới đi lui trong phòng, ngắm nghía như kiểm tra màn hình trắng toát của ti-vi. Một người trong bọn đến ngay bên cạnh tôi, xác nhận xem từ vị trí tôi ngồi thấy ti-vi như thế nào. Ti-vi được đặt đúng chính diện hướng về chỗ tôi đang ngồi. Khoảng cách cũng vừa phải. Bọn họ có vẻ bằng lòng lắm. Độ chừng như thế là hoàn tất một chuỗi công trình. Một người trong bọn, chính anh chàng đã đến bên cạnh tôi xác nhận màn hình ti vi ấy, đặt hộp bấm điều khiển ti-vi lên bàn. Trong suốt khoảng thời gian ấy, bọn Người Ti-Vi không nói một lời nào. Có vẻ họ thi hành chính xác theo đúng trình tự công tác, nên chẳng cần phải nói gì với ai. Cả ba người đều đã làm tròn nhiệm vụ được giao phó với năng suất cao. Khéo léo. Nhanh nhẹn. Thời gian làm việc cũng ngắn gọn. Cuối cùng, một Người Ti-Vi ôm đồng hồ đang đặt trên sàn phòng lên, đưa mắt nhìn quanh một hồi tìm xem có chỗ nào thích hợp, nhưng rồi chẳng tìm được nơi nào cả nên đành thôi, laị đặt đồng hồ xuống sàn. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Đồng hồ lại khắc những tiếng nặng nề lên sàn phòng. Căn chung cư của tôi thì hẹp, mà sách của tôi và tư liệu, giấy tờ của vợ tôi đã choán đầy ra, đến hầu như không còn chỗ đặt chân nữa. Thế nào cũng có lúc tôi sẽ vấp phải cái đồng hồ ấy. Tôi nghĩ, và thở dài. Chắc chắn thế. Không thể khác được. Tôi sẵn sàng cá như thế. Cả ba Người Ti-vi đều mặc áo vét màu xanh đậm. Không biết bằng thứ vải gì mà bóng láng. Họ mặc quần bò màu xanh, đi giày quần vợt. Cả áo quần và giày đều rút nhỏ theo một tỉ lệ có vẻ còn nhỏ hơn tí nữa. Nhìn họ làm việc một hồi lâu, dần dấn cảm giác của tôi về tỉ lệ rút nhỏ cũng có phần sai lệch đi. Cứ như người mang kính cận nặng độ đang ngồi ngược chiều trên chiếc xe lăn chợ phiên cuống cuồng chạy trên đường dốc và ngoặt gấp. Phong cảnh biến dạng, lộn ngược trước ra sau. Thấy thấm thía rằng cảm gáic thăng bằng mà mình thụ hưởng một cách vô thức từ trước đến nay không còn là thứ gì tuyệt đối nữa. Bọn Người Ti-Vi đã tạo ra cảm giác chênh vênh như thế cho người nào nhìn họ. Từ đầu đến cuối, bọn Người Ti-Vi hoàn toàn không nói một lời nào. Cả ba kiểm tra ti-vi, xác nhận không có trục trặc gì một lần nữa, xong cầm hộp bấm tắt ti-vi. Màn hình phụt tắt tối đen, những tiếng “tích tích” li ti cũng mất tiêu. Màn hình trở lại màu xám đen trơ trơ cố hữu. Bên ngoài cửa sổ đã bắt đầu tồi. Nghe tiếng ai gọi người nào đấy. Có tiếng chân ai bước chậm rãi ngang qua hành lang chung cư. Như thường lệ, cố ý giẫm mạnh thành tiếng giày cồm cộp cồm cộp cồm cộp cồm cộp. Tối chủ nhật rồi. Bọn Người Ti-Vi nhìn quanh khắp phòng một lần nữa như để kiểm tra lần cuối, rồi mở cửa bước ra. Cũng như lúc đến, họ chẳng đếm xỉa gì đến tôi cả. Làm như chẳng có tôi ở đấy. 6 Từ lúc bọn Người Ti-Vi vào phòng cho đến lúc họ ra khỏi, tôi chẳng hề cử động chút nào. Cũng không nói một lời nào. Chỉ nằm suốt trên ghế dài mà nhìn họ làm việc. Có thể bạn bảo là quái dị đấy. Phòng mình mà người lạ thình lình bước vào, lại đến những 3 người lạ, lại còn tự tiện đặt ti-vi lên tủ, vậy mà có thể im lặng nhìn họ mà chẳng nói gì, như thế chẳng quái dị thì là gì? Nhưng quả thật, tôi đã chẳng nói một lời nào, chỉ im lặng đăm đăm nhìn trạng huống tiến hành như thế nào thôi. Ngay cả bạn nữa, nếu bạn bị đặt vào vị trí của tôi, có lẽ bạn cũng chỉ làm đúng như tôi mà thôi. Chẳng phải tôi muốn tự biện hộ, nhưng quả thật khi có người lạ ngay trước mắt mình, lại làm lơ không đếm xỉa gì đến sự có mặt của mình thì chính mình dần dần cũng không tin chắc là mình có hiện diện không nữa. Ngay cả khi bất chợt nhìn lại bàn tay mình, còn có thể có cảm giác là bàn tay mình trong suốt nữa. Một thứ cảm giác bất lực. Một lời nguyền. Thân thể của mình, hiện hữu của mình nhanh chóng hoá thành trống rỗng. Không cử động gì được nữa. Không nói gì được nữa. Tôi chỉ còn có thể bất động mà nhìn đám Người Ti-Vi ấy vào đặt ti-vi trong phòng mình. Tôi sợ phải nghe cả tiếng nói của mình nữa. Bọn Người Ti-Vi ra khỏi phòng, tôi chỉ còn có một mình. Cảm giác hiện hữu trở lại. Bàn tay tôi đã trở lại là bàn tay của tôi. Chợt để ý rằng ánh hoàng hôn đã bị nuốt trọn vào đêm tối. Tôi bật đèn trong phòng. Và nhắm mắt lại. Ti-vi quả thật đang có đấy. Đồng hồ tiếp tục điểm nhịp thời gian. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. 7 Điều lỳ lạ là vợ tôi chẳng nói gì về chuyện cái ti-vi xuất hiện trong phòng. Chẳng cho thấy phản ứng gì cả. Không để ý gì đến cái ti-vi ấy. Hoàn toàn không. Thật kỳ lạ. Bởi, như tôi đã nói, cô ấy là mẫu đàn bà kỹ lưỡng từng li từng tí về chuyện phối trí sắp xếp vật dụng bàn ghế trong phòng. Trong thời gian cô ấy vắng nhà mà trong phòng có chút gì dời đổi thì cô ấy nhìn qua cũng nhận ra được ngay. Vợ tôi quả là có năng lực ấy. Và cô ấy sẽ nhíu mày mà sửa lại như cũ ngay. Tôi thì khác. Báo Ảnh Gia Đình có nằm dưới An An, hộp đựng bút chì có lẫn lộn một cây bút bi vào đi nữa, đối với tôi cũng chẳng sao cả. Mà có lẽ, tôi chẳng để ý nữa. Lối sống kỹ lưỡng như cô ấy hẳn là mệt lắm. Thế nhưng đấy là vấn đề của vợ tôi, chẳng phải là vấn đề gì của tôi. Nên tôi cũng chẳng nói gì cả. Cứ để mặc cô ấy. Đại khái tôi suy nghĩ như thế. Nhưng vợ tôi thì không thế. Thỉnh thoảng cô nổi giận đùng đùng lên. Cô bảo không thể chịu đựng nổi cái vô tâm của tôi. Tôi nói ngay cả tôi đôi khi cũng đâu có chịu đựng nổi cái vô tâm của trọng lực, của suất Pi vòng tròn, hay của quy luật E=mc2. Sự thật là thế mà. Nhưng tôi mà nói thế là cô im lặng ngay, không thèm nói gì với tôi nữa. Có lẽ cô cảm thấy bị nhục mạ. Mà có phải thế đâu. Tôi hoàn toàn không có ý gì nhục mạ cá nhân cô ấy. Tôi chỉ nói ra những gì tôi cảm thấy đấy thôi. Tối hôm ấy, vợ tôi về đến nhà là nhìn quanh phòng một hồi, như thường lệ. Tôi đã chuẩn bị sẵn các câu phân trần rồi. Bọn Người Ti-Vi đã đến, làm lộn xộn các thứ trong phòng đấy. Thật là khó giải thích cho vợ tôi về bọn Người Ti-Vi. Có thể cô ấy không tin đâu. Nhưng dù sao, tôi cũng định sẽ cố giải thích tất cả ngọn ngành cho cô ấy. Nhưng tối ấy, vợ tôi chẳng nói gì cả. Chỉ nhìn quanh khắp phòng thôi. Trên tủ chưng có ti-vi. Đống tạp chí nằm trên bàn mà thứ tự lộn xộn cả lên. Đồng hồ để bàn thì đặt trên sàn. Vậy mà vợ tôi chẳng nói gì cả. “Anh ăn tối đàng hoàng đấy chứ?” Vợ tôi vừa cởi áo đầm vừa hỏi. Tôi nói không ăn tối. “Sao thế?” “Không thấy đói mấy.” Tôi đáp. Vợ tôi ngưng cởi áo đầm, suy nghĩ một lúc. Cô nhìn mặt tôi đăm đăm một hồi. Có vẻ phân vân không biết có nên nói gì hay không. Đồng hồ buông những tiếng nặng nề cắt khối im lặng ra từng khúc. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Tôi cố tránh không nghe những tiếng ấy, không cho chúng lọt vào tai mình. Nhưng những tiếng Tích tắc ấy to quá, nặng nề quá, không muốn mà vẫn lọt vào tai tôi. Trông cô ấy cũng có vẻ đang nghe ngóng những tiếng ấy. Rồi cô lắc đầu. “Em làm món gì giản tiện cho anh nhé?” Cô nói. “À.” Cũng chẳng phải muốn ăn gì, nhưng nếu có sẵn gì đấy thì ăn cũng được. Vợ tôi thay áo rộng rãi cho dễ làm việc, rồi vào bếp nấu nồi cháo và chiên trứng, vừa kể chuyện gặp bạn bè. Ai làm gì, ai nói gì, ai đổi kiểu tóc trông đẹp ra, ai đã chia tay với bồ… những chuyện đại loại như thế. Tôi cũng biết sơ các nhân vật ấy. Tôi vừa uống bia vừa ừ hử đệm nhịp cho cô nói. Nhưng thật ra chẳng nghe gì ráo. Từ đầu đến cuối chỉ nghĩ đến bọn Người Ti-Vi. Và tại sao cô ấy thấy có ti-vi mà lại chẳng nói gì cả nhỉ? Không để ý sao chứ? Làm gì có chuyện ấy. Thình lình có ti-vi xuất hiện trong phòng, làm sao àm cô ấy không đế ý được chứ? Vậy thì, tại sao chẳng nói gì cả. Kỳ dị quá. Có gì sai hỏng đâu đấy rồi. Nhưng mà, làm thế nào để sửa chỗ sai hỏng ấy, thì tôi chịu, không nghĩ ra được. Nồi cháo chín, tôi ngồi vào bàn trong bếp, ăn cháo. Ăn trứng chiên. Và trái mơ phơi khô. Tôi ăn xong, vợ tôi dọn dẹp chén đĩa. Tôi lại uống bia. Cô ấy cũng uống một tí bia. Tôi bất chợt ngước mắt lên nhìn tủ chưng. Ti-vi vẫn còn đấy. Không bật điện. Hộp bấm còn nằm trên bàn. Tôi đứng lên, rời ghế, cầm lấy hộp bấm, mở ti-vi. Màn hình phựt trắng lên, nghe có tiếng tích tích nho nhỏ. Màn hình, như trước, vẫn chẳng cho thấy hình gì. Chỉ có ánh sáng trắng nối lên trên mặt ti-vi. Tôi bấm nút cho âm thanh lớn lên, nhưng chỉ nghe tạp âm lớn thêm mà thôi. Tôi ngắm thứ ánh sáng ấy đâu khoảng 20, 30 giây rồi bấm tắt. Ánh sáng và tạp âm phụt tắt. Trong khoảng thời gian ấy, vợ tôi ngồi trên thảm, giở xem các trang tạp chí Elle, hoàn toàn không quan tâm gì đến chuyện ti-vi mở tắt. Có vẻ chẳng để ý gì cả. Tôi đặt hộp bấm xuống sàn, trở lại ngồi ở ghế dài phòng khách. Định đọc tiếp cuốn tiểu thuyết của Garcia Marquez. Hôm nào cũng thế, sau bữa cơm tối là tôi đọc sách. Vậy mà hôm ấy, tôi chẳng đọc được đến nửa trang sách. Dù cố gắng tập trung ý thức vào sách đến mấy đi nữa, tâm trí tôi cũng quay lại chuyện ti-vi ngay. Lại hướng mắt nhìn về cái ti-vi ấy. Màn hình ti vi hướng thẳng vào ngay mặt tôi. 8 2 giờ rưỡi khuya. Lúc tôi mở mắt dậy thì ti-vi vẫn còn đấy. Tôi rời giường, lòng mong ti vi biến mất đi. Nhưng nó vẫn cứ còn đấy. Tôi đi tiểu xong, đến ngồi trên ghế dài phòng khách, gác chân lên chiếc bàn thấp, cầm hộp bấm, mở ti-vi. Chẳng có gì mới lạ cả, chỉ lặp lại chuyện cũ. Màn hình trắng, tạp âm. Ngoài ra chẳng có gì cả. Ngắm màn hình ấy một lúc, tôi bấm tắt. Cả ánh sáng lẫn tạp âm biến mất. Tôi trở về phòng định ngủ lại. Buồn ngủ quá. Nhưng chẳng ngủ được. Nhắm mắt thì bọn Người Ti-Vi hiện hình lên. Bọn Người Ti-Vi khuân ti-vi vào, bọn Người Ti-Vi dẹp đồng hồ xuống, bọn Người Ti Vi dời đống tạp chí xuống bàn, bọn Người Ti-Vi cắm dây vào ổ điện, bọn Người Ti-Vi kiểm tra màn hình, bọn Người Ti-Vi mở cửa bước ra. Bọn họ cứ ở lì trong trí tôi. Bọn họ bước vòng vòng trong trí tôi. Tôi lại rời giường đi vào bếp, lấy cốc rót rượu whisky chừng hai lóng tay rồi uống, rồi lại ghế dài nằm xuống, giở lại trang sách Garcia Marquez. Nhưng quả thật, văn chương không làm sao vào lọt trong trí tôi. Hoàn toàn chẳng hiểu gì trong sách cả. Không làm sao hơn, tôi buông sách Garcia Marquez xuống, cầm tạp chí Elle lên đọc. Thỉnh thoảng có đọc Elle chắc cũng chả sao. Nhưng Elle chẳng có gì hấp dẫn tôi cả. Những kiểu tóc mới, những áo sơ mi lụa trắng quý phái, những quán có món hầm thịt bò ngon lành, và chuyện mặc áo quần gì khi đi xem opera, chỉ toàn những chuyện như thế, là thứ tôi hoàn toàn chằng quan tâm. Tôi lại buông tờ Elle xuống. Rồi lại ngắm cái ti-vi trên tủ chưng. Kết cuộc, cứ thế chẳng làm gì cả mà thức cho đến sáng. Sáu giờ, bắc nước lên pha cà phê uống. Chẳng có việc gì làm nên tôi làm sẵn bánh mì kẹp thịt trước khi vợ thức dậy. “Anh dậy sớm thế?” Cô nói, giọng ngái ngủ. “Ừm” Tôi đáp. Cả hai ăn bữa sáng không nói gì nhiều, xong cùng ra khỏi nhà, người nào đến sở làm nấy. Vợ tôi làm việc trong một nhà xuất bản nhỏ, biên tập một tạp chí chuyên về thực phẩm thiên nhiên, đăng tải những kí sự rất chuyên môn, như món ăn dùng nấm thì tốt cho việc đề phòng thấp; tương lai của kỹ nghệ canh nông hữu cơ... Số in ra không được bao nhiêu, nhưng thực hiện cũng chẳng tốn kém là bao, lại có được tầng lớp người đọc trung thành nhiệt tâm gần như tín đồ phù trợ nên không đến nỗi chết đói. Tôi thì làm việc trong ban quảng cáo của hãng chế tạo dụng cụ điện, làm quảng cáo cho những thứ như máy nướng bánh mì, máy giặt, lò nướng điện tử… 9 Trên đường đến sở làm, ngay tại bậc cấp ở sở, tôi đi ngang qua một Người Ti-Vi. Tôi chắc chắn đấy là một trong bọn ba người đã mang ti-vi đến phòng tôi hôm qua. Có thể là tên đầu tiên mở cữa bước vào phòng tôi. Tên không khuân ti-vi ấy. Bọn họ mặt mày không có điểm gì đáng gọi là đặc điểm cá nhân cả, nên phân biệt được từng người là chuyện vô cùng khó khăn. Xác tín thì không, nhưng tôi nghĩ có thể đúng đến 80, 90 phần trăm. Tên ấy vẫn mặc áo vét màu xanh như hôm qua. Tay không cầm gì cả. Chỉ bước đi xuống bậc cấp, còn tôi đang đi lên bậc cấp ấy. Tôi vốn ghét đi thang máy, nên lúc nào cũng lên xuống bằng bậc cấp. Phòng làm việc của tôi ở tận lầu 9 nên lên xuống thế này không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là khi có việc gấp là toát mồ hôi đầm đìa. Nhưng đối với tôi thì đổ mồ hôi đầm đìa còn tốt hơn đi thang máy nhiều. Mọi người chế nhạo tôi về việc này. Bởi tôi không dùng ti-vi hay video, mà thang máy cũng không đi, nên họ cho rằng tôi là một tên dở hơi. Hoặc là có vẻ họ nghĩ rằng trong ý nghĩa nào đấy, tôi vẫn còn trong giai đoạn chưa trưởng thành. Những suy nghĩ kỳ quái thật. Tôi không thể nào lý giải được tại sao họ lại suy nghĩ như thế. Dù sao đi nữa, lúc ấy, vẫn như mọi khi, tôi đang bước lên bậc cấp ở sở. Chỉ có một mình tôi đang bước trên bậc cấp ấy. Hầu như hoàn toàn chẳng có ai khác muốn dùng lối bậc cấp này cả. Khoảng từ tầng 4 lên tầng 5, tôi đi ngang qua Người Ti-Vi ấy. Đột ngột quá nên tôi chẳng biết phải làm sao. Cũng đã có nghĩ đến chuyện lên tiếng chào. Nhưng rồi cũng không thốt ra được. Ngay lúc đó không nghĩ ra được lời gì để nói cho phải, mà bọn Người Ti-Vi này lại toát ra vẻ gì khó gợi chuyện với họ. Hắn ta rảo bước xuống bậc cấp, khéo léo như máy. Những bước chân quy củ, chính xác theo nhịp điệu nhất định. Và cũng như hôm qua, hoàn toàn chẳng đếm xỉa gì đến sự có mặt của tôi. Có vẻ thứ như tôi thì chẳng lọt vào mắt xanh hắn ta. Tôi đi ngang qua hắn ta,vẫn bối rối không biết nên làm gì. Lúc giáp mặt nhau, tôi cảm thấy như chung quanh mình, trọng lực đã chao đi phần nào. Ngày hôm ấy, hãng tôi có hội nghị từ sáng. Một hội nghị rất quan ttrọng về chiến lược bán sản phẩm mới. Vài nhân viên đọc báo cáo về đề án. Bảng đen trình bày những dãy chỉ số, màn hình máy tính hiển thị các biểu đồ. Thảo luận nhiệt thành. Tôi cũng tham gia vào cuộc thảo luận, tuy vị trí của tôi không mấy quan trọng trong hội nghị. Bởi tôi không trực tiếp liên quan đến kế hoạch này. Trong thời gian hội nghị, tôi suy nghĩ lan man. Dù sao cũng đã gắng phát ngôn một lần, tuy chẳng là ý kiến gì to tát, chỉ là ý nghĩ rất thường thức của một quan sát viên mà thôi. Dù gì đi nữa, cũng không thể không nói gì cả, từ đầu đến cuối. Tuy tôi chẳng phải là người đặc biệt nhiệt tình về việc làm, nhưng đã lãnh lương thì cũng phải có trách nhiệm tương xứng. Tôi tóm tắt các ý kiến đã nghe được thành đề nghị chỉnh tề, và còn thêm vài câu nói đùa ý nhị để làm nhẹ bớt không khí thảo luận nữa. Có lẽ cũng vì tôi muốn làm nhẹ bớt cảm giác u uẩn vì bị ám ảnh bởi bọn Người Ti-Vi. Vài người cười góp vào những câu nói đùa của tôi. Khi đã phát ngôn xong, tôi làm bộ chăm chú đọc các bản báo cáo, nhưng thật ra, lại suy nghĩ về bọn Người Ti-Vi. Hãng sẽ đặt tên gì cho lò nướng điện tử mới, chẳng phải là chuyện tôi quan tâm. Trong trí tôi lúc ấy chỉ có chuyện bọn Người Ti-Vi. Tôi cứ nghĩ về họ mãi thôi. Không hiểu cái ti-vi mà họ mang đến có ý nghĩa gì nhỉ? Tại sao bọn Người Ti-Vi lại chọn phòng tôi mà mang đến chứ? Tại sao vợ tôi trông thấy ti-vi mà lại chẳng nói gì cả thế? Tại sao Người Ti-Vi lại lẻn vào tận hãng tôi làm nữa? Hội nghị có vẻ kéo dài liên miên không dứt. Chỉ có khoảng nghỉ trưa ngắn lúc 12 giờ. Không có thì giờ để ra ngoài ăn nên mọi người được cấp bánh mì kẹp và cà phê. Phòng họp hôi mùi khói thuốc nên tôi mang thức ăn trưa ấy về bàn mình ngồi ăn. Lúc đang ăn thì tay Chủ nhiệm tìm đến. Thật tình, tôi chẳng ưa gì anh chàng này. Lý do tại sao không ưa anh ta thì tôi cũng ko hiểu rõ, mà anh ta cũng chẳng có điểm gì thật đáng ghét. Từ anh ta toát ra vẻ con nhà. Đầu óc cũng không tệ. Cách chọn cà vạt cũng khá. Nhưng đâu phải vì thế mà anh ta có quyền thị uy với nhân viên dưới quyền được. Ừ thì, đối với tôi, anh ta cũng đã để mắt đến đấy. Thỉnh thoảng cũng có rủ tôi đi ăn. Nhưng với anh ta, tôi chẳng làm sao mà thân thiết cho được. Tôi nghĩ có lẽ vì anh ta có tật hay mó máy sàm sỡ thân thể người đang nói chuyện với anh ta. Cứ vừa nói chuyện vừa vươn tay chạm vào đâu đó trên thân thể người đối thoại, bất kể trai hay gái. Những đụng chạm ấy không đến nỗi thô bỉ, thậm chí cách đụng chạm còn khéo và tự nhiên nữa. Tự nhiên đến nỗi người đối thoại chẳng để ý gì đến những đụng chạm ấy. Vậy mà không hiểu sao tôi lại vô cùng khó chịu về chuyện này. Cứ thấy bóng dáng anh ta là tôi thu mình phòng bị ngay. Bảo là chuyện nhỏ nhặt thì đúng là chuyện nhỏ nhặt thật. Nhưng tôi thì không thể nào chịu được. Anh ta khom người xuống choàng tay lên vai tôi. “Lúc nãy trong hội nghị, cậu phát biểu rất là tốt.” Chủ nhiệm nói, ra vẻ thân mật. “Rất giản dị mà lại đúng vào trọng tâm của vấn đề. Đến tôi cũng phải chịu là đúng. Phê bình thế là tốt lắm. Phát biểu của cậu làm cả hội trường giật mình đấy. Thời điểm cũng thật đúng. Ừm, từ nay, cứ tiếp tục như thế nhé.” Chỉ nói thế xong, anh ta rảo bước đi nơi khác mất hút. Hẳn là đi ăn trưa đâu đấy. Tôi nói lời cảm ơn ngay đấy, nhưng thật tình rất đỗi nhạc nhiên. Bởi vì tôi hoàn toàn chẳng nhớ mình đã phát biểu những gì trong hội nghị. Hoàn toàn im lặng cũng khó coi, nên sực nghĩ ra điều gì thì nói ra miệng, thế thôi. Không lẽ chỉ chừng ấy mà chủ nhiệm phải tự thân tìm đến chỗ tôi để khen ngợi sao? Bao nhiêu là nhân viên khác đã có những phát ngôn hay ho hữu ích kia mà. Kỳ quái thật. Tôi tiếp tục ăn trưa trong nỗi hoang mang như thế. Và chợt nghĩ đến vợ. Không biết cô ấy đang làm gì nhỉ? Đang ra ngoài sở làm, kiếm chỗ ăn trưa chăng? Tự nhiên tôi muốn gọi điện thoại đến sở cô ấy, trao đổi hai ba câu với cô về bất cứ chuyện gì. Tôi đã quay điện thoại ba số đầu, nhưng rồi nghĩ lại mà ngừng tay. Thật tình, chẳng có chuyện gì cần đến nỗi phải gọi đến sở làm của cô ấy. Tuy cảm thấy thế giới mình đang sống có phần nào mất thăng bằng đấy, nhưng ngay giờ nghỉ trưa mà gọi điện thoại đến sở làm của cô ấy rồi biết nói gì đây? Mà vợ tôi lại chẳng thích gì chuyện điện thoại việc riêng mà lại gọi đến sở làm. Tôi gác điện thoại, thở dài, uống nốt chỗ cà phê còn lại, rồi ném ly nhựa vào giỏ rác. 10 Trong phần hội nghị buổi chiều ấy, tôi lại thấy Người Ti-Vi. Lần này tăng thành hai người. Giống như hôm qua, họ khuân ti-vi màu hiệu Sony đi ngang qua phòng họp. Ti-vi này trông lớn hơn ti-vi hôm qua một cỡ. Phiền thật, tôi nghĩ. Bởi Sony là hãng cạnh tranh với hãng tôi. Dù với lý do gì đi nữa, mang sản phẩm của hãng ấy vào đây là sinh chuyện rầy rà lớn ngay. Tất nhiên cũng có khi sản phẩm của hãng khác được mang vào để so sánh tìm hiểu, nhưng ngay cả những lúc ấy, tất cả các thương hiệu đều phải gỡ bỏ đi hết. Bởi người ngoài hãng mà thấy được là có vấn đề phiền phức ngay. Vậy mà bọn Người Ti-Vi vẫn chẳng nề hà gì, cứ đường đường mà hướng cái thương hiệu Sony về phía phòng họp. Họ còn mở cứa bước vào phòng. Rồi đi khắp phòng một vòng. Như muốn tìm kiếm chỗ tốt để đặt ti vi, nhưng rồi không tìm ra chỗ, cứ thế mà khuân ti-vi ra khỏi phòng bằng cửa sau. Thế mà mọi người trong phòng họp lúc ấy chẳng ai biểu lộ phản ứng gì đối với bọn Người Ti-Vi cả. Đâu phải họ không nhìn thấy bọn Người Ti-Vi. Họ cũng phải thấy chứ. Bằng chứng là khi bọn ấy khuân ti-vi vào, mấy người đứng gần đấy đã dạt đi nhường đường cho bọn ấy kia mà. Nhưng chẳng ai tỏ thái độ gì đối với bọn Người Ti-Vi cả. Phản ứng của mấy người ấy không khác gì đang đứng trong quán cà phê mà dạt đi nhường chỗ cho cô hầu bàn mang cà phê đi vậy. Họ đã ứng xử trên nguyên tắc là không có sự hiện diện của bọn Người Ti-Vi. Họ biết là có Người Ti-Vi đấy, nhưng ứng xử như không có Người Ti-Vi trong phòng. Vì thế mà tôi chẳng còn hiểu ra làm sao cả. Có phải mọi người khác đều biết trước là có Người Ti-Vi rồi chăng? Và có phải chỉ mình tôi là bị gạt ra ngoài thông tin về Người Ti-Vi ấy? Tôi nghĩ có lẽ là thế rồi. Chính vì thế vợ tôi mới chẳng ngạc nhiên gì về chuyện ti-vi xuất hiện trong phòng, và chẳng nói gì về nó cả. Đầu óc tôi hỗn loạn. Người Ti-Vi là cái quái gì chứ? Mà tại sao lúc nào họ cũng khuân ti-vi theo? Một đồng nghiệp đứng lên đi vào phòng vệ sinh. Tôi cũng rời ghế, đi theo. Tôi với anh ấy vào hãng cùng thời kỳ, và khá thân với nhau. Thỉnh thoảng vẫn đi uống rượu chung sau công việc. Không phải với ai tôi cũng đi uống chung thế đâu. Tôi đứng tiểu cạnh anh ấy. “Chán thật, điệu này chắc kéo dài đến tối. Cứ hội nghị hội nghị liên miên giờ này sang giờ khác.” Anh ta nói với giọng chán ngán. Tôi đồng ý. Cả hai rửa tay. Anh ta cũng khen lời phát biểu của tôi sáng nay. Tôi cảm ơn. “À, chuyện bọn người khuân ti-vi vào lúc nãy ấy mà.” Tôi gợi chuyện, làm ra vẻ bâng quơ. Anh chẳng nói gì, chỉ chuyên chú vặn chặt khóa nước lại, lôi hai tờ giấy ra lau tay. Cũng chẳng liếc nhìn tôi. Lau tay một hồi lâu xong, anh vò giấy ném vào giỏ rác. Có thể anh đã không nghe câu tôi nói. Cũng có thể anh đã nghe nhưng làm bộ không nghe. Sự thực ra sao thì tôi chẳng hiểu. Nhưng nhắm tình hình, có lẽ không nên hỏi thêm gì nữa là hơn, tôi im lặng lấy giấy lau tay. Không khí ngột ngạt. Cả hai im im như thế mà trở lại phòng họp. Suốt thời gian hội nghị còn lại, tôi cảm thấy anh cố tình tránh mắt nhìn của tôi. 11 Khi tôi từ hãng về đến nhà, trong phòng tối om. Bên ngoài, mưa bắt đầu rơi. Từ cửa sổ mở ra hiện thấy những tầng mây u ám đè thấp xuống nặng nề. Trong phòng có mùi mưa ẩm. Đêm dần xuống. Vợ tôi vẫn chưa về. Tôi tháo cà vạt, vuốt thẳng các nếp nhăn rồi treo lên giá cà vạt. Lấy bàn chải phủi bụi trên bộ quần áo vét. Cho áo sơ mi vào giỏ đồ giặt. Tóc đượm đầy mùi khói thuốc nên tôi vào phòng tắm gội đầu. Lần nào cũng thế, hội nghị kéo dài là mùi khói thuốc ướp vào người. Vợ tôi thậm ghét mùi ấy. Cô đã ra điều kiện đầu tiên khi lấy nhau là tôi phải bỏ thuốc lá. Chuyện đã bốn năm về trước. Ra khỏi phòng tắm, tôi ngồi vào ghế dài phòng khách, vừa lấy khăn lau tóc vừa uống bia lon. Cái ti-vi bọn Người Ti-Vi khuân đến vẫn còn nằm trên tủ chưng. Tôi cầm hộp bấm trên bàn lên, bấm mở ti-vi. Nhưng bấm mấy lần cũng không thấy có điện vào. Chẳng có phản ứng gì ráo. Màn hình vẫn tối thui. Tôi kiểm dây điện, thấy vẫn cắm kỹ vào ổ điện. Tôi thử rút ra rồi cắm trở lại thật chặt. Vẫn chẳng thấy gì. Có bấm bao nhiêu lần màn hình cũng chẳng trắng ra được. Tôi mở đằng sau hộp bấm ra, cẩn thận lấy máy đo điện đơn giản kiểm điện thế của pin điện. Pin vẫn còn mới mà. Tôi đành chịu thua, ném hộp bấm lên bàn, trút bia vào sâu trong cổ họng. Lấy làm lạ sao mình lại để tâm làm gì đến chuyện như thế? Dù có mở ti vi ấy ra được đi nữa, rồi được gì chứ? Màn hình trắng ra, tạp âm vang lên, chỉ thế thôi chứ có gì nữa đâu? Có mở ti-vi ra được hay không, cũng có gì đáng để tâm đâu nào? Vậy mà vẫn cứ phải thắc mắc. Tối hôm qua rõ ràng là đã bật lên được kia mà. Sau đấy có động gì đến ti-vi đâu? Thật chẳng hiểu ra làm sao cả. Tôi lại cầm hộp bấm lên, thử bấm lần nữa. Chầm chậm ấn mạnh ngón tay dần lên nút mở ti-vi. Nhưng kết quả vẫn thế. Chẳng có phản ứng gì ráo. Màn hình hoàn toàn chết. Lạnh ngắt. Lạnh ngắt thật. Tôi lấy lon bia thứ hai trong tủ lạnh ra, giật khoen lên, uống. Rồi ăn xà lách trộn khoai tây từ hộp nhựa. Đồng hồ chỉ quá 6 giờ tối. Tôi ngồi trên ghế dài, đọc trọn tờ báo chiều. Tờ báo còn chán hơn mọi khi nữa. Chẳng có ký sự gì đáng đọc cả. Toàn những tin không đâu. Nhưng chẳng có việc gì khác để làm, nên tôi ngồi lì và đọc tờ báo ấy thật lâu. Bởi đọc hết tờ báo thì phải kiếm việc gì khác. Mà tôi muốn tránh phải suy nghĩ về việc gì cần làm, do đó cứ tà tà kéo dài thời gian đọc tiếp tờ báo ấy. Ừ nhỉ, hay là viết thư trả lời cho ai đấy? Thiệp báo tin đám cưới người em họ đã đến rồi đấy. Cùng ngày ấy, vợ chồng tôi lại đi xa nên phải viết thư tạ lỗi. Tụi tôi đi Okinawa. Đã định thế từ lâu rồi. Và vì thế mà đã lấy ngày nghỉ chung. Không thể thay đổi được. Bởi lần này không đi với nhau, thì chỉ có Trời mới biết có còn lấy được nhiều ngày nghỉ chung như thế hay không. Hơn nữa, tôi cũng chẳng mấy thân thiết gì với người em họ này. Đã mười năm nay không gặp nhau. Dù gì đi nữa cũng phải viết trả lời sớm cho người ta, để họ còn đặt chỗ cho tiệc cưới. Biết thế, nhưng rồi cũng không viết được. Ngay bây giờ thì chẳng viết thư từ gì được cả. Chẳng có tâm trí đâu mà viết. Tôi lại cầm tờ báo lên, đọc lại những trang báo ấy một lần nữa. Rồi chợt nghĩ hay là đi làm cơm tối. Nhưng có thể vợ tôi đi ăn tối vì công chuyện ở sở rồi mới về nhà. Nếu thế thì bây giờ làm cơm tối sẽ phí đi phần cô ấy. Mà nếu chỉ có mình tôi thì có gì ăn nấy cũng xong, chẳng cần phải làm gì mất công. Còn nếu cô ấy về mà chưa ăn tối thì hai vợ chồng ra ngoài hiệu ăn gì đấy cũng được. Tôi lấy làm lạ. Mọi khi, nếu một trong hai đứa mà phải về nhà trễ sau 5 giờ tối thì thế nào cũng liên lạc cho nhau biết trước. Điều đó đã thành quy tắc rồi. Gọi vào máy điện thoại khi đi vắng, để lại mẩu nhắn tin cũng được. Như thế, người kia có thể biết trước mà làm theo: hoặc ăn tối một mình, hoặc để phần lại, hoặc đi ngủ turớc khỏi chờ đợi. Công việc tôi làm lắm khi không cho về nhà sớm được, mà cô ấy cũng có khi về trễ vì phải hội họp hay hiệu đính bài vở cho xong. Cả hai đâu có làm việc theo kiểu đúng 9 giờ sáng bắt đầu và đúng 5 giờ chiều chấm dứt. Ngay đến chuyện cả hai đều bận bịu công việc, đến cả ba ngày không trò chuyện gì được với nhau cũng đã có. Biết làm sao được. Chuyện cứ xảy ra thôi. Thế nên thực tế, hai đứa vẫn luôn cố gắng giữ đúng quy tắc để đừng làm phiền đến đứa kia. Nhắm có vẻ sẽ về trễ thì điện thoại liên lạc ngay. Tôi còn có khi quên chứ cô ấy chưa hề quên liên lạc một lần nào cả. Thế mà lúc này trong điện thoại không có mẩu nhắn tin nào cả. Tôi buông tờ báo, ngã người nằm xuống ghế dài, nhắm mắt lại. 12 Mộng thấy chuyện hội nghị, tôi đứng lên phát biểu gì đấy. Tự mình không lý giải được là đang nói những gì. Nhưng ngừng nói là chết ngay. Vì thế không thể ngừng nói được. Chỉ còn cách tiếp tục nói những điều vô nghĩa mãi mãi như thế. Mọi người chung quanh đều đã chết. Hóa đá cả rồi. Thành những tượng đá cứng ngắc. Gió thổi. Tất cả các tấm kính cửa sổ đã vỡ, gió theo đó mà tuôn vào. Và có Người Ti-Vi ở đấy. Đã tăng lên thành ba người. Như hôm đầu tiên ấy. Bọn họ cũng khuân theo ti-vi mày hiệu Sony như thế. Màn hình đang chiếu Người Ti-Vi. Tôi đang dần dần mất lời nói. Cùng lúc, cảm nhận được rằng các ngón tay mình đang dần dần đông lạnh từng chút. Thân thể tôi đang dần hóa đá. Bừng mở mắt ra thì thấy cả phòng trắng toát. Cứ như là màu của hành lang nhà thủy tộc vậy. Bởi ti-vi đã bật lên từ lúc nào. Bốn bề chung quanh tối om. Trong bóng tối thăm thẳm ấy, màn hình ti-vi tỏa sáng, có tiếng “tích tích” nho nhỏ của tạp âm ti-vi. Tôi nhỏm người dậy trên ghế dài, ngón tay ép vào thái dương. Ngón tay tôi vẫn còn là thịt mềm như cũ… trong miệng vẫn còn vị bia uống trước khi ngủ. Tôi nuốt nước miếng. Cổ họng khô rang, rõ lâu mới nuốt được. Lần nào cũng vậy, nằm mộng như thực, thế rồi lúc tỉnh dậy lại cảm thấy không thực bằng mộng. Nhưng có phải thế đâu. Đây mới là thực chứ. Có ai hóa đá đâu nào? Không biết mấy giờ rồi. Tôi nhìn đồng hồ đang vẫn còn đặt trên sàn phòng. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Trước 8 giờ tối một tí. Nhưng màn hình ti-vi thì như trong mộng, đang chiếu hình một Người Ti-Vi. Chính là Người Ti-Vi đã đi ngang qua tôi trên bậc cấp của hãng tôi đấy mà. Chính là anh ta, không ai khác. Người đầu tiên đã mở cửa bước vào phòng tôi đấy. Trăm phần trăm là hắn ta rồi, không sai chạy vào đâu được. Hắn ta đứng trước khung ánh sáng trông như ánh sáng đèn ống ấy, nhìn chăm chú vào mặt tôi. Có vả giấc mộng kéo dài đang chui lẩn vào hiện thực. Tôi chợt nghĩ là nhắm mắt lại rồi mở mắt ra thỉ những thứ như thế sẽ tan biến đi. Vậy mà vẫn còn đấy. Ngược lại, hình dáng Người Ti-Vi trên màn hình còn lớn dần lên nữa. Rồi gương mặt hắn ta dần dần chiếm đầy khung hình. Như người đằng xa đang từ từ đi dần lại gần, gương mặt Người Ti-Vi ấy càng lúc càng to ra. Rồi Người Ti-Vi lọt ra khỏi màn hình. Cứ như là lọt qua khung cửa sổ, hắn ta chống tay vào hai vách, thò chân ra rồi nẩy người lọt ra. Trên màn hình, chỉ còn ánh sáng màu trắng. Hắn ta đứng đấy, như để thân thể làm quen với thế giới bên ngoài ti-vi, những ngón tay phải xoa xoa lên bàn tay trái. Những ngón tay phải rút nhỏ xoa xoa lên bàn tay trái rút nhỏ ấy một lúc rõ lâu. Hắn ta hoàn toàn không vội vã gì cả, cứ chậm rãi như thể thời gian thì bao nhiêu cũng có. Giống như một người giới thiệu chương trình đã quá quen với các màn diễn trên ti vi. Rồi hắn ta nhìn thẳng vào tôi, nói: “Chúng tôi đang chế tạo máy bay.” Giọng nói mỏng phẳng không cho cảm giác xa gần nào, cứ như là tiếng nói ghi đều đặn trên giấy. Cùng với câu nói ấy, màn hình ti-vi chiếu lên một cỗ máy đen sì, cứ như là phần tin tức ti-vi ấy. Lúc đầu, chiều lên một khoảng rộng như công trường nào đấy, rồi xưởng thợ từ giữa được chiếu lớn dần lên. Hai Người Ti-Vi đang thao tác cỗ máy. Lúc thì siết chặt đinh ốc, lúc thì điều chỉnh máy đo. Họ chuyên chú hoàn toàn vào công việc. Cỗ máy trông thật quái dị. Khối viên trụ, phần trên nhỏ mà dài, đôi chỗ lồi ra những khối cong dợn sóng. Không ra hình dáng máy bay, mà lại trông như một máy ép cam lấy nước khổng lồ. Cánh máy bay không có, mà ghế ngồi cũng chẳng thấy đâu. “Chẳng giống máy bay gì cả.” Tôi nói, nghe giọng mình lạc đi, chẳng phải là giọng của mình nữa, mà là một giọng quái dị, như đã qua một máy lọc dày cộm mà bị lấy mất phần cốt rồi. Nghe như mình đã già đi fất nhiều năm. “Có lẽ tại chưa sơn màu đấy thôi.” Người Ti-Vi nói. “Ngày mai sẽ sơn màu đàng hoàng. Chắc chắn sẽ thấy rõ là máy bay đấy.” “Đâu phải là màu sơn. Vấn đề là hình dáng đấy chứ. Có phải là hình dáng máy bay đâu.” Tôi nói. “Thế không là máy bay thì là gì đây?” Người Ti-Vi dịu giọng. “Sơn màu lên là có chiếc máy bay ra dáng ngay.” Tôi thôi không tranh cãi nữa. Có là thứ gì cũng chẳng sao. Nó có là thứ máy bay ép cam lấy nước, hay là thứ máy ép cam lấy nước bay được trên trời, thì cũng chẳng sao cả. Không biết vợ tôi sao chưa về nhà? Tôi lại đưa ngón tay ép lên thái dương một lần nữa. Tiếng đồng hồ lại tiếp tục vang lên. Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Trên bàn vẫn còn hộp bấm ti-vi. Cạnh đấy là đống tạp chí phụ nữ. Điện thoại vẫn im lìm. Ánh sáng mờ nhạt của ti vi tỏa chiếu khắp phòng. Trên màn hình ti-vi, hai Người Ti-Vi vẫn tiếp tục thao tác nhiệt thành. Hình chiếu trông rõ ràng hơn trước nhiều. Bây giờ, đến nhưng con số biểu thị trên máy đo cũng thấy được rõ ràng. Và tuy nhỏ, nhưng đến tiếng máy đo ấy cũng nghe được nữa. Tiếng máy xoáy tròn, nghe ồ uồm… ồ uồm… ồ uồm… ồ uồm. Thỉnh thoảng lại có tiếng kim loại đập vào nhau thành tiếng khô khan cách khoảng đều nhau lắc cắc… lắc cắc… lắc cắc… lắc cắc… Ngoài ra, còn có đủ thứ tiếng khác hòa lẫn vào nữa nhưng tôi chẳng nhận ra được là tiếng gì. Dù thế nào đi nữa, trên màn hình ti-vi, hai Người Ti-Vi ấy vẫn cần cù làm việc hết mình. Cho thấy hình ảnh ấy là trọng tâm của chương trình ti-vi này. Tôi ngồi ngắm chăm chú cảnh hai người ấy làm việc một hồi lâu. Người Ti-Vi đứng ngoài màn hình cũng im lặng xem đồng bọn làm việc trong ti-vi. Cỗ máy đen thui không tên ấy tôi vẫn không thể nào nhìn ra đấy là cái máy bay được nổi bật lên trên vùng ánh sáng màu trắng. “Vợ anh không về nữa đâu.” Người Ti-Vi nói, cũng giọng phẳng như cũ. “Vì sao?” Tôi hỏi. “Vì sao à? Vì không còn cách nào khác.” Người Ti-Vi nói. Giọng nói nghe như miếng chìa khóa bằng plastic dùng để mở cửa phòng trong khách sạn. Phẳng lì, không lên xuống, như lưỡi dao mỏng chui lọt vào khe hẹp. “Không còn cách nào khác nên không về nữa đâu.” “Không còn cách nào khác nên không về nữa đâu.” Tôi lặp lại câu nói ấy trong đầu. Nghe phẳng lì, không thực tí nào. Tôi không sao nắm bắt được mạch lạc của câu nói ấy. Nguyên nhân như ngoạm nuốt lấy cái đuôi kết quả. Tôi đứng dậy đi vào bếp, mở cửa tủ lạnh, thở một hơi thật sâu, rồi lấy lon bia, xong quay lại ghế dài phòng khách. Người Ti-Vi vẫn đứng đấy trước màn hình, ngắm tôi kéo khoen lon bia lên. Anh ta gác khuỷu tay lên ti-vi. Chẳng phải tôi muốn uống bia lúc này. Chỉ vì không làm gì cả thì phí thời gian nên đi lấy bia đấy thôi. Uống thử một ngụm nhưng bia chẳng ngon lành gì. Tôi cầm lon bia một hồi nghe nặng tay nên đặt xuống bàn. Tôi cố suy nghĩ về câu nói của Người Ti-Vi rằng vợ tôi không về lại nữa. Hẳn là hắn ta muốn nói vợ chồng tôi không còn sống chung được với nhau nữa rồi. Đấy là lý do vợ tôi không về lại nữa. Nhưng tôi không nghĩ được rằng vợ chồng tôi không còn sống chung được với nhau nữa. Dĩ nhiên chúng tôi không phải là cặp vợ chồng hoàn hảo. Bốn năm nay cũng đã nhiều lần cãi nhau. Đúng là giữa vợ chồng tôi đã có vài vấn đề đấy. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng đã nói với nhau về những chuyện ấy. Có chuyện đã giải quyết được với nhau, có chuyện chưa giải quyết được. Chuyện chưa giải quyết được thì cứ để đấy, chờ thời gian xem sao. Đúng, vợ chồng tôi quả có vài vấn đề đấy. Điều ấy phải nhận thôi. Nhưng đâu có phải vì thế mà đến nỗi cô ấy không về lại nữa? Phải thế không? Có cặp vợ chồng nào lại chẳng có vấn đề? Hơn nữa, bây giờ mới quá 8 giờ tối thôi. Vợ tôi hẳn là vì lý do gì đấy không thể điện thoại cho tôi được, chỉ có thế thôi. Lý do kiểu ấy thì nhiều lắm. Chẳng hạn… Nhưng tôi chẳng nghĩ ra được một lý do nào. Tôi đâm ra bấn loạn cùng cực. Tôi ngồi tựa lưng vào ghế dài phòng khách, xụi lơ. Máy bay ấy nếu quả thật nó là máy bay làm sao mà bay được nhỉ? Tôi nghĩ. Lực đẩy nó là gì? Cửa sổ của nó đâu? Mà phía nào là đầu, phía nào là đuôi đã chứ? Tôi cảm thấy mệt nhọc quá chừng. Sức lực cạn kiệt rồi. Lại còn phải trả lời không đi được với người em họ chứ, tôi nghĩ. Rằng vì bận công việc nên không sao đến được. Rất tiếc. Chúc mừng trăm năm hạnh phúc. Trên màn hình, hai Người Ti-Vi vẫn chẳng đếm xỉa gì đến tôi, cứ cặm cụi chế tạo máy bay. Không ngừng nghỉ một phút nào. Cho đến khi cỗ máy ấy hoàn tất, họ còn vô số công việc phải làm. Việc này vừa xong, tức thì việc khác bắt đầu, không có phút nghỉ. Không có bản ghi công trình hay đồ biểu gì cả, nhưng họ nắm rành rã chuyện hiện tại phải làm gì, và sau đấy, phải làm gì. Ống kính quay phim thoe dõi vô cùng khéo léo những thao tác tuyệt vời của họ. Kỹ thuật quay phim chính xác và rõ ràng. Những hình ảnh dễ hiểu, đủ sức thuyết phục. Có lẽ có Người Ti-Vi thứ tư, thứ năm đảm đương thao tác của máy quay phim và bàn điều khiển chương trình ti-vi. Chuyện nghe có vẻ kì quái, nhưng chăm chú xem bọn Người Ti-Vi làm việc có thể nói là toàn bích, như thế một hồi lâu, tôi dần dần nhìn ra chiếc máy bay thật. Dần dần tôi cảm thấy. Ít nhất có cho rằng đấy là chiếc máy bay thì cũng không có gì kỳ quái cả. Tôi nghĩ phía nào là đầu, phía nào là đuôi, cũng có sao đâu. Thao tác tinh vi chính xác đến thế kia thì hẳn là chiếc máy bay rồi. Cho dù không nhìn ra dáng máy bay đi nữa, đối với bọn họ, đấy vẫn là chiếc máy bay. Đúng như Người Ti-Vi đã nói: “Thế không là máy bay thì là gì đây?” Người Ti-Vi trong phòng vẫn còn đứng nguyên đấy, không đổi chút nào trong tư thế đứng. Khuỷu tay vẫn gác lên ti-vi, mắt nhìn tôi đăm đăm. Tôi đang bị hắn ta quan sát. Bọn Người Ti-Vi trên màn hình vẫn tiếp tục thao tác. Nghe tiếng đồng hồ Tích tắc Tích tắc Tích tắc Tích tắc. Phòng thì tối, khó thở nữa. Có tiếng chân ai bước ngoài hành lang. Có lẽ thế thật. Bất chợt tôi nghĩ. Vợ tôi đã đi thật xa mất rồi. Cô ấy đã dùng đủ mọi phương tiên giao thông để đi đến phương trời nào mà tôi không thể tìm đến được. Có lẽ đúng là vợ chồng tôi đã đến lúc không còn cách nào cứu vãn được nữa. Đã mất hẳn nhau rồi. Và chỉ có tôi là đã không để ý đến điều đó thôi. Nhiều dây ý nghĩ được tháo rời ra torng trí tôi, rồi lại chập vào nhau làm một. “Có lẽ thế thật.” Tôi nói ra lời. Giọng nói của tôi vang vọng vào lòng tôi sao nghe trống rỗng đến thế. “Ngày mai sơn màu vào là càng thấy rõ hơn nữa.” Người Ti-Vi nói. “Chỉ cần sơn màu vào là ra dáng máy bay ngay ấy.” Tôi nhìn lòng bàn tay mình. Lòng bàn tay trông như đã rút nhỏ lại phần nào. Chỉ nhỏ lại một tí thôi. Cũng có thể là tôi cảm thấy thế thôi. Hoặc tùy ánh sáng nhiều ít mà thấy ra thế. Có thể cảm giác thăng bằng về xa gần của tôi đã bị sai lệch đi. Mà quả thật bàn tay tôi trông như đã rút nhỏ lại. Đợi một chút. Cho tôi nói. Tôi phải nói lời gì đấy. Tôi phải nói lên. Nếu không nói gì, tôi sẽ bị rút nhỏ lại, khô cạn đi, mà hóa thành đá mất. Như mọi người quanh tôi đã hóa đá. “Sắp có điện thoại gọi đến rồi đấy.” Người Ti-Vi nói. Rồi ngưng một tí như để tính toán. “Chừng 5 phút nữa thôi.” Tôi nhìn điện thoại. Tôi nghĩ đến dây điện thoại. Dây nối chằng chịt đi khắp mọi nơi. Torng cái mê cung chằng chịt kinh khủng ấy, ở đầu dây một nơi nào đấy, có vợ tôi. Xa tít xa tắp, xa đến nỗi không sao tìm đến được. Tôi cảm thấy được nhịp đập của cô ấy. Còn 5 phút nữa. Phía nào là đầu, phía nào là đuôi? Tôi đứng lên định nói gì đấy. Nhưng ngay lúc vừa đứng lên, lời nói ấy biến đi đâu mất tiêu.[1] Máy bay Hay: Anh ta nói một mình như thế nào mà giống như đang đọc thơ Chiều hôm ấy, nàng hỏi: “Này anh, từ ngày xưa đã có tật nói một mình rồi sao?” Nàng ngồi ở bàn, từ từ ngẩng mặt lên hỏi, cứ như là chợt nhớ ra điều gì. Nhưng rõ ràng là một câu hỏi không phải thuộc loại vớ vẩn để lẩn thẩn mà nghĩ ra được. Có lẽ nàng đã nghĩ đến từ lâu rồi. Giọng nàng có chút âm hưởng cứng cỏi mà khàn khàn thường nghe trong những trường hợp như thế. Lời nói ấy, trước khi rời miệng, đã được lăn tới kéo lui, do dự lắm trên lưỡi nàng rồi. Hai người ngồi hai bên chiếc bàn trong gian bếp. Ngoại trừ thi thoảng có tiếng tàu điện chạy qua đường ra gần ngay đấy, còn thì chung quanh hầu như im vắng hẳn. Có khi còn thấy im ắng quá nữa. Đường ray lúc không có tàu điện chạy qua thì im ắng lạ lùng. Sàn bếp lát nhựa cho gót chân trần của anh cảm giác lành lạnh dễ chịu. Anh đã cởi vớ tất đút vào túi quần rồi. Một buổi chiều có hơi nóng quá cho tháng Tư. Nàng mặc chiếc áo sơ mi sọc ngang màu xanh nhạt, tay áo gấp cuộn lên đến khuỷu tay. Và những ngón tay thon trắng tiếp tục nghịch chiếc muỗng cà phê. Anh ngắm những ngón tay nàng đùa nghịch như thế một lúc, chợt thấy ý thức của mình phẳng lặng một cách kỳ dị. Thấy như nàng đang cầm đầu mối của thế giới lên mà gỡ rối từng tí một. Cứ như là thế nào cũng phải gỡ lần hồi cho xong từ đầu mối ấy, rất mất thì giờ nhưng không tránh được, nên phải kiên trì mà làm tiếp thôi. Anh im lìm ngắm những động tác ấy. Im lìm vì chẳng biết nói lời gì cho phải. Chút cà phê còn lại trong cốc của anh đã nguội mất và bắt đầu đọng cặn lại. Anh vừa được 20 tuổi. Nàng lớn hơn anh 7 tuổi, đã kết hôn, có con nữa. Nghĩa là đối với anh thì nàng giống như là mặt sau của mặt trăng vậy. Chồng nàng làm trong hãng du lịch, chuyên về hoạt động du lịch ra nước ngoài. Do vậy mà thường vắng nhà gần nửa tháng. Đi xa tới những nơi như London, Roma hay Singapore. Chồng nàng có vẻ thích nhạc opera, trong nhà có nhiều đĩa nhạc Verdi, Puccini, Donizetti, Richard Strauss… từng bộ 3 đĩa, 4 đĩa dày cộm, sắp ngay hàng thẳng lối theo tên nhạc sỹ sáng tác. Trông như là biểu tượng của một thế giới quan gì đấy hơn là một bỗ sưu tập đĩa nhạc. Một thế giới quan điềm đạm nhưng thật kiên cường. Cứ khi nào kẹt lời không biết nói gì, anh lại dõi mắt theo từng chữ in trên gáy những bao đĩa nhạc ấy. Từ phải sang trái, rồi từ trái sang phải. Và nhẩm đọc trong đầu từng nhan đề nhạc: La Boheme, Tosca, Turandor, Norma, Fidelio… Loại nhạc này thì anh chưa hề nghe lần nào cả. Nói gì đến chuyện thích hay ghét, ngay cả tai anh cũng chưa hề nghe đến. Cả gia đình anh lẫn bạn bè, mọi người xung quanh anh, chẳng có một người nào yêu nhạc opera cả. Cũng chẳng ai trong bọn biết là trên thế giới này có loại nhạc gọi là opera, và lại có người nghe loại nhạc ấy nữa. Vậy mà anh lại có dịp lần đầu tiên được chứng kiến thực tế cái phía lạ lùng của thế giới ấy. Còn nàng thì không đặc biệt thích opera gì lắm. “Cũng chẳng ghét gì.” Nàng nói. “Nhưng dài quá.” Bên cạnh tủ đựng đĩa nhạc, có bộ máy stereo. Hàng ngoại, máy khuếch âm lớn dùng bóng đèn chân không, giống như loài thú thuần phục có bộ giáp cũng đang khom mình nặng nề chờ mệnh lệnh. Nói gì đi nữa, giữa đám vật dụng đơn sơ trong phòng, bộ stereo này nổi bật hẳn lên. Hiện hữu của nó vượt trội rõ ràng khiến mắt người ta phải chú ý đến ngay. Thế nhưng anh chưa hề nghe bộ máy ấy thật sự phát ra tiếng một lần nào. Nàng thì ngay cả chuyện khóa tắt mở của bộ máy ấy nằm ở đâu cũng không biết, mà anh cũng chẳng muốn động tay đến làm gì. Chẳng phải trong gia đình có chuyện lục đục gì đâu, nàng bảo anh thế. Đã lặp đi lặp lại nhiều lần rồi kia. Chồng em là người hiền lành, rất thương con, có lẽ em có phúc lắm, nàng nói thế với giọng điềm đạm nhu hòa. Lời nói ấy không có vẻ gì là đang bào chữa cho mình cả. Nàng nói về tình trạng gia đình mà nghe bàng quan như đang nói về quy luật giao thông hay về đường đổi ngày vậy. Những là: em nghĩ là mình đang có hạnh phúc gia đình, chẳng có gì đáng gọi là có vấn đề cả. Thế thì vì lý do gì mà lại ngủ với mình chứ, anh tự hỏi. Thử suy nghĩ cho ra lẽ, nhưng anh vẫn không sao hiểu ra được. Đối với anh thì ngay cả chuyện những điều gì thì có ý nghĩa cụ thể là vấn đề trong sinh hoạt gia đình, anh cũng chẳng rõ. Có lúc anh muốn hỏi thẳng nàng nhưng rồi cũng chẳng làm sao mở lời được. Đặt câu hỏi như thế nào bây giờ? Chẳng lẽ lại nói trắng ra rằng “Nếu quả thật đang hạnh phúc thì sao lại ngủ với tôi?” Anh nghĩ nếu hỏi kiểu đó hẳn là nàng sẽ khóc mất. Chẳng phải chờ đến chuyện đó, nàng vốn đã là người hay khóc. Ngậm ngùi khóc sụt sùi suốt từng hồi rõ lâu. Đại khái thì anh thường không hiểu rõ nàng khóc vì lý do gì. Mà một khi bắt đầu khóc rồi thì nàng khóc hoài nhưng không dừng lại được. Dù anh có dỗ dành cách mấy đi nữa, nàng vẫn tiếp tục khóc một hồi thật lâu. Cho đến lúc đạt được một khoảng thời gian nhất định nào đó rồi thì tự nhiên ngừng khóc. Con người ta, sao mà mỗi người lại khác biệt hẳn đi đến như thế, anh nghĩ. Từ trước đến nay, anh đã giao du với vài người đàn bà rồi. Họ đều đã có lúc khóc lóc, hờn giận. Nhưng cách khóc cách cười của mỗi người sao mà khác nhau đến thế. Tuy cũng có chỗ giống nhau đấy, nhưng chỗ khác nhau vẫn nhiều hơn. Mà có lẽ chẳng phải vì tuổi tác khác nhau. Lần đầu tiên anh giao du với một người đàn bà lớn tuổi hơn đấy, nhưng anh đã không ý thức đến sự chênh lệch tuổi tác lớn đến mức như anh đã tưởng. Anh cảm thấy khuynh hường riêng của mỗi người có ý nghĩa sâu đậm trong sự khác biệt ấy hơn là tuổi tác. Anh nhận ra rằng đó mới là chìa khóa trọng yếu để giải được những bí ẩn của đời người. Nàng hết khóc xong thì thường làm tình với anh. Tự nàng đòi hỏi chuyện ân ái với anh thì chỉ khi nào vừa khóc xong thôi. Ngoài những lúc ấy ra thì lúc nào anh cũng chủ động đòi hỏi nàng. Cũng có lúc nàng không thuận. Chẳng nói một lời nào, chỉ im lặng lắc đầu. Lúc ấy mắt nàng xa vắng như mảnh trăng ngà lúc hừng sáng, lơ lửng ở đầu mút của khung trời. Mảnh trăng phẳng, rung rung theo tiếng chim kêu đơn lẻ lúc trời hửng sáng, như ám thị một điều gì đấy. Thấy mắt nàng như thế, anh không thể nói được gì hơn. Dù chuyện làm tình bị từ chối, anh không cảm thấy tức giận hay bực bội gì, chỉ nghĩ: cũng chẳng có gì lạ. Có khi từ sâu kín trong lòng còn cảm thấy nhẹ nhõm nữa. Những lúc như thế, hai người lại ngồi ở bàn trong gian bếp, uống cà phê và thầm thì chuyện trò nhỏ giọt với nhau. Thường chỉ là những chuyện vụn vặt không đầu, không đuôi. Cả hai đều chẳng phải là người thích nói nhiều, mà cũng chẳng có đề tài chung để nói với nhau. Chỉ nhớ là đã nói gì vụn vặt, không đầu, không đuôi, thế thôi. Trong lúc hai người nói chuyện, bên ngoài song cửa đã có nhiều chuyến tàu điện chạy qua. Giao hợp xác thịt giữa hai người lúc nào cũng êm ái thầm lặng. Không có ý nghĩa chính xác của khoái lạc nhục thể. Tất nhiên, nói là không có hoan lạc trong giao hợp nam nữ thì hóa ra là lời nói dối. Thế nhưng trong đó có quá nhiều suy tưởng, nhiều yếu tố, nhiều dạng thức khác nhau hòa lẫn. Thật khác hẳn với các kinh nghiệm tình dục mà anh có từ trước đến nay. Khiến anh liên tưởng đến căn phòng nhỏ. Căn phòng sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, tạo cảm giác dễ chịu. Có những sợi mỏng nhiều màu sắc buông thõng từ trần phòng xuống. Những sợi có hình dạng khác nhau, dài ngắn khác nhau. Từng sợi màu ấy quyến rũ làm rung động tâm tình anh. Khiến anh muốn kéo xuống một sợi nào đấy. Những sợi màu chờ đợi bàn tay anh kéo xuống. Thế nhưng anh không biết mình nên kéo sợi nào cho phải. Anh có cảm tưởng là nếu kéo đúng sợi màu nào đấy thì quang cảnh tuyệt vời huy hoàng sẽ triển khai ngay trước mắt mình, nhưng nếu kéo nhầm, tức thì tất cả sẽ tàn tệ đi mất. Khiến anh vô cùng hoang mang. Và cứ mãi hoang mang như thế, rồi ngày sống cũng trôi qua mất. Trạng huống như thế thật là kỳ dị đối với anh. Từ trước đến nay, anh đã sống, mang theo giá trị quan điểm riêng của mình. Thế mà trong căn phòng ấy, vừa nghe tiếng tàu điện chạy qua vừa ôm ấp người đàn bà hơn tuổi, trầm lặng ấy, đôi lúc anh cảm thấy mình đang lạc lối quay quắt trong hôn mê tràn ngập. Nhiều lần anh tự hỏi có thật mình yêu người đàn bà này rồi sao? Nhưng anh không có được câu trả lời xác tín. Điều anh hiểu được là chuyện những sợi màu buông thõng từ trần nhà xuống. Điều đó quả là có đấy. Cuộc giao hoan lạ lùng kết thúc thì lúc nào nàng cũng nhìn đồng hồ. Trong vòng tay của anh, nàng nghếch mặt lên một tí, nhìn chiếc đồng hồ đặt bên gối. Chiếc đồng hồ báo thức màu đen có cả đài FM. Thời bấy giờ, mặt đồng hồ báo thức kèm đài ấy không phải là dạng số hiển thị bằng đèn, mà là loại bản nhỏ cuốn vòng kêu lên tiếng lạch xạch nho nhỏ. Lúc nàng nhìn đồng hồ, thì bên ngoài, tàu điện chạy qua. Cứ như là thứ phản xạ có điều kiện của số mệnh vậy. Nàng nhìn đồng hồ, thì tàu điện chạy qua! Nàng nhìn đồng hồ là để nhắm chừng giờ con gái lên bốn của nàng về từ vườn trẻ. Chỉ một lần, anh tình cờ thấy cô bé ấy. Chỉ có ấn tượng là một đứa bé có vẻ ngoan ngoãn, thế thôi. Còn ông chồng thích opera làm việc ở hãng du lịch thì anh chưa hề gặp. Thật may. Nàng hỏi anh chuyện nói một mình, vào một buổi chiều tháng Năm. Hôm ấy, nàng cũng đã khóc, rồi hai người cũng đã làm tình xong. Hôm ấy vì sao mà nàng khóc thì anh chẳng nhớ nổi. Có lẽ nàng khóc chỉ vì muốn khóc đó thôi. Đến nỗi anh có lúc đã nghĩ có lẽ nàng muốn có người nào đấy ôm cho nàng khóc, nên mới giao du với anh đấy. Không chừng, nàng không thể khóc nào một mình được, vì vậy mới cần đến anh. Khóa chặt cửa cẩn thận, kéo màn cửa sổ kín mít, lôi điện thoại vào tận bên gối, hai người làm tình trên giường. Êm ả thầm lặng, như mọi khi. Giữa chừng có một lần chuông cửa reo lên nhưng nàng bỏ mặc. Cũng chẳng giật mình hay sợ hãi gì. Nàng chỉ im lặng lắc đầu như thầm nói: Đừng lo, không sao đâu. Chuông cửa reo vài tiếng rồi người ta chán mà bỏ đi. Có lẽ là người vớ vẩn nào đó, đúng như nàng nói, người bán dạo hay gì đấy thôi. Nhưng anh lấy làm lạ sao nàng có thể hiểu được như thế. Thi thoảng có tiếng tàu điện chạy qua. Đằng xa kia còn có tiếng đàn dương cầm. Anh nhớ mơ hồ giai điệu ấy. Ngày xưa đã nghe được ở phòng âm nhạc trong trường. Nhưng không nhớ ra được tên bài nhạc. Lại có tiếng xe tải bán rau ồn ào chạy qua turớc nhà. Nàng nhắm mắt hít một hơi dài lúc anh xuất tinh. Chung quanh thật tĩnh lặng. Anh vào phòng tắm mở vòi sen. Tắm xong, lấy khăn tắm lau mình rồi trở lại phòng thì thấy nàng đang nhắm mắt nằm sấp trên giường. Anh ngồi xuống bên nàng. Rồi như mọi khi, vừa dõi mắt theo những chữ in trên gáy các bao đĩa nhạc vừa vuốt nhẹ đầu ngón tay trên lưng trần của nàng. Một hồi sau, nàng nhỏm dậy, mặc áo quần chỉnh tề rồi vào bếp pha cà phê. Xong, nàng hỏi. – “Này anh, từ ngày xưa đã có tật nói một mình rồi sao?” “Nói một mình à?” Anh ngạc nhiên, hỏi lại. – “Nói một mình, ngay lúc ấy à?” “Đâu phải! Không phải ngay lúc ấy, lúc thường kia. Chẳng hạn, lúc đang tắm vòi sen, hay lúc em đang làm bếp và anh đang đọc báo một mình ấy.” Anh lắc đầu. – “Có biết đâu. Có để ý là mình đang nói một mình đâu.” “Chứ anh nói một mình thật mà.” Nàng vừa nói, vừa nghịch xoay chiếc vòng bật lửa của anh. “Cũng chẳng phải là không tin có chuyện ấy.” Anh nói với giọng bối rối. Rồi ngậm điếu thuốc và lấy bật lửa trên tay nàng, châm lửa hút. Mới đây, anh đã đổi sang hút thuốc lá Seven Stars. Bởi chồng nàng hút Seven Stars. Chứ trước đó thì anh hút mãi thứ Hope điếu ngắn thôi. Chẳng phải nàng nài nỉ anh hút cùng loại thuốc với chồng nàng. Chính anh đã để ý để tứ mà đổi thuốc đó thôi. Bởi anh nghĩ như thế chắc là tiện hơn. Nhưng vẫn thường thấy trong các phim truyện tình cảm trên ti-vi đấy. “Hồi nhỏ, em cũng hay nói một mình lắm chứ.” “Thế à?” “Nhưng được mẹ em chữa cho đấy. Mẹ bảo làm thế khó coi lắm. Mỗi lúc bắt gặp em nói một mình lại mắng thật dữ. Dọa nhốt trong tủ để chăn mền nữa. Bị nhốt trong đó thì sợ lắm kia. Tối om mà mốc meo. Có khi còn bị đánh nữa. Lấy thước khẽ vào đầu gối. Do thế mà dần dần mất đi tật nói một mình. Hoàn toàn dứt hẳn. Tự nhiên, có muốn cũng không còn nói một mình được nữa.” Anh chẳng biết nói sao nên đành lặng thinh. Nàng cắn môi. “Bây giờ cũng thế, bất chợt lời nói một mình sắp sửa vọt ra thì bị nuốt trôi ngay như một phản xạ. Bởi đã được răn dạy lúc nhỏ rồi. Thế nhưng em thật chẳng hiểu. Nói một mình thì có gì xấu đâu nào? Chỉ là lời nói tự nhiên vọt ra ngoài miệng thôi chứ gì? Phải chi mẹ em còn sống để em hỏi cho ra lẽ. Cho ra chỗ nào là xấu.” “Thế bà cụ đã mất rồi à?” “Ừ”, nàng nói. – “Thật muốn hỏi cho ra lẽ quá. Tại sao lại la phạt em đến mức ấy chứ?” Nàng tiếp tục hí hoáy nghịch chiếc muỗng cà phê. Rồi bất giác đưa mắt nhìn đồng hồ treo tường. Nàng vừa nhìn lên đồng hồ.thì bên ngoài, tàu điện chạy qua. Nàng chờ cho tàu chạy qua xong mới nói. – “Em nghĩ lòng người có lẽ giống như lòng giếng sâu. Không ai biết dưới đáy giếng có gì. Chỉ có thể tưởng tượng từ hình dáng những gì thỉnh thoảng lại nổi từ đáy giếng ấy lên mà thôi.” Hai người suy nghĩ về giếng sâu ấy một hồi. “Thế tôi nói một mình những lời như thế nào?” Anh ướm hỏi. “À…” Nàng lắc nhẹ đầu vài lần. Như muốn âm thầm kiểm điểm cử động của mấy đốt xương cổ. – “Chẳng hạn, anh nói về máy bay đấy.” “Máy bay à?” Anh ngạc nhiên. “Ừ”, nàng nói. – “Máy bay trên trời ấy.” Anh cười. Sao lại nói gì một mình về máy bay thế nhỉ? Nàng cũng cười. Rồi ngón tay trỏ của bàn tay phải và bàn tay trái giơ lên như đo lường bề dài của vật thể tưởng tượng đang nổi lên giữa không trung. Nàng có thói quen như thế. Mà chính anh thỉnh thoảng cũng bất giác làm những động tác tương tự. Tật của nàng đã lây sang anh rồi. “Anh nói rõ ràng lắm kia. Thật sự không nhớ sao?” Nàng nói. “Chẳng nhớ được.” Nàng cầm cây bút bi trên bàn lên, tí toáy xoay vòng cây bút một hồi, rồi lại ngước nhìn đồng hồ. Trong vòng năm phút ấy, đồng hồ quả thật đã tiến lên đúng năm phút. “Anh nói một mình mà cứ như đang đọc thơ ấy.” Nàng nói xong, mặt có hơi ửng đỏ. Vì sao chuyện anh nói một mình lại làm nàng đỏ mặt, anh tự hỏi thế và chợt cảm thấy là lạ. “Tôi nói một mình. Cứ như là đọc thơ.” Anh thử nói ra thế. Nàng lại cầm cây bút bi lên lần nữa. Cây bút bi bằng nhựa màu vàng có in hàng chữ kỷ niệm mười năm chi nhánh nào đấy của ngân hàng gì đấy. Anh chỉ cây bút bi và nói. “Này, khi nào tôi nói một mình thì dùng cây bút ghi lại hộ xem tôi nói lời gì đi nhé.” Nàng nhìn đăm đăm vào sâu trong mắt anh. “Anh thật tình muốn biết à?” Anh gật đầu. Nàng với tay lấy tập giấy ghi nhớ, cầm cây bút bi hí hoáy viết. Rồi cứ thế mà cầm bút viết không ngưng, không nghỉ. Trong lúc ấy, anh chống tay vào cằm, ngắm hàng mi dài của nàng. Mắt nàng chớp vài giây một lần, không theo quy tắc nào cả. Cũng hàng mi ấy… Hàng mi mới lúc nãy đã đẫm nước mắt ấy… Ngắm hàng mi ấy một lúc, anh lại đâm ra hoang mang. Chuyện anh ngủ với nàng không biết có ý nghĩa gì nhỉ. Cảm giác hụt hẫng kỳ dị xâm chiếm anh, như tuồng một phần của hệ thống phức tạp nào đấy đã bị kéo dãn ra đến mức biến thành đơn giản tột cùng mất rồi. Anh nghĩ thế là mình cũng chẳng còn đi đâu được nữa cả. Nghĩ thế, lại thấy khiếp sợ đến không chịu nổi. Cảm thấy hiện hữu của mình cứ thế mà tan loãng rồi mất hẳn đi. Chứ anh còn trẻ quá, như bùn non mới sinh, còn nói một mình như đang đọc thơ kia mà! Viết xong, nàng chuyền mảnh giấy ghi nhớ ấy qua bàn cho anh. Anh cầm mảnh giấy lên. Gian bếp thoáng chút gì như là bóng dáng còn sót lại đang nín hơi im lìm. Ở bên nàng, thỉnh thoảng anh lại cảm nhận có bóng dáng gì đấy sót lại như thế. Bóng dáng của thứ gì đấy đã mất đi ở nơi nào đấy rồi. Bóng dáng còn sót lại của một thứ gì mà anh chưa hề biết đến. “Em nhớ lại được rõ ràng như thế đấy.” Nàng nói. – “Đây là lời anh đã nói một mình về máy bay đấy.” Anh thử lên giọng đọc những gì nàng đã ghi lại. “Máy bay, máy bay bay đi Tôi ngồi trong máy bay Máy bay bay đi Nhưng dù đã bay đi Máy bay bay đi Trên không trung sao?” “Chỉ có thế này à?” Anh hỏi, có phần thất vọng. “Đúng thế, chỉ có thế thôi.” Nàng đáp. “Khó tin thật. Nói một mình dài dòng thế này, mà chính mình lại chẳng nhớ gì cả?” Anh nói. Nàng cắn nhẹ môi dưới, rồi mỉm cười thật nhẹ. “Nhưng anh đã nói thế thật đấy.” Anh thở dài. – “Kỳ lạ thật. Máy bay thì chưa hề nghĩ đến lần nào cả. Hoàn toàn không nhớ chuyện như thế. Tại sao chuyện máy bay lại vọt ra đột ngột thế được chứ?” “Thế mà ngay lúc nãy trong phòng tắm, anh đã nói rõ ràng như thế đấy. Bởi vì mặc dù anh không suy nghĩ gì về máy bay cả, nhưng lòng anh đang ở sâu trong rừng rậm ở xứ nào xa lắm lại đang nghĩ đến chuyện máy bay đấy chứ gì.” “Hoặc là ở sâu trong rừng rậm ở xứ nào đấy, mà đang chế tạo máy bay không chừng.” Anh nói. Nàng đặt cây bút xuống nghe cạch một tiếng nhỏ, rồi ngước mắt lên nhìn đăm đăm khuôn mặt anh. Hai người im lặng một hồi. Trên bàn, cà phê tiếp tục nguội đi, đóng cặn. Trục quả đất xoay vòng, mặt trăng âm thầm biến đổi trọng lực làm thủy triều lên xuống. Thời gian trôi trong trầm mặc, tàu điện chạy qua trên đường sắt. Anh và nàng suy nghĩ cùng một điều. Về chuyện máy bay. Về chuyện lòng anh đang ở sâu trong rừng rậm mà chế tạo máy bay. Về chuyện máy bay cao lớn, hình dáng ra sao, sơn màu gì, bay đi đâu. Về chuyện ai đi máy bay ấy. Về chiếc máy bay đang âm thầm chờ đợi người nào đó, trong rừng sâu. Rồi một lúc sau, nàng lại khóc. Lần đầu tiên nàng khóc hai lần trong một ngày. Và cũng là lần cuối cùng. Đối với nàng, đó là chuyện đặc biệt gì đấy. Anh dang tay qua bàn, chạm nhẹ tóc nàng. Có cảm xúc thật sống động thế nào ấy. Cứ như chạm vào chính cuộc đời, thật cứng, thật trơn, mà cũng thật xa xôi. Anh nghĩ. Ừ, thời ấy, tôi đã nói một mình như đang đọc thơ ấy.[2] Truyền thuyết dân gian của thời đại chúng tôi Hay: Tiền sử của chủ nghĩa tư bản cao độ Đây là chuyện thực, đồng thời là chuyện ngụ ngôn. Mà cũng là truyền thuyết dân gian của thời đại những năm 1960 của chúng tôi. Tôi sinh năm 1949, lên trung học năm 1961, vào đại học năm 1967. Và đã đón tuổi đôi mươi giữa những náo động ầm ĩ của thời đại ấy. Vì thế mà chúng tôi quả thật là “Lớp trẻ của thời 60” đúng theo nghĩa ấy. Đúng vào lứa tuổi chưa trưởng thành, dễ bị tổn thương nhất của đời người, chúng tôi đã hít thở đầy lồng ngực cái không khí hung bạo hoang dại của thời đại những năm 1960, và tất nhiên là say đắm trong đó như một định mệnh không tránh được. Với đầy đủ nhạc đệm từ Beatles, Doors cho đến Bob Dylan. Thập niên 1960 quả thật là thời đại có gì đó đặc sắc. Bây giờ nhớ lại, thấy như thế, mà ngay lúc sống trong thời đại ấy, cũng đã nghĩ thế. Thời đại này có gì đó đặc sắc. Chẳng phải là tôi cảm thương trong hoài niệm, hay tự hào gì về thời đại mà mình đã trưởng thành. Chứ có ai ở cái xứ nào mà vì lý do gì lại phải tự mãn về một thời đại nào đó đâu. Tôi chỉ thuật lại sự thực như một sự thực, thế thôi. Vâng, quả thật thời đại ấy có gì đó đặc sắc. Mặc dù tôi nghĩ rằng những gì trong thời đại ấy chẳng phải là thứ gì đặc biệt hiếm có. Những thứ như nhiệt lượng phát sinh từ chuyển động của thời đại, những hứa hẹn được giương lên, thứ vinh quang hạn chế được tạo nên từ một loại hành động nào đấy trong một thời kỳ nào đấy, và nỗi bồn chồn hăm hở không tránh được như khi dòm vào kính viễn vọng đặt ngược, cùng những anh hùng và kẻ gian ác, say đắm và vỡ mộng, tử vì đạo và đổi đạo, tổng luận và biệt luận, trầm mặc và hùng biện, rồi thời gian chờ đợi nhàm chán mỏi mòn, vân vân và vân vân… Những thứ ấy thì thời đại nào mà chẳng có, ngay cả bây giờ đây cũng có nữa. Thế nhưng thời đại của chúng tôi (xin tha thứ cho biểu hiện có phần khoa trương này) thì những thứ ấy đã từng tồn tại từng thứ một, rõ ràng như có thể nắm trong tay được. Từng thứ một đã bày ra rõ ràng trên ngăn tủ. Cầm lên tay thì rõ ràng chắc chắn, chứ không như bây giờ, thứ gì cũng dính theo hàng dãy những phụ tùng phức tạp, như loại quảng cáo khoác áo choàng che giấu ẩn ý, lỉnh kỉnh những thứ gọi là thông tin liên hệ hữu ích, những mẫu phiếu giảm giá, những lựa chọn nâng cấp, hấp dẫn mà phức tạp quá. Cứ phải ôm lấy một đống cẩm nang sử dụng “Vâng, đây là cẩm nang giải thích cơ sở, đây là cẩm nang cấp trung, còn đây là cẩm nang ứng dụng cấp cao, và đây là sách chỉ dẫn cách nối vào máy cao cấp hơn…” Chứ thời ấy thì chỉ đơn giản là cầm món đồ lên tay mà mang về nhà là được rồi. Không khác gì mua gà con từ chợ đêm. Cực lỳ đơn giản mà hoang sơ. Và có vẻ đó là thời đại cuối cùng mà cách làm đơn giản ấy còn có thể dùng được. Đó là thời tiền sử của Chủ nghĩa tư bản cao độ. Vậy thì, hãy nói sang chuyện đàn bà. Chuyện quan hệ tính dục náo động, vừa vui thích vừa buồn thảm giữa chúng tôi, thời ấy vừa gắn được vào người một bộ phận sinh dục mới toan, và các cô, thời ấy vẫn còn là thiếu nữ. Đây là một chủ đề của bài này. Trước nhất, nói về trinh tiết. Chữ trinh tiết khiến tôi liên tưởng đến đồng cỏ mùa xuân trong một buổi chiều trời đẹp. Chẳng hiểu tại sao lại như thế. Ở thời đại những năm 1960 thì trinh tiết vẫn còn có một ý nghĩa trọng đại hơn bây giờ nhiều. Theo cảm nhận của tôi, tất nhiên chỉ có thể nói phỏng chừng thôi chứ đâu có dựa vào kiểm tra gì, thời đại của chúng tôi thì tỉ lệ các cô gái mất trinh trước năm hai mươi tuổi vào khoảng năm mươi phần trăm. Ít nhất là chung quanh tôi, tỉ lệ là như thế đấy. Nghĩa là khoảng nửa số thiếu nữ, tuy có ý thức hay không thì không biết, vẫn còn tôn trọng trinh tiết. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ phần đông các thiếu nữ trong thời đại của chúng tôi, có thể gọi họ là phái trung dung, cho dù kết cuộc là trinh nữ hay không, trong lòng hẳn cũng đã hoang mang rất nhiều về vấn đề này. Có lẽ họ nghĩ thời đại này thì khó mà quan trọng hóa chuyện trinh tiết được, thế nhưng mặt khác cũng không thể đoan quyết rằng trinh tiết chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là chuyện ngốc nghếch mà thôi. Vì thế kết cuộc, cứ nói quách ra rằng, các cô còn trinh hay không, chỉ là chuyện thời cơ mà thôi. Nghĩa là tùy theo trạng huống, tùy theo đối tác thôi. Tôi nghĩ đó là lối suy nghĩ, lối sống rất thỏa đáng. Và tầng lớp thiếu nữ ấy là khối đa số tương đối thầm lặng bị kẹp giữa lớp người phóng túng và lớp người bảo thủ. Từ các cô chủ trương rằng tính dục là thể thao, cho đến các cô xác tín rằng trinh tiết phải được bảo toàn cho đến khi thành hôn. Và trong đám nam nhi chúng tôi cũng có người khăng khăng chỉ muốn kết hôn với trinh nữ mà thôi. Thời đại nào cũng vậy, có đủ loại người, đủ loại giá trị quan. Nhưng thời đại những năm 1960 khác với những thời đại lân cận ở chỗ chúng tôi xác tín rằng: nếu thời đại của chúng tôi cứ tiến hành song suốt được như thế thì lúc nào đấy, sự khác biệt về giá trị quan ấy sẽ vùi lấp đi được. Peace! Hòa bình cho toàn thế giới! * * * Đây là chuyện của người tôi quen. Hắn là bạn cùng lứa của tôi ở trưởng trung học cấp ba. Nói ngắn gọn thì hắn là người làm giỏi tất cả mọi chuyện. Học giỏi, thể thao giỏi, tử tế, có tư cách lãnh đạo. Dù không đặc biệt đẹp trai nhưng khuôn mặt sáng sủa, dễ nhìn. Luôn luôn làm trưởng lớp, như chuyện đương nhiên. Giọng nói dễ nghe, hát hay nữa. Lại có tài hùng biện. Lần nào thảo luận toàn lớp, hắn cũng là người nói ý kiến chung kết. Tất nhiên, ý kiến ấy chẳng đến mức độc sáng gì. Thế nhưng đâu có ai đòi hỏi ý kiến độc sáng gì trong các buổi thảo luận trong lớp ấy? Chúng tôi lúc ấy chỉ đòi hỏi dù gì đi nữa cũng chấm dứt sớm giùm cho. Mà quả thật, lúc hắn mở miệng nói ý kiến đúc kết thì vừa đến lúc thảo luận xong. Trong ý nghĩa đó, có thể nói hắn là người đáng quý. Trên thế gian này, vẫn có vô số những trường hợp không cần đến tính độc sáng, hoặc nói khác đi, trường hợp không cần đến tính độc sáng vẫn nhiều hơn. Hắn cũng là người tôn trọng quy luật và lương tâm. Trong giờ học sinh tự học không có thầy giáo, nếu có ai đùa giỡn ồn ào thì hắn ôn tồn cảnh cáo ngay. Hắn là người không có chỗ nào chê được. Thế nhưng một gã trai kiểu ấy suy nghĩ những gì trong đầu, thì tôi không tưởng tượng ra được. Đôi lúc tôi muốn lôi cái đầu hắn ra khỏi cổ mà xem có gì bên trong. Lắc xem tiếng kêu như thế nào. Tuy nhiên, các nữ sinh thì thích hắn lắm. Mỗi lần hắn đứng lên phát biểu gì đấy là các cô lại đắm đuối nhìn hắn một cách mến phục. Có bài toán nào khó giải, các cô lại đến hỏi hắn. Hắn được lòng người gấp hai mươi bảy lần tôi. Thật tình hắn là một người như thế. Tôi nghĩ những ai đã học ở trường công lập trung học phổ thông thì hiểu được là có nhiều mẫu nam sinh như thế. Lớp nào hẳn cũng có một người kiểu ấy, chứ không có thì lớp học không hoạt động trôi chảy được. Chúng ta trải qua giáo dục học đường suốt một thời gian dài, tự nhiên mà ôm vào mình đủ thứ cẩm nang sinh hoạt. Một trong những trí tuệ mà tôi thu thập được từ đấy là: dù muốn dù không, khi ở trong một cộng đồng thì không thể không chấp nhận sự hiện hữu của mẫu người như thế. Nhưng khỏi nói cũng biết là cá nhân tôi thì không ưa gì mấy mẫu người như thế. Không hợp tạng. Tôi thì thích người không hoàn toàn, mà cho cảm giác là người thật hơn. Thế nên, dù chung lớp suốt một năm học, nhưng tôi thì hầu như không giao thiệp gì với hắn. Hầu như là chẳng nói chuyện gì với nhau. Lần đầu tiên tôi và hắn nói chuyện với nhau là vào kỳ nghỉ hè năm thứ nhất đại học. Cả hai đi tập ở một trường dạy lái xe nên mới gặp mặt nhau mà nói chuyện. Có lúc cùng uống trà đợi giờ tập lái. Trường dạy lái xe thì đúng là chỗ nhàm chán, nên gặp được ai quen biết thì muốn nói chuyện lắm. Tôi chẳng nhớ là đã nói chuyện gì với hắn ở đấy, nhưng cũng không có ấn tượng xấu nào lưu lại. Mà thật lạ lùng là chẳng còn ấn tượng gì về hắn cả, dù tốt hay xấu. Vả lại, trước khi lấy được bằng lái xe tạm thời thì tôi đã gây nhau với người dạy lái rồi bỏ nửa chừng, nên thời gian giao thiệp với hắn cũng quá ngắn. Sau này, tôi nhớ đến hắn thì chỉ nhớ chuyện hắn có bạn gái thôi. Cô ấy học lớp khác, nổi tiếng là một trong vài người đẹp nhất trường. Vừa đẹp, vừa học giỏi, thể thao khá, có khả năng lãnh đạo, luôn luôn nói ý kiến đúc kết cuối cùng trong các buổi thảo luận trong lớp. Lớp nào hẳn cũng có một nữ sinh như thế. Nói tóm lại, đó là một cặp thật xứng đôi. Tôi được thấy họ ở nhiều nơi. Giờ nghỉ trưa thường thấy họ ngồi bên nhau trò chuyện. Giờ về cũng chờ nhau về chung. Đi cùng chuyến tàu điện, tuy xuống hai ga khác nhau. Hắn thuộc đội bóng đá, cô thuộc ban ESS (tôi không biết bây giờ còn dùng chữ ESS không, chứ có nghĩa là Ban nói tiếng Anh đấy). Sinh hoạt ban đội nếu không xong cùng giờ thì người xong trước đến thư viện ngồi học và chờ. Có vẻ họ cứ có giờ rảnh là gặp nhau và trò chuyện liên miên với nhau. Tôi nhớ là mình đã thán phục họ sao mà có lắm chuyện để nói với nhau như thế. Tụi tôi (tức là tôi và đám bạn không được hoàn hảo, chơi chung với nhau) chẳng ai chế nhạo gì cặp ấy cả. Cũng chẳng bàn tán gì về họ. Bởi chuyện của cặp ấy chẳng có chút khe hở nào để trí tưởng tượng của tụi tôi chen vào được cả. Chuyện của họ hiện hữu một cách đương nhiên. Người con trai lý tưởng và người con gái lý tưởng. Mr Clean và Miss Clean. Như là quảng cáo kem đánh răng vậy. Cặp ấy có nghĩ gì, có làm gì đi nữa, tụi tôi cũng hoàn toàn chẳng quan tâm chút nào. Hứng thú của tụi tôi lúc ấy phải sống động hơn nhiều. Ở những thứ như chính trị, nhạc Rock, tính dục, ma túy… Tụi tôi đến hiệu thuốc, gắng tìm cách mua được bao cao su, và tập luyện cách mở nịt ngực bằng một tay. Tụi tôi chế tạo bột chuối, cho vào ống điếu, đốt hút, vì nghe nói thay thế được ma túy LSD. Kiếm được thứ cỏ giông giống cần sa, phơi khô, cuốn lại thành điếu mà hút. Tất nhiên, chả có hiệu quả gì cả. Nhưng thế là tốt rồi. Bởi đó là một thứ nghi thức tế lễ. Tụi tôi cảm thấy khoái trá vì nghi thức ấy. Vào thời kỳ như thế thì ai mà thích thú gì chuyện Mr Clean và Miss Clean? Hiển nhiên là tụi tôi vừa khù khờ vừa ngạo mạn. Hoàn toàn chẳng hiểu cuộc đời là cái thứ gì. Trong thế giới hiện thực của tụi tôi, chẳng có Mr Clean và Miss Clean. Đó chỉ là huyễn tưởng thôi. Thứ đó chỉ có ở vườn chơi Disney Land hoặc trong thế giới của quảng cáo kem đánh răng. Mà huyễn tưởng trong trí của tụi tôi hay huyễn tưởng trong trí của cặp ấy, cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Đây là chuyện của cặp ấy. Chẳng phải là chuyện thú vị gì, mà cũng chẳng cho được một bài học nào. Thế nhưng vẫn là chuyện của chính họ. Và cũng là một truyền thuyết dân gian của thời đại chúng tôi. Tôi nghe từ miệng hắn như thế này. Chỉ là chuyện buột miệng nói ra sau khi đã cạn những chuyện trên trời dưới đất trong lúc đưa cay vài ly rượu vang. Vì thế có lẽ không thể gọi là chuyện thật theo ý nghĩa nghiêm túc được. Vả lại, có chỗ tôi đã nghe qua mà quên đi, hay có những chi tiết tôi đã phải tưởng tượng ra cho hợp với câu chuyện nữa. Và cũng có chỗ tôi cố ý chuyển đổi đề khỏi gây phiền nhiễu cho những nhân vật có thực, ở chừng mực sao cho cốt truyện không bị trắc trở. Nhưng tôi nghĩ rằng thực tế đã xảy ra gần đúng như thế. Dù có quên phần nào chi tiết, tôi vẫn nhớ rõ giọng điệu hắn kể chuyện. Tái hiệu được giọng điệu ấy là yêu cần quan trọng nhất trong việc viết thành văn chương những gì đã được người ta kể lại. Chỉ cần nắm bắt được giọng điệu ấy là chuyện kể trở thành chuyện thật. Dù sự thật có lẽ đã khác đi đôi chút chăng nữa, chuyện kể vẫn là chuyện thật. Có khi đôi chút khác đi ấy lại làm tăng thêm vẻ thực của câu chuyện nữa. Ngược lại, trên đời này vẫn có những chuyện mà dù tất cả chi tiết đều đúng, lại chẳng phài chuyện thật. Những chuyện kiểu này thường nhàm chán, có khi còn nguy hiểm nữa. Dù gì đi nữa, những chuyện như thế thì chỉ cần ngửi chút hơi hướm cũng đủ nhận ra ngay. Xin nói trước một điều nữa rằng, hắn là một người kể chuyện hạng tồi. Không hiểu sao, vị thần rộng rãi đối với hắn trên tất cả các phương diện khác, riêng về tài năng kể chuyện thì lại keo kiệt. Tuy loại tài năng quê mùa này thì không ích lợi gì cho đời sống thực tế cả. Vì thế, thành thật mà nói thì lúc nghe hắn kể chuyện, tôi đã bất giác muốn ngáp dài vài lần rồi, tuy đã cố kiềm lại được. Cũng có lúc hắn lạc đề một cách vô cớ. Có lúc hắn kể vòng vòng lặp lại cùng chỗ. Và mất thì giờ nhiều để nhớ lại mà kể. Hắn đã cầm lên tay từng mảnh vụn của câu chuyện, ngắm nghía cẩn thận, đến lúc chấp nhận được là không có gì sai mới sắp xếp từng mảnh một theo đúng thứ tự, lên bàn. Thế nhưng thứ tự ấy thỉnh thoảng vẫn sai trật đi mất. Tiểu thuyết gia, nhà chuyên môn kể chuyện là tôi đây, đã phải chuyển đổi thứ tự của những mảnh vụn ấy, lấy keo ghép dán lại thận trọng tỉ mỉ mới thành được câu chuyện. Chẳng hiểu sao tôi và hắn đã gặp lại nhau ở thành phố Lucca miền Trung nước Ý. Khoảng ấy, tôi sống trong một căn phòng thuê ở Roma. Nhằm lúc vợ tôi phải về Nhật vì công việc, tôi ở lại một mình thư thả vui thú du lịch bằng xe lửa. Từ Venetia qua Verona, Mantova, Modena, ghé lại Lucca. Đây là lần thứ hai tôi đến Lucca. Thành phố yên tĩnh. Ngoại biên thành phố có quán ăn bán món nấm rất ngon. Còn hắn đến Lucca vì chuyện buôn bán. Tình cờ cả hai ở chung khách sạn. Thế giới nhỏ hẹp thật. Tối hôm ấy, chúng tôi dùng bữa chung trong quán ăn. Cả hai đều đi du lịch một mình, và đều đang chán ngấy. Theo với tuổi tác, du lịch một mình đâm ra chán ngấy. Lúc còn trẻ thì khác. Dù đi một mình hay đi với ai khác, du lịch đến đâu cũng tha hồ vui thích. Nhưng tuổi cao lên rồi thì hết. Du lịch một mình chỉ vui thú đâu được 2, 3 ngày đầu mà thôi. Dần dần, phong cảnh trông rườm mắt quá, giọng nói người ta nghe rườm tai quá. Nhắm mắt lại thì nhớ đến những chuyện xưa mà mình ghét. Làm biếng xuống quán ăn, cảm thấy thời gian chờ tàu điện sao mà dài quá. Lắm lần nhìn đồng hồ. Nói tiếng ngoại quốc sao mà phiền phức quá. Thế nên, chúng tôi có lẽ đã thở ra nhẹ nhõm khi trông thấy nhau. Chúng tôi ngồi ở bàn trước lò sưởi trong quán ăn, gọi chai vang đỏ thương hạng, ăn món nấm khai vị, món mì nấm, món thịt nướng nấm. Hắn tìm đến Lucca để mua đồ gỗ dùng trong nhà. Hắn kinh doanh một hãng nhập cảng chuyên về đồ gỗ Âu châu. Tất nhiên rất thành công. Hắn không làm bộ tự mãn mà cũng chẳng gợi ý tự mãn, chỉ đưa tôi một danh thiếp và nói đang làm một hãng nhỏ, thế thôi, nhưng chỉ nhìn sơ cũng hiểu là hắn đã thành công vượt bực rồi. Hiểu được từ trang phục của hắn, từ lối nói chuyện, nét mặt, cử chỉ, phong thái của hắn. Thành công đã ngấm sâu vào con người hắn rồi. Đến cả tôi cũng cảm thấy khoan khoái lây. Hắn bảo đã đọc tất cả các tiểu thuyết của tôi: “Tôi nghĩ là cậu và tôi có lẽ suy nghĩ khác nhau và nhắm đến những đích khác nhau. Thế nhưng, có khả năng kể được chuyện gì đấy cho người khác nghe, thì đúng là điều tuyệt vời.” Hắn nói. Có lý lắm. “Nếu kể được một cách trôi chảy.” Tôi tiếp lời. Lúc đầu chúng tôi nói chuyện về nước Ý. Tàu điện chạy tùy tiện không đúng giờ giấc, các bữa ăn kéo dài tốn thì giờ. Thế nhưng, không hiểu sao lúc chai rượu vang thứ hai được mang đến thì hắn đã bắt đầu câu chuyện này. Và tôi lắng nghe, thỉnh thoảng lại đệm nhịp theo hắn. Có lẽ từ lâu rồi, hắn đã mong muốn có người nghe hắn kể chuyện ấy. Nhưng đã chẳng kể được với ai. Nếu không có quán ăn thoải mái trong khu phố nhỏ vùng Trung bộ nước Ý này, không có chai rượu vang Coltibuono 1983 thơm ngon này, không có ngọn lửa ấm cúng bập bùng trong lò sưởi này, thì có lẽ câu chuyện này đã không được dịp kể lại. Hắn đã kể như sau: * * * “Tôi thì từ ngày xưa đã cho rằng mình là người nhàm chán.” Hắn nói. “Ngay từ hồi nhỏ tí đã là một đứa bé không bao giờ lọt ra ngoài khuôn khổ. Lúc nào cũng thấy chung quanh mình có khuôn khổ gì đấy, phải chú ý mà sống sao cho đừng lọt ra ngoài khung ấy. Lúc nào trước mắt tôi cũng thấy có đường vạch rõ. Cứ như là làn vôi trên đường cao tốc nhắc nhở. Men theo làn xe bên phải về hướng nào đấy, coi chừng sắp có khúc quẹo, cấm qua mặt… chẳng hạn chế. Cứ làm đúng những chỉ thị ấy, là mọi việc song suốt thôi. Việc gì cũng thế. Cứ làm đúng thế thì được mọi người khen ngợi. Mọi người thán phục. Lúc nhỏ thì tôi đã tưởng tất cả mọi người khác cũng nhìn thấy như mình. Nhưng về sau tôi biết không phải là thế.” Hắn nâng ly rượu hướng về ánh lửa và ngắm nghía một lúc. “Đời tôi, ít nhất khoảng đầu là như thế, và trong ý nghĩa ấy thì đã rất thuận buồm xuôi gió. Chẳng có gì đáng gọi là vấn đề cả. Thế nhưng bù lại, tôi đã chẳng nắm được ý nghĩa của đời mình là gì. Càng lớn lên, mối băn khoăn ấy lại càng mạnh lên. Tôi chẳng hiểu mình tìm kiếm gì. Thứ gì tôi cũng giỏi cả, từ toán, anh ngữ, cho đến thể thao. Bố mẹ tôi khen ngợi, thầy cô tán thưởng, lại vào được đại học tốt. Thế nhưng tự mình không hiểu mình hướng về chuyện gì, mình muốn làm gì. Những năm đại học, tôi hoàn toàn chẳng rõ mình nên chuyên ngành nào. Nên chọn khoa luật, nên theo kỹ thuật, hay nên đi y khoa. Khoa nào thấy cũng được cả. Khoa nào tôi cũng nghĩ là mình làm được. Thế nhưng tách bạch ra là khoa nào, thì lại lúng túng. Cuối cùng tôi đã nghe theo bố mẹ và thầy giáo mà vào khoa Luật ở Đại học Tokyo. Bởi các vị ấy bảo đấy là hướng thích hợp nhất. Tôi đã chẳng có phương châm rõ ràng nào cả.” Hắn lại nhấm một ngụm rượu vang rồi hỏi: “Thế cậu có nhớ cô bạn gái thời trung học cấp ba của tôi không nào?” “Fujisawa gì đấy phải không?” Tôi gắng nhớ lại tên cô ấy. Không chắc lắm, nhưng cũng đúng. Hắn gật đầu: “Đúng đấy, Fujisawa Yoshiko. Mà chuyện cô ấy, tôi cũng hoang mang như thế. Tôi yêu cô ấy. Thích ở bên cô, nói với nhau đủ thứ chuyện. Tôi đã có thể thổ lộ với cô ấy mọi chuyện trong lòng mình, mà cô ấy cũng thông cảm được mọi điều với tôi. Có thể nói chuyện với nhau hoài hoài được. Quả thật là điều tuyệt vời đấy. Chứ trước khi gặp cô ấy, tôi đâu có bạn nào chuyện trò được với tôi.” * * * Có thể nói hắn và Fujisawa Yoshiko là hai đứa sinh đôi về tinh thần. Hoàn cảnh sinh sống của cả hai giống nhau đến mức quái đản. Cả hai đều có khuôn mặt căn chỉnh, học giỏi, sinh ra để lãnh đạo. Siêu sao trong lớp học. Cả hai gia đình đều giàu có, mà cha mẹ bất hòa, người mẹ lớn tuổi hơn nên người cha có vợ khác và ít khi về nhà. Cha mẹ không ly dị chỉ vì muốn giữ thể diện đối với thiên hạ thôi. Trong nhà thì người mẹ quyết định mọi chuyện. Cả hai đều nghĩ: làm việc gì cũng phải vượt trội hơn người. Cả hai đều không thể có bạn thân được. Được mọi người biết đến nhưng không làm bạn được. Tại sao thì chẳng rõ. Có lẽ người thông thường, không được hoàn hảo thì chọn bạn cũng thuộc loại người không hoàn hảo như mình. Vì vậy, cả hai đều cô độc thường trực và lúc nào cũng căng thẳng. Thế rồi, tình cờ họ thân với nhau. Họ cởi mở tâm hồn cho nhau và rồi trở thành người yêu của nhau. Từ đó họ luôn luôn ăn trưa chung, về chung với nhau. Có giờ rảnh lại sát cánh trò chuyện. Chuyện muốn nói với nhau thì nhiều như núi. Chủ nhật thì học chung. Những lúc chỉ có hai người bên nhau, là lúc họ thư thái nhất. Hai người hiểu rõ tâm tình của nhau như nắm chắc được trong tay vậy. Họ kể cho nhau nghe cảm giác cô độc, mất mát, bất an, và cả những mơ mộng mà họ ôm ấp từ trước đến nay. Kể hoài không chán. Dần dần, họ ôm ấp nhau mỗi tuần một lần. Thường là trong phòng ở nhà họ. Nhà hai bên đều thường ít có người ở nhà, bố ít khi về, mà mẹ thì nhiều công chuyện nên phải rời nhà ra đi, vì thế cũng dễ dàng cho họ. Hai người đặt ra luật không được cởi áo quần. Và chỉ được dùng ngón tay mà thôi. Cứ thế mà ôm ấp nhau kịch liệt đắm đuối trong khoảng mười, mười lăm phút, sau đó ngồi vào bàn học, học chung với nhau. “Nào, chừng này đủ rồi chứ nhỉ? Bắt đầu học đi nhé?” Cô ấy vừa nói vừa sửa lại gấu váy. Thành tích học vấn của hai người tương đương với nhau nên họ có thể học hành vui thích, cố gắng và tranh đua như trong trò chơi vậy. Thường đo giờ xem ai giải toán nhanh hơn. Đối với họ, học tập chẳng phải là chuyện gì khổ nhọc, mà có vẻ như là khả năng thiên bẩm. “Những lúc như thế thật là vui thích”, hắn nói. – “Có thể người khác cho là ngu ngơ, nhưng vui thích thật đấy. Niềm vui thích ấy có lẽ chỉ có những người như chúng tôi mới hiểu được thôi.” Thế nhưng cũng chẳng phải là hắn hoàn toàn mãn nguyện về quan hệ như thế. Hắn cảm thấy thiếu thốn gì đấy. Đúng vậy, hắn muốn ngủ với cô ấy. Hắn đòi hỏi chuyện tình dục thực sự kia. Hắn gọi là “Cảm giác hai xác thân hợp lại thành một.” Hắn cần điều đó. Đến được đó rồi thì hai người được giải phóng và có thế hiểu nhau sâu đậm hơn nữa. Đối với hắn, đó là tiến trình tự nhiên của tình cảm. Thế nhưng cô ấy lại nhìn sự vật từ một quan điểm hoàn toàn khác. Cô mím môi, lắc đầu. “Em yêu anh lắm chứ. Nhưng em muốn giữ mình trinh trắng cho đến ngày thành hôn.” Cô dịu dàng nói. Và dù hắn cố tận dụng mọi lời nói để thuyết phục cô cách gì đi nữa, cô cũng khăng khăng không thuận. “Em yêu anh, nhiều lắm chứ. Nhưng chuyện ấy và chuyện này khác nhau. Đối với em thì rõ ràng tách bạch như thế. Em hiểu là không đúng ý anh, nhưng xin anh gắng nhịn. Em van anh. Anh thật lòng yêu em thì kìm chế được chứ nhỉ?” “Cô ấy đã nói đến thế thì tôi chỉ còn tôn trọng mà chấp nhận thôi.” Hắn nói với tôi thế. – “Đó là vấn đề lối sống của mỗi người, làm sao mà tôi nói gì được. Tôi thì nghĩ trinh tiết chẳng là điều quan trọng. Cho dù cưới phải một cô gái không còn trinh nữa, cũng chẳng sao cả. Cũng không đặc biệt cấp tiến gì mà cũng không mộng tưởng gì, dù vậy, tôi chẳng phải là người bảo thủ. Chỉ là người thực tế, thế thôi. Trinh nữ hay không, đối với tôi chẳng phải là vấn đề hiện thực quan trọng gì mấy. Thật sự quan trong chính là việc cả hai hiểu được nhau thật chắc chắc mà thôi. Tôi nghĩ thế. Nhưng đấy là suy nghĩ của tôi thôi. Áp đặt suy nghĩ ấy lên người khác thì không được. Phần cô ấy thì có hình tượng cuộc đời mà cô ấy nghĩ ra. Thế nên tôi đành kìm chế vậy. Chỉ dám cho tay vào dưới lớp áo quần mà ve vuốt thôi. Đại khái như thế nào thì cậu hiểu chứ?” “Đại khái thì hiểu”, tôi đáp. Bởi tôi cũng đã có kinh nghiệm như thế. Hắn hơi đỏ mặt. Rồi cười mỉm. “Chuyện thế thì cũng đành thế. Nhưng cứ ngừng lại ở đấy thì lòng tôi chẳng yên được. Vì chỉ tới nửa chừng thôi. Điều tôi cần là hợp được với cô ấy thành một, mà không bị thứ gì bao bọc ngăn trở cả. Sở hữu lẫn nhau hoàn toàn ấy. Tôi muốn có được dấu hiệu rõ ràng như thế. Tất nhiên là có cả ham muốn nhục dục nữa. Nhưng không phải chỉ có thế. Tôi muốn nói đến cảm giác nhập lại thành một của thể xác. Từ lúc được sinh ra, tôi chưa hề có được cảm giác nhập lại thành một như thế lần nào cả. Tôi lúc nào cũng chỉ có một mình, và lúc nào cũng căng thẳng trong một khuôn khổ nào đấy. Tôi muốn tự giải phóng mình. Có cảm tưởng là tự giải phóng được thì sẽ phát hiện được hình dạng thực của mình mà lâu nay mình chỉ nhìn thấy một cách mờ ảo. Có cảm tưởng là nếu kết hợp được với cô ấy thành một thể chặt chẽ thì mình phá bỏ được cái khuôn khổ đang bó buộc mình.” “Nhưng rồi đã không làm được?” Tôi hỏi. “Ừ, không làm được.” Hắn đáp. Rồi nhìn đăm đăm vào thân gỗ đang cháy đỏ trong lò sưởi một hồi. Mắt hắn trông bằng phẳng một cách kỳ dị. – “Cuối cùng tôi đã không làm được.” Hắn nói. * * * Hắn cũng đã thử suy nghĩ nghiêm chỉnh về chuyện kết hôn với cô ấy, và đã quả quyết đưa ý ấy ra bàn với cô. “Tốt nghiệp đại học xong thì kết hôn được đấy, chẳng có vấn đề gì đâu. Và đám hỏi thì làm sớm hơn được.” Cô ấy nhìn khuôn mặt hắn đăm đăm một lúc. Rồi thoảng mỉm cười. Nét mặt tươi cười tuyệt đẹp. Rõ ràng là cô vui mừng nghe được hắn nói những lời ấy. Thế nhưng đồng thời cũng là nét cười có chút gì đấy sầu muộn mà khoan dung, như của một người lõi đời đang phải nghe những lời biện luận non nớt của người trẻ tuổi hơn. Ít nhất là hắn đã cảm thấy như thế. “Này, không được đâu anh. Chúng ta không thể kết hôn với nhau được đâu. Em sẽ kết hôn với người lớn hơn em vài tuổi, còn anh sẽ kết hôn với người nhỏ tuổi hơn chứ. Đó là trào lưu thông thường trên đời. Phái nữ trưởng thành nhanh hơn phái nam đấy. Và chóng già hơn. Anh chưa hiểu rõ được chuyện đời. Chúng ta kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học thì chắc là không song suốt được đâu. Chúng ta sẽ không còn giống như bây giờ nữa. Tất nhiên là em yêu anh chứ. Từ lúc sinh ra đến giờ, em chưa yêu ai ngoài anh. Thế nhưng chuyện ấy và chuyện này khác nhau chứ (nàng vẫn quen miệng nói chuyện ấy và chuyện này khác nhau). Hiện giờ chúng ta là học sinh trung học, còn được bảo hộ khỏi nhiều thứ. Nhưng thế giới ngoài kia thì khác hẳn. To rộng hơn và thực tế hơn. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng mới được.” Hắn có cảm giác có thể lý giải được điều cô ấy muốn nói. Ngay cả hắn cũng là người có lối suy nghĩ thực tế hơn nhiều so với lũ con trai cùng lứa tuổi. Và nếu trong trường hợp khác mà nghe ý kiến ấy như một lý luận chung chung thì có lẽ hắn đã tán đồng được đấy. Thế nhưng trường hợp này lại chẳng phải là chuyện lý luận chung chung. Mà là vấn đề của chính bản thân hắn. “Anh không đồng ý như thế.” Hắn nói. – “Anh yêu em vô cùng và muốn kết hợp với em làm một. Điều này đã rõ ràng và là điều trọng đại đối với anh. Cho dù có phần nào không thích hợp với thực tế đi nữa, anh vẫn nghĩ chẳng là vấn đề gì hệ trọng. Anh yêu thương em đến như thế đấy. Anh yêu em.” Cô ấy lại lắc đầu. Như khăng khăng nói: “Chẳng làm sao hơn.” Rồi cô vuốt tóc hắn. – “Chúng ta hiểu gì về tình yêu nào?”, cô nói. – “Tình yêu của chúng ta chưa được thử thách gì cả. Chúng ta chưa hoàn tất một trách nhiệm nào. Chúng ta vẫn còn là trẻ con. Cả anh và em cũng thế.” Hắn chẳng nói được gì hơn. Chỉ buồn quá. Buồn vì mình đã không thể phá đổ mà thoát ra ngoài bức tường vây hãm mình. Bức tường mà chỉ mới đây thôi, hắn đã tưởng là để che chở cho hắn. Nhưng bây giờ, lại ngăn chặn bước tiến của hắn. Hắn cảm thấy mình bất lực. Nghĩ mình chẳng làm gì nên chuyện cả. Có lẽ rồi mình cứ thế rồi bị vây chặt trong khuôn khổ này, chẳng bao giờ thoát ra ngoài được, sẽ già đi trong cuộc đời vô vị. * * * Kết cuộc, hai người vẫn quan hệ như thế cho đến lúc xong trung học cấp ba. Đợi nhau trong thư viện, học chung, mặc nguyên áo quần mà rờ rẫm nhau. Cô ấy hoàn toàn không để tâm gì về sự bất toàn trong quan hệ giữa hai người. Hoặc là đã thích thú vì sự bất toàn ấy nữa. Người chung quanh cũng tưởng là hai người đã vui hưởng tuổi thanh xuân mà không có vấn đề gì. Mr Clean và Miss Clean. Chỉ có mình hắn ôm mãi nỗi bất mãn thê thiết chẳng ai biết cho. Thế rồi mùa xuân năm 1967 hắn vào Đại học Tokyo, cô ấy vào một đại học nữ sinh thanh lịch ở Kobe. Trong số các đại học dành cho nữ giới thì đấy là một trường bậc nhất rồi, nhưng vẫn là một lựa chọn không xứng đáng với thành tích học vấn của cô. Bởi nếu cô muốn, thì đến Đại học Tokyo, cũng vào được nữa kia. Vậy mà cô đã không thi vào. Theo lối suy nghĩ của cô thì điều đó không cần thiết. Bởi cô không đặc biệt muốn học. Mà cũng không đặc biệt muốn tiến thân vào Bộ Tài chính Quốc gia. Cô bảo hắn: “Em là gái. Khác với anh. Anh là người sẽ tiến thân xuất chúng. Nhưng em thì muốn sống thư thả suốt bốn năm sắp tới. Muốn tạm nghỉ một thời gian. Chứ kết hôn rồi thì người đàn bà đâu còn làm gì được nữa?” Điều đó làm hắn thất vọng. Hắn tưởng là cả hai cùng lên Tokyo, thay da đổi thịt làm mới quan hệ một lần nữa. Hắn đã khuyến dụ cô ấy cùng lên Tokyo. Nhưng cô vẫn lắc đầu như trước. Kỳ nghỉ hè năm thứ nhất đại học, hắn trở lại Kobe, và hẹn hò với cô ấy hầu như mỗi ngày. Đúng vào kỳ nghỉ hè năm đó, tôi đã gặp mặt hắn ở trường dạy lái xe. Họ đã đi chơi nhiều nơi trên chiếc xe cô ấy lái, và ôm ấp nhau như ngày xưa. Thế nhưng giữa hai người đã có gì đó thay đổi, hắn không thể không nhận ra điều đó. Không khí hiện thực đã bắt đầu im lìm len lỏi vào rồi. Cũng chẳng phải thay đổi gì cụ thể đột ngột. Mà còn có vẻ kỳ quái như chẳng thay đổi gì cả theo lệ thường. Mọi thứ có vẻ không khác gì ngày xưa, từ lối nói chuyện của cô ấy, lối ăn mặc, chọn đề tài nói chuyện hay ý kiến về chuyện này chuyện kia. Thế nhưng hắn cảm thấy không còn hòa hợp vào thế giới ấy được như trước nữa. Có gì đó đã thay đổi mất rồi. Hắn có cảm tưởng như hành vi lặp đi lặp lại liên tục đã dần dần suy giảm biên độ. Điều đó thì cũng được thôi. Nhưng hắn không nắm được phương hướng sẽ đưa câu chuyện đến đâu. Hắn nghĩ có lẽ chính mình đã thay đổi mất rồi. Hắn đã sống cô độc ở Tokyo. Ở đại học cũng vẫn không kết bạn với ai được. Thành phố thì đông đúc mà dơ bẩn, thức ăn thì dở tệ. Lời ăn nói của người ta sao mà thô tục quá. Ít nhất thì hắn thấy như thế. Cho nên lúc ở Tokyo, hắn không ngừng nhớ tưởng đến cô ấy. Tối nào cũng thu mình trong phòng mà viết thư cho cô. Và cũng nhận được thư cô, mặc dù quá ít so với số thư hắn gởi đi. Thư cô viết tỉ mỉ về sinh hoạt của cô. Những bức thư ấy được hắn đọc đi đọc lại nhiều lần. Đến nỗi hắn nghĩ nếu không có những bức thư của cô ấy, chắc đầu óc hắn điên lên mất. thỉnh thoảng lại còn bỏ cả những giờ giảng bài ở đại học nữa. Thế nhưng kỳ nghỉ hè đến, nôn nóng trở về Kobe, thì lại gặp nhiều điều thất vọng. Mà lỳ lạ thay, hắn chỉ rời đi có ba tháng mà khi trở lại, đã thấy mọi thứ trong tầm mắt đã bám đầy bụi bặm, mất cả sinh khí. Trò chuyện với mẹ hắn thì chán ngấy đến muốn nhắm mắt buông xuôi. Lúc ở Tokyo thì nhớ nhung phong cảnh quê nhà, đến khi thấy lại thì sao mà cũ mòn quá đỗi. Ngay cả phố phường Kobe trông cũng chỉ là khu phố quê mùa tự mãn một mình mà thôi. Ngay cả chuyện trở lại tiệm cắt tóc quen vẫn hay đến thời còn nhỏ, hắn cũng làm biếng. Hắn chẳng muốn trò chuyện với ai. Ngay cả bãi biển quen thuộc xưa kia hắn đã dẫn chó đi tản bộ mỗi ngày, bây giờ trông tiêu điều hoang vắng, đầy rác rưởi. Hò hẹn với cô ấy cũng chẳng giúp hắn phấn khởi hơn chút nào. Từ chỗ hẹn về nhà là hắn lại chìm vào suy nghĩ đơn độc. Về lý do gì mà chuyện lại trở nên tồi tệ như vậy. Tất nhiên hắn vẫn còn yêu cô ấy. Tình cảm ấy thì không thay đổi chút nào cả. Nhưng hắn nghĩ chỉ có thế thì không đủ, phải làm sao cải thiện tình trạng ấy. Nhiệt tình là thứ có lúc tự nó có sức từ bên trong thúc đẩy cho tăng tiến hơn. Nhưng sức đẩy ấy không thể kéo dài mãi được. Nếu lúc này mà không ra tay thì quan hệ giữa hai người sẽ đến lúc đình trệ, nhiệt tình ấy sẽ uất nghẹn mà tiêu tán đi mất. Một ngày nọ, hắn định đưa ra một lần nữa vấn đề tình dục đã bị đống kết bao lâu nay. Hắn định bụng là lần cuối cùng đấy. “Ba tháng nay sống một mình ở Tokyo, anh đã suy nghĩ về em mãi. Anh nghĩ là anh yêu em vô cùng. Dù xa cách bao nhiêu đi nữa, cũng thế thôi. Nhưng mà xa cách lâu dài thì dần dần thêm bất an về nhiều chuyện. Những ý nghĩ hắc ám lại bành trướng dần lên. Con người hễ sống một mình thì trở nên yếu đuối vô cùng. Chắc em không biết, chứ từ trước đến nay chưa bao giờ anh sống cô độc như thế. Khó nhọc, cay cực lắm kia. Thế nên anh muốn có sự kết nối rõ ràng giữa chúng mình. Muốn có sự xác tín rằng dù đang phải sống xa nhau, vẫn nối kết chặt chẽ với nhau.” Vậy mà cô ấy vẫn lắc đầu. Rồi thở dài và hôn hắn. Thật dịu dàng. “Xin anh tha lỗi. Dù vậy, em cũng không thể cho anh tiết trinh của em được. Chuyện ấy là chuyện ấy, chuyện này là chuyện này. Điều gì em làm được thì em làm cho anh tất cả. Nhưng chuyện ấy thì không được đâu. Nếu anh thật lòng yêu em thì xin anh đừng mang chuyện ấy ra nữa. Em van anh.” Hắn cố gợi chuyện kết hôn một lần nữa. Cô ấy nói: “Trong lớp em cũng có người đã đính hôn. Hai người đấy. Thế nhưng họ đính hôn với người đã đi làm kia. Hôn ước là như thế đấy chứ. Kết hôn là trách nhiệm đấy. Phải tự lập, nhận lấy chuyện bao bọc người kia. Nếu thiếu trách nhiệm thì chẳng đạt được gì cả đâu.” “Anh sẵn sàng nhận trách nhiệm.” Hắn quả quyết. - “Anh đã vào được đại học tốt nhất. Từ đây trở đi cũng sẽ đạt được thành tích ưu tú. Như thế, bất cứ hãng xưởng nào, bất cứ công sở nào, cũng sẽ vào làm được. Việc gì anh cũng sẽ làm được cả. Chỗ nào em muốn, anh sẽ vào làm với thành tích cao nhất cho em xem. Bất cứ việc gì anh muốn, đều làm được cả. Thế thì có gì làm em phải lo ngại chứ?” Cô ấy nhắm mắt, ngả đầu tựa vào ghế ngồi trong xe. Rồi im lặng một lúc. “Em sợ lắm.” Cô nói, và úp mặt vào hai bàn tay mà khóc. - “Sợ thật đấy. Sợ đến không chịu đựng nổi. Cuộc đời làm em sợ. Sự sống làm em sợ. Cứ nghĩ còn có vài năm nữa là phải ra đời, sống giữa thế giới hiện thực ấy, là em thấy khiếp hãi. Tại sao anh không hiểu điều ấy? Tại sao anh không hiểu cho em gì cả? Tại sao anh hành hạ em đến thế?” Hắn ôm cô, an ủi: “Có anh thì em khỏi sợ. Thật tính chính anh cũng sợ lắm chứ. Sợ cũng bằng em đấy. Nhưng anh nghĩ chúng mình có nhau thì không còn sợ gì nữa. Chúng mình cũng chung sức thì chẳng có gì phải sợ cả.” Cô ấy lắc đầu. “Anh không hiểu được đâu. Em là gái mà. Đâu có như anh. Anh chẳng hiểu gì đâu.” Thế rồi hắn có còn nói gì nữa cũng chẳng đi đến đâu. Cô cứ khóc mãi. Đến lúc khóc xong lại nói lời kỳ dị. “Này anh, nếu có chia tay nhau đi nữa, em cũng sẽ nhớ đến anh mãi. Thật đấy. Chắc chắn em không bao giờ quên anh. Chứ em thật lòng yêu anh mà. Anh là người yêu đầu tiên, và chỉ cần ở bên cạnh anh là em vui thích lắm rồi. Anh hiểu cho em như thế. Nhưng mà, chuyện ấy và chuyện này thì khác nhau. Nếu anh muốn thì em cũng hứa với anh được. Em sẽ cho anh tất cả. Nhưng bây giờ thì chưa được. Chỉ sau khi em đã kết hôn với người nào đấy mới được. Không dối đâu. Em hứa với anh đấy.” * * * “Lúc ấy, tôi hoàn toàn chẳng hiểu cô ấy định nói gì.” Hắn vừa nhìn ngọn lửa lò sưởi vừa nói. Người hầu bàn mang món ăn chính đến, nhân thể cho thêm củi vào lò sưởi. Tàn lửa bắn tung lên thành tiếng. Ở bàn bên cạnh, hai vợ chồng trung niên đang hăm hở chọn món tráng miệng. “Chẳng hiểu ra làm sao cả. Cứ như là câu đố ấy. Về đến nhà, nhớ lại lời cô ấy, gắng suy nghĩ một lần nữa, nhưng rồi cũng không lý giải được tâm tư của cô ấy. Chứ cậu hiểu được không?” “Nghĩa là, cô ấy muốn giữ trinh tiết cho đến lúc kết hôn; kết hôn rồi thì không còn cần phải là trinh nữ nữa, lúc đó có ngoại tình với cậu đi nữa cũng chả sao cả, do đó cậu hãy chờ cho đến lúc ấy, phải thế không?” “Có lẽ đúng như thế rồi. Chứ có cách hiểu nào khác đâu.” “Ý nghĩ có vẻ độc đáo đấy, mà cũng hợp lý.” Hắn mỉm nụ cười hiền. - “Đúng thế thật, nghe cũng hợp lý lắm.” “Còn trinh khi kết hôn. Làm vợ xong thì ngoại tình. Giống như trong tiểu thuyết của Pháp ngày xưa đấy. Tuy thiếu hội khiêu vũ hay người hầu gì đấy mà thôi.” “Nhưng đấy lại là giải pháp thực tiễn duy nhất mà cô ấy nghĩ ra được.” Hắn nói. “Tội nghiệp.” Tôi nói. Hắn nhìn mặt tôi một hồi. Rồi thong thả gật đầu. - “Tội nghiệp thật. Quả đúng như thế. Cậu nói đúng đấy. Cậu hiểu được đúng lắm.” Hắn lại gật đầu lần nữa. - “Bây giờ thì tôi cũng nghĩ như thế được. Bởi đã trưởng thành hơn. Chứ lúc bấy giờ thì chẳng thể nào nghĩ được như thế cả. Lúc ấy thì vẫn còn non dại quá, chưa hiểu được những rung động tinh tế của tâm hồn con người. Lúc bấy giờ thì tôi hoàn toàn chẳng hiểu được. Nên chỉ ngạc nhiên thôi. Thật tình đã kinh ngạc đến muốn ngã ra đấy luôn”. “Tôi hiểu được tâm tình ấy”. Rồi cả hai im lặng ăn món nấm, một hồi lâu. * * * “Cũng là chuyện dễ đoán ra thôi.” Sau đó, hắn nói. - “Kết cuộc, hai đứa chia tay nhau. Cũng chẳng phải bên nào nói lời chia tay. Chỉ tự nhiên mà chấm dứt thôi. Âm thầm mà chia tay. Hẳn là cả tôi lẫn cô ấy đều đã mệt mỏi quá trong chuyện cố duy trì quan hệ ấy. Trong mắt tôi thì lối sống của cô ấy, nói sao nhỉ… có vẻ không thành thật gì lắm. Không, không phải thế. Nói cho chính xác thì, tôi cảm thấy là cô ấy đáng lẽ có thể có lối sống chững chạc đường hoàng hơn kia. Vì thế, tôi đã thất vọng lắm. Đáng lẽ cô ấy ngừng chuyện bị ám ảnh mãi về trinh tiết, về kết hôn, mà thẳng thắn sống thì tốt hơn.” “Nhưng có lẽ cô ấy chỉ có thể sống được như thế thôi.” Tôi nói. Hắn gật đầu. - “Có lẽ. Tôi cũng nghĩ thế.” Hắn cắt một khoanh nấm dày đưa lên miệng. - “Không còn sức co dãn uyển chuyển nữa. Tôi hiểu rõ điều ấy. Đã căng dãn ra quá mức rồi. Chính tôi đây cũng đã có nguy cơ ấy. Cả hai đứa đều đã bị thôi thúc thường xuyên ngay từ lúc nhỏ. Cứ nghe hô hào mãi: Tiến lên, tiến lên. Mà cả hai lại có sẵn sức trẻ nên đã nhắm mắt nghe mà tiến lên mãi. Thế nhưng bản ngã thì không hình thành kịp theo đà tiến đó. Vì thế ngày nào đó thì căng dãn quá mức mất rồi. Kể cả đạo đức quan nữa.” “Trường hợp cậu thì không bị như thế chứ?” - Tôi ướm hỏi. “Có lẽ tôi thì đã may mắn mà vượt qua được nguy cơ ấy.” Hắn suy nghĩ một chút rồi nói thế. Xong đặt dao và nĩa xuống, lấy khăn lau miệng. - “Sau khi chia tay với cô ấy, tôi có người yêu ở Tokyo. Ngoan lắm. Chúng tôi đã sống chung với nhau ít lâu. Thành thật mà nói thì, quan hệ với cô này thì không có nhiều rung động tâm hồn như với Fujisawa Yoshiko. Nhưng tôi cũng yêu cô này lắm chứ. Hiểu nhau rõ và có thể chơi với nhau vô cũng thành thật. Tôi học được từ cô này thực tế về con người, nét đẹp cũng như nhược điểm của con người. Và tôi đã kết bạn được. Cũng quan tâm đến chính trị nữa. Cũng chẳng phải là con người của tôi đã thay đổi hoàn toàn đâu. Từ trước, tôi vẫn là con người có suy nghĩ thực tế, mà có lẽ bây giờ vẫn vậy. Tôi không viết tiểu thuyết, còn cậu không nhập cảng đồ gỗ. Thực tế là như thế. Tuy nhiên, ở đại học, tôi học được rằng thế giới vẫn có nhiều loại hiện thực. Bởi thế giới rộng lớn, đủ loại giá-trị-quan tồn tại song hành với nhau, chẳng cần gì phải là thứ học sinh ưu tú mới được. Từ đó mà tôi vào đời.” “Và thành công nữa.” Tôi nói thêm. “Cũng tàm tạm”, hắn nói, và thở ra có vẻ ngượng ngùng. Rồi đôi mắt bẽn lẽn nhìn tôi như nhìn người tòng phạm trong một âm mưu gì đấy. - “So với người cùng lứa thì đúng là tôi có thu nhập cao hơn hẳn thật. Về mặt thực dụng thì đúng thế.” Chỉ nói thế xong, hắn lại lặng thinh một hồi lâu. Tuy vậy, tôi hiểu là chuyện chưa hết hẳn, nên không nói gì, chỉ im lặng chờ hắn nói tiếp. “Từ đấy, rất lâu tôi không còn gặp Fujisawa Yoshiko nữa.” Hắn nói. - “Lâu lắm. Tôi xong đại học, vào làm hãng buôn, đâu chừng năm năm. Đi làm ở nước ngoài nữa. Ngày nào cũng bận rộn cả. Hai năm sau khi xong đại học, thì nghe nói cô ấy kết hôn. Mẹ tôi báo tin đấy. Tôi chẳng hỏi xem cô ấy lấy ai. Chỉ thắc mắc không biết có thật cô ấy giữ được trinh tiết cho đến ngày cưới không. Thế thôi. Rồi cảm thấy buồn. Ngày hôm sau lại càng buồn hơn. Thấy như mọi chuyện đã chấm dứt mất rồi. Như cánh cửa đời đã đóng kín vĩnh viễn sau lưng mình. Nghĩ cho cùng thì cũng đương nhiên thôi. Tôi đã thật lòng yêu cô ấy. Là người yêu của cô suốt bốn năm rồi. Và, ít nhất là về phía tôi, đã tính đến chuyện thành hôn với cô ấy. Đương nhiên là phải buồn chứ. Nhưng dù sao, tôi cũng nghĩ cô ấy được hạnh phúc thì tốt rồi. Thật đấy. Bởi đã có chút lo ngại cho cô ấy, vốn có chút gì đấy dễ bị nguy hiểm”. Hầu bàn đến, dọn chén dĩa. Và mang xe đẩy thức ăn tráng miệng đến. Chúng tôi từ chối thức tráng miệng, chỉ gọi cà phê thôi. “Tôi kết hôn trễ, ở tuổi ba mươi hai. Lúc Fujisawa Yoshiko gọi điện thoại đến thì tôi còn độc thân. Chắc là hồi tôi hai mươi tám tuổi. Thế mà hơn mười năm rồi đấy. Lúc ấy tôi vừa mới nghỉ việc ở hãng vẫn làm từ trước, để ra làm riêng. Vay ông bố món tiền đảm bảo, tôi mở một hãng nhỏ, vì đoán chắc là thị trường đồ gỗ dùng trong nhà thế nào cũng tăng vọt lên. Thế nhưng, chuyện gì cũng vậy, ngày từ đầu làm sao mà song suốt nhanh chóng được. Hàng vào trễ, hàng bán không chạy, tiền kho trữ cứ chồng chất thêm, nợ đòi dồn dập; thành thật mà nói, lúc ấy tôi mệt nhoài, mất cả tự tin. Có lẽ đấy là thời kỳ thảm não nhất trong đời tôi. Đúng vào thời kỳ ấy, cô ấy điện thoại đến. Chẳng biết cô ấy lấy đâu ra được số điện thoại của tôi. Vậy mà đã gọi đến vào khoảng tám giờ tối. Tôi nhận ngay được giọng của Fujisawa Yoshiko. Làm sao quên được chứ. Tôi mừng quá. Đúng lúc mình nhụt chí vì chuyện làm ăn, mà được nghe lại giọng người yêu cũ, thì còn gì vui mừng hơn.” Hắn nhìn đăm đăm vào củi đun trong lò sưởi, như đang nhớ lại điều gì. Chợt để ý thì thấy quán ăn đã đầy khách. Trong quán ăn đầy ắp tiếng người nói chuyện, cười đùa, chen lẫn tiếng bát đĩa va chạm nhau. Có vẻ khách ăn phần lớn là người địa phương. Nhiều người gọi hầu bàn bằng tên riêng. Giuseppe! Paolo! “Không biết nghe từ ai mà cô ấy biết rõ mọi chuyện về tôi. Cả chuyện tôi còn độc thân, chuyện tôi đã đi làm ở nước ngoài một thời gian rất lâu. Và một năm trước đây, đã nghỉ hãng mà ra làm riêng. Biết hết. Đừng lo, anh thì thế nào cũng sẽ thành công. Anh phải tự tin lên chứ. Cô ấy khích lệ cho như thế. Anh chắc chắn sẽ thành công. Không có lý do gì để không thành công. Nghe cô ấy nói thế, tôi sung sướng quá. Giọng nói ấy sao mà hiền dịu. Tôi lên tinh thần trở lại, nghĩ rằng mình sẽ làm được. Giọng nói của cô ấy đã phục hồi được tự tin mà tôi đã có từ trước. Tôi nghĩ trong chuyện đối đầu với hiện thực thì tôi chắc chắn sẽ sống sót được. Hiện thực là thế giới dành cho tôi mà.” Hắn cười lớn. - “Thế rồi tôi hỏi chuyện cô ấy. Đã kết hôn với người như thế nào, con cái gì chưa, ở đâu... Cô ấy chưa có con. Kết hôn với người trên cô bốn tuổi, làm việc ở đài truyền hình. Giám đốc gì đấy. Tôi nói: nghe có vẻ bận rộn quá nhỉ. Cô ấy bảo: bận rộn lắm kia, đến nỗi không rảnh rỗi để có con nữa. Rồi cười lớn. Cô ấy sống ở Tokyo. Trong chung cư ở Shinagawa. Lúc ấy, tôi ở Shiragamedai, tuy không phải là láng giềng chứ cũng gần ngay đấy. Tôi nói: kỳ diệu thật nhỉ? Đại khái là hai đứa đã nói những chuyện như thế. Mọi thứ chuyện mà các cặp người yêu thời trung học cấp ba vẫn nói với nhau trong tình huống tái ngộ như thế. Có chút lúng túng, nhưng thật là vui thích. Kết cuộc, hai đứa đã nói chuyện với nhau như hai người bạn thân thiết đã chia tay từ lâu, nay ai đi đường nấy. Lâu lắm rồi mới nói chuyện được hồn nhiên như thế. Chuyện trò qua lại rõ lâu. Mà nói với nhau hết mọi chuyện xong rồi thì yên lặng. Nói sao nhỉ... khoảng yên lặng thật đậm đặc. Yên lặng đến nỗi nhắm mắt lại thì đủ thứ ảnh tượng hiển hiện lên rõ ràng... ” Hắn nhìn bàn tay mình trên bàn một lúc. Rồi ngẩng mặt nhìn vào mắt tôi. - “Tôi chỉ muốn cắt ngay điện thoại lúc ấy, nếu được. Cảm ơn em đã gọi đến, rất vui thích được hàn huyên với em... Cậu hiểu chứ?” “Từ quan điểm hiện thực mà nói thì như thế là thực tiễn nhất rồi.” Tôi nói. “Thế nhưng cô ấy chưa ngừng ở đấy. Cô ấy rủ tôi đến nhà. Anh đến chơi đi. Anh ấy đi xa vì công vụ, em ở nhà một mình chán lắm. Tôi chẳng biết nói sao cho phải, đành làm thinh. Cô ấy cũng im lặng. Cứ im lặng như thế hồi lâu. Rồi cô ấy nói như thế này. Chuyện em đã hứa với anh ngày xưa, em vẫn còn nhớ rõ ràng kia đấy.” * * * Cô ấy nhắc lại chuyện cô ấy đã hứa hẹn với hắn ngày xưa, cô vẫn còn đinh ninh trong lòng. Lúc đầu, hắn nghe mà không hiểu được ngay. Rồi chợt nhớ lại cô đã nói là kết hôn xong rồi thì cô ngủ với hắn cũng được. Tất nhiên là hắn nhớ có lần cô đã nói như thế. Nhưng hắn chưa bao giờ nghĩ đó là một lời hứa hẹn. Hắn đã cho là lúc ấy, cô bấn loạn đầu óc mà vọt miệng ra thế thôi. Bấn loạn đến chẳng còn biết chuyện gì ra chuyện gì, nên nói mà cũng chẳng rõ mình nói gì nữa. Thế nhưng, cô ấy đã chẳng bấn loại như hắn tưởng. Cô ấy đã hứa hẹn với hắn điều ấy. Đối với cô thì đấy là một lời hứa rõ ràng. Bất giác, hắn hoang mang lạc lõng một hồi. Chẳng hiểu đối ứng thế nào là tốt nhất. Hắn bối rối nhìn quanh. Nhưng chung quanh hắn không có khung tựa nào cả. Không còn gì hướng dẫn hắn nữa cả. Tất nhiên hắn rất muốn ngủ với cô. Điều đó khỏi cần nói. Hắn đã bao lần mơ tưởng chuyện ngủ với cô, ngay cả sau khi chia tay nhau. Ngày cả trong thời kỳ có người yêu khác, hắn cũng đã lắm lần mơ tưởng chuyện ấy trong bóng tối âm thầm. Nghĩ lại thì hắn chưa hề được thấy cả thân thể trần truồng của cô. Thân thể cô ấy mà hắn biết, chỉ là cảm xúc ở đầu ngón tay luồn vào bên trong áo quần của cô ấy thôi. Ngay cả quần áo lót, cô cũng không cởi ra nữa. Chỉ cho hắn luồn tay vào trong mà thôi. Thế nhưng hắn cũng không biết ngủ với cô trong giai đoạn này thì nguy hiểm như thế nào. Có thể gây ra đổ vỡ mất mát nhiều thứ. Mà hắn cũng chẳng muốn lay động đánh thức thứ gì hắn đã dịu nhẹ bỏ quên trong xó tối của quá khứ. Hắn cảm thấy làm thế không xứng đáng với hắn. Làm thế rõ ràng là có gì đấy như là yếu tố phi hiện thực lẫn lộn vào, là điều hắn không chấp nhận được. Thế nhưng, tất nhiên là hắn đã không thể từ chối được. Làm sao từ chối cho được chứ? Bởi đó là cơ hội thần thoại miên viễn. Cơ hội thần thoại tuyệt vời có lẽ cả đời chỉ có một lần thôi. Người yêu xinh đẹp đã chia sẻ cùng hắn những năm tháng dễ tổn thương nhất trong đời, giờ đây lại rủ hắn đến nhà chơi và... ngủ với em đi. Mà cô ấy ở gần ngay đây thôi. Và lại là lời hứa hẹn truyền thuyết đã trao nhau trong rừng thẳm của quá khứ xa xăm kia nữa. Một hồi lâu, hắn chẳng nói gì, chỉ ngắm nghiền mắt lại. Hắn cảm thấy mình mất hết lời nói rồi. “A lô, a lô?”. Cô ấy nói. - “Anh còn đấy không?” “Còn đây”, hắn đáp. - “Được rồi. Anh đến ngay đây. Không đến ba mươi phút. Cho anh địa chỉ của em đi.” Hắn ghi tên tòa nhà chung cư, số phòng và điện thoại của cô. Xong hắn hấp tấp cạo râu, thay quần áo, rồi gọi taxi đến nhà cô. * """